🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dạy Con Đôi Khi Thật Đơn Giản
Ebooks
Nhóm Zalo
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Table of Contents
Dành tặng mẹ
Giới thiệu
Tại sao tôi bắt đầu chia sẻ về nuôi dạy con?
PHẦN I: Quan điểm chung
Xác định quan điểm nuôi dạy con và sự chuẩn bị
Hãy kiên trì khi dạy con
Dạy con đôi khi thật đơn giản
Dạy con cách tiêu tiền
Chăm sóc lúc con ốm
BỆNH HÔ HẤP
BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA
BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở CÁC BÉ DƯỚI 3 TUỔI
Nhận xét, đánh giá con
Vai trò của người bố trong việc nuôi dạy con
PHẦN II: Định hình thói quen và nền tảng đạo đức
4 tháng đầu tiên của cuộc đời
Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7
Từ tháng thứ 7 đến tròn năm
Tuổi lên 2 và những phiền muộn của các ông bố, bà mẹ
Tuổi teen - từ 12 đến 18 tuổi
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
VẬY CÁC BẬC BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ VỚI CON CÁI Ở LỨA TUỔI TEEN? Hãy để con tự quyết định tương lai của mình!
Luyện thói quen tốt cho con
Hãy nuôi dạy để con đủ bản lĩnh và tri thức
Thế nào là một đứa con có hiếu?
Con trẻ không có lỗi
Làm thế nào để luyện cho trẻ tính kỷ luật và sự kiên trì?
RÈN TÍNH KỶ LUẬT
Làm thế nào để học tiếng Pháp trong 3 tháng?
Giáo dục giới tính
Dạy con lòng tự trọng
MUỐN CON TRỞ THÀNH NGƯỜI TỰ TRỌNG, BỐ MẸ HÃY LÀ TẤM GƯƠNG Dạy con về công bằng
Tạo sân chơi cho con
Nuôi dạy con thành người tự lập, tự tin và có trách nhiệm (từ 0 - 17 tuổi) VỚI TRẺ TRƯỚC 1 TUỔI
TỪ 1 ĐẾN 6 TUỔI (TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1)
TỪ 6 ĐẾN 10 TUỔI (NHỮNG NĂM CẤP 1)
GIAI ĐOẠN TỪ 10 – 13 TUỔI
TUỔI TEEN 13 – 17 TUỔI
PHẦN III: Cùng con học tập
Dạy con lập lịch và quản lý thời gian
Đọc sách cho con và cùng con gieo mầm tri thức
Cùng con học Toán
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Cùng con học Văn
Rèn luyện khả năng tự học cho con
Vở sạch chữ đẹp?
50 hoạt động giúp con thông minh
KÍCH THÍCH TẦM NHÌN CỦA TRẺ
NÓI CHUYỆN VỚI BÉ, LÀM CHO BÉ CƯỜI
TẬN DỤNG MỌI CƠ HỘI ĐỂ THIẾT LẬP SỰ GẮN BÓ VỚI BÉ HOẠT ĐỘNG THÂN THỂ
TÌM HIỂU MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH
HÃY CHƠI NHỮNG TRÒ MÀ BẠN CÓ THỂ NGHĨ LÀ “NGỚ NGẨN” DẠY CON DÙNG TAY PHÂN BIỆT CHẤT LIỆU
DẠY BÉ NGÔN NGỮ VÀ ĐẾM
LUYỆN TRÍ NHỚ CHO BÉ
PHẦN IV: Du học
Chuẩn bị cho con du học
Du học Anh
Du học Mỹ
DU HỌC CẤP PHỔ THÔNG
Du học đại học
Đại học top đầu không phải là cái đích duy nhất cần hướng tới! Những cuộc đua “việt dã” trước cánh cửa trường đại học Hành trình “săn” học bổng
Con gái tôi đi du học
Du học sinh: Câu chuyện về hay ở, những điều thật và ảo Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Bàn về học bổng các trường đại học Mỹ PHẦN V: Tản mạn
Con gái tôi
Sự lựa chọn của mẹ
Và bài học “buông tay”
Thao thức trong đêm
MẸ DẠY CON
Hãy vượt qua nỗi sợ hãi
Dạy trẻ đối mặt với sự ra đi của người thân Hãy để con tự lựa chọn ước mơ của bản thân Câu chuyện về lòng tự trọng
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Dành tặng mẹ
When I scroll past a Facebook post of my mother, I feel at least one of the following three emotions: a slight sense of envy, deep–seated awe, and overwhelming pride. The envy arises as I see the number of likes the post has: at least five hundred, maybe a thousand, sometimes a few thousand. The awe comes as I scroll down and see the length of the post: long, to say in the least, packed with eloquent, precise, specific details about the topic she is discussing. And then there’s the pride, arguably the most overpowering sentiment of the three. The pride comes as I look through the comments people have left on her post; they brim with respect, gratitude, admiration, and reverence. Her eager followers pour out their sincerest thanks; they express the profound impact my mother’s articles have made on their lives. Every mother needs to read this post, a comment will say. Your words have changed me, another will say. I am immediately struck by the unending joy that my mother brings to other people, by the sparkle and magic that only she can carry and disseminate.
My mother is someone who knows. Her wisdom is larger than life; it gushes uncontrollably out of her, diffusing into the meandering streams of the Earth, spreading out across the heavens, never once losing its glow. She’s never once intended to hoard it selfishly to herself: she’s always wanted to use her wise powers for good. She’s always wanted to use them to inspire the world, to make the impossible and untouchable become attainable and tangible.
I hope that this book will change, encourage, and galvanise you in the same way that my mother’s words always have. I hope this book will touch you, will inspire you to better your life and those of others. I hope this book will leave its deserved ineradicable mark on you, and that you’ll use its contents to empower your children so that they, too, will leave more ineradicable marks on the world.
“Mỗi khi đọc được một bài viết của mẹ trên Facebook, trong tôi trào lên ít nhất một trong ba cảm xúc: nỗi ghen tị nhè nhẹ, lòng kính phục sâu sắc và niềm tự hào tràn ngập. Có một sự ghen tị nho nhỏ phát sinh khi tôi thấy số lượng thích bài viết: ít nhất là năm trăm, nhiều khi cả ngàn, đôi khi vài ngàn. Sự kính phục tăng dần đều mỗi khi tôi kéo chuột xuống theo chiều dài của bài viết: bài thường dài, lập luận rất chặt chẽ, rõ ràng và minh họa với nhiều ví dụ
sinh động, thông tin chính xác và cụ thể về chủ đề thảo luận. Và còn rất nhiều điều tốt đẹp được diễn tả sinh động và thú vị. Kế đến là niềm tự hào, có lẽ là thứ tôi cảm nhận được sâu sắc nhất trong những cảm giác tôi đã kể ra trên đây. Cảm nhận ấy đến khi tôi đọc các ý kiến bình luận của mọi người về bài viết của mẹ, trong đó thể hiện sự tôn trọng, tri ân, ngưỡng mộ, thậm chí tôn sùng đối với người mẹ của tôi. Độc giả háo hức bày tỏ lòng biết ơn chân thành và kể về những tác động sâu sắc từ các bài viết của mẹ đến cuộc sống của họ. Có người nhận xét: “Tất cả những ai làm mẹ đều phải đọc bài viết này”, và cũng có người tâm sự rằng: “Điều cô viết đã thay đổi con người cháu”. Tôi thực sự sững sờ trước những niềm vui bất tận
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
mà mẹ đem đến cho mọi người, thấm đượm trong sự rạng rỡ diệu kỳ mà chỉ mẹ mới có thể có được và lan truyền ra xung quanh.
Mẹ tôi là người có hiểu biết thông tuệ. Sự minh triết của mẹ thật diệu kì, nó trào ra tràn trề từ con người mẹ, nó lan tỏa trong những dòng đời, nó bay đến khắp các tầng trời mà không bao giờ bị phai nhòa đi ánh sáng lấp lánh. Mẹ chẳng bao giờ giữ kiến thức làm của riêng mà luôn muốn dùng sức mạnh tri thức để gây dựng nên những điều tốt đẹp. Mẹ luôn muốn truyền cảm hứng và động lực cho thế giới xung quanh, để những người trong thế giới ấy có thể biến điều không thể thành có để, để tất cả có thể vươn tới những ước mơ tưởng như quá xa vời.
Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, từ đó có thể động viên và khích lệ người đọc như những bài viết của mẹ tôi. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ chạm được tới trái tim bạn, thôi thúc bạn hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho cả những người thân yêu. Tôi hy vọng cuốn sách này có thể để lại một dấu ấn không phai nhòa đối với bạn, và hy vọng bạn có thể áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn thu được từ đó để dạy cho con bạn những điều hay lẽ phải và tri thức, để rồi sau này lũ trẻ cũng có thể tạo dựng nên những dấu ấn tốt đẹp khó phai nhòa trong cõi đời này.”
Minh Thu
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Giới thiệu
Nếu các bạn đang đọc những dòng này thì chắc đã biết trang Facebook của chị Bích Hà. Cùng với hình ảnh bà mẹ lạc quan, yêu đời, bàn luận sôi nổi và nhiệt tình đưa các lời khuyên về giáo dục con cái – là tâm điểm của câu chuyện, cô bé Minh Thu (tên gọi khác là Minty), cũng được biết đến với những nhận xét trên Facebook:
“Mừng chị có người con gái thật tuyệt! Không uổng công Mẹ, phải không chị.”
“Chúc mừng chị và Minty, giỏi như Minty thì con em và mấy đứa bạn nó gọi là “Quái vật” đấy chị.”
“Chị ơi, Minh Thu giỏi quá. Nàng trưởng thành sớm... hiểu chuyện và rất tự hào về mẹ Hà... chị thật là hạnh phúc.”
Chính thống hơn là những nhận xét của giáo viên ở trường Cate, California – nơi cháu đang học năm cuối phổ thông trung học:
Toán nâng cao: Minty đặt ra chuẩn mực cao hiếm có cho học lực xuất sắc. Đơn giản là 100%. Tôi có nhiều học sinh điểm A; nhưng trong 29 năm dạy toán, chỉ có vài em liên tục đạt 100%. Bài làm thật mạch lạc, triệt để mà rất ngắn gọn và chính xác, làm tôi luôn có cảm giác đang đọc lời giải mẫu khi chấm bài của Minty.
Văn học: Câu chuyện của em thật gợi mở, thấm thía, bâng khuâng, chua xót, sâu sắc mà hài hước – tất cả các vị đều vừa đủ… Có tài thẩm thấu ngôn ngữ tuyệt vời, cùng với vốn từ sống đáng nể làm Minty luôn tìm được từ ngữ vừa vặn trong mọi tình huống. Như tôi luôn nhận xét, các bài luận của em thật thanh tú, tinh tế, ở tầm mức mà sinh viên tốt nghiệp đại học (từ những trường danh tiếng) mong muốn viết ra được.
Lịch sử: Mãi mà tôi không nghĩ ra Minty phải cố thêm thế nào cho môn Lịch sử Hoa Kỳ (nâng cao). Em thực sự đã là học sinh tuyệt đỉnh cho môn sử – ham hiểu biết, sẵn sàng học hỏi và khả năng nhận biết vấn đề là điều bất cứ giáo viên nào mong mỏi ở mỗi học sinh. Minty làm sử luận tuyệt vời – hết sức rõ ràng, chi tiết và tinh tế trong suy nghĩ; tinh thông trong phân tích các văn kiện lịch sử để nêu bật quan điểm của mình.
Nhạc jazz: Minty tiếp tục đẩy ban nhạc jazz đến thành công. Với kỹ năng nhạc cổ điển trên piano và viola tuyệt vời, Minty làm quen rất nhanh với jazz, học chuyển gam và đảo hợp âm thành thục để trở thành soloist cho mỗi bản nhạc.
Dàn đồng ca (Camerata): Chuẩn bị cho hai buổi biểu diễn, học sinh đang trở thành nghệ sỹ. Với giọng hát mượt mà, khả năng đọc nốt nhạc rất tốt để luôn thúc đẩy và tiếp sức cho cả bè,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Minty là ngôi sao trong dàn. Mỗi ngày tôi đều trông ngóng Minty để được cảm nhận nhiệt tình, tài năng cùng lòng say sưa âm nhạc của em. Thật buồn khi nghĩ đến việc sắp phải xa nhóm học sinh này – giá mà có thể gói ghém chúng lại và giữ mãi bên mình.
Năm 14 tuổi, Minty học ở trường Wycombe Abbey bên Anh, chắc chân top 3, nhiều học kỳ đứng nhất khóa. Minh Thu tâm sự: “Con có điểm cao là nhờ chăm chỉ và học có phương pháp, chứ nói về trí tuệ trời phú thì trong top 3 có một bạn người gốc Phi, không phải học nhiều nhưng có trí nhớ siêu phàm và thông minh bẩm sinh không ai sánh được”.
Đã trúng tuyển sớm (early decision) vào trường Đại học Brown trong nhóm Ivy League tại Mỹ, con đường của Minh Thu đang rộng mở và tôi tin cháu sẽ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Nền móng của thành công đó đã được chị Bích Hà xây trong 18 năm từ khi sinh con (thực ra trước đó cả năm). Thu miêu tả quá trình đó thế này, khi trả lời một câu hỏi của trường Brown:
Hỏi: Chúng ta đều tồn tại trong những cộng đồng khác nhau về số lượng thành viên, nguồn gốc và mục đích; hãy kể về một cộng đồng của bạn, tại sao nó quan trọng và ảnh hưởng tới bạn thế nào?
Đáp: Tôi là con một, trong gia đình của mẹ đơn thân, nhưng chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn. Mẹ và tôi thành cộng đồng hai người vô cùng khăng khít. Bằng chính cách mình sống, mẹ dạy tôi lòng dũng cảm. Mẹ rèn cho tôi tinh thần bền bỉ không giới hạn, rằng trong khó khăn cần nghiến răng lại, ngẩng đầu lên mà tiến về phía trước; rằng tôi có thể thất bại tanh bành, nhưng hãy nhặt nhạnh từ hoang tàn để chắp lại con người mình. Mẹ và tôi cùng nhau cười và khóc; cùng nhau bàn cãi; cùng nhau chu du để khám phá những bí ẩn trên đời. Cùng nhau, chúng tôi biến cộng đồng nhỏ bé của hai người thành điều có nghĩa hơn bản thân cuộc đời.
Không ai sinh ra đã là cha mẹ, chị Bích Hà cũng vậy. Mà không biết thì phải học, thế là chị quyết tìm hiểu thấu đáo. Khi đó chưa có Internet và tài liệu còn hạn chế, chị Hà “ôm” rất nhiều sách tiếng Anh về nuôi dạy trẻ mỗi lần đi công tác nước ngoài. Nhiều đến mức tôi thắc mắc sao có lắm sách đến thế về chủ đề này và sao phải đọc ngần ấy sách mới chuẩn bị được cho một đứa trẻ sắp chào đời? Tôi được chị giải thích rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong nuôi dạy trẻ em, một cuốn sách có khi rất dày nhưng chỉ tìm được một vài điều bổ ích. Nhiều sách chỉ bàn luận chung chung nhưng không chỉ ra cụ thể mình phải làm gì. Do vậy, chị phải đọc tuốt, để rút ra cách ứng xử cụ thể cho những tình huống đa dạng và đủ nền kiến thức cho những khuynh hướng có thể phát triển khác nhau của con mình.
Nhiều người than phiền đi làm vất vả bao nhiêu cũng không khổ bằng trông và chơi với trẻ. Thế nhưng chị Bích Hà quyết định nghỉ việc, chuyên tâm nuôi con cho đến khi cháu 2 tuổi và bắt đầu đi nhà trẻ. Cả căn nhà biến thành trường mẫu giáo với thư viện, phòng soạn giáo án, phòng ăn, phòng ngủ, phòng chơi. Hiệu trưởng mầm non, kiêm cô nuôi dậy hổ, kiêm mẹ bỉm lên chương trình đến từng 15 phút, dịch hàng chục quyển sách ra tiếng Việt để đọc cho con, khi sách thiếu nhi hồi đó còn hiếm. Chị Hà cặm cụi tự chế rất nhiều đồ chơi, cùng ăn, cùng chơi, cùng sinh hoạt với con nhiều giờ mỗi ngày. Để thực hiện được triệt để kế hoạch của mình, chị thay đổi toàn bộ nếp sống trong gia đình. Giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, bao
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
giờ được xem TV, thậm chí quan niệm về lẽ công bằng, khi nào thì người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn phải xin lỗi hay cám ơn – tất tật được sắp đặt để tạo ra môi trường vừa là nhà, vừa là trường thuận lợi nhất cho con gái.
Nếu một đứa trẻ 10 tháng đã tự xúc lấy mà ăn thì đến 3 tuổi đã có thể vì không thích cô giáo ở trường mẫu giáo Fundino mà quyết chuyển sang Kinderworld. Đến năm 8 tuổi, Minh Thu quyết định sang Anh học vì qua một kỳ đi trại hè thấy học bên đó tốt hơn. Năm 11 tuổi, Thu chọn Wycombe Abbey chứ không muốn vào Cheltenham Lady College vì đồng phục ở đó không đẹp, dù được học bổng. Tất nhiên đến năm 16 tuổi, Minh Thu đã hoàn toàn tự tin để so sánh các hệ thống giáo dục và chuyển trường từ London sang bờ Tây nước Mỹ, với lý do rất xác đáng: học kiểu Mỹ hợp với con hơn.
Vốn đầy nhiệt tình trao đổi với bất cứ ai quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con cái, trong 2 năm gần đây được Facebook “tiếp sức”, chị Bích Hà càng hăng hái chia sẻ với cộng đồng. Những bài viết của chị rất súc tích và thực tiễn. Phần lý thuyết, được đúc kết từ hàng trăm cuốn sách và báo chí mà chị đã từng đọc, xuất hiện thấp thoáng đâu đó, nhưng phần lớn những điều chị chia sẻ đều hết sức dễ hiểu, được miêu tả thành những hành động cụ thể, dễ thực hiện và kèm minh họa bằng những ví dụ hàng ngày. Cứ như ta đang đọc cuốn cẩm nang hay sổ tay làm cha mẹ vậy.
Xin trân trọng giới thiệu những hun đúc của chị Bích Hà với những người sẽ hay đang làm cha mẹ, sẽ hay đang là ông bà, mong muốn cho con cháu mình trưởng thành một cách độc lập, tự do và trên tất cả, hạnh phúc. Có khó không? Khó lắm chứ. Nhưng cũng thật đơn giản, nếu chúng ta đủ kiên trì để tạo dựng tính cách cho con cháu, đủ dũng cảm để chúng tự quyết định cuộc đời mình và đủ phương pháp trong truyền tải tình thương yêu vô điều kiện để chúng luôn hướng về nhà.
Nguyễn Hải
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Du lịch TransViet
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Tại sao tôi bắt đầu chia sẻ về nuôi dạy con? Còn nhớ, tháng 5 năm 2014, công nhân Bình Dương bị kích động, lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc đặt dàn khoan tại vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, để phá hoại và hôi của. Tôi biết sự việc xảy ra vào lúc quãng một giờ trưa, nhờ đọc mấy bài viết của Hoàng Huy qua Facebook. Vào đúng thời điểm đó, tôi chợt nhận ra sức lan tỏa của công cụ mạng xã hội này. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình: “Cái gì đang làm cho một số người trong lớp trẻ bị tha hóa về đạo đức, để có thể có những hành động ‘làm nhục quốc thể’ như vậy?”. Đây không còn là hiện tượng đơn lẻ, các trường hợp cá biệt, mà đã thành phổ biến trong cuộc sống xã hội. Nếu chúng ta không tìm ra được nguyên nhân và giải quyết vấn đề một cách dứt điểm, hiện tượng này sẽ đe dọa sự tồn vong lâu dài của đất nước.
Lúc đó, tôi thấy mình thật bất lực và muốn phải làm điều gì đó ngay lập tức, miễn là giúp ích được một cách thiết thực cho việc giáo dục lớp trẻ, tương lai của đất nước.
Và từ ngày đó, tôi bắt đầu viết với hy vọng những bài viết có thể giúp cho các ông bố bà mẹ hiện tại và tương lai, những người không muốn nhìn thấy con mình lớn lên sẽ trở thành những phần tử tiêu cực.
Theo quan điểm cá nhân tôi, mọi việc đều có nguyên nhân từ giáo dục.
Những bài viết của tôi sẽ không bàn nhiều về hệ thống giáo dục của xã hội, mà muốn đi sâu vào bàn luận về một nền giáo dục rất cơ bản mà vô cùng quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, trí tuệ, sức khỏe của con người: đó là giáo dục trong gia đình, đặc biệt là trong sáu năm đầu tiên của mỗi cuộc đời con người.
Từ lâu nay, dường như chúng ta muốn khoán trắng việc giáo dục con cái cho xã hội, mà cụ thể là cho hệ thống các trường: nhà trẻ, mẫu giáo, phổ thông. Và như một hệ quả tất yếu: khi con cái hư hoặc học kém, các ông bố bà mẹ sẽ có cớ để quy toàn bộ trách nhiệm cho Bộ Giáo dục. Tôi không hề có ý bênh hoặc thanh minh hộ Bộ Giáo dục mặc dù hệ thống giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với thế giới và cần phải cải tổ càng sớm càng tốt. Còn cải tổ theo mô hình nào, định hướng ra sao, xin nhường lời cho những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó.
Ở đây, tôi chỉ muốn phân tích và chia sẻ quan điểm của cá nhân tôi về “nền giáo dục trong gia đình”, cái nôi cho mọi sự phát triển tương lai của một đứa trẻ.
Các cụ ta hay nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, phải nói ngay rằng: tôi không hề đồng tình với quan điểm này. Trong các nhà máy, khi sản xuất bất cứ sản phẩm gì, người ta đều có khâu “kiểm soát chất lượng đầu ra”. Các công ty, nếu muốn chứng tỏ chất lượng, sẽ tìm mọi cách có chứng chỉ ISO để chứng minh: tôi có quy trình làm việc và có khâu kiểm soát chất
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
lượng sản phẩm. Vậy đối với con người – là sản phẩm quý nhất, quan trọng nhất cho sự trường tồn của một xã hội, một đất nước – chúng ta đã có những quy trình gì để nuôi dạy và có các biện pháp gì để đảm bảo các em lớn lên không trở thành “phế phẩm”, nghĩa là què quặt về tâm hồn, thể chất hoặc trí tuệ? Các ông bố bà mẹ, vì bận bịu với việc kiếm tiền hoặc các nhu cầu cá nhân khác, thường khoán trắng việc nuôi dạy con cho bà nội hoặc ngoại với cái tặc lưỡi: “Cứ nuôi trẻ con là phải các cụ. Các cụ mới có kinh nghiệm”. Tôi chỉ tin vào kinh nghiệm khi kinh nghiệm đã được nghiên cứu, đúc kết từ thực tế và phải được in ra rõ ràng thành những trang sách, chứ cứ truyền miệng theo kiểu: “Bé không chịu ăn thì cứ phải ép và nhét vào mồm, rồi bịt mũi lại, nó ắt phải nuốt” thì không bao giờ tôi chấp nhận.
Tôi sẽ chia sẻ làm sao để mình tạo thành con người tương lai với chất lượng mình muốn, từ đứa trẻ vừa chào đời đang nằm khóc oe oe kia, cho đến các cô cậu tuổi teen sắp vào đời, thường làm đau đầu bố mẹ vì những “dở dở ương ương” của cái tuổi ở ngưỡng cửa vào đời?
Theo nhiều sách về nuôi dạy trẻ tôi đã được đọc, sáu năm đầu của cuộc đời là quãng thời gian quan trọng nhất cho sự nghiệp “trồng người”. Ai tận dụng được sáu năm đó một cách tối đa, là đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của việc dạy con. Hầu như các cá tính cơ bản của con người được hình thành trong sáu năm “bản lề” đầu tiên. Từ khi sinh ra cho đến 3 tuổi, trẻ thẩm thấu mọi thông tin xung quanh như một miếng bọt biển khô. Trong giai đoạn này, mọi thứ được tiếp nhận hầu như không có giới hạn và không điều kiện. Đây chính là lý do của hiện tượng: khi thấy con có tính gì đó không tốt, các ông bố bà mẹ thường hay than phiền: “Trời sinh ra cái tính ấy, chứ tôi có dạy nó thế đâu”. Ta cứ coi một đứa trẻ 3 tuổi chưa biết gì, nên tự do thể hiện, dọa dẫm, coi nó như đồ chơi, mà không biết rằng điều đó không hề có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Tôi sẽ đi vào chi tiết cụ thể của việc dạy trẻ cho từng giai đoạn trong sự phát triển, kể từ ngày đầu tiên bé được sinh ra. Đối với mỗi giai đoạn, tôi cũng cố gắng đi vào chi tiết của việc luyện các kỹ năng, dạy thói quen tốt, cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể và đơn giản để dạy các cháu về đạo đức. Xin nhắc lại: những kinh nghiệm tôi chia sẻ là dựa trên các tiêu chí riêng tôi lựa chọn. Mỗi gia đình đều phải có những lựa chọn của mình mới có thể đưa ra phương pháp phù hợp. Điều rất quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ nằm ở việc dạy các cháu bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết từ ngày đầu tiên. Bốn kỹ năng này luôn bổ sung cho nhau, không thể tách rời.
Tôi mong ước mọi đứa trẻ sinh ra trên mảnh đất này đều có cái may mắn như con gái tôi: được nuôi dạy theo những kiến thức xác thực từ khi mới chào đời, được yêu thương và tôn trọng như một cá nhân đặc biệt, được khuyến khích để lớn lên một cách tự lập, có chính kiến và có quyềntham gia (khi còn nhỏ) và quyết định (khi đã lớn hơn) về những vấn đề liên quan đến bản thân.
Rồi một ngày, tôi vừa tiễn con lên sân bay tới Anh, ngồi hí hoáy trên mạng, vừa nhớ con da diết. Chợt nhớ con hay nói với tôi rằng: “Các bạn đều nói là con may mắn lắm, khi có mẹ là mẹ”. Còn tôi thì muốn nói với con: “Mẹ may mắn lắm, khi có con là con, con gái yêu của mẹ”.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Con gái tôi hay thật. Chưa đến 8 tuổi, sau khi đi trại hè ba tuần ở Anh về, con rất nghiêm túc nói với mẹ: “Con thấy trường ở Anh tốt hơn ở Việt Nam nhiều, con muốn sang đó học từ năm sau, mẹ ạ”. Sau vài tháng thảo luận, phân tích thiệt hơn đủ kiểu, tôi không đủ lý lẽ để giữ con lại. Vậy thì tìm trường cho nó thôi. Chưa đến 9 tuổi, tôi đem con sang trường nội trú mà lòng xót xa. Tôi không lo lắng, vì biết con rất tự lập, nhưng ... trái tim người mẹ. Vậy mà đến nay cũng đã hơn 7 năm rồi.
Hình như tôi hơi khác người, thường thì người ta nghĩ: con cái phải biết ơn sinh thành của bố mẹ. Còn tôi, tôi biết ơn con gái đã cho tôi cơ hội được làm mẹ, được có những niềm vui vô tận khi nhìn thấy con lớn lên. Tôi luôn dạy con cố gắng là chính bản thân mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải ngẩng cao đầu, vượt qua mọi hoàn cảnh. Và con đã làm được như vậy. Con đã vượt qua 7 năm xa nhà, để học không thua kém ai, để được tất cả bạn bè và thầy cô giáo thương yêu, nể phục.
Tôi mong con gái lớn lên trở thành một người vui vẻ, hạnh phúc, hài lòng với những lựa chọn của chính bản thân mình. Tôi mong con luôn được vây quanh bởi những người yêu thương và chân thành với mình. Con có thành đạt về sự nghiệp hay không, tôi không quan tâm nhiều. Hạnh phúc trong tương lai của con chính là sự thành công lớn nhất của người mẹ.
Và tôi cũng mong sao mọi trẻ em Việt Nam đều được nuôi dạy để khi lớn lên thành những công dân có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, có khả năng phân biệt rõ ràng đúng sai, phải trái, được quyết định tương lai của bản thân khi trưởng thành.
Xin tặng những bài viết này cho các ông bố, bà mẹ hiện tại hoặc tương lai, cho những bậc ông bà thuộc thế hệ tôi, đang giúp con nuôi dưỡng và chăm bẵm cháu chắt. Dù nó có ích cho chỉ một vài người, thì với tôi, đó cũng đã là niềm vui lớn.
Tôi xin dành nhuận bút của cuốn sách (và toàn bộ các cuốn khác trong tương lai – nếu tôi còn sức và khả năng viết) để tặng cho chương trình “Ngàn Máy Tính – Triệu Ước Mơ” – nhằm trang bị máy tính cho các trường học ở vùng xa – giúp các em tiếp cận với những nguồn thông tin bổ ích.
Cám ơn các em ở TransViet đã giúp tôi tập hợp những bài viết lẻ tẻ thành một quyển sách. Cám ơn Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc của Thái Hà Books đã gặp gỡ, thuyết phục và động viên để tôi có can đảm gật đầu đồng ý in cuốn sách này.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
... Dạy con đôi khi thật đơn giản!
PHẦN I: Quan điểm chung
Xác định quan điểm nuôi dạy con
và sự chuẩn bị
Theo quan điểm của tôi, việc “trồng người” là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu vai trò của gia đình.
Từ thời điểm trẻ được sinh ra cho đến khi bắt đầu đi học, vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Không ai có thể tác động đến các bé, nếu gia đình không cho phép. Như tôi quan sát, ở Việt Nam, ít ai coi trọng việc giáo dục con cái ngay từ thời điểm bé được sinh ra đến 3 tuổi – nhưng đó chính là giai đoạn “bản lề” trong việc định hình tính cách của một con người. Trong giai đoạn này, mọi điều diễn ra xung quanh được các bé chụp ảnh và tiếp nhận không điều kiện. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi, các em đã bắt đầu biết suy nghĩ, đánh giá sự việc, khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng có ý thức được định hình, từ từ thay thế cho sự tiếp thu vô thức.
Tương tự như vai trò của Bộ Giáo dục đang làm là đặt bài toán “vĩ mô” cho giáo dục của đất nước, từng gia đình cũng phải đặt bài toán về giáo dục con cái, tốt nhất là trước khi các cháu được sinh ra. Mục đích của bài toán là thống nhất được quan điểm chủ đạo giữa các thành viên trong gia đình về các vấn đề cơ bản, liên quan đến việc nuôi và dạy con. Trên cơ sở quan điểm chủ đạo này, sẽ phải lập ra một kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện, chia ra các giai đoạn từ khi đứa trẻ được sinh ra, cho đến khi trưởng thành (18 tuổi theo tiêu chuẩn các nước phương Tây, còn ở Việt Nam hiện đang trễ hơn nhiều).
Trong phần này, tôi xin được nêu cách xác định quan điểm nuôi dạy con:
Bố mẹ phải xác định muốn con trở thành người thế nào, nói rõ hơn là xác định mục đích bố mẹ muốn đạt được về việc nuôi dạy con.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
1. Về đạo đức và cá tính: Ví dụ, lúc sắp sinh con, tôi xác định các cá tính TÔI MUỐN con tôi sẽ có, đó là:
∙ Trung thực, thẳng thắn và chân thành.
∙ Nhạy cảm, biết thông cảm và chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn nhưng không để những người lười biếng lợi dụng.
∙ Quyết tâm, kiên trì, có bản lĩnh để thực hiện những điều mình mong muốn và thực hiện đến cùng.
∙ Vui vẻ, biết tìm và hưởng thụ những niềm vui lành mạnh...
Danh sách này của tôi kéo dài độ 10 dòng, có thể được bổ sung hoặc lược bớt theo thời gian.
2. Về trí tuệ: Những điều tôi muốn con phải có:
∙ Phải có logic tốt để có thể phân biệt đúng – sai – phải – trái trong mọi trường hợp, dựa trên những chuẩn mực tri thức và đạo đức để phân tích, chứ không chạy theo ý kiến số đông.
∙ Luôn xem xét mọi vấn đề xảy ra một cách trình tự, để hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả.
∙ Ham hiểu biết, không chấp nhận sự trì trệ và việc suy nghĩ theo lối mòn.
3. Về học vấn: Bố mẹ muốn con học thế nào, học cái gì và mong đợi kết quả ra sao? Tôi muốn con tôi:
∙ Được học trong môi trường mà ở đó, con được tôn trọng như một cá nhân lành mạnh.
∙ Được học những môn giúp con phát triển trí tuệ và thể chất một cách hợp lý. ∙ Được phát hiện và phát huy tối đa khả năng của mình.
∙ Tôi tự nhủ: TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ ÉP CON HỌC để lấy thành tích, học chỉ để tôi được tự hào vì con.
4. Về cuộc sống: Bố mẹ muốn cho con sau này có cuộc sống ra sao?
∙ Thành đạt: Cụ thể ta hiểu thành đạt là thế nào. Ví dụ, rất nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam muốn con học giỏi để sau này tìm được việc làm lương cao, giàu có và coi đó là điều kiện tiên quyết để được coi là thành đạt. Riêng tôi, tôi muốn con học để trang bị cho bản thân những kiến thức có ích (cho mình và cho xã hội). Tôi mong
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
con sử dụng những kiến thức đó để nuôi sống mình và gia đình, giúp đỡ mọi người và góp phần cống hiến cho xã hội.
∙ Hạnh phúc: Bố mẹ hiểu thế nào là hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống thì mới có thể giúp con trở thành người như thế.
5. Về ăn uống:
Hầu hết các ông bố bà mẹ đều muốn con lớn lên khỏe mạnh về thể lực, thông minh về trí tuệ, tôi cũng vậy. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng có hiểu biết đúng, có kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng và hiểu rõ thế nào là lối sống lành mạnh. Hiện nay, sách, tài liệu về dinh dưỡng trẻ em, trong đó các quan niệm có thể trái chiều, thậm chí đối nghịch nhau, làm cho các bậc bố mẹ bị “rối mù”. Riêng về ăn uống và chế độ dinh dưỡng từ lúc con mới sinh, tôi mắc khá nhiều sai lầm, tuy không để lại hậu quả trầm trọng, nhưng cũng gây một số tác động tai hại về sức khỏe lâu dài của con. Tôi đang cố gắng cùng con khắc phục những hậu quả đó.
Tóm lại, nếu ai thực tâm muốn nuôi dạy con và kiểm soát được quá trình đó, thì phải làm bài tập của mình trước: xác định mục đích và quan điểm nuôi dạy con.
Tôi vẫn hay trăn trở cái gì đang xảy ra với nền giáo dục Việt Nam? Các bậc phụ huynh thì nghĩ trách nhiệm gia đình là chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, còn việc học hành là trách nhiệm của xã hội, cụ thể là của Bộ Giáo dục. Tôi thì nghĩ:
∙ Hãy tự trách mình, trước khi trách người khác.
∙ Hãy tự cứu con mình, trước khi ai đó có thể cứu.
Trong một bài viết, anh Lương Hoài Nam(1) đã nói về thực trạng nền giáo dục “ảo và dối trá” của Việt Nam. Vậy cái gì gây nên tình trạng này?
Nếu mổ xẻ thật sâu về quá khứ, thì nguồn gốc của tình trạng này bắt nguồn từ một số truyền thống trước đây được coi là tốt đẹp của dân tộc ta:
∙ Quá coi trọng sự học, mà về bản chất là học gạo, học lý thuyết, học để mong được làm thầy, để đứng trên đầu thiên hạ. Truyền thống thi cử để được làm quan bắt nguồn từ bao đời nay trở thành “lý tưởng” trong cuộc sống của nhiều thế hệ. Những người thế hệ tôi hoặc sau đó một chút, không thể quên những tác phẩm như Lều chõng, Sống mòn và cũng thuộc lòng những lời nói được truyền từ đời này sang đời khác: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, hoặc đưa hình ảnh mẫu mực của sự tự hào khi người vợ có chồng đỗ đạt làm quan “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”... Ở một xã hội mà vai trò các thầy đồ được đề cao quá đáng, mặc dù họ không làm được việc gì cho ra cơm ra gạo, để cho vợ tất bật, tần tảo kiếm miếng ăn nuôi cả nhà, hàng ngày cơm bưng nước rót hầu hạ. Còn việc của các thầy là chỉ ngồi “rung đùi” đọc sách “thánh hiền”?
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Xã hội quá coi trọng nề nếp phong kiến: Tôi trung phải phụng sự vua, con cái phải tuyệt đối nghe lời bố mẹ, học trò luôn nghe lời thầy cô giáo, bất kể đúng sai.
Những quan niệm đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội : khi mà đa số đều muốn con mình được “ngồi ghế trên” trong “canh bạc” cuộc đời.
Còn nhớ, lúc tôi tầm 11 hay 12 tuổi, chị gái tôi (lúc đó khoảng 25 tuổi), từng ao ước: “Ước gì sau này cái Hà lấy được thằng nào làm to, để cho bố mẹ và chị được đi nhờ ô tô cho oai”. Đang nằm đọc sách, tôi ngồi bật dậy: “Em chẳng cần lấy ai để đi ô tô. Nếu đi ô tô, thì đó là ô tô của em”.
Cả một xã hội với đa số suy nghĩ như vậy mà có nền giáo dục lành mạnh mới là sự làm ta phải ngạc nhiên.
Nhưng ngạc nhiên hơn là lớp bố mẹ trẻ của ngày hôm nay (đang ở lứa tuổi dưới 40), cũng tự nguyện chấp nhận hệ tư tưởng đó và tiếp tục “nhồi nhét” cho thế hệ sau bằng chính những lý luận tương tự. Dĩ nhiên, theo quy luật cung – cầu, thì “Thượng đế là khách hàng” muốn gì, sẽ có ngay các “nhà cung ứng” sẵn sàng bán những sản phẩm, dịch vụ đó. Tôi đã nghe những ông bố bà mẹ ca cẩm về việc con bị ép học quá tải ở trường Việt Nam, chuyển con sang học trường quốc tế. Rồi một năm sau, nhiều người trong số đó lại than phiền: con học trường quốc tế nhàn quá, chẳng thấy có bài tập về nhà? Thế là những ông bố bà mẹ này lại hí hoáy đi tìm giáo viên để “nhồi” thêm cho con vào buổi chiều và tối để cho “yên tâm”???
Với các gia đình mà bố mẹ có chủ ý đẻ con ra để sau này có người “trả công sinh thành” và “báo hiếu”, tôi xin không có ý kiến. Họ có mục đích rõ ràng của họ: đẻ con ra để sau này có người phụng dưỡng suốt đời, hoặc để cưới vợ về làm người giúp việc. Với các ông bố bà mẹ này, nuôi dạy sao cho con phải phụ thuộc vào mình, cả về tình cảm lẫn vật chất, là mục đích rõ ràng. Họ có thể sử dụng tình thương và của cải vật chất để ràng buộc con cái trong mớ
bòng bong của đạo đức và lễ nghĩa, luôn muốn con cái ở bên cạnh để “mua vui” cho bố mẹ, nấp dưới danh nghĩa “báo hiếu”. Nhiều người cố tưởng tượng rằng con cái cũng lấy việc báo hiếu suốt đời là niềm vui và niềm hạnh phúc vô tận của chúng.
Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ và không còn trẻ lắm, những người thật sự yêu thương con vì bản thân chúng, thực lòng muốn con hạnh phúc, thành đạt, có trách nhiệm với bản thân và gia đình riêng của chúng sau này nhưng chưa biết phải làm gì. Các bạn hãy biết rằng: tiền bạc cần cho cuộc sống, nhưng không bao giờ được là mục đích chính hoặc duy nhất. Nếu quá nghèo, sẽ không có hạnh phúc. Nhưng cũng rất ít người giàu được biết đến niềm hạnh phúc thực sự. Con bạn có thể không giàu có, nhưng sẽ không bao giờ nghèo, nếu chúng được dạy dỗ để có lòng tự trọng, biết suy nghĩ và suy nghĩ có logic bằng chính cái đầu của mình, biết dùng bàn tay và khối óc làm việc một cách cần cù, trung thực. Liệu bao nhiêu tiền để bạn coi là mình giàu, nếu đồng tiền được chi cho những bữa tiệc tùng với rượu ngoại chất đống, mỗi chai giá hàng chục triệu? Biết bao nhiêu là đủ, nếu vài chục cái túi, vài trăm đôi giày, rồi váy áo hàng hiệu chất đầy nhà?
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Điều đầu tiên và cơ bản trước khi quyết định dạy con thế nào, hai vợ chồng bạn phải xác định rõ ràng về tư tưởng và tâm lý của chính mình: đừng dồn mọi mong ước về tương lai của con vào hai chữ THÀNH ĐẠT (mà ý nghĩa thực sự là kiếm được nhiều tiền). Hãy cho con nếm trải (và qua đó, dạy chúng) những niềm vui khác trong cuộc sống. Hãy nén những bực bội của một ngày làm việc, ngồi cạnh con, bình tĩnh, vui vẻ giúp chúng giải một bài toán khó (tôi nhắc lại là phải vui vẻ, chứ thường thì các bậc phụ huynh quát tháo con om sòm khi kèm chúng học), hoặc cùng đọc một cuốn truyện hay. Đã bao giờ bạn bật nhạc lên, rồi cả nhà ôm nhau nhảy múa, hát hò vui vẻ? Mỗi ngày hãy dành ít nhất một tiếng để trở lại, hòa vào với tuổi thơ của con – rồi chính bạn cũng sẽ thấy quên bớt mệt mỏi – đó có phải là hạnh phúc? Tôi tin cái hạnh phúc, niềm vui đơn sơ đó sẽ theo con bạn suốt cuộc đời, sẽ cho chúng hiểu rằng: không chỉ có tiền mới có niềm vui và hạnh phúc. Và niềm vui đó sẽ được chúng truyền cho con cái chúng, từ đời này sang đời khác. Sự thay đổi tích cực của xã hội cũng bắt nguồn từ đây.
Tôi thấy rất nhiều người kêu ca về việc dạy và học thêm: ai bắt được con bạn học thêm, nếu không phải là chính bạn? Nếu ai cũng dành thời gian học cùng con (có sách giáo khoa mà) và từ chối cho con đi học thêm thì thầy cô giáo cũng không thể ép, chẳng lẽ lại đi “trù úm” và cho điểm kém tất cả học sinh trong lớp? Chính thầy cô cũng phải bảo vệ thành tích của mình nên sẽ chẳng dám làm vậy. Chỉ vì đông phụ huynh đồng ý cho con đi học thêm, thầy cô giáo mới dám ép uổng “thiểu số”. Vậy chính các bạn vì lười dành thời gian cho con, vì thiếu kiên trì, vì tâm lý “bỏ tiền mua tiên cũng được nữa là mua kiến thức”, và một số người vì muốn “dĩ hòa vi quý”, mọi người sao tôi vậy, cho khỏi mất lòng thầy cô giáo, cho các phụ huynh khác không chê bai mình “keo kiệt” đã, nhắm mắt mặc “thế sự xoay vần” với việc học hành, nuôi dạy con cái của chính mình.
Vậy thì xin đừng ngồi đó mà kêu trời kêu đất, hãy tự cứu lấy con của mình, trước khi nhờ ai đó cứu. Nếu số đông chúng ta xác định: TRỒNG NGƯỜI – TRƯỚC TIÊN LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, CỦA BỐ MẸ, chắc chắn quy luật thị trường sẽ đào thải những gì không phù hợp, chắc chắn sẽ ra đời những tổ chức giáo dục lấy học sinh làm trung tâm: dạy các em thành người, chứ không phải thành cái máy kiếm tiền, dạy các em biết phân biệt thế nào là đúng sai, phải trái; biết tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui chân chính cho mình, cho gia đình và xã hội.
Để các ông bố bà mẹ dễ thực hiện, tôi xin chia sẻ chi tiết hơn cách khắc phục như sau:
1. Sự đàn áp: Nếu bố mẹ không muốn là những “kẻ đàn áp” thì trước tiên, phải xác định rõ mình muốn con trở thành người như thế nào trong tương lai, rồi thống nhất thành những giá trị cốt lõi của gia đình, sau đó đưa ra các bước cụ thể để các thành viên trong gia đình phải tuân thủ thì mới có thể thực hiện được một cách lâu dài và nhất quán. Ví dụ:
Về đạo đức: Tôi muốn con gái thành người trung thực, có bản lĩnh, tôn trọng người xung quanh, biết phân tích và phân biệt đúng – sai trong mỗi trường hợp để quyết định hành động cá nhân. Con phải là người tự lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Con cũng phải hiểu giá trị của tri thức và kiến thức do học vấn mang lại, hiểu giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền – biết cách sử dụng đồng tiền để đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Về sinh hoạt: Tôi muốn con thành cô gái giản dị, coi trọng các giá trị thực chất thay vì sự phô trương bên ngoài. Mặt khác, con nên là người dễ tính và biết hòa đồng trong sinh hoạt. Điều rất quan trọng là tôi muốn con luôn sống chân thật và có nguyên tắc…
Tôi xác định trẻ con sinh ra không tự biết mọi điều và cũng không thể nhớ “nằm lòng” những bài giảng đạo đức của người lớn. Vậy thì nếu bạn muốn con làm gì, cư xử ra sao, hãy nói rõ với con một cách nhẹ nhàng và điều rất quan trọng là giải thích thật rõ tại sao bạn lại yêu cầu chúng làm vậy. Việc nêu rõ yêu cầu và lý do của yêu cầu đó phải được nhắc đi nhắc lại một cách kiên trì với thái độ vui vẻ và đúng lúc. Ví dụ cháu có ông bà nội hoặc ngoại khó tính, thay vì bắt cháu phải nghe lời ông bà, phải yêu ông bà, bạn nên thủ thỉ với con: “Mẹ biết ông (bà) khó tính, nhưng mẹ con mình phải tìm cách giải quyết vấn đề đó. Con muốn được ông bà đối xử thế nào?”. Sau đó, bạn cùng con liệt kê ra những gì mà con bạn coi là vô lý, giải thích cho con những gì đúng và những gì chưa đúng trong quan điểm của ông bà, bàn với con hướng giải quyết. Bằng cách này, bạn sẽ dạy con được rất nhiều điều: khả năng phân tích và phân biệt đúng, sai, cách xử lý vấn đề… Sau đó, hãy có những buổi làm việc rất nhẹ nhàng, nhưng cương quyết với các cụ về việc nuôi dạy con cái.
Bạn phải cương quyết sửa thói quen càu nhàu, quát tháo, lấy chuyện nọ xọ chuyện kia, ép buộc con một cách vô lý. Để làm được vậy, mỗi khi có gì đó không vừa ý với con, bạn hãy tự nghĩ: việc con làm có gì sai không, có gì vi phạm các quan điểm đã được nói rõ từ trước về đạo đức, sinh hoạt hay chỉ bất chợt là “sự ngứa mắt” của cá nhân bạn tại thời điểm đó? Nếu không nhất quán, mà luôn “ra chỉ thị” cho con một cách ngẫu hứng, bạn sẽ ở tư thế dùng quyền của bố mẹ để “đàn áp” con, bắt con làm theo. Thay vì ra rả suốt ngày bắt con học, bạn hãy cùng con bàn bạc và lên lịch (học, chơi, các sinh hoạt khác…) từng ngày trong tuần, giúp con kiểm soát việc thực hiện lịch đó. Và điều quan trọng nhất: hãy công bằng khi cư xử với con.
2. Tạo khoảng cách: Trong cuộc sống hiện đại, các bậc bố mẹ trẻ Việt Nam chưa được chuẩn bị tâm lý đủ để có trách nhiệm với việc sinh con, mà thường là đẻ con vì ông bà giục, vì thấy mọi người đều làm vậy… Rồi cuộc sống bộn bề với bao lo nghĩ và ý thích cá nhân làm họ quá bận bịu mà quên rằng: điều con cần nhất là thời gian và sự chia sẻ, hướng dẫn, dìu dắt đúng lúc và hợp lý của bố mẹ. Vậy thì trước tiên, hãy xác định rõ: có con là ý muốn của hai vợ chồng và chỉ nên thực hiện ý muốn đó khi mình có thời gian dành cho việc nuôi dạy con (bao gồm cả thời gian đọc và học cách nuôi dạy). Hãy dành thời gian đọc cho con nghe từ ngày đầu tiên ở bệnh viện phụ sản về thay vì chỉ tập trung vào việc nhồi nhét cho con ăn uống thật nhiều. Khi đọc, hãy đọc thật chậm, phát âm đúng và chỉ tay vào dưới từng từ mà bạn đọc. Con có nhìn vào đó hay không, không quan trọng. Khi con lớn lên một chút, hãy cùng chúng ca hát, chơi đùa, nhảy múa. Hãy tâm sự với con những suy nghĩ, niềm vui và nỗi buồn của bạn, bằng những từ ngữ dễ hiểu nhất. Hãy nhớ lại “thời thơ ấu” của chính bạn, để hiểu tâm tư, ước vọng, suy nghĩ của con.
3. Tỏ ra tự phụ: Như trên đã trình bày, nếu bạn cùng gia đình xác định rõ những nguyên tắc về đạo đức và nhất quán làm theo những nguyên tắc cơ bản đó, bạn sẽ không gặp phải vấn đề này. Trừ khi các ông bố bà mẹ nhầm lẫn về đạo đức, nhầm tưởng khoe khoang là biểu
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
hiện của thành đạt, coi thường người khác mới chứng tỏ mình “quan trọng và hơn người”, thì con cái thành như thế là chọn lựa của chính họ, họ không thể trách ai.
4. Luôn độc đoán: Lại trở về điều 1 – “sự đàn áp”. Khi không định ra nguyên tắc và không công bằng trong cư xử với con, bạn sẽ thành kẻ độc đoán, coi mình luôn đúng và con phải nghe theo trong mọi trường hợp. Bạn đã thành kẻ đàn áp rồi.
5. Dễ dãi đáp ứng các yêu cầu của con: Nếu bạn đặt ra một số quy định về các việc không được làm (ví dụ: không phá đồ đạc, không đánh người khác…), hãy đảm bảo là bạn kiểm soát được việc thực hiện. Trẻ rất tinh, chúng quan sát và biết cái gì làm cho bố mẹ sợ, để rồi dùng cách đó như một “vũ khí” kiểm soát mọi người, hoặc đạt được điều chúng muốn. Ngay từ lần đầu khi chúng ăn vạ, hãy rất nhẹ nhàng và cương quyết với chúng. Không dỗ, không an ủi, hãy nói rõ: “Con làm vậy không được gì đâu, đừng gây sức ép với bố mẹ”. Hãy bế con vào một phòng trống, để con ở đó và nói rõ: “Khi nào con chấm dứt việc la hét, khóc lóc, mẹ sẽ vào đón con ra”. Nếu bạn nhẹ nhàng nhưng cương quyết, con sẽ không bao giờ dám có thái độ ăn vạ.
6. Mua chuộc con bằng quà cáp, lời hứa: Ở đây, có mấy vấn đề: dạy con có trách nhiệm với bản thân, giúp con hiểu rõ nguyên nhân, hậu quả các hành động của mình. Các ông bố bà mẹ Việt Nam hay nghĩ hộ, làm hộ con mọi thứ sẽ làm cho chúng hiểu những việc đó là việc của bố mẹ chứ không phải việc của chúng. Ví dụ, thay vì nói học cho tương lai của chính con, bố mẹ lại nói học giỏi để bố mẹ vui lòng… Mọi việc sẽ có xu hướng “rối lên như canh hẹ” nếu ta không xác định rõ đó là việc của ai, ai phải chịu trách nhiệm, ai là người hướng dẫn, động viên và giúp đỡ. Hãy giải thích rõ lý do, dạy con cách làm và chuyển giao “quyền và trách nhiệm” cho con khi chúng đủ “kỹ năng” về trí tuệ, tâm lý và sức khỏe để làm những việc đó. Bố mẹ hãy “lùi lại” để làm vai trò động viên, khuyến khích, nâng đỡ khi chúng sai lầm. Nếu bạn đã hứa điều gì, hãy cố thực hiện bằng được. Vì bất cứ lý do gì khiến bạn không thực hiện được lời hứa, hãy xin lỗi con và giải thích cặn kẽ lý do vì sao bạn thất hứa.
Vấn đề tiếp theo:
1. Làm sao cho con trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm
2. Làm sao kiểm soát và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử (xem TV, chơi điện tử trên máy tính hoặc điện thoại)?
Trước tiên, câu trả lời của tôi là: muốn rèn luyện cho con cá tính nào, bố mẹ phải làm các bước sau:
∙ Đặt các mục tiêu rõ ràng cho những mong muốn của mình.
∙ Lập kế hoạch thực hiện mục tiêu.
∙ Thống nhất giữa các thành viên trong gia đình về mục tiêu và biện pháp, rồi phân công nhau thực hiện.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Tôi sẽ lấy ví dụ cụ thể của chủ đề 1: Bạn muốn con lớn lên trở thành người tự tin, kiên trì và quyết tâm. Trước tiên, hãy tự đánh giá mình một cách rất trung thực: mình có phải là người có những cá tính đó không?
∙ Nếu bạn là người có những cá tính đó tốt quá. Nhưng từ trước đến nay, bạn chỉ tự tin, kiên trì và quyết tâm khi thực hiện những công việc của chính bản thân mình, vậy làm sao để dạy cho trẻ điều đó? Hãy nhớ rằng: bạn càng bắt đầu sớm, mọi việc càng dễ dàng.
∙ Nếu con còn bé: Dạy trẻ đều phải được bắt đầu bằng cách “chơi” với chúng. Hãy kiên trì dành ít nhất 1 – 2 tiếng mỗi ngày để đọc và chơi với con. Vì trẻ nhỏ rất chóng chán, không được ép chúng làm việc gì khi chúng đã chán hoặc chưa thấy thích. Ví dụ, khi đọc sách cho con nghe, bạn phải tìm các quyển sách có tranh vẽ đẹp, nội dung dễ hiểu. Tốt nhất là vừa đọc vừa đóng kịch cùng nhau theo nội dung của sách. Khi bé bắt đầu đi học, nếu có khó khăn về bài vở, bạn phải kiên trì, nhẹ nhàng và vui vẻ để hỗ trợ bé. Nếu bạn không thể kiên trì và quyết tâm dành thời gian để dạy con MỘT CÁCH VUI VẺ, làm sao lớn lên con bạn kiên trì được?
∙ Rèn luyện sự tự tin: Nguyên tắc nằm lòng ở đây là bố mẹ hãy hạn chế tối đa việc sử dụng từ KHÔNG. Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi quyết định nói KHÔNG với bất cứ điều gì. Hồi con gái tôi còn bé, mẹ con tôi có trò chơi rất buồn cười: mỗi khi đi chơi, hai mẹ con hay để ý các ông bố bà mẹ khác hành xử thế nào và nói bao nhiêu từ KHÔNG với con trong một khoảng thời gian nhất định. Có lần, chỉ trong 10 phút, chúng tôi nghe một bà mẹ nói từ KHÔNG tới 9 lần với cô con gái nhỏ. Khi thấy con bé ngồi sụp xuống nhặt cái gì đó ở mặt đất, bà mẹ rú lên: “Không được nghịch đất, lại giun sán bây giờ”. Con gái tôi hỏi: “Sao lấy tay nghịch đất mà lại bị giun sán hả mẹ”. Tôi cười trả lời: “Vì cô đó sợ bé nghịch đất rồi cho tay vào mồm hoặc cầm đồ ăn”. Con liền hỏi tiếp: “Thế sao cô ấy không bảo bạn là phải rửa tay trước khi cho tay vào mồm và trước khi ăn, giống như mẹ vẫn dặn con?”. Rồi khi thấy con tung tăng chạy nhảy, bà mẹ trẻ đó cũng kêu lên: “Không chạy nhiều thế, mồ hôi ra rồi lại cảm”. Tóm lại, toàn thấy KHÔNG là KHÔNG. Vậy thì làm sao đứa trẻ lớn lên thành người tự tin, can đảm, dám đối diện với thử thách được?
Một nhà giáo dục phương Tây đã viết: Một nguyên tắc quan trọng, đề nghị các bậc bố mẹ hãy thuộc nằm lòng, đó là không bao giờ được nói KHÔNG với những việc làm hay hành động của trẻ, nếu như hành động đó không làm hại chính con hoặc người khác. Bé thích nghịch nước, hãy đưa vào lịch mỗi ngày cho bé nghịch nước 15 phút, nhân đó dặn bé: “Nghịch nước xong phải lau khô người, không nên mặc quần áo ướt, sẽ dễ bị cảm”. Khi buộc lòng nói KHÔNG với trẻ, bạn phải giải thích cặn kẽ và rõ ràng với chúng là TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC LÀM VIỆC ĐÓ. Đừng bao giờ nói rằng: vì mẹ là mẹ, nên có quyền cấm con.
Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều đứa con của bạn bè thân thiết. Khi còn bé, chúng ngây thơ, láu lỉnh, nhanh nhẹn và thông minh. Sau vài năm gặp lại, nhiều cháu làm tôi thực sự ngạc nhiên: cháu rụt rè, sợ sệt, có hỏi đến chỉ ậm ừ hoặc cúi đầu. Sao vậy nhỉ? Thì ra vì quan niệm của các bậc cha mẹ: chúng lớn rồi, phải gò ép và rèn kỹ, không chúng sẽ hư. Vậy là bố mẹ cố gắng quan sát chúng mọi lúc mọi nơi, thậm chí rình mò con, để biết chúng có làm gì dại dột,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
có chơi với bạn xấu, có bị bạn lừa, thậm chí xem trộm nhật ký, email của con. Bằng cách đó, không những các bạn đang làm mất sự tự tin của con, mà còn làm mất lòng tin của chúng vào bố mẹ.
Cũng xin nhắc các bậc bố mẹ một xu hướng ngược lại, gây tác hại không kém: đó là việc luôn coi con cái là thần đồng, suốt ngày khen ngợi bất cứ lời nói và việc làm gì của chúng rồi liên hệ với mầm mống của thiên tài sau này. Thời gian qua, ta cũng gặp không ít các cháu ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, tự cho mình là thần đồng, cái gì cũng nghĩ là mình biết. Thường các cháu này trở nên rất hiếu danh, muốn nổi tiếng “xổi” bằng bất cứ giá nào. Còn các bậc bố mẹ thì luôn tự hào, cổ vũ cho sự hiếu danh, coi đó là sự thành công.
Làm thế nào để kiểm soát và giới hạn thời gian xem TV và chơi game? Khi con còn bé, bố mẹ muốn rảnh rang làm việc này việc khác, để chúng khỏi quấy, để mình có thời gian xem TV và chat với bạn bè, cách tiện nhất là cho chúng ngồi trước màn hình hoặc đưa cho con cái điện thoại cầm tay. Chính bạn là người khiến con bị “nghiện” mà! Nếu hễ về đến nhà là bạn bật TV, con chắc chắn sẽ nghiện TV. Ngay khi sinh con gái, tôi đã đề ra một nguyên tắc trong gia đình: không được bật TV khi có mặt bé ở đó. Đến nay, con tôi chẳng hề màng đến TV, cũng chẳng bao giờ chơi game. Còn khi lớn hơn, tôi có một nguyên tắc: hễ con gái về nhà trong các kỳ nghỉ, đúng 10 giờ tối đi ngủ và không được đem máy tính vào phòng ngủ. Hãy cùng con lập lịch cho mỗi ngày trong tuần và chỉ dành tối đa 30 phút/ngày cho việc xem TV hoặc chơi điện tử. Việc này yêu cầu các bậc cha mẹ phải thật cương quyết để nói KHÔNG khi con mè nheo đòi nhiều thời gian hơn.
Mọi việc phụ thuộc vào chính bố mẹ, những người đầu tiên đặt nền tảng cho các cá tính và thói quen tốt cũng như xấu của con mình.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Hãy kiên trì khi dạy con
Nhiều bà mẹ hỏi: Có cách gì để con nghe lời, không bướng bỉnh, lì lợm? Làm sao khắc phục tình trạng bố mẹ nói cái gì con cũng cãi không chịu làm hoặc ì ra? Nhưng chưa ai hỏi tôi câu hỏi quan trọng nhất: nguyên nhân nào dẫn đến việc trẻ bướng bỉnh, lì lợm, không nghe lời?
Đó là vì các bậc bố mẹ đang lấy mình là chủ thể, muốn giải quyết cái ngọn – làm sao cho trẻ nghe lời, mà ít khi tự hỏi mình đã làm gì khiến con trở nên như vậy? Liên quan đến chủ đề này, nếu muốn thành công, chúng ta hãy sẵn sàng thay đổi quan niệm về giáo dục con cái.
Vốn là một nước phong kiến, thế hệ chúng tôi đều được dạy: con cái phải nghe lời bố mẹ. Người lớn tuổi hơn bao giờ cũng đúng. Chúng ta cũng thường dùng các biện pháp áp đặt, răn đe, cấm đoán để đối xử với con, mà ít khi nghĩ xem những tiêu chuẩn, nề nếp ta muốn áp đặt cho trẻ, bắt trẻ phải nghe theo có hợp lý, có giúp cho trẻ phát triển toàn diện hay chỉ vì ta là bố mẹ, ta có quyền thế và ta muốn thế? Có phải tình trạng ai có chức thì áp đặt cấp dưới, về nhà thì lấy quyền của bố mẹ để áp đặt con rất phổ biến ở Việt Nam? Đó cũng là một kiểu “ham quyền ham chức” của các bậc phụ huynh đấy.
Tôi không bao giờ dùng quyền lực người mẹ áp đặt con, kết quả là con không trở nên bướng bỉnh, lì lợm, hai mẹ con trở thành bạn bè, luôn ở cùng một bên “chiến tuyến” chứ không bao giờ đối đầu (tuy có thể khác nhau về quan điểm). Mẹ con tôi có thể rúc rích kể cho nhau nghe mọi chuyện và đến bây giờ, hai mẹ con ở bên nhau vẫn đùa nghịch như hai đứa trẻ thơ.
Ngay khi vừa sinh, tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, tôi đề ra những quy định phù hợp:
1. Từ khi mới sinh đến 7 – 8 tháng: Âu yếm con thường xuyên nhưng không bế nhiều và cương quyết không bế khi con dùng tiếng khóc để đòi bế. Bằng cách này, tôi dạy cho con được mấy bài học:
∙ Không thể dùng tiếng khóc (rồi sau này là la hét, giận dỗi, bỏ ăn…) như một vũ khí nhằm đạt được ý muốn cá nhân.
∙ Tính kỷ luật.
∙ Phương tiện để giao tiếp không phải là tiếng khóc hoặc các hành động tiêu cực.
2. Từ 8 tháng (bé biết đi lúc 8 tháng) đến 1 năm: Tôi bắt đầu đề ra các quy định trong sinh hoạt: giờ ăn, giờ ngủ, giờ đọc sách và những điều cấm (bé không được làm). Tôi viết rõ những
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
điều này lên một trang giấy, đọc cho bé nghe, giải thích rõ lý do của những điều cấm, hỏi bé có ý kiến gì không (dĩ nhiên là bé gật, vì thực sự những việc này đã thành nếp). Sau đó, tôi nói với bé: “Mẹ con mình ký thỏa thuận nhé”. Tôi lấy bút ký một bên, rồi bôi mực vào ngón tay trỏ của bé, “điểm chỉ” vào một bên. Bé khoái chí lắm, cười khanh khách. Tôi dán luôn thỏa thuận đó vào cửa tủ lạnh, rồi thỉnh thoảng đọc lại cho bé nghe. Ngoài những điều cấm, bé được tự do làm tất cả các việc khác phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, lúc đó, tôi chỉ có 2 điều cấm:
∙ Khóc lóc hoặc có các hành động “ăn vạ” để vòi vĩnh thứ gì đó.
∙ Không tuân thủ lịch sinh hoạt đã thống nhất.
Tôi cũng họp cả nhà, giải thích rõ về thỏa thuận, để mọi người biết và tuân thủ trong cư xử với bé. Trong nhà tôi, không ai có thể can thiệp vào lịch sinh hoạt của con, cũng không ai có thể lên án là bé hư nếu bé không vi phạm vào điều cấm (tôi nghĩ pháp luật cũng nên thế – không cấm thì nghĩa là cho phép). Nếu có gì phát sinh ngoài những điều đã thỏa thuận, tôi đều bàn bạc với con, rồi bổ sung hoặc bớt điều cấm một cách hợp lý. Bằng cách đó, tôi dạy bé từ khi rất nhỏ về sự công bằng, sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Tôi luôn giải thích rất kỹ càng về nguyên nhân, hậu quả, lý do tại sao được làm cái này, không được làm cái kia. Vì vậy, con gái tôi có thói quen phân tích mọi việc xung quanh một cách thấu đáo, để rút ra kết luận cho mình. Có những lúc, bé cũng thử giới hạn bằng cách vi phạm thì tôi cương quyết áp dụng biện pháp để chấm dứt. Ví dụ có 1 lần, bé khóc để đòi cái gì đó, tôi nhẹ nhàng và bình thản nói: “Khóc là quyền của mỗi người, miễn là không làm ảnh hưởng đến người khác. Con đang làm ảnh hưởng đến người khác, vì con khóc to, mọi người đau đầu. Vậy từ nay, khi con muốn khóc, mẹ sẽ cho con vào phòng khách và đóng cửa lại để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Con cứ khóc thoải mái, bao giờ chán thì bảo mẹ là “Con khóc chán rồi”, mẹ sẽ
mở cửa cho con ra nhé”. Tôi dẫn bé vào phòng khách, nhẹ nhàng khép chặt cửa lại, rồi làm tiếp việc của mình. Chỉ độ 1 phút sau, tiếng khóc im bặt. Sau 1 – 2 phút, tôi thấy con gọi to: “Mẹ ơi, chán, chán, con ra”. Vậy là xong, sự việc không hề lặp lại.
3. Tôi có nguyên tắc: Khi bé đã biết đi, tôi không bế nữa và cũng cho bạn bè luôn cái xe đẩy. Tôi giải thích rõ: chân là để mình đi, nếu mình không sử dụng để đi, nó sẽ yếu dần và mình đi không vững. Trước khi đưa bé đi đâu, tôi đều bàn kỹ với bé về kế hoạch và nói rất rõ là cần đi bộ bao nhiêu thời gian. Tôi thường dùng cách này: “Hôm nay mình đi chơi, con sẽ phải đi bộ 2 tiếng. Nếu lúc nào con mỏi chân, mình có thể ngồi nghỉ. Con cũng có lựa chọn nữa: nếu không muốn đi bộ, con ở nhà”. Tất nhiên là bé thích đi chơi. Có lần, bé kêu mỏi chân, đòi bế. Tôi thản nhiên: “Mẹ nói trước rồi, mình phải đi bộ 2 tiếng. Nếu con mỏi, mình ngồi nghỉ đến bao giờ hết mỏi sẽ đi tiếp”.
Vậy muốn trẻ nghe lời, chính người lớn phải biết rõ: ta muốn chúng nghe lời những việc gì? Nếu ta có quy định rõ ràng, đã được con đồng ý và cả nhà thống nhất, chúng sẽ tuân thủ. Tất nhiên, chúng sẽ ngó nghiêng để thử xem có “vượt rào” được không. Nếu tất cả người lớn trong nhà cương quyết, mọi việc sẽ vào nếp rất nhanh. Đôi khi, có những lần, bà thấy thương cháu quá, cứ thuyết phục tôi: “Nó còn bé, biết gì, con làm vậy tội nghiệp”. Nhưng đến bây giờ, ai cũng nói là con may mắn vì đã được tôi nuôi dạy như vậy. Con tôi luôn tự hào và hay khoe với bạn bè về điều đó.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Nếu ta ép buộc trẻ làm việc gì đó, nhưng lại không dành thời gian giải thích rõ lý do (nguyên nhân và hậu quả), sẽ có 3 tình huống xảy ra:
∙ Trẻ luôn nghe lời người lớn, làm theo chẳng cần suy nghĩ gì: bạn đang tạo nên những đứa trẻ thụ động, không có suy nghĩ riêng. Sau này, khi chúng lớn lên, sẽ có lúc bạn lại mắng chúng: “Sao mà mày ngu thế hả con? Ai bảo gì cũng nghe?”. Bạn đã dạy chúng thế mà!
∙ Trẻ buộc phải nghe và làm theo mà trong lòng ấm ức, thấy bố mẹ (người lớn) toàn là những người vô lý. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả: khoảng cách giữa bố mẹ và con cái là “mênh mông biển rộng”. Nếu ức chế quá, chúng có thể bỏ nhà, đến với bất cứ ai tỏ ra thông cảm với chúng, thậm chí bị trầm cảm, bị thần kinh, có những em tuyệt vọng quá còn tìm cách tự tử.
Trẻ trở nên lì lợm, bướng bỉnh (lúc còn nhỏ), thậm chí bất cần đời (khi lớn hơn). Cái gì ta nói ra chúng cũng coi là vô lý, chẳng cần suy nghĩ là ta nói đúng hay sai. Nếu con đã như vậy, có cách như sau:
Chuẩn bị tâm lý là phải thay đổi cách cư xử với con.
Chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc với trẻ, nội dung sẽ là trẻ nghĩ sao về bạn, những cái gì của người lớn trong nhà làm cho trẻ cảm thấy không hài lòng, tại sao và quan trọng nhất là trẻ muốn được bố mẹ đối xử thế nào?
Tiến hành buổi nói chuyện, nghe trẻ thật chăm chú và điều rất quan trọng là phải kiểm soát được mình. Nếu trẻ có nói gì chạm tự ái cá nhân và bạn nổi xung lên, bạn sẽ mất luôn cơ hội, lần sau, có cậy răng chúng cũng chẳng nói nữa. Hãy nhận lỗi nếu trẻ nói ra và bạn thấy mình vô lý. Hãy giải thích lý do một cách chân thành, nếu trẻ không hiểu nguyên nhân buộc ta phải làm vậy.
Phải thống nhất được với trẻ một thỏa thuận, viết nó ra một cách rõ ràng (cần thì hai bên ký vào), rồi thực hiện. Nếu bạn vi phạm, bạn sẽ bị phạt. Nếu trẻ vi phạm, phải thật cương quyết với trẻ.
Các bạn thấy đấy: DẠY CON KHÔNG HỀ DỄ. Tôi đã từng tư vấn, thậm chí cùng tham gia với bạn bè, để giúp họ giải quyết vấn đề với con cái và tôi rút ra kết luận:
∙ Trong 100% trường hợp, bố mẹ phải thay đổi. Nếu bố mẹ không thay đổi, sẽ không có kết quả gì.
∙ Rất nhiều ông bố bà mẹ, về tâm lý thì nghĩ là sẵn sàng nghe con nói, nhưng khi nói chuyện (có tôi chứng kiến), thì lại nổi giận, mắng con sa sả – thất bại hoàn toàn. Có người ít tệ hơn thì thanh minh thanh nga, cốt là để chứng minh rằng mình không có lỗi. Sự chân thành bao giờ cũng thắng, nếu bạn loanh quanh “chối tội”, con sẽ nhận ra ngay.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ May mắn nhất là những ông bố bà mẹ sẵn sàng chấp nhận xin lỗi con và rất thật lòng muốn thay đổi vì tương lai của con và của chính mình. Hầu hết là tôi thành công với những ông bố bà mẹ này.
Để thực hiện được những điều trên, sự kiên trì và lòng yêu thương vô điều kiện với con là bí quyết cơ bản.
Tôi phải dặn thế, bởi vì điều quan trọng nhất là bố mẹ phải kiên trì. Sách dạy và mình thực hiện, nhưng nhiều lúc chờ 2 – 3 năm, chưa thấy mảy may kết quả, chính tôi cũng “phát sốt phát rét”, nghi ngờ không biết mình bỏ bao nhiêu công, rồi có kết quả gì không.
Trong năm đầu tiên, con gái tôi luôn vui vẻ và bạo dạn. Lúc con độ 11 tháng, lần đầu tôi dẫn con đi chơi Hồng Kông. Một hôm, đang ăn tối ở nhà hàng ngoài trời, con ăn xong trước nên muốn tự đi chơi quanh quẩn xung quanh. Vì con gái tôi lúc đó đã đi khá vững, tôi để con tự do đi lại trong khu vực đó, còn tôi vừa ăn vừa theo dõi. Cái làm tôi buồn cười là con gái lẫm chẫm đi đến từng bàn có khách ngồi, đứng ngẩng đầu nhe răng sún cười với người lạ. Bàn nào thấy con đến cũng vui vẻ chào hỏi, thậm chí bắt tay. Cứ xong bàn này, con gái lại đi sang bàn khác. Tại một bàn có hai cô gái trẻ ngồi, đang mải mê trò chuyện nên không nhìn thấy con. Con gái tôi bé lũn chũn, đứng ngửa cổ há mồm nhìn các cô một lúc. Thấy không xi nhê gì, nàng bèn dùng tay sờ nhẹ lên đùi một trong hai cô, làm cô ta giật bắn người. Vậy là cả hai cô rối rít chào hỏi, con lại cười nhe răng sún để đáp lại rồi mới vẫy tay chào và đi sang bàn khác. Ấy vậy mà chỉ sau ngày sinh nhật đầu tiên, con gái tôi đột nhiên trở nên rất nhút nhát. Lý do là ngày sinh nhật, khách khứa đến đông quá. Ai cũng xông ra bế ẵm, hôn hít. Con gái tôi sợ chết khiếp, chỉ sau vài lần bị vậy là khóc ré lên ôm chặt cổ mẹ, không thể gỡ ra được. Tôi vừa sốt ruột, vừa thương con, nhưng chẳng biết làm sao. Con thôi nôi, mọi người đến chia vui, chẳng lẽ bế con đi trốn? Sau chỉ hôm đó, cứ có tiếng chuông cửa reo là con gái hốt hoảng khóc ré lên, chạy ra ôm chặt lấy mẹ. Cũng vì vậy, để rèn luyện lại tính bạo dạn cho con, đúng 17 tháng, tôi đành cho con đi nhà trẻ. Xin người lớn đừng thể hiện tình yêu thương bằng cách cứ xấn ra ôm nghiến lấy trẻ con, sẽ làm cho chúng sợ hãi mà trở nên nhút nhát, rất khổ cho bố mẹ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ con.
Chỉ sau một ngày sinh nhật giông tố mà khi đi trẻ lúc 17 tháng, cứ đến trường là con im thin thít. Có lần cô giáo hiệu trưởng trường mẫu giáo Fundino (người Anh) đã gọi tôi để trao đổi là cháu chậm quá, cứ im thin thít, không biết thần kinh có bình thường không, chắc không thể cho cháu lên lớp sau 1 năm học. Tôi nghe mà vừa buồn vừa nản, nhưng cố trấn an mình: những gì tôi dạy ở nhà, con tiếp thu rất tốt, chỉ đến trường thì thụ động thôi. Vậy là một ngày sinh nhật mà làm ảnh hưởng đến tâm lý con gái tôi tới 3 – 4 năm trời.
Tự nhiên, gần 4 tuổi, đồng thời với lúc biết đọc, con làm các cô giáo ở trường ngạc nhiên hết sức: chỉ trong vòng 1 tuần, con nói rất nhiều, tham gia mọi hoạt động, trở thành cô bé đứng đầu trong lớp. Các cô quan sát vài ngày, quyết định đẩy con lên lớp cao nhất của trường mẫu giáo.
Trong sự phát triển từ lúc trẻ mới sinh ra, có mấy thời điểm rất nhạy cảm nhưng cực kỳ quan trọng, thậm chí có vai trò quan trọng quyết định sự phát triển tiếp theo: đó là giai đoạn
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
11 – 13 tháng (lúc trẻ bắt đầu biết đi và tập nói – đang muốn tự khẳng định mình), lúc 3 tuổi, lúc bắt đầu vào lớp 1, lúc 10 – 11 tuổi (giai đoạn chuyển từ trẻ con sang tuổi teen) và lúc 15 – 17 tuổi (sắp chuyển từ tuổi teen sang người lớn).
Bố mẹ phải đặc biệt chú ý đến các giai đoạn này trong sự phát triển của con. Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Dạy con đôi khi thật đơn giản
Sáng thứ Bảy, tôi ngồi cùng các em đã “hơi sồn sồn” để chia sẻ kinh nghiệm lập kế hoạch trong cuộc sống, đặc biệt là nuôi dạy và chuẩn bị kế hoạch cho việc học hành của con. Có mấy câu chuyện vui vui, tôi xin kể ra xem có ích được cho ai không.
Tôi hỏi: “Ai cho chị một ví dụ về việc: bọn em cấm con điều gì”.
Một cô nhanh nhẩu: “Em cấm con (gần 2 tuổi) sờ vào thùng rác”.
Tôi bèn hỏi tiếp: “Tại sao”,
Được trả lời: “Vì thùng rác bẩn”.
Hỏi: “Bẩn thì sao? Tại sao tay không được sờ vào chỗ bẩn?”
Trả lời: “Vì sợ bé cho tay vào mồm”.
Khi mình hỏi: “Thế sao em không dạy bé là: Nếu sờ vào cái gì bẩn, thì phải rửa tay rồi mới được cho tay vào mồm?”.
Tất cả trố mắt nhìn mình, rồi cười phá lên, bàn tán xôn xao: Ờ, đơn giản thật. Nếu mình kiên trì giải thích cho các bé: “Sọt rác chứa các đồ đã bị thải, có nhiều giun, sán, virus, vi khuẩn. Nếu con sờ vào thì phải rửa tay xà phòng thật sạch rồi mới sờ lên mắt hoặc cho vào mồm, nếu không trứng giun chui vào bụng, nở ra con giun, rồi cắn con, làm con đau bụng”. Rồi lấy hình con giun cho con xem. Đó, vấn đề đơn giản hơn nhiều, đồng thời dạy bé được bao điều có ích.
Lại hỏi tiếp: “Ok, ai cũng dạy trẻ là trước khi ăn phải rửa tay. Thế trong khi ăn, nếu bé cứ vọc tay vào đồ ăn, rồi bôi lên mặt, bọn em nói gì?”.
Mọi người ồn ào, tranh nhau trả lời: “Đừng bôi đồ ăn lên mặt, bẩn lắm”.
Lại hỏi tiếp: “Sọt rác bẩn, vì sợ con cho tay vào mồm sau khi sờ vào nó. Vậy thức ăn để ăn, cũng bảo bẩn, nhưng lại bắt bé cho vào mồm, chứ không được bôi lên mặt cũng vì bẩn. Vậy bọn em nghĩ cái gì sẽ diễn ra trong đầu đứa trẻ, khi nó nghe những mệnh lệnh mâu thuẫn như vậy?”.
Cả lũ cười lăn lộn. Mình cũng cười khoái chí. Hay thật: Chúng ta đang làm gì với con đây? Vậy bé sẽ hiểu thế nào là bẩn và thế nào là sạch?
Bài học rút ra là gì? Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói với con, đặc biệt là nói từ “Không”. Đừng đưa ra các mệnh lệnh khác nhau, nhưng có thể vô tình mâu thuẫn, sẽ làm bé lẫn lộn về
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
khái niệm, rồi không thể suy nghĩ rạch ròi về nguyên nhân và hậu quả. Hãy giải thích rõ ràng lý do, nếu cần cấm bé điều gì. Bằng cách này, bạn tập dần cho con suy nghĩ có logic một cách độc lập, chứ không làm theo mệnh lệnh một cách máy móc.
Trong ví dụ trên, giải thích với bé các khái niệm:
1. Bẩn: sờ vào thì phải rửa tay sạch trước khi chuyển sang làm việc khác, đặc biệt là không cho tay vào mồm trước khi rửa sạch.
2. Nguy hiểm: nghĩa là có thể gây đau. Ví dụ không được sờ vào những gì nóng (mặt bếp đang nóng, nước sôi, thức ăn nóng...), không phải vì nó bẩn, mà vì nguy hiểm, bé sẽ bị đau, thậm chí bỏng tay.
3. Đồ ăn là không bẩn (thì mình mới ăn). Bé muốn nghịch với đồ ăn, tốt quá. Nhưng vì đồ ăn có thể mặn và có mỡ nên sau khi ăn và nghịch xong, bé phải rửa cả mặt và tay cho sạch sẽ, nếu không, bé có thể bị ngứa.
Đừng bao giờ cấm điều gì nếu bạn không giải thích rõ được lý do hoặc tác hại của việc đó. Nếu không, bạn đang vô tình làm thui chột lòng ham thích khám phá, tiềm năng của sự sáng tạo trong tương lai của con mình.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Dạy con cách tiêu tiền
Dạy con quan niệm và lập kế hoạch cũng như chi tiêu tiền từ sớm là cách hiệu quả nhất giúp con thành công VỀ TÀI CHÍNH trong tương lai. Bạn có thể tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để giúp con hiểu về giá trị và học cách sử dụng đồng tiền.
TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI: Ở lứa tuổi này, trẻ chưa có khái niệm gì về đồng tiền. Bạn hãy cho trẻ làm quen với tiền thông qua các trò chơi đơn giản. Ví dụ, hãy cùng chúng chơi các trò chơi mua, bán hàng (hàng có thể là bất cứ vật dụng gì trong gia đình: cốc chén, quần áo...). Hãy cho chúng làm quen với các đồng tiền có giá trị nhỏ trước, 1.000, 2.000, tối đa là 10.000 đồng. Bạn và con hãy thay đổi vị trí giữa người mua và người bán. Bạn đừng quên làm bảng giá rồi dán hoặc treo lên các vật dụng, để chúng quen dần với khái niệm giá cả. Bằng cách này, bạn sẽ dạy cho trẻ những khái niệm cơ bản và đơn giản nhất về thương mại.
Khi trẻ hỏi mẹ lấy (hoặc nhặt) được tiền ở đâu, bạn hãy giải thích: “Ai cũng phải làm việc thì mới kiếm được tiền. Bố mẹ phải đi làm việc cả ngày thì mới có tiền mua thức ăn và quần áo cho cả nhà. Ai lười biếng không làm việc thì sẽ không có tiền mua đồ ăn và quần áo”. Nếu có khi nào đó, vì bận công việc đột xuất mà lỡ hẹn với trẻ, bạn hãy giải thích: “Bố (mẹ) có công việc đột xuất nên lỡ hẹn với con (có thể giải thích rất đơn giản là công việc gì, ví dụ khách hàng khiếu nại, phải gặp họ để xin lỗi..., nếu họ không mua hàng nữa thì công ty sẽ bị mất tiền, bố mẹ có thể bị giảm lương...).
Có một chi tiết cần lưu ý bạn nên chia sẻ với con về công việc và những khó khăn trong công việc, bằng một giọng bình thường để trẻ hiểu đó là điều bình thường ai cũng phải chấp nhận trong cuộc sống. Qua đó, bạn giúp chúng hiểu về giá trị của lao động với kết quả là tiền để lo cho cuộc sống. Nhiều bậc phụ huynh hay kêu ca, phàn nàn phải làm việc quần quật, vất vả, muốn cho con hiểu là con phải có nghĩa vụ ngoan ngoãn, học giỏi để đền đáp. Tôi đã chứng kiến việc đứa trẻ làm điều gì đó không vừa ý mẹ, mẹ nó bèn rít lên: “Trời ơi, sao thân tôi khổ thế này? Đi làm quần quật cả ngày, để cho nó ăn sung mặc sướng, mà nó thế này đấy hả!”. Tôi không tán thành với cách tiếp cận này, nó rất có thể gây hiệu ứng ngược với đứa trẻ: chúng có thể trở thành người có suy nghĩ tiêu cực, hay than vãn, thậm chí căm ghét việc phải phụ thuộc vào bố mẹ.
TỪ 3 ĐẾN 5 TUỔI: Bạn hãy dẫn trẻ đi siêu thị, nhờ chúng giúp bạn chọn đồ cần mua. Trước khi đi, hãy ngồi cùng trẻ khoảng 10 phút, liệt kê các món đồ cần thiết phải mua. Bằng cách đó, bạn sẽ cho trẻ khái niệm về lập kế hoạch chi tiêu. Trẻ sẽ rất tự hào khi được giúp bố mẹ việc gì đó. Đến siêu thị, hãy dành thời gian giải thích với trẻ về giá trị của món đồ và giá cả của từng món. Ví dụ, có 2 món đồ cùng tác dụng nhưng giá khác nhau: hãy giải thích tại sao giá lại khác nhau, giá trị thật sự của món đồ là gì, bàn với trẻ về giá trị sử dụng của từng món, lý do mua và sự cần thiết mua món giá cao (hoặc giá thấp) trước khi quyết định mua. Dần dần trẻ sẽ nhận ra có những món đồ đắt tiền nhưng rất ít giá trị sử dụng, tức là giá quá
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
đắt so với giá trị món đồ mang lại cho ta. Bạn cũng giúp trẻ phân biệt rõ hai xu hướng (đều không tốt): Thích mua đồ giá rẻ và thấy rẻ hoặc giảm giá là mua mà không tính toán là món đồ đó có cần thiết không; mua đồ đắt tiền (sau này sẽ tiến tới đồ hiệu) với suy nghĩ: món đồ làm nên giá trị con người. Cả hai xu hướng đó đều có thể gây hại cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Vào tuổi này, bạn có thể bắt đầu cho con một món tiền nhỏ tiêu vặt mỗi tuần và dạy chúng cách sử dụng. Nếu chúng thích món đồ gì, bạn khuyên chúng “bỏ ống” khoản tiền này để khi đủ sẽ mua.
Việc trẻ đi siêu thị cùng và giúp bố mẹ mua đồ cần thiết cho cuộc sống gia đình sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc cho chúng chơi các trò chơi đắt tiền, rồi kết thúc bằng các bữa ăn nhanh cũng đắt tiền tại các trung tâm thương mại.
TỪ 6 ĐẾN 10 TUỔI: Bắt đầu từ lứa tuổi này, bạn có thể dạy cho trẻ rằng: trong cuộc sống, chúng sẽ buộc phải có lựa chọn, chứ không thể mua mọi thứ mình thích. Khi trò chuyện về tiền, bạn nên giải thích: “Tiền là thứ có giới hạn và điều rất quan trọng là phải có kế hoạch, rồi lựa chọn cẩn thận khi mua hoặc chi tiêu bất cứ khoản nào. Con chỉ có khoản tiền đó, nếu tiêu hết, con sẽ không còn tiền cho những việc cần thiết nữa”. Lúc con gái còn bé, tôi tận dụng mọi cơ hội hợp lý để giải thích cho con rằng: “Đồng tiền được đánh đổi bằng mồ hôi, sức lao động, thời gian. Nếu biết cách sử dụng nó, đồng tiền sẽ giúp mẹ, con, những người thân thiết và nhiều người khác có cuộc sống tốt hơn. Giá trị của đồng tiền là ở đó chứ không phải việc cứ kiếm được rồi đem cất. Vì vậy, phải lập kế hoạch hợp lý giữa tiền kiếm được và mức chi tiêu, phân biệt thật rõ những nhu cầu cần thiết, các khoản tiết kiệm cho tương lai và chi tiêu cho tiện ích cuộc sống”. Với tôi và con gái, nhu cầu thiết yếu luôn là: ăn, mặc, ở, học hành, đi du lịch ở mức hợp lý so với thu nhập và mua sách. Chỉ riêng với sách tôi không đặt giới hạn, còn tất cả các khoản khác đều phải có kế hoạch.
Bạn hãy mua cho con 3 cái hộp đựng tiền với 3 mục đích: Tiền chi tiêu, tiền để dành và tiền giúp mọi người.
Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn hãy cho con một khoản tiền (tùy theo khả năng tài chính của gia đình nhưng không nên quá 500.000/tháng cho trẻ dưới 10 tuổi). Bạn hãy dạy chúng cách chia khoản tiền đó làm 3 phần, ví dụ, 40% để chi tiêu, 30% để dành, 30% để mua quà sinh nhật cho người thân, bạn bè, giúp người nghèo... Sau một vài tháng, nếu cần, bạn có thể thảo luận để giúp con thay đổi tỉ lệ cho phù hợp.
Bạn cũng nên bàn, giải thích (hoặc cùng con ra các quyết định) khi đi mua đồ. Ví dụ, nếu bạn quyết định mua 1 kg gạo bán lẻ, thay vì được đóng trong túi nilon đã rút chân không, bạn nên giải thích với con: “Mẹ mua gạo bán lẻ, chứ không mua gạo hút chân không trong túi đóng sẵn vì mẹ nghĩ chất lượng nó giống nhau, ăn ngon như nhau, nhưng giá rẻ hơn tới 20% – quy ra là ... đồng”. Bạn cũng có thể yêu cầu con chọn hộ trái cây trong siêu thị, sau khi đã cùng chúng vạch ra một số tiêu chí: kích thước, độ chín, so sánh và dự đoán về chất lượng...
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Khi đi cùng con trong siêu thị, bạn cũng nên đặt các câu hỏi theo kiểu: “Nhà mình có thực sự cần thứ này không con nhỉ? Nếu mua nó, mình sẽ dùng được bao lâu? Giá cái này có vẻ đắt, hay mình để thời gian tìm hiểu thêm xem có nơi khác bán giá rẻ hơn không...”
NHƯNG CÓ MỘT ĐIỀU CÁC BẬC BỐ MẸ PHẢI HẾT SỨC LƯU Ý: Ranh giới giữa khái niệm “chi tiêu hợp lý và có kế hoạch” với “keo kiệt”, coi đồng tiền là “của để dành” rất mong manh. Chúng ta dạy trẻ giá trị của đồng tiền để chúng biết cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý trong tương lai chứ không dạy chúng tiết kiệm bằng cách, cứ có tiền là phải để dành (thậm chí để từ đời này sang đời khác, bố mẹ có tiền phải để dành hết cho con). Đồng tiền chỉ có giá trị khi được chi tiêu đúng mức, đúng thời điểm và phục vụ cho cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Cái khó là chúng ta vừa dạy chúng biết chi tiêu hợp lý, đồng thời không được để chúng nhầm lẫn giữa tiết kiệm và keo kiệt (theo kiểu lão Grande(2) coi việc đếm tiền là mục đích và niềm vui của cuộc sống). Tôi lo ngại khi thấy ở Việt Nam hiện nay có 3 xu hướng sử dụng tiền không lành mạnh, đối nghịch nhau:
1. Xu hướng càng có nhiều tiền càng tốt, tiền không bao giờ đủ: Người sống theo xu hướng này luôn phấp phỏng, lo sợ thiếu tiền. Có những gia đình đã rất giàu có vẫn cứ muốn con cái phải học ngành gì để sau này kiếm được thật nhiều tiền. Tôi đã tiếp xúc với con cái rất nhiều gia đình khá giả bị bố mẹ ép học những gì được cho là sau này sẽ “có giá”, ép làm những việc các em không hề thích làm. Mọi ước mơ đều bị vùi dập phía sau cái tương lai giàu có được bố mẹ định sẵn. Thật bất hạnh cho những đứa con được sinh ra trong các gia đình giàu có kiểu này! Lại có những gia đình, bố mẹ luôn coi mình phải có trách nhiệm với con cái cho đến hết đời nên cật lực kiếm tiền, xiết chặt mọi chi tiêu, để rồi còn có tiền cưới vợ cho con, mua nhà cửa, xe cộ cho chúng, rồi tiếp tục cho tiền để chúng nuôi con của chúng nữa. Vậy là bố mẹ, tuy có “của ăn của để”, nhưng biến tất cả thành “của để dành” cho con cháu. Những bậc phụ huynh này có biết rằng đồng tiền của họ không đem lại hạnh phúc cho con cái mà nhiều khi là nỗi khổ tâm, mang đến bất hạnh cho cuộc đời chúng. Vì vậy, chúng ta nên chia thu nhập ra làm 3 – 5 phần theo tỉ lệ % để khi thu nhập bị giảm hoặc tăng lên, khoản tiền cho mỗi nhu cầu cũng giảm hoặc tăng theo tỉ lệ tương ứng chứ không bị dồn vào một thứ hoặc cứ tăng lên bao nhiêu lại dồn vào để dành hết.
2. Xu hướng sợ con biết gia đình có tiền sẽ ỷ lại, lười biếng và không biết tiết kiệm. Do vậy, bố mẹ luôn tìm cách nói dối con, than thở là không có tiền. Khi con có nhu cầu gì, việc đầu tiên là bố mẹ nói: “Bố mẹ không có tiền” hoặc tệ hơn là nhiếc móc, dằn vặt chúng, nói chúng không biết thương bố mẹ. Tình thương yêu bố mẹ ở đây sẽ được trẻ hiểu là phải biết để dành tiền bằng mọi giá, không được chi tiêu cho bất cứ nhu cầu gì, kể cả những nhu cầu chính đáng. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình kiểu này sẽ dễ trở thành người ham tiền, keo kiệt, coi đồng tiền cao hơn tất cả các giá trị khác. Chúng sẽ dễ trở thành nô lệ của đồng tiền, không bao giờ hiểu giá trị sử dụng của tiền và không dám sử dụng đồng tiền để phục vụ cho cuộc sống lành mạnh.
3. Xu hướng chi tiêu bạt mạng, khoe khoang sự giàu sang, coi việc mình có nhiều đồ sang, hàng hiệu là thước đo của sự thành đạt. Một người có thể thành đạt về mặt tài chính nhưng chưa chắc đã thành đạt trong cuộc sống, cũng không chắc đã có hạnh phúc. Của cải KHÔNG PHẢI là thước đo trí tuệ, tri thức và tư cách con người. Việc cho con xài những đồ hiệu đắt
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
tiền để khoe của chính là đang tước đi của chúng tuổi thơ trong sáng và lành mạnh. Phía trong bộ quần áo đẹp, có thể là một trái tim và cái đầu trống rỗng.
Như vậy kiếm tiền đã khó, sử dụng đồng tiền một cách tốt nhất cho mình và mọi người có khi còn khó hơn nhiều, không hề dễ dàng như câu nói xưa của các cụ: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Trước tiên, xin kể về việc tôi đã học được gì từ mẹ. Tôi còn nhớ, khi còn bé tí, mẹ tôi chưa đi làm mà ở nhà may quần áo phạm nhân (quần áo kẻ sọc để cho phạm nhân mặc trong tù). Tôi không đi học mẫu giáo, cũng chẳng qua vỡ lòng, chỉ suốt ngày quanh quẩn bên mẹ. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu là bố mẹ đã tự dạy tôi đọc, viết, làm toán cho đến lúc tôi đủ 7 tuổi vào học lớp 1 (Các cụ đã thực hiện home schooling – giáo dục tại nhà – với anh em tôi từ hồi đó đấy).
Mẹ tôi vốn không được học chữ nhiều, chỉ đủ để đọc một cách chầm chậm. Chẳng bao giờ tôi thấy mẹ viết mà toàn lẩm bẩm tính toán, rồi xòe tay đếm đếm, mặt mũi đăm chiêu. Mẹ tính toán về thu nhập và các khoản tiền phải chi trong ngày, trong tuần, trong tháng; không viết ra thế mà mẹ nhớ hết mới tài chứ! Lúc đó tôi chẳng hiểu gì lắm, nhưng cũng bắt chước mẹ để giả vờ lẩm nhẩm tính toán nguồn thu nhập và dự kiến các khoản phải chi. Cái thói quen đó thấm vào tôi từ những năm tháng còn là cái đuôi của mẹ.
Khi có con, cũng lặp lại như vậy, tôi hay ngồi tính toán khi con quanh quẩn bên cạnh. Khác với mẹ hồi xưa, tôi lấy giấy bút ra cộng cộng trừ trừ, rồi ghi chép lại. Cũng như tôi hồi bé, con bắt chước lấy giấy vẽ nghệch ngoạc rồi lẩm bẩm theo. Khi thấy con có vẻ hứng thú, tôi vừa làm vừa giải thích cho con, chẳng biết bé có hiểu không nhưng chắc cũng thấm dần đôi chút.
Khi con biết đi, hễ cần mua bán gì ở siêu thị, tôi hay đem con đi theo. Trước khi đi, tôi thường lấy giấy bút liệt kê các thứ cần mua cho cả nhà và cho từng người, trong đó có con. Rồi tôi giải thích cho con là tại sao cần mua những thứ đó. Khi ra đến siêu thị, tôi chọn hàng khá kỹ, so chỉ số, các tiêu chí khác nhau, đánh giá thực sự giá trị từng loại. Ví dụ, khi mua dầu olive để ăn, bao giờ tôi cũng so các loại sản phẩm cùng hãng, với chai khác nhau. Tôi giải thích với con mình nhà nhiều người, mua chai to bao giờ giá cho một đơn vị cũng rẻ hơn. Khi mua thực phẩm chức năng, tôi để ý rất kỹ đến nồng độ các thành phần trong từng viên. Ví dụ, cùng 1 loại vitamin tổng hợp, cùng số lượng viên, cùng giá, tôi sẽ chọn loại với nồng độ của các thành phần cơ bản cao hơn: Vitamin A 25.000 IU thay vì loại kia chỉ 10.000 IU vitamin C, 1.000 mg thay vì loại kia chỉ 200 mg… Tôi luôn chỉ cho con cách đưa cách sản phẩm khác loại về cùng đơn vị để có thể so sánh.
Khi con thích mua cái gì, tôi đều cùng con bàn kỹ xem mua cái đó để làm gì, dùng được bao lâu, giá trị nó ra sao. Chỉ riêng đối với sách, tôi không có giới hạn, con muốn mua bao nhiêu thì mua. Đồng thời với việc dạy con cách tính toán và so sánh, tôi cũng nói chuyện với con về một số nguyên tắc:
∙ Tiết kiệm nhưng không keo kiệt. Đồng tiền được làm ra không phải để cất đi mà phải bắt nó phục vụ cho cuộc sống của mình. Tiết kiệm nghĩa là chi tiêu hợp lý,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
đúng với mức mình kiếm được chứ không phải đem toàn bộ tiền cất vào tủ để dành.
∙ Các chi tiêu cho cuộc sống vật chất phục vụ sức khỏe và phát triển trí tuệ phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Với đồ ăn thức uống, tôi không khuyến khích cháu mua giá rẻ mà so sánh để tìm được sản phẩm hợp lý nhất cho cùng một chất lượng.
Khi con được 7 tuổi, mỗi tháng, tôi bắt đầu cho con một khoản tiền để tự mua những gì mình thích. Nếu tôi nhớ không nhầm là 200.000 VND/tháng. Cũng giống tôi, khi mua gì, con lập kế hoạch, ghi ra, rồi mới mua. Hiện nay, cứ định kỳ lúc chuyển mùa, con lên mạng để đặt quần áo online. Tôi quan sát thấy con hí hoay chọn kỹ lắm. Nhiều lúc, tôi còn được mời tư vấn theo kiểu: “Mẹ ơi, cái váy này giá 12 USD, có đáng để mua không hả mẹ?”. Nhưng khi cần giúp đỡ bạn bè hoặc người kém may mắn hơn, con gái rất hào phóng. Tôi thật sự thấy yên tâm khi con biết cách chi tiêu để phục vụ cho cuộc sống lành mạnh, không vung phí, nhưng khi có nhu cầu hợp lý là sẵn sàng tiêu.
Còn nhớ, năm con học lớp 3, trường tổ chức đi chơi Mũi Né. Trong lúc đi chơi, một bạn vay con 20.000 đồng. Sau 1 tuần, con kể với tôi là bạn quên hay sao ấy, không trả con. Tôi hỏi kỹ về hoàn cảnh nhà bạn. Khi biết là nhà bạn đó khá giả, tôi khuyên con: “Vậy thì con nên nhắc bạn, để bạn trả. Đó là cách để giúp bạn sau này phải có trách nhiệm với việc vay tiền người khác”. Cũng tận dụng cơ hội đó, tôi khuyên con:
∙ Nếu mình vay ai, phải nhớ để trả cho đúng hẹn. Đó là điều rất quan trọng để người khác đánh giá về tư cách của mình.
∙ Nếu ai vay tiền con mà không trả, con nên tìm hiểu xem hoàn cảnh họ thế nào, có gì khó khăn khiến họ không trả được. Nếu họ có tiền mà không trả thì đừng bao giờ cho vay và cũng đừng nên thân với họ nữa. Nhưng nếu vì có rủi ro gì đó xảy ra và họ chưa thể trả nổi, con nên thông cảm, nếu có thể thì cho họ lời khuyên, giúp đỡ thêm để họ vượt qua khó khăn.
Tôi cũng nói rõ với con: Mình không thể cho người khác cái mà mình không có. Do vậy, ưu tiên đầu tiên là con phải có trách nhiệm về tài chính với bản thân, với gia đình riêng của mình trước khi có thể giúp đỡ được người khác về tiền bạc một cách hiệu quả.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Chăm sóc lúc con ốm
Trong bài này, tôi sẽ chỉ bàn về việc ngăn ngừa cũng như các biện pháp chăm sóc khi bé bị bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa. Chắc đó cũng là hai căn bệnh làm đau đầu hầu như tất cả các ông bố, bà mẹ trẻ. Khi mới sinh, hệ thống miễn dịch của bé rất yếu. Nhiệm vụ của bố mẹ là làm sao giúp bé từ từ làm quen với môi trường xung quanh, tạo điều kiện cho hệ thống miễn dịch mạnh dần lên. Hiện nay, các bố mẹ có xu hướng bảo vệ con quá mức cần thiết, cách ly các bé khỏi môi trường với suy nghĩ đơn giản là giữ gìn thì bé sẽ không mắc bệnh. Suy nghĩ đó thật sai lầm. Trái lại, chúng ta phải cho bé dần làm quen với môi trường, với những thay đổi thường xuyên của thời tiết để bé có một hệ thống miễn dịch tốt, ngăn chặn bệnh tật. Việc trẻ con sổ mũi và ho thường xuyên cũng là bình thường nếu chúng không sốt, vẫn ăn ngủ tốt, bố mẹ không cần lo lắng. Việc lạm dụng kháng sinh và các loại thuốc Tây khác khi chưa thật sự cần thiết chỉ làm cho hệ thống miễn dịch của bé bị suy yếu và bé càng hay mắc bệnh hơn. Hiện tượng nhờn thuốc có thể để lại hậu quả lâu dài, ví dụ, khi bé ốm và thật sự cần hỗ trợ của thuốc, các loại thuốc đều không còn tác dụng như mong muốn.
Tôi cũng có một lưu ý: Nếu theo phương pháp này, bạn sẽ phải tranh luận với bác sĩ tương đối nhiều, thậm chí nhiều lúc không cho bé uống những loại theo đơn bác sĩ cho. Tôi luôn dùng cách này: làm quen một bác sĩ, để họ chấp nhận khám và xác định bệnh, còn việc điều trị cho con thế nào phải có ý kiến của tôi. Trong mọi trường hợp, tôi chỉ cho bé dùng thuốc Tây khi thật cần thiết và chỉ dùng đủ liều, không kéo dài.
BỆNH HÔ HẤP
Các bệnh đường hô hấp ở trẻ thường tiến triển như sau: trước tiên bé ho, sụt sịt rồi chảy mũi nước, ngạt mũi (có thể sốt hay không sốt). Đây thường là triệu chứng bé viêm đường hô hấp trên. Lúc này, tôi cho bé đi khám chỉ để xác định bé có bị bội nhiễm không. Nếu chỉ là viêm đường hô hấp trên, tôi không cho bé uống kháng sinh mà uống nước cam và bưởi, ăn đủ các loại trái cây, uống probiotic và vitamin tổng hợp (loại đúng lứa tuổi) để tăng sức đề kháng. Tôi dùng nước muối biển (tự pha nước tinh khiết với muối biển – sea salt) để rửa mũi thường xuyên. Một ngày 2 – 3 lần, tôi giã một chút tỏi, pha thật loãng, nhỏ vào mũi bé. Lần đầu, bé khóc om sòm nhưng chỉ đến lần thứ 3 là bé quen, không khóc nữa.
Với các bé lớn hơn (từ 1 tuổi trở lên) đã biết súc miệng, bạn có thể pha các loại thảo dược sau để bé súc miệng hoặc uống. Đây đều là các loại thảo dược có tác dụng diệt virus, vi khuẩn.
∙ Xô thơm (Sage): Tôi mua loại lá xô thơm tươi, pha như pha trà cho bé súc miệng. Bạn có thể mua xô thơm khô bán ở các siêu thị người nước ngoài. Nếu muốn cho bé uống, bạn phải đun sôi 3 phút.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Tía tô đất (Lemon balm), cây cúc dại (Echinacea), cây cam thảo (Licorice), cây bạc hà (Peppermint)…
Tất cả các loại siro chữa cảm, cúm đều chứa các thảo dược này.
Nếu theo dõi thật kỹ trong 3 ngày và thấy triệu chứng giảm dần, bố mẹ không cần dùng kháng sinh vì viêm chỉ dừng lại ở đường hô hấp trên, không lan xuống phế quản và phổi.
Bất cứ lúc nào thấy bệnh trở nặng, nghĩa là bé sốt cao, bố mẹ phải đưa bé đi khám và yêu cầu bác sĩ nghe phổi thật kỹ. Bạn có thể áp sát tai vào vùng ngực của bé, nếu thấy có tiếng khò khè phát ra từ ngực (chứ không phải từ cổ) thì nghĩa là bé đã bị viêm sâu xuống đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) và cần uống kháng sinh 3 – 5 ngày. (Tôi không cho bé uống lâu hơn 5 ngày vì nếu 5 ngày mà chưa đỡ có nghĩa là bé không hợp với loại kháng sinh đó). Thường thì sau tối đa là 5 ngày, tôi dừng thuốc để theo dõi (lặp lại bước theo dõi trên). Với kiểu chăm sóc này, từ lúc đẻ cho đến 17 tháng, con gái tôi không phải uống viên thuốc nào. Lúc bắt đầu đi nhà trẻ, bé bị lây từ các bạn và ho thường xuyên, tôi vẫn bình tĩnh làm theo các bước trên và kết quả là từ 17 tháng đến 3 tuổi, cháu chỉ phải uống kháng sinh 3 – 4 lần. Sau 3 tuổi đến nay, cháu không uống kháng sinh lần nào. Tôi cho cháu uống vitamin tổng hợp và omega-3 đều đặn.
BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Nếu bạn cho bé ăn uống đúng cách, rất ít khi bé bị bệnh đường tiêu hóa. Nếu bé bị tiêu chảy, mua ngay công thức muối đường (oresol) cho bé uống để tránh mất nước. Cho bé uống nhiều nước và các loại nước trái cây pha loãng. Tuyệt đối không cho bé uống thuốc chống tiêu chảy khi chưa cần thiết. Tiêu chảy là phản ứng của cơ thể để đẩy các chất độc ra ngoài, nếu mình chặn không cho cơ thể đẩy ra hết, chất độc sẽ đọng lại tại đường ruột và có thể gây tiêu chảy tiếp trong tương lai. Ngay sau khi bé ổn định, cho bé ăn đủ chất và uống thêm vitamin tổng hợp để bổ sung dinh dưỡng cùng với probiotic để phục hồi sự cân bằng của hệ vệ sinh trong đường ruột.
BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở CÁC BÉ DƯỚI 3 TUỔI
Có mẹ từng kể bé nhà bạn bị bác sĩ kết luận viêm tai giữa và yêu cầu uống kháng sinh. Tôi hỏi và được biết triệu chứng là bé ngủ ít, ăn ít, hay lấy tay dụi mắt. Bé không sốt, không có hiện tượng tai bị chảy nước hoặc chảy mủ.
Sau khi tìm hiểu kỹ và tìm kiếm hàng lô tài liệu, tôi tìm được bài viết này, thấy rất hay nên tóm tắt lại để các ông bố bà mẹ có con nhỏ dưới 3 tuổi áp dụng:
1. Thế nào là bệnh viêm tai ở trẻ? Các bé dưới 3 tuổi có ống tai giữa (Eustachian tubes) ngắn, hẹp và nằm ngang hơn so với người lớn; vì vậy, ống này dễ bị tắc. Việc nhiễm khuẩn sau khi cảm, cúm cũng làm sưng ống tai giữa và khiến nó bị hẹp lại. Do vậy, dịch bị đọng gây áp lực và làm đau. Nếu bé khóc nhiều hơn và có vẻ khó chịu, lấy tay móc vào tai, có thể bé đã bị viêm tai. Các bạn đừng lo vì cứ 5 trong 6 trẻ bị viêm tai cho đến lúc 3 tuổi, con bạn không
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
phải là ngoại lệ. Viêm tai (otitis media) là sự nhiễm trùng của phần tai giữa, hầu hết là ở khu nối giữa tai, mũi và họng. Bé thường viêm tai sau khi bị cảm do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nếu được giữ vệ sinh sạch sẽ và được chăm sóc đúng, hầu hết các trường hợp sẽ khỏi hẳn trong vòng 1 – 2 tuần, không để lại di chứng gì cho trẻ sau này.
2. Các triệu chứng có thể có khi bé bị viêm tai giữa:
∙ Bé bứt rứt, khó chịu
∙ Lấy tay chọc hoặc kéo tai
∙ Ăn không ngon
∙ Khó ngủ
∙ Sốt
∙ Có dịch hoặc mủ chảy ra từ tai
3. Viêm tai giữa có nên dùng kháng sinh? Từ nhiều năm trước, khi trẻ bị viêm tai giữa, bác sĩ thường yêu cầu uống kháng sinh. Nhưng với kiến thức hiện nay thì kháng sinh (trong hầu hết các trường hợp) không phải là lựa chọn tốt. Một nghiên cứu được đăng trong tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ (American Medical Association) đã nêu rõ: 80% các bé bị viêm tai giữa tự khỏi trong vòng 3 ngày mà không cần đến bất cứ loại kháng sinh nào. Việc dùng kháng sinh một cách không cần thiết để chữa viêm tai giữa sẽ gây nhờn thuốc và hậu quả là bé sẽ bị nhiễm đi nhiễm lại, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn nhiều trong tương lai. Hầu hết các chuyên gia và bác sĩ ở Mỹ đều có lời khuyên: khi bé bị viêm tai giữa, hãy theo dõi chặt chẽ trong vòng 48 – 72 tiếng trước khi quyết định cho bé uống kháng sinh. Nếu trẻ dưới 6 tháng, bố mẹ sẽ phải theo dõi rất cẩn thận ngay từ đầu và quyết định xem có cho bé dùng kháng sinh ngay hay không.
4. Làm gì để giảm đau cho bé?
∙ Dùng túi áp vào tai bé trong 10 đến 15 phút để giảm đau.
∙ Uống thuốc giảm đau nếu bé quá khó chịu (với trẻ hơn 6 tháng).
∙ Dầu ấm: Nếu tai bé không bị chảy dịch, nhỏ vài giọt dầu olive extra virgin hoặc dầu mè (vừng) vào tai bị đau. Ngâm nước ấm cho dầu ấm hơn nhiệt độ bình thường 1 chút.
∙ Cho bé uống thật nhiều nước.
∙ Kê đầu bé cao hơn lên để làm cho dịch trong tai lưu thông tốt hơn.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Có một số dịch nhỏ tai được các bác sĩ y học cổ truyền tại Mỹ chế từ tỏi, cây mao nhị (mullien), oải hương và cỏ Thánh John – là các thảo dược có tính kháng khuẩn cao.
5. Làm sao đề phòng viêm tai giữa ở trẻ?
∙ Cho con bú sữa mẹ.
∙ Không hút thuốc khi ở gần bé.
∙ Nếu bạn cho bé bú bình, hãy cho bú đúng tư thế: nâng bé ở tư thế nửa nằm nửa ngồi để sữa không chảy ngược vào ống tai giữa. Nâng chai sữa cũng với tư thế đó.
∙ Tránh cho bé tiếp xúc với những người bị cảm, cúm.
6. Phải đưa bé khám bác sĩ ngay khi:
∙ Bé bị sốt.
∙ Dịch hoặc máu, mủ chảy ra từ tai.
∙ Bé bị chẩn đoán là viêm tai và sau 3 – 4 ngày theo dõi chặt chẽ, tình trạng không đỡ mà nặng dần lên.
LỜI KHUYÊN CỦA CÁ NHÂN TÔI: Khi con gái bị bất cứ triệu chứng viêm nhiễm gì, tôi đều theo dõi kỹ các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh. Nếu chưa chắc chắn, tôi cũng cho đi khám bác sĩ nhưng kiên quyết không cho bé uống bất cứ thuốc gì trong 3 ngày đầu. Thường thì bệnh sẽ giảm dần từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 và sau 7 – 10 ngày là khỏi hẳn. Thỉnh thoảng, bé bị dài hơn, triệu chứng xấu dần, tôi yêu cầu bác sĩ kiểm tra thật kỹ rồi “tra đi xét lại” từng loại kháng sinh bác sĩ kê xem có những hạn chế gì rồi mới cho uống. Bao giờ tôi cũng bắt đầu với loại kháng sinh nhẹ nhất.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Nhận xét, đánh giá con
Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ… Họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vứt đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…
Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao “quá đáng” những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không “vùi dập” những điểm yếu của nó.
“Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta” – (Trích thư gửi các bậc phụ huynh nhân dịp đầu năm học 2013 – 2014 của Giáo sư Văn Như Cương)
Giáo sư nhắc các bậc cha mẹ một điều rất đúng. Tôi đã có dịp gặp những học sinh trung học rất thông minh, hiểu biết rộng, một số em học tại các trường chuyên nổi tiếng.
Đáng ngạc nhiên là còn ở lứa tuổi 15 – 19, các em rất bảo thủ, tự cao, tự đại, luôn tỏ ra mình đã biết mọi thứ, hầu như không thể chấp nhận bất cứ sự chia sẻ kinh nghiệm hoặc lời khuyên bảo nào của người khác. Các em luôn tỏ ra coi thường mọi người về trí tuệ và cụ thể là coi thường cả bố, mẹ mình.
Khi có dịp trò chuyện với bố mẹ các em, tôi nhận ra họ thường quá tự hào và rất “tôn thờ” con. Họ coi thái độ bảo thủ, tự cao của con là biểu hiện cao của trí thông minh, sự hiểu sâu biết rộng. Họ chấp nhận để cho con coi thường mình về trình độ cũng như trí tuệ và thậm chí tự hào vì “con hơn cha là nhà có phúc”. Thường thì những cô cậu học sinh này đòi hỏi gì cũng được bố mẹ đáp ứng, và vì vậy, các em càng có cảm giác mình vĩ đại, hơn người.
Ngược lại với hiện tượng trên, nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng động viên, khuyến khích, khen ngợi con sẽ làm cho con tự kiêu (theo quan điểm thuốc đắng dã tật, mà nếu chưa có tật, cứ dã trước cho nó biết sợ). Vậy là xảy ra hiện tượng hạn chế hoặc chẳng bao giờ động viên, khen ngợi, chỉ chê bai, dè bỉu, thậm chí mắng mỏ, nhiếc móc, mỉa mai khi con làm không đúng ý mình. Tôi còn nhận thấy những ông bố bà mẹ này đổi “ý” rất nhanh, thậm chí nhiều lúc không nhận thức được cụ thể mình đòi hỏi gì ở con. Lâu dần, con cái sẽ có thể phát triển theo mấy chiều hướng:
∙ Một số em mất hết tự tin, nghĩ mình là người ngu dốt, vô dụng. Lúc nào các em cũng nem nép, lặng lẽ, trở nên rất thụ động, có khi nghe ai nói to cũng đã giật
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
mình. Khi lớn lên, các em sẽ rất sợ mắc sai lầm, đã trưởng thành nhưng ở nhà thì bố mẹ bảo sao nghe vậy, đến cơ quan thì người khác bảo làm gì làm nấy.
∙ Một số em trở nên chai lỳ, bất cần đời, có các hành động phá phách để giải tỏa tâm lý bị bố mẹ coi thường. Bố mẹ càng hay chê bai, răn đe, dọa dẫm, các em càng lỳ lợm hơn.
∙ Một số em cố gắng trốn tránh thực tế, chui vào vỏ bọc nội tâm với những vòng suy nghĩ luẩn quẩn. Nếu bị sức ép tâm lý quá nặng nề, một số em có thể có biểu hiện của bệnh tâm thần, tự kỷ.
Vậy thì cụ thể, bố mẹ nên làm gì để con có thể lớn lên một cách lành mạnh, cân bằng, để giúp các em tự tin, tự lập nhưng không tự cao, tự đại? Làm thế nào để bố mẹ có thể tạo mọi cơ hội cho các em phát triển toàn diện (một cách hợp lý), nhưng vẫn phát huy được những thế mạnh của cá nhân
Tôi không bao giờ khen hoặc chê con một cách chung chung, mà phải dựa trên những sự việc cụ thể:
1. Nếu con làm được điều gì tốt, tôi sẽ nói về điều đó và động viên (có thể khen) ở mức hợp lý. Ví dụ, khi con vượt qua nỗi sợ hãi nào đó, tôi hay nói: “Mẹ rất vui khi con vượt qua được sợ hãi. Cái đó sẽ giúp con rất nhiều sau này”. Tôi cũng phân tích cụ thể với con là điều đó sẽ giúp ích thế nào cho con trong tương lai. Trong mọi trường hợp, tôi đều cố gắng làm cho con hiểu tương lai của con thế nào đều nằm trong tay con và sẽ là trách nhiệm của chính con, chứ không phải của tôi. Vì vậy, từ rất nhỏ, con đã hiểu những gì mẹ làm là vì quyền lợi, vì tương lai của chính con, chứ không phải vì mẹ muốn ép buộc hoặc bắt con làm vì mẹ.
2. Khi con phạm lỗi, tôi không bao giờ mắng hoặc chê bai, dè bỉu. Nếu con vô tình hoặc chưa biết việc đó là sai, tôi phân tích tại sao điều con làm lại có hại, có hại cho ai. Nếu con biết là điều đó không tốt mà vẫn làm, tôi tỏ thái độ không hài lòng và rất kiên quyết yêu cầu khắc phục lỗi. Tôi theo sát đến cùng để đảm bảo con phải thực hiện việc khắc phục. Khi con làm xong, tôi tỏ ra hài lòng và động viên, không bao giờ nhắc lại lỗi của cháu để chì chiết. Vì tôi thực hiện hiện nguyên tắc này từ khi con mới vài tháng tuổi nên với thời gian, khi con lớn lên, tôi không thấy có khó khăn gì. Có lần, khi cháu khoảng 3 tuổi, có người bạn của chị tôi dẫn một bé đến chơi lúc tôi không có nhà. Khi tôi về, nghe chị kể là con có thái độ không lịch sự, tôi kiểm tra rất kỹ, rồi nói chuyện để con hiểu rõ là con sai cái gì. Sau đó, tôi yêu cầu chị tôi dẫn con sang nhà chị bạn để xin lỗi bé kia. Cháu khóc lóc không chịu, chị tôi cũng thương cháu nên cứ xin hộ: “Cháu biết lỗi là được rồi, không cần đi xin lỗi nữa”. Tôi vẫn kiên quyết yêu cầu chị dẫn cháu đi.
3. Tôi hay nói với con: Ai cũng có cái giỏi và cái chưa giỏi. Tôi cũng chân thành chia sẻ với con là tôi có những cái gì chưa giỏi (thậm chí kém). Tôi hay tự chế giễu mình một cách hài hước, để cùng con cười vui. Mặt khác, tôi cũng phân tích rõ mình có điểm mạnh gì. Do vậy, con được làm quen từ bé với việc tự phân tích điểm mạnh điểm yếu của bản thân, của cả
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
những người xung quanh. Tôi nghĩ đó là cách dạy để con trở thành người “biết mình, biết người” trong tương lai.
Và cứ như vậy con gái tôi đã 18 tuổi, rất tự lập, tự tin, không hề có biểu hiện kiêu căng, tự phụ. Con gái tôi biết rõ cháu có điểm mạnh gì, đồng thời nhận thức rõ những giới hạn của bản thân.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Vai trò của người bố trong việc nuôi dạy con Trong các bài viết của tôi về nuôi dạy con, đều có nhấn mạnh vai trò của bố mẹ và các ông bà nội ngoại hai bên. Tôi biết mình vẫn chưa đủ can đảm để xoáy vào một vấn đề cốt lõi: mối quan hệ phức tạp và vai trò của ông bà (nội và ngoại).
Xã hội Việt Nam hàng ngàn năm lưu truyền những quan niệm về đạo đức và lễ giáo phong kiến thể hiện ở mọi phương diện của cuộc sống, ví dụ:
1. Con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, kể cả khi đầu đã có vài thứ tóc, mà tóc trắng chiếm vai trò chủ đạo: “Trứng cứ đòi khôn hơn vịt”, rồi: “Cá không ăn muối cá ươn...”
2. Vai trò phụ nữ rất ít được nhắc đến, hoặc nhắc đến với sự miệt thị, coi thường: “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”.
3. Người đàn ông chỉ được coi trọng, khi phải luôn sẵn sàng “bỏ quên” nhiệm vụ làm người chồng, người cha, để “trai thời trung hiếu làm đầu”: trung là trung với nước, hiếu là hiếu với bố mẹ anh ta, không thấy người vợ trong bức tranh đó. Ít thấy (hay là tôi chưa được đọc), có tác phẩm “cổ điển” nào của Việt Nam mà người đàn ông được nêu gương vì chung thủy với vợ hoặc vì biết chăm sóc dạy dỗ con cái.
4. Người đàn ông chung thủy, yêu thương và chăm sóc vợ, thì bị bạn bè chê bai, châm chọc “bám váy vợ”, rồi thì mẹ và chị, em gái... lườm nguýt, châm chọc “đồ sợ vợ”, nặng hơn thì: “Rước vợ lên bàn thờ mà ngồi”.
Chúng tôi là những cô gái Việt Nam ngây thơ, lớn lên trong vòng tay đùm bọc của bố mẹ. Một ngày nào đó, chúng tôi yêu một chàng trai, được nghe hứa hẹn đủ điều về cuộc sống lứa đôi, để rồi hầu hết, khi về làm dâu, những bài học cay đắng cứ thấm dần. Hóa ra chàng trai mà chúng tôi đồng ý cưới, chỉ muốn kéo chúng tôi nhập vào đại gia đình anh ấy chứ không hề muốn tự xây dựng một gia đình riêng. Cưới nhau năm bảy năm, thậm chí hàng chục năm, có khi con cái đã đề huề, vậy mà cái tổ ấm của hai vợ chồng (nếu may mắn được sống riêng) cũng chỉ được anh coi là cái nhà trọ. Còn nhà của anh, là nhà bố mẹ và anh chị (em) của anh đang sống.
Còn quan niệm của thiên hạ, mà cụ thể là ở các nước phát triển, thì sao:
∙ Gia đình hạt nhân là bao gồm bố mẹ và con cái chưa trưởng thành (dưới 18 tuổi), trong đó ông bố và bà mẹ (trẻ hay già mặc kệ) có trách nhiệm xây đắp gia đình, nuôi dạy con cái (nếu quyết định có con); còn không có con thì chăm sóc hay hành hạ nhau cũng được (miễn là không đánh nhau, nếu không thì ra tòa).
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Gia đình mở rộng (extended family) là gia đình hạt nhân có thêm ông bà (nội ngoại hai bên), cô chú bác dì (nếu muốn kẹp thêm vào). Việc chăm sóc, giúp đỡ bố mẹ, cô chú, bác, dì... hai bên, đều phải có thỏa thuận và sự thống nhất của hai vợ chồng, nếu không thì vợ chồng sẽ lủng củng, cãi nhau và li dị là tất yếu.
Là một phụ nữ Việt Nam, tôi rất trân trọng đàn ông Việt Nam vì họ có rất nhiều tính tốt mà trai Tây không thể nào sánh kịp (kể không hết tính tốt đâu). Nhưng có hai điều mà mà tôi không thích:
1. Các anh trưởng thành chậm quá, lại thích oai và gia trưởng. Trước khi lấy vợ, hình như rất ít anh xác định được nhiệm vụ: tôi đang lập nên một thực thể gia đình mới, chỉ với tôi và vợ tôi. Và các anh điềm nhiên đem vợ về, quẳng đánh oạch cho mẹ các anh xử lý, “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” mà. Hay ít ra là anh chỉ muốn hòa vợ vào cái tập thể gia đình mình (cho đến lúc đó gồm có bố, mẹ, anh chị em ruột và cô, dì, chú, bác nhà anh). Nhiều anh cực kỳ gia trưởng với vợ con nhưng sợ mẹ nem nép, mẹ nói gì (dù sai hay đúng) cũng im lặng nghe và bắt chúng tôi cùng nghe. Lạ thật!
2. Và vì không xác định mình và vợ chính là chủ của cái THỰC THỂ GIA ĐÌNH mới đó, lại sợ bị chê là “sợ vợ”, “không biết dạy vợ” hoặc “không có hiếu”, các anh nhường luôn quyền làm chủ gia đình riêng của mình cho mẹ (tức là mẹ chồng của chúng tôi), mà với các anh thì “tiện không chỉ đôi đường, mà là tất cả các đường” luôn. Còn với chúng tôi, chúng tôi luôn muốn được cùng các anh làm chủ và xây đắp tương lai gia đình của hai người, chứ bị ép “ủy quyền” hay tự đánh mất quyền, là chúng tôi ấm ức và bắt đầu “bớt tôn trọng” các anh.
Và vì vậy, trong bài này, thay mặt chị em phụ nữ Việt Nam (dám hoặc không dám nói ra), tôi đề nghị việc đầu tiên các anh phải làm là cùng với vợ (chúng tôi đây) giữ lấy quyền quyết định việc nuôi dạy con cái của chính mình. Chúng tôi luôn mong muốn được bàn bạc và thống nhất với các anh (những người chồng yêu quý của chính chúng tôi) để nuôi dạy con nên người. Chúng tôi mơ ước được cùng chồng quyết định mọi việc trong gia đình RIÊNG CỦA MÌNH, trong đó có việc tối quan trọng là sinh con, và nuôi dạy chúng khôn lớn.
Các bà mẹ trẻ hay than rằng: “Chồng em khoán trắng việc nuôi dạy con cho em. Vợ chồng cãi nhau tối ngày”, “Chồng em cho rằng việc giáo dục, chăm sóc con là của đàn bà. Em stress quá!”, “Chồng em làm hư con, em nói không được. Bực quá” và hay hỏi: “Làm gì khi cha mẹ trái ngược quan điểm trong cách dạy con?”. Tôi trả lời: “Cá nhân tôi chọn cách chia tay”.
Dù không trợ cấp, không thăm hỏi, dù con tôi có thiệt thòi hơn bè bạn vì không có bố trong đúng những năm tháng cần bố nhất của cuộc đời, nhưng con sẽ thông minh hơn, vui vẻ hơn trong một môi trường lành mạnh. Còn con có yêu thương bố hay không, là do chính người bố. Tôi biết tôi đang chống lại số đông vì với câu “Một sự nhịn là chín sự lành”, hầu như khi nghe ai tâm sự xin lời khuyên về ly dị, ít người dám nói: “Bỏ đi em, hãy can đảm một mình dắt con đi nốt chặng đường dài và ngẩng cao đầu, nghiến răng lại mà đi”. Tôi không ủng hộ việc giải quyết tất cả các mâu thuẫn bằng kết cục ly dị. Tôi chỉ muốn khuyên đừng vì con mà buộc mình phải sống với một người bố vô trách nhiệm. Những đứa trẻ vẫn lớn lên, vẫn vui vẻ, hồn nhiên và hạnh phúc, thậm chí có thể có cuộc sống lành mạnh hơn vì không bị sự can
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
thiệp trái chiều từ quá nhiều người. Và vì một mình, tôi có đủ kiến thức và tình yêu thương để nuôi và dạy con khôn lớn.
Dạy con là ĐẶC QUYỀN của CHA MẸ. Và nếu chúng ta không dạy sẽ có người khác dạy con của bạn. Đó là TV, hàng xóm, bạn bè, đường phố. Đó có thể là những người đàn ông, đàn bà khác yêu con bạn hơn chính bạn vì những mục đích mà chỉ riêng họ biết.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
... Con cứ bay cao bay xa đi, con gái yêu của mẹ. Mẹ biết dù ở nơi đâu, trong trái tim con vẫn có hình ảnh mẹ. Cuộc đời này ngắn lắm, con đừng bỏ phí. Hãy sống sao cho không bao giờ phải quay đầu lại hối tiếc cho thời gian đã qua đi!
PHẦN II: Định hình thói quen và nền tảng đạo đức
Tôi xác định đây là đề tài khó nhất khi bàn về nuôi dạy con. Vì sao vậy?
∙ Như tôi đã nêu rõ trong bài viết đầu tiên, cái thuộc về quan điểm cá nhân thì không thể nêu ra như một mô hình chung để người khác dễ dàng làm theo.
∙ Những cá tính, thói quen được coi là tốt đối với gia đình này lại có thể là không thể chấp nhận được đối với gia đình khác.
Khó hơn nữa là bàn về định hình nền tảng đạo đức cho con, đặc biệt là trong tình hình xã hội hiện nay, ví dụ:
∙ Tôi có thể muốn con lớn lên phải là người trung thực, thẳng thắn. Nhưng nhiều người sẽ phản bác với lý luận: sống trong xã hội như bây giờ, trung thực, thẳng thắn là dại và luôn chịu thiệt thòi.
∙ Tôi muốn con sẽ là người nhạy cảm, thương người, luôn biết thông cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Nhưng trong thực tế xã hội, biết bao trái tim nhân hậu khô cằn dần vì bị lợi dụng, thậm chí bị lừa đảo.
Do vậy, việc phân định đúng – sai – tốt – xấu là không thể và cũng không phải mục đích các bài viết của tôi về đề tài này. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu đó là những chia sẻ kinh nghiệm tôi đã làm (trên cơ sở quan điểm và kiến thức do tôi tích lũy từ sách báo), trên cơ sở đó giúp con gái định hình cá tính, thói quen và nền tảng đạo đức. Những ai không cùng quan điểm cũng có thể dựa một phần trên phương pháp này để tạo cho con những nền tảng mà gia đình mình cho là tốt. Việc này đòi hỏi sự thống nhất của các thành viên trong gia đình sau khi xác định được mục đích và đưa ra các bước thực hiện. Bạn cũng phải xác định: có một đôi mắt nhỏ luôn theo dõi, chụp ảnh các hành động của từng thành viên trong gia đình, đôi tai nhỏ luôn nghe và so sánh những gì bạn nói với việc bạn làm. Do vậy, tất cả những gì xảy ra nằm trong hoặc ngoài tầm kiểm soát của bạn phải được giải thích rất rõ ràng, rành mạch, chứ không thể bỏ qua hoặc lấp liếm với một cái tặc lưỡi: “Nó còn nhỏ, biết gì, sẽ quên ngay thôi mà”. Trẻ con không bỏ qua cái gì và những việc bạn làm hôm nay sẽ được trẻ lặp lại, có thể
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
với hình thức khác hẳn, khiến chính bạn phải ngạc nhiên: “Sao con mình lại có tính đó, ai dạy nó vậy?”. Trong quá trình phân tích các ví dụ, tôi sẽ có nhiều cơ hội chứng minh quan điểm này.
Lúc mang bầu, tôi dành nhiều thời gian để ngẫm nghĩ: “Vậy mình muốn con trở thành người thế nào về các mặt: tri thức, cá tính, thói quen và đặc biệt là đạo đức?”. Tôi lôi về hàng đống sách, chủ yếu là sách giáo dục con cái của các tác giả Mỹ và Anh, rồi cắm đầu đọc để có cơ sở lựa chọn. Kết quả là tôi viết lại trên ba tờ giấy những điều mình cho là đúng. Lại tìm tiếp sách để học xem muốn con lớn lên có những chất lượng mình chọn thì phải làm gì.
Trước tiên, tôi sẽ nói về lựa chọn các cá tính và thói quen mà tôi muốn con có, đó là: 1. Về ăn uống:
∙ Dễ dàng, không cầu kỳ, để sau này con có thể thưởng thức mọi loại đồ ăn ở mọi nơi, miễn là hợp vệ sinh.
∙ Ăn uống sao cho luôn khỏe mạnh, không bị béo phì, cũng không gầy giơ xương như một số các cô gái hiện đại. Muốn thực hiện hai điều này, tôi sẽ luyện cho cháu: Ăn nhiều rau và trái cây, các loại ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế tối đa uống các loại nước giải khát có đường, ăn rất ít bánh, kẹo, các loại đồ chiên, rán, cũng như các đồ ăn nhanh.
2. Về sinh hoạt:
∙ Tự lập trong sinh hoạt
∙ Kiên trì, quyết tâm
∙ Vệ sinh, gọn gàng
∙ Biết lập lịch sinh hoạt và tuân thủ lịch: ăn, ngủ, làm mọi việc đúng giờ
∙ Giản dị, không cầu kỳ về quần áo, nhưng lại phải có con mắt thẩm mỹ, mặc phù hợp hoàn cảnh. Biết lựa chọn những thứ hợp với mình, hợp với túi tiền
∙ Xem TV tối đa 15 phút/ngày
∙ Đọc sách càng nhiều và càng đa dạng càng tốt
∙ Tuyệt đối không chơi điện tử
∙ Tham gia tất cả các môn thể thao có thể
3. Quan hệ với bạn bè:
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Tôn trọng và chấp nhận sự đa dạng và khác biệt về cá tính
∙ Càng nhiều bạn bè càng tốt
∙ Nhường bạn trong những việc không thuộc về đạo đức và nguyên tắc
Những điểm nêu trên chỉ là ví dụ, tôi không thể nêu đầy đủ vì sẽ quá dài. Với thời gian, khi con lớn dần, tôi bổ sung những gì quan trọng phù hợp với lứa tuổi nhưng còn thiếu, và lược bỏ bớt những gì được coi là đã hết ưu tiên. Với các điều liệt kê trên, cũng có một số cái tôi thất bại, nhưng không thể làm lại hoặc sửa vì đã qua mất cơ hội.
Xin các ông bố và bà mẹ nhớ rằng, điều quan trọng nhất mình có thể dành cho con không phải là tiền bạc, quần áo đẹp, thức ăn ngon hay nhà cao cửa rộng. Cái chúng cần nhất là sự yêu thương được thể hiện đúng cách, là thời gian các bạn dành để giúp các con bước vào đời. Hãy cố gắng dành ít nhất hai tiếng mỗi ngày với trẻ, nếu bạn không thể sắp xếp được nhiều hơn. Xin các ông bố bớt tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt hoặc “chém gió” bên cốc cà phê để đọc cho con nhỏ nghe vài trang sách. Tắt TV, nếu không muốn bé sau này thành “tín đồ” của TV. Một nghiên cứu đã xác nhận: trí thông minh của trẻ con tỉ lệ nghịch với thời gian xem TV. Tôi tuyệt đối không cho con tôi xem TV, cho đến lúc con lên 6. Và kết quả là nó chỉ thích đọc, không hề muốn xem bất kỳ chương trình TV nào.
Hãy yêu thương, san sẻ và chân thành với những người xung quanh trẻ (ví dụ với người giúp việc), vì mình yêu thương họ thì họ sẽ yêu thương con mình. Đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của mọi người, bao giờ cũng thành con người cởi mở, nhân hậu, biết chia sẻ.
Đi vào chi tiết của việc nuôi dạy con, tôi sẽ chia sẻ về những cách cụ thể để tạo thói quen và nền tảng tốt cho các bé (từ ngày đầu tiên sinh ra).
∙ Trước tiên nói về thói quen ăn uống: muốn cho con dễ dàng trong việc ăn uống và sau này biết lựa chọn ăn những thứ tốt cho sức khỏe.
Chính bố mẹ phải có tâm lý nhẹ nhàng về việc ăn của bé: ăn theo nhu cầu, tuyệt đối không ép. Ép sẽ dẫn đến làm bé bị ói và sợ, rồi dẫn đến chán ăn. Theo tôi quan sát, 100% các trường hợp bé lười ăn là do bị ép dưới hình thức này hoặc khác, thậm chí ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Sách vở hoặc các bác sĩ có thể nói: cứ 1 kg cân nặng thì bé phải ăn được ít nhất lượng sữa là bao nhiêu ml/ngày. Vậy là các ông bố bà mẹ liền lấy đó làm “chân lý” và khổ sở để tính, đếm, rồi ép bé ăn bằng được cho đủ. Thực ra, đó chỉ là gợi ý vì các bé có nhu cầu khác nhau (cũng như người lớn). Vì vậy, không thể có một tiêu chuẩn cứng nhắc áp dụng cho tất cả các trường hợp. Bé này có thể ăn nhiều hơn (1000ml/ngày), còn bé kia ít hơn (500ml/ngày), không có gì là lạ. Miễn là các bé khỏe mạnh, vui vẻ, không ốm, biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao đi lên, chứ không cần mỗi tháng nhất định phải lên ít nhất là 1kg.
Các bà mẹ Việt Nam coi ăn uống là quan trọng hàng đầu trong việc nuôi con và dành hầu hết thời gian quý báu cho việc này, tôi xin chia sẻ về hai vấn đề:
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Tập cho bé thói quen ăn uống khoa học là cơ sở định hình một trong những thói quen quan trọng nhất của con người sau này.
Từ tháng thứ Bảy, nên tập cho bé ăn cháo loãng. Mấy ngày đầu, bé có thể bị ọe hoặc ói một chút. Tập rất từ từ, lấy cho bé từng chút một, để bé tự đút. Nếu bạn đã cho bé tập nhai từ lúc 3 tháng rưỡi thì chỉ sau 3 – 4 ngày, bé có thể ăn cháo loãng ngon lành. Nếu bé chưa biết nhai, bạn phải thực hành lại bước tập nhai trước, nếu không bé sẽ nuốt chửng như khi ăn bột hoặc đồ xay nhuyễn và sẽ bị ói nhiều. Nên cho bé làm quen từ từ với tất cả các loại đồ ăn (trái cây, rau, củ, các loại thịt, cá, gạo, mì...). Nguyên tắc là từ tháng thứ 10, bạn có thể tập cho bé ăn cơm nát và từ tháng thứ 11, người lớn ăn gì bé có thể ăn đó. Đừng cho bé kiêng cữ gì, nếu không có lý do đặc biệt. Ví dụ, khi đi ăn phở, cứ cho bé ăn tô phở với đầy đủ rau thơm, hành lá (bạn có thể yêu cầu nhà hàng nhúng vào nước sôi cho chín hơn). Nếu bạn coi là bé không thể ăn gia vị và vớt hết ra thì khi lớn lên, bé sẽ có thói quen ăn phở không gia vị. Hãy tìm các loại sách nói về ích lợi của việc ăn uống lành mạnh (sách có tranh đẹp là tốt nhất), cùng đọc với con. Nói chuyện với con về những thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe. Hãy chất nhiều trái cây tươi trong tủ lạnh, thay vì nước ngọt và bánh kẹo. Cho bé uống nước cam vắt (không cần cho thêm đường), nước táo tươi ép, thay vì cho bé làm quen với nước uống có ga. Từ bé đến giờ, con gái tôi không hề uống các loại nước ngọt đóng hộp hoặc đóng chai. Cháu sẽ chọn nước trái cây, rau củ tươi, hoặc nước trắng. Nếu bạn không thích con có thói quen ăn các loại đồ ăn vặt chiên giòn, đừng mua cho con. Động viên con ăn rau trong mỗi bữa cơm. Và điều quan trọng nhất là muốn con có thói quen ăn uống lành mạnh, bạn phải làm gương và cũng phải dành thời gian để đảm bảo bữa ăn của con đủ dinh dưỡng.
∙ Luyện cho con có các thói quen tốt trong sinh hoạt, ví dụ:
o Tự lập
o Kiên trì, quyết tâm
o Vệ sinh, gọn gàng
o Biết lập lịch sinh hoạt và tuân thủ lịch: ăn, ngủ, làm mọi việc đúng giờ
o Giản dị, không cầu kỳ về quần áo, nhưng lại phải có con mắt thẩm mỹ, phù hợp hoàn cảnh. Biết lựa chọn những thứ hợp với mình, hợp với túi tiền
o Xem TV tối đa 15 phút/ngày
o Đọc sách càng nhiều và càng đa dạng càng tốt
o Tuyệt đối không chơi trò chơi điện tử
o Tham gia tất cả các môn thể thao có thể
Để con tự lập, bố mẹ phải quyết tâm và kiên trì, ngay từ thời điểm bé được sinh ra. Bạn hãy để bé tự quyết định bú bao nhiêu sữa là đủ, rồi tự ngủ khi thấy buồn ngủ – đó là những bài học đầu tiên. Đừng tạo thói quen phụ thuộc theo kiểu: phải bế ru hoặc ngậm ti mẹ thì bé
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
mới ngủ, hoặc hễ khóc là phải bế lên dỗ... Nhưng lại phải đọc được tín hiệu khi bé cần bạn: bé đói, bé đau hoặc khó chịu, để an ủi và tỏ tình yêu thương đúng lúc và đúng cách. Hãy thủ thỉ nói chuyện với con về tất cả mọi việc với cách diễn tả đơn giản, dễ hiểu ngay từ ngày đầu tiên. Kiên trì dạy bé làm từng việc nhỏ, động viên khi bé chán nản, không bao giờ được mắng vì bé chưa làm được tốt việc gì đó. Tôi mất hơn 2 tuần để dạy con gái bò lên bò xuống cầu thang, từ lúc con được 8 tháng. Tôi cầm từng bàn chân, bàn tay bé để đặt vào các vị trí của bậc thang, mồm giải thích rất rõ ràng mỗi động tác, rồi bò lên thì con trước, mẹ sau; bò xuống thì mẹ trước, con sau. Con biết bò cầu thang, tôi mới nhận ra là mình bắt đầu bị đau lưng, nên mới tập “suối nguồn tươi trẻ”. Con gái tôi biết tự bò cầu thang trước khi biết đi, bò lên bò xuống rất nhanh và tự hào về điều đó lắm. Tôi cũng luyện cho con tính kiên trì bằng cách: cùng con làm đến cùng những gì đã được bắt đầu, quyết không bỏ dở giữa chừng. Tôi cho con tập bơi lúc 3 tuổi và để bé chịu tập bơi, dù rất sợ nước nhưng đến lúc đó, tôi cũng lui cui tập bơi. Nhờ tập bơi cùng con, mà bây giờ, hai mẹ con có niềm vui là có thể bơi và chơi các trò chơi dưới nước một cách tự tin khi đi biển.
Hãy tập cho con thói quen ăn mặc hợp hoàn cảnh, hợp túi tiền. Ví dụ, đi biển thì mặc váy ngắn hoặc quần sooc, đi học mặc đồng phục. Nếu trước mặt con, bạn bàn tán với bạn bè và tỏ ra say mê hàng hiệu, bé sẽ thích dùng hàng hiệu từ lúc còn bé, không phải vì thẩm mỹ hoặc giá trị sử dụng mà chỉ vì nghĩ hàng hiệu sẽ nâng giá trị con người lên.
Tôi có thói quen là khi làm gì cũng nói với con theo kiểu bàn bạc. Ví dụ, trước khi đi đâu, tôi lấy một tờ giấy, ngồi cùng bé để liệt kê các đầu việc sẽ làm, các thứ cần mang theo, những điều cần lưu ý. Tôi làm điều này từ lúc con khoảng 9 tháng tuổi và không ngờ tác dụng lại tốt thế. Con gái tôi biết cách lập kế hoạch cho các việc phải làm từ rất sớm, thậm chí trước khi bắt đầu đi học lớp 1. Lúc bé 3 tuổi, chuẩn bị đi đâu là cháu tự soạn quần áo, vật dụng, tôi không cần làm hộ.
Thú thật, tôi thất bại khi dạy con sắp xếp đồ đạc, vật dụng cá nhân trong nhà ngăn nắp. Lý do là vì chính tôi không biết làm sao cho ngăn nắp. Bàn làm việc của tôi luôn bề bộn toàn sách và tài liệu. Tủ quần áo sắp xếp không khoa học và con gái tôi cũng bị tình trạng tương tự. Đúng là “Mẹ nào con nấy”, chẳng đổ cho ai được.
Để con không có thói quen xem TV nhiều, tôi phải gương mẫu nên cũng bỏ được việc cứ ở nhà là bật TV lên. Tôi dành rất nhiều thời gian đi hiệu sách cũng như đọc sách cùng với con. Tôi không chơi điện tử nên con cũng như vậy.
Về các khái niệm đạo đức thì sao? Tôi nghĩ phần này sẽ khó nhất và vì vậy, chần chừ mãi chưa biết phải tiếp cận vấn đề thế nào để ít bị ném đá. Quan điểm về đạo đức của con người là phạm trù rất rộng, có thể gây những tranh cãi nảy lửa, không có hồi kết.
Vì vậy, trong bài viết này, tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân và chia sẻ những cách tôi đã dạy con ra sao, không hề có ý công kích quan điểm của ai khác hoặc phê phán những thói xấu của người Việt Nam mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực thời gian qua.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Khi con chuẩn bị ra đời, tôi đã hiểu rõ một nguyên lý rất quan trọng: với trẻ con một vấn đề sẽ chỉ có một tiêu chuẩn. Trí óc chúng còn non nớt, các bé chưa thể hiểu được khái niệm theo kiểu: “Đi với bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma mặc áo giấy”. Các bé sẽ không chấp nhận “double standards” – “Tiêu chuẩn kép”. Do vậy, mặc dù sống trong gia đình có ba thế hệ, tôi dùng quyền của người mẹ (và tôi xác định là tôi có quyền đó, kể cả về tình và lý) để yêu cầu mọi người: hãy để tôi được toàn quyền quyết định nuôi và dạy chính con tôi. Bây giờ, nghĩ lại, tôi mới thấy mình đã thực hiện được điều đó, mặc dù nó cực kỳ khó khăn, chứ không hề đơn giản.
Lúc đó, đầu tiên, tôi liệt kê các tiêu chí rõ ràng về đạo đức mà tôi muốn con có trong tương lai:
∙ Trung thực, không dối trá trong mọi trường hợp.
∙ Công bằng
∙ Thẳng thắn, dám đối diện với cái xấu để bảo vệ cái tốt
∙ Luôn giữ lời hứa
∙ Có trách nhiệm với các hành động của mình
∙ Cố gắng hết sức trong những việc phải làm (tiếng Anh hay dùng là Try your best), nhưng không cay cú, ăn thua với kết quả đạt được.
∙ Không ghen tị với bất cứ ai, về bất cứ việc gì.
∙ Dũng cảm, dám chấp nhận rủi ro sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần và đủ để thực hiện.
∙ Danh sách này có thể được thay đổi, thêm hoặc bớt theo thời gian, cho đến khi con lớn lên.
Với mỗi điều, tôi lại phải liệt kê các hành động mình phải làm để có thể dạy bé bằng những cách cụ thể. Trẻ con sẽ quan sát người lớn làm gì, cháu làm nấy chứ không thể tiếp thu những bài học dài dằng dặc về đạo đức. Lấy ví dụ, chắc bậc phụ huynh nào cũng tán thành là phải dạy con trung thực, không dối trá. Nhưng liệu có nhiều người suy nghĩ thấu đáo về các trường hợp xảy ra hàng ngày trong gia đình, vô tình gieo vào đầu cháu là người lớn nói dối, rồi chúng sẽ làm theo?
∙ Để bắt bé ăn thêm vài thìa cháo, một cách rất thông dụng là các bà, các bậc bố mẹ hoặc người giúp việc sẵn sàng lấy bất cứ điều gì dọa bé: gọi chú công an, gọi ông ngáo ộp, dọa nhốt vào phòng tắm, vứt xuống bể bơi... Đó có phải là nói dối? Rồi khi bé đang chơi ở nhà hàng xóm, không muốn về nhà, người lớn bèn nói dối là rủ bé đi công viên rồi bế thốc về nhà mình, mặc cho bé gào thét . Đó có phải là
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
đánh lừa bé? Khi con lớn lên một chút, bé bắt chước mình để nói dối hoặc để lừa ai đó, ta vô tình chối bỏ ngay trách nhiệm: “Không biết ai dạy nó, chứ nhà tôi không bao giờ dạy nó nói dối hoặc lừa đảo”.
∙ Có một lần, lúc con tôi hơn 1 tuổi, đang chơi gì đó rất say sưa. Bà ngoại đi qua, yêu quá, đẩy đồ chơi của bé ra, ôm lấy bé hôn hít ầm ĩ. Bé khóc ré, hét lên: “Bà ngoại hư, quấy rầy con, về con mách mẹ”. Bà giận lắm, đợi tôi về để mách ngay, chắc chờ tôi mắng cho cháu một trận. Lúc đó, tôi biết là hơi gay go, bèn bình tĩnh hỏi bà: “Mẹ ơi, vậy lúc mẹ đang nhặt rau, cháu ra giằng rổ rau rồi bắt bà chơi với cháu, bà nói gì?”. Sau đó, tôi nhẹ nhàng phân tích cho mẹ: “Nếu người lớn đang bận mà bé quấy rầy, ta mắng bé. Vậy khi bé đang chơi, tức là làm việc của bé, bà muốn hôn cháu, thì nên hỏi nó: ‘Bà yêu quá, bà hôn cháu nhé?’” Với bé, tôi giải thích là vì bà yêu thì mới muốn hôn con, nhưng đáng ra bà phải hỏi trước. Nếu con không thích, chỉ việc nhẹ nhàng nói là con đang bận chứ không nên hét tướng lên. Sau đó, tôi thuyết phục mẹ xin lỗi cháu trước vì quấy rầy khi bé đang làm việc và bé thì xin lỗi bà vì đã nói năng không lịch sự. Sau khi hai bà cháu xin lỗi nhau xong, bé chu mỏ ra nói với bà: “Bây giờ con đang rỗi, bà muốn hôn bao nhiêu cũng được”. May quá, mẹ tôi là người không khó tính và không bảo thủ.
∙ Khi chưa có bé, có lúc ai đó gọi điện thoại đến nhà, thấy tôi mệt, chị tôi có thể nói đại là tôi đi vắng. Chợt một lần, bé hỏi tôi: “Mẹ ơi, bác nói dối. Mẹ đang ở trên nhà mà bác bảo mẹ đi vắng”. Tôi liền nói bác xin lỗi bé là lỡ nói dối và yêu cầu cả nhà từ sau không được nói dối bất cứ ai, về bất cứ việc gì, để bé được lớn lên một cách lành mạnh trong không khí trung thực.
Vậy ta phải làm gì để bé lớn lên thành người trung thực:
1. Người lớn không được nói dối về bất cứ điều gì. Bạn có thể giải thích một cách ngắn gọn, đủ để bé hiểu về các sự việc xảy ra, hoặc thậm chí nói: “Con còn bé, bao giờ con đủ lớn mẹ sẽ giải thích”. Tuyệt đối không được nói dối hoặc lấp liếm, nghĩ là bé còn nhỏ không biết gì.
2. Khi con lớn lên, một điều nữa các bậc bố mẹ hay nói dối, là về tài sản.
Với quan điểm sợ con biết nhà có tiền sẽ ỷ lại và không chịu học, các bậc bố mẹ luôn nói với con: nhà rất nghèo, không có tiền cho con đi du học, nếu con không kiếm được học bổng. Rồi kèn kẹt khi con có nhu cầu thật sự chi tiêu cái gì đó. Các bạn có biết rằng bằng cách đó, mình đang vô tình dạy con nói dối, keo kiệt và coi đồng tiền được làm ra để mang giấu kỹ?
Một trường phái khác lại dạy con phung phí tiền bạc từ rất sớm vì nghĩ nếu được đáp ứng đủ nhu cầu, con sẽ thấy hạnh phúc. Một sai lầm nghiêm trọng. Đồng tiền thường làm hư con trẻ. Nếu bạn không dạy chúng về giá trị lao động để kiếm tiền cũng như giá trị đồng tiền, cách tiêu pha sao cho hiệu quả, để mang lại lợi ích cho bản thân và cho mọi người.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
3. Có biết bao việc xảy ra trong nhà, ngoài đường mà bạn có thể biến thành cơ hội để trao đổi với con. Thông qua đó, bạn sẽ giúp con định hình quan điểm, cách suy nghĩ, cách phân tích và giải quyết vấn đề một cách có logic. Ví dụ, có lần con đi chơi, thấy một bà mẹ đang chửi rủa con vì con đem cho bạn nó cái gì đó: “Sao tôi khổ thế này, con dại cái mang, mày ăn gì mà mày ngu thế hả con? Cứ đem cho đi, rồi về lại gào lên đòi mua cái khác”. Tôi bèn chủ động hỏi con suy nghĩ sao về sự việc xảy ra. Con bảo nếu mình là bạn đó thì sẽ xấu hổ và sợ lắm. Rồi con thắc mắc: “Sao bạn ấy làm việc tốt mà lại bị mắng hả mẹ?” Tôi bèn thủ thỉ giải thích với con quan điểm của mình:
∙ Đồ chơi do mẹ bạn bỏ tiền mua, trước khi cho ai, bạn phải hỏi mẹ.
∙ Nếu gia đình người được cho nghèo, không đủ tiền mua thì giúp đỡ người không may mắn là việc tốt. Nhưng nếu nhà bạn đó cũng có tiền thì nên để bạn tự xin bố mẹ bạn mua.
∙ Nếu một người được cho nhiều thứ mà không phải làm gì, lâu dần họ sẽ ngồi chờ để xin xỏ, trở nên lười biếng. Lớn lên họ có thể đi ăn xin thay vì làm việc để nuôi thân. Họ có thể “giả nghèo, giả khổ” để xin tiền từ thiện.
∙ Tôi cũng nói rõ là thái độ bà mẹ trên rất không tốt, có thể bà ta nghĩ nếu sỉ nhục con làm nó xấu hổ, thì lần sau nó không dám làm nữa. Tôi không bao giờ làm vậy với con mình.
Còn rất nhiều ví dụ tương tự, diễn ra quanh ta hàng ngày hàng giờ. Nếu những người lớn xung quanh dành thời gian để thủ thỉ giải thích, nghe chính kiến của con, thì sẽ dần dần định hình cho con được những cá tính tốt đẹp mà mình mong muốn.
4. Hãy quy định những hình phạt hợp lý nếu con nói dối. Như vậy, để công bằng, khi người lớn nói dối bị bé phát hiện, người lớn cũng bị phạt. Nghe thì buồn cười, nhưng điều đó rất quan trọng.
Người lớn trong nhà không chỉ cần thống nhất quan điểm về việc dạy con mà phải cùng nhau bàn bạc chi tiết từng sự việc xảy ra, để thống nhất hướng giải quyết. Cũng phải có ai đó có tiếng nói cuối cùng về một vấn đề và người đó nên là bố (hoặc mẹ). Ở Việt Nam, điều khó nhất là ai cũng có quyền can thiệp vào việc nuôi con của một cặp vợ chồng: nào là ông bà nội ngoại. Rồi còn cô, dì, chú bác, hàng xóm, khách khứa, bạn bè... Hãy để cho bố mẹ đứa trẻ có toàn quyền chuẩn bị và quyết định các vấn đề liên quan đến con cái: bao giờ đẻ, chuẩn bị thế nào, nuôi con ra sao. Hãy đặt trách nhiệm lên vai chính cặp vợ chồng đó: không gây sức ép, không tranh quyền nuôi con hộ cho bố mẹ chúng. Nếu ông bà có thời gian để giúp đỡ các con trông cháu, rất tốt. Nhưng xin hãy làm theo những gì vợ chồng đứa con yêu cầu, kể cả khi điều đó trái với ý mình. Và vì mình tự nguyện làm, cũng đừng than phiền là vì bố (mẹ) chúng bỏ bê con nên mình vất vả. Nếu các con không cần sự giúp đỡ đó mà tự lo được việc nuôi dạy con, hãy động viên chúng và thấy vui vì điều đó: con đã tự lập, tự biết chịu trách nhiệm về gia đình riêng của mình.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Còn các ông bố bà mẹ trẻ đừng vì giữ không khí yên ấm giả tạo trong gia đình mà cho phép bố mẹ hoặc bất cứ ai khác can thiệp sâu vào việc của gia đình mình, đặc biệt là liên quan đến con cái. Hãy giải thích nhẹ nhàng, nhưng thật rõ ràng (không né tránh) với các cụ: đó là trách nhiệm của vợ chồng bạn. Khi cần các cụ giúp đỡ, cũng nên trao đổi rõ là các bạn muốn các cụ giúp thế nào. Lúc đầu, các cụ (đặc biệt là các bà mẹ chồng) có thể nổi giận nhưng nếu rõ ràng được ngay từ đầu, sẽ tránh rắc rối về sau, có thể dẫn tới mâu thuẫn lớn, thậm chí là đổ vỡ. Một điều rất quan trọng: Xin các bà mẹ chồng đừng nói xấu con dâu với các cháu của mình hoặc sử dụng các cháu như công cụ để “chiến đấu” với con dâu.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
4 tháng đầu tiên của cuộc đời
Bây giờ tôi sẽ nói về nuôi dạy bé trong 4 tháng đầu tiên của cuộc đời:
1. Luyện thói quen ngủ đêm: Cứ nghĩ đến cảnh cả nhà thay nhau thức đêm để cho bé ăn, ai cũng thấy ngán. Nhưng chắc không nhiều người biết: có thể luyện để các bé ngủ liền một mạch 8 – 10 tiếng/ đêm chỉ sau 2 tháng. Con gái tôi ngủ ngon lành từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng lúc 2 tháng 10 ngày. Các bạn phải kiên trì. Nguyên tắc để luyện là từ ngày đầu tiên, giúp để các bé có thể phân biệt giữa giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm.
∙ Vào ban ngày: Không nên cho bé ngủ quá 2 tiếng/giấc. Hãy đưa bé ra khỏi phòng ngủ lúc 6 – 7 giờ sáng, rửa miệng, mặt, tay, chân, thay tã và quần áo. Cho bé bú cữ sáng, rồi có thể cho phơi nắng độ 15 phút. Nếu bé buồn ngủ, cố đánh thức bằng mọi cách (rửa mặt, cù chân...), cố giữ đến độ 10 giờ, cho bé ăn một cữ rồi cho ngủ. Đặt bé ngủ ngày ở phòng khách, không cần kéo rèm, cả gia đình cứ sinh hoạt bình thường. Có thể bật nhạc vừa phải, không cần và không nên giữ yên lặng. Bằng cách này, bé sẽ nhận ra rằng giấc ngủ ngày thì ở nơi ồn ào, có ánh sáng, chứ không thoải mái, mát mẻ hoặc ấm cúng như ngủ đêm. Chỉ nên cho bé ngủ tối đa 3 giấc ban ngày và chậm nhất phải đánh thức dậy lúc 5 – 6 giờ chiều.
∙ Vào ban đêm: Quãng 7 giờ tối, cho bé ăn, chơi với bé một lúc, sau đó tắm rồi đưa bé vào phòng ngủ: kéo rèm, tắt hết điện, tạo cho bé điều kiện thoải mái nhất trong khả năng có thể. Lưu ý là nhiệt độ phù hợp với trẻ con lúc ngủ là 22 – 25oC, tất nhiên phải cho bé mặc đồ ấm và đắp chăn vừa phải. Ở nhiệt độ này, thần kinh bé thư giãn nhất, bé ngủ ngon và phát triển trí tuệ tốt hơn. Các bậc bố mẹ Việt Nam luôn có tâm lý sợ con bị lạnh, thật sai lầm! Các bé chịu lạnh rất giỏi. Tôi nghĩ hầu hết trẻ con Việt Nam viêm đường hô hấp vì lý do bị ủ nóng quá nên không thể quen với sự thay đổi nhiệt độ. Có những em bé bị ủ kín suốt ngày trong quần áo ấm, mặc dù nhiệt độ ngoài trời là 35 độ!
∙ Quãng 10 hoặc 11 giờ, đánh thức bé dậy cho bú một cữ nữa, rồi cho bé ngủ tiếp.
Nếu kiên trì thực hiện theo cách trên, thường thì sau 2 – 3 tháng, bé sẽ ngủ được nguyên giấc đêm, không còn làm bố mẹ kiệt sức vì thiếu ngủ.
2. Phát triển trí tuệ: Hãy bắt đầu từ ngày đầu tiên
∙ Đọc sách cho bé nghe: Các bạn mua loại sách chữ thật to, mỗi ngày đọc cho bé độ 3– 4 lần, mỗi lần quãng vài phút, rồi tăng dần lên 30 phút. Đọc thật rõ ràng, chậm rãi, khi đọc đến từ nào, chỉ ngón tay vào dưới từ đó để giúp cho bé liên hệ giữa âm thanh và mặt chữ. Sau 3 năm tôi đọc cho con nghe theo kiểu này, bé tự biết đọc.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Một hôm, lúc con hơn 3 tuổi, tôi đang đọc cho bé nghe, nó hòa giọng đọc theo. Tôi ngừng lại, nó vẫn đọc tiếp. Làm việc này, bạn sẽ phát triển được cho con cả kỹ năng nghe và kỹ năng đọc hiểu.
∙ Nói chuyện thường xuyên với bé: Luôn nhìn thẳng vào mắt bé khi nói chuyện. Hãy nói với bé về nhiều đề tài, nói một cách rõ ràng, không được dùng giọng nựng trẻ con. Làm như vậy, bạn giúp bé sau này phát âm chuẩn, nói năng rành rọt. Hễ làm gì, tôi tả ngay cho con nghe, ví dụ: “Mẹ mở cửa sổ ra con nhé! Con sẽ thấy ánh sáng tràn vào nhà. Kia là mặt trời, mặt trời mang lại sự sống cho trái đất...” Tóm lại, tôi nói suốt ngày, nhiều lúc cứ tự cười mình là dở hơi. Để ý thì tôi thấy chỉ sau vài ngày, cháu đưa mắt nhìn theo hướng tôi nói một cách rất chăm chú. Có lẽ nhờ vậy, chỉ 13 tháng, con tôi đã nói rất rành rọt, sử dụng được nhiều câu dài và từ tương đối phức tạp.
3. Trong bốn tháng đầu tiên, bé chỉ ăn sữa. Do vậy, việc ăn rất đơn giản. Điều quan trọng là không được ép ăn và để cho bé ăn theo nhu cầu. Việc bé bú ít hay nhiều là do nhu cầu cơ thể. Ép ăn chỉ làm cho bé ói và sợ ăn. Bạn phải làm sao để các bé cảm thấy lúc đói được cho bú là niềm vui lớn nhất tại giai đoạn này của sự phát triển. Các bà mẹ cứ hay dọa nhau là mỗi tháng bé phải lên được 1 kg, tôi thấy điều đó không cần thiết, đặt sức ép lên các bà mẹ, để rồi lại ép các cháu ăn – kết quả là bị ép thì ói, bắt ăn lại – tạo thành một vòng lẩn quẩn. Miễn là các bé lên cân, khỏe mạnh là đạt yêu cầu. Việc lên được bao nhiêu trong một tháng không quan trọng. Nếu bé bị táo bón, có thể thay đổi chế độ ăn của mẹ (thêm rau, trái cây...). Trong bốn tháng đầu, chưa nên cho ăn gì thêm, ngoài sữa. Hệ thống tiêu hóa của bé còn yếu, chưa sẵn sàng để ăn đồ ăn khác.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7
Với bài viết này, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trong giai đoạn từ 4 đến 7 tháng tuổi. Xin các bà mẹ lưu ý, tuy chỉ kéo dài 3 tháng, giai đoạn này cực kỳ quan trọng bởi nó quyết định sự thành bại trong việc giúp trẻ tự lập về ăn uống và các hoạt động khác như tập đọc sách, tập ngồi, tự tắm...
1. Chế độ ăn: Khi bé tròn 4 tháng là lúc nên bắt đầu cho bé ăn dặm. Mỗi ngày, tôi cho bé làm quen với 1 món ăn mới và cứ 2 – 3 ngày thì tăng thêm 1 bữa dặm, cho đến khi đủ 3 bữa. Trong giai đoạn này, bé chỉ được ăn các loại chất bột, rau và trái cây. Có thể cho bé ăn thêm trứng, tối đa 2 lần/tuần, mỗi lần chỉ một phần tư lòng đỏ. Nên cho bé ăn một loại đồ ăn/bữa, không nên kết hợp nhiều loại. Ví dụ sáng cho trái cây xay, trưa bột gạo lức, tối rau xay. Cách ăn này đem lại 2 tác dụng: thứ nhất, bé được làm quen với mùi vị của từng đồ ăn một cách riêng biệt, để phân biệt được các loại đồ ăn cũng như cách thưởng thức nó; thứ hai, việc ăn từng món sẽ giúp bé dễ tiêu hóa hơn và cũng giúp bạn phân biệt được món nào bé thích, món nào bé không thích, loại nào làm bé đi ngoài.
Bạn có thể làm nước cốt súp như sau: mua các loại củ và rau su hào, bắp cải, su su, súp lơ, cà rốt, củ cải (mỗi loại một ít), đun sôi nước, băm nhỏ các loại rau rồi cho vào nồi, khi sôi bùng lên thì hầm nhỏ lửa trong vòng 15 – 20 phút. Nhấc ra để nguội, lọc lấy nước, cho vào các hộp thủy tinh nhỏ để vào ngăn đá (mỗi hộp chỉ tối đa độ 30 – 50 ml cho tháng đầu, sau tăng dần theo khả năng ăn của bé). Tôi thường làm mỗi lần độ 60 hộp, đủ cho một tháng. Bạn có thể dùng nước này để quấy bột hoặc cho rau vào đun rồi xay cho bé ăn. Về bột, để đảm bảo bé ăn đủ chất, tôi mua quãng 20 loại gạo lức, mua cả lúa mì, lúa mạch, yến mạch... rồi xay khô mỗi loại độ 50 – 100gr, cho vào lọ đậy kín, để tủ lạnh. Mỗi bữa, tôi cho bé ăn một loại. Cũng nhờ cho bé ăn đủ loại bột mà không ở đâu bán mỗi loại 100 gr nên cả nhà tôi được ăn phần còn lại, vậy là “mua cho bé, cả nhà cùng được nếm”. Để đảm bảo cung cấp đủ chất xơ và vitamin cũng như khoáng chất, tôi chỉ dùng các loại ngũ cốc còn nguyên cám.
Lịch cho bé ăn dặm được tôi thực hiện như sau: Trong tuần đầu, mỗi ngày chỉ cho bé làm quen với một loại đồ ăn mới.
∙ Ngày 1: Đúng vào ngày bé tròn 4 tháng, sáng ngủ dậy, tôi cho bé ăn khoảng 20 ml trái cây xay (chỉ 1 loại quả), sau đó uống thêm sữa. Các bữa sữa trong ngày tôi giữ bình thường.
∙ Ngày 2: Sáng tôi cho bé ăn loại trái cây khác ngày 1.
∙ Ngày 3: Tôi cho ăn lại loại trái cây của ngày 1 vào bữa sáng. Bữa trưa tôi cho bé ăn 1 loại bột quấy với nước cốt rau. Trong bữa ăn, có thể cho bé uống nước cam hoặc táo ép tươi (tuyệt đối không dùng nước hộp).
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
∙ Ngày 4: Ăn trái cây cùng loại của ngày 2, ăn loại bột mới.
∙ Ngày 5: Ăn trái cây mới, ăn bột giống ngày 3.
Cho đến khi bé 2 tuổi, tôi không nêm muối hoặc đường vào đồ ăn.
Khi bé được 6 tháng, bạn có thể bắt đầu cho bé uống thêm sữa hộp (không có đường). Vì bé đã ăn dặm, nếu bạn cho bé ăn đủ dinh dưỡng, việc uống nhiều sữa công thức dành cho trẻ em không cần thiết nữa. Nên cho bé làm quen với nước trắng và uống thường xuyên.
Từ lúc bé được hơn 3 tháng, tôi đã bắt đầu cho bé tập nhai bằng cách lấy cà rốt sống, gọt vỏ rửa sạch, đưa cho bé từng khúc, bé sẽ cầm và cần cù gặm suốt ngày. Cứ quãng 1 – 2 tiếng (hoặc khi bé làm rơi), đổi cho bé khúc mới. Cũng lúc này tôi tập cho bé uống sữa bằng cốc có núm nên 4 tháng bé đã có thể tự cầm ly để uống, không cần bú bình nữa.
2. Tập cho bé tự ăn: 4 tháng, bé chưa biết ngồi, tôi cho bé ngồi ghế dựa hơi ngửa, tôi cầm 1 thìa, bé cầm 1 thìa. Tôi vừa xúc, vừa nói rõ ràng để hướng dẫn bé, ví dụ: “Hôm nay, con ăn món đu đủ xay. Biết tại sao phải xay không con? Vì con chưa có răng, gọi là Thu sún đấy!” Khi bé soi gương, tôi cũng nhe răng ra, rồi hai mẹ con cười lăn. Bằng hành động này, tôi muốn dạy bé tự chế giễu mình một cách hài hước. Rồi tôi cầm tay bé, giúp bé xúc và đưa vào mồm. Sau 1 – 2 tuần, bé không cho tôi cầm tay nữa mà giằng ra đế tự xúc, đưa thức ăn vào mồm thì ít, vào mũi, mặt, quần áo, thậm chí với tay đổ lên đầu, rồi vung vẩy đổ ra ngoài nhiều hơn. Bữa ăn của bé thường kéo dài khoảng 30 phút với đầy đủ các trò đùa do bé và tôi nghĩ ra, kết quả là chỉ sau độ hai tuần, bé tự ăn ngon lành, chẳng cần ai đút nữa. Tất nhiên, cũng phải độ 1 – 2 tháng sau, lượng thức ăn mới vào được mồm bé 50%. Tôi để cho bé chơi với đồ ăn, muốn bôi sao cũng được, sau khi ăn mới đi rửa ráy. Để không bẩn nhà, tôi thường đặt ghế ăn lên tấm nilon, nếu bé có vứt đồ ăn xuống, sàn không bị bẩn, đỡ công lau.
3. Tập các hoạt động khác:
∙ Tập ngồi: 5 tháng là lúc bạn nên tập cho bé ngồi. Tôi dạy bé ngồi như sau: giữ bé ngồi trên tấm đệm cứng, cho bé ôm quả bóng nhựa, đặt thêm con búp bê ngồi đối diện để làm mẫu. Tôi khuyến khích: “Con thấy bạn búp bê ngoan chưa, bạn ngồi đối diện con này. Vậy con ôm quả bóng, rồi ngồi giống bạn nhé”. Bé ôm quả bóng, lắc lư một lúc rồi ngã lăn kềnh ra. Thấy cả nhà vỗ tay, bé khoái lắm đòi tôi kéo dậy để ngồi tiếp. Sau vài ngày, bé đã có thể tự ngồi rất vững. Vậy là từ đó, đến giờ ăn, tôi cho bé ngồi trên bộ ghế ăn cao, sát với bàn ăn cả nhà, để bé có cảm giác được ăn cùng gia đình.
∙ Tập chơi với nước: Khi bé bắt đầu biết ngồi, mỗi ngày tôi cho bé chơi với nước 2 lần (tôi dùng nước máy bình thường, không cần pha ấm). Buổi sáng, sau khi ăn khoảng 1 tiếng, tôi lấy cái chậu nhựa, để các đồ chơi nước rồi cho bé cởi trần chơi 15 – 30 phút. Tôi giao hẹn rõ là chỉ chơi 15 - 30 phút và đến giờ thì rửa ráy cho bé rồi chuyển sang hoạt động khác. Tôi rất nhẹ nhàng nhưng cương quyết trong việc giữ lịch cho bé trước (thường thấy bé gật gật khi mẹ giao hẹn, lúc đó cũng không
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
rõ là bé có hiểu thật không) và tôi không hề có vấn đề với việc bé vòi vĩnh. Trẻ con rất nhạy cảm về kỷ luật: khi chúng thấy người lớn kiên trì giữ kỷ luật, thực hiện đúng những gì bạn nói, chúng sẽ tuân thủ rất tốt. Cuối giờ chiều, tôi cho bé vào bồn tắm (vào mùa hè hoặc khi ở trong Nam, tôi để nhiệt độ nước bình thường, không pha nước ấm). Tôi đặt cái ghế chuyên dùng cho bé tắm, để cho bé nghịch thoải mái, dạy bé dùng miếng bọt biển tự kỳ cọ cho mình. Cũng từ quãng 5 tháng, tôi thường xuyên cho bé ra bể bơi, đeo phao vào rồi hai mẹ con bì bõm.
4. Cùng đọc sách với bé: Bạn hãy biến sách thành người bạn thân thiết nhất của bé. Bất cứ ở đâu, khi có bé, tôi để đầy các loại sách dành cho trẻ con. Tôi tăng dần lịch đọc sách cho bé: hễ tôi rảnh là hai mẹ con ngồi đọc sách. Từ tháng thứ tư, bé đã biết chọn những quyển mình thích, giơ ra yêu cầu mẹ đọc. Lúc tôi bận, bé thường tự ngồi với sách, rồi ê a như đang đọc. Tôi khuyến khích bé đọc sách cho bà nghe, bé khoái lắm, ê a rất hăng. Nhiều lúc thấy bé cầm sách ngược làm tôi cười đau cả bụng.
5. Ngoài ra, lúc làm bất cứ việc gì, tôi đặt ghế cho bé ngồi cạnh, rồi dạy bé từng từ. Ví dụ, khi nấu ăn, tôi giơ miếng thịt gà, dạy bé phát âm, rồi giải thích cho bé là con gà trông ra sao, ăn thịt gà có lợi thế nào. Nếu có cơ hội, tôi chỉ cho bé con gà đang sống chạy ngoài sân. Bé chưa nói được, tôi không quan tâm. Tôi biết bé sẽ ghi nhớ những cái đó vào đầu. Tôi cũng bắt đầu dạy bé đếm đồ vật xung quanh. Khi ở nhà hoặc đi bất cứ đâu, tôi sử dụng mọi cơ hội để nói với con về các hiện tượng xảy ra xung quanh: một cái lá vàng rơi, một bông hoa tươi hoặc héo, một bà mẹ đang mắng con, hai người cãi nhau... đều có thể trở thành đề tài câu chuyện. Tôi giải thích cho bé hoa nở ra sao, các lý do làm cho hoa héo, rồi so sánh với con người. Những vấn đề liên quan đến con người (như bà mẹ mắng con, người lớn cãi nhau...), tôi đều đưa ra các lý do giải thích, các phương án có thể xử lý hoặc chính kiến của tôi cùng với lý do tôi có chính kiến đó. Thường thì tôi hay hỏi cháu: con nghĩ sao? Tất nhiên cháu chưa biết nói, nhưng nhìn vào mắt con, tôi biết nó quan tâm và hiểu. Các bạn lưu ý khi nói chuyện, các bạn phải tìm những từ ngữ dễ hiểu và diễn đạt sao cho dí dỏm, hài hước, ngắn gọn thì mới làm bé quan tâm. Cách làm này tôi học được chính từ việc đọc sách cho con nghe.
Như tôi đã chia sẻ trong một bài viết trước đây: trẻ dưới 3 tuổi ghi nhận các sự việc xảy ra xung quanh một cách gần như vô thức. Hệ thần kinh của bé sẽ chụp ảnh, ghi nhận, truyền tải tự động. Nếu bố mẹ kiên trì thực hiện những điều trên thì mỗi ngày một chút, trí tuệ bé sẽ được bồi đắp, kiến thức thấm dần. Cho đến một ngày, bạn có thể vui mừng chợt nhận ra: À, hóa ra nhờ vậy, con mình có hiểu biết hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa tuổi nhưng không có điều kiện được bố mẹ nuôi dạy đúng cách.
Cá nhân tôi luôn tin rằng: nếu con bạn không bị bệnh gì liên quan đến trí tuệ thì 99% trí thông minh là do được nuôi dạy sớm đúng cách, đúng lúc, chỉ một vài phần là do di truyền mà thôi.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Từ tháng thứ 7 đến tròn năm
1. Chế độ ăn: Khi bé tròn 6 tháng, bạn có thể bắt đầu cho bé làm quen với các loại đạm động vật như thịt, cá. Tôi không bao giờ dùng nước xương hầm vì thành phần có nhiều chất béo. Thường thì tôi xay thịt hoặc cá rồi quấy cùng bữa bột. Bước đầu, mỗi ngày chỉ cho bé ăn một bữa có đạm động vật, các bữa khác, tôi cho ăn thêm các loại đậu hạt (nấu với nước cốt rau rồi xay).
Bắt đầu từ thời điểm bé tròn bảy tháng, tôi ngừng cho ăn bột, chuyển sang ăn cháo loãng, nấu rất nhừ. Tất nhiên, trong 2 – 3 bữa đầu, cháu ọe liên tục, thậm chí bị ói. Các bà mẹ đừng nản lòng mà bỏ cuộc. Chỉ đến ngày thứ hai, chậm lắm là ngày thứ ba, bé sẽ ăn ngon lành. Nếu bạn cho bé ăn bột trở lại, bé sẽ nhè ra. Tôi cũng ngừng việc xay rau và trái cây. Với rau, tôi thái nhỏ, nấu nhừ với nước cốt. Với trái cây, tôi nghiền nhỏ các loại mềm như xoài, chuối, kiwi... với cam, tôi bóc vỏ lụa và cho bé ăn từng miếng nhỏ.
Mỗi ngày, tôi cho bé ăn 3 – 4 bữa dặm kèm với nước trái cây, hoặc sữa. Giữa các bữa này, tôi cho bé uống sữa tươi hộp loại một lít, nguyên kem. Tôi chỉ sử dụng sữa ít béo khi bé tròn 3 tuổi. Mỗi ngày, tôi cho bé ăn 1 thìa cafe dầu olive (extra virgin), trộn vào canh hoặc cháo. Nếu mua được dầu dừa tươi lạnh đảm bảo chất lượng, bạn nên cho bé ăn một ngày 1 – 2 thìa cà phê vì dầu dừa có tác dụng diệt virus, vi khuẩn và nấm rất tốt, giúp bé tăng cường sức đề kháng.
Khi bé được 10 tháng, tôi bắt đầu tập cho bé ăn cơm nhão. Chỉ sau một tuần, bé ăn được cơm. Từ đó, tôi bố trí bữa ăn gia đình vào giờ hợp lý để bé cùng ăn luôn, cả nhà ăn gì, bé ăn nấy. Để có cơm nhão hơn cho bé, tôi vẫn nấu bình thường, khi cơm gần chín, tôi lấy nước sôi chế thêm vào một góc nồi cơm, rồi đậy nắp lại. Phần cơm chỗ đó sẽ nhão hơn và dành cho bé. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn ngạc nhiên khi con gái tôi có cái răng đầu tiên vào lúc 11 tháng, vậy mà 10 tháng đã bắt đầu ăn cơm và nhai mọi thứ bằng hàm rất kỹ. Vì bé đã ăn uống bình thường, từ tháng thứ 11 trở đi, khi đi đâu, tôi đều đem bé đi theo.
2. Các hoạt động khác: Tròn 7 tháng là tuổi sinh lý của việc tập đi. Bắt đầu từ lúc này, tôi tập cho bé đi bằng cách: một người giữ hai bên nách, một người giữ hai bàn chân, hướng dẫn bé cách đi. Chỉ sau 2 – 3 ngày, bé đã tự đi men và một tuần sau thì bắt đầu đi chập chững. Tôi mua cái dây buộc ngang nách và vai (loại chuyên dụng cho trẻ mới biết đi) rồi để bé tự đi. Nếu bé mất thăng bằng, tôi cầm đầu dây xách lên (giống hệt như xách con chó con). Từ lúc bé đi được, tôi bỏ luôn xe đẩy và cũng không bao giờ bế khi đi chơi.
Cho đến khi bé 6 tuổi, tôi không bao giờ mua kẹo, bánh hoặc bất cứ loại đồ ngọt nào. Vì vậy, cho đến bây giờ, con gái tôi vẫn rất ít ăn đồ ngọt. Tôi cũng hầu như không cho bé xem TV mà chỉ đọc sách, nghe nhạc, lúc nào thích thì hai mẹ con nhảy múa theo nhạc tưng bừng.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Vào giai đoạn này, tôi mua thêm nhiều loại sách có chữ nhỏ hơn trước, nội dung câu chuyện cũng dài hơn. Sau khi đọc cho bé nghe, tôi giải thích để bé hiểu kỹ về nội dung câu chuyện, nhận xét về nhân vật tốt, xấu. Nếu là các câu chuyện về thiên nhiên (cỏ, cây, hoa, lá…) thì khi nhìn thấy hoặc có những thứ đó trong tay, tôi đều liên hệ với các câu chuyện đã đọc để giúp bé phát triển ngôn ngữ và trí tưởng tượng.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Tuổi lên 2 và những phiền muộn của các ông bố, bà mẹ
Qua sinh nhật đầu tiên, bé chập chững biết đi. Và sớm thì từ 11 tháng, muộn thì từ 15 – 17 tháng, các ông bố, bà mẹ chợt nhận thấy sao bé của mình thay đổi từng ngày. Đầu tiên là từ KHÔNG rất cương quyết được bé phát ra hầu như mọi lúc, mọi nơi. Rồi bé chập chững đi lại lung tung, sờ vào mọi thứ, thử mọi giới hạn của bố mẹ. Nếu không được làm như ý, bé có thể khóc rất to và rất kiên trì tới hàng tiếng. Chẳng trách Tây họ nói: “Terrible Twos” – Khủng hoảng tuổi lên 2.
Cách đây mấy tháng, cháu gái tôi ở Singapore hốt hoảng hỏi: “Cô ơi, dạo này con bé thay đổi nhiều lắm, bướng bỉnh kinh khủng”. Để rồi đến dịp đi Hawaii cùng nhau, tôi quan sát được rất nhiều điều và cũng cho vợ chồng nó rất nhiều bài học.
Con bé này cực kỳ thông minh, mới gần 2 tuổi mà đã biết rất nhiều thứ. Một điều nữa khiến tôi hay “cằn nhằn” vợ chồng đứa cháu trong chuyến đi là chúng chẳng chịu hiểu tâm lý của trẻ lên 2 tí nào cả.
Điều thứ nhất: Bé đã đi rất vững mà đi đâu cũng mang theo xe đẩy, để bé ngồi trên đó. Tất nhiên, bé ngồi xe đẩy thì bố mẹ nhàn và có cảm giác an toàn hơn. Bé chạy lung tung thì một trong hai người phải chạy theo, mệt chết đi được. Rồi lúc bé mỏi chân, đòi bế, cũng không biết xử lý thế nào. Nhưng các bạn có biết rằng: cứ cho bé ngồi xe đẩy là bạn làm mất biết bao cơ hội khám phá và học hỏi của bé. Vậy là tôi quyết định: cho bé đi với tôi. Lúc đầu, cứ đi được 1 chút, nhìn thấy cái xe đẩy, bé lại khóc và đòi ngồi xe. Cáu quá, tôi bắt bố mẹ bé giấu xe đi và tôi làm trò cho bé quên chuyện ngồi xe. Chỉ sau vài ngày, bé đi bộ được tới vài cây số lên núi cùng với tôi (tôi đuổi mọi người đi trước hết, để mình tôi với bé). Nào là hát, múa, thi chạy... tôi nghĩ ra đủ trò tiêu khiển, làm con bé thích mê. Vài ngày sau, tôi “xúi” bé dùng chiếc xe đẩy làm đồ chơi. Nó đẩy xuôi, rồi nghĩ ra trò đẩy ngược – nghĩa là cầm phía ghế ngồi để đẩy – mà quả thật đẩy vậy dễ hơn. Vậy là chỉ với cái xe, bé chơi được bao nhiêu ngày, lại còn học được cách tránh đẩy vào người khác. Khi ở sân bay, bé cực kỳ thích chui qua chui lại dưới mấy cái hàng rào ngăn bằng dây vải. Tôi để kệ cho bé chơi và quan sát thì thấy bé tự học được kỹ năng đánh giá chiều cao dây để cúi đầu chui qua.
Điều thứ hai: Y như các bà mẹ Việt Nam khác, mẹ nó suốt ngày lo bé ăn không đủ. Cứ thoắt cái lại thấy nhét thứ gì đó vào mồm con. Mà con bé thì đâu có khó ăn, nếu không nói ngược lại. Cái gì thích, bé ăn tuốt. Và những thứ bé thích thì đều tốt cả: trái cây, thịt, cá. Bé chỉ ghét sữa thôi (hồi bé bị mẹ ép quá mà). Cứ đến bữa, mẹ chỉ muốn dùng thìa đút cho thì bé giãy nảy lên, đòi tự ăn bằng tay. Tôi bèn bắt rửa sạch tay cho bé và tôi cho bốc thoải mái, bé ăn ngon lành. Thấy tôi ăn các loại hạt (nuts, seed), nó đòi ăn và cực kỳ thích hạt macca, hạt thông, hạt bí (mà ăn được hạt thì quá tốt). Đến ăn phở tôi cũng cho nó bốc hoặc chơi trò hai
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
bà cháu đút cho nhau, bé khoái chí cười khanh khách. Tóm lại, mẹ sợ cho con tự ăn thì nào bẩn tay, bẩn quần áo, phiền phức, nên cứ nhét thức ăn vào mồm con. Con thì đang tuổi thích khám phá, thích tập tự lập, cái gì cũng đòi tự làm. Cách tốt nhất là dạy cho bé làm, chứ sao lại cấm bé? Lúc nó thích học làm, thì cấm. Sau này nó ì ra không làm nữa thì lại kêu ca.
Điều thứ ba: Sau mấy ngày quan sát, tôi rút ra kết luận, hầu hết những lúc bé kêu hoặc khóc ầm lên là do bố mẹ vô lý. Ví dụ, bé đòi bắt chước người lớn uống nước từ cốc thì lại đưa cái chai có ống hút. Nếu là tôi, tôi sẽ lấy ngay cái cốc nhựa, dạy nó cách cầm và uống. Nó có làm ướt quần áo thì thay, có gì nghiêm trọng đâu? Nó đòi sờ vào cái gì, mẹ cũng kêu bẩn, vậy thì làm sao phát triển được giác quan? Nếu bẩn thì sau đó rửa cho sạch, chứ sao phải cấm?
Điều thứ tư: Muốn cấm bé điều gì, cần phải giải thích rõ tại sao cấm và cương quyết thực hiện. Đằng này, cha mẹ bé lại cấm nửa vời, rồi khi bé khóc dai lại “đầu hàng vô điều kiện”. Cứ kêu tên con theo kiểu dọa dẫm, làm sao bé hiểu được là bố mẹ muốn nói gì? Với con trẻ, cái gì cũng phải nói thật rõ ràng, rành mạch và đảm bảo con hiểu.
Có một việc khá nghiêm trọng xảy ra và đến bây giờ vẫn làm tôi suy nghĩ. Vốn bố mẹ chưa biết cách “kỷ luật” với bé nên bé hay dùng tiếng khóc để đạt được mục đích. Hôm đó, tôi đang loay hoay làm gì đó thì thấy ở đầu kia, bé khóc ầm lên, bố của bé gọi tôi: “Bà Hà ơi, trường hợp này thì bà làm thế nào?”. Thì ra bé vứt quyển sách xuống đất, rồi nhìn ông. Ông lắc đầu, thế là bé khóc ầm lên, nhào vào lòng bố. Tôi bèn nói với bố mẹ bé:“Để cô xử lý” rồi rất nhẹ nhàng bế bé vào phòng ngủ. Tôi đóng cửa ngồi trong đó nghe bé khóc, đòi ra ngoài... Một cách rất bình thản, tôi nói đi nói lại với bé: “Con không được vứt sách xuống đất. Nếu con nín khóc và ra ngoài đó tự nhặt sách lên, bà sẽ dẫn con ra”. Bé hết kêu bố, kêu mẹ, kêu con thỏ bông, sau cùng thì ngừng bặt và ngẫm nghĩ. Tôi cũng không ngờ là bé bắt đầu đòi ăn hạt (khôn thật, vì bà hay cho nó ăn hạt). Tôi vẫn rất tươi cười nói: “Bà sẽ cho con ra, khi con nín khóc và ra nhặt sách lên, rồi xin lỗi ông”. Bé khóc thêm một lúc nữa rồi nín. Khi tôi hỏi bé có đồng ý ra nhặt sách lên hay không, bé gật đầu. Tôi dẫn bé ra, đứng trước cuốn sách đang nằm chỏng chơ dưới đất, bé suy nghĩ rất lâu, phải 15 phút sau, mới chịu nhặt và để lên bàn. Thành công bước 1! Tôi dẫn bé ra xin lỗi ông, bé dứt khoát không xin lỗi. Đợi khoảng 15 phút, tôi nói: “Con không xin lỗi ông thì bà lại dắt con vào phòng”. Bé lại khóc ầm lên. Lần này khi vào phòng, bé vừa khóc, vừa kêu ngứa tay, kêu đau, rồi đòi ăn hạt... nghĩa là nghĩ ra đủ trò để đòi ra phòng khách. Bé bập bẹ nói về việc vứt sách, như cố gắng giải thích cái gì. Tôi đã hơi ngờ ngợ là tôi xử lý quá đà khi bắt bé xin lỗi ông. Cuối cùng, tôi hỏi: “Con có đồng ý ra xin lỗi ông không?”. Bé nín khóc và gật đầu. Ra đến nơi, bé cố gắng giải thích gì đó về việc vứt sách mà cả nhà không hiểu. Bé nhất định không xin lỗi, và khi tôi hỏi: “Mình lại phải đi vào phòng thôi” thì bé gật đầu rất cương quyết và thong thả tự đi vào, làm tôi phải chạy theo. Vào đến nơi, bé khá vui vẻ, cứ nhao người ra thành giường cố giải thích bằng tiếng Anh về việc ném sách. Lúc đó tôi chợt hiểu: bé đang muốn nói là bé chỉ ném sách, đã nhặt lên rồi, sao lại phải xin lỗi ông? Hóa ra tôi hiểu nhầm là bé ném sách vào ông. Vậy là tôi phải tìm đường thoát bằng cách giải thích là khi ông lắc đầu, bé tỏ thái độ và khóc ầm lên là không tốt. Thôi lần này không cần xin lỗi ông nữa.
Sự việc qua đi, cái mà tôi không ngờ là hai hôm sau, khi đi ăn phở, tôi ngồi cạnh cho bé dùng tay bốc phở. Bé làm rớt rất nhiều phở lên ghế và cứ chỉ vào đó ý nhờ tôi nhặt lên. Chủ
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
nhà hàng nói chị cứ vứt xuống đất, tí nữa bọn em quét. Vậy là tôi lấy tay hất phở bé làm rơi xuống sàn. Tự nhiên bé nhắc đến hai từ vứt sách. Phải đến vài tiếng sau, tôi mới chợt hiểu: chắc bé muốn hỏi là sao vứt sách thì không được mà bà vứt phở xuống đất thì được. Vậy là lại bỏ qua mất cơ hội giải thích cho bé. Với trẻ con là thế đấy, nếu bạn đưa tiêu chuẩn kép ra, chúng sẽ không thể hiểu. Và khi tiêu chuẩn kép xảy ra liên tục, chúng sẽ lẫn lộn hết, không biết cái gì là tốt, cái gì là xấu và không tin lời nói của người lớn nữa.
Để rồi lúc nãy, tôi vừa nhận được tin nhắn của cô cháu: “Hồi tối nó chuẩn bị ngủ cháu nằm nói chuyện linh tinh với nó. Cháu hỏi nó có nhớ biển không, nó trả lời: Có, có nhớ biển. Nghĩ thêm một hồi, nó tự nhiên nói: Con nhớ bà, con ném sách, con xin lỗi ông. Nó nhắc đi nhắc lại con xin lỗi ông mấy lần luôn. Vậy là nó bắt đầu có trí nhớ dài rồi cô ơi.”
Vậy đấy, việc xảy ra đã ghi vào bộ nhớ của bé và có vẻ bé vẫn còn suy nghĩ về điều đó mỗi khi ai nhắc đến.
Vì vậy tôi muốn nhắc các ông bố bà mẹ: Trẻ hiểu nhiều lắm nhưng chưa đủ vốn từ để nói ra rõ ràng. Hãy dành thời gian giải thích và cố gắng hiểu con. Chẳng ai là hoàn hảo. Nếu bạn xử lý sai với con, hãy xin lỗi một cách thành thật và sửa lỗi. Ngoài ra, khi bé đòi cái gì, cố gắng biến việc bé đang thích thành cơ hội để dạy bé điều gì đó. Hãy uốn lưỡi 10 lần trước khi nói KHÔNG với bé.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Tuổi teen - từ 12 đến 18 tuổi
Mỗi khi đọc báo hoặc nghe thông tin nơi này nơi kia, các em học sinh lứa tuổi 13 – 18 tự tử, tôi thấy nhói lòng.
Tuổi teen, đặc biệt trong giai đoạn từ 12 – 13 đến 18 – 19 tuổi, là giai đoạn cực kỳ khó khăn với các cháu và với cả bố mẹ.
Với các cháu, đó là giai đoạn thay đổi lớn về sinh lý và tâm lý, chuyển đổi từ đứa trẻ thành người lớn. Nhưng có cái khổ, nhiều cháu trông đã rất phổng phao (bề ngoài chẳng khác gì các chàng trai, cô gái đã trưởng thành), nhưng bên trong, mọi thứ đều chưa phát triển hoàn chỉnh.
Với bố mẹ, mới hôm qua đây, con mình còn là những cô bé, cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, lễ phép, bố mẹ bảo gì nghe nấy. Vậy mà chỉ trong vài ngày, vài tuần, chúng như biến thành con ai đó: lì lợm, thách thức, bất cần, chống đối. Bố mẹ kinh hoàng, lo sợ, cố gắng tìm nguyên nhân. Và các nguyên nhân hay được nhắc đến là:
1. Chắc chắn có ai đó xúi giục nó và bạn bè sẽ là đối tượng đầu tiên bị nghi ngờ. Vậy là diễn ra chiến dịch truy tìm, rình mò các kiểu: sục sạo email, nghe lén điện thoại khi con nói chuyện với ai đó, xem lén tin nhắn, rồi vào Facebook của con để tìm kiếm. Rồi khi tìm được chút chứng cớ, bố mẹ lập tức hành động, mà cách hành động rất phổ biến là đổ lỗi cho phụ huynh của các cô cậu bạn, thậm chí còn liên lạc với họ để lên án, yêu cầu họ phải dạy con họ, không được rủ rê con mình, đồng thời cấm con chơi với các bạn đó.
2. Người lớn nào đó thân với trẻ cũng sẽ lọt vào vòng ngắm luôn. Hoặc ngược lại, nếu cảm thấy tin tưởng người đó, bố mẹ sẽ năn nỉ nhờ khuyên bảo con mình.
Các bậc phụ huynh có nhận thức được rằng: chính những hành động “cuống cuồng” trên sẽ làm hỏng mọi chuyện, đẩy mọi việc vào con đường khó có lối thoát? Con cái tinh lắm, những hành động đó của bố mẹ không qua được mắt chúng và chỉ đẩy chúng vào thế chống đối nhiều hơn – chính điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tôi xin đưa mấy trường hợp làm ví dụ:
∙ Cách đây 7 – 8 năm, tôi nhận được điện thoại của cậu bạn. Vì tôi đang đi vắng nên chỉ thấy cậu ta quýnh quáng lắp bắp vài câu gì đó, rồi cúp máy. Về đến nhà, tôi lập tức gặp cậu ta thì được biết: cậu con trai lớn 16 tuổi tự nhiên bỏ nhà đi. Cả nhà cuống cuồng tìm kiếm, sau 4 – 5 ngày thì tìm được cậu chàng ở Đà Lạt, hóa ra cu cậu đến một ngôi chùa xin đi tu. May là sư ở chùa không đồng ý, khuyên cậu bé nên về nhà. Tôi bèn mở cuộc “phỏng vấn” với anh bạn thì anh ta thú nhận: cháu ngoan nhưng rất ít nói, chẳng bao giờ chia sẻ gì với bố. Vì lo cho con, sợ con hư, sợ con chơi với bạn bè xấu, bố bèn “tò mò”, tự phong cho mình chức “thám tử tư”,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
lẳng lặng kiểm tra lén đằng sau. Rồi khi nói chuyện với con thì “tung hỏa mù”, hỏi những câu hỏi theo kiểu “xía vào việc riêng” của con, những câu răn đe ngoằn nghèo, vì không dám nói thẳng và thực ra có muốn nói thẳng cũng không biết nói gì. Rồi anh bố trẻ nêu các tấm gương “con ngoan trò giỏi” của con cái bạn bè xung quanh, của nhà hàng xóm, với hy vọng con sẽ “theo gương” các bạn đó… Tóm lại, là đủ các VÕ được các vị phụ huynh truyền tụng, bày cho nhau. Nghe được một lúc, tôi chóng hết cả mặt, bèn đưa ra phương án: 1. Việc tốt nhất làm được ngay lập tức là để cho con yên, tránh xa ra một bên, ngồi đấy chờ con ổn định lại, rồi tình nguyện làm “sổ chờ” để ủng hộ và giúp khi con cần. 2. Cuối tuần, chị sẽ làm cơm rồi em đưa con đến để chị nói chuyện. Sau đó, chị sẽ có thể cho em những lời khuyên cụ thể.
∙ Sau buổi nói chuyện với cháu, tôi thấy khá yên tâm. Cháu chỉ bị căng thẳng tâm lý do sống trong môi trường mà người lớn quá khó tính, lại không tin tưởng, chỉ tìm cách kiểm soát mọi việc của cháu. Tôi yêu cầu anh bố trẻ nói chuyện nghiêm túc, xin lỗi cháu và thực sự “để cho cháu yên”, ủng hộ các việc cháu làm (nếu việc đó không có hại). Tôi khuyên là cuối tuần, nếu cháu đồng ý, hai bố con nên đi uống café và bố phải chủ động tâm sự với con các việc xảy ra trong cuộc đời mình (mà phải tâm sự thật, không được “tô hồng” để làm gương) và chia sẻ những bài học kinh nghiệm bản thân. Khoảng vài tháng sau, đầu giờ sáng, cậu ta chạy lên phòng tôi, mặt mày hớn hở như trẻ con được cho kẹo, tí tởn khoe: “Chị ơi, 3 giờ đêm qua cháu nhắn tin cho em, nói là: “Bố ơi, con yêu bố lắm”. Bây giờ, cháu đã ra trường, đi làm được 2 – 3 năm rồi, còn kiếm đủ tiền để không những “bao” bố café, mà thỉnh thoảng còn rủ được bố đi chơi vào các kỳ nghỉ. Tôi rút ra kết luận: sự thành công chỉ có được khi bố mẹ thực sự nhận thức được vấn đề và sẵn sàng khắc phục sai lầm của mình. Nhưng sự thật đáng lo ngại là rất ít ông bố bà mẹ đủ tỉnh táo và ít bảo thủ để nhận lỗi. Họ luôn tìm cách đổ cho con cái, đổ cho “nửa kia” hoặc lên án xã hội, chỉ có mình là không có lỗi (hoặc lỗi ít nhất).
∙ Trường hợp một cháu gái, bạn của con gái tôi: khi chúng khoảng 10 – 11 tuổi, tôi dẫn hai cháu đi chơi. Tôi nhận ra một điều: cháu gái đó rất thông minh, nhưng luôn tìm mọi cách để gây sự chú ý của mọi người. Khi lỡ bị ngã, cháu có thể giả đau quá lên, thậm chí tự làm mình đau, chỉ để được chú ý. Sau chuyến đi, tôi trao đổi với con gái và thống nhất là tôi sẽ nói chuyện với bố mẹ cháu. Bố cháu không thực sự đồng ý, nói là “Nó còn bé, lớn lên sẽ khác”. Mẹ cháu gặp riêng tôi, nhờ tôi nói chuyện với cháu. Tôi mời cháu gặp tôi cùng con gái, nói chuyện rất thân tình, thẳng thắn và chân thành với nhau. Trước tiên, tôi khen cháu thông minh, quan tâm và rất chịu khó chăm sóc bạn bè. Tiếp đến, tôi hỏi cháu về sinh hoạt trong gia đình và được cháu kể là bố mẹ cháu rất bận, hầu như không có thời gian trò chuyện với cháu. Cứ sau khi đi học về, cháu vào ngay phòng và chỉ chơi một mình. Nếu muốn mẹ để ý đến, nhiều lúc cháu phải gây ra các rắc rối hoặc tự làm đau mình. Tôi nghe cháu rất chăm chú, kể cả khi cháu vừa khóc nức nở vừa kể về nỗi sợ hãi, sự cô đơn từ khi còn bé. Sau đó, tôi lại chia sẻ tâm trạng và nhẹ nhàng khuyên cháu: “Có rất nhiều cách để gợi sự chú ý của mọi người, nhưng cách con đang làm có hại cho chính con nhiều lắm: nó làm con đau, làm con buồn nhiều
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
hơn, đặc biệt là nó sẽ làm bạn bè xa lánh con, không ai muốn chơi với con nữa”. Tôi nghĩ buổi nói chuyện cũng rất bổ ích cho chính con gái mình vì khi lớn hơn một chút, con hay kể là bạn bè có việc gì rất hay tâm sự và nhờ con cho lời khuyên. Sau đó, tôi có trao đổi lại với mẹ cháu. Bẵng đi vài năm, tự nhiên một hôm, mẹ cháu mời tôi đi ăn trưa. Hóa ra sáng hôm đó, cô giáo dạy thể thao của bé gọi cho mẹ cháu, hỏi rằng: “Chị ơi, ai là bác Hà? Sáng nay, cháu có kể cho em nghe về
những lời khuyên của bác Hà cách đây mấy năm. Cháu nói: “Nhờ vậy mà bây giờ cháu mới có nhiều bạn bè và cháu rất biết ơn bác Hà về điều đó”.
VẬY CÁC BẬC BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ VỚI CON CÁI Ở LỨA TUỔI TEEN?
1. Nguyên tắc đầu tiên: Hãy chịu khó đọc và hiểu rõ về tâm, sinh lý của trẻ mới sinh cho đến tuổi trưởng thành và bắt đầu làm bạn với con CÀNG SỚM CÀNG TỐT, ngay khi con vừa chào đời là tốt nhất. Sao vậy nhỉ? Vì có hiểu về tâm sinh lý thì bạn mới có khả năng hướng dẫn và giúp đỡ con phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Có làm bạn thân với con thì con mới tin tưởng để tâm sự với bạn những gì con gặp phải, những suy nghĩ của con về các sự việc xảy ra, để bạn giúp đỡ và can thiệp kịp thời.
2. Nguyên tắc thứ hai: Tạo lòng tin với con bằng sự yêu thương, sự chân thành, thẳng thắn, rành mạch, sự thông hiểu và tôn trọng. Nếu bạn tuân theo điều này, con bạn sẽ trở thành một người lớn có lòng tự trọng, tự tin, vui vẻ và hòa đồng. Chắc chắn, chúng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
∙ Tuyệt đối không tạo áp lực hoặc quyền lực với con dựa trên sự dọa nạt (dọa ma, dọa công an lúc trẻ còn bé, hoặc dọa “học dốt thì sau này đi quét rác” khi con đã lớn hơn…). Không nói dối, rình mò, theo dõi con (mượn danh lòng yêu thương) để “khám phá” cuộc sống riêng tư của con một cách không đàng hoàng.
3. Khi thấy có bất cứ thay đổi bất thường nào của con, phải thật bình tĩnh, sau đó: ∙ Tìm ngay sách viết về tâm sinh lý lứa tuổi đó để đọc.
∙ Tìm nguyên nhân sâu xa (trong bất cứ trường hợp nào, cũng có nguyên nhân lớn từ gia đình, các bạn tin tôi đi).
∙ Thống nhất giữa hai vợ chồng là mình đã sai như thế nào trong cách dạy dỗ con. Điều này là khó nhất bởi thường thì người lớn đổi lỗi cho nhau, đổ cho nhà trường, xã hội, bạn bè của con, rồi đổ cho chính đứa con chứ ít người dám đối diện sự thật và đủ dũng cảm để nói rằng: “Tôi đã sai và vì tình yêu thương, vì tương lai của con, tôi sẽ sửa.” Chỉ khi CHÍNH CÁC BẬC BỐ MẸHIỂU RÕ SAI LẦM CỦA MÌNH(cũng như bác sĩ phải định đúng bệnh cho bệnh nhân trước rồi mới chữa, hoặc máy móc, xe cộ hỏng, phải tìm ra đúng nguyên nhân thì mới sửa được). Chúng ta phải vượt qua được CÁI TÔI án ngữ trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt là với con cái, thì mới mong giải quyết được vấn đề.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
4. Lập kế hoạch hành động, trong đó, việc đầu tiên là PHẢI CỐ GẮNG LÀM BẠN CỦA CON. Các bạn hãy nêu vấn đề và để con nói về vấn đề của chúng, về những gì chúng suy nghĩ, cách mà chúng muốn được bố mẹ đối xử. Cẩn thận nhé, 90% các ông bố bà mẹ bị thất bại ở bước này. Các bạn sẽ có thể nghĩ là con đang lên án mình vì mình làm mọi việc vì chúng cơ mà: cắm đầu làm việc để kiếm tiền cho chúng “ăn sung mặc sướng”, sao chúng lại không biết ơn mà còn trách móc? Mình ép nó học là để sau này nó đỡ khổ, sao nó lên án mình. Các cuộc nói chuyện này hay kết thúc thành cuộc cãi nhau bất phân thắng bại. Đứa trẻ sẽ thu ngay mình lại trước bất cứ phản ứng nào của bố mẹ, để rồi sự việc có thể xấu hơn. Con số 90% tôi nêu ở trên không quá cao, đặc biệt là ở Việt Nam, thực tế còn có thể cao hơn nhiều, đặc biệt là với các ông bố bà mẹ lớn tuổi. Rồi còn sự tham gia của ông bà, chú bác cô dì hai bên. Nên xác định đây sẽ là bước đầu tiên và khá hóc búa, nhưng cũng chỉ là bước đầu.
5. Sau khi có kế hoạch hành động và đã thống nhất với con, bố mẹ phải phân công nhau theo sát và giúp con thực hiện. Đây mới là bước khó nhất. Bố mẹ, thậm chí ông bà sẽ phải thay đổi chính mình (cả trong cách nghĩ và hành động), để làm gương và giúp đỡ cho con (cháu) tự thay đổi. Sau 3 tuổi, cá tính và thói quen đã hình thành, thay đổi bắt đầu khó (bạn cho bé ăn bánh kẹo từ lúc 1 – 2 tuổi, liệu từ 3 tuổi bạn có đột nhiên ngừng lại không cho ăn nữa? Bé sẽ khóc lóc, giận dỗi, bỏ ăn, thậm chí nằm lăn ra, bạn phải làm gì?). Bé 7 – 8 tuổi mê chơi game và xem TV, bạn biết sẽ khó đến thế nào để giảm dần thời gian chơi và xem TV, vì chính bạn (hoặc vợ chồng) bạn cũng thích xem hoặc thích chơi mà? Hãy cân nhắc khả năng thực hiện kế hoạch trước khi bắt đầu thực hiện và lường trước những khó khăn “to như đỉnh núi” nằm phía trước nhé! Cái khó nằm ở chỗ bạn phải thực hiện nó không chỉ một giờ, một ngày hay một tuần – mà phải làm 365 ngày/năm, kéo dài cho đến khi con vào đời. Tình yêu thương con có đủ để giúp bạn kiên trì đến vậy?
Để kết luận bài viết này, tôi có lời khuyên: hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, từ khi đứa trẻ mới được sinh ra. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi tạo thói quen dễ gấp nhiều lần so với việc thay đổi thói quen.
Con càng lớn thì sự thay đổi càng vất vả và thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc bạn có lên được một kế hoạch thực tế, phù hợp với hoàn cảnh của gia đình và kiên trì giúp con thực hiện nó hay không.
Hãy tôn trọng con, tôn trọng những suy nghĩ, quan điểm, ý thích và chí hướng của con. Đây là điều quan trọng nhất giúp bạn thành công trong sự nghiệp “trồng người”.
Chúc các bạn thành công, để trong tương lai, Việt Nam có một thế hệ trẻ có thể đưa đất nước sánh vai với “các cường quốc năm châu”.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Hãy để con tự quyết định tương lai của mình! Tôi có nhiều bạn bè, rồi biết bao người quen biết. Khi gặp gỡ con cái họ, hình ảnh tôi thường thấy là vẻ bẽn lẽn, thẹn thùng, im lặng của các cô gái trẻ với đôi mắt luôn nhìn xuống hoặc vẻ thiếu tự tin, bị ức chế của các chàng trai. Nhiều cháu đã ở lứa tuổi 20 nhưng khi tôi bắt chuyện thì ấp úng, lúng túng, không thể nói năng gẫy gọn, không dám nói ra chính kiến của mình hoặc chẳng hề có khái niệm về chính kiến??? Cái gì đang xảy ra với xã hội Việt Nam? Câu hỏi này trăn trở trong tôi đã nhiều năm nay, tôi muốn tìm câu trả lời cho chính bản thân mình.
Thế hệ chúng tôi may mắn được lớn lên trong một môi trường luôn cổ động cho sự bình đẳng: bình đẳng nam – nữ, bình đẳng giữa bố mẹ và con cái, bình đẳng giữa thầy cô giáo và học sinh. Tại miền Bắc, trong những năm từ 1954 đến 1975, lớp trẻ được tự do lựa chọn và định hướng cuộc đời, tự do yêu đương. Nếu gia đình can thiệp vào những việc đó, xã hội, các tổ chức đoàn thể sẽ lập tức gặp gỡ và làm công tác tư tưởng cho bố mẹ. Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, nếu bố mẹ không đồng ý, hội thanh niên hoặc phụ nữ sẽ đứng ra vận động bố mẹ, không được sẽ chủ động lo tổ chức đám cưới, bố trí chỗ ăn ở (có khi chỉ là vài mét vuông) cho cặp uyên ương. Trong năm học, chúng tôi được tham gia hoạt động phù hợp lứa tuổi tại trường. Vào các kỳ nghỉ hè, việc tổ chức cho thanh thiếu nhi sinh hoạt được giao cho thanh niên khu phố. Cuối hè, chúng tôi phải được khu phố xác nhận là có tham gia sinh hoạt hè, nếu không sẽ bị phê bình. Thế hệ chúng tôi tuy thiếu ăn, thiếu mặc, quần áo bao giờ cũng vài ba miếng vá, nhưng không bao giờ thấy thiếu niềm vui, thiếu bạn bè, thiếu những hoạt động bổ ích phù hợp với lứa tuổi. Thế hệ chúng tôi hầu như không tồn tại lớp trẻ chán chường, bi quan, thờ ơ với mọi thứ xảy ra xung quanh. Chúng tôi lớn lên, lam lũ nhưng yêu đời vì không bị sự kiềm giữ, kiểm soát gắt gao từ các bậc phụ huynh. Chúng tôi được các thầy cô giáo và người lớn đối xử với sự công bằng và trân trọng, được bố mẹ khuyến khích phải tự lập, phải trưởng thành càng nhanh càng tốt. Chúng tôi được “vứt vào đời” một cách có kiểm soát, có định hướng. Có phải vì thế mà thế hệ chúng tôi không dựa dẫm, không thụ động và có trách nhiệm với cuộc đời của mình?
Vậy thì cái gì đã và đang xảy ra, để cho chính thế hệ được dạy dỗ và lớn lên một cách lành mạnh như vậy, lại nuôi dạy con cái không như mình được xã hội và gia đình nuôi dạy? Rồi các thế hệ sau đó cũng thế?
Hãy nhìn lại sự phát triển của xã hội từ những năm 1975: Giải phóng miền Nam, rồi đất nước trải qua thời kỳ tận cùng của khó khăn, cơm không đủ ăn, thay vào đó là bo bo dằn cho no bụng. Xã hội không đủ nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp. Rồi các cơ quan, đơn vị rộ lên phong trào “kế hoạch ba” mà thực chất là tận dụng mọi thế mạnh của sự độc quyền để giúp cho cán bộ công nhân viên kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách. Phân hóa giàu nghèo rõ dần, như một phần tất yếu của sự nhen nhóm nền kinh tế thị trường, len lỏi vào từng ngõ ngách
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
cuộc sống. Và tệ nạn xã hội bắt đầu tăng dần, hoành hành mọi nơi. Đạo đức suy đồi, khiến các bậc bố mẹ lo sợ cho sự an toàn của con cái về mọi mặt và biện pháp là xiết chặt sự kiểm soát. Nhưng kiểm soát thế nào, dạy con ra sao? Không nhiều người biết để chia sẻ. Thời chúng tôi, xã hội dạy là chính: mọi thứ trong lành, chẳng có nhiều gương xấu để chúng tôi bắt chước. Thêm nữa, sau giờ làm viêc, cả gia đình quây quần trong một không gian nhỏ bé, có lớn lắm thì cũng được 20 m2, làm sao mà hư được?
Và cũng như tất cả các lĩnh vực khác, giáo dục gia đình lao vào vòng xoáy khủng hoảng. Vậy là những nề nếp, những truyền thống dạy con kiểu “các cụ ngày xưa”, những kinh nghiệm quá khứ, lại được lần tìm, giở lại: “Cá không ăn muối cá ươn, Con không nghe mẹ trăm đường con hư”, rồi: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ gái thời đức hạnh là câu trau mình”... Xã hội vần vũ, cuộc sống khó khăn, lo sợ con hư hoặc muốn con sau này lớn lên phải có trách nhiệm phục vụ lại mình, bố mẹ càng cấm đoán, kèm riết. Trăn trở lo cô đơn khi tuổi già lẻ bóng, các bà mẹ xui nhau: “Đừng cho con bay nhảy, đi học xa, nó không trở về là tuổi già không ai chăm sóc”. Các bà mẹ một thời “đắm đuối vì con”, bỗng sực tỉnh khi thấy con cái lớn dần, phải níu kéo chúng lại để lo cho tuổi già của mình: vũ khí là sự phụ thuộc của con cái về kinh tế và tâm lý, sự ràng buộc của tình thương và chữ hiếu. Cũng có những ông bố bà mẹ vì không tin và không muốn con chấp nhận thách thức của cuộc sống, nên bắt ép chúng chấp nhận sự an bình: lấy vợ lấy chồng, xin một công việc trong cơ quan nhà nước cho ổn định, đẻ con, rồi “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Từ đấy, thế hệ tôi, cũng như các thế hệ sau bắt đầu tự chế ra, rồi truyền miệng nhau những cách nuôi dạy con lạ kỳ:
∙ Nhốt chặt con trong nhà sau giờ học, để chúng làm bạn với máy tính và TV. ∙ Cấm con sinh hoạt tập thể vì sợ ảnh hưởng của bạn bè xấu.
∙ Không cho con tự do trong cả suy nghĩ vì sợ con bị tiêm nhiễm các tác động xấu từ internet.
∙ Dù tuổi mười tám, hai mươi, ba mươi và già hơn nữa, mọi việc vẫn do bố mẹ quyết định. Lạ thật! Vòng quay cuộc sống mặc định được đặt ra là: hết lớp 12 thì phải vào cho được đại học, xong đại học phải nhanh chóng có việc làm ổn định. Rồi phải nhanh chóng lấy vợ lấy chồng để bố mẹ có cháu bế bồng cho vui tuổi già, vợ hoặc chồng tương lai mà bố mẹ không chấp nhận thì cũng không thể cưới. Nuôi con phải theo kinh nghiệm mẹ truyền cho.
Còn kẽ hở nào cho niềm vui của con cái? Là con người, ai chẳng mong ước được tự lựa chọn và định đoạt cuộc sống của mình. Nhưng chúng ta, những ông bố bà mẹ, có vì tình thương ích kỷ, đã đánh cắp đi của chính con cái mình niềm vui và ý nghĩa cuộc sống? Nếu chúng ta đã lựa chọn có con, hãy chuẩn bị cho chúng đón nhận tương lai với niềm vui: dù giàu hay nghèo, thành đạt hay không, con người chỉ có hạnh phúc thật sự khi được là chính mình, được sống cuộc sống mà mình lựa chọn. Vì vậy, quan điểm của tôi về đứa trẻ ngoan rất khác với quan điểm chung hiện nay. Tôi cho rằng một đứa trẻ ngoan trước tiên phải tự lập, có
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
chính kiến cá nhân phù hợp với lứa tuổi, phải biết phân biệt cái tốt và cái xấu, mong muốn làm điều tốt, đầu tiên là cho mình – một cách lành mạnh, sau đó cho người khác. Đứa trẻ ngoan phải luôn tự trọng, trung thực, chân thành, không nói dối, dám chịu trách nhiệm về những hành động của mình, về cuộc sống của mình và gia đình riêng. Tôi chưa bao giờ nghĩ theo kiểu truyền thống: ngoan nghĩa là nghe lời bố mẹ.
Và như vậy, để con cái có thể yên tâm sống cuộc sống của chúng, dang tay đón nhận tương lai và tận hưởng được những niềm vui cuộc sống sẽ mang lại, xin các ông bố bà mẹ không chỉ biết cách nuôi dạy con mà còn phải biết chuẩn bị cho cuộc sống “tự lập” của chính mình lúc tuổi già. Chúng ta hãy chấp nhận một sự thật: nếu ta định sắp xếp cuộc đời cho con cái, thế
hệ trẻ sẽ mất hết định hướng và niềm vui sống sẽ mòn dần theo năm tháng. Ta hãy chấp nhận: con cái lớn lên, sẽ rời khỏi ta để vào đời. Ta hãy có bạn bè, tự tạo ra niềm vui cho bản thân, đừng đặt gánh nặng “mua vui tuổi già” lên vai con cháu. Đừng đặt toàn bộ mục đích cuộc đời vào những đứa con, để rồi khi chúng cất cánh bay thì cảm thấy cuộc đời còn lại của mình vô nghĩa. Con gái tôi dặn mẹ trước lúc đi học: “Mẹ phải tự lập lên nhé. Không có con ở cùng, mẹ vẫn phải vui thì con mới yên tâm”. Tôi nói với con: “Con cứ bay cao bay xa đi, con gái yêu của mẹ. Mẹ biết dù ở nơi đâu, trong trái tim con vẫn có hình ảnh mẹ. Cuộc đời này ngắn lắm, con đừng bỏ phí. Hãy sống sao cho không bao giờ phải quay đầu lại hối tiếc cho thời gian đã qua đi”.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Luyện thói quen tốt cho con
Trong việc nuôi dạy con, có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có người quan niệm trẻ mới sinh, chưa biết gì, cần phải ôm ấp suốt ngày để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Cũng lại có người nghĩ ăn ngủ là chuyện tự nhiên, chẳng việc gì phải luyện cho bé ngủ cả đêm, đến lúc dạ dày to hơn, bé có thể ăn nhiều thì sẽ no lâu hơn và ngủ giấc dài hơn.
Cá nhân tôi không tán thành với các quan niệm trên ngay từ đầu, nên tôi tìm đọc và học theo các sách có quan điểm khác hẳn.
Tôi nghĩ rằng thiên nhiên có lý trong hầu hết mọi việc và những gì con người làm để chống lại thiên nhiên đều gây hậu quả. Tạo hóa đã định rằng bé chào đời ở trên dưới 9 tháng, tức là đã khá đủ khả năng để đương đầu với môi trường mới. Nếu không, chắc tạo hóa phải cho bé nằm trong bụng mẹ lâu hơn chứ? Có lẽ cũng vì vậy, các bé sinh non rất cần sự ôm ấp thường xuyên của người mẹ (càng nhiều càng tốt). Còn với các bé sinh đủ tháng, hãy bắt đầu tập cho bé tính tự lập từ ngày đầu tiên.
Vậy phải làm thế nào?
1. Luyện cho bé biết cách nằm chơi: Chẳng ai phản đối là phải thường xuyên ôm ấp để bé cảm nhận được sự yêu thương, gần gũi của mọi người trong gia đình. Nhưng thường xuyên nghĩa là thế nào? Tôi thấy có gia đình thay nhau bế ẵm bé 24/24, hễ cứ đặt xuống là bé khóc thét lên, mọi người lại lý luận là do bé khóc dạ đề, do bà mụ gì gì đó. Còn tôi thì cho là tại bế suốt ngày, bé cảm thấy chơi vơi khi bị đặt xuống, đơn giản là vậy. Nếu ngay từ khi đưa bé về
nhà, cả nhà thống nhất là hãy luyện cho bé tập nằm thảnh thơi, chứ không phải bế ẵm thì chỉ sau độ 1 tuần, sẽ hết cảnh hễ bé cứ nằm là khóc. Ngay khi từ bệnh viện về nhà, ban ngày, tôi trải một cái đệm ra sàn phòng khách. Tôi đặt bé nằm đó, còn mình nằm hoặc ngồi bên cạnh. Hễ bé bắt đầu khóc, tôi bế bé lên, ôm vào lòng, nhìn vào mắt bé, nói rất âu yếm: “Con gái mẹ
muốn mẹ ôm một chút, đúng không? Mẹ yêu con, nhưng con nằm chơi nhé, mẹ vẫn ở cạnh con đây mà”. Sau đó, tôi đặt con xuống. Nếu bé khóc tiếp, tôi ngồi đó, dùng tay vỗ vào mông, xoa tay, chân hoặc lưng, bụng bé – để cho bé biết rằng tôi đang ở cạnh, đang âu yếm bé. Thể hiện tình yêu với các bé không chỉ bằng cách bế ẵm, rung rung, hễ cứ khóc một tiếng là bế ngay lên. Bằng cách cứ khóc là bế cho đến lúc nín, người lớn đang dạy các bé cách dùng tiếng khóc để đạt được những điều mình muốn. Thay vì bế – vừa nóng vừa bức bối, bạn hãy đặt bé nằm ngửa rồi ngồi cạnh để nói chuyện (nhìn vào mắt bé mà nói), hát, đọc sách cho bé nghe. Hãy ôm bé lên thường xuyên, rồi đặt xuống, chứ không nên bế nhiều, sẽ tạo thói quen xấu là luôn đòi bế. Nhưng cũng nên chuẩn bị tinh thần là cứ bế nhấc lên đặt xuống, nhiều lúc còn mệt hơn là đứng bế vì đau lưng lắm. Khi con gái được 6 tháng, tôi bắt đầu bị lệch đĩa đệm thường xuyên (cũng vì nhấc bé lên không đúng cách). Để bảo vệ cột sống, các bà mẹ cần nhớ: khi nhấc bé lên hoặc đặt xuống, hãy gập đầu gối quỳ rồi xuống, nhưng lưng luôn phải thẳng, không cúi gập lưng. Tư thế này cũng áp dụng khi bạn phải nâng các vật nặng.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
2. Tập cho bé ngủ qua đêm chỉ sau trên dưới 2 tháng: Bạn phải thực hiện được xong bước 1 ở trên thì mới có thể thực hiện bước này. Hãy tưởng tượng, nếu ban ngày cứ đặt xuống là bé khóc thì làm sao ban đêm bé ngủ tròn đêm một mình được? Do vậy, hãy thực hiện xong bước 1 càng sớm càng tốt, để chúng ta có một em bé vào ban ngày (lúc thức) có thể nằm chơi, gặm tay, thậm chí gặm chân, khua khoắng, nghe bố (mẹ) ngồi cạnh hát, đọc truyện một cách vui vẻ, là lúc bạn có thể bắt đầu tập cho bé ngủ qua đêm. Bạn càng làm sớm thì càng dễ dàng và có kết quả nhanh. Khi bé được 2 – 3 tuần, bạn hãy quan sát quy luật ăn, ngủ của bé hàng ngày, nhất là từ lúc sau 5 giờ chiều.
Ví dụ lúc 2 tuần, con gái tôi có thói quen như sau:
∙ Ngủ đến 8 giờ tối, ăn xong ngủ tiếp.
∙ 1 giờ sáng thức dậy ăn, xong nằm chơi 1 mình. Tất nhiên, con nằm chơi, dù không khóc, mẹ cũng khó lòng ngủ được.
∙ Bé ngủ lại lúc hơn 3 giờ, 5 giờ sáng lại dậy đòi ăn. Vậy là cả đêm, mẹ loay hoay suốt, chỉ ngủ nhiều nhất 3 – 4 tiếng. Do đó, ban ngày tôi khó lòng tỉnh táo và đủ sức khỏe để chơi, hát, rồi đọc sách cho con nghe.
Vì chỉ sau 2 tuần, vào ban ngày, sau khi ăn no, con gái có thể nằm chơi hàng tiếng đồng hồ rồi tự ngủ giấc ngày nên bắt đầu từ tuần thứ 3, tôi thực hiện các bước chỉnh từ từ như sau:
∙ Tôi đánh thức con dậy lúc 7 giờ tối, thay vì để con ngủ đến 8 giờ (thường bằng cách cù vào chân hoặc lấy khăn mặt ướt lau mặt, sau đó tắm). Những ngày đầu, bé khóc gắt ngủ ầm ĩ, sau đó dịu dần. Tôi nghĩ ra đủ trò để giữ con thức đến 9 giờ, rồi đến 10 giờ, 11 giờ. Tôi cho con bú bữa cuối lúc 10 – 11 giờ, sau đó quấn bé lại, hạ máy lạnh xuống mức 22 – 25oC, rồi ngồi cạnh đọc truyện hoặc hát cho con nghe. Chỉ một lúc sau là bé ngủ. Khi con ngủ say, tôi ra khỏi phòng. Nếu con khóc, bao giờ tôi cũng đi vào hát ru hoặc nói chuyện với con, đưatay xoa vào lưng hoặc ngực cho đến lúc con ngủ lại chứ không bế.
∙ Vì 10 – 11 giờ mới ngủ, nên con gái thường thức dậy lúc 4 – 5 giờ sáng đòi ăn. Sau khi thành công bước đầu, tôi lại lùi dần từng 15 phút cho đến khi bé ăn lúc 6 giờ.
∙ Chỉ sau khoảng 3 tuần (tức lúc con được 5 tuần tuổi), con thường ngủ lúc 11 giờ và ăn lúc 5 – 6 giờ sáng. Tôi “thừa thắng xông tới”, đánh thức con dậy lúc 5 – 6 giờ chiều thay vì 7 giờ và cho con thức đến 9 giờ. Vì đã quen tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng, nên tuy đi ngủ sớm hơn, con vẫn dậy lúc 5 giờ. Rồi tôi đẩy tiếp để con dậy lúc 6 giờ sáng. Vì ngủ được giấc dài, ban ngày con chỉ còn ngủ 2 giấc nữa, mỗi giấc chừng 2 tiếng (không nên cho ngủ giấc ngày quá 2 tiếng nhé). Vì vậy, bé có nhiều thời gian để giao tiếp với mọi người trong nhà nên phát triển nhanh hơn các trẻ cùng tháng khá nhiều. Cũng như chúng ta thôi, nếu ngủ quá nhiều thì có ít thời gian làm các việc có ích khác. Tôi đã đọc được trong một quyển sách, họ kết luận rằng,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
những trẻ ngủ ngày ít hơn các trẻ khác thường có trí thông minh và hiểu biết nhiều hơn những trẻ ngủ ngày nhiều.
∙ Lúc con gái tôi được 2 tháng 10 ngày, tôi đã luyện thành công cho con ngủ lúc 9 – 10 giờ tối và tỉnh dậy lúc 6 – 7 giờ sáng. Cả gia đình đã có thể trở lại với sinh hoạt bình thường như trong nhà không hề có trẻ mới hơn 2 tháng tuổi. Khi cháu gái tôi có con, tôi cũng hướng dẫn cách làm tương tự và chỉ sau 6 tuần, bé đã ngủ được từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng.
Vậy để thực hiện những việc trên, điều gì là khó nhất?
∙ Tâm lý của người lớn: Chúng ta phải dẹp được suy nghĩ là hễ trong nhà có trẻ sơ sinh thì mọi người cứ phải xoắn xuýt vào với bé, hi sinh mọi thứ cho bé. Cái đó thực sự không chỉ khó chịu cho mọi người, mà còn hại cho cả bé. Nếu bé ngủ tròn đêm lúc 2 tháng nghĩa là cả nhà sẽ không phải thay nhau thức đêm, đảm bảo sức khỏe, không ai phải cau có, rũ rượi vì thiếu ngủ. Bé được ngủ giấc dài từ sớm, thần kinh sẽ ổn định hơn, khỏe mạnh hơn, có nhiều thời gian thức ban ngày để chúng ta tận dụng dạy cho bé được nhiều điều.
∙ Sự kiên trì: Nói thì dễ, nhưng cả nhà (đặc biệt là người mẹ) phải rất quyết tâm và “lì”. Bạn sẽ bị vật vã mất 2 tháng: thiếu ngủ, thiếu thời gian, phải theo dõi, căn giờ, chịu đựng sự chập chờn, lại còn có thể bị cả nhà “nói ra, nói vào” là không biết thương con. Nếu sống chung với các ông bà khó tính, mẹ sẽ rất khó thực hiện.
∙ Để bé nhanh phân biệt giấc ngủ ngày và ngủ đêm, bạn phải cho bé ngủ giấc ngày tại nơi cả gia đình có sinh hoạt bình thường: vẫn bật nhạc, không kéo rèm cửa sổ. Buổi tối, sau 7 giờ, bạn tắm và đưa bé vào phòng ngủ, ngồi chuyện trò, đọc sách, hát cho bé nghe, rồi cho bé ăn và tắt đèn, giữ thật yên tĩnh. Bé sẽ nhanh chóng nhận biết sự khác nhau giữa giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Hãy nuôi dạy để con đủ bản lĩnh và tri thức
Hãy nuôi dạy sao cho con cái đủ bản lĩnh và tri thức để được lựa chọn và sống cuộc sống của chúng. Nếu dưới con mắt của bạn, đó là lựa chọn không đúng, hãy cầu nguyện và dõi theo, mong cho con thành công, sẵn sàng giúp đỡ khi và chỉ khi chúng cần.
Con cái phải được làm quen càng sớm càng tốt với trách nhiệm cá nhân, chứ không phải làm bất cứ việc gì cũng chỉ để vui lòng người khác. Để bố mẹ vui lòng, gia đình này có thể muốn con học giỏi, gia đình khác có thể muốn con ăn nhiều hoặc gì gì đó nữa... Tôi đã chứng kiến cảnh để cho con ăn hết bát cháo, một người mẹ nói: “Con mà không ăn hết, làm mẹ buồn, rồi mẹ ốm phải đi bệnh viện, con sẽ phải ngủ một mình”. Vậy là đứa bé chỉ mới 1 – 2 tuổi khóc ầm lên, nước mắt lã chã vừa vươn cổ cố nuốt cháo, vừa nức nở. Tôi thầm nghĩ chắc nó sẽ “căm thù” món cháo này và căm luôn cái bệnh viện đến tận cuối đời. Lần đầu thì vậy, nhưng những lần sau, nếu ta cứ diễn lại điệp khúc đó: nào là ngáo ộp, chú công an, anh dân phòng, rồi mách bố..., đứa trẻ sẽ nhờn. Cái nguy hại hơn mà ít bậc bố mẹ nào nhận thức được, đó là ta đang dạy con nói dối chỉ để thêm được vài thìa cháo vào mồm con? Sau này, đứa trẻ đó có thể vì hám một chút lợi nho nhỏ, như ăn cắp một cái đinh vít trong dây chuyền máy móc hay bớt chút xăng khi lái xe, ăn cắp món đồ trong siêu thị. Rồi ta ngơ ngác tự hỏi: mình đâu dạy con ăn cắp mà không nghĩ mầm mống có thể là những điều trẻ suy luận từ chính những hành động của ta khi chúng còn thơ bé.
Để dạy con ăn trái cây và rau củ thay vì ăn khoai tây chiên, tôi làm gì? Tôi mua truyện tranh vẽ trái cây, rau củ, quả và cùng cháu đọc hàng ngày. Một lần, khi tìm được bài báo viết về việc ăn nhiều khoai tây chiên có thể bị ung thư, tôi mừng quá vội đọc cho con nghe. Tôi chỉ đọc và giải thích cho cháu hiểu nội dung, mà không bình luận thêm điều gì. Sau 2 – 3 ngày, tự nhiên cháu hỏi: “Mẹ ơi, nếu trước đây con ăn nhiều khoai tây chiên ở trường, thì có bị ung thư không? Nếu một tuần ăn mấy lần thì bị hả mẹ, ăn một lần có bị không?”. Vừa giải thích cặn kẽ với con từng điều bé hỏi, tôi vừa mừng thầm vì mình đã thành công.
Tương tự, tôi nói với con về lợi ích của học toán: có học toán, con mới biết cộng, trừ, nhân, chia nhanh. Khi đi mua đồ, con mới cộng lại được để xem các cô bán hàng có tính tiền đúng cho con không. Nếu các cô tính sai, trả lại thừa cho con, con hãy nói ra và trả lại cho cô. Nếu không, cô phải bỏ tiền ra đền, cô sẽ không có tiền mua thức ăn, con của cô ấy có thể bị đói. Nếu cô trả thiếu cho con, con cũng phải nói rõ và yêu cầu cô trả cho đủ vì nếu làm sai mà không bị phát hiện, lần sau cô lại làm tiếp thì không tốt. Bằng một sự việc, tôi nghĩ cháu học được hai điều:
∙ Toán cần thiết thế nào trong cuộc sống của chính con, không phải của mẹ.
∙ Phân biệt cái đúng, sai trong hành động của cháu và cô bán hàng. Có trách nhiệm với từng hành động của mình, để không gây tổn hại cho người khác.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Tôi cố gắng tham gia mọi hoạt động cùng với con, luôn sẵn sàng dành thời gian giải thích cặn kẽ mọi điều với những lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp lứa tuổi. Tôi không bao giờ giảng giải lý thuyết một cách giáo điều hoặc “hô khẩu hiệu” suông. Tôi nói chuyện với con về mọi việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, gợi mở để con suy nghĩ và nói ra chính kiến cá nhân, chứ không bao giờ ép buộc một chiều. Để con hứng thú học đàn piano, trước khi bắt đầu, tôi chọn và làm việc với cô giáo rất kỹ, kể cho cô về tính tình con để cô biết phải động viên thế nào cho con hứng thú học. Cứ mỗi cuối tuần, tôi kê bàn ghế như ở rạp rồi tất cả nhà ngồi quanh. Tôi rất trân trọng và nghiêm túc giới thiệu để con biểu diễn cho cả nhà nghe. Các bạn tưởng tượng, cả nhà phải ngồi nghe bé đánh mấy nốt đồ rê mi, rồi hoan hô ầm ĩ thì buồn cười đến thế nào. Vậy mà tác dụng không thể tưởng tượng được. Con gái tôi học đàn hào hứng, chỉ mong đến cuối tuần có dịp trổ tài múa hát, đàn cho cả nhà nghe. Rồi cũng có cảnh tặng hoa, ôm hôn chùn chụt, vui lắm. Tuần nào mà ai đó đi vắng hoặc vì lý do gì phải hoãn buổi biểu diễn, bé buồn thiu.
Nếu con bạn lớn lên, không có trách nhiệm và thương yêu bản thân, chúng sẽ khó mà thật lòng thương yêu ai khác. Không thể có hạnh phúc lâu dài khi chỉ có sự hi sinh một chiều, kể cả hi sinh cho bố mẹ hay con cái. Và tại sao một người phải hi sinh, chỉ để “làm vui” cho người khác?
Tôi đã từng mắc sai lầm khi dạy con: “Học để sau này đi làm rồi giúp ông, bà, bố, mẹ, các anh chị, cô, bác...”. Cho đến một lần, con chợt hỏi: “Mẹ ơi, sao con phải giúp nhiều người thế? Mọi người có bị làm sao không mà không tự làm việc được?”. Biết là nguy, tôi bèn khất con để sau trả lời rồi cuống quít tìm tài liệu để đọc. Sau 3 ngày, tôi ngồi với con, nói rõ là tôi xin lỗi vì đã làm con hiểu nhầm. Tôi giải thích, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm về bản thân mình, lúc nhỏ thì học, lớn lên đi làm. Và mình chỉ giúp mọi người những việc họ không làm được vì nếu cứ làm hộ, họ sẽ ỷ lại và trở nên lười biếng (kể cả trong gia đình). Vậy là lần đó, chính con đã dạy tôi một bài học về sự chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ mọi người đúng cách.
Để con yêu thương, gắn bó với ông bà và các thành viên khác trong nhà, tôi thường xuyên giao con giúp ông bà những việc nho nhỏ mà ông bà không làm được: đọc sách cho bà nghe, dạy bà tiếng Anh, dạy bà múa hát... Tôi cũng kể cho con nghe rất nhiều về cuộc sống của ông bà, của chính tôi lúc còn nhỏ, các tình huống xảy ra và tôi xử trí ra sao, nếu tôi được làm lại thì sẽ làm gì... Hiện nay, mỗi lần về Việt Nam, con gái tôi ngày nào cũng dành thời gian nói chuyện với bà, nghe bà đọc thơ, âu yếm bà rất tình cảm.
Tôi không muốn con phụ thuộc bất cứ điều gì vào mình trong tương lai nên từ rất bé, tôi luôn để cho con tham gia bàn bạc và giải quyết mọi vấn đề của con và các việc khác (phù hợp với lứa tuổi) trong gia đình. Nếu trẻ con được lớn lên trong môi trường mà mọi người xung quanh luôn yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau và giúp đỡ chúng một cách vui vẻ, kiên trì khi cần thì chúng sẽ trở thành người như vậy. Tôi tuyển chọn người giúp việc rất kỹ, khi đã biết chắc chắn họ là người tốt, tôi coi họ là một thành viên trong gia đình (như em, con, cháu). Tôi yêu quý, tôn trọng nhưng luôn thẳng thắn, khi họ mắc lỗi, tôi nói thẳng và đưa ra các yêu cầu cụ thể. Tôi giúp đỡ gia đình họ khi hoạn nạn. Vì vậy, họ yêu thương con tôi như chính con em họ và chăm sóc mẹ tôi còn tốt hơn tôi chăm sóc. Chẳng ai có thể dụ họ đi được khỏi nhà tôi, dù có hứa trả lương cao đến bao nhiêu. Con gái tôi cũng yêu thương và tôn trọng họ như
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
chính cô chú, anh chị em ruột thịt của mình. Bằng cách đó, tôi dạy con một điều: chỉ yêu thương bố mẹ, anh chị em trong gia đình chưa đủ, hãy chủ động mở lòng mình trước với mọi người và cái con được trả lại sẽ là vô giá. Tất nhiên, từ từ từng bước một và rất thận trọng, tôi dạy con phân biệt giữa sự chân thành và dối trá, sự thật thà và lừa đảo, dạy con thận trọng đúng mức cần thiết. Đừng vì xung quanh có quá nhiều điều xấu mà làm con mất đi lòng tin vào cuộc sống. Khi mất lòng tin, con người không thể có niềm vui và hạnh phúc, luôn phải sống trong nỗi nghi ngờ.
Khi còn bé, con được dạy làm nhiều điều chỉ để vui lòng bố mẹ, ông bà. Khi lớn lên, làm sao chúng dám làm điều gì trái ý bố mẹ? Nếu bố mẹ lại là người muốn kiểm soát mọi thứ, bố mẹ sẽ có nhiều cách để suốt đời con có trách nhiệm “làm vui lòng mình”. Tôi đi nhiều, gặp gỡ cũng nhiều, nhưng xin nói thật: chưa ở đất nước nào, tôi thấy các ông bố bà mẹ nghĩ ra nhiều chiêu rất lạ lùng (mang danh tình yêu thương) để kiểm soát cuộc sống của con như ở Việt Nam. Các bà mẹ thì dùng nước mắt, giả ốm (rồi có thể thành ốm thật), dọa tự tử, không được thì lườm nguýt, sưng sỉa mặt mày, bỏ cơm... để bắt con làm theo ý mình. Tôi thường xuyên đọc được rất nhiều bài tiêu đề về mẹ, theo kiểu: “Xin đừng để nước mắt mẹ rơi”. Nếu tôi không làm điều gì sai trái với lương tâm, mẹ tôi có khóc, tôi sẽ nói rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ. Nhưng con không sợ nước mắt của mẹ đâu nếu đó là những giọt nước mắt để buộc con làm theo điều mẹ muốn”. Nếu mẹ dỗi vô lý, tôi làm lơ, coi như không biết. Dỗi mà đối tượng không biết hoặc không để ý thì sẽ chẳng thú vị gì. Bằng cách đó, vài chục năm nay, mẹ không khóc để ép buộc, cũng chẳng bao giờ dỗi với tôi. Còn các ông bố, xin cũng đừng sử dụng những cơn giận dữ, tính gia trưởng hoặc những tiếng thở dài, rồi làn khói thuốc, thậm chí là mượn rượu, để kiểm soát con.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Thế nào là một đứa con có hiếu?
Tôi hiểu thế nào về chữ hiếu và quan điểm cá nhân của tôi, thế nào là đứa con có hiếu?
Trước tiên, tôi hiểu và suy nghĩ thế nào về vai trò của cha mẹ? Trong tôi, tình yêu của cha mẹ đối với con cái phải đúng như nó đáng có: một tình yêu tinh khiết, không mang bất cứ tì vết nào của sự vụ lợi, của suy nghĩ “vay – trả”. Ta hãy tưởng tượng nếu ai đó làm điều tốt cho người khác với mục đích để người ta phải mang ơn mình hoặc mắc nợ mình thì lòng tốt đó còn đáng được trân trọng? Vậy sao ta có quyền bắt chính những đứa con của mình “trả nợ”, nấp dưới hai từ mĩ miều “báo hiếu”, một món nợ mà chúng không hề muốn vay, cũng không có cách nào để từ chối vay?
Với người làm cha mẹ, nếu đứa con được sinh ra không phải từ sự mong đợi và niềm vui, từ trái tim dâng tràn tình yêu đối với một số phận hoàn toàn phụ thuộc vào ta trong nhiều năm đầu của cuộc đời mà vì bất cứ lý do gì khác, tình yêu đó đã có chút vẩn đục ngay từ buổi ban đầu. Trước đây, ông bà, cha mẹ ta, khi chưa thể “kế hoạch hóa”, cứ lỡ có thai là phải đẻ
và đẻ là phải nuôi. Ngay cái sự “lỡ có thai” cũng là khi các cụ đang tận hưởng “niềm vui bản năng” và xác định là nếu có thai thì phải chịu “hậu quả”, nghĩa là đẻ thì phải nuôi cơ mà! Vậy thì, nếu ai đó lựa chọn có con một cách không vụ lợi và sẵn sàng nuôi con mà không hề tính toán con sẽ “báo hiếu”, sẽ phải biết ơn, sẽ “trả gì” cho mình trong tương lai, thì mới đáng được ca ngợi chứ! Hoặc có ai đó lỡ làng nhưng sẵn sàng “gánh chịu hậu quả” chứ không phải vì sợ phá thai mà nguy hiểm đến tính mạng, rồi sinh ra và nuôi con lớn lên, không kể công, không đòi hỏi thì mới đáng khâm phục chứ!
Vì vậy, tôi không thấy phương Tây ca ngợi “công sinh thành” nhiều mà chỉ ca ngợi tình yêu thương không vụ lợi của bố mẹ. Còn đối với những ông bố bà mẹ “vô trách nhiệm”, hành hạ hoặc sử dụng con cái, xã hội đã có luật pháp bảo vệ đứa con. Cũng vì vậy, họ không phân biệt “con nuôi, con đẻ” mà yêu thương chúng như nhau. Họ cũng không hề đề cao sự “hi sinh cả cuộc đời” cho con cái mà coi việc sinh con là lựa chọn từ tình yêu, đã sinh rồi thì phải có trách nhiệm nuôi dạy. Nếu không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đơn giản là bố mẹ phải hầu tòa. Con cái bỏ học không có lý do vài ngày, nhà trường có trách nhiệm báo cảnh sát. Cứ thế mà thực hiện.
Có người sẽ hỏi tôi: con cái là việc riêng của mỗi gia đình, sao luật pháp lại phải dính vào? Đứa trẻ một khi đã được sinh ra thì sẽ liên quan đến vấn đề xã hội. Tôi không nghe ai nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” ở các nước phát triển. Con hư là tại giáo dục, trước tiên là giáo dục gia đình, sau nữa là vai trò xã hội. Không ai phủ nhận được điều đó.
Hãy nhìn theo quan điểm như trên: chính bố mẹ phải biết ơn con cái vì chúng đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình. Còn nếu ai không thấy đó là niềm vui và hạnh phúc, hãy tự lựa chọn để đừng có con. Nếu chúng ta gạt bỏ mọi sự so đo, tính toán, mọi sự hơn – thiệt trong
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
tương lai để cảm nhận đầy đủ tình yêu không vụ lợi của ta đối với con, chính trái tim sẽ nói với ta rằng, đứa con có hiếu là người đem lại niềm vui chính đáng cho bố mẹ. Và nếu nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta phải vui khi:
∙ Con lớn lên thành người lương thiện, biết phân biệt tốt xấu. Con có trách nhiệm với bản thân mình và những người xung quanh, với xã hội.
∙ Con tự lập, tự chủ, tự lo được cuộc sống cho mình, không dựa dẫm vào bố mẹ, không trông ngóng của hồi môn khi bố mẹ khuất núi. Con luôn có niềm vui của sự thành công, nhưng không cần phải luôn thành đạt về tiền bạc. Con luôn hài lòng với những gì mình đạt được, không cay cú để bằng mọi cách kiếm nhiều tiền.
∙ Con tìm được người bạn đời yêu thương, để cùng nhau chia sẻ cuộc sống cho đến khi đầu bạc răng long. Con vẫn có người để yêu thương, gắn bó sau khi ta đã rời xa cuộc sống. Vậy thì ta phải biết ơn con dâu, con rể khi chúng đem lại niềm vui cho con ta. Con có trách nhiệm với gia đình riêng, với vợ (chồng) và con của chúng.
∙ Con có nhiều bạn bè tốt, để có thể cùng vui khi thành công, động viên, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.
∙ Con gắn bó, yêu thương anh chị em trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho mọi người khi cần thiết.
∙ Con được sống và làm những việc con muốn. Con được mắc sai lầm để rồi có niềm vui khi không lặp lại sai lầm đó. Con được hân hoan khi thành công và buồn khi thất bại, được động viên an ủi và vượt lên trên nỗi buồn để sống có ích và tiếp tục thành công.
∙ Con luôn ủng hộ niềm vui được tự lập, được sống cuộc sống của chính mình, của bố mẹ khi tuổi già đến, chứ không tìm cách cấm, cản bố mẹ làm những việc bố mẹ thích. Nếu một trong hai người ra đi trước, con sẽ ủng hộ nếu có ai đó tình nguyện sống nốt những năm còn lại cùng bố hoặc mẹ cho bớt nỗi cô đơn. Con không vì sợ
mất tài sản, mất của hồi môn mà ngăn cấm bố (mẹ) đi tìm hạnh phúc chính đáng.
∙ Con cứ đi xa, cứ sống cuộc sống của mình, rồi khi có dịp, cả gia đình lớn lại quây quần bên nhau, chia sẻ niềm vui sum họp.
∙ Con giúp đỡ bố mẹ trong khả năng của mình (khi khó khăn) nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình riêng.
Danh sách trên có thể dài hoặc ngắn hơn, tùy theo từng gia đình. Với tôi, nếu con làm được những điều trên, đó là thành công lớn nhất của đời mẹ. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc con là đứa con có hiếu.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Con trẻ không có lỗi
If your child is lying, it means you overreacted to the mistakes in the past.”
(Nếu con nói dối, có nghĩa là bạn đã “phản ứng thái quá” với những lỗi của con trong quá khứ).
Đúng vậy, trẻ con không tự biết nói dối. Các cụ ta đã nói: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Chính bố mẹ vô tình dạy con nói dối nếu làm cho chúng quá sợ hãi vì cách bạn đối xử khi chúng có lỗi. Kinh nghiệm sẽ dạy chúng phải học nói dối để vượt qua những cơn thịnh nộ của bố mẹ hoặc người chăm sóc. Vì vậy, thấy con trẻ nói dối, việc đầu tiên phải làm là tìm cho được lý do khiến con nói dối, đơn giản là bằng cách suy nghĩ, rà soát lại hành vi của những người lớn có ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt là của chính bố mẹ.
Tôi xin bổ sung thêm, với văn hóa Việt Nam, chúng ta cũng rất hay “vô tình” dạy trẻ nói dối mà không hề nhận thức ra. Xin nêu một ví dụ: Ai đó gọi điện tới và bạn mệt không muốn nghe, bèn nhờ ai đó (hoặc chính con bạn) nói là bạn không có nhà. Có trường hợp, đứa trẻ trả lời: “Mẹ bảo con nói với cô là mẹ đi vắng rồi”. Thế là bạn có thể nổi cơn lôi đình, dùng những từ như “ngu xuẩn” để mắng con, mà thực ra con không hề có lỗi. Kể cả khi chúng hiểu và nói dối “trơn tru” hộ bạn – thì chúng cũng có một bài học về cách nói dối do chính bạn dạy.
Nhiều khi, tôi khá ngạc nhiên về “văn hóa” nói dối chẳng để làm gì của người Việt Nam.
Các nước phát triển quan niệm rằng, hễ cứ nói dối, tức là làm điều sai, vì vậy mới phải cố che giấu. Còn khi không thích trả lời, họ nói thẳng là họ không muốn được hỏi về điều đó.
Còn người Việt Nam quan niệm, nói dối những việc không quan trọng, không ảnh hưởng đến ai thì cứ nói đại cho qua lúc đó, cho khỏi mất lòng nhau.
Trong ví dụ ở trên, nếu là tôi, tôi sẽ nói với con rằng: “Con nói mẹ xin lỗi cô, mẹ con mệt (hoặc bận). Chốc nữa mẹ con sẽ gọi lại cho cô”. Và bạn nhớ phải gọi lại vì nếu không, trẻ sẽ lại học được thói quen thất hứa từ chính bố mẹ.
Còn biết bao nhiêu những ví dụ khác xảy ra hàng ngày hàng giờ trong cuộc sống, có sự chứng kiến của trẻ, dạy cho chúng nói dối. Ở trường, trẻ chép bài mẫu của thầy cô để đựợc điểm cao, cũng là hành vi nói dối. Hay khi bạn nói xấu ai đó sau lưng, nhưng lại nói tốt trước mặt người đó mà trẻ nghe được.
Vì vậy, khi đã có con, bố mẹ nên tự sửa mình để có thể là tấm gương cho con noi theo, đó là cách hiệu quả và thiết thực nhất.
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn
Làm thế nào để luyện cho trẻ tính kỷ luật và sự kiên trì?
RÈN TÍNH KỶ LUẬT
Rèn tính kỷ luật cho con cái, theo quan điểm của tôi, là điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con. Ý nghĩa của hai từ “KỶ LUẬT” mà tôi nêu ở đây bao gồm:
1. Kỷ luật tự giác (self discipline): Có kế hoạch rõ ràng cho mọi việc và đủ nghị lực để thực hiện những gì mình định ra. Tuân thủ những quy định đã được thỏa thuận và đồng ý trong gia đình, với bạn bè ngoài xã hội.
2. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc pháp luật của bất cứ nơi nào mình sống hoặc đến; biết tự kiềm chế bản năng, để vượt qua những cám dỗ có hại về vật chất hoặc tinh thần.
Việc rèn luyện những đức tính trên không hề khó nếu bạn bắt đầu sớm từ ngày đầu tiên khi trẻ mới được sinh ra. Bằng cách đó, tính kỷ luật sẽ trở thành thói quen, lâu dần thành bản năng tốt của trẻ. Bắt đầu chậm chừng nào, việc thực hiện sẽ khó hơn chừng đó.
Việc rèn luyện tính kỷ luật (không chỉ của trẻ con) là điều không hề dễ dàng. Bạn phải có được sự đồng thuận rất cao về nội dung của “bản thỏa thuận kỷ luật” và phương thức kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận đó. Một điều quan trọng không kém là sự nhất quán và quyết tâm xử lý khi ai đó vi phạm. Trong gia đình, điều này còn khó hơn nhiều. Hãy tưởng tượng, ba thế hệ chung sống trong một nhà, gồm ông bà, con cái và cháu chắt, việc thống nhất với nhau về kỷ luật với trẻ sẽ động chạm tới tính kỷ luật của cả ông bà và bố mẹ. Liệu người lớn có “TỰ KỶ LUẬT” được mình trước?
Nhiều bạn hỏi tôi:
∙ Ông bà rảnh, ngồi xem TV suốt ngày. Vậy làm sao cấm con xem TV? Nếu góp ý với ông bà, thì câu chuyện có nguy cơ trở thành “chuyện gay go giữa người lớn” rồi.
∙ Bố ham chơi game hoặc ngồi máy tính, làm sao cấm trẻ chơi game? Trẻ sẽ hỏi: “Sao bố được chơi, mà con bị cấm?”
∙ Mẹ thích ăn vặt đồ ngọt (bánh, kẹo, nước ngọt...) hoặc các loại đồ rán, chẳng lẽ lại “ăn lén” con?
Đó là chưa kể ông bà, bố mẹ mệt mỏi vì không biết bày trò gì chơi với con, cháu liền bật cái TV hoặc máy tính lên, hay giao cho nó cái điện thoại thông minh, để nó “tự xử lý bản thân”,
Dạy con đôi khi thật đơn giản
https://thuviensach.vn