🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dẫn Luận Về Jung Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Dẫn Luận Về Jung Anthony Stevens Very Short Introductions Series —★— Nhà Xuất Bản Hồng Đức Văn Lang phát hành —★— ebook©vctvegroup https://thuviensach.vn Mục lục Lời nói đầu 1 Cuộc đời và học thuyết Nền tảng Những năm đại học Những năm thực tập Tình bạn với Freud Đời sống hôn nhân Đương đầu với vô thức Bệnh sáng tạo Cá thể hóa: sự thành tựu Ngã Tuổi già và sự trưởng thành 2 Cổ mẫu và vô thức tập thể Thực tại hóa của các cổ mẫu Sự thịnh hành của lý thuyết cổ mẫu Cổ mẫu hay sự truyền bá văn hóa? Cổ mẫu phi tâm thần và unus mundus Đồng hiện Những ngụ ý 3 Các giai đoạn của cuộc đời Ngã Cái tôi Mặt nạ nhân cách Bóng Dục tính và giới tính https://thuviensach.vn Anima và animus Một hệ thống tự điều chỉnh Một chương trình sống Những kỳ vọng của cổ mẫu Những nghi thức chuyển giai đoạn Động lực học của sự tiến triển Tình yêu và hôn nhân Chuông điểm ban trưa 4 Những loại hình tâm lý Bốn chức năng Hai thái độ Một cãi lộn ở quán rượu Tám loại hình tâm lý Loại cảm giác hướng ngoại Loại cảm giác hướng nội Loại suy nghĩ hướng ngoại Loại suy nghĩ hướng nội Loại cảm tưởng hướng ngoại Loại cảm tưởng hướng nội Loại trực giác hướng ngoại Loại trực giác hướng nội Nguồn gốc Ứng dụng của loại hình học 5 Giấc mơ Bản chất thuần khiết Chức năng bù đắp Biểu tượng học Diễn giải Bối cảnh cá nhân Bối cảnh văn hóa Bối cảnh cổ mẫu 6 Trị liệu https://thuviensach.vn Căn bệnh Bệnh nhân Sự điều trị Nhà trị liệu 7 Jung có là người bài Do Thái? 8 Tổng Kết Chú thích https://thuviensach.vn Lời nói đầu Đưa ra một trình bày toàn diện về Carl Gustav Jung và học thuyết của ông (thường được gọi là tâm lý học phân tích để phân biệt với phân tâm học của Freud và tâm lý học thực nghiệm, môn khoa học thuần túy của giới học thuật) trong một tập sách mỏng như thế này quả thực là một nhiệm vụ nặng nề. Jung vừa là một học giả vừa là một tác giả viết rất sung mãn. Ngoài tâm lý học, tâm thần học và y học, ông còn có kiến thức giáo khoa về thần thoại học, tôn giáo, triết học, thuyết ngộ đạo và giả kim thuật. Ông cũng biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp bên cạnh tiếng Đức mẹ đẻ, và thông thạo văn học của từng ngôn ngữ ấy. Dù không khoa trương với vốn hiểu biết khổng lồ của mình, sự uyên bác của ông lại lộ rõ trong mọi thứ ông viết, và Toàn tập tác phẩm của C. G. Jung gồm hai mươi tập sách dày đủ sức đem lại sự ám ảnh cho độc giả chưa sẵn sàng. Jung nhận ra mình không phải là người giỏi truyền đạt (“Không mấy ai đọc sách của tôi”, ông nói, “và tôi chẳng biết làm sao để mọi người hiểu mình muốn nói gì”), nhưng nhận thức ấy không thúc giục ông chỉnh lý các công trình của mình một cách có hệ thống như Freud. Hệ quả là phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hiểu Jung từ những bài viết và tác phẩm ban đầu của ông. Mặc dù khó tránh khỏi mất nhiều công sức tìm hiểu nếu muốn nắm được phần nào di sản phong phú mà Jung để lại, nhiệm vụ ấy có thể được làm cho bớt khó khăn hơn thông qua một dẫn luận súc tích, và đó là mục đích của cuốn sách nhỏ này. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 1. Carl Gustav Jung (1875-1961) https://thuviensach.vn 1 Cuộc đời và học thuyết Jung là một con người của những nghịch lý. Một mặt, ông là người cá nhân chủ nghĩa, một người lập dị. Mặt khác, ông lại là hiện thân sống động của con người phổ quát. Ông cố gắng hiện thực hóa trọn vẹn tiềm năng con người trong cuộc sống của mình, nhưng đồng thời cương quyết sống theo một cách không giống ai. Cách sống ấy có thể khiến một số người khó chịu, và thường như vậy, nhưng nhìn chung ông có vẻ không bận tâm. Ông nói: “Sống bình thường là mục tiêu lý tưởng của người không thành công”. Dù tự xem mình là một nhà khoa học duy lý, ông vẫn sẵn sàng hướng sự chú ý tới những vấn đề thường được coi là phi lý hoặc bí truyền, và không bị xáo trộn thái quá khi những mối quan tâm như vậy đặt ông ra ngoài lãnh địa khoa học. Theo quan điểm của ông, việc có một thái độ hoàn toàn duy lý đối với tâm lý học loài người không chỉ không thích hợp, mà như lịch sử đã cho thấy, còn trái với lẽ thường. Ông giữ niềm tin vào chân lý như chính ông thấy, và nếu điều này dẫn ông vào những địa hạt của lý thuyết và trải nghiệm khác xa với những định kiến và bận tâm của thời đại, cũng không phải lỗi của ông. “Tôi cảm thấy đó là bổn phận của một người đi con đường riêng, nhằm truyền lại cho xã hội những gì người đó tìm thấy trên hành trình khám phá của mình”, ông viết. https://thuviensach.vn Không phải những phê bình của người đương thời sẽ quyết định tính chất đúng hoặc sai của những khám phá này, mà là thế hệ tương lai. Có những thứ ngày nay vẫn chưa đúng, có lẽ chúng ta không dám nhìn nhận chúng là đúng, nhưng ngày mai thì có thể. Vì vậy, tất cả những ai có số mệnh đi con đường riêng phải tiến tới với sự lạc quan và cẩn trọng, không ngừng ý thức về sự cô độc của mình và những mối nguy nó đem lại”. (Toàn tập VII, đoạn 201) Cảm giác bị số phận lôi kéo để bơi ngược dòng chảy chủ đạo khiến ông là một nhân vật gợi nhiều tò mò. Và điều này có nghĩa là bất kỳ cuốn sách nào về tâm lý học Jung cũng phải xem xét đầy đủ cuộc đời và nhân cách của người sáng lập, bởi lẽ không chỉ là một nhà tâm lý học, hiểu biết của Jung về nhân loại đã trực tiếp phát sinh từ sự hiểu biết bản thân của ông. Trong suốt cuộc sống thọ của mình, Jung luôn là một người hướng nội sâu sắc, quan tâm đến thế giới bên trong của những giấc mơ và hình ảnh hơn là thế giới bên ngoài của con người và sự kiện. Từ thuở nhỏ, ông đã có năng khiếu quan sát nội tâm, bởi vậy ông có thể đế ý sát sao đến những trải nghiệm diễn tiến tại ngưỡng hoặc dưới ngưỡng ý thức - những trải nghiệm mà đại đa số chúng ta hầu như hoàn toàn không nhận biết. Năng khiếu này ít nhất đã bắt nguồn phần nào từ những hoàn cảnh đặc biệt mà ông được sinh ra và nuôi nấng. Nền tảng Ra đời trong một ngôi làng nhỏ ở Kesswil, phía bờ Thụy Sĩ của hồ Constance, vào ngày 26 tháng 7 năm 1875, Jung là con trai duy nhất của mục sư Paul Achilles Jung, và vợ, Emilie Jung với tên khai sinh là Preiswerk. Ông được đặt tên thánh theo ông nội, Carl Gustav Jung (1794 - 1864), một nhà vật lý đáng kính trọng, sau này trở thành Hiệu trưởng Đại học Basel và Đại sư của Ban lãnh đạo hội Tam điểm Thụy Sĩ. Có lời đồn vị https://thuviensach.vn này là con trai ngoài giá thú của Goethe. Dù có vẻ ngoài rất giống nhà thơ vĩ đại, đây có lẽ là lời đồn đại thay vì sự thật. Mẹ Jung là con gái út của Samuel Preiswerk (1799 -1871), một nhà thần học nổi tiếng nhưng lập dị, dành cả đời nghiên cứu tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) với niềm tin rằng đây là ngôn ngữ được nói ở thiên đường. Ông là người sớm ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái, người tự cho rằng mình có những thị kiến và có khả năng trò chuyện với người chết. Đến tận thời điểm sắp kết hôn, Emilie vẫn bị buộc ngồi đằng sau cha trong khi ông soạn những bài thuyết pháp để ngăn chặn ma quỷ hiện lên qua vai mình. Hầu hết các thành viên nam trong gia tộc đông đảo Preiswerk đều là mục sư, có cùng quan tâm như Samuel về những điều huyền bí. Sự hòa trộn giữa y học, thần học và thuyết duy linh của hai gia tộc Jung-Preiswerk sẽ có tác động lên sự phát triển trí tuệ của Carl. https://thuviensach.vn Hình 2. Nhà thờ và nhà của mục sư ở Laufen. Gia đình Jung chuyển chỗ ở hai lần khi Jung còn nhỏ, lần đầu tới Laufen, gần Thác Rhine khi ông sáu tháng tuổi, và lần thứ hai tới Klein Hüningen, ngoại ô Basel, khi ông lên bốn tuổi. Cả hai khu ở rộng lớn dành cho mục sư mà họ đã sống đều không có được môi trường vui vẻ cho một đứa trẻ đang lớn. Trong tự truyện Ký ức, giấc mơ và suy ngẫm, Jung mô tả không khí nơi ông sống là “không thể thở được”. Ông nói mình thấy ngột ngạt với một cảm giác chết chóc, u sầu, không thoải mái bao trùm khắp nơi, và với “những lờ mờ rắc rối” giữa cha và mẹ. Ông kể họ không ngủ cùng phòng, và cậu bé Carl ngủ với cha. Khi lên 3, mẹ ông bị một đợt suy nhược, https://thuviensach.vn phải nằm bệnh viện nhiều tháng, và sự chia lìa bắt buộc này ở một giai đoạn quyết định trong sự phát triển của ông dường như đã ảnh hưởng tới ông trong suốt phần đời còn lại. Đây không phải là một hệ luỵ khó xảy ra, bởi như John Bowlby và các học trò đã chứng minh, sự tuyệt vọng biểu lộ ở những đứa trẻ mất mẹ là một phản ứng bình thường đối với việc không đáp ứng được nhu cầu tuyệt đối cần thiết của chúng là sự hiện diện của người mẹ. Nếu điều bất hạnh này xảy ra, trẻ em thường tìm cách vượt qua được, nhưng cái giá phải trả là hình thành một thái độ phòng thủ bằng cách thờ ơ về cảm xúc, trở nên chỉ quan tâm đến mình và tự lực đến mức khác thường. Đặc tính của chúng là tồn tại mãi những nghi ngờ về năng lực khơi gợi sự quan tâm và tình cảm. Chúng cũng có khuynh hướng hành xử kỳ quặc và xa cách, khiến không được người khác yêu mến. Dù Carl được một ngươi dì và một bảo mẫu chăm sóc khi mẹ nằm bệnh viện, ông nhớ mình vẫn “vô cùng bồn chồn” bởi sự vắng mặt của bà. Ông bị chứng eczema do lo lắng và có những giấc mơ khủng khiếp. “Từ đó trở đi”, ông nói, “tôi luôn cảm thấy ngờ vực khi từ ‘yêu’ được thốt ra. Trong một thời gian dài, cảm giác mà tôi gắn liền với phụ nữ là họ sinh ra đã không đáng tin cậy”. (Tự truyện[1], trang 23) Cha Jung là một người đàn ông nhân hậu, khoan dung, nhưng con trai ông lại thấy ông như một người bất lực, chưa chín chắn về cảm xúc. Từ lúc rất sớm trong thời kỳ làm mục sư, Paul Jung có vẻ đã mất đức tin, nhưng do không có nguồn thu nhập thay thế nào khác, ông buộc phải kiên nhẫn với những bổn phận trong xứ đạo của mình. Sự căng thẳng do phải duy trì vẻ ngoài mộ đạo trong khi mất đi mọi niềm tin tôn giáo đã biến ông thành một người mắc chứng nghi bệnh và hay càu nhàu, khiến vợ con khó lòng yêu thương hay tôn trọng. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 3. Cha mẹ của Jung năm 1876 Carl là con duy nhất cho mãi đến năm 1884, khi em gái Gertrud ra đời. Cậu bé Carl không vui khi đến trường, cảm thấy bị xa lánh cả bởi bạn bè lẫn con người bên trong của cậu. Cách cư xử hơi có vẻ rối loạn tâm thần (nghĩa là thu mình, tách rời, chỉ để ý đến bản thân) khiến cậu ít được biết đến, và môi trường của trường học là một nơi cậu không thể phát triển. Tính cách lập dị cá nhân càng bị làm trầm trọng thêm bởi những sự kiện gây chấn thương tâm lý, như khi một thầy giáo buộc tội cậu ăn cắp ý tưởng cho một bài tiểu luận mà cậu đã viết với sự chăm chú hết mực. Những chuyện như vậy khiến cậu cảm thấy “bị làm nhục” và hoàn toàn cô độc. Trong một thời gian dài, cậu nghỉ học hoàn toàn, và từ sau lần bị một cậu bé khác đánh ngã với một cú đấm vào đầu, cậu dễ rơi vào các cơn ngất. (Trong thời gian nằm trên mặt đất lâu hơn cần thiết, cậu tự nghĩ, “Giờ mình không phải đến trường nữa”). Cậu dành nhiều thời gian nhất có thể để ở một mình. “Tôi cô độc với những ý nghĩ của mình. Nhìn chung, tôi thích điều đó nhất. Tôi chơi một mình, mơ mộng hoặc tản bộ trong rừng và có một thế giới bí mật của riêng tôi” (Tự truyện, trang 58). Thế giới bí mật này bù đắp cho sự cô độc của Jung. Những tưởng tượng và nghi thức thường thấy ở tuổi thơ có mức độ sâu đậm hơn đối với ông, và chúng tác động đến cả phần đời còn lại. Chẳng hạn, lúc trưởng thành, ông có niềm vui nghiên cứu một mình trong một cái tháp tự xây cho bản thân ở Bollingen, phần trên của hồ Zürich. Điều này bắt nguồn từ một nghi thức hồi nhỏ, khi ấy, cậu bé Carl giữ một tượng người lùn trong hộp diêm, giấu kín trên cây xà tầng thượng của tòa nhà mục sư. Thỉnh thoảng, cậu ghé thăm người lùn, trao cho anh ta những cuộn giấy viết trong một ngôn ngữ bí mật để anh ta có một thư viện trong pháo đài trú ẩn ở tòa nhà mục sư. Điều này tạo cho Carl cảm giác “sự an tâm mới giành được”, giúp cậu đi qua những tâm trạng cáu gắt của cha, tình trạng bệnh tật trầm cảm của mẹ, và sự “xa lánh” ở trường. “Không ai có thể phát hiện bí mật của tôi và https://thuviensach.vn phá hủy nó. Tôi cảm thấy an toàn, và cảm giác khổ sở vì lạc lõng với chính mình mất đi” (Tự truyện, trang 34). Một nghi thức ấu thơ khác cũng tạo cơ sở để ông sau này có những phát kiến thấu đáo về tầm quan trọng của phóng chiếu trong tâm lý học. Đó là một trò chơi tưởng tượng, mà cậu bé Carl chơi khi ngồi trên một tảng đá lớn trong vườn. Cậu sẽ ngâm nga “Mình đang ngồi trên đỉnh tảng đá này và nó ở bên dưới”. Lập tức, tảng đá đáp lại “Tôi đang nằm đây trên chỗ dốc này, và cậu ấy đang ngồi lên tôi”. Rồi cậu tự hỏi, “Mình là người đang ngồi trên tảng đá, hay mình là tảng đá mà người đó đang ngồi lên?” Điều này để lại trong cậu “một cảm giác u tối tò mò và quyến rũ”, nhưng cậu biết mối quan hệ bí mật với tảng đá giữ một tầm quan trọng không thể hiểu thấu (Tự truyện, trang 33). Trong trò chơi này, chúng ta có thể truy nguyên nguồn gốc tri kiến chín chắn của Jung về những bí mật của giả kim thuật - nhà giả kim thuật đã phóng chiếu những nội dung trong chính tâm thần của mình lên chất liệu mà họ đang tác động trong phòng pha chế. Niềm vui với sự cô độc khi trưởng thành của Jung, những tìm hiểu về giả kim thuật và nghiên cứu về sự chuyển hóa tâm thần cũng đã được báo trước trong một tưởng tượng thời thanh niên, giúp chàng trai trẻ Carl khuây khoả khi mỗi ngày đi từ nhà của mục sư ở Klein-Hümngen đến trường học ở Basel. Đó là hình ảnh về một thế giới lý tưởng, nơi mọi thứ sẽ tốt hơn hiện tại. Nơi ấy không có trường học, cuộc sống có thể được sắp xếp đúng như anh muốn. Trên một khối đá nhô lên từ hồ, có một lâu đài kiên cố với ngọn tháp cao, một đài quan sát, xung quanh là một thành phố Trung cổ nhỏ, dưới sự cai quản của một hội đồng trưởng lão. Lâu đài là nhà của Carl. Ở đó, anh sống như phán quan tối cao, chỉ đôi lúc mới xuất hiện để “thiết triều”. Đậu ở bến cảng là thuyền buồm riêng có hai cột buồm, được trang bị một dãy những khẩu thần công nhỏ. Điểm then chốt của tưởng tượng đó là ngọn tháp: nó chứa đựng một bí mật tuyệt vời mà Carl là người duy nhất sở hữu. Bên trong ngọn tháp, dưới hầm rượu có một phòng pha chế, nơi anh chuyển chất liệu không khí thành https://thuviensach.vn vàng. “Chắc chắn đây không chỉ là mánh khoé ảo thuật, mà là một bí mật đáng tôn kính và quan trọng sống còn về tự nhiên, đã xảy đến với tôi mà tôi không biết bằng cách nào, và tôi phải che giấu không chỉ khỏi hội đồng trưởng lão, mà ở một góc độ nào đó, khỏi chính mình” (Tự truyện, trang 87). Nhu cầu tạo ra một thành lũy để trốn tránh thế giới là điều đặc trưng ở những người có khuynh hướng loạn thần. Ngụ trong thành lũy, Carl cảm thấy bản thân như bao gồm hai thực thể tách rời, “số 1” và “số 2”. Số 1 là đứa trẻ, con của cha mẹ, đến trường và đón nhận cuộc sống như đang có, còn số 2 già hơn, tách khỏi thế giới của xã hội loài người, nhưng gần gũi hơn với tự nhiên và thú vật, với những giấc mơ và với Thượng đế. Ông quan niệm số 2 như thể “không có những đặc điểm định rõ được - sinh ra, sống, chết và mọi thứ khác trong một, một tầm nhìn toàn thể về cuộc sống” (Tự truyện, trang 92). Là một nhà tâm thần học, Carl hiểu rằng hai nhân cách này không chỉ riêng ông mới có mà hiện diện trong tất cả. Tuy nhiên, ông thừa nhận mình có vẻ nhận thức về chúng nhiều hơn hầu hết mọi người, đặc biệt về số 2. “Trong cuộc đời tôi, số 2 có tầm quan trọng chủ yếu, và tôi luôn cố tạo không gian cho bất kỳ điều gì muốn đến với tôi từ bên trong” (Tự truyện, trang 55). Về sau, ông đã đặt lại tên cho hai nhân cách này là cái tôi (ego) và Ngã (Self), và khẳng định sự tương tác qua lại giữa chúng tạo thành động lực trung tâm trong sự phát triển nhân cách. Ông tin nhân cách số 2 trao cho ông một đặc ân mà người cha thiếu may mắn của ông đã bị khước từ, đó là sự tiếp cận trực tiếp đến tâm thức Thượng đế. Điều này được xác nhận với ông bởi bản chất “mặc khải” của các giấc mơ, chứa đựng những hình ảnh mà ông biết rằng phải phát sinh từ một nguồn gốc nào đó cao hơn ông, và bởi một thị kiến mãnh liệt mà ông cố cưỡng lại nhưng không thành công, đó là thị kiến về Đấng Toàn năng. Mỗi khi Carl công kích cha với những câu hỏi tôn giáo, vị mục sư trở nên cáu kỉnh. “Con lúc nào cũng muốn nghĩ”. “Người ta không được nghĩ, mà phải tin”. Đứa trẻ suy nghĩ, “Không, người ta phải trải nghiệm và biết!” Nhưng https://thuviensach.vn bên ngoài, nó nói: “Hãy cho con niềm tin đó”. Khi ấy, cha ông chỉ nhún vai và quay đi. Vấn đề trở nên khủng hoảng khi Carl được cha chuẩn bị cho lễ kiên tín nhằm củng cố đức tin. Carl đi tới cực điểm của sự khai tâm, và hoảng sợ khi thấy mình không trải nghiệm bất cứ điều gì. Một hố sâu ngăn cách không thể lấp đầy mở ra giữa hai cha con. Những đứa trẻ khác trong hoàn cảnh tương tự có thể quay sang bạn bè để nương tựa, nhưng Carl Jung không có bạn bè, nên quay vào trong để ôm ấp “số 2”, Ngã của mình. Suốt thời niên thiếu, ông đón nhận Ngã như Thượng đế, và sự toàn tâm với “người khác” bên trong này mạnh hơn mọi mối quan hệ bên ngoài. Ông không thấy mình ở giữa mọi người, mà thấy một mình với Thượng đế. Điều này không tránh khỏi củng cố niềm tin của ông vào sự cô độc. “Người khác dường như có những quan tâm hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy hoàn toàn đơn độc với những điều mình xác tín. Hơn bao giờ hết, tôi muốn có người để nói chuyện, nhưng không tìm được điểm tiếp xúc… Tại sao không ai có những trải nghiệm tương tự như tôi? Tại sao tôi là người duy nhất?” (Tự truyện, trang 71). Do không tìm được sự chia sẻ với những đầu óc giống mình, ông quay sang văn học, triết học và lịch sử tôn giáo. Heraclitus, Goethe hay Meister Eckhart trở thành những tác giả được ông yêu thích cả đời. Ông cũng rất thích đọc Thế giới như ý chí và tư tưởng của Schopenhauer. Tác phẩm này, cùng với Phê phán lý tính thuần túy của Kant, đã khai sáng cho ông tới mức nó đã cách mạng hóa quan điểm của ông về thế giới và cuộc sống. Trong bi kịch Faust của Goethe, ông nhận thấy sự tương tự kỳ lạ với nhân cách số 2 của mình, và điều này không chỉ tăng cường cảm giác an tâm bên trong, mà khá muộn sau này đã cho ông “một cảm giác thuộc về cộng đồng loài người” (Tự truyện, trang 93). https://thuviensach.vn Những năm đại học Jung nhập học Đại học Basel năm 1895. Điểm đặc biệt ở ông là quyết định nghiên cứu khoa học tự nhiên và y học được đưa ra không hẳn bởi tìm hiểu sách vở mà bởi những giấc mơ. Đời sống sinh viên có vẻ đã có tác động giải thoát đối với ông, cũng như sự mất sớm của cha ông ở tuổi 54 khi ông mới 21 tuổi. (“Ông ấy mất đúng lúc đối với con”, mẹ ông nhận xét một cách u ám). “Giờ đây, tôi bắt đầu biểu lộ sự say mê ở mọi phương diện. Tôi biết mình muốn gì và theo đuổi nó. Tôi cũng trở nên dễ gần và cởi mở hơn nhiều” (Tự truyện, trang 93). Một ý tưởng vay mượn từ Heraclitus đã có tầm quan trọng sống còn đối với Jung: mọi thực thể sở hữu một khuynh hướng nội tại là hướng về cái đối lập với chúng. Khuynh hướng này được Heraclitus gọi là enantiodromia (nghĩa đen là “đi ngược với”). Jung tin đây là đặc trưng của mọi hệ thống năng động, và ông thấy loài người là ví dụ hoàn hảo nhất. Khi trẻ con lớn lên, cuộc đời chúng biểu lộ thiên hướng bù đắp cho những thất bại của cha mẹ. Thiên hướng này đặc biệt lộ rõ ở Jung, và cuộc đời ông ở nhiều khía cạnh có thể được hiểu như một nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết của cha ông. Paul Jung là người rụt rè về tâm linh, thờ ơ về lý trí, có khuynh hướng chấp nhận giáo điều, có những dấu hiệu chưa chín chắn về cảm xúc và tránh né những vấn đề lớn của đời mình. Ngược lại, Carl biểu lộ sự dũng cảm về tâm linh và khắt khe về lý trí, cưỡng lại giáo điều ở bất cứ nơi nào ông bắt gặp, dành cả đời tinh chỉnh những kỹ thuật phát triển nhân cách, và sẵn sàng đương đầu trực tiếp những vấn đề quan trọng kể cả nếu điều này khiến ông không được quần chúng ưa chuộng hoặc tán thành. Cũng chính thiên hướng bù đắp ấy biến ông thành người cả đời theo thuyết ngộ đạo, một gnostikos (tiếng Hy Lạp nghĩa là “người biết”) - một người toàn tâm hướng tới cái biết bản chất của tinh thần thông qua trải nghiệm trực tiếp và tự mình khám phá. Sự truy cầu cái biết này dẫn ông tới https://thuviensach.vn chỗ trao cho những giấc mơ, tưởng tượng và thị kiến của mình một tầm quan trọng nền tảng, tìm cách hiểu chúng thông qua nghiên cứu văn chương, triết học, tôn giáo, và cuối cùng là chọn tâm thần học làm sự nghiệp. Một giấc mơ quan trọng đã xảy đến không lâu sau khi ông bắt đầu học ở Basel. Ông mơ thấy lúc ấy là ban đêm, ông đang khó nhọc đi qua sương mù dày đặc, ngược chiều một cơn gió lớn. Hai tay ông khum khum xung quanh một đốm sáng chỉ chực chờ tắt bất kỳ lúc nào. Cảm thấy có gì đó đằng sau, ông liếc nhìn lại và thấy mình đang bị một hình dáng khổng lồ màu đen bám theo. Ông kinh sợ, nhưng biết rằng mình sẽ ổn chừng nào còn giữ được tia sáng lung linh trước đêm âm u và cơn gió. Ông nói: “Khi tỉnh dậy, tôi lập tức nhận ra hình dáng ấy là “bóng ma Brocken”, cái bóng của chính tôi trong sương mù cuộn xoáy, được tia sáng mà tôi đang mang làm cho xuất hiện. Tôi cũng biết rằng tia sáng ấy là ý thức của tôi, ánh sáng duy nhất tôi có. Hiểu biết là kho tàng duy nhất mà tôi sở hữu, cũng là kho tàng lớn nhất” (Tự truyện, trang 93). Sự chuyên tâm tìm hiểu - điều ông duy trì trong cả cuộc đời - đã lộ rõ trong những năm đại học, dẫn tới kết quả là ông vượt qua kỳ thi sát hạch trong thời gian ngắn nhất. Ông đã thoát khỏi sự cô lập, gia nhập nhánh Basel thuộc Hội Zofingia của sinh viên Thụy Sĩ, và bắt đầu khám phá năng lực ảnh hưởng đến mọi người thông qua sức tác động và sự độc đáo trong các ý tưởng của ông. Đáng chú ý là công trình đầu tiên với tiêu đề “Về những giới hạn của khoa học chính xác”, mà ông trình bày nhằm công kích các nhà khoa học với chủ thuyết duy vật cứng nhắc của họ. Trong một bài nói chuyện sau này, ông đề xuất rằng linh hồn tuy là thứ phi vật chất, tồn tại bên ngoài không gian và thời gian, nhưng lại nhạy cảm trước khảo sát thực nghiệm qua việc nghiên cứu các hiện tượng như thôi miên, mộng du, đồng cốt. Những trình bày của ông thu hút đông người dự và khuấy động sự bàn luận sôi nổi. Với quyết tâm đưa những ý tưởng của mình vào kiểm chứng, ngay từ khi còn là sinh viên ông đã tham gia và thu âm những buổi gọi hồn của một https://thuviensach.vn đồng cốt trẻ, cũng là em họ của ông, Helene Preiswerk. Những quan sát được ghi chép tỉ mỉ qua thời gian hai năm đã tạo thành cơ sở cho đề tài tiến sĩ của ông sau này, ‘Về tâm lý học và bệnh học của cái gọi là những hiện tượng huyền bí’, được trình bày tại Đại học Basel năm 1902. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 4. Helene Preiswerk Cách ông tiếp cận chủ đề cũng bị ảnh hưởng bởi một nghiên cứu trước đó của Theodore Flournoy (1854-1920) về một đồng cốt tên là Catherine Muller (thường được biết dưới biệt danh Helen Smith), người trong trạng thái nhập đồng có khả năng kể chi tiết về các kiếp trước của mình. Flournoy kết luận rằng những điều bà thốt ra là “những thêu dệt của năng lực sáng tạo trong tiềm thức”, và chúng là bằng chứng về sức mạnh của vô thức trong việc tạo ra sự kiện thần bí. Hai khía cạnh trong những buổi lên đồng của cô em họ đã gây ấn tượng đặc biệt cho Jung. Một là những “linh hồn” của cô có vẻ thật với cô. “Tôi thấy chúng trước mặt”, cô kể. “Tôi có thể chạm vào chúng, nói chuyện với chúng về mọi thứ tôi muốn cũng tự nhiên như tôi đang nói chuyện với anh. Chúng phải là thật” (Toàn tập, đoạn 43). Khía cạnh khác là cách thức một nhân cách hoàn toàn khác biệt, cao quý hơn xuất hiện khi Helene trong trạng thái nhập đồng. Linh hồn “kiểm soát” của cô, tự xưng là “Ivenes”, nói bằng thứ tiếng Đức tuyệt hảo thay vì thổ ngữ Basel mà Helene hay dùng. Jung kết luận “Ivenes” là nhân cách chín chắn, trưởng thành, đang hình thành trong vô thức của Helene. Những buổi nhập đồng tạo ra một phương tiện quan trọng để sự hình thành này có thể tiến triển. Đối với Jung, tầm quan trọng của những nghiên cứu như vậy lớn hơn cả học vị tiến sĩ. Trong nghiên cứu đó, chúng ta có thể phát hiện nguồn gốc của hai ý tưởng về sau trở thành trung tâm của thực hành tâm lý học phân tích: (1) những “nhân cách phân vai” (part-personality) hay những “phức hợp” tồn tại trong vô thức có thể “nhập vai” (personate) trong trạng thái nhập đồng, giấc mơ và sự hoang tưởng, và (2) tiến trình phát triển nhân cách thật sự diễn ra ở cấp độ vô thức. Những ý tưởng này đến lượt chúng sinh ra (1) một kỹ thuật trị liệu (tưởng tượng chủ động) và (2) một khái niệm cứu cánh luận (cá thể hóa - individuation), hay nói cách khác, quan niệm rằng mục tiêu của sự phát triển https://thuviensach.vn nhân cách là tổng thể, nghĩa là trở thành một con người toàn vẹn nhất mà hoàn cảnh cá nhân cho phép. Chúng ta sẽ trở lại với những vấn đề này sau. Quyết định trở thành nhà tâm thần học của Jung xuất hiện vào cuối thời kỳ học ngành y, khi ông xem lướt qua cuốn sách giáo khoa Tâm thần học của Kraft-Ebing. Chỉ riêng Lời nói đầu của cuốn sách đã tác động tới mức ông phải đứng dậy để hít một hơi sâu. Điều khiến ông bị kích động là việc Kraft-Ebing mô tả chứng loạn thần (các bệnh tâm thần quan trọng như tâm thần phân liệt, hưng trầm cảm nặng khiến người bệnh mất khả năng lập luận) là “những bệnh về nhân cách”, và tuyên bố các cuốn sách về tâm thần học biểu lộ những đặc điểm chủ quan của tác giả. Jung kể “trong một thoáng sáng tỏ”, ông đã thấy tâm thần học là nghề nghiệp duy nhất ông có thể theo đuổi. “Chỉ ở đây, hai luồng quan tâm của tôi mới có thể chảy cùng nhau như một dòng chảy hợp nhất và tạo ra châu thổ của chúng. Đây là lĩnh vực thực nghiệm cho cả những sự kiện sinh học và tâm linh mà tôi đã tìm kiếm nhưng không thấy. Đây cuối cùng cũng là nơi sự va chạm giữa tự nhiên và tinh thần trở thành một thực tại” (Tự truyện, trang 111). Những năm thực tập Khi Jung báo với người hướng dẫn và các nghiên cứu sinh khác rằng ông định chuyên sâu vào tâm thần học, họ đã sốc vì cảm thấy ông đang lãng phí tài năng của mình. Tâm thần học là chuyên khoa ít được xem trọng nhất trong y khoa, và họ tin Jung có thể có một tương lai xán lạn với nghề y sĩ điều trị. “Vết thương của riêng tôi, cảm giác là một người ngoài, xa lánh người khác lại bắt đầu nhức nhối” (Tự truyện, trang 111). Tuy nhiên, sau khi đạt học vị xuất sắc vào cuối năm 1900, ông được nhận vào làm việc tại Bệnh viện tâm thần Burghölzli ở Zürich, với vai trò trợ lý cho Eugen Bleuler (1857-1939), một trong những nhà tâm thần học xuất chúng thời đó, người https://thuviensach.vn đã đi vào lịch sử như người khởi xướng thuật ngữ tâm thần phân liệt (schizophrenia). Burghölzli nổi danh là bệnh viện tâm thần học của Đại học Zürich, và Jung xem những năm thực hành ở đó là sự học hỏi vô giá. Bleuler nhanh chóng nhận ra sự đặc biệt của Jung và nỗ lực thúc đẩy sự nghiệp cho ông, bổ nhiệm ông đứng đầu khoa ngoại, thu xếp cho ông làm giảng viên tâm thần học và tâm lý trị liệu ở Đại học Zürich. Nhưng quan trọng hơn, Bleuler để ông tiến hành thí nghiệm liên tưởng từ ngữ theo phương pháp Galton. Nghiên cứu này đã cho Jung danh tiếng đáng kể trong giới tâm lý học cũng như tình bạn của Sigmund Freud. Hình 5. Bệnh viện tâm thần Burghölzli https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 6. Eugen Bleuler Thí nghiệm liên tưởng từ ngữ mà mọi sinh viên tâm lý học đều biết được đề xướng bởi Sir Francis Galton (1822-1911) và được Wilhelm Wundt (1832-1920) phát triển. Cách thức tiến hành khá đơn giản. Người tiến hành thí nghiệm đọc cho đối tượng nghe một loạt các từ trong một danh sách được chuẩn bị cẩn thận, sau mỗi từ lại ngừng để cho phép đối tượng đáp lại với từ đầu tiên nảy ra trong tâm trí. Từ đáp được ghi nhận cùng với thời gian (tính bằng giây) cần có để phát ra lời đáp. Khi tất cả các từ đã được đọc, trình tự được lặp lại, đối tượng được yêu cầu phản ứng trước mỗi từ được đọc giống như lần trước. Một nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm này trước Jung, Theodore Ziehen, đã cho thấy thời gian phản ứng bị kéo dài khi một từ đóng vai trò tác nhân được liên tưởng với một ý tưởng khó chịu hay phiền toái trong tâm trí đối tượng. Khi tất cả những từ gây ra lời đáp trễ ở một đối tượng được tập hợp lại, đôi khi có thể phát hiện trong chúng một nhóm các ý tưởng liên quan đến nhau, được Ziehen gọi là “một phức hợp những trình hiện bị kích động về cảm xúc”. Phát hiện này khiến Jung đặc biệt thích thú, bởi nghiên cứu của ông về những trạng thái nhập đồng của Helen Preiswerk đã báo cho ông biết về sự tồn tại của những “nhân cách phân vai”, được tạo thành từ những cấu phần vô thức tách rời nhau, giống như những gì được mô tả là “những tư tưởng cố định trong tiềm thức” bởi nhà tâm lý học người Pháp Pierre Janet (1859-1947), người mà Jung từng cộng tác trong một thời gian ngắn ở Paris sau khi rời Burghölzli năm 1902. Những yếu tố này được Jung đánh đồng với các “phức hợp” của Ziehen, và khi đọc Diễn giải giấc mơ (1900) của Freud, một lần nữa ông nhận ra chúng trong “những ước muốn bị dồn nén” và “những ký ức đau thương” - được Freud xem là chịu trách nhiệm gây ra những triệu chứng nhiễu tâm và nội dung của giấc mơ. Jung nói rằng áp đảo mọi quan tâm nghiên cứu của ông là một câu hỏi nhức nhối: Điều gì thực sự đang xảy ra trong một người bệnh tâm thần? Không giống như đa số những nhà tâm thần học trước ông hoặc sau ông, https://thuviensach.vn ông hết sức chú ý đến những gì bệnh nhân tâm thần phân liệt thực tế nói và làm, và có thể chứng minh rằng các ảo giác, hoang tưởng hay điệu bộ của họ không đơn giản là “điên” mà chứa đầy ý nghĩa tâm lý. Chẳng hạn, ông phát hiện ra một phụ nữ già đã 50 năm bị quản thúc trong bệnh viện Burghölzli, thực hiện những động tác như đang may giày, đã bị người tình phụ bạc ngay trước khi phát bệnh. Đúng như Jung khám phá, anh ta là thợ chữa giày. Dù Jung tin các hiện tượng loạn thần có liên quan đến sự hiện diện của một chất độc sinh hóa trong máu bệnh nhân, ông vẫn lập luận rằng tâm thần phân liệt có thể được hiểu theo phương diện phân tâm học như thể “dục năng (libido) hướng vào trong” - dục năng đang bị rút khỏi thế giới thực tại bên ngoài để dành cho thế giới của sự tạo tác thần bí, huyễn tưởng và mơ mộng bên trong. Ông khẳng định người tâm thần phân liệt là người mơ trong một thế giới thức. Ông công bố những quan sát của mình trong công trình Tâm lý học về chứng tâm thần phân liệt năm 1907. Tác phẩm này càng tăng thêm danh tiếng của ông như một nhà nghiên cứu tâm thần. Tình bạn với Freud Nhận thấy những khám phá thực nghiệm của mình cung cấp sự củng cố khách quan cho lý thuyết của Freud về sự dồn nén (repression), Jung gửi cho Freud một bản in cuốn sách Những nghiên cứu về liên tưởng từ ngữ của ông khi nó được xuất bản năm 1906. Phản ứng đầy nhiệt tình của Freud khích lệ Jung tới Vienna vào tháng 3 năm 1907. Họ tâm đầu ý hợp đến nỗi đã nói chuyện không gián đoạn trong mười ba giờ. Chắc chắn họ say mê nhau về mặt trí tuệ, và tình bạn nảy nở giữa họ - chủ yếu được duy trì qua thư từ - đã kéo dài gần sáu năm. Giống như Bleuler, Freud ấn tượng với sinh lực, nhiệt huyết và sự toàn tâm của Jung. Ông trở nên vô cùng gắn bó với Jung, thừa nhận Jung là “người trợ giúp có năng lực nhất từng kết hợp với tôi cho đến giờ”, và thấy https://thuviensach.vn Jung có thể tiếp nối ông như người lãnh đạo trào lưu phân tâm học. Dù Freud chỉ mới 50 khi hai người gặp nhau, ông lại như người mắc chứng nghi bệnh và có nỗi sợ hãi mê tín rằng mình chỉ còn sống 12 năm nữa. Việc đảm bảo có được “sự kế thừa” do vậy là một ưu tiên cao đối với Freud, và Jung là một lựa chọn tuyệt vời cho vai trò đó. Jung có một đầu óc thượng hạng, là một nhà tâm thần học thành công, làm việc tại một trong những bệnh viện danh tiếng nhất châu Âu, và có lẽ quan trọng nhất, ông không phải là người Vienna, cũng không phải là một người Do Thái. Freud nhận thức sâu sắc rằng chủ nghĩa bài Do Thái cùng sự ác cảm của công chúng đối với những ý tưởng của ông về tính dục ấu thơ có thể dẫn tới sự bài bác hay thậm chí ngăn cấm phân tâm học trên quy mô rộng, và ông hy vọng việc một người Thụy Sĩ theo Cơ Đốc giáo tầm cỡ như Jung gia nhập phân tâm học có thể giúp trào lưu mà Freud khởi xướng thoát khỏi số phận này. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 7. Sigmund Freud Bên cạnh đó, Jung đã có những đóng góp đáng kể cho lý thuyết và thực hành phân tâm học. Những thí nghiệm liên tưởng từ ngữ của ông không chỉ cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho sự tồn tại và sức mạnh của các phức hợp vô thức, mà công việc của ông với những bệnh nhân tâm thần phân liệt đã đưa các khái niệm phân tâm học đến những lĩnh vực vượt khỏi tầm với của Freud. (Freud được đào tạo như một nhà thần kinh học và có ít kinh nghiệm về tâm thần học. Ông chỉ làm việc trong thời gian ngắn-như một locum tenens, bác sĩ thay chỗ trong một bệnh viện tâm thần). Hơn nữa, Jung truyền cho Freud sự say mê nghiên cứu thần thoại học và tôn giáo so sánh, dù điều này có thể đem đến những hậu quả tai hại ở chỗ các kết luận mà hai người rút ra từ những nghiên cứu này quá khác xa nhau. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 8. Đại hội Phân tâm học quốc tế, 1911 - Jung là người đeo cà vạt nơ lớn đứng giữa, bên trái ông là Emma Jung. Toni Wolff ngồi cách hai chỗ bên trái Emma. Về phần Jung, mong muốn có được tình bạn của Freud mang tính cá nhân cũng nhiều như liên quan đến chuyên môn. Ở một người lớn tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, ông tìm thấy một cố vấn, một đồng nghiệp lỗi lạc, hiện thân của một người cha dũng cảm về trí tuệ mà cha đẻ của ông, một nhà thần học hoài nghi, đã không thể trở thành. Cả hai người đều hiểu điều này. “Hãy cho tôi được tận hưởng tình bạn của ông không phải như giữa hai người ngang hàng, mà như giữa cha và con trai”, Jung viết không lâu sau cuộc gặp gỡ đầu tiên. Freud sau này đáp lại bằng cách chính thức gọi Jung là “Con trai và người kế tục”, “Thái tử”. Trên thực tế, Freud cần một người “con trai” cũng không kém Jung cần một người “cha”, nhưng kiểu con trai Freud muốn là người sẵn sàng tuân thủ vô điều kiện uy quyền của ông, duy trì mà không điều chỉnh những giáo huấn và nguyên tắc. Về phần Jung, ông cần một hình tượng người cha để qua ảnh hưởng của người ấy, ông có thể chiến thắng những e ngại của tuổi thanh niên, khám phá nam quyền của chính mình. Dù được hưởng sự ưu ái của Freud, được Freud đề cao như một người kế tục xứng đáng, Jung biết rằng ông không thể ủng hộ toàn bộ những ý tưởng của Freud. Ông cũng không thể hy sinh sự toàn vẹn lý trí của mình cho một tập hợp những giáo điều giống như cha ông từng làm. Nhưng ông vẫn ưng thuận với mong muốn của Freud, đó là làm chủ tịch đầu tiên của Hội Phân tâm học quốc tế khi nó được thành lập năm 1910, và là tổng biên tập của tờ tạp chí phân tâm học đầu tiên, Jahrbuch. Theo thời gian, những khác biệt giữa Jung và Freud trở nên khó che giấu. Hai mặc định căn bản của Freud là không thể chấp nhận đối với Jung: (1) động lực của con người hoàn toàn là tính dục, và (2) vô thức hoàn toàn mang tính cá nhân, đặc thù riêng của mỗi người. Jung thấy hai nhận định này và những khía cạnh khác trong tư tưởng của Freud có khuynh hướng giản hóa luận và quá hạn hẹp. Thay vì quan niệm năng lượng tâm thần (hay như Freud gọi là libido - dục năng) chỉ là năng lượng tính dục, Jung muốn https://thuviensach.vn nghĩ về nó như một khái niệm tổng quát hơn gọi là “sinh lực”, và tính dục chỉ như một phương thức biểu thị. Hơn nữa, bên dưới vô thức cá nhân chứa đựng những ước muốn bị dồn nén và những ký ức đau thương như khẳng định của Freud, Jung tin rằng có một lớp quan trọng và sâu hơn, được ông gọi là vô thức tập thể (collective unconscious), nơi chứa đựng dưới dạng tiềm năng (potentia) toàn bộ sự liên tục về tinh thần của nhân loại. Lần đầu tiên Jung được gợi ý về sự tồn tại của nền tảng tâm thần cổ xưa này là hồi còn nhỏ, khi ông nhận ra trong giấc mơ của mình có những thứ đến từ đâu đó bên ngoài bản thân. Sự tồn tại của nó được khẳng định khi ông nghiên cứu những ảo giác và hoang tưởng của bệnh nhân tâm thần, và thấy chúng chứa đựng những biểu tượng, hình ảnh cũng xuất hiện ở thần thoại hay chuyện cổ tích trên khắp thế giới. Ông kết luận phải có một nền móng tâm thần năng động, cả nhân loại đều có chung, dựa trên đó mỗi cá nhân xây dựng trải nghiệm riêng của mình về cuộc sống. Nhưng mỗi khi ông tìm cách diễn đạt những ý tưởng này cho Freud, chúng đều bị gán cho sự thiếu kinh nghiệm của tuổi trẻ hoặc cho sự đề kháng. “Đừng đi chệch quá xa khỏi tôi trong khi anh thật ra rất gần với tôi, bởi nếu chệch đi, có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ chống lại nhau”. Freud khiển trách và nói thêm: “Khuynh hướng của tôi là đối xử với những đồng nghiệp biểu lộ sự chống đối cũng y như cách chúng ta đối xử với bệnh nhân có biểu hiện tương tự”. Jung khó chịu với sự kẻ cả như vậy, và với tính cách của hai người đàn ông, không tránh khỏi sự tranh cãi sẽ nổ ra giữa họ. Điều này được báo trước năm 1911 bằng việc Jung công bố phần thứ nhất công trình Những chuyển hóa và biểu tượng của dục năng (“Trứng khôn hơn vịt là điều cả gan”, Jung viết cho Freud. “Nhưng những gì ở trong trứng phải có được sự dũng cảm để bò ra”), và cuối cùng bùng ra năm 1912 với sự công bố của phần hai (trong một lá thư gửi Freud, Jung đã trích dẫn Zarathustra: “Trò mãi là trò thì sẽ không đền đáp được ơn thầy”). Trong công trình này và trong một loạt những bài giảng được thực hiện ở New York vào tháng 9 năm 1912, Jung làm rõ quan điểm “dị giáo” rằng dục năng là một khái niệm rộng hớn nhiều so với những gì Freud quy định, và nó có thể xuất hiện dưới https://thuviensach.vn dạng “kết tinh” trong những biểu tượng vũ trụ hoặc “những hình ảnh cổ sơ” trong thần thoại của loài người. Jung đặc biệt hướng sự chú ý tới thần thoại về người anh hùng, và diễn giải chủ đề lặp đi lặp lại - cuộc chiến đấu của người anh hùng với một con rồng - như sự vật lộn của cái tôi thanh niên nhằm giải thoát khỏi người mẹ. Điều này khiến ông có những diễn giải về phức cảm Oedipus và sự nghiêm cấm loạn luân rất khác với những gì được Freud đề xướng. Theo quan điểm của Jung, một đứa trẻ trở nên gắn bó với mẹ không phải vì mẹ là đối tượng của sự say mê loạn luân như Freud khẳng định, mà vì bà là ngươi cho nó tình yêu và sự quan tâm - một quan điểm báo trước cuộc cách mạng lý thuyết được nhà phân tích tâm lý và tâm thần học người Anh John Bowlby khởi xướng khoảng 40 năm sau. Không chỉ thế, Jung khẳng định sự cấm kỵ loạn luân là vấn đề nguyên thủy, tồn tại tiên nghiệm, nghĩa là do suy ra từ lý thuyết thay vì từ quan sát thực nghiêm, hay nói cụ thể, không phải xuất phát từ việc người cha cấm đứa bé trai thèm khát mẹ nó như Freud khăng khăng cho là như vậy. Những ham muốn Oedipus xảy ra là hệ quả của sự cấm đoán loạn luân thay vì là nguyên nhân của nó. Jung cũng lập luận rằng phức cảm Oedipus không phải là hiện tượng phổ quát như Freud tuyên bố. Khi tái định nghĩa dục năng thành năng lượng tâm thần chưa phân hóa, Jung đã nhìn vượt khỏi tâm lý học, tới những điều tương đương trong vật lý, cụ thể là tới lý thuyết về sự chuyển hóa năng lượng do Robert Mayer đề xướng. Jung lập luận rằng giống như mọi hiện tượng vật lý, tất cả các hiện tượng tâm lý là những biểu hiện của năng lượng, chính vì thế các biểu tượng có được sức mạnh chuyển hóa năng động của chúng. Chúng ta sẽ xem xét sâu hơn khuynh hướng này trong chương 5. Việc công bố những quan điểm trên gây ra sự rạn nứt với Freud, dẫn tới chính thức chấm dứt mối quan hệ giữa họ vào đầu năm 1913. Jung thôi giữ vị trí chủ tịch Hội, tổng biên tập tạp chí Jahrbuch và giảng viên của Đại học Zürich, đồng thời rút khỏi phân tâm học. Một lần nữa, ông lại hoàn toàn một mình. https://thuviensach.vn Mối quan hệ giữa họ kết thúc theo kiểu điển hình với cả hai. Về phía Jung, mục đích sống của ông là nhận ra tiềm năng của bản thân, đi theo cảm nhận của bản thân về sự thật, trở thành một con người toàn vẹn dựa vào nỗ lực của chính mình. Đây là mục tiêu của sự cá thể hóa (individuation) như ông gọi sau này. Nếu muốn giữ niềm tin vào bản thân, ông phải đi con đường riêng. Ông sẽ không thể dành cả đời giữ địa vị phụ thuộc. Về phía Freud, ông có sự tin tưởng tuyệt đối vào tính đúng đắn của những lý thuyết của mình, điều này khiến ông không thể chịu được sự bất đồng quan điểm, mà ông thường gây ra. Ông là một hỗn hợp lạ lùng của chuyên quyền và khổ dâm. Như ông từng có lần thừa nhận với Jung, đời sống cảm xúc của ông đòi hỏi có sự tồn tại của một người bạn thân thiết và một kẻ thù bị căm ghét, và không hiếm dịp ông gặp cả hai loại trong cùng một người. Hình thái này lộ rõ trong mối quan hệ thời thơ ấu của ông với người cháu trai John (người tình cờ bằng tuổi ông), và trong quan hệ với Wilhelm Fliess - một mối quan hệ đã hỗ trợ ông trong suốt thời kỳ “cô độc tuyệt vời” (1894 - 1899, khi ông đang thực hiện phân tích tâm lý bản thân và thiết lập những nguyên lý của phân tâm học). Tình bạn của Freud với Jung, sự tranh cãi và việc sau đó Jung rời bỏ phân tâm học chẳng là gì ngoài một trong những sự kiện đáng buồn như vậy. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với mối quan hệ của Freud với Breuer, Adler, Stekel, Meynert, Silberer, Tausk và Wilhelm Reich. Reich hình thành một chứng loạn thần, chỉ hồi phục tạm thời, còn Silberer và Tausk cuối cùng đã tự tử. Đối với Jung, những hậu quả cũng gần như khốc liệt không kém. Ông rơi vào một “trạng thái mất phương hướng” kéo dài đến bốn hoặc năm năm, có những lúc tiến gần đến loạn thần. Dù phiền muộn sâu sắc, đây lại là thời kỳ của sự sáng tạo mãnh liệt, được Jung gọi là sự “đương đầu với vô thức” của mình, và nó được gây ra bởi những thăng trầm trong cuộc sống gia đình cũng nhiều như bởi việc mất đi tình bạn của Freud. Đời sống hôn nhân https://thuviensach.vn Năm 1903, Jung cưới Emma Rauschenbach (1882 - 1955), con gái một nhà tư bản công nghiệp giàu có. Từ năm 1904 đến 1914, họ sinh năm đứa con, bốn con gái và một con trai. Ban đầu họ sống trong một căn hộ ở Burghölzli. Năm 1908, họ chuyển tới một ngôi nhà xinh xắn, được cả hai thiết kế và xây dựng bên hồ ở Küsnacht, và sống phần còn lại của cuộc đời ở đó. Hình 9. Carl và Emma Jung năm 1903 https://thuviensach.vn Emma Jung là một phụ nữ hấp dẫn và thanh lịch. Với sự khích lệ của chồng, bà đã trở thành một nhà phân tích, giảng viên và tác giả tài năng. Bà là một người vợ và người mẹ đáng ca ngợi, và chắc chắn Jung yêu bà suốt đời. Tuy nhiên, như ông thú nhận với Freud, ông nhận ra trong mình có “những thành tố đa thê”, và khẳng định “có vẻ như đối với tôi, điều kiện tiên quyết cho một hôn nhân tốt đẹp là cho phép không chung thủy” (Thư từ giữa Freud và Jung, trang 289; ngày 30 tháng 1 năm 1910). https://thuviensach.vn Hình 10. Jung với vợ và bốn đứa con năm 1917 Jung khẳng định cơ bản có hai loại phụ nữ quan trọng đối với một người đàn ông: một mặt là một người vợ để tạo dựng gia đình, sinh và nuôi dạy con cái; mặt khác là một femme inspiratrice, một người bạn tâm giao là https://thuviensach.vn nữ để chia sẻ những tưởng tượng, truyền cảm hứng cho những công trình vĩ đại nhất của ông. Sự khẳng định này có lẽ là kết quả từ một phân chia trong anima (phức hợp nữ hay yếu tố nữ tính trong vô thức) của ông, và lời giải thích khả dĩ nhất cho sự phân chia này là nó bắt nguồn từ thời kỳ ông bốn tuổi, khi ông bị tách rời khỏi mẹ và được trông nom bởi một người bảo mẫu trẻ từ xứ đạo của cha. Người bảo mẫu đã tạo ra một ấn tượng không thể phai mờ trong ông, và ông vẫn nhớ đến bà này khi đã ở tuổi tám mươi: Cô có mái tóc đen, một làn da màu olive, và hoàn toàn khác với mẹ tôi. Thậm chí bây giờ tôi vẫn có thể mường tượng ra cô, thấy mái tóc của cô, chiếc cổ với làn da tàn nhang… Tất cả những điều này với tôi có vẻ rất lạ nhưng lại quen thuộc đến kỳ bí… Kiểu phụ nữ này về sau đã trở thành một cấu phần trong anima của tôi. Cô chuyển tải một cảm giác lạ lùng nhưng lại như thể tôi đã luôn biết cô - đây là đặc trưng của một nhân vật mà sau này đối với tôi, tượng trưng cho toàn bộ cốt tủy của nữ tính. (Tự truyện, trang 23) Cô bảo mẫu tạm thời này là hiện thân đầu tiên cho sự bổ trợ từ người mẹ, một femme inspiratrice, nguồn khích lệ cho cuộc hành trình cô đơn bên trong. Dù khá hài lòng với Emma trong vai trò người vợ, anima của ông vẫn đòi hỏi thêm sự hiện diện của một người đồng hành yêu thương, một ngươi bạn tâm tình để ông chia sẻ những giấc mơ và ý tưởng gần nhất của mình. Ít nhất có hai dịp nhân vật hấp dẫn này đã xuất hiện với ông ẩn dưới vẻ một bệnh nhân, một lần trong thời gian ngắn là trường hợp Sabina Spielrein (bệnh nhân đầu tiên được ông điều trị thành công bằng phương pháp của Freud), và kéo dài hơn là Antonia Wolff, người trở thành bạn thân cả đời và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, Jung tập hợp quanh mình một số nữ hâm mộ (được lối hài hước kiểu Zürich gọi một cách bất kính là Jungfrauen[2]), những người đến Zürich để phân tích tâm lý và nghiên cứu với ông, và rồi chẳng thể dời đi. Cứ như thể sự tách rời khỏi mẹ từ khi còn nhỏ đã dạy ông rằng không bao giờ có thể tin vào tình yêu của một phụ nữ, mà luôn phải tìm kiếm sự an toàn trong số nhiều. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 11. Carl và Emma Jung năm 1953 Đương nhiên, Emma không hạnh phúc với hoàn cảnh này, dù rằng theo thời gian và do bắt buộc nên bà đành chịu đựng. Chuyện yêu đương của Jung với Toni Wolff bắt đầu khoảng năm 1910, khiến dư luận xôn xao khi ông khăng khăng muốn đưa cô cùng với Emma đến hội nghị của Hội Phân tâm học quốc tế tổ chức tại Weimar năm 1911. Có những tranh cãi cay đắng giữa hai người, khi Emma yêu cầu Jung từ bỏ chuyện ngoại tình, còn Jung chống lại, nhất định cho rằng Toni quá quan trọng với ông, và ông sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cô. Vì không thể đặt ra chuyện ly dị nên Emma phải thích ứng với tình huống, chấp nhận Toni như một phần không thể thiếu của đời ông. Emma có vẻ đã cho phép ông, vừa vì sợ ảnh hưởng đến sự sáng suốt của ông vừa vì quyết tâm giữ gìn hôn nhân. Tất nhiên, đó là một thời gian đau thương cho cả hai, và nó hoàn toàn có thể là một nguyên nhân thúc đẩy sự nhiễu loạn tâm thần kéo dài, bắt đầu ảnh hưởng đến Jung từ cuối năm 1913. Đương đầu với vô thức Giai đoạn này bắt đầu với một thị kiến kinh sợ, trở đi trở lại trong mùa thu năm 1913. Ông thấy toàn bộ Bắc Âu bị ngập chìm trong biển máu. Tiếp đến là những giấc mơ về việc toàn bộ châu Âu bị đóng băng bởi một cơn sóng Bắc cực, còn ông bắn chết người anh hùng của các dân tộc German, Siegfried, khi ông ta đi ngang qua trên một xe ngựa. “Một luồng ảo tưởng không dứt trào ra… Tôi sống trong trạng thái liên tục căng thẳng, và thường có cảm giác những khối đá khổng lồ đang đổ nhào lên mình. Giông bão này theo sau giông bão khác” (Tự truyện, trang 170-171). Đôi lúc, sự nhiễu loạn trầm trọng đến mức khiến ông gần như bị điên. Ông chơi trong vườn như một đứa trẻ, nghe thấy những tiếng nói trong đầu, vừa đi thơ thẩn vừa trò chuyện với những nhân vật tưởng tượng, và có lần đã https://thuviensach.vn tin rằng nhà ông đầy những hồn ma. Nhưng nó cũng biểu lộ những phẩm chất khác thường của ông, bởi ông xem thảm họa này như một thí nghiệm đang được thực hiện: một nhà tâm thần học đang bị suy nhược, do vậy là cơ hội vàng cho nghiên cứu. Ông có thể trực tiếp tìm hiểu toàn bộ trải nghiệm và sau đó dùng nó để giúp các bệnh nhân của mình. Tôi nghĩ mình đang đưa bản thân vào một việc làm táo bạo và nguy hiểm không chỉ vì bản thân tôi mà còn vì ích lợi của bệnh nhân. Ý tưởng ấy giúp tôi vượt qua nhiều giai đoạn trầm trọng mang tính quyết định… Tất nhiên, điều mỉa mai là một nhà tâm thần học như tôi ở mỗi bước trong thí nghiệm của mình lại rơi vào cùng những yếu tố tâm thần tạo nên chứng loạn thần hay được thấy ở người điên. Đây là kho chứa những hình ảnh vô thức khiến bệnh nhân tâm thần bị rối tung đến chết. Nhưng nó cũng là ma trận của một tưởng tượng thi ca thần thoại, đã biến, mất khỏi thời đại lý trí của chúng ta. (Tự truyện, trang 172, 181) Giấc mơ giết chết Siegfried gợi ý với ông rằng những lý tưởng có trong ý thức, được thể hiện thành nhân vật anh hùng này và được nhân cách số 1 lấy để đồng nhất, giờ đây không còn phù hợp nữa và phải được hy sinh “vì có những thứ cao hơn ý muốn của cái tôi, những thứ mà cái tôi phải cúi mình” (Tự truyện, trang 174). Ông quay vào trong để gặp nhân cách số 2, cho phép những năng lượng mạnh mẽ mà ông tìm thấy ở đó được tự do hành động. Để nắm giữ những ảo tưởng, tôi thường tưởng tượng một con đường dốc đứng. Nhiều lần tôi thử đi xuống dưới. Lần đầu tiên, giống như tôi tới được một độ sâu khoảng 300 mét; lần thứ hai, tôi thấy mình ở rìa một vực thẳm vũ trụ. Nó như một hành trình dài tới mặt trăng hoặc đi xuống một không gian trống rỗng. Đầu tiên xuất hiện hình ảnh một cái hố, sau đó tôi có cảm giác đang ở trong vùng đất của người chết. Khung cảnh là của một thế giới khác. (Tự truyện, trang 174). https://thuviensach.vn Phương pháp nắm giữ ảo tưởng này rất lâu về sau đã được ông sử dụng như một kỹ thuật trị liệu trong hành nghề phân tâm học. Ông gọi nó là tưởng tượng chủ động (active imagination), và việc khám phá ra nó phần nhiều do làm theo gương cô em họ đồng cốt, Helene Preiswerk. Đi xuống một con đường dốc đứng giống như vào một trạng thái nhập đồng, trong đó những nhân cách vô thức lộ ra đủ rõ để ông giao tiếp được với chúng. Về cơ bản, điều ông đã khám phá là một khả năng riêng của ông - khả năng đi xuống cõi âm giống như Odysseus, Heracles hay Orpheus trong khi vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Trong những chuyến hành trình này, hai nhân vật ông thường xuyên chạm mặt là một phụ nữ trẻ đẹp tên là Salome và một ông già với chòm râu bạc và đôi cánh của chim bói cá tên là Philemon. Jung nhận định đây là biểu hiện của hai cổ mẫu (archetype) - người nữ bất diệt và người già minh triết. Những trò chuyện của ông với hai nhân vật này đưa ông đến với nội kiến quyết định: những thứ xảy ra trong tâm thần không phải do ý muốn tạo ra, mà chúng có một đời sống của riêng chúng. Philemon đại diện cho một thế lực không phải là bản thân tôi. Trong các huyễn tưởng của tôi, tôi có những trò chuyện với ông và ông nói những điều tôi đã không nghĩ bằng ý thức. Bởi lẽ, tôi quan sát thấy rõ rằng ông nói chứ không phải tôi. Ông nói tôi đối xử với ý nghĩ như thể tôi tự mình tạo ra chúng, nhưng theo ông, ý nghĩ như thú vật trong rừng, như người trên mặt trăng hay chim trong không trung, và nói thêm: “Nêu anh thấy những người trong một căn phòng, anh sẽ không cho rằng mình tạo ra họ, hay anh phải chịu trách nhiệm về họ”. Chính ông dạy tôi tính khách quan của tâm thần, thực tại tâm thần. (Tự truyện, trang 176). https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 12. Philemon Khi dùng chữ “thực tại tâm thần”, Jung muốn nói rằng ông hiểu tâm thần như một sự kiện tiên nghiệm của tự nhiên, một hiện tượng khách quan không thể được giản hóa thành bất kỳ nhân tố nào khác ngoài chính nó. “Sự tồn tại về mặt tâm thần là phạm trù tồn tại duy nhất mà chúng ta có hiểu biết tức thì, bởi lẽ không thứ gì có thể được biết trừ phi đầu tiên nó xuất hiện như một hình ảnh tâm thần” (Toàn tập XI, đoạn 769). Giống như “Ivenes” trong trường hợp của Helene, Philemon là tiềm năng trưởng thành của Jung. “Đôi lúc ông có vẻ rất thật đối với tôi, cứ như ông là một nhân cách sống. Tôi đi lại trong vườn với ông, và đối với tôi, ông là thứ mà người Ấn Độ gọi là một đạo sư (guru)” (Tự truyện, trang 176). Những cuộc trò chuyện với Philemon không hề là những hiện tượng loạn thần gây ra sự tổn hại, mà chúng giúp Jung khám phá một sự an tâm mới. Đã mất đi hình tượng người cha bên ngoài dưới hình dạng Bleuer và Freud, và đã phá hủy biểu tượng anh hùng của họ dưới hình dạng Siegfried, giờ đây ông tìm được sự tự chủ bên trong ở Philemon. Hơn nữa, Philemon là biểu hiện rõ ràng đầu tiên của một nhân cách lôi cuốn về nhiều mặt mà Jung có vận mệnh trở thành - ông già thông thái vùng Küsnacht. Việc những trải nghiệm ấy không làm ông rơi vào loạn thần nặng rất có thể là do thái độ của ông đối với chúng: ông nói mình hết sức chú ý ghi lại mọi chi tiết những gì xảy đến với bản thân. Tập hợp những ghi chép này ban đầu được gọi là Sách đen, bao gồm sáu cuốn, sổ đóng bìa đen. Nội dung của nó về sau được ông chuyển qua Sách đỏ, một tập sách khổ đôi bọc bằng da đỏ, viết bằng chữ Gothic và được trang trí bằng hình minh họa. Một ngày, khi đang thực hiện công việc này, ông nghe thấy một giọng nữ nói rằng những gì ông đang làm không phải là khoa học mà là “nghệ thuật”. Ông vô cùng khó chịu với câu nói đó và nhận xét: “Không, đây không phải là nghệ thuật! Ngược lại, nó là tự nhiên”, ông không thích sự ám chỉ rằng mình đang dấn thân vào một hoạt động nghệ thuật, vì như vậy có nghĩa là trải nghiệm của ông được cố ý sắp đặt, không phải là những tuôn https://thuviensach.vn trào tự phát từ vô thức như ông xem là vậy. Tuy nhiên, ông suy nghĩ thấu đáo về sự tồn tại của người phụ nữ bên trong này - người có khả năng làm ông bực mình - và kết luận đó phải là sự nhân cách hóa của tâm hồn ông. ‘“Về sau, tôi đã nhận ra nhân vật nữ bên trong này đóng một vai trò tiêu biểu, như một “cổ mẫu” trong vô thức của một người nam, và tôi gọi nó là ‘anima’” (Tự truyện, trang 179). Toàn bộ khủng hoảng tự mất đi trong những tháng ngay sau khi kết thúc Thế chiến I, khi ấy Jung đang là sĩ quan chỉ huy của một doanh trại giam giữ tù binh người Anh. Nhiệm vụ không nặng nề, nên ông dành các buổi sáng thực hiện một loạt những bức họa tự phát, có vẻ diễn tả trạng thái tâm thần của ông thời điểm ấy. Sau này, ông nhận ra những bức họa đó giống các mạn-đà-la (mandala) cổ. Mandala được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, chúng là những hình ảnh nguyên sơ về sự toàn vẹn hay tổng thể. Dù có hình tròn, chúng thường tích hợp một số miêu tả về một bộ bốn, chẳng hạn hình chữ thập hoặc hình vuông. Trung tâm của mandala thường đề cập tới một hộ thần. Jung bắt đầu hiểu những bức họa này như những miêu tả về Ngã, hạt nhân trung tâm của nhân cách, đôi lúc được ông gọi là “cổ mẫu của các cổ mẫu”. Ông thấy những bức vẽ mandala cho phép ông gán hình tướng khách quan cho những chuyển hóa tâm thần mà ông trải qua từng ngày. “Tôi có cảm giác rõ rệt rằng chúng là thứ gì đó có vai trò cốt lõi, và qua thời gian, tôi có được từ chúng một quan niệm sông động về Ngã (Tự truyện, trang 187). https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 13. Mandala “Cửa sổ nhìn ra vĩnh hằng” của Jung Cuối cùng, đã có một giấc mơ có tác động khác thường đối với ông. Ông thấy mình ở Liverpool (nghĩa đen là “hồ của cuộc sống”), một thành phố với những khu phố được sắp xếp tỏa ra xung quanh một hình vuông. Ở trung tâm có một cái hồ tròn, giữa hồ là một hòn đảo nhỏ. Hòn đảo rực rỡ ánh mặt trời trong khi mọi thứ xung quanh bị che mờ bởi mưa, sương, khói và bóng tối lờ mờ. Trên đảo chỉ có một cây hoa mộc lan với những bông hoa đỏ nhạt đang nở tưng bừng. Dù cái cây đứng trong ánh mặt trời, Jung cảm thấy bản thân nó cũng đồng thời là nguồn ánh sáng. Điều này có vẻ tổng kết lại tất cả những gì ông đã trải qua và tượng trưng cho điểm ông đã đạt tới. “Khi rời khỏi Freud, tôi biết tôi đang lao vào những điều mơ hồ. Xét cho cùng, ngoài học thuyết Freud, tôi không biết gì cả, nhưng tôi đã có những bước đi vào chỗ tối tăm. Khi những chuyện đó xảy ra, rồi khi có một giấc mơ như vậy, người ta cảm thấy đó là một ân sủng” (Tự truyện, trang 190). Lúc mọi chuyện đã qua đi, ông xem những năm “thí nghiệm” ấy là những năm quan trọng nhất đời mình: “Mọi thứ cốt yếu nhất được quyết định trong những năm đó” (Tự truyện, trang 191). Chúng quyết định tiến trình phát triển tương lai của ông, cung cấp cơ sở cho bộ môn tâm lý trị liệu mang tên ông. “Mọi thứ bắt đầu từ những năm ấy, những chi tiết sau này chỉ là những bổ sung và làm sáng tỏ nội dung đã bùng ra từ vô thức khiến tôi bị ngập chìm lúc đầu. Nó là prima materia, chất liệu sơ khai cho công việc của cả đời” (Tự truyện, trang 191). Bệnh sáng tạo Đã có nhiều bàn luận về điều gì thực tế đã xảy ra với Jung trong giai đoạn trọng yếu này của cuộc đời ông. Một trong những diễn giải thuyết phục https://thuviensach.vn nhất là của Henri Ellenberger. Trong tác phẩm Khám phá vô thức (1970), Ellenberger cho rằng Jung trải qua một dạng “bệnh sáng tạo” giống như Freud từng bị ở thời kỳ y hệt (giữa tuổi 38 và 43). Căn bệnh này có xu hướng tấn công sau một thời gian hoạt động lý trí cường độ cao và giống như một chứng nhiễu tâm (neurosis), hoặc trong trường hợp trầm trọng, giống chứng loạn thần (psychosis). Khi vẫn đang vật lộn với những vấn nạn khởi đầu của tình trạng bệnh, người bệnh ngày càng tin rằng mình không còn nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài, trở nên cô lập về mặt xã hội và hướng sâu hơn vào bên trong. Sự nhiễu loạn có thể kéo dài bốn hoặc năm năm. Khi sự phục hồi bắt đầu, nó xảy ra một cách tự phát, đi liền với tâm trạng phấn chấn và chuyển hóa về nhân cách. Chủ thể cảm thấy đã có những cái nhìn thấu tỏ vào những sự thật quan trọng và tin rằng mình có nhiệm vụ chia sẻ những điều này với thế giới. Vì vậy, Jung quan sát: Có những thứ trong các hình ảnh không chỉ liên quan đến bản thân tôi mà cả nhiều người khác. Chính khi ấy tôi không còn chỉ thuộc về bản thân, không còn có quyền làm như vậy nữa. Từ đó trở đi, cuộc đời tôi thuộc về cái chung… Đó là thời gian tôi đã dâng hiến bản thân để phụng sự thế giới tinh thần. Tôi yêu nó và ghét nó, nhưng nó là tài sản lớn nhất của tôi. (Tự truyện, trang 184) Kinh nghiệm của Jung giống như những gì các pháp sư và nhà huyền học đã trải qua, thậm chí cả một số nghệ sĩ và triết gia. Chẳng hạn, Van Gogh, Strindberg, Nietzsche, Theodor Fechner (người sáng lập vật lý tâm thần học) và người theo thuyết thần trí Rudolph Steiner. Bản thân Jung so sánh nó với Neykia (chuyến đi tới nơi linh hồn người chết tạm lưu trú) của Odysseus, và nó đã được hình dung trước trong những tưởng tượng của Miss Miller, một nữ sinh viên người Mỹ của Jung (tạo thành cơ sở cho cuốn sách Những chuyển hoá và biểu tượng của dục năng) cũng như bởi những buổi nhập đồng của Helene Preiswerk và Helen Smith. Trong trường hợp Miss Miller, đầu tiên Jung phát hiện một “sự xa lánh thế gian” (gắn liền với https://thuviensach.vn sự hướng nội và thoái triển của dục năng), tiếp theo là một “sự chấp nhận thế gian” (gắn liền với sự hướng ngoại của dục năng và sự thích ứng chín chắn hơn với thực tại bên ngoài). Chủ đề đi xuống địa ngục và trở lại cũng xuất hiện trong sử thi về Gilgamesh[3], Aeneid của Virgil[4] và Hài kịch thần thánh của Dante[5]. Nhưng tương đồng thú vị nhất như chúng ta đã nhận thấy là sự suy nhược loạn thần của Freud những năm 1890 mà ông tự chữa lành bằng cách phân tích bản thân. Trong quá trình ấy, ông đã khám phá những nguyên lý cơ bản của phân tâm học, như việc sử dụng liên tưởng tự do và phân tích giấc mơ, vai trò của tính dục trong thuyết nguyên nhân bệnh về các bệnh loạn thần, các giai đoạn phát triển dục năng ở trẻ em, sự cố định và thoái triển của dục năng, sự dồn nén những ước muốn bị cấm đoán,… Trong giai đoạn phục hồi, cả Freud và Jung đều công bố những cuốn sách quan trọng chứa đựng các tư tưởng nguyên bản. Diễn giải giấc mơ của Freud xuất hiện năm 1900 khi ông 45 tuổi, còn Những loại hình tâm lý của Jung xuất hiện năm 1921 khi ông 46 tuổi. Như vậy, hầu hết các ý tưởng của Freud đã phát triển và được ổn định trước khi ông gặp Jung, trong khi hầu hết các ý tưởng của Jung được phát triển sau khi ông đã tìm được sự dũng cảm để xa rời Freud và chịu đựng những hậu quả của mất mát ấy. Nếu sáu năm tình bạn là một thời kỳ khám phá và chuẩn bị đối với Jung, nó lại là thời gian siết lại đối với Freud, khi ông trở nên ngày càng không chịu được những người xem xét lại các ý tưởng mà ông xem là những sự thật không thể bàn cãi. Gregory Bateson (Những bước đi tới một sinh thái học về tinh thần, 1973) đã không sai khi mô tả kinh nghiệm Nekyia của Jung là một khủng hoảng nhận thức luận, đó là thời kỳ ông vứt bỏ những lý thuyết giản hóa luận của Freud và hình thành nền tảng cho lý thuyết riêng của mình. Với sinh lực của người vừa ra khỏi một căn bệnh sáng tạo, ông trở lại với nghiên cứu thần thoại học, triết học và tôn giáo để tìm những tương đồng khách quan với những gì ông đã trải nghiệm. Những loại hình tâm lý là thành quả của nỗ lực này. Trong cuốn sách, ông bắt đầu tổ chức các ý tưởng của mình https://thuviensach.vn về cấu trúc và chức năng của tâm thần, khảo sát cơ sở của những khác biệt của ông (và của Adler) so với Freud. Ông lập luận rằng trong tiến trình phát triển, mọi người đi đến chấp nhận những thái độ theo thói quen, chúng quyết định trải nghiệm của họ về cuộc sống. Khi xem xét lại lịch sử văn hóa trong một phạm vi rộng, ông kết luận có hai định hướng tâm lý căn bản và biểu lộ rõ, được ông gọi là những thái độ hướng nội và những thái độ hướng ngoại. Sự hướng nội có đặc điểm là di chuyển mối quan tâm từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong của chủ thể, còn sự hướng ngoại có đặc điểm là chuyển những mối quan tâm ra khỏi chủ thể, tới cảnh giới thực tại khách quan bên ngoài. Jung tin rằng những khác biệt của ông so với Freud là do ông có sự hướng nội, vận hành đối ngược với sự hướng ngoại của Freud. Giải thích này chứa đựng không ít sự thật, nhưng nó không đủ sức nặng để giải thích những nhân tố không kém phần quan trọng khác. Con người là sản phẩm của những nền tảng rất khác nhau. Freud, một người Do Thái thành thị, lúc nhỏ được yêu chiều hết mực bởi một người mẹ trẻ đẹp, được giáo dục trong một truyền thống tiến bộ nên tự nhiên dẫn ông đến với khoa học. Trong khi ấy, Jung là một người Tin Lành ở nông thôn, gắn bó không chắc chắn với một người mẹ trầm cảm và nhiều lúc vắng mặt, bị nhấn chìm trong thần học và chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn. Do vậy, không ngạc nhiên khi Freud là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, hoài nghi, tin vào tầm quan trọng phổ quát của phức cảm Oedipus, trong khi Jung luôn toàn tâm với đời sống tâm thần và cho rằng phức cảm Oedipus không có giá trị phổ quát. Một khác biệt quan trọng khác giữa họ là Freud hay có khuynh hướng nhìn lại, điều này tạo cho ông sự quan tâm theo chiều hướng giản hóa đối với các nguồn gốc. Trong khi đó, khuynh hướng của Jung là nhìn tới, nên ông quan tâm theo chiều hướng thích ứng với các mục tiêu. Sự phân biệt này lộ rõ trong cách họ tiếp cận nghệ thuật cũng như bệnh tâm thần. Nhưng điểm trọng yếu của những khác biệt giữa Jung và Freud được Jung nói lên trong một bài báo năm 1920: “Sự phê phán về mặt triết học đã giúp tôi thấy mọi https://thuviensach.vn học thuyết tâm lý - kể cả của tôi - đều có tính chất của một sự thú nhận chủ quan”, ông viết. “Ngay cả khi đang xử trí dữ liệu thực nghiệm, tôi cũng đang nói về bản thân” (Toàn tập IV, đoạn 774). Điều tương tự cũng đúng với Freud. Cá thể hóa: sự thành tựu Ngã Trong phần còn lại của cuộc đời, Jung tập trung vào động lực học của sự chuyển hóa và trưởng thành cá nhân. Ông là một trong số ít các nhà tâm lý học trong thế kỷ 20 khẳng định rằng quá trình phát triển kéo dài từ thời tuổi thơ, thanh niên, qua trung niên và đến tận lúc già. Quá trình phát triển kéo dài cả đời này được ông gọi là cá thể hóa (individuation), và ông tin rằng nó có thể đem lại sự khai hoa kết trái tốt nhất nếu người ta tìm hiểu và đương đầu với vô thức theo cách ông đã khám phá trong tiến trình Nekyia của ông. Ông muốn hàm ý gì khi nói đương đầu với vô thức? Ông trải nghiệm vô thức như một sự hiện diện sống động và bí ẩn, sự song hành liên tục của mọi khoảnh khắc thức (và ngủ). Đối với ông, bí mật về ý nghĩa cuộc đời có liên hệ với sức mạnh quỷ thần này đến mức có thể biết nó. Về bí mật ấy, câu đầu tiên trong Tự truyện của ông vang lên với chúng ta như một tiếng kèn trumpet: “Cuộc đời tôi là câu chuyện về sự hiện thực hóa của vô thức”. Làm thế nào chúng ta để vô thức có thể tự hiện thực hóa? Bằng cách cho nó tự do bày tỏ, sau đó khảo sát những gì nó đã bày tỏ. Vì vậy, để tự hiện thực hóa, tâm thần phải quay ngược vào chính nó và đương đầu với những gì nó tạo ra. Để thực hiện thí nghiệm, một lần nữa Jung lại trải nghiệm bản thân như thể tách thành hai - chủ thể ý thức là người trải nghiệm, ghi nhận và vật lộn để sống còn, và khách thể vô thức, biểu hiện trong những nhân cách và sức mạnh chế ngự, đòi hỏi sự chú ý và tôn trọng của người đó. Từ đây xảy ra hai https://thuviensach.vn hệ quả: sự tăng cường về nhận thức, và sự thừa nhận tâm thần như một thực thể có thật, khách quan. Như mọi việc cho thấy, ông là một quảng bá tốt cho những lý thuyết của mình. Nhiều người đã chứng kiến sự thay đổi xảy đến với ông khi ông bước vào tuổi trung niên. Chàng trai trẻ xa cách và dễ giận nhường chỗ cho một con người minh mẫn, vui vẻ của giai đoạn chín chắn tuổi già. Dù không bao giờ mất đi hứng thú ở một mình, ông đã hình thành một khả năng hòa hợp với mọi người ở mọi tầng lớp, và những người đến tham vấn ông bị ấn tượng bởi sự lịch lãm và hài hước cũng nhiều như bởi sự thông thái và trí óc siêu phàm của ông. Chính mức độ cá thể hóa mà ông đạt được đã lôi kéo mọi người từ khắp nơi đến Zürich, đã thu hút hàng triệu người khi họ thấy ông trên truyền hình lúc già, và giải thích cho sự quan tâm tăng mạnh sau khi ông mất. https://thuviensach.vn Hình 14. Tháp ở Bollingen, 1956 Ông không bao giờ ngừng tìm hiểu vô thức hay ngừng nghiên cứu những chất liệu đã thu thập trong thời kỳ “đương đầu” của mình. Năm 1922, ông mua một khu đất ở Bollingen, bên bờ nửa trên ngoạn mục của hồ Zürich, và tại đó, ông xây một cái tháp đơn giản, xung quanh có những kiến https://thuviensach.vn trúc bổ sung vào những thời điểm khác nhau trong phần còn lại của cuộc đời, do vậy biến nó thành một mandala kiến trúc. Ở trung tâm của tổ hợp riêng tư bằng đá này, ông dành một phòng mà chỉ ông mới được vào, tại đó ông hoàn thành những công việc quan trọng nhất cả về bản thân lẫn học thuyết tâm lý của ông. Cuối cuộc đời, ông viết: “Tại Bollingen, ở giữa cuộc sống đích thực của mình, tôi mới là chính mình một cách sâu sắc nhất” (Tự truyện, trang 214). Đây là việc hiện thực hóa những tưởng tượng thời thơ ấu của ông về một pháo đài với phòng thí nghiệm bí mật của nó. Một sự kiện có tính quyết định, xảy ra sau giai đoạn khủng hoảng trung niên, là việc ông “khám phá” giả kim thuật. Điều này xảy ra năm 1927, khi nhà Hán học Richard Wilhelm gửi ông một bản dịch tiếng Đức của luận giải Đạo giáo về giả kim thuật gọi là Bí mật của kim hoa[6], và yêu cầu ông viết bình luận. Trong quá trình đọc, Jung nhận ra với sự phấn khích không ngừng rằng ông đã tìm được một tương đồng lịch sử với trải nghiệm của chính ông: đây là sự xác nhận lạ thường nhất và bất ngờ nhất cho những nội kiến của ông về ý nghĩa của mandala, sự tỏa ra từ trung tâm, và hiện tượng học về Ngã. “Đó là sự kiện đầu tiên chọc thủng sự cô độc của tôi”, ông viết (Tự truyện, trang 189). Ông bị tác động mạnh bởi sự thân thuộc lạ thường mà ông cảm thấy với tài liệu tâm linh phong phú này, một tư liệu đến từ một nguồn gốc thật xa xôi với bản thân ông. Nó đã khởi động một loạt các khảo sát giả kim thuật mà về sau chiếm phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời ông. Hai giấc mơ đã giúp ông chuẩn bị để đón nhận những gì đã có sẵn. Trong một giấc mơ, ông khám phá một thư viện của thế kỷ 17 trong một phần phụ thuộc ngôi nhà của ông mà trước nay ông không biết. Trong giấc mơ kia, một số cánh cổng kêu vang rền khép lại đằng sau, giữ ông bị kẹt cũng trong thế kỷ ấy. Một cách kiên nhẫn, ông bắt đầu tập hợp một trong những bộ sưu tập lớn nhất đang có về các tác phẩm giả kim thuật, và thấy rõ rằng các nhà giả kim thuật đã sử dụng một ngôn ngữ bí mật, được diễn đạt bằng những biểu tượng chỉ ít người hiếu được. Đầu tiên, ông không hiểu https://thuviensach.vn lắm những gì họ muốn nói, nhưng trong quá trình diễn giải, soạn ra một từ vựng chi tiết những mệnh đề then chốt và các tham khảo chéo, “phương thức diễn đạt giả kim thuật đã dần dần phô bày ý nghĩa của nó” (Tự truyện, trang 196). Jung nhận ra trong giả kim thuật, ông tìm được một điềm báo cho chính học thuyết tâm lý của mình. “Có thể nói, những kinh nghiệm của nhà giả kim thuật cũng là những kinh nghiệm của tôi, và thế giới của họ là thế giới của tôi. Tất nhiên, đây là một khám phá trọng yếu: “Tôi đã bắt gặp một tương đồng lịch sử với tâm lý học vô thức của tôi” (Tự truyện, trang 196). Cho đến lúc ấy, giả kim thuật đã bị gạt bỏ như thể không hơn gì một dự báo thô sơ của hóa học, nhưng Jung tin rằng trong nỗ lực biến kim loại thành vàng, các nhà giả kim thuật đang dấn thân một cách biểu tượng vào quá trình chuyến hóa tâm thần. Nói cách khác, giả kim thuật là một ẩn dụ cho sự cá thể hóa. Cũng giống như thế giới tự nhiên không thích những khoảng chân không, trong những vấn đề mà người ta không biết, sự tưởng tượng sẽ nhanh chóng lấp đầy cái không biết. Đứng trước một lĩnh vực mà mình không biết, chúng ta phóng chiếu hoạt động tâm thần của chính mình vào nó và lấp đầy nó bằng ý nghĩa. Những thí nghiệm về sự phóng chiếu của tâm lý khai thác thiên hướng này bằng cách đề nghị đối tượng thí nghiệm kể lại những gì họ thấy trong các dấu mực hay những hình vẽ mơ hồ. Leonardo da Vinci chủ trương sử dụng một kỹ thuật tương tự để tạo cảm hứng vẽ tranh phong cảnh bằng cách nhìn chằm chằm vào những đốm ướt trên một bức tường. Jung là người đầu tiên nhận ra những thực hành ấy là công cụ hữu ích để nghiên cứu những nội dung của tâm thần lẽ ra không thể tiếp cận. Chúng cho phép ta nhận thức được những ý nghĩa mới mẻ nổi lên từ vô thức bằng cách thấy sự phản ánh của chúng trong thực tại bên ngoài, và điều này cung cấp mấu chốt cho một trong những chức năng giá trị nhất của trị liệu bằng nghệ thuật. Jung nhận thấy các nhà giả kim thuật đã khai thác chính cơ chế ấy mà không https://thuviensach.vn biết: giả kim thuật là một phương pháp tỉ mỉ, dựa hoàn toàn trên hiện tượng phóng chiếu tâm lý. Jung đặc biệt bị cuốn hút vào những giải thích về các giai đoạn diễn tiến của quá trình chuyển hóa sản phẩm giả kim thuật, ông thấy ở chúng những tương đồng trực tiếp với các giai đoạn phân tích tâm lý. Trong mối quan hệ giữa nhà giả kim thuật và soror mystica, người nữ trợ giúp, Jung cũng phát hiện một mô hình thời đầu về mối quan hệ chuyển di và chuyển di ngược, hình thành giữa nhà phân tích tâm lý và bệnh nhân trong tiến trình điều trị bằng phân tích. Ông nhận ra các biểu tượng giả kim thuật xuất hiện trong giấc mơ, kể cả những giấc mơ của một nhà khoa học hiện đại, và khám phá ấy giúp ông xác nhận tính đúng đắn nội kiến của mình, đó là các nhân tố cổ mẫu của tâm thần quyết định hệ biểu tượng giả kim thuật, ông đã công bố một loạt những giấc mơ như vậy (của nhà vật lý học đoạt giải thưởng Nobel Wolfgang Pauli, 1900-1958) trong cuốn Tâm lý học và giả kim thuật (Toàn tập XII). Những nghiên cứu này làm mới lại sự cam kết của ông với phân tích tâm lý – giờ đây được ông quan niệm như một phương tiện đưa đến sự trưởng thành cá nhân hơn là một kỹ thuật điều trị các rối loạn tâm thần. Ông cũng ngày càng dành công sức để dạy người khác, kể cả sinh viên lẫn bệnh nhân, về chính những phương pháp ông đã hoàn thiện trong giai đoạn đương đầu với vô thức của mình. Đó cũng là những phương pháp đã được ông tìm hiểu cặn kẽ mọi mập mờ kỳ lạ dựa trên một môn khoa học thần bí của thế kỷ 17. Tuổi già và sự trưởng thành Những gì khiến cách tiếp cận tâm lý học phát triển của Jung khác với hầu hết mọi người là ý tưởng rằng ngay trong tuổi già, chúng ta cũng đang trưởng thành hướng tới sự phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình. Đương https://thuviensach.vn nhiên điều này có vẻ đúng với Jung. Nếu ông đã chết trong Thế chiến I như nhiều người châu Âu cùng thời, chúng ta hẳn đã nghe rất ít về ông. Nhưng ông lại nổi danh khi bước vào tuổi già. Những cuốn sách có ảnh hưởng nhất của ông được xuất bản ở nửa sau cuộc đời, và không chỉ thế, tầm trí tuệ của ông còn tiếp tục mở rộng như chúng ta có thể đánh giá từ nhiều chủ đề khác nhau mà ông dành sự chú ý, chẳng hạn đồng hiện (synchronicity), đĩa bay, tâm lý trị liệu, giả kim thuật, Kinh Dịch, hay tôn giáo. Đối với Jung, việc già đi không phải là một quá trình suy thoái không thể lay chuyển, mà là một thời kỳ ngày càng chắt lọc những gì cốt lõi. “Câu hỏi quyết định đối với một người đàn ông là: anh ta có liên quan đến một sự kiện vô cùng nào đó không?” (Tự truyện, trang 300). Cái nhìn này là gốc rễ của cuộc đời và học thuyết của ông. Đối với ông, sự kiện vô cùng, cái vĩnh hằng, cái bất diệt luôn hiện diện và sắp xảy ra đến nơi, giống như tảng đá nền của thực tại, và càng trở nên hấp dẫn hơn bởi bị che giấu (“huyền bí”). “Cuộc sống đối với tôi luôn có vẻ như một cái cây sống trên thân rễ của nó”, ông viết. “Phần xuất hiện trên mặt đất chỉ tồn tại trong một mùa hè. Rồi nó khô héo và chết đi - một sự xuất hiện phù du… Nhưng tôi chưa bao giờ mất đi cảm giác về một thứ gì đó sống động và trường tồn bên dưới những biến dịch bất tận. Điều chúng ta thấy là hoa tàn. Thân rễ vẫn còn lại” (Tự truyện, trang 18). Bí mật lớn lao là, hãy là hiện thân của một điều gì đó cốt tủy trong cuộc sống của chúng ta. Thế rồi, không bị tuổi tác đánh gục, chúng ta có thể tiến tới với phẩm giá và ý nghĩa, và sẵn sàng “chết với cuộc đời” khi cái kết đến gần. Bởi lẽ mục tiêu của tuổi già không phải là sự suy yếu về cơ thể, mà là sự minh triết. Sức lực sáng tạo của Jung ở giai đoạn chín chắn của tuổi già được dẫn trước bởi một đợt “bệnh sáng tạo” thứ hai. Đầu năm 1944, khi 68 tuổi, ông bị tắc mạch máu ở tim và phổi khiến suýt mất mạng. Khi nằm trong bệnh viện, ông đã có kinh nghiệm cận tử, thấy trái đất từ khoảng cách một ngàn dặm ngoài không gian. Ông cảm thấy mình đang tách rời khỏi thế giới, và bực bội khi bác sĩ điều trị đưa ông trở lại với cuộc sống. Tuy nhiên, ông đã phục hồi hoàn toàn, và dành toàn bộ sức lực cho viết lách - công việc này https://thuviensach.vn được ông ưu tiên hơn mọi hoạt động khác trong mười bảy năm tiếp theo. Căn bệnh có vẻ khiến sự dịch chuyển từ nhân cách số 1 sang nhân cách số 2 đi thêm một chặng xa hơn. Hai giấc mơ của ông xác nhận điều này. Trong giấc mơ thứ nhất, ông thấy một yogi (hành giả yoga) đang thiền định trong tư thế hoa sen. Jung nhận ra vị yogi có gương mặt của chính ông, và ông tỉnh dậy trong sự hoảng sợ. “Vậy ra ông ta là người đang trầm tư về mình”, ông nghĩ. “Ông ta có một giấc mơ, mà mình là giấc mơ ấy”. Trong giấc mơ thứ hai xảy ra khá lâu về sau, ông trải nghiệm cảm giác bản thân như hình chiếu của một đối tượng bay không rõ là gì, có hình dạng như một cái đèn lồng ảo thuật kiểu cũ. Ông hiểu những giấc mơ này đang cho thấy vô thức là thứ tạo ra nhân cách thực nghiệm và Ngã nhận lấy hình dạng con người để đi vào thực tại ba chiều. Ở tuổi 82, ông viết: Rốt cục, những sự kiện duy nhất đáng nói tới trong đời tôi là những lúc thế giới bất diệt đi vào thế giới phù du này.. Mọi ký ức khác về những chuyến đi, con người và cảnh vật xung quanh đã trở nên lu mờ bên cạnh những sự kiện bên trong ấy… Những gặp gỡ với thực tại “khác”, những vật lộn với vô thức đã được khắc vào ký ức không thể phai mờ. Cảnh giới ấy luôn có sự phong phú vô cùng, mọi thứ khác so với nó đều mất đi tầm quan trọng. (Tự truyện, trang 18) Những chủ đề chính choán lấy tâm trí của Jung đến tận cuối cuộc đời là sự bí ẩn của các cặp đối lập, sự phân chia, sự hợp nhất, sự siêu việt của chúng, và ý nghĩa vũ trụ của tâm thức con người. Ông ghi lại những suy ngẫm của mình trong ba cuốn sách khó và đầy thách thức: Aion (1951), Câu trả lời cho Job (1952) và Mysterium Coniunctionis (1955-1956)[7]. Câu trả lời cho Job, dễ đọc nhất trong ba cuốn, đã đưa ông vào mâu thuẫn với các nhà thần học, bởi trong đó ông lên án Thượng đế vì đã để nhân loại mang gánh nặng trách nhiệm cho tất cả những điều xấu trên thế gian, trong khi miễn cho bản thân ngài khỏi mọi tội lỗi. Theo Jung, sự thiếu tự giác từ phía Thượng đế chỉ có thể được sửa chữa bởi ý thức của con người, và điều này https://thuviensach.vn giải thích tại sao Thượng đế thấy cần hiện thân thành con người. “Đó là ý nghĩa của nghi lễ thiêng liêng, một nghi lễ mà con người có thể dâng cho Thượng đế, để ánh sáng nổi lên từ chỗ tối tăm, để Đấng Tạo tác có thể trở nên ý thức về hành động tạo tác của mình, và để con người ý thức về bản thân.” (Tự truyện, trang 312). Mầm mống của tri kiến này đến với ông năm 1925 trong một chuyến đi thăm vùng đồng bằng Athai ở Đông Phi. Ông đứng cùng những người bạn đồng hành trên một quả đồi nhìn xuống hoang mạc trải dài tới tận chân trời, thấy những đàn linh dương gazen, linh dương đen, linh dương đầu bò, ngựa vằn và lợn rừng đông đảo, đang di chuyển và lướt tới như những dòng sông chậm rãi. Hầu như không có âm thanh nào ngoại trừ tiếng kêu u sầu của một con chim săn mồi. Đây là sự tĩnh lặng của khởi đầu vĩnh hằng, thế giới như nó đã luôn là trong trạng thái không-là, bởi lẽ cho đến lúc ấy vẫn chưa có ai hiện hữu để biết nó là thế giới này. Tôi tách khỏi những người bạn đồng hành cho đến khi không còn trông thấy họ, và tận hưởng cảm giác hoàn toàn một mình. Giờ đây, tại nơi đó, tôi là con người đầu tiên nhận ra đây là thế giới, nhưng lại không biết rằng trong khoảnh khắc ấy, anh ta đã lần đầu tiên thật sự tạo ra nó. Tại đó, tầm vóc vũ trụ của ý thức trở nên rõ đến choáng ngợp đối với tôi. “Những gì Tự nhiên để ở trạng thái không hoàn hảo, nghệ thuật làm cho hoàn hảo”, các nhà giả kim thuật nói. Con người, tôi, trong một hành động tạo tác vô hình đã đặt dấu ấn hoàn hảo lên thế giới bằng cách cho nó sự tồn tại khách quan… Giờ đây, tôi biết nó là gì, và thậm chí còn biết hơn nữa, rằng con người là không thể thiếu để hoàn tất sự tạo tác. Nói cách khác, chính con người là nhân vật tạo tác thứ hai của thế giới, chỉ riêng người ấy trao cho thế giới sự tồn tại khách quan của nó. Nếu không có sự tồn tại khách quan ấy, nếu không được nghe, không được thấy, chỉ yên lặng ăn, sinh đẻ, chết, gật đầu tán thành qua hàng trăm triệu năm, nó đã diễn tiến trong đêm trường không-hiện-hữu thăm thẳm cho đến tận cái kết bất định. Ý thức con người đã tạo ra sự tồn tại khách quan và ý nghĩa, và con người tìm được vị trí không thể thiếu của mình trong tiến trình hiện hữu vĩ đại.” (Tự truyện, trang 240-241) https://thuviensach.vn Như vậy, tâm lý học của Jung cũng trở thành một vũ trụ học, bởi ông nhìn nhận tiến trình phát triển cá nhân hướng tới một tâm thức trọn vẹn giống như xảy ra trong bối cảnh vĩnh hằng. Tinh thần, dù tồn tại như thể riêng biệt, sul generis, như một phần khách quan của tự nhiên, nhưng lại chịu cùng các quy luật chi phối vũ trụ, và bản thân nó là sự thực thi tối thượng của những quy luật ấy: thông qua sự thần diệu của tâm thức, tinh thần con người cung cấp tấm gương để Tự nhiên thấy mình được phản chiếu. Lúc tuổi già, ông có nhiều linh cảm về việc sắp chết, và điều khiến ông ấn tượng là mình không có những hối hả của vô thức về sự ra đi ấy. Thật ra, cái chết đối với ông có vẻ tự thân nó là một mục tiêu, một thứ để chào đón. Vì vậy, trong một giấc mơ, ông đã thấy “tháp Bollingen khác” chìm trong ánh sáng rực rỡ, và một giọng nói vang lên với ông rằng mọi thứ đã hoàn tất và sẵn sàng đón ông. Nhìn lại đời mình, ông ngẫm nghĩ: “Trong trường hợp của tôi, chắc chắn một thôi thúc say mê đối với hiểu biết đã khiến tôi ra đời, bởi lẽ đó là yếu tố mạnh nhất trong bản chất con người tôi” (Tự truyện, trang 297). Nhu cầu hiểu và biết này đã giữ ông sống đầy sáng tạo đến tận 86 tuổi, tới khi ông bị hai cơn tai biến trong cùng một tuần, và thanh thản ra đi vào ngày 6 tháng 6 năm 1961 tại Kusnacht. https://thuviensach.vn 2 Cổ mẫu và vô thức tập thể Năm 1909, Jung và Freud được mời đến giảng tại Clark University ở Worcester, Massachusetts. Họ đi trong bảy tuần, dành thời gian dài mỗi ngày để nói chuyện và phân tích những giấc mơ của nhau. Trong tất cả những giấc mơ họ đã phân tích, hai giấc mơ có vai trò quyết định đối với tình bạn của họ. Đầu tiên là một giấc mơ của Freud, được Jung dùng mọi nỗ lực để diễn giải chỉ trên cơ sở một vài liên tưởng từ Freud. Khi Jung thúc ép ông cung cấp thêm, Freud nhìn Jung với vẻ hơi nghi ngờ và từ chối: “Tôi không thể mạo hiểm vị thế của tôi”, ông nói. Khoảnh khắc đó, Freud đã hoàn toàn mất đi vị thế ấy. “Câu nói khắc sâu vào ký ức của tôi, và báo trước sự kết thúc mối quan hệ của chúng tôi. Freud đang đặt vị thế cá nhân lên trên sự thật” (Tự truyện, trang 154). Giấc mơ kia là của Jung. Ông mơ thấy mình ở tầng trên cùng của một ngôi nhà cũ, đầy đủ nội thất với những hình vẽ tinh tế trên tường. Ông kinh ngạc rằng đây lại là nhà mình và nghĩ, “Không tệ!” Nhưng rồi hóa ra ông không biết tầng dưới thế nào, nên đi xuống để xem. Ở đó, mọi thứ cũ kỹ hơn nhiều. Đồ đạc từ thời Trung cổ và tất cả đều sẫm màu. Ông nghĩ, “Giờ mình phải thực sự khám phá toàn bộ ngôi nhà”. Ông nhìn kỹ vào sàn. Nó được làm bằng đá phiến, và ở một trong những phiến đá ấy, ông phát hiện một vòng đai. Khi ông kéo vòng đai, phiến đá nhấc lên, và ông thấy một vài bậc đá hẹp dẫn sâu xuống. Ông đi xuống dưới, vào một cái hang đục ra từ đá. https://thuviensach.vn Xương và gốm vỡ rải rác khắp nơi trong bụi, những di vật của một văn hóa cổ xưa. Ông thấy hai cái sọ người, rõ ràng rất cổ và đã bị phân hủy một nửa. Thế rồi ông tỉnh dậy. Tất cả những gì khiến Freud quan tâm về giấc mơ này là nhân dạng có thể có của những cái sọ người. Ông muốn Jung nói chúng thuộc về ai, vì dường như rõ ràng Jung mong cái chết đến với những chủ nhân của mấy cái sọ đó. Jung cảm thấy điều này hoàn toàn không phù hợp, nhưng như đã thành thói quen ở giai đoạn ấy của mối quan hệ, ông giữ những nghi ngờ trong lòng. Đối với Jung, ngôi nhà là hình ảnh về thế giới tâm thần. Căn phòng tầng trên đại diện cho nhân cách ý thức của ông. Tầng trệt đại diện cho cấp độ thứ nhất của vô thức, về sau được ông gọi là vô thức cá nhân, trong khi tầng sâu nhất của tất cả những gì ông đi tới là vô thức tập thể. Tại đó, ông khám phá thế giới của con người cổ xưa bên trong. Đối với ông, những cái sọ không liên quan gì đến việc mong cái chết đến với ai đó. Chúng thuộc về tổ tiên loài người của chúng ta, những người đã giúp định hình các điểm chung về tâm thần mà tất cả chúng ta cùng thừa hưởng. Khi ông cuối cùng cũng dồn hết mọi can đảm để tuyên bố- giả thuyết của mình về một vô thức tập thể, nó đã chứng tỏ là sự xa rời đáng kể nhất của ông so với Freud, cũng là đóng góp quan trọng nhất của ông vào tâm lý học. Dù Freud quả thực có đề cập thoáng qua về một “vết tích cổ” trong tâm thần, ông vẫn khăng khăng cưỡng lại những hàm ý lớn lao trong ý tưởng táo bạo và cách mạng của Jung. Điều Jung đang đề xướng là một khái niệm hết sức nền tảng, dựa vào đó toàn bộ khoa học về tâm lý có thể được xây dựng. Xét về tiềm năng, nó có tầm quan trọng sánh ngang với lý thuyết lượng tử trong vật lý. Giống như các nhà vật lý học khảo sát hạt, sóng và các gen sinh học, Jung cũng cho rằng nhiệm vụ của nhà tâm lý học là khảo sát vô thức tập thể và những đơn vị vận hành tạo nên nó - hay những cổ mẫu (archetype), như cuối cùng ông gọi chúng. Cổ mẫu là “những cấu trúc tinh thần đồng nhất mà tất cả đều có” https://thuviensach.vn (Toàn tập V, đoạn 224), cùng nhau tạo thành “sự kế thừa cổ xưa của nhân loại” (Toàn tập V, đoạn 259). Về cơ bản, ông quan niệm chúng là những trung tâm thần kinh - tâm thần bẩm sinh, sở hữu khả năng khởi xướng, kiểm soát và làm trung gian cho những đặc điểm hành vi, những kinh nghiệm điển hình của toàn bộ loài người. Vì vậy, trong những dịp thích hợp, cổ mẫu sinh ra những ý nghĩ, hình ảnh, thành tố thần thoại, cảm xúc và ý tưởng tương tự ở mọi người bất kể họ thuộc giai cấp, tín ngưỡng, chủng tộc, khu vực địa lý hoặc thời đại lịch sử nào. Toàn bộ những cổ mẫu để lại cho một cá nhân tạo thành vô thức tập thể. Uy quyền và sức mạnh của vô thức tập thể được đặt vào một nhân trung tâm, nhân này chịu trách nhiệm hợp nhất toàn bộ nhân cách vào một thể thống nhất, được Jung gọi là Ngã (Self). Jung chưa bao giờ bất đồng với quan điểm của Freud rằng trải nghiệm cá nhân có tầm quan trọng cốt yếu đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, nhưng ông không thừa nhận rằng sự phát triển này xảy ra ở một nhân cách thiếu tổ chức. Ngược lại, theo Jung, vai trò của trải nghiệm cá nhân là phát triển những gì đã có đó - hay nói cách khác, kích hoạt tiềm năng cổ mẫu đã có sẵn trong Ngã. Tâm thần của chúng ta không đơn thuần là một sản phẩm của trải nghiệm, cũng giống như cơ thể không đơn thuần là sản phẩm của những gì chúng ta ăn. Mô hình tâm thần dưới dạng sơ đồ (hình 15) của Jung sẽ giúp làm rõ điều này. Mô hình nên được hình dung như một quả cầu hay một khối tròn, giống như một củ hành ba lớp. Ở trung tâm và xuyên thấu toàn bộ hệ thống bằng ảnh hưởng của nó là Ngã. Bên trong cùng của ba vòng tròn đồng tâm là vô thức tập thể, được tạo thành từ các cổ mẫu. Vòng tròn bên ngoài tượng trưng cho ý thức, với tiêu điểm là cái tôi. Cái tôi đi theo một quỹ đạo xung quanh hệ thống, giống như một hành tinh quay xung quanh mặt trời, hoặc mặt trăng quay xung quanh trái đất. Giữa ý thức và vô thức tập thể là vô thức cá nhân, được tạo thành từ các phức hợp, mỗi phức hợp được liên kết https://thuviensach.vn với một cổ mẫu, vì phức hợp là sự nhân cách hóa của cổ mẫu. Chúng là phương tiện để cổ mẫu biểu hiện trong tâm thần cá nhân. C = Complex = Phức hợp A = Archetype = Cổ mẫu https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Hình 15. Mô hình tâm thần của Jung dưới dạng sơ đồ Đến một mức độ giới hạn nào đó, cổ mẫu của Jung giống với Tư tưởng (Ideas) của Plato. Theo Plato, “Tư tưởng” là những dạng tinh thần thuần túy, tồn tại trong tâm thức của thánh thần trước khi cuộc sống loài người bắt đầu, vì thế chúng nằm ngoài phạm vi của thế giới hiện tượng thông thường. Chúng có tính chất tập thể ở chỗ chứa đựng đặc tính tổng quát của một vật, nhưng cũng ẩn tàng trong những biểu hiện cụ thể. Chẳng hạn, dấu vân tay của con người có thể được nhận ra ngay lập tức là dấu vân tay bởi nó có định dạng không thể nhầm lẫn. Nhưng mỗi dấu vân tay lại có một định dạng duy nhất chỉ chủ nó mới có, đây là lý do tại sao những tên trộm phải nhớ đeo găng tay nếu muốn thoát khỏi sự truy bắt. Tương tự, cổ mẫu kết hợp cái phổ quát với cái riêng, cái chung với cái duy nhất ở chỗ chúng là cái chung đối với toàn nhân loại, nhưng lại tự biểu hiện trong mỗi con người theo một cách đặc thù với riêng người ấy. Sự khác biệt giữa cổ mẫu của Jung và Tư tưởng của Plato là ở những tính chất năng động, tìm kiếm mục tiêu của chúng, cổ mẫu chủ động tìm cách thực tại hóa trong nhân cách và hành vi của cá nhân, giống như vòng đời mở ra trong ngữ cảnh của môi trường. Thực tại hóa của các cổ mẫu Cổ mẫu quan trọng nhất để được thực tại hóa trong tinh thần cá nhân của một đứa trẻ là cổ mẫu người mẹ. Thực tại hóa (Jung cũng nói về sự “khơi gợi” và “hợp chùm”) của một cổ mẫu có vẻ diễn tiến theo những quy luật về liên kết mà các nhà tâm lý học đã tìm ra vào cuối thế kỷ 19. Hai quy luật trong số này đặc biệt phù hợp, đó là quy luật về sự tương tự và quy luật về sự cận kề. Như vậy, cổ mẫu người mẹ được thực tại hóa trong tinh thần đứa trẻ thông qua sự cận kề của một người nữ chăm sóc, với hành vi và đặc điểm cá nhân đủ tương tự với cấu trúc có sẵn của cổ mẫu người mẹ, khiến https://thuviensach.vn đứa trẻ nhận thức và trải nghiệm người nữ ấy như “mẹ”. Sau đó, trong quá trình mối quan hệ gắn bó này phát triển, cổ mẫu trở nên hoạt động trong tinh thần cá nhân của đứa trẻ dưới dạng phức hợp mẹ. Đồng thời, thông qua sự tương tự và cận kề, đứa trẻ tập hợp cổ mẫu “người con” ở mẹ. Mỗi phía trong cặp đôi này tạo ra trường nhận thức chịu trách nhiệm cho việc khơi gợi cổ mẫu ở người kia. Trong suốt quãng đời của Jung, hầu hết các nhà tâm lý học xác nhận rằng trẻ em là đối tượng thụ động đón nhận sự chăm sóc của mẹ, và chúng trở nên gắn bó với mẹ vì được mẹ cho ăn (cái gọi là lý thuyết “tình yêu qua dạ dày”). Ngược lại, Jung khẳng định trẻ em chủ động tham gia vào sự hình thành mọi mối quan hệ của chúng với thế giới, ông bảo vệ quan điểm “sẽ là một sai lầm nếu như đa số những người cùng thời cho rằng tinh thần của đứa trẻ mới sinh là một tabula rasa, một cái bảng trắng theo nghĩa tuyệt đối không có gì trên đó” (Toàn tập IX, đoạn 136). Chúng ta đem theo mình một cấu trúc tâm thần bẩm sinh, cho phép ta có những kinh nghiệm điển hình của riêng mình. Do vậy, toàn bộ bản chất của người nam đã bao hàm người nữ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Hệ thống của anh ta được hòa điệu với người nữ ngay từ lúc đầu, chưa kể nó cũng được chuẩn bị cho một thế giới khá rõ ràng, nơi có nước, ánh sáng, không khí, muối, hydrat cacbon… Hình dạng của thế giới mà anh ta được sinh ra đã được bẩm sinh trong anh ta như một hình ảnh thật sự. Tương tự, cha mẹ, vợ, con, sinh và chết cũng được bẩm sinh trong anh ta như những hình ảnh thật sự, những khuynh hướng tâm thần. Những phạm trù tiên nghiệm này vốn đã có một tính chất tập thể; chúng là những hình ảnh về cha mẹ, vợ và con nói chung, và không phải là những điều tiền định cho cá nhân. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận những hình ảnh là không có nội dung thực chất, hay nói cách khác, chúng có tính chất vô thức. Chúng chỉ có được sự thực chất, ảnh hưởng và cuối cùng trở thành ý thức trong quá trình giáp mặt với những sự việc của trải nghiệm, được các sự việc ấy chạm vào và kích thích để trở nên sống động, ở một góc độ nào đó, chúng là những lắng đọng của tất cả kinh nghiệm tổ tiên, nhưng tự thân chúng không phải là những kinh nghiệm. (Toàn tập VII, đoạn 300) https://thuviensach.vn Do vậy, tất cả những nhân tố từng cần thiết đối với tổ tiên gần và xa của chúng ta cũng sẽ cần thiết đối với chúng ta, bởi chúng được ghi vào hệ thống hữu cơ mà chúng ta thừa hưởng. (Toàn tập, VIII, đoạn 717) Những tư tưởng rất giống với Jung đã trở nên phổ biến trong vòng bốn mươi năm vừa qua trong một bộ môn khoa học khá mới mẻ là tập tính học - ethology (một nhánh của sinh học hành vi, nghiên cứu động vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng). Mọi loài vật đều sở hữu một danh mục hành vi. Danh mục hành vi này phụ thuộc vào các cấu trúc mà sự tiến hóa đã đưa vào hệ thần kinh trung ương của loài. Các nhà tập tính học gọi những cấu trúc này là những cơ chế phóng thích bẩm sinh (innate releasing mechanism - IRM). Mỗi IRM được hướng dẫn trở nên hoạt động khi một kích thích phù hợp - gọi là kích thích bằng dấu hiệu - được bắt gặp trong môi trường. Khi một kích thích như vậy xuất hiện, cơ chế bẩm sinh được giải phóng, và con vật phản ứng với một kiểu thức ứng xử đặc trưng, đã được sự tiến hóa làm cho thích hợp với tình huống. Vì thế, một con vịt trời cái sẽ say mê khi nhìn thấy cái đầu xanh xinh xắn của một con vịt trời đực. Cái đầu xanh là kích thích bằng dấu hiệu, nó giải phóng cơ chế bẩm sinh trong hệ thần kinh trung ương của con vịt cái, cơ chế này chịu trách nhiệm về kiểu thức ứng xử đặc trưng liên quan đến bản năng trong con vịt. Đây về cơ bản cũng là cách Jung quan niệm về sự vận hành của cổ mẫu trong con người, và ông cũng nhận thức sự khác biệt. Theo ông, một cổ mẫu không phải là “một tư tưởng được kế thừa” mà thay vào đó là “một phương thức vận hành được kế thừa”, giống như cách thức bẩm sinh của một con gà chui ra khỏi quả trứng, của con chim làm tổ, của loài ong bắp cày chích vào hạch vận động của sâu bướm, hay của cá chình tìm đường về Bermudas. Nói cách khác, nó là một “kiểu thức ứng xử”. Jung kết luận rằng khía cạnh này của cổ mẫu, “một khía cạnh thuần túy sinh học, là mối quan tâm thích đáng của tâm lý học khoa học” (Toàn tập XVIII, đoạn 1228). Ở một phương diện nhất định, tập tính học và tâm lý học Jung có thể được xem như hai mặt của một đồng xu: cứ như thể các nhà tập tính học đã tham dự vào một khám phá https://thuviensach.vn hướng ngoại về cổ mẫu, còn những người theo học thuyết Jung đã dấn thân vào một khảo sát hướng nội về IRM. Sự thịnh hành của lý thuyết cổ mẫu Nhiều bộ môn khác đã đặt ra những khái niệm tương tự như giả thuyết cổ mẫu, nhưng thông thường không đề cập đến Jung. Chẳng hạn, quan tâm chủ yếu của Claude Levi-Strauss và trường phái nhân loại học cấu trúc là về các hạ tầng vô thức, được xem là chịu trách nhiệm cho mọi tập quán và thông lệ của con người. Các chuyên gia ngôn ngữ học thì cho rằng dù ngữ pháp khác nhau, các dạng thức căn bản - được Noam Chomsky gọi là những cấu trúc sâu của ngôn ngữ - lại có tính phổ quát (nghĩa là ở cấp độ thần kinh - tâm thần sâu nhất tồn tại một ngữ pháp phổ quát [hay “cổ mẫu”] mà mọi ngữ pháp riêng đều dựa vào đó). Một ngành hoàn toàn mới là sinh học xã hội đã phát triển dựa trên lý thuyết rằng những kiểu thức ứng xử tiêu biểu của mọi loài trong xã hội, kể cả loài người, phụ thuộc vào những chiến lược phản ứng được thừa hưởng qua di truyền, được thiết kế để tối đa hóa sự phù hợp của cơ thể nhằm sống sót trong môi trường mà nó tiến hóa. Ngành sinh học xã hội cũng cho rằng sự phát triển tâm lý xã hội trong các thành viên cá nhân của một loài phụ thuộc vào cái được gọi là những quy tắc biểu sinh - epigenetic rules (nghĩa là những quy tắc dựa trên đó sự phát triển diễn ra). Thậm chí gần đây hơn, các nhà tâm thần học theo định hướng tập tính học đã bắt đầu nghiên cứu cái họ gọi là những kiểu thức phản ứng tâm thần sinh học và những cấu trúc thần kinh đồng đẳng sâu, được họ xem là chịu trách nhiệm cho việc tạo ra những kiểu thức điều chỉnh lành mạnh hoặc không lành mạnh ở bệnh nhân khi phản ứng với những biến đổi trong môi trường xã hội. Tất cả những khái niệm này hợp với giả thuyết cổ mẫu mà Jung đã đề xướng nhiều thế kỷ trước nhưng hầu như bị mọi người thờ ơ. https://thuviensach.vn Điều này đưa đến một câu hỏi quan trọng. Nếu lý thuyết cổ mẫu của Jung là nền tảng đến mức nó liên tục được tái khám phá bởi những người thực hành các bộ môn khác, tại sao nó không có sự đón nhận nhiệt tình đáng có khi Jung đề xướng? Theo tôi, lời giải thích bao gồm hai phần: thời điểm Jung phát biểu lý thuyết, và cách thức ông công bố. Đầu tiên, trong quãng đời khi tư tưởng của ông đi vào độ chín, các nhà nghiên cứu tại khoa tâm lý của các trường đại học vẫn đang bị trói buộc vào thuyết hành vi, họ không đếm xỉa đến những nhân tố bẩm sinh hoặc di truyền mà thích xem cá nhân như một tấm bảng trắng - tabula rasa, và sự phát triển của cá nhân gần như hoàn toàn tùy thuộc vào các nhân tố môi trường. Jung có quan điểm ngược lại, cho rằng đứa trẻ ra đời với một kế hoạch sống chi tiết và nguyên vẹn, sau đó nó mới tiến tới áp dụng thông qua sự tương tác với môi trường. Quan điểm này quá khác xa với Zeitgeist, hệ tư tưởng của thời đại, đến nỗi không tránh khỏi bị đón nhận một cách thù địch. Thứ hai, Jung không trình bày lý thuyết của ông trong một hình thức rõ ràng và có thể kiểm chứng, cũng không củng cố nó bằng những bằng chứng đủ sức thuyết phục. Trong cuốn Những chuyển hóa và biểu tượng của dục năng, lần đầu tiên ông đưa ra ý tưởng về một vô thức tập thể - thứ sinh ra “những hình ảnh cổ sơ” (như ban đầu ông dùng để gọi cổ mẫu). Nội dung của sách quá nặng và chứa quá nhiều bình luận về các yếu tố thần bí của Kinh Thánh đến nỗi hầu như không ai tiếp thu được trừ những độc giả quyết tâm nhất. Hơn nữa, giống như Freud từng bị, khi lập luận rằng “những hình ảnh cổ sơ” bắt nguồn từ lịch sử quá khứ của nhân loại, Jung đang đưa bản thân vào sự cáo buộc rằng ông tin vào lý thuyết về sự kế thừa những đặc điểm có được sau khi sinh, được Jean-Baptiste Lamarck (1744-1829) đề xướng đầu tiên nhưng lúc đó đã bị nghi ngờ. Lý thuyết này nói rằng những tư tưởng hoặc hình ảnh xuất hiện trong các thành viên của một thế hệ có thể được chuyển tải thông qua di truyền đến thế hệ kế tiếp và những thế hệ sau nữa. https://thuviensach.vn Thật ra, vô thức tập thể là một giả thuyết khoa học đáng được coi trọng, và người ta không cần dùng đến quan điểm Lamarck về sinh học để tán thành nó. Như chúng ta đã thấy, nó hoàn toàn phù hợp với những trình bày lý thuyết của các nhà tập tính học, sinh học xã hội và tâm thần học. Chính vì để rũ bỏ gánh nặng của học thuyết Lamarck, Jung cuối cùng đã đưa ra sự phân biệt rạch ròi giữa cái ông gọi là cổ mẫu tự thân - archetype-as-such (tương tự như das Ding-an-sich[8] của Kant) và các hình ảnh, tư tưởng, hành vi nguyên mẫu mà cổ mẫu tự thân sinh ra. Chính khuynh hướng có những trải nghiệm nhất định mới mang tính chất cổ mẫu và được kế thừa, chứ không phải bản thân trải nghiệm ấy. Nhà sinh học phân tử đoạt giải Nobel Jacques Monod cũng đi tới một kết luận y hệt: “Mọi thứ đến từ trải nghiệm, nhưng không phải từ trải nghiệm thực tế được lặp lại bởi từng cá nhân trong mỗi thế hệ, mà là từ trải nghiệm tích tụ bởi toàn bộ tổ tiên của loài trong quá trình tiến hóa”. Như vậy, cổ mẫu của Jung không hề kém tin cậy về mặt khoa học hơn so với IRM của tập tính học. Giống như danh mục hành vi của mỗi loài được mã hóa trong hệ thần kinh trung ương của nó như những cơ chế phóng thích bẩm sinh, được kích hoạt trong quá trình phát triển bởi những dấu hiệu kích thích phù hợp, Jung cũng cho rằng chương trình sống của con người được mã hóa trong vô thức tập thể như một loạt những cổ mẫu quyết định, được thực tại hóa nhằm đáp ứng với sự việc bên trong và bên ngoài trong tiến trình của vòng đời. Không có gì là học thuyết Lamarck hay phi sinh học trong quan niệm này. Cổ mẫu hay sự truyền bá văn hóa? Những người phản đối giả thuyết cổ mẫu cũng không xem trọng việc phát hiện ra những chủ đề tương đồng trong thần thoại của nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Họ cho rằng những trường hợp đó hoàn toàn có thể được https://thuviensach.vn giải thích bằng sự di trú của con người và sự lan tỏa văn hóa chứ không chỉ là thiên hướng bẩm sinh. Jung tìm cách bác bỏ giải thích này bằng cách chỉ ra sự xuất hiện tự nhiên của những chủ đề tương tự trong giấc mơ, ảo giác và hoang tưởng của những bệnh nhân giản dị, những người chưa từng bắt gặp chúng trong đời sống lúc thức. “Những thành tố thần thoại điển hình được quan sát thấy ở những người hoàn toàn không có kiến thức gì về những chuyện như thế,” ông tuyên bố và kết luận “chỉ có thể là chúng ta đang đối mặt với sự sống dậy của những thứ ‘bản địa’, độc lập với mọi truyền thống, từ đó suy ra những yếu tố cấu trúc “định dạng thần thoại” phải hiện diện trong vô thức của tâm thần” (Toàn tập IX.i, đoạn 259). Một ví dụ thường được Jung trích dẫn là một bệnh nhân tâm thần phân liệt. Người này kể với Jung rằng nếu khép hờ mắt nhìn vào mặt trời, ông ta sẽ thấy mặt trời có hình tượng dương vật, và bộ phận này là nguồn gốc sinh ra gió. Nhiều năm sau, Jung bắt gặp một cuốn sách Hy Lạp mô tả một hình ảnh gần như y hệt: “Cũng tương tự, có thứ gọi là cái ống, nguồn gốc cung cấp gió. Anh sẽ thấy từ vầng mặt trời buông xuống một thứ trông như cái ống…” (Toàn tập VIII, đoạn 318). Bệnh nhân là người học vấn kém, chắc chắn chưa từng đọc cuốn sách trên kể cả nếu anh ta có thể hiểu, bởi cuốn sách được xuất bản sau khi anh ta nhập viện, mà ở bệnh viện không có loại sách nào như vậy. Dù trường hợp trên có vẻ là ví dụ ưa thích của Jung nhằm minh họa cho lý thuyết của mình, nó lại chưa thể được xem là kết quả của cổ mẫu vận hành trong những cá nhân khác nhau, sống tại những địa điểm khác nhau, ở thời điểm khác nhau trong lịch sử. Cũng có thể những ví dụ thuyết phục hơn nhiều đã được đưa ra, chẳng hạn như ví dụ chúng ta từng sử dụng trước đây về hành vi của các thế hệ mẹ-con khi họ đưa chương trình mẹ-con do cổ mẫu ấn định vào cuộc sống. Để giải thích ví dụ của Jung, cần mặc nhiên công nhận ba đối tượng cổ mẫu (mặt trời, hình tượng dương vật, gió), một nguyên lý cổ mẫu (tính chất sinh sản của giống đực) và một liên hệ cổ mẫu giữa chúng (hình tượng dương vật của mặt trời tạo ra gió). Một liên hệ như vậy có thể có xác suất thông kê thấp, nhưng không có nghĩa là không thể, https://thuviensach.vn như ví dụ của Jung có vẻ cho thấy. Nhưng ông hẳn đã có thể tìm được một ví dụ thuyết phục hơn để củng cố lý thuyết của mình. Về cơ bản, lý thuyết cổ mẫu có thể được phát biểu như một quy luật tâm lý: Bất kỳ khi nào một hiện tượng được thấy là đặc trưng cho mọi cộng đồng người, nó đều là sự biểu lộ của một cổ mẫu trong vô thức tập thể. Không thể chứng minh rằng những hiện tượng vốn hiển hiện khắp nơi như vậy lại hoàn toàn do các yếu tố cổ mẫu quyết định, hay hoàn toàn do sự lan tỏa văn hóa, bởi lẽ trong tất cả những trường hợp có thể xảy ra đều có sự liên quan của cả hai nhân tố trên. Tuy nhiên, có khả năng những hiện tượng được quyết định do cổ mẫu sẽ lan tỏa dễ hơn và kéo dài hơn những hiện tượng khác. Những đặc điểm hành vi như sự gắn bó với mẹ, sự cố gắng đạt được vị thế chi phối, tìm bạn tình hay xây dựng gia đình đều đáp ứng ba tiêu chí sinh học then chốt, gồm tính phổ quát, tính liên tục và tính ổn định về tiến hóa, do vậy có thể được cho là dựa trên cổ mẫu, và từ chúng sinh ra những kinh nghiệm tâm lý điển hình cũng như những kiểu thức ứng xử tiêu biểu trong mọi cộng đồng loài người dù họ ở đâu. Cổ mẫu phi tâm thần và unus mundus Cổ mẫu có một tính chất đối ngẫu nền tảng: nó vừa là một cấu trúc tâm thần vừa là một cấu trúc thần kinh, vừa là “tinh thần” vừa là “vật chất”, và Jung đã thấy nó là tiền đề cốt lõi của mọi sự kiện tâm lý: “Cổ mẫu giống như những nền tảng ẩn giấu của phần ý thức, hoặc để so sánh theo một cách khác, giống như những gốc rễ mà tâm thần đã ăn sâu không chỉ vào mặt đất theo nghĩa hẹp mà vào thế giới nói chung” (Toàn tập X, đoạn 53). Ông đề xuất rằng các cấu trúc cổ mẫu không chỉ là nền tảng cho sự tồn tại và sống còn của mọi thể sống, mà còn duy trì liên tục với những cấu trúc kiểm soát hành vi của vật chất vô cơ. Tuy nhiên, cổ mẫu không nên được quan niệm chỉ như một thực thể thuần túy tâm thần, mà thay vào đó như “cây cầu đến https://thuviensach.vn vật chất nói chung” (Toàn tập VIII, đoạn 420). Khía cạnh thuần túy vật lý này của cổ mẫu được Jung đôi lúc gọi là cổ mẫu phi tâm thần (psychoid), và nó là một ý tưởng đã gây ấn tượng mạnh với nhà vật lý học Wolgang Pauli. Ông tin rằng nó đã tạo ra một đóng góp lớn giúp chúng ta có thể lĩnh hội những nguyên lý mà dựa trên đó vũ trụ được tạo ra. Nhiệt huyết của Pauli khích lệ Jung kiên trì trong những nỗ lực nhằm thấu tỏ thực tại thuần nhất mà ông tin là ẩn dưới mọi hiện tượng trình hiện - đây cũng là niềm tin của các nhà huyền học của nhiều truyền thống tôn giáo. Để mô tả chiều hướng thuần nhất này, Jung phục hồi một khái niệm cổ là unus mundus, hay “thế giới thuần nhất” - nền tảng vĩnh hằng của mọi hiện tượng trải nghiệm. Ông quan niệm cổ mẫu là những trung gian của unus mundus, chịu trách nhiệm tổ chức các ý tưởng và hình ảnh trong tâm thần cũng như chi phối những nguyên lý nền tảng của vật chất và năng lượng trong thế giới vật lý. Pauli lập luận rằng bằng cách quan niệm như vậy, Jung đã khám phá “liên kết còn thiếu” giữa sự kiện vật lý (là nghiên cứu chính thống của khoa học) và tâm trí của nhà khoa học, người nghiên cứu chúng. Nói cách khác, bản thân những cổ mẫu sắp xếp các tri kiến và ý tưởng của chúng ta là sản phẩm của một trật tự khách quan, siêu việt hơn cả tâm trí con người lẫn thế giới bên ngoài, ở điểm tối thượng này, khoa học vật lý, tâm lý học và thần học đều hợp nhất. Đồng hiện Với sự thiếu cẩn trọng đặc trưng, Jung mở rộng những ý tưởng này sang cả lĩnh vực cận tâm lý, cụ thể là hiện tượng “trùng hợp có ý nghĩa”, được ông gọi là đồng hiện (synchronicity). “Một trùng hợp về mặt thời gian của hai hoặc nhiều sự kiện không có quan hệ nhân quả với nhau, có cùng ý nghĩa hoặc ý nghĩa tương tự” (Toàn tập VIII, đoạn 849), giống như khi một người mơ về cái chết của một người bạn ở xa vào đúng đêm người bạn đó https://thuviensach.vn chết. Không thể có một liên hệ nhân quả nào giữa hai sự kiện, nhưng chúng ta cảm nhận sự xuất hiện đồng thời của chúng như thể có ý nghĩa. “Nguyên lý kết nối phi nhân quả” - như cách Jung gọi - là cơ sở của quan điểm phương Đông cổ về thực tại, được thấy trong Kinh Dịch. Nói rõ hơn, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng liên quan đến mọi điều khác xảy ra vào cùng thời điểm. Thế giới quan phương Tây cho rằng thời gian là một đo lường thuần túy trừu tượng, nhưng thật sự mà nói, nó chưa bao giờ tạo cho chúng ta cảm giác như vậy. Thật ra, toàn bộ “kỹ nghệ luyến tiếc quá khứ” phụ thuộc vào việc tâm thần của chúng ta nhận thức rằng thời gian có một tính chất hoàn toàn của riêng nó, tô điểm cho những sự kiện trong quá trình chúng xảy ra. Jung cảm nhận một cách trực giác rằng điều này nói lên một trật tự cổ mẫu phi nhân quả, nằm ở gốc gác của mọi hiện tượng, chịu trách nhiệm cho ý nghĩa ẩn giấu trong sự trùng hợp của các sự kiện vật lý và tâm lý. Đương nhiên, những sự việc đồng hiện đôi khi là một phần trong trải nghiệm của hầu hết chúng ta, và có một điều gì đó không thỏa đáng khi chúng hay bị văn hóa của chúng ta gạt bỏ theo thói quen, xem chúng “thuần túy là sự trùng hợp”. Cách tiếp cận của Jung điển hình ở chỗ ông quan tâm đến mọi trải nghiệm, và ông nhìn nhận những biểu hiện có vẻ không liên quan với nhau trong đời sống con người cũng nghiêm túc như những biểu hiện hợp lý và có liên quan với nhau. Những ngụ ý Việc Jung áp dụng lý thuyết cổ mẫu vào các lĩnh vực riêng tư của kinh nghiệm loài người dù có đem lại sự thuyết phục hay không, cũng khó có thể phủ nhận rằng nó là một tư tưởng với những ý nghĩa sâu xa. Nếu các cổ mẫu là điều kiện tiền đề của mọi trình hiện đúng như Jung tin, chúng phải biểu hiện trong những thành tựu tinh thần liên quan đến nghệ thuật, khoa học, tôn https://thuviensach.vn giáo, cũng như trong tổ chức của vật chất hữu cơ và vô cơ, và có thể đưa ra một lập trường giúp thay đổi hiểu biết của chúng ta về mọi hiện tượng. Trong phạm vi tâm lý học, quan niệm về cổ mẫu như nguồn gốc chung của cả sự kiện tâm lý lẫn hành vi cho phép chúng ta vượt khỏi tình trạng sa lầy lý trí vào thuyết sức sống (vitalism) và thuyết hiện tượng phụ (epiphenomenalism), mà cho đến lúc đó đã ngăn trở sự tiến triển của những người khám phá mối quan hệ bí ẩn giữa cơ thể và tâm trí. Bất kỳ điều gì khác mà giả thuyết cổ mẫu có thể đem lại, nó ít nhất cũng có thể cung cấp một cầu nối giữa khoa học về tâm thần và khoa học về hành vi. https://thuviensach.vn 3 Các giai đoạn của cuộc đời Ảnh hưởng sâu rộng nhất của cổ mẫu là việc chúng điều chỉnh vòng đời của con người. Jung khẳng định rằng trong quá trình trưởng thành, chúng ta đi theo một trình tự tự nhiên gồm các bước như được ông mô tả trong “Những giai đoạn của cuộc đời” (Toàn tập VIII, đoạn 749-795). Mỗi giai đoạn được điều chỉnh bởi một tập hợp những cổ mẫu cưỡng bách mới khi chúng tìm cách thực tại hóa trong nhân cách và hành vi của chúng ta. 99% thời gian tồn tại của loài người là cuộc sống săn bắt hái lượm, và các cổ mẫu đã tiến hóa để trang bị cho chúng ta trong sự tồn tại như vậy, nên chương trình của cổ mẫu trao cho chúng ta một cách sống không phải lúc nào cũng hòa hợp với cuộc sống của xã hội đô thị hiện đại. Về cơ bản, chương trình này chuẩn bị cho việc làm con, khám phá môi trường, phân biệt những hình dáng quen và lạ, học tiếng nói hay phương ngữ của cộng đồng mình, có được một hiểu biết về giá trị, quy tắc và niềm tin của nó, vui chơi với những người đồng trang lứa, đối mặt các thách thức của tuổi dậy thì và thanh niên, gia nhập vào nhóm trưởng thành, yêu đương và kết hôn, nuôi con, đóng góp cho nền kinh tế thông qua hái lượm và săn bắt, tham gia những nghi thức và nghi lễ tôn giáo, đón nhận những trách nhiệm của người chín chắn, tuổi già và sự chuẩn bị cho cái chết. Tất cả những giai đoạn này đều lộ rõ trong mọi cộng đồng người được bộ môn nhân loại học biết tới, do vậy, chúng tuân theo quy luật tâm lý đã được trình bày trước đây: Bất kỳ khi nào một hiện tượng được thấy là đặc trưng cho mọi cộng đồng người, nó đều là sự biểu lộ của một cổ mẫu https://thuviensach.vn trong vô thức tập thể. Như chúng ta đã nói, hạt nhân tinh thần chịu trách nhiệm cho việc điều phối sự tiếp nối cả đời này được gọi là Ngã. Bên cạnh Ngã, Jung cũng đặt ra những thành phần cổ mẫu với các vai trò cụ thể trong sự phát triển của tâm thần và sự điều chỉnh về mặt xã hội của con người. Những thành phần này bao gồm cái tôi, mặt nạ nhân cách, bóng, anima và animus. Jung xem đây là những cấu trúc nguyên mẫu, được tích hợp sẵn trong tâm thần cá nhân dưới dạng những phức hợp trong tiến trình phát triển. Mỗi cấu trúc là một cơ quan tâm thần, vận hành theo những nguyên lý sinh học như thích ứng, nội cân bằng và tăng trưởng. Dù chúng ta sử dụng và trải nghiệm chúng theo những cách đặc thù của riêng mình, chúng lại thực hiện những chức năng giống nhau trong mọi người ở mọi nơi. “Xét rốt ráo”, Jung viết, “mỗi cuộc sống cá thể cũng đồng thời là cuộc sống vĩnh hằng của loài” (Toàn tập XI, đoạn 146). Nói cách khác, chúng ta ra đời mang theo một vốn liếng cổ mẫu có sẵn, vốn liếng ấy cho phép chúng ta thích ứng với thực tại giống như tổ tiên xa xưa của chúng ta. Tổng toàn bộ vốn liếng này được tích hợp vào Ngã. Chính từ ma trận này, những cấu trúc tâm thần khác hình thành, và chúng chịu tác động dẫn dắt của Ngã trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Chúng ta sẽ xem xét cụ thể từng yếu tố. Ngã Đây vừa là kiến trúc sư vừa là người xây dựng nên cấu trúc năng động, hỗ trợ sự tồn tại về tâm thần của chúng ta trong suốt cuộc đời. Chữ N hoa trong Ngã, hay S hoa trong Self, được sử dụng nhằm phân biệt giữa “bản ngã” trong cách dùng hàng ngày (nói tới cái tôi hoặc mặt nạ nhân cách) và “Ngã” của Jung, thứ siêu việt lên bản ngã và chứa đựng những năng lực lâu đời của loài. Mục tiêu của nó là tổng thể, hiện thực hóa trọn vẹn bản kế hoạch cho sự tồn tại của con người trong bối cảnh cuộc sống cá nhân. Cá thể hóa là raison d’être, lý do tồn tại của Ngã. Dù có những mục tiêu rõ ràng về https://thuviensach.vn