🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đàn Bà 30
Ebooks
Nhóm Zalo
Đàn bà ba mươi
(tản văn Trang Hạ)
NXB Văn Học 2010
1
2
3
Mục lục
Thay lời tựa:......................................................6 Thư gửi Ng......................................................11 Bay qua thời thiếu nữ......................................15 Nơi không tới được.........................................20 Đàn bà ba mươi..............................................26 Second-hand...................................................34 Nán lại sau xe rác............................................40 2008 và ba người đàn bà................................48 Hạnh phúc không cần đám đông....................59 Noa – Câu chuyện về thiếu nữ.......................64 Một bức thư tình..............................................67 Yêu trong cô quạnh.........................................71 Không có bông hồng cài áo............................75 Những thành phố mù loà.................................81 Những năm 199x.............................................85 Đi xem đom đóm.............................................99 Lang thang trong đêm Đài Bắc.....................102
4
Kenzo Flower................................................106 Người tình......................................................110 Đài Bắc..........................................................115 Những câu chuyện cổ tích đã làm tôi............119 tổn thương sâu sắc........................................119 Sexy Diary.....................................................126 Bác tôi............................................................130 Câu chuyện về nước hoa..............................139 Cha tôi mẹ tôi................................................142 Quảng cáo thành công, xã hội thất bại.........148 Bỏ việc...........................................................155 Chữ “Công” không còn nói lên nhiều về phụ nữ
.......................................................................158 Nhảy việc để hoàn thiện mình.......................164 Tiền bạc không thành vấn đề!.......................168 Chứng chỉ thành đạt......................................175 Vết thương....................................................181 Những chuyện ngoại tình..............................188 Tản mạn về nhan sắc....................................196
5
Thay lời tựa:
Phụ nữ - lao công của nghề viết
Dường như vào lúc được bạn đọc chú ý đến sự tồn tại của mình, khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ trước, văn học nữ giới là một xa xỉ phẩm của xã hội phương Đông, thậm chí còn bị hiểu đơn giản là những người đàn bà viết văn, hoặc chống lại xã hội phụ quyền. Tất nhiên là đàn bà viết văn, nhưng văn học nữ giới không phải chỉ có vậy, và không phải chỉ cần có vậy. Từ lúc nào vị trí người phụ nữ viết và người phụ nữ đọc lại cùng được nhắc tới nhiều hơn, không phải là vào lúc kinh tế phát triển, giáo dục nâng cao, ý thức xã hội đã thừa nhận tiếng nói mạnh mẽ của giới tính nữ hay sao? Và kinh tế phát triển với những người phụ nữ có thu nhập, có khả năng chi tiêu, đã làm cho ngành công nghiệp văn hoá để ý và quyết định kiếm chác trên họ, bằng cách văn hoa nhất là văn học?
Đàn bà mắc mưu những ông trùm sách, cho nên đàn bà trở thành lao công của nghề viết và cũng thành người tiêu thụ sản phẩm hào 6
hứng nhất của văn học nữ giới. Trong quá trình đó, người viết tìm thấy mảnh đất màu mỡ của chuyện tình, lãng mạn, bi kịch, giải phóng khao khát, xác lập lại vị trí và mối quan hệ (trên lý thuyết) với xã hội đàn ông. Và người đọc cũng tìm thấy thú vui, gần như say sưa với những câu chuyện gần gũi với đời sống và quan tâm của mình hơn, về hôn nhân, về tình, về yêu, về làm vợ, về tìm kiếm, về cuộc sống, về tư duy theo cách của giống cái, như thể người đọc và người viết chia sẻ được cuộc sống với nhau.
Có một thời gian, khoảng cuối của thế kỷ hai mươi, những người bình sách và phê bình văn học dường như không hẹn mà cùng, trên nhiều mảnh đất khác nhau của châu Á, quan tâm tới những người viết nữ, những đề tài mang đậm dấu ấn giới tính, mà nổi bật là linglei của Trung Quốc. Những phát ngôn mạnh mẽ, những hình ảnh và ngôn từ táo bạo trong văn, thật như thể được bê thẳng từ cuộc đời vào, làm những nhà phê bình và cả độc giả đều lập tức nhận ra, không thể chỉ dùng giới tính hay chủ nghĩa nữ quyền để phân tích về văn học nữ giới.
7
Nhưng đầu óc người đọc thường lười biếng, khi buộc phải xếp văn học nữ giới vào một khoảnh nào đó trong tủ sách (hoặc trong nhận thức) của mình. Thường ta sẽ nhìn nhận nhà văn nữ và tác phẩm văn học nữ giới như sau: đàn bà, sến, đời thường. Tất nhiên ấn tượng chung là người viết nào hoặc tác phẩm nào của văn học nữ giới cũng ít nhiều có một hoặc vài đặc điểm ấy, có vậy mới thu hút được bạn đọc cùng giới. Thế nhưng, thành tựu của văn học nữ giới được giải thích đơn giản vậy thôi sao?
Ưu điểm của văn học nữ giới chính là tinh thần phụ nữ. Những đề tài tưởng như nhàm chán bởi bị thu hẹp quanh quẩn hôn nhân, tình yêu, gia đình, sự nghiệp, con cái... lại được làm phong phú bởi bề sâu cảm xúc và chiêm nghiệm theo cách rất phụ nữ. Văn chương cũng thu hút bởi thân phận người trong đó. Mà còn nhà văn nào nói về thân phận mùi mẫn hơn nhà văn nữ tự kể chuyện đời?
Nhược điểm thì là đây: Trong tác phẩm, nếu nhân vật bỏ việc để ở nhà phụng sự đấng
8
lang quân, bạn là người phụ nữ yếu đuối, bạc nhược. Còn nếu bỏ chồng rồi theo đuổi sự nghiệp cho tới thành công, bạn là người phụ nữ tân tiến, tích cực. Rất nhiều tác phẩm văn học nữ giới đã rạch ròi tốt-xấu, yêu-ghét theo kiểu đó. Sau khi nắm được một sợi dây ý tưởng, người viết rất dễ dàng bê y nguyên những cảm nhận, kinh nghiệm, đời mình vào văn. Và sự mẫn tiệp của người phụ nữ viết không cứu được tác phẩm bị xếp vào loại... sách đàn bà!
Thậm chí trong một số phê bình văn chương tại Trung Quốc và Đài Loan, người ta còn dành thêm một thể loại văn học để phân loại văn học nữ giới, đó là món "đặc sản" mang tên "văn học rẻ tiền", không phải với ý chê bai, mà là miêu tả thực tế: truyện giải trí, tình tiết đơn giản dễ hiểu, giá trị văn học cũng như giá bìa đều không "đắt".
Tuy vậy, những ông trùm sách không bao giờ bỏ rơi con gà đẻ trứng vàng này: Bán chạy hàng đầu trên thị trường sách văn học, cho dù ở bất kỳ quốc gia nào, không phải là những tác phẩm đoạt giải Nobel văn học, mà
9
là những tập tản văn, tạp bút, du ký, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm cuộc sống của những cây bút đàn bà.
Ở Việt Nam, nếu Dương Thụy nghiêm túc hơn và Đặng Nguyễn Đông Vy đừng lười viết như thế, thì đây là hai cây bút hàng đầu của văn học nữ giới, họ đầy nội lực và có sức thu hút đặc trưng từ tác phẩm, đề tài, phong cách. Trong lúc họ còn thiếu cảnh giác, tôi định chớp nhoáng chạy qua tủ sách của những phụ nữ cùng tuổi tôi với cuốn sách dự định ra mắt với tiêu đề: "Đàn bà ba mươi". Chạy qua và ở lại một cuốn trong tủ sách của họ, chứ không để họ chạy qua tôi tới mua sách của... người khác bày kế bên.
Trang Hạ
9/2009
10
Thư gửi Ng.
Ng. thân mến,
Tôi nghĩ đến Ng. khi chạy giữa trưa Sài Gòn nắng như đổ lửa, sau lưng một người xe ôm ăn vận tồi tàn, mỗi ngã tư dừng đèn đỏ lại bị phủ kín giác quan bằng khói xăng của cái chế hoà khí chiếc honda cũ đốt không hết xăng, pha với mùi nước hoa Lacoste từ vai áo người xe ôm. Với người lái xe ôm, chai nước hoa
11
được tặng xa xỉ và anh vừa khoe mùi hương vừa tranh thủ che giấu nỗi sợ hôi nách.
Tôi đã nghĩ đến Ng., Ng. ạ, và những mơ mộng của hai chúng ta.
Với hình ảnh người đàn bà bước ra từ bồn tắm, đi qua lối đi hẹp giữa hai gian phòng để tới cửa tủ áo, những giọt nước to đọng lại trên da thịt mát mẻ, nó gợi tới nỗi làm ta lú lẫn cả giới tính. Và hình ảnh người bạn trai mặc chiếc áo sơ mi mới thơm tho, được là phẳng phiu, chờ đón. Không hiểu sao ta cùng thống nhất rằng, đàn ông từng trải mặc sơ-mi đẹp là hình ảnh gợi cảm và quyến rũ nhất khi nghĩ đến đàn ông. Ngược lại, những cậu trai trẻ trong áo sơ mi thường gợi lên trong ta sự ái ngại.
Người lái xe ôm với mùa hương lạc lõng ở đất Sài Gòn này, giữa những tháng ngày chạy bôn ba xin việc, khiến tôi có những ý nghĩ lạ lùng: Yêu có nghĩa là dũng cảm từ bỏ.
Ng. có nhận ra rằng, những gì ám ảnh chúng ta nhất trong đời, chính là mùi hương và
12
hình ảnh không? Một hình ảnh nơi ta chưa từng tới, hình ảnh không có trong thế giới của đời ta, một mùi hương từ ngày mẹ gội đầu cho bằng lá chanh bồ kết, cho tới mùi hương ta có quyền lựa chọn bằng những đồng tiền đầu tiên kiếm được. Có thể nó chưa phải là một chai Eau de parfum tiền triệu, nó chỉ là một mẫu chai 5ml nhỏ nhoi được nâng niu. Vì nó dẫu rẻ tiền hơn nó vẫn là một mùi hương, nó biểu trưng cho cái đẹp.
Chúng ta vẫn thường mê mẩn vì cái đẹp, có phải không? Chỉ khác ở cái cách chúng ta chinh phục nó. Có người theo đuổi nhan sắc, có người theo đuổi thiện tâm, ta theo đuổi những thứ phù phiếm, như một làn hương, như một giọt nước sẽ khô ngay trên da trước khi ta nhận ra. Nó phù phiếm nên ta mới thèm được chiếm giữ. Vì sau một phút nữa, một buổi nữa, ai biết sẽ ra sao. Sau một cuộc đời nữa ai biết chúng ta sẽ đi về đâu, với những đam mê này?
Ai biết kiếp sau ta có gặp lại nhau không?
13
Cái cách chúng ta theo đuổi cái đẹp chỉ ra chúng ta ở đẳng cấp nào. Không phải cứ có đủ tiền mua mùi hương này là ta có được mùi hương này. Nếu nhận ra nó không thuộc về ta, có dám từ bỏ không?
Hãy quẳng chai nước hoa mình yêu vào xó xa nhất, đó mới là người hiểu về mình và yêu nước hoa. Yêu có nghĩa là dám từ bỏ, để chai nước hoa đắt tiền không bị biến thành một thứ xoá mùi hôi. Bởi khi mùi hương đó không hợp với cơ thể mình, mùi hương chỉ còn đơn giản là một mùi thơm mà thôi, nó không còn cảm xúc trong đó nữa. Nó không còn năng lực gợi lên một cảm xúc nữa.
Vì thế, cũng phải thi thoảng tôi mới nhớ ra Ng., nhớ rằng chúng ta đã từng rất say mê những hình dáng chai yêu kiều trong veo, say mê cái vỏ chai nước hoa hơn cả thứ tinh dầu đượm thơm đắt tiền đựng trong nó.
Vì tôi đã từ bỏ Ng., từ lâu rồi, hy vọng Ng. hiểu rằng đó là một cách tôi chọn để yêu thương Ng.
14
Bay qua thời thiếu nữ
Một buổi tối rời thư viện yên ắng, tôi băng qua sân trường quay về khu ký túc xá dành cho giảng viên đại học. Tôi nhớ nguyên vẹn cảm giác nôn nao lúc dừng lại trước đám đông sinh viên hướng lên sân khấu chăng một rừng đèn giữa sân trường, tôi nhớ khúc nhạc chơi rộn rã giữa đám đông, tôi nhớ nét mặt say mê và hạnh phúc của cậu bé chơi ghi ta điện hát giữa ban nhạc sinh viên. Và tôi lẳng lặng đi tiếp, mặt đầy nước mắt, vì phát hiện ra mình đã ngay lập tức phải lòng cậu sinh viên vào lúc đó, khi cậu chưa hát hết câu cuối cùng.
Có phải tình yêu, sự phải lòng là đặc quyền của thanh xuân, và nó quá xa xỉ với những người phụ nữ đã quá ba mươi?
Nếu lúc đó tôi dừng lại, hoà vào đám đông, ở lại với say mê đấy, cuộc đời tôi rồi sẽ ra sao? Lần đầu tiên tôi nhận ra những tình
15
cảm gì làm cho cô thiếu nữ hạnh phúc thì lại làm cho người đàn bà đau đớn. Và thời gian đã cướp đi của người đàn bà không phải là nhan sắc, thời gian, mà là trái tim mở cửa. Có những cánh cửa đã lần lượt đóng lại trong đời đàn bà, cho dù người đàn bà khăng khăng, vẫn tự tin và luôn duyên dáng.
Là cánh cửa cổ tích tuổi lên mười, là cánh cửa băn khoăn tuổi dậy thì, hay là cánh cửa mơ mộng khép lại sau mối tình đầu tuổi mười bảy với nước mắt lẳng lặng trong đêm sao?
Là cánh cửa vào khu vườn hạnh phúc nào đã vĩnh viễn khép lại khi người phụ nữ còn mong chờ ở bên này. Lúc thấy người mình yêu đi khỏi đời mình, tưởng sẽ còn có ngày nào gặp lại. Mà phải đến cuối đời mới biết, những năm tháng đó đã thực sự khép lại sau phút chia tay sau cùng, mãi mãi không bao giờ gặp lại người mình đã yêu, cho dù người đàn bà sẽ đi tiếp bao nhiêu dặm đường xa, mong mỏi.
Tôi tin nếu tôi hai mươi, tôi đã đứng lại 16
trong đêm đó, ngắm lâu hơn gương mặt làm tôi yêu thương bất chợt, mở cửa đời mình cho một lần yêu thương, dù được đáp hay không cũng vô cùng đẹp đẽ hạnh phúc. Bởi lúc đó hai mươi, có quyền theo đuổi, có quyền cởi lòng ra trước tình yêu.
Vậy tại sao ba mươi vẫn phải lòng đôi mươi? Vẫn chỉ yêu được tuổi trẻ, trong khi đã bay qua thời thiếu nữ từ năm nào? Hay cuộc đời chơi xỏ chúng ta, bắt ta già đi nhưng bắt tình yêu đứng lại ở tuổi đôi mươi. Bắt ta mãi mãi phải lòng tuổi trẻ, một người bạn trai cầm ghi ta hát giữa sân trường.
Cay đắng khi thấy trước khi ta năm mươi, và khóc vì phải lòng một cậu bé.
Có người nói, cuộc đời đàn bà gọi là hoàn hảo nếu có được ba người đàn ông. Lúc đôi mươi yêu người đàn ông ba mươi, được yêu, được bảo bọc, được chiều, được khám phá cuộc sống. Lúc ba mươi tốt nhất là có được người con trai hai mươi. Đàn bà học lại cách theo đuổi, cách chinh phục, và cách 17
hưởng thụ cuộc sống với tình yêu. Và khi đàn bà năm mươi, tốt nhất có được người đàn ông năm mươi, để cùng bầu bạn sớm chiều, đến đầu bạc răng long.
Không cần đàn bà, đàn ông vẫn khẳng định được bản lĩnh.
Ngược lại, quá tốn đàn ông để đàn bà nhận ra được mình.
Khi ta không còn trẻ, những thứ ta được và những thứ ta mất ngày càng trừu tượng hơn. Những người đàn ông dù già cũng vẫn luôn có người tình trẻ hơn đứng chờ đâu đó trước mặt, phụ nữ thì không, không ai chờ phụ nữ già.
Đến lúc đã bay qua thời thiếu nữ, mới biết đã bỏ lỡ cơ hội hôn những người yêu quý, những tình đáng quý, và giờ đây, ngay cả nụ hôn cũng đã trở nên hiếm hoi. Có lần ngồi cạnh, sực nhớ ra, tôi sửng sốt nói: "Anh ạ, hình như đã lâu lắm rồi chúng ta chưa hôn nhau."
18
Và nhìn nhau ngỡ ngàng khi hiểu ra sự thật ấy không phải là thời gian xa cách, không phải tình cảm chia cách, không phải công việc bề bộn, mà là tuổi tác đã khiến chúng ta quên hôn.
Và tôi ao ước người con trai không phải hôn tôi giờ đây tuổi ba mươi, mà là hôn cô gái ngày xưa lần đầu gặp, ở ngã rẽ, nhìn thấy nhau lần đầu tiên, mở lòng ra cho một tình yêu mới đến, trong cái nhìn tin cậy.
Dù tôi đã bay qua thời thiếu nữ lâu rồi. 9/2008
19
Nơi không tới được
Nơi xa nhất là nơi tôi chưa đến, người xa nhất là người ở bên tôi nhưng tôi không làm sao tới được.
Khi có những giấc mơ đã trở thành sự thật, thì cũng sẽ có những khoảng cách vĩnh viễn trong cuộc sống mà không bao giờ ta đi qua được nó.
Mùa đông năm đó, tôi là người cuối cùng ở lại trong một toà nhà lớn, trống vắng, lạnh lẽo. Đôi khi ông bảo vệ kêu qua nhà ông ăn chè, ăn bánh, nhân dịp gì đó, đại khái là để biết 20
chắc, tôi còn khoẻ, còn có thể tiếp tục sống trong toà nhà đó, để ông yên tâm về với gia đình ấm áp phía bên kia hàng rào, cách trường vài mét.
Một hôm, tôi phát hiện một cậu bé tàn tật ở lại ngoài hành lang tầng một. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi, cậu nói, bằng thứ tiếng lắp bắp qua đôi môi méo xệch và một sự cố gắng hết khả năng để điều khiển não bộ trình bày ý nghĩ trong đầu: Cậu không gia đình, cậu ở lại trông ký túc xá mùa Tết để kiếm thêm tiền sinh hoạt phí.
Cậu bé chỉ cỡ nửa tuổi tôi, cậu chừng mười lăm, hoặc nếu lớn nhất cũng chỉ mười sáu. Cậu xuất hiện trong ngôi trường vốn ngày xưa là trường nữ sinh quý tộc của đạo Ki tô, hẳn cũng đã là điều đặc biệt.
Cậu ngồi bệt dưới đất, dựa lưng vào tường, nhưng vẫn xiêu vẹo, nghoẹo đầu nghe CD mê mải. Tôi hỏi, cậu bèn về phòng lấy bìa đĩa, rồi tập tễnh mở đưa tôi mượn thứ cậu đang nghe, một đĩa nhạc của Tôn Yến Tư. Cậu
21
nói, cậu mê cô ca sĩ này nhất, cậu chỉ nghe mỗi Tôn Yến Tư thôi, đĩa nhạc nào của cô mới phát hành, cậu cũng mua.
Tôi cầm đĩa nhạc về phòng, trong lòng không giấu được nỗi ngậm ngùi. Cô ấy đẹp quá và cậu bé chắc chắn đã để cho mối tình đầu của mình trôi qua trong những giai điệu êm lòng và đẹp đẽ ấy. Những lãng mạn bay bổng của một người vượt qua bên ngoài hoàn cảnh sống, vươn tới mơ ước về hạnh phúc, cảm nhận hạnh phúc bằng tất cả xúc cảm của tuổi dậy thì và tuổi thành niên. Sau này cậu ấy sẽ ra sao khi nhận ra cuộc sống của mình ảm đạm và xa vời so với những đĩa nhạc này, so với những cảm xúc này?
22
Tôi cũng yêu Tôn Yến Tư vì cô ca sĩ ấy mãi mãi là một thiếu nữ mảnh khảnh, ngực rất nhỏ, tay chân mỏng và giọng hát cũng mỏng, thần thái lanh lợi nhưng mong manh như một cái cây đầu mùa xuân, mới trổ lá. Hình ảnh cô ấy xây dựng trong thị trường âm nhạc đánh vào thị hiếu những người nghe nhạc tuổi học trò, tuổi sinh viên, những người mới chỉ chấp nhận ca từ lãng mạn, nhịp điệu mượt mà, những hình ảnh trong sáng. Hình ảnh đó được xây dựng từ kinh nghiệm của những ông bầu trong hãng đĩa, những trợ lý PR, những nhà thu âm biết thị trường còn khoảnh trống nào, những giám đốc kinh doanh biết ai sẽ móc hầu bao mua đĩa.
Tôi buồn phiền bởi những cố gắng của họ đã thành công, nên đã bỗng dưng xây nên tình yêu trong lòng cậu bé tàn tật nghèo khó và cô đơn kia. Cậu sẽ theo đuổi giấc mơ một thiếu nữ luôn mặc áo trắng, hát những tình ca trong veo tới bao giờ? Tới khi cô lấy chồng ư? Tới khi cô hết hợp đồng với hãng đĩa hát Đài Loan và khăn gói quay trở về quê hương Singapore
23
ư? Hay tới khi cậu vỡ tan giấc mơ tuổi thiếu thời?
Trong một đêm mùa đông, gió bấc thổi ầm ầm ngoài kia, những khoảng không trống trải vây quanh, những con đường đầy cây và lộng gió, đèn đường sáng suốt đêm Cao Hùng, tôi thao thức trong căn phòng lạnh giá để nghe đi nghe lại đĩa nhạc của cậu bé, cậu nâng niu từ bìa đĩa, cho tới lớp giấy lót ngoài của hộp bìa, khác hẳn với cách cậu đối xử với bản thân mình, ngồi phệt xuống đất, nghoẹo đầu, tay run rẩy, cô lập mình trong một kỳ nghỉ Tết dài vô tận.
Tôi tin cậu không hề thấy bất hạnh, còn tôi lại thấy chua chát. Khi thấy thứ đẹp đẽ nhất tôi đang thấy trong cậu là tình yêu thì đã được trao gửi vào hư không.
Chúng ta sống trong đời sống, có bao nhiêu lần đã theo đuổi hư không? Hoặc đến lúc cuối cùng mới nhận ra, những gì đẹp đẽ ta đã cố đi tới, hoá ra nó không giành cho ta? Hoặc có lúc nào đó phát hiện, vì ta theo đuổi cái đẹp,
24
ta đã quên mình là ai, mình đang ở đâu, mình có xứng đáng với hạnh phúc không? Mình có may mắn có được hạnh phúc không?
Thông thường chúng ta không may mắn, chúng ta nhận ra nỗi buồn, nhận ra khoảng cách, nhận ra sự tan vỡ. Thực ra cái đó tốt thôi, nó giúp ta thăng bằng và bắt đầu chấp nhận với thực tại, với người ở bên, với mối tình nhiều khiếm khuyết và người bạn đời ít nhiều chưa thật hài lòng.
Trong giây phút ấy, tôi cứ mong sao giá như có thể làm gì để cậu bé ở mãi trong những giấc mơ êm đềm, cảm giác hạnh phúc và nâng niu mãi mãi một cô thiếu nữ Tôn Yến Tư của riêng cậu. Như một bí mật.
Dù não bộ của cậu không điều khiển cho cậu che giấu được sự run rẩy xúc động và vẻ hạnh phúc ngời lên khi nói về cô thiếu nữ nhỏ trong bộ đồ trắng mong manh, trên bìa một đĩa nhạc. Cô ấy gần ngay bên đời cậu, cô ấy có thật, và vì thế tôi càng thấy giấc mơ ấy xa cách viển vông biết bao nhiêu.
25
7/2009
Đàn bà ba mươi
Những năm tháng phải lòng, yêu đương, cuồng nhiệt đã trôi qua sau lưng lúc nào không nhận ra. Đàn bà ba mươi có hai cuộc sống. Một là gia đình, một là khao khát.
Gia đình tức là có nơi về, yêu thương con, chăm sóc chồng, vun vén cuộc sống ít vui nhiều lo âu. Những người phụ nữ ba mươi tất bật, bình yên và quyến rũ bởi đầy đặn, bởi từng trải, bởi thành tựu và yêu thương. Có những người quyến rũ được kẻ khác bằng cả vẻ đảm đương, an phận của mình, thật lạ.
Khao khát tức là khi đã bỏ sau lưng mười năm yêu trắng tay, đã từng tha thiết, tưởng hy sinh tất cả, tưởng sẽ trời đất dài lâu, tưởng sẽ trọn đời. Rồi tuổi ba mươi đến, càng
26
thành đạt càng hoang mang, mình đang ở đâu, ai sẽ đến trong đời mình.
Bất hạnh cho ai bị giằng xé giữa hai cuộc sống ấy, ở trong gia đình vẫn khao khát, hoặc độc thân nhưng đầy gánh nặng.
Đôi khi tôi tự hỏi tôi là ai.
Đàn bà ba mươi có quyền làm những gì tuổi hai mươi mơ ước chăng, có chứ. Có quyền lực sai khiến bằng một ánh mắt, một lời nói. Có thể thanh thản từ chối vì biết mình là ai, cũng biết tiếc nuối bởi đủ từng trải để hiểu thế nào là hạnh phúc. Biết cách lý giải cho mọi cảm xúc, biết cách đẹp, biết đàn ông cần gì.
Dường như đến tuổi ba mươi, đàn bà biết cách yêu, biết cách nồng nàn. Thứ nồng nàn đích thực mà tuổi thanh xuân không bao giờ chạm tay tới nổi.
Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươi rồi thường bình yên.
27
Bởi hiểu ra không giống như xưa, chúng ta không còn lầm lẫn giữa nhan sắc và tuổi trẻ. Và người phụ nữ nhận ra mình đẹp bắt đầu từ tuổi ba mươi, tự tin rằng những người đàn ông mình cần là những người nhận ra được người đẹp bên trong người đàn bà.
Tuần trước ngồi thương thảo hợp đồng với đối tác, bất ngờ người đàn ông thú nhận, tôi chỉ bị quyến rũ bởi những người đàn bà có năng lực, có đầu óc. Vì chúng tôi đến độ tuổi này, biết chúng tôi cần gì.
Thì ra đàn ông cũng đã phân biệt, thứ nhan sắc họ thèm và thứ nhan sắc họ cần. Đàn ông có lẽ đã như nhau, tôi thèm có được hoa hậu, nhưng tôi cần một người đàn bà đích thực ở bên.
Vậy còn điều gì đàn bà ba mươi đã thua kém chính mình khi đôi mươi? Có lẽ đó là quyền lực thanh xuân, thứ quyền lực mà đàn bà ba mươi cố tình không muốn nhắc đến nhất.
28
Lúc đôi mươi tôi mặc một chiếc áo sơ mi trắng dài, thật rộng và nhảy nhót, tôi thật gợi cảm. Lúc ba mươi nếu tôi vẫn nhảy nhót trong một chiếc sơ mi dài và thủng, tôi thật lập dị và gớm ghiếc.
Lúc đôi mươi tôi có quyền không son phấn ra phố, buộc tóc đuôi gà, ngồi lơ đãng bên bờ hồ tưởng tượng những lãng mạn. Lúc ba mươi, không son phấn là một cách bất lịch sự, và bên hồ, những người đàn bà chỉ ngồi để chảy nước mắt đau đớn.
Vì năm tháng đã trôi qua lặng yên, có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền. Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ. Đàn bà ba mươi tối kỵ ngồi một mình, nghĩ một mình, làm một mình, và sống quạnh hiu.
Có một cuốn sách đầu đề là “Đàn bà ba mươi mới đẹp”, trong đó nói, cái đẹp tới từ sự độc lập, bởi họ dũng cảm và từng trải. Cái đẹp ba mươi cũng đến từ tình yêu và sự tự tin khi vứt bỏ tình yêu. Và sách nói, đàn bà càng ba mươi, càng dễ buông tay khỏi ái tình.
29
Tôi nghĩ những điều đó hợp lý, khi phụ nữ nhận ra họ càng quý giá, họ càng khó có cơ hội ngã vào đời người đàn ông.
Đàn bà ba mươi không yêu nổi người đã tha thiết yêu khi mười tám. Lại khao khát kết hôn với người chồng mà khi mười tám có đánh chết cũng không muốn lấy. Có người bảo, đó là bởi đàn bà đã thực tế hơn thiếu nữ, hiểu mình muốn gì. Tôi thì cho rằng đó là bởi người đàn bà ba mươi đã nếm đủ những đòn đau của cuộc sống, trong tình yêu và hôn nhân, họ sợ tương lai nhưng họ còn sợ quá khứ hơn!
Sách nói đàn bà ba mươi chỉ mơ hai thứ, chưa chồng thì mơ yêu đương nhiều hơn, có chồng thì mơ tiền nhiều hơn. Đàn bà ba mươi chỉ có yêu và tiền. Báo chí dành cho tuổi ba mươi thường là tạp chí tiêu dùng thời thượng hoặc mục tâm sự tình duyên éo le. Để đàn bà ba mươi tiêu những lo âu vào đó.
Tôi cũng đang viết cho những độc giả ấy, kín đáo hướng dẫn họ cách tiêu tiền hoặc trút những tâm tình lên giấy. Chúng ta giống
30
nhau không phải bởi cùng bước qua ngưỡng cửa ba mươi, mà bởi đã chọn được cách dung hoà với cuộc sống. Ba mươi là lúc chấp nhận những thay đổi mà cuộc đời dành cho ta, không kháng cự, chỉ uyển chuyển lợi dụng để những đổi thay cuộc đời biến thành động lực để ta đi tới.
Tôi nghĩ người đàn bà ba mươi có năng lực hay không, chỉ phân biệt bởi điểm đó, bởi lúc vượt qua trắc trở khó khăn. Chứ không phải những người phụ nữ có xe đẹp nhà đẹp, chồng đẹp con cũng đẹp là người có năng lực, chỉ nên gọi họ là người phụ nữ may mắn mà thôi.
Đàn bà ba mươi đã thoát ra được những viển vông tuổi đôi mươi. Họ không cần lãng mạn, một sự ấm áp, một khoảnh khắc đẹp, mà mong muốn sở hữu, muốn có con, có người tình, những điều có thật trong đời. Mơ ước của tuổi ba mươi đã thật hơn, đã không còn chỉ là mơ ước. Nên nhiều người đàn bà không nhận ra, tuổi đôi mươi rất ngại tới nhà bạn trai, tuổi ba mươi muốn để lại bàn chải đánh răng buổi sáng trong nhà bạn trai, muốn để lọ nước
31
hoa,chai sữa tắm có mùi yêu thích ở lại nhà người yêu.
Như khi đàn bà đi, điều gì đó còn ở lại.
Bạn tôi nói, khi chia tay người yêu, đi khỏi đời nhau, cái cô ấy tiếc nhất không phải là anh bạn trai, mà là chai sữa tắm mùi vỏ cam còn để lại ở nhà anh kia. Cô ấy thích mùi vỏ cam, và với đàn bà ba mươi, chia tay nhau, thì đàn ông không còn giá trị bằng một chai sữa tắm. Mặc dù cô ấy có tiền để bất cứ lúc nào mua một chai sữa tắm khác như thế.
À, có lẽ không phải đàn ông không còn giá trị, mà bởi đàn bà ba mươi yêu ghét rạch ròi.
Hình như ba mươi là lúc đàn bà mới bắt đầu cuộc sống đích thực đàn bà?
Cảm ơn những mùi hương Elizabeth Arden, đã miêu tả đàn bà ba mươi hoàn hảo hơn một nước hoa.
9/2008
32
33
Second-hand
Thường ta nhớ đến những đồ vật second-hand khi có ai cần, hoặc khi ta vứt bỏ. Cuộc sống gia đình ít nhiều sinh ra những đồ second-hand đôi khi chờ mãi chả ai xin. Như trong đống đồ đạc của tôi còn một chiếc nhẫn cưới cũ kỹ.
Những năm tháng thanh xuân qua đi, tôi đã second-hand lúc nào không nhận ra. Vì không có mốc, tính từ lúc tôi thấy tôi thừa ra khỏi tuổi trẻ. Cũng không có dấu hiệu nào cả, chỉ là một hôm sao thấy mình tự do quá, mình đi đâu chả ai hay biết, ai ở đâu mình cũng chẳng hay biết. Rồi thấy mình nhu mì khép nép của tuổi trẻ biến thành mình chua ngoa ghê gớm. Rồi thấy mình vứt bỏ những cảm xúc ngày xưa nâng niu, những ý niệm về thế giới trở nên tan hoang, niềm tin và sự say mê ngày càng khó chia sẻ hơn.
Nhưng tôi không buồn.
34
Chắc không mấy ai muốn nhớ lại những vụng dại của mối tình đầu, khi ta chưa đủ chín chắn để hiểu thế nào là tình yêu, nhưng lại nôn nao mong chờ lần yêu đầu tiên. Kết quả là ta đã vội vã đánh mất những khoảnh khắc đầu tiên khi ta chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng để yêu, để được yêu, để được giản dị cảm nhận nhau mà không bị ràng buộc bởi những thứ như tự ái, gia giáo, quà tặng, đòi hỏi, so sánh. Mối tình đầu là lúc con trai không biết nói gì còn con gái lại nói quá nhiều về bản thân. Mối tình đầu là lúc chưa đủ tiền để chăm sóc nhau, chưa đủ thời gian để hiểu nhau. Thì đã chia tay.
Nếu nụ hôn đầu tiên ngọt ngào như trên phim ảnh, hẳn bạn cảm động lắm. Nhưng tôi chỉ thấy toàn nước bọt. Tôi nghĩ muốn hôn ngọt ngào và tha thiết, ta đã phải hôn nhau hàng trăm lần, đã phải bên nhau hàng trăm ngày, hiểu nhau, thân hơn cả bạn thân, mới có được cái hôn sâu nồng nàn. Cho nên nếu không sợ hoặc… ngại ngại trong lần hôn đầu tiên thì hẳn, người yêu của bạn đã được tập dượt hàng trăm lần với đôi môi khác, để học được cách ngọt ngào.
35
Thật sự có rất nhiều những cái “lần đầu tiên” mà bạn muốn quên, hoặc muốn sẽ khác đi. Nhưng nó đã xảy ra, bạn không thay đổi được, vì có lần đầu tiên đó, bạn mới có lần thứ hai.
Sao tôi muốn làm người thứ hai quá.
Có lần tôi viết trên blog, hồi lâu rồi, rằng tôi muốn làm người đến sau. Để được nâng niu chiều chuộng, trân quý. Tôi muốn nhận lấy những phần thừa, cả linh hồn lẫn tình cảm, bởi tôi sẽ được đáp lại đầy đủ và điềm đạm hơn mà không bị đòi hỏi nhiều. Bởi có những người đau khổ, họ mới thấy cần bình yên, bởi họ đã mất mát, họ mới sợ tôi ra đi. Bởi họ đã bị thương, họ mới muốn tôi ở lại. Tôi cần những người níu kéo tôi lắm đấy.
Rồi một bạn trẻ vào viết comment hồi âm lại tôi rằng, chị ạ, em vẫn hay đọc blog của chị cho mẹ em nghe, em đọc cả các comments “muốn làm người đến sau ” của chị nữa, vì thấy nó kỳ kỳ. Nhưng mẹ em lại bảo, đấy mới là người hiểu biết đấy con ạ.
36
Thường ta hay níu giữ, vì ta sợ ta sẽ mất những tháng ngày ta đã có, sợ ta đã mất mấy năm bên nhau, sợ rằng rồi sau này ta còn gặp ai nữa không, còn ai đáng quý, đáng yêu, yêu ta và ta cũng yêu họ, như mối tình đầu không?
Tôi lại biết rằng, càng ngày ta sẽ càng gặp những người đàn ông hiểu biết hơn, những người phụ nữ chín chắn hơn. Càng sống ta sẽ càng có cơ hội đến với người ta yêu quý nhất, hiểu ta nhất, những người ta gặp càng về sau càng tuyệt vời hơn. Chỉ cần ta chấp nhận chờ đợi, và trong lúc chờ đợi ấy, phấn đấu và sống xứng đáng để được nhận hạnh phúc đó.
Tất nhiên rồi, những người con trai bạn quen ở trường khi bạn mới đôi mươi và những người đàn ông trưởng thành bạn gặp tại công sở khi bạn đã có vị trí trong xã hội, tất nhiên khác xa nhau. Không phải họ khác nhau mà vì chính bạn đã trưởng thành, bạn thuộc về đẳng cấp khác, bạn có những giá trị mới thực sự là giá trị. Vì thế nên cuộc sống của bạn thay đổi, giao tiếp của bạn đã trưởng thành, và cơ hội
37
của một tình cảm bền vững nghiêm túc đã nhiều hơn.
Đừng oán trách mối tình đầu đã tan vỡ. Hãy nghĩ rằng, tôi trưởng thành từ trong nỗi đau đó!
Lần đầu tiên chỉ có giá trị như một cột cây số trên đường đời của mình. Sau đó mình phải đi tiếp, chứ mình không dừng lại để mãi mãi tưởng niệm cái cột mốc ấy. Nếu cột mốc đó đánh dấu hạnh phúc của mình, ví dụ như tình yêu ấy từ đó ở bên ta mãi mãi, người đầu tiên ấy trở thành người cuối cùng, thì tuyệt vời biết bao. Tôi cũng mơ ước tôi chỉ cưới một lần rồi sống suốt đời. Nhưng nếu không được như thế, phía trước vẫn là hành trình, dài dằng dặc, và bao nhiêu con đường mới chờ ta rẽ, chờ ta đi tới, chờ ta trân trọng ta, bởi chính họ cũng đã bỏ lại sau lưng mối tình đầu, họ hiểu rằng cái gì mới được gọi là bền bỉ và tin yêu.
Cho đến khi không cần tặng hoa, gọi điện, những nghi thức thuộc về tình yêu, ta vẫn tin vào tình cảm của nhau; Không cần lời hứa
38
hẹn ta vẫn tin chúng ta sẽ thực hiện những gì ta mong muốn cho nhau; Không cần phải có một lễ cầu hôn có nhẫn, có hoa, ta vẫn tin sẽ là một cuộc hôn nhân nghiêm túc, thì khi đó có thể yên tâm là sẽ ở bên nhau trọn đời.
Trước kia tôi vẫn tự nhủ, kiếm lấy một chiếc xe second-hand để rong ruổi một mình, rồi sẽ kiếm lấy một người đàn ông second-hand để yêu.
Dường như mạo hiểm quá phải không bạn, trao cả sinh mệnh của mình cho những second-hand. Nhưng hạnh phúc là được rồi, đúng không?
Vì tôi cũng là một người phụ nữ second hand đấy thôi. Nhưng tôi không buồn, mà tự tại.
6/2009
39
Nán lại sau xe rác
Xe rác Đài Loan thường đi một cặp, xe trước chở rác sinh hoạt, xe sau nhận những bao gói, túi ni lông, rác tái chế. Nhạc hiệu xe rác vui một cách khác thường. Cậu bạn đến từ nước Anh kể, lần đầu tới Đài Loan, cậu ngỡ ngàng thấy tiếng nhạc quen thuộc của người bán kem rong chợ vùng quê nước Anh, và chạy ra hớn hở. Không phải kem, là rác.
Cô dâu Việt Nam quanh khu chung cư Cảnh Mỹ (Đài Bắc) tôi chỉ gặp mặt khi đi đổ rác. Bốn giờ chiều xe rác chạy qua, những người đi đổ rác nếu nói giọng Nam chắc chắn là cô dâu Việt, nói giọng Bắc hẳn là Ôsin.
40
Không phải giọng nói ngăn cách chúng tôi, mà là thân phận đã làm chúng tôi ngại ngần.
Họ thường tụm lại nói xấu chủ. Những cô dâu tỉ tê nói xấu chồng. Và nói xấu nhau.
Trong mắt những bà Ôsin thường gọi nhau oang oang trước đầu xe rác, cô dâu Việt là những cô sung sướng nhưng không chịu nổi nặng nhọc.
Trong mắt những cô dâu miền Nam, sự kiêu hãnh và tự trọng của những bà Ôsin thật rỗng tuếch và giả dối. Chẳng phải đều cần tiền như nhau, sao còn chia đẳng cấp.
Nếu coi gia đình là một đối tượng nghiên cứu của truyền thông, thì người nào hay cầm cái điều khiển ti vi chính là người có quyền lực nhất gia đình. Và người nào đi đổ rác là những người dễ sai bảo, yếu thế nhất. Cũng vì thế, chiều chiều, sau xe rác nơi đảo Đài, là nơi người Việt gặp nhau. Tiếng Việt râm ran.
41
Dễ hiểu thôi, nhà có cô dâu Việt Nam, ai sẽ là người đi đổ rác nếu không phải người dâu mới. Và nếu nhà có thuê Ôsin, ai sẽ đi đổ rác, hay chính là chị giúp việc Việt Nam? Tôi thường nán lại sau xe rác lắng nghe. Có chị Ôsin ngồi bệt xuống thềm cửa hàng tạp hoá khóc, nói chồng tiêu phá hết tiền mồ hôi nước mắt chị gửi về, quanh chị ba bốn chị em vỗ về và chửi đổng. Có chị ngồi chửi môi giới oang oang, rồi lại thì thầm tính với nhau số tiền dành dụm.
Cô dâu đứng bên này đường dặn với bạn, chủ nhật kêu ông xã chở đi ăn, nhớ chờ qua rủ.
Có một lần, sau xe rác bỗng dưng xuất hiện một người đàn ông Việt Nam. Một người đàn ông đi đổ rác. Hỏi ra biết anh quê Long An, sang đây làm Ôsin đổ bô cho một bà già tám mươi trên tầng hai mươi tư của cao ốc. Ngạc nhiên quá, tôi đứng lại hỏi, anh có thật là khán hộ công giúp việc nhà không anh? Đàn ông như anh mà làm giúp việc nhà sao nổi?
42
Anh ta ngượng nghịu nói, nộp một trăm bốn chục triệu rồi, môi giới bảo sang đây làm gì thì mình làm nấy.
Và anh nói nhỏ. Mai tôi trốn đi. Sang để mà trốn chứ ai đàn ông lại chịu đi đổ bô cho bà già! Em biết chỗ nào làm mách giúp với nhé!
Tôi cũng đang tìm việc đây. Người như anh, bán đi cũng được một nghìn đô. Rất nhiều môi giới lao động phi pháp sẵn sàng trả từng đó tiền cho một lao động bỏ trốn, đàn ông, có sức vóc, người Việt. Nhưng tôi không cần tiền ấy. Vả lại, biết là mai bỏ trốn, tức là đã có cô dâu Việt Nam nào đó giăng sẵn lưới đón lõng anh rồi.
Rất nhiều cô dâu Việt đã giúp đồng hương theo cách đó, giúp họ bỏ trốn, một chuyến xe, một chỗ ngủ qua đêm đầu tiên, để hôm sau dắt tay họ tới môi giới lao động phi pháp, nhận thù lao đủ để mua một chiếc điện thoại xịn.
43
Buôn người không phải là dắt tay qua biên giới, bắt cóc trẻ em, đưa gái đi làm điếm. Buôn người chỉ là hôm nay đi đổ rác, làm quen với một người tay xách túi rác phân loại cũng như mình. Ngày mai mình cho họ địa chỉ để trốn đi, mình được năm nghìn tệ cho tới hai mươi lăm nghìn tệ. Một túi rác và hai cú điện thoại chính là buôn người.
Có cô Ôsin xách túi rác ra đi không hẹn ngày trở lại, chủ lục lọi chỗ ngủ của người giúp việc thấy còn nguyên hộ chiếu và một tờ tiền vài chục nghìn đồng của Việt Nam. Chủ giữ khư khư và nói, chắc cô ta còn phải quay về, bởi hộ chiếu còn đây, còn tờ tiền hẳn là một gia tài. Bà chủ biết đâu rằng với những người bỏ trốn, từ giây phút xách túi rác ra khỏi cửa ấy, hộ chiếu hay Thẻ cư trú không còn giá trị với họ. Mà tờ tiền mấy chục nghìn đồng kia, đâu phải một gia tài như bà tưởng.
Sau xe rác có lần tôi bắt gặp người chồng Đài Loan đi đổ rác cùng cô vợ Việt. Người ta đổ rác có đôi. Tôi dừng lại nhìn theo cho đến khi đôi vợ chồng đi khuất vào ngõ, cám
44
cảnh mình đã bao ngày tháng bôn ba cô độc. Nhưng chỉ qua hôm sau đã phát hiện, thì ra người chồng không bao giờ cho phép vợ đi ra khỏi cửa một mình, sợ trốn. Và cô vợ ngỡ ngàng trong cuộc sống mới, lạ lẫm ngay cả từ cách phân loại rác, lạ lùng cả việc buộc phải mua túi đựng rác giá đắt bởi kèm tiền phạt huỷ hoại môi trường, lạ lẫm cả một thế giới sau xe rác, đã im lặng đi cạnh chồng. Tôi không biết cái im lặng ấy là chấp nhận hay chịu đựng.
Nhưng dẫu sao, sau xe rác là những phút thư thả, các chị giúp việc nán lại tranh thủ tán gẫu, nên đi đổ rác vẫn là thú vui duy nhất trong ngày của nhiều chị Ôsin.
Có lần tôi cũng bị nhầm là Ôsin. Tay môi giới lao động phi pháp xuất hiện từ góc bên kia đường, rà xe máy theo sau tôi rỉ rả, em là người Việt Nam hả, em giúp việc cho nhà nào, có muốn đổi chủ không, tôi biết có chỗ này lương cao lắm. Cho đến khi tôi đóng cửa lên lầu, tiếng xe máy còn rú lên cay cú lượn vòng dưới sân.
45
Trong rác có nhiều thứ lượm được. Bán được ra tiền.
Trước khi đi đổ rác, tôi thường xách túi rác phân loại tái chế tới chiếc xe ba gác nhỏ đỗ dưới góc sân chung cư trước, để anh chàng “ve chai, đồng nát” Đài Loan cao nghều lựa lấy những thứ bán được tiền. Coi như tôi giúp anh, làm nghề ve chai đồng nát đã khổ lắm rồi, làm ve chai đồng nát ở Đài Loan càng cực hơn, khi sự nghèo khó bị nổi bật lên giữa cuộc sống giàu có sung túc quanh đây. Ngày nắng cũng như hôm mưa, cái xe ba gác đứng chờ ở góc sân chung cư cùng người chủ cho tới khi chuyến xe rác cuối cùng chạy qua.
Một hôm đẹp trời, mùa hè, xe rác chưa đến, anh ve chai hỏi tôi: “Nếu sang Việt Nam lấy vợ, liệu cô vợ Việt Nam có chịu khổ với tôi không nhỉ?”
Tôi hình dung như anh đang hình dung, một người con gái chịu đứng bên xe ve chai suốt các buổi chiều, chờ xe rác tới, cho đến chuyến cuối cùng. Và hóng chuyện của những
46
cô, những chị Việt Nam kể sau xe rác. Cuộc sống ấy nó sẽ như thế nào?
Hay một ngày nào đó, sau tiếng nhạc vui quá mức của xe rác, người dâu không chịu khổ sẽ bỏ đi, như hàng nghìn, hàng chục nghìn cô dâu Việt Nam bé nhỏ, đã tìm đến người chồng Đài Loan như tìm đến cuộc sống mới, và rời bỏ cuộc sống mới để đi tìm một cuộc sống mới hơn nữa.
Dù những cuộc sống vui buồn, những mặt người cũ mới, xe rác chiều chiều vẫn chạy qua, mỗi tiếng một chuyến, đều đều. Cho đến lúc đêm xuống, chuyến cuối trôi qua dốc phố dưới ánh đèn đường vàng buồn ngái ngủ, một đôi người xách túi vội vã đuổi theo xe.
47
2008 và ba người đàn bà
Vì công việc, tôi thường phải liên hệ với luật sư.
Người di dân mới là những cô dâu, những lao động mà hỏi tới đâu họ… đụng luật tới đó. Rất ít cô dâu và lao động nắm rõ những quyền lợi và những quy định của pháp luật Đài Loan mà mình phải tuân thủ. Thậm chí có
48
những người đã nhảy lầu tự tử chết rất đáng tiếc nhưng đã nhất quyết không chịu đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân mình. Họ sợ phải nhờ cậy pháp luật chứ không sợ chết.
Cho nên những người đến nhờ tôi giúp thường là những số phận quá đặc biệt, và những luật sư làm việc miễn phí cùng tôi cũng thường phải sẵn sàng đón nhận những lắt léo không ai ngờ. Gần đây có một người tâm sự với tôi: “Tôi có cảm tưởng các cô dâu Việt Nam đang lợi dụng tôi, họ luôn nói rất hay, rất có lý, ví dụ như kể lể bị chồng đánh, muốn xin giúp ly hôn, nhưng khi tôi nhận làm rồi tìm hiểu mới biết, thì ra họ trốn đi làm gái, trộm tiền gia đình, giờ muốn nhờ luật sư hoặc lừa luật sư để giúp nhập được quốc tịch Đài Loan và ly hôn. Nếu được thì tốt, còn bị tôi phát hiện thì cũng chả sao, đằng nào luật sư trợ giúp di dân cũng làm việc miễn phí! Người Việt Nam thích nói dối để đạt được lợi ích?”
Nên người đàn bà đầu tiên năm 2008 rất đặc biệt, chị bình tĩnh nói thật. Chị nói, tôi đi bán dâm, tôi bị cảnh sát bắt, tôi bị đuổi về Việt
49
Nam, tôi cần giúp đỡ để quay lại Đài Loan sống với chồng.
Sau khi hỏi han tỉ mỉ, mới biết thì ra cảnh sát mới bắt được chị, chưa kịp đưa ra toà, chị đã được chồng giúp trốn về Việt Nam. Hỏi kỹ nữa mới biết, chồng năm nào cũng về Việt Nam thăm vợ vài lần, chu cấp tiền bạc cho vợ đầy đủ, cho con về nước ở với vợ, và tuyệt nhiên không hề khinh ghét người vợ Việt đấy. Hỏi kỹ hơn nữa mới biết rằng, ông chồng Đài Loan đã tốn không biết bao nhiêu tiền trước đây để thuê luật sư giúp đưa vợ về lại xứ Đài nhưng không được. Tôi chỉ giải thích rằng, chị đã phạm pháp, ít nhất chị sẽ bị quản chế cấm nhập cảnh 5 năm, thôi hãy kiên nhẫn chờ và coi đó là bài học để tránh sai lầm.
Người đàn bà đó nói, tôi nhất định phải quay lại Đài Loan cho bằng được, tôi phải kiếm tiền ngay, kiếm nhiều tiền bằng mọi giá, kể cả bằng cách bán thân. Hỏi tiếp nữa mới biết, người đàn bà ấy có một gia cảnh kém may mắn ở Việt Nam, và cần tiền, vô cùng nhiều tiền để giúp người anh trai bị tai nạn nằm liệt giường.
50
Chắc chắn phải có cách để trốn tránh pháp luật, đưa chị chạy sang Đài Loan chứ! Mỗi lần tôi về Việt Nam chị đều gọi điện ngay hỏi có tiến triển gì không.
Tôi xót xa thay cho người đang năn nỉ tôi. Chị đã chạy vạy khắp nơi, lăn lóc liên hệ với toà soạn mấy tháng trời chỉ để xin được giúp, trong toà soạn Ban bạn đọc cũng ái ngại cho chị, nhắn tôi tha thiết tìm cách giúp. Nhưng tôi chỉ có thể lạnh lùng nói: Chị đã vi phạm pháp luật một lần rồi, chị đang cố tình vi phạm pháp luật lần nữa đấy. Chị đang có 2 đứa con ngoan và một người chồng cao thượng thương vợ, chị hãy giữ gìn nó bởi đó là tài sản duy nhất của chị hiện nay. Nói toạc ra, chị đừng để các con khinh bỉ mẹ, hãy giữ đức cho các con chị. Sau khi hết hạn quản chế, chị sang Đài Loan làm việc kiếm tiền chính đáng chứ đừng bán dâm nữa, bởi chính chị cũng biết, thêm một núi tiền nữa, bệnh anh trai chị cũng không thể khỏi.
Thâm tâm cầu mong những phép lạ tốt lành hơn đến với người đàn bà ấy. Số phận kỳ lạ nhưng đâu có lấy hết của chị tất cả.
51
Người đàn bà thứ hai ngồi phủ phục khóc hết ngày này sang ngày khác trước cổng ngôi nhà người chồng Đài Loan. Rũ ra như người đã chết.
Nhà chồng chị ở ngay dưới chân văn phòng luật sư tôi thường đến làm việc. Tôi đã đi qua ngôi nhà đó nhiều lần, tôi biết, ngồi ăn vạ ở cổng nhà người ta, đờ đẫn ngày nối ngày không phải là một lựa chọn tốt, nơi đó là một trong những nơi tấp nập nhất trung tâm Đài Bắc, bao nhiêu người đã lạnh lùng bước qua nước mắt và nỗi đau của người đàn bà ngoại quốc mất con.
Chị xây nhà cho chồng ở, mở công ty cho chồng làm, đẻ hai con cho mang quốc tịch chồng, rồi ly hôn xong vẫn để cho người chồng ở lại sống trong ngôi nhà của mình để cùng chăm sóc con. Ai ngờ người chồng sau ly hôn đã cưới vợ khác, người Đài, và mang vợ sang TPHCM ở cùng vợ cũ. Thế là hai vợ chồng họ điềm nhiên sống dưới mái nhà của chị. Chị đã
52
nhẫn nhục chịu đựng tới mức tối đa không ai có thể hình dung, thế nhưng một ngày đi làm về thấy nhà trống trơn, các con biến mất trong đời chị cho tới tận ngày hôm nay. Chị chỉ biết làm mỗi một việc là mua vé máy bay, bay sang đứng khóc trước cổng nhà người chồng, mặc bố mẹ chồng xua đuổi.
Hai đứa con chị cũng đã bị bố và dì ghẻ mang sang nước thứ ba sống để cắt đứt hẳn mọi mối liên hệ. Giờ đây chị chỉ còn đầu mối duy nhất để hy vọng là đứng trước cái cổng, sắt uốn gạch đỏ, giữa trung tâm Đài Bắc rũ rượi, khi hết hạn visa thì rũ rượi bay về TPHCM.
Hồi mới nhận vụ này tôi đã rất phẫn nộ, tại sao lại nhu nhược để cho tới mức mất hết mọi thứ trong đời? Và tưởng cô dâu Việt Nam này yếm thế, mới chịu để cho chồng cũ ôm người đàn bà khác vào sống trong nhà mình theo kiểu một ông hai bà. Rồi tức tưởi chạy theo chồng đòi hai đứa con đã bị bắt trộm mang ra nước ngoài.
53
Nhưng khi gặp tại Việt Nam thì tôi ngã ngửa, bởi đó không phải là một cô dâu Việt Nam mù chữ, quê mùa, mà chị đang là một lãnh đạo cao cấp rất xinh đẹp của một tập đoàn tài chính quốc tế hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, tài năng của chị gấp mười lần tôi và thu nhập của chị gấp mười nghìn lần tôi.
Thế nhưng vì sao người đàn bà ấy lại cư xử một cách bản năng và mù quáng trong cuộc hôn nhân với một người đàn ông Đài Loan như thế? Làm sao một người như thế chấp nhận bay tới cái cổng sắt trên đường Trung Hiếu (Đài Bắc) chỉ để đứng chờ nhà chồng rủ lòng thương cho nhìn thấy mặt con một lần? Hay khi đã trở thành người mẹ, chị đã thấy không còn gì quan trọng với người mẹ hơn hai đứa con mình, vì con có thể hy sinh tất cả.
Theo pháp luật thì chị đã thua trắng. Chỉ còn một kẽ hở duy nhất. Tôi và các luật sư lập ra một kế hoạch rất tỉ mỉ để giúp chị, không chỉ dựa vào luật pháp mà còn những mối quan hệ, khả năng lobby, đưa sự kiện dân sự thành một án điển hình đưa ra bàn nghị luận chính phủ
54
Đài Loan. Có những lúc ai to mồm hơn sẽ thắng. Hoặc ai liều mạng ôm bom cảm tử xông ra thì lại sẽ giữ được mạng.
Rất tiếc là vào cuối năm 2008, khi chị lại đứng khóc trước cánh cổng nhà chồng thì chị đã quyết định, ngay lúc đó, nghe lời người chồng cũ ở nước ngoài nhắn về Đài Loan, đồng ý viết đơn rút lại đơn kiện để được chồng “cho phép nhìn thấy mặt con”. Tôi đã thuyết phục rất nhiều rằng, người đàn ông nếu tử tế thì họ đã tử tế ngay từ trước, giờ lấy gì đảm bảo họ thương tình chị hoặc giữ lời? Rằng chị bỏ cơ hội này thì sẽ không bao giờ còn cơ hội cuối cùng nào. Rằng mục đích của chị là đòi lại quyền nuôi con vĩnh viễn chứ không phải để được nhìn thấy con một lần rồi thôi. Vào lúc cuối cùng không giữ nổi bình tĩnh, tôi đã mắng người đàn bà mù quáng yếu đuối. Khi công sức chúng tôi và cả chị nữa giờ đây đã đổ xuống sông xuống bể.
Người đàn bà thứ ba không nói với tôi câu nào. Chị đã chết. Người nhà tại Việt Nam cuống quýt tìm tôi chỉ để xin giúp cho đừng mất
55
xác. Người chồng có tiền, có quyền, có nhà, có tất cả, có vợ trẻ, đã bất ngờ chết, để lại một đàn con lớn xác đuổi cổ bà dì ghẻ đến từ Việt Nam. Sau cái chết của chồng, tay trắng, bị đuổi khỏi nhà, bị các con chồng giữ toàn bộ mọi giấy tờ tuỳ thân vì sợ chị tranh chấp gia tài lớn thừa kế, chị phát bệnh ung thư và tức tưởi chết ngay sau chồng vài tháng.
Chị không dám về Việt Nam, nói, làm sao tôi dám mang tấm thân hôi thối này về nữa. Thà chết nơi đất người còn hơn. Một người đàn ông quen chị đã cho chị ở nhờ, cho đến lúc chị chết.
Có một người nào đó gọi từ Đài Loan cho gia đình, gọn lỏn: “Chết rồi, nhà sang mà lấy, không họ vứt đi mất xác!” rồi dập máy như thể sợ bị nhờ vả. Họ hàng chị gọi khắp nơi cho tất cả những tổ chức, cơ quan, bộ, văn phòng, ở VN và ở ĐL mà họ có thể nghĩ được ra, nhưng không ai giúp đỡ.
Nên khi gọi đến tôi, gia đình dường như tuyệt vọng và trút lên tất cả mọi thất vọng đau
56
khổ uất ức. Họ cũng chả có tiền để sang Đài Loan. Bài viết của họ trên mạng bắt đầu bằng dòng chữ: “Mạng người rẻ rúng đến thế này sao?”
Để họ khỏi cuống cuồng lo lắng, tôi đành phải mắng phủ đầu, xác người đâu phải cái rác mà vứt đi đâu thì vứt, có gia đình vợ chết mà chồng sang tận nơi còn chẳng xin nổi xác ra mà thiêu, nữa là!
Tiếp đó liên hệ về Cao Hùng để biết, phía Cục xã hội địa phương sẽ lo mọi thứ. Có thể vài ngày nữa sẽ đưa lọ tro để mang về VN thôi.
Tôi lúc đó nghĩ, giờ mình bụng chửa vượt mặt, lê không nổi bước, nếu đi thêm cả nghìn cây số lấy bình tro xương rồi lại lặc lè lôi theo dọc đường hành trình về Việt Nam, chắc mình chết dọc đường quá.
Mình chết mình chả sợ, mình đã sống rất hạnh phúc sung sướng, đã tự hào được sống hết sức là mình, hết sức cống hiến.
57
Nhưng còn con mình thì sao? Rồi còn nước mắt những người thân, làm sao mình chịu nổi?
Nhưng không phải bỗng dưng, nếu số phận xếp sắp cho mình gặp gỡ những thân phận, những con người, những năm tháng này, hẳn phải có duyên do?
Có thể năm 2009 sức khoẻ khá hơn và có thời gian, chắc chắn mình sẽ đi Cao Hùng giúp họ!
Trước Tết, tôi hỏi thăm gia đình, họ cho biết vẫn bó tay chịu chết từ đó đến giờ. Chỉ yên tâm là mọi chuyện hậu sự đã được thu xếp xong mà thôi.
Mỗi người đàn bà một số phận, long đong mười hai bến nước, đi cũng dở ở chẳng đặng. Không biết điều gì giăng mắc giữa chúng tôi, hay chính là năm 2008?
58
Hạnh phúc không cần đám đông
Trước ngưỡng cửa ba mươi, có phụ nữ chọn chồng để được làm mẹ, có phụ nữ chọn làm mẹ ngoài ra không chọn gì khác. Cả hai đều dũng cảm như nhau. Thậm chí người ta vẫn nói làm mẹ một mình là những phụ nữ dũng cảm mạnh mẽ. Tôi lại thấy những phụ nữ chọn chồng để được làm mẹ mới thật sự là dũng cảm. Chỉ vì muốn làm mẹ, phải rước cả một ông chồng vào đời mình.
Tôi vẫn bảo với những cô bạn đơn thân muốn tìm lời khuyên, rằng, hãy xem, tôi chỉ hơn bạn có mỗi một tờ giấy thôi, đó là tờ đăng ký kết hôn, nhưng tôi thua kém bạn tất cả: cơ hội phát triển trong sự nghiệp, quyền tự quyết, thời gian chăm sóc bản thân, sự tự chủ trong đời, sự độc lập về tinh thần, và thậm chí không có nhiều cơ hội được ngủ dang tay chân trên một chiếc giường lớn không vướng víu.
Sự thực là trong những năm sống một mình, tôi cũng vẫn luôn luôn thèm được ngủ
59
dang tay chân trên một chiếc giường lớn không vướng víu (thay vì chiếc giường đơn phủ chăn đơn trên một chiếc gối đơn). Tuy nhiên sự độc lập của người phụ nữ rất rõ ràng, khi bạn kết hôn so với khi bạn độc thân.
Vì khi độc thân, bạn có quyền chọn bố cho con, bất cứ lúc nào. Tôi có gặp một trường hợp, sẵn sàng ra nước ngoài thụ tinh nhân tạo để đứa con tóc vàng mắt xanh, đẹp như tranh vẽ, như mơ ước. Hoặc như tôi, quay trở về Việt Nam vì quyết định đứa con của mình phải là người Việt Nam từ trong dòng máu, để nó biết yêu nước từ trong bụng mẹ bằng một bản năng của người Việt.
Khi bạn kết hôn, hãy thú thật đi, có bao nhiêu phần trăm người kết hôn vì muốn con mình sẽ có nhan sắc và tính tình như người đàn ông đang đeo nhẫn cưới cho mình? Hay bạn kết hôn vì lỡ có bầu, vì bố mẹ giục, vì yêu, vì đã yêu, vì cần một chỗ dựa, vì đã yêu nhau quá lâu, vì không còn sự lựa chọn nào tốt hơn, vì tiền, vì những lý do khác không sao giải thích nổi? Tôi có người bạn lấy chồng vì quá hâm mộ
60
chồng, nhưng kết cuộc, chồng cô lại không hâm mộ cô được như cô mong, họ đã chia tay rồi, không con cái.
Tôi có một cô bạn nữa lấy chồng vì chồng quá tốt. Có một cô bạn nữa, lấy chồng vì chồng đã chờ cô ấy gần mười năm, từ lúc cô ấy còn trẻ. Có một cô nữa, lấy chồng vì thèm khát một đám cưới hoành tráng. Đám cưới cô ấy thực sự hoành tráng, sau đó, họ cũng li thân lâu rồi. Và cô ấy bây giờ phần nhiều thời gian dành cho mạng Internet, thôi không nghĩ tới những đám cưới hoành tráng nữa.
Song, làm mẹ một mình không đáng sợ như bạn tưởng. Tôi thấy đáng sợ hơn là những người bị buộc phải làm single-mom mặc dù vẫn có chồng, vẫn có gia đình. Vừa phải nuôi chồng vừa phải vượt cạn, một mình, vừa “nằm ổ” sau sinh vừa phải cáng đáng mọi gánh nặng kinh tế cũng như công việc trong gia đình. Những người mẹ “độc thân” bất đắc dĩ ấy trong gia đình nhiều tới mức, tôi đã gặp ở mẹ tôi, ở bạn bè mẹ tôi, ở bạn bè tôi, ở đời tôi, ở những người tôi gặp, tôi quen, tôi nghe kể.
61
Có thể rất nhiều đàn ông không nghe thấy tiếng người bạn đời của mình khóc.
Cũng có những phụ nữ không bao giờ khóc trước mặt chồng. Tôi chẳng hạn.
Ngày nhỏ lên chùa, khi mẹ tôi quy y vào cửa Phật, tôi nghe thầy trong chùa dạy rằng, những người không gia đình con cái, mình cứ cho là họ khổ, chứ với cái nhìn duy tâm của thầy, thì đó mới là những người kiếp trước tu trọn vẹn, kiếp này được Trời Phật cho bớt gánh nợ trần gian.
Tôi không biết gánh nợ trần gian nặng bao nhiêu, tôi không rõ con người thường cầu xin gì Trời Phật, không gánh nặng thì cầu gánh nặng, có gánh nặng rồi lại cầu xin được tròn vẹn hạnh phúc thảnh thơi? Có phải là mâu thuẫn không!
Nhưng tôi biết có những người muốn làm chủ đời mình. Hôn nhân hoàn hảo thì có thể chờ được chứ đứa con hoàn hảo thì phải được sinh ra vào lúc người mẹ có sức khoẻ tốt
62
nhất, kinh tế vững vàng nhất, sự nghiệp ổn định nhất, hiểu biết và tâm trạng tốt nhất. Đó là khi ba mươi. Hãy để đàn ông chờ mình chứ đừng để con mình phải chờ mình. Hãy sinh nó ra đi để yêu nó như nó sẽ yêu mình.
Để hiểu ra hạnh phúc không cần đám đông thừa nhận, tung hô. Tôi ôm con tôi vào lòng và tôi thấy đó là tất cả hạnh phúc, con tôi bù đắp cho tôi tất cả.
Dù người khác đang rình để ném đá vào ta. Những người sống ở ngoài đời ta, không giúp ta nhưng muốn phán xét những bà mẹ không chồng.
63
Noa – Câu chuyện về thiếu nữ
Hình ảnh những mùi hương làm nên Cacharel không phải tự nhiên tôi gắn liền với những Entry dịch “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ!” trên blog này.
Và không phải tự nhiên khi chai Noa giữ đến hết hạn sử dụng tôi vẫn chưa dùng một lần nào.
Có gì đó không thật ở trong mùi hương, khi thế giới hỗn tạp quay cuồng mà mùi hương cứ theo đuổi những trong veo thuần khiết. Làm gì có sự thuần khiết như thiếu nữ mười sáu trong đời này? Ngay cả chính cô thiếu nữ đó có khi đã đàn bà, sau mười năm Noa xuất hiện? Phải vì những dự cảm âu lo ấy, nhà sản xuất sau Noa đã đành phải cho ra đời Noa Perle, Noa Fleur gợi tình hơn, như người đàn bà đã chín muồi cho tình yêu.
64
Cảm giác phải lòng nhau trong giây phút đầu tiên thường mong manh thế. Như một tưởng tượng. Mùi hương của Noa nhu mì khoan thai và thanh thản như thiếu nữ, không bợn chút buồn.
Mang tưởng tượng gắn vào một mùi hương, Cacharel đã ở đỉnh cao năm 1998 rồi tụt dốc khi Noa chỉ lưu lại trong ký ức người phụ nữ, hoặc ở lại như một viên ngọc trai trong bộ sưu tập mùi hương bao la.
Còn những người phụ nữ lại thường chỉ mang cảm xúc gắn vào mùi hương thôi. Bởi thế, không ai trung thành với Noa cả. Mùi đào mật, mùi lan dại thoạt đầu dù đã có hương hoa móng rồng, linh lan uyển chuyển và đàn hương mạnh mẽ níu lại cũng không ở lâu, không rõ rệt, không định hình nổi cảm xúc. Không bền lâu được, nhất là khi ngay cả tình yêu còn ngắn ngủi hơn vòng đời một chai nước hoa.
Bây giờ, trong hai mươi mốt nghìn chai nước hoa đang rao bán trên Yahoo, chỉ còn có hai người bán Noa ngọc trai ở đây. Tôi cũng
65
từng mua Noa ở Đài Loan qua một người môi giới trên mạng.
Nên tôi đang hối hận bởi đã không chọn một mùi hương gợi tình hơn. Noa thì làm sao hiểu nổi đàn bà đích thực? Khi Noa với mùi hoa trái cứ ở mãi tuổi mười sáu, khi chưa biết tình đầu?
Thời gian của tình yêu ngắn ngủi hơn thời gian của một mùi hương. Sự thật ấy khiến người đàn bà đau đớn. Noa thì làm sao hiểu nổi tôi?
Nếu như Noa, bạn sẽ sống trong một gia đình nghiêm trang, bạn trong trắng thuần khiết, yêu hoa, trong tim mơ ước một cuộc tình cảm động, mơ tình yêu không chỉ là tình yêu, sẽ gắn với ơn nghĩa, gắn với cuộc đời.
Tôi bây giờ chỉ mơ tình yêu đáp trả với tình yêu, không mơ ước cuộc sống hay những loài hoa, những lời cảm động, những ơn nghĩa dồi dào được cho được nhận. Nên tôi cũng không hiểu nổi mùi hương của Noa nữa. Có
66
điều vẫn giữ thói quen từ nước hoa đoán tính cách khí chất của những người đàn bà. Và giữ những mùi hương cho riêng mình, như tình yêu không bao giờ nói ra, để không bao giờ sợ mất.
Ngày tình nhân 7/7 năm nay, khi Ngưu Lang gặp Chức Nữ, tôi bay về Việt Nam. Hy vọng phía trời Hà Nội sẽ có hơn chút mưa ngâu ân tình.
Một bức thư tình
Chào anh, em không biết anh đã ngủ chưa Nếu sáng mai anh mới nhận được thư, chúc anh một buổi sáng tốt lành.
Một đoạn trao đổi ngắn tối nay làm em buồn lắm, lại dậy viết lá thư này cho anh.
Trước tiên em cảm ơn những gì tốt đẹp anh dành cho em
Hoặc anh nghĩ về em, hoặc anh cảm thấy từ em
67
Những điều đó động viên em rất nhiều trong cuộc sống.
Em nghĩ em luôn trân trọng cuộc sống và những gì cuộc sống mang lại, trong đó có anh Em nghĩ em đủ tự tin để nói em là người chân thành
Nhưng em không đủ can đảm để đương đầu với một số khó khăn trong đời sống, trong đó cũng lại có anh.
Tối nay lên mạng của mình, đọc thấy bọn Đài Loan thảo luận, bọn nó bảo
Anh là một canh bạc mà em không dám chơi Em nghĩ chúng nó tuy chả hiểu gì những khúc mắc nhưng cũng nói đúng phần nào.
Vì sao em chưa bao giờ mời anh vào nhà, chỉ gặp anh nơi công cộng
Nhưng thằng Đài Loan thì có, và anh cũng biết không phải chỉ một lần?
Vì em hiểu anh, em đủ kinh nghiệm để phán đoán về đàn ông
68
Anh sẽ ôm em ngay khi nào có thể, anh muốn được cầm tay em, ôm em từ bao nhiêu tháng rồi.
Em giữ khoảng cách để khỏi làm tổn thương anh và em và những người ở chung quanh ta. Còn thằng Đài Loan, cho dù nó ở trong nhà em, nó đã đi cùng em bao nhiêu chặng đường, nhưng nó chưa bao giờ dám chạm vào em.
Em vẫn bảo em luôn tin tưởng vào sự trung thành của những kẻ thua kém
Còn một câu em chưa nói tiếp, về đàn ông Em sợ sự táo tợn của những người tự biết mình là kẻ mạnh.
Đêm hôm đó, thằng Đài Loan đến gõ cửa lúc 2h sáng, nó bảo em:
Mày có biết giờ này X. tiên sinh đang làm gì không?
Có thể đã làm tình với vợ xong rồi
Và có thể đã ngủ rồi, có thể lắm
Còn tao, tao đến để giúp mày thu dọn đồ về Việt Nam.
69
Em vừa xếp quần áo vào va-li vừa khóc nức nở Nếu thằng Đài Loan là kẻ mạnh, nó sẽ Như anh, ôm em vào lòng và hôn
Nó cũng đã chờ cái hôn này hàng nhiều ngày tháng rồi.
Nhưng thằng Đài Loan chỉ là một thằng béo, một thằng bẩn thỉu, một thằng có nghề nghiệp mà không có địa vị, một thằng chỉ thích làm tình tập thể
Nó biết thân phận nó là loại chỉ có thể xếp sách vở vào vali cho em mà thôi
Và hùng hục khuân đồ xuống cầu thang
Xuống đến chân cầu thang, nó trả lại em cho anh
Em biết lúc mở cửa, nhìn thấy thằng Đài Loan, anh có vẻ đau đớn
Anh nghĩ vì sao nó có thể qua đêm trong phòng em, còn anh thì không
Anh bảo 4h sáng, anh đã ngồi ở dưới nhà, nhìn thấy xe thằng Đài Loan
Anh vội vã chạy tới nắm lấy ống bô xe của nó, hy vọng tay bị bỏng
70
Thật tiếc, ống bô lạnh ngắt, làm anh đau đến ngưng thở.
Anh luôn là kẻ mạnh, đúng không
Mạnh mẽ cho đến phút cuối cùng, lúc gọi cái cú điện thoại qua lớp tường kính
Sorry, câu chuyện của em chỉ đến đây thôi
Trước câu chuyện, anh và thằng Đài Loan cùng đau
Sau câu chuyện, bây giờ em mới đau Em hình như đang giữ mình cho ai? Em không biết, em chỉ nghĩ
Em giữ mình cho một ngày nào đó một người nào đó yêu em
Cho dù có thể em ít may mắn, em chỉ gặp kẻ mạnh và kẻ yếu, em không bao giờ gặp được người yêu em.
Yêu trong cô quạnh
Có người tháng mười một tặng tôi mùi hương tháng mười hai. Gucci Envy me hoa hồng phô trương và khiêu khích. Nó là một mùi hương quá trẻ với cuộc đời tôi.
71
Đã ai nói cho anh biết rằng, Envy me là một mùi hương bốc đồng chưa?
Trong những cơn buồn chán của tháng chạp, mùa đông quanh quẩn những con dốc và đổ ập vào tôi cơn giá rét những lần lao xe từ núi xuống, lạnh tái tê. Tôi sợ bị ràng buộc nhưng tôi thèm vòng tay ấm. Cho nên những khi nghĩ mình sẽ là người phụ nữ độc thân can đảm là lúc tôi sắp sửa bị quyến rũ vào một ràng buộc êm ái.
Tôi quen nhìn Cao Hùng từ khoảng cách năm mươi tư tầng trên không trung, trong đêm tĩnh lặng. Cả một thành phố rộng lớn, đâu là nơi dành cho tôi? Phiêu lãng, tìm kiếm, theo đuổi, tôi giờ ở lại Cao Hùng, nhưng ngày mai tôi làm sao biết rồi tôi sẽ về đâu?
Anh thường oán trách tôi quá lãnh đạm. Anh thường thích thú những khi mở cửa xe cho tôi. Anh thường dễ chịu trong bar. Anh thường ngạc nhiên hỏi vì sao tôi cũng dùng cùng một mùi hương?
72
Sao không ai nghĩ rằng, Gucci năm 1997 đã khác khi Envy me chào hàng phụ nữ năm 2004. Người phụ nữ khiêu khích của thế kỷ hai mốt làm sao quay lại nỗi niềm của thập niên trước, khi đàn ông, đôi khi, không bận tâm mình cũng đã đổi thay theo thời gian, như cô ấy.
Người phụ nữ mua nước hoa vì nhiều lý do, có thể vì mùi hương quen, có thể vì kỷ niệm cũ, có thể vì người tình mới. Phụ nữ được tặng nước hoa, không biết có thiếu phụ nào như tôi, rưng rưng trong một buổi chiều cuối năm, vì người tặng biết rằng tôi không bao giờ đi vào trong làn hương này, gặp họ. Không bao giờ…
Đôi khi mùi hương giống một điều thầm kín trong lòng người phụ nữ. Tôi ba mươi, tôi yêu Envy bốc đồng nhưng tôi biết rõ rằng mùi hương ấy yếu đuối. Mùi hương ấy không hiểu sao luôn làm tôi nghĩ đến một phụ nữ độc thân, đẹp trong cô đơn, khiêu khích trong cô đơn.
Tôi thường buồn bã trong những tiệc vui, tôi miễn cưỡng những lúc đi giao đãi, tôi lạnh
73
lùng khi chúng tôi hợp lại thành một thứ quyền lực im lặng, tôi oán trách Gucci Envy gợi cảm một cách đàng điếm, là cái mùi nhục đậu khấu và gừng tươi đầy ắp xúc giác đã được ngụy trang bằng cỏ oải hương Lavender mà thôi. Và ẩn giấu sự khiêu khích của hoa thuốc lá, thứ hoa thêm vào Envy một cách cố tình.
Tôi sợ hãi khi nhận ra tôi rất đàn bà trong đời sống nhưng chỉ thực sự quyến rũ trong tình yêu.
Tháng tư rét nốt. Tình yêu là thứ hơi ấm đã làm nước hoa thơm trên da. Bắt buộc phải là hơi ấm, nếu không, bạn thử đánh rơi Gucci trên khăn lụa, trên áo để thấy giọt nước vô cảm khô nhanh thế nào cùng mùi hương.
Tôi vẫn dùng Gucci Envy khi đi cùng người tôi yêu thích, thế nhưng trong yêu thích vẫn thấy cô quạnh. Tôi cô đơn khi tôi là thứ khẳng định quyền uy của anh, còn anh là thứ để khẳng định giá trị của tôi.
74
Nếu không có những ràng buộc đó, tất cả những giá trị khác đều quy về số không.
Như nếu không có làn da và hơi ấm, mọi nước hoa, mọi Gucci hay Dior đều chỉ là một giọt lạnh lẽo đựng trong một cái bình lạnh lẽo.
Không có bông hồng cài áo
Những bông hồng cài áo trong mùa lễ Vu Lan, màu đỏ cho những ai còn mẹ, màu trắng cho những đứa con mồ côi, thực ra xuất xứ từ Mỹ với Mother Day vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm.
75
Nhưng nó đã Việt hoá tới mức, không ai còn nhớ Mother Day của tháng Năm ở Mỹ mới là ngày đầu tiên bông hoa trắng rưng rưng đánh dấu lên ngực trái những đứa con. Chỉ còn lại xúc cảm và thương xót khi nghĩ về người mẹ đã mất sớm ở Việt Nam.
Cho dù mẹ sống bao nhiêu tuổi, mẹ vẫn luôn mất sớm. Luôn luôn là sớm. Ai chả muốn có mẹ suốt cuộc đời.
Một ngày đầu tháng Năm, chủ nhật, tôi nhận được một bó hoa gửi qua đường bưu điện, đặt trong một hộp các-tông lớn vuông vức được bao gói rất kỹ. Một bó hoa lớn, rất nhiều cẩm chướng. Bó hoa tươi được gửi từ Đào Viên về tận Cao Hùng, gần năm trăm ki-lô-mét, chứ không phải loại điện hoa đặt tiền là họ mua hoa cạnh nhà mang tới, vì thế nên nó thật đặc biệt.
Tôi hỏi người gửi tặng, vì sao kỳ công thế. Tôi nghĩ đây là một chiêu tán tỉnh của anh chàng, vì tên tôi trong tiếng Hoa là tên của loài Cẩm Chướng.
76
Anh nói qua điện thoại, không phải đâu Trang Hạ ạ, anh tặng em vì em là một người mẹ, em đang ở xa con em. Hôm nay là ngày Lễ của các bà mẹ Mother Day, và anh thay con em tặng em hoa. Cẩm Chướng là hoa dành cho các bà mẹ, để họ biết rằng, con cái muốn nói con cảm ơn mẹ đã sinh ra con.
Nước mắt không biết từ đâu ùa tới như một cơn mưa nhỏ. Tôi không xúc động mà tôi đau đớn, vì tôi nghĩ tới người mẹ đã mất của tôi. Tôi chưa bao giờ tặng hoa cho mẹ tôi. Tôi chưa bao giờ tặng mẹ tôi bất cứ thứ gì, kể cả sự dịu dàng, yêu thương mà tôi hào phóng cho những người xa lạ, những người thậm chí có khi quay lưng làm tôi đau đớn.
Nếu mẹ tôi còn sống, chắc bây giờ tôi cũng vẫn cáu kỉnh với mẹ tôi, phàn nàn những việc bà không làm tôi vừa ý, than vãn với bà về cuộc sống vất vả, xa cách, và sau đó tôi chắc cũng vẫn ngắt điện thoại bực bội khi mẹ tôi bắt đầu dài dòng dặn tôi, khuyên bảo tôi.
77
Tôi cũng đau đớn vì hiểu ra rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ như mẹ tôi, không thể ở bên con tôi mãi mãi. Cuộc sống vốn là như thế, người này truyền sự sống cho người kia. Nhưng lẽ nào phải chờ cho đến lúc cuối cùng ấy, mới nhận ra nhiều chục năm về trước, mẹ quý giá với mình biết bao?
Ngày Lễ của Mẹ năm sau đó, tôi không nhận được bó hoa nào nữa, người bạn kia rốt cuộc cũng chỉ là sự xúc động trong một khoảnh khắc, nhưng mỗi khi đi qua những cửa hàng bán lẻ dọc phố, thấy bày Cẩm Chướng đỏ, tôi thương làm sao những khoảnh khắc đã qua, những hình ảnh tôi không thể nhớ gì trong ký ức nhưng được người khác nhắc rằng có một thời tôi cũng là đứa trẻ chập chững, và nhận ra mẹ mới là yêu thương lâu bền, yêu thương vượt lên tất cả mọi chia cắt trong đời:
“Mẹ đã mất rất nhiều thời gian
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm 78
Mẹ dạy con buộc dây giầy, chải tóc, lau nước mũi”
Nhưng tôi không còn cơ hội để nghe mẹ tôi nói, một ngày nào đó:
“Mẹ xin con hãy nắm tay mẹ,
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó,
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.”(*)
Thời gian là vòng quay không ngừng nghỉ, trên mọi số phận mọi gia đình. Và tháng Năm ấy ngày Lễ của Mẹ, tôi tham gia cùng công ty Viễn thông Trung Hoa tổ chức hàng chục máy điện thoại cho các cô dâu Việt Nam gọi điện miễn phí về gia đình. Họ có thể không biết tới sự tích hoa trắng hoa đỏ, không biết gì về Mother Day, họ chỉ tấp nập tới vì nghe nói ở đây được gọi điện không mất tiền về Việt Nam, mỗi người mười lăm phút. Nhưng mỗi mười lăm phút ấy là một bông Cẩm Chướng tôi hy
79
vọng các cô trao nó cho người mẹ đang ở Việt Nam.
Người mẹ không trông đợi món quà nào đâu. Mọi người mẹ đều chỉ mong con mình hạnh phúc. Hoa và lời chúc thực ra chỉ là thông điệp rằng, mẹ ơi, con thực sự hạnh phúc. Vì con có mẹ sinh ra con trong đời này. Nếu một ngày chúng ta phải chia tay nhau, chúng ta cũng sẽ vẫn chia tay trong hạnh phúc.
Bởi tôi thấy thực ra, tôi nên bình an khi mẹ mất sớm. Tôi thà khóc vì mẹ chứ không còn muốn để mẹ phải rơi nước mắt vì tôi một lần nào nữa, trong đời này.
(*) Trích từ “Thơ viết trên tường viện dưỡng lão” của Thuỷ Khởi – Đài Loan do Trang Hạ dịch, in trong tập “Mẹ điên” – NXB Phụ Nữ 2008
80