🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đại Dương Đen - Những Câu Chuyện Từ Thế Giới Của Trầm Cảm - Đặng Hoàng Giang Ebooks Nhóm Zalo Những câu chuyện người thật việc thật ở đây có thể gây cảm giác nặng nề, mong bạn đọc lưu ý. PHẦN I Câu chuyện số 1 CON THÚ BỊ SĂN ĐUỔI (Thành, 32 tuổi, kỹ sư) Khi biết vợ mình có bầu, Thành hiểu rằng anh không thể trì hoãn được nữa. Đã tới lúc anh phải đặt được tên cho tình trạng của mình, phải hiểu mình bị làm sao. Anh cần biết liệu đứa con tương lai của mình có thể nhận được thứ gì đó rác rưởi từ anh hay không. Chuyện đã bắt đầu từ sáu, bảy năm nay rồi, nhưng tới năm trước, khi anh hai bảy tuổi, thì nó trở nên trầm trọng. Ngồi trong văn phòng, Thành phát hiện ra nhiều khi mình nín thở bởi một sự căng thẳng vô cớ, cho tới khi không chịu được nữa, anh ngoi ngóp như một con cá mắc cạn. Lại có những ngày anh bị nấc triền miên, khiến toàn bộ lồng ngực như bị bóp nát. Lên cầu thang, anh hụt hơi, trong các cuộc họp, anh hay xây xẩm mặt mày, tai ù đi và nhiều khi phải giấu tay xuống dưới đùi vì chúng cứ run lên. Có hôm, anh thấy mình ngồi ven hồ lúc trời mưa mà không nhớ được là mình đã tới đây như thế nào. Anh trở nên béo bệu vì tích nước, đi ngoài liên tục và mất ngủ. Các bác sĩ bảo là anh bị rối loạn hệ thần kinh thực vật. Mỗi ngày, anh uống thuốc đi ngoài, men tiêu hóa, thuốc bổ xương khớp, vitamin, thuốc bổ mắt, thuốc bổ não, thuốc giảm đau và thuốc ngủ. Thành âm thầm chịu đựng. Xung quanh, không ai nhận thấy gì, chỉ có vợ anh hay ngạc nhiên là nhiều chuyện mới xảy ra mà anh đã quên. Anh dùng thuốc lá và cà phê vô độ để kích mình lên. Bên ngoài, anh vẫn họp hành, giao tiếp với khách hàng và tạo ấn tượng tốt. Bên trong, anh chìm ngập trong sự bực bội, khó chịu, tức giận vô lý và kỳ quái. Mỗi ngày là một cố gắng đu dây phi thường, một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ để kiểm soát bản thân. Thành có cảm giác mình sắp phát điên hoặc sắp chết vì một bệnh nan y kỳ lạ nào đó. Tháng trước, trong một cuộc thảo luận ở công ty, anh giận dữ ném cốc nước vào tường, khiến mọi người sửng sốt. Anh gọi nó là một bùng nổ. Cuối một buổi chiều, Thành tới Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi nhìn thấy tấm biển trên cổng, anh vẫn khựng lại một giây. Tâm thần, cái chữ đó vang lên như tiếng kim loại trong đầu làm anh choáng váng. Lại còn ban ngày nữa chứ. Anh thoáng tức giận, chả nhẽ người ta chỉ được điên vào giờ hành chính thôi hay sao? Người ta đưa cho Thành mấy bài test. Bà nhân viên ngồi bàn bên giục, “Khẩn trương, khẩn trương! Sắp hết giờ rồi… Đã bảo làm bài này trước, bài này cần nhiều thời gian…” Đoạn bà cho ví và điện thoại vào túi, kéo khóa kín, để nó lên lòng. Khi có kết quả, bà bác sĩ nhìn vào rồi nói với người bên cạnh, cứ như ở đằng trước bà, Thành là một bao cát, “Ơ, nặng như thế này thì đáng lẽ phải mất kiểm soát chứ nhỉ? Sao vẫn tỉnh táo nhỉ?” Quay về phía anh, bà giương mắt lên, “Người nhà đâu, sao thế này mà không có người nhà đi cùng?” “Cháu… bình thường mà,” Thành ấp úng, “hôm nay cháu nghỉ làm sớm để tới đây.” Anh nhấn mạnh chữ làm như muốn bà ta hiểu ngầm rằng mình vẫn ở trong cộng đồng, mình chưa bị loại ra ngoài. Nhưng bà bác sĩ không nghe anh nói, bà cúi xuống, xoẹt xoẹt, kê một cái đơn thuốc dài. Trầm cảm nặng đi kèm rối loạn lo âu lan tỏa. Mua thuốc ngay, hết ba triệu, có bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, thiếu thì mai quay lại mua nốt. Ở ngoài cổng, Thành nhìn cái lưng của bà bác sĩ đang dắt xe trước mình và vứt cái đơn thuốc đi. Anh có cảm giác mình là một con bò bị đẩy lên cái băng chuyền không có đường xuống, anh không sẵn sàng uống thuốc. Lần bùng nổ thứ hai của Thành xảy ra gần hai năm sau cái ngày anh tới Mai Hương. Tối hôm đó, anh định ra đường đưa đứa em trai say rượu về nhà thì bố anh ra chặn cửa, hơi rượu nồng nặc, “Để cho nó chết mẹ nó đi!” Trong một tích tắc, Thành đánh mất lý trí. Anh túm tóc bố, dúi ông xuống dưới. Đến giờ, Thành vẫn tin rằng bố mình là người tốt, yêu thương vợ con. Ông âm thầm chăm sóc gia đình, vá săm, bơm lốp xe cho con, thay bóng đèn, sửa vòi nước. Nhưng cũng trong một thời gian dài, Thành mong bố chết, đó sẽ là một giải thoát cho ông và cho mọi người trong nhà. Từ rất lâu rồi anh đã thấy bố hầu như không ăn uống, nhưng ngày nào cũng có hai bữa bia đều như vắt tranh. Tốt nghiệp đại học, bỏ việc nhà nước vì không đủ sống, và sau một thời gian buôn lậu Bắc-Nam bị phá sản, ông chuyển sang mở một cái xưởng tôn sắt. Giữa hai bữa bia, ông ngồi uốn sắt, gò tôn, bên cạnh lúc nào cũng là cốc rượu trắng để chiêu. Hai thứ mà ông không thể thiếu, hai thứ cho phép ông vùi đầu vào là công việc, mười mấy tiếng một ngày, và rượu. Sau này, khi đã bị ung thư, có thể sáng ông điều trị, tối ông vẫn lôi đồ nghề ra. Ngày nào đi học về, cậu bé Thành cũng hồi hộp hít sâu như chuẩn bị lặn xuống một đầm lầy. Liệu hôm nay nhà cửa có tan hoang không đây? Nghe tiếng xe máy của bố từ xa, cậu có thể đoán được tình trạng của ông. Tay ga này nghe không đều, không ổn định, bố đang say, bố sẽ cố tình tông xe vào cửa, sẽ vào nhà mở nhạc ầm ĩ, sẽ khủng bố và đập phá. Tuổi thơ của hai anh em là một biển âm thanh hỗn tạp. Chỗ làm việc của ông ở ngay bên trên phòng ngủ của Thành, ông hay gọi cậu lên phụ việc bằng cách đập búa hoặc những khung sắt xuống sàn. Có những đêm, hồi chỉ mới ngoài mẫu giáo, Thành bị dựng dậy để lắp mấy cái kệ. Tới tận bây giờ, bất kỳ một âm thanh chói tai nào cũng làm anh giật mình và lạnh run người. Trong câu chuyện của mình, Thành trở đi trở lại với người bố như một ẩn số lớn của đời anh. Vì sao ông không thuê thêm người phụ việc, nhưng lại luôn đay nghiến vợ con, “Tao làm việc như một con chó, thế mà chúng mày…” Vì sao ông bắt các con làm cùng, nhưng khi cậu đem về cái mặt nạ có màng lọc than hoạt tính vì không chịu được mùi sơn trong căn phòng kín, thì ông lấy hết sức bình sinh ném nó vào tường, rồi cầm kéo chĩa vào mặt cậu, “Mày định dạy khôn tao đấy à?” Vì sao ông đánh đập, chửi bới dữ dội chỉ vì cậu tháo cái giỏ trước xe máy mà không hỏi, nhưng hôm sau lại hào phóng đưa tiền, mày mua cái này, cái kia đi? Tại sao lại có một người vừa kiếm tiền, vun vén cho gia đình, vừa hành hạ người thân một cách toàn diện như thế? Thành túm tóc bố, ghì xuống dưới, gào lên cái câu hỏi đã nằm trong đầu mình từ bao năm nay, “Bây giờ mày muốn gì?” Thành đấm như một cái máy. Anh không thể nào hiểu được sự bệnh hoạn này. Ông ấy muốn gì từ mẹ con anh? Cuối cùng thì ông ấy muốn gì ở cái gia đình này, ở cuộc đời này? Cùng với nhịp đấm là tiếng đầu bố anh đập xuống sàn và tiếng kêu uất ức của anh, “Mày chết đi! Mày muốn gì? Mày chết đi! Mày muốn gì?” Đó là những tiếng kêu của tuyệt vọng. Sự kiện đánh bố xảy ra trong khoảng thời gian Thành hay gặp một chị tư vấn tâm lý. Chị ấy rất nhẫn nại, rất lắng nghe, và Thành cảm thấy dễ chịu khi có người giúp mình sắp xếp mớ bòng bong trong đầu. Ngay ngày hôm sau, hai vợ chồng anh tới gặp chị. Cả ba hiểu rằng anh đã vượt ngưỡng, và giờ đây cần một biện pháp khác. Việc anh vẫn tiếp tục sống trong môi trường độc hại khiến cho các cố gắng của chị tư vấn không đem lại nhiều kết quả. Lúc này Thành đã ở nhà được một năm, dù ban đầu anh chỉ định nghỉ làm ba tháng để hồi sức trước áp lực ở công ty và sự hỗn loạn ở nhà. Con gái anh cũng đã một tuổi, nó cần có một người bố khỏe mạnh. Thành trở nên rất sốt ruột. Anh muốn chữa trị dứt điểm. Anh đã sẵn sàng vượt qua sự hoài nghi và nỗi sợ thuốc của mình. Thành được giới thiệu tới một bác sĩ tâm thần, cây đa cây đề trong ngành. Hai tuần sau khi uống thuốc của ông ấy, anh trở thành một cái bịch không cảm xúc. Anh ngồi đờ đẫn trong phòng và ghi nhận hai thứ đang động đậy, ở góc nhà là cái quạt, trước mặt anh là đứa con. Anh nhận ra rằng mình nhìn hai thứ đó với cùng một cảm xúc - sự thờ ơ. Mấy hôm trước, anh bế đứa con đứng trên vỉa hè trong khi vợ anh lúi húi làm gì đó bên cạnh. Đứa bé khóc ngằn ngặt. Trong Thành dâng lên một sự khó chịu, anh nhìn cục thịt trong tay, nó giãy giụa và phát ra những âm thanh chói tai. Sự khó chịu lớn lên, chuyển thành nỗi tức giận. Trong đầu, anh thấy mình vứt toẹt đứa trẻ xuống dưới lòng đường, nơi xe cộ đang qua lại. Thành gọi điện cho ông bác sĩ, người chưa bao giờ cảnh báo anh về các tác dụng phụ của thuốc. Anh kể là người anh bị chảy nhượt ra, tay anh thõng xuống, bước chân anh lệt sệt. Rằng anh nằm mê mệt cả ngày trong phòng, chuông điện thoại báo giờ uống thuốc vang lên như từ chốn xa xăm. Nếu người thân vào phòng kéo rèm và bật đèn, anh sẽ sợ hãi và tức giận đuổi ra. Ông bác sĩ cụt lủn, “Thế có muốn đổi thuốc không, loại sau sẽ mạnh hơn đấy nhé?” Thành kể là buổi tối, mắt anh cứ trợn lên mà không đóng lại được. Tới bữa, anh cố nhét thức ăn vào mồm nhưng cảm giác như ăn rác. Anh mất khả năng điều khiển xe máy và nói chung không kiểm soát được cơ thể của mình nữa. “Thế thì nhập viện nội trú đi thôi,” ông bác sĩ lại ngắn gọn. Thành nói anh cảm thấy không thể tiếp tục được nữa. “Cháu thích dừng thuốc thì dừng, đấy không phải là vấn đề của bác.” Mấy lần sau, ông ấy cũng vẫn nghe điện thoại và vẫn trả lời y chang như vậy. Thành đã gặp nhiều người như thế. Trước người khác, họ thể hiện một biên độ cảm xúc hẹp như một người thợ cơ khí thể hiện với một cái xe máy. Những người như ông là những người thợ bốc thuốc. Sau bốn tháng, anh dừng thuốc. Đêm đã khuya, phòng bệnh im ắng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ú ớ mê sảng. Ngồi bên giường bố, Thành nhìn cái lưng gầy của ông. Ông thở đều, mặt chỉ cách bàn chân của người bệnh nằm ngược đầu đuôi cùng giường vài xăng ti mét. Đâu là thời điểm tín hiệu đầu tiên xuất hiện ở anh? Thành nhớ lại cái buổi hội trường năm anh lớp mười một. Đã mười mấy năm trôi qua, nhưng anh vẫn không thể nào quên. Hôm ấy, khi đang ở sân trường, xung quanh là cờ quạt, âm nhạc, đèn hoa, không khí ngày hội, bỗng nhiên bên trong cậu bé Thành có một cái hố sâu mở ra rộng ngoác. Mọi thứ mờ đi, thảm âm thanh lùi ra xa. Cậu đứng đó trơ trọi, không thể chạm được vào tụi học trò, vào cây cối, không gian xung quanh. Có một nỗi buồn thăm thẳm mà cậu không thể mô tả. Thành thấy mình rơi vào cái hố thăm thẳm đó, xa dần, xa dần sự sống mà không thể níu kéo được. Chính xác hơn, cậu để mình rơi và không muốn níu kéo gì cả. Bố Thành khẽ cựa mình. Anh tin rằng các trải nghiệm tuổi thơ đã khiến bố anh trở thành như bây giờ. Cuối đời, ông nội của Thành bị điên. Ông trần truồng, cầm dao đuổi mọi người. Bà nội đưa các con lánh về quê, chỉ thỉnh thoảng lên thăm chồng. Bố Thành được thụ thai trong một buổi thăm đó. Bố lớn lên trong một căn nhà nát, năm sáu mẹ con chen chúc nhau. Lần nào được bà cho đi thăm ông, bố cũng bị ông đuổi đánh và một lần bị ông túm tóc dìm xuống dưới ao. Ông nội mất năm bố tám tuổi. Có vài lần, Thành hỏi bố, “Bố có nhớ mặt ông nội không?” Lần nào, bố anh cũng lắc đầu. Hồi mẹ Thành yêu bố anh, nhiều người cảnh báo, “Bố thằng ấy bị điên đấy…” Bạn đại học của bố kể rằng bố vốn hiền, nhưng mà “lúc điên lên thì đánh hết, kể cả bạn gái”. Liệu đó là nguồn cơn của các vấn đề của anh? Thành nhớ tới cuốn nhật ký mẹ viết trong lúc mang thai anh mà anh tìm được ở một xó xỉnh trong nhà. Trong cuốn sổ, mẹ tự hỏi, tương lai của đứa trẻ trong bụng mình sẽ ra sao. Liệu bà có hình dung được câu chuyện bây giờ? Lớn lên với nhiều đòn roi từ bà ngoại mà lại ít sự chỉ bảo, mẹ anh trở thành một kẻ phụ thuộc và nhu nhược. Đến khi đi lấy chồng, mẹ anh vẫn không phân biệt được các loại thịt. Cái điều khiển ti vi mẹ cũng chỉ biết duy nhất cái nút tắt bật và tiến lùi, và tới giờ bà vẫn không biết đi xe máy. Sau mỗi trận đập phá của bố, hôm sau, mẹ lại làm như không có gì xảy ra. Bà là một suối nguồn bất tận của sự chịu đựng nhẫn nhục. Cách hành xử của hai người ăn khớp nhau, họ như hai bạn nhảy của một điệu tăng gô bạo lực và phá hủy. Bố Thành xoay người, mở mắt, thấy Thành, ông yên tâm nhắm mắt lại. Ung thư đã thay đổi ông, ông rời được vòng xoáy của bạo lực, không rõ do sức lực không còn là bao, hay do ông thay đổi trong suy nghĩ. “Con đi cùng bố nhá, bố rất là bối rối,” ông nói với Thành khi căn bệnh gõ cửa. Trong những đêm dài bên giường bố, Thành hiểu được rằng đằng sau sự giận dữ và bạo lực của ông là cái bất mãn, sự bế tắc trước cuộc đời và nỗi sợ mình vô giá trị. Ông giãy giụa trong tuyệt vọng và kéo mọi người chìm theo. Liệu đâu đó ông có ý thức được về trạng thái của mình? Khi Thành mang tờ chẩn đoán của bệnh viện về, ông phản ứng gay gắt, “Mày bị vậy là do mày hết! Mày điên là do lỗi của mày. Tao không điên! Không, tao không điên, tao không có lỗi!” Sau này, khi tác dụng phụ của thuốc khiến anh không đi được xe máy nữa, ông đèo anh đi mua thuốc, nhưng khi về thì vẫn nhắc lại, “Bác sĩ bảo nó bị vậy là do nó, không phải do tôi.” Trong những đợt điều trị ung thư, Thành chở ông đi về. Anh chạy xe chầm chậm, đằng sau, bố anh yếu ớt như một đứa trẻ. Giờ đây, ông chỉ là một người yếu đuối cần sự trợ giúp. Thành cảm thấy bình an. Những kỷ niệm của hai bố con hồi anh còn rất nhỏ và lúc bố chưa rượu chè trỗi dậy. Hồi đó, bố cũng đèo anh đi lang thang như anh đang đèo bố bây giờ. Anh bắt đầu kể lại với bố, chỗ này, bố đưa con đến thì gặp bác Hùng, bác ấy bị sắt cắt vào tay chảy máu. Chỗ này, bố đưa con vào chợ để mua cái xe đạp ba bánh, người bán hàng bảo màu này đẹp. Chỗ này, bố bế cho con tè vào gốc cây. Thành nghe thấy bố hắng giọng giấu sự xúc động. Nhưng anh không nhắc lại cho bố là chỉ vài năm sau đó thôi, anh ngồi sau xe bố với sự sợ hãi tột cùng. Ông thường xuyên phóng như một người mất trí, lao vào người đi ngược chiều hay người sang đường sai chỗ với tất cả sự căm giận. Ông áp sát tới mức có thể huých tay vào họ và rồ ga khiến họ hoảng hốt. Trong đầu Thành vẫn còn đây những tiếng la ó của người đi đường, “Điên à? Thằng khùng!” khiến anh vừa khiếp đảm vừa nhục nhã. Giờ đây, khi kể lại những chuyện này, giọng của anh vẫn lả đi vì căng thẳng và tay anh hơi run lên. Vậy là Thành đã ở nhà được bốn năm, từ tuổi hai mươi tám. Mất sức lao động, như người ta vẫn nói. Dễ bị căng thẳng và khó khăn để điều tiết cảm xúc, anh không ở trong môi trường văn phòng được nữa. Nếu sau một va chạm người bình thường có thể nhanh chóng lấy lại cân bằng, thì ở anh, dư chấn có thể kéo dài nhiều ngày và ám ảnh một cách kỳ quái. Giờ đây, việc chính trong ngày của anh là đưa đón con đi học, và anh cố gắng tận hưởng điều đó. Ai mà biết được anh còn có thể chuyện trò bình thường với con bao lâu nữa. Một vài lần trong tuần, anh cố gắng hẹn ăn trưa cùng vợ. Vợ anh là người níu anh lại với sự cân bằng, là bến bờ cuối cùng của anh, là người mà anh có thể kể ra hết. Dù tài chính không dư dả, chưa bao giờ cô ấy tỏ ra rằng anh không có giá trị vì anh không làm ra tiền, vì anh bất thường trong đầu. Anh giúp vợ trong công việc marketing của cô ấy, góp ý về cái này cái kia, nhưng anh không ngồi được lâu trước máy tính, não anh nhanh bị trơ, các suy nghĩ trở nên ì ạch, và cố gắng tập trung khiến anh kiệt sức. Thành tin rằng giữa anh và vợ có sự gắn kết và cảm thông sâu sắc vì họ đều là những kẻ bị tổn thương. Hồi ngoài hai mươi, cô được biết qua một người trong xóm rằng mình bị bỏ rơi và bố mẹ cô thực ra là bố mẹ nuôi. Không tỏ thái độ gì, nhưng mấy hôm sau, đang ngồi, cô bỗng tặc lưỡi, “Ôi xời, cái con mẹ mình chắc là chịch choạc lung tung. Thôi kệ mẹ nó đi, quan tâm làm đéo gì!” Từ đấy trở đi, cô không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Duy mỗi khi làm hỏng cái gì đó, mỗi khi không hài lòng với bản thân, cô lại lẩm bẩm, “Đ. mẹ! Đúng là gene của con mẹ mình ngu, đúng là gene bẩn. Chắc cả con mẹ và thằng bố mình là loại chả ra gì nên mình mới với vẩn thế này.” Bố mẹ nuôi của cô rất yêu thương, không bao giờ để cô thiếu thốn tình cảm, nhưng gần đây, có một lần, khi đã rất say, cô mê man bấu víu mọi người xung quanh, “Mẹ ơi đừng bỏ con.” Nhiều lúc, Thành nhìn quanh và kinh sợ. Trời ơi, sao mà ai cũng là nạn nhân vậy? Ông bà nội anh này. Bố mẹ anh này. Anh và vợ này. Em trai anh này, dù hồi phổ thông học giỏi, giờ đây nó là một kẻ vất vưởng làm những việc “không chân chính” mà anh không muốn kể rõ hơn. Thành nhớ lại thời anh còn thực tập ở một công ty tin học nước ngoài danh giá, thời điểm duy nhất mà bố tự hào về anh. Một đêm, đã hai giờ sáng, mọi người vẫn đang cặm cụi cày cho một dự án triệu đô thì bỗng nhiên ông trưởng nhóm người Đức đẩy cái bàn phím ra, thở dài, “Mẹ! Cuộc đời tao như cứt… Tao chả biết nó sẽ đi về đâu.” Sau khi dùng thuốc trầm cảm, Thành có cảm giác như được hồi sinh. Ăn uống lại được, cơ thể anh bắt đầu phục hồi, nó khao khát sự sống. “Mình phải tự cứu thôi, cứu mình, cứu gia đình.” Thành nhìn đứa con, tự nhủ. Anh bắt đầu tập chạy và sau bốn tháng thì tham gia một giải chạy ở cự ly 21km, khiến chị tư vấn tâm lý kinh ngạc. Hàng xóm của anh thắc mắc với nhau, “Nó vần được cả con SH, nhồng nhồng ngoài đường thế mà không thấy đi làm nhỉ?”. “Chạy được mấy chục cây mà cứ ru rú ở nhà, lười rồi đấy!” Đầy hy vọng, Thành tìm tới các trợ giúp khác, thiền, mở luân xa, trường năng lượng, tập Reiki, bấm huyệt, châm cứu. Nhưng sau một năm thì mọi chuyện lại dần đi xuống. Bố anh nhập viện, anh đi lại giữa bệnh viện và hai nhà nội ngoại trong cả mười mấy đợt xạ trị, trong lúc vợ anh chuyển việc và bố mẹ vợ ly hôn. Nhóm bạn chạy của anh cũng mỗi đứa một nơi, sự phụ trợ tinh thần bên ngoài không còn nữa. Anh đuối sức, trầm cảm của anh bước vào chu kỳ mới. Thành không may mắn với những phương pháp “phi chính thống” như anh gọi. Đến đâu, người ta cũng khẳng định là họ sẽ giải quyết “tận gốc” vấn đề. Ông châm cứu nói, “Ối giời, trầm cảm cái gì, cậu yếu trong người nên đâm ra buồn, tôi châm cứu cho cậu khỏe lên là hết trầm cảm ngay ấy mà.” Ông bấm huyệt cũng bảo vậy, cô sắp xếp trường năng lượng cũng thế. Còn những người đi tìm trợ giúp như anh, anh thấy quá nhiều người bị mụ mẫm hay phát cuồng với cái họ đang theo. Những cơn lo âu quay trở lại. Anh cho rằng nó bắt nguồn từ việc đứa trẻ Thành luôn sống trong một môi trường phi logic, phi quy luật. Nếu như bố anh vừa vui vẻ chào con, “Bố ra ngoài một tí nhé,” thì chỉ một tiếng sau, ông trở về nhà như một con người khác, say xỉn, túm tóc, đánh đập. Hôm khác, ông về nhà với bịch lòng lợn, hào sảng mời mọi người ăn, và tới cuối buổi thi đập cốc, đập bát, “Lũ chó lợn chúng mày cứ hốc đi! Sống là phải làm việc. Tao làm việc như trâu như chó là để cho chúng mày có cái mà hốc đấy.” Ba hôm trước ngày Thành cưới, ông vẫn không cho anh quét vôi lại phòng, “Nhà của tao, chúng mày là đồ mất dạy…” Tới ngày cuối, ông xắn tay áo lên dọn dẹp cùng rất chu đáo. Thành tự ví mình với một con thú triền miên trong trạng thái bị săn đuổi, nhìn đâu cũng thấy mối nguy. Kìa, có mẩu váy lụa đen kẹp bên ngoài cửa của một chiếc ô tô hạng sang mà anh vừa vượt. Chắc hẳn sau tay lái là một phụ nữ, cô ta sẽ đi guốc cao gót, guốc sẽ mắc vào chân ga, xe lại có biển tứ quý nữa, cô ấy chắc sẽ coi trời bằng vung. Trong một tích tắc, tim anh loạn nhịp và anh hấp tấp tạt xe máy vào vệ đường, thở gấp. Từ nãy tới giờ, cô chạy bàn ở quán cà phê đã hai lần nhìn anh, toàn đúng lúc anh đang kể về ông bác sĩ vô cảm, khiến anh vô cùng hối hận mình đã nói tên ông ấy ra. Chẳng phải là cách đây mấy thập kỷ, khi mẹ anh làm lễ tân ở một khách sạn nhà nước, bà cũng được giao nhiệm vụ nghe trộm khách hay sao. Rồi họ hàng nhà anh truyền nhau câu chuyện rằng không phải ông nội anh bỗng nhiên bị điên đâu, sau khi giải ngũ khỏi lực lượng tình báo, ông đã bị tiêm thuốc độc. Trong thế giới của cậu bé Thành non nớt, cái ác quá vẹn toàn và mạnh mẽ. Anh không chế ngự được cảm giác rằng mọi việc nằm ngoài sự kiểm soát, anh sẽ bị nghiền nát bởi cuộc đời. Thành xoay người trên giường, ba tiếng nữa mới tới giờ anh đón con. Dần dần anh đánh mất cảm nhận về ranh giới giữa cái bình thường và cái bất thường, và quay ra hoài nghi bản thân. Ông bác sĩ hồi đó có thực sự là thờ ơ, vô cảm, hay đó chỉ là cảm nhận mang tính bệnh lý của anh? Khi anh đón bạn cách nhà mình một con phố, chứ không gửi địa chỉ của mình cho bạn qua tin nhắn, thì đó là một sự cẩn trọng hợp lý, hay đó là một sự ngớ ngẩn: Thành hay nhìn vào mắt người tiếp chuyện và đau đáu chờ câu trả lời. Cái điện thoại bỗng đổ chuông, anh hay cài chuông để thỉnh thoảng nó cắt anh ra khỏi luồng suy nghĩ miên man như sương mù trong đầu. Nếu không, mới vừa là buổi sáng mà ngẩng lên anh đã thấy thành hai, ba giờ chiều, anh quên cả ăn trưa. Thành cảm thấy bế tắc và lạc lối, anh đã thử hết cách mà mọi thứ vẫn ngổn ngang. Anh đã trèo lên được khỏi hố nhưng vẫn loanh quanh ở miệng nó mà không thể lết đi xa, và lúc nào cũng có thể tụt xuống. Cuộc sống của anh sẽ mãi chỉ có đưa đón con và những giấc ngủ ban ngày chập chờn như thế này? Liệu một lúc nào đó anh có thể quay lại hành nghề kỹ sư tin học của mình? Liệu khi có cháu ngoại thì anh đã khỏe mạnh bình thường chưa, anh có thể chơi với nó trong bình an không? Hay ngược lại, một lúc nào đó anh sẽ mất kiểm soát? Và nếu vậy thì anh còn bao nhiêu thời gian? Lúc nào thì vợ anh không chịu đựng nổi anh nữa? Cơn khóc của con gái anh tuần trước, nó có bất thường không? Mỗi khi nỗi lo về con trỗi dậy thì nỗi căm ghét người bố lại bùng lên. Gene của anh có bẩn không? Nếu con anh bị làm sao thì người có lỗi là ông ấy! Đầu năm nay, anh đốt hết các ghi chép, các chẩn đoán bệnh cùng với đơn thuốc, và vứt tro ra gốc cây khế trước nhà. Sau bao nhiêu năm nghiền ngẫm, cày xới quá khứ của mình và của bố mẹ mình để tự lý giải, Thành đã mệt mỏi. Nó chẳng đi đến đâu cả. Tối hôm đó, anh dặn lại vợ một lần nữa, nếu một lúc nào đó anh không còn tỉnh táo, cô ấy phải cứng rắn và cách ly anh ngay lập tức, đặc biệt là cách ly với con. Câu chuyện số 2 ÔI, ĐỨA CON GÁI XINH ĐẸP CỦA TÔI! (Bảo Anh, 23 tuổi, sinh viên ngành Thiết kế thời trang Quỳ, 48 tuổi, nhân viên văn phòng, mẹ của Bảo Anh Nhung, 23 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông, bạn của Bảo Anh) BẢO ANH Buổi chiều hôm đó, phòng khách của hai mẹ con tôi đầy người. Mẹ tôi, bác tôi, con trai bác, rồi một chú hàng xóm, chú này cũng có con bị trầm cảm. Tôi ngồi ở ban công, căn hộ của chúng tôi ở tầng mười. Họ nhìn tôi, tôi nhìn ra ngoài trời, hút thuốc liên tục. Tôi hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. Mọi thứ đã bắt đầu đẹp đẽ làm sao. Khi sang Thụy Điển được một năm, đang buồn bã vì xa nhà, không có bạn và thời tiết âm u, thì tôi quen anh. Tôi về gia đình anh ở Iran, họ đưa tôi đi chơi mọi nơi như khách quý. Anh về Việt Nam chơi. Chúng tôi lên các kế hoạch cho tương lai. Anh sang Nhật trước, tôi sẽ theo sau, dự định là vậy. Nhưng tình yêu của chúng tôi không vượt qua được khoảng cách địa lý. Chúng tôi cãi nhau triền miên. Mùa đông Thụy Điển ảm đạm. Tôi thấy vô cùng cô đơn. Hai đứa ở cùng nhà tôi rất năng động, chúng có nhiều bạn, chúng làm trợ giảng, hướng dẫn các tour du học sinh quốc tế. Tôi không theo kịp. Tôi có cảm giác bị bỏ rơi, mà trước đó đã có lúc ba đứa chúng tôi rất gắn bó với nhau. Cảm giác bị bỏ rơi này, nó đã ám ảnh tôi từ hồi nhỏ. Ở cấp ba, đã có lúc tôi còn ghét cả cái Nhung, bạn thân của tôi, vì nó có nhiều bạn quá mà tôi chỉ có mỗi mình nó. Tôi trở nên xấu xí với hai đứa cùng nhà và tránh mặt chúng nó mỗi khi có thể. Tôi ngủ rất nhiều nhưng lúc nào cũng kiệt sức. Nhiều ngày, tôi vật vờ trên cái ban công phủ đầy tuyết. Tới mùa xuân, sau sinh nhật hai mươi tuổi vài tháng thì tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi dừng học. Chuyến bay về Việt Nam của tôi dài vô tận. Tôi khóc suốt. NHUNG Hồi học phổ thông, cái Bảo Anh hay bị ám ảnh là nó không được ai quan tâm. Nó hay tự tách mình ra, ngồi một mình, tức tối, giận dữ vẽ những hình tăm tối, gạch xóa nhằng nhịt và lấy bút đâm lên giấy liên hồi. Rồi mỗi đứa đi du học một nơi, chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau dù đã có hồi nó xa lánh tôi bởi tôi và cậu bạn trai trong nhóm ba người của chúng tôi trở thành một cặp, khiến nó có cảm giác là người thừa. Hôm đó rơi đúng vào ngày tôi bay từ Mỹ về Việt Nam để nghỉ hè. Cả ngày, tôi có một linh cảm không tốt, một cảm giác bồn chồn. Cứ mỗi lần transit tôi lại kiểm tra tin nhắn mà không thấy Bảo Anh phản hồi. Về tới nhà, tôi vứt đồ đạc vào góc, chạy lên tầng hai, mượn SIM của chị để gọi cho nó. Cô Quỳ, mẹ Bảo Anh, nhấc máy và kể những gì mới xảy ra. Tôi cảm thấy hụt hẫng, mọi thứ không thật, như là tôi bị tách ra khỏi mặt đất, đang lơ lửng trên cao. BẢO ANH Về tới Việt Nam, tôi cố thủ trong phòng, mất phương hướng. Tôi khóc nhiều hơn, cãi vã với bạn trai nhiều hơn. Rồi anh ấy chặn tôi ở tất cả các kênh, dù trước đó tôi đã van xin, van xin mãi là đừng bỏ tôi mà đi. Với tôi, đó là sự trừng phạt lớn nhất, khủng khiếp nhất. Bị bỏ rơi, bị khước từ mà không thể làm gì được. Một sự bất lực tuyệt đối. Bây giờ, đã ba năm rồi, chúng tôi là bạn bình thường của nhau, sinh nhật tôi anh ấy gọi điện hỏi thăm, nhưng lúc đó thì tôi trở thành tận cùng của sự xấu xí, tôi nhắn tin khủng bố mẹ anh ấy, “Con bà là kẻ giết người!!!” QUỲ Đó là vừa qua đợt nghỉ lễ thì phải. Trước đó mấy tuần, nó đã bắt đầu uống thuốc chống trầm cảm, nhưng buổi chiều hôm đó là lúc kinh khủng nhất, nó lên cơn nặng nhất. Từ mấy hôm trước, nó đã cãi nhau với bạn trai và anh ta không trả lời tin nhắn nữa. Nó nhắn cho mẹ cậu ấy, em cậu ấy, lời lẽ rất xúc phạm. Năm ngoái, cậu ấy đã đưa nó về nhà chơi, và họ vô cùng quý nó. Bây giờ, họ chặn nó. Ngày hôm trước, cậu thông báo cho tôi là sẽ chặn nó, cậu xin lỗi là chưa sẵn sàng để có thể chịu trách nhiệm với một con người như Bảo Anh. Trước đó, tôi đã xin cậu đừng căng thẳng cho tới khi nó về tới nhà, có mẹ bên cạnh. Đến đêm, mất liên lạc, nó khóc lóc, đập phá, “Chiều mai không liên lạc lại được thì con sẽ chết.” Tôi cố gắng xoa dịu và hứa sẽ nói chuyện với cậu kia, nhưng tới sáng thì hóa ra cậu ấy cũng đã chặn tôi rồi. Một ngày nặng nề bắt đầu. Tôi đã xin nghỉ làm cả tuần để ở nhà chăm con. Tôi thấy tim mình như ngừng đập, luôn cảm thấy vô cùng căng thẳng, vô cùng bất lực. Cả ngày nó giam mình trong phòng, trùm cái chăn qua đầu và khóc. Tôi vào thì nó bảo, “Mẹ đi ra đi, mẹ đừng hỏi nữa, mẹ nói nhiều quá.” Tôi rất cuống, rất sốc và không biết phải làm gì. Bốn giờ chiều thì ông anh tôi và đứa cháu trai sang hỗ trợ. Rồi tôi gọi thêm anh bạn có con gái trạc tuổi nó và cũng bị trầm cảm tới. Bốn người ngồi trong phòng, thằng cháu thì ở chỗ gần cửa ra ban công. Bảo Anh ngồi ngoài ban công, hằm hè nhìn vào trong, ánh mắt hình viên đạn. Nó căm là tôi đã gọi mọi người tới, vì nó “có bị làm sao đâu”. Thằng cháu tôi cũng tâm lý, nó nói chuyện nhẹ nhàng một lúc thì Bảo Anh dịu lại. Khoảng năm giờ, nó vẫn ngồi hút thuốc, mọi người bắt đầu yên tâm. BẢO ANH Tôi vứt điếu thuốc xuống sàn, đứng lên và bắt đầu cố gắng nhoài người qua cái lan can cao tới ngực. Tôi thấy chân mình bị kéo lại, rồi một bàn tay bám lấy vai tôi, rồi một bàn tay khác cố gắng gỡ tay tôi khỏi cái lan can. Tôi thấy mình nằm dưới sàn. Tôi vật lộn với họ. Có nhiều tiếng huỳnh huỵch. Họ lôi tôi vào trong nhà. Tôi không nhớ nhiều, tất cả như trong sương mù. Kính của tôi đã văng đi đâu từ lâu, khiến mọi thứ cứ nhòe nhoẹt. QUỲ Bỗng nhiên nó bất ngờ lao ra ngoài. Tim tôi thót lại. Nó nhoài người ra ngoài lan can. Thằng cháu tôi gào lên, nhảy ra đu lên hông nó. Lúc đó nửa người nó đã ở bên ngoài. Anh tôi và anh bạn lao ra, chồm lên nó. Bốn người đánh vật với nhau. Tôi tê liệt trong vài tích tắc dài như vô tận, rồi chạy ra hành lang, đập cửa, “Hùng ơi, Hùng ơi, cứu chị với.” Hai anh hàng xóm chạy sang. Nó khỏe kinh khủng, tôi chưa bao giờ thấy nó như vậy. Mấy người đàn ông to khỏe thế mà không giữ nổi nó. Nó vùng vẫy, quẫy đạp. Chân tay tôi run lẩy bẩy. Mọi người cuống hết lên. Ai đó gọi cho cấp cứu, họ bảo những trường hợp này không phải chuyện của họ mà là của bệnh viện tâm thần. Mãi sau thì xe của bệnh viện tâm thần tới, bốn anh thanh niên to cao xuất hiện. Trong lúc đợi xe tới thì mọi người vẫn vật lộn với nó. Nó giãy, nó đạp, nó giật đầu ra sau, đập côm cốp xuống sàn. Tôi cứ khóc, khóc suốt. Nó hai mươi tuổi, cao một mét bảy, nhiều con trai thích nó. Ôi, đứa con gái xinh đẹp của tôi, tình yêu của tôi. Sau cả tiếng đồng hồ vật lộn thì nó đuối sức, xìu xuống. Mọi người trói tay nó lại. Nó nằm một đống giữa nhà, nhìn mọi người với ánh mắt căm thù. Tất cả ngồi thở dốc. Thấy ầm ĩ, an ninh khu phố kéo lên bấm chuông, tôi phải giải thích, xin lỗi, xấu hổ vô cùng. Tôi vốn là người lặng lẽ, không thích phiền người khác. Bàn bạc qua lại, rồi mọi người quyết định đưa nó vào bệnh viện, đầu óc tôi thì tê liệt rồi. Bốn anh kia cưỡng chế nó ra cửa. Vẫn quần áo trong nhà, chân đất, nó ngoái lại, gào lên với tôi, “Tôi có bị làm sao đâu mà bà đưa tôi vào viện. Bà giống bà nội, đẩy bố tôi vào bệnh viện tâm thần!” Ngày xưa nó thăm bố trong trại cai nghiện và cứ bị ám ảnh mãi. Cả đoàn đi hai xe theo sau. Lúc làm xong các thủ tục, bác sĩ tiêm một mũi an thần, thì đã quá nửa đêm. Thuốc ngấm, nó bắt đầu xỉu xuống. Tôi ngồi khóc ở hành lang, đau đớn và tuyệt vọng. BẢO ANH Đêm đầu tiên ở bệnh viện, tôi thức trắng luôn dù mệt rũ ra. Chưa bao giờ trong đời tôi trải qua cảm giác sợ hãi như vậy. Nằm trên giường nhưng tim tôi đập cuồng loạn. Bên ngoài, tiếng lạch cạch từ cái công trường bên cạnh cứ vọng vào, trong phòng thì đông, mọi người cứ im lặng nhìn tôi. Tôi thấy cô độc trong một thế giới đầy hiểm nguy, không có ai ở bên mình, bảo vệ mình. Cái sợ làm người tôi nhũn ra, tôi chỉ muốn nhắm mắt lại rồi mở mắt ra thì tất cả chỉ là một ác mộng. Mấy hôm sau tôi ăn nhiều và ngủ li bì, bác hàng xóm vào thăm, tôi mở mắt ra nhìn rồi lại thiếp đi. Chưa bao giờ tôi ghét mẹ, nhưng lúc đó thì tôi căm hận mẹ. Mẹ bắt tôi ở trong đó. Tôi quỳ xuống, khóc, xin được về nhà mà mẹ không đổi ý. Sáng nào cũng có một tốp sinh viên thực tập đi vòng quanh một lượt, sáng nào ông bác sĩ cũng hất hàm về phía tôi, bình phẩm. “Chỉ vì một thằng đàn ông.” Ông ấy lắc đầu, “Không yêu thằng này thì yêu thằng khác!” Tôi đã phải nghe câu này rất nhiều lần rồi, nó thực sự làm tôi nổi điên hơn. Lần đầu tiên thấy tôi gào khóc vì cãi nhau với anh ấy, mẹ tát tôi, “Sao mà phải như vậy chỉ vì một thằng đàn ông?” QUỲ Cả bốn, năm hôm, tôi quanh quẩn trong bệnh viện, ngủ ngồi ngay bên cạnh Bảo Anh, chẳng tắm rửa gì cả. Cứ khoảng tảng sáng là các phòng bên có tiếng la hét, chửi bới om sòm, điên loạn. Bảo Anh run rẩy, nó quỳ xuống van xin, “Mẹ ơi, mẹ cho con ra, con không thể nào ở đây được nữa! Con không điên, con hứa về sẽ uống thuốc đầy đủ, con không phá phách, mẹ đừng bắt con ở đây.” Không rõ bác sĩ cho thuốc thế nào nhưng có hôm nó lên cơn co giật, môi tím lại, mắt cứ trợn ngược lên, tay chân co quắp lại. Tôi đau đớn quá. Đẻ con ra, tôi không nỡ để nó như vậy. Tôi ký giấy cam kết với bác sĩ để ra viện. Những tuần sau, nó ngủ suốt ngày vì thuốc, người lúc nào cũng u uất, và thỉnh thoảng ban đêm vẫn lên cơn, la hét, đập phá, nhiều lúc đánh đấm tôi. Tôi khóa các cửa, giám sát cửa sổ hai tư trên hai tư, nhà hàng xóm mua thức ăn treo bên ngoài. Mùa hè năm đó trời vô cùng nóng, nhưng Bảo Anh không chịu được ở nhà, mà cũng không ngồi được trên xe buýt. Hai mẹ con đèo nhau xe máy, rồi đi bộ vô định trong phố cổ. Tôi nhìn nó thất thểu đằng trước. Nó cục cằn, gắt gỏng với người xung quanh, bất chấp, không còn quan tâm mình bị đánh giá thế nào nữa, khiến tôi rất xấu hổ. NHUNG Khi tôi gặp Bảo Anh, trên người nó vẫn còn nhiều vết thâm tím. Nó bảo hôm đó nó thấy mình bị trói gô lại giống một con vật. Trông nó khác hoàn toàn với những lần trước, tái mét, mệt mỏi, và bên trong là một nỗi buồn sâu thẳm. Cứ như là một nửa tâm hồn của nó không còn ở đây nữa, như một người bơ vơ, không biết mình đang ở đâu, đang làm gì. Tôi thương nó quá, vì nó vẫn cố làm cho tôi cảm thấy tự nhiên. Những ngày ở bệnh viện là một chấn thương tâm lý rất lớn với nó. Sau này, thỉnh thoảng nó lại nhắc là nó không sợ chết, nó chỉ sợ bị tống vào bệnh viện một lần nữa. BẢO ANH Tôi uống thuốc được vài tháng thì dừng vì nó làm cho tôi ăn rất nhiều và ngủ triền miên. Tôi lên gần mười cân và mặt nổi đầy mụn. Trong hai năm tiếp theo, tình hình tôi dần khá lên. Tôi gặp một chị người Nhật làm trị liệu tâm lý qua nghệ thuật. Chị ấy bị bố xâm hại tình dục hồi nhỏ, và giờ đây đi vòng quanh thế giới, vẽ chân dung những người có câu chuyện giống chị ấy. Chị ấy đã giúp tôi rất nhiều. Rồi tôi có anh bạn trai người Đức, anh ấy có một tuổi thơ bình yên, là người kiên nhẫn và có tâm lý vững vàng. Anh ấy đồng hành với tôi một năm trời. Cuối năm đó, chúng tôi đi du lịch châu Á cùng nhau. Trước khi về nước, anh ấy mua tặng tôi một bể cá. Tôi rất biết ơn anh ấy, tuy trong tranh luận thì anh ấy không bao giờ chịu thua. Anh ấy cũng vẫn còn trẻ mà. QUỲ Thuốc làm cho Bảo Anh đóng mình, không nói chuyện với ai, không gặp ai, chỉ nằm triền miên trên giường, không đánh răng, tắm rửa luôn, mẹ gọi thì dậy ăn, xong lại nằm, hành xử ngây ngô như một đứa trẻ. Tôi sợ quá phải dừng lại. Gặp được cậu người Đức, tôi như chết đuối vớ được cọc. Hai đứa quen nhau trên Tinder, rồi cậu ấy chuyển hẳn vào ở cùng hai mẹ con. Ban đêm, khi Bảo Anh lên cơn thì chúng tôi hợp tác, tôi đi khóa cửa, cậu ấy ôm nó. Nhiều lần, Bảo Anh đánh cậu ấy, cào cấu xước hết cả cổ, mặt, rồi tát bôm bốp. Nhiều đêm, nó mở cửa phòng, chạy ra, “Mẹ ơi, bố gọi con, bố đang đợi ở dưới, bố bảo con nhảy xuống để đi theo bố.” Bảo Anh hay mơ về bố, nó thắc mắc, “Có phải là do ban ngày con hay nói xấu về bố không mẹ?” Ngoài miệng thì trách móc, nhưng bên trong thì nó khao khát kết nối với bố. Thế là cậu người Đức lại chạy theo, vật lộn. Tôi thấy may mắn quá, và cũng thấy quá khổ, quá thương cho cậu ấy. Một năm trời như thế. Nó có nợ gì con mình đâu mà tận tụy với con mình như vậy. Cậu ấy cho tôi niềm tin là trên đời này còn rất nhiều người tốt. Bệnh này phải có niềm tin mới trị được, không có niềm tin thì khó lắm. Từ ngày có cậu ấy, tâm tính của Bảo Anh có thay đổi, mềm mỏng hơn, kiểm soát được bản thân tốt hơn. Lúc đi, cậu ấy nói đã chạm ngưỡng chịu đựng rồi, đã tới lúc cậu ấy cũng cần bác sĩ tâm lý. Tôi đã để ý, bệnh trầm cảm như là lây lan, người thân chăm sóc người trầm cảm cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Sau chuyến du lịch cùng nhau, Bảo Anh ổn định hơn, các cơn nhẹ đi, rồi nó dần quên anh bạn trai cũ kia. Nó đăng ký vào một trung tâm học thiết kế thời trang. Được học đúng sở trường, được sáng tạo, nó rất vui, rất thích. Giờ Bảo Anh sắp ra trường và đã được một số nơi mời vào làm. BẢO ANH Từ đầu năm nay, nó dần dần quay trở lại, từng tí, từng tí một. Covid, cách ly, rồi quan hệ với bạn trai hiện nay của tôi trục trặc. Chúng tôi hầu như không gặp được nhau, chỉ cãi nhau trên mạng, và tôi lại có nỗi sợ anh ấy sắp bỏ đi. Tôi thấy rõ là mình lại đang chìm dần, chìm dần xuống. Qua mùa hè thì tôi mất kiên nhẫn, tôi không chịu được nữa, chỉ muốn buông, muốn mọi sự chấm dứt. Nghĩ lại những khoảnh khắc vô cùng đau đớn mà tôi đã trải qua cách đây ba năm, sự quay vòng của trạng thái thịnh nộ như mất trí và những lúc bình thường, tôi kinh hãi. Sau mỗi một cơn thì hôm sau tôi kiệt quệ, mặt mũi sưng húp lên, người bạc nhược. Cho nên là, không hẳn tôi muốn chết, nhưng chắc chắn là tôi không muốn sống. Tôi muốn dừng lại sự giận dữ và đau đớn bên trong mình. Tôi không còn có hy vọng là một lúc nào đó tôi sẽ cảm thấy niềm vui trọn vẹn quay lại. Sẽ không bao giờ có gì tốt đẹp xảy ra với tôi nữa. Chết khó quá, nên tôi ước mình không được sinh ra. Tôi ước có thể quay ngược lại thời gian và dừng lại được hôn nhân của bố mẹ. Tôi đã quá mệt, nhiều hôm tôi không đủ sức để mặc quần áo và đi ra ngoài, thậm chí không có sức để tắm. Mà tôi không thể không ra ngoài, không thể không tiếp tục học, vì tôi không muốn tụt lại. Mà không muốn tụt lại thì chỉ có thể chạy tiếp, hoặc là dừng hết. Dừng hết, thoát ra ngoài. Tôi rất sợ mình giống một đứa bạn, bố nó chính là người đã có mặt trong cái buổi chiều mà tôi bị đưa vào bệnh viện ý. Nó bị trầm cảm sáu, bảy năm rồi, giờ não bộ của nó đã hỏng rồi, nó đã tụt lại nhiều năm so với xã hội. Không đi học, đi làm được nữa, chỉ được mẹ đưa đi hết chùa này đến chùa kia, thiền viện này thiền viện nọ. Gia đình nó cũng đã kiệt sức rồi. Hồi trước, nó học chuyên Ams, vẽ đẹp, làm người mẫu, học thời trang, khiến tôi vô cùng ghen tị. Đang du học thì nó phát điên, bố mẹ phải sang đón về. Bây giờ nó giao tiếp như một đứa trẻ. Nhìn vào nó, tôi sợ lắm. Sợ, vì mình không biến đi đâu được, mình vẫn phải ở đây, mà ở đây thì vẫn phải tiếp tục. Nhưng tiếp tục thì mệt vô cùng. Như chịu một lời nguyển, mỗi ngày với tôi là một cuộc vật lộn bất tận. Tôi ngoi lên, rồi tôi chìm xuống. Sức tôi đuối rồi. NHUNG Đầu năm nay, tôi trở về Việt Nam vì Covid, và tuần nào cũng gặp Bảo Anh một, hai lần. Có những lúc nó rất vui vẻ, trong đầu đầy các ý tưởng, những dự định công việc. Những lúc khác, nó lại nói là ai cũng muốn bỏ rơi nó, nó không có giá trị gì, không đáng được yêu thương, được quan tâm. BẢO ANH Tôi có cảm giác là mẹ mệt lắm rồi, mẹ như buông xuôi, thôi, việc của con, con tự giải quyết. Tôi hiểu chứ. Mẹ hay ai thì cũng có giới hạn thôi. Nên là bây giờ tôi không nói gì với mẹ nữa, tôi chỉ biết khóc thôi. Khi có ý định làm chuyện đó, cách đây hai tháng, tôi chỉ nói trước với Nhung và với anh bạn trai, mẹ không biết gì. Tôi chọn ngày sinh nhật bố là ngày đó. Trước đó một tuần, tôi vẫn tham gia tổ chức một triển lãm ở nơi tôi thực tập, công việc khiến tôi khuây khỏa chút ít. Nhưng những lúc cười đùa với bọn bạn, ý định đó vẫn ở trong đầu tôi, lúc mạnh lúc yếu, lúc rõ lúc mờ. Hai ngày trước hôm đó, tôi tự nhắc nhở mình để lấy quyết tâm. Buổi sáng hôm đó tôi tự nhủ, that’s the day. Triển lãm đã khai mạc rồi, tôi đã xong việc ở phòng tranh. Tôi vẫn đến trường, nhưng không chuẩn bị bài vở gì cả, từ khi ra quyết định thì tôi đã không chạm tới sách vở rồi. Việc ra quyết định không đem lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm hay được giải phóng, bởi tôi vẫn đang sống, và vẫn đang có cảm giác bị tụt lại. NHUNG Bảo Anh nói, thứ Tư tuần sau tao sẽ thử. Tao không muốn sống nữa, tao thấy chả còn lý do gì để sống cả. Từ trước nó đã hay nói, I just wanna die. Thanh niên thì hay nói vậy, câu cửa miệng, nhưng thường chúng vừa nói vừa cười cười. Cái Bảo Anh nói câu đó với một âm điệu khác. Tao sẽ làm chuyện đó vào thứ Tư tuần sau, nó bảo. Chúng tôi toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. I wanna try it again. Rồi nó nói thêm, “Nhưng tao không biết sẽ làm như thế nào.” Tức là nó đã nghĩ cụ thể tới thời điểm làm chuyện đó và cách làm chuyện đó. Nó không phải chỉ là một ý nghĩ viển vông trong đầu nữa. Tôi bảo, “Ê, đừng có đùa, thứ Tư tao qua chơi đấy, chúng mình đi xem phim nhé, rồi đi ăn kem.” Nó chỉ thở dài. Cuối tuần, chúng tôi cùng dự sinh nhật một người bạn. Quanh bàn tiệc, tám cô gái ngoài hai mươi rực rỡ trong váy đầm, ly rượu vang trắng trên tay. Tôi tin chắc người ngoài nhìn vào Bảo Anh sẽ không nhận ra điều gì. Tôi chỉ thấy nó hơi ít nói hơn bình thường và hay kiểm tra tin nhắn. Tôi lại dặn nó, “Mai tao bận, nhưng thứ Tư tao qua đấy nhé, chúng mình sẽ đi chơi.” Tôi đã cẩn thận ghi vào trong lịch. BẢO ANH Lớp tan, tôi về nhà. Tôi xuống hiệu thuốc dưới chân chung cư để hỏi thuốc ngủ nhưng họ không bán. Lên lại trên nhà, tôi thấy hồi hộp. Tôi hơi chần chừ. Lúc đó là cuối giờ chiều, trời âm u và hơi có mưa. Tôi lấy lại quyết tâm bằng cách nhắn tin tấn công anh bạn trai. Tôi ghét bố! Ghét kinh khủng. Bố đã bỏ rơi tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác được bảo vệ. Bố đã để cho tất cả mọi người trong nhà nói tôi là một thứ bỏ đi, là một thất bại so với những người khác. Rằng tất cả mọi thứ tôi làm đều sai, đều có vấn đề. Chỉ có một lần duy nhất bố đứng ra bảo vệ tôi. Hồi cấp một, một mùa hè tôi cùng bà nội vào Sài Gòn chơi với bố và gia đình bác. Khi ở Hà Nội thì bà bình thường, nhưng cứ ở trong đó thì bà luôn mang tôi, và chỉ tôi thôi, ra quở trách. Cứ vào trong đó là bà thay đổi thái độ. Chúng tôi đi nghỉ mát, và hôm ấy bố là người duy nhất nhìn ra điều đó. Bố xốc tôi vào thang máy trong lúc bà vẫn đang cằn nhằn, làm tôi rơi cả dép. Cái hôm mọi người đưa bố từ bệnh viện về nhà thì bác tôi mắng tôi xối xả là tại sao tôi không đi cùng, rằng tôi ích kỷ, không biết thương bố. Nhưng làm sao mà tôi có thể nói là tôi không muốn đi cùng vì bố chả quan tâm gì tới tôi, rằng bố nói chuyện với tất cả mọi người ở đó, trừ tôi. Rằng tôi cứ đứng ở góc phòng bệnh như một người thừa, không ai để ý tới cả. Cho tới khi bố mất thì tôi vẫn không biết được bố có yêu mình không. Giờ bố chết rồi, tôi nói giận sao được nữa! Giờ, tôi đã hiểu ra thì bố chết rồi! Hiểu ra là hồi bé bố cũng đau khổ. Tất cả là do ông, ông là một người bố tồi. Bố căm ghét ông nội vì ông ngoại tình. Bố xông vào phòng họp của ông, cắm con dao lên trên bàn. Còn ông nội đã từng đi thử ADN xem bố có phải con mình không. Bà rất tức giận về chuyện đó. Tôi muốn quay ngược thời gian để dừng cả hôn nhân của ông bà lại. Không có bố thì không có tôi. QUỲ Bố Bảo Anh từng là một đứa trẻ cô đơn, phải sống với ông bà vì bố mẹ đi công tác suốt. Lúc tôi kết hôn với anh ấy thì anh ấy đã nghiện rượu rồi. Hôm tôi đẻ Bảo Anh thì anh ấy say, ngủ quên, chiều hôm sau mới vào bệnh viện. Sau này, nhiều hôm anh ấy cũng quên đón con ở trường. Tôi chắc là anh ấy cũng bị trầm cảm, nhưng hồi đó mình chả hiểu gì về chuyện đó, chỉ nghĩ anh ấy hư hỏng, bất mãn với bố mẹ, anh ấy chống đối, phá phách. Thời điểm đấy tôi còn quá trẻ, tôi cứ thắc mắc, sao vì chuyện bố mẹ mà anh phá vỡ gia đình mình, phá vỡ bản thân mình. Giờ thì tôi hiểu anh ấy đập phá là do không kiểm soát được cảm xúc, chứ không phải do hư hỏng. Người bình thường thì đã không làm thế. Chúng tôi chia tay nhau, anh ấy vào Nam sống với vợ mới, Bảo Anh chỉ gặp bố vào tháng hè mà hai bố con cũng không gần gũi, khi gặp thì nó sợ hơn là thân thiết. Mỗi lần đi sinh nhật bạn bè về, nó rất buồn. Các bạn có bố tặng quà, có bố quan tâm, ôm hôn. Nó cảm thấy tủi thân, nó thèm được như vậy. Tôi nghĩ đó là lý do Bảo Anh lụy tình với con trai và không chịu được việc người kia bỏ đi. Khi Bảo Anh lớp chín, mười bốn tuổi, thì anh ấy chết. BẢO ANH Tôi gọi cho bạn trai và nói rằng anh ấy là đồ độc ác, rằng tôi chỉ nhận được phần thừa thãi từ cuộc sống của anh ấy. Tôi biết là tới một lúc nào đó anh ấy sẽ mất kiểm soát, sẽ tấn công lại tôi, và điều đó sẽ khiến tôi bị kích động. Khi nghe thấy câu, “Quan hệ này không ổn,” thì nỗi sợ bị bỏ rơi trong tôi lại trào lên. Tôi thấy người mình xỉu xuống, chân tay bủn rủn và có gì thúc mạnh vào tim. Những điều đẹp đẽ mà chúng tôi đã có với nhau trong quá khứ chạy loang loáng qua đầu, tôi sẽ không bao giờ có chúng nữa. Tôi không thể chấp nhận điều này. Cơn điên bắt đầu nuốt chửng tôi. Trong tôi là một lỗ hổng, tôi bị rơi vào đó, nó ở bên trong tôi nhưng tôi lại rơi vào nó, rơi mãi, rơi mãi, vì nó không có đáy. Tôi lấy một con dao và bắt đầu cứa dứt khoát dọc cổ tay. Ba phân. Năm phân. Màu đỏ sẫm bắt đầu túa ra dọc cánh tay rất trắng của tôi. Bảy phân. Tôi thấy những đám mỡ trắng trắng. Mười phân. “Tôi căm thù anh?” Tôi vừa khóc vừa gào vào điện thoại, “Chết rồi tôi vẫn sẽ căm thù anh!” Tôi lê lết dưới sàn, cứ giơ cánh tay ra đằng trước. Máu chảy ra nhiều, nhưng rồi nó tự cầm lại. Tôi không chết được. Tôi gọi cho Nhung. Rồi cả mẹ tôi, mẹ Nhung và dì tôi cũng có mặt. Tất cả kéo nhau tới trạm y tế, mẹ nói là tôi bị tai nạn. Họ vừa khâu cho tôi vừa nói, “Phải cẩn thận chứ, phải cẩn thận chứ! Suýt vào gân rồi, may mà không phải đi viện nối gân nhé.” Đầu óc vẫn còn mụ mị, tôi gắt um lên, “Thôi, chị cứ làm đi, đừng nói nhiều nữa.” Tôi chỉ mong nhanh về nhà, tôi rất sợ phải vào bệnh viện như lần trước. Hồi đó người ta cứ hỏi tôi, “Tại sao lại làm như thế? Tại sao lại làm như thế?” Làm sao mà tôi biết được là tại sao tôi lại làm như thế??? Giống như đang ốm mà cứ bị hỏi, tại sao lại ốm, tại sao lại sốt. Tôi thấy thương cho những người nông thôn nằm đó, họ phải chịu đựng cách người ta đối xử trong đó. NHUNG Buổi chiều trước cái ngày mà tôi lên lịch đi chơi với nó, điện thoại của tôi rung chuông. Trong máy, Bảo Anh khóc thảm thiết, “It didnt work.! I need help…” May là lúc đó tôi đang ở gần nhà nó, nên tôi chạy ngay sang. Cửa nhà nó mở, nhưng nó không ở trên sofa phòng khách như mọi lần. Căn hộ âm u, vắng lặng. Tôi chạy vào trong phòng ngủ. Nó mặc áo phông, quần đùi, nằm trên sàn đầy máu, khóc thút thít. Tôi quỳ xuống, “Mày có làm sao không? Thế bây giờ tao gọi cho bệnh viện nhé.” Nó mếu máo, “Đừng… Bọn họ sẽ bắt tao đi đấy. Tao không muốn quay lại chỗ đó nữa đâu.” Tim đập thình thịch, tôi lấy điện thoại ra, loay hoay google, Tôi bị mất nhiều máu, tôi phải làm sao? và Làm gì với một vết cắt sâu? Tôi không muốn làm cái gì sai khiến Bảo Anh bị trầm trọng hơn. Tôi kiếm một cái khăn, “Bây giờ tao sẽ ấp nó lên tay mày nhé, sẽ hơi đau đấy,” rồi áp vào tay nó. Nó rống lên đau đớn. Tôi gọi điện cho mọi người, rồi nói với nó, “Mẹ mày và dì mày đang tới đây, có thể mọi người sẽ nói những điều mà mày không thích, nhưng họ đang cố giúp mày, đừng nghĩ là họ đang đối xử tệ với mày nhé. Hãy cố ở bên tao nhé.” Tôi biết người trầm cảm cần được nghe gì, muốn được đối xử như thế nào. Hồi cấp hai tôi cũng đã có thời kỳ rất tệ mà chẳng có ai giúp, tôi cũng đã từng rạch tay mà không ai trong nhà biết. Cho nên bây giờ tôi cho Bảo Anh điều mà hồi đó tôi không có được. Bảo Anh không cần nghe những điều như là người khác còn có nhiều vấn đề hơn, mình còn có mẹ chăm sóc, mình phải mạnh mẽ lên, sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt, cuộc đời nào chả có bất công, rồi nhìn người này đã đạt được cái này, người kia đã làm được cái kia. Bảo Anh biết tất cả những cái đó, nó không ngớ ngẩn, nhưng khi bị nhắc như vậy, nó càng cảm thấy thất bại, nó là gánh nặng cho mọi người. Lúc ở trạm xá, mẹ Bảo Anh lộ rõ sự mệt mỏi. Nó không biết mình phải làm gì nữa. Bảo Anh thì cáu kỉnh và ê chề như một người vừa trải qua thất bại một lần nữa. Nó chọn tôi là người ở lại với nó lúc người ta khâu vết thương, trong khi mọi người phải ra hết ngoài. QUỲ Sau khi sinh Bảo Anh, tôi bị stress nặng, tôi đoán là trầm cảm sau sinh. Bố Bảo Anh thì chẳng khi nào ở nhà, trong túi thỉnh thoảng lại có phiếu mát xa. Tôi chỉ có một mình, người thân ở xa hết. Buổi tối, con khóc cả đêm, bố nó trùm chăn qua đầu, “Khóc gì mà khóc kinh thế.” Tôi nghĩ, thôi, mình tự giải thoát đi. Lúc Bảo Anh được chín tháng, tôi nhảy từ tầng hai xuống. Tôi bị chấn thương cột sống, nằm viện một tháng, chạy vật lý trị liệu đến ba tháng sau mà đi lại vẫn tập tễnh. Bây giờ tôi vẫn bị ảnh hưởng, lưng vẫn đau. Nên lúc vào bệnh viện, tôi gặp mấy cô bị trầm cảm sau sinh thì thấy thương lắm. Có cô bảo, “Em cũng không hiểu sao nữa chị ạ, em chỉ muốn đâm đầu vào ô tô chết thôi. Chồng em rất là thương, rất là quan tâm, tối anh ấy bế con, dỗ cho nó ngủ, nhưng mỗi khi nghe tiếng con khóc là em lại lên cơn điên muốn đập nó chết.” Bệnh này khổ lắm, mà không phải ai cũng hiểu. Hôm đó, Bảo Anh phải khâu tám mũi. Mà mãi nó mới chịu tới phòng khám để khâu vết thương. Nó cứ la lên, “Con không đi đâu, mẹ lại cho con đi bệnh viện tâm thần chứ gì?” Cuối cùng mọi người ra hết ngoài, mình cái Nhung ở lại dỗ Bảo Anh. Tôi rất may mắn là có Nhung, nó rất tốt, rất chín chắn và thương yêu bạn thật sự. Tôi hay hỏi ý kiến nó trong cách cư xử với Bảo Anh. Gia đình Nhung cũng coi Bảo Anh như con cháu trong nhà, nên nó thấy ấm cúng, gần gũi. Sau này, Bảo Anh kể cho tôi, lúc rạch tay là nó muốn chết thật sự, nhưng đau quá nên nó cầu cứu bạn. BẢO ANH Hồi nhỏ, khi đến nhà bác chơi, tôi rất ghen tị khi thấy các chị được ôm hôn, vuốt ve. Tôi làm mọi thứ để cũng được như vậy, nhưng sau thì nhận ra mình sẽ không bao giờ là một phần trong gia đình ấy được. Tôi nhớ mình rất thèm cảm giác được yêu thương, nhưng bố thì toàn say xỉn và bố mẹ thì hay cãi nhau. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của tôi là tôi vẫn đi tìm một hình tượng người bố. Mẹ bảo là tôi lụy tình. Tôi muốn có được cảm giác là đàn ông cần tôi, tôi có giá trị với họ. Tôi không muốn bị phụ thuộc vào người khác như vậy, không muốn là nô lệ của cảm xúc như vậy, nhưng tôi không khác đi được. Lúc bình thường, tôi đi học, gặp bạn ở cà phê, và tự nhủ, chia tay thì đâu có sao, mình sẽ bắt đầu lại. Nhưng khi bạn trai nói là sẽ bỏ tôi thì tôi lại lên cơn. Lúc đó tôi như một con người khác, mất kiểm soát, cay nghiệt và độc hại. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân nữa. Tôi có đang giả vờ không? Nhiều khi đứng trong nhà tắm hay trên xe buýt tôi cũng bị hồi hộp, rồi khóc. Mọi người bảo tôi xinh đẹp, tôi được học hành, tôi còn trẻ, còn có tương lai ở phía trước, vậy mà sao tôi lại tiêu cực như vậy. Làm sao mà tôi trả lời được? Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi thay mọi người. Giờ đây tôi là một cái của nợ cho người xung quanh. Tôi không dám liên lạc với Nhung nữa. Tôi rất bế tắc. Tôi phải làm gì đây? Hôm đó, từ trạm xá về, mẹ gội đầu, sấy tóc cho tôi. Nhung ở lại qua đêm. Lần này, tôi thấy bi quan hơn ba năm trước, vì tôi ý thức được là nó có thể quay lại. Tôi có lựa chọn nào đây? Tôi sợ thuốc, sợ bệnh viện, sợ bác sĩ tâm thần. Tôi cũng đã thử trị liệu tâm lý, trả tới hai triệu một buổi. Sau ba buổi, mất sáu triệu, thì tôi bỏ. Tôi không muốn đặt thêm gánh nặng tài chính lên mẹ, điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy tệ hơn. Trầm cảm là bệnh của người giàu. Hôm sau tôi vẫn đi học, cổ tay băng bó. Nhưng có một cái gì đó đã khác đi. Tôi sợ chính mình. Vốn sợ đau, tôi không bao giờ nghĩ là mình có thể làm được điều như thế với bản thân. Tôi lo là trong tương lai mình lại có thể hành động như vậy. QUỲ Trước kia, tôi căng thẳng, trách móc, phán xét nó, “Chỉ vì một thằng đàn ông mà đối xử với mẹ thế à. Mẹ đã nuôi con bao nhiêu năm.” Thế là cơn của nó càng nặng lên. Sau này, tôi tìm hiểu, đọc tài liệu nọ kia, và bắt đầu học cách dần kiểm soát bản thân, bình tĩnh, kiên nhẫn hơn với con. Nhưng vẫn có những tích tắc tôi động lòng. Nhà người ta có nhiều con mà không sao, mình có một đứa mà nó sống dở chết dở như vậy. Đã có lúc tôi nghĩ, sống thế này thì sống làm gì nữa, thôi, một liều thuốc, cả hai mẹ con cùng đi luôn cho xong. Đó là quãng thời gian tôi mất ngủ triền miên, sút cân dữ dội, và luôn có cảm giác bất an, đặc biệt vào buổi tối, khi nó hay lên cơn. Đã nghe nhiều bạn bè tôi kể con họ bị trầm cảm, nhưng thú thực chưa bao giờ tôi nghĩ là bệnh có thể rơi vào con mình. Nhưng thực ra từ hồi cấp ba nó đã có những dấu hiệu rồi, Tự ti, sợ cô yêu quý các bạn khác hơn, cô độc vì không có bạn. Hồi đó mình lại bảo, úi xời, chuyện trẻ con. Mình không hiểu được đó là những lúc con trẻ đã kêu cứu rồi. Cái bệnh này kỳ lạ, đến nỗi hồi đầu tôi còn nghi, hay là nó giả vờ, nó muốn gây chú ý. Chiều đi đám cưới còn vui vẻ, tối nó đã đòi nhảy từ ban công. Có khi vài phút trước đang vui, sau đã nằm rúc vào chăn khóc. Nó cứ ôm chặt tôi, bảo, mẹ ơi con đau lắm mẹ ạ, con đau lắm, như ai bóp nghẹt trong tim vậy. Sau mỗi cơn thì nó lại nói, con xin lỗi mẹ, con làm mẹ khổ, con không kiểm soát được. Tôi không biết giúp con bằng cách nào ngoài bằng yêu thương và chăm sóc nó. Kiên nhẫn, không thúc ép, không sốt ruột, không dạy dỗ, khuyên nhủ cái gì cả. Mình chỉ ở bên cạnh, nắm tay nó, chờ đợi. Trong cuộc chiến này, nếu đơn độc thì mình sẽ không thể nào vượt qua được. Người Việt mình thì hay xấu hổ. Nhiều phụ huynh cứ bảo, không, con tôi chẳng làm sao cả. Tôi thì khác, tôi chả giấu ai hết. Thời gian đầu, tôi phải chạy theo từng người để xin lỗi họ và giải thích về tình trạng của con, vì nó nói những câu rất hỗn. Dần dần bạn bè nó cũng hiểu, chứ lúc đầu chúng nó xa rời con bé hết. Ở tiệm tóc hay cửa hàng quần áo, tôi luôn nói riêng với nhân viên để họ đối xử với nó bình thường, vui vẻ, không coi thường hay phản ứng lại cái cục cằn của nó. Tôi nghe lời khuyên của cái Nhung, quan tâm tới Bảo Anh nhưng không để nó ăn vạ, bắt nạt, không chăm bẵm nó như một đứa trẻ. Tôi vẫn cố gắng giữ một cuộc sống riêng, tôi tập Zumba, chèo thuyền, tôi đi chơi với chúng bạn thời phổ thông. Bạn bè tôi vô cùng tốt, họ hay rủ Bảo Anh tham gia các hoạt động xã hội để nó thấy mình có ích, có đóng góp cho cộng đồng. Mọi người trong công ty của tôi cũng rất thông cảm, không ai kỳ thị. Anh trai tôi lúc đầu còn hay nói, “Con tôi mà thế thì tôi đã đánh nó tan xác,” nhưng khi hiểu ra thì trở nên mềm mỏng và rất thương nó. Kể cả cô giúp việc ở nhà cũng tinh ý và nhẹ nhàng. Chỉ có tình yêu thương mới có thể làm nhẹ bệnh cho Bảo Anh. Đến giờ thì tôi nghĩ mình đã nỗ lực hết sức rồi. Tôi luôn nói với mọi người là mình chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Điều gì xảy ra thì đó cũng là ý trời rồi, mình không cưỡng lại được. Câu chuyện số 3 MỘT KHÔNG GIAN XANH TÍM VÀ ĐẶC QUÁNH (Hoa, 53 tuổi, kinh doanh tự do) Bỏ lại ga tàu điện ngầm sau lưng, Hoa băng qua bãi cỏ rộng. Xa xa, những vạt rừng của ngoại ô Stockholm sáng lên trong ánh nắng hè muộn. Tâm trí Hoa trở về với những vần thơ của Anna Akhmatova, nhà thơ người Nga yêu dấu của chị từ hồi đại học. Đằng nào cũng chết, sao không bây giờ? Ta chờ mi đó, ta đang nát lòng Ta tắt đèn đi, cửa ta toang mở. Những lời trò chuyện cùng Thần Chết mà Akhmatova viết trong giai đoạn tăm tối nhất của đời bà đã đi theo Hoa qua gần bốn thập kỷ, quãng thời gian chị học cách sống với căn bệnh trầm cảm của mình. Chờ mi đến cùng, giản đơn ngọt mộng Vóc dáng thế nào cũng không quan trọng Ào đến mau đi như viên đạn độc…�� Đến lúc này, dù giai đoạn thê thảm nhất đã qua, trầm cảm vẫn đeo bám chị như một con chó lẽo đẽo ở bên, lúc xa lúc gần. Nó sẽ gửi những tín hiệu trước khi lặng lẽ áp tới, như vào sáng nay. Đầu tiên, chị có cảm giác lạnh ở lưỡi. Rồi sẽ hơi đau bụng. Tâm trạng vui vẻ, hào hứng của chị đột ngột biến mất, một nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Tự nhiên nước mắt chị chảy ra. Rồi Hoa thấy như có con rắn lạnh ngắt trườn trong bụng, khiến chị phải rùng mình. Cái đau đớn bên trong lớn dần lên, một thứ đau đớn khó tả được bằng lời. Từ bìa rừng, con đường mòn cong nhẹ và bắt đầu trườn lên cao. Hoa bước đều trên sỏi và chỉnh lại chiếc áo khoác màu cam. Những lúc như thế này, chị sẽ tránh xa tin tức thời sự, chọn mặc đồ nhiều màu dù thực ra chị chỉ thích trắng và đen, và cố gắng hoạt động chân tay thay vì tiếp tục ngồi bên bàn giấy. Gần cả cuộc đời, Hoa không rõ mình bị sao. Giỏi nhạc và vẽ, biết đọc từ sớm, được nhiều người tấm tắc là thần đồng, nhưng Hoa lớn lên với một cảm giác căm ghét bản thân. Càng được khen, con bé Hoa lại càng thấy mình xấu xí, kém cỏi, và tin rằng thực ra nó đang bị chế giễu. Những lúc sắp lên sân khấu, là tâm điểm của hàng trăm ánh mắt, là những lúc nó muốn chết nhất. Đó không phải là cảm giác muốn biến mất vì xấu hổ, mà là mong muốn tự tiêu diệt bản thân, nhưng không theo một cách nhẹ nhàng mà phải thật đau đớn. Sự căm ghét chính mình lớn lên theo thời gian và trở nên tự nhiên với Hoa như người khác thấy đói, thấy khát. Càng giấu nó đi, nó lại càng trở thành một thứ ung nhọt bên trong chị. Hoa vẫn cho rằng chuyện của chị là kết quả của một tuổi thơ cô đơn. Chị đã ở một mình nhiều quá. Nếu như hồi nhỏ chị được lắng nghe, được vuốt ve, được tặng quà, thì liệu nỗi cô đơn có tích tụ lại thành bệnh như thế này không? Bố chị là quan chức lớn, cả bố lẫn mẹ đều đi công tác biền biệt. Hồi tưởng lại, chị vẫn thấy mình là con bé con lang thang trong khuôn viên rộng lớn của gia đình ở Hà Nội, ngoài cổng, lính gác đứng ngày đêm khiến bạn bè không dám tới chơi. Bên ngoài nhìn vào, gia đình Hoa nền nếp và trí thức, nhưng bên trong là sự lạnh lẽo. Từ nhỏ, Hoa đã hiểu được là bố mẹ luôn tìm mọi cơ hội để không phải gần nhau. Cô bé Hoa luôn mơ ước được sống trong một gia đình đông con, tối chen chúc nhau ngủ trên một giường. Hay ít nhất là trong nhà có những buổi nói chuyện bình thường, cãi vã to tiếng cũng được, vẫn còn tốt hơn là sự im lặng băng giá nhân danh sự “có học” và nỗ lực “không làm tổn thương con cái” của bố mẹ. Lớn lên, Hoa cao hơn các bạn gần một cái đầu, lêu đêu lạc lõng giữa đám đông thường xuyên xì xào, chỉ trỏ, chế giễu. Vụng về trong giao tiếp, Hoa cảm thấy rõ rệt rằng mình kỳ cục, bất bình thường và không có cửa nào để sống. Cảm giác lẻ loi trong đám đông ám ảnh Hoa tới mức sau này chỉ cần một điều gì đó của chồng khiến chị liên tưởng tới cái đám đông kia đã có thể làm chị hoảng hốt. Hoa sợ người cuối cùng mà chị có thể bấu víu vào cũng chuẩn bị rời bỏ mình để nhập vào bọn họ. Tuổi thanh niên của Hoa trôi qua ở Ba Lan, nơi chị học thiết kế sân khấu. Giờ đây, nhắm mắt lại, chị vẫn thấy những ngày đông tuyết tan, bùn lép nhép dưới đôi ủng ướt sũng. Bầu trời xám và nặng trĩu, tiếng quạ kêu khàn khàn lẻ loi, những đàn chim tan tác trên trời như tàn tro đen. Sang năm thứ hai, Hoa bắt đầu mất ngủ trắng đêm và cứ vài tháng lại vào viện cấp cứu vì đau bụng khủng khiếp mà không ai biết đó là do trầm cảm. Mỗi khi cơn của chị trỗi dậy, Hoa lại mặc phong phanh, đi ra đường để tuyết cào vào mặt cho tới khi ngọn lửa bên trong chị dịu đi. Gần ba mươi tuổi, Hoa cùng chồng và con nhỏ chuyển về Sài Gòn. Đêm nào, cho con ngủ xong, Hoa cũng chạy xe máy như điên ở ngoài đường. Đó là lúc chị được hiện nguyên hình là một phụ nữ đau khổ và bế tắc, trước khi phải trở lại vai trò người mẹ, người vợ vào sáng hôm sau. Chị lang thang bến Bạch Đằng, cố tình dừng xe cạnh đám bụi đời mà chẳng ai làm gì chị cả. “Đi đi…” họ đuổi. Bạn bè, họ hàng, không ai biết chị bị sao, cả chị cũng vậy. Mọi người cho là chị “giống Tây”, “lãng mạn”, thích hành xử khác thường. Chồng chị cho là chị “thích quậy chút cho vui”, Hoa cho là mình bị điên. Mãi tới ngoài bốn mươi Hoa mới gọi tên được căn bệnh của mình, và hiểu rằng những thứ bất thường kia là biểu hiện của bệnh lý, chứ không thuộc về bản chất của chị. Hoa bắt đầu con đường hiểu và chấp nhận bản thân, thấy mình đáng thương thay vì đáng trách. Thiền Vipassana giúp chị học được cách quan sát tâm trí, cư trú trong hiện tại. Giấc ngủ của chị được cải thiện. May mắn thay, việc định cư ở Thụy Điển, lúc này Hoa đã gần năm mươi, giúp bệnh của chị thuyên giảm thêm một nấc. Hoa cho rằng đó là vì bên này chỉ được sống trong một môi trường mà chị được chấp nhận. Không còn những ánh mắt, những cái nhíu mày đầy dấu hỏi, những thái độ e dè vì sự “lập dị” của chị nữa. Ở đây, không ai thấy ai là kỳ quặc, hoặc đúng hơn, mọi sự kỳ quặc đều được để yên. Mùa đông ở đây dài, nhưng bù lại, Hoa tránh được cái ngột ngạt trước cơn mưa và cái nền âm thanh âm ỉ ngày đêm của Sài Gòn. Giờ đây, thật kỳ diệu, cuộc sống trôi qua một cách bình thường, giờ này thì ăn, giờ kia thì ngủ, giờ khác thì gặp bạn bè, chả có gì đáng nói cả. Trước kia, chị hay thầm ghen tị, ơ, sao người ta có thể sống bình thản vậy nhỉ, sao họ chỉ phải lo mỗi cơm áo gạo tiền mà không có những thứ vật vã ngớ ngẩn như chị? Trước kia, hằng sáng chị sẽ tỉnh dậy với một nỗi lo lắng, bất an mơ hồ. Không có tin gì xấu, rà soát hết rồi? Nhưng sự đe dọa vẫn lơ lửng trong không trung. Không, chắc hẳn vẫn có điều gì tệ hại đang chờ trước mắt! Năm ngoái, Hoa làm tình nguyện viên cho một tổ chức xã hội, công việc của chị chỉ là ngồi nghe người khác nói, hoặc ôm họ một cái. Phần lớn đó là những người già, người góa bụa, người độc thân, người cô đơn. Họ tới để được chia sẻ, hoặc nhiều khi chỉ để được có người ngồi cạnh một lúc, cả hai cùng im lặng. Hoa học được cách mở lòng. Đã trưởng thành và có hiểu biết, con trai Hoa kiên nhẫn với những cơn lên xuống của chị, gợi chuyện để mẹ kể và chăm chú lắng nghe mà không khuyên răn hay bình phẩm. Được nâng đỡ trong những cơn đau, những lúc bế tắc, dần dần, nỗi căm ghét bản thân trong chị nhạt đi. Chồng Hoa thở ra nhẹ nhõm, anh không phải thận trọng dò xét tâm trạng của chị như dò mìn mỗi khi nói chuyện nữa, dù anh vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng dao chặt trên thớt. Trước kia, những lúc bức bối, Hoa hay lấy thớt ra băm như vậy, nếu không, chị sẽ phải cắt tay mình. Về lại Việt Nam sau mấy năm, bạn bè nhìn Hoa rất lâu, có gì đó ở chị đã thay đổi. Ồ, hóa ra giờ đây, trên mặt chị đã có sự tươi tỉnh. Đằng sau Hoa, thành phố đã lùi ra xa, tiếng xe cộ rầm rì vọng lại. Khung cảnh xung quanh gợi chị nhớ tới một điều gì đó mà chị không diễn tả được. Sau hai mươi mấy năm dùng thuốc ngủ, cả trí nhớ và khả năng biểu đạt của chị bị suy giảm nhiều. Hoa lo lắng là mình bắt đầu quên nhiều thơ và lời bài hát. Vẫn có những giai đoạn mà mỗi đêm chị chỉ ngủ được một hai tiếng, nhưng mất ngủ không còn đáng sợ như một con ngáo ộp nữa. Chị quan sát và chấp nhận nó, thay vì giận dữ với nó hay quay ra sỉ vả bản thân vì cảm thấy mình vô dụng, bất lực và lãng phí thời gian. Khu rừng hoàn toàn yên tĩnh, Hoa có thể nghe thấy tiếng thở của mình. Liệu có một lời nguyền đặt lên trên gia đình chị? Số lần bố và chị nói chuyện với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng chị trân quý mỗi dịp hiếm hoi đó. Giờ đây nhìn lại, chị linh cảm thấy bố cũng cô đơn như mình. Hồi trẻ, ông hay vác súng vào thiên nhiên để đi săn và được một mình, tránh xa đám đông. Ông đã phải mang gánh nặng u uất tới mức nào mà không thể chia sẻ? Em trai chị thì hẳn là cũng bị trầm cảm rồi. Chứng kiến những xung đột kinh khủng giữa bố mẹ khiến cậu bị tổn thương sâu sắc. Hận bố vì những quan hệ ngoài luồng của ông, cậu trở nên phá phách và nghiện ngập. Khi vào Sài Gòn, Hoa đưa em vào theo, thương và lo cho cậu ấy như con. Cậu chết năm bốn mươi tuổi. Đến lượt mình, con gái cậu cũng phát trầm cảm nặng khi ngoài hai mươi, tháng trước nó vừa rạch một vết dài dọc cổ tay, người nhà ở Hà Nội báo sang cho chị vậy. Con gái của bố Hoa với người vợ sau, năm nay đã gần ba mươi, cũng hay rạch tay và đòi tự vẫn như vậy. Bi kịch chồng chất bi kịch. Liệu những thế hệ sau đang chịu nghiệp từ thế hệ trước, Hoa vẫn hay tự hỏi. Dưới thung lũng phía xa, mặt hồ nước lấp lánh. Hoa nằm xuống thảm cỏ, mắt nhắm, miệng hé mở, tận hưởng những tia nắng cuối cùng của ngày trước khi phải trở về. Sẽ chẳng bao giờ chị hồi phục hoàn toàn, chị biết vậy, dù giờ đây chị đã có thể kể về quá khứ mà không còn cảm giác ngực bị bóp nghẹt nữa. Hoa luôn nhắc mình phải cảnh giác, chỉ lơ đãng chút thôi là chị lại thấy mình trôi vào sự sợ hãi vô cớ. Chỉ cần một hôm trời ảm đạm, một chuyện buồn nghe từ người quen, thì dù trước mặt chị là chồng hay là con, tay trong tay, mắt nhìn mắt, nhìn mãi nhìn mãi, chị sẽ chỉ thấy một khoảng trống dẫn tới một không gian xanh tím, đặc quánh. Trong không gian đó, chị từ từ rơi qua nhiều tầng mà không thể bấu víu vào đâu. Bên trên, vầng sáng của mặt trời nhỏ dần và mờ dần. Không có gì níu kéo sự tồn tại vật lý của Hoa nữa, xung quanh chị là lạnh lẽo, ẩm ướt và sợ hãi. Trong cái hố xanh tím đó, Hoa thấy cô đơn vô cùng tận, tới mức chị không rõ mình có đang còn tồn tại hay không. Hoa vẫn cho rằng đó là những lúc nỗi sợ vô thức và ám ảnh của một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bất hạnh lên tiếng. Câu chuyện số 4 CHÚNG TÔI RƠI XUỐNG VỰC (Thạch, 83 tuổi, bộ đội giải ngũ) Chúng ta làm việc được chưa ạ? Tôi xin bắt đầu theo cái sự chuẩn bị của cá nhân tôi. Tôi xin báo cáo sự thật của tôi để bác nghe. Tôi sinh năm 1937. Đi bộ đội, rồi về làm cho hậu cần quân đội. Quá trình công tác ba mươi năm, nhiều lần được chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, được đi báo cáo toàn quốc năm sáu mươi chín. Hồi đó có ông nhà văn được phân công giúp nhóm chúng tôi viết báo cáo thành tích để đọc trước hội nghị. Bằng khen, giấy khen các loại thì nhiều. Năm năm mươi ba tuổi thì tôi nghỉ hưu. Báo cáo với bác, thời trung niên tôi khỏe mạnh. Đến lúc về hưu tôi cũng chưa biết ốm đau là gì, chỉ thỉnh thoảng sụt sịt chút. Ngủ một giấc, mai lại ào ào. Nhưng mà đến năm 2012, khi tôi bảy mươi lăm tuổi thì nó xuất hiện trong đầu những cái không được thoáng đãng. Trước đây thì tôi vẫn hằng ngày tập tành, tối tắm rửa, ăn cơm rồi đi ngủ, nhưng từ 2012 thì nó bắt đầu loạc choạc, ngủ nghê không được, hay bị mê sảng. Lúc đầu tôi cũng cứ coi là bình thường, đi tìm uống mấy cái thuốc an thần, thảo dược này nọ, nhưng chả có cái tác dụng gì. Rồi tôi mày mò tập thiền. Lúc đầu thì nó giúp tôi ngủ được chút, nhưng về sau cũng không ăn thua gì. Tôi cứ chong mắt ra. Suốt bốn năm tôi ở trong tình trạng đầu óc âm u, căng căng. Tôi cứ mày mò, không có ánh sáng khoa học, không tranh thủ được sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn. Tới 2016 thì tôi mất ngủ dữ dội. Cứ chập chờn cả đêm, thỉnh thoảng thiếp đi một lúc, nhưng không thể nào ngủ sâu. Nó dồn tôi vào chân tường. Bí quá. Bệnh viện tuyến dưới thì cũng chỉ cho Rotunda, rồi khuyên tôi uống thêm ngó sen, đại loại thế. Tôi quá chán họ. Tôi bảo, hay là mình có vấn đề về tâm thần, nhưng các con tôi cứ gạt đi. “Bố có bị tâm thần gì đâu, bố tự điều chỉnh đi.” Chúng quan niệm bệnh tâm thần nặng nề quá. Nhưng tôi không chịu được nữa. Lúc nào đầu óc tôi cũng u mê lên vì mất ngủ. Bây giờ tôi nói tới chuyện Thắng, con trai cả của tôi. Năm nay Thắng đã sáu mươi tuổi. Con trai thứ và hai con gái của tôi thì là công nhân hay buôn bán nhỏ, riêng Thắng thì tốt nghiệp Cao đẳng Y, nó thiếu chuẩn Đại học Y có nửa điểm, tôi cứ tiếc mãi. Ra trường Thắng được điều động về trung tâm y tế của quận. Thắng là niềm tự hào của chúng tôi. Nó đẹp trai, ngoan, không rượu chè, không thuốc, đi khám về hôm nào trong túi cũng đầy thuốc lá bệnh nhân mời để tranh thủ ông bác sĩ kê cho cái phiếu nghỉ làm. Nó đem về, vứt hết vào thùng rác. Riêng đường vợ con thì nó khó tính lắm. Nhiều cô bệnh nhân của nó được gia đình người ta đưa đến tận nhà tôi, nhưng mà nó lắc hết. Người thì nó chê là xấu, người thì nó chê gót chân không hồng. Đấy, lại còn thế nữa, gót chân không hồng thì không phải là người có sức khỏe tốt. Rất cầu kỳ thế đấy. Hồi đấy thì mình không biết, mình có con mắt tâm thần đâu mà biết, mọi thứ rất bất ngờ, nhưng bây giờ nhìn lại thì mình thấy nó có những tín hiệu. Thắng bắt đầu rửa tay mười mấy, hai chục lần một ngày, chà xà phòng rất kỹ. Rồi một hôm nó ra hàng tôn sắt bên cạnh bệnh viện, bảo bán cho một mảnh tôn. Nó muốn làm một cái hiên bên trên cửa phòng khám bệnh. Người ta hỏi tại sao lại làm thì bảo là sợ tia nọ tia kia bắn vào. Thế là người ta mới bảo, thôi chết, tâm thần rồi. Hai hôm sau, người của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ập đến để khám, khám ngay tại phòng làm việc của nó. Hôm sau nữa, Chủ nhật, nghỉ làm, thì ba người của bệnh viện đến nhà tôi. Thắng không hợp tác, họ cưỡng chế, giữ tay, rồi tiêm thuốc. Nó ngủ hai ngày mới tỉnh. Từ đó, tôi đưa Thắng đi khắp nơi để chữa bệnh. Hai mươi sáu năm trời lẽo đẽo hầu con. Thậm chí có những lúc rơi nước mắt vì đụng phải một cơ quan nó bao cấp, công quyền, bác ạ. Cái bảo hiểm có lắm thứ phiền toái lắm. Trời ơi, cả rừng thủ tục! Thuốc thang thì lởm. Trình độ Việt Nam, hoàn cảnh Việt Nam lúc đó làm gì có những loại thuốc như bây giờ. Còn đói ăn mà. Bây giờ người ta không uống những thuốc như hồi đó nữa. Bác sĩ chẩn đoán Thắng bị tâm thần phân liệt. Hoang tưởng sợ hãi. Nó hay sợ bị đánh, nên cứ ngồi thu lu ở một góc nhà, không dám tiếp xúc với ai. Các cơn lên liên tục, chỉ thuốc mới ngắt được. Ngày nào cũng phải uống thuốc. Hằng tháng tôi vẫn phải đưa Thắng đi lấy thuốc, bố tóc bạc đưa con tóc bạc lên xe buýt. Cháu nó có cái vé xe buýt không mất tiền, người tàn tật mà, nhà nước cho. Tôi toàn ra vào những cái chỗ của người bệnh tâm thần, u ám, chả có tí tươi sáng nào. Vất vả quá nhiều. Lo lắng, chạy vạy miếng ăn, lương hưu thì thấp. Vâng, sức ép ác liệt, sức ép từ tứ phía. Thắng phát bệnh một cái là các em Thắng dạt ra ở riêng hết. Bệnh này thì không thể ở chung được. Chỉ có bố mẹ là không có đường chạy thôi. Nặng nề lắm, nó làm suy sụp cả một gia đình. Chúng tôi rơi xuống vực. Chẳng may bị gãy tay, gãy chân, hay hỏng một mắt mà tinh thần khỏe thì vẫn còn hơn bị bệnh tâm thần. Cái bệnh này nó lại dai dẳng. Có bệnh nào khác lại khiến con có thể giết bố mẹ đâu, nhưng người hoang tưởng thì có khi tưởng bố mẹ là kẻ thù. Máu chảy đâu ruồi bâu đến đấy, con ngược đãi bố mẹ thì có nhưng con mà giết bố mẹ thì chỉ có ở bệnh tâm thần. Tôi nói cho bà nhà tôi biết là khi nói chuyện với Thắng thì mình phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, không được cắt ngang. Mình có thể góp ý, nhưng không được quát, được cấm. Càng cấm thì nó càng bị ức chế, càng ức chế thì lại càng phải nuốt nhiều thuốc, lại mất nhiều tiền. Mình nói chuyện với nó, thứ nhất là để giúp nó giải tỏa, thứ hai là để xem mức độ tỉnh táo của nó tới đâu để mà điều chỉnh thuốc. Thuốc thì phải pha ra nước, chứ để cả viên thì nó nhả thuốc ra, nó không uống. Thắng cũng thích nói chuyện, nhưng mà phải nói theo cái gu của nó. Thắng thích con gái đẹp. Nó mà nói chuyện với cô nào đẹp và hợp gu thì người nghe bên cạnh sẽ không biết nó bị bệnh đâu. Lại quay lại hồi 2016. Mất ngủ ghê quá, người tôi hết sức mệt mỏi. Cả bốn năm tôi cứ quanh quẩn ở bệnh viện tuyến dưới, mà họ không nghĩ tới chuyện tôi bị tâm thần, chỉ nghĩ tới mỡ máu và huyết áp vớ vẩn. Cái thằng bệnh viện này không có khoa tâm thần. Gọi là đa khoa nhưng mà gọi cho nó vui. Cuối cùng tôi vượt tuyến, tự bỏ tiền túi ra, vào khoa Tâm thần của bệnh viện Bạch Mai. Tôi bảo các con, chúng mày cản thì mặc chúng mày, việc tao tao làm. Tôi là tuổi Sửu, học hết lớp một thì mẹ cho đi ở, cho nên là tôi mất tuổi thơ. Sau này vào bộ đội thì mới được đi học bổ túc văn hóa, đến lớp chín thì đơn vị chia năm xẻ bảy phân tán đi lung tung nên không có điều kiện học nữa. Ngu thì có ngu, nhưng khi đã thấy vấn đề thì tôi lập tức sửa ngay. Tôi xin báo cáo với bác thế. Ở Bạch Mai, người ta cho làm xét nghiệm, rồi khẳng định là tôi bị hỗn hợp trầm cảm và lo âu. Mức độ nặng. Họ còn chú thêm vào trong y bạ, “yếu tố đặc biệt là đã nhiều năm chăm sóc con trai bị bệnh tâm thần”. Uống thuốc của Bạch Mai vào thì tôi được cải thiện chút ít, gọi là ba, bốn phần trên mười. Nhưng tôi vẫn không thoải mái, nên là rất lúng túng. Loanh quanh thế nào tôi biết được bác sĩ Phi. Anh ấy hỏi han rất kỹ về cuộc sống của tôi, rồi dò tìm liều thuốc phù hợp cho tôi, phác đồ điều trị đi từ thấp tới cao. Anh ấy bắt tôi mỗi tuần tới gặp anh ấy một lần, chứ không tháng một lần như ở Bạch Mai. Sau mấy tháng vẫn chưa thấy ổn, anh ấy khuyên tôi nhập viện Lão khoa, nơi anh ấy làm việc. Lúc đó các con tôi vẫn không hài lòng. Tôi nuốt thuốc trước mặt chúng thì chúng không phản đối, nhưng cũng chỉ im lặng. Tôi ở trong viện mười hai ngày, ngày nào anh Phi cũng hỏi tình hình. Sau dăm ngày thì mỗi tối tôi bắt đầu ngủ được vài tiếng. Thế là người ngợm thấy thoải mái ngay, cơ thể nó khác ngay. Rồi thậm chí buổi trưa cũng ngủ được khoảng nửa tiếng. Tôi ra viện, mang cái đơn của thằng Lão khoa sang thằng Bạch Mai, vì ở Lão khoa thì bảo hiểm chi trả khi ở nội trú. Thế là bên Bạch Mai cấp thuốc cho tôi theo đơn mà anh Phi đã chỉnh lên chỉnh xuống ấy. Tôi uống thuốc từ bấy tới giờ. Ngoài ra thì tôi vẫn thiền. Thiền tốt lắm, bác ạ. Bản chất của thiền là tập thở và tập tĩnh tâm. Nó chỉ yêu cầu thế thôi, chứ cái ông Phật giáo, Nho giáo thì mỗi ông thêm bớt râu ria một tí, thành ra ly kỳ. Thiền giúp tôi nhiều lắm, nhưng mà nó cũng có giới hạn. Nó không thể thay thuốc được. Trước kia, lúc nào mình cũng như là cau có, bức bối, thấy cuộc đời gai góc, tâm trạng như chuẩn bị ly dị vợ. Bây giờ tôi đã tám mươi ba tuổi, cũng vẫn thằng con đấy, cũng vẫn túi tiền đấy, vẫn cái đất nước này, nhưng tôi thấy vui vẻ. Xin báo cáo với bác, lạc quan và phơi phới. Đơn giản là vì tôi có giấc ngủ. Chín giờ kém mười lăm là tôi uống liều thuốc thứ ba, chín giờ là tôi bắt đầu ngủ. Tôi thường xuyên có được nhiều giờ ngủ sâu trong một đêm, chỉ dậy một lần để đi đái, bác bảo như thế là lý tưởng quá còn gì. Từ cái chỗ không ngủ được mà bây giờ tối ngủ được năm, sáu tiếng, lại còn say như chết. Khi người ta đã ngủ sâu rồi thì báo cáo với bác, sáng ngày ra nó sướng lắm. Mình mở mắt ra, một bình minh đến, bác ạ. Con người, sự vật dịu mát như đang ở mùa xuân, không như trước kia, lúc nào mình cũng như đang ở tiết nắng gắt. Tôi tiếc là mình không tìm tới ánh sáng khoa học sớm hơn. Bốn năm đầu tôi cứ loay hoay, trên mọi phương diện. Đến bây giờ, đa số người dân cũng đang bị như vậy đấy. Về cái này, truyền thông tuy có làm nhưng chưa tốt. Bệnh tâm thần là bệnh rất mệt, mà truyền thông về nó lại đang còn kém. Xã hội càng hiện đại, càng giàu có thì cuộc sống lại càng không phẳng lặng như xưa. Ai cũng phải gồng mình lên, phải ganh đua. Bây giờ, chỗ nào cái quy luật giá trị nó cũng xen vào. Ngày xưa nó không có cái mùi giá trị. Vậy mà đa số, kể cả những ông giám đốc, trưởng phòng về hưu, cũng chưa hiểu gì về bệnh tâm thần, chưa nói tới các anh em văn hóa cấp một, cấp hai. Bây giờ tôi lại nói đến bác sĩ. Báo cáo với bác là tôi đã gặp nhiều đối tượng lắm rồi, nhiều ông bà bác sĩ tâm thần lắm, kể cả cho Thắng và cho tôi. Nhưng xin phép nói là người có trách nhiệm cao, tận tâm với người bệnh không nhiều. Cái bệnh tâm thần này thì làm gì có xét nghiệm máy móc gì nhiều, nên để kê thuốc cho chuẩn thì người ta phải nói chuyện, phải quan sát, phải nhìn vào hành vi, phải trông mặt bắt hình dong. Nhưng họ không quan tâm lắm, họ chỉ hỏi qua loa, năm mười phút là xong. Làm gì có theo dõi, làm gì có hướng dẫn tỉ mỉ. Mà cũng không trách họ được, bệnh nhân nhiều lắm, người nhà quê, người miền núi cứ vượt tuyến ầm ầm. Đông kinh khủng bác ơi. Nên là bác sĩ mồm thì hỏi mà tay thì bấm đủ thứ trên đời. Họ cứ nhoáy nhoáy, nháy nháy mấy phát là xong. Còn nhiều vấn đề, để làm được những điều như Đảng nói thì còn nhiều vấn đề lắm. Xin thưa với bác rằng, từ khi tôi về hưu đến giờ, du lịch không, chè không, thuốc lá không, rượu không, và thậm chí vợ chồng tôi chưa bao giờ dám ăn quà ở ngoài đường cả. Vì sao, vì tiền thuốc nó nặng quá. Thuốc của bố, thuốc của con. Và khi có cái thằng dịch Covid-19 này thì tôi phải cố xoay tiền để mua cho mấy tháng liền, vì sợ bị đứt thuốc. Thường mấy tháng đầu năm thì bảo hiểm có thuốc tốt, EU, Mỹ, hay Nhật, nhưng sau đó thì nhiều khi họ chỉ có thuốc Ấn Độ, Việt Nam. Người ta khuyên tôi bán cái thuốc kém chất lượng của bảo hiểm đi rồi bù thêm tiền để mua thuốc tốt bên ngoài. Chứ mình uống thuốc Ấn Độ, Việt Nam là thấy khác ngay. Liều thì phải cao hơn, mà nó không êm ái bằng. Thay thuốc là mình thấy trục trặc ngay. Thế nên là ông bảo hiểm trói tay ông bác sĩ. Ông bác sĩ muốn làm tốt cho bệnh nhân mà đâu có được. Đấy là chưa nói đến việc bác sĩ không đủ trình độ hay cẩu thả. Còn anh Phi, tôi nói thật, anh Phi là một trong những bác sĩ tâm thần mẫu mực. Anh ấy nói chuyện như không phải là thầy thuốc nữa, mà là như bạn bè. Rồi anh ấy gọi điện hỏi thăm, bác sao rồi, uống thuốc thấy thế nào. Các ông bà khác thì làm gì có cái đoạn đấy. Tôi hay nói, anh Phi đem lại hạnh phúc cho tôi. Dưới bàn tay nhào lộn, chọn lọc, chắt chiu, kỳ công của anh Phi, tôi mới được như thế này. Cho nên tôi xin nhắc lại là bác sĩ giỏi thì có thể không thiếu, nhưng bác sĩ có trách nhiệm cao với từng-người-bệnh-tâm thần thì không có nhiều đâu. Mà tôi cũng chịu chơi, tuần nào cũng đến anh Phi. Đấy, bác xem, tôi quyết tâm như thế nào. Cho đến giờ phút này tôi vẫn đang giữ được liều và còn có giảm liều, chuyện hiếm đấy, những người khác đều dần tăng liều lên hết. Nếu thằng bảo hiểm có thuốc châu Âu nữa thì đời tôi phơi phới, mà lại không mất tiền. Thế nhưng mà thôi, mất tiền cũng được, có thì bỏ ra, không có thì xin con, bác ạ. Xin mà khó thì tôi bỏ cái quỹ dự phòng của tôi ra. Sau này mà quỹ không còn nữa thì tôi có miếng đất này, tôi bán một nửa đi, chỉ để lại cái phần cho thằng Thắng thôi. Tôi sẽ bảo với các con, tao không giữ được thì thôi, tao bán bớt đi. Trong tổ hưu của tôi chả mấy người biết tôi đang uống thuốc tâm thần. Không ai biết nếu như cái mồm tôi không nói ra. Cái tư duy, cái tiếp xúc của tôi, nó không có mùi của người tâm thần. Nên tôi có nói thì người ta cũng không tin. Tôi cũng rất muốn nói về chuyện này để họ hiểu biết hơn, nhưng không gặp vị nào thích nghe. Họ ác cảm khủng khiếp với bệnh tâm thần. Mình phải coi cái bệnh tâm thần là quan trọng, phải thấy được cái sự nguy hiểm của nó. Thấy rồi thì thỉnh thoảng mình nên đến chuyên khoa tâm thần để khám. Khám bảo hiểm mà không thấy thỏa mãn thì khám mất tiền. Bệnh viện trung ương nó lù lù ra đấy, có bốn mươi nghìn một lần khám thôi. Bây giờ nó lại có cái kiểu khám dịch vụ, muốn được phó giáo sư khám thì hai trăm rưỡi, giáo sư thì ba trăm. Bớt bia, bớt rượu đi. Ba trăm nghìn, xòe ra là xong. Nó không ghê gớm gì cả. Mình không được sợ hãi. Mình không tự biết được là mình có bị trầm cảm hay không, nhưng đến bệnh viện là phát hiện được ngay. Đấy, tôi nói với bác, bằng cách nào đó, bác nên tuyên truyền những cái đó. Tôi đã từng chần chừ lâu rồi, đã từng là nạn nhân của không hiểu biết rồi. Ba tháng nữa, nhà tôi bước vào tuổi tám mươi, tuổi ta tám mươi mốt, tôi thì là tám lăm lịch âm. Lúc đó tôi sẽ công bố di chúc mà chúng tôi đã viết từ bốn năm trước. Cái nhà cấp bốn này, tôi để cho thằng Thắng, chỗ đất còn lại tôi chia đều cho ba đứa kia. Trong một tuần, tôi sẽ để xem chúng nó có ý kiến gì không. Xong là tôi có thể yên tâm chấm xuống dòng được rồi. Trong cuộc đời này, tôi được ông trời thương và cho gặp được nhiều người tốt. Giờ này tám mươi lăm đến nơi rồi mà tôi vẫn nói chuyện với bác được. Tôi thấy mình tương đối tỉnh táo, không biết bác có thấy tôi tỉnh táo không? Cho nên tôi mới nói là ở đời, sống thế nào thì sẽ được như thế. Người cho mới chỉ là đầy, trời cho thì mới là đầy và đủ. Cứ nhìn Đinh La Thăng, nhìn Nguyễn Bắc Son thì biết, có phải không ạ? Hàng mấy trăm tỷ, mấy nghìn tỷ đấy, nhưng chỉ người cho mà trời không cho, nên có còn gì đâu. Cuộc đời tôi là như thế. Theo bác, liệu tôi đã có thể vui vẻ chấm xuống dòng được chưa? Câu chuyện số 5 TÔI THẤY MÌNH CỨ MỤC RUỖNG DẦN (Uyên, 21 tuổi, sinh viên ngành Kinh tế Hiển, 21 tuổi, sinh viên ngành Điện ảnh) PHẦN 1 UYÊN Từ lớp mười một thì có một nỗi buồn cứ len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể tôi. Tôi bắt đầu trầm đi, dần tách mình khỏi chúng bạn và rút khỏi các hoạt động ở trường. Ý nghĩ muốn chết bắt đầu xuất hiện, và điều khiến tôi lo sợ là nhiều khi nó nổi lên mà không cần một lý do hay tác động bên ngoài nào. Trong các giấc mơ, tôi hay thấy bố đánh mẹ, những khi đó bố vào vai quái vật. Bị hành hạ bởi những cơn ác mộng, tôi bắt đầu rạch tay, đầu tiên là vài vết nhỏ, rồi dần nhiều hơn. Những cơn ham muốn rạch kéo dài mười lăm, hai mươi phút, có cơn lên tới ba mươi phút. Lúc đó, tôi không cảm thấy sợ, thậm chí đầu óc còn có phần phấn chấn. Nhưng khi máu đã chảy nhiều và tôi đã thấm đau thì nỗi sợ hãi dâng lên, tôi rã rời, đầu và toàn thân ê ẩm. Những vết dao lam lan dần từ cánh tay lên hết cả vai và xuống dưới đùi tôi. Đứa trẻ mười sáu tuổi là tôi không thể giải thích được hành vi của mình. Tôi trở nên căm ghét bản thân. Lỗi tại tôi mà, tại sao tôi không mạnh mẽ, không vượt qua được quá khứ như những người khác? Mẹ đưa tôi tới Bệnh viện Tâm thần sau một hôm tôi rạch nhiều quá, ở trường máu thấm ra ngoài áo đồng phục, tôi bị đưa vào phòng y tế và cô chủ nhiệm nói với mẹ. Ngồi sau mẹ mà tôi thấy có lỗi vô cùng. Ông bác sĩ nghe tôi mếu máo dăm câu, xem qua cái tay của tôi, cho làm trắc nghiệm tâm lý rồi kê một đơn thuốc tốn hai triệu. Rối loạn lo âu tổng hợp và trầm cảm. Tôi uống thuốc một tuần thì dừng vì chỉ thấy buồn ngủ, còn mong muốn rạch tay thì vẫn vậy. Mẹ cũng không hỏi han hay nhắc nhở gì. Mẹ bảo bạn mẹ nói là tôi chả bị làm sao cả, chỉ đơn giản là suy nghĩ nhiều quá và hay phóng đại mọi thứ. HIỂN Mẹ Uyên rất xinh, cô ấy cao một mét bảy, là giáo viên thể dục nên giữ người chuẩn, ăn uống lành mạnh. Điều đó làm bố Uyên rất ghen. UYÊN Liệu bố có biết không nhỉ? Lần đầu của tôi có lẽ là khi tôi đang thái dở thịt luộc. Tôi và bố cãi nhau về chuyện học hành thì phải, tôi nói là tôi đã bị dằn vặt và muốn chết lắm rồi, bố đừng nói thêm gì nữa. Ngay lập tức, bố nói là có giỏi thì chết đi. Tôi đặt con dao lên cổ tay và cứa nhưng không cứa nổi vì dao cùn và tay tôi nhiều mỡ. Tôi đã lấy của bố rất nhiều dao lam mà không trả lại. Có lần cái hộp hết dao, tôi phải mở dao cạo râu ra để cậy miếng dao lam đang dùng dở lên. Sau lần mẹ và tôi tới bệnh viện thì cái hộp đựng dao không ở vị trí cũ nữa, nhưng tôi nhanh chóng tìm thấy nó trên nóc tủ quần áo. Hồi năm hai đại học, có hôm bọn bạn tôi phải tới nhà đưa tôi đi bệnh viện với hai cánh tay và bắp tay đầy máu. Mẹ trách tôi sao lại gọi năm sáu đứa kéo tới đứng đầy trước cửa nhà như vậy, tôi tìm kiếm sự thương hại của chúng và bêu riếu gia đình. Tôi gây rắc rối, tôi bất hiếu, và nếu có chuyện gì xảy ra, nếu mẹ chết thì tôi sẽ phải hối hận. Bố thì còn độc địa hơn. Sau buổi khám ở bệnh viện thì thỉnh thoảng, khi cãi nhau, bố gọi tôi là con điên, con thần kinh. Bố vốn như vậy. Khi biết tôi có người yêu là nữ, bố chửi tôi là biến thái, và rủa rằng “cái bọn ấy”, tức là những người đồng tính, rồi sẽ bị đào thải khỏi xã hội. HIỂN Chúng tôi quen nhau qua Tinder khi hai đứa đều mười chín tuổi. Tôi là bạn trai đầu tiên của Uyên, trước đó nó chỉ toàn yêu nữ. Ngay hôm đầu tôi đã để ý thấy các vết sẹo nhỏ và dài trên tay Uyên; nó cũng không giấu và khuyên tôi nên chuẩn bị tinh thần, khi nó lên cơn thì thường đối phương sẽ rất cuống. Lúc đó nó cũng thường thuyết phục rất giỏi, tôi phải tỉnh táo và cương quyết. Uyên nói sẽ cố gắng thông báo khi cơn hoảng loạn kéo tới. Tôi lên mạng đọc tài liệu nọ kia để chuẩn bị tinh thần cho mình. UYÊN Khi cơn của mình lên, thường tôi sẽ thuyết phục được bạn đưa cho mình vật gì nhọn để tự hại. Chắc bộ dạng tôi lúc đó kinh khủng lắm, nên thường chúng không thể khước từ, chúng sẽ đưa cái gì đó rồi ngoảnh mặt đi. Rạch một lúc thì hơi thở của tôi trở lại bình thường và sự căng thẳng dịu xuống. Có những đợt tay tôi nặng như chì vì các vết cắt đóng vảy, và ngứa ngáy vì các vết thương lên da non. Mùa đông, tôi vào nhà vệ sinh ở trường, nhăn mặt kéo tay áo len lên, đưa cánh tay chằng chịt vết cắt xuống dưới vòi nước lạnh, khiến nó tê rần, rồi quay lại lớp với cánh tay đau rát và đầu óc trống rỗng mơ hồ. Khi người khác nhìn thấy cánh tay tôi, tôi có thể đọc được ý nghĩ của họ qua ánh mắt. “Trẻ trâu, muốn gây chú ý”. “Lại thất tình rồi.” Người lớn hơn thì bảo, “Mình là con gái, nên giữ gìn cơ thể cháu ạ, cha mẹ đã sinh mình ra.” Nhiều lúc tôi có cảm giác mình tồi tệ, xấu xa, mình khuyết tật. Nhưng cũng có những khoảnh khắc khác. Đây là những lời hai cánh tay của tôi nói với tôi năm tôi mười tám tuổi: Chào cậu, lại là mình đây. Kỳ nghỉ lễ của cậu thế nào? Gần đây mình hơi đau, thế nên mình biết cậu không vui đâu nhỉ? Hôm qua mình chảy nhiều máu, lúc đấy cậu và mình đứng nép sau cánh cửa nhà tắm, máu cứ rỏ từ thân của mình xuống làm loang lổ cái sàn gạch men trắng. Mình thấy cậu khóc, cậu lấy phần bả vai để quệt nước mắt. Mình buồn quá, mình không lau nước mắt cho cậu được vì mình đang chảy máu. Giờ mình lành dần vết thương rồi, cậu đừng lo, mình cũng không làm cậu quá đau nữa đâu. Mình biết cậu che mình dưới lớp áo bò vì sợ người khác phát hiện, không sao đâu, mình hiểu mà. Khi đau đớn, cậu hay khiến mình bị chảy máu. Mình không trách, cậu và mình đều đau đớn. Cô gái bé nhỏ của mình, cậu thực sự luôn tuyệt vời. Mình sẽ mãi mãi ở gần cậu, thấu hiểu cậu, dù mình không đẹp đẽ và lành lặn. HIỂN Mãi tới gần đây, ở lần khám thứ tư hay thứ năm gì đó thì bác sĩ mới chẩn đoán Uyên bị rối loạn lưỡng cực cùng với PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Trước đó, họ chỉ nói Uyên bị trầm cảm. Khi hưng cảm thì Uyên rất khác. Có lần, sau một buổi party sinh nhật, Uyên bảo, “Anh ơi, em vui quá, em chỉ muốn ném cái điện thoại ra xa.” Uyên hát rất to, múa trên đường, trêu chọc mọi người và hét lên vì phấn khích. Lúc trên xe thì nó bảo tôi là rất thích đâm vào những xe ngược chiều. Về nhà, đã gần nửa đêm nhưng nó vẫn lao vào dọn dẹp như là muốn tổng vệ sinh, rồi giặt tay một đống quần áo vì máy giặt đang hỏng, rồi quay ra viết lách và làm bài tập. Sáng tôi tỉnh dậy thì thấy tin nó đăng trên Instagram lúc năm giờ sáng. UYÊN Giờ tôi mới biết được là hóa ra những cái điên rồ mà tôi làm không phải là do cá tính của tôi, mà là do hưng cảm. Hưng cảm khiến tôi thích ngồi quay ngược đằng sau xe máy, hai tay không bám vào đâu. Nó khiến tôi nửa đêm vô tư về nhà một thằng con trai lạ hoắc mới quen mà không hề lo nghĩ. Hay đột nhiên đang đi bộ buổi tối với Hiển, tôi chạy lên trước, vén váy lên hở hết mông trong khi không mặc đồ lót, mà không quan tâm cách đó một đoạn là một hàng nước. Những lúc đó, mong muốn thử cảm giác mới, muốn trêu chọc người khác vốn có trong tôi được nhân lên gấp vô vàn lần và giết chết phần lý trí ít ỏi còn lại. Những lúc đó, tôi thấy mình không thực sự là mình nữa. Rồi tôi nhận ba bốn dự án liền một lúc, di chuyển giữa các chỗ làm từ sáng sớm tới khuya. Tôi hoạt động hai trăm phần trăm công suất, cho tới khi sập. HIỂN Chúng tôi date với nhau được tầm một tháng, đang rất quấn quýt, gần như tối nào cũng gặp nhau, thì Uyên nhắn tin muốn chia tay, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi gọi lại, nhưng Uyên khước từ nói chuyện và dập máy trong nước mắt. Chiều hôm sau, tôi đang ở chỗ làm thì bạn Uyên nhắn tin là “Có vẻ nó đang vào cơn đấy”. Tôi bỏ việc, tới chỗ nó, đập cửa. “Uyên ơi, Uyên ơi.” Mãi nó mới đi xuống, mở cửa, rồi lặng lẽ đi lên, sắc mặt rất lạ. UYÊN Tôi làm nửa ngày rồi xin phép chiều nghỉ để thực hiện cái ý đồ kia. Thời gian đó, ý nghĩ muốn chết thường trực trong đầu tôi chứ không chỉ bất chợt xuất hiện như trước kia nữa. Thậm chí tôi đã dừng lên kế hoạch cho công việc và học hành. Tôi không tự nhủ là năm nay mình phải làm được cái này cái này nữa. Ở nhà trọ, tôi viết thư để lại cho bố mẹ, cho Hiển và inbox nhắn nhủ yêu thương cho bạn bè thân. Tôi khóc nhiều rồi thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy, tôi nhìn lên trần nhà tìm một thanh ngang nhưng không thấy, rồi ra ngoài ban công tầng bốn. Tôi đặt cái điện thoại đang phát nhạc xuống cái thùng sắt ở góc, thò một chân ra ngoài lan can rồi khóc lóc và cứ loay hoay ở đấy suốt. Tôi muốn ra đi cho nhanh gọn, nhưng đâu đó bên trong đầu, một giọng nói vẫn thì thầm nhắc nhở, “Tỉnh táo lại đi, tỉnh lại đi, mày điên rồi.” Cuối cùng, tôi quay vào, tìm thứ gì đó để làm đau mình. Điện thoại của tôi đầy thông báo mới. Mấy đứa bạn nhắn tin trả lời, đứa thì cũng gửi lại lời yêu thương vui vẻ mà không nghi ngờ gì, đứa thì chắc hơi đoán đoán ra, “Mày đừng có làm gì đấy nhé” đứa thì gọi lại liên tục vì lo lắng. Tôi cắm bàn là, gí nó vào chân và đùi. Nỗi đau thể xác khiến tôi tỉnh táo hơn chút ít để có thể xuống mở cửa cho Hiển đang đợi ở dưới. HIỂN Hai đứa nói chuyện qua lại. Uyên muốn giải phóng cho tôi. Nó bảo, chia tay trước khi nó đi thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho tôi vì chúng tôi không phải là người yêu nữa. Tôi bảo, hâm à, thậm chí tôi sẽ còn bị giày vò, đau đớn hơn. Nó trao cho tôi một lá thư, trong đó nó viết là rất tự hào về tôi, rất ủng hộ con đường của tôi, rằng nó rất yêu tôi và xin lỗi là không thể cùng nhau đi tiếp. Nó muốn tôi cố gắng đi nốt, đi cả cho nó nữa. Tâm trạng Uyên bị kích động dần. Nó tìm cách ra ban công nhưng tôi ngăn lại. Tôi đi quanh nhà, thu lượm kéo, dao, rồi tới bên nó, vỗ về. Tôi đã biết là không nên nói những câu như “cố gắng lên”, hay “quá khứ thì đã qua rồi, mình phải sống tiếp chứ”, nhưng ngoài ra thì chả biết phải nói gì. UYÊN Tôi bắt đầu cảm thấy tê dọc người, run rẩy mạnh và khó thở, đầu thì đau dữ dội. Cảm giác sợ hãi lan khắp toàn thân, như đang ăn mòn từng đốt tay, đốt chân và cả từng sợi tóc mới nhuộm đỏ của tôi. Tôi căng thẳng như một quả bóng được bơm sắp quá ngưỡng. Vì Hiển ngăn, tôi không có nỗi đau vật lý nào để làm giảm nỗi đau tinh thần. Đầu và người tôi chìm trong đau đớn. Tôi bắt đầu ném đồ đạc, tôi đâm vào tường, vào tủ, khóc lóc và cào cấu chăn đệm. HIỂN Tôi có cảm giác như Uyên đang bị ai đó điều khiển. “Thở sâu vào, hít thở sâu nào..” tôi lặp đi lặp lại như một cái máy. Sau này, Uyên kể lại là lúc đó nó như là đang ở một thế giới khác, tiếng tôi vọng lại từ một nơi rất xa xôi. UYÊN Có một điều khiến tôi sau này ghê tởm và sợ hãi chính mình, đó là lần đầu tiên tôi thấy Hiển phiền phức và muốn giết nó. Tôi đã thực sự muốn giết chết người mình yêu và sau đó tự sát. Những ký ức bắt đầu quay về, những cảm xúc của tôi khi mười hai, mười ba tuổi nhấn chìm tôi. Tôi vừa khóc rít lên vừa van xin bố. HIỂN Uyên lườm tôi, ánh mắt rất lạnh. Liệu nó có nhận ra người yêu mình trước mắt: “Tao muốn giết chết mày.” Không hoảng loạn, không hoảng loạn, tôi tự nhủ, cả hai cùng bị kích động là hỏng hết. Tôi ôm nó, “Thôi nào, chúng mình yêu nhau cơ mà, đừng có nghĩ như thế đi”. Uyên nhắc lại câu đó vài lần nữa, rồi nó ôm đầu, mắt nhắm nghiền. Sau một lúc thì nó rên rỉ, “Bố ơi, đừng đánh mẹ nữa. Con xin bố đấy, đừng đánh mẹ nữa.” Tôi ôm nó chặt hơn, “Bố không ở đây đâu, anh ở đây mà, làm gì có ai đánh đâu.” Uyên vẫn van xin, “Đừng đánh mẹ nữa! Ai đó giúp mẹ con đi.” Rồi nó lịm đi. Tôi ôm Uyên trên tay, đầu rối bời. Thời gian như ngừng trôi, rồi đúng lúc tôi đang tính gọi cấp cứu thì Uyên mở mắt ra, ú ớ tỉnh dần. Nó nhận ra tôi nhưng không nói được. Nó quờ lấy cái điện thoại, viết, “Em không nói được, không nói được tên anh.” Dần dần, Uyên hồi lại. Nó nằm thở. Khi tôi ra về, Uyên hôn tôi, “Em yêu anh. Mai đón em đi làm nhé.” Đứng dưới đường, xung quanh xe cộ nườm nượp, tôi bàng hoàng. Tất cả như một giấc mơ. “Ơ, thế này là như thế nào, thế có bỏ nhau nữa không?” PHẦN 2 UYÊN Lớp sáu là lúc thế giới con trẻ đẹp đẽ của tôi, cái hình dung màu hồng về gia đình hạnh phúc của tôi, rạn nứt. Tôi là một đứa trẻ dũng cảm, chưa bao giờ tôi trốn dưới gầm bàn hay gầm giường khi bố đánh mẹ. Ban đầu thì tôi van xin lạy lục, sau thì tôi đánh lại bố và hét ầm ĩ lên. Ban ngày, tôi giấu dao sau khe tủ để bố không tìm thấy. Buổi tối, tôi cầm theo compa để phòng vệ và ngủ ngồi để canh xem bố có dựng mẹ dậy để đánh không. Tôi đã quên nhiều thứ rồi, nhưng không quên được cảnh ba mẹ con ngồi co ro với nhau, đối diện là bố với cái kéo to trong tay. Không quên được hình ảnh bố dùng dao phay ghì mạnh vào cổ mẹ, khiến chỗ đó bị tím bầm. Sau một chập đánh chửi, bố ép mẹ làm tình, xong lại đánh chửi. Một số lần tôi gọi cho nhà nội trong lúc bố tát, đấm, kéo tóc mẹ, nhưng họ bảo không sao đâu, không có vấn đề gì đâu. Vài năm nay, bố mẹ đã nói chuyện lại với nhau, chứ trước kia thì mẹ gọi bố là Người Lớn, khi nào cần nói gì với bố thì mẹ bảo tôi hay em trai nói với Người Lớn. Giữa tôi và bố thì vẫn hầu như không có giao tiếp gì. Tôi không muốn nghĩ bố là người xấu, và chuyện đã qua gần cả thập kỷ rồi, có lẽ chẳng ai trong nhà còn nhớ chúng, nhưng tôi thì không thể nào quên nổi. Những ký ức cứ ùa về, giày xéo tôi khổ sở. Lần khám gần đây nhất, bác sĩ bảo tôi bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. HIỂN Tôi và Uyên tìm nhà để ở cùng nhau. Như thế tôi yên tâm hơn, tôi có thể hiểu Uyên hơn, sát sao, chăm sóc Uyên tốt hơn. Tôi đi làm nhiều để cùng đóng tiền nhà, rồi tiền tham vấn tâm lý, tiền thuốc thang của Uyên. Thực ra bố mẹ Uyên có thể giúp được, nhưng đó lại là cả một câu chuyện khác. Uyên rất hay lo sợ là nó làm tôi mệt mỏi, phiền phức. Với người yêu trước, nó đọc được tin nhắn họ viết cho bạn như vậy, nên giờ nó bị ám ảnh. Người trầm cảm đánh mất niềm tin về giá trị của bản thân. “Có phải là em làm quá lên không?” Uyên hay thắc mắc, “Tại sao cũng hoàn cảnh đó mà người khác không bị sao?” Họ đã nghe câu lỗi tại họ nhiều quá, cho tới lúc họ tin vào điều đó. Cái gì xảy ra cũng do họ hết. Uyên cũng sốc, buồn và xấu hổ mãi với câu nói là nó muốn giết tôi, nó thấy ghê sợ chính mình. Tôi phải an ủi là lúc đó nó không phải là nó bình thường nữa. UYÊN Tôi không khác biệt. Tôi cũng có ước mơ, cũng có công việc mình muốn làm, cũng muốn hạnh phúc bên người mình yêu thương, cũng có bạn bè, cũng muốn được bộc lộ ra bên ngoài những gì đúng là con người mình, cũng muốn tâm sự, chia sẻ, muốn được thấu hiểu. Như bất kỳ ai khác. Tôi có một trái tim bình thường, một cái đầu bình thường. Tôi biết đau, biết suy nghĩ, biết sợ hãi, biết khóc thương, biết vui vẻ. Tôi biết chọn lựa làm những điều khiến bản thân hạnh phúc. Tôi không khác bất kỳ ai cả. Đó là những điều tôi tự nói với bản thân năm tôi mười chín tuổi, hôm tôi can đảm mặc áo cộc tay, đứng trên sân khấu nhận một giải thưởng gì đó. Trong khoảnh khắc đó, tôi quên đi hai cánh tay đầy sẹo của mình. Một năm sau, tôi thấy cơ thể mình đáng tởm. Tóc tôi tởm vì xơ xác và nâu đen lờ lợ. Cánh tay tôi tởm vì nó lồi lõm ngang dọc như cành cây. Chân tôi tởm vì sẹo to sẹo nhỏ. Đầu vú tôi tởm vì nó cứ to và xấu xí đi. Vú tôi tởm vì nó cứ xệ ra. Phần dưới của tôi tởm vì nó cứ lắm lông đen sì. Đầu óc tôi tởm vì sự ngu đần. Trái tim tôi tởm vì đầy tiêu cực và đáng bỏ xó. Tôi ghét những gì mình từng trải qua vì nó tởm, mà trải nghiệm quá khứ là điều tạo nên tôi, nên là tôi thấy mình tởm. Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần. HIỂN Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên. Người trầm cảm không muốn tỏ ra như thế, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị. Uyên lên xuống thất thường. Có những lúc đang êm đẹp thì nó bước vào một giai đoạn trầm cảm mà không có một lý do ngoại cảnh nào cả. Uyên buông hết, không còn thiết gì cả, trong khi trước đó nó làm marketing cho ba bốn dự án. Không đi làm, không nói năng, không ra ngoài, không chơi bời gì nữa, nó chỉ nằm trên giường, quay mặt vào tường, bấm điện thoại, xem YouTube. UYÊN Hiển bảo những lúc đó trông tôi rất kinh khủng, nếu nỗi buồn là mặt đất thì tôi đào một cái hầm nằm sâu dưới đất cả trăm mét. Cứ mỗi lúc Hiển chuẩn bị đèo tôi đi học, thay xong quần áo là tôi bắt đầu khóc. Hiển dỗ mãi tôi mới chịu ra khỏi nhà, và vẫn tiếp tục khóc trên đường tới trường. Tôi sợ các cuộc tiếp xúc, tới trường là chóng mặt, vào thang máy đúng lúc sinh viên tràn vào chen chúc, thì buồn nôn, khó thở và hoảng sợ. Nhưng tôi biết là nếu ở nhà thì tôi sẽ tự giày vò đến chết mất. Tôi sẽ thấy mình tồi tệ, yếu đuối. Tôi ghét nhất là cảm giác mình thất bại và ngu dốt, nên cứ tỉnh táo một chút là tôi cố làm hay học cái gì đó. Tới giờ, tôi đã bốn, năm lần gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Lần gần đây nhất, tôi tự so sánh với kết quả trắc nghiệm hồi lớp mười một và hiểu là mình đã bị nặng hơn nhiều. Có biểu hiện suy giảm trí nhớ, suy giảm tập trung, người ta ghi vậy và khuyên tôi nhập viện nội trú, nhưng tất nhiên là tôi không nghe. Tôi uống thuốc một tuần và thấy tâm trí có sáng sủa ra, tuy nhiên tôi vẫn dừng lại. Tôi không muốn tạo thêm gánh nặng tiền nong cho Hiển, nó cũng chỉ mới hai mươi thôi. Tôi cũng không muốn xin tiền bố mẹ cho việc này, vì tôi không cảm thấy sự quan tâm, sốt sắng từ họ. Mẹ chẳng bao giờ hỏi, “Ơ, sao bây giờ không đi lấy thuốc nữa à?” Hồi tôi phải vào viện vì một phẫu thuật nhỏ thì mẹ khác hẳn, đưa tôi đi lấy thuốc bổ, hỏi han, nhắc nhở tôi uống. Mẹ quan tâm tới vết mổ đó hơn là tới căn bệnh tâm lý của tôi nhiều. Tôi đã từng đưa thông tin, tài liệu cho mẹ. Anh tham vấn đã từng gọi cho mẹ. Nhưng qua cái cách mẹ nói chuyện với tôi, tôi không nghĩ mẹ hiểu bệnh của tôi là cái gì. “Cần tiền mua thuốc thì mẹ cho,” mẹ nói, “nhưng chẳng có bác sĩ hay là thuốc men nào cứu được mình đâu, mình phải tự vượt qua thôi.” Mẹ cũng nói với anh tham vấn là bố tôi “không như thế nữa” theo cái ý là tôi không cần phải bị chuyện bố bạo lực ám ảnh nữa, mọi người trong nhà đã bỏ nó sang một bên từ lâu rồi. HIỂN Một lần, khi chúng tôi ở nhà bố mẹ Uyên, nó ngỏ ý muốn mẹ đi cùng để chụp não, có đứa bạn cũng bị rối loạn lưỡng cực khuyên vậy. Mẹ nó bảo bệnh này là bệnh tư tưởng, tất cả là do mình, người bị ung thư mà suy nghĩ tích cực thì còn khỏi được cơ mà. Uyên bảo đây là bệnh thật, không phải tưởng tượng, không phải do suy nghĩ tiêu cực. Mẹ nó lại bảo tất cả là ở bản thân mình, mình suy nghĩ tích cực thì nó thành tích cực. UYÊN Rồi mẹ nói mẹ phải lo nhiều thứ, mẹ rất bận, phải dạy bù giờ, mẹ bị viêm gan B, răng mẹ yếu, mẹ đau ốm mệt mỏi, thuốc men nhiều tiền. Tôi bắt đầu khóc lóc và to tiếng chất vấn. Vì sao sau bao nhiêu năm mà mẹ vẫn cho đây là bệnh tư tưởng, vì sao bạn mẹ chưa gặp tôi mà có thể nói là tôi vẫn khỏe mạnh, tôi chỉ phóng đại mọi thứ lên. Mẹ nói khám ở đâu, uống thuốc gì cũng được, nhưng đây là do mẹ chiều đòi hỏi của tôi, chứ không phải vì mẹ nghĩ tôi thực sự cần. Rằng tôi đừng có chấp vặt mấy câu nói của bố mẹ để vin vào đó mà hành hạ người nhà, rằng tôi đang ngồi lên đầu mẹ đấy. HIỂN Uyên bắt đầu hoảng loạn, nó gào thét và tự cào tay. Tôi chạy đi tìm giấy, bác sĩ nói là những lúc này có thể cho Uyên vo giấy hoặc cầm đá trong tay, mà nhà thì không có đá. Uyên vớ cái cốc thủy tinh ném vào tường, rồi tiếp tục khóc nấc lên và rên rỉ. Khi Uyên từ từ dịu xuống thì tôi lấy chổi quét các mảnh thủy tinh và các cục giấy vo viên rải rác đầy dưới sàn. Trong cả quãng thời gian đó, ngoài tôi cố gắng vỗ về Uyên thì cả nhà không ai phản ứng gì. Em Uyên ngồi trước cái máy tính ở trong góc. Mẹ Uyên im lặng trên giường, mắt vẫn nhìn điện thoại. Bố Uyên ở phòng bên, chắc chắn bác ấy biết Uyên lên cơn, vì nó hét rất to và ném đồ đạc. UYÊN Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bao trùm. Đây là lần đầu bố mẹ chứng kiến tôi lên cơn. Trên đường về, tôi cứ day dứt, tôi có khiến bố mẹ cãi nhau không, họ có đổ lỗi gì cho nhau không, tôi có làm em mình khổ không. Tôi sợ bị nói là bất hiếu, là không chín chắn, không thương bố mẹ. Tôi nhờ Hiển nhắn tin rằng mình không kiểm soát được bản thân chứ không muốn giày vò ai, rằng tôi là một đứa trẻ lớn lên với một nhân cách lệch lạc, đáng kinh tởm. Rằng tôi xin lỗi mẹ. Hồi mẹ còn nhỏ thì bà ngoại bỏ nhà đi, và kỳ lạ là mang theo bác hai và bác ba, nhưng bác cả và mẹ là út thì bà bỏ lại. Ông lấy vợ mới, mẹ và bác cả bị đánh đập nhiều và bị đói. Hai anh em đi tàu trốn vé tìm mẹ, mãi sau thì bốn anh em mới sống cùng với nhau. Trong nhà ngoại, mẹ là người duy nhất có nghề nghiệp ổn định, mẹ thành trụ cột trong họ, lo nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng cho các cháu. Liệu vì thế nên mẹ cho là những thứ mà tôi trải qua chả nhằm nhò gì, sao mà tôi lại phải trầm cảm? Hay mẹ tránh nhắc đến bệnh của tôi vì xấu hổ, mặc cảm là đã đẻ ra một đứa con không lành lặn: Khi cho rằng tôi chỉ phóng đại, muốn gây chú ý và tìm kiếm sự thương xót, mẹ yên tâm về trách nhiệm của mình? Để mẹ vẫn có thể chụp ảnh thật xinh đăng lên Facebook, viết vài bài thơ, chia sẻ dòng tâm trạng để củng cố thêm hình ảnh giáo viên mãn nguyện của mình? HIỂN Mẹ Uyên nhắn tin cho tôi, xin lỗi “nếu đã có gì quá lời”, nhưng tôi không thực sự thấy cô ấy hiểu vì sao mình cần xin lỗi. Tôi cũng không rõ tại sao lại phải khó khăn thế. Tôi cũng đã từng không biết gì, nhưng mình chỉ cần lên mạng tìm hiểu thì biết đây là một bệnh như những bệnh khác, nó không phải là một sự tưởng tượng. Tôi vẫn động viên Uyên thỉnh thoảng về thăm nhà. Lần nào tôi cũng cảm nhận một không khí u tối, nặng nề. Cả căn phòng chỉ có một bóng đèn trần trụi ở giữa nhà. Không ai cười đùa, pha trò, mẹ Uyên đang nói gì mà bố Uyên nói lại là cô ấy sẽ im luôn. Nó rất khác với sự vui tươi, nhẹ nhõm, mọi người trêu chọc nhau ở nhà tôi. Điều đó khiến Uyên tự ti. Tôi thực sự cảm thấy sự đơn độc của Uyên trong quá trình chiến đấu chống lại bệnh của mình. Ở mục “Người nhà khi cần báo tin trên y bạ”, Uyên đề tên tôi. UYÊN Tôi muốn chữa lành cho mình. Tôi không muốn chết. Tôi thực sự khát khao được khỏe lại, được có những niềm vui, những khoảnh khắc hạnh phúc, chúng đã thật hiếm hoi trong những năm qua. Nhưng mọi thứ hỗn độn, bên trong tôi đang méo mó, hay môi trường bên ngoài tôi đang lệch lạc? Tôi đã mất khả năng đánh giá. Tôi sợ những cơn của mình, chúng xâm chiếm não bộ tôi, nhấn chìm lý trí của tôi, chúng phơi bày sự đau đớn, cô đơn, nỗi sầu thảm suốt những năm tháng niên thiếu của tôi, sự ám ảnh của bạo lực, của lẻ loi, của tức giận vì chẳng được ai giúp đỡ. Trong những giấc mơ, tôi thét lên với mọi người, cố gắng diễn đạt sự sợ hãi và tuyệt vọng của mình, nhưng không ai hiểu. Giờ đây, tôi nhận thấy là ở riêng hay ở cùng bố mẹ, chỗ nào tôi cũng bất ổn. Sự bế tắc cùng nỗi thù ghét bản thân và thế giới của tôi đang lớn dần lên. HIỂN Tôi thường xuyên lo lắng vì phòng chúng tôi thuê ở trên cao, dao kéo ở nhà nhiều. Tôi thường xuyên nhắn tin, không thấy Uyên trả lời thì gọi điện, tan làm là vội vàng phóng về nhà. Tôi liên lạc với anh tham vấn để cập nhật tình hình của Uyên, hỏi han tôi phải làm gì. Tôi trở thành đầu mối thông tin cho bạn bè nó. Chúng tôi nuôi hai con mèo và một con chó để Uyên vui khi một mình. Sống chung với người trầm cảm cần nhiều tình cảm và kiến thức. Tôi không thấy đuối, thấy mệt, tôi không thấy bị phiền, tôi không trách móc, tôi biết bạn gái mình đang không ổn. Quan tâm duy nhất của tôi là làm sao để chăm sóc người mình yêu tốt hơn nữa, làm sao để người yêu không nguy hiểm, để bạn gái mình không kết thúc cuộc sống. Nhưng Uyên không tin. “Em suốt ngày nói đến chuyện tự tử như thế, làm gì có chuyện không mệt.” Nhưng mình cảm thấy mệt làm sao được khi mình yêu thương người ta nhiều. Mình chỉ cảm thấy rất lo, rất là sốt sắng. Tôi không muốn mất đi thêm một người bạn nữa. Tôi đã mất một đứa bạn rồi, cùng trong nhóm nhạc, khá thân. Tai nạn. Sự ra đi của nó khiến tôi rất sợ, tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ. Hồi nó còn sống, có những lúc tôi khá thờ ơ với nó, nó nhắn tin, tôi cũng lười trả lời. Bây giờ, hình ảnh của nó luôn nhắc tôi là đừng để cho người bạn nào của mình ra đi nữa. PHẦN 3 UYÊN Tôi và Hiển yêu nhau vì chúng tôi nói chuyện, chia sẻ, kết nối được với nhau rất nhiều. Nhưng giờ đây thì không vậy nữa rồi. Hiển chả nói gì cả nữa, mặt nó cứ lì ra, tối tăm. Không chịu được, tôi sẽ hỏi, mày đang nghĩ gì đấy. Nó bảo nó không nghĩ gì cả. Tôi hỏi thế sao mặt mày sầm sì thế, mày có ổn không. Nó im lặng. Qua lại như vậy cả tiếng đồng hồ. Tôi năn nỉ, tôi khóc lóc, tôi đè nó ra, tôi quát tháo. HIỂN Tôi cảm thấy mất kết nối với con người. Tôi từ chối tiếp xúc với người khác. Vốn không phải là người sợ đám đông, nhưng bây giờ, thấy chỗ nào đông người là tôi sẽ lảng đi, tôi không đối mặt được.