🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn Để Khôi Phục Sự Vĩ Đại Của Nước Mỹ
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Chương 1. Phải cứng rắn
Chương 2. Nắm lấy dầu
Chương 3. Đánh thuế Trung Quốc để cứu việc làm Mỹ Chương 4. Đó là tiền của bạn - bạn nên giữ nhiều hơn Chương 5. Một chính phủ mà chúng ta đủ sức chịu Chương 6. Tăng cường sức mạnh nước Mỹ
Chương 7. Lưới an toàn, chứ không phải võng nghỉ dưỡng Chương 8. Bãi bỏ chương trình Obamacare
Chương 9. Có nguyên do thì mới gọi là nhập cư trái phép
Chương 10. Nước Mỹ mà con cháu chúng ta xứng đáng được hưởng
Như mọi khi, tôi dành tặng quyển sách này cho cha mẹ tôi, Mary và Fred Trump
Lời nhà xuất bản
Như mọi người đã biết, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp đến giai đoạn nước rút, rất quyết liệt và gay cấn với hai đối thủ nặng ký: Hillary Clinton, thuộc Đảng Dân chủ và Donald J. Trump thuộc Đảng Cộng hòa. Đối với người Mỹ và cả phần còn lại của thế giới, tranh cử Tổng thống ở nước Mỹ là một hoạt động chính trị đầy kịch tính và hao tiền tốn của, với các đợt vận động, quyên góp tài chính cũng như vận động cử tri ủng hộ là các thành tố không thể thiếu được của chiến dịch này.
Nhằm tranh thủ tối đa cử tri ủng hộ mình, các ứng viên phải có các chiến lược – chiến thuật xây dựng hình ảnh, uy tín cho bản thân và do vậy, không thể không cố gắng tìm ra những khiếm khuyết, hoặc “thổi phồng” những điểm yếu của đối phương để hạ thấp uy tín của họ, đồng thời đề cao tầm quan trọng hay giá trị của cương lĩnh tranh cử hoặc chương trình hành động của mình.
Cuốn sách này chính là tập hợp các diễn ngôn của ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới là Donald J. Trump. Bạn đọc sẽ thấy được những quan điểm về đối nội và đối ngoại của ông, những chỉ trích đối với tổng thống sắp mãn nhiệm vốn là người của Đảng Dân chủ đối lập. Tuy nhiên, do được công bố trước thời điểm 2016, nên một số suy luận, đánh giá, kết luận trong đó trở thành có tính chất lịch sử nhiều hơn là thực tại. Thêm vào đó, vì không phải là công dân Mỹ nên bạn đọc Việt Nam cũng không dễ dàng gì kiểm chứng được độ xác thực của các dữ kiện, cũng như hiểu được cặn kẽ các “xảo thuật” của những người tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ trong khi tranh luận nhằm xây dựng “thương hiệu” cho bản thân. Dù vậy, ít nhất là bạn đọc sẽ thấy được những chiều kích khác nhau của xã hội Mỹ và nền chính trị Mỹ hiện đại, các mảng sáng-tối đan xen, tạo nên một bức tranh khá sinh động. Qua đó, ta sẽ hiểu biết thêm về một trong những đối tác quan trọng trong thế giới đa cực, có sức ảnh hướng lớn tới cục diện phát triển của thế giới đó ở hiện tại cũng như tương lai.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, tháng 6 năm 2016 NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI
Lời giới thiệu
Ai, Hillary Clinton hay Donald Trump, sẽ là Tổng thống thứ 45 (nhiệm kỳ 2017-2021) của nước Mỹ?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ suốt hơn 200 năm qua luôn là sự kiện hấp dẫn, đầy căng thẳng kịch tính. Và cuộc bầu cử năm 2016 này thậm chí sẽ hấp dẫn hơn nữa, căng thẳng kịch tính hơn nữa, bởi bất kể kết quả thế nào, người trở thành Tổng thống Mỹ lần này cũng sẽ đi vào lịch sử.
Cuộc đua năm 2016 giữa đại diện hai đảng: Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa, và Hillary Clinton đại diện cho Đảng Dân chủ, sẽ trở thành một trong những cuộc tranh cử thu hút nhiều người trên toàn thế giới quan tâm theo dõi nhất. Nếu Hillary thắng, bà sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử. Hoặc ít nhất, bà cũng là nữ ứng viên chính thức đầu tiên của một đảng lớn trong lịch sử nước Mỹ.
Cả hai đều không xa lạ với giới truyền thông, cũng không xa lạ với nhau khi đều sống ở New York: Hillary là Thượng nghị sỹ của bang New York, còn Donald Trump là tỉ phú sống ở New York. Nhưng họ đầy trái ngược. Trong khi Hillary là một chính khách lão luyện, khôn ngoan, đầy thận trọng với truyền thống Dân chủ nổi bật, mối quan hệ rộng lớn trong chính giới Mỹ, thì Trump lại có vẻ theo chủ nghĩa dân túy với các phát biểu quá khác người, đến mức từng có lúc Đảng Cộng hòa đã tìm cách hợp sức nhằm đánh bại ông.
Hillary là một chính trị gia tiêu biểu dày dạn kinh nghiệm, gần như cả cuộc đời theo đuổi sự nghiệp chính trị, cùng chồng trong hành trình dẫn dắt nước Mỹ với tư cách Đệ nhất Phu nhân từ khi còn trẻ (1993-2001), rồi trở thành Thượng nghị sĩ, là ứng viên tranh cử với Obama trong Đảng Dân chủ năm 2008, rồi trở thành Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama. Hơn 20 năm trong chính trường Mỹ khiến bà trở thành người phụ nữ đầy quyền lực và kinh nghiệm… Nếu như năm 2008, Hillary phải chấp nhận nhường bước
trước Obama quá xuất sắc, thì năm 2016 này, bà đã vượt qua Thượng nghị sỹ Sanders để chính thức nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ.
Còn Trump là doanh nhân, tỉ phú Mỹ với cuộc đời cũng đáng tự hào nhưng lại xa lạ với chính trường. Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của The Trump Organization, và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts. Ông nổi tiếng trên toàn nước Mỹ nhờ sự nghiệp kinh doanh, nỗ lực gây dựng thương hiệu, đời sống cá nhân, sự giàu có và bản tính thẳng thắn của mình. Trump chưa từng tham gia hoạt động chính trị chính thức, chưa từng giữ chức vụ dân cử nào ở cấp bang hay liên bang, song trong cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Cộng hòa, ông đã chiến thắng vang dội đầy bất ngờ trước hàng loạt ứng viên sáng giá trong Đảng như Thượng nghị sỹ bang Texas Ted Cruz, Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio, Thống đốc bang Ohio John Kasich, và vượt rất xa Jeb Bush nổi tiếng của dòng họ Bush.
Để cung cấp cho độc giả Việt Nam tư liệu tham khảo về quan điểm, chính sách, kinh nghiệm cũng như tính cách của hai ứng viên này, mà chắc chắn một trong hai người sẽ trở thành người có quyền lực lớn nhất của Mỹ, và có lẽ cũng là của thế giới, chúng tôi đã tiến hành mua bản quyền, dịch và xuất bản hai tác phẩm HRC: State Secrets and the Rebirth of Hillary Clinton (Hillary Clinton: Bí mật quốc gia và sự hồi sinh) của Jonathan Allen và Amie Parnes, và cuốn Time to Get Tough: Make America Great Again! (Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ) do chính Donald Trump là tác giả. Quan điểm và chính sách của họ sẽ trở thành quan điểm và chính sách của Chính phủ Mỹ ít nhất trong 4 năm tới, và sẽ có ảnh hưởng lớn đối với toàn thế giới.
Nếu trong cuốn Time to Get Tough: Make America Great Again!, Trump kịch liệt phản đối mọi chính sách của Tổng thống Obama, và đưa ra những sáng kiến độc đáo, những chính sách chưa từng có mà có phần xa lạ với giới chính trị, có phần theo chủ nghĩa dân túy, đôi chút sống sượng nhưng đầy thẳng thắn; thì với cuốnHRC: State Secrets and the Rebirth of Hillary Clinton, sẽ cho thấy ở Hillary chỉ là sự điều chỉnh của chính sách Obama, với sự cứng rắn nhưng khéo léo và duyên dáng đến tuyệt vời của người mà nếu thành công, sẽ trở thành người có thời gian sống trong Nhà Trắng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ trước đến nay.
Ngay từ tên gọi, từ con người đến phong cách viết đều trái ngược nhau, song chúng tôi tin rằng, cả hai cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam các thông tin rất hữu ích, nóng bỏng và mới mẻ về những gì đã, đang và sẽ diễn ra ở nước Mỹ, một quốc gia đang ngày càng có những ảnh hưởng mạnh mẽ ở Á châu, trong đó có Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
NGUYỄN CẢNH BÌNH
Chủ tịch HĐQT Alpha Books
Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam
Chương 1. Phải cứng rắn
Tôi viết cuốn sách này vì ngay lúc này đây, đất nước tôi yêu đang trải qua một thảm họa kinh tế toàn diện.
Khi tôi bắt đầu cầm bút viết cuốn sách này, nợ của chúng ta là 15 nghìn tỷ. Giờ thì khoản nợ này đã vượt qua con số 18 nghìn tỷ, và không bao lâu nữa sẽ cán mức 20 nghìn tỷ. Để tôi giúp bạn đả thông con số này nhé. Nếu nhờ phép màu nào đó, các vị gọi là lãnh đạo ở Washington kia tìm ra cách mỗi ngày tiết kiệm được 1 tỷ đô-la tiền thuế, thì chúng ta vẫn phải mất 38 năm mới trả dứt nợ. Đó là chưa nói đến tiền lãi.
Chúng ta chẳng có 38 năm để xoay chuyển tình thế này. Như tôi thấy, ta chỉ có bốn hoặc cùng lắm là tám năm mà thôi.
Trong hoạt động kinh doanh, ngày nào tôi cũng thấy nước Mỹ bị cắt cổ và ngược đãi. Chúng ta đã và đang trở thành một trò hề, một kẻ chịu tội thay cho toàn thế giới, bị đổ lỗi tất thảy mọi thứ, chẳng được công nhận công trạng và cũng chẳng nhận được sự tôn trọng nào. Bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận thấy điều đó quanh mình, và tôi cũng vậy.
Lấy một ví dụ, Trung Quốc đang mắc nợ ta hàng trăm tỷ đô-la bằng cách thao túng và giảm giá trị đồng tiền của họ. Dù Washington nói năng vui vẻ thế nào thì giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không phải là bạn. Tôi từng bị lên án vì dám gọi họ là “kẻ thù” của nước Mỹ. Song, liệu bạn có thể gọi những kẻ đang hủy hoại tương lai con cháu mình bằng từ nào khác? Bạn muốn tôi dùng cái mỹ từ nào cho những người đang ra sức đẩy đất nước ta vào nguy cơ phá sản, cướp việc
làm của ta, do thám hòng ăn cắp công nghệ của ta, và hủy hoại lối sống của ta đây? Đối với tôi, đó chính là kẻ thù. Nếu muốn phục hồi vị trí số 1 cho nước Mỹ, chúng ta cần phải có một tổng thống biết cách cứng rắn với Trung Quốc, biết cách đàm phán thắng Trung Quốc, và biết làm thế nào để bọn họ đừng giở trò lừa gạt ta hết lần này đến lần khác.
Rồi cả vụ khủng hoảng dầu mỏ nữa. Cái ý kiến 85 đô-la cho một thùng dầu từng là điều không tưởng. Vậy mà giờ đây, OPEC đang ngồi ngáp vặt trước con số này, rồi kích giá lên cao hơn nữa, và cười ha hả trên đường đến ngân hàng. Kết quả là: Bạn và gia đình phải trả 3 đô-la/ga-lông(1), 4 đô-la/ga-lông, 5 đô-la/ga-lông và giá cứ ngày càng vọt cao. Nhưng xin lỗi nhé, OPEC – 12 gã đang ngồi quanh bàn tròn ấy – thậm chí còn chẳng thể tồn tại trên đời nếu không nhờ nước Mỹ giải cứu và bảo vệ các quốc gia Trung Đông! Tổng thống của ta ở đâu trong toàn bộ chuyện này? Trách nhiệm giải trình ở đâu? Vai trò lãnh đạo điều hành có nghĩa lý gì khi mà nhà điều hành của ta yếu kém và không dẫn dắt được gì? Có lời biện hộ nào cho một vị tổng thống mà để đáp lại cuộc khủng hoảng dầu khí thì không phải bằng sự cứng rắn với OPEC, không phải bằng việc để các công ty dầu khí nội địa của ta tự do làm phần việc của họ và khoan dầu, mà là xả quỹ dự trữ [dầu mỏ] chiến lược? Đấy không phải là lãnh đạo, mà là từ bỏ quyền lãnh đạo.
Bất kể thế nào, dầu mỏ vẫn là trục quay của các nền kinh tế thế giới. Mọi sự là thế đấy. Khi giá dầu tăng, giá của gần như tất cả mọi thứ cũng tăng theo. Hãy nghĩ thử mà xem. Bạn đi mua một ổ bánh mì. Làm sao ổ bánh mì ấy đến được tiệm bánh? Cái gì làm cho xe chở bánh mì chạy được? Nông dân dùng thiết bị gì để gặt ngũ cốc? Thiết bị và xe cộ không tự cung cấp nhiên liệu cho chúng được. Chúng cần dầu. Và khi giá của nhà sản xuất tăng, chúng đẩy chi phí này cho bạn dưới hình thức giá cao hơn. Tôi may mắn được học ở trường kinh doanh tốt nhất thế giới, Trường Kinh doanh Wharton. Song, bạn chẳng cần phải có một tấm bằng kinh doanh ở một trường danh giá thì mới nhận ra chuyện gì đang xảy ra ở đây. Đó chỉ là phép toán cơ bản.
Bạn có biết hiện nay cứ bảy người Mỹ thì có một người phải xài phiếu thực phẩm không? Hãy nghĩ về chuyện này đi. Ở Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, quốc gia thịnh vượng nhất trong lịch sử văn minh nhân loại, người dân đang phải chịu đói chịu khát. Tháng 3 năm 2011,
chúng ta đã phải chứng kiến giá thực phẩm tăng vọt chưa từng thấy trong gần bốn thập niên. Kết hợp việc này với chi phí năng lượng tăng vùn vụt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số, sự tiêu xài hoang phí của chính phủ, sự sáp nhập hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính quyền liên bang, thì kết quả trở nên rõ ràng đến đau đớn – chúng ta đang cắm đầu vào thảm họa kinh tế. Nếu chúng ta cứ đi con đường này thì nước Mỹ mà chúng ta để lại cho các con, các cháu mình sẽ không còn là nước Mỹ mà chúng ta từng được ban phước sống trong đó. Giấc mơ Mỹ sẽ bị cầm cố. Thành phố tỏa sáng trên đồi sẽ ngày càng giống như khu đổ nát nội ô. Sẽ không còn bình minh ở Mỹ, như lời của Tổng thống Reagan nữa. Đồng đô-la sẽ rớt giá giống như đồng tiền quốc tế của thế giới. Nền kinh tế của ta sẽ lại sụp đổ lần nữa (đây là điều tôi tin có nguy cơ và rủi ro thật sự: Một cuộc suy thoái kép có thể biến thành một cuộc đại suy thoái). Và Trung Quốc sẽ thế chân Mỹ ở vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới.
Tuy nhiên, mọi việc không nhất thiết phải đi theo hướng này. Nếu chúng ta cứng rắn và đưa ra những lựa chọn kiên quyết, một lần nữa ta có thể biến nước Mỹ trở thành một quốc gia giàu mạnh – và được trọng nể. Một vị tổng thống thực thụ có thể biến nước Mỹ thành tiền bằng cách thương thảo những thỏa thuận lớn. Không phải lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến tổng thống ở góc độ công việc và nhà đàm phán kinh doanh, nhưng thực tế là vậy. Các tổng thống là những trưởng đoàn đàm phán. Thế nhưng, kết quả của một cuộc đàm phán chỉ hiệu quả khi người tiến hành thương thảo nó hiệu quả. Theo hiến pháp, tổng thống là tổng tư lệnh, người bổ nhiệm các thẩm phán và có thể phủ quyết hoặc ký các dự luật. Thế thời gian còn lại, tổng thống làm gì? Tôi có thể nói cho bạn biết một công việc quan trọng (của tổng thống): Ông ta là nhà thương thuyết và đàm phán tối cao của Mỹ. Ông ta phải đàm phán với các quốc gia khác để có được những thỏa thuận bảo vệ và có lợi cho chúng ta. Bổn phận của tổng thống là tạo ra một môi trường mà các thị trường tự do và công bằng có thể phát triển phồn thịnh, các việc làm trong khối tư nhân có thể được tạo ra và nền kinh tế của ta có thể phát triển nhanh chóng. Nếu họ thương thuyết quyết liệt và thỏa thuận đúng, nước Mỹ sẽ thắng. Nếu họ hèn nhát rút chạy và thỏa thuận sai, bạn và con cái bạn sẽ phải trả giá.
Giờ hãy thử xem những thỏa thuận bợt bạt mà Tổng thống Obama đã thực hiện. Tôi là người ủng hộ mậu dịch tự do và công bằng. Xét cho cùng, tôi làm kinh doanh khắp thế giới. Song, hãy nhìn vào thỏa thuận mà Tổng thống Obama đã ký kết với Hàn Quốc. Khó
mà tin nổi có ai lại đi ký một điều như thế. Về lý thuyết, thỏa thuận được cho là sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận đã ký gần như chẳng giúp được gì để san bằng sự mất cân bằng mậu dịch, thậm chí nó sẽ làm xói mòn hơn nữa ngành công nghiệp chế tạo Mỹ, xóa sổ thêm nhiều việc làm Mỹ, và xóa sạch các khoản thuế quan mà Hàn Quốc hiện đang phải trả cho ta để bán hàng của họ ở Mỹ. Tại sao Tổng thống Obama lại đồng ý với những điều khoản ấy, nhất là khi chúng ta nắm hết mọi quân bài trong tay? Người Hàn Quốc thích quân đội ta bảo vệ họ trước Bắc Triều Tiên. Nhưng họ không cần ta làm công việc nhem nhuốc của họ – lực lượng quân sự Hàn Quốc có khoảng 600.000 đến 700.000 người. Thế mà cho đến nay ta vẫn có 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc. Tại sao lại vậy?
Ngay cả khi bạn nghĩ việc ta đóng quân ở Hàn Quốc là một ý hay, thì tại sao Hàn Quốc không thanh toán toàn bộ hóa đơn cho việc ta bảo vệ họ? (Hiện thời, họ chỉ trả một phần chi phí mà thôi). Hơn nữa, tại sao tổng thống của ta lại ký dự luật thương mại mà Hàn Quốc muốn ông ta ký, thay vì một dự luật mang lại cho ta lợi thế tối đa? Người đàn ông này có thể là “một nhà tổ chức cộng đồng” giỏi nhưng lại là một nhà đàm phán quốc tế kém cỏi. Điều này chẳng có gì bất ngờ – cả đời ông ấy chưa từng tạo dựng hay điều hành một hoạt động kinh doanh nào.
Hãy nhìn vào Trung Quốc. Cứ một người Mỹ thì lại có bốn người Trung Quốc. Trung Quốc có dân số hùng hậu, với sức mạnh kinh tế cực lớn và ngày càng tăng. Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chúng ta đang tạo ra sự thịnh vượng cho Trung Quốc bằng việc mua toàn bộ sản phẩm của họ, dù chúng ta làm ra được những sản phẩm tốt hơn ở Mỹ. Tôi biết chứ. Tôi mua rất nhiều sản phẩm. Cửa sổ này, tường khô này, hay bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ đến, tôi mua chúng hàng xe tải. Tôi mua đồ Mỹ bất kỳ khi nào có thể. Tiếc thay, rất nhiều khi các doanh nghiệp Mỹ không thể mua sản phẩm Mỹ, vì với trò phá giá đồng tiền của Trung Quốc, các nhà sản xuất Mỹ không thể cạnh tranh nổi về giá. Nếu Trung Quốc không bày trò với đồng tiền của họ, và chúng ta được chơi trên một sân chơi kinh tế bình đẳng, thì chúng ta có thể dễ dàng cạnh tranh thắng Trung Quốc. Nhưng, người Trung Quốc gian lận bằng trò thao túng tiền tệ và gián điệp công nghiệp – còn vị được cho là tổng tư lệnh của ta để mặc họ gian lận. Toàn bộ việc này là một vụ bê bối, nó bất công với các công nhân và các doanh nghiệp của ta. Mỹ chẳng thể nào giàu có
trở lại nếu cứ tiếp tục đi con đường này.
Vậy mà sau toàn bộ chuyện như thế, tháng 1 năm 2011, Tổng thống Barack Obama lại chào đón Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng. Thậm chí, Tổng thống Obama còn thể hiện sự tôn kính vị lãnh đạo này bằng Quốc tiệc chính thức. Nền kinh tế Trung Quốc đang hưởng mức tăng trưởng hai con số trên thiệt hại của ta, trong khi đất nước đó phỉnh phờ ta với mỗi lần thay đổi giá trị đồng tiền của họ, là nguy cơ gián điệp thương mại lớn nhất mà ta phải đối mặt, và phản ứng của Obama là trải thảm đỏ? Tổng thống Obama đã hợp thức hóa cho Trung Quốc trên sân khấu thế giới. Vậy ông ta được lợi gì khi làm như thế? Các thỏa thuận xuất khẩu tăng lên đến con số là 45 tỷ đô-la. Đội ngũ của tổng thống lập tức tung hô ông ấy thành một nhà thương thuyết bậc thầy. Năm 2009, thâm hụt thương mại của ta với Trung Quốc là gần 230 tỷ đô-la. Năm ngoái (2014), con số này vượt quá 340 tỷ. Cái con số 45 tỷ đô-la trong các hợp đồng thương mại với Trung Quốc là một điều đáng buồn. Tôi tin danh dự của Mỹ không phải là thứ để bán. Chúng ta không cần van cầu một vài hợp đồng cỏn con. Thay vào đó, một tổng tư lệnh chân chính cần phải ngồi xuống với người Trung Quốc và đòi hỏi một thỏa thuận thực tế, một thỏa thuận tốt hơn rất nhiều. Hoặc Trung Quốc phải chơi theo luật hoặc ta sẽ đập thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Hết chuyện. Nhân tiện cũng xin nói thêm, năm nay (2015), thâm hụt thương mại của ta với Trung Quốc sẽ vượt 350 tỷ đô-la – và họ đang cười vào mặt ta.
Tôi yêu nước Mỹ. Và khi bạn yêu điều gì đó, bạn sẽ hết lòng bảo vệ nó – thậm chí bằng một cách hung hãn. Chúng ta là đất nước vĩ đại trên thế giới. Tôi không biện hộ gì cho đất nước này, tôi tự hào về nó, tôi khao khát được nhìn thấy chúng ta sẽ hùng mạnh và giàu có trở lại. Xét cho cùng, sự thịnh vượng là nền tảng cho tự do. Thế nhưng, chúng ta đã bị các quốc gia khác vờn vẩy, lợi dụng, và nhận được sự phục vụ tồi tàn từ các chính khách ở Washington, những người đang đo đếm thành công qua tốc độ gia tăng nợ liên bang, và gánh nặng thuế của các bạn bằng những chương trình chính phủ mà họ yêu thích.
Nước Mỹ có thể làm tốt hơn. Tôi nghĩ ta xứng đáng với điều tốt đẹp nhất. Đó là lý do tại sao tôi quyết định viết cuốn sách này. Các quyết định ta đang đối mặt quá lớn lao, quá nhiều hệ lụy khiến ta không thể bỏ mặc. Tôi có những câu trả lời cho các vấn đề mà ta đang
đối mặt. Tôi biết cách làm cho nước Mỹ giàu có trở lại. Tôi đã xây dựng các doanh nghiệp trên khắp toàn cầu: Tôi đã làm việc với các lãnh đạo nước ngoài. Tôi đã tạo ra 10.000 việc làm cho người Mỹ.
Toàn bộ đời tôi gần như là xử lý các thỏa thuận và làm ra tiền thật – rất rất nhiều tiền. Đó là việc tôi làm để sống: Biến những điều lớn lao thành hiện thực, và hiện tôi đáng giá hơn 10 tỷ đô-la.
Khôi phục sự thịnh vượng của nước Mỹ đòi hỏi ta phải cứng rắn. Vị tổng thống kế tiếp phải hiểu rằng công việc của Mỹ là kinh doanh. Ta cần một vị tổng thống biết cách hoàn thành công việc, người có thể giữ cho nước Mỹ vững mạnh, an toàn và tự do, người có thể thương thuyết các thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ, chứ không phải cho các quốc gia phía bên kia bàn đàm phán. Tổng thống không “tạo ra” việc làm, chỉ có các doanh nghiệp mới làm được điều đó. Nhưng tổng thống có thể giúp tạo ra một môi trường cho phép tất cả chúng ta – các nghiệp chủ, thương nhân nhỏ, thương nhân lớn – làm cho nước Mỹ trở nên giàu có.
Sự tổn hại mà các thành viên Đảng Dân chủ, các thành viên yếu kém của Đảng Cộng hòa, và thảm họa chính sách đã và đang gây ra cho nước Mỹ đặt ta vào một đống lộn xộn mà ta chưa từng thấy trong đời. Để khắc phục vấn đề này, ta phải khôn khéo và cứng rắn lên. Không còn thời gian để lãng phí nữa. Song vẫn có lý do để lạc quan. Vì chúng ta là người Mỹ. Chúng ta có tiềm năng, chúng ta chỉ cần sự lãnh đạo đúng đắn. HÃY KHÔI PHỤC SỰ VĨ ĐẠI CỦA NƯỚC MỸ!
Chương 2. Nắm lấy dầu
Nếu để chính quyền liên bang phụ trách Sa mạc Sahara, thì trong vòng năm năm thôi, ta sẽ chẳng còn cát mà dùng.
— Milton Friedman
Khi bạn giúp ai, họ sẽ cảm ơn bạn. Khi bạn cho ai mượn tiền, họ sẽ hoàn trả. Và khi một quốc gia như Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ hy sinh hàng ngàn sinh mạng nam, nữ quân nhân và hơn một nghìn tỷ đô-la để mang lại tự do cho người Iraq, thì điều tối thiểu – tuyệt đối tối thiểu – mà người Iraq nên làm là trả tiền cho cuộc giải phóng họ.
Đối với họ, việc thoát khỏi chế độ độc tài của Saddam Hussein và giành được một nền dân chủ mà ở đó họ có thể đi bầu cử và có một quốc hội được tuyển cử tự do có giá trị như thế nào? Trên thực tế, đó là một món quà vô giá, dù sau khi đất nước bị thổi tung thành từng mảnh, nhiều người nghĩ rằng cuộc sống của họ trước kia khấm khá hơn. Khi tôi nói họ phải đền đáp cho ta, tôi thậm chí không có ý nói đến việc ta lấy tiền trong túi họ. Tất cả những gì tôi đòi là họ trả cho ta, tạm thời, một ít dầu – đủ để giúp bù đắp cho ta và chăm sóc 10 nghìn thân nhân và con trẻ của những người dũng cảm đã ngã xuống hay mang thương tích vì giành tự do cho Iraq.
Nhưng Iraq có làm vậy không? Không. Thực tế, họ còn nói rõ rằng họ không có ý muốn làm vậy. Không bao giờ.
Kẻ nào thắng kẻ đó được chiến lợi phẩm.
Tháng 6 năm 2011, Nghị sỹ Đảng Cộng hòa phụ trách bang California, Dana Rohrabacher, đã tới thăm Iraq và nói với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki rằng ông hy vọng một ngày nào đó Iraq sẽ cân nhắc việc đền đáp cho Mỹ vì tất cả những hy sinh của Mỹ cho đất nước Iraq. Đáp lại, Thủ tướng Iraq yêu cầu người phát ngôn báo chí của ông, Ali al-Dabbagh, gọi ngay cho Đại sứ quán Mỹ để nói rằng họ
muốn vị nghị sỹ cuốn gói khỏi đất nước họ vì họ cho rằng những lời ông này nói là “không thích hợp”.
Thứ lỗi cho tôi! Không thích hợp ư? Điều “không thích hợp” chính là việc nước Mỹ phải chịu đựng tình trạng hỗn độn này. Chúng ta đã đổ xương máu và tiền của để bảo vệ người Trung Đông, từ Iraq, Kuwait đến Ả-rập Xê-út và các nước nhỏ ở vùng Vịnh. Và bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông cũng phải bán dầu cho ta với mức giá thị trường công bằng.
Sự vô ơn của giới lãnh đạo Iraq khiến người ta phải kinh ngạc. Năm nay, chính quyền thành phố Baghdad thậm chí còn trơ tráo yêu cầu Mỹ trả 1 tỷ đô-la cho sự tổn hại mà những bức tường chống bom được lính Mỹ dựng lên để bảo vệ người dân Baghdad gây ra cho mỹ quan thành phố. Việc này chẳng khác gì việc một kẻ chết đuối đòi người cứu hộ phải bồi thường vì đã xé nát bộ đồ bơi của gã trong quá trình cứu mạng gã.
Cứ cho là tám năm trước, khi người ta nói với chúng ta rằng chúng ta được người dân Iraq ùa ra đường tung hoa chào đón và được đón tiếp như những anh hùng giải phóng, thì tôi cũng chả cần. Theo tôi, Iraq cứ giữ lấy hoa – dầu là chuyện khác. Chúng ta phải lấy dầu. Và đây là lý do: Vì người Iraq không có khả năng tự giữ nó. Quân đội của họ, dù ta cố xây dựng lại, vẫn kém cỏi, và ngay giây phút ta rời đi, Iran sẽ tiếp quản Iraq cùng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này – trữ lượng dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ả-rập Xê-út. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ nam nữ quân nhân dũng cảm của ta đã chết một cách vô ích và 1,5 nghìn tỷ đô-la coi như đổ sông đổ bể.
Thế nên, nếu Iran hay ISIS định tiếp quản số dầu mỏ này, tôi nói chúng ta sẽ tiếp quản dầu mỏ trước bằng cách vạch ra một kế hoạch chia sẻ chi phí với Iraq. Nếu ta bảo vệ và kiểm soát các mỏ dầu, Iraq sẽ được giữ một tỷ lệ phần trăm dầu mỏ đáng kể – đó là chưa nói đến sự độc lập của nước này trước Iran – và ta sẽ bù lại được phần nào chi phí giải phóng người Iraq cũng như đền đáp được cho các quốc gia đã cùng ta chiến đấu trong cuộc chiến này. Và tôi cũng muốn báo đáp gia đình của các thương binh liệt sĩ. Lẽ dĩ nhiên, không gì có thể bù đắp cho một sinh mạng hay một phần cơ thể đã mất đi, song ta có thể cho con em của các thương binh liệt sỹ đến trường, bù đắp cho các cô phu, góa phụ của những người lính đã hy sinh ở Iraq, và đảm bảo rằng các thương bệnh binh được chăm sóc chu đáo. Đó là điều
bình thường, và chỉ là hạt cát so với thứ nằm dưới mặt đất Iraq kia. Mỗi gia đình Mỹ mất đi người thân ở Iraq cần phải được đáp đền 5 triệu đô-la, và các thương bệnh binh của ta cần phải được trả, có lẽ là 2 triệu đô-la mỗi người, cộng với phí tổn y tế.
Cứ gọi tôi là người cựu trào, song tôi tin vào tín niệm của chiến binh thời xưa rằng: “kẻ nào thắng kẻ đó được chiến lợi phẩm”. Nói cách khác, chúng ta không đánh một trận, rồi giao chìa khóa cho những kẻ ghét ta và rời đi. Chúng ta thắng trận, lấy dầu để bù đắp những phí tổn tài chính mà ta đã phải chịu, và khi làm thế, ta đã đối xử công bằng với Iraq và với mọi người khác. Như Tướng Douglas MacArthur đã nói: “[trong chiến tranh], không có gì thay thế được chiến thắng”. Ngay từ lúc khởi đầu Chiến dịch Tự do cho người Iraq, tôi đã tin rằng chúng ta cần phải vạch ra một kế hoạch bồi hoàn với người Iraq – thông qua những người Iraq bất đồng chính kiến tha hương – trước khi phát động cuộc chiến và giải thoát người dân Iraq khỏi tên độc tài Saddam Hussein của họ. Hồi đó, có một vài người khôn ngoan đã đồng ý với tôi và nói điều tương tự. Một trong số đó là Giám đốc Văn phòng Đánh giá Mạng lưới (ONA) của Bộ Quốc phòng, Andrew Marshall. Ông khuyến cáo nên sử dụng doanh thu từ dầu mỏ để giảm mức chi phí dự tính cho cuộc chiếm đóng. Dĩ nhiên điều này đã không xảy ra. Thế nhưng, không có lý do gì khiến ta không thể hay không được phép dàn xếp một thỏa thuận chia sẻ phí tổn với Iraq. Đừng chấp nhận câu trả lời “Không”.
Đây không phải là ý tưởng cấp tiến gì. Tháng 9 năm 2010, chính Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ (GAO) của ta và các phòng ban khác đã nghiên cứu rất sâu vấn đề này và kết luận rằng một kế hoạch chia sẻ phí tổn là khả thi và khôn ngoan. Tất cả những gì mà những kẻ ở Nhà Trắng cần làm là đọc cái nhan đề của bản báo cáo ấy: “Chia sẻ phí tổn giữa Iraq và Mỹ: Iraq có dư ngân sách tích lũy, đưa đến tiềm năng cho việc chia sẻ thêm phí tổn”. Nghĩa đen của nhan đề ấy là thế đó. Và nếu họ thực sự đọc dòng đầu tiên của báo cáo ấy, hẳn họ sẽ biết GAO nhận thấy rằng chính phủ Iraq đang vận hành với một ngân sách thặng dư 52,1 tỷ đô-la. Iraq vừa đi qua một cuộc chiến dài nhưng họ đã trở lại kinh doanh và kiếm bộn rồi. Thế thì tại sao ta cứ phải trả hóa đơn và không nhận lại được gì?
Tôi sẽ cho bạn câu trả lời. Đó là vì những vị được gọi là “các lãnh đạo” ở Washington hoàn toàn chẳng biết tí gì về thương thuyết và đàm phán. Nghe này, tôi đàm phán – những vụ lớn – mọi lúc. Tôi
quen biết và làm việc với tất cả những nhà điều hành rắn nhất thế giới tài chính toàn cầu rủi ro cao. Đó là những tay sát thủ tài chính tàn khốc, hung dữ và đầy tham vọng, kiểu người để mặc máu loang khắp bàn họp và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để giành được lợi ích tối đa. Và bạn đoán được điều gì không? Đó chính xác là kiểu nhà thương thuyết mà nước Mỹ cần, chứ không phải những tay “ngoại giao” vô dụng mà Tổng thống Obama cử đi khắp thế giới chơi trò tay đập tay với các chính phủ nước ngoài. Không, chúng ta cần những con người khôn ngoan có sống lưng bằng titan và bộ não lớn, có tình yêu nước Mỹ đủ để chiến đấu quyết liệt cho lợi ích của chúng ta. Ngoại trưởng George Shultz dưới thời Ronald Reagan từng triệu các nhà ngoại giao vào văn phòng, rồi đứng trước tấm bản đồ và hỏi họ đang đại diện cho nước nào. Khi họ chỉ ra nước mình được cử đi, ông chỉnh lại họ bằng câu nói: “Không, đó không phải là đất nước của anh, anh đại diện cho Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ”. Lãnh đạo bắt đầu từ người đứng đầu. Tổng thống là người xác lập không khí chung. Ronald Reagan đặt nước Mỹ lên trên hết, và ông biết cách thương thuyết. Barack Obama không hề giống Ronald Reagan – thậm chí gần giống cũng không. Đó là lý do tại sao chúng ta lại ở trong mớ hỗn loạn như lúc này.
Khi nào ta chưa có một tổng thống mới, các nghị sỹ của chúng ta sẽ vẫn còn bị chính phủ Iraq khinh khi, chính phủ ấy sẽ vẫn tiếp tục vận hành với một ngân sách thặng dư và phí tổn thuộc về ta, còn ta sẽ vẫn tiếp tục chịu tổn hại kinh tế vì chính phủ Iraq.
Ta không nợ Trung Đông bất kỳ lời xin lỗi nào. Nước Mỹ không phải là thứ không ổn với thế giới. Chúng ta là minh chứng cho thế giới về sự tự do. Không ai có thể sánh bằng người Mỹ. Chúng ta có trái tim cao cả – và lòng dũng cảm dám làm điều đúng đắn. Song, ta không phải là cảnh vệ của thế giới. Và nếu phải đảm nhiệm vai trò ấy, ta cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sự bảo vệ cũng có cái giá của nó. Nếu các quốc gia khác được hưởng lợi từ sự bảo vệ của lực lượng quân sự của ta, thì các quốc gia ấy phải chi trả phí. Có thế thôi!
Lãnh đạo thì đi xuống, giá xăng dầu lại tăng.
Ngoài vấn đề đơn giản là sự công bằng và ngoài việc giúp giảm nợ
quốc gia, việc lấy dầu còn đưa đến một lợi ích khác là nó sẽ giúp giảm đáng kể giá xăng dầu. Giá xăng dầu đang khiến nền kinh tế của chúng ta trở nên què quặt. Trong hai năm đầu của chính quyền Obama, giá xăng dầu đã nhảy lên một con số choáng váng 104%. Điều đó khó mà là “hy vọng và thay đổi” mà người Mỹ đã bầu chọn. Thế nhưng, nhiều nhà môi trường lại vui mừng và tung hô khi giá tăng. Logic của họ, nếu ta có thể gọi như thế, là thế này: Nếu lái xe ít hơn, ta sẽ thải ít khí carbon hơn, và có thể nói điều này sẽ giúp giảm bớt vấn đề vờ vịt là sự nóng lên toàn cầu. Xin đừng quên, khi còn là Thượng nghị sỹ, chính Obama đã gợi ý rằng có thể giá xăng dầu tăng là một điều tốt, song ông ta vẫn thích “điều chỉnh dần dần” hơn.
Giờ bạn thử nhìn vào Steven Chu được Obama bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông ta quả thực đã đi nói với tờ Wall Street Journal rằng: “Bằng cách nào đó, chúng ta phải tìm cách tăng giá xăng dầu cho bằng với mức giá ở châu Âu”. Thế nên đối với những ai để tâm chú ý, thì cái việc ta phải chứng kiến giá một ga-lông xăng dầu nhảy vọt 104% kể từ khi Obama được bầu làm tổng thống chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ông ta và đám ủng hộ ông ta ngay từ đầu đã đánh điện cho nhau như vậy. Mặc dù nghe có vẻ điên rồ, song họ muốn giá năng lượng cao hơn vì họ tin điều đó sẽ buộc người Mỹ lái xe ít hơn cũng như buộc các doanh nghiệp phải giãn hoạt động sản xuất và vận tải, một điều mà họ cho là tốt. Song thực tế là điều này sẽ càng khiến ta mất thêm nhiều việc làm và đẩy ta vào một tình thế kinh tế bất lợi hơn nhiều so với Trung Quốc. Họ, nói gì thì nói, đang đứng về phe nào đây?
Và đây là một vấn đề nữa: Chương trình Cap and Tax [Giới hạn và Thuế khóa] (hay như người ta thường gọi là chương trình Cap and Trade [Giới hạn và Thương mại]). Bạn nhớ chứ? Khi vận động tranh chức tổng thống, Obama đã thẳng thắn thừa nhận rằng kế hoạch đánh thuế lượng khí thải carbon vượt giới hạn mà ông ta đặt ra cho các doanh nghiệp sẽ đẩy giá năng lượng lên trời. Chính xác thì ông ta nói như sau:
Theo kế hoạch của tôi cho hệ thống “Giới hạn và Thương mại”, giá điện nhất định sẽ tăng mạnh, bất chấp cả những gì tôi nói về việc than tốt hay xấu, vì tôi đang hạn chế khí thải nhà kính, những nhà máy chạy bằng than, như bạn biết đấy, khí đốt tự nhiên, v.v... Bất kể đó là nhà máy gì, đó là ngành công nghiệp
nào, họ sẽ phải cải tiến hoạt động của mình. Việc này sẽ tốn tiền. Họ sẽ chuyển số tiền phải tốn ấy qua người tiêu dùng.
Hầu hết chúng ta sẽ lắc đầu hoài nghi trước điều này. Song, bạn thực sự cần phải hiểu nếp suy nghĩ cực đoan của phái cực Tả và việc vị tổng thống này cùng nhóm ủng hộ ngày càng teo tóp của ông ta cực đoan và phi thực tế đến thế nào so với những người khác trên đất nước này. Họ muốn chúng ta có giá năng lượng cao hơn, họmuốn tước khỏi nền kinh tế của chúng ta thứ nhiên liệu mà nó cần để phát triển, họ cố ý đặt thứ khoa học giả hiệu về sự ấm lên toàn cầu và kiểu quản lý nền kinh tế theo tinh thần xã hội chủ nghĩa – cả hai cùng với nhau – lên trước việc làm cho nền kinh tế của ta có đủ sức cạnh tranh và tạo ra cho người dân Mỹ những việc làm thật sự trong khối kinh tế tư nhân.
Sự thật là, ta sẽ không thấy sự tăng trưởng hay tạo ra được công ăn việc làm thật sự nào cho đến khi chúng ta kiểm soát được các chi phí năng lượng cắt cổ này. Cần có ai đó nói với vị tổng thống này rằng các chủ doanh nghiệp không phải là kẻ thù; họ là những người tạo ra việc làm. Chính phủ không thể tạo ra việc làm. Tất cả những gì chính phủ có thể làm là tăng thêm người ăn nhờ vào tiền của người đóng thuế. Tất cả những gì nó có thể làm là hủy hoại sự thịnh vượng của quốc gia chúng ta mà thôi.
Cách thiết thực để giúp 14,4 triệu người Mỹ thất nghiệp có lại việc làm không phải là thông qua hoạt động “chi tiêu kích cầu [kinh tế]” vốn chỉ khiến bạn, người đóng thuế, ký séc nuôi thêm nhiều nhân viên chính phủ. Cách thiết thực là hạn chế đánh thuế, cắt bớt các quy định không cần thiết, kìm kẹp [doanh nghiệp] và làm sao giữ giá hàng hóa và nhiên liệu ở mức thấp.
Nếu “vị thủ lĩnh tổ chức cộng đồng” của ta chịu dành thời gian tìm hiểu thương trường, hẳn ông ta sẽ biết rằng trong năm qua, các món như trái cây, mì ống, cà phê, thịt nguội và nhiều thực phẩm khác đã chứng kiến cú tăng giá 40%, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại – phần lớn là vì giá dầu đã đẩy chi phí vận chuyển và phân bón lên cao. Chừng nào ta còn chưa đưa được nguồn máu nuôi sống đất nước này – dầu mỏ – hạ xuống mức giá hợp lý, thì nền kinh tế Mỹ sẽ còn tiếp tục suy yếu, việc làm sẽ vẫn không được tạo ra và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cả ngày càng leo thang.
Chúng ta có thể nói cả ngày về những chiếc cối xay gió, năng lượng hạt nhân, nhiên liệu mặt trời, nhiên liệu địa nhiệt và các nguồn nhiên liệu thay thế khác. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế dầu, song đó là về lâu về dài. Sự thật là, ngay lúc này và trong tương lai có thể thấy trước, hành tinh này vẫn sẽ hoạt động nhờ dầu – và điều đó có nghĩa là ta cần giảm giá một thùng dầu – có lẽ thậm chí phải giảm xuống đến tầm 20 đô-la/ thùng – và đám trẻ sẽ khiến nền kinh tế của ta bùng nổ.
Tổng thống Obama có làm điều đó không? Không. Ông ấy đi vòng quanh đất nước thuyết giáo mọi người rằng họ cần mua xe lai ghép dùng cả điện và xăng, rồi nhảy vào chiếc limousine và chuyên cơ Air Force One xả khí carbon ầm ầm dành riêng cho tổng thống. Tôi cũng có một chiếc phản lực riêng, song ở đây có hai điểm khác nhau: Tôi tự trả tiền, và tôi không đi khắp nơi phẩy tay vào mặt mọi người để thuyết giáo họ về những điều tệ hại của việc đi lại và hạn chế quyền tự do kinh tế của họ.
Obama đã hứa sẽ tạo ra hàng triệu cái gọi là việc làm “xanh”. Ông ấy dùng lời hứa này để biện minh cho việc chính phủ của mình cho không các công ty năng lượng xanh những khoản khổng lồ giá trị hàng tỷ, hàng tỷ đô-la tiền thuế của người dân. Giờ thì chúng ta đang thấy kết quả của lời hứa Obama và dự án lớn của chính phủ. Solyndra, một công ty sản xuất tấm năng lượng mặt trời của Mỹ, hóa ra là một thất bại hoàn toàn. Họ đang phải bán các tấm pin mặt trời 6 đô-la với giá 3 đô-la. Không cần phải là thiên tài mới nhận ra đó là một thất bại về mô hình kinh doanh. Nhưng chủ hãng Solyndra, tỷ phú George Kaiser là nhà quyên góp lớn cho Obama và là một thành viên trong “bộ sậu” gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của vị tổng thống này. Thế nên, chính quyền Obama đã đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cho công ty này một khoản vay trị giá 535 triệu đô-la có sự bảo đảm của chính quyền liên bang. Obama tin tưởng Kaiser và hãng Solyndra nhiều đến mức ông này đã tham dự một sự kiện quan hệ công chúng ra trò tại Solyndra để thực hiện bài phát biểu tán dương Solyndra, những việc làm xanh, và biện minh cho việc tại sao người đóng thuế phải bỏ tiền ra kích thích các công ty xanh. Như ai cũng có thể đoán được, công ty này đã phá sản, 1.100 công nhân của nó mất việc làm, và người đóng thuế Mỹ mất số tiền hơn nửa tỷ đô-la.
Nước Mỹ không có thời gian để chơi đùa. Đất nước này đang gặp rắc rối lớn. Đã đến lúc phải nghiêm túc và nhìn thẳng vào sự thật.
Hiện tại, chúng ta đang phải trả hơn 85 đô-la cho một thùng dầu. Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ sử dụng khoảng 7 triệu thùng/năm. Thử làm phép tính xem. Chỉ riêng mình chúng ta một năm cũng đã chuyển hàng trăm tỷ đô-la cho các quốc gia OPEC, những kẻ ghét cay ghét đắng ta. Và một lần nữa, chúng ta đang đưa toàn bộ số tiền này cho những chính quyền sôi sục lòng căm ghét nước Mỹ. Đó là một chính sách ngu xuẩn.
Chống lại các trùm dầu mỏ.
Với sự lãnh đạo đúng đắn, chúng ta có thể giảm giá dầu xuống đến 40-50 đô-la/thùng, nếu không muốn nói là 20 đô-la/thùng như tôi gợi ý trước đó. Nhưng, để làm được điều đó, ta cần một tổng thống cứng rắn với những kẻ tăng giá thật – không phải những cây xăng nội địa, mà là những liên hiệp xí nghiệp (cartel) phi pháp đang nắm giữ sự thịnh vượng của Mỹ làm con tin, tức OPEC. OPEC là tên viết tắt của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ, được thành lập tại Hội nghị Baghdad tháng 9 năm 1960 bởi các ông bạn chí cốt của ta là Iran, Venezuela, Ả-rập Xê-út, Iraq và Kuwait. Từ đó đến nay, OPEC có thêm các thành viên là Angola, Ecuador, Qatar, Algeria, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nigeria và ông bạn thân của ta là Libya. Thế là ở đây ta sẽ có 12 gã (trong trường hợp này quả thật tất cả đều là đàn ông) ngồi quanh một chiếc bàn tròn bàn bạc và ấn định giá dầu. Bây giờ, nếu bạn có một cửa hàng, tôi có một cửa hàng, và hai chúng ta thông đồng nhau để đặt giá, ta sẽ đi tù. Ấy thế mà, đấy chính là việc mà mấy gã đó đang làm, và chả ai buồn nhấc ngón tay. Và điều tệ nhất là 12 nước OPEC này đang kiểm soát 80% trữ lượng dầu mỏ có thể tiếp cận trên thế giới.
Ta hãy cùng nhìn kỹ lại danh sách các thành viên sáng lập OPEC. Trước hết là Iran. Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã kêu gọi xóa sổ đồng minh Israel thân thiết của ta khỏi bản đồ. Ông ta nói rằng các vụ tấn công khủng bố New York ngày 11 tháng 9 là âm mưu của chính quyền Mỹ. Ông ta tin rằng Cuộc tàn sát người Do Thái là “chuyện hoang đường”. Chế độ của ông ta đang phát triển các vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Kế đó là Venezuela của Tổng thống Hugo Chávez. Trong suốt một bài phát biểu dông dài tại Liên Hiệp Quốc, Chávez đã gọi Tổng thống George W. Bush là “con quỷ”. Tháng 1 năm 2010, chiếc loa phát ngôn của ông ta ở Venezuela, Vive TV, đã ra một thông cáo báo chí nói rằng
200.000 nạn nhân vô tội trong vụ động đất khủng khiếp ở Haiti thực ra là bị giết bởi một món “vũ khí gây động đất” của Mỹ. Rồi, hãy nhìn sang Ả-rập Xê-út. Đây là kẻ tài trợ quân khủng bố lớn nhất thế giới. Ả-rập Xê-út rút tiền mua xăng dầu của ta – tiền của chính chúng ta – để tài trợ cho những tên khủng bố đang tìm cách hủy diệt dân tộc ta, trong khi người Ả-rập lại dựa vào chúng ta để bảo vệ mình! Rồi đến Kuwait, đất nước mà có lẽ còn chẳng tồn tại nếu ta và các đồng minh của ta không tiến hành cuộc Chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất đập tan sự hung hãn của Saddam. Và dĩ nhiên còn Iraq nữa, một đất nước mà vì tự do của nó, ta đã trả cái giá hơn một nghìn tỷ đô-la và hơn 4.000 nam, nữ quân nhân chết trận. Những nước ấy có giúp gì ta đâu. Thông qua OPEC, bọn họ vắt kiệt ta đến từng đồng có thể.
Amy Myers Jaffe, một chuyên gia năng lượng của Viện Chính sách Công James A. Baker III tại Đại học Rice, đã thực hiện một nghiên cứu xác định giá sản xuất thực của một thùng dầu. Giá của một thùng dầu thời điểm đó là 60 đô-la. Jaffe phát hiện ra rằng chi phí thực để sản xuất một thùng dầu khi đó là 15 đô-la, bằng chính xác 1/4 giá thực tế trên thị trường. Điều này có nghĩa là bạn đang nhìn thấy mức cộng giá 400% trước khi dầu được chuyển đến nhà máy lọc để biến thành khí đốt. Một lần nữa, nếu bạn hoặc tôi làm thế, chúng ta chắc chắn sẽ bị gông cổ vào tù, vì thông đồng ấn định giá là phi pháp. Nhưng mấy gã trùm dầu khí đó vẫn làm thế hết năm này đến năm khác và cười vang trên đường đến ngân hàng. Bọn chúng tuyên bố bọn chúng không hạn chế việc sản xuất dầu để kích giá, song đó là một lời nói dối. Năm 1973, OPEC sản xuất 30 triệu thùng một ngày. Thử đoán xem năm 2011 chúng sản xuất bao nhiêu? Đúng rồi, đúng lượng như thế. Sản lượng không nhúc nhích một ly. Lý do cho điều này không phải vì các nước OPEC đã đạt đến đỉnh sản xuất dầu. Nói cho cùng, như Robert Zubin đã chỉ ra, ngay tháng 4 năm 2011 vừa qua, Ả-rập Xê-út tuyên bố bọn họ sẽ cắt giảm sản lượng 800.000 thùng/ngày, vì vậy còn lâu họ mới đến gần chỗ sản xuất hết công suất. Thay vào đó, OPEC siết chặt sản lượng dầu để giá dầu tăng vọt như tên lửa và nước Mỹ phải chi trả.
Nếu không phải là nhờ chúng ta, các nước OPEC thậm chí còn không tồn tại – chính tiền của ta đã giúp họ giàu có và quân đội của ta đã giải phóng Iraq và giữ cho Kuwait, Qatar, Ả-rập Xê-út không bị Saddam Hussein (hay giờ đây có khả năng là Iran) nuốt chửng. Một nhà thương thuyết khôn ngoan sẽ sử dụng đòn bẩy đô-la, pháp luật và lực lượng quân sự của ta để có được thỏa thuận tốt hơn từ OPEC. Đã
đến lúc phải cứng rắn! Và khôn ngoan!
Kiện OPEC.
Ta có thể bắt đầu bằng cách kiện OPEC vì đã vi phạm các luật chống độc quyền.
Hiện nay, khởi kiện chống OPEC là một việc khó. Việc này thậm chí còn bị một tòa án liên bang năm 2002, và các tòa phúc thẩm sau đó làm cho thêm phần phức tạp khi ra phán quyết rằng: “Theo tình trạng hiện tại của các điều luật liên bang của ta, các quốc gia thành viên của OPEC được miễn trừ bị kiện cho những tổn hại mà các hoạt động thương mại của họ gây ra khi họ hành động thông qua OPEC”. Cách sửa chữa điều này là đảm bảo rằng quốc hội sẽ thông qua và tổng thống sẽ ký “Đạo luật Không Cartel Sản xuất và Xuất khẩu dầu khí” (NOPEC) (S. 394), một dự luật sẽ bổ sung cho Đạo luật Chống độc quyền Sherman và khiến bất kỳ chính phủ nước ngoài nào hành động tập thể với mục đích hạn chế sản xuất và định giá dầu đều là phạm pháp. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ dọn đường cho Mỹ kiện hành vi định giá và phản cạnh tranh của các quốc gia thành viên OPEC.
Một trong những người khôn ngoan trong cuộc thảo luận này là Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa ở bang Iowa, Chuck Grassley, một nhà đồng bảo trợ cho dự luật này. “Đã đến lúc phải thông qua dự luật này,” Grassley nói: “OPEC cần biết chúng ta kiên quyết ngăn chặn hành vi phản cạnh tranh”.
Đây là một tin tốt: Từ năm 2000, dự luật này đã bốn lần được Ủy ban Tòa án của Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng, và vào tháng 5 năm 2008, dự luật NOPEC được Nghị viện thông qua khi Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát. Và giờ là tin xấu: Tổng thống George W. Bush đã hốt hoảng và dọa sẽ phủ quyết dự luật này vì ông e rằng, với diễn biến ác liệt của các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, đạo luật NOPEC có thể khơi dậy “hành động trả đũa”. Lo sợ của Bush là sai lầm. Trước hết, các nghệ sỹ đang moi tiền dầu của ta. Họ sẽ làm gì? Khoanh tay lại, nổi cơn tam bành, từ chối bán dầu cho ta và để mất hàng tỷ, hàng tỷ đô-la sao? Cho tôi xin. Và hai là, họ đã tiến hành “hành động trả đũa” rồi: Nó được gọi là cú tăng vọt 104% trong giá dầu kể từ khi Obama nắm quyền.
Thomas W. Evans từng là cố vấn cho Tổng thống George H. W. Bush và Ronald Reagan. Evans nói rằng khi OPEC hay các quốc gia thành viên của tổ chức này nhận ra khả năng tổn thất khổng lồ mà họ có thể gặp phải và thấy được các hành động phi pháp của họ sẽ bị kiểm soát như thế nào, họ sẽ buộc phải tìm kiếm một dàn xếp liên quan đến sản lượng mục tiêu giúp đưa giá cả đến gần hơn với chi phí thực tế. Hiệu ứng thuần túy, theo Evans, là giá xăng dầu tại trạm và nhiên liệu sưởi ấm sẽ giảm, và mức giảm này sẽ lớn đến mức chúng có thể vượt qua 168 tỷ đô-la mà chính phủ đã chi cho gói kích cầu liên bang năm 2008. Về hậu quả có thể xảy đến, ông nói chính điều tôi nói: Cứng rắn là khôn ngoan. Kiện OPEC “chắc chắn sẽ khiến các lãnh đạo chính trị ở Trung Đông nổi giận”, Evans viết: “Nhưng ngay lúc này Trung Đông ổn định ra sao nào? Và chẳng phải khởi kiện thì tốt hơn khởi chiến sao?”
Hãy hình dung một người Mỹ bình thường có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu chúng ta hạ gục được cartel OPEC. Hãy hình dung chúng ta sẽ vững mạnh về kinh tế như thế nào nếu khiến Chính phủ Iraq đồng ý với kế hoạch chia sẻ phí tổn trả cho ta 1,5 nghìn tỷ đô-la mà ta đã bỏ vào công cuộc giải phóng Iraq để họ có thể có một chính quyền dân chủ. Chỉ hai hành động này của giới lãnh đạo thôi cũng sẽ đưa lại bước nhảy vọt về phía trước cho đất nước ta. Và bằng cách này, nó sẽ giúp chúng ta được thế giới trọng nể trở lại. Thật đáng buồn cho cách Tổng thống Obama để nước Mỹ bị lạm dụng và đối xử tàn tệ. Tất cả những gì chúng ta cần làm là khôn ngoan lên và dũng cảm bắt đầu sửa chữa mọi chuyện.
Sử dụng tài nguyên của nước Mỹ và tạo việc làm.
Vậy đấy, việc đầu tiên phải làm là ta nắm lấy dầu bằng các kế hoạch chia sẻ phí tổn mà ngay cả GAO cũng đã nói là khôn ngoan và khả thi. Hai là, ta sẽ đánh vào ví tiền của OPEC và kìm cương họ bằng việc ký vào đạo luật lưỡng đảng NOPEC. Và việc thứ ba chúng ta cần làm là tận dụng một trong những tài sản chính của đất nước ta – khí đốt tự nhiên. Chúng ta là “Ả-rập Xê-út” về khí đốt tự nhiên, song ta lại không dùng đến. Gần đây, Abu Dhabi đã yêu cầu mọi phương tiện vận tải của họ chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên, nhờ đó họ có thể bán cho ta dầu mỏ đắt đỏ của họ. Thậm chí, họ còn nhận ra khí đốt tự
nhiên hiệu quả như thế nào. Nó sạch hơn, rẻ hơn và tốt hơn. Thế thì tại sao ta không sử dụng nó làm lợi cho mình?
Bạn có biết với trữ lượng khí đốt tự nhiên mà ta có ở Mỹ, ta có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của Mỹ trong 110 năm tới không? Đó không phải là tôi tự tính ra, chính Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nói đấy. Thực tế là, một trong những mỏ khí đốt chính, tức mỏ đá phiến Marcellus, có thể cung cấp năng lượng tương đương với 87 tỷ thùng dầu. Một số nhà phê bình tin rằng con số này đã bị thổi phồng. Thì có sao! Cứ cho con số thực là 55 năm sử dụng năng lượng, hay ta chỉ có năng lượng trị giá 43 tỷ thùng dầu đi, thế thì sao? Điều đó cũng cho ta thêm thời gian để cách tân và phát triển những dạng năng lượng mới hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn và rẻ hơn rồi.
Vấn đề là cứ ngồi đó mà vò đầu bứt tóc cả ngày thì chẳng việc gì xong được. Đúng vậy đấy, tôi muốn chúng ta chiết xuất khí đốt từ đá phiến sét một cách an toàn và có trách nhiệm. Ai lại không làm nhỉ? Nhưng các nhà môi trường cực đoan lại nhìn nhận mọi việc xa đến mức họ sẽ chẳng bao giờ hài lòng, và việc đó xảy ra quá thường. Họ ủng hộ năng lượng hạt nhân, rồi họ quay sang chống nó. Họ thích khí đốt tự nhiên, rồi họ không thích nó vì các kỹ thuật khoan mới. Họ muốn cối xay gió có mặt ở khắp mọi nơi, rồi họ phản đối chúng vì chúng chém chim chóc thành từng mảnh và tạo ra “ô nhiễm thị giác” (điều này thì tôi đồng ý!). Họ yêu ethanol, rồi họ lại không yêu nó nữa vì nó ngốn một lượng lớn đất canh tác và châm ngòi cho những cuộc bạo động thực phẩm ở châu Phi khi giá ngũ cốc tăng. Họ thích xe điện, rồi họ lại không thích nó nữa vì họ nhận ra một nửa nguồn điện năng đến từ than đá và họ ghét than đá. Cứ thế và cứ thế. Trong khi đó, nền kinh tế của đất nước ta thì cứ chìm dần như một hòn đá.
Điều người ta cần biết là những gì nhà kinh tế học bảo thủ và cây bút vĩ đại Thomas Sowell đã dạy: trong thế giới kinh tế, không có cái gọi là “giải pháp”, chỉ có thỏa hiệp. Mỗi hành động đều có một hệ quả. Mỗi quyết định đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nên, ta phải đưa ra những quyết định khôn ngoan, giảm thiểu thiệt hại và tăng tối đa sự tự do. Một trong nhiều lý do tại sao tôi là một người bảo thủ là vì tôi tin vào cái gọi là Quy luật về các Hệ quả Không mong muốn – tức ý tưởng cho rằng bất kể các ý đồ của chính quyền tốt đến đâu, khi bạn bắt đầu kiến thiết xã hội hay làm rối thị trường tự do, thì rất nhiều khi bạn sẽ mở đúng phải chiếc hộp Pandora đầy những điều tiêu cực
mà bạn không hề thấy rằng chúng sẽ xuất hiện.
Thế nên, về vấn đề năng lượng, ta cần khảo sát và phát triển nhiều lối tiếp cận… và tôi cũng tính đến cả việc khoan dầu ngay tại đất nước chúng ta. Đúng, vụ tràn dầu của BP tệ đấy, nhưng đó không phải lý do để thắt chặt gọng kìm kiểm soát việc khoan dầu trong nước. Điều đó không cho thấy chút vai trò lãnh đạo nào. Nó chỉ cho thấy rằng chính quyền Obama được lèo lái bằng hội chứng hysteria hơn là bằng các dữ kiện thực tế.
Bạn muốn biết vài dữ kiện thực tế ư? Đây là một dữ kiện thực tế mà bất kỳ ai từng nghiên cứu các nguồn cung cấp dầu trên biển đều biết: “Mỗi ngày có đến hàng chục triệu ga-lông dầu thô rò rỉ ra biển. Một cách tự nhiên, từ đáy biển,” như David Ropeik, Đại học Harvard, một cơ sở không về phe cánh hữu, đã viết. Tôi cũng đọc được từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ rằng đại dương là kẻ cần đổ lỗi vì đã góp “nhiều dầu nhất vào môi trường biển”. Thế nên, nếu những kẻ bảo vệ môi trường cực đoan muốn lôi ai ra mà than, thì có lẽ đó chính là Mẹ Trái đất ấy.
Dĩ nhiên, vấn đề thực sự là những người phản đối việc khoan dầu ở Mỹ đơn giản là không muốn việc khoan dầu diễn ra ngay ở sân sau nhà mình mà thôi. Họ làm ngơ thực tế rằng dù gì đi nữa thì những cái hố đó cũng sẽ được khoan vào lòng hành tinh này thôi. Ta nên khoan chúng trên đất của mình, tạo ra công ăn việc làm và giữ lấy doanh thu từ nó thay vì xuất khẩu việc đó sang Trung Đông. Bạn có nhớ khi Obama đưa ra bài phát biểu năm 2008 tại Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ và nói rằng ông ấy sẽ “đầu tư” 150 tỷ đô-la để năng lượng có thể phục hồi trong 10 năm tới và sẽ tạo ra “5 triệu việc làm mới”? Rồi tuyên bố đó đã biến thành thứ gì? Ông ấy đã tiêu 80 tỷ đô la của các bạn và của tôi, và với sự chấp thuận của Hội đồng Các nhà Cố vấn Kinh tế của riêng ông ấy, “đã tạo ra hay đã cứu” được đúng 225.000 việc làm. Hãy thử tính những con số này: Mỗi cái gọi là việc làm “xanh” mà chúng ta đã tạo ra hay “cứu” được”, bất kể nó có nghĩa là gì, tiêu tốn 335.000 đô-la.
Buồn thay, khi nói đến việc sử dụng ngành công nghiệp năng lượng để tạo ra việc làm cho người Mỹ, Obama đã gây ra một thảm họa. Ông ấy đang đánh mất đi cơ hội lớn có thể vừa mang lại cho rất nhiều người những việc làm chất lượng tốt, vừa giúp đất nước ta trở lại với nền tảng kinh tế vững chắc. Hãy nhìn xem ông ấy quản lý lầm
lẫn thế nào trong việc khoan dầu ngoài đại dương. Ở đây, tại đất nước mình, ông ấy vẫn giữ các lệnh cấm khoan dầu ngoài bờ biển của ta. Thế mà ông lại đến Brazil, cho họ 2 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ, rồi nổ rằng ông ấy tự hào và phấn khởi khi biến Mỹ thành một trong “những khách hàng tốt nhất” của Brazil. Đó là kiểu lãnh đạo yếu nhược nhất mà ta có thể tưởng tượng ra được. Hãy nghĩ thử xem. Nếu Obama ủng hộ việc khoan dầu ngoài khơi Brazil và đặt hàng tỷ đô-la của chúng ta vào tay họđể làm việc ấy, thế thì tại sao chúng ta không thể khoan dầu ở Mỹ và tạo ra nhiều việc làm cũng như giảm sự phụ thuộc vào các nguồn dầu nước ngoài?
Việc Obama đã quyết định khai thác Kho Dự trữ Dầu Chiến lược của quốc gia ta – một kho chứa 727 triệu thùng dầu dùng khi khẩn cấp, có giá trị bằng 34 ngày sử dụng hàng năm của Mỹ – và dùng sạch 30 triệu thùng nhằm giảm giá dầu mùa hè để có thể kích tỷ lệ tán thành đang teo tóp dần của ông là một điều không chấp nhận được. Song, trớ trêu thay, quyết định của ông ấy chỉ chứng tỏ điều mà ai cũng biết: Nếu thị trường có thêm nhiều dầu được sản xuất trong nước, giá xăng dầu sẽ giảm. Chấm hết.
Vậy nên, cứ khoan dầu đã. Và hãy làm điều đó ngay tại Mỹ. Đó không những là một việc làm khôn ngoan mà còn mang tính chiến lược – Trung Đông cần nhận một thông điệp to và rõ ràng rằng chúng ta sẽ thôi nhượng bộ trước họ. Chúng ta sẽ thức dậy, đứng lên và biến nước Mỹ trở lại thành cường quốc như trước kia.
Nắm lấy dầu, kiện OPEC và khoan dầu trong nước – nếu chúng ta làm được ba việc lớn này, ta sẽ đi đúng hướng để tái dựng sức mạnh, sự thịnh vượng, công ăn việc làm và cơ hội cho nước Mỹ. Việc đó có khó khăn không? Chắc chắn là có. Nhưng đó chính là điều làm cho chúng ta là người Mỹ: Chúng ta làm những việc khó khăn và làm tốt… nếu ta có được sự lãnh đạo đúng đắn.
Chương 3. Đánh thuế Trung Quốc để cứu việc làm Mỹ
Nói thẳng: Trung Quốc không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của ta với tốc độ âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ là không thể vãn hồi.
Có nhiều điều về sức mạnh Trung Quốc mà Obama và các đồng sự ủng hộ thuyết toàn cầu của ông ấy không muốn bạn biết. Nhưng, không một ai biết sự thật lại có thể ngồi yên và làm ngơ việc cường quốc kinh tế này [Mỹ - ND] sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm đến thế nào nếu các vị mà ta gọi là lãnh đạo ở Washington không cùng xắn tay hành động, bắt đầu đứng lên bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ và ngừng chuyển chúng ra thuê ngoài ở Trung Quốc. Người ta dự đoán rằng đến năm 2027, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – và điều này sẽ xảy ra nhanh hơn nữa nếu các xu hướng thảm họa trong nền kinh tế của Obama vẫn còn tiếp diễn. Nghĩa là trong vài năm tới, Mỹ sẽ bị nhấn chìm bởi cơn sóng thần kinh Trung Quốc – tôi đoán là đến năm 2016, nếu ta không hành động nhanh.
Điều này không xảy ra trong một đêm hay bất thần từ chân không. Chúng ta cứ ngần ngừ và làm ngơ trước những dấu hiệu cảnh báo suốt nhiều năm. Sự thật là, chúng ta đã thất bại nặng nề về công ăn việc làm trước Trung Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush. Thậm chí trước khi rơi vào thảm họa việc làm do Tổng thống Obama gây ra, thì từ năm 2001 đến năm 2008, Mỹ đã mất 2,4 triệu việc làm
vào tay Trung Quốc.
Hơn 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 9-10% một năm. Nhưng dưới thời Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc đã phát đạt nhanh một cách bất thường và Mỹ cũng thua lỗ nhanh một cách bất thường. Chỉ riêng quý I năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ vũ bão 9,7%. Còn tỷ lệ tăng trưởng quý I của Mỹ thì sao? Một con số đáng xấu hổ: 1,9%. Các chính sách cùng phản ứng yếu ớt của Barack Obama trước việc Trung Quốc thao túng đồng tiền nước này, đột kích công ăn việc làm của ta và tấn công nền tảng sản xuất của ta càng làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn so với khi chúng ta hành động khác đi. Chúng ta có 14,4 triệu người mất việc. Chúng ta cần hành động.
Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang đến bước quyết định. Chúng ta chỉ có rất ít thời gian để đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết nhằm giữ vững vị thế của ta trên thế giới. Cứ khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng gấp đôi. Đó là một thành tựu kinh tế khủng khiếp, và đó cũng là lý do tại sao hết năm này đến năm khác họ đánh bại ta về thương mại. Ngay lúc này, ta đang có một khoản thâm hụt thương mại khổng lồ là 300 tỷ đô-la với Trung Quốc. Nghĩa là mỗi năm Trung Quốc kiếm được từ Mỹ khoảng 300 tỷ đô-la. Khi tôi tham gia các buổi nói chuyện trên truyền hình và các chương trình tin tức, tôi nói ra con số đó, và mọi người thậm chí còn không thể hình dung nổi trong đầu một con số lớn như thế, song đó là sự thật. Chỉ tính riêng sự mất cân bằng thương mại thôi, thì cứ ba năm Trung Quốc lại gửi ngân hàng gần một nghìn tỷ đô-la của ta. Và đáng buồn thay, trong khi công nghiệp chế tạo của Mỹ từng là vô địch, thì giờ đây, vì chuyện Trung Quốc lừa ta bằng đồng tiền của họ, nên các công ty Mỹ không thể cạnh tranh về giá, dù ta làm ra những sản phẩm tốt hơn nhiều. Bởi vậy, bây giờ Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhân đây cũng xin nói thêm là họ cũng có hơn ba ngàn tỷ đô-la ở ngân hàng dự trữ nước ngoài. Đó là số tiền đủ để Trung Quốc mua cổ phần chi phối mọi công ty lớn nằm trong danh sách chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones – các công ty như Alcoa, Caterpillar, Exxon Mobil, hay Walmart – và vẫn dư hàng tỷ đô la trong ngân hàng.
Cứ 6 người trên hành tinh này thì có một người là người Trung Quốc. Dân số 1,3 tỷ người của họ vượt ta với tỷ lệ khoảng 4 trên 1. Đó là một nguồn nhân tài khổng lồ để xây dựng các doanh nghiệp, cung
cấp nhân lực cho các khu chế xuất, đáp ứng đủ nhân sự cho các tổ chức giáo dục ưu tú, và xây dựng một lực lượng quân sự khổng lồ.
Một mối quan ngại lớn khác nữa là việc hằng năm Trung Quốc có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Cho đến nay, Mỹ vẫn vượt Trung Quốc về tỷ lệ tốt nghiệp đại học xét trên toàn bộ dân số, nhưng bạn phải hỏi liệu các trường đại học của ta có cho ra đời những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết để cạnh tranh không. Tôi đọc thấy quá nhiều câu chuyện về các tập đoàn phải tổ chức các lớp giáo dục bổ túc cho nhân viên. Và khi bạn nhìn vào điểm thi ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, thì thật đáng báo động. Trong một nghiên cứu quốc tế có uy tín năm 2010 về trẻ em trong độ tuổi 15, Mỹ xếp thứ 25 trên 34 quốc gia về toán học. Còn Trung Quốc xếp thứ mấy? Thứ nhất. Thực tế là, học sinh Thượng Hải không những đứng nhất ở môn toán mà còn đứng nhất về môn đọc và khoa học. Họ hoàn toàn hạ gục ta – và tất cả những người khác. Chắc chắn, nghiên cứu này hơi thiên lệch vì họ chỉ lấy mẫu học sinh ở Thượng Hải vốn là nơi có nhiều học sinh thông minh nhất Trung Quốc theo học. Nhưng, ngay cả tờ tạp chí có tinh thần tự do TIME cũng chỉ ra rằng, khi bạn xem xét những thay đổi nhân khẩu cực lớn đang diễn ra ở Mỹ, thì nguy cơ về giáo dục đã bắt đầu lấp ló phía trước. Chỉ trong một thế hệ nữa thôi, chúng ta sẽ là một quốc gia thiểu số trở thành đa số, và hiện thời có một con số đáng sợ là 40% trẻ em Mỹ Phi và Mỹ Latin thậm chí không tốt nghiệp trung học phổ thông (chứ chưa nói đến đại học).
Trong tư thế là mục tiêu tấn công của Trung Quốc.
Theo bạn thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có kế hoạch đưa hầu hết các lợi thế kinh tế và giáo dục của Trung Quốc nhắm vào đâu? Chính xác rồi đấy, vào các ngành công nghiệp quân sự và vũ khí. Theo tiết lộ của một thông báo mới từ Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường lục quân, thủy quân và rót hàng triệu đô-la vào việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ I, tàu ngầm tấn công tiên tiến, các hệ thống phòng không tinh vi, các hệ thống chiến tranh không gian công nghệ cao và bổ sung cho kho tên lửa đạn đạo. Phản ứng trước sự tăng cường vũ trang quân sự của Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Michael Mullen đã nói: “Người Trung Quốc có mọi quyền phát triển quân sự họ muốn.
Chỉ là tôi không thể hiểu nổi tại sao một số năng lực này, dù là [máy bay tàng hình J-20], hay thiết bị chống vệ tinh, hay vũ khí chống tàu chiến, thì phần nhiều lại có vẻ nhắm thẳng vào Mỹ.”
Những gì Trung Quốc đang làm trên mặt trận chiến tranh mạng cũng đáng báo động. Khi điều trần trước Ủy ban Quốc hội, Phó Tổng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Tướng James Cartwright, nói rằng Trung Quốc có liên quan rất sâu đến việc do thám thông tin máy tính của các mạng lưới thuộc cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Tướng Cartwright giải thích rằng gián điệp mạng có thể cô lập các điểm yếu của mạng vi tính và cho phép người Trung Quốc ăn cắp tin tức tình báo quý giá.
Vậy ta phải làm gì đây?
Trung Quốc đưa đến ba mối đe dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng, nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất của ta một cách có hệ thống; gián điệp công nghiệp và chiến tranh mạng chống lại Mỹ. Người Trung Quốc đã hà hiếp ta nhiều năm rồi. Nhưng, chính quyền Obama có vẻ gần như đồng lõa trong việc muốn giúp người Trung Quốc giẫm đạp lên ta. Obama tuyên bố ta không thể làm những việc có lợi cho ta, bởi nó có thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến thương mại” – làm như thể lúc này ta không ở trong một cuộc chiến như thế vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua các mối đe dọa của Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và một nhà thương thuyết cứng rắn.
Việc Trung Quốc thao túng trên quy mô lớn đồng tiền của nước này có mục đích đẩy mạnh xuất khẩu của họ và hủy hoại các ngành công nghiệp nội địa của ta. Khi chính quyền Trung Quốc thao túng đồng nguyên [yuan] (đơn vị tiền Trung Quốc, có lúc còn được gọi là nhân dân tệ) và định giá thấp nó, họ có thể bán hàng cho các nước khác với giá thấp hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ, vì đồng tiền của ta được định giá ở mức giá thị trường chính xác hơn. Nghĩa là, hàng hóa của ta được định giá cao hơn, và việc này khiến chúng kém cạnh tranh hơn.
Nhiều nhà phân tích đã cố xác định giá trị thực của đồng tiền Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói chắc vì giá trị luôn thay đổi. Tuy nhiên, quả thật dường như cũng có một sự nhất trí là đồng nhân dân tệ có vẻ bị định giá thấp đâu đó trong khoảng 40-50% so với giá
trị thực của nó. Nghĩa là người Trung Quốc có thể định ra mức giá chỉ bằng nửa giá của một nhà sản xuất Mỹ cho một hàng hóa hay dịch vụ tương tự. Điều này báo hiệu nguy cơ người lao động Mỹ mất công ăn việc làm, và đó chính xác là chuyện đang xảy ra ngay lúc này.
Hãy nhìn vào những gì mà hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã gây ra cho ngành công nghiệp thép của ta. Là một nhà thầu xây dựng nhiều tòa nhà xa hoa khổng lồ, tôi có thể cho bạn biết rằng công nghiệp thép có ý nghĩa sống còn đối với sức mạnh kinh tế của ta, và là một khoản chi phí quan trọng trong bất cứ công trình xây dựng nào. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Hoa Kỳ (AISI), hành động định giá thấp tiền tệ của Trung Quốc là hình thức “trợ giá lớn nhất” cho các nhà sản xuất Trung Quốc, là “chìa khóa” cho sự bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, và là “một nguyên nhân chính” cho sự mất cân bằng cấu trúc toàn cầu đang góp phần dẫn đến sự sụp đổ tài chính gần đây của Mỹ.
Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng khác đã giúp ngành sản xuất thép thô của Trung Quốc nhảy vọt từ 15% tổng sản lượng toàn cầu năm 2002 lên một con số cao đến không ngờ là 47% năm 2008. Năm 2002, Mỹ chỉ nhập khẩu 600.000 tấn thép (3% trên toàn bộ số thép nhập) từ Trung Quốc. Đến năm 2008, Trung Quốc đã khiến chúng ta phải mua 5 triệu tấn thép. Và một lần nữa, họ làm được điều này chủ yếu là nhờ việc định giá thấp đồng nhân dân tệ.
Kinh tế gia Alan Tonelson đã rất đúng khi viết:
Những nhà quan sát khác, như Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Alabama Richard Shelby, cũng thấy rõ. “Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang thao túng đồng tiền của nước này để trợ giá cho hàng xuất khẩu,” Shelby nói. Về việc Trung Quốc mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, Shelby nói: “Có lẽ đã đến lúc cần có điều luật mới để đảm bảo Bộ Tài chính chăm lo cho người lao động Mỹ, chứ không phải mấy gã chủ nợ Trung Quốc.”
Là nền kinh tế dẫn đầu thế giới, chúng ta là người bị thương tổn nặng nề nhất bởi các hoạt động thương mại dối trá của Trung Quốc – và bất kỳ có chút hiểu biết về kinh tế học đều biết là tôi đúng. Như CNN Money đã nói: “Hầu hết các nhà kinh tế học sẽ đồng ý với logic của Trump rằng Trung Quốc đang giữ giá trị đồng tiền của nước này ở mức thấp để giúp các nhà sản xuất của họ có lợi thế khi bán hàng sang Mỹ.”
Dĩ nhiên, trở lại năm 2008 trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, Barack Obama đã rất hưng phấn khi lớn tiếng phát biểu về những tác động tiêu cực của hành động thao túng tiền tệ. Khi còn là ứng cử viên, ông ấy thậm chí còn tán thành một dự luật sẽ thay đổi luật hiện hành để “định nghĩa thao túng tiền tệ như một hành động trợ giá cần áp thuế đối kháng (thuế chống phá giá)”. Giờ thì hãy tua nhanh đến năm 2012. Hiện nay, Obama lại nói những lời ngon ngọt về chủ đề này và thực hiện thuật ngoại giao “khẩn khoản” thường thấy của ông ấy với người Trung Quốc. Thử nghe những gì vị tổng thống này nói về việc Trung Quốc định giá thấp đồng tiền của mình: “Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục mong giá trị đồng tiền của Trung Quốc ngày càng được định hướng theo thị trường, việc này sẽ giúp đảm bảo rằng không quốc gia nào có lợi thế kinh tế thái quá.”
Phát biểu này sũng sượt sự yếu đuối. “Chúng ta sẽ tiếp tục mong” bằng một phép màu nào đó người Trung Quốc từ bỏ những cách làm nguy hại của họ? Có đùa không thế? Cứ như thể nhờ phép màu nào đó, Trung Quốc đang cướp của chúng ta 300 triệu đô-la mỗi năm nhưng ngày mai sẽ thức dậy và quyết định: “Các bạn biết gì không, chúng tôi thực sự cần chơi công bằng hơn với người Mỹ và thôi không cướp của họ tất cả công ăn việc làm, các công ty và hàng tỷ đô la nữa.”
Nhân đây cũng xin hỏi thêm, chẳng phải tổng thống của chúng ta nên tìm kiếm các lợi ích kinh tế cho chúng ta thay vì bảo vệ vị thế kinh tế của các quốc gia khác để “không quốc gia nào có lợi thế kinh tế thái quá” hay sao? Hãy thực tế nhé. Kinh tế Trung Quốc năm nay đang trên đà tăng trưởng 10,5%. Các nước còn lại trên thế giới thì vẫn tàng tàng ở mức tăng trưởng trung bình 4,8%. Mỹ thì sao? Tháng 9 năm 2011, GDP của Mỹ ở mức 1,3%. Tổng thống của ta phải thôi ngay việc cố trở thành một nhà kinh tế cho thế giới và bắt đầu chiến đấu cho nền kinh tế của ta. Thế mà, thay vào đó ông ấy lại để chúng ta tụt lại quá xa phía sau.
“Hiện nay, mỗi năm chúng ta đang xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 tỷ đô-la hàng hóa và dịch vụ”, Obama nói. “Và theo kết quả của các thỏa thuận mà ta đã đạt được trong tuần này, chúng ta sẽ tăng được hơn 45 tỷ đô-la hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng thêm hàng tỷ đô-la. Quan trọng nhất là những thỏa thuận này sẽ hỗ trợ khoảng 235.000 việc làm cho người Mỹ, trong đó bao gồm nhiều công việc chế tạo, sản xuất.”
Đúng, chúng ta xuất khẩu 100 tỷ đô-la hàng hóa sang Trung Quốc, nhưng vấn đề ở đây là họ xuất khẩu gấp bốn lần sang ta và đang cướp của ta 300 tỷ đô-la vì họ dối trá về đồng tiền của họ! Thế mà ông ấy có đề cập đến điều đó không? Không chút nào. Và hãy chú ý cách ông ấy nói 45 tỷ đô-la hàng xuất khẩu sang Trung Quốc mà ông ấy thương thuyết được sẽ “hỗ trợ” 235.000 việc làm cho người Mỹ. Nghĩa là, chúng ta không tạo ra các việc làm mới, ta chỉ “hỗ trợ” những việc làm vẫn chưa bị phá nát. Vì vậy, nếu bạn may mắn có một công việc trong ngành chế tạo máy bay, có lẽ bạn vẫn có thể giữ được công việc này – bạn chỉ cần xây đường bay cho lãnh đạo Trung Quốc.
Tổng thống cần nghiêm khắc với người Trung Quốc và phải đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt thẳng tay nếu họ không chơi đúng luật thị trường. Đáng lẽ ông ấy nên thương thuyết một cách cứng rắn cho cuộc cải cách thực sự sẽ mang lại cho các nhà sản xuất Mỹ một sân chơi bình đẳng với các đối thủ Trung Quốc. Rồi khi đó, chúng ta sẽ thấy ai thực sự có thể đánh bại ai và tạo ra việc làm thực sự trong khu vực kinh tế tư nhân.
Sản xuất tại Mỹ.
Tôi ngán ngẩm vì lúc nào cũng đọc thấy chuyện thuê ngoài. Tại sao ta không nói về “mang việc trở lại quê nhà”(1)? Chúng ta cần mang công ăn việc làm trong ngành chế tạo trở về nơi nó vốn dĩ thuộc về. Mang việc trở lại quê nhà, hay “hồi hương”, là một cách để ta lấy lại những công việc đã bị Trung Quốc đánh cắp. Ta biết rằng tiền lương của Trung Quốc đang ngày càng tăng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiếu một số nguồn tài nguyên thiên nhiên mà ta dư thừa. Nếu ta khai thác hai yếu tố then chốt này, ta có thể đưa ra lý lẽ thuyết phục các công ty rằng họ nên đưa cơ sở sản xuất của họ về lại Mỹ.
Một số người khôn ngoan đang tiến hành việc này rồi. Harry Moser, cựu CEO của một nhà cung cấp công nghệ chế tạo của Mỹ, đã bắt đầu một chương trình có tên Khởi nghiệp tại Quê nhà(2), đây là một nhóm hoạt động cho các doanh nghiệp và chính phủ thấy họ có thể làm ra nhiều tiền và tạo dựng hoạt động kinh doanh phát đạt hơn bằng cách mang việc làm về lại quê nhà. “Xu hướng này là thật”, Moser nói, “và nó không chỉ là một dòng chảy nhỏ, nó là một luồng ổn định”. Moser đã đúng. Gần đây tôi đọc thấy một bài báo trên tạp chí NewsMax về một công ty sản xuất đũa ở Americus, Georgia, có tên là Georgia Chopsticks. Chủ công ty, David Hughes và Jae Lee, nhận thấy có hàng tấn gỗ đặc biệt mà ta có thể dùng để làm đũa ở phía Nam Georgia. Họ thấy họ có thể làm đũa ở Mỹ với chi phí rẻ hơn so với làm ở Trung Quốc. Tuyệt hơn là, bằng cách này họ biết mình có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ hơn. Vì vậy, họ đã sản xuất đũa ở Georgia và xuất khẩu sang Trung Quốc! Thế có tuyệt không? Ngay lúc này đây, họ đang làm ra 4 triệu đôi đũa một ngày – và dự tính sẽ đẩy sản lượng lên đến 10 triệu đôi đũa một ngày, và sẽ tạo ra 150 việc làm mới cho người Mỹ. “Tôi tự hào khi là một phần của xu thế này”, Susan White – một nhân viên làm đũa – nói. “Có vẻ mọi thứ bạn thấy ở Mỹ ngày nay đều được sản xuất tại Trung Quốc, từ quần áo cho đến cả quốc kỳ Mỹ. Chúng tôi đang giáng trả. Quá tuyệt!”
Việc mang việc trở lại quê nhà có tiềm năng rất lớn. Song Harry Moser cho biết chính quyền Obama không quan tâm đến việc này. “Làm cho [Obama] theo đuổi việc này là cả một thách thức. Tất cả tiền cược của ông ấy đều đặt hết vào xuất khẩu rồi.” Đó là lý do tại sao Quốc hội cần thông qua dự luật “Đạo luật Mang Công ăn Việc làm Trở lại Mỹ” (H.R. 516) của dân biểu bang Virginia, Frank Wolf, để giúp mở rộng phong trào “mang việc trở lại quê nhà” và đưa việc làm Mỹ
trở lại với nơi mà chúng thuộc về – ngay ở đây trên đất Mỹ này. Bạn hãy nhìn đi, nếu chúng ta có thể sản xuất đũa ở Mỹ và bán cho người Trung Quốc, thì ta cũng có thể cạnh tranh trên hàng trăm mặt trận khác. Ta chỉ cần cứng rắn, khôn ngoan và có một tổng thống sẵn sàng đứng lên vì nước Mỹ và dám đối mặt với người Trung Quốc.
Ngay lúc này, chúng ta đang bị người Trung Quốc lừa dối – và hầu hết người Trung Quốc mà tôi giao thiệp ở góc độ kinh doanh đều biết điều này và đều lấy làm ngạc nhiên trước những gì mà Obama để mặc chính quyền Trung Quốc lấy đi. Một nhà thương thuyết cứng rắn
có thể buộc người Trung Quốc phải ngưng trò này ngay lập tức. Trước đây, chúng ta đã làm được. Một minh chứng tuyệt vời đó là khi chính quyền Bush bỏ ra hai năm buộc Trung Quốc tăng giá trị đồng nhân dân tệ cho cân xứng với đồng đô-la, việc đó đã phát huy tác dụng. Giữa năm 2005 và 2008, giá trị đồng nhân dân tệ tăng 21%. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã không cho tiền của họ tăng giá trị nữa, và chúng ta khổ sở vì việc đó. Vấn đề là: Người Trung Quốc khôn ngoan – họ phản ứng trước sức ép kinh tế và họ biết họ sẽ không phải chịu sức ép nào từ Obama.
Việc buộc Trung Quốc ngừng chơi trò giả ngây về tiền tệ có thể bắt đầu bất kỳ khi nào ta bầu được một tổng thống sẵn sàng hành động dứt khoát. Ông ta có thể bắt đầu bằng cách ký thành luật một dự luật mà Hạ viện Mỹ đã thông qua với tỷ lệ 348/79 phiếu hồi tháng 9 năm 2010. Hẳn điều này sẽ cho phép chính phủ ta tính được thuế nhập khẩu dựa trên việc đồng tiền của nước sản xuất đang bị định giá thấp bao nhiêu. Nghe như một ý tưởng tuyệt vời, đúng không? Ấy thế mà khi dự luật này được Hạ viện thông qua không lâu, Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner của Obama đã khuyến cáo ta rằng phải tử tế với Trung Quốc. “Quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta sẽ không tiến hành chiến tranh thương mại,” Geithner nói. “Chúng ta sẽ không tiến hành chiến tranh tiền tệ. Tôi muốn nói rằng phần lớn giới lãnh đạo Trung Quốc đều hiểu là việc để tỷ giá hối đoái xê dịch là rất quan trọng với họ trên phương diện kinh tế.” Thế thì tại sao ta không buộc họ làm gì đó về việc này hả Bộ trưởng Geithner? Chính sự yếu kém và thất bại hoàn toàn về thỏa thuận với Trung Quốc khi đấu tranh cho lợi ích Mỹ đã khiến ta ký giấy bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và cho sự sụp đổ kinh tế của chính ta.
Các thị trường mở là lý tưởng, song nếu một gã lúc nào cũng dối trá, thì thị trường tự do ấy là thế nào đây? Hãy nhìn vào các quyluật
kinh tế cổ điển mà nhà kinh tế học vĩ đại người Scotland Adam Smith đã rút ra. Những người biết rất ít về chủ nghĩa tư bản sẽ tóm tắt quyển sách kinh điển của Adam Smith, cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia), bằng câu nói cốt lõi “tham lam là tốt”, giống như lời thoại cũ rích trong bộ phim Wall Street (Phố Wall). Như hầu hết mọi người, tôi cho rằng lời thoại này dí dỏm và được làm cho Hollywood, nhưng đó không phải là điều Adam Smith nói trong cuốn sách ấy, và cũng chả phải là điều ông thực sự muốn nói. Đó là lý do tại sao hầu hết những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản và Adam Smith không bao giờ dành thời gian đọc cuốn sách ông viết trước cuốn Sự thịnh vượng của các quốc gia, cuốn sách đã đặt ra các quy tắc luân lý cho các thị trường, hoạt động kinh doanh và đời sống. Cuốn sách có nhan đề The Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về các Tình cảm Luân lý), và đây chắc chắn là cuốn đáng đọc. Như Smith viết: “Người hiếm khi tránh xâm phạm đến nhân thân, hay điền trang, hay thanh danh của hàng xóm chắc chắn là người có cực ít giá trị tích cực”.
Chấm dứt trò thao túng tiền tệ.
Sự thật đơn giản là: Mậu dịch tự do đòi hỏi phải có các quy tắc công bằng áp dụng cho mọi người. Và nếu ta có một tổng thống buộc người Trung Quốc tuân thủ quy tắc, lợi ích cho nền kinh tế của ta sẽ là khổng lồ. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã nghiên cứu sâu vấn đề tiền tệ Trung Quốc và kết luận rằng việc định giá lại 20% (thấp hơn một nửa mức tỷ giá hối đoái ước đoán trên thị trường tự do) sẽ tạo ra 300.000 đến 700.000 việc làm cho người Mỹ trong hai đến ba năm tới. Hãy nghĩ về điều này. Ngay lúc này ta có một tổng thống và một bộ trưởng tài chính đang nhún vai thờ ơ trong khi Trung Quốc cướp đi hàng trăm nghìn việc làm trong ngành chế tạo của Mỹ. Đó là lãnh đạo sao? Vấn đề này quá tệ hại và giải pháp rõ ràng đến mức ngay cả một nhà báo chủ mục của tờ New York Times(và cũng là một “nhà kinh tế” cánh tả cấp tiến), Paul Krugman, cũng phải thừa nhận rằng: “Trong những lúc bình thường, có lẽ tôi thuộc vào số những người đầu tiên phản bác các tuyên bố rằng Trung Quốc đang đánh cắp việc làm của người khác, song lúc này thì đó lại là sự thật hiển nhiên”, Krugman viết: “Cần phải làm gì đó với đồng tiền của Trung Quốc.” Khi một người tôn thờ Obama như Paul Krugman còn buộc phải thừa nhận là có vấn đề, thì bạn biết là nước Mỹ đang ngập sâu trong rắc rối như thế nào rồi đấy.
Một số người chấp nhận cách làm của Obama và chỉ đơn giản nhún vai trước sự phá hủy có hệ thống của Trung Quốc đối với ngành chế tạo Mỹ. Họ nghĩ chả có cách nào hồi sinh khu vực kinh tế ấy của ta – và cùng với đó là hàng triệu công ăn việc làm. Họ nghĩ ta vẫn tốt chán với một nền kinh tế dựa trên dịch vụ. Song, điều đó hoàn toàn sai. Không có lý do gì để hy sinh hàng triệu việc làm và tương lai của các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ cho Trung Quốc chỉ vì các lãnh đạo của ta không cứng rắn và không bảo vệ lợi ích của ta.
Đây là giải pháp: Phải cứng rắn. Đập mức thuế 25% lên hàng xuất khẩu Trung Quốc nếu họ không định mức giá thật sự theo thị trường cho đồng tiền của họ. Xong chuyện. Bạn nghĩ người Trung Quốc sẽ không phản ứng mang tính xây dựng ư? Không doanh nghiệp nào tôi biết lại muốn quay lưng lại với thị trường Mỹ cả – và người Trung Quốc cũng thế. Song, điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại quá lố bởi sự lừa dối của Trung Quốc. Nhà phân tích của đài CNBC và cũng là giáo sư kinh doanh của Đại học California Irvine, Peter Navarro, đã chỉ ra rằng tình trạng thâm hụt thương mại làm ta mất khoảng 1% tăng trưởng GDP mỗi năm, tức tổn thất gần một triệu việc làm mỗi năm. “Đó là hàng triệu việc làm mà ta đã không tạo ra được trong thập niên vừa qua”, Navarro viết. “Và nếu lúc này chúng ta có những việc làm ấy, hẳn ta sẽ không thấy những con số thất nghiệp ngày càng tăng cao, những ngôi nhà khóa cửa vì bị tịch thu để thế nợ và các xưởng sản xuất trống không nuôi cỏ dại… Khi một đất nước Trung Quốc trọng thương chủ nghĩa tiến hành các biện pháp thương mại không công bằng để áp dụng chiến tranh chống nền tảng sản xuất của ta, kinh tế Mỹ sẽ thảm bại.”
Hãy ngưng trộm cắp công nghệ của chúng tôi!
Các công ty và doanh nghiệp Mỹ là những bậc thầy về cách tân công nghệ và kinh doanh, song người Trung Quốc cũng giỏi không kém trong việc trộm cắp các bí mật thương mại và công nghệ. Các nhà đầu tư và các công ty Mỹ phải đổ hàng triệu đô-la để sáng tạo và phát triển một sản phẩm mới, chỉ để người Trung Quốc, thông qua gián điệp công nghiệp, ăn cắp tất cả thông tin mà không mất gì. Người Trung Quốc cười vào sự yếu kém và thảm hại quá đỗi của chính phủ ta trong cuộc chiến đấu với tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ. Điều đó
đã đủ tệ rồi, thế mà chính phủ ta lại còn đứng về phía Trung Quốc và không làm gì cả trong khi Trung Quốc yêu cầu bất kỳ công ty Mỹ nào muốn bước vào thị trường Trung Quốc cũng phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Việc chuyển giao công nghệ cưỡng ép như thế trên thực tế đã bị Tổ chức Thương mại Thế giới ra lệnh cấm, cho đó là một hoạt động thương mại không công bằng, song Tổng thống Obama lại để mặc cho Trung Quốc thoát êm khỏi việc này.
Josh Kraushaar của tờ National Journal đã lưu ý rằng sự thiếu hiểu biết về mặt kinh tế của Obama đã gây hại cho ông ta cùng với các lao động “xanh”. Trong khi Obama ám ảnh với “các việc làm xanh”, thì các lao động “xanh” lại không ham gì thứ ấy. “Các công việc năng lượng xanh có lẽ là tương lai, nhưng các công nhân bị mất việc lại cho thấy chúng không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh.” Lý do lao động “xanh” gạt bỏ bài hùng biện đầy những lời lẽ tốt đẹp của Obama là vì họ thông minh. Họ biết rằng bất cứ khi nào ta nghe ông ấy nói những đổi mới trong công nghệ xanh sẽ kích phát các cơ hội việc làm khổng lồ như thế nào, thì mọi thứ đều vô nghĩa, vì Obama thiếu sự dũng cảm và can trường để xử lý tình trạng Trung Quốc trộm cắp công nghệ và các bí mật thương mại của Mỹ trên quy mô lớn.
Và chuyện này có thể trở nên tệ hại hơn nữa, không những đe dọa nền kinh tế mà còn đe dọa cả an ninh quốc gia của ta. Trung Quốc là kẻ gây hấn chính trong lĩnh vực gián điệp mạng và chiến tranh mạng. Họ không những có năng lực ăn cắp công nghệ quân sự tuyệt mật của Mỹ, mà còn có khả năng thả các virus máy tính phá hoại vào các mạng vi tính của ta. Khoảng 12 năm trước, tôi đã viết một quyển sách có nhan đề The American We Deserve (Nước Mỹ ta đáng có). Là người đã viết nhiều sách bán chạy, trong đó có nhiều cuốn đứng số 1 trong bảng sách bán chạy, có lẽ đây là quyển sách ít thành công nhất của tôi. Sự thật là, người ta không muốn nghe Donald Trump nói về chính trị mà chỉ muốn nghe về kinh doanh thôi. Đó là lý do khi tôi viết cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh) và nhiều sách khác, chúng đã thành công lớn. Trên thực tế, cuốn Nghệ thuật đàm phán trong kinh doanh được cho là sách kinh doanh bán chạy nhất thời đại. Thế nhưng, tôi tự hào về cuốn Nước Mỹ ta đáng có vì nhiều lý do. Một là, tôi đã dự báo rất rõ về tình trạng khủng bố ở Mỹ, thật không may, điều này đã xảy ra, và lẽ ra có thể tránh được hay giảm xuống tối thiểu. Tôi thậm chí còn nhắc đến cái tên Osama bin Laden. Hai là, tôi đã dự báo sự sụp đổ của nền kinh tế. Có quá nhiều dấu hiệu, quá nhiều chỉ dấu và quá nhiều yếu tố mà tôi cho là khiến
sự sụp đổ sắp xảy tới trở nên rõ ràng. Vì thế, dù có lẽ đây là quyển sách ít thành công nhất của tôi vì nó không bàn về kinh doanh, song tôi lại được ghi công rất nhiều vì những dự báo chính xác và có tác động mạnh. Trong quyển sách ấy, tôi không nhắm đến việc đưa ra các dự báo, mà nhắm đến việc tạo ra sự khác biệt và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khác.
Tôi e rằng một nguy cơ tương tự nhưng khác biệt đang hiện diện cùng với sự phát triển công nghệ quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Theo Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc đã đạt được “sự tiến bộ đều đặn” trong việc phát triển các chiến thuật chiến tranh trực tuyến.
Đối với một đất nước như Trung Quốc, khả năng ăn cắp các thiết kế quân sự của ta đồng nghĩa với việc họ tiết kiệm được hàng trăm tỷ cho các chi phí nghiên cứu và phát triển. Nói cho cùng, sao lại cần chi hàng nghìn tỷ xây dựng và thử nghiệm các hệ thống vũ khí phức hợp khi bạn chỉ cần nhấp chuột một cái là trộm được các bản thiết kế chi
tiết nhỉ?
Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra lúc này. Năm 2009, tờ Wall Street Journal thông báo rằng những kẻ xâm nhập mạng đã sao chép thành công vài nghìn tỷ byte dữ liệu tuyệt mật về dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) trị giá 300 tỷ đô-la của ta, một dự án sẽ giúp dễ dàng đánh bại máy bay chiến đấu loại mới F-35 Lightning II hơn hẳn so với trước đây. Không ngạc nhiên gì, các quan chức Mỹ đã kết luận bằng một sự “chắc chắn” rằng vụ tấn công này đến từ – như bạn có thể đoán được – Trung Quốc.
Giờ đây ta cũng biết rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang đi theo một học thuyết mới gọi là Chiến tranh Điện tử Mạng Tích hợp (INEW). Kế hoạch mới của chính phủ này gồm có “đào tạo và trang bị để lực lượng của họ có thể sử dụng nhiều loại công cụ IW [chiến tranh thông tin] đa dạng nhằm thu thập tin tình báo và nhằm xác lập sự thống trị thông tin trước các đối thủ trong cuộc xung đột.” Trong một phiên họp quốc hội, Tướng James Cartwright đã làm chứng rằng Trung Quốc đang tích cực tiến hành “do thám mạng” và đang thâm nhập vào các mạng vi tính của các cơ quan chính phủ cũng như các công ty tư nhân của Mỹ. Với những người biện hộ cho Trung Quốc, những người có thể sẽ đi khẳng định rằng các vụ tấn công mạng ấy có thể là do những hacker Trung Quốc
gây ra và không dính líu gì đến chính phủ Trung Quốc, thì nghiên cứu sâu của RAND đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại:
Nguy cơ quân sự đến từ Trung Quốc là cực lớn – và không ngạc nhiên gì khi chính phủ Trung Quốc nói dối về quy mô ngân sách quân sự của họ. Người Trung Quốc khẳng định rằng ngân sách quốc phòng của họ là 553 tỷ đô-la một năm, bằng khoảng 1/5 ngân sách của ta. Song, các chuyên gia an ninh khu vực tin rằng ngân sách quân sự thực tế của Trung Quốc cao hơn thế nhiều. Một cách để Trung Quốc che giấu chi tiêu quân sự của họ là gán nó cho các ban ngành khác trong chính phủ. Bằng cách đó, sự mở rộng quân sự nhanh chóng của họ có thể giữ được bí mật với các quốc gia khác, những quốc gia mà nếu biết được ngân sách quân sự thật của Trung Quốc thì có thể sẽ cảm thấy đáng báo động đến mức phải gia tăng chi tiêu quân sự của mình. Như vụ rò rỉ cáp năm 2009 đã tiết lộ, chiến thuật gian dối của Bắc Kinh là theo lời nhắn nhủ của người cha già của đất nước Trung Quốc hiện đại Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc phải “giấu mình chờ thời”.
Bạn hãy nhìn đi, khi chuyện liên quan đến Trung Quốc, tốt hơn là Mỹ hãy ngừng làm rối tung. Trung Quốc xem ta như một kẻ thù ngây thơ, cả tin và ngốc ngếch. Và mỗi ngày khi Obama vẫn còn tại vị, họ còn sải bước nhanh để thế chỗ ta trên lĩnh vực kinh tế. Họ thao túng đồng tiền của họ theo cách cướp đi một triệu việc làm của người Mỹ và đẩy sự mất cân bằng thương mại hoàn toàn bất bình đẳng lên 300 tỷ đô-la. Họ ăn cắp bí mật thương mại của các doanh nghiệp ta để có
thể tiết kiệm hàng tỷ đô-la chi phí nghiên cứu và phát triển, và rút ngắn nhiều năm thời gian cần thiết để đưa một sản phẩm mới ra thị trường. Và tệ nhất là, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển các kỹ thuật chiến tranh mạng cao cấp mới, và lấy đó làm bội số sức mạnh cho quân đội vốn đã khổng lồ của họ, một quân đội hiện có 2.285.000 quân đang hoạt động cùng với 800.000 quân dự bị khác. Song hãy nhớ lại một điều khi ta đến bàn đàm phán với Trung Quốc: Nhật Bản, một đất nước nhỏ hơn nhiều, ít dân và ít lính hơn nhiều, đã cho Trung Quốc tơi bời trong chiến tranh – đó không phải là một dấu hiệu tốt cho tương lai quân sự của Trung Quốc.
Chúng ta cần một tổng thống sẽ ký đạo luật lưỡng đảng buộc Trung Quốc phải định giá đúng đồng tiền nước mình. Ta cần một tổng thống sẽ đập lên Trung Quốc mức thuế 25% trên mọi hàng xuất khẩu của họ vào Mỹ, nếu họ không chịu ngừng việc định giá thấp đồng nhân dân tệ. Ta cần một tổng thống sẽ thẳng tay trừng trị tội trộm cắp tài sản trí tuệ rành rành và trên quy mô lớn của Trung Quốc, thứ trộm cắp đã cho phép Trung Quốc cướp đi các sản phẩm của ta. Trên hết, ta cần một tổng thống đủ khôn ngoan và cứng rắn để nhận ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia mà Trung Quốc đang dựng lên trên mặt trận mới là chiến tranh mạng.
Có lẽ nhiều người sẽ cho là tôi đang nói quá tệ về Trung Quốc và những người đại diện của đất nước này. Sự thật là tôi rất nể trọng người dân Trung Quốc. Tôi cũng rất nể trọng những người đại diện Trung Quốc. Điều tôi không nể trọng là cách chúng ta thương lượng và đàm phán với Trung Quốc. Nhiều năm qua, tôi đã thực hiện nhiều thỏa thuận và giao dịch với người Trung Quốc. Tôi đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ. Tôi đã bán các căn hộ với giá 53 triệu đô-la, 33 triệu đô-la và nhiều mức giá thấp hơn. Tôi đã tạo ra một trong những việc làm lớn nhất ở Manhattan với các đối tác người Trung Quốc và đã kiếm được rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi biết rõ người Trung Quốc, tôi hiểu và tôn trọng họ.
Bất kỳ khi nào tôi nói một cách tồi tệ về những gì họ đang làm với ta, tôi không có ý chỉ trích họ – tôi chỉ trách các lãnh đạo và các đại diện của ta mà thôi. Nếu ta có thể quay lưng lại với họ là xong, hẳn tôi sẽ hết lòng khuyến khích ta làm vậy. Song rủi thay, họ quá thông minh và các lãnh đạo của ta lại không đủ khôn ngoan.
Tôi có nhiều bạn ở Trung Quốc và những người bạn này không
thể tin rằng lãnh đạo của họ lại có thể ký được những thỏa thuận ưu đãi không thể tin nổi ấy. Điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp mọi ngôn từ hùng hồn và gay gắt mà tôi dùng để chống Trung Quốc, tờBloomberg Businessweek gần đây đã đăng tải một bài báo về thứ mà người Trung Quốc muốn nhất. Đáng chú ý nhất là một đoạn trích dẫn lời của chủ tịch công ty bất động sản Asher Alcobi về những gì mà các khách hàng người Trung Quốc của ông ưa thích hơn cả: “Cái gì dính đến tên Trump thì đều tốt”.
Vậy nên, tôi nói xấu Trung Quốc, song tôi nói sự thật và các khách hàng ở Trung Quốc muốn gì? Họ muốn Trump. Bạn biết thế nghĩa là gì không? Đó nghĩa là họ tôn trọng những ai nói đúng thực tế và nói lên sự thật, cho dù sự thật ấy có thể không hay gì với họ. Thực tế là, chính sự tôn trọng tôi dành cho người Trung Quốc đã dẫn tôi đến chỗ nói các lãnh tạo của ta phải cẩn thận. Người Trung Quốc sẽ lấy, lấy và lấy cho đến khi ta không còn gì cả – và ai lại đi trách họ khi họ có thể phủi tay?
Trung Quốc là đối thủ của ta. Đã đến lúc ta phải hành động giống đất nước này… và nếu ta làm đúng việc của mình, Trung Quốc sẽ đi tới sự tôn trọng hoàn toàn mới đối với nước Mỹ, và khi đó ta có thể hạnh phúc du hành trên đường cao tốc đến tương lai cùng Trung Quốc như một người bạn.
Chương 4. Đó là tiền của bạn - bạn nên giữ nhiều hơn
Sự thật nghịch lý là thuế suất hiện nay quá cao còn tiền thu từ thuế thì quá thấp và cách hợp lý nhất để tăng thu về lâu về dài là giảm ngay thuế suất.
— Tổng thống John J. Kennedy
16tiếng đầu tiên trong tuần làm việc 40 giờ của bạn là số giờ bạn làm không công. Nói khác đi, 4 tháng rưỡi đầu của cả năm, bạn làm việc tuyệt đối không công – chính phủ sung công đến tận đồng xu cuối cùng trong số tiền mà bạn phải vất vả mới kiếm được dưới hình thức thuế.
Thật kinh khủng. Tất cả sự cướp bóc kinh tế này đã là đủ chướng tai gai mắt rồi, song điều khiến ta giận sôi gan không kém là việc chính phủ cũng cướp đi của bạn một lượng thời gian và tự do. Hãy hình dung mỗi tuần bạn sẽ có thêm 16 tiếng để dành cho gia đình, hoặc làm tình nguyện thêm 16 tiếng mỗi tuần cho hội từ thiện mà bạn yêu thích, hoặc dùng 16 tiếng dư ra mỗi tuần ấy để phát triển công việc kinh doanh hay đầu tư cho dự án khởi nghiệp tiếp theo. Hãy thử hình dung phiếu lương của bạn cao hơn 40% so với hiện tại. Bạn có thể làm gì với 40% chỗ của cải tăng thêm đó? Bạn có thể tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm và cơ hội cho người khác? Càng ngẫm nghĩ thêm về điều này, bạn sẽ càng nổi điên, nhất là khi bạn xem xét sự lãng phí và lạm dụng mà chính phủ liên bang gây ra khi áp các chính sách thất sách lên những người Mỹ làm lụng chăm chỉ.
Thế nhưng, điều này có khiến Obama và các cộng sự “cấp tiến” của ông ngừng lại không? Không. Thực tế là, họ nghĩ rằng vấn đề thật sự không phải là ở việc các thứ thuế đánh lên bạn quá cao mà là vì chúng quá thấp. Chính quyền lý luận rằng giá mà mấy người làm công ăn lương keo kiệt đó chịu nhả thêm tiền, thì các quan chức chính phủ nhân đức có thể phân phối lại nó một cách khôn ngoan và
công bằng hơn.
Xem này, trả thuế là một phần của cuộc sống, và chúng ta cần rót tiền tài trợ những thứ mà cá nhân không thể tự mình làm được như quốc phòng, cơ sở hạ tầng và cả các chương trình An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế. Phúc âm Matthew đã nhắc chúng ta rằng: “Hãy trả cho Caesar thứ thuộc về Caesar và hãy trả cho Chúa thứ thuộc về Chúa.” Nhưng như một tín hữu Ki-tô giáo đã nói với tôi, “Chúa chỉ đòi ở tôi 10% thuế khi làm những công việc tốt lành của Ngài. Obama thì lại muốn nhiều hơn hẳn.”
Đánh giá từ hành động của họ thì thấy, các nhà cấp tiến thậm chí còn không tin chính sự thổi phồng thuế của họ. Ai nghĩ mình nên đóng thuế cao hơn đều có quyền tự do đóng thêm tiền cho chính phủ liên bang. Không có luật nào nói bạn không thể đóng thêm thuế cả. Năm 1843, Bộ Tài chính đã lập ra một quỹ đặc biệt, mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại, được gọi là “Những món quà gửi đến Quỹ Chính phủ Mỹ” dành cho “những cá nhân muốn thể hiện lòng yêu nước với nước Mỹ”. Các công dân có thể gửi séc bất kỳ lúc nào. Nhưng khi một người Mỹ bình thường phải trả thêm thuế cho cái ăn, chốn ở và cả cái mặc, thì chẳng khó thấy tại sao rất ít người làm điều đó.
Năm 2002, ở cấp tiểu bang, Kirkland Cox, một đại biểu mạnh dạn của bang Virginia, một đảng viên Đảng Cộng hòa, đã lập ra “Quỹ Đánh Thuế Tôi Nhiều Hơn” ở Virginia để xem liệu những người lớn tiếng nhất khi đòi đánh thuế cao hơn có dám làm thật không hay chỉ nói suông. Đến nay, đã hơn 8 năm trôi qua, Quỹ này nhận được một con số tức cười là 12.887 đô-la, một con số nhỏ đến mức nó thậm chí không thể trả lương nổi cho một người làm việc bán thời gian. Điểm mấu chốt là: Nếu những người có tinh thần tự do thực sự nghĩ việc đóng thêm cho chính phủ số tiền mà họ vất vả kiếm được là một ý tưởng hay, thì chắc là họ sẽ làm đấy. Nhưng họ đâu có làm.
Rõ ràng bạn đã làm việc vất vả để có tiền – tôi biết vì tôi đã làm việc vất vả – và bạn nên được phép giữ lấy nhiều hơn. Bất cứ thứ gì ít hơn sẽ tạo ra một sự thoái chí cho nền tảng đạo đức vững bền của dân tộc. Tổng thống Ronald Reagan cũng thấy y như vậy:
Chính phủ càng thu nhiều thuế, mọi người càng có ít động cơ làm việc. Người thợ mỏ than hay công nhân dây chuyền lắp rắp
nào sẽ nhận làm thêm giờ khi họ biết Chú Sam sẽ đánh thuế 60% hoặc hơn cho khoản thanh toán thêm mà họ sẽ nhận được?... Bất kỳ hệ thống nào cản trở thành công và thành tựu thì đều sai. Bất kỳ hệ thống nào ngăn cản lao động, ngăn cản năng suất, ngăn cản tiến bộ kinh tế thì đều sai.
Mặt khác, nếu bạn giảm thuế và cho phép mọi người chi tiêu hay tiết kiệm nhiều hơn những gì họ kiếm được, họ sẽ cần cù hơn; họ sẽ có thêm động cơ làm việc chăm chỉ và tiền họ kiếm được sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế vĩ đại đang cung cấp năng lượng cho sự tiến bộ của đất nước chúng ta. Kết quả là: Tất cả sẽ thịnh vượng hơn – và thu nhập cao hơn cho chính phủ.
Cũng như hầu hết những điều khác, Tổng thống Reagan nói đúng về điều này. Song Reagan không phải là tổng thống duy nhất hiểu rằng thuế thấp hơn sẽ mang lại thu nhập cao hơn vì nó tháo mở sức tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm. Trước sự thất vọng của nhiều thành viên Đảng Dân chủ, Reagan chỉ đang nhắc lại những tư tưởng kinh tế của tổng thống John F. Kennedy, người năm 1962 đã nói: “Sự thật nghịch lý là thuế suất hiện nay quá cao còn tiền thu từ thuế thì quá thấp và cách hợp lý nhất để tăng thu về lâu về dài là giảm ngay thuế suất”.
Các quan điểm của Reagan và Kennedy chứng tỏ rằng chính sách thuế khôn ngoan không nên là một vấn đề tranh cãi đảng phái. Nó phải là một vấn đề thuộc về cảm quan chung. Nếu bạn đánh thuế thứ gì đó, bạn sẽ có nó ít hơn. Đơn giản vậy thôi. Bạn càng đánh thuế việc làm bao nhiêu, thì càng ít người sẵn lòng làm việc bấy nhiêu. Bạn càng đánh thuế đầu tư bao nhiêu, thì bạn sẽ nhận được ít đầu tư bấy nhiêu. Đây có phải là điều cao siêu khó hiểu gì đâu.
Chính sách yếu của Obama về thuế.
Tổng thống Obama cần tìm hiểu xem thế giới kinh doanh thật sự vận hành ra sao. Ai cũng biết rằng việc làm tồi tệ nhất khi kinh tế suy thoái hay đình trệ là tăng thuế suất áp lên mọi người. Có lẽ đây là một sự thật không mấy tiện lợi cho vị tổng thống và đội kinh tế đáng sợ của ông ấy, song các chủ doanh nghiệp là những người tạo ra công ăn
việc làm. Hai phần ba tổng số việc làm được tạo ra ở Mỹ là do các chủ doanh nghiệp nhỏ tạo ra. Với tỷ lệ thất nghiệp tăng vùn vụt dưới thời vị tổng thống này, chắc hẳn bạn nghĩ ông ấy sẽ muốn làm mọi thứ có
thể để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống và đẩy tỷ lệ tuyển dụng lên. Song ông ấy lại không làm vậy. Thay vào đó, ông ấy và các cố vấn chính trị nghĩ rằng việc xử tệ với các công ty và những người đang tạo ra của cải sẽ ghi điểm chính trị và bằng cách nào đó sẽ giúp ông ấy tránh được thất bại trong năm 2012.
Ông ấy sai rồi. Mọi người rất thông minh. Họ biết ta không thể vừa “ủng hộ” công ăn việc làm, vừa đi chống lại những người tạo ra nó. Mọi sự không vận hành theo cách ấy. Tất cả những gì mà việc tăng thuế lên các doanh nghiệp làm được là buộc các chủ doanh nghiệp phải cắt giảm những nhân viên mà họ không còn đủ khả năng chi trả nữa. Và điều này cũng đẩy giá cả tăng lên, khuyến khích các nam, nữ doanh nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh của họ (và các công ăn việc làm) sang những nước có thuế suất và chi phí hợp quy thấp hơn hẳn, và đẩy người ta đến chỗ lao vào các mánh trốn thuế.... Và ngày nay chỉ với một cú nhấp chuột, ai cũng có thể dễ dàng thuê các lao động nước ngoài. Trong thế giới internet tốc độ cao, băng thông rộng của chúng ta, những rào cản kinh doanh “phải có văn phòng làm việc” xưa cũ đã biến mất rồi. Nghĩa là ngày nay tư bản có thể đảo chiều quay ngay lập tức để tránh các thứ thuế và quy định đang ngày một tăng của chính phủ.
Obama không phải là người duy nhất mù tịt về hiện trạng thuế má ở Mỹ. Thực tế là, nhiều người đã tin những lời dối trá theo tinh thần tự do mà người ta đã nói với chúng ta hàng thập niên. Lời dối trá đầu tiên là về việc tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn phải
gánh phần lớn gánh nặng thuế và để giới nhà giàu trốn thuế như thế nào. Nếu người ta chịu dừng lại và nghĩ xem điều này điên rồ như thế nào, hẳn họ sẽ thấy rằng chính quan niệm ấy đã bất chấp các quy luật toán học. Trước hết, một nửa dân số nước Mỹ thậm chí còn không đóng một xu nào trong các khoản thuế thu nhập liên bang. Có thể điều này làm bạn sốc, nhưng đó là sự thật. Đó là một trong những lý do khiến việc chi tiêu liên bang tăng vùn vụt lại nguy hiểm đến thế: Một nửa đất nước sẽ nhún vai và nói “Ai thèm quan tâm? Họ đâu có tiêu tiền của tôi đâu.” Vì vậy, ý kiến cho rằng tầng lớp thấp hơn đang chung vai gánh vác gánh nặng thuế là phi lý, vì nửa dân số Mỹ nằm dưới không hề trả một đồng thuế thu nhập liên bang nào.
Thế vẫn chưa hết chuyện. 1% những người làm công ăn lương Mỹ nằm ở tốp đầu đóng thuế nhiều hơn toàn bộ 95% người nằm dưới – kết hợp lại. Và 10% người có thu nhập nằm trong tốp đầu đóng 71% tiền thuế thu nhập liên bang. “Nói cách khác,” Scott Hodge của Quỹ thuế cho biết, “1% người nằm tốp đầu chỉ gồm khoảng 1,4 triệu người đóng thuế và phần đóng góp của họ cho gánh nặng thuế thu nhập hiện nhiều hơn số tiền đóng của 134 triệu người đóng thuế nằm dưới.” Neil Cavuto của chương trình Fox News, một người rất am hiểu về kinh doanh, đã diễn đạt điều này như sau:
Nó giống việc ra ngoài ăn tối với bạn bè. Ông bạn thân của bạn ngồi ở bàn nhận lấy hóa đơn, và gã giả ngu nào đó trơ trẽn nói: “Joe, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn.” Lúc này, một số đảng viên Dân chủ đang thúc đẩy xung đột giai cấp sẽ nói: “Phải đấy, mọi sự nên như vậy. Đúng đấy Joe ạ, đáng lẽ cậu nên để tiền boa nhiều hơn.” Song khi bạn nhận ra rằng người giàu nhất trong chúng ta đang thay ta trả hào phóng cho chính phủ… Thì ít ra, thi thoảng ta cũng nên nói lấy tiếng cảm ơn chứ.
Tôi không cần một lá thư cảm ơn nào từ bất kỳ ai. Tôi làm ra nhiều tiền và đóng nhiều thuế. Đó là chuyện bình thường. Nhưng thông tin sai lệch và những lời dối trá được mấy gã được gọi là “cấp tiến” phun ra thì thật lố bịch. Sao lại phải biến người giàu thành quỷ? Ai lại không muốn làm giàu kia chứ? Thế mấy gã này nghĩ các quỹ từ thiện lấy tiền ở đâu ra? Mấy gã nghĩ ai là người tạo ra công ăn việc làm? Đó là người giàu, các doanh nhân, những người đã làm việc rất, rất vất vả đấy!
Song, phần thực sự thú vị là đây - phần mà những người tự do chủ nghĩa vẫn mù tịt: Nếu chính quyền liên bang thực sự muốn “gây rắc rối” với những người giàu và sung công thêm số tiền mà họ vất vả kiếm được để tài trợ cho những đợt chi tiêu hoang phí, điên cuồng của họ cho các chương trình xã hội phản hiệu quả, thì họ nênhạ, chứ không phải tăng thuế. Như ông bạn Steve Forbes của tôi giải thích, trước khi tổng thống Reagan bắt đầu tiến hành các chương trình cắt giảm thuế Reagan, 1% người giàu nhất nước Mỹ đóng 18% tổng thế thu nhập liên bang. Lúc đó, đỉnh thuế suất biên đã giảm từ con số nghẹt thở 70% xuống còn 28%. Và kết quả là gì? Phần đóng thuế của họ trong hóa đơn thuế quốc gia đã tăng gấp đôi – họ đã đóng 36% thuế thu nhập liên bang và tạo ra 23% thu nhập quốc gia. Như tổng
thống Reagan đã giải thích: “Một vài nhà kinh tế học gọi nguyên tắc này là kinh tế học trọng cung. Tôi thì gọi nó là kiến thức thông thường.”
Tổng thống Barack Obama không hiểu sự thịnh vượng được tạo ra như thế nào – và chính quyền liên bang có thể hủy hoại nó ra sao. Ông ấy cũng không hiểu được sự thịnh vượng ngày nay dễ thay đổi như thế nào. Mọi người hiện nay có nhiều lựa chọn. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể “chơi” ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ví dụ, thuế suất doanh nghiệp ở Ireland là 12,5%. Còn ở Mỹ thì sao? Thuế suất của chúng ta đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản, với con số là 39%. Nghĩa là, các doanh nghiệp của ta có thể tiết kiệm đến 26,5% tiền thuế chỉ bằng cách dời doanh nghiệp của họ ra nước ngoài. Và họ đã làm thế – với số lượng rất lớn. Thực tế, thuế suất doanh nghiệp trung bình của quốc tế là 26%. Thậm chí các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng hiểu rằng thuế suất doanh nghiệp cao là hồi chuông báo tử cho công ăn việc làm và sự tăng trưởng kinh tế. Thuế suất cao đang chuyển sự thịnh vượng và công ăn việc làm ra nước ngoài theo đúng nghĩa đen của từ này, và điều này chỉ làm giảm đi phần thu thuế mà đáng lẽ chính quyền liên bang sẽ thu được.
Một điều khác nữa về thuế suất doanh nghiệp cao là xét cho cùng, người trả hóa đơn không phải là các công ty, mà là người tiêu dùng. Quỹ thuế đã chạy các con số và nhận thấy rằng năm 2007, thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang thu được 370 tỷ đô-la. Họ kết luận thêm rằng mỗi năm một hộ gia đình bình thường ở Mỹ phải trả 3.190 đô-la cho thuế thu nhập doanh nghiệp. Một lần nữa, Barack Obama không hiểu điều Ronald Reagan đã hiểu. Đây là cách Tổng thống Reagan giải thích ảnh hưởng xói mòn của các loại thuế doanh nghiệp lên người Mỹ bình thường:
Một số người nói phải chuyển gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp và các ngành nghề, nhưng doanh nghiệp không trả thuế. À, xin bạn đừng hiểu sai ý tôi. Doanh nghiệp bị đánh thuế, cao đến mức chúng ta nổi bật hẳn lên trên thị trường thế giới. Nhưng doanh nghiệp phải chuyển các chi phí vận hành của mình – và trong đó gồm cả thuế – cho người tiêu dùng dưới dạng giá sản phẩm. Chỉ người dân mới trả thuế, mọi thứ thuế. Chính phủ chỉ sử dụng doanh nghiệp theo một cách lén lút để giúp thu thuế. Chúng bị giấu vào trong giá cả; chúng ta không ý
thức được thực sự mình đã trả bao nhiêu tiền thuế.
Reagan nói đúng. Nếu người Mỹ hiểu có bao nhiêu thứ phí và thuế chính phủ được hấp thụ trong giá cả hàng hóa và dịch vụ mà họ mua, chắc hẳn họ sẽ nổi điên. Thử xem xét điều này: Với mỗi ga-lông
xăng bạn đổ cho ô tô của mình, bạn trả 45,8 xu cho thuế bang, thuế địa phương và thuế liên bang. Vì vậy, nếu bạn đổ đầy bình 20 ga-lông, bạn mất ngay 9,16 đô-la tiền thuế. Các loại phí ẩn tàng tác động lên tất thảy mọi thứ, kể cả các hoạt động vui chơi, giải trí. Chẳng hạn, một người đánh cá trả 10% giá bán thiết bị câu cá thể thao dưới dạng thuế ẩn, và người bắn cung trả một khoản thuế liên bang là 45 xu cho một mũi và 11% nữa cho ống đựng tên. Nếu bạn đặt vé máy bay nội địa, bạn trả 7,5% thuế trên tiền vé. Bạn sẽ phải trả thêm 3,6 đô-la tiền thuế nữa, cộng với thêm một khoản thuế an toàn là 2,5 đô-la cho mỗi chuyến bay. Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ phải trả thuế trạm đi/trạm đến quốc tế là 16,1 đô-la, cũng như mức phí 4,5 đô-la cho “phí phục vụ hành khách”. Đây là lý do tại sao giá bạn nhận được cho một chiếc vé máy bay lại bất ngờ nhảy vọt khi bạn trả hóa đơn.
Một số người không thấy nhiều vấn đề với cái gọi là “thuế tiêu thụ đặc biệt” được áp lên các món hàng mà chính phủ muốn làm bạn nản lòng ngưng sử dụng. Thuế liên bang cho một gói thuốc lá là 1,01 đô-la, cho một hộp 6 lon bia là 33 xu. Một số người sẽ nói: “Ừ thì mấy thứ đó dù sao cũng có tốt lành gì cho bạn đâu, nên ta phải đánh thuế mấy thứ đó cao hơn.” Tương tự, dầu đốt, thứ đảm bảo cho những người sống ở phía Bắc có thể giữ ấm ngôi nhà của họ trong suốt mùa đông cũng bị hầu hết các bang đánh thuế. Điểm chính ở đây là tất cả những thứ thuế lén lút này đang mạ kiền và làm mờ mắt người Mỹ cho đến chết. Tệ hơn, chúng che giấu những chi phí thực có liên quan đến ông lớn chính phủ. Nếu người dân thường Mỹ ý thức được chính phủ đã móc túi họ bao nhiêu tiền mỗi năm – ước tính là 40% tiền lương của bạn – chắc hẳn sẽ có một cuộc nổi loạn thuế có thể biến Bữa tiệc trà ở Boston trông như một giờ thiếu chuyên nghiệp.
Điều này vừa sai vừa không công bằng. Nó cũng là một chính sách kinh tế tồi. Khi thuế tăng, người ta sẽ làm gì? Nhiều người khôn ngoan sẽ chuyển tiền thành các trái phiếu miễn thuế. Và bạn đoán được điều gì không? Chính quyền sẽ không lấy được số tiền họ nghĩ là mình sẽ nhận được. Luật Hauser, được đặt theo tên của W. Kurt Hauser, chủ tịch danh dự Viện Hoover, Đại học Standford, đã giải
thích, thuế suất biên cá nhân cao nhất trong 60 năm qua đã đánh đu loạn xạ, đi từ mức rất cao 92% trong năm 1952-1953 lao một mạch xuống 28% trong năm 1988-1990. Song, bất chấp mức thuế suất này, tiền thu từ thuế thu xét theo tỷ lệ phần trăm GDP gần như vẫn giữ nguyên, trung bình ở mức dưới 19%. Đó là vì khi các thứ thuế trở nên quá khó chịu, thì người ta đơn giản là sẽ chuyển tiền ra khỏi bàn tay của chính quyền liên bang và đưa nó tới các thiên đường miễn thuế. Thuế suất cao không làm tăng thu nhập từ thuế của chính phủ, tất cả những gì chúng làm là đẩy tiền ra khỏi nền kinh tế hiệu quả đang tạo ra công ăn việc làm và nhốt nó lại trong những khoản đầu tư ít năng động hơn như trái phiếu. Chỉ có gã khờ mới ủng hộ một kế hoạch tai họa như thế. Song, đó chính xác lại là con đường mà Barack Obama đang đi theo.
Không có gì ở điều này gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai để tâm chú ý năm 2008. Bạn còn nhớ Joe anh thợ sửa ống nước chứ? Barack Obama, khi ấy là ứng cử viên, đã nói rõ ý đồ của ông ấy: “Tôi tin rằng khi ta trải rộng sự thịnh vượng ra khắp nơi, tất cả mọi người đều được hưởng lợi.” Thế nên, ngay từ đầu chúng ta đã biết điều này sẽ hướng đến đâu, vì công việc của chính phủ không phải là trải tiền của bạn ra khắp nơi. Chính bạn sẽ tự mình trải tiền khi bạn quyết định bạn muốn tiêu nó, đầu tư nó hay quyên tặng nó như thế nào. Obama ủng hộ các thứ thuế vì ông ấy tin chính quyền nên quyết định nhiều hơn và bạn nên quyết định ít lại.
Đã đến lúc phải khôn ngoan về thuế.
Chúng ta cần một hệ thống thuế công bằng và khôn ngoan – một hệ thống khuyến khích tăng trưởng, tiết kiệm và đầu tư. Đã đến lúc ngưng trừng phạt người làm việc vất vả và tinh thần khởi nghiệp. Cụ thể, chúng ta cần làm 5 điều sau. Trước hết, thuế di sản cần phải chết. Thật vô đạo đức khi chính quyền đánh thuế bạn ngay cả khi bạn đã chết, để chiếm lấy một phần tiền và tài sản mà bạn đã bỏ cả đời gầy dựng, và bạn cũng đã trả thuế cho những thứ đó rồi. Con cái bạn xứng đáng hưởng tài sản của bạn, chứ không phải chính quyền liên bang. Tổng thống George W. Bush đã xóa bỏ thuế di sản (đôi lúc còn được gọi là thuế thừa kế) được 1 năm. Thế nhưng, sau năm 2010, dưới thời Obama, thứ thuế này lại đội mồ sống lại. Giờ đây, các tài sản, có giá trị trên mức miễn thuế, sẽ bị đánh thuế với thuế suất lên đến 35%. “Có vẻ như việc phần lớn số tiền từ tài sản thừa kế đã bị đánh thuế
ngay khi người ta kiếm được số tiền đó,” tờ Wall Street Journal viết. “Điều này làm ngơ thực tế rằng phần lớn khoản tiết kiệm lâu dài và khoản đầu tư kinh doanh nhỏ ở Mỹ đều được thúc đẩy bởi khả năng trao truyền lại của cải cho thế hệ tiếp theo… Toàn bộ điều này có nghĩa là thuế di sản càng cao thì động cơ tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh gia đình càng thấp.”
Một nghiên cứu của Douglas Holtz-Eakin, cựu giám đốc Cục Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ, phát hiện thấy rằng việc đẩy thuế di sản từ 0% lên 45% (con số mà Obama muốn) là một tác nhân giết hại công ăn việc làm đã được chứng minh, vì nó sẽ tước đi 1,6 ngàn tỷ đô la vốn cho các hoạt động kinh doanh nhỏ khỏi tay những người tạo ra việc làm. Việc này, theo Holtz-Eakin, sẽ làm tổn hại 1,5 triệu việc làm mới. Làm sao ta có thể ngồi yên và cứ để mọi chuyện xảy ra vào thời điểm 25 triệu người Mỹ không thể kiếm đủ việc để chăm lo cho gia đình họ? Thuế di sản chỉ gia tăng 1% bé xíu trong tổng thu nhập liên bang. Thêm vào đó, những người thừa kế đã phải trả lợi nhuận thu được trên tài sản mà họ thu được từ bất kỳ của cải nào rồi. Việc làm này đơn giản là sai.
Obama nói rằng “khi nghĩ về cải cách thuế, ta cần nghĩ về công bằng. Thế nào là công bằng?”. Được thôi, tôi sẽ nói cho ông biết thế nào là không công bằng, thưa Ngài tổng thống: Giết chết 1,5 triệu việc làm và bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế chỉ để Ngài cảm thấy dễ chịu và an tâm về việc lấy được tiền từ các doanh nghiệp gia đình và rải nó ra khắp nơi khi Ngài và giới quan chức của Ngài thấy phù hợp. Nếu ta bãi bỏ thuế di sản, ta sẽ có 1,5 triệu việc làm, đẩy mạnh vốn cho doanh nghiệp nhỏ lên hơn 1,6 ngàn tỷ đô-la, mở rộng bảng lương lên 2,6%, tăng khả năng các doanh nghiệp thuê lao động mới lên 8,6% và mở rộng đầu tư lên 3%. Đó là điều dễ hiểu như không. Đã đến lúc xử chết thuế di sản một lần cho xong. Hơn 1 triệu việc làm phụ thuộc vào điều đó.
Hai là, ta cần giảm thuế lợi nhuận và cổ tức – hai thứ thuế nữa đã được chứng minh là những kẻ giết chết việc làm và đầu tư. Tất nhiên là, tổng thống Obama muốn làm ngược lại. Ông muốn tăng thuế lợi nhuận từ 15% lên 20%. Ông cũng muốn kích thuế cổ tức lên mức tương tự như thế. Một lần nữa, trong thế giới của Obama, tất cả chỉ là để trừng phạt thành công và tái phân phối của cải. Như nhà kinh tế học J. D. Foster đã chỉ ra, “Obama nói rất rõ trong cuộc tranh luận tranh cử với Thượng nghị sỹ Clinton khi đó rằng tăng tiền thu từ thuế
không phải là lý do chính khiến ông này đề xuất đẩy cao thuế lợi nhuận.” Ngay cả các con số ngân sách riêng của tổng thống cũng cho thấy mức giảm vô cùng nhỏ 0,01% trong sức tăng trưởng kinh tế hàng năm – điều không thể tránh được nếu đi theo các chính sách thuế của Obama – sẽ xóa sạch số tiền mà ông ấy hy vọng gạn lấy được bằng việc tăng thuế lợi nhuận. J. D. Foster kết luận, “Tổng thống nên đặt những ưu tiên của mình sang một bên và ép Quốc hội duy trì mức 15% hiện hành cho thuế lợi nhuận và thuế cổ tức cho đến khi nền kinh tế đạt tới điểm đáp ứng đủ công ăn việc làm.” Nâng các loại thuế suất này vào lúc này (hay bất kỳ khi nào) đều là hành động thiển cận về mặt kinh tế.
Chủ nghĩa tư bản cần có tư bản. Khi cướp tư bản khỏi tay các nhà đầu tư, chính phủ cũng lấy đi số tiền tạo ra việc làm – những công việc thật sự trong khối tư nhân đang góp phần đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế ta. Với một người tuyên bố tạo việc làm là điều đầu tiên ông ta nghĩ đến khi thức dậy và là điều sau cùng ông ta nghĩ về trước khi đi ngủ, thì hẳn bạn sẽ nghĩ ông ta phải hiểu điều đó rõ hơn. Nhưng thực tế không phải vậy. Đó là lý do tại sao ta cần một tổng thống mới, một người giữ thuế lợi nhuận ở mức thấp.
Điều thứ ba ta cần làm là hạ thuế doanh nghiệp Mỹ từ 39% xuống 0%. Như tôi đã nói, thuế doanh nghiệp Mỹ cao thứ hai thế giới. Mức thuế doanh nghiệp trung bình trên trường quốc tế là 26%. Làm sao ta có thể mong các công ty thuê người lao động Mỹ và đặt cơ sở kinh doanh của họ tại Mỹ khi chính phủ ta áp lên họ một thuế suất không thể chịu nổi. Chuyện đó thật không tưởng. Tôi muốn khuyến khích các công ty Mỹ ở lại Mỹ và thuê nhân công Mỹ, và tôi muốn các công ty nước ngoài dời doanh nghiệp của họ đến Mỹ và tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ. Chúng ta là đất nước vĩ đại nhất trên trái đất này – các công ty của thế giới muốn có mặt ở đây. Thuế doanh nghiệp 0% chắc hẳn sẽ tạo ra một sự bùng nổ việc làm chưa từng có. Hàng triệu việc làm sẽ trở thành hiện thực. Đây chả phải là điều khó hiểu gì. Bạn cắt thuế doanh nghiệp đi và các công ty sẽ ở lại Mỹ hoặc chuyển đến Mỹ, và điều đó sẽ tạo ra việc làm. Ai lại không hiểu chuyện đó?
Vấn đề là chúng ta có một tổng thống quan tâm đến việc theo đuổi một loại sứ mệnh ý hệ kỳ quặc nào đó đi ngược lại với truyền thống thị trường tự do của Mỹ. Nhìn này, chúng ta không có thời gian vờ vịt đâu. Người dân của ta đang tổn thất nặng nề. Đây là thông điệp của tôi dành cho Tổng thống Obama: Nước Mỹ là đất nước tư bản
chủ nghĩa. Hãy khôi phục nó và sống với nó! Hãy tháo gông xiềng đang kìm kẹp những người tạo ra việc làm và chúng ta sẽ đưa người Mỹ trở lại làm việc với số lượng lớn. Hãy dẹp ngay thuế doanh nghiệp và tạo ra hàng triệu việc làm mới đồng thời thúc đẩy nền kinh tế lề mề của ta tiến lên.
Bốn là, đã đến lúc phải cứng rắn đối với nhưng ai đẩy việc làm ra nước ngoài và tưởng thưởng cho các công ty trung thành với Mỹ. Nếu một công ty Mỹ đẩy việc làm của mình ra nước ngoài, công ty đó sẽ phải chịu mức thuế 20%. Với những công ty đã sai lầm chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài nhưng giờ nhìn thấy ánh sáng và sẵn sàng trở về nhà, mang theo công ăn việc làm, họ sẽ phải trả thuế 0%. Điểm cốt yếu là: Hãy thuê người lao động Mỹ và bạn sẽ thắng. Chuyển việc làm ra nước ngoài, bạn sẽ phải trả thuế. Ngoài ra, tôi cũng muốn các nước khác rốt cục phải bắt đầu trả tiền để được bước vào thị trường của ta. Vậy nên, đây là thỏa thuận: Bất kỳ nước nào vận chuyển hàng hóa vào Mỹ đều phải trả 20% thuế. Nếu họ muốn có một miếng bánh trên thị trường Mỹ, họ sẽ phải trả thuế cho Mỹ. Sẽ không còn kiểu miễn phí bước vào chương trình hoành tráng nhất nữa – nhất là với Trung Quốc.
Điểm thứ năm và là điểm cuối trong kế hoạch thuế của tôi là cải cách thuế thu nhập. “Chính phủ đang sung công quá số mức tiền lương của bạn. Mã số thuế cũng là một hệ thống rất, rất phức tạp buộc người Mỹ phải mất 6,1 tỷ giờ đồng hồ mỗi năm khi cố hình dung ra nó. Người Mỹ cũng lãng phí hàng tỷ đô-la khi thuê tuyển kế toán để cố hiểu mã số thuế. Bạn có thể thuê 100 kế toán tính thuế cho bạn và tất cả họ sẽ đưa ra những con số khác nhau. Điều đó cho bạn biết gì? Nó cho tôi biết rằng đã đến lúc chúng ta phục hồi sự đơn giản và sự lành mạnh cho thuế thu nhập. Đây là kế hoạch thuế thu nhập của tôi:
Kiếm được dưới 30.000 đô-la, bạn trả 1%.
Từ 30.000 đến 100.000 đô-la, bạn trả 5%.
Từ 100.00 đến 1 triệu đô-la, bạn trả 10%.
Trên 1 triệu đô-la, bạn trả 15%.
Rất rõ ràng và công bằng. Hơn hết là, nó có thể viết vừa đủ trên mặt sau tấm bưu thiếp và sẽ giải thoát người Mỹ cả đống việc về kế
toán và vô số thời gian lãng phí để giải mã mã số thuế.
Đất nước chúng ta đang thèm khát một cuộc cải cách thuế thực sự. Đó là lý do tại sao chúng ta phải bổ sung kế hoạch thuế thu nhập 1-5-10-15. Cứ để Trung Quốc, OPEC và các nước khác trả thuế, chứ không phải ta. Giờ gần như đã là quá muộn rồi… và tất cả họ đều có tiền.
Tôi tin chính phủ đã lấy đủ từ số tiền mà bạn vất vả làm ra. Nếu chúng ta muốn có việc làm ở Mỹ, ta cần ban hành chính sách thuế 5 bước của tôi: Xử chết thuế di sản, hạ thuế lợi nhuận và cổ tức, loại bỏ thuế doanh nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm cho người Mỹ, áp thuế 15% cho các việc làm thuê ngoài và 20% cho các hàng nhập khẩu, và ban hành kế hoạch thuế thu nhập 1-5-10-15.
Chính phủ cần thôi cái trò móc túi ta. Mỗi lần làm vậy, nó sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng và giết chết việc làm. Ta cần quay lại làm những gì ta biết là hiệu quả. Tổng thống Reagan đã nói rất đúng: Hạ thuế sẽ tạo ra nhiều tự do và cơ hội hơn cho tất cả. Đã đến lúc chúng ta cần gửi cho các chính trị gia một thông điệp lớn dõng dạc và rõ ràng. Như Thượng nghị sỹ Everett Dirksen từng nói: “Khi cảm thấy nhiệt tỏa ra, họ sẽ thấy ánh sáng.” Đã đến lúc ta phải tỏa nhiệt rồi.
Chương 5. Một chính phủ mà chúng ta đủ sức chịu
Mỗi ngày, chính phủ thu về 6 tỷ đô-la và chi ra 10 tỷ đô-la. Có nghĩa là mỗi ngày chính quyền liên bang phải vay thêm 4 tỷ đô-la ngoài con số mà mình có.
Nói trắng ra, nếu làm ăn kiểu như chính phủ thì bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng sẽ sập tiệm. Thế nhưng, trong thế giới phi lý của Washington, các chính trị gia chỉ đơn giản là đứng chần chừ và nhún vai là xong chuyện. Duy chỉ có một vấn đề: sự chần chừ đó cuối cùng lại vấp phải bức tường nợ 15 nghìn tỷ đô-la. Lần đầu tiên kể từ khi nhà nước Cộng hòa ra đời, chúng ta đã mất điểm tín nhiệm AAA, và giờ thì ngay cả Trung Quốc, địch thủ của chúng ta, cũng lưỡng lự trước việc cho chúng ta mượn tiền để chi trả cho việc chi tiêu của chính phủ.
Người Mỹ hiểu rằng nước Mỹ có vấn đề về chi, chứ không phải vấn đề về thu. Tháng 9 năm 2011, Gallup đã hỏi người Mỹ: theo họ, chính phủ liên bang đã lãng phí bao nhiêu tiền của? Trung bình, các công dân cho con số nằm trong khoảng 51 xu trên 1 đô-la. Có lẽ thế vẫn là quá nhân từ.
Chúng ta cần thêm những người trưởng thành ở Washington, những người thành thật và thẳng thắn với người dân Mỹ về những quả bom phá ngân sách hàng đầu của đất nước. Những miếng bánh ngân sách lớn nhất đã bị các chương trình An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế ngoạm sạch. Chương trình An sinh Xã hội chiếm 20% ngân sách (707 tỷ đô-la). Chương trình Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ
Y tế Liên bang chiếm 22% ngân sách (tức 724 tỷ đô-la). Như ai cũng biết, chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng vọt, và vai trò của chương trình Hỗ trợ Y tế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đã mở rộng mạnh mẽ. Vào thời điểm chương trình này ra đời năm 1965, cứ 50 người thì mới có 1 người sử dụng chương trình này. Ngày nay, con số này là 1 trên 6 người.
Cứu lấy chương trình An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế.
Chương trình An sinh Xã hội cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Rất sớm thôi số người ngồi trên xe đẩy sẽ nhiều hơn số người đẩy xe. Ngay tại thời điểm hiện tại đã có 53 triệu người hưởng các phúc lợi xã hội có giá trị trung bình là 1.067 đô-la một tháng. 75 năm nữa, con số này sẽ vọt lên 122 triệu người, xấp xỉ khoảng 1/4 dân số. Đó là lý do tại sao với việc có 77 triệu người sinh ra sau chiến tranh sắp nghỉ hưu và bắt đầu nhận phúc lợi, hai chương trình - mà nếu kết hợp, sẽ chiếm 42% ngân sách nước Mỹ - đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ. Chúng ta không thể để chuyện này xảy ra.
Giờ thì tôi biết một số đảng viên đảng Cộng hòa thoải mái với việc để những chương trình này tự tàn lụi đi rồi chết. Họ thấy rằng An sinh Xã hội và Chăm sóc Y tế là những “chương trình phúc lợi” lãng phí. Thế nhưng, những người nghĩ theo lối này cần xem lại lập trường của mình. Việc một người đóng tiền vào hệ thống hàng chục năm mong nhận được giá trị từ số tiền mà họ bỏ ra không phải là không hợp lý - đó không phải là “phúc lợi”, mà đó xứng đáng là một thương vụ tốt. Ở góc độ xã hội, chúng ta cũng cần có cam kết cứng rắn đối với việc cung cấp một mạng lưới an toàn cho những người không thể tự tạo cho mình một mạng lưới như vậy. Chí ít, đó là lập trường của Tổng thống Reagan. Ngày 20 tháng 4 năm 1983, Tổng thống Reagan đã ký một dự luật bảo vệ chương trình An sinh Xã hội. Tại buổi ký duyệt dự luật, tổng thống đã nói ra những lời mà bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào cũng cần lưu tâm:
Tổng thống Reagan đã nghĩ đúng: Chương trình An sinh Xã hội là xác đáng. Chắc chắn, chúng ta phải cải tổ nó, diệt trừ hành vi gian trá, làm cho nó hiệu quả hơn và đảm bảo rằng chương trình đủ khả năng chi trả không chỉ cho những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sau chiến tranh, mà còn cả các thế hệ sau đó. Tuy nhiên, khi nghe một số đảng viên Cộng hòa bôi xấu hệ thống đã tồn tại hơn 76 năm và cũng là hệ thống mà người đóng thuế bỏ tiền nuôi suốt hàng chục năm, tôi không khỏi nghĩ đến việc họ nên quay lại và xem lại bài phát biểu của Tổng thống Reagan.
Điều tương tự cũng đúng với chương trình Chăm sóc Y tế. Một lần nữa, người dân đã thực hiện giao kèo của họ, họ đóng tiền vào chương trình với niềm tin vững chắc. Lẽ đương nhiên, họ tin rằng họ “có quyền” hưởng những phúc lợi mà họ đã bỏ tiền ra - đúng vậy, họ có quyền!
Câu hỏi ở đây là: Làm sao chúng ta có thể chi trả cho chương trình Chăm sóc Y tế, Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội khi chi phí ngày một phình to, còn thâm hụt thì tăng vọt? Ở đây, một lần nữa, cả hai bên đều đi bóng lóng ngóng. Các đảng viên Dân chủ thì vờ vịt rằng đáp án cho bài toán là tăng thuế. Nhưng bất kỳ ai có đầu óc cũng biết rằng tất cả những gì mà tăng thuế làm được là diệt trừ sức tăng trưởng kinh tế. Điều đó trái ngược hẳn với những gì cần xảy ra. Tăng trưởng kinh tế là bí quyết để làm cho cả chiếc bánh trở nên lớn hơn. Khi kinh tế tăng trưởng, hàng triệu người lao động mới sẽ trở thành những người đóng thuế mới, và tiền thu từ thuế sẽ tăng. Nói như Thượng nghị sỹ Marco Rubio của bang Florida: “Chúng ta hãy thôi nói về những loại thuế mới, và bắt đầu nói về việc tạo ra những người đóng thuế mới, mà về cơ bản đó chính là tạo ra việc làm mới.” Và đó là những gì tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa không thấy được mục tiêu này. Họ vờ rằng chúng ta có thể rỉa quanh rìa bằng cách chấm dứt thói lãng phí, gian lận và sử dụng sai mục đích, và bằng cách thần kỳ nào đó làm cho những chương trình này đủ khả năng chi trả đồng thời thanh toán được khoản nợ 15 nghìn tỷ khổng lồ của chúng ta.
Không một bên nào thành thực ở đây.
Đất nước chúng ta không cần những kẻ nhút nhát, mà cần những con người dũng cảm. Đây là phần đầu tiên của giải pháp: các nhà lãnh đạo của chúng ta cần cứng rắn với những tay chơi lớn như Trung Quốc và OPEC, những kẻ đang cắt cổ chúng ta, nhờ thế chúng ta có thể lấy lại hàng trăm tỷ đô-la để chi trả cho hóa đơn của mình, chăm lo cho người dân và tiến lên con đường nghiêm túc cắt giảm nợ. Chúng ta phải chăm lo cho người dân của mình - chúng ta phải làm cho đất nước mình vững mạnh và giàu có trở lại để An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế không còn bị coi là vấn đề nữa. Chúng ta phải cứu lấy những chương trình này bằng sức mạnh, sự dẻo dai và thịnh vượng.
Như tôi đã giải thích ở phần trước, Trung Quốc đang lấy của chúng ta 300 tỷ đô-la một năm, OPEC thậm chí còn tệ hơn. Washington quá bận rộn tranh cãi về những việc cỏn con đến độ hoàn toàn bỏ qua những núi tiền sừng sững trước mặt họ. Obama và đảng Cộng hòa đã mất hàng tuần lễ cãi nhau về khoản cắt giảm 60 tỷ đô-la khỏi ngân sách của tổng thống. Thứ lỗi cho tôi, nhưng chúng ta đang có khoản nợ 15 nghìn tỉ. Chúng ta cần nghiêm túc và cứng rắn với những kẻ cắt cổ thiện nghệ hay lợi dụng đất nước này. Nếu chúng ta làm việc đó trước, những khoản cắt giảm và cải tổ còn lại mà chúng ta cần thực hiện sẽ nhỏ, dễ quản lý và đỡ đau thương hơn nhiều.
Hãy dừng lại và nghĩ đến điều này: chỉ nội việc chơi bình đẳng với Trung Quốc trong mười năm thôi cũng mang lại cho chúng ta con số tương đương với 1/5 khoản nợ quốc gia (và con số này sẽ là 1/3 khoản nợ nếu chúng ta không bầu cho nhà tổ chức cộng đồng này). Ta cũng có thể cộng thêm hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm khi buộc OPEC phải chơi theo luật, hàng trăm tỷ khác từ việc đàm phán sòng phẳng với nhiều nước đang cắt cổ chúng ta, rồi thu lại hàng trăm tỷ từ các vụ gian lận cực lớn diễn ra mỗi năm, và khi đó chúng ta sẽ có một bài toán nợ mà chúng ta có thể kiểm soát - một bài toán mà chúng ta có thể nhắm mũi tấn công vào sự lãng phí và sử dụng sai mục đích và giảm bớt hẳn số nợ còn tồn để ngôi nhà tài khóa của chúng ta đâu vào đấy. Vì vậy, đây là bước đầu tiên phải làm: lấy lại hàng trăm tỷ đô-la mà những trùm dầu mỏ ở OPEC và Trung Quốc cướp của chúng ta mỗi năm - rồi sau đó giải quyết toàn bộ vấn đề còn lại.
Tiếp theo, chúng ta cũng cần một vị tổng thống ý thức được rằng
tiền của chúng ta thuộc về chúng ta. Một vị tổng thống thật sự cần phải thấy hãnh diện khi tiết kiệm và chi tiêu tiền bạc của chúng ta khôn ngoan.
Món quà 100 triệu đô-la mà tôi tặng nước Mỹ không được đón nhận.
Nếu bạn muốn có một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính phủ của chúng ta thờ ơ thế nào với việc tiết kiệm và chi tiêu tiền của chúng ta một cách hiệu quả, xin mời đọc tiếp. Có một lần tôi xem tivi và tôi thấy Tổng thống Obama đang đãi các nhà lãnh đạo bữa tối tại Nhà Trắng. Nhưng mỗi lần họ tổ chức những sự kiện kiểu này, tôi lại để ý thấy họ dựng một chiếc lều trông cũ kỹ và tồi tàn ở sân Nhà Trắng mà rất có thể họ đã trả cả một khoản kếch xù cho một người nào đó mỗi lần cần đến. Đó không thể nào là cách nước Mỹ tiếp đãi các cuộc họp và bữa tối quan trọng với các nhà lãnh đạo thế giới, cũng như những nhân vật quyền cao chức trọng. Chúng ta cần thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của đất nước chúng ta bằng một phòng khánh tiết với cơ sở vật chất phù hợp. Nếu có một thứ mà tôi biết xây, thì đó chính là một phòng khánh tiết lớn. Tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Plam Beach, Florida, tôi đã xây cái được nhiều người coi là phòng khánh tiết lớn nhất thế giới... nhưng ngoài nó ra, tôi cũng sở hữu nhiều phòng tiệc đẹp và rất thành công khác.
Vì vậy, tôi gọi cho Nhà Trắng và họ nối máy cho tôi với chiến lược gia cao cấp hàng đầu của Tổng thống Obama, David Axelrod. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị, và tôi nói với David: “Tôi sẽ xây cho các anh, hoàn toàn miễn phí, một phòng khánh tiết bậc nhất thế giới để tổng thống và tất cả các tổng thống tương lai của Mỹ có thể chủ trì các sự kiện tại Nhà Trắng một cách đàng hoàng. Một phòng khánh tiết theo tiêu chuẩn cao nhất sẽ có chi phí đâu đó từ 50 triệu đô-la đến 100 triệu đô-la. Tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí đó và tặng chính phủ Mỹ phòng khánh tiết đó như một món quà. Việc tôi sẽ làm là tôi sẽ thuê các kiến trúc sư thuộc tốp 10 thế giới - tôi mong họ sẽ là kiến trúc sư người Mỹ, nhưng tôi sẽ thuê những người giỏi nhất, bất kể họ là ai. Sau đó, chúng ta sẽ thành lập một hội đồng xét tuyển. Chúng ta sẽ chọn ra kiến trúc sư mà tất cả mọi người đều nhất trí, bởi vì vấn đề hơi phức tạp ở chỗ chúng ta đang nói về Nhà Trắng. Và tôi sẽ xây phòng khánh tiết tuyệt nhất từng có, thậm chí còn hơn cả
phòng khánh tiết Mar-a-Lago, để người Mỹ có thể tự hào khi tổng thống của chúng ta tiếp đãi các nhà lãnh đạo thế giới tại Nhà Trắng.”
“Chà,” Axelrod nói. “Hay đấy.” Rồi ông ấy nói ông ấy sẽ truyền đạt lại đề nghị này và liên lạc lại với tôi. Không một ai gọi lại. Và đó chính là vấn đề với đất nước này. Khi Rush Limbaugh mời tôi tham dự chương trình của ông, tôi đã kể cho ông nghe câu chuyện này, và Rush nói có lẽ họ không liên lạc lại với tôi vì tôi là người cả đời là đảng viên Cộng hòa. Có lẽ Rush đúng, nhưng tôi chắc rằng đó đơn giản là cách làm ăn ở Washington, hàng tỷ đô-la bị phí phạm và mọi người đơn giản là chẳng quan tâm. Tôi quả thật đã nghĩ David sẽ nhận món quà của tôi, nhưng giờ vẫn còn chưa quá muộn. Lời đề nghị của tôi vẫn còn đó. Nếu ai đó muốn tặng cho nước Mỹ một món quà tử tế, thì ta sẽ gọi lại cho người đó, bất kể người đó thuộc đảng nào. Đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính quyền Obama không khôn ngoan về chuyện tài khóa và chắc chắn không quan tâm đến việc tận dụng những cách thức mang lại lợi ích lớn nhất có thể cho người Mỹ. Đối với chính quyền Obama, tiết kiệm không phải là mục tiêu cần thực hiện - mở rộng chính phủ và chi tiêu tiền đóng thuế của người dân hơn nữa mới là mục tiêu của họ. Thỉnh thoảng họ gọi nó là “đầu tư” hoặc “kích thích”, nhưng phần lớn đó chỉ là sự lãng phí hoàn toàn thuần túy.
Chúng ta cần một người biết làm kinh doanh ở Nhà Trắng, người biết cách tư duy mới mẻ và đạt được những giao kèo thông minh.
Ví dụ, trong một giao kèo được mô tả chi tiết mới diễn ra cách đây không lâu ở Florida, tôi đã mua một ngôi nhà ở Palm Beach được rao bán do vỡ nợ (rất buồn là một người đàn ông giàu có phải mất đi mọi thứ) với giá 41 triệu đô-la, và mọi người ai cũng nghĩ tôi điên. Nhưng tôi biết rõ hơn ai hết. Đó là một khu đất tuyệt vời trông ra biển - và không lâu sau đó tôi bán lại nó cho một người Nga với giá khoảng 100 triệu đô-la. Nếu tôi nghe lời các thiên tài, tôi sẽ không thực hiện thương vụ đó. Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh.
Chúng ta cũng cần một người có thể tiết kiệm tiền bạc với hiểu biết thông thường. Khi tôi mở Câu lạc bộ National Golf Trump ở Rancho Palos Verdes, Los Angeles, ngay lập tức người ta nói với tôi rằng tôi sẽ cần xây một phòng khánh tiết mới và tốn kém. Phòng
khánh tiết hiện tại tráng lệ thật, nhưng chỉ chứa được 200 người và chúng tôi sẽ mất mối làm ăn vì mọi người cần không gian lớn hơn cho các sự kiện của họ. Để xây một phòng khánh tiết mới, chúng tôi sẽ phải mất hàng năm trời xin phê duyệt giấy tờ (vì khu này nằm ở vùng bờ biển thuộc Thái Bình Dương), và khoảng 5 triệu đô-la. Tôi tới xem phòng khánh tiết đúng một lần, và ngay lập tức thấy cần làm gì ở đây. Vấn đề không phải là kích thước của căn phòng, mà là kích thước ghế ngồi. Chúng quá lớn, nặng nề và cồng kềnh. Chúng tôi không cần một phòng khánh tiết lớn hơn, chúng tôi cần những chiếc ghế nhỏ hơn! Và thế là tôi thay thế số ghế này bằng những chiếc ghế cao cấp, nhỏ gọn hơn. Sau đó, tôi cho nhân viên bán những chiếc ghế cũ và số tiền thu được từ chúng còn nhiều hơn cả số tiền bỏ ra mua những chiếc ghế mới. Cuối cùng, phòng khánh tiết vốn chỉ có chỗ cho 200 người thì nay chứa được 320 người. Các vị khách của chúng tôi có được không gian mà họ mong muốn, và tôi đã đỡ cho mọi người sự phiền nhiễu của hàng năm xây dựng và 5 triệu đô-la chi phí. Những gì ta có thể hoàn thành với chút ít hiểu biết thông thường thật lớn.
Washington đang lãng phí tiền của của chúng ta.
Để có một chính phủ mà chúng ta đủ sức chịu, chúng ta cần loại bỏ sự lãng phí to lớn đang cản trở hệ thống. Gần như mỗi tuần lại xuất hiện một câu chuyện mới hé lộ một ví dụ tồi tệ khác cho thấy sự lãng phí của chính phủ. Theo báo cáo của GAO, mỗi năm, chính phủ liên bang chi tiêu hàng tỷ đô-la cho hàng chục những chương trình phí phạm chồng lấn lên nhau. Một giải pháp đơn giản - tổ chức hợp lý và hợp nhất 2.100 trung tâm dữ liệu - sẽ giúp tiết kiệm 200 tỷ đô-la trong 10 năm tới.
Một ví dụ khác: Trong năm năm qua, Cục Quản lý Nhân sự đã chi trả 601 triệu đô-la tiền hưu trí cho những người đã chết! Danh sách chi tiêu của liên bang gần như không có điểm dừng: năm 2010, 700.000 đô-la tiền thuế của chúng ta được cắt cho nghiên cứu về hiện tượng ợ hơi ở bò, 600.000 đô-la cho việc tạo ra một trò chơi video liên quan đến chó sói, và 250.000 đô-la cho nghiên cứu chuyện tình thời Internet.... Danh sách cứ tiếp tục kéo dài ra nữa. Số tiền mà chúng ta phải khổ nhọc mới kiếm được đã bị thổi tung tít tắp.
Obama không trân trọng thực tế rằng số tiền mà ông ta đang lãng phí là số tiền thuộc về chúng ta. Ông ta nghĩ rằng của cải mà chúng ta tạo ra thuộc về chính phủ. Đó là lý do tại sao ông ta không quan tâm đến việc liệu nó bị lãng phí hay bị quản lý không đâu vào đâu. Tôi thì ngược lại và đó là lý do tại sao tôi làm ra nhiều tiền - tôi quản lý các dự án một cách gọn ghẽ và đặt ưu tiên hàng đầu vào hiệu quả hoạt động.
Ví dụ cụ thể: Sân trượt băng nữ ở Central Park. Căn hộ của tôi ở tòa tháp Trump Tower nhìn xuống sân trượt băng rộng hơn 1 mẫu, nhờ thế mà trở thành sân trượt băng nhân tạo lớn nhất nước Mỹ. Trong suốt bảy năm trời, sân trượt băng này phải đóng cửa vì thành phố New York không thể quản lý nổi. Thành phố đã lãng phí bảy năm cùng với 21 triệu đô-la mà vẫn không thể mở cửa sân trượt băng - đây là một cơn ác mộng chính trị và là nỗi hổ thẹn lớn đối với thành phố.
Về cơ bản, toàn bộ kiểu làm ăn quan liêu và lãng phí tiền thuế của dân này thật sự làm tôi khó chịu, vì vậy tôi đã đề nghị tiếp quản dự án và thậm chí tự bỏ tiền ra xây dựng lại. Ngoài ra, tôi cũng nói rằng, nếu dự án vượt quá ngân sách, cá nhân tôi sẽ bù phần vượt ngân sách
này. Tôi cũng nói với thành phố là tôi sẽ hoàn thành Sân trượt băng nữ trong sáu tháng. Tôi đã lầm. Tôi hoàn thành trong bốn tháng. Và tôi chỉ bỏ ra 1,8 triệu đô-la - phần lớn số tiền đó là để loại bỏ toàn bộ
phần công việc kém cỏi được thực hiện từ trước khi tôi tiếp quản. Tôi có phải là chuyên gia xây dựng sân trượt băng không? Không, tôi xây các tòa tháp, khách sạn, câu lạc bộ sang trọng, v.v... Nhưng tôi không bao giờ quên những gì mà cha tôi từng nói với tôi. Ông đã nói: “Phải
rõ mọi điều về những gì con làm.” Vì vậy, tôi đã đi ra ngoài và tìm được người xây sân trượt băng giỏi nhất nước Mỹ, và quản lý các chi tiết tới chỗ hoàn tất thành công. Tới nay, đây vẫn là một nghiên cứu trường hợp ở nhiều trường kinh doanh hàng đầu về sự khác biệt giữa các dự án của tư nhân và dự án của chính phủ. Đáng mừng hơn nữa, Sân trượt băng nữ mang đến cho hàng nghìn trẻ em, gia đình và khách thăm thành phố lớn của chúng ta một trải nghiệm tuyệt vời mang lại nhiều nụ cười và kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những gì sẽ diễn ra khi ta thật sự làm việc để tiết kiệm, chứ không phải để lãng phí.
Thẳng tay trừng trị hành vi gian lận. Ngoài việc loại bỏ tình trạng chi tiêu lãng phí, chúng ta cũng cần
cứng rắn trong việc thẳng tay loại bỏ tình trạng mất hàng trăm tỷ đô la vì gian lận trên diện rộng mà các chương trình chính phủ gây ra mỗi năm. FBI ước tính rằng chỉ riêng tình trạng gian lận ở chương trình Chăm sóc Y tế cũng khiến những người đóng thuế mất từ 70 tỷ đô-la đến 234 tỷ đô-la mỗi năm! Thông thường, hành vi gian lận này thường liên quan đến việc làm giả chứng từ. Chẳng hạn, tháng 9 năm 2011, các quan chức đã phát hiện ra một vụ gian lận ở chương trình Chăm sóc Y tế có liên quan đến 91 cá nhân bị cáo buộc là đã làm giả chứng từ có giá trị 295 triệu đô-la. Năm 2010, chương trình Chăm sóc Y tế đã chi trả hơn 35 triệu đô-la cho 118 cơ sở y tế “ma” được cho là được các băng nhóm tội phạm lập ra như một mánh lới để lấy tiền đền bù. Như chương trình 60 Phút đã tiết lộ, Nam Florida đã trở thành bình địa cho nạn gian lận trong chương trình Chăm sóc Y tế vì nơi đây có nhiều người già cả sinh sống. Mọi chuyện tồi tệ đến mức giới hành pháp cũng phải nói rằng tội phạm liên quan đến chương trình này giờ đã soán chỗ cocaine trở thành doanh nghiệp tội phạm số 1 ở Nam Florida.
Giờ thì hãy dừng lại và làm phép tính. Nếu các ước tính của FBI đúng, có nghĩa là có 2.340.000.000 đô-la bị gian lận từ chương trình Chăm sóc Y tế trong mười năm - tức khoảng 16% khoản nợ của cả nước Mỹ! Và tiện đây cũng xin nói chúng ta vẫn chưa nói gì tới chương trình Chăm sóc Sức khỏe Obamacare - một việc làm vô ích, lãng phí cả nghìn tỷ đô-la của chính phủ và chắc chắn sẽ tháo cũi sổ lồng cho tình trạng tham nhũng và tội phạm lớn đến không ngờ mà người đóng thuế Mỹ phải chịu đựng.
Và rồi còn cả mánh lới kiếm chác từ người khuyết tật. Bạn có biết cứ 20 người Mỹ thì có 1 người lại khai là khuyết tật không? Con số này khiến ngân sách cho người khuyết tật tăng lên thành 170 tỷ đô-la một năm. Từ năm 2005 đến năm 2009, ước tính các vụ khai gian làm giả chứng từ của Cục Bảo hiểm Khuyết tật An sinh Xã hội đã ngốn 25 tỷ đô-la. Đó là chưa kể đến 112 tỷ đô-la Sở Thuế vụ phân phát dưới dạng hồi thuế cho những tù nhân đòi hồi lại khoản thuế gian lận đã thu. Cứ thế, cứ thế, hết phi vụ lừa bịp này đến phi vụ lừa bịp khác tiếp tục diễn ra... và lúc nào cũng vậy, người đóng thuế là người bị lừa gạt.
Thương thảo thông minh hơn.
Nhiều đảng viên Cộng hòa mà tôi biết nhìn vào toàn bộ sự lãng
phí, gian lận và sử dụng sai mục đích này và băn khoăn tại sao đảng Cộng hòa không làm tốt hơn nữa công việc cải tổ hệ thống và sắp xếp lại trật tự của ngôi nhà tài khóa Mỹ. Chà, sự thật đáng buồn là một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội hoàn toàn thiếu khả năng cần thiết trong thương thảo. Tôi biết điều này sẽ khiến một số chiến hữu cùng phe bảo thủ với tôi trách giận, nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ nói. Tôi tin chắc Dân biểu Raul Ryan là một người tốt, nhưng tôi có thể nói với bạn thế này: ông ấy là một người chơi bài poker tồi. Trong nỗ lực nói về việc làm thế nào để cân bằng ngân sách và kiểm soát thói nghiện chi tiêu của Washington, ông ấy đã đưa ra kế hoạch xem xét lại toàn bộ chương trình Chăm sóc Y tế. Đó là một sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn... Tôi đang nói đến thực tế ông ấy hoàn toàn thiếu các kỹ năng thương thảo.
Dân biểu Ryan và đảng Cộng hòa đã phạm phải hai sai lầm chết người. Thứ nhất, bất cứ ai biết chút gì về đàm phán cũng hiểu rằng ta luôn để cho đối phương đi trước. Đảng Cộng hòa đáng lẽ nên đợi tổng thống xuất hiện và buộc ông ta phải đi trước trong việc kể ra những khoản sẽ cắt giảm, và ông ta lên kế hoạch đưa ngân sách về trong tầm kiểm soát cũng như bảo vệ điểm tín dụng của Mỹ như thế nào. Ông ta đã không làm vậy. Thay vào đó, Dân biểu Ryan phạm phải một sai lầm lớn. Ông ấy xuất đầu lộ diện và khiến đảng Cộng hòa trở thành mục tiêu lớn trong khi Obama thì yên vị trở lại và để đảng Cộng hòa thực hiện màn tự sát chính trị. Sai lầm thứ hai mà Ryan mắc phải là ông ấy đã làm cho những người già cả sợ chết khiếp. Nói gì thì nói, phần lớn những người già cả đều thích chương trình Chăm sóc Y tế. Và tôi cũng thích chương trình này vì họ. Khi ta bắt đầu nói theo lối khiến những người Mỹ già cả lo lắng, thì đó là chính trị tồi.
Vậy đảng Dân chủ đã làm gì? Họ đã biến Paul Ryan và đề xuất của ông với chương trình Chăm sóc Y tế trở thành bao cát cho mọi người đấm, và đảng Cộng hòa đã thua tại cuộc bầu cử nghị viện đặc biệt ở vùng ngoại ô New York, một cuộc bầu cử mà đáng ra họ có thể chiến thắng dễ dàng. Ứng viên đảng Dân chủ, Kathy Hochul, đập tơi tả Jane Corwin, đối thủ của bà này ở đảng Cộng hòa, bằng một chiến dịch quảng cáo chương trình Chăm sóc Y tế trên TV có hình ảnh một cụ bà ngồi xe lăn đang bị đẩy ra khỏi vách đá. Quảng cáo giải thích rằng lý do cụ bà bị xô ra khỏi vỉa đá là vì “Paul Ryan và bạn bè của ông ta trong Quốc hội.” Bất công đúng không? Rõ ràng là thế. Hành động chính trị đúng đắn đúng không? Tuyệt đối đúng đắn. Đảng Cộng hòa cần học cách cứng rắn và đàm phán trên cơ Obama cũng như các
đồng minh vung tay quá trán của ông này ở Washington. Họ cũng cần học hỏi nghệ thuật sử dụng tông giọng và ngôn ngữ phù hợp.
Điều này chắc chắn đúng khi liên quan đến cuộc thảo luận xung quanh vấn đề làm sao để khắc phục và cứu chương trình An sinh Xã hội. Những người bảo thủ phải khôn ngoan trong cách nói. Sử dụng thứ ngôn ngữ điên rồ làm những người già cả hoảng sợ không giúp
hoàn thành việc gì. Việc đó chỉ đơn giản là đưa cho đảng Dân chủ thêm một thứ vũ khí mà họ có thể sử dụng để biến đảng Cộng hòa trở thành trở những con quỷ máu lạnh và bủn xỉn. Một lần nữa, khi một người làm việc suốt 40 năm trời và nhìn thấy chính phủ cắt giảm 6% giá trị của 480 phiếu lương mà họ nhận được trong suốt những năm đó, dễ hiểu tại sao họ muốn nhận lại khoản tiền mà chính phủ đã nợ họ. Đó là chuyện công bằng nhất.
Vì vậy, việc đầu tiên chúng ta cần làm là nhắc những người già nhớ rằng trợ cấp An sinh Xã hội của họ an toàn, và sẽ không bị đụng đến dưới bất kỳ hình thức nào. Chấm hết. Chúng ta có nguồn quỹ để trả cho họ khoản tiền mà họ sẽ được nhận khi đến hạn, và chúng ta sẽ làm được như vậy. Khi đó, chúng ta cần nhìn vào 75 năm tới và giải quyết khoản thâm hụt dự kiến là 5,3 nghìn tỷ đô-la. Giải pháp của đảng Dân chủ chính là giải pháp mà họ có cho tất cả mọi thứ - thuế, thuế và thuế. Duy chỉ có một vấn đề: giải pháp này không hiệu quả! Tất cả những gì rốt cuộc sẽ xảy ra là những kẻ chi tiêu vung tay trong chính phủ tiếp tục cướp bóc các quỹ tín thác An sinh Xã hội và dốc cạn túi vào những chương trình rác mà chúng ta không cần đến.
Điểm mấu chốt: tăng thuế để đỡ phần thiếu hụt ngân sách không phải là cách mang lại cho nước Mỹ một chính phủ mà nó đủ khả năng có được, nhưng làm cho nền kinh tế vững mạnh trở lại thì có.
Giải pháp.
Vậy chúng ta nên làm gì? Việc đầu tiên chúng ta cần nhận ra là nhờ những tiến bộ trong ngành y tế và sức khỏe, người Mỹ có thể sống và làm việc lâu hơn thời khi chương trình An sinh Xã hội mới ra đời. Thực tế là, từ khi chương trình An sinh Xã hội ra đời năm 1935, tuổi thọ của người Mỹ đã tăng 26%, lên 78 tuổi, trong khi tuổi nghỉ hưu để nhận đầy đủ trợ cấp chỉ tăng 3%, lên tuổi 67. Ngày nay, mọi người vẫn làm việc tốt khi họ ở tuổi 70, đây là điều hết sức tuyệt vời.
Vì vậy, nếu chúng ta có thể từ từ tăng tuổi nghỉ hưu chính thức lên 70 thôi, 1/3 số thiếu hụt 5,3 nghìn tỷ kia sẽ bị xóa bỏ ngay lập tức. Nhưng đừng làm việc đó ngay bây giờ, hãy làm việc đó trong tương lai.
Cách nhanh nhất chúng ta có thể bắt đầu làm để cứu chương trình An sinh Xã hội là đưa người Mỹ trở lại làm việc. Thêm nhiều công dân có lương có nghĩa là thêm nhiều người lao động đóng tiền vào hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ cứu đất nước thoát khỏi cuộc bùng nổ trợ cấp thất nghiệp mà chúng ta đã chứng kiến dưới thời Barack Obama. Chẳng hạn, trợ cấp thất nghiệp mở rộng trong hai năm tới sẽ tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ 34 tỷ đô-la. Nếu mục tiêu là kiểm soát thâm hụt và nợ thì con đường nhanh nhất để đến đó là châm ngòi tăng trưởng kinh tế và để những nhà tạo việc làm làm phần việc mà giỏi nhất – kiến tạo việc làm.
Phần việc cuối cùng của tiến trình khôi phục lại sự tỉnh táo về tài khóa cho nước Mỹ là phần việc rõ ràng nhất, đó là kiểm soát thú chi tiêu ầm ầm của chính phủ. Dưới đây là bức chân dung mà tờWall Street Journal cố gắng mô tả:
Sự sai lầm về chính sách kinh tế quả thật kinh hoàng. Và đó là lý do tại sao nước Mỹ cần một tổng thống hiểu và đánh giá đúng các hoạt động kinh doanh cũng như các doanh chủ giúp tạo ra cơ hội và việc làm đến vậy.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ: Tôi hết sức phê phán Tổng thống George W. Bush. Tôi cho rằng ông ấy đã phản bội lại các nguyên tắc bảo thủ tài khóa khi chi tiêu quá đà. Ngoài ra, tôi cho rằng việc khả năng kiểm soát yếu kém của ông trong Bão Katrina là kinh khủng, và tôi cũng nghi ngờ quyết định phát động chiến tranh tại Iraq của ông, một cuộc chiến đã làm chúng ta tổn thất cả nghìn tỷ đô-la và, tồi tệ hơn, hàng ngàn sinh mạng. Nhưng những món chi tiêu quá đà của
Tổng thống Bush không là gì so với Tổng thống Obama. Chỉ trong ba năm, Obama đã làm khoản nợ của chúng ta rộng ngoác đến nỗi chúng ta phải vay mượn 4 tỷ đô-la mỗi ngày. Nếu so sánh, dưới thời Tổng thống George W. Bush, trong suốt nhiệm kỳ 8 năm làm tổng thống của ông, con số chúng ta phải vay mượn mỗi ngày là 1,6 tỷ đô-la. Chẳng tuyệt vời gì, nhưng thế là khá hơn nhiều.
Tất nhiên, bất kỳ ai để tâm chú ý trong năm 2008 đáng lẽ cũng biết rằng Obama không quan tâm đến nợ và cắt giảm thâm hụt. Tuy nhiên, việc ông này hoàn toàn tảng lờ những phát hiện của ủy ban nợ của chính ông trong báo cáo BowlesSimpson chứng tỏ rằng vị tổng thống này không có ý định giảm bớt thói chi tiêu lan tràn của mình. Mỗi người Mỹ, bất kể thuộc đảng phái nào, cần suy nghĩ thật nghiêm túc và kỹ lưỡng về việc thêm bốn năm Barack Obama sẽ có nghĩa là gì với khoản nợ quốc gia và khả năng thanh toán của chương trinh An sinh Xã hội, Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế.
Nếu ta không sớm làm gì, các chương trình mà người Mỹ dựa vào như Chăm sóc Y tế, Hỗ trợ Y tế và An sinh Xã hội sẽ rơi vào chảo lửa. Mọi sự không phải diễn ra theo lối ấy. Chúng ta có thể đưa nước Mỹ trở lại với sự vĩ đại trước dây nếu chúng ta cứng rắn và hành động khôn ngoan.
Công việc bắt đầu từ Trung Quốc và OPEC. Việc bọn họ cướp của chúng ta hàng trăm tỷ đô-la mỗi năm phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta cần một vị tổng thống với cột sống titan, người sẽ đứng dậy thách thức những kẻ tống tiền nhà nghề này và yêu cầu bọn họ phải rút bỏ bàn tay tham lam ra khỏi túi chúng ta ngay lập tức. Chỉ riêng hành động này thôi cũng sẽ giúp mang lại cho chúng ta một khoản hàng trăm tỷ đô-la từ trên trời để giúp chúng ta trả bớt nợ và đáp ứng được các cam kết của mình. Tiếp theo, chúng ta cần thi hành chính sách không khoan thứ với kiểu lãng phí của chính phủ mà tất cả chúng ta đều đã quá đỗi quen thuộc ở Washington. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tổ chức lại hệ thống của chúng ta cho gọn gàng và chấm dứt tình trạng lãng phí. Thứ ba, chúng ta cũng cần truy bắt những kẻ tội phạm và những kẻ bịp bợm bậc thầy đang lừa cướp của người đóng thuế 243 tỷ đô-la mỗi năm trong các vụ gian lận liên quan đến chương trình Chăm sóc Y tế và hàng tỷ đô-la từ các kiểu gian lận khác như mánh lới khai gian là khuyết tật. Ngồi im khi những kẻ lừa đảo này trộm cắp tiền của những người làm việc chăm chỉ và ăn cướp của những người Mỹ xứng đáng khoản trợ cấp mà họ đã bỏ tiền ra là
hèn hạ. Chúng ta phải khởi tố những kẻ lừa đảo này theo khung hình phạt cao nhất của pháp luật và lấy lại hàng trăm tỷ đô-la mà bọn họ đã lấy của chúng ta hết năm này đến năm kia. Thứ tư, chúng ta phải cứu lấy chương trình An sinh Xã hội thông qua thành công kinh tế. Thứ năm, chúng ta cần đưa người Mỹ trở lại với công việc và khiến Washington tỉnh táo hơn về chuyện tài khóa. Nếu làm được năm việc này, chúng ta sẽ truyền lại cho con cháu chúng ta không chỉ một chính phủ mà chúng đủ sức hưởng, mà còn là chính phủ mà chúng ta có thể lấy làm tự hào.
Chương 6. Tăng cường sức mạnh nước Mỹ
Nước Mỹ có một vị thế trong các quốc gia mà nếu không bị mất hoàn toàn thì cũng sẽ bị kìm lại bởi cái tiếng là yếu nhược. Nếu chúng ta muốn tránh bị sỉ nhục, chúng ta phải có khả năng đẩy lùi nó; nếu chúng ta muốn đảm bảo hòa bình, một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mang đến sự thịnh vượng cho đất nước của chúng ta, mọi người cần phải hiểu rằng chúng ta luôn sẵn sàng chiến đấu.
— Tổng thống George Washington
Nếu cái mạng ta không giữ được thì các quyền tự do dân sự của ta sẽ thành vô nghĩa. Đó là lý do tại sao chức năng quan trọng nhất của chính phủ liên bang là quốc phòng.
Các vị quốc phụ của chúng ta hiểu điều này. Họ hiểu rằng ta chẳng thể tận hưởng điều tốt đẹp nào của cuộc sống − tự do tôn giáo, tự do kinh tế, tự do phát biểu − nếu phải lo sợ cho sự an toàn tính mạng của mình. Thế nhưng, đáng tiếc là chúng ta đang sống trong một thế giới mỗi ngày một trở nên nguy hiểm hơn. Trung Quốc đang tiến hành xây dựng năng lực quân sự trên diện rộng và tạo ra những vũ khí chiến tranh mạng có khả năng buộc nước Mỹ phải khụy gối. Nga đang nổi lên, Iran, đất nước rót tiền cho những kẻ khủng bố trên khắp thế giới, ngày càng tiến gần hơn đến việc tạo ra một vũ khí hạt nhân có khả năng vận hành. Pakistan đã lộ ra là quốc gia che giấu cho Osama bin Laden ngay cạnh chỗ chẳng khác gì với West Point của nước Mỹ, và tổ chức tình báo của nước này hỗ trợ mạng lưới Haqqani, một nhóm khủng bố còn nguy hiểm hơn cả al Qaeda. Afghanistan vẫn trong tình trạng lộn xộn và là ổ khủng bố. Syria đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến, còn Libya thì đã rơi vào tình trạng này...
Nói tóm lại, những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia xuất hiện
khắp nơi và ngày càng nhiều. Đó là lý do tại sao tôi lại dành sự ngưỡng mộ và trọng thị với 2,4 triệu quân nhân trong Lực lượng Vũ trang của chúng ta đến vậy. Mỗi ngày, những quân nhân, thủy thủ, phi công và hải quân của chúng ta lại thức dậy, khoác lên mình bộ đồng phục và giữ đúng lời thề trang nghiêm sẽ bảo vệ nước Mỹ trước mọi kẻ thù. Họ biết mạng sống của họ đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng họ yêu nước Mỹ nhiều đến độ sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình cho đất nước này. Đó là cấp độ cam kết mà hầu hết những người dân thường sẽ chẳng bao giờ phải trải qua − hầu hết chúng ta không phải làm những công việc đòi hỏi chúng ta phải sẵn lòng chết cho những người anh em đồng bào. Quả thực, tôi tin rằng chúng ta nợ những cựu chiến binh của đất nước mình nhiều hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể đền đáp họ. Đó là lý do tại sao tôi tự hào khi đóng một vai trò quan trọng trong Ủy ban Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam ở thành phố New York để vinh danh các chiến binh với một kỷ niệm chương thích đáng và giúp họ có việc làm. Tôi đã bỏ ra hơn 1 triệu đô-la để đảm bảo nỗ lực này sẽ thành công. Tôi cũng cảm động và tự hào khi tham gia vào dự án này bởi những người anh hùng của chúng ta xứng đáng có được điều tốt đẹp nhất.
Nước Mỹ xứng đáng có một vị tổng tư lệnh tôn trọng những khó khăn và thực tế mà Lực lượng Vũ trang của chúng ta hiện đang phải đối mặt trong một thế giới đầy rẫy nguy hiểm. Cụ thể, quân đội của chúng ta xứng đáng có được trang thiết bị, những khóa huấn luyện và vũ khí tốt nhất. Họ cũng xứng đáng được hưởng mức lương tốt cho công việc hiểm nguy và anh hùng của mình. Họ không đơn thuần là kiếm được nó.
Nếu lịch sử có dạy chúng ta điều gì thì đó là những quốc gia vững mạnh cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với những nguyên tắc an ninh quốc gia được xác định rõ ràng. Thực tế thay đổi với tốc độ chóng vánh; các sự kiện quốc tế có thể đổi chiều trong tích tắc. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, Libya, Mùa Xuân Ả-rập – tất cả những biến cố này đều xảy ra trong chớp mắt. Một tổng thống không phải lúc nào cũng có thể dự đoán “đám cháy” an ninh quốc gia tiếp theo sẽ bùng lên ở đâu, nhưng ông ta có thể và phải có một chiếc la bàn ổn định và đáng tin cậy làm kim chỉ nam cho các quyết định của mình. Các công dân cần biết những giá trị và nguyên tắc mà vị tổng thống của họ dựa vào để dẫn dắt nước Mỹ vượt qua bất kỳ mối đe dọa ẩn tàng nào nằm ở phía trước. Tôi tin rằng bất kỳ học thuyết chính sách ngoại giao đáng tin cậy nào
của nước Mỹ cũng cần được định nghĩa bởi ít nhất bảy nguyên tắc cốt lõi sau:
1. Lợi ích của nước Mỹ là trên hết. Luôn luôn là như vậy. Không có gì phải biện bạch ở đây.
2. Chuẩn bị sẵn sàng tối đa về hỏa lực và sức mạnh quân sự. 3. Chỉ bước vào cuộc chiến khi chắc thắng.
4. Trung thành với bằng hữu, và hoài nghi kẻ thù.
5. Luôn giữ lưỡi kiếm công nghệ sắc bén.
6. Nhìn thấy những điều ẩn giấu. Chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa trước khi chúng trở thành hiện thực.
7. Tôn trọng và hỗ trợ những chiến binh hiện tại và trước đây của chúng ta.
Đáng buồn là Tổng tống Obama lại đánh giá thấp tất cả các nguyên tắc cốt lõi kể trên. Thứ nhất, chẳng bao lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông ấy đã làm một chuyến công du đi xin lỗi cả thế giới Ả-rập. Bạn có biết cuộc phỏng vấn đầu tiên của Obama trên cương vị tổng thống là với kênh tin tức Al Arabiya của Ả-rập? Tôi có tin cần báo cho Tổng thống Obama đây: Nước Mỹ chẳng phải là điều gì sai trái với cái thế giới này. Tôi không tin chúng ta cần xin lỗi vì bị những kẻ khủng bố cực đoan Hồi giáo căm ghét, những kẻ ghét tôn giáo của chúng ta, tự do của chúng ta, và ghét thực tế rằng chúng ta đang mở rộng quyền con người cho nữ giới. Thứ hai, trong khi thổi tung hàng nghìn tỷ đô-la tiền thuế của chúng ta cho các kế hoạch “kích thích” của mình, Tổng thống Obama lại đề xuất cắt giảm 400 tỷ đô-la ngân sách quốc phòng. Thứ ba, bằng việc tuyên bố ngày giờ rút khỏi Afghanistan, và không xác định rõ các mục tiêu của chúng ta trong cuộc nội chiến Libya, Obama hoàn toàn làm hỏng mọi chuyện, khiến chúng ta gần như không thể xác định được thế nào là chiến thắng và đạt được nó. Thứ tư, vị tổng thống này cũng xa rời các đồng minh như Israel, hay Ba Lan và Cộng hòa Czech, khi nhường bước trước các đòi hỏi của Nga về việc chúng ta không xây các hàng rào phòng thủ tên lửa để bảo vệ những người bạn của mình. Thứ năm, bằng việc cắt bỏ ngân sách quân sự, Obama đã đe dọa đến khả năng giữ ưu thế
công nghệ về hệ thống vũ khí của chúng ta. Thứ sáu, Obama đã bị bắt quả tang không phòng bị gì khi Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu J-20, điều mà chính quyền của ông này nghĩ là còn lâu mới xảy ra. Và cuối cùng, bằng việc nhằm vào ngân sách quốc phòng mà tấn công để chi trả cho các chương trình xã hội của mình, Obama tiếp tục làm suy yếu khả năng tôn vinh những chiến binh trước đây và hiện thời của chúng ta.
Khi các sỹ quan quân sự và tình báo của chúng ta tìm ra Osama bin Laden, ngay giữa Pakistan, họ đã tìm tới tổng thống để báo tin và hỏi liệu nên xử lý tay này bằng một quả tên lửa hay bằng một cuộc tấn công (cả hai giải pháp đều hợp lý). Giải pháp duy nhất còn lại là để cho tay này yên. Chà, Obama đã có một quyết định để thực hiện. Chúng ta sẽ có bin Laden − hay chúng ta sẽ để hắn yên? Tôi không thể tin nổi bất kỳ ai ngồi ở Phòng Bầu Dục lại nói: “Đừng làm gì cả.” Vì vậy, ông ấy quả thật chỉ có đúng một lựa chọn cần thực hiện: thủ tiêu hắn ta bằng tên lửa hay bằng một cuộc tấn công. Ông ấy đã quyết định, và dù là theo hướng nào thì quyết định đó cũng đều đúng đắn, và Osama bin Laden đã chết.
Việc chúng ta tóm được hắn ta thật tuyệt vời, nhưng có người tỉnh táo nào mà lại hành động khác đi trong trường hợp này? Tại sao Obama lại được ghi nhận công trạng lớn lao đến vậy? Tôi biết nói thế
này thì không đúng về mặt chính trị, nhưng nếu ai có thể giải thích chuyện này cho tôi, tôi rất lấy làm cảm kích. Người xứng đáng nhận được mọi công trạng là quân đội của chúng ta, chứ không phải Obama.
Ngoài ra, chính sách ngoại giao mà Obama đã thực hiện trong ba năm đầu tiên ở cương vị tổng thống cũng có vấn đề. Thêm nữa, ông ấy còn phá hỏng hệ thống an ninh quốc gia của nước Mỹ. Một cái nhìn cận cảnh hơn sẽ vén lộ một số thực tế đáng báo động.
Tổng tư lệnh phải là người có trực giác chuẩn. Đó là một trong những vấn đề của Obama. Ví dụ: Trên đường vận động tranh cử năm 2008, Obama đã hứa sẽ đóng cửa nhà tù chống khủng bố ở vịnh Guantanamo. Rồi sau đó, khi được bầu làm tổng thống, gặp gỡ những người trưởng thành trong giới quân đội và tình báo, ông ấy buộc phải làm quen với thực tế rằng Guantanamo tồn tại là có lý do, như Tổng thống George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã quả quyết suốt thời gian dài.
Sau đó là đến trực giác của Obama khi đối xử với những kẻ khủng bố như những tên tội phạm (thay vì là phiến quân như bản chất vốn dĩ của chúng), cho phép chúng được hưởng quyền xét xử trong các phiên tòa dân sự, thay vì bị đưa ra tòa án quân sự. Như ai cũng biết, các phiên tòa dân sự thường không cho công tố viên quyền hạn cần thiết để gạt bỏ thẳng tay những tên khủng bố nguy hiểm và bảo đảm an toàn cho đất nước. Thế nhưng Obama và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của ông này, Eric Holder, lại nghĩ ngược lại. Một ví dụ là bài học đau đớn mà Obama nhận được khi Ahmed Ghailani được tuyên trắng án khỏi hơn 224 điểm buộc tội về tội giết người trong một phiên tòa dân sự xét xử tội trạng của tên này trong vụ ném bom đại sứ quán Mỹ ở châu Phi. “Đó gần như là một thảm họa”, dân biểu của Đảng Cộng hòa ở bang Texas, Lamar Smith nói. “Nếu Ghailani được tuyên trắng án thêm một cáo buộc nữa, hắn ta sẽ được coi là vô tội trước những tội ác đáng ghê tởm này.”
Sai lầm này gợi nhớ lại thất bại ngu xuẩn của Obama và Holder trong vấn đề có nên tổ chức phiên tòa xử Khalid Sheikh Mohammed, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9 ở thành phố New York hay không. Lý do Obama và Eric Holder muốn cho một trong những kẻ thù lớn nhất của nước Mỹ một cái bục làm quan hệ công chúng và chiếc loa truyền thông lớn nhất thế giới tại đúng nơi diễn ra các cuộc tấn công khủng bố vào tòa Tháp Đôi thật không thể hiểu nổi. Thế nhưng một năm sau đó, Obama và Holder cuối cùng cũng quyết định xét xử Khalid Sheikh Mohammed ở Guantanamo.
Rồi tiếp đến là quyết định gần đây của Obama − rút ruột quân đội Mỹ bằng việc cắt giảm 400 tỷ
đô-la khỏi ngân sách quốc phòng, một con số lớn hơn gấp hai lần con số mà Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khi đó xác định là khôn ngoan. Và giờ đây ta có Obama, một người đàn ông chưa bao giờ gặp phải chi phiếu chi tiêu nào mà ông ta không ưa, nhưng khi vấn đề là rót ngân sách cho các đội quân của chúng ta và cung cấp cho họ trang thiết bị, khóa huấn luyện và sự hỗ trợ cần thiết, Obama lại vắng bóng. Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Gates khi nghe nói đến quyết định đó của ông sếp của mình, một động thái như thế sẽ làm suy yếu “cấu trúc lực lượng và năng lực quân sự.”
Thỏa thuận là thế này: khi bộ trưởng quốc phòng nói với ta rằng các biện pháp cắt giảm mà ta đề xuất sẽ làm xói mòn năng lực quân sự của nước Mỹ, ta cần chú ý. Nhưng Obama thì không. Ông ấy nghĩ
mình biết cách điều hành quân đội tốt hơn những người cầm súng chiến đấu. Ông ấy đã lầm. Lý do những người bảo thủ ủng hộ một hệ thống quân đội vững mạnh, được rót ngân sách đầy đủ là vì họ biết rằng mọi sự tự do đều bắt nguồn từ an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một tổng thống mới. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần cứng rắn trong chính sách ngoại giao khi đối phó với những mối đe dọa và thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt từ các địch thủ và các quốc gia kẻ thù.
Trung Quốc.
Ngay khi Obama cắt xén con số đáng kể 400 tỷ đô-la khỏi ngân sách quốc phòng thì Trung Quốc cười vang và dùng hàng tỷ đô-la cướp được của chúng ta mỗi năm để tăng chi tiêu cho quân đội lên 13% − mỗi năm trong 20 năm vừa qua!
Tất nhiên là Trung Quốc đã khai thấp đáng kể ngân sách thật sự cho quốc phòng và nâng cấp công nghệ. Đó là một phần văn hóa của họ. Như tôi đã đề cập ở phần trước, họ làm theo lời của Thủ tướng Đặng Tiểu Bình, ông này đã nói rằng Trung Quốc phải “che giấu năng lực và chờ đợi thời cơ”. Vì vậy họ che giấu chi tiêu quân sự và hạn chế để lộ sự tinh vi quân sự của mình mỗi khi có dịp. Chẳng hạn, Trung Quốc tuyên bố ngân sách cho quốc phòng của nước này chỉ là 78,6 tỷ đô-la một năm. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng con số thật sự là trên 150 tỷ đô-la. Và khi bạn nhân sức mua với tỷ giá hối đoái thì ngân sách thật sự cho hoạt động quân sự của Trung Quốc là gần 300 tỷ đô-la (lớn thứ hai trên thế giới) − một con số bằng đúng con số mà bọn họ đã cắt cổ của chúng ta mỗi năm.
Trung Quốc cũng là bậc thầy đánh lừa hướng đi phát triển vũ khí. Sau khi thăm Đại học Quốc phòng Mỹ, người đứng đầu đoàn khách của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Tướng Trần Bỉnh Đức, đã nói: “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy rất buồn sau chuyến thăm, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi cảm thấy và biết các trang thiết bị của đất nước chúng tôi nghèo nàn đến thế nào, và chúng tôi vẫn còn kém phát triển ra sao.” Chỉ có kẻ ngốc mới tin những lời vô nghĩa đó. Như tờ Wall Street Journal tường thuật, “Bắc Kinh có chương trình tên lửa tham vọng nhất thế giới − bao gồm tên lửa đạn đạo chống tàu đe dọa các hàng không mẫu hạm của Mỹ.” Chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc đang bận rộn xây dựng một đội tàu ngầm hạt
nhân lớn đến độ chẳng mấy chốc sẽ vượt những chiếc tàu của chúng ta về kích thước, và nước này cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhiều hàng không mẫu hạm cũng như đẩy mạnh đáng kể chương trình chiến tranh mạng và gia tăng các loại vũ khí chống vệ tinh. “Nếu nước Mỹ có thể châm lửa đốt ở sân sau của Trung Quốc, chúng tôi cũng có thể châm lửa đốt ở sân sau của họ”, Đại tá Đái Húc của PLA đã nói như thế.
Sau đó, năm 2011, chỉ một tuần trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, PLA đã thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình mới của họ, J-20, một loại máy bay ném bom cao cấp tầm trung mà chính quyền Obama nghĩ rằng phải mất nhiều năm nữa người Trung Quốc mới có để bay. Và Obama đã làm gì? Không làm gì cả. Thay vào đó, ông ấy để Hồ Cẩm Đào nhẹ nhàng bước vào đất nước chúng ta đúng tuần sau đó, cười nhạo chúng ta và cho thấy điểm yếu của Obama.
Đây là câu trả lời của tôi: ta phải tỉnh lại và nhận ra rằng bản thân tiền là một thứ vũ khí. Hồ Cẩm Đào hiểu điều đó. Hầu hết người Mỹ hiểu điều đó. Nhưng đám kém cỏi ở Nhà Trắng dường như không hiểu, hoặc có thể đơn giản là bọn họ chẳng quan tâm. Bất kể thế nào, người Trung Quốc cũng hiểu rằng việc thu nợ chúng ta cho phép họ nắm chúng ta làm con tin với mối đe dọa rằng họ sẽ cho khoản nợ của chúng ta đi đời và đẩy lãi suất lên kịch trần. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc lại vơ vét khoáng sản, dầu khí và lương thực ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Khi ta kết hợp “vũ khí” kinh tế này với sự xây dựng năng lực quân sự ồ ạt của Trung Quốc, mọi sự trở nên rõ ràng rằng nước Mỹ cần củng cố năng lực quân sự của mình, chứ không phải làm suy yếu nó. Cụ thể, các chuyên gia quốc phòng tin rằng để đối phó với thách thức quân sự từ phía Trung Quốc, chúng ta cần triển khai thêm nhiều tàu ngầm, máy bay thế hệ thứ năm như F 22 Raptor và F-35 Tia chớp, thúc đẩy năng lực chống tàu ngầm và chống ngư lôi, bổ sung thêm hệ thống tên lửa và tên lửa tàu ngầm cho hệ thống quốc phòng, nâng cấp công nghệ chiến tranh mạng, mài bén các nền tảng trinh sát và bổ sung thêm các nền tảng tấn công chính xác tầm xa. Barack Obama có làm những việc này không? Khả năng rất thấp. Chúng ta cần một vị tổng thống làm việc đó.
Nước Nga.
Sự mến mộ mà công chúng Mỹ dành cho Obama có thể đã chạm đến đáy, nhưng tôi biết có một nơi mà thứ hạng của ông ấy có thể vẫn trên trời: Điện Kremlin. Các nhà lãnh đạo Nga gần như không tin nổi vào may mắn của mình. Chính sách ngoại giao chiều lòng người của Obama đã làm lợi cực kỳ nhiều cho nước Nga. Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người mà tôi đánh giá rất cao trí tuệ và cách thức làm việc không nói – làm những gì vớ vẩn, là một cựu sỹ quan KGB. Chẳng bao lâu sau khi chuyển đến số 1600 Đại lộ Pennsylvania, Obama đã bắt đầu thỏa hiệp và hiến tế sức mạnh Mỹ trên chiếc bàn thờ “cải thiện quan hệ” với Nga.
Theo tờ báo yêu thích của Barack Obama, New York Times, chỉ trong vòng vài tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Obama đã cử một quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ tới Nga giao một bức mật thư cho Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Theo Times, bức mật thư này nói rằng Obama “sẽ rút lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu nếu Moscow giúp [Mỹ] ngăn chặn Iran phát triển vũ khí tầm xa”. Obama chỉ mới vừa chuyển đồ đạc vào khu dinh thự tại Nhà Trắng, ấy thế mà ông ấy đã ngứa ngáy bắt đầu làm suy yếu sức mạnh Mỹ và phá hoại quan hệ đồng minh của chúng ta.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Putin điên lên vì sung sướng: “Quyết định mới đây nhất của Tổng thống Obama... có những tác động tích cực”, Putin nói. “Tôi rất hy vọng rằng quyết định đúng đắn và dũng cảm này sẽ được nhiều nhà lãnh đạo khác noi theo.”
Thế nhưng mọi sự còn trở nên tồi tệ hơn nữa. Những người bạn của Mỹ như Ba Lan và Cộng hòa Czech không có gì để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa, “dù không có sự bảo đảm công khai nào” rằng Moscow sẽ giúp phá hỏng chương trình tên lửa của Iran. Hoạt động của nhiều chuyên gia trong giới tình báo đã bị động thái khinh suất của Obama cản trở. Các thượng nghị sỹ Mỹ cũng phải can thiệp. “Đây được coi như một sự đầu hàng trước người Nga, những người không có cơ sở thật sự nào để phản đối những gì mà chúng ta đã làm”, một nghị sỹ của Đảng Cộng hòa cảnh báo. “Thế mà đến cuối ngày, ta lại tăng cường sức mạnh cho người Nga, khiến Iran sung sướng và người Đông Âu băn khoăn ta là ai với tư cách là người Mỹ.” Và Obama đáp lại thế nào? “Nếu hệ quả phụ của việc này là người Nga cảm thấy đỡ hoài nghi hơn và giờ đây sẵn sàng làm việc hiệu quả hơn với chúng ta để đối phó với những mối đe dọa như tên lửa đạn
đạo từ Iran hay phát triển hạt nhân ở Iran, thì các bạn biết đấy, đó đã là một phần thưởng rồi.”
Kết quả không được như mong đợi. Năm 2010, người Nga đã khôn ngoan hơn Obama khi hứa sẽ chơi đẹp và không bán tên lửa chống tàu hàng không cho Iran. Chính quyền đã tự hào tuyên bố tới tấp rằng đây là thành công lớn và ca ngợi Medvedev vì đã “cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình, từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc”. Khi đó, ngay khi Obama đang bận rộn tung hô hành động của người Nga, tờ Los Angeles Times đã cho biết: “Các quan chức ngoại giao Nga đã âm thầm vận động các nước khác... dỡ bỏ những đòn trừng phạt cứng rắn hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo kia.” Đó là một cú xoay chuyển ngoạn mục không tin nổi đối với người Nga: họ đã khiến Obama từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa tuyệt đối chẳng vì một điều gì và chơi cho Mỹ một vố ra trò khi âm thầm thuyết phục các nước khác ủng hộ Iran.
Putin có những kế hoạch lớn cho nước Nga. Ông ta muốn đánh bại các nước láng giềng để Nga có thể kiểm soát nguồn cung cấp dầu cho khắp châu Âu. Putin cũng tuyên bố tầm nhìn lớn của mình: tạo ra một “Liên minh Âu-Nga” có thể thống lĩnh khu vực, với thành viên là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tôi tôn trọng Putin và người Nga nhưng không thể tin nổi vị lãnh đạo của chúng ta lại cho phép họ thu được quá nhiều thứ như thế − tôi dám chắc Vladimir Putin thậm chí còn ngạc nhiên hơn cả tôi. Xin ngả mũ trước người Nga.
Iran.
Kế hoạch đề nghị Nga đứng dậy đối đầu với Iran của Obama là một thất bại. Đáng tiếc là, chính sách ngoại giao hiện tại của chúng ta đối với Iran chỉ như thế mà thôi.
Trước tiên, việc Obama lớn tiếng ủng hộ tự do trong suốt thời kỳ được gọi là “Cách mạng Xanh” ở Iran là một thất bại to lớn. Như cả thế giới đều thấy, các sinh viên và người bất đồng chính kiến ở Iran đã xuống đường để biểu tình trong hòa bình đòi cải cách dân chủ và đảm bảo quyền con người chỉ để rồi bị đàn áp. Và Obama đã làm gì? Dù sự việc tệ hại và kinh hoàng, song ông ấy chỉ ngồi im. Nếu Obama bước ra giúp những người biểu tình từ sớm, chế độ đó có thể dễ dàng
bị lật đổ và ngày hôm nay chúng ta sẽ chẳng có vấn đề lớn nhất này. Khi đụng tới việc bảo vệ quyền con người ở thế giới Hồi giáo, Obama né đi vì nghĩ rằng nước Mỹ nên xin lỗi các quốc gia Hồi giáo thay vì lên tiếng.
Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất là việc Obama không sẵn lòng cứng rắn khi đối mặt với những tham vọng vũ khí hạt nhân của Iran. Iran là thành viên bị trừng phạt nhiều nhất Liên Hợp Quốc. Từ năm 2006, Iran đã là trọng tâm của năm nghị quyết của Hội đồng An ninh yêu cầu nước này phải dừng các chương trình làm giàu uranium. Thế nhưng, dù biết tất cả những điều này, Obama vẫn tiếp tục dựng lên những “giải pháp” theo kiểu vườn trẻ khi đối phó với mối đe dọa từ Iran. Chẳng hạn, dù những nhân vật lớn trong thế giới tình báo đang đau đầu nhức óc tìm cách ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân có thể vận hành thì Barack Obama lại muốn lập một đường dây diện thoại nóng giữa Mỹ và Iran. Giải pháp của Obama cho việc ngăn chặn một nước Iran hạt nhân là lập một đường dây điện thoại con con mà quân đội của chúng ta có thể sử dụng để nói chuyện ngọt ngào với chế độ đang đe dọa hủy diệt nước Mỹ.
Thế nhưng Iran cười nhạo ông ấy và thẳng thừng từ chối kế hoạch này. “Ngoài việc từ chối đường dây nóng”, tờ Wall Street Journal tường thuật, “các quan chức quân đội Iran còn đe dọa triển khai lực lượng hải quân Iran ở Tây Bán Cầu, trong đó rất có thể bao gồm cả Vịnh Mexico” (phần in nghiêng là của tôi).
Vậy Nhà Trắng đã phản ứng như thế nào? Obama đã cử thư ký báo chí của mình đưa ra một thông điệp thể hiện sức mạnh như sau: “Chúng tôi không cho những tuyên bố này là nghiêm trọng vì chúng không phản ánh được gì về năng lực hải quân của Iran.” Nghe mới an lòng làm sao!
Vấn đề không phải là hải quân của Iran không đủ khả năng dong tàu ngoài bờ biển Florida. Vấn đề là chính phủ Iran thiếu sợ hãi và tôn trọng lãnh đạo Mỹ đến độ cảm thấy chẳng chút e dè khi đưa ra một lời đe dọa như vậy. Người Iran biết tổng thống của chúng ta sẽ ngồi im và chẳng làm gì, giống như những gì ông này đã làm trong suốt cuộc Cách mạng Xanh của Iran. Họ biết bản năng của Obama là xin lỗi và rút lui. Như tờ Wall Street Journal đã chỉ ra, “Tehran dường như đang thể hiện thái độ hung hăng hơn ở Vịnh Ba Tư, phần nào như là phản ứng trước sự rút quân theo dự kiến của lực lượng