🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cùng Con Trưởng Thành
Ebooks
Nhóm Zalo
CÙNG CON TRƯỞNG THÀNH
Tác giả: Đông Tử
Thể loại: Nuôi dạy con
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Ebook : Cuibap
Nguồn: @ tranngocanh
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Đông Tử tên thật là Phạm Cảnh Vũ, làm công tác nghiên cứu giáo dục và viết văn; có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu giáo dục gia đình và tư vấn tâm lý thanh niên; năm 2009, là một trong 10 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc về giáo dục. Là người đề xuất và kiên trì quan niệm “giáo dục của người cha”, “giáo dục vui vẻ”. Con gái ông đã được các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc gọi là “Cô bé vui vẻ nhất, thông minh nhất Trung Quốc”. Ông đã xuất bản hơn 30 cuốn sách.
Mục lục
LỜI DẪN
Chương 1: Con gái chào đời
Chương 2: Giáo dục sớm
Chương 3: Con gái vào tiểu học
Chương 4: Hôn nhân đổ vỡ
Chương 5: Con gái học Trung học Cơ sở Chương 6: Con gái học TH Phổ Thông
Chương 7: Trường Đại học của con
LỜI DẪN
Cảm ơn niềm hạnh phúc mà con cái mang đến cho chúng ta Mấy chục năm qua, nhìn lại những niềm hạnh phúc trong cuộc sống, đối với tôi, dù là cơm ngon áo ấm, là cuộc sống như ý, là ước mơ đã thành sự thật, hay là những vinh quang đã đạt được đều là những thứ bề ngoài, còn tài sản thực sự chính là niềm hạnh phúc mà con cái mang đến cho chúng ta. Niềm hạnh phúc này đến khi những đứa con của chúng ta ra đời nhưng chúng ta lại không hề nhận ra.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy phụ huynh phàn nàn: “Con thật không hiểu chuyện, cha mẹ vất vả khổ sở nuôi con lớn, vậy mà tại sao con lại không biết thương cha mẹ, không biết cảm ơn cha mẹ?”. Khi bạn hỏi họ: “Làm cha mẹ bao nhiêu năm nay có hạnh phúc không?”, có phụ huynh có thể sẽ trả lời: “Hạnh phúc? Hạnh phúc gì chứ, con cái làm tôi kiệt sức, nếu có kiếp sau, chắc tôi không sinh con nữa, sống an nhàn cho khỏe”. Những lời này thật khiến con trẻ thất vọng, khiến chúng ta đau lòng.
Nếu bạn hỏi họ là có biết cảm ơn con cái hay không, một số phụ huynh lập tức sẽ phản ứng: “Có nhầm không vậy, phải là con cái cảm ơn cha mẹ chứ, chúng tôi sinh con ra, nuôi con lớn, hao tâm tổn sức, tại sao lại phải cảm ơn con?”.
Nói đến cảm ơn, phụ huynh chúng ta thường cho rằng con cái phải cảm ơn cha mẹ, cảm ơn thầy cô là lẽ đương nhiên. Rất nhiều phụ huynh đều biết cảm ơn công ơn dưỡng dục của cha mẹ, cảm ơn công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo, cảm ơn những người đã giúp đỡ mình, tuy nhiên chúng ta không hề nghĩ được rằng chúng ta cũng cần nói lời cảm ơn với con cái.
Điều này khiến tôi nhớ đến sự kiện Ngày của cha năm 2012, trong buổi thuyết trình với chủ đề “Hạnh phúc làm cha” ở Bắc Kinh, tôi đã chia sẻ hạnh phúc làm cha của mình với thính giả từ ba phương diện: “Hiện trạng giáo dục của người cha và ảnh hưởng của nó tới con trẻ”, “Giáo dục vui vẻ của tôi và sự trưởng thành vui vẻ của con gái” và “Cảm ơn niềm hạnh phúc con cái đã mang đến cho chúng ta”.
Tại sao lại phải cảm ơn con cái của chúng ta? Con cái đã mang đến cho
chúng ta niềm hạnh phúc như thế nào?
Thứ nhất, con khiến sinh mệnh của chúng ta có thể kéo dài. Xét trên một phương diện nào đó, con cái chính là ân nhân lớn nhất trong cuộc đời chúng ta, bởi vì có con, cuộc đời của chúng ta mới có thể trở nên phong phú và tươi đẹp đến vậy, cho dù sau khi chúng ta rời xa thế giới này thì ngọn lửa sinh mệnh của chúng ta vẫn cháy sáng…
Thứ hai, con giúp chúng ta biết được tại sao phải cảm ơn. Lúc nhỏ, tôi thường nghe cha nói: “Không xây dựng gia đình, không biết chuyện cơm áo gạo tiền, không nuôi con sao hiểu lòng cha mẹ”. Lúc đó tôi không hiểu được ý nghĩa của câu nói đó, cho đến khi tôi làm cha, tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó, là con gái đã cho tôi biết cha mẹ tôi đã nuôi tôi vất vả như thế nào, để tôi biết phải càng hiếu thuận với cha mẹ mình.
Thứ ba, là con cái khiến chúng ta trở thành một con người hoàn chỉnh. Bởi vì khi con ra đời, chúng ta được làm cha làm mẹ, trở thành phụ huynh, chúng ta mới có tư cách “cha”, “mẹ”, mới được vác trên vai sứ mệnh thần thánh là nuôi con, dạy con, vai trò xã hội và vai trò gia đình của chúng ta mới được hoàn thiện.
Thứ tư, là con cái khiến chúng ta trở thành “người tốt”. Con cái là một trong những người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, trong xã hội vật chất này, chỉ không cẩn thận một chút thôi là sẽ đi lệch hướng, là con cái khiến những người làm cha mẹ như chúng ta từ bỏ cái ác, đến với cái thiện, làm một “người tốt”; là con cái đã chỉ cho chúng ta sự thuần khiết, khiến chúng ta trở thành những tấm gương; là con cái khiến lời nói của chúng ta thống nhất với hành động, tâm hồn thanh thản.
Thứ năm, là con cái đã mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc. Con cái là tình yêu và sự ban ân của ông trời đối với chúng ta. Không có con cái, cuộc sống của chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu niềm vui; không có con cái, chúng ta làm sao có được cuộc sống hạnh phúc; không có con cái, không biết bao nhiêu gia đình sẽ tan vỡ…
Vì vậy, chúng ta phải cảm ơn con cái đã mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc!
Riêng bản thân tôi, tôi phải đặc biệt cảm ơn con gái tôi, vì nếu không có
con, những nghiên cứu giáo dục của tôi mãi mãi sẽ chỉ là lý thuyết viển vông ảo tưởng. Là con đã cho tôi cơ hội giáo dục thực tiễn, là con đã làm phong phú thêm tư tưởng giáo dục của tôi, là con đã mang lại cho tôi biết bao niềm vui, là con đã luôn ở bên tôi cùng tôi trưởng thành, là con đã cho tôi hạnh phúc làm cha…
Cảm ơn con cái của chúng ta chính là chúng ta đã đối tốt với bản thân mình; cảm ơn con cái, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi trưởng thành cùng con cái; cảm ơn con cái, chúng ta mới có thể làm một phụ huynh hạnh phúc.
Đông Tử
Đông Viên, đầu đông năm 2012
CHƯƠNG 1 CON GÁI CHÀO ĐỜI, TÔI LÀM CHA Ở TUỔI BA MƯƠI
Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào. Nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!
Cha mẹ đã dạy tôi như thế nào?
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân sống trên vùng đất màu mỡ bên bờ sông Tống Hoa miền Bắc Trung Quốc vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX.
Trước khi sinh tôi, cha mẹ tôi đã có đến năm người con trai. Mẹ tôi luôn mơ ước sinh được một cô con gái, theo lời của bà thì: “Những cậu trai ngỗ nghịch thường không nghe lời dạy của cha mẹ nhưng con gái thì khác”. Nhưng điều làm mẹ vô cùng thất vọng đó là, tôi không chỉ là con trai, mà còn là một đứa con trai khó bảo nhất trong những đứa con trai ngỗ nghịch của bà. Ba năm sau mẹ tôi lại sinh thêm, và lại là một bé trai, vậy là gia đình tôi đã hội tụ đủ “bảy con rồng”, “mơ ước có con gái” của mẹ tôi đã hoàn toàn tan biến.
Cha mẹ tôi đều là những người dân quê bình thường ở nông thôn nhưng ở họ lại có những phẩm chất mà không phải người dân quê nào cũng có. Trước năm 1949, cha tôi được học hai năm ở một trường tư thục, ở thời điểm mới thành lập nước, đa phần người dân nông thôn đều mù chữ, như vậy có thể nói cha tôi cũng là người có chút học vấn. Hơn nữa ông cũng là người giác ngộ tốt, vì thế, tuy còn trẻ nhưng cha tôi đã được làm kế toán ở đội sản xuất, sau đó được điều làm kế toán của hợp tác xã nông nghiệp, và ông làm kế toán trong hơn ba mươi năm.
Trong thôn, cha tôi là một người rất có uy. Điều này cũng một phần là do công việc của ông. Trong con mắt của những người dân trong thôn, một người quản lý tài chính của một hợp tác xã lớn như vậy quả là rất tài giỏi. Hơn nữa, nhiều năm công tác, ông làm việc cẩn thận tỉ mỉ, liên tục được biểu
dương, lại được lãnh đạo hết sức coi trọng, vì thế mọi người càng kính nể ông. Mặt khác, ông là người cương trực ngay thẳng, những người thân quen thường bảo ông nói quá thẳng, không kiêng nể ai, nhưng hễ có chuyện gì cần họ đều đến gặp ông xin giúp đỡ. Những người có vai vế thấp hơn đều rất sợ ông tuy nhiên trong lòng thực sự vô cùng kính phục ông.
Tôi rất tự hào về mẹ tôi. Mẹ tôi vốn là con của một gia đình giàu có, cụ ngoại không tiếc tiền cho con cái học hành, có người còn được cụ cho đi học đại học tận kinh thành. Mà trong thời đại “Con gái không tài là đức” đó, bà ngoại tôi được đi học sáu năm trời, có thể thấy gia đình cụ coi trọng giáo dục thế nào. Nhưng đáng tiếc gia cảnh ngày càng suy đốn, đến thời của mẹ tôi thì chỉ còn là một gia đình bình thường, vì thế mẹ tôi chẳng được đi học ngày nào, đến tên của mình bà cũng không biết viết.
Mặc dù không được học hành nhưng trong thôn mẹ tôi nổi tiếng là người xinh đẹp và lương thiện. Tôi không thể nào quên sự lương thiện của mẹ. Trong những năm tháng khó khăn đó, mỗi khi có người hành khất đến nhà xin ăn, mẹ đem cho cả phần cơm mà bình thường mẹ không nỡ ăn. Mẹ tôi rất quý sinh mệnh, không thích sát sinh, vì thế mỗi khi đến dịp lễ tết phải giết gà giết vịt, bà lại lẩm bẩm “A di đà Phật” để lòng thanh thản…
Khách quan mà nói, tôi được thừa hưởng tính thẳng thắn của cha và sự lương thiện của mẹ. Cha mẹ là tấm gương dạy tôi biết làm người. Nhưng cách giáo dục gia đình duy nhất của cha mẹ tôi là “yêu cho roi cho vọt” không phải là cách giáo dục khoa học. Đương nhiên, trong thời buổi đó, tư tưởng “làm cha là phải tôn nghiêm” đã ăn sâu vào tư tưởng con người, người ta cho rằng những điều cha mẹ nói đều đúng, là phận con cái phải nghe theo sự quản giáo của cha mẹ một cách vô điều kiện. Vì thế, trong một thời gian dài “giáo dục bằng đòn roi” được các bậc phụ huynh coi là biện pháp giáo dục có thể duy trì quyền uy của họ trước con cái. Nói tóm lại, đa số những đứa trẻ sinh ra vào trước những năm tám mươi của thế kỷ XX đều từng bị đánh mắng. Trong suy nghĩ của phụ huynh, con cái “không đánh không nên người”. Và đối với những đứa trẻ, bị cha mẹ đánh mắng là một chuyện quá đỗi bình thường.
Mặc dù được giáo dục bằng phương pháp như vậy, và phải chịu đựng những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần nhưng tôi không hề ghét cha mẹ
mình. Bởi vì tôi biết cha mẹ yêu tôi thật lòng, chỉ là họ không biết diễn đạt tình yêu đó bằng một cách dịu dàng hơn mà thôi.
Sau này khi đã trưởng thành, đặc biệt sau khi làm công tác tư vấn tâm lý và nghiên cứu giáo dục, tôi thường tự vấn bản thân, nếu tôi ngoan ngoãn nghe lời, liệu tôi có bị đánh mắng không? Chắc là không. Nếu tôi được sinh ra trong một gia đình khác liệu tôi có phải chịu đựng những trận đòn đau như vậy không? Và câu trả lời cũng là không. Nhưng tính cách ngỗ ngược cộng với “giáo dục đòn roi” của cha mẹ đã khiến tôi đi một con đường hoàn toàn khác người. Có người nói, nếu xét về góc độ này thì phương pháp “giáo dục đòn roi” là một phương pháp giáo dục thành công. Không, tôi vẫn phải nói: Phương pháp giáo dục của cha mẹ tôi không khoa học, nếu tôi là một đứa trẻ hòa nhã, nhút nhát, nghe lời thì có lẽ mọi năng khiếu của tôi đã bị những trận đòn roi làm cho mai một. Nhưng thật bất hạnh, tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và ngỗ nghịch, bị đánh nhiều; nhưng cũng thật may mắn, nhờ những trận đòn đó mà tôi không trở thành một đứa trẻ tầm thường.
Có người nói với tôi rằng chắc là khi nhớ đến chuỗi ngày tuổi thơ điều kiện vật chất nghèo nàn, lại còn bị đánh mắng, thật là khổ cực, cậu đều chảy nước mắt? Nhưng thực tế không phải vậy, ký ức tuổi thơ của tôi đều dừng lại ở những hình ảnh cùng bạn bè nô đùa vui vẻ. Vì thế rất ít khi tôi nói với người khác rằng tuổi thơ của tôi vất vả như thế nào, đặc biệt khi kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, tôi thường thao thao bất tuyệt với con những câu chuyện nô đùa thú vị. Trong những giấc mơ, tôi thường mơ thấy những người bạn thuở thiếu thời, những trò chơi đã từng chơi và nụ cười hạnh phúc từ trái tim…
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi buổi chiều hoàng hôn sau khi tan học là quãng thời gian chơi đùa vui vẻ nhất, về đến nhà, vừa vứt cặp sách lên trên giường là tôi lẻn đi chơi ngay. Mấy đứa trẻ túm năm tụm ba cùng nhau chơi, mùa xuân thì chơi ném lỗ, đẩy vòng, đá cầu; mùa hè thì ra sông hồ mò cua bắt cá; mùa thu thì đi bắt chim ở ruộng, ẩn sau những bó lúa mạch to chơi trò trốn tìm; mùa đông thì có nhiều trò vui hơn nữa: trượt tuyết, chơi con quay, ném tuyết, nặn người tuyết… Một năm bốn mùa, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào chúng tôi cũng chơi đến mờ tối, chơi đến khi thấy bóng mẹ xuất hiện ở trước hiên nhà thì mới chịu về nhà.
Cuối tuần hay vào những kỳ nghỉ, chúng tôi phải giúp đỡ gia đình làm việc nhà. Hồi học tiểu học, những công việc mà tôi phải làm nhiều nhất có lẽ là kiếm rau lợn, nhặt phân bò và kiếm củi. Rau thì để cho lợn ăn, phân bò có thể đổi lấy tiền mua bút vở, còn củi để nhà đun nấu. Mặc dù nói là làm nhưng cũng không thiếu những trò vui. Cắp theo cái rổ, mấy đứa trẻ rủ nhau ra ruộng kiếm rau lợn, đứa này đuổi theo đứa kia, vừa kiếm rau vừa hát những bài hát thiếu nhi mà không đứa nào thuộc hết lời, khi đã kiếm đủ rau, cả bọn tìm một chỗ đặt rổ xuống rồi đi bắt bọ ngựa, đuổi bướm, bắt chuồn chuồn, chơi đùa cho tới khi toàn thân mồ hôi nhễ nhại mới chịu cắp rổ rau lợn về nhà. Công việc nhặt phân bò còn thú vị hơn, mấy đứa túm lại đi dọc các bờ ruộng để tìm phân bò, khi phát hiện được mục tiêu thì tranh nhau nhặt. Có lúc vì muốn hốt được phân bò, mấy đứa cầm theo xẻng theo sát sau con bò và chỉ chực chờ nó “đại tiện”.
Đối với trẻ con thì không gì vui bằng Tết, bởi vì trước và sau Tết đều có đồ ăn ngon, ngoài ra còn có thể “kiếm” được một ít tiền mừng tuổi. Ba mươi Tết, các con cháu đều nói câu “Chúc mừng năm mới” với ông bà cha mẹ và còn quỳ gối cúi lạy để tỏ lòng hiếu kính. Tháng Giêng, khắp nơi trong thôn đều vang tiếng cười nói của trẻ nhỏ, đứa nào đứa nấy đều hoạt bát đáng yêu như những chú ngựa nhỏ xinh. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thích Tết, mỗi khi Tết đến, dù có ở cách xa nhà bao nhiêu, tôi vẫn về quê ăn Tết. Giục giã bước chân tôi không chỉ là tình thân mà có lẽ còn là ký ức về những ngày Tết vui vẻ khi còn nhỏ.
Ôi, những câu chuyện tuổi thơ thật nhiều biết bao, nó giống như một dòng sông, một khúc hát cứ hiền hòa chảy, lắng đọng trong tâm khảm mỗi con người…
Phương xa báo tin vui: Con gái chào đời
Mấy năm nay, mỗi khi có người hỏi tôi: “Vợ cậu người ở đâu?” hoặc “Vợ cậu làm nghề gì?”, mặt tôi thường ửng đỏ hỏi lại họ: “Cậu hỏi bà vợ nào của tôi?”. Đối phương thường nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên và nói: “Trời, rốt cuộc cậu có bao nhiêu bà vợ vậy?”. Lúc đó tôi thường giơ bàn tay ra và bắt đầu đếm: 1, 2, 3…
Người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời tôi là một người theo nghiệp
thi ca, có lẽ lúc đó tình yêu chưa ở độ chín muồi, hai bên đều không gìn giữ được tình cảm của mình dẫn đến cuộc chia tay sau chuỗi ngày hạnh phúc ngắn ngủi.
Người bạn gái thứ hai học cùng trường với tôi, cũng là học trò của tôi. Năm 1994, lúc đó tôi đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học tại trường Sư phạm Thiểm Tây, cô ấy là sinh viên ngành Trung Văn, sau đó cô ấy tham gia khóa học “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” do tôi tổ chức, chúng tôi quen, rồi yêu nhau, cô ấy trở thành vợ của tôi, cùng nhau chung sống hơn mười năm. Cô ấy cũng là người sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh, người giúp tôi thực hiện giấc mơ làm cha. Cô ấy chính là mẹ đẻ của Phạm Khương Quốc Nhất (tên thường gọi là Y Y).
Do thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên và những trắc trở trong tình cảm sau đó, tôi một mình đơn độc lang bạt khắp nơi trong một thời gian dài. Vốn yêu quý trẻ con, tôi rất mong được làm cha. Tôi đã từng viết bài văn “Thật muốn có một đứa con trai”, từng câu từng chữ đều thể hiện sự khát khao chờ đợi sinh mệnh nhỏ bé mà đến tôi cũng chưa biết đang ở phương trời nào. Lúc đó tôi một thân một mình, đến bạn gái còn không có nói gì đến con cái, vì thế giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ.
Nhưng cuối cùng tại cố đô Tây An, giấc mơ có một đứa con, giấc mơ được làm cha của tôi đã trở thành hiện thực.
Từ thuở ấu thơ, thiếu thời rồi đến tuổi thanh niên, từ quê nhà đến miền Nam rồi lại đến Tây An, tôi sống cuộc sống phiêu bạt không ổn định. Mùa thu năm 1996, tôi định cư ở thành phố trọng điểm vùng Tây Bắc - Tây An, năm ba mươi tuổi tôi thuê một phòng học ở Học viện Chính Pháp (tương đương đại học Luật) Tây Bắc, mở lớp bồi dưỡng “Kỹ năng thuyết trình và phép xã giao trong quan hệ công chúng” cho những sinh viên phía Nam Tây An để kiếm tiền mưu sinh.
Lúc đó tôi thuê trọ ở một ngôi làng nhỏ gần trường, điện thoại cũng không có chứ đừng nói đến máy tính, thời đó đồng lương của tôi eo hẹp đến nỗi máy nhắn tin cũng không mua nổi. Vợ tôi khi đó đang ở quê chờ sinh, lo lắng khi cô ấy có việc mà không có cách nào liên lạc, tôi đành xin số điện thoại ở một quán bán hàng gần chỗ ở để vợ liên lạc khi cần.
Ngày 21 tháng 10 năm 1996 là ngày tôi mong đợi bấy lâu nay, bởi theo dự tính thì ngày này vợ tôi sẽ sinh, và tôi sẽ có một vai trò hoàn toàn mới: “Làm cha”.
Buổi sáng hôm đó, khi tia nắng ban mai đầu tiên chiếu vào căn phòng nhỏ, tôi đã có một linh cảm rằng ngày hôm nay con tôi sẽ chào đời. Cả ngày hôm đó, tâm trạng tôi vô cùng tốt, mong đợi và tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. Bận rộn cả ngày, về đến nhà tôi bồn chồn đến nỗi không thể chợp mắt, cứ tưởng tượng hình ảnh lúc con chào đời sẽ thế nào, con trông sẽ ra sao… Càng nghĩ lại càng xúc động, càng hưng phấn, chỉ muốn có thể bay ngay về nhà, đến bên cạnh vợ và cùng chứng kiến giây phút con ra đời.
Ngày hôm sau, tôi lên lớp với tinh thần phấn chấn, tuy vậy cảm giác có gì đó không yên, dạy xong lớp buổi tối, tôi về nhà với trạng thái mệt mỏi, khi đi qua quán hàng gần nhà tôi chợt nhớ ra là mình chưa ăn tối, định ghé vào quán mua gói mì về ăn. Vừa bước chân vào cửa, cậu chủ quán đã hô lớn: “Này anh, sáng nay vợ anh vừa gọi điện tìm anh, báo là đã sinh một bé gái, hai mẹ con đều khỏe”.
“Hả, chú nói cái gì cơ?”. Cho dù mấy ngày hôm nay tôi luôn mong tin này, nhưng khi nghe chủ quán báo tin, tôi vẫn cảm thấy có chút bất ngờ, nhất thời chưa bình tâm lại được.
“Vợ anh sinh rồi!”.
“Chú nói thật sao?!”.
Chủ quán cười, chắc lúc đó vẻ mặt tôi trông rất buồn cười. “Con trai hay con gái?”.
“Con gái, hai mẹ con đều khỏe mạnh, con bé rất mũm mĩm”. “Vợ tôi còn nói gì nữa không?”.
“Không, chỉ có thế thôi”.
Mặc dù rất ngắn gọn, nhưng đối với tôi, những thông tin đó mang ý nghĩa vô cùng lớn lao: Tôi đã là cha khi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tuổi ba mươi.
Ngày con gái chào đời, hai vợ chồng tôi đều giữ lại tờ lịch: Dương lịch là thứ hai ngày 21 tháng 10 năm 1996, Âm lịch ngày 10 tháng 9 năm Bính Tý.
Khi biết chính xác là vợ tôi đã sinh con gái, cả mẹ và con đều khỏe mạnh, tôi cầm gói mì chạy thật nhanh về nhà trọ của mình. Lại một đêm mất ngủ, nằm xuống rồi lại ngồi dậy, trở mình trằn trọc, không từ ngữ nào có thể lột tả hết niềm vui của tôi lúc đó. Cuối cùng tôi cũng được làm cha. Nhưng tôi chỉ có thể ở đây và tưởng tượng ra hình ảnh của con yêu, không thể ở bên cạnh vợ để làm trách nhiệm mà một người chồng nên làm, đây có lẽ là điều đáng tiếc nhất mà cả cuộc đời này tôi không có cách nào bù đắp cho cô ấy.
Vì thế, tôi quyết định viết thư cho vợ ngay lập tức, tôi muốn cho cô ấy biết lúc này đây tôi xúc động đến nhường nào.Tôi vùng dậy ngồi vào bàn viết, đầu tiên tôi thảo một bức điện gửi cho vợ, mong cô ấy biết dù cách xa ngàn dặm nhưng giờ phút này tôi và vợ có cùng niềm vui, niềm hạnh phúc. Thảo xong bức điện gửi cho vợ, tôi bắt đầu viết thư gửi cho con gái với tất cả tình yêu và sự kỳ vọng cho đứa con mà tôi chưa được gặp mặt…
Đối với tôi, ngày 21 tháng 10 năm 1996 là một ngày đáng để ghi nhớ suốt đời.
Để có thể ghi nhớ mãi ngày này, tôi lật lại lịch của ngày hôm trước, nhẹ nhàng xé tờ lịch xuống, cất giữ một cách thật cẩn thận, tôi cũng nhắc vợ giữ lại tờ lịch của ngày hôm qua, đợi đến lúc chúng tôi gặp mặt sẽ để chung hai tờ lịch đó vào nhật ký trưởng thành của con gái. Mấy năm nay, dù chuyển nhà rất nhiều lần, chúng tôi đánh mất rất nhiều thứ nhưng hai tờ lịch đó lúc nào cũng đồng hành cùng chúng tôi trong những bước trưởng thành của con gái.
Bức thư đầu tiên gửi con gái
Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin. Sự phát triển của điện thoại, internet đã thay thế những phương thức liên lạc truyền thống, có việc thì chỉ cần gọi một cú điện thoại, gửi một tin nhắn, một email hoặc lên QQ, MSN (những phần mềm chat trực tuyến thông dụng ở Trung Quốc) nói chuyện, nhanh và tiện hơn là viết thư. Vì thế mà ngày càng ít người cặm cụi ngồi viết thư, cái thời “thư nhà quý hơn vàng” đã trở thành quá khứ xa xôi.
Tôi đã từng rất thích viết thư. Khi mới vào quân ngũ, tôi viết thư cho bạn bè, cho các báo và tạp chí, viết cho các thầy cô, bạn bè ở trường cũ, mỗi tuần đều gửi đi và nhận được hơn chục bức thư. Về sau, tôi cũng giống như rất
nhiều người khác, càng ngày càng lười viết. Nhất là khi tuổi ngày một cao, lượng công việc ngày một nhiều, chữ tôi ngày một xấu đi, tôi viết càng ít hơn. Từ khi làm phóng viên và bác sĩ tâm lý, mỗi ngày tôi đều nhận được rất nhiều thư nhưng phần lớn đều do trợ lý hoặc vợ trả lời giúp.
Nhưng khi con gái Y Y ngày một lớn, bắt đầu đi học tiểu học, thì tôi cũng bắt đầu tập lại thói quen cầm bút viết thư cho con gái.
Thực ra, tôi viết bức thư đầu tiên cho Y Y là vào đêm tôi nhận được tin con chào đời. Trong thư tôi nói cho Y Y biết cha mẹ yêu con như thế nào, từ khi biết tin có con trên đời cha mẹ đã mong chờ sự ra đời của con như thế nào. Tôi cũng nói với con, mẹ con vì sinh con đã hy sinh rất nhiều thứ, sau này con lớn lên, nhất định phải biết ơn mẹ, và mong ước lớn nhất của cha mẹ là suốt đời này con luôn được sống trong niềm vui.
Buổi sáng sau đêm biết tin con gái chào đời, tôi ra bưu điện gửi điện mừng cho vợ, bức thư gửi con gái cũng được gửi kèm với bức điện. Trong bức thư gửi con gái cũng có kèm thư gửi cho vợ tôi, ngoài những lời dặn dò vợ, tôi cũng nhắc cô ấy giữ gìn bức thư cẩn thận, đợi đến sinh nhật lần thứ mười lăm của con gái sẽ đưa bức thư này cho con. Nhưng tiếc là sau này do nhiều lần chuyển nhà, đến khi cần cho con xem thì bức thư đã thất lạc. Vì thế tôi chỉ có thể dựa vào trí nhớ của mình để kể cho mọi người nội dung đại khái của bức thư:
Con gái Y Y của cha!
Cha là cha của con đây, cha đang ở Tây An, một nơi cách xa con đến hàng nghìn cây số viết thư cho con.
Đầu tiên, chào mừng con đến với gia đình của chúng ta, cha giới thiệu gia đình ta với con nhé: Cha nghèo, cuộc sống dựa vào việc viết lách, mẹ con là giáo viên ngữ văn của một trường trung học. Cha mẹ đặt tên cho con là Phạm Khương Quốc Nhất, ở nhà gọi con là Y Y. Ngoài họ của cha mẹ ra, trong tên của con, chữ “Quốc” là chữ mà thế hệ các con đều có, chữ “Nhất” có nghĩa là đơn giản, cha mẹ mong con bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Mẹ con rất trẻ, mới tốt nghiệp đại học mẹ đã kết hôn với một người đàn ông nghèo là cha, mẹ đã phải chịu nhiều áp lực để sinh con, vì con và vì hạnh phúc của cha, mẹ đã hy sinh rất nhiều, cha và con phải hiểu và cảm ơn
mẹ vì điều đó. Bất cứ lúc nào, con đều phải tôn trọng mẹ, hiếu kính với mẹ. Cha là một người có chí hướng, tích cực tiến lên nhưng lại không có thành tựu gì và cũng không tích góp được gì. Cha được thừa hưởng tính ngay thẳng, lương thiện từ ông bà nội con, cha mong muốn sẽ truyền cho con những đức tính tốt đẹp này, hy vọng con sẽ trở thành một con người có phẩm hạnh tốt. Chúng ta có thể không thành công, có thể không trở nên giàu có, nhưng chúng ta cần lạc quan tiến lên, cần có nhân cách, có tự trọng. Con à, cha không thể cho con một cuộc sống vật chất sung túc nhưng cha có thể cho con một thế giới tinh thần mà những đứa trẻ khác đều phải ngưỡng mộ, cha sẽ bảo vệ con như bảo vệ con mắt của mình vậy, cha sẽ đồng hành với con trong mỗi bước trưởng thành, cha sẽ mang cho con niềm vui, nuôi con mạnh khỏe thành người, thành tài.
Cuối cùng cha muốn nói với con rằng: “Cảm ơn con, con yêu của cha!” Cha của con
Tây An, sáng 23 tháng 10 năm 1996
Con gái chào đời mang đến cho tôi sức mạnh và niềm hy vọng bất tận, tất cả mọi vấn đề đều trở nên thật nhỏ bé, tôi hăng hái và quyết tâm hơn bất cứ lúc nào, nếu như trước đây tôi phấn đấu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân, thì giờ đây tất cả những gì tôi làm đều vì mong muốn có thể mang đến cho con gái một cuộc sống tốt đẹp nhất!
“Giữ” con lại bên cha mẹ
Con ra đời sau bao nhiêu khó khăn trắc trở.
Tháng 8 năm 1995, bạn gái tôi tốt nghiệp đại học và được phân về một trường trung học chuyên nghiệp của quê nhà, thành phố Long Khẩu - Sơn Đông. Sau khi hoàn thành một năm tiến tu, tôi cũng theo cô ấy về thành phố cảng Yên Đài (Thành phố Long Khẩu thuộc Yên Đài).
Một năm trước đó, tôi từ Hải Nam đến Tây An để học tập, vốn định sau khi học xong, tôi sẽ về Hải Nam hoặc đến Thâm Quyến lập nghiệp, nhưng bạn gái không đồng ý để tôi trở về phương Nam, bởi vì sau khi tốt nghiệp cô ấy sẽ được phân về quê, vì tình yêu, tôi đành từ bỏ Thẩm Quyến và cùng cô ấy về thành phố nhỏ ven biển Yên Đài.
Trên thực tế trước khi đến Yên Đài, tôi không có một kế hoạch cụ thể nào
cho việc sau khi đến Yên Đài tôi sẽ làm gì, mục tiêu tổng thể vẫn là vận dụng những gì mình đã học, tôi vẫn muốn tiếp tục công việc tư vấn tâm lý (mấy năm ở Hải Nam, tôi chuyên làm chuyên mục “Tư vấn tâm lý” của một tòa soạn). Nhưng sau khi tiến hành khảo sát tổng thể ở Yên Đài, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng tư vấn tâm lý ở Yên Đài là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Thực ra mà nói không chỉ có Yên Đài mà ở hầu hết các thành phố trực thuộc tỉnh trong nước tình hình cũng tương tự như vậy.
Để kiếm miếng cơm manh áo, tôi đành phải theo nghề cũ, giống như hồi còn ở Hải Nam, Tây An, tôi lại mở lớp bồi dưỡng, không chỉ mở lớp, tôi còn dạy cho những lớp thư ký theo lời mời của các trường đào tạo về quan hệ công chúng ở Yên Đài, vì thế mà tôi khá bận rộn, hơn nữa thu nhập cũng khá.
Vì không thể nào từ bỏ được “tư vấn tâm lý”, tôi lại thử sức một lần nữa, cuối năm 1995 tôi thành lập Văn phòng Tư vấn tâm lý Đông Tử tại Yên Đài. Văn phòng được thành lập khiến cuộc sống của tôi thêm phong phú nhưng mặt khác lại khiến cho tình trạng kinh tế vừa mới khởi sắc của tôi dần đi xuống.
Lúc đó ở Trung Quốc, những người có thể độc lập duy trì một văn phòng tư vấn tâm lý không nhiều, nguyên nhân không chỉ vì nhận thức của mọi người, mà tiền vốn cũng là một vấn đề. Đối với những người có tiềm lực kinh tế thì đây không phải là vấn đề, thậm chí còn là một cơ hội mang tính thử thách. Nhưng đối với người mà lúc nào cũng muốn làm nên sự nghiệp lớn nhưng trong tay chẳng có gì ngoài sự nhiệt tình như tôi thì quả là quá khó. Lúc đầu khi quyết định mở văn phòng, tôi đã chuẩn bị tâm lý “kháng chiến trường kỳ” nhưng tiền trong túi lại không ủng hộ. Nhìn vào tình trạng kinh tế của mình, tôi thực sự không có đủ tài lực để tiếp tục cuộc “trường chinh”, vì thế mà “thương vụ” thu không đủ chi này sớm làm tôi lỗ vốn.
Để bù lỗ, tôi đành kiếm tiền bằng những công việc khác: viết lách, mở lớp, đi thuyết trình…, gần như làm được gì tôi đều làm hết, vận dụng hết những gì mình có thể để kiếm tiền đầu tư vào “động không đáy”, miễn cưỡng duy trì văn phòng tư vấn. Cứ như thế tiền lỗ ngày càng nhiều thêm, giống như quả cầu tuyết càng lăn lại càng to.
Đúng lúc đó, tôi nhận được tin bạn gái (lúc đó chúng tôi vẫn chưa đăng
ký kết hôn) đã mang thai!
Khi nghe được tin này, tâm trạng tôi vô cùng bối rối, vui buồn lẫn lộn. Lý trí bảo tôi rằng tôi không thể có con vào lúc này, một là điều kiện kinh tế không cho phép, hai là công việc của bạn gái tôi cũng không cho phép cô ấy có con. Bạn gái tôi cũng một mực bảo tôi rằng: “Lúc này không những điều kiện kinh tế và công việc không cho phép, mà quan trọng hơn nữa là chúng ta chưa đăng ký kết hôn, sinh con ra con sẽ như thế nào? Vì thế nhất định phải bỏ!”.
Nghe bạn gái phân tích cũng có lý, mặc dù tôi vô cùng mong muốn có một đứa con nhưng vẫn đành lòng thỏa hiệp. Khi đến bệnh viện, lấy số thứ tự xong, chúng tôi lặng lẽ đứng xếp hàng chờ đợi. Khi người ta gọi đến tên bạn gái, đột nhiên tôi túm lấy tay áo cô ấy: “Đợi một chút, chúng ta về nhà bàn bạc thêm”.
Tôi kéo bạn gái về nhà, trên đường đi tôi không ngừng khuyên ngăn cô ấy nhưng cô ấy không hề lên tiếng. Về đến nhà cô ấy gào lên: “Anh chỉ nghĩ đến bản thân anh, tại sao anh lại không nghĩ cho em? Em vừa mới tốt nghiệp, còn trẻ, chưa kết hôn mà đã sinh con, như vậy em còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa đây? Em có thể không quan tâm đến những điều này, nhưng lương của em ba cọc ba đồng, anh lại làm ăn thua lỗ như thế, chúng ta lấy gì mà nuôi con?”.
Những lời cô ấy nói như những mũi dao đâm vào tim tôi nhưng lời nào cũng đều có lý. Nhưng niềm khát khao được làm cha bấy lâu nay cộng với tình thương dành cho đứa trẻ trong bụng cô ấy khiến tôi không thể nào để cho lý trí chiến thắng tình cảm. Tôi hứa với bạn gái sẽ đi đăng ký kết hôn, tôi nhất định sẽ kiếm được tiền để nuôi con, tôi đường đường là một nam tử hán, dù có khổ có mệt đến như thế nào đi nữa, vì con tôi đều có thể chịu đựng được. Tôi khuyên ngăn nhiều, cuối cùng bạn gái tôi cũng coi như miễn cưỡng đồng ý giữ lại đứa con.
Sau đó trong một lần cãi vã, bạn gái tôi lại quyết tâm bỏ đứa bé, tôi đưa cô ấy đến cổng bệnh viện rồi lại lôi cô ấy về. Cứ như vậy vài lần, con tôi lớn lên dần trong bụng mẹ, cuối cùng bác sĩ nói cái thai đã quá to, không thể bỏ được nữa. Quãng thời gian đó tôi đã khóc rất nhiều, nhiều lúc chỉ những xúc động rất nhỏ cũng khiến tôi rơi nước mắt. Bạn gái tôi cuối cùng cũng hiểu
cho tôi, cô ấy chịu đựng áp lực và đưa ra quyết định cuối cùng: Dù khổ thế nào cũng sẽ sinh con!
Qua bao lần trắc trở cuối cùng chúng tôi cũng “giữ” được con bên mình…
Trong quãng thời gian mang thai, con chưa ra đời nhưng đã cùng chúng tôi nếm trải bao đau khổ mất mát: Ông ngoại qua đời, con ở trong bụng mẹ đã phải cảm nhận nỗi đau mất người thân; công việc của văn phòng tư vấn gặp khó khăn, qua những lời than của mẹ, con cũng cảm nhận được cha gây dựng sự nghiệp khó khăn như thế nào; cho đến khi mẹ và bà nội về quê, con chưa ra đời đã phải chịu sự vất vả của một chuyến đi xa…
Thế sự bắt buộc, khi tôi quyết định đến Tây An lập nghiệp, vợ tôi (lúc đó trong lòng tôi bạn gái đã trở thành vợ) đã mang thai đến tháng thứ chín, chẳng mấy chốc con tôi sẽ chào đời. Nhưng lần này đến Tây An chưa biết sẽ thế nào, tôi đành cắn răng để vợ và mẹ già gần bảy mươi tuổi lên tàu biển trở về quê nhà Cát Lâm (mẹ tôi từ Cát Lâm đến Yên Đài để chăm sóc con dâu chờ ngày sinh nở). Nhìn vợ bụng mang dạ chửa, đi lại khó nhọc và mẹ già tuổi cao sức yếu, đi lại chậm chạp, lại nghĩ đến cảnh hai người đi tàu xa sau đó lại xuống đi tàu hỏa, rồi đi xe mới về đến Cát Lâm, nước mắt tôi lại lăn dài trên má…
Tôi biết là mình quyết định như thế không chỉ có lỗi với vợ, với mẹ mà còn có lỗi với cả đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Con gái tôi có thể bình an chào đời, có thể nói là một sự may mắn vô cùng. Và cũng vì thế mà một người theo chủ nghĩa duy vật như tôi cũng phải cảm ơn ông trời đã ban cho tôi một ân huệ lớn lao như vậy.
Tôi nên làm một người cha như thế nào?
Thực ra trước khi chính thức lên chức cha tôi đã nghiên cứu tìm hiểu về giáo dục gia đình trong một khoảng thời gian khá dài.
Đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, lúc đó tôi phụ trách “Chuyên mục tư vấn tâm lý Đông Tử” của báo Thanh niên Hải Nam, giải đáp thắc mắc của thanh thiếu niên, chuyên mục không những được các bạn nhỏ yêu mến mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm. Các bạn nhỏ tâm sự với tôi là các bạn không hài lòng về cha mẹ mình như thế nào, các bạn thấy
cô đơn và ấm ức ra sao, còn các bậc phụ huynh lại than phiền vì con cái không nghe lời, không dễ dạy dỗ…
Một thời gian sau khi phụ trách chuyên mục tư vấn tâm lý, tôi ngày càng cảm thấy các bạn nhỏ không có niềm vui trong cuộc sống, còn các bậc phụ huynh thì cảm thấy áp lực. Tôi đã tự hỏi tại sao trong giáo dục gia đình lại tồn tại nhiều vấn đề như thế? Càng đi sâu vào tìm hiểu tôi phát hiện ra được nhiều điều hơn, và tôi cũng viết nhiều hơn về đề tài giáo dục trong gia đình. Đến khi con gái tôi chào đời, bản thân trở thành phụ huynh, tôi mới thực sự cảm nhận được nỗi lòng của những người làm cha làm mẹ.
Trước khi có con, phạm vi nghiên cứu của tôi rất rộng, từ vấn đề giáo dục rất vĩ mô đến một tình huống cụ thể về giáo dục gia đình nào đó mà tôi sưu tầm được. Nhưng sau khi Y Y chào đời thì những bước trưởng thành của con đương nhiên trở thành đề tài để tôi tìm hiểu và nghiên cứu.
Thực ra khi biết chính xác là vợ tôi đã mang thai, tôi luôn có suy nghĩ bản thân phải cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con. Khoảng thời gian đó, tôi thường nhớ lại và suy ngẫm về tuổi thơ của mình. Tôi nhớ lại những thiếu thốn về vật chất, những trận đòn của cha mẹ, và tôi nghĩ khi làm cha, điều đầu tiên mà tôi làm cho con gái đó là không để cho con gái phải chịu đựng hai nỗi khổ này.
Tuy vậy, mang đến cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn so với tôi trước kia, không để con phải chịu những trận đòn đau, như vậy là đã cho con hạnh phúc và niềm vui chưa?
Làm công tác tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên, tôi vẫn thường nghe được những chia sẻ cũng như những u uất trong lòng của các em qua đường dây nóng, qua những bức thư các em gửi hay trong những buổi thuyết trình. Trong thư của một học sinh trung học, em tâm sự với tôi rằng em ghét đi học, trường học giống như nhà tù, thậm chí em còn không bằng một tù nhân. Một em khác bỏ nhà đi và gọi điện tâm sự với tôi: “Ngày nào em cũng phải đối mặt với một đống bài tập làm mãi không hết, em thực sự chán ghét đến tột đỉnh rồi”. Một “ông cụ non” than thở với tôi vẻ bất đắc dĩ: “Sống thật chẳng có ý nghĩa gì, không được vui chơi, không được làm những gì mình thích, cuộc sống hình như chỉ có học hành, thi cử…”.
Nghe những lời than thở như vậy từ miệng những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ, thật khiến người lớn chúng ta đau lòng biết bao. Vốn dĩ các em phải được có một tuổi thơ với những tháng ngày vui vẻ nhưng tại sao các em lại phải lớn lên trong những lời than thở. Chỉ có một nguyên nhân đó là áp lực học hành quá lớn.
Không nơi đâu trên thế giới này, trẻ em lại phải chịu áp lực học hành lớn như trẻ em Trung Quốc.
Tôi tin chắc rằng các bậc phụ huynh đều có chung một suy nghĩ: trẻ em bây giờ sống quá mệt mỏi. Nếu được hỏi về tuổi thơ của mình trôi qua như thế nào, tôi tin rằng đa số các em sẽ trả lời tuổi thơ của mình trôi qua cùng đề thi, các lớp học thêm, áp lực và điểm số…
Mặc dù tư tưởng “đề cao giáo dục tố chất cho học sinh” đã được đưa ra nhiều năm, mặc dù Bộ Giáo dục luôn kêu gọi “giảm áp lực cho học sinh” nhưng áp lực học tập của các em không hề giảm, thậm chí ngày một tăng lên. Bởi vì chế độ thi cử không thay đổi, điểm số vẫn là điều quan trọng nhất đối với thầy cô và học sinh. Trải qua mười hai năm học phổ thông, thứ duy nhất có thể đánh giá được các em thành công hay thất bại là điểm số cao hay thấp, có đỗ được vào trường đại học trọng điểm hay không? Thành tích cũng là thước đo khả năng giảng dạy của các thầy cô giáo, hầu hết tại các trường phổ thông, việc đánh giá năng lực của các thầy cô giáo đều dựa vào tỷ lệ lên lớp và điểm trung bình của học sinh, lớp nào có học sinh thi đạt điểm cao, thi đỗ vào những trường điểm thì giáo viên của lớp đó được đánh giá là giáo viên dạy giỏi. Vì thế khi bước chân vào cổng trường, học sinh bỗng nhiên trở thành một cái máy học, sự thông minh vốn có của các em bị kìm hãm, sức sáng tạo của các em cũng bị cướp đi một cách không thương tiếc.
Chịu áp lực lớn của giáo dục đối phó, phần lớn các bậc phụ huynh đã chọn cách trở thành “trợ thủ” của nhà trường. Cũng giống như giáo viên, phụ huynh chỉ chăm chăm quan tâm đến thành tích của con cái, hàng ngày câu hỏi nhiều nhất mà họ hỏi con mình là: “Hôm nay ở trường con học gì?”, “Khi nào thì con thi?”, “Lần kiểm tra này con được bao nhiêu điểm?”.
Điều này khiến tôi nhớ đến khoảng thời gian đầu năm 2011, lúc đó tôi cùng đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục Trung Quốc có chuyến công tác đến
Israel. Trong chuyến công tác đó chúng tôi thấy các bậc phụ huynh người Do Thái hỏi con cái của họ: “Hôm nay con có đặt câu hỏi không? Con hỏi mấy câu?”. Họ cổ vũ con cái tích cực nêu ý kiến, tích cực đặt câu hỏi cho giáo viên và phụ huynh. Một đứa trẻ không biết đặt câu hỏi chỉ là một con mọt sách không hơn không kém, cũng giống như một đất nước không nghe thấy những tiếng nói chất vấn từ nhân dân thì đó là một đất nước không có tương lai, những câu hỏi sẽ khiến đứa trẻ tiến bộ và chất vấn sẽ khiến đất nước phát triển.
Giáo dục Trung Quốc về căn bản vẫn chưa cải thiện được hiện trạng giáo dục nhồi nhét, học sinh học thụ động, nhưng phương pháp giáo dục của người Do Thái lại chú trọng giáo dục gợi mở, khiến học sinh chủ động tiếp thu kiến thức. Sự khác biệt quyết định kết quả cuối cùng!
Một nền giáo dục như vậy liệu có thể mang đến cho chúng ta điều gì? Con cái đều than thở với cha mẹ: “Dậy sớm nhất để đi học là con, về nhà muộn nhất cũng là con, chơi ít nhất là con, ngủ muộn nhất là con, mệt nhất là con, cái gì cũng là con… là con… là con”. Có những đứa trẻ do không chịu đựng được áp lực đã tìm đến những cách giải quyết cực đoan, truyền thông liên tục đưa tin về các trường hợp học sinh tiểu học và trung học tự sát. Những tiếng kêu xé lòng khiến chúng ta không khỏi đau đớn, ngày càng có nhiều đứa trẻ vô tình bị cướp mất tuổi thơ, giống như những nụ hoa mới chớm chưa kịp tỏa hương khoe sắc thì đã bị người ta dùng thuốc kích thích cho tàn nhanh vậy…
Đáng sợ là chúng ta chẳng mấy quan tâm đến vấn đề này. Phụ huynh của các học sinh tiểu học và trung học bây giờ chủ yếu là những người thuộc thế hệ 7X, hễ nói đến con cái, họ đều có chung quan điểm là trẻ con thời nay được sống đầy đủ về vật chất và tinh thần: không lo ăn, lo mặc, cần cái gì có cái đó, là mặt trời nhỏ của cha mẹ, tiểu hoàng đế của ông bà, được nâng niu chăm sóc tựa như cầm một bình pha lê trên tay chỉ sợ rơi vỡ, có đàn piano để chơi, có bút màu cao cấp để vẽ, có gia sư kèm cặp… Thời đại chúng tôi thì lấy đâu ra những thứ này.
Mà xét cho cùng, ý kiến của các bậc phu huynh cũng không sai, nhưng chúng ta đã bỏ qua một thứ, đó là niềm vui, những đứa trẻ bây giờ thiếu niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta được trèo cây tìm tổ chim, xuống sông bắt
cá, chạy nhảy nô đùa giữa cánh đồng, lăn lộn ở bãi bùn, chơi trốn tìm, chơi ném bao cát, chơi nhảy dây, bắn bi… Trẻ con bây giờ không được tận hưởng những niềm vui này nữa.
Nếu như lấy tuổi thơ của chúng ta đổi lấy tuổi thơ của trẻ em bây giờ, chúng ta có đồng ý không?
Tuổi thơ của chúng ta là những trận đòn đau, không có sự thương yêu ân cần của cha mẹ, không có đồ chơi, không có những bộ phim hoạt hình hấp dẫn, không có truyện tranh, không có đồ ăn vặt, nhưng tại sao mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, trong lòng vẫn cảm thấy vô cùng vui vẻ?
Giữa đời sống tinh thần vui vẻ và cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần thiếu thốn, chắc hẳn không ai chọn cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng khổ sở về tinh thần. Nhưng tại sao chúng ta lại để con cái phải chịu đựng những tổn thương tinh thần đó?
Khi tụ tập cùng bạn bè, nhắc lại chuyện thời thơ ấu, mọi người ai nấy đều rạng rỡ, những chuyện vui nhiều không kể xiết. Nhưng những đứa trẻ bây giờ, cả ngày chạy sô giữa nhà và trường học, phần lớn thời gian chúng bị nhốt trong những không gian nhỏ hẹp bí bách để học, học và học. Đến khi chúng trưởng thành, ngồi tụ tập lại, nhắc lại chuyện thời ấu thơ, chúng sẽ nói những chuyện gì? Ký ức toàn một màu xám xịt, có thể tìm được điều gì đáng để nói?
Cứ nghĩ đến những điều này, lòng tôi lại thấy tê tái. Vì thế, tôi quyết tâm mang lại niềm vui cho con gái, khiến con vui vẻ học hành, khỏe mạnh trưởng thành, thuận lợi thành tài! Tôi phải cho con một tuổi thơ hạnh phúc, tôi phải làm một người cha tốt - người cha có thể làm mọi điều để con lớn lên trong niềm vui.
Con đường đi đến thành công của con sẽ như thế nào?
Sự phát triển của trẻ không thể tách rời việc “học”.
Từ lúc bi bô học nói đến lúc lẫm chẫm học đi, con gái đã bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh bằng đôi mắt hiếu kỳ, và điều này đã khiến tôi suy nghĩ, làm thế nào để con nhận thức được việc “học”? Mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái là gì?
Những suy nghĩ trên của tôi bắt nguồn từ hiện trạng giáo dục hiện nay.
Ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, “học” có nghĩa là cho con đi học trước tuổi, học tiểu học, trung học, học xong trung học thì thi đại học. “Học” có nghĩa là trên lớp ngoan ngoãn ngồi nghe thầy cô giảng bài, về nhà chăm chỉ làm bài tập, đạt điểm cao khi kiểm tra hay thi cử…
Tuy nhiên mục đích cuối cùng của việc giáo dục con cái chính là mong muốn con “có tiền đồ”. Nhưng làm thế nào để “có tiền đồ” đây? Tất nhiên là khi đi học phải chịu khó học hành, có thành tích học tập tốt, sau đó thi đỗ một trường đại học có tiếng, sau này làm quan to, kiếm nhiều tiền, có danh tiếng.
Chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng trên nên các bậc phụ huynh rất kỳ vọng vào việc giáo dục của nhà trường.
Vì thế mà ngay từ ngày đầu tiên đi học, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, bọn trẻ phải học dưới sự chỉ huy của những chiếc thước, hơn nữa mục tiêu chỉ có một: thi đỗ đại học, nội dung chỉ có một: những kiến thức trong sách vở thuộc phạm vi thi, phương pháp cũng chỉ có một: chăm chỉ chịu khó học thuộc lòng…
Một nền giáo dục như vậy thì “học mà chơi, chơi mà học” hay “giáo dục theo đối tượng” chỉ là những khẩu hiệu, thực chất nó giống với kiểu giáo dục mà chúng ta đang phê phán: “giáo dục để thi cử”.
Có một bức tranh có nội dung như thế này: Ô đầu tiên vẽ đầu của nhiều đứa trẻ, đứa tròn đứa vuông, đứa gầy đứa béo, chú thích “bắt đầu đi học”, ô thứ hai vẫn là đầu của những đứa trẻ đó, nhưng không còn sự khác biệt nào nữa, tất cả dường như được đúc ra từ một khuôn, hình dạng khuôn mặt giống nhau, đứa nào đứa nấy trên mũi đều xuất hiện thêm cặp kính, chú thích “khi tốt nghiệp”. Chỉ một bức tranh như vậy đã phản ánh được hết bản chất giáo dục trong nhà trường hiện nay.
Việc giáo dục theo phương thức thống nhất mang tính dây chuyền này, cộng với phương pháp giáo dục, quan niệm giáo dục cổ hủ của một số thầy cô giáo, áp lực tâm lý, áp lực bài vở đã giết chết bao nhiêu phần bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát, tư duy nhạy bén của trẻ…
Nhiều người khen tôi thông minh, nếu không bỏ học giữa chừng, có khi có thể thi đỗ một trường đại học danh tiếng, thậm chí có thể học lên thạc sĩ,
tiến sĩ. Mặc dù tôi không có cơ hội học tập bài bản ở trường chính quy, nhưng tôi may mắn khi chỉ học trong trường có sáu năm, vì thế những gì là thiên phú của bản thân mới không bị nền giáo dục để thi cử bóp chết. Vì không đi trên cầu độc mộc, nên đường dưới chân tôi thênh thang hơn.
Dường như tôi đã có được câu trả lời cho vấn đề mà mình đang tìm hiểu: học là quá trình tích lũy kiến thức, học vì muốn có năng lực sinh tồn tốt hơn. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có thể độc lập trong tương lai, có thái độ tích cực lạc quan, kiên cường trong cuộc sống, có một trái tim biết cảm nhận niềm vui và lúc nào cũng đầy ắp tình thương…
Vậy thì nên cho con học thế nào?
Học hành khổ sở hay là vui học, học tập linh hoạt? Hiện thực muốn chúng ta phải học hành khổ sở nhưng học sinh và phụ huynh lại muốn vui học, học tập linh hoạt. Nhìn vào thể chế giáo dục ngày nay, liệu việc vui học, học tập linh hoạt có khả quan không? Giống như việc học bơi, không xuống nước thì vĩnh viễn sẽ không biết bơi, vì thế chúng ta phải “xuống nước” thử xem sao.
Theo những hiểu biết của tôi về tâm lý trẻ em, trong giai đoạn ở trường mẫu giáo, nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là chơi, chơi một cách vui vẻ, thoải mái, như vậy có thể phát triển tâm lý và trí tuệ của trẻ. Sau khi đi học thì phải học mà chơi, chơi mà học. Vì thế tôi muốn con gái “chơi mà học”, vui vẻ học tập. “Chơi mà học” không phải vừa học vừa chơi mà là khi chơi phải chơi hết mình, không được nghĩ đến việc học, và ngược lại khi học phải tập trung, không được nghĩ đến việc chơi; “học mà chơi” có nghĩa là tìm thấy niềm vui trong học tập, coi việc học là một việc vui vẻ.
Vì thế, tôi đã rất tâm huyết khi lên kế hoạch cho tương lai của con, tôi gọi nó là “Ba khúc ca vui trưởng thành”, chơi ở tiểu học, vui ở trung học và đi qua đại học.
Việc phân chia làm ba giai đoạn như trên căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, cộng với những kiến thức trẻ đã tích lũy được ở từng giai đoạn cũng như việc bồi dưỡng năng lực để quyết định. Đầu tiên, về “chơi ở tiểu học”.
Tại sao lại nhấn mạnh việc “chơi” ở tiểu học?
Thứ nhất, chơi là bản tính tự nhiên và là quyền lợi của trẻ độ tuổi tiểu học. Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đều rất muốn được chơi, muốn tìm được niềm vui trong những trò chơi. Chơi đùa cũng giống như ăn cơm hay mặc quần áo, đều là những nhu cầu cơ bản của trẻ. Vì thế chúng ta không nên cướp mất quyền được chơi của chúng, phải cho trẻ thời gian và không gian chơi. Từ ngày Y Y biết chơi đùa, tôi đã coi việc chơi của con là điều tất yếu, là “bài tập” bắt buộc hàng ngày của con. Chỉ cần con vui là tôi không tiếc thời gian cho con chơi. Sau khi con đi học, tôi vẫn tìm cách để con vẫn có thời gian chơi, kiên trì để con “chơi ở tiểu học”.
Thứ hai, chơi cũng là một phương thức học của trẻ tiểu học. Chơi không chỉ là một phần cuộc sống của trẻ, chơi cũng là một phần trong việc học tập của trẻ. Tôi cho rằng chơi mà học là một phương pháp học rất hiệu quả và mang lại nhiều niềm vui. Suốt những năm học tiểu học, phần lớn thời gian Y Y đều vừa chơi vừa học, hoặc là học dưới hình thức những trò chơi, và thực tế chứng minh việc học của con không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại con vui vẻ, không có áp lực trong suốt quãng thời gian học tiểu học.
Ở giai đoạn tiểu học nhấn mạnh việc “chơi” không có nghĩa là để mặc trẻ muốn chơi thế nào thì chơi, mà cần phải đúng “độ”. Phải biết cách dẫn dắt, khiến con ngoài niềm vui ra còn có thêm năng lực và kiến thức. Tiếp theo là “vui ở trung học”.
Trẻ có thể có được niềm vui khi chơi, nhưng niềm vui cũng có thể đến từ nhiều thứ khác ngoài chơi đùa như lao động, học tập. “Vui” mà tôi nói đến ở đây là niềm vui trong học tập.
Chúng ta đều biết chơi đùa có thể mang lại cho trẻ niềm vui, nhưng rất nhiều người lại không để ý rằng việc học cũng mang lại niềm vui, và niềm vui trong học tập thì cao hơn một bậc so với niềm vui bình thường. Hiểu một cách đơn giản là coi việc học như một niềm vui, trong quá trình vui học, có thể tiếp thu được kiến thức và kỹ năng, từ đó có được niềm vui thành công.
Nhiều năm trở lại đây, tôi vẫn lên án “khổ học”, đề xướng quan niệm “giáo dục vui vẻ”. Tôi đưa ra quan điểm “vui ở trung học” là muốn con gái tôi khác với những đứa trẻ được “rèn đúc” trong môi trường giáo dục thông thường, con gái tôi sẽ không phải khổ sở trong những tập đề thi, mà khi con
đã nắm được phương pháp học căn bản, con sẽ học được cách học linh hoạt, học vui vẻ, từ đó con trưởng thành hơn, tiếp thu được những kiến thức văn hóa cần thiết trong quá trình phát triển mà không phải chịu nhiều áp lực.
“Vui ở trung học” được quyết định bởi sự phát triển của trẻ và đặc điểm học tập của trẻ ở tuổi trung học. Bài vở ở trường trung học nhiều hơn ở tiểu học rất nhiều, lượng kiến thức cũng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực, độ khó cũng tăng lên, yêu cầu về năng lực cũng cao hơn ở tiểu học. Vì thế bậc trung học yêu cầu người học phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn để có thể nắm vững được những kiến thức ở bậc trung học. Hơn thế nữa ở tuổi thứ 10 trở đi, “chơi” đã không còn đủ sức thu hút toàn bộ hứng thú của trẻ, sự chú ý của trẻ đổi hướng sang những lĩnh vực khác rộng hơn, trong đó bao gồm việc khám phá thế giới qua sách vở, niềm vui trong học tập, niềm vui trong việc tìm kiếm tri thức.
Căn cứ vào những đặc điểm trên, tôi rất tự tin quyết định để Y Y “vui ở trung học”. Tất nhiên, muốn con coi việc học là niềm vui không có nghĩa là không cho con thời gian để chơi. Tôi nói với con cho dù con đã vào trung học, thời gian chơi ít hơn so với hồi tiểu học, nhưng con vẫn là đứa trẻ có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc. Y Y đã nắm được phương pháp học khoa học, hơn nữa con lại rất hứng thú với việc học tập, ý thức và khả năng tự học rất cao, cho dù việc học ở bậc trung học vất vả hơn nhiều nhưng đối với con đó không phải là áp lực quá lớn.
Qua mười sáu năm, con gái đã “chơi ở tiểu học”, rồi nhẹ nhàng “vui ở trung học” và bước vào cổng trường đại học.
“Đi qua đại học” là một mục tiêu cơ bản mà tôi đã hoạch định cho cuộc sống sinh viên của con gái. Trong trường đại học là quãng thời gian quan trọng để rèn giũa một con người, ở giai đoạn này sinh viên không chỉ học kiến thức văn hóa mà còn cần chú trọng bồi dưỡng năng lực, tố chất của bản thân ở mọi phương diện. Ví dụ phải học cách tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, từ đó xử lý tốt các mối quan hệ với bạn cùng phòng, với những người xung quanh, phải tăng cường bồi dưỡng tố chất tâm lý tốt, phải có sự bình tĩnh khi đối diện với những sự việc hàng ngày, phải rèn luyện khả năng tổ chức, sắp xếp, lãnh đạo của bản thân, tích cực tham gia các đoàn hội, các hoạt động đoàn thể, cần nhận thức rõ bản thân mình, xác định được mình là
ai, có quy hoạch sơ bộ cho tương lai, kế hoạch cho cuộc sống trong trường đại học cũng phải được hoạch định rõ ràng…
Trong quá trình “đi” này, con cũng sẽ có những niềm vui. Trước tiên vì con rất yêu cuộc sống sinh viên, mỗi ngày con đều sống và học hết mình, trân trọng từng ngày trong trường đại học; tiếp đó, con rất tích cực, có ý chí khi làm hay quyết định một việc gì đó.
Khi con gái bước từng bước vững chắc qua ba gia đoạn, tôi tin rằng con sẽ trưởng thành trong niềm vui, con sẽ vững vàng bước đi trên con đường đời của bản thân mình
CHƯƠNG 2 GIÁO DỤC SỚM - QUAN ĐIỂM CỦA TÔI VÀ VỢ KHÔNG THỐNG NHẤT
Giữa việc giáo dục ở nhà trường và giáo dục ở gia đình, tôi quyết định đi theo một con đường mới, không mạo hiểm mà lại có thể giải quyết được vấn đề giáo dục con cái. Nếu việc học cũng có thể mang đến niềm vui cho bọn trẻ, liệu chúng có chán ghét việc học nữa không? Liệu chúng có còn coi việc học là một công việc khổ sai nữa không?
Con gái một tuổi đã phải phiêu dạt ba tỉnh
Mặc dù ngày nay việc thường xuyên thay đổi nơi sinh sống, làm việc là một điều bình thường, nhưng một đứa bé mới chỉ một tuổi mà đã phải lần lượt sống ở ba tỉnh Cát Lâm, Sơn Đông và Thiểm Tây thì có thể nói là hiếm có, con gái Y Y của tôi là một trong số ít những đứa trẻ đã trải qua cuộc sống như thế.
Ở phần đầu tôi có nhắc khi con gái ra đời, lúc đó tôi đang làm việc ở Tây An, không thể ở bên con giây phút đầu tiên khi con chào đời, không thể ở bên vợ lúc cô ấy cần tôi nhất. Hai tháng sau, ngày 22 tháng 12, tôi kết thúc khóa bồi dưỡng ở Tây An trước một tuần, lên chuyến tàu tối về quê, dự kiến tối ngày 24 sẽ về đến nhà. Tôi mang theo quà cho vợ và cha mẹ, lúc đó tâm trạng xốn xang, chỉ mong sớm về nhà, mở cửa và nhìn thấy con gái yêu. Trên đường về, tôi cứ tưởng tượng lúc về tôi sẽ làm gì khi gặp con, ôm lấy con hay là cúi người và hôn con, câu đầu tiên tôi nói với con là “Con yêu, ta là cha của con đây!” hay là “ Y Y, con nhớ cha không?”.
Nhưng khi đẩy cửa bước vào, trong nhà có rất nhiều họ hàng đến chơi, tôi chỉ liếc nhìn cô con gái yêu mà tôi hằng đêm mong nhớ rồi ra nói chuyện với mọi người. Không lâu sau, mẹ của Y Y đã nhắc: “Bao nhiêu ngày rồi hôm nay mới về, anh không mau đi thăm con”. Mọi người thấy thế cũng giục tôi: “Đúng rồi, đi thăm con trước đi”.
Tôi ngắm nghía thật kỹ cô con gái yêu được quấn tròn trong chiếc chăn hoa, môi mỉm cười và đang ngủ say sưa. Cô dì chú bác đều nói con bé có cái cằm giống tôi, mũi giống mẹ. Mấy lần tôi định hôn con nhưng rồi lại thôi, tôi
sợ làn da thô sần của tôi sẽ làm đau làn da mỏng manh của con, hơn nữa trong nhà có nhiều người, tôi cũng thấy hơi ngại, vì thế mà vợ tôi trách móc, cho rằng tôi không yêu con, tất nhiên là chỉ một thời gian ngắn tôi đã cho cô ấy biết sự thực không phải như vậy.
Dường như con cũng biết là cha về, nên nửa tiếng sau con dậy, mỉm cười với tôi, giây phút đó tôi cảm thấy mình hạnh phúc biết bao, tôi nói với con: “Con yêu, ta là cha của con đây, cha của con đây”. Tôi nói đi nói lại vài lần, vợ tôi và họ hàng thấy vậy cũng chỉ vào tôi và nói với con: “Cha, Y Y, đây là cha của con”. Tôi đón con từ tay vợ, vì chưa quen bế trẻ con, tôi bế không được khéo nên làm con khóc, mọi người thấy vậy mắng tôi: “Nhìn cậu kìa, bế một đứa trẻ cũng không bế nổi”. Nghe mọi người mắng vậy nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Ngày hôm sau, người cha không biết bế con là tôi đã chăm chỉ học cách bế con và chính thức “nhận nhiệm vụ”: nào là thay tã, rồi pha sữa cho con. Mặc dù mẹ và vợ tôi không cho tôi làm những việc này nhưng tôi vẫn cố hết sức làm, tôi nghĩ rằng khi con còn nhỏ, những việc như thế là những việc căn bản mà người cha có thể làm, hơn nữa đó lại là một trải nghiệm đầy hạnh phúc. Hạnh phúc làm cha của tôi bắt đầu như thế đó!
Ngày 16 tháng 2 năm 1997, tức ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, tôi cùng vợ từ biệt người thân để đến quê vợ Long Khẩu, Sơn Đông. Lúc đó con gái Y Y chưa đầy bốn tháng tuổi nhưng rất ngoan, không quấy khóc, con không ngừng quan sát xung quanh. Hai ngày sau, chúng tôi đến một bản miền núi thuộc bán đảo Giao Đông. Cả nhà vợ đón chúng tôi, ở nhà mẹ vợ mấy ngày, tôi và vợ vội quay lại Tây An để làm việc, mong có thể mang đến cho con gái yêu một tương lai hạnh phúc.
Trở về Tây An, tôi bắt đầu làm chủ nhiệm Ủy ban Công tác các trường đại học thuộc Hiệp hội Quan hệ công chúng tỉnh Tây An, tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, thành lập đội nghi thức quan hệ công chúng của sinh viên đại học tỉnh Thiểm Tây, đồng thời tôi cũng nhận lời dẫn chương trình “Tư vấn tâm lý Đông Tử” của Đài Tiếng nói nhân dân Tây An. Lúc công việc đang khởi sắc thì tôi nhận được điện thoại của em vợ nói rằng vì thời gian con gái tôi chào đời và thời gian đăng ký kết hôn của vợ chồng tôi không hợp lý (tôi và vợ bổ sung đăng ký kết hôn sau), ban kế hoạch hóa gia đình của địa phương
cho rằng đứa bé thuộc diện sinh vượt kế hoạch hóa gia đình, hoặc là phải nộp phạt, hoặc đứa bé phải rời khỏi địa phương.
Vốn đã tính đến cuối năm, đợi con tròn một tuổi tôi sẽ đón con đến sống cùng và bắt đầu kế hoạch giáo dục con của mình. Nhưng chuyện này bất ngờ xảy ra khiến tôi không thể không thay đổi phương án, trước tiên phải đón con về. Vợ tôi đã tức tốc về quê nhà Sơn Đông, đón con về Tây An.
Ngày 30 tháng 7, vợ tôi mang theo cô con gái vẫn còn lạ mẹ rời quê đến Tây An, hai mẹ con phải ngồi xe đường dài đến Thanh Đảo, sau đó chuyển sang đi tàu hỏa đến Tây An. Ở ga Thanh Đảo vì không mua được vé ngồi, người con lại nổi đầy phát ban, vợ tôi lo đến phát khóc gọi điện cho tôi. Tôi bảo cô ấy đừng quá lo lắng, đến tìm trạm trưởng trực ban ở ga nhờ giúp đỡ. Cuối cùng thì cũng có được một chỗ ngồi, cô ấy cứ bế con như vậy, hai ngày một đêm thì về đến Tây An.
Giây phút nhìn thấy vợ bế con từ ga bước ra, tôi lặng người, đứa con gái mũm mĩm xinh xắn của tôi ngày nào giờ giống như một đứa trẻ ở trại tị nạn của châu Phi, người vợ xinh đẹp của tôi thì vô cùng tiều tụy, tim tôi như thắt lại, không thể thốt nên lời, người run lên. Sau khi bình tĩnh lại, tôi đến ôm vợ con vào lòng, mím chặt môi ngăn nước mắt không rơi xuống, trong lòng rất muốn nói với vợ: “Xin lỗi em!”, muốn nói với con “Xin lỗi con, con gái của cha!”.
Vậy là cả nhà chúng tôi đã được đoàn tụ. Lúc đầu khi nhận được điện của em vợ, tôi rất phẫn nộ về cách làm của ban kế hoạch hóa gia đình ở quê vợ tôi, thậm chí tôi đã nghĩ tới việc phải làm cho ra nhẽ với họ. Nhưng khi gặp con, tất cả mọi bực tức tan đi như mây khói, giờ nghĩ lại tôi thấy còn phải cảm ơn cái ban kế hoạch hóa gia đình đó, bởi vì nhờ có họ mà tôi có cơ hội được gần con gái, và khoảng thời gian hạnh phúc được làm cha của tôi dài thêm nữa.
Xa cha gần nửa năm nên khi gặp lại, Y Y của tôi đã không còn biết tôi là ai nữa, bởi vì từ “cha” chưa được ghi lại trong trí nhớ của con. Sau mấy ngày “nịnh nọt làm thân”, cuối cùng con đã chấp nhận người rất yêu con là cha, và tôi bắt đầu tiến hành kế hoạch vui học dành cho con gái...
Cô con gái yêu ốm yếu
Từ khi đón con từ Sơn Đông đến Tây An, sức khỏe của con đã không được tốt cho lắm, chúng tôi tìm mọi cách tẩm bổ cho con, vì thế mà con dần dần hồi phục. Nhưng thi thoảng con vẫn cảm cúm hoặc sốt.
Sáng sớm ngày 20 tháng 10 năm 1997, Y Y nôn thốc nôn tháo, chúng tôi cho con uống thuốc nhưng không thấy đỡ, con còn có triệu chứng sốt cao, vì vậy chúng tôi lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi Tây An, đến bệnh viện chúng tôi làm thủ tục nhập viện cho con, ngày hôm đó con được tiếp nước suốt nhưng không thấy giảm sốt, lúc nào cũng sốt từ 390C-400C. Đúng lúc chúng tôi đang không biết làm thế nào để con bớt đau thì có người khuyên chuyển con đến Bệnh viện Trực thuộc số 1 Đại học Y khoa Tây An, đến chập tối ngày 21 chúng tôi cho con chuyển viện.
Từ 19 giờ ngày 21 đến 8 giờ ngày 22, các bác sĩ cho con truyền dịch điều trị.
Khi nằm viện, ven của con không dễ tìm, y tá lại chỉ là thực tập sinh nên chọc kim vài lần mà vẫn không tìm được ven, trên đầu, trên tay, cả ở chân con chỗ nào cũng là vết kim tiêm. Trẻ con bị ốm thì thường rất sợ, lại đau đớn vì bị tiêm nên con cứ gào khóc mãi không nín. Để không khiến y tá cảm thấy áp lực, và không phải nhìn thấy con đau đớn, tôi ra hành lang bệnh viện tránh mặt. Chẳng biết cụ thể là bao lâu sau đó, trong phòng có tiếng vọng ra: “Tiêm được rồi”, sau đó thì tiếng khóc nhỏ dần, tôi quay lại phòng bệnh, nhìn thấy hai mẹ con người đầy mồ hôi, tôi vừa lau mồ hôi cho hai mẹ con vừa an ủi: “Xong rồi, không đau nữa, sẽ khỏi nhanh thôi”.
Con đón sinh nhật tròn một tuổi ngay trên giường bệnh, sau ba hôm thì bệnh tình thuyên giảm nên được xuất viện.Cuối năm 1997, sau một năm bận rộn, cả nhà chúng tôi lên đường về quê với thành quả của mình. Trước tiên là về quê ngoại ở Sơn Đông. Một tuần sau đó chúng tôi xuất phát từ Long Khẩu - Sơn Đông, đi qua Yên Đài, Đại Liên, ngồi ô tô, chuyển đi thuyền rồi lại đi tàu hoả, hai ngày sau thì chúng tôi về đến quê nội Cát Lâm.
Do thời tiết khác biệt, lại thêm ngồi xe đường dài chạy xóc, khi đến Sơn Đông con gái đã bị cảm cúm, đêm trước khi về đến Cát Lâm, con bị ho và nôn mửa. Nhưng vì để kịp về quê ăn Tết, chúng tôi vẫn quyết định đi tiếp cho kịp hành trình. Khi ngồi thuyền từ Yên Đài đến Đại Liên, độ ẩm trên
thuyền quá cao, con sốt cao, khó chịu đau đớn và không ngừng quấy khóc. May mà có cô bác đi cùng, thuyền trưởng hết mực chăm sóc, cuối cùng con cũng hạ sốt nhưng cũng vì đợt sốt này mà con bị viêm phổi.
Buổi tối khi về đến nhà, con ho không ngừng, ngày hôm sau chúng tôi đưa con đến bệnh viện huyện để khám, bác sĩ xác định con bị “viêm phế quản cấp tính” và phải nằm viện điều trị. Trong thời gian nằm viện, bình quân mỗi ngày con phải truyền ba chai nước, con từng có hiện tượng suy tim trong thời gian ngắn, sau năm ngày bị bệnh, người đầy vết kim tiêm, nhưng rồi cuối cùng con cũng khỏe trở lại, tươi cười xuất viện.
Thời gian này con hay ốm đau, cũng là do cha, nếu không phải đi lại vất vả như vậy, con cũng sẽ không bệnh đến thế, vì vậy Đông Tử khuyên các bậc phụ huynh, khi con còn nhỏ không nên mang con đi đâu xa. Chiếc cặp sách đầu tiên của con gái
Cho đến bây giờ con gái không biết đã dùng qua bao nhiêu chiếc cặp sách, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chiếc cặp đầu tiên tôi mua cho con. Lúc đó là đầu thu năm 1998, tôi rời cố đô Tây An đến thành phố biển Thanh Đảo. Tháng 7 năm đó, vợ tôi mang theo con gái về quê nhà Long Khẩu - Sơn Đông dạy học, lúc đó con chưa đầy hai tuổi. Tôi là người thường muốn khám phá những gì mới mẻ, không muốn quay trở lại những nơi mình đã từng sống để phát triển sự nghiệp, vì thế mà tôi quyết định đến thành phố của những thương hiệu - thành phố Thanh Đảo, bởi thứ nhất là tôi có thể ở gần chăm sóc vợ con, thứ hai tôi là một người rất yêu biển. Vài tháng trước tôi từng đến Thanh Đảo công tác, tôi nhận thấy Thanh Đảo là một nơi có thể phát triển được, hơn nữa trong thời gian công tác ở đây tôi đã gặp gỡ và tiếp xúc thân tình với tổng biên tập Đổng Kiếm của báo Khoa học hành vi, lúc đó ông đang đảm nhiệm cương vị Thư ký Hội Khoa học hành vi thành phố Thanh Đảo, Đổng Kiếm cũng rất nhiệt tình mời tôi đến Thanh Đảo phát triển.
Báo Khoa học hành vi đã trở thành mái nhà mới của tôi, tôi phụ trách biên tập và chủ trì chuyên mục “Tư vấn tâm lý”. Làm ở đây tôi không phải ngồi văn phòng, ngoài thời gian làm việc tôi còn rất nhiều thời gian rỗi. Nhìn đống tài liệu “Bồi dưỡng phép xã giao trong quan hệ công chúng” tôi viết
khi còn ở Tây An trong xó nhà, tôi lại có ý định tiếp tục mở lớp bồi dưỡng kỹ năng. Bởi vì đảo Đại Mạch nơi tôi ở chỉ cách đại học Thanh Đảo có một con đường, tôi muốn tận dụng điều kiện thuận lợi này để mở lớp bồi dưỡng ngay ở Đại học Thanh Đảo.
Nói là làm, sau khi bàn bạc xong vấn đề thuê phòng học với ban quản lý trường Đại học Thanh Đảo, tôi liền đi in tờ rơi quảng cáo về lớp học, một mình tôi chạy ròng rã hai ngày liền để phát tờ rơi cho các sinh viên ở trường Đại học Thanh Đảo và các trường lân cận. Hơn thế nữa, để thuận lợi cho việc mở lớp học, tôi nhận lời mời của Đại học Thanh Đảo, tổ chức buổi thuyết trình với nội dung “Trào lưu và cá tính”. Sau buổi thuyết trình, có đến 50 người ở hội trường đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng.
Cuộc sống ở Thanh Đảo đã bắt đầu như thế…
Một tháng sau, chúng tôi chào đón sinh nhật lần thứ hai của con gái. Do ngày sinh nhật đúng vào thứ tư, vợ tôi phải lên lớp, vì thế đành phải đợi đến thứ bảy mới có thể đến Thanh Đảo đoàn tụ, cùng chúc mừng sinh nhật con gái.
Mấy ngày trước đó, tôi đã lên kế hoạch chúc mừng sinh nhật con, đầu tiên là liệt kê hàng loạt những món quà muốn mua cho con, hai là xem xét cho con đi đâu chơi và chơi cái gì. Sinh nhật thì tất nhiên là không thể thiếu bánh sinh nhật, những món quà khác như là giày, quần áo, mũ đều được đưa vào danh sách, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Lúc này tôi đột nhiên nghĩ ra, vài ngày trước khi vợ tôi nói với tôi rằng con bé muốn đi học, mặc dù lúc đó tôi cảm thấy rất buồn cười, nhưng nghĩ đi nghĩ lại điều đó chứng tỏ con gái rất ham học, vì thế mà tôi cảm thấy rất vui. Đương nhiên tôi cũng biết, một đứa trẻ chưa đến hai tuổi muốn “đi học” không phải là “học” giống như người lớn chúng ta thường nghĩ, nhưng chúng ta vẫn phải công nhận suy nghĩ đó của con trẻ.
Tôi nghĩ đến việc mua cho con “cặp sách”, cặp sách này không phải để đựng đồ dùng học tập, mà chủ yếu là đựng đồ chơi và những thứ đồ lặt vặt của con. Sau khi đã tỉ mỉ lựa chọn một chiếc cặp ưng ý, mua một số đồ chơi, vì muốn con được hưởng niềm vui tô vẽ, tôi lại mua cho con một quyển sách tập tô và một cái bút chì. Tất cả mọi thứ đã đâu vào đó, chỉ còn chờ con đến để cùng chúc mừng.
Buổi trưa ngày 24 tháng 10 năm 1998, tôi đến bến xe đường dài đón vợ và con gái, con chưa xuống xe đã nhìn thấy tôi, hướng về phía tôi gọi lớn: “Cha ơi, cha!”. Tôi vội vàng bước tới cửa xe, con tưởng tôi muốn bỏ đi vừa khóc vừa la lớn: “Cha, cha đi rồi…”. Mẹ con an ủi con: “Cha không đi đâu cả, cha đến cửa xe chờ mẹ con mình”.
Đợi khi Y Y đến cửa xe, tôi ôm con vào lòng, lúc đó con khóc to: “Cha, cha không cần con nữa à?”. Tôi ôm chặt con vào lòng và nói với con: “Làm sao có chuyện đó được, không phải là cha đã đến đón con rồi hay sao? Con mãi mãi là con yêu của cha, chúng ta sẽ mãi mãi ở bên nhau”. Vợ tôi bế con xuống xe, rồi chúng tôi dắt tay con đến chỗ xe taxi, vừa đi vừa cười nói vui vẻ.
Về đến nhà, nhìn thấy quà tôi mua cho con, con rất vui, con khoác chiếc cặp sách trên lưng chạy quanh nhà, vừa chạy vừa nói: “Con sắp đi học rồi, con sắp đi học rồi…”.
Tôi hỏi con: “Con yêu, đi học là gì?”, con trả lời: “Viết chữ”. “Tại sao lại viết chữ?”. “Chơi”.
“Có vui không?”. “Vui ạ”.
“Khi nào con đi học vậy?”. “Ngày mai con đi”.
Sau đó tôi cùng con chơi một số trò, giải thích cho con việc “đi học” là như thế nào, con vừa nghe vừa chơi gật gật đầu ra dáng hiểu được điều tôi đang nói.
Ngày hôm sau chúng tôi đưa con đi chơi ở cầu cảng, đảo Đoàn, quảng trường Hội Tuyền, công viên Trung Sơn, và đến khu vui chơi Hoàng Hải chơi những trò mà trẻ con thường thích chơi. Sau đó con gái đeo cặp sách, nắm tay mẹ chào tạm biệt tôi. Bốn tháng sau, Y Y đeo chiếc cặp sách tôi tặng con đi mẫu giáo, bắt đầu cuộc sống ở nhà trẻ.
Cuộc sống ở nhà trẻ của cô gái nhỏ
Trong quãng thời gian ở Thanh Đảo, tôi cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần. Vì muốn nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần, nên sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng đầu tiên, tôi gửi đơn xin thôi việc cho Đổng Kiếm, về sống cùng vợ con, kết thúc “hành trình” ở Thanh Đảo.
Tôi thuê một ngôi nhà ba gian gần nơi vợ tôi công tác, ngôi nhà còn có một khoảng sân nhỏ, sau khi thu dọn đơn giản, tôi bắt đầu ẩn cư vui cuộc sống điền viên. Khoảng sân nhà không lớn nhưng lại rất tĩnh mịch, yên bình. Đồ đạc trong nhà cũng rất giản dị. Nói thật là tôi vốn rất thích cuộc sống như thế này, nhiều năm bôn ba làm việc vất vả, tôi thường nghĩ đợi đến khi không phải bươn chải vì cuộc sống, tôi sẽ xây một ngôi nhà ở một vùng quê yên tĩnh, sống một cuộc sống đơn giản, không tranh giành với ai.
Bây giờ nhìn lại mọi thứ xung quanh, điều mong muốn bấy lâu nay bỗng trở thành hiện thực chỉ sau một đêm. Tôi đã thoát khỏi chốn đô thị ồn ào, huyên náo để về với thiên nhiên, ngụp lặn trong mây gió quê nhà, tôi cảm giác cơ thể mình ngay lập tức như được thả lỏng, giống như một con ngựa nhiều năm bị buộc dây cương, bị đóng yên bỗng nhiên được trút bỏ mọi sự trói buộc, cảm giác được thả lỏng thư giãn thật sự quả là vô cùng tuyệt vời!
Trong những ngày an nhàn thoải mái này, tôi dành phần lớn thời gian để đọc sách, đọc những cuốn sách trước đây muốn đọc mà chưa có thời gian để đọc. Đọc đến khi nào cảm thấy mệt, mở cửa ra ngoài đi dạo trên cánh đồng làng. Nhìn những nhánh cỏ dại úa vàng thi thoảng chồi lên những nhánh xanh non, ngắm những chú chim sẻ nhảy nhót trên những thửa ruộng nứt nẻ chân chim đang chờ vào vụ mới, ngắm những người nông dân trồng cây ăn quả đang chăm cây tỉa cành…, cả cơ thể và tâm hồn tôi hoàn toàn chìm đắm vào bầu không khí tĩnh lặng, đây quả là một sự hưởng thụ xa xỉ với tôi.
Kể từ sinh nhật lần thứ hai của con gái, hơn một tháng rồi tôi chưa gặp con. Thời gian này vì có nhiều thời gian rỗi, tôi đón con gái từ nhà ngoại về ở cùng để chăm sóc con, làm tròn trách nhiệm của một người cha, tận hưởng niềm vui giản dị. Vì thế mà ban ngày ngoài thời gian đọc sách, suy nghĩ những vấn đề trước đây không có thời gian để suy nghĩ, tôi dành thời gian chơi cùng con, dạy con học vẽ, học chữ, cùng con chơi trò chơi, đưa con ra đồng kiếm rau dại, nấu những món ăn mà con thích ăn…
Sau mấy tháng nghỉ ngơi, đầu xuân năm 1999, tôi lại bắt đầu một cuộc chinh chiến mới, mà vợ tôi lại bận rộn, thực sự không có thời gian để ý đến việc dạy con. Nghĩ đến việc con gái đã hơn hai tuổi, đây lại là thời điểm phù hợp nhất để dạy học vỡ lòng, tôi bàn với vợ việc cho con đi học mẫu giáo. Như vậy một mặt có thể giảm bớt gánh nặng cho vợ, mặt khác lại giúp con
gái kịp thời được học vỡ lòng.
Qua mùng 6 Tết, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu, đánh giá những trường mẫu giáo gần nơi ở, cuối cùng quyết định gửi con đến trường mẫu giáo Thiên Nga Nhỏ. Khi đến đăng ký học cho con, hiệu trưởng biết con gái tôi chưa đủ hai tuổi rưỡi thì lo lắng hỏi: “Cháu nhỏ như vậy đã cho đi học liệu cháu có chịu được không?”. Hiệu trưởng cho biết, 90% các cháu lần đầu tiên đến trường mẫu giáo đều quấy khóc trong nhiều ngày, có cháu khóc nhiều đến nỗi bị viêm họng. Trẻ càng nhỏ thì càng quấn cha mẹ, chưa hiểu chuyện và không nghe lời. Vì thế mà thường quấy khóc hơn các bé lớn hơn. Nhưng chúng tôi đã quyết nên hiệu trưởng đồng ý nhận con vào học thử một ngày, ông còn nhắc chúng tôi chuẩn bị cho con một ít thuốc chống viêm, thuốc thanh nhiệt.
Về đến nhà, nhìn con, chúng tôi cũng vô cùng lo lắng. Ngộ nhỡ con gào khóc la thét không muốn đi mẫu giáo thì làm thế nào? Ngộ nhỡ khi ở trường con khóc đòi mẹ thì làm thế nào? Dù sao thì con vẫn còn quá nhỏ, những việc như vậy là không thể tránh khỏi. Nhưng nghĩ tới những khó khăn thực tế, chúng tôi đành bỏ qua những trường hợp “ngộ nhỡ” như vậy. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là chuẩn bị tâm lý trước cho con, để con chấp nhận hiện thực là con sắp phải đi học mẫu giáo. Khi chúng tôi hỏi con về vấn đề này, ban đầu con vẫn chưa biết trường mẫu giáo là cái gì, nên không muốn đi, con cứ hỏi chúng tôi: “Ở trường mẫu giáo thì có những gì ạ?”. Khi nghe chúng tôi miêu tả trường mẫu giáo có rất nhiều đồ chơi và có rất nhiều bạn nhỏ, con đã vui vẻ đồng ý.
Ngày 8 tháng 3, con gái mặc quần áo chỉnh tề, khoác lên vai chiếc cặp sách tôi mua tặng hồi ở Thanh Đảo với đầy đồ chơi và đồ dùng học tập mới mua, tíu tít cùng cha mẹ đến trường mẫu giáo. Hiệu trưởng và cô giáo dẫn chúng tôi đi tham quan từng lớp học một. Con gái không lạ, tự nhiên như đang ở nhà vậy, đến lớp nào cũng không ngồi yên, sờ hết cài này đến cái kia, mắt không ngừng quan sát mọi thứ xung quanh, vẻ mặt lộ rõ sự vui mừng ngạc nhiên.
Sau một hồi tham quan, con gái được cô giáo phân vào lớp mẫu giáo bé. Phòng học có chừng hơn hai mươi cháu, đều lớn hơn con gái, cháu nào cháu nấy đều đang quấy khóc, vì là ngày đầu tiên đi học, những cháu bé này đa số
cũng là lần đầu tiên đi mẫu giáo. Cô giáo thì vô cùng bận rộn, bế cháu này, dỗ cháu kia, nhưng tiếng khóc không hề thấy giảm mà ngược lại càng lúc càng to hơn. Tôi và vợ đứng ngoài cửa vô cùng lo lắng quan sát, con được đưa vào lớp và được xếp ngồi vào một chiếc ghế nhỏ, con cảm thấy mới lạ thích thú chứ không thấy có biểu hiện quấy khóc. Chúng tôi thấy con quan sát phòng học, khi con phát hiện ra ở góc tường có một chiếc xe, con cười toe toét rồi đứng dậy, lập tức tiến sát tới “mục tiêu” và vui vẻ “lái xe”, không hề để ý đến những tiếng khóc xung quanh. Khi một bé trai tiến đến ngăn không cho xe của con đi, con nhảy ra khỏi xe, quay mạnh tay lái, vòng qua người bé trai kia, tiếp tục “hành trình” của mình.
Tôi và vợ bớt được lo lắng phần nào, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng khi con không còn cảm thấy mới lạ nữa, liệu con có vui vẻ ngoan ngoãn chơi như vậy nữa không? Vì thế mà tôi bảo vợ về nhà trước, còn mình ở lại tiếp tục quan sát, tiện thể ghi lại những biểu hiện của con trong ngày đầu tiên đến trường mẫu giáo. Không thể ngờ rằng, những giờ sau đó, lên lớp, ăn cơm, ngủ trưa… cả ngày con đều rất ngoan, không hề biết cha đang khổ sở lấp ló bên ngoài cửa sổ quan sát con.
Chẳng mấy chốc đã đến giờ tan học, phần lớn các cháu mắt đều ửng đỏ, nấc nghẹn, nhìn thấy cha mẹ đến đón thì ôm lấy cha mẹ tủi thân òa khóc nức nở. Nhưng con gái tôi thì lại khác, từ xa con đã nhìn thấy tôi, con chạy đến như một con chim én nhỏ, vẻ mặt vẫn vui vẻ phấn khởi. Tôi hỏi con mai có muốn đi học nữa không, con nói chắc như đinh đóng cột: “Có!”.
Thời gian sau đó, ngày nào con cũng vui vẻ đi mẫu giáo, sau khi tan học về nhà đều vui vẻ hát những bài hát đã học ở trường cho cha mẹ nghe. Nghe giọng hát trong trẻo của con cất lên: “Sớm rời xa vòng tay của mẹ thì sớm trưởng thành, không rời xa mẹ thì không thể lớn lên được”, tôi cay cay sống mũi…
Chuyện con gái lên truyền hình
Cùng với sự phát triển của truyền thông, việc “lên truyền hình” đã không còn là chuyện hiếm nữa, chỉ cần muốn, ai cũng có thể xuất hiện trên truyền hình trong vài giây. Vài năm gần đây, vì học vượt cấp, xuất bản sách, thi đại học đạt điểm số cao…, con gái Y Y trở thành khách mời thường xuyên của đài truyền hình. Nghĩ lại quá trình con gái lên truyền hình, thật cũng lắm
chuyện ly kỳ.
Mùa thu năm 2000, tôi từ Hàng Châu trở về Cát Lâm với một chút thành tựu, sự nghiệp của tôi lúc đó cũng đang phát triển thuận lợi. Năm 2001, tôi trở thành tiêu điểm của các báo, tạp chí, đài phát thanh và đài truyền hình, họ mời tôi phỏng vấn, quay phim chuyên đề. Đặc biệt là Đài truyền hình Cát Lâm, đài truyền hình lớn mạnh nhất của tỉnh đã dành cho tôi nhiều ưu ái, họ quay tới tận ba bộ phim chuyên đề. Bộ đầu tiên do chương trình “Tiếng vọng tin tức” sản xuất, biên tập chương trình - Vương Diễm Đông đã lên kịch bản trước cho tôi, cuối chương trình còn sắp xếp một tiết mục biểu diễn của con gái.
Con gái nghe nói mình sẽ được xuất hiện trên truyền hình thì vui lắm, một tuần trước khi quay, con đã bắt đầu chuẩn bị tiết mục biểu diễn của mình. Con còn thông báo việc mình sắp “lên truyền hình” với cô giáo và các bạn ở trường, các bạn hàng xóm, thậm chí với những người mà con biết nhưng không thân quen lắm, tóm lại những ai có thể thông báo con đều thông báo hết.
Ngày 15 tháng 5, tôi cùng con đến trường quay của Đài Truyền hình Cát Lâm để ghi hình. Trong khi đang ghi hình, con gái không ngừng hỏi mẹ khi nào thì đến lượt con biểu diễn. Vợ tôi đã bảo với con rằng, con chú ý nghe lời của người dẫn chương trình, khi đến lượt con biểu diễn thì người dẫn chương trình sẽ giới thiệu con với khán giả, lúc đó con sẽ lên sân khấu. Nhưng đến khi người dẫn chương trình thông báo kết thúc chương trình, con gái vẫn chưa nghe được lời mời lên sân khấu biểu diễn. Nhìn thấy dưới khán đài mọi người đã dứng dậy ra về, con gái hét lớn: “Còn tiết mục của con thì sao?!”, nhưng tiếng la của con trở nên yếu ớt trong trường quay rộng lớn với nhiều âm thanh hỗn tạp từ đám đông khán giả, cảm thấy không ai để ý đến mình, con tuyệt vọng và òa khóc.
Mọi người nghe thấy tiếng khóc nên để ý xem có chuyện gì, lúc đó người dẫn chương trình mới sực nhớ ra rằng buổi ghi hình ngày hôm nay đã quên mất “nhân vật nhỏ” là con gái Y Y. Nhìn con mặt đầy nước mắt, Diêm Tuần Hồng và Vương Diễm Đông đều thấy rất có lỗi vì sơ suất của mình, hai người giải thích và xin lỗi con gái tôi. Vương Diễm Đông an ủi con: “Y Y con đừng lo, đợi đến lúc quay tiếp chương trình của cha con, dì nhất định sẽ
bổ sung tiết mục của con”.
Năm tháng sau, “Tôi là nhân tài” - một chương trình rất nổi tiếng của Đài Truyền hình Cát Lâm lại mời tôi tham gia, do biên tập không có kịch bản cho tiết mục của con gái, tôi cũng ngại nên không thể đề xuất, vì thế mà lần này tất nhiên không có phần biểu diễn của con. Sau khi ghi hình xong, trong buổi liên hoan chúc mừng ghi hình thuận lợi, tôi vô tình nhắc đến việc lần trước ghi hình chương trình “Tiếng vọng tin tức” đã quên mất phần biểu diễn của con gái, người chịu trách nhiệm sản xuất kiêm dẫn chương trình Lâm Lập của “Tôi là nhân tài” nói với tôi đầy vẻ tiếc nuối: “Tại sao anh không nói sớm, hôm qua anh nói thì vẫn kịp, như vậy có thể thỏa niềm mong ước của con bé, lại vừa làm phong phú cho chương trình”. Tôi cười nói: “Không sao, không sao”. Sau đó Lâm Lập nói với biên tập Phùng Văn Huy: “Chúng ta chờ lần sau vậy”.
Không ngờ cơ hội này lại đến nhanh như vậy.
Một tháng sau, chương trình “Chuyện Tửu Quán” của Đài Truyền hình Cát Lâm lại tìm tôi để ghi hình. Người chịu trách nhiệm sản xuất Tôn Hải Bình và người dẫn chương trình Cao Sam nói với tôi là họ muốn ghi hình cả người thân, bạn bè và đồng nghiệp của tôi, xem hình ảnh Đông Tử trong mắt họ như thế nào.
Lần này, con gái, vợ, và cả em vợ tôi một lần nữa lại đến trường quay của Đài truyền hình Cát Lâm. Lần ghi hình này con gái vô cùng chăm chú theo dõi người dẫn chương trình, chỉ sợ chương trình lại quên mất mình. Khi máy quay quay đến con, con gái nhìn vào máy quay và mỉm cười, bắt máy quay rất chuyên nghiệp. Người dẫn chương trình hỏi gì con đều trả lời rất súc tích, trôi chảy. Đặc biệt khi đến cuối chương trình, người dẫn chương trình mời con nhận xét đánh giá về cha của mình, con nói: “Cha biết chơi, lại còn biết nấu đồ ăn ngon cho con…”. Khi người dẫn chương trình mời con biểu diễn một tiết mục để tặng cha, con không hề lo lắng mà còn biểu diễn một bài hát tiếng Anh rất tự nhiên.
Được xuất hiện trên truyền hình, con gái đã biết thêm được rất nhiều thứ, mở mang tầm mắt, đồng thời con cũng học hỏi được nhiều điều. Tôi thường nói với con, chúng ta luôn muốn thành công, nhưng chúng ta không nên sợ thất bại, trong cuộc sống không có ai mãi mãi là nhân vật chính, chỉ có cách
“diễn” tốt vai phụ, chúng ta mới có cơ hội để trở thành nhân vật chính xuất sắc, phải có một tâm lý thoải mái đối mặt với thất bại. Bây giờ khi đã mười sáu tuổi, con lại nói những “đạo lý” này với tôi.
Được dõi theo sự trưởng thành của con gái, vừa là trách nhiệm vừa là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà tiền bạc không thể nào mua được! Tại sao Y Y không muốn về nhà?
Khi Y Y được bốn tuổi, mỗi lần đón con từ trường mẫu giáo về vợ tôi thường than thở, gần đây mỗi lần đón con, con thường quấy không muốn về nhà, lần nào vợ tôi cũng phải dỗ dành, khuyên răn thậm chí là nổi cáu, con mới chịu theo về nhà. Kết quả là con khóc cả quãng đường về, về đến nhà vẫn không ngừng khóc. Thấy những đứa trẻ khác khi thấy cha mẹ đến đón thì vui mừng khôn xiết, vợ tôi thấy rất tủi thân, tại sao con mình lại không nhớ nhà, không nhớ cha mẹ?
Tháng 9 năm 2000, tôi cùng vợ trở về Trường Xuân, cuối cùng cả nhà đã được đoàn tụ. Để tiện cho việc đưa đón con, chúng tôi gửi con đến một trường mẫu giáo gần nhà. Lần đầu tiên đến với môi trường mới, hơn nữa hàng ngày được sống cùng cha, con gái rất vui mừng. Mấy ngày hôm đó ngày nào tôi cũng vội vàng đưa con đi mẫu giáo, buổi chiều khi đến đón con, con chỉ muốn nhanh về nhà, con nói muốn chơi cùng với cha. Về đến nhà con kể cho chúng tôi nghe chuyện về cô giáo, chuyện về các bạn ở trường mẫu giáo mới với vẻ mặt tràn ngập niềm vui. Mỗi khi nhìn thấy bóng mẹ ở cổng trường, con chạy nhanh ra cửa và gọi mẹ, có lúc còn quên cả chào tạm biệt cô giáo.
Nhưng hai tháng sau, khi vợ tôi đi đón con, con không còn chạy ngay đến bên mẹ như trước nữa. Lúc đầu con tìm mọi lý do, mè nheo để cố gắng nán lại trường một lúc, đến khi các bạn nhỏ khác đều về hết con mới miễn cưỡng cùng mẹ về nhà. Sau đó thì con dứt khoát không chịu về nhà, con nói với mẹ là con không muốn về nhà, muốn ở lại trường. Vợ tôi không hiểu tại sao con lại như vậy, trường không có ở nội trú, khi tan học tất các học sinh đều được phụ huynh đón về nhà, chỉ có một bà cụ ở lại để trông coi trường, rốt cuộc là con quyến luyến điều gì ở trường đây? Con còn nói: “Con muốn ngủ lại ở trường cùng với bà”. Mỗi lần đi đón con, vợ tôi đều phải đau cổ rát họng lôi, kéo con trước mặt những phụ huynh khác, điều này khiến vợ tôi cảm thấy vô
cùng xấu hổ.
Tại sao con lại không muốn về nhà? Chúng tôi phải bắt đầu suy ngẫm về vấn đề này.
Khi còn ở Yên Đài, vợ tôi sống trong khu tập thể dành cho cán bộ giáo viên của trường, rất gần với ký túc xá của học sinh. Mỗi khi đón con từ trường về nhà, học sinh của vợ tôi thường mang con ra sân vận động chơi bóng, chơi trò chơi, cho đến khi trời tối con mới chịu về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi. Vì thế mà mỗi lần tan học, con đều nhắc là tìm các anh các chị chơi, nhìn thấy các anh các chị là con hoạt bát lên hẳn. Có học sinh chơi cùng con, vợ tôi ít chơi cùng con hẳn, cô ấy dành thời gian để chuẩn bị giáo án, chấm bài, học hành, ít quan tâm đến con.
Khi về Trường Xuân, do công việc có sự thay đổi, thời gian rảnh rỗi của vợ tôi càng ít, hầu như ngày nào cũng phải làm việc cả tối, tôi thì tối ngày đều bận rộn. Vì thế mà chúng tôi không có nhiều thời gian để chơi cùng con, khi đón con từ trường về chúng tôi mở tivi cho con xem, chuyển sang kênh phim hoạt hình cho con, chúng tôi dặn con ngồi ngoan một mình xem tivi, không được làm phiền cha mẹ làm việc. Sau đó thì hai chúng tôi ai làm việc nấy. Sau khi ăn cơm tối xong, tôi vội vàng đến tòa soạn để trực ca đêm (nghe điện thoại gọi đến “Đường dây tư vấn tâm lý”), vợ tôi sau khi tắm rửa cho con thì đặt con vào giường, nhét cho con con búp bê vải, để con ôm búp bê ngủ. Sau đó thì tắt hết đèn điện, quay trở lại phòng tiếp tục làm việc.
Vì cha mẹ bận việc, không chơi cùng nên con gái đã từng tỏ ra không vui, có lúc vợ tôi đang tập trung suy nghĩ, con đẩy cửa vào phòng làm việc ôm lấy mẹ đòi mẹ chơi cùng, nhưng vợ tôi không những không đáp ứng nguyện vọng của con mà còn mắng con vì đã làm gián đoạn mạch suy nghĩ của cô ấy, giục con đi ngủ. Không dưới một lần Y Y nhắc đến các anh các chị trước đây chơi cùng con, con nói là ghét nơi ở bây giờ, ngày nào cửa cũng đóng chặt, không có ai chơi cùng. Thậm chí con còn đòi về ở “nhà” cũ trước đây, nơi mà con thường xuyên được chơi cùng các anh các chị. Những điều Y Y nói vợ tôi đều không để ý, cô ấy cho rằng sau một thời gian con sẽ quên hết cuộc sống trước đây như thế nào.
Sau khi suy nghĩ lại, chúng tôi đã hiểu tại sao con lại như vậy. Ở thời chúng tôi cái ăn, cái mặc, đồ chơi đều thiếu thốn, chúng tôi cũng không được
cha mẹ yêu thương như những đứa trẻ bây giờ. Nhưng có một điều mà chúng tôi hạnh phúc hơn, đó là chúng tôi không cô đơn. Chúng tôi còn có anh chị em, có rất nhiều bạn cùng trang lứa, hàng ngày có thể cùng các anh chị em chơi trò chơi, dọn dẹp nhà cửa, cùng ra ngoài thả diều, chơi trốn tìm, khi ấm ức thì có thể kể lể với các anh chị, khi vui vẻ có thể trêu đùa cùng các em. Nhưng trẻ con bây giờ, mặc dù cha mẹ suốt ngày ở bên cạnh, coi con như mặt trời nhỏ, coi con là tiểu hoàng đế nhưng mặt trời và hoàng đế thì chỉ có một, trong nhà các con vẫn chỉ có một mình, vẫn cô đơn. Nhìn bề ngoài thì thấy các con muốn cái gì là đều có cái đó, không thiếu thứ gì nhưng thực tế là các con thiếu người bạn nhỏ đồng hành cùng mình.
Trẻ nhỏ cần có bạn chơi cùng, nhưng trong nhà lại không có ai chơi, cha mẹ thường không để ý đến tâm lý này của trẻ, cha mẹ thường xuyên bận rộn với công việc của riêng mình, suy nghĩ những vấn đề của người lớn mà không để ý đến sự cô đơn, niềm khát vọng trong thế giới nội tâm của trẻ. Vì thế mà muốn giải quyết vấn đề con không muốn về nhà, đầu tiên phải khiến con không còn cảm giác cô đơn nữa, khiến con không còn cảm thấy nhà chỉ là cái tổ của một con kiến mà cảm thấy nhà là một nơi tràn ngập niềm vui của cả một đàn kiến. Để làm được điều đó thì những người làm cha làm mẹ như chúng ta phải dành thời gian để làm kiến chúa, dành thời gian làm bạn cùng con. Tất nhiên là công việc thì không thể bỏ, nhưng nếu dồn toàn bộ tâm trí vào công việc thì chúng ta sẽ vô tình đánh mất con.
Thời gian sau đó, mỗi tối tôi đều phải đóng vai “kiến cha”, trước khi ngủ tôi kể chuyện cho con nghe đến khi con chìm vào giấc ngủ. Cứ như thế chúng tôi lấy lại niềm tin của con, kéo con lại với gia đình. Vì con nên mỗi ngày cắt điện một lúc
Có nhiều chuyện, kiên trì không phải là chuyện dễ dàng, ví dụ như việc chơi cùng con.
Một năm sau quãng thời gian con không muốn về nhà, vào một buổi tối, Y Y đột nhiên hỏi tôi: “Cha ơi, điện hàng ngày chúng ta vẫn dùng do ai quản lý vậy ạ?”. Mặc dù con gái chỉ thuận miệng hỏi câu này nhưng tôi vẫn trả lời con: “Sở Điện lực”.
“Vậy thì họ có thể cắt điện đúng không ạ?”. Đôi mắt con gái bỗng sáng
lên. Thấy tôi gật đầu, con ngập ngừng một lúc rồi lại hỏi nhỏ: “Vậy con có thể gọi điện cho họ không ạ?”. Câu hỏi của con đã khiến tôi phải chú ý, tôi không thể không quan tâm đến điều con đang nói, tôi hỏi con có chuyện gì. Con gái nháy nháy mắt nói: “Con muốn nhờ họ cắt điện một lần..”.
“Tại sao?”. Càng lúc tôi càng thấy lạ.
“Buổi tối nếu như không có điện, chúng ta không xem được tivi, cũng không dùng được máy tính, như vậy cha và mẹ có thể chơi cùng con. Chúng ta có thể thắp một cây nến, chơi trò trốn tìm trong phòng, cha mẹ còn có thể kể cho con nghe rất nhiều câu chuyện…”. Con càng nói càng hào hứng, vừa nói vừa hoa chân múa tay. Nhưng khi ngẩng đầu nhìn thấy ánh đèn điện sáng choang, con không còn hào hứng nữa, gương mặt lộ vẻ thoáng buồn.
“Tại sao chẳng khi nào mất điện cả? Ở trường mẫu giáo cả ngày con đã không được nhìn thấy cha mẹ, tối về nhà cha mẹ lại chẳng thèm để ý đến con. Buổi tối cha mẹ người thì xem tivi, người thì đọc sách, mở máy tính viết lách, chẳng có ai quan tâm đến con, chả có gì thú vị cả”. Mắt ngấn lệ, nhưng con cố gắng kìm nén: “Mấy ngày nữa cha lại đi công tác rồi, mẹ lại bận hơn nhiều, hàng ngày đều không có thời gian chơi cùng con. Nếu như cắt điện, không phải làm gì nữa, cha mẹ có thể chơi cùng con, có đúng không ạ?”.
Tôi và vợ đều ngây người ra khi nghe con nói, những gì con nói đều đúng, từ ngày con đi học mẫu giáo, vợ chồng chúng tôi đều cho rằng con đã lớn rồi, không còn giống như hồi còn bé đi một bước trông một bước, phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc con. Vì thế mà mỗi khi đón con về nhà xong thì lại bận nấu nướng, ăn cơm, dọn dẹp, sau đó thì giục con về phòng mình để cha mẹ xem các chương trình truyền hình yêu thích hoặc là tiếp tục viết bản thảo còn dang dở. Còn con gái làm gì trong phòng, nghĩ gì chúng tôi rất ít khi hỏi han.
Nghĩ đến vẻ u sầu của con gái, tôi thấy vô cùng có lỗi với con. Ngồi đối diện với con, tôi đưa tay xoa đầu con bé và nói: “Con yêu, việc này con cứ để cha giải quyết. Tối hôm nay chúng ta sẽ cắt điện, cha và mẹ sẽ cùng con chơi trò trốn tìm!”. Con tròn mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, rồi lại quay sang nhìn mẹ, nhìn thấy mẹ gật đầu trịnh trọng, con đặt đũa xuống vỗ tay tán thưởng như vừa được nghe một tin vui, con vui mừng hô lớn: “Cha mẹ tuyệt
vời!”.
Chỉ một chốc con đã ăn xong cơm, còn nhanh nhẹn giúp mẹ thu dọn bàn ăn. Vừa thu dọn con vừa nháy mắt ra hiệu cho tôi, con cứ gặng hỏi: “Thật sự là cha có thể cho cắt điện được ạ? Chú quản lý đã đồng ý với cha ạ? Khi nào thì cắt điện ạ?”. Mồm miệng tay chân con không ngừng nghỉ, vẻ hào hứng của con khiến tôi cảm thấy áy náy vô cùng: Ngày thường chúng tôi đã không thực sự quan tâm đến con!
Sau khi đã dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy, tôi làm theo lời con miêu tả, thắp một ngọn nến rồi tắt hết đèn điện trong nhà: “Mất điện rồi, mất điện rồi!”. Con vui sướng nhảy nhót, tim tôi như cũng bay lên cùng với niềm vui của con, cả nhà cùng nhau chơi rất nhiều trò chơi. Tiếng cười, tiếng hát và cả tiếng hoan hô tràn ngập gian phòng trong ánh nến đung đưa...
Trước khi đi ngủ con vui vẻ nói với tôi: “Mất điện thật là vui, sau này ngày nào chúng ta cũng cắt điện được không cha?”. Tôi gật đầu trả lời con: “Được, từ nay về sau, mỗi tối chúng ta sẽ cắt điện một lúc!”.
Buổi tối hôm đó con ngủ rất ngon, khi ngủ môi chúm chím nụ cười. Cũng lâu rồi tôi chưa vui như thế, chưa bao giờ cảm nhận niềm hạnh phúc con gái mang lại cho tôi chân thật và gần gũi như thế.
Từ đó trở về sau, cho dù tôi và vợ có bận đến như thế nào, bất luận ban ngày làm việc mệt mỏi cần nghỉ ngơi thế nào, nhưng cứ sau bữa cơm tối, tôi đều để nhà mình “mất điện” nửa tiếng đồng hồ, dành toàn bộ thời gian cho con gái, toàn tâm toàn ý chơi cùng con, cùng con tận hưởng quãng thời gian vui vẻ.
Trong thời gian này, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự của con, những điều mà bình thường chúng tôi không nghe được, chúng tôi cũng nói những suy nghĩ của mình, điều mà trước đây chúng tôi không có thời gian để nói với con. Vừa giải trí vừa tâm sự, tôi và con trở nên gần gũi hơn, vì thế tôi càng hiểu hơn về con gái mình.
Ngủ một mình vẫn ngon
Bậc làm cha làm mẹ ai cũng biết, nếu con được lớn lên trong sự bao bọc chiều chuộng của cha mẹ, con mãi mãi sẽ không trưởng thành, phải bồi dưỡng cho con tính độc lập, phải cho con một không gian của riêng mình.
Để bồi dưỡng tính tự lập cho con gái, tôi tạo mọi cơ hội để con có một không gian của riêng mình, ngủ một mình cũng là một cách để tạo cho con tính tự lập.
Trước bốn tuổi Y Y luôn ngủ chung với cha mẹ. Ba người chúng tôi ngủ trên một chiếc giường lớn, trước khi ngủ tôi thường kể chuyện cho con nghe, con cảm thấy như vậy thật là hạnh phúc.
Sau sinh nhật lần thứ tư của con, chúng tôi quyết định cho con ngủ riêng. Chúng tôi tạm thời cho con ngủ một mình trên chiếc giường nhỏ kê cạnh chiếc giường lớn. Lúc đầu tất nhiên là con không muốn như vậy, con từng vì thế mà quấy khóc, chúng tôi vừa an ủi vừa động viên con: “Trẻ con lớn rồi đều phải ngủ một mình, hơn nữa mặc dù chúng ta không cùng ngủ trên một chiếc giường nhưng chúng ta vẫn ngủ chung một phòng”. Cuối cùng Y Y cũng đành chấp nhận phương án của chúng tôi.
Buổi tối đầu tiên là vợ tôi dỗ cho con ngủ, nhưng thế nào con cũng không ngủ được, cô ấy vừa về giường lớn là Y Y đã bám ngay theo. “Mẹ đừng bỏ con một mình, con muốn được ngủ chung với cha mẹ!”. Nhưng chúng tôi không để ý đến khẩn cầu của con, sau một hồi làm công tác tư tưởng, chúng tôi lại bế con về giường nhỏ nằm. Sau khi đắp chăn cho con, tôi nhẹ nhàng nói với con: “Rồi đến lúc con phải lớn lên, không thể ngủ chung với cha mẹ cả đời được…”. Khuyên răn một thôi một hồi, có lẽ con đã thấm mệt, chưa đợi tôi nói hết câu, con đã chìm vào giấc ngủ…”.
Sau này, trong một cuốn sách, Y Y đã viết như thế này: Từ hôm đó, mình cứ nghĩ rằng cuộc sống hạnh phúc đã kết thúc rồi. Nhưng mà chỉ sau mấy ngày, mình phát hiện ra rằng cũng không đến nỗi tệ lắm. Mặc dù mình đã mất đi niềm hạnh phúc khi được ngủ cùng với cha mẹ, nhưng chiếc giường nhỏ lại mang đến cho mình niềm vui và sự tự do, mình có thể lăn lộn thoải mái trên chiếc giường nhỏ đó và nó trở thành thiên đường vui vẻ của mình.
Con tự do và vui vẻ như thế trong thời gian một năm.
Vừa thổi tắt nến sinh nhật lần thứ năm, vợ tôi nói với con: “Y Y, cha và mẹ còn chuẩn bị cho con một món quà sinh nhật, con có muốn xem không?”. Con gái vui mừng nhảy nhót: “Con muốn ạ, con muốn ạ!”. “Cha và mẹ đã trang trí cho con một căn phòng thật xinh xắn, từ hôm nay con sẽ là chủ nhân
của nó”. Mặc dù muốn có một căn phòng của riêng mình, nhưng con lại không muốn ngủ một mình ở đó, vì thế con nói: “Nhưng con không muốn ngủ ở đó”. Lúc này tôi cười nói với con: “Con yêu, đó là phòng ngủ và phòng học của con, ban ngày con có thể chơi và học, buổi tối thì nghỉ ngơi ở đó, như thế mới có thể chứng minh được là con đã lớn rồi.
Vừa nghe nói ngủ một mình ở căn phòng mới có thể chứng minh được là mình đã lớn, con liền vui vẻ đồng ý.
Buổi tối hôm đó cho dù thế nào thì con cũng ngủ không ngon, vợ tôi phải ở lại cùng con rất lâu, tôi thì kể cho con rất nhiều chuyện con mới dần dần ngủ được. Đến nửa đêm, Y Y muốn đi vệ sinh, nhưng vừa mở mắt thì không thấy cha mẹ đâu cả, con ra sức la lớn. Hai vợ chồng lập tức chạy sang đưa con đi vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, Y Y nói dù thế nào mẹ cũng phải ở lại, vì thế vợ tôi đành phải ngủ lại cùng con. Mấy ngày sau đó, hai vợ chồng tôi thay nhau ru con ngủ, đợi cho con ngủ rồi, chúng tôi mới quay lại phòng mình nghỉ ngơi.
Một tháng sau đó, trước khi đi ngủ Y Y nói với mẹ: “Từ hôm nay trở đi con sẽ ngủ một mình, mẹ không cần ngủ cùng con nữa, bởi vì con đã lớn rồi”. Nghe con nói vậy, vợ tôi hôn con và nói: “Con yêu của mẹ lớn thật rồi, đã hiểu chuyện rồi”.
Sau này trong một cuốn sách, con viết:
Sau đó mỗi ngày trước khi đi ngủ, mình đều gấp quần áo gọn gàng, xếp theo trật tự để cạnh gối, chui vào trong chăn, sau đó rất nhanh mình đã chìm vào giấc ngủ. Mình phát hiện rằng ngủ một mình cũng rất hạnh phúc, rất ngon giấc.
Đến nay, cuộc sống hạnh phúc như thế, giấc ngủ ngon như thế đã theo con được mười năm rồi.
Không được làm hôi ông già Noel
Vào tuổi của tôi, chẳng ai có cảm tình gì với những ngày lễ của Tây kiểu như ngày lễ Noel. Đặc biệt với những đứa trẻ lớn lên ở nông thôn thì Noel quá xa vời, chẳng có liên hệ gì với bản thân mình cả. Tôi đã hơn bốn mươi tuổi, từ nhỏ đến lớn ngoài Tết Âm lịch thì chẳng có ngày lễ tết nào có thể làm cho tôi hứng thú. Nhưng con gái đã khiến cho tôi có một kỷ niệm sâu
sắc về ngày lễ Noel, khiến cho tôi không thể coi nhẹ ngày lễ này, giống như ăn Tết, trước ngày Noel tôi cũng phải chuẩn bị mọi thứ, sau đó là chờ đợi… Ngày lễ Noel như thế đã mang đến cho con gái sự tưởng tượng tuyệt vời, chờ đợi vui vẻ, sự tự tin và cả ký ức mãi mãi không thể phai nhòa. Cứ thử nghĩ nếu như sau này con lớn lên, trong ký ức ấy không hề có “Ông già Noel” hay “Quà Giáng sinh” thì ký ức ấy của con sẽ thiếu đi biết bao nhiêu màu sắc?
Ngày 25 tháng 12 năm 2001 là ngày lễ Giáng sinh, vài ngày trước đó Y Y đã bắt đầu lẩm nhẩm “Lễ Giáng sinh”, “Ông già Noel”. Đêm ngày 24, Y Y treo mũ ở đầu giường từ rất sớm (con nói treo tất sợ làm hôi Ông già Noel), con háo hức đến nỗi không ngủ được. Buổi sáng hôm sau khi thức dậy, việc đầu tiên con làm là đi xem chiếc mũ ở đầu giường. Khi nhìn thấy chiếc mũ chứa đầy quà, con nở nụ cười rất tươi. Con lấy từng món quà ra khỏi chiếc mũ, khi mẹ muốn xem có những quà gì, con liền ôm chặt lấy mũ nói: “Đây là quà Ông già Noel tặng con, không phải tặng mẹ!”.
Vì con quá trân trọng những món quà đó nên con không muốn chia sẻ, nhưng từ nhỏ con đã biết chia sẻ với mọi người, tuyệt đối không hưởng một mình. Vì thế mà khi sự hào hứng qua đi, Y Y lại đem những món quà của Ông già Noel tặng chia cho cha mẹ.
Đây là lần đầu tiên Y Y được đón Giáng sinh, trong cuốn sách “Chơi cũng là một cách để trưởng thành” con đã viết thế này:
Khi mình năm tuổi, đột nhiên có một ngày, ở trường mẫu giáo bày một cây thông bằng nhựa, trên cây có treo rất nhiều món quà nhỏ xinh và những quả cầu đầy màu sắc, còn có những chiếc đèn nhấp nháy rất đẹp. Trên tấm kính cửa sổ́ có dán bốn chữ rất to, cô giáo nói với chúng mình rằng đó là chữ: “Giáng sinh vui vẻ”.
Đây là lần đầu tiên mình nghe thấy những từ như “lễ Giáng sinh”, “đêm Giáng sinh”, “cây thông Noel”, “quà Giáng sinh”, khiến cho mình cảm thấy vừa hưng phấn, vừa mong đợi. Đặc biệt là khi nghe mẹ nói, Ông già Noel sẽ tặng quà cho những đứa bé ngoan, mình càng hưng phấn hơn nữa, bởi vì cô giáo và cha mẹ đều nói mình là một đứa bé ngoan, rất nghe lời, như vậy thì chắc chắn Ông già Noel sẽ thích mình, mình nhất định sẽ nhận được quà của
Ông già Noel. Nghĩ như vậy, mình cảm thấy có nhiều động lực hơn, mình lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay xem còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Giáng sinh.
Mặc dù ngày hôm sau sẽ là Giáng sinh nhưng mình vẫn cảm thấy thời gian trôi qua thật chậm, bởi vì đây là lần đầu tiên mình được đón Giáng sinh, mình còn rất ngây thơ, mình muốn được tận mắt nhìn thấy Ông già Noel cơ. Cuối cùng Giáng sinh cũng đã đến, mình hồi hộp ngồi ở ghế sofa chờ Ông già Noel gõ cửa, mình còn nghĩ xem khi gặp mình sẽ nói gì với ông ấy, nên ôm ông ấy hay là chỉ bắt tay thôi. Mẹ mình nói, Ông già Noel chỉ đến khi trẻ con đã đi ngủ, ông ấy sẽ trèo qua cửa sổ để vào nhà, để quà vào chiếc tất mà các bạn nhỏ đã treo sẵn ở đầu giường, sau đó lại trèo qua cửa sổ để ra ngoài. Mặc dù mẹ đã chuẩn bị cho mình chiếc tất Giáng sinh nhưng mình nghĩ nó hơi nhỏ, Ông già Noel sẽ chỉ để được một món quà nhỏ mà thôi, hơn nữa tất lại bẩn, ngộ nhỡ Ông già Noel chê tất hôi thì làm thế nào, vì thế mình đã cất tất đi, thay vào đó là chiếc mũ Noel mà cha mua cho mình.
Mẹ giục mãi mình mới chịu chui vào chăn, nằm im chờ Ông già Noel đến. Mình mở to mắt, nhìn chằm chằm vào cửa sổ, nhưng mãi mà chẳng có động tĩnh gì, mình nghĩ đến lời mẹ nói, có lẽ là Ông già Noel thấy mình vẫn chưa ngủ nên mới không vào. Mình vội vàng nhắm chặt mắt lại, định giả vờ ngủ, đợi khi Ông già Noel bước vào, mình sẽ nhìn trộm ông ấy, như vậy mình sẽ không bị ông ấy phát hiện. Nhưng mà chẳng kịp đợi Ông già Noel đến, mình đã ngủ mất rồi. Bầu trời đêm đầy sao lung linh, mình ngủ rất ngon, trong giấc mơ, kế hoạch mà mình vốn đã chuẩn bị kỹ lưỡng biến thành một tia nắng ấm áp, chiếu sáng cánh đồng xanh thắm trong trái tim mình.
Khi mình thức giấc thì trời đã sáng, ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào phòng ngủ. Mình vẫn còn chưa tỉnh hẳn, đôi mắt vẫn còn lim dim, mình lồm cồm bò dậy, tìm ngay chiếc mũ treo ở đầu giường. Ôi! Chiếc mũ đầy ắp các món quà. Mình lập tức ngồi thẳng người, lấy chiếc mũ ôm chặt vào lòng, vui sướng mở nó ra, nhìn xem bên trong có những thứ gì. Lúc này mẹ bước vào phòng, mẹ cười và đi lại phía mình hỏi: “Ông già Noel tặng quà gì cho con vậy?”. Mình lập tức giấu chặt mũ vào trong lòng như là sợ mẹ mang cái mũ đi mất: “Đây là quà Ông già Noel tặng cho con!”. Mẹ nói: “Mẹ biết là quà cho con, mẹ xem có được không?”. Nghe mẹ nói vậy, mình lại mở mũ, lấy
từng món đồ ra: Bánh gạo, nước hạnh nhân, gọt bút chì, bút chì màu, tranh, thiệp chúc mừng, kẹp tóc, gương… Thật là nhiều quà, toàn là những thứ mà mình thích. “Ông già Noel thật là tuyệt vời, tại sao ông ấy lại biết con thích ăn bánh gạo, thích uống nước hạnh nhân?”. Mình vừa cảm thấy hạnh phúc lại vừa cảm thấy nghi ngờ. Mẹ cười và nói với mình: “Bởi vì ông ấy là Ông già Noel! Ông ấy thích con, vì thế mà con thích gì ông ấy đều biết”.
Mình cất các món quà cẩn thận, đến giờ phải đến trường rồi, mình không kìm được đành cầm hai món quà cho vào cặp sách mang đến trường, mình muốn cho các bạn xem quà của Ông già Noel tặng. Mình còn hiếu kỳ muốn biết Ông già Noel tặng quà gì cho các bạn ấy? Trên đường đi mình đều nghĩ đến điều này. Khi đến trường, rất nhiều bạn nói là các bạn ấy không nhận được quà, nhìn thấy món quà trên tay mình các bạn ấy đều rất ghen tỵ. Mình càng đắc ý, nhất định là Ông già Noel không thích các bạn ấy, vì thế mà ông ấy mới không tặng quà cho các bạn. Mình quyết tâm sau này phải ngoan ngoãn và nghe lời hơn nữa để Ông già Noel luôn luôn yêu quý mình, như vậy năm nào mình cũng nhận được quà của ông.
Sau này khi bọn trẻ lớn dần lên, chúng biết là trên thế giới này không có Ông già Noel, Ông già Noel thật sự chính là cha mẹ, người yêu thương chúng, Y Y biết được sự thật thì rất buồn, tôi và vợ an ủi con: “Mặc dù con đã biết được sự thật, nhưng mỗi dịp Giáng sinh, cha và mẹ sẽ vẫn tặng quà cho con”.
Bây giờ mỗi khi đến Giáng sinh con không còn đòi quà nữa, chúng tôi cùng đi ra ngoài chơi, cùng ăn cơm, có lúc tôi mời con, thi thoảng con cũng dùng tiền nhuận bút của con để mời tôi.
Tại sao bạn ấy vẫn chưa đến xin lỗi
Dưới sự giáo dục âm thầm, từng bước của tôi, từ nhỏ con gái đã biết khoan dung với người khác, khi chơi cùng các bạn đồng trang lứa, nếu có mâu thuẫn, con thường nhường bạn, dùng thái độ ôn hòa để giải quyết mâu thuẫn, hóa giải “nguy cơ”. Y Y là một đứa trẻ rất biết điều, chỉ cần con biết là mình có lỗi, con sẽ chân thành xin lỗi. Nhưng nếu như người khác có lỗi với con, con cũng rất coi trọng thái độ xin lỗi của đối phương. Chỉ cần đối phương kịp thời nói xin lỗi, con sẽ lập tức tha thứ cho người đó, nhanh chóng quên đi lỗi lầm của họ.
Nhưng không phải ai có lỗi với con cũng đều kịp thời xin lỗi, vì thế mà mỗi khi bị ai đó làm tổn thương mà người đó không đến xin lỗi, con thường rất buồn. Con không hiểu tại sao mắc lỗi mà không đến xin lỗi? Tôi nhớ lần đầu tiên con bị bạn làm tổn thương nhưng lại không được bạn xin lỗi, là vào ngày 30 tháng 4 năm 2002.
Kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động 1/5, tôi đến Bắc Kinh tham gia một cuộc hội thảo văn học, vợ tôi đưa con gái năm tuổi rưỡi về quê thăm ông bà nội. Mỗi lần về quê con đều rất vui, vì ở quê có đồng rộng, lại có rất nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa, con có thể tự do cùng các bạn nhỏ vui chơi chạy nhảy trên cánh đồng, chơi đủ các trò chơi.
Vì thường xuyên về quê chơi nên ở quê Y Y có một nhóm “anh em thân thiết”. Chỉ cần thấy con về, nhất định những bạn nhỏ này sẽ đến rủ con đi chơi. Trong nhóm bạn đó có anh bạn nhỏ tên Khúc Vỹ Kiến, lớn hơn Y Y hai tuổi, là con hàng xóm nhà ông nội, thường xuyên chơi cùng với Y Y, hai đứa trẻ cứ ăn cơm xong là lại tụ tập. Nhiều lúc con gái chưa ngủ dậy, Khúc Vỹ Kiến đã đến rủ con đi chơi rồi.
Nhưng bạn bè thân thiết đến mấy cũng có lúc xích mích, cãi cọ. Lần này không biết hai đứa trẻ làm sao mà lại cãi nhau, chơi một lúc thì không đứa nào nhìn mặt đứa nào nữa. Con gái tức tối chạy về nhà ông nội, bực bội ngồi ăn cơm và xem tivi một mình. Bà nội nói với con trời vẫn còn sớm, tại sao không ra ngoài chơi một lúc. Con lắc đầu nói, chơi chẳng có gì thú vị cả. Bà nội thấy con ngồi trong nhà nhưng cứ ngóng ra ngoài cửa sổ, hình như là đang đợi ai đó. Bà thấy vậy liền đi ra ngoài xem sao, bà muốn xem ai sẽ đến tìm cháu nội. Đúng lúc đó bà thấy Khúc Vỹ Kiến ngồi ở ngoài cổng. Bà vội vàng gọi cậu bé vào trong nhà, nhưng Khúc Vỹ Kiến vừa nghe thấy bà nội Y Y hỏi, liền lập tức đứng phắt dậy, chạy nhanh về nhà. Bà nội không hiểu chuyện gì đang diễn ra, vừa quay đầu lại thì nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ dán ở cửa, trên mảnh giấy viết chi chít toàn chữ là chữ. Bà nội cẩn thận bóc tờ giấy xuống xem, vì bà không biết trên tờ giấy viết những gì, bà vừa đi vừa gọi Y Y, nói có bạn nhỏ gửi thư cho con bé. Y Y nghe thấy bà bảo thế thì vô cùng ngạc nhiên: Ai viết thư cho mình chứ? Con tròn mắt nhận lấy mảnh giấy từ tay bà, đọc thầm những dòng chữ viết trên
giấy, kết quả là con càng đọc sắc mặt càng lạ, cuối cùng thì mặt đỏ bừng lên, mắt ngấn nước. Bà nội không biết tại sao con khóc, hỏi mãi con cũng không trả lời, bà hỏi nữa thì con đã nằm ra giường và khóc.
Bà nội lo quá liền gọi ngay mẹ Y Y. Mẹ con từ phòng bước ra, lấy mảnh giấy trong tay Y Y, thấy trên giấy viết: “Phạm Khương Quốc Nhất, đồ con rùa, hai mươi tám cái đầu”. Cậu bé viết cũng khá là vần, mẹ không nhịn được phá lên cười. Y Y lập tức bật dậy: “Người khác chửi con mà mẹ còn cười nữa!”. Nói rồi con lại khóc, nước mắt lăn dài trên hai má, xem ra con thật sự rất buồn. Mẹ lập tức an ủi con nói là Khúc Vỹ Kiến chỉ trêu con thôi, không nên để bụng mấy chuyện đó. Y Y lau nước mắt nói: “Chỉ là trêu đùa tại sao phải chửi con? Con phải đi tìm mẹ bạn ấy!”, “Con tìm mẹ bạn ấy để làm gì?”, “Để mẹ bạn ấy phê bình bạn ấy!”. Nghe vậy vợ tôi vội khuyên con: “Trời đã tối rồi, theo mẹ con nên đợi đến ngày mai. Ngày mai mẹ của Khúc Vỹ Kiến nhất định sẽ đến, đến lúc đó con nói với cô ấy chuyện này, để cô ấy phê bình Khúc Vỹ Kiến”.
Ngày hôm sau mới sáng sớm Y Y đã dậy, nhanh chóng mặc quần áo, sau đó ngồi im trên giường không nói câu nào. Vợ tôi giục con đi rửa mặt, chuẩn bị ăn sáng. Không ngờ rằng câu đầu tiên con nói lại là: “Mẹ bạn Khúc Vỹ Kiến khi nào mới tới ạ?”. Vợ tôi ngây người, trí nhớ của con bé thật là tốt, ngủ một giấc dài như vậy mà chưa quên được chuyện này. Vợ tôi đành nói dối: “Con ăn cơm xong là cô ấy đến”.
Sau bữa sáng, Y Y vẫn ngồi đó, không đi đâu cả. Vợ tôi lại giục con ra ngoài đi chơi, con lại hỏi: “Tại sao họ vẫn chưa đến xin lỗi?”. Mẹ đành nói với con đợi thêm lúc nữa. Y Y đòi mẹ đưa cho tờ giấy, con cầm giấy ngồi ở đó không nói gì và chờ đợi…
Khi tôi từ Bắc Kinh trở về, vợ tôi kể cho tôi nghe chuyện này, tôi rất tán thưởng quan điểm: “Có lỗi phải biết xin lỗi” của con, nhưng tôi nói với con rằng nếu chúng ta làm sai điều gì đó, nhất định phải xin lỗi, nếu người khác làm sai, phải biết khoan dung, cần nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác.
Con bé gật gật đầu ra vẻ hiểu điều tôi nói.
Giờ con gái đã mười sáu tuổi, đã là một sinh viên đại học, con ngày một
hiểu biết nhiều hơn. Con bây giờ không còn buồn vì chuyện người khác có lỗi mà không đến xin lỗi nữa, bởi vì con là một đứa trẻ có lòng khoan dung, con biết rằng tha thứ cho người khác là mang lại niềm vui cho chính bản thân mình.
Lóe lên ý tưởng khi ngồi xích đu
Đầu thế kỷ XXI chúng tôi sống ở bên hồ Nam, Trường Xuân, phía dưới tòa nhà là khu tập thể dục thể thao của chung cư, ở đây có nhiều dụng cụ tập luyện nên thu hút rất nhiều người. Bất luận là người già đến tập thể dục hay là những người thuộc độ tuổi trung niên mang con đến chơi đùa, ai cũng tập trung ở đây, mọi người chơi những đồ mà mình yêu thích, tôi và cô con gái năm tuổi cũng là khách quen ở đây.
Tôi trung thành với xà đơn xà kép và máy tập chạy bộ ở đây, còn phần tử nhỏ tích cực rèn luyện thân thể Y Y thì thiết bị nào con cũng đều chơi qua, mỗi thứ chỉ trong vòng hai ba phút, nhưng xích đu là ngoại lệ, mỗi lần con chơi đều cảm thấy không đủ. Để an toàn, khi con gái ngồi chơi xích đu, tôi trở thành vệ sĩ của con. Không chỉ con gái thích chơi xích đu, hình như đứa trẻ nào cũng thích trò chơi này, vì thế mà chúng tôi thường xuyên phải xếp hàng để chờ đến lượt chơi. Một bé gái ngồi lâu trên xích đu, những đứa trẻ khác không chờ được nữa lao nhao: “Cho mình chơi một lúc đi, cho mình chơi một lúc đi”. Nhưng bé gái ngồi trên xích đu lại coi như không nghe thấy những lời đó, mẹ của bé gái đang đứng cạnh xích đu cũng bỏ ngoài tai, coi như không biết, vẫn cứ giúp con đẩy xích đu.
Tình huống này thì hôm nào cũng xảy ra, chủ đề thì giống, chỉ có hình thức là khác nhau. Cứ như thế, mỗi khi được ngồi trên xích đu sau quãng thời gian dài chờ đợi, tận hưởng sự vui vẻ mà xích đu mang lại, con cũng giống như bao đứa trẻ khác, cứ không ngừng đong đưa đi đong đưa lại, con càng chơi càng hứng thú, tôi thấy phía sau còn rất nhiều bạn nhỏ đang chờ được chơi xích đu thì tỏ ý muốn con xuống nhường cho các bạn khác chơi, lúc đó con thường tỏ ra không muốn. Tôi nói với con: “Đây là thiết bị công cộng, mọi người đều được chơi như nhau”. Con gái hỏi lại tôi: “Thế tại sao lại có rất nhiều bạn nhỏ cứ ngồi mãi trên xích đu mà không nhường cho bạn khác chơi? Các bạn ấy không nhường, tại sao con lại phải nhường ạ?”.
Nghe con nói như vậy, tôi thực sự không biết phải nói gì, đúng vậy, tại
sao lại cứ phải là mình nhường, lời con nói không phải là không có lý, tôi chợt nhận ra rằng: Những cách đối nhân xử thế mà tôi đã cố gắng dạy cho con đã bị hiện thực phá hủy rồi…
Trong thời đại ngày nay rất nhiều bậc phụ huynh chỉ vì con cái mình nên bất chấp mọi thứ, nói theo cách của một số người thì những cái gọi là phẩm chất đạo đức hão huyền ấy đổi được bao nhiêu tiền, con chơi được nhiều, con vui, đấy là điều có thể nhìn thấy, có thể sờ thấy.
Khi phụ huynh không thèm để ý đến những đứa trẻ đang dán mắt vào xích đu chờ đợi, chỉ quan tâm con mình đang ngồi chơi trên xích đu, thì họ đã sớm vứt cái gọi là phẩm chất đạo đức vào sọt rác rồi. Nếu nói vì yêu con, nếu không có đứa trẻ nào đang chờ đợi, để con chơi thêm một lúc thì chẳng có gì là sai, nhưng khi có rất nhiều đứa trẻ đang nóng lòng được chơi, vẫn coi như xung quanh không có ai, thản nhiên để con mình chơi, liệu hỏi thứ tình yêu đó sẽ mang lại điều gì cho con cái? Vì niềm vui nhất thời của con trẻ mà cả đời đánh mất đi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, điều này có lợi và có hại gì, thiết nghĩ các bậc phụ huynh phải xem xét lại.
Những người cha người mẹ ích kỷ sẽ có những đứa con ích kỷ, hôm nay con có thể không nhường cho các bạn khác chơi để được chơi lâu hơn, thì tương lai con có thể vì lợi ích của bản thân mình mà không thèm quan tâm đến lợi ích của người khác, thậm chí là lợi ích của cha mẹ.
Một khi đã gieo những hạt mầm ích kỷ trong tâm hồn con cái, chính chúng ta sẽ là người nếm trái đắng trong tương lai, nuôi dạy ra những đứa con ích kỷ, hờ hững, không những bạn đã hủy hoại con cái bạn mà bạn còn hại cả một dân tộc, một quốc gia.
Tôi là đồ chơi của con
Con người là một loại động vật tình cảm, đặc biệt đối với những đứa trẻ mà nói, chúng rất cần sự bảo vệ tình cảm của cha mẹ. Cha mẹ chơi cùng con không những có thể đáp ứng nhu cầu về mặt tình cảm của trẻ, hơn thế nữa trong quá trình chơi cùng trẻ, có thể góp phần thúc đẩy phát triển tâm lý của trẻ một cách tốt hơn.
Đối với trẻ con, trò chơi là toàn bộ cuộc sống của chúng; đối với các bậc phụ huynh, trò chơi chính là hình thức giáo dục hiệu quả nhất. Vì vậy các
bậc phụ huynh phải tham gia vào hoạt động vui chơi của con, hay nói một cách khác chúng ta phải chơi cùng con. Nhưng dù nói thế nào thì phụ huynh cũng là người lớn, có tư tưởng, hành vi khác với trẻ nhỏ. Nên làm thế nào để hòa vào thế giới của trẻ, làm thế nào để cùng chơi với trẻ, khiến trẻ vui và bản thân phụ huynh cũng cảm thấy hạnh phúc? Trước tiên phụ huynh phải hiểu được đặc điểm và trình độ phát triển cơ thể cũng như tâm lý của trẻ.
Trong mắt của trẻ, cha mẹ không chỉ là bạn cùng chơi, nhiều lúc còn là đồ chơi của chúng.
Lúc về sống cùng tôi, con chưa đầy một tuổi, lúc đó con chưa biết gì, mọi thứ đều bị động, còn chưa biết chơi đùa. Tôi và vợ thường chủ động chơi cùng con, trêu đùa làm con vui. Cách tôi thường dùng nhất là cùng nhau mô phỏng động tác và âm thanh. Ví dụ, khi con vô tình làm một động tác giống như là vỗ tay, chúng tôi lập tức làm động tác vỗ tay, sau đó con lại làm theo chúng tôi, cứ làm như thế lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nội dung và hình thức của những trò chơi này đều hết sức đơn giản, nhưng lại là con đường lý tưởng nhất để xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi con còn nhỏ, hơn nữa ở một mức độ nào đó có thể thúc đẩy quá trình nhận thức ban đầu của trẻ đối với thế giới.
Sau khi Y Y được một tuổi rưỡi, con có thể nhai tốt hơn trước rất nhiều, chúng tôi thường xuyên bóc cho con ăn hạt hướng dương, con bé rất thích ăn món này. Vì thích nên cho dù tôi đặt những hạt hướng dương đã bóc vỏ ở chỗ nào, con cũng sẽ đi tìm và cho vào miệng, cái miệng nhai nhóp nhép rất đáng yêu. Sau đó mỗi khi thích ăn hướng dương, con lại tới những chỗ đã từng để để tìm.
Đến khi hai, ba tuổi, con đã có thể đi vững rồi, năng lực hoạt động cũng được tăng cường nhiều, có thể tự mình tổ chức trò chơi, và càng ngày con càng thích những trò chơi giả tưởng. Cũng vì thế mà vai trò của tôi có chút thay đổi, tôi không còn là người hướng dẫn nữa mà thay vào đó tôi phối hợp cùng con. Ví dụ, khi con gái cầm súng đồ chơi chạy lại nói: “Không được động đậy”, tôi phải lập tức giơ hai tay lên, làm “tù binh” của con; khi con cầm ống tiêm, vẻ mặt nghiêm túc muốn “tiêm” cho tôi, tôi phải ngoan ngoãn ngồi xuống làm “bệnh nhân”.
Trong những lần làm thuyết trình về đề tài nuôi dạy con cái, khi tôi nói đến việc chơi đùa của con cái, đều có phụ huynh ca thán: “Ôi, muốn con chơi vui thì phải không tiếc tiền. Đi chơi ở công viên, giá vé vào cửa đều đắt cắt cổ; nếu đưa con đi du lịch, ăn ở cũng mất một khoản không nhỏ, hễ mua đồ chơi cho con là phải mất tiền…”.
Nói như vậy thì không phải con cái của những gia đình nghèo sẽ không bao giờ có được niềm vui, không được chơi hay sao? Nghĩ đến thời của chúng ta, đến cơm còn ăn không no, chẳng biết “đồ chơi” là cái gì, nhưng không phải chúng ta vẫn rất vui đó sao? Chúng ta đã không chơi đùa ư? Tất nhiên là không, một nắm đất sét, một cành cây, một hòn đá… đều có thể trở thành đồ chơi của chúng ta, đều có thể mang đến cho chúng ta niềm vui bất tận.
Vì thế, chơi đùa và tiền bạc chẳng có quan hệ gì với nhau. Cũng giống như việc “Có tiền hay không có tiền đều về quê ăn Tết”, hơn nữa niềm vui và trải nghiệm trong khi chơi căn bản không liên quan gì đến tiền đầu tư vào trong đó, bởi vì mỗi bậc phụ huynh chính là một món đồ chơi lớn của con cái.
Tôi và Y Y cùng chơi rất nhiều trò chơi, tất cả đều không tốn tiền, nhưng chỉ số niềm vui có được sau mỗi lần chơi là năm sao!
Khi con gái được ba, bốn tuổi, có một lần sau khi ăn cơm tối xong, con ngồi chăm chú xem tivi còn tôi thì vào phòng ngủ hóa trang: Tôi đội một con gấu bông trên đầu, phần mặt quấn chiếc váy nhỏ của con, còn phía sau móc một cây chổi lông làm đuôi, trông tôi lúc này giống như một con quái vật hoạt hình. Sau khi hóa trang xong, tôi tiến về phía trước, khom lưng, cong mông, từ phòng ngủ vừa đi vừa lắc đến phòng khách, tiến về phía con gái, để thu hút sự chú ý của con, tôi còn không ngừng phát ra những âm thành kỳ quái (tất nhiên là phải giữ mức độ, không thì sẽ làm con sợ).
Nghe thấy tiếng kêu, Y Y lập tức tìm nơi tiếng kêu phát ra, mới nhìn thấy tôi, theo bản năng còn lùi lại một bước, thét lên kinh ngạc: “Mẹ ơi, có quái vật vào nhà.” Thấy vậy tôi cũng lùi lại vài bước, thấy tôi lùi ra xa, con hưng phấn nhảy lên giống như một tướng quân vừa đánh thắng trận, con nhảy, hoan hô theo tiết tấu của những động tác tôi làm. Sau đó tôi lắc lư trước mắt
con rất nhiều lần, khi tôi sắp tới gần con, con nhanh như cắt lao về phía tôi, tôi lại lùi nhanh về phía sau, tỏ vẻ sợ hãi, dần dần lùi từ phòng khách lùi về phòng ngủ. Vì thế mà con nhìn về phía phòng ngủ chờ đợi, sau một lúc im ắng, tôi lại xuất hiện trước mắt con với “tạo hình” mới, khiến con cười vui vẻ…
Trong suốt quá trình chơi, con rất vui, cười rất nhiều, tôi cũng ngập tràn trong niềm hạnh phúc, mang lại niềm vui cho con, được nhìn thấy nụ cười vui vẻ của con, đây không phải là hạnh phúc của người làm cha hay sao?
Con muốn trở thành người bán dây chuyền vàng
Khi gặp con cái của người thân hoặc bạn bè, người lớn đều quan tâm hỏi han, câu hỏi mà nhiều người hay hỏi nhất có lẽ là: “Cháu học có giỏi không? Lớn lên cháu muốn làm nghề gì?”.
Câu trước thì quan tâm đến điểm số, câu sau quan tâm đến ước mơ. Vấn đề điểm số không liên quan đến nội dung của chương này, tạm thời tôi sẽ không nói đến, chúng ta sẽ nói về ước mơ. Những đứa trẻ mẫu giáo thường sẽ trả lời lớn lên cháu muốn làm: cảnh sát, bác sĩ, nhà khoa học… Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học thì sẽ trả lời: ngôi sao, lãnh đạo, kỹ sư, giáo viên… Đến khi học trung học thì về cơ bản chẳng em nào có lý tưởng gì cả, tất cả đều có chung một ước mơ (nói chính xác hơn là đều bị ép phải có một ước mơ), đó là: thi đỗ đại học!
Con gái chịu ảnh hưởng từ tôi, từ nhỏ ước mơ của con đã không giống ai. Ngày 27 tháng 6 năm 2002, trường mẫu giáo số 5 thuộc Đại học Cát Lâm tổ chức lễ tốt nghiệp cho các học sinh lớp lớn. Trong buổi lễ tốt nghiệp có một hoạt động là mời các bạn nhỏ lên sân khấu trình bày ước mơ của mình. Trước đó cô giáo đã bố trí bài tập để các bạn nhỏ có thể chuẩn bị trước ở nhà, cô yêu cầu các con phải viết ra giấy, khi lên sân khấu chỉ cần mở giấy ra đọc. Hôm đầu tiên khi đi học về, con gái đã nhốt mình trong phòng để viết về ước mơ của mình. Sau khi viết xong, con cầm đưa cho chúng tôi xem, con viết con muốn trở thành một chiến sĩ cảnh sát dũng cảm, mặc dù có rất nhiều chữ con chỉ biết viết phiên âm, nhưng con viết rất ngay ngắn, câu chữ rất trịnh trọng.
Ngày hôm sau, tôi và vợ nhận được lời mời của trường tới dự buổi lễ tốt
nghiệp của con. Buổi lễ tiến hành theo kế hoạch, rất nhanh đã đến phần nói về ước mơ. Con gái tôi có số thứ tự tám, con ngồi trên hàng ghế đầu, chăm chú lắng nghe các bạn mình nói về lý tưởng của bản thân. Tôi để ý con thường xuyên nhíu lông mày, thi thoảng lại ra vẻ trầm tư suy nghĩ, tôi không biết con đang nghĩ gì.
Tiếp theo là đến lượt của Y Y, khi cô giáo gọi đến tên con, tôi phát hiện con có chút do dự, sau đó, để lại tờ giấy vốn nắ̀m chặt trong tay con nãy giờ trên bàn, ngập ngừng bước lên sân khấu. Tôi hơi lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra với con, tối hôm trước không phải là con đã chuẩn bị rất chu đáo rồi sao? Tại sao đến giờ phút quyết định con lại sợ sệt co rúm lại thế kia? Nhút nhát sợ sệt không phải là tính cách của con, hơn nữa tại sao con lại không cầm theo tờ giấy đã chuẩn bị sẵn?
Không để cho tôi phải nghĩ nhiều, con bắt đầu phát biểu: “Xin chào tất cả mọi người, cháu tên là Phạm Khương Quốc Nhất, ước mơ của cháu là… là bán dây chuyền vàng!”. Cái gì, tôi nghĩ mình đã nghe nhầm, con gái đang nói cái gì vậy? Bán dây chuyền vàng? Để kiểm tra lại rằng tôi không nghe sai, tôi hỏi lại vợ tôi, vẻ mặt kinh ngạc sợ hãi của vợ tôi đã chứng thực điều tôi nghe thấy là sự thật: “Cái này mà cũng gọi là ước mơ? So với ước mơ trở thành giáo viên, cảnh sát, bác sĩ, nhà khoa học… mà bảy bạn trước đó đã nói thì ước mơ của con sao mà tầm thường thế, nó còn không thể gọi là ước mơ được, thật là mất mặt quá”. Vợ tôi mặt nóng bừng bừng, phụ huynh ngồi cạnh cũng không nhịn được phải bật cười. Tôi cũng bồn chồn lo lắng, muốn lên sân khấu lôi con xuống, hỏi con tại sao lại đột nhiên nói những lời đó. Tại sao đột nhiên lại nghĩ ra một ước mơ như vậy, nhà tôi từ trước tới giờ không ai thích đồ trang sức bằng vàng, con gái từ nhỏ đến lớn chưa từng tiếp xúc với “dây chuyền vàng”, tại sao con lại có “cảm tình” với thứ này?
Tôi nghĩ nhất định là có nguyên do của nó, vì thế trên đường về nhà mới có đoạn đối thoại như thế này:
“Y Y tại sao con không cho mọi người biết ước mơ của con là làm cảnh sát, tại sao lại thay đổi ước mơ của mình trong chốc lát như vậy?”. “Cha không nghe thấy đã có một bạn nói bạn ấy muốn làm cảnh sát rồi sao ạ? Con không muốn nói giống người khác, nếu nói như vậy cô giáo sẽ cho rằng con bắt chước người khác, chẳng ra gì cả”.
“Nhưng tại sao lại phải là bán dây chuyền vàng? Tại sao con lại nghĩ đến điều này?”.
“Con thấy có bạn nói muốn làm cảnh sát rồi, con đổi thành giáo viên. Nhưng lại có bạn nói muốn làm giáo viên, con đành đổi thành làm bác sĩ, nhưng kết quả là lại có bạn nói muốn làm bác sĩ. Con nghĩ mãi mới ra nhà khoa học, kết quả là bạn số bảy lại nói trước. Chẳng còn cách nào khác, lúc lên sân khấu con vẫn đang nghĩ phải nói cái gì. Đang suy nghĩ con chợt nhìn thấy trên cổ cô giáo có đeo một sợi dây chuyền, con đành nói ước mơ của con là bán dây chuyền vàng”.
“Bán dây chuyền vàng thì có gì tốt, nghe đã thấy chẳng có chí tiến thủ chút nào?”. Vợ tôi xen vào câu chuyện của hai cha con.
“Bán dây chuyền vàng thì có gì không tốt ạ, có thể kiếm được tiền cho cha mẹ tiêu”.
Sau khi nói chuyện với con, tôi hiểu ra tất cả, tôi không cảm thấy buồn mà thấy vui. Không ngờ rằng vì nghĩ đến “bán dây chuyền vàng”, con gái đã phải tốn không biết bao nhiêu nơron thần kinh, hơn nữa câu: “Bán dây chuyền vàng” của con đã giúp tôi nhìn thấy điều đáng quý ở con gái.
Trước tiên, có thể thấy con gái là người có tư duy khác biệt, điều này không phải là dễ, không muốn làm điều giống với người trước đã làm, nói những lời người khác đã nói. Lớp mẫu giáo của con có tới ba mươi sáu bạn nhỏ, những bạn nói muốn làm cảnh sát, làm giáo viên, làm bác sĩ, làm nhà khoa học mỗi ngành nghề đều không dưới năm bạn, nhưng chỉ có con gái nói muốn trở thành người bán dây chuyền vàng, độc nhất vô nhị! Không đi theo số đông, có cá tính, đây là những tố chất cơ bản để trở thành một người thành công.
Thứ hai, có thể thấy con có đầu óc linh hoạt, không cứng nhắc, mặc dù trước đó con đã chuẩn bị nội dung phát biểu, nhưng con có thể căn cứ vào tình hình thực tế để thay đổi nội dung, không dập khuôn cứng nhắc. Một đứa trẻ mới có năm tuổi rưỡi mà làm được như vậy thì đáng được khen ngợi.
Thứ ba, qua chuyện này có thể thấy được con có trí tưởng tượng rất phong phú, có thể liên tưởng việc “bán dây chuyên vàng” với lý tưởng của bản thân, điều này người lớn chúng ta không phải ai cũng có thể làm được.
Còn một điểm nữa cần phải nói đến, đó là con luôn luôn hướng về cha mẹ, cho dù là “bán dây chuyền vàng” thì cũng vì “kiếm tiền để cha mẹ tiêu”. Nghĩ như vậy, tôi làm sao nỡ lòng trách cứ con vì lý tưởng của con trong mắt người khác tầm thường? Không những không trách cứ mà còn cần phải khẳng định! Chuyện này cũng gợi cho tôi suy nghĩ: Khi trẻ làm một điều gì đó, trong mắt người lớn điều này trái với những chuẩn mực thông thường, thậm chí là hoang đường, nhưng cha mẹ không được trách mắng trẻ, trước tiên hãy hỏi tại sao, có thể cha mẹ sẽ phát hiện ra rằng người sai không phải là trẻ mà lại là chính bản thân chúng ta, không phải con đã vi phạm chuẩn
mực mà là đầu óc chúng ta đóng khung trong những chuẩn mực… Rất may là khi con nói ước mơ của mình là trở thành người bán dây chuyền vàng, tôi đã không trách mắng con ngay lập tức, nếu không thì lối tư duy riêng biệt, khả năng sáng tạo, ứng biến, thậm chí là lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ có lẽ đã mãi mãi biến mất…
Con lớn lên, ước mơ của con cũng theo đó mà thay đổi, con càng ngày càng trưởng thành, thực tế hơn. Giờ đây, tôi không có lý do gì mà không vui mừng khi ước mơ của con ngày một bay cao bay xa.
Tôi và vợ đối đầu: Để con chơi hay học
Kết thúc những năm tháng học ở trường mẫu giáo, con gái sắp bắt đầu một cuộc sống học tập mới ở trường tiểu học. Con sẽ học như thế nào? Ở phần đầu tôi đã nói, phải cho con vui vẻ học tập, nhưng những bạn nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường, có bao nhiêu bạn cảm thấy vui vẻ? Để không biến con thành cỗ máy học hành, nô lệ của điểm số, tôi kiên quyết giữ lập trường: “Nếu nền giáo dục đối phó kiểu Trung Quốc không thay đổi, con gái tôi sẽ không đến trường, tôi sẽ cho con tự học ở nhà đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu có điều kiện tôi sẽ cho con ra nước ngoài học, không có điều kiện thì sẽ để con tìm việc và đi làm, dù chỉ ở nhà tự học thì sau khi học xong chương trình trung học, những tố chất tổng thể của Phạm Khương Quốc Nhất tuyệt đối tốt hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học bình thường”.
Tôi tự tin như vậy bởi vì hai lý do, thứ nhất là tôi và vợ đều có thể trở thành giáo viên của con, cũng có thể mời gia sư đến nhà dạy cho con những
kiến thức cơ bản trong chương trình học; thứ hai, nhìn vào nền giáo dục hiện nay của Trung Quốc có thể thấy giáo dục chỉ chú trọng điểm số mà không chú trọng bồi dưỡng năng lực cũng như phẩm chất đạo đức, tố chất tổng thể của sinh viên đại học cũng không cao. Tôi định chú trọng bồi dưỡng năng lực, phẩm chất đạo đức cho con, giúp con có tố chất tổng thể xuất chúng, bởi vì bản thân tôi hiểu rõ hơn ai hết, con người tồn tại là nhờ năng lực chứ không phải là học lực.
Nhưng ý tưởng tốt đẹp của tôi đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, người thân và bạn bè kịch liệt phản đối ý tưởng này, họ cho rằng tôi đang lấy con gái ra làm thí nghiệm mạo hiểm. Vợ tôi, người vốn trưởng thành từ nền giáo dục đối phó kiên quyết phản đối, thậm chí vì điều này mà hai vợ chồng đã cãi cọ, tôi không có ý định thỏa hiệp, nhưng sau khi suy nghĩ cẩn thận, cuối cùng tôi vẫn phải đưa con đến trường tiểu học.
Quyết định này của tôi không có nghĩa là tôi đầu hàng người thân bạn bè, đại diện là vợ tôi và nền giáo dục đối phó, mà là vì tôi nghĩ cho con gái, nếu con học ở nhà, con sẽ không được chơi đùa với các bạn cùng trang lứa, như vậy con sẽ cô độc, sẽ bị trầm cảm, sống khép kín, hơn nữa nếu trẻ không được tham gia vào những hoạt động tập thể, trẻ sẽ thiếu ý thức hợp tác, ý thức cạnh tranh và thiếu tinh thần đồng đội, mà những điều này thì vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, tôi lại không có khả năng đem lại cho con những thứ này, vì thế tôi để con đến trường học.
Mặc dù đưa con đến trường học, nhưng không phải như thế là tôi đã an tâm, bởi vì nếu hoàn toàn phó mặc cho nhà trường, có nghĩa là đã tự đưa chân vào bể khổ. Vì thế, tôi quyết định giữa giáo dục trong nhà trường và giáo dục gia đình, tôi sẽ đi một con đường vừa không mạo hiểm vừa có thể giải quyết được việc giáo dục con. Tư tưởng “Giáo dục tam tam” vì thế mà ra đời.
Thực ra tư tưởng giáo dục của tôi không hề cao siêu khó hiểu, cũng không hề phức tạp, mục đích là để trẻ vừa tiếp nhận giáo dục ở trường nhưng sẽ bớt được gánh nặng học hành cũng như tránh khỏi giáo dục trùng lặp, tư tưởng của tôi là đi một con đường mới, ở đó vui học, chơi mà học, phải thực sự để “học hành là niềm vui”. “Giáo dục tam tam” mà tôi nói là “ba nhiều, ba giỏi và ba tốt”; “ba nhiều là chơi nhiều hơn, xem tivi nhiều hơn, đọc sách
ngoài chương trình học nhiều hơn”; “ba giỏi là viết chữ giỏi, quốc ngữ giỏi, học giỏi”; “ba tốt là tự lo liệu cho bản thân tốt, ý thức tự lập tốt và tố chất tâm lý tốt”.
Mười năm thực tế đã chứng minh, tư tưởng của tôi không phải là sự hoang tưởng. Con gái đã thực sự chơi qua tiểu học, vui qua trung học, vững bước vào cổng trường đại học, quan trọng hơn, ý thức tự lập, khả năng chăm sóc bản thân, tố chất tâm lý của con đều tốt, có ý thức sáng tạo, tư duy độc lập… những điều này đều có lợi cho việc phát triển tố chất tổng thể của con.
Từ trước tới nay chúng ta vẫn có tư tưởng “chơi sẽ ảnh hưởng đến việc học tập”, rất nhiều phụ huynh đều nói với con: “Chỉ biết chơi! Chơi thế có thi đỗ đại học không? Chơi thì làm sao có tiền đồ được?”.
Có thể hiểu được vì sao các bậc phụ huynh lại có ý nghĩ như vậy, văn hóa truyền thống của chúng ta vốn tôn sùng phương pháp học “cột tóc treo trần nhà”, “lấy dùi đâm chân”( ), những tấm gương miệt mài đèn sách trong trời đông giá rét cũng được chúng ta ca ngợi và học tập. Vì thế mà trong mắt mọi người chơi là biểu hiện của việc “không có chí tiến thủ”, không có tinh thần học tập.
Chơi và học thực sự là hai việc đối lập nhau sao? Theo quan điểm của riêng cá nhân tôi: Chơi và học là hai việc thống nhất với nhau, chơi bổ ích thì chính là học, mà học một cách khoa học chính là chơi, chơi có thể thúc đẩy việc học và việc học thông qua những trò chơi thì sẽ dễ tiếp thu hơn và vui vẻ hơn.
Câu “Chơi bổ ích thì chính là học” ai cũng có thể hiểu được, bởi vì chúng ta đều biết, từ khi sinh ra, đứa trẻ đã nhận thức, cảm nhận thế giới, học giao tiếp, hiểu biết quan hệ giữa người với người chính bằng cách thông qua những trò chơi. Nhiều năng lực của trẻ phát triển tốt là nhờ những trò chơi đó. Nhưng nếu nói “học một cách khoa học chính là chơi” thì rất nhiều người lại không hiểu, bởi vì chúng ta đều biết học là một việc hết sức nghiêm túc, nếu không có thái độ học tập nghiêm túc, toàn tâm toàn ý thì rất khó để học tốt. Vì vậy, khi trẻ bắt đầu học văn hóa, chúng ta đã không còn coi “chơi” là một phương pháp học nữa mà coi nó là một hành vi ảnh hưởng đến việc học hành.
Trên thực tế việc học cần phải mang đến sự vui vẻ, chúng ta hoàn toàn có thể biến việc học cũng trở nên hấp dẫn thú vị như việc chơi. Tại sao trẻ con lại thích chơi đến như vậy? Bởi vì chơi có thể làm chúng vui. Nếu việc học cũng có thể làm chúng vui, liệu trẻ có còn ghét học không? Có còn coi việc học là một việc khổ sai không? Tất nhiên là không, mà ngược lại khi vui vẻ, học còn hiệu quả hơn. Như vậy thì tại sao chúng ta phải để trẻ chịu áp lực học hành, thậm chí khiến chúng cả đời đều căm ghét chuyện học hành.
Vì vậy, không những phải tăng cường đề xướng “giáo dục vui vẻ” mà còn phải đề xướng “dạy học qua những trò chơi”. Khi trẻ đã coi việc học và việc chơi là một, thống nhất giữa chơi và học, thì việc học sẽ trở thành một trò chơi mang lại niềm vui.
Con gái tôi học chữ bắt đầu từ chơi trò chơi. Khi đó Y Y mới được hai tuổi, con thích dùng cái que gỗ vẽ những hình thù kỳ quái lên trên mặt đất, tôi cũng cầm một que và vẽ cùng con. Con vẽ một nét ngang tôi vẽ thêm một nét dọc, con tiếp tục vẽ thêm các nét lên trên đó. Khi các nét vẽ tạo được thành một chữ, tôi nói cho con biết đó là chữ gì, con rất hứng thú tìm hiểu chữ này và đọc to lên. Khi tiếp tục vẽ, con vẽ một nét, tôi một nét, vô hình trung con viết được chữ mà con đã biết, sau đó con đắc ý nói với tôi chữ đó là chữ gì.
Y Y học làm tính cũng chính từ việc chơi bài poker. Ban đầu hai cha con đếm hình vẽ trên lá bài, con hiểu được khái niệm về con số; sau đó hai cha con thi nhau xem ai có thể đưa ra quân bài lớn hơn, con hiểu được có số lớn số bé; sau đó thì chơi đến 20 điểm, con biết làm phép cộng, sau đó lại chơi làm thế nào để gộp đến 24, lúc này con đã thành thạo cộng trừ nhân chia…
Sau này khi con đi học, tôi càng chú trọng hơn đến việc bồi dưỡng hứng thú trong học tập cho con. Cổ nhân dạy: Đối với việc học hành, người biết cách học như thế nào không bằng người yêu thích việc học tập, người yêu thích việc học tập không bằng người có thể coi việc học là niềm vui, nhấn mạnh khi coi việc học là niềm vui thì học sẽ nhanh hơn. Sự hứng thú chính là động lực lớn nhất khiến cho con người muốn học hỏi và tìm hiểu kiến thức, nếu chúng ta biết dùng những biện pháp, phương thức vui vẻ để tăng sự hứng thú của trẻ, trẻ sẽ học tập một cách tích cực hơn.
Đầu tiên tôi để con gái hiểu được rằng học không phải là để phục vụ thi cử, càng không phải vì điểm số, mà học là để có thêm nhiều kiến thức, trong quá trình tìm hiểu kiến thức đó chúng ta sẽ có nhiều niềm vui. Thứ hai, tôi chỉ cho con những phương pháp học khoa học. Vì thế từ khi đi học, lúc nào con gái cũng tràn đầy nhiệt huyết với việc học hành, hiệu quả học tập cũng rất cao.
Quan điểm của tôi từ trước đến này đều thống nhất: Mục đích cuối cùng của việc giáo dục là dạy cho trẻ khả năng sinh tồn, phát triển toàn diện, từ đó có thể bình thản sống một cuộc sống đầy niềm vui.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận định: “Giáo dục nên đi sâu vào bốn nội dung cơ bản lần lượt như sau: học nhận thức, học cách thức để lý giải vấn đề; học cách giải quyết vấn đề; học cách sống chung với cộng đồng; cuối cùng là học cách sinh tồn. Đây cũng là kết quả của ba hình thức học đã nói ở trên. Có thể nói, bốn nội dung học tập ở trên chính là trụ cột kiến thức trong cuộc đời của mỗi người.
Nhưng giáo dục trong nhà trường hiện nay, việc dạy bốn nội dung trên vô cùng ít. Cho dù các bậc phụ huynh đều biết kỹ năng sống quan trọng hơn thành tích học tập nhưng sự thật trong quá trình giáo dục con cái, họ vẫn đặt thành tích học tập lên hàng đầu và vô hình trung đã coi nhẹ việc bồi dưỡng những tố chất tổng thể của trẻ.
Thực tế chứng minh rằng một đứa trẻ có năng lực tổng thể tốt, vui vẻ, tràn trề sinh lực không nhất định phải có thành tích học tập ở trường tốt, nhưng khi ra xã hội, bất luận đứa trẻ đó ở hoàn cảnh nào thì nó cũng có thể tìm được vị trí của mình một cách dễ dàng và có thể phát huy giá trị của bản thân, bởi đứa trẻ đó có năng lực thích ứng với hoàn cảnh tốt, năng lực sinh tồn tốt. Vì vậy, mục đích cuối cùng của giáo dục không phải là đứa trẻ đó học được bao nhiêu kiến thức văn hóa, thi được bao nhiêu điểm, mà là đứa trẻ đó có trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người phát triển toàn diện hay không?
Làm thế nào để hiện thực hóa mục đích cuối cùng của giáo dục? Một điều căn bản nhất là để trẻ chơi, mang lại niềm vui cho trẻ! Chơi đùa giống như vứt miếng bọt biển vào đại dương, sẽ mang lại biết bao nhiêu điều cho trẻ.
Mọi kiến thức đều nằm trong những trò chơi đơn giản, vì thế hãy để cho trẻ chơi, phải dạy cho chúng chơi thế nào để vui hơn, bởi đứa trẻ nào càng biết chơi thì đứa trẻ đó càng xuất chúng.
CHƯƠNG 3 CON GÁI VÀO TIỂU HỌC, TÔI CÙNG CON “CHƠI” QUA TIỂU HỌC
Nhìn lại những tháng ngày đã qua, niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi có được không phải là con đã vượt cấp hay là xuất bản sách mà là vì có tôi bên cạnh, nên con có trái tim tràn ngập niềm vui vô bờ bến và nụ cười rạng rỡ. Thông qua những trò chơi vui vẻ, con đã học được vô số những kiến thức mà sách vở không thể nào dạy được.
Con tôi không học trường điểm
Tôi đã từng may mắn được ra nước ngoài khảo sát giáo dục, mỗi quốc gia do tình hình đất nước, thể chế xã hội và văn hóa khác nhau mà phương thức giáo dục có sự khác biệt, nhưng có một điểm chung lớn ở những nền giáo dục này đó là giáo dục phục vụ con người và giáo dục khiến người học cảm thấy vui vẻ.
Đã từ rất lâu, ở Trung Quốc phân thành trường bình thường và trường điểm, nhưng tôi vốn không tán đồng với cách làm này, con người ai cũng bình đẳng, tại sao phải phân chia các trường, sự bất bình đẳng này do con người tạo ra. Điều đáng buồn nữa là tại một số trường điểm còn phân ra lớp chọn, lớp thực nghiệm, lớp A1, lớp A, rồi lớp AA…
Có trường điểm tiểu học, trường điểm trung học và tất nhiên có trường điểm đại học.
Trường đại học mà con gái tôi đang học xét tuyển căn cứ vào kết quả thi, còn trường tiểu học và trung học thì không cần điểm số, vì thế khi học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, con gái tôi đều không học ở trường điểm mà học tại những ngôi trường bình thường, hoàn thành những môn học văn hóa cơ bản.
Ở phần trước tôi đã nói, để giải quyết vấn đề vui chơi và giao lưu với những bạn cùng trang lứa, tôi gửi con đến trường học, nhưng trường học này có rất nhiều điều khác biệt. Chính vì điều khác biệt này mà đến tháng năm, tháng sáu hàng năm lại có những cuộc chiến nảy lửa về vấn đề lên lớp.
Nhìn tổng thể tình hình cả nước, các bậc phụ huynh giống như chuẩn bị
ra trận, dốc toàn bộ sức lực để có thể cho con vào học trường tốt nhất: Con vừa học xong mẫu giáo, muốn con học trường tiểu học điểm, con học xong tiểu học muốn học trường điểm trung học cơ sở, những đứa sắp vào trung học phổ thông hay đại học thì cũng phải học trường điểm…
Trong mắt phụ huynh, ở tiểu học chỉ có học trường điểm thì lên trung học cơ sở mới được học trường điểm, học trường điểm ở trung học phổ thông mới có thể thi vào trường điểm đại học, như vậy con mới có thể thành công, thành tài. Như vậy cha mẹ mới an tâm, mới có thể thở phào nhẹ nhõm, mới được nở mày nở mặt. Vì muốn cho con được học ở những trường như vậy mà các bậc phụ huynh phải suy nghĩ nát óc, thậm chí không từ thủ đoạn, dồn hết tiền bạc, tìm các mối quan hệ…
Mười năm trước khi con gái học xong mẫu giáo, tôi cũng phải đối mặt với vấn đề như vậy. Gần nhà tôi có hai ngôi trường tiểu học trọng điểm nổi tiếng cả tỉnh là trường Thực nghiệm số 2 tỉnh Cát Lâm và trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, và cũng có trường học rất đỗi bình thường là trường Tiểu học Các con em xưởng 228 và trường Tiểu học Các con em Quang Cơ. Trong khi một số phụ huynh tốn tiền của để con mình được học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc thì tôi không ngần ngại ghi tên cho con học trường Tiểu học Các con em xưởng 228.
Một ngày nọ con gái sau khi tan học ở trường mẫu giáo về nhà, con nói với tôi: “Cha ơi, con không muốn học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, con muốn học ở trường Thực nghiệm số 2”. “Tại sao?”. “Rất nhiều bạn lớp con sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2, cô giáo bảo trường này tốt”.
Ngày hôm sau khi đưa con đến trường mẫu giáo, cô giáo của con vừa nhìn thấy tôi đã hỏi: “Thầy Đông Tử, Y Y nói là sẽ học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, có thật vậy không ạ?”. “Đúng rồi”. “Tại sao thầy không cho cháu học ở trường thực nghiệm? Rất nhiều phụ huynh của các bé ở khu vực trái tuyến với trường Thực nghiệm số 2 phải bỏ ra hàng vạn nhân dân tệ để nộp phí chọn trường, nhiều gia đình công nhân không có nhiều tiền như vậy đều nhờ người giúp hoặc vay tiền để có thể cho con vào học ở đó. Ngay cả công nhân ở xưởng 228 đều tìm cách cho con chuyển đến trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông
Bắc. Tại sao Y Y lại học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228?”. Rất nhiều phụ huynh đưa con đến trường khi nghe thấy cuộc trò chuyện của tôi và cô giáo nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Qua tìm hiểu tôi được biết, phần lớn các bạn trong lớp Y Y sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, chỉ có con gái tôi và một số con em của công nhân đã nghỉ việc là học ở trường Các con em xưởng 228.
Vậy tại sao tôi không cho con học ở trường điểm trong khi có đầy đủ điều kiện? Thứ nhất, thu nhập của gia đình có thể nộp các loại học phí; thứ hai trong mắt người khác, dù thế nào tôi cũng là một trí thức nổi tiếng, con của người nổi tiếng thì phải học ở trường điểm; thứ ba, nhiều năm nay tôi nghiên cứu giáo dục tâm lý cho thanh thiếu niên, vợ là giáo viên, những gia đình trí thức như gia đình chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục con cái, đã coi trọng việc giáo dục con cái, tại sao không cho con cái học trường điểm? Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã hiểu tại sao mọi người lại không hiểu tôi. Nhưng tôi buộc phải giải thích cho họ tại sao tôi không cho con học ở trường điểm mà lại cho con học ở một trường bình thường.
Trước hết, tôi không tán thành việc chọn trường, quan điểm nhất quán của tôi là học những trường gần nhà, như vậy có thể tránh được việc phụ huynh và con em phải đi lại vất vả, lại tiết kiệm được phí chọn trường, phí giao thông và rất nhiều khoản chi khác. Thứ hai, tôi tin vào một điều: Một con người có thể thành công hoặc có tiền đồ hay không, phần lớn là do nhân tố chủ quan quyết định, môi trường khách quan chỉ là một trong rất nhiều những nhân tố khác. Còn một điểm nữa đó là: Các trường bình thường thì có môi trường học tập tương đối nhẹ nhàng, vui vẻ, có lợi cho sự trưởng thành của con.
Nghĩ lại hồi chúng tôi đi học, vì xuất thân là nông dân, tôi chỉ học tại ngôi trường cũ nát trong thôn, tôi tự thấy rằng mình đã cố gắng không ít để có được ngày hôm nay. Vì thế, những học sinh học ở trường điểm không nhất định đều là nhân tài và những ngôi trường bình thường không có nghĩa không thể bồi dưỡng ra nhân tài. Huống chi, các bậc phụ huynh đều quên mất rằng, bất luận là học ở trường điểm hay là trường thường thì nội dung học tập đều giống nhau, sách giáo khoa giống nhau, các tiết học giống nhau, hơn nữa giáo viên và chất lượng dạy học cũng không khác xa nhau là mấy.
Tôi tin rằng dù Y Y học ở trường điểm hay là học ở trường dành cho con em công nhân thì con vẫn là con, không phải vì học trường điểm thì con sẽ trở thành thần đồng hay học ở trường thường thì con sẽ trở thành một đứa trẻ vô dụng.
Tôi không để cho con học ở trường điểm chỉ để con hiểu rằng: Sự thành công của con trong tương lai hoàn toàn là do chủ quan cá nhân con có nỗ lực hay không, không được có bất cứ tư tưởng ỷ lại nào vào điều kiện ngoại cảnh; cha mẹ mặc dù mong con sau này thành tài, có tiền đồ nhưng quan trọng hơn cha mẹ mong con được vui vẻ. Tránh xa trường điểm nơi có sự cạnh tranh khốc liệt do con người gây ra, cho con học ở môi trường học tập thoải mái, đó chính là tâm nguyện của chúng tôi…
Như vậy, con gái năm tuổi rưỡi nắm tay tôi đến trường tiểu học 228, trở thành một học sinh tiểu học bình thường của một ngôi trường bình thường. Trên đường đến trường, tôi nói với con: “Hoa trong trường 228 với hoa trong trường thực nghiệm đều đẹp như nhau, nụ cười của các thầy cô ở trường 228 và nụ cười của các thầy cô ở trường thực nghiệm đều rạng rỡ như nhau. Trường 228 không kém bất cứ một ngôi trường nào, các trường khác có gì thì trường 228 cũng có cái đó”.
Cho đến bây giờ, mọi thứ đều nằm trong ký ức của con gái. Con gái và các bạn của con
Cổ nhân nói, con người sinh ra không thể không có tập thể. Con người có thuộc tính xã hội, ai cũng cần phải có bạn bè, không có các mối quan hệ con người sẽ trở nên cô độc, yếu ớt.
Cũng giống như người lớn, trẻ con cũng cần có bạn, giao lưu cùng các bạn đồng trang lứa là một nhu cầu xã hội của trẻ. Nghiên cứu cho thấy đối với trẻ em quan hệ xã hội với những bạn đồng trang lứa là mối quan hệ không thể thay thế bởi những quan hệ khác. Xét từ góc độ tâm lý, khi học tập, sinh hoạt, vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa có thể bồi dưỡng năng lực giao tiếp xã hội của trẻ, bồi dưỡng nhân cách toàn diện, giúp trẻ dễ dàng hòa mình vào tập thể. Xét về phương diện phát triển tình cảm, có quan hệ tốt với những bạn cùng trang lứa, trẻ sẽ nhận được nhiều sự chăm sóc, cổ vũ, giúp đỡ, từ đó trẻ càng tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. Hơn nữa
chơi cùng các bạn đồng trang lứa, trẻ sẽ học được cách hợp tác, bao dung và trong quá trình đó nâng cao năng lực thích ứng với người khác và với xã hội ở một mức độ nào đó.
Điều quan trọng nhất là có bạn sẽ mang đến niềm vui cho trẻ, từ đó trẻ sẽ không cảm thấy cô độc, có cảm giác an toàn và biết mình thuộc về đâu. Nói tóm lại, trong quá trình phát triển trẻ cần một người thầy tốt và quan trọng hơn nữa là người bạn tốt, không có bạn bè, trẻ sẽ cảm thấy cô độc và buồn tủi, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, cá tính cũng như tình cảm của trẻ.
Nhưng hãy nhìn mà xem, bọn trẻ bây giờ đang lún sâu vào “khủng hoảng bạn bè”, lún sâu vào sự cô độc khi không có bạn bè. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do chúng đều là con một, chúng không có anh chị em, ở nhà là “mặt trời nhỏ”, là duy nhất; ra đường thì toàn thấy các tòa nhà mọc cao san sát, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, không qua lại, vì thế mà “khó gặp tri âm”.
Nguyên nhân chủ quan khiến trẻ rơi vào trạng thái cô độc lại chính là do sự lo lắng của phụ huynh. Thứ nhất, hàng ngày khi tan học, trẻ có một đống bài vở chồng chất cần hoàn thành, cho dù có hai ngày nghỉ cuối tuần nhưng vẫn phải đi học các lớp phụ đạo. Thứ hai, cho con ra ngoài tìm các bạn chơi thì cha mẹ lại không yên tâm. Thứ ba, có bậc phụ huynh cho rằng mặc dù con họ không có bạn, nhưng cha mẹ có thể chơi cùng con, và hơn nữa con lại có rất nhiều đồ chơi. Vì thế, nếu có thể chơi ở nhà vui vẻ thì không cần thiết phải ra ngoài chơi cùng bạn bè.
Để con gái có thể được chơi vui vẻ với các bạn bè cùng trang lứa, tôi tìm đủ mọi cách để giúp con có điều kiện giao lưu cùng các bạn, ủng hộ con có thêm nhiều bạn bè.
Tôi để con có nhiều thời gian chơi cùng với bạn bè. Tính cách Y Y rất chan hòa, thích kết bạn, điểm này con rất giống tôi. Khi con mới lẫm chẫm học đi, chỉ cần đưa con xuống lầu chơi tôi luôn có ý thức mang con đến những nơi có nhiều trẻ con chơi, sau đó nhìn con và những đứa trẻ khác vui vẻ chơi đồ chơi của nhau và cùng chơi các trò chơi.
Khi lớn hơn một chút, con đã có ý thức tìm các bạn nhỏ để chơi cùng, con
thường đến khu tập thể dục dưới lầu, chả mấy chốc con đã “nhập hội” chơi cùng các bạn.
Khi được ba tuổi, Y Y đã hiểu ý nghĩa của từ “bạn bè”. Lúc đó con đang học mẫu giáo. Ở lớp mẫu giáo có một bạn nhỏ tên là Hàn Tử Nghi, chơi rất thân với Y Y, hai đứa không chỉ chơi cùng nhau mà Y Y còn có trách nhiệm chăm sóc Hàn Tử Nghi nữa. Mặc dù Hàn Tử Nghi là một cậu con trai, lại còn hơn Y Y nửa tuổi nhưng cậu bé lại không “dạn dĩ” như Y Y, cậu bé thường hay ỷ lại vào cha mẹ. Một lần khi tan học về nhà, Y Y đột nhiên rút từ trong túi ra một chiếc tất. Vợ tôi hỏi con là tất ở đâu ra, con nói là của bạn, lúc ngồi trên xe bị rơi ra, con giúp bạn ấy nhặt, ngày mai khi đến lớp gặp bạn ấy thì sẽ đưa lại. Vợ tôi hiếu kỳ hỏi thêm: “Ai là bạn con vậy?”. Y Y trả lời rõ ràng: “Bạn Hàn Tử Nghi mẹ ạ!”.
Sau đó, con thường xuyên nói từ “bạn con”. Khi lên năm tuổi, một hôm khi con đang chơi dưới lầu, bà cụ hàng xóm hỏi con tại sao lại đứng im trước cổng mà không đi, con trả lời bà với vẻ mặt rất nghiêm túc: “Cháu đang đợi bạn cháu ạ”. Câu trả lời của con khiến bà cụ không thể không cười. Bà cụ nói một đứa trẻ mới năm tuổi mà có thể nói như vậy thật khiến bà bất ngờ và thú vị. Nhưng Y Y rất nghiêm túc, trong suy nghĩ của con, trẻ con hay người lớn cũng đều được có bạn, cho dù con chỉ là một đứa bé nhưng con cũng giống như người lớn, cũng có những người bạn của mình.
Từ trước tới nay tôi không bao giờ phản đối Y Y đưa bạn về nhà chơi. Y Y rất nhiệt tình và mến khách, thích mời các bạn đến nhà chơi. Nhiều lúc đưa đến năm, sáu bạn nhỏ về, mấy đứa chạy nhảy trên sàn nhà, nô đùa ầm ĩ, lăn lộn trên giường, thậm chí còn chơi trò trốn tìm trong nhà… Đợi khi các bạn nhỏ đã ra về hết, nhìn lại căn nhà: khắp nơi đồ chơi vứt lung tung, chăn trên giường bị “giẫm đạp” đến nỗi không còn nhận ra nó là cái chăn nữa, khi chơi trốn tìm có bạn trốn trong tủ khiến tủ lộn xộn, hoa quả mua cho con ăn thì đã “sạch sành sanh”, vỏ hoa quả thì vứt lung tung trên sàn… Kết quả là tôi và vợ cùng với con phải thu dọn mất rất nhiều thời gian.
Theo tôi được biết thì rất nhiều phụ huynh không thích điều này. Rủ nhiều bạn về nhà chơi như vậy, làm bẩn nhà, đồ đạc vứt lung tung, thu dọn mới phiền phức làm sao… Nhưng so với niềm vui mà con có được khi chơi cùng các bạn, những phiền phức này đều không đáng gì cả.
Chủ nhật đầu tiên khi Y Y vào tiểu học, con hẹn các bạn cùng lớp là Vương Trung Huy, Vương Tử Dương cùng chơi dưới lầu. Hình như là các cô cậu chơi chán rồi nên Y Y mời các bạn về nhà chơi. Hai bạn nhỏ kia đồng ý ngay, đi cùng Y Y lên trên lầu. Ba đứa ở trong phòng Y Y đọc sách, chơi đồ chơi, và chơi cả trốn tìm nữa, tủ, sau cánh cửa, ban công, thậm chí là gầm giường đều trở thành nơi để chúng trốn. Trong phòng thi thoảng lại vọng ra tiếng cười vui vẻ của mấy đứa nhỏ. Khi đã thấm mệt, Y Y mời mọi người ăn trái cây, uống nước, rất ra dáng của một người chủ nhỏ.
Chả mấy chốc đến giờ ăn cơm trưa, cha mẹ của Vương Trung Huy, Vương Tử Dương đến nhà tìm con về ăn cơm, nhưng mấy đứa đang chơi hăng say, chẳng đứa nào chịu về nhà. Y Y lại rất nhiệt tình mời các bạn ở lại, con lại xin cha mẹ hai bạn để hai bạn ở lại nhà mình ăn cơm. Khi được cho phép Y Y mừng rỡ nhảy cẫng lên, nắm lấy tay của hai bạn như sợ hai bạn sẽ đi mất, rồi dắt hai bạn quay lại phòng mình. Sau đó con ngoái đầu lại nói với mẹ là Vương Trung Huy thích ăn mỳ còn Vương Tử Dương thì thích ăn cơm rang trứng.
Sau một hồi bận rộn, mấy đứa nhỏ đã ăn cơm trưa xong, chúng lại chơi một lúc, sau đó hai đứa trẻ lần lượt được gia đình đón về. Khi tạm biệt các bạn, Y Y không quên nhắc các bạn cuối tuần sau lại đến chơi. Đây là lần đầu tiên con đưa bạn về nhà chơi. Sau đó, con thường xuyên đưa các bạn về chơi, lúc đông nhất là một lúc đưa cả năm bạn về nhà chơi. Cho dù là bạn nào đến, con đều mang đồ chơi hay nhất ra để mọi người cùng chơi, mang đồ ăn ngon nhất mà cha mẹ mua cho con ra tiếp đãi các bạn.
Ngoài việc mời các bạn ở lại ăn cơm, Y Y còn mời bạn ngủ lại nhà. Ngày 13 tháng 6 năm 2003, lúc đó con vừa thi hết kỳ, được nghỉ hai ngày. Buổi tối khi ở nhà chơi không thấy vui, con đề nghị mẹ đưa đến nhà bạn Triệu Duyệt chơi. Lúc đó trời vẫn chưa tối nên mẹ con đồng ý với điều kiện là nửa tiếng sau con phải về nhà. Quả nhiên nửa tiếng sau con về nhà đúng giờ, nhưng theo sau con là bạn Triệu Duyệt. Thì ra thấy trời càng lúc càng tối, nhưng hai đứa trẻ lại không muốn chia tay. Không biết ai đã nghĩ ra nhưng hai đứa nhất định là phải ngủ chung với nhau. Nhưng rốt cuộc là ngủ lại nhà ai đây? Y Y nhiệt tình: “Về nhà tớ đi, cậu với tớ sẽ ngủ chung giường”. Sau đó thì lại ra sức xin phép cha mẹ của Triệu Duyệt, khi cha mẹ Triệu Duyệt đồng ý, con
mừng như ăn Tết, vui vẻ đưa Triệu Duyệt về nhà mình.
Buổi tối hôm đó hai đứa trẻ rất hào hứng, hai đứa nói không hết chuyện, chơi không hết trò. Đến nửa đêm hai đứa trẻ vẫn vui chơi cười đùa, không có động tĩnh gì là muốn đi ngủ. Mấy lần tôi nhẹ nhàng ra khỏi giường, quan sát hai đứa qua khe cửa, giục hai đứa đi ngủ sớm nhưng nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt chúng, tôi không nhẫn tâm làm gián đoạn niềm vui của chúng.
Buổi tối hôm đó tôi không tài nào ngủ yên được, lòng dạ bồn chồn nghĩ đến Y Y và cô bạn nhỏ của con. Mờ sáng tôi rón rén đến phòng Y Y để quan sát tình hình, nhìn thấy hai đứa mỗi đứa ôm một con búp bê vải ngủ ngon lành. Tối qua hai đứa đều chơi hết mình nên mới mệt như vậy. Vốn định gọi chúng dậy nhưng thôi, lại để chúng ngủ thêm chút nữa. Tôi vừa quay người đóng cửa phòng lại thì Y Y tỉnh giấc, con khẽ ra khỏi giường, chạy đến phòng tôi, muốn tôi rót cho con một cốc nước mát. Tôi hỏi con muốn làm gì, con nói đợi lát nữa Triệu Duyệt thức dậy để bạn ấy uống.
Hai đứa lại chơi cả một ngày như hình với bóng, chả mấy chốc lại đến tối, lần này thì Triệu Duyệt nhất quyết muốn Y Y đến nhà cô bé ngủ, coi như là “đáp lễ”. Buổi tối hôm ở nhà Triệu Duyệt hai đứa đã chơi như thế nào, tôi không thể biết được. Mới sáng ra Y Y đã cùng Triệu Duyệt về nhà, tinh thần rất phấn chấn. Tôi hỏi con rằng ở nhà bạn ngủ mà không nhớ cha mẹ hay sao, con nói là không kịp nhớ. Tôi hỏi con ngủ ở nhà bạn có lạ nhà không? Con lém lỉnh nói: “Thật là tuyệt cha ạ!”.
Vì con đối xử với các bạn rất nhiệt tình, nên bạn bè của con ngày càng nhiều. Lần đầu khi vượt lớp, con lo lắng khi vào lớp mới các bạn ở lớp mới sẽ không thích con, nhưng chẳng bao lâu sau rất nhiều bạn trong lớp đã trở thành bạn của con.
Tôi rất ủng hộ việc Y Y liên lạc với các bạn. Bất luận là ở lớp mẫu giáo hay là đã lên tiểu học, bất luận là ở thành phố hay nông thôn, ở đâu Y Y cũng có những người bạn rất thân. Tôi cổ vũ con cho các bạn số điện thoại nhà và thường xuyên liên lạc với các bạn.
Từ khi Y Y đi học, tôi còn làm cầu nối giúp con kết bạn qua thư. Mặc dù những người bạn qua thư thì không thể cùng chơi đùa nhưng quá trình trao đổi thư từ với các bạn cũng là quá trình giao lưu với những người bạn cùng
trang lứa, điều này giúp ích rất nhiều đối với quá trình phát triển tâm lý, cá tính, xã hội hóa của trẻ. Sau khi cuốn Chơi qua tiểu học được xuất bản, Y Y đã có thêm rất nhiều “những người bạn nhỏ vui vẻ”, dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng chúng thường xuyên gọi điện cho nhau, viết thư điện tử hoặc là trao đổi thông qua QQ.
Con gái nhẹ nhàng vượt lớp
Chuyện con gái vượt lớp, khi ra sách, báo chí đưa tin, rất nhiều người đều biết, một số phụ huynh không ngừng hỏi: “Tại sao phải vượt lớp?”, “Vượt lớp liệu con có học kịp các bạn khác không?”, “Có phải vì vượt lớp mà con bé đã phải vất vả lắm đúng không?”, “Liệu con của chúng tôi có thể vượt lớp không?”… Trong quá trình học, trẻ chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, chủ quan có, khách quan có, những đứa trẻ có thể học vượt lớp không nhiều, vì thế việc con gái tôi vượt lớp đã khiến nhiều người chú ý.
Thực ra, trong kế hoạch giáo dục con, tôi đã có kế hoạch cho con vượt lớp hai lần. Từ trước tới giờ tôi luôn cho rằng, chế độ giáo dục của Trung Quốc bố trí không hợp lý, có đến tận 12 năm học phổ thông, học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ 10 năm, một người nếu học hết tiến sĩ thì đã gần ba mươi tuổi, như vậy vô cùng lãng phí thời gian. Đặc biệt là thời gian học tiểu học, giáo trình đơn giản, nếu trẻ có hứng thú học, vui vẻ học, thì chỉ trong bốn năm là có thể nhẹ nhàng hoàn thành chương trình học ở bậc tiểu học.
Tôi không có khả năng để thay đổi chế độ giáo dục của quốc gia, nhưng tôi có thể giúp con tôi học vượt lớp để rút ngắn thời gian học, để con có thể giữ lại cho mình vài năm tuổi trẻ quý giá. Theo kế hoạch của tôi thì Y Y tốt nghiệp đại học khi chưa tròn hai mươi tuổi, nếu con học đến tiến sĩ, thì lúc tốt nghiệp cũng chỉ khoảng hai mươi lăm tuổi, độ tuổi này hợp lý hơn.
Hai lần vượt lớp vốn định ở thời gian học tiểu học, còn cụ thể vượt từ lớp nào lên lớp nào thì không có kế hoạch cụ thể, điều này phải căn cứ vào tình hình thực tế của con, nhưng không thể một lần mà vượt đến hai lớp. Lớp một nhất định là không vượt, bởi vì đây là năm học cơ bản của bậc tiểu học, là quãng thời gian vô cùng quan trọng để hình thành những thói quen hành vi, vì thế mà không nên có ý định cho con vượt lớp. Nhưng lên lớp hai, khi con đã ra dáng là học sinh, nên xem xét đến vấn đề cho con vượt lớp.
Khi Y Y bắt đầu học tiểu học con mới năm tuổi rưỡi, là học sinh nhỏ nhất trong lớp. Mỗi khi có người hỏi cháu học lớp mẫu giáo nhỡ hay học lớp lớn, Y Y thường trả lời dõng dạc: “Cháu đã đi học lớp một rồi ạ”. Người hỏi thường kinh ngạc: “Nhỏ như vậy mà đã đi học rồi?”. Nhưng nhỏ như vậy mà Y Y lại còn vượt lớp, vì thế mà mọi người càng kinh ngạc hơn.
Hai kỳ của lớp một, hầu như Y Y chơi mà học, con thường đứng đầu lớp về thành tích học tập. Ngày thường khi trên lớp, cô giáo giảng câu trước, con có thể nói câu sau, cô muốn nói gì con đều biết, những kiến thức cô giảng con đều hiểu hết. Thi cuối kỳ học kỳ I, điểm thi của con đứng đầu lớp, thi cuối kỳ học kỳ II con tiếp tục xếp thứ nhất vì điểm ngữ văn, toán và tiếng Anh đều đạt điểm tối đa. Lúc này tôi và vợ bắt đầu kế hoạch để con vượt lớp.
Lúc đó mới là suy nghĩ ban đầu, chưa có kế hoạch từng bước cụ thể. Hơn nữa lúc đó tôi đang công tác ở Đại Liên, không có nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề này. Chẳng mấy chốc đã đến cuối tháng 10 năm 2003, con gái lên lớp hai đã được hơn một tháng, vợ tôi gọi điện nói với tôi căn cứ vào tình hình hiện nay của con, liệu có thể nghiên cứu việc vượt lớp của con hay chưa. Tôi bảo với vợ tôi nói chuyện với Y Y trước, nếu con không có gì khác biệt thì nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con. Buổi tối hôm đó vợ tôi hỏi con có muốn vượt lớp hay không. Lúc đầu con không hiểu “vượt lớp” nghĩa là gì, sau khi nghe mẹ giải thích cặn kẽ con đã hiểu ra, con rất hào hứng, lý do là vì nếu vượt lớp, con sẽ học cao hơn các bạn bây giờ một lớp. Không những thế con còn không ngừng hối thúc mẹ mau giúp con thực hiện kế hoạch vượt lớp. Thấy con rất hứng thú với việc vượt lớp, tôi với vợ tôi đều cho rằng việc vượt lớp rất khả thi.
Ngày hôm sau, vợ tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của Y Y, cho cô biết về kế hoạch của chúng tôi và phản ứng của con, sau đó xin ý kiến của cô về vấn đề này. Sau khi nghe vợ tôi trình bày cô giáo nói Y Y rất thông minh, phản ứng nhanh, tiếp thu nhanh, những kiến thức mà hiện giờ đang học đối với con mà nói thì “đơn giản quá”. Nếu năng lực đã có thừa như vậy, có thể xem xét vượt lớp. Nhưng từ trước tới nay trường chưa có tiền lệ vượt lớp.
Được cô giáo ủng hộ như vậy, vợ tôi rất tự tin về khả năng thành công và tự mình bắt tay lên kế hoạch học tập cho con. Muốn vượt lớp mà không học
phụ đạo thì không được, dù sao thì kiến thức giữa các khối lớp cũng liên quan tới nhau, dù có thông minh đến thế nào, dù có tài năng thiên phú thế nào, những kiến thức chưa học cũng không thể không có thầy dạy mà tự biết được.
Vợ tôi làm kế hoạch học tập rất rõ ràng và gửi mail cho tôi. Sau khi xem xong tôi nói với cô ấy không nên vội vã thực hiện, đợi tôi về bàn bạc thêm. Đầu tháng 11 tôi từ Đại Liên quay về Trường Xuân, cả nhà vì việc học vượt lớp của Y Y nên đã đặc biệt mở một cuộc họp gia đình. Tôi trưng cầu ý kiến của Y Y, con vô cùng hào hứng và đầy tự tin. Sau đó tôi và vợ thảo luận về kế hoạch học tập, phân tích bàn luận về tính khoa học và tính khả thi của kế hoạch đó. Cuối cùng cũng thông qua quyết định vượt lớp và kế hoạch học tập trước khi vượt lớp.
Theo kế hoạch, đến Tết năm 2004 Y Y phải tự học để hoàn thành tất cả các kiến thức của lớp hai, đến tháng 5 năm 2004 con phải học xong chương trình học của kỳ I lớp ba, đến tháng 8 con hoàn thành tiếp chương trình của học kỳ tiếp theo, đến tháng 9 con lên học lớp bốn.
Y Y xung phong tìm các anh chị lớp trên mượn sách giáo khoa của học kỳ II lớp hai và sách giáo khoa của lớp ba. Bắt đầu từ ngày 7 tháng 11 năm 2003 dưới sự phụ đạo của vợ tôi, Y Y bắt đầu học ngữ văn, toán, ngoại ngữ và các môn khác theo chương trình. Theo như kế hoạch, hai mẹ con sẽ học với nhau mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu, mỗi tối một tiếng, buổi sáng thứ bảy học những nội dung liên quan, còn ngày chủ nhật thì cho con nghỉ ngơi. Sau kỳ nghỉ đông thì tiếp tục thực hiện mỗi ngày học bốn tiếng. Hai mẹ con ngày nào cũng bận rộn, ngày nào cũng căng thẳng vội vàng nhưng lại cảm thấy rất ý nghĩa.
Mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch, Y Y tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, tháng đầu tiên tiến độ rất nhanh, chưa đến cuối tháng con đã học xong toàn bộ chương trình của lớp hai. Đến tháng thứ hai con đã hầu như nắm hết được các kiến thức trong chương trình học của học kỳ I lớp ba. Cứ như vậy, sau kỳ nghỉ đông con hoàn toàn có thể vào học lớp ba. Vì thế tôi bàn với vợ, thay đổi kế hoạch ban đầu, quyết định sau kỳ nghỉ đông cho con vượt lớp luôn, không cần đợi đến năm học mới.
Để đảm bảo kế hoạch mới có thể tiến hành thuận lợi, vợ tôi bắt đầu tăng
tốc độ học. Nhưng sau khi bước vào kỳ nghỉ đông, có một quãng thời gian phát sinh vấn đề, Y Y bỗng có thái độ chán học, con thì không muốn học, mà mẹ thì lại nóng vội muốn hoàn thành ngay, hai mẹ con bắt đầu có mâu thuẫn. Vợ tôi thấp thỏm lo âu, lúc nào cũng giục con, thậm chí khi con làm sai bài hoặc là không tập trung học, vợ tôi lại mắng con. Kết quả là Y Y “đình công”, thái độ rất kiên quyết: “Con không vượt lớp nữa!”.
Tôi hỏi Y Y tại sao con không muốn vượt lớp nữa thì con trả lời không nghĩ rằng việc vượt lớp lại phiền phức như vậy, lại mệt như vậy, sớm biết thế con đã không vượt lớp. Tôi nói với con: “Nếu việc vượt lớp dễ dàng thì chẳng phải tất cả các bạn đều có thể vượt lớp hay sao? Nếu thế thì việc vượt lớp chẳng có gì là hay cả. Chính vì việc vượt lớp không dễ dàng nên cả nhà chúng ta mới làm, như vậy mới thấy được thực lực của con!”.
Nghe tôi nói khuôn mặt của con đã bớt phần căng thẳng, nhưng con không nói gì.
Tôi nói tiếp: “Cô giáo và một số bạn đã biết chuyện con muốn vượt lớp, nếu con không vượt lớp, con phải giải thích thế nào với họ? Nói là con không muốn chịu khổ, nói là con đầu hàng khó khăn?”. Y Y lắc đầu, “Ai nói là con đầu hàng khó khăn? Con chỉ nghĩ là vượt lớp cũng chẳng có gì hay thôi…”.
Tôi biết thực ra con cũng có áp lực, gần đây con có quá nhiều bài vở cần làm. Vì thế mà tôi phải làm công tác tư tưởng với con và với vợ, để vợ tôi điều chỉnh kế hoạch, không để Y Y cảm thấy áp lực.
Sau đó, tôi giúp Y Y cân bằng trạng thái, dần dần con không nhắc đến việc vượt lớp nữa. Tôi cũng phải giúp vợ thay đổi, thay đổi phương thức phụ đạo hà khắc của cô ấy, như vậy hai mẹ con dần dần lấy lại được trạng thái tốt nhất, Y Y lại lấy lại sự hăng hái vốn có.
Trong quá trình học, sau khi so sánh thì thấy rằng Y Y thích học môn toán hơn, bởi con nghĩ học toán mang lại cảm giác mình đạt được thành tích gì đó, chỉ cần hiểu được một ví dụ là những bài tương tự chỉ một chốc là làm được hết. Con không mặn mà với ngữ văn, vì khi làm bài tập con không muốn cầm bút viết, nhưng con lại thích đọc, chỉ cần đọc những bài văn là con lại vô cùng hào hứng.
Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã hết kỳ nghỉ đông và bước vào học kỳ mới.
Khi những bạn cùng lớp hai của con vẫn tiếp tục học kỳ II của lớp hai, thì Y Y đeo cặp sách mới vào học lớp 3.
Trong thời gian này còn có rất nhiều chuyện xảy ra, vì thế tôi lại viết thêm vài dòng ở đây.
Trước khi kỳ học mới bắt đầu, tôi gọi điện cho thầy hiệu trưởng của con, thông báo với thầy về việc vượt lớp, hiệu trưởng phản ứng rất kịch liệt: “Vượt lớp, anh đã được phê chuẩn hay chưa?”. “Không phải là tôi đang xin phép thầy hay sao?”. Tôi cảm thấy có điều gì đó không hay.
“Ở trường này chỉ có lưu ban hoặc xuống học lớp dưới chứ từ trước tới giờ chưa có chuyện vượt lớp”. “Nếu Phạm Khương Quốc Nhất vượt lớp, không phải là sẽ có người vượt lớp hay sao?”. Tôi đáp lại sắc bén. Hai người nói chuyện không hợp, vì thế mà nói được mấy câu, chúng tôi đã kết thúc cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ này.
Sau khi gác máy, kết thúc cuộc trò chuyện với hiệu trưởng, tôi vẫn không cam tâm, tôi vội chạy đến trường, đến phòng hiệu trưởng, trực tiếp nói chuyện. Tôi xin lỗi vì chuyện vượt lớp không hề thông báo với hiệu trưởng, không khí cuộc nói chuyện vì thế mà bớt căng thẳng đi rất nhiều. Cuối cùng thầy hiệu trưởng nói: “Nếu con của anh có thể theo được, và Phòng Giáo dục cũng đồng ý thì tôi cũng không có ý kiến gì”.
Sau đó tôi lại tìm đến trưởng ban phụ trách giáo dục tiểu học của Phòng Giáo dục, sau khi nghe tôi trình bày, người phụ trách cũng nói y như thầy hiệu trưởng, theo như tôi nghĩ thì bà ấy cũng không có ý kiến gì, không ngăn cản mà cũng không đồng ý, tôi lại báo cáo ý kiến của Phòng Giáo dục với thầy hiệu trưởng, thầy hiệu trưởng không còn cách nào khác, bèn nói: “Để cô bé làm một số bài kiểm tra xem sao”. Tôi cười cảm ơn thầy hiệu trưởng: “Vâng, cảm ơn thầy!”.
Ngày hôm sau tôi đưa con đến trường để các cô giáo cũng như chủ nhiệm kiểm tra năng lực của con, thực ra là chỉ hỏi con vài câu hỏi, sau đó trực tiếp cho con vào danh sách lớp 3.1.
Tháng 8 năm 2005, sau khi con hoàn thành chương trình học của lớp bốn,
sau một năm tự học ở nhà, ngoài việc hoàn thành cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học, con còn hoàn thành chương trình học của lớp năm, lớp sáu (Ở Trung Quốc, lớp sáu vẫn thuộc chương trình giáo dục tiểu học), vì vậy mà đến đầu năm 2006, con bước vào học trung học cơ sở tại trường Trung học cơ sở số 77 thành phố Đại Liên, con học lớp 7.11.
Đến lúc đó thì kế hoạch “vượt hai lớp” ở tiểu học đã hoàn thành thuận lợi. Chúng ta thường cho rằng, chỉ có những đứa trẻ có IQ cao mới có thể vượt lớp. Sau khi con gái vượt lớp thành công, phản ứng đầu tiên của mọi
người đều là: Đứa bé này thật giỏi, học giỏi quá, thông minh quá. Tôi lắc đầu: Không, thực ra thì con gái tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Việc vượt lớp chẳng có bí quyết gì cả, chỉ cần có phương pháp dạy hiệu quả, hướng dẫn hợp lý, đa số học sinh đều có thể vượt lớp. Bởi thứ nhất nếu so sánh nội dung dạy học theo tiêu chuẩn quy định thì nội dung học của học sinh ở bậc tiểu học không nhiều, hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian một đến hai năm so với thời gian học trong quy định hiện hành. Hiện nay học sinh có nhiều bài vở nguyên nhân chủ yếu là do kho đề thi trùng lặp, dập khuôn và áp lực do chính con người tạo ra.
Thứ hai, khi ở trường, hàng ngày giáo viên phải tiếp xúc với những học sinh có tư chất không giống nhau nhưng giáo viên lại chỉ sử dụng một phương pháp giáo dục duy nhất, vì thế không thể căn cứ vào từng đối tượng người học để đưa ra được phương pháp thích hợp. Thậm chí để đảm bảo toàn bộ học sinh đều hiểu bài, giáo viên phải giảng đi giảng lại một số kiến thức, giao nhiều bài tập, những học sinh chậm tiếp thu hiểu được nhưng những học sinh tiếp thu nhanh phải chịu áp lực của việc học đi học lại nhiều lần. Để đạt được điểm số cao, giáo viên sẽ dành phần lớn thời gian cho học sinh làm đề, những bài cùng một dạng được làm lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, học sinh vừa phí thời gian, vừa mất sự nhanh nhạy khi phải ôn luyện theo kiểu dập khuôn máy móc như vậy.
Vì thế mà nếu như các bậc phụ huynh có đủ sức lực, điều kiện thì hãy làm trong khả năng của bản thân, giúp con vượt lớp, như thế không những có thể giảm bớt thời gian con phải đối mặt với nền giáo dục đối phó mà còn giúp con có nhiều thời gian hơn nữa để học những thứ khác. Tất nhiên là cho con vượt lớp nhưng đừng ép buộc hay gây áp lực cho con về chuyện này.
Tôi tổng kết một cách ngắn gọn và đơn giản tại sao con gái lại có thể vượt lớp nhưng vẫn giữ được thành tích học tập xuất sắc trong mấy điểm như sau: Thứ nhất, tôi căn cứ vào đối tượng học cụ thể; thứ hai là cho con học mà như chơi, giúp con vui học và có hứng thú với việc học; thứ ba là bồi dưỡng cho con những thói quen học tốt, bỗi dưỡng khả năng tự học của con. Tóm lại là: hứng thú tràn trề, tinh thần tốt, hiệu quả tốt, phương pháp tốt. Những điều cơ bản này, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thế giúp con thực hiện, vì thế mà vượt lớp là một điều rất đơn giản, nhẹ nhàng.
Sự đả kích lớn nhất
Mười sáu năm nay, con phải chịu không ít sự đả kích. Những sự đả kích này phần lớn là do nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có cái là do tôi tạo ra. Bởi vì tôi biết cuộc đời không thể thập toàn thập mỹ, một người muốn có được tố chất tâm lý tốt thì bắt buộc người đó phải có khả năng chịu đựng những khó khăn.
Vì thế mà mỗi khi nhìn thấy con khóc lóc thất vọng khi không hoàn thành được một mục tiêu nào đó, tôi thấy thương con nhưng không dang tay ra giúp đỡ con hoàn thành ước nguyện. Đối với trẻ con mà nói, đạt được một điều gì đó một cách dễ dàng chưa hẳn đã là điều hạnh phúc. Hãy cho con bạn cơ hội được thất vọng hoặc thất bại, cho con nếm trải thế nào là thất vọng, hiểu được cảm giác thất bại, như thế con mới có một chút kiên cường, một chút tự tin, một chút lạc quan để tiếp tục phấn đấu.
Một niềm hy vọng của con bị dập tắt thì sẽ có vô số niềm hy vọng mới được thắp lên.
Từ khi kênh truyền hình thiếu nhi của Đài Truyền hình Trung ương lên sóng, con gái trở thành một khán giả trung thành của kênh này, hàng ngày con không những chỉ xem chương trình mà còn tích cực tham gia nữa.
Một ngày đầu tháng 5 năm 2004, lúc đó con gái bảy tuổi rưỡi, chúng tôi phát hiện Y Y bò ra bàn ghi ghi chép chép tô tô vẽ vẽ gì đó, bận đến nỗi khi đến giờ cơm gọi con ăn cơm con cũng không ăn. Hỏi con bận làm gì, con trả lời con đang viết thư cho chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm. Nghe vậy tôi rất hiếu kỳ, tiếp tục hỏi con viết thư cho họ làm gì? “Cha mẹ không xem chương trình thiếu nhi ạ? Chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm là người dẫn
chương trình ạ, hàng ngày hai người đó sẽ đọc thư của một khán giả may mắn, còn đăng ảnh của bạn nhỏ đó nữa ạ. Con cũng phải gửi thư cho họ, hy vọng sẽ trở thành khán giả nhỏ may mắn đó, lúc đó họ sẽ đăng cả ảnh của con, như vậy các bạn nhỏ trên cả nước đều biết đến con ạ”. Con nói rất hào hứng, cảm giác như con đã trở thành vị khán giả nhỏ may mắn đó.
Tôi rất ủng hộ cách làm của con, biểu dương tinh thần tích cực tham gia, dám nghĩ dám làm của con. Nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, bức thư của con khả năng đến tám, chín mươi phần trăm là sẽ không được đọc. Tôi vốn là người làm trong ngành truyền thông lâu năm, tôi hiểu rất rõ trong hàng trăm hàng ngàn bức thư của độc giả, khán giả, nếu được bốc trúng thì đó quả là một may mắn rất lớn. Vợ tôi nhìn vẻ mặt vui vẻ và tràn đầy niềm hy vọng như vậy của con thì thấy không nỡ. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều, liệu chúng tôi có nên tìm một lý do nào đó để con gái từ bỏ điều này không?
Vợ tôi nói với tôi suy nghĩ của cô ấy. Tôi trầm ngâm một lúc rồi quyết định hãy cứ để con gái làm theo những gì mà con thích, một là cho con cơ hội tham gia, hai là cho con cơ hội đối mặt với thất bại. Điều này không hẳn là không tốt với con.
Con tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành bức thư gửi chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm, con còn vẽ một bức tranh về bạn Nghịch ngợm nữa. Khi hoàn thành “tác phẩm” của mình con đưa cho chúng tôi xem. Mặc dù chữ con viết hơi xấu nhưng câu chữ lại rất trôi chảy, hình bạn Nghịch ngợm vẽ cũng không tồi. Chúng tôi khen con, vợ tôi tìm cho con một phong bì và tem thư. Con gái bỏ bức thư và bức vẽ, thêm cả một bức ảnh con vừa ý nhất bỏ vào phong bì, dán cẩn thận xong con mới đi ăn cơm.
Ngày hôm sau mới sáng sớm con đã xuống dưới lầu, trên đường đi học con bỏ bức thư vào hòm thư. Và những ngày sau đó là một chuỗi ngày dài chờ đợi. Ngày nào con cũng ngồi ngay ngắn trước tivi, đón xem chương trình “Thế giới hoạt hình” do chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm dẫn chương trình, khi chương trình sắp đến hồi kết con thường rất căng thẳng và nghiêm túc “nhắc nhở” chúng tôi: “Cha mẹ đừng nói gì, chú ý nghe, xem hôm nay có đọc thư của con không!”.
Mỗi khi tấm ảnh xuất hiện trên màn hình không phải là con, con thường