🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cứ Làm Đi! - Austin Kleon
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC
“Cứ làm đi!”
Tôi viết cuốn sách này vì tôi cần đọc một thứ như vậy Hãy sống trọn vẹn từng ngày
Lên một lịch trình hằng ngày
Hãy lập danh sách
Khi ngày trôi qua, hãy để nó kết thúc
Ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình Không cần cập nhật tin tức mỗi sáng thức dậy
Chế độ máy bay cũng có thể là một phong cách sống Học cách nói “không”
“Sáng tạo” không phải danh từ
Công việc thực sự của bạn là chơi đùa
Hãy bảo vệ những thứ quý giá của mình
Hãy mặc kệ những con số
Nơi nào không có những món quà thì chẳng thể có nghệ thuật Bạn có mọi thứ mình cần
Sống chậm lại và vẽ ra những thứ bạn nghĩ
Khi bạn để tâm đến điều gì, hãy thực sự để tâm đến nó Nghệ thuật vì cuộc sống (không phải ngược lại) Thay đổi chứng tỏ bạn đang sống
Tham quan miền quá khứ
Xếp gọn dụng cụ, tư liệu thì cứ mặc chúng lộn xộn Dọn dẹp cũng là khám phá
Giấc ngủ giúp dọn dẹp trí não
Hãy để lại những thứ tốt đẹp hơn so với khi bạn tìm thấy chúng Tập luyện là việc xua đuổi tà ma
Sáng tạo cũng phải theo mùa
Điều này rồi cũng sẽ qua đi
“Cứ làm đi!”
Câu thần chú của những người làm nghệ thuật
HỌA SĨ THÀNH CHƯƠNG
Tôi cũng giống như tất cả những nghệ sĩ khác, sợ nhất là sự cũ kỹ, trùng lặp và na ná trong nghệ thuật, nên tôi thường phá bỏ những quy tắc thông thường, không chỉ trong sáng tác nghệ thuật mà trong cả đời sống. Họ không để tóc dài tôi để tóc dài, cấm khiêu vũ thì tôi học khiêu vũ, tôi dám làm những gì mình thích. Trong lĩnh vực nghệ thuật, những gì không được phép thì tôi sử dụng cho bằng hết. Từ bố cục, tạo hình, màu sắc đến đường nét, những gì cấm thì tôi làm. Nhờ những cái cấm đó, tranh của tôi lại mang một điều gì đó khác biệt. Chia sẻ với các bạn như vậy vì vài ngày trước tôi có nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho một cuốn sách Keep Going (tên tiếng Việt: Cứ làm đi!) của Austin Kleon từ Alpha Books. Vẽ tranh, nói chuyện, làm diễn giả, tôi cũng may mắn được kinh qua cả rồi, nhưng viết lời giới thiệu thì không nhiều, nhất là từ đơn vị chuyên xuất bản dòng sách quản trị như Alpha Books. Nhưng có gì là không thể. Cứ làm đi! gửi thông điệp đó và tôi thấy mình cũng có chung những suy nghĩ với tác giả.
“Hôm nay mình nên làm gì?” là câu hỏi tôi luôn hằng trăn trở. Khá nhiều người cũng băn khoăn tự hỏi khi cuộc sống chìm trong những điều nhàm chán, quen thuộc, đơn điệu hoặc những chuỗi
ngày mông lung, mơ hồ. Thái độ của các bạn khi đối diện với câu hỏi ấy là gì? Hào hứng nhập cuộc hay lặng lẽ thở dài buông xuôi? Chúng ta phấn khởi bắt tay ngay vào công việc. Hay chúng ta uể oải, mệt mỏi lê bước tới bàn làm việc rồi thắc mắc liệu ngọn lửa đam mê có còn được duy trì, khi bản thân bị chôn vùi trong mớ bòng bong những cuộc họp đằng đẵng, hạn chót không tưởng và áp lực công việc đè nặng. Cũng có những lúc chúng ta chẳng phân biệt nổi hứng khởi hay tồi tệ.
Chúng ta quanh quẩn trong vòng xoáy bế tắc ăn-ngủ-làm việc, sức sáng tạo và niềm đam mê cứ thế bị nung khô rồi vỡ vụn trong đó. Song càng dấn sâu chúng ta càng bế tắc: Tại sao mình lại làm việc này? Tại sao mình không tạo ra được đột phá? Đáng lẽ mọi thứ phải dễ dàng và tốt đẹp hơn chứ? Ôi, tôi sợ nhất những khoảnh khắc này nên vì thế, tôi luôn làm ngược, làm những gì bị ngăn cấm và chỉ làm những gì mình thích.
Austin Kleon, tác giả cuốn sách bạn đang cầm trên tay, hẳn cũng rất trăn trở vì muốn tìm ra lời đáp cho những câu hỏi trên. Và sau rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tác giả đi đến kết luận: Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng cuộc sống sẽ chẳng bao giờ dễ dàng. Sáng tạo nghệ thuật cũng chưa bao giờ là điều đơn giản. Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo và không ngừng trui rèn bản thân. Tôi đồng ý với quan điểm này. Bạn phải làm, dám làm, làm thật cẩn thận, không được qua loa, cẩu thả. Khi nhìn lại bản thân và những sáng tạo nghệ thuật của mình, tôi tự thấy chúng cũng chẳng quá mới lạ. Nhưng ít ra tôi đã có một chữ riêng, chữ duy nhất, tranh của
tôi không hao hao giống tranh của ai đó. Tôi nghĩ đó là bản chất của nghệ thuật, của sản phẩm và của mọi vấn đề trong cuộc sống. Bằng kinh nghiệm viết lách và sáng tạo nghệ thuật suốt hơn một thập kỷ, Austin Kleon đã đưa ra cho độc giả 10 nguyên tắc để duy trì sự sáng tạo, tập trung và tạo chất riêng cho bản thân. Cứ làm đi! hướng đến đối tượng độc giả là những người tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa và quảng bá nghệ thuật, tuy nhiên những phương pháp trong cuốn sách hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả mọi người – từ doanh nhân, giáo viên, nhân viên văn phòng, sinh viên cho đến cả các nhà hoạt động xã hội.
Dĩ nhiên, cuộc sống chẳng có quy tắc nào là bất biến. Bạn hãy đọc cuốn sách, chiêm nghiệm, chắt lọc những ý tưởng phù hợp nhất và tích cực áp dụng vào thực tiễn, đừng bao giờ dừng bước. Cứ làm đi! Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó!
Hà Nội, ngày 4/6/2020
Tôi viết cuốn sách này vì tôi cần đọc một thứ như vậy V
ài năm trước, mỗi sáng thức dậy, tôi thường lướt qua các tít báo trên điện thoại và cảm thấy dường như cuộc sống ngày càng trở nên ngớ ngẩn và tồi tệ hơn. Cùng thời điểm đó, tôi đã viết lách và sáng tạo nghệ thuật được hơn một thập kỷ và thấy mọi thứ không hề dễ dàng hơn chút nào. Đáng lẽ phải dễ dàng hơn chứ?
Mọi thứ dần dà cũng khá khẩm hơn khi tôi chấp nhận sự thật rằng, cuộc sống có lẽ sẽ không bao giờ dễ dàng. Thế giới này vốn dĩ đã điên rồ. Sáng tạo cũng chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Đời người thì ngắn ngủi còn nghệ thuật lại là một hành trình dài.
Cho dù bạn đang kiệt sức, đang ở giai đoạn khởi động, đang làm lại từ đầu hay đang vô cùng thành công đi chăng nữa, câu hỏi vẫn luôn là: Làm thế nào để không ngừng tiến bước?
Cuốn sách này nói về 10 cách giúp tôi trả lời câu hỏi trên. Đối tượng độc giả tôi hướng đến chủ yếu là các văn nghệ sĩ, nhưng tôi nghĩ 10 nguyên tắc này cũng có thể áp dụng cho những ai mong muốn duy trì một cuộc sống sáng tạo đầy ý nghĩa và năng suất – bao gồm doanh nhân, giáo viên, sinh viên, người hưu trí và cả các nhà hoạt động xã hội. Nhiều ý tưởng trong cuốn sách là những điều tôi “ăn cắp” từ người khác. Và tôi hy vọng bạn cũng tìm được điều gì đó đáng “ăn cắp” khi đọc nó.
Dĩ nhiên, không có quy tắc bất biến nào cả. Cuộc sống là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một công trình khoa học. Những
điều bạn thu lượm được có thể vô cùng đa dạng. Hãy chọn lọc những gì bạn cần và bỏ qua những thứ không cần thiết. Đừng dừng bước và hãy không ngừng phát triển bản thân. Đó cũng chính là điều tôi sẽ thực hiện.
Hãy sống trọn vẹn từng ngày
“Không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Đừng phí hoài thời gian bận tâm về điều đó.
Hãy làm những điều tuyệt vời nhất trong khả năng của mình. Cố gắng làm việc ấy mỗi ngày.
Chỉ như vậy là đủ.”
— Laurie Anderson
Mỗi khi ai đó nói với tôi về “hành trình sáng tạo”, tôi đều cảm thấy vô cùng kỳ cục.
Nó quá đỗi hài hước. Quá đỗi to tát.
Hành trình sáng tạo duy nhất mà tôi từng thực hiện là quãng đường chừng 3m từ cửa sau tới phòng làm việc trong ga-ra. Tôi thường ngồi bên bàn, nhìn chằm chằm vào mảnh giấy trống trơn và nghĩ: “Chẳng phải ngày hôm qua mình vừa làm việc này hay sao?”
Trong những lúc sáng tạo nghệ thuật, tôi không cảm thấy mình là Odysseus1. Có lẽ tôi thấy mình giống Sisyphus2 ngày ngày lăn đá lên đỉnh núi thì đúng hơn. Khi làm việc, tôi cũng không coi mình là Luke Skywalker trong Star Wars mà thấy mình chẳng khác nào Phil Connors trong phim Groundhog Day (tạm dịch: Ngày chuột chũi) mới đúng.
1 Theo Thần thoại Hy Lạp, Odysseus là vua của xứ Ithaca, nổi tiếng là một người thông thái, khôn ngoan và luôn biết ứng biến.
2 Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus là vua của Ephyra, bị trừng phạt vì sự tự cao tự đại và gian dối của mình khi phải lăn một tảng đá lớn lên đồi rồi mặc nó lăn xuống khi gần đỉnh và lặp lại hành động này mãi mãi.
Dành cho những ai chưa từng xem bộ phim này hoặc từng xem nhưng không còn nhớ rõ, Groundhog Day là một bộ phim hài, được sản xuất vào năm 1993 với nhân vật chính Bill Murray (do Phil Connors thủ vai), một phát thanh viên dự báo thời tiết bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian. Mỗi ngày anh thức dậy đều là ngày 2 tháng 2 – Ngày chuột chũi ở Punxsutawney, Pennsylvania, quê hương của chú chuột chũi nổi tiếng Punxsutawney Phil với tài dự đoán liệu mùa đông có kéo dài thêm sáu tuần không nhờ vào việc chú ta nhìn thấy bóng của mình hay không. Phil không ưa gì Punxsutawney, thị trấn này đối với anh chẳng khác gì hỏa ngục. Anh thử mọi cách có thể nhưng không tài nào thoát khỏi thị trấn và cũng không thể sang được ngày 3 tháng 2. Đối với Phil, mùa đông dường như kéo dài vô tận. Dù anh có làm gì đi chăng nữa, mỗi ngày anh vẫn thức dậy trên chiếc giường cũ để đối mặt với ngày 2 tháng 2.
Trong giây phút tuyệt vọng, Phil đã tìm đến những kẻ say xỉn ở quán bar và hỏi họ: “Anh sẽ làm gì nếu bị mắc kẹt ở một nơi mà ngày nào cũng y hệt nhau, còn anh thì chẳng thể làm gì để thay đổi nó?”
Đó là câu hỏi mà Phil phải trả lời để phát triển mạch phim, nhưng đồng thời cũng là câu hỏi chúng ta cần trả lời để tiếp tục tiến bước. Tôi cho rằng cách bạn trả lời câu hỏi này chính là nghệ thuật của bạn.
Tôi không phải là người đầu tiên đề xuất rằng Groundhog Day có lẽ là truyện ngụ ngôn tuyệt vời nhất thời nay. Harold Ramis, đạo diễn và đồng biên kịch của bộ phim, cho biết ông nhận được vô số thư từ của các linh mục, giáo sĩ và tu sĩ – tất cả đều ca ngợi thông điệp mà bộ phim truyền tải và cho rằng nó phục vụ cho đức tin của họ. Nhưng tôi nghĩ, bộ phim liên quan nhiều hơn tới những người làm công việc sáng tạo.
Lý do là thế này: Cuộc sống sáng tạo không đi theo đường thẳng. Nó không thể đi thẳng một đường từ điểm A đến điểm B, mà giống như một vòng lặp, hoặc vòng xoắn ốc, tại đó bạn không ngừng quay trở lại điểm khởi đầu sau mỗi dự án. Cho dù bạn thành công đến đâu, thành tích đạt được rực rỡ thế nào, bạn sẽ không bao giờ thực sự “đến đích”. Ngoài cái chết, không có vạch kết thúc hoặc sự nghỉ hưu dành cho người sáng tạo. Nhạc sĩ Ian Svenonius từng viết: “Dù bạn có đạt được thành tựu vĩ đại, vẫn sẽ có một ai đó để ý và hỏi: ‘Tiếp theo là gì?’”
Những nghệ sĩ tràn đầy năng lượng mà tôi biết luôn có lời giải cho câu hỏi đó, vì họ đã tìm ra cách thức hằng ngày – một khuôn mẫu bảo vệ họ khỏi thành công, thất bại và cả sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài. Họ xác định rõ ràng tất cả những điều mình muốn đầu tư thời gian và bất chấp mọi thứ để làm việc đó mỗi ngày. Cho dù sản phẩm mới nhất của họ bị từ chối, bị phớt lờ hay được đón nhận, họ vẫn sẽ thức dậy vào sáng hôm sau và làm việc cần làm.
Chúng ta có quá ít quyền kiểm soát đối với cuộc sống của mình. Điều duy nhất chúng ta thực sự có thể làm là phân bổ thời gian trong ngày như thế nào. Điều đó nghe chẳng khác gì thời khóa biểu trong doanh trại quân đội. Nhưng tôi nghĩ việc tốt nhất bạn cần làm
nếu muốn theo đuổi nghệ thuật là giả vờ như mình đang đóng vai chính trong bộ phim Groundhog Day phiên bản mới: ngày hôm qua đã kết thúc, ngày mai có lẽ sẽ không bao giờ đến, chỉ có ngày hôm nay và những gì bạn có thể làm.
“Bất cứ ai cũng có thể chiến đấu trong những trận chiến chỉ diễn ra trong một ngày” – đó là câu mở đầu của đoạn trích trong cuốn Twenty-Four Hours a Day (tạm dịch: 24 giờ một ngày) của Richmon Walker, cuốn sách viết về tác động của thiền trong việc giúp người nghiện rượu cai nghiện. “Chỉ khi bạn và tôi phải mang thêm hai gánh nặng bất di bất dịch khủng khiếp – ngày hôm qua và ngày mai – chúng ta mới gục ngã.”
“Trải nghiệm của ngày hôm nay không khiến người ta phát điên, mà là sự hối tiếc hay cay đắng với điều gì đó đã xảy ra ngày hôm qua hoặc nỗi sợ hãi với những gì sẽ tới ngày mai. Do đó, chúng ta hãy cố gắng hết sức để sống trọn vẹn mỗi ngày.”
Hành trình sáng tạo không phải là việc đăng quang vương vị chiến thắng và sống hạnh phúc mãi mãi về sau. Sáng tạo thực sự là hành trình mà bạn thức dậy mỗi sáng với hàng tá việc phải làm, giống như Phil.
“Cách chúng ta sống từng ngày chính là cách chúng ta sống cả cuộc đời.”
— Annie Dillard
Lên một lịch trình hằng ngày
L
uôn có những ngày suôn sẻ và những ngày tồi tệ. Những ngày mà bạn cảm thấy tràn đầy cảm hứng và những ngày bạn chỉ muốn “nhảy cầu”. (Và có những ngày mà bạn chẳng thể phân biệt được là suôn sẻ hay tồi tệ.)
Lịch trình sẽ giúp bạn vượt qua một ngày dài và tận dụng nó tối đa. Annie Dillard đã nhận xét: “Lịch trình bảo vệ bạn khỏi sự hỗn loạn và các tình huống bất ngờ. Nó giống như tấm lưới cho những ngày ra khơi.” Nếu bạn không biết phải làm gì tiếp theo, lịch trình sẽ gợi ý cho bạn.
Khi bạn không có nhiều thời gian, lịch trình sẽ giúp bạn biến khoảng thời gian eo hẹp đó trở nên giá trị. Còn nếu bạn có quá nhiều thời gian, lịch trình sẽ đảm bảo bạn không lãng phí nó. Tôi viết trong khi vẫn duy trì “nghề tay phải”, có lúc thì chỉ ở nhà và viết, thậm chí còn viết trong khi chăm sóc lũ trẻ. Bí quyết để có thể viết trong mọi hoàn cảnh là lên lịch trình và tuân thủ nó.
Trong cuốn sách Daily Rituals (tạm dịch: Nghi thức hằng ngày), tác giả Mason Currey đã phân loại thói quen hằng ngày của 161 cá nhân theo đuổi sự sáng tạo: khi họ thức dậy, khi họ làm việc, họ ăn gì, uống gì và nghỉ ngơi ra sao, v.v.. Cuốn sách đã đem đến những góc nhìn thú vị trong hành vi con người. Đọc về thói quen của các nhà văn cứ giống như tham quan sở thú. Kafka nguệch ngoạc viết khi cả gia đình say ngủ. Plath thì viết vào buổi sáng trước khi lũ trẻ thức dậy. Balzac uống 50 tách cà phê mỗi ngày. Goethe ngửi những
quả táo hỏng. Còn Steinbeck thì phải gọt 12 cây bút chì trước khi bắt đầu công việc.
Không thể phủ nhận niềm phấn khích khi đọc về các thói quen và nghi thức của những người làm công việc sáng tạo, nhưng rõ ràng là không có thói quen hoàn chỉnh, phổ quát nào cho công việc sáng tạo. Currey từng viết: “Thói quen hằng ngày là bộ sưu tập độc nhất vô nhị về sự thỏa hiệp, cưỡng chế và mê tín. Chúng được xây dựng thông qua thực nghiệm và phụ thuộc vào những điều kiện ngoại cảnh khác nhau.” Bạn không thể “mượn” lịch trình hằng ngày của một nghệ sĩ yêu thích và mong đợi nó hiệu quả với mình. Mỗi người mỗi ngày đều có vô vàn nhiệm vụ khác nhau – công việc, gia đình, đời sống xã hội – và mỗi cá nhân cũng có một tính cách khác nhau.
Để xây dựng lịch trình cho riêng mình, bạn phải dành thời gian quan sát ngày làm việc và tâm trạng của bản thân. Đâu là khoảng thời gian trống trong lịch trình? Bạn có thể loại bỏ những gì để có thêm thời gian? Bạn là chim sớm hay cú đêm? (Hiếm người nào tôi từng gặp yêu thích làm việc vào buổi chiều. “Tôi ghét khoảng thời gian ‘nửa nạc nửa mỡ’ này, không phải ngày cũng chẳng phải đêm,” Charles Dickens từng nói.) Liệu có nghi lễ hay hành động mê tín ngớ ngẩn nào khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong bạn không? (Tôi viết những dòng này bằng một cây bút chì, được tô điểm sao cho giống một điếu thuốc lá và ngậm hờ trên môi.)
Tôi cho rằng đối với một số người, lịch trình nghiêm ngặt chẳng khác nào ngục tù. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta, theo một nghĩa nào đó, đều “đang trong thời gian thi hành án” hay sao? Hồi Lil Wayne ngồi tù, tôi thấy mình ghen tị với lịch trình hằng ngày của anh
ấy, bao gồm thức dậy lúc 11 giờ sáng, uống cà phê, gọi điện thoại, tắm rửa, đọc thư của người hâm mộ, ăn trưa, viết nhạc, ăn tối, tập thể dục, nghe radio, đọc sách và ngủ. “Này, anh cá là mình có thể viết cả tá sách nếu bị nhốt trong tù,” tôi nói đùa với vợ như vậy. (Trong lần đến thăm nhà tù Alcatraz, tôi thực sự nghĩ đây sẽ là địa điểm hoàn hảo cho nhà văn. Quang cảnh tại đó mới tuyệt vời làm sao!)
Một chút giam cầm – nếu bạn tự mình đặt ra – hoàn toàn có thể giải phóng bạn. Thay vì hạn chế, lịch trình mang lại sự tự do bằng cách bảo vệ bạn khỏi những biến động của cuộc sống và giúp bạn tận dụng quỹ thời gian, năng lượng và tài năng hữu hạn của mình. Ngoài ra, lịch trình còn góp phần xây dựng những thói quen tốt, từ đó giúp bạn làm việc một cách tối ưu.
Suy cho cùng, tôi nghĩ việc mỗi ngày diễn ra tương tự nhau có thể khiến những ngày khác biệt thậm chí còn trở nên thú vị hơn. Sẽ chẳng có các phi vụ vượt ngục tuyệt đỉnh, và những lần trốn học đi chơi cũng sẽ chẳng hay ho đến vậy nếu bạn chưa từng đến trường.
Có gì trong lịch trình hằng ngày của bạn không quan trọng. Điều quan trọng là bạn thực sự có lịch trình hằng ngày. Vun đắp từng thói quen, tuân theo nó gần như mỗi ngày, thỉnh thoảng không làm theo đúng lịch trình để tạo tình huống bất ngờ và đưa ra điều chỉnh khi cần thiết.
“Những cơn chếnh choáng của tôi được lên lịch từ cả một năm trước.”
— John Waters
Hãy lập danh sách
D
anh sách khiến cả vũ trụ hỗn tạp trở nên trật tự và ngăn nắp. Tôi thích lập danh sách. Bất cứ khi nào cần mường tượng cuộc sống của mình, tôi lại lên danh sách. Danh sách ấy sẽ tập hợp tất cả ý tưởng trong đầu và xóa nhòa những khoảng trống trong tâm trí để bạn có thể thực sự thực hiện ý tưởng của mình.
Mỗi khi cảm thấy quá tải, tôi sẽ quay lại với danh sách những việc cần làm lỗi mốt ấy. Tôi lập một danh sách dài, rồi chọn việc cấp bách nhất và thực hiện nó. Sau đó, tôi gạch nó khỏi danh sách và lựa chọn công việc tiếp theo. Cứ thế lặp lại.
Một số họa sĩ mà tôi yêu thích thì hay lập “danh sách những thứ cần vẽ”. David Shrigley thường lập một danh sách dài với 50 chủ đề để vẽ trước cả tuần. Danh sách giúp anh ấy không phải lãng phí thời gian suy nghĩ xem phải làm gì khi ở trong phòng làm việc. Anh ấy từng chia sẻ: “Điều đơn giản tôi học được sau bao năm theo nghiệp vẽ, đó là bạn cần một điểm bắt đầu và một khi đã có nó, công việc dường như cứ thế tự vận hành.”
LÀM GÌ ĐỂ THẤY VUI
ĐỌC SÁCH
ĐI DẠO
CHƠI DƯƠNG CẦM
VẼ TRANH CÙNG LŨ TRẺ
XEM PHIM HÀI
NGHE NHẠC SOUL
VIẾT NHẬT KÝ
CHỢP MẮT
NGẮM TRĂNG
LÊN MỘT DANH SÁCH NGỚ NGẨN
Leonardo da Vinci cũng lên danh sách “những điều cần học”. Ông thường thức dậy vào mỗi sáng và viết ra tất cả những gì mình muốn học ngày hôm đó.
Nếu có điều gì mà tôi muốn làm trong tương lai nhưng chưa sắp xếp được thời gian, tôi sẽ thêm nó vào danh sách mà chuyên gia về năng suất David Allen gọi là danh sách “có lẽ/một ngày nào đó”. Nhà văn Steven Johnson đã thực hiện điều này trong một tài liệu mà ông gọi là “hồ sơ spark” (hồ sơ về những ý tưởng chợt nảy ra) – mỗi khi có ý tưởng mới, ông sẽ ghi vào hồ sơ, và sau đó vài tháng một lần, ông sẽ xem lại danh sách này.
Đôi khi, việc lập một danh sách những gì bạn không làm cũng rất quan trọng. Ban nhạc punk Wire có thể không bao giờ đồng thuận được về những gì tất cả đều thích, nhưng họ nghĩ có thể thống nhất về những điều mình không thích. Vì vậy, vào năm 1977, cả nhóm đã cùng ngồi lại và lập một danh sách quy tắc, bao gồm: “Không có hoạt động cá nhân; không cầu giải thưởng; khi không nghĩ ra lời, bài hát phải dừng lại; không lặp lại giai điệu chính sau phần điệp khúc; không gào thét ầm ĩ khi hát; tập trung vào một chủ đề và không đưa vấn đề chính trị vào bài hát.” Những nguyên tắc này đã giúp họ định hình các nhạc phẩm của mình.
Khi cần ra quyết định, tôi thường lên danh sách ưu và nhược điểm của chúng. Năm 1772, Benjamin Franklin giải thích với người bạn Joseph Priestly của mình: “Kẻ một đường thẳng, chia tờ giấy thành hai cột, một cột viết ưu điểm, cột còn lại thì ghi nhược điểm.” Thời điểm Charles Darwin cân nhắc việc kết hôn, ông cũng lên một danh sách ưu thế và bất lợi.
Khi bị bí ý tưởng vào buổi sáng và không biết phải viết gì vào nhật ký, tôi sẽ điều chỉnh danh sách ưu nhược điểm. Tôi kẻ một đường chính giữa trang giấy, rồi liệt kê những gì khiến mình thấy biết ơn vào một cột, và ở cột còn lại, tôi viết những điều mà mình cần giúp đỡ để thực hiện. Nó được gọi là tờ giấy cầu nguyện.
Nhà thiết kế Adam Savage đã viết: “Danh sách là một bộ sưu tập có chủ đích.” Tôi thích nhìn lại một năm đã qua để xem mình làm được những gì, vậy nên tôi thường lên danh sách 100 địa điểm, sự kiện trọng đại, sách, đĩa nhạc, phim ảnh... mà mình yêu thích nhất. Tôi học lỏm cách làm này từ họa sĩ truyện tranh John Porcellino, người đã đăng danh sách “Top 40 phong cách” trong cuốn truyện King-Cat (tạm dịch: Miêu vương) của mình. (Bản thân John cũng là một người thích lên danh sách; anh ấy thường lưu danh sách dài các câu chuyện và ý tưởng cho cuốn tạp chí trước khi thực sự bắt tay vào vẽ chúng.) Mỗi danh sách giống như một cuốn nhật ký năm được tổ chức chặt chẽ. Nó khiến tôi cảm thấy được an ủi khi nhìn lại những năm trước, để xem điều gì đã thay đổi và điều gì vẫn còn nguyên.
Khi cần giữ vững tinh thần, tôi sẽ tạo ra phiên bản Mười điều răn của riêng mình. Danh sách này gồm “Những điều được làm” và
“Những điều không được làm”. Nếu nghĩ kỹ, cuốn sách này có vẻ cũng là một phiên bản Mười điều răn.
“Danh sách là quá khứ những cũng là tương lai của bạn. Hãy luôn mang nó bên mình.
Điều cần ưu tiên: ngày hôm nay, tuần này và điều tất yếu sẽ đến. Bạn sẽ ra đi một ngày nào đó, với những mục tiêu vẫn chưa hoàn thành. Nhưng ngay lúc này, khi bạn còn đang sống, nó sẽ giúp bạn biết điều gì cần được ưu tiên thực hiện trong quỹ thời gian hữu hạn của mình.”
— Tom Sachs
“Khi ngày trôi qua, hãy để nó kết thúc...
Bạn đã làm những gì có thể; một số sai lầm ngớ ngẩn hiển nhiên mà bạn đã vấp phải, hãy quên chúng càng sớm càng tốt. Ngày mai là một ngày mới; hãy khởi đầu một cách tốt đẹp và bình thản, với tinh thần quyết chiến đến mức những phiền muộn vô nghĩa của ngày hôm qua chẳng thể nào cản trở.”
— Ralph Waldo Emerson
Khi ngày trôi qua, hãy để nó kết thúc
K
hông phải ngày nào cũng sẽ diễn ra theo ý muốn của chúng ta. Tất cả lịch trình và danh sách việc cần làm đều chỉ mang tính chất dự định. Jerry Garcia đã nói: “Bạn lặn xuống biển mò ngọc trai, nhưng đôi khi lại chỉ đem về toàn vỏ.”
Điều quan trọng là dù gặp phải vấn đề gì đi nữa, hãy cố gắng chống cự cho đến hết ngày. Dù nó tệ đến đâu, hãy làm tới cùng, để sau đó, bạn có thể bắt đầu một ngày mới. Sau một ngày trời bên cạnh đứa con trai năm tuổi của mình, Nathaniel Hawthorne đã viết trong nhật ký như sau: “Chúng tôi đã vượt qua một ngày theo cách tốt nhất có thể.” Vậy đấy, sẽ có những ngày mà bạn chỉ có thể cố hết sức để thoát khỏi nó.
Mặt trời dần khuất bóng và bạn nhìn lại một ngày của mình, đừng quá khắt khe với bản thân. Khoan dung một chút thực sự rất hữu ích. Trước khi đi ngủ, hãy lập danh sách những việc bạn đã hoàn thành và muốn thực hiện vào ngày mai. Rồi sau đó quên chúng đi. Đặt lưng xuống giường với tâm trí thảnh thơi. Hãy để tiềm thức làm việc trong khi bạn ngủ.
Một ngày tưởng chừng như lãng phí hiện tại có thể mang đến mục tiêu, hữu dụng hoặc tiềm ẩn một điều tốt đẹp nào đó khi nhìn lại. Lúc họa sĩ thiết kế game Peter Chan còn nhỏ, anh rất thích vẽ và thường thất vọng vò nát những bức vẽ “xấu xí” của mình. Cha anh đã thuyết phục rằng nếu trải phẳng những bức vẽ ấy thay vì vò nát chúng, anh có thể nhét được nhiều giấy hơn vào thùng rác. Sau khi
cha qua đời, Chan tìm thấy một thùng dán nhãn “Peter Chan” trong số di vật cha để lại. Khi mở ra, anh phát hiện bên trong thùng chất đầy những bức vẽ mình đã bỏ đi. Cha đã lẻn vào phòng anh và lượm lại những bức vẽ mà ông nghĩ chúng không đáng bị vứt vào thùng rác.
Mỗi ngày giống như một trang giấy trắng: Khi đã vẽ kín, bạn có thể lưu lại hay vò nát hoặc vứt vào thùng rác và để mặc nó ở đó. Chỉ thời gian mới cho bạn biết điều gì có giá trị.
“Mỗi ngày là một hành trình mới.
Làm việc không ngừng và biết đâu điều gì đó sẽ xảy ra.” — Harvey Pekar
Ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình
“Thật khó để hiểu về cuộc sống nếu không đắm mình vào thế giới bên ngoài, nhưng nếu không tách bản thân ra khỏi cuộc sống thì việc tìm hiểu hay thực sự thấu hiểu nó lại là điều bất khả thi.”
— Tim Kreider
Sáng tạo là kết nối – bạn phải kết nối với mọi người để được truyền cảm hứng và chia sẻ thành quả công việc của mình – nhưng sáng tạo cũng có nghĩa là ngắt kết nối. Bạn phải ẩn mình đủ lâu để suy nghĩ, sáng tạo nghệ thuật và tìm ra một điều gì đó đáng chia sẻ với cộng đồng. Bạn cần chơi trốn tìm để đem đến điều gì đó đáng được tìm thấy.
Im lặng và cô độc là hai thứ tối quan trọng. Thế giới hiện đại ngập tràn thông báo, tin tức cập nhật 24/7 và yêu cầu trao đổi thông tin liên tục. Những điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các nghệ sĩ sáng tạo lánh đời đang cần tập trung tuyệt đối vào công việc của mình.
Trong cuốn sách The Power of Myth (tạm dịch: Sức mạnh của sự ngộ nhận), Joseph Campbell nhắn nhủ tất cả mọi người nên xây dựng một “trạm dừng chân hạnh phúc”:
“Bạn phải có một không gian, hoặc khoảng thời gian nhất định trong ngày, nơi bạn không cập nhật tin tức, không quan tâm bạn bè là ai, không biết bạn mắc nợ ai hay ai mắc nợ bạn. Đó là nơi bạn có
thể chiêm nghiệm, tìm ra bạn là ai và có thể trở thành ai. Đó là nơi ươm mầm sáng tạo. Ban đầu có thể bạn chẳng nhận thấy điều gì khác biệt. Nhưng khi đã có ‘thánh địa bất khả xâm phạm’ và biết cách sử dụng nó, điều khác biệt ấy cuối cùng sẽ tìm đến bạn.”
Lưu ý rằng Campbell nói bạn cần một không gian hoặc một khoảng thời gian nhất định. Trạm dừng chân hạnh phúc không nhất thiết phải là địa điểm, mà có thể là cả thời điểm. Không chỉ là không gian thiêng liêng, mà còn là thời gian thiêng liêng.
“Gói nghỉ dưỡng cao cấp” này sẽ bao gồm cả căn phòng đặc biệt và thời gian đặc biệt dành cho bạn. Nhưng tôi nghĩ có một yếu tố có thể bù đắp cho những thứ thiếu hụt khác. Ví dụ, giả sử bạn sống trong một căn hộ nhỏ xíu cùng với lũ quỷ nhỏ. Dù không có chỗ cho bạn xây dựng trạm dừng chân hạnh phúc, nhưng bạn vẫn có thời gian. Khi những đứa trẻ đang ngủ hay đến trường, thậm chí chiếc bàn bếp cũng có thể trở thành trạm dừng chân hạnh phúc của bạn. Nếu lịch trình làm việc thay đổi liên tục và không thể dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày – đó chính là lúc không gian dành riêng cho bản thân sẽ phát huy tác dụng.
Thói quen tách biệt bản thân với thế giới để dành không gian cho chính mình rõ ràng là một hành vi lành mạnh. Con cái, công việc, giấc ngủ và hàng nghìn thứ khác sẽ luôn xen vào cản trở, nhưng chúng ta vẫn phải tìm không gian hay thời gian “bất khả xâm phạm” của riêng mình.
“Trạm dừng chân hạnh phúc của bạn ở đâu?” Campbell từng hỏi. “Bạn phải cố gắng tìm ra nó.”
“Nhu cầu lớn nhất trong thời đại này là dọn sạch đống rác tinh thần và cảm xúc khổng lồ, thứ làm cho tâm trí chúng ta rối loạn,
đồng thời khiến đời sống chính trị và xã hội trở nên tồi tệ. Nếu không dọn dẹp, chúng ta không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì. Và khi không nhìn thấy, chúng ta cũng không thể nghĩ được gì.”
— Thomas Merton
Không cần cập nhật tin tức mỗi sáng thức dậy
“Con người mỗi ngày nhận được nhiều thông tin đến nỗi quên mất cả những điều thường thức.”
— Gertrude Stein
Một người bạn của tôi từng giãi bày rằng anh ấy không biết mình còn có thể đối mặt với những tin tức khủng khiếp mỗi sáng trong bao lâu nữa. Tôi bảo anh ấy đừng nên cập nhật tin tức mỗi khi thức dậy và mọi người cũng nên làm như vậy.
Phần lớn chẳng có tin tức gì đáng đọc trong khoảng thời gian khởi đầu ngày mới. Với lấy điện thoại hoặc máy tính xách tay ngay khi thức dậy đồng nghĩa với việc bạn đang mời gọi sự lo lắng và hỗn loạn tràn vào cuộc sống của mình. Đồng thời, bạn cũng nói lời vĩnh biệt với những khoảnh khắc vốn dĩ có tiềm năng khơi nguồn cảm hứng nhất trong cuộc sống của một nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ phát hiện họ làm việc tốt nhất sau khi thức dậy, lúc tâm trí thoáng đạt và đang đắm chìm trong trạng thái mơ màng. Đạo diễn Francis Ford Coppola nói rằng ông thích làm việc vào sáng sớm vì khi đó “chưa ai thức dậy, chưa ai gọi cho tôi hoặc ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi”. Hành động dễ khiến cảm xúc của tôi thay đổi nhất là việc bật điện thoại ngay khi buổi sáng bắt đầu. Ngay cả trong những lúc hiếm hoi tôi không cảm thấy mệt mỏi khi đọc tin, thời gian rảnh rỗi của tôi cũng tiêu tan còn não bộ thì bị phân tán.
Hiển nhiên tin tức có nhiều cách để phân tán sự tập trung của bạn, bất cứ khi nào bạn tìm kiếm nó. Năm 1852, Henry David Thoreau phàn nàn trong nhật ký rằng từ khi bắt đầu đọc tuần báo, ông cảm thấy mình không còn đủ tập trung trong cuộc sống hay công việc như trước. “Chúng ta mất hơn một ngày để có thể học hỏi và làm chủ lượng kiến thức đồ sộ đã tiếp thu mỗi ngày,” ông viết. “Nhưng chúng ta lại thường đọc những thông tin chẳng liên quan gì đến mình, để rồi xem nhẹ những điều nhỏ bé và gần gũi xung quanh.” Tự thấy sự tập trung của mình quá quý giá, ông quyết định bỏ đọc tuần báo Tribune. Khoảng 166 năm sau lời phàn nàn của Thoreau, tôi thấy việc đọc báo ngày Chủ nhật là một thói quen lành mạnh: Hầu hết tin tức tôi đọc đều cần thiết cho một công dân có hiểu biết.
Nếu bạn đang sử dụng báo thức trên điện thoại và cảm thấy nó phá hỏng buổi sáng của mình, hãy thử làm điều này: Trước khi đi ngủ, hãy đặt điện thoại ở đầu bên kia căn phòng hoặc một nơi nào đó ngoài tầm với. Và khi bạn thức dậy, cố gắng hết sức để không chúi mũi vào điện thoại.
Có rất nhiều việc để làm mỗi sáng thức dậy: tới trạm dừng chân hạnh phúc, ăn sáng, giãn cơ, tập thể dục, đi bộ, chạy, nghe nhạc Mozart, tắm, đọc sách, chơi với lũ trẻ hoặc đơn giản là ngồi im lặng. Ngay cả khi chỉ có 15 phút, hãy dành cho mình chút thời gian vào buổi sáng để tránh bị hàng đống tin tức làm hoảng sợ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ nên vùi đầu vào cát, không nghe không thấy. Khoảng thời gian tách biệt đó giúp bạn tìm được điểm cân bằng trong nội tâm và sự tỉnh táo để có thể mạnh mẽ và thực hiện tốt công việc của mình.
Hãy thức dậy mà không cần cập nhật tin tức hằng sáng. “Hãy để tâm đến thế giới nội tâm của chính mình, tránh xa quảng cáo, những kẻ ngốc và các ngôi sao điện ảnh.”
— Dorothea Tanning
“Điện thoại mang đến cho chúng ta rất nhiều điều nhưng chúng lại lấy đi ba nhân tố chính tạo nên sáng kiến: cô đơn, hoài nghi và buồn chán. Những điều đó luôn là khởi nguồn cho ý tưởng sáng tạo.”
— Lynda Barry
Chế độ máy bay cũng có thể là một phong cách sống T
rong quá trình thực hiện dự án Seat Assignment, Nina Katchadourian thường sáng tạo nghệ thuật khi thấy nhàm chán trên những chuyến bay dài, ngắt liên lạc với thế giới. Cô chỉ dùng máy ảnh trên điện thoại, đồ đạc mang theo và những gì tìm được trên máy bay. Katchadourian rắc chút muối lên các bức ảnh tạp chí để tạo ra những hình ảnh ma quái. Cô gấp áo len thành mặt khỉ đột. Có lần cô dùng giấy vệ sinh và vải bọc ghế trong phòng nghỉ của máy bay làm đạo cụ và chụp ảnh tự sướng, tái hiện các bức chân dung Flemish cổ điển.
Trong khi rất nhiều người phải vật lộn với chứng nghiện điện thoại, Katchadourian đã tìm ra cách biến điện thoại thông minh thành một cỗ máy sáng tạo nghệ thuật. Nhưng bất ngờ là không ai nghi ngờ mục đích của cô. “Khi lấy ra chiếc máy ảnh,” cô nói, “hành động ấy cứ như bạn đang hét lên cho mọi người biết: ‘Tôi đang làm nghệ thuật!’” Ngược lại, người ta chỉ cho rằng cô ấy là một du khách buồn chán muốn kiếm việc gì giết thời gian. Seat Assignment đã được thực hiện trên hơn 200 chuyến bay kể từ năm 2010 và vào thời điểm tôi viết cuốn sách này, Katchadourian tâm sự rằng chỉ có ba hành khách từng hỏi cô đang làm gì.
Bây giờ, cứ mỗi lần lên máy bay, tôi lại nghĩ về những tác phẩm nghệ thuật mà mình có thể thực hiện được. Giáo viên dạy viết của tôi thường nói đùa rằng nguyên tắc đầu tiên của việc viết là “đặt mông xuống ghế”. Khi ở trên máy bay, bạn buộc phải bật chế độ
máy bay trên các thiết bị điện tử và ngồi rịt trên ghế. Nhờ đó, tôi phát hiện máy bay là một nơi tuyệt vời để làm việc.
Nhưng tại sao chúng ta không thử thực hiện điều ấy trên mặt đất? Bạn không cần ở trên máy bay để trải nghiệm chế độ máy bay: dùng nút tai rẻ tiền, bật chế độ máy bay trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Từ đây, bạn có thể biến những khoảng thời gian di chuyển trên phương tiện công cộng gò bó thành cơ hội để tái kết nối với bản thân và công việc.
Chế độ máy bay không chỉ là một lựa chọn cài đặt trên điện thoại: Nó có thể trở thành một lối sống.
“Gần như mọi thứ đều hoạt động tốt trở lại nếu bạn rút phích cắm của nó trong vài phút, và chính bạn cũng vậy.”
— Anne Lamott
“Tôi buộc phải từ chối – vì những lý do không thể tiết lộ.” — E. B. White
Học cách nói“không”
Đ
ể bảo vệ không gian và thời gian quý giá của mình, bạn phải học cách từ chối tất cả cám dỗ đến từ thế giới bên ngoài. Bạn cần học cách nói “không”.
Tác giả Oliver Sacks thậm chí còn khoa trương đến mức gắn một bảng ghi chữ “KHÔNG!” to đùng bên cạnh điện thoại để nhắc nhở bản thân phải bảo đảm thời gian viết lách. Kiến trúc sư Le Corbusier thì dành buổi sáng ở nhà để vẽ và buổi chiều trong văn phòng để thiết kế. “Những bức vẽ vào buổi sáng giúp tôi sáng suốt vào buổi chiều,” ông nói. Ông làm tất cả những gì có thể để duy trì hai khoảng thời gian riêng biệt, thậm chí còn ký vào bức vẽ của mình với tên khai sinh, Charles-Édouard Jeanneret. Một nhà báo từng gõ cửa căn hộ trong giờ vẽ và bày tỏ muốn được nói chuyện với Le Corbusier. Le Corbusier nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói: “Tôi xin lỗi, anh ta không có nhà.”
Việc nói “không” cũng cả là một nghệ thuật. Họa sĩ Jasper Johns thường trả lời các thư mời bằng con dấu “Rất tiếc” được thiết kế riêng. Nhà văn Robert Heinlein, nhà phê bình Edmund Wilson và các biên tập viên của tạp chí Raw đều sử dụng cùng một mẫu thư phản hồi. Ngày nay, hầu hết chúng ta đều nhận được thư mời qua email, vì vậy sẽ rất hữu ích nếu bạn có sẵn một mẫu thư “không, cảm ơn” để trả lời. Trong bài viết “How to Graciously Say No to Anyone” (tạm dịch: Làm thế nào để nói “không” một cách khôn ngoan với bất cứ ai), Alexandra Franzen đã gợi ý mẫu sau: cảm ơn người gửi vì đã
nghĩ về bạn, từ chối và, nếu có thể, hãy đưa ra một hình thức hỗ trợ khác.
Truyền thông xã hội đã tạo ra một căn bệnh mới của loài người có tên FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ (Fear Of Missing Out). Nó là cảm giác khi bạn lướt mạng xã hội và thấy tất cả mọi người đều có cuộc sống tuyệt vời hơn mình. Thuốc giải duy nhất cho chứng bệnh này là JOMO – niềm vui khi bỏ lỡ (Joy Of Missing Out). Như nhà văn Anil Dash từng giải thích: “Bạn có thể có, hoặc nên có, cảm giác nhẹ nhõm, phấn khởi khi biết, hoặc tán tụng, rằng mọi người đều có khoảng thời gian làm những điều bạn thích, nhưng lại bỏ qua nó.”
Nói “không” với thế giới rất khó, nhưng đôi khi đây là cách duy nhất để nói “có” với nghệ thuật và sự tỉnh táo của bạn. “Bản chất của sự tập trung là nói ‘không’.”
— Steve Jobs
“Sáng tạo” không phải danh từ
“Bạn phải hoàn thành việc gì đó trước cả khi được yêu cầu. Chức danh họa sĩ, kiến trúc sư hoặc nhạc sĩ là thứ bạn chỉ có thể giành được.”
— Dave Hickey
Rất nhiều người muốn trở thành danh từ mà không cần động đến động từ. Họ muốn có chức danh công việc mà không cần thành tựu.
Hãy từ bỏ điều mà bạn đang cố gắng trở thành (danh từ) và tập trung vào công việc bạn cần làm (động từ). Động từ sẽ đưa bạn đến một nơi nào đó xa xôi và thú vị hơn nhiều.
Nếu chọn sai danh từ để theo đuổi, bạn cũng sẽ bị mắc kẹt với động từ sai. Khi sử dụng từ “sáng tạo” làm chức danh công việc, người ta không chỉ phân chia (một cách sai lầm) thế giới thành “những người sáng tạo” và “những người không sáng tạo”, mà còn ngụ ý rằng công việc của một “người sáng tạo” là “phải sáng tạo”. Nhưng sáng tạo không bao giờ có điểm kết thúc mà là việc mang lại ý nghĩa đối với một thứ gì đó khác. Sáng tạo chỉ là một công cụ. Từ “sáng tạo” có thể được sử dụng khi trang hoàng phòng khách, vẽ nên một kiệt tác hoặc thiết kế vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu khao khát muốn trở thành một “người sáng tạo”, bạn có thể chỉ cần ra tín hiệu rằng mình là một người: đeo kính mắt hàng hiệu, dùng
Macbook Pro và đăng lên Instagram bức hình của bản thân trong phòng làm việc ngập nắng.
Chức danh công việc có thể khiến bạn rối trí. Việc quá coi trọng chức danh công việc vô hình trung sẽ tạo cho bạn cảm giác rằng mình cần phải làm những việc phù hợp với chức danh, chứ không phải với thực tế. Chức danh công việc cũng có thể hạn chế các loại hình công việc mà bạn nghĩ mình có thể làm được. Nếu chỉ coi mình là một “họa sĩ” thì khi muốn viết, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ coi mình là một “nhà làm phim”, bạn sẽ làm gì khi muốn thử việc điêu khắc?
Nếu bạn chờ đợi ai đó gán cho mình chức danh công việc trước khi thực sự làm việc, bạn có thể không bao giờ thực hiện được công việc đó. Ngóng trông ai đó gọi bạn là nghệ sĩ trước khi bạn tạo ra sản phẩm, bạn sẽ không bao giờ làm nghệ thuật được nữa.
Nếu và khi bạn cuối cùng cũng trở thành danh từ – khi chức danh công việc đáng thèm muốn đó được người khác đặt cho bạn – thì cũng đừng bao giờ ngừng thực hiện động từ.
Chức danh công việc không dành cho bạn đâu, chúng dành cho những người khác. Cứ kệ mọi người lo lắng về đám chức danh đó. Nếu cần, bạn hoàn toàn có thể đốt sạch đống danh thiếp của mình.
Hãy quên hẳn danh từ và chú tâm thực hiện động từ. “Tôi không biết mình là gì. Tôi chỉ biết mình không phải danh mục. Tôi cũng không phải một thứ gì – danh từ. Tôi dường như là một động từ, biểu trưng cho một quá trình tiến hóa.”
— R. Buckminster Fuller
Công việc thực sự của bạn là chơi đùa
T
rẻ em nhận thức thế giới thông qua việc chơi đùa. “Trò trẻ con” là một thuật ngữ chúng ta sử dụng để ám chỉ những thứ dễ dàng, nhưng khi thực sự xem quá trình chúng chơi đùa, bạn sẽ thấy nó không dễ dàng chút nào. “Chơi đùa là công việc của trẻ em,” theo lời Maria Montessori. Nhìn các con mình chơi đùa, tôi phát hiện chúng đầu tư rất nhiều vào nhiệm vụ của mình. Ánh mắt của chúng lúc ấy sắc bén như tia laser. Chúng thường cau mày khi tập trung và nổi trận lôi đình nếu không có đủ vật liệu để thực hiện trò chơi.
Tuy nhiên, trò chơi tuyệt vời nhất của tụi nhỏ lại được thực hiện một cách nhẹ nhàng và tách biệt hẳn khỏi kết quả. Hồi con trai Jules hai tuổi, tôi từng dành rất nhiều thời gian để nhìn thằng bé vẽ. Tôi nhận ra thằng bé không mảy may quan tâm đến việc hoàn thành bức vẽ (danh từ). Năng lượng của cậu nhóc hoàn toàn tập trung vào việc vẽ (động từ). Khi thằng bé vẽ tranh, tôi có thể tẩy xóa, ném vào thùng rác hoặc treo nó trên tường. Thằng bé không hề quan tâm. Jules cũng là một tín đồ trung dung của thuyết bất khả tri: vô cùng vui vẻ khi vẽ, bất kể là dùng chì màu vẽ trên giấy, bút dạ vẽ lên bảng trắng, dùng phấn vẽ trên mặt đường, hoặc, trong một nỗ lực nhằm thử thách hai đấng sinh thành, dùng phấn vẽ lên đệm ghế ngồi ngoài trời. (Các bức vẽ đẹp đến mức vợ tôi quyết định thêu chúng lên vỏ đệm. Và cũng một lần nữa, thằng bé hoàn toàn không để tâm.)
Chơi đùa là công việc của trẻ em, nhưng cũng là công việc của nghệ sĩ. Trong một lần dạo phố Mission ở San Francisco, tôi đã
dừng chân ngồi trò chuyện với một họa sĩ đường phố. Khi tôi cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho mình và xin lỗi do đã làm công việc của anh ấy gián đoạn, anh ấy đáp: “Với tôi đó đâu phải công việc. Nó giống như trò chơi mới đúng.”
Các nghệ sĩ vĩ đại có thể duy trì tâm thế “chơi đùa” này trong suốt sự nghiệp của họ. Nghệ thuật và người nghệ sĩ phải hứng chịu nhiều nhất khi họ cảm thấy quá nặng nề, quá tập trung vào kết quả.
Có một số thủ thuật để “quẳng gánh lo” và lấy lại tâm thế chơi đùa như một đứa trẻ. Nhà văn Kurt Vonnegut đã viết thư gửi cho một nhóm học sinh trung học và giao bài tập sau: viết một bài thơ và không cho ai xem. Sau đó, xé nó thành từng mảnh nhỏ và ném vào thùng rác. “Bạn sẽ phát hiện bản thân đã được tưởng thưởng nhờ bài thơ từ lâu. Bạn được trở thành chính mình, học hỏi nhiều hơn về thế giới nội tâm của bản thân và giúp tâm hồn ngày một trưởng thành.”
Theo lời Vonnegut, đó là toàn bộ mục đích của nghệ thuật: “Trui rèn nghệ thuật, bất kể hay dở, hiển nhiên là một cách để phát triển tâm hồn.” Suốt cuộc đời mình, Vonnegut không ngừng lặp đi lặp lại lời khuyên đó theo nhiều cách diễn đạt khác nhau. Ông đề nghị cô con gái Nanette rằng cô ấy nên sáng tác một tác phẩm nghệ thuật rồi đốt nó và coi đấy “như một hành vi tâm linh”. (Việc đốt tác phẩm của bản thân dường như có thể giúp các nghệ sĩ thanh lọc tâm trí. Họa sĩ John Baldessari, khi chán ghét tác phẩm trước đó của mình, thường “hỏa táng” nó rồi thả “tro cốt” vào một chiếc bình trang trọng.)
Nếu bạn đã mất đi thói ham chơi, hãy luyện tập vì chính mục đích nguyên bản của luyện tập. Bạn không cần phải thực hiện
những hành động khoa trương ấy chỉ để khơi thông năng lượng sáng tạo. Nhạc sĩ vẫn có thể chơi nhạc ngẫu hứng thay vì tạo ra một bản thu hoàn chỉnh.
Nhà văn và nghệ sĩ có thể đánh máy hoặc vẽ kín một trang giấy rồi quẳng nó đi. Các nhiếp ảnh gia có thể chụp ảnh và xóa ngay lập tức.
Không có gì khiến trò chơi thú vị hơn việc có đồ chơi mới. Hãy tìm kiếm các công cụ và vật liệu không quen thuộc. Từ đó, bạn sẽ phát hiện một điều gì đó mới mẻ để nghịch ngợm.
Một mẹo khác: Khi không còn gì vui nữa, hãy cố gắng làm điều tồi tệ nhất có thể. Bức vẽ xấu nhất. Bài thơ dở nhất. Bài hát chối tai nhất. Tạo ra những tác phẩm dở tệ có chủ đích sẽ mang lại rất nhiều niềm vui.
Cuối cùng, hãy thử hòa mình với lũ trẻ. Chơi trốn tìm. Vẽ tranh bằng tay. Chơi xếp hình, xây tháp rồi đánh sập nó. “Ăn cắp” bất cứ ý tưởng nào có ích với bạn. Khi nhà văn Lawrence Weschler cần sáng tạo cốt truyện cho tác phẩm mới, ông thường chơi xếp gỗ. “Đến con gái tôi cũng không được phép chơi với những khối gỗ này,” ông nói. “Chúng là của mình tôi.”
Đừng cứ mãi sa lầy trong tăm tối. Hãy luôn tươi vui. Và chơi đùa.
“Bạn phải không ngừng làm những việc ngu ngốc, ngớ ngẩn, thiếu suy nghĩ và vô nghĩa.
Rồi bạn sẽ có khả năng LÀM chúng…
Hãy cố làm những việc DỞ TỆ – tệ nhất có thể và xem điều gì sẽ xảy đến. Nhưng thường thì đó sẽ là cảm giác thoải mái và mặc kệ sự đời – bạn không cần phải gánh trách nhiệm với cả thế giới – bạn
chỉ cần chịu trách nhiệm với công việc của mình thôi – thế nên hãy THỰC HIỆN NÓ.”
— Thư Sol LeWitt gửi Eva Hesse
“Chúa sẽ không còn ở bên khi bạn cứ mãi nghĩ về tiền bạc.” — Quincy Jones
Hãy bảo vệ những thứ quý giá của mình C
ó một hiện tượng văn hóa đương đại khiến tôi phát cáu. Tôi có một người bạn biết đan len. Đan len giúp anh ấy tĩnh tâm và giết thời gian trên những chuyến tàu dài.
Tôi có một người bạn khác thích nướng bánh. Cô ấy nướng bánh vào buổi tối và cuối tuần vì đó là cách giúp cô ấy thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Cả ba chúng tôi đều tới tham dự một bữa tiệc sinh nhật. Người thích đan len tặng chiếc khăn anh vừa hoàn thành cho chủ nhân bữa tiệc. Chiếc khăn thực sự rất đẹp.
Phản ứng điển hình của con người ta ngày nay như thế nào? “Cậu có thể bán chiếc khăn này trên Etsy!”
Sau khi nhân vật chính của bữa tiệc bóc quà sinh nhật, người bạn thích nướng bánh mời mọi người chiếc bánh cô ấy đã chuẩn bị. Tất cả đều trầm trồ thích thú.
Và biết bọn họ nói gì không?
“Cậu có thể mở tiệm bánh đấy!”
Ngày nay, chúng ta được huấn luyện để khen ngợi những người chúng ta yêu quý bằng cách sử dụng đám thuật ngữ thị trường sáo rỗng. Giây phút ai đó thể hiện tài năng về bất cứ khía cạnh gì, chúng ta luôn gợi ý họ biến nó thành một nghề kiếm tiền. Chúng ta dường như coi đấy là cách khen ngợi hay nhất: nói với ai đó rằng họ rất giỏi trong những công việc họ thích và hoàn toàn có thể kiếm tiền từ nó.
Chúng ta từng có những sở thích và bây giờ chúng trở thành “nghề tay trái”. Khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, thời điểm mà mạng lưới an ninh bị xé nát, những vị trí việc làm ổn định không ngừng biến mất, thì các hoạt động giải trí lúc rảnh rỗi, những thứ từng giúp chúng ta thư giãn và khiến cuộc sống thêm phần ý nghĩa, nay đã trở thành nguồn thu nhập tiềm năng hoặc một con đường để thoát khỏi công việc truyền thống.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG SÓT?
1. TÌM KIẾM NHỮNG ĐIỀU KHIẾN TÂM TRÍ BẠN THỰC SỰ KÍCH ĐỘNG.
2. BIẾN NÓ THÀNH CÔNG VIỆC GIÚP BẠN KIẾM TIỀN. 3. NẾU KHÔNG, HÃY QUAY LẠI BƯỚC 1.
Tôi thấy mình cực kỳ may mắn. Theo một khía cạnh nào đó, tôi đang sống một cuộc sống trong mơ, bởi vì tôi được trả tiền để làm những điều mình thích, dù tôi vẫn có thể làm điều này kể cả khi không được trả công. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên rất, rất khó khăn cho chính bạn và gia đình một khi bạn biến hoạt động yêu thích thành một nghề. Những người biến niềm đam mê của mình thành “cần câu cơm” đều hiểu việc này đã chạm đến một lằn ranh nguy hiểm. Một trong những cách dễ dàng nhất để ghét những điều bạn yêu thích là biến nó thành công việc: biến hoạt động giúp bạn “sống” về mặt tinh thần thành điều giúp bạn “sống” theo đúng nghĩa đen.
Bạn nên sáng suốt với những điều có khả năng tác động về mặt tiền bạc tới đam mê của mình. Vì bạn có thể nhận ra công việc chính hằng ngày có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
Một khi bắt đầu có thu nhập từ công việc của mình, hãy cưỡng lại mong muốn kiếm thêm đối với tất cả các tác phẩm mà mình tạo ra.
Hãy chắc chắn có phần nào đó trong bạn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Một phần nhỏ nào đó bạn muốn giữ lại cho riêng mình.
Nghệ sĩ và người làm nghề tự do luôn có những thời điểm gặp khó khăn về tài chính, vì vậy hãy xác định lối sống mà bạn mong muốn, tính toán ngân sách và vạch rõ ranh giới giữa những gì bạn sẽ làm và không làm vì tiền.
Và nên nhớ rằng: Nếu muốn có sự tự do tối đa trong nghệ thuật, hãy đặt ra một mức chi phí thấp. Cuộc sống của người làm sáng tạo miễn phí không phải là sống với nhu cầu, mà là sống dưới nhu cầu của mình.
“Hãy làm những gì bạn yêu thích!” người diễn giả truyền cảm hứng kích động cổ vũ. Nhưng tôi nghĩ những ai dám nói trước đám đông rằng hãy làm điều gì họ yêu thích bằng bất cứ giá nào nên đi dạy thêm một khóa quản lý tài chính.
“Cứ làm việc bạn yêu thích” + chi phí thấp = một cuộc sống tốt. “Cứ làm việc bạn yêu thích” + “Tôi đáng được hưởng thụ” = một quả bom hẹn giờ.
“Có sở thích và không kiếm tiền từ nó là một điều tốt… Vì thế, hãy theo đuổi giấc mơ của bạn, nhưng khi đam mê trở thành nghề nghiệp, bạn nên tìm cách chuyển hướng ngay tức khắc.”
— David Rees
“Không phải thứ gì đếm được cũng là có giá trị, và không phải thứ gì có giá trị cũng đếm được.”
— William Bruce Cameron
Hãy mặc kệ những con số
T
iền không phải là thước đo duy nhất có thể phá hủy sức sáng tạo của bạn. Việc số hóa và chia sẻ tác phẩm của mình trên mạng xã hội cũng khiến nó bị đánh giá theo các thước đo hữu hình của thế giới ảo: lượt truy cập trang web, lượt thích, thả tim, chia sẻ, chuyển tiếp, lượng người theo dõi và hơn thế nữa.
Bạn sẽ dễ dàng trở nên ám ảnh với số liệu giống như tiền bạc, để rồi có xu hướng quyết định những việc sẽ làm tiếp theo dựa trên số liệu đó mà không hay biết chúng nông cạn đến thế nào. Thứ hạng trên Amazon không giúp bạn biết liệu có ai đọc cuốn sách của mình hai lần và yêu thích đến mức tặng nó cho một người bạn khác hay không. Lượt thích trên Instagram cũng không cho bạn biết liệu hình ảnh do mình đăng có khiến ai đó phải nghiền ngẫm cả tháng trời hay không. Số lượt xem trực tuyến không có giá trị bằng những người thực sự đến buổi biểu diễn và hòa mình theo điệu nhạc.
Thực chất những cú nhấp chuột có ý nghĩa gì? Suy cho cùng, chúng là biểu hiện cho thấy mọi thứ trên Internet giờ đây đều hướng đến việc “câu view” – nghĩa là làm sao để thu hút được sự chú ý trong khoảng thời gian ngắn. Đánh nhanh thắng gọn.
Từ lâu tôi đã nhận ra chẳng có mối tương quan nào giữa những gì tôi thích làm với số lượt chia sẻ, lượt thích mà tôi nhận được. Nếu tôi đăng những thứ mình hao tâm tốn sức thực hiện, cộng đồng mạng thường chẳng hề hưởng ứng. Nhưng khi tôi đăng một thứ gì đó mà mình thấy nhảm nhí và chỉ tiện tay thực hiện, nó sẽ trở thành
trào lưu. Giả sử tôi cứ để những số liệu này điều khiển mình, tôi không nghĩ trái tim yếu ớt của tôi có thể chịu đựng được quá lâu. Nếu bạn chia sẻ tác phẩm trên mạng, hãy cố gắng phớt lờ những con số. Kéo giãn khoảng thời gian từ lúc bạn chia sẻ đến khi nhận được phản hồi. Hãy đăng một bài viết và không xem phản hồi trong một tuần. Tắt thông báo và viết bất cứ điều gì bạn muốn. Tải xuống một trình duyệt giúp bạn xóa bỏ những số liệu trên mạng xã hội.
Chỉ khi bỏ qua các phép đo định lượng, bạn mới có thể trở lại với các phép đo định tính. Liệu cái này hay ho không? Có thật sự thú vị không? Bạn thích nó không? Nhờ đó, bạn mới có thể tập trung hơn vào những công việc không thể đo đếm được – những gì thực sự có giá trị với tâm hồn bạn.
“Chẳng người nghệ sĩ nào chỉ làm việc vì kết quả; anh ta cần phải thích công việc đó.”
— Robert Farrar Capon
“Đừng làm việc chỉ vì tiền – bạn không bao giờ kiếm đủ tiền. Và cũng đừng làm chỉ vì muốn nổi tiếng – bạn không bao giờ cảm thấy mình đủ nổi tiếng. Hãy tạo nên những món quà dành tặng mọi người – và chăm chỉ làm việc với hy vọng rằng mọi người sẽ chú ý và yêu thích những món quà ấy.”
— John Green
Nơi nào không có những món quà thì chẳng thể có nghệ thuật
A
i cũng biết thành công là gì, hoặc ít nhất đều có định nghĩa của riêng mình. (Đối với tôi thì đó là: tôi thành công khi mình được sống theo ý mình.)
Mặt khác, “thành không” lại là thành công theo định nghĩa của một số người. Có thể coi đó là những thành công không xứng đáng. Hoặc là khi có thứ gì đó bạn nghĩ rằng dở ẹc lại trở nên thành công. Hoặc khi sự thành công hay theo đuổi thành công bắt đầu có nhiều biến tướng tồi tệ.
“Thành không” là điều mà nhà thơ Jean Cocteau đã nhắc đến trong câu nói: “Có một loại thành công còn tồi tệ hơn thất bại.” Trong cuốn The Gift (tạm dịch: Món quà), Lewis Hyde cho rằng nghệ thuật tồn tại dưới cả dạng quà tặng và những thứ mang tính thị trường, nhưng “nơi nào không có những món quà, nơi đó không có nghệ thuật”. Khi tác phẩm nghệ thuật bị những toan tính vật chất tác động – những thứ thôi thúc người ta nhấp chuột, những thứ dễ bán – thì chúng sẽ mất đi bản chất trao tặng, thứ làm nên tính nghệ thuật cho tác phẩm.
Tất cả chúng ta đều trải qua vòng tuần hoàn của sự vỡ mộng và tiếp tục ảo tưởng về công việc của mình. Khi bạn cảm thấy như mình đã hoặc sắp mất đi món quà, cách nhanh nhất để tìm lại chúng là bước ra khỏi thị trường và tạo ra những món quà.
Không có gì đẹp đẽ như việc làm điều gì đó đặc biệt dành tặng một người đặc biệt. Khi con trai Owen của tôi lên năm, thằng bé say
mê rô-bốt, vì vậy, bất cứ khi nào bắt đầu chán ghét bản thân và công việc, tôi lại dành ra 30 phút giải lao, cắt giấy và ảnh tạp chí rồi ghép chúng thành hình một con rô-bốt. Khi tôi đưa con rô-bốt ấy cho con trai, thằng bé sẽ ngay lập tức bắt tay vào làm một con rô-bốt khác tặng tôi. Chúng tôi tặng qua tặng lại như thế cho đến khi, giống như bao đứa trẻ khác, thằng bé vứt đám rô-bốt và hào hứng với những thứ khác. Nhưng rô-bốt vẫn là một trong những thứ tôi thích làm nhất.
Hãy thử phương pháp này: Khi thấy buồn chán và bắt đầu ghét bỏ công việc của mình, hãy làm thứ gì đó tặng cho một người nào đó đặc biệt đối với bạn. Nếu bạn có một lượng lớn người theo dõi, hãy dành tặng họ một điều gì đó đặc biệt. Hoặc bạn có thể làm một việc tuyệt vời hơn: tình nguyện dành thời gian dạy mọi người những thứ mình vẫn thường làm. Hãy thử xem liệu nó có giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn không.
BẠN ĐANG CỐ GÂY ẤN TƯỢNG VỚI AI?
DÙ MỘT NGÀY NÀO ĐÓ BẠN MAY MẮN NHẬN ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ CỦA RẤT NHIỀU NGƯỜI, VẪN SẼ CHỈ CÓ MỘT SỐ ÍT NGƯỜI MÀ QUAN ĐIỂM CỦA HỌ CÓ Ý NGHĨA VỚI BẠN, VÌ THẾ NGAY LÚC NÀY, BẠN NÊN XÁC ĐỊNH HỌ LÀ AI, TẶNG HỌ NHỮNG MÓN QUÀ VÀ TIẾP TỤC TRAO HỌ NHỮNG MÓN QUÀ…
Bạn không bao giờ biết được khi nào một món quà dành tặng ai đó sẽ trở thành phần thưởng cho cả thế giới. Hãy nghĩ xem có bao
nhiêu cuốn sách bán chạy có khởi điểm là những câu chuyện kể cho lũ trẻ trước giờ đi ngủ. A. A. Milne đã thêu dệt nên thế giới Winnie the-Pooh để dành riêng cho cậu con trai Christopher Robin Milne. Cô con gái nằm liệt giường Karin của Astrid Lindgren thì muốn mẹ mình kể câu chuyện về một cô gái tên có tên là Pippi Tất dài. C. S. Lewis đã thuyết phục J. R. R. Tolkien biến câu chuyện giả tưởng mà ông kể cho con mình thành thiên tiểu thuyết Người Hobbit. Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Trao tặng những món quà giúp chúng ta kết nối với những món quà của chính mình.
“Điều tôi thực sự quan tâm chỉ là hướng tới một người duy nhất.” — Jorge Luis Borges
Bạn có mọi thứ mình cần
“Một chân lý luôn đúng, cả bây giờ và mãi mãi về sau: Những người tìm kiếm cái đẹp rồi sẽ tìm thấy nó.”
— Bill Cunningham
Một trong những người hùng trong lĩnh vực nghệ thuật của tôi là một nữ tu.
Hồi những năm 1960, sơ Mary Corita Kent là một giáo viên mỹ thuật tại trường Cao đẳng Immaculate Heart ở Los Angeles. Lấy cảm hứng từ buổi triển lãm tranh của Andy Warhol, bà quyết định thử sức với in lụa. Bà chụp những tấm biển quảng cáo và biển hiệu trong thành phố – những thứ chúng ta coi là rác rưởi, thứ bỏ đi và khiến ai cũng ngứa mắt – rồi biến tấu bằng cách thêm vào lời của các bài hát nổi tiếng và đoạn trích trong Kinh Thánh, sau đó in chúng và coi đó như những thông điệp tôn giáo. Bà biến chiếc túi bọc của hãng Wonder Bread thành thông điệp về hiệp thông. Bà cũng mượn khẩu hiệu của General Mills, “Chữ G viết tắt cho điều tinh túy (Goodness)”, và biến chữ G trên lô-gô thành biểu tượng cho Chúa (God). Bà còn cắt lô-gô Safeway thành hai từ riêng biệt để biến nó trở thành biển báo cho con đường cứu rỗi. Tìm kiếm hình ảnh Thiên Chúa trong tất cả mọi thứ là một trong những nhiệm vụ của tín đồ và Kent tìm thấy Chúa trong tấm biển quảng cáo, chứ không phải bất kỳ sự vật nào khác. Kent lựa chọn phong cảnh nhân tạo của Los
Angeles – nơi thường không phải là địa điểm đầu tiên bạn nghĩ tới khi muốn tìm kiếm cái đẹp – và bà đã tìm thấy vẻ đẹp ẩn giấu tại đây.
Kent tâm sự, bà đã biến những điều “thông thường” trở nên “khác thường”. (Bà cho rằng “khác thường” là một thuật ngữ thú vị hơn “nghệ thuật”.) “Tôi không coi nó như nghệ thuật,” bà nói, “tôi chỉ khiến những thứ mình thích trở nên lớn lao hơn.” Bà có một góc nhìn riêng về thế giới bình thường và đã truyền lại cho môn đồ của mình về nó. Trong một bài tập, bà yêu cầu họ xây dựng thứ mà bà gọi là “tầm ngắm” – một mảnh giấy có hình chữ nhật giống như khung ngắm máy ảnh. Bà thường dẫn môn đồ đi thực địa, dạy họ trồng trọt chỉ để “ngắm nhìn thế giới” và khám phá những điều mà họ chưa bao giờ bận tâm.
Những nghệ sĩ vĩ đại thực sự có thể tìm thấy phép màu ngay tại thế giới trần tục. Hầu như những nghệ sĩ tôi yêu thích đều sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật ấn tượng từ những bối cảnh và tư liệu tầm thường. Harvey Pekar dành phần lớn cuộc đời làm nhân viên lưu trữ hồ sơ tại bệnh viện VA ở Cleveland. Ông đã thu thập các câu chuyện, nguệch ngoạc vẽ kịch bản với hình người que, và từ đó làm nên tuyệt tác truyện tranh American Splendor (tạm dịch: Sự huy hoàng của nước Mỹ). Emily Dickinson thì “chôn mình” trong phòng và viết những lời thơ đẹp đẽ trên mặt sau của đống phong bì bỏ đi. Hannah Höch, nghệ sĩ thuộc trường phái Dada3 đã sử dụng các mẫu may lấy từ công việc chính của mình để đưa vào tranh ghép nghệ thuật. Sally Mann thì “bắt được” những bức ảnh tuyệt đẹp khi ba đứa con đang chơi đùa tại trang trại của gia đình ở Virginia. (Bạn
của bà, họa sĩ Cy Twombly, từng ngồi bên ngoài cửa hàng Walmart ở Lexington và nhìn người qua đường để lấy cảm hứng.) 3 Dada là một phong trào nghệ thuật tự do khởi nguồn từ Zürich, Thụy Sĩ, trong thời kỳ Thế chiến I và đạt đỉnh trong giai đoạn 1916- 1922.
Người ta dễ lầm tưởng rằng chỉ khi bạn đánh đổi cuộc sống bình thường của mình để có được cuộc sống mới, tất cả các vấn đề liên quan đến sáng tạo mới được giải quyết. Chỉ khi bạn từ bỏ công việc “tay phải” của mình, chuyển đến một thành phố nhộn nhịp, thuê một phòng làm việc đẹp đẽ và giao du với những kẻ khác người đỉnh cao thì bạn mới thực sự làm nghệ thuật.
Tất cả điều trên, hiển nhiên, đều là mộng tưởng. Bạn không cần có một cuộc sống phi thường để làm được những điều phi thường. Tất cả những gì bạn cần để làm nên tác phẩm xuất chúng hoàn toàn có thể tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày.
René Magritte từng nói mục tiêu mà các họa phẩm của ông hướng tới là “thổi hồn sống mới vào lăng kính chúng ta soi xét những điều tầm thường quanh mình”. Nó thực ra cũng là phương châm hành động của nghệ sĩ: quan sát cuộc sống một cách tỉ mỉ sẽ dạy chúng ta biết cách chú tâm nhiều hơn đến bản thân. Bước đầu tiên để biến cuộc sống của bạn thành chặng đường sáng tạo nghệ thuật là chú tâm vào nó nhiều hơn.
“Triết lý của tôi luôn là sáng tạo nghệ thuật từ những điều bình dị trong cuộc sống hằng ngày… Tôi chưa bao giờ cần phải ra khỏi nhà để làm nghệ thuật.”
— Sally Mann
Sống chậm lại và vẽ ra những thứ bạn nghĩ
“Hãy sống chậm lại, không phải về tốc độ hay lời nói, mà là trong chính tâm trí…”
— John Steinbeck
Bạn không thể nào tập trung đúng mức vào cuộc sống của mình nếu đang chạy đua với nhịp sống hối hả của thế giới. Việc của bạn là phải nhìn thấy những thứ người khác không để tâm, vậy nên, bạn phải sống chậm lại để thực sự quan sát.
Trong thời đại bị ám ảnh bởi tốc độ, việc sống chậm lại đòi hỏi quá trình rèn luyện đặc biệt. Sau khi nhà phê bình nghệ thuật Peter Clothier khám phá ra thiền, ông mới nhận ra góc nhìn đối với nghệ thuật của mình bó hẹp đến thế nào: “Tôi nhận ra mình thường dành nhiều thời gian đọc phần nội dung giải thích hơn là bức tranh mà tôi đáng lẽ phải ngắm nhìn!”. Lấy cảm hứng từ phong trào “ăn chậm” (slow food) và “nấu chậm” (slow cooking), ông quyết định khởi xướng kế hoạch hành động “một giờ/một bức họa” tại các phòng tranh và bảo tàng. Clothier mời những người tham gia ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật trong đúng một tiếng. Việc chậm rãi ngắm nhìn cũng dần trở nên phổ biến; một số bảo tàng thậm chí còn tổ chức sự kiện Chiêm ngưỡng chậm rãi. Điểm đặc biệt của chương trình được tóm tắt trên trang web của Slow Art Day: “Chỉ khi chậm rãi ngắm nhìn, mọi người mới thực sự có những khám phá bất ngờ.”
Chiêm ngưỡng chậm rãi là một hành động tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ bản thân cần phải làm một điều gì đó bằng chính bàn tay mình. Theo đó, vẽ vời là công cụ yêu thích để tôi buộc mình phải sống chậm lại và nghiêm túc nhìn ngắm cuộc sống. Con người đã bắt đầu vẽ từ hàng nghìn năm trước – đó là một phương tiện thể hiện suy nghĩ cổ xưa có thể được thực hiện bằng các công cụ sẵn có dành cho tất cả mọi người. Bạn không cần phải là họa sĩ mới có thể vẽ. Bạn chỉ cần có đôi mắt ngắm nhìn thế giới.
“Vẽ chỉ đơn giản là cách biểu đạt khác của việc quan sát, hành động mà người lớn chúng ta không thường thực hiện,” tác giả truyện tranh Chris Ware từng nói như vậy. Theo ông, con người chúng ta cứ không ngừng mò mẫm “trong mây mù hồi ức và lo âu”, và “vẽ” sẽ giúp chúng ta sống trọn từng khoảnh khắc cũng như tập trung vào những gì ngay trước mắt.
Vẽ thực chất là một hoạt động quan sát, vậy nên dù vẽ rất xấu, bạn vẫn học hỏi được nhiều điều từ hoạt động này. Trong một bài đăng lý giải tại sao mình lại xây dựng thói quen phác họa, nhà phê bình phim Roger Ebert đã viết: “Việc ngồi ở đâu đó và phác họa cái gì đó buộc tôi phải thực sự ngắm nhìn nó.” Ông cũng nói thêm rằng những bức vẽ của mình là “phương tiện để cảm nhận một địa điểm hoặc một khoảnh khắc nào đó một cách sâu sắc hơn”.
Vẽ không chỉ giúp bạn nhìn rõ hơn, nó còn khiến cho bạn cảm thấy tốt hơn. “Người nghệ sĩ sử dụng tập vẽ phác thảo lúc nào cũng trông rất hạnh phúc,” Ebert đã quan sát và đưa ra kết luận. “Nó thực sự tuyệt diệu,” tác giả Maurice Sendak từng nói. “Đó thực sự là khoảng thời gian kỳ diệu, thời điểm mà tất cả điểm yếu trong con
người bạn, góc tối trong tính cách hay bất cứ điều gì khiến bạn đau khổ, sẽ dần biến mất và không còn là vấn đề đáng suy ngẫm nữa.” Máy ảnh điện thoại là công cụ tuyệt vời để ghi lại mọi thứ khi chúng ta vi vu ngoài kia, nhưng vẽ vẫn đem đến điều gì đó đặc biệt. Hồi những năm 1960, nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson, với tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc đời thường của cuộc sống mang tên “Thời khắc quyết định”, đã trở lại với mối tình đầu: vẽ tranh. Ông từng miêu tả về sự khác biệt giữa hai tình yêu của mình trong cuốn sách The Mind’s Eye (tạm dịch: Con mắt của tâm trí) như sau: “Nhiếp ảnh là hành động tức thời, còn vẽ giống như hành thiền.” Năm 2018, Bảo tàng Anh bắt đầu cung cấp thêm bút chì và giấy vẽ cho khách tham quan, sau khi nhận thấy ngày càng có nhiều người hứng thú với việc phác họa. Một trong những giám tuyển tại đây đã ghi nhận: “Bạn sẽ chìm đắm vào không gian nghệ thuật của tác phẩm trưng bày nhiều hơn nếu có trong tay tờ giấy và cây bút chì.” Để sống chậm lại và tập trung vào thế giới của riêng mình, hãy cầm cây bút chì và một mảnh giấy rồi vẽ lại những gì bạn thấy. (Đặc điểm nổi bật nhất của cây bút chì là không làm gián đoạn sự tập trung của bạn với tin nhắn hoặc thông báo.) Bạn sẽ nhận ra điều này giúp bạn có cơ hội khám phá vẻ đẹp mà mình đã bỏ lỡ. “Khi bạn vẽ,” họa sĩ truyện tranh E. O. Plauen nói, “thế giới trở nên tươi sáng và đẹp đẽ hơn rất nhiều.”
“Vẽ giúp tôi không ngừng khám phá thế giới. Tôi nhận ra rằng những gì tôi chưa vẽ là những điều tôi chưa bao giờ thực sự chú tâm nhìn ngắm, và chỉ khi bắt đầu vẽ một điều bình thường, tôi mới nhận ra nó phi thường biết bao, kỳ diệu biết bao.”
— Frederick Franck
Khi bạn để tâm đến điều gì, hãy thực sự để tâm đến nó
“Dành cho bất cứ ai đang cố gắng tìm kiếm điều cần làm trong cuộc sống: KHI BẠN ĐỂ TÂM ĐẾN ĐIỀU GÌ, HÃY THỰC SỰ ĐỂ TÂM ĐẾN NÓ. Từng đó cũng đủ để bạn nắm được tất cả thông tin cần biết.”
— Amy Krouse Rosenthal
Sự tập trung là một trong những điều quý giá nhất, đó là lý do tại sao người ta luôn muốn đánh cắp nó. Điều quan trọng bạn cần làm là phải bảo vệ nó, rồi sau đó dẫn dắt sự tập trung đi đúng hướng.
Như người ta thường nói trong phim: “Hãy cẩn thận khi lựa chọn mục tiêu!”
Những gì bạn lựa chọn là điều tạo nên cuộc sống và công việc của bạn. “Kinh nghiệm tôi tích lũy được là những gì tôi đồng ý dấn thân thử sức,” nhà tâm lý học William James đã viết hồi năm 1890, “và chỉ những điều tôi nhận định mới định hình tâm trí của tôi.”
Chúng ta chú ý đến những điều mình thực sự quan tâm, nhưng đôi khi, những gì chúng ta thực sự quan tâm lại trốn biệt tăm biệt tích. Việc tôi viết nhật ký mỗi ngày xuất phát từ nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì nó giúp tôi tập trung hơn vào cuộc sống của mình. Nhờ việc ngồi xuống mỗi sáng và ghi lại mọi thứ về cuộc sống, tôi dần để tâm hơn đến nó, và theo thời gian, tôi đã có một bản ghi chép chi tiết về những gì mình từng chú ý. Nhiều người viết nhật ký thậm chí còn
không buồn đọc lại nhật ký của mình, nhưng tôi phát hiện việc đọc lại thực tế đã nhân đôi giá trị cuốn nhật ký, vì sau đó tôi có thể khám phá khuôn mẫu của riêng mình, xác định những gì tôi thực sự quan tâm và thấu hiểu bản thân hơn.
Nếu nghệ thuật bắt đầu từ nơi chúng ta tập trung sự chú ý của mình, thì cuộc sống được tạo thành từ sự tập trung vào những gì chúng ta để tâm. Dành thời gian để thường xuyên nhìn lại những gì bạn đã để tâm. Đọc lại nhật ký. Lật lại tập vẽ phác thảo của mình. (Họa sĩ tranh biếm họa Kate Beaton từng nói, nếu viết một cuốn sách về vẽ, cô ấy sẽ đặt tên nó là Pay Attention To Your Drawings (tạm dịch: Hãy để tâm đến những bức vẽ của bạn).)
Hãy lướt qua thư viện ảnh của bạn. Xem lại những đoạn phim bạn ghi lại. Nghe lại những bản nhạc đã thu âm. (Nhạc sĩ Arthur Russell thường đi dạo quanh Manhattan, lắng nghe bài hát của mình trên máy walkman.) Khi đã có hệ thống để xem lại chính công việc của mình, bạn có thể nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể về những gì mình đã làm và nên làm gì tiếp theo.
Nếu muốn thay đổi cuộc sống của mình, hãy thay đổi những gì bạn chú tâm. “Chúng ta đem đến ý nghĩa cho những điều mình chú ý,” Jessa Crispin viết, “và vì thế, dời sự tập trung từ thứ này sang thứ khác hoàn toàn có thể thay đổi tương lai của bạn.”
John Tarrant từng viết: “Chú tâm là hình thức thể hiện cơ bản nhất của tình yêu.” Khi chú ý đến cuộc sống của mình, bạn không chỉ có thêm tư liệu làm nghệ thuật mà còn yêu cuộc sống của mình hơn.
“Cho tôi biết bạn để tâm đến điều gì và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.”
— José Ortega y Gasset
Nghệ thuật vì cuộc sống (không phải ngược lại)
“Dù lịch sử của nghệ thuật huy hoàng đến nhường nào, cuộc đời của người nghệ sĩ lại là một câu chuyện khác.”
— Ben Shahn
Tôi muốn đề cử bình luận viên Andy Rooney của chương trình 60 minutes cho giải thưởng phát ngôn ngớ ngẩn nhất, với lời phát biểu về Kurt Cobain, trưởng nhóm Nirvana, sau khi anh này tự sát: “Chẳng có thứ nghệ thuật nào giá trị hơn chính người đã tạo nên nó.”
Hãy lướt nhanh qua hàng nghìn năm lịch sử của nghệ thuật, rồi bạn sẽ nhận thấy, thực ra mọi thứ không phải lúc nào cũng như vậy. Rất nhiều tuyệt tác được sáng tạo bởi những tên khốn, những kẻ xấu xa, máu lạnh hay lũ biến thái. Theo một thuật ngữ trích từ cuốn Dept. of Speculation (tạm dịch: Bộ phận đầu cơ) của Jenny Offill, những kẻ này được gọi là “Nghệ sĩ quái vật”.
Có thể sẽ rất khó khăn và khó chịu khi nghĩ rằng những người có cuộc sống cá nhân tồi tệ lại tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, giàu xúc cảm hoặc hữu ích cho chúng ta. Cách chúng ta tiếp nhận, xử lý thông tin đó và lựa chọn phương hướng phát triển của bản thân là phần việc chúng ta cần làm.
Chúng ta đều có con quái vật nghệ sĩ trong mình.
Chúng ta đều vướng bận nhiều rối rắm. Chúng ta cũng đều có những thiếu sót riêng. Dưới một góc độ nào đó, mỗi người chúng ta đều có một phần kỳ dị. Nếu chúng ta không tin bản thân có thể làm nghệ thuật tốt hơn so với những gì ta làm trong cuộc sống, vậy thì mục tiêu đích thực của nghệ thuật là gì?
Theo tôi, điều đáng quan tâm lúc này, đó là văn hóa ứng xử với nghệ sĩ quái vật của chúng ta. Những câu chuyện hoang đường tồi tệ về việc trở thành vị phụ huynh vô trách nhiệm, kẻ lừa lọc, ưa lăng mạ, nghiện ngập là điều kiện cần hay cái cớ tạo nên những tác phẩm tuyệt vời đang dần bị xé tan. Cái thời chỉ cần sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời là có thể giúp ai đó lấy được tấm “kim bài miễn tử” dù có những hành vi tệ hại ra sao, tôi cho rằng cũng không còn nữa. May phước là tình trạng đó thật sự không còn nữa. Những nghệ sĩ quái vật không cần thiết cũng chẳng đẹp đẽ và chúng ta không cần phải dung túng, thứ lỗi hoặc tranh đua với họ.
Những nghệ sĩ tuyệt vời giúp mọi người nhìn vào cuộc sống của mình với đôi mắt tươi mới và tràn trề hy vọng. “Mục đích của việc trở thành một nhà văn nghiêm túc là giúp mọi người thoát khỏi đáy vực tuyệt vọng,” Sarah Manguso viết. “Nếu mọi người đọc tác phẩm của bạn, và vì thế chọn tiếp tục sống, thì bạn đang làm đúng công việc của mình.”
Cũng khá đơn giản thôi: Nhiệm vụ của nghệ thuật là phục vụ cuộc sống của con người.
Điều này đúng với việc làm nghệ thuật cũng như với chính nghệ thuật. Nếu việc làm nghệ thuật của bạn đang hủy hoại cuộc sống của bất cứ ai, kể cả của riêng bạn, thì nó không đáng.
Nhà văn, nhà tâm lý học Adam Phillips đã nói: “Những người đau khổ luôn bị cám dỗ với niềm tin rằng trở thành một nghệ sĩ sẽ là giải pháp nhưng trên thực tế, nó còn có thể gây ra nhiều vấn đề hơn. Có một số người thực sự là nạn nhân của chuyện hoang đường với cái danh nghệ sĩ. Họ thực sự nên làm một điều gì đó khác thay vì làm nghệ thuật.”
Có thể bạn không nên làm một nghệ sĩ. “Có thể bạn phù hợp làm giáo viên toán hoặc quyên tiền cho một tổ chức từ thiện hoặc thành lập một công ty sản xuất các khối rubik cho trẻ em,” diễn viên hài Mike Birbiglia từng viết như vậy. “Đừng ngăn bản thân từ bỏ. Sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ phía trước, và thời gian của bạn có thể được sử dụng tốt hơn ở một nơi khác.”
Nếu việc làm nghệ thuật của bạn cuối cùng lại gây thêm đau khổ cho thế giới, hãy từ bỏ và làm một việc khác. Dành thời gian cho một việc khác, một việc gì đó đem đến những điều tích cực cho bạn và mọi người xung quanh.
Thế giới không thực sự cần thêm những nghệ sĩ vĩ đại. Nó cần những con người tử tế hơn. Nghệ thuật là vì cuộc sống, không phải ngược lại.
“Tôi làm việc vì thứ nghệ thuật mà từ đó người ta giúp các bà cụ băng qua đường.”
— Claes Oldenburg
“Thử nghiệm trí thông minh hạng nhất là khả năng giữ hai ý tưởng trái ngược nhau trong tâm trí cùng một lúc, đồng thời vẫn có
thể làm việc. Ví dụ, một người có thể thấy rằng mọi thứ là vô vọng nhưng vẫn quyết tâm khiến nó trở nên khả thi.”
— F. Scott Fitzgerald
Thay đổi chứng tỏ bạn đang sống
T
rong một bài báo về biến đổi khí hậu, tôi đọc được lời phát biểu sau của một người từng theo chủ nghĩa hoài nghi: “Nếu bạn chưa từng thay đổi suy nghĩ về một điều gì đó, hãy tự véo mình để xem bản thân còn sống hay không.”
Lần cuối bạn thay đổi ý định là khi nào? Chúng ta sợ thay đổi suy nghĩ vì lo ngại hậu quả của hành động đó. Mọi người sẽ nghĩ gì khi chúng ta thay đổi?
Tại đất nước này, bạn có nghĩa vụ phải trung thành với quan điểm của mình và dành cả đời để bảo vệ chúng. Ví dụ như về vấn đề chính trị, nếu một chính trị gia công khai thay đổi suy nghĩ của mình, đó là dấu hiệu của sự yếu đuối, báo hiệu cho sự thất bại. Đến bản thân bạn cũng không muốn thay đổi suy nghĩ quá nhiều, đấy là điều cấm kị bởi sau đó bạn sẽ trở thành kẻ ba phải, nhạt nhòa.
Mạng xã hội đã biến tất cả chúng ta thành các chính trị gia. Cũng như gương mặt thương hiệu. Tất cả mọi người ngày nay đều phải biết cách tạo dựng thương hiệu và điều tồi tệ nhất là khi bạn không có thương hiệu của riêng mình.
Nhưng để có thể tạo dựng thương hiệu, bạn phải biết chắc mình là ai và đang làm gì, và sự chắc chắn, cả trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, dường như không chỉ được đánh giá quá cao mà nó còn là rào cản đối với việc khám phá.
Sự bất định, thiếu chắc chắn mới là nhân tố giúp cho nghệ thuật thăng hoa. Nhà văn Donald Barthelme từng nói rằng trạng thái tự
nhiên của người nghệ sĩ là một tờ giấy trắng. John Cage nói rằng khi không làm việc, ông nghĩ mình biết điều gì đó, nhưng khi làm việc, ông rõ ràng không biết gì cả.
“Tôi không ngừng dấn thân khám phá.
Dù tôi không biết điều này sẽ đưa mình tới đâu.”
— Marshall McLuhan
“Đó âu cũng là công việc của tôi,” nhà biên kịch Charlie Kaufman nói. “Tôi ngồi bên bàn làm việc và không biết mình phải làm gì.” Bạn bắt đầu làm việc mà không biết chính xác mình đang đi đâu hoặc sẽ dừng chân ở nơi nào. “Hy vọng là hình thức biểu hiện đỉnh cao nhất của nghệ thuật,” họa sĩ Gerhard Richter nói. Nhưng hy vọng không phải là việc biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào mà là tiến về phía trước bất chấp tính bất định. Nó là một cách để đối phó với sự thiếu chắc chắn. “Hy vọng bao hàm những điều chưa biết và những điều không thể biết,” Rebecca Solnit từng viết. Để tạo nên hy vọng, bạn phải thừa nhận rằng bạn không biết mọi thứ và cũng không biết điều gì sắp xảy ra. Đó là cách duy nhất để tiếp tục tiến bước cũng như để tiếp tục làm nghệ thuật: chấp nhận những khả năng và cho phép mình thay đổi.
Tất nhiên, việc thay đổi suy nghĩ cần xuất phát từ suy nghĩ thực sự. Suy nghĩ đòi hỏi môi trường phù hợp để bạn có thể thử nghiệm tất cả các ý tưởng và không bị phán xét. Để thay đổi suy nghĩ, bạn cần một nơi thích hợp để nảy sinh những ý tưởng tồi tệ.
Thật không may, Internet không còn là địa điểm an toàn để thử nghiệm ý tưởng, đặc biệt là với những người đã có một lượng khán
giả nhất định hoặc đã có “thương hiệu”. (Thật đáng sợ! Chúng ta cứ như bầy gia súc bị đóng dấu nguồn gốc xuất xứ.)
Nếu vẫn muốn thay đổi suy nghĩ, cách tốt nhất là trở nên vô danh và ngắt kết nối. Trạm dừng chân hạnh phúc, phòng làm việc, sổ nhật trình, nhóm chuyện trò riêng, không gian bên những người thân yêu, đáng tin cậy – đây là những nơi để bạn thực sự tập trung suy nghĩ.
ĐỒNG QUAN ĐIỂM đối đầu
ĐỒNG ĐIỆU TÂM HỒN
“Người ta cần bạn tham dự các bữa tiệc, thực sự trò chuyện, nói ‘Tôi không biết’ và có thái độ lịch sự.”
— Charlie Kaufman
“Hãy nghĩ cho bản thân mình!” – một câu nói thật sáo rỗng biết bao. Sự thật là: Chúng ta không thể làm vậy. Chúng ta cần người xung quanh giúp mình suy nghĩ.
“Tư duy độc lập với người khác là điều bất khả thi,” Alan Jacobs đã viết trong cuốn sách How to Think (tạm dịch: Cách để suy nghĩ). “Tư duy thực sự cần mang tính xã hội. Tất cả mọi điều bạn nghĩ đều là đáp lại những gì người khác nghĩ và nói.”
Rắc rối là chúng ta đã xây dựng nên nền văn hóa hòa nhập vào các cộng đồng và mạng lưới kết nối giữa những người có cùng chung suy nghĩ, quan điểm. Trạng thái ngoại tuyến khởi động khi chúng ta ở trong cuộc sống thật, theo cách tự nguyện hay bắt buộc.
Trạng thái trực tuyến khởi động trên các trang web chúng ta truy cập, những người chúng ta theo dõi và cả cách các thuật toán trên mạng xã hội tinh chỉnh nội dung hiển thị sao cho đồng nhất với những thứ họ nghĩ rằng chúng ta muốn xem.
Tương tác với những người không cùng chung quan điểm buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về ý tưởng của mình, củng cố hoặc thay thế chúng bằng ý tưởng hay ho hơn. Nếu lúc nào cũng chỉ giao thiệp với những người đồng quan điểm, bạn lại càng có ít cơ hội thay đổi. Ai cũng hiểu cảm giác khi trò chuyện với những người đồng sở thích về một trường phái hội họa, nghe cùng một loại nhạc và xem cùng một loại phim: ban đầu, điều đó thật dễ chịu, nhưng về lâu dài, nó sẽ trở nên nhàm chán và cuối cùng là ngột ngạt.
Jacobs khuyến khích rằng nếu thực sự muốn khám phá những ý tưởng mới, bạn nên giao du với những người không có cùng suy nghĩ nhưng đồng điệu về tâm hồn. Đó là những người “cởi mở và có thói quen lắng nghe”. Những người hào phóng, tốt bụng, chu đáo và sâu sắc. Những người mà khi bạn nói điều gì đó, họ sẽ “suy nghĩ thấu đáo về nó, thay vì ngay lập tức bày tỏ thái độ”. Họ là những người khiến bạn cảm thấy dễ chịu khi ở bên.
Một độc giả có lần đã gửi cho tôi lời nhắn rằng mặc dù không có cùng quan điểm chính trị với tôi nhưng anh ấy cảm thấy mình có thể lắng nghe những gì tôi nói thay vì bỏ qua những gì không muốn nghe. Anh ấy nghĩ rằng thái độ đó xuất phát từ tinh thần sáng tạo, mối liên kết với những người cũng đang nỗ lực hết mình để mang lại những điều mới mẻ, tốt đẹp đến thế giới.
Hãy cố gắng tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu, những người mà bạn cảm nhận được sự kết nối đặc biệt ấy.
Tham quan miền quá khứ
“Mỗi độ tuổi đều có quan điểm riêng của họ.
Đặc biệt là trong việc phát hiện những sự thật hiển nhiên hay sai lầm nào đó. Do đó, chúng ta cần lưu vào sách vở để có thể sửa chữa những sai lầm điển hình trong từng thời kỳ. Điều đó tạo nên giá trị cho các cuốn sách cũ... Các cuốn sách của tương lai hiển nhiên cũng hữu ích như các cuốn sách của quá khứ, nhưng tiếc là chúng ta không thể có được chúng.”
— C. S. Lewis
Hầu hết mọi người đều bị ám ảnh với những gì mới mẻ, vậy nên dường như tất cả đều nghĩ về những điều giống nhau. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm người có cùng suy nghĩ, hãy tìm đến những người đã chết. Họ có rất nhiều điều để nói và là người nghe tuyệt vời.
Hãy đọc cả những cuốn sách cũ. Loài người đã tồn tại từ rất lâu, và đa phần những vấn đề bạn gặp phải đều đã được những người sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn năm trước, ghi lại. Chính khách và triết gia người La Mã, Seneca đã nói, khi đọc những cuốn sách cũ, bạn sẽ được cộng thêm quãng đời của tác giả vào chính cuộc sống của mình. “Chúng ta không nằm trong bất kỳ kỷ nguyên nào, nhưng chúng ta có mối liên kết với tất cả thời kỳ,” ông nói. “Vậy tại sao không thay đổi câu thần chú sống vì thời điểm hiện tại ngắn
gọn và nhất thời, rồi hết lòng cống hiến cho quá khứ – thứ vô hạn, vĩnh cửu và có thể được chia sẻ với những người giỏi giang hơn chúng ta?” (Ông đã viết như vậy từ gần 2.000 năm trước!)
Thật bất ngờ khi chúng ta nhận ra cuộc sống của con người ít thay đổi đến nhường nào. Khi đọc Đạo đức kinh của Lão Tử, tôi ngỡ ngàng phát hiện ra các bài thơ cổ, về cơ bản, chẳng khác gì lời bình khinh miệt về những chính trị gia đương thời. Khi lật lại cuốn nhật ký của Henry David Thoreau – miêu tả bức chân dung về một người đàn ông yêu thiên nhiên, học quá nhiều, nhưng thất nghiệp, ghét bỏ chế độ và sống cùng cha mẹ – tôi mới nhận ra người được ông miêu tả giống hệt các bạn trẻ thế hệ Millennials!
Ký ức của chúng ta rất ngắn ngủi. Bạn không cần phải quay lại quá khứ xa xôi để tái khám phá những điều đã bị lãng quên. Khám phá một cuốn sách được viết từ 25 năm trước cũng giống như việc mở ra rương báu bị chôn vùi.
Nếu muốn nhanh chóng thoát khỏi sự ồn ào của cuộc sống đương đại, đập vỡ bong bóng bao quanh bạn cùng những người cùng chí hướng và nghĩ ra những điều hay ho, hãy trở về miền ký ức một chút. Quá khứ là nguồn tài nguyên vô tận: Chúng ta tìm thấy nhiều điều từ nó, mỗi ngày.
Xếp gọn dụng cụ, tư liệu thì cứ mặc chúng lộn xộn
“Bàn làm việc, sàn nhà bừa bộn; giấy ghi chú dán khắp mọi nơi; tấm bảng trắng nguệch ngoạc đủ thứ: tất cả là biểu hiện của sự lộn xộn trong tư duy.”
— Ellen Ullman
Đây không phải thời điểm thích hợp để nhặt nhạnh những thứ không cần thiết. Thông điệp phản đối lộn xộn và nghiện dọn dẹp đã được “khuấy động” bởi các chương trình truyền hình như Hoarders và Storage Wars cùng vô số trang blog tôn sùng những xưởng vẽ ngăn nắp cũng như không gian làm việc hoàn hảo “được sắp xếp gọn gàng”, như Marie Kondo kết luận trong cuốn sách bán chạy The Life-Changing Magic of Tidying Up (tạm dịch: Phép màu kỳ diệu tới từ việc dọn dẹp). Dù các mẹo sắp xếp của Kondo có thể vô cùng hiệu nghiệm với tủ quần áo hoặc tủ bếp, tôi khá hoài nghi tính hữu ích của nó đối với các nghệ sĩ.
Phòng làm việc của tôi, cũng giống như tâm trí, luôn có chút lộn xộn. Sách báo chất đống khắp mọi nơi, những bức ảnh bị xé vụn và dính trên tường, các mảnh giấy vương vãi khắp sàn nhà. Nhưng phòng làm việc lộn xộn không phải do vô ý. Tôi yêu sự lộn xộn đó. Tôi cố ý vun trồng sự hỗn độn.
Sáng tạo liên quan đến sự kết nối, nhưng sự kết nối không thể được tạo ra khi để nguyên mọi thứ ở đúng vị trí của nó. Ý tưởng mới
hình thành từ những mối giao thoa thú vị và sự thú vị này chỉ xảy ra khi mọi thứ không đặt đúng chỗ.
Bạn những tưởng với một phòng làm việc gọn gàng, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, và do đó, tạo ra nhiều tác phẩm hơn. Điều này có lẽ sẽ hữu ích nếu bạn đang làm những việc không cần suy nghĩ, giả sử như nghệ nhân khắc tranh đang in thành phẩm lên giấy, nhưng nó sẽ chẳng giúp bạn sáng tạo hơn trong lần in tiếp theo. Đánh đồng năng suất và sự sáng tạo luôn là một điều sai lầm. Chúng không hề giống nhau. Trên thực tế, chúng mâu thuẫn với nhau: Bạn sáng tạo nhất khi năng suất làm việc ở mức thấp nhất.
Tất nhiên, cũng không nên để mọi thứ quá lộn xộn. Bạn khó có thể làm việc nếu không thể tìm thấy thứ mình muốn khi cần dùng đến. Các đầu bếp người Pháp tuân thủ một kỹ thuật có tên mise en place, có nghĩa là “đặt đúng chỗ”. Kỹ thuật này tập trung vào việc lên kế hoạch và chuẩn bị: đảm bảo tất cả nguyên liệu và công cụ cần thiết được chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu làm việc. “Mise en place là tôn chỉ của tất cả đầu bếp giỏi,” Anthony Bourdain đã viết như vậy trong cuốn Kitchen Confidential (tạm dịch: Bí mật của căn bếp). “Nơi làm việc, cơ sở vật chất và sự chuẩn bị đầy đủ là hệ thần kinh mở rộng của bạn.”
Đó là từ khóa mà chúng ta có thể học được từ các đầu bếp: sẵn sàng. Phần lớn chúng ta không phải lo lắng về những thực khách đói bụng hoặc thanh tra y tế. Chúng ta không cần phải giữ không gian làm việc lúc nào cũng sạch sẽ và gọn gàng. Chúng ta chỉ cần mọi dụng cụ luôn duy trì trạng thái sẵn sàng mỗi khi muốn làm việc. Họa sĩ tranh biếm họa Kevin Huizenga cho rằng, việc sắp xếp phòng làm việc không có nghĩa là trông nó phải thật ngăn nắp. “Nếu đống
giấy tờ vương vãi khắp sàn giúp bạn dễ dàng làm việc vì bạn liên tục cần tham khảo chúng, thì cứ để mặc chúng ở đó.” Luôn có một sự cân bằng giữa hỗn loạn và ngăn nắp tại nơi làm việc. Anh bạn John T. Unger của tôi có một quy tắc tuyệt đỉnh: xếp gọn dụng cụ và để mặc đống vật liệu lộn xộn. “Dụng cụ ngăn nắp thì dễ tìm kiếm khi cậu cần chúng,” anh ấy nói. “Còn vật liệu thì cứ để mặc chúng lẫn lộn. Tớ từng tạo nên một số tác phẩm theo cách hoàn toàn ngẫu nhiên, kết hợp đôi ba nguyên liệu, và tác phẩm gần như hoàn thành trong nháy mắt. Nhưng nếu không tìm thấy dụng cụ ngay khi cần, cậu có thể tốn cả ngày để tìm kiếm nó (cũng như nguồn cảm hứng).”
Dọn dẹp cũng là khám phá
“Tôi chẳng bao giờ tìm thấy thứ mình cần, nhưng hay ho là, tôi luôn tìm thấy thứ gì đó khác.”
— Irvine Welsh
Tôi luôn ghim một tấm thẻ lấy từ bộ thẻ “Oblique Strategies” (tạm dịch: Chiến lược xử lý vấn đề một cách gián tiếp) của Brian Eno và Peter Schmidt trên bàn. Nội dung của nó như sau:
KHI NGHI NGẠI, HÃY DỌN DẸP
Trên đó ghi là “khi nghi ngại”, nhưng không phải chỉ khi nghi ngại tôi mới bắt tay vào dọn dẹp. Tôi thường dọn dẹp khi cảm thấy đình trệ hoặc bị mắc kẹt. Dọn dẹp phòng làm việc – xin lỗi Kondo nhé – không làm nên điều kỳ diệu hay thay đổi cuộc sống của bạn. Nó chỉ là một hình thức trì hoãn công việc. (Thay vì làm việc này, chúng ta bắt tay làm việc khác.)
Điểm tốt khi dọn dẹp là tôi phải làm việc luôn tay, vì thế nó giúp tâm trí tôi thả lỏng để có thể a) thoát khỏi trạng thái “bí” hoặc tìm ra phương án giải quyết cho vấn đề mới nào đó trong đầu, hoặc b) tình cờ tìm thấy điều gì đó trong mớ hỗn độn và bắt đầu một công việc mới. Ví dụ: trong lúc dọn dẹp, tôi đã “khai quật” được một bài thơ dang dở bị chôn vùi trong một chồng giấy tờ, hoặc một bức vẽ chưa hoàn thành bị điều hòa thổi bay sang đầu kia của ga-ra.
Cách dọn dẹp phòng làm việc hợp lý nhất là khám phá. Tôi phát hiện ra những công việc còn dang dở khi đắm mình trong mớ bòng bong. Lý do tôi dọn dẹp không phải để dọn sạch, mà là để được tiếp xúc với những gì từng bị lãng quên nhưng có thể sử dụng tại thời điểm này.
Đây là một hình thức dọn dẹp từ tốn, mơ mộng và đầy tư lự. Chẳng hạn, khi tình cờ tìm thấy một cuốn sách đã lâu không ngó ngàng tới, tôi thường ngẫu nhiên lật vài trang để xem có tìm thấy điều gì hay ho không. Đôi khi, một mẩu giấy rơi ra từ cuốn sách, giống như một tin nhắn bí mật xuất hiện từ hư không.
Tôi thường ngừng công việc dọn dẹp sau khi bị cuốn vào không gian của những cuốn sách. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì Marie Kondo miêu tả. Lời khuyên mà cô ấy dành cho bạn khi dọn dẹp đống sách là: “Đừng có giở chúng ra đọc vì chúng khiến óc suy đoán của bạn trở nên mù mịt.” Đó là điều cấm kỵ!
Dọn dẹp với mục tiêu đạt được trật tự hoàn hảo là một công việc căng thẳng. Dọn dẹp mà không đặt nặng kết quả có thể trở thành một trò chơi vui vẻ.
Vậy nên khi nghi ngại, hãy dọn dẹp.
Giấc ngủ giúp dọn dẹp trí não
“Ngủ trưa rất cần thiết cho công việc của tôi. Không phải những giấc mơ, mà là trạng thái giao thoa giữa giấc ngủ – tâm trí tỉnh thức.”
— William Gibson
Các nhà khoa học cùng nhiều triết gia từ lâu đã tò mò về giấc ngủ và mục đích của nó. Họ dần bắt kịp với điều các nghệ sĩ vốn biết từ lâu: Giấc ngủ là một công cụ tuyệt vời giúp dọn dẹp bộ não của bạn. Khi ngủ, cơ thể bạn giải phóng hoàn toàn những thứ rác rưởi ra khỏi trí não. Các nhà thần kinh học đã giải thích rằng, khi bạn ngủ, dịch não tủy bắt đầu lưu thông nhanh hơn, từ đó giúp loại bỏ độc tố và protein xấu tích tụ trong các tế bào não.
Giấc ngủ ngắn là vũ khí bí mật của nhiều nghệ sĩ. “Hoàn toàn nhờ vào những lần chợp mắt,” nhà làm phim Ethan Coen đánh giá hành trình sáng tạo của mình và anh trai Joel như vậy. Tôi cũng coi việc chợp mắt là một hình thức kỳ diệu khác của dọn dẹp, dù không giúp tăng hiệu suất nhưng chúng thường mang đến cho ta những ý tưởng mới.
Không phải giấc ngủ ngắn nào cũng giống nhau. Có rất nhiều cách để chợp mắt. Salvador Dali thích ngủ trong khi cầm thìa. Trong lúc mơ màng, ông thường làm rơi thìa và giật mình tỉnh dậy, nhưng vẫn mơ màng vừa đủ để tạo nên những bức vẽ siêu thực. Nhà văn Philip Roth thì nói rằng ông học được kỹ thuật ngủ trưa từ cha mình:
cởi quần áo ra và đắp chăn kín người, khi ấy, bạn sẽ ngủ ngon hơn. “Vui nhất là khi thức dậy, trong 15 giây, bạn sẽ không xác định được mình đang ở đâu,” Roth nói. “Điều duy nhất bạn biết là mình vẫn còn sống. Đó thực sự là một niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc tuyệt đối.”
Với tôi, tôi thích “giấc ngủ caffeine”: uống một tách cà phê hoặc trà, nằm xuống nghỉ ngơi khoảng 15 phút và trở lại làm việc sau khi caffeine đã ngấm.
“Thật tiếc là người ta không thể viết lên trần nhà bằng ngón tay hoặc ngón chân trong lúc ngủ.”
— Denton Welch
“Thời đại này là kỷ nguyên của ly hôn.
Những thứ lẽ ra vốn thuộc về nhau đã bị chia lìa.
Và bạn không thể ráp chúng lại với nhau lần nữa.
Điều duy nhất bạn có thể làm chỉ là những điều nằm trong khả năng của mình. Bạn lấy hai thứ vốn dĩ nên ở cùng nhau và bạn đặt chúng bên cạnh nhau.”
— Wendell Berry
Hãy để lại những thứ tốt đẹp hơn so với khi bạn tìm thấy chúng
H
ình thức dọn dẹp kỳ diệu nhất bạn có thể làm diễn ra bên ngoài phòng làm việc hoặc không gian làm việc của bạn: dọn dẹp thế giới rộng lớn quanh bạn.
Nhà văn David Sedaris là một người yêu thích thu dọn bẩm sinh. Ông thường kể về việc hút bụi và dọn dẹp đống lộn xộn của anh chị em mình thuở ấu thơ. Vào thời điểm cuốn sách đầu tay ra mắt, ông đang dọn dẹp nhà cửa ở Manhattan. Giờ ông đã là một nhà văn nổi tiếng và sống tại một ngôi làng phía tây London. Bạn có biết ông dành phần lớn thời gian làm gì không? Nhặt rác ven đường.
Đúng vậy: một trong những tác giả nổi tiếng nhất ngày nay ước tính rằng ông dành 3-8 giờ mỗi ngày với rác thải. Sedaris nhặt nhiều rác đến nỗi người dân địa phương đã lấy tên ông đặt tên cho chiếc xe tải đổ rác: “Pig Pen Sedaris”. Nhiều người hàng xóm thậm chí còn tưởng rằng ông là công nhân dọn vệ sinh. Khi tờ West Sussex County Times viết về tấm gương của ông, họ thậm chí còn không nhắc đến việc ông là một nhà văn có tiếng tăm.
Điều buồn cười là việc nhặt rác rất tương đồng với công việc viết lách của ông. Sedaris, giống như nhiều nghệ sĩ khác, là một người nhặt rác. Ông thu thập mảnh vụn bị vứt bỏ từ mớ bòng bong hỗn loạn của cuộc sống – những mẩu đối thoại nghe lỏm được, những kinh nghiệm bị bỏ qua và tái chế chúng thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm. (Bộ nhật ký của ông có một cái tên rất phù hợp – Theft by Finding (tạm dịch: Tìm thấy nhờ đánh cắp).) Một số bài viết trong
nhật ký, mà ông đưa vào sách, đều có chứa những mảnh “rác” mà ông nhặt được trên đường đời.
Nghệ thuật không chỉ được tạo ra từ những niềm vui “lấp lánh”. Nghệ thuật cũng có thể bắt nguồn từ những điều xấu xí hoặc phản cảm đối với chúng ta. Công việc của người nghệ sĩ là lựa chọn địa điểm, tạo nên trật tự từ hỗn loạn, biến rác rưởi thành kho báu và tìm ra vẻ đẹp ở những nơi chúng ta không thể thấy.
Đôi khi, tôi tìm được nguồn cảm hứng khi nghĩ đến những câu khẩu hiệu cho công việc sáng tạo.
TẠO NÊN DẤU ẤN CỦA BẠN.
KHẮC PHÁ VŨ TRỤ.
DI CHUYỂN THẬT NHANH VÀ PHÁ VỠ RÀO CẢN. Những khẩu hiệu này giả định về một thế giới đang cần được đánh dấu, được chọc thủng hoặc được phá vỡ và mục đích con người xuất hiện trong vũ trụ là phá hoại.
Mọi thứ ngoài kia là một mớ hỗn độn. Dấu ấn chúng ta khắc lên hành tinh này đã quá đủ. Chúng ta không cần những kẻ phá hoại mà cần nhiều người dọn rác hơn. Chúng ta cần thứ nghệ thuật ngăn nắp. Thứ nghệ thuật có thể hàn gắn. Thứ nghệ thuật có thể chữa lành.
Hãy cùng tìm một số khẩu hiệu hay hơn. Có lẽ chúng ta nên lấy ý tưởng từ quảng cáo dược phẩm:
ĐẦU TIÊN, KHÔNG GÂY TỔN HẠI.
Hoặc chúng ta có thể nâng cấp nội dung biển báo trong công viên:
HÃY ĐỂ LẠI NHỮNG THỨ TỐT ĐẸP HƠN SO VỚI KHI BẠN TÌM THẤY CHÚNG.
Đó mới đúng là sự khởi đầu.
“Tôi dấn thân vào những suy nghĩ tốt đẹp nhất.”
— Soren Kierkegaard
Tập luyện là việc xua đuổi tà ma
H
ầu như sáng nào, bất kể mưa nắng, vợ chồng tôi đều đặt hai cậu nhóc lên chiếc xe đẩy đôi màu đỏ và đi dạo một vòng quanh khu phố. Việc này thường khiến chúng tôi rất mệt mỏi, đôi khi lại thấy tuyệt vời, nhưng nó vô cùng cần thiết. Chúng tôi nói chuyện. Chúng tôi lên kế hoạch. Chúng tôi tranh luận về tình hình chính trị. Chúng tôi dừng lại để tán gẫu với người hàng xóm hoặc chiêm ngưỡng quang cảnh thiên nhiên vùng ngoại ô.
Những lần đi bộ buổi sáng là khởi nguồn của nhiều ý tưởng và phương án biên tập sách. Nó quan trọng đến nỗi chúng tôi quyết định phải áp dụng phương châm không chính thức của ngành Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ: “Dù tuyết hay mưa, dù nóng nực hay ẩm ướt... nhân viên chuyển phát nhanh vẫn quyết tâm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao.” Chúng tôi không bao giờ xếp lịch hẹn hoặc họp hành trong khoảng thời gian đi dạo. Mỗi lần gặp hàng xóm, điều đầu tiên họ hỏi chúng tôi sẽ là: “Hai người có phải cặp vợ chồng với chiếc xe đẩy lớn màu đỏ không?”
Đi bộ thực sự là phương thuốc kỳ diệu cho những người muốn suy nghĩ thấu suốt. “Solvitur ambulando (Phương án giải quyết là đi bộ),” nhà triết học yếm thế Diogenes đã nói như vậy từ hai thiên niên kỷ trước.
Danh sách các nghệ sĩ, nhà thơ cũng như nhà khoa học nổi tiếng đánh giá cao lợi ích của việc tản bộ, đi bộ đường dài và ngao du khắp nơi, thực ra kéo dài vô tận. Wallace Stevens sáng tác thơ
trên quãng đường di chuyển từ nhà tới công ty bảo hiểm nơi ông làm việc và ngược lại. Friedrich Nietzsche viết nên nhiều cuốn sách của mình trong khi đi bộ quanh hồ. “Nếu không thể đi bộ đủ xa và đủ nhanh,” Charles Dickens đã ghi lại suy nghĩ này trong cuộc đua marathon quanh London, “tôi sẽ nổ tung và lụi tàn.” Ngay cả Ludwig van Beethoven và Bob Dylan cũng từng bị cảnh sát bắt khi đang lang thang ở vùng ngoại ô – Beethoven ở Vienna vào thế kỷ 19 và Dylan ở New Jersey vào thế kỷ 21. Henry David Thoreau, người từng dành bốn giờ mỗi ngày đi bộ trong khu rừng ven Concord, đã viết: “Vào khoảnh khắc chân tôi bắt đầu di chuyển thì dường như những ý tưởng cũng bắt đầu tuôn trào.”
“Tôi đặt mục tiêu phải loại bỏ phiền muộn hằng ngày. Chiều nào tôi cũng thấy tinh thần rệu rã, và rồi một ngày nọ, tôi phát hiện giá trị của việc đi dạo... Tôi thường xác định một điểm đến từ trước và khi dạo qua những con phố, ý tưởng chợt tới.”
— Vivian Gornick
Đi bộ có lợi cho sức khỏe thể chất, trí óc và tinh thần. “Dù thức dậy vào lúc nào, hãy duy trì thói quen đi dạo,” đạo diễn Ingmar Berman từng nói với con gái Linn Ullmann của mình. “Quỷ dữ không thích con bước ra khỏi giường. Chúng ghét không khí trong lành.”
Điều tôi học được khi đi dạo buổi sáng chính là việc đi bộ giúp chúng ta thoát khỏi “nanh vuốt” của những con quỷ xấu xa bên trong. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, đi bộ cũng là biện pháp tuyệt hảo để chiến đấu với những con quỷ xấu xa ở bên ngoài.
Những người muốn kiểm soát chúng ta bằng nỗi sợ hãi và các thông tin sai lệch – tập đoàn lớn, nhà tiếp thị, các chính trị gia – thích việc chúng ta cắm đầu vào điện thoại hoặc TV, vì thông qua đó, họ có thể dễ dàng bán cho chúng ta tầm nhìn mà họ áp đặt lên thế giới này. Như vậy, nếu không ra ngoài, không hít thở không khí trong lành, chúng ta không thể nhìn thấy bản chất thực sự của thế giới, đồng thời cũng không có được tầm nhìn của riêng mình để chiến đấu với những thông tin sai lệch.
Nghệ thuật đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả giác quan. Nhiệm vụ của nó là đánh thức cảm nhận trong con người. Các loại màn hình thì lại khiến chúng ta mất đi các giác quan và cảm nhận. Tác động của chúng, về cơ bản, giống như một loại chất gây tê thần kinh. “Theo tôi, khoái lạc là việc chúng ta tôn trọng và tự hào về sức mạnh của cuộc sống, và chỉ cuộc sống mà thôi, đồng thời thực sự tập trung vào mọi hoạt động mà mình thực hiện,” James Baldwin đã viết trong bài luận “The Fire Next Time” (tạm dịch: Ngọn lửa kế tiếp). Ông viết tiếp: “Một điều gì đó tồi tệ dường như đã xảy ra với công chúng khi họ dần thiếu tin tưởng vào chính cảm giác của mình và trở nên ủ dột như hiện tại.” Baldwin lo ngại rằng con người chúng ta không còn muốn phụ thuộc vào cảm quan của mình nữa: “Một người không tin tưởng bản thân thì không có chuẩn mực cho cuộc sống thực tế.”
Khi chúng ta dán mắt vào màn hình, thế giới không còn là thật nữa. Kinh khủng biết bao. Những thứ trên màn hình thực sự không đáng để chúng ta ghi nhớ hoặc thậm chí dành thời gian theo dõi. Con người khi ấy sẽ chẳng khác nào một kẻ gàn dở, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nhưng khi bước ra ngoài và tản bộ, bạn đang đánh thức các giác quan của mình. Tuy có một vài kẻ điên rồ và đáng sợ nhưng trên đời vẫn có những nụ cười, tiếng chim hót líu lo, đám mây lững lờ trôi trên bầu trời... Những quang cảnh đó đẹp đẽ làm sao. Điều này hoàn toàn có thể xuất hiện trước mắt bạn. Đi dạo là cách để tìm thấy những khả năng mới trong cuộc sống của bạn khi dường như không còn bất kỳ điều gì khả thi nữa.
Vì vậy, hãy ra ngoài mỗi ngày. Đi dạo một mình, hoặc đi cùng một người bạn, người yêu hoặc chú chó cưng của bạn. Đi dạo với đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa. Cầm theo mình một chiếc túi bóng, một cây gậy và đi bộ nhặt rác như David Sedaris. Luôn mang bên mình một cuốn sổ hoặc máy ảnh khi bạn muốn dừng lại để lưu lại một ý tưởng hoặc một khung cảnh.
Hãy đi và khám phá thế giới. Ngắm nhìn khu phố nơi bạn sống. Gặp gỡ những người hàng xóm. Trò chuyện với người lạ. Các con quỷ ghét không khí trong lành.
“Hãy ra ngoài và đi dạo.
Đó là niềm vinh quang của cuộc sống.”
— Maira Kalman