🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Công Thức Của Vận May
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Tên Sách: Công Thức Của Vận May
Thể loại: Tài chính
Tác Giả: William Pound Stone
Người dịch: Hoàng Trung, Hồng Vân
The Happiness Project #2
Thực hiện dự án: Thanhhaitq, Hanhdb, - TVE-4U Read Freely - Think Freedom
© 2007 Công ty cổ phần Tinh Văn - Nhà xuất bản Trẻ Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
THỬ THÁCH MỌT SÁCH - 2015
Mỗi tuần chỉ cần thanh toán một cuốn, quá dễ dàng để có cả năm đầy ý nghĩa. Là một người đọc chân chính, tôi và bạn phải có trách nhiệm phải khuyến khích và chia sẻ về đam mê văn hóa đọc. Tôi tin tri thức là một trong những cách tốt nhất để rút ngắn khoảng cách giữa người Việt với các dân tộc khác. Thói quen đọc sẽ làm nên một con người trưởng thành, một xã hội có văn hóa, một dân tộc hùng cường.
DỰ ÁN HẠNH PHÚC
Hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh chúng ta, điều quan trọng ta phải biết nắm bắt, kéo nó về phía mình để đem lại an lành cho bản thân, cho cuộc sống! Cuốn sách này là một niềm vui nhỏ bé chúng tôi muốn dành tặng đến bạn, người đọc ạ!
"Hãy nhớ rằng không có hạnh phúc trong sự sở hữu hay sự thâu nhận, mà chỉ có trong sự trao tặng. Hãy mở rộng vòng tay - Hãy chia sẻ - Hãy ghì ôm. Hạnh phúc là một loại nước hoa, mà khi bạn rưới lên những người khác, thế nào cũng có một vài giọt dính trên người bạn." Og Madino
Lời bạt
Công Thức Của Vận May
Các Bí Mật Về Hệ Thống Cá Cược Giúp Bạn Nắm Bắt Được Vận May Tại Sòng Bạc Và Sàn Chứng Khoán
Tại sao bạn không đọc và ứng dụng để giành chiến thắng cho chính mình?
Cuốn sách được xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa Công ty cổ phần Tinh Văn và William Poundstone thông qua Brockman, Inc (Hoa Kỳ)
“Công thức của vận may” là cuốn sách vô cùng hấp dẫn kết hợp giữa cờ bạc, cá ngựa, đầu tư chứng khoán và sự chính xác của toán học, một cuốn cẩm nang cho những người muốn áp dụng công thức Kelly để làm giàu.
David Pogue, The New York Times Book Review
“Công thức của vận may” là một câu chuyện thú vị đối với mỗi người trong chúng ta. Nó khiến ta nhớ đến những cuốn khác như “Chống lại Đức Chúa trời” của Peter L Bernstein hay cuốn “Khi những thiên tài thất bại” của Roger Lowenstein. Tất cả đều nhằm giải thích một điều rằng, vì sao những con người thông minh lại chấp nhận những sự mạo hiểm ngu ngốc. Poundstone đã chỉ cho bạn đọc thấy Công ty LTCM (công ty quản lý vốn dài hạn) đã tránh được tai họa như thế nào bằng cách áp dụng phương pháp Kelly.
Peter Coy. BusinessWeek
William Poundstone là tác giả của chín cuốn sách nổi tiếng (một trong những cuốn sách bán chạy của ông tại Việt Nam là cuốn “Làm thế nào dịch chuyển núi Phú Sĩ?”).
Phần Mở Đầu: Dịch Vụ Điện Tín
Câu chuyện bắt đầu với một nhân viên trực máy điện báo có máu cờ bạc tên là John Payne. Vào đầu những năm 1900, John làm việc cho văn phòng của Western Union ở Cincinnati. Theo chủ trương của một trong những cổ đông lớn nhất, Western Union kiên quyết chống lại những gì liên quan đến cờ bạc. Họ áp dụng một chính sách từ chối chuyển phát những bức điện tín thông báo kết quả các trận đua ngựa. Payne bỏ việc và thành lập công ty dịch vụ điện tín Payne của mình. Mục đích duy nhất của dịch vụ mới này là thông báo kết quả trường đua cho các nhà cái.
Payne bố trí một nhân viên ở trường đua ngựa của thành phố. Ngay khi có con ngựa nào về đích, người này sẽ dùng chiếc gương cầm tay để thông báo kẻ thắng cuộc cho một nhân viên khác đang "phục" ở một tòa nhà cao tầng gần đó dưới dạng mật mã. Nhân viên này lập tức báo lại cho các nhà cái theo một hợp đồng kí trước.
Trong thời đại mà những chương trình tường thuật thể thao trực tiếp nhan nhản trên các phương tiện truyền thông thì bạn có thể không hiểu hết giá trị dịch vụ của Payne. Nếu không có kết quả được chuyển ngay lập tức bằng điện tín, các nhà cái sẽ phải mất vài phút mới nhận được tin tức về con ngựa thắng cuộc. Vài phút này chính là lúc để tất cả những mánh khóe "làm tiền" diễn ra. Khách hàng nào biết được con ngựa thắng cuộc trước khi các nhà cái biết có thể nhanh chân đặt cược vào con ngựa đã thắng trong vài phút quyết định đó.
Dịch vụ của Payne đảm bảo cho các nhà cái giành lại được lợi thế này. Khi một khách hàng cố đặt cược vào con ngựa đã thắng cuộc, nhà cái sẽ biết ngay và từ chối vụ cá cược đó. Còn khi một người vô tình đặt cược vào con ngựa đã thua thì... tất nhiên, nhà cái sẽ chấp nhận.
Phát minh ra một công cụ hay dịch vụ hữu ích nhằm hái ra tiền là ước mơ của tất cả những người dân Mỹ. Chỉ trong vài năm, dịch vụ điện báo Payne đã kiểm soát kết quả các cuộc đua ngựa trên tất cả các trường đua từ Saratoga đến Midwest. Sự ngăn cấm nghiêm khắc của chính quyền địa phương chỉ làm cho công việc kinh doanh của Payne thêm phát đạt mà thôi. Thị trưởng thành phố Chicago, Carter Harrison II - người đã ra lệnh cấm tất cả những hành vi cá cược đua ngựa trong thành phố, tuyên bố: "Tôi muốn chứng kiến môn thể thao của các vị vua chứ không muốn xem những trò xấu xa của họ." số người đến trường đua giảm hẳn, và thế là hoạt động cá cược
phi pháp ngày một lớn mạnh thêm.
Năm 1907, một tay anh chị đặc biệt nguy hiểm ở Chicago tên là Mont Tennes đã giành được quyền kinh doanh dịch vụ của Payne tại bang Illinois. Tennes thận trọng đặt tên cho công ty mới của mình là Văn phòng tin tức tổng hợp (General News Bereau - GNB). Quyền kinh doanh dịch vụ này ngốn hết của Tennes 300 đô la một ngày, nhưng hắn đã thu lại số tiền lớn hơn thế nhiều lần. Chỉ riêng Chicago đã có hơn 700 điểm cá cược, và Tennes yêu cầu các nhà cái ở bang Illinois phải cống cho hắn một nửa thu nhập mỗi ngày của mình.
Rõ ràng khoản thu này là rất hấp dẫn đối với những tay anh chị khác ở Chicago. Chỉ từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1907 đã có đến 6 quả bom nổ tung ở nhà riêng và các văn phòng của Tennes. Thế nhưng, hắn vẫn sống sót qua tất cả các vụ nổ đó. Tay phóng viên, người đã cung cấp thông tin về quả bom thứ 6 cho Tennes, hỏi hắn có biết kẻ nào đứng sau vụ này không. Tennes trả lời: "Có, tất nhiên là tôi biết, nhưng tôi không có ý định nói với bất kỳ ai cả. Điều này không tốt cho công việc kinh doanh của tôi."
Cuối cùng thì Tertnes cũng quyết định không cần đến Payne nữa và ép Payne phải rời khỏi công ty. Văn phòng tin tức tổng hợp của Tennes đã bành trướng đến New Orleans (về phía nam) và đến San Francisco (về phía tây).
Công việc làm ăn rất phát đạt của Tennes đã thu hút sự chú ý của thẩm phán Mountain Landis của bang Kenesaw. Năm 1916, vị thẩm phán này đã cho mở một cuộc điều tra nhắm vào Văn phòng tin tức tổng hợp. Clarence là luật sư đại diện cho Tennes. Ông khuyên khách hàng của mình khai thác Điều luật sửa đổi thứ 5. Cuối cùng, thẩm phán Landis ra phán quyết rằng ông không có quyền hạn đối với luật chống cá cược của các địa phương.
Năm 1927, Tennes quyết định nghỉ ngơi và cho bán tất cả 100 cổ phần của GNB. Năm 1941, Tennes qua đời một cách yên ả, để lại một phần tài sản của mình cho Camp Honor, một trại hè được lập ra nhằm giúp những cậu bé bướng bỉnh nhưng có chí khí.
Nắm trong tay 48 cổ phần, Mose ("Moe") Annenberg - chủ tờ báo Racing Form, là cổ đông lớn nhất của GNB. Annenberg công khai ủng hộ những lợi ích xã hội mà dịch vụ thông báo kết quả đua ngựa nhanh và chính xác trên đem lại. Ông ta đặt ra câu hỏi: "Nếu mọi người có thể đến trường đua để cá cược thì tại sao họ lại bị tước đi cái quyền đó ở một nơi ngoài đường đua? Có bao nhiêu người có thể bỏ giờ làm việc để đến tận nơi xem
một cuộc đua ngựa?"
Annenberg thuê James Ragan - một gã bạn chí cốt của mình, điều hành dịch vụ điện tín này. Vào lúc đó đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với họ trong lĩnh vực này. Annenberg và Ragan mở rộng công việc kinh doanh của mình bằng cách mua lại các công ty điện tín nhỏ hơn hoặc tìm cách làm cho họ bị phá sản.
Có một người dám dũng cảm đứng lên chống lại Annenberg và Ragan. Đó là Irving Wexler, một tay buôn rượu lậu và là chủ sở hữu của Greater New News Service. Sau khi Ragan khởi xướng một cuộc chiến giá cả với Greater New News Service, Wexler đã cử một đám côn đồ đến đập phá trụ sở của Annenberg ở New York.
Annenberg biết thừa Wexler đang nghe lén những cuộc điện đàm của General News nhằm ăn trộm tin tức từ trường đua. Việc này rẻ hơn chuyện phải trả tiền cho đám nhân viên chờ chực ở mỗi trường đua để báo cáo lại kết quả cho mình. Một ngày nọ, Annenberg ra lệnh cho nhân viên của mình ở những đường dây đang bị Wexler nghe lén phải thông báo kết quả chậm lại. Thay vào đó, hắn thông báo kết quả ngay lập tức cho một nhóm người của General News để họ đặt cược vào con ngựa vừa thắng cuộc tại những nhà cái thuê dịch vụ của Wexler. Vì nhận được những tin tức đã bị Annenberg làm chậm lại, đám nhà cái của Wexler không biết rằng đó là những con ngựa vừa thắng cuộc. Và thế là đến cuối ngày, tất cả những nhà cái này hoàn toàn bị tê liệt.
Sau đó, người của Annenberg đi đến từng nơi đang sử dụng dịch vụ của Wexler để giải thích chuyện gì đã xảy ra, đồng thời trả lại số tiền bị mất trong ngày hôm đó và khuyên những nhà cái này rằng, việc chuyển sang sử dụng dịch vụ của General News sẽ là một quyết định khôn ngoan hơn.
Với những thủ đoạn, mánh khóe đó, dịch vụ của Annenberg -được biết đến với cái tên "Nơi đáng tin cậy" hay "Bức điện tín" - đã bành trướng sang tận bên kia đại dương, đến Canada, Mexico và Cuba. Năm 1934, số đối tác bị Annenberg hạ "đo ván" cũng đã xấp xỉ con số mà Tennes đã từng làm được. Annerberg lập ra một dịch vụ điện tín mới và hết sức cạnh tranh có tên là Nationwide News Service. Các nhà cái được cảnh báo hoặc phải chuyển sang sử dụng dịch vụ của Annenberg hoặc sẽ phải chịu những hậu quả tồi tệ.
-0O0-
Sự lớn mạnh của General News Bureau cũng song song với sự lớn mạnh
của Công ty điện thoại Mỹ. Năm 1894, những bằng sáng chế điện thoại của Alexander Graham Bell hết hiệu lực. Chỉ trong vòng vài năm, trên thị trường Mỹ đã có hơn 6000 công ty điện thoại địa phương cạnh tranh nhau. Hầu hết trong số đó đều bị AT&T thâu tóm hoặc làm cho bị phá sản. Tuy những mánh khóe của AT&T có vẻ "quân tử" hơn của Annenberg nhưng kết quả thì cũng như nhau. Chính phủ đã phải can thiệp bằng một vụ kiện chống độc quyền. Vụ kiện kết thúc vào năm 1913 với một thỏa thuận rằng AT&T cho phép các đối thủ cạnh tranh kết nối vào mạng viễn thông của mình. Năm 1915, dường đây điện thoại xuyên biển đi vào hoạt động. Năm tiếp theo, AT&T được bổ sung vào chỉ số Dow Jones. Với sự độc quyền được pháp luật công nhận và cổ tức ổn định, AT&T nổi tiếng là địa chỉ đầu tư ưa thích của những quả phụ và trẻ mồ côi.
Hầu hết những "nhà đầu tư" này không nhận ra mối liên hệ mật thiết của công ty điện thoại đó với hoạt động cá cược. General News Bureau không có những đường dây liên lạc với các trường đua và với khách hàng của mình, Họ thuê đường dây và thiết bị của AT&T, giống như ngày nay mạng Internet phải thuê đường cáp và lộ trình vậy. General News thuê cả đường dây điện báo và điện thoại. Khi hệ thống cá độ tinh vi hơn, đường dây diện thoại được sử dụng để cung cấp dịch vụ bình luận trực tiếp các cuộc đua.
Các luật sư của AT&T hết sức lo ngại về khía cạnh kinh doanh này. Từ năm 1924, quan điểm của họ trong nội bộ công ty là: "Những người cung cấp dịch vụ này (dịch vụ chuyển phát kết quả đua ngựa) phải hiểu rằng phần lớn các khách hàng của mình đều sẽ trở thành chủ nhân những phòng đánh bài hay nhà cái. Họ không thể cứ cố tình tự đánh lừa bản thân trước sự thật này, và trên thực tế thì các nhà cung cấp này đang lờ đi điều mà ai cũng biết ấy để móc nối với những kẻ phạm pháp."
Theo lời khuyên của các luật sư, AT&T đã chừa lối thoát cho mình bằng một điều khoản trong hợp đồng với những khách hàng như GNB cho phép công ty điện thoại này được ngừng cung cấp dịch vụ nếu như các nhà chức trách phát hiện ra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các khách hàng. AT&T vẫn tiếp tục hợp tác với các nhà cái trong khi vẫn hoàn toàn có thể la lối rằng mình bị bất ngờ trước những hoạt động cờ bạc đang diễn ra trong hệ thống của công ty. Đến giữa những năm 1930, Moe Annenberg đã trở thành khách hàng lớn thứ 5 của AT&T.
Việc Annenberg tiếp quản công việc kinh doanh dịch vụ này khiến cho các cổ đông khác của GNB - những kẻ sở hữu cổ phiếu của công ty nhưng thực tế lại chẳng có một khách hàng nào - tức điên. Một cổ đông vốn là dân
anh chị ở Chicago có tên là John Lynch đã kiện Annenberg ra tòa. Tại tòa, Weymouth Kirkland, luật sư của Annenberg, đã phản biện rằng vì dịch vụ điện báo này hiển nhiên là một hoạt động bất hợp pháp nên tòa án không có quyền xét xử. Người này dẫn ra vụ án năm 1725, trong đó vị quan tòa đã từ chối phân chia số của cải mà hai tên cướp đường có được. Rốt cuộc, lý lẽ trơ tráo của Kirkland đã được tòa chấp nhận.
Lynch tìm đến bè đảng của AI Capone vì nghĩ rằng sẽ tìm thấy sự đồng cảm từ Capone (tên này sau đó bị vào tù vì tội trốn thuế), người đã từng có cuộc thương lượng bất thành với Annenberg về việc giành quyền kiểm soát dịch vụ điện báo. Người đại diện của Capone, Frank Nitti, đã nói với James Ragan nếu như Ragan liên minh với băng đảng của Capone thì chúng sẽ "xử lý" Annenberg trong vòng 24 tiếng.
Nhưng Ragan từ chối. Annenberg tạm lánh về Miami. Hợp đồng giữa Annenberg và người của Capone kéo dài được thêm hai năm nữa. Cuối cùng Annenberg cũng đồng ý trả cho băng đảng của Capone một triệu đô la phí bảo kê hàng năm nhưng Annenberg vẫn giữ quyền sở hữu dịch vụ.
Đến năm 1939, Annenberg bị quy kết vào tội trốn thuế. Nhằm chứng mình rằng mình đang thay đổi, hắn đã làm một việc mà không ai ngờ tới. Hắn từ bỏ con đường cá cược và dịch vụ điện báo này.
Tuy nhiên, công việc kinh doanh của GNB nhanh chóng hoạt động trở lại dưới cái tên Continental Press Service. James Ragan vẫn giữ vị trí lãnh đạo công ty.
Một lần nữa, băng đảng Chicago lại tiếp cận Ragan nhằm thâu tóm công ty, trong khi Ragan vẫn không thèm quan tâm. Để tự bảo vệ mình, Ragan chuẩn bị sẵn một bản khai có tuyên thệ về việc Frank Nitti đã cố gắng ám sát Anrtenberg và tuyên bố nếu có bất cứ điều gì xảy ra với mình, bản khai này sẽ đến tay FBI.
Đám anh chị người Ý và Do Thái sừng sỏ và quyền lực nhất lúc đó đã liên kết lại với nhau bằng một tập đoàn quốc gia có cái tên khó hiểu - The Combination. The Combination quyết định rằng công ty này không cần đến Ragan và lập ra dịch vụ điện báo của riêng mình có tên là Dịch vụ thông tin và xuất bản xuyên quốc gia (Trans-American Publishing and News Service) nhằm loại bỏ Continental.
Trans-American được điều hành bởi Ben Siegel - một cư dân New York chuyển đến vùng bờ biển phía tây sinh sống vốn được biết đến nhiều hơn với
cái tên "Bugsy" - cái tên mà hắn rất ghét. Địa bàn hoạt động của Trans American bao gồm cả Nevada - một trường hợp đặc biệt vì ở đây cá cược được pháp luật cho phép. Siegel quyết định các nhà cái ở Nevada chỉ có thể trả nhiều hơn chứ không thể ít hơn. Hắn viện lý do rằng các sòng bạc lôi kéo người ta đến với mình cốt để dụ họ chơi cả những trò chơi khác nữa. Vì thế hắn bắt đám chủ nhân các sòng bạc phải cống nạp số tiền như thường lệ cộng thêm cả một phần thu nhập của họ - trong một vài trường hợp không phải là một phần mà là toàn bộ.
——-0O0-———
Ngày 24 tháng 6 năm 1946, James Ragan đang dừng xe tại một ngã tư ở Chicago thì một chiếc xe tải chất đầy sọt chuối trở tới. Ai đó trên chiếc xe tải kéo một tấm vải nhựa lên. Hai phát súng nổ. Một phát sượt qua cánh tay và bả vai của Ragan. Sau vụ này, Ragan được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát trong suốt sáu tuần tiếp theo tại một bệnh viện ở Chicago. Thế nhưng, bất chấp biện pháp này, theo nhiều ý kiến khác nhau, dường như Ragan đã bị ai đó hạ độc bằng cách cho thủy ngân vào lon Coca-Cola hoặc ống thông đường tiểu. Với cái chết của Ragan, băng đảng Chicago đương nhiên lên nắm quyền sử hữu Continental Press.
Sự liên minh sáp nhập giữa Continental Press và Trans-American không bỏ qua bất kỳ ai - cả những nhà cái ở Los Angeles cũng bị bắt phải trả tiền cho dịch vụ điện báo của cả hai công ty này, mỗi công ty 150$/tuần. Tuy nhiên, Siegel cho rằng Trans-American là của riêng hắn chứ không phải của The Combination. Hắn cho xây dựng khách sạn Flamingo và một sòng bạc ở Las Vegas. Chi phí cho hai kế hoạch này vượt ra ngoài dự tính và Siegel phải nợ công ty xây dựng hai triệu đô la. Hắn đề nghị với Hội đồng quản trị của The Combination ở New York rằng họ sẽ có được dịch vụ điện báo của Trans-American, đổi lại, họ chỉ phải trả cho hắn hai triệu đô la. Đáp lại lời đề nghị này là thái độ khá lạnh nhạt của Hội đồng quản trị.
Sau đó, Siegel nhận được tin The Combination đã triệu tập một cuộc họp hội đồng quản trị mà không mời hắn. Đây rõ ràng là một tín hiệu xấu. Siegel lo lắng đến mức hắn đã tìm đến Lucky Luciano - một thành viên đã bị trục xuất của The Combination đang sống ở Havana. Siegel vẫn một mực cho rằng hắn cần phải giữ công ty dịch vụ điện báo và khoản lợi nhuận của nó trong vòng một năm nữa. Luciano, lúc bấy giờ vẫn còn là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở The Combination, đã khuyên Siegel trả lại công ty này ngay lập tức.
Theo một tài liệu không đáng tin cậy lắm thì Siegel đã đáp lại lời khuyên đó như sau: "Cút mẹ mày xuống địa ngục với những thứ chết tiệt đó đi. Tao sẽ giữ cái công ty diện báo của nợ đó cho đến khi nào tao muốn!"
Trong hội đồng quản trị của The Combination có một nguyên tắc, đó là không bao giờ sử dụng án tử hình với bất kỳ thành viên nào. Tuy nhiên, lần đầu tiên họ đã phá luật với Siegel. Vào 20-6- 1947, một gã mang súng đang "ngắm ngía" Siegel qua hàng rào của khu vườn hoa hồng trên Beverly Hills.
Tên sát thủ xả một loạt đạn bọc thép từ khẩu cạc bin quân đội có nòng 30mm. Hầu hết các phát đạn đều trượt mục tiêu. Nhưng viên thứ tư trúng đích cũng quá đủ để hoàn thành công việc. Con ngươi mắt phải của Siegel bị văng ra xa tới 15 bước chân, nằm chỏng chơ trên sàn phòng ăn.
Nửa giờ trước khi vụ ám sát xảy ra, bốn tên du côn đã tụ tập trong sảnh lớn của khách sạn Flamingo. Đến đúng thời gian đã định, chúng bước vào phòng giám đốc và thông báo rằng, kể từ lúc đó, chúng sẽ tiếp quản khách sạn. Và tất nhiên, The Combination cũng tiếp quản công ty dịch vụ điện báo của Seigel.
Vụ "xử lý" Ben Seigel là một sai lầm tai hại. Án tử hình một tay sừng sỏ như thế ở khu ngoại ô California sang trọng chứng tỏ hoạt động tội phạm có tổ chức đã len lỏi vào từng ngõ ngách của tiểu bang nằm ven bờ Thái Bình Dương này. Điều đó đã làm tăng thêm sự chú ý của chính quyền đối với dịch vụ điện báo mà các băng đảng đang gắng hết sức để giành quyền kiểm soát.
Thượng nghị sĩ bang Tennessee Carey Estes Kefauver đã quy kết cho Continental Press là "Kẻ thù số một của công chúng". Ông phát biểu: "Theo quan điểm của tôi, dịch vụ này đang góp phần nuôi dưỡng đế chế cờ bạc phi
pháp - nguồn cung cấp tài chính của các hoạt động tội phạm khác trên đất Mỹ."
Kefauver là một người đàn ông bình dân, thích chụp ảnh với chiếc mũ lưỡi trai màu đen. Ông đã thành lập một ủy ban đặc biệt về Điều tra tội phạm có tổ chức giữa các tiểu bang. Những phiên tòa do ủy ban của Kefauver điều
hành được phát trên truyền hình và kéo dài được 15 tháng kể từ năm 1950. Ủy ban này hoạt động trên phạm vi quốc gia và gửi trát hầu tòa đến hầu hết những ông trùm của các tổ chức tội phạm lớn. Nhiều tên thường thu xếp đi
nghỉ mát mỗi khi bị ủy ban để mắt tới. Nhiều tên khác thì phải viện tới Điều luật sửa đổi thứ năm. Thỉnh thoảng, ủy ban cũng thu được những lời khai thú vị từ những tay cảnh sát biến chất hay bên nguyên. Một sỹ quan cảnh sát ở Chicago thú nhận đã cho phép một nhà cái hoạt động trong khi chính anh ta
cũng tích cóp được một khoản không nhỏ từ việc cá độ thể thao, các cuộc bầu cử và thị trường chứng khoán. Cảnh sát bang Louisiana thì giải thích rằng họ không nỡ đóng cửa các sòng bạc đang thuê nhân công là những người nghèo.
Cao trào của chiến dịch điều tra này là tháng 3 năm 1951, khi ủy ban tiến hành tra hỏi các băng nhóm tội phạm quyền lực kiểu gia đình ở New York. Thượng nghị sĩ Kefauver hỏi Frank Costello, một trong những nhân vật này: "Làm thế nào để chúng tôi có thể hạn chế nạn cờ bạc ở đất nước này?"
Costello đáp: "Thưa Ngài Thượng nghị sĩ, nếu muốn xóa sổ hoạt động này thì Ngài chỉ cần làm hai việc thôi: Đốt chuồng ngựa và bắn chết những con ngựa."
Kefauver yêu cầu được biết nguồn gốc số tiền mà Costello dùng để mua ba tòa nhà ở phố Wall. Costello trả lời hắn mượn của các con bạc.
Costello bắt đầu công việc kinh doanh bằng cách sản xuất búp bê Kewpie nhái để làm phần thưởng cho các lễ hội, cuộc thi. Từ đó hắn đã xây dựng được một đế chế cờ bạc mở rộng về phía nam đến Công viên Nhiệt Đới ở Miami. Gã Costello bảnh bao đồng ý làm chứng với điều kiện người ta không được ghi hình khuôn mặt của hắn. Khi hắn nói, các camera chỉ quay hai bàn tay được chăm sóc kỹ lưỡng của Costello. Giọng hắn nghe không được thoải mái, và những điệu bộ, cử chỉ thanh nhã được mô tả như một "diễn viên múa ba lê", hoàn toàn chẳng có mối liên hệ nào với thực tế rằng hắn là một tay trùm tội phạm tầm cỡ.
Có lẽ kẻ đạo diễn tất cả các hoạt động của The Combination là Longy Zwillman, một tên tội phạm ở New York. Trong một cuộc phỏng vấn ở Washington, Zwillman tỏ ra là một doanh nhân chân chính đang bị gây khó dễ với việc phải đứng trước ủy ban đặc biệt này. Hắn gọi người đang thẩm vấn mình là "Ngài" và lịch sự yêu cầu các tay săn ảnh không sử dụng đèn flash. "Tôi cảm thấy giống như mình đang bị bắn vậy", hắn nói với Thượng nghị sĩ Kefauver. Mọi người bật cười.
Các thượng nghĩ sĩ cố gắng thiết lập một mạng lưới những tên tội phạm chuyên nghiệp đang liên kết với nhau để cùng vận hành một dịch vụ điện báo dành cho những tay chơi cá cược cũng như cờ bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi, và những thủ đoạn làm tiền. Những tên tội phạm thì luôn từ chối thừa nhận việc có quen biết lẫn nhau. Nhưng Zwillman đã thừa nhận có biết Costello. "trước đây, tôi đã gặp tất cả bọn họ" - Zwillman nói. "Bất cứ nơi
nào bạn đến, bạn cũng sẽ gặp một ai đó."
Bạn làm ăn của Zwillman ở New York là Willie Moretti - một gã thấp bé (chi nhỉnh hơn 1,5m một chút) và ồn ào trong khi Zwillman lại cao ráo và trầm tĩnh. Moretti ăn mặc đúng như một tay anh chị với những chiếc ghim cà vạt lấp lánh kim cương. Hắn là một kẻ đam mê đàn bà, màu da của họ càng tối thì hắn càng thích. Cách đây rất lâu, Moretti mắc bệnh giang mai nhưng không đi chữa trị, vì thế bệnh đã bước sang thời kỳ cuối.
Lúc đầu, đối với Zwillman, những điều này không thành vấn đề. Công việc kinh doanh của Zwillman được xây dựng trên sự hăm dọa là chính. Thật không tồi chút nào khi có một cộng sự chẳng những tàn bạo và bốc đồng mà còn như kẻ mất trí nữa.
Moretti chỉ bắt đầu có chuyện trong những phiên tòa của ủy ban do Kefauver sáng lập. Đứng trước ủy ban, Moretti thoải mái thừa nhận mình có quen biết Frank Costello. Hắn còn nói hắn biết tất cả những nhân vật máu mặt của các công ty tên tuổi do bọn tội phạm điều hành trên khắp nước Mỹ. Đó là những "người đặc biệt" mà hắn đã gặp trong các trường đua ngựa.
Moretti tự nhận mình là một tay cờ bạc chuyên nghiệp. Hắn đã từng kiếm được 25.000 đô la nhờ cá cược trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1948. Hắn chọn Truman và đã thành công.
Các thượng nghị sĩ nói với Moretti rằng thực chất những gì công ty của hắn quan tâm chỉ là những thủ đoạn làm tiền cho bọn tội phạm. Moretti đáp trả: "Thời đại này tất cả đều là thủ đoạn cả thôi." Khi rời khỏi chỗ của mình, hắn còn mời các thượng nghị sĩ ghé thăm mình bên bờ biển Jersey. Moretti nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật được ưu ái nhất trên kênh Reality TV. Hắn sử dụng 15 phút của mình để ứng khẩu trước đám phóng viên, nhà báo.
Bấy nhiêu là quá đủ đối với Vito Genovese - người đứng đầu Cosa Nostra từ năm 1949. Genovese bắt đầu cho tung tin về tình trạng tâm thần của Moretti. Nếu Moretti hứng chí ba hoa thì hắn sẽ nói những gì với một bộ óc thối rữa như thế? Genovese triệu tập một cuộc họp nội bộ của The Combination. Mặc dù rất lấy làm tiếc nhưng họ quyết định đã đến lúc phải "giải quyết" thêm một thành viên hội đồng quản trị nữa. Vào ngày 4-10- 1951, Moretti bị bắn hai phát vào trán tại nơi mà hắn thường lui tới, Joe's Elbow Room ở Cliffside, New Jersey.
Trong báo cáo cuối cùng của mình, ủy ban Kefauver đang lần theo dấu vết của nhiều tổ chức tội phạm Mỹ đến những nghiệp đoàn có thâm niên người Sicilian, bọn Mafia. Tuy nhiên, Kefauver nhận ra rằng tên tội phạm có quyền lực mạnh nhất ở Mỹ lại không phải là người Ý mà là Longy Zwillman - một người Do Thái, ủy ban của Kefauver hoạt động hết sức hiệu quả, đó là điều mà ai cũng thấy. Nhờ họ mà người Mỹ hiểu ra quy mô thực sự của hoạt động tội phạm có tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động chống lại chúng. Quan điểm chung của cộng đồng là chuyển sang phản đối những hình thức cờ bạc. Với việc làm tiêu tan kế hoạch hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc của bọn tội phạm ở các bang California, Massachusetts, Arizona và Montana, ủy ban đặt biệt của thượng viện rất được mọi người tín nhiệm. Kefauver kiến nghị ban hành luật cân đối với hoạt động trao đổi kết quả cờ bạc giữa các bang với nhau và được Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua.
Điều đáng ngạc nhiên là luật cấm này lại phát huy tác dụng. Sức ép của pháp luật đã làm cho công việc kinh doanh dịch vụ điện báo của bọn tội phạm bị phá sản. Có lẽ một phần nguyên nhân của thành công này là do dịch vụ điện báo trở nên lỗi thời khi máy phát hình bắt đầu xuất hiện. 50 năm sau, ý tưởng đã từng mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ của Payne chìm vào quên lãng.
Cuốn sách này đề cập đến một nguồn tài sản lạ lùng của dịch vụ điện báo xa xưa ấy. 12 dặm về phía tây nam thành phố West Orange, New Jersey, tại ngôi biệt thự mà Zwillman đã mua bằng tiền cờ bạc phi pháp, AT&T đã gây dựng nên một tổ chức gồm các chuyên gia lành nghề với nguồn tài sản độc quyền. Năm 1956, một nhà khoa học trẻ suy nghĩ về mối quan hệ hai mặt giữa AT&T với hoạt động đánh bạc và đã phát minh ra một hệ thống đánh bạc thành công nhất mọi thời đại.
Phần 1 ENTROPY1
Claude Shannon
Cuộc đời là một trò đỏ đen. Trên thế giới này có rất ít những điều chắc chắn, và trong việc tuyển mộ mang tính chuyên môn và cạnh tranh cao thì còn hiếm hoi hơn nữa. Claude Shannon là một người đáp ứng được những yêu cầu khắt khe cần thiết trong môi trường đó. Đây là lý do vì sao Viện
công nghệ Massachusetts (Massachusttes Institute of Technology - MIT) đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết để lôi kéo bằng được Shannon từ Phòng thí nghiệm Bell (Bell Labs) của AT&T và vì sao họ rất vui mừng khi Shannon bắt đầu công việc của một giáo sư thỉnh giảng tại MIT vào năm 1956.
Shannon đã làm những việc mà trên thực tế chứa một ai từng nghĩ đến kể từ sau thời kỳ Phục Hưng. Một mình ông đã phát minh ra môn khoa học mới rất quan trọng. Lý thuyết về thông tin của Shannon là một môn khoa học trừu tượng về sự giao tiếp qua máy tính, mạng Internet và tất cả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số khác. Toby Berger thuộc trường Đại học Cornell đã nhận xét về phát minh này như sau: "Người ta nói đó là một trong số ít lần trong lịch sử mà cùng lúc một người vừa tìm ra lĩnh vực mới, đặt ra những câu hỏi cần thiết, tìm ra cách chứng minh và vừa trả lời được tất cả những câu hỏi đó."
"Ngay khi gặp Shannon, tôi đã biết ông ấy là chuẩn mực của những gì mà một nhà khoa học cần có." Marvin Minsky của Viện công nghệ MIT nói. "Bất kể có chuyện gì xảy ra, ông ấy cũng vui vẻ đón nhận và đương đầu với nó bằng sự khéo léo đáng kinh ngạc -phẩm chất có thể được coi là một khái niệm chuyên môn mới - hoặc bằng một cái búa rồi đứng nhìn những mảnh gỗ của nó."
Có rất nhiều người ở Bell Labs và MIT so sánh trí tuệ của Shannon với Enstein. Một số người khác còn cho rằng so sánh như vậy là bất công - bất công với Shannon. Những phát minh của Enstein hầu như chẳng có tác dụng gì đối với cuộc sống của những con người bình thường. Còn những phát minh của Shannon thì được ứng dụng từ những năm 1950. Trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta, ý nghĩa của những thành tựu mà Shannon đạt được đôi khi không thể diễn đạt bằng lời. "Nó cũng giống như khi nói bảng chữ cái có tác dụng như thế nào đối với văn chương vậy" - Giáo sư Solomon W.Golomb thuộc trường Đại học Southern California quả quyết.
Shannon đã đưa ra ý tưởng rằng các máy tính nên sử dụng các con số nhị phân quen thuộc 0 và 1. Ông miêu tả cách thức những số nhị phân này có thể được biểu diễn trong các mạch điện. Dòng điện mức cao biểu diễn số 1, dòng điện mức thấp biểu diễn số 0. Bộ mã nhỏ nhất này có thể chuyển tải được từ ngữ, hình ảnh, tiếng động, đoạn phim hay bất kỳ dạng thông tin nào khác. Shannon là một trong số hai hay ba nhà phát minh đầu tiên nghĩ ra máy tính số điện tử. Nhưng đây chưa phải là thành tựu lớn nhất của Shannon.
Thành công lớn nhất của Shannon là lý thuyết thông tin. Đây là lý thuyết hoàn chỉnh nhất, tổng hợp tất cả những vấn đề mà những người đi trước đã đưa ra. Trong suốt những năm 1960, 1970 và 1980, hiếm có năm nào trôi qua mà không bị ảnh hưởng bởi bởi "xu hướng" kỹ thuật số khiến tầm ảnh hưởng của Claude Shannon trở nên rộng hơn bao giờ hết. Máy thu thanh bán dẫn, mạch tích hợp, các máy tính trung ương, hệ thống liên lạc vệ tinh, máy tính cá nhân, sợi quang, truyền hình có độ phân giải cao (HDTV), điện thoại di động, thực tế ảo, chuỗi DNA... về chi tiết thì Shannon hầu như không đóng góp gì vào việc tạo nên những phát minh này. Nhưng nếu nói trên một phạm vi rộng hơn thì toàn bộ thế giới điện tử hữu tuyến và vô tuyến đều kế thừa những thành tựu của Shannon.
Rất nhiều nhà báo và chuyên gia lúc bấy giờ đang cố gắng tạo nên thời đại của kỹ thuật số. Tên tuổi của Shannon cứ thế tăng lên. Trong công trình nghiên cứu lý thuyết thông tin được đăng năm 1948, Shannon đã liệt kê những học vị danh dự cho phần còn lại của cuộc đời. Tuy thế ông vẫn giữ thói quen treo áo khoác tô ga2lên cái giá để máy giặt khô ở nhà. Shannon là vị anh hùng trong thời đại vũ trụ cũng như thế giới của những câu chuyên viễn tưởng về máy tính. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đưa "bit" và "byte" - những đơn vị đo lường khó hiểu trong lĩnh vực điện tử của Shannon - trở nên quen thuộc và phổ biến hơn với mọi gia đình như "watt" và "calori" vậy.
Nhưng nếu như có một nhà báo hay một vị khách hỏi gần đây Shannon đang làm gì thì câu trả lời thường mang tính lảng tránh. Robert Fano, một người bạn lâu năm của Shannon đang làm cho MIT giải thích: "Khi cầm bút, ông ấy viết những bài báo thật hay. Khi nói, ông ấy có những bài phát biểu thú vị. Nhưng Shannon ghét những việc ấy".
Năm 1958, Shannon đồng ý làm việc lâu dài cho MIT trên cương vị một giáo sư chuyên ngành khoa học viễn thông và toán học. Hầu như ngay khi đến đây làm việc, "Shannon ít xuất hiện hơn. Ông cũng ít đưa ra những kết quả nghiên cứu mới", nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Samuelson của MIT
nhớ lại. Trên thực tế, Shannon chỉ làm việc cho MIT trong một vài kỳ mà thôi. Theo nhà nghiên cứu lý thuyết thông tin Peter Elias cũng thuộc MIT thì "nhiệm vụ của Claude là đưa ra một chuỗi bài giảng nghiên cứu về những lĩnh vực mà chẳng ai biết về chúng. Thế nhưng, công việc này đòi hỏi rất khắt khe về tốc độ, trên thực tế, mỗi tuần ông ấy phải hoàn thành một bài nghiên cứu."
Vì thế, chỉ sau một vài kỳ, Shannon đã cho MIT biết rằng ông không muốn tiếp tục giảng dạy ở viện này nữa. Và đối với MIT thì điều đó cũng không thành vấn đề. MIT chỉ là một trong số nhiều viện nghiên cứu lớn trên thế giới mà thôi.
Tuy nhiên, Shannon cũng không cho công bố nhiều bài nghiên cứu nữa. Trong khi đồng nghiệp của ông ở Bell Labs là John Nash có một trí tuệ khá tuyệt vời thì Shannon lại "có một lối suy nghĩ khá kì dị", David Slepian nói. Tài năng thiên bẩm của Shannon cũng tựa như của Leonardo, thường "nhảy cóc" từ đề tài nay qua đề tài khác, kết quả là có rất ít những đề tài hoàn
chỉnh. Shannon là một người cầu toàn, ông không thích công bố bất kỳ vấn đề gì khi mà tất cả những khúc mắc còn chưa được trả lời, ngay cả câu văn cũng phải thật hoàn thiện.
Trước khi chuyển đến MIT, Shannon đã xuất bản được 78 bài báo nghiên cứu khoa học. Thế nhưng từ năm 1958 đến 1974, ông chỉ xuất bản được 9 bài. Trong thập kỷ tiếp theo, trước khi căn bệnh Alzhmeimer đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Claude Shannon, tổng số tác phẩm nghiên cứu khoa mà ông cho xuất bản chỉ là một bài báo về trò tung hứng. Shannon cũng có một bài nghiên cứu nữa về khối Rubic nhưng không bao giờ được xuất bản.
Có một bí mật mà ở MIT ai cũng biết, đó là sau khi ngừng công việc nghiên cứu, một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 20 ấy dành tất cả thời gian để chơi đồ chơi. Paul Samuelson nói: "Một vài người tự hỏi không biết
có phái ông ấy bị suy nhược thần kinh hay không. Vài người khác thì cho rằng đó chỉ là một phần trong tính cách bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thích lánh mình."
Shannon là một người khá dè dặt và nhã nhặn, dường như không biết đến đố kỵ, thù hận hay tham vọng. Hầu hết những ai biết Shannon đều thấy quý mến con người này. Ông cao gần 1m 6, dáng người mảnh khảnh, thư sinh, ăn mặc gọn gàng. Ở tuổi trung niên, ông bắt đầu để râu quai nón và chăm sóc nó khá cẩn thận, khiến ông trông càng dạo mạo hơn.
Shannon thích nghe nhạc của vùng phía Nam nước Mỹ. Ông có thể tung hứng với 4 quả bóng một lúc và tiếc là bàn tay mình hơi nhỏ hơn bình thường, nếu không ông đã có thể tung 5 quả một lúc. Shannon tự miêu tả mình là một người vô thần và phi chính trị. Bằng chứng duy nhất về thái độ của ông đối với chính trị mà tôi tìm thấy trong những bài báo của ông là một bài thơ hài hước mà ông viết về vụ Watergate.
Phần lớn thời gian trong cuộc đời Shannon gắn với cây bút chì. Ông viết lên giấy những phương trình toán học, sơ đồ mạch điện, bản nháp những bài phát biểu mà ông sắp diễn thuyết hay những bài viết không bao giờ được xuất bản, phổ nhạc cho những bài thơ vui nhộn và những điều ghi nhớ kì quặc cho mình. Một trong những ghi chú đó là danh sách "Những niềm đam mê một thời", bao gồm cờ vua, xe đạp một bánh, tung hứng, thị trường chứng khoán, phả hệ học, chạy bộ, các nhạc cụ, nhạc jazz, và "tham gia vào giới giang hồ". Sở thích cuối cùng này quả là một sự khó hiểu đầy khiêu khích. Trong một cuộc phỏng vấn, Shannon đã kể một cách “đầy trìu mến" về lần đi xem các vũ công ở một sân khấu kịch tục tĩu như một gã trai trẻ.
Ở Bell Labs, Shannon nổi tiếng với trò đi xe đạp một bánh dọc các hành lang. Với tính cách của mình, việc lái chiếc xe đó thôi là chưa đủ, ông phải tìm mọi cách "giải phẫu" nó để tìm ra nguyên lý hoạt động và điều khiển nó. Ông tự hỏi chiếc xe đạp một bánh có thế nhỏ đến mức nào mà vẫn có thể lái được. Để giải đáp thắc mắc của mình, ông dựng một chuỗi những chiếc xe đạp một bánh theo thứ tự nhỏ dần. Chiếc nhỏ nhất cao 45,72 cm. Không ai có thể điều khiển được nó. Ông dựng tiếp một chiếc khác, bánh xe của nó được ông cố ý chế tạo không cân đối nhằm gây thêm khó khăn cho người lái. Cuối cùng, Shannon nói với một vẻ hài lòng về thành tích của mình, đó là vừa lái một chiếc xe một bánh xuống phòng họp của Bell Labs vừa tung hứng.
Shannon sinh ngày 30-4-1916 ở Petoskey, bang Michigan. Ông lớn lên ở Gaylord, một thị trấn với 3000 dân thuộc phía trên Michigan, có diện tích nhỏ đến mức chỉ cần đi bộ qua vài khu nhà là hết thị trấn. Cha của Shannon, cũng tên là Claude Ebvood Shannon, đã từng làm nhân viên bán hàng, nhà cung cấp đồ nội thất, nhân viên mai táng trước khi trở thành thẩm phán phụ trách những vụ liên quan đến di chúc. Ông cũng kinh doanh bất động sản, xây tòa nhà "Shannon Block" để cho thuê làm văn phòng trên phố Gaylord's Main. Năm 1909, ông kết hôn cùng Mabel Wolf, hiệu trưởng trường trung học của thị trấn. Con trai của thẩm phán Shannon ra đời khi ông đã bước sang tuổi 54. Ông là một người cha khá thờ ơ, thường đố con trai ngồi chơi với mấy bộ lắp ráp và mô hình đài radio.
Trong dòng máu của gia đình Shannon có sẵn truyền thống sáng tạo. Thomas Edison là bà con họ xa với gia đình. Ông của Shannon là người đã tự thiết kế một chiếc máy giặt tự động. Từ nhỏ đến lớn, Claude đều tự mày mò ra mọi thứ, mà hầu hết là do hoàn cảnh bắt buộc.
Một lần, khi còn bé, Shannon đã tự tạo ra một cái máy điện báo để nhắn tin cho một cậu bạn. Nhà cậu bé này cách nhà Shannon nửa dặm, Shannon không đủ tiền để mua dây diện. Một hôm, Shannon nhận thấy hàng rào ngăn cách giữa các nhà được làm từ dây thép gai. Và thế là cậu gắn những manip vào cuối mỗi hàng rào. Ý tưởng này đã đem lại kết quả. Tìm ra những giải pháp mạch lạc và ổn thỏa cho những vấn đề phức tạp là một khả năng đặc biệt của Shannon.
Shannon kiếm tiền bằng cách làm chân giao nhận cho Western Union. Năm 1936, ông hoàn thành bằng Cử nhân khoa học tại trường Đại học Michigan. Lúc này, ông hầu như không có chút khái niệm gì về việc muốn làm gì tiếp theo. Một lần ông bất chợt nhìn thấy một tấm bưu ảnh đính trên tường nói về việc Viện công nghệ Massachusetts đang cần một người làm công việc bảo dưỡng những chiếc máy phân tích vi phân mới. Shannon đã nộp đơn xin việc.
Ông gặp Vannevar Bush - người đã thiết kế ra chiếc máy, kỹ sư trưởng của MIT, một người đàn ông biết nhìn xa trông rộng, đeo kính và không bao giờ thiếu cái tẩu thuốc trên môi. Bush hay đưa ra những lời khuyên cho các vị chủ tịch công ty về tương lai rực rỡ huy hoàng của ngành công nghệ. Một trong những câu nói hài hước mà ông ưa thích là "mọi thứ sớm hơn bạn tưởng".
Lúc bấy giờ, chiếc máy phân tích vi phân của Bush là chiếc máy tính nổi tiếng nhất. Kích thước của nó bằng khoảng hai cái ga-ra ô tô cộng lại, hoạt động bằng điện, về cơ bản theo nguyên lý cơ học, có rất nhiều bánh răng, động cơ mô tô và cần trục. VỊ trí của những bánh răng và cần trục thể hiện các con số. Bất cứ khi nào có sự cố, các liên kết cơ học đều phải ngừng lại và phải sửa chữa bằng tay. Các bánh răng phải liên tục được bôi trơn, tỉ lệ giữa các bánh răng tương ứng với tỷ lệ của các con số. Đây là công việc của Shannon. Phải mất vài ngày hoạt động thì chiếc máy này mới có thể đưa ra một phương trình, sau đó muốn nó giải phương trình thì phải cung cấp thêm thông tin. Sau khi hoàn thành, chiếc máy vẽ một đồ thị bằng cách di chuyển cây bút trên tờ giấy được cố định trên một chiếc bảng.
Shannon hiểu rằng chiếc máy phân tích vi phân thực chất là hai cỗ máy.
Một máy tính cơ học được điều khiển bằng một máy tính điện năng. Suy nghĩ về chiếc máy này, Shannon nhận thấy các mạch điện có thể tính toán hiệu quả hơn so với những liên kết cơ học. Ông hình dung ra một chiếc máy lý tưởng với những con số có thể được biểu thị bằng trạng thái của những mạch điện. Sẽ không có gì cần phải bôi trơn hàng ngày, cũng không có gì để lo bị gãy.
Shannon đã học toán tử logic, một môn học mới lạ đối với các kỹ sư. Toán tử logic quan tâm đến những khái niệm đơn giản như TRUE (Đúng) hay FALSE (Sai) và những quan hệ logic như AND, OR, NOT, IF. Những quan hệ logic này có thể được kết hợp với nhau. Shannon nghiên cứu vất vả nhằm mã hóa từng khái niệm logic này vào một mạch điện. Khi thành công, ông vô cùng thích thú. Trên thực tế, ông đã chứng minh được rằng một chiếc máy tính điện kỹ thuật số có thể tính toán được bất cứ phép tính nào.
Ngay lập tức, Shannon công bố ý tưởng này vào năm 1937 (trong vài năm sau đó, ông không vội vã công bố bất kỳ điều gì nữa) và được đánh giá là ý tưởng quan trọng nhất mọi thời đại. Vannevar Bush bị ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi ông nhất quyết yêu cầu khoa toán phải chấp nhận Shannon tiến hành làm luận án tiến sĩ - một điều rất cần thiết nếu muốn trở thành một kỹ sư điện giỏi.
Một đồng nghiệp của Bush là Norbert Wiener cũng có ấn tượng mạnh mẽ với Shannon. (Khi Wiener có ấn tượng không tốt với ai đó, mà chuyện này thường xảy ra, ông có thói quen viết một câu chuyện châm biếm về họ vào một quyển truyện của mình và không bao giờ xuất bản. Bush cũng có mặt trong quyển truyện này). Wiener nhận thấy sự ưu việt ở cách tính kỹ thuật số của Shannon so với máy tính tương tự của Bush. Với sự ủng hộ của hai nhà khoa học nổi tiếng này, Shannon bắt đầu nổi tiếng trong giới trí thức ở tuổi 21.
Tuy nhiên, Bush cũng bày tỏ sự lo ngại về Shannon. Ông cảnh báo với một đồng nghiệp như đã viết năm 1939: "Dường như Shannon là một thiên tài, rõ ràng không giống với những thanh niên bình thường. Anh ta quá dè dặt, quá kín đáo, quá nhã nhặn. Kiểu người như thế sẽ bị loại ra khỏi đường đua một cách dễ dàng."
Bush tin Shannon là một tài năng bậc nhất trên thế giới, một tài năng có thể đi theo bất kì chiều hướng nào. Bush sợ rằng Shannon sẽ không thể tự định hướng trong công việc. Có đôi chút mỉa mai trong lời nhận xét này, vì đối với Bush, cháu của một thuyền trưởng, việc phải tuân theo lời chỉ bảo
của bất cứ ai thật không dễ dàng gì.
Bush tự bổ nhiệm mình làm thầy hướng dẫn của Shannon. Quyết định đầu tiên và duy nhất mà ông đưa ra cho sự nghiệp của Shannon là một lời khuyên hơi khác thường. Ông gợi ý Shannon nên làm luận án tiến sĩ về di truyền học. Ngày nay, đây có thể không phải là một ý tưởng quá kì cục vì "DNA là một chuỗi thông tin" đang là câu cửa miệng của tất cả mọi người.
Thế nhưng, lúc bấy giờ, không một ai nghĩ đến điều này. Cấu trúc chuỗi DNA vẫn còn là một bí ẩn. Chính xác hơn thì Shannon chẳng biết gì về di truyền học cả.
Shannon đọc một ít sách rồi nhanh chóng tự mình hoàn thành một bản luận án nháp. Bush chuyển bản nháp này cho một vài nhà di truyền học mà không cho Shannon biết. Tất cả những nhà khoa học này đều đồng ý đây là một bước tiến bộ lớn. vấn đề đã được quyết định. Bush giúp Shannon thiết lập mối quan hệ với Barab Burks, người điều hành Văn phòng nghiên cứu thuyết ưu sinh (The Eugenics Record Office) ở Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor, Long Island. Văn phòng này là một trong những nơi cuối cùng còn nghiên cứu về thuyết ưu sinh đang "hấp hối". Điều quan trọng đối với Shannon là ở đây có những ghi chép có quy mô lớn nhất thế giới về những kế thừa sinh học. Ví dụ : trong nhiều năm, tổ chức này đã gửi cộng tác viên đến các rạp xiếc để phỏng vấn những chú lùn và phác họa lại dòng giống của họ. Văn phòng này đã ghi chép và miêu tả lại những di truyền về các thuộc tính như màu tóc, bệnh máu không đông, sự kém thông minh và tình yêu với biển ở những người lùn.
Trong thời gian ở phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor, Shannon nhận thấy sự liên quan về mặt toán học giữa thuyết di truyền học của Melden và thuyết tương đối của Einstein (!). Phát hiện đáng ngạc nhiên này đã trở thành nền tảng cho luận án của ông, có tựa là "Đại số học dành cho thuyết di truyền". Hầu như tất cả những ai được đọc luận văn này đều nghĩ rằng đây là một bài luận xuất sắc. Thực ra hiếm có người nào đọc nó một cách thực sự. Sau khi lấy được bằng tiến sĩ, theo thói quen không tốt của mình, Shanon từ bỏ ngành sinh học. Các kết quả nghiên cứu của ông không bao giờ được công bố trên báo chí, bất chấp ý muốn của ông và Bush muốn làm điều đó. Thành tựu quan trọng nhất của Shannon trong lĩnh vực này chỉ được các nhà di truyền học khám phá ra trong khoảng 5 đến 10 năm sau đó.
Tháng 10 năm 1939, Shannon gặp Norma Levor, nữ sinh trường Radcliffe trong một bữa tiệc của MIT. Levor luôn nhớ đến Shannon như một chàng trai "rất dễ thương" đứng ở cửa ra vào, trông có vẻ xa cách lạ thường.
Cô thu hút sự chú ý của Shannon bằng cách ném một túi bỏng ngô cho chàng trai. Họ nói chuyện, rồi hẹn hò. Norma khi ấy 19 tuổi và rất xinh đẹp, là con gái của một gia đình thuần Do Thái giàu có ở New York. Những nữ sinh trường Radcliffe không được phép cho bạn trai vào phòng mình, vì thế họ phải hẹn nhau ở phòng để máy phân tích vi phân - một nơi không ai nghĩ tới. 10-1-1940, Norma và Claude làm lễ cưới ở Boston và hưởng tuần trăng mật ở New Hampshire. Khi Shannon đến đặt phòng ở một khách sạn, người ta nói với ông: "Ở đây hai người sẽ không được vui vẻ đâu." Shannon có những nét giống Đức chúa, Norma nhớ lại, điều này hẳn đã khiến người quản lý nghĩ ông là người Do Thái. Họ đi đến một nơi khác.
Tháng Ba, Shannon mới viết thư cho Bush thông báo về lễ cưới. Ông nói hai người đã chuyển đến một ngôi nhà ở Cambridge và cuộc sống vẫn chưa thực sự ổn định. Trong thư, Shannon cũng nói với Bush về ý tưởng mới mà mình đang nghiên cứu: tìm ra cách tốt hơn để thiết kế kính hiển vi. "Thầy có nghĩ ý tưởng này đáng để bỏ công sức ra nghiên cứu không?" Shannon hỏi Bush. Ông lưu ý là Thornton Fry của Bell Labs đã ngỏ ý mời ông đến làm việc. Shannon viết: "Em không chắc là công việc đó sẽ hấp dẫn với em, vì có vài hạn chế ở một tổ chức công nghiệp như thế, ví dụ như việc phân loại những lĩnh vực nghiên cứu chẳng hạn."
AT&T đang chuyển phần lớn những phòng nghiên cứu từ Man-hattan đến một khu ngoại ô rộng lớn ở Murray Hill, New Jersey. Shannon trải qua một mùa hè làm việc ở khu Greenwich Village của Bell Labs. Norma nhớ đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi của họ. Cô và Claude thường xuyên đến các quán nhạc jazz. Điểm đến tiếp theo của họ là Viện Nghiên cứu cao cấp (Institute for Advanced Study) ở Princeton. Nơi đây là quê nhà của Einstein, Godel và von Neumann. Shannon làm việc dưới quyền của Hermann Weyl, nhà vật lý và toán học. Ông nghiên cứu về hình học topo.
Công việc không đạt được kết quả gì. Shannon bỏ ngang và chuyển sang làm việc với Warren Weaver ở Phòng nghiên cứu và phát triển khoa học Mỹ, giúp nhà khoa học tính toán đường dạn của súng đại bác cho quân đội. Weaver tỏ ra khen ngợi Shannon, nhưng công việc này cũng không kéo dài lâu. Cuộc hôn nhân của Shannon tan vỡ. Norma nhận thấy một sự xáo trộn trong Claude khi họ chuyển tới Princeton. Tính dè dặt của Shannon ngày một tăng, đến mức gần như một căn bệnh. Các nhà nghiên cứu của viện nghiên cứu được phép có một khoảng thời gian riêng tư để làm những gì họ thích. Shannon chọn được làm việc ở nhà. "Anh ấy chọn như vậy vì không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai nữa," Norma nói, Cô đã cố gắng thuyết phục
Shannon tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý nhưng ông từ chối. Sau một cuộc tranh cãi kịch liệt, Norma bỏ chạy ra ga Princeton, bắt chuyến tàu đến Manhattan. Cô không bao giờ trở lại với Claude hay quay về Princeton nữa.
Claude hoàn toàn bị suy sụp. Weaver viết cho Bush và nói rằng "trong một thời gian, cậu ấy dường như bị kiệt quệ một cách đáng lo ngại và đau lòng".
Ở giai đoạn giữa thời kỳ khủng hoảng tinh thần của Shannon, Thornton Fry nhắc lại lời đề nghị đến làm việc ở Bell Labs ngày trước. Shannon đồng ý. Một lần nữa, trí thông minh "đa năng" của Shannon lại hướng đến một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.
Dự án X
Nó được gọi là dự án X. Mãi đến năm 1976, dự án này mới được tiết lộ và đây là một nỗ lực chung của cả Bell Labs và Trường Mật mã và Kí hiệu Anh quốc đặt tại Bletchley Park, miền bắc Luân Đôn. Nội dung của kế hoạch X mang tính cạnh tranh với nội dung của dự án Manhattan, do một nhóm các nhà khoa học Anh và Mỹ đảm nhận, không chỉ có Shannon mà cả Alan Turing tham gia. Họ đang xây dựng một hệ thống gọi là SIGSALY. Đấy không phải là chữ viết tắt của một cái tên nào mà chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên của một nhóm chữ cái nhằm làm cho người Đức lúng túng nếu như họ có nghiên cứu về nó.
SIGSALY là chiếc điện thoại vô tuyến và có thể đổi tần số kỹ thuật số đầu tiên. Mỗi chiếc SIGSALY là một cỗ máy tính có kích cỡ bằng một căn phòng, nặng 55 tấn với một phòng riêng biệt dành cho người sử dụng và một hệ thống điều hòa không khí để ngăn không cho các đèn điện tử chân không của máy bị nóng chảy. Chiếc máy này là giải pháp giúp các nhà lãnh đạo phe đồng minh nói chuyện với nhau một cách thoải mái mà không lo bị kẻ thù nghe trộm. Phe Đồng minh đặt một chiếc SIGSALY ở Lầu Năm Góc cho Roosevelt và một chiếc khác ở tầng hầm của một cửa hàng Selfridges cho Churchill. Hai chiếc nữa được đặt ở Bắc Mỹ cho Field Marshal Montgomery và ở Guam cho tướng MacArthur.
SIGSALY sử dụng một hệ thống mật mã duy nhất được coi là không thể bẻ gãy - mật mã "mã hóa một lần". "Từ khóa" dùng cho một tín nhắn được xáo trộn và mã hóa một cách ngẫu nhiên. Chìa khóa để giải mã bao gồm một dãy những chữ cái hay chữ số được sắp xếp không theo một quy luật nào, do đó thông tin của chìa khóa cũng là ngẫu nhiên, không chứa đựng bất kì một quy luật nào có thể dựa vào đó mà giải mã. Vần đề của mật mã "mã hóa một lần" này là chìa khóa phải được người đưa tin chuyển đến tất cả những người đang sử dụng hệ thống, một thách thức thực sự trong thời chiến.
SIGSALY mã hóa dữ liệu âm thanh tốt hơn dữ liệu văn bản. Chìa khóa của nó là một đĩa nhựa ghi những "tiếng ồn trắng" ngẫu nhiên. Khi thêm những "tiếng ồn trắng" này vào giọng nói của Roosevelt sẽ khiến giọng nói rít lên như tiếng huýt gió, không thể nào hiểu được. Cách duy nhất để xác định Roosevelt nói gì là đem so sánh những tiếng ồn với một đĩa nhựa và "loại bỏ" những đoạn giống nhau. Sau khi gõ đúng con số mà chia khóa yêu cầu, đoạn băng gốc bị phá hủy, những bản sao trên đĩa LP sẽ được những người đứa tin đáng tin cậy chuyển đến các nơi đặt máy SIGSALY. Điều tối quan trọng là những chiếc máy đọc đĩa của SIGSALY phải chạy ở cùng một
tốc độ với sự chính xác tuyệt đối. Khi một chiếc bị sai lệch nhẹ, lập tức tiếng động đưa ra sẽ bị thay bằng tiếng ồn.
Alan Turing đã bẻ gãy được bộ mã "Enigm" của người Đức, giúp phe Đồng minh có thể nghe trộm được những mật lệnh của người Đức. Mục đích của SIGSALY là đảm bảo không cho người Đức làm được điều ngược lại với phe Đồng minh. Một phần công việc của Shannon là chứng minh rằng hệ thống này thực sự bất khả xâm phạm đối với bất cứ người nào không có chìa khóa giải mã trong tay. Nếu thiếu cơ sở đảm bảo về mặt toán học này, những tướng lĩnh quân Đồng minh sẽ không thể nào liên lạc với nhau một cách thoải mái. SIGSALY đã lần đầu tiên áp dụng một vài ý tưởng của Shannon vào thực tế, trong số đó có những ý tưởng liên quan đến phương pháp điều biến mã xung (pulse code modulation - một phương pháp được sử dụng để biến đổi tín hiệu tương tự ở lối vào thành tín hiệu số tương ứng, không bị nhiễu). AT&T đã cấp bằng sáng chế và thương mại hóa nhiều ý tưởng của Shannon trong thời kỳ hậu chiến.
Sau đó, Shannon nói rằng việc nghiên cứu về cách thức che giấu thông tin bằng tiếng động ngẫu nhiên, đã thúc đẩy tiến trình xây dựng lý thuyết thông tin. Ông nói: "Một hệ thống bảo mật cũng gần như giống hệt một hệ thống liên lạc bằng tiếng động". Hai hướng nghiên cứu này "có mối liên hệ mật thiết đến nỗi bạn không thể tách rời chúng được".
Năm 1943, Alan Turing đến thăm phòng nghiên cứu của Bell Labs ở New York. Hằng ngày, Turing và Shannon đều có những cuộc trò chuyện trong quán cà phê ở nơi làm việc. Shannon thông báo với Turing rằng ông đang theo đuổi cách thức để đo lường được thông tin. Óng sử dụng một đơn vị đo lường gọi là "bit" và nói đây là ý tưởng đặt tên của John Tukey, một nhà toán học khác ở Bell Labs. “Bit" là chữ viết tắt của "binary digit" - "số nhị phân". Theo Shannon định nghĩa, bit là một tổng lượng thông tin cần thiết để phân biệt giữa hai kết quả cho ra ngang nhau.
Turning nói với Shannon rằng anh vừa nảy ra ý tưởng về một đơn vị gọi là "ban", là tổng lượng dữ liệu làm tăng khả năng chính xác của một dự đoán lên gấp 10 lần. Nhà mật mã học người Anh lấy ý tưởng này một phần từ việc giải mã hệ thống mật mã Enigma của người Đức. "Ban" xuất phát từ "Banbury", tên thị trấn đã sản xuất ra những tờ giấy mà đội mật mã sử dụng.
Chính "bit" chứ không phải "ban" đã làm thay đổi thế giới, chính xác là từ năm 1948. Sau chiến tranh, Shannon vẫn tiếp tục làm việc cho Bell Labs. Một hôm, ông đặt một bản kế hoạch kì lạ lên bàn làm việc của đồng nghiệp
và hỏi đây là cái gì. William Shockley - tên của nhà nghiên cứu, trả lời: "Nó là một chiếc máy tăng âm chỉ dùng bán dẫn".
Đó là thiết bị bán dẫn (transistor) đầu tiên trên thế giới. Shockley nói với Shannon rằng chiếc máy khuếch đại này có thể làm bất kì điều gì mà đèn điện tử chân không có thể làm được.
Nó rất nhỏ. Shannon nhận thấy thiết bị mới này hoạt động bằng cách cho các chất khác nhau tiếp xúc với nhau. Nó có thể nhỏ như mong muốn, miễn là trong phạm vi các chất còn tiếp xúc được.
Bóng bán dẫn là một công cụ rất hữu ích có thể biến nhiều ứng dụng trong lý thuyết của Shannon vào thực tế. Sự việc tình cờ này xảy ra vào cuối năm 1948 hoặc đầu năm 1948, trước khi Bell Labs công bố phát minh về bóng bán dẫn vào ngày 30/6 và chỉ cách thời điểm lý thuyết thông tin kinh điển của Shannon xuất hiện.
Có một vụ xì căng đan nhỏ liên quan đến những tài liệu này.
Shannon cho đăng bài báo "Một lý thuyết toán về truyền thông" trên tạp chí Bell System Technical năm 1948. Khi đó ông 32 tuổi. Phần lớn công việc liên quan đến lý thuyết thông tin đều được hoàn thành từ nhiều năm trước đó, trong khoảng từ 1939 đến 1943. Shannon chỉ kể cho một số người về công việc mà ông đang tiến hành. Theo thói quen, ông làm việc một mình trong văn phòng lúc nào cũng đóng kín cửa. Khi biết công trinh này, những người ở Bell Labs lấy làm ngạc nhiên vì Shannon đã đạt được một kết quả quan trọng như vậy và họ muốn tham gia vào. Điều đó chẳng khác gì một phát minh khoa học, và họ thúc giục Shannon công bố lý thuyết này. Shannon nhớ lại quá trình hoàn thành công trình như một cơn ác mộng. Ông khẳng định việc mình xây dựng lý thuyết này nằm ngoài sự tò mò thuần túy, đó là khát vọng vươn tới những công nghệ tiên tiến hay hoàn thiện sự nghiệp của mình.
Năm 1948 cũng đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống riêng của Shannon. Shannon thường lui tới văn phòng của John Pierce để trò chuyện. Pierce đang nghiên cứu về ra-đa và được biết đến như một người hâm mộ cuồng nhiệt thể loại tiểu thuyết khoa học. Trong những lần tới văn phòng này, Shannon đã gặp trợ lý của Pierce, Mary Elizabeth Moore. "Betty" Moore đang tham gia trực máy tính cho nhóm toán học, các thao tác được thực hiện trên một cái máy tính bàn kiểu cũ. Moore rất hoạt bát, có khả năng làm mọi thứ theo cách "Rosie-the-Riveter", có thể dùng máy khoan, máy tiện
trong xưởng máy của phòng thí nghiệm. Cô có sức hấp dẫn và là một trong ba phụ nữ duy nhất làm việc ở đây. ("Một người đã có chồng còn người kia đã 50 tuổi", Betty nhớ như vậy.) Cô và Claude hẹn hò lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1948. Ngày 27-3-1949, họ cưới nhau.
Shannon bắt đầu dạy ở MIT vào học kỳ mùa xuân năm 1956. Lúc đầu công việc này chỉ mang tính tạm thời, và có ít nhất một người bạn ở Bell Labs (John Riordan) hiểu rằng có một lý do không được nói ra đằng sau việc này. Người ta đoán Shannon chuyển sang dạy học ở MIT là để có nhiều thời gian rảnh hơn cho việc viết sách về lý thuyết thông tin.
Trong một bức thư gửi cho Hendrik Bode, sếp của mình tại Bell Labs, Shannon viết: "Tôi đang có một khoảng thời gian hết sức vui vẻ tại MIT. Đề tài đang tiến triển rất tốt nhưng khối lượng công việc rất lớn. Ban đầu tôi chỉ mong có một nhóm nhỏ khoảng 8 đến 10 sinh viên giỏi, thế nhưng ngay ngày đầu đã có tới 40 người đến đăng ký, trong đó có cả các giảng viên của MIT, Harvard..."
Chỉ sau vài tháng ở MIT, Shannon gửi Bode đơn xin thôi việc tại Bell Labs và chuyển sang giảng dạy tại MIT. Ông thấy mình và Betty thích cuộc sống trí thức và nền văn hóa của Cambridge. "Những vị khách nước ngoài thường dành cả ngày ở Bell Labs nhưng lại dành đến 6 tháng ở MIT. Điều này đem lại những cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng thực tế. Khi tính đến tất cả những thuận lợi và khó khăn, tôi thấy Bell Labs và môi trường chuyên môn cao ở đây đều quan trọng như nhau, nhưng 15 năm tại Bell Labs khiến tôi cảm thấy mình trở nên hơi nhàm chán và làm việc kém hiệu quả hơn. Tôi nghĩ một sự thay đổi về môi trường nghiên cứu và những đồng nghiệp mới sẽ kích thích tôi làm việc tốt hơn." - Shannon giải thích với Bode.
Shannon tiếp cận MIT với đề nghị về một công việc ổn định và lâu dài tại đây. Tiền bạc không phải là vấn đề. Bell Labs đã đề nghị một mức lương vô cùng hấp dẫn nhưng Shannon từ chối (ông vẫn tiếp tục cộng tác với Bell Labs cho tới tận năm 1972). Mức lương khởi điểm của ông tại MIT là 17.000 đô la một năm.
Shannon chỉ ưa thích sự khích lệ tại MIT ở một chừng mực nào đó. Thường thì ông làm việc hiệu quả nhất khi chỉ có một mình. Có lẽ ông đã đánh giá thấp mức độ phiền toái mà danh tiếng của một "huyền thoại sống" như ông đem đến khi ở ngôi trường rộng lớn giữa thành phố này. Shannon "bắt đầu ít xuất hiện, cứ như là ông ta biến mất vậy." - Robert Fano nhớ lại.
Shannon nhận một vài sinh viên có bằng Tiến sĩ. Họ thường phải gặp ông ở nhà riêng để nghe ông chỉ bảo. Một sinh viên tên là William Sutherland nhớ mình đã hơn một lần đến nhà Shannon trong khi ông đang luyện kèn ô-boa. Betty kể: "Ông ấy ngủ bất kì khi nào thấy buồn ngủ và thường ngồi hàng giờ ở cái bàn ăn và suy nghĩ."
Shannon không còn cho xuất bản những công trình nghiên cứu của mình nữa. Cuốn sách mà ông nói đến không bao giờ được hoàn thành. Những tài liệu của ông ở Thư viện Quốc hội không có gì ngoài mấy bản viết tay liên quan đến kế hoạch này.
Người đi tiên phong trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo Marvin Minsky cho rằng Shannon ngừng những công việc liên quan đến lĩnh vực thông tin vì ông cảm thấy những gì cần phải chứng minh đều đã được hoàn thành. Sự độc lập trong công việc là điều mà không ai hơn được Shannon. Ý Fano muốn nói đây là một hiện tượng không bình thường. Trong một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, khi một nhà khoa học về lý thuyết thông tin đề cập đến một lỗi sai nào đó với Shannon, (a) - ông đã biết về lỗi đó, và (b) - ông đã sửa lại, nhưng không có ý định thông báo điều đó.
"Tôi chỉ theo đuổi và phát triển những sở thích khác nhau của bản thân. Vì cuộc sống luôn luôn thay đổi nên bạn cũng sẽ phải thay đổi hướng đi của mình."- Shannon nói về sự phóng túng trong cách làm việc của mình.
Một trong những sở thích này là trí thông minh nhân tạo. Shannon tổ chức cuộc hội thảo chuyên môn đầu tiên về đề tài này ở Dartmouth, năm 1956. Tiếng tăm của Shannon là một yếu tố khiến người ta quan tâm nhiều đến đề tài này. Một vài thiết bị mà Shannon tạo nén, bao gồm chiếc máy tính biết chơi cờ đầu tiên và một chiếc máy thông minh khác, là những viên gạch đầu tiên trong lịch sử của môn học máy (machine learning). Shannon là một người ăn nói lưu loát, có tầm nhìn đủ để biết điều tuyệt vời nào có thể thành hiện thực đồng thời cũng thực tế để hiểu rằng chúng sẽ không xuất hiện trong cuộc đời ông. Ông có tài thiên bẩm trong việc né tránh những câu hỏi vụng về vẫn thường thấy:
Hỏi: Ông có nghĩ những con rô bốt sẽ đủ thông minh để làm bạn với con người không?
Trả lời: Tôi nghĩ là được. Nhưng tương lai ấy vẫn còn khá xa. Hỏi: Ông có thể tưởng tượng ra một rô bốt làm Tổng thống Mỹ sẽ như
thế nào không?
Trả lời: Có, tôi có thể tưởng tượng được. Còn bây giờ tôi nghĩ anh không nên nói về Hoa Kỳ nữa. Đó là một vấn đề hoàn toàn khác.
Rất nhiều thư từ, tài liệu, điện thoại từ những nhà khoa học nổi tiếng thế giới để về văn phòng của Shannon. Họ muốn Shannon duyệt hộ một bài báo hay viết cho họ một bài, muốn mời ông đến nói chuyện, bày tỏ quan điểm hay cho một lời khuyên. Shannon từ chối hết những lời đề nghị, yêu cầu này. Khi tên tuổi của Shannon được công chúng biết đến một cách rộng rãi, ông bắt đầu nhận được những lá thư từ các trường học đang xây dựng dự án khoa học cho những người trẻ và những kẻ lập dị theo đuổi nhiều ý tưởng hoang đường về khoa học, máy tính và công ty điện thoại ("Thưa ngài" -dòng mở đầu một lá thư, "Con rô bốt Bel của ngài, một biểu tượng (Daniel 14) trong Kinh thánh, là một cỗ máy quái vật,... Ông đang chế tạo nên một kẻ phản bội, giúp sức cho Tổng thống Hoa Kỳ và FBI bằng cách để cho con rô bốt lừa gạt mình. Tôi sợ là mình sẽ phải kiện công ty Điện thoại New York và tôi sẽ làm nếu như ông không thức tỉnh").
Thỉnh thoảng CIA và các cơ quan khác vẫn tìm đến Shannon mỗi khi gặp phải khó khăn trong việc giải những bức mật mã. Shannon đã lịch sự nhắc họ rằng mình đã nghỉ hưu. Trong một bức thư của Philip H.McCallum - một nhân viên CIA viết năm 1983 có đoạn: "Chúng tôi hoàn toàn không lựa chọn ngài một cách ngẫu nhiên. Chúng tôi cần một bộ óc siêu phàm với những ý tưởng độc đáo và chúng tôi phải chấp nhận rằng ngài luôn luôn là người đầu tiên mà chúng tôi nghĩ tới... Mặc dù chúng tôi hiểu rằng ngài không quan tâm tới tiền bạc, nhưng chúng tôi vẫn sẽ trả tiền thù lao cho ngài."
Shannon không thích trả lời một lá thư đến khi nào ông soạn được một câu trả lời hoàn hảo. Để làm được điều này phải mất một thời gian, vì thế ông sắp xếp những lá thư thành từng ngăn một, trên đó có dán những cái nhãn như "Thư chứa trả lời quá lâu". Những lá thư này hiện được lưu giữ cẩn thận cùng các tài liệu khác của Shannon ở Thư viện Quốc hội, rất nhiều lá vẫn còn đợi được hồi âm.
Khi về nghỉ hưu sớm và không chính thức, Shannon mới 40 tuổi. Sau Shannon là một nhân viên khác của MIT, Bartleby, người có câu trả lời rất cá tính "Tôi không thích làm công việc này nữa" -nghĩa là công việc của một thư ký phòng quản lý những lá thư không ai nhận.
Emmanuel Kimmel
Emmanuel Kimmel sống ở nước Mỹ nhưng khác với nước Mỹ của Claude Shannon. Kimmel sinh vào khoảng năm 1898 - ngay cả con trai ông ta cũng không biết năm sinh chính xác. Có một câu chuyện không biết thực hư thế nào kể rằng cậu bé "Manny" Kimmel bị bắt cóc trên một chiếc tàu thủy và không bao giờ được gặp lại cha mẹ mình nữa. Cậu nhảy lên một chuyến tàu ở Orient và tìm được công việc dọn phân trên một con tàu khác chở gia súc. Bằng cách nào đó Kimmel đã tìm được đường về Mỹ. Những ngày tháng trai trẻ còn lại của Kimmel trôi qua trên con phố Prince nằm trong khu Do Thái ở Newark. Ở đó, Kimmel kết bạn với "Der Langer".
Der Langer ("Cao kều") cao khoảng 1m9, hơn hẳn Kimmel và phần lớn những người Đông Âu nhập cư khác. Tất cả mọi người đều coi anh ta như một vị cứu tinh. Thỉnh thoảng bọn nhóc người Ai Len thường đến quậy phá đám dân buôn trên phố Prince, lật đổ xe đẩy hàng rong hay giật mũ của những người đàn ông Do Thái và lấy đó làm chiến tích. Những lúc đó, mọi người lại cầu cứu Der Langer. Der Langer và người của anh ta sẽ đến nơi chỉ sau vài phút và tẩn cho bọn trẻ con Ai Len đó một trận nên thân.
Khi trưởng thành, Der Langer bước vào một thế giới rộng lớn hơn, nơi mọi người không phải lúc nào cũng nói chuyện bằng thứ tiếng Idit . Tên gọi thời niên thiếu được rút gọn lại thành "Longy" -Abner "Longy" Zwillman.
Từ những gì đã thấy trên đất Mỹ, Zwillman rút ra kết luận là chỉ có hai con đường kiếm ra tiền. Một là làm chính trị, hai là chơi cờ bạc. Và Zwillman quyết định chọn con đường cờ bạc. Manny Kimmel đi theo.
Lĩnh vực mà hai người chọn là trò "numbers racket" (thủ thuật số) hay còn gọi là "policy racket", một dạng xổ số bất hợp pháp rất phổ biến trước khi xổ số liên bang ra đời. Người chơi đặt tiền vào một số có 3 chữ số'. Mỗi ngày sẽ có một trong 1000 số có 3 chứ số được đưa ra. Người chơi may mắn nào bắt trúng con số đó sẽ nhận lại một khoản tiền gấp 600 lần tiền đặt cược. Zwillman và công ty của hắn sẽ "thiến" 400 đô la trong mỗi 1000 đô la tiền được nhận đó.
Vào thời đó, con số được chọn là hoàn toàn ngẫu nhiên. Một trợ lý của Zwillman là "Doc" Stacher nhận xét mức độ ngẫu nhiên của con số trúng thưởng càng bé thì lợi nhuận thu về càng lớn. Năm 1919, theo gợi ý của Stacher, Zwillman lập nên một cơ chế hoạt động mới. Sau khi đã tổng kết tất cả những con số được đặt trong ngày, nhân viên của hắn sẽ quyết định xem
con số nào có số tiền đặt cược thấp nhất. Đó sẽ là con số trúng thưởng.
Cứ theo cách này thì việc quay vòng vốn là quá đơn giản. Phần khó khăn là làm sao để dàn xếp ổn thỏa với các băng đảng cạnh tranh và chính quyền. Trong cả hai việc này Zwillman được coi như một chuyên gia. Một tên tội phạm dưới quyền Zwillman tên là Leo Kaplus bắt đầu đòi can thiệp vào việc lựa chọn con số trúng thưởng và phải nhận ngay một lời cảnh cáo. Kaplus đáp lại rằng sẽ cho "của quý" của Zwillman nếm mùi đau đớn để dạy hắn một bài học.
Zwillman khăng khăng muốn tự mình rửa mối nhục vì bị lăng mạ này. Hắn lừa Kaplus đến một quầy bar ở Newark và nã vào mỗi bên tinh hoàn của gã này một viên đạn.
Kaplus được đưa ngay đến phòng cấp cứu của bệnh viện Beth Israel. Người ta đã phẫu thuật để lấy hai viên đạn ra. Rồi người của Zwillman xuất hiện và yêu cầu bác sĩ đưa cho hắn hai viên đạn. Vị bác sĩ nghe theo. Tất nhiên gã côn đồ này đã làm những gì cần phải làm với viên đạn "chứng cứ" - vật duy nhất chứng minh Zwillman gắn với vụ nổ súng.
Năm 1920, Quốc hội Mỹ đã trao cho Zwillman một công cụ làm tiền còn hiệu quả hơn rất nhiều so với mánh khóe xổ số cũ. Đó là Volstead Act, điều luật cấm bán thức uống có cồn. Zwillman xoay sang nghề bán rượu lậu. Kimmel, người đang sở hữu nhiều ga ra ô tô ở Newark, đã cho Zwillman thuê chúng để làm kho chứa hàng lậu. Người ta ước tính rằng, đám đệ tử cửa Zwillman đã nhập khẩu đến 40% tổng lượng rượu từ Canada vào Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ lệnh cấm có hiệu lực. Trong thập kỷ tiếp theo, Zwillman đã lấy của nhà nước ít nhất 20 triệu đô la từ việc làm ăn này mà không hề trả một đồng thuế nào.
Sự giàu có từ việc buôn rượu lậu đã đem lại cho Zwillman một cái tên mới "Al Capone của New Jersey". Đây hẳn là một sự sỉ nhục đối với hắn. Dù là một kẻ tàn bạo hung dữ nhưng vẫn có những mặt ở Zwillman mà Capone không có. Zwillman rất am hiểu về nghệ thuật, sách và nhạc opera. Hắn ăn mặc rất lịch sự và chuộng xe ô tô của "Chrysiers &Buicks" - những nhà sản xuất ô tô của Mỹ chứ không phải những kiểu xe thời thượng.
Đối với những ai hay đọc những câu chuyện lá cải trên báo chí thì Zwillman là một người cha tuyệt vời của nữ diễn viên Jean Harlow. Chính Zwillman là người đã gián tiếp thuê hoặc đút lót cho Harry Cohn - giám đốc hãng phim Columbia Pictures 500.000 đô la để đảm bảo một bản hợp đồng
hai bộ phim dành cho nữ diễn viên chưa nổi Harlow. Cô vào vai nhân tình của một tay anh chị trong phim "Public Enemy" (1931). Zwillman đã thương yêu cô con gái có mái tóc màu bạch kim suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời cô. Hắn đã rất đau buồn khi nghe Jeanette MacDonald và Nelson Eddy hát bài "Ôi, Bí mật ngọt ngào của cuộc sống" trong đám tang của con gái mình.
Manny Kimmel cũng học được sự nhạy bén trong kinh doanh của Zwillman. Kimmel nhận thấy xe hơi đang ngày càng trở nên phổ biến đối với tầng lớp trung lưu và dân lao động. Ở Newark, những người thuộc thành phần này thường ở trong các căn hộ hoặc nhà tập thể, nơi không có ga-ra hay một khoảng đất trống để đậu xe. Vì thế Kimmel đã đầu tư vào ga-ra và bãi đậu xe hơi.
Câu chuyện bắt đầu từ một lần Kimmel thắng cược lớn trong trò súc sắc. Đối thủ của hắn đã nướng hết sạch tiền và phải đem bãi đậu xe mà mình đang làm chủ ra để trả. Kimmel không còn sở hữu bãi đậu xe trên phố Kinney ở Newark nữa. Dần dần, hắn chiếm thêm các bãi khác và coi đây là nơi lý tưởng để làm bình phong cho các hoạt động cờ bạc của mình.
Cờ bạc là thiên hướng và cũng là chí hướng của Kimmel. Hắn chuyển sang lĩnh vực cá độ, một kiểu kinh doanh tiền mặt đòi hỏi kỹ năng quản lý tài chính hết sức cẩn thận. Thỉnh thoảng Kimmel phải đem các bãi đậu xe đi cầm cố khi cần gấp một khoản tiền để trả cho khách hàng. Hắn nổi tiếng là người có thể cá cược bất cứ cái gì, vào bất cứ khi nào miễn là tỷ lệ cược vừa ý hắn. Kimmel tự học toán học, lượng giác học và lý thuyết xác suất, hay theo hắn nói là tự học. Với bộ não kết hợp giữa sự tinh ranh đường phố và những kiến thức tự học qua sách vở, Kimmel có thể nhanh chóng ước lượng giá trị của bất kì lời đề nghị nào. Hắn nhớ rõ từng vụ cá độ mà hắn thích. Một trong số đó là vụ cá cược xem hai người trong một nhóm có cùng ngày sinh hay không. Nạn nhân của Kimmel đều có cơ hội như nhau. Kimmel hiểu rằng mình vẫn có lợi thế bất cứ khi nào có hơn 22 người trong nhóm.
Những lợi thế của Kimmel không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc về mặt toán học hay đúng luật. Hắn có thể để hai cục đường lên chiếc bàn ăn, sau đó cá một con ruồi đang bay sẽ đậu lên cục đường nào trước. Mánh khóe ở đây là nhỏ một giọt DDT vài một viên đường và đặt cược vào viên còn lại.
Đám xã hội đen người Ý đã từng có thâm niên điều hành những sòng bạc bất hợp pháp ở Manhattan và Brooklyn. Chúng trả cho đám cớm ở New
York một khoản phí làm ăn. Vào cuối những năm 1920, chính quyền New York bắt đầu dẹp bỏ nạn cờ bạc. Rõ ràng là không còn thoải mái đút lót, hối lộ được nữa. Đám người Ý dự tính chuyển các sòng bạc qua thung lũng Hudson tới New Jersey.
Willie Moretti - một tay anh chị ở New Jersey đã khuyên đám người Ý này nên làm ăn với Longy Zwillman. Moretti biết rằng quyền kiểm soát của Zwillman trong giới chính khách ở New Jersey này là vô cùng to lớn. Gã này sắp xếp một cuộc gặp giữa Zwillman và nhóm người Ý gồm Lucky Luciano và Joe Adonis. Họ đi đến thỏa thuận làm đối tác trong một chuỗi sòng bạc ở New Jersey.
Kế hoạch này đòi hỏi có cách thu hút khách hàng từ New York đến casino đánh bạc rồi quay trở về. Để làm được điều này, Joe Adonis lập một dịch vụ cho thuê xe limousine. Những trạm dừng chân ở New York phải là nơi mà những con bạc có thể đến và đi bất cứ lúc nào mà không bị để ý: đó chính là bãi đậu xe của Martny Kimmel ở Broadway và đường số 51.
Zwillman đã nhìn thấy trước Luật cấm rượu lậu sẽ không kéo dài lâu. Hắn tin chắc những người kinh doanh như hắn có thể vạch ra kế hoạch cho tương lai xa hơn việc buôn rượu lậu. Hắn tuyên bố thành lập một tổ chức thương mại theo quy định của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia (The National Association of Manufacturers). Chúng sẽ phân chia lãnh thổ, ngừng giao chiến và vạch ra những bước đi tiếp theo.
Vì chuyện này, Zwillman tổ chức hội nghị của bọn tội phạm trên khắp nước Mỹ ở thành phố Atlantic, bắt đầu ngày 14-10-1929. Ban đầu, hội nghị dự định tổ chức ở Breakers, một khách sạn chỉ cho những người thuộc WASP (White Anglo-Saxon Protestant - những người chống đối dân Ănglo Sacxông da trắng) thuê. Mọi việc đăng ký đặt chỗ đều được thực hiện dưới những biệt danh riêng. Tất cả những tên tội phạm có máu mặt nhất, từ AI Capone cho đến Dutch Schultz đều đến dự. Khi phát hiện ra những ông trùm khét tiếng đăng ký đặt chỗ thì nhân viên khách sạn lập tức thông báo khách sạn đã hết phòng. Bọn tội phạm thuê một đoàn xe limousine và di chuyển sang khách sạn Ritz gần đó.
Cuộc họp đánh dấu sự ra đời của The Combination - hay như báo chí vẫn gọi là "Tập đoàn Chết chóc". The Combination hoạt động theo mô hình của một tập đoàn Mỹ, chỉ có Hội đồng quản trị gồm sáu người có quyền lực nhất, được gọi là "Big Six": Zwillman ở New Jersey; Lucky Luciano, Meyer Lansky, Frank Costello và Joe Adonis Ở New York; Ben Siegel ở bờ biển
phía Đông.
Thông điệp của Zwillman tại hội nghị Atlantic này là phải hợp thức hóa hoạt động. Tội phạm có tổ chức cần phải đa dạng hóa, đầu tư vào những công ty hợp pháp. Đó là cách để phản úng hai mặt với sự kết thúc của Luật cấm, đồng thời giúp bọn tội phạm tránh khỏi nguy cơ phải hầu tòa. Chúng cũng sẽ có một khoản thu nhập hợp pháp để khai báo trong các tờ khai thuế của mình.
Và thế là dòng tiền của bọn tội phạm chảy vào những doanh nghiệp hợp pháp nhỏ. Năm 1930, các điều tra viên cho biết các tổ chức tội phạm đã thâm nhập vào 50 ngành nghề và mặt hàng sản phẩm trên khắp thành phố New York. Những mặt hàng này bao gồm da thuộc, cửa hiệu giặt là, may mặc, xây dựng, nhà tang lễ, bãi đậu xe, sân golf mini, cây atiso và nho. Một khi bọn tội phạm đã nắm quyền kiểm soát mặt hàng nào thì chúng có thể tăng giá mặt hàng đó. Đó là hình thức độc quyền hoàn toàn.
Bản thân Zwillman cũng sở hữu hay điều khiển hai công ty thép, hai công ty sản xuất phim nhỏ, đại lý phân phối xe tải GMC cho Newark, công ty vận tải đường sắt Hudson &Manhattan (công ty này sau đó được Ban điều hành cảng mua lại và đổi tên thành PATH) và các công ty sản xuất máy bán thuốc lá tự động, máy hát tự động, máy giặt ủi. Zwillman cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong khách sạn Flamingo của Ben Seigel và nhiều sòng bạc ở Las Vegas, cả khách sạn Sherry Netherlands ở Manhattan và những sòng bạc xa hoa bất hợp pháp ở bãi biển Miami hay Saratoga. Hắn giấu máy móc ở những căn phòng phía sau. Bọn trẻ con rất rành điều này, tay chân của Zwillman phải đảm bảo bọn trẻ không kiếm được những cái ghế đẩu để với lên được chỗ tay nắm cửa. Người ta cũng nói Zwillman rất quan tâm đến General News Bureau của Moe Annenberg. Có lẽ vụ đầu tư kì lạ nhất của Zwillman là đầu tư vào một loại dịch vụ điện tín hoàn toàn khác biệt. Đó là một công ty nối đường dây đến tận nhà những khách hàng giàu có, truyền những bản opera và các thể loại nhạc êm dịu khác. Nhưng công ty chỉ phất lên khi đề nghị cung cấp dịch vụ cho các cửa hàng, văn phòng và các thang máy. Năm 1954, ủy ban tội phạm Chicago kết luận rằng tập đoàn Muzak đang được điều hành bởi tên tội phạm khét tiếng Longy Zwillman. Còn Zwillman lại nói mình đơn thuần chỉ là một cổ đông.
Trong thời gian Luật cấm có hiệu lực, một kẻ nào đó đã cướp chuyến tàu chở rượu whisky Scotland của hãng Haig &Haig ở ngoại ô Brockton, Massachusetts. Chuyến tàu này thuộc về Joseph Kennedy. Lúc đầu Kennedy phát tài nhờ giao dịch nội gián, tiếp theo hắn chuyển sang kinh doanh rượu
lậu. Kennedy tin rằng thủ phạm, chỉ có thể là địch thủ đáng gờm của mình - Longy Zwillman.
Kennedy nói hắn "sẽ tóm bằng được Longy cho dù đó có là việc cuối cùng của đời mình" - một tên cùng phe với Zwillman tường thuật lại. Trong lúc sắp qua đời, Zwillman đã thề là mình không biết tí gì về chuyến tàu bị thất lạc.
Theo logic của một kẻ ích kỷ chỉ biết đến mình, Zwillman thường đổ lỗi cho tính thù ghét thủ cựu về những rắc rối của mình với chính quyền Mỹ. Kennedy bắt các con trai của mình theo con đường chính trị. Một trong số đó là Robert, Sĩ quan phụ tá ở Thượng nghị viện, đang tham gia vào ủy ban của Kefauver.
Những phiên tòa của Thượng nghị viện mới chỉ bắt đầu nhưng sức ép của nó như một cơn bão tuyết làm đóng băng những mánh khóe kiếm tiền bất hợp pháp của Zwillman như thủ thuật số, các lá bài nổi (floating card games), sòng bạc và máy đánh bài. Ngày 10-6-1952, cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS - Internal Revenue Service) đã gửi thư đến Zwillman, Costello, Adonis và Willie Moretti. Cơ quan này đang tiến hành điều tra về những khoản thuế thu nhập của chúng. Zwillman có đủ tinh ranh để báo cáo một phần trong khoản thu nhập hợp pháp hơn của mình. Tuy vậy, Grover Richman, luật sư người Mỹ đã đưa ra một khoản tiền thuế trị giá gần một triệu đô la chống lại Zwillman và gia đình hắn. Richman cố gắng phong tỏa tài sản của Zwillman, sau đó sẽ làm cho hắn phá sản, cùng lúc đó IRS cũng tiến hành vụ kiện chống lại Zwillman. Các luật sư của Zwillman than phiền rằng chính quyền đang trừng phạt khách hàng của họ trước khi xét xử.
Năm 1954, Joe Adonis phải hầu tòa vì tội làm tiền bất hợp pháp. Adonis không phải là tên thật của hắn. Hắn cảm thấy mình quá đẹp trai so với cái tên tầm thường mà cha mẹ đặt cho (Joseph Doto). Sau phán quyết của tòa, hắn lại thấy mình quá đẹp trai để phải ngồi tù. Hắn chọn cách đi lưu đày sang Ý. Điều này khiến cho băng đảng của Zwillman mất đi một đồng minh mạnh ở New York.
Vài năm sau, chúng mất tiếp Frank Costello. Chuyện này phần nào cũng là hậu quả của một lời sỉ nhục trong quá khứ. Trong một cuộc họp của The Combination, Costello có đưa ra bản danh sách những tên tội phạm sắp tham gia vào công ty mà hầu hết đều mang những cái tên Do Thái. Vito Genovese trách Costello đang cố gắng tuyển một lũ "hebe". Câu nói này bị Zwillman và Meyer Lansky nghe thấy. Genovese là người của Luciano, đáng ra
Luciano mới là người bắt hắn câm họng. Tuy nhiên, thay vì vậy, Costello lại lên tiếng: "Thư giãn đi, Don Vitone, ông chẳng là cái thá gì ngoài một thằng ngoại quốc chó má." Ý Costello muốn nói Genovese đến từ Naples chứ không phải Sicily. Cách gọi "Don Vitone" cũng như một lời lăng mạ. Genovese không được gọi là "don" theo cách gọi trân trọng trong tiếng Ý, công việc của hắn chỉ là mang áo khoác cho Luciano mà thôi.
Genovese không bao giờ quên vụ này. năm 1957, Genovese quyết định kết liễu cuộc đời Costello. Ngày 2-5, một gã béo mang súng lặc lè bước ra khỏi chiếc xe đồ cạnh con Candillac và ngồi rình Costello trong phòng chờ của tòa cao ốc của con mồi - tòa nhà Majestic trên phố 72 và Central Park West. "Cái này dành cho mày, Frank!" - gã sát thủ vừa nói vừa bóp cò.
Costello dính đạn nhưng không chết. Chừng ấy đủ để hắn hiểu mình phải làm gì và chọn cách về hưu sớm. Việc này đã củng cố quyền lực của Vito Genovese, một người không ưa dân Do Thái chút nào.
Sau phát súng ở Central Park West, các bác sĩ ở bệnh viện3 Roosevelt đã băng bó vết thương ở da đầu cho Costello trong khi cảnh sát lục soát tài sản cá nhân của hắn. Trong túi quần Costello, cảnh sát tìm thấy một tờ giấy viết tay ghi "tổng số tiền sòng bạc thắng được 4/27/57" gửi đến khách sạn Tropicana, Las Vegas. Giấy phép hành nghề cờ bạc của khách sạn này được cấp cho một doanh nhân được coi là hợp pháp, không dính líu gì đến bọn tội phạm có tổ chức. Costello khai với cảnh sát rằng hắn không biết tại sao tờ giấy lại ở trong túi mình.
Zwillman ra tòa vì tội trốn thuế năm 1956. Các nhân viên của IRS đã phân tích một cách tỉ mỉ những khoản thu chi của Zwilman. Chúng cho thấy số tiền mà hắn đã tiêu xài lớn hơn rất nhiều so với khoản thu nhập hắn kê khai với Sở thuế.
Luật sư của Zwillman đưa ra lý lẽ rằng khoản tiền chênh lệch mà khách hàng của mình đã dùng lấy từ tiền lợi nhuận tích lũy được do buôn bán rượu lậu trước kia, giờ khoản lợi nhuận này đã nằm ngoài quyền hạn của luật pháp.
Phiên tòa kết thúc và Zwillman được xử vô tội. Nhưng tháng 1 năm 1959, một nhân viên FBI phát hiện ra Zwillman đã đút lót cho hai thành viên bồi thẩm đoàn. Họ bắt giữ hai nhân viên có liên quan trực tiếp đến vụ việc và chính J.Edgar Hoover đã thông báo tin này. Chắc chắn các ủy viên công tố sẽ xem xét lại vụ trốn thuế của Zwillman.
Hơn 2 giờ sáng ngày 26-2-1959, Zwillman ra khỏi giường, từ biệt vợ mình và đi xuống tầng trệt của căn nhà 20 phòng nằm ở số 50 dường Beverly, West Orange, New jersey và tự treo cổ bằng một sợi dây điện. Cảnh sát tìm thấy 21 viên thuốc an thần trong túi áo khoác của hắn và chai rượu wishky Kentucky đã vơi đi một nửa trên cái bàn gần đó.
Người ta đưa ra một giả thuyết chắc chắn rằng có ai đó đã giết Zwillman và dựng lên hiện trường một vụ tự tử. Bạn bè của Zwillman bác bỏ giả thuyết này và cho rằng những ngày đen tối đã dẫn tới cái chết của Zwillman, bởi hắn đã rất tuyệt vọng.
Cái chết của Zwillman đã để lại cho Manny Kimmel một danh mục đầu tư vào nhiều công ty, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, một số thuộc quyển sở hữu của Kimmel, số khác thuộc về lĩnh vực bất động sản của Zwillman và/hoặc còn một số chưa rõ thuộc về ai. Kimmel nảy ra ý chơi trò đỏ đen với những tài sản này. Và đây trở thành vụ đỏ đen lớn nhất trong cuộc đời hắn.
Nó liên quan đến thị trường chứng khoán.
Edward Thorp
Một người bạn đã miêu tả Edward Thorp là "một người tỉ mỉ nhất mà tôi từng gặp". Sự đam mê với công việc đo đạc có ở Thorp từ thuở bé. Có một sự thật trớ trêu là tài năng thiên bẩm về toán học thường có liên quan đến bệnh chậm nói của một đứa trẻ. Ed Thorp sinh ngày 14-8-1932 ở Chicago, cậu bé không nói một từ nào cho đến khi gần lên 3 tuổi. Một hôm, gia đình cậu đang đi mua sắm trong một cửa hàng bách hóa ở quận Montgomery thì gặp một nhóm người bước ra từ thang máy. Một người hỏi: "Cha cháu đâu rồi?"
Ed trả lời: "À, ông ấy đi mua cái áo sơ mi rồi ạ." Từ giây phút ấy, Ed nói chuyện với mọi người gần như một người lớn vậy. Sáu tháng sau khi mở miệng nói câu đầu tiên, Ed đã biết đếm đến 1 triệu, biết đọc và có một trí nhớ siêu việt, 5 tuổi, người ta yêu cầu Ed nói tên các vị vua và nữ hoàng đã trị vì nước Anh. "Egbert, 802 đến 839" - cậu bắt đầu - "Ethelwulf, 839 đến 857; Ethelbald, 857 đến 860...". Cứ thế Ed lần lượt nhắc tên từng vị vua mà không phải dừng lại hay bị sai lần nào, cho đến "Nữ hoàng Victoria, cháu biết năm nữ hoàng lên trị vì nhưng không biết năm kết thúc." những thông tin này Ed lấy trong quyển sách của Charles Dicken có tựa là "Lịch sử nước Anh dành cho trẻ em", trong đó không nói đến việc Victoria qua đời năm 1901.
Cha của Thorp là một sĩ quan quân đội đã giải ngũ và trở lại cuộc sống bình thường khi nền kinh tế nước Mỹ lâm vào tình trạng suy thoái. Ông buộc phải làm bảo vệ cho một nhà băng. Ông giúp cậu con trai thiên tài của mình phát triển tài năng với sách toán và tập đọc. Ông nói với Ed (và với chính mình) rằng học tập là chìa khóa để mở cánh cửa thành công trên đất Mỹ này.
Lớn lên trong một giai đoạn khó khăn của đất nước, Ed hướng trí thông minh của mình đến việc kiếm tiền. Cậu đánh cược với một người bán tạp phẩm rằng mình có thể tính nhẩm hóa đơn của tất cả khách đến mua hàng nhanh hơn cả khi người chủ tiệm dùng máy tính. Ed thắng và nhận được một cây kem ốc quế. Cậu mua một bịch Kool-Aid với giá 5 xu và bán lại thức uống đã được pha loãng cho những công nhân WPA đang chết khát vì nóng với giá 1xu/ly. Từ một bịch Koo-Aid, Ed có thể pha được 6 ly và kiếm được 1 xu tiền lời. Một người bà con của Ed đã dẫn cậu đến trạm xăng, nơi đám găng-xtơ đặt những cái máy chơi bài tự động bất hợp pháp trong nhà vệ sinh. Ed đã học được cách lắc lắc tay quay sao cho cái máy nhả tiền ra khi người chơi chưa cần bỏ tiền vào đánh bài.
Cuộc sống của Ed thay đổi khi gia đình cậu chuyển đến Los Angeles. Cả cha và mẹ đều đi làm nên Ed và cậu em trai phải tự xoay xở khi ở nhà. Ed đến thư viện công cộng để làm bài kiểm tra chỉ số IQ của mình. Cậu luôn luôn đạt được từ 170 đến 200 điểm. Không có cha mẹ ở nhà, Ed thích làm nổ tung mọi thứ. Ed thử cho nổ mấy cái hố bên lề đường bằng chất nitroxenlulo tự chế và một cái búa tạ. Cậu cũng đặt những trái bom ống trên vách đá nhô ra biển để làm nổ tung những cái hốc trên đó và tự chế tạo thuốc súng để đẩy chiếc xe ô tô phản lực của mình, Bằng cách trộn lẫn amôniac với tinh thể i ốt, Ed đã tạo ra một chất nổ nhạy đến khó tin được gọi là amoni-iốt. Cậu trét nó lên đáy cái bát kim loại hình bán cầu rồi đặt cái bát xuống đất. Chất nổ sẽ phát tán khi nó khô đi. Chỉ cần sức nặng bằng một con ruồi đậu trên cái bát đó thôi cũng đủ để tạo nên một vụ nổ nho nhỏ rồi.
Mùa xuân năm 1955, Thorp tốt nghiệp ngành vật lý tại UCLA. Cậu được cung cấp 100 đô la mỗi tháng. Để sống được với chừng ấy tiền, Thorp phải vào sống trong khu sinh viên tự quản ở Robinson Hall. Được biết đến với cái tên "Nhà kính", Robinson Hall được thiết kế bởi Richard Neutra vào những năm 1930. Tiền thuê là 50 đô một tháng cộng thêm 4 giờ làm việc mỗi tuần.
Từ khi hiểu thời gian là tiền bạc, Thorp dành ra 50 đến 60 tiếng đồng hồ một tuần để chế tạo thủy tinh và học. Cậu đọc sách về tâm lý học để tìm ra những phương pháp học nhanh hơn. Những quyển sách khuyên rằng thỉnh thoảng nên nghỉ ngơi giải trí. Học 1 tiếng rồi thư giãn 10 phút, ăn uống hay làm những việc lặt vặt. Nghe theo lời khuyên, một buổi trưa chủ nhật, Thorp tham gia vào một buổi uống trà.
Khi ánh mặt trời chiếu xuyên qua chiếc đĩa thủy tinh của Neutra, cuộc nói chuyện xoay sang những cách kiếm tiền dễ dàng. Một người nhắc đến trò đánh bài roulette. Cả nhóm đều tin chắc rằng hệ thống cờ bạc thật chẳng có giá trị gì. Cuộc thảo luận diễn ra xung quanh khía cạnh vật lý. Liệu những bánh xe trong trò roulette có hoàn hảo đến mức không thể nào đoán trước được con số thắng cuộc hay không?
Cả nhóm chia ra làm-hai phe với hai quan điểm khác nhau. Một số cho rằng trên thế giới này không có gì là tuyệt đối, cả sự ngẫu nhiên tuyệt đối cũng không. Vì thế, chắc chắn các bánh xe phái có nhược điểm nào đó về mặt vật lý khiến nó hay cho ra một vài con số nhất định hơn những con số khác. Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể nhân ra những con số này và đặt cược vào chúng.
Một số người khác phản đối ý kiến trên và cho rằng những bánh xe
roulette này được chế tạo với những chi tiết kĩ thuật cực kỳ chính xác.
Riêng Thorp có ý kiến tranh luận độc đáo nhất. Theo cậu, mọi người đều có thể kiếm được tiền trong cả hai trường hợp trên. Nếu những bánh xe hoàn hảo tuyệt đối về mặt vật lý thì quá đơn giản để các nhà vật lý có thể đoán trước quả bóng sẽ lăn đến chỗ nào. Còn nếu bánh xe có khuyết điểm, chúng ta cũng có thể nhận ra những con số xuất hiện nhiều nhất.
Thorp đã tự làm vài cuộc thử nghiệm nghiên cứu sâu hơn về đề tài này. Cậu nhận thấy các sòng bạc chỉ cho phép người chơi đặt tiền trong vòng 2 giây sau khi người hồ lì thả quả bóng trắng ra. Lý do là vì quả bóng cần một khoảng thời gian đủ để nó đứng yên. Chừng nào người hồ lì còn chưa cho phép đặt cược thì sòng bạc sẽ không có tiền.
Thorp mơ ước chế tạo ra một thiết bị điện tử cầm tay có thể dự đoán được con số thắng cược. Nó phải đủ nhanh để đưa ra dự đoán trong vòng 2 giây, trong lúc người chơi đặt cược sau khi trái bóng được thả. Thorp tiến hành thử nghiệm ở Las Vegas. Một trong số các phụ tá của Thorp sẽ đứng kế bên bánh xe, vận hành thiết bị dự đoán. Thiết bị này có thể thông báo kết quả dự đoán cho một người khác ngồi cùng bàn. Người này ngồi ở nơi mà anh ta không thể nhìn rõ bánh xe, cũng không để ý đến nó khi đặt cược.
Thỉnh thoảng, một trong hai người này sẽ đứng lên và đi qua bàn khác, ở đó có thể cũng có những người cùng cánh, một nửa cầm thiết bị điện tử và một nửa tham gia đặt cược. Họ có thể đến và đi mà không ai biết.
Thorp bỏ tiền ra mua một cái bánh xe roulette rẻ tiền, để một chiếc đồng hồ bấm giờ bên cạnh rồi ghi lại sự chuyển động của bánh xe. Sau khi đã kiểm tra lại đoạn phim một cách kỹ lưỡng, Thorp đi đến kết luận cách hoạt động của cái bánh xe này quá thất thường khó có thể dự đoán được kết quả.
Kỳ nghỉ Giáng Sinh năm 1958, Ed cùng vợ là Vivian đi du lịch đến Las Vegas. Vivian Sinetar là một nữ thiếu tá người Anh, dáng người mảnh khảnh. Cha mẹ cô đã rất nghi ngờ về khả năng kiếm tiền của một tiến sĩ vật lý như Thorp, người mà theo cô thấy thì có khả năng tiết kiệm hơn là kiếm tiền. Thorp đã nói với Vivian rằng Las Vegas là địa điểm tuyệt vời cho một kì nghỉ giá rẻ.
Thorp muốn được tận mắt trông thấy bánh xe roulette hoạt động như thế nào. Ngay trước kì nghỉ này, một người bạn đã cho Thorp đọc bài báo trên tờ Journal of the American statitical Assosiation. Đó là bài phân tích về trò chơi
xì dách.
Trước thời đại máy tính, việc tính toán chính xác những khả năng có thể xảy ra của trò xì dách và những trò chơi bài khác là một việc không tưởng. Có vô số cách để sắp xếp 52 lá bài. Không giống như trong trò chơi roulette, người chơi trò xì dách có quyền tự quyết định số phận của mình, do đó tỷ lệ tiền cược phụ thuộc vào chiến thuật mà người chơi sử dụng. Năm 1958, vẫn chưa có ai biết chiến thuật nào là tối ưu nhất. Các sòng bạc chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm từ những lần đạt lợi nhuận cao nhất để rút ra chiến thuật cho mình.
Bài báo mà Thorp đọc được viết bởi nhà toán học Roger Baldwin và ba cộng sự ở Phòng thí nghiệm của Quân đội đặt tại Aberdeen (the Army's Aberdeen Proving Ground). Họ đã phân tích trò xì dách với "máy tính" quân đội. Nhóm của Baldwin đã mất gần 3 năm trời vật lộn với những chiếc máy tính nhằm tìm ra chiến thuật tối ưu nhất cho trò xì dách. Kết luận của họ là cơ hội dành cho các sòng bài chỉ là 0,62% nếu như người chơi chọn được chiến thuật tối ưu cho mình. Thorp thì tính toán rằng anh có thể chơi trò này cả ngày, đặt cược 1000 lần, mỗi lần một đô la, và trung bình anh sẽ chỉ tốn có 6 đô la mà thôi.
Nói một cách tương đối, tỉ lệ được 0,62% từ sòng bài đã là tuyệt vời rồi. Trong trò roulette, tỉ lệ này thường là 5,26%. Với những máy đánh bài tự động, con số này dao động trong khoảng từ 10 đến 20%. Những người sáng tạo nên trò xì dách này đã ước lượng tỉ Lệ được của sòng bạc phải từ 2 đến 3%. Không một ai thực sự hiểu trò chơi này. Chiến thuật mà nhóm nghiên cứu của Baldwin dưa ra khác xa so với chiến thuật mang tính trực giác mà những tay chơi xì dách "lão luyện" vẫn thường dùng.
Thorp, một người chưa bao giờ chơi trò này, rất muốn thử nghiệm chiến thuật Baldwin dưa ra. Anh chép lại bài báo vào một tấm đanh thiếp nhỏ. Ngay khi đặt chân đến Las Vegas, anh mang theo 10 đô la và ngồi xu ông một bàn xì dách.
Những người ở Las Vegas coi trò xì dách - còn gọi là trò 21 quân bài - là trò của phụ nữ, chỉ dành cho những bà vợ ngồi giết thời gian trong khi chờ đợi các ông chồng đang mải mê bên bàn súc sắc. Trò chơi diễn ra rất nhanh. Thorp nhìn vào chiến thuật đã ghi trên cái danh thiếp nhỏ. Người chia bài và những người chơi muốn biết anh đang nhìn cái gì trong tay và tại sao anh mất nhiều thời gian thế. Khi anh nói với bọn họ thì bọn họ đều nghĩ rằng điều đó thật là hài hước.
Cột tiền của Thorp thấp xuống nhưng cột tiền của những người đã chế nhạo anh còn thấp nhanh hơn. Sau nửa giở đồng hồ, Thorp bỏ cuộc. Anh thua mất 1 đô la 50 xu.
Sự trải nghiệm này cứ quanh quẩn trong tầm trí Thorp nhiều tháng sau đó. Anh tìm kiếm một cách nào đó để nâng cao chiến thuật. Trên thực tế, cơ hội rút được những lá bài đặc biệt không hoàn toàn độc lập giữa lựa chọn của những người chơi.
Ví dụ, có thể bạn sẽ thấy ba con át xuất hiện trong một lần chia bài. Quân át là một quân bài tốt đối với người chơi. Người chia bài dập bỏ những quân bài đã chơi và nói mình vẫn còn đủ số quân bài để chơi mà không cần phải xáo bài, sau đó chia tiếp số quân còn lại của cỗ bài. Khi đã thấy hai con át xuất hiện rồi thì bạn biết rằng chỉ có thể còn lại một con át trong lượt chia mới mà thôi. Bạn có thể dùng thông tin này để điều chỉnh chiến thuật của mình và/hoặc số tiền mình sẽ đặt.
Điều này không được đề cập đến trong nghiên cứu của Baldwin và các cộng sự. Họ đã giả định rằng cơ hội rút được một quân bài bất kì là 1/52 trong mọi lượt chia.
Càng ngày Thorp càng tin rằng mình có thể thành tay chơi số một trong trò xì dách, đến nỗi những ý tưởng về bánh xe roulette bị gạt qua một bên. Anh viết thư cho Baldwin và hỏi liệu anh có thể xem những tính toán ban đầu của nhóm nghiên cứu hay không. Mùa xuân năm 1959, Baldwin gửi cho Thorp một thùng các-tông đầy những ghi chép của nhóm ông.
Cũng năm đó, Thorp bắt đầu công việc trợ giảng môn toán tại MIT. Anh đến Massachusetts một mình để thực hiện một dự án nghiên cứu vào mùa hè. Anh đã trải qua những đêm ẩm ướt của Boston trong văn phòng mới của mình, chúi mũi vào chiếc máy tính và đập những con muỗi bay lượn ở khắp nơi. Anh nghiên cứu về cách chơi trò xì dách. Sau hai tuần, anh kết luận một điều: vấn đề này quá lớn đối với một mình anh. Sau đó anh nghĩ ra là mình có thể thực hiện những tính toán này trên máy tính chủ của MIT. Đó là một chiếc máy tính điện tử IBM 704, có thể lập trình. Đang là kì nghỉ hè nên thỉnh thoảng người ta không cần sử dụng đến chiếc máy chủ ấy.
Thorp tự học FORTRAN, ngôn ngữ lập trình rất quan trọng, sau đó tư lập trình cho máy tính. Những tính toán của anh cho thấy 5 quân bài tạo nên một sư khác biệt lớn hơn cho lợi thế của người cầm cái so với bất kỳ con số nào khác 5 quân bài có hại cho người chơi và có lợi cho sòng bạc. Chỉ bằng
một cách đơn giản là theo dõi xem có bao nhiêu lượt 5 quân bài đã được đánh ra, người chơi hoàn toàn có thể cân nhắc xem những quân còn lại có thuận lợi cho mình hay không.
Thorp quyết định công bố điều này và chọn “The Proceedings of the National Academy of Science” - tờ báo uy tín nhất, để đăng bài viết của mình. Thế nhưng, chỉ có những thành viên của National Academy mới có thể nộp bài cho tờ báo này.
Chỉ có một nhà toán học duy nhất của MIT là thành viên của tổ chức này. Đó là nhân vật nổi tiếng Claude Shannon. Thorp gọi cho thư ký của Shannon và đề nghị một cuộc hẹn với ông.
Đó là một buổi chiều nóng bức tháng 11 năm 1960. Trước khi vào phòng Shannon, Thorp đã được thư ký cho biết trước rằng vị tiến sĩ chỉ có vài phút rảnh rỗi. Ông không thích tốn thời gian cho những gì không làm ông thích thú.
Biết là mình có rất ít thời gian nên Thorp đã đưa những tài liệu của mình cho Shannon và đánh dấu những ý chính. Shannon đã đặt ra những câu hỏi hết sức sắc sảo và tỏ ra hài lòng với phần trả lời của Thorp. Shannon nói với Thorp rằng anh sinh ra là để tạo ra một bước đột phá lớn lao về mặt lý thuyết trong đề tài này. vấn đề chính mà tiến sĩ không đồng ý với Thorp là cái tựa đề bản thảo.
Thorp lấy tựa là "Chiến thuật để giành chiến thắng trong trò xi dách" (A Winning Strategy for Blackjack). Shannon nghĩ rằng cái tựa đề ấy quá gượng ép đối với Viện hàn lâm quốc gia và nên nghĩ ra một tựa đề nhẹ nhàng hơn.
"Như thế nào ạ?" - Thorp hỏi.
Shannon suy nghĩ một lúc rồi trả lời "Một chiến thuật hữu ích cho trò chơi với 21 quân bài" (A Favorable Strategy for Twenty-one)
Shannon đề nghị bỏ đi một vài đoạn rồi bảo Thorp về đánh máy lại và gửi cho ông một bản. Ông sẽ chuyển nó đến Viện hàn lâm quốc gia. Shannon hỏi tiếp:
"Cậu có đang nghiên cứu thêm cái gì về lĩnh vực cờ bạc này không?" Thorp hơi ngập ngừng rồi kể cho Shannon nghe ý tưởng về trò roulette.
Shannon tỏ ra rất chú ý đến ý tưởng này. Dường như ông quan tâm đến trò roulette này hơn là trò xì dách vì với trò roulette, người ta có thể dựng mô hình và cải tiến nó. Họ nói chuyện với nhau vài giờ đồng hồ. Trước khi kết
thúc cuộc thảo luận, vô tình Thorp đã khiến một trong những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ thực hiện một việc trái với thói quen thường ngày. Shannon đã đồng ý cùng Thorp nghiên cứu ra một thiết bị dự đoán kết quả trò chơi roulette. Shannon đề nghị thực hiện công việc tại nhà riêng của ông vì cho rằng đó là địa điểm tốt nhất.
3
Ngôn ngữ đùa cợt: gái hầu bàn.
Căn phòng đồ chơi
"Chúng tôi có một ngôi nhà cực kì thoải mái và không theo một quy tắc nào cả. Chúng tôi làm bất cứ việc gì chúng tôi thích." Betty Shannon giải thích.
Căn nhà ba tầng rộng lớn của Shannon nằm trên một khoảng đất rộng nhìn ra hồ Mystic, Winchester, bang Massachusetts. Gia đình Shannon có 3 người con; Robert, Andrew và Margarita. Shannon thường chế tạo ra những đồ chơi cho bọn trẻ. Ông chế tạo một chiếc thang kéo trượt để giúp gia đình di chuyển dễ dàng giữa nhà và hồ nước. Xung quanh sân, ông chăng loại dây chuyên dùng cho những diễn viên nhào lộn cách mặt đất 2 feet rồi cùng bọn trẻ thực hành nhào lộn. Vào những ngày hè yên ả, người ta có thể bắt gặp Shannon tản bộ trên mặt nước xanh thẫm của hồ. Để làm được điều này, Shannon đã đi một đôi giày to ngoại cỡ làm từ nhựa xốp.
Ga-ra nhà Shannon là một cái kho hỗn tạp với những chiếc xe đạp một bánh đầy bụi và những đồng fadinh3. Bên trong, "phòng đồ chơi" của Shannon là một căn phòng đầy những thứ kì lạ khiến người khác phải tò mò như những cỗ máy, quả cầu, bộ xương, nhạc cụ, dụng cụ tung hứng, khung cửi, đồ ghi nhớ. Gia đình Shannon có năm chiếc đàn piano và hơn ba mươi nhạc cụ sắp xếp từ sáo cho đến xắc-xô-phôn. Còn có cả một cái kèn tơ-rum pét thổi ra lửa và một cái đĩa gắn động cơ tên lửa.
Claude dành nhiều thời gian ở trong xưởng để phát minh ra những dụng cụ mới. Thorp nhớ lại: "Đó là một loạt những căn phòng, vài phòng có giá đựng đồ để ngỏ. Chúng tôi ước chừng chỗ dụng cụ lặt vặt của ông ấy phải đáng giá 100.000 đô la. Có cả một khu để cầu dao thuỷ ngân, mấy bộ tụ điện, điện trở và động cơ mô tô cỡ nhỏ. Ông ấy thích cả những thứ liên quan đến điện và máy móc. Một cái gì đó kết hợp cả hai loại trên sẽ thích hợp với sở thích của ông nhất."
Một trong những món quà đầu tiên mà Betty tặng Shannon sau ngày cưới là "một bộ đồ lắp ghép Erector Set to nhất mà bạn có thể tìm thấy ở nước Mỹ này. Nó đáng giá 50 đô và ai cũng nghĩ tôi bị điên", Betty nói. Claude khẳng định món quà đó "vô cùng hữu ích" để thử nghiệm những ý tưởng khoa học. Sự khác biệt giữa người máy và trí thông minh nhân tạo ngày nay đã được đưa ra thảo luận từ đầu những năm 1960. Thời ấy chưa có những chiếc máy vi tính có thể lập trình được mà lại không đắt tiền, những cuốn băng video cũng hiếm. Cuộc thí nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo
là những cỗ máy được kiểm soát bằng mạch điện tử có thể chuyển động. Shannon phụ trách một số chiếc máy ấy. Một chiếc có tên là "Theseus" - một con chuột rô bốt có khả năng tìm đường đi trong mê cung. Theseus chỉ đơn giản là một đồ chơi bằng kim loại đặt trên những bánh xe được điều khiển nhờ từ tính bằng một chiếc máy tính được chế tạo riêng cho nó. Khi những cọng râu mép của con chuột chạm vào bức tường bằng nhôm của mê cung, con chuột sẽ chuyến hướng.
Một cỗ máy khác do Shannon chế tạo là máy đánh cờ. Nó là một rô bốt có 3 ngón tay để di chuyển các quân cờ trên bàn cờ thật. Mỗi khi ăn được một quân cờ, nó lại tự động đưa ra một lời bình luận hài hước. Shannon cũng làm một chiếc máy tính không chỉ tính toán theo hệ số nhị phán của mình mà còn theo hệ thống chữ số của La Mã.
"Chiếc máy xịn nhất" của Shannon có hình dạng và kích thước như một: cái hộp đựng xì gà. Ở mặt trước có gắn một cầu dao. Một người được mời để bật cầu dao lên. Lúc ấy, nắp hộp sẽ từ từ mở ra. Một bàn tay rô bốt xuất hiện, với xuống và tắt cầu dao đi. Sau đó bàn tay từ từ hạ xuống và nắp hộp tự động đóng lại.
Trong nhà bếp là một ngón tay máy. Bằng cách kéo sợi cáp dưới sán, Claude có thể báo hiệu gọi Betty.
Một thiết bị khác là cánh tay cấu tạo đơn giản bằng kim loại dẻo có thể tung đồng xu lên bao nhiêu vòng theo ý muốn. Nó là bằng chứng cho một trong những mối quan tâm của Shannon - tính tương đối của sự ngẫu nhiên. Trong nền văn hóa Mỹ, việc tung đồng xu là biểu hiện cho một sự kiện mang tính ngẫu nhiên. Việc tung đồng xu cũng là để quyết định bên nào sẽ bắt đầu trong giải Super Bowl, ở một khía cạnh nào đó, kết quả của việc tung đồng xu này cũng không hoàn toàn là ngẫu nhiên mà có nguyên lý riêng về mặt vật lý. Một sự kiện chỉ mang tính ngẫu nhiên khi không ai quan tâm đến việc dự đoán trước kết quả của nó - việc mà Thorp và Shannon đang định làm với chiếc bánh xe roulette.
Trò Roulette
Thorp cộng tác với Shannon từ đầu năm 1960 đến tháng 6/ 1961. Cách tiêu xài rộng rãi của Shannon quả thực rất có ích. Họ cần một cái bánh xe roulette chuyên dụng để nghiên cứu. Shannon đã đặt mua của hãng Reno một bánh xe được sửa mới lại. Tính cả bộ quả bóng bằng ngà nữa, Shannon tốn 1500 đô la .
Hai người đặt cái bánh xe trên một cái bàn bi-a cũ kĩ và bụi bặm rồi thêm ánh sáng nhấp nháy. Một chiếc đồng hồ đặc biệt đo được 1 vòng/giây cho phép họ tính toán được thời gian diễn ra những hoạt động của bánh xe chính xác hơn lần thử nghiệm của Thorp rất nhiều.
Bánh xe roulette gồm hai bộ phận, bộ phận quay tròn bên trong (rô tô) và bộ phận đứng yên bên ngoài (xtato). Người hồ lì quay rô tô theo một hướng và tung một quả bóng theo hướng ngược lại. Ban đầu quả bóng chuyển động nhanh đến nỗi lực ly tâm ép chặt nó lên đỉnh trên của vành bánh xe. Khi xung lượng giảm xuống, quả bóng trượt theo vành bánh xe. Giống như một vệ tinh đang dần trật quỹ đạo, cuối cùng quả bóng rơi theo dường xoắn ốc.
Xtato gồm có "những cánh quạt" hay "những bộ làm lệch". Chúng (thường) là 8 bộ phận hình viên kim cương được đặt theo một thứ tự nhất định. Nếu quả bóng đang xoay tròn va phải một bộ làm lệch thường sẽ bị
đánh bật và quay tròn theo hướng ngược lại. Mặc dù vậy, cứ quay được nửa vòng, quả bóng sẽ trượt giữa các bộ làm lệch hoặc nhảy lên trên một bộ làm lệch nhưng đường đi của nó vẫn không bị thay đổi mấy.
Sau đó quả bóng rơi vào bên trong xtato và nhảy lên rô tô. Vì lúc đó rô tô đang quay theo hướng ngược lại với hướng di chuyển của quả bóng nên lực ma sát tăng lên. Quả bóng trượt xa vào trong và cuối cùng rơi vào các ô.
Trong trò chơi roulette kiểu Mỹ, có 38 cái sọt được đánh số thứ tự. Một thanh chia gọi là phím ngăn cách những chiếc sọt với nhau. Thường thì quả bóng sẽ va vào vài phím trước khi rơi hẳn vào một sọt nào đó. Trong khoảnh khắc quả bóng dập mạnh vào phím, tốc độ tương tác giữa quả bóng và phím rất cao. Đường đi của quả bóng lúc này là khó xác định nhất
Không nhất thiết phải dự đoán chính xác. Thu hẹp điểm đến của quả bóng trong phạm vi một nửa bánh xe, chúng ta sẽ tạo ra một lợi thế to lớn.
Trong một buổi nghiên cứu, Thorp đã khám phá ra mình hoàn toàn có thể đoán chính xác nơi quả bóng sẽ rơi xuống. Nó giống như là tri giác ngoại cảm (ESP - extra sensory perception). Anh cùng Shannon đã tìm ra lý do. Bánh xe roulette hơi nghiêng khiến cho quả bóng có xu hướng rơi về phía thấp hơn của bánh xe.
Một bản vẽ chi tiết của bánh xe roulette, theo phương thẳng đứng, được dán lên tường, nhìn giống như một chiếc đồng hồ. Quá bỏng phải dừng lại ở điểm thấp nhất, tương ứng với điểm 6 giờ trên đồng hồ. Bạn chỉ cần dự đoán túi nào của rô tô sẽ dừng lại ở điểm đó. Rõ ràng, việc dư đoán một vật thể chuyển động sẽ dễ hơn đối với hai vật thể, hơn nữa, sự chuyển động của rô tô đơn giản hơn so với sự chuyển động của một quả bóng đang lao ra.
Tất nhiên những điều trên sẽ hơi khó nhận ra trêu một cái bánh xe thực hơi nghiêng. Thorp và Shannon đặt những thẻ chơi roulette bên dưới bánh xe để thử nghiệm các mức khác nhau của độ nghiêng. Họ kết luận rằng độ nghiêng tương ứng với một nửa độ dày chiếc thẻ đem lại một lợi thế rất lớn. Họ nói đùa với nhau là thử lén đặt một cái thẻ dưới những bánh xe ở các sòng bạc xem sao. Shannon đề nghị dùng thẻ làm từ nước đá, để dùng xong nó tan chảy và xóa luôn dấu vết.
Thiết bị mà Thorp và Shannon chế tạo có kích thước nhỏ bằng hộp đựng xì gà, gồm có 12 bóng bán dẫn và được đặt trong một ô trên bàn roulette. Người sử dụng cần ước lượng vị trí và vận tốc ban đầu của hai vật thể chuyển động là quả bóng và rô tô. Để làm được điều này, người đó phải chọn trong đầu một điểm tham chiếu trên xtato. Khi một điểm trên rô tô chuyến động qua điểm tham chiếu này, anh ta sẽ dùng ngón chân cái ấn vào cái nút được giấu trong giày của mình. Anh ta sẽ ấn cái nút lẫn thứ hai khi điểm đã chọn trên rô tô lại đi ngang qua điểm tham chiếu trên xtato, tức là hoàn thành một vòng quay. Lần thứ 3 là khi quả bóng chạy qua điểm tham chiếu và lần thứ 4 là khi quả bóng lại chạy ngang qua điểm tham chiếu, hoàn thành một vòng quay.
Từ những dữ kiện này thiết bị sẽ dự đoán quả bóng hay dừng lại nhất trên ô nào của bánh xe. Tuy nhiên, dự đoán của thiết bị này chỉ chính xác trong vòng 10 ô. Không có nhiều điểm có thể cung cấp thông tin về "con số có nhiều khả năng nhất". Hãy tưởng tượng bánh xe roulette như một cái bánh pizza được chia làm 8 phần bằng nhau. Shannon gọi mỗi phần là một octant. Thiết bị dự báo quy định một tông nhạc riêng cho mỗi octant và truyền kết quả dự đoán qua tai nghe được giấu đi. Thorp nhớ trong đầu những nốt nhạc đô, rê, mi, pha, son, la, si, đố. Khi máy tính hoạt động, nó phát ra những nốt
nhạc, sau đó dừng lại. Nốt nhạc cuối cùng chính là octant nên đặt cược vào.
Mỗi octant gồm 5 số theo thứ tự trên rô tô. Một trong những octant đó là 00, 1, 13, 36, 24. Các số của một octant không đứng gần nhau trên bàn cá cược. Người chơi phải tranh giành nhau để có thể đặt cược vào 5 con số khác nhau. Việc anh ta có đặt vào tất cả các số hay không không quan trọng, may là anh ta đặt cược vào đúng số.
Shannon và Thorp ước tính rằng với những octant này và độ nghiêng lý tưởng của bánh xe, họ có thể đạt tới 44% lợi thế. Tuy thế cả hai đều hiểu rằng kế hoạch của họ khá dễ đổ vỡ. Nếu casino biết về hệ thống này, họ chỉ cần từ chối nhận đặt cược sau khi quả bóng đã được tung ra là xong.
Do đó, sự sống còn của kế hoạch này chính là phải giữ bí mật. Shannon nói với Thorp rằng dường như hai người bất kỳ nào ở Mỹ cũng có liên hệ với nhau thông qua ba người bạn khác (Hẳn ông đang nhắc đến công trình nghiên cứu vào những năm 1950 của Ithiel de Sola Pool - một nhà khoa học chính trị ở MIT hơn là công trình năm 1967 đang được biết đến nhiều hơn của Stanley Milgram - nhà tâm lý học của Harvard đã tìm ra "6 cấp độ cách ly"). Shannon lo ngại rằng thông tin về nghiên cứu của hai người có thể đã bị rò rỉ ra ngoài từ một cuộc thảo luận ở trường đại học Califonia ở Los Angeles. Trong xã hội có một vài thứ có thể liên kết một nhà khoa học ở MIT với một ông chủ sòng bạc ở Las Vegas.
Sự phá sản của các con bạc
Shannon còn có một mối lo ngại khác nữa. Việc thua cược rất dễ xảy ra, ngay cả khi bạn nắm giữ lợi thế về khía cạnh toán học.
Những tay chơi bạc chuyên nghiệp, người hẳn phải có một lợi thế nhất định, thường nói về kỹ năng "quản lý tiền bạc". Cụm từ này muốn nói đến sự khéo léo và tối quan trọng của việc làm sao đạt được lợi nhuận cao nhất từ một cơ hội tiềm năng. Bạn có thể là tay chơi sành sỏi nhất thế giới trong mọi kiểu bài nhưng nếu không biết cách quản lý tiền bạc thì rốt cuộc bạn cũng sẽ rỗng túi thôi. Có một sự thật đáng buồn là hầu như tất cả những con bạc chẳng sớm thì muộn cũng phải kết thúc sự nghiệp với hai bàn tay trắng.
Hãy lập biểu đồ về tài sản của một con bạc. Người này bắt đầu chơi với X đô la. Mỗi lần anh ta thắng hay thua cược, tài sản sẽ thay đổi.
Nếu như những ván bài "công bằng" - tức là người chơi không có một lợi thế nào và lợi nhuận sau mỗi ván bài đó không thuộc về ai cả, thì trong dài hạn, đường thể hiện tài sản của người chơi sẽ là một đường thẳng. Trong thuật ngữ toán học, người ta nói "giá trị kỳ vọng" bằng 0, có nghĩa là về chung cuộc thì không có thắng hay thua.
Giá trị kỳ vọng là một khái niệm thống kê, chẳng hạn như có 2,5 đứa trẻ. Tài sản thực của một con bạc có sự khác biệt rất lớn. Những đường gấp khúc trên biểu đồ cho thấy sự tất yếu của ngân sách của một con bạc tiêu biểu. Nó dựa trên giả định là mỗi lần chơi anh ta đặt cùng một số tiền như nhau.
Đường gấp khúc dao động không theo một quy tắc hay ý nghĩa nào. Các nhà toán học gọi đó là "bước đi ngẫu nhiên" (random walk).
Xu hướng duy nhất mà bạn có thể nhận thấy là những thay đổi lên hoặc xuống đều có khuynh hướng giãn ra theo thời gian. Điều này có thể giải thích được về mặt toán học và ngày càng rõ nét hơn khi đồ thị tiếp tục đi mãi về phía bên phải. Số tiền của người chơi có xu hướng ngày càng xa dần số tiền đặt ban đầu. Anh ta đã đi qua những vận may và trước mắt là bao nhiêu vận rủi đang chờ đón. Nếu một người nào đó có thể chơi bạc cả đời, đường tài sản của anh ta sẽ cắt ngang đường "tài sản ban đầu" một số lần nhất định.
Nhưng chúng ta hãy xem: Gần cuối bản đồ, tài sản của anh ta trùng với 0 {đường kí hiệu "Phá sản"). Khi điều này xảy ra trong một sòng bạc, con bạc sẽ bị đá ra ngoài, bỏ ngang cuộc chơi và về nhà với cái túi trống không.
Điều này có nghĩa là phía bên phải của biểu đồ không có liên quan gì. Giả sử như tài sản ban đầu của con bạc là tất cả những gì anh ta có thể đem ra đặt, thì khi ấy anh ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi mãi mãi.
Trong sòng bạc, thông thường nhà cái nắm giữ lợi thế, tức là người chơi có xu hướng thua nhanh hơn, thậm chí ngay cả trong trường hợp hiếm hoi anh ta có một vài lợi thế nho nhỏ.
Khi điều này xảy ra, số tiền mà anh ta mất thì người khác sẽ được (sòng bạc, nhà cái, hay một người chơi khác). "Ai đó khác" sẽ có nhiều tiền hơn,
đồng nghĩa với việc người chơi của chúng ta đã phá sản từ lâu trước khi có thể gặp vận đỏ như một kẻ "cướp nhà băng thành công". Thực chất, cờ bạc là bòn rút tiền của từ túi người chơi và bỏ vào túi của nhà cái. Bạn có thường nghe thấy chuyện một người bạn đi đến sòng bạc, thắng được một số tiền đáng kể và rồi lại đổ tất cả trở lại không?
Các nhà toán học đặt tên cho hiện tượng này là "sự phá sản của con bạc", còn các con bạc thì có hàng tá cái tên để gọi sự việc này: "bị tai nạn", hay "ngã dập mật"... Qua nhiều thế kỷ, họ đã nghĩ ra nhiều cách để quản lý túi tiền của mình nhằm tối thiểu hóa nguy cơ bị rỗng túi.
Biện pháp đơn giản nhất trên thế giới là đừng chơi bạc (bằng một phần hay tất cả tiền của bạn). Nếu bạn định đến Las Vegas với 1000 đô la trong túi và định trở về với 500 đô la thì hãy cho 500 đô la ấy vào két an toàn ở khách sạn và không đụng đến nó nữa.
Hiển nhiên đây không phải là lời khuyên mà hầu hết những con bạc muốn nghe, về cơ bản, vấn đề phá sản hay không không phải ở chỗ đó. Bạn vẫn cần đến một phương pháp quản lý tiền bạc cho số tiền mà bạn đang dùng để chơi bạc. Rất dễ dàng mất hết tất cả.
Một phương pháp được biết đến nhiều nhất là "ghì đai ngựa" hay "gập đôi", người chơi sẽ gấp đôi số tiền đặt cược cho đến khi nào thắng thì thôi.
Bạn có thể bắt đầu với việc đặt 1$ vào cửa hòa như ô màu đỏ trên bánh xe roulette. Nếu bạn thắng, thật tuyệt vời! Bạn có thêm 1$ tiền lời. Còn nếu bạn thua, lần tiếp theo bạn sẽ đặt 2$ cho ô đỏ. Nếu bạn thắng lần này, bạn có 4$. Lưu ý rằng 4$ lớn hơn tổng 1$ đặt lần đầu và 2$ đặt lần hai.
Nhưng nếu bạn lại thua, đặt tiếp 4$. Thắng lần này bạn có 8$, tức là lời 1$ (bạn đã đặt tất cả 7$). Thua nữa, tiếp tục đặt 8$... rồi 16$... 32$.... 64$...- Kiểu gì thì đến một lúc nào đó vận rủi cũng phải hết. Khi ấy, bạn vẫn lời 1$. Lại tiếp tục chơi nếu bạn muốn.
Casanova - gã du côn, con bạc và đồng thời là nhà báo của thế kỷ 18, đã áp dụng cách này trong những sòng bạc ở Venetian. Hắn chơi trò Faro, với hình thức đặt cửa hòa và hầu như không có lợi thế nào. Casanova nướng gần như toàn bộ số tiền của ả tình nhân, một nữ tu sĩ trẻ giàu có mà hắn gọi là M - M. "Tôi vẫn thường chơi kiểu này" Casanova viết, "nhưng toàn gặp vận đen khiến tôi phải rời sòng bạc mà không một xu dính túi. Khi chia sẻ tài sản của mình với M - M, tôi buộc phải nói với cô ta về những lần thua bạc của
mình, và chính cô ta đã mong muốn tôi bán toàn bộ số kim cương của cô ta và tùy ý sử dụng. Hiện giờ cô ta có 500 xê-qưin trong túi." Mong ước của nữ tu hư hỏng M -M là trốn khỏi tu viện để cưới Casanova - như phần cuối cuốn tự truyện đã kể.
Thế nhưng, không những không giúp các con bạc tránh khỏi phá sản, phương pháp "ghì đai ngựa" này còn đẩy nguy cơ phá sản đến nhanh hơn. Tổng số tiền mà người thua phải đặt sẽ sớm tăng lên 128$... 256$... 512$.... Hoặc là người chơi sẽ hết sạch tiền (hay hết sạch can đảm), hoặc là sòng bạc từ chối nhận tiền đặt khi số tiền quá lớn. Con bạc sẽ không còn cách nào lấy lại số tiền đã mất.
Những ngày ở Miền Tây hoang dã, đám cờ bạc chia bài faro di chuyển từ quán rượu này sang quán rượu khác, mang theo những mánh khóe cá cược, và trò faro xuất hiện. Hầu hết những người này toàn là bọn bịp bợm. Trò này tồn tại được đến những ngày đầu tiên khi cờ bạc được hợp pháp hóa ở Nevada. Bài faro vẫn có sức quyến rũ đối với những ai tự nghĩ mình đủ thông minh nhanh nhạy để chơi một trò mình hoàn toàn không có chút lợi thế nào. Một lần nhà sản xuất phim Carl Laemmle đã tài trợ tiền cho Nick Ai Cập chơi faro trong suốt 3 tháng ở Reno. Và Nick thua sạch sành sanh. Một câu chuyện tương tự cũng được chủ sòng bạc Reno là Harold s. Smith (người mà chúng tôi định gặp) lan truyền về một người đàn bà ở California không rõ tên tuổi. Người phụ nữ này nghiện bài faro đến nỗi cuối tuần nào cũng thấy cô ta ở Reno. Thật phi thường khi chứng kiến cô ta có thể chơi liền tù tì 12 tiếng đồng hồ.
Người phụ nữ này bắt đầu không cần về nhà. Cuộc sống thực sự của cô ta gắn chặt với những chiếc bàn faro. Sau khi bị chồng ly dị, cô ta chuyển đến ở hẳn tại Reno luôn, nướng hết 50.000 đô ta tiền bồi thường trong vụ ly dị vào sòng bạc, sau đó đi làm gái điếm ở Donglas Alley để tiếp tục nuôi máu cờ bạc của mình. Theo như Smith kể thì:
"Cô ta không mặc cả sắc đẹp của mình và Line được mở ở Reno với dám phụ nữ trẻ đẹp và quyến rũ có giá 3$. Cô ta đề nghị giảm giá và chỉ lấy thứ gì có thể. Cô ta bán thân với 50 cent cho mỗi lần. 50 cent - mức đặt cược thấp nhất trên bàn Faro - nếu thắng - cũng được trả chính xác 50 cent.
Sự ngẫu nhiên, sự rối loạn, sự không chắc chắn
Trong một lá thư gửi Vannevar Bush năm 1939, Shannon viết: "Thỉnh thoảng, tôi tiến hành phân tích những đặc tính cơ bản của những hệ thống chuyển giao tin tức, bao gồm điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, điện báo, ..." Lá thư này cũng mô tả bước khởi đầu của lý thuyết thông tin. Rốt cuộc Shannon nhận ra lý thuyết về thông tin liên lạc của mình có liên quan một cách đáng ngạc nhiên với sự sống còn của những tay chơi bạc.
Trước Shannon, hầu hết các kỹ sư không hề nhận ra mối quan hệ giữa các phương tiện truyền thông khác nhau. Những gì được áp dụng cho ti vi thường sẽ không đem áp dụng cho máy điện báo. Bằng cách tự mò mẫm, các kỹ sư thông tin đã tìm ra những giới hạn về mặt kỹ thuật của từng phương tiện, cũng giống cái cách mà những người thợ xây nhà thờ thời Trung cổ học về cấu trúc một ngôi nhà.
Shannon hiểu rằng lĩnh vực này cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể và tự tiếp cận đề tài này mà không cần sự gợi ý hay hướng dẫn nào từ Bush, trước khi ông đến làm việc cho Bell Labs, nơi mà rõ ràng lĩnh vực mà ông đang theo đuổi rất có giá trị về mặt kinh tế đối với AT&T.
Ở nhà, bạn có thể có một sợi cáp quang để truyền tải các kênh truyền hình, âm nhạc, trang web, điện thoại và tất cả những dạng thông tin khác. Dây cáp này là một ví dụ cho "kênh thông tin". Nó là một cái đường ống chuyển những thông điệp. Nói cách khác, nó giống như đường ống dẫn nước vào nhà bạn vậy. Đường ống hay dây cáp đều có thể chuyển tải được rất nhiều nhưng vẫn ở trong một giới hạn nhất định, gọi là dung lượng. Với đường ống dẫn nước, dung lượng đơn giản chỉ là thiết diện của đường ống. Đối với một kênh truyền thông, dung lượng được gọi là độ rộng dải tần (bandwidth).
Dòng nước chảy trong đường ống bị giới hạn không chỉ bởi dung lượng của nó mà còn bởi lực ma sát. Sự tiếp xúc giữa nước và thành ống gây nên sức cản và sự chuyển động không đều của nước, dần đến hạn chế dòng chảy. Tương tự như vậy, những kênh truyền thông cũng phụ thuộc vào tiếng ồn, nó có thể bóp méo hoặc hạn chế dòng thông tin được truyền tải, đây là kết luận mà các kỹ sư đã rút ra. Ở nơi nào có quá nhiều tiếng ồn thì nơi đó thông tin có thể bị gián đoạn.
Có một sự khác nhau vô cùng quan trọng giữa đường ống dẫn nước và dây cáp quang (hay bất kỳ đường truyền thông tin nào khác). Đó là nước thì
không thể nén lại được, hay ít nhất hệ thống ống nước gia đình cũng không thể đủ áp suất để làm điều này. Một ga lông (3,78 lít) nước luôn luôn chiếm một thể tích tương đương đường ống. Bạn không thể nhét một ga lông nước
vào 1 panh (0,473 lít) để có thể chuyển được nhiều nước hơn trong cùng một đường ống đó. Nhưng thông tin lại khác, có thể hoàn toàn được rút ngắn hay nén lại mà không hề làm mất đi ý nghĩa.
Những dường dây điện báo đầu tiên quả thực là những thiết bị kì diệu. Các nhà điều hành dịch vụ này ở thế kỷ 19 đã giới hạn thông tin bằng cách lược bỏ bớt những từ, chữ cái và dấu câu không cần thiết. Những người sử dụng điện thoại di động hiện nay cũng làm tương tự trong khi soạn tin nhắn văn bản và sử dụng kí hiệu hay từ viết tắt. Chừng nào người nhận còn hiểu được ý người gửi muốn nói thì tin nhắn đó còn "xài được".
Bạn có thể so sánh những tin nhắn với nước cam ép. Những nhà sản xuất nước cam ở Braxin cô đặc nước cam lại thành nước xi rô rồi vận chuyển sang Mỹ để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ở công đoạn cuối cùng, người ta thêm nước vào và họ sẽ có được thứ nước gần như ban đầu. Quá trình gửi đi một thông tin cũng liên quan đến việc nén và khôi phục lại thông tin. Tất nhiên, đối với thông tin cũng như nước cam, yêu cầu đặt ra là làm sao giữ được sắc thái cốt lõi ban đầu của sản phẩm.
Một cách đặc biệt hiệu quả để nén thông tin là mã hóa chúng. Điện thoại di động và Internet thực hiện quá trình này một cách tự động. Một hệ thống mã hóa tốt có thể nén được nhiều dữ liệu.
Trong trường hợp này, bảng mã Morse rất hữu dụng vì chữ cái phổ biến nhất - E - được biểu diễn bằng mã ngắn nhất: một dấu chấm. Những chữ cái không thông dụng khác như z thì được biểu diễn bằng mã dài hơn với nhiều dấu chấm và gạch ngang. So với những hệ thống mật mã trước đây, bảng mã
Morse giúp cho hầu hết các thông tin trở nên rất ngắn gọn và súc tích. Bảng mã này, cùng với nhiều hệ thống tinh vi khác ngày nay vẫn được dùng để nén hình ảnh, âm thanh và phim ảnh kỹ thuật số.
Sự thành công của những hệ thống nén tin này cho thấy thông tin tựa như bọt biển, hầu như chỉ toàn "khí", rất ít "vật chất". Chừng nào bạn còn giữ lại được phần "vật chất" thì bạn còn có thể lược bỏ bớt phần "khí".
Một câu hỏi mà tất cả những người đi trước Shannon đều cố gắng tìm ra đáp án là: Cái gì là "vật chất" của một thông tin - phần nhất thiết không được lược bỏ? Hầu hết câu trả lời đều là phần nghĩa của thông tin. Bạn có thể lược
bỏ bất cứ cái gì khỏi một tin nhắn ngoại trừ nghĩa của nó. Thông tin không có nghĩa tức là không có sự truyền đạt thông tin.
Quan điểm tiến bộ nhất của Shannon là phần nghĩa thì chẳng có liên quan gì. Theo như lời lý giải của Laplace, ý nghĩa là một giả thuyết mà Shannon không cần đến. Khái niệm của Shannon về thông tin được gắn chặt với sự tình cờ. Không phải chỉ vì những tiếng ồn có thể ngẫu nhiên làm gián đoạn thông tin. Thông tin chỉ xuất hiện khi người tiếp nhận chưa hề biết về nó và không thể đoán trước. Vì thông tin thực sự là không thể đoán trước nên về cơ bản, nó là một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên như những vòng quay của bánh xe roulette hay những lần tung súc sắc.
Nếu như trong lý thuyết của Shannon, ý nghĩa bị loại trừ thì cái gì mới là phần "vật chất" buộc phải được giữ nguyên trong tất cả những thông tin? Shannon cho rằng phần vật chất này có thể được miêu tả bằng những thuật ngữ thống kê. Chúng ta chỉ phải tính mức độ không thể dự đoán của những kí hiệu dùng soạn thảo thông tin đó
Cách đây không lâu, một công ty điện thoại đã cho phát một chương trình quảng cáo với nội dung là tình huống hiểu lầm hài hước do tiếng ồn qua điện thoại di động gây nên. Người chủ trại nuôi gia súc gọi điện để đặt "200 con bò". Do chất lượng âm thanh tồi, rốt cuộc ông ta nhận được "200 con chó chồn" - loài động vật không hề hữu ích chút nào trong việc kéo cày! Tình huống thứ hai, người vợ gọi đến văn phòng của ông chồng và nhờ ông này mua hộ lọ dầu gội đầu, thế nhưng thay vì đem về lọ dầu gội (shampoo) thì ông ta đem về một con cá voi Shamu!
Sự hài hước trong mục quảng cáo trên xuất phát từ những điểm mấu chốt trong quan điểm của Shannon, đó là người ta vẫn có thể trao đổi thông tin cho nhau bất kể họ có hiểu nó hay không. Thử phân tích xem điều gì đã xảy ra trong mục quảng cáo Shamu: (1) Người vợ nói "Mua shampoo (dầu gội đầu)", (2) Người chồng lại nghe "Mua Shamu", (3) Người chồng kết thúc cuộc nói chuyện, tạm biệt, và trên đường về ông ta mua một con cá voi.
Điều thứ ba mới đáng buồn cười. Kì cục ở chỗ "Mua một con cá voi Shamu!" là một thông tin cực kỳ ít khả năng xảy ra. Trong thực tế, mỗi khi giao tiếp chúng ta đều cố gắng đoán biết ý của người đối thoại. Trong não chúng ta luôn luôn nghĩ xem cuộc hội thoại xảy ra ở đâu, đối phương sẽ nói cái gì tiếp theo, điều gì không phù hợp với tình huống, ngữ cảnh. Hai người đối thoại càng ở gần nhau (về khoảng cách địa lý và văn hóa giao tiếp) thì càng dễ tránh được sự hiểu lầm. Một cặp vợ chồng chung sống đã lâu hoàn
toàn có thể hiểu được ý của nhau ngay cả khi một người chưa nói hết câu. những đôi bạn thân tuổi teen có thể cười ngặt nghẽo chỉ vì một tin nhắn vẻn vẹn ba kí tự.
Sẽ không khôn ngoan chút nào nếu nói chuyện với một người lạ hay một ai đó không cùng chung văn hóa giao tiếp với mình mà lại dùng lối trả lời tiết kiệm chữ như trên. Giả sử bạn muốn chồng (hoặc vợ) mình mang về một con cá voi Shamu, bạn không thể chỉ nói "Mua Shamu!" Bạn phải giải thích cặn kẽ. Thông tin càng không có khả năng sẽ xảy ra thì càng khó để nén được nhiều và độ rộng dải tần cần để chuyển tải thông tin càng lớn. Đây cũng là nội dung quan điểm của Shannon: điều cốt lõi của một thông tin là tính không xác thực của nó.
Shannon không phải là người đầu tiên định nghĩa thông tin theo cách này. Hai nhà khoa học tiền bối có ảnh hưởng đến ông nhất là Harry Nyquist và Ralph Hartley cũng từng làm việc tại Bell Labs vào những năm 1920. Shannon đã đọc những tài liệu nghiên cứu của Hartley ở trường đại học và thú nhận rằng chúng "có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi."
Trong khi phát triển các ý tưởng của mình, Shannon cần một cái tên để đặt cho phần cốt lõi không thể nén lại của thông tin. Nyquist thì dùng từ “intelligence" còn Hartley dùng từ "information". Trong những tài liệu đầu tiên, Shannon ủng hộ thuật ngữ của Nyquist. Ý nghĩa về mặt quân sự của từ "intelligence" cũng phù hợp với công việc giải mật mã. "Intelligence" cũng được áp dụng cho một nghĩa khác mà lý thuyết của Shannon không hề đề cập đến.
John von Neumann của Viện nghiên cứu chuyên sâu ở Princeton khuyên Shannon nên dùng từ "entropy". Entropy là một thuật ngữ vật lý, được dùng với ý nghĩa như thước do độ ngẫu nhiên, bất ổn định và không chắc chắn. Khái niệm entropy được phát triển từ những nghiên cứu về động cơ hơi nước. Người ta nhận ra rằng không thể chuyển hóa toàn bộ nhiệt năng từ đầu máy hơi nước thành năng lượng có ích. Mỗi đầu máy hơi nước lại cần một sự chênh lệch về nhiệt độ để vận hành (hơi nóng đẩy pit tông tương phản với hơi lạnh của bầu không khí). Dần dần, sự chênh lệch này giảm xuống rồi dừng lại. Các nhà vật lý học miêu tả quá trình này như là sự tăng lên trong entropy. Định luật thứ hai về nhiệt động lực học nói rằng, trong bất kì một quá trình tự diễn biến nào, entropy tổng của hệ và môi trường xung quanh luôn tăng.
Sử dụng thuật ngữ "entropy" và anh sẽ không thua trong bất kì cuộc
tranh luận nào, von Neumann đã nói như thế với Shannon -bởi một lẽ chẳng ai thực sự hiểu "entropy" nghĩa là gì cả, Ý tưởng của Von Neumann hoàn toàn không phải là chuyện đùa chút nào. Phương trình cho entropy trong vật lý cũng có cùng một công thức với phương trình thông tin trong lý thuyết của Shannon.
Shannon đồng ý sử dụng gợi ý của Neumann. Ông dùng cả từ "entropy" và kí hiệu đại số H của nó. Sau đó, ông đã đặt tên cho ngôi nhà ở Massachusetts của mình là "Entropy House " - cái tên mà bất cứ ai đã từng nhìn thấy bên trong ngôi nhà cũng đều thấy nó rất phù hợp.
Robert Fano nói: "Tôi không thích từ "lý thuyết thông tin", Claude cũng thế." Nhưng cái từ quen thuộc "thông tin" lại quá quyến rũ. Chính thuật ngữ này đã gắn chặt với cả thuyết của Shannon và việc đo nội dung thông tin của nó.
Bandwagon1
Trong công việc, Shannon đã tiến xa hơn những người đi trước rất nhiều. Những gì mà ông đạt được có thể làm bất cứ ai phải ngạc nhiên. Đó gần như là những phép lạ vậy. Và cho đến giờ vẫn thế.
Một trong những phát hiện như thế là việc có thể khai thác gần như tối đa dung lượng của một kênh truyền thông thông qua mã hóa thông tin. Điều này gây ngạc nhiên bởi vì trước đó chưa ai tiếp cận được ý tưởng này trong thực tiễn. Không một bảng mã thông thường nào (Morse, ASCII, "tiếng Anh đơn giản") đủ khả năng đáp ứng những điều mà lý thuyết đưa ra.
Nó cũng giống như việc bạn bỏ những quả bóng bowling vào một cái sọt đựng cam. Bạn sẽ nhận thấy rằng cho dù có sắp xếp thế nào thì vẫn còn rất nhiều khoảng trống trong cái sọt, đúng không nào? Hãy tưởng tượng bạn có thể sắp xếp những quả bóng sao cho không còn khoảng trống nào, khi đó cái sọt bị lấp kín 100%. Rõ ràng bạn không thế làm được việc đó với một cái sọt đựng cam và những quả bóng bowling, nhưng Shannon nói bạn có thế làm được với những kênh truyền thông và những thông tin.
Một phát hiện bất ngờ khác liên quan đến tiếng ồn. Trước Shannon, người ta cho rằng tiếng ồn có thể được giảm đến mức tối thiểu bằng cách tăng dung lượng đường truyền. Một ví dụ đơn giản, để phòng trường hợp bị thất lạc, bạn có thể gửi một tin nhắn 3 lần (Hãy mua dầu gội - Hãy mua dầu gội - hãy mua dầu gội). Có khả năng người kia sẽ nhận được tin Hãy mua dầu gội - Hãy mua Shamu - Hãy mua dầu gội. Bằng cách so sánh ba tin nhắn, anh ta sẽ nhận ra thông tin chính xác cần tiếp nhận. Tuy nhiên điều bất lợi là bạn phải mất một dung lượng lớn gấp ba lần lượng cần thiết.
Shannon đã chứng minh được là bạn có thể vừa ăn cái bánh và vẫn giữ được nó. Có nghĩa là bạn vừa có thể mã hóa một thông tin sao cho những lỗi do tiếng ồn giảm đến mức như mong muốn - bất kể kênh truyền thông tin có ồn thế nào, đồng thời không cần thêm một khoảng rộng dải tần nào. Phát hiện này không tuân theo những quan điểm chung của nhiều thế hệ kỹ sư. Robert Fano nhấn mạnh:
Hạn chế sai sót đến mức tối đa có thể? Chưa ai từng nghĩ đến điều này. Bằng cách nào mà anh ấy tìm ra điều này, thậm chí còn tin tưởng vào nó, tôi không hiểu nổi. Nhưng thực tế là hầu hết những thiết bị truyền thông hiện đại đều dựa trên phát hiện ấy.
Ban đầu, thật khó tưởng tượng những thành quả của Shannon sẽ được ứng dụng như thế nào. Những năm 40 của thế kỷ 20, không một ai hình dung ra cảnh mọi người có thể tìm thấy những lối đi trong siêu thị chỉ với một cái diện thoại di động áp vào một bên tai. John Pierce ở Bell Labs đã nghi ngờ về tính thực tiễn của lý thuyết thông tin. Ông cho rằng chỉ tăng độ rộng dải tần thì mới có thể tăng khả năng truyền tải dữ liệu. So với việc nâng cấp hệ thống để sử dụng phương pháp mã hóa kỹ thuật số thì việc đặt thêm dây cáp đỡ tốn kém hơn nhiều.
Sputnik (loại tàu không gian không người lái do Liên Xổ phóng) và chương trình không gian cua Mỹ đã thay đổi quan niệm trên. Để lắp một cục pin trong không gian phải tốn mất hàng triệu đô la. Hệ thống liên lạc vệ tinh cần nguồn năng lượng và độ rộng dải tần rất lớn. Chỉ khi nó được phát triển cho NASA, giá thành của những bảng mã kỹ thuật số và con chip mới hạ xuống vừa mức với nhu cầu khách hàng.
Nếu không có những thành tựu của Shannon, chắc hẳn ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác rồi. Tất cả thiết bị kỹ thuật số mà chúng ta sử dụng đều phụ thuộc vào sự đột biến điện, sự tĩnh điện và tia vũ trụ. Bất cứ khi nào một chiếc máy tính khởi động, nó đều phải đọc hàng triệu dữ liệu từ đĩa. Chỉ cần một vài bit bị lỗi thì những chương trình máy tính sẽ cũng sẽ bị lỗi và có thể bị phá vỡ hoàn toàn. Lý thuyết của Shannon chỉ ra rằng vẫn có một cách để làm cho những nguy cơ này trở nên không đáng kể. Tính hai mặt của việc trao đổi tệp tin qua mạng Internet cũng xuất phát từ Shannon. Tuy nhiên điều đó không có tác dụng với Shannon. Nếu không có những bảng mã khắc phục lỗi sai được lấy cảm hứng từ Shannon thì những tệp nhạc và phim bị sẽ bị hỏng mỗi khi chúng được chuyển qua Internet hay lưu trong ổ cứng. Như một nhà báo đã nói: "Không có Shannon, không có Napster."
Đến những năm 1950, báo chí mới bắt đầu công nhận sự quan trọng của những thành quả mà Shannon đạt được. Tạp chí Fortune đã xếp lý thuyết thông tin của Shannon là một trong những "phát kiến hiếm hoi và đáng tự hào nhất" của nhân loại, "một lý thuyết khoa học có thể làm thay đổi một cách sâu sắc và nhanh chóng cách nhìn nhận của loài người về thế giới."
Tên gọi "lý thuyết thông tin" nghe có vẻ hơi rộng và "bỏ ngỏ". Những năm 1950 và 1960, cụm từ này thường được dùng để chỉ khoa học máy tính, trí thông minh nhân tạo và rô bốt (những lĩnh vực có sức hút mạnh mẽ với Shannon nhưng lại khác xa nội dung của lý thuyết thông tin của ông). Mọi người đều dự cảm trước một cuộc cách mạng về văn hóa sẽ đến trong lĩnh
vực máy tính, mạng máy tính và phương tiện truyền thông đại chúng ở mức cơ bản.
"Ở đây, từ 'communication' được dùng với nghĩa rất rộng nhằm bao quát tất cả những phương tiện mà nhờ nó một tâm trí có thể tác động lên một tâm trí khác." Đây là lời giới thiệu cho cuốn "Lý thuyết toán học về truyền thông" (The Mathematical Theory of Communication) xuất bản năm 1949, in lại những tài liệu của Shannon. "Tất nhiên, trong quyển sách này không chỉ có những bài viết và bài phát biểu mà còn có những bản nhạc, tác phẩm hội họa, kịch bản, vũ ba lê, và tất cả những hành vi đời thường của con người."
Những lời này được viết bởi Warren Weaver, ông chủ cũ của Shannon. Bài viết của Weaver giới thiệu về lý thuyết thông tin cứ như về môn nhân văn học - mà có lẽ chỉ là do vô tình.
Bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ Shannon, nhà phân tích truyền thông Marshall McLuhan nghĩ ra thuật ngữ "thời đại thông tin" trong cuốn "Understanding Media" (1964). Thuật ngữ này đủ sức diễn tả được cách mà những thiết bị truyền thông điện tử đang thay đổi cả thế giới. Nhưng ông cũng không ngờ rằng chính Claude Shannon là người mở đường cho cuộc cách mạng này.
Lý thuyết thông tin của Shannon được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khoa học như ngôn ngữ, tâm lý, kinh tế, quản trị, vật lý lượng tử, phê bình văn học, thiết kế sân vườn, âm nhạc, và thậm chí cả tôn giáo. (Năm 1949, Shannon có trao đổi thư từ với nhà văn chuyên viết tiểu thuyết khoa học L.Ron Hubbard. Sau khi Hubbard cho xuất bán cuốn "Dianetics", Shannon đã giới thiệu nhà văn với Warren McCulloch - nhà khoa học trong lĩnh vực mạng nơ-ron nhân tạo. Trong những tác phẩm và trên website của mình, Hubbard đã trích dẫn nhiều thuật ngữ mà Shannon dùng trong lý thuyết thông tin. Hubbard cũng đã từng trích dẫn câu châm ngôn của George Orwell: con đường đến với sự giàu sang bắt đầu từ tín ngưỡng.)
Bản thân Shannon cũng tham gia phân tích cuốn sách "Finnegans Wake" của James Joyce trên khía cạnh lý thuyết thông tin. Betty Shannon thì hợp tác với Pierce soạn những bản nhạc "thời đại máy tính", Bell Labs là một viện nghiên cứu liên ngành. Một vài nhà khoa học của Viện, đáng chú ý nhất là Billy Kluver, đã bắt tay với những người đi tiên phong trong giới nghệ sĩ ở New York: John Cage, Robert Rauschenberg, Nam June Paik, Andy Warhol, David Tudor và một số người khác. Trong số họ có những người sống và làm việc chỉ cách trụ sở Manhattan của Bell Labs trên West Street vài bước chân. Hầu hết những nghệ sĩ này đều biết đến Shannon, ít nhất là tên tuổi và
các khái niệm khoa học trong lý thuyết của ông. Đối với những người như Cage và Rauschenberg - người đã khám phá ra quy mô tối thiểu mà một tác phẩm âm nhạc hay nghệ thuật có thể đạt tới, lý thuyết thông tin dường như có nhiều điều để thảo luận - ngay cả khi không có ai thực sự chắc chắn mình đang nói cái gì.
Shannon bắt đầu cảm thấy lý thuyết của mình đã được đề cao quá mức. Trên một bài xã luận năm 1956, ông đã nhẹ nhàng châm biếm lý thuyết của mình bằng cách gọi nó là "bandwagon." Những ai không hiểu thấu đáo lý thuyết này chộp ngay lấy từ "bandwagon" như một phép ẩn dụ thời thượng và phóng đại lên, đem sử dụng trong cả những lĩnh vực khác xa nguồn gốc của nó. những nhà lý thuyết khác như Norbert Wiener và Peter Elias tiếp tục đề tài này. Elias viết một cách mỉa mai châm biếm rằng đã đến lúc phải chấm dứt những bài báo có tựa kiểu như "Lý thuyết thông tin, Sự quang hợp và Tôn giáo."
Đối với Shannon, Wiener và Elias, những khúc mắc về tầm ảnh hưởng của lý thuyết thông tin hẹp hơn nhiều so với những câu hỏi mà Marshall McLuhan đặt ra. Liệu có phải lý thuyết này có ý nghĩa sâu sắc đối với bất kỳ lĩnh vực nào nằm ngoài lĩnh vực truyền thông hay không? Câu trả lời, có vẻ như là "có". Đó chính là điều mà nhà vật lý học John Kelly đã đề cập đến trong bài báo có tựa "lý thuyết thông tin và hoạt động cờ bạc"
John Kelly (con)
Năm 1894, những người sáng lập thành phố Corsicana, bang Texas đã cho khoan một cái giếng mới. Thay vì phun ra nước thì cái giếng này phun ra dầu. Corsicana trở thành một trong những thành phố phát triển về dầu khí đầu tiên của Mỹ. Chỉ trong một thời gian, thành phố đã đủ tiền để xây dựng nhà hát opera - nơi Caruso đã từng biểu diễn. Sau đó, thời kỳ suy thoái xảy ra và thay đổi tất cả. Giá dầu giảm nhanh chóng mặt, đến mức chỉ còn 10 cent một thùng. Nền kinh tế khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.. Nền công nghiệp duy nhất còn trụ vững là bánh, trái cây mua qua thư đặt hàng.
John Larry Kelly (con), sinh ngày 26-12-1923 tại Corsicana. Thân mẫu của ông, bà Lillian, làm việc cho chương trình hưu trí của giáo viên thành phố, về người cha cùng tên của Kelly, tôi không tìm hiểu được gì nhiều ngoài thông tin ông là một nhân viên kiểm toán. Kelly rất hiếm khi kể với bạn bè về cha mình. Mà cũng có thể Kelly chưa từng biết về ông ta. Báo cáo điều tra dân số năm 1930 cho thấy cậu bé John 6 tuổi đã sống cùng với mẹ là Lillian, bà ngoại và một người dì trong một căn hộ giá 30 đô la một tháng.
Kelly lớn lên trong Thế chiến thứ hai và làm phi công cho Học viện không quân Hoa Kỳ trong 4 năm. Sau đó, cậu hoàn thành các khóa học tại trường đại học Texas ở Austin rồi học tiếp ngành vật lý. Đề tài luận văn thạc sĩ của cậu là "Sự biến đổi của tốc lực gia tăng đàn hồi với nước trong đá trầm tích" (Variation of Elastic Wave Velocity with Water Content in Sedimentary Rocks), nói đến một ứng dụng trong ngành dầu mỏ. Đề tài tiếp theo mà Kelly chọn để bảo vệ tiến sĩ năm 1953 là “Nghiên cứu những đặc tính đàn hồi của các vật liệu khác nhau" (Investigation of Second Order Elastic Properties of Various Materials). Đề tài nghiên cứu này đủ tầm quan trọng cho một lời đề nghị làm việc ở Bell Labs dành cho Kelly.
Không cần Shannon thì Bell Labs cũng đã là một trong những trung tâm nghiên cứu có uy tín nhất thế giới. Sự độc quyền vừa phải của Công ty Điện báo và Điện thoại Hoa Kỳ (AT&T) đã giúp Bell Labs có được những trang thiết bị đắt tiền phục vụ cho những cuộc nghiên cứu trên quy mô lớn. Người ta cho rằng Bell Labs giống như một trường đại học, chỉ khác là các nhà nghiên cứu ở đây không bao giờ giảng dạy và trung tâm này luôn luôn có đủ nguồn tài chính để tiến hành mọi cuộc thí nghiệm.
Khi đến làm cho trung tâm Murray Hill của Bell Labs, Kelly vừa tròn 30 tuổi. Ông có một vẻ điển trai rất thu hút, mặc dù trông ông không được khỏe
mạnh. Những quầng thâm dưới mắt khiến ông trông già hơn, có vẻ gì bí ẩn và hơi tiều tụy. Kelly hút thuốc như ống khói và nốc rượu như hũ chìm. Ông ưa thích tụ tập, "Cuộc đời là những bữa tiệc đầy ắp niềm vui", ông vừa nói to vừa tháo cà vạt và đá văng đôi giày.
Giọng nói lè nhè đặc sệt vùng Texas là dấu hiệu để nhận ra Kelly ở Bell Labs. Ông cũng rất thích thú với những khẩu súng.
Kelly sưu tập súng và là một hội viên của câu lạc bộ những người chơi súng. Trong những khẩu đáng giá của ông có cả một khẩu súng ngắn Magnum. Một niềm đam mê khác nữa là bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá trong trường học. Ông chế tạo những mạch điện trở gắn trên những cái thớt thái bánh mì để mô phỏng và dự đoán kết quả của những trận bóng. Kết quả thắng - thua của một đội bóng sẽ được biểu diễn bằng một điện trở với những mức đơn vị điện trở khác nhau.
Kelly kết hôn với Mildred Parham và có 3 đứa con, Patricia, Karen và David. Chúng lớn lên trong một ngôi nhà ở ngoại ô, số 17 Holly Glen Lane South, Berkeley Heights, New Jersey.
Một trong những người bạn thân nhất của Kelly ở Bell Labs là người đồng hương Texas, Ben Logan. Sáng nào hai người cũng đi uống cà phê rồi đến văn phòng của Logan. Kelly gác chân lên bệ để phấn của cái bảng đen và châm một điếu thuốc. Thuốc tàn ông lại đốt tiếp điếu khác rồi di mẩu đầu lọc xuống sàn nhà của Logan.
Khi phải đối mặt với một vấn đề hóc búa, Kelly ngồi tựa lưng vào ghế, gác chân lên đâu đó, rít một hơi thuốc và nói một điều gì đó khiến người nghe phải kinh ngạc hết sức về sự nhạy bén và am hiểu của ông. Manfred Schoeder và Billy Kluver đánh giá Kelly là nhân vật có đầu óc nhạy bén nhất Bell Labs chỉ sau Shannon.
Chỉ đến trước khi Shannon chuẩn bị rời Bell Labs thì ông và Kelly mới có dịp biết nhau. Tình cờ tôi có được một giai thoại liên quan đến cả hai nhân vật này. Robert Fano nhớ lại rằng, có hai người đàn ông đến thăm MIT năm 1956. Một buổi tối, sau khi dùng bữa, họ đi bộ ngang qua phòng hòa nhạc Kresge của trường. Căn phòng này do Eero Saarinen thiết kế, kiến trúc hình mái vòm, thấp, nếu so với kích thước của toàn nhà thì mái vòm của nó còn mỏng hơn cả vỏ trứng. Các sinh viên coi việc trèo lên mái là cả một thử thách đầy hấp dẫn. Khi nghe đến điều này, ngay lập tức Shannon và Kelly đều đá phăng đôi giày dưới chân và bắt đầu trèo lên. Tuy nhiên, lực lượng
bảo vệ của trường đã xuất hiện để ngăn họ lại. Fano chỉ có thể yêu cầu bảo vệ đừng bắt giữ "những vị khách lịch thiệp đến từ Bell Telephone Labs."
Công việc của Kelly bao quát rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông bắt đầu với việc nghiên cứu các cách thức nén dữ liệu truyền hình. Công việc này đưa ông đến với một quy tắc mới trong lý thuyết thông tin của Shannon mà Kelly chỉ có thể nắm bắt được bằng cách tự đọc.
Sau đó, Kelly tham gia vào một nghiên cứu ngốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Đó là chiếc máy tổng hợp giọng nói. Những nhà khoa học ở Bell Labs bắt đầu quan tâm đến ý tưởng này từ những năm 1930. Nó cũng tựa như thuật giả kim vậy. Mọi người luôn luôn thấy mình đang đứng mấp
mé trên ngưỡng cửa mở ra một bước đột phá vĩ đại và siêu lợi nhuận, họ có cảm tưởng như chỉ cần thêm một chút thời gian và tiền bạc nữa là họ sẽ đạt được. Giấc mơ kì diệu đó đã không bao giờ thành sự thật, ít nhất là trong cuộc đời ngắn ngủi của Kelly,
Mục đích ban đầu của nhóm nghiên cứu không phải là chiếc máy tính biết nói mà là tìm cách duy trì độ rộng dải tần. Những năm 1930, Homer Dudley làm việc ở Bell Labs đã xác định được những cuộc nói chuyện qua điện thoại có thể được nén bằng cách truyền các văn tự biểu âm (phonetic scripts) sẽ tốt hơn là truyền giọng nói. Theo Dudley, hệ thống máy tính sẽ chia những từ người nói phát ra thành một chuỗi những ký tự ngữ âm rồi mã hóa chúng. Ở đầu dây bên kia, điện thoại sẽ khôi phục lại theo đúng cách phát âm, tương đối chính xác về âm vực và sắc thái. Máy này được đặt tên là "VOCODER" (viết tắt của "voice coder"- máy mã hóa giọng nói). Dudley cho trưng bày chiếc máy này tại một gian hàng nghệ thuật trang trí lớn ở Hội chợ quốc tế năm 1939. Chiếc máy của Dudley có thể truyền 20 cuộc hội thoại trên cùng một đường dây mà trước đó chỉ truyền được 1. Tuy nhiên, điểm yếu của chiếc máy này là âm thanh sau khi được phục hồi hơi khó nghe.
Bell Lab không lấy gì làm vui để từ bỏ chiếc máy mã hóa giọng nói. Mãi đến cuối năm 1961, John Pierce, sếp cũ của Betty Shannon, nửa đùa nửa thật đề nghị mở rộng khái niệm vocoder cho cả ti vi và điện thoại có hình ảnh. Pierce viết: “Hãy tưởng tượng trên ống nghe có một cái mặt nạ bằng cao su.” Ý ông muốn nói đến là mỗi gia đình Mỹ nên có một hình mặt người bằng điện. Khi có điện thoại, nó sẽ biến thành gương mặt của người gọi đến, và bạn sẽ nói chuyện với hình nhân này, còn nó sẽ nhại lại từng lời và từng nét mặt của người ở đầu dây bên kia.
Kelly tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, theo đuổi một ý tưởng phức tạp hơn, đó là máy tổng hợp giọng nói dựa trên quy tắc. Đưa cho một người quyển từ điển có phiên âm, anh ta sẽ đọc được bất kỳ từ nào. Kelly cũng đang cố gắng lập trình cho máy tính theo cách đó. Ông cung cấp cho máy tính cách phát âm các chữ cái trên các tấm danh thiếp, máy tính sử dụng những tấm danh thiếp này cùng một bộ quy tắc để phát âm các từ. Tuy vậy, Kelly và những người khác đã nhận thấy rằng ngôn ngữ nói thường ít tuân theo một quy tắc nào và có mối liên hệ với nhau. Cách phát âm các chữ cái và âm tiết còn phụ thuộc vào ngữ cảnh nữa. Kelly đã cố gắng thiết lập một bảng quy tắc bao gồm cả những vấn đề này và tìm ra cách hữu hiệu để mã hóa không chỉ cách phát âm mà cả ngữ diệu.
Cũng tại hội chợ nơi AT&T giới thiệu chiếc VOCODER, General Samoff của NBC đã đưa ra một dự đoán hết sức sai lầm "kịch truyền hình chất lượng cao với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu sẽ giúp nâng cao thị hiếu thưởng thức kịch của mọi người trên nước Mỹ này." Con trai của Moe Annenberg, Walter, đã dốc hết tài sản vào lĩnh vực truyền thông mới mẻ bằng cách lập nên TV Guide. Tuy vậy, có hàng ngàn kẻ sẵn sàng chế ra đủ loại chương trình truyền hình rẻ tiền để kiếm chác. Đáng xấu hổ nhất trong thời kỳ hậu chiến là loạt chương trình "phát không" (give-away shows). Chủ chương trinh cứ nhấc điện thoại lên và gọi cho bất kỳ một người Mỹ nào. Công dân may mắn nhận được cú điện sẽ phải trả lời bằng một câu nói nổi tiếng nào đó đã từng được nói trên chương trình - hoặc không thì một câu nào khác mà người từng trả lời câu đó từng xuất hiện trên game show - để giành được phần thưởng (!).
Chương trình này là một cách để gắn chặt người ta vào màn hình ti vi hay radio. Năm 1949, ủy ban truyền thông Liên bang (FCC), trong chủ trương bảo vệ thị hiếu công chúng, đã ra lệnh cấm những game show kiểu này. Dựa trên một lý thuyết còn nhiều tranh cãi rằng những game show ấy góp phần phát triển nạn cờ bạc bất hợp pháp, FCC tuyên bố không tái cấp phép cho bất kì đài phát thanh truyền hình nào còn duy trì những game show kiểu "phát không" như trên nữa. Cuối cùng những chương trình kiểu này đã biến mất khỏi sóng truyền hình.
Ba hãng truyền hình lớn đã đưa vụ này lên Tòa án Tối cao. Năm 1954, Tòa tuyên bố phần thắng nghiêng về phía các đài truyền hình và công nhận quyền hợp pháp của những give-away show. Điều này đã mở ra một thời kì mới. Ngày 7-6-1955, hãng CBS Television đã hưởng ứng bằng cách phát sóng một cuộc thi đố vui mới có tên "Câu hỏi 64.000 đô la" (The $64,000 Question), dựa trên trò chơi "Năm bắt hay từ bỏ” (Take it or Leave) đã phát
trên đài phát thanh trước đó. Các nhà sản xuất dựa vào phán quyết của Tòa án Tối cao để đưa ra mức thưởng rất cao và hấp dẫn chưa từng có đối với một game show. Mức thưởng cao nhất trong trò chơi trên đài phát thanh chỉ là 64 đô la .
Người chơi trả lời đúng câu hỏi đầu tiên sẽ được 1 đô La. Với mỗi câu trả lời đúng tiếp theo, số tiền thưởng sẽ nhân đôi - sau đó tăng từ 512 đô la lên 1000 đô la nếu vượt qua câu "bản lề" của vòng một để sang vòng tiếp theo - sau đó tiền thưởng lại tiếp tục tăng gấp đôi cho đến mức tối đa là 64.000$ nếu trả lời đến câu cuối cùng. Cái gây khó khăn ở đây là hoặc người chơi sẽ được gấp đôi số tiền đang có hoặc không còn gì cả nếu trả lời sai.
Các ứng viên trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất sẽ được ngồi vào một phòng kín để ngăn không cho họ nghe khán giả nhắc. Nhà sản xuất chương trình tắt cả điều hòa không khí để mọi người có thể thấy rõ từng giọt mồ hôi trên trán thí sinh. Game show này đã gây ra một hiệu ứng mạnh giống như những phiên tòa của Kefauver trước kia. Nó thu hút đến 85% lượng khán giả theo dõi và có hàng tá những game show na ná như thế ra đời.
Những người chiến thắng trong “Câu hỏi 64.000 đô la" trở nên nổi tiếng. Trong số đó có Redmond O'Hanlon - một cảnh sát ở quận Satten Island và là chuyên gia về Shakespeare, Joyce Brothes - nhà vật lý học nhưng biết tất cả về những tay đấu quyền Anh chuyên nghiệp, Gino Prato - một thợ sửa giày ở quận Bronx rất am hiểu opera... Nhiều khán giả đã đặt cược vào thí sinh mà họ cho rằng sẽ giành chiến thắng. "Câu hỏi 64.000 đô la" được sản xuất ở New York và phát trực tiếp khắp East Coast và phát lại ở West Coast sau đó ba giờ. Qua điện thoại, một tay cá độ ở West Coast đã biết kết quả người thằng cuộc và đặt cược trước khi chương trình được phát sóng, dĩ nhiên là hắn biết trước ai thắng rồi.
Theo những tài liệu được đánh máy ghi lại một bài giảng của Shannon tại MIT năm 1956, chính mánh khóe trên đã tạo cho John Kelly cảm hứng nghĩ ra phương thức toán học để đánh bạc. Tôi đã lục lại tất cả báo và tạp chí để tìm câu chuyện về vụ cá cược "Câu hỏi 64.000 đô la" hay thông tin gì đó về người giấu tên ở West Coast nhưng không gặp may. Điều duy nhất tôi tìm được là những mánh lừa đảo tương tự như thế trong những chương trình truyền hình thực tế như Survivor, The Bachelor, và The Apprentice. Tất cả được ghi hình tại những nơi xa hay trường quay kín, người chơi và ê kíp thực hiện được yêu cầu phải giữ bí mật về kết quả cuộc thi cho tới ngày phát sóng. Một sòng bạc trên mạng có địa chỉ BetWWT.com nhận đặt cược kết quả những chương trình này. Trong trường hợp có vài người cùng đặt cược
vào một thí sinh với số tiền lớn thì sòng bạc sẽ ngưng không nhận nữa, đề phòng có người đã nắm được kết quả trong tay.
Dù thế nào thì Kelly cũng vẫn có thể liên kết mánh khóe trong trò "Câu hỏi 64.000 đô la" với những vấn đề liên quan đến lý thuyết thông tin. Lý thuyết của Shannon bắt nguồn từ mật mã học nên chỉ liên quan đến những thông tin được mã hóa. Có nhiều người tự hỏi liệu lý thuyết ấy có thể áp dụng trong trường hợp không dính líu gì đến mật mã không. Và Kelly đã tìm ra câu trả lời. Mặc dù hai người làm việc ở hai ban khác nhau và Kelly không thân thiết với Shannon nhưng ông cũng quyết định phải trao đổi vấn đề này với Shannon và được Shannon khuyến khích công bố ý tưởng này. Không như Shannon, Kelly cũng rất nóng lòng muốn làm theo lời khuyến khích này.
Bức điện cá nhân
Kelly mô tả ý tưởng của mình như sau: Một "tay chơi bạc với dường dây điện thoại riêng" sẽ nhận được kết quả những trận đấu bóng chày hay đua ngựa trước những người khác. Những thông tin này có thể không đáng tin 100% nhưng cũng đủ độ tin cậy để mang lại lợi thế cho người đặt cược. Họ có thể đặt tiền vào những vụ cá cược "công bằng", không bị sắp đặt theo những mánh khóe bí mật. Kelly đặt ra vấn đề là những người đặt cược sử dụng thông tin này như thế nào.
Đây không phải là một điều đơn giản chút nào. Hãy xét thử một trường hợp tiêu cực thế này. Một tay chơi bạc tham lam có thế bị cám dỗ, đặt cược cả vốn liếng của mình vào một con ngựa dựa trên những thông tin nội bộ như thế. Đặt càng nhiều thì ăn càng lớn.
Vấn đề ở trường hợp này là những thông tin đó không phái lúc nào cũng đảm bảo 100%. Chẳng sớm thì muộn cũng có lần con ngựa "cưng" của họ bị thua. Và những người luôn luôn đặt cược cả sản nghiệp như thế tất nhiên sẽ trắng tay ngay lần đầu tiên bởi mọi chuyện không như dự đoán.
Trường hợp ngược lại cũng không khá hơn. Một tay cá cược nhát chết sẽ đặt số tiền tối thiểu vào mỗi thông tin. Làm như vậy, anh ra sẽ không mất quá nhiều nếu thông tin đó vô giá trị. Nhưng đặt số tiền tối thiểu cũng có nghĩa là thắng số tiền tối thiểu. Rõ ràng những anh chàng nhát chết đó đang lãng phí lợi thế mà thông tin nội bộ đem lại.
Vậy những tay cá cược nên làm gì? Làm thế nào để tận dụng được tối đa những thông tin đó mà không bị thua?
Những người có vận may thường làm giàu theo kiểu này bằng cách đánh cược. Nếu thắng, họ sẽ đặt một phần hay tất cả số tiền ăn được vào một con ngựa khác, rồi một con khác nữa, cứ thế, sau mỗi lần cá cược tài sản của họ lại tăng lên theo cấp số nhân. Kelly kết luận rằng một con bạc có thể quan tâm đến "khoản lãi kép" cũng nhiều như một nhà đầu tư chứng khoán hay trái phiếu, nhưng anh ta không tính toán thành công bằng đô la mà bằng phần trăm tiền lời sau mỗi cuộc đua. Chiến lược tốt nhất là chiến lược mang lại số lãi kép cao nhất mà không có rủi ro hay thất bại.
Sau đó, Kelly cũng chi ra công thức toán học áp dụng cho những tay cá
độ nhiều tham vọng nhưng rất khôn ngoan này và cũng đã được Shannon sử dụng trong lý thuyết về kênh truyền thông bị nhiễm ồn của ông. Shannon chứng minh được rằng hoàn toàn có thể gửi thông tin đi mà gần như không gặp phải cản trở gây nên sai sót nào, tương tự như vậy, hoàn toàn có thể tăng khoản tiền có được nhờ cá độ lên theo cấp số nhân mà gần như không phải đối mặt với rủi ro. Và như thế, hình ảnh "bạn vừa có thể giữ cái bánh lại vừa có thể ăn nó" trong lý thuyết của Shannon cũng được dùng trong cờ bạc.
Kelly có đánh giá về hình thức cá cược đồng đội (pari-mutuel betting). Ở Mỹ và nhiều trường đua châu Á khác, người chơi tự đặt cược trực tiếp với trường đua. Sau khi có kết quả, trường đua sẽ cộng tổng số tiền những người đó thắng được, trừ đi các khoản chi phí và thuế rồi chia đều cho số người thắng.
Vì thế, khoản tiền mà mỗi người nhận được tùy thuộc vào số tiền đặt vào con ngựa thắng cuộc. Giả sử có 1/6 trong tổng số tiền mà trường đua nhận được từ các tay cá cược là cho con Smarty Jones, và con Smarty Jones thắng. Những ai đã đặt cược vào con ngựa này sẽ nhận lại gấp 6 lần số tiền họ đã đặt. điều này được thể hiện dưới tỷ lệ "Smarty Jones, 1 ăn 5", có nghĩa là nếu một người đặt 10$ thì khi thắng sẽ nhận thêm 50$ cộng với 10$ đã đặt (tổng cộng là 60$).
Kelly đưa ra một cách đơn giản để người chơi có thể đặt cược dựa trên những thông tin nội bộ. Đó là vẫn đặt cược tất cả số tiền anh ta có nhưng đặt vào nhiều con ngựa, số tiền đặt dựa trên tỷ lệ cơ hội thắng mà bạn dự đoán cho mỗi con.
Theo cách này, bạn đặt cược vào tất cả những con ngựa trên đường đua và phải có một con thắng cuộc. Dĩ nhiên như vậy lần đua nào bạn cũng thắng cược và không bao giờ bị phá sản hoàn toàn cả. Cách này chỉ áp dụng được đối với những cuộc đua mà hoặc là người đặt cược không hề có chút thông tin nào, hoặc thông tin đó phải có độ chính xác cao.
Hầu hết mọi người đều không tin nhưng thực tế đây là cách nhanh nhất để bạn tăng vốn liếng của mình. Nhưng trong trò chơi roulette, bạn sẽ không thể giàu lên bằng cách này được. Đó là vì tỷ lệ đặt cược trong trò này thường có lợi cho chủ sòng bạc. So với những đường đua thực thì trong trò may rủi này mọi chuyện khác rất nhiều. Hãy nhìn vào các bảng tổng sắp, những tỷ lệ được ghi trên đó phản ánh niềm tin của số đông những con bạc tội nghiệp không có trong tay một chút thông tin nào. Bạn nên đặt cược theo những tỷ lệ này và trong mọi cuộc đua, bạn sẽ luôn luôn lấy lại được số tiền mình đã
bỏ ra (vẫn đang giả sử bạn không có chút thông tin nào). Nếu tỷ lệ đặt cho con Seabiscuit là 1 ăn 2 - nghĩa là mọi người tin rằng nó có 1 trong 3 cơ hội chiến thắng - bạn chỉ cần đặt 1/3 số tiền của mình vào Seabiscuit. Nếu con ngựa này thắng cuộc, bạn sẽ nhận lại gấp 3 số tiền đã bỏ ra, hay 100% số tiền bạn có trước đó. Tương tự với bất kỳ con ngựa nào khác.
Người chơi cá cược theo cách của Kelly lại bỏ qua những tỷ lệ đó. Một hệ thống liên lạc cá nhân sẽ giúp anh ta có một cái nhìn chính xác hơn về những cơ hội chiến thắng thực sự của mỗi con ngựa. Sau đó 'anh ta chỉ cần đặt tiền dựa trên tỷ lệ cơ hội mà anh ta ước đoán.
Hãy lấy một ví dụ dễ hiểu nhất. Hệ thống liên lạc cho biết con Man o' War chắc chắn sẽ về đích đầu tiên, mà những thông tin của hệ thống này luôn luôn chính xác. Bạn có thể tin chắc rằng con Man o' War có 100% cơ hội chiến thắng, còn những con khác là 0%. Và đó chính là số tiền mà bạn nên đặt vào con ngựa này. Hãy đặt 100% số tiền bạn có vào con Man o' War và không đặt đồng nào vào những con còn lại. Khi con Man o' War thắng, trừ khoản tiền đã đặt ra, bạn sẽ thu về một khoản lãi đúng theo tỷ lệ đã được công bố. Hiển nhiên đây là cách tốt nhất để làm lợi từ những thông tin chính xác 100% mà những tay cá cược có được.
Phương pháp của Kelly (và cả Shannon) thường dùng để giải quyết những trường hợp không chắc chắn. Trong thực tế thì không có gì là chắc chắn cả. Dịch vụ điện báo đôi khi có thể xảy ra sai sót hay bị ai đó cố tình phá hoại - hoặc đường dây bị nhiễm tiếng ồn và bạn không thể chắc những gì bạn nghe là chính xác. Cũng có thể dịch vụ chỉ cung cấp những khả năng có thể xảy ra, giống như kiểu dự báo thời tiết vậy, hoặc những thông tin mà bạn buộc phải tự tìm ra ý nghĩa ("Phar Lap không ăn sáng.")
Định lý về kênh truyền thông bị nhiễm ồn của Shannon gọi nó bằng một danh từ rất phù hợp: sự mơ hồ. Trong trường hợp nguồn thông tin không đáng tin cậy (giả sử ta đang coi đây là một phần của kênh truyền thông), sự mơ hồ có thể do những từ có cách phát âm tương tự nhau, lỗi in ấn, tình trạng không rõ ràng một cách cố ý, sai sót, sự thoái thác trách nhiệm hay cố ý cung cấp sai thông tin. "Sự mơ hồ" diễn tả khả năng người nhận nhận được một thông tin sai lệch. Shannon khuyên rằng bạn phải tính đến khả năng này trước khi nhận thông tin nào đó. Tay cá cược của Kelly cũng phải nghĩ đến trường hợp này. Anh ta đặt tiền theo những dự đoán được cho là chắc chắn nhất. Khi bạn tin rằng con War Admiral có 24% cơ hội chiến thắng, bạn nên đặt 24% số tiền bạn có vào nó. Phương pháp này gọi là "đặt cược niềm tin". Sau cùng thì phương pháp này sẽ giúp bạn kiếm được khoản lãi kép (cả vốn
lẫn lời) tối đa có thể - thể hiện những đánh giá và tầm nhìn của bạn chính xác hơn hẳn của đa số.
Có thể bạn vẫn còn băn khoăn tại sao lại không đặt tiền vào một mình con ngựa có khả năng thắng cuộc lớn nhất? Câu trả lời ngắn gọn là con ngựa được cho là có khả năng thắng cuộc lớn nhất đó vẫn có thể không về nhất. Cứ cho là bạn có được những thông tin tốt nhất, và bạn tin rằng cơ hội về đích đầu tiên của con Northern Dancer là 99%. Thế là bạn đặt 99% số vốn liếng vào con ngựa này và vẫn giữ lại 1% trong túi.
Đó chính là 1% "không thắng" của con Northern Dancer. Nếu điều này xảy ra thì trong túi bạn sẽ chỉ còn lại một ít tiền còm cõi. Bạn có thể sử dụng những đồng tiền của mình hiệu quả hơn bằng cách đặt cược 1% còn lại đó vào tất cả những con ngựa khác. Chắc chắn bạn sẽ phải nhận lại được cái gì đó, mà có thể là rất nhiều nữa. Khoản tiền mà bạn đặt vào những con ngựa mà bạn nghĩ là sẽ thua coi như là một "khoản bảo hiểm" xứng đáng. Khi thảm họa hãn hữu xảy đến thì bạn sẽ thấy thật may là mình đã mua bảo hiểm.
Nhìn một cách thi vị thì khi áp dụng phương pháp "đặt cược niềm tin này" là bạn đang làm một điều ngốc nghếch hay ho. Bạn lờ đi những tỷ lệ theo số đông và đặt cược lên tất cả những con ngựa đua theo tỷ lệ mà mình bạn tin tưởng. Không còn gì đơn giản hơn nhưng lại giúp bạn lấy lại cả vốn lẫn lãi.
Những đầu óc ít mơ mộng hơn sẽ nhận thấy trò "đặt cược niềm tin" này không mấy hữu dụng trên những đường đua thực cả. những trường đua ở Mỹ đều thu từ 14% đến 19% trên tổng số tiền đặt cược của tất cả những người chơi. Ở Nhật là 25%. Điều này có nghĩa là mỗi khi ai đó đặt cược toàn bộ tiền trong túi mình cũng tức là đang "cống nạp" từ 14% đến 25% số tiền đó cho các chủ dường đua. Như thế, phải có được những thông tin chính xác siêu việt thì mới có thể thu hồi lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra.
Kelly đã đưa ra một phiên bản mới dựa trên phương pháp "đặt cược niềm tin", hữu ích và thực tế hơn. Sau đây, tôi sẽ đưa ra một công thức hơi khác một chút so với công thức trong bài báo xuất bản năm 1956 của Kelly. Nó dễ nhớ hơn và có thể sử dụng trong nhiều kiểu cá cược và nhiều hoàn cảnh, chính là cái mà những người chơi cờ bạc hiện nay gọi là ''công thức Kelly".
Công thức này chỉ ra rằng bạn nên đặt tiền theo tỷ lệ edge/odds. Trong đó edge là số tiền trung bình mà bạn hy vọng sẽ thắng cược, giả sử bạn luôn
luôn có thể đặt cược cùng một mức tiền. Khoản này được đưa vào công thức vì lợi nhuận luôn tỷ lệ với số tiền mà bạn đặt cược.
Odds là tỷ lệ theo số đông hoặc tỷ lệ được công bố trên bảng tổng sắp, cho biết lợi nhuận mà bạn sẽ thu được nếu thắng, được thể hiện dưới dạng "1 ăn 8", nghĩa là người thắng sẽ nhận lại số tiền đã đặt cộng với một khoản gấp 8 lần số tiền đó.
Trong công thức Kelly, odds không hẳn là tiêu chuẩn tốt để đo lường khả năng xảy ra. Odds được thiết lập bởi áp lực của thị trường, bởi niềm tin của số đông vào cơ may thắng cược. Niềm tin này rất có thể sai. Mà trên thực tế, chúng phải sai thì người chơi trong công thức của Kelly mới có lợi thế. Tỷ lệ chấp này không có vai trò gì đối với những thông tin của Kelly.
Ví dụ: Tỷ lệ chấp cho con Secretariat được công bố là 1 ăn 5 - tức là 5/1. Nhưng 5 là tất cả những gì bạn cần biết.
Nhà cung cấp thông tin thuyết phục bạn rằng con Secretariat có 1 trong 3 cơ hội chiến thắng. Đặt 100$ vào con ngựa này tức là bạn có 1/3 cơ hội nhận được 600$ khi cuộc đua kết thúc. Trung bình vụ cá cược này đáng giá 200$, lãi thực của 100$. Tỷ lệ "edge" ở đây là 100$ tiền lời chia 100% tiền bạn đặt vào, hay đơn giản là 1.
Theo công thức Kelly, edge/odds là 1/5. Có nghĩa là bạn nên đặt 1/5 số tiền bạn có vào con Secretarial.
Hai nhận xét sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những điều vừa nói trên. Thứ nhất: tỷ lệ "edge" bằng 0 hoặc số âm khi bạn không có một nguồn thông tin riêng nào. Khi bạn không có bất kì nguồn thông tin tay trong nào, đương nhiên bạn không biết gì hơn những người khác. Khi ấy lợi thế của bạn bằng 0 (hay thậm chí là âm so với các chủ đường đua). Khi lợi thế bằng 0, tỷ lệ Kelly, edge/ odds cũng bằng 0. Không nên chơi.
Trong một dường đua được sắp đặt trước, "edge" = "odds". Điều hữu ích nhất mà bạn có thể nhận được từ một nguồn thông tin cá nhân là cuộc đua ấy đã được sắp đặt từ trước, vì thế con ngựa đó dĩ nhiên sẽ là con ngựa thắng cuộc! Bạn có thế kiếm được bao nhiêu trong vụ này còn tùy thuộc vào tỷ lệ chấp. Con ngựa chắc-chắn-thắng thường có tỷ lệ chấp rất cao. Ở tỷ lệ 1 ăn 30, đặt 100$ sẽ đem lại cho bạn 3000$ tiền lời. Khi một con ngựa được biết trước là thắng, lợi thế của bạn và của tất cả những người khác là ngang nhau (trong trường hợp này là 30). Theo công thức Kelly là 30/30 hay 100%. Bạn
nên đặt tất tần tật những gì mình có trừ khi bạn nghi ngờ người đứng đằng sau vụ sắp đặt đó không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. "Sự nhập nhằng" sẽ làm giảm lợi thế ước tính của bạn, đồng thời giảm số tiền bạn đặt cược.
Một trong những phương trinh của Kelly là một phát minh tuyệt vời tương tự như công thức E = mc2vậy. Kelly chỉ ra rằng:
Gmax = R
G là tỉ lệ gia tăng của số tiền mà người chơi có. Đó là cách để đo tỷ lệ tiền lãi của số vốn mà người tham gia cá cược bỏ ra. Chữ "max" có nghĩa là tỷ lệ sinh lời tối ưu có thể.
Vế bên phải của phương trình là R, có nghĩa là Kelly cho tỷ lệ sinh lời tối ưu bằng tốc độ truyền tải thông tin trong lý thuyết của Shannon. Tỷ lệ sinh lời của vốn tương đương với dòng truyền tải của "tin tức nội bộ".
Nhiều người sống cùng thời với Einstein không hiểu chút gì về công thức E = mc2cả. Vật chất và năng lượng là những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Phương trình của Kelly cũng khiến người ta cảm thấy y hệt như thế. Tiền lại ngang bằng với thông tin? Làm sao bạn có thể đem bit và byte để đổi lấy đô la đồng yên hay đồng euro?
Trước hết, đơn vị tiền tệ không có nghĩa lý gì cả. Gmax miêu tả tỷ lệ sinh lời của vốn bỏ ra, là phần trăm đạt được mỗi năm. Một tỷ lệ 7% là tỷ lệ tính ở bất kỳ đơn vị tiền tệ nào.
R là tốc độ thông tin truyền tải tính bằng bit/đơn vị thời gian. Đơn vị thời gian phải giống nhau ở cả hai vế của phương trình. Khi bạn ước lượng tỷ lệ sinh lời bằng % mỗi năm, bạn cũng cần ước lượng cả tốc độ truyền thông tin bằng bit mỗi năm.
Ngày nay, những thông tin trên dường đua thường được truyền qua điện thoại di động hay mạng Internet. Những kênh truyền thông có dung lượng tương đối cao này có thể sử dụng hàng nghìn hay hàng triệu bit chỉ để nói mỗi một câu "Chắc chắn Seabiscuit thắng." Những người cung cấp tin tức có thể còn cần đến nhiều dung lượng hơn nữa cho một cuộc nói chuyện ngắn.
Hiển nhiên, những cuộc nói chuyện ngắn này không có tác dụng tăng thêm khả năng thắng cuộc của người chơi. Một kênh truyền giọng nói cũng không đem lại thêm bất cứ cái gì, trong khi đó thông tin tương tự hoàn toàn
có thể được truyền tải chỉ với vài bit, ví dụ như bằng một tin nhắn hay cái gì đó tương tự như thế, mà thậm chí còn súc tích ngắn gọn hơn nữa. Phương trình của Kelly thiết lập một giới hạn cao hơn trong số tiền lời mà bạn có thể thu về từ một dung lượng thông tin nhận được. Mức độ tối đa này sẽ xuất hiện chỉ khi thông tin về con ngựa thắng cuộc được truyền đi với dung lượng bé nhất có thể.
Cách nhanh gọn nhất để nhận ra con ngựa thắng cuộc trong số 8 con có khả năng như nhau là sử dụng mật mã 3 bit. Có 8 số gồm 3 chữ số thuộc hệ nhị phân (000, 001, 010, 011, 100, 101, 110, 111). Mỗi con ngựa ta ấn định với 1 số. Và như vậy chúng ta chỉ cần 3 bit để nhận ra con ngựa nào sẽ giành
chiến thắng.
Nếu thông tin kiểu này chính xác, người chơi cá cược có thể đặt tất cả tài sản của mình vào một con ngựa đã nhắm đến trước. Ở những đường đua cạnh tranh công bằng, nơi tất cả 8 con ngựa đua đều có thể thắng cuộc như nhau thì mỗi đô la bỏ ra cho con ngựa thắng cuộc đều có thể đem về 8 đô la nữa. Như vậy người chơi trong phương pháp của Kelly có thể tăng số tiền của mình lên theo cấp thừa số của 8 mỗi lần anh ta nhận được một thông tin 3 bit. Chú ý là 8 = 23. Số 3 là số mũ, nó quyết định tốc độ tăng tài sản của người chơi. số mũ này tương ứng với số bit của mỗi thông tin nhận được.
Trong những tình huống mang tính thực tế hơn, khi thông tin không phải bao giờ cũng chính xác tuyệt đối, cần phải tính đến cả tính nhập nhằng của nó, và mỗi thông tin cũng nhẹ hơn 3 bit. Với một thông tin nhẹ - hơn - mức - đáng - tin - cậy, mức tăng tối đa của tài sản cũng chậm hơn.
Công thức E = mc2hàm ý rằng hạt vật chất nhỏ nhất chứa đựng nguồn năng lượng đủ để cung cấp cho cả một thành phố hay thiêu rụi nó. Gmax = R khẳng định rằng chỉ vài bit cũng có thể biến những giấc mơ của một nhà đầu tư hay một tên cho vay nặng lãi trở thành sự thực. Một đơn vị bit (tính theo năm hay bất kỳ một đơn vị nào bạn chọn) có thể cho phép một người chơi cá cược nhân đôi số tiền anh ta có. Đó là 100% lợi nhuận đối với 1 bit. Dịch sang ngôn ngữ của phố Wall thì công thức trên có nghĩa là 2 bit có giá 10.000 điểm cơ sở.
Dấu trừ
Với công thức toán học phổ biến nhất, phương pháp cá cược của Kelly được gọi là "tiêu chuẩn Kelly". Nó có thể được dùng để kiếm được số tiền lời tối đa trong bất kỳ vụ cá độ nào. Tuy nhiên, khi đem vào áp dụng, vấn đề lớn nhất là nhận diện tình huống hiếm hoi mà trong đó người chơi có được lợi thế. Kelly nhìn thấy rằng có một kiểu cá cược đem lại lợi ích cho tất cả mọi người: thị trường chứng khoán. Những người sẵn sàng "đặt cược" trên thị trường chứng khoán sẽ kiếm được một số tiền lớn, nói chung thì vẫn cao hơn những người chỉ dám chọn những lối đi an toàn hơn như trái phiếu và tài khoản tiết kiệm. Elwyn Berlekamp, người làm việc cho Kelly ở Bell Labs, nhớ lại Kelly đã nói rằng cờ bạc và đầu tư chỉ khác nhau một dấu trừ. Những trò cá cược nào tích cực thì được gọi là "đầu tư". Ngược lại, những trò nào tiêu cực thì được gọi là "cờ bạc".
Kelly muốn nói đến trường hợp đăng trên một bài báo của ông năm 1956.
Mặc dù mô hình ứng dụng ở đây được lập ra từ những tình huống thực liên quan đến cờ bạc nhưng nó cũng có thể được áp dụng vào kinh tế. Những điều kiện cần thiết để lý thuyết này đi vào thực tiễn là khả năng tái đầu tư của lợi nhuận thu được và khả năng kiểm soát hay biến đổi khoản tiền đầu tư hay đặt cược vào các hoạt động khác nhau đó. Khái niệm "kênh" trong lý thuyết có thể tương đương với kênh truyền thông trong thực tế hay đơn giàn chỉ là toàn bộ thông tin nội bộ mà nhà đầu tư có được.
Ở đây "lượng tin tức nội bộ mà nhà đầu tư tiếp cận được" đề cập đến việc trao đổi thông tin tay trong. Có một lần Shannon được hỏi rằng loại "thông tin" nào được áp dụng với thị trường chứng khoán. Thoáng chút ngập ngừng, Shannon trả lời đó là "thông tin nội bộ".
Lợi thế thông tin đòi hỏi thông tin đó là hợp pháp. Chắc chắn một nhà đầu tư sử dụng các nghiên cứu hay máy tính để ước định giá trị của chứng khoán thì kết quả đem lại sẽ chính xác hơn những người mà sử dụng phương pháp của Kelly. Tuy vậy cũng phải thừa nhận là rõ ràng phương pháp của Kelly luôn luôn đi kèm với sự nhập nhằng về vấn đề đạo đức. Kelly toàn sử dụng những ví dụ không có tính minh bạch như những cuộc đua ngựa gian lận hay những trò bịp liên quan đến những trò đố vui.... Trên thực tế thì không mấy ai đủ tinh ranh để đưa ra những cơ hội thuận lợi như trong lý thuyết của Kelly. Những người sử dụng phương pháp Kelly không được
phép hé răng về những gì cô ta hay anh ta đang làm. Cũng giống như một đầu máy hơi nước không thể hoạt động nếu những chênh lệch về nhiệt độ bị loại trừ, người chơi theo phương pháp Kelly phải dừng lại ngay khi những thông tin riêng mà anh ta có được trở thành của chung, ai cũng biết.
Câu chuyện về phương pháp của Kelly là câu chuyện về những bí mật - hay nếu bạn thích thì nó là câu chuyện về entropy.
Một số nhà điều hành của AT&T nhận thấy giọng điệu hơi phi đạo đức trong bài báo của Kelly. Kelly đã cho đăng bài báo này trên tờ Bell System Technical Journal. Những nhà điều hành bày tỏ sự lo ngại về tựa đề "Lý thuyết thông tin và Cờ bạc". Họ sợ rằng giới báo chí sẽ chú ý đến bài báo và cho rằng Bell Labs đang có dính líu đến hoạt động làm lợi cho những nhà cái bất hợp pháp. Đây vẫn còn là đề tài hết sức nhạy cảm đối với AT&T vì các nhà cái vẫn là những khách hàng lớn của phòng thí nghiệm này.
Kelly là một nhân viên biết tiếp thu. Ông đã đổi tên bài báo thành "Một cách hiểu mới về tỷ lệ thông tin". Shannon đã duyệt lại bài báo, tháng 7- 1956 nó xuất hiện dưới cái tựa mới.
Trong bài báo của mình, Kelly không nhắc gì đến những trò đố vui trên truyền hình. Ông không thể nào biết được rằng có rất nhiều thí sinh đã được "mớm" trước câu hỏi hoặc câu trả lời. (Đã có một vụ bê bối về chuyện này vào năm 1958). Ví dụ điển hình mà Kelly chọn - đường dây thông tin trong trò cá ngựa cũng đủ mang tính thời sự trong thời đại Kefauver rồi. Tuy nhiên cũng có một điều hết sức quan trọng mà có thể Kelly chưa lưu tâm lắm.
J.Edgar Hoover đã từng phủ nhận triệt để sự tồn tại của những tập đoàn tội phạm có tổ chức, nhưng sau những phiên tòa của Kefauver, lập trường của Hoover đã thay đổi ít nhiều. Người viết tiểu sử của Hoover cho rằng thái độ phớt lờ hiện trạng này là do một vài nguyên nhân sau: Nhân vật đứng đầu FBI này cảm thấy The Combination liên kết với nhau thành một khối quá rắn chắc, khó mà phá vỡ được, và ông thì không muốn thành dã tràng xe cát biển Đông; hoặc bằng một lý do nào đó mà ông "cảm thông" với bọn tội phạm; những kẻ mà ông ta xem như điển hình cho giới tư bản Mỹ; hoặc do Meyer Lansky hay Frank Costello đang nắm giữ những bức ảnh "phòng the" của Hoover với người tình và dùng chúng để tống tiền ông ta.
Giả thuyết được đồng tình nhiều nhất là: Hoover và cộng sự của mình, Clyde Tolson, thường xuyên rời khỏi văn phòng mỗi khi có đua ngựa. Họ đi bằng một chiếc xe chống đạn tới những khu Pimlico, Bowie, Charleston hay
nhiều trường đua khác. Các phóng viên đã chụp được cảnh Hoover trong ô đặt cược 2$. Sau đó, những người dám có ý kiến về việc Hoover chơi cá cược đã nhận được một lá thư đầy giận dữ từ ông ta. Trong thư nói rằng việc ông ta chơi cá cược với những mức tối thiểu chỉ nhằm mục đích xã giao, giữ mối quan hệ với các tổ chức làm ăn.
Trong cuốn "Cục điều tra liên bang: 30 năm dưới quyền Hoover của tôi", William C.Sullivan tiết lộ rằng Hoover "thực ra thường đặt cược ở cửa 100$, và hôm nào mà ông ta thắng thì các nhân viên sẽ có vài ngày làm việc dễ chịu."
Theo nguồn tư liệu FBI của Walter Winchell, Hoover có được những tin tức nội bộ từ Frank Costello. Khi tên này dàn xếp một cuộc đua nào đó - hiển nhiên độ chắc chắn về kết quả gần như là 100% -hắn sẽ chuyển tên con ngựa sẽ thắng cho Hoover thông qua Winchelt, người quen biết cả hai bên. Những thông tin này cho phép Hoover làm một vụ đỏ đen nho nhỏ - lẽ dĩ nhiên là ông ta không thể phá bĩnh công việc làm ăn của Costello và những người bạn của hắn được.
Sau cái chết của Hoover năm 1972, Costello nói với một Thẩm phán: "Ông không bao giờ biết được tôi đã phải dàn xếp bao nhiêu cuộc đua ngựa để phục vụ cho những vụ cá cược ghê tởm của lão ta đâu."
PHẦN 2: BÀI XÌ DÁCH 5
Chuỗi hạt ngọc trai
Tháng Giêng năm 1961, Hội Toán học Mỹ họp phiên họp mùa đông tại Washington. Ed Thorp có mặt để trình bày nội dung tập tài liệu Shannon đã đệ trình lên Viện Hàn lâm Quốc gia. Nhưng vì xấp tài liệu này phải dành cho Viện Hàn lâm Quốc gia nên Thorp đã đặt cho nó một đề tựa: "Công thức của vận may: một chiến lược chiến thắng khi chơi bài Xì dách" (Fortune's Formula: A Winning Strategy for Blackjack.''
Tựa đề ấy đã khiến một phóng viên hãng tin AP tại Washington phải lưu tâm. Thorp đồng ý cho anh ta thực hiện một cuộc phỏng vấn và chụp ảnh ngay tại buổi họp. Sáng ngày 21 tháng Giêng, một bài viết đặc biệt đã xuất hiện trên trang bìa tờ The Boston Globe và nhiều tờ báo khác ở Mỹ.
Các con bạc trên toàn nước Mỹ bắt đầu gọi điện đến khách sạn nơi Thorp ở với yêu cầu có được bản sao tập tài liệu này. Một số người còn muốn mua trọn gói phương pháp đánh bạc của Thorp hoặc yêu cầu được hướng dẫn riêng một số thủ thuật. Nhiều người khác lại muốn cung cấp tiền cho Thorp đánh bạc và yêu cầu chia lợi nhuận khi chơi thắng.
Những bức thư tín cứ tiếp tục ập đến khi Thorp trở về nhà. Vivian ghi lại những lời nhắn, sau đó cô bảo như thế là quá đủ rồi và từ chối trả lời. Chính mối liên hệ phản xạ có điều kiện giữa tiếng điện thoại reo và các xung đột trong gia đình đã ảnh hưởng xấu đến cô con gái bé bỏng của Thorp. Bất cứ khi nào chuông điện thoại reo, cô bé đều khóc òa lên.
Tại MIT, Thorp và bộ phận của mình có chung một nhóm thư ký sáu người. Thorp nhận được thư hỏi về phương pháp chơi bài xì dách nhiều hơn thư của tất cả các trợ giảng môn Toán khác hỏi về những công trình nghiên cứu của họ. Trường đại học đã nói với Thorp rằng họ không muốn ban thư ký phải làm việc với các loại thư từ liên quan đến chuyện đánh bạc thêm chút nào nữa. Tổng cộng, Thorp đã nhận được hàng ngàn lá thư.
Thorp thảo luận tình trạng này với Shannon. Thorp muốn nhận một trong số nhiều lời đề nghị ấy. Chắc chắn sẽ rất thú vị nếu áp dụng thử phương pháp chơi bài xì dách tại một sòng bạc thật. Shannon đề nghị Thorp hãy sử dụng công thức của Kelly để quyết định xem nên đặt cược bao nhiêu. Thorp đọc lại bài báo năm 1956 của Kelly và ngay lập tức nhận ra sự liên quan. Bài