🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Trai Kẻ Khủng Bố
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Con người là sản phẩm từ trong suy nghĩ của bản thân họ.
Họ sẽ trở thành chính những gì họ nghĩ. - Gandhi
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1: Ngày 5 tháng Mười một năm 1990 Cliffside Park, New Jersey
CHƯƠNG 2: Hiện tại
CHƯƠNG 3: Năm 1981
Pittsburgh, Pennsylvania
CHƯƠNG 4: Năm 1986
Thành phố Jersey, New Jersey
CHƯƠNG 5: Tháng Một năm 1991,
Trại Cải tạo Rikers Island, New York
CHƯƠNG 6: Ngày 21 tháng Mười hai năm 1991 Toà án Tối cao New York, Manhattan
CHƯƠNG 7: Ngày 26 tháng Hai năm 1993 Thành phố Jersey, New Jersey
CHƯƠNG 8: Tháng Tư năm 1996
Memphis, Tennessee
CHƯƠNG 9: Tháng Mười hai năm 1998 Alexandria, Ai Cập
CHƯƠNG 10: Tháng Bảy năm 1999
Philadelphia, Pennsylvania
CHƯƠNG 11: Lời kết
Lời cảm ơn
1 Ngày 5 tháng Mười một năm 1990
Cliffside Park, New Jersey
Đang nằm trên giường thì tôi bị mẹ lay dậy, bà nói rằng: “Đã xảy ra một vụ tai nạn.”
Lúc đó tôi hãy còn là một đứa trẻ bảy tuổi mũm mĩm trong bộ đồ ngủ hình Ninja Rùa. Tôi đã quen bị đánh thức trước bình minh, nhưng chỉ có cha tôi làm thế và chỉ để tôi cầu nguyện trên tấm thảm nhỏ in hình ngọn tháp giáo đường. Chứ chẳng bao giờ mẹ đánh thức tôi như thế.
Lúc đó mới chỉ mười một giờ đêm và cha không có nhà. Dạo gần đây, ông thường ở lại thánh đường Hồi giáo tại thành phố Jersey đến tận khuya. Nhưng đối với tôi, ông vẫn luôn là một người cha đáng yêu, hài hước và ấm áp. Chỉ mới sáng nay thôi, ông vẫn còn cố gắng lại một lần nữa dạy tôi buộc dây giày. Tôi tự hỏi chẳng lẽ cha gặp tai nạn sao? Tai nạn kiểu gì? Ông có bị thương không? Hay liệu rằng cha đã rời xa chúng tôi mãi mãi? Tôi không dám hỏi mẹ vì quá sợ hãi phải nghe câu trả lời.
Mẹ tôi mở tung tấm ga trải giường màu trắng, trên đó có vài vệt nấm mốc giống như một đám mây vậy, rồi bà cúi người xuống để trải rộng nó trên nền nhà. Khuôn mặt mẹ nhăn nhó lo lắng đến mức tôi khó lòng nhận ra, bà nói, “Hãy nhìn vào mắt mẹ, Z. Con cần thay quần áo nhanh nhất có thể. Sau đó gói hết đồ đạc của con lại trong tấm ga này, rồi buộc chặt lại. Được chứ? Chị sẽ giúp con.” Bà tiến về phía cửa. “Yulla, Z, Yulla. Đi thôi.”
Lúc đó, từ đầu tiên mà tôi có thể thốt ra được là “Đợi đã,” trong khi vẫn mắc kẹt lùng bùng trong tấm chăn Dũng sĩ He-Man. “Con phải bỏ cái gì vào tấm ga cơ ạ? Cái gì... Đồ đạc ấy ạ?”
Tôi là một đứa trẻ ngoan ngoãn, cả thẹn, vâng lời. Tôi muốn làm theo lời mẹ.
Mẹ dừng lại, nhìn tôi và nói: “Bất cứ thứ gì gói được vào đây. Mẹ
không biết liệu chúng ta có quay trở lại hay không.”
Bà xoay người và đi khỏi.
Sau khi đóng gói xong đồ đạc, tôi cùng anh chị ngủ trong phòng khách. Mẹ tôi đang nói chuyện điện thoại với chú tôi, người em họ đang sống ở Brooklyn của cha tôi mà chúng tôi hay gọi là chú Ibrahim hay Ammu. Có vẻ cuộc trò chuyện giữa họ không được suôn sẻ bởi giọng mẹ tôi nghe vô cùng gay gắt. Mặt bà đỏ bừng, tay trái nắm chặt chiếc điện thoại, trong khi tay phải run rẩy chỉnh lại tấm khăn trùm đầu hijab đã rơi xuống quá tai. Ti vi đang nói bên ngoài. Tin nóng. Chúng tôi dán mắt vào màn hình. Mẹ tôi nhìn thấy, bà vội vã chạy đến tắt phụt ti vi.
Bà tiếp tục nói chuyện với chú Ammu Ibrahim một lúc lâu sau đó, lưng quay về phía chúng tôi. Ngay sau khi gác máy, chiếc điện thoại lại bắt đầu đổ chuông inh ỏi. Âm thanh chói tai vang lên giữa đêm: quá ồn ào và như thể nó báo hiệu điều gì đó.
Mẹ tôi nhấc máy. Hóa ra đó là cuộc gọi từ một trong những người bạn của cha ở thánh đường, một tài xế taxi tên Mahmoud. Tất cả mọi người đều gọi ông ấy là Đỏ bởi màu tóc đỏ rực của ông ta. Đỏ nghe có vẻ vô cùng khẩn thiết muốn gặp cha tôi. Mẹ tôi nói, “Anh ấy không có nhà.” Sau đó bà im lặng lắng nghe vài phút trước khi nói, “Được rồi,” và gác máy.
Chiếc điện thoại lại đổ chuông lần nữa. Thật là một âm thanh khủng khiếp.
Lần này tôi không thể đoán ra ai đang gọi. Tôi chỉ nghe tiếng mẹ thảng thốt, “Thật chứ? Hỏi về chúng tôi sao? Cảnh sát ư?”
Một lát sau, tôi tỉnh giấc, nhận ra mình vẫn đang nằm trên sàn phòng khách cùng với chiếc chăn của mình. Bằng cách nào đó, tôi vẫn có thể ngủ gà gật giữa đống lộn xộn này. Mọi thứ chúng tôi có thể mang đi được – và nhiều hơn nữa – chất đống trước cánh cửa và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Mẹ tôi chạy qua chạy lại, kiểm tra đi kiểm tra lại chiếc ví của bà. Mẹ tôi giữ tất cả giấy khai sinh của chúng tôi: đó là bằng chứng chứng minh bà là mẹ chúng tôi, có thể đưa ra nếu bất cứ ai yêu cầu. Cha tôi, El-Sayyid Nosair, sinh ra ở Ai Cập, còn mẹ tôi sinh ra tại Pittsburgh. Trước khi mẹ tôi thề nguyền đức tin
Shahada tại một thánh đường địa phương và trở thành một tín đồ đạo Hồi, trước khi bà đổi tên thành Khadija Nosair, tên bà là Karen Mills.
“Chú Ibrahim của con đang tới giúp chúng ta,” mẹ nói khi thấy tôi ngồi dậy và dụi mắt. Giọng bà có chút lo lắng và bồn chồn. “Nếu chú ấy có thể đến được đây.”
Tôi không hỏi chúng tôi sẽ đi đâu, và cũng chẳng ai cho tôi biết. Chúng tôi chỉ âm thầm chờ đợi. Thời gian chờ đợi lâu hơn rất nhiều khoảng thời gian Ammu cần để lái xe từ Brooklyn đến New Jersey. Chờ đợi càng lâu, mẹ tôi đi qua đi lại càng nhanh hơn và tôi càng cảm thấy rõ ràng hơn rằng có thứ gì đó trong lồng ngực mình như chực bùng nổ. Chị tôi vòng một cánh tay quanh người tôi. Tôi cố gắng lấy lại dũng khí và vòng tay ôm lấy em trai mình.
“Lạy Đức Allah!” mẹ tôi bỗng thốt lên. “Tôi đến phát điên mất.” Và tôi gật đầu như thể hiểu mẹ nói gì.
***
Mẹ tôi đã không cho chúng tôi biết một sự thật rằng: Meir Kahane, một giáo sĩ Do Thái hung hăng và cũng là người sáng lập Liên minh Phòng thủ Do Thái, đã bị bắn chết bởi một tay súng Ả Rập sau bài phát biểu của ông ta tại phòng hội nghị thuộc khách sạn Marriot ở New York. Tay súng đó đã bắn vào chân một người đàn ông lớn tuổi trong khi tìm cách lẩn trốn khỏi hiện trường. Hắn ta vội vã nhảy lên chiếc taxi đã đợi sẵn phía đối diện khách sạn, nhưng bất ngờ lại xuống xe, rồi chạy xuống phố, với một khẩu súng trong tay. Trên đường chạy trốn, tên sát thủ đã tình cờ đụng độ một cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công ty Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ, một cuộc đấu súng nổ ra và hắn bị bắn gục trên đường phố. Sau đó, tin tức nhanh chóng được phát rộng rãi, người phát thanh không thể không nhấn mạnh những chi tiết kinh hoàng từ vụ việc: vị giáo sĩ Do Thái và tên sát thủ đều bị bắn vào cổ. Cả hai đều không có hy vọng sống sót.
Lúc này đây, các đài truyền hình đang liên tục cập nhật diễn biến vụ việc. Một giờ trước đó, trong khi chị gái tôi, em trai tôi, và tôi lơ mơ gà gật những giây phút cuối cùng của cái gần như được gọi là thời thơ ấu, thì mẹ tôi bất chợt nghe thấy cái tên Meir Kahane và vô thức
tìm kiếm trên màn hình ti vi. Thứ đầu tiên mà mẹ tôi nhìn thấy là hình ảnh của tay súng người Ả Rập, và tim bà gần như ngừng đập: đó là cha tôi.
Chú Ibrahim đến được căn hộ của chúng tôi thì đã là 1 giờ sáng. Chúng tôi phải đợi lâu như vậy là bởi chú phải chờ cả vợ con mình cùng đi. Chú năn nỉ họ theo cùng vì là người theo đạo Hồi, chú không thể ngồi một mình trong xe với một người phụ nữ không phải vợ mình, nói cách khác là mẹ tôi. Vốn đã có sẵn năm người và giờ bốn người chúng tôi đang cố gắng nhồi nhét trong xe. Tôi cảm nhận được cơn giận của mẹ tôi: Bà cũng là một người sùng đạo như chú tôi vậy, nhưng những đứa con của bà đằng nào cũng sẽ ngồi cùng xe với hai người họ, cho nên tốn thời gian mang theo những người khác như vậy để làm gì?
Chẳng mấy chốc, xe chúng tôi đi qua một đường hầm, những ánh đèn huỳnh quang yếu ớt chiếu qua đầu chúng tôi. Chiếc xe cực kỳ chật chội. Chúng tôi phải ngồi chen chúc lên nhau. Mẹ tôi cần đi vệ sinh cho nên chú Ibrahim hỏi bà có muốn dừng lại đâu đó một lúc không. Nhưng mẹ tôi lắc đầu, bà nói, “Hãy đưa lũ trẻ đến Brooklyn và sau đó đưa tôi đến bệnh viện. Được chứ? Nhanh nhất có thể. Yulla.”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe ai đó nhắc đến từ bệnh viện. Cha tôi đang ở trong bệnh viện bởi ông gặp tai nạn. Điều đó có nghĩa là ông đã bị thương, nhưng cũng đồng nghĩa với việc ông chưa chết. Trong đầu tôi, những mẩu thông tin rời rạc tựa như những mảnh ghép xếp hình tự động liên kết với nhau.
Khi chúng tôi đến nhà của chú Ammu Ibrahim ở Brooklyn, đó là một căn hộ bằng gạch lớn trong một tòa nhà gần Prospect Park, tất cả chín người chúng tôi nhào ra khỏi chiếc xe thành một đám hỗn độn. Khi chúng tôi vào trong sảnh tòa nhà, việc đợi thang máy dường như mất cả thế kỉ, cho nên mẹ tôi, trong nỗ lực tuyệt vọng tìm nhà vệ sinh, nắm tay tôi và lôi nhanh tôi về phía cầu thang bộ.
Bà bước hai bậc một khiến tôi có chút khó khăn để theo kịp. Tôi chỉ kịp nhìn lướt qua tầng lầu hai, và sau đó là tầng thứ ba. Căn hộ của chú Ammu ở tầng bốn. Chúng tôi thở hổn hển khi quẹo vào góc hành lang về phía căn hộ đó, vui sướng khi đã đánh bại chiếc thang máy chậm rì kia! Đúng lúc đó, chúng tôi thấy ba người đàn ông đang đứng trước cửa căn hộ. Hai người trong số họ mặc vest tối màu và
bước chậm rãi về phía chúng tôi, phù hiệu giơ cao. Người còn lại là một sĩ quan cảnh sát, anh ta nắm chặt khẩu súng của mình trong bao đeo bên thắt lưng. Mẹ tôi tiến về phía họ. “Tôi cần dùng nhà vệ sinh,” bà nói, “và tôi sẽ nói chuyện với các anh sau.”
Họ có vẻ khá bối rối nhưng vẫn để bà đi qua. Chỉ khi bà có ý kéo tôi vào nhà vệ sinh cùng với mình, một trong hai người mặc vest mới đưa tay ra ngăn cản.
“Cậu bé phải ở lại với chúng tôi,” ông ta nói.
“Nó là con trai tôi,” mẹ tôi không đồng ý. “Nó sẽ đi cùng tôi.”
“Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó,” người đàn ông mặc vest còn lại phản đối.
Mẹ tôi khá bối rối, nhưng chỉ trong vài giây, bà trào phúng: “Các anh cho rằng tôi sẽ tự làm mình bị thương trong đó? Các anh cho rằng tôi sẽ làm hại con trai tôi?”
Người đàn ông mặc vest thứ nhất nhìn mẹ tôi với ánh mắt trống rỗng và khăng khăng một cách cứng nhắc, “Cậu bé phải ở lại với chúng tôi.” Sau đó, ông ta nhìn tôi với một nỗ lực ít ỏi để nở một nụ cười. “Cháu hẳn là” – ông ta liếc nhìn lại cuốn sổ của mình – “Abdulaziz?”
Hoảng sợ, tôi gật đầu lia lịa và đáp, “Cháu là Z.”
Lúc đó, gia đình Ibrahim đi qua cánh cửa căn hộ và phá vỡ không khí im lặng gượng gạo. Vợ chú ấy hối thúc lũ trẻ chúng tôi đi vào phòng ngủ và yêu cầu chúng tôi lên giường ngủ ngay. Chúng tôi có sáu đứa. Trong phòng ngủ là một loạt những chiếc giường tầng đầy màu sắc cho trẻ em, được gắn vào trong những bức tường, giống với những gì bạn có thể thấy trong khu vui chơi tại những cửa hàng McDonald vậy. Mỗi đứa chúng tôi tìm cho mình một góc riêng, cuộn mình lại như những con sâu, trong khi mẹ tôi nói chuyện với những viên cảnh sát ngoài phòng khách. Mặc dù cố gắng căng tai lắng nghe qua bức tường, nhưng tất cả những gì tôi nghe được là những tiếng càu nhàu nho nhỏ và tiếng đồ gỗ cào trên mặt sàn.
***
Trong phòng khách, hai người đàn ông mặc vest tối màu liên tục đưa ra hàng tá câu hỏi như thể xối một trận mưa đá lên mẹ tôi vậy. Chắc hẳn đây là hai trong số những câu hỏi ấy khiến bà nhớ nhất: Địa chỉ cư trú hiện tại của bà là gì? Và, bà có biết chồng mình đã bắn giáo sĩ Kahane tối qua không?
Trên thực tế, câu hỏi thứ nhất làm khó mẹ tôi nhiều hơn.
Cha tôi làm việc cho thành phố New York, ông chuyên sửa chữa lò sưởi và điều hòa cho tòa án Manhattan, và thành phố yêu cầu nhân viên phải sống tại một trong năm khu lân cận. Cho nên chúng tôi, trên giấy tờ, phải giả là sống trong căn hộ của chú tôi. Cảnh sát xuất hiện ở đây tối nay là bởi sự khuất tất nho nhỏ về nơi ở trong sổ đăng kí thường trú của gia đình chúng tôi.
Mẹ tôi giải thích cặn kẽ mọi điều. Và bà cũng nói sự thật về vụ bắn súng: Bà không biết gì về nó cả. Bà thậm chí không hề nghe bất cứ điều gì về nó. Không gì cả. Bà vốn rất ghét bàn luận về bạo lực. Tất cả mọi người ở thánh đường đều biết tốt hơn là đừng thảo luận về chuyện đó khi có mặt mẹ.
***
Mẹ tôi kiên nhẫn trả lời hàng tá câu hỏi, đầu ngẩng cao, đôi tay để trên vạt áo hầu như không cử động. Trông bà có vẻ bình tĩnh nhưng tôi dám chắc rằng, suy nghĩ duy nhất tồn tại trong đầu bà lúc này, dai dẳng và đau đớn như chứng đau nửa đầu vậy, là: Bà phải đến gặp cha tôi. Bà phải ở bên cha ngay lúc này.
Cuối cùng, mẹ tôi không kiềm chế được mà thốt lên: “Tôi nghe tin tức trên ti vi nói rằng Sayyid sắp chết.”
Hai người đàn ông mặc vest nhìn nhau, nhưng không ai đáp lại bà.
“Tôi muốn được ở cạnh chồng tôi. Tôi không muốn anh ấy phải chết trong cô độc.”
Đáp lại bà vẫn là sự im lặng.
“Các anh có thể đưa tôi đến gặp chồng tôi không? Làm ơn? Các
anh sẽ đưa tôi đi chứ, làm ơn?”
Mẹ tôi lặp đi lặp lại yêu cầu đó. Cuối cùng, hai người đàn ông mặc vest thở dài và đặt những cây bút của họ sang một bên.
***
Trước bệnh viện tập trung rất nhiều cảnh sát. Đám đông bị bao trùm bởi một bầu không khí đầy phẫn nộ, lo sợ, và cả sự tò mò. Có cả những chiếc xe trang bị màn hình và vệ tinh theo dõi cùng những chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời. Mẹ tôi và chú Ibrahim bị áp giải bởi hai viên cảnh sát mặc thường phục, ra mặt tỏ thái độ thù địch. Gia đình chúng tôi chẳng là gì đối với họ cả. Thậm chí trong mắt họ, giá trị của gia đình chúng tôi còn ít hơn cả khái niệm chẳng là gì: gia đình của một tên sát nhân đáng khinh bỉ. Mẹ tôi đang trong tình trạng hết sức tồi tệ: suy nhược, chóng mặt, và nghiêm trọng hơn là bà đã nhịn đói nhiều giờ liền. Cơn tức giận của những viên cảnh sát cũng chỉ là một điều khác bà lờ mờ cảm nhận được như qua một tấm kính mờ.
Hai người họ được đưa qua một cánh cửa cách lối vào bệnh viện rất xa. Trên đường đến thang máy, mẹ tôi phải đi qua một hành lang dài, trơn bóng với ánh đèn yếu ớt lạnh lẽo. Bà thấy một đám người gào thét ồn ào đang cố gắng vượt qua các nhân viên an ninh. Các tay phóng viên mải mê la hét những câu hỏi. Những chiếc máy ảnh liên tục nháy đèn. Tất cả những con người ấy, cảnh tượng ấy khiến mẹ tôi cảm thấy ớn lạnh và ốm yếu hơn bao giờ hết. Cả cơ thể bà dường như đang kêu gào biểu tình.
“Tôi không thể đứng vững nữa,” mẹ tôi nói với chú Ibrahim. “Tôi có thể bám vào chú được không?”
Chú Ibraham tỏ vẻ lưỡng lự bởi là một người sùng đạo, ông không được phép chạm vào mẹ tôi. Nhưng rồi ông để mẹ tôi vịn vào thắt lưng mình.
Khi thang máy đến, một trong những viên cảnh sát chỉ tay và cộc cằn ra lệnh, “Bước vào.” Hai người họ đứng trong thang máy chịu đựng sự giám sát chặt chẽ và sự im lặng thù địch. Khi thang máy mở ra, mẹ tôi bước vào vùng ánh sáng rực rỡ của khu vực chăm sóc đặc biệt. Một viên sĩ quan đội SWAT bỗng nhảy ra trước mặt bà và nâng
súng chĩa về phía ngực bà.
Mẹ và chú tôi há hốc miệng vì kinh ngạc. Một trong những tay cảnh sát đảo mắt ra hiệu cho viên sĩ quan đội SWAT ấy, sau đó, ông ta hạ súng xuống.
Mẹ tôi cuối cùng cũng được gặp cha. Bà vội vã chạy đến bên giường bệnh, chú Ibrahim lặng lẽ theo sau để cho cha mẹ tôi có không gian riêng.
Cha tôi nằm đó bất tỉnh, cơ thể ông sưng nghiêm trọng và xây xát đến tận phần eo. Trên người ông gắn nửa tá dây nhợ và các loại ống, đáng chú ý là trên cổ ông có một vết thương dài đã được khâu lại, đúng chỗ viên cảnh sát bắn ông. Trông như thể cổ ông có treo một sợi xích lớn vậy. Các y tá vẫn tất bật chữa trị bên giường bệnh, họ trông khá bực mình khi bị làm phiền.
Mẹ tôi cố gắng nhoài người để chạm vào vai cha. Cơ thể ông cứng đờ và da ông lạnh cóng khiến mẹ tôi hoảng sợ. “Có phải anh ấy chết rồi không?” Bà run run hỏi. “Lạy Đức Allah, anh ấy đã chết rồi!”
“Không, ông ta chưa chết,” một trong những y tá đáp lời, không buồn che giấu sự bực bội của cô ta đối với thân nhân của kẻ sát nhân. “Và bỏ tay bà ra khỏi người ông ta. Bà không được chạm vào ông ta.”
“Anh ấy là chồng tôi. Tại sao tôi không được chạm vào anh ấy?” “Đó là quy định.”
Quá đau buồn, mẹ tôi không đủ tỉnh táo để hiểu lời nói lạnh lùng ấy, nhưng sau đó bà tự nhủ những y tá này lo sợ rằng bà có thể làm đứt các loại dây và ống nghiệm, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cha tôi, cho nên bà thu tay lại đặt bên cạnh giường. Mẹ cúi người thì thầm vào tai cha, rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, rằng bà sẽ ở bên chờ ông tỉnh lại, rằng mẹ yêu cha, và rằng nếu ông chỉ đang gắng gượng vì bà thì không sao cả, bà ở đây rồi, bà yêu ông, ông có thể thanh thản mà ra đi. Và khi những nhân viên y tá không chú ý, bà cúi xuống hôn lên má ông.
Lát sau, trong một căn phòng hội nghị nhỏ bên ngoài khu vực chăm sóc đặc biệt, một vị bác sĩ nói với mẹ tôi rằng cha tôi vẫn còn cơ
hội sống. Vị bác sĩ ấy có thể là người tốt nhất mà bà gặp trong suốt đêm hôm đó, an ủi bà với sự đồng cảm, không tính toán và đầy lòng nhân đạo. Lần đầu tiên trong đêm đó, mẹ tôi bật khóc. Vị bác sĩ tử tế ấy đợi bà bình tĩnh lại trước khi nói thêm về tình trạng của cha tôi. Ông ấy nói cha tôi đã mất rất nhiều máu nhưng đã được truyền máu bổ sung. Viên đạn vẫn còn ở đâu đó ở phần cổ của cha, song bởi động mạch cảnh của cha gần như bị đứt, cho nên họ không dám động chạm kiểm tra nhiều xung quanh vết thương. Việc không thể lấy viên đạn ra hóa ra lại giúp giữ lại mạng sống cho cha tôi.
Trong khi mẹ tôi tiếp nhận, hay cố gắng tiếp nhận, mọi thông tin về tình trạng của cha, vị bác sĩ ấy vẫn kiên nhẫn ngồi lại cùng bà. Một lúc sau, cảnh sát trở lại. Họ đưa mẹ tôi và chú Ibrahim đến thang máy và ấn nút đi xuống. Khi thang máy mở ra, một trong số họ liền chỉ tay và lạnh lùng ra lệnh, “Bước vào.”
Bên ngoài lúc này trời đã bắt đầu hửng sáng. Bầu trời có vẻ rất đẹp nếu vào một ngày bình thường nào đó. Nhưng hôm nay lại là ngày tin tức về cái chết của vị giáo sĩ Kahane đã được xác nhận, viên đạn đã đi xuyên qua cơ thể ông ta, cho nên ông ta chết bởi vết thương giống với vết thương đã suýt lấy mạng cha tôi. Bãi đỗ xe vẫn đầy những chiếc xe cảnh sát và những chiếc xe tải được trang bị màn hình ti vi và vệ tinh. Mọi thứ đều thật tồi tệ, còn cả mẹ tôi và chú Ibrahim đều không có tâm trạng để cầu nguyện như thường ngày. Ít nhất mẹ tôi cũng có hai lý do để tự an ủi. Một là bất chấp thứ gì xui khiến cha tôi làm cái điều kinh khủng ấy, thì thực tế là bây giờ ông không thể làm hại bất cứ ai được nữa. Điều còn lại là việc cha vẫn còn sống đã là món quà vô cùng quý giá đối với bà rồi.
Nhưng cho dù tự an ủi bản thân bằng lý do gì thì mẹ tôi cũng vẫn sai lầm mà thôi.
2 Hiện tại
Lòng hận thù không phải bỗng nhiên mà có. Nó phải trải qua một quá trình nuôi dưỡng để hình thành. Có lẽ, không chỉ bồi dưỡng đơn thuần, mà nó được ươm mầm một cách ép buộc bên trong một con người. Đó không phải là một hiện tượng tự nhiên. Nó là một lời nói dối. Một lời nói dối được lặp đi lặp lại mà đối tượng của nó là những người không có chính kiến và những người không được phép nhìn thế giới dưới bất cứ góc nhìn nào khác. Đó là lời nói dối mà cha tôi tôn thờ và khao khát truyền lại niềm tin mù quáng ấy cho tôi.
***
Những gì cha tôi làm vào cái ngày 5 tháng Mười một năm 1990 dường như đã hủy hoại gia đình chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi chìm vào trong những tháng ngày đen tối với những lời đe dọa giết hại, sự đeo bám của giới truyền thông và phải sống tạm bợ khốn cùng nay đây mai đó. Tất cả một mớ những thứ gọi là “khởi đầu từ bàn tay trắng” ấy dường như lúc nào cũng khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên tồi tệ hơn. Cha tôi được biết đến là một trong những người Hồi giáo theo chủ nghĩa thánh chiến đầu tiên nỗ lực sinh tồn trên đất Mỹ. Ông hoạt động với sự hỗ trợ từ một chi nhánh khủng bố nước ngoài, chính là tiền thân của tổ chức khủng bố tự xưng khét tiếng Al-Qaeda.
Và sự nghiệp khủng bố của cha tôi vẫn chưa dừng lại.
Vào đầu năm 1993, từ căn buồng giam ở Attica, cha tôi đã nhúng tay vào kế hoạch cho vụ nổ bom đầu tiên nhằm tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, cùng với những người bạn cũ của ông đến từ thánh đường ở Jersey, bao gồm Omar Abdel-Rahman, người được giới truyền thông gán cho biệt danh “Tù trưởng giấu mặt” thường xuất hiện với một chiếc mũ đầu đuôi seo của người Thổ và đeo một chiếc kính Wayfarer. Vào ngày 26 tháng Hai năm đó, một người đàn ông gốc Kuwait, Ramzi Yousef và một người gốc Jordan, Eyad Ismoil, đã tiến hành âm mưu này. Họ lái một chiếc xe tải Ryder màu vàng chứa đầy chất nổ vào nhà để xe dưới tòa Trung tâm Thương mại Thế giới. Mục đích đáng sợ của họ, và cũng là của bố tôi, là đánh sập một
tòa tháp, sau đó sẽ kéo theo sự sụp đổ của tòa tháp còn lại, và tạo ra một thảm kịch chết chóc kinh hoàng. Họ đã gây ra một vụ nổ mìn xé toạc mặt đất thành một hố rộng khoảng 30m, xuyên qua bốn lớp bê
tông dày. Hậu quả là hơn một nghìn người vô tội bị thương, sáu người chết và một trong số họ là một phụ nữ đang mang thai bảy tháng.
Giữa nỗ lực mẹ bảo vệ chúng tôi khỏi những sự thực khủng khiếp về tội ác của cha và sự tuyệt vọng của một đứa trẻ khi cố gắng tự che mắt chính mình, rất nhiều năm sau tôi mới thực sự ngấm toàn bộ nỗi kinh hoàng mà những kẻ sát nhân và vụ nổ bom năm đó gieo rắc. Mất rất nhiều năm để tôi có thể thừa nhận sự giận dữ bi thương của tôi đối với cha, đối với những gì ông đã gây ra cho chính gia đình mình. Lúc đó, thật sự quá khó khăn để có thể đối mặt với tất cả sự thật ấy. Trong tôi chất chứa nỗi sợ hãi, giận dữ và ghê tởm chính bản thân mình, nhưng vẫn không đủ dũng khí để bắt đầu tiêu hóa chúng. Sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới đầu tiên, tôi mới bước sang tuổi thứ 10. Xét về mặt cảm xúc, tôi lúc đó chẳng khác nào chiếc máy tính sập nguồn. Năm mười hai tuổi, tôi bị bắt nạt ở trường nhiều đến mức tôi từng nghĩ đến việc tự tử. Mãi cho đến những tháng ngày giữa độ tuổi đôi mươi, tôi gặp một người phụ nữ tên Sharon, người khiến tôi cảm thấy rằng hóa ra mình vẫn còn có giá trị, đó cũng là câu chuyện cuộc đời tôi. Đó là câu chuyện về một cậu bé được dạy cách hận thù, và về một người đàn ông đã chọn cho mình một con đường khác biệt.
***
Tôi dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu điều gì đã dẫn dắt cha tôi đi theo con đường của những kẻ khủng bố, và dằn vặt với sự thật rằng dòng máu của ông đang chảy trong người tôi. Qua câu chuyện của mình, tôi muốn làm một điều gì đó mang tính hi vọng và xây dựng: vẽ nên một bức chân dung về một thiếu niên được nuôi dạy bởi một người cha cuồng tín song lại trưởng thành theo khuynh hướng phản đối bạo lực. Tôi không thể tìm một lời bào chữa hay ho cho bản thân, nhưng tôi biết rằng mỗi người chúng ta đều có một tâm niệm, và tâm niệm của tôi cho đến thời điểm này là: Ai cũng có một lựa chọn. Thậm chí ngay cả khi bạn được dạy phải hận thù ai đó, bạn vẫn có thể chọn bao dung. Bạn vẫn có thể chọn cảm thông.
Việc cha tôi phải vào tù bởi tội ác khủng khiếp của mình khi tôi
mới bảy tuổi gần như đã hủy hoại cuộc đời tôi. Nhưng suy cho cùng việc ấy cũng bảo vệ cuộc sống của tôi khỏi sự can thiệp của ông. Từ trong nhà tù, cha không thể dạy tôi hận thù được nữa. Và quan trọng hơn, ông không thể ngăn cấm tôi kết bạn với những người mà ông cho rằng họ là quỷ dữ, và không thể ngăn cấm tôi tìm hiểu để nhận ra họ cũng là con người, những người tôi có thể quan tâm và họ có thể quan tâm đến tôi. Lòng tin mù quáng không thể vượt qua sự trải nghiệm. Cả con người tôi đều phản đối điều đó.
Niềm tin của mẹ tôi về tôn giáo của bà chưa bao giờ xuất hiện một gợn sóng nào trong suốt những năm tháng khi chúng tôi cùng chung sống. Nhưng bà, cũng như đa số những người theo đạo Hồi, chắc chắn không phải là người cuồng tín. Khi tôi mười tám tuổi và có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, tôi nói với mẹ rằng không thể đánh giá con người dựa trên tôn giáo và giới tính, dù họ theo đạo Hồi, là người Do Thái hay Cơ đốc, dù họ đồng tính hay dị tính. Tôi sẽ nhìn thẳng vào họ và chỉ đánh giá họ bởi chính con người họ mà thôi. Mẹ tôi chăm chú lắng nghe, khẽ gật đầu, và bà đã nói với tôi những lời sáng suốt nhất mà tôi từng được nghe: “Hận thù người khác thật mệt mỏi.”
Bà có lý do chính đáng để chán ghét việc hận thù người khác. Cuộc sống của chúng tôi là một gánh nặng đối với bà hơn bất cứ ai. Có lúc, bà không chỉ phải giấu mái tóc mình trong chiếc khăn hijab, mà còn phải giấu cả cơ thể mình, trừ đôi mắt, trong chiếc áo choàng niqab: Bà là một người sùng đạo và luôn lo lắng để lộ cơ thể mình trước người khác.
Gần đây, tôi hỏi mẹ rằng liệu bà có biết điều gì đang chờ đợi gia đình chúng tôi vào đêm ngày 6 tháng Mười một năm 1990 khi chúng tôi rời khỏi Bellevue cùng chú Ammu Ibrahim hay không. “Không,” mẹ tôi đáp không chút do dự. “Cuộc sống của mẹ từ bình thường bỗng trở nên điên rồ, từ riêng tư trở thành bị nhòm ngó, phải trốn tránh truyền thông, phải liên quan đến chính phủ, đến FBI, đến cảnh sát, đến luật sư, đến những hoạt động tôn giáo. Như thể một giới hạn đã bị vượt qua vậy. Mẹ bước ra ranh giới ấy, và sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Mẹ không biết tương lai sẽ khó khăn đến nhường nào.”
Cha tôi hiện đang ở trong nhà giam liên bang tại Marion, bang Illinois, bị kết án chung thân và thêm mười lăm năm tù, mà không có
bất cứ sự khoan hồng nào, cho các cáo buộc âm mưu nổi loạn, giết người tống tiền, cố ý giết một nhân viên bưu điện, nổ súng trong một âm mưu giết người, nổ súng trong nỗ lực giết người, và sử dụng súng trái phép. Thực lòng mà nói, trong tôi vẫn luôn tồn tại một điều gì đó khó diễn tả đối với cha, cảm giác lẫn lộn giữa tiếc nuối và tội lỗi, tôi đoán vậy, cho dù thứ cảm giác ấy có mỏng manh như tơ nhện đi chăng nữa. Thật khó khăn để chấp nhận người tôi từng gọi là cha đang bị giam giữ và ông hoàn toàn ý thức được rằng vợ con mình đều phải đổi tên vì nỗi sợ hãi và tủi nhục.
Đã hai mươi năm rồi tôi không vào thăm cha. Và câu chuyện của tôi sẽ cho bạn biết lý do.
3 Năm 1981
Pittsburgh, Pennsylvania
Nhiều năm trước khi gặp cha, mẹ tôi yêu một người đàn ông theo chủ nghĩa vô thần.
Mẹ lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của bà ngoại, một tín đồ Cơ đốc giáo, cuồng đạo và cuồng thuốc lá thậm chí còn hơn. Bà ngoại gửi mẹ tôi đến trường học Thiên chúa và làm việc cho Bell Atlantic hàng chục năm để nuôi sống gia đình. Mẹ tôi không bao giờ biết ông ngoại là ai bởi ông đã rời bỏ vợ con từ khi bà còn nhỏ.
Mẹ tôi là người cực kỳ sùng đạo, nhưng bà lại vô cùng yêu và ngưỡng mộ người đàn ông đó, đến mức bất chấp tất cả để kết hôn với ông ta. Cuộc hôn nhân kéo dài đủ lâu để hai người sinh một đứa con gái, đó là chị tôi. Dẫu vậy, cuối cùng mẹ cũng nhận ra rằng bà không thể nuôi dạy chị gái tôi cùng với một người đàn ông bài xích tôn giáo như vậy.
Cuộc hôn nhân tan vỡ. Thật không ngờ, niềm tin Chúa của mẹ cũng sụp đổ. Bà đến gặp một vị mục sư quen biết từ hồi còn đi học để xin lời khuyên về một vấn đề nào đó đang diễn ra và cuộc nói chuyện của hai người lan sang thần học. Mẹ tôi tin vào Thiên Chúa Ba ngôi, song bà cũng thừa nhận với mục sư rằng bà không thực sự hiểu về nó. Mục sư kiên nhẫn giảng giải cho mẹ tôi. Tuy nhiên, càng hỏi, yêu cầu về sự rõ ràng của mẹ tôi càng cao, song những câu trả lời của mục sư trở nên rối rắm và không khiến mẹ tôi hài lòng. Mục sư bắt đầu trở nên chán nản và giận dữ. Mẹ tôi không có ý làm khó mục sư. Bà cố gắng xoa dịu tình hình. Nhưng mục sư không cho bà cơ hội, ông ta quát mắng đầy giận dữ: “Nếu cô phải hỏi tất cả những câu hỏi đó thì cô chẳng có chút niềm tin nào cả!”
Mẹ tôi điếng người vì sợ, mãi sau này bà nói với tôi rằng: “Mẹ cảm thấy như thể bị ông ta đâm một nhát dao vào tim vậy.” Lòng tin vào Chúa của mẹ tôi chưa lúc nào suy suyển, nhưng bà biết, ngay sau cuộc gặp gỡ vị mục sư đó, bà đã không còn là một tín đồ Cơ đốc nữa. Mẹ tôi lúc ấy vẫn đang trong độ tuổi hai mươi, đã trở thành một bà
mẹ đơn thân và đang theo học để làm giáo viên. Bà mang theo cô con gái hai tuổi trên hành trình tìm kiếm một tôn giáo mới và một người chồng mới.
Ngay từ buổi đầu của chặng đường tìm kiếm ấy, mẹ tôi tìm được một cuốn sách về đạo Hồi trong thư viện ở Pittsburgh. Bà chăm chỉ đến tòa thánh đường địa phương, hoặc masjid (nơi thờ cúng của tín đồ đạo Hồi) để đặt ra những câu hỏi, gặp gỡ những sinh viên đạo Hồi đến từ Afghanistan, Ai Cập, Libya và Ả Rập hay từ bất cứ đâu. Bà không có bất cứ ý niệm gì về mức độ ấm áp và tính chất gia đình của cộng đồng này. Đặc biệt, những người đàn ông đạo Hồi mà bà gặp ở đó chẳng khác nào những sinh vật giống đực lạnh lùng, không thân thiện. Họ vui vẻ vẫy chào chị gái tôi đang chập chững xung quanh.
Vào một ngày gần cuối tháng Năm năm 1982, mẹ tôi ngồi trong một phòng học trên lầu tại thánh đường. Bà đang trong quá trình cải đạo sang đạo Hồi và đang luyện tập lời tuyên tín Shahada: Không có thượng đế nào ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Ngài. Lời tuyên tín phải được nói với thái độ đứng đắn, rũ bỏ hoàn toàn sự nghi ngờ, và chỉ thể hiện tình yêu và sự phục tùng. Sâu trong tâm trí, mẹ tôi dường như nghe được sự phản đối của bà ngoại, người cho rằng mẹ tôi đã bị mê hoặc bởi Hồi giáo và thẳng thừng nói rằng bà sẽ không bao giờ cho phép mẹ tôi bước vào nhà mà quấn một chiếc khăn chết tiệt trên đầu. Bà đã nói nguyên văn như thế này: “Láng giềng sẽ nghĩ gì đây?”
Mẹ tôi nhanh chóng rũ bỏ những tạp niệm ấy ra khỏi đầu. Niềm tin của bà vào đạo Hồi, nhu cầu của bà về đạo Hồi, đang trở nên sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn. Bà liên tục nhắc lại lời tuyên tín cho đến khi thực sự cảm nhận được điều gì đó trong tim: Không có thượng đế nào ngoài Allah và Muhammad là sứ giả của Ngài. Không có thượng đế nào ngoài Allah...
Lúc đó Hani, một người bạn mới quen tại masjid, đến gặp bà. Hani là người giúp đỡ mẹ tôi trong hành trình đến với đạo Hồi. Ông ta nói với mẹ tôi rằng có những người đàn ông khác đang cầu nguyện tại thánh đường và họ lấy làm vinh hạnh được nghe lời tuyên tín của mẹ tôi và chứng kiến bà trở thành tín đồ Hồi giáo.
Mẹ tôi trở nên căng thẳng tột độ và chỉ với suy nghĩ ấy thôi cũng làm hai má bà đỏ bừng.
Hani vội vã giải thích: “Không có gì phải sợ hãi đâu, tôi có lẽ không nên đề nghị đột ngột như vậy. Nhưng họ quả thật rất muốn chứng kiến quá trình cải đạo của mọi người.” Hani khéo léo dùng từ “mọi người”, tránh việc đề cập trực tiếp đến mẹ tôi.
“Sarah hứa sẽ ngồi cạnh cô,” Hani nói thêm. “Liệu rằng điều đó làm cô thấy thoải mái hơn?”
Mẹ tôi đã bị Hani thuyết phục. Ông ta khẳng định rằng việc cải đạo của mẹ tôi sẽ trở thành một đề tài nóng hổi, và mẹ tôi đáp lại bằng những cụm từ tiếng Ả Rập mới học được: “Inshallah.” Chúa phù hộ. Hani cực kỳ thích thú. Ông ta cười rạng rỡ khi đóng cánh cửa lại.
Ở dưới lầu, mẹ tôi nắm chặt tay Sarah và hít một hơi sâu như thể đang lặn xuống biển vậy, sau đó bước vào nhà thờ. Thật trùng hợp là tấm thảm mang màu xanh của những con sóng dưới ánh mặt trời. Những bức tường được trang trí bởi những hoa văn hình sao màu đỏ vàng dày đặc. Những người đàn ông trong dàn cầu nguyện nắm tay nhau và ngồi thành vòng tròn trên một tấm thảm dày. Một số người mặc những bộ đồ mang phong cách phương Tây truyền thống: những chiếc quần thông dụng, thậm chí cả quần jeans, và những chiếc áo sơ mi có phần cổ gập cài nút. Những người khác vận những chiếc áo thùng thình đến quá đầu gối và đội những chiếc mũ tròn chỏm màu trắng có thêu những họa tiết màu vàng và xanh. Mẹ tôi nhận ra rằng bà biết chính xác tên gọi của những chiếc mũ đó trong tiếng Ả Rập – taqiyah – và bà liên tục lẩm nhẩm từ đó trong đầu để giữ bình tĩnh. Dàn cầu nguyện chợt trở nên im lặng. Những người đàn ông đó đều hướng ánh mắt về phía người phụ nữ vừa bước vào. Ước chừng một lúc lâu, âm thanh duy nhất bên trong nhà thờ là tiếng thì thầm của mẹ tôi và tiếng bước chân đi tất của Sarah trên tấm thảm. Taqiyah, taqiyah, taqiyah, taqiyah, mẹ tôi không ngừng lặp lại từ đó trong đầu.
Mẹ đọc lời tuyên tín trơn tru hoàn hảo, có chăng chỉ là giọng bà hơi run run. Chỉ lúc đó, bà mới hoàn toàn thả lỏng cơ thể và tinh thần mình. Hơi thở của bà cũng dần chậm lại và ổn định. Bà vội vàng liếc nhìn những người đàn ông trong phòng mà không hề quan tâm liệu đó có là hành vi đúng mực hay không. Hành động nhỏ đầu tiên sau khi trở thành tín đồ đạo Hồi! Mẹ tôi có chút xấu hổ. Nhưng chưa hết, bà còn kịp để ý đến một người đàn ông trông khá đẹp trai trong dàn cầu nguyện: ông ta trông giống như một vị thần Ai Cập cổ đại trong
những bức tranh vậy. Ánh mắt bà vô tình nấn ná khá lâu khi nhìn vào đôi mắt xanh quyến rũ của người đàn ông đó.
Hai ngày sau, Hani tiết lộ với mẹ tôi rằng có một người đàn ông trong dàn cầu nguyện hôm đó rất có cảm tình với bà và muốn gặp bà. Trong đạo Hồi, không tồn tại khái niệm hẹn hò – Nhà Tiên Tri đã cảnh báo rằng, khi một người đàn ông và một người phụ nữ độc thân ở cùng nhau, giữa họ sẽ có một kẻ thứ ba, đó là Quỷ Satan - cho nên việc người đàn ông đó muốn gặp mẹ tôi được ngầm hiểu rằng ông ta muốn kết hôn với bà. Kết hôn với mẹ tôi! Điều này có ý nghĩa hơn hàng tá lời tỏ tình! Hani nói rằng đó là một người bạn của ông ta, tên là Sayyid Nosair, người Ai Cập. Mẹ cố gắng xua đi cái suy nghĩ liệu đó có phải là người đàn ông với đôi mắt quyến rũ đó không.
Trong vòng một tuần sau đó, mẹ tôi gặp Sayyid lần đầu tiên tại nhà một cặp vợ chồng người Libya, Omar và Rihan. Omar đóng vai trò như người giám hộ cho mẹ tôi bởi bà không còn bất cứ mối quan hệ nào với ông bà ngoại của tôi nữa. Trước đó, ông đã bắt đầu thực hiện các thủ tục hôn nhân theo trình tự: Ông đã gặp gỡ với Sayyid, hỏi han đôi điều về mối quan hệ của Sayyid với cộng đồng, và tự thấy hài lòng khi biết Sayyid là một tín đồ Hồi giáo năng nổ trong các hoạt động ở masjid và tham dự hầu hết các buổi cầu nguyện bất cứ khi nào có thể. Giờ thì, Sayyid gõ cửa nhà khi Rihan đang chuẩn bị bày biện một khay đồ ăn gồm nước ép dâm bụt, bánh Baklava và những miếng bánh quy bơ giòn tẩm đường nhân chà là.
Omar bước ra mở cửa và Rihan thì vội vã liếc nhìn vị khách vừa đến. Mẹ tôi ngồi trên chiếc đi văng trong phòng khách, trông khá căng thẳng. Bà nghe hai người đàn ông chào nhau và chúc nhau an lành: người giám hộ của bà nói, “Asalaam alaykum,” (Xin cho bình an đến với anh), vị hôn phu của bà đáp lại một cách nhiệt tình đáng ngạc nhiên, “Wa alaykum assalam wa rahmatu Allah.” (Allah mang bình an và may mắn đến cho ông). Việc này khiến mẹ tôi không khỏi nghĩ rằng ông ta đang cố gắng tạo ấn tượng tốt với bà. Bà bỗng mỉm cười và nghĩ đến một đoạn trong kinh Qur’an: Khi ai đó mở lời chào bạn, bạn nên đáp lại với một lời chào nồng nhiệt hơn, nếu không (ít nhất) hãy nhắc lại lời chào đó. Allah dõi theo tất cả mọi điều.
Rihan vội vã trở lại phòng khách mang theo những chiếc bánh quy, trông bà còn căng thẳng hơn cả mẹ tôi . “Đẹp trai quá,” bà thì thầm. “Và hãy nhìn đôi mắt xanh biếc của anh ta xem!”
Trong vòng hai phút sau đó, khi ngồi xuống cạnh mẹ tôi, cha tôi mới khẽ khàng nói, “Anh đoán là em biết rằng anh đến đây để bàn việc kết hôn.”
Ở Ai Cập, cha tôi theo học chuyên ngành thiết kế kỹ sư và công nghiệp, đặc biệt chuyên về kim loại. Ông là người vô cùng sáng tạo. Ông có thể thiết kế một con tàu dễ dàng như thiết kế một chiếc vòng cổ vậy. Mặc dù chỉ mới đến Mỹ chưa đến một năm, cha tôi đã có thể kiếm được một công việc tại một tiệm trang sức, nơi mà ít ngày sau khi gặp gỡ mẹ tôi, ông đã phác thảo và làm ra chiếc nhẫn đính hôn của hai người. Ông dành hết tiền cho chiếc nhẫn. Đó là một chiếc nhẫn khá nặng nhưng rất đẹp. Khi mẹ tôi lần đầu tiên thấy nó, bà đã vô cùng kinh ngạc.
***
Cha mẹ tôi kết hôn vào ngày 5 tháng Sáu năm 1982, mười ngày sau cuộc gặp gỡ đầu tiên. Quãng thời gian tìm hiểu ngắn ngủi ấy nghe thì có vẻ như dự báo một điềm xấu, tựa như màn dạo đầu của một tấn bi kịch vậy. Nhưng cái vòng quen thuộc trong văn hóa phương Tây với tình yêu và hôn nhân – một trình tự phổ biến để tiến đến hôn nhân – đã đầy rẫy những đau đớn và tan vỡ. Liệu có bất cứ kiểu nghi lễ và kỳ vọng nào khác, bất cứ hình thức nào, có thể mang lại hạnh phúc thực sự không? Trên thực tế, cha mẹ tôi cũng từng trải qua những giây phút hạnh phúc thực sự. Mẹ tôi đã tìm thấy một người đàn ông có thể dạy bà tiếng Ả Rập và trau dồi thêm những kiến thức của bà về Hồi giáo.
Một người đàn ông sùng đạo. Một người đàn ông phóng khoáng và giàu lòng yêu thương. Một người đàn ông quý mến chị tôi từ cái nhìn đầu tiên, người sẵn sàng quỳ xuống sàn để chơi cùng chị ngay lần đầu gặp mặt. Cha tôi là một người đàn ông nổi bật, song gầy đến thảm thương bởi cha sống trong một nhà nội trú không được phép nấu ăn. Tiếng Anh của ông gần như hoàn hảo, có đôi chút trang nghiêm thái quá. Ông có giọng nói đậm chất Ả Rập. Đôi khi ông hay nói nhầm, song việc ông nói sai luôn khiến mọi người cười vui vẻ. Chẳng hạn như ông rất yêu thích món mì ống và món thịt viên, nhưng luôn gọi chúng là “mì ống và những viên thịt.” Những lúc ấy, mẹ tôi đều không thể nhịn cười. Cha tôi thấy vậy cũng không phản đối. “Em là trái tim của anh,” ông thường dịu dàng bảo bà như vậy. “Cho nên việc em sửa cách ăn nói giúp anh là điều đúng đắn.”
Vào tháng Bảy, cha tôi đã tìm được một căn hộ ở Oakland, Pittsburgh. Lần đầu tiên sau suốt nhiều năm, mẹ tôi cảm thấy hào hứng đến thế. Khu láng giềng rất đậm chất văn hóa và có rất nhiều
sinh viên, giống mẹ tôi. Vợ chồng Rihan và Omar cũng sống gần kề. Masjid chỉ cách đó mấy tòa nhà. Cha mẹ tôi tay trong tay đi mua đồ ăn và một số đồ trang trí cho căn nhà mới. Mẹ hỏi cha thích gì. Ông ngọt ngào nói với bà: “Anh thích tất cả những gì em thích. Em là nữ hoàng của ngôi nhà, và anh muốn em là người sắp xếp mọi thứ theo ý
thích của em. Chỉ cần em hạnh phúc với bất cứ thứ gì em chọn, anh cũng sẽ yêu chúng.”
Tôi được sinh ra vào tháng Ba năm 1983, và em trai tôi ra đời một năm sau đó. Năm tôi ba tuổi, cha tôi đưa tôi đến công viên giải trí Kennywood. Chúng tôi cùng ngồi trong những chiếc ly khổng lồ và xoay vòng quanh trong trò Dizzy Dynamo, sau đó với trò Grand Carousel, chúng tôi được cưỡi những chú ngựa sơn màu sặc sỡ: cha tôi chọn một con ngựa đực màu vàng lướt lên lướt xuống, trong khi tôi bám chặt vào cổ một chú ngựa nâu nhỏ lúc nào cũng đứng yên. Cuối ngày, trên một chiếc tàu lượn nhỏ gọi là Lil’ Phantom, cha tôi giả vờ sợ hãi đến mức hét lớn: “Ồ Allah, làm ơn hãy bảo vệ con và đưa con bình an đến điểm đến cuối cùng!” Tôi biết ông làm vậy để khiến tôi phân tâm mà quên rằng tôi mới là người đang sợ hãi. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó. Đó là phần ký ức đầu tiên tuyệt đẹp trong tôi. Thậm chí ngay cả những tháng ngày kinh hoàng sau này cũng không thể vấy bẩn nó.
Sự bài xích của cha tôi đối với nước Mỹ không phải hình thành ngày một ngày hai. Nỗi cay đắng của ông tích tụ dần dần, được bồi đắp bởi những cuộc chạm trán ngẫu nhiên với sự thù địch và nỗi bất hạnh. Tại thánh đường, mẹ tôi bắt đầu phụ giúp Rihan tổ chức những buổi lễ da’wa – chiến dịch chiêu mộ những tín đồ muốn cải đạo. Họ không đến từng nhà hay công khai chiêu mộ các tín đồ trên phố; họ gặp gỡ những người có ý muốn cải đạo ở masjid, truyền đạt về đạo Hồi, và giải đáp những câu hỏi tương tự mẹ tôi hỏi ngày trước. Rất nhiều người trong số họ là những phụ nữ Mỹ trẻ trung. Phụ nữ quả đúng là phụ nữ. Một vài người trong số họ đến nhà thờ không phải
bởi họ đang trong hành trình tinh thần tìm đến miền đất tu đạo, mà bởi họ đã rơi vào lưới tình với một người đàn ông theo đạo Hồi nào đó. Tuy nhiên, cũng có những người thực sự muốn tìm hiểu về Hồi
giáo tìm đến và cải đạo thành công dưới sự giúp đỡ của mẹ tôi và Rihan. Đôi khi, nếu những người phụ nữ đến nhà thờ không có chỗ nào để ở, gia đình tôi lại cho họ ở nhờ.
Lòng tốt của gia đình tôi cuối cùng lại trở thành một sai lầm. Vào mùa thu năm 1985, gia đình tôi chào đón một người phụ nữ trẻ tên Barbara. (Tôi đã đổi tên cô ta, bởi cô ta không thể có mặt ở đây để tự mình kể câu chuyện này.) Barbara là một người phụ nữ tính khí thất thường, khuôn mặt luôn ảm đạm và không bao giờ nhìn thẳng vào mắt ai. Cô ta ở lại nhà chúng tôi vài tháng. Barbara có vẻ không thực sự hứng thú với đạo Hồi. Chị gái cô ta muốn tìm hiểu về tôn giáo chỉ để làm vui lòng bạn trai mình, và Barbara chỉ theo đuôi họ. Có một nguồn năng lượng khó chịu tỏa ra từ cô ta đến mức sẽ vô cùng ngột ngạt khi ở trong phòng với cô ta.
Chẳng mấy chốc, cô ta đã dan díu với những kẻ mà cha mẹ tôi đã cảnh báo là “một đám những tín đồ Hồi giáo tồi tệ” ở một khu dân sinh khác. Mẹ tôi đã cố gắng mai mối cho Barbara hai lần, và cả hai lần cô ta đều bị từ chối sau cuộc gặp mặt đầu tiên. Lòng tự trọng của cô ta bị tổn thương nghiêm trọng. Cô ta bắt đầu im lặng ngồi trong bồn tắm, mặc nguyên quần áo và khóc lóc lúc nửa đêm. Cô ta đổ lỗi cho chúng tôi, cho cả nhà tôi, rằng chúng tôi đã lấy cắp quần áo trong phòng của cô ta, nực cười thay, đó là những bộ đồ mà không tín đồ đạo Hồi nào có thể mặc, huống chi là một đứa trẻ. Cha tôi khăng khăng đuổi cô ta ra khỏi nhà. Cuối cùng cô ta cũng rời đi. Chưa đến một tuần sau đó, cô ta cáo buộc cha tôi cưỡng bức cô ta. Rõ ràng đây là một hành động có chủ đích nhằm bòn rút tiền gia đình tôi, do những kẻ theo đạo Hồi mà cô ta mới quen xui khiến.
Tại Pittsburgh lúc bấy giờ, cũng có kẻ bị tình nghi là tội phạm cưỡng bức. Một vài nạn nhân của hắn ta miêu tả hắn là một người đàn ông “Trung Đông hoặc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.” Cảnh sát lấy lời khai của Barbara với thái độ hết sức nghiêm túc. Trong lúc luật sư, cũng là một người bạn của gia đình tôi, đang cố gắng thuyết phục cảnh sát rằng người phụ nữ đó bịa chuyện, cha tôi dường như bị nỗi sợ hãi và tủi nhục đè bẹp. Ông thậm chí không còn ngủ chung với mẹ tôi vào ban đêm. Cha tôi trải tấm thảm cầu nguyện cạnh lò sưởi trong phòng khách, và nằm cuộn tròn như quả bóng trên thảm. Ông cũng
không ăn uống gì suốt thời gian đó. Tất cả những gì ông làm là ngủ và cầu nguyện cho mình bình an. Thậm chí những thành viên thánh đường cũng không biết nên tin ai, mẹ tôi nhận thấy trong nội bộ dường như tồn tại sự chia rẽ, điều này khiến cha tôi thêm đau lòng, giống như có một khối u ác tính đang ngày ngày phát triển trong dạ dày của ông vậy. Một buổi xét xử được tổ chức tại masjid. Những thành viên chủ chốt của nhà thờ lo lắng về sự bất đồng nội bộ, và muốn tự mình xử lý vấn đề này. Cho dù thế nào, họ cũng không tin tưởng hệ thống pháp luật của Mỹ.
Nhiều năm sau, mẹ tôi mới kể cho tôi về buổi xét xử tại nhà thờ hôm đó: Barbara, chị gái và bạn trai của chị gái cô ta có mặt cùng một đám tạp nham những kẻ theo đạo Hồi được cô ta gọi là bạn. Không khí căng thẳng đến mức một cuộc tranh cãi bùng nổ ngay sau đó. Cha tôi chỉ lặng lẽ ngồi, đầu cúi thấp, và hai tay ông giữ chặt lấy đầu gối. Barbara lặp lại lời buộc tội của cô ta rằng cha tôi đã cưỡng bức cô ta, rằng gia đình tôi lấy cắp quần áo của cô ta và yêu cầu bồi thường. Trái tim mẹ tôi gần như tan vỡ. Nực cười thay, một người sùng đạo như ông lại bị tra hỏi, nghi ngờ trong chính nhà thờ mà ngày ngày ông vẫn cầu nguyện!
Những thành viên có thẩm quyền yêu cầu Barbara mô tả lại cơ thể cha tôi.
Tất cả những gì cô ta có thể kể ra đó là: “Nhiều lông, một bộ ngực đầy lông, một tấm lưng đầy lông.”
Mẹ tôi chợt bật cười.
Cha tôi gần như bật dậy. Ông đề nghị: “Liệu tôi có được phép cởi áo ngay bây giờ để cho các anh thấy cô gái này đang nói dối?” Đương nhiên chẳng có gì liên hệ giữa cơ thể cha tôi với những đặc tính tiêu biểu của người Trung Đông hết.
Họ bảo với cha tôi rằng ông không cần thiết phải cởi áo để chứng minh điều gì cả. Họ tin rằng cha tôi hoàn toàn vô tội. Vụ việc khép lại với 150 đô la xem như là khoản bồi thường cho những bộ quần áo Barbara khăng khăng đã bị lấy cắp. Cô ta có vẻ hài lòng và nhanh chóng cùng đồng bọn rời khỏi thánh đường. Như thể sự thiếu tôn trọng đạo Hồi của cô ta chưa đủ rõ ràng, cô ta còn mang giày trong suốt buổi xét xử diễn ra trong thánh đường.
***
Sau biến cố này, cha mẹ tôi cố gắng xây dựng lại cuộc sống ở Pittsburgh, song chúng tôi hiểu rằng cuộc sống yên bình sẽ không bao giờ trở lại được nữa. Đối với cha tôi, nỗi tủi nhục này khủng khiếp đến mức khiến cha tôi ảm đạm và kiệt quệ. Mẹ tôi sợ đến mức không còn dám giao thiệp nhiều với bên ngoài. Cha tôi không còn mặt mũi đối diện với những người bạn của ông ở masjid, cũng như đối diện với tất cả mọi người. Ông vẫn cần mẫn làm việc. Ông ngày càng gày mòn đi. Có điều gì đó dần dần hình thành bên trong con người cha tôi. Ký ức của tôi về quãng thời gian đó chỉ là bóng hình cô độc của cha quỳ trên tấm thảm cầu nguyện trong phòng khách, lặng lẽ cầu nguyện hoặc gặm nhấm nỗi đau, hay có lẽ là cả hai.
4 Năm 1986
Thành phố Jersey, New Jersey
Tháng Bảy, chúng tôi rời khỏi Pittsburgh, và đã có lúc cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi trở lại. Mẹ tôi trở thành giáo viên lớp Một tại một trường học Hồi giáo ở thành phố Jersey. Cha tôi không tìm được việc
về thiết kế trang sức nữa, thay vào đó ông làm việc tại một công ty chuyên lắp đặt đèn sân khấu, và ngày càng trở nên mập mạp hơn nhờ tài nấu nướng của mẹ tôi. Tình cảm giữa cha mẹ ngày càng khăng khít. Ở thành phố này, sự tồn tại của cộng đồng người Ai Cập thật kỳ diệu: những cửa hàng Ả Rập ở khắp nơi, những người đàn ông mặc áo chẽn và những người phụ nữ choàng những chiếc khăn hijab đi lại nhộn nhịp trên phố. Thánh đường mới của chúng tôi, Masjid Al Shams, không tổ chức nhiều hoạt động cho phụ nữ và gia đình như ở Pittsburgh, song chúng tôi vẫn thường xuyên đến đó cầu nguyện. (Tên của nhà thờ đã được thay đổi nhằm thể hiện sự tôn trọng với những hoạt động tôn giáo hiện tại của nơi này.) Sau khi kết thúc công việc, cha tôi sẽ cùng cả nhà đi dã ngoại ở công viên. Cha hay chơi bóng đá và bóng chày cùng tôi trên khoảnh sân của trường mẫu giáo. Cuộc sống vui vẻ, bình yên trôi qua cho đến một ngày, hiệu trưởng trường tiểu học nơi mẹ tôi làm việc mời bà đến văn phòng. Ông ta cố gắng trấn an mẹ tôi trước khi thông báo rằng ông ta vừa nhận một cuộc điện thoại báo rằng: Cha tôi đã gặp tai nạn tại nơi làm việc. Ông hiện đã được chuyển đến bệnh viện St.Vincent ở New York.
Cha tôi bị điện giật. Hiện tại ông đã an toàn, song cú giật đã đốt cháy bàn tay cầm tuốc nơ vít của ông, hất ông ngã khỏi thang, và khiến ông bất tỉnh. Ông đã được phẫu thuật. Các bác sĩ đã loại bỏ lớp da cháy xém khỏi bàn tay và lấy một phần da từ đùi của ông để cấy vào đó. Họ cũng hướng dẫn cha tôi cách chăm sóc vết bỏng, sau đó cho phép ông xuất viện với hàng đống đơn thuốc, bao gồm cả một liều thuốc mạnh chống suy nhược đột ngột. Cha tôi không thể làm việc. Mà đối với một người đàn ông, đặc biệt là một người theo đạo Hồi, việc nuôi sống gia đình có ý nghĩa rất quan trọng.
Dù gia đình tôi vẫn có thể sống nhờ đồng lương giáo viên của mẹ tôi và đống tem phiếu thực phẩm, song sự mặc cảm và xấu hổ vẫn âm
thầm dằn vặt cha tôi. Mẹ tôi hiểu được những gì cha tôi phải chịu đựng, nhưng bà cũng bất lực trong việc khuyên nhủ ông. Tôi cảm thấy hành vi của cha thời điểm này chính xác là những gì mà ông đã thể hiện trong suốt khoảng thời gian bị vu oan cưỡng bức Barbara. Thời gian này, mặc dù cha tôi không chăm chăm cầu nguyện một cách ám ảnh, song lúc nào ông cũng nhìn đăm đăm vào cuốn kinh Qur’an. Thậm chí ngay cả khi có thể quay lại làm việc (ông phụ trách sửa chữa, bảo hành hệ thống sưởi và điều hòa tại tòa án quận Manhattan) cha tôi cũng trở thành một người sống nội tâm hơn bao giờ hết. Cha liên tục đến Masjid Al-Shams để cầu nguyện, nghe giảng đạo và tham dự những buổi họp mặt bí mật. Masjid Al-Shams ban đầu dường như là một nhà thờ nhỏ, danh tiếng khá khiêm tốn, nhưng sau đó dần trở thành một trong những biểu tượng cho tôn giáo chính thống tại thành phố này. Điều này lý giải vì sao, là một người phụ nữ, mẹ tôi cảm thấy không được chào đón ở đây, và vì sao bầu không khí ở đây lúc nào cũng tràn ngập một cảm giác phẫn nộ mà chúng tôi chưa từng trải nghiệm. Đồng thời, đó cũng là lý do tại sao cha tôi ngày càng trở nên ít bao dung hơn với những người không theo đạo Hồi. Mẹ tôi đưa chị gái tôi, em trai tôi và tôi đến tham dự những hoạt động gia đình tại trung tâm Hồi giáo ở trường của chị tôi, nhưng cha tôi không bao giờ đi cùng chúng tôi: ông đột nhiên không thích thầy tế ở đó. Ở nhà, cha vẫn dành thời gian vui chơi với chúng tôi, song những khoảnh khắc ông nhìn xuyên qua chúng tôi, thay vì nhìn vào chúng tôi, xuất hiện ngày một nhiều, lúc đó ông giống như một người khác vậy, lướt qua chúng tôi, dán mắt vào cuốn kinh Qur’an. Một ngày nọ, tôi vô tư hỏi cha rằng từ khi nào mà cha trở thành một tín đồ đạo Hồi, và ông đáp lại tôi bằng một giọng nói tôi chưa từng thấy ở ông, “Khi ta đến đất nước này và nhận thấy mọi điều sai trái ở nơi đây.”
Rất nhiều năm về sau, trong các báo cáo của mình, FBI đã đặt cho Masjid Al-Shams một biệt danh đáng sợ: “Sào huyệt chiến tranh Hồi giáo vùng Jersey.”
***
Cuối thập niên 1980, đầu não của các tổ chức Hồi giáo tập trung ở Afghanistan. Liên Xô và Hoa Kỳ phát động Chiến tranh lạnh gần một thập kỷ. Vào năm 1979, chính phủ cộng sản Afghanistan yêu cầu quân đội Nga giúp đỡ họ chống lại cuộc nổi loạn của phiến quân Hồi giáo (một tổ chức lỏng lẻo gồm nhiều nhóm chống đối người Afghanistan). Đáp lại hành động đó, Hoa Kỳ và Ả Rập đã thiết lập
đồng minh và bắt đầu rót hàng tỷ đô la vào vũ khí cung cấp cho những cuộc nổi loạn. Chiến tranh đã đến mức báo động, buộc một phần ba dân số Afghanistan phải bỏ trốn, chủ yếu di cư sang Pakistan.
Thánh đường của cha tôi chỉ là một ngôi nhà xám với những lớp sơn đang tróc dần, nằm ở tầng ba của một mặt tiền cửa hàng, dưới tầng là một cửa hàng ăn Trung Quốc và một tiệm trang sức. Tuy nhiên, Masjid Al-Shams vẫn có sức hấp dẫn đối với những vị thủ lĩnh và học giả từ khắp nơi trên thế giới, những người hô hào kêu gọi cha tôi và những người bạn của ông đến chi viện cho những người anh em đang tham gia những cuộc nổi loạn của họ. Đối với cha tôi và những thành viên bị tước quyền công dân, phải sống rất khó khăn khác trong thánh đường, mục đích của việc chi viện dễ dàng thuyết phục họ. Một trong những người phát ngôn đặc biệt cuốn hút cha tôi, đó là một kẻ chuyên kích động bạo động thuộc dòng Sunni từ Palestine, tên hắn là Abdullah Yusuf Azzam.
Azzam đang khởi động một chiến dịch trên toàn nước Mỹ nhằm kêu gọi gây quỹ cho những cuộc nổi loạn. Hắn thường xuất hiện trước đám đông với khẩu lệnh mạnh mẽ: “Một lòng ủng hộ chiến tranh Hồi giáo và quân đội Hồi giáo: không thương lượng, không hội ý, và không đối thoại.” Hắn ta đã từng đóng vai trò cố vấn cho một sinh viên kinh tế trẻ đến từ Ả Rập, Osama bin Laden, và thuyết phục người này mang theo gia đình (và mang theo sổ chi phiếu của gia đình) đến Pakistan để hỗ trợ cho cuộc chiến tranh chống Nga. “Dù chiến tranh có kéo dài bao lâu đi chăng nữa, chúng ta vẫn nguyện chiến đấu hết mình,” Azzam tuyên bố với những chiến binh Hồi giáo gốc Mỹ, “cho đến hơi thở cuối cùng và cho đến khi trái tim ngừng đập.” Hắn ta truyền cảm hứng cho họ với những câu chuyện từ chiến trường đã được thần thánh hóa xa rời thực tế, những câu chuyện về những chiến binh thánh chiến mình đồng da sắt mà không một viên đạn nào của Liên Xô có thể xuyên thủng, tham chiến với sự hỗ trợ của những thiên sứ trên lưng ngựa và được bảo vệ khỏi bom đạn bởi những đội quân gồm hàng ngàn con chim.
Cha tôi gặp Azzam tại nhà thờ và trở về nhà mà như thể là một con người khác hẳn. Ông cảm thấy đã đến lúc thực hiện sứ mệnh của mình và đây cũng chính là minh chứng hùng hồn nhất, không thể chối cãi cho sự sùng bái của ông đối với Allah. Cha tôi và những người đàn ông khác từ nhà thờ bắt đầu gặp gỡ nhau tại căn hộ của chúng tôi, bàn luận một cách say mê về việc tiếp viện chiến tranh Hồi
giáo ở Afghanistan. Họ mở một cửa hàng ngay dưới masjid, bày bán những tài liệu tôn giáo, tranh ảnh, và những cuốn băng cát-xét để kiếm tiền. Đó là một nơi tối tăm và không có cửa sổ. Sách ở khắp mọi nơi. Những bức tường được bao phủ bởi những bài giảng đạo từ kinh Qur’an viết bằng những ký tự lớn và có màu lấp lánh. Cha thường xuyên đưa tôi và em trai đến đó và chúng tôi cũng phụ giúp họ việc này việc kia. Mặc dù chúng tôi đều không ý thức được những gì cha đang làm, song tôi nhận thấy rõ ràng rằng cha tôi dường như đã sống lại.
Mẹ tôi cũng ủng hộ chiến tranh Hồi giáo của người Afghanistan - ở một chừng mực nào đó. Bà là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo song đồng thời cũng là một người Mỹ yêu nước. Trong khi hai con người này thường xuyên mâu thuẫn nhau, thì việc lực lượng nổi loạn Hồi giáo liên minh với những người Mỹ ở Afghanistan là một ví dụ hiếm hoi cho thấy sự đồng thuận về mặt nào đó giữa những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của bà. Trong lúc đó, cha tôi lao vào cuộc quá nhanh. Ông giờ đây đã là thuộc cấp trực tiếp của Azzam, kẻ mà ông luôn thần tượng. Cha tôi cùng những người đàn ông ở nhà thờ thường xuyên thực hiện những chuyến cắm trại để tôi luyện kỹ năng sinh tồn. Họ lái xe đến bãi tập bắn Calverton Shooting Range ở Long Island để luyện tập. Khi người phụ trách nhà thờ bày tỏ quan ngại về xu hướng cực đoan đang diễn ra ở đây, họ liền gạt ông ta khỏi vị trí của mình. Có thể nói rằng cha tôi lúc này không còn bất cứ thời gian rảnh rỗi nào dành cho mẹ con tôi nữa. Nên việc ông xuất hiện vào ngày đầu tiên tôi đến trường mới khiến mẹ tôi sốc. Trước đây không lâu, gia đình là mối quan tâm duy nhất và mãi mãi của cha; nhưng giờ đây chúng tôi phải cạnh tranh với tình yêu cha dành cho những tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới này.
Đỉnh điểm là khi cha tôi nói với mẹ rằng ông không muốn cứ mãi ở hậu phương ủng hộ đội quân thánh chiến nữa: Ông muốn đến Afghanistan và tham gia chiến đấu. Mẹ tôi khiếp sợ, bà cầu xin cha suy nghĩ lại nhưng cha vẫn kiên quyết làm theo ý mình. Hơn nữa, cha còn yêu cầu mẹ đưa chúng tôi đến Ai Cập và sống cùng ông nội ở đó trong thời gian ông đến Afghanistan. May mắn thay, ông nội tôi phản đối kế hoạch này. Ông nội cho rằng chỗ của cha tôi là ở bên gia đình, cho nên ông nội từ chối lời đề nghị của cha. Ông nội thậm chí còn cương quyết đe dọa cha tôi rằng nếu mẹ con tôi vẫn cứ đến Ai Cập, ông sẽ phớt lờ và để chúng tôi chết đói.
Cha tôi không phải thương tiếc cho giấc mơ thánh chiến của mình quá lâu. Vào năm 1989, một người (không bao giờ biết được là ai) cố gắng ám sát Azzam bằng một quả bom giấu dưới bục giảng kinh của ông ta tại Peshawar, Pakistan. Song quả bom không phát nổ. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng Mười một, khi Azzam cùng hai con trai đang ngồi trong một chiếc xe Jeep đến buổi cầu nguyện vào thứ Sáu thì một quả bom nổ dưới đường. Cả ba đều thiệt mạng. Không thể diễn tả bằng lời phản ứng của cha tôi trước cái tin Azzam bị ám sát. Cho đến hai mươi năm sau, khi hồi tưởng lại, mẹ tôi chỉ đơn giản đánh giá rằng đó là khoảnh khắc bà mất cha tôi mãi mãi.
Năm 1989, Xô Viết từ bỏ Afghanistan và rút lui. Trước tình hình đó, Hoa Kì cũng có động thái tương tự. Afghanistan trở thành một quốc gia của những góa phụ và trẻ mồ côi, con người, kinh tế, và cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Những chiến binh thánh chiến như cha tôi nóng lòng gây dựng một đế chế Hồi giáo thực sự trên thế giới này – một nhà nước được điều hành bởi luật pháp Hồi giáo, được biết đến với tên gọi Bộ luật Sharia. Năm 1990, một trong những đồng minh của Osama bin Laden, thủ lĩnh mù người Ai Cập, Omar Abdel-Rahman, đến Mỹ nhằm củng cố niềm tin cho cuộc chiến tranh Hồi giáo toàn cầu, cuộc chiến không chỉ hủy diệt Afghanistan mà còn bằng mọi phương thức cần thiết, chấm dứt những gì bọn họ mong muốn, ví dụ như sự chuyên chế của chính quyền Israel, được Mỹ hậu thuẫn, đối với Palestine. Thủ lĩnh mù đó có tên trong danh sách những kẻ khủng bố nguy hiểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Ông ta đã bị bỏ tù tại Trung Đông vì đã tuyên bố một fatwa kêu gọi và dẫn đến vụ ám sát Thủ tướng Ai Cập Anwar Sadat. Tuy nhiên, Rahman vẫn xoay xở để có được thị thực du lịch Mỹ. Khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hủy bỏ thị thực, ông ta đã tìm cách thuyết phục Sở Di trú tại New Jersey cấp cho mình một tấm Thẻ xanh. Dường như những cơ quan Chính phủ này không thể thống nhất được biện pháp xử lý một tên khủng bố quốc tế, kẻ vốn là đồng minh của họ trong cuộc chiến chống Nga.
Trong khoảng thời gian này chúng tôi chuyển từ thành phố Jersey đến Cliffside Park theo ý mẹ. Đó là vùng ngoại ô rậm rạp cây cối và yên tĩnh, gần giống như quê nhà của Tom Hanks trong bộ phim Big, và mẹ tôi hi vọng rằng khoảng cách này sẽ phá vỡ sự liên kết giữa cha tôi những phần tử cực đoan tại Masjid Al-Shams. Trên thực tế, điều đó chẳng thay đổi được gì. Mỗi sáng cha đều chửi mắng mẹ, trích ra những câu kinh Qur’an và từ những bài giảng của Muhammad trong
Hadith (bản ghi chép lại lời nói, hành động, và thói quen của nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad). Đạo Hồi nói thế này, đạo Hồi nói thế kia. Cha tôi bỗng chốc trở thành người xa lạ với mẹ. Mỗi đêm sau khi kết thúc công việc, ông lái xe một chặng đường dài quay lại nhà thờ cũ của chúng tôi hoặc đến nhà thờ mới tại Brooklyn, nơi Thủ lĩnh mù đang củng cố lại niềm tin cho những tín đồ Hồi giáo. Cha tôi bị ám ảnh bởi sự khốn khổ của những tín đồ Hồi giáo ở Palestine, cũng nhiều như sự ghê tởm ông biểu hiện trước sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel. Và đương nhiên không chỉ mình cha tôi bị ám ảnh. Trong suốt cuộc đời mình, khi ở nhà thờ, trong phòng khách, lúc gây quỹ tại Hamas, người ta đều nói với tôi rằng Israel là kẻ thù của người Hồi giáo. Nhưng giờ đây, những từ ngữ mà họ dùng nặng nề hơn. Mẹ tôi luôn lo lắng rằng sẽ có những thảm kịch chờ đợi chúng tôi phía trước. Cuộc sống vẫn tiếp tục, sau này bà kể rằng lúc đó bà như một chiếc “máy bay lái theo chế độ tự động” vậy, máy móc sống và làm việc, hy sinh tất cả vì chúng tôi và chỉ cố gắng vượt qua khỏi những ngày tháng đen tối ấy.
Rất nhiều lần cha mang tôi đến những buổi giảng đạo của Thủ lĩnh mù. Lúc đó, vốn tiếng Ả Rập của tôi không đủ để giúp tôi hiểu hết những gì ông ta nói, có chăng chỉ là bắt được một số từ quen thuộc, song sự tàn bạo của ông ta khiến tôi sợ hãi. Khi cha tôi thúc giục tôi bắt tay với Rahman sau buổi giảng đạo của ông ta, tôi chỉ e dè gật đầu. Sau đó, họ đặt một tấm lót làm bằng chất dẻo xuống sàn và có những người đàn ông phục vụ chúng tôi món fatteh (bánh mì Pita và cơm được rưới nước sốt cừu) cho bữa tối. Trong vòng một giờ đồng hồ, âm thanh giọng nói của các bậc cha mẹ và những đứa trẻ ríu rít như những tiếng chim, khiến mọi thứ dường như trở nên ấm áp và bình thường trở lại, sau đó chúng tôi bắt đầu ăn.
Cha tôi trở nên thân thiết với Thủ lĩnh mù đó. Chúng tôi không hề biết rằng ông ta thúc giục cha tôi đặt cho mình một cái tên giả dùng cho nhiệm vụ đặc biệt sau này. Cha tôi cân nhắc về việc ám sát Thủ tướng Israel tương lai, Ariel Sharon, và sẵn sàng đi đến phá hủy khách sạn của ông ta. Cha tôi cuối cùng từ bỏ kế hoạch đó, song đối với một tín đồ Hồi giáo chính thống, người luôn tin tưởng triết lý mãnh liệt của Allah như cha tôi, thì mục tiêu tiềm năng có thể ở mọi nơi. Không lâu sau, cha tôi phát hiện ra rằng việc giết giáo sĩ Do Thái Kahane chính là sứ mệnh thực sự của mình.
***
Đây là một trong những ký ức cuối cùng của tôi về cha khi ông còn là một người tự do: Đó là một buổi sáng thứ Bảy ở Jersey. Cuối hè. Cha đánh thức tôi và em trai dậy sớm – sau buổi cầu nguyện trước khi mặt trời mọc chúng tôi đã buồn ngủ trở lại rồi – và bảo chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Chúng tôi mặc quần áo và đờ đẫn theo cha ra xe. Chúng tôi lái xe, lái xe và lái xe mãi: ra khỏi vùng ngoại ô xanh rì bóng cây, đi qua vùng Bronx đông nghịt người và căng thẳng, tiến về phía Long Island. Hai giờ trôi qua như gấp đôi đối với anh em tôi. Cuối cùng, chúng tôi đến một nơi có một tấm biển màu xanh da trời lớn: Bãi bắn CALVERTON SHOOTING RANGE.
Chúng tôi tiến vào một bãi cát, và tôi thấy chú Ammu Ibrahim đang đợi chúng tôi, cùng với một chiếc xe khác chở những người bạn của cha tôi. Chú tôi đứng dựa lưng vào chiếc xe trong khi những đứa con trai của chú thì chạy nhảy vui vẻ xung quanh, đá tung từng lớp cát. Chú mặc một chiếc áo phông in hình tấm bản đồ Afghanistan và một dòng khẩu hiệu: GIÚP ĐỠ LẪN NHAU BẰNG THIỆN CHÍ VÀ LÒNG TRUNG THÀNH. Những người đàn ông chào hỏi nhau và sau đó một trong những người bạn của cha mở nắp chiếc rương mà ông ta mang theo, chiếc rương đầy những khẩu súng lục và AK-47.
Điểm ngắm của họ là những hình người không mặt màu đen được dựng đối diện những bờ đất dốc. Trên đầu mỗi hình nhân có thắp một bóng đèn vàng, và trên đỉnh những ngọn đồi phía trên là một hàng thông. Thỉnh thoảng sẽ có một con thỏ lon ton chạy ra, hoảng hốt bởi tiếng đạn nổ, sau đó gấp gáp vọt trở lại.
Cha và chú Ammu bắn trước, sau đó đến những đứa trẻ chúng tôi. Chúng tôi thay phiên nhau bắn được một lúc. Tôi không hề biết rằng cha mình đã trở thành một tay thiện xạ từ lúc nào. Đối với tôi, khẩu súng trường này quá nặng, và tôi không hề có hứng thú tập bắn như những cậu em họ của mình, chúng luôn trêu chọc tôi mỗi lần tôi bắn trúng bờ đất thay vì mục tiêu, khiến viên đạn rạch trên nền cát một rãnh nhỏ.
Những đám mây là là bay ngang qua bãi bắn bao phủ hết mọi vật trong bóng râm. Một cơn mưa bóng mây chợt ập xuống. Trong lúc chúng tôi chuẩn bị kết thúc vào lượt bắn cuối cùng của tôi, thì một điều kỳ lạ bỗng xảy ra: Tôi vô tình bắn vỡ bóng đèn trên đầu một hình nộm khiến nó vỡ và nổ tung, hình nộm đó bốc cháy.
Tôi vội vã chạy về phía cha, cả người đông cứng lại trong nỗi sợ hãi rằng mình đã làm sai điều gì đó.
Lạ lùng thay, cha tôi bỗng nở nụ cười và gật đầu một cách hào hứng.
Bên cạnh ông, chú Ammu bật cười. Hai người họ là anh em thân thiết. Chú Ammu chắc hẳn biết về kế hoạch giết Kahane của cha tôi. “Ibn abu,” chú nói với một nụ cười tươi rói.
Tôi mất nhiều năm dằn vặt với nghĩa hàm ý của hai từ chú Ammu thốt ra lúc đó, cho tới tận khi tôi nhận ra rằng chú tôi đã đánh giá hoàn toàn sai lầm về tôi.
“Ibn abu.”
Cha nào con nấy.
5 Tháng Một năm 1991,
Trại Cải tạo Rikers Island, New York
Chúng tôi đứng trong một bãi đỗ xe rộng mênh mông, mòn mỏi chờ đợi một chiếc xe tải. Đây là bãi đỗ xe lớn nhất tôi từng thấy, và toàn bộ khung cảnh xung quanh lúc này chỉ toàn một màu xám và lạnh lẽo, chúng tôi chẳng biết làm gì, chẳng biết chờ mong điều gì, ngoài chăm chú nhìn vào chiếc xe bán đồ ăn trưa màu bạc lấp ló đằng sau màn sương. Cầm năm đô la mẹ cho, chúng tôi tiến về chiếc xe hi vọng mua được thứ gì đó. Chiếc xe này có bán món knish. Tôi chưa từng biết đến món bánh này, nghe như một phát minh gì đó của Dr. Seuss (tác giả truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng người Mỹ) vậy, song cái tên món bánh đó dễ thương và lạ lùng đến mức khiến tôi mua ngay một chiếc. Đó hóa ra là một loại bánh được chiên ngập dầu và nhồi đầy khoai tây bên trong. Sau này lớn hơn, tôi biết đó là một loại bánh của người Do Thái. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được rằng mình đã từng ngấu nghiến chiếc bánh đầy ắp mù tạt đó trên đường đến Rikers Island, nơi cha tôi đang bị tạm giam chờ đợi một phiên tòa, vì ông đã bắn vào cổ một trong những giáo sĩ Do Thái xuất chúng và nổi tiếng là kẻ hay gây chia rẽ nhất của thế giới.
Khi chúng tôi đến Rikers, chúng tôi thấy một hàng người dài giống như một con rắn, ầm ĩ, huyên náo. Chúng tôi nhập vào đoàn người thăm thân chủ yếu toàn phụ nữ và trẻ em đó. Tôi có thể cảm nhận được sự đau đớn của mẹ khi bà phải mang những đứa con đến nơi này. Bà để chúng tôi theo sát bên người. Bà nói với chúng tôi rằng cha tôi bị buộc tội giết một giáo sĩ Do Thái, song cũng nhanh chóng thêm rằng chỉ có cha mới có thể cho chúng tôi biết sự thật.
Chúng tôi tiến vào khu vực kiểm tra an toàn. Những điểm kiểm tra nhiều vô số. Tại một điểm, những người bảo vệ đeo một chiếc găng tay cao su rồi khoắng trong miệng mẹ tôi. Ở điểm khác, chúng tôi phải cởi bỏ khăn mũ để kiểm tra, điều này không thành vấn đề đối với tôi và em trai, nhưng lại là rắc rối lớn đối với những người phụ nữ Hồi giáo, những người phải choàng khăn hijab và bị cấm không được cởi ra ở nơi công cộng. Mẹ và chị gái tôi được những nhân viên nữ đưa vào phòng riêng. Trong khoảng nửa giờ, tôi và em trai ngồi
chờ đợi một mình, đung đưa chân, cố tỏ ra mạnh mẽ song thất bại. Cuối cùng, mấy mẹ con được dẫn xuống một hành lang trải bê tông hướng đến phòng thăm tù nhân. Rồi, bỗng nhiên, lần đầu tiên sau hàng tháng trời, cha tôi xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi.
Cha tôi mặc một bộ đồ liền thân màu cam. Mắt ông đỏ ngầu. Cha tôi, lúc ấy mới ba mươi sáu tuổi, hốc hác, kiệt sức, và chẳng có vẻ gì là cha trước đây cả. Mặc dù vậy, khi nhìn thấy chúng tôi, đôi mắt ông sáng bừng lên với vẻ yêu thương vô hạn. Chúng tôi chạy lại phía cha.
Sau những cái ôm hôn nồng nhiệt, cha tôi nhấc bổng và ôm bốn mẹ con chúng tôi trên tay, ông khẳng định với chúng tôi rằng mình vô tội. Cha nói với chúng tôi rằng ông chỉ muốn gặp để nói chuyện với Kahane về Hồi giáo, để thuyết phục ông ta rằng những tín đồ Hồi giáo không phải là kẻ thù của ông ta. Cha đảm bảo với chúng tôi rằng ông không hề có một khẩu súng nào, và ông không phải là kẻ sát nhân. Thậm chí trước khi cha nói xong, mẹ tôi đã bắt đầu thổn thức. “Em biết điều đó mà,” mẹ tôi lặp đi lặp lại. “Tự trong sâu thẳm, em biết điều đó, em biết điều đó, em biết điều đó, em biết điều đó.”
Cha tôi trò chuyện với từng đứa chúng tôi. Cha hỏi chúng tôi hai câu hỏi giống như nhiều năm sau đó, bất cứ khi nào được gặp hay viết thư cho chúng tôi, ông đều muốn biết: Các con có cầu nguyện đều đặn không? Các con vẫn vâng lời mẹ đấy chứ?
“Chúng ta vẫn mãi là một gia đình, Z à,” cha nói với tôi. “Và ta mãi là cha con. Dù cha có ở đâu. Dù người khác có nói về cha như thế nào. Con hiểu chứ?”
“Vâng, thưa cha.”
“Nhưng con vẫn không nhìn cha, Z à. Hãy để cha ngắm đôi mắt mà cha cho con.”
“Vâng, thưa cha.”
“À, nhưng mắt cha màu xanh lục! Mắt con, chúng có màu xanh lục, có cả màu xanh dương, và còn cả màu tím nữa. Con phải quyết định màu sắc đôi mắt của mình, Z!”
“Con sẽ làm theo lời cha.”
“Tốt lắm. Bây giờ thì ra chơi cùng với anh chị em con đi bởi vì” – cha quay sang nhìn mẹ tôi, và mỉm cười đầy ấm áp – “Ta phải nói chuyện với nữ hoàng của mình rồi.”
Tôi ngồi phịch xuống sàn và lấy ra vài thứ đồ chơi từ ba lô của mình: Cờ thả Connect Four (Một biến thể của cờ Caro), và Chutes and Ladders (Rắn leo thang). Cha mẹ tôi ngồi nói chuyện bên bàn, nắm chặt tay nhau và hạ giọng cốt để chúng tôi không thể nghe thấy. Mẹ tôi luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Mẹ nói với cha rằng mẹ vẫn ổn, mẹ có thể nuôi nấng và chăm sóc chúng tôi trong lúc cha vắng nhà; điều lo lắng duy nhất của mẹ là cha mà thôi. Mẹ đã giữ những câu hỏi đó lâu đến mức lúc này đây chúng ồ ạt tuôn ra: Anh có an toàn không, Sayyid? Đồ ăn có đủ cho anh không? Ở đây còn có những người Hồi giáo khác phải không? Quản giáo cho phép anh cầu nguyện chứ? Em có thể mang cho anh những gì? Em có thể nói với anh điều gì đây, ngoài câu em yêu anh, em yêu anh, em yêu anh?
***
Chúng tôi đã không trở lại căn hộ ở Cliffside Park kể từ khi vụ bắn súng xảy ra, đúng như mẹ tôi dự liệu khi bà trải tấm ga trắng trên sàn nhà và bảo tôi gói ghém đồ đạc của mình. Chúng tôi tạm thời sống tại nhà của chú Ibrahim ở Brooklyn, ba người lớn và sáu đứa trẻ sống trong căn hộ một phòng ngủ, từng chút một cố gắng trở về cuộc sống bình thường.
Cảnh sát New York bất ngờ khám xét nhà của chúng tôi chỉ vài giờ sau khi chúng tôi rời đi. Mất nhiều năm sau tôi mới đủ lớn để tiếp cận những tài liệu chi tiết, và biết rằng cha đã nói dối chúng tôi rằng ông không phải là kẻ giết người. Cảnh sát mang đi bốn mươi bảy chiếc hộp chứa những tang vật nghi ngờ liên quan đến một âm mưu quốc tế. Chúng bao gồm những hướng dẫn chế tạo bom, một danh sách những mục tiêu cần tiêu diệt gồm những giáo sĩ Do Thái, và các tài liệu về việc tấn công vào “những tòa nhà cao tầng của thế giới.” Song hầu hết những tài liệu này đều được viết bằng tiếng Ả Rập, và giới chức trách bỏ qua một số tài liệu vì cho rằng đó chỉ là “những bài thơ Hồi giáo.” Không một ai rảnh rỗi để dịch một đống những tài liệu đó cho đến gần ba năm sau, khi vụ tấn công đầu tiên nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra. (Cùng khoảng thời gian đó, Cục Điều tra Liên bang bắt giữ chú Ibrahim và trong khi lục soát căn hộ của chú, họ tìm được một cuốn hộ chiếu Nicaragua giả mang tên họ
của gia đình tôi. Nếu kế hoạch giết Kahane của cha tôi thất bại trong im lặng, có lẽ tôi sẽ trở thành một thanh niên lớn lên ở Trung Mỹ với một cái tên Tây Ban Nha.) Giới chức trách không chỉ phớt lờ bốn mươi bảy hộp tang vật thu được từ căn hộ của chúng tôi. FBI cũng có đoạn băng ghi cảnh cha tôi và những người đã cùng ông luyện tập tại bãi bắn Calverton Shooting Range - song không ai hiểu được mối liên hệ giữa họ. Người đứng đầu nhóm các thám tử thuộc Sở Cảnh sát New York (NYPD) khăng khăng rằng cha tôi là một tên cướp có vũ khí hành động độc lập. Nhiều năm sau, nhà báo điều tra Peter Lance và Chính phủ Mỹ đã phủ nhận cái ý tưởng ngớ ngẩn này.
Hàng năm trời, những giả thuyết được đặt ra hết sức phong phú. Họ cho rằng cha tôi đã trà trộn vào khách sạn Marriott cùng với ít nhất một, có lẽ hai, kẻ đồng phạm khác, mặc dù không ai trong số họ bị buộc tội. Cha tôi đội chiếc mũ đặc trưng của đàn ông Do Thái khi cầu nguyện, để trà trộn vào đám đông những người Do Thái siêu chính thống. Cha tôi tiếp cận bục diễn thuyết nơi Kahane đang mạnh mẽ lên án mối đe dọa từ Ả Rập. Cha tôi dừng lại, và bất chợt hét to, “Đến lúc rồi!” Sau đó, cha tôi bắn vị diễn giả, và nhanh chóng rời khỏi khán phòng. Một trong những người ủng hộ Kahane, một người đàn ông bảy mươi ba tuổi, cố gắng chặn đường cha tôi và nhận một phát đạn vào chân, trong khi cha tôi tiếp tục chạy xuống phố. Theo những báo cáo ghi lại, một người bạn của cha tôi, tay tài xế taxi đã gọi điện cho mẹ tôi tối đó, nói sẽ đợi cha tôi bên ngoài khách sạn trên xe theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong lúc hỗn loạn, cha tôi đã lên nhầm xe. Chiếc xe vừa di chuyển được một tòa nhà, một người ủng hộ Kahane khác đã đứng chặn trước xe để ngăn cha tôi chạy trốn. Cha tôi dí súng vào đầu người tài xế. Người này nhảy ra khỏi xe. Cha tôi sau đó cũng nhảy ra và chạy xuống đường Lexington, đấu súng với viên cảnh sát hỗ trợ tư pháp của bưu điện, người có mặc áo chống đạn và bị bắn gục xuống trên phố. Theo một số giả thuyết, những kẻ đồng phạm của cha tôi đã chạy thoát bằng tàu điện ngầm.
Lịch sử chứng minh rằng cha tôi không hành động độc lập. Nhưng đó là chuyện sau này, còn bấy giờ là năm 1990, và NYPD vẫn chưa thể tưởng tượng đến khái niệm một nhánh khủng bố toàn cầu - thực sự thì không ai có thể tưởng tượng được - và họ không hề hứng thú với việc nỗ lực truy tố một cá nhân riêng lẻ.
***
Chúng tôi cũng không trở lại trường học ở Cliffside Park. Ngay buổi sáng sau vụ ám sát, giới truyền thông đã túc trực ở trường học, điều này khiến chúng tôi không còn cảm thấy an toàn và được chào đón ở đó. Biết rằng chúng tôi không có nơi nào để đi, Al-Ghazaly, một trường học Hồi giáo ở Jersey, cấp học bổng cho chúng tôi. Tôi chợt nghĩ rằng hóa ra câu khẩu hiệu trên chiếc áo phông của chú Ammu – GIÚP ĐỠ LẪN NHAU BẰNG THIỆN CHÍ VÀ LÒNG TRUNG THÀNH – còn có thể khơi gợi đến lòng tốt nữa, chứ không chỉ bạo lực.
Mẹ tôi nhận những suất học bổng ấy một cách đầy biết ơn và chúng tôi chuyển về lại Jersey. Tất cả những gì chúng tôi có thể xoay xở được là một căn phòng nhỏ còn trống nằm trên đại lộ Reservoir. Mặc dù mẹ đã yêu cầu chủ nhà lắp thêm những thanh chắn phía trên cửa sổ, nhưng vẫn không thể ngăn cản những gã say quấy rầy ba anh chị em chúng tôi khi chúng tôi chơi trên phố. Vì thế chúng tôi lại chuyển đi, lần này chúng tôi kiếm được một căn phòng sơ sài tương tự như vậy ở đại lộ Saint Paul. Một ngày nọ, khi mẹ đến đón chúng tôi, một kẻ nào đó đã đột nhập vào nhà và lấy cắp tất cả những gì mà hắn có thể mang đi, chỉ bỏ lại một con dao trên bàn phím máy tính của chúng tôi. Giữa những hỗn độn này, chúng tôi vẫn trở lại trường học. Tôi đang học lớp Một. Lúc đó đang vào giữa năm học, là khoảng thời gian tồi tệ nhất để chuyển trường, cho dù giả như tôi không phải là một đứa trẻ ưa xấu hổ và gia đình tôi không chịu bất cứ tai tiếng gì.
Buổi sáng đầu tiên đến Al-Ghazaly, tôi thận trọng đi đến cửa phòng học. Đó là một căn phòng lớn hình vòng cung, khiến tôi có cảm giác mình đang bước vào cái miệng khổng lồ của một con cá voi vậy. Khoảnh khắc tôi xuất hiện, tất cả mọi cái đầu đều quay về phía tôi. Tất cả mọi hoạt động đều ngừng lại. Sự yên lặng kéo dài khoảng hai giây. Một Mississippi, hai Mississippi. Tôi đếm. Và sau đó, tất cả những đứa trẻ dường như nhảy vọt ra khỏi chỗ ngồi. Chúng đẩy những chiếc ghế lùi lại, tạo ra những tiếng rít khi ma sát với sàn nhà, và nhanh chóng lao về phía tôi. Việc này xảy ra nhanh đến nỗi tôi không thể nhận biết được thái độ của chúng. Đó là thái độ thù địch? Hay vui sướng quá đỗi? Liệu tôi đã làm điều gì không thể tha thứ, hay giành chiến thắng trong một trận bóng chày? Giờ đây những đứa trẻ bắt đầu la hét, những tiếng la hét to dần. Chúng đều hỏi cùng một câu hỏi: Có phải bố mày giết Giáo sĩ Kahane không? Dường như câu trả lời chúng muốn là có, và hẳn chúng sẽ thất vọng lắm nếu tôi trả lời không. Cô giáo cố gắng chạy về phía tôi. Cô gạt những đứa trẻ khác sang một bên, bảo chúng ngồi xuống, ngồi xuống, ngồi xuống. Trong
cơn bấn loạn, tất cả những hành động tôi có thể nghĩ tới – hơn hai mươi năm sau, khi nghĩ lại, tôi vẫn co rúm lại vì sợ hãi – chỉ là khẽ nhún vai và mỉm cười.
***
Trong những tháng ngày lạnh giá đầu tiên của năm 1991, truyền thông và gần như toàn bộ thế giới này tin rằng cha tôi là một con quái vật, và mẹ tôi nghe phong thanh rằng Liên minh Quốc phòng Do Thái đã tuyên bố một fatwa của riêng họ: “Giết những đứa con trai của Nosair.” Nhưng đối với những người theo đạo Hồi, cha tôi là một anh hùng và là một người hy sinh vì nghĩa lớn. Và theo dòng suy luận này thì Kahane là một tín đồ mù quáng, là kẻ khởi xướng bạo lực và thù hằn, một kẻ cực đoan bị lên án bởi ngay cả những người có chung đức tin với ông ta. Ông ta coi những người Ả Rập như những con chó. Ông ta mong muốn Israel quét sạch người Ả Rập khỏi nước này và khuyến khích sử dụng vũ lực trấn áp nếu cần thiết. Vì vậy, trong khi cha tôi trở thành ác quỷ ở rất nhiều nơi, thì trên phố chúng tôi luôn nhận được những lời cảm ơn từ những gia đình Hồi giáo và họ còn kêu gọi quyên góp từ khắp nơi trên thế giới. Số tiền quyên góp này cho chúng tôi cơm ăn và cho anh chị em tôi một khoản dư dả suốt thời thơ ấu. Một buổi tối nọ, mẹ mang đến cho chúng tôi một quyển danh mục của Sears và bảo chúng tôi có thể chọn bất cứ thứ gì mình muốn. Tôi chọn tất cả những sản phẩm của Thiếu niên Ninja Rùa Đột biến mà tôi có thể tìm được. Hồi đó, khi đến trường, tôi phát hiện rằng cha của một người bạn cùng lớp vô cùng phấn chấn bởi cái chết của Kahane đến mức ông luôn dừng tôi lại mỗi lần thấy tôi và đưa cho tôi một trăm đô la. Thế là tôi luôn cố gắng chạy đến mỗi lần nhìn thấy ông. Với số tiền của ông, tôi mua cho mình máy điện tử Game Boy đầu tiên. Thế giới này có thể gửi đến tôi nhiều thông điệp lẫn lộn, song Game Boy vẫn là thứ đồ chơi mà mọi đứa bé trai đều ao ước.
Một luật sư kiêm nhà hoạt động chính trị, Michael Tarif Warren, nhận đại diện cho cha tôi. Là một đảng viên Cấp tiến không nao núng và đồng thời là nhà ủng hộ quyền công dân danh tiếng, William Kunstler đột nhiên cũng muốn trở thành người bào chữa cho cha tôi, Warren chấp nhận một cách lịch sự. Kunstler có gương mặt dài và buồn rầu, với cặp kính luôn treo lơ lửng trên trán, và một mái tóc xám bù xù. Ông ta rất sôi nổi và ấm áp đối với chúng tôi, và ông ta tin rằng cha tôi có quyền được xét xử công bằng. Đôi lúc, Kunstler và nhóm làm việc của ông thường cắm trại bên ngoài căn hộ của chúng
tôi và vạch ra một số kế hoạch cùng với mẹ tôi suốt nhiều giờ liền. Những lúc khác, chúng tôi đến gặp ông tại văn phòng của ông ở làng Greenwich. Ông đặt trên bàn làm việc một bức tượng David của Michelangelo. Mỗi lần chúng tôi ghé thăm, để thể hiện sự tôn trọng mẹ và chị gái tôi, ông luôn dùng một chiếc cà vạt quấn quanh cổ bức tượng nhỏ để che đi những phần nhạy cảm của bức tượng.
Kunstler hi vọng có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng Kahane bị giết bởi một số người trong một vụ tranh chấp tài sản, sau đó chúng dàn xếp đổ tội cho cha tôi. Mẹ tôi tự huyễn hoặc mình tin tưởng vào câu chuyện này, bởi chồng bà đã đảm bảo với bà rằng ông vô tội, cho nên chắc chắn phải có lời giải thích nào đó cho vụ ám sát, và tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào vụ kiện của cha. Chúng tôi đã nhận được 163.000 đô la quyên góp cho phiên biện hộ của cha. Ammu Ibrahim đã đến tìm Osama bin Laden, người đã tự mình quyên góp 20.000 đô la.
Chúng tôi đến thăm cha tại Rikers nhiều lần nữa. Tôi nhìn thấy ông trong bộ quần áo tù nhân nhiều đến mức nó trở thành màu sắc chủ đạo trong toàn bộ kí ức của tôi về ông. Hơn hai mươi năm sau đó, tôi khi hình dung về cảnh gia đình khi mọi người đang quây quần bên bàn ăn tối tại căn hộ Cliffside Park, tầm khoảng một năm trước khi cha tôi bị bắt giữ. Tôi có lẽ sẽ tưởng tượng ra cảnh cha đang khích lệ chúng tôi, đưa cho chúng tôi những chiếc đĩa đựng đầy thịt cừu, và ông mặc một bộ quần áo liền thân màu cam.
6 Ngày 21 tháng Mười hai năm 1991
Tòa án Tối cao New York, Manhattan
Phòng xử án chia làm hai bên riêng biệt cho những người tin tưởng cha tôi và những người ủng hộ Kahane, trông giống như hai hàng khách mời ở đám cưới vậy. Giữa hai phe này đã xảy ra xô xát trong thời gian diễn ra phiên xử, thế nên trong phòng xử hôm nay, có đến ba mươi lăm cảnh sát được huy động. Đó là một ngày thứ Bảy. Bồi thẩm đoàn đã thảo luận kỹ lưỡng trong bốn ngày. Họ đã xem xét giả thuyết El-Sayyid Nosair là một kẻ sống dựa vào thù hận, cho nên thích hành động một mình. Họ dõi theo công tố viên trưởng một khẩu Magnum 0,357, nhìn chằm chằm vào cha tôi, rồi quay về phía họ và lên tiếng, “Khẩu súng này đã giết một người, làm bị thương hai người khác, và đe dọa hàng trăm con người. Anh có quyền lên tiếng: nhưng không phải ở đây, Nosair, không phải ở đây.”
Bồi thẩm đoàn cũng xem xét tranh luận của nhóm Kunstler rằng Kahane bị sát hại bởi những người thân cận của ông ta, và chúng đã đổ tội cho cha tôi bằng cách đặt khẩu súng gây án bên cạnh ông khi ông đang nằm trên vũng máu ở đại lộ Lexington. Họ liên tục nhấn mạnh rằng nhờ đống lộn xộn ở khách sạn Marriott mà không một nhân chứng nào nhớ rằng đã nhìn thấy cha tôi bắn Kahane.
Khi bồi thẩm đoàn trở lại để đọc lời tuyên án thì đã chiều muộn và chúng tôi đang ở nhà ở Jersey. Chuông điện thoại reo. Mẹ tôi nghe điện. Đó là vợ chú Ibrahim, thím Amina. Thím hét to đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng bên kia đầu dây: “Anh ấy vô tội! Anh ấy vô tội!”
Phòng xử án dường như bùng nổ sau lời tuyên án. Có những tiếng hét giận dữ từ phía bên này căn phòng, xen lẫn những tiếng nức nở nhẹ nhõm từ phía bên kia căn phòng. Không khí giống như vạch ranh giới ngăn cách hai cơn bão đối lập vậy. Thẩm phán có phần hoảng sợ về lời tuyên án của bồi thẩm đoàn. Ông ta nói với họ rằng lời tuyên án ấy “hoàn toàn thiếu tính logic và hiểu biết cơ bản.” Sau đó, như thể sợ mình chưa nói rõ ràng, ông ta thêm vào, “Tôi tin rằng bị cáo đã điều khiển được toàn bộ đất nước này, toàn bộ Hiến pháp và luật pháp của chúng ta, và tất cả những con người khát khao chung
sống hòa bình với nhau.”
Bồi thẩm đoàn cho rằng cha tôi phải chịu trách nhiệm cho những cáo buộc nhẹ nhàng hơn: sở hữu vũ khí trái phép, tấn công (nhân viên công ty Dịch vụ Bưu điện và một người đàn ông lớn tuổi) và đe dọa (cướp taxi). Thẩm phán tuyên bố hình phạt cao nhất theo luật pháp cho cha tôi là từ bảy cho đến hai mươi hai năm tù. Nhưng án phạt này không thể làm dịu đi bầu không khí sôi sục trong phòng xét xử. Một trong những người ủng hộ Kahane chỉ thẳng vào khu vực ghế ngồi của bồi thẩm đoàn (lúc này đã trống) và la hét, “Phán quyết không công bằng!” Sau đó càng nhiều tiếng hô vang, “Tử hình Nosair! Tử hình Nosair! Những con chó Ả Rập phải chết!”
***
Việc cha tôi được tuyên bố vô tội trong vụ ám sát Kahane đủ thắp lên hy vọng cho gia đình tôi để chấm dứt những tháng ngày đau đớn vừa qua. Những luật sư của cha tôi cố hết sức giúp cha kháng cáo. Lúc đó tôi đã tám tuổi, và tôi đã tin chắc rằng cha tôi sẽ bước qua cánh cửa kia vào bất cứ lúc nào, và cuộc sống của chúng tôi sẽ trở lại bình thường. Nhưng cha tôi không bao giờ xuất hiện. Từng ngày trôi qua, tôi dần trở nên ngày càng thu mình hơn.
Trong vòng một năm sau vụ xét xử cha tôi, số tiền quyên góp cho gia đình tôi không còn dư dả như trước, điều này khiến cuộc sống của chúng tôi khó khăn hơn. Những người bạn của cha tôi vẫn đối xử tốt với chúng tôi (có một người đàn ông làm nghề vận chuyển tên là Mohammed Salameh hứa sẽ cưới chị gái tôi khi chị ấy đủ tuổi), nhưng họ còn bận trung thành với đội quân thánh chiến của họ hơn (Salameh bị kết án 240 năm tù bởi có liên quan đến vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới trước khi chị tôi bước vào tuổi thiếu niên). Chúng tôi liên tục di chuyển qua lại giữa Jersey và Pennsylvania, bởi những lời đe dọa giết chóc. Cho đến lúc tôi rời trường trung học, gia đình tôi đã chuyển nhà khoảng hai mươi lần.
Chúng tôi luôn phải chung sống với những người hàng xóm nguy hiểm, không một ai trong số họ là người Hồi giáo. Tôi bị đánh ở trường bởi tôi là kẻ khác biệt, bởi tôi mập, lùn và ít nói. Người ta chế nhạo mẹ tôi khi thấy bà trên phố. Họ gọi mẹ tôi là quỷ và ninja bởi chiếc khăn trùm đầu và chiếc mạng che mặt của bà. Và không có gì là bí mật mãi mãi cả. Luôn có ai đó muốn tìm hiểu xem chúng tôi là ai.
Tin đồn rằng chúng tôi là những người nhà Nosair bắt đầu lan truyền. Nỗi sợ hãi và tủi nhục lại kéo đến khiến chúng tôi phải chuyển nhà một lần nữa.
Giữa đống lộn xộn này, sự trống trải vì nhớ thương cha vẫn không thể nguôi ngoai. Sự vắng mặt của cha có ảnh hưởng ngày một rõ ràng hơn, cho đến khi trong não tôi không còn chỗ dành cho bất cứ thứ gì khác nữa. Cha không còn ở đó để chơi đá bóng với tôi. Cha không còn ở đó để dạy tôi cách không bị chúng bạn bắt nạt. Cha không còn ở đó để bảo vệ mẹ tôi khỏi những con người ác độc trên phố. Ông phải ở lại nhà tù Attica State ít nhất là cho đến khi tôi mười lăm tuổi, chắc có lẽ không đến năm tôi hai mươi tuổi đâu. (Tôi liên tục tính toán số năm trong đầu.) Tôi tự nói với bản thân mình rằng tôi không thể dựa vào cha được nữa. Nhưng bất cứ khi nào đến thăm cha, niềm hi vọng lại trở lại. Tất cả dường như đều có thể trở thành hiện thực mỗi khi thấy gia đình chúng tôi ở bên nhau, cho dù sự thật không phải vậy.
***
Một dịp cuối tuần năm tôi chín tuổi, mẹ tôi lái xe đưa chúng tôi xuyên qua New York đến Attica, nơi nằm ở rìa phía xa nước Mỹ, gần Canada. Chiếc xe này vốn là một chiếc ô tô nhiều chỗ ngồi với những tấm gỗ giả được đóng vào bên hông xe. Mẹ tôi đã gập những chiếc ghế sau xuống để chúng tôi có thể nằm ngủ hoặc chơi hoặc lăn lộn đùa nghịch. Kể từ khi chúng tôi rời New Jersey, tôi lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng. Cuối tuần này chúng tôi không chỉ đến thăm cha trong một căn phòng lớn và nhàm chán, nơi chúng tôi chẳng có gì để làm ngoài chơi cờ đam Trung Quốc. Lần này chúng tôi đến để “sống” cùng với cha. Mẹ tôi đã cố gắng giải thích làm thế nào mà điều tuyệt vời này có thể xảy ra song tôi vẫn không thể tưởng tượng được. Dọc đường chúng tôi dừng lại để mua sắm một số thực phẩm, mẹ nói bà sẽ nấu cho tất cả chúng tôi. Mẹ còn cho phép tôi mua một hộp bánh quy rắc những hạt sô cô la loại mềm hiệu Entenmann. Khi chúng tôi quay lại xe, tôi dường như hào hứng gấp đôi so với trước khi khởi hành, vui sướng khi nghĩ đến việc được gặp cha và về cả những chiếc bánh quy nữa. Mẹ nhìn tôi qua gương chiếu hậu và mỉm cười. Có lẽ đó là lần cuối cùng bà thấy tôi hạnh phúc như vậy.
Attica là một nơi rộng lớn và ảm đạm – giống như một tòa lâu đài trị vì bởi một vị vua lúc nào cũng phiền muộn vậy. Chúng tôi đi qua
những chốt an ninh. Những nhân viên bảo vệ kiểm tra mọi thứ, kể cả đống thực phẩm còn nguyên bao bì.
“Chúng ta có một chút rắc rối,” một nhân viên bảo vệ nói.
Ông ta giữ hộp bánh quy Entenmann của tôi. Có gì đó không ổn với chiếc hộp. Hóa ra là trên lớp giấy bóng kính bọc quanh chiếc hộp xuất hiện một lỗ nhỏ, vì vậy họ sẽ không cho phép tôi mang nó vào. Nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi biết rằng ngay khi chúng tôi đi vào bên trong, những tay bảo vệ này sẽ ăn bánh quy của tôi. Họ biết rằng chẳng có vấn đề gì với chúng cả.
Mẹ tôi đặt tay lên vai tôi và thì thầm, “Đoán thử xem”.
Nếu tôi trả lời mẹ, tôi sẽ không giữ được giọng nói như bình thường, và tôi không muốn tự bêu xấu mình trước mặt những nhân viên bảo vệ đó, vì vậy tôi chỉ ngước nhìn mẹ chờ đợi cho đến khi bà cúi xuống và thì thầm vào tai tôi những từ nhiệm màu: “Mẹ đã mua thêm một hộp bánh khác.”
Tôi vui vẻ chạy băng qua bãi cỏ tiến về phía cha tôi. Cha tôi cười thật tươi và vẫy tay với tôi để tôi chạy nhanh hơn nữa. Ông đứng trước một căn nhà một tầng màu trắng thường được thấy ở những vùng ngoại ô, bao quanh bởi những bức tường của nhà tù Attica, đây là nơi các gia đình giống như gia đình tôi có thể ở bên nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Có một chiếc bàn dã ngoại, một chiếc xích đu, một bếp nướng ngoài trời. Tôi hụt hơi vì chạy quá nhanh. Tôi ôm lấy eo cha và đợi cha cúi xuống bế tôi lên. Cha tỏ ra khá vất vả để nâng một đứa trẻ lớn ngồng là tôi, nhưng thực chất tôi biết ông chỉ giả vờ mà thôi. “Lạy Đức Allah, Z ắt hẳn là tên rút gọn của cái tên Z-khổng-lồ rồi!” cha vui vẻ trêu tôi và nằm lăn ra bãi cỏ vừa mới được cắt tỉa. Chúng tôi vật lộn một lúc cho đến khi em trai tôi gọi với từ xích đu, “Đẩy cho con, cha ơi, đẩy cho con!”
Những ngày cuối tuần này mới tuyệt làm sao, thậm chí những khoảnh khắc nhàm chán cũng trở nên hoàn hảo, bởi đó là những ngày cuối tuần bình thường. Chúng tôi cùng chơi bóng đá với nhà gia đình hàng xóm. Chúng tôi cùng ăn mỳ ống với thịt viên vào bữa tối, và tráng miệng bằng một đĩa đầy ắp bánh quy Entenmann. Sau đó cha mẹ tôi sẽ chúc chúng tôi ngủ ngon và biến mất sau cánh cửa phòng ngủ từ sớm. Chị tôi khuyên em trai tôi đi ngủ sớm nhưng nó nói nó
chẳng mệt chút nào, thậm chí một xíu cảm giác mệt mỏi cũng không có, thế mà lại nhanh chóng lăn ra ngủ chỉ trong vòng 30 giây sau trên chiếc ghế bành bọc da đen ở phòng khách. Vì thế, hai chị em tôi chớp ngay lấy thời cơ này xem cuộn băng Cujo mà chúng tôi lén lấy rồi bỏ
vào giỏ của mình từ thư viện của nhà tù. Cuộn băng nói về một chú chó giống Saint Bernard ngọt ngào ở Connecticut, không may bị cắn bởi một con dơi và mắc bệnh dại, thế rồi nó bắt đầu trở nên điên cuồng. Hai chị em tôi ngồi xích lại gần nhau trong lúc theo dõi bộ phim. Việc ý thức được rằng mẹ tôi cũng sẽ trở nên tức giận điên cuồng giống như vậy nếu phát hiện chúng tôi lén xem phim càng khiến chúng tôi cảm thấy kinh dị hơn.
Đó là những ngày cuối tuần mà chúng tôi sống như một gia đình thật sự, một gia đình mà cha tôi luôn hằng mơ ước. Mỗi tối, vào lúc sáu giờ, chuông điện thoại sẽ đều đặn vang lên, và cha tôi sẽ báo cáo đầy đủ tên họ và số nhận dạng tù nhân, cùng với một số thông tin khác nữa để chứng minh rằng ông không hề cố gắng tìm cách trốn thoát. Không những thế, bao chung quanh mảnh sân nhỏ của gia đình tôi là một hàng rào có gắn dây thép gai. Hơn nữa, bên ngoài là một bức tường màu xám đồ sộ, cao hơn 9m. Nhưng chỉ cần năm người chúng tôi ở bên nhau thì thế giới ngoài kia không có gì đáng sợ cả. Tôi cảm giác rằng bức tường lớn màu xám này, thay vì giam giữ cha tôi ở bên trong, nó có vẻ như đang bảo vệ chúng tôi, cách ly những người khác ở bên ngoài.
Nhưng lẽ đời luôn như vậy, hiểu biết của tôi chưa đủ để nhìn thấu sự thật. Cha tôi có thể là một chú cún Saint Bernard hiền lành khi bên cạnh chúng tôi, song khi chúng tôi rời đi, ông lại trở nên điên cuồng và hung bạo. Khi chúng tôi chất đồ đạc lên xe cho cuộc hành trình không hồi kết trở lại New Jersey, hãy còn nguyên cảm xúc ngạc nhiên và hạnh phúc và cả niềm hy vọng nguy hiểm đó, cha tôi được đưa trở lại buồng giam và bắt đầu huênh hoang về vị Thẩm phán người Do Thái, người đã tuyên bố bỏ tù cha tôi, và chỉ đạo những người từ thánh đường đến thăm giết vị Thẩm phán đó (“Tại sao tôi phải xót thương ông ta? Liệu ông ta có khoan dung cho tôi không?”). Khi kế hoạch đó thất bại, cha tôi lại bắt đầu chuyên tâm vào một âm mưu khác hèn hạ hơn. Trong lúc tôi đang đắm chìm trong niềm hạnh phúc của một gia đình thực sự, thì cha tôi lại đắm chìm trong kế hoạch đánh sập Tòa Tháp Đôi.
7 Ngày 26 tháng Hai năm 1993
Thành phố Jersey, New Jersey
Lúc này tôi đã mười tuổi và tôi bị bắt nạt ở trường suốt mấy năm nay rồi. Tôi không thể tự lừa mình mãi rằng bạn bè bắt nạt tôi chỉ bởi chúng biết cha tôi là ai. Có lẽ tôi phải dành cả đời mình để tìm kiếm lý do, tôi giống như một thỏi nam châm thu hút những kẻ bạo hành vậy. Trò bắt nạt mới nhất là chúng đợi sau khi tôi mở tủ đồ của mình, dộng đầu tôi vào cửa tủ và chạy mất. Bất cứ khi nào trò này diễn ra, thầy hiệu trưởng đều nói rằng ông ta muốn “công bằng cho cả hai bên,” vì thế kết cục là tôi luôn luôn bị nhốt chung một chỗ với những kẻ bắt nạt mình. Nỗi sợ hãi và giận dữ ăn sâu vào tiềm thức tôi. Hôm đó là thứ Sáu, tôi được mẹ cho phép nghỉ học vì một bệnh mà chúng tôi đồng ý gọi là “bệnh ói mửa” (bệnh do một nhóm siêu vi khuẩn gây ra chứng viêm dạ dày cấp tính).
Tôi nằm lỳ trên chiếc đi văng, theo dõi bộ phim Harry và gia đình Hendersons, một bộ phim kể về một gia đình cố gắng giấu cảnh sát nuôi một sinh vật kiểu quái vật Bigfoot, bởi họ tin rằng cảnh sát sẽ không thể hiểu được sinh vật ấy tốt bụng và hiền lành đến nhường nào. Khi tôi đang xem đến giữa bộ phim, thì một tin tức giật gân được phát sóng. Lúc đó mẹ tôi đang mải mê viết cuốn tiểu thuyết lịch sử của bà, cho nên không bận tâm đến việc tắt ti vi.
Một vụ nổ xảy ra ở bãi đỗ xe dưới tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. NYPD, FBI, Cục Cảnh sát đặc nhiệm về thuốc lá, vũ khí và chất cồn nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đưa ra giả thuyết ban đầu là do một chiếc máy biến áp phát nổ.
Tôi chạy lại gõ cửa phòng ngủ của mẹ. Mẹ không đáp cho nên tôi mở hé cánh cửa một chút. Mẹ tôi đang ngồi bên chiếc bàn của bà và vẫn đắm chìm trong cuốn tiểu thuyết dang dở kể về một cô gái người Mỹ phiêu lưu đến vùng đất Trung Đông. Đó là tất cả những gì tôi biết và mẹ tôi vẫn đang trong trạng thái xuất thần.
“Mẹ nên ra ngoài này một lát,” tôi nói. “Có chuyện gì đó đang xảy ra.”
“Mẹ không thể,” mẹ tôi đáp mà không nhìn tôi lấy một cái. “Nhưng-”
“Yên lặng nào, Z. Nữ nhân vật của mẹ đang mắc kẹt trong một trận bão cát, và con lạc đà của cô ấy không nhúc nhích một bước...”
Vì thế tôi đành trở lại đi-văng và theo dõi tin tức hàng giờ liền. Đống đổ nát thật khủng khiếp. Mọi người hoảng loạn chạy ra, người họ phủ đầy tro bụi. Một phóng viên có mặt tại hiện trường tỏ ra kinh sợ, “Chúng tôi chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì giống như vậy trước đây.” Vào lúc ba giờ chiều, mẹ tôi cuối cùng cũng ra khỏi phòng ngủ, hấp háy mắt trước ánh mặt trời như thể bà vừa bước ra từ một hang động vậy. Bà nhìn về phía chiếc ti vi và ngừng lại giây lát.
“Sao con không nói cho mẹ?” mẹ chất vấn tôi.
***
Hàng trăm điệp viên FBI chui vào đống đất đá vụn tại địa điểm xảy ra vụ nổ. Họ loại bỏ giả thuyết vụ nổ xuất phát từ chiếc máy biến áp khi phát hiện ra những mảnh vụn còn sót lại của một chiếc xe tải Ryder chở chất nổ. FBI lần theo đầu mối từ chiếc xe và tìm ra Mohammed Salameh – người đàn ông làm nghề vận chuyển đã từng hứa cưới chị tôi khi chị ấy đủ tuổi. Họ bắt giữ anh ta vào ngày 4 tháng Ba khi anh ta trở lại công ty cho thuê xe để trình báo về chiếc xe tải bị mất cắp và đòi lại 400 đô la tiền cọc của anh ta. Những tháng tiếp theo, toàn nước Mỹ rúng động bởi giả thuyết có vẻ vô lý trước đó về một tổ chức khủng bố có mặt ngay tại đất nước này, cũng như trước sự thật rằng các tổ chức văn phòng chính phủ đều không hề ý thức được vấn đề này trước khi nó xảy ra. Mất rất nhiều năm để bỏ tù kẻ âm mưu tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm đó, nhưng những bài báo chi tiết về các âm mưu gây hoang mang dư luận vẫn xuất hiện đều đặn hàng ngày.
Lúc đó một bí mật rùng rợn bị phanh phui: Cha tôi nhúng tay vạch kế hoạch vụ tấn công từ phòng giam của ông ở Attica, tận dụng những kẻ đến thăm ông để liên lạc với những kẻ khác ở nhà. Một trong những kẻ cấu kết với cha tôi là cố vấn cũ của ông, Thủ lĩnh mù, kẻ vẫn đang lẩn trốn và ban bố những fatwa trên đất Mỹ, cho dù đã để
lộ thân phận là một tên khủng bố khét tiếng. Tên Tù trưởng mù này trao cho những kẻ thần phục hắn một thứ gọi là “chỉ dẫn tinh thần.” Theo giới chức trách, hắn không chỉ khuyến khích âm mưu tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, mà còn trực tiếp ký duyệt một kế
hoạch khác, một kế hoạch sẽ đem đến nhiều thương vong hơn một khi trở thành hiện thực: năm quả bom khác nhau được cài đặt trong vòng mười phút tại Liên Hợp Quốc, đường hầm Lincoln và Holland, cầu Washington, và tòa nhà Liên bang FBI tại thành phố New York.
Vì những mục đích thực tế, kế hoạch tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới được tiến hành bởi một tên khủng bố gốc Kuwait, Ramzi Yousef. Hắn ta đã theo học chuyên ngành kỹ sư điện ở Wales và chế tạo bom tại một trại huấn luyện ở Pakistan. Vào năm 1992, hắn đến Mỹ với một hộ chiếu Iraq giả, mặc dù bị bắt, xong hắn không bị giam giữ nhờ khăng khăng rằng mình bị tâm thần. Ngày xét xử được ấn định. Và, bởi phòng giam tập thể đã đủ người cho nên Yousef được phóng thích ở New Jersey, nơi mà hắn ta và đồng bọn bắt đầu thu thập những thành phần cho quả bom của chúng. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, Yousef rời Mỹ mà không gặp bất cứ trở ngại nào. “Chúng tôi nhận trách nhiệm cho vụ nổ trong tòa nhà được đề cập đến,” hắn ta viết trong một bức thư gửi đến tờ New York Times. “Hành động đáp trả này có liên quan đến việc Mỹ đã ủng hộ về mặt chính trị, kinh tế và quân sự cho Israel, thủ phủ của chủ nghĩa khủng bố, và cho tất cả những quốc gia độc tài khác trong khu vực.”
Tất nhiên, sáu nạn nhân trong vụ nổ này không hề liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Trên thực tế, vụ nổ bom này, giống như những âm mưu khác, chỉ nhằm mục đích khơi gợi hận thù mà thôi. Tôi ước mình có thể làm nhiều điều hơn để vinh danh những nạn nhân vô tội, hơn là chỉ nhắc đi nhắc lại tên họ, nhưng tôi sẽ cảm thấy vô cùng hổ thẹn nếu tôi, ít nhất, không thể làm được điều đơn giản ấy. Tất cả bọn họ thiệt mạng khi đang làm những công việc thường ngày của mình: Robert Kirkpatrick, Bill Macko, và Stephen Knapp cùng là giám sát bảo hành của Trung tâm Thương mại Thế giới. Họ đang cùng nhau ăn trưa khi quả bom phát nổ. Monica Ridriguez Smith là một thư ký. Cô đang mang thai bảy tháng và đang làm công việc văn phòng thường ngày của mình khi thiệt mạng. Wilfredo Mercado là nhân viên của nhà hàng Windows on the World. Anh đang kiểm tra việc giao hàng lúc thảm kịch xảy ra. Và John DiGiovanni, một nhân viên bán hàng chuyên về các sản phẩm nha khoa, mất mạng khi chỉ vừa mới đỗ xe.
Mùa thu năm 1995, Chính phủ đang nỗ lực giải mã toàn bộ nội dung của bốn mươi bảy chiếc hộp thu được từ nhà chúng tôi sau vụ ám sát Kahane. Họ cho rằng vụ ám sát này là một phần của một âm mưu lớn hơn, và viện vào một lỗ hổng trong luật bất trùng khả tố, họ quyết định xét xử lại vụ án của cha tôi, cáo buộc ông tội giết người, cũng như vai trò của ông trong vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới.
Cha tôi vẫn luôn khẳng định rằng ông hoàn toàn vô tội. Tôi tin tưởng ông bởi, ừm, bởi lúc đó tôi chỉ là một cậu bé mười hai tuổi mà thôi. Nhưng mẹ tôi thì khác, bà bắt đầu nghi ngờ cha tôi. Mẹ nghe thấy chút khác lạ trọng giọng nói của cha qua điện thoại. Cha có phần quá khích khi nói với mẹ về những âm mưu chống lại cha, về những kẻ thù của Đức Allah, những người mà cha cho rằng lời nói của họ toàn là giả dối. Trong đầu ông chất chứa kế hoạch chạy trốn, và ông hét lên như ra lệnh với mẹ tôi: Viết thư cho thẩm phán ngay! Gọi cho người ở Pakistan! Ngay lập tức đến Đại sứ quán Ai Cập! Em đã ghi lại hết những gì anh nói chưa?! Mẹ tôi chỉ đồng ý với cha một cách im lặng.
Vào ngày đầu tháng Mười, cha tôi, cùng với tên Thủ lĩnh mù và tám kẻ khác, bị kết tội cho bốn mươi tám trên tổng số năm mươi cáo buộc và chịu án tù chung thân cộng thêm mười lăm năm tù nữa mà không được hưởng bất cứ sự khoan hồng nào.
Sau khi bản án mới của cha được thực thi, chúng tôi gặp lại cha một lần tại Trung tâm giam giữ Metropolitan ở New York. Mẹ tôi lo sợ cho tương lai của bà và của chúng tôi. Chúng tôi lâm vào cảnh túng quẫn. Chúng tôi không có bất cứ kế hoạch nào để sống, và không còn hy vọng rằng cha tôi sẽ trở về làm một người cha, người chồng đúng nghĩa nữa. Thậm chí cho đến bây giờ, cha tôi vẫn không thừa nhận tội lỗi của mình. Khi cha tiến lại ôm và hôn mẹ, lần đầu tiên, bà đẩy ông ra, quyết liệt đến mức bà nghĩ mình có thể nôn mửa ngay được. Suốt những năm qua, mẹ cố gắng an ủi chúng tôi rằng chúng tôi có một người cha rất yêu thương mình. Nhưng mẹ chẳng thể nào quên được lần thăm cha ở Trung tâm giam giữ Metropolitan ấy, cái ngày mà trái tim bà cuối cùng đã ngừng hy vọng. Cha tôi bị đưa đến hàng loạt các nhà tù được trang bị an ninh ở mức cao nhất trên khắp đất nước. Dù muốn thế nào, chúng tôi cũng không có tiền để trang trải cho những chuyến thăm cha. Mẹ tôi hầu như không còn tiền để trả cho những cuộc điện thoại của cha. Còn tôi thì cũng chẳng muốn nói chuyện với
ông nữa. Có gì đâu cơ chứ? Bởi mỗi lần nói chuyện với tôi, cha đều chỉ hỏi: “Con vẫn chăm chỉ cầu nguyện chứ? Con có vâng lời mẹ không?” Và tất cả những gì tôi muốn nói, đó là, Cha có đối xử tốt với mẹ không, cha? Cha có biết rằng mẹ không còn tiền nữa và lúc nào bà cũng chực khóc không? Nhưng, tất nhiên, tôi quá sợ hãi để nói ra bất cứ điều gì như vậy. Vì thế cha tôi và tôi tiếp tục những cuộc trò chuyện vô nghĩa, và mỗi lúc như thế tôi chăm chăm xoắn dây điện thoại chặt hơn, chặt hơn xung quanh bàn tay mình bởi tôi không mong gì hơn là dập máy ngay lập tức.
Mẹ tôi cũng muốn ngừng những cuộc điện thoại này. Tất cả những gì bà quan tâm giờ đây chỉ là những đứa con của mình.
Bà muốn ly hôn với cha, và tất cả chúng tôi sẽ đổi họ. Chúng tôi đến gặp cha lần cuối.
Zak đến thăm cha ở Đảo Rikers năm 1991.
Zak đến thăm cha ở nhà tù Attica Corectional Facility. Trong hình có ngôi nhà nhỏ chính là ngôi nhà mà cả gia đình được ở cùng nhau vào dịp cuối tuần.
8 Tháng Tư năm 1996
Memphis, Tennessee
Tôi đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của cha, việc tôi phải chịu đựng nền giáo dục chìm trong bạo lực, sự tàn phá và vô nghĩa của nó, vẫn chưa biến mất, nhờ có ngôi trường mới khủng khiếp và người cha dượng
tàn bạo sắp xuất hiện trong cuộc đời tôi. Là một đứa trẻ mới mười ba tuổi, tôi sẽ không giả vờ rằng tôi đã bị ám ảnh bởi những bài giảng của Martin Luther King, Jr. , người cho rằng kẻ thù của tôi cũng phải chịu đựng đau đớn khổ sở, rằng sự trả thù là biện pháp không dẫn tới đâu, rằng nỗi đau sẽ giải thoát và thay đổi con người tôi. Không, tôi đơn giản chỉ là ghét việc mình bị đánh. Việc đó khiến tôi tức giận và chất chứa hận thù, và lần nào tôi cũng phải vật lộn đấu tranh với những cảm giác ấy. Song mọi thứ mà tôi trải qua đều góp phần tạo ra cái ngày mà tôi hiểu rằng, phi bạo lực là cách hành động tỉnh táo, nhân văn duy nhất đối với những xung đột cho dù đó là bạo lực xảy ra trên những dãy hành lang trường học hay là ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này.
Ngôi trường mới của tôi là Queensridge Junior-Senior. Tôi là một trong những đứa trẻ “da trắng” duy nhất ở trường. Cả đời tôi là một đứa bé bị cô lập. Trong mắt những nhóm người da màu, tôi kỳ dị bởi tôi mang màu da trắng. Song những người da trắng khác không chấp nhận chung đụng tầng lớp với tôi. Và tôi cũng không phải là người miền nam, vì thế những kẻ bắt nạt có lý do của chúng để đánh đập tôi. Chỉ có duy nhất một giáo viên cố gắng bảo vệ tôi. Những người còn lại chẳng làm gì hơn là cổ vũ những kẻ bắt nạt. Khi mẹ tôi báo cảnh sát tố cáo một vụ tấn công bạo lực đặc biệt, họ thậm chí còn từ chối làm báo cáo. Trường học thực sự là một cơn ác mộng. Bọn học sinh chuyền tay nhau những viên thuốc phiện trên hành lang. Ở đó có những lũ côn đồ bạo lực. Một ngày, trong suốt tiết học các môn xã hội, khi giáo viên bỏ ra ngoài thì hai học sinh bắt đầu quan hệ ngay sau lớp học.
Giữa tất cả những đống lộn xộn này, cha tôi từ nhà tù gọi về, nghe có vẻ giận dữ và bối rối. Ông vội vã hỏi han qua loa ba anh chị em chúng tôi, rồi bảo tôi để mẹ nghe điện thoại. Họ không hề nói chuyện
với nhau kể từ khi ly hôn. Khi tôi chuyển điện thoại cho mẹ, bà chần chừ không nhận. Tôi không biết phải làm sao. Tôi bày ra vẻ mặt cầu xin và lắc điện thoại: Cầm lấy đi mẹ. Làm ơn, chỉ cần nhận cuộc gọi này? Cuối cùng, bà cũng mủi lòng. Vì tôi.
Mẹ tôi thậm chí không thể thốt ra một từ trước khi cha tôi đề cập với bà kế hoạch ra khỏi nhà tù. Cha tiết lộ với mẹ rằng sẽ có một viên chức ngoại giao quan trọng người Pakistan đến thăm Washington. Mẹ tôi phải liên lạc với ông ta. Bà phải thuyết phục ông ta dùng một tên tù nhân Israel đổi lấy cha tôi.
“Một vụ trao đổi tù nhân - đó là hi vọng duy nhất,” cha tôi nói. “Em phải làm việc này và em không được phép thất bại như trước đây.”
Mẹ tôi im lặng.
“Sayyid,” cuối cùng bà cũng lên tiếng. “Em không còn là vợ anh nữa - và em chắc chắn không phải là thư ký của anh.”
Vài phút sau, tôi vẫn ngồi chết lặng cạnh bàn bếp, vì mẹ tôi nói với cha rằng ông đã hủy hoại cuộc sống của chúng tôi, rằng cha tôi đã phát điên rồi, và rằng bà không bao giờ muốn nghe giọng ông nữa. Mẹ tôi không nhắc đến nỗi nghi ngờ của bà về tội lỗi của cha cho tất cả những cáo buộc dành cho ông, có lẽ bởi mẹ biết rằng tôi đang lắng nghe. Dù sao thì cha tôi cũng lộ rõ sự bối rối lúc đó, và lời nói của ông đã xóa bỏ hết những nghi ngờ về tội lỗi của ông: “Anh chỉ làm những gì anh phải làm, và em hiểu điều đó hơn ai hết.”
***
Sau cùng, mẹ tôi vẫn không hoàn toàn nói thẳng cho tôi biết rằng cha tôi là kẻ giết người, nhưng tôi buộc phải nghi ngờ bởi mỗi tuần trôi qua tôi lại càng giận dữ với ông hơn. Sau cái chết của Kahane, tôi có thể an ủi bản thân mình với sự thật rằng cha tôi không bị cáo buộc tội giết người và, trong trường hợp xấu nhất, ông cũng sẽ được tự do và trở về nhà vào năm 2012. Nhưng với âm mưu đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới, cha tôi không chỉ nhúng tay vào một tội ác đáng ghê tởm, mà ông còn đảm bảo rằng chúng tôi không bao giờ trở thành gia đình được nữa. Một án tù chung thân cộng thêm mười lăm năm tù mà không có bất cứ sự khoan hồng nào. Cha tôi sẽ không bao
giờ chơi bóng đá cùng tôi nữa. Và định mệnh đó là ông tự mình chọn lựa. Ông chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì tình cha con, ông chọn thù hận thay vì yêu thương. Không tính đến việc gia đình tôi ngày càng trở nên tai tiếng hơn trước, vụ đánh bom Trung tâm Thương mại đã nhồi nhét vào đầu người dân Mỹ những hiểu lầm về tất cả những người Hồi giáo. Khi chúng tôi đang ngồi trong chiếc xe của mình, những người tài xế khác chú ý đến chiếc khăn trùm đầu và mạng che mặt của mẹ tôi, họ thô lỗ giơ ngón giữa với bà, họ cố tình đâm vào xe chúng tôi và cố ép chúng tôi chệch khỏi đường. Khi chúng tôi đi mua sắm, mọi người ném cái nhìn dò xét về phía bà. Họ la hét vào mặt bà thường bằng thứ tiếng Anh bồi, rằng hãy cút trở lại quê hương của bà đi. Và mỗi lần như vậy tôi đều thấy xấu hổ, không phải bởi tôi là người Hồi giáo, mà bởi tôi không có đủ dũng khí để quát lại họ rằng, “Mẹ tôi sinh ra ở Pittsburgh, đồ ngốc!”
Giờ đây tôi đã là một thiếu niên, và, thậm chí trước vụ nổ ở Trung tâm Thương mại Thế giới, lòng tự trọng của tôi dường như đã bị bắn thủng lỗ chỗ. Việc bị bắt nạt ở trường chưa bao giờ chấm dứt, bụng của tôi lúc nào cũng bị thương, và tôi thường đập mạnh đầu mình vào tường phòng ngủ mỗi đêm, lý do của tôi cũng giống với lý do khiến các bạn nữ cùng lứa với tôi tự cắt vào người mình. Tôi luôn nghĩ về việc cái chết dễ dàng ra sao, yên bình thế nào, và lúc này đây tôi mới nhận ra một sự thật đáng sợ rằng: Cha tôi đã chọn chủ nghĩa khủng bố thay vì tôi.
***
Không lâu sau cuộc gọi của cha tôi, mẹ tôi trải qua một trận ho đáng sợ, tưởng như long phổi. Kể từ đó, căn bệnh viêm cuống phổi dai dẳng bám theo mẹ tôi, khiến bà mệt mỏi, tuyệt vọng đến mức, một đêm nọ, tôi nghe thấy bà cầu xin Đức Allah chỉ cho mình một lối thoát. Hai tuần sau, vợ của vị Thủ lĩnh của chúng tôi gọi đến và thông báo rằng gia đình họ có một người bạn ở New York đang cần tìm vợ. Vì tất cả những chuyện tôi sắp kể ra đây, tôi sẽ thay đổi tên người đàn ông ấy, tôi gọi ông ta là Ahmed Sufyan.
Ahmed sinh ra ở Ai Cập, giống cha tôi vậy. Ông ta làm việc tại một cửa hàng đồ điện tử, đồng thời cũng là một tay đấm bốc không chuyên gày gò, nhưng dẻo dai, sở hữu đôi tay cơ bắp cuồn cuộn. Cũng như mẹ tôi, ông ta có ba đứa con. Và ông ta thổ lộ với bà rằng ông ta cũng vừa mới thoát khỏi một cuộc hôn nhân bế tắc: Theo lời ông ta,
vợ cũ của ông ta từng là gái mại dâm trước khi họ gặp nhau, và ông ta buộc lòng ly dị khi thấy bà ta trong ngôi nhà của một gã ma cô, tay vẫn còn cắm chiếc kim tiêm nứt vỡ, cùng với đứa con nhỏ nhất của họ trong lòng. Mẹ tôi và Ahmed dành hai tuần để tìm hiểu nhau qua điện thoại. Ông ta tỏ lòng ngưỡng mộ cha tôi như một kẻ đầy tớ anh hùng của Đức Allah, và ông ta hy vọng có thể gặp cả gia đình tôi và giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn bất cứ khi nào. Mẹ tôi mời ông ta đến Memphis để họ có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau.
Vào buổi tối Ahmed đến, mẹ tôi nướng gà, nấu cơm và làm món rau trộn cho bữa tối. Tôi khao khát tình cha con đến mức cảm thấy yêu quí người cha dượng này trước cả khi ông ta ngồi xuống ghế. Ông ta tạo ấn tượng là một tín đồ Hồi giáo tử tế, ông ta hướng dẫn chúng tôi cầu nguyện trước khi ăn, và bởi ông ta còn là một tay đấm bốc nữa, cho nên tôi đã nhanh chóng tưởng tượng đến những bài học đấm bốc vào những đêm muộn, thứ có thể giúp tôi đánh trả mỗi khi bị bắt nạt ở trường. Tôi chưa bao giờ thấy vận may mỉm cười với mình nhiều như vậy. Nhưng chẳng phải chúng tôi xứng đáng được sống những tháng ngày hạnh phúc mới mẻ sao, nhất là mẹ tôi, bà xứng đáng hơn bất cứ ai. Mắt tôi ngập nước khi người đàn ông mới gặp mẹ tôi cách đây ba tiếng nhìn ngắm khắp lượt chúng tôi đang ngồi quanh bàn ăn và khẳng định một điều giống như một điềm gở vậy: “Đừng lo lắng, các con à. Cha đang ở đây rồi.”
Vào cuối mùa hè, chúng tôi chuyển về lại New Jersey và gặp những đứa con của Ahmed. Sau lễ cưới của cha mẹ chúng tôi, cả gia đình Hồi giáo đông đúc chúng tôi cùng nhau dùng chung một căn phòng trọ ở Newar, trong khoảng thời gian Ahmed dành dụm đủ tiền để thuê cho cả nhà một căn hộ hẳn hoi. Tôi đang cố gắng hòa nhập với những đứa con của dượng, nhưng điều này quả thực khó khăn. Cuối cùng một trong những đứa con trai dượng và tôi xô xát vì tranh giành ti vi với nhau. Ahmed bênh con trai của ông ta. Cha tôi đã từng dùng một chiếc dép đánh vào mông, để phạt tôi trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ phải chịu sự hành hạ bởi một kẻ thích bạo lực với một chiếc khóa thắt lưng cả.
***
Ahmed hóa ra chỉ là một gã sùng đạo nửa mùa. Ông ta không uống rượu, không ăn thịt lợn, song ông ta cũng không nhịn ăn hay nghiêm chỉnh cầu nguyện hay tham gia những hoạt động Hồi giáo trừ
phi có kẻ nào đó ông ta muốn gây ấn tượng, hoặc muốn điều khiển hay thù địch. Ông ta là một kẻ nhỏ mọn, hoang tưởng, và luôn nung nấu ý chí trả thù. Ông ta tin những đứa con của mình một cách mù quáng, đặc biệt là đứa con trai luôn luôn nói dối ông ta, song ông ta thường tỏ ý rình rập một điều gì đó ở chúng tôi – những đứa con riêng, nóng lòng bắt thóp mỗi lần chúng tôi làm gì sai trái.
Chúng tôi tìm được một căn hộ nhỏ ở Elizabeth, New Jersey, nơi chúng tôi có thể sống mà không cần quá nhiều đồ đạc trong nhà. Hành vi của Ahmed ngày càng trở nên thất thường. Ông ta giả vờ đi làm song lại đứng bên ngoài căn hộ của chúng tôi hàng giờ, quan sát chúng tôi qua cửa sổ. Ông ta bắt tôi đi bộ hàng cây số đến trường mỗi sáng, và bí mật lái xe theo dõi tôi. Trong nhà chẳng hề có tiền hay đồ ăn, nhưng ông ta hay đưa những đứa con riêng đi ăn pizza và chẳng mang gì về cho chúng tôi cả. Một ngày cuối tuần nọ, tôi và em trai được đưa vào phòng cấp cứu vì bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ ở đó giận dữ cực độ đến mức ông nhấc máy gọi đến Trung tâm Bảo trợ Trẻ em, nhưng rồi lại nhịn xuống trước sự cầu xin của mẹ tôi, người đang bị ốm cũng bởi suy dinh dưỡng. Nhưng tất cả việc này không hề khiến Ahmed bận tâm. Ông ta cho rằng trông tôi thật đáng ghê tởm bởi tôi mũm mĩm. Ông ta gọi tôi là con bò bằng tiếng Ả Rập trong suốt hai tuần liền.
Ahmed trừng phạt hai anh em tôi bởi bất cứ tội lỗi nào, cho dù là thật hay ông ta chỉ tưởng tượng. Ông ta dùng nắm đấm, thắt lưng và mắc áo làm hung khí. Bởi vì ông ta là một tay đấm bốc và nghiện tập thể hình, cho nên những đòn trừng phạt của ông ta không hề nương tay, và tôi có thể nhận ra rằng ông ta luôn thử kết hợp những cú đấm khác nhau lên người chúng tôi. Trò tra tấn ưa thích của Ahmed cực kỳ cổ quái: Đầu tiên, ông ta đuổi tôi chạy ngang qua căn phòng, trưng ra một bộ mặt tàn bạo. Sau đó, khi tôi sợ hãi dùng hai tay che mặt, ông ta nhảy lên cao rồi dậm mạnh lên những ngón chân trần của tôi.
Mẹ tôi vội vã nhìn ra ngoài cửa sổ khi bà không thể chịu đựng được cách hành hạ của ông ta nữa. Ahmed đã ngược đãi mẹ tôi đến mức bà khó có thể suy nghĩ sáng suốt. Ông ta thuyết phục mẹ tôi rằng chúng tôi trở nên hư hỏng khi cha tôi bị bỏ tù, và đó là cách duy nhất để cứu rỗi chúng tôi. Một lần, khi mẹ cố gắng ngăn ông ta đánh tôi, ông ta lập tức dùng một chiếc bình hoa đập vào đầu bà.
Ahmed không phải là một kẻ sát nhân như cha tôi, nhưng bên
trong những bức tường của căn hộ, đối với những người mà ông ta nói yêu thương, ông ta chẳng khác nào một kẻ khủng bố tàn nhẫn.
***
Khi tôi được mười bốn tuổi, tôi bắt đầu ăn cắp tiền của Ahmed. Lần đầu, tôi chỉ lấy vài đồng lẻ. Sau đó là những tờ năm đô hay mười đô mà tôi tìm thấy dưới tấm đệm giường khi trải đệm. Tôi thường lấy cắp tiền vì ở nhà không có đồ ăn, và bởi món bánh rán Dunkin’ Donuts trên đường tới trường quá hấp dẫn. Đôi khi, cũng giống như bao người khác, tôi chỉ muốn mua vài chiếc CD của The Roots mà thôi. Việc Ahmed không phát hiện ra khiến tôi khá kinh ngạc, cho nên dần dần tôi cũng trở nên cả gan hơn.
Thực tế tàn khốc là Ahmed biết tất cả những gì tôi làm, ông ta chẳng qua chỉ là đợi đến lúc chín muồi mới trừng phạt tôi mà thôi.
Một buổi sáng nọ, tôi lấy được hai mươi đô từ dưới tấm đệm và mua cho mình một chiếc bút laze rất tuyệt. Tối hôm đó, Ahmed cuối cùng cũng đến phòng ngủ tìm tôi.
Tôi thú nhận. Tôi xin lỗi. Tôi với tay vào trong ngăn cao nhất của chiếc tủ quần áo nơi tôi giấu số tiền trộm được. Ahmed có thói quen lục lọi đồ đạc cá nhân của chúng tôi, vì thế tôi đã nảy ra cách nới lỏng phần đáy chai thuốc khử mùi của mình và giấu tiền vào trong đó.
Ahmed tiến đến gần tôi hơn. Phòng ngủ của tôi chật đến nỗi hầu như không đủ chỗ cho cả hai chúng tôi. Áp lực từ ông ta khiến tôi cực kỳ sợ hãi dù ông ta chưa hề chạm vào tôi. Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy khi ông ta thấy tôi tháo phần đáy chai thuốc khử mùi và lấy tiền ra, ông ta gật đầu như thể bị ấn tượng mạnh vậy.
“Đồ lén lút,” ông ta khẽ thốt lên.
Ông ta bày ra bộ dạng vui mừng khôn xiết hơn là giận dữ, điều này khiến tôi cảm thấy kỳ quái, cho đến khi tôi biết lý do thực sự là gì.
Tối đó, Ahmed đưa tôi đến phòng ngủ lớn, rồi đánh đập và thẩm vấn tôi về vụ trộm từ nửa đêm cho tới tận ngày hôm sau. Ông ta hỏi tôi có phải tôi cho rằng ông ta là một kẻ ngốc không. Ông ta nghi ngờ rằng liệu có phải tôi đã quên người chủ thực sự của ngôi nhà này là ai
rồi không. Nếu tôi thực sự biết suy nghĩ, dùng bộ não bò nhỏ bé mà nghĩ, hẳn tôi phải biết sẽ chẳng có bất cứ điều gì lọt khỏi tầm mắt quả ông ta hết, ngay cả khi nó chưa xảy ra. Ông ta yêu cầu tôi cởi áo, và chống đẩy một trăm lần. Mỗi lần tôi ngừng lại vì mệt, ông ta sẽ đá vào bụng và xương sườn tôi. Sau đó, ông ta dùng mắc áo đánh vào lòng bàn tay tôi rất nhiều lần, đến mức hàng tuần sau, tay tôi vẫn hằn những vết cắt và vết sẹo hình chiếc móc mắc áo, giống như ký hiệu dấu hỏi được khắc lên tay tôi.
Trong suốt quá trình trừng phạt đó, mẹ tôi nằm trên ghế xô pha ở phòng khách và thổn thức. Bà chỉ đến trước cửa phòng ngủ một lần duy nhất, và trước khi bà lên tiếng cầu xin, ông ta đã hét vào mặt bà, “Nosair sẽ bị khinh rẻ bởi cách mà cô dạy dỗ lũ trẻ của hắn ta! Cô phải cảm thấy may mắn khi có tôi ở đây để sửa chữa những lỗi lầm của cô đấy!”
Tôi cũng đã từng thử đi bắt nạt kẻ khác. Hồi tôi mười một tuổi, có một đứa trẻ mới chuyển đến trường tôi. Đó là một đứa trẻ châu Á, và tôi luôn đinh ninh rằng những người châu Á rất giỏi võ thuật. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi có thể tung vài chiêu karate giống như Ninja Rùa vậy, cho nên tôi bám theo cậu bạn ấy cả ngày để kích cậu ấy đánh nhau. Sự thực là cậu bạn đó có biết võ thuật: Cậu ta định đấm vào mặt tôi, và khi tôi cúi xuống tránh, cậu ta liền đá vào đầu tôi. Tôi khóc lóc chạy khỏi trường, nhưng bị bác bảo vệ ngăn lại, đưa đến bác sĩ, được đưa cho một miếng bánh mì phết mứt và bơ lạc đông lạnh để ấn lên vết bầm trên mắt.
Nói chung, đó là một trải nghiệm quá sức mất mặt. Cho nên, mãi cho đến sau khi Ahmed đánh tôi vì trộm tiền, tôi mới thử bắt nạt một lần nữa. Tôi đi bộ dọc dãy hành lang trường học và đụng độ một nhóm trẻ đang đùa giỡn lấy mất chiếc cặp của một cậu bé. Cậu bé đáng thương chỉ biết khóc lóc. Tôi tóm lấy chiếc cặp và ném nó vào thùng rác. Trong một khoảnh khắc, tôi có khoái cảm trả thù hả hê. Nhưng không thể phủ nhận rằng có thứ gì đó thúc giục tôi đứng về phía kẻ bị bắt nạt. Khi thấy khuôn mặt đau khổ, tội nghiệp của đứa trẻ, trong lòng tôi trào lên sự hoang mang cũng như sợ hãi, khiến tôi kéo chiếc cặp ra khỏi đống rác và đưa nó cho cậu bé đó. Không một ai từng bảo tôi ngồi xuống và dạy tôi sự đồng cảm là gì và tại sao sự đồng cảm lại quan trọng hơn cả sức mạnh, hơn cả lòng yêu nước hay niềm tin tôn giáo. Song tôi lại học được một bài học quý giá trên hành lang nhỏ bé này: Tôi không thể đối xử với người khác giống như
những gì họ đã làm với tôi được.
9 Tháng Mười hai năm 1998
Alexandria, Ai Cập
Lần cuối cùng Ahmed đánh tôi là khi tôi mười lăm tuổi. Chúng tôi chuyển đến Ai Cập bởi mức sống rẻ hơn và cha dượng tôi có gia đình ở đó có thể giúp mẹ tôi chăm sóc lũ trẻ chúng tôi. Sáu đứa trẻ chúng tôi sống tại khu dân cư Smouha, ở một tòa nhà bằng bê tông lớn, trong một căn hộ hai phòng ngủ. Nơi này trông khá cũ kĩ và ọp ẹp. Bây giờ đang là mùa đông và bởi những bức tường bê tông không có khả năng giữ nhiệt cho nên bên trong tòa nhà thực sự rất lạnh. Tuy nhiên, có một trung tâm mua sắm nhỏ và một siêu thị đang được xây dựng gần đó. Dù sao thì đây vẫn chưa phải là nơi tệ nhất mà chúng tôi từng sống.
Vào một ngày thứ Bảy, tôi cùng một đứa trẻ hàng xóm nô đùa với nhau trên phố, đấu kiếm bằng những cây gậy, khi đó con trai của Ahmed và một đám trẻ khác vội vàng chạy lại xem bởi chúng nghĩ chúng tôi sắp đánh nhau thật. Một vài đứa trẻ khác dùng đá ném chúng tôi. Không đau - đó chỉ là trò đùa của chúng thôi. Nhưng trò đùa ấy dần trở nên hung hăng hơn, cho nên tôi lớn tiếng hét, “Dừng lại!” Trên thực tế, tôi là đứa trẻ lớn nhất và to xác nhất ở đây. Tất cả bọn chúng ngừng lại, trừ con trai Ahmed. Nó vẫn cố ném thêm một hòn đá nữa vào thẳng mặt tôi, khiến mắt kính của tôi vỡ tan và để lại một vết cắt trên mũi tôi. Lũ trẻ khác trở nên hoảng sợ và nhanh chóng tản ra.
Khi về đến nhà, mẹ tôi thấy và hỏi chuyện gì đã xảy ra.
“Trước khi con nói cho mẹ biết,” tôi mặc cả, “mẹ phải thề rằng mẹ sẽ không nói lại với Ahmed.”
Tôi dám chắc rằng ông ta sẽ chọn tin con trai mình thay vì tin tôi và lúc ấy tôi chắc chắn sẽ lãnh một trận đòn khác. Mẹ tôi hứa rằng bà sẽ không nói nửa lời. Vì thế tôi kể cho mẹ mọi chuyện và sau đó bà nhốt đứa con của Ahmed trong phòng của nó để trừng phạt. Tôi cảm thấy rất sung sướng. Cuối cùng sau hai năm rưỡi chịu bạo hành, tôi cũng nếm trải một chút cảm giác công bằng. Đêm đó, trong khi đang
nằm trên giường, tôi nghe thấy tiếng Ahmed về đến nhà từ thánh đường. Tôi nghe thấy tiếng leng keng của thủy tinh khi ông ta thả chùm chìa khóa vào chiếc bát cạnh giường. Tôi nghe tiếng những chiếc mắc áo khi ông ta treo áo sơ mi và quần của ông ta lên. Tôi nghe
thấy tiếng ông ta tập chống đẩy cùng với một loạt những tiếng lẩm bẩm ồn ào vô nghĩa. Và sau đó tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi, khoảnh khắc trái tim tôi như muốn nổ tung: bà kể với ông ta mọi chuyện.
Ahmed gọi tôi đến phòng ngủ của họ. Ông ta không hề nói một lời về những gì con trai ông ta đã làm, dù ông ta có thấy chiếc kính được dính lại bằng băng keo trông cực kỳ ngu ngốc và vệt máu khô trên sống mũi tôi. Những gì ông ta thốt ra là: “Tại sao mày lại đem gậy gộc ra chơi?”
Và câu hỏi ngớ ngẩn của ông ta khiến tôi bùng nổ.
Không phải là bùng nổ với ông ta, mà là với mẹ tôi.
“Thấy chưa!” Tôi la hét. “Đây là lý do tại sao con không muốn mẹ nói lại với ông ta đó! Bởi ông ta chắc chắn sẽ đổ lỗi cho con như mọi lần vậy.” Tôi ngừng lại vài giây. Tôi tràn đầy cảm giác căm phẫn, và tôi cảm thấy mình bắt buộc phải nói điều này. “Bởi vì ông ta là một gã khốn nạn!”
Tôi chộp lấy chiếc lò sưởi trên sàn nhà và ném mạnh vào tường. Một vài tia lửa điện lóe lên khi dây cắm lò sưởi bị giật khỏi ổ điện, và những thanh chắn máy sưởi rung lắc mạnh và tạo ra một tiếng động lớn.
Tôi rời khỏi phòng ngủ của họ và đi vào nhà bếp, bật khóc và la hét trong đó. Tôi không thể kiểm soát bản thân mình, đến ngay cả tôi cũng thấy khiếp sợ. Khi đang liên tục đấm vào cánh cửa bếp tôi nghe tiếng Ahmed giận dữ đuổi theo mình. Tôi biết điều gì đang đến. Khi ông ta bước vào bếp, tôi trượt xuống sàn nhà và cuộn mình lại như một quả bóng và Ahmed bắt đầu đấm thùm thụp lên người tôi. Tôi sẽ chịu đựng như từ trước đến nay vậy.
Bỗng nhiên, mẹ tôi hớt hải chạy vào phòng. Bà la hét bắt Ahmed dừng lại. Ông ta khá sốc khi mẹ tôi đứng ra bảo vệ tôi và cố gắng đẩy ông ta ra khỏi tôi. Mẹ giúp tôi đứng lên. Mẹ vuốt tóc tôi, và ba người chúng tôi cứ đứng như vậy trước cửa phòng bếp, thở hổn hển.
Mẹ tôi thì thầm, “Mẹ xin lỗi con, Z à.”
Ahmed không thể tin những gì ông ta đang nghe thấy.
“Ồ, cô ta xin lỗi cơ đấy!” ông ta nghiến răng khinh bỉ. “Tao là người duy nhất thực hiện những gì Nosair sẽ làm - điều mà mày quá yếu đuối để tự mình thực hiện!”
Tay tôi đang chống lên đầu gối, tôi đang mặc đồ ngủ, một chiếc áo dài gọi là jalabiyah, và tôi vẫn đang cố ổn định lại hơi thở trước khi Ahmed lại xông vào đánh tôi lần nữa bằng một cú đấm móc hoàn hảo từ dưới lên, thường thấy trong phòng tập thể hình. Mẹ tôi lao đến chắn giữa tôi và ông ta. Nhưng Ahmed không dừng lại. Ông ta đấm mạnh về phía bên trái và phải bên đầu bà. Ông ta không quan tâm liệu có đánh trúng mẹ tôi không, điều này khiến tôi nổi điên, và tôi đã làm một việc khiến cả ba chúng tôi đều bàng hoàng: tôi đấm trả lại.
Đó là một cú vung tay, liều lĩnh thậm chí không thể chạm tới ông ta. Tuy nhiên, mất vài giây, Ahmed trợn mắt sợ hãi. Sau cùng ông ta rời khỏi căn bếp và không bao giờ động đến tôi nữa. Đó đúng là một chiến thắng nhưng không tồn tại lâu dài. Ông ta bắt đầu hành hạ em trai tôi nhiều hơn.
***
Sau Năm Mới, tôi đồng ý nhận một cuộc gọi từ cha tôi, người giờ đây đang được giam giữ trong một nhà tù được bảo đảm an ninh ở mức cao nhất tại California. Tôi đã lâu không còn nói chuyện với cha, và nghe giọng cha tôi hiểu được sự kinh ngạc của cha khi tôi chịu nghe điện thoại. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc mẹ để cha nói chuyện với tôi qua điện thoại, và bản thân tôi bỗng có một sự hồi hộp nhè nhẹ. Tôi muốn kể cho ông rằng cuộc sống của chúng tôi đã khốn khổ như thế nào kể từ khi ông coi trọng cái chết của những người xa lạ hơn là mạng sống của gia đình mình. Tôi muốn gào thét vào điện thoại. Tôi muốn buông thả bản thân một lần để cha tôi biết được cái giá mà chúng tôi phải trả cho tội ác của ông. Tôi sẽ không bao giờ gặp lại cha nữa. Ông sẽ ở lại trong tù. Mãi mãi. Ông không thể điều khiển tôi được nữa. Ông không thể làm tổn thương tôi được nữa – và ông chắc chắn không thể giúp tôi được nữa.
Nhưng, vẫn như mọi lần, tôi không thể nổi giận với cha. Tôi chỉ
khẽ thổn thức. Cha tôi làm như không để ý. Cha ôn tồn hỏi tôi có hay cầu nguyện không và vẫn ngoan ngoãn nghe lời mẹ chứ.
10 Tháng Bảy năm 1999
Philadelphia, Pennsylvania
Năm mười sáu tuổi, tôi đã đôi lần dùng họ Ebrahim. Cái họ ấy chẳng khác nào một chiếc áo tàng hình, ít nhất, nó hữu dụng: Không một ai trong đám bạn bè mới của tôi biết tôi là đứa con nhà Nosair. Cuộc sống thử của gia đình tôi ở Ai Cập thất bại. Chúng tôi chuyển về Mỹ. Và, tôi không biết liệu có phải do tôi đã sống tách khỏi cha hay là bởi tôi không còn phải sống trong sợ hãi với sự trừng phạt của cha dượng nữa, mà tôi bắt đầu cảm nhận được niềm hi vọng và hào hứng lần đầu tiên sau nhiều năm, kể từ cái ngày mẹ tôi đánh thức tôi dậy và nói cha tôi gặp “tai nạn.” Tôi quyết định tận dụng niềm tin này và nói với hai người bạn tốt nhất của tôi lai lịch thực sự của mình. Tôi nói với họ tôi là con trai của El-Sayyid Nosair.
Tôi thú nhận với Orlando đầu tiên trong một chuyến du lịch cùng cả lớp, khi chúng tôi cùng ngồi trên một chiếc ghế ngoài sân một viện bảo tàng. Mới đầu, cái họ Nosair chẳng có ý nghĩa gì với cậu ấy, cho nên tôi hít thở sâu và bắt đầu giải thích. Tôi thành thật nói với cậu ấy rằng cha tôi đã giết một giáo sĩ Do Thái tên là Meir Kahane và tham gia vào vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Orlando không tránh khỏi nhìn tôi đầy ngờ vực. Cậu ấy bị sốc bởi toàn bộ sự thật rùng rợn này đến mức chỉ có thể phá ra cười. Cậu ấy cười nhiều đến mức ngã cả ra ghế. Cậu ấy không hề phán xét hay buộc tội tôi.
Người thứ hai biết được sự thật này là Suboh. Chúng tôi cùng làm việc tại một siêu thị thuộc khu dân cư có tình trạng an ninh kém. Vì cậu ấy đủ tuổi lái xe cho nên cậu ấy hay đưa tôi về nhà sau khi chúng tôi xong việc. Suboh là người Palestine. Cậu ấy biết rõ cái tên El Sayyid Nosair và sự khủng khiếp, tăm tối đằng sau cái tên ấy. Tôi nói với cậu ấy rằng cậu ấy là người duy nhất trên thế giới này mà tôi tìm đến để tâm sự về cha tôi, hay chí ít là tôi có ý định tâm sự. Chúng tôi ngồi trong xe của Suboh bên ngoài nhà tôi. Cậu ấy nhìn tôi và gật đầu. Tôi lo sợ trước phản ứng của cậu ấy. Những ô cửa kính xe rung lắc khi những chiếc xe tải chạy qua. Khi Suboh bắt đầu nói chuyện, cậu ấy trách tôi, nhưng không phải theo cái cách mà tôi lo sợ: “Cậu nói với Orlando trước khi nói với mình đúng không?” Tôi cảm thấy mình như
sống lại vậy. Nếu bạn bè tôi không ghê tởm tôi vì tội ác của cha tôi, thì có thể tôi dần dần sẽ dám tha thứ cho bản thân mình. Tôi cảm thấy như thể tôi đã vứt bỏ được một tảng đá lớn, vô cùng nặng đè trên ngực bấy lâu nay.
***
Vào năm 2001, chúng tôi một lần nữa lại chuyển nhà. Chị gái tôi đã kết hôn và dọn về nhà chồng sống. Gia đình tôi chuyển đến Tampa, nơi Ahmed tin rằng ông ta có thể kiếm được một công việc. Vâng, Ahmed vẫn còn đó, càng lúc càng giống một đám nấm mốc bám trên tường mà chúng tôi không bao giờ loại bỏ được. Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng là ông ta không thể tác động đến cách suy nghĩ của tôi nữa. Sự quản thúc khủng bố của ông ta dần trở nên vô dụng, và nó chấm dứt vào cái ngày mà ông ta khăng khăng yêu cầu hai anh em chúng tôi phải tìm một công việc làm thêm vào mùa hè.
***
Chúng tôi bị hấp dẫn bởi ý tưởng có thể tự mình kiếm tiền, thậm chí bất chấp việc Ahmed cuỗm nửa số tiền ấy để trả các loại hóa đơn trong nhà. Lúc đó đang vào mùa tuyển dụng ở Busch Gardens, cho nên chúng tôi lũ lượt kéo đến công viên giải trí để điền đơn xin việc, và sau đó là chờ đợi phỏng vấn cùng với hàng trăm cô cậu thiếu niên có làn da đen sạm khác. Chúng tôi chẳng trông chờ điều gì cả. Nhưng kỳ diệu thay, cả hai anh em tôi đều được nhận. Tôi sẽ trở thành hướng dẫn viên cho Rhino Rally, một điều còn hơn cả tuyệt vời: Hãy dấn thân vào trái tim của châu Phi! Cuộc phiêu lưu của chúng tôi cho phép bạn trải nghiệm sự kích thích trước một hành trình hấp dẫn và đụng độ với một trong những loài động vật tuyệt vời nhất hành tinh. Tiến lên nào! Hãy hết mình vì cuộc phiêu lưu! Em trai tôi sẽ phụ trách khu vực Congo River Rapids, công việc mà nó cũng chắc chắn rằng sẽ rất tuyệt vời: Hãy sẵn sàng lướt trên con sông hoang dại nhất từ trước đến nay! Một khi bạn bước lên chiếc bè khổng lồ của Busch Gardens, bạn sẽ phóng đi với tốc độ thần tốc, vượt qua những thác nước tung bọt trắng xóa, và khám phá những hang động nước kỳ lạ nhất. Các bạn còn chờ gì nữa? Hãy cùng chúng tôi hòa mình vào dòng nước!
Một vài bạn trẻ có thể thấy công việc ở công viên giải trí thật vô vị, nhưng anh em tôi lại thấy rất hào hứng. Chúng tôi trở thành hai đứa
ngốc mặc áo phông in hình những chú chim cánh cụt Pittsburgh, luôn mải mê đập tay và lảm nhảm không ngừng. Ở Tampa có ánh nắng mặt trời rực rỡ, có nước ở khắp mọi nơi, và có vị muối trong không khí. Cuối cùng, thế giới này cũng mở rộng chào đón chúng tôi. Mấy năm qua, chúng tôi lúc nào cũng phải trốn chạy bởi hệ lụy từ tội ác của cha, bị xã hội ruồng bỏ, phải sống trong sợ hãi. Những năm ấy Ahmed đánh đập chúng tôi và theo dõi sát sao chúng tôi một cách đáng sợ khiến chúng tôi chưa từng cảm thấy an toàn. Nhưng giờ đây, hai anh em tôi sẽ tự do phiêu lưu nơi rừng núi hay lướt mình trên con sông rộng lớn này. Chúng tôi có thể đến bất cứ đâu mà Ahmed không thể nào bám theo được. Cách duy nhất để vào Busch Gardens là bạn phải là nhân viên của công viên hoặc bạn phải trả tiền mua vé. Nếu Ahmed muốn theo dõi chúng tôi, ông ta sẽ phải trả năm mươi đô la.
Và đây cũng là cơ hội để cho tôi cuối cùng, cuối cùng, cuối cùng cũng được tự mình khám phá cuộc sống này: cha tôi đang bị giam trong tù và cha dượng tôi bị giam bên ngoài thế giới của tôi.
***
Tôi giờ đây mười tám tuổi. Tôi đã trải qua một mùa hè ở Tampa. Giờ đây, một loạt những giới hạn của tuổi thiếu niên sắp hàng trước mắt tôi. Lần đầu tiên tôi tham dự một bữa tiệc. Lần đầu tiên tôi uống say. Tôi giả vờ đi mua một lon sô đa, nhưng thực tế, tôi đã trốn đến
bãi đỗ xe của một cửa hàng tiện lợi 7/11 để hút thuốc. Tôi mua một chiếc xe. Một chiếc xe hơi. Một biểu tượng tinh tế của sự tự do! Ý tôi là, sự thực thì nó trông rất khủng khiếp, một chiếc Ford Taurus cũ chi chít những miếng dán và miếng đề can không thể xé bỏ. Tuy nhiên, tôi rất tôn thờ chiếc xe này, đến mức hằng đêm khi nằm trên giường ngủ, tôi vẫn nghĩ về nó, giống như nghĩ về một cô bạn gái hay điều gì đó vậy. Thực lòng mà nói, những trải nghiệm làm một gã trai hư của tôi khá ít ỏi và sớm chết yểu. Sự nổi loạn thực sự của tôi nằm ở chỗ tôi bắt đầu đặt những câu hỏi về lý tưởng của cha tôi. Từ lúc tôi khoác lên mình bộ quần áo nhân viên của chuyến thám hiểm Rhino Rally, tôi bắt đầu gặp gỡ rất nhiều khách du lịch và bạn đồng nghiệp có cảnh đời khác nhau, điều này khiến tôi hiếm khi để lộ những cảm xúc của mình. Tôi góp nhặt tất cả những lời nói dối đầy đạo đức về con người, về các quốc gia, về những cuộc chiến tranh và về tôn giáo mà tôi từng được nghe, và đem chúng ra, xem xét chúng một cách kỹ lưỡng.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi không bao giờ thắc mắc về những gì
tôi học được ở nhà hay ở trường hay ở thánh đường. Niềm tin mù quáng chỉ đơn giản thâm nhập vào đầu óc tôi cùng với những thứ khác: Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, Số Pi bằng 3,14. Tất cả những người Do Thái là những con quỷ, và đồng tính
luyến ái là bất bình thường. Paris là thủ đô của Pháp. Tất cả những kiến thức ấy có vẻ đều là sự thật. Vậy thì ai mà rảnh rỗi đi phân biệt chúng? Tôi được dạy rằng những người khác biệt rất đáng sợ và tôi phải tránh họ càng xa càng tốt để “bảo vệ” chính mình. Niềm tin mù quáng ấy chẳng khác nào một vòng tròn hoàn hảo đến phát bực mà
tôi chưa bao giờ tiếp cận đủ gần, để tìm hiểu tại sao tôi phải sợ họ ngay từ đầu.
Bởi vì cha tôi luôn ám ảnh với Trung Đông, cho nên tôi thường được nhắc nhở rằng người Do Thái là những kẻ hung ác và không bao giờ bận tâm đến việc thảo luận, bàn bạc. Còn những người đồng tính? Khi tôi mười lăm tuổi, tôi chứng kiến ba người đàn ông Afganistan bị buộc tội quan hệ đồng tính, và chính quyền Taliban tuyên án rằng họ sẽ bị chôn sống dưới một đống đá và người ta sẽ lái xe tăng xô đổ một bức tường để vùi họ bên dưới. Lòng nhân từ của chính quyền Taliban được thể hiện ở chỗ: nếu may mắn sống sót ba mươi phút sau khi bị trừng phạt, họ sẽ được thả tự do.
Đó là một kiểu giáo điều được nhồi nhét vào đầu tôi ngay từ khi sinh ra, và nó càng trở nên mạnh mẽ hơn bởi sự căng thẳng của phong trào bài Do Thái và kỳ thị đồng tính trong văn hóa của người Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, có một tiếng nói không hề mới mẻ đã đập tan những lời dối trá đó: Jon Stewart.
Tôi luôn luôn yêu thích Chương trình hàng ngày của Craig Kilborn, và khi họ thông báo rằng Stewart sẽ thay thế Kilborn, tôi liền thể hiện sự căm phẫn như một đứa trẻ: Gã đó là ai? Hãy trả lại Kilborn! Nhưng sau đó, ở Tampa, tôi trở nên nghiện theo dõi Stewart và khăng khăng bắt mẹ tôi cùng xem. Khiếu hài hước của Stewart như một thứ thuốc dẫn dụ. Ông khiến cho sự điều tra, thắc mắc và quan tâm đối với phong trào chống chiến tranh, đối với quyền lợi của người đồng tính, và đối với mọi thứ trở thành những điều rất tuyệt vời. Người đàn ông này ghét giáo điều. Tôi dường như cố gắng nuốt chửng càng nhiều càng tốt cái gọi là sự hiểu biết trong cuộc đời mình, với Stewart đóng vai trò là người tiết lộ. Kỳ quái thay, đối với tôi, Stewart tượng trưng cho một người cha nhân đạo và suy nghĩ thấu đáo mà tôi chưa từng có. Tôi thường thức đến đêm muộn chỉ để chờ
đợi ông giải mã thế giới này cho tôi, và giúp tôi điều chỉnh vô số những sai sót trong đám dây thần kinh não bộ của mình. Tôi cảm thấy rằng hình mẫu mới của tôi là người Do Thái.
***
Công việc ở Rhino Rally là một hiện tượng. Hoàn toàn là một cú nổ lớn. Hóa ra, sâu bên dưới nỗi nghi ngờ bản thân của mình, tôi cũng khá có tài. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi tôi đeo bộ tai nghe có gắn micro vào và lùi về phía sau bánh xe của chiếc Land Rover. Tất cả những hướng dẫn viên đều bám sát một kịch bản giống nhau, nhưng chúng tôi có thể biến hóa theo những gì mình thích, miễn là không có ai thấy phiền và phàn nàn về những thay đổi đó. Đối với mỗi chuyến đi, tôi đều chọn lựa một “hoa tiêu” ngồi cạnh mình. Nếu ai đó cực kỳ muốn vị trí này, luôn luôn có những đứa trẻ nháo nhào giơ tay ngay cả trước khi tôi giải thích xong phần việc, tôi sẽ không bao giờ chọn họ. Tôi muốn tìm những người thân thiện và không dám chắc về bản thân mình, những người trông có vẻ dễ bông đùa. Tôi không quan tâm lắm đến tôn giáo của họ, mặc dù, thực lòng mà nói, nếu họ mặc những chiếc áo len của đội khúc côn cầu Philadelphia Flyers, thì quên đi, tôi cũng sẽ không bao giờ chọn họ. Tôi không phải là người hoàn hảo.
Một ngày tháng Tám, tôi đưa một đoàn mười tám khách du lịch lên chiếc Rover và thông báo rằng thật không may khi hoa tiêu thân thiết của tôi đã bị cá sấu ăn thịt (“Tí nữa không chừng chúng ta có thể nhìn thấy một vài mảnh thân thể còn sót lại của anh ta ở trong ao”) và hỏi liệu có ai muốn tình nguyện làm hoa tiêu cho chuyến đi này không. Ngoại trừ những cánh tay quen thuộc, những người khác bắt đầu lục lọi ba lô và túi xách của mình để tránh ánh nhìn của nhau. Một người đàn ông, khá to béo, giống một ông bố ngoài năm mươi với một chiếc túi nhỏ buộc quanh eo hào hứng đến đỏ bừng mặt. Vì thế tôi quyết định chọn ông ta, đưa cho ông ta tai nghe, và nói, “Làm ơn?” Một nét hoảng sợ chợt xuất hiện trên khuôn mặt ông ta, nhưng những đứa trẻ của ông bắt đầu hò hét, “Nhận đi cha! Hãy nhận đi cha!” và tôi biết rằng tôi đã có được một hoa tiêu mới. Ông nhận lấy chiếc tai nghe và nhận được sự ủng hộ của cả đoàn, điều này khiến khuôn mặt ông càng đỏ hơn. Khi ông ngồi vào vị trí hoa tiêu, tôi hỏi ông một vài câu hỏi chung chung.
“Xin chào bác. Tên bác là gì?”
“Tomer.”
“Tuyệt. Cháu tên là Z. Bác đến từ đâu?”
“Israel.”
“Tốt lắm. Bác hãy nói cho cháu biết bác đã từng có kinh nghiệm trong việc xua đuổi sư tử, băng bó vết thương ở chân, hay nấu súp từ vỏ cây chưa?”
“Chưa từng, tôi thực sự không có.”
“Không một chút nào sao?”
“Tôi chưa từng có cơ hội làm những việc như vậy.”
“Được rồi, hy vọng bác sẽ quen dần với chúng. Chúng ta sẽ phải vượt qua một cây cầu khá ọp ẹp. Bác nghĩ mình có thể nín thở dưới nước bao lâu?”
“Tôi không biết bơi.”
“Kỳ lạ thật. Đó chính xác là những lời cuối cùng mà người hoa tiêu trước nói với cháu.”
“Cậu nghiêm túc chứ?”
“Không hẳn, chính xác lời cuối cùng mà anh ta nói là, ‘Cứu tôi, Z! Tại sao cậu lại lái xe đi vậy?’ Nhưng bác hiểu ý cháu chứ. Tomer, cháu không muốn thô lỗ, nhưng bác thực sự không đủ điều kiện để làm một hoa tiêu. Cháu khá ngạc nhiên khi bác tình nguyện làm điều đó.”
“Chiếc đồng hồ của tôi có gắn la bàn.”
“Bác biết không? Đó là một tin tốt đối với cháu đấy. Hãy để mọi người cùng nghe bác nói!”
Đoàn người bắt đầu phá ra cười và vỗ tay, mấy đứa con của Tomer hào hứng hơn bất cứ ai khác, và chúng tôi lên đường.
***
Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện diễn ra hàng ngày ở Rhino Rally với bất cứ loại người nào ở vị trí hoa tiêu. Thật tuyệt vời biết bao bởi bạn có thể học hỏi nhiều điều từ ai đó khi cùng lúc phải
tồn tại trong một khu rừng mưa và xavan, khi cây cầu mà bạn phải vượt qua bỗng nhiên đứt gãy khiến chiếc xe của bạn rơi xuống sông, và rồi bạn trôi nổi ra xa trên chiếc bè gỗ làm từ những khối gỗ cứu sinh diệu kỳ. Hàng trăm người tràn vào cuộc đời tôi như một cơn lũ nhấn chìm tôi khiến tôi mê muội. Tôi thường ngẩng cao đầu dạo quanh Busch Gardens bởi tôi biết những người không giống tôi. Tôi có những bằng chứng không thể chối cãi rằng cha tôi nuôi dạy tôi bằng những lời dối trá. Tin tưởng mù quáng thật ngu ngốc. Nó chỉ có hiệu quả nếu bạn chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cửa nhà mà thôi.
Trong suốt những ngày nghỉ việc ở Rhino Rally, tôi bắt đầu tham gia vào buổi diễn nhạc rock Trung Đông của Busch Gardens, Morocacan Roll. (Tôi luôn luôn yêu thích ý tưởng được biểu diễn trên sân khấu. Tôi đã từng là một phần của ban tổ chức ở trường trung học cho vở nhạc kịch Bye Bye Birdie, bất chấp việc Ahmed không muốn tôi nhận công việc đó.) Tôi đến buổi biểu diễn khá thường xuyên, đến mức tôi dễ dàng kết bạn với tay kèn người Hồi giáo tên Yamin. Qua anh ta, tôi làm quen với hai vũ công khác, Marc và Sean, họ là người đồng tính. Ban đầu, tôi chỉ trầm lặng quan sát họ. Tôi chưa từng gặp người đồng tính trước đó, và tôi thấy hổ thẹn khi phải thú thực rằng tôi có chút e ngại họ. Bởi những gì tôi được dạy đã ăn sâu vào não tôi, đến mức dường như luôn có một tấm biển vô hình nào đó trên đầu họ nhấp nháy dòng chữ ẢNH HƯỞNG XẤU! ẢNH HƯỞNG XẤU! Có lẽ họ không chú ý đến biểu hiện không mấy thân thiện của tôi. Có lẽ họ thấy thương hại tôi vì những ý nghĩ cổ hủ ấy. Hay có lẽ họ chỉ xã giao với tôi bởi tôi là bạn của Yamin mà thôi. Cho dù là trường hợp nào, đối với tôi, họ đều là những con người thành thật và không có bất cứ thành kiến nào. Họ sẵn lòng nghe tôi lảm nhảm về Rhino Rally, họ không cười cợt niềm say mê thầm kín với ca hát của tôi, họ cố gắng (song thất bại) dạy tôi vài điệu nhảy. Sự tốt bụng tuyệt đối của họ hoàn toàn hạ gục tôi. Tôi đã bị bắt nạt quá lâu đến mức cảm thấy choáng váng trước sự tử tế ấy.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi nhớ có đêm mình trở về nhà trong bộ quần áo Rhino Rally và nói với mẹ rằng, bất chấp tất cả những áp đặt của cha tôi và Ahmed, tôi đã bắt đầu tin tưởng thế giới này. Mẹ tôi chưa từng nói xấu ai bao giờ, nhưng chắc chắn trong suốt những năm qua, bà trở thành đối tượng phải nghe giáo điều nhiều
hơn tôi. Lúc này đây, bà nói với tôi những lời mà có lẽ cả đời này tôi không thể nào quên được: “Mẹ quá mệt mỏi với việc phải thù hận mọi người rồi.”
***
Sau đó bỗng nhiên, thần kỳ thay, chúng tôi thoát khỏi Ahmed. Thậm chí mẹ tôi cũng thoát khỏi ông ta. Mẹ tôi không bỏ lại ông ta trong cơn giận dữ, bà không mắng ông ta là một gã khốn đáng ghét và không hề nói rằng ông ta không xứng đáng bước chân vào thiên đường Hồi giáo. Bà quá mệt mỏi, quá ngán ngẩm những lời nói đó rồi. Tuy nhiên, rời bỏ ông ta là một thắng lợi lớn trong đời tôi. Mẹ tôi thu dọn đồ đạc và trở lại Pitttsburgh để chăm sóc bà ngoại tôi đang mắc chứng phình mạch não.
Tôi mới chỉ gặp bà ngoại vài lần bởi bà quá kinh hãi khi mẹ tôi quyết định cải sang đạo Hồi. Bà ngoại tỏ thái độ quyết liệt khi cấm mẹ tôi quay trở về nhà mà quấn những chiếc khăn choàng chết tiệt trên đầu. Mặc dù vậy, đối với mẹ tôi, tình yêu và sự thủy chung quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Và giữa lúc bà ngoại còn chiến tranh lạnh với mẹ tôi, một điều bất ngờ và kỳ lạ đã xảy ra. Nếu bạn đòi hỏi bằng chứng rằng niềm tin mù quáng chẳng qua chỉ là một thủ thuật tinh thần, thì đây: Sau cơn đột quỵ, trong nháy mắt bà ngoại tôi mất trí nhớ hoàn toàn, bà quên rằng bà đã từng ghét tôn giáo của mẹ tôi và ghét cay ghét đắng việc mẹ tôi cải đạo. Hơn nữa, định kiến không phải là thói quen xấu duy nhất bị bộ não của bà loại bỏ: bà ngoại tôi đã quên rằng bà đã nghiện thuốc lá được năm mươi năm rồi.
***
Trước khi mùa hè trôi qua, tôi cùng một vài người bạn ở Busch Gardens đã ăn trưa cùng nhau và chơi trò tàu lượn Montu. Trò chơi này được đặt theo tên một vị thần chiến tranh cổ đại nửa người nửa chim ưng, nằm trong khu được gọi tên là Ai Cập. Khi chơi, những rung động tác động trực tiếp đến dây thần kinh ở khuỷu tay tôi khiến tôi cảm thấy khó chịu nhè nhẹ. Chiếc tàu lượn giống như một con thủy quái lướt bên trên những cây cọ cùng những cửa hàng phong cách Trung Đông và những đống đổ nát làm từ những viên đá giả đầy những ký tự Ả Rập. (Những ký tự đó khiến tôi phá ra cười: chúng đều sai ngữ pháp.) Tôi cùng những người bạn mới leo vào tàu lượn. Không ai chịu im lặng dù chỉ một giây. Họ đang tranh luận xem chiếc
tàu lượn này tuyệt nhất ở điểm nào liệu đó là nhờ cú lộn bảy vòng thót tim? Hay đó là cú lộn zero G hoang dã (chiếc tàu sẽ xoay 360 độ khi phóng lên và rơi tự do từ đỉnh cao nhất)? Hay là vòng lượn kinh hoàng Immelman loop? Họ không thỏa mãn với bất cứ đáp án nào. Họ muốn tôi nắm lá phiếu quyết định cuộc tranh luận này, nhưng tôi chẳng biết họ đang tranh cãi về cái gì cả bởi có một thứ mà chúng tôi chưa từng được thử nghiệm khi còn ở trong quả bong bóng Hồi giáo của mình, đó là những con tàu lượn thực sự, và tôi sợ hãi đến mất lý trí.
Trước tiên chúng tôi được đưa lên đỉnh rồi sau đó con tàu bắt đầu lao xuống khiến tôi cảm thấy mình như đang rơi tự do vậy. Mất một vài phút, tôi không dám mở mắt. Sau đó, tôi ngắm nhìn những khuôn mặt bạn bè mình đang bừng sáng một niềm vui sướng. Tôi nhìn thấy Ai Cập. Khu sinh thái Serengeti. Bãi đỗ xe. Sau đó, chiếc tàu nhanh chóng thực hiện cú lượn zero-G với tốc độ 97km/giờ, và lúc đó trong đầu tôi chỉ xoay quanh ba câu hỏi: 1) Liệu giày của tôi đã văng mất chưa? 2) Nếu tôi bị ném lên thì liệu những gì tôi nôn ra sẽ bay lên phía trên hay rơi xuống phía dưới? 3) Tại sao không ai buồn dành ra vài giây từ đống thời gian đồ sộ mải mê nhồi nhét vào đầu tôi nên ghét ai, hận ai từ khi mới sinh, để nói với tôi rằng tàu lượn là thứ thú vị nhất thế giới cơ chứ?
Tâm trí tôi bỗng lóe lên ký ức đầu tiên: Cha tôi và tôi quay tròn trong chiếc tách trà khổng lồ ở công viên Kennywood, Pennsylvania. Tôi mới chỉ là cậu nhóc ba tuổi lúc đó, cho nên thứ duy nhất mà tôi nhớ được đó là ánh sáng nháng lên và những cú nổ tung của lô màu sắc rực rỡ. Một khoảnh khắc bỗng hiện lên, cha tôi bật cười, ông đứng trên chiếc tách và hét lên một lời cầu nguyện quen thuộc: “Hỡi Đức Allah, xin Người hãy bảo vệ con và đưa con đến đích cuối cùng!”
Cha tôi đã lạc lối trên con đường ông chọn, nhưng điều này không thể ngăn tôi tìm kiếm hành trình cho chính bản thân mình.
11 Lời kết
Trong cuốn sách này, tôi viết rất nhiều về định kiến bởi tôi cho rằng biến một ai đó thành kẻ có niềm tin mù quáng là bước đầu tiên để biến anh ta thành một kẻ khủng bố. Bạn thấy một người dễ bị tổn thương, một người mất đi sự tự tin, mất đi thu nhập, mất đi kiêu hãnh, mất đi chốn dung thân. Một người bị cuộc đời chà đạp. Và rồi bạn cô lập anh ta. Bạn nhồi nhét cho anh ta nỗi sợ hãi và sự tàn bạo, rồi bạn đảm bảo chắc chắn rằng anh ta coi bất cứ ai khác với anh như một mục tiêu vô nhân diện – một hình nhân ở bãi tập bắn Calverton – thay vì là một con người bình thường. Nhưng, thậm chí ngay cả những người được nuôi dạy trong hận thù từ khi sinh ra, những người mà tâm trí họ bị trói buộc và vây bủa, họ đều có quyền lựa chọn mình muốn trở thành người như thế nào. Và họ có thể trở thành một nhà hoạt động xuất sắc vì hòa bình, bởi họ là người thấu hiểu hơn ai hết ảnh hưởng của bạo lực, của phân biệt đối xử, và tước đoạt quyền công dân. Những người đã và đang trở thành nạn nhân nhận thức sâu sắc được thế giới này không cần thêm bất cứ một nạn nhân nào nữa.
Tôi biết rằng nghèo đói dai dẳng, cuồng tín, và thiếu giáo dục là nguyên nhân dẫn đến một loại biến đổi mà tôi đang mô tả, một cuộc giao tranh đang dai dẳng dùng dằng ở một số nơi trên thế giới này. Tôi cũng biết rằng không phải tất cả mọi người đều kế thừa được nhiệt huyết vĩ đại của Gandhi, Nelson Mandela, hay Martin Luther King, Jr. – tôi chắc chắn cũng không phải ngoại lệ - và không phải tất cả mọi người đều có khả năng biến đau thương thành hành động. Song tôi tin chắc rằng sự đồng cảm có sức mạnh lớn hơn hận thù, và rằng chúng ta nên cống hiến cuộc sống của mình để nhân rộng tư tưởng này đến tất cả mọi người.
Sự đồng cảm, hòa bình, và phi bạo lực có vẻ là những công cụ ngược đời vô dụng trong thế giới khủng bố mà cha tôi góp phần tạo nên. Nhưng, nhiều cuốn sách đề cập rằng, sử dụng bất bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không có nghĩa là trở nên thụ động. Bất bạo lực không có nghĩa là kiềm chế các nạn nhân, hay để mặc những kẻ xấu gây bạo loạn. Nó hoàn toàn không có nghĩa là “buông giáo quy hàng”.
Bất bạo lực có nghĩa là nhân đạo hóa kẻ thù của bạn, nhận biết được nhu cầu và nỗi sợ hãi chung giữa bạn và họ, và tích cực tiến tới hòa giải thay vì trả thù. Gandhi đã từng có một trích dẫn vĩ đại: “Tôi có thể chết vì nhiều lý do. Nhưng lại chẳng thể tìm ra dù chỉ một lý do để giết người.” Càng ngẫm nghĩ câu trích dẫn này, tôi lại càng thêm ngưỡng mộ nét sắc sảo và giá trị cốt lõi trong lời nói của Gandhi. Tăng cường bạo lực không phải là cách duy nhất để kết thúc chiến tranh, cho dù chúng ta có kiên trì đánh trả hay đánh trả mạnh mẽ hơn đi chăng nữa. Một nhà sử học phản văn hóa gần đây, Theodore Roszak, từng bàn luận đến vấn đề này: “Con người cố gắng không sử dụng bạo lực trong một tuần, và khi điều này ‘không có tác dụng,’ họ sẽ lại sử dụng bạo lực, thứ vốn vô dụng hàng thế kỷ nay.”
***
Tôi đã không còn nhận những cuộc điện thoại của cha từ khi tôi mười tám tuổi. Lúc đó, tôi cũng thường xuyên nhận được thư điện tử từ một nhà tù ở bang Illinois nói rằng cha tôi sẵn lòng trao đổi thư từ với tôi thay vì gọi điện. Nhưng tôi đã học được rằng thậm chí việc liên lạc với cha sẽ chẳng dẫn đến kết cục tốt đẹp nào cả. Mối bận tâm mãi mãi của cha chỉ là cái án tù, ông cho rằng Chính phủ đã xâm phạm quyền công dân của ông trong suốt quá trình điều tra, cho nên có một lần tôi đã viết thư cho ông và hỏi thẳng liệu có phải ông đã giết Kahane, và tham gia vào vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 hay không. Tôi nói với cha rằng, con là con trai của cha và con cần nghe sự thật từ cha. Cha tôi ứng phó bằng một phép ẩn dụ bay bổng, không thể hiểu được, và vặn vẹo, vòng vèo còn hơn cả tàu lượn siêu tốc ở Busch Gardens, chứ không đề cập thẳng thắn đến tội lỗi của ông. Điều này chỉ khiến cha càng trở nên đáng sợ và tham lam hơn trong mắt tôi. Chứ chưa nói gì đến tội ác của ông.
Vụ ám sát Kahane không phải chỉ do hận thù, đó là một thất bại hơn là một vụ giết người đơn thuần. Cha tôi muốn làm suy sụp tinh thần của tất cả giáo sĩ Do Thái và dâng chiến thắng này cho Allah. Trên thực tế, điều mà cha thực sự làm được là đem sự nhục nhã và ngờ vực đến cho cộng đồng Hồi giáo, khơi nguồn cảm hứng cho những hành động bạo lực vô nghĩa hơn và tàn ác hơn. Vào đêm Giao Thừa năm 2000, người con trai nhỏ nhất và con dâu một vị giáo sĩ đã bị sát hại, và năm trong số sáu đứa con của họ đều bị thương, khi một tay súng người Palestine liều lĩnh cầm súng máy xả đạn vào chiếc xe của gia đình họ trên đường về nhà. Một gia đình nữa đã bị hủy hoại
bởi thù hận. Tôi cảm thấy phát bệnh với nỗi buồn sâu sắc khi đọc về mẩu tin đó.
Vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín khiến tôi càng hoảng sợ hơn. Lúc đó tôi đang ngồi xem phim trong phòng khách của gia đình tại Tampa, tự ép mình tiếp nhận nỗi kinh hoàng vô tận từ vụ tấn công. Tôi cố gắng vật lộn với cảm giác rệu rã kéo đến, quen thuộc đến mức khơi gợi sự đồng cảm trong tôi, sự đồng cảm tôi phải trả giá bằng máu của mình. Đương nhiên nỗi đau mà tôi cảm thấy chẳng thể so sánh được với nỗi đau mà những nạn nhân và gia đình của họ phải chịu đựng. Trái tim tôi đau đớn thay cho họ.
Một trong những lợi ích khi tránh nói chuyện với cha tôi đó là tôi không cần phải nghe cha thao thao bất tuyệt về những sự kiện ghê tởm ngày 11 tháng Chín. Cha tôi chắc hẳn muốn ám chỉ rằng việc phá hủy Tòa Tháp Đôi tượng trưng cho chiến thắng vẻ vang của người Hồi giáo, thậm chí có thể là cao trào của sứ mệnh mà cha tôi, tên Thủ lĩnh mù và Ramzi Yousef đã cùng nhau bắt đầu từ nhiều năm trước cùng với chiếc xe tải màu vàng Ryder.
Dù vì lý do xứng đáng nào đi nữa, quả thực tôi không dám chắc thứ gì được coi là xứng đáng ở đây, cha tôi giờ đây tuyên bố ủng hộ giải pháp hòa bình ở chiến trường Trung Đông. Ông cũng tuyên bố ghê tởm việc giết người vô tội, và ông khuyên nhủ những chiến binh
Hồi giáo nên nghĩ đến gia đình của họ. Cha bày tỏ tất cả những điều này trong một buổi phỏng vấn với tờ Los Angeles Times vào năm 2013. Tôi hy vọng cha thật tâm thay đổi, cho dù đã quá muộn để xin tha thứ từ những nạn nhân vô tội và từ chính gia đình tôi, bởi nỗi đau chia lìa quá lớn. Tôi không giả bộ mình biết hết những gì cha tin tưởng nữa. Tôi chỉ biết rằng tôi đã lãng phí quá nhiều năm để quan tâm đến cha, đến niềm tin mù quáng của ông.
Bởi đối với tôi, tôi không còn là một người Hồi giáo nữa và không còn tin vào Chúa nữa. Tôi đã làm tan nát trái tim mẹ tôi khi nói với bà như vậy, và điều này lại làm trái tim tôi đau đớn. Thế giới của mẹ tôi được dựng nên từ niềm tin của bà đối với Allah. Song thứ định nghĩa thế giới của tôi là tình yêu gia đình, bè bạn, và những bài học đạo đức dạy chúng tôi phải đối xử tốt với người khác và với thế hệ con cháu sau này, cùng với khao khát sửa chữa một số sai lầm của cha tôi bằng bất cứ cách nào có thể. Tất cả những gì còn lại trong tôi là tàn dư của nền giáo dục tôn giáo. Bất cứ khi nào đọc được trên mạng những tin
tức về một tội ác nào đó, tôi theo bản năng đều cầu nguyện rằng đó không phải là một tác phẩm của những người Hồi giáo, những tín đồ Hồi giáo theo chủ nghĩa hòa bình đã phải trả một cái giá đủ cao cho hành động của những kẻ ủng hộ tôn giáo chính thống cực đoan. Tuy nhiên, tôi đặt mối quan tâm đối với con người lên trước những vị Chúa. Tôi tôn trọng những tín đồ, không quan tâm đến xuất thân của họ và tận tụy thúc đẩy trao đổi giữa những người có tín ngưỡng văn hóa khác nhau, song suốt cuộc đời mình tôi đã chứng kiến người ta dùng tôn giáo như một thứ vũ khí, và tôi luôn sẵn sàng quẳng đi tất cả những thứ vũ khí ấy.
***
Tháng Tư năm 2012, tôi có một trải nghiệm khó tin khi có cơ hội đọc diễn văn trước hàng trăm đặc vụ liên bang tại trụ sở FBI ở Philadelphia. Cục muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với cộng đồng người Hồi giáo, và một đặc vụ phụ trách chiến dịch này biết đến tôi như là một người hoạt động vì hòa bình ở trường học của con trai ông ta, vì thế, cho dù có hơi căng thẳng, tôi vẫn cảm thấy vinh dự khi được mời đến phát biểu. Đứng trước một đám đông có áp lực lớn như thế này thật không dễ dàng. Tôi bắt đầu pha trò (“Tôi thấy lạ lẫm với việc thấy tất cả anh chị cùng lúc như thế này - thông thường tôi chỉ làm việc với một hoặc hai đặc vụ mà thôi”), trò đùa của tôi ban đầu vấp phải một sự im lặng bối rối, sau đó là một tràng cười thoải mái, khiến tôi thầm biết ơn cho đến giờ. Tôi bắt đầu kể câu chuyện của mình, và đưa bản thân mình ra như một nhân chứng cho việc hận thù và bạo lực hoàn toàn có thể bị loại bỏ và con người có thể chọn lựa hòa bình.
Sau bài diễn văn của mình, tôi sẵn sàng nhận những câu hỏi từ phía họ, nhưng không một ai thắc mắc. Điều này có vẻ hơi bất thường, nhưng lẽ nào các đặc vụ FBI căng thẳng mức quên đặt câu hỏi ư? Dù sao thì tôi vẫn cảm ơn họ vì đã trao cho tôi cơ hội này, và đám đông tặng tôi một tràng pháo tay giòn giã cho đến khi tôi rời khỏi bục phát biểu. Và sau đó, một điều tuyệt vời đã xảy ra, khiến tôi luôn ghi nhớ cho đến tận bây giờ: Rất nhiều đặc vụ xếp thành hàng rồi lần lượt bắt tay tôi. Vài đặc vụ nói với tôi những từ ngữ rất lịch sự và gửi đến tôi những cái ôm ấm áp. Đặc vụ thứ ba, một phụ nữ, gây ấn tượng với tôi bởi bà thậm chí còn đang khóc khi đứng trước mặt tôi.