🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Hủi - Helena Mniszek
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Lời giới thiệu
Phần I - Chương 1 Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Phần II - Chương 1 Phần II - Chương 2 Phần II - Chương 3
Phần II - Chương 4 Phần II - Chương 5 Phần II - Chương 6 Phần II - Chương 7 Phần II - Chương 8 Phần II - Chương 9 Phần II - Chương 10
Phần II - Chương 11 Phần II - Chương 12 Phần II - Chương 13 Phần II - Chương 14 Phần II - Chương 15 Phần II - Chương 16 Phần II - Chương 17 Phần II - Chương 18 Phần II - Chương 19 Phần II - Chương 20 Phần II - Chương 21 Phần II - Chương 22 Phần II - Chương 23 Phần II - Chương kết
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng
Lời giới thiệu
Năm 1909, khi tiểu thuyết Con Hủi - tác phẩm đầu tay của Helena Mniszek, một nữ văn sĩ Ba Lan chưa được ai biết đến - ra mắt bạn đọc, các nhà phê bình văn học đương thời lạnh nhạt và hờ hững đón tiếp tác phẩm, hạ cố viết đôi lời bình luận công thức và sáo rỗng. Họ đều nghĩ rằng, sau một kiếp sống ngắn ngủi và thầm lặng, tác phẩm sẽ âm thầm và hổ thẹn chịu sự lãnh quên của đời, như vô vàn tiểu thuyết khác của " nữ phái " mà thôi. Không ai có thể ngờ được rằng " Con hủi " của Helena Mniszek lập tức trở thành một hiện tượng văn học làm náo động thị trường xuất bản, được tái bản liên tục hàng chục lần với số lượng kỷ luật hồi ấy, là tác phẩm văn học bán chạy nhất trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, rồi sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và đã hai lần được đưa lên màn ảnh.
Không những thế, Con hủi còn trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt giữa người đọc và một số nhà phê bình, khiêm tốn không ít giấy mực. Người đọc - đặc biệt là các thiếu nữ nói riêng và phụ nữ nói chung - hâm mộ tác phẩm đến mức cuồng nhiệt, nhiều thế hệ " phái đẹp" coi nó là một tác phẩm hay nhất, là sách gối đầu giường , là đỉnh cao của những niềm hy vọng và mơ ước.
Họ đóng bìa da, khảm bạc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một thứ của gia bảo. Còn giới phê bình thì trái lại. Từ chỗ phảy tay coi thường, một số nhà phê bình cay cú trước nhiệt tình sôi sục "
đến không thể hiểu nổi "của người đọc, đã chuyển sang công kích tác phẩm, mở cả " một cuộc chiến trang thực sự " ( như lời nhận xét của báo chí Ba Lan đương thời) chống lại tác phẩm của cô gái trẻ chưa từng có tên tuổi trên văn đàn thuở ấy.
Helena Mniszek
Helena Mniszek tên thật là Ravich Rađô miska thuộc dòng họ Mniszek Tơkhugiơnhixki, sinh năm 1878 tại điền trang Kurơtrưxe tỉnh Vôlưnhe.
Năm 1899 bà lấy ông V. Khugiưnxki, chuyển đến sống ở Platerôvô ( Litva), được bốn năm thì chồng qua đời.
Năm 1910 bà tái giá, lấy ông A. Rađômiski, theo chồng về điền trang Rôgale, sau đó chuyển đến trang Kukharư ở tỉnh Puôxk (Ba Lan).
Năm 1931, bà lại góa chồng, ở với gia đình tại đó,
Mùa thu năm 1939, đại chiến thứ hai bùng nổ, bà bị quân Đức đuổi khỏi nhà, phải chuyển đến Xabnhi cùng Pôđlasie rồi mất tại đó năm 1943.
Trong 20 năm hoạt động văn học ( 1909 - 1930) bà để lại nhiều tác phẩm, đáng kể nhất là các tiểu thuyết:
Con hủi ( 1909) , Đại Công tử Mikhôrôvxki ( 1910), Những ngù lông xào xạc (1911), Cậu chủ (1912), Các quận công của rừng (1912), Gahenna ( 1914), Những kẻ thờ phụng quỷ sa tăng ( 1918), Ẩn sĩ ( 1919), Chàng Vecte ( 1921), Quyển của người ( 1922), Nhân sự ( 1922), Hoàng hậu Giezlla ( 1925), Ông bà chủ ( 1927), Từ mảnh đất của nước mắt và máu (1927), Hoa Mộc Lan (1928), Những người hậu chiến (1929), Nam châm của những con tim (1930)... và một số tập truyện ngắn khác nữa. Bà còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Con hủi là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất cùa H. Mniszek. Tác phẩm là một câu chuyện tình thơ mộng và đắm say, trong sáng và mãnh liệt, tươi đẹp nhưng thảm thê của đôi thanh niên tài sắc, cưỡng chống lại những ràng buộc của đẳng cấp quý tộc để bảo vệ hạnh phúc mà họ đã chọn.
Chàng - Đại công tước Valdermar Mikhôrôvxki - là một thanh niên quý tộc thuộc dòng họ quyền quý nhất nước, nhiều thế hệ từng đảm nhiệm những cương vị sao sang. Chàng có học thức, giàu có, quảng giao, nhiệt thành, can trường, mới mẻ trong tư duy cả quyết trong hành động, say sưa và nồng nhiệt trong tình yêu. Nàng - Xtefchia Ruđexka - chỉ là đứa con gái một điền chủ nhỏ, thất vọng vì mối tình đầu đã rời gia đình đến làm gia sư cho cô ruột của chàng.
Cảm vì sắc, mến vì tài, lại mang trong tâm thức niềm khao khát của cuộc tình truyền kiếp bất hạnh từ đời trước ( ông nội của chàng và bà ngoại của nàng từng yêu nhau tha thiết, nhưng không lấy được nhau), đôi trẻ đã vượt qua những hiểu lầm đầu tiên, cảm nhận được giá trị đích thực của nhau và đến với nhau. Trải qua bao đấu tranh gay go, với gia đình, xã hội và với chính mình để bảo vệ tình yêu, tình yêu của họ đã thắng: họ được làm lễ đính ước và chuẩn bị cho ngày cưới.
Nhưng giới quý tộc không cam chịu thất bại, chúng đã hèn hạ dùng những thủ đoạn thâm hiểm để phá vỡ hạnh phúc đôi trẻ. Xtefchia gục ngã trước ngón đòn đê hèn ấy vào đúng ngày hôn lễ được ấn định, trong tấm áo cưới trắng tinh như tâm hồn trinh bạch và cao quý của nàng. Nàng đã chết để cho tình yêu thắng, như nhân ái vĩnh viễn chiến thắng cái ác trên cõi đời này.
Cái chết thảm thương của nàng và hạnh phúc dở dang ấy là lời phảng kháng quyết liệt, lên án những bất công đẳng cấp và thói hằn học ghê tởm với hạnh phúc của người khác vẫn tồn tại lẩn khuất trong một số kẻ mang danh con người, ngay trong những tầng lớp tự khoe là cao sang nhất.
Và vì thế, nhiều người coi con hủi là một thiên Roméo và Juliette mới, là bi kịch đối kháng giữa tình cảm chân chính với những định kiến xã hội hẹp hòi.
Nhưng trên hết, Con hủi là tác phẩm ca ngợi tình yêu - một tình yêu khó khăn và hoàn mỹ, một tình yêu đích thực và lý tưởng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ, niềm khát vọng vĩnh viễn của con người. Có phải vì thế mà mặc dù đã 90 năm trôi qua với bao biến đổi biển dâu về nhân tình thế thái, quan niệm xã hội và ngay chính bản thân tình yêu cũng đã đổi thay, nhưng Con Hủi vẫn có chỗ đứng trong trái
tim người đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Có phải vì thế mà mặc dù người đọc thời nay dễ dàng nhận ra những nét ngây thơ và lý tưởng hóa trong câu chuyện của đôi thanh niên thời đầu thế kỷ. Con Hủi vẫn đánh thức bao hoài vọng, bao khát khao cao quý, muốn được sống hết mình, được yêu hết mình, và khi cần - được hy sinh cho tình yêu ấy.
Nguyễn Hữu Dũng
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng Phần I - Chương 1
Ngày đã rạng. Bình minh đang tỉnh thức.
Vùng sáng phương đông mỗi lúc thêm trải rộng mãi ra. Từ sắc hồng, nó ngả sang màu nhạt, mỗi lúc một sáng hơn, gần như trong suốt, thêu trên nền vải óng vàng.
Không khí mang đẫm hơi thở lạnh giá ban đêm háo hức hút thu ánh nắng mặt trời, làn sương mù ẩm ướt lắng dần, khí trời mỗi lúc một thêm tươi mới, trong lành. Chim chóc tỉnh giấc đua nhau cất lên muôn ngàn tiếng hót véo von. Cây cối nở xoè những chồi tơ tháng năm xôn xao chào đón bình minh - vị tiên nữ dẫn đường cho thần mặt trời. Toà lâu đài của điền trang Xuôđkôvxe lặng lẽ trong ánh hồng bình minh, nổi bật bởi sắc trắng tinh khôi của những bức tường và màu xanh tươi rói của những rặng cây gia được xén tỉa cẩn thận trồng thành một vòng cung trang điểm cho mặt tiền.
Từ phía sau vườn cây ăn quả và khuôn viên, tiếng chuông của điền trang chợt ngân vang gióng giả. Trong sự tĩnh mịch ban mai, tiếng chuông nổi lên lanh lảnh, lăn tròn, rắc tiếng vọng khắp các ngôi nhà của cư dân trang ấp. Bị thức giấc bởi tiếng chuông lảnh lói, gia nhân bật dậy, bắt tay vào công việc thường ngày. Những người chủ trong lâu đài không bị thứ tiếng động kia làm mất giấc ngủ.
Nhưng một lát sau, một chiếc cửa sổ kiểu Venêxi ở tầng một phía cánh trái lâu đài chợt mở ra. Hơi thở tươi mát của mùa xuân lùa vào những tấm rèm mỏng che mặt kính, mơn man mái tóc vàng mịn màng như lông điêu thử của cô gái Xtefchia Ruđexka đang háo hức nghiêng ra với không gian.
Cô vẫn đang mặc áo ngủ, tóc hơi rối. Hồi chuông và tiếng cu gáy
trong vườn đã đánh thức cô. Buổi sớm mai mới trong lành làm sao, không khí làm cô tỉnh hẳn, cô say sưa hít sâu vào ngực. Những đài hoa lóng lánh sương và tiếng chim lảnh lót khiến hồn cô say mê mơ mộng. Đôi môi hồng hé cười tươi tắn như rạng đông, nhưng đôi mắt to màu hoa đồng thảo vẫn vương vấn nỗi u hoài - nỗi buồn không hợp chút nào với thân hình trẻ trung và giọng nói vui vẻ mà cô chợt thốt lên:
- Đời đẹp tuyệt vời ! Không ngủ nữa, ta vào rừng thôi ! Cô rời cửa sổ, thay quần áo. Bện lại tóc, cô búi thành một búi nặng sau gáy, tóc cô mềm, xoăn tự nhiên, che khuất đường cong mềm mại của đôi vành tai bé xinh và hai góc lượn của một vầng trán đẹp. Cô mặc chiếc áo dài giản dị bằng vải mỏng màu xám, đồ trang sức chỉ duy nhất mộy chuỗi hạt hồng mọng, long lanh như những quả phúc bồn tử lớn. Mặc áo xong, cô ngó sang phóng bên cạnh. Tối sẫm trong những rèm cửa buông kín, căn phòng vẫn như còn say ngủ. Xtefchia khẽ lẩm bẩm :
- Luxia vẫn ngủ say. Ta đi một mình vậy.
Cô nhón chân thật nhẹ nhàng đi ngang qua mấy phóng bài trí phong lưu và trang nhã. Đến gian sảnh thênh thang của lâu đài cô chợt dừng chân bất lực khi thấy các cửa ra vào lống kính vẫn đang khoá chặt.
Một gia nhân tay cầm bàn chải chạy vội xuống cầu thang gác giúp cô. Gã dương to đôi mắt ngái ngủ nhìn cô, vẻ ngạc nhiên, song vẫn xăm xắn mở khoá. Lát sau ; cô gái chạy ra vườn hoa. Đi dọc những lối nhỏ rải sỏi, cô hái đầy tay những đoá hoa thuỷ tiên thanh mảnh trắng ngần. Một chùm tử đinh hương tím sà trên cây xuống, đu đưa, toả hương man mác. Những đoá hoa thủy tiên trắng trong, thơm thơm, chứa đầy sương lạnh, những mắt hoa vàng sau hàng mi đỏ,
nom như đẫm lệ.
Cô thiếu nữ nghiêng những đài hoa trắng ngần vào môi và uống những giọt lệ ấy, miệng nở một nụ cười tinh nghịch. Tuổi thanh xuân tươi trẻ và những ánh rạng đông đầu tiên của vầng thái dương hoà nhau thành một khúc nhạc hạnh phúc lớn lao, ùa vào lòng cô như cầu vồng muôn hồng nghìn tía. Cô nhảy lên rung những chùm tử đinh hương lớn nhất để những giọt nước trong thơm ngát từ hoa rơi xuống mái tóc óng mượt của cô. Trong ánh lê minh, mái tóc màu sáng của cô loáng ướt như phủ trong sương bạc.
Cầm bó hoa tươi thắm trong tay cô rời khuôn viên bước vào vườn cây ăn quả và nơi đây cô cũng thốt lên tiếng kêu đầy ngưỡng mộ. Những hàng cây đứng nghiêm trang, phủ đầy hoa, đẹp tuyệt vời. Những cây táo nở những chùm lá non hồng hào, trông sao trẻ trung như thể ve vuốt mắt nhìn. Những cây anh đào đầy hoa tráng trông hệt những nàng thanh nữ đang đội vòng hoa cưới.
Hương hoa ngào ngạt, muôn cành tuôn chảy suối hương. Mặt trời dát vàng các đoá hoa, gió mảng theo những cánh ong náo nức. Thỉnh thoảng, một cánh bướm trắng tinh rời cây bay vụt lên như một đoá hoa linh động. Say mùi hương, Xtefchia bẻ đôi cành anh đào nho nhỏ cài lên tóc, dắt vào thắt lưng và đầy hoa, cô bước mĩa theo con đường hẹp trong vườn, hai bên trồng những bụi phúc bồn tử. Con đường dẫn ấy dẫn tới một khu rừng nhỏ tiếp theo vườn cây ăn trái.
Xtefchia khẽ nghiêng cành cây sương đọng, phủ đầy những đoá hoa nho nhỏ như thể đã phai màu, trăm ngàn cánh hoa bằng bạc ấy đung đưa trên những chiếc lá thẫm màu, tạo nên một hoạ phẩm kì thú. Lần váy áo màu xám của cô đầy một lượt sương lóng lánh, sương bắn cả lên mặt lên tay cô nhưng chỉ khiến cô thêm thích thú.
Cô chạy đến bên chiếc cổng rào nhỏ, mở ra và lội trong làn cỏ tươi tốt đẫm sương, cô băng qua dải đồng cỏ ngăn cách khu vườn cây ăn quả với rừng. Và cô cất tiếng hát giữa những cây thông cao vút và những cây lá bản tán xoè rộng.
Một chú sóc vút qua gần chân cô, nhảy tót lên cây. Lũ sẻ huyên thuyên ríu rít chuyện trò, chim gõ kiến mổ tốc tốc đều đều vào vỏ cây.
Một chú chim hoạ mi nào chợt cất giọng hót cao vút tuyệt vời trong khu rừng tống quá sủ (Nguyên văn : Olsza hay olcha - giống cây ( Alnus) thuộc họ bạch dương) cạnh đấy, từ trong rừng sâu vang tiếng chim gáy- các loài chim. Thế giới rừng sôi động sự sống, đầy ắp những tiếng hót, tiếng huýt, tiếng gọi nhau, tiếng cánh vỗ phành phạch , tiếng rì rào của những cành thông, tiếng ầm ào của rừng phỉ tử, lúc âm âm, xao xác, lúc lảnh lót vút cao.
Những tiếng vọng đánh thức lan xa, hoà vào nhau, nghe vui vui. Thiếu nữ tươi cười tắm nắng trời, đắm mình trong lá hoa xanh tốt. Nhưng lát sau, vẻ rạng rỡ của cô chợt biến mất. Một vởn mây đen nào chợt đến làm u ám khuôn mặt trẻ trung của cô, khiến ánh mắt trong hàng mi rậm sẫm màu như mờ đi. Đôi lông mày xinh đẹp chau lại trên vầng trán, cô buông tay thả vạt áo váy dài chạm xuống làn rêu ẩm, thốt lên gượng gạo :
- Dẫo sao cũng có lý do để mà vui chứ !
Cô sực nhớ rằng thế là đã một tháng nay cô làm gia sư tại điền trang Xuôđkôvxe. Thời gian trôi đi mới chậm chạp làm sao ! Chưa bao giờ cô nghĩ đến chuyện phải kiếm việc làm, cô không cần phải kiếm sống. Ấy vậy mà mọi sự lại xảy ra theo cách khác. Về vật chất, chẳng có gì buộc cô phải làm nghề giáo. Cô là con gái một gia đình giàu có thuộc Vương quốc ( 1). Ngoài cô,
trong nhà còn hai đứa trẻ nữa. Cô mới tròn mười chín tuổi. Lúc này, vừa tản bộ trong rừng, Xtefchia vừa nhớ lại những hoàn cảnh đã khiến cô phải lìa xa tổ ấm gia đình.
Nổi bật trên tất cả là hình dung đẹp đẽ của chàng trai trẻ Eđmun Prônnhixki và những tình cảm trẻ thơ của cô cho người ấy. Khi chàng từ trường trung học Đublany trở về, vẻ đẹp trẻ trai của chàng ta đã thu hút ngay Xtefchia. Không kịp tìm hiểu bản chất con người, cô gái đã yêu say mê lần đầu tiên trong đời, yêu vội vàng, mù quáng, không một chút ái tình chân chính. Prônnhixki đã làm mê muội trí óc vốn mơ mộng và giàu xúc cảm của cô.
Sau khi kết thúc một khoá học bổng tại Vacsava, Xtefchia tham gia các khoá chuyên đề. Và khi ấy cô mới được làm quen chút ít với giới thanh niên học sinh.
Phần lớn họ là những chàng trai thanh cao, với những say mê lý tưởng. Xtefchia cũng chưa bao giờ hình dung họ khác thế. Lợi dụng sự cả tin của cô, lại say mê nhan sắc của cô, Prônnhixki muốn chiếm đoạt tình yêu của cô nhưng đã khéo léo che giấu bản chất của mình. Thậm chí chàng ta còn chiếm được cảm tình của ông bà Ruđexki thân sinh cô. Và cuộc tình kéo dài.
Nhưng thân sinh của Xtefchia không cho phép làm lễ đính hôn chính thức, mặc dầu đã biết đôi trẻ đã ngỏ lời với nhau. Ông linh cảm thấy chúng là hai con người có bản tính hoàn toàn khác biệt nhau. Ông thân sinh của cô không tin những sắc màu xinh đẹp bên ngoài của Eđmun, ông biết rõ " Prônnhixki Cha ", kẻ có những quan hệ với những loại người cặn bã xa hội. Còn ở con gái,ông nhận thấy biết bao nhiệt tình lý tưởng, bao tình cảm phong phú - và ông e sợ chờ đợi sự kết thúc của cuộc tình kia. Ông không hề nghi ngờ là điều đó sẽ xảy ra, nhưng ông lo cho Xtefchia...
Linh cảm đã không đánh lừa ông.
Chiều theo ý định của con trai, " Prônnhixki Cha " bắt đầu khéo léo tìm cách dò hỏi ( thông qua một viên dự thẩm ) về món hồi môn của Xtefchia. Số tiền hơn chục nghìn đã khiến gã nổi cơn thịnh nộ. Lão giải thích cho con nghe sự thiếu căn cứ của mối quan hệ ấy, bắt nó cắt đứt quách đi. Lão chứng minh cho con rằng với vẻ điển trai và tên tuổi của mình, nó phải cưới một người vợ có số tiền vài trăm nghìn là ít.
Cũng thời gian ấy, Xtefchia đã bắt đầu nghi ngờ ánh hào quang loá mắt của người yêu lý tưởng của cô. Cô thử thách, tìm những vết đen. Trí thông minh và sự nhạy cảm đã xui cô làm việc ấy. Và sự đảo ngược đã xảy ra.
Chính Prônnhixki Cha đã đưa cho cô chiếc kính đen để nhìn sự việc - bởi lão bắt đầu câu chuyện đính hôn bằng những cách hỏi cha cô xem cô được bao nhiêu tiền hồi môn.
Những lời ấy đã xoá sạch tất cả. Ông Ruđexki cương quyết từ chối, và lấy làm hài lòng vì đã sớm phát hiện được những ý đồ thật của gia đình Prônnhixki.
Nhưng muốn được kiểm tra lại một lần nữa lòng cao thượng của Eđmun, Xtefchia đã can đảm nhìn thẳng vào vầng hào quang tinh thần chứa đầy vẻ đẹp của người yêu đã từng hấp dẫn cô. Và cô đã trông thấy hiện tượng nhật thực u ám trên cái đĩa tròn màu sáng của niềm mơ tưởng của chính mình.
Cô đã trông thấy những vết đen to tướng của tính ích kỷ và thói phù hoa giả dối, thay vì những tình cảm thanh cao, cô nhận thấy bản chất thô bạo chỉ hướng tới sự kiếm chác của bản thân. Eđmun lộ mặt giống như loài hoa hút máu kia, chuyên dùng vẻ đẹp và mùi hương quyến rũ những loài côn trùng cả tin, để rồi khi chúng
bị mê muội chịu vâng theo ma lực, nó liền khép chặt những cánh hoa và phô bày thực chất bên trong một cách vô liêm sỉ. Nó giết chết những con vật kia bằng độc tố si mê, hút máu chúng, sống bằng mạng sống của chúng.
Suýt nữa cô đã sa vào đoá hoa hình chén lừa lọc kia. May mà người ta đã cứu cô thoát chết.
Nghĩ đến chuyện cũ, Xtefchia ngồi xuống một gốc cây, hai tay ôm gối, cúi đầu buồn bã.
Sự thất vọng đầu tiên của cuộc đời để lại trong lòng cô biết bao cay đắng ! Niềm tin vô hạn kia vào con người đã bị suy yếu đi, nhiệt tình đối với những tình cảm sâu xa trở nên héo hắt.
Theo quan niệm riêng, cô gái cảm thấy không còn khả năng có những tình cảm nồng nàn, cô quên mình mới mười chín tuổi đầu lại có một nhiệt tâm phong phú.
Một lớp váng băng mỏng manh của sự bi quan đã phủ lên những ước mơ lý tưởng của cô, lớp băng ấy đang dày dần lên, ngay cả ở Xuôđkôvxe này.
Sau khi cắt đứt với Eđmun, Xtefchia quyết định rời xa gia đình. Cô thấy xấu hổ và hối hận, muốn trốn chạy càng xa càng tốt. Cô mơ tới những vùng trời rộng lớn, những khoảng không gian xa xôi, cô khao khát lên đường !...
Với bản tính sôi nổi, cô vẽ nên trong trí tuởng tượng những bức tranh nhiều màu sắc, đầy huyễn tưởng. Cô mơ màng trong những cảnh tượng chói loà và chọt cảm thấy chật chội gò bó trong những hoàn cảnh từ trước tới nay. Sau một cuộc đấu tranh ngắn ngủi, cô cùng với cha ra đi tìm chỗ dạy học. Mọi lời khuyên giải của song thân không mang lại kết quả. rốt cuộc ông bà đành nhượng bộ con, cho rằng đó chẳng qua chỉ là một ý muốn đỏng đảnh nhất thời nảy
sinh do sự thất vọng đầu tiên trong đời, họ chỉ lo không chọn được chỗ làm thích hợp.
Chuyện tìm việc khá khó khăn. Cả Xtefchia lẫn ông Ruđexki đều cảm thấy khó chịu.
Một số bà chủ thấy Xtefchia hơi quá đẹp, nhất là khi bản thân họ đã mang sẵn định kiến hoặc họ có những cô con gái kém phần nhan sắc. Sau nhiều lần không thành, rốt cuộc hai cha con cũng đã tìm được việc làm. Nhan sắc của Xtefchia không làm mất lòng nữ nam tước Elzônôvxka, ngược lại - còn gây được thiện cảm của bà.
Song nam tước phu nhân lại hỏi cô xem liệu cô có cảm thấy buồn chán ở điền trang Xuôđkôvxe không, bởi nơi đây chỉ có bà, một cô con gái, người cha già cùng một người gia khách trú ngụ thường xuyên nữa - đó là thầy giáo cũ của anh bà. Nhưng đang khao khát được yên tĩnh nên Xtefchia thậm chí đồng ý chấp nhận ngay cả điều kiện nghỉ hè cũng không về nhà. Thực ra cô cũng hơi e ngại điền trang Xuôđkôvxe xa xăm kia, nhưng vẫn có cái gì thu hút cô đến đó. Kể lại chuyện xảy ra trước khi cô gái xa gia đình, ông Ruđexki đã đề nghị phu nhân Elzônôvxka quan tâm chăm sóc Xtefchia và ông đã nhận được lời hứa hẹn, tuy được thốt ra bằng giọng khá kênh kiệu nhưng cũng hàm chứa chút nhiệt thành.
Gốc gác quý tộc của nam tước phu nhân khiến ông Ruđexki không thật yên tâm. Ông không muốn con mình phải dạy ở một gia đình quý tộc, bởi ông hiểu rằng ngay cả trong những gia đình bình thường, một nữ gia sư cũng có thể gặp phải cách đối xử khác nhau. Ông run sợ khi nghĩ rằng trong lâu đài đại quý tộc, người ta có thể xúc phạm đến cô con gái ông.
Nhưng bên cạnh đó, ông cũng biết rằng giới quý tộc này thường rất lịch sự, một ông chủ lớn thuộc dòng dõi lá ngọc cành vàng lâu đời
bao giờ cũng tốt hơn nhiều so với một ông chủ mới phất. Chính cái họ của nam tước phu nhân đã khiến ông Ruđexki yên tâm. Ông nhận thấy bà thuộc loại những bà lớn cứng nhắc song không phải không có những mặt đáng yêu.
Đến nơi làm việc, Xtefchia mới làm quen với cô học sinh của mình. Luxia đã mười sáu tuổi. Đó là một thiếu nữ khá mảnh mai, xinh đẹp, nhưng quá tinh tế, có mái tóc rất nhạt và đôi mắt xanh thẳm, khác hẳn mẹ cả bề ngoài lẫn tính tình. Cô gái hợp tính Xtefchia. Và chẳng mấy chốc giữa hai người đã nảy sinh một tình thân như bạn bè.
Xtefchia nhổm dậy, đi sâu vào rừng.
" Liệu minh có sống nổi ở đây đến cùng không nhỉ ? Ôi ! Mình không dám chắc đâu ! " - cô thì thầm tự nhủ.
Tình yêu của cô đối với Prônnhixki, chớp nhoáng và mảnh mai như một kiếp bướm chóng tàn đã lụi tắt. Giờ đây cô lo ngại bởi một chuyện khác. Mọi người ở đây đều tốt đối với cô, đặc biệt là người ông tuổi tác của Luxia - cụ Machay Mikhôrôvxki, một vị đại quý tộc điển hình, nhưng là một đại quý tộc đáng yêu. Cụ dành cho cô nhiều cảm tình thương mến, cụ gọi cô bằng cái tên âu yếm Xtenhia. Cụ bảo cái tên âu yếm đó gợi cho cụ thời trai trẻ tốt đẹp. Xtecfchia không rõ những hồi ức ấy ra sao, nhưng cô cảm thấy biết ơn cụ về tình thương mến và lòng nhân hậu như một người cha. Song cô không thích người cháu nội của cụ, chủ nhân của trang ấp Xuôđkôvxe - đại công tử ( 2 ) Valđêmar Mikhôrôvxki. Anh ta sống ở cách đấy hai dặm, tại điền trang Guenbôvitre và thường xuuyên lui tới tại điền trang Xuôđkêvxe. Anh ta không từ một dịp nào để khiêu khích cô một cách trắng trợn. Cứ mỗi lần anh ta đến, Xtefchia lại bực mình, cô im lặng hoặc tức giận đáp lại những lời lẽ khiêu khích ác ý của anh.
" Chắc người này đến buộc mình phải rời bỏ Xuôdkôvxe mất thôi ! " - Cô đau xót nghĩ thầm.
Và khi nghe người khác toàn khen anh ta, Xtefchia ngạc nhiên thầm nghĩ : " Thế ra chỉ với mình ông ta mới đối xử như vậy ?... Ông ta gợi nhớ Prônnhixki nhưng là sau khi bị lột mặt nạ ".
Anh ta không hề tỏ ra giữ ý, cũng chẳng giả vờ thanh cao, anh công khai thể hiện chất tàn nhẫn trong bản tính của mình. nhưng biết cái nào tốt hơn đây : thế giới ảo vọng, thế giới mơ tưởng, hay thế giới thực tế ?...Tất cả hệt như một đoá hoa màu sắc tuyệt vời và mùi hương thần bí.
Sắc màu - ấy là mơ ước
Mùi hương - ấy là ảo vọng
Thực tại - ấy là thân cây giản dị và mảnh đất xám xịt nơi mà đoá hoa kia đã sinh thành. Chàng công tử Mikhôrôvxki chính là thực tại trần trụi thực, không chút tô vẽ.
Phấn khích bởi những ý nghĩ của chính mình, Xtefchia cất bước chạy trong rừng.
Mỗi cây thông, mỗi trảng trống, thậm chí những con sóc hoặc con chim cúc cu đều gợi cô nhớ đến trang Rutraiev và nỗi nhớ nhà mỗi lúc một lớn lên trong lòng cô... lần đầu tiên cô thoảng thốt tự hỏi : sao cô lại có thể chấp nhận điều kiện là nghỉ hè sẽ không về thăm gia đình ?
Tại một góc rừng bùn lầy cô tìm được rất nhiều hoa lưu ly, cúc bông, cây nụ vàng vùng đồng cỏ vàng rực, cô hái chúng đầy tay mà lệ ứa tràn khoé mắt. Cô hôn những đoá hoa lưu ly, bởi chúng khiến cô nhớ tới khu rừng tống quá sủ ở Rutraiev quê hương.
Mang theo bó hoa đẫm sương đêm cô quay trở lại vườn quả. Vầng dương đã lên cao, chiếu qua kẽ lá, rải chiếc lưới vàng xuống thảm
cỏ tốt tươi.
Đúng lúc ấy, trên con đường giữa rừng, Xtefchia chợt trông thấy một chàng kỵ sĩ đang cưỡi ngựa đi thong thả.
Cô suýt rùng mình vì bực bội. Người đó chính là Valđemar Mikhôrôvxki. Anh ta cưỡi một con ngựa đẹp tuyệt, đen như mun. Lưng ngựa nổi bật bởi chiếc yên có khảm, tấm lót yên màu vàng và dây thắng.
Con ngựa nòi Ả Rập bước những bước nhún nhảy, chân đặt rất đều, chiếc cổ cong duyên dáng, mõm nhá hàm thiếc vẻ không yên. Đại công tử ngồi chĩnh chệ, trên người là bộ quần áo dùng để cưỡi ngựa dạo chơi, chân dận đôi ủng ống cao. Trông chàng thật duyên dáng và gọn gàng.
Công tử cho ngựa đi nước kiệu nhỏ, hẳn đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì, mắt nhìn thẳng trước mặt, gõ gõ chiếc roi ngựa vào mũi giày. Mặt trời loé sáng trên những chiếc cựa thúc ngựa sáng loáng. Xtefchia vội thụt vào sau một thân cây, nhưng động tác đột ngột ấy của cô đã làm một con sẻ rừng giật mình bay khỏi cành cây, nó đập cánh, bật lên một tiếng kêu lảnh lót.
Mikhôrôvxki nhìn về phía cô. Máu trong người Xtefchia như dồn hết lên đầu. " Ông ta thấy mình rồi!... Lạy chúa tôi!...Sao lúc nào mình cũng gặp ông ta thế không biết !"
Cô quỳ xuống nhặt những bông hoa rơi tung toé, vờ như không nom thấy anh ta. Nhưng anh đã thúc ngựa tới gần, ngả mũ chào, cất tiếng bông đùa :
- Chào cô ! Cô làm gì ở đây sớm thế? Cô tìm đâu được nhiều hoa vậy ? Giữa những hàng cây rừng nom cô cứ như một tiên nữ ấy thôi !
- Cũng vì thế mà tôi gặp phải ma sói - thiếu nữ đáp lại không suy
nghĩ, vẻ bực mình
Công tử nhướn mày, mỉm cười châm chọc đáp lại :
- Chính thế, tôi muốn được làm một con ma sói ở bên nàng tiên nữ là cô.
Xtefchia đỏ bừng mặt.
- Ông định đến Xuôđkôvxe ạ ? - cô hỏi lạnh nhạt.
- Vâng. Tôi có ý định đưa cô về.
- Tự tôi cũng tìm được đường về.
- Chưa chắc ! Mà trước hết cô không thể mang nổi đống hoa cỏ này. Nặng tới cả put. Tôi phải đỡ cô chứ.
Anh ta nhảy phắt xuống ngựa, cúi chào trang trọng, chờ cô đưa tay hôn.
Xtefchia ngần ngừ, nhưng rồi cô cũng bối rối đưa tay cho anh rồi thụt lại thật nhanh.
- Kìa, tôi đã kịp cầm những ngón tay cô đâu... Không ! Chắc chắn tôi sẽ là kẻ bị dịch hạch mất rồi ! - Chàng kêu lên, dang tay ra bằng một dáng điệu rất hề.
Cô chỉ muốn nện cho anh ta một cái.
Mikhôrôvxki nhìn cô, mỉm cười giễu cợt. Cô run cả người vì giận dưới ánh nhìn của đôi mắt xám kia.
Nhặt hết hoa, cô kênh kiệu gật đầu chào anh ta, vừa rời chân bước đi vừa bảo :
- Chào ông !
- Hừm, cô thật nhiều nghị lực, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn phải tới Xuôđkôvxe. Mà đâu còn đường nào khác.
Xtefchia rẽ vào rừng, đưa tay chỉ con đường màu trắng : - Nào, xin mời ông đi.
- Thế còn cô ?
- Tôi băng rừng.
- Tôi không thể để cô một mình trong rừng. Hôm nay cô rất đang rất nóng, dễ lạc như chơi.
Anh cứ bước đi bên cạnh, tay dắt ngựa. Xtefchia cắn chặt môi. Cô cố đi nhanh, nín lặng. Còn anh vẫn nói liên hồi, giọng chứa đầy ác ý :
- Cô biết không? Xin cô hãy ngồi lên ngựa tôi đây, còn tôi sẽ đi bên cạnh như một tiểu đồng. Hay tốt hơn nữa ta hãy cùng nhau cuỡi ngựa. Với tiên nữ và ma sói thì thế là thích hợp nhất. Xtefchia không đáp, bước gấp.
- Cô chạy trốn tôi như chạy trốn một thần rừng dữ tợn. Dẫu sao tôi cũng xinh trai đấy chứ, cô không thấy ư ?
Không một lời đáp.
- A ! Im lặng là dấu hiệu đồng tình. Hay quá, dẫu sao thì rốt cuộc cô cũng trả cho tôi chút công bình.
Chàng giễu cợt rồi cúi đầu với sự nhún nhường vờ vịt. - Ông là người kém giáo dục - Xtefchia bùng ra.
- Thật sư ? Lần đầu tiên tôi mới nghe thấy thế ! Bao giờ tôi cũng được nghe người ta coi là mẫu mực về lịch thiệp.
- Ông mà lịch thiệp ? - Cô cười khẩy.
Cơn giận bùng nổ trong ánh mắt anh ta. Anh nhíu mày, giật cương ngựa, ánh mắt như xuyên thấu người cô. Nhưng điều đó chỉ kéo dài trong một thoáng. Anh đáp, giọng mỉa mai :
- Như vậy chúng ta có thể bắt tay nhau như bạn bè được đấy, bởi cô cũng chẳng lấy gì làm lịch thiệp cho lắm.
- Thưa đại công tử, hôm nay ông làm ơn miễn cho tôi sự tháp tùng của ông chứ ạ ?
- Ồ, xin vâng, thưa cô - nhưng đến Xuôđkôvxe .
" Lạy Chúa ! Sao Người lại hành hạ con thế ! " - Cô thì thầm tự nhủ. Đại công tử phá lên cười.
- Ông cười gì thế ? Có phải ông cười sự thiếu tế nhị của chính mình chăng ?
- Ồ, không, thưa cô, nhưng quả là lần đầu tiên tôi mới được gặp một tiểu thư trẻ trung sợ tôi đấy. Lạy Chúa lòng lành, đó quả thật là một hiện tượng mới mẻ đối với tôi.
- Bởi lần đầu tiên ông cư xử thiếu lịch sự đối với một thiếu nữ trẻ. Ông tự cho phép mình hơi nhiều đấy !
- Tôi thường tự cho phép mình nhiều hơn thế kia, nhưng tôi chưa làm một thiếu nữ nào phải hoản hồn cả.
- Tôi mà sợ ông ? Ông thật là cao ngạo ? Tôi chỉ...
- Tôi chỉ không chịu nổi ông thôi ! - Anh nói nốt.
- Đúng !
- Cảm ơn ! Ít nhất cô cũng thành thực ! Ngay cả khi xưng tội, không ai nói thật hơn cô ! Chắc cô sẵn lòng dìm chết tôi trong một thìa nước đấy nhỉ ! Ai ngờ nổi trong một sinh linh thanh mảnh dường này lại chứa đựng bấy nhiêu sự cáu kỉnh. Thật là bê bối ! Cô không thể chịu nổi tôi !...Ha, biết làm thế nào ! Ta có thể giết chết nhau trong khu rừng này, tôi đành phải đi đơn côi thôi vậy. Chứ nếu không nhỡ cô cào xước đôi mắt ngà ngọc kia, toàn giới phụ nữ sẽ nói những gì ? Trong các cửa hàng hẳn sẽ thiếu vải tang mất, số phụ nữ tự sát sẽ tăng vọt, vì cô mà những người phụ nữ sùng mộ xưa nay sẽ đưa tôi lên máy chém mất thôi !
Anh nhảy lên lưng ngựa, vung cao mũ qua đầu, kêu lên : - Tạm biệt ! Tôi chuồn đây !
Anh quay ngựa trở ra đuờng, thúc cựa giục ngựa, phi nước đại, khiến khắp rừng vang tiếng vó lộp cộp.
Xtefchia trút một hơi thở dài. " Rối cuộc !... Thế là gã châm chọc đáng ghét ấy...cũng đã cuốn xéo ! Mình đã xúc phạm đến gã... Nhưng càng hay, gã sẽ không dám động đến mình nữa ". Cô vội vã bước về phía lâu đài.
Valđermar giật hàm thiếc ngựa, vung roi, thốt ra những lời cay độc qua hàm răng nghiến chặt :
- Một ả mơ mộng...muốn làm điệu bộ công chúa. Chờ đấy ! Ta sẽ hạ vương miện của ngươi cho coi !...Ta thích lũ quỷ cái hơn nữ tu sĩ, nhưng ta không sao chịu nổi ni cô đồng trinh thờ thần Vexta ! Chàng nhún vai.
- Cô ả giống một công chúa, còn ta là quỷ sa tăng. Trong trường hợp này ta là quỷ sa tăng...Nào ! Để xem !
Chàng thúc cựa giục ngựa phóng đi.
Chú thích:
(1) Tức Vương quốc Ba Lan, được hình thành năm 1815, từ lãnh thổ của Công quốc Vacsava, quan hệ với đế chế Nga bằng các hiệp ước liên minh. sau cuộc khởi nghĩa tháng Giêng năm 1864 thất bại, chế độ tự trị của Vương Quốc Ba Lan bị hủy bỏ, và từ 1874 bị đặt dưới sự thống trị của Toàn quyền Nga, được gọi là vùng đất Nađvislanxki ( Các chú thích của người dịch)
(2) Nguyên văn : Ordynat - người được thừa kế ( thường là con trai cả ) toàn bộ bất động sản của một gia đình quí tộc, tài sản đó không được phân chia và không được nhượng bán, chỉ truyền từ đời này sang đời khác. Tuỳ trường hợp tạm dịch là đại công tử hoặc là đại quan nhân .
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng
Chương 2
Trong gian đình tạ giữa vườn, tiểu thư Luxia Elzonovxka đang ngồi bên bàn cùng cô gia sư, chăm chú lắng nghe bài giảng văn học. Xtefchia giảng một cách sinh động về những thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử văn học viết ở Ba Lan, cô đọc những trích đoạn hay nhất từ những kiệt tác của các thi sĩ trứ danh. Lời giảng nhiệt tình của cô đã cuốn hút tâm hồn cô học trò trẻ tuổi.
- Này, Luxia, hình như em chưa bao giờ học văn học của nước ta thì phải ? - Xtefchia hỏi, nhận thấy sự háo hức của cô bé. - Có chứ, cũng có chút gì đó, nhưng ít lắm - Luxia đáp. - Cô giáo trước cô, cô Klara bảo rằng trong giới chúng ta cần biết nhiều ngoại ngữ, hiểu biết văn học nước ngoài, còn văn học Ba Lan thì cô ấy nói chẳng ích gì cho em cả.
- Cô Klara có phải người Ba Lan không ?
- Vâng, nhưng cô ấy là một nữ quý tộc cỡ lớn, thấm nhuần quan điểm của giới em.
- Thế những quan điểm ấy là thế nào ?
- Em không rõ có thể giải thích cho cô được không, nhưng em nghĩ rằng, có nhẽ chúng dựa trên... Nhưng thôi, em không biết nói thế nào.
- Để tôi giúp em nhé. Những quan điểm ấy dựa trên nguyên tắc phải tôn trọng tất cả những gì là của Pháp, của Đức - nói tóm lại : của ngoại, chứ không phải của chúng ta, của Ba Lan. Đúng không ?
- Sao cô hiểu rõ thế ạ ?
- Tôi đoán được chứ. Nhưng mẹ em có nghĩ thế không ? - Dĩ nhiên rồi ! Mẹ em chẳng đọc sách nào của Ba Lan cả, mẹ trò chuyện với em bằng tiếng Pháp, mẹ em chỉ tin tưởng ở ngoại quốc thôi.
- Còn ông em - Xtefchia hỏi.
- Ồ, ông em hoàn toàn ngược lại. Về chuyện ấy, bao giờ ông với mẹ em cũng mâu thuẫn nhau. Ông bảo quên dân tộc mình là một điều hổ thẹn, ai cũng cần phải hết sức yêu quý và tôn trọng hết thảy những gì của dân tộc mình. Nhưng những lý lẽ ấy không thuyêt phục nổi mẹ em.
- Ông em quả là một người đáng kính.
- Cô cũng yêu ông em chứ ?
- Tôi tôn kính ông và tin vào trí tuệ minh mẫn của ông. - Ông cũng mến cô lắm. Nhưng... cả anh Valđy ( cách gọi âu yếm Valdemar ) cũng cùng quan điểm với ông, vậy sao cô không thích anh ấy ?
- Kìa, Luxia, ông Valđemar thì can hệ gì đến tôi ?
Luxia bật cười, đáp :
- Cô không biết chứ, mẹ em vớí anh Valđy ấy mà, suốt đời cãi nhau. Giờ lại thêm cô nữa. Tội nghiệp anh Valđy !
- Ta học nốt đã nào - Xtefchia cắt ngang - Em còn phải viết một bài luận nữa.
Luxia quàng tay quanh cổ cô giáo, âm yếm nằn nỉ :
- Để đến mai nhé, cô thân yêu của em ! Hôm nay em chẳng viết được đâu, em biết lắm ! Cô đã gợi lòng say mê văn học đến nỗi em chẳng thể nghĩ tới chuyện gì khác nữa. Cô phải đưa cho em đọc một tác phẩm gì của nước ta, cô nhé ! những bức thư của Đức với
Pháp em nhét tận đáy tủ, cho bọn nhậy cắn !
- Luxia ! Đâu thể chuyển từ cực này sang cực khác thế. Ngay cả các nhà văn nước ngoài em cũng cần am hiểu tường tận hơn. - Nhưng trước hết phải là các văn sĩ nước ta, phải không cô ? Hôm nay, em sẽ nói chuyện này với ông em và anh Valđy, chắc cả hai người sẽ vui lắm đấy. Anh Valđy lúc nào cũng gọi em là vẹt con... Hễ đặt chân tới là anh hỏi ngay : " Này, vẹt con, học được gì mới đấy ? " Mẹ em liền cau mặt, còn cô Klara thì mỉm cười ngọt ngào mà bảo,: " Vous plaisantez monsieur le comte (Tiếng Pháp: Ngài cứ nói đùa mãi thôi, ngài bá tước ). Chả là cô giáo thường gọi anh ấy là bá tước mà. Anh Valđy đáp, vẻ lịch thiệp nhưng bực bội : " Tôi không thích một comte nào hết, cô làm ơn nhớ hộ điều đó ! " - Thế cô Klara bảo sao ?
- Cô ấy phật ý. Cô bảo em: " Votre cousin est détestable. Il n est pas sage ! " ( Ông anh họ của cô thật đáng ghét quá ! Thật chẳng biết điều chút nào ! ). Rồi suốt hàng mấy ngày liền cô ấy không thèm nhìn mặt anh Valđy. Nhưng rồi đâu lại vẫn đấy, lại vẫn monsieur le comte, để anh Valđy lại nhắc, cứ thế mãi !
- Có lẽ ông Mikhôrôvxki coi việc trêu chọc gia sư là một môn thể thao - Xtefchia thốt lên, vẻ chê trách.
- Làm gì có chuyện ấy ! Anh Valđy ghét cô Klara, nhưng cô ấy lại phải lòng anh ấy mới chết chứ ! Cô Klara là một gái già song cứ nghĩ mình cao giá. Hễ thấy anh Valđy đến là cô ấy lại chải tóc, đánh phấn, nhiều đến nỗi phấn rơi đầy váy áo. Anh Valđy cứ diễu cô ấy mãi. Một lần, đến lúc ăn trưa, cô ấy đánh phấn nhiều ơi là nhiều, rồi kể chuyện cùng em đi thăm quan cối xay bột chạy bằng tuabin. Hôm ấy, hình như đang bực chuyện gì, anh Valđy nói luôn không cần nghĩ :" Chuyện ấy cứ nhìn cô cũng thấy " - " Tại sao ? " - cô ấy hỏi - " Thì
cả người cô đang đầy bột đấy thôi " Lần ấy cô giáo giận anh ấy suốt cả tuần.
Xtefchia nhún vai, giúp Luxia thu xếp sách vở, thầm nghĩ đến số kiếp đáng buồn của người nữ gia sư - lại là một cô gái nhỡ thì quá lứa. Cô đã nghe biết bao chuyện về cô Klara, ai cũng thoả sức giễu cợt cô ấy. Biết đâu, một ngày kia họ cũng lại sẽ giễu cợt cô, dẫu cô chưa già.
Luxia vẫn khoan thai nói tiếp, mái tóc sáng lắc lư :
- Cô biết không, em muốn đến một lúc nào thử yêu xem sao ! Ắt là phải thích lắm. Nhưng biết yêu ai ? Ở Xuôđkôvxe chẳng có ai để mà chọn. Trừ ông Kxavery. Ha ! Ha ! Ông ấy có cái đầu hói bóng và gọi em là " bé của bác ". Em chẳng thích thế chút nào. Ở trang Ogiarôvô có bá tước Trextka, nhưng em chẳng thể yêu ông ấy nổi, mặt ông ấy thộn lắm. Vả lại ông ấy đang muốn ve vãn tiểu thư Rita kia. Ôi ! Hẳn em sẻ phải lòng anh Valđy đến điên mất, nhưng anh ấy lại là con bác em. Anh ấy điển trai lại lịch sự, nhưng hơi nghiêm, nhiều khi chỉ tỏ vẻ thôi !
- Kìa Luxia, em chớ nghĩ đến chuyện đó - Xtefchia chen ngang - Em còn quá trẻ. Rồi sẽ đến lúc. Càng muộn càng hay.
- Cô nói vậy, bởi chính cô gặp bao buồn phiền vì chuyện ấy đấy thôi. - Sao em biết ?
- Mẹ em bảo.
Xtefchia lắc đầu.
- Mẹ em nhiều khi chuyện gì cũng nói với em, đôi khi lại chẳng nói gì hết. Nhưng trong chuyện ấy có gì là xấu nào? Không phải bao giờ kết cục cũng đáng buồn như thế, mà thường người ta được đón nhận biết bao vui sướng.
- Thế ra em đã biết điều đó kia đấy ? - Xtefchia hỏi, cô chợt thấy thú
vị
- Đọc biết bao tiểu thuyết Pháp, em hiểu tình yêu nghĩa là gì, nhưng chưa bao giờ em thử yêu. Có lần em hỏi anh Valđy khi yêu anh ấy thấy thế nào - bởi anh ấy thì chắc có kinh nghiệm rồi. - Thế anh ấy bảo sao ?
Luxia phẩy tay
- Ôi, anh Valđy lúc nào cũng chỉ đùa. Anh ấy bảo em : " Yêu nhau giống y như làm bài tập số học ấy mà ! " - bởi anh ấy biết em ghét nhất môn tính. Cô cũng có thể nói cho em nghe nhưng chắc cô không nói. Em đành phải chờ thực tiễn cá nhân mang lại vậy.
- Có điều đừng bận tâm trong khi chờ đợi đấy. Tôi nhắc lại : hãy còn quá sớm !
Luxia như sực nhớ ra điều gì, và với vẻ mặt vui vẻ, cô gái thì thào : - Em biết rồi ! Em sẽ yêu, mà chẳng lâu nữa đâu, một hai tuần nữa là cùng. Anh Valđy bảo sẽ có một anh chàng tới đây thực tập. Anh ấy có mấy người thực tập tại Guenbôvitre, con nhà khá giả. Anh chàng sẽ đến đây hình như cũng xuất thân từ gia đình tốt, họ chẳng trả tiền mà anh ấy cũng không. Chàng ta sẽ ở trong toà biệt trang, nhưng sẽ ăn cùng chúng ta. Bá tước S. cũng muốn đến đây nhưng hình như ông ta là một gã rất điệu đàng kênh kiệu nên anh Valđy từ chối.
- Anh chàng này biết đâu lại chẳng hợp ý em ? - Xtefchia nói, đấu óc nghĩ chuyện khác.
- Phải rồi ! Nhưng nếu anh ta xinh trai, thì em sẽ yêu ! Đúng lúc ấy, một gã hầu phòng trẻ tuổi bước vào đình tạ trang trọng cất tiếng :
- Bà mời vào bàn.
Rồi không đợi lệnh, gã ôm sách vở, mang về lâu đài với vẻ hết sức
kính cẩn.
Mội người đã tề tựu đông đủ trong phòng ăn bài trí trang nhã, trần làm bằng gỗ hồng sắc. Phu nhân Elzônôvxka đang ngồi trên ghế đợi con gái.
Tay bà đang vò vò chiếc khăn ăn, vẻ mặt hơi cáu kỉnh. Môi bà mấp máy như nhăn, một bên lông mày chợt nhẫy lên, điều mà ở bà bao giờ cũng biểu thị sự không vừa ý. Ông Machây Mikhôrôvxki, một cụ già tám mươi tuổi, ngồi cạnh phu nhận. Người cụ gày gò và hơi còng, gây cho người ta ấn tượng dễ mến bởi nét mặt thông thái hơi tái,điểm hàng ria bạc và đôi mắt xám hiền từ. Vẻ mặt cụ nom từa tựa mặt hoàng đế Fhranchisk Juzef và gây cho mọi người một vẻ đáng tin kỳ lạ. Với nụ cười khoan hậu, cụ được lòng cảm mến của mọi người, dường như cụ muốn bảo : " Hãy kính trọng và yêu tôi ! "
Lúc này ngồi nghe cháu trai nói, cụ cân nhắc từng lời của anh. Cụ thấy nơi anh sự tái sinh của chính mình - tuổi trẻ.
Tựa vào lưng dựa rất cao của chiếc ghế, Valđemar đang cáu kỉnh, hàng lông mày chau lại, đang chứng minh điều gì đó, khiến phu nhân Elzôvovxka bực mình.
Người thứ tư bên bàn là ông Kxavery, một ông lão hưu trí hói trán, một người phàm ăn. Thấy đại công tử không ngồi ông đành đứng, vẻ mặt khổ sở. Câu chuyện giữa Valđemar và bà cô không khiến ông quan tâm, mắt ông như đang ngấu nghiến liễn xúp đặt trên chiếc bàn nhỏ cận kề đang toả lên mùi thơm của món xúp à la reine ( Nữ hoàng ). Ông lo ngại liếc mắt nhìn nam tước phu nhân rồi lại nhìn gã hầu bàn mặ áo frắc. Gã này cũng đang chờ lệnh bà chủ cho múc xúp ra đĩa. Rốt cuộc Xtefchia và Luxia cũng bước vào. Phu nhân Iđalia đưa mắt nhìn sang Valđemar, ra hiệu đã đến lúc chấm dứt trò chuyện. Nhưng tự đại công tử cũng đã im lặng. Anh nhanh
nhẹn bước đến chỗ các tiểu thư, hôn Luxia, cúi chào Xtefchia với vẻ lịch thiệp lão luyện. Trên môi anh chợt hiện ngay một nụ cười mai mỉa.
- Sau một bài thơ đẹp như rừng hoa, chúng ta lại gặp mặt nhau trong một bữa trưa thiếu thi vị nhường này. Điều đó không làm cô phiền lòng sao ? - anh hỏi.
Xtefchia đỏ mặt. Những lời nói của anh ta ngay tức khắc đã làm tắt lụi niềm vui của cô.
- Tôi không nghĩ về chuyện đó - cô lạnh lùng đáp.
- Đáng tiếc ! Tôi đang ngờ không rõ có được gặp cô không. Ở trong rừng, một gã ma sói may mắn nào đó rất có thể bắt cô đi, nuốt chửng cô hoặc mang về hang ổ bờ bụi của gã. Tôi rất hân hoan khi thấy cô thoát thân.
- Anh Valđy, thế ra sáng nay anh cùng cô Xtefchia vào rừng đó sao ? - Luxia hỏi
Phu nhân ELzonovxka nheo mắt lại nhìn Xtefchia, rồi với cái bĩu môi thích ứng bà lại cúi nhìn xuống đĩa.
Thấy vẻ khó chịu trên mặt Xtefchia, Valđemar đưa mắt nhìn liếc nhanh Luxia rồi trả lời hết sức thoải mái :
- Khi đi ngang qua rừng, anh thấy cô Xtefchia đi dạo. Xtefchia chợt cảm thấy biết ơn anh ta.
Một gia nhân mang liễn xúp đi quanh bàn múc ra đĩa. Mọi người im lặng dùng xúp. Nơi đây, những bữa trưa im lặng thế này thật hiếm hoi, nên chúng thường nặng nề như một đám mây giông chứa mưa đá.
Xtefchia nhận ra rằng đám mây ấy hôm nay cũng đang treo lơ lửng trên bàn ăn.
Ngồi yên không nói lời nào, phu nhân Iđalia nom như người đang
nuốt phải gậy. Vẻ cứng nhắc và lạnh nhạt toát ra từ mặt bà cũng khiến cả cụ Machây như bị lạnh giá theo. Cụ muốn làm mọi người vui lên, thỉnh thoảng lại thốt ra vài câu, nhưng chuyện trò không ăn nhập vào nhau. Sự phật ý của bà chủ nhà khiến mọi người cảm thấy nặng nề. Đến ông Kvaxery cũng lo ngại nhìn nam tước phu nhân, tuy không chịu để mất sự ngon miệng.
Riêng đại công tử vẫn xử sự thoải mái, tuy cũng im lặng. Anh uống tới hai ly rượu mạnh. Sau món xúp, hầu bàn phải thường xuyên rót thêm rượu vang Bồ Đào Nha vào ly anh, đâm ngạc nhiên vì thấy công tử hôm nay có vẻ khác thường. Sau món thịt, Valđemar lại uống rất nhiều rượu vang Burgunddi. Nhưng nỗi ngạc nhiên của người gia nhân càng tăng thêm khi người ta mang món măng tây ra. Thường ngày đại công tử không ưu món này, nhưng hôm nay anh bảo lấy thêm đến hai lần.
Phu nhân Elzônôvxka nhìn anh với vẻ mặt của một sinh linh cao cấp hơn, không chọn được món ăn nào vừa miệng. Bà xem hành động của anh là không lịch sự, không thể chấp nhận nổi trong giới quý tộc. Nỗi bực bội của bà chợt tìm được lối thoát, bà không thể kìm nổi nữa. Không ngước mắt lên, bà thốt lên bằng tiếng Pháp, giọng hơi rin rít, kéo dài ra :
- Tôi không hiểu sao lại có thể lấy thức ăn hai lần liền từ cùng một đĩa. Người ta chỉ lấy một lần, với số lượng đủ để thoả mãn sự ngon miệng của bản thân thôi.
Cụ Machây nhìn con gái với vẻ chê trách. Cụ không thể hiểu được sự cáu kỉnh, có thể đẩy người ta tới chỗ thiếu lịch sự. Nhưng Valđemar không hề thấy xấu hổ, ngược lại, chuyện ấy hình như còn khiến anh thú vị. Anh liếc nhìn bà cô ruột vẻ ác ý, ngó Xtefchia vẻ láu lỉnh, rồi mỉm cười gọi người hầu bàn :
- Này Jaxenty ! Đưa tôi xin thêm ít măng tây nữa đây ! Phu nhân Iđalia nghẹn lời. Lần này cụ Machây lại nhìn cháu trai trách móc. Xtefchia và Luxia cố nhịn cuời, chỉ những rung động của khoé môi Xtefchia biểu lộ rằng cảnh tượng này khiến cô thấy buồn cười. Song Valđemar cũng nhận ra điều đó. Công tử nói chuyện vui với ông Kxavery :
- Tôi xin mời ông sang Guenbôvitre suốt mùa hè, được chứ ạ ? Ông sẽ có tất cả những gì ông thích. Ngày nào cũng món xúp à la reine, măng tây - tôi mê món măng tây này vô cùng, ngày nào cũng sẽ đánh cờ, cũng có hoạ báo. Thậm chí, theo ý ông, tôi sẽ bố trí cả đèn màu mà ông thích. Sao, ông đồng ý chứ ?
Ông Kxavery rút từ chiếc túi sâu thẳm của chiếc áo xurđut ra một chiếc khăn mùi xoa to, kỹ càng lau sạch chiếc trán hói, rồi mới đáp : - Ngài thì cần gì đến tôi, thưa đại nhân ? Tôi cứ ở trang Xuôđkôvxe này thôi.
- Ở Xuôđkôvxe sẽ có người khác...trẻ hơn. Ông không biết cách giải trí cho các bà ! Ông không biết đấy thôi, đó là cả vấn đề năng lực đấy. Hai chúng ta, các món đồ của chủ nghĩa độc thân, hãy nương tựa vào nhau ở Guenbôvitre thôi. Còn ở đây cô tôi mong muốn có người vui vẻ hơn.
Phu nhân Iđalia nhún vai
- Làm ơn đừng để ý những ý thích nhất thời của cá nhân dính dáng đến tôi - bà nói chua ngoa.
Valđemar trân trọng cúi đầu.
- Cháu xin lĩnh ý, thưa cô thân mến.
Rồi anh nói với Xtefchia :
- Xin cô hãy phán quyết, xin cô hãy biểu quyết xem ông Kxavery nên ở lại Xuôđkôvxe hay tôi nên đưa ông ấy sang bên Guenbôvitre ?
- Ý kiến của tôi là thừa - Xtefchia hơi bực đáp.
Valđemar chĩa vào cô đôi mắt xám tinh anh, với vẻ quỷ quái anh lắc đầu, kêu lên với vẻ ta thán vờ vĩnh :
- Tuyệt vọng ! Tôi không có duyên với cô thật rồi ! Mỗi bước mỗi vấp ! Cô thật phũ phàng với tôi. Luxia ! Sao em không khuyên cô Xtefchia thương anh một chút ? Nhẽ ra em phải giúp anh mới phải chứ !
Cô bé liếc mẹ rồi cúi đầu. Hẳn cô định nói gì đó. nhưng vẻ nghiêm khắc của mẹ khiến em không dám. Lúc ấy, cụ Machây lên tiếng, muốn lái câu chuyện sang hướng khác :
- Anh sẽ ngủ lại đêm chứ, Valđy ?
- Lạy Chúa che chở ! Để làm gì ạ ? Cháu định dặn Klet mấy việc nữa rồi đi về.
Anh liếc nhìn Xtefchia rồi nói thêm :
- Trừ khi cô Xtefchia muốn cháu ở lại làm bạn đánh tenix thì không kể. Nếu thế, hôm nay cháu sẽ tạm quên trang Guenbôvitre và.... - Valđy, xin anh đừng đùa nữa - Cụ Machây ngắt lời, vẽ không hài lòng.
- Cháu đâu có đùa ! Tiểu thư Xtefchia có thể khiến cháu ở lại đây. Nào, xin được nghe... lời phán xét của cô !
Và anh cúi đầu mắt táo tợn ngó Xtefchia chăm chăm. - Xin được nghe lời phán xét - Anh nhắc lại.
Máu phản kháng trong người Xtefchia như sôi hết cả lên. Cô muốn ném ngay chiếc khăn ăn hoặc chiếc đĩa này vào mặt nhà quý tộc kia biết bao ! Cô ngước đôi mắt đầy giận dữ lên nhìn anh ta, đáp : - Tôi đã thưa với ông, tôi không hay chơi tennix và một lần nữa, tôi xin nhắc lại.
- Ôi ! Vậy tôi sẽ làm được thầy của cô. Xin cam đoan kết quả sẽ cực
kỳ tốt đẹp.
- Cảm ơn ân huệ của ông ! - Cô giận dữ thốt ra.
Nhưng Valđemar vẫn nói tiếp :
- Chuỗi cườm thật hợp với khuôn mặt cô biết chừng nào ! Nom chúng mới ngon lành sao, cứ như những trái anh đào chín mọng ấy. Giá như làm con chim sẻ, tôi sẽ rỉa từng trái một, không để cô xua đuổi đâu. Còn bây giờ thì đành chịu nuốt nước bọt thèm thôi.
Xtefchia tái mặt, cắn chặt môi, và sau khi ném cho Valđemar một ánh mắt lạnh lẽo giá băng, cô cúi mặt xuống.
Bữa ăn kết thúc. Nam tước phu nhân đứng dậy, chẳng nhìn ai, bước nhanh ra khỏi phòng.
Ở trang Xuôđkôvxe này, khi ăn xong người ta không cảm ơn nhau. Đã quen thể rồi. Thói quen đó khiến Xtefchia thấy áy náy, bao giờ cô cũng cúi mình chào chung mọi người.
Phu nhân Iđalia thường không đáp lễ cái chào đó, còn cụ Machây bao giờ cũng đưa tay cho Xtefchia, điều đó khiến cô đâm khó xử trong quan hệ với phu nhân Iđalia.
Để chọc tức bà, đồng thời cũng vì thích thú riêng, đại công tử cũng chìa tay cho Xtefchia, anh biết rằng chuyện đó sẽ làm cô thêm bực mình. Nhưng hôm nay, muốn tránh phải cảm ơn, Xtefchia đứng lên trước cả nam tước phu nhân, rồi sau khi lễ phép gập đầu với cụ Machây, cô bước về phía cửa.
Valđemar nhanh nhẹn đứng chắn đường cô, anh chìa tay cho cô và bảo :
- Cảm ơn cô đã cho phép được hân hạnh vis- à - vis. ( Tiếng Pháp: được đối diện với cô )
Xtefchia bước lui và không thèm đưa tay cho anh ta, cô bước ngang qua, thậm chí không nhìn mặt anh. Chàng đại quý tộc trẻ tuổi nhìn
Xtefchia kinh ngạc. Khi cô đã khuất sau cửa, anh liền giật giật hàng ria mép đẹp đẽ màu vàng sáng, không nói lời nào, bước sang phòng làm việc.
Ngồi xuống chiếc ghế bành đặt bên bàn giấy, anh rút trong túi ra hộp xì gà đắt tiền, lấy một điếu châm lửa với vẻ hết sức tập trung, trán nhăn lại. Đôi môi đầy đặn tươi màu, giàu vẻ nhục cảm hơi bĩu ra, bập bập từ điếu xì gà những làn khói xanh.
Công tử nhíu mày ngồi mãi, đôi mắt xám ánh lên vẻ tập trung suy tư. Lấp láy trong đó những ánh lửa dữ dội. Lát sau, công tử khẽ cử động, thọc cả hai tay vào túi, gác chân chữ ngũ, tựa người thoải mái ra ghế bành, rồi nói to thành tiếng mà không rút điếu xì gà ra khỏi miệng :
- Thế là vô tình chung cô ta quạng cho mình một đấm vào mõm. Rồi như thích thú với những lời vừa thốt ra, công tử lại thì thầm : " Một cô gái cực kỳ đây ! Nóng nẩy quá chừng !... "
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng
Chương 3
Vài giờ sau, đại công tử rời khỏi bàn làm việc, chìa tay cho viên quản gia nói rất lịch thiệp :
- Ta xong việc rồi nhỉ. Nếu có gì bất thường, ông cư điện thoại cho tôi nhé, lúc nào tôi cũng sẽ có mặt ở nhà.
Quản gia Klet khom lưng chào đầy kính cẩn, rồi với vẻ thành kính ông ta chạm khẽ vào tay Mikhôrôvxki, ngạc nhiên hỏi : - Chắc đại công tử lâu lâu mới lại ghé Xuôđkôvxe ?
-Ồ vâng ! Khoảng một tuần, có thể lâu hơn.
- Nếu vậy, xin phép phải làm phiền ngài một việc.
- Xin mời.
- Dạ thưa, tôi muốn hỏi : ngài định cấp bộ tứ mã nào riêng cho lâu đài này : bộ khoang, hạt dẻ hay bộ ngựa ô ?
- Sao ông lại hỏi chuyện đó ?
Bởi bộ ngựa ô toàn là những con vật ưa nhẹ. Phu nhân nam tước thường dùng để đi đến Sale, đến nhà ông bà bá tước Chvilexki. Những bốn dặm, mà đường lại xấu. Ngựa vốn quen với đường xá của ta, về được đến nhà gần kiệt sức. Nam tước phu nhân đi dữ lắm ạ. Tôi không thể trình bày với bà, nhưng tôi muốn ngài cắt riêng một bộ tứ mã cho việc đi lại, bởi như vậy không phải lo cho ngựa nữa.
Valđemar vừa nghe những lời vội vã của viên quản gia, vừa xếp đặt lại giấy tờ trên bàn làm việc. Chàng ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn
Klet, nhưng vẫn nói bình thản :
- Trong những chuyến đi chơi thăm như thế. chính xà ích chứ đâu phải ông chịu trách nhiệm về ngựa.
Klet bối rối.
- Vâng, đúng vậy. Dẫu sao tôi cũng chịu trách nhiệm về việc đã cắt chúng đi.
Mikhôrôvxki đưa tay gạt trán, nhấn mạnh :
- Này ông, đối với cô tôi, đi cỗ ngựa nào chẳng thế ? Có phải không ?
Klet càng bối rối hơn.
- Thưa không, bao giờ nam tước phu nhân cũng tự mình cắt ngựa, và thường rất khác nhau, khi thì bộ ngựa ô, khi thì bộ hạt dẻ. - Nếu vậy thì nên để nguyên như cũ.
Klet hiểu rằng ông đã không khéo léo khi động đến chuyện này, và bây giờ nên rút lui. Ông đưa mắt nhìn đại công tử : hàng lông mày chau lại trên trán và đôi môi bĩu ra khiến ông thấy khó chịu. Ông không nhìn thấy mắt công tử vì mắt chàng đang cúi nhìn xuống đám giấy tờ, nhưng đoán được rằng ánh mắt không phải là khuyến khích. Bao giờ, ông klet cũng ngạc nhiên trước sự lịch thiệp của vị đại quý tộc này đối với người dưới quyền. Nhưng ông hiểu rằng cái nhíu mày, nét bĩu môi đặc thù và toàn bộ vẻ cẩu thả kiểu ông lớn toát ra từ chàng không phải là triệu chứng của sự vui vẻ. Ông bèn cúi chào thốt lên :
- Xin lỗi ngài là đã cả gan đề cập việc đó.
- Ồ, kìa ông ! - Mikhôrôvxki đáp lại bằng một giọng đặc biệt, vừa vẻ tha thứ lại vừa có vẻ bực mình về lời xin lỗi ấy. Chàng thốt ra mấy lời ấy lại vừa đại lượng cũng vừa chê trách. Vừa nói chàng vừa ngẩng đầu nhìn nhanh như chớp mặt Klet. Viên quản gia mong sao
mình đừng có mặt trong phòng làm việc của chàng lúc này. - Xin kính chào ngài. - ông ta vừa nói vừa cúi chào lần nữa. - Tạm biệt ! - Đại công tử thốt ra gọn lỏn, gật đầu.
Hàng lông mày của chàng nẩy lên, nóng nẩy. Klet bước ra. Công tử thở phào.
- Bao giờ cũng kêu ca về bà cô ta. - chàng cáu kỉnh lẩm bẩm - Và bao giờ cũng chính là Klet. A, nhưng hôm nay chắc hẳn y đã hiểu ra. Mình không thích dạy những bài học thế này.
Chàng đi đi lại lại trong phòng, lắc đầu.
- Nhưng chính gã lại thích ! - chàng nói gần như thành tiếng. Người chánh bộc Jaxenty xuất hiện.
- Lão quan nhân cho mời đại công tử đến gặp người. - Được. Bảo thắng ngựa.
Cụ Machây đang đọc sách trong phòng làm việc riêng, người chìm sâu trong chiếc ghế bành kiểu cổ. Trông thấy cháu trai bước vào, cụ đặt sách lên bàn.
- Ông xin lỗi đã cho mời cháu. Ông muốn nói chuyện với cháu, Hay cháu đang bận ?
Valđemar mỉm cười.
- Dầu bận cũng không sao kia mà. Thưa ông, ông không nghĩ là ông có quyền hơn sao ?
Cụ già chìa tay cho chàng.
- Cháu thật tốt, tốt quá. Vì thế ông càng xót xa khi phải rầy la. Ngồi xuống đây, thằng bé khó bảo của ông.
Cụ trỏ cho chàng chiếc ghế đối diện.
Valđemar không ngồi. Chàng ngó qua cửa sổ ra vườn, nơi những con hoạ mi đang hót. Chàng hỏi, giọng pha chút đùa cợt : - Thật ư ông ? Cháu phạm lỗi gì vậy ?
- Cháu của ông, cháu đừng nên làm cô Iđalia phật ý như thế. - Ồ, vậy ra cô đã kịp tác động đến ông. Xin chúc mừng ! - Làm gì có chuyện đó, Valđy ! Có điều cháu thấy đấy, ông không thích chuyện căng thẳng nóng giận, mà cô ấy thì lại rất hay nóng. Nếu cháu khiêu khích cô ấy, chúng ta sẽ có những bữa ăn không vui vẻ gì như hôm nay.
- Vâng, được rồi. Nhưng nói cho cùng thì ý kiến của ông thế nào ạ ? - Valđemar hăng hái hỏi lại.
- Ông cương quyết đứng về phía cháu. Cái tay bá tước S. ấy là một gã tâm thần. Iđalia thì lại nghĩ khác. Cô cháu nói bao giờ chúng ta cũng phải giữ giới mình, nên giúp đỡ cưu mang lẫn nhau chứ không nên đi tìm các vị thần ngoại đạo. Cô ấy cũng có phần phải, nhưng trong trường hợp này....
Valđemar phá lên cười mỉa mai.
- Thật là một lý thuyết tuyệt vời ! Lòng vị tha của cô ấy khiến cháu mủi lòng ! Nhưng đó là thứ chủ nghĩa vị tha giả dối ! Cái lão bá tước ấy đã chinh phục được cô Iđalia, cứ như thể chính cô ấy cũng là tân quý tộc. Ngài bá tước S. lại là nhân viên thực tập ở Xuôđkôvxe - điều ấy đã làm cô ấy thích thú. Còn cháu là một kẻ ích kỷ cùng cực, cháu không thể nhận một con rối ẻo lả như thế làm người thực tập, phần nào đó là người giúp việc cho cháu được ! Cháu không tìm giới, mà tìm sự năng nổ, nghị lực - điều mà gã kia không biết mô tê gì hết. Chuyện một trong các nhân viên thực tập ở trang Guenbôvitre là bá tước không hề có nghĩa là cháu phải tìm một gã bá tước thứ hai, bất kể gã ấy là người thế nào. Bá tước kia ở Guenbôvitre cũng làm lụng như mọi người, trong khi bá tước S. chẳng thể làm gì hết. Có thể cô nghĩ rằng nhân viên thực tập ở đây đóng vai một cậu chủ đi tắm biển, sẽ suốt ngày chơi quần vợt, chơi
bi - da và ông ổng đọc các tiểu thuyết Pháp. Hẳn rồi, những việc ấy thì bá tước S. có thừa khả năng, nhưng cháu lại đòi hỏi nhân viên thực tập loại khác. Và cháu nhất thiết phải tìm được đúng loại đó. Vả lại, cháu cũng đã có người rồi, cháu đâu thể huỷ bỏ hợp đồng vì... bệnh dị ứng của cô ấy.
Chàng nói nhanh, vừa vung tay làm điệu bộ vừa đi đi lại lại trong phòng, rồi dừng lại bên cửa sổ.
- Ông có biết cháu đã phải thực tập như thế nào ở gia đình công tước Uôzinxki sau khi tốt nghiệp trường đại học Halle không ? - chàng đột nhiên hỏi. - Nếu bá tước S. cũng có thể đủ khả năng thực tập như thế, thì xin mời ông ta tới đây để làm thoả mãn lòng tự ái của cô.
Cụ Machây xua tay.
- Thôi đi, ông hiểu quá rõ gã thộn đó. Một con búp bê sực nức nước hoa, ngoài hai mươi tuổi mà đã hói một mảng tướng. Riêng chuyện trang điểm cũng đã chiếm mất của gã tới nửa ngày. Gã ấy là vật cản chứ đâu phải giúp việc cho cháu.
Ấy, cháu cũng định chẳng quanh co vòng vèo gì đâu. Thưa ngài, nếu ngài không dậy sớm đúng năm giờ, thì xin ngài cứ việc tới Montê Carlô chơi trò đen đỏ. Cháu muốn những người thực tập ở chỗ cháu có thể tận dụng được thời gian nhiều nhất. Tại trang Guenbôvitre và Xuôđkôvxe họ có đầy đủ điều kiện để hoạt động. Song cháu không hề có ý định nhận ngay một thằng cha vớ va vớ vẩn nào đó vào làm. Gã S. chưa hề tốt nghiệp một trường nông nghiệp nào cả. Chả lẽ gã muốn cháu phải giảng nông học cho ga từ A đến Z, mà chỉ được giảng những khi gã có hứng hay đã chán đánh quần vợt sao ? Cháu đâu phải là một nhà từ thiện như thế trong giới chúng ta ! Xin cô Iđalia cứ việc mở tại đây một trường đào
tạo dành riêng cho bọn Philixtanh, bọn chạy mánh, bọn ăn chơi, bọn chuyên đánh quần vợt, khi ấy cháu sẽ phái một cỗ xe lót đệm êm như ru đến đón chào ngài bá tước, để cho ngài khỏi bị vỡ dọc đường như một lọ nước hoa.
Cụ Machây bật cười.
- Chỉ còn thiếu nước anh nói câu đó với Iđalia.
- Cháu sẽ nói ! Nếu cô ấy bắt đầu cao giọng giảng cho cháu nghe tình yêu đối với giới hói đầu, cháu sẽ nói ! May mà cháu sống bên Guenbôvitre, cháu có thể bớt lui tới đây, nếu cháu làm cô Iđalia bực mình đến thế.
- Kìa cháu, đừng nghĩ thế ! Mà cháu biết không ? Cái anh chàng thực tập có thể cứ ở bên Guenbôvitre, thế là yên chuyện. Cháu nghĩ sao ?
- Nhưng bên Guenbôvitre cháu đã có tới ba người thực tập rồi, trong khi ở đây chưa có một ai. Vả lại, từ Guenbôvitre tới Xuôđkôvxe cùng lắm là hai dặm, không lẽ để gã đi ăn cơm và ngủ ? Vớ vẩn ! Không thể thế được !
- Vậy hay ta để gã ăn ở chỗ Klet chăng ?
Valđemar ngồi xuống, cúi người sang cụ Machây, cầm tay cụ, nói trang nghiêm :
- Ông ơi, xin ông hãy nói thật xem nào : ông muốn cái gã thực tập ấy đến đây với nhà ta là do tự ý ông hay do ảnh hưởng của cô ? Nếu chính ông muốn thế, nếu chuyện đó làm ông cảm thấy phiền lòng, xin ông cứ nói thẳng. Cháu sẽ rút lui hợp đồng với người ấy, thế là xong. Cháu không muốn làm ông phiền lòng chút nào, ông ạ.
Cụ Machây ôm đứa cháu, hôn chàng âu yếm rồi bảo : - Cháu thật là một đứa trẻ đáng yêu, Valđy ạ. Cảm ơn cháu đã chăm lo đến ông. Ông cũng xin nói thật : người ấy không hề làm ông thấy
khó chịu, ngược lại là khác, ông thích có thanh niên bạn bầu. Vả lại, ông tin rằng cháu không nhận những kẻ vô giáo dục, bởi ý thích riêng và cái gu rất tốt của cháu không cho phép cháu làm điều đó. Ông không có gì phản đối chuyện ấy, thậm chí ông cùng một ý với cháu nữa. Chúng ta cần phải văn minh hoá, phải đưa nòi giống tốt vào những giới ít nòi hơn, phải nâng cao văn hoá. Và một khi chúng ta có thiên chức và đủ năng lực để làm việc đó, chúng ta không thể né tránh, chúng ta có nghĩa vụ phải hướng dẫn xã hội. Bá tước S. sẽ không tận dụng đuợc những điều kiện của gia đình ta, còn người sinh viên thực tập kia có thể thu được nhiều nhân tố có giá trị nếu được sống trong gia đình ta, những nhân tố ấy sau này có thể có ích cho anh ta, có thể làm cuộc đời anh ta thêm đẹp, và vì thế anh ta sẽ hàm ơn chúng ta.
Valđemar biết rõ rằng, mặc dù rất tỉnh táo và mâu thuẫn, nhưng ông chàng là một người sùng tín đến mức mê cuồng giới quý tộc của cụ. Cụ hình dung rằng giới quý tộc là chiếc đũa nhạc trưởng trong tay Chúa, hướng dẫn những người thuộc tầng lớp dưới, chỉ đạo dàn hợp xướng của nhận thức con người, ra cho họ những lệnh thích hợp, bắt người ta phải trông vào mình, buộc họ phải làm theo những cử động của mình.
Cụ Machây tuy vậy vẫn không thể tha thứ cho một nhược điểm của chiếc đũa nhạc trưởng giả tưởng kia, đó là lòng ham muốn những sắc màu xa lạ, khiến nó trở nên một thứ loè loẹt trăm màu dùng trong hội hoá trang, che mất cái nền bản ngã.
Nghe cụ Machây nói rằng khi giao tiếp với giới của họ, người thuộc cái giới khác có thể có lợi nhiều bề, Valđemar vui vẻ thốt lên : - Ồ vâng, có lợi chứ, anh ta sẽ biết ơn chúng ta nhiều. Thu thập các yếu tố li ti mà làm gì ? Anh ta có thể đón nhận luôn những cơn thần
kinh và nhăn nhó của cô, cùng các điệu bộ lịch lãm trang nhã của cô là đủ. Anh ta sẽ học dùng xen tiếng ngoại quốc trong lời ăn tiếng nói, xem nước ngoài là chuẩn mực, anh ta sẽ hiểu ra rằng nếu tự trọng, mỗi người phải biết xem việc phát âm rõ chữ " r " là một di chứng mông muội trong bảng chữ cái và rốt cuộc chúng ta sẽ thuyết phục được anh ta tin rằng để đánh mất danh dự và lòng tôn trọng không cần chỉ phải làm chuyện đồi phong bại tục mà chỉ cần... lấy thức ăn hai lần từ cùng một đĩa là đủ ! Thật là những thành tựu tuyệt vời của văn minh hoá, in sunmo gradu (Latinh : Đến mức cao nhất ) !
Bị lây bởi giọng đùa cợt của cháu, cụ Machây cũng bật cười. Tất cả những điểm bị Valđemar đem ra diễu cợt đều khiến cụ không tán đồng với con gái cụ. Cụ chỉ đồng ý với con duy nhất ở lòng tôn trọng đến mê đắm đối với giới quý tộc, nhưng ngay cả điều này cụ cũng hiểu khác cô con gái.
- Cháu của ông - cụ cười nói - cháu chỉ nói đến cô Iđalia thôi, chứ ngay cả ông nữa, ông biết văn minh hoá kiều gì được? - Ồ, ông lại buộc cháu phải ca ngợi rồi. Giá tất cả chúng ta đều được giống ông và bà Pođhorexha thì hẳn cháu sẽ nghĩ khác hẳn về giới chúng ta. Khi ấy rất có thể cháu sẽ trở thành một vị tư tế dâng lễ vật hiến lên bàn thờ của giới ta. Cháu sẽ hát những bản tụng ca về danh dự chúng ta, cháu sẽ là kẻ đi đầu tung hô những khẩu hiệu đáng kính, những nguyên tắc siêu nhân đạo, thứ đạo đức tuyệt hảo của chúng ta. Nhưng bởi lẽ ở những người khác cháu không hề nhận thấy những điều đó, vì thế cháu không thể hát cùng cô Iđalia những bản tụng ca ca ngợi ấy được.
Vầng trán cao vọi của người đại quý tộc già chau lại, cụ cúi đầu, thở dài nặng nề. Lời đứa cháu trai đã làm dậy lên trong lòng cụ một tiếng thì thầm không yên. Có gì đó trong lương tâm lại khẽ lên tiếng,
một tế bào ký ức nhỏ nhoi nào đó dường như đã rêu phong lại chợt rung lên gây ra nỗi đau. Có thể lý giải cho giây phút đáng buồn kia của cuộc đời bằng tuổi trẻ - nhưng cụ Machây không thuộc những kẻ thường tìm kiếm nguyên nhân xoa dịu đi các lầm lỗi của bản thân, dùng chúng làm vật che chắn để có thể sống yên bình.
Cụ trầm tư, im lặng ngồi đó, khiến Valđemar phải để ý. Đại công tử đứng bên, nhìn vào mắt ông, mỉm cười hỏi : - Ông nghĩ chuyện gì vậy ? Cho cháu biết được không ? Tiếng chim họa mi kia quả cũng khiến người ta dễ mơ màng, cháu tuy không phải là người đa cảm nhưng cũng vẫn lắng nghe tiếng chim hót ấy và thấy dễ chịu trong lòng. Giá không nghĩ đến chuyện phải ăn tối với bà cô, cháu sẽ ở lại đêm, nhưng cứ nghĩ đến việc đó là cháu mất cả vui thú, mất cả ngon miệng.
- Ở lại đi cháu ! Iđalia thì có làm sao ! Cô cháu chúng mày rồi sẽ hoà thuận thôi.
- Không, cháu phải đi thôi ông ạ. Hôm nay, ai cũng hành hạ cháu, ngay cả cái con chim sẻ lanh, cô công chúa mặc giả mục đồng kia nữa chứ.
- Sẻ lanh nào ? Mục đồng nào ?
- À, cô... tiểu thư Xtefchia...
Cụ Machây giật mình.
- Xtefchia ? Cháu nói gì thế, Valđemar
Đại công tử nhìn cụ ngạc nhiên
- Cháu muốn nói tới cô Xtefchia Ruđexka. Ông chẳng gọi cô ấy như vậy là gì ?
- À, con bé !... Phải, ông hay gọi nó thế, bởi thế hay hơn. Nhưng con bé có phiền gì đến cháu đâu ? Chính cháu trêu chọc nó thì có, hôm nay cũng thế.
Valđemar cười to.
- Ôi,! Cháu làm sao mà trêu chọc cô ấy được, đó là một ả mỏ nhọn ! - Cháu làm thế là quấy đấy, Valđy ạ ! Sao cháu cứ khiêu khích con bé. Đó là một đứa trẻ rất tốt bụng và đáng yêu. Là con nhà có gia tư mà chắc cháu cũng đã biết trong hoàn cảnh nào con bé phải đi làm giáo viên. Nó làm việc rất cẩn mẫn, dẫu đó không phải là nghề nghiệp của nó. Phải biết trọng điều đó. Sao cháu lại làm nó phiền lòng ?
- Chứ sao nữa hở ông ? - bởi một lẽ đặc điểm nữa của giới chúng ta là thế : coi những người thuộc giới khác lạc vào giới ta là đò chơi, lấy họ làm đối tượng đùa cợt, để mài dũa miệng lưỡi chính mình. Cụ Machây nhìn cháu lo ngại.
- Ông e là cháu không nói chuyện nghiêm túc.
- Ngược lại, cháu nói hoàn toàn nghiêm túc đấy, thưa ông. Đó là một trong những viên ngọc quý trong kho báu chứa các vật gia bảo của giới chúng ta.
- Valđy, hôm nay cháu làm sao thế ?
- Hôm nay cháu nói thật khác thường.
- Không, cháu đang bực mình, vì vậy, thiếu công bằng ngay cả đối với chính bản thân. Cháu không đủ khả năng để chơi đùa như cháu vừa mới nói.
- Cũng có thể lắm. Vả lại, cháu thế nào cũng được.
- Thế tại sao cháu lại hành động như vậy ?
Valđemar giơ tay lên.
- Vì truyền thống, thưa ông.
- Ê ! Lúc nào cũng giễu cợt !
- Vậy cháu xin nói thật, cháu không thể chịu nổi cô ta ! - Ai ? Tiểu thư Xtefchia ư ?
- Vâng ! Chính cô ta !
- Sao ? Đó là một cô gái xinh đẹp, tốt bụng, thông minh. Valđemar nhún vai.
- Hình như là vì chính những lý do đó mà cô ta không ưa cháu. Cháu đâu biết tại sao ? Thôi, nói chuyện đó thế thôi, ông ạ. Cháu phải đi đây, ngựa đã dắt ra từ lâu rồi. Tối cháu sẽ ở lại Guenbôvitre. Tuần sau cháu sẽ cùng nhân viên thực tập đến, trong sự hài lòng của cô cháu.
- Sao thế ? Chẳng nhẽ cháu sẽ không ghé lại đây ư ? - Chắc vậy ? Cháu bận lắm.
Cụ Machây thân thiết ôm chặt đứa cháu trai
- Sao cháu lại đi một mình ? Sao chẳng bao giờ chịu mang giám mã theo ?
- Cháu không muốn kéo theo một thằng đần.
- Hay mang theo một đứa trông ngựa.
- Kìa, ông. Cháu đâu phải con trẻ mà sợ đi đêm.
Chàng ôm ông, ưỡn thẳng dáng người trai trẻ, cười to. - Cháu đi tạm biệt cô đây. không hiểu cô ấy có quẳng cháu xuống thềm không ?
- Thôi đi nào, Iđalia ngủ rồi. Để ông tạm biệt hộ cho. - Thế càng hay. Tạm biệt ông !
Valđemar bước ra khỏi phòng. Nhìn ra, cụ Machây thấy chàng nhẩy lên ngựa, phi nước kiệu, theo sau là con Panđur mà chàng rất yêu, con chó nòi, to lớn, xin đẹp. Đến cổng, Valđemar gặp Xtefchia và Luxia vừa đi dạo về. Luxia nói gì đó, còn Xtefchia chỉ khẽ gật đầu đáp lại cái chào của chàng rồi bước vào sân, chẳng thèm nhìn chàng. Chẳng mấy chốc Luxia cũng đuối kịp cô. Đứng ở cổng, Valđemar chằm chằm nhìn theo Xtefchia cho đến khi cô đi khuất.
Rồi chàng quất roi vào mông ngựa, huýt sáo gọi chó, phóng đi như một cơn lốc.
Cụ Machây mỉm cười.
- " Nó bảo không chịu nổi con bé, vậy mà vẫn chú ý tới Xtefchia " - cụ thì thầm tự nhủ một mình.
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng
Chương 4
Ở trang Xuôđkôvxe, cuộc sống của Xtefchia bình lặng trôi đi. Giảng bài, trò chuyện với Luxia, âm nhạc, dạo chơi và đọc sách - những việc ấy chiếm hết thì giờ hàng ngày.
Thông thường, Xtefchia chỉ giáp mặt phu nhân Iđalia bên bàn ăn, những giờ khác trong ngày có thể bắt gặp bà trong phòng giấy. Ngả mình thoải mái trên tràng kỷ hoặc ghế xích đu, bà đọc và đọc suốt ngày. Trên bàn, trên giá, trên ghế chồng chất đầy những tác phẩm của Jắc Rutxô, Zôla, Đuyma, Buôcgiế, thậm chí cả Volte bên cạnh tác phẩm của Rôsơfucô và Satôbriăng. Đa số là sách Pháp, đôi khi có cả Đickenx, Oantơ Xcốt hoặc thấp thoáng bóng dáng tác phẩm Sêcxpia. Các tác phẩm của Đức rất hiếm gặp, còn của Ba Lan thì không hề có quyển nào. Phu nhân Elzônôvxka hoàn toàn có thể sống một mình. Bà giao việc coi sóc con gái cho Xtefchia, ít khi trò chuyện với con. Chỉ khi nào thật sự vui vẻ, phu nhân Iđalia mới tới thăm cha, chơi với ông vài ván cờ. Những khi ấy thậm chí bà cũng có thể chấp nhận sự hiện diện của ông Kxavary.
Cũng có những ngày, dưới tác động của những ấn tượng thu được từ văn học, phu nhân trở nên rất tình cảm với con gái, cha già, thậm chí với cả Xtefchia. Bà mỉm cười ngọt ngào hỏi cô xem cô có bị thiếu thốn gì chăng, và sau mỗi lần như thế, phu nhân hoàn toàn tin tưởng ở thiên thần trong tính cách của mình. Bà hay đi Sale, đến thăm cô em chồng là bá tước phu nhân Chvilexka, hoặc đến Obrôny
thăm công tước phu nhân Pođhorexka, bà ngoại của Valđemar. Trang Xuôđkôvxe không còn vị láng giềng nào khác mà phu nhân Iđalia có thể giao du, không trái với những nguyên tắc của bà. Một vài nhà dân thường thỉnh thoảng cũng tới thăm trang Xuôđkôvxe, coi việc đó như nghĩa vụ, mà cái chính cũng là thoả mãn lòng tự hào của họ. Cụ Machây chân thành đón tiếp họ, phu nhân Iđalia cũng tỏ ra lịch sự, nhưng chỉ mỗi mình Valđemar đến thăm đáp lễ họ mà thôi. Cụ Machây vì lý do tuổi tác, phu nhân Iđalia thì biện hộ bằng câu cách ngôn muôn thuở : pas pour moi ( không phải dành cho tôi ) mà mọi người đều hiểu hay cố ý hiểu rằng phu nhân thường hay bị đau thần kinh.
Trên đường đi Sale hoặc tới Obrôny, đôi khi bà cũng ghé thăm những người láng giềng ngoài diện giao tiếp, nhưng không bao giờ bà quên nhấn mạnh rằng đó chỉ là ghé qua - điều mà theo ngôn ngữ của bà là : par politesse ( vì lịch thiệp, lịch sự ).
Phu nhân có những nguyên nhân bất di bất dịch của riêng bà. Trang Xuôđkôvxe thường có nhiều khách khứa không thuộc diện được bà ưu ái, người thì đến thăm cụ Machây, kẻ thì vì vô công rỗi nghề, người khác đến vì hy vọng được gặp đại công tử.
Chàng đại quý tộc triệu phú trẻ này được cả vùng để mắt đến. Chàng là một trong những đám đáng mơ tưởng nhất trong cả nước mà đối với nhiều kẻ là quá cao xa. Chính vì lý do của mối tình sinh động dành cho cụ Machây cũng là nguyên nhân gây những cơn nóng giận và chứng đau nửa đầu khiến phu nhân Iđalia không thích tham dự đời sống thù tiếp.
Mặc dù bận việc, Xtefchia vẫn rất đỗi nhớ nhà. Những bức thư không còn đủ làm cô thoả mãn, cô thấy buồn.
Cùng với Luxia, cô thường vào thăm cụ Machây ở phòng làm việc
của cụ. Cụ già là người có thể khiến cô vui lên một cách lạ lùng. Nụ cười của cụ mới đáng yêu làm sao.Trò chuyện với cụ, cô ngỡ như cụ hoàn toàn không phải là một đại quý tộc cùng giới với chủ nhân Iđalia. Ngay cả cách bài trí trong phòng cụ cũng khác cách bài trí chung của dinh thự.
Mọi thứ nơi đây đều kiểu cổ, nhưng sao vui tươi và không mang vẻ cứng nhắc hàm chứa trong những phòng khách sang trọng mang đầy kiểu cách.
Cụ Machây rất hay ngồi trong nhà hóng mát ngoài vườn, nghe Xtefchia đọc. Cụ thích nghe tiếng đàn của cô. vào những giờ tối, cô thường đàn cho cụ nghe nhạc Sôphanh và những khác aria mà cô yêu thích trong các vở Opêra. Xtefchia hợp với cụ, càng ngày càng gắn bó với cụ hơn. Nhưng những khi Valđemar lâu không đến, cụ Machây lại buồn. Cụ nhớ đứa cháu trai, bởi tính tình vui vẻ của chàng, dáng vẻ thanh xuân tràn đầy nhựa sống của chàng khiến cụ như trẻ lại. Cụ vui mừng khi nhìn thấy đưa cháu đích tôn duy nhất của dòng họ mình, tính theo ngành Guenbôvitre.
Sau một tuần không thấy đứa cháu yêu đến, cụ Machây bắt đầu thấy buồn bã. Đánh cờ, đọc sách, thậm chí âm nhạc của Xtefchia, cũng không còn khiến cụ khuây khoả nữa. Cụ lơ đãng nghe bản nốctuyếc của Sôpanh, ngồi không yên trên ghế, chốc chốc lại bảo Luxia ra cửa sổ xem Valđemar đã đến chưa. Nghe cô bảo chưa, cụ lẩm bẩm :
- Sao thế nhỉ ? Có nghĩ là thế nào ?....
Khi Xtefchia chơi xong bản nhạc, cụ cảm ơn cô rồi đi về phòng riêng.
- Hôm nay ông buồn quá. - Luxia thốt lên - cô biết tại sao không ? Vì anh Valđy chậm đến đấy. Ông yêu anh ấy ghê lắm.
- Mong sao ông ấy đến cho rồi - Xtefchia đáp.
Luxia đến chỗ mẹ, Xtefchia về phòng mình. Cô đứng trong khung cửa sổ mở rộng, khoan khoái đưa mắt đón nhìn những tia nắng mặt trời đan những sợi vàng ánh vào làn nước phun trào của đài phun nước. Những cơn sóng nước rơi xuống bể chứa bằng đá thành những tiếng rì rào, một đám mây màu hồng chen vàng ánh toé những giọt nước li ti lên những đoá hoa mọc gần đấy. Cô ngỡ như hoa đang vươn cao những mái đầu khao khát lên đón nước, những mái đầu ngàn sắc, ngát hương. Mặt trời lăn vành đĩa đỏ sang phía trời tây, rắc xuống trái đất những giọt bụi rực rỡ. Được ôm ấp trong làn hơi thở ấm áp ấy, những hàng cây nẩy lộc đâm chồi thật thích mắt và những thảm cỏ mịn mượt trông thật tuyệt vời..
Không gian tràn ngập ánh sáng, sự uể oải của buổi hoàng hôn đang buông và vẻ nặng nề ngái ngủ. Sự bình yên toát ra từ thiên nhiên trong trận lụt chan hoà của ánh sáng nóng ấm không chút hơi gió. Đột nhiên, một thứ tiếng khác bỗng chen vào cái yên lặng mênh mông chỉ bị khuấy động bởi tiếng chim hót và thì thầm của đài phun nước kia. Đầu tiên là tiếng bánh xe lăn lộc cộc, tiếng vó câu của nhiều chân ngựa, tiếp sau đó vang lên những giọng nói vui vẻ và từ sau những lùm cây rậm rạp mấy cỗ xe ngựa đi vào con đường trải sỏi dẫn tới toà dinh thự. Những chiếc xe đi trước thắng bốn ngựa trông trang trọng, những xe song mã đi sau người ngồi đầy lên thành nom vui nhộn hơn. Giọng nói tiếng cười vọng ra chủ yếu từ chiếc xe mui trần bốn bánh. Trên chiếc xe đó những chiếc mũ vải và áo váy của các tiểu thư chen lẫn quần áo màu sẫm của đàn ông.
Lùi sâu vào phòng mình, Xtefchia tò mò nhìn ra.
Những chiếc xe dừng bánh trước nhà cầu, chiếc xe bốn bánh không mui và mấy chiếc xe nhẹ đỗ thành hàng, mọi người nối nhau xuống
xe ngay đối diện với cửa sổ của Xtefchia. Đúng lúc ấy họ đều ngó về phía lối vào lâu đài. Các tiểu thư vẫy vẫy ô kêu lên : - Chậm rồi ! Chậm rồi ! Chúng tôi thắng ông rồi nhé ! Một cỗ tứ mã thắng những con ngựa ô đen bóng do chính tay đại công tử điều khiển đang phóng nước kiệu trên con đường trắng xoá nổi bật giữa những thảm cỏ xanh. Chàng ngồi trên chiếc ghế đánh xe của chiếc xe nhỏ xinh như đồ chơi, huơ mũ trên đầu vẫy lại họ. Người xà ích mặc bộ đồng phục đen pha đỏ ngồi bên ghế ghép. Valđemar dừng ngựa lại bên cỗ xe không mui, mềm mại nhưng vẫn khiến chúng dừng lại ngay tại chỗ.
- Các vị vượt tôi thật đấy - chàng ném dây cương cho xa ích, kêu lên - nhưng xin nhớ rằng tôi vừa đi bốn dặm chứ không ít. Cũng khá đấy chứ ! Hơn nữa Brunôn đi chậm như rùa, tôi phải gạt hắn ra khỏi ghế xà ích thì mới bắt đầu đuổi kịp các vị. Các vị phải thừa nhận thế !
- Ngựa của ông thở nóng cả lưng tôi - một tiểu thư trẻ tuổi, vẻ mặt táo tợn và đôi mắt vui tươi, phục trang lịch sự, thốt lên - Tôi thử vuốt ve chúng, nhưng chỉ tổ bẩn cả găng tay. Ồ, xin ông nhìn xem này ! Cô ta chìa tay cho Valđemar xem một bàn tay đi chiếc găng trắng. - Xin lỗi, đó đâu phải là vết bẩn, mồ hôi ngựa đấy thôi. Ngựa của tôi bao giờ cũng sạch bóng - Valđemar đáp.
- Ông yêu ngựa lắm nhỉ ?
- Vâng, đó là tình yêu duy nhất của tôi.
- Mà không được đền đáp - tiểu thư trẻ mỉm một nụ cười duyên dáng nói thêm
- Voyons, monsieur, vous de la chance ! ( ông quả là may mắn ) - một người khác trong đám các cô các bà kêu lên.
Valđemar cúi chào vẻ đùa nghịch.
- Tôi rất dễ mủi lòng, thưa quý bà. Chỉ có điều, không hiểu sao ta lại
đứng đây nhỉ. Hội đồng nguyên lão đã ôm hôn cô tôi từ lâu rồi. Ta cũng vào thôi.
Cả đám khuất vào sau những cánh cửa rộng lớn cảu hàng hiên chính. Valđemar đi sau cùng, cố ý bước chậm. Khi đi ngang qua cửa sổ phòng Xtefchia chàng càng chậm bước và nấp sau những cây gia phóng ra ánh mắt tò mò, nhanh như chớp.
Nghĩ là mọi người đã đi hết, Xtefchia cũng nhìn ra, thế là mắt họ va nhau.
Cô nhận ra vẻ tò mò của đại công tử. Trông thấy cô, chàng liền nghiêm mặt, bỏ mũ và bước tiếp.
Xtefchia quyết định không xuất hiện. Không ai biết mặt cô, chí ít cô cũng tránh được những lời đùa cợt của Valđemar, có thể những lời chỉ trích của phu nhân Iđalia, bởi hôm nay bà không được vui. Thích thú với ý mình, Xtefchia bắt đầu ngâm nga khe khẽ. Từ trên gác vọng xuống tiếng ồn ào đã lặng dịu bớt của những giọng nói đàn ông đàn bà. Thỉnh thoảng vang lên những tiếng đàn dương cầm ngắn ngủn, đứt đoạn, như thể có ai bước qua cạnh đàn nhấn chơi vài hoà âm. Đôi khi cất lên một giọng nói chủ đạo, rồi sau đó là những nhịp cười rộn rã. Hẳn trên đó người ta vui lắm. Một giờ sau, Luxia thở hổn hển lao vào phòng Xtefchia, mặt đỏ ửng, nói sôi nổi khác thường :
- Cô biết không ? Mười sáu người đến, kể cả anh Valđy. Có cô Chvilexka cùng con gái Mikhala, anh Pôn không có nhà, cả công tước phu nhân Pođhorexka, bà ngoại của anh Valđy và vợ chồng công tước Pođhorexka trẻ, vợ chồng Giưgiemxki, cả bá tước Trexka và nhiều, rất nhiều khách nữa.
- Sao bỗng dưng lại có cuộc hội ngộ này ?
- Ngẫu nhiên thôi cô ạ. Từng nhà một định đến thăm nhà ta, dọc
đường họ mới gặp nhau, nhập làm một đoàn. Đông nhất là những người từ trang Obrôny : một xe tứ mã và một xe không mui. Anh Valđy cũng đang trên đường đến nhà ta thì gặp mọi người. Anh ấy định vượt chiếc xe không mui nhưng bị thua. Bây giờ tiểu thư Rita đang diễu anh ấy đấy.
- Tiểu thư Rita là ai thế ?
- Sêligianka. Đó là một người em họ hay bà con xa nào đó của công tước phu nhân Pođhorexka, nhưng là trẻ mồ côi nên chị ấy thường ở luôn tại trang Obrôny. Chị ấy hay tới đây lắm, có điều mới đây chi ấy lưu lại thành Viên khá lâu nên cô chưa gặp đó thôi. Chị ấy dễ thương và vui tính lắm.
Xtefchia đoán rằng chắc chính là vị tiểu thư trang nhã đã chìa tay cho Valđemar chiếc găng bẩn.
- Tiểu thư ấy xinh lắm, đúng không ?
- Vâng, chị ấy đẹp. Anh Valđy không chịu thừa nhận điều ấy, nhưng anh ấy thì khó thuyết phục lắm. Hôm nay cô sẽ được làm quen với chị ấy.
- Tôi không ra đâu.
Luxia mở tròn mắt.
- Sao vậy ? Sao lại thế được ! Cô không ra ư ? Em vừa mới ca ngợi cô với tất cả mọi người...
- Kìa, Luxia !...
- Bởi em yêu cô lắm.
Xtefchia hôn cô bé.
- Cô rất vui vì điều đó. Nhưng hôm nay em hãy tiếp khách một mình vậy nhé. Cô thì hôm nào em chả gặp.
- Kìa,sao cô nói thế ! Cả ông em lẫn anh Valđy không bao giờ đồng ý để cô thui thủi một mình đâu !
Xtefchia bật cười. Việc Luxia cam đoan rằng Valđemar muốn gặp mặt khiến cô thấy buồn cười. Lại thế nữa ! Mà nói cho cùng, cũng có thể lắm chứ : Nếu cô không xuất hiện, anh ta sẽ chẳng còn đối tượng nào để trêu chọc nữa. Ý nghĩ ấy khiến cô thấy vui vui. Như một đứa trẻ nghịch ngợm, cô ôm ngang lưng Luxia, vừa đi một điệu vanx trong phòng, vừa hát say sưa.
Luxia nhảy say sưa. Cả hai như cao bằng nhau, vừa nhảy, vừa quay trong cơn xoáy lốc của điệu Vanx, cùng thay nhau hát. Chiếc bím tóc màu vàng sáng của Luxia bay theo họ, tấm áo bằng vải batyx của Xtefchia phấp phới. Mặt cô ửng đỏ, đôi mắt màu hoa đồng thảo long lanh sáng dưới hàng mi vàng thẫm, đôi môi hồng hé mở đón không khí, khiến cho điệu Vanx được hát thay nhạc thỉnh thoảng lại phải gián đoạn. Nhưng chuyện đó chẳng hề ảnh hưởng đến nhiệt tình của hai cô gái đang nhảy múa.
Mải vui, cả hai không nghe thấy tiếng gõ cửa vang lên hai lần, cũng chẳng nhận thấy là có ai đó vừa hé cửa ra. Mãi đến lúc lâu sau, khi nhảy quay lưng lại, Xtefchia mới kinh hoàng thảng thốt đứng đờ ra. Valđemar đang đứng trong khung cửa. Chàng mỉm cười ngắm hai cô gái đang nhảy múa và nhìn những thay đổi trên mặt Xtefchia. Chàng ngắm đôi má cô ửng đỏ, đôi mắt sáng long lanh, làn tóc hơi
xoã lơi trong khi nhảy và vẻ biến đổi kia khiến chàng ngạc nhiên. Cho đến nay, chưa bao giờ chàng thấy cô vui vẻ thế. Chàng đã cố tình đứng yên để cô tự nhận ra sự có mặt của chàng. Chàng hình dung là cô sẽ thảng thốt, nỗi chờ đợi khiến chàng thấy vui vui. Bây giờ cô ta sẽ ra sao đây nhỉ ?
Chàng chẳng phải chờ đợi lâu. Trông thấy chàng, Xtefchia bàng hoàng. Một quầng lửa ửng đỏ trên mặt cô, mắt cô loé lửa giận, mỗi sợi dây thần kinh run lên trong cô vì cáu.
Valđemar thích thú tận hưởng những thay đổi trên nét mặt và những ánh chớp trong mắt cô. Chàng ngắm cô đầy ngưỡng mộ. Luxia bật cười, khiến cho cảnh kịch câm không lời kia gián đoạn. Cô chạy lại bên Valđemar, kéo tay áo lôi chàng ra giữa phòng, kêu lên : - Anh Valđy, anh tóm được chúng em trong lúc đang hành sự rồi. Hai cô cháu nhẩy say sưa như thể đang có dàn nhạc đệm ấy thôi ! Nhưng giá anh biết cô Xtefchia nhảy giỏi đến thế nào ! Chẳng khác một diễn viên ba lê.
Valđemar trang trọng cúi chào Xtefchia, chàng ngắt lời Luxia : - Xin cô cho phép tôi giải thích việc xuất hiện trong chốn phòng khuê thiêng liêng này. Cho đến nay chưa lần nào tôi vinh hạnh gặp tiểu thư trong tư thất. Cũng có thể tôi vào không đúng lúc lắm, nhưng tôi rất lấy làm sung sướng : tôi đã được thấy tiểu thư hoàn toàn tự nhiên. Những khi tôi có mặt, bao giờ cô cũng lên giây để phát ra những thanh âm rú rít... mới rồi tôi đã được thấy một hoà âm... và vì thế tôi rất lấy làm mừng. Cô không chào hỏi tôi lời nào sau tuần vắng mặt ư ? - chàng hỏi với vẻ sốt ruột, ánh mắt nhìn cô như bạo chúa.
Xtefchia chìa tay cho chàng.
- Chắc ông đi tìm em Luxia.
- Ồ không, tôi đến đây chỉ duy nhất vì cô thôi, thậm chí để đón cô, bởi lẽ cô tôi mời cô dùng trà.
Luxia vỗ tay.
- Thấy chưa ! Em đã nói mà, mọi người chẳng để cô ở đây một mình đâu !... Em đã nói ngay thế mà !
Rồi cô bé quay sang Valđemar.
- Anh biết không, anh Valđy ? Cô Xtefchia bảo là sẽ không ra giáp mặt khách khứa, sẽ ở đây một mình đấy.
- Không lẽ cô có cái ý định tàn bạo như thế đối với chúng tôi sao ? Xtefchia đáp, như vui vẻ :
- Cách hỏi của ông thật kỳ lạ. Quả thực tôi muốn ở đây. - Tôi xin phản đối ! Nhân danh toàn thể mọi người đang khao khát được làm quen với cô.
Một lần nữa, Xtefchia lại ngẩn người ra. Cô những định cương quyết chối từ, nhưng chàng nhận ngay ra ý định ấy qua nét mặt cô và vội chặn trước ngay lời đáp :
- Nhân danh cô và ông tôi, xin mời cô dự tiệc trà. Còn về việc bà ngoại tôi và phu nhân b... a bá tước Chvilexka muốn làm quen với cô, xin cô cứ việc cảm ơn học sinh của mình.
- Vâng, em đã nói nhiều về cô với cô ruột em và công tước phu nhân - Luxia xác nhận.
- Xin mời các tiểu thư.
- Không, anh Valđy. Nếu anh muốn đi cùng chúng em, anh hãy đợi một lát bên phòng khách nhỏ. Chúng em phải sửa lại tóc tai một chút. Nom chúng em cứ như ma ấy !
- Em thì đúng thế, nhưng tiểu thư Xtefchia thì lại rất hợp, rất xinh. - Ối ! Anh chỉ vớ vẩn ! - Luxia thốt lên, tay cầm áo kéo chàng ra ngoài cửa như lúc nãy vừa cầm tay áo kéo vào.
Xtefchia ngó theo chàng trai với vẻ ác cảm. Cứ mỗi bước anh ta lại làm cô phát bực. Anh cũng nhận ra điều đó và vươn tay lên trong một dáng điệu rất hề ; anh vừa bước ra cửa vừa nói lớn : - Hanni bal an te portas (*) ! Đôi mắt của cô nói với tôi như thế...Tôi chuồn đây ! Không có mặt tôi ở đây nữa ! Chàng bước ra ngoài. Luxia đóng cửa sau lưng chàng.
Chú thích:
(*) Latinh : Hanniban ở trước cổng thành ! ( Hanniban là thủ lĩnh xứ Cartagin, một tướng tài thời cổ )
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dủng
Chương 5
Trong phòng khách nhỏ bài trí theo phong cách đế chế, có khoảng mươi người đang chơi đùa vui vẻ.
Gia nhân mang nước trà và bánh ngọt vào. Khách khứa, mỗi người cầm một cốc, ngồi xuống ở nơi tuỳ thích. Lực lượng chính của cả hội chiếm một chiếc bàn lớn, vây quanh bà chủ nhà và cụ Machây, phu nhân Elzonovxka đang rất đỗi vui vẻ, thích thú vì có khách tới thăm, trò chuyện chủ yếu với công tước phu nhân Pođhorexka và cô em họ là bá tước phu nhân. Nhưng đó là hai người hoàn toàn khác hẳn nhau.
Nhìn họ, ta có thể nghĩ họ xuất thân từ những hành tinh khác nhau. Công tước phu nhân, gầy và cao, vẻ mặt đặc thù của các mệnh phụ cao sang, mang trên người những dấu ấn hiển hiện của quý tộc nòi. Dấu ấn ấy nổi rõ ở mỗi đường nét, mỗi cử chỉ, ngay cả trong những nếp gấp ở chiếc áo dài nặng nề màu thẫm. Vẻ quý phái trang nhã như bao phủ quanh bà, tạo cho bà vẻ duyên dáng trang trọng và từ tốn. Làn tóc trắng được chải phẳng trên trán, được phủ tấm đăng ten màu huyền quý giá. Không một vật trang sức nào, ngoài những chiếc nhẫn, một chiếc đính một viên lam ngọc lớn, khắc gia huy dòng họ Pođhorexki. Bà đeo đồng hồ bằng một chiếc dây màu đen. Mặt bà nhỏ, tai tái, nước da mịnh màng, gần như chưa một vết nhăn, đường nét rõ ràng, đôi mắt to vẫn đen nhánh. Sắc đẹp tuy phôi pha vẫn còn rõ nét. Công tước phu nhân ít nói, giọng trong trẻo,
bà có sức thu hút một người.
Bá tước phu nhân Chvilexka lại là kiểu người hoàn toàn khác. Người tầm thước, rất béo, bà mang trong người một chút gì đó của giới tư sản, hoàn toàn không có dáng quý tộc. Trang phục của bà cũng không đúng điệu, người đeo đầy kim cương và những dây chuyền vàng, chúng lóng lánh và leng keng ngay từ xa. Trò chuyện với công tước phu nhân, bà luôn luôn hoa chân múa tay, nói to, hấp tấp và nóng nẩy, nom hệt như một người theo phái cộng hoà, một nữ thường dân đang vung nắm tay đấm đe dọa những đại diện của giới quý tộc trong thời kỳ cách mạng. Bà không thích công tước phu nhân, thường mỉa mai gọi bà công tước là " nữ công dân Xpart " và lúc nào cũng muốn chứng tỏ sự hơn hẳn của mình, chắc hẳn là về số lượng ngọc ngà châu báu đeo trên người. Tuy trong lòng ác cảm nhưng bà vẫn tỏ ra rất mực nhã nhặn, đến mức gần như nịnh nọt lấy lòng công tước phu nhân.
Đám thanh niên, phân thành nhiều nhóm, vui đùa theo cách riêng. Tiểu thư Rita Sêligianka, mặc bộ áo váy dài đen bằng lụa mỏng với những họa tiết trang trí màu xanh theo phong cách ly khai, cổ áo bằng đăng ten màu kem, thường là người đầu trò trong câu chuyện và những lời đùa cợt. Tóc cô màu nâu sẫm, chải rất trang nhã, với một chiếc nơ bằng dải lụa thanh thiên cài cao ở bên trên. Mặc dù thứ đồ trang sức ấy nom có vẻ hơi kỳ dị, nhưng lại rất hợp với khuôn mặt tiểu thư Rita. Bao giờ cô cũng ăn mặc khác người, kiểu đầu tóc của cô cũng có thể khiến nhiều kẻ thấy chướng. Cử chỉ của cô thoải mái và duyên dáng. Những thứ đối với người khác là không thể thì với cô lại tỏ ra rất thích hợp. Cởi mở, vui nhộn, hài hước, lại dễ thương, cô thường mang lại cho mọi người niềm vui.
Công tước phu nhân rất mê cô, dẫu những cách cư xử khác đời của
cô cháu nuôi nhiều khi khiến bà hoảng hốt. Tiểu thư Rita rất thích chơi thể thao. Tại Obrôny, điền trang của công tước phu nhân, cô có riêng một tàu ngựa, nơi cô thích la cà cả ngày. Cô có thể nói suốt buổi về ngựa, bây giờ cũng vậy - ngồi trong chiếc ghế bành nhỏ kiểu cách, với cốc trà trong tay, cô trò chuyện với một cậu chủ trẻ tuổi đeo kính.
Cô đang nhiệt thành chứng minh điều gì đó, rồi sau rốt, đặt mạnh chiếc tách lên bàn con, cô nói :
- Ê, ông không hiểu chút gì về ngựa, nếu ông dám bảo ngựa của tôi là không thuần chủng. Ngựa của tôi nhập khẩu thẳng từ Anh quốc đấy, thưa ông. Đó là giống hoàn toàn thuần chủng. Ông cứ hỏi đại công tử xem - ông ấy là người sành đầu nước.
- Lúc nào cũng đại công tử ! Lúc nào cô cũng bảo với tôi hỏi ông ấy. Phải chăng ông ấy là người phán quyết mọi chuyện? - Về ngựa thì chắc chắn là thế.
- Có phái ông ấy có đủ chín thi thần và Apôlông ?
- Không, nhưng ông ấy là người hiểu biết thật sự và công tâm. - Còn tôi, không nhẽ tiểu thư không thừa nhận những phẩm hạnh ấy sao ?
- Chỉ phần nào thôi. Ông quá lóa mắt vì những con ngựa kéo thô đại của mình và tất cả những gì tốt đẹp ông chỉ thấy trong tàu ngựa của mình mà thôi.
- Có nhẽ tiểu thư nên thừa nhận rằng tàu ngựa của tôi không phải xoàng.
Tiểu thư Rita nhăn mặt :
- Tôi không thích giống ngựa kéo.
- Tiểu thư không thích ? Ha ! Đó chỉ là chuyện ý thích đơn thuần thôi. Cũng như thế, tôi không thể chịu nổi ngựa nòi Anh
Tiểu thư Rita chĩa vào anh ta ánh mắt mỉa mai.
- Xin ông cứ việc nói thế còn hơn, việc gì lại phải kể ra những khuyết tật không hề tồn tại.
- Với tôi, chúng tồn tại hẳn hoi, chí ít cũng là trong việc cắt đuôi và xén bờm theo lối Anh mà tiểu thư đã tiến hành đến hết mức ở tàu ngựa của tiểu thư.
- Đó không phải là nhược điểm. Nếu ông chỉ thấy điều đó, tôi hoàn toàn yên tâm. Vả lại, giống ngựa này bao gời cũng phải xén đuôi và bờm.
- Nhưng ở đàn ngựa của tiểu thư thì trông lạ lắm !
- Kìa ! Ông nói gì vậy ! Tiếc là đại công tử đã biến mất đâu rồi, nếu không thì tôi phải nhờ ông ấy can thiệp.
- Công tử Mikhôrôpxki đi mời tiểu thư Luxia và cô giáo - Tiểu thư Mikhailina Chvilexka cất giợng khoan thai nói. Suốt thời gian tiểu thư Rita trò chuyện với công tước Trextka, cô ngồi im lặng, uống trà. Cô ăn mặc khá nhã - một bộ váy áo màu sáng, bởi mẹ cô muốn thế - nhưng chẳng thấy thích thú với bất cứ chuyện gì, thậm chí trò vui của những người khác cũng làm cô phát chán. Dung mạo cô thật khó gần. Sau khi buông ra vài lời ngắn ngủi báo nơi Valđemar đang có mặt, cô lại cúi xuống nhìn tách trà và im lặng như cũ, sửa lại kính kẹp mũi, mỉm cýời hằn học, thốt lên :
- Cái cô gia sư này chắc có đặc ân gì mới được đại công tử chăm lo đến thế.
- Làm gì có chuyện đó. Il l abhorre ( Ông ta không chịu nổi cô ấy ! ) - Tiểu thư Rita phản bác - Ít nhất thì đó cũng là theo lời Luxia. Có nghĩa là tình thế giống như đối với cô gia sư Klara.
- Có nhẽ thế.
- Thế trông cô ta có giống cô Klara không ?
- Tôi không quen cô ta, nhưng Luxia thì rất tán thưởng. Nếu cô ấy xinh thực, thì xin ông hãy cẩn thận đấy, bá tước ạ.
Trextka nhìn người đang nói chuyện với vẻ phật ý.
- Voilà une idée ( Một ý nghĩ kỳ quặc ! ) ! Đôi khi tiểu thư có những ý nghĩa thật lạ lùng. Tôi không bao giờ để mắt tới loại người đó. - Tôi lại muốn ông phải lòng chính cô giáo ấy.
- Cùng lắm tôi chỉ có thể đánh giá cô ta theo kiểu thể thao và vạch những nhược điểm thôi.
- Kìa ông ! Không thể nói về phụ nữ theo kiểu ấy được... - Về các cô gia sư thì được chứ.
- Vẫn không. Cấm tuyệt đối. Vả lại, tiểu thư Ruđexka là con một gia đình tốt.
- Chut ( Suỵt ) ! Họ đến kìa ! - Bá tước ngắt lời, sửa lại kính mũi, nhìn chằm chằm về phía cửa.
Xtefchia bước vào phòng cùng với Luxia và valđemar. Nàng thấy mắt như tối sầm. Bao nhiêu mái đầu quay lại nhìn nàng, bao nhiêu đôi mắt dò xét. Nàng đứng sững như một kẻ chịu tội. Những tiếng trò chuyện lặng bặt. Mọi người bắt đầu đưa mắt dò xét nhìn cô gia sư trẻ. Phu nhân Elzonovxka nheo mắt ti hí nhìn cô, khoát tay một vòng giới thiệu sơ sài với cử toạ.
- Cô Ruđexka - bà nói cụt lủn.
Vài cái đầu khẽ gật. Bối rối, Xtefchia cúi chào mọi người, rồi không biết nên làm gì nữa. Lần đầu tiên nàng mới đau xót cảm thấy địa vị của mình. Nàng không thể tha thứ cho mình việc đặt chân vào đây. " Khách không mời " - nàng thoáng nghĩ và giá như không tự chủ, chắc nàng đã oà lên khóc.
Nhưng đúng lúc ấy, Valđemar đã đến bên nàng. hình như đại công tử rất phẫn nộ, nhưng chàng vẫn tỏ ra bình thản, đưa tay cho nàng
vịn và thốt lên với vẻ lịch thiệp đầy trang nhã :
- Xin tiểu thư cho phép tôi được giới thiệu tiểu thư với bà ngoại tôi. Xtefchia máy móc để chàng đưa tới chiếc tràng kỷ phía xa. Khi ngước mắt lên, nàng đã trông thấy ngay khuôn mặt hiền từ của cụ Machây và hình dung trang trọng đầy dáng quý phái của công tước phu nhân.
Giọng nói chầm chậm của đại công tử lại vang lên.
- Kính thưa bà, cháu xin giới thiệu tiểu thư Xtefchia Ruđexka, người mà bà đã nghe em Luxia kể.
Công tước phu nhân đứng dậy, đưa tay cho Xtefchia, mỉm một nụ cười âu yếm với nàng :
- Rất hân hạnh được làm quen với tiểu thư. Cháu Luxia đã kể với tôi đôi điều về tiểu thư. Cháu hết sức ca ngợi người hướng dẫn việc học hành của cháu.
Xtefchia khéo kéo cúi người hôn tay cụ bà, nàng cảm thấy lòng đầy biết ơn và được khích lệ.
Mắt công tước phu nhân thoáng một nét ngỡ ngàng. Bà mỉm cười chạm môi vào làn tóc cô gái, rồi ngồi xuống, trỏ cho cô một chiếc ghế kề bên. Bà ân cần hỏi han gia đình cô, hỏi cô có hài lòng về Luxía chăng. Cụ Machây cũng tham gia câu chuyện.
Cách xử sự của đại công tử và việc cô gái chào hỏi công tước phu nhân đã gây ấn tượng mạnh cho mọi người. Họ đưa mắt ngạc nhiên nhìn nhau.
Công tước phu nhân đứng dậy chìa tay cho cô gia sư. Chuyện gì lạ lùng thế nhỉ ? Và sao trần nhà không sụp đổ xuống ? Nhất là bá tước Ttextka và bá týớc phu nhân Chvilexka thì không hiểu nổi chuyện ấy. Nhìn công tước phu nhân trò chuyện với một cô gái gia sư vớ vẩn nào đó, bá tước phu nhân chỉ còn biết nhún vai. Bà bực
mình vì Valđemar đã bỏ qua bà, không thèm giới thiệu Xtefchia với bà. Không phải bà muốn làm quen với con người ấy nhưng bà xem việc chàng công tử bỏ qua mình là một điều xúc phạm. Việc đại công tử đưa tay cho cô gia sư vịn thật là điều quá xúc phạm đối với bá tước phu nhân. Bà ném cho Xtefchia vài ánh mắt thăm dò và khi thấy nàng đẹp, bà bắt đầu thì thầm với ông chồng đang ngồi bên cạnh như một cái xác ướp. Một nụ cười độc địa hiện trên đôi môi dày của bà. Vang đến tai phu nhân Iđalia chỉ có một từ : maitresse ( Cô gia sư, cô giáo, cũng có nghĩa : tình nhân ) song bà vờ như không nghe thấy. Hàng lông mày bà nhấp nháy vẻ nóng nẩy, và bà vội kết thúc câu chuyện với người ngồi bên cạnh.
Trong lúc đó bên chiếc bàn nhỏ, sau khi thuật lại cho Valđemar nghe cuộc tranh luận với Trextka, tiểu thư Rita đã được nghe chàng ca ngợi những con ngựa của cô. Bá tước bèn bắt chuyện với đại công tử, còn Rita đến gần công tước phu nhân nhiệt thành chìa tay cho Xtefchia, thốt lên với nụ cười vui sướng :
- Bởi chẳng có ai giới thiệu chúng mình với nhau, tôi đành tự đảm đương thứ lễ nghi này vậy. Margeryta Seliga là tôi, chắc tiểu thư chưa bao giờ được nghe nói đến tên tôi, bởi suốt thời gian dài tôi quấy phá ở Viên
Xtefchia đứng lên nắm tay cô tiểu thư trẻ.
- Không, Luxia đã kể cho tôi nghe về tiểu thư với bao mến mộ. - Thế ư ? Thì ra Luxia là một cô phóng viên nhỏ trong vùng thông báo tin mới cho tất cả mọi người. Xin mời tiểu thư nhập bọn với hội chúng tôi. Cử tọa ở đây đáng kính hơn, nhưng có nhẽ đằng kia vui hơn. Cô và ông chắc không có gì phản đối chứ ạ ?
Công tước phu nhân lịch sự gật đầu, cụ Machây nói : - Đâu có, chúng tôi biết cô vui tính lắm, vì vậy xin gửi gắm tiểu thư
Xtefchia cho cô.
Lát sau Xtefchia đã ngồi bên chiếc bàn con, nơi lúc này có thêm nhiều người nhập bọn. Trong câu chuyện rôm rả, cô quen dần với mọi người. Nàng chỉ thấy khó chịu vì chiếc kính mũi của Trextka cứ chĩa mũi vào mình, và dáng vẻ lạnh lùng của bá tước tiểu thư Chvilexka khiến nàng tò mò đôi chút.
Tiểu thư Rita dễ dàng kéo nàng vào cuộc trò chuyện với mọi người, vì Xtefchia không phải là người kém vui nhộn. Nom bề ngoài nàng có vẻ khiêm nhường nhất nhưng lại rất xinh đẹp, trong bộ váy áo bằng vải mỏng màu xám nhạt viền dải tím than. Mặt nàng ửng đỏ, đôi mắt vui vẻ long lanh sau hàng mi dài cong vút, môi hồng thắm nở. Tiểu thư Rita thích thú ngắm nàng, những người khác nhìn nàng ít nhiều dửng dưng. Trextka tò mò ngắm Xtefchia như thể muốn tìm ra nhược điểm của nàng. Bá tước nghiên cứu kỹ từng đường nét, ánh mắt, cách nói năng, kiểu chải tóc và thầm thừa nhận trong bụng là nàng nhìn hoàn toàn có thể chấp nhận được.
" Pas mal, pas mal ( Không xoàng, không tệ lắm ) - bá tước thì thầm tự nhủ, coi đó đã là một lời khen ngợi rất cao.
Gã ngắm kiểu cắt váy áo và lắc đầu kinh ngạc, không hiểu sao một cô gia sư lại biết ăn vận trang nhã đến thế. Mải nhìn ngắm quá, bá tước quên bẵng là vừa thua cuộc trong trận tranh cãi về ngựa. Tiểu thư Rita nhắc cho gã nhớ bằng cách hỏi lại đại công tử :
- Ông Valđemar này, các thi thần và Apôlông của ông ra sao ? - Tuyệt - đại công tử vừa đáp vừa ngồi xuống bên cạnh Xtefchia - Chúng nó có vẻ đẹp thật thiên giới, không hề thay đổi. - Các thi thần nào vậy ? - Xtefchia hỏi.
- Những thần nữ đồng hành với thần Apôlông - bá tước Trextka
chen lời - Tiểu thư không biết sao ?
- Tôi biết chứ, thưa bá tước, tôi rất thuộc thần thoại. Nàng quay sang hỏiValđemar :
- Có phải ngựa của ông mang tên các thi thần không ? - Vâng. Tiểu thư cũng đã biết chúng đấy thôi.
- Có phải những con sáng nay ông đưa đến ? Chưa bao giờ tôi phân biệt được chúng với nhau. Tất thảy đều đen tuyền như nhung Liông vậy.
Valđemar mỉm cười.
- Hôm nay kéo xe cho tôi là những con : Kliô, Melpômene, Urania và Terpxykhora.
- Nghe hay thật, phải không ? - Tiểu thư Rita thốt lên - Bộ tứ mã thứ hai là Talia, Kaliopa, Oterpe và Pôlihimmia, còn Erato là ngựa cưỡi của ông.
- Tôi chỉ biết mỗi con ấy thôi. - Xtefchia đáp - Ông hay cưỡi nó đến đây hơn cả.
- Tiểu thư cũng để ý đến nó sao ? Có đúng là nó xinh không ? - Rất xinh.
- Chưa là gì đâu. Tiểu thư chưa được thấy con Apôlông đấy. Tôi phải lòng nó thật sự kia ! - tiểu thý Rita nồng nhiệt thốt lên. Mọi người bật cười.
- Những tình cảm như thế chỉ có thể đến với một nhà nữ danh thủ thể thao mà thôi - ai đó trong nhóm người đang trò chuyện phía xa lên tiếng.
- Vậy thì tôi phải dẫn nó đến Xuôđkôvxe này mới được, bởi khi ấy chúng tôi sẽ được tiểu thư ghé thăm thường xuyên hơn - đại công tử đùa.
- Ông nên tặng chân dung nó cho tiểu thư Rita.
- Hoặc đúc tượng đồng.
- Không được ! Không đúng màu lông thì đâu được ! - Vậy thì tượng cẩm thạch đen.
- Xin các vị cứ cười đi, nhưng rồi mọi người đều phải thán phục nó cho xem.
- Trừ tôi - bá tước Trextka vừa nói vừa sửa lại kính mũi. - Bởi ngài có thứ gu của người màu trắng, vì vậy ngài chỉ mê ngựa kéo giống Đức và giống Meklemburg xấu xí mà thôi. Giá có vào chuồng ngựa của ngài thì con Apôlông cũng giống nhý ngựa kéo mà thôi.
- Tôi cũng định nói như thế về những con ngựa giống Anh của tiểu thư đấy.
Tiểu thư Rita bắt đầu cãi nhau thật sự. Valđemar nhìn thẳng vào mắt Xtefchia, vui vẻ nói :
- Bây giờ nếu cả trang Xuôđkôvxe này có thể bay lên trời thì hai người vẫn không ngừng cãi nhau về tàu ngựa. Hai địch thủ ham mê thể thao này mà gặp nhau thì họ sẽ chẳng bao giờ nói đến gì khác, mà cãi nhau hoài, chẳng khác chi cô với tôi.
- Tôi đâu có cãi cọ với ông.
- Nhưng cô lại hay khủng bố tôi. Tôi phải tránh suốt cả tuần không dám ló mặt đến đây đấy.
- Ôi, ông nhát quá nhỉ !
- Biết làm sao được ? Tiểu thư đã tống cổ tôi ra khỏi rừng, đến bữa ăn trưa tôi lại bị đem ra hành hình, và sau đó tiểu thư không thèm chào tôi một tiếng. Chẳng nhẽ tất cả những chuyện đó không đủ làm cho người ta hoảng hồn sao ?... Nhưng dẫu thế tôi vẫn nhớ nhung bạo chúa của mình, và thế là tôi có mặt.
Xtefchia cắn môi. Nàng quyết định không thèm trả miếng những trò
châm chọc, sợ rằng sẽ có người nghe thấy. Nhưng trong phòng khách người ta trò chuyện râm ran, tiểu thư Rita ngồi cạnh đang hăng hái khẩu chiến với Trextka, không quan tâm đến chuyện gì khác.
Valđemar nhận ra sự e ngại của Xtefchia, thấy nàng đang đưa mắt tìm Luxia, chàng thốt lên vẻ châm chọc :
- Tiểu thư muốn vũ trang bằng kẻ vô tội để chống tôi, như gã Tvarđôpxki trước mặt quỷ Mêfixtôfelex, nhưng tiếc thay Luxia đã quá lớn để có thể đóng được cái vai kịch mà tiểu thư muốn giao phó cho em nó lúc này.
Môi Xtefchia run run muốn cười. Valđemar nói tiếp : - Tôi thì nhớ nhung kẻ khủng bố mình, còn tiểu thư hẳn đã bao phen khẩn cầu Chúa trời xin cho tôi thật lâu đừng vác mặt đến đây. - Ngược lại, tôi muốn ông đến càng nhanh càng tốt kia ! Trên nét mặt Valđemar hiện vẻ tò mò.
- Thật ư ?... Lạy Chúa ! Sao tôi không biết điều đó nhỉ ? Xtefchia nhìn thẳng vào mắt chàng.
- Tôi mong ông đến, bởi lẽ cụ thấy nhớ ông và đã bắt đầu phiền muộn.
- Thế ra tiểu thư khắc khoải ngóng trông tôi chỉ vì lo cho ông tôi chứ không phải vì bản thân tiểu thư ?
- Tôi e rằng " khắc khoải ngóng trông " là chữ dùng quá đáng. Tôi chỉ đơn giản là mong ông đến, vậy thôi...
- Thật thất vọng biết bao ! Vậy mà tôi đã tưởng mình được lên tới thiên đường, trong khi thực ra vẫn như xưa tôi đang phải ăn năn chuộc tội.
Xtefchia bật cười. Chàng nhìn nàng dò hỏi, đôi môi đầy đặn vẻ nhục cảm phảng phất nụ cười. Lát sau chàng hạ giọng nói :
- Hôm nay trông tiểu thư thật tuyệt vời. Tôi cảm thấy mình mất trí rồi !
- Kìa, đại công tử ! - Cô gái giận dữ kêu lên.
- Xin nghe lệnh tiểu thư ! Chàng đối ngay, mắt loé lên những tia nghịch ngợm.
Xtefchia nghẹn lời. Trước đây, hẳn nàng đã sẵn sàng đáp lại chàng bằng một cơn giận, nhưng lúc này nàng thấy dễ tính với chàng...Hơn nữa vẻ mặt chàng cũng khiến nàng thấy ngồ ngộ. Lông mày chàng dướn lên, lỗ mũi phập phồng, mỗi đường nét mặt đều biểu lộ một nụ cười cố nén. Nàng bèn đáp :
- Tôi bắt đầu thấy tiếc là đã cầu xin Chúa cho ông đến sớm. Chỉ vì lòng mến cụ Mikhôrovxki mà tôi tự làm hại mình....
- Bởi anh chàng Mikhôrôvxki như một thứ thuốc đắng - chàng tiếp lời.
- Ông đoán đúng đấy - nàng bật cười.
- Còn tôi, tôi tin chắc rằng tiểu thư mong đợi tôi không phải vì ông tôi buồn, mà vì nỗi nhớ nhung của chính tiểu thư. Có phải thế không ? Chàng táo tợn nhìn thẳng vào mắt nàng.
- Tôi thấy khi trò chuyện với ông, tốt nhất tôi nên im lặng, bởi nếu không ông sẽ trở nên vui vẻ quá đáng.
- Còn tiểu thư thì ngay lập tức đã xoè móng ra, những bàn tay đẹp đẽ nhường kia mà sao sắc thế - chàng nhăn mặt đối đáp. - Hai vị đang nói chuyện gì mà thân mật thế ? - Bá tước Trextka châm chọc hỏi chõ sang, chĩa cặp kính mũi vào mặt Xtefchia. Valđemar thản nhiên đáp :
- Chúng tôi đang bàn đến một môn thể thao khác. Tôi đang mời tiểu thư Xtefchia đàn cho chúng ta một bản nhạc.
- Ồ, ra tiểu thư cũng chơi đàn ximban ( * ) sao ? - Trextlka hỏi với
giọng diễu cợt.
- Không, thưa ngài, tôi không hề chơi đàn ximban - Xtefchia cũng đáp lại với giọng tương tự.
- Thật tiếc, đàn ấy hay lắm.
Valđemar nhíu mày. Người chàng sôi lên. Chàng nhìn Trextka từ trên xuống, thốt lên bàng giọng tương tự :
- Tôi cứ ngỡ ông có cái tai sành điệu và tinh tế hơn kia. Trextka chợt hiểu. Gã tái người vì tức.
Tiểu thư Rita mỉm cười tươi tắn, nhìn thấy vẻ bối rối của gã bá tước, cô bảo Xtefchia :
- Tôi cũng ủng hộ đề nghị của ông Valđemar đấy. Mời tiểu thư cho chúng tôi được nghe một bài. Rất tiếc là tôi không hay chơi đàn, nhưng lại rất mê nhạc.
- Vâng, thưa tiểu, nhưng có lẽ để lát nữa.
- Phải đấy, ồn quá, mà nghe nhạc thì cần yên tĩnh.
- Khi ấy có thể dễ dàng tĩnh trí - Valđemar nói thêm. Người chánh bộc thắp đèn lớn. Tiểu thư Rita đứng bên khung cửa sổ ngắm lưỡi liềm mặt trăng vàng sáng mảnh mai vừa mọc. Trên nền xám của bầu trời ban chiều nổi lên dải rừng xa đen sẫm với một mảnh vàng trang điểm cho đỉnh những ngọn cây, giống như tấm huy chưong lóng lánh gắn trên ngực một hiệp sĩ dang mang bộ giáp phục nặng nề.
Tiểu thư Rita hết lời ca ngợi. Xtefchia và vài người nữa bước lại bên cửa sổ. Nghe Luxia gọi, Valđemar bước sang phòng ăn, nơi phu nhân Elzônôvxka muốn gặp chàng.
Chú thích:
(*) Chơi chữ. Nguyên văn " Cymbal " vừa có nghĩa là loại đàn 4 dây, vừa có nghĩa là một người đần độn, ngu dốt.
Mniszek- Helena
Con Hủi
Dịch giả: Nguyễn Hữu Dũng
Chương 6
Chiếc bàn lớn phủ khăn bàn Hà Lan, ở giữa thêu nổi gia huy dòng họ Mikhôrôvxki, đã được bày biện sẵn sàng cho bữa tối. Gần mép bàn xếp hàng những chiếc đĩa sứ tuyệt mỹ có in những hình ảnh nho nhỏ, trông như những người lính mặc quân phục đại lễ. Cạnh đó, gác trên giá, đầy vênh vang là những dao bạc, nĩa bạc và dáng cong cong của những chiếc thìa dùng vào món tráng miệng. Phía bên kia là những khăn ăn hồ cứng xếp đựng nhọn hoắt như vọng gác của lính canh, bên trong là những lát bánh mì đen đen. Những lẵng hoa quả bằng pha lê, những cốc, những ly, những tách pha lê cùng vài bó hoa tuyệt đẹp tô điểm thêm cho bàn ăn. Bên mỗi bộ thìa đều đặt một vòng hoa. Hoa còn rải khắp bàn khiến bàn ăn thêm sắc xuân tháng năm.
Viên chưởng bộc Jaxety và những người hầu bàn trẻ mặc áo đuôi tôm đen, khuy vàng óng ánh, gilê hồng thắm, cùng người hầu của công tước phu nhân Pođhorexka mặc áo dấu màu vàng đang chạy đi chạy lại bày biện giữa bàn ăn chính, tủ bát đĩa và chiếc bàn phủ bày nước quả.
Trên tường những ngọn đèn hình cầu màu trắng đang toả sáng, ngay trên bàn chính treo một chiếc đèn chùm bằng đồng, rực rỡ ánh sáng của những búp đèn pha lê, chiếu xuống long lanh những ánh bạc và pha lê bên dưới. Trong chùm ánh sáng ấy hoa dường như có thêm sức sống, toả hương thơm sực nức.
Phu nhân Iđalia cùng đại công tử bước vào phòng, bà nói với chàng bằng tiếng Pháp :
- Công tước phu nhân sẽ ngồi vị trí đầu tiên với cha, người sẽ đưa bà vào bàn. Những người còn lại cứ để họ tuỳ ý chọ chỗ. Đây không phải là một bữa ăn có hẹn trước. Có thể để mọi người thoải mái. Nhưng anh Valđy, anh phải đưa tay cho bá tước phu nhân Chvilexka, còn chòng cô ấy sẽ đi với tôi.
Valđemar hết sức vui vẻ đáp :
- Thế có nghĩa cô chia cho cháu một mỏ kim cương phải không. Cháu chỉ muốn đổi lấy một viên ngọc quý...
- Chớ có đùa. Cô biết anh nói tới ai... Có điều cô ngạc nhiên là tại sao anh lại để ý đến con bé đó thế.
Hàng lông mày Valđemar chau lại.
- Ai khác nghe thì dễ nghi là cô đang nói tới một con hầu nào đó. Tiểu thư Xtefchia không thuộc hạng người có thể bờm xơm được đâu - chàng đáp, đã hơi chạm nọc.
- Nhưng sau cái cảnh hôm nay anh bày đặt, con bé có nhẽ tự cho mình là siêu việt lắm. Lời giới thiệu của cô là đủ. Chuyện bày đặt thêm thắt của anh là thừa.
- Về việc này cháu nghĩ khác. Vả chăng cũng có thể thấy ngay là người ta đang gặp loại người nào. Cô không nên nói về cô ấy như vậy, chí ít cũng vì nghĩ tới Luxia.
- Anh thật là giỏi lý sự, anh cháu thân mến - Phu nhân Iđalia than phiền - Cô báo trước cho anh biết, có thể nảy sinh những điều đàm tiếu này nọ đấy. Chính cô cũng đã nghe những suy đoán vớ vẩn của Lôra rồi.
- Ôi ! Bà "bá tước " có thể nói gì thì tuỳ thích. Bà ấy chẳng thể tìm được nhiều kẻ thích nghe đâu. Cô cứ bảo thẳng với bà ta chớ có dại
đem chuyện suy diễn ấy ra nói với cháu, bởi khi ấy thì ngay chính cái điệu bộ bá tước tưởng tượng của bà ta cũng chẳng bịt nổi miệng của cháu đâu.
- Sao lại tưởng tượng ?
- Kìa, chẳng nhẽ cháu lại phải giảng cho cô về thực chất tước hiệu dòng họ Chvilexka ? Mọi người đều biết rõ, nhất là cỗ xe có mang gia huy và viên chưởng bộc của họ, kẻ ngạc nhiên đến sững sờ khi được người ta đóng cho bộ khuy đồng phục chín gậy ( Dấu hiệu của bá tước, theo quy định thời xưa ở Ba Lan ). Tất cả các sách gia huy phả hệ và biên niên đều hoàn toàn im lặng hững hờ không hề nói gì về tước hiệu ấy.
Phu nhân Iđalia nghẹn lời.
- Ta sang bên phòng khách, sắp mang thức ăn ra rồi. Trong phòng khách, bá tước phu nhân Chvilexka bước đến gần Xtefchia, ngồi chễm chệ lên chiếc ghế bành nhỏ kiểu cách, từ trên cao nhìn xuống Xtefchia.
- Cô quê ở đâu ? - Bà hỏi giọng cứng nhắc.
- Từ Vương quốc, thưa bá tước phu nhân
- Cô làm nghề giáo học này đã lâu chưa ?
- Đây là chỗ làm đầu tiên và cuối cùng của tôi.
- Thế à ? Đầu tiên ? Thế mà chị tôi dám giao phó Luxia cho cô ? C est une absurdité ( Thật vô lý !)
Cô giáo trẻ đỏ mặt.
- Chắc là tôi khiến người ta tin - Cô mỉm cười đáp.
- Cô bao nhiêu tuổi ?
Xtefchia kinh ngạc nhìn bá tước phu nhân.
- Hai mươi lăm - Nàng đáp không cần suy nghĩ.
Bá tước phu nhân giơ kính tay gắn trên một chiếc cán dài bằng vàng
lên ngó nàng.
- Phải ! - Bà nói vẻ tin tưởng - nom cô cũng vào tuổi ấy. Luxia bảo tôi là mới mười chín. Tôi biết ngay đó là chuyện lầm. Comment donc ( Chứ gì nữa ! ) ! Rất hay là cô đã không giấu tuổi thật. Nếu vậy, tiểu thư Mikhala nhà tôi cũng xấp xỉ tuổi cô, tuy mọi người ai cũng nghĩ nó trẻ hơn.
Môi Xtefchia múm mím cười, nhưng mắt lại phát ra những tia giận, nàng đưa mắt nhìn bá tước tiểu thư ngồi gần đấy - con người lúc nào cũng khó ưa, nghiêm nghị, nom cứ như một bà chị của phu nhân Elzônôvxka. Bá tước phu nhân nói tiếp :
- Hình như cô trở thành giáo viên, không phải vì yêu nghề ? - Vâng, nhưng tôi đã bắt đầu yêu công việc của mình, chủ yếu có lẽ vì tôi có được một học sinh tốt.
Valđemar đến gần, theo sau chàng là bá tước Chvilexka. Bá tước phu nhân the thé gọi chồng :
- Te voilà ( Mình đây rồi ) ! Mình biết không, Auguste ? Tiểu thư Ruđexka đây đã hai lăm tuổi, không phải mười chín như Luxia nói đâu. Dẫu sao chúng ta vẫn tinh mắt lắm.
Bà ngó Xtefchia và nói tiếp :
- Cả tôi lẫn chồng tôi đều bảo rằng không thể như thế. Valđemar hỏi ngay :
- Chuyện gì vậy ? Tôi không hiểu
- Về tuổi của tôi ấy mà. Tôi tự tăng thêm cho thêm đứng đắn - Xtefchia mỉm cười.
- Vậy xin cô nhớ ghi cuộc phỏng vấn này vào nhật ký. Chưa từng có ! - Valđemar thốt ra như vô tình, nhưng hàm ý mỉa mai rất rõ. Bị chạm nọc, bá tước nhìn vợ vẻ không hài lòng, thong thả buông từng tiếng như thói quen :
- Mình nhầm đấy, Lôra. Tôi chưa bao giờ nói điều gì tương tự về tuổi của tiểu thư Ruđexka.
- Mais, mon cher (Nhưng ! Kìa mình ! ), mình quên đấy thôi ! Bá tước đưa mắt liếc nhanh chung quanh rồi bước tới phía phu nhân Iđalia. Xtefchia còn lại một mình. Nàng thấy dòng người từng đôi một đi sang phòng ăn, và đó lại là một giây phút khó chịu đối với nàng. Nàng tự trách mình đã không bước ra sớm hơn, khi ấy nàng khỏi phải ra mắt tất cả mọi người lần nữa.
Đúng lúc ấy, Luxia chạy lại, khoác tay Xtefchia, vừa cười vừa kêu lên :
- Các bà đều có hiệp sĩ hộ tống cả rồi, ta đi với nhau thôi cô ạ. Em đánh lừa ông Kaxavary đấy. Mẹ em bảo ông ấy đưa cô đi, nhưng em nói với ông ấy rằng cô đã đi với người khác rồi. Bởi chắc cô muốn đi với em chứ. Đúng không, cô Xtefchia ?
- Dĩ nhiên rồi ! Em làm thế hay lắm ! Vả lại ta vẫn có thể hình dung rằng tôi là một chàng trai trẻ chẳng hạn.
- Ô hô ! Cô không giống con trai chút nào, tiểu thư Rita có khi giống hơn, có điều phải bỏ chiếc nơ trên đầu và mặc quần áo cưỡi ngựa kia.
Cả hai bước sang phòng ăn.
Một lần nữa, có những ánh mắt lại quay nhìn Xtefchia tò mò. Ông Kxavary ngồi cuối bàn, hai bên là hai chỗ dành cho Xtefchia và Luxia.
Khi Xtefchia vừa ngồi xuống, phu nhân Elzônôvxka nheo mắt nhìn nàng, giọng nhấn mạnh :
- Tôi cứ nghĩ là cô không đến nữa !
Một làn máu nóng dâng trào trong người Xtefchia. nàng do dự không biết nên trả lời ra sao.
Lần này nữa, Valđemar cũng lại đỡ cho nàng. Chàng hỏi phu nhân Iđalia chuyện gì đó. Thiếu nữ được cứu thoát khỏi tình thế khó xử. Tiếng trò chuyện ồn ào bên bàn ăn lại râm ran. Tiếng nói giọng cười, những lời đùa cợt mỗi lúc một thêm nhiều. Nhưng tâm trạng vui vẻ của Xtefchia không còn nữa. Nàng ngồi im lặng chỉ cầu xin Chúa cho bữa tối kết thúc thật nhanh.
Mọi người đều trò chuyện, chỉ có nàng và ông Kxavary là im lặng. Ông ta thì hút hồn bởi những khay những đĩa được bày ra và những thứ đã có trên đĩa của mình. Còn Xtefchia thì cứ day dứt bởi ý nghĩ mình là khách không mời, nàng cảm thấy mình thật cô đơn gữa những kẻ thù. Trong đầu óc nàng quay cuồng những cảnh tượng lộn xộn, cảnh quê hương Rutraiev, việc tới trang Xuôđkôvxe, những cuộc đụng độ với Valđemar, cuộc trò chuyện hôm nay với bá tước phu nhân.
Nếu không có Eđmun, nàng đã không làm quen với cái thế giới này, không bị đem ra làm mục tiêu đàm tiếu, những chuyện đàm tiếu châm chích nàng đến đớn đau. Mọi người nơi đây đều nhìn nàng như thể nhìn một sinh linh bị mất quyền làm người, không thuộc vào thế gian nữa. Họ như những loài thực vật cao quý nhìn nàng là một đoá thỉ xa cúc tầm thường bị lạc vào nhà kính.
Xtefchia nhìn vòng hoa đặt trước đĩa của nàng. Một sự ngẫu nhiên lạ lùng, vòng hoa toàn những loại hoa đồng nội : hoa cỏ gai nâu và những bông cúc trắng nhị vàng. Nàng cầm vòng hoa nhỏ lên tay, thầm nghĩ rằng đó chính là dấu hiệu của mình : những loài hoa cỏ đồng nội mảnh mai, bị ném vào giữa những thứ đồ bằng bạc và pha lê. Dẫu ánh sáng và sự sang giàu có làm chúng quáng mắt, chúng sẽ héo khô đi và với chúng, thế gian cũng chết. Nàng ngẩng đầu lên và bất giác rùng mình.