🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Giai Phố Cổ - Nguyễn Việt Hà full mobi pdf epub azw3 [Tản Văn] Ebooks Nhóm Zalo Tác giả giữ bản quyền. Nhà xuất bản Trẻ xuất bản theo Hợp đồng 2012. BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI THƯ VIỆN KHTH TP.HCM General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data Nguyễn Việt Hà, 1962- Con giai phố cổ : tạp văn / Nguyễn Việt Hà. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2013. 296tr. ; 20cm. 1. Tạp văn -- Thế kỷ 21. 2. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21. 3. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21. 4. Hà Nội (Việt Nam) -- Đời sống xã hội và tập quán. 1. Prose literature -- 21st century. 2. Vietnamese literature --21st century. 3. Hanoi (Vietnam) -- Social life and customs. 895.92284 -- dc 22 N573-H11 tạp văn Lời giới thiệu Hà Nội của những cao bồi già Nguyễn Việt Hà đến giờ vẫn chưa thạo dùng email và càng không biết các thứ mạng xã hội. Anh là một con người của đường phố theo đúng nghĩa. Đường phố ở đây là của Hà Nội, một vùng Hà Nội cũng rất hẹp với khu phố cũ có bán kính một cây số từ Hồ Gươm. Tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một thứ mạng xã hội riêng của anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu. Tình ở một Hà Nội với những gã trai phố cổ mà như tác giả đã viết, “bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ 5 sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội.” Nguyễn Việt Hà vừa bảo, đấy là “linh hồn” của thành phố này, vừa giễu “thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc”. Đó chính là chân dung tự họa của Nguyễn Việt Hà, một gương mặt văn chương nổi bật của Hà Nội lúc giao thời hai thế kỷ và cho đến tận bây giờ, khi hàng ngày truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội. Tạp văn hay tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một món ăn pha chế nêm nếm các mùi vị đặc trưng, để đẻ ra những trang viết bảo là ê hề “tái nạm gầu gân” như phở bò cũng được, mà bảo là kênh kiệu “cam vắt không đường” cũng xong. Chúng lại có cái mùi Tây của những chai rượu mạnh uống “xếch”, những nhãn hiệu rượu mà tác giả hay dẫn vào văn của mình, và đậm đặc những tích văn cổ trong khi cũng rất dễ dàng thấy những triết lý Thiên Chúa giáo xoắn xuýt bổ trợ. Để rồi từ đó, Nguyễn Việt Hà đánh võng từ vỉa hè này sang cột điện kia, khiến cho Hà Nội trong văn của anh nhộn nhịp gấp bội. Nào đã ai thấy hai cái nhà mặt phố Hà Nội nào giống hệt nhau? Hà Nội trong tạp văn của Nguyễn Việt Hà là một Hà Nội truyền từ những gã đàn ông gia đình buôn 6 bán nhưng đầu óc lãng đãng như sương mù tháng Chạp bốc lên từ Bờ Hồ, hơi có tí phẩm chất giang hồ để thành ra những tay “cao bồi già”, cho đến bọn trai trẻ “nhất loạt đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt vào được đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghita điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa sợi tóc dài khàn khàn cầm đàn ‘quạt chả’ hát ‘Đau, từ đáy trái tim ta buồn đau... Đau...’ thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ”. Không gian Hà Nội đầy hoài cổ ấy thực ra lại rất đương đại, cái ngày hôm qua sở dĩ sống động thế là vì cái kẻ đang sống hôm nay cũng rất thức thời. Lớn lên từ những mái nhà hôm qua “ngói thâm nâu”, hôm nay trưởng thành dưới mái bằng lợp tôn, họ vẫn ăn chơi bốc giời như thường. Nhưng đúng là Nguyễn Việt Hà khắc khoải nhiều về một giai đoạn vài chục năm trước, lúc sự ăn chơi của tuổi trẻ phố cổ “đầy trong trắng”, nghèo nghèo đơn sơ và mang gương mặt mộc không trang điểm. Hãy xem tác giả nói về việc viết tạp văn của mình: “Tạp văn kiếm tiền bắt buộc phải lên gân. Thành ngữ bia hơi bảo ‘cổ có gân thành thần nói phét’, tạp văn kiếm tiền mà không biết bốc phét thì có nước húp cháo… Tạp văn thành sách không hiểu có oai và sang 7 hơn không nhưng chắc chắn là đang thời thượng, bởi nó a dua chiều theo cái thói quen ngại đọc dài của độc giả”. Tuy ra giọng có vẻ coi thường thể loại này, nhưng bản thân Nguyễn Việt Hà đã có đến vài tập tạp văn, và là cây bút sung sức loại nhất của tạp văn đăng báo vài năm qua. Chính ở thể loại tạp văn, người đọc thưởng thức được khả năng càn lướt đề tài của anh, cũng như sự thông minh dí dỏm đặc trưng, để ai cũng nhặt ra được vô số triết lý đặc sệt tinh thần đường phố Hà Nội. Và ngay cả khi cần phải chứng minh kiến văn của mình, Nguyễn Việt Hà cũng có đầy ắp tra cứu Đông Tây từ chuyện cũ rích đến chuyện gần đây. Vậy là theo tinh thần đương đại, tôi cũng xin mời độc giả “đăng nhập” vào thế giới mạng xã hội của Nguyễn Việt Hà. Nó kết nối sâu sắc với thế giới của Cơ hội của Chúa, cuốn tiểu thuyết đầu tay làm nên tên tuổi của anh vào những năm cuối thế kỷ trước. Người đọc của mạng xã hội này hẳn sẽ gặp nhau, kết bạn, yêu đương và tranh cãi ầm ĩ như thường. Nguyễn Trương Quý 8 đàn ông, con giai & mưu sĩ ăn đủ Để trả lời cho câu hỏi đầy nghiêm trọng nhưng cũng hết sức vớ vẩn là con người ta sống thế nào cho đủ, đại hiền triết Lão Đam đã điềm đạm bảo “Tri túc chi túc thường túc hĩ”. Nôm na là, biết đủ thì luôn luôn sống được đủ. Nghĩa của chữ “đủ” trong tiếng Việt được giải thích “có tất cả trong phạm vi có thể có. Không thiếu”. Lâu lắm rồi, từ điển ở ta mới nói đuợc một câu hay như thế, nó gần như là đúng. Sống, theo quan niệm dân dã của người Việt thì có “tứ khoái”. Và tùy theo cảm thức của từng vùng, bốn cái sướng này có đôi chút xê dịch lệch khác. Nhưng dù có xê có lệch thì trong tứ khoái, “ăn” vẫn đứng đầu. Bàn về ăn thì không những ở Đông mà ở Tây cũng sôi nổi lắm. Đã có nhiều tạp chí hoặc tờ báo, thậm chí cả cuốn sách dầy cộp chuyên khảo về ẩm thực, một cách gọi sang trọng hóa chữ ăn. Theo đám buôn sách ở vỉa hè thì các ấn phẩm về nấu ăn, cho dù t ạ p v ă n 11 người mua làm theo đấy chắc chắn ỉa chảy, luôn là best seller. Không phải ngẫu nhiên mà các đầu nậu sách thành công về tiền bạc, tuy cực kỳ yêu văn chương nhưng cũng phải đợi xuất bản cho xong “300 món ngon miền Bắc” hoặc “Phương pháp nấu sốt vang kiểu Ý” thì mới miễn cưỡng dám in Văn tâm điêu long hay Tội ác và trừng phạt. Lịch sử chiến tranh của nhân loại, không đến nỗi thê thảm như việc xuất bản sách, tuy nhiên những cuộc hoành tráng đánh nhau vì ăn là không hề hiếm. Ngay cả chữ hung hăng “thực dân” cũng đậm đà cái nghĩa khát khao của xơi của chén của hốc. Bởi ở sâu xa của Colonialism thì bản chất đương nhiên là “tầm thực”, một công cuộc chinh phục những vùng đất mới để tìm ăn. Liệu đây có phải là một trong vài nguyên nhân khiến nhân dân các nước thuộc địa vốn đang đói khát, kiên quyết đứng lên giành độc lập chống lại cả chủ nghĩa thực dân cũ cũng như mới. “Ăn” quan trọng như vậy nên người tử tế cư xử với nó cẩn thận lắm. Mặc kệ vô số đứa ăn bẩn ăn thỉu ăn liều ăn lĩnh “thực bất tri kỳ vị”, còn những ai lương thiện luôn biết cách ăn đủ “trong phạm vi có thể có”. Ăn đúng bát Chúa đã dành cho mình, và hai bát đã no thì không ăn hai bát rưỡi. Vậy mà không hiểu sao, có một dạo ở vỉa hè Hà Nội dùng chữ “ăn đủ” theo nghĩa rất tệ. Khi thấy một gã quan tham đã có biệt thự lại cố chiếm lấy một suất phân nhà bé tí trong khu tập thể rồi thanh thản hạ cánh an toàn. Hoặc một giáo sư đã có vợ khôn, có bồ đẹp mà vẫn gạ tình lấy 12 Nguyễn Việt Hà điểm cô bé sinh viên năm cuối nhếch nhác sau đó ung dung hưu trí, thì người ta cảm thán “thằng ấy à, nó ăn đủ rồi”. Đại loại, cái thằng ấy là thằng đã ăn “dày” còn ăn cả “bí tất”, một thứ cực kỳ bại hoại bần tiện. Chính vì thế, không có thao tác sống nào lại lồ lộ rõ nhân cách bằng việc “ăn”. Người ta có thể đạo đức giả khi làm tình, thậm chí khi cầu nguyện, nhưng với “ăn” thì tuyệt không thể. Kinh hãi thay, những lúc tuyệt vọng đói, con người ta dám ăn cả thịt đồng loại. Hoặc miếng đó đã được sơ chế như miếng đùi của Giới Tử Thôi dâng cho công tử Trùng Nhĩ sau này trở thành minh quân Tấn Văn Công. Hoặc nó còn roi rói tươi như miếng lưng của những người bạn thân mà vị đại hiệp mặt người dạ thú Hoa Thiết Cán khốn nạn từng nuốt như trong tiểu thuyết Liên thành quyết. Chỉ cần thấy mình ăn chưa đủ là không biết bao nhiêu chính nhân quân tử sẵn sàng thăng hoa thành tiểu nhân súc vật. Cuộc đấu tranh giữa ăn bẩn và ăn sạch để giữ cho đàn ông còn chút ít lương tâm để biết ăn đủ, luôn là cuộc chiến long trời lở đất. Bài thơ Con cá, chột nưa của thi sĩ Tố Hữu có một thời rất dài dùng làm đề thi vào đại học đã gân guốc diễn tả được điều đó, cái sự không tha hóa của người đàn ông đang đói. “Ăn đi vài con cá. Dăm bảy cái chột nưa. Có ai biết ai ngờ. Thế vẫn tròn danh dự”. Thế nhưng “Không thể gì quyến rũ. Mua bán được lương tâm. Danh dự của riêng thân. Là của chung đồng chí”. Cảm động thay cái khí tiết t ạ p v ă n 13 chỉ biết ăn đủ luôn rạng ngời trong phẩm chất của những chiến sĩ ở buổi bình minh cách mạng. Xem đấy thì thấy, đạo đức vua nước Tàu còn thua xa một người cộng sản Việt bình thường. Tuy nhiên, điềm đạm sâu sắc nhất vẫn là vài lời nói về miếng ăn của cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến. Lúc ấy cụ đang đói lắm, bỗng có người hâm mộ nhân cách Yên Đổ mang tới tận nhà tặng miếng thịt, cụ cảm tạ cầm nó rồi che mặt khóc “Trì chi yểm diện khốc”. (Nguyễn Khuyến tác phẩm - Nxb TP. Hồ Chí Minh, trang 812). Chao ôi, một đàn ông đại trí thức từng làm quan đến chức tổng đốc vậy mà khi đối diện với “ăn” đã phải dằn vặt tới mức “Không ăn người bị đói. Ăn vào người bị nhục. Không ăn thì người gầy. Ăn vào thành thằng tục”. Bài thơ chữ Hán “nhân tặng nhục” được xót xa dịch thành “có người cho thịt” này xứng đáng là đoản thi kiệt tác nói được tiếng lòng của đám kẻ sĩ Bắc Hà, những người quen ăn đủ và sạch. Người “tri túc” thì thời nào cũng hiếm, thời nay có vẻ càng hiếm, có lẽ đó là sự tiến bộ. Bởi xã hội bây giờ đang phè phỡn tươi đẹp, chuyện “tặng nhục” nhau đã trở thành nhỏ như bò ăn cỏ, chỉ duy bọn thảo dân dở hơi mới thèm đếm tính. Còn với các đại gia dư dật đủ hơi, miếng ăn đương nhiên đơn giản chỉ là miếng thịt. 14 Nguyễn Việt Hà bạn vong niên Có một điều đại may mắn, thậm chí là ân sủng của Thượng Đế cho những đàn ông đang chập chững muốn lớn hoặc suýt soát trưởng thành, đấy là có được một người bạn vong niên. Bạn vong niên là bạn lệch tuổi, đương nhiên già hơn, và thường già hơn một Can (10 năm) hay một Chi (12 năm). Hầu hết những người bạn vong niên đó đều đọc thiên kinh vạn quyển, đều hút thuốc như cái tẩu, đều uống rượu như hũ chìm, đều kiêu bạc nhàu nhĩ bất hạnh nhưng hóm hỉnh nhẹ nhàng hài hước. Cho dù ở cữ tuổi nào, hay từng đã vài lần hôn nhân nhưng hiện tại bọn họ đều sống độc thân, thỉnh thoảng có người ở cùng mẹ già. Đã được họ coi là bạn thì có thể đến chơi nhà họ bất kể giờ giấc, không cần bất cứ lý do gì. Và nếu chiều có muộn, đêm có khuya, trời có mưa thì đương nhiên thanh thản thoải con gà mái nằm lại dùng bữa ngủ thân mật. Có vẻ như họ không có khái t ạ p v ă n 15 niệm bị làm phiền, mặc dầu chẳng bao giờ có ai thấy họ quấy rầy người khác. Khi đang loay hoay đi tìm mình, những đàn ông mới lớn có đôi chút tài năng chí khí rất hay bị gặp tuyệt vọng. Hoặc đã là thủ khoa trung học nhưng lại thi trượt đại học. Hoặc vất vả vừa xin được chỗ làm tốt nhưng lại sắp bị đuổi việc vì vô tình nhỡ nhìn thấy sếp nhất ngủ trưa với nữ đồng nghiệp. Hoặc bản thảo tiểu thuyết tinh khôi vừa viết hay loạt tranh sơn dầu lần đầu tâm huyết vẽ, run run đưa tới những cây đa cây đề, rồi bị trịch thượng khinh rẻ. Hoặc kinh khủng nhất, hôn thê mới cưới chưa đầy một năm, cả hai “kế hoạch” không dám có bầu vì vất vả gom góp tìm mua căn hộ nhỏ thì bỗng một ngày kia bắt gặp hiền thê đổ đốn do điên loạn kiếm tiền đang main dans la main với một thằng cò đất. Tất cả những cái “hoặc” đấy rất dễ làm những gã trai trẻ lảo đảo đi lên cầu Thăng Long, tuyệt lộ buông mắt nhìn xuống dòng sông Hồng đang cuồn cuộn đỏ mùa lũ nguy hiểm y sì như lòng người đen bạc. May mắn xiết bao, trên đường hoang mang lên cầu, bọn họ tạt qua nhà một người bạn vong niên. Người bạn dọn bữa rượu sang hơn bình thường, có thêm một khoanh giò lụa, điềm đạm ngồi nghe. Hầu như không khuyên gì, chỉ rơm rớm như là nghẹn ngào chia sẻ. Khi song ẩm hết chai 65 Ước Lễ thì mủm mỉm kể một chuyện tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm ấy thảm lắm nhưng buồn cười. Nó nói về cái ngô 16 Nguyễn Việt Hà nghê bản chất của cuộc sống chỉ là thời gian đợi chết. Toàn bộ sự tồn tại là vô nghĩa nhưng miễn cưỡng có một ý nghĩa, phải sống hết mới biết được cái vô nghĩa ấy. Gã trai tuyệt vọng lảm nhảm phản bác rồi say khướt. Nửa đêm chợt dậy thấy một cái chăn đơn ân cần đắp ngang bụng. Trong tầm tay với là một bình nước lọc mát. Gã trai cồn cào uống rồi thông thốc giôn len nôn. Dưới gầm giường chu đáo một bô nhựa sạch sẽ. Hình như bao nhiêu bầy nhầy uất ức được trôi ra. Khi tỉnh hẳn giấc, gã trai bàng hoàng thấy trời thật sáng. Rồi thấy cái trường đại học mình thi trượt hình như cũng chó chết. Hoặc rồi thấy mình cũng chẳng cần nhảy cầu tự vẫn, vì cái cô vợ tha hóa kia cũng chẳng đáng phải chặt chân chặt tay mà chỉ đáng nhổ một bãi nước bọt. Tất nhiên, với nhiều đàn ông tài giỏi nhưng đáng thương, bạn vong niên không chỉ xuất hiện ở các thời khắc sinh tử, người bạn ấy còn thầm lặng nhân văn hiện diện làm bớt đi vô số biến cố dung tục đời thường. Bạn vong niên giống như tiểu thuyết kiệt tác, nó chỉ rưng rưng sẻ chia trải nghiệm, không bao giờ dạy khôn, không bao giờ đưa ra những giải pháp. Nó song hành cùng người đọc bằng tinh thần độ lượng bình dị vị tha. Nó trân trọng tất cả những sai lầm trong trắng. Không phải ngẫu nhiên mà cái kỷ niệm dẫn người yêu của mối tình đầu đến ra mắt người bạn vong niên luôn được cả hai sâu sắc nhớ, cho dù mối tình đó đã tan vỡ từ xa xăm. Bạn vong niên không phải là t ạ p v ă n 17 hào hiệp huênh hoang đại ca, lại càng không phải loại tinh tướng “bố cha” định hướng. Vì đúng nghĩa là bạn nên tóc bạn có bạc phơ cách tuổi vẫn có thể rủ đi hát karaokê ôm hay mát xa có mỹ nhân tẩm quất. Một thao tác taboo tuyệt đối cấm nếu đấy là đàn anh, là bậc thầy, là bề trên. Thủa Hà Nội còn giàn giụa tình người, ví như thời bao cấp chẳng hạn, không hiểu sao ở giới bần hàn văn nghệ, thậm chí ngây thơ “văn gừng”, luôn có rất đông những cặp vong niên hữu. Phải chăng Chúa biết cái đám nghệ sĩ trẻ đang khao khát thiêng liêng kia vốn dĩ mong manh nhạy cảm dễ suy sụp trước đòn mậu dịch “trường văn trận bút” nên đã sinh ra những người bạn lớn tuổi để đỡ đần “giảm áp”. Và để có được cặp mắt xanh non hài hước nhìn đời qua bao nhiêu khốn khó phiền muộn thì chính người bạn lệch tuổi ấy cũng chịu ơn từ những người bạn lớn tuổi đi trước bao dung giúp mình vượt thoát bất hạnh. Chỉ có những tài năng đã cay đắng thì mới chân thành biết thương những tài năng được Chúa sinh ra sau mình. Thuật ngữ của “văn minh bằng hữu phương Đông” xót xa gọi đó là lòng liên tài. Và tấm lòng hồn hậu ấy đã nuôi dưỡng cho văn thơ nhạc họa Thủ đô được không ít những tác phẩm bất hủ. Đến ngày nay, cuộc sống vẫn nhan nhản nhiều bất trắc. Đã thật là lương thiện đàng hoàng đàn ông rất dễ rơi vào cảnh khốn cùng hoạn nạn. Ở vào hoàn cảnh “khốn nạn” ấy, vợ thì bạc con thì nhỏ, cái danh cái lợi thì phù phiếm chẳng cứu giúp gì. Duy nhất chỉ có một điều tin được, nó 18 Nguyễn Việt Hà ấm áp an ủi để cố tử tế mà sống, đó là nghĩa tình từ những huynh đệ bằng hữu. Và tuyệt vời thay, trong số những bằng hữu hiếm hoi đấy, luôn có một người bạn vong niên da sắp mồi tóc đã bạc. t ạ p v ă n 19 cao bồi già Hà Nội Nếu tin theo lời của một vài du khách vội vàng có nặng lòng mến yêu Thủ đô thì ở Hà Nội ấn tượng hình như đáng kể nhất, đơn giản vẫn là “mái ngói thâm nâu” hay “cây bàng lá đỏ”. Tất nhiên các tua rít gia còn kể lể nhiều thứ nữa. Này là sương loang hồ Tây, này là thu vàng ngõ nhỏ. Rồi thì công phu ẩm thực, rồi thì kỹ tính thú chơi. Hà Nội đương nhiên đã và sẽ đầy đủ những thứ đó, nhưng cũng giống như một phức tạp tuyệt đại mỹ nhân hay một thâm trầm kiệt hiệt anh hùng, cái vượt thoát khỏi sự hay dở làm người ta tâm phục khẩu phục nửa kính nửa nhường lại hoàn toàn không nằm ở chuyện múa may son phấn. Người có cốt cách Hà Nội mang một phong độ rất riêng, nó là bản năng phố phường có được từ “chất”. (Những năm còn bao cấp sắp sửa manh nha sang Đổi Mới, dân chợ Giời 20 Nguyễn Việt Hà rất hay dùng chữ “chất” khi phải mặc định một giá trị gì. Ví như, cái quần bò này “chất” nhỉ, Levít Mỹ hay Kinhgiô Thái. Hoặc siêu hình xếchxi hơn, con bé ấy cực chất). Vì thế, chỉ cần nghe một vài ngữ điệu giao tiếp, người ở Hà Nội sành sỏi biết ngay người đối thoại thuộc loại nào. “Chất chơi” hay “chất quê”. Thậm chí còn định vị đúng anh/chị ta đang sống ở phố cổ hay ở rìa cửa ô. Những cao thủ khinh bạc ngửi, rồi lọc lõi phán xét chính xác được về chất thường là những đàn ông có tuổi ngoài năm mươi trở lên mà giới vỉa hè trân trọng gọi cũng như bọn họ trịch thượng tự nhận, cao bồi già Hà Nội. Đó là những ngoại hình trung niên, rất khó đoán tuổi đã gần sáu mươi hay ngoài bảy mươi. Quần áo phẳng phiu hàng hiệu, hoặc là kiểu đờ mi xe dông (quần kaki áo vét), hoặc một bộ đũi sáng sang trọng đĩ tính bật nổi ra khỏi cái hồi khó khăn khi đồ cotton chưa lên ngôi. Bọn họ thích đi bộ, có lẽ cũng vì già, nhiều tay phô phang thì cầm ba toong, mồm ngậm tẩu, đầu đội “phớt” dạ và dưới thắt lưng da nâu có thấp thoáng một sợi dây xích sáng trắng từ cái đồng hồ quả quýt nắp bạc. Bọn họ ăn sáng ở linh tinh các quán các hàng rong, nơi những ông chủ bà chủ nổi tiếng nấu ngon cùng tài nhớ mặt khách, rồi khệnh khạng tới một hàng cà phê quen. Có điều, tất cả những quán những gánh những hàng này, bắt buộc phải trong bán kính một kilômét quanh hồ Hoàn Kiếm. Lờ mờ trong khói thuốc thơm, câu chuyện của bọn họ khá tục, không phải vì bọn họ hay đệm mà do t ạ p v ă n 21 cái chất trải nghiệm kẻ chợ cay đắng kiêu bạc đến mức tàn nhẫn. Phần nữa là tại bọn họ thường dở dang bỏ học, bởi người đã đúng là kẻ chợ thì tuy khát khao tôn trọng yêu tri thức, nhưng hoàn toàn lại lười ngại để trở thành trí thức. Do hầu hết xuất thân ở những gia đình dư dả có truyền thống buôn bán nên cho dù gia cảnh đang lụn bại xập xệ, tất thảy bọn họ đều ham chơi. Cái hỗn danh “mải chơi” không hẳn chỉ dành cho một người, và xung quanh hỗn danh này có không biết bao nhiêu truyền kỳ phảng phất hoang đường. Có một đôi ngoại tình yêu nhau không trẻ lắm đến chơi nhà một tay cao bồi già. Hồi ấy Hà Nội tuyệt chưa có nhà nghỉ. Tay cao bồi ở trong một biệt thự cũ đang nhếch nhác chia năm xẻ bảy nhưng vẫn có phòng riêng. Cặp tình nhân đưa ít tiền cho tay bạn cao bồi đi mua đồ ăn trưa. Sau khi cẩn thận khóa cửa (phần lớn cao bồi đều ghét và khinh hàng xóm), tay này đi ra chợ Hàng Bè thì gặp đám bạn ngẫu hứng rủ đi Sài Gòn. Anh ta nhận lời ngay, lên tàu Thống Nhất đi luôn một tháng. Khỏi cần phải kể nỗi khổ kinh hoàng của đôi tình nhân bị nhốt kia trong suốt tháng ấy. Tuy mải chơi nhưng không hiểu sao các ông bố cao bồi toàn đẻ ra con cái (cả trong và ngoài giá thú) luôn luôn thành đạt. Ở Hà Nội hôm nay, đám con cái ấy đều phát tài thành cự phú. Bọn chúng đồng thanh bảo đấy là nhờ hấp thụ được cái sắc sảo lăn lộn tinh quái của người cha. Thảng trong đám đó cũng có đứa phát phúc học hành, đàng hoàng làm giáo sư làm tiến sĩ. 22 Nguyễn Việt Hà Do bản chất tài hoa, đám cao bồi hầu hết tinh tế ham thích âm nhạc văn thơ hội họa. Thơ bọn họ chua chát trắng trợn hiểu người nên lạ lắm. “Không vênh vang mặt giai không sợ. Không giáo giở lòng gái không thương”. Đây là hai câu vào loại nhẹ nhất trong bài thơ có nhan đề “Đời có ra chi mà đéo chửi” của một chân chính cao bồi ngoài bát thập. Và cũng chính từ họ, đám trẻ của Hà Nội nghìn năm văn hiến bây giờ mới hiểu được câu thành ngữ khét tiếng “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược”. Vì thế, cao bồi già thường nhìn các nhà “Hà Nội học” bằng cái nhìn “đểu”. Với họ, những nhà đấy ngoài việc thuộc tên phố thì còn lại chẳng biết cái quái gì. Ngày nay, lớp cao bồi già đang dần dần tuyệt tự. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng bọn họ xứng đáng được ghi vào sách đỏ để bảo vệ giữ gìn như một loài khác lạ quý hiếm. Bởi không có họ, cũng như không có kẻ cắp chợ Đồng Xuân hoặc “phe phẩy” chợ Giời, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng. Mà nhố nhăng là một đặc tính làm lên một đô thị lớn, nhà văn Vũ Trọng Phụng chuyên viết về cao bồi gốc Hà Nội đã bảo vậy. t ạ p v ă n 23 con giai phố cổ Hà Nội hôm nay có còn phố cổ hay không thì vẫn đang là chuyện tranh luận trong nhiều hội thảo của kha khá đông học giả. Một ông quê tít tận bên Tokyo nói được chút chút tiếng Việt nhưng say mê bún chả Hàng Mành thì khăng khăng là có. Những người nồng nhiệt bênh ông, khi lập luận đại loại thường căn cứ vào nôm na ca dao hoặc mông lung lời kể của các bậc trọng tuổi. Ví như họ dẫn “Rủ nhau chơi khắp Long thành. Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai. Hàng Bồ Hàng Bạc Hàng Gai. Hàng Buồm Hàng Thiếc Hàng Bài Hàng Khay...”. Rồi nữa, đến thời văn học rực rỡ Tiền chiến, nhà văn Thạch Lam đã từng viết hẳn một quyển “Hà Nội 36 phố phường” với vô số những chuyện kể hóm hỉnh về ẩm thực Tràng An, ngầm khẳng định phố cổ là có thật. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khó tính hơn thì cho rằng Hà Nội bây giờ chỉ còn phố cũ. Đến ngay cái nhà 87 phố Mã Mây được 24 Nguyễn Việt Hà coi là cực cổ thì sau khi phục dựng cũng mang vẻ nhang nhác mới. Năm 2008, đạo diễn lừng danh Thanh Vân quay phim Lều chõng dựa theo tiểu thuyết của cụ Ngô Tất Tố ở đấy, thì ngoại trừ mấy nàng diễn viên đóng vai đào nương châm rượu chắc chắn là không tân, còn đâu nội thất tuốt tuột đều mất hẳn mùi xưa cũ. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc “ở trung tâm nội thành có hai khu vực làm lên niềm tự hào của cả Hà Nội mà không thành phố nào ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nổi. Đó là “khu phố cổ” và “khu phố cũ”. (Hà Nội, thành phố nghìn năm - Nxb Trẻ, trang 125). Thuyết của ông Phúc mang vẻ “lưỡng lự nhị nguyên” vì ngay sau đấy ông cẩn thận chú “thực ra chữ cổ và chữ cũ là một cách gọi ước lệ”. Chẳng biết “cổ” thì oách hơn “cũ” ở chỗ nào, chỉ biết con giai ở những phố mang tên “Hàng...” là đương nhiên đặc sản sang trọng rất Kẻ Chợ. Đám lóc nhóc đang lớn ấy tuổi khoảng từ mười sáu đến hai mươi và cho đến bây giờ vẫn hầu hết là con nhà buôn bán. (Từ điển Hán Việt chua nghĩa gốc của chữ phố là chỗ bán hàng). Vào thời miền Bắc đang sục sôi xây dựng chủ nghĩa xã hội không mang định hướng thị trường thì những người buôn bán cho dù nhỏ lẻ cũng bị rụng rơi vơi đi nhiều. Sách giáo khoa thời đấy cho rằng, đó là lực lượng từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản. Vì hay dính dáng tới buôn bán, thậm chí chỉ là chứng kiến, nên đám con giai phố cổ tất thảy đều hoạt bát khoáng đạt lẫn lộn cả tiểu xảo lưu manh, nhất là t ạ p v ă n 25 những đứa “không gia đình” sớm bị vứt ra vỉa hè kiểu như thằng Xuân tóc đỏ. (Nhân đây cũng rụt rè xin được bàn, Số Đỏ hoàn toàn không phải là kiệt tác, văn chương tiểu thuyết thua xa Giông Tố cũng của chính ông Phụng. Nó vĩ đại vì đơn giản nó là cuốn sách hiếm hoi hay viết về người Hà Nội). Con giai phố cổ thời tem phiếu đều nồng nàn thiết tha yêu Bờ Hồ. Đó là nơi lý tưởng để câu cá trộm với trùng điệp hầm “tăng xê” làm chỗ giấu cá. Rồi hòa bình nó có cái khách sạn dở dang trung lưu mang tên đúng như thế bán bia hơi tuyệt ngon, hơn hẳn Thủy Tạ nhờ đồ kèm là phở xào tử tế hoặc thịt lợn nướng rất biết cách tẩm ướp. Nỗi nhớ hồ Hoàn Kiếm luôn đọng thành vũng trong tim những kẻ trót bất hạnh đi xa và kể cả những người may mắn còn ở lại. Nhạc Phú Quang hay tranh Lê Thiết Cương nhiều lúc day dứt ám ảnh cũng chỉ vì bọn họ là những thằng con trai đứt ruột của phố cổ. Và có điều khá thường, nhất loạt bọn này đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt vào được đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghita điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa sợi tóc dài khàn khàn cầm đàn “quạt chả” hát “Đau, từ đáy trái tim ta buồn đau... Đau...” thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ. 26 Nguyễn Việt Hà Hồi bao cấp, con giai phố cổ không thích chơi thành bầy đàn như ở các “quân khu” Lý Nam Đế hay 1A Hoàng Văn Thụ, chúng thỉnh thoảng cặp đôi và có thể học cùng nhau từ năm cấp Một. Khoảng cuối năm cấp Ba đã nhiều đứa đi xe đẹp, “Phượng Hoàng” hoặc “Mi-pha”, lác đác có đứa được bố mẹ chiều dám chơi hẳn “Pơ-giô” cổ cao phanh rút. Những đứa đi “Lơ” (xe đạp Pơ-giô, tức Peugeot) thường ở Hàng Đào Hàng Ngang, cố một tí là bọn ở Hàng Gai Hàng Bông, phong độ hao hao bắt chước đàn anh khét tiếng Thông “chả cá”. Đạp xe không chậm lắm, mặt lành lạnh nửa như vui nửa như bất cần. Bọn có xe đẹp là bậc thầy của “cưa đường”, một kiểu tán gái chỉ riêng có ở Hà Nội. Đa phần là chúng cưa đổ, vì ngoài chuyện xông xênh dư dật, bọn chúng đều thật sự chân thành. Và các nàng khi bị cưa gần đứt, không hiểu sao thường đổ sầm về phía thằng đi cưa. Bọn con giai phố cổ khi có vợ bỗng trở nên hiền lành, tuy gia trưởng nhưng bọn chúng chung thủy ít “mèo mỡ”, hầu hết đều sống chung với cơn lũ hôn nhân cho đến khi cuối đời, mặc dầu cái thứ lãng mạn trót cưa được kia đích thực là một của nợ. Rồi ngày qua ngày, tất cả giờ đây đã quá trung niên. Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội. t ạ p v ă n 27 Một đô thị đã ngoài nghìn tuổi thì đương nhiên phải có linh hồn. Hoặc hay hoặc dở đâu có quan trọng, chỉ biết nó thăm thẳm mơ màng rêu phong tạo riêng một bản sắc. Phố cổ chính là nơi giữ gìn được đôi chút những mảnh hồn độc đáo ấy. Có phải thế chăng mà cho dù bị dung tục phát triển các phố cổ đến nay vẫn chưa chịu mất. Mà mất làm sao được, khi trong từng ngôi nhà của nó vẫn luôn có mấy thằng con trai. 28 Nguyễn Việt Hà đàn ông ăn sáng Trong những thao tác nạp dinh dưỡng với mục đích thuần túy nhằm để nuôi sống mình, hầu hết đám đàn ông ở các đô thị đều rất chăm chú cần mẫn tập trung vào ba bữa ăn. Bữa sáng, khoảng từ bảy đến chín giờ. Bữa trưa, khoảng từ 11h đến 13h và nếu là dân nhậu thì sẽ đến chừng 16h30, giờ tan tầm của những ông bố hiền lành mẫu mực. Bữa tối, khoảng từ 18h30 đến 20h (tất nhiên nếu không là dân nhậu). Trong ba lần nạp cơm, nạp rượu, nạp linh tinh các món khô món ướt ấy thì với đại đa số đàn ông, bữa sáng là khoan khoái thú vị nhất. Nó độc đáo vì là bữa ăn truyền thống và hợp pháp ở tiệm ở quán ở gánh vỉa hè mà không bắt buộc phải có sự hiện diện của gia đình. Bây giờ, chẳng có đàn ông hiện đại nào lại mời bố mời mẹ cùng đi ăn sáng cả. Và ngay với vợ cũng là chuyện vô cùng hiếm, cho dù tay hiền thê đó có đi làm cùng tuyến, thậm chí còn là đồng sự đồng liêu. Ăn sáng t ạ p v ă n 29 là phải phóng khoáng dông dài với vài thằng bạn thân, nếu không cũng phải “ép phê” hồi hộp với con bé bồ nhí. Không hẳn ngẫu nhiên mà người ta gọi bữa sáng là ăn quà. Nếu thêm vợ thêm con thì đã là cơm chứ đâu còn là phở là bún là mì là miến. Ăn sáng ở đám đàn ông công chức trung lưu thường là các quán cà phê máy lạnh có đề thêm chữ Internet làm gia vị cho chữ Breakfast. Đa phần là món khô (món chan nước cũng nhiều nhưng khó nuốt, về độ tinh tế thì thua xa các gánh ngoài đường), hoặc bánh mì patê trứng ốplết kiểu Tây, hoặc bánh bao há cảo hủ tíu trộn kiểu Tàu, hoặc bánh cuốn xôi trắng thịt kho thêm giò chả kiểu ta. Nói chung, đồ ăn ở đấy giống hệt như tính tình đám thực khách, an toàn phẳng phiu không đến nỗi quá tệ nhưng chẳng bao giờ là xuất sắc. Các tay thị dân già sành điệu thì thích các quán các gánh cũ kỹ vỉa hè, hầu hết đều khuất khúc trong lam nham phố cổ. Những hàng những quán lâu đến nỗi mà cô chủ bây giờ tuổi đã sồn sồn, mỗi khi chần thêm mấy nhánh hành củ cho ông khách quen thỉnh thoảng lại buột mồm, “Hồi còn mẹ cháu, cụ vẫn nói là ông thích nhất ăn thịt gà ở chỗ lưng”. Ông thực khách cao bồi có tuổi lọc lõi với cái mũ phớt bỗng rưng rưng ngầm nuốt nước bọt đang chứa chan quanh hàm răng giả, bồi hồi nhớ về hơn năm mươi năm trước từng trong trắng dẫn mối tình đầu ra ăn bún mọc cũng ở quán này. 30 Nguyễn Việt Hà Bình thường đàn ông ăn sáng đại loại sẽ tầm thường như vậy, thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử ẩm thực của nhân loại đôi khi chợt có những cú điểm tâm bữa sớm khét tiếng khác thường. Dựa vào cuốn Sử ký vĩ đại của Tư Mã Thiên, tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc đã chép chuyện thái tử Đan người nước Yên mời hiệp sĩ Kinh Kha ăn sáng. Nguyên thái tử Đan có thâm thù với Tần Thủy Hoàng, nên công phu vất vả đi tìm người hành thích gã bạo vương vốn là con đẻ nhà họ Lã. Gặp được Kinh Kha, thái tử mừng lắm, yêu chiều mọi nhẽ. “Sáng sớm một ngày, Đan làm tiệc đãi ở Hoa Dương đài, cho một mỹ nhân yêu quý nhất của mình ra mời rượu, lại sai người đẹp gảy đàn làm vui. Kinh Kha thấy hai tay mỹ nhân trắng muốt như ngọc thì khen rằng tay đẹp quá. Tiệc tan, Đan sai nội thị lấy mâm ngọc đem phẩm vật biếu Kinh Kha. Kha mở ra xem thì là hai bàn tay mỹ nhân vừa rồi, thái tử cho chặt đi để dâng Kha cốt tỏ cho Kha biết là thái tử không tiếc Kha cái gì” (Sách đã dẫn - hồi 107). Cái kiểu điểm tâm có khuyến mãi kiểu này đến nay đã thất truyền, tuy nhiên nhiều gái bao làm bồ nhí cho các tham quan vẫn lo xa, lúc hầu rượu các sếp vẫn thường mặc sơmi có ống tay áo dài lượt thượt. Bởi đám quan tham khi hoạn lộ gặp bí phải chạy chức luôn chẳng tiếc gì thủ trưởng. Vài kẻ sẵn sàng dâng cả vợ và con gái, tay của người tình là cái đinh. Kinh Kha được ăn sáng đã xa xỉ, nhưng vị vua Ba Tư Shahryah trong truyện kể Nghìn lẻ một đêm mới thật sự t ạ p v ă n 31 kinh hoàng. Ông ta bị vợ ngoại tình, một chuyện đương nhiên nhỏ như con thỏ. Có điều, vì là một vị tột đỉnh quân vương nên ông ta không thể chịu nổi cái hệ lụy từ quy luật của muôn đời đó. Ông ta phản ứng bằng cách chuẩn bị bữa sáng từ đêm hôm trước mà thực đơn là một thiếu nữ đồng trinh. Đều đặn mỗi sớm tỉnh giấc, đánh răng rửa mặt xong bèn “đét xe” bằng đầu cô gái. May cho đàn bà nước ấy, có một thiếu nữ tên là Sheherazade (theo dịch giả Phan Quang thì tiếng Ả Rập nghĩa là con gái Hằng Nga). Và vì đồng hương với thằng Cuội nên nàng bốc phét thành thần. Ngay từ giữa đêm Sheherazade đã liên tục ba hoa kể những chuyện bịa đặt hoang đường ly kỳ. Đến lúc vua ăn sáng thì nàng kêu mệt đòi nghỉ. Hồi ấy chưa có vô tuyến hiện hình, thú vui giải trí nghèo nàn nên Shahryah đành dùng bữa qua loa rồi đợi tối tò mò nghe tiếp. Cứ thế kéo dài xấp xỉ ba năm, khi Sheherazade hết chuyện thì nàng đã kịp đẻ với vua một đống con. Không muốn những đứa con mình phải mồ côi mẹ, vua đành ngậm ngùi sống chung với một của nợ vào loại lắm mồm nhất trong số những đàn bà. Kể từ đấy, đàn ông có thói quen vùa ăn vừa xem phim truyền hình dài tập. Tại nhiều nước văn minh Nam Mỹ, người ta vinh danh Sheherazade là nữ tổ sư của loại phim trường thiên tivi. Danh ngôn về dinh dưỡng học cho rằng “ăn sáng là ăn cho mình, ăn trưa là ăn cho bạn, còn ăn tối là ăn cho kẻ thù”. Tất cả đàn ông đều yêu ăn sáng vì bọn họ đều tự rất 32 Nguyễn Việt Hà yêu mình. Hơn nữa, theo nhiều đàn ông đang ly thân, câu danh ngôn trên còn ngấm ngầm xác định được một kẻ thù mơ hồ tiềm tàng. Bởi đơn giản ai mà chẳng biết, đàn ông tử tế có gia đình nào, thì khi ăn tối cũng thường phải bị ăn với vợ. t ạ p v ă n 33 đàn ông bày trận Vào thời sơ kỳ trung đại, thậm chí cho đến ngấp nghé Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), khi đám đàn ông đã trưởng thành văn minh, thì lúc hoành tráng đánh nhau bọn họ rất hay sử dụng trận pháp. Đại loại, bọn họ thường rủ nhau ra những bình nguyên bát ngát cỏ mượt hoặc những cánh đồng phẳng phiu vừa gặt, dàn quân thành từng khối. Bộ binh riêng, kỵ đội riêng, tướng đứng riêng rồi cử mấy gã mồm to đanh đá được gọi là mạ thủ ra trước cửa trận gào thét chửi bới thách đấu. Xong xuôi những thủ tục “khai vị”, sau vài hồi trống hoặc kèn, hai đạo quân sầm sập sát khí lao vào nhau. Kết thúc những trận đánh đấy thường là máu đổ thành sông, xương phơi đầy đồng còn đám lính đẹp giai bị què chân cụt tay thì không sao đếm xiết. Bên thua hầu hết là những bên bị vỡ trận, vì thế đám đàn ông thích thao lược ngày xưa bắt buộc phải rèn luyện cái tài bài binh bố trận. 34 Nguyễn Việt Hà Trong cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình có một trường đoạn kể về công tước Andrey Bolkonsky (một nam quý tộc đặc biệt tinh hoa, kiểu đàn ông mà nay đã tuyệt hiếm) ở Bộ Tổng tham mưu Nga. Công tước chứng kiến hàng loạt các danh tướng tranh luận về cung cách bày trận cho chiến dịch sắp tới nhằm chống lại đám đàn ông xâm lược Pháp. Tất cả các danh tướng đều lắm mẹo nhiều mưu, họ hùng biện họ phản biện họ tư biện, nhưng tất thảy cuối cùng đều toát ra một nỗi thăm thẳm sợ hãi về Napoleon Bonaparte, kẻ đối địch được mặc định là thiên tài quân sự. Duy chỉ có một người, đại tướng Pful gốc Đức là được công tước Andrey âm thầm kính trọng nhất. Tướng Pful chỉ tôn trọng những ai đánh nhau mà biết bày trận. Với ông ta, Napoleon chả là cái đinh gì, bởi khi tả quân hình vuông tiến lên 200 mét thì hữu quân hình thoi phải đi chếch 300 mét. Nếu đàn ông đánh nhau mà không đi đúng trận pháp “và tách rời khỏi những quy luật chính xác của khoa học quân sự thì chỉ là bọn man rợ dốt nát và phản khoa học”. (Sách đã dẫn - tập 3, trang 58). Cái tinh thần lý thuyết đầy dũng cảm hiệp sĩ này tuy rất dở hơi nhưng sâu xa nó hun đúc cho các nam chiến binh một thiêng liêng danh dự. Đàn ông bước vào một cuộc chiến (chưa bàn chuyện đúng sai) mà vắng thiếu danh dự thì chỉ còn là lũ ô hợp. Ngày nay, thương trường đã thay chiến trường, và trong cái hỗn loạn thương trường ấy, đàn ông đánh nhau bất cần t ạ p v ă n 35 trận pháp nên cái gọi là danh dự đương nhiên thành một thứ xa xỉ. Lịch sử thao lược phương Đông thường xếp Gia Cát Khổng Minh là một tay đàn ông giỏi bày trận vào loại đệ nhất. Theo lời đệ tử ruột, danh tướng Khương Duy toàn đánh thua, thì Gia Cát sư phụ “bày trận có cả thảy 365 phép biến theo độ số xung quanh mặt trời. Nên quân giặc thách đấu trận pháp thì chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ”. (Tam Quốc diễn nghĩa - Hồi 113). Lần đấu trận pháp hay nhất của Gia Cát Võ Hầu là lần đấu với Tư Mã Ý, đại tướng nhà Ngụy, người rồi đây tạo lập ra vương triều Tấn. Tư Mã Ý tuy đọc được vanh vách kết cấu trận pháp của Khổng Minh, nào là Trường xà quyển địa hình con rắn, nào là Bát môn kim tỏa có cửa tử cửa sinh, nhưng do không thuộc cách biến hóa nên khi liều lĩnh xông vào trận liền lập tức thảm bại. Tóm lại, tài Tư Mã Ý giống tài các nhà phê bình văn học đương thời, thao thao chỉ ra nhan nhản những phép tu từ, những trường phái hiện đại, những chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng thử cầm bút viết thật một truyện ngắn thì thối không thể ngửi. Dã sử cho rằng Khổng Minh học trận pháp từ sách của Phục Ba tướng quân Mã Viện rồi tự hoàn thiện nâng cao. Chẳng biết binh pháp của họ Mã có cao minh không, chỉ biết ông này khi đánh nhau với nhị vị vua bà họ Trưng của người Việt thì toàn bại, bèn bày ra một trận pháp quái dị đến phản cảm. Biết quân của đối phương đa phần là phụ 36 Nguyễn Việt Hà nữ, ông ta cho những hàng lính đứng đầu trăm phần trăm thoát y. Mã Viện kém quá, ông ta không biết rằng các nữ chiến binh Việt khi lâm trận thì nhìn đám đàn ông khỏa thân vô cảm như các đạo diễn điện ảnh nhìn giải Cánh Diều Vàng. Sau lần thua dại dột ấy, quân Hán rút kinh nghiệm toàn mặc áo giáp kín mít và những chỗ nhạy cảm luôn che chắn cẩn thận. Khổng Minh bày trận người đã giỏi, ông ta còn bày “bát trận đồ” bằng đá (thạch trận) rất siêu. Trận chia thành tám cửa Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai nguy hiểm sánh ngang bằng mười vạn tinh binh. Đại tướng Đông Ngô bằng cấp đầy mình là Lục Tốn lạc vào mê trận đó suýt chết, may mà nhờ bố vợ Khổng Minh thương tình cứu ra. Tương truyền, kiến thức của Gia Cát Lượng hầu hết là học từ vợ. Gia Cát phu nhân tuy ngoại hình xấu nhưng có đủ Công, Ngôn, Hạnh kiêm thông cả Nho, Y, Lý, Số. Bà là minh họa lỗi lạc cho câu cái nết đánh chết cái đẹp mà các mỹ nhân thi hoa hậu thời nay thường a dua nhau ngô nghê giải thích. Theo tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung thì “bát trận đồ” được truyền đến đảo chủ đảo Đào Hoa là Hoàng Dược Sư thì tuyệt. Hoàng lão Đông Tà công phu bày mê trận vì trót có một cô con gái xinh đẹp tới tuần cập kê. Công năng chủ yếu của bát trận đồ xếp bằng hoa đào là dùng để ngăn chặn mấy thằng cầu hôn vớ vẩn. Có lẽ vì thế mà Hoàng bố vợ bị gã con rể Quách Tỉnh đấm cho không biết bao nhiêu lần. t ạ p v ă n 37 Nói cho cùng, đàn ông biết bày trận pháp cũng là việc vô cùng bất đắc dĩ bởi chuyện chiến tranh là chuyện chẳng ai muốn. Ngày nay, hòa bình kéo dài, đám đàn ông chỉ còn biết bày trò. 38 Nguyễn Việt Hà đàn ông có “cạc” “Cạc” là nôm na tiếng Việt theo nghĩa đen để gọi cái thẻ. Hồi chưa có những loại tối tân thời thượng như kiểu thẻ sim điện thoại di động, thẻ rút tiền ATM nhà băng... thì “cạc” là chữ vắn tắt được chuyên dùng nhằm chỉ tấm danh thiếp mà ở cái thủa vừa huênh hoang khai hóa vừa dã man thực dân nước ta, người Pháp đọc là carte de visite. Theo nhà nghiên cứu “cạc” học Cao Việt Dũng thì vào khoảng năm 1854 người phát minh ra kiểu dáng cácvisít hiện đại đầu tiên là nhiếp ảnh gia Eugene Disderi. Danh thiếp (người Ăng Lê ngắn gọn còn gọi là name card) đương nhiên lịch sự riêng tư thông tin về tên về chức danh nghề nghiệp về những địa chỉ lên lạc cần thiết của người có “cạc”. Cố nhiên, vì dính líu đến chữ “danh” nên hầu hết trên mặt của “cạc” người ta trân trọng nhất vẫn là những dòng thông tin về chức vị. Ngay từ hồi mới xuất hiện, hiếm hoi lắm mới có người cầm được một t ạ p v ă n 39 cái “cạc” chỉ thuần trong trắng có tên và địa chỉ. Ở cuốn “Chơi Chữ”, học giả sống từ thời Pháp thuộc là cụ Lãng Nhân đã khảo cứu “Chúng tôi xin đề cập đến một tấm danh thiếp khá gọi là kỳ quan: Trần văn Có - tức Huyện Có - Láng giềng quận công Hoàng Cao Khải. Thì ra tên tuy là có mà chính thật là không. Không có gì hết nên buộc lòng phải lôi ông hàng xóm ra làm bảo chứng để thơm lây”. (Sách đã dẫn - trang 340, Nxb Văn Học). Rồi có vẻ chưa hết bức xúc về thói dị hợm háo danh của đàn ông Việt, học giả minh họa thêm bằng mấy tấm “cạc” mang nội dung kinh hoàng. Đơn cử “Lý văn Giầu - tức Huyện Giầu - tri huyện hàm được tư thưởng đệ ngũ đẳng bắc đẩu bội tinh do văn thư số 811 ngày 15/8/1927”. Ngày xưa ngây thơ ấu trĩ nên khi đàn ông khoe khoang trên “cạc” có đôi phần ngô nghê. Ngày nay văn minh tiến bộ, khoe khéo hơn nhiều: “Giáo sư - Vũ sư - Giám đốc chưa hưu”. Đã là đàn ông, không cứ người Việt, đa phần đều lành mạnh ham danh. Nhà Nho lãng tử cực kỳ manly là cụ kỳ nhân Nguyễn Công Trứ trắng trợn khẳng định “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Bởi thế, từ lừng lẫy đại quan thừa kế xe hơi nhà lầu đến đám đầu tắt mặt tối vất vả thương gia đều cố sức hùng hục kiếm danh. Với đàn ông đẫm đầy hoài bão chí khí, thì cái Danh lại càng to tát hơn hẳn cái Lợi, nên cho dù phải lê la chịu nhục nhịn đói nhịn khát bọn họ vẫn nghiến răng dành dụm “ba vạn để mua danh”. Thật ra chữ “danh” sâu xa vốn 40 Nguyễn Việt Hà sạch, ví như núi mà cô ngạo tự nhiên ngất ngưởng hùng vĩ thì gọi là “danh sơn”, người mà có chữ (thường thường không có chức) tài cao đức dày thì gọi là “danh sĩ”. Lời mà thẳng ngay minh chính, làm tất thảy tâm phục khẩu phục thì gọi là “danh ngôn”. Và tất cả những thứ có tiếng này luôn được yêu mến gọi là Thanh Danh. Người hoặc vật đã “thanh danh” thì cho dù bị vùi dập nhúng bẩn cũng không thể mất danh. Và vì thế “danh sạch” là thứ đồng tiền vĩnh viễn không bao giờ mua nổi. Phải là kẻ ngu xuẩn tha hóa lắm thì sau khi chạy chức mới hoang tưởng liều lĩnh đi chạy danh. Cạc vi dít thường là những tấm thiếp nho nhỏ xinh xinh, cốt để đàn ông cho vừa vào ví, vì vậy nếu danh vị mà quá dài thì khổ cho nó lắm. Danh hiệu dùng cho một người vào loại dài nhất nước ta thuộc về Lý Thái Tổ. “Phụng thiên chí lí ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn ban hiển ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Những bề tôi đời sau lấy đức hạnh thực mà tôn xưng vua đến hơn mười chữ đã là nhiều lắm rồi. Bấy giờ bề tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ đến 50 chữ, thế là không có học kê cứu đời xưa, chỉ cốt nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ đó là muốn khoe khoang, vua và tôi đều sai cả”. (Đại Việt sử ký toàn thư - Nxb Khoa học Xã hội, trang 188). Sử gia tiền bối là Lê Văn t ạ p v ă n 41 Hưu còn nghiêm khắc hơn, “Đế vương đời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến hơn chục chữ. Thái Tôn nhận lời bề tôi... thì trong việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tôn không có học không biết, mà bọn nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót không thể bảo là không có tội”. (Sách đã dẫn, trang 216). Thế nhưng nghĩ cho cùng, Thái Tổ hay Thái Tôn đều là những vị vua kiệt hiệt lỗi lạc, nhỡ tôn hiệu có in tất vào “cạc” thì cũng là chuyện chính đáng “y phục xứng kỳ đức”. Đám đàn ông bây giờ có nhiều kẻ khoe “cạc” mới thực sự thô bỉ. “Nhà văn-nhà thơ-nhạc sĩ-họa sĩ-nghệ sĩ ưu tú...” Nhiều nhà chen chúc ở gần nhau như thế chắc chắn phải gọi là phố. Còn nhiều phố song song dài như thế thì phải gọi là quận. Thời phong kiến thối nát có chức “quận công”, nghĩa đen đại loại là “ông nhiều nhà”, cái chức này nên khôi phục lại để tiện lợi dành cho những quý ông là hội viên của không biết bao nhiêu hội. So với đàn ông, đàn bà có vẻ ít dùng “cạc” hơn, nhưng một khi đã dùng thì cũng cực kỳ hoành tráng. Kẻ viết bài này từng đã nhận “cạc” của một bà luật sư rộng chừng gần nửa trang A4 in trên giấy quý chứa miên man những chức danh mà quý bà muốn kể. Đám đàn ông đang nhớn nhác trên hoạn lộ hoặc thương trường khi nhìn thấy đều rúng động kinh hãi khao khát. Tóm lại, “cạc” là một bộ phận không thể thiếu ở những đàn ông sang trọng yêu giao tiếp. Trao “cạc” của mình cho 42 Nguyễn Việt Hà người khác, nhất đấy lại là phụ nữ thì luôn là một hành vi văn hóa mang tính vừa tin tưởng vừa lịch sự. Vì thế, đàn ông đã có tiền và đã có danh, không thể nào lại không có “cạc”. t ạ p v ă n 43 đàn ông cởi truồng Khi không mặc quần áo, đàn ông thường bị nôm na gọi là cởi truồng, còn đàn bà được nhã nhặn gọi là khỏa thân. Thoạt nghe thì khỏa thân có vẻ sang trọng hơn cởi truồng nhưng sâu xa về chất thì nhang nhác cũng vậy. Bởi khi trong sáng ngợi ca vẻ đẹp của thân thể con người, mức độ nhân văn luôn xêm xêm bằng nhau. Trong lịch sử mỹ thuật nhân loại, hình tượng về phụ nữ khỏa thân là một chủ đề lớn được nhiều họa gia, điêu khắc gia say mê mô tả. Đương nhiên, ở một chừng mực nào đó (đặc biệt tại phương Tây), đàn ông cởi truồng cũng được bọn họ nồng nhiệt quan tâm. Không kể những ký họa mang tính bài tập suýt soát ngang tầm tác phẩm, thì các ví dụ kinh điển hay được nhắc đến nhiều nhất đó là những tượng đá hoa cương Hy Lạp của Praxiteles (390? - 330? trước Công nguyên) rồi David (1503) của Michelangelo. Có điều, hầu hết những đàn ông cởi truồng này đều thoát tục nửa thần nửa người (không phải ngẫu nhiên “bo đì” 44 Nguyễn Việt Hà của thần mặt trời Apollo lại được khai thác triệt để), “cái kia” rất xinh còn cái mặt hoặc chân tay đều hoành tráng rạng ngời chính phái. Ở văn hóa Hy La, chuyện đàn ông “nuy” không phải là cái gì quá tệ hại và xa lạ, vì thế việc đàn ông văn minh ngày nay bỗng trở nên “ê lê gần” kín đáo chắc hẳn nguyên nhân không xuất phát từ quan điểm thẩm mỹ. Còn ở ta, trong một bản đồng dao tương truyền từ thời Đinh đã có những câu “Là thằng con trai. Có tài đả hổ. Đẵn cây cây đổ. Xô đá đá nhào. Leo lên núi cao. Bắt con hổ mộng. Nhảy xuống sông rộng. Chém con thuồng luồng. Chớ có cởi truồng. (Mà) nó vồ mất cu”. Đồng dao Việt vốn là một thể loại nghệ thuật phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, qua đấy có thể thấy rằng vào thủa xa xưa trong trắng, đàn ông lúc đang lao động (mà săn bắn là hình thái nam tính nhất) luôn cẩn thận mặc quần hoặc khố, cốt để phòng tránh một tai nạn oái ăm không đáng. Cố nhiên cũng có trường hợp vừa lao động vừa thoát y như Chử Đồng Tử, nhưng lý do lại thật đơn giản: nhà Chử quá nghèo. Khi quần áo ít, đàn ông thường thanh thoát trong sạch, gần gũi thiên nhiên, nuôi dưỡng một lương tri trong vắt. Có lẽ vì thế nên đàn ông hồi ấy lúc ngơi nghỉ, đa phần đều cực kỳ phong phanh, so với nếp sinh hoạt của đàn ông hôm nay thật khác lắm. Bây giờ, kha khá đàn ông ở đô thị lớn thường thích thư giãn trong các tiệm mát xa gội đầu máy lạnh hoặc những quán karaoke có tay vịn, và hầu hết bọn t ạ p v ă n 45 họ đều rụt rè không dám cởi. Bởi mặc dù không có hổ mộng hay thuồng luồng, thế nhưng nhỡ có cởi truồng thì thỉnh thoảng vẫn bị “nó” vồ mất. Nỗi hãi sợ này luôn ẩn ức trong vô số đàn ông hiện đại, và cái vô thức thèm cởi chỉ buột hiện hình thăng hoa trên mặt bìa album của một số nam ca sĩ chuyên hát các bản tình ca tan vỡ. Sâu xa cùng thời gian, đàn ông cởi truồng đã thành một triết lý sống hẳn hoi. Ngoại trừ những biến thái ở mấy giáo phái vớ vẩn bệnh hoạn, thì ngay từ thời Tấn (265 - 420) bên Tàu đã có nhiều danh sĩ tài cao đức trọng cổ suý cho thói quen khỏa thân. “Sách Thế thuyết tân ngữ, thiên Nhậm đản kể rằng, Lưu Linh (một trong số bảy người hiền của Trúc Lâm) thường cởi quần áo ở trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy chê cười, Linh nói ‘Ta lấy trời đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, tại sao các ngươi lại chui vào quần của ta’. Đủ rõ lối sống phóng túng của chủ nghĩa tự nhiên ở phái Phong lưu vượt ra ngoài quan điểm xã hội để vươn lên quan điểm vũ trụ thiên nhiên... Họ thanh tao hóa cảm xúc đến trình độ tế nhị hơn là những cảm xúc vật dục tầm thường”. (Lịch sử triết học phương Đông - Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1991 - trang 198). Đại loại, Lưu Linh là một hiền nhân đại triết gia, triết lý “tự nhiên nhi nhiên” của Đạo gia được ông phát huy tới cùng cực làm đám thiết kế thời trang đang học đòi quân tử vô cùng ghét. Chuyện về đàn ông cởi truồng thì có rất nhiều, và đặc sắc nhất vẫn là truyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế do 46 Nguyễn Việt Hà văn hào Hans Christian Andersen (1805-1875) sáng tác. Có một ông vua thích ăn diện nên đã bị hai thằng đại bịp hành nghề thợ may lập kế lừa. Bọn chúng làm ông ta tô hô đi diễu hành trước bàn dân thiên hạ. Đám đông đứng xem gồm có nhân sĩ trí thức tự phụ trung thực, thiếu nữ ngây thơ vỗ ngực đoan trang, nhưng tuyệt không một ai dám nhìn ra. Duy nhất có thằng bé tuổi mẫu giáo cứt nát hồn nhiên bi bô “Hoàng đế cởi truồng”. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử may mặc của loài người, sự hèn nhát lố bịch của đám đông, sự giả dối ngu dốt của quyền lực bị lột trần tới mức tinh tế như vậy. Andersen xứng đáng là bậc thầy của nghề điêu khắc chữ, ông đã tạc ra một điển hình kinh hoàng bi thảm về đàn ông cởi truồng. Kể từ sau câu chuyện của văn hào Đan Mạch, đàn ông trên khắp thế giới lúc xuất hiện lịch sự trước đám đông đều đạo mạo đủ quần đủ áo. Riêng ở ta tại Hà Giang, có một nam giáo viên đã dũng cảm mặt dày đi ngược lại xu thế thời đại. Khi bị tòa tuyên với tội danh lạm dụng nữ sinh, gã bẩn thỉu đã từng làm hiệu trưởng này, khăng khăng đòi tụt quần trước công đường để chứng tỏ mình là trinh bạch. Đáng thương thay cho cái gọi là đàn ông quang minh trong sạch những khi nó trắng trợn trần truồng. t ạ p v ă n 47 đàn ông hoài cổ Hà Nội gần đây xôn xao thích thú vì mới có một cửa hàng từa tựa mậu dịch của thời bao cấp. “Mơ niu” ở đó có nhiều món rưng rưng vớt vát vất vả quá khứ. Phở không người lái trộn cơm nguội, tóp mỡ xào dưa, cơm độn khoai hoặc sắn. Đàn ông tấp nập vào uống bia hơi quốc doanh, lộn xộn ngồi ghế đánh dối vécni, còn bàn thì có chân làm từ máy khâu “xanh gie” “con bướm”(1). Khách vừa ăn vừa nghẹn ngào nhìn những kỷ vật khốn khổ của một thời chẳng nỡ quên. Dép đúc Tàu là huênh hoang quân khu nghĩa hiệp. Cặp lồng nhôm sứt hai ngăn là tần tảo mồ hôi mẹ tan ca. Tivi cửa lùa đen trắng là gom góp bố đi công tác Sài Gòn. Tay chủ, vốn âm thầm sở hữu vài ba quán thời thượng quanh Bờ Hồ, khi trả lời ồn ào 1. Máy khâu hiệu Singer, Butterfly. 48 Nguyễn Việt Hà báo chí là tại sao làm thế thì ngập ngừng “tôi là một đàn ông hoài cổ”. Hoài cổ nôm na là “nhớ cũ”, và mười phần trong nỗi nhớ dung dị đấy thì đến bảy tám là bồi hồi run rẩy. Chẳng phải là sợ cái thứ dọa dẫm sến kiểu như “bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã trả đại bác”, nó đơn giản là một cảm xúc nhưng nhức như nuối tiếc như dằn vặt như bất an. Khi nhỡ hoài cổ, đàn ông đại loại phải làm một cái gì đấy (thông thường là làm thơ), nếu không sẽ rất khó thở. Lại nhớ về buổi chiều nhiều mây khi cái cửa hàng đó chưa khai trương. Gã sẽ là chủ quán bồn chồn nhìn mưa bỗng buông chén khàn khàn giọng nặng như chém đá, nhất quyết phải mở một quầy mậu dịch bao cấp. Giờ đây đã thật nhiều tiền, nhưng ký ức với đằng đẵng những cảnh vật lộn xếp hàng cầm sổ lương thực đong gạo rồi chen ngang đánh nhau tem phiếu mua đậu phụ bứt rứt ám ảnh. Đấy là chưa kể lẫn lộn vào những rạch quần loe những “cờ đỏ” cắt tóc dài là một lần cuối ngõ tối, cả hai run như cầy sấy bàng hoàng với nụ hôn đầu. Rồi liều lĩnh mở cúc trên cùng áo phin nõn, chợt hốt hoảng thấy cả một vùng trắng hồng ngấn ngực. Hoài cổ thì không hẳn là đặc sản chỉ riêng có ở đàn ông, đôi khi ở đàn bà cũng phảng phất. Có điều, những “nhớ cũ” ở các nàng hoặc bâng khuâng ước lệ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà huyện Thanh Quan). Hoặc níu giữ nhỏ mọn “Con đường t ạ p v ă n 49 ta đã dạo chơi. Xin đừng đi với một người khác em” (Phan Thị Thanh Nhàn). Chính vì thế mà lúc đâm sầm phải quá khứ, ví như gặp lại người tình cũ ở buổi pạc ti nào đấy chẳng hạn, đàn bà vẫn thản nhiên ung dung thăm hỏi. “Khỏe không”, “đã mấy con” rồi nhí nhảnh đùa “hóa ra vẫn độc thân à, để hôm nào đây giới thiệu cho cô em chồng nhà này nhé”. Tất nhiên, ở sâu xa khuất khúc của người hỏi hình như cũng nhoi nhói một tí, và chỉ một tí ấy thôi. Đàn ông khác hẳn, đã không “nhớ cũ” thì thôi, còn nếu bị nhớ, nhất là buổi chia tay cuối cùng của mối tình đầu, thì tất thảy đều xót xa tan hoang đứt ruột. Không phải ngẫu nhiên mà những người tuổi cao thọ lâu, chín mươi chín phần trăm đều rơi vào các cụ bà. Đàn ông tử tế hoài cổ thường là những đàn ông đang ở đẵn tuổi vận hạn, 49 đã qua 53 vừa tới. Đám trung niên này hoặc từng sở hữu một hôn nhân nát bét hoặc đang có một gia đình chới với mong manh. Và cho dù có tiền hay không thì hầu như bọn họ đều biết đọc sách, đều biết uống rượu ngon rồi thỉnh thoảng có làm thơ. Thơ của bọn họ đều nhói buốt buồn bã, nhiều câu nhiều chữ chấp chới tới tầm Ô y hạng, một tứ tuyệt kiệt tác hoài cổ của Đường thi. “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến. Phi nhập tầm thường bách tính gia”. Nó rơm rớm như nước mắt của anh hùng tuyệt lộ. Giống như sự sang trọng bị bán rẻ. Giống như sự chân thành bị đểu giả phản bội. 50 Nguyễn Việt Hà Cố nhiên, đàn ông hoài cổ không chỉ có loại xót xa buồn mà còn có loại hớn hở vui. Loại sau đông lắm. Đó là những trọc phú dư dật thành đạt hoặc học giả thời thượng bằng cấp. Tuy được cuộc sống đương thời chiều chuộng hết mực nhưng bọn họ thậm ghét những gì đương đại. Văn học bây giờ đã hết đỉnh cao. Hội họa bây giờ rặt học mót. Âm nhạc bây giờ toàn lai căng. Với bọn họ, ngoại trừ gái tân, còn đâu tuốt tuột phải cổ hết mới giá trị. Câu đầu lưỡi ở họ luôn là “bao giờ cho đến ngày xưa”. Hôm rồi trên tivi, có một gã trúng mánh được ít tiền bỗng sinh thói tao nhã vun đá trồng cây cảnh đã ngoạc mồm tụng cổ, người Thăng Long chơi đá chơi cây thì tinh tế quý phái nhất là thời cuối Trịnh. Danh sĩ Phạm Đình Hổ, người Kẻ Chợ hồi ấy, từng tức giận nói rằng “Ta chỉ quái lạ cho người đời bây giờ chơi hoa chơi đá khéo quá thành ra vụng... Những hình long hổ ngoằn ngoèo, sư lân hống hách khiến ai cũng thấy bịt mắt lắc đầu mà chán. Thế mà người đời lại lấy làm cao, ta thực không hiểu ra sao cả”. (Vũ trung tùy bút - Nxb Trẻ, trang 48). Ô hô, đã là nông nổi hợm hĩnh thì cổ hay kim đâu có khác. Còn một giáo sư, chạy mãi mới được bằng thì ra vẻ cao đạo tự giễu. Tiến sĩ ngày nay chất lượng đáng ngờ quá, chẳng được như xưa. Có thật thế chăng. Thôi thì không kể mấy ông tiến sĩ “giấy” thời mạt Nguyễn mà cụ nghè Tam nguyên Yên Đổ đã chua chát, chỉ tính thời Lê thôi, lúc học phong còn đang cao thì cũng “Lê triều tiến sĩ nhị thập tứ. Bát chân bát ngụy bát chân ngụy. Như kim t ạ p v ă n 51 thoát khước triều đầu cân. Vị giác thùy phi hựu thùy thị”. Đây là cảm thán của Thám hoa Phan Thúc Trực, tác giả của bộ Quốc sử di biên, nôm na có nghĩa “24 vị tiến sĩ triều Lê. Có 8 vị đáng có 8 vị chẳng đáng, còn 8 vị thì nửa nọ nửa kia. Nếu bỏ cái khăn đội đầu ra, bố ai biết là vị nào đúng tiến sĩ”. Hỡi ơi, xưa cũng như nay cũng một vòng luẩn quẩn. Cũng ngần ấy điều hay và cũng không biết bao nhiêu điều dở. Lãng mạn hoài cổ rồi trở thành gàn dở nệ cổ thì đàn ông tử tế nhất quyết không làm. Hình như hơn hai nghìn năm trước cổ nhân đã từng nói như vậy. 52 Nguyễn Việt Hà đàn ông lao động nghệ thuật Có một quan niệm được mặc định ở hầu hết các phụ nữ, đó là, đã đàn ông thì phải chăm chỉ lao động. Vì chỉ có lao động thì mới tạo ra được sản phẩm. Và đã là sản phẩm thì đương nhiên, hoặc phải dùng được hoặc phải dễ dàng bán được. Với khá đông những phụ nữ thích quy ra thóc, phẩm chất cao quý nhất của lao động là kiếm cho được thật nhiều tiền. Từ điển tiếng Việt được một nhóm học giả không rõ giới tính giải thích. “Lao động: Hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Ví dụ, lao động chân tay, lao động nghệ thuật” (Nxb Từ điển Bách Khoa - 2010, trang 703). Thậm chí thuyết tiến hóa của ông Darwin (không phải bà), sau khi được một số triết gia duy vật giới tính nam update, rất thời thượng ở thế kỷ 19 lẫn 20 còn cho rằng, lao động đã tạo ra con người. t ạ p v ă n 53 Những hình minh họa cho cái thuyết này luôn vẽ đám đàn ông cởi truồng, nguyên thủy bắt đầu lông lá giống như con đười ươi vụng về hái lượm, rồi lúc biết cầm công cụ lần hồi kiếm ăn thì bỗng thăng hoa đẹp đẽ cả về trí óc lẫn hình thể, nhang nhác hoàn hảo như nam diễn viên có tên Ngoan. Lao động lợi hại như thế nên không những các quý bà quý cô, mà ngay cả đám đàn ông cũng yêu nó vô cùng. Nhiều năm gần đây báo chí luôn viết bài tuyên dương về đàn ông ở Nhật. Đây là những đàn ông yêu công việc còn hơn Kim Trọng yêu Thuý Kiều, còn hơn cựu hoa hậu yêu đọc sách hay nữ ca sĩ yêu trung thực. Tuy nhiên, do suốt ngày cặm cụi “hoạt động có mục đích nhằm tạo ra các loại sản phẩm” nên bọn họ thường lơ là ái tình. Vài nữ khảo cứu gia xã hội học đã hoảng hốt cảnh báo, chỉ số “make love” của đàn ông Nhật là thấp nhất thiên hạ. Tận tụy lao động lành mạnh không những ảnh hưởng tới hôn nhân hoặc tình yêu mà hình như còn có tác hại nhất định tới nghệ thuật. Ở khía cạnh nào đấy, cụm từ “lao động nghệ thuật” là những chữ viết sai. Bởi đích thực nghệ thuật thì chẳng hẳn dính dáng đến lao động. Viết một quyển tiểu thuyết (hay), vẽ một bức tranh (hay), soạn một bản nhạc (hay) thường là sự dồn nén từ đau đớn phẫn nộ, từ chới với lạc quan, từ hy vọng bi quan rồi chợt tới một khoảnh khắc cảm động bất ngờ bỗng dưng ứa ra. Những cái “ứa” đấy thường đẫm đầy nước mắt, thỉnh thoảng có cả máu chứ mồ hôi thì kể làm gì. Và đương nhiên, rất nhiều 54 Nguyễn Việt Hà cái “ứa” sẽ chẳng hề bán được. Tác phẩm vĩnh viễn không bao giờ là sản phẩm, kể cả khi được mỹ miều mạ thành sản phẩm nghệ thuật. Còn đôi khi tại sao nó được bán đắt thế, đơn giản, vì nó là vô giá. Đám nghệ sĩ đàn ông đang loay hoay đóng vai artist luôn thích nhắc cái câu mà bọn họ cho là xuất xứ từ mồm của một thiên tài nghệ thuật. “Tác phẩm vĩ đại là tích tụ từ 99% của lao động và 1% của tài năng”. Khi gặp các quý bà hoặc quý cô mang vẻ ngây thơ, bọn họ thường mệt mỏi vung tay khoe nách đang lõng bõng mồ hôi. Khi trả lời phỏng vấn truyền thông, bọn họ nghẹn ngào “Để hoàn thành cho xong cái trường ca đó, (hoặc cái vẽ đó cái nhạc đó), tôi bị sụt mất gần năm ký”. Chúa ơi, nghệ thuật mà được hay là nhờ tụt cân thì tại sao không đi ăn bậy thức ăn ngoài đường phố không rõ nguồn gốc để rồi bị Tào Tháo đuổi. Việc quái gì phải vất vả hốc hác ngồi nghiến răng nặn chữ nặn hình nặn nốt. Nghệ thuật không bao giờ đến từ sự chăm chỉ. Tất nhiên, nghệ thuật cũng chẳng bao giờ đến từ triền miên ngồi nhậu. Nhan nhản ác tít đờ men đột ngột được giời ị vào đầu may mắn “cướp cò” thăng hoa lóe sáng chút ít câu thơ hoặc vài ba đoạn nhạc, thì luôn say sưa vỗ ngực cao đạo “nghệ thuật là trò chơi, và tôi là kẻ rong chơi cuối cùng ở cõi đời này”. Vì bản chất là người tủn mủn lao động nên bọn họ ra sức khinh rẻ sự tần tảo lao động. Bọn họ thường phiêu linh đít cưỡi xe Air Blade còn mồm thì t ạ p v ă n 55 nồng nhiệt “chém gió”. Phong độ sống của bọn họ cực kỳ độc đáo khác thường, tóc đuôi trâu râu quai nón, nhưng những cái họ tiếp tục làm lại tầm thường y hệt giống nhau. Ngay cả cái gọi là sản phẩm nghệ thuật ở họ cũng vô cùng tệ, vì đến mấy giọt mồ hôi thật cũng không thấy có. Nhìn đống chữ ế, đống phim ế bọn họ trịch thượng nức nở những là “sinh nhầm thế kỷ” những là “độc giả chẳng hiểu mình”. Nhưng có một điều lạ, bất cứ giải thưởng văn phim họa nhạc nào cũng lồ lộ thấy mặt. Bọn họ dung tục đinh ninh rằng, nghệ thuật thì phải là đỉnh cao và đỉnh cao đó mang tên là “giải thưởng”. Thiền thoại của nhà chùa có kể. Một ông đang tập làm sư, trong trắng khát khao muốn tu thành chính quả nên tận tụy ngồi thiền ngày này qua ngày khác. Có bậc tổ sư đi ngang, nhác thấy căn cơ tử tế của ông ta thì động lòng thương, bèn ngồi cạnh rồi nhặt một viên gạch chân thành mài. Ông đang tập làm sư thoạt đầu chẳng thèm để ý, kiểu như mấy nghệ sĩ huênh hoang hay vào vai giám khảo tuyên bố “không thèm quan tâm đến dư luận”. Mãi sau thì cũng tò mò, hỏi, “ông mài gạch để làm gì”. Đáp, “mài gạch để thành kim cương”. Lại cáu kỉnh hỏi, “ông dở hơi à, có mài gạch cả đời cũng chẳng thành kim cương”. Bình thản đáp, “thế ông cứ tưởng chăm chỉ ngồi thiền là thành Phật à”. Ông tập làm sư đột nhiên thoát ngộ. Và về sau, lịch sử Thiền Tông đã trân trọng chép tên ông là Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), một trong những thiền sư vĩ đại của Phật giáo Trung Hoa. 56 Nguyễn Việt Hà Dòng Thiền của Mã Tổ còn đăng truyền tới Việt Nam với đệ tử lỗi lạc là Nguyên Thiều. Dòng Thiền này coi trọng sự lóe sáng khoảnh khắc của “Ngộ Tính” (một cảnh giới tối cao mà mọi nghệ thuật đều nỗ lực vươn tới), nhưng cũng cực kỳ yêu sự bền bỉ của lao động cần cù. Họ có hẳn một bản nội quy ca ngợi lao động, đó là bản Bách Trượng thanh quy lừng danh. Có thể nói, nghệ thuật thì không sinh ra từ lao động, nhưng muốn nghệ thuật thành thì bắt buộc phải lao động. Có điều, những đàn ông đang hăm hở “lao động nghệ thuật” thì xin đừng là những cục gạch. t ạ p v ă n 57 đàn ông mọc sừng Hình như đàn ông mà đương nhiên có sừng thì chỉ thấy ở bọn quỷ. Trong những tranh khắc gỗ mô tả cảnh địa ngục của Thiên Chúa giáo thời trung cổ ở phương Tây chẳng hạn, hoặc những minh họa Phật giáo dân gian kiểu “thập điện Diêm Vương đồ” ở phương Đông chẳng hạn, người ta luôn thấy những hình hài lông lá mang vẻ đàn ông mặt mũi gớm ghiếc tay cầm đinh ba trán mọc đôi sừng đang tra tấn tội đồ. Thật ra, theo đúng những quy chuẩn kinh điển thì quỷ hay thần đều không rõ giới tính khí Âm u linh tụ lại thì thành quỷ, khí Dương thuần thiện phát ra thì thành thần, mặc định quỷ là đàn ông mang sừng nghĩ cho cùng cũng chỉ là những suy diễn thành kiến. Nhưng theo những hồi ký của đám đàn bà trắc nết chuyên đi cắm sừng thì cái thành kiến này hoàn toàn xuất phát từ hiện thực đời thường. Bởi trong đời sống nhàn nhạt bình nhật, xót xa thay, có 58 Nguyễn Việt Hà không biết bao nhiêu đàn ông bỗng đột ngột mọc sừng. Đấy là những đàn ông mặt mũi không hề gớm ghiếc, tay không cầm đinh ba mà tận tụy cầm ghi-đông ngày hai buổi hãnh diện đưa vợ hoặc người yêu đi làm. Họ gom góp tiền lương tiền thưởng đẫm đầy mồ hôi, đôi khi có lao lực cả máu, tần tảo chăm chút cho cái gia đình mà họ luôn lương thiện nghĩ rằng đó là nơi tuyệt đối bình an, tuyệt đối hạnh phúc. Ở nơi ấy đương nhiên phải có những người vợ đoan trang chờ chồng về ăn cơm cùng, phải có những người tình chung thủy đang ngong ngóng khát khao cất giữ những nụ hôn trinh bạch. Và rồi một ngày kinh hoàng đểu giả ập đến, những người đàn ông chợt thấy trên đỉnh đầu mình nhu nhú mọc mầm một cái gì đấy vừa đau đớn rắn vừa nhức nhối lỏng. Ngây thơ như không biết bao nhiêu người tử tế, họ đưa đầu ra cho vợ hoặc người tình khám rồi lo lắng hỏi “Em ơi, dạo này sao đầu anh nó thế nào ấy”. Người đàn bà được hỏi lấy những ngón tay trắng muốt, mà càng ngày càng trắng nhờ sự điêu luyện của dối trá phản bội, mềm mại xoa xoa vào chỗ gồ ghề đấy ân cần trả lời “Ừ nhỉ. Lạ nhỉ, thôi để chiều nay em đi hỏi cô bạn bác sĩ quen”. Và ngay buổi chiều, đứa đàn bà bạc bẽo đó gọi môbai cho nhân tình. Thằng khốn nạn kia khuyên là, nếu em còn đôi chút thương nó thì đi cắt vài thang thuốc Bắc hoạt huyết. Còn không, thì tiện nhất là mua vài hộp dưỡng não cho nó uống dần. Nhớ đừng tham rẻ mua thuốc nội, vì chúng mình là những người yêu sự nhân hậu. Vì thế đàn ông mọc t ạ p v ă n 59 sừng người nào người nấy đều hằn nổi gân xanh chỗ huyệt Thái Dương do cả tin uống quá nhiều các loại thuốc bổ dưỡng thần kinh. (Cước chú. Thuốc hoạt huyết dưỡng não có nhiều loại. Loại tốt nhất là của Pháp, giá 1 vỉ 10 viên là 187 ngàn đồng tiền Việt. Nhớ chọn những vỉ có viên màu tím sẫm chung thủy mang hình trái tim). Công lao làm cho sừng đàn ông mọc đều và đẹp hiển nhiên thuộc về phụ nữ. Những đàn bà này tương đối xinh, thường có một đến hai con, đa phần dư dật tiền thậm chí có đứa nhiều tới mức đi lại cứ nẩy tưng tưng, kiểu đi của bọn “rửng mỡ”. Giọng bọn họ ngọt ngào thánh thót, ăn mặc đoan chính thời trang công sở. Khi nói với chồng thường ân cần quá mức, còn khi nói với bạn thì luôn chê bai những loại đàn bà nhố nhăng lăng loàn không quan tâm đến gia đình. Khi rời nhà nghỉ hay khách sạn, phong độ bọn họ lồng lộng kiêu sa, hai gò má hây hây đỏ đầy quyến rũ vì phấn hứng của tình dục vụng trộm, nên tiết kiệm được một khoản đáng kể tiền mua mỹ phẩm. Trước khi về tới nhà, bao giờ cũng tạt qua siêu thị mua giò chả cho chồng, mua chocolate cho con. Trước khi đi ngủ thường tắm kỹ, rồi e ấp khỏa thân giống như Kiều hồi chưa làm đĩ. Và anh chồng ngu dại kia mờ mắt vì hạnh phúc, run rẩy lao đến thì được vợ thầm thì bảo, “Thôi, em xin để hôm khác, hôm nay em phải làm báo cáo cuối tháng mệt quá”. Trong lúc âu yếm xoa đầu chồng chỗ gờn gợn đang gồ lên ngày một rõ, nàng đắc ý thỏa mãn tự cười mỉm, nhớ về “kích 60 Nguyễn Việt Hà cỡ” của bản báo cáo. Thỉnh thoảng có những đứa mặt dày hơn vẫn dám lên giường với chồng, và đến tận cùng của sự đểu cáng, bọn họ sử dụng lại những thao tác mà chiều nay vừa nồng nhiệt với gã nhân tình đàng điếm. Thường sau những cuộc mây mưa như thế, sừng của đàn ông mọc dài ra thêm chừng một phân rưỡi. Có một điều khá lạ là trong khi mặt mũi những người chồng có sừng ngày càng sầm tối, thì lẩn khuất trên đầu những người đàn bà ngoại tình luôn lấp lóe sáng một vòng gần giống như thánh thiện hào quang nên họ hàng người thân của bọn họ lấy làm tự hào lắm. Câu đầu lưỡi của bố mẹ vợ nói về chàng rể là “cái nhà anh ấy không biết tu mấy kiếp nên mới vớ được con bé nhà này”. Bởi thế, những người đàn bà chuyên đi gieo sừng luôn tự tin bước lên đài lên báo, sẵn sàng thuyết giảng về nghĩa phu thê, về lòng chung thủy. Cái người duy nhất nghe các nàng nói phải nhăn mặt kinh tởm, đấy chính là cái thằng “bồ” của nàng. Lương tâm còn chút xíu trong sạch của nó không khỏi bàng hoàng khi phải bẽ bàng đối mặt với một sự đê tiện nghênh ngang phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Còn những đàn ông yêu vợ chắc chắn đã biết mình bị mọc sừng thì đêm về thường hay khóc thầm. Bọn họ hay trằn trọc mất ngủ, có lẽ do cặp sừng quá cồng kềnh, cho dù đã cẩn thận kê đầu lên cái gối mềm mại nhồi lông chim mà hôm sinh nhật vợ vừa mua tặng. Nước mắt đỏ như màu máu của họ lăn qua cặp má bầu bĩnh của đứa con bé ngủ t ạ p v ă n 61 cạnh, và nhờ sự trong trắng của đứa bé, nó dịu dàng nhợt đi chuyển sang màu hồng. Thế nhưng, khi mấy giọt huyết lệ đấy rơi chính vào lòng người đang khóc, nó bỗng hung hãn tê tái như có ai đó cầm cái sừng rắn nhọn thô bạo ngoáy vào trái tim đang chực vỡ ra thành từng mảnh. 62 Nguyễn Việt Hà đàn ông phản bội Cách đây chưa lâu, có một sự kiện rất “hót” được nhiều báo đài mệt mỏi đưa tin, đấy là việc một viên đại tá thuộc cơ quan tình báo Nga (SVR) đã bán đứng đồng đội của mình cho phe đối thủ. Dư luận không quá quan tâm đến động cơ hay mục đích của viên đại tá bẩn thỉu này, người đọc chỉ xót xa khi thấy tâm trạng đau đớn đến bàng hoàng của những người bị phản bội. Một trong những người đó, đã dày dạn bản lĩnh tới mức được phong hàm tướng, bật nức nở. Ông ta không thể hiểu nổi sự quay quắt đê tiện ở một con người mà bao nhiêu năm ông luôn tự hào rồi đặt trọn vẹn niềm tin. Và viên tướng khốn khổ thoi thóp ốm nặng tuyệt vọng sụp đổ. Này, những thằng đàn ông đã phản bội, chúng mày có bao giờ hiểu được những việc chúng mày đã làm không. Thực ra trong lịch sử vừa cao cả hoành tráng vừa nhỏ nhen hèn hạ của đàn ông có không biết bao nhiêu những t ạ p v ă n 63 gã được coi là đàn ông đã phản bội. Theo kinh Tân Ước đã hơn hai ngàn năm tuổi thì thằng đàn ông phản bội đầu tiên có thể là “Một trong 12 môn đệ tên là Giu-đa I-xca-ri ốt đến gặp các đại tư tế và nói với họ ‘Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp người cho các ông’. Họ cho hắn ba mươi đồng bạc”. (Mát Thêu 26; 14,15). Và cũng giống như tất cả những kẻ phản bội để kiếm lợi, kể từ sau khi cầm những đồng bạc tanh mùi máu của huynh đệ, Giu-đa luôn sống trong trạng thái hoảng loạn của dày vò day dứt. Có phải thế chăng mà trong một kiệt tác nửa tiểu luận nửa truyện ngắn, văn hào Nhật Bản Dazai Osamu (1909-1948) đã trằn trọc thanh minh hộ cho gã. Osamu cho rằng, việc Giu-đa phản bội hoàn toàn xuất phát từ lòng thương xót sự trong trắng của Đức Chúa Giê-su bị dung tục ngu dốt đố kỵ làm vấy bẩn. Không phải ngẫu nhiên mà “Giu-đa liền ném tiền vào đền thờ rồi đi thắt cổ” (Mt 27;5). Một kết cục thường gặp ở những thằng phản phúc còn chút xíu lương tâm. Thế nhưng nói gì thì nói, bản chất của kẻ phản bội vẫn là phản trắc phản tín tuyệt đối không đáng tin. Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Phản bội là phản lại, chống đối lại những người hoặc những cái đáng ra phải hết sức bảo vệ, tôn thờ”. (Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Tất cả những kẻ phản bội đều không thể là ngây thơ là nông nổi. (Điều này lý giải tại sao đám đàn bà con gái hoặc bọn thiển cận tiểu nhân rất khó trở thành những kẻ phản bội vĩ đại). Bởi chính những kẻ thật sự phản bội thì đều đã từng đứng 64 Nguyễn Việt Hà ra bảo vệ, đứng ra tôn thờ “những người hoặc những thứ” nào đó trong suốt một thời gian dài. Chỉ cho đến khi hoặc vì danh hoặc vì lợi hoặc vì những khốn nạn khác bọn họ mới tha hóa rồi đem những thiêng liêng cao cả ra bán rẻ. Tất nhiên ở sâu xa của mỗi kẻ phản bội không chỉ đơn giản thế, nó còn là tổng hợp phức tạp của nhiều đố kỵ nhỏ nhen được nuôi dưỡng bằng sự ghen ghét tầm thường mà Trần Ích Tắc là một điển hình minh họa. Ích Tắc chức phong đến Chiêu quốc vương, vốn là em ruột của đương kim hoàng đế nhà Trần. “Khi 15 tuổi thông minh hơn người, thông kinh sử và các kỹ thuật, vẫn ngầm có chí tranh ngôi trưởng” (Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ, quyển 5). Tắc lúc thịnh, ở dưới một người ở trên vạn người, quyền thế ngả nghiêng thiên hạ. Vậy mà khi quốc gia vừa có biến, vận nước vừa lâm nguy, Tắc từ một cao ngạo kẻ sĩ, một chân chính quý tộc, một lẫy lừng tôn thất đã tha hóa thành một thằng đàn ông hèn hạ. “Sau khi quân Nguyên bị thua, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc” (Sách đã dẫn). Làm gì có sự thanh thản cho những kẻ quay quắt đã không biết bao nhiêu năm ăn rau muống luộc, bỗng dưng đổi lấy màn thầu rồi dùng xì dầu thay cho nước mắm. Chân dung của những gã phản bội người Việt còn được khắc họa một cách cay đắng rõ nét nhất trong cuốn Tháng Ba gẫy súng của một nhà văn vừa mất. Ở đây không bàn đến chuyện đúng sai của chính kiến, hay dở của tư tưởng, chỉ biết tất cả những thằng đàn ông tính toán trên xương t ạ p v ă n 65 máu của đồng đội để thủ lợi thì tất thảy đều là kẻ đểu cáng. Ngay cả khi đã ân hận sám hối, bọn chúng vĩnh viễn cũng không thể trở thành một người tình thủy chung, một người cha lương thiện hoặc một bằng hữu chân thành được nữa. Bọn chúng đã hết quyền làm người. Tuy nhiên, theo tùy từng hoàn cảnh tùy từng quan điểm, sự phản bội của đàn ông, đặc biệt là thời bây giờ, luôn mang những màu sắc khác nhau. Với chị em cave thì Sở Khanh là thằng nguy hiểm nhất, nhưng với các quý bà dư dật rửng mỡ thì gã Đông Gioăng lại có phần hơn. Ở cuộc sống nhàn nhạt bình thường hôm nay, những đồng tiền bán bạn không còn tanh mùi máu như thời của thằng Giu-đa khốn nạn, nên đám đàn ông phản bội thường thanh thản yên tâm không cần tự thấy là phải đi treo cổ. Khi chân thành sám hối, bọn họ thường tặc lưỡi, “người chết đã chết rồi nhắc làm gì chuyện cũ. Mắt lim dim đao phủ ngồi Thiền”, rồi nghẹn ngào mở ví, rút một nắm bạc dày ra sức đút vào những hòm công đức. 66 Nguyễn Việt Hà đàn ông quỳ lạy Đàn ông mà phải vừa quỳ vừa lạy một cái gì, nói chung là hiếm lắm. Bởi hầu như tất cả những đàn ông đó cốt cách đều thanh cao, tài năng đều lỗi lạc. Đã thế, phong khí bọn họ lại cô ngạo bất cần, thẩm mỹ thì “bông gu” đẫm đầy tinh tế. “Chè ngon xin chớ ướp hoa. Ướp hoa khó biết đâu là chè ngon”. Đây là hai câu thơ đã được lục bát ra Nôm của danh sĩ Cao Bá Quát (1809- 1855), một người đàn ông Việt tinh hoa kiêu sa vô đối. Tương truyền cái tuyên bố khét tiếng của ông “thiên hạ có ba bồ chữ thì một mình Quát này chiếm hai bồ” được đám văn nhân tài tử đương thời xứ Sơn Nam hạ, hầu hết đều là những kẻ “chẳng ai chịu về nhì”, chân thành cho là rất xứng. Ông Cao còn là quân tử thẳng lưng “uy vũ bất năng khuất”, cuộc khởi nghĩa “giặc châu chấu” chống triều đình hủ bại Tự Đức mà ông trực tiếp tham gia với tư cách quốc sư đã minh chứng điều đó. Vậy mà ông Cao đã từng nhất sinh đê thủ bái mai hoa, sụp xuống lạy một cành hoa mai. t ạ p v ă n 67 Này, cành hoa kia, xin làm ơn cho đám hậu học đi sau tủi thân được biết, tại sao một đại danh sĩ khí tiết lồng lộng như vậy lại phải khấu đầu trước mi. Hơn một trăm năm sau, cái vấn nạn ấy hình như được Kim Dung tiên sinh, đại văn sĩ quê Trung Hoa đại lục, lờ mờ trả lời ở trong bộ tiểu thuyết Hiệp khách hành (Nxb Văn Học - 2003). Cuốn kỳ thư này kể về cuộc đời một cậu bé chân chất lương thiện, mồ côi khốn nạn tới mức bị gọi là Cẩu Tạp Chủng (đồ chó đẻ hoang). Trải qua nhiều biến cố thăng trầm long đong vất vả “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương” (Kiều), rồi nhờ thuần hậu nên một ngày kia cậu bé bỗng thành “thiên hạ đệ nhất võ công”, một thứ danh hiệu mà không biết bao nhiêu siêu việt đàn ông hoặc cần cù khổ luyện hoặc la liếm quỳ lạy mong có được nó. Vào cái hôm cậu bé vô học không biết chữ, đột nhiên vô thức đạt tới cảnh giới “đệ nhất nhân”, may mắn làm sao trời cao có mắt, cậu được sự ấn chứng của hai tuyệt đại cao thủ, Long và Mộc đảo chúa. Cả hai đích thực võ lâm chí tôn, ngay cả đám đệ tử loại hai loại ba của họ, nhỡ có trượt chân ra đời sa vào vòng dung tục danh lợi, thì hèn nhất cũng phải cỡ giáo sư, tiến sĩ, thứ trưởng. Thế mà, khi bất ngờ chứng kiến cậu bé luyện công đại thành, “Long đảo chúa nói ‘huynh đệ được trời phú cho kỳ tài, Thật đáng mừng, thật là đáng mừng, xin nhận của lão phu một lạy’. Lão nói xong phục xuống lạy, Mộc đảo chúa cũng sụp lạy theo” (Sách đã dẫn - tập 2, trang 520). Nên nhớ rằng, cả đời hai lão quái hiệp 68 Nguyễn Việt Hà Khuyến Thiện Trừng Ác này chẳng bao giờ lạy ai, mà chỉ vô vàn cao thủ văn nhân trí thức xếp hàng đôi quỳ lạy hai lão. Vì thế cậu bé cả kinh, “vội quỳ xuống khấu đầu lia lịa, trán dập xuống đất kêu binh binh”. Cao cả thay là những tấm lòng liên tài biết sợ trời. Tất tật đàn ông tử tế đọc tới đây chắc đều mơ hồ ngộ ra được một điều, tại sao Cao Chu Thần lại “đê thủ bái mai hoa”. Đàn ông đã thật có tài, thật có đức thường chỉ run sợ khi bất chợt hạnh phúc được đối diện với những gì trong trắng tối thượng linh diệu của tạo hóa. Hoặc đấy là một đóa hoa đơn sơ nở giữa bao nhiêu bạc bẽo tuyệt vọng. Hoặc đấy là núi cao mây mù, hoặc đấy là trường giang cuồn cuộn. Hoặc nữa, đấy là sự tuẫn tiết hy sinh của một đoan trang mỹ nhân, hay là sự kết thúc có hậu đầy bi tráng của một vị tha đại hiệp đang tuyệt lộ. Dường như toàn bộ linh khí thiêng liêng của giời đất bỗng “tự nhiên nhi nhiên” ngưng tụ vào vật đấy người đấy. Không thể không quỳ lạy. Đáng thương thay cho những đàn ông tự hào cả đời mình chỉ biết đứng. Được tận mắt thấy sự huyền diệu của Thiên Địa phi thường, con người ta mới phóng khoáng sâu sắc biết được cái nhỏ nhoi của kiếp người vớ vẩn. “Ngẫm trời đất vô cùng. Một mình tuôn giọt lệ”, thi hào Trần Tử Ngang đời sơ Đường đã vừa khóc vừa quỳ như vậy trước mênh mang vũ trụ. Đàn ông hiên ngang biết quỳ lạy, thì may mắn thay, thời nào cũng có. Thời nay vẫn đang có và hình như có đông t ạ p v ă n 69 nhất là ở giải vô địch bóng đá quốc gia V-League. Chuyện cầu thủ ở mọi vị trí bỗng rưng rưng vái lạy trọng tài đã thành cơm bữa, dù VFF bằng mọi nỗ lực cố không khuyến khích. Tiền đạo lừng danh số 1 Việt Nam Lê Công Vinh là điển hình ví dụ. Vào lúc chót vót kịch tính của trận cầu giữa Đồng Tháp và Hà Nội T&T, đột nhiên danh thủ họ Lê chợt bi tráng “đê thủ bái” trọng tài. Một cảnh tượng huy hoàng nghẹt thở, tuy chưa kịp đưa vào văn vào thơ vào phim nhựa, nhưng cũng nhan nhản ngập tràn trên các trang báo thể thao. Độc giả nồng nhiệt “còm” và tất nhiên trong đó có lồ lộ thắc mắc. Công Vinh rõ ràng là một đàn ông song toàn tài đức, nên việc thỉnh thoảng xúc động quỳ lạy trước một cái gì vốn là lẽ đương nhiên. Chỉ có điều, hình như trọng tài chưa hẳn là vật được thiên địa hun đúc thành khối, mặc dù nhiều người được “hun” (công nghệ hiện đại gọi là mạ) tới cảnh giới “đạn bắn không thủng”. Hơn nữa, kể cả đẹp giai thì chưa bao giờ chưa ở đâu, dung nhan trọng tài lại giông giống như hoa mai đang nở. Này, trọng tài, xin làm ơn cho khán giả được biết. Tại sao một tiền đạo hoành tráng như vậy lại khấu đầu trước ông. Để trả lời rốt ráo cho vấn nạn này, theo một vài học giả có bằng tiến sĩ thể chất thì nhân loại sẽ mất khoảng chừng trăm năm nữa. Xã hội văn minh tươi đẹp hôm nay, kinh tế thị trường vũ bão phát triển. Để y phục xứng kỳ đức, nó không thích 70 Nguyễn Việt Hà những đàn ông biết quỳ mà chỉ thích những chủ nhân ông tự tin biết bay biết nhảy, biết đoán trước giá vàng biết chạy thành quan chức. Dù lần đầu tiên được thấy sông dài biển rộng, những ông chủ này cũng vẫn ưỡn ngực phanh áo không lạy bao giờ. Tất nhiên, đôi lúc thanh thản thỏa mãn, bọn họ cũng lầm rầm vừa quỳ vừa khấn. Nhưng quỳ lạy trước cái gì lại là điều tuyệt bí mật. Đại loại, nó được bí mật giữ gìn như số lượng tiền của họ đã và đang gửi ở ngân hàng. t ạ p v ă n 71 đàn ông viết tạp văn Tạp văn là những đoản văn ngăn ngắn đa phần được in ở báo chí, ít thì chừng bảy trăm chữ, nhiều thì chừng hai nghìn chữ có xuất xứ hình như hoặc ở Tàu hình như hoặc ở Tây, còn bây giờ đang lũ lụt ngập tràn ở ta. Tất nhiên, người Việt hồi xa xưa lúc báo chưa ra cũng có những đàn ông viết đoản văn cự phách lắm, cứ đọc Vũ trung tùy bút hay Tang thương ngẫu lục thì biết. Người Việt vốn thể trạng xinh và nhỏ, theo lời Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, dễ có truyền thống thuần thục những gì hơi ngắn. “Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, bọn địch cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh, dùng đoản chế trường là chuyện thường của binh pháp”. (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ - Quyển 6 - Nxb Khoa học Xã hội). Có phải vậy chăng mà ở ta, những đàn ông giàu bền dài “ba họ” tuyệt hiếm, chỉ nhan nhản thấy bọn trọc phú dư tiền quật khởi nửa đoạn nửa đời. 72 Nguyễn Việt Hà Đàn bà cũng viết tạp văn, đương nhiên, với bọn họ thì chẳng từ bất cứ việc gì. Có điều, như chính một nữ sĩ hồn nhiên sâu sắc tự thú, tạp văn là một thứ quà vặt, nhí nhách chỗ hội thảo đông người hay lúc cô đơn chờ tình đều vừa răng thích miệng. Hoặc là ám ảnh về một cuốn sách vừa đọc. Hoặc là nghẹn ngào của một mối tình vừa tan. Hoặc bức xúc về những dung tục vừa mới thô bạo chợt xảy, đại loại là những ký ức vụn. Nhưng với nhiều đàn ông, ví như văn hào Lỗ Tấn (1881-1936) người Tàu chẳng hạn, tạp văn là nghiêm ngắn. Nó vừa có thể “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” lại vừa “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (thơ cụ đồ Chiểu). Lỗ tiên sinh có công mặc định chữ “tạp văn”, trước ông thiên hạ hay dùng “tạp cảm” “tạp lục” hoặc “tạp bút” “tạp ghi”... Văn nghiệp của tiên sinh có vô số tạp văn tuyệt vời tới mức kinh điển. Gần đây trên tờ Văn Nghệ “già” có một ông thuần ta thống thiết đề nghị đừng gọi là “tạp văn” nữa mà phải gọi “tản văn” nghe cho nó sang. Đúng sai chẳng bàn, chỉ biết ngày nay cái kiểu “vụn văn” này sống được là nhờ báo chí. Mà đã là báo thì hẳn nhiên nhốn nháo, nơi ồn ào ra vào của bao nhiêu thập loại chúng sinh, muốn sang trọng thuần khiết là điều bất khả. Hầu hết các báo, dù lá cải hay không, thường dành một mục nuôi văn ngắn tản mạn. Thôi thì hoặc bình dị “dọc đường”, hoặc lãng mạn “một thoáng”, hoặc gồ ghề “góc nhìn”. Rồi “cà phê sáng” rồi “chén trà chiều”, tạp văn được đất tha hồ cuồn cuộn chảy. t ạ p v ă n 73 Và cho dù cuồn cuộn, tựu chung tạp văn do đàn ông viết ở ta thường có hai loại, loại để kiếm tiền và loại để không kiếm tiền. Hai loại đều có bài thơm bài thối, vấn đề sang hay hèn cũng vậy, đều lẫn lộn có ở hai. Tuy nhiên đọc loại viết để kiếm tiền thì biết ngay, bởi đơn giản, kẻ viết bài này chính là một thứ như thế. Tạp văn kiếm tiền giống như món bò sốt vang bán cho quảng đại tiểu thị dân, vừa tươi đỏ màu hoa hiên vừa nồng nàn mùi vang quá “đát”. Nói chung, để chan vào phở hay dùng bánh mì chấm đều được. Nhân đây cũng xin huênh hoang một “tạp kiến”, Hà Nội là nơi đông chỗ bán sốt vang ngon nhất nước. Không kể làm ra vẻ cao lâu như Nguyên Sinh phố Lý Quốc Sư thì vỉa hè nào cũng rất sẵn. Thâm niên tàm tạm ăn được có gánh (chỉ bán sáng sớm) ở góc Hàng Ngang ra Hàng Chiếu, rồi Lý béo (chỉ bán đêm) ở Hàng Quạt. Dăm năm lại đây có phở số 8 Hàng Da cũng rất ổn. Có điều, vì chủ quán là đàn bà nên thịt bò nạc quá, cả một cục vuông đầy đặn giống như đạo đức của đám đại gia lúc bốc đồng từ thiện làm người ăn chóng chán. Cố nhiên, đã bò sốt vang thì đừng lắm bèo nhèo, nhưng muốn ngon vẫn phải là diềm giắt mỡ và ngon nhất là gân. Tạp văn kiếm tiền bắt buộc phải lên gân. Thành ngữ bia hơi bảo cổ có gân thành thần nói phét, tạp văn kiếm tiền mà không biết bốc phét thì có nước húp cháo. Loại thứ hai là tạp văn không kiếm tiền, so với loại trước, điều khác biệt dễ nhận là nó hay được tập hợp in 74 Nguyễn Việt Hà vào sách. Tạp văn thành sách không hiểu có oai và sang hơn không nhưng chắc chắn là đang thời thượng, bởi nó a dua chiều theo cái thói quen ngại đọc dài của độc giả. Kệ sách đựng nó ở Thư viện Quốc gia càng ngày càng đầy phè, số lượng đe dọa hai kệ để thơ bên cạnh. Mẫu mực của tạp văn không kiếm tiền thường thấy ở hình thức “entry” rưng rưng cảm xúc trên mênh mông các blog. Đấy đều là những đoản văn vô tư vô danh vô lợi không diêm dúa chẳng tu từ, nhiều khi bâng quơ nhỡ đọc bỗng dưng xót xa bật cười đau buốt ruột. Nhìn kỹ lại màn hình, chợt thấy những vệt chữ sao mà giống y như những vệt nước mắt. Tuy nhiên, hầu hết những đàn ông khởi đầu bằng viết tạp văn, cho dù viết hay, thường rất vất vả để thành một nhà văn chuyên nghiệp. Tạp văn là một thứ “ăn ngay” nên ngày ngày bào mòn nội lực của người viết. Khi phải đối diện với việc cần mẫn viết dài đòi hỏi thời gian, bọn họ dễ sốt ruột. Đa phần những nam văn sĩ viết giỏi tạp văn đều buông bút không viết văn nữa, có người may mắn trở thành nhà báo. Và chính vì sự bác tạp của tạp văn, cũng như sự “tức thời” của nó với độc giả nên đám đàn ông tham gia viết cũng mang đủ loại xuất xứ. Có văn sĩ tiền bối như Ngô Tất Tố, Võ Phiến. Có họa sĩ như Đỗ Phấn, Phan Cẩm Thượng... Có nhạc sĩ như Quốc Bảo, Dương Thụ. Có bác sĩ như Đỗ Hồng Ngọc. Có thi sĩ như Đỗ Trung Quân, rồi có người xuất xứ là kiến trúc sư như Nguyễn Trương Quý... Ngoài ra, rất đáng kể là những nhà báo chuyên nghiệp, bởi tạp t ạ p v ă n 75 văn là thứ nửa văn nửa báo. Vào năm 2008 tờ Thể thao và Văn hóa đã tổ chức rầm rộ cuộc thi viết entry (thực chất là một kiểu tạp văn) với giải thưởng chẳng cao. Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Đàn ông viết ra nó đều là những người có nhân cách, thậm chí còn tử tế. Ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết. Điều này chẳng hiểu nên lo hay mừng. 76 Nguyễn Việt Hà đàn ông thề thốt Trong vô số nhàn nhạt đời thường cũng như trong tất cả các cuốn tiểu thuyết mà chỉ cần ở đấy có tí ti lãng mạn, chứ đừng nói gì đến những cảnh huống sướt mướt hoặc những cuốn “Mary Sến” diễm tình, thì bao giờ cũng có một tay đàn ông, tất nhiên đang yêu, luôn ngoạc mồm ra thề. Lời lẽ của bọn họ đại để đều mang vẻ hoành tráng chung tình, vạch núi chỉ biển kiểu như người Tàu thâm nho hay gọi là thệ hải minh sơn. Thường thường, mẫu câu phàm tục là “có Trời cao Đất dày làm chứng, anh mà dối lừa em thì rồi đây tiền mất tật mang chết đường chết chợ”. Đôi khi lại vô cùng ngắn gọn “Anh mà nói sai thì mồm anh méo”. Còn mẫu câu ở tiểu thuyết văn chương tao nhã hơn hẳn “Thưa tiểu thư, tôi xin thề có mặt trăng thiêng liêng kia đương dát bạc trên ngọn cây trĩu quả...”. (Romeo và Juliet - hồi 1, cảnh 2). Người được nghe đê mê sướng lắm, lim dim mắt đờ đẫn môi rồi hiến tặng tất cho cái thằng vừa thề. Nói chung, lời thề càng bóng bảy t ạ p v ă n 77 càng có cánh càng trắng trợn lôi đủ ông bà ông vải ra thì càng đắc dụng hiệu quả. Thế nhưng, theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì có một gã đã thề rất đơn giản nhưng hiệu quả lại không hề kém. “Một dạo, đóng quân ở vùng xa, Móng có làm quen và yêu một cô gái Chăm. Cô gái tóc xoăn da nâu, nồng nàn như lửa. Móng đòi cô gái trao thân. Cô gái bắt Móng phải thề và Móng thề ‘nếu tôi không chung thủy với em thì suốt đời tôi đi hót cứt’”. (Chuyện ông Móng - Nxb Hội nhà văn, 2005). ở đây không bàn chuyện đúng sai, thiêng hay không thiêng, chỉ biết về sau ông Móng còn sống được để kiếm dư dật tiền nong hoàn toàn là nhờ vào nghề buôn phân bắc (cứt người). Cách đây chưa lâu, có một bản ballad được viết bởi G. Baker và J. Myers với nhan đề Tôi thề đã trở thành “hít” trong giới trẻ yêu nhạc cả Âu lẫn Á. Và nó càng “hót” khi được nhóm All-4-One hát lại. “I swear by the moon and the stars in the sky...Till death do us part I’ll love you... I swear, I swear, I swear... Xin thề, xin thề, xin thề”. Tuy thề lắm thế nhưng mồm mấy nam ca sĩ này vẫn thẳng thớm không méo nên đám thiếu nữ mới lớn vừa say đắm nghe vừa rưng rưng lưng tròng nước mắt. Hình như họ đã quên hẳn một người bạn của họ, nàng Juliet, đã phải nức nở chua chát “Em xin chàng đừng lấy vầng trăng kia mà thề thốt. Vầng trăng nghiêng ngả mỗi tháng lại thay đổi đường đi lối về, em sợ tình chàng cũng như trăng kia mà thay đổi”. (Sách đã dẫn). Thành ngữ người Việt cũng bảo “thề cá trê chui ống”. 78 Nguyễn Việt Hà