🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Đường Tơ Lụa Mới: Hiện Tại Và Tương Lai Của Thế Giới - Peter Frankopan & Nguyễn Thế Phương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo] Ebooks Nhóm Zalo Con Đường Tơ Lụa Mới - Hiện Tại Và Tương lai Của Thế Giới Mới —★— Tác giả: Peter Frankopan Người dịch: Nguyễn Thế Phương Phát hành: OMEGA PLUS+ Nhà xuất bản Hà Nội 2021 ebook©vctvegroup Gửi tới Louis Frankopan, người cha kính yêu và đầy vinh quang của con (1939-2018). LỜI GIỚI THIỆU TS. PHẠM SỸ THÀNH Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA Trên tay quý độc giả là bản dịch tiếng Việt của tác phẩm The New Silk Roads: The Present and Future of the World (nhan đề tiếng Việt: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới) của tác giả Peter Frankopan, vốn là Giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford, nơi ông vừa là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Worcester, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ Stavros Niarchos của Trung tâm Nghiên cứu Byzantine (thuộc Oxford). Đồng thời, Frankopan còn là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại King’s College (thuộc Đại học Cambridge). Với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa”, Frankopan đã tổng hòa nhiều bằng chứng lịch sử và địa chính trị để đưa độc giả thời hiện đại chúng ta du hành vào mạng lưới những “con đường” quan trọng (mà theo quan điểm của nhiều sử gia hiện đại, như Peter Frankopan) đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên bộ khung kinh tế và địa chính trị của thế giới ngày nay. Như tác giả Frankopan chia sẻ, Con đường Tơ lụa mới được viết để “tiếp tục ở nơi mà Con đường Tơ lụa(*) kết thúc”. Do vậy, để giúp bạn đọc không phải cảm thấy bỡ ngỡ quá nhiều trước khi bước vào hành trình khám phá những khả thể mới của “Con đường Tơ lụa” ở thời đại chúng ta, thiết nghĩ cần có một chút lưu ý “dẫn đường”. Vậy thì, trước hết, “Con đường Tơ lụa” là gì? Đó là một khái niệm được nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen khởi từ thế kỷ XIX nhằm gọi tên mạng lưới những con đường giao thương kết nối nhà Hán ở Trung Hoa với các khu vực khác trên thế giới - die SeidenstraBen, có nghĩa là “Con đường Tơ lụa”. Dẫu vậy, lịch sử của thuật ngữ cũng mang nhiều gian truân và biến động như chính lịch sử khu vực và thế giới, theo thời gian, “Con đường Tơ lụa” không còn đơn thuần chỉ một phạm vi hay khu vực hay một hoạt động buôn bán tơ lụa cụ thể nữa, mà ngày nay, cụ thể là trong giới nghiên cứu phương Tây, nhắc đến “Con đường Tơ lụa” là đề cập đến “cách thức mà con người, các nền văn hóa và các đại lục hòa quyện vào nhau - và thông qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức truyền bá tôn giáo cũng như ngôn ngữ trong quá khứ, đồng thời cho thấy làm thế nào mà các quan điểm về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật lan tỏa, cạnh tranh và vay mượn lẫn nhau. ‘Con đường Tơ lụa’ làm rõ hơn vai trò trung tâm của việc kiểm soát các nguồn tài nguyên cũng như các tuyến thương mại đường dài, qua đó giải thích bối cảnh và động lực của các cuộc hành trình xuyên sa mạc và đại dương giúp cho các đế quốc trỗi dậy…”, như tác giả Peter Frankopan chia sẻ. Và ở tác phẩm viết về “Con đường Tơ lụa” mới này, tức phần hiện tại và tương lai của thế giới (tiếp sau phần về lịch sử thế giới), Frankopan chia nội dung sách thành 5 phần, gồm: • Những con đường dẫn tới phương Đông • Những con đường dẫn tới trung tâm thế giới • Những con đường dẫn tới Bắc Kinh • Những con đường dẫn tới đối đầu • Những con đường dẫn tới tương lai Bố cục sách thể hiện và khẳng định mạnh mẽ cái nhìn của Frankopan đối với xu hướng dịch chuyển quyền lực thế giới và trung tâm thế giới từ Tây sang Đông trong thế kỷ XXI. Cụ thể hơn, tác giả không ngần ngại chỉ ra cái tên quan trọng nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm mới của thế giới: Bắc Kinh. Điều này lập tức khiến chúng ta liên hệ đến một cụm thuật ngữ đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm trở lại đây. Đó chính là “Sáng kiến Vành đai, Con đường”. Là ý tưởng do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào mùa thu năm 2013, sáng kiến về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và Hành lang Kinh tế Con đường Tơ lụa (gọi tắt là Sáng kiến Vành đai, Con đường - Belt and Road Initiative, BRI) đã nhanh chóng trở thành một quyết sách kinh tế chính trị và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc trong nhiệm kỹ lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ năm. Từ một sáng kiến kinh tế, tháng 10/2017, BRI được đưa vào Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Trung Quốc đánh dấu việc sáng kiến này trở thành một công tác chính trị được hoạch định ở cấp cao nhất. Tính đến tháng 1/2021, đã có 140 quốc gia ký MOU tham gia BRI với Trung Quốc. Quốc gia này cũng đầu tư hơn 700 triệu USD trong giai đoạn 2013-2020 cho các dự án liên quan đến BRI ở nước ngoài thông qua nhiều kênh tài chính song phương và đa phương. Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng tất cả sáu hợp phần/ nhánh cho sáng kiến BRI, bao gồm hai nhánh Con đường và Vành đai năm 2013, Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) được đề xuất năm 2015. Đến năm 2018, Con đường Tơ lụa trên biển đã mở rộng đến khu vực Nam Mỹ, và trong Sách trắng về Chính sách Bắc Cực công bố năm 2018, Trung Quốc thậm chí còn đề xuất các nước cùng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên băng” để chuẩn bị về mặt chiến lược cho sự mở rộng về mặt địa lý của sáng kiến này. Đưa nó trở thành nhánh thứ tư của BRI. Tháng 3/2020, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng “Italia và Trung Quốc là nền tảng của Con đường Tơ lụa mới về y tế”, qua đó đưa Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) trở thành nhánh thứ năm của BRI. Đến tháng 6/2020, BRI có thêm một hợp phần nữa là Con đường Tơ lụa Không gian (SSR). Đối với các nước trên thế giới, BRI đem lại cơ hội đầu tư và thương mại mới, nhưng cần có cách tiếp cận thận trọng vì tính khả thi của BRI vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, hiện thực triển khai BRI trong thời gian qua đã khiến bản thân BRI vấp phải làn sóng xét lại, vì nhiều lý do về kinh tế và địa chính trị. Do vậy, ngày 27/8/2018 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh, “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế chứ không phải xây dựng một liên minh địa chính trị hay quân sự, và do đó sẽ không tạo ra một vòng tròn mang tính loại trừ hay một câu lạc bộ Trung Quốc”. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, do sự phong tỏa cả về kinh tế và đi lại, lưu trú nên việc triển khai BRI đã chịu ảnh hưởng và có những chuyển biến mới. Cụ thể, các dự án cơ sở hạ tầng của BRI đều bị trì hoãn do các vấn đề về tài chính của nước sở tại, các lệnh cấm đi lại và đóng cửa kinh tế. Nhưng việc triển khai Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) và Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) lại có bước phát triển mới. Bởi lẽ, bản chất ít nhìn thấy hơn của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là dễ dàng phù hợp hơn với môi trường địa chính trị mà các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện. Ngoài ra, các dự án BRI cũng được chú ý hơn về tiêu chuẩn môi trường. Trước tình hình này, trước Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã công bố Hướng dẫn Thúc đẩy Vành đai và Con đường Xanh. Mặc dù tài liệu này ngắn và thiếu các chi tiết cụ thể, nhưng nó đã đặt ra một mốc thời gian 3-5 năm để đặt “nền tảng vững chắc cho một BRI xanh”. Tuy vậy, những động thái điều chỉnh này liệu thu được kết quả thế nào, chúng ta sẽ còn phải kiên nhẫn theo dõi, nhất là trong khi tình hình thế giới đang đối diện với quá nhiều biến động mà nhiều trong số này lại đến từ thế giới tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh… Như vậy là, xét trên khía cạnh những diễn tiến thực tế trong nhiều năm trở lại đây, quan điểm của Frankopan, cũng như của nhiều học giả khác, về “Con đường Tơ lụa” mới và xu hướng quyền lực thế giới là khá sát với thực tế. Thế nhưng, với Frankopan, góc độ tiếp cận địa chính trị của ông có phần ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới sử gia và nghiên cứu phương Tây: hình ảnh của con đường tơ lụa cổ xưa phản ánh sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia châu Á nằm dọc theo con đường đó, mà điểm xuất phát chính là Trung Quốc. Điều này gây bối rối với những nhà địa chính trị đặt niềm tin vào nền tảng và ưu thế của biển cả. Châu Âu, hay Mỹ, là những khu vực và quốc gia từng đạt được vị thế cường quốc nhờ tận dụng đại dương, hướng ra đại dương như một tầm nhìn chiến lược. Còn đối với Frankopan, dường như “vùng đất trái tim” (hay trung tâm thế giới) đã dịch chuyển từ Đông Âu sang khu vực thảo nguyên Trung Á-Tây Á rộng lớn thế kỷ XXI này. Cái hay của Frankopan là ông đã dành thời gian khảo cứu cụ thể những sự kiện nổi bật mang tính đương đại ở khắp các khu vực dọc theo hành lang Con đường Tơ lụa cổ đại, kết nối chúng lại với nhau theo một tư duy mạch lạc, và từ đó đưa ra lập luận rất hấp dẫn: sự tiến hóa của Con đường Tơ lụa, dù theo hướng nào đi chăng nữa, cũng sẽ là điểm mấu chốt để định hình nên thế giới của tương lai. Đến nay, tuy rằng việc hiểu và nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa” mới nói chung và BRI nói riêng vẫn chưa có được sự đồng thuận ở phạm vi rộng lớn, quan điểm ủng hộ cũng có và các quan điểm phản đối, nghi ngại cũng nhiều, song ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu dựa trên số liệu và bằng chứng rõ ràng về chúng, trước mắt giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có nhiều sự tham khảo hơn trước khi quyết sách. Đối với riêng Việt Nam, mặc dù Chính phủ chúng ta thể hiện sự hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai BRI, nhưng phải đến tận năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc mới có một Bản ghi nhớ về kết nối “hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình. Việc hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” phản ánh lựa chọn mang tính chủ động của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia sáng kiến nhiều khả năng cũng sẽ tuân theo những nguyên tắc và thứ tự được cân nhắc kỹ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách của Peter Frankopan sẽ gợi mở nhiều điểm tham khảo đáng chú ý cho người đọc nói chung và những người làm nghiên cứu quan tâm đến sáng kiến này nói riêng. Vậy nên, trước khi chứng thực những mảnh nào trong toàn bộ khối ý tưởng về Con đường Tơ lụa mới được hiện thực hóa với sự tham gia của Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả ấn phẩm quan trọng về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của một học giả phương Tây, với cách nhìn khách quan, dựa trên nhiều bằng chứng nghiên cứu: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới. Qua bản dịch của Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương - một nhà nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế - tôi tin ấn phẩm này sẽ càng tăng thêm mức độ tiếp cận và sự hấp dẫn với độc giả Việt Nam. Hà Nội, tháng 5/2021 LỜI GIỚI THIỆU Khi được xuất bản vào năm 2015, cuốn sách Con đường Tơ lụa: Lịch sử mới của Thế giới đã gây tiếng vang lớn. Là tác giả, tôi hy vọng bạn đọc có thể thưởng thức được những gì tôi đã viết; tuy nhiên với tư cách một sử gia, từ lâu tôi đã nhận ra rằng những vấn đề mình nghiên cứu thường không tạo được nhiều sức hấp dẫn. Những cuộc nói chuyện trên bàn tiệc hay trong bữa ăn tối về nghiên cứu của tôi kết thúc khá chóng vánh và ngay cả với đồng nghiệp, các chủ để trao đổi thông thường chỉ xoay quanh những thời kỳ hay các khu vực mà chúng tôi có cùng sự quan tâm. Chính vì thế, sự thành công của Con đường Tơ lụa đã khiến tôi ngạc nhiên. Hóa ra có rất nhiều người mong muốn học hỏi nhiều hơn về thế giới, cũng giống như tôi khi còn bé. Tôi không phải kẻ duy nhất mong muốn tìm hiểu về những dân tộc khác, về các nền văn hóa và vùng đất khác nhau từng trải qua những thời kỳ huy hoàng trong quá khứ nhưng dần mờ nhạt trước những câu chuyên được lặp đi lặp lại của một lịch sử gần với chúng ta hơn. Rõ ràng là, việc dịch chuyển trọng tâm ra khỏi những câu chuyện quen thuộc ở châu Âu và phương Tây sang châu Á và phương Đông đã thổi một làn gió mới tươi mát vào lòng nhiều độc giả. Việc nhìn vào vai trò của những mối liên hệ đã gắn kết các châu lục với nhau qua hàng thiên niên kỷ cũng có tác dụng tương tự. Vào cuối thế kỷ XIX, nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đã nghĩ ra một định nghĩa cho mạng lưới những con đường giao thương kết nối nhà Hán ở Trung Hoa với các khu vực khác trên thế giới. Ông đã đặt tên cho những liên hệ đó là die SeidenstraBen - có nghĩa là “Con đường Tơ lụa” - một định nghĩa đã thu hút trí tưởng tượng của cả giới học giả cũng như quần chúng.[1] Khái niệm “Con đường Tơ lụa” của Richthofen khá mơ hồ trong việc xác định chính xác phạm vi địa lý của quá trình trao đổi hàng hóa, tư tưởng và con người giữa châu Á với châu Âu và châu Phi, cũng như trong việc giải thích xem liệu Thái Bình Dương và Biển Đông có liên hệ như thế nào với Địa Trung Hải và trên hết, là Đại Tây Dương. Thực tế, sự lỏng lẻo của khái niệm “Con đường Tơ lụa” cũng có ích, nhất là vì nó không phải là “con đường” như ý nghĩa hiện đại của từ này, hoặc vì nó đã làm mờ đi sự khác biệt giữa các tuyến thương mại đường dài và các tuyến thương mại ngắn, hay thậm chí vì ngoài lụa, nhiều loại hàng hóa khác nhau đã được trao đổi và trong một số trường hợp còn nhiều hơn thứ vải đắt đỏ kia gấp nhiều lần. Trên thực tế, “Con đường Tơ lụa” là khái niệm mô tả cách thức mà con người, các nền văn hóa và các đại lục hòa quyện vào nhau - và thông qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức truyền bá tôn giáo cũng như ngôn ngữ trong quá khứ, đồng thời cho thấy làm thế nào mà các quan điểm về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật lan tỏa, cạnh tranh và vay mượn lẫn nhau. “Con đường Tơ lụa” làm rõ hơn vai trò trung tâm của việc kiểm soát các nguồn tài nguyên cũng như các tuyến thương mại đường dài, qua đó giải thích bối cảnh và động lực của các cuộc hành trình xuyên sa mạc và đại dương giúp cho các đế quốc trỗi dậy. “Con đường Tơ lụa” cho chúng ta thấy người ta đã thúc đẩy các sáng tạo công nghệ và lan truyền chúng qua khoảng cách hàng ngàn dặm bằng cách gì, cũng như bạo lực và bệnh tật đã đi theo những mô-típ hủy diệt tương tự nhau ra sao. “Con đường Tơ lụa” cho phép chúng ta hiểu được rằng quá khứ không phải là một chuỗi các thời kỳ hay các khu vực cô lập và tách biệt, nó cho phép chúng ta cảm nhận được giai điệu của lịch sử mà trong đó, qua hàng thiên niên kỷ, thế giới được nối kết với nhau như một phần thuộc về quá khứ vĩ đại và bao trùm của hành tinh này. Nếu tôi viết Con đường Tơ lụa vào 25 năm trước, cuốn sách vẫn sẽ mang lại những cảm xúc tương tự. Vào đầu thập niên 1990, sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô đã tạo ra những thay đổi đột ngột không chỉ ở Nga mà còn ở khắp mười lăm nước cộng hòa thành viên của Liên Xô, mà sau này đều trở thành những quốc gia độc lập. Giai đoạn đầu những năm 1990 cũng đánh dấu sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với các can thiệp quân sự vào Iraq đầu thế kỷ XXI. Đó cũng là thời điểm mà Trung Quốc có những thay đổi mang tính bước ngoặt, khi mà hàng loạt các cải cách sau đó đã nâng tầm vị thế của quốc gia này không những trở thành một cường quốc khu vực mà còn là một siêu cường toàn cầu. Sự thay đổi còn xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Iran và trên toàn vùng Trung Đông sau đó - bởi đó là những gì luôn diễn ra dọc theo Con đường Tơ lụa, một mạng lưới được xem là hệ thần kinh trung ương của toàn thế giới. Một vài tuần sau khi cuốn sách của tôi được xuất bản vào mùa hè năm 2015, tôi ăn trưa với một người bạn tại London - một trong những người đầu tiên đã đọc cuốn sách. “Mình thấy cuốn sách mang lại một cảm giác thoải mái kỹ lạ”, người bạn của tôi nhận xét. “Cuốn sách của cậu khiến mình nhận ra thay đổi là bình thường, rằng biến động lớn tại các trung tâm quyền lực toàn cầu là bình thường, rằng thế giới hỗn loạn và lạ lẫm hiện tại thật ra không bất bình thường lắm đâu!” ★ Chỉ vài năm sau khi cuốn sách được xuất bản, rất nhiều thứ đã thay đổi. Dưới góc nhìn của một sử gia như tôi, đã xuất hiện nhiều tiến triển cực kỳ thú vị trong cách chúng ta tìm hiểu quá khứ. Các học giả làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tại những khoảng thời gian và khu vực khác nhau đã cho ra đời các nghiên cứu vừa sáng tạo lại vừa thu hút. Các nhà khảo cổ học sử dụng hình ảnh vệ tinh và phép phân tích không gian để khám phá những hệ thống thủy lợi do hàng loạt bể chứa nước, kênh đào và đập nước có niên đại khoảng thế kỷ IV tạo thành, giải thích bằng cách nào người xưa trồng được hoa màu tại các khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc Trung Quốc, trong khoảng thời gian quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài bắt đầu gia tăng.[2] Trong khi đó, các học giả thuộc dự án Hợp tác Vẽ bản đồ Di sản Afghanistan (Afghan Heritage Mapping Partnership) đã tận dụng dữ liệu từ vệ tinh thương mại và vệ tinh do thám, cũng như từ máy bay không người lái sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát tại Afghanistan. Kết quả là họ đã phục dựng được một bức tranh chi tiết về hệ thống lữ quán trên sa mạc, các kênh dẫn nước và tổ hợp nhà ở từng được các nhà lữ hành sử dụng ở trung tâm lục địa châu Á. Chính phát hiện này đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về cách người xưa liên kết các con đường tơ lụa trong quá khứ.[3] Việc các nghiên cứu này được thực hiện từ xa cũng cho thấy các phương pháp nghiên cứu khoa học đầu thế kỷ XXI đang tự thay đổi nhanh chóng.[4] Các tiến bộ trong phương pháp luận khoa học cũng đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các tộc người du mục và dân cư sinh sống trong các đô thị thời kỳ tiền hiện đại tại trung tâm lục địa châu Á. Phân tích đồng vị carbon và nitrogen trên 74 thi thể được tìm thấy trong 14 hố chôn cất ở Trung Á cho thấy sự khác biệt trong thói quen ăn uống giữa những cộng đồng định cư so với những cư dân du mục - trong đó cư dân du mục sử dụng đa dạng các loại thức ăn hơn so với những cộng đồng sống định cư tại các làng mạc, thị trấn hay thành thị. Chính đặc điểm này lại làm dấy lên câu hỏi quan trọng về vai trò của các nhóm dân cư du mục trong việc giới thiệu các xu hướng mới hay truyền bá các thay đổi về văn hóa trong một khoảng cách địa lý hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn dặm.[5] Trong khi đó, các bằng chứng di truyền hay dân tộc học ngôn ngữ đã được sử dụng để chứng minh làm thế nào sự mở rộng của các rừng cây óc chó và quá trình tiến hóa của ngôn ngữ lại xuất hiện lặp đi lặp lại trên phần lớn đại lục châu Á. Hóa thạch các hạt óc chó khô cho thấy cây óc chó được trồng có chủ đích như một loại cây nông nghiệp dài ngày bởi các thương nhân và nhà lữ hành dọc theo Con đường Tơ lụa - từ đó mở ra phương pháp để hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa thế giới tự nhiên và tác động từ sự gia tăng mức độ của các trao đổi mang tính địa phương, khu vực và rộng hơn nữa. Con đường Tơ lụa đóng vai trò như một “hành lang về gen” của con người cũng như của các loại động vật hay thực vật khác.[6] Cũng có những nghiên cứu gắn nguồn gốc của tiếng Yiddish với các trao đổi thương mại xuyên suốt châu Á và khẳng định rằng quá trình phát triển của tiếng Yiddish có mối liên hệ với các phương pháp được thiết kế riêng nhằm bảo vệ sự an toàn của quá trình trao đổi hàng hóa, bằng cách tạo ra một thứ ngôn ngữ mà chỉ một thiểu số được chọn mới hiểu.[7] Điều này có sự cộng hưởng rõ ràng với thế giới của thế kỷ XXI, khi các đồng tiền mã hóa hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang cố gắng giúp các nhà giao dịch thực hiện những mệnh lệnh của mình sao cho an toàn hơn. Hay đã có những bằng chứng đáng kinh ngạc xuất hiện nhờ công nghệ nghiên cứu lõi băng thế hệ mới, giúp làm sáng tỏ tác động mang tính hủy diệt của bệnh dịch hạch dựa trên sự suy sụp của nghề luyện kim giữa thế kỷ XIV.[8] Được giải mật vào năm 2017, các tài liệu ghi lại những buổi họp giữa Công sứ Anh tại Washington năm 1952, Sir Christopher Steel, với Trợ lý Ngoại trưởng Henry Byroade, để bàn về một cuộc đảo chính nhằm lật đổ thủ tướng Iran lúc bấy giờ một lần nữa giúp chúng ta hiểu rõ hơn các kế hoạch thất bại đã hình thành như thế nào.[9] Tương tự, việc công bố các bản kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ trong khoảng thời gian đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn vào bên trong quá trình hoạch định chiến lược quân sự của nước Mỹ - cũng như các đánh giá đương thời về cách tốt nhất để vô hiệu hóa Liên Xô khi chiến tranh xảy ra.[10] Trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy các sử gia đã tiếp tục sử dụng các kỹ thuật mới nhằm cải thiện hiểu biết của họ về quá khứ như thế nào. Điều này đã biến lịch sử trở thành một bộ môn sinh động và hết sức thú vị: thật xúc động khi chúng ta có thể dùng nhiều cách khác nhau để suy tưởng về cùng một chủ đề, cũng như khám phá những mối liên kết mới mẻ giúp kết nối các dân tộc, các khu vực, tư tưởng và bối cảnh lại với nhau. Sự hứng thú khi biết các phát hiện mới, công cụ mới và kỹ thuật mới có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ quá khứ khiến việc viết cuốn sách Con đường Tơ lụa này ngay từ ban đầu đã là một công việc thú vị. Cuốn sách này có quan hệ chặt chẽ với cuốn sách trước. Dựa trên sự thay đổi của thế giới trong những năm qua, ban đầu tôi chỉ có ý định thêm vào một chương mới nhằm làm phần kết luận thêm sâu sắc, cũng như giúp cuốn sách trước bắt kịp hơi thở của thời cuộc. Tôi muốn giải thích rằng, mặc dù đời sống chính trị trong kỷ nguyên Brexit, chính trị châu Âu hay dưới thời Trump có ra sao đi nữa, chính những quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa mới có vai trò thật sự quan trọng trong thế kỷ XXI. Tôi muốn chứng minh các quyết định quan trọng trên thế giới ngày nay không phải được đưa ra ở Paris, London, Berlin hay Rome - như một trăm năm trước đây - mà là ở Bắc Kinh, Moscow, Tehran và Riyadh, ở Dehli và Islamabad, ở Kabul hay tại các khu vực do Taliban kiểm soát ở Afghanistan, ở Ankara, Damascus và Jerusalem. Tôi muốn nhắc nhở các độc giả của mình rằng những gì từng xảy ra dọc theo Con đường Tơ lụa đã định hình nên quá khứ của thế giới này. Và tôi muốn nhấn mạnh tương lai cũng sẽ như thế. Khi bắt đầu chấp bút, tôi sớm nhận thấy những gì mình muốn viết đã vượt ra khỏi khuôn khổ mà một chương sách có thể (và nên) truyền tải. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng việc cung cấp một bức tranh khái quát những chi tiết về các vấn đề đương đại thông qua một lăng kính rộng hơn với hy vọng cung cấp bối cảnh về những gì đang xảy ra trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh một số chủ đề định hình toàn bộ cuộc sống và sinh kế của chúng ta mới là điều quan trọng. Con đường Tơ lụa chính là trung tâm của bức tranh - quan trọng tới nỗi chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì đang xảy ra ngày hôm nay và trong tương lai mà không đề cập tới khu vực địa lý nằm giữa Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương. Vì vậy, cuốn sách này dự kiến cập nhật toàn bộ câu chuyện và diễn giải những gì đã xảy ra vài năm gần đây, trong một thời đại của những thay đổi sâu sắc. Kể từ năm 2015, thế giới đã thay đổi mạnh mẽ. Khi đó tôi đã viết, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn và khắc nghiệt ở phương Tây. Điều này dường như là chắc chắn với sự kiện Brexit cùng tương lai bất định của Liên minh châu Âu, những điểm mà tôi sẽ thảo luận trong cuốn sách này. Nước Mỹ cũng đang đi theo một lộ trình mới sau lễ nhậm chức của Donald Trump - một sự kiện có lẽ sẽ khiến các bạn cảm thấy bối rối khi theo dõi và phân tích. Vấn đề không liên quan nhiều lắm tới những bài đăng trên Twitter của Tổng thống, vốn khiến các nhà phân tích cảm thấy buồn cười, mà liên quan tới nỗ lực tìm hiểu xem liệu Nhà Trắng mong muốn rút lui hay tái định hình các vấn đề quốc tế - và tại sao. Điểm này cũng sẽ được đề cập trong cuốn sách. Và tới lượt nước Nga, nơi vừa mở ra một chương mới trong mối quan hệ với phương Tây, bất chấp việc Tổng thống Putin cùng với các cộng sự thân tín của mình vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước trong suốt hai thập niên. Can thiệp quân sự tại Ukraine, các cáo buộc can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và Anh, hay những lời kết tội liên quan tới âm mưu ám sát một cựu điệp viên đã dẫn tới hệ quả là mối quan hệ giữa Nga với phương Tây đã rơi vào thời điểm tồi tệ nhất từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ - và, như chúng ta sẽ thấy, đặt nền tảng cho sự tái định hình mối quan hệ giữa Moscow với các quốc gia ở phương Đông và Nam bán cầu. Tại khu vực trung tâm của thế giới, những vấn đề chưa được giải quyết tại Afghanistan, sự sụp đổ của Syria sau cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm, hay quá trình tái thiết đầy đau đớn ở Iraq dường như khiến niềm tin bị xói mòn, mặc cho một lượng lớn chi phí tài chính, quân sự và chiến lược đã đổ vào đây nhằm cải thiện tình hình tại từng điểm nóng. Tình trạng thù địch giữa Iran và Ả-rập Xê-Út, cũng như giữa Ấn Độ và Pakistan hiếm khi hạ nhiệt, với các cáo buộc gay gắt nhắm vào nhau vẫn thường xuyên diễn ra khiến người ta có cảm giác mọi thứ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát bất cứ lúc nào. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong giai đoạn khó khăn, với một nền kinh tế trì trệ cùng các cuộc biểu tình quy mô lớn dẫn đến nỗ lực đảo chính bất thành năm 2016, khi một phe phái trong quân đội cố gắng giành chính quyền. Sau đó, hàng chục nghìn người đã bị bắt và khoảng 150 nghìn người đã bị cho thôi việc do được cho là có liên quan đến người bị tình nghi là đạo diễn của vụ đảo chính, Fethullah Gũlen. Những người này bao gồm các nhân viên tư pháp cấp cao, các học giả, giáo viên, cảnh sát và nhà báo - cũng như sĩ quan quân đội.[11] Áp lực đặt lên các nhà tù lớn tới nỗi vào tháng 12 năm 2017, chính phủ tuyên bố sẽ xây dựng thêm 228 nhà tù mới trong vòng năm năm - gấp đôi số lượng nhà tù mà nước này hiện đang sở hữu.[12] ★ Tuy nhiên, trên khắp châu Á, vẫn còn đó những tia hy vọng. Có những quốc gia đang cố gắng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, cùng vun đắp cho lợi ích chung đồng thời gác lại những khác biệt. Như chúng ta sẽ thấy, hàng loạt những sáng kiến, tổ chức, diễn đàn đã được thành lập trong những năm gần đây với mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đối thoại, tạo ra một nhận thức và tiếng nói chung đề cao tinh thần đoàn kết và một tương lai mà tất cả các bên cùng chia sẻ. Những người mà thành công về mặt tài chính của họ phụ thuộc vào khả năng xác định và khởi tạo xu hướng đã quan tâm cũng như hành động theo hướng này. Ví dụ, vào năm 2015, Nike cho ra mắt thiết kế mới dành cho các vận động viên. Theo Nike, kinh nghiệm của cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant khi di chuyển khắp Italy và Trung Quốc đã giúp tạo nên “mối liên hệ giữa hai lục địa châu Âu và châu Á” và những nhà thiết kế của công ty sản xuất đồ thể thao này liền nghĩ tới câu khẩu hiệu “Con đường tơ lụa huyền thoại, nguồn cảm hứng của mẫu giày thể thao mới KOBE X Silk”. [13] Tiếp theo, một người bạn đồng hành lý tưởng của các vận động viên là lọ nước hoa nhãn hiệu Hermès có tên Poivre Samarcande eau de toilette, được mô tả là có mùi “xạ hương, cay nóng, với mùi gỗ cháy thoang thoảng”, mà trong đó “linh hồn của cây sồi già hòa quyện với vị của tiêu đã làm nên mùi hương tinh túy này”. Một lần nữa, chúng ta có thể thấy những mô tả sản phẩm lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa: Theo tiết lộ của nghệ nhân hàng đầu về nước hoa Jean-Claude Ellena “cái tên Samarcande là để bày tỏ lòng tôn kính với tòa thành cổ nơi các đoàn buôn gia vị từng đi qua trong hành trình từ Đông sang Tây”.[14] Có người còn phản ứng nhanh hơn cả Nike hay Hermès trong việc nhận ra tiềm năng của con đường tơ lụa và người đó không ai khác ngoài Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, người vào năm 2007 đã tiến hành nhượng quyền thương hiệu Trump ở Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Azerbaijan và Armenia với mục đích sản xuất một nhãn hiệu rượu vodka. Năm 2012, Trump lại làm điều tương tự khi cố gắng nhượng quyền thương hiệu Trump cho các khách sạn và bất động sản tại tất cả các quốc gia nằm dọc theo trục xương sống của Con đường Tơ lụa - gồm cả Iran, đất nước mà ông đã tìm cách cô lập kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Trump cũng đã có những thỏa thuận với Georgia, nơi có kế hoạch phát triển hàng loạt “sòng bài phù hoa”, dưới danh nghĩa của một doanh nghiệp có cái tên hết sức phù hợp: Tập đoàn Con đường Tơ lụa (Silk Road Group). Kế hoạch sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông.[15] Con đường Tơ lụa hầu như có mặt tại khắp mọi nơi ở châu Á. Có hằng hà sa số công ty du lịch mong muốn vén bức màn vinh quang của một thời quá vãng tại những quốc gia nằm ở trung tâm thế giới mà bấy lâu nay đã bị che phủ bởi bức màn sương mù thời gian. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hiện thực sống động xuất hiện ngay trước mắt chúng ta, biểu lộ rõ ràng sức mạnh của những kết nối giữa hiện tại và tương lai, cũng như của quá khứ. Trung tâm mua sắm có tên The Mega Silk Way ở Astana, Kazakhstan là một ví dụ, hay như một ví dụ khác là tờ tạp chí bóng loáng Silk Road trên các chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific. Tại sân bay Dubai, người ta chào đón khách du lịch bằng tấm bảng quảng cáo của Ngân hàng Standard Chartered với dòng chữ: “Một vành đai. Một con đường. Một ngân hàng kết nối hoạt động kinh doanh của quý vị ở khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông”. Hay như tại quốc gia giàu khí đốt nằm bên bờ đông của Biển Caspi mang tên Turkmenistan, khẩu hiệu quốc gia được áp dụng từ năm 2018 của nước này đã ghi rõ: “Turkmenistan - Trái tim của Con đường Tơ lụa vĩ đại”.[16] Một trong những lý do cho sự lạc quan ở khu vực trung tâm của lục địa châu Á là khối lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở đây. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Vương quốc Anh (BP) ước tính rằng Trung Đông, Nga và Trung Á chứa đựng 70% tổng lượng dự trữ dầu mỏ đã được xác định trên toàn thế giới, cũng như gần 65% tổng lượng dự trữ khí đốt - và số liệu này còn chưa bao gồm Turkmenistan, với các mỏ khí đốt lớn như mỏ Galkynysh lớn thứ hai thế giới.[17] Một lý do khác là nền nông nghiệp trù phú của vùng đất nằm giữa Địa Trung Hải và Thái Bình Dương, trong đó các quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc đã chiếm tới hơn một nửa tổng sản lượng lúa mì toàn cầu - và khi thêm vào một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, khu vực này chiếm tới gần 85% sản lượng gạo toàn thế giới.[18] Tiếp đến là những loại tài nguyên như silicon, rất quan trọng trong ngành vi mạch điện tử và bán dẫn, khi chỉ hai quốc gia là Nga và Trung Quốc đã chiếm tới 3/4 trữ lượng toàn cầu; hay đất hiếm, ví dụ như yttrium, dysprosium và terbium là những nguyên liệu không thể thiếu trong việc chế tạo ra nhiều loại vật dụng, từ siêu nam châm tới pin, từ các bộ truyền động cho tới máy tính xách tay - và một mình Trung Quốc đã chiếm tới hơn 80% trữ lượng ước tính toàn cầu vào năm 2016.[19] Trong khi các nhà tương lai học và nhân vật tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet thường nói về một thế giới đầy thú vị mà ở đó trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và máy học (machine learning) có tiềm năng thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và suy nghĩ thì rất ít người đề cập tới nguồn gốc của các loại nguyên vật liệu cấu tạo nên thế giới số đó - cũng như đề cập tới hệ quả có thể xảy ra khi các nguồn nguyên vật liệu này cạn kiệt, hay bị các quốc gia nắm độc quyền nguồn cung cấp sử dụng như một thứ vũ khí thương mại hoặc chính trị. Và còn rất nhiều nguồn tài nguyên khác có thể mang lại lợi ích cho những ai kiểm soát được chúng. “Tài nguyên” ở đây bao hàm cả heroin, thứ hàng hóa mà lực lượng Taliban ở Afghanistan coi như nguồn tài chính quan trọng trong suốt một thập niên, bởi theo Liên Hợp Quốc, lực lượng này “bắt đầu tận dụng nguồn lợi từ ngành công nghiệp sản xuất chất kích thích để mua vũ khí, đảm bảo hậu cần và trả lương cho các chiến binh của mình”[20]. Cho tới năm 2015, theo báo cáo của một phái viên Liên Hợp Quốc, đã có khoảng “hơn 2.000km² đất đai được sử dụng để trồng thuốc phiện”. Để dễ so sánh, vị phái viên này còn nói thêm, “diện tích đó tương đương với 400.000 sân bóng bầu dục - đã bao gồm vòng cấm địa”.[21] Diện tích trồng thuốc phiện gia tăng nhanh chóng vào năm 2017, với hơn 3.200km² đất được sử dụng để trồng loại cây này, đạt sản lượng kỷ lục đủ cung ứng cho 80% thị trường toàn cầu với giá trị lên tới 30 tỷ đô-la.[22] Tài nguyên luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới. Khả năng cung cấp thức ăn, nước uống và năng lượng cho người dân của quốc gia rõ ràng quan trọng không kém nhiệm vụ tự vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Chính điều này khiến việc kiểm soát Con đường Tơ lụa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cũng chính điểm này giúp chúng ta phần nào giải thích được những áp lực đối với quyền con người, tự do báo chí và tự do ngôn luận trên khắp châu Á - yếu tố đã được đề cập gần đây bởi Andrew Gilmour, trợ lý của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền. Ông lưu ý rằng: “Một vài chính phủ cảm thấy bị đe dọa bởi giới bất đồng chính kiến” và các quan ngại về nhân quyền được cho là “can thiệp bất hợp pháp từ bên ngoài” vào công việc nội bộ của nước họ; hoặc là nỗ lực nhằm lật đổ chế độ hoặc áp đặt các giá trị “phương Tây” ngoại lai. Các quyết định về việc nên lắng nghe tiếng nói của ai và phớt lờ người nào có quan hệ mật thiết với quá trình củng cố và duy trì quyền lực trong một thế giới luôn thay đổi, với nỗi sợ thường trực về những hậu quả có thể xảy ra nếu các quan điểm trái chiều được phép bộc lộ.[23] Chúng ta đang sống trong thế kỷ của châu Á, tức thời điểm dòng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ các nền kinh tế phát triển phương Tây đang dịch chuyển sang phương Đông với tốc độ và quy mô lớn chưa từng có. Nhiều dự đoán cho rằng vào năm 2050, thu nhập bình quân đầu người ở châu Á sẽ gia tăng gấp sáu lần xét theo sức mua tương đương (PPP), giúp thêm ba tỷ người châu Á trở nên giàu có theo tiêu chuẩn hiện nay. Một báo cáo nhận xét, bằng cách gia tăng gấp đôi đóng góp vào GDP toàn cầu lên mức 52%, “châu Á sẽ giành lấy vị thế thống lĩnh về kinh tế như những gì đã xảy ra 300 năm trước đây, trước Cách mạng Công nghiệp”.[24] Một báo cáo khác cho biết, quá trình dịch chuyển quyền lực kinh tế toàn cầu sang châu Á “có thể xảy ra chậm hơn hoặc nhanh hơn nhưng xu hướng chung cũng như bản chất lịch sử của quá trinh dịch chuyển này là hết sức rõ ràng” - và báo cáo này cũng đưa ra kết luận rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm tương tự như những gì xảy ra trước khi phương Tây trỗi dậy.[25] Nhận thức ngày càng gia tăng về một thế giới mới đang được kết nối với nhau đã góp phần thúc đẩy những kế hoạch lớn dành cho tương lai nhằm lợi dụng và tăng cường sự thay đổi của các khuôn mẫu quyền lực chính trị và kinh tế. Đi đầu trong số những kế hoạch này phải kể tới “Sáng kiến Vành đai Con đường”, chính sách đối ngoại và kinh tế mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó tận dụng hệ thống Con đường Tơ lụa cổ xưa và sự thành công của hệ thống này như một ma trận cho các kế hoạch tương lai dài hạn của Trung Quốc. Kể từ khi sáng kiến này được công bố vào năm 2013, Trung Quốc đã cam kết đầu tư gần 1.000 tỷ đô-la vào khoảng 1.000 dự án cơ sở hạ tầng, chủ yếu dưới dạng vốn vay. Nhiều người tin rằng số tiền mà Trung Quốc sẽ bơm vào các quốc gia láng giềng của mình và các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường cả trên bộ lẫn trên biển rốt cuộc sẽ được nhân lên gấp nhiêu lần, tạo ra một hệ thống đa kết nối bao gồm các tuyến đường sắt, cao tốc, các cảng nước sâu và sân bay giúp dòng chảy thương mại trở nên ngày càng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Bản thân Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là viễn cảnh mà một nhà kinh tế hàng đầu đã gọi là “giảm sinh đột ngột”, khi dân số nước này ngày càng già đi và không thể tự thay thế.[26] Bên cạnh đó là các khó khăn do bong bóng tín dụng tạo ra, lớn đến nỗi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2017 đã phải phát đi một cảnh báo rằng mức độ nợ ở Trung Quốc đã đạt mức “nguy hiểm”.[27] Tuy nhiên, vẫn có những cách khác để hiểu được những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay và cả trong tương lai. Vào đầu thế kỷ XX, Rudyard Kipling đã phổ biến khái niệm “Cuộc chơi lớn” (Great Game), trong đó Đế quốc Anh và Đế quốc Nga cạnh tranh với nhau về chính trị, ngoại giao và quân sự để giành lấy vị thế và quyền thống trị ở vùng đất trung tâm của đại lục châu Á. Ngày nay, một loạt “Cuộc chơi lớn” đã xuất hiện để cạnh tranh ảnh hưởng, giành lấy các nguồn năng lượng, tài nguyên, thức ăn, nước uống và không khí sạch, cạnh tranh các vị trí chiến lược hay thậm chí là dữ liệu. Kết quả của các “Cuộc chơi lớn” này sẽ có tác động mang tính bản lề tới thế giới mà chúng ta sẽ sống trong những thập niên tiếp theo. Cuốn sách này sẽ tiếp tục ở nơi mà Con đường Tơ lụa kết thúc. Như tôi đã viết vào năm 2015, Con đường Tơ lụa đang mở rộng. Và đến nay xu hướng ấy vẫn tiếp tục. Theo tôi, việc tìm hiểu kỹ càng xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta như thế nào và tại sao là hết sức cần thiết. NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN TỚI PHƯƠNG ĐÔNG Hai mươi lăm năm trước, khi tôi đang chuẩn bị rời giảng đường đại học, thế giới là một nơi hoàn toàn khác. Chiến tranh Lạnh lúc đó đã kết thúc, theo sau là hy vọng về hòa bình và thịnh vượng. “Hành động anh hùng của Boris Yeltsin và nhân dân Nga” đã đưa nước Nga bước vào con đường cải cách và dân chủ, Tổng thống Bill Clinton đã nói như thế tại một cuộc gặp với Tổng thống Nga tại Vancouver năm 1993. Clinton cũng đã nói rằng, viễn cảnh về một “nước Nga mới phát triển và thịnh vượng” mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.[1] Nam Phi cũng đã đứng trước một tương lai đầy hy vọng. Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc tiến triển nhanh tới mức ủy ban Nobel đã trao giải Nobel Hòa bình cho F. W. de Klerk và Nelson Mandela vào năm 1993 vì “nỗ lực của cả hai nhằm chấm dứt một cách hòa bình chế độ phân biệt chủng tộc và đặt nền móng cho một nước Nam Phi mới”.[2] Giải thưởng danh giá này khi đó đã mang lại hy vọng cho Nam Phi nói riêng, cho cả châu Phi và thế giới nói chung, dẫu cho sau này người ta tiết lộ rằng rất nhiều nhân vật thân tín của Mandela đã hối thúc ông từ chối nhận giải với lý do ông sẽ phải chia sẻ nó với người từng đàn áp ông. Tuy nhiên, Mandela nhất quyết tin rằng sự tha thứ là một phần tối quan trọng trong quá trình hòa giải và hòa hợp.[3] Tình hình trên bán đảo Triều Tiên cũng có những diễn biến tích cực. Sau các cuộc đàm phán diễn ra vào năm 2018, trước phản ứng tích cực trên toàn thế giới, cả Mỹ và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên cũng như lộ trình phi hạt nhân hóa vốn được chào đón như là bước đi lớn hướng việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiếp theo đó là xây dựng một khu vực an toàn hơn, một thế giới an toàn hơn.[4] Năm 1993, một thỏa thuận quan trọng đã được ký kết giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thiết lập các khuôn khổ để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vốn là nguồn cơn xung đột và căng thẳng suốt ba thập niên giữa hai bên, trong khi cả hai phía đều đồng ý cắt giảm số lượng quân đồn trú ở khu vực biên giới và hợp tác để hướng tới một giải pháp chung mà cả hai bên đều chấp nhận được.[5] Điều này là quan trọng đối với cả hai quốc gia, trong bối cảnh mở rộng nền kinh tế và tự do hóa mới là những ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo hai nước. Ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã tới thăm các tỉnh phía Nam để thúc đẩy quá trình cải cách và để đối phó với những người bảo thủ luôn phản đối quá trình tự do hóa thị trường với điểm nhấn lúc đó là sự kiện sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải khai trương năm 1990.[6] Quá trình chuyên đổi ở Hàn Quốc khi đó cũng diễn ra nhanh chóng. Vào thập niên 1960, đất nước này là một trong những nước nghèo nhất thế giới, không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cũng như có vị trí địa lý không hề thuận lợi khi nằm ở cực đông đại lục châu Á. Quá trình chuyển đổi trở thành một siêu cường kinh tế của Hàn Quốc với những tập đoàn như Samsung, Huyndai Motor hay Hanwha - trong đó mỗi tập đoàn sở hữu lượng tài sản lên tới hơn 100 tỷ đô-la - đã khiến một số nhà phân tích bình luận rằng Hàn Quốc là “quốc gia thành công nhất trên thế giới”.[7] Tại Ấn Độ cũng như nhiều nơi khác, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy vào đầu thập niên 1990. Tuy vậy, lúc đó không nhiều người đặt niềm tin vào một công ty phần mềm nhỏ đã phải chật vật phát hành cổ phiếu ở Mumbai vào tháng 2 năm 1993. Mặc cho diện tích và tiềm năng phát triển khổng lồ, Ấn Độ khi ấy là vẫn chỉ là một quốc gia thường thường bậc trung về kinh tế, với nền công nghệ nhỏ bé và non trẻ. Thế nhưng, những ai đủ dũng cảm để mua cổ phiếu của Infosys Technologies sẽ kiếm bộn nếu họ vẫn giữ chúng cho tới ngày nay. Công ty này đã báo cáo lợi nhuận kết thúc năm tài chính vào ngày 31 tháng 3 năm 2018 ở mức trên 2,6 tỷ đô-la - với doanh thu trên 10 tỷ đô-la.[8] Giá cổ phiếu của họ cũng đã tăng gấp 4.000 lần so với 25 năm trước.[9] Triển vọng thành công của một hãng hàng không ở một quốc gia nhỏ tại Vùng Vịnh khi đó dường như cũng khá xa vời. Thành lập tháng 11 năm 1993, Qatar Airways bắt đầu hoạt động chính thức hai tháng sau đó với một kế hoạch kinh doanh khiêm tốn, một vài đường bay địa phương và nhu cầu ở mức tối thiểu. Ngày nay, hãng hàng không này sở hữu hơn 200 máy bay, hơn 4.000 nhân viên và hơn 150 điểm đến, nhận được hàng tá các giải thưởng mà hai thập niên rưỡi trước chẳng ai có thể nghĩ tới.[10] Qatar Airways hiện tại là cổ đông lớn nhất của Liên minh Hàng không Quốc tế (chủ sở hữu của British Airways, Iberia và Aer Lingus), đồng thời nắm giữ 10% vốn góp tại Cathay Pacific.[11] Vào tháng 4 năm 2018, hãng này đồng ý mua 25% cổ phần sân bay quốc tế Vnukovo ở Moscow - sân bay lớn thứ ba tại Nga.[12] Dĩ nhiên, những tin tức tốt lành không xuất hiện ở mọi nơi mọi chốn trong năm 1993, khi một xe bom phát nổ tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và một loạt vụ đánh bom có phối hợp ở Mumbai làm thiệt mạng hơn 250 người. Thành phố vốn nổi tiếng với vụ ám sát Franz Ferdinand dẫn tới Thế chiến I là Sarajevo phải chịu sự công phá của các lực lượng người Serb tại Bosnia trong khoảng thời gian còn dài hơn cả trận Stalingrad trong Thế chiến II. Hình ảnh lính bắn tỉa bắn vào thường dân khi họ cố gắng băng qua đường đã lan truyền nhanh chóng, tương tự là hình ảnh tàn phá do đạn pháo được bắn vào trong thành phố từ những quả đồi lân cận gây ra. Sự tái xuất của các trại tập trung ở châu Âu, những vụ thảm sát tại Srebrenica và Goradze giữa thập niên 1990 gửi đến chúng ta lời nhắc nhở kinh hoàng rằng ngay cả các bài học khủng khiếp của quá khứ cũng có thể dễ dàng chìm vào quên lãng. Một vài vấn đề khác xảy ra đầu thập niên 1990 lại gần gũi hơn nhiều. Ví dụ ở nước Anh, diễn đàn chính trị bị ảnh hưởng nặng nể bởi các cuộc tranh cãi độc hại liên quan đến quy chế thành viên Liên minh châu Âu và lời kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý. Những vấn đề này hầu như đã khiến chính phủ sụp đổ và thủ tướng khi đó là John Major đã chửi chính các thành viên nội các của ông là “đồ con hoang”.[13] ★ Tất cả những sự kiện kể trên đều xảy ra mới đây thôi. Nhưng chúng dường như mang lại một cảm giác xa vời, khiến chúng ta hồi tưởng tới một thời kỳ nào khác. Tôi đã nghe một album với nhan đề Pablo Honey của nhóm nhạc đầy tiềm năng Radiohead trong lúc chuẩn bị cho đống bài thi cuối kỳ của mình vào năm 1993. Nhưng tôi không biết rằng bài hát mang tính chất dự đoán đúng nhất khi đó không phải là Creep với hơn 250 triệu lượt nghe trên Spotify - mà là một bài khác vốn giành giải Oscar vào năm đó. “Một thế giới hoàn toàn mới” - Aladdin đã hứa với Jasmine như thế, “một góc nhìn mới đầy kỳ diệu”. Và Jasmine đã đồng ý. “Một thế giới hoàn toàn mới, một nơi chói sáng mà em hoàn toàn không biết”. Bài hát có lời dựa trên một câu chuyện cổ đặt bối cảnh và xảy ra tại Con đường Tơ lụa lại có khả năng tiên đoán tương lai của chính mình. Không cách nào giúp chúng ta có thể nhìn thấy “thế giới mới” đó rõ ràng hơn bằng việc so sánh các trận bóng đá ở Anh năm 1993 và hiện tại. Một tuần trước khi kỳ thi bắt đầu ở Cambridge, tôi xem lại trận chung kết Cúp FA giữa Arsenal và Sheffield Wednesday vốn buồn tẻ không kém gì trận lượt đi có tỷ số hòa. Trong tất cả các cầu thủ trên sân (bao gồm cả những cầu thủ vào sân thay người), chỉ có ba người không phải là dân của quần đảo Anh. Hai mươi lăm năm sau, trận chung kết giữa Chelsea và Manchester United cũng có tầm ảnh hưởng tương tự, song thành phần cầu thủ của các đội bóng lại khác biệt hoàn toàn: chỉ có 6/27 cầu thủ ra sân tại Wembley sinh tại Anh hay Ireland. Những cầu thủ khác tới từ khắp mọi nơi trên thế giới, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nigeria và Ecuador. Nếu câu chuyện trên cho chúng ta thấy được tốc độ toàn cầu hóa xảy ra nhanh như thế nào chỉ trong vòng một thế hệ, câu chuyện về quyền sở hữu các câu lạc bộ bóng đá Anh trong cùng một khoảng thời gian còn ấn tượng hơn nhiều. Không lâu trước đây, việc một câu lạc bộ thuộc nhóm đầu có chủ sở hữu là người nước ngoài bị xem là chuyện viễn tưởng. Trong giai đoạn đó, chỉ cần nghe một giọng nói nước ngoài trong phòng họp không thôi đã khiến các giám đốc câu lạc bộ bị sặc nước trà hoặc thậm chí mắc nghẹn trong giờ giải lao. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều trong số những đội bóng nổi tiếng nhất bóng đá Anh và châu Âu có các ông chủ là người nước ngoài. Và không ít người trong số họ tới từ các vùng đất nằm dọc theo Con đường Tơ lụa. Theo một góc độ nào đó, điều này không quá ngạc nhiên. Sau tất cả, dù người ta đã hệ thống hóa và tiêu chuẩn hóa luật lệ của bóng đá tại London vào năm 1863, môn thể thao này đâu phải được sáng tạo ra ở Anh. Theo FIFA, tổ chức quốc tế quản lý mọi mặt đời sống bóng đá, bóng đá được đem ra thi thố lần đầu tiên ở Trung Quốc dưới triều Hán (206 TCN - 220), khi đó bao gồm nhiều người chơi cố gắng đá một trái bóng da có gắn lông vũ vào cầu môn đối phương, vốn được dựng lên bởi hai cột tre cùng một tấm lưới và người ta gọi môn bóng đá sơ khai này là thúc cúc.[14] Tuy vậy, phải qua một quãng thời gian rất dài kể từ thời điểm xuất hiện môn bóng đá cho tới khi người ta nhận ra rằng tất cả các đội bóng ở thành phố Birmingham và vùng lân cận - bao gồm Aston Villa, West Bromwich Albion, Birmingham City và Wolverhampton Wanderers - đã được các chủ sở hữu người Trung Quốc mua lại kể từ khi cuốn sách Con đường Tơ lụa được xuất bản vào năm 2015. Trong khi đó, vào năm 2017, hai gã khổng lồ của bóng đá Ý vốn dùng chung sân vận động San Siro - AC Milan và Inter Milan - cũng được bán lại cho người Trung Quốc. Tiếp theo phải kể đến những ông chủ Vùng Vịnh của các câu lạc bộ hàng đầu nước Anh và cả châu Âu. Manchester City, câu lạc bộ thống trị tất cả các giải quốc nội ở Anh và lên ngôi vô địch Premier League năm 2018 với khoảng cách điểm kỷ lục so với các đội đứng sau, thuộc sở hữu của Mansour bin Zayed al Nayhan, người đồng thời giữ chức phó thủ tướng Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Câu lạc bộ Manchester City có một người “anh em” là Paris Saint-Germain, đội bóng thống trị giải Ligue 1 của Pháp với sức mạnh vượt trội tương tự, khi các ông chủ người Qatar đã bổ sung hai cầu thủ mới là Neymar và Kylian Mbappé với tổng giá trị chuyển nhượng của cả hai cầu thủ vào mùa hè năm đó vượt quá con số 350 triệu euro (chưa tính lương và thưởng). Chủ sở hữu lớn nhất của câu lạc bộ Everton là Farhad Moshiri, sinh ra ở Iran nhưng hiện tại sống ở Monaco. Farhad Moshiri gây dựng tài sản của mình cùng với Alisher Usmanov, một thương gia Uzbekistan từng tiến hành nhiều thương vụ đầu tư ở Nga, Trung Á và một số nơi khác với tổng tài sản hơn 15 tỷ đô-la - giúp ông ta nắm giữ phần lớn cổ phần ở Arsenal. Có thời điểm, Usmanov muốn nắm quyển kiểm soát câu lạc bộ, nhưng thất bại vì cơ cấu cổ đông phức tạp. Cổ động viên Arsenal từng cầu xin Usmanov không bán cổ phần câu lạc bộ trước khi ông ta chuyển nhượng tất cả vào mùa hè 2018. Thế nhưng, trong nhiều năm, có thể nói số phận của một câu lạc bộ danh tiếng và đầy kiêu hãnh đã nằm trong tay một tài phiệt người Uzbek.[15] Số phận đại kình địch của các Pháo thủ thành London là Chelsea lại nằm trong tay Roman Abramovich, người đã mua lại đội bóng có biệt danh The Blues vào năm 2003 và sau đó mạnh tay chi hơn 1 tỷ đô-la để biến câu lạc bộ trở thành một trong những đội bóng hàng đầu thế giới - với 17 danh hiệu lớn nhỏ trong và ngoài nước chỉ trong vòng 15 năm. Chúng ta có thể kể thêm một số tên tuổi trong làng bóng đá Anh đang thuộc quyền sở hữu của những cá nhân có gốc gác phương Đông. Sheffield Wednesday - với niềm vinh quang cuối cùng là trận chung kết Cúp FA thất bại năm 1993 - có chủ sở hữu tới từ Thái Lan. Trong khi đó, đối thủ trăm năm cùng thành phố với họ là Sheffield United có một nửa quyền sở hữu nằm trong tay một thành viên gia đình hoàng gia Ả-rập Xê-út. Queens Park Rangers thuộc quyền sở hữu của Tony Fernandes, doanh nhân người Malaysia và nhà tài phiệt ngành thép Ấn Độ Lakshmi Mittal. Bản danh sách chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Đã có thời điểm, giới nhà giàu Anh hướng đến châu Âu như một phần của cuộc Đại Kinh lý, nô đùa tại các thành phố như Venice, Naples, Florence và Rome. Với niềm ngưỡng mộ cũng như nguồn cảm hứng từ nghệ thuật và kiến trúc ở những nơi này, nhiều người trong số họ đã bỏ tiền mua lại các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc, bản thảo viết tay hay thậm chí toàn bộ nội thất nhà cửa mang về quê hương.[16] Đây được xem như những chiến lợi phẩm minh chứng cho sự giàu có ngày càng tăng, cũng như sức mạnh kinh tế và quân sự đã biến đảo quốc nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương trở thành một siêu cường toàn cầu. Ngày nay, những thứ được xem như chiến lợi phẩm để mang ra khoe khoang có thể kể đến như các vòng chung kết bóng đá thế giới, với nỗ lực đăng cai thành công của Nga và Qatar, các sự kiện Olympic Mùa đông (giải đấu tổ chức tại Sochi năm 2014 là một ví dụ) và các trung tâm triển lãm nghệ thuật tráng lệ - ví dụ như Louvre mới đặt ở Abu Dhabi chứ không phải ở Paris, Bảo tàng Victoria &Albert mới đặt tại Thâm Quyến chứ không phải tại Albertopolis ở London. Đó là chưa kể thiết kế đáng kinh ngạc của Rem Koolhaas - Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Garage ở Moscow, hay Tổ hợp Thể thao Mùa đông tại Ashgabat, Turkmenistan, một công trình được đánh giá là lớn hơn cả tổ hợp thể thao trong nhà Madison Square Garden ở New York. Vào thế kỷ XVIII, một nhà du hành người Anh bắt đầu chuyến đi của mình tới Ý và đã “không thể kiềm chế sự tò mò và mong muốn chiêm ngưỡng một quốc gia quá nổi tiếng trong lịch sử, một quốc gia từng thiết lập luật lệ cho thế giới”.[17] Ngày nay, điều đó đã thay đổi, bây giờ người ta quay ra ngưỡng mộ lịch sử Anh, luật pháp Anh và các tòa án Anh vốn từng giúp dàn xếp tranh chấp hay thông qua các bản thỏa thuận phân tranh. Người ta cũng ngưỡng mộ những chiến lợi phẩm đang được giới nhà giàu và quyền thế mới nổi săn lùng - ví dụ như các câu lạc bộ bóng đá, hoặc những tài sản lớn như các cửa hàng thượng hạng nổi tiếng thế giới như Harrods và Hamleys, khu vực cầu tàu Canary, tòa nhà “The Walkie-Talkie” số 20 đường Fenchurch ở London, hay các tờ báo như Independent và Evening Standard - tất cả đều có chủ sở hữu gốc Trung Quốc, Nga hay UAE. Ở Mỹ, câu chuyện tương tự cũng xảy ra với đội bóng rổ Brooklyn Nets, báo The New York Post, khách sạn Waldorf Astoria, Plaza Hotel Ở New York và hãng Warner Music - những cái tên nằm trong số các thương hiệu và đế chế kinh doanh hàng đầu đã trở thành đối tác mật thiết của những nhà đầu tư có quan hệ chặt chẽ với Nga, Trung Đông và Trung Quốc hoặc bị chính những người này mua lại. Hay chúng ta cũng có thể nhắc đến trường hợp của Legendary Entertainment, hãng phim Hollywood đứng sau bom tấn phòng vé mùa hè năm 1993 Jurassic Park - một trong những phần thưởng tôi tự thưởng cho mình sau khi kết thúc mùa thi cử năm đó. Hãng phim này hiện tại là một bộ phận của Tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Wanda Group) của Vương Kiện Lâm - tập đoàn sở hữu các chuỗi rạp chiếu phim Odeon, UCI, Carmike và Hoyts tại châu Âu, Mỹ và Úc (tổng cộng hơn 14.000 phòng chiếu), nắm trong tay nhiều du thuyền do Sunseekers chế tạo và công ty tiếp thị thể thao nổi tiếng Infront Sports and Media, doanh nghiệp hiện tại đang giữ độc quyền phát sóng các sự kiện thể thao lớn như vòng chung kết World Cup 2018 và 2022. Dĩ nhiên, trong khi một số thương vụ ở đây có thể chỉ nhằm thỏa mãn sở thích và thú vui, đa phần thể hiện sự nghiêm túc cũng như mức độ đầu tư lớn. Các thương vụ này dựa trên quá trình đại dịch chuyển GDP toàn cầu tiếp diễn trong vòng 25 năm qua, với trên 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói chỉ tính riêng tại Trung Quốc kể từ những năm 1980.[18] Trong khi định nghĩa thế nào là “đói nghèo” vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học phát triển và nhiều học giả khác, tốc độ và quy mô tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc là điều không còn gì để bàn cãi. Năm 2001, GDP Trung Quốc chỉ bằng 39% của Mỹ (theo sức mua tương đương), nhưng tăng lên 62% vào năm 2008. Cho tới năm 2016, GDP của Trung Quốc đã bằng 114% GDP của Mỹ theo cùng cách tính và có khả năng sẽ gia tăng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn trong vòng 5 năm tới.[19] Sự thay đổi này không chỉ tác động mạnh mẽ tới Trung Quốc, nó còn tác động tới toàn thế giới. Ví dụ, với niềm tin vào sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, một doanh nhân ở Bắc Kinh đã mua 3.000ha đất tại miền Trung nước Pháp nhằm cung cấp bột cho hàng nghìn cửa hàng bánh Pháp mà vị doanh nhân này muốn mở ở Trung Quốc. Ông kỳ vọng người Trung Quốc sẽ thay đổi thói quen sử dụng các loại thức ăn có liên quan tới gạo và khi họ thay đổi, theo Hồ Khắc Cần, vị doanh nhân được đề cập ở trên, “tiềm năng sẽ là cực kỳ lớn”.[20] Nếu việc này có thể khiến người Pháp lo sợ, với lý do giá bánh mì sẽ tăng - bởi vì bột sẽ được xuất khẩu thay vì được sử dụng bởi các lò bánh mì trong nước, nỗi lo lắng tương tự có thể xảy ra với ngành công nghiệp sản xuất rượu - khi xuất khẩu của ngành này sang Trung Quốc đã tăng trưởng 14% chỉ trong năm 2017, lên tới 220 triệu lít. Xuất khẩu rượu Pháp sang Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt hơn 20 tỷ đô-la trong vòng 5 năm tới, một tin vui cho những nhà sản xuất rượu nhưng giới thưởng thức rượu tại Pháp chưa hẳn có cảm xúc tương tự.[21] Điều gây khó chịu không chỉ là việc rất nhiều trang trại nho nổi tiếng ở Bordeaux đã đổi chủ sở hữu trong những năm gần đây và được những người nổi tiếng như diễn viên Triệu Vy hay tỷ phú Mã Vân (người hiện sở hữu tổng cộng bốn trang trại - bao gồm cả trang trại Château de Sours nổi tiếng) mua lại, mà còn vì nhiều trang trại trong số đó đã phải đổi tên để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Château Senilhac ở Médoc được đổi tên thành Château Antilope Tibetaine (Tibetan Antelope - Linh dương Tây Tạng), Château La Tour Saint-Pierre đổi thành Château Lapin d’Or (Golden Rabbit - Hoàng Thố), trong khi Château Clos Bel-Air bây giờ có tên gọi Château Grande Antilope (Big Antelope - Đại Linh Dương).[22] Rất nhiều nhà thưởng thức rượu theo chủ nghĩa thuần tuý cho rằng việc đổi tên thật sự là nỗi bực dọc, khi họ thấy những tên gọi truyền thống được tôn trọng qua hàng thế kỷ bị thay đổi, tuy nhiên sự trỗi dậy của phương Đông đã biến đổi hầu như mọi thứ trần tục ở thế giới xung quanh chúng ta. Qatar Airways chỉ là một trong nhiều hãng hàng không đã thông qua hoạt động của họ góp phần thúc đẩy nhu cầu bay thương mại - một nhu cầu mà trong tương lai sẽ chỉ tiếp tục gia tăng. Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán số lượng hành khách đi lại bằng máy bay sẽ tăng gấp đôi lên con số 7,8 tỷ hằng năm vào năm 2036, với lượng dân số có khả năng chi trả ngày càng gia tăng ở châu Á sẽ dẫn đầu xu hướng này, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Thái Lan.[23] Theo một báo cáo riêng của Boeing, điều đó có nghĩa là thế giới cần thêm 500.000 phi công mới trong vòng 20 năm tới.[24] Thế nhưng hệ quả đã có thể cảm nhận được ngay trong hiện tại: chúng ta không có đủ phi công. Và điều này khiến mức lương phi công gia tăng chóng mặt. Mức lương mà hãng Xiamen Air chịu chi trả cho các phi công lái Boeing 737 là 400.000 đô-la/năm - thậm chí một số nơi phi công còn được trả mức lương lên tới 750.000 đô-la/năm.[25] Tốc độ gia tăng quỹ lương như vậy chắc chắn có tác động đến chi phí đi lại. Thế nhưng, những áp lực tạo ra do sự thiếu hụt phi công trên toàn cầu gây ra đã khiến nhiều hãng hàng không có vị thế và nguồn lực phải hủy bỏ các chuyến bay, với lý do là thiếu nhân sự.[26] Nghe có vẻ khó tin, thế nhưng khi một chuyến công tác đến miền Trung Tây, hành trình trở về nhà sau khi trượt tuyết ở dãy Alp, hay kỳ nghỉ mơ ước ở phía bên kia Trái Đất phải hoãn lại với lý do chuyến bay bị hủy, sự trỗi dậy của Con đường Tơ lụa chắc chắn có liên quan. Nội thất bài trí trong khách sạn, các bản nhạc phát ở quầy tiếp tân hay những loại thức uống người ta phục vụ ở quán bar - tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tương tự. Năm 1990, số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài ở mức tối thiểu, chủ yếu giới hạn trong các hoạt động công vụ liên quan tới nhà nước và chi tiêu tổng cộng của họ chỉ khoảng 500 triệu đô-la.[27] Năm 2017, con số đó đã tăng lên gấp 500 lần, lên tới hơn 250 tỷ đô-la mỗi năm - gần gấp đôi số tiền mà khách du lịch Mỹ chi ra hằng năm. [28] Những con số này sẽ gia tăng với tốc độ tên lửa trong tương lai, khi hiện tại chỉ mới có 5% công dân Trung Quốc sở hữu hộ chiếu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều cơ hội kiếm tiền lớn sẽ mở ra trước mắt những ngành như đánh bạc hay mỹ phẩm, cũng như cho các hãng hàng không với điểm đến phù hợp, các khách sạn biết cách chiều lòng khách Trung Quốc hay những công ty đặt phòng trực tuyến với các sản phẩm du lịch nước ngoài - ví dụ như Skyscanner, công ty mà người ta đã bán lại cho hãng du lịch Trung Quốc Ctrip vào cuối năm 2016 với số tiền 1,7 tỷ đô-la.[29] Thế giới thay đổi cũng mang lại không ít thách thức - thường ở những nơi ít người ngờ tới với những cách thức cũng ít ai nghĩ tới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra vấn đề chưa từng có đối với loài lừa và với những người chăn nuôi lừa từ Trung Á cho tới Tây Phi. Da lừa là một thành phần của a giao, một vị thuốc bổ phổ biến ở Trung Quốc và là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của một nửa đàn lừa ở Trung Quốc trong vòng 25 năm qua.[30] Nhu cầu ngày càng gia tăng khiến người ta phải tìm kiếm nguồn cung mới ở những nơi khác. Giá lừa đã tăng gấp bốn lần ở Tajikistan và cũng gia tăng chóng mặt ở châu Phi. Điều này không hẳn là một tin tốt. Vì lừa là động vật sống theo bầy và có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như chuyên chở thức ăn, nên sự sụt giảm đột ngột và nhanh chóng của số lượng lừa (cùng với sự gia tăng về giá cả) đã đe dọa làm mất cân bằng nền kinh tế nông nghiệp ở nhiều quốc gia vốn đang trong tình trạng bấp bênh. Với lý do này, một số nước như Niger, Burkina Faso và ở một số nơi khác của châu Phi, việc xuất khẩu lừa sang Trung Quốc đã bị cấm.[31] Một tác động liên quan đến sự trỗi dậy của Con đường Tơ lụa chính là sự xuất hiện của một thị trường chợ đen chuyên buôn bán da lừa.[32] Chuyện buôn bán lừa và khó khăn của những người lần đầu tiên mua nhà ở London dường như là hai việc không mấy liên quan. Tuy nhiên lượng tiền đổ vào các bất động sản ở trung tâm London là một yếu tố đẩy giá nhà lên cao tới mức không thể mua nổi. Nguồn vốn nước ngoài gia tăng trong giai đoạn 1999-2014 đã góp phần thổi giá những căn nhà vốn đã đắt đỏ, cũng như tạo hiệu ứng nhỏ giọt xuống các loại tài sản rẻ hơn. Theo nghiên cứu của một học giả, giá nhà có thể đã rẻ hơn 19% nếu không có những nguồn vốn nước ngoài đổ vào thành phố trong giai đoạn đó.[33] Một lượng lớn số vốn kể trên tới từ Nga. Từ 2007 cho tới 2014, gần 10% tổng số tiền đổ vào bất động sản ở London là của người Nga - và con số sẽ lên đến hơn 20% nếu xét tới những bất động sản có giá trị hơn 10 triệu bảng.[34] Dòng vốn Trung Quốc đổ vào các bất động sản nhà ở tại nước ngoài cũng gia tăng đáng kể, khi người Trung Quốc đã bỏ ra 50 tỷ đô-la mua nhà tại nước ngoài trong năm 2016 và 40 tỷ đô-la trong năm sau đó.[35] Đó là chưa kể tới một phần ba tổng số vốn đầu tư vào bất động sản thương mại London năm 2017.[36] Câu chuyện tương tự xảy ra ở những nơi khác. Người Trung Quốc mua nhiều bất động sản ở Vancouver vào năm 2016 tới nỗi giá cả ở đây leo thang tới 30% mỗi tháng so với năm trước đó, khiến chính quyền thành phố phải đưa ra mức thuế bất động sản 15% đối với người nước ngoài để hạ nhiệt thị trường. Những áp lực tương tự có thể thấy ở nhiều nơi khác trên khắp Canada - cũng như ở San Francisco, Úc, New Zealand và hiện nay còn xuất hiện ở Đông Nam Á.[37] Nguồn gốc của việc không có khả năng mua nhà có thể không xuất phát từ Con đường Tơ lụa, nhưng đó là một phần của câu chuyện về một thế giới mà ở đó trung tâm sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển dần ra khỏi phương Tây. ★ Phương Đông đang ngày càng trở nên giàu có ở quy mô đáng ngạc nhiên. Vào tháng 2 năm 2017, một doanh nhân người Iran đang sống trong một căn hộ cho thuê ở Istanbul tên là Mehrdad Safari đã thích cuộc sống ở thành phố này nhiều tới mức mua hẳn toàn bộ khối căn hộ với giá 90 triệu đô-la (đã bao gồm thuế VAT). Đã có thời điểm chỉ người Mỹ mới hành xử như thế, thích một sản phẩm đến nỗi họ mua toàn bộ công ty làm ra sản phẩm đó - như trường hợp của Victor Kiam và Remington, một công ty chuyên sản xuất dao cạo râu điện tử; còn bây giờ thì người dân ở những nơi khác đã có xu hướng và phương tiện để làm điều tương tự.[38] Một thế giới ngày càng thay đổi có nghĩa là xu hướng tiêu dùng cũng như thói quen sống cũng thay đổi theo, cả ở trong cũng như ngoài nước. Pakistan hiện nay là thị trường bán lẻ phát triển nhanh nhất thế giới, một phần nhờ vào thu nhập khả dụng ở nước này đã tăng gấp đôi từ năm 2010. Người ta dự đoán số lượng các cửa hàng bán lẻ ở nước này sẽ gia tăng 50% từ năm 2017 cho tới năm 2021, mà nguyên nhân là do 2/3 dân số Pakistan ở độ tuổi dưới 30 và sự thay đổi ở thói quen chi tiền của người trẻ, những người mong muốn hưởng thụ một phong cách sống mới ngay ở hiện tại thay vì để dành cho tương lai.[39] Tại Ấn Độ, sự bùng nổ nhanh chóng của tầng lớp trung lưu diễn ra trong suốt ba thập niên qua vẫn đang tiếp tục với tốc độ chóng mặt. Mặc dù một số nhà kinh tế đã lưu ý tới sự bất bình đẳng ở mức độ cao trong phân phối của cải khiến đa số tài sản rơi vào tay người giàu ở Ấn Độ, có một thực tế là số lượng hộ gia đình Ấn Độ có thu nhập khả dụng hơn 10.000 đô-la/năm đã tăng từ 2 triệu năm 1990 lên tới 50 triệu vào năm 2014.[40] Đây chỉ là khởi đầu của một quá trình chuyển đổi chấn động cả về quy mô và ý nghĩa. Nghiên cứu gần đây cho thấy chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng gấp ba lần trong vòng tám năm tới, đạt 4.000 tỷ đô-la vào năm 2025. Những thay đổi như trên ảnh hưởng lớn tới cách sống của người dân Ấn Độ: mô hình gia đình truyền thống với nhiều thế hệ sống chung với nhau đang dần bị thay thế bởi các hộ gia đinh chỉ có một hoặc hai người, có hoặc không có con cái. Điều này tự nhiên tác động tới cuộc sống gia đình đồng thời tạo ra nhiều thách thức cho thị trường nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, điện nước, y tế và giáo dục. Tuy nhiên, các cơ hội vô cùng lớn cũng lần lượt xuất hiện, đặc biệt khi nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng các hộ gia đình quy mô nhỏ chi tiêu trên đầu người nhiều hơn 20-30% so với các hộ gia đình đa thế hệ.[41] Những biến động này cũng hiện diện ở thị trường hàng hóa xa xỉ, với xu hướng tiêu dùng đã thay đổi ngoài sức tưởng tượng kể từ đầu thập niên 1990. Vào thời điểm đó, các khách hàng Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số người tiêu dùng hàng xa xỉ. Bây giờ thì họ chiếm đến một phần ba - và tới năm 2025 họ sẽ mua 44% tổng lượng hàng hóa xa xỉ toàn cầu.[42] Đây là lý do mà Tập đoàn Prada đã mở đến bảy cửa hàng vào năm 2018 chỉ trong cùng một thành phố - Tây An.[43] Điều này cũng giải thích cho các quyết định kinh doanh của Chanel, ví dụ như hãng này đã mua một chuỗi các doanh nghiệp sản xuất lụa để bảo đảm nguồn cung sản phẩm cho mình, điều vốn không quá bất ngờ nếu xét tới mức độ nổi tiếng của hãng ở Trung Quốc và ở những nơi khác trên thế giới.[44] Xu hướng trên cũng có tác động tương tự với Starbucks, chuỗi cà phê nổi tiếng có ý định mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc. Tham vọng của chuỗi cửa hàng này cho thấy niềm tin vào những cơ hội to lớn và rõ ràng ở quốc gia đông dân nhất trên thế giới trong kỷ nguyên của sự thay đổi. Năm 2017, Starbucks tuyên bố sẽ mở 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc cho tới năm 2021 - tương đương với tốc độ 15 giờ/cửa hàng mới.[45] Thị trường Trung Quốc không những mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ; đó đơn thuần là một thị trường không thể bỏ qua. Câu chuyện tượng tự xảy ra ở Ấn Độ, Pakistan, Nga và Vùng Vịnh - nơi mà các khách hàng ở UAE đã chi 3 tỷ đô-la/ năm cho các loại xe hạng sang. Quá trình điều chỉnh xảy ra ở phương Đông có thể sẽ góp phần kiến tạo hoặc hủy diệt nhiều thương hiệu hàng đầu.[46] Ở những lĩnh vực khác bao gồm cả âm nhạc và văn hóa, quy tắc tương tự cũng có thể được áp dụng. Ví dụ, khi chính phủ Trung Quốc quyết định bãi bỏ chính sách một con vào cuối năm 2015, giá cổ phiếu của các công ty chuyên sản xuất xe đẩy cho trẻ em, tã lót hay sữa công thức gia tăng đột biến - trong khi giá cổ phiếu của các nhãn hàng bao cao su thông dụng lại giảm sâu.[47] Một báo cáo của Credit Suisse cho thấy tỷ lệ sinh gia tăng dẫn tới việc người Trung Quốc sẽ chi hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho các mặt hàng bán lẻ liên quan tới trẻ sơ sinh và trẻ em.[48] Sẽ là một gia tài kếch xù cho những ai có khả năng nắm bắt được cơ hội ở đúng nơi và đúng thời điểm, một khi xu hướng tiêu dùng bắt đầu thay đổi - và ngược lại sẽ là thất bại nếu không thích ứng và phản ứng kịp với thời cuộc. Người chiến thắng và kẻ thất bại trong lĩnh vực du lịch ở tương lai sẽ được xác định bằng việc địa điểm nào, khách sạn hay cơ sở lưu trú nào, loại thực đơn hay sản phẩm du lịch nào có khả năng đáp ứng thị hiếu của người châu Á nhất, khi dân số ở châu lục này hiện tại đã gần 4,5 tỷ người và sẽ tiếp tục tăng - dĩ nhiên là ngày càng giàu có hơn.[49] Cụ thể, dựa theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), không một quốc gia nào thuộc nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới năm 2017 nằm ở Tây bán cầu và cả thập niên vừa qua cũng tương tự.[50] Thị hiếu, xu hướng, khẩu vị sẽ được hình thành ở phương Đông, không phải ở phương Tây. Khát vọng, thị hiếu, khẩu vị thay đổi sẽ khiến nhu cầu thay đổi - vốn dĩ là như thế. Thế nhưng, tốc độ của quá trình thay đổi này mới là điều gây ngạc nhiên. Báo cáo gần đây của McKinsey &Company cho thấy cách thức người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn sản phẩm đã thay đổi. Trong gần một nửa các đề mục mà công ty này tiến hành khảo sát, bao gồm thực phẩm, đồ điện tử, đồ dùng cá nhân và bia, những người trả lời khảo sát có xu hướng ưa thích các mặt hàng được sản xuất ở trong nước hơn là hàng nhập khẩu.[51] Sự thành công và thất bại trong kinh doanh sẽ được quyết định ở phương Đông chứ không phải ở phương Tây. Tăng trưởng về kinh tế và dân cư chỉ là một phần của bức tranh về sự thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu một điều quan trọng rằng cả hai cũng gây nhiều nhức nhối và nỗi đau. Xây dựng cơ sở hạ tầng để theo kịp với tốc độ bùng nổ dân số sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt hậu cần, tốn nhiều tiền của cũng như đòi hỏi không chỉ khả năng quy hoạch tốt mà còn một mức độ may mắn nhất định, khi các nhà quy hoạch phải dự đoán xu hướng phát triển tương lai của các loại hình năng lượng, công nghệ và giao thông. Trớ trêu thay, việc xây dựng các thành phố thông minh từ con số không lại dễ dàng hơn rất nhiều so với việc nâng cấp các đô thị hiện có. Ví dụ như ở Bangalore, những khó khăn mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng hay sự thành công trong lĩnh vực IT của thành phố gây ra đã tạo áp lực lớn lên nguồn cung cấp nước sạch. Trong khi một ủy ban về nước của thành phố đã đưa ra các đề xuất chi tiết, khẳng định rằng họ không những có thể cải thiện khả năng cung cấp nước cho 8 triệu dân hiện tại, mà còn có thể tiếp tục cung cấp nước cho dân số sẽ gia tăng gấp đôi theo dự đoán vào năm 2050, một số quan chức cấp cao đã nói về sự cần thiết phải có một kế hoạch sơ tán thành phố trước “Ngày Zero” - thời điểm mà tất cả nguồn nước cạn kiệt - có thể xảy ra sớm nhất vào năm 2025.[52] Bangalore là một trường hợp khá hy hữu, nhưng lại phản ánh những thách thức rộng lớn hơn mà quá trình phát triển đô thị, cũng như sự ổn định về kinh tế, dân cư và chính trị, phải đối mặt trong tương lai. Mối liên hệ giữa quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự cực đoan hóa là chủ đề quen thuộc không những với các sử gia Nga đầu thế kỷ XX, mà còn đối với những ai làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1970.[53] Và cũng không quá ngạc nhiên khi đó cũng chính là chủ đề mà các học giả nghiên cứu về thế giới trong hiện tại và cả tương lai dành sự quan tâm rất lớn.[54] Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc về đô thị đã đưa ra cảnh báo đanh thép. “Rất nhiều thành phố trên toàn cầu không có bất cứ sự chuẩn bị nào để đối phó với những thách thức đa chiều mà đô thị hóa mang lại”.[55] Hòa bình và ổn định không hề miễn phí - mà chỉ cần nhìn lướt qua tinh hình ở Syria, Iraq, Yemen hay Afghanistan, chúng ta cũng có thể thấy điều đó. Sự phát triển hạn chế của các thể chế dân chủ, sự hòa quyện giữa quyền lực và tiền bạc trong một nhóm nhỏ tinh hoa và sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu có học thức, tất cả đã tạo ra trên khắp châu Á một nhóm các nhà lãnh đạo hùng mạnh - tuy mạnh nhưng cũng mong manh, có nghĩa là các quốc gia này có thể sụp đổ đột ngột và bất ngờ bất cứ lúc nào. Những ai cố gắng thích nghi với tình hình cũng kịp hiểu ra rằng không dễ để kiểm soát sự thay đổi. Một loạt các cải cách tại Ả-rập Xê-út vào cuối năm 2017, bao gồm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động lần đầu tiên sau 40 năm, cho phép phụ nữ được vào các sân vận động thể thao hay cấp bằng lái xe cho phụ nữ… là những dấu hiệu đầu tiên của sự tiến bộ ở một quốc gia vốn từ lâu bị chỉ trích là không tôn trọng bình đẳng giới khiến người ta phải lên tiếng ca ngợi. Tuy nhiên, những kỳ vọng le lói đã nhanh chóng bị dập tắt sau vụ bắt giữ 10 nhà hoạt động nổi tiếng nhất ở quốc gia này, đa số là phụ nữ. Với việc họ bị truyền thông Ả-rập Xê-Út tố cáo là “những kẻ phản bội”, những người “không thể đứng chung với chúng ta” và bị Bộ Nội vụ buộc tội là thành viên của một “nhóm gián điệp”, những kẻ “có mối liên hệ đáng ngờ với các thực thể nước ngoài có mục đích làm xói mòn sự ổn định những kết cấu xã hội của quốc gia”, có thể xem đây là một trường hợp điển hình của việc thi hành chính sách theo kiểu tiến một bước nhưng lùi hai bước. [56] Cái khó của việc vừa ca ngợi sự tiến bộ nhưng lại đồng thời thi hành các chính sách đàn áp không thể hiện ở đâu rõ hơn qua việc trong cùng một ngày, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã viết một bài bình luận đầy gai góc trên tờ nhật báo hàng đầu Canada, tờ Globe and Mail, cho rằng việc phụ nữ được trao quyền nhiều hơn ở Trung Đông là hết sức quan trọng và cảnh báo rằng xu hướng đó “cần phải được bảo vệ khỏi những thế lực vốn không ủng hộ thay đổi và chống lại quyền của phụ nữ”, với tuyên bố cho biết một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất UAE đã bị kết án 10 năm tù giam và cùng các hình phạt rất nặng vì đã xúc phạm “vị thế và uy tín, cũng như các biểu tượng của đất nước UAE”.[57] Những thay đổi nhanh chóng nhưng lại không theo bất cứ một quy tắc nào, bằng nhiều cách khác nhau đã khiến một số quốc gia khác cảm thấy khó chịu. Ví dụ như ở Trung Quốc, nỗi lo lắng về quá trình phát triển đô thị đã khiến cơ quan quyền lực cao nhất ở nước này là Quốc vụ viện phải đưa ra những chỉ dẫn nhằm siết chặt hơn nữa các quy tắc về quy hoạch, đồng thời yêu cầu tập trung giải pháp nhằm phát triển “những kỹ thuật xây dựng mới có khả năng tạo ra ít chất thải hơn và dùng ít tài nguyên hơn, ví dụ như sử dụng nhà tiền chế”. Đó có thể được xem là nỗ lực đáng khen ngợi. Tuy nhiên, có một thực tế là các giải pháp được đưa ra còn bao gồm những quy tắc khá kỳ quặc nhưng không kém phần nghiêm khắc, như lệnh cấm “các kiến trúc có hình dạng kỳ lạ, tốn kém, không mang tính hữu dụng, không có thẩm mỹ hay thân thiện với môi trường”. Để đảm bảo sự tuân thủ, các cảm biến từ vệ tinh sẽ được sử dụng để “xác định vị trí các tòa nhà vi phạm quy định về quy hoạch”. Người ta có thể sử dụng máy bay không người lái không những để xác định xem bạn đang nói chuyện với ai hay bạn đang ở đâu, mà còn để xác định xem vị trí nào bạn mong muốn xây ống khói hay mở rộng sân sau nhà mình.[58] Một thế giới mới - xa lạ và đáng lo ngại với hầu hết chúng ta - đang lộ rõ. Thật khó tin khi một trong những trung tâm khởi nghiệp công nghệ sôi động nhất thế giới hiện nay là ở Iran, nơi mà sự thiếu vắng hoạt động cạnh tranh với phương Tây đã thúc đẩy sự trỗi dậy của các doanh nghiệp mới cũng như các vườn ươm khởi nghiệp mới với mục tiêu biến các ý tưởng trở thành sự thật, chẳng hạn như Sarava - một hệ quả không ai ngờ tới.[59] Trong số các ý tưởng được chọn xuất hiện tại sự kiện Silk Road Startup tại Kish vào mùa xuân năm 2018, có một sàn giao dịch các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm tiết kiệm nước; một sàn giao dịch các sản phẩm thời trang trực tuyến, thân thiện với môi trường nơi mà phụ nữ có thể mua bán các loại trang sức đã qua sử dụng; một thiết bị cầm tay có khả năng đo đường huyết dựa trên công nghệ quang hồng ngoại và trí tuệ nhân tạo.[60] Những thành công kể trên có vẻ chưa là gì nếu so sánh với Ấn Độ và Trung Quốc, với tốc độ ứng dụng các công nghê tài chính mới (FinTech) cho việc chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm hay đầu tư ở hai quốc gia này cao hơn rất nhiều so với những quốc gia khác trên thế giới, kể cả Mỹ.[61] Ở hai nước này, quy mô tăng trưởng gần như là vô tận. Ant Financial, công ty đã tách ra khỏi Alibaba trước khi gã khổng lồ thương mại điện tử này bay cao sau đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) lịch sử năm 2014, cũng đang tiến hành một đợt huy động vốn mà theo dự đoán sẽ nâng mức định giá của công ty thanh toán phi tiền mặt này đến con số khó tin 150 tỷ đô-la.[62] Sự kiện này khiến giá trị 10 tỷ đô-la của công ty Paytm tới từ Ấn Độ (với Alibaba là một cổ đông) trở thành một con số nhỏ nhoi - tuy nhiên đó là con số không tệ đối với một công ty vốn chỉ được thành lập vài tháng trước khi Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton đính hôn vào mùa thu 2010.[63] Tất cả những gì đang xảy ra như trên thật sự rất ấn tượng. Thế nhưng sự thành công của những mô hình kinh doanh mới không thể che mờ thực tế rằng trong hầu hết các lĩnh vực và hầu hết các ngành công nghiệp, phương Tây sẽ vẫn đóng vai trò dẫn dắt. Điều này vẫn đúng ngay cả đối với Vladimir Putin, người đã yêu cầu các cơ quan nhà nước ở Nga chuyển sang sử dụng công nghệ trong nước như là một cách để hạn chế nhập khẩu. Tuy vậy, không nhiều người tin phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả, nếu xét tới việc quá trình nghiên cứu và phát triển đã bị bỏ bê trong quá khứ, cũng như vai trò hạn chế của giới doanh nghiệp, doanh nhân khi đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.[64] Tuy nhiên, nhận thức của nước Nga về sự cần thiết phải tự mình phát triển năng lực quốc gia chính là yếu tố then chốt trong tư duy của Moscow. Một lượng lớn nguồn lực đã được sử dụng để phát triển công nghệ mạng. Trong một buổi điều trần ứng viên cho vị trí chỉ huy Bộ Chỉ huy Mạng Hoa Kỳ và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Trung tướng Paul Nakasone đã cho rằng Kremlin là “đối thủ tiềm năng sở hữu khả năng công nghệ tiên tiến nhất” mà nước Mỹ phải đối mặt, có năng lực trong việc sử dụng các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình phức tạp với mục tiêu chống lại “các mục tiêu quân sự, ngoại giao, thương mại của Mỹ và của các quốc gia khác”.[65] Bên cạnh việc phát triển các công cụ để chống lại các mục tiêu trong nước cũng như nước ngoài, Nga cũng đang tiến hành cải thiện khả năng phòng thủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc xâm lăng.[66] Điều này nghe có vẻ mỉa mai khi xét tới việc Nga từng sử dụng công nghệ mạng vào nhiều mục đích khác nhau từ can thiệp vào các cuộc bầu cử Tổng thống, các chiến dịch Brexit ở Anh, hoạt động kiếm tiến phi pháp từ doanh nghiệp, cho tới việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Vào tháng 4 năm 2018, Cục An ninh Nội địa Mỹ (FBI) và Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh đã đưa ra lời cảnh báo chính thức liên quan tới những hành vi có sự hậu thuẫn của nhà nước Nga nhắm vào các phần cứng máy tính có khả năng điều khiển lưu lượng Internet.[67] Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia khác, Nga cũng bị ảnh hưởng bởi các phần mềm tống tiền, hay các vụ tấn công mạng nhắm vào hệ thống ngân hàng, viễn thông di động hay các cơ quan chính phủ mà nước này mong muốn ngăn chặn trong tương lai.[68] Ở phương Tây, một trong những câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra hiện nay liên quan tới cách thức kiếm tiền từ dữ liệu về tính chất pháp lý cũng như đạo đức của các tập đoàn như Facebook trong việc thu thập và sử dụng thông tin người dùng, hay thậm chí là của bạn bè và các mối quan hệ khác không thuộc mạng xã hội của người dùng đó. Ở phương Đông, vấn đề lại liên quan tới việc sử dụng dữ liệu như một thứ vũ khí hay mối quan hệ giữa thế giới số và lợi ích quốc gia. Ví dụ như ở Nga, Facebook đã được thông báo rằng nếu dữ liệu cá nhân của những ai sử dụng mạng xã hội này không được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Nga, truy cập vào trang mạng này sẽ bị chặn.[69] Không chỉ vậy, một số thông tin gần đây cho thấy Facebook đã cho phép tập đoàn công nghệ lớn nhất của Nga là Mail.Ru tiếp cận dữ liệu người dùng cá nhân. “Chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu của các bạn“, Mark Zukerberg đã viết như vậy trên một bài đăng Facebook - trong khi lại không thừa nhận công ty của mình đã bắt đầu chia sẻ dữ liệu với một công ty có mối liên hệ mật thiết với Điện Kremlin, một sự thật mà sau này người ta mới biết.[70] Cách thức nước Nga giám sát các hoạt động trên không gian mạng của công dân mình và có lẽ là của công dân các nước khác nữa nằm đằng sau khả năng ngăn chặn dịch vụ tin nhắn mã hóa Telegram, cũng như các hệ thống mạng cá nhân ảo (virtual personal network, VPN) - những tiện ích vốn cho phép người dùng qua mặt hoặc ẩn danh trước các dịch vụ mạng giới hạn ở trong nước.[71] Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự can thiệp thường xuyên của nhà nước vào các trang mạng xã hội lại gắn liền với hành động ngăn chặn các thông điệp “không bình thường” trong lúc bầu cử Tổng thống diễn ra.[72] Và ở Trung Quốc, với ba công ty viễn thông lớn nhất - China Mobile, China Unicom và China Telecom đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước, chính phủ đã ngăn chặn hoàn toàn VPN trong chiến dịch “làm sạch” Internet và là nơi việc truy cập vào các trang như Google, Facebook và Twitter đều bị chặn.[73] Có thể nói, trong khi tại một số nơi trên thế giới, giám sát hoạt động trên mạng của công dân là cách thức được sử dụng nhằm thúc đẩy doanh thu của các công ty thì ở những nơi khác, đây lại được xem như vấn đề an ninh quốc gia. ★ Những điều được kể ở trên không chỉ nhằm nêu ra những cách tiếp cận khác nhau cho cùng một câu hỏi. Trên thực tế, chúng có một mối liên hệ chặt chẽ với những thay đổi đã diễn ra trong suốt hơn 25 năm qua. Chúng ta đang sống và trải qua một trong những cuộc chuyển đổi căn cơ nhất lịch sử cả về mức độ và tính chất, tương tự như những gì đã xảy ra nhiều thập niên sau khi hành trình vượt Đại Tây Dương của Columbus và những người đã nối tiếp ông, cũng như chuyến thám hiểm xảy ra gần như đồng thời vượt qua cực Nam châu Phi của Vasco da Gama đã mở ra các con đường giao thương hàng hải mới kết nối châu Âu, Ấn Độ Dương, Nam Á và hơn thế nữa. Cả hai cuộc thám hiểm đó, chỉ trong vòng hơn 500 năm, đã đặt nền tảng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt dịch chuyển trọng tâm kinh tế và chính trị toàn thế giới, biến Tây Âu trở thành trái tim của các tuyến đường thương mại toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử.[74] Điều tương tự đang xảy ra ở hiện tại, nhưng theo hướng ngược lại. Châu Á và Con đường Tơ lụa đang trỗi dậy - và trỗi dậy rất nhanh. Họ không trỗi dậy trong thế cô lập với phương Tây, hay thậm chí là cạnh tranh với phương Tây. Trên thực tế, mọi việc hoàn toàn ngược lại: sự trỗi dậy của châu Á có liên hệ mật thiết với các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu và một số nơi khác. Nhu cầu về tài nguyên, hàng hóa, dịch vụ hay kỹ năng tại các nước phát triển góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á, tạo ra việc làm và nhiều cơ hội hơn, cũng là chất xúc tác cho thay đổi. Sự thành công của một khu vực trên thế giới có liên hệ mật thiết tới các khu vực khác, thay vì chỉ có sự đánh đổi. Mặt trời mọc ở phương Đông không có nghĩa là Mặt trời đã lặn ở phương Tây. Chí ít là điều này vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là những phản ứng trước sự thay đổi này ở cả phương Đông và phương Tây. Ở một nơi, là hy vọng và sự lạc quan về những gì mà tương lai sẽ mang tới, trong khi ở nơi còn lại là sự lo lắng, lớn tới nỗi các quốc gia ở đây đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc, đến mức một số chính trị gia có uy tín như Madeleine Albright, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã công khai đặt câu hỏi rằng liệu “ngọn cờ dân chủ có thể còn tung bay được nữa hay không” ở phương Tây trong khi “những đám mây báo bão đang xuất hiện” - và cảnh báo rằng chúng ta cần phải cảnh giác trước những bài học lịch sử để có thể ngăn chặn sự quay lại của chủ nghĩa phát xít.[75] Một số người có thể cho rằng những cảnh báo như thế có hơi quá đáng. Thế nhưng, việc những cảnh báo như vậy xuất hiện trên truyền thông chính thống rõ ràng cho thấy đang có một sự khủng hoảng niềm tin và nỗi lo về một tương lai bất định của phương Tây trong thời điểm mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Bất chấp niềm tin hay quan điểm của bạn về chính trị là gì, không quá khó để nhận thấy có cái gì đó quan trọng đang xảy ra trên thế giới này. “Rất rõ ràng”, Aladdin đã hát cho công chúa Jasmine 25 năm trước, “là ta đang trong một thế giới hoàn toàn mới cùng với nàng”. Chúng ta cần thiết phải hiểu rõ được những thứ quan trọng đó là gì - cũng như xác định rõ tác động và hệ quả của chúng. NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN TỚI TRUNG TÂM THẾ GIỚI Những sự kiện gần đây khiến chúng ta khó có thể không đồng ý với nhận định cho rằng phương Tây đang đứng trước ngã tư đường. Ở Mỹ, Donald Trump được bầu làm Tổng thống sau chiến dịch bầu cử với khẩu hiệu: “Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông đã lặp đi lặp lại trong suốt chiến dịch tranh cử của mình rằng việc nước Mỹ thay đổi đường lối là hết sức quan trọng. Tương lai của đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc. Trump đã phát biểu trước cử tri tại Colorado Springs ba tuần trước ngày bỏ phiếu: “Hoặc là chúng ta thắng cuộc bầu cử này, hoặc là chúng ta mất đất nước này”.[1] Nước Mỹ đang rơi tự do, Trump nhắc đi nhắc lại trong suốt chiến dịch tranh cử. Cần phải có những giải pháp mạo hiểm để cứu đất nước, Trump đã tuyên bố như vậy khi chính thức tuyên bố ứng cử vào mùa hè năm 2015. “Đất nước của chúng ta đang gặp vấn đề nghiêm trọng”, Trump nói, “chúng ta đã không còn ca khúc khải hoàn nữa. Chúng ta từng quen giành chiến thắng, nhưng giờ không còn như thế nữa”. Những quốc gia khác đã trở nên giàu có hơn nhờ các khoản tiền mà người Mỹ phải bỏ ra. “Đã bao giờ chúng ta đánh bại Nhật Bản về thứ gì đó chưa? Họ xuất khẩu cả triệu xe hơi sang đất nước chúng ta và chúng ta đã làm gì? Lần cuối mà các bạn thấy một chiếc Chevrolet ở Tokyo là lúc nào? Không có chuyện đó đâu, các bạn ơi. Họ lúc nào cũng thắng chúng ta”. Mexico cũng trở thành một vấn đề cần quan tâm. “Khi Mexico đưa người của họ qua đất nước chúng ta, họ không đưa sang những người giỏi nhất”, Trump tuyên bố. “Họ chỉ gửi sang những người đang mang trong mình cả núi vấn đề và chúng ta phải thay họ gánh chịu những vấn đề đó. Trung Quốc cũng được đặt lên bàn cân. “Lần cuối mà các bạn thấy Mỹ đánh bại… Trung Quốc trong chiến tranh thương mại là khi nào? Họ hủy diệt chúng ta. Tôi lúc nào cũng chiến đấu với Trung Quốc. Lúc nào cũng vậy”. Trong khi đó, những hành động can thiệp ở nước ngoài trở nên tốn kém và không đạt được bất cứ kết quả nào. “Chúng ta đã chi 2.000 tỷ đô-la ở Iraq, 2.000 tỷ đấy. Chúng ta đã mất hàng nghìn nhân mạng, hàng nghìn ở Iraq. Chúng ta cũng có những thương binh, những người tôi rất yêu mến. Tôi yêu mến họ - họ rất vĩ đại - họ ở khắp mọi nơi, hàng nghìn, hàng nghìn những binh sĩ bị thương”[2]. Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt - nếu không thì nước Mỹ sẽ bị hủy hoại. “Tôi sẽ cho sử dụng trở lại phương pháp trấn nước”, Trump đã nói trong một buổi tranh luận được truyền hình trực tiếp với các ứng viên Cộng hòa khác, “và tôi cũng sẽ làm sống lại những thứ còn tồi tệ hơn phương pháp trấn nước”[3]. Và sau đó là kế hoạch khét tiếng xây dựng bức tường biên giới với Mexico mà Trump cam kết sẽ là “một bức tường biên giới phía Nam không thể xuyên thủng, cứng cáp, cao lớn, mạnh mẽ, đẹp đẽ”. Người Mexico “là một dân tộc vĩ đại có những nhà lãnh đạo vĩ đại”, ông nói, “họ chưa biết điều đó, nhưng họ sẽ phải trả chi phí cho bức tường đó”[4]. Cựu Tổng thống Mexico Vincente Fox thì hết sức tức giận: “Chúng tôi sẽ không làm như thế, tôi sẽ không trả một xu cho bức tường chết tiệt ấy”, ông đã nói như vậy với một phóng viên truyền hình. “Và tôi sẽ không xin lỗi” vì đã chửi thề - Vicente khẳng định chắc chắn.[5] Cần phải có những hành động chống Trung Quốc, Trump không ngừng nhắc nhở. “Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bách đất nước của chúng ta và đó là những gì mà họ đang làm”.[6] Người Trung Quốc “đã lợi dụng chúng ta theo cách chưa từng có trong lịch sử, Trump phát biểu trong chương trình Good Morning America của đài ABC. “Họ đã làm như vậy đấy; những gì họ đã làm với nước Mỹ là vụ trộm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thế giới. Họ cướp đi việc làm của chúng ta”.[7] Ở đây, chỉ có đúng hoặc sai, trắng đen rõ ràng. “Có những người không muốn tôi nhắc tới Trung Quốc như kẻ thù”, Trump viết trong một cuốn sách được sử dụng như tuyên ngôn tranh cử Tổng thống của ông. “Nhưng họ đúng là kẻ thù của chúng ta”.[8] Nước Mỹ đang quỳ gối. “Sự tàn sát mà người Mỹ đang chịu đựng phải được chấm dứt ngay tại đây và ngay bây giờ… Kể từ ngày hôm nay, một tầm nhìn mới sẽ dẫn đường cho chúng ta”, Trump phát biểu tại lễ nhậm chức vào tháng 1 năm 2017. “Sẽ là nước Mỹ trước hết, nước Mỹ trên hết”. [9] Tuyên ngôn “nước Mỹ trước hết” - một khẩu hiệu có gốc rễ sâu xa trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như từ một quan điểm biệt lập lâu đời cho rằng Mỹ nên đứng ngoài những vấn đề quốc tế, hay có liên quan tới nhóm Ku Klux Klan và quan điểm bài Do Thái - đã ảnh hưởng lớn tới Nhà Trắng. Quả thật, gói ngân sách đầu tiên mà Trump trình lên Quốc hội vào mùa xuân năm 2017 đã được đặt tên là “Nước Mỹ trước hết. Một kế hoạch ngân sách làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.[10] Như những gì đã hứa trong suốt quá trình vận động tranh cử, Trump đã nhanh chóng đưa nước Mỹ rút khỏi nhiều hiệp định mà các chính quyền trước đã ký kết, cắt đứt liên hệ giữa nước Mỹ và những vận động quốc tế chính thống. Một trong số đó là sắc lệnh “vĩnh viễn rút khỏi” Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, với cam kết đây là bước đi cần thiết để “thúc đẩy các ngành công nghiệp Mỹ, bảo vệ công nhân Mỹ và phất cao ngọn cờ của nước Mỹ”.[11] Tiếp theo, phải kể tới Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, khi Trump gọi thỏa thuận này “là ví dụ mới nhất cho thấy Washington đã tham gia vào một thỏa thuận không có lợi cho nước Mỹ, nhưng lại hoàn toàn có lợi cho các quốc gia khác, khiến công nhân Mỹ - những người tôi yêu quý - và người nộp thuế phải gánh chịu chi phí dưới các hình thức như mất việc làm, giảm lương, nhà máy đóng cửa, hay năng suất kinh tế giảm sút nghiêm trọng”. Kết quả là Trump đã tuyên bố vào tháng 6 năm 2017 rằng nước Mỹ “sẽ dừng toàn bộ quá trình thực thi” thỏa thuận với hiệu lực ngay lập tức và do đó tránh được “gánh nặng kinh tế và tài chính nặng nề mà thỏa thuận này gây ra cho đất nước của chúng ta”.[12] Bên cạnh việc rút khỏi các hiệp ước quốc tế, Trump còn có các bước đi khác như sắc lệnh nghiêm cấm tất cả các công dân của Iraq, Syria, Iran, Lybia, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh vào nước Mỹ;[13] những thông tư về việc “chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận một chiều của chính quyền trước đây” với Cuba (“có hiệu lực ngay lập tức”);[14] và “bước đi đầu tiên” áp thuế lên hơn một nghìn sản phẩm nhập khẩu có giá trị 50-60 tỷ đô-la từ Trung Quốc.[15] Quá trình đảo chiều kịch tính như trên phản ánh một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nơi mà cả các nhà lãnh đạo chính trị cũng như cử tri đòi hỏi và mong muốn lựa chọn sự thay đổi. Châu Âu đã chứng kiến sự trỗi dậy của phe cực hữu, khi Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp tham gia tranh cử Tổng thống Pháp với tư cách là một trong hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất sau vòng một của cuộc bầu cử vào giữa năm 2017; ở Đức, Đảng Con đường Khác cho nước Đức (Alternative fur Deutschland) không chỉ lần đầu tiên giành ghế trong cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 9 cùng năm, mà sau đó còn trở thành đảng chính trị lớn thứ ba ở Đức, với 94 tân nghị sĩ được bầu. Những rạn nứt ở châu Âu chủ yếu xoay quanh vấn đề nhập cư và bản sắc quốc gia. Thế nhưng, những rạn nứt này còn bị nỗi sợ hãi làm trầm trọng thêm - có những nỗi sợ hãi thực chất nhưng cũng có những nỗi sợ chỉ là tưởng tượng - đến nỗi người ta tin rằng cần phải có hành động triệt để nhằm làm chậm lại hoặc đảo ngược quá trình thay đổi. Tại Hungary, hàng rào dây kẽm gai đã được dựng lên dọc biên giới với Croatia và Serbia, trong khi đó thất bại trong việc đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tư pháp và quyền tự do biểu đạt, hay sự thiếu vắng chính sách bảo vệ các nhóm thiểu số trong xã hội đã dẫn tới việc Quốc hội châu Âu kêu gọi Liên minh đưa ra lệnh cấm vận nhằm vào Hungary - một trong những quốc gia thành viên của tổ chức - cho thấy “các giá trị mà dựa trên đó toàn bộ Liên minh được hình thành… đã bị phá vỡ” sâu sắc như thế nào.[16] Hành động này theo sau lời kêu gọi trừng phạt Ba Lan vì những lo ngại tương tự liên quan đến hành động chối bỏ các giá trị tự do của nước này. Vụ việc nghiêm trọng tới mức vào tháng 12 năm 2017, EU đã phải viện dẫn Điều 7 của Hiệp ước Lisbon, bắt buộc Warsaw phải đảo ngược tất cả các cải cách tư pháp. “Chúng tôi đang tranh luận với Chính phủ Ba Lan”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh; tuy nhiên ông cũng đảm bảo rằng “nhưng không tới mức là đang có chiến tranh với nhau”.[17] Những căng thẳng nổ ra bên trong châu Âu, sự khó khăn của các nước thành viên khi đối mặt với nhau để giải quyết những vấn đề nội bộ lớn, hay thất bại trong việc đối phó với làn sóng tị nạn và di cư kinh tế tới từ bên ngoài châu Âu đã làm lung lay tận gốc những lý tưởng và tính toàn vẹn của bản thân EU. Dường như Liên minh này đang phải đối mặt với “những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới các nguyên tắc sáng lập”, như lời của Phó Thủ tướng Ý Luigi di Maio vào mùa hè năm 2018. Ông cũng nói rằng, có lẽ đã đến lúc nước Ý không cần phải đóng góp cho ngân sách chung châu Âu hằng năm nữa.[18] Tuy nhiên, không ở đâu thể hiện sự tan vỡ niềm tin rõ ràng hơn cuộc trưng cầu dân ý ở Anh mùa hè năm 2016, khi 52% số người tham gia lựa chọn rời khỏi EU - mặc dù cho đến nay người ta vẫn chưa nhận thức đúng mức về quy trình và hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý này. Hầu hết người dân Anh “phải chịu đựng khó khăn bởi quy chế thành viên của chúng ta ở EU”, cựu Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove đã phát biểu thẳng thừng như trên trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình trước cuộc trưng cầu dân ý mà không đưa ra bất cứ lập luận nào để giải thích quan điểm của mình.[19] Liên minh châu Âu, theo như lời Gove nói, “đã được chứng minh là một tổ chức thất bại trong rất nhiều lĩnh vực” - làm cho không chỉ nước Anh mà toàn bộ các quốc gia thành viên khác trở nên trì trệ. Bằng cách rời khỏi liên minh, Gove cho rằng “chúng ta có thể cho phần còn lại của châu Âu thấy nước Anh có thể thăng hoa như thế nào”.[20] Trong khoảng thời gian trước cuộc trưng cầu dân ý, Liên minh châu Âu luôn bị xem là một phần của vấn đề, chứ không phải là giải pháp cho tương lai của nước Anh. EU, theo lời của Boris Johnson, “là một cỗ máy hủy diệt việc làm”, gây ra những thiệt hại sâu sắc đối với kinh tế Anh.[21] Và theo một nhân vật nổi bật khác của phe ủng hộ Brexit, Liên minh thuế quan giữa tất cả các thành viên EU là “sự bán rẻ lợi ích quốc gia của Anh;” tuy nhiên, như một chính trị gia cao cấp khác đã lưu ý, “may mắn là” nước Anh có “tình bạn lâu đời” với nhiều quốc gia khác vốn có thể cùng Anh làm nồng ấm lại quan hệ cũng như ký kết các hiệp ước thương mại tốt hơn - đó là những quốc gia thuộc địa cũ của Anh.[22] Để hướng về tương lai, chúng ta cũng nên nhìn lại quá khứ. ★ Bất kể tác động dài hạn của Brexit là gì, có một thực tế là ở nhiều quốc gia phát triển phương Tây, các chính trị gia, cử tri và chính phủ đang có những bước đi làm suy giảm quan hệ hợp tác giữa các bên, tách khỏi các thỏa thuận trong quá khứ mà bây giờ đã không còn được hoan nghênh, khiếm khuyết và phản tác dụng. Niềm lạc quan đầy hy vọng về khả năng cùng hợp tác hướng tới lợi ích chung đã bị thay thế bởi sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng và quan trọng hơn, bị xu hướng cho rằng các nước có thể lựa chọn đi con đường riêng thay thế. Trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên với tư cách là Thủ tướng Anh vào mùa hè năm 2016, trước sự ngạc nhiên của lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, bà Theresa May đã thông báo rằng nước Anh sẽ trở thành “lãnh đạo toàn cầu về thương mại tự do” - một khao khát không hề thiếu tham vọng hay sự quyết tâm nhưng lại đặt sai hoàn cảnh: thật sự là rất khó để lãnh đạo người khác trong khi nội bộ quốc gia mình lại là một mớ hỗn độn.[23] Dồn sự tập trung không ngừng vào Nhà Trắng, Brexit hay những tin tức nóng hổi mới nhất nhưng nhàm chán liên quan tới các cường quốc ở phương Tây có nghĩa là chúng ta không đủ tập trung để quan sát những nơi khác trên thế giới. Sự mù mờ này đặc biệt trở nên lớn hơn khi đề cập tới sự phát triển quy mô lớn có tác động ở tầm khu vực hay thậm chí là liên lục địa. Việc dõi theo những câu chuyện và nhân vật tương tự nhau từ ngày này sang ngày khác sẽ khiến chúng ta mất đi khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. ★ Những chủ đề về sự cô lập hay tan rã ở phương Tây có vị trí hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra dọc theo Con đường Tơ lụa kể từ năm 2015. Câu chuyên bao trùm phần lớn khu vực kết nối giữa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải là về sự gắn kết; về những cố gắng để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn; về xu hướng giảm nhiệt căng thẳng và xây dựng liên minh; về các thảo luận để tìm ra giải pháp đồng thuận vì lợi ích chung, nhằm xây dựng nền tảng cần thiết cho sự hợp tác trong dài hạn. Những câu chuyện kể trên đã nhận được sự tiếp sức của hàng loạt các thể chế vốn vừa có khả năng thúc đẩy đối thoại, vừa có khả năng tiến hành những bước đi thực chất giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các quốc gia - đó là các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á vừa được thành lập, hay các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (mặc dù không có sự tham dự của Mỹ) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ(*), Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Cùng với nhau, các nước này có tổng GDP ở mức gần 30 nghìn tỷ đô-la - chiếm 30% tổng GDP toàn cầu - và đại diện cho 3,5 tỷ người. Các cuộc đàm phán nhằm thiết lập “một thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, có chất lượng cao và vì lợi ích của tất cả các bên” đã được đẩy mạnh, thúc đẩy triển vọng tạo ra thứ mà một nhà kinh tế đã mô tả là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất lịch sử.[24] Sẽ không ngạc nhiên lắm nếu hợp tác không phải là chủ đề thống nhất xuyên suốt ngay tại châu Á và những khu vực khác. Và cũng sẽ không công bằng nếu chúng ta đánh giá thấp các trở ngại, sự đối kháng, ganh đua giữa các dân tộc và các cá nhân vốn có nguy cơ gây ra những bất ổn lớn tác động tới tình hình khu vực và thậm chí toàn cầu. Tuy vậy, chúng ta thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến thế giới hiện nay đang đồng thời vận hành theo hai xu hướng riêng biệt: tách biệt và bước tiếp trong cô độc theo xu hướng thứ nhất, hay tăng cường quan hệ và cố gắng cùng nhau hướng tới tương lai trong xu hướng thứ hai. Ví dụ, các quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Á đã tìm kiếm nhiều cách khác nhau để có thể làm việc chung, với một số thành công bước đầu. Vào tháng 3 năm 2017, hai vị tổng thống của Turkmenistan và Uzbekistan đã khai trương cây cầu đường sắt mới băng qua sông Amu Darya tại Turkmenabat-Farab - một giao lộ quan trọng giúp thúc đẩy kết nối không chỉ giữa hai quốc gia với nhau mà còn mở ra khả năng hiện thực hóa các tuyến thương mại đường dài.[25] Tiếp theo còn có sự hợp tác giữa các nước cộng hòa Trung Á với những sáng kiến như trợ giúp Tajikistan gia cố tuyến biên giới phía Nam với Afghanistan, chống buôn lậu ma túy, hay như sáng kiến thiết lập thêm nhiều trạm kiểm soát mới ở các địa phương Osh, Batken và Jalal-Abad ở Kyrgyzstan trong nửa cuối năm 2017 giúp cho việc qua lại biên giới với Uzbekstan được thuận lợi và nhanh chóng hơn. [26] Tăng cường quan hệ còn giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa. Ví dụ, thương mại song phương giữa Kazakhstan và Uzbekistan tăng 31,2% chỉ trong năm 2017, trong khi các sáng kiến mới sẽ giúp thương mại phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo.[27] Kazakhstan đã tuyên bố năm 2018 sẽ là năm Uzbekistan tại Kazakhstan và ngược lại, năm 2019 sẽ là năm Kazakhstan tại Uzbekistan như để đáp lễ, tuy nhiên việc này có tạo ra khác biệt gì lớn hay không thì còn phải chờ xem.[28] Các tuyên bố về “hai dân tộc anh em… đi cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế” và cùng nhau tiến lên dựa trên “tình bạn vĩnh cửu và mối quan hệ đối tác toàn diện” giúp tạo nên một nhận thức thống nhất nhấn mạnh lợi ích chung, quá khứ chung và tương lai chung.[29] Câu chuyện tương tự xảy ra ở những nơi khác. Kim ngạch thương mại giữa Uzbekistan và Tajikistan tăng gấp đôi trong vòng sáu tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước.[30] Trong khi đó ở Iran và Azerbaijan, “tất cả các bước chuẩn bị cần thiết đã được thiết lập để xúc tiến các dự án hợp tác chiến lược, ví dụ trong ngành năng lượng”, theo lời của Mahmoud Vaezi, Chánh Văn phòng Tổng thống Iran phát biểu sau chuyến làm việc tại Baku đầu mùa hè năm 2018.[31] Những thỏa thuận liên quan tới hợp tác về mặt học thuật hay xây dựng đường ống dẫn khí đốt phản ánh mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Afghanistan và Tajikistan trong những năm sắp tới.[32] Quan trọng hơn là hệ thống đường ống khí đốt xuyên khu vực Anatolia (Trans-Anatolian Pipeline, TANAP) đã đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2018, kết nối mỏ khí Shah Deniz II tại Azerbaijan với Đông Nam châu Âu - dù một số người cho rằng vai trò trung hạn của hệ thống đường ống này trong khả năng cung cấp năng lượng cho châu Âu vẫn còn nhiều hạn chế.[33] TANAP chỉ là một trong số những dự án tương tự đang trong những giai đoạn hoàn thiện khác nhau, với ý nghĩa kết nối các nước giàu tài nguyên ở trung tâm châu Á. Một dự án khác là dự án năng lượng Trung Nam Á (Central Asia - South Asia Power Project, CASA-1000), có nhiệm vụ vận chuyển phần sản lượng dôi dư của các nhà máy thủy điện tại Tajikistan và Kyrgyzstan tới Pakistan và Afghanistan vào năm 2020.[34] Đại sứ Kyrgyzstan tại Pakistan, ông Erik Beishembiev, xem dự án này là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Bishkek và Islamabad, vì cả hai quốc gia “có một nguồn gốc lịch sử chung, tôn giáo chung, những phong tục truyền thống giống nhau và nhiều quan điểm tương tự nhau về các vấn đề quốc tế”.[35] Chính lợi ích chung là nền tảng thúc đẩy đàm phán giữa Nga và các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Belarus) với Iran về việc xây dựng nên một khu vực mậu dịch tự do, thiết lập các dự án đầu tư chung hay các hiệp định liên ngân hàng - một trong những trở ngại chính - vốn không chỉ mang những lợi ích chung và còn hết sức quan trọng, theo lời của Vyacheslav Volodin, phát ngôn viên của Duma Quốc gia Nga.[36] Đây chỉ là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính cố kết rộng lớn hơn tại Trung Á, trong đó Nga và Iran đóng vai trò quan trọng. Tăng cường trao đổi thương mại, cải thiện quan hệ và cùng làm việc với nhau để hạn chế nạn buôn lậu xuyên biên giới không chỉ là những ưu tiên trên giấy tờ, mà còn đang được nghiêm túc giải quyết không chỉ thông qua những cải cách về thể chế mà còn qua sự thiết lập các cơ quan giám sát và hợp tác trong những lĩnh vực có lợi ích chung rõ ràng. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy mong muốn tăng cường mối quan hệ và cải thiện giao lưu chính trị giữa các bên.[37] Một ví dụ điển hình chứng minh cho thực tế rằng vùng đất trung tâm của thế giới đang được gắn kết với nhau là cuộc hội thảo tổ chức tại Samarkand vào tháng 11 năm 2017, trong đó quan chức cấp cao tới từ các nước cộng hòa Trung Á, cũng như từ Afghanistan, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ và Pakistan gặp nhau nhằm thảo luận để tìm ra các biện pháp hợp tác đối phó với khủng bố, các thành phần tôn giáo cực đoan, các loại tội phạm xuyên quốc gia hay việc buôn bán chất gây nghiện - với chủ đề “Trung Á: Quá khứ và một tương lai chung, hợp tác vì phát triển bển vững và thịnh vượng chung”.[38] Dĩ nhiên, những hội thảo như thế - cùng những tuyên bố có phần phù phiếm về sự đoàn kết của các dân tộc sống dọc theo Con đường Tơ lụa - có thể mang tính tâng bốc hay chỉ là biểu hiện mang tính thiện chí thay vì nỗ lực thực chất nhằm giải quyết các vấn đề hiện hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Á, đã có một số tiến bộ nhất định liên quan đến những vấn đề gai góc như tranh chấp biên giới, nơi mà các xung đột lịch sử và sắc tộc đã góp phần làm quan hệ giữa các bên căng thẳng tới mức một số nhà quan sát đã cảnh báo xung đột quân sự hoàn toàn có khả năng xảy ra. [39] Những vấn đề này đang dần dần được giải quyết. Có lẽ bước đi nổi bật nhất trong nỗ lực gia tăng tính cố kết tại khu vực trung tâm của thế giới là thỏa thuận liên quan tới tình trạng pháp lý của Biển Caspi, một vấn đề vốn luôn là trở ngại cho tiềm năng hợp tác toàn diện giữa Nga, Iran, Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Nội dung sơ bộ được tất cả các bên chấp nhận đã mất hàng thập niên để chuẩn bị, song thỏa thuận mang tính bước ngoặt này hứa hẹn sẽ biến đổi nguồn cung dầu mỏ và khí đốt không chỉ ở khu vực mà còn tại các thị trường toàn cầu, trong đó biến đổi lớn nhất sẽ xảy ra xoay quanh các nguồn tài nguyên hydrocarbon ở các nước ven Biển Caspi và tại chính trong lòng Biển Caspi.[40] Tuy nhiên, như một số nhà quan sát đã chỉ ra, mặc dù thỏa thuận được ký kết vào tháng 8 năm 2018 rõ ràng là một bước tiến quan trọng, rất nhiều vấn đề khác vẫn còn tồn đọng và người ta vẫn chưa chắc chắn được vào lúc nào và bằng cách gì mới có thể giải quyết rốt ráo các vấn đề này.[41] Dù vậy, họ vẫn xem những thỏa thuận đã đạt được là một trong những bước đi mới nhất hướng tới mục tiêu xóa bỏ dần rào cản cũng như cải thiện tiềm năng hợp tác xuyên suốt trục xương sống của châu Á. Một ví dụ khác chính là những thảo luận về khả năng trao đổi đất đai giữa Kyrgyzstan và Uzbekistan như là một phần của quá trình xác định đường biên giới giữa hai nước.[42] Một ví dụ khác xuất hiện trong cuộc gặp được tổ chức ở Astana vào tháng 4 năm 2018, trong đó ba nước Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan đồng ý thỏa thuận về vấn đề biên giới chung. “Không có bất cứ một tranh chấp biên giới nào”, Tổng thống Kazakhstan Nazerbayev tuyên bố như vậy, đồng thời cùng với người đồng cấp Tajikistan, Tổng thống Rahmon, cả hai tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề nguồn nước trong khu vực.[43] Vấn đề nguồn nước cũng là một trong những vấn đề nổi bật ở khắp Trung Á, thể hiện cực kỳ rõ nét qua sự biến mất của Biển Aral bắt đầu từ thập niên I960, khi những con sông cung cấp nước cho Biển Aral đã bị Liên Xô đổi dòng để phục vụ cho các dự án nông nghiệp sai lầm. Những căng thẳng và khó khăn thực tế mà thảm họa này mang lại không nên bị đánh giá thấp, bao gồm sự tàn phá cảnh quan tự nhiên, ô nhiễm môi trường kèm theo các vấn đề sức khoẻ như sự gia tăng các bệnh hô hấp, ung thư hay tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.[44] Cuối tháng 5 năm 2018, các cơn bão bao phủ một phần Uzbekistan và Turkmenistan đã thổi muối từ đáy biển Aral vốn đã cạn khô vào hai quốc gia này. Hơn một centimét muối bao phủ khắp các cánh đồng lúa mì và bông trong thời điểm mùa màng vốn đã thất bát do thiếu nước tưới.[45] Những nỗ lực nhằm khôi phục dần mực nước tại Ạral dường như đã đem lại một số hiệu quả, mặc dù chậm chạp. Tuy nhiên, đây vẫn thật sự là một tin tức tích cực.[46] Tuy nhiên, ở Afghanistan, tình hình lại không được sáng sủa như thế. Lượng mưa tại đây giảm 70% khiến Liên Hợp Quốc phải đưa ra cảnh báo vào tháng 6 năm 2018 rằng mùa màng đã hoàn toàn bị hủy hoại, các dòng sông cạn khô và hơn 2 triệu người phải đối mặt với viễn cảnh thiếu lương thực cho tới cuối năm - một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gần kề tại một quốc gia vốn đang bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh liên miên suốt hơn bốn thập niên.[47] “Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để con tôi không bị chết đói”, một người nông dân đã khẳng định, “Tôi sẽ gia nhập Daesh hoặc Taliban”.[48] Một phần nguyên nhân của vấn đề trên tới từ việc ba con sông lớn ở Trung Á - Syr Darya, Amu Darya và Irtysh - là những tuyến đường thủy xuyên biên giới, điều đó có nghĩa là những quyết định được đưa ra ở bất kỳ quốc gia nào sẽ có tác động lớn tới tình hình hạ nguồn các dòng sông này. Mức độ nghiêm trọng có thể được nhìn thấy qua việc 70% các vấn đề liên quan tới phát triển ở khu vực xuất phát từ tình trạng thiếu nước.[49] Hệ quả không mấy ngạc nhiên là quá trình tìm kiếm các giải pháp để quản trị nguồn nước một cách tối ưu nhất đã trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt trong một thời gian dài.[50] Ở Nam Á, nước cũng là một chủ đề quan trọng. Hành động xây dựng đập Kishanganga và các nhà máy thủy điện của Ấn Độ khiến chính phủ Pakistan hết sức lo ngại. Pakistan cho rằng những dự án này vi phạm hiệp ước năm 1960, vốn đặt nền tảng cho sự phân chia nguồn nước sông Ấn giữa Ấn Độ và Pakistan. Được vận hành hồi tháng 5 năm 2018, những lo ngại về con đập gia tăng khi Afghanistan đưa ra các kế hoạch xây dựng 12 nhà máy thủy điện trên sông Kabul, nhiều khả năng sẽ gây thêm nhiều áp lực lên các thành phố như Karachi, nơi mà dân số tăng thêm 5% mỗi năm và mực nước chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế của thành phố. [51] Không bất ngờ khi các bên đã đưa con đập Kishanganga ra tham vấn tại Tòa Trọng tài Quốc tế và cũng không hề ngạc nhiên khi tranh chấp này tạo ra không ít phản đối, đấu tranh nội bộ, nghi ngờ phá hoại hay thuyết âm mưu tới từ truyền thông ở cả Ấn Độ và Pakistan.[52] Tiếp đến là các tác động của biến đổi khí hậu, khi theo một nghiên cứu gần đây cho thấy sông băng Urumqi số 1 sẽ mất 80% lượng băng trong vòng ba thập niên tới, gây ra những hệ lụy rõ ràng ở Trung Á và miền Tây Trung Quốc, những nơi sông băng này và các sông băng khác đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nước cho các con sông, đồng thời là nguồn nước dự trữ khi hạn hán xảy ra.[53] Những vấn đề do hiện tượng thiếu hụt nguồn nước gây ra cũng được các cuộc biểu tình nổ ra tại Iran mùa xuân năm 2018 phản ánh. Tổ chức Khí tượng Cộng hòa Hồi giáo Iran dự tính rằng 97% lãnh thổ Iran đang phải chịu ảnh hưởng của hạn hán ở một mức độ nào đó, dẫn đến tình trạng ở một số nơi toàn bộ dân cư đã di tản khỏi làng mạc và các thị trấn. Sự thiếu hụt dẫn tới bạo loạn và đã bị đàn áp mạnh mẽ bởi các lực lượng an ninh ở một số vùng của đất nước.[54] Tình hình căng thẳng tới mức lãnh tụ tối cao của Iran là Ayatollah Khamenei đã phải đề cập tới vấn đề này trong thông điệp năm mới của mình, công nhận tình hình khô hạn đã khiến cuộc sống thêm khó khăn hơn và cầu nguyện rằng “ơn trên” sẽ sớm giải quyết mọi vấn đề.[55] Bên cạnh những lời cầu nguyện, Iran cũng đã tiến hành những bước đi mang tính xây dựng nhằm giải quyết vấn đề liên quan tới nguồn nước, hiện đang thiếu hụt tới nỗi nguồn cung năng lượng của quốc gia đã bị ảnh hưởng khi một số nhà máy thủy điện phải ngừng hoạt động.[56] Các cuộc thảo luận với nước láng giềng Afghanistan liên quan tới việc khôi phục dòng chảy của sông Helmand và khả năng cung cấp nước cho vùng đất ngập nước ở Hamoon đã gia tăng trong thời gian gần đây. Theo lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, một thỏa thuận đã đạt được sẽ cho phép 850 triệu m³ nước chảy vào Iran hằng năm trong tương lai.[57] ★ Ở một số nơi, đã có sự tiến bộ trong việc thực hiện những hành động vượt ra ngoài khuôn khổ của các thỏa thuận khung được ký kết trong quá khứ, nhưng những tiến bộ đó đang bị ngăn cản bởi sự thiếu vắng thiện chí chính trị giữa các quốc gia và giữa lãnh đạo của các quốc gia đó - vốn thường xuyên đối xử với nhau như đối thủ. Ở Uzbeksitan, việc Tổng thống Karimov qua đời năm 2016 và Shavkat Mirziyoyev lên thay đã phá vỡ thế bế tắc và mang lại những cơ hội mới giúp thúc đẩy thảo luận và hành động. “Các vấn đề về nguồn nước, hòa bình và an ninh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau”, Mirziyoyev đã nói như vậy với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9 năm 2017. “Không có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề nguồn nước bằng việc xem xét công bằng lợi ích của các quốc gia trong khu vực”.[58] Chính quyền mới của Mirziyoyev đã thổi vào Uzbekistan những làn gió của sự thay đổi, bao gồm các bước đi mà người ta kỳ vọng sẽ hướng tới cải thiên vấn đề nhân quyền, tự do báo chí hay những khía cạnh mà Uzbekistan cùng những quốc gia láng giềng thường bị đánh giá rất thấp. [59] Ví dụ, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, không có bất cứ nhà báo nào bị giam giữ tính đến tháng 5 năm 2018, khi tòa án thả tự do cho hai nhà báo bị cáo buộc đã viết tin bài chỉ trích và có âm mưu lật đổ chính phủ.[60] Theo một báo cáo của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) có trụ sở tại Mỹ vào mùa thu năm 2017, những chủ đề trước đây bị coi là cấm kỵ trong dư luận như “những chính sách hoán đổi tiền tệ sai lầm” hay “số lượng lớn lao động di cư Uzbek tại Nga” hiện nay đã được thảo luận công khai, trong khi các chủ đề như “sự cởi mở hạn chế dành cho các hoạt động dân sự” cũng gây chú ý, bên cạnh sự giảm bớt những quan điểm cứng rắn liên quan tới tự do tôn giáo.[61] Những cải thiện như trên đã thu hút sự chú ý của truyền thông chính thống ở phía bên kia Trái Đất và cho thấy các thay đổi có thể trở nên quan trọng đến như thế nào. Chỉ trong vòng chưa tới hai tuần, báo New York Times đã xuất bản hai bài viết lớn đề cập tới những thay đổi tích cực ở Uzbekistan và báo trước một kỷ nguyên cởi mở sắp đến.[62] Những cơ quan truyền thông khác dường như tỏ ra cẩn trọng hơn. Trong khi vẫn hoan nghênh những bước tiến quan trọng giúp cải thiện quyền con người, tuyên bố chung của một nhóm gồm 12 tổ chức phi chính phủ vẫn chỉ ra rằng: “Kiểm duyệt Internet, các vụ bắt bớ mang yếu tố chính trị, hoạt động tra tấn, quy trình bầu cử thiếu cạnh tranh, hay tính chất thiếu công bằng trong việc xét xử những trường hợp bị lạm dụng trong quá khứ vẫn chưa được giải quyết”.[63] Chúng ta vẫn chưa rõ những cải cách có thật sự xảy ra hay không, hay chỉ là những chính sách nêu ra cho có. Một số chuyên gia đồng ý rằng đã xuất hiện những bước tiến tích cực, song những quyết định mang tính bước ngoặt thì vẫn chưa xảy ra.[64] Tuy vậy, nhiều điều vẫn đang xảy ra nằm ngoài những dòng tít bắt mắt, những phát biểu ở Liên Hợp Quốc hay những bước tiến rõ ràng về quyền con người. Việc phá bỏ rào cản, tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại đòi hỏi các bên phải thảo luận với nhau và đưa ra những quyết định quan trọng ở mọi cấp độ. Những trao đổi gần đây giữa quan chức Tajikistan và Turkmenistan về các vấn đề lãnh sự giữa hai nước thể hiện đặc điểm này, khi họ đề cập tới “công nghiệp khai khoáng, dầu mỏ và khí đốt, lĩnh vực năng lượng và chế biến khoáng sản” hay “các dự án cơ sở hạ tầng có tác động tới khu vực”.[65] Đây là một ví dụ cho thấy những mối quan hệ khăng khít hơn đang hình thành dọc theo chiều dài của Con đường Tơ lụa. Một liên doanh giữa các công ty dầu khí nhà nước của Turkmenistan, Azerbaijan và Uzbekistan nhằm phát triển các mỏ dầu tại vùng Biển Caspi là ví dụ khác.[66] Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt mới đã được xây dựng dọc ngang trên Con đường Tơ lụa, bao gồm tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars khánh thành tháng 10 năm 2017, các tuyến đường mới nối Yiwu với Tehran ở Iran, cùng dự án nâng cấp các tuyến đường sắt chở hàng hóa tới châu Âu.[67] “Còn rất nhiều không gian để gia tăng hợp tác”, Tổng thống Iran Rouhani đã phát biểu như thế trong một buổi gặp mặt giữa lãnh đạo các quốc gia ven Biển Caspi vào tháng 8 năm 2018. Nếu Kazakhstan và Iran xây dựng hệ thống quá cảnh thì “Kazakhstan có thể kết nối được với vùng biển phía Nam thông qua Iran và Iran có thế kết nối với Trung Quốc thông qua Kazakhstan”, Rouhani nói và kêu gọi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông mới kết nối không chỉ hai quốc gia với nhau, mà còn kết nối toàn bộ khu vực.[68] Quá trình phát triển “Hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam (INSTC)” mới kết nối Nam Á với phía Bắc châu Âu cũng đã có những tiến triển nhất định và đã chứng kiến chính phủ các nước Azerbaijan, Nga và Iran làm việc khăng khít với nhau. “Bộ Giao thông của các quốc gia sẽ tham gia vào dự án này”, Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga đã phát biểu, “các Bộ sẽ xem xét các yếu tố kỹ thuật và tài chính, cũng như quá trình tương tác giữa hải quan và lãnh sự của các nước”.[69] Người ta cũng đang tiến hành thảo luận nhằm cân nhắc mở rộng sự hiện diện của hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ trên hành lang này.[70] Tầm quan trọng của tuyến hành lang là rõ ràng khi chúng ta xem xét một số dự đoán cho rằng nếu các dự án đầu tư các tuyến đường sắt mới được tiến hành, thương mại giữa Ấn Độ với khu vực Á - Âu sẽ gia tăng sáu lần từ con số 30 tỷ đô-la mỗi năm hiện nay.[71] Một phân tích khác cho thấy chỉ riêng Iran đã có thể thu 2 tỷ đô-la chi phí quá cảnh từ các hoạt động thương mại ở khu vực, trong đó một số quan chức nói rằng đất nước này có thể hy vọng chi phí quá cảnh thu được vào khoảng 50 đô-la/tấn.[72] Ngay cả khi tỏ ra lạc quan quá mức, các số liệu trên vẫn thể hiện niềm hy vọng vào những gì hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và viễn thông sau khi nâng cấp có thể mang lại. Tiếp theo là Thỏa thuận Ashgabat ký kết vào năm 2011 giữa Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan và Oman, với mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và cho phép đi lại giao lưu không cần visa giữa các nước.[73] Một trong số rất nhiều dự án khác giúp tăng cường kết nối khu vực trung tâm thế giới là hành lang Lapis Lazuli, liên kết Afghanistan, Turkmenistan, Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. Với khoảng thời gian đàm phán bốn năm, đề xuất 2 tỷ đô-la này có mục tiêu tạo ra hệ thống đường bộ và đường sắt kết nối thành phố Torgundi thuộc tỉnh Herat, Afghanistan với Ashgabat và cảng Turkmenbashi trên Biển Caspi. Hành lang sau đó sẽ kết nối Baku với Tbilisi và Ankara, gồm các nhánh nối tới Poti và Batumi, rồi sau đó là từ thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ tới Istanbul.[74] Theo một số báo cáo, hành lang trên sẽ được hỗ trợ bởi một đường cao tốc mới mười sáu làn xe trị giá 2,4 tỷ đô-la nối Ashgabat với Turmenabat ở biên giới Uzbekistan, kèm theo đó là các trung tâm giải trí, cửa hàng, nhà hàng, nhà nghỉ, các trạm dừng, trạm nhiên liệu và hơn thế nữa tất cả xuất hiện trong hình dung về một con đường cao tốc kiểu mẫu lý tưởng, ở một đất nước mà nhiệt độ mùa hè thường xuyên vượt ngưỡng 40°C.[75] Công trình xa hoa này là một phần của dự án lớn hơn bao gồm các cơ sở vật chất cảng biển tại Turkmenbashi trên Biển Caspi, với giá trị xây dựng vào khoảng 1,5 tỷ đô-la. Những dự án như vậy cho thấy các quốc gia đang đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án hạ tầng quy mô lớn - dẫu cho hầu hết các đánh giá đều nghi ngờ liệu tổng lượng hàng hóa và hành khách có thật sự đạt tới con số thống kê đã được đưa ra để thông qua các dự án hay không, ít nhất trong trường hợp của Turkmenistan.[76] Quả thật, buổi lễ khánh thành cảng biển mới tháng 5 năm 2018 không tập trung nhiều vào vai trò trung tâm kết nối hậu cần của cơ sở này, mà nhấn mạnh tới một mục đích khác mà các lãnh đạo Turkmenistan đã theo đuổi suốt nhiều năm: xác lập các kỷ lục thế giới. Vị khách đầu tiên được giới thiệu tại buổi lễ là một đại diện của tổ chức Sách Kỷ lục thế giới Guinness, người có nhiệm vụ thông báo rằng cảng biển này là cảng biển lớn nhất thế giới được xây dựng dưới mực nước biển - do vị trí địa lý đặc biệt của Turkmenbashi.[77] Tuyên bố này đặt cảng Turkmenbashi bên cạnh những kỷ lục khác đã được công nhận trước đây, bao gồm nơi tập trung nhiều tòa nhà được lót bằng đá cẩm thạch nhất thế giới, cột cờ cao nhất thế giới (danh hiệu sau này phải nhường lại cho Tajikistan), tấm thảm dệt tay lớn nhất, vòng đu quay trong nhà lớn nhất, số lượng người hát theo lượt lớn nhất, mái nhà có hình ngôi sao lớn nhất và biểu tượng hình ngựa lớn nhất thế giới.[78] Tuy vậy, những tiến bộ thực chất hơn đã xuất hiện ở một số nơi khác. Quá trình thảo luận về xây dựng lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng đã dẫn tới các đề xuất kết nối lưới điện của Nga, Azerbaijan và Iran với nhau để giúp Iran xuất khẩu điện - tương tự như những gì Iran đã làm với Iraq và Afghanistan.[79] Đàm phán tiến triển nhanh chóng, với đợt bán điện đầu tiên giữa Iran và Azerbaijan diễn ra chỉ vài tháng sau khi hai nước thông qua các nội dung thỏa thuận.[80] Dường như người ta có thể ngay lập tức cảm nhận kết quả mà những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đem lại. Vào mùa hè năm 2017, Phó Giám đốc Công ty Xe lửa Iran là Ebrahim Mohammadi thông báo rằng lượng hàng hóa vận chuyển bằng xe lửa đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước đó.[81] Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran, trong năm tài khóa kết thúc ngày 20 tháng 3 năm 2018, doanh thu quá cảnh tăng 20% so với 12 tháng trước đó.[82] Nhiều quốc gia đã nhìn nhận triển vọng tăng trưởng tương lai ở khắp Trung Á bằng con mắt tích cực. Tại một hội nghị thượng đỉnh ở Ankara vào mùa xuân năm 2018, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlũt Cavu§oglu đã đề cập tới việc tăng kim ngạch thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan lên 5 tỷ hay thậm chí 10 tỷ đô la trong những năm tới, một mức tăng mạnh mẽ so với con số hiện nay. Ông nói: “Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Kazakhstan và có tiềm năng phát triển cực kỳ thuận lợi trong tương lai”.[83] Điều này nằm trong sự trỗi dậy của tư tưởng Đại Thổ (Pan-Turkic), cũng một phần tới từ nguyên vọng muốn hợp tác gần gũi với nhau hơn về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của các quốc gia Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những cách tăng cường sự kết nối khu vực là cung cấp một hành lang pháp lý đáng tin cậy. Trong trường hợp Kazakhstan, việc thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế Astana có thể coi là một giải pháp sáng tạo. Trung tâm sở hữu một tòa án được điều hành bởi một số luật sư được cho là thành công nhất nước Anh trong vài thập niên gần đây, đứng đầu là Huân tước Woolf, thẩm phán đầu tiên của Tòa Tối cao Anh và Xứ Wales. Nhiêm vụ của tòa án này là phân xử các tranh chấp thương mại và dân sự dựa trên nguyên tắc và quy trình tố tụng của nước Anh nhằm trấn an các nhà đầu tư, những người lo lắng sẽ bị gây khó dễ bởi hệ thống luật pháp bản địa vốn khó hiểu, với hệ thống tư pháp bị đánh giá là thiếu tính độc lập.[84] Biện pháp này không chỉ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà phần nào nhằm nâng đỡ các doanh nghiệp quốc doanh như Air Astana, hãng hàng không quốc gia của Kazakhstan, hay Kazakhtelecom, nhà mạng di động lớn nhất nước và Kazatomprom, công ty khai thác uranium lớn nhất thế giới. Tính khả thi của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã thu hút sự chú ý từ những nơi không thể ngờ tới. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã có những đánh giá tích cực dành cho quá trình khởi công xây dựng một phần đường ống dẫn khí mới nối mỏ Galkynysh ở Turkmenistan với Pakistan và Ấn Độ, với lời lẽ rất khác những gì người ta thường nghe về một Afghanistan bạo lực và bất ổn. “Nam Á đang kết nối với Trung Á thông qua Afghanistan sau hơn một thế kỷ bị chia cắt”, ông nói. Trong một hành động thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi giữa Ấn Độ và Pakistan, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã ca ngợi việc xây dựng đường ống này là “biểu tượng cho mục tiêu của chúng ta” và “một trang mới trong sự hợp tác”, trong khi cựu Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi tin tưởng rằng hệ thống đường ống kết nối Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI) “từ các đường ống dẫn khí đốt sẽ dần trở thành một hành lang năng lượng và viễn thông”.[85] Những tiếng nói lạc quan như trên lại khiến Iran cảm thấy lúng túng, khi Giám đốc Công ty Khí đốt Quốc gia Iran Hamidreza Araqi cho rằng TAPI sẽ không bao giờ được xây dựng. Nhạy cảm hơn, ông còn cho rằng Turkmenistan sẽ chuyển khí đốt qua Iran và Iran sẽ trao đổi và chuyển một lượng khí đốt tương tự trực tiếp cho Pakistan. Bên cạnh thực tế là đường ống khí đốt giữa Iran và Pakistan không hề tồn tại, có báo cáo cho rằng dự án TAPI rốt cuộc cũng đã có tiến triển và sẽ khai trương vào năm 2019, mặc dù khi đó các trạm nén khí vốn giúp cho hệ thống hoạt động với công suất tối đa vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Điều này chứng tỏ nhu cầu năng lượng tại Pakistan rất lớn và để đẩy nhanh nguồn cung, tốt hơn là đưa dự án vào hoạt động càng nhanh càng tốt mà không cần chờ đợi đến khi dự án đạt toàn bộ công suất tối đa.[86] Dù gì đi nữa, người ta cũng lo sợ tình hình bất ổn ở Afghanistan sẽ gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Ngạc nhiên thay, chính các phát ngôn nồng ấm tới từ Taliban lại làm dịu đi nỗi lo sợ ấy. “Hệ thống đường ống TAPI là một dự án cấp khu vực quan trọng với nền tảng đã hình thành dưới quyền cai trị của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan”, Taliban đã nhấn mạnh như trên trong một tuyên bố đầu năm 2018. Quá trình xây dựng chỉ bị hoãn lại do sự hiện diện quân sự của Mỹ. Tuyên bố cũng nói thêm rằng: “Tại các khu vực thuộc quyền kiểm soát của mình, Tiểu Vương quốc Hồi giáo tuyên bố sẽ hợp tác đầy đủ để dự án được tiến hành”. Do đó, theo lời Taliban, “dự án quan trọng này sẽ không bị trì hoãn”.[87] Đây là một phần của quá trình thay đổi rõ ràng đang xảy ra ở Afghanistan, khi những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện từ các cuộc đối thoại đầy khích lệ giữa Taliban và chính phủ. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi thảo luận với lãnh đạo các bộ tộc, các chính trị gia, giáo viên và thành viên của các tổ chức xã hội dân sự”, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới và Bộ tộc Gul Agha Sherzai đã nói như vậy vào mùa xuân 2018.[88] Việc các quốc gia láng giềng không những khuyến khích tiến hành đối thoại mà còn đóng vai trò chủ trì những buổi đối thoại đó cho thấy quyết tâm của những nước này trong việc giúp hòa giải, thúc đẩy giải quyết các vấn đề đang xảy ra cùng nhau.[89] Tiếng vang từ những vận động bên trong Afghanistan lớn đến mức mức Tướng John Nicholson, người đứng đầu lực lượng Mỹ và NATO tại đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này đã thừa nhận các thảo luận về hòa bình “cho chúng tôi hy vọng rằng thời điểm hiện tại là thời điểm chưa từng có tiền lệ”. Đại diện dân sự cao cấp của NATO là Cornelius Zimmermann cũng đồng ý như vậy và nói thêm rằng “trong thời gian ở Afghanistan, tôi chưa bao giờ nghe thấy hay chứng kiến bước đi táo bạo như những gì Tổng thống Ghani đã làm được”.[90] Các đánh giá trên phần nào dựa vào những quan điểm tương đối tự tin và lạc quan về những gì đang xảy ra ở Afghanistan. Các vận động gần đây dường như đang “nghiêng về phía có lợi cho các lực lượng an ninh Afghanistan”, theo một báo cáo cập nhật tình hình quân sự gửi cho Quốc hội Mỹ. Chúng ta có thể nhận thấy “kỳ vọng xuống thấp” của Taliban thông qua việc lực lượng này chuyển đổi phương cách tấn công, từ tấn công tổng lực sang “các chiến thuật du kích và tấn công tự sát”. Thậm chí, ngay sau một cuộc tấn công lớn vào Ghazni mùa hè năm 2018, các tư lệnh quân sự phương Tây vẫn tỏ ra lạc quan: “Chúng ta đang có trong tay một cơ hội chưa từng có tiền lệ, một cánh cửa chưa từng có dẫn tới hòa bình”. [91] Điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra. Thế nhưng, trên thực tế, việc các quan chức Mỹ vẫn phải “sử dụng không vận để tránh các vụ tấn công tự sát trên đường phố” khi di chuyển xung quanh Kabul cho thấy tần suất và quy mô của sự chia rẽ chỉ trong phạm vi thủ đô Kabul, cũng như tầm quan trọng của một thái độ dè dặt hơn trước những tin đồn về sự cải thiện tình hình mà người ta kỳ vọng.[92] Tổng thống Trump đã hành xử như vậy, khi ông thổ lộ những suy nghĩ của mình về Tướng Nicholson trong một buổi làm việc với Lầu Năm Góc tháng 7 năm 2018. “Tôi không nghĩ ông ta biết cách để giành chiến thắng”, Trump nói. “Tôi không biết ông ta có phải là người chiến thắng hay không. Tôi chưa thấy được một chiến thắng nào cả”.[93] Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chỉ những người lạc quan nhất mới đủ can đảm đặt cược vào một giải pháp nhanh chóng và mang tính ràng buộc nhằm kết thúc xung đột ở Afghanistan, nếu xét tới lịch sử hơn bốn thập niên vừa qua ở quốc gia này. Trong khi những đề cập tới hòa giải hay hỗ trợ lẫn nhau có thể mang lại chút phấn khởi thì trên thực tế, nếu muốn dựa vào lực lượng Taliban - cái tên khiến chúng ta có ấn tượng sai lầm về một tổ chức vốn được tạo thành từ nhiều nhóm khác nhau và chỉ hợp tác một khi xuất hiện lợi ích chung - vẫn cần phải có những giải pháp nghiêm túc và cứng rắn, đặc biệt trong thời điểm áp lực an ninh tại nhiều khu vực trên khắp Afghanistan vẫn rất lớn, bất chấp sự lạc quan từ phía quân đội Mỹ. [94] Lợi ích của Taliban trong việc ủng hộ xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí cũng nên được xem xét theo đúng ý nghĩa thật của nó. Thay vì xem đây là cử chỉ thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Afghanistan, hay hành động thiện chí hướng tới hợp tác với chính phủ, sự ủng hộ dự án TAPI thể hiện nhận thức phức tạp của Taliban trong việc tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Afghanistan, vốn có giá trị ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đô-la. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Afghanistan sở hữu 60 triệu tấn quặng đồng, 2,2 tỷ tấn quặng sắt, 32.000 tấn thủy ngân, hàng triệu tấn kali cũng như một lượng lớn đất hiếm như lithium, beryllium, niobium và caesium.[95] Lực lượng Taliban nhận ra rằng nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có ở Afghanistan mang lại cơ hội làm giàu lớn, cũng như cung cấp nhiều nguồn lực để mua vũ khí, thu hút thêm nhiều thành viên, hay xây dựng thêm nhiều trung tâm quyền lực mới. Kết quả là họ đã hết sức chú ý đảm bảo an ninh tại các khu vực đang có hoạt động khai mỏ, với kế hoạch tiếp tục tiến hành khai thác hay thậm chí mở rộng sản xuất. Theo một báo cáo, vào năm 2014, “chỉ hai khu vực khai khoáng ở Deodarra và Kuran wa Munjan đã đem lại cho Taliban 20 triệu đô-la và theo các ước tính thận trọng nhưng có phần khó tin, con số này tương đương với toàn bộ thu nhập của chính phủ từ ngành khai khoáng” trong năm trước đó. Năm 2016, một nửa thu nhập từ các mỏ ngọc lưu ly thuộc về Taliban, với con số tổng cộng không phải hàng triệu, mà là hàng chục triệu đô-la.[96] Tình hình tương tự xảy ra với nguồn tiền tới từ hydrated magnesium silicate, hay còn được gọi là “loại khoáng sản mềm nhất mà con người biết tới”, với tên gọi thông thường quen thuộc hơn là bột talc. Afghanistan sở hữu một lượng lớn bột talc và có thể kiếm rất nhiều tiền từ loại khoáng sản này. Cũng như các loại tài nguyên thiên nhiên khác, các nhóm phiến quân hiểu rằng kiểm soát các mỏ khoáng sản có thể mang lại nguồn tài chính dồi dào để tiến hành các cuộc nổi dậy vũ trang, cũng như thiết lập, duy trì và mở rộng khu vực tự trị của riêng mình. Không chỉ các lãnh đạo Taliban mới biết cách tận dụng các mỏ quặng talc, mà thành viên của phong trào Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant chi nhánh tỉnh Khorasan (ISIS-K) cũng có cách làm tương tự, mà phần lớn từng tham gia vào một nỗ lực không thành công nhằm thiết lập nhà nước Hồi giáo với trung tâm tại Raqqa và Mosul sau sự tan rã của phong trào Nhà nước Hồi giáo ở Syria và khu vực miến Bắc Iraq năm 2013. ISIS-K tập trung giữ vững những vùng lãnh thổ giàu tài nguyên và trong một số trường hợp còn gia tăng gấp đôi lực lượng lao động để không những duy trì khai thác mà còn mở rộng hoạt động sản xuất.[97] Nghe có vẻ kỳ lạ, song khi các bậc phụ huynh ở Bogota, San Francisco, Lagos, Kolkata hay Vũ Hán đi chăng nữa sử dụng bột phấn rôm để trị mẩn ngứa cho con, họ cũng đang vô tình trở một thành mắt xích trong quá trình đấu tranh quyền lực ở trung tâm của thế giới. ★ Thành công của Taliban hay ISIS gây ra nỗi sợ về sự lan rộng không chỉ của tư tưởng cực đoan, mà còn của những kỹ thuật và chiến thuật phá hoại của phiến quân trong nội bộ Afghanistan cũng như ở bên ngoài quốc gia này. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy một lượng lớn những người ủng hộ ISIS tham gia chiến sự tại Syria và Iraq có nguồn gốc Trung Á và nhiều người trong số đó đã tham gia các nhiệm vụ tự sát.[98] Nhiều vụ khủng bố ở New York, Stockholm, St. Petersburg và Istanbul trong năm 2017 do những cá nhân có quan hệ chặt chẽ hay tới từ Trung Á thực hiện. [99] Đây là nguyên nhân giải thích tại sao các quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa ngày càng muốn làm việc chung với nhau trong lĩnh vực tình báo, bao gồm sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang. Bên cạnh sự kiện các lực lượng Uzbekistan và Tajikistan tuyên bố kế hoạch tác chiến chung với nhau lần đầu tiên, còn có các sáng kiến như hoạt động chung giữa lính Nga và Uzbekistan trên dãy Forish, các cuộc diễn tập chung của lực lượng vũ trang các nước Tajikistan, Pakistan, Afghanistan và Trung Quốc.[100] Những sự kiện này theo sau các cuộc tập trận mang tên Tình bạn Bền chặt giữa quân đội Kazakhstan và Ấn Độ kể từ năm 2016, với mục tiêu “tăng cường mối quan hệ quân sự hiện có… và tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến khi có biến cố xảy ra”.[101] Vào mùa hè năm 2018, các cuộc tập trận quân sự kết hợp có sự tham gia của các quốc gia nằm trên Con đường Tơ lụa và là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra gần Chelyabinsk ở dãy Ural. Cuộc tập trận bao gồm binh lính của Nga và Trung Quốc,[102] cùng sự hiện diện của binh lính Ấn Độ và Pakistan - đây là lần đầu tiên quân đội của hai quốc gia này cùng tham gia một cuộc tập trận chung.[103] Một loạt các sự cố trong những năm vừa qua trên biên giới giữa Iran và Pakistan đã dẫn tới cam kết hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên để đối phó với các lực lượng phiến quân thường tấn công lực lượng biên phòng của cả hai nước. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2017, các phiến quân hoạt động bên trong lãnh thổ Pakistan đã phục kích và giết chết 10 lính biên phòng đồn trú tại Mirjaveh thuộc tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran. Sự việc này đã buộc các chính trị gia, nhà ngoại giao, tướng lĩnh quân đội Tehran và Islamabad phải ngồi lại với nhau và tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề an ninh trong tương lai, mặc dù đại sứ Iran sau đó đã bị triệu tập để giải thích bình luận của một tướng lĩnh cấp cao của Iran rằng nước này sẽ thực hiên hành động quân sự chống lại Pakistan nếu các cuộc tấn công vẫn tiếp tục xảy ra.[104] Việc đề nghị các quốc gia nằm dọc vùng trung tâm của Con đường Tơ lụa nên làm việc cùng nhau, mặt đối mặt để hướng tới lợi ích chung không chỉ là sự đơn giản hóa quá mức vấn đề, mà còn bỏ qua các đặc trưng cấu trúc, những ganh đua nhỏ nhặt, những ác cảm cá nhân hay những khó khăn có sức ảnh hưởng tương đương ở khu vực. Những đề xuất nổi bật gần đây như đề xuất trao đổi khí đốt giữa Iran và Turkmenistan hầu như đã bỏ qua thực tế là cả hai nước đã vướng vào tranh chấp kể từ đầu năm 2017; Turkmenistan cho rằng Iran có nghĩa vụ phải trả khoản nợ 1,5 tỷ đô-la còn tồn đọng từ các thương vụ mua bán một thập niên trước đây, khi mùa đông quá lạnh đã buộc Iran phải nhập khẩu khí đốt, và giá khí đốt khi đó đã bị ẳ Ashgabat đẩy lên gấp 9 lần chẳng khác nào để lợi dụng tình trạng khó khăn của Iran.[105] Các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp không có tiến triển khiến Turkmenistan phải kiện Iran ra Tòa Trọng tài Quốc tế.[106] Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan cũng trở nên căng thẳng sau khi Polimeks, nhà thầu hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ từng thực hiện hàng loạt các dự án xây dựng trị giá hàng tỷ đô-la bao gồm khách sạn, tượng đài, đường cao tốc bị cáo buộc có sai sót trong việc thi công hệ thống mái, đường ống và hệ thống cung cấp nước tại sân bay mới mang hình chim ưng ở Ashgabat.[107] Việc không thể trả khoản tiền lên tới hàng trăm triệu đô-la cho Polimeks và một số công ty khác khiến các công ty này đồng loạt đình công đã phanh phui những hệ quả đáng xấu hổ của vấn nạn quản lý tài chính tồi tệ, vốn đã tạo ra hàng loạt khó khăn cho nền kinh tế Turkmenistan, nơi sở hữu mỏ khí đốt lớn thứ tư thế giới nhưng vẫn không thể thoát khỏi tình trạng lạm phát tràn lan, tỷ lệ thất nghiệp cao, nạn khan hiếm lương thực và thiếu thốn thuốc men trầm trọng đến mức người ta không thể tìm được các loại dược phẩm chữa tiểu đường và tim mạch, trong khi giá của aspirin thì tăng gấp ba lần.[108] Một phần của vấn đề tới từ giá hydrocarbon xuống thấp, đồng thời lợi nhuận từ ngành dầu mỏ và khí đốt lao dốc vào năm 2014, giảm tới một nửa trong vòng sáu tháng - và vẫn giữ nguyên ở mức giá thấp cho đến nay. Ở khắp Trung Á, sự sụt giảm giá cả hàng hóa thiết yếu có tác động lớn tới tình hình nợ công, tạo áp lực lớn cho nền kinh tế và thay vì chấm dứt những tham vọng hiện có, các khó khăn này dường như lại thúc đẩy thêm những tham vọng đó.[109] Trong trường hợp Turkmenistan, sự theo đuổi không ngừng nghỉ các dự án phù phiếm đắt tiền đã không mang lại hiệu quả. Những dự án này bao gồm một sân vận động Olympic (nhưng chưa bao giờ tổ chức hay có ý định đăng cai tổ chức một thế vận hội Olympic nào), một nhà thi đấu các môn thể thao mùa đông (ở một đất nước mà nhiệt độ mùa hè lên tới 4o°c và rất hiếm khi xuống dưới 10°C vào mùa đông) và một sân bay mới trị giá 2,3 tỷ đô-la ở Ashgabat với năng lực phục vụ 17 triệu hành khách một năm - dĩ nhiên mục tiêu này sẽ đạt được trong trường hợp số lượng hành khách tới đây tăng đột biến so với con số 105.000 người năm 2015.[110] Nếu may mắn, cho đến khi đạt được con số như trên, người ta sẽ phải cố tìm ra giải pháp để sân bay thoát khỏi tình trạng bị cát nhấn chìm như hiện tại.[111] Người dân Turkmenistan đã thất vọng tới nỗi, các nhóm đối lập ở nước ngoài loan tin rằng có nhiều người đã sử dụng giấy báo để vệ sinh như một cách bày tỏ sự phản đối, khiến cảnh sát đã phải lục soát nhà vệ sinh của từng căn nhà một để tìm thủ phạm. Người dân cảm thấy thất vọng là do sự sụt giá của đồng manat, dẫn tới giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt, bao gồm cả giấy vệ sinh. Tuy nhiên theo các nhóm đối lập ở nước ngoài, một nguyên nhân khác là vì các tờ báo này hằng ngày đều sử dụng hình ảnh của Tổng thống Berdymukhamedov trên trang nhất. Xét tới việc vị Tổng thống này giành được gần 97% số phiếu bầu tại cuộc bầu cử gần nhất vào năm 2017, đáng lý ra không có nhiều nghi phạm để theo dõi ngay cả khi số lượng giấy báo bị bôi bẩn chứng minh điều ngược lại.[112] Khó khăn trong quá trình thu thập các nguồn thông tin đáng tin cậy từ bên trong Turkmenistan khiến việc xác minh xem câu chuyện trên có thật hay chỉ là chuyện thêu dệt trở nên không hề dễ dàng. Trong một số trường hợp, sự sụt giá đáng kể của dầu khí và các loại hàng hóa trong suốt năm 2015 lại trở thành chất xúc tác cho quá trình chuyên nghiệp hóa, loại bỏ các thói quen cũ kỹ và cả tham nhũng. Ví dụ, kỳ vọng đã sụt giảm ở Kazakhstan, quốc gia dựa phần lớn vào các loại năng lượng hóa thạch xuất khẩu, khi giá dấu giảm từ 115 đô-la xuống còn 33 đô-la một thùng chỉ trong vòng 18 tháng. Điều này khiến Quỹ đầu tư quốc gia Kazashstan bị vắt kiệt do chính phủ cần tiền để thực hiên các nghĩa vụ của mình - dẫn tới giá trị tài sản của quỹ sụt giảm 20% chỉ trong vòng một năm.[113] Điều này hầu như chắc chắn không chỉ dẫn tới quá trình hiệu chỉnh lại các dự án đầu tư, mà còn dẫn tới xu hướng bài trừ những cá nhân đã tư lợi quá nhiều trong khoảng thời gian dư dả trước đây - những người như Mukhtar Ablyazov, cựu chủ tịch ngân hàng BTA. Ông này đã bị xét xử với tội danh tham ô tại các phiên tòa từ Kazakhstan cho tới Knightsbridge. [114] Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở Nga theo sau sự sụt giảm của giá cả hàng hóa. Quyết định bổ nhiệm bà Elvira Nabiullina làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã khơi mào cho quá trình thanh lọc dữ dội hệ thống tài chính, với 276 ngân hàng bị đóng cửa trong khoảng thời gian ba năm và 28 ngân hàng khác bị buộc phải tham gia vào chương trình phục hồi bắt buộc - hành động khiến Nabiullina được Tổng thống Vladimir Putin khen ngợi vi “những nỗ lực đầy mạnh mẽ chống lại các chiêu trò ăn cướp”.[115] Bên cạnh sự lạc quan về tiềm năng và kết quả của hợp tác, trên thực tế việc cung cấp tài chính cho các dự án lớn - bao gồm cả TAPI - không hề dễ dàng, và trong một số trường hợp, thậm chí các dự án đó còn không thể trở thành sự thật. Giá trị của toàn bộ hệ thống đường ống TAPI vào khoảng 10 tỷ đô-la, khiến nhiều nhà quan sát nghi ngại rằng dự án sẽ không bao giờ được hoàn thành - thậm chí một số người còn nghi ngờ rằng một bộ phận dự án ở Turkmenistan thậm chí còn không hề tồn tại.[116] Các vấn đề liên quan tới nguồn cung tài chính khiến những khó khăn này trở nên dễ hiểu hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với hợp phần đường ống D của hệ thống đường ống dẫn khí Turkmenistan-Trung Quốc, vốn không đi qua Afghanistan và đã có kế hoạch về địa điểm xây dựng cũng như kế hoạch cung cấp tài chính sẵn sàng. Tuy vậy, dự án này không có bất cứ dấu hiệu triển khai nào, có thể là do các vấn đề cạnh tranh nội bộ ở khu vực.[117] Những nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm về Con đường Tơ lụa đều biết rằng bất định và khác thường là hai yếu tố thường xuyên song hành với nhau. Ví dụ, vào mùa hè năm 2018, Saidmukarram Abdulkodirzoda, quan chức Hồi giáo cao cấp nhất ở Tajikistan, tuyên bố rằng các môn thể thao mang tính chiến đấu - chẳng hạn như đấm bốc - cũng như “các trò chơi và các trò đấu tay đôi” có yếu tố cá cược chỉ tổ lãng phí thời gian và vì thế bị cấm theo luật Hồi giáo. Điều này khiến các võ sĩ quyền anh ở Tajikistan, những người đã giành được huy chương Olympic vào các năm 2008 và 2012 cảm thấy bất ngờ (theo Abdulkodirzoda, đấu vật lại là một trường hợp khác vì môn này khuyến khích sự phát triển thể chất và tinh thần, đồng thời khuyến khích giới trẻ “tự hào giương cao lá cờ quốc gia và tăng cường hình ảnh của đất nước”).[118] Bên cạnh những câu chuyện tích cực liên quan tới hợp tác và tiến bộ, vẫn còn đó những thực tế không mấy dễ chịu mà khu vực trung tâm thế giới phải đối mặt. Vào mùa hè năm 2018, có báo cáo cho thấy công dân Tajikistan khi nhập cảnh vào Uzbekistan đã bị cấm không được mang quá 40kg hàng hóa - bao gồm tối đa 2kg thịt và 7kg bột.[119] Một tuyên bố trước đó cấm các giáo sư đại học và sinh viên không được phép đi ra nước ngoài trừ khi được chính phủ cho phép - đây rõ ràng không thể là một dấu hiệu tích cực khi quá trình giao lưu với học giả các nước láng giềng chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn.[120] Điều này tạo ra phản ứng từ Turkmenistan, khi có báo cáo cho biết những ai dưới 30 tuổi bị cấm xuất cảnh trong nỗ lực ngăn chặn nạn chảy máu chất xám và cạn kiệt lực lượng lao động.[121] Hay như tại Pakistan và Ấn Độ, với tình trạng hăm dọa phóng viên diễn ra ngày càng phổ biến và bạo lực hơn.[122] Kazakhstan tiến hành bắt giam người biểu tình để ngăn chặn các thông điệp chống chính phủ phát tán rộng hơn - hành động được cho là để dập tắt tin đồn nghi ngờ rằng phe đối lập trong nước là do chính phủ dựng lên để tạo cảm tưởng quá trình cải cách dân chủ đang được tiến hành.[123] Nhiều trở ngại căn bản nhưng nghiêm trọng đã xuất hiện, khiến các tiến bộ không những bị che khuất mà còn có thể hoàn toàn bị vô hiệu. Sự phân chia không đồng đều nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các nước cộng hòa Trung Á gây ra tình trạng thiếu việc làm, khiến viễn cảnh tương lai của giới trẻ trở nên u ám hơn, do đó tạo thêm nhiều câu hỏi về sự ổn định chính trị dài hạn ở khu vực.[124] Xu hướng đàn áp và không khoan nhượng với các lực lượng bất đồng chính kiến khiến con cái của các nhà hoạt động trong nước không thể tiếp cận chăm sóc y tế hoặc bị đưa ra nước ngoài, những người dám đứng lên chỉ trích chính phủ phải đối mặt với án tù còn Internet bị ngăn chặn.[125] Mặc dù có một số tiến bộ đáng mừng ở Uzbekistan, các chỉ số đo lường tự do báo chí trên khắp châu Á - từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Thái Lan, từ Iran tới Ấn Độ, từ Pakistan tới Philippines, từ Trung Quốc cho tới hầu hết các quốc gia Trung Á - không những không được cải thiện, mà còn suy giảm và trong một số trường hợp suy giảm trầm trọng.[126] Một thế giới mới đang trỗi dậy ở châu Á, nhưng không phải một thế giới tự do. Câu hỏi vế việc nên mô tả Con đường Tơ lụa theo nghĩa tích cực hay tiêu cực nhất có thể là câu hỏi thường trực của những chuyên gia mong muốn xây dựng cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Chúng ta hoàn toàn có thể chỉ ra những tiến bộ và cơ hội không những đang diễn ra mà còn được tận dụng khá thành công; tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là những lời lẽ gay gắt, những lời hứa chưa được thực hiện hay những rạn nứt, rối loạn và tổn thương vẫn còn tồn tại ở khu vực từng dẫn dắt tình hình quốc tế trong hàng thiên niên kỷ qua.[127] Một phần của khó khăn trong việc lựa chọn cách thức mô tả tới từ thực tế Trung Á chỉ là mảnh ghép của một Cuộc chơi lớn và chịu ảnh hưởng từ những nước cờ đưa ra ở nơi khác. Về phía Tây dĩ nhiên là nội chiến Syria, là những khó khăn chồng chất của quá trình xây dựng lại đất nước Iraq gần như từ con số không. Trong những năm qua, tình hình có vẻ khả quan hơn ở Iran - ít nhất là bề ngoài. Sau khi Thỏa thuận khung về Chương trình hạt nhân của Iran (JCPOA) được ký kết vào năm 2015 và lệnh cấm vận được dỡ bỏ, lượng dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia này đã tăng gấp đôi - giúp nền kinh tế tăng trưởng 12,5% trong vòng 12 tháng tiếp theo.[128] Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, nhưng những hệ quả tới từ khả năng JCPOA bị hủy bỏ đã khiến lạm phát gia tăng tới mức chính phủ phải tuyệt vọng áp dụng các giải pháp tăng giá đồng rial, đồng tiền của Iran.[129] Sự bất định khi đề cập đến các mối quan hệ quốc tế trong tương lai của Iran, đi kèm với mức sống giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với thống kê chính thức, nhất là trong giới trẻ và tỷ lệ sở hữu các thiết bị di động gia tăng đóng vai trò quan trọng trong các vụ bạo động đường phố vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, gợi lên câu hỏi quen thuộc về việc liệu chính phủ nên thỏa hiệp với người biểu tình hay nên loại bỏ bất cứ dấu hiệu chống đối nào xuất hiện.[130] Câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào việc đánh giá động lực và mục tiêu của những người xuống đường - khi một số người biểu tình tức giận vì chính phủ đã không đáp ứng các đòi hỏi của họ về việc phải áp dụng các chính sách bảo thủ thay vì các chính sách tự do hơn.[131] Người ta lại không thấy những sắc thái như vậy ở Tổng thống Trump, người đã tuyên bố trên Twitter vào ngày 1 tháng 1 năm 2018 rằng: “Dân tộc Iran vĩ đại đang bị đàn áp trong nhiêu năm. Họ thiếu thức ăn và thèm khát được tự do. Bên cạnh quyền con người, sự giàu có của Iran đang bị đánh cắp. Thời cơ cho sự thay đổi đã tới!”[132] Cố vấn thân cận của Trump là Rudy Giuliani đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn sau đó vài tháng, khi ông nói với các phóng viên rằng Tổng thống cam kết việc thay đổi chế độ ở Iran và sự sụp đổ của chính phủ Iran “không chỉ là cách duy nhất để thiết lập hòa bình ở Trung Đông”, mà điều đó còn quan trọng hơn cả một thỏa thuận giữa Israel và Palestine - với các xung đột dai dẳng giữa hai bên đã ám ảnh cả khu vực trong hàng thập niên.[133] Hơn thế nữa, Giuliani còn cho rằng các cuộc biểu tình ở Iran không phải tự phát, cũng không chỉ đơn thuần mang tính địa phương. Các cuộc biểu tình này đã “nhận được nhiều sự phối hợp từ người của chúng tôi ở Albania”, một lời nhận xét kỳ lạ khiến người ta đặt câu hỏi về kiến thức căn bản của Guiliani không những về địa lý mà còn về mặt thực tế nữa.[134] Dĩ nhiên, chính những phát ngôn như vậy mới khiến người Iran đoàn kết hơn so với đa số các chính sách mà chính phủ Iran có thể áp dụng và thực thi. Tuyên bố của Tổng thống Trump về quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận JCPOA vào tháng 5 năm 2018 cũng tạo ra cảm xúc tương tự. JCPOA bị Trump đánh giá là “một thỏa thuận thảm họa đem lại cho chế độ khủng bố này hàng tỷ đô-la, một phần trong số đó là tiền mặt - một sự xấu hổ to lớn đối với tôi trong tư cách của một công dân Mỹ cũng như đối với tất cả công dân Mỹ”.[135] Như chúng ta sẽ thấy, việc Mỹ rút khỏi JCPOA, mặc cho các thanh sát viên tới từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận rằng Iran đã tuân thủ thỏa thuận ban đầu, đem lại nhiều hệ quả vượt ra ngoài khuôn khổ ý nghĩa mà quyết định đơn phương của Mỹ mang lại cho Iran.[136] Quyết định của Washington bỗng dưng làm lợi cho phe bảo thủ ở Tehran bằng cách làm giảm uy tín và sự tự tin của dàn lãnh đạo hiện tại dưới quyền Tổng thống Rouhani, vốn là một nhân vật trung dung có xu hướng cải cách - ít nhất là dưới góc nhìn của người Iran. Việc rút khỏi JCPOA góp phần gia tăng sức mạnh của phe bảo thủ và các phe phái khác có quan điểm thù địch với Mỹ. Sau sự sốt sắng của các chính trị gia Mỹ, sẽ rất mỉa mai nếu chế độ mới ở Iran là một chế độ khiến cuộc sống của người dân chịu nhiều đè nén hơn, đồng thời làm các thỏa thuận quốc tế khó có khả năng đạt được trong tương lai. Trên thực tế, khi Mỹ rút khỏi JCPOA, đã có nhiều lời kêu gọi ngay ở Tehran về việc nước này nên gia tăng hơn nữa ngân sách dành cho lực lượng vũ trang, quốc phòng, cũng như các kế hoạch “tuyên truyền và văn hóa”. Bên cạnh đó, còn có các tuyên bố từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran rằng “quan hệ với một chính phủ tội phạm, hiếu chiến, lừa dối và dễ dàng từ bỏ” như chính phủ Mỹ là một việc làm vô nghĩa.[137] Việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trong suốt năm 2018, cụ thể là trong ngày 6 tháng 8 và 4 tháng 11 (lần lượt là 90 và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận) có nghĩa là Iran phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc chuẩn bị và đối phó với hàng loạt các áp lực trong nhiều tháng và nhiều năm tới. Mỹ đúng là có thể ép Iran quay trở lại bàn đàm phán, thậm chí có thể đưa ra được những yêu cầu nghiêm khắc và tốt hơn những gì đã được thông qua khi JCPOA được ký kết. Song, để đạt được điều đó, cái giá đánh đổi chính là tâm trạng cay đắng đã được gieo vào lòng người Iran, là khả năng Iran khóa mình lại dưới sức ép của tình trạng thiếu lương thực, của các bất ổn dân sự và của sự đàn áp hàng loạt theo sau đó. Những ai trông đợi vào sự sụp đổ của một quốc gia khác trong khu vực có thể dừng lại và chiêm nghiệm những bài học lịch sử gần đây ở Syria, Iraq và Afghanistan. ★ Những vấn đề của Iran không chỉ gói gọn trong sự đổ bể của JCPOA hay các sự vụ nội bộ. Sự ủng hộ dành cho Tổng thống Assad của Syria và cho các đảng phái chính trị gây chia rẽ khác ở khắp Trung Đông thường mang theo những cái giá khá đắt. Theo H. R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia, “Iran đã hỗ trợ chế độ Assad và các nhóm ủy nhiệm khác ở Syria, Iraq và Yemen hơn 16 tỷ đô-la” từ năm 2012 đến năm 2018, tạo ra gánh nặng lớn đối với một nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn.[138] Mối quan hệ giữa Iran và Ả-rập Xê-Út từ lâu đã hết sức căng thẳng, nhưng trong những năm gần đây mối quan hệ đó không những trở nên xấu đi, mà còn tạo ra nhiều vấn đề có tác động nghiêm trọng tới tình hình khu vực và xa hơn thế. Hai bên đã có những lời lẽ xúc phạm nhau và điều này khiến mọi việc tồi tệ hơn. Tuy nhiên, ít ra thì những lời lẽ như vậy còn ít nguy hiểm hơn so với những lời đe dọa tấn công lẫn nhau mà cả hai bên đưa ra vào giữa năm 2017. Hầu như không có khả năng diễn ra đối thoại với Iran, Thái tử Ả-rập Xê-Út đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Chúng ta biết rằng chúng ta chính là một mục tiêu quan trọng của chế độ Iran”, Thái tử nói. Kết quả là vị Thái tử đã ám chỉ rằng các kế hoạch nhằm tiến hành các biện pháp quân sự phủ đầu đã được hình thành và Ả-rập Xê Út sẽ tấn công trước: Ả-rập Xê-Út sẽ không ngần ngại mà hành động trước, thay vì bị ép phải phản ứng lại. Thêm vào đó, Thái tử cũng nhấn mạnh: “Hoạt động chiến đấu sẽ diễn ra ở Iran thay vì ở Ả-rập Xê-Út”.[139] Phản ứng của Tehran cũng dữ dội không kém: “Nếu người Ả-rập Xê-Út tiến hành các hành động ngu ngốc”, theo lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran, “chúng tôi sẽ không để bất cứ một khu vực nào còn lành lặn ngoại trừ Mecca và Medina”[140]. Các thay đổi mang tính bản lề tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới khiến các liên minh cũ phải tự xem lại mình và tạo ra những liên minh mới. Một ví dụ điển hình chính là mối quan hệ nồng ấm giữa Ả-rập Xê-Út và Israel. Trong suốt bảy thập niên, Riyadh đã từ chối công nhận nhà nước Israel, thậm chí phủ định sự tồn tại của Israel và kết quả là cả hai nước không có quan hệ ngoại giao chính thức. Điều đó đã thay đổi kể từ khi Iran trở thành một nỗi sợ chung.[141] Sự hỗ trợ về mặt tài chính cũng như sự ủng hộ về tinh thần đối với sự nghiệp đấu tranh của người Palestine dần dần đã phải nhường chỗ cho các tính toán loại bỏ sức ảnh hưởng của chế độ Iran. Người Ả-rập Xê-Út đang cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận giữa Israel và Palestine bằng bất cứ giá nào. Người Ả-rập Xê-út “không quan tâm, không thèm đếm xỉa đến nội dung của thỏa thuận”, Yaakov Nagel, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel đã nói như vậy - miễn là đạt được thỏa thuận nhanh chóng[142]. Đó có thể là lý do Đại Mufti của Ả-rập Xê-Út không chỉ đưa ra một sắc lệnh (fatwa) cho rằng việc người Hồi giáo chống lại Israel và giết người Do Thái là không phù hợp, mà còn xác định Hamas “là một tổ chức khủng bố” - một tuyên bố quan trọng về mặt biểu tượng và pháp lý đồng thời là một chỉ dấu quan trọng cho thấy tình hình Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng.[143] Israel cũng có vai trò của riêng mình trong quá trình tái định hình các mối quan hệ đồng minh quan trọng, cũng như về vị thế địa chính trị của khu vực Trung Đông. “Chúng tôi có nhiều mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập, mà đa phần là bí mật”, Yuval Steinitz, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Israel kiêm thành viên của Hội đồng An ninh đã nói như thế với Đài Phát thanh Quân đội Israel. “Mối quan hệ với các quốc gia Ả-rập trung dung, bao gồm Ả-rập Xê-Út, giúp chúng ta ngăn chặn Iran”.[144] Trong khi truyền thông Ả-rập Xê-Út vẫn thường xuyên công kích Israel, chẳng hạn như các chỉ trích nhắm vào các bộ luật mà truyền thông Ả Ả-rập Xê-Út cho rằng “phân biệt chủng tộc về lâu dài”, tuy vậy những chỉ trích này có thể được đặt bên cạnh các dấu hiệu hợp tác ngày càng mạnh mẽ hơn giữa hai quốc gia, bao gồm việc cho phép mở cửa không phận Ả rập Xê-Út cho các máy bay bay từ Tel Aviv tới Ấn Độ thay vì bắt các hãng hàng không phải bay đường vòng dài hơn như trong quá khứ.[145] Các thay đổi diễn ra trong thế kỷ XXI được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố - từ nhân khẩu học cho tới sự thay đổi trong quyền lực kinh tế, từ vai trò của công nghệ số cho tới biến đổi khí hậu. Con đường Tơ lụa trỗi dậy nhanh chóng bởi vì nó đang sôi động trở lại. Những gì xảy ra tại khu vực trung tâm, trái tim của thế giới trong những năm tới sẽ định hình thế giới trong hàng trăm năm tiếp theo. NHỮNG CON ĐƯỜNG DẪN TỚI BẮC KINH Vào cuối ngày 6 tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Astana, thủ đô mới tráng lệ của Kazakhstan, nơi được người ta tô điểm bằng những tòa nhà mang phong cách kiến trúc hiện đại như trung tâm mua sắm Shatyr, Cung điện Hòa Bình và Hòa giải, hay Hội trường Hòa nhạc Trung tâm Kazakhstan màu ngọc lam - ba trong số nhiều công trình kiến trúc mới chói lọi được xây dựng kể từ cuối thập niên 1990. Buổi sáng sau đó, Chủ tịch Tập Cân Bình tới thăm Đại học Nazarbayev và có một bài phát biểu với tựa đề “Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn”. Ít ai có thể đoán được tầm quan trọng của bài phát biểu này. Vị Chủ tịch đã nói rằng việc thiết lập quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng là “ưu tiên trong chính sách đối ngoại” của Trung Quốc. Nguồn cảm hứng nên tới từ mạng lưới các mối quan hệ từng kết nối các dân tộc với nhau trong quá khứ. Ông Tập Cận Bình cũng nói rằng: “Trong suốt hàng thiên niên kỷ, người dân thuộc các quốc gia khác nhau nằm dọc theo Con đường Tơ lụa đã cùng nhau tạo nên tình hữu nghị tốt đẹp kéo dài cho tới tận ngày hôm nay”. Các nghiên cứu về Con đường Tơ lụa chỉ ra rằng các dân tộc “thuộc các chủng tộc khác nhau, có niềm tin và nền tảng văn hóa khác nhau hoàn toàn có thể cùng chung sống hòa bình và cùng nhau phát triển”. Đây không chỉ là một hình mẫu đáng nghiên cứu và ngưỡng mộ - mà còn là một hình mẫu có thể làm theo. Chủ tịch Tập tiếp tục cho rằng đã đến lúc “cần phải xây dựng các mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn, hợp tác sâu rộng hơn và mở rộng không gian phát triển ra toàn bộ khu vực Á-Âu”. Đã đến lúc cần phải xây dựng “một hành lang kinh tế dọc theo Con đường Tơ lụa”. Để làm được chuyện đó thì cần phải tiến hành nhiều bước đi phối hợp với nhau, ví dụ như cải thiện sự trao đổi và phối hợp về mặt chính sách, nâng cấp các tuyến vận tải, tăng cường trao đổi thương mại cũng như tốc độ luân chuyên tiền tệ. Đã đến lúc tiếp thêm sinh khí cho hệ thống Con đường Tơ lụa.[1] Những sáng kiến như thế đã được đưa ra trước đây. Sau cuộc xâm lược Iraq, các nhà ngoại giao và hoạch định chính sách Mỹ bắt đắu đề cập ngày càng nhiều đến việc hồi phục các mối liên kết khắp khu vực trung tâm châu Á như một phần của một chính sách nghiêm túc. Theo lời của Richard A. Boucher, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á, trong các đánh giá gửi tới ủy ban Đối ngoại Quốc hội năm 2006: “Mục tiêu của chúng ta là phục hồi các mối liên kết cổ xưa đã nối liền Nam và Trung Á, cũng như giúp tạo ra những mối liên kết mới trong các lĩnh vực thương mại, giao thông, dân chủ, năng lượng và truyền thông”.[2] Những tuyên bố như trên, hay cụ thể hơn là một quan điểm do học giả nổi tiếng về các vấn đề Á-Âu tên là s. Frederick Starr viết ra nhiều năm trước đã khiến Trung Quốc khó chịu. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài viết với dòng tít than phiền như sau: “Mỹ đang âm mưu xây dựng Đại Chiến lược Trung Á”. Bài viết nói rằng: “Nước Mỹ luôn kiên định trong kế hoạch xâm nhập Trung Á và kiểm soát khu vực này”. Bài báo tiếp tục khẳng định “sự kiện 11 tháng 9” cho Mỹ cơ hội và cái cớ để đặt chân vào Trung Á, tái định hướng khu vực theo các ý đồ của riêng mình.[3] Và còn có những bài phát biểu của bà Hilary Clinton khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ nói về việc khôi phục lại quá khứ. Clinton đã nói tại Chennai như sau: “Về mặt lịch sử, các quốc gia ở Nam và Trung Á 1 được kết nối với nhau và với phần còn lại của châu lục thông qua một hệ thống thương mại rộng khắp có tên là Con đường Tơ lụa. Chúng ta hãy cùng nhau tạo ra một Con đường Tơ lụa mới. Đó không chỉ là một tuyến đường như tên gọi của nó, mà là một mạng lưới vận tải và kinh tế mang tầm quốc tế. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải xây dựng thêm các tuyến xe lửa, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng năng lượng… nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cửa ngõ biên giới… giảm bớt các rào cản quan liêu và những lực cản hạn chế dòng chảy tự do của con người và hàng hóa… loại bỏ các chính sách thương mại lỗi thời”. Đây không gì khác hơn là một “tầm nhìn cho thế kỷ XXI”.[4] Tuy vậy, cũng như nhiều viễn cảnh khác, tầm nhìn kể trên nói lên hy vọng nhiều hơn là thực chất. Đề cập tới nỗ lực cải thiện các kết nối là một chuyện, cung cấp nguồn tiền cho những nỗ lực đó lại là một chuyên khác. Vì thế khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra các đề xuất và các cam kết hỗ trợ tài chính cụ thể theo sau bài phát biểu tại Astana, người ta bắt đầu nhận thấy có điều gì đó thật sự nghiêm túc sắp xảy ra. Khuôn khổ chính sách trước đó đã bắt đầu được chuẩn bị cho thứ sau này được biết đến dưới tên gọi Sáng kiến Một vành đai-Một con đường. Vành đai đại diện cho các kết nối trên đất liền giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hay thậm chí là xa hơn nữa, còn Con đường đại diện cho “tuyến đường hàng hải” kết nối những vùng nước xa tận Ấn Độ Dương, Vùng Vịnh và Biển Đỏ. Như các biên bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 11 năm 2013 đã làm rõ, các kế hoạch biến những ý tưởng này thành hiện thực đang được gấp rút triển khai - có nghĩa là người ta đã nghĩ tới những ý tưởng như vậy từ trước đó. “Chúng tôi sẽ thiết lập các thể chế tài chính định hướng phát triển, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với các quốc gia và khu vực láng giềng, cũng như nỗ lực xây dựng một vành đai kinh tế trên Con đường Tơ lụa và một Con đường Tơ lụa trên biển nhằm tạo ra một hình mẫu mới có khả năng tận dụng mọi cơ hội có được”.[5] Ý tưởng khuyến khích các công ty Trung Quốc đi ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mới đã được bật đèn xanh bởi chiến lược “Hướng ra bên ngoài” (Tẩu xuất khứ chiến lược) vốn được áp dụng chính thức vào năm 2000 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần IX và là một phần của Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội Quốc gia 5 năm. Tham vọng của Tập Cận Bình còn lớn hơn thế rất nhiều, và hơn thế nữa, người Trung Quốc đã thực thi chiến lược này với một tốc độ và sự hăng hái đáng kinh ngạc. Đến giữa năm 2015, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, một trong những thể chế tài chính quan trọng của nước này tuyên bố đang sở hữu khoản dự trữ 890 tỷ đô-la để chi cho khoảng 900 dự án chủ yếu tập trung vào giao thông, cơ sở hạ tầng và năng lượng.[6] Sáu tháng sau, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố bắt đầu hỗ trợ tài chính cho hơn 1.000 dự án tại 49 quốc gia như một phần của Sáng kiến Vành đai Con đường.[7] Tương tự như Con đường Tơ lụa trong quá khứ, không có bất cứ tiêu chí cụ thể nào quy định phạm vi địa lý của sáng kiến này; trên thực tế, yếu tố hàng hải của sáng kiến mong muốn mở rộng phạm vi tới tận bờ biển phía Đông châu Phi hay thậm chí là xa hơn nữa. Hiện tại hơn 80 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến. Những quốc gia này bao gồm các nước cộng hòa Trung Á, các nước Nam và Đông Nam Á, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu, cũng như các nước ở châu Phi và Ca-ri-bê.[8] Với tổng dân số lên tới 4,4 tỷ người, số người sống dọc theo Con đường Tơ lụa mới kéo dài từ Trung Quốc tới khu vực Đông Địa Trung Hải chiếm 63% dân số toàn cầu, làm ra tổng sản lượng 21 nghìn tỷ đô-la, tương đương 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.[9] Quy mô và tham vọng to lớn của Sáng kiến Vành đai Con đường được làm rõ hơn tại một hội nghị được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 5 năm 2017. Sáng kiến này không chỉ liên quan tới tiền hay các dự án đầu tư. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng sáng kiến này có khả năng thay đổi thế giới. Ông cũng khẳng định: “Trao đổi hợp tác sẽ thay thế sự lạnh nhạt, học hỏi lẫn nhau sẽ thay thế xung đột, cùng tồn tại cạnh nhau sẽ thay thế tư tưởng xem dân tộc mình là vượt trội”. Hòa bình sẽ được khẳng định, bởi vì dự án sẽ “tăng cường sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, cũng như lòng tin giữa các quốc gia”.[10] Sáng kiến Vành đai Con đường cũng sẽ “khiến nền văn minh của chúng ta thêm phần huy hoàng hơn” và giúp xây dựng “kỷ nguyên mới của hòa hợp và thương mại”.[11] Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói rằng các kế hoạch phát triển của Trung Quốc sẽ khuyến khích những cách nghĩ mới và cách hành xử khác biệt. “Chúng ta nên khích lệ một kiểu quan hệ quốc tế mới dựa trên hợp tác cùng có lợi”, ông nói, “và chúng ta cũng nên xây dựng các mối quan hệ đối tác dựa trên tình hữu nghị, không đối đầu thay vì xây dựng các liên minh”. [12] Kế hoạch này đã tận dụng được ba xu hướng lớn. Thứ nhất, tạo ra hy vọng trong một thế giới đang thay đổi; thứ hai, lấp đầy khoảng trống để lại bởi tư tưởng biệt lập và tự thỏa mãn đang thống trị các nền kinh tế phát triển trong hiện tại; và thứ ba, nhấn mạnh việc Trung Quốc không chỉ nên là một bộ phận của cộng đồng quốc tế, mà có thể và nên đóng vai trò lãnh đạo thúc đẩy lợi ích của sự hợp tác. Một video được trình chiếu tại Diễn đàn Bắc Kinh đã gói gọn đầy đủ ba xu hướng này: “Điều gì đang xảy ra với thế giới này? Chúng ta có thể làm gì?”, đoạn video nhấn mạnh. “Trung Quốc đã tìm ra giải pháp: một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại”.[13] Như Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu vào tháng 5 năm 2017, Sáng kiến Vành đai Con đường là “dự án thế kỷ”.[14] Rất nhiều người đồng ý với ý kiến đó. Kim Lập Quần, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á - một thể chế do Trung Quốc dẫn dắt với hơn 80 nước thành viên - đã nói với Financial Times rằng: “Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dọn đường cho quá trình phát triển kinh tế xã hội rộng lớn hơn và giảm nghèo, đây chính là kết quả tự nhiên từ quá trình đó”. Nói cách khác, Trung Quốc đã rút ra bài học từ kinh nghiệm của bản thân rằng xây dựng đường sá, các tuyến đường sắt, các nhà máy năng lượng và tạo ra một hệ sinh thái giúp các thành phố phát triển có tác động lớn hơn nhiều so với việc chỉ tập trung vào thúc đẩy trao đổi thương mại; những cách này sẽ giúp người dân thoát nghèo.[15] Kết luận ấy hoàn toàn dựa trên thực tế. Phép màu kinh tế Trung Quốc từ thập niên 1980 cho tới nay đã cho chúng ta nhiều bài học về cách để các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm nghèo có thể đi chung với nhau như thế nào.[16] Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành từng phát biểu: “Người Trung Quốc chúng tôi thường nói rằng nếu muốn trở nên giàu có, cần phải xây đường trước”. Ông nói với tờ Financial Times rằng tình trạng “cơ sở hạ tầng không phát triển” là một trong những lý do quan trọng khiến nhiều khu vực trên thế giới bị tụt hậu, và Sáng kiến Vành đai Con đường được hình thành nhằm khắc phục tình trạng này.[17] Theo lời đánh giá sự tiến bộ của Sáng kiến Vành đai Con đường của một nhà bình luận, sáng kiến này “một nửa được coi là nghệ thuật, nửa còn lại là khoa học” vì “có mục tiêu không cố định, được định nghĩa lỏng lẻo và không ngừng mở rộng”, hay thậm chí không còn “bị giới hạn bởi địa lý hay tính chất trung tâm của các đối tượng địa lý” nữa, khi sáng kiến này từ năm 2013 đã mở rộng tới châu Phi, châu Âu và Bắc Cực, trên không gian mạng và cả ngoài không gian.[18] Vành đai Con đường bao trùm khắp mọi nơi và có thể bao gồm tất cả mọi thứ; nhưng một lần nữa, đó cũng là trường hợp của phiên bản Con đường Tơ lụa trong quá khứ, khi các sự kiện xảy ra tại một khu vực trên Trái Đất lại có can hệ đến khu vực khác. [19] Một trong những yếu tố hấp dẫn của Con đường Tơ lụa với vai trò một sáng kiến thu hút hợp tác chính là sự uyển chuyển của thông điệp có nội dung hướng về quá khứ. Ví dụ, khi chuyến xe lửa trực tiếp đầu tiên từ Trung Quốc tới Bandar Anzali bên bờ Biển Caspi của Iran vào mùa hè 2018, Phó Tổng thống Iran Es’haq Jahangiri đã nhanh chóng tận dụng sự trỗi dậy của Con đường Tơ lụa để đưa ra lời khẳng định về quá khứ của Iran. Thay vì liên kết tuyến đường sắt mới này với sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình hay với nhà nước Trung Quốc, Jahangiri lại có kết luận khác: quá trình tái xây dựng lại các kết nối tại trục xương sống của châu Á là “dấu hiệu chứng tỏ mối quan hệ về văn hóa, lịch sử và văn minh của Iran với các quốc gia láng giềng”.[20] Những thông điệp như vậy xuất hiện tương tự ở những nơi khác - ví dụ như tại Turkmenabat ở Turkmenistan, ở nơi mà một bức tượng tượng trưng cho Con đường Tơ lụa cao 28m được khánh thành vào mùa xuân năm 2018 bằng một buổi lễ bao gồm các cuộc đua xe đạp và chạy việt dã. [21] Tiếp đến là Tashkent ở Uzbekistan, nơi sẽ xây dựng 12 cổng chào mới tại các điểm cửa ngõ để đánh dấu vị trí từng là “biểu tượng và trái tim đích thực của ‘Con đường Tơ lụa vĩ đại’ của thành phố và để kỷ niệm sự liên hệ giữa văn hóa Uzbek và văn hóa của các dân tộc khác”.[22] Dù nguồn vốn cũng như sự lãnh đạo của Trung Quốc có vai trò quan trọng, đối với các dân tộc sống tại trung tâm của châu Á, sự hồi sinh của Con đường Tơ lụa là một sự kiện có thể được nhào nặn để trở thành thông điệp quốc gia có sức lan tỏa lớn ở trong nước. Như một nhà bình luận hàng đầu đã ví von, Sáng kiến Vành đai Con đường đã trở thành “một cửa hàng Baskin Robbins dành cho các đối tác, nơi có đủ khẩu vị cho tất cả mọi người”.[23] Tuy nhiên không ai có thể nghi ngờ rằng trong hầu hết mọi trường hợp, Trung Quốc chính là chất xúc tác cho quá trình biến đổi của khu vực có vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới. Mặc dù khó có thể nắm rõ được chính xác số tiền đã được đầu tư hay được dành cho các dự án đầu tư, xong nhiêu dự án lớn đã được triển khai. Trong số đó bao gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, với các hợp phần nhỏ hơn đầu tư vào đường sá, các trạm năng lượng và một cảng nước sâu ở Gwadar trên bờ biển Balochistan ở phía Nam Pakistan, với tổng giá trị đầu tư lên tới 60 tỷ đô-la. [24] Một số chuyên gia dự báo con số còn có thể lên tới 100 tỷ đô-la vào năm 2030.[25] Một số kế hoạch đang được tài trợ khác gồm có dự án nhà máy năng lượng đốt than tại cảng Qasim có công suất 1.320mW, các cánh đồng điện gió tại Sindh, một số khu công nghiệp và các cơ sở cung cấp nước sạch với kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước kinh niên ảnh hưởng tới tham vọng biến Gwadar trở thành “siêu hải cảng” vào năm 2030.[26] Kế hoạch xây dựng và vận hành một tuyến đường sắt tốc độ cao cũng đã đi vào những bước thẩm định cuối cùng. Tuyến đường sắt nối Karachi và Peshawar dự tính sẽ gia tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa lên gấp 5 lần, trong khi số lượng hành khách sẽ tăng từ 55 lên 88 triệu người một năm. Thời gian di chuyển giữa hai thành phố cũng sẽ được rút ngắn một nửa, giúp giảm bớt áp lực lên đường sá và hệ thống cảng biển, cũng như giảm bớt chi phí kinh doanh ở Pakistan.[27] Sự gia tăng mức độ đầu tư trên khắp cả nước tạo ra dấu hiệu tăng trưởng kinh tế rõ ràng, thể hiện rõ nhất qua doanh số bán xi măng - loại vật liệu không thể thiếu trong các dự án xây dựng. Theo Hiệp hội Nhà sản xuất Xi măng toàn Pakistan, lượng sản phẩm bán ra theo năm đã tăng gần 20% cho tới cuối năm 2017 - một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.[28] Những đề xuất và dự án đầu tư quan trọng khác có thể kể tới như việc xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa xuyên Đông Nam Á, bao gồm dự án đường sắt kết nối bờ biển phía Đông và phía Tây Malaysia với các cảng biển chính trên bán đảo dài 688km, có tổng vốn đầu tư 13 tỷ đô-la.[29] Tiếp đến là tuyến đường sắt mới đi xuyên nước Lào trị giá 5,8 tỷ đô la, nhằm biến quốc gia không có bờ biển này trở thành một điểm kết nối của khu vực.[30] Người ta cũng đã thông qua hàng loạt các khoản vay trị giá nhiều tỷ đô-la dành cho các dự án đường bộ, cầu cống, nhà máy năng lượng và cảng nước sâu ở Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka và những dự án lớn khác ở Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan cũng đang được tiến hành. Các dự án không chỉ gói gọn ở châu Á, thể hiện qua dự án đường sắt 8,7 tỷ đô-la từ Mombasa tới biên giới Kenya, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất Kenya kể từ khi nước này giành độc lập từ Anh năm 1963.[31] Kèm theo đó là sự thành lập các tòa án thương mại quốc tế mới tại Tây An và Thẩm Quyến, với nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp hay bất đồng tại các dự án nằm ở vành đai đất liền hay Con đường Tơ lụa trên biển nếu có.[32] Những thỏa thuận mới được thông qua gần như mỗi ngày. Chỉ trong tháng 6 năm 2018, 10 thỏa thuận đã được ký kết giữa hai chính phủ Nepal và Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án từ năng lượng, giao thông cho tới một hầm đường bộ xuyên Himalaya kết nối Kathmandu với Tây Tạng và xa hơn thế nữa.[33] Bên cạnh những dự án trên, Trung Quốc trước đây cũng đã hỗ trợ Nepal xây dựng nhiều trung tâm đào tạo cảnh sát, bệnh viện và hệ thống đường sắt đô thị tại thủ đô của Nepal.[34] Đây mới chỉ là một phần của một hệ thống các dự án, trong đó bao gồm việc xây dựng hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và các “cảng khô” như Khorgos tại biên giới Trung Quốc-Kazakhstan, nhằm tạo nên một mạng lưới kết nối các tuyến đường sắt mới cho phép hàng hóa có thể lưu thông không chỉ trên khắp khu vực xương sống của châu Á, mà còn có thể vươn tới châu Âu. Giá trị của các tuyến đường sắt mới này mang tính biểu tượng nhiều hơn là ở giá trị sử dụng, xét tới việc giá thành vận chuyển hàng hóa xuyên qua các châu lục thường cao hơn nhiều so với bằng tàu biển: vận chuyển các container hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc tới châu Âu đắt gấp 5 lần so với đường biển. Mặc dù đường sắt có thể chiếm bớt thị phần của hàng không, thậm chí nếu đạt tối đa công suất, đường sắt vẫn không có khả năng chiếm quá 1-2% thị phần nếu so sánh với khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.[35] Điều này một phần là do nguồn cung dư thừa trong ngành vận tải biển, thế nhưng một nguyên nhân khác chính là do kích thước khổng lồ của các con tàu biển hiện đại. Ví dụ, một chuyến tàu đi từ Nghĩa Ô, Trung Quốc cập ga Barking ở phía Đông London trước sự chú ý của công chúng vào tháng 1 năm 2017 chỉ có thể kéo theo 34 container.[36] Chỉ cần một tàu chở container loại nhỏ cũng có thể chở được số lượng container nhiêu gấp hàng trăm lần, ấy là chưa kể các tàu vận tải siêu trường siêu trọng có khả năng vận chuyển hơn 10.000 container trong một chuyến đi biển.[37] Các tuyến đường bộ, bao gồm những tuyến đường đi qua cảng Gwadar, tốn ít thời gian hơn so với di chuyển bằng tàu biển, thế nhưng lợi thế về thời gian không hẳn sẽ giúp vận chuyển nhiều hàng hóa hơn. Hãy nghĩ đến một quảng cáo gần đây của Trung Quốc: khi “Sáng kiến Vành đai Con đường vươn tới châu Âu, rượu vang đỏ của châu Âu sẽ được chuyên tới tận nhà sớm hơn nửa tháng!”.[38] Thậm chí ngay cả khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ như các nhà kinh tế dự đoán, việc xây dựng các tuyến đường sắt tốn kém chỉ để vận chuyển rượu vang nhanh hơn một chút có vẻ như là cách tận hưởng cuộc sống khá đắt đỏ.[39] ★ Có ba động lực chính củng cố cho Sáng kiến Vành đai Con đường, vốn đã trở thành chính sách kinh tế và đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình và của cả Trung Quốc. Động lực đầu tiên xoay quanh các kế hoạch tương lai và nhu cầu nội bộ của Trung Quốc. Sự chú ý đặc biệt được dành cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên có liên quan tới năng lượng, lĩnh vực mà nhu cầu của nước này theo dự đoán sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030.[40] Do đó, các đường ống dầu mỏ và khí đốt từ Trung Á và Nga tới Trung Quốc sẽ là những dự án trọng tâm, nhưng bên cạnh đó các hiệp định thương mại đảm bảo nguồn cung số lượng lớn cũng hết sức quan trọng, ví dụ như những thỏa thuận với các công ty dầu mỏ ở Nga và Trung Đông, bao gồm Iran, Ả-rập Xê-Út và UAE.[41] Nguồn năng lượng này đã giúp Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng và biến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới năm 2017, với số lượng nhập khẩu trung bình hơn 8 triệu thùng dầu mỗi ngày. [42] Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định đi kèm với các dự án đầu tư vào các mỏ nhiên liệu phi hydrocarbon, ví dụ như liên doanh giữa công ty hạt nhân Kazakhstan Kazatomprom và CGNPC của Trung Quốc nhằm sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện của Trung Quốc từ năm 2019.[43] Sức ép lên ngành sản xuất lương thực do quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến các công ty Trung Quốc nhìn ra bên ngoài để đảm bảo nguồn cung, trong thời điểm khả năng chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng khiến thói quen ăn uống thay đổi. Giá bán lẻ thịt bò và thịt heo đã tăng 80% từ 2009 cho tới 2013, trong khi lượng nhập khẩu các sản phẩm từ sữa tăng gấp bốn lần trong cùng thời gian.[44] Mối nguy hiểm gây ra bởi mức độ ô nhiễm cao cũng là nguyên nhân khiến chính quyền Trung Quốc coi an ninh lương thực và an ninh nguồn nước là những vấn đề chính cần phải giải quyết. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc, hơn 70% nguồn nước ngầm tại đồng bằng Hoa Bắc ô nhiễm tới mức “không phù hợp để con người sử dụng”, trong khi Bộ Bảo vệ Môi trường báo cáo rằng 1/6 diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm đất.[45] Dữ liệu về ô nhiễm không khí xấu đi tại các vùng