🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Con Đường Đói Khổ - Ben Okri Ebooks Nhóm Zalo CON ĐƯỜNG ĐÓI KHỔ Nguyên tác: The Famished Road (The Famished Road #1) Tác giả: Ben Okri Giới thiệu sách Tác phẩm Con Đường Đói Khổ của tác giả Ben Okri người Nigeria, dựa trên huyền thoại dân gian Yoruba về Abiku (hay Spirit child), là câu chuyện của đứa con lộn (chết đi rồi cứ lại tái sinh vô số kiếp). Cuốn tiểu thuyết được kể qua cái nhìn của Azaro, một đứa trẻ con lộn luôn xoay xở để giữ một chân trong cõi giới những bóng ma, mặc dù đến cuối truyện, người đọc bị thấm đẫm bởi số lượng mênh mông của mùi, vị và lối dệt cảm xúc của đời thường... Cuốn tiểu thuyết được thuật lại bằng ngôi thứ nhất. Người tường thuật duy trì mối liên lạc của cậu bé với cõi giới của bóng ma qua sự chết đi, không chỉ một lần mà nhiều lần. Với một chuỗi hình ảnh gây sửng sốt, Con Đường Đói Khổ được đọc như một tác phẩm thơ sử thi, và nó thực sự đã mang được phương diện thơ sử thi vào văn xuôi. Người đọc được dẫn dắt liên tục giữa cái hư và cái thực, giữa cõi tâm linh và cuộc sống đói khổ của những người nghèo trên một vùng thuộc đất nước Nigeria. Cuốn sách đạt giải Booker năm 1991, được Jeremy Treglowan - Chủ tịch ban thẩm định giải nhận định như sau: “Cách viết đẹp, kết hợp khả năng tưởng tượng gây cảm động lạ thường! Qua thị kiến của một đứa trẻ, Ben Okri đã dung sự diêu nhiên và cái hiện thời để truyền đạt đời sống nông dân Nigeria trong một thế giới biến đổi. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết được thực hiện trọn vẹn nhất trong năm nay, nó mang cách viết đặc sắc và cách nhìn sự vật của châu Phi da đen thuộc dòng chủ lưu của tiểu thuyết châu Âu” Giới thiệu tác giả Ben Okri (sinh năm 1959) là nhà văn, nhà thơ người Nigeria, sống tại London, Anh. Ông được coi là một trong những tác giả châu Phi lỗi lạc nhất trong nền văn chương hậu hiện đại và hậu thuộc địa. Ông tiêu biểu cho dòng văn chương đặc sắc của Nigeria. Tuy trải qua phần lớn cuộc đời ở London, Okri thừa nhận rằng: “Châu Phi là nơi duy nhất tôi thực sự muốn viết về. Nó là tặng phẩm của nhà văn”. Chủ đề tráng lệ của ông là về tổ tiên Nigeria. Qua ngòi bút của mình, ông phác họa cảnh tượng những linh hồn, những thị kiến, những giấc mộng, sự nghèo đói cùng với cuộc tranh đấu lao khổ của con người chống lại sự bóc lột và thối nát. Ông xuất bản gần 20 tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng. Năm 1991, cuốn Con đường đói khổ (The famished road) giúp ông giành giải Booker. Một số tác phẩm nổi bật khác của ông: Hoa và bóng (Flowers and Shadows, 1980), Phong cảnh bên trong (The landscapes within), Mối tình hiểm nghèo (Dangerous love, 1996)... Mục lục Trích điểm sách PHẦN MỘT MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM CHÍN MƯỜI MƯỜI MỘT MƯỜI HAI MƯỜI BA MƯỜI BỐN PHẦN HAI MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM CHÍN MƯỜI MƯỜI MỘT MƯỜI HAI PHẦN BA MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM CHÍN MƯỜI MƯỜI MỘT MƯỜI HAI PHẦN BỐN MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM PHẦN NĂM MỘT HAI BA BỐN NĂM PHẦN SÁU MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM CHÍN MƯỜI MƯỜI MỘT MƯỜI HAI MƯỜI BA MƯỜI BỐN PHẦN BẢY MỘT HAI BA BỐN NĂM SÁU BẢY TÁM CHÍN MƯỜI MƯỜI MỘT MƯỜI HAI PHẦN TÁM Trích điểm sách “Cách viết đẹp, kết hợp khả năng tưởng tượng gây cảm động lạ thường! Qua thị kiến của một đứa trẻ, Ben Okri đã dùng sự siêu nhiên và cái hiện thời để truyền đạt đời sống nông dân Nigeria trong một thế giới biến đổi. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết được thực hiện trọn vẹn nhất trong năm nay, nó mang cách viết đặc sắc và cách nhìn sự vật của châu Phi da đen thuộc dòng chủ lưu của tiểu thuyết châu Âu.” Jeremy Treglowan, Chủ tịch ban thẩm định giải Booker “Nigeria của Okri hôm trước ngày độc lập là một đất nước nơi người ta thường hay mộng mơ kỳ lạ và đôi khi có những giấc mơ trọng đại. Azaro, người kể chuyện, là đứa con lộn (spirit child)[1]miễn cưỡng sinh ra và không bao giờ cắt đứt hoàn toàn ràng buộc của cậu với thế giới linh hồn. Các đứa con lộn không ưa “tính khắc nghiệt của sinh tồn, những khao khát không thỏa, những bất công bị che giấu của thế gian, những mê cung của tình yêu”, nhưng Azaro quyết định, lần này phó thác chính mình cho người mẹ buồn phiền và một ông bố công nhân, người luôn ước mơ rằng bằng nghề đấm bốc ông sẽ có đủ tiền để thoát khỏi thế giới của bất công... Theo đó, chúng ta có thể thấy rõ quan điểm của Okri: Cả con đường thậm chí cũng không theo tuyến tính; Mỗi thế hệ khát khao sự hoàn hảo thì bị hủy diệt và công trình của nó cũng bị hủy diệt: thế hệ tiếp theo cần phải khởi đầu từ vết xước đó. Với một chuỗi hình ảnh gây sửng sốt, Con đường đói khổ được đọc như một tác phẩm thơ sử thi, và nó thực sự đã mang được phương diện thơ sử thi vào văn xuôi, trong khi đa số tiểu thuyết Anh quốc hiện đại dường như bị mất gốc và bị lên án là tệ hại nhất theo nghĩa đen. Okri nhắc nhở chúng ta rằng những vấn đề chính trị không phải lúc nào cũng nhỏ nhen và thủ đoạn... Khi tôi đọc xong cuốn sách và đi ra ngoài, y như thể trên mọi cây cối của Nam London đều có những thiên thần đang ngồi trên đó vậy.” Linda Gran, tờ Independent on Sunday. “Thủ pháp nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết, một thủ pháp chưa từng có trong văn chương châu Phi trước đó, là thể hiện tính linh hoạt (brio) của sự chuyển động, thông qua chu kỳ của những sự cố thấy trước, tuy vậy, sự biến đổi và hóa thân này vẫn gây kinh ngạc không ngừng. Văn của Okri trong cuốn tiểu thuyết này không hoàn toàn giống bất cứ cuốn sách nào khác của ông, nó được kiểm soát hoặc đúng hơn là được trắc nghiệm với sự cách tân. Đó là một loạt các chuyển động ngắt âm (staccato) sinh động giữa những gì nằm yên lặng và những nhịp hít thở. Đọc nó, khá giống lắng nghe giọng nữ cao với cách tiết chế thanh giọng hoàn hảo, tiếng rung trong trẻo như tiếng đàn violin trầm xuống, tạo hình những đoạn lên cao và giữ nhịp. Bút pháp của Okri có những mảng tối và sáng, nhưng tính phong phú và biên độ của nó xuyên suốt không thể lầm lẫn. Ở đây, đôi khi là tính phong phú của bi kịch, nhưng bi kịch theo nghĩa cổ điển, bi kịch như niềm hoan hỉ.” Robert Fraser, tờ Independent “Đây là câu chuyện của đứa con lộn (spirit child), một đứa trẻ luôn xoay xở để giữ một chân trong cõi giới những bóng ma, mặc dù đến cuối truyện, người đọc bị thấm đẫm bởi số lượng mênh mông của mùi, vị và lối dệt cảm xúc của đời thường... Cuốn tiểu thuyết được thuật lại bằng ngôi thứ nhất. Người tường thuật duy trì mối liên lạc của cậu bé với cõi giới của bóng ma qua sự chết đi, không chỉ một lần mà nhiều lần. Cha mẹ đặt cho cậu tên Lazaro để vang vọng lại tên Lazarus trong Kinh Thánh, kẻ trỗi dậy từ cõi chết và luôn làm cha mẹ bất an. Để may mắn, cái tên được làm dịu lại thành Azaro... Cuối cùng Azaro nói rằng, ‘dân tộc của cậu là đứa con lộn, kẻ cứ tiếp tục tái sinh và sau mỗi lần sinh hình thành máu và sự bội tín’. Trong đó có hào quang, nỗi sợ hãi, và sự kinh hoàng của Azaro. Tuổi thơ đầy ảo giác là một phần của sự phát minh khả năng chịu đựng, biến chuyển thành hào quang, trong nỗ lực của nó”. Angela Carter, tờ Sunday Times PHẦN MỘT MỘT KHỞI ĐẦU có một con sông. Con sông trở thành con đường và con đường tỏa nhánh ra khắp thế giới. Và bởi ban đầu con đường từng là con sông, nên nó luôn đói. Trong xứ sở khởi nguyên đó, các tinh linh bị lẫn vào những thứ chưa được hoài thai. Chúng tôi khoác lấy nhiều hình hài. Nhiều người trong chúng tôi là loài chim. Chúng tôi không biết ranh giới. Có nhiều hội hè, vui chơi và cả sự buồn phiền trong thế giới của chúng tôi. Chúng tôi hội hè nhiều vì khiếp sợ cái đẹp của vĩnh hằng. Chúng tôi vui chơi nhiều vì chúng tôi tự do. Chúng tôi buồn phiền nhiều vì luôn có ai đó trong số chúng tôi vừa mới từ thế giới Đời sống trở về. Họ phải trở về mà lòng nào nguôi với tất cả tình yêu thương mà họ phải bỏ lại sau lưng, mọi đau khổ mà họ không bù đắp được, những điều họ không hiểu, và những điều họ vừa mới bắt đầu học trước khi bị kéo về lại xứ sở khởi nguyên. Không ai trong chúng tôi mong mình được sinh ra. Chúng tôi không ưa tính khắc nghiệt của sinh tồn, những khao khát không thỏa, những bất công thế gian bị che giấu, những mê cung tình yêu, sự ngu muội của các bậc cha mẹ, thực tế về cái chết và sự thờ ơ đáng kinh ngạc của Đời sống giữa vẻ đẹp giản đơn trong vũ trụ. Chúng tôi khiếp sợ tính vô tâm của con người, tất cả sinh ra đều mù, chỉ một số ít chịu học để có được cái nhìn sáng suốt. Đức vua của chúng tôi là một nhân vật phi thường. Thỉnh thoảng, ngài đội lốt một con mèo to lớn. Ngài có bộ râu màu đỏ và đôi mắt ngọc xanh lục. Ngài đã tái sinh vô số lần và trở thành huyền thoại trong mọi thế giới, được biết đến bằng hàng trăm tên gọi khác nhau. Ngài luôn sống những kiếp dị thường nhất. Người ta có thể nghiền ngẫm những cuốn sách vĩ đại vô hình về các kiếp sống, và nhận ra kỳ tài của ngài thông qua sự việc mà các thời đại đã ghi lại hoặc không ghi lại. Đôi khi ngài là đàn ông, đôi khi là đàn bà, trong mọi kiếp ngài đều đạt được thành tựu vô song. Nếu có điểm gì chung trong các kiếp của ngài thì đó chính là cái tinh anh kỳ tài, là tình yêu trong sự chuyển hóa và sự chuyển hóa tình yêu thành thực tại cao cả hơn. Là những tinh linh, chúng tôi có cùng mối tương đồng đặc biệt, hầu như lúc nào cũng vui vẻ vì được bồng bềnh trong khí sắc xanh ngọc của tình yêu. Chúng tôi chơi đùa với những vị thần đồng áng, các tiên nga, và những sinh linh xinh đẹp. Những phù thủy dịu dàng, những yêu tinh nhân từ, và các vị tổ tiên luôn hiện diện thầm lặng bên cạnh chúng tôi, tưới tắm chúng tôi trong ánh sáng cầu vồng rực rỡ. Có nhiều lý do khiến em bé khóc khi chào đời, một trong số đó là bỗng dưng bị tách khỏi thế giới của các giấc mơ thuần khiết, nơi mọi thứ đều được tạo bằng niềm mê hoặc, và là nơi không có khổ đau. Càng hạnh phúc thì ngày chúng tôi bị sinh ra càng gần. Khi tiến dần đến lượt đầu thai khác, chúng tôi đã thỏa ước với nhau rằng sẽ quay về cõi giới tinh linh ngay khi có cơ hội đầu tiên. Chúng tôi lập lời thề này trên các cánh đồng hoa nồng nàn, trong hương vị ánh trăng ngọt ngào ở thế giới đó. Đứa nào lập lời thề như vậy đều được biết đến giữa Đời sống như là abiku, những đứa con ranh, con lộn. Không phải ai cũng nhận ra chúng tôi. Chúng tôi là kẻ chủ động chuyện đến và đi, không có thiện chí đến để đặt ra hạn định cho kiếp sống. Chúng tôi có khả năng chết theo ý muốn. Lời thỏa ước của chúng tôi bị ràng buộc. Những kẻ phản bội thỏa ước sẽ bị ảo giác tấn công và bị chính đồng bạn mình ám. Họ chỉ tìm được niềm an ủi khi quay về cõi giới Chưa sinh, nơi suối nguồn mà những kẻ yêu thương họ đang lặng lẽ chờ đợi. Những ai nấn ná ở lại thế gian, bị quyến rũ bởi lời loan báo về các sự kiện kỳ diệu, đi qua đời sống với đôi mắt thiên mệnh và đẹp đẽ, thì trong lòng họ sẽ luôn chất chứa nhạc điệu huyền bí đầy dấu yêu lẫn bi thương. Miệng họ sẽ thốt lời tiên tri mơ hồ. Trí óc họ bị hình ảnh tương lai xâm chiếm. Họ là kẻ khác thường, vì nửa kia của họ vẫn luôn ở thế giới Chưa sinh. Chúng tôi thường bị nhận ra và thịt chúng tôi bị làm dấu bằng vết dao rạch. Khi chúng tôi tái sinh trùng cha mẹ[2], vết rạch đó còn lưu lại trên da thịt mới, linh hồn chúng tôi bị đánh dấu trước tiên. Và rồi thế giới sẽ giăng tấm mạng định mệnh lên đời sống chúng tôi. Những ai trong chúng tôi chết đi khi còn là trẻ nhỏ sẽ cố gắng xóa vết rạch bằng cách biến nó thành cái bớt đẹp, hoặc vết mờ ngồ ngộ. Nếu không thành công, chúng tôi sẽ bị chào đón bằng tiếng rú khiếp sợ và tiếng khóc nỉ non của các bà mẹ. Vì không muốn ở lại, chúng tôi gây ra nỗi đau cho các bà mẹ. Nỗi đau của họ sâu nặng hơn sau mỗi lần chúng tôi trở lại. Nỗi khắc khoải của họ thêm vào thành gánh nặng tinh thần cho chúng tôi, làm chu trình đầu thai tiến triển nhanh hơn. Mỗi lần đầu thai cũng là mỗi lần chúng tôi ưu tư và bàng hoàng trước thế giới non sơ. Việc chúng tôi chống đối theo vòng chu trình khiến tổ tiên và các tinh linh khác phật ý. Bị ghét bỏ ở cõi giới tinh linh và lại bị đóng dấu giữa Đời sống, dù chúng tôi miễn cưỡng ở lại phía nào cũng làm ảnh hưởng đến mọi sự cân bằng. Với những lễ vật cúng thành khẩn, các bậc cha mẹ luôn cố gắng níu giữ chúng tôi sống. Họ cũng cố làm sao để chúng tôi lộ ra chỗ giấu các dấu hiệu tinh linh vốn liên kết chúng tôi với thế giới khác. Chúng tôi khinh thường các lễ vật và giữ kín những dấu hiệu hết sức bí mật. Và chúng tôi cũng thờ ơ đối với cuộc vượt cạn kéo dài buồn bã của các bà mẹ. Chúng tôi mong mỏi được trở về sớm để chơi gần con sông đó, trên những thảm cỏ hay trong các hang động kỳ ảo. Chúng tôi ao ước được trầm tư trong ánh mặt trời, trên những viên ngọc và hân hoan trong giọt sương vĩnh hằng của tinh linh. Sinh ra là đi vào thế gian nặng trĩu tặng vật xa lạ của linh hồn, với những ẩn ngữ và là cảm thức khôn nguôi của lưu đày. Vậy mà nó xảy đến với tôi. Đã bao lần tôi đến và đi qua cánh cổng kinh sợ đó? Đã bao lần tôi được sinh ra rồi chết non? Và bao lần sinh trùng các bậc cha mẹ? Tôi chẳng biết nữa. Quá nhiều hình hài sự sống đã qua tôi. Nhưng lần này, nơi nào đó ở khoảng không gian giữa cõi giới tinh linh và đời sống, tôi chọn ở lại. Điều này có nghĩa là tôi đã phá vỡ thỏa ước và lừa dối đồng bạn. Không phải vì những vật cúng tế, những lễ vật cháy tàn với dầu, khoai mỡ và hạt cọ, hoặc những lời nịnh nọt, những lời hứa hẹn sẽ được đối đãi đặc biệt, hoặc thậm chí bởi nỗi đau buồn tôi từng gây nên. Cũng không vì nỗi kinh hoàng sợ bị nhận ra. Với cái dấu trong lòng tay, tôi cố tránh không bị phát hiện. Chỉ đơn giản tôi đâm ra mệt mỏi với những chuyến đến và đi. Thật tệ hại khi cứ mãi ở lại một nơi lưng chừng. Cũng có lẽ tôi muốn thử trải nghiệm thế giới này, cảm được nó, đau khổ với nó, hiểu nó, để yêu nó và góp phần giá trị cũng như để có được tâm thức cao cả về sự vĩnh hằng trong tôi mà tiếp tục sống vào kiếp tới. Nhưng đôi khi, tôi cho rằng chính vì một gương mặt mà tôi ở lại. Tôi muốn làm rạng rỡ gương mặt tím tái của người đàn bà sẽ là mẹ mình. Khi tới thời điểm dành cho nghi lễ đầu thai, các cánh đồng ở những ngã rẽ bừng sáng rực rỡ với sự hiện diện dấu yêu của tổ tiên và tinh linh lóng lánh sắc màu. Nhà vua đưa chúng tôi lên đỉnh đầu tiên trong bảy trái núi. Ngài nói chuyện với chúng tôi thật lâu trong sự tĩnh lặng. Lời lẽ bí ẩn của ngài cháy nồng trong chúng tôi. Ngài thích diễn thuyết. Với vẻ hết sức nghiêm khắc cùng ánh nhìn sáng rực màu ngọc xanh lục, ngài nói với tôi: “Mi là một kẻ phá phách. Mi sẽ gây ra bao nhiêu là rắc rối. Mi phải qua nhiều con đường trước khi tìm ra con sông định mệnh của mi. Kiếp này của mi chứa đầy bí ẩn. Mi sẽ được bảo vệ và không cô độc.” Chúng tôi đi xuống thung lũng lớn. Đó là nơi diễn ra những ngày lễ hội xa xưa. Các tinh linh kỳ lạ nhảy múa quanh chúng tôi trong tiếng nhạc của thần linh, thốt lên các khúc ca như vàng và những câu thần chú như ngọc thiên thanh để che chở linh hồn chúng tôi khi băng qua khoảng chuyển tiếp giữa hai thế giới, và chuẩn bị cho chúng tôi đợt tiếp xúc đầu tiên với máu và trần gian. Mỗi đứa chúng tôi thực hiện cuộc hành trình một mình: sống sót qua ngọn lửa và biển cả, rồi hiện vào trong những ảo ảnh. Cuộc lưu đày bắt đầu. Có nhiều huyền thoại về khởi nguyên. Nhiều câu chuyện và nhiều cảm thức sâu nặng đối với ai được gieo vào vùng đất màu mỡ, những ai còn tin vào các phép màu. Tôi được sinh ra không chỉ vì tôi manh nha ý tưởng ở lại, mà bởi giữa chuyến đến và đi, những chu trình lớn của thời gian cuối cùng đã vòng siết lấy cổ tôi. Tôi cầu xin cho được tiếng cười, sao cho kiếp sống không đói khát. Tôi được đáp trả ngược lại. Điều bí ẩn còn lại là, bằng cách nào mà tôi được ra đời với vẻ mặt tươi vui. HAI MỘT TRONG CÁC LÝ DO làm tôi không muốn sinh ra đã rõ rệt hơn sau khi bước vào thế giới này. Lúc còn rất nhỏ, tôi sửng sốt thấy ba bị cái hố trên đường nuốt vào mất hút. Lần khác, tôi thấy mẹ đu đưa trên nhánh cây màu xanh. Khi bảy tuổi, tôi nằm mơ thấy tay mình dính đầy máu màu vàng của một người lạ. Tôi không rõ hình ảnh đó là của kiếp này hay kiếp trước, hoặc của kiếp nào còn chưa đến, hoặc đơn thuần đó là những hình ảnh vẫn thường hay xâm chiếm đầu óc trẻ con. Khi còn nhỏ ký ức tôi trong sáng, nhớ rõ chuyện kiếp này dính nhiều cuộc đời trong cùng lúc. Cuộc đời này liên hệ đến cuộc đời khác và tất cả cùng tràn vào tuổi thơ tôi. Thuở nhỏ, tôi cảm thấy mình làm cho mẹ phải nặng gánh ưu tư, giờ đến lượt tôi bị tính bí hiểm của đời sống đè nặng. Sinh ra là nỗi bàng hoàng không thể hồi phục. Thường xuyên, đêm và ngày nhiều giọng nói chuyện với tôi. Tôi bắt đầu nhận thức các giọng đó là của đồng bạn mình. “Mày làm gì ở đây vậy?” một đứa hỏi. “Sống,” tôi trả lời. “Sống vì cái gì?” “Tao không biết.” “Sao mày không biết? Bộ mày không nhận ra điều giả dối phía trước à?” “Không.” Rồi chúng cho tôi xem những hình ảnh mà tôi chẳng hiểu được. Chúng chỉ tôi cái nhà tù, người đàn bà bị mụn nhọt màu vàng đầy người, con đường dài, ánh sáng mặt trời tàn bạo, trận lũ, động đất và cái chết. “Về với tụi tao đi,” chúng nói. “Tụi tao lạc mày ở con sông. Mày đã bỏ rơi tụi tao. Nếu mày không về, tụi tao sẽ làm cho kiếp sống của mày khốn khổ.” Tôi bắt đầu hét lên, thách chúng làm chuyện xấu nhất. Trong một lần như thế mẹ vô tình vào phòng và đứng ngó tôi. Nhác thấy mẹ, tôi im miệng. Mắt mẹ sáng lên, bà tiến đến gõ lên đầu tôi, hỏi: “Con nói chuyện với ai vậy?” “Đâu có ai.” Mẹ lườm tôi một cái dài sượt. Tôi chẳng nhớ lúc đó mình bao nhiêu tuổi. Rồi thì đồng bạn tinh linh lấy việc ám tôi làm niềm vui thích. Tôi thường thấy mình loay hoay giữa hai thế giới. Ngày nọ, tôi đang chơi trên đống cát thì chúng ở phía con đường giả giọng mẹ gọi tôi. Khi tôi chạy về phía giọng nói thì suýt nữa bị xe hơi cán. Ngày khác, chúng dụ tôi đến cái mương bằng tiếng hát ngọt ngào. Tôi té xuống, may nhờ một người đi xe đạp phát hiện ra tôi đang bị xô dạt trong làn nước bẩn và cứu tôi khỏi chết đuối. Sau đó tôi bị bệnh và hầu như bỏ hết thời giờ trong cõi giới khác, cố gắng đưa ra lý lẽ giải thích với đồng bạn tinh linh và xin chúng để mình yên. Tôi không hiểu rằng càng giữ tôi ở lâu, thì chúng càng dễ dàng đẩy tôi đến cái chết. Nhiều lần sau đó, cố nhập vào thân thể mình mà không được, khi ấy tôi mới nhận ra rằng chúng đang tìm mọi cách dứt tôi khỏi đời sống. Tôi úp mặt vào cái khăn voan trắng khóc như mưa, cho đến khi nhà vua cao cả can thiệp và mở lại cửa thân xác cho tôi nhập hồn vào. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong quan tài. Ba mẹ đã buông xuôi cái chết của tôi. Họ đang tiến hành việc mai táng thì bỗng nghe tiếng tôi kêu khóc dữ dội. Do sự hồi phục màu nhiệm đó nên họ đặt lại tên tôi và ăn mừng bữa tiệc quá túi tiền. Tên mới của tôi là Lazaro. Nhưng tôi nhanh chóng trở thành đối tượng cho chuyện chế nhạo, rồi còn nhiều chuyện khó chịu liên hệ giữa Lazaro và Lazarus. Mẹ gọi ngắn gọn tôi là Azaro. Sau đó, tôi thấy mình lừng khừng dở sống dở chết trong vòng hai tuần. Tôi nhận ra mình đã làm cạn kiệt sức lực và cả tài sản của cha mẹ. Một thầy cúng được mời đến. Ông thú nhận không có khả năng làm được gì với trường hợp của tôi, nhưng sau khi gieo tiền đồng vỏ ốc và giải nghĩa ký hiệu của chúng, ông nói: “Đứa trẻ này không muốn bị sinh ra, nhưng lại là kẻ đấu tranh với cái chết.” Ông nói thêm, nếu tôi hồi phục ba mẹ tôi phải thi hành ngay nghi lễ giúp cắt đứt mối liên hệ của tôi với cõi giới tinh linh. Ông ta là người đầu tiên gọi tôi bằng cái tên đó giữa nỗi kinh sợ căng tràn của các bà mẹ. Ông nói với họ rằng tôi đã giấu những dấu hiệu đặc biệt của căn cước linh hồn trên thế gian này, đến khi họ tìm ra thì tôi sẽ ngã bệnh, sau đó đương nhiên tôi sẽ chết trước tuổi hai mươi mốt. Khi tôi hồi phục, dầu sao, ba mẹ cũng phải tốn nhiều tiền chạy chữa. Họ vướng nợ nần. Và ba tôi, người đương nhiên bị lâm vào mọi khổ sở do tôi gây ra, đã dần dần phần nào hoài nghi những tuyên bố và tính chính xác của các ông thầy cúng. “Nếu em nghe theo lời mấy ổng,” ba nói với mẹ, “thì mỗi lần bước ra ngõ em đều phải cúng vái các lễ bái ngớ ngẩn.” Ông cũng nghi ngờ rằng: “Kiểu bày ra mấy nghi lễ đắt đỏ và cách mấy cha lang băm biết đẻ ra các rắc rối của bệnh tật khiến em bỏ tiền của vào thuốc men.” Cha mẹ tôi không có khả năng chi trả nghi lễ đó. Với lại, dù gì họ cũng không thật sự muốn tin tôi là đứa con lộn. Rồi thời gian trôi qua và nghi lễ đó không bao giờ thực hiện. Tôi mừng. Tôi không muốn nó được thực hiện. Tôi không muốn hoàn toàn mất liên lạc với thế giới của ánh sáng, các cầu vồng và những thứ khả thể. Tôi đã chôn giấu các bí mật của mình từ sớm. Tôi giấu chúng dưới ánh trăng, trong không trung sống động với những con ngài trắng. Tôi chôn những viên đá ma thuật, cái gương, lời hứa đặc biệt, những sợi chỉ vàng của mình, những vật đặc trưng vốn gắn bó tôi với cõi giới tinh linh. Tôi chôn giấu tất cả chúng ở nơi bí mật, nơi mà rồi tôi cũng chóng quên. Những năm đầu, mẹ hết sức tự hào về tôi. “Con là đứa bé của phép lạ,” mẹ nói. “Bao nhiêu là quyền năng ở cùng con.” Chừng nào sợi dây kết nối tôi với thế giới khác vẫn còn, chừng nào các bí mật của tôi không bị tìm ra, thì quyền năng này tiếp tục thành sự thật. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đọc được ý nghĩ người ta. Tôi đoán trước tương lai của họ. Các tai nạn xảy ra ở nơi tôi vừa rời khỏi. Tối hôm nọ, tôi với mẹ đang đứng trên đường thì một giọng nói vang lên: “Băng qua đi.” Tôi kéo mạnh mẹ băng qua đường, chỉ vài khắc sau, một toa xe tải lao vào căn nhà mà chúng tôi vừa đứng khiến gia đình đó chết hết. Vào tối khác, khi tôi đang ngủ thì thấy vị vua vĩ đại nhìn chòng chọc vào mình. Tôi tỉnh dậy, vùng chạy khỏi phòng và ra luôn ngoài đường. Cha mẹ chạy theo tôi. Trong lúc họ kéo tôi vào thì chúng tôi phát hiện khu nhà thuê đang bị cháy. Trong đêm đó, cuộc sống chúng tôi thay đổi. Con đường tỉnh giấc. Đàn ông và đàn bà, ai nấy đều trùm áo choàng, gương mặt còn ngái ngủ, trong tay cầm những cái đèn tắt ngúm, họ tụ chật ních bên ngoài. Khu chúng tôi ở không có điện. Trên cao, vài cái đèn thắp sáng những con ngài có đôi mắt kỳ dị, soi như hào quang ma quái lên những gương mặt lạc hồn làm tôi có cảm giác như mình đang ở giữa các linh hồn. Một thế giới chứa đựng cái nhìn thoáng qua của những kẻ khác. Đó là đêm của lửa. Một con cú bay sà lên khu nhà đang cháy. Không gian dậy tiếng khóc. Mọi người tất bật với các thùng nước lấy được chỗ nào gần nhất. Dần dần ngọn lửa cũng tắt. Các gia đình ở ngoài cả đêm giữa những mảnh quần áo cuối cùng và thảm chùi chân. Đầy rẫy tiếng than van tiếc của. Không ai chết. Khi trời bắt đầu tối đến nỗi người ta không thấy được các góc trời xa và cả khu rừng nhá nhem, thì chủ nhà đến, rồi ngay lập tức nổi cơn tam bành. Hắn nằm vật trên nền đất, lồng lộn và đánh đấm. Hắn buông lời nguyền rủa thô bỉ xối xả lên đầu chúng tôi. Hắn hét rằng chúng tôi đã cố ý làm cháy khu nhà để khỏi phải trả tiền thuê đã tăng lên gần đây. “Làm sao tôi kiếm ra tiền mà xây lại bây giờ!” Hắn tru lên, làm mình làm mẩy dữ tợn. “Bọn mày phải bồi thường thiệt hại.” Hắn rít lên. Chẳng ai buồn để ý đến hắn. Ưu tiên chính của chúng tôi giờ đây là tìm nơi ở mới. Chúng tôi gom đồ đạc của mình và chuẩn bị đi. “Bọn mày phải ở lại!” Chủ nhà gào vào màn đêm. Hắn vội vã đi rồi một giờ sau trở lại với ba cảnh sát. Chúng xô đẩy rồi quất roi lên người chúng tôi, nhiều người bị tét cả đầu bởi dùi cui. Chúng tôi đánh lại chúng bằng củi với dây thừng. Chúng tôi xé rách đồng phục thực dân của chúng, trói lại rồi đuổi chúng đi. Chúng trở lại với quân tiếp viện. Ba nhử hai tên xuống bên đường rồi nện chúng vài cú dữ dội. Thêm vài gã nữa xông đến. Ba như một hung thần, phải có đến sáu tên cảnh sát mới khuất phục nổi, rồi chúng tống ông vào đồn. Trong lúc đó, quân tiếp viện tấn công bất ngờ bất cứ thứ gì trong tầm mắt, mất kiềm chế với cuộc hỗn loạn đang trong cơn sốt say cuồng. Khi họ kết thúc thì mười lăm đàn ông, ba đứa trẻ, bốn phụ nữ, hai con dê và một con chó bị thương trên “chiến trường”. Đó là lý do đã khơi mào cuộc bạo loạn. Trong đêm đen sâu thẳm trời bắt đầu mưa, trút xuống đều đặn trong khi những kẻ lang thang da đen nổi giận. Mưa không lâu nhưng đủ khiến đường sá trở nên lầy lội. Mưa tưới lên cơn thịnh nộ của chúng tôi. Ca vang các bài hát cũ thời chiến, khua gậy và dao, các băng đảng xuất hiện trong bóng tối. Họ giẫm lên bùn lầy. Ở đường chính, họ chồm lên xe hơi và xe buýt. Họ tấn công xe cảnh sát và cướp bóc cửa hàng. Rồi tất cả mọi người đều bắt đầu cướp bóc, đốt phá, và làm đảo lộn mọi thứ. Mẹ ẵm tôi, bị dồn đẩy theo đám đông điên cuồng. Dọc theo đường chính, mẹ đặt tôi xuống để buộc chặt lại túi đồ, chuẩn bị đầy đủ cho chuyện xấu nhất, bỗng một đám người hỗn độn chạy thình thịch về phía chúng tôi. Họ chạy ngay vào giữa, tách tôi ra khỏi mẹ. Tôi lang thang qua đám quân bạo động, tai nghe tiếng cười tinh quái của đám tinh linh. Bầu trời in hình con trăng lưỡi liềm, bóng tối bao phủ nhà cửa, chai lọ đổ bể và các mảnh ván trên đường. Tôi đi chân trần. Lửa nhen nhúm trên mấy đống rác, những người đàn ông bị lôi khỏi xe hơi, khói dày đặc bốc cuồn cuộn trên các ngôi nhà. Cứ trượt theo con đường tìm mẹ, tôi nhận ra mình đang ở một con đường u ám. Một ánh nến lẻ loi đang cháy gần ngôi nhà hoang. Tôi nghe có tiếng kinh cầu sâu lắng làm con đường run rẩy. Những cái bóng dồn dập vượt qua, phát ra mùi thối của mồ hôi và cơn thịnh nộ. Tiếng trống rung lên trong không gian. Một con mèo gào lên như thể bị quăng vào đống lửa. Rồi trên đường, một người nộm khổng lồ thình lình xuất hiện với cột khói cuồn cuộn trên đầu. Tôi sợ hãi khóc thét lên và trốn vào quầy hàng sau lưng. Người nộm bốc lửa dữ dội. Tôi ngắm nó qua bóng một thân cây to lớn đang cháy, như thể nó đang khiêu vũ trên con đường vắng. Rồi bóng đêm bao trùm những kẻ hộ vệ của nó. Đó là những người đàn ông kiên cường với gương mặt lấp lánh. Họ bám chặt vào những sợi dây thừng khổng lồ gắn dính với người nộm cao ngất ngưởng. Nó nhảy múa hoang dại và kéo họ về phía bạo loạn. Khi nó vụt qua tôi rồi biến vào không gian, tôi bò ra khỏi chỗ nấp. Quay cuồng trong ảo giác, tôi bắt đầu trở lại con đường chính. Rồi đột nhiên có vài phụ nữ tỏa mùi dược thảo đắng hiện ra trong bóng tối, họ bế thốc tôi lên, ôm tôi nhào vào màn đêm đặc quánh. BA ĐÁM PHỤ NỮ CHẠY XUỐNG ĐƯỜNG LỚN. Một người vác bao tải đen, người kia đeo kính, người thứ ba mang giày ống. Không ai chạm vào hoặc thậm chí chú ý họ. Họ chạy xuyên qua cuộc bạo động như cái bóng hoặc người khách đến từ địa hạt khác. Tôi không thốt lên tiếng nào. Chỉ đến khi họ dừng lại ở ngã tư, rồi đặt các quả trứng trắng sáng xuống đất, tôi mới để ý tất cả họ đều mặc áo choàng trắng và đeo mạng che mặt. Mạng che có lỗ, qua đó tôi nhìn được rõ mắt họ. Sau khi dâng lễ vật ở ngã tư, họ đi qua các con đường, băng qua cuộc bạo loạn và đi vào rừng. Họ đi băng băng trong bóng tối dày đặc, xuyên qua tĩnh lặng và sương mù, đi vào một chốn thực tại khác, nơi mà người nộm khổng lồ đang cưỡi ngựa trắng. Con ngựa có khía răng cưa trắng, mắt sáng màu kim cương. Có tiếng gào nhức nhối không gian. Khi người nộm khổng lồ và con ngựa trắng biến mất, tôi mới chú ý khu rừng nhung nhúc những sinh vật siêu nhiên, trông giống một khu chợ đông đúc. Nhiều kẻ có ánh sáng đỏ trong mắt. Tai họ tỏa khói màu vàng nghệ. Ánh lửa màu xanh dịu cháy trên đầu. Một số kẻ cao, một số thấp, một số to lớn, số khác lại ốm. Họ di chuyển thật chậm rãi. Họ như quá đông đến độ đi xuyên qua nhau. Đám phụ nữ chạy băng qua các sinh vật này không chút sợ hãi. Chúng tôi đi ngang qua các nhóm đàn ông đang mang của hôi được về nhà. Chúng tôi băng qua một bà đang ngồi dưới gốc cây, máu chảy một bên đầu. Đám phụ nữ mang bà theo. Tôi nghe tiếng bà rên rỉ quằn quại cho đến khi chúng tôi dừng lại ở một con sông, nơi có chiếc xuồng đang đợi. Tôi chưa kịp làm gì thì họ đã đẩy tôi xuống xuồng rồi leo lên và chèo đưa chúng tôi qua hòn đảo cách đó không xa. Họ chèo nhẹ nhàng trong khi tôi cố gắng kháng cự. Khi tôi bắt đầu làm lắc lư xuồng, họ ấn tôi xuống bằng bàn chân thô rồi lấy áo choàng rộng bọc tôi lại. Đến đảo, bà đeo kính đỡ tôi xuống, dẫn tôi đến một túp lều, thật ra là nhà tắm. Bà tắm cho tôi. Lúc lau mình cho tôi bằng tấm khăn thô, bà bôi dầu khắp người tôi. Bà dẫn tôi đến gian nhà thờ, đặt tôi nằm xoải lên chiếu. Đêm đó tôi cố không ngủ mà cũng cố không động đậy, dù thậm chí trong bóng đêm các pho tượng dường như sống động. Các pho tượng đó dường như biết thở, đang quan sát mọi cử động và nghe được mọi ý nghĩ của tôi. Vào buổi sáng, tôi nhận ra mình đang ở trong căn phòng trống. Tôi bật dậy và trước khi bước ra đến cửa thì đám phụ nữ đi vào. Họ có ánh mắt mạnh mẽ. Họ hoàn toàn im lặng và nhìn tôi một cách khẩn cầu, giống như quyền năng của tôi cứu được cuộc sống họ. Với vẻ dịu dàng đáng kinh ngạc, họ đưa tôi đến một căn nhà dễ thương, mang cho tôi nhiều món ăn để chọn. Họ tụ xung quanh, nhìn tôi ăn. Khi xong bữa, họ thay cho tôi cái áo choàng sạch tươm bằng chất liệu mềm mại đến nỗi tôi thấy như mình được ủ trong mây. Họ vuốt ve tôi trìu mến rồi rời khỏi phòng. Tôi ra ngoài, đi lang thang quanh đảo trong niềm mê say tinh khiết. Gió thổi từng đợt trên biển. Cát trắng mềm chứa đầy bí ẩn. Tôi đi ngang qua gian nhà thờ, nhìn chăm chú ra phía các ngọn sóng. Trên đường quay về, tôi tình cờ gặp nữ thần của đảo. Hình ảnh bà hiện lên với gương mặt xinh đẹp và đôi mắt ngọc thạch sáng rực trong ánh mặt trời. Quanh chân bà là chiêng bằng kim loại, quả cây côla, đất sét trắng, lông vũ đại bàng và chim công, xương thú vật và cả mấy khúc xương to lớn không biết của con thú nào. Lấp đầy vòng tròn dưới chân bà là các quả trứng trắng đựng trong mấy đĩa màu đen. Khí lực và sự thai nghén kỳ diệu của bà đối mặt với biển cả. Ban đêm, ánh mắt nữ thần tỏa sáng như đá trăng. Gió biển lùa qua mái tóc sợi cọ tạo ra giai điệu ám ảnh. Tối đến, tôi nghe tiếng kêu nhức buốt ngây ngất của bà. Tôi khẽ khàng lẻn đi. Sự thai nghén lộng lẫy của bà thật quá kinh ngạc, nổi bật trên biển cả mênh mông đến độ bà có thể hạ sinh một vị thần hoặc một thế giới mới. Tôi thiếp ngủ trong gian nhà thờ giữa các pho tượng có tri giác, đến khi tiếng cồng chiêng làm tôi tỉnh giấc. Tôi nhìn ra cửa, thấy đám phụ nữ đều mặc đồ trắng, đang nhảy điệu mê hoặc quanh nữ thần. Tôi đang ngắm họ trong bóng tối thì có thứ gì động đậy phía sau. Lặng lẽ, ở giữa các bức tượng, một con mèo chui ra đi về phía tôi. Nó ngồi dưới chân tôi, nhìn tôi chăm chăm bằng đôi mắt ngọc. Tôi ve vuốt lông nó. Một tiếng nói vang lên: “Cậu là thằng ngốc à?” Tôi quay tìm, ngoài các pho tượng đáng ngờ thì không thấy ai hết. Tôi lại vuốt ve con mèo. Tiếng nói lại vang lên: “Tại sao nữ thần vẫn chưa sinh?” “Tôi không biết,” tôi trả lời mà không nhúc nhích. “Tại vì nàng chưa tìm được đứa trẻ nào để sinh. Nếu không cẩn thận, đêm nay cậu sẽ bị sinh ra lần thứ hai.” Khi phát giác ra thỉnh thoảng mình cũng hiểu được ngôn ngữ của động vật, tôi thức tỉnh khỏi niềm mê hoặc, ý thức được mối hiểm nguy. Rồi tôi nghe thấy tiếng rên nho nhỏ. Ở góc khác của căn phòng, bị lấp trong bóng tối, bàn chân của người đàn bà bị thương trong cuộc bạo loạn đang co rút theo giấc mơ trốn chạy. Tôi lay bà dậy. Bà mở mắt sửng sốt nhìn tôi. “Con trai tôi,” bà nói. “Họ định làm gì đó với cháu,” tôi nói. Bà liếc nhìn tôi vẻ vô cảm. “Mẹ cháu không chịu đâu,” tôi nói thêm. Bà bắt đầu khóc thút thít. Bà cũng có đứa con đã lạc trong bạo loạn. “Mình trốn đi,” tôi đề nghị. Bà ngưng khóc, chậm chạp đứng lên. Chúng tôi rón rén rời khỏi gian nhà thờ đi về hướng chiếc xuồng. Chúng tôi đang chèo qua dòng nước thì có tiếng kêu gào nghẹn ngào dậy lên ở phía gian nhà thờ và hợp lại thành âm lượng lớn vang khắp hòn đảo. Gió giằng xé tiếng kêu gào quanh mái tóc sợi cọ của nữ thần. Sóng đánh vào xuồng. Chúng tôi chèo trong nỗi tuyệt vọng cùng cực vượt qua dòng nước cuộn. Đám phụ nữ bỏ ngang buổi lễ, rượt theo khi chúng tôi đang lưng chừng giữa dòng. Với gương mặt tím tái và đôi mắt ủ dột dưới ánh trăng, người đàn bà bị thương lèo lái chiếc xuồng như một vị anh hùng. Nhưng sự cố gắng quá sức bà, khi con xuồng đến bờ, bà quỵ ngã hoàn toàn. Tôi cố làm bà tỉnh bằng nước biển, nhưng bà chỉ rên rỉ trong niềm cam chịu sâu sắc. “Con trai tôi, con trai tôi,” bà chỉ nói được vậy. Tôi không làm được gì hết. Mấy chiếc xuồng kia đang hung hãn cập bờ. Tôi lầm rầm cầu nguyện cho bà và chạy không ngừng cho đến khi tôi hoàn toàn thoát khỏi sự sùng bái của đám phụ nữ câm lặng. BỐN ĐÊM ĐÓ TÔI NGỦ DƯỚI GẦM XE TẢI. Sáng ra, tôi lang thang lên xuống các con phố. Nhà cửa to lớn, xe cộ ầm ầm khắp nơi và người ta nhìn tôi chằm chằm. Tôi bắt đầu biết đói khi đi ngang chợ và thấy bánh đậu, hoa quả chín mọng rồi cá khô, chuối lá chiên. Tôi đi từ gian này đến gian khác, ngó mấy người bán hàng. Nhiều người xua tôi đi chỗ khác, nhưng người đàn ông có gương mặt nghiêm khắc ở hàng thực phẩm lại để ý tôi, ông hỏi: “Cháu đói hả?” Tôi gật đầu. Ông cho tôi ổ bánh mì. Ông chỉ có bốn ngón tay, không có ngón cái. Tôi cám ơn ông rồi đi tha thẩn trong chợ, đến khi thấy một cái thùng mới leo lên đó ngồi ăn bánh. Tôi quan sát dòng người vào chợ, quan sát các chuyển động bát nháo, việc đổi chác hoang sơ và những kẻ mang vác nặng lảo đảo dưới mấy bao tải. Có vẻ nơi đây là toàn thể thế giới này. Tôi thấy người ta đủ mọi hình dáng và kích cỡ, các bà to con gương mặt giống iroko, hay người nhỏ con thì gương mặt giống hòn đá, phụ nữ mảnh khảnh đeo dây da đôi sau lưng, đàn ông chắc mập giương phồng đôi vai cơ bắp. Sau một lúc, tôi cảm thấy một cơn chóng mặt khiến mọi thứ đều đảo lộn. Chó hoang, gà qué vỗ cánh phần phật trong chuồng, mấy con dê với đôi mắt hờ hững đã gây tác hại cho tôi khi nhìn chúng. Tôi nhắm mắt rồi lại mở ra. Tôi thấy người ta đi lùi, một người lùn đi lại bằng hai ngón tay, mấy ông lộn ngược đội mấy rổ cá trên bàn chân, phụ nữ có đôi vú sau lưng, còn em bé được địu trước ngực và bọn trẻ xinh xắn có ba cánh tay. Tôi thấy một cô gái giữa bọn họ, cô có đôi mắt bên thái dương, mấy chiếc vòng bằng đồng xu đỏ quanh cổ và cô là người đáng yêu hơn cả hoa rừng. Tôi sợ hãi đến độ leo xuống đất và bắt đầu đi ra xa lúc cô gái chỉ vào tôi gào lên: “Thằng nhóc thấy được mình kìa!” Họ quay về phía tôi. Ngay lập tức tôi nhìn lảng chỗ khác và nhanh nhẹn rời xa khu chợ kỳ lạ, đi về hướng con đường. Họ theo tôi. Trong số họ có một người đàn ông chân có đôi cánh màu đỏ, và một cô gái đeo mang cá quanh cổ. Tôi nghe được tiếng họ thì thầm bằng giọng mũi. Họ đi sát tôi để xem tôi có nhìn thấy họ thật không. Rồi khi tôi làm bộ không thấy và tập trung vào đống ớt đỏ bị nhăn nheo do ánh nắng, thì họ xúm vào, chặn đường tôi. Tôi cứ đi xuyên qua họ như chẳng có. Tôi nhìn chằm chằm vào mấy con cua đang quặp lấy mép chậu kiểng. Một lát sau, họ để tôi yên. Đó là lần đầu tôi hiểu ra không chỉ có người sống đến các khu chợ của thế giới này. Tinh linh và sinh vật khác cũng đến đó. Họ mua bán, ngắm nghía và xem xét. Họ đi tha thẩn giữa hoa trái trần gian và biển cả. Tôi hướng đến khu khác trong chợ. Tôi tránh nhìn mấy kẻ lơ lửng trên mặt đất, hoặc có gánh nặng là cái đầu hình củ hành, và mái tóc vàng, nhưng tôi tò mò không biết họ từ đâu đến. Sau khi đã xong mọi việc mua bán hoặc bắt đầu xem chán những vật thủ công thú vị của thế gian, họ về nhà, tôi liền bám theo. Tôi theo họ ngang qua đường lớn, ngõ hẹp và các con đường mòn. Tôi luôn làm bộ không thấy họ. Khi đến một nơi phát quang trong rừng, họ thốt lời tạm biệt kỳ quái rồi đi vào các ngả đường khác nhau. Nhiều người trông vô cùng đáng sợ, nhiều người lại hết sức xinh đẹp. Phần đông thì xấu xí, nhưng nhìn hồi lâu vẻ xấu xí đó lại trở nên bình thường. Tôi đi theo một tinh linh trẻ nhỏ có gương mặt con sóc, kéo lê cái bao tải lớn. Các bạn đồng hành của nó trò chuyện qua lại, cười bằng giọng trầm lúc đi bên nhau. Một đứa bàn chân có màng màu vàng, đứa khác có cái đuôi cá sấu bé tí, và điều thú vị nhất là có đôi mắt cá heo. Chỗ đất phát quang là khởi điểm của một xa lộ. Các công ty xây dựng đã san bằng cây cối. Vài chỗ trên đất có màu đỏ. Chúng tôi băng qua một cái cây bị đốn ngã, chất đỏ trong gốc rỉ ra, tưởng như nó bị một con thú man rợ khổng lồ tấn công, máu không ngừng tuôn chảy. Mấy tinh linh sơ sinh đến rìa bãi đất trống, nơi có một vết rạch trong đất. Trong lúc nhìn chòng chọc vào vết rạch, tôi nghe thấy một âm thanh sắc cạnh, như có thứ gì đang phân ra. Tôi nhắm mắt lại trong nỗi hãi hùng, rồi lúc mở mắt thấy mình đang ở một nơi khác. Các tinh linh đã biến đâu mất. Tôi bắt đầu hét lên. Giọng tôi dội lại trong không gian âm u. Sau một lúc, tôi để ý có con rùa lớn bên cạnh. Nó nhấc cái đầu lười biếng, nhìn tôi chằm chằm cứ như tôi đã phá giấc ngủ của nó, rồi hỏi: “Sao cậu lại la?” “Tôi bị lạc.” “Nghĩa là sao?” “Tôi không biết đang ở đâu.” “Cậu đang ở phía dưới con đường.” “Là ở đâu?” “Bộ con đường có dạ dày à?” “Vậy biển có miệng à?” “Tôi không biết.” “Đó là chuyện của cậu.” “Tôi muốn về nhà.” “Tôi không biết nhà cậu ở đâu,” con rùa nói, “nên tôi không giúp được.” Rồi nó lê đi mất. Tôi nằm trên mặt đất màu trắng của vùng đất đó, khóc rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh giấc, tôi thấy mình nằm trong hầm khai thác cát làm đường. Tôi leo lên rồi băng chạy khỏi khu rừng. Giữ chặt những gì còn lại của mẩu bánh mì, tôi đi ra đường. Đến ngã tư, tôi xin chủ quán nước uống. Bà đưa tôi nước trong cái tách xanh biển. Tôi ăn bánh, chậm rãi uống nước. Có gã đàn ông đứng gần tôi, tôi để ý hắn vì cái mùi tỏa ra từ người hắn. Hắn mặc áo sơ mi tả tơi dơ dáy, tóc màu hung. Lũ ruồi reo bên tai hắn. Của quý hắn lộ ra khỏi quần lót, chân thì đầy vết thương. Ruồi bu quanh mặt làm hắn trông như có bốn con mắt. Tôi tò mò nhìn hắn. Hắn dữ dằn khoát tay đuổi ruồi, tôi để ý thấy hai mắt hắn đảo tròn như cố hết sức chau vào nhau. Tôi bắt đầu nhận ra hắn cũng đang nhìn lại mình, tôi liền uống hết nước, gói bánh lại rồi biến nhanh. Tôi không ngoái lại, nhưng biết chắc hắn đang theo sau. Tôi nghe được cuộc đối thoại đặc biệt của lũ ruồi quanh tai hắn. Tôi cũng ngửi được sự điên rồ của hắn. Khi tôi đi nhanh hơn, hắn tăng nhịp bước, nói búa xua. Tôi băng qua khu nhà thuê, rồi ra lại phía mặt tiền nhà thì thấy hắn đang đứng đợi mình. Hắn cứ đeo theo tôi, nói sảng bằng thứ ngôn ngữ lố bịch. Tôi cắt đuôi hắn ở ngã tư đường, băng qua chợ và trốn sau đuôi xe tải. Hắn bám sát bóng tôi. Tôi cảm thấy hắn là thứ hiện diện tệ hại mà không sao thoát được. Trong trạng thái tuyệt vọng, tôi vọt qua con đường khác. Tiếng còi của toa xe tải khổng lồ làm tôi thất kinh, đánh rơi luôn mẩu bánh văng ra xa, tim tôi đập loạn xạ trong lồng ngực. Khi tôi vô sự băng qua được, quay lại nhìn thì thấy gã đàn ông đang đứng giữa đường. Hắn nhặt ổ bánh lên ăn rồi gói lại nhiều lớp và chỉ vậy thôi. Xe cộ rít lên chung quanh hắn. Tôi tiếp tục chạy mà lo lỡ hắn đột nhiên nhớ lại là đang rượt theo mình. Lát sau, tôi ra đến con đường quen. Tôi đã chặn được ma lực ám ảnh của gã đàn ông. Trong không khí bức bối hoang mang, tôi cố xem nơi đây có gì quen thuộc. Trong không gian có giọng trẻ con ngọt ngào. Tôi ngửi thấy mùi hoa hồng nở ở đống rác. Rãnh nước phát ra mùi trầm thơm. Sương mù che phủ nhà cửa. Và lúc này trong không gian tối tăm, những con chim trắng bay lên cành. Tôi vẫn hi vọng nhận ra được thứ gì đó. Rồi khi các không gian ở con đường mở rộng, như thể ánh mặt trời phát ra từ các sự vật, biến khu vực này thành dải đất mênh mông trong các cánh đồng thiêng liêng. Tôi sửng sốt nhận ra đó là điều kỳ quặc mà lại quá quen thuộc. Rồi với nhịp thở nhanh hơn và với ánh trăng hiện ra trên đường, tôi nhận ra quanh mình có giọng trẻ con đang hát đoạn đồng ca sôi nổi. Đó là âm giọng của đồng bạn tinh linh, mê hoặc tôi vào cõi giới những giấc mơ, xa cách cái thế gian mà chẳng ai quan tâm đến tôi, dụ dỗ tôi vào cõi giới nơi chẳng bao giờ bị lạc. Dưới ánh trăng, âm giọng của chúng càng trở nên đa dạng và ngọt ngào khó mà cưỡng lại nổi. Tôi thấy chính mình bị chặn lại, rồi rẽ qua con đường khác. Ở mọi nơi, tôi đều thấy tinh linh xâm lấn mình bằng kiểu biểu lộ của chúng. Mùi hoa chế ngự tôi. Các bài hát làm tổn thương tôi bởi vẻ đẹp tàn nhẫn. Bỏng rát với giai điệu đau thương, tôi trượt chân qua bên kia đường rồi thình lình thấy tất cả chúng, các tinh linh tràn đầy sức sống trên cánh đồng cầu vồng, tắm trong ngây ngất tình yêu bất diệt. Điều gì đó nhói lên xé ngang óc tôi. Tôi ngã quỵ xuống đường, trong khi xe tải ầm ào quanh mình. NĂM TÔI ĐƯỢC ĐƯA VÀO ĐỒN CẢNH SÁT. Sau đó, tôi được đưa đến bệnh viện chữa vết thương. Khi xuất viện, một cảnh sát tình nguyện chăm sóc tôi cho đến khi tìm thấy ba mẹ. Ông có vầng trán lớn và cái mũi rậm lông. Ông đưa tôi về nhà bằng chiếc xe trắng. Vợ ông gầy và cao với vẻ bề ngoài như ở buổi xế bóng, gợi cho tôi nhớ đến đám phụ nữ ở đảo lúc trước. Bà tắm rồi mặc quần áo con trai bà cho tôi. Chúng tôi ăn món hầm thơm ngon gồm tôm và thịt. Cơm ngát hương quế. Chuối lá chiên tỏa mùi dược thảo. Gà chiên có vị bùa mê ngon lành. Phòng ăn rất rộng và ấm cúng. Những tấm thảm dày, các bằng cấp lồng khung trên bức tường xanh biển. Bên trên là bức tranh Jêsu với trái tim lớn lộ ra, đôi tay dang rộng và lời ghi chú: CHÚA LÀ VỊ KHÁCH ẨN MẶT TRONG MỌI NHÀ Có các bức ảnh viên cảnh sát, vợ và cậu con đẹp trai có đôi mắt buồn. Cậu nhìn khi tôi ăn. Sau một lúc, tôi bắt đầu nhìn bằng chính cặp mắt của cậu và căn nhà dò xét lại tôi. Tôi biết cậu đã chết, tôi cảm thấy mất ngon và không ăn nữa. Sau bữa tối, người đàn bà đưa tôi đến phòng dành cho mình, tôi sợ ở một mình trong căn phòng này. Lúc bà đi ra đóng cửa lại, tôi nhận ra đây là phòng con trai bà. Đồ chơi, bài kiểm tra và thậm chí giày của cậu vẫn được gìn giữ ngăn nắp. Hình cậu chơi đùa treo trên tường. Tối đó tôi không ngủ được, có tiếng khác lạ khắp nơi trong nhà. Ở sân sau có tiếng mèo gào, sau đó trong đêm, có bóng ai đi vào phòng rồi sờ mó các tấm ảnh, kéo đẩy đồ chơi. Tôi không nhìn được là ai, nhưng khi họ đi rồi, tôi nghe có tiếng chuông leng keng. Chỉ đến khi hừng sáng tôi mới thiếp ngủ. Tôi ở nhà viên cảnh sát vài ngày. Mắt vợ ông cứ sưng vì khóc hoài. Tôi cóp nhặt lời thì thầm của họ trong đêm, biết rằng cậu con chết vì tai nạn giao thông. Bà luôn đối đãi tốt với tôi. Bà làm cho tôi bánh đậu xinh xắn và các món rau. Sau khi tắm rửa, bà chải đầu, xoa dầu lên mặt tôi. Bà hát cho tôi nghe trong khi dọn dẹp phòng khách hoặc lúc giặt giũ. Thỉnh thoảng, tôi giúp bà lau chùi. Chúng tôi lau bụi bàn ăn lớn, cất mấy con voi thủy tinh, rùa đất, đĩa sứ vào tủ chè và đánh bóng cái mặt nạ lớn trên tường. Bà luôn mặc cho tôi mấy bộ đồ xịn nhất của cậu con. Tôi chỉ thấy sợ khi bà bắt đầu gọi tôi bằng tên cậu ấy. Tiếng ồn trong căn nhà càng tệ hơn mấy đêm sau đó. Tôi nghe tiếng ai đó đi quanh quẩn như bị cầm tù. Tủ chè đổi chỗ, chuông kêu vang, chim chóc bật hót gần cửa sổ phòng tôi. Vào buổi sáng, viên cảnh sát cho tôi ít tiền. Vợ ông nói chuyện với tôi trìu mến, dọn món rồi ngắm tôi ăn. Vào buổi trưa căn nhà im ắng, vợ viên cảnh sát không có nhà. Cửa nẻo đều đóng hết. Tôi ngủ trên ghế nệm ở phòng khách, rồi tỉnh giấc với cảm giác căn nhà không chỉ có mình tôi. Tôi đói, thấy hoa mắt. Khi đi quanh nhà tìm xem có cửa nào còn mở không, thì có cái gì đó kỳ lạ nhập vào tôi, không sao trục ra nổi. Nó rong chơi trong tôi, nói với tôi những điều không hiểu nổi. Chẳng mấy chốc, tôi hiểu ra mình đã hoàn toàn bị một linh hồn bất hạnh nhập vào. Tôi làm mọi cách tống khứ nó khỏi mình. Tôi đấm, đá, la hét và tông mình vào các bức tường. Lát sau tôi thấy mình nằm trên sàn, miệng chảy máu. Một thứ gì đó thoát ra khỏi tôi và nó bắt đầu nói chuyện với căn phòng. Vợ viên cảnh sát đứng trước mặt tôi. Linh hồn vừa thoát khỏi tôi đang nói với bà, nhưng bà không nghe được. Bà bồng tôi về phòng. Buổi chiều, khi thức dậy, tôi thấy mình yếu đi nhiều. Tôi không còn biết mình là ai, thậm chí đầu óc như thuộc về kẻ khác. Linh hồn phiền muộn đó thoát ra, để lại khoảng trống trong tôi. Tôi ngủ qua buổi chiều, buổi tối, rồi dậy vào trưa hôm sau. Tôi không ăn gì suốt hai ngày. Tôi không cảm thấy ngon miệng. Dầu chẳng làm việc gì nhưng tôi vẫn bị xô dạt trong các cơn sóng suy kiệt. Tối đó khi tôi đang nằm trên giường thì cửa mở. Viên cảnh sát, vợ ông và một thầy cúng vào phòng. Tôi giả bộ đang ngủ. Ông thầy có con dao sáng loáng. Họ thầm thì về tôi. Lát sau họ bỏ đi. Cạnh giường tôi có tô cơm gà, tôi ăn ngấu nghiến. Ăn xong, tôi thấy khỏe hơn một chút và bắt đầu âm mưu bỏ trốn. Tôi nghe ngóng mọi động tĩnh trong nhà. Có giọng nói ở khắp mọi nơi. Tôi nghe không gian thầm thì, tường nói chuyện, ghế than thở, sàn nhà đi lại, côn trùng tán gẫu. Bóng đêm bao trùm căn nhà. Các bóng người di chuyển quanh quẩn trong đêm. Tôi thấy các sinh vật màu vàng đang khuấy động, các hình thể lơ lửng, mấy bóng màu xanh biển bay lửng lơ lòng vòng. Nhưng khi tôi nghe người ta nói chuyện, mọi thứ xung quanh trở nên yên ắng và ngưng đọng. Tôi chờ. Rồi tôi lẻn đi về phía phòng khách nghe ngóng. SÁU TĨNH LẶNG. Đèn bão mở nhỏ trên bàn ăn, ánh sáng xanh dịu tạo ra những cái bóng khắp nơi. Dưới thấp hơn, bảy bóng người đang ngồi quanh bàn. Một con ngài lượn quanh họ. Bóng người thứ tám đứng im. Chẳng mấy chốc, tôi khẳng định hắn là viên cảnh sát. Hắn đảm nhiệm tiến trình buổi họp. Tôi càng nhìn, thì bầu không khí âm u càng rõ hơn. Có tám cái ly giữa bàn, chúng chói sáng mỗi khi ánh sáng xanh quét qua. Tôi cố nhìn nửa trái bầu khô đang tròng trành với chất lỏng bên trong. Cạnh trái bầu là đĩa trắng đựng hạt kola và các lóng đất sét trắng, và bên cạnh đĩa là bức tượng nữ thần nhỏ bé khoác lông vũ. Với tiếng cầu kinh thâm trầm làm biến đổi không khí căn phòng, viên cảnh sát khiến các bóng người khác đứng dậy. Ánh sáng leo lét cho thấy họ là những cảnh sát mặc đồng phục. Họ hòa theo tiếng cầu kinh bằng giọng trầm. Rồi họ dang tay và nắm tay nhau ngang qua bàn. Khi mấy ông khác ngồi xuống lại, viên cảnh sát vẫn đứng. Ruồi vo ve. Viên cảnh sát vung vẩy cái bùa trong không khí. Có những con mắt màu ngọc bích như rắn lấp lánh trong ánh sáng mờ ảo. Viên cảnh sát nói gì đó và bóng người đầu tiên trong số bảy bóng đứng dậy. Nó biến thành một ông có cặp mắt nhỏ và bộ ria thưa. Gã căng thẳng rịn mồ hôi mũi. Run rẩy yếu ớt, gã cầm lấy tượng nữ thần. Rồi bất ngờ bằng giọng mãnh liệt, gã thề lời thề trung thành. Con ngài lượn vòng trên đầu gã. Gã thề rằng dưới cái nhìn gây khiếp sợ của nữ thần và dưới nỗi đe dọa của sự chết, thì gã trung thực về khoản tiền đã cóp nhặt được và giờ đây giao nộp. Mấy bóng người đang ngồi bật ra một bài kinh dễ sợ. Khi họ ngưng, người đàn ông đầu tiên, lúc này đã đầm đìa mồ hôi trong căn phòng nóng bức, liền bẻ một mẩu đất sét trắng nhai một ít, còn lại thì làm dấu lên trán mình. Với giọng rung động, gã nói nếu mình phản bội lời thề bằng bất cứ lý do nào thì sẽ bị xe tải cán chết. Gã hắng một tiếng trong yết hầu. Gã thánh hóa lời tuyên bố bằng việc uống chất thuốc nước trong trái bầu. Gã lấy ra khoản tiền cóp nhặt được, đặt lên bàn, sau đó lui xuống ngồi vào chỗ sáng nhập nhòe và trở lại thành cái bóng. Viên cảnh sát đếm tiền với vẻ kiên nhẫn vô hạn. Hắn lầm bầm, nhìn ông đầu tiên, đưa cho gã phần tiền chia, để một ít lên đĩa, hắn lấy phần còn lại. Nghi thức đó lặp lại với những người khác. Con ngài lúc nào cũng lượn trên đầu họ. Ông thứ hai cũng tuyên thệ lời thề của mình, giao tiền ra đầy phấn khởi rồi ngồi. Ông thứ ba có các phần thịt bụng bự chảng, cùng giọng nói sắc buốt và cặp mắt đờ đẫn rảo khắp phòng. Người thứ tư mập, hài hước, gã làm một hai trò hề nhưng chỉ nhận được vẻ im lặng nghiêm nghị. Gã hoàn tất lời thề bằng việc vung con dao đỏ lên. Sau đó, gã giao tiền ra một cách miễn cưỡng. Người đàn ông thứ năm nhỏ con và có giọng nói khoan khoái. Lời thề của gã là khúc ngẫu hứng tràng giang đại hải với đề tài là lòng trung thành. Thề với nhiều vị thần không đếm xuể, thốt ra tên của các đền thờ bí mật, gã gào lên rằng những thần này sẽ giết đứa con một của mình nếu gã dối trá. Viên cảnh sát do dự. Người đàn ông thứ năm ngồi xuống. Người thứ sáu gầy, cao và nghiêm trang. Gã không rịn mồ hôi. Con ngài không lượn trên đầu lúc gã thực thi nghi thức và cái đèn bừng sáng rõ rệt khi gã kết thúc bài kinh. Khi bóng kế tiếp đứng dậy, chợt nghe tiếng động phát ra từ phía sau, tôi liền trốn. Nhưng không có gì xảy ra. Tôi trở lại và tiếp tục theo dõi, rồi bị con ngài đậu lên trán người đàn ông thứ bảy cuốn hút. Suốt lời thề của mình, mồ hôi gã túa ra như tắm. Gã thề về lòng trung thành với vẻ căng thẳng. Và trong lúc gã uống chất thuốc nước, tuyên thệ lòng trung thực bất diệt của mình thì một tấm hình con trai viên cảnh sát rơi xuống sàn nhà. Kiếng trong khung không bể. Đèn bão đu đưa tăng dần ánh sáng, rồi tôi thấy con ngài đập cánh vào lớp kiếng nóng. Mấy bóng khác nhìn chăm chú người đàn ông thứ bảy. Bằng giọng chắc nịch, gã tiếp tục lời thề của mình trong khi đặt tiền lên bàn. Rồi thình lình, còn chưa hoàn tất lời thề, gã đội nón vào và rời khỏi ngôi nhà. Nghi thức vẫn diễn tiến như không có chuyện gì xảy ra. Họ uống nhiều, trò chuyện xì xào, ứng khẩu mấy bài hát và nhảy khí thế. Khi cuộc họp kết thúc, họ đội nón, chào hỏi nhau thân ái và xiêu vẹo rời khỏi ngôi nhà trong niềm vui ngầy ngật. Tôi trở lại phòng, đợi đến khi người cuối cùng đi khỏi, rồi chờ cho yên ắng. Khi đã yên ắng, tôi rón rén đến phòng khách. Viên cảnh sát nằm dài trên ghế bành, áo sơ-mi ướt đẫm mồ hôi. Có đốm nước dãi trên khóe miệng ông. Một con ruồi đậu trên vành môi dưới, bấu chặt mấy cái tay khẳng khiu của nó, uống lấy giấc ngủ của ông. Căn phòng hôi mùi mồ hôi, vải kaki, máu, lông vũ, tro và nỗi sợ. Con ngài tự biến mình thành vật thiêu tế. Máu làm ố cái bàn. Một tập giấy các ghi chép lòi ra khỏi túi áo đồng phục của viên cảnh sát. Nữ thần lông vũ giờ đây treo trên cây đinh ở cửa, đối diện với hình ảnh Chúa Ki-tô và lời ghi chú. Viên cảnh sát ngáy. Tôi rón rén đi ngang ông, nhẹ nhàng mở cửa, rồi bước ra trời đêm. Tôi bắt đầu đi ra xa cho đến khi chân vướng phải thứ gì bùi nhùi. Cố kềm tiếng thét lại, tôi nhận ra mình đang nhìn vào cặp mắt sáng rực của con chó trắng. Con chó nhìn trừng tôi hồi lâu như nó có đến hai trí khôn, một là canh tôi, hai là giật chuông báo. Tôi tỏ một cử chỉ thân thiện, trở lui vào nhà, rón rén đi qua giấc ngủ viên cảnh sát, chuồn về phòng. Tôi nằm trên giường không ngủ. Tôi cố làm rõ mọi tiếng ồn trong nhà. Tôi nghe các giọng trong tường nói rằng một nạn nhân đang chờ buổi hiến tế của chính nó. Vào buổi sáng, viên cảnh sát dặn vợ phải luôn khóa mọi cửa nẻo lại. Buổi trưa, bà đi ra ngoài một lúc lâu. Khi bà về, tôi nghe tiếng bà dưới bếp. Lát sau, bà bưng đĩa ngũ cốc, chuối lá chiên đặt bên ngoài cửa phòng tôi. Tôi mang vào, nhưng không ăn dù đói đến nỗi xây xẩm mặt mày. Qua buổi trưa rồi buổi chiều, tôi chịu đựng đủ mọi trò chế nhạo day dứt của đồng bạn tinh linh. Khi không chịu nổi cơn đói nữa, tôi mang cái đĩa ra định ăn thì thức ăn đã hơi có mùi. Tôi tìm thấy tờ báo, gói đồ ăn lại đem giấu rồi để cái đĩa ngoài cửa. Tối đó, trong đêm, với cặp mắt nhắm chặt và với tất cả cơn sôi sục trong cái dạ dày rỗng tuếch, tôi tập trung về hình ảnh mẹ. Khi thấy mẹ thật rõ, tôi nói với bà, xin bà đến cứu tôi. Xong, tôi thiếp ngủ, chắc rằng bà đã nghe được mình rồi. BẢY TÔI NGHE CÓ GÌ ĐÓ LÀM MÁI NHÀ KÊU RÀO RẠO. Trời bắt đầu mưa. Gió đập vào cửa sổ. Tôi leo xuống giường, cuồng lên với cơn đói. Tôi ngồi một đống trên sàn trong bóng tối, và khi có tiếng gõ cửa tôi chẳng buồn nhúc nhích. Cánh cửa mở ra, một bóng người khổng lồ nói: “Ra ăn với cô chú.” Bị cơn đói dẫn dắt, tôi theo người đàn ông ra bàn ăn. Tôi ngồi xuống ủ rũ, nhìn ruồi reo trên đồ ăn. Vợ viên cảnh sát trút đầy đĩa tôi một lượng dồi dào khoai mỡ nghiền, chọn ra mấy miếng dê ngon và món canh đặc rau củ. Mùi đồ ăn tuyệt ngon và hơi nước canh choán hết căn phòng với mùi cà chua và vị oregano[3]. Cơn đói khiến thế giới dường như thành màu xanh nhạt. Lần đầu tiên tôi hiểu ra bầu không khí của ngôi nhà, hiểu tại sao linh hồn đó nhập vô mình được. Lúc chớp mắt, tôi thấy mấy con ma quanh quẩn bên viên cảnh sát và vợ ông. Chúng ở khắp phòng. Mấy con cao và lặng lẽ, một số có bộ râu mỏng dính. Một con dâm yêu với đôi cánh trắng lảng vảng gần cửa sổ. Tôi chớp mắt tiếp thì thấy một tinh linh có tám ngón tay và một con mắt nhấp nháy. Con khác mặc đồng phục của viên cảnh sát, có một chân bị cưa mất. Nó ăn bằng đôi tay lấm máu một hồi trước khi viên cảnh sát ăn. Một con khác chỉ hiện hữu bằng cặp chân phù tái mét, nó giữ thăng bằng trên đầu vợ viên cảnh sát. Một người tí hon quái dị nhìn giống cái cây màu vàng nhảy nhót trên đồ ăn. Tôi nhìn chúng với vẻ kinh ngạc đến nỗi viên cảnh sát chợt hỏi: “Cháu đang nhìn gì vậy?” Tôi lắc đầu. Rồi thấy ở góc phòng, phía bên kia chỗ họ ngồi ăn với niềm vui thú vô tội vạ, là bóng ma con trai họ đang ngồi đìu hiu và bị ruồng bỏ. Cậu bị mất cả hai tay, một bên mặt nhũn móp với hai mắt bị lồi ra. Cậu có đôi cánh xanh nhạt. Cậu là con ma buồn bã nhất trong nhà này. “Không có gì,” tôi trả lời. Họ nhìn nhau rồi nhìn tôi. Tôi không làm mình tỉnh lại được để ăn sau khi thấy đám ma đùa nghịch đồ ăn bằng đôi tay lấm máu. Tôi ngồi nhìn chăm chăm đám ruồi. Khi ăn xong họ đứng dậy rời khỏi bàn. Người đàn ông ngồi xuống ghế bành, vợ ông mang đến chai bia Guinness lớn mà ông uống bằng hai bàn chân gác trên ghế đẩu. Vợ ông uống chung. Tôi nghe tiếng đồng hồ quả lắc gõ trong căn nhà yên ắng. Đám ma bu quanh hai vợ chồng, nhìn họ với vẻ kinh ngạc âm thầm. Linh hồn có con mắt nháy uống bọt Guinness một hồi rồi ông mới uống. Viên cảnh sát uống đầy sảng khoái. Khi vợ ông đứng dậy đi lấy đồ uống nhẹ cho mình, con ma chân phù đi với bà. Khi viên cảnh sát đi vệ sinh, tinh linh mặc đồng phục đi cùng ông. Và khi họ ngồi yên thì đám ma đứng sát họ như sắp chạm mặt nhau. Đám ma lặng yên, không làm gì nữa. Đồng hồ quả lắc gõ đều. Tôi hiểu ra đám ma và các tinh linh ở nhà này vì viên cảnh sát có trách nhiệm, theo cách nào đó, về cái chết của chúng. Tôi vội về phòng, đóng cửa lại, nằm trong bóng tối nhìn lên trần nhà. Khi đồng hồ ngừng gõ, một ánh sáng màu cam thình lình sượt ngang óc tôi, bóng tối trở thành ánh sáng nhè nhẹ, rồi tôi thấy bóng ma phiền muộn của cậu con trong góc phòng. Lát sau nó đứng lên lướt về phía tôi, cặp mắt lồi nhìn xuống rồi nó nằm luôn trên người tôi, đôi cánh nó khuấy động không gian. Tôi thấy nặng, không thở và không nhúc nhích nổi. Không sao ngủ được mà lúc tôi cố nhắm mắt thì có cảm giác khủng khiếp rằng một hình thù nặng nề đang đè mình xuống, gắn liền cơ thể mình với nó. Tôi không hét được, vùng vẫy cũng vô ích. Các bức tường bắt đầu xì xào về người đàn ông thứ bảy và về chuyện ông bị xe tải cán khi đang điều khiển giao thông. Vừa lúc hình thù đó nhập vào tôi thì bên ngoài trời mưa, còn tôi cũng bình tĩnh lại. Mưa đều đều. Gió cứ va lách cách trên mái tôn dợn sóng và rỉ nước qua mấy khe cửa hở. Trời trở lạnh. Tôi xoay mình đối mặt với tường. Khi nhận ra mình nhúc nhích được, tôi dậy leo lên giường. Bóng ma cậu con ở trên trần nhà như một màn sương vĩnh hằng xanh nhạt. Sấm gầm gào trên ngôi nhà và ánh chớp nổ giòn. Mưa trút xuống, gió khẽ rít lên, va đập không ngừng vào cửa sổ. Tia chớp giật nữa, dường như nó nhắm ngay lên ngôi nhà này. Khắp nơi, từ cửa sổ cho đến căn phòng ngời lóe lên ánh sáng rực. Lát sau, tôi ngửi thấy mùi khói luồn vào phía dưới cánh cửa. Khói đầy phòng, tôi bắt đầu ho rồi khi chạy ra ngoài tôi mới nhìn rõ được. Khói dày đặc, lúc đi về phía bếp vừa ho vừa nhức mắt, tôi phát hiện nơi này đang bị cháy. Tôi đập các cửa, viên cảnh sát đi ra, bụng ông xệ xuống, mắt đỏ lên. “Có lửa trong bếp,” tôi kêu lên. Trong lúc chúng tôi vật vã với lửa cùng mấy thùng nước, thì đám ma đứng quanh đó ngó chúng tôi. Người phụ nữ thút thít. Người đàn ông thì rủa sả. Mưa dữ dội. Bếp ướt nhẹp. Mưa tạt qua khe cửa phòng khách ướt sũng tấm thảm. Gió làm cánh cửa sổ sập, rồi ốc sên và sâu róm chợt xuất hiện. Ốc sên nhỏ xuất hiện trên các bức tường. Sấm ầm vang bên ngoài. Bên trong, bóng ma cậu con tha thẩn quanh nhà. Đi xuyên qua lại người cha mẹ cậu, không nhận ra họ và chẳng động lòng vì tai họa của họ. Sau khi dập tắt lửa và lau chùi sàn nhà đẫm nước, chúng tôi về lại giường. Tôi nghe vợ chồng họ trằn trọc và thì thào cả đêm. Tôi không ngủ. Vừa sớm, trước khi mặt trời mọc và khi đêm bắt đầu rút đi, thì có tiếng gõ cửa gấp gáp. Cánh cửa rung lên rồi tiếng đập cửa trở nên điên cuồng và bất thường, như thể gió và sấm đòi vào nhà vậy. Tôi vội ra khỏi phòng về hướng cửa, nhưng viên cảnh sát đã ra trước rồi. Tôi đến gần hơn. Có một người đàn bà đang đứng ở lối ra vào. Tóc bà vấy bùn và ướt, mắt lạc thần, cổ dài ra và đi chân không. Mưa trút xuống bà tàn nhẫn. Có mấy con gián chết quanh bàn chân bà. Tôi thấy một sợi dây thừng vòng quanh cổ bà, nối bà với bầu trời. Sợi dây hóa thành tia chớp. Một hồi, tôi nghĩ mình đã biết bà ở đời sống nào khác hoặc ở cõi giới tinh linh. Tôi chen qua viên cảnh sát. Tôi đứng trên ngưỡng cửa. Rồi với ánh sáng trong đầu mình cùng cơn đói trong giọng nói, tôi kêu lên: “Mẹ!” Mới đầu, bà không động đậy gì. Có vẻ như bà không nhận ra tôi. Bà nhìn tôi với đôi mắt trống rỗng. Sau một hồi yên lặng, đột nhiên bà làm rớt hết các thứ trên tay rồi ôm tôi mà không thốt nổi lời nào. Sau đó bà nhấc bổng tôi lên không trung rồi ôm tôi thật chặt vào thân thể ấm áp và ẩm ướt. TÁM NHỮNG GIỌNG NÓI TRONG BÓNG TỐI LÀM TÔI THỨC GIẤC. Tôi đang ở trên bờ vai mẹ và trông thấy nhiều gương mặt phụ nữ trong mưa, các gương mặt được thắp sáng nhờ tia chớp. Họ bu vào chúng tôi, những cánh tay dang ra, những đôi mắt ấm áp. Chúng tôi bị bao quanh mọi phía. Đám phụ nữ sờ tôi, nhìn tôi như thể tôi là thứ tuyệt vời vừa trên trời rơi xuống. Họ vuốt tóc, xoa bóp làn da tôi và cảm nhận xương xẩu tôi như đã mất rồi tìm lại được. Tôi là của tất cả họ. Tôi mang theo mình niềm hi vọng mới. Họ cũng trở thành lý do để tôi sống ở thế gian này, để đôi khi nếm trải niềm vui sướng được trở về nhà. Mẹ đặt tôi xuống. Chân tôi yếu. Mọi thứ có vẻ lạ lẫm. Khu nhà thuê mới của chúng tôi quá tồi tàn. Tôi đi từng bước run rẩy, lảo đảo, mẹ nắm tay tôi cho vững. Rồi bà dẫn tôi đến một căn phòng, mở cửa, chỉ tay nói: “Ba đang đợi con đó.” Một người đàn ông đang ngủ trên ghế. Tôi không nhận ra ông. Ông có băng quanh đầu và tay trái đeo cái ná sao su bẩn. Ông không cạo râu và lồng ngực trần nhấp nhô khi ngáy. Căn phòng quá nhỏ, tràn trề khí sắc giấc ngủ của ông, của sự đói khát, nỗi tuyệt vọng, những đêm thức trắng và cảnh u ám của khói nến. Trên bàn, trước mặt ông là chai ogogoro còn một nửa, cái gạt tàn và bao thuốc lá. Một khoanh nhang muỗi cũng ở trên bàn và cái mùi khói hăng hắc tràn ngập không trung. Người đàn ông ngủ trên ghế giống con quái vật trong cổ tích. Bàn chân to lớn gác lên bàn. Ông ngủ thật say, tôi thấy sợ bởi nhịp lên xuống của lồng ngực ông. Khi tia chớp lóe ngoài trời, mưa trút xuống nhiều hơn, người đàn ông tỉnh dậy, đôi mắt vô cảm. Rồi đôi mắt ông thay đổi, chúng to ra và đỏ ngầu. Ngơ ngác, ông nhìn khắp phòng như vừa thức giấc ở thế giới xa lạ. Rồi ông thấy tôi ở lối ra vào. Ông cứ yên như vậy một lúc lâu, mắc kẹt trong cơn mê muội, đôi tay ông dang ra. Chợt ông nhảy xuống với sức mạnh có thể làm bay mất cái ghế dưới chân. Ông nhào đến tôi. Tôi chạy vòng quanh bàn. Ông bám theo tôi, nhưng tôi chạy qua chỗ khác sao cho cái bàn ở giữa hai người. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại chạy và tại sao ông lại rượt mình. Khi tìm được cơ hội, tôi la hét trốn chạy ra hướng cửa, ra khỏi phòng nhưng ông bắt được tôi chỗ lối đi, giữa trời mưa như thác đổ. Ông hét lên, và cứ tung tôi lên không trung khiến tôi sợ hãi. Khi ông ôm cứng tôi vào lòng, tôi không chống nổi sinh lực dồi dào cứng cỏi và trái tim run rẩy của ông. Tôi bật khóc mà chẳng hiểu vì sao. Khi hết mưa, mẹ cởi bộ đồ của thằng bé chết khỏi người tôi, đốt với dầu hôi và nước dược thảo. Bộ đồ cháy lâu hơn mong đợi. Mắt bà ngời lên niềm mê tín. Bà cứ tiếp dầu hôi cho ngọn lửa vàng đen đó cháy. Khi quần áo đã cháy sạch thành một đống tro quăn queo, bà gom hết lại gói vào tờ báo rồi đi ra trời đêm về hướng khu rừng. Lúc quay về, bà kéo tay tôi đẩy vào nhà tắm nơi có những con rết trên tường, và tắm cho tôi bằng thùng nước tắm trị liệu đặc biệt. Tôi phải dùng cục xà phòng nâu tiết ít bọt. Lúc tôi cố rửa ráy cho mình, mẹ đứng bên ngoài nhà tắm bẩn thỉu, kể tôi nghe mọi chuyện xảy ra từ cái đêm bạo loạn đó. Cách bà kể khiến tôi tràn trề kinh ngạc về bà. Tối đó, khi đám đông tách chúng tôi ra, người nộm được thả đó đeo đẳng đám phụ nữ qua mấy con đường vì họ không muốn nhìn thấy bộ dạng đáng sợ của nó. Mẹ đã tìm tôi hết mọi ngóc ngách, dưới gầm mọi xe hơi, gọi tên tôi chỗ có nhà cửa đang cháy. Rồi khi quay về nhà, hi vọng tôi đang chờ bà ở đó thì chỉ nhận ra rằng ba cũng biến đâu mất. “Trong một đêm,” bà nói, “tôi lạc mất đứa con duy nhất và luôn cả chồng mình.” Bà thức trắng đêm bên ngoài khu nhà thuê bị cháy với tất cả gia sản rơi vãi trên phố. Vào buổi sáng, người trọ chuyển đến các khu nhà thuê mới, các khu ổ chuột. Mẹ cố phân loại đồ đạc chúng tôi với họ hàng. Rồi bà đến mọi bệnh viện và đồn cảnh sát mà bà tìm ra được. Bà đi hết cả thành phố, khôn nguôi với nỗi mất mát. Khi bà chịu thua nỗi tuyệt vọng, thì trong nỗ lực sau cùng bà đến đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố, và được kể là ba đang ở đó, bị nhốt vì có tham dự trong cuộc bạo động. Bà xoay xở gặp ông. Ông bị cảnh sát đánh và một vết cắt xấu xí trên trán. Vết bầm khắp mặt ông, còn một tay lủng lẳng bên mình như một phần thừa bệnh hoạn. Hôm sau, sau khi van nài và thêm chút của hối lộ, ba được thả. Ngay hôm đó ba đi làm rồi nhận ra mình đã bị sa thải. Suốt thời gian đó, mẹ đã thành công khi tìm được một căn phòng cho cả nhà. Bà cũng có cách trả trước được tiền thuê tháng đầu. Ba về nhà mới với tâm trạng tồi tệ và trạng thái hung tợn. Tối đó ông bị bệnh, lảm nhảm về bọn lính điên rồ đã giết người da trắng trong các cuộc chiến bên kia đại dương. Mẹ điên cuồng với sự mất tích của tôi. Bạn bè bà đề nghị đến hỏi ý thầy cúng. Ban đầu bà hồ nghi, nhưng sau khi mọi cách đều thất bại, từ việc đến các đồn cảnh sát, các bệnh viện đều vô vọng, bà đã xiêu lòng. Bà được đưa đến một thầy cúng. Có gò miểng chai ở trước căn chòi của bà ấy. Mẹ bước vào đầy khó khăn. Thầy cúng là một phụ nữ có vẻ đáng sợ với một con mắt sáng hơn con còn lại, nói rằng nhờ mấy vong hồn mà bà biết mục đích mẹ đến đó. “Đi đi,” bà la lên với giọng khàn khàn, “đem cho tôi một con gà trống tơ trắng, một chai rượu gin, một bộ lông bồ câu và ba mẩu phấn, rồi tôi giúp cho.” Mẹ trở lại với các vật đó, và người phụ nữ mặc áo choàng đen nghiêm trang gieo những đồng tiền vỏ ốc của mình. Bà dâng các lễ vật lên nữ thần của bà, là người đang ngồi ở góc phòng trầm tư trong bóng tối với cái kính râm sáng chói. Rồi bà bảo mẹ về. Bà ấy muốn được nằm yên để bói. Mẹ trở lại vào sáng hôm sau và không cần lời mào đầu nào, bà thầy nói ngay với mẹ rằng phí sẽ rất mắc vì trường hợp này rất khó. “Con trai bà đang bị giữ trong ngôi nhà ma,” bà ta nói. Mẹ kinh hãi đến mức rời đó ngay lập tức, rồi gom góp tất cả tiền bán buôn, lấy cả của ba và đi mượn số còn thiếu. Bà thầy tiếp tục nói với mẹ rằng tôi bị một người đàn ông và một phụ nữ muốn giữ lại làm con của họ, hoặc hiến tế tôi để lấy tiền, và rằng tôi đang bị những lời thề nguyền dữ dội vây quanh, nếu mẹ không hành động nhanh chóng sẽ mất tôi vĩnh viễn. Mẹ trả tiền, ngồi trong bóng tối, lắng nghe trong lúc bà thầy có con mắt lạ thường bắt đầu các thuật gọi hồn tốn kém nhất mà bà mới thấy. Bà thầy vật lộn với các thế lực trong căn nhà, cố giải trừ các bùa ngải quanh tôi. Sau năm tiếng, suốt lúc mẹ ngồi cứng ngắc với nỗi sợ, người phụ nữ trong các căn buồng bí ẩn hiện ra, nói: “Tôi đã giải trừ được hết, chỉ trừ một loại. Nó quá mạnh đối với tôi. Chỉ có tia chớp mới giải trừ được nó.” Mẹ ngồi đó bối rối. Bà thầy đưa cho các chỉ dẫn. Mẹ về nhà, lòng nặng trĩu. Tối đó bà đang than vãn cho hoàn cảnh mình, tự trách đã để lạc mất đứa con duy nhất, một đứa trẻ đã chọn sống, thì một người bà con xa đến thăm. Bà ấy nghe chuyện của mẹ nên đến để an ủi. Bà mang đến chút quà và chúc mẹ sớm tìm được tôi. Ba coi đó như điềm tốt, mẹ thì lấy làm khó xử. Rồi lại sinh ra chuyện bà đã từng thấy hình tôi trên báo sau một ngày tôi bị tai nạn. Vì thế, mẹ lần ra tôi ở đồn cảnh sát và thậm chí luôn cả căn nhà của viên cảnh sát. Mẹ quay lại nhà bà thầy để nhận những lời chỉ dẫn cuối cùng. Mẹ phải đi đến căn nhà đó để kính cẩn cảm ơn viên cảnh sát và vợ ông đã chứa tôi, đem quà tặng họ, và liệng con gà trống tơ trắng vào căn phòng để họ có thể thế lễ vật của họ là tôi qua con gà. Sau đó bà chạy xa khỏi nơi đó sao cho thật lẹ. Nhưng trước khi bà hành động gì, thì phải chờ cho tia chớp đánh cú đầu tiên trên căn nhà. Bà phải đứng kiên nhẫn khi sấm gầm gào trên mình, theo dõi lúc tia chớp lóe lên ở những nơi khác nhau, trên nhiều ngôi nhà và cây cối. Và bà cứ ở yên như vậy, không được động đậy tẹo nào cho đến khi tia chớp đánh ngay trên ngôi nhà ma, nơi tôi bị cầm giữ. CHÍN SAU KHI TÔI ĐÃ TẮM VÀ ĂN NO, ba mẹ đặt tôi ngồi vào chiếc ghế mà ba thường ngồi và biểu tôi kể câu chuyện của mình. Tôi bắt đầu kể cho đến khi ánh sáng trong phòng biến đổi rồi đôi tay mạnh mẽ ẵm tôi đặt lên giường. Tôi thấy nụ cười của ba dưới dải băng dính máu. Mẹ dời bàn ghế, rồi trải chiếu ngủ trên sàn. Ba tôi nằm trên cái ghế gỗ của ông, lặng lẽ hút thuốc và đốt một khoanh nhang muỗi. Tôi lắng nghe ông nói chuyện với căn phòng yên ắng, hỏi những điều bí ẩn mà chỉ có người chết mới trả lời được. Tôi ngủ cả đêm rồi cả ngày. Khi tôi tỉnh dậy đã là buổi chiều. Căn phòng vắng vẻ. Cây đèn dầu sáng đều giữa bàn. Lúc mới mở mắt, mắt tôi tiếp xúc với thế giới mới của mái ấm mà mọi thứ đều khác lạ. Những cái bóng lớn khắp nơi làm không gian nhỏ đi. Nền nhà gồ ghề. Một hàng kiến bò dọc theo các bức tường. Có mấy tổ kiến gần tủ chè. Một con trùn bò qua giày ba. Tắc kè và thằn lằn bò nhanh qua lại trên tường. Ở sâu trong góc phòng là sợi dây phơi đồ bị chùng xuống do sức nặng của quá nhiều áo quần. Vật dụng bán hàng của mẹ khắp nơi. Các bao tải của bà dồn thành đống quanh tủ chè. Nồi niêu đen bẩn, chén bát sành và thau chậu lộn xộn khắp nơi. Giống như ba mẹ đã chuyển đến, vứt tài sản ở bất cứ chỗ nào trống và không có thời giờ sắp xếp thứ gì. Tôi nhận ra rằng khi tôi càng hiểu rõ tiếng rọt rẹt trong các bức tường, các lỗ hở trên mái tôn, mạng nhện, mùi đất và garri[4], mùi thuốc lá, khói nhang muỗi, thì dường như chúng tôi càng không thể chuyển đi đâu được nữa. Mọi thứ thật đơn điệu. Khác biệt duy nhất là tôi không quen với tính đơn điệu. Ánh sáng trong phòng lờ mờ vào buổi chiều. Muỗi và đom đóm bay vào. Một con ruồi sắp chết vo ve bài hát cuối cùng trên trần nhà, giữa mạng nhện. Ngọn lửa đèn vẫn rẩy khói đen phủ lên trần nhà. Mùi tim đèn cháy và khói dầu làm yên lòng tôi. Tôi đang ở nhà, và ở nhà khác hẳn được ở trong căn nhà tiện nghi của viên cảnh sát. Không tinh linh nào làm phiền tôi. Không có con ma nào ở mấy chỗ tối. Người nghèo cũng thuộc về một xứ sở. Môi trường quanh chúng tôi là sự nghèo nàn. Chúng tôi không có một phòng tắm đáng nói đến, còn nhà vệ sinh thì thô sơ. Nhưng ở căn phòng đó, trong mái ấm mới, tôi hạnh phúc vì cảm được sự hiện diện ấm áp và nơi nào cũng có sinh khí dịu dàng của ba mẹ. Ở cây đinh xoắn trên tường là các khung hình ngả nâu của ba mẹ. Trong một tấm thì mẹ ngồi một bên ghế, mặt đầy phấn, và có nụ cười bẽn lẽn của một cô thôn nữ. Ba đứng cạnh mẹ. Ông mặc cái quần rộng thùng thình, áo sơ-mi trắng và cà-vạt xiên xẹo. Cái áo khoác quá nhỏ so với ông. Ông biểu lộ vẻ mạnh mẽ và hùng dũng trên khuôn mặt, đôi mắt khỏe khoắn và quai hàm rắn chắc thách thức ống kính. Ông trông có kiểu cách của mấy tay quyền anh trước khi họ trở nên nổi tiếng. Trong tấm khác thì tôi đang ngồi giữa họ, bé bỏng giữa hai vệ sĩ. Nụ cười dịu ngọt pha chút ngại ngùng trên gương mặt chúng tôi. Lúc tôi chăm chú vào bức hình trong căn phòng nhỏ nơi cái đèn tạo ra thêm khói đen hơn là việc chiếu sáng, thì tôi tự hỏi sự dịu ngọt đã biến đâu mất. Tôi ra ngoài kiếm ba mẹ. Họ không có ở sân sau. Trong bếp, mấy phụ nữ ngồi trước đống lửa, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, những cánh tay dầy thịt và phần ngực hở trần trụi lấp lánh. Tôi quan sát lúc họ đang chiên bánh đậu, gà, cá và lúc họ chuẩn bị các món hầm ngon lành. Khi nhìn thấy tôi họ reo lên chào đón rạng ngời, còn tôi lủi mất. Trước nhà, ba đang thuật lại kinh nghiệm ở tù cho đám đàn ông đang tụ tập om sòm. Mẹ ở bên kia đường, mặc cả với một bà già. Ba đi vào trọng tâm tường thuật của ông, đoạn mà ông cho rằng cần minh họa bằng hành động tường tận. Ông nhảy qua cái ghế, gồng người lên với vẻ hài hước và bắt đầu diễu hành lên xuống, dậm đều chân xuống đất, một tay phe phẩy mạnh còn tay kia đưa ngang trán, miệng hô chiến lệnh bằng bảy loại ngôn ngữ. Đó là ông đang đóng vai một tên lính điên rồ chiến đấu trong cuộc chiến Anh quốc ở Burma. Đầu óc ông dời gần bên những tiếng nổ pháo xạ, những đêm ở bên xác chết, và với sự hoài nghi mê tín về chuyện đã giết quá nhiều người da trắng. Ông thành kẻ chỉ biết hai thứ, hành quân thế nào và tấn công ra sao. Ông đã hành quân cả ngày suốt lúc trong tù và tấn công cả đêm suốt lúc ngủ. Đám đàn ông cười sướng rơn xem trò đóng vai của ba, còn ông cười quá dữ đến nỗi miếng dán dính máu dãn ra trên dải băng quanh trán. Tôi vô ý gây ra một tiếng động. Ba quay lại thấy tôi, đột nhiên ông ngưng cười. Sau một lúc, ông bắt đầu đi đến bên tôi còn tôi thì chạy qua bên kia đường về hướng mẹ. Ngay giữa đường, tôi thấy một người đang hung hăng đạp xe nhắm vào mình. Mẹ hét lên, tôi té xuống. Người lái xe lảo đảo, sượt ngang đầu tôi, chửi rủa trong lúc vọt đi. Mẹ vội đến nâng tôi lên, mang tôi về lại phía trước nhà, rồi giao cho ba trông. “Sao con cứ trốn ba hoài vậy?” Ba hỏi vẻ buồn bã. Tôi không nói gì mà dòm gương mặt của những kẻ trọ, những gương mặt hằn lên vẻ khắc khổ và hài hước. Màn đêm chậm rãi buông xuống và những ngọn đèn dầu sáng lên, từng cái một, dọc theo con đường. Chiều đó, ba thành vệ sĩ khổng lồ dẫn tôi đi khám phá thế giới của chúng tôi. Vây quanh chúng tôi là một khu rừng lớn. Những bụi rậm và tán cây thấp xen giữa nhà cửa. Các bụi cây rền vang tiếng chim và dế. Ba dẫn tôi vào một lối mòn hẹp. Chúng tôi đi qua nhóm phụ nữ đội củi trên đầu, buộc củi dọc thắt lưng và trò chuyện bằng ngôn ngữ lạ. Rồi đi qua nhóm thiếu nữ mới từ con suối đàng xa về, đội theo thùng nước trên đầu. “Con thấy hết rồi chứ?” Ba nói, đưa tay chỉ khu rừng và các bụi lùm. “Dạ”, tôi trả lời. “Bây giờ nó là bụi cây, đúng không?” “Dạ.” “Nhưng không lâu nữa, sẽ chẳng còn cây nào đâu. Sẽ chẳng còn khu rừng nào sót lại, mà là những ngôi nhà tồi tàn ở khắp nơi. Đây là nơi cho người nghèo ở.” Tôi ngạc nhiên nhìn lại, không thể hiểu thế nào mà một khu rừng sừng sững lại trở nên khác đi được. Ba cười thành tiếng rồi im lặng. Ông đưa tay xoa trán, rồi với giọng buồn bã của kẻ khổng lồ, ông nói: “Đây cũng là nơi con sẽ ở. Nơi này sẽ có nhiều điều xảy đến cho mình. Lỡ lúc nào đó ba phải đi xa, lỡ bây giờ hay mai mốt ba có biến mất, thì hãy nhớ là linh hồn ba vẫn luôn ở đây để bảo vệ con.” Giọng ba run run. Khi ông im lặng, tôi bắt đầu khóc. Ba nhấc tôi bằng đôi tay mạnh mẽ và công kênh tôi lên tảng vai săn chắc. Ông không cố dỗ tôi. Khi tôi ngưng khóc, ông cười khùng khục đầy bí ẩn. Chúng tôi dừng chân ở quán rượu cọ. Ông gọi bầu rượu cọ, ghẹo bà phục vụ mà bà vẫn đặt cái ly bé xíu của tôi xuống. Khi ba uống còn nửa bầu, tôi mới uống ly của mình. Điều đó làm ông vui. Ông nói: “Con trai, học uống đi. Đàn ông phải biết uống rượu bởi kẻ say đôi khi cần thiết cho thế giới khốn khó này.” Tôi ngồi cạnh ông trên ghế dài, uống lúc ông uống và để ý các mùi trong quán, mùi nồng rượu thiu, cháo tiêu và các bao tải cá. Ruồi hoan hỉ khắp nơi. Trong lúc nói chuyện, khách khứa cứ phải xua chúng khỏi mặt họ. Ở góc quán, trên ghế dài, trong ánh đèn lồng nhập nhòe, một gã ngồi dựa lưng vào tường, đầu lắc lư ngủ gục trong cơn say. Ba gọi thêm bầu rượu, vẻ mặt rực lên niềm khoái trá. Ba trao đổi chuyện tếu, chuyện vặt với khách khứa, những người lạ hoàn toàn. Rồi ông bắt đầu trò chơi cờ đam. Mới đầu ông chơi giỡn thôi, chọc đùa suốt. Ông chơi một ván với tinh thần như thế và thắng. Ông chơi ván khác và thua. Ông càng giỡn ít thì càng thua nhiều. Giọng ông trở nên khích động hơn, rồi cùi chỏ nhọn hoắt của ông đụng trúng đầu tôi mà ông chẳng biết. Hai gã loạn lên vì ván cờ và bắt đầu tố cáo người kia ăn gian. Nắm đấm của họ vung ra đầy đe dọa trên bàn cờ. Giọng họ thành ra hậm hực. Những khán giả đã đặt cược vào họ, thậm chí còn nóng máu hơn họ. Ba thua liên miên, chửi mắng đối thủ thật độc địa. Đối thủ của ông trả đũa cũng dữ dội đến khó tin. Tôi đâm ra lo lắng. Ba đặt một cược vô lý cho mình còn đối thủ thì đặt gấp đôi. Mọi chuyện trong quán trở nên hết sức tồi tệ, ba uống quá nhiều, vã cả mồ hôi. Ông gọi thêm hai bầu rượu nữa. Không khí căng thẳng đến nỗi khi khán giả nói bất cứ điều gì, ba và gã đối thủ cũng đều nhao lên chống lại. Mất cả hồi lâu mới xoa dịu được lời qua tiếng lại đầy giận dữ. Ba tăng tiền cược lên và đầu ông lại rỉ máu. Đối thủ của ông là một gã to lớn nhưng cái đầu thì nhỏ, cứ nhìn ông chòng chọc với vẻ khinh miệt đến độ tôi muốn cắn ngón tay gã. Gã quay nhìn tôi với cặp mắt nhỏ nhừ rượu và nói: “Ba mày không biết chơi.” “Câm đi,” tôi ngắt lời. Một sự yên lặng đến thót tim. “Mày nói cái gì?” Gã hỏi lại đầy ngờ vực. “Không có gì.” Ba nói: “Đừng đụng đến con tôi. Chơi đi. Xài cái đầu chứ đừng xài cái miệng.” Đối thủ của ba căm phẫn tột độ, nói: “Ý ông là cho phép thằng nhỏ chưa ráo máu đầu này chửi tôi à?” “Chơi đi, ông bạn,” ba nói vẻ điềm tĩnh. “Chỗ chúng tôi không dạy con nít kiểu này,” gã nói, quắc mắt nhìn tôi. “Bạn ơi, chơi đi.” Gã đàn ông tức tối trước thái độ thờ ơ của ba đến nỗi mất hết cả tập trung. Gã vẫn cáu sườn với tôi, văng tục đủ kiểu. Ba thắng gã liên miên, uống càng ít thì có vẻ càng gần chiến thắng hơn. Và rồi với một chiêu tàn khốc, ba thắng nước cờ cuối, rồi quơ hết số tiền khó ăn của đối thủ vào túi mình. Đối thủ của ông, với cơn ức cực độ trong tâm trạng tồi tệ, uống hết rượu cọ trong trái bầu của mình, rồi trút lời lăng mạ lên chúng tôi, cay đắng rên rỉ quanh quẩn chuyện giáo dục trẻ con tồi tệ ngày nay, rồi lảo đảo ra ngoài bước vào bóng đêm đang xâm lấn. Lại đến chuyện gã bỏ đi mà chưa trả tiền rượu và cháo tiêu. Bà chủ rượt theo và chúng tôi nghe họ cãi vã ầm ĩ. Ba uống cạn rượu trong ly nhỏ của tôi, trả tiền cho người phụ việc của bà chủ rồi chúng tôi đi. Bên ngoài, đám đông tụ lại. Gã thua cuộc trong tâm trạng tồi tệ không chịu trả tiền cho bà chủ với lý do đơn giản rằng tôi đã nói ông ta câm miệng. “Tôi không trả chừng nào bà nói thằng nhỏ xin lỗi tôi,” gã la lên. “Đó chẳng phải việc của tôi,” bà gầm lên đáp lại, “Tôi chỉ muốn tiền của mình!” “Thằng nhỏ lăng mạ tôi trong quán bà,” gã đáp lại. Bà không thèm nghe nữa. Khi chúng tôi đi ngang đám đông, thì thấy bà đang kéo lê gã lòng vòng, nắm quanh quần gã giật. Gã cố vùng thoát khỏi gọng kìm tóm chặt cái quần mình, gọng kìm kẹp luôn chỗ kín của gã. Gã cố cạy các ngón tay bà ra, không được, gã đánh vào tay bà, la hét, lăng mạ mọi người. Rồi trước nỗi kinh ngạc của chúng tôi, bà chủ quán nắm cái quần nhấc người gã lên rồi ném xuống đất. Đám đông thét lên. Gã đàn ông bị té, ngồi dậy, la hét rồi nổi xung. Gã chộp lấy bà, đánh vào mặt bà. Ba bắt đầu đi về phía gã, nhưng nỗ lực giải cứu của ông bị gián đoạn, bởi bà chủ đã vồ lấy bộ hạ kẻ thua cuộc tệ hại, khiến gã la ỏm tỏi đến nỗi đám đông im phắc. Rồi vừa càu nhàu, bà vừa nhấc gã qua vai, quay gã một vòng, trình diễn vẻ “hùng tráng” của gã lên trời, rồi ném ầm gã xuống mặt đất cứng một cách man rợ. Gã bất tỉnh một hồi, miệng há hốc. Bà tiếp tục dốc ngược gã, dốc hết tiền trong mấy túi gã ra. Bà lấy đủ tiền của mình, cởi luôn quần dài gã ra, đi vô quán, rồi quay lại với trái bầu dơ dáy và trút cho gã uống rượu cọ thiu. Gã tỉnh lại tức khắc. Khi thấy đủ cái nhục trước công cộng, gã hét lên không tin nổi rồi lủi mất vào rừng, cái quần gã ướt đẫm nỗi nhục nhã của rượu cọ thiu. Chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại gã nữa. Đám đông quá sửng sốt trước màn trình diễn của bà chủ, đến độ họ cứ há hốc miệng dòm bà. Bà chủ về lại quán, lau chùi bàn như chẳng có chuyện gì xảy ra. Và lúc chúng tôi nhìn vào, thấy bà bẻ gãy bàn cờ đam làm đôi, liệng ra ngoài. Khi bà nhìn ra ngoài, thấy đám đông đang nhìn mình trong vẻ yên lặng mê hoặc, bà bước dài đến chúng tôi. Lớn giọng, tay chống nạnh, bà nói: “Mấy người muốn uống hay muốn dòm hả?” Đám đông tỉnh khỏi bùa mê, nhao nhao giải tán. Một số đi vào quán để uống về huyền thoại của bà. Những người khác quay về những chỗ khác nhau, mang theo mình câu chuyện thêm thắt của vở kịch xúc động nhất mà họ được chứng kiến nãy giờ. Người đàn bà phục vụ khách hàng mới với vẻ lãnh đạm trang nghiêm. Buổi chiều hôm đó là khởi đầu cho tiếng thơm của bà. Mọi người nói về bà với giọng kính cẩn. Giai thoại của bà được thổi lên với hàng ngàn huyền ảo, được đẻ ra ở giữa chúng tôi - bắt nguồn từ các câu chuyện và tiếng đồn, đúng lúc lại trở thành một số hiện thực ngoạn mục nhất về đời sống chúng tôi. MƯỜI KHI CHÚNG TÔI RẼ KHỎI ĐÁM ĐÔNG đang rộn rã truyền đi huyền thoại về bà, ba đưa tôi qua các lối mòn rậm rạp, vào trong rừng. Tôi đi bên ông trong màn sương mù ngầy ngật. Chúng tôi đi qua cái cây có mấy cành thấp với lớp vỏ vàng. Một con mèo đen theo sau chúng tôi phía xa. Trong rừng tối đen cho đến khi chúng tôi gặp một chỗ phát quang. Giữa chỗ phát quang có một cột gỗ đơn độc cắm xuống đất. Bất chợt cây cột hiện ra nhành hoa. Các nụ nhỏ xíu trổ ra dọc theo chiều dài, rồi vài chồi nở ra thành các cành non. Ba nói: “Đây là điều con sẽ phải thích. Trưởng thành ở bất cứ đâu dù cuộc đời có đày đọa.” Tôi nhìn vào cây cột hoa. Khi ấy, ba âu yếm xoa đầu tôi đầy xúc cảm, dặn tôi ở đó đợi ông. Ba đi rồi, tôi lắng nghe tiếng chân ông xa dần vào rừng. Một làn gió nhút nhát xao động những chiếc lá. Các nhành cây rạn nứt. Một con thú gào lên. Con mèo đen có đôi mắt chói đỏ chạy ngang qua tôi về hướng ba đi lúc nãy. Nó quay lại nhìn tôi một lần. Tôi đợi. Âm thanh đổ dồn về khu rừng. Một con cú bay qua đầu tôi, rồi đậu trên cành nhìn tôi. Tôi nghe tiếng chân đang đến gần và chắc rằng đó là của một kẻ nặng nề, nhưng nhìn lại, tôi thấy đó là con linh dương. Nó đi đến phía tôi, dừng lại gần cây cột và nhìn tôi. Rồi nó đến gần hơn và liếm bàn chân tôi. Một nhánh cây gãy, con linh dương giật mình chạy mất. Tôi đợi. Bất động. Bắt đầu có mưa phùn. Nước chảy xuống các đường mòn vô hình của cánh rừng rồi tụ lại dưới chân tôi. Lại nữa, tôi nghe tiếng chân đang kéo về khắp xung quanh mình. Rồi tôi thấy thứ gì chuyển động. Không gian giãn ra. Một phụ nữ bước ra khỏi cái cây và đi cà nhắc về phía tôi. Đầu bà treo lỏng lẻo trên cần cổ. Khuôn mặt bén nhọn nhìn tôi, và bà đi nương cơ thể theo một hướng. Bà bị biến dạng theo cách tôi không miêu tả được. Bà mặc áo choàng trắng. Mắt bà tối và nhỏ. Khi đến khá gần tôi, bà dừng lại và bắt đầu cười to. Tôi không nhúc nhích. Gió lay động cành cây. Nước dưới chân làm tôi rùng mình. Người phụ nữ cười có vẻ điên loạn, đi vòng quanh tôi. Gương mặt bà méo mó, ánh mắt tỏa rực trong ánh sáng âm u. Khi đến trước mặt tôi, bà từ từ vươn tay đến cổ tôi. Cùng lúc đó, một con cú phát ra tiếng rúc đêm, rồi từ trên cành bay sượt qua chúng tôi lượn tròn hai lần. Nó làm các con khác kêu và bay vút lên trên. Một tiếng kêu răng rắc như thân cây đang tách ra, rồi tôi thấy con cú rơi xuống như vừa bị bắn giữa không trung của giấc mơ. Nó đáp xuống mặt đất và giãy, đôi cánh vỗ bất lực, rồi nó biến thành vũng nước vàng nhỏ và bốc hơi vào không khí. Người phụ nữ không cười nữa. Thay vì vươn đôi tay thô ráp đến cổ tôi, bà vồ lấy cột hoa rồi bắt đầu nhổ nó lên với vẻ hung bạo trên mặt. Bà nhổ mạnh cây cột, và vẫn phải kéo vì nó có bộ rễ vững chắc. Khi nhổ được cái cột với bộ rễ chắc khỏe của nó lên thành công, bà quay đi, kéo lê nó theo mình. Lúc tôi nhìn bà khập khiễng đi xa, thì để ý thấy giữa chùm rễ, một con rắn màu đen bóng phủ đầy đất. Nó trườn lên cây cột, hướng đến tay bà lúc bà kéo nó theo vào rừng. Sau một lát, tôi không thấy bà nữa. Rồi tôi nghe tiếng thét sắc buốt. Rồi tĩnh lặng. Tôi không nhúc nhích. Trời đã bắt đầu tối đen. Một con rết leo lên chân tôi, tôi cũng không quấy rầy nó. Tôi lại thấy con mèo đen. Nó đi về phía tôi, lẻn qua, chạy mất về hướng lúc nãy chúng tôi đến đây. Không lâu sau, tôi thấy ba trong rừng hiện ra với bao tải to trên vai. Ông có vẻ kiệt sức như vừa đấu vật với bầy quỷ. Khi đến chỗ tôi đứng, ông hỏi: “Con có đi đâu không?” “Không.” “Giỏi.” Tôi cúi xuống phủi con rết đi. “Con có thấy chuyện gì không?” “Một bà trong cái cây đi ra. Một con cú rơi xuống rồi tan biến vào không khí. Nước đọng dưới chân con.” “Tuyệt!” Ba nói, “Mình về nhà thôi.” Chúng tôi đi. Tôi không thấy con mèo đen nữa. Tôi hỏi ba: “Sao bà đó nhổ cây cột lên?” “Cột nào?” “Cái cột chỗ đó.” “Chỗ nào?” “Đó.” “Đâu có cái cột nào ở đó,” ông nói. Tôi im lặng một lát. Rồi nói: “Một con rắn chui ra từ bộ rễ rồi cắn bả.” “Vậy tốt. Cuộc sống đầy rẫy bí ẩn mà chỉ có người chết mới trả lời được,” đó là lời đáp của ba. Chúng tôi về nhà trong im lặng. Chúng tôi qua vô số lối mòn. Một con chó đi cà nhắc đằng trước, rồi nó đứng lại nhìn chúng tôi. Máu trong bao tải chảy ra ướt vai ba. Máu lan rộng và khô lại ở dải băng trên trán ông. “Ba bắt được gì vậy?” “Heo rừng.” “Sao ba bị chảy máu?” “Nó bị sập bẫy nhưng không chết. Nó còn giãy giụa lúc ba đến đó, ba phải dùng tay giết nó. Nó đá vô đầu ba.” Tôi im lặng đi sau ba, lắng nghe âm thanh của rừng và tiếng thở của ông. Chuyến về dường như dài hơn chuyến đi. Khi chúng tôi đến quán rượu cọ, bà chủ quán đang treo bảng hiệu. Trong bóng tối tôi không đọc được lời ghi. Bà nhìn trừng trừng lúc chúng tôi đi ngang. Ba chào bà. Bà không đáp lại. Khi về đến mái ấm mới, đám trẻ chạy ra đón chúng tôi. Đám đàn ông đến giúp ba đỡ bao tải, nhưng ba không cần giúp gì. Đám phụ nữ chuyện trò rôm rả. Cửa nhà chúng tôi mở. Các ghế xếp đã được sắp đặt khắp không gian chật chội. Cái bàn chất đầy đồ uống. Có tô hạt kola và đất sét trắng trên sàn nhà, mùi món hầm mới thơm phức trong không khí. Căn phòng vắng. Chúng tôi ra sân sau và thấy mẹ ở nhà bếp. Bà đang thổi bếp, nước mắt chảy trên mặt bà, một cái nồi to kềnh trên lò. Ba đặt bao tải xuống nền bếp. Ông nhìn tôi một hồi, rồi nói với mẹ: “Anh đã giữ lời hứa.” Ba ra khỏi bếp, vô phòng, quay lại với khăn tắm và xà phòng, kéo nước giếng và tắm thật lâu. Tôi ở cùng mẹ trong bếp, ho lúc mẹ ho. Nước trong nồi sôi. Đám phụ nữ trong khu nhà đến phụ mẹ lấy con heo ra khỏi bao tải. Họ đổ nước sôi lên da nó, xới xốp lông rồi cạo. Năm người đàn ông phụ họ mổ con vật khổng lồ. Họ chặt đầu nó, cắt ra làm nhiều mảng và moi bộ ruột to tướng ra. Rồi đám phụ nữ bắt đầu nấu nướng con vật hoang dã mà ba bắt được trong rừng. Khi thịt đang nấu, ở bếp khác, một cái chảo dầu to kêu xèo xèo. Cả khu nhà thuê nồng mùi món hầm thơm, tiêu, hành củ, dược thảo dại và thịt chiên. Khi mọi người đang ứa nước miếng chờ đợi, mẹ đưa tôi đi tắm. Tôi mặc bộ đồ mới. Khách khứa và cư dân trong khu trọ lần lượt đến phòng chúng tôi. Họ chọn chỗ ngồi. Mẹ chải đầu tôi rồi đưa tôi một phần. Ba cũng có một phần. Mẹ đi tắm. Trong phòng tắm, mẹ thay bộ đồ đẹp nhất của mình. Bà chải tóc và trang điểm ở lối đi. Chẳng mấy chốc căn phòng nhỏ đông nghịt người. Nhiều người ở tại khu chúng tôi, một hai người ở khu nhà trọ cũ, một số ít hoàn toàn xa lạ và nhiều con nít. Trong phòng nóng khiến mọi người đổ mồ hôi. Ghế hết sạch, sàn nhà cũng chật ních. Một phụ nữ cất giọng hát một bài. Một ông cất lên bài hát khí thế hơn. Bọn trẻ đứng coi. Mẹ bưng một đĩa hạt tiêu cá sấu, đĩa thuốc lá và trái sakê vào. Chúng tôi nghe tiếng nhạc ngẫu hứng bên ngoài. Đó là ba. Ông đang ở lối ra vào, một tay cầm cái chai không, tay kia cầm cái muỗng, ông đang gõ theo một giai điệu. Ông vận bộ vest Pháp màu đen và đã thay dải băng sạch. Cái lông đại bàng được cắm nhô lên sau đầu ông. Ông có vẻ vui sướng và hơi say. Ông vừa vào, vừa gõ giai điệu kim loại lên chai, nhảy múa và hát hò theo giai điệu sáng chế của mình. Đám đông bắt đầu cười to, hoan hô cổ vũ. Mọi người bắt đầu tán gẫu, lớn giọng hơn. Lời đùa cợt tung hứng qua từng gương mặt đẫm mồ hôi. Tôi cảm giác mình là kẻ xa lạ ngồi giữa buổi ăn mừng sự trở về của mình. Rồi trong niềm vui thú của chúng tôi, một phụ nữ xuất hiện ở cửa, vang lên bài hát truyền tin, và mẹ đi vô cùng ba phụ nữ khiêng nồi thịt hầm lớn bốc khói. Sau bà có thêm ba phụ nữ mang một thau lớn cơm jollof[5], khoai mỡ, ngũ cốc, eba[6]và chuối chiên. Bọn trẻ mang đĩa giấy và dao nhựa vào. Mùi thức ăn tuyệt hảo ngào ngạt khắp phòng. Mọi người ngồi sát lại. Những gương mặt ngời lên cơn thèm thuồng giục giã. Không có cái miệng nào không lộ ra niềm trông mong tốt nhất về một bữa tiệc linh đình mà chắc hẳn mọi sự mong đợi sẽ được đáp ứng đầy đủ. MƯỜI MỘT ĐỒ ĂN ĐƯỢC MANG VÀO VÀ BÀY RA Ở MỘT GÓC. Mọi người chuyện trò để khỏa lấp cơn thèm quá mức của mình. Người đàn ông già nhất trong khu nhà thuê đứng lên kêu gọi im lặng. Tiếng cười đùa, tán gẫu, các biệt danh sáng chế, và những tranh cãi gay gắt làm không khí hăng lên, tăng nhiệt độ căn phòng. Lời kêu gọi im lặng được lặp lại, nhưng nó tan loãng vào nhiều trò đùa. Ba phải lớn giọng và dọa đám đông bằng cánh tay lành trước khi tiếng ồn được kiềm chế. Người già nhất thực hiện việc rẩy rượu vào cả hai cột cửa, cầu nguyện cho chúng tôi, cảm tạ tổ tiên đã tìm được tôi và khẩn cầu sao cho tôi không bao giờ bị lạc nữa. Khi rẩy rượu xong, ông bắt đầu dấn vào bài nói chuyện lan man, rằng ông chào đón chúng tôi đến khu nhà thuê với tư cách là kẻ trọ mới và nhắm vào một vài điều tốt lành mà trong thực tế đã là điều bị châm biếm, nhắm vào những kẻ thù chỉ có trong tưởng tượng, rồi ông tuôn ra một dòng lũ châm ngôn, tục ngữ và giai thoại như thể những viên sỏi gieo sâu tận vào cơn đói của chúng tôi. Bài diễn thuyết càng dài dòng, những gương mặt càng trở nên chán ngán. Các tục ngữ của ông làm chúng tôi thêm đói, bồn chồn, cáu kỉnh. Khi ông già đã thỏa mãn cơn đói diễn thuyết, ba đáp lại lời chúc của ông. Ba bày tỏ lòng biết ơn về sự an lành chung, sức khỏe tốt và cầu nguyện cho tất cả người có mặt. Ông già bẻ hạt kola, đưa ba cái thùy, ba ăn một chút rồi chuyển nó cùng với lời nguyện cầu, cho mẹ, rồi cho tôi. Thức uống được phân phát cho đám đông. Một lượng lớn ogogoro[7] và rượu cọ cho các ông, bia đen cho các bà, đồ uống nhẹ cho bọn trẻ. Trong lúc đồ uống rót ra, đưa cho những gương mặt trông chờ đang vã mồ hôi vì khát, thì một ông cất lên bài hát, và một bà nói: “Chỉ lúc nào mấy ông bắt đầu hát hò thì thức ăn mới sẵn sàng thôi.” Đám phụ nữ cười phá lên khiến bài hát của ông chìm nghỉm vào trò đùa. Đám phụ nữ bắt đầu bài hát dễ thương của mình với chất giọng hợp xướng thôn dã, nhưng rồi ba, lúc nào cũng tinh nghịch, nhặt cái chai không lên gõ bằng cái muỗng rồi làm lạc điệu đám phụ nữ luôn. Mọi người cùng hùa lên hát các bài khác nhau của mình, rồi một hồi sau không còn nhận ra giọng ai nữa. Bữa tiệc thành ra hơi mất trật tự. Căn phòng quá nhỏ để chứa số người đông đúc chèn ép vào mọi không gian trống, thậm chí các bức tường kêu cọt kẹt phản đối. Quần áo ở móc treo và dây rớt xuống. Mấy chiếc giày ống của ba bị chuyền từ tay người này qua người nọ, ném vào các trò đùa rồi thậm chí ném luôn ra cửa sổ. Căn phòng nóng đến nỗi mọi người mướt mồ hôi. Nhiệt độ làm họ trông có vẻ già đi. Con nít khóc, tăng thêm sự khó chịu và cơn đói. Nhưng “rượu vào lời ra”, hàng trăm cuộc cãi vã và chuyện trò làm hăng không khí. Đám phụ nữ hỏi mẹ làm sao tìm được tôi. Mẹ kể họ nghe chuyện bà đã kể với tôi, nhưng bà giữ lại chuyện về bà thầy. Nhóm người bắt đầu tranh nhau lớn giọng, đưa ra các dạng biến tấu về các câu chuyện quen thuộc họ nghe được. Một bà kể về một phù thủy giấu đứa trẻ trong cái chai màu xanh. Bà khác, có sự quan tâm rõ ràng đến ba, kể rằng làm thế nào mà chị của bà được tìm thấy đang lềnh bềnh trong suối, trên cổ đeo chuỗi hạt cúng tế. “Xạo rồi!” Mẹ đột nhiên nói trong sự ngạc nhiên của mọi người. “Chị chưa bao giờ nói với tụi tôi là có chị gái...” Ba cắt ngang, lượm chai và cái muỗng của mình lên, tạo ra tiếng kêu vang nhã nhặn. Ông đứng lên, hát rồi nhảy. Đám đàn ông hát theo ông giai điệu đời sống sang cả, để chế nhạo thói ganh đua muôn đời trong đám phụ nữ. Ba hứng thú với bài hát của mình và cố lôi kéo mọi người nhảy. Không có lấy khoảng trống nào để di chuyển, mà ba giờ đã tương đối say lại chửi kẻ nào không đáp lại mình. Đầu tiên, chỉ là chửi chung chung. Nhưng khi ba bực mình với người đàn ông nọ, thì sự lộn xộn xảy ra. Người đàn ông tấn công và một người ra can kêu ông ta về chỗ. Ông về chỗ, nhưng trước khi ngồi xuống chỗ trên sàn nhà, ông còn lên tiếng trả đũa: “Đây là căn phòng tồi tàn mà ông tự hào sao?” Ông lớn giọng với ba. “To xác, nhỏ não!” Ba cười vẻ ngượng ngập. Sau đó, mẹ quay qua ba, yêu cầu ông lịch sự hơn với khách, rồi bà trở nên quá giận dữ với cơn giận không thể xoa dịu, đến độ bà đùng đùng bỏ đi, rời khỏi đám đông cũng đang phần nào bối rối. Sau bà, không ai được cử ra nữa. Bối rối vì sự im lặng, ba rót thức uống mời mọi người và đề nghị cạn ly vì vợ mình. Nhưng hết đồ uống, mà ba cũng chẳng còn đồng nào, và tất cả chúng tôi ngồi nhìn những cái chai không. Trong khoảng yên lặng ngắn ngủi, mẹ trở lại, dẫn vào mấy người họ hàng đã lâu chúng tôi mới gặp, và đám đông hoan hô sự trở lại của bà. Còn ba, đầy cảm hứng bởi tiếng hoan hô, vội rời khỏi phòng (giả lơ với lời khuyên của mẹ về việc chúng tôi nên ăn mừng theo túi tiền mình), mà đi qua cửa hàng bên kia đường, rồi trở về với mấy thùng bia. Bữa tiệc trở nên om sòm. Đám đàn ông tiếp tục kêu bia. Ông già, đã say hoàn toàn, bắt đầu dòng suối các tục ngữ mâu thuẫn. Một gã có bộ râu dày than phiền sao mà mùi thức ăn làm gã đói. Giữa mọi tiếng nói, sự dự đoán được đặt lên trên hết, nỗi đợi chờ kiên nhẫn dai dẳng cuối cùng thỏa mãn cơn đói cho chính nó, lúc đó thức ăn mới được dọn lên. Các đĩa cơm và thịt chuyền qua trước những vẻ mặt háu ăn nhưng vì quá đông và con số vô tận đã bỏ xa tính toán của mẹ, mọi người được ít thức ăn hơn dự tính vì kích cỡ con heo. Người ta đã tự dỗ dành cơn đói rằng rõ ràng đồ ăn đã được chuyền quanh. Như trái ngược với phép màu về lượng cá nhân tăng lên, thức ăn bị giảm đi trước khi đến với khách. Cơm được tiêu thụ nhanh chóng, con heo biến mất vào cái bao tử lớn của đám đông đói cồn cào, món hầm cạn sạch trong các nồi, và người ta nhìn đĩa mình với vẻ bối rối khó chịu. Gã đàn ông có râu càu nhàu rằng miếng thịt gã ăn quá bé đến nỗi còn thấy đói hơn. Sự bất mãn lan tỏa, mùi thức ăn, sự xa xỉ và cuống cổ ngứa ngáy kéo dài trong không khí, nhắc nhớ chúng tôi đã thất hứa về một bữa tiệc thừa mứa. Giữa nỗi bất mãn ấy, ba cố làm hài lòng mọi người. Ông làm trò, đố câu, thành kẻ pha trò. Ông nhảy múa và chế nhạc bằng cái chai của mình. Trong khi đó thì mọi người ăn, nhổ xương xuống sàn, làm đổ đồ uống rồi chùi tay vào rèm nhà chúng tôi. Ba tiếp thức uống cho đám đông, vay mượn nặng nề, vã mồ hôi trong niềm hoan hỉ kỳ dị. Gã đàn ông có râu, thế cơn đói bằng cơn xỉn, uống quá chừng đến độ khi gã cố diễn lại cảnh lần đầu gã chạm trán với một phụ nữ da trắng, thì gã loạng choạng rồi ngã vào ghế làm gãy lưng dựa. Một gã khác chạy ra ngoài, ói ở lối đi rồi trở vào nhìn như con thằn lằn. Ba có vẻ là kẻ say dễ thương hơn, ông kiềm chế bộc lộ tính bạo lực mà đáng lẽ ông đã xả ra lúc đến sở cảnh sát tìm tôi. Mẹ chộp được khoảnh khắc tuyệt hảo để trả đũa. “Sao anh không đi, hả?” Bà nói vẻ chua cay, “Vì anh say quá mà!” Lại sự im lặng lúng túng khác. Ba đảo con mắt hơi lé trong cơn say nhìn mọi người. Rồi ông phô cánh tay băng bó đeo trước ngực ra. Và rồi không lý do gì rõ ràng, gần như là tranh thủ giành lấy vẻ bí ẩn, ông tuyên bố: “Khi tôi chết, không ai thấy được thân thể tôi.” Sự yên lặng trở nên trầm lắng. Mẹ òa khóc và vùng chạy khỏi phòng. Hai bà chạy theo mẹ. Ba nhập vào trạng thái dữ tợn, nốc rượu ào ào, và rồi đột nhiên bắt đầu hát thật hay. Lần đầu tôi nghe được âm điệu sâu thẳm nỗi buồn trong chất giọng mạnh mẽ của ông. Mắt ông hơi đỏ. Ông đưa tôi uống ly của ông và sau hai ngụm thì tôi say luôn. Ba đặt tôi vào ghế, đi ra ngoài, và trở lại với mẹ trong vòng tay. Mắt mẹ ướt. Ba ôm mẹ và họ nhảy với nhau, rồi đám đông bị động lòng bởi kiểu hòa giải ấy mà cất tiếng hát cho họ. Khi căn phòng rung lên với tiếng vỗ bàn say bí tỉ, âm điệu dậm dật, tiếng nhạc chai lọ và tiếng vui chơi tập thể, thì anh thợ ảnh bên kia đường qua. Anh đội cái nón trắng, tên anh là Jeremiah. Anh có bộ râu cứng, và dường như mọi người đều biết anh. Anh tức khắc trở thành tâm điểm cho các trò đùa. Vài người chế nhạo anh đã lỡ lộc ăn con heo ngon, con vật đã không còn cơ hội chạy điên dại trong rừng nữa. Số khác giục anh bỏ nón ra rồi tranh thủ mà xỉn cho lẹ. Còn đám phụ nữ thì thắc mắc sao anh không mang theo máy ảnh. Anh đi khỏi, rồi mang máy đến và mọi người bỏ nhảy nhót để tổ chức chụp một tấm hình chung. Đám đàn ông giành giật vị trí nào dễ thấy mặt nhất. Ông già đòi hỏi quyền lợi của kẻ thâm niên, đứng ngay trước mọi người. Đám phụ nữ ra ngoài trang điểm rồi trở lại làm gián đoạn việc sắp xếp của anh thợ ảnh. Mẹ nhấc tôi lên đặt vào lòng ba, kế bên ông già. Anh thợ ảnh đưa ra nhiều hướng dẫn trong lúc cài đặt máy. Anh tới lui, chỉnh sửa đầu chúng tôi. Anh vắt chân chữ ngũ cho ba, chỉnh cổ cho mẹ đang trong tư thế vụng về, và hướng dẫn tôi nụ cười dài dại trên mặt. Sau nhiều lộn xộn, anh bắt tay vào các kiểu ảnh có tính dàn dựng của mình. Anh khom người, nhón chân, quỳ gối, leo lên ghế và thậm chí có vẻ bắt chước kiểu con đại bàng đang bay. Anh uống bia vẻ khoan thai. Đu đưa, ngã người về phía sau, mắt anh sáng lên, anh biểu chúng tôi: “Cười!” Trong khi chúng tôi chọc giỡn chữ đó, bới tìm tính hài hước lạ của nó, thì anh chụp tấm đầu tiên. Khi máy lóe lên, kèm theo một tiếng nổ kỳ quặc, thì mấy con ma hiện ra trong ánh sáng rồi tan chảy, choáng váng dưới chân anh. Tôi thét lên. Đám đông cười lớn. Anh thợ ảnh chụp tất cả năm tấm, những con ma tiếp tục rơi xuống chân anh, mê mụ với ánh đèn chớp. Khi anh về lại phòng ảnh để cất máy, đám ma theo anh. Lúc anh trở lại, chúng không đi cùng nữa. Anh tham gia cuộc vui náo nhiệt rồi xỉn với vẻ dễ thương. Không lâu sau người chủ nhà trọ đến. Đám đông hoan hô ông. Mẹ vội mang lên ít đồ ăn. Ba phải mua chịu thêm đồ uống. Tôi được quan tâm quá đáng và được tung lên không cho đến khi xương sườn đau nhức, rồi tôi được cầu nguyện cho mọi thứ một lần nữa. Anh thợ ảnh phải về mang máy đến tiếp. Sau vẻ vênh vang và ra điều bí mật, như thể mình là nhà phù thủy, anh thợ ảnh mới lấy máy ra. Anh được đám ma và các tinh linh vây lấy. Chúng leo cả lên nhau để được đến gần cái dụng cụ đó hơn. Chúng bị cái máy ảnh mê hoặc đến độ trèo luôn lên anh, đu trên cánh tay anh và đứng trên đầu anh. Anh ta đã quá say, và anh vui lòng chụp ba tấm cho người chủ nhà cùng bộ ria cá chốt của ông. Khi chụp xong, anh không sao tìm đường về phòng ảnh mà không bị quấy rầy, nên anh treo máy lên cây đinh. Các tinh linh và bọn trẻ bu quanh nó, chỉ trỏ và bàn tán với giọng kinh ngạc. Mấy ông đã xỉn bắt đầu dấn vào cuộc tranh cãi hung dữ. Vài bà đưa con cái về giường. Đám đàn ông đang theo đà lớn giọng, bỗng tấm rèm cửa rẽ ra, sự im lặng bao trùm, và bà chủ ở quán rượu bước vào. Người chủ nhà trọ thấy bà liền la một tiếng kinh sợ. Mọi người nhìn bà với vẻ lặng yên chếnh choáng. Đám tinh linh bỏ cái máy ảnh, đến vây quanh bà với khoảng cách nhất định. Người đàn bà cười và vẫy chào chúng tôi thân thiện. Ba đứng dậy, đón chào bà nồng nhiệt, kiếm chỗ cho bà và kể cho mọi người nghe khởi đầu lạ lùng về huyền thoại của bà. Mọi người đều đã biết chuyện đó, họ nhìn bà với vẻ khâm phục, cho rằng bà là vị khách bất ngờ. Mẹ vội lấy chút đồ ăn cho bà. Ba nhờ người mua chịu thêm đồ uống, nhưng không cần thiết nữa vì bà mang đến năm bầu rượu cọ để ăn mừng tôi trở về. Khi ogogoro mà ba sai mua về tới, bà lấy một chai, đột nhiên đứng lên, rồi bằng sức ảnh hưởng đơn thuần về huyền thoại và vẻ mạnh khỏe của mình, bà vẫy tay xin mọi người yên lặng. Bà nắm tay tôi, nói: “Chúng ta ăn mừng cho đứa trẻ này phải không?” “Phải,” đám đông nói. “Đứa trẻ này đã mất tích rồi tìm lại được đúng không?” “Đúng!” Rồi bà quay qua, bằng đôi mắt to bà nhìn tôi vẻ cứng cỏi, nói: “Không bao giờ con đường nuốt được con. Con sông số phận của con sẽ luôn thắng những điềm dữ. Chắc là con hiểu định mệnh mình. Đau khổ không bao giờ hủy hoại được con, mà chỉ làm con mạnh thêm thôi. Thành công không bao giờ làm bối rối hoặc phân tán tinh thần con, mà chỉ làm con bay cao hơn vào ánh nắng tươi đẹp. Cuộc đời con luôn làm con bất ngờ.” Lời cầu nguyện của bà quá tuyệt đến nỗi sau đó mọi người đều im lặng. Họ nhìn bà kinh ngạc. Và ba, khi đã hết sửng sốt vì lời lẽ của bà, nói: “AMEN!” Đám đông lặp lại. Người đàn bà vẫn đứng, thực hiện việc rẩy rượu, cầu nguyện chung, rồi bà một mình uống một ngụm dài nửa chai ogogoro, bộ ngực lớn của bà run lên trong căn phòng nóng bức. Xong rồi bà ngồi xuống, gương mặt nung núc thịt rịn mồ hôi. Các tinh linh vây quanh bà, bàn tán về bà với giọng kinh ngạc. Bà không ở chơi lâu. Rồi khi niềm thích thú của mọi người còn chưa kịp nóng (trong việc giải mã về huyền thoại bà) thì bà đứng lên, nói mình phải về lại quán. Tất cả đều cố nài bà ở lại nhưng không được. Ba cám ơn bà đã đến chơi. Mẹ cám ơn lời cầu nguyện của bà và rượu tặng. Lúc đến cửa, bà chao đảo như con tàu lớn, bà dừng lại nhìn kỹ tôi, rồi nói: “Cô có được đứa con trai lạ thường. Tôi thích nó.” Rồi đến lượt tôi, bà nói thêm: “Hôm nào đến thăm ta nhé!” “Dạ,” tôi nói. Khi bà rời khỏi phòng, các tinh linh theo bà. Tối đó, chúng tôi được biết tên bà. Bà được mệnh danh là Bà chủ Koto. MƯỜI HAI SAU CUỘC CHÈ CHÉN, bữa tiệc kết thúc với đám đàn ông ngủ trên ghế, bọn trẻ nằm xoải trên sàn, chai lọ khắp nơi, xương xẩu trên bậu cửa sổ. Anh thợ ảnh ngáy mũi nằm gần đôi giày ống của ba, ông chủ nhà chảy nước dãi cùng lũ ruồi bu quanh tai. Tôi đang ngồi dựa bức tường, gục gặc ngủ, xung quanh là thân người nằm lộn xộn, thì lại nghe các giọng ngọt ngào hát. Đồng bạn tinh linh cất giọng quyến rũ yêu cầu tôi tôn trọng lời thỏa ước, đừng để bị dối lừa vì buổi ăn mừng mau quên của con người, mà trở về với xứ sở của những lễ hội bất tận. Chúng giục tôi bằng chất giọng thiên thần, rồi tôi thấy mình lơ lửng trên thân thể đám đàn ông say và ra ngoài đi vào đêm. Tôi bước trên đôi cánh các bài hát đẹp đẽ, ra đường, không chút để ý xem các giọng dẫn dắt mình đi đâu. Tôi đi lơ lửng xuống một lối mòn um tùm, đến cái giếng có đậy tấm ván lớn. Trên tấm ván có hòn đá lớn. Tôi cố di chuyển hòn đá mà không được. Tôi lơ lửng quanh quẩn khu vực của chúng tôi. Bàn chân đau, tôi dừng lại, thấy ngón chân chảy máu. Tôi không sợ, không cảm thấy đau nữa. Chẳng bao lâu, tôi đã ở cạnh khu rừng lớn nơi bóng đêm là một vị thần. Tôi định đi vào rừng thì thấy con mèo đen, mắt nó rực lên như hai viên đá chói sáng. Rồi có tiếng chân kéo đến chỗ tôi. Tôi rẽ hướng, và chạy va vào dáng người đồ sộ của Bà chủ Koto. Bà tóm lấy tôi, nhấc tôi lên bộ ngực nặng trĩu của bà, và lặng lẽ đưa tôi về nhà. Mẹ đang chạy tìm tôi khắp nơi. Khi thấy chúng tôi, bà vội đến, bế thốc tôi qua đám đàn ông còn ngủ trên ghế, bọn trẻ dựa vào tường gà gật, rồi bà đặt tôi lên giường. Bà chủ Koto thắp cây nhang, đóng cửa, rồi ra ngoài với mẹ. Tôi nghe Bà chủ Koto kể với mẹ là đã gặp tôi ra sao. Tôi lắng nghe đám đàn ông ngáy, nghe mẹ cám ơn Bà chủ Koto. Đồng bạn tinh linh khóc rấm rứt. Tôi ngủ rồi tỉnh dậy khi nghe tiếng động ở cửa. Ai đó cầm đèn đi vào. Tôi thấy cây đèn, nó rọi sáng nhưng tôi không thấy được ai cầm nó đi ngang qua phòng. Bóng tối phía sau cây đèn. Bóng tối đặt cây đèn lên bàn. Tấm rèm cửa chao động. Tôi nằm im chờ đợi. Một lát không có gì xảy ra. Khi tôi dậy, cái đèn không còn, chỗ đó có cây nến trong cái đĩa nhỏ. Tôi thấy ba lay hết hình thù say ngủ này đến hình thù khác, kêu họ dậy, giục họ về nhà. Đám đàn ông say đến độ chẳng buồn nhúc nhích. Đám trẻ phải được bồng về chỗ ngủ của chúng. Khi ba vòng đến chỗ anh thợ ảnh, đập vai anh, thì anh chàng tội nghiệp giật nảy lên, nói: “Bạo động ở đâu? Máy ảnh tôi đâu?” Ba cười lớn. Anh thợ ảnh đụng phải đầu ông, dò dẫm tìm máy ảnh giữa đám giày của ba, không thấy, anh la lên. Cuối cùng anh tìm thấy nó trong nồi hầm cạn sạch, giữa đống xương heo. Anh giật nó ra, lấy áo sơ-mi mình lau chùi và lảo đảo về lại phòng ảnh. Khi chủ nhà tỉnh dậy, ông thình lình hất mạnh đầu, nhìn quanh đầy hồ nghi, hỏi: “Tiền thuê của tôi đâu?” Rồi ông trèo lên giường, vòng tay ôm tôi, làm như tôi là một phụ nữ. Ba kéo ông ra lối đi, bỏ ông ở đó với các thủ đoạn của ông. Trong phòng, ông râu ria thức dậy, tưởng bữa tiệc vẫn chưa bắt đầu và hỏi tại sao mình không được miếng thịt heo nào. Một đứa trong bọn trẻ bắt đầu khóc. Khi ba trở lại phòng, gã đàn ông râu ria hỏi xin chút bia. Ba tống gã ra. Chỉ sau khi họ đi hết, chúng tôi mới thấy sự đổ nát của bữa tiệc. Quần áo rơi vãi khắp nơi. Hai cái ghế gãy. Ly tách vỡ trên sàn mà tự hỏi không biết có làm ai bị thương. Ai đó ói nửa trong nửa ngoài cửa sổ. Nơi đây khai mùi con nít đái dầm. Muỗi vo ve. Ba thắp nhang muỗi. Mẹ quét dọn sàn, xếp quần áo, dọn chén bát, dao kéo, xương xẩu. Rồi bà tẩy rửa căn phòng. Ba ngồi trên ghế, uống và lặng lẽ hút thuốc. Mẹ trải chiếu xuống sàn, thổi nến rồi ngủ thiếp đi. Ba ngồi một mình trong bóng tối. Thỉnh thoảng ông nói: “Chúng ta đã giữ lời hứa.” Chỉ còn các điểm sáng là điếu thuốc và khoanh nhang muỗi, khói xoắn lên trần nhà. Tôi chợt nghĩ ba cũng như điếu thuốc cháy tàn trong đêm. Tôi quan sát ông tối đó như thể ông là nhân vật truyền thuyết. Thỉnh thoảng ông đứng lên, đi quanh phòng, tránh không đụng phải giấc ngủ của mẹ. Điếu thuốc ông tan mất rồi xuất hiện lại. Tôi quan sát ông đi tới đi lui. Trong lúc tôi quan sát ông, màn đêm mở rộng. Tôi thấy điếu thuốc ba ở đầu này phòng rồi tôi nghe tiếng ông bước ở đầu kia. Dường như ông đang phân thân. Tôi thấy khói thuốc nhân lên ở các góc phòng khác nhau. Tôi nhắm mắt. Khi tôi mở mắt ra đã là buổi sáng và ba đang ngủ trên ghế. Tôi trở mình, nghe tiếng ông đang bẻ khớp xương. Khi tôi trở mình lần nữa, thì mẹ đã dậy, cái chiếu không còn, căn phòng gọn sạch, khoanh nhang chỉ còn chân cắm bằng nhôm và tàn tro cuộn tròn ở bàn, và ba chẳng còn ngủ trên ghế nữa. MƯỜI BA TÔI HIỂU BA ĐÃ RA NGOÀI LÚC SỚM ĐỂ KIẾM VIỆC. Mẹ đã kiệt sức vì tìm tôi, vì bữa tiệc, mọi chuyến đi bộ, lo lắng, rồi nấu nướng. Sáng đó bà mang cái bàn nhỏ chất đồ tạp hóa ra trước nhà. Bà ngồi trên ghế đẩu với tôi và than vãn chán chường về hàng hóa. Bụi bay vào mắt, nắng nóng dữ dội trên da thịt. Chúng tôi không bán được món nào. Đến trưa, mấy người cho ba vay tiền để mua đồ uống đến đòi nợ. Họ dọa xiết hàng của mẹ. Họ lảng vảng đến chiều. Mẹ xin họ đợi ba về, nhưng họ không chịu. Điều làm mẹ khó chịu là thực ra các chủ nợ đều là người trong khu nhà chúng tôi, kẻ có mặt trong bữa tiệc, kẻ đã say khướt với rượu của chúng tôi và đã ói ra bậu cửa sổ nhà chúng tôi. Kẻ to tiếng nhất trong họ thực ra phải có trách nhiệm vì đã làm gãy lưng ghế và làm bể nát hai cái ly. Còn chủ nợ khác mà chúng tôi biết sau này, là Bà chủ Koto. Bà là người duy nhất không đến rề rà về món nợ. Còn mấy kẻ khác thì lảng vảng gần quầy hàng của mẹ, chiếm đoạt hàng quà buôn bán của bà. Buổi chiều mẹ bắt đầu ho. Mắt bà bị viêm vì bụi rồi cứ lảo đảo mỗi khi đứng dậy. Lúc ra sân sau bà hơi lắc lư, như việc không thu hút được khách hàng và việc không thoát được các chủ nợ làm bà xây xẩm. Rồi tôi để ý khi bà quay lại, mắt bà trở nên khác lạ. Hễ sau khi than vãn tuyệt vọng với các vị khách tiềm năng thờ ơ của thế giới, là cặp ngươi bà đảo về phía đuôi. Khi chiều xuống, gió đổi hướng, rồi cơn ớn lạnh luồn lách vào mặt trời khuất dạng, thì mẹ bắt đầu run rẩy trên ghế đẩu, răng va vào nhau lập cập. Bà ngoan cố gắng sức tiếp tục bán tạp hóa, run rẩy trong cơn gió độc, mặt bà căng thẳng, mũi rịn mồ hôi, mắt hơi lạc thần. Người đàn bà cạnh đó để ý sự thay đổi của bà, khuyên bà đi nghỉ, nhưng bà không nhúc nhích. Chúng tôi ngồi đó cùng hàng hóa trên bàn, trong bóng tối, bụi phủ trùm. Cuối cùng, khi mẹ dọn hàng thì trời đã sẩm tối, gió bắt đầu rít trên cây cao. Run lập cập, kiên quyết và âm thầm, bà giặt hết quần áo cả nhà ở sân sau. Bà chùi phòng, nấu một nồi hầm mới, nghiền khoai mỡ cho ba. Và rồi vì quá kiệt sức, bà đi ngủ. Nhưng các chủ nợ không để bà nghỉ. Lì lợm, họ cứ ở bên ngoài phòng. Họ xầm xì về số nợ, phóng đại số nợ vào mỗi lần buôn chuyện mới, và gõ cửa phòng. Khi quá mức chịu đựng, mẹ hét vào họ. Họ lớn giọng thề không bao giờ bán thiếu nữa. Họ cứ tiếp tục đòi tiền cho đến khi đêm xuống. Chúng tôi bắt đầu thấy lo cho ba. Đêm chồng lên đêm, những con chim đêm đã bắt đầu bài ca của chúng mà ông chưa về. Khi chúng tôi mệt lả với nỗi lo, thì mẹ ngủ thiếp trên giường còn tôi nằm lăn lóc ngủ dưới sàn. Ba bước vào phòng, mang theo những cái bóng giận dữ. Tâm trạng tệ hại của ông nồng hơi rượu. Ông thắp nến, thấy mẹ đang ngủ trên giường liền bùng lên cơn tức tối. “Tôi đi khắp nơi trên thế gian này để kiếm việc, lo cái ăn cho cả nhà, còn em thì ngủ hả? Cái thứ đàn bà hư đốn!” Ba nổi cáu và la hét cả nửa tiếng mà không thèm nghe, không dùng mắt mà nhìn. Mẹ xuống giường, run rẩy dữ dội và đi vô bếp. “Mẹ không khỏe,” tôi nói. “Bả chẳng sao hết, bả chỉ hư đốn, vậy thôi.” “Mẹ không được khỏe.” Tôi nói lại.