🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS
Lời mở đầu
Lời tựa
Phần I CỔ PHIẾU THƯỜNG, LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG Lời mở đầu
1. Những manh mối từ quá khứ
2. Sức mạnh của phương pháp “lời đồn đại” 3. Nên mua gì? (1)
4. Nên mua gì? (2)
5. Thời điểm mua vào
6. Thời điểm bán ra
7. Những nhầm lẫn về cổ tức
8. Năm điều nhà đầu tư nên tránh
9. Thêm năm điều nhà đầu tư nên tránh
10. Tìm ra cổ phiếu tăng trưởng như thế nào? 11. Tóm lược và kết luận
Phần II GIẤC NGỦ NGON CHO CÁC NHÀĐẦU TƯ CẨN TRỌNG
Lời giới thiệu
1. Thành tố đầu tiên của một khoản đầu tư an toàn 2. Thành tố thứ hai
3. Thành tố thứ ba
4. Thành tố thứ tư
5. Bàn thêm về thành tố thứ tư (1)
6. Bàn thêm về thành tố thứ tư (2)
Phần III HÌNH THÀNH MỘT TRIẾT LÝ ĐẦU TƯ
Phần III HÌNH THÀNH MỘT TRIẾT LÝ ĐẦU TƯ 1. Nguồn gốc của triết lý
2. Học hỏi từ kinh nghiệm
3. Một triết lý hoàn hảo
4. Phải chăng đây là thị trường hiệu quả?
Phần I CỔ PHIẾU THƯỜNG, LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG
Lời mở đầu
V
iệc xuất bản một cuốn sách mới về lĩnh vực đầu tư có thể cần đến vài lời giải thích của tác giả. Bởi vậy, những bình luận sau đây phải riêng tư một chút để có thể lý giải thỏa đáng cho sự mạo hiểm của tôi khi đưa thêm một cuốn sách khác về chủ đề này tới giới đầu tư.
Sau một năm học tại trường Stanford, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, tháng 5 năm 1928, tôi gia nhập thế giới kinh doanh. Tôi làm tại phòng thống kê của một trong những đơn vị hợp thành của Ngân hàng quốc gia Crocker-Anglo ở San Francisco và 20 tháng sau, được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Theo cách nói ngày nay, thì tôi là một nhà phân tích chứng khoán.
Tại đây, tôi đã chứng kiến tận mắt cơn lốc chứng khoán cuồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng, lên tới đỉnh điểm vào mùa thu năm 1929, cũng như giai đoạn khủng hoảng sau đó. Từ những gì quan sát được, tôi tin rằng đó là một cơ hội tuyệt vời trên Bờ biển phía tây cho một công ty tư vấn đầu tư có hình ảnh đối lập trực tiếp với sự mô tả kinh điển nhưng không mấy hay ho về một số nhà môi giới chứng khoán nào đó − những người biết giá cả của mọi thứ nhưng lại không hề biết giá trị của bất cứ thứ gì.
Tháng 3 năm 1931, tôi sáng lập công ty Fisher & Co., một doanh nghiệp tư vấn đầu tư phục vụ cộng đồng chung nhưng tập trung chủ yếu vào một vài công ty tăng trưởng. Hoạt động của công ty đã rất phát đạt. Sau đó, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Trong ba năm rưỡi làm công việc văn phòng cho Không lực Hoa kỳ, tôi dành tất cả thời gian rỗi để ôn lại những hoạt động đầu tư thành công và đặc biệt là những hoạt động thất bại mà tôi đã thực hiện, cũng như các hoạt động đầu tư tôi chứng kiến trong suốt mười năm trước đó. Từ sự hồi tưởng này, tôi bắt đầu nhận ra một số nguyên lý đầu tư khác xa với một vài nguyên lý chung được thừa nhận như chân lý trong giới tài chính.
Khi giải ngũ, tôi quyết định thực hành các nguyên lý đó trong một môi trường kinh doanh ít chịu tác động bên ngoài nhất có thể. Thay vì phục vụ mọi đối tượng, hơn 11 năm, Fisher & Co., chưa bao giờ phục vụ nhiều hơn 12 khách hàng một lúc, và hầu hết các khách hàng này đã trở thành khách hàng trung thành. Tất cả hoạt động của Fisher & Co. tập trung vào một mục tiêu duy nhất là gia tăng giá trị của vốn đầu tư lớn. Tôi đã nhận ra rằng 11 năm đó là giai đoạn giá lên nói chung của thị trường chứng khoán mà bất cứ ai tham gia đầu tư cũng đều thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, trên cơ sở bước tiến vững chắc các quỹ này đạt được trong các chỉ số đã được thừa nhận chung của toàn bộ thị trường, tôi nhận thấy trong thời kỳ hậu chiến, việc tuân theo các nguyên tắc này còn chứng minh tác dụng rõ rệt hơn cả trong mười năm trước chiến tranh. Quan trọng hơn, tác dụng của các nguyên tắc này còn không hề giảm đi trong suốt những năm khi thị trường chung ổn định, hoặc sụt giảm so với khi tăng giá mạnh mẽ.
Khi nghiên cứu về kết quả đầu tư của tôi và những người khác, có hai vấn đề ảnh hưởng đáng kể khiến tôi viết cuốn sách này. Thứ nhất là cần có lòng kiên trì nếu muốn kiếm được lợi nhuận đầu tư lớn. Nói cách khác, việc dự đoán điều gì sẽ xảy ra với giá của một cổ phiếu thường dễ dàng hơn là dự đoán bao lâu thì sự kiện đó sẽ xảy ra. Thứ hai là những trò lừa bịp vốn có của thị trường chứng khoán. Làm những việc a dua theo người khác và những việc bạn bị xúi giục thường dẫn đến sai lầm.
Vì những lý do này mà trong nhiều năm qua, tôi đã giải thích rất cụ thể cho các cổ đông góp vốn vào quỹ của tôi về những nguyên tắc đằng sau các hành động tôi đã thực hiện. Chỉ bằng cách đó, họ mới hiểu rõ tại sao tôi lại đưa vào danh mục đầu tư một vài cổ phiếu hoàn toàn vô danh và nhất quyết không bán chúng trước khi chúng có đủ thời gian để khẳng định mình trên thị trường.
Dần dần, tôi nảy sinh mong muốn biên soạn và xuất bản những nguyên tắc đầu tư này đến mọi người. Vì thế, tôi bắt đầu dò dẫm bắt tay vào phác thảo cuốn sách. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ đến rất nhiều người mà hầu hết có số vốn đầu tư nhỏ hơn rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân là khách hàng của tôi. Trong suốt nhiều năm, họ đã đến gặp và hỏi tôi rằng những nhà đầu tư nhỏ như họ nên bắt đầu như thế nào để có thể thu về lợi nhuận.
Tôi nghĩ có lẽ những khó khăn đối với các nhà đầu tư nhỏ − những người một cách vô thức, thu nhận mọi ý tưởng và quan điểm mà có thể khiến họ phải trả giá đắt trong nhiều năm − là bởi vì họ chưa bao giờ được đặt vào thách thức của những quan niệm căn bản hơn. Cuối cùng, tôi nghĩ về rất nhiều cuộc thảo luận của tôi với một nhóm nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm đến các vấn đề này,
mặc dù là từ một lập trường khác. Họ là các chủ tịch hội đồng quản trị, các phó chủ tịch tài chính và kế toán trưởng các công ty đại chúng, rất nhiều người trong số họ thật sự mong muốn hiểu được càng rõ càng tốt về các vấn đề này.
Vì thế, tôi nghĩ cuốn sách của tôi là rất cần thiết và mong muốn mọi độc giả đều có thể dễ dàng lĩnh hội nó. Tôi cũng huy động rất nhiều ví dụ thực tiễn, cách diễn đạt và sự suy luận giống với cách tôi sử dụng khi truyền đạt những khái niệm tương tự tới cổ đông của các quỹ tôi từng quản lý. Hy vọng rằng, vì giá trị của những ý tưởng tôi đưa ra, các bạn có thể bỏ quá những khiếm khuyết cuốn sách mắc phải.
PHILIP A. FISHER
San Mateo, California
Tháng 9 năm 1957
1. Những manh mối từ quá khứ B
ạn có một khoản tiền trong ngân hàng. Bạn quyết định đầu tư mua vài cổ phiếu thường. Bạn đi đến quyết định trên vì bạn mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn so với khi đầu tư khoản tiền này vào lĩnh vực khác. Vì bạn muốn thành công trên nước Mỹ. Có thể bạn nghĩ đến những năm đầu khi Henry Ford sáng lập Ford Motor Company, hay Andrew Mellon2 xây dựng Aluminum Company of America, và băn khoăn liệu mình có tìm được những doanh nghiệp trẻ tiềm năng giúp tạo nền tảng cho vận may tương lai cho bạn? Cũng có thể chỉ vì dường như bạn thấy lo lắng, vì thế bạn muốn tìm một chốn an toàn phòng cơn mưa bão. Do vậy, sau khi nghe ngày càng nhiều về lạm phát, bạn ao ước có một điều gì đó an toàn và bảo vệ bạn khi sức mua của đồng đô-la đang giảm sút mạnh.
Có thể, động cơ thật sự của bạn là sự tổng hợp của một số động cơ nói trên. Cũng có thể do bạn nghe nói hàng xóm kiếm được nhiều tiền từ chứng khoán hoặc nhận được một tài liệu giải thích tại sao cổ phiếu của Midwestern Pumpernickel giờ đây là một món hời. Tuy nhiên, đằng sau tất cả điều này chỉ có một động cơ căn bản duy nhất. Dù vì bất kỳ lý do nào, và bằng bất cứ cách nào, bạn mua cổ phiếu thường là để kiếm tiền.
Vì thế, dường như thật logic nếu trước khi bạn nghĩ đến việc mua một loại cổ phiếu thường nào đó thì bước đầu tiên là xem xét kinh nghiệm của những người kiếm được nhiều tiền nhất. Nếu quan tâm đến lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ, bạn sẽ biết được hai
phương pháp kiếm tiền khác nhau. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều người kiếm được những tài sản lớn và nhỏ bằng cách đặt cược vào các chu kỳ kinh doanh. Trong thời kỳ hệ thống ngân hàng không ổn định do bùng nổ và phá sản theo chu kỳ, việc mua cổ phiếu của các công ty tại thời điểm xấu và bán ra tại thời điểm tốt thu được kết quả khả quan. Điều này đặc biệt đúng đối với những người hiểu biết sâu sắc về tài chính, những người biết thông tin về thời điểm hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trước người khác.
Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng cần phải ghi nhận, đó là ngay cả trong giai đoạn thị trường chứng khoán mà khởi đầu với sự ra đời của Cục dự trữ liên bang (FED) năm 1913, và kết thúc khi luật chứng khoán và hối đoái được thông qua vào buổi đầu của chính quyền Franklin D. Roosevelt3, thì những người sử dụng phương pháp khác cũng đã kiếm được nhiều tiền hơn và chịu ít rủi ro hơn. Tìm ra các công ty thật sự đáng chú ý và giữ cổ phiếu của chúng qua giai đoạn biến động của thị trường đã mang lại cho nhiều nhà đầu tư khoản lợi nhuận hơn hẳn những người cố gắng mua cổ phiếu khi giá rẻ và bán khi giá đắt.
Nếu kết luận này gây ngạc nhiên, thì lời khuyên rút ra từ nó còn gây ngạc nhiên hơn. Đây là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cánh cửa giúp đầu tư thành công. Trong danh sách các cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ ngày nay, rất nhiều cổ phiếu của các công ty mà nếu cách đây 25 đến 50 năm bạn bỏ 10.000 đô-la đầu tư vào chúng, thì giờ đây khoản đầu tư đó có giá trị phổ biến là 250.000 đô-la hoặc gấp vài lần. Nói cách khác, trong suốt cuộc đời, hầu hết các nhà đầu tư đều có vô số cơ hội đầu tư để gây dựng nền tảng cho tương lai vững chắc của chính họ hay cho con cái họ.
Những cơ hội ấy không đòi hỏi phải tiến hành giao dịch vào đúng thời điểm thị trường tụt xuống đáy. Trong nhiều năm, cổ phiếu của các công ty này luôn sẵn có tại nhiều mức giá có thể đem lại lợi nhuận. Việc bạn cần làm là phải lọc ra một số ít những công ty có triển vọng đầu tư xán lạn từ rất nhiều công ty mà tương lai biến động khôn lường.
Ngày nay, liệu có còn những cơ hội đầu tư có thể mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao trong tương lai hay không? Nếu câu trả lời là có, thì cách tạo ra lợi nhuận từ việc đầu tư vào cổ phiếu thường bỗng trở nên rõ ràng. Thật may mắn, có nhiều bằng chứng cho thấy ngày nay những cơ hội còn tuyệt vời hơn rất nhiều so với 25 năm đầu thế kỷ XX.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do những thay đổi căn bản về bộ máy quản lý, và cách giải quyết công việc kinh doanh. Trong thế hệ trước, lãnh đạo các tập đoàn lớn thường là thành viên trong gia đình. Họ coi tập đoàn như sở hữu cá nhân và hầu như không chú ý đến lợi ích của các cổ đông khác. Vấn đề là ở chỗ thông thường chỉ có con trai hoặc cháu trai được đào tạo để tiếp quản công việc khi những người đi trước không còn phù hợp. Nói chung, việc tuyển chọn các tài năng xuất sắc nhất để bảo vệ khoản đầu tư của các cổ đông hiếm khi được nhà quản lý coi trọng. Dưới sự quản lý tập quyền, các nhà quản lý kinh nghiệm lâu năm có xu hướng chống đối cải cách, đổi mới, và thường xuyên từ chối lắng nghe những đề nghị hay góp ý, phê bình. Điều này khác xa với môi trường cạnh tranh ngày càng cao cùng với việc nỗ lực tìm kiếm mọi cách để trở nên hoàn thiện hơn như hiện nay. Giờ đây, cách quản lý hàng đầu là không ngừng tự phân tích, tìm kiếm sự đổi mới, thường
xuyên đi khảo sát bằng cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia để thu được những lời khuyên tốt.
Trước đây, luôn có một nguy cơ là những tập đoàn hấp dẫn nhất sẽ không tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực đó, hoặc nếu có thì các thành viên trong công ty cũng sẽ chiếm đoạt tất cả lợi ích cho bản thân họ. Ngày nay, các nguy cơ trong đầu tư như thế chưa biến mất hoàn toàn, nhưng khó có thể trở thành hiểm họa đối với nhà đầu tư cẩn trọng.
Khía cạnh thay đổi đáng chú ý trong quản lý doanh nghiệp đó là nếu sự phát triển của nghiên cứu doanh nghiệp được tiến hành song song với thử nghiệm công nghệ mới, thì doanh nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho cổ đông. Như vậy, việc nghiên cứu sản phẩm ‒ công nghệ mới sẽ đem lại kết quả tuyệt vời với lợi nhuận không ngừng tăng cho cổ đông. Ngay cả hiện nay, cũng chỉ có rất ít nhà đầu tư hình dung được sự phát triển này diễn ra nhanh như thế nào, và liệu nó sẽ tiến xa đến đâu cũng như tác động của nó đối với chính sách đầu tư cơ bản.
Thực tế, ngay cả vào cuối những năm 1920, chỉ có khoảng một nửa tá tập đoàn công nghiệp thành lập các tổ chức nghiên cứu đúng nghĩa. Theo tiêu chuẩn ngày nay, quy mô của chúng là nhỏ. Phải cho đến khi vì lo sợ Adolf Hitler, kiểu hoạt động này mới được thúc đẩy vì mục đích quân sự, nhờ đó nghiên cứu công nghiệp mới thật sự bắt đầu phát triển.
Từ đó, các nghiên cứu liên tục phát triển. Một cuộc khảo sát năm 1956, đăng trên tờ Business Week và một loạt ấn phẩm thương mại khác của McGraw-Hill chỉ ra rằng, trong năm 1953, chi phí nghiên cứu và phát triển trung bình của các tập đoàn là 3,7 tỷ đô-la. Năm
1956, chi phí này lên tới 5,5 tỷ đô-la và theo kế hoạch phát triển hiện tại, thì con số này có thể lên tới 6,3 tỷ đô-la vào năm 1959. Đáng ngạc nhiên không kém, cuộc khảo sát này chỉ ra rằng vào năm 1959, nhiều ngành công nghiệp đang dẫn đầu của Mỹ kỳ vọng đạt được từ 15% đến hơn 20% trong tổng doanh thu từ những sản phẩm chưa được thương mại hóa của năm 1956.
Mùa xuân năm 1957, họ tiến hành một cuộc khảo sát tương tự. Nếu kết quả năm 1956 gây bất ngờ, thì số liệu thu được trong lần khảo sát này hẳn gây một cú sốc lớn. Chi phí nghiên cứu đã tăng 20% so với tổng chi phí năm trước, lên tới 7,3 tỷ đô-la. Điều đó cho thấy chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển đã tăng 100% trong vòng bốn năm. Cũng có nghĩa chi phí nghiên cứu tăng lên thực tế trong 12 tháng là 1 tỷ đô-la, mặc dù chỉ hơn một năm trước thôi, con số này là khoản chi phí người ta dự định sử dụng cho 36 tháng tiếp theo. Chi phí nghiên cứu dự tính của năm 1960 lên tới 9 tỷ đôla. Hơn thế nữa, tất cả các ngành công nghiệp sản xuất, chứ không chỉ một số ít ngành công nghiệp được lựa chọn để khảo sát trong lần đầu, kỳ vọng 10% doanh thu năm 1960 là từ những sản phẩm mới mà ba năm trước chưa được thương mại hóa. Trong một số ngành công nghiệp cụ thể, sản lượng bán ra cao gấp nhiều lần, đơn thuần là nhờ thay đổi về mẫu mã và phong cách.
Tác động của nghiên cứu trong đầu tư không phải là phóng đại. Chi phí của loại nghiên cứu này lớn đến nỗi một tập đoàn thất bại trong nghiên cứu, theo quan điểm kinh doanh có khả năng sẽ lao đao trước gánh nặng vận hành dự án. Hơn nữa, đối với cả nhà quản lý lẫn nhà đầu tư không có tiêu chuẩn dễ dàng và nhanh chóng nào để đo lường khả năng sinh lợi của nghiên cứu. Vì thế, rất nhiều
dự án nghiên cứu không chắc đem lại lợi ích gì. Hơn nữa, hoàn toàn ngẫu nhiên, hàng loạt những dự án phi lợi nhuận như vậy lại bỗng dưng tụ họp lại trong một khoảng thời gian đặc thù tại ngay cả những phòng thí nghiệm kinh doanh hoạt động hiệu quả. Cuối cùng, tính từ thời điểm một dự án bắt đầu được thai nghén cho đến khi đạt được hiệu quả để mang lại lợi nhuận thì thường phải mất từ bảy đến mười một năm. Vì thế, chắc chắn ngay cả những dự án nghiên cứu sinh lợi cũng phải ngốn khoản chi phí lớn trước khi thu về lợi nhuận cho cổ đông.
Tuy nhiên, nếu một nghiên cứu sơ sài sẽ phải trả giá cao, thì việc hầu như không nghiên cứu sẽ còn phải trả giá đắt hơn. Sau vài năm, sự xuất hiện của những nguyên liệu và máy móc mới với nhiều chủng loại sẽ thu hẹp thị trường tiêu thụ của hàng nghìn công ty, thậm chí là của tất cả các ngành công nghiệp không theo kịp thời đại. Những thay đổi căn bản trong cách thức làm việc đã diễn ra cùng với việc đưa máy tính vào sử dụng để lưu trữ dữ liệu và dùng bức xạ trong quy trình chế biến công nghiệp. Nhiều công ty tỉnh táo nhận ra những xu hướng mới, ý thức được việc tận dụng công nghệ để đạt được doanh thu bán hàng khổng lồ. Những công ty này vẫn duy trì phương thức quản lý vừa đảm bảo được hiệu quả cao nhất trong hoạt động hàng ngày, đồng thời phải đi đầu trong các lĩnh vực và vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn trong tương lai. Chắc chắn, những cổ đông may mắn của các công ty này sẽ “lời to”.
Ngoài những ảnh hưởng do thay đổi tầm nhìn trong quản lý và xu hướng nghiên cứu tăng nhanh, còn một nhân tố thứ ba mang lại cho các nhà đầu tư ngày nay nhiều cơ hội hơn so với những thập kỷ trước. Ở phần tiếp theo của cuốn sách đề cập đến thời điểm nên
mua hay bán cổ phiếu, chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh mà đáng lẽ các chính sách đầu tư nên đưa vào. Còn trong phần này, tôi muốn đề cập một chút về những ảnh hưởng của nhân tố thứ ba, đó là sự thay đổi chính sách căn bản trong cơ cấu của chính phủ liên bang đã đem lại khoản cổ tức lớn hơn cho những người sở hữu một số loại cổ phiếu thường năm 1932.
Trước và sau năm đó, cho dù không có mấy công lao trong thay đổi đó, cả hai đảng chủ chốt vẫn luôn được hưởng công trạng về bất cứ sự thịnh vượng của nền kinh tế trong giai đoạn họ cầm quyền. Ngược lại, khi cổ phiếu đột ngột sụt giá, họ cũng dễ dàng bị phe đối lập và công chúng buộc tội. Tuy nhiên, trước năm 1932, ban lãnh đạo của cả hai đảng đều cần được nhìn nhận nghiêm túc về việc liệu có chút đạo đức hay khôn ngoan chính trị nào không khi chủ động tạo ra thâm hụt ngân sách khổng lồ vì mục đích chống đỡ cho một số ngành kinh doanh yếu kém? Dù cho đảng nào cầm quyền thì nó cũng đã không xem xét nghiêm túc việc nó đã ngăn chặn tình trạng thất nghiệp bằng những phương thức hết sức tốn kém.
Từ sau năm 1932, mọi thứ đều đảo ngược. Không chắc là Đảng Dân chủ có ít công trạng hơn Đảng Cộng hòa trong việc cân bằng ngân sách liên bang. Tuy nhiên, ngoại trừ Cựu Bộ trưởng Tài chính Humphrey4, từ tổng thống Eisenhower5 trở xuống, ban lãnh đạo có thẩm quyền của Đảng Cộng hòa nhiều lần nhắc đi, nhắc lại rằng nếu tình hình kinh doanh đi xuống họ sẽ không do dự giảm thuế và sử dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm giảm thâm hụt ngân sách để duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế và khắc phục tình trạng thất nghiệp.
Điều này hoàn toàn khác xa so với những học thuyết phổ biến trước khi cuộc Đại suy thoái xảy ra.
Ngay cả nếu thay đổi trong chính sách trên không được đông đảo mọi người chấp thuận, thì một số thay đổi khác xuất hiện cũng mang lại những kết quả tương tự, dù không ngay lập tức. Thuế thu nhập chỉ có hiệu lực dưới thời Wilson. Trước những năm 1930, nó không có ảnh hưởng gì lớn tới toàn bộ nền kinh tế. Những năm trước đó, hầu như thu nhập của liên bang là từ thuế hải quan, hay thuế đánh vào hàng nội địa. Các khoản thu này khá khiêm tốn, nhưng xét về tổng thể lại tương đối ổn định. Trái lại, ngày nay, khoảng 80% nguồn ngân sách liên bang thu được là từ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân. Điều này có nghĩa là bất cứ một sự tụt giảm đột ngột nào trong giới doanh nghiệp nói chung cũng sẽ dẫn đến sự sụt giảm tương đương trong thu nhập của liên bang.
Trong khi đó, nhiều chính sách khác nhau như trợ giá nông sản, hay trợ cấp thất nghiệp đã được đưa vào các bộ luật của Mỹ. Chính vào thời điểm mà sự thua lỗ của một doanh nghiệp có thể làm sụt giảm mạnh nguồn thu của chính phủ liên bang, thì các khoản chi kiểu này đã khiến chi tiêu chính phủ tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, quyết tâm đảo ngược bất cứ xu hướng kinh doanh bất lợi nào bằng cách cắt giảm thuế, xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng, và cho các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lớn vay tiền, đã khiến cho một nguy cơ ngày càng rõ ràng là nếu có một cuộc suy thoái thật sự sắp xảy ra, thâm hụt liên bang có thể dễ dàng lên đến mức 25 tỷ đô-la đến 30 tỷ đô-la một năm. Các đợt thâm hụt kiểu này sẽ làm lạm phát trầm trọng hơn, cũng giống như đợt thâm hụt do
chiến phí gây ra đã dẫn đến tình trạng giá cả leo thang thời hậu chiến.
Điều này có nghĩa là nếu một cuộc suy thoái xảy ra, thì nó có xu hướng kết thúc sớm hơn so với một số cuộc đại suy thoái từng xảy ra trước đó. Hiện tượng lạm phát gia tăng khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, điều mà trước đây từng giúp một số ngành công nghiệp nhưng cũng khiến một số khác điêu đứng. Trong hoàn cảnh kinh tế đó, chu kỳ kinh doanh cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cổ đông của các công ty yếu kém về tài chính hay lợi thế cạnh tranh. Nhưng đối với các cổ đông trong các công ty có đủ sức mạnh tài chính để chống đỡ hoặc có khả năng vay vốn để chèo chống công ty từ một đến hai năm trong giai đoạn khó khăn, thì sự đi xuống của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế như hiện nay chỉ là sự chững lại tạm thời của thị giá cổ phiếu của công ty đó, chứ không phải là mối đe dọa căn bản đến sự sinh tồn của bản thân khoản đầu tư từng có nguy cơ phải đối mặt trước năm 1932.
Một xu thế tài chính căn bản khác sinh ra từ khuynh hướng gây lạm phát ngày càng trở nên in sâu trong các bộ luật của Mỹ và các quan điểm về trách nhiệm kinh tế của chính phủ. Trái phiếu đã trở thành những khoản đầu tư dài hạn không mong đợi đối với các nhà đầu tư trung bình. Mùa thu năm 1956, tỷ lệ lãi suất tăng kéo dài trong vài năm trước đó đã tạo ra một lực đẩy lớn. Khi các trái phiếu được xếp hạng cao liên tục được bán ra với giá rẻ nhất trong vòng 25 năm, rất nhiều chuyên gia tài chính đã khuyến khích chuyển đầu tư từ các loại cổ phiếu giá cao sang các loại chứng khoán thu nhập cố định. Lợi nhuận cao bất thường của trái phiếu vượt mức lợi nhuận từ cổ tức của các cổ phiếu dường như đã củng cố mạnh mẽ
cho sự hoàn hảo của chính sách này. Trong ngắn hạn, sớm hay muộn thì chính sách này cũng sẽ cho thấy lợi ích. Do đó, nó có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư ngắn và trung hạn, và các thương gia nhạy bén về thời điểm quyết định tiến hành giao dịch. Bất kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nào gần như tất yếu sẽ khiến lãi suất tiền gửi sụt giảm và giá trái phiếu tăng lên tại thời điểm giá cổ phiếu khó có thể tăng. Tóm lại những trái phiếu được xếp hạng cao chỉ tốt cho những kẻ đầu cơ nhưng lại không tốt đối với các nhà đầu tư dài hạn. Điều này dường như trái với những suy nghĩ thông thường về ảnh hưởng của lạm phát. Tuy nhiên, bất cứ hiểu biết thật sự nào về ảnh hưởng của lạm phát cũng cho thấy tại sao điều này dường như là chân lý.
Báo cáo tháng 12 năm 1956 của The First National City Bank, chi nhánh New York đã đưa ra một bảng biểu diễn sức mua của đồng tiền giảm sút như thế nào trên toàn thế giới trong 10 năm, kể từ năm 1946 đến 1956. Bảng này bao gồm 16 quốc gia giàu có. Bất cứ một quốc gia nào trong số đó đều có giá trị đồng tiền giảm đáng kể. Thụy Sỹ có giá trị đồng tiền giảm xuống ít nhất. Thời kỳ cuối của giai đoạn 10 năm này, sức mua của đồng tiền Thụy Sỹ chỉ còn 85% so với 10 năm trước đó trong khi đó đồng tiền Chi Lê bị mất tới 95% so với giá trị ban đầu. Ở Mỹ và Canada, sự giảm sút này lần lượt là 29% và 35%. Điều này có nghĩa là tại Mỹ, tỷ lệ sụt giá hàng năm của đồng tiền trong suốt thời kỳ đó lên tới 3,4% và Canada là 4,2%. Ngược lại, số lượng trái phiếu mà Chính phủ Mỹ phát hành đã được mua ngay trong thời gian đầu của giai đoạn 10 năm với tỷ lệ lãi suất khá thấp, chỉ khoảng 2,19%. Rõ ràng là, một cổ đông sở hữu các
loại chứng khoán có thu nhập cố định hoặc được xếp hạng cao chỉ thu được lãi suất thực tế lớn hơn âm 1%.
Tuy nhiên, giả sử thay vì thu được trái phiếu có tỷ lệ lãi suất tương đối thấp chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu thì nhà đầu tư có thể mua chúng ở mức lãi suất tương đối cao nhưng chiếm ưu thế trong 10 năm sau. Báo cáo trên cũng cung cấp một vài số liệu về vấn đề này. Theo ước tính lãi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ cuối giai đoạn 10 năm là 3,27%, các nhà đầu tư vẫn bị lỗ nhẹ. Tuy nhiên, sáu tháng sau khi bản báo cáo đó được hoàn thành, thì tỷ lệ lãi suất lại tăng lên đáng kể, trên 3,5%. Vậy các nhà đầu tư phải làm thế nào nếu ngay từ đầu anh ta có cơ hội đầu tư với lợi nhuận ước tính cao nhất trong hơn 25 năm qua? Thực tế là, trong đa số trường hợp, anh ta khó thu được vốn đầu tư, thậm chí bị lỗ bởi hầu hết những người mua trái phiếu đều phải trả ít nhất là 20% thuế thu nhập tính trên phần lãi thu được. Nhiều ví dụ cho thấy thuế mà những người nắm giữ trái phiếu phải trả quá cao, 20% ngay từ 2000 đô-la đến 4000 đô-la tiền lãi ban đầu. Tương tự, nếu một nhà đầu tư mua các trái phiếu đô thị6 miễn thuế vào thời điểm “nóng” này, tỷ lệ lãi suất thấp của các chứng khoán miễn thuế này cũng không mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận thật sự.
Tất nhiên, những con số trên chỉ là kết luận cho giai đoạn 10 năm này. Tuy nhiên, chúng còn dự đoán các tình hình này là phổ biến trên phạm vi thế giới, và vì thế các xu hướng chính trị ở bất kỳ nước nào cũng khó có thể xoay chuyển được tình thế. Điều thật sự quan trọng để trái phiếu có thể trở thành khoản đầu tư dài hạn hấp dẫn là liệu có một xu hướng tương tự diễn ra trong thời gian tới hay không. Tôi cho rằng nếu toàn bộ cơ chế lạm phát được nghiên cứu
kỹ thì chúng ta sẽ thấy rõ là lạm phát gia tăng kích thích tăng trưởng tín dụng − hệ quả của thâm hụt ngân sách của Chính phủ đã nới rộng cơ sở tiền gửi của hệ thống tín dụng. Thâm hụt lớn sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng để lại hậu quả như vậy, những nhà đầu tư trái phiếu trước chiến tranh vẫn duy trì được mức thu nhập ổn định từ các chứng khoán có thu nhập cố định nhưng thực tế họ đã mất hơn một nửa giá trị thực của các khoản đầu tư này.
Có hai khả năng có thể xảy ra. Hoặc là các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đứng vững, cổ phiếu của chúng sẽ tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với trái phiếu. Hoặc ngược lại, suy thoái xuất hiện, tạm thời các trái phiếu sẽ hấp dẫn hơn cả cổ phiếu hàng đầu. Tuy nhiên, hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách được thực thi sẽ làm giảm đáng kể sức mua trái phiếu. Tất nhiên, suy thoái sẽ dẫn đến lạm phát gia tăng. Khó khăn ở đây là quyết định khi nào nên bán trong giai đoạn giá trái phiếu có xu hướng giảm. Trong nền kinh tế biến động phức tạp như hiện nay, các chứng khoán loại này (trái phiếu) về cơ bản phù hợp với ngân hàng, công ty bảo hiểm, và nhà cá nhân có mục đích đầu tư ngắn hạn, vì chúng không cung cấp cho nhà đầu tư dài hạn khoản lãi tương xứng để bù lại khi sức mua giảm sút.
Trước khi tìm hiểu và bàn luận sâu hơn, chúng ta nên tóm tắt ngắn gọn những dẫn chứng rất phong phú về đầu tư trong một nghiên cứu về quá khứ, từ việc so sánh những khác biệt căn bản trong quan điểm đầu tư giữa quá khứ và hiện tại. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, phần thưởng lớn nhất luôn dành cho nhà đầu tư hoặc nhờ khả năng phán đoán tuyệt vời, hoặc nhờ may mắn, tìm được cơ hội đầu tư vào các công ty có khả năng tăng trưởng lớn mạnh về
doanh thu lẫn lợi nhuận trong nhiều năm. Đồng thời, nếu biết chắc rằng đã tìm được một công ty như vậy thì chúng ta nên quyết tâm gắn bó lâu dài với nó. Những công ty này không nhất thiết phải là những công ty nhỏ và mới thành lập. Quy mô công ty không quan trọng, mà quan trọng là ban lãnh đạo công ty không những phải quyết tâm tiếp tục đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mà còn có khả năng hoàn thành các kế hoạch của mình. Lịch sử cho thấy, sự tăng trưởng này thường gắn liền với hiểu biết về cách thức tổ chức nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của các ngành khoa học tự nhiên nhằm ứng dụng hiệu quả vào việc phát triển thị trường cũng như cho ra đời những dòng sản phẩm mới. Rõ ràng, đặc tính chung của các công ty kiểu này là bộ máy quản lý không cho phép những dự tính cho kế hoạch dài hạn cản trở họ thực hiện hiệu quả công việc kinh doanh hàng ngày. Cuối cùng, nó củng cố một niềm tin là cho dù nhiều cơ hội đầu tư tuyệt vời đã xuất hiện từ cách đây 25 hay 50 năm, thì ngày nay, chắc chắn còn có nhiều cơ hội hơn thế.
Chú thích
2 Andrew William Mellon: bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ giai đoạn 1921 ‒ 1932.
3 Franklin Delano Roosevelt: tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ, đắc cử bốn lần giai đoạn 1933-1945.
4 George M. Humphrey: Bộ trưởng Bộ tài chính Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1953 - 1957
5 Dwight David “Ike” Eisenhower: tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1953–1961.
6 Trái phiếu đô thị: trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành nhằm huy động vốn cho các công trình phúc lợi, thu nhập
từ trái phiếu loại này được miễn thuế.
2. Sức mạnh của phương pháp “lời đồn đại”
C
hương này sẽ miêu tả tổng quát các mục tiêu nhà đầu tư cần hướng đến. Nó là sự phác họa kiểu đầu tư đáng mơ ước, và làm thế nào các nhà đầu tư có thể tìm đúng cổ phiếu của những công ty có thể tăng giá mạnh trong tương lai?
Có một phương pháp rất hợp lý mà chúng ta có thể nghĩ ngay đến nhưng không thực tế. Đó là tìm các nhà quản lý cao cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá khả năng của các bộ phận trong một công ty, điều tra chi tiết ban quản trị nhân sự, khả năng sản xuất, cách thức tổ chức marketing bán hàng, hoạt động nghiên cứu, và các chức năng chính khác, để đưa ra đánh giá cuối cùng xem công ty đó có tiềm năng tăng trưởng và phát triển nổi trội không.
Phương pháp này nghe có vẻ đơn giản nhưng không may, có vài lý do khiến nó không phù hợp với các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Thứ nhất, chỉ có rất ít người có những kỹ năng quản lý cần thiết để phân tích theo cách đó. Hầu hết họ đều giữ chức vụ cao và có công việc với mức thù lao tương xứng nên sẽ không có thời gian để làm những việc kiểu này. Hơn thế nữa, cho dù họ đồng ý làm thì cũng khó có khả năng các công ty làm ăn phát đạt cung cấp cho người ngoài mọi dữ liệu cần thiết để có thể đưa ra một quyết định chính xác. Một số thông tin thu được từ phương pháp này có thể quá giá trị hay mang lại lợi thế cạnh tranh quá cao để có thể cung cấp cho một người không hề có trách nhiệm gì với công ty.
Thật may mắn, có một phương pháp khác mà nhà đầu tư có thể áp dụng – phương pháp “lời đồn đại”. Nếu thực hiện đúng, phương pháp thứ hai này sẽ giúp chúng ta có cơ sở cần thiết để đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.
Khi tìm hiểu phương pháp “lời đồn đại” được miêu tả chi tiết trong những trang tiếp theo, hẳn các nhà đầu tư vừa và nhỏ sẽ có một phản ứng dễ nhận thấy. Đó là cho dù phương pháp này có mang lại bao nhiêu lợi ích cho người khác, chưa chắc nó đã giúp gì cho anh ta, bởi anh ta không có nhiều cơ hội áp dụng nó. Tôi hiểu là phần lớn các nhà đầu tư không có điều kiện làm được nhiều việc cần thiết để có thể đầu tư hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ chỉ cần hiểu sơ qua là cần cái gì và tại sao cần là đủ. Chỉ bằng cách này thì họ mới thể lựa chọn được kiểu nhà tư vấn chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ tốt nhất. Và chỉ theo cách này, họ mới có thể đánh giá chính xác nhất kết quả tư vấn. Hơn nữa, khi họ hiểu rằng không chỉ cần chú ý đến kết quả mà còn phải xem xét đến cách thức thực hiện, các nhà đầu tư sẽ rất ngạc nhiên bởi hết lần này đến lần khác các chuyên gia tư vấn giúp họ giàu lên và thu được nhiều lợi nhuận hơn.
“Tin vịt” trong kinh doanh là một thứ hết sức đặc biệt. Thật đáng ngạc nhiên trước bức tranh chân thực về điểm mạnh, điểm yếu của từng công ty trong ngành mà chúng ta rút ra được từ các đánh giá tiêu biểu của những người có liên quan đến công ty đó. Hầu hết mọi người, đặc biệt là những người cảm thấy chắc chắn rằng những điều mình nói vô thưởng vô phạt, sẽ rất thích nói về những việc họ đang làm và thoải mái đề cập tới các đối thủ cạnh tranh. Thử khảo sát năm công ty trong một ngành nào đó, hỏi một công ty các câu
hỏi thông minh về những điểm mạnh và điểm yếu của bốn công ty còn lại, và bạn sẽ thu được rất nhiều thông tin chi tiết và xác thực đến mức ngạc nhiên về cả năm công ty này.
Tuy nhiên, ý kiến của các đối thủ cạnh tranh chỉ là một nguồn cung cấp thông tin chứ chưa hẳn là nguồn tốt nhất. Bạn sẽ ngạc nhiên không kém trước số thông tin về tình hình thực chất bạn thu được từ những người bán hàng và các khách hàng của công ty đó. Các nhà khoa học nghiên cứu tại các trường đại học, trong chính phủ, trong các công ty cạnh tranh, và hiệp hội thương mại cũng là những nguồn cung cấp thông tin vô cùng hữu ích.
Đặc biệt trong trường hợp các nhà điều hành các hiệp hội thương mại, cũng như của các tổ chức khác, thì có hai điều nhà đầu tư cần hiểu. Thứ nhất, nhà đầu tư phải biết rằng nguồn cung cấp thông tin của anh ta sẽ không bao giờ được tiết lộ. Vì vậy, nhà đầu tư phải thích nghi với điều đó. Mặt khác, mức độ nguy hiểm của việc dễ dàng vướng vào rắc rối rõ ràng đến mức người cung cấp tin sẽ không dám đưa ra các thông tin bất lợi.
Vẫn còn một nhóm khác có thể giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các công ty tiềm năng. Tuy nhiên, nhóm này có thể sẽ có tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực nếu nhà đầu tư không có khả năng đánh giá hiệu quả và không tham khảo các ý kiến khác để kiểm chứng thông tin nhận được. Nhóm này bao gồm các cựu nhân viên có cái nhìn của người trong cuộc về những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp mà họ từng làm việc, hơn nữa họ có thể nói về những điều này rất thoải mái. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu kỹ, bởi một số nhân viên, dù đúng hay sai, cảm thấy họ bị sa thải không có lý do chính đáng hoặc họ bỏ việc do phàn nàn. Liệu cái nhìn của họ có
quá thành kiến không? Nên xem xét những điều nhân viên cũ nhận xét.
Kể cả khi tập hợp được đầy đủ các nguồn thông tin khác nhau về một công ty nào đó, cũng không nhất định các thông tin này phải thống nhất với nhau. Thực ra điều đó là không cần thiết. Trong trường hợp các công ty thật sự nổi tiếng, thông tin về sự vượt trội của họ quá rõ ràng đến mức thậm chí một nhà đầu tư không giàu kinh nghiệm lắm cũng biết công ty nào phù hợp với mục tiêu và lợi ích của anh ta. Bước tiếp theo anh ta cần thực hiện là liên lạc với nhân viên công ty để tìm hiểu thêm thông tin để bổ sung vào những phần còn thiếu trong bức tranh tổng thể về các doanh nghiệp mà nhà đầu tư quan tâm.
3. Nên mua gì? (1)
1
5 tiêu chí chọn cổ phiếu thường
Trong chương này tôi sẽ tổng kết 15 tiêu chí mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia thị trường chứng khoán. Một công ty vẫn có thể là khoản đầu tư hiệu quả nếu nó hoàn toàn không đạt được một số rất ít trong các tiêu chí này. Tuy nhiên tôi không nghĩ khoản đầu tư nào không thỏa mãn nhiều tiêu chí trong số đó lại có thể là một khoản đầu tư đáng giá. Một số tiêu chí này liên quan đến các vấn đề về chính sách của công ty; số khác lại liên quan đến cách thực thi chính sách. Một số tiêu chí cần được kiểm chứng rộng rãi bằng các nguồn thông tin bên ngoài, số còn lại có thể trực tiếp thu thập thông tin từ nhân viên của công ty đang tìm hiểu. 15 tiêu chí đó là:
Tiêu chí 1. Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ có đủ tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không?
Không phải là không có cách nào để kiếm lợi nhuận một lần từ những công ty mà đường doanh thu không tăng, thậm chí đi xuống. Kết quả hoạt động kinh doanh thu được từ việc kiểm soát tốt chi phí có thể tạo ra đủ sự tăng trưởng lợi nhuận thuần của công ty để đẩy thị giá cổ phiếu của công ty lên. Cách tìm kiếm lợi nhuận như vậy trên thị trường chứng khoán được rất nhiều nhà đầu cơ hoặc những người săn cổ phiếu giá rẻ ưa chuộng. Tuy nhiên nó không đem lại mức lợi nhuận đủ để có thể hấp dẫn những người khao khát thu được lợi nhuận tối đa từ các quỹ đầu tư của họ.
Có một kiểu tình huống khác, tuy cũng không thể mang lại lợi nhuận tối đa, nhưng đôi khi giúp nhà đầu tư kiếm được một khoản lớn hơn rất nhiều. Nó xuất hiện khi có một điều kiện thay đổi mở ra một giai đoạn tăng trưởng doanh thu mạnh cho công ty trong vài năm, nhưng sau đó sẽ ngừng. Điển hình là ví dụ về những gì đã xảy ra với rất nhiều hãng sản xuất radio, khi tivi xuất hiện và phổ biến. Doanh thu liên tục tăng cao trong khoảng vài năm. Tuy nhiên, đến 1957, có đến 90% các hộ gia đình sử dụng điện ở Mỹ có tivi, do vậy đường doanh thu đã trở lại trạng thái ổn định. Những người sớm đầu cơ vào cổ phiếu ngành này trước khi đường doanh thu tăng trưởng vượt ngưỡng, đã thu được một khoản lợi nhuận kếch sù. Sau đó khi đường doanh thu thăng bằng trở lại thì những cổ phiếu của ngành này không còn hấp dẫn như trước nữa.
Ngay cả những công ty nổi tiếng nhất cũng không phải luôn có doanh thu của mỗi năm lớn hơn các năm trước. Trong một chương khác, tôi sẽ đưa ra lý do tại sao những rắc rối thông thường trong nghiên cứu thương mại và marketing sản phẩm mới có khuynh hướng khiến doanh thu gia tăng đột biến, chứ không phải tăng đều đặn qua các năm. Tính không ổn định của chu kỳ kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc so sánh doanh thu giữa các năm. Do đó, không nên đánh giá sự tăng trưởng theo từng năm một, mà nên đánh giá theo chu kỳ vài năm một. Thậm chí, có một số công ty còn hứa hẹn tăng trưởng cao hơn mức bình thường, không chỉ trong chu kỳ vài năm, mà còn cho cả một khoảng thời gian dài sau đó.
Có thể chia những công ty tăng trưởng mạnh mẽ từ thập kỷ này sang thập kỷ khác đó thành hai nhóm. Vì chưa tìm được cụm từ nào thích hợp hơn, tôi sẽ gọi một nhóm là “may mắn và có năng lực”,
còn nhóm kia là “may mắn nhờ họ có năng lực”. Một yêu cầu bắt buộc với cả hai nhóm này là khả năng quản lý. Không công ty nào có thể tăng trưởng trong thời gian dài chỉ nhờ may mắn. Nó phải có và phải liên tục duy trì khả năng kinh doanh xuất sắc; nếu không nó không thể tận dụng được vận may của mình, cũng như đánh bại các đối thủ cạnh tranh.
Công ty Aluminum Company of America (Alcoa) là một ví dụ nằm trong nhóm “may mắn và có năng lực”. Những người sáng lập công ty này rất có tầm nhìn xa trông rộng. Họ đã sớm nhìn nhận chính xác về tầm quan trọng của việc đầu tư nguồn lực tài chính cho sản phẩm mới. Dù vậy, không ai trong số họ hay bất cứ người nào khác ở thời điểm đó, có thể dự đoán về quy mô của thị trường các sản phẩm nhôm, những sản phẩm mà sau đó đã phát triển trong bảy mươi năm kế tiếp. Chính sự kết hợp giữa phát triển khoa học kỹ thuật và nền kinh tế đã mang lại nhiều lợi thế cho Aluminum hơn các đối thủ khác. Alcoa đã và vẫn tiếp tục yêu cầu cao về kỹ năng khuyến khích và tận dụng lợi thế của xu hướng phát triển này. Tuy nhiên, cho dù điều kiện khách quan này không tác động tới việc mở rộng thị trường của Alcoa thì công ty vẫn phát triển ‒ dù tốc độ chậm hơn.
Công ty Aluminum đã rất may mắn khi tìm được chỗ đứng trong một ngành thuận lợi và bằng năng lực của mình, đã tận dụng rất tốt cơ hội đó. Năm 1957, cổ phiếu của Alcoa đã rớt gần 40% so với mức giá cao nhất được xác lập năm 1956. Nhưng ngay cả ở mức giá “thấp” này, giá trị cổ phiếu của công ty cũng đã tăng lên 500% so với mức giá giao dịch trung bình (chứ không phải mức thấp) của các cổ phiếu vào năm 1947 − chỉ mới mười năm trước.
Bây giờ, hãy lấy công ty Du Pont làm ví dụ về nhóm còn lại của các chứng khoán có khả năng tăng trưởng − nhóm “may mắn nhờ họ có năng lực”. Ban đầu, công ty này không kinh doanh nylon, giấy bóng kính xenlôfan, licite, neoprene, vải ooclông, milar, hay bất cứ sản phẩm hấp dẫn nào mà ngày nay đã gắn liền với hình ảnh công ty và mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư. Trong nhiều năm trước đó, Du Pont sản xuất thuốc nổ. Vào thời bình, công ty có mức độ tăng trưởng tương đương với mức của ngành công nghiệp khai mỏ. Trong những năm gần đây, Du Pont phát triển nhanh do có thêm doanh thu từ việc mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cầu đường. Hoạt động kinh doanh nổi bật và óc tài chính tuyệt vời kết hợp với kỹ năng chuyên môn xuất sắc đã mang lại doanh thu trên hai tỷ đô-la mỗi năm cho Du Pont. Áp dụng các kỹ năng và kinh nghiệm thu được từ quá trình kinh doanh thuốc nổ trong những ngày đầu, công ty đã thành công mỹ mãn trong việc liên tục đưa ra thị trường sản phẩm mới, và trở thành một trong những điển hình thành công của Mỹ.
Khi mới nhìn lướt qua ngành công nghiệp hóa chất, những nhà đầu đầu tư ít kinh nghiệm thường nghĩ có một sự trùng hợp may mắn khi các công ty hóa chất có định giá đầu tư cao nhất trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, thường sản xuất ra những sản phẩm tăng trưởng hấp dẫn nhất của ngành đó. Họ đã nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả. Khi nghiên cứu lịch sử của những công ty như Du Pont, Dow hay Union Carbide, nhìn vào đường doanh thu của họ, chúng ta sẽ hiểu rõ làm thế nào các công ty kiểu này lại được xếp vào nhóm “may mắn nhờ họ có năng lực”.
Một trong những ví dụ điển hình nhất về những công ty “may mắn nhờ họ có năng lực” là công ty vận chuyển General American Transportation. Cách đây gần 50 năm, khi công ty mới được thành lập, ngành công nghiệp cung cấp thiết bị đường sắt có vẻ là một ngành có triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn. Nhưng trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp này có dấu hiệu đi xuống. Chính sự thay đổi đó đã làm nảy sinh ý tưởng lắp ráp xe ôtô chuyên chở hàng hóa (vốn kém hấp dẫn). Sự nhạy bén và linh hoạt đã giúp General American Transportation phát triển mạnh mẽ. Chưa thỏa mãn với những điều đã đạt được, các nhà quản lý bắt đầu tận dụng lợi thế về kỹ năng và hiểu biết rút ra từ các hoạt động kinh doanh chính của họ, để bắt đầu tham gia các lĩnh vực khác không liên quan nhưng có khả năng mang lại sự tăng trưởng lớn hơn.
Một công ty có triển vọng doanh thu liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong một số năm tiếp theo, có thể mang lại sự phát đạt cho các nhà đầu tư cho dù công ty đó ở nhóm “may mắn và có năng lực” hay nhóm “may mắn nhờ họ có năng lực.” Tuy nhiên, những điển hình như General American Transportation đã làm sáng tỏ một điều, đó là trong bất cứ trường hợp nào, nhà đầu tư cũng cần phải luôn tỉnh táo đánh giá xem liệu năng lực quản lý của công ty đó có luôn ở mức tốt nhất không; thiếu năng lực đó, doanh thu sẽ không thể tiếp tục tăng.
Việc đánh giá chính xác đường doanh thu dài hạn là cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư. Một sự đánh giá thiển cận, thiếu thận trọng có thể dẫn đến những kết luận sai lầm. Tôi đã đề cập đến chứng khoán của các công ty sản xuất radio và tivi như một ví dụ mà thay vì tăng trưởng dài hạn liên tục, cổ phiếu các công ty này lại tăng đột phá do nhu cầu mua tivi của các gia đình trên toàn nước
Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có một xu hướng mới xuất hiện trong các công ty này: sử dụng chuyên môn điện tử để mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực điện tử khác như truyền thông thiết bị, truyền thông tự động hóa. Những dòng sản phẩm của các ngành này, và trong trường hợp là ngành điện tử phục vụ mục đích quân sự hứa hẹn triển vọng tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Tại một số công ty như vậy (ví dụ Motorola), chúng còn đóng vai trò quan trọng hơn cả hoạt động sản xuất tivi. Trong khi đó, những kỹ thuật mới phát triển đã khiến cho các mẫu tivi đầu thập niên 1960 trở nên lạc hậu, lỗi thời.
Một cải tiến tiềm năng của tivi là tivi màu. Một cải tiến khác là kết quả trực tiếp của sự phát triển công nghệ bán dẫn và vi mạch in. Đó là tivi dạng màn hình có kích cỡ và hình dạng khác với tivi treo tường ngày nay một chút. Nếu sự phát triển này đi đôi với hiệu quả thương mại thì một số ít các công ty sản xuất thiết bị truyền hình ứng dụng tốt công nghệ sẽ có doanh thu tăng đột biến, thậm chí lớn hơn và kéo dài hơn nhiều những gì mà họ đã đạt được trước đó! Những công ty như vậy có thể tìm thấy sự phát triển mạnh mẽ mở rộng hơn nữa trong một ngành đang tăng trưởng vững chắc và ngành kinh doanh điện tử phục vụ quân sự. Khi đó, chúng sẽ thu đạt mức tăng trưởng doanh thu lớn − tiêu chí đầu tiên mà nhà đầu tư nào muốn thu lợi nhuận tối đa nên xem xét.
Tôi đề cập đến ví dụ này không phải như một cái gì chắc chắn sẽ xảy ra, mà chỉ như điều gì đó rất có khả năng xảy ra. Nếu công ty được quản lý tốt, và ngành nó tham gia chú trọng tới việc nghiên cứu phát triển và thay đổi công nghệ, thì những nhà đầu tư khôn ngoan nên ý thức rằng rất có khả năng ban quản lý có thể điều hành
công việc để tạo ra trong tương lai dạng đường doanh thu lý tưởng cho tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn một công ty thực sự đáng đầu tư. Trong trường hợp này có thể coi Motorola là ví dụ lý tưởng. Công ty đã trở thành hãng dẫn đầu nổi tiếng trong lĩnh vực máy bộ đàm hai chiều. Ban đầu thiết bị này chỉ đặc biệt dành cho xe cảnh sát và xe tắc xi, ngày nay dường như chúng đang tăng trưởng không giới hạn. Các công ty xe tải, chủ sở hữu của hầu hết các đoàn xe giao hàng, các ngành công cộng, các dự án xây dựng lớn, và đường ống chỉ là một phần nhỏ trong các khách hàng sử dụng thiết bị của công ty. Trong khi đó, sau một vài năm nỗ lực phát triển tốn kém, Motorola đã thành lập bộ phận sản xuất thiết bị bán dẫn7 để tìm kiếm lợi nhuận, dẫn đầu chiếm thị phần trong xu hướng tăng trưởng thần kỳ của ngành công nghiệp mới này. Công nghệ bán dẫn trở thành xương sống trong lĩnh vực máy quay đĩa âm thanh nổi, và đem lại nguồn thu gia tăng doanh thu liên tục quan trọng. Nhờ mối liên hệ có một không hai với nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu quốc gia (Drexel), công ty đã bán được một số lượng lớn dòng tivi giá cao. Cuối cùng, sau một vụ mua lại, nó đã đặt chân vào lĩnh vực sản xuất máy trợ thính và có thể phát triển những thiết bị đặc biệt khác. Tóm lại, mặc dù trong thập kỷ tới, một vài tác nhân kích thích quan trọng sẽ tạo ra những bước đột phá lớn chưa từng có với dòng sản phẩm phát thanh truyền hình ban đầu của công ty, nhưng hiện tại điều đó vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên ban quản trị công ty luôn không ngừng tận dụng nguồn lực và kỹ năng trong bản thân tổ chức để tăng trưởng liên tục. Thị trường chứng khoán có đáp lại điều đó? Khi tôi viết xong ấn bản đầu tiên của cuốn sách này, cổ phiếu của
Motorola có giá 451/2 đô-la. Ngày nay, mức giá của nó đã là 122 đôla.
Khi nhà đầu tư nhận ra những cơ hội như vậy, lợi nhuận kiếm được sẽ lớn đến chừng nào? Hãy lấy một ví dụ thực tế trong ngành mà chúng ta đang xem xét. Vào năm 1947, một người bạn của tôi ở phố Wall đã tiến hành điều tra khảo sát ngành truyền hình non trẻ. Anh ta nghiên cứu hơn mười nhà sản xuất các linh kiện chính, vào giai đoạn thuận lợi trong năm. Anh ta đưa ra kết luận là hoạt động kinh doanh sẽ ngày càng mang tính cạnh tranh, xuất hiện sự chuyển đổi vị trí dẫn đầu giữa các hãng, và cổ phiếu của một số ngành sẽ trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều tra cho thấy ngành thiếu hụt một số lượng lớn các bóng thủy tinh cho đèn hình. Nhà sản xuất loại sản phẩm này thành công nhất là công ty Corning Glass Works. Nghiên cứu sâu hơn các khía cạnh kỹ thuật và nghiên cứu của công ty cho thấy rõ Corning Glass Works rất phù hợp để sản xuất bóng đèn thủy tinh cho ngành truyền hình. Đây là thế mạnh kinh doanh của công ty. Vì triển vọng chung của các dòng sản phẩm khác của công ty đều thuận lợi, nên phân tích này đánh giá cổ phiếu công ty lý tưởng cho cả đầu tư cá nhân và tổ chức. Khi đó, giá cổ phiếu công ty là khoảng 20 đô-la. Sau này, một cổ phiếu được chia tách thành 21/2, và mười năm sau khi bạn tôi mua cổ phiếu của Corning Glass Works, nó đã được bán ở mức giá hơn 100 đô-la, tức là gấp 250 lần của giá mua vào.
Tiêu chí 2. Bộ máy quản lý của công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?
Những công ty có triển vọng tăng trưởng trong một vài năm tiếp theo do nhu cầu mới về các dòng sản phẩm hiện tại, nhưng không có chính sách hay kế hoạch để tiếp tục phát triển thường chỉ mang lại khoản lợi nhuận một lần. Những công ty này không có khả năng cung cấp phương tiện để đạt được lợi nhuận bền vững trong vòng 10 hoặc 25 năm, mặc dù đây mới là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công. Muốn đạt được sự tăng trưởng đó, các công ty cần có nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật. Dựa trên các phương tiện trên, các công ty có thể cải tiến các sản phẩm cũ và phát triển các sản phẩm mới. Và theo cách thức đó, một ban quản trị không thỏa mãn với những bước tăng trưởng nhất thời sẽ thấy rõ thực chất của tăng trưởng là liên tục phát triển.
Nhà đầu tư thường thu được những lợi nhuận cao nhất từ những công ty coi trọng việc nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm triển khai những dòng sản phẩm mới có liên quan đến phạm vi hoạt động của công ty. Điều này không có nghĩa là một công ty đáng đầu tư sẽ phải có nhiều bộ phận, trong đó một số sản xuất những dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt. Điều này nghĩa là đặt nghiên cứu ở vị trí trung tâm của mỗi bộ phận, giống như một cái cây vươn ra nhiều nhánh từ thân của nó, sẽ tốt hơn rất nhiều một công ty kinh doanh những dòng sản phẩm mới không liên quan đến hoạt động chính của công ty, các sản phẩm mà nếu có thành công, thì cũng là trong những ngành hoàn toàn khác biệt với hoạt động kinh doanh hiện có.
Tiêu chí 2 dường như hơi lặp lại tiêu chí 1. Nhưng thực tế lại khác. Tiêu chí 1 đánh giá một phần tiềm năng tăng trưởng thật sự của doanh thu nhờ vào sản phẩm của một công ty. Còn tiêu chí 2 đề
cập đến thái độ quản lý. Liệu công ty có nhận ra đúng thời điểm phát triển thị trường hiện tại và để tiếp tục lớn mạnh có thể họ sẽ cần tạo ra những thị trường hoàn toàn mới trong tương lai? Công ty nào có cả hai lợi thế, khả năng tăng trưởng ở tiêu chí 1 và thái độ quản lý tốt ở tiêu chí 2 sẽ có nhiều khả năng mang lại khoản đầu tư có lợi nhuận tối đa.
Tiêu chí 3. Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô của nó?
Không khó để lấy số liệu các khoản đầu tư hàng năm của các công ty đại chúng dành cho việc nghiên cứu và phát triển, bởi hết các công ty trên đều công bố báo cáo tổng doanh thu bán hàng hàng năm. Chỉ với vài phép toán đơn giản, chúng ta có thể biết được phần trăm doanh thu trích ra dành cho nghiên cứu và phát triển. Nhiều nhà phân tích đầu tư chuyên nghiệp thích so sánh ngân sách dành cho nghiên cứu của công ty này với công ty khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Đôi khi, họ so sánh nó với mức trung bình trong cùng ngành, bằng cách lấy trung bình cộng của rất nhiều công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực. Từ đó, họ đưa ra kết luận về tầm quan trọng của nỗ lực nghiên cứu của công ty đối với khả năng cạnh tranh và lượng tiền dành cho nghiên cứu trên mỗi cổ phiếu
Số liệu trên chính là thước đo cho ta biết liệu công ty đang thực hiện rất nhiều nghiên cứu hay thực hiện chưa đủ. Nhưng nếu thiếu những hiểu biết sâu sắc thì các số liệu đó có thể bị sai lệch. Một lý do nằm ở cách công ty xác định khoản chi nào thuộc hay không thuộc chi phí nghiên cứu và phát triển. Có thể một công ty tính vào chi phí nghiên cứu khoản dành cho thiết kế bởi nó thật sự giúp điều chỉnh các sản phẩm hiện tại cho phù hợp với một yêu cầu nào đó.
Ngược lại, một công ty khác sẽ tính chi phí vận hành một nhà máy sản xuất thí điểm một sản phẩm hoàn toàn mới vào chi phí sản xuất thay vì chi phí nghiên cứu. Hầu hết các chuyên gia gọi phương pháp này là chức năng nghiên cứu thuần túy bởi nó liên quan trực tiếp tới phương thức tạo ra một sản phẩm mới. Nếu tất cả các công ty báo cáo về chi phí nghiên cứu dựa trên một cơ sở kế toán có thể đối chiếu thì các số liệu liên quan đến toàn bộ các hoạt động nghiên cứu đã được tiến hành bởi các công ty nổi tiếng khác nhau sẽ không giống với những số liệu có trong chu kỳ tài chính.
Nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các công ty về lợi nhuận và chi phí nghiên cứu trong quá trình phân chia các hoạt động kinh doanh. Thậm chí, giữa các công ty được quản lý tốt nhất tỷ số dao động này dường như cũng lên tới 2:1. Điều này có nghĩa là, một số công ty hoạt động tốt thu lãi gấp đôi trên mỗi đô-la chi phí nghiên cứu so với các công ty cũng hoạt động tốt khác. Đối so sánh trong các công ty hoạt động ở mức trung bình, thì sự khác biệt giữa công ty hoạt động tốt nhất và bình thường trong số này là vô cùng lớn. Nguyên nhân là bởi những tiến bộ trong cách thức và quá trình sản xuất các phẩm mới không còn phụ thuộc vào một người tài giỏi. Chúng do nhóm các nhà khoa học trình độ cao, mỗi người một chuyên môn khác nhau, làm ra. Có người là nhà hóa học, có người là nhà vật lý chất lỏng, nhà luyện kim, hoặc nhà toán học. Kỹ năng của mỗi chuyên gia đóng góp một phần cần thiết để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn. Cũng cần phải có trưởng nhóm nghiên cứu, người có thể kết hợp công việc khác nhau của mọi người và hướng chúng tới mục tiêu chung. Bởi vậy, số lượng hay uy tín của từng
chuyên gia nghiên cứu trong mỗi công ty có lẽ sẽ bị lu mờ bởi hiệu quả làm việc theo nhóm.
Mục đích của việc quản lý là kết hợp các chuyên gia với khả năng kỹ thuật khác nhau thành một nhóm chặt chẽ và khuyến khích mỗi cá nhân trong nhóm làm việc hiệu quả nhất. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhân viên nghiên cứu trong mỗi dự án phát triển và những người hiểu biết về sản xuất, bán hàng là rất quan trọng. Nếu không duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất và marketing thì những sản phẩm mới được hình thành trong ý tưởng sẽ không được thiết kế và sản xuất ở mức giá rẻ nhất có thể, hoặc khi được thiết kế, cũng sẽ gặp thất bại trong việc tối đa thị phần bán hàng.
Cuối cùng, còn có một kiểu hợp tác khác để chi phí nghiên cứu đạt hiệu quả tối đa. Đó là sự hợp tác với các nhà quản lý cấp cao nhất hiểu rõ bản chất cốt lõi của nghiên cứu thương mại. Không thể mở rộng những dự án phát triển trong những năm thuận lợi và cắt giảm mạnh trong những năm không thuận lợi mà không làm tổng chi phí tăng gấp bội. Đôi khi những chương trình “cấp tốc” vẫn luôn được các nhà quản lý cấp cao ưa chuộng cũng cần thiết, nhưng chi phí thường khá cao. Chương trình cấp tốc thường xảy ra khi các nhân sự nghiên cứu chủ chốt đột nhiên bị rút khỏi một dự án mà họ đang tham gia và tập trung vào một nhiệm vụ mới dù rất quan trọng ở thời điểm hiện tại nhưng không đáng để làm gián đoạn dự án. Cốt yếu để thành công trong nghiên cứu thương mại là chọn ra nhiệm vụ có khả năng mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần chi phí nghiên cứu nó. Tuy nhiên, khi một dự án được khởi động, nếu thường xuyên cho phép việc cân nhắc ngân quỹ và những nhân tố phát sinh
bên ngoài cắt giảm hoặc tăng tốc dự án sẽ khiến tổng chi phí tăng lên so với lợi nhuận thu được.
Một số công ty hàng đầu lại không chú ý đến điều này. Tôi đã được nghe những nhà lãnh đạo của một vài công ty nhỏ nhưng thành công trong lĩnh vực điện tử, bày tỏ quan điểm. Đáng ngạc nhiên là ở chỗ họ không hề lo sợ phải cạnh tranh với những người khổng lồ trong ngành điện tử. Không lo lắng về việc sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh của các công ty lớn không có nghĩa là đánh giá thấp khả năng của các nhà nghiên cứu hay không lường hết được những gì chi phí mà một công ty lớn thường sử dụng cho việc nghiên cứu. Mà là do các công ty lớn thường tạm dừng các dự án đang triển khai và thực hiện các chương trình cấp tốc nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn của các nhà lãnh đạo. Một vài năm trước tôi được biết một trường đại học công nghệ nổi tiếng đã khuyên các sinh viên sắp tốt nghiệp của trường không nên đăng tuyển vào một công ty dầu khí. Lý do là bởi bởi lãnh đạo của công ty đó định thuê nhân viên trình độ cao cho những dự án kéo dài khoảng năm năm. Ba năm sau, công ty không còn hứng thú với một dự án trong số đó và đã đình chỉ nó, dẫn đến lãng phí tiền của cũng như tạo ấn tượng xấu với những ứng viên định xin việc vào công ty.
Một nhân tố khác khiến việc định giá đầu tư chính xác cho nghiên cứu trở nên phức tạp, đó là làm thế nào định giá rất nhiều nghiên cứu liên quan đến hợp đồng quốc phòng. Những chương trình nghiên cứu như vậy không được thực hiện bằng chi phí của công ty, mà lấy từ ngân sách liên bang. Một số nhà thầu phụ trong lĩnh vực quốc phòng cũng có những nghiên cứu quan trọng cho lợi ích của nhà thầu chính mà họ đang cung cấp. Liệu nhà đầu tư có
nên coi trọng tổng chi của dự án như vậy ngang bằng với nghiên cứu tiến hành bằng chi phí của chính công ty không? Nếu không, nên định giá nó ra sao trong tương quan với nghiên cứu được công ty bảo trợ? Giống như rất nhiều giai đoạn khác khác trong lĩnh vực đầu tư, không thể giải đáp những vấn đề này bằng công thức toán học cứng nhắc. Mỗi trường hợp lại một khác.
Biên lợi nhuận của hợp đồng quân sự luôn nhỏ hơn của hợp đồng kinh tế phi chính phủ, vấn đề là ở chỗ hợp đồng mua bán những vũ khí mới thường là mục tiêu đấu thầu cạnh tranh từ các kế hoạch của chính phủ. Điều này có nghĩa, không thể kinh doanh các sản phẩm do chính phủ tài trợ nghiên cứu như các sản phẩm do công ty nghiên cứu. Do vậy, đứng trên quan điểm của nhà đầu tư, giá trị kinh tế của các dự án nghiên cứu được chính phủ tài trợ có sự khác biệt rất lớn. Ví dụ minh họa mang tính lý thuyết dưới đây có thể cho chúng ta thấy vì sao mà ba dự án sau lại có những giá trị rất khác biệt đối với nhà đầu tư:
Một dự án sản xuất loại vũ khí mới tối tân không được phép sử dụng cho mục đích phi quân sự vì quyền sử dụng những loại vũ khí này đều thuộc chính phủ. Vấn đề là ở chỗ, sau khi phát minh ra loại vũ khí đó, công ty đã nghiên cứu nó không có bất cứ lợi thế nào so với công ty khác trong việc đấu thầu sản xuất. Những nỗ lực trong nghiên cứu như thế hầu như không có giá trị đối với nhà đầu tư.
Nhưng nếu một dự án khác cũng sản xuất loại vũ khí tương tự với công nghệ sản xuất phức tạp hơn, nên công ty không tham gia nghiên cứu ngay từ đầu rất khó sản xuất ra chúng, thì cho dù không mang lại lợi nhuận cao, một dự án nghiên cứu như vậy sẽ vẫn có
giá trị vừa phải với nhà đầu tư, bởi nó sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và bảo đảm từ phía chính phủ.
Còn công ty thứ ba sản xuất vũ khí và trong quá trình sản xuất, học được các nguyên tắc và kỹ thuật có khả năng ứng dụng cho các dòng sản phẩm thương mại thông thường, sẽ thu được lợi nhuận cao hơn nhiều. Một dự án nghiên cứu như vậy có giá trị lớn đối với các nhà đầu tư. Thành công rực rỡ nhất gần đây của một vài công ty là xuất phát từ việc được chính phủ cho phép áp dụng các kết quả nghiên cứu vì mục đích quân sự vào các lĩnh vực phi quân sự. Những công ty như vậy đang mang lại cho chính phủ những kết quả nghiên cứu thiết yếu cho quốc phòng. Và trong quá trình nghiên cứu đó, với chi phí thấp hoặc bằng không, họ cũng đồng thời thu được những lợi nhuận nghiên cứu phi quân sự mà nhẽ ra họ có thể phải tự trả. Nhân tố này là một trong những lý do chính mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng cho tập đoàn Texas Instruments. Trong vòng bốn năm, họ đã tăng trưởng gần 500% từ mức giá 51/4 đô-la vào thời điểm bắt đầu được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào năm 1953. Trong giai đoạn đó, giá cổ phiếu của Ampex cũng tăng 700% nhờ nhân tố trên.
Cuối cùng, một hoạt động khác cũng cần được đánh giá khi xem xét giá trị đầu tư tương đối của các tổ chức nghiên cứu trong công ty. Đây là những thứ thường không được xét đến trong nghiên cứu phát triển − nghiên cứu thị trường. Hoạt động nghiên cứu thị trường được coi như cầu nối giữa nghiên cứu phát triển và doanh thu. Những nhà quản lý hàng đầu cần phải được cảnh báo chống lại sức cám dỗ trong việc sử dụng tổng nguồn vốn vào việc nghiên cứu và phát triển một sản phẩm hấp dẫn mà khi nó hoàn thành sẽ mở ra thị
trường lớn nhưng lại không đủ để thu lại lợi nhuận tương xứng. Bởi lý do đó, tôi cho rằng không bao giờ nên thỏa mãn với một thị trường chỉ đủ lớn để có thể bù lại chi phí nghiên cứu mà không mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư. Một tổ chức nghiên cứu cần phát triển theo hướng biến một dự án thành công về mặt kỹ thuật và không có khả năng chi trả cho chi phí của chính nó thành một dự án có thể mở rộng thị trường với khả năng bù đắp chi phí tăng gấp ba lần. Điều này sẽ nâng cao giá trị công ty trong mắt nhà đầu tư.
Nếu các thước đo định lượng − ví dụ: chi phí nghiên cứu hàng năm hay số lượng nhân viên có bằng cấp − mới chỉ là chỉ dẫn sơ sài chứ không xác định được liệu tổ chức nghiên cứu của một công ty có xuất sắc không, thì nhà đầu tư cẩn trọng phải tìm những thông tin quan trọng như thế nào? Một lần nữa, phương pháp “lời đồn đại” lại phát huy hiệu quả. Cho đến khi nhà đầu tư trung bình sử dụng phương pháp này, anh ta sẽ không thể tin nổi trước độ hoàn chỉnh của bức tranh anh ta thu được khi đặt những câu hỏi thông minh về các hoạt động nghiên cứu của một công ty từ nhóm những nhà nghiên cứu thành phần đa dạng gồm người trong nội bộ công ty, đối thủ sản xuất dòng sản phẩm cạnh tranh, chuyên gia trong các trường đại học, trong chính phủ. Một phương pháp đơn giản và đáng giá hơn là tiến hành nghiên cứu sâu doanh thu và lợi nhuận thuần mà tổ chức nghiên cứu đóng góp cho công ty trong một khoảng thời gian cụ thể, chẳng hạn mười năm trước đó. Một tổ chức nghiên cứu cùng với khả năng hoạt động tốt đã sản xuất ra một dòng sản phẩm mới có thể mang lại lợi nhuận trong một chu kỳ kinh
doanh, vẫn có thể hữu ích như vậy trong tương lai, miễn là nó tiếp tục hoạt động theo những phương pháp chung.
Tiêu chí 4. Cách thức tổ chức bán hàng của công ty đã hiệu quả chưa?
Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, chỉ có một số ít những sản phẩm và dịch vụ của vài công ty là thật sự gây được tiếng vang, và có thể tiêu thụ ở mức tối đa tại những thị trường tiềm năng của công ty. Thường thì điều này có được là nhờ đội ngũ marketing bán hàng. Việc xúc tiến bán hàng là hoạt động cơ bản nhất của các doanh nghiệp. Hoạt động marketing lặp đi lặp lại nhằm mang lại sự thỏa mãn nhất cho các khách hàng là chuẩn mực đầu tiên để tiến đến thành công. Tuy nhiên, hiệu quả nổi bật của các hoạt động marketing bán hàng của một công ty nhờ quảng cáo, tổ chức phân phối hàng hóa lại nhận được ít sự quan tâm từ phía nhà đầu tư, thậm chí cả với những nhà đầu tư cẩn trọng, so với việc sản xuất, nghiên cứu, tài chính, hay những hoạt động ngoài lề khác.
Có một lý do giải thích cho vấn đề này. Khá dễ dàng tìm ra tỷ lệ so sánh về: chi phí sản xuất, chi phí đầu tư nghiên cứu, hoặc cơ cấu tài chính với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, không đơn giản khi lượng hóa những yếu tố như năng lực bán hàng hay phân phối. Càng để tâm nghiên cứu, chúng ta càng thấy những con số đó quá sơ sài để có thể cung cấp cho chúng ta điều gì ngoài một bước đầu gợi ý những thông tin mà chúng ta tìm kiếm. Giá trị của chúng liên quan tới hoạt động sản xuất và cơ cấu tài chính. Cho dù những tỷ lệ so sánh này có đóng vai trò gì trong chu trình tài chính hay không thì sự thật là những nhà đầu tư vẫn thích dựa vào chúng để đánh giá về công ty. Bởi những nỗ lực marketing bán hàng không phải là một
đại lượng có thể tính toán bằng công thức, nên rất nhiều nhà đầu tư đã hoàn toàn bỏ qua việc đánh giá nó, mặc dù việc này rất cơ bản và quan trọng để xác định giá trị đầu tư thực tế.
Lại một lần nữa, hướng giải quyết cho tình thế này nằm ở phương pháp “lời đồn đại”. Trong tất cả các hoạt động của công ty, không có hoạt động nào dễ hơn việc học tập phương thức tổ chức bán hàng của các công ty khác trong cùng ngành. Cả đối thủ cạnh tranh và khách hàng của doanh nghiệp đều biết các đáp án mà nhà đầu tư cần tìm. Họ là những người có cái nhìn chính xác nhất về doanh nghiệp mà bạn đang quan tâm. Những nhà đầu tư cẩn trọng mất nhiều thời gian vất vả để tìm hiểu vấn đề này thường được đền đáp xứng đáng.
Tôi viết về các vấn đề liên quan đến năng lực bán hàng của một doanh nghiệp ngắn hơn phần viết về vấn đề nghiên cứu phát triển của nó. Điều này không có nghĩa là tôi cho rằng nó ít quan trọng. Trong thời buổi cạnh tranh ngày nay, cần phối hợp rất nhiều thứ quan trọng mới mang lại thành công. Việc nói vấn đề này quan trọng hơn vấn đề kia cũng giống như khi nói trái tim, phổi, hay bộ máy tiêu hóa, cơ quan nào là quan trọng nhất trong bộ máy chức năng của cơ thể. Chúng ta cần các bộ phận này đều đảm nhận tốt chức năng để có một cơ thể khỏe mạnh. Hãy tìm kiếm xung quanh bạn những công ty thu hút đầu tư. Hãy cố tìm ra một công ty không có sự phân phối chồng chéo và thường xuyên cải thiện công tác tổ chức marketing bán hàng.
Tôi đã nhiều lần nhắc đến công ty Dow Chemical, đó là vì tôi tin công ty này là một điển hình tuyệt vời cho khoản đầu tư dài hạn an toàn. Dù vậy, có một điều ít người biết là công ty này lựa chọn và
đào tạo nhân sự bán hàng cũng kỹ lưỡng như khi tuyển dụng các nhà nghiên cứu hóa học làm việc cho họ. Trước khi một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học trở thành nhân viên bán hàng cho công ty Dow, anh ta sẽ được mời tham dự vài chuyến công tác tại Midland để cả anh ta và công ty đều có thể chắc chắn rằng anh ta có tính cách và khả năng hoàn toàn phù hợp với công việc bán hàng. Sau đó, trước khi anh ta gặp các khách hàng tiềm năng của mình, anh ta phải tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt kéo dài trong khoảng vài tuần, nhưng chia thành nhiều đợt trong năm để có thể đảm đương được những công việc bán hàng phức tạp hơn. Đây mới chỉ là khởi đầu cho những đợt đào tạo mà anh ta sẽ phải trải qua; một số nỗ lực lớn nhất của công ty là tìm kiếm những hướng đi hiệu quả để thu hút khách hàng bằng dịch vụ và hệ thống phân phối.
Không chỉ có Dow và các công ty điển hình khác trong lĩnh vực hóa chất chú ý đến việc bán hàng và phân phối sản phẩm. Trong một ngành khá khác biệt, IBM là công ty mang lại phần thưởng xứng đáng cho người sở hữu cổ phiếu của nó. Gần đây, một lãnh đạo cấp cao của IBM đã nói với tôi rằng một nhân viên bán hàng bình thường của công ty cũng sử dụng 1/3 thời gian tại các trường đào tạo do IBM tài trợ! Tỷ lệ đáng kinh ngạc này là kết quả của nỗ lực giúp khả năng bán hàng có thể bắt kịp công nghệ đang ngày càng biến đổi nhanh chóng. Tôi tin rằng những công ty thành công nhất luôn tìm cách nâng cao khả năng bán hàng của nhân viên. Lợi nhuận một lần có thể được tạo ra trong công ty nhờ những kỹ năng về sản xuất hay nghiên cứu mà không cần đến sự tổ chức phân phối thật sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, những công ty như vậy có thể rất dễ bị
tổn hại. Để có được sự tăng trưởng bền vững thì công ty cần một đội ngũ bán hàng được đào tạo và tổ chức thật tốt.
Tiêu chí 5. Biên lợi nhuận của công ty có cao không? Đây là một chủ đề được giới tài chính coi như xương sống của các quyết định đầu tư bền vững. Trên quan điểm của nhà đầu tư, doanh thu chỉ có giá trị khi làm tăng lợi nhuận. Doanh thu tăng không có nghĩa là lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng. Bước đầu tiên để xác định lợi nhuận là nghiên cứu biên lợi nhuận của công ty, tức là xác định lợi nhuận hoạt động có được từ doanh thu tính theo đô la. Rõ ràng có sự khác biệt lớn giữa các công ty khác nhau ngay trong cùng một ngành. Nên tiến hành bước nghiên cứu này không chỉ trong một năm mà là nhiều năm. Trong thời kỳ thịnh vượng khác thường của ngành, hầu hết các công ty đều có biên lợi nhuận rộng hơn, do đó tổng lợi nhuận tính bằng đô-la cũng cao hơn. Tuy nhiên, trong những năm thuận lợi, chính các công ty có biên lợi nhuận nhỏ hơn lại luôn luôn có tỷ lệ tăng biên lợi nhuận nhiều hơn so với các công ty có chi phí thấp (biên lợi nhuận của các công ty này cũng tăng nhưng không cao bằng). Chính điều này dẫn đến thực tế là trong một năm kinh doanh thuận lợi khác thường, những công ty yếu thế thường gia tăng phần trăm thu nhập cao hơn những công ty mạnh trong cùng lĩnh vực. Dù vậy, cần phải nhớ rằng, những thu nhập kiếm được nhanh chóng theo kiểu như vậy dễ bị sụt giảm khi hoạt động kinh doanh đi xuống.
Vì lý do này mà tôi tin rằng không thể đạt được lợi nhuận cao nhất trong dài hạn khi đầu tư vào các công ty có biên lợi nhuận thấp. Lý do duy nhất để xem xét việc đầu tư dài hạn vào một công ty có biên lợi nhuận quá thấp là khi xuất hiện những dấu hiệu chắc chắn
cho thấy sự thay đổi mang tính cốt lõi sẽ xảy ra trong công ty. Sự cải thiện biên lợi nhuận xuất hiện vì các lý do khác chứ không chỉ nhờ việc mở rộng số lượng hoạt động kinh doanh tạm thời của công ty. Nói cách khác, công ty sẽ thoát khỏi danh sách những công ty có biên lợi nhuận thấp theo nghĩa đen, bởi vì lý do thật sự để mua cổ phiếu của nó là vì công ty hoạt động hiệu quả hoặc phát triển các sản phẩm mới. Khi những thay đổi nội bộ như vậy được tiến hành tại một công ty mà các khía cạnh khác đều đáp ứng tiêu chuẩn của đầu tư dài hạn, thì nó thật sự là một mục tiêu hấp dẫn.
Trong số các công ty lớn có thâm niên, hầu hết các khoản lợi nhuận đích thực được do đầu tư đều xuất phát từ những công ty có biên lợi nhuận khá rộng. Thường thì chúng nằm trong số các công ty có biên lợi nhuận cao nhất ngành. Nhưng thực tế khi áp dụng quy luật biên lợi nhuận đối với các công ty mới tham gia thị trường, hoặc một vài công ty đã hoạt động lâu năm lại có sự sai lệch khá lớn. Tại một số giai đoạn nhất định, những công ty này sẽ quyết định đẩy mạnh tăng trưởng bằng cách sử dụng tất cả hoặc một phần lớn khoản lợi nhuận kiếm được để nghiên cứu hoặc khuyến mại nhiều hơn. Vấn đề là ở chỗ việc tăng cường nghiên cứu, khuyến mại, hay tiến hành những hoạt động khác được cấp vốn hôm nay là vì mục đích tương lai của công ty, cũng chính là nguyên nhân làm biên lợi nhuận tạm thời không tăng thậm chí bằng không.
Điều cần quan tâm nhất là phải đảm bảo các hoạt động được cấp vốn bằng cách giảm biên lợi nhuận không chỉ là các hoạt động cần để thúc đẩy tăng trưởng, mà còn đem lại nhiều việc nghiên cứu, khuyến mại… hơn tỷ lệ vốn cấp. Nếu vậy, công ty có biên lợi nhuận nhỏ sẽ trở thành một khoản đầu tư cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, trừ
các trường hợp ngoại lệ này, còn lại mọi nhà đầu tư mong đợi thu lợi nhuận dài hạn cao nhất nên tránh xa những công ty có biên lợi nhuận thấp hoặc bằng không.
Tiêu chí 6. Công ty đang làm gì để duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?
Thành công của việc đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp nào đó không phụ thuộc vào những thông tin nói chung về doanh nghiệp tại thời điểm mua mà dựa vào những gì sẽ xảy ra sau khi cổ phiếu được mua. Do đó, biên lợi nhuận trong tương lai mới đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư. Ngày nay dường như có một mối đe dọa thường trực ảnh hưởng tới biên lợi nhuận. Chi phí tiền lương và tiền công tăng lên theo từng năm.
Ngày nay, rất nhiều ký hợp đồng lao động dài hạn, khiến các loại chi phí này càng tăng lên trong vài năm sau đó. Chi phí lao động tăng kéo theo giá nguyên liệu thô tăng lên. Tỷ lệ thuế địa phương và thuế bất động sản cũng tăng lên đều đặn. Trong bối cảnh này, những công ty khác nhau sẽ có xu hướng biên lợi nhuận khác nhau. Một số công ty ở vị trí may mắn có thể thu lợi nhuận bằng cách tăng giá bán. Thường điều này là do các công ty này nằm trong những ngành mà nhu cầu về sản phẩm của họ vô cùng nhiều, hoặc do mức giá bán của các sản phẩm cạnh tranh tăng lên, thậm chí còn cao hơn giá bán ra của chính các công ty trên. Tuy nhiên, trong nền kinh tế, việc duy trì và cải thiện biên lợi nhuận bằng cách này thường chỉ mang tính tạm thời bởi vì khả năng sản xuất cạnh tranh mới sẽ xuất hiện. Năng suất mới sẽ trở nên quan trọng hơn khoản lợi nhuận gia tăng, để đến thời điểm chi phí sẽ không kéo theo tăng giá. Biên lợi nhuận theo đó cũng bắt đầu giảm đi.
Một ví dụ điển hình về vấn đề này là sự thay đổi bất thường của thị trường nhôm vào mùa thu năm 1956, chỉ trong vài tuần, điều kiện cung cấp thiếu hụt đã bị thay thế bằng cạnh tranh bán hàng gay gắt. Trước thời điểm đó, giá nhôm cũng đã tăng do chi phí tăng. Nếu nhu cầu sản phẩm không tăng nhanh hơn khả năng sản xuất, thì tốc độ tăng giá nhôm sẽ giảm đi. Tương tự các nhà sản xuất thép lớn nhất phải miễn cưỡng tăng giá cả của các loại sản phẩm thép khan hiếm để cung cấp cho “tất cả các thị trường có thể sinh lợi”, điều này phản ánh phần nào suy nghĩ lâu dài về việc tăng biên lợi nhuận thông qua tăng giá.
Nguy cơ dài hạn này sẽ được minh họa rõ ràng nhất thông qua những gì đã xảy ra đối với các nhà sản xuất đồng hàng đầu trong cùng thời gian sáu tháng cuối năm 1956. Những công ty này đã phải tự kiềm chế mình, thậm chí trong một thời gian dài phải bán dưới mức giá thế giới nhằm giữ giá đồng không tăng lên quá cao. Tuy nhiên, giá đồng vẫn tăng đáng kể làm giảm bớt lượng cầu và thu hút về một nguồn cung cấp mới. Tiềm năng tiêu thụ đồng của các nước Tây Âu giảm mạnh do việc đóng cửa kênh đào Suez, điều này càng khiến cho tình trạng cung cầu trở nên mất cân đối. Có thể các biên lợi nhuận năm 1957 thấp hơn do biên lợi nhuận năm năm 1956 quá cao. Khi biên lợi nhuận gộp của cả ngành đều tăng bởi việc tăng giá liên tục, đó là dấu hiệu không tốt đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Trái lại, những công ty khác, kể cả những công ty trong cùng ngành này, tăng biên lợi nhuận lâu dài bằng cách khác thông minh hơn là việc chỉ tăng giá. Một số công ty đạt được thành công lớn do đã duy trì việc cải thiện vốn hoặc duy trì các phòng thiết kế sản phẩm. Chức năng duy nhất của những phòng như vậy là thiết kế
thiết bị có khả năng làm giảm chi phí để có thể bù lại tất cả hoặc một phần nào đó xu hướng tăng lên của tiền lương. Rất nhiều công ty thường xuyên xem xét lại các quy trình làm việc và phương pháp hoạt động nhằm tìm ra các công đoạn có thể tiết kiệm chi phí. Chức năng kế toán và việc xử lý sổ sách là một lĩnh vực hết sức phong phú, đầy sáng tạo cho kiểu hoạt động này. Chúng ta thử nghiên cứu trường hợp trong lĩnh vực vận tải. Phí vận chuyển phải tăng cao hơn hầu hết các phí tổn khác, bởi chi phí cho lao động trong ngành này cao hơn hầu hết các loại hình sản xuất khác. Việc sử dụng các loại công-ten-nơ mới, áp dụng những phương pháp không phổ biến trong ngành vận tải, hay thậm chí đặt thêm các chi nhánh đều để tránh những khoản không cần thiết đã giảm chi phí cho các công ty kiểu này.
Không có cách nào trong những cách này có thể được thực hiện nhanh chóng. Tất cả chúng đều đòi hỏi việc nghiên cứu chặt chẽ và lập những kế hoạch phù hợp cho tương lai. Nhà đầu tư nên lưu ý về sự độc đáo của những ý tưởng mới có khả năng cắt giảm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận. Ở đây, phương pháp “lời đồn đại” đem lại một số thông tin có giá trị, nhưng không thể sánh bằng chỉ dẫn trực tiếp từ nhân sự của công ty. May mắn thay, đây là một chủ đề mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thảo luận khá chi tiết. Những công ty thành công nhất nhờ đi theo hướng này sẽ xây dựng được một tổ chức biết rõ cách tiếp tục thực hiện những phương pháp hữu ích trong tương lai. Chúng được kỳ vọng sẽ là nhóm công ty mang lại những phần thưởng lớn nhất cho các cổ đông lâu năm.
Tiêu chí 7. Mối quan hệ giữa bộ máy lãnh đạo và người lao động trong công ty có tốt không?
Hầu hết các nhà đầu tư có thể không đánh giá cao những lợi ích có được từ các mối quan hệ lao động tốt đẹp. Song ít người nào lại không hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của các mối quan hệ xấu. Ảnh hưởng của những cuộc đình công liên tục và kéo dài đối với sản xuất quá rõ ràng với bất kỳ ai, thậm chí chỉ cần liếc qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp là có thể biết được.
Tuy nhiên, sự chênh lệch trong khả năng sinh lợi giữa một công ty có mối quan hệ nhân sự tốt đẹp với một công ty có mối quan hệ nhân sự không tốt còn lớn hơn chi phí trực tiếp của các cuộc đình công. Khi công nhân cảm thấy được đãi ngộ tốt, thì bộ máy lãnh đạo sẽ tăng năng suất lao động thuận lợi. Hơn nữa, việc người lao động trung thành sẽ làm giảm một khoản đáng kể chi phí đào tạo công nhân mới. Do đó, những công ty có sự biến động nhân sự bất thường gây ra khoản chi phí không cần thiết mà nhẽ ra đã có thể tránh được nhờ quản lý tốt.
Sẽ không dễ dàng cho nhà đầu tư đánh giá đúng chất lượng nhân công và quan hệ của họ với doanh nghiệp? Không có tiêu chuẩn so sánh nào áp dụng cho tất cả các trường hợp. Cách tốt nhất là hãy xem xét một vài yếu tố và sau đó rút ra cái nhìn tổng thể.
Trong thời đại công đoàn hóa hiện nay, các doanh nghiệp chưa có công đoàn hoặc có công đoàn vẫn duy trì tốt mối quan hệ giữa ban lãnh đạo và người lao động. Nếu không thế thì họ đã sớm thành lập công đoàn từ lâu. Việc một số trường hợp đặc biệt không gia nhập hiệp hội công đoàn quốc tế chỉ có thể được giải thích bằng những chính sách nhân sự thành công của công ty.
Mặt khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào công đoàn cũng không phải là biểu hiện của mối quan hệ xấu giữa doanh nghiệp và người
lao động. Một số công ty có mối quan hệ lao động rất tốt vẫn đồng thời có tổ chức công đoàn hoàn chỉnh, doanh nghiệp cùng với công đoàn đã học cách chung sống dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù hồ sơ về những cuộc đình công liên tục và kéo dài là một chỉ báo rõ ràng về mối quan hệ không tốt giữa doanh nghiệp với người lao động, nhưng về cơ bản việc hoàn toàn không có các cuộc đình công lại không phải là một dấu hiệu tốt. Đôi khi công ty không có các cuộc đình công cũng giống như một ông chồng bị bắt nạt. Việc thiếu vắng những xung đột không có nghĩa là mối quan hệ hoàn toàn tốt đẹp mà là hậu quả do nỗi lo sợ về những xung đột chi phối.
Tại sao người lao động rất trung thành với ông chủ này và phẫn uất về một ông chủ khác? Câu trả lời thường rất phức tạp và khó đưa ra đến mức mà hầu hết các nhà đầu tư chỉ quan tâm tới những dữ liệu về cảm nhận của các công nhân hơn là các nguyên nhân gây ra cảm nhận đó. Một loạt các con số chỉ ra chất lượng thấp của các chính sách về quản lý nhân sự đó là tốc độ thay thế lao động của công ty này so với công ty khác trong cùng lĩnh vực. Các nhà đầu tư quan tâm tới danh sánh ứng viên chờ đợi muốn làm việc cho một công ty là đối thủ của các công ty khác trong cùng lĩnh vực. Dựa trên lập trường xuất phát từ các mối quan hệ tốt đẹp giữa người lao động và ban quản lý, thì trong một lĩnh vực không có số dư lao động, các công ty có một danh sách dài khác thường các ứng viên muốn tham ứng tuyển thường là những công ty đáng để đầu tư.
Dù vậy, nhà đầu tư nên lưu ý một số chi tiết đặc trưng ngoài những con số chung này. Các công ty có mối quan hệ nhân sự tốt thường là những công ty đã nỗ lực hết mình để nhanh chóng giải
quyết các lời phàn nàn. Sự bất bình của các cá nhân diễn ra trong thời gian dài và không được ban quản lý doanh nghiệp coi trọng chính là nguy cơ tiềm tàng và cuối cùng sẽ bùng phát. Thêm vào đó, để đánh giá chính xác những phương pháp giải quyết sự bất bình trong công ty, nhà đầu tư rất cần để ý đến tỷ lệ tiền lương trả cho nhân viên. Một công ty với mức thu nhập trên mức trung bình và cũng trả tiền công lao động trên mức trung bình trong toàn doanh nghiệp thì thường có quan hệ tốt đẹp với người lao động. Nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty mà phần lớn thu nhập kiếm được là nhờ trả tiền công lao động thấp dưới mức trung bình, sẽ gặp phải những rắc rối nghiêm trọng.
Cuối cùng, nhà đầu tư cần nhạy cảm về thái độ hòa nhã của các quản lý cấp cao đối với người lao động bình thường. Đằng sau cách đối đãi chung chung nghe có vẻ tích cực đó, một số nhà quản lý còn thiếu trách nhiệm với những công nhân bình thường trong công ty. Mối quan tâm hàng đầu của họ là làm sao để không phải trích nhiều doanh thu cho người lao động, chứ không phải là những áp lực mang tính bắt buộc từ chủ nghĩa công đoàn hóa. Đa phần, các công nhân được thuê và bị sa thải hàng loạt một cách dễ dàng tùy thuộc vào sự biến động đôi chút về triển vọng bán hàng hay lợi nhuận trong tương lai của công ty. Thiếu cảm giác cần có trách nhiệm với những khó khăn của công nhân có thể khiến gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng. Nếu ban quản lý không làm gì để các công nhân cảm thấy họ có ích, cần cho công ty, và là một phần của công ty, cũng không xây dựng lòng tự trọng của mỗi công nhân thì thái độ quản lý đó không phải là cơ sở tin cậy cho các nhà đầu tư.
Tiêu chí 8. Đội ngũ lãnh đạo công ty có đoàn kết, đồng thuận cao không?
Nếu việc giữ mối quan hệ tốt với người lao động trong công ty là vấn đề quan trọng, thì việc tạo ra không khí thẳng thắn trong bộ máy lãnh đạo cấp cao là vấn đề sống còn. Đây là những con người mà các nhận định, tài năng và kỹ năng làm việc nhóm của họ quyết định đến thành bại của bất kỳ dự án kinh doanh nào. Do tỷ lệ vốn góp cho công ty cao, nên họ rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng trong công việc. Liệu đầu tư vào doanh nghiệp mà sự va chạm và xích mích có thể làm cho một giám đốc điều hành tài năng sẽ không thể ở lại công ty hoặc ở lại nhưng không thể phát huy tối đa khả năng có phải là một cơ hội tốt hay không?
Công ty mang lại những cơ hội đầu tư lớn nhất là một công ty có một môi trường điều hành hết sức hiệu quả. Những nhà điều hành chiếm được niềm tin của chủ tịch hội đồng quản trị. Điều này nghĩa là từ cấp thấp nhất cho đến cao đều cảm thấy cơ hội thăng tiến của họ là dựa trên khả năng chứ không phải tư tưởng bè phái. Mô hình kiểu gia đình trị không tạo ra được sự phát triển cho những người có khả năng. Sự xem xét điều chỉnh mức lương thường xuyên giúp cho các nhà điều hành cảm thấy được thưởng công xứng đáng mà không cần đòi hỏi. Mức lương thấp nhất cũng nên nằm trong khung chuẩn của ngành và địa phương. Bộ máy quản lý không giao những việc quan trọng cho người ngoài công ty trừ khi không thể tìm thấy ai trong công ty có khả năng đảm nhận công việc đó. Những nhà quản lý hàng đầu sẽ nhận ra rằng ở bất cứ đâu có con người làm việc cùng nhau, không thể tránh khỏi việc tồn tại bè phái và va chạm ở các mức độ khác nhau, nhưng không thể chấp nhận những người
bất hợp tác trong các nhóm nhằm giảm tối đa những xung đột. Nhà đầu tư có thể nắm bắt hầu hết những điều này mà không cần đặt quá nhiều câu hỏi trực tiếp về công ty với các nhà điều hành chịu trách nhiệm ở các cấp độ khác nhau. Càng rời xa những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp càng khó có cơ hội trở thành khoản đầu tư nổi bật.
Tiêu chí 9. Công ty có thật sự có chiều sâu quản lý không? Một doanh nghiệp nhỏ có thể làm nên những điều phi thường và trở thành một khoản đầu tư triển vọng trong dài hạn nếu có những yếu tố thuận lợi kết hợp với sự quản lý của một người đầy năng lực. Tuy nhiên, năng lực con người có hạn, vì vậy, thậm chí với cả những công ty nhỏ, nhà đầu tư cũng nên có một vài giải pháp đề phòng những khả năng xấu có thể xảy ra nếu người nắm giữ vị trí chủ chốt không còn tham gia nữa. Ngày nay, rủi ro đầu tư vào các công ty nhỏ có tiềm năng không còn lớn như trước, do gần đây xuất hiện các công ty lớn với nhiều kinh nghiệm quản lý có khuynh hướng thôn tính chúng.
Tuy nhiên, những công ty đáng đầu tư lâu dài là những công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sớm hay muộn thì một công ty sẽ đạt đến ngưỡng mà ở đó, nó sẽ không thể phát triển hơn nữa trừ khi có những nhà điều hành tài năng xuất chúng. Thời điểm xảy ra điều này tùy thuộc vào ngành hoạt động của công ty và trình độ quản lý của nhà điều hành. Nó thường xuất hiện khi tổng doanh thu hàng năm đạt tới một ngưỡng nằm trong khoảng từ 15 đến 40 triệu đô-la. Một môi trường được điều hành tốt, như đã thảo luận ở tiêu chí 8 đóng vai trò cốt lõi cho những kế hoạch đầu tư lớn.
Những vấn đề đã được thảo luận ở tiêu chí 8 cần thiết cho sự phát triển ban quản lý đúng cách và có chiều sâu. Nhưng ban quản lý đó sẽ không thể phát huy khả năng nếu không thực hiện hiệu quả một số chính sách nhất định. Quan trọng là sự ủy quyền của ban lãnh đạo công ty. Nếu từ trên xuống dưới, mỗi cấp điều hành không được giao thực quyền để đảm trách những nhiệm vụ cụ thể theo cách mà mỗi cá nhân đó cho là hiệu quả, thì cũng giống như một con thú khỏe mạnh bị nhốt trong chiếc cũi không thể cựa quậy. Nhà điều hành sẽ không thể phát huy khả năng vì không có những cơ hội để sử dụng chúng.
Những công ty mà ban lãnh đạo can thiệp và chỉ cố gắng giải quyết các vấn đề hàng ngày, hiếm khi trở thành kiểu công ty có sức thu hút đầu tư. Cắt giảm quyền hạn của các khâu quản lý khác nhau sẽ làm giảm uy tín của công ty. Làm sao một hay hai nhà điều hành có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề chi tiết khi mà công ty phát triển đến một ngưỡng nhất định. Những nhà điều hành kiểu này sẽ phải đối mặt với rắc rối vì không có khả năng giải quyết vấn đề nảy sinh do tăng trưởng trong tương lai.
Một vấn đề khác mà nhà đầu tư cũng cần lưu tâm là: đánh giá một công ty có chiều sâu quản lý không. Liệu những nhà quản lý cấp cao của công ty có sẵn sàng đón nhận và đánh giá đúng những đề xuất của nhân viên, thậm chí, kể cả khi những đề xuất đó kèm theo những lời chỉ trích trái ngược với các hoạt động quản lý hiện tại của công ty? Sự cạnh tranh tất yếu trong thế giới kinh doanh ngày nay đã tạo ra nhu cầu cần phải thay đổi tính kiêu căng hay sự thờ ơ của các nhà quản lý, thứ đã ngăn họ khám phá ra một mỏ vàng thật sự từ những đề xuất thú vị. Môi trường đầu tư kiểu đó sẽ không thể trở
thành phù hợp nhất cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, bất cứ khi nào gia tăng số lượng giám đốc điều hành trẻ cũng hết sức cần thiết. Tiêu chí 10. Công ty có kiểm soát tốt hệ thống kế toán và phân tích chi phí không?
Không có một công ty nào liên tục thành công vang dội trong thời gian dài nếu không thể phân tích mọi chi phí của mình một cách chi tiết, chính xác và đầy đủ, để có thể đưa ra chi phí của từng bước nhỏ trong mỗi hoạt động của nó. Chỉ bằng cách này thì nhà quản lý mới có thể biết cần chú ý nhất đến điều gì và liệu phương pháp giải quyết vấn đề đó có phù hợp không. Hơn nữa, các công ty thành công nhất không chỉ sản xuất một sản phẩm mà là hàng loạt các sản phẩm. Sẽ rất bất lợi nếu nhà quản lý không có sự hiểu biết chính xác về chi phí thực của mỗi sản phẩm so với sản phẩm khác. Họ sẽ không thể thiết lập các chính sách về giá để có thể đảm bảo lợi nhuận là lớn nhất. Khó có thể biết những sản phẩm nào mang lại nhiều lợi nhuận, xứng đáng để tăng doanh số. Tồi tệ nhất là ở chỗ các nhà quản lý không biết rằng một số các hoạt động kinh doanh tưởng là thành công rõ ràng nhưng trên thực tế lại không hiệu quả, tổng doanh thu bị suy giảm nhiều hơn là tăng lên. Do đó, lập kế hoạch thông minh dường như là không thể.
Mặc dù việc kiểm soát hệ thống kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khoản đầu tư, nhưng nó thường xuyên hoạt động không hiệu quả khiến cho nhà đầu tư lâm vào tình trạng không thể nắm được tình hình tính toán chi phí và các hoạt động liên quan. Trong lĩnh vực này, đôi khi phương pháp “lời đồn đại” giúp phát hiện ra những công ty thật sự thiếu các năng lực này, nhưng không cung cấp được nhiều thông tin rõ ràng hơn. Bộ máy quản lý công ty
thường trả lời là dữ liệu về chi phí là hoàn toàn đầy đủ. Những bảng tính chi phí được trình bày chi tiết trong các báo cáo. Tuy nhiên chúng không đưa ra những con số quan trọng chính xác. Điều tốt nhất mà nhà đầu tư cẩn trọng có thể làm trong lĩnh vực này là thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề và khả năng có hạn của chính mình trong việc đưa ra những đánh giá mang tính quyết định. Thông thường, anh ta chỉ có thể rút ra những kết luận chung chung là công ty hoạt động trên mức trung bình trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh thì kỹ năng tính chi phí cũng trên mức trung bình, miễn là nhà quản lý cấp cao hiểu tầm quan trọng căn bản của việc kiểm soát hệ thống kế toán và phân tích chi phí thành thạo.
Tiêu chí 11. Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh khá khác biệt với tính chất của ngành ‒ những khía cạnh mang lại cho nhà đầu tư đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?
Tiêu chí này bao quát khá nhiều vấn đề khác nhau. Đó là vì các vấn đề thuộc loại này hầu như không hề giống nhau đối với mỗi ngành ‒ chúng có thể rất quan trọng với ngành này nhưng lại có rất ít hoặc không có vai trò gì trong ngành khác. Ví dụ trong các yếu tố nổi bật ảnh hưởng đến ngành bán lẻ, thì khả năng giải quyết các vấn đề bất động sản của công ty, chẳng hạn chất lượng hợp đồng cho thuê bất động sản, có tầm quan trọng hàng đầu. Trong những ngành kinh doanh khác, khả năng đó lại ít quan trọng hơn. Tương tự, đối với một số công ty khả năng giữ gìn uy tín là rất quan trọng, trong khi nó lại không mấy quan trọng với các công ty khác. Phương pháp “lời đồn đại” sẽ cung cấp cho nhà đầu tư bức tranh rõ nét về tình hình hoạt động của công ty. Kết luận của nhà đầu tư có thể
được kiểm chứng dựa trên những tỷ lệ toán học như chi phí cho thuê trong mỗi đô-la doanh thu, hoặc tỷ lệ thất thu ngân quỹ, nếu tiêu chí này đáng để nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trong một số ngành kinh doanh, tổng chi phí bảo hiểm chiếm một phần quan trọng trong mỗi đồng đô-la doanh thu. Đôi khi, điều này đủ quan trọng để tác động đến sự tăng giảm biên lợi nhuận. Trong những lĩnh vực mà bảo hiểm là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tiền lãi, thì nghiên cứu và thảo luận về tỷ lệ này với những người có nguồn thông tin đảm bảo có thể mang lại những lợi ích cho nhà đầu tư. Nó giúp anh ta kiểm tra tình hình quản lý của công ty, vì chi phí bảo hiểm thấp hơn thường đi kèm với kỹ năng quản lý hiệu quả. Ví dụ, kỹ năng xử lý các vấn đề bất động sản tốt sẽ làm giảm chi phí đi thuê trung bình. Ngoài ra, việc tích cực giải quyết vấn đề nhân sự, hàng tồn kho, và tài sản cố định có thể làm giảm tai nạn, thiệt hại, và lãng phí, nhờ đó chi phí giảm xuống mức thấp nhất có thể. Chỉ số chi phí bảo hiểm cũng nằm trong số những tiêu chí đánh giá công ty nào quản lý tốt.
Bằng phát minh sáng chế đem lại sự khác biệt giữa công ty này và công ty khác. Với những công ty lớn, có bằng sáng chế là một ưu thế giúp công ty hạn chế chi phí nhỏ lẻ phát sinh từ các hoạt động cạnh tranh gay gắt, và đem lại lợi thế cạnh giúp tăng biên lợi nhuận của các dòng sản phẩm của công ty. Nó cũng kéo dài dòng đời sản phẩm. Tương tự, nhờ sự bảo hộ của bằng sáng chế mà công ty có những quyền lợi độc nhất, phương cách rẻ nhất và dễ nhất để sản xuất sản phẩm đặc biệt. Các đối thủ cạnh tranh phải đi theo đường vòng để đến được cùng vị trí, do đó, việc cấp sở hữu bằng sáng chế
mang lại ưu thế cạnh tranh hữu hình cho chủ sở hữu cho dù đó chỉ là một công ty nhỏ.
Trong thời đại bí quyết công nghệ phổ biến khắp nơi, những công ty lớn hiếm khi nhận được nhiều lợi ích từ những hoạt động của mình trong lĩnh vực độc quyền mà bằng sáng chế bảo vệ. Thực tế thì những bằng sáng này chỉ hạn chế được một phần chứ không phải là tất cả sự cạnh tranh của các công ty khác. Bởi lý do này mà rất nhiều công ty lớn đã không cố gắng loại trừ sự cạnh tranh thông qua cơ cấu bằng sáng chế, thay vào đó, họ cấp phép sử dụng bằng sáng chế cho đối thủ cạnh tranh với giá vừa phải và mong muốn đối thủ cạnh tranh cũng làm như vậy. Những ảnh hưởng như phương thức sản xuất, tổ chức bán hàng và dịch vụ, sự tín nhiệm của khách hàng, và sự hiểu biết về các vấn đề của khách hàng còn tác động nhiều hơn vai trò của bằng sáng chế trong việc duy trì vị thế cạnh tranh. Trong thực tế, các công ty lớn chủ yếu dựa vào sự bảo hộ của bằng sáng chế để duy trì biên lợi nhuận là dấu hiệu của sự yếu kém hơn là lớn mạnh. Các bằng sáng chế hoạt động độc lập. Một khi không còn sự bảo trợ của bằng sáng chế nữa, lợi nhuận của công ty sẽ bị sụt giảm mạnh.
Trong những giai đoạn đầu, các công ty mới vào ngành thường bắt đầu phát triển sản xuất, bán hàng và tổ chức dịch vụ cho khách hàng. Không có các bằng sáng chế, những sản phẩm của công ty có thể bị bắt chước bởi các doanh nghiệp lớn với những kênh bán hàng đã được xây dựng dựa trên mối quan hệ khách hàng nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nhỏ lẻ. Bởi vậy, nhà đầu tư nên xem xét vai trò của bằng sáng chế tại những doanh nghiệp nhỏ trong những năm đầu. Anh ta nên tìm kiếm những thông tin từ các nguồn
đáng tin cậy liên quan đến tầm ảnh hưởng của bằng sáng chế các thiết bị. Công ty này có thể sử dụng bằng sáng chế ngăn cản các công ty khác làm nhái các sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, công nghệ được sử dụng thường xuyên để cải tiến các sản phẩm cho thấy ưu thế vượt trội so với sự bảo hộ mang tính chất tĩnh tại của bằng sáng chế.
Ví dụ, một vài năm trước đây, khi còn là một tổ chức nhỏ hơn nhiều so với ngày nay, hãng sản xuất điện tử non trẻ West Coast đã hết sức thành công trong việc giới thiệu một sản phẩm mới. Một trong những người khổng lồ của ngành điện tử đã đưa ra thị trường một sản phẩm “bản sao Trung Quốc” dưới một thương hiệu nổi tiếng gần giống hệt sản phẩm West Coast, nhưng còn tồn tại nhiều lỗi kỹ thuật chưa được chỉnh sửa. Trong khi đó, West Coast đưa ra thị trường sản phẩm đã loại bỏ hoàn toàn những điểm yếu kỹ thuật, và thế là công ty lớn kia phải rút khỏi lĩnh vực này. Điều đó cho thấy kỹ thuật mới là yếu tố nền tảng để bảo vệ công ty trẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt chứ không phải là bằng sáng chế. Nhà đầu tư phải cẩn trọng không nên đánh giá quá cao sự bảo vệ của bằng sáng chế mà quên đi những nhân tố quyết định sự hấp dẫn của khoản đầu tư.
Tiêu chí 12. Công ty có triển vọng lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn như thế nào?
Một số công ty sẽ hoạt động nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trước mắt. Trong khi đó, những công ty khác lại cắt bớt lợi nhuận trước mắt nhằm xây dựng lòng tin, và do đó có thể thu được những khoản lợi nhuận lâu dài. Cách cư xử giữa người bán và người mua cho thấy rõ điều này. Một số công ty thỏa thuận lỏng lẻo với các nhà cung cấp. Công ty khác thì lại chi trả tiền trước, thậm chí là vượt mức giá cho các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, hoặc những phụ kiện có chất lượng cao luôn sẵn có kể cả khi thị trường biến động. Sự khác biệt trong cách cư xử với các khách hàng là dễ nhận thấy nhất. Một công ty chấp nhận rắc rối và phí tổn đặc biệt để chăm sóc nhu cầu của một khách hàng thường xuyên đang rơi vào tình trạng khó khăn, sẽ khiến lợi nhuận trước mắt thấp hơn nhưng lại thu được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.
Phương pháp “lời đồn đại” phản ánh sự khác biệt này trong các chính sách khá rõ rệt. Những nhà đầu tư mong muốn kết quả lớn nhất nên ủng hộ các công ty có triển vọng lợi nhuận dài hạn.
Tiêu chí 13. Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thì lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?
Một cuốn sách kinh điển về đầu tư thường dành nhiều trang để trình bày về tiền mặt của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, tỷ lệ vốn hóa của các loại chứng khoán… Tuy nhiên tại sao những đặc trưng tài chính không được trình bày kỹ lưỡng trong một tiêu chí riêng biệt ngoài mười lăm tiêu chí này? Đó là vì mục đích cơ bản của cuốn sách này là giúp nhà đầu tư thông minh không mua những cổ phiếu thường do giá rẻ mà là do chúng có thể mang lại lợi nhuận lớn cho anh ta trong tương lai.
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ các công ty có thể thỏa mãn cao 14 tiêu chí khắt khe được trình bày chi tiết trong phần này. Bất cứ công ty nào có thể đáp ứng các tiêu chí đó đều có thể dễ dàng vay thêm vốn đến mức tối đa đối với ngành kinh doanh của công ty. Nếu những công ty như vậy cần nhiều tiền mặt hơn trong khi giới hạn nợ đã lên đến mức cao nhất, tất nhiên với điều kiện chúng phải đảm bảo rằng trong tương lai sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội về doanh thu, biên lợi nhuận, trình độ quản lý, nghiên cứu và đáp ứng các tiêu chí khác mà chúng ta đang xem xét, thì những công ty đó có thể tăng lượng tiền mặt bằng cách phát hành cổ phiếu, vì các nhà đầu tư luôn háo hức tham gia vào kiểu dự án kinh doanh này.
Tuy vậy, nếu khoản đầu tư bị giới hạn, liệu tiền mặt cộng với khả năng vay thêm có đủ vốn cho công ty khai thác các cơ hội tiềm năng
trong tương lai hay không. Và nếu công ty sẵn sàng vay trong giới hạn tính toán thì nhà đầu tư cổ phiếu thường không cần phải lo lắng về tương lai. Vốn được cấp trong một kỳ sẽ làm gia tăng lợi nhuận, tương tự như vậy nếu vốn được cấp thêm trong dài hạn thì lợi nhuận tăng lên càng nhiều.
Nếu sức vay không đủ thì việc cấp vốn cổ phần là hết sức cần thiết. Trong trường hợp đó, sự hấp dẫn của khoản đầu tư còn phụ thuộc vào việc tính toán cẩn thận xem thu nhập tăng thêm mà khoản cấp vốn tạo ra thông qua việc tăng lượng cổ phần có làm giảm lợi ích của các cổ đông hiện đang nắm giữ cổ phiếu thường của doanh nghiệp hay không. Có thể tính toán việc pha loãng giá trị của cổ phiếu khi phát hành thêm các chứng khoán cao cấp có khả năng chuyển đổi hay cổ phiếu thường. Điều này là do kiểu chuyển đổi đó luôn có thể tiến hành với mức cao hơn thị trường một chút trong khoảng thời gian phát hành ‒ thường là từ 10% đến 20%. Mặc dù các nhà đầu tư không bao giờ nên tham gia các cơ hội đầu tư mà mức thu lợi chỉ từ 10% đến 20%, nhưng nếu trong các chu kỳ kế tiếp, mức lợi nhuận tăng gấp 10 hay 100 lần thì cũng đáng đầu tư, mức giá chuyển đổi thường bị bỏ qua và việc phát hành được tính toán pha loãng cổ phiếu chỉ dựa trên cơ sở của sự chuyển đổi hoàn toàn khi phát hành chứng khoán cao cấp mới. Nói cách khác, cần phải xem xét tất cả các lần phát hành chứng khoán cao cấp có khả năng chuyển đổi đã được chuyển đổi chưa và tất cả giấy tờ bảo đảm, quyền chọn, v.v…, đã được sử dụng khi tính toán số lượng thực sự cổ phiếu thường.
Nếu công ty được cấp vốn cổ phần liên tục trong nhiều năm mà lợi nhuận các cổ đông sở hữu cổ phiếu thường chỉ tăng lên đôi chút,
thì chỉ có một lý do hợp lý đó là khả năng quản lý tài chính yếu kém của bộ máy điều hành. Chính điều này đã làm cho công ty không còn trở thành một khoản đầu tư đáng mong đợi. Trừ khi tình trạng này là phổ biến trên thị trường, thì nhà đầu tư không cần phải xem xét các khả năng tài chính nữa, bởi đa phần những doanh nghiệp thỏa mãn 14 tiêu chí còn lại, đều hứa hẹn một khoản đầu tư rất khả quan. Trái lại, từ quan điểm muốn tạo ra nguồn lợi nhuận cao nhất qua các năm, nhà đầu tư không bao giờ nên chọn những doanh nghiệp không thỏa mãn 14 tiêu chí kia kể cả khi nó có lợi thế tài chính và tình trạng tiền mặt tốt.
Tiêu chí 14. Bộ máy quản lý công ty có luôn minh bạch với các nhà đầu tư về tình hình công ty khi nó hoạt động tốt nhưng lại che giấu khi có vấn đề ?
Cách hành xử này gần như là việc làm rất tự nhiên của các doanh nghiệp, dù cho đó là những doanh nghiệp có thể giải quyết tốt nhất khó khăn ngoài ý muốn. Ví dụ như, khi lợi nhuận thu về hạn chế, hoặc nhu cầu sản phẩm giảm trong một giai đoạn nhất định. Hơn nữa, công ty mà các nhà đầu tư nên mua cổ phiếu nhất thường là công ty thu được lợi nhuận cao nhất do hoạt động ổn định trong nhiều năm nhờ nỗ lực nghiên cứu quy trình công nghệ mới nhằm sản xuất và bán những sản phẩm mới. Theo quy luật bình quân, chắc chắn một số sản phẩm trong số này sẽ thất bại nặng nề. Những sản phẩm khác thì vấp phải sự trì hoãn không mong đợi, và những khoản chi phí khổng lồ trong suốt giai đoạn đầu thử nghiệm sản xuất. Vào các tháng cuối, chi phí ngoài dự tính sẽ làm dự báo lợi nhuận của công ty bị sai lệch. Sự thất vọng là không thể tránh khỏi kể cả với những công ty thành công nhất. Nếu nhà đầu tư quyết
đoán và có khả năng suy xét tốt, thì họ sẽ nhìn nhận điều này như một trong những khoản chi phí cuối cùng để tiến đến thành công. Đó là điểm mạnh chứ không hẳn là điểm yếu của một công ty.
Nhà quản lý sẽ có phản ứng như thế nào với những vấn đề mang tính cốt lõi đối với nhà đầu tư? Thông thường nhà quản lý sẽ không thoải mái khi phải báo cáo về những điều tồi tệ đang xảy ra trong công ty. Lẽ tất nhiên họ sẽ giữ im lặng vì một vài lý do quan trọng hoặc do không có kế hoạch chuẩn bị trước để đối phó với khó khăn bất ngờ. Chính điều này sẽ gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Cách hành xử đó chứng tỏ bộ máy quản lý không ý thức đầy đủ về trách nhiệm với cổ đông, và không có lý do nào có thể biện minh về việc không báo cáo kịp thời các thông tin xấu. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng sẽ loại trừ việc đầu tư vào những công ty đang cố gắng che giấu những thông tin không tốt.
Tiêu chí 15. Bộ máy quản lý công ty có liêm khiết không? Bộ máy quản lý của công ty tiếp xúc cận kề với tài sản hơn các cổ đông. Có nhiều cách lách luật để các nhà quản lý công ty có thể tư lợi cho họ và gia đình, làm tổn hại đến lợi ích của các cổ đông bình thường. Có một cách là tự chi trả tiền công vượt mức. Cách khác là lợi dụng chức vụ để bắt công ty mua hoặc thuê lại những tài sản của chính họ với mức giá cao hơn hẳn mức giá chung của thị trường. Trong những tập đoàn nhỏ hơn, sẽ khó có thể phát hiện ra điều này bởi đôi khi gia đình hoặc các nhân sự chủ chốt mua bán và thuê mướn bất động sản, không phải vì những mục đích kiếm lợi bất chính, mà vì mong muốn chính đáng là giải phóng nguồn vốn hoạt động bị giới hạn cho những mục đích của công ty khác.
Một phương pháp khác để người trong cuộc có thể làm giàu cho chính mình là buộc các đại lý bán hàng phải thông qua các hãng môi giới nhất định ‒ có thể là sở hữu của chính họ hoặc họ hàng hay bạn bè ‒ để kiếm tiền hoa hồng. Nhưng cách làm gây nhiều thiệt hại nhất cho các nhà đầu tư là việc lạm dụng việc phát hành quyền chọn. Vì họ có thể đưa ra những phương án có lợi nhất cho họ dựa trên tổng số quyền mua.
Chỉ có một cách bảo vệ thật sự có khả năng chống lại sự lạm dụng trên và giúp các nhà đầu tư thu hẹp phạm vi lựa chọn những công ty tốt có ban quản trị đáng tin cậy và ý thức rõ trách nhiệm với các cổ đông. Đó là sử dụng phương pháp “lời đồn đại.” Kể cả khi công ty đó có thứ hạng cao, nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào nếu vẫn còn những nghi ngờ về bộ máy quản lý.
4. Nên mua gì? (2)
Á
p dụng vì nhu cầu của bạn
Nhà đầu tư vừa và nhỏ thường không phải là những chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư. Anh ta chỉ bỏ một chút thời gian nghiên cứu các khoản đầu tư của mình giống như khi làm công việc hàng ngày, do đó thường lượm lặt được sự thật nửa vời cùng với những nhận định sai lầm.
Một trong những sai lầm phổ biến nhất và ít chính xác nhất đó là quan điểm về những phẩm chất mà một thiên tài đầu tư cần có. Hình ảnh trong mắt công chúng về kiểu chuyên gia này là những người hướng nội, ham đọc sách, có khả năng tính toán. Họ mang tư chất học giả có thể ngồi cả ngày dài miệt mài nghiên cứu những con số lớn của bản cân đối kế toán, báo cáo doanh thu, và số liệu thống kê các hoạt động thương mại. Từ những số liệu trên, với tài năng và sự am hiểu, anh ta có thể thu nhận được thông tin mà những người N bình thường không thể có. Kiểu nghiên cứu ẩn dật này có thể mang lại những kiến thức vô giá về lĩnh vực đầu tư với lợi nhuận kếch sù.
Tuy nhiên, giống như nhiều quan niệm sai lầm phổ biến khác, hình ảnh sai lệch trên gây nguy hiểm cho bất cứ ai muốn kiếm những khoản lợi nhuận cao nhất trong dài hạn từ những cổ phiếu thường.
Như đã chỉ ra khi thảo luận về 15 tiêu chí chọn cổ phiếu, một nhà đầu tư thành công thường dựa trên nhiều cách chứ không đơn
thuần là do may mắn và chỉ một số ít các vấn đề được giải quyết là nhờ vào phương pháp tính toán ẩn dật. Hơn nữa, như đã đề cập ở phần đầu cuốn sách, có nhiều phương pháp đầu tư mà nhà đầu tư, nếu đủ kỹ năng, có thể kiếm tiền trong nhiều năm ‒ đôi lúc anh ta có thể kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Mục đích của cuốn sách này không phải là chỉ ra mọi cách để kiếm tiền. Mà còn hơn thế, nó chỉ ra cách tốt nhất để kiếm tiền. Đó là cách kiếm tiền nhiều nhất với ít rủi ro nhất. Hoạt động thống kê-kế toán vẫn được số đông xem là mấu chốt để đầu tư thành công, nếu nỗ lực và có khả năng phân tích sẽ đem về khoản lợi nhuận đáng kể. Vài khoản trong số đó có thể là những món hời thật sự. Còn trong trường hợp khác có thể xuất hiện những rắc rối kinh doanh mà không thể nhận thấy rõ nếu chỉ dựa vào nghiên cứu thống kê thông thường, thì thay vì trở thành những món hời, cổ phiếu của họ sẽ xuống dốc thảm hại trong những năm sắp tới.
Trong khi đó, với trường hợp của ngay cả một món hời thật sự, mức độ nó bị đánh giá thấp thường có phần được giới hạn. Thời gian để điều chỉnh nó về giá trị thực khá lâu. Theo tôi quan sát, thời gian cần thiết là khá dài, ví dụ năm năm, để những người săn tìm các món hời có khả năng thống kê tốt nhất thu được một khoản lợi nhuận, song chỉ là một phần nhỏ so với món hời của những người sử dụng trí thông minh để đánh giá các đặc trưng kinh doanh của những công ty tăng trưởng được quản lý xuất sắc.
Lý do các cổ phiếu tăng trưởng ngày càng cao đó là vì chúng mang lại những khoản lợi nhuận với giá trị cỡ vài trăm phần trăm sau mỗi thập kỷ. Ngược lại, chúng là khoản đầu tư bất thường nếu
chỉ mang lại 50% lợi nhuận. Sự ảnh hưởng lũy kế của những con số đơn giản này thật hiển nhiên.
Nhà đầu tư tiềm năng phải xem xét lại lượng thời gian cần thiết để xác định những khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu của mình chứ không phải quan tâm đến những phẩm chất anh ta cần có. Có thể, nhà đầu tư sẽ sung sướng mong đợi sử dụng vài giờ mỗi tuần trong ngôi nhà tiện nghi của mình, nghiên cứu các tài liệu đánh máy mà anh ta cảm thấy có thể mở cánh cửa dẫn đến những khoản lợi nhuận lớn. Có thể chỉ là anh ta không có thời gian để tìm kiếm, trau dồi, và nói chuyện với thật nhiều kiểu người ‒ những việc làm khôn ngoan nếu muốn tối đa hóa lợi nhuận đầu tư. Cũng có thể, anh ta hoàn toàn có thời gian, nhưng lại không có năng khiếu và phẩm chất để tìm ra và trò chuyện với một nhóm những người mà hầu hết trong số họ trước đây anh ta chưa quen biết. Hơn nữa, bàn chuyện không thôi thì chưa đủ; anh ta cần phải làm nảy sinh hứng thú và chiếm được lòng tin tới mức những người này sẽ nói cho anh ta những gì họ hiểu biết. Nhà đầu tư thành công thường là những người đặc biệt quan tâm đến các vấn đề kinh doanh, chính điều này giúp anh ta khơi dậy hứng thú của người khác khi thảo luận về chúng Đương nhiên, anh ta phải có khả năng suy xét tốt nếu không tất cả các thông tin anh ta có sẽ trở nên vô nghĩa.
Một nhà đầu tư có thời gian, luôn mong muốn tìm kiếm thông tin, và có khả năng phán đoán tốt nhưng rút cục vẫn bị không thể thu được kết quả tối đa trong việc nghiên cứu các cổ phiếu thường của mình. Không gian địa lý cũng là một yếu tố quan trọng. Một nhà đầu tư, sống ở trong hay gần khu vực Detroit sẽ có cơ hội hiểu biết về những công ty sản xuất phụ kiện, phụ tùng thay thế của ôtô. Điều
này không hề dễ dàng đối với những nhà đầu tư chăm chỉ và có khả năng phán đoán, nhưng sống trong khu vực Oregon. Ngày nay có rất nhiều các công ty và các ngành khác nhau (trừ sản xuất), thường tổ chức hệ thống phân phối hàng hóa rộng rãi trên toàn quốc với hạt nhân là trung tâm một số thành phố chính, theo đó, nhà đầu tư đang sống trong những trung tâm công nghiệp lớn hơn hoặc ở các vùng ngoại ô lân cận thường có nhiều cơ hội tốt để thực hành nghệ thuật tìm kiếm vài khoản đầu tư dài hạn nổi bật. Không may mắn là điều này thiếu công bằng cho những ai sống ở các vùng nông thôn xa cách trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, những người ở các vùng hẻo lánh hoặc đa phần các nhà đầu tư khác mặc dù không có đủ thời gian, sự suy xét, hay khả năng để tự khám phá ra những cơ hội đầu tư đáng giá cho chính mình vẫn có cơ hội đầu tư những khoản này. Thực tế, việc đầu tư cần tính chuyên môn và phức tạp đến nỗi mà các nhà đầu tư phải hoàn toàn tập trung thời gian cho nó chứ không thể bị xao nhãng vì cố gắng trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Quan trọng là nhà đầu tư phải biết những nguyên tắc liên quan đến đầu tư, để có thể tìm kiếm một chuyên gia thật sự chứ không phải là một kẻ lừa đảo. Trong một số trường hợp, không cần có chuyên môn, nhà đầu tư cẩn trọng vẫn có thể tìm thấy nhà tư vấn hàng đầu dễ dàng hơn tìm bác sỹ hay luật sư cao cấp. Những trường hợp khác thì khó khăn hơn bởi vì lĩnh vực đầu tư phát triển mạnh hơn so với các lĩnh vực khác trong khoảng thời gian gần đây. Kết quả là hàng loạt ý kiến không thể nằm trong một tiêu chí thống nhất về ranh giới giữa kiến thức thật và những điều vô nghĩa. Trong lĩnh vực tài chính không có rào cản nào loại bỏ sự ngu dốt và kém
cỏi đang tồn tại, như trong lĩnh vực luật và y tế. Thậm chí, các nhà chức trách liên quan đến đầu tư cũng chưa thống nhất với nhau về những nguyên tắc đầu tư bởi vì không có những trường đào tạo các chuyên gia đầu tư thực hành được công nhận về chất lượng như các trường luật và trường y. Do đó, giấy phép tư vấn đầu tư không có uy tín như giấy phép hành nghề luật sư hay bác sĩ. Sự thật là, có nhiều bằng cấp chứng chỉ tư vấn đầu tư. Tuy nhiên, những nhà tư vấn có chứng chỉ này lại thường bị mang tiếng là nợ nần và thiếu trung thực chứ không phải là thiếu đào tạo hay kỹ năng.
Tỷ lệ các nhà tư vấn tài chính trình độ kém có lẽ cao hơn các lĩnh vực như luật và y tế. Tuy nhiên, bù lại, một cá nhân không chuyên về đầu tư lại dễ tìm được một nhà tư vấn tài chính có khả năng hơn là tìm một bác sỹ hay một luật sư nổi tiếng. Một bác sỹ có tỷ lệ phần trăm bệnh nhân chết nhỏ nhất chưa chắc là một bác sỹ xuất sắc. Cũng không phải số lần chiến thắng hay thất bại sẽ cho thấy những kỹ năng cần thiết của một luật sư. May mắn thay, hầu hết các ca điều trị y tế không phải là vấn đề sống hay là chết ngay lập tức, và một luật sư giỏi thường tránh những vụ kiện tụng tranh chấp.
Trường hợp của các nhà tư vấn đầu tư lại hoàn toàn khác. Sau một thời gian nhất định, một bảng ghi thành tích sẽ phản ánh trình độ đầu tư của nhà tư vấn. Đôi khi phải mất năm năm thì khoản đầu tư mới chứng minh khả năng thật sự của họ. Thông thường, sẽ không lâu đến vậy. Thật điên rồ nếu giao tiền tiết kiệm cho một người tự tư vấn cho bản thân hay cho những người khác, có ít hơn năm năm kinh nghiệm hành nghề. Bởi vậy, trong trường hợp đầu tư, cần phải tìm kiếm một nhà tư vấn chuyên nghiệp đã mang lại những
kết quả tốt đẹp cho nhiều người khác, sau đó so sánh giá của những cổ phiếu được tư vấn với bảng giá cổ phiếu trong cùng một thời kỳ, nhằm chứng tỏ khả năng thật sự của nhà tư vấn đầu tư.
Ngoài ra, còn hai bước cần thực hiện trước khi nhà đầu tư đưa ra quyết định cuối cùng về cá nhân hay tổ chức mà anh ta sẽ ủy thác trách nhiệm. Bước một, nhà tư vấn phải hoàn toàn trung thực và không bị nghi ngờ. Bước tiếp theo phức tạp hơn, nhà tư vấn tài chính đó phải đạt được kết quả trên mức trung bình trong suốt giai đoạn rớt giá, không nhờ vào kỹ năng mà là do anh ta luôn giữ phần lớn quỹ của mình bằng những trái phiếu hạng cao. Trong giai đoạn khác, sau thời kỳ tăng giá cổ phiếu, một nhà tư vấn khác cũng có thể đạt được kết quả trên mức trung bình nhờ khuynh hướng đầu tư vào những công ty có rủi ro về biên lợi nhuận. Như đã trình bày trong phần biên lợi nhuận, những công ty trên chỉ hoạt động tốt trong một thời kỳ, sau đó sẽ dần bộc lộ sự yếu kém. Nhà tư vấn thứ ba có thể làm tốt trong cả hai giai đoạn trên nhờ cố gắng dự đoán diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán. Điều này chỉ có thể mang lại những kết quả thật tuyệt vời trong một thời gian ngắn chứ không phải là vô hạn.
Trước khi lựa chọn, nhà đầu tư nên tìm hiểu quan điểm cơ bản của nhà tư vấn về quản lý tài chính. Nhà đầu tư chỉ nên chấp nhận nhà tư vấn có những quan điểm bền vững giống mình. Lẽ dĩ nhiên, tôi tin rằng những quan điểm trong cuốn sách này là đúng đắn. Rất nhiều những quan điểm tài chính cổ điển như “mua khi giá thấp, bán khi giá cao,” sẽ trái ngược hoàn toàn với quan điểm này.
Giả sử rằng, nhà đầu tư thích thú với kiểu đầu tư lâu dài mang lại lợi nhuận lớn, tôi tin rằng đó là mục đích của hầu hết các giao
dịch mua cổ phiếu thường, thì vấn đề là ở chỗ anh ta cần phải quyết định có nên sử dụng nhà tư vấn hay nên tự mình đầu tư. Lý do là bởi những cổ phiếu đáp ứng hết các yêu cầu của 15 tiêu chí trên đều có khả năng tự biến đổi các đặc tính đầu tư.
Các công ty với quy mô lớn, có triển vọng tăng trưởng nổi bật sẽ làm khả năng tài chính vững mạnh, cùng thị trường dồi dào, thường được các công ty bảo hiểm, quỹ ủy thác, và nhà đầu tư tổ chức mua. Họ mua chúng bởi cảm thấy nếu chẳng may đánh giá sai về giá thị trường, thì dù buộc phải bán ở mức giá thấp, nhưng dù sao họ cũng tránh được khoản lỗ còn lớn hơn nếu mua cổ phiếu của một công ty mà khả năng cạnh tranh bị giảm trong tương lai.
Những chứng khoán của The Dow Chemical Company, Du Pont, và IBM là loại chứng khoán tăng trưởng điển hình. Trong chương một, tôi đã đề cập đến những trái phiếu hạng cao nhưng lợi nhuận lại thấp trong giai đoạn mười năm kể từ 1946 đến 1956. Vào cuối giai đoạn này, mỗi trái phiếu ‒ Dow, Du Pont, và IBM ‒ có giá trị gấp gần năm lần giá trị ban đầu, và các cổ đông của công ty không phải chịu áp lực về thu nhập hiện tại. Ví dụ, trái phiếu của Dow là một trong những loại có mức lợi nhuận thấp nhất trên thị trường, chỉ mang lại 21/2% lãi suất (đây là một giai đoạn mà lãi suất của tất cả các loại trái phiếu đều cao), nhưng chỉ mười năm sau, nó đã tăng lên gấp nhiều lần, đến mức mà nhà đầu tư đã thu được 8% đến 9% lãi suất. Đặc biệt hơn, trái phiếu của ba người khổng lồ này không chỉ tăng trưởng trong giai đoạn mười năm đó. Thập kỷ này tiếp nối thập kỷ khác, tuy đôi lúc bị gián đoạn bởi ảnh hưởng từ cuộc đại suy thoái trên thị trường chứng khoán 1929-1932, hoặc Chiến tranh thế
giới lần thứ hai, nhưng các trái phiếu kiểu này luôn tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể thu được lãi suất đáng kinh ngạc từ những khoản đầu tư dài hạn vào các công ty nhỏ và khá mới mẻ, chỉ có tổng doanh thu bán hàng từ 1 đến 6-7 triệu đô-la mỗi năm, với những sản phẩm tuyệt vời hứa hẹn sự đột phá trong tương lai. Để có thể đáp ứng 15 tiêu chí trên, những công ty như vậy thường có bộ máy quản lý kinh doanh xuất sắc kết hợp với đội ngũ những nhà khoa học tài năng cùng đi tiên phong trong lĩnh vực mới, có nhiều triển vọng kinh tế. Hãng The Ampex Corporation phát hành cổ phiếu lần đầu vào năm 1953, là một ví dụ điển hình. Trong bốn năm, giá trị cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn bảy lần.
Giữa hai loại hình công ty có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn bao gồm những công ty trẻ với nhiều rủi ro như Ampex và những công ty lớn, được bảo trợ như Dow, Du Pont và IBM, giả sử đó là thời điểm nên mua tất cả (xem chương kế tiếp), nhà đầu tư nên chọn loại cổ phiếu nào?
Cổ phiếu tăng trưởng của các công ty mới có khả năng mang lại khoản lợi nhuận cao nhất, đôi khi là vài nghìn phần trăm sau một thập kỷ. Tuy nhiên, kể cả những nhà đầu tư lão luyện cũng ít nhất một lần tình cờ mắc lỗi đầu tư không thể tránh khỏi. Đừng bao giờ quên rằng, nếu mắc một lỗi trong việc đầu tư vào loại cổ phiếu thường này, thì bạn sẽ mất hết tiền. Ngược lại, nếu bạn mua cổ phiếu theo những quy tắc trong chương kế tiếp, thì bất cứ khoản lỗ nào phát sinh từ cổ phiếu tăng trưởng của các công ty lớn cũng chỉ là tạm thời do sự suy giảm ngoài dự kiến trên thị trường chứng khoán. Qua nhiều năm, lợi nhuận trong dài hạn thu được từ các cổ
phiếu của những công ty lớn sẽ ít hơn những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Tuy nhiên, tổng giá trị của chúng lại lớn hơn, thậm chí các loại cổ phiếu an toàn có mức tăng trưởng thận trọng nhất thì nó thường sẽ tăng gấp ít nhất vài lần so với khoản đầu tư ban đầu.
Hiển nhiên là bất kỳ ai mạo hiểm đầu tư một khoản lớn đối với chính bản thân và gia đình cũng cần phải tuân theo nguyên tắc đầu tư trên. Nếu bạn đầu tư “phần lớn” khoản tiết kiệm vào những công ty nhỏ hơn Dow, Du Pont hay IBM, thì chí ít cổ phiếu của chúng cũng phải gần giống và tốt hơn cổ phiếu của các công ty mới và nhỏ. Tùy theo nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân mà “phần lớn” nằm trong khoảng từ 60% đến 100% tổng số tiền dành cho đầu tư. Một góa phụ không con, được thừa hưởng nửa triệu đô-la tài sản hoàn toàn có thể đầu tư toàn bộ số tiền vào loại cổ phiếu tăng trưởng ít rủi ro của các công ty lớn. Ngược lại, một góa phụ khác được thừa hưởng một triệu đô-la nhưng có ba con, lại muốn tăng tài sản hiện có, sẽ đầu tư ở một mức không làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, tức là chỉ đầu tư tối đa 15% tổng tài sản vào những công ty trẻ, quy mô nhỏ đã được lựa chọn cẩn trọng. Một doanh nhân với một vợ, hai con, có mức đầu tư hiện tại trị giá 400.000 đôla, và khoản tiết kiệm sau thuế hàng năm là 10.000 đô-la, sẽ đầu tư tất cả 400.000 đô-la của mình vào những công ty tăng trưởng ổn định, nhưng đồng thời anh ta cũng mạo hiểm đầu tư khoản tiết kiệm 10.000 đô-la mỗi năm vào những cổ phiếu khác với mức độ rủi ro hơn 50%.
Dù vậy, trong bất cứ trường hợp nào, lợi nhuận trong dài hạn của nhóm cổ phiếu an toàn cũng phải đủ bù lỗ cho các khoản đầu tư vào nhóm cổ phiếu có độ rủi ro cao hơn. Nếu lựa chọn đúng, thì loại
cổ phiếu càng rủi ro lợi nhuận càng cao và quan trọng không kém, đến một lúc nào đó những công ty trẻ phát triển tới ngưỡng làm cho các cổ phiếu của chúng không còn rủi ro cao nữa, thậm chí, còn được các tổ chức mua.
Ở một khía cạnh nào đó, nhà đầu tư nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn hơn. Nhà đầu tư lớn thường không để ý đến lợi nhuận có được từ cổ tức khi tận dụng tất cả các khoản đầu tư nhằm đạt tiềm năng tăng trưởng cao nhất bởi vì sau khi đầu tư toàn bộ tài sản, anh ta vẫn có thể thu được phần cổ tức đủ để đảm bảo mức sống mong muốn, hoặc đạt được mức sống đó bằng cách cộng thu nhập thường xuyên khác và lợi nhuận từ cổ tức. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ đều không thể sống chỉ dựa vào thu nhập từ đầu tư bất kể khoản thu nhập có cao đến đâu, bởi lẽ tổng giá trị mà họ đang nắm giữ chưa đủ lớn. Lợi nhuận có được từ cổ tức là lý do buộc các nhà đầu tư nhỏ phải lựa chọn giữa khoản vài trăm đô-la một năm nếu bán ngay bây giờ, hoặc cơ hội kiếm được khoản thu nhập gấp nhiều lần chỉ một ngày sau đó.
Trước khi đưa ra quyết định quan trọng, nhà đầu tư nhỏ nên cân nhắc để khoản đầu tư vào cổ phiếu thường là số tiền dư thừa, không làm ảnh hưởng tới chi phí cuộc sống hàng ngày. Ngoại trừ trong các trường hợp bất thường, anh ta nên giữ lại khoảng vài ngàn đô-la, đủ để chi trả những lúc ốm đau hay rắc rối bất ngờ nảy sinh, trước khi cố gắng mua bất cứ thứ gì chứa nhiều rủi ro như cổ phiếu thường. Tương tự, để riêng khoản tiền dành cho những mục đích cụ thể trong tương lai, như cho con đi học đại học, không nên mạo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán. Điều đó có nghĩa là sau khi nhà đầu tư đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính để giải quyết
các vấn đề nêu trên thì hãy nên xem xét việc đầu tư vào cổ phiếu thường.
Mục đích sử dụng những khoản tiết kiệm của các nhà đầu tư nhỏ còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân trong từng trường hợp cụ thể, và giá trị của khoản thu nhập khác. Một thanh niên hay một nhà đầu tư lớn tuổi đã có con hoặc người thừa kế, có lẽ sẽ bỏ qua khoản thu nhập 30 hay 40 đô-la một tháng có từ cổ tức vì muốn kiếm được khoản lợi nhuận gấp mười lần sau mười lăm năm. Ngược lại, một người cao tuổi, không còn vướng mắc chuyện con cái thường thích kiếm ngay những khoản lợi nhuận lớn hơn. Tương tự, một người có thu nhập tương đối thấp, phải chịu áp lực tài chính lớn sẽ không được phép lựa chọn do phải đáp ứng nhu cầu tất yếu của cuộc sống.
Dù vậy, đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đưa ra quyết định quan trọng tức thì về thu nhập đều mang tính cá nhân, phần lớn phụ thuộc vào tâm lý của mỗi nhà đầu tư. Theo quan điểm của riêng tôi, một khoản nhỏ thu nhập thêm (sau thuế) không thể sánh bằng khoản đầu tư mà sau vài năm có thể mang lại lợi nhuận đáng kể giúp cho các con tôi có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, một số người khác không có quan điểm như vậy.
Sự thành công của bất kỳ cá nhân nào nhờ sử dụng những tiêu chí trên để đầu tư đều phải dựa trên hai nhân tố. Một là, kỹ năng đầu tư của anh ta. Dĩ nhiên, vận may là nhân tố thứ hai. Trong một giai đoạn nào đó, có thể do tình cờ ngày mai các nhà nghiên cứu khám phá ra một phát minh tuyệt vời trong phòng thí nghiệm hoặc sau năm năm phát triển nghiên cứu nhưng không đem lại kết quả gì liên quan tới lĩnh vực của công ty, tức là lợi nhuận của nhà đầu tư có
thể gấp ba hoặc bị mất một nửa; rõ ràng là, vận may đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đầu tư. Đây là lý do vì sao dù là một nhà đầu tư ở mức trung bình, vẫn có những lợi thế nhất định. Yếu tố may mắn sẽ được san đều nếu bạn có vài khoản đầu tư tốt.
Dù vậy, hãy nhớ vô số công trình nghiên cứu trong suốt ba mươi lăm năm qua của các chuyên gia tài chính đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư lớn và nhỏ đều mong muốn nhận được khoản thu nhập lớn hơn sau vài năm vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Họ so sánh những kết quả đạt được từ việc mua cổ phiếu thường với cổ tức cao và việc đầu tư vào cổ phiếu thường với cổ tức thấp của các công ty tăng trưởng nhờ tập trung vào tái đầu tư tài sản. Theo tôi biết, tất cả những người đã tham gia nghiên cứu đều nhất trí rằng cổ phiếu tăng trưởng, qua năm hay mười năm sẽ mang lại giá trị gia tăng đáng kinh ngạc.
Tóm lại, các cổ phiếu tăng trưởng không chỉ có tính ưu việt trong việc định giá các khoản vốn, mà về lâu dài còn làm tăng lợi nhuận có được từ cổ tức.
5. Thời điểm mua vào
C
ác chương trước chỉ ra rằng đầu tư thành công là tìm ra vài cổ phiếu có mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Như vậy thời điểm mua có phải là vấn đề quan trọng hay không? Liệu có phải khi nhà đầu tư chắc chắn là đã tìm được một cổ phiếu có giá trị thì không còn thời điểm mua nào tốt hơn chính lúc đó? Câu trả lời phụ thuộc vào mục tiêu cũng như bản tính của nhà đầu tư.
Chúng ta hãy xem xét một trong các ví dụ điển hình nhất trong lịch sử tài chính. Đó là vụ mua lại những công ty đã được lựa chọn kỹ vào mùa hè năm 1929, thời điểm ngay trước khi xảy ra vụ sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thời điểm đó thương vụ đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, hai mươi năm sau nó chỉ mang lại phần trăm lợi nhuận nhỏ, thế nên việc lựa chọn chính xác cổ phiếu chỉ đưa lại một khoản lợi nhuận khiêm tốn hơn nhiều nếu so với việc nhà đầu tư bỏ thêm chút công sức để nắm được những nguyên tắc lựa chọn thời điểm mua cổ phiếu tăng trưởng. Hiểu theo một cách khác, bạn sẽ có lãi nếu chọn đúng loại chứng khoán cần mua và nắm giữ trong một khoảng thời gian cần thiết. Tuy nhiên nếu muốn đạt được mức lợi nhuận tối đa thì bạn phải dành thời gian cân nhắc về thời điểm thích hợp để mua chứng khoán.
Theo tôi, lựa chọn thời điểm mua theo cách truyền thống là không khoa học. Theo cách này, chúng ta sẽ phải phân loại hàng núi
dữ liệu kinh tế để rút ra các kết luận về tình hình kinh doanh ngắn và trung hạn. Những nhà đầu tư khôn ngoan hơn đưa ra ý kiến về biến động của dòng tiền cũng như hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Nếu như dự đoán tình hình không có gì xấu, họ có thể mua các cổ phiếu được kỳ vọng. Trong trường hợp dự đoán không thuận lợi, nhà đầu tư sử dụng phương pháp lựa chọn thời điểm ở trên sẽ trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch mua cổ phiếu.
Tôi phản đối không phải do phương pháp này không đúng về mặt lý thuyết mà bởi vì với kiến thức hiện nay không thể áp dụng nó để dự đoán xu hướng kinh doanh. Cơ may thành công không đáng để đảm bảo có thể đánh cược bằng số tiền tiết kiệm của mình. Đây không phải là một phương pháp phù hợp để dự đoán trong ngắn hạn vài năm. Những người có năng lực đang tìm cách sử dụng máy vi tính để thiết lập hệ thống thông tin đầu ra và đầu vào của các dữ liệu phức tạp, song có lẽ trong tương lai chúng ta mới có thể xác định chính xác xu hướng kinh doanh bằng phương pháp này.
Nếu như có tiến triển, thì cần phải chỉnh sửa lại nghệ thuật đầu tư cổ phiếu thường. Tuy nhiên, tôi tin rằng cho đến khi đạt được sự tiến triển thì kinh tế học giải thích những xu hướng kinh doanh trong tương lai cũng phát triển giống như thuật giả kim8 ‒ tiền thân của ngành hóa học ‒ thịnh hành thời Trung cổ. Trong ngành hóa học cũng như trong việc dự đoán xu hướng kinh doanh hiện nay, các nguyên tắc cơ bản đều bắt nguồn từ những thứ bí hiểm không đâu. Tuy nhiên, ngành hóa học không đưa ra một tiêu chí để các nguyên tắc như vậy có thể được sử dụng làm cơ sở an toàn để lựa chọn kế hoạch hành động.