🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô Dâu Đen - Cornell Woolrich full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo CÔ DÂU ĐEN CORNELL WOOLRICH Trang An dịch The Bride Wore Black (1940) Tiểu thuyết trinh thám 6/6/2019 - ©vctvegroup Lời tựa Cornell Woolrich (1903 - 1968) là một trong những nhà văn “trinh thám đen” vĩ đại nhất thế kỷ XX. Ông để lại một kho tàng đồ sộ gần 200 truyện ngắn hình sự. Nhưng tiểu thuyết trinh thám mới là lĩnh vực ông để lại dấu ấn lớn hơn cả. Truyện của Woolrich không có một hình mẫu thám tử cố định, nhưng vẫn cuốn hút độc giả bởi hình ảnh những con người bình dị phải vùng vẫy thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã bủa vây. Văn phong tinh tế, tình tiết đầy ám ảnh, kết thúc bất ngờ, tất cả đã tạo cho Woolrich một phong cách rất riêng. Ông được mệnh danh là “Poe của thế kỷ XX”. Cornell Woolrich cũng là một trong những nhà văn trinh thám có nhiều tác phẩm được dựng phim nhất: gần 60 lần chuyển thể lên màn ảnh rộng, trong đó có ba bộ phim gần chạm ngưỡng kinh điển là Phantom Lady, The Window và No Man of Her Own. Đạo diễn danh tiếng Alfred Hitchcock đặc biệt ưu ái khi chọn đến 5 truyện ngắn của ông để chuyển thể, nổi tiếng nhất là Rear Window. Cô Dâu Đen Cô Dâu Đen (The Bride Wore Black) được xuất bản lần đầu năm 1940, là mốc son trong sự nghiệp cầm bút của Cornell Woolrich, khởi đầu cho danh tiếng tác giả “trinh thám đen” bậc thầy. Câu chuyện xoay quanh một phụ nữ xinh đẹp và bí ẩn ra tay mưu sát những đàn ông theo nhiều cách thức. Đâu đó trong thành phố, một gã đàn ông trước đấy hãy còn cảm thán về tương lai tươi sáng của mình thì ngay sau đó, cuộc đời gã kết thúc trong bi thảm. Bỏ lại kẻ xấu số sau lưng, CÔ DÂU ĐEN tiếp tục hành trình trả thù đẫm máu của mình, vẫn còn những cái tên phải gạch bỏ, vẫn còn những kẻ thù cần trừng phạt. Woolrich đưa nội tâm nhạy cảm và xu hướng bi quan của chính mình vào trong tác phẩm. Đêm đen, bóng tối và cái chết bao trùm khắp câu chuyện tạo nên không khí bất an và hồi hộp. Những câu văn mềm mại dẫn lối câu chuyện đến một kết cục đầy ngỡ ngàng. Phải chăng mọi sai lầm đều có thể sửa chữa và những mối hận thù có thể hoàn trả đầy đủ? Phần 1 Bliss Mặt trăng kia… Mi thấy ta đứng một mình, Tâm trí không mộng tưởng, Trái tim không tình yêu. Mặt trăng kia… Mi hẳn biết ta ở đây làm gì… - Rodgers và Hart - Người phụ nữ “J ulie, Julie ơi!” Tiếng gọi bám theo người phụ nữ suốt bốn đợt cầu thang. Tiếng gọi đó là âm thanh mềm mại nhất mà cũng mạnh mẽ nhất mà đôi môi có thể phát ra được. Nhưng nó không khiến cô do dự, không ngập ngừng một bước. Khuôn mặt cô chỉ trắng bệch khi bước ra đón ánh mặt trời, chỉ thế thôi. Có một thiếu nữ đứng cạnh vali đợi cô ở cửa, dường như không tin vào mắt mình khi thấy cô bước tới, lòng phân vân không biết cô lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua chuyện đó. Cô như đọc được suy nghĩ này, liền trả lời câu hỏi chưa thốt ra, “Mình từ biệt họ chẳng dễ dàng gì, họ cũng vậy. Có điều mình đã quen rồi, còn họ thì chưa. Mình đã có nhiều đêm dài khiến bản thân cứng rắn, còn họ mới chỉ một lần. Mình đã trải qua cả nghìn lần rồi.” Không hề đổi ngữ điệu, cô nói tiếp, “Bắt taxi thôi, có một chiếc đằng kia!” Người thiếu nữ nhìn cô dò hỏi khi chiếc xe chạy tới. “Ừ, cậu muốn thì tiễn mình cũng được. Bác tài, tới ga trung tâm nhé.” Cô không ngoái nhìn ngôi nhà, không ngoái nhìn con phố đang lùi dần phía sau. Cô cũng chẳng nhìn ra những con phố thân quen kế tiếp vốn là biểu trưng cho thành phố này, nơi cô lớn lên và trưởng thành. Ở quầy vé, họ phải chờ vì có người đã đến trước. Người thiếu nữ đứng bơ vơ một bên. “Cậu định đi đâu?” “Cũng chưa biết nữa. Mình chưa tính toán được gì cả.” Cô mở túi xách tay, chia cuộn tiền nhỏ làm hai phần không đều nhau, cầm lấy phần nhỏ hơn. Cô bước tới cửa bán vé, đẩy tiền vào. “Chỗ này đủ cho tôi đi bao xa, chuyến trong ngày ấy?” “Ngần này đủ cho cô đến Chicago. Còn thừa chín mươi xu.” “Thế thì cho tôi vé một chiều.” Cô quay lại với người thiếu nữ. “Giờ cậu về nói với họ như vậy nhé.” “Nếu cậu không muốn thì mình sẽ không tiết lộ đâu, Julie à.” “Có sao đâu. Tên của một nơi nào đó có quan trọng gì khi mình một đi không trở lại?” Hai người ngồi trong phòng chờ một lúc, rồi đi xuống phía đường tàu, đứng ở cửa ra chờ tiếp. “Hôn tạm biệt nào, như bọn mình thường làm hồi bé ấy.” Môi họ chạm nhẹ. “Đúng rồi.” “Julie ơi, mình biết nói gì bây giờ?” “Cứ nói ‘vĩnh biệt’ thôi. Trong cuộc đời này, người ta còn gì để nói với nhau nữa cơ chứ?” “Julie yêu quý, mình hi vọng sẽ sớm gặp lại cậu.” “Không bao giờ đâu.” Sân ga lướt về phía sau. Con tàu lao qua một hầm dài rồi lại ngoi lên trong ánh nắng, lăn bánh trên những trụ cầu cao ngang với tầng trên của những tòa chung cư, những con phố lướt qua như những khe hẹp trên hàng rào. Đoàn tàu chạy chậm lại trước cả khi nó đạt vận tốc tối đa. “Phố Hai Lăm”, tiếng người soát vé vang trong toa. Người phụ nữ quyết tâm ra đi này với lấy chiếc vali, đứng lên, bước giữa hai hàng ghế như thể đây là trạm cuối của hành trình chứ không phải điểm khởi đầu. Cô đứng chờ sẵn ở cửa khi tàu dừng. Cô bước ra ngoài, đi dọc sân ga tới cổng, men theo cầu thang ra phố. Cô mua một tờ báo ở quầy tại phòng chờ, chọn một cái ghế ngồi xuống, lật trang cuối ra xem phần rao vặt. Cô cuộn tờ báo lại cho vừa rồi lấy ngón tay dò theo cột có tựa Phòng đủ tiện nghi. Ngón tay dừng ngẫu nhiên ở một cái tên mà cô chả buồn để ý xem những tiện nghi kèm theo là gì. Móng tay cô bấm sâu vào giấy để đánh dấu vị trí. Cô kẹp tờ báo vào nách, nhấc va li rồi ra ngoài gọi taxi. “Đưa tôi tới chỗ này. Đây.” Cô đưa tờ báo cho tài xế. Bà chủ nhà lặng lẽ đứng chờ cô quyết định, cửa phòng vẫn mở. Cô quay lại nói với bà ta. “Tôi thấy chỗ này phù hợp rồi. Tôi sẽ trả tiền ngay cho hai tuần đầu.” Bà chủ nhà đếm tiền xong mới viết giấy biên nhận. “Cô tên gì?” Bà ta ngước lên hỏi. Cô liếc về phía chiếc vali, nơi có chữ “J.B.” mạ vàng bóng loáng một thời, giờ chỉ là mấy chữ cái mờ mờ giữa hai khóa. “Josephine Bailey.” “Tôi gửi cô giấy biên nhận, cô Bailey. Hi vọng cô thoải mái khi ở đây. Phòng tắm ở tầng sảnh, đi qua hai cánh cửa phía bên…” “Được rồi, cám ơn bà. Tôi sẽ tìm được.” Cô đóng cửa, khóa từ bên trong. Cô bỏ mũ, cởi áo choàng, mở chiếc vali nhìn như mới vừa được chuẩn bị cho một chuyến đi kéo dài năm mươi dãy phố, hay cho cả một đời người. Phía trên bồn rửa mặt có một tủ thuốc bụi phủ mờ. Cô đến đó, mở ra, kiễng chân tìm kiếm thứ gì đó. Đúng như cô đoán, ở cái giá trên cùng có một lưỡi dao cạo râu gỉ sét, do một khách nam nào đó bỏ lại đây từ lâu. Cô cầm lưỡi dao quay lại chỗ chiếc vali, cắt lượn quanh vết chữ mờ ở nắp, lột lớp giấy bồi trên cùng để không còn dấu vết gì cả. Rồi cô lần giở những món đồ bên trong, cắt chỉ trên quần áo lót, áo ngủ, áo cánh, gỡ bỏ tiếp hai chữ cái một thời đại diện cho mình trên từng thứ một. Quá khứ đã bị gạt bỏ, cô vứt lưỡi dao vào sọt rác, tỉ mẩn lau chùi đầu ngón tay. Cô tìm trong ngăn ảnh ở nắp vali một bức hình nam giới. Cô lấy ra, giơ trước mặt, chăm chú nhìn hồi lâu. Chỉ là một người bình thường, không có gì nổi bật: không quá đẹp trai, mắt, mũi hay miệng cũng như mọi người. Cô ngắm bức ảnh rất lâu. Cô tìm được một hộp diêm trong túi xách, liền cầm bức ảnh ra chậu rửa, châm lửa đốt bức ảnh từ góc, cứ giữ nó trên tay cho đến khi cháy hết. “Vĩnh biệt”, cô thì thầm. Xả hết nước trong chậu, cô quay trở lại với chiếc vali. Những gì còn lại trong cái ngăn nhỏ dưới nắp là một mẩu giấy có viết tên bằng bút chì. Cô phải khá vất vả mới lấy được nó ra. Tìm kỹ hơn, cô moi ra bốn mẩu giấy khác tương tự. Cô gom hết lại một chỗ, nhưng không đốt ngay mà nghịch nghịch một lúc với vẻ thờ ơ nhàn nhã. Cô đặt chúng lên mặt bàn trang điểm, mặt trắng lật lên trên. Lấy ngón tay di qua di lại, cô nhặt một tờ lên, liếc mắt nhìn nội dung trên đó. Tiếp đến, cô thu cả năm mẩu giấy lại, đốt toàn bộ tại bồn rửa. Cuối cùng, cô bước tới bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, hai tay tì vào gờ tường rắn chắc, bám chặt lấy. Dường như cô muốn nhoài người về phía thành phố bên dưới như thể nơi đó sắp có chuyện gì lớn xảy ra. Bliss C hiếc taxi phanh gấp trước cổng khu chung cư Bliss ở, khiến gã chúi người về phía trước. Rượu trong dạ dày gã như cuộn lên sau cú này, không phải vì quá nhiều rượu trong đó mà vì gã mới uống xong. Gã ra khỏi xe, chạm đầu vào khung cửa khiến mũ bị lệch. Gã chỉnh lại cho ngay ngắn, tìm kiếm tiền lẻ, đánh rơi một đồng xu xuống vỉa hè. Gã không say bí tỉ, gã chưa bao giờ để bản thân bê tha đến nỗi ấy. Ai nói gì với gã, gã đều biết, mà gã nói gì với ai, gã cũng nhớ cả. Gã cảm thấy thoải mái. Không quá nhiều, cũng không quá ít. Trong đầu lúc nào cũng có ý nghĩ về Marge*, có vẻ như gã thực sự sắp đạt được điều gì đó với nàng. Chẳng ai dại gì nhấn chìm suy nghĩ đó vào trong rượu cả. Charlie, đang ca trực đêm, xuất hiện sau lưng gã khi gã đang trả tiền cho tài xế. Hôm nay Charlie đón khách hơi trễ hơn so với thường ngày, tại anh ta nán lại ở sảnh để đọc nốt đoạn cuối cùng của phần bình luận thể thao rồi mới ra. Nhưng lúc này đã là hai giờ rưỡi đêm rồi. Có ai hoàn hảo đâu chứ. Bliss quay người lại. “Chào Charlie.” “Chào ông Bliss.” Charlie giữ cửa mở cho gã, Bliss liền đi vào. Charlie theo sau, hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ đáng hài lòng. Anh ta ngáp, Bliss cũng ngáp theo cho dù không nhìn thấy - vấn đề này hẳn sẽ khiến các chuyên gia siêu hình học phải quan tâm. Trên sảnh có treo một tấm gương. Bliss bước lại, soi mình như mọi ngày. Thông thường có hai hình ảnh phản chiếu lại: một là “mình ổn đấy, tối nay thế nào nhỉ” - đó là hình ảnh gã chuẩn bị ra ngoài, hai là “mệt chết đi được, leo lên giường được là may” - đó là hình ảnh khi gã trở về. Lúc này, Bliss thấy một gã trai hai mươi bảy tuổi, tóc cắt ngắn đang nhìn lại mình. Mái tóc vàng sẫm được cạo sát đến nỗi hai bên đầu chỉ thấy chân tóc ánh bạc. Mắt nâu, người vuông vức, cao nhưng không đến nỗi như cái sào. Tay này biết hết mọi điều về gã - Bliss. Không đẹp trai, nhưng làm gì có ai muốn đẹp trai chứ nhỉ? Đến cả Marge Elliott còn không quan tâm xem gã có đẹp trai hay không mà. “Miễn sao anh vẫn là Ken*”, nàng đã nói như thế. Gã thở dài, lấy tay gỡ bông hoa trắng đã héo úa đang lủng lẳng trên khuyết áo, cánh rụng lả tả xuống sàn. Bliss moi ra một bao thuốc nhăn nhúm, lấy một điếu cho mình rồi nhòm qua cái lỗ nhỏ ở góc bao bên phải, thấy còn một điếu nên mời Charlie. “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn”*, gã nhận xét. Charlie nhận điếu thuốc, đoán chừng giờ này chắc chẳng còn ai khác vào nữa. Bụng Charlie tròn như cái trống. Anh ta khó mà lau chùi sạch sẽ phần dưới của cây cột bằng đồng chống mái hiên, nhưng từ giữa thân cột trở lên thì luôn sáng bóng như gương. Anh ta cũng dư sức đỡ những gã say xỉn có trọng lượng gấp đôi mình. Charlie đã đảm nhận công việc gác đêm ở tòa nhà từ trước khi Bliss dọn đến ở. Bliss thích anh ta, anh ta cũng ưa Bliss. Gã từng cho Charlie hai đô la vào dịp Giáng sinh, thêm hai đô la nữa chia làm bốn lần trong cả năm. Nhưng đó không phải là lí do, Charlie thích gã, thế thôi. Bliss châm lửa cho cả hai, trước khi quay người bước tới thang máy. Charlie nói, “À, tôi suýt quên mất chuyện này, ông Bliss. Tối nay có một quý cô trẻ tuổi đến tìm ông đấy.” “Vậy à? Tên gì thế?” Bliss thờ ơ đáp lại. Chắc không phải Marge rồi, thế nên có gì đáng bàn nữa đâu. Gã dừng bước, mặt hơi ngoảnh lại để đón câu trả lời. “Tôi chịu!”, Charlie trả lời. “Tôi không moi được tên, dù đã hỏi hai, ba lần rồi.” Anh ta nhún vai. “Cô ta không muốn nói thì phải.” “Chẳng sao”, Bliss nói. Đúng là chẳng sao thật. “Cô ta muốn lên nhà để đợi ông”, Charlie nói thêm. “Ấy ấy, đừng có làm như thế”, Bliss vội nói. “Thời đấy qua rồi.” “Tôi biết chứ. Tôi đâu làm thế, ông Bliss, đừng lo…” Charlie nhấn mạnh để thể hiện sự chân thành, sau đó nói thêm kèm theo một cái lắc đầu kín đáo, “Nhưng có vẻ cô ta rất muốn thế.” Có điều gì đó trong cách nói của Charlie gợi lên trí tò mò của Bliss. “Anh nói cụ thể xem nào.” Gã bước trở lại một bước, quay hẳn đầu và vai về phía Charlie. “À, cô ta đứng ngay chỗ này với tôi, chếch ra một chút, cạnh cái gương. Sau khi tôi gọi ông mà không thấy trả lời, cô ta hỏi, ‘Hay tôi lên đó đợi nhé?’ Tôi bảo, ‘Tôi không biết đâu, thưa cô. Tôi không được phép…’ Ông biết đấy, tôi cố cản cô ta. Cô ta liền mở cái xắc tay mà mình giữ khư khư cả buổi, làm ra vẻ tìm cái gì đó như son môi chẳng hạn. Tôi thấy ở trên cùng là tờ một trăm đô la, đang nhìn tôi chằm chằm ấy. Chắc ông không tin đâu, nhưng tôi tận mắt thấy…” Bliss cười khùng khục với vẻ giễu cợt không ác ý. “Anh nghĩ là cô nàng định dâng anh tờ đó để anh đưa cô ta lên à, Charlie thân mến?” Gã nhướn mày nhạo báng. Chẳng gì có thể làm lụi vẻ nhiệt thành trong đôi mắt Charlie. “Tôi biết rõ mà, ông Bliss, sao mà nhầm được. Nhìn cách thức của cô ta là chắc luôn. Cô ta để miệng túi mở toang, ngón tay lần mò bên trong nhưng không gây xáo trộn gì hết. Tờ tiền nằm phẳng lì ở trên cùng. Cô ta nhìn tiền rồi lại nhìn tôi, thẳng vào mắt tôi này, còn hơi dứ cái túi ra nữa. Không gí thẳng vào tôi, ông hiểu rồi đấy, nhưng có dứ ra ngoài để tôi hiểu ý. Tôi làm nghề này bao năm, tôi còn lạ gì nữa.” Bliss dùng cạnh móng tay gãi gãi khóe miệng như thể xem nó còn ở đó không. “Anh không nhìn nhầm tờ mười đô chứ, Charlie?” Charlie hơi cao giọng, nhấn mạnh, “Ông Bliss này, tôi nhìn thấy hai số 0 ở trên cả hai góc đấy.” Bliss khẽ cắn môi, nhay nhay giữa hai hàm răng. “Thôi được rồi.” Gã xoay hẳn về phía Charlie, quyết hỏi cho ra nhẽ mới thôi. Dường như Charlie cũng thấy được nhu cầu tiếp tục câu chuyện này của gã. Anh ta nói, “Chờ tôi một chút, ông Bliss”, khi có tiếng một chiếc taxi đỗ lại ở bên ngoài. Anh ta chạy ra làm nhiệm vụ mở cửa, rồi quay trở lại cùng một đôi nam nữ. Họ hẳn đã chải chuốt đỏm dáng lúc tám rưỡi, nhưng đến giờ sức lực đã chẳng còn ở với họ nữa. Khi đi ngang qua Bliss, họ khẽ gật đầu chào và gã cũng gật đầu đáp lễ một cách cứng nhắc, phong cách chung của những người hàng xóm ở đô thị lớn. Họ bước vào thang máy và đi lên. Ngay khi cái lỗ thủy tinh tròn ở cửa thang máy bị che khuất, Charlie và gã liền tiếp tục câu chuyện dang dở. “Cô ta trông thế nào? Anh đã thấy cô ta bao giờ chưa? Anh biết mặt phần lớn các cô nàng mà tôi hay qua lại mà.” “Tôi biết rõ quá đi chứ”, Charlie xác nhận. “Tôi không nhận ra cô ta. Chắc chắn là chưa gặp bao giờ, ông Bliss ạ. Có điều cô ta trông được đấy. Quá được là đằng khác!” “Rồi. Ngoại hình trông được”, Bliss phụ họa, “nhưng được thế nào?” “À, tóc cô ta vàng óng.” Máu nghệ sĩ nổi lên, Charlie khua tay trong không khí, cố vẽ nên một mái tóc suôn dày, chắc là vậy. “Tóc vàng thứ thiệt ấy nhé, ông đã bao giờ thấy tóc vàng xịn chưa? Không phải thứ màu vàng bạc phếch giả tạo đâu. Tóc vàng thật.” “Ừ, tóc vàng thật”, Bliss nhẫn nại lặp lại. “Mắt xanh biếc. Kiểu mắt biết cười ngay cả khi miệng chả cười ấy. Cao chừng này… cằm cô ta chạm tới vạch thêu thứ hai trên vai áo tôi đây, thấy chưa? Không quá mập, nhưng cũng chẳng phải gầy đâu. Vừa một vòng tay ôm.” Bliss đưa mắt nhìn phía góc trần đối diện, tưởng tượng theo lời mô tả. “Không phải”, gã lẩm bẩm, “cũng không đúng”, như đang lật lại trong đầu hồ sơ người quen. “Người có vẻ giống nhất là Helen Raymond, nhưng mà…” “Không phải đâu. Tôi nhớ cô Raymond mà”, Charlie đáp chắc nịch. “Không phải cô ấy. Tôi gọi taxi cho cô ấy mấy lần rồi.” Anh ta nói tiếp, “Với lại, tôi đoan chắc là ông không quen cô ta. Ông muốn biết vì sao không? Bởi vì cô ta cũng chẳng biết ông.” “Sao cơ?” Bliss ngạc nhiên. “Thế cô ta đến đây tìm tôi làm quái gì chứ, lại còn định vào cả nhà nữa?” Charlie dường như vẫn chưa bắt kịp cuộc hội thoại. “Cô ta chẳng biết tí gì về ông cả”, anh ta khẳng định hùng hồn. “Tôi có thử rồi, lúc đi lên…” “Vậy là anh đã để cô ta lên. Thế đúng là tờ một trăm thật rồi.” Nhận ra mình nói hớ, Charlie hắng giọng phản đối. “Không phải đâu, ông Bliss”, anh ta cố gắng thanh minh. “Ông còn lạ gì tôi nữa, tôi đâu có thế. Tôi ra bộ đồng ý để cô ta lên và vào thang máy cùng. Tôi nghĩ đó là cách đuổi cô ta đi nhanh nhất: giả vờ ưng thuận, rồi đến phút cuối thì…” “Cái đó tôi biết”, Bliss đáp khô khan. “Lúc cùng nhau đi thang máy lên tầng bốn, tôi nhớ tới vụ cướp năm ngoái ở đây. Thế là tôi nghĩ mình nên cẩn thận thì hơn. Tôi bắt đầu bóc mẽ cô ta bằng cách mô tả ông - theo hướng sai lệch hoàn toàn ấy - để thử. Tôi vờ hỏi, ‘Ông ta tóc đỏ nhỉ? Cao lắm, tầm mét tám nhỉ? Tôi mới làm ở đây nên hỏi lại cho chắc. Ở đây có nhiều người thuê nhà lắm.�’ Cô ta cắn câu ngay. ‘Đúng rồi đấy’, cô ta bảo, ‘ông ấy đấy.’ Trả lời vội lắm, để tôi không để ý đó là lần đầu tiên cô ta được mô tả về ông.” “Thế…” Bliss nói. Gã cũng đồng ý rằng đó là điều mình sẽ làm. “Tất nhiên, với tôi thế là đủ rồi”, Charlie trấn an gã. “Khi nghe thấy thế là tôi thầm nhủ, ‘Không chơi trò mèo được đâu. Ca tôi trực thì đừng hòng nhé.’ Nhưng tôi không nói gì với cô ta vì… À, cô ta ăn mặc thanh nhã từ trên xuống dưới, kiểu trang phục khiến ta khó lòng cư xử thô lỗ với họ được. Thế nên tôi tìm cách đối phó nhẹ nhàng. Tôi cố tình dùng nhầm chìa, giả bộ không mở được cửa, mà cũng không có chìa khác nên không có cách nào cho cô ta vào nhà. Chúng tôi xuống tầng, cô ta cũng coi như bỏ qua, kiểu như là không lúc này thì lúc khác, sớm muộn gì cô ta cũng vào được thôi, đại loại thế. Cô ta mỉm cười và nói với tôi, ‘Để lúc khác vậy’, rồi đi ra phố y như lúc bước vào. Thật lạ lùng, một người ăn vận như thế mà lại đi bộ. Tôi dõi theo tới tận cuối phố mà không thấy cô ta gọi xe taxi, cứ thế cuốc bộ như thể lúc đó là mười giờ sáng. Cô ta rẽ vào góc phố rồi biến mất. O’Connor, tay cảnh sát ấy, đi ngang qua cô ta trên đường đến đây. Tôi còn thấy hắn ngoái lại nhìn. Cô ta đúng là trông rất được.” “Chỉ là hoa ven đường để ngắm thôi mà”, Bliss nhận xét. “Chỉ còn một điều khúc mắc này. Nếu tôi không quen cô ta, và theo cách anh mô tả thì cô ta cũng chẳng biết tôi, thì chuyện quái gì đây nhỉ? Cô ta mò đến đây làm gì? Có khi cô ta nhầm tôi với người khác?” “Không đâu. Cô ta gọi đích danh ông luôn, cả họ lẫn tên. ‘Ông Ken Bliss’, cô ta hỏi khi mới vào đây.” “Lúc đến cô ta cũng không đi xe à?” “Không, không biết cô ta từ đâu cuốc bộ đến, rồi lúc đi cũng thế. Điều lạ lùng nhất tôi từng gặp.” Họ tiếp tục nói về chuyện đó một lúc nữa, thẳng thắn và thoải mái, nhờ không bị quấy rầy vào lúc hai rưỡi sáng. “Chà, sống ở thành phố lớn thế này thì lúc nào ta chẳng có dịp gặp mấy chuyện lạ lùng. Chắc chắn đấy ông Bliss. Làm nghề này lâu tôi thấy nhiều lắm rồi. Có người thì cho rằng họ quen ta, có người thì tưởng họ yêu ta, lại có người nghĩ rằng tôi từng làm gì có lỗi với họ. Ông chắc sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu kẻ tâm thần và sâu bọ lởn vởn xung quanh…” “Giờ thì có một kẻ như thế đang đeo bám lấy tôi. Tôi sẽ leo lên giường ngủ một giấc bình yên với cái ý nghĩ đó”, Bliss cau có. Gã quay người đi, bấm nút gọi thang máy. Rồi gã làm bộ sợ hãi, nhe răng cười với Charlie ngay trước khi cửa thang máy đóng lại. “Thế này thì thanh niên trai tráng sống một mình chẳng còn an toàn nữa rồi. Tôi phải lấy vợ để có người bảo vệ thôi.” Suy nghĩ đó của gã hướng về Marjorie - không về một ai khác cả. Corey xuất hiện ở ngưỡng cửa vào lúc tám rưỡi, khi gã còn khướt mới bắt đầu chuẩn bị. Tối nay là tiệc đính hôn của Marjorie. “Quái gì thế này”, Bliss nói, giọng cáu kỉnh vờ vịt vốn chỉ dành cho bạn thân. “Tớ mới đi ăn về xong, còn chưa cạo râu nữa là.” “Tớ gọi điện đến văn phòng cậu lúc bốn rưỡi. Biến đi đâu thế hả tên kia?” Corey vặc lại với sự hùng hổ thân mật không kém. Anh ta đi vào, chiếm cái ghế đẹp nhất, gác một chân lên thành ghế. Anh ta cởi mũ ra, nhằm bậu cửa sổ mà ném. Trượt, nhưng cái mũ cũng hạ xuống kệ sách bên dưới. Ngoại hình của Corey cũng khá bắt mắt, kể cả những lúc anh ta không chăm chút vẻ bề ngoài. Anh ta cao hơn Bliss, gọn gàng hơn một chút - cũng có thể chiều cao của anh ta tạo ra cảm giác như vậy - tóc nâu sẫm, lông mày rậm. Anh ta luôn cố trưng ra vẻ quý ông thành thị lịch lãm, nhưng dưới lớp vỏ bề ngoài đó, ta có thể nhận thấy bản chất nguyên thủy. Thỉnh thoảng, lớp vỏ lại nứt ra và ta thoáng thấy cả một cánh rừng nguyên sinh bên dưới. Anh ta là kiểu người làm hết sức, chơi hết mình. Bữa tiệc nào cũng có anh ta góp mặt, đứng quẩn quanh nơi khung cửa, tay dính lấy ly rượu. Cô gái nào cũng quen biết anh ta, hoặc có một cô bạn đã gặp mặt anh ta rồi. Phong cách tán tỉnh đối đầu trực diện, tấn công như vũ bão của anh ta đã thành công ở những trường hợp không ngờ nhất. Nhiều người không biết rằng ngay cả những cô nàng kiêu kỳ và sắt đá nhất cũng từng bị anh ta chinh phục. Anh ta xoa xoa tay với vẻ hân hoan độc ác. “Tối nay thôi là chim vào lồng! Tối nay thôi là cá cắn câu! Đã muốn chạy làng chưa? Hẳn rồi! Mặt cậu cắt không còn giọt máu kìa…” “Tưởng tớ cũng giống cậu chắc?” Corey xỉa mạnh ngón tay cái vào ngực mình. “Học hỏi tớ này anh bạn. Chưa ai từng bắt được thằng này thề nguyền nhé.” “Cậu phải tắm thường xuyên hơn thì người ta mới dám nghĩ đến chuyện đấy”, Bliss làu bàu miệt thị. “Thế thì làm sao các cô mò được tớ khi đèn tắt? Không tiện chút nào. Chiều nay cậu biến đi đâu thế? Tớ định rủ cậu đi ăn.” “Tớ ra ngoài kiếm cái đèn đường. Thế cậu nghĩ tớ đi đâu?” Gã mở ngăn kéo, lấy ra một chiếc hộp vuông xinh xắn và mở nắp ra. “Cậu thấy thế nào?” Corey gỡ nó ra khỏi đế nhung, trầm trồ ngưỡng mộ. “Đúng là đá xịn!” “Phải thế chứ. Tốn của tớ một mớ đấy.” Bliss nhét chiếc hộp trở lại ngăn kéo với vẻ thờ ơ giả bộ, rồi gõ đai quần. “Tớ đi tắm một cái. Cậu biết rượu Scotch ở đâu rồi đấy.” Khoảng hai mươi phút sau, gã trở ra, quần áo chỉnh tề. “Cô nàng nào thế?” Corey hỏi vu vơ, mắt vẫn không rời khỏi tờ báo đang đọc. “Cô nào cơ?” “Điện thoại reo lúc cậu đang tắm, một cô nào đó hỏi gặp cậu. Theo cách cô nàng nói thì không phải người quen cũ đâu. ‘Có phải nhà ông Kenneth Bliss đó không?’ Tớ bảo là ‘anh ấy đang bận, có cần tôi giúp gì không?’, thì cô nàng cúp máy luôn.” “Quái thật.” Corey xoay xoay chiếc cốc trên tay. “Hay là cô nhà báo nào đang tìm thông tin để viết bài về buổi đính hôn của cậu tối nay.” “Không đâu. Thường thì họ hay hỏi bên nhà gái. Gia đình Marjorie cũng đã tung đủ thông tin rồi còn gì. Không hiểu có phải là cô ta không nữa?”, gã nói sau một hồi suy nghĩ. “‘Cô ta nào?” Bliss cười. “Tớ chưa kể với cậu là tớ có người hâm mộ bí ẩn nhỉ. Chuyện này cũng chưa lâu lắm. Tối nọ tớ đi ra ngoài thì có một cô gái đẹp tìm đủ mọi cách để vào nhà này. Tay gác cửa kể lại cho tớ mà. Cô ta không chịu tiết lộ tên tuổi gì cả. Tay gác cửa thì biết rõ đám con gái tớ từng qua lại - cậu còn lạ gì mấy tay gác cửa nữa - nên dám chắc là chưa từng gặp cô ta. Cô ta ăn mặc đỏm dáng lắm, trông lịch lãm - theo anh ta nhận xét. Có điều cô ta không đi ô tô tới - đó là điều lạ lùng nhất - mà tự dưng xuất hiện từ đâu đó, cứ đi bộ dọc con phố trong trang phục buổi tối. Anh ta bảo là cô nàng mở túi ra, vờ tìm son môi hay gì đó, nhưng thực tình là để trưng ra tờ một trăm đô la nằm trên cùng. Qua cách cô ta thể hiện, tay gác cửa ngầm hiểu là tờ tiền đó sẽ thuộc về mình nếu như anh ta mở cửa nhà tớ cho cô ta vào.” Corey có vẻ không tin lắm. “Cậu nghĩ là tay gác cổng lại chịu bỏ qua cơ hội ngon ơ để kiếm một trăm đô la à? Bịp cậu đó thôi.” “Cái đó thì tớ không rõ. Bản thân giá trị của số tiền đã đảm bảo tính xác thực cho câu chuyện. Nếu anh ta muốn nói dối thì chỉ cần bịa ra tờ mười hay hai mươi đô là cùng.” “Ờ, thế anh ta làm gì? Cho cô ta vào?” “Cứ nhìn cách anh ta kể là thấy tờ một trăm đô đó gần như đã hạ gục được anh ta. Anh ta đã đưa cô ta lên, gần như mở cửa cho cô ta vào nhà rồi. Nhưng anh ta cho rằng tốt hơn nên thử xem cô ta có biết tớ thật không thì hơn. Thế là anh ta tả lung tung cả lên, hoàn toàn không giống tớ ngoài đời chút nào. Cô nàng sập bẫy và xác nhận lời anh ta, nghĩa là cô ta chưa bao giờ gặp mặt tớ. Dĩ nhiên, thế là xong rồi. Anh ta sợ, không dám tiến tiếp, lấy cớ không có chìa hay sao đó để từ chối khéo. Bộ trang phục sang trọng của cô ta khiến anh ta không dám nặng lời. Thấy không ăn thua gì, cô ta mỉm cười, nhún vai, rồi sải bước ra phố.” Corey hứng thú chồm cả về phía trước. “Có thật là cậu không nhận ra cô ta từ lời mô tả?” “Thật mà. Tớ chẳng nói với cậu rồi còn gì, chính cô ta cũng không nhận ra tớ.” “Không hiểu cô ta định làm gì nhỉ?” “Chắc chắn không phải để khua khoắng của cải trong này rồi, vì cô ta dám bỏ tận một trăm đô la để mua vé vào nhà mà. Phải là ảo thuật gia mới moi nổi một trăm đô từ đâu đó trong căn hộ của tớ.” Corey gật gù đồng tình. Bliss đứng lên. “Đi thôi.” Gã mỉm cười đầy lo lắng. “Tớ ưa tất cả các khía cạnh của việc kết hôn, ngoại trừ mấy cái thủ tục trước đám cưới… như tối nay chẳng hạn.” “Điều tớ ưa nhất”, Corey nói, “là không để cái đám cưới nào xảy ra.” Họ đang đợi thang máy ngoài hành lang thì nghe thấy tiếng chuông điện thoại ngân nga đâu đó đằng sau mấy cánh cửa đóng kín. Bliss vểnh tai nghe. “Nốt Sol giáng. Điện thoại nhà tớ đấy. Để tớ quay vào một lúc, có khi là Marge gọi.” Gã quay lại cửa căn hộ, lục túi tìm chìa khóa nhưng đánh rơi nên phải cúi xuống nhặt. Corey thò chân vào thang máy để giữ cửa mở. “Nhanh lên, kẻo người khác gọi thang mất bây giờ”, anh ta giục. Bliss mở cửa. Căn phòng đầy tràn tiếng chuông điện thoại rồi bất ngờ tắt ngúm, không thấy kêu trở lại. Gã trở ra rồi đóng cửa lại. “Không kịp, bên kia cúp máy rồi.” Trên đường đi xuống, Corey gợi ý, “Chắc vẫn là cô nàng kỳ bí đó rồi.” “Nếu đúng thế”, Bliss làu bàu, “hẳn là có thứ gì đó cô ta khao khát lắm, dù tớ không rõ nó là gì.” Còn lại một mình với Marge, đứng tách khỏi những người khách dự tiệc, gã gãi gãi sau gáy, ra chiều lúng túng giả bộ. “Giờ thì thế nào nhỉ? Anh đã xem kha khá phim nên cũng biết qua mấy chiêu. À, thử kiểu nhắm mắt truyền thống nhé, thế là an toàn nhất. Em nhắm mắt lại đi, rồi đưa ngón tay ra.” Nàng ngay lập tức chìa ngón tay cái về phía gã. Gã gạt đi. “Không phải ngón đó. Giúp anh chút đi nào. Anh mà cuống quá thì…” “Ối, nhầm ngón sao? Anh phải nói rõ ra chứ. Làm sao em biết anh định cắn ngón tay em hay làm gì khác?” Rồi đến phần trao nhẫn. Hai mái đầu chụm lại, đôi tình nhân cùng nhau ngắm nhìn vật chứng tình yêu, tay đan tay đầy âu yếm. Họ rủ rỉ rù rì như đôi chim cu, nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ những kẻ đang say trong biển tình mới hiểu. Đột nhiên, họ chợt nhận ra có người đang nhìn mình chằm chằm, liền đồng thời quay đầu lại. Một cô gái đứng nơi ngưỡng cửa, bất động như thể đã bắt rễ vào sàn nhà. Không bị sợi dây đeo nào bó buộc, đôi bờ vai trắng ngần nhô cao phía trên bộ váy đen nhiều lớp, chân váy xòe rộng. Một tấm khăn voan đính hạt huyền lấp lánh choàng qua mái tóc vàng ruộm như được phủ bột ngô. Sự đồng cảm - hay đó là sự nhạo báng? - thoáng qua nơi khóe miệng rồi biến mất trước khi người ta có thể xác định rõ ràng. “Xin thứ lỗi”, cô ta khẽ nói trước khi bước đi. “Cô gái này thu hút đến lạ!” Marjorie buột miệng thốt lên, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào khuôn cửa trống như bị thôi miên. “Cô ta là ai?” “Em không biết. Hình như có lần em thấy cô ta đi cùng Fred Sterling và hội bạn thì phải. Nhưng nếu có được giới thiệu thì em cũng không nhớ ra.” Họ lại cùng nhìn xuống chiếc nhẫn. Nhưng hỡi ôi, phép màu nhiệm đã tan biến, bầu không khí lãng mạn đã hóa thinh không, họ chẳng thể nào dấy lên ngọn lửa say mê khi nãy. Cả căn phòng cũng mất đi vẻ ấm cúng. Phải chăng ánh nhìn từ khuôn cửa đó đã gieo rắc giá lạnh lên người và vật? Nàng rùng mình. “Ta vào với mọi người đi.” Bữa tiệc đã gần tàn, gã và nàng vẫn mải mê khiêu vũ. Những động tác xoay vòng, nhún chân hờ hững chẳng qua chỉ là cái cớ để che đậy một cuộc trò chuyện riêng tư. Gã thì thầm, “Mình lấy căn hộ ở đường Tám Tư nhé. Nếu tay đó bớt cho mình được năm đô mỗi tháng như đã hứa… Với số đồ đạc họ bố trí thì chúng ta có thể sửa sang lại căn hộ…” Nàng thủ thỉ, “Cái cô mặc đồ đen không hề rời mắt khỏi anh chút nào. Em để ý thấy là cô ta cứ dõi theo anh suốt cả buổi. Nếu vào một tối nào khác thì em đã cảm thấy bất an rồi đấy.” Gã ngoái đầu lại. “Cô ta có nhìn anh đâu.” “Lúc nãy thì có, em vừa nhắc anh xong là cô ta lảng đi.” “Mà cô này là ai nhỉ?” Nàng nhún vai. “Em cứ tưởng cô ta đến cùng Fred Sterling và bạn bè của anh ấy. Anh ấy đi đâu chẳng kéo cả hội. Nhưng anh ấy về một lúc rồi mà cô ta vẫn đứng đây, có lẽ vì muốn ở lại một mình. Dù có là ai thì em cũng thấy thích cách cô ta cư xử, không phải dạng con gái rẻ tiền đâu. Em để ý hết mà, cả tối nay cô ta toàn bị làm phiền thôi, tội nghiệp. Cứ mỗi khi cô ta định lỉnh ra ban công một mình, thì có đến ba, bốn quý ông nghĩ đấy là lời mời gọi rồi lẽo đẽo bám theo. Chưa đầy một phút sau là cô ta lại quay vào, thường là từ cửa bên, vẫn đi một mình. Cô ta làm thế nào để cắt đuôi được nhanh thế thì em không biết, nhưng hẳn cô ta phải cực kỳ điêu luyện. Mấy quý ông kia cũng lần lượt quay lại, từng người một, mặt thộn ra như vừa bị từ chối phũ phàng. Màn đấy diễn mấy lần rồi.” Nàng chạm nhẹ vào ve áo gã để ra hiệu, họ dừng lại giữa chừng. “Có thêm mấy người nữa sắp ra về. Em ra tiễn khách rồi sẽ quay lại ngay, anh yêu. Nếu thấy nhớ nhung khi em đi vắng thì anh ráng mà chịu.” Gã dõi theo bước chân nàng, đứng đó như cột cờ nhìn lá cờ mới bị hạ xuống và mang đi mất. Đến khi không còn nhìn thấy tà váy xanh nhạt của nàng nơi đầu phòng phía xa, gã mới quay người đi ra ban công, tìm chút không khí trong lành. Gã thấy dinh dính dưới cổ áo, khiêu vũ lúc nào cũng khiến gã nóng cả người. Ánh đèn chói lọi từ thành phố bên dưới hắt ngược lên như những thanh nan hoa ánh sáng của một bánh xe khổng lồ méo mó. Dường như ai đó đã ném một cục bột năng phát sáng lên nền trời đêm, để lại một mặt trăng mờ tỏ ánh ngọc trai. Gã châm một điếu thuốc như thường lệ, sau mỗi lần khiêu vũ, trong những lúc đợi nàng trở về bên gã. Tâm trạng thư thái, gã nhìn xuống thành phố bên dưới, nơi có thời gã từng suýt chết. “Giờ ta ổn rồi,” gã nghĩ. “Ta còn trẻ, lại có tình yêu, tiền đồ rõ ràng. Phần còn lại thì đơn giản thôi.” Ban công chạy suốt mặt tiền căn hộ tầng thượng. Một đầu ban công rẽ ngoặt sang cạnh bên căn hộ, nơi mặt trăng không bén gót theo được, để lại một khoảng tối sẫm. Chỗ đó không có những cửa sổ chạm sàn, mà chỉ có một cửa sổ ngách ít người sử dụng, chắn không để ánh sáng lọt qua. Gã di chuyển tới chỗ rẽ vì có một cặp khác trên lối đi, mà gã thì không muốn làm phiền họ. Gã đứng vào đúng chỗ góc vuông nơi hai nhánh ban công gặp nhau. Giờ thì gã có hai góc nhìn thay vì một như trước. Rồi đột nhiên, cô gái kỳ bí mặc váy đen xuất hiện, đứng cách gã chỉ một, hai bước chân, phóng tầm mắt ra khoảng không trước mặt giống như gã vậy. Chắc hẳn cô ta đã đi qua lối cửa ngách mà không ai biết rồi tiến tới gần gã. Với bộ váy đen tuyền bị vùng tối họ đang đứng nuốt trọn, cô ta như một bức tượng bán thân bằng cẩm thạch trắng muốt, lướt trong không trung mà không cần chân đế bên dưới. “Khung cảnh lộng lẫy nhỉ?” Gã bắt chuyện. Dù gì họ cũng đang dự cùng một bữa tiệc. Cô ta không có vẻ gì là muốn nói về chuyện đó, hoặc có lẽ cô ta thấy quang cảnh này chẳng có gì hấp dẫn cả. Đúng lúc đó thì Corey xuất hiện với dáng vẻ hăm hở của kẻ chinh phạt. Hẳn là anh chàng đã để mắt đến cô nàng từ trước rồi, nhưng phải đến giờ này thì vận may mới mỉm cười với anh ta. Sự hiện diện của Bliss cũng chẳng làm anh ta bận tâm. “Cậu vào trong đi”, anh ta trịch thượng. “Đừng ở đây làm kì đà cản mũi, cậu đính hôn rồi đấy nhé!” Cô gái lập tức chen ngang, “Anh sẵn lòng giúp tôi một việc chứ?” “Tất nhiên rồi.” “Vậy thì lấy hộ tôi một ly lớn highball* sủi bọt.” Anh ta ngoắc ngón cái về phía Bliss. “Anh chàng này giỏi việc đó hơn tôi đấy.” “Rượu từ tay anh đưa sẽ ngon hơn.” Chiêu thức đơn giản mà hiệu quả. Corey mang rượu quay lại. Cô ta nhận lấy rồi đưa ly ra phía trên bờ tường, chầm chậm nghiêng miệng ly cho đến khi rượu trong đó đổ hết ra ngoài. Sau đó cô ta đẩy cái ly trở lại. “Giờ hãy đi lấy thêm ly nữa.” Corey hiểu ra ngay. Khó mà hiểu sai được ý cô ta. Lớp vỏ sứ mỏng manh của một quý ông thành phố ngọt ngào lập tức vỡ vụn và một trong những cánh rừng bên trong bung ra ngoài. Đó không phải là một cánh rừng hiền hòa. Khuôn mặt anh ta đột nhiên trắng bệch, khóe miệng cong lên như một con thú săn mồi máu lạnh. Anh ta bước tới, hai tay hướng thẳng cổ họng cô gái. “Ấy… bình tĩnh nào!”, Bliss nhanh chóng sấn vào, chặn hai cánh tay trước khi chúng chạm tới cô gái, đẩy chúng lên trên cao. Đến lúc hai cánh tay hạ xuống thì Corey cũng đã kiểm soát được bản thân. Anh ta nhét tay vào túi áo để đảm bảo chúng nằm yên trong đó. Sự phẫn nộ lúc này mới trào dâng thành ngôn từ, sau khi hành động đã bị kiềm chế. “Con nào tưởng là bỡn cợt được với tao cũng…!” Anh ta quay người bỏ đi theo lối cũ. Bliss cũng định theo bước anh ta. Rốt cuộc thì cô ta có ý nghĩa gì với gã đâu chứ? Cô gái vội đưa tay ra níu gã lại. “Đừng đi. Tôi có chuyện muốn nói với anh.” Cánh tay lập tức rụt lại ngay khi cô ta thấy lời nói đã đạt được mục đích. Gã đứng lại, chờ cô ta nói. “Anh không biết tôi, đúng không?” “Cả tối nay tôi vẫn băn khoăn cô là ai.” Thực ra gã không hề băn khoăn. Gã chẳng quan tâm tới cô ta như mấy tay đàn ông khác ở đây. Chỉ là câu nói đãi bôi mà thôi. “Anh đã thấy tôi một lần mà không nhớ đấy thôi. Còn tôi thì vẫn nhớ. Lúc đó anh ngồi trong ô tô với bốn người khác…” “Tôi từng ngồi trong ô tô với bốn người khác vô số lần, nhiều đến mức không đếm xuể…” “Biển số xe là D3827.” “Tôi nhớ số má kém lắm.” “Chiếc xe đang để ở ga ra trên đường Exterior, khu Bronx. Từ đó đến nay chưa có ai ghé qua dùng. Lạ nhỉ? Chắc nó vẫn nằm gỉ sét ở đó…” “Thực tình tôi không nhớ chuyện ấy”, gã ngạc nhiên. “Tóm lại cô là ai nhỉ? Cô xuất hiện cứ như điện xoẹt ấy…” “Nhiều điện quá là chập mạch đấy.” Cô gái lùi lại một, hai bước như muốn thể hiện rằng sự hứng thú mình dành cho gã đã không còn nữa, nó biến mất cũng đột ngột như khi xuất hiện. Cô ta gỡ chiếc khăn hạt huyền ra khỏi đầu, hai tay dang thẳng nó ra trước mặt để cho tà khăn bay phấp phới trong gió. Bất chợt cô ta khẽ kêu lên. Tấm khăn không còn ở đó. Hai tay cô ta vẫn giữ nguyên vị trí. Một sợi dây điện lẫn vào màn đêm, nối chéo từ nơi cô ta đứng tới nơi nó bấu vào bờ tường bên dưới bởi một mẩu sứ cách điện. Cô ta ngoảnh mặt nhìn gã, giả đò ngạc nhiên, rồi vươn mình, cúi đầu nhìn xuống. “Kia, ngay kia kìa. Nó mắc lại ngay chỗ cái thứ tròn tròn, trắng trắng kia…” Cô ta cố với một tay dò dẫm trong khoảng không phía dưới. Một lúc sau, cô ta thẳng người lại, cười thoái chí, “Chỉ thiếu một chút nữa là ngón tay tôi chạm được rồi. Tầm với của anh dài hơn, anh giúp tôi được không?” Gã leo ra, khuỵu gối đứng trên bờ tường, một tay bám vào gờ trong để đảm bảo mình không rướn người đi quá xa. Gã quay đầu khỏi cô ta, tìm kiếm chiếc khăn. Cô gái bước tới sát sau lưng gã, đẩy lòng bàn tay ra như một cử chỉ chối bỏ đức tin, rồi nhanh chóng rút lại ngay. Động tác nhẹ nhàng đó khiến cô ta thở hắt ra, một lời giải thích, lời nguyền rủa và sự kết án trong cùng một âm thanh. “Bà Nick Killeen!” Gã hẳn đã nghe thấy. Âm thanh đó hẳn đã bật một tia sáng trong đầu gã, trước khi tâm trí cùng sinh mạng gã lụi tàn vào bóng tối. Trên bờ tường chẳng còn gì. Chỉ có cô và màn đêm ở bên nhau. Vọng qua cửa sổ tầng thượng, ở bên kia khúc quanh, vang lên điệu nhạc rumba rộn ràng từ chiếc đài và những tiếng cười giòn giã. Giọng một người to hơn cả, “Cố lên, sắp được rồi!” Một lúc sau, cô đi vào nhà thì thấy Marjorie bước đến. “Tôi đang tìm hôn phu của mình.” Marjorie tự hào thể hiện mối ràng buộc giữa hai người, tay miết lên chiếc nhẫn với sự phô trương mà chính cô gái cũng không để ý. “Anh ấy có ở ngoài kia không?” Người phụ nữ mặc đồ đen mỉm cười lịch sự. “Lúc trước tôi có thấy anh ấy ở đó.” Cô tiếp tục đi, bước đi dài nhưng không quá vội vã, thu hút thêm vài cặp mắt nam giới dõi theo. Mấy cô giúp việc và người quản gia không còn trực ở phòng giữ mũ áo cạnh cửa, chỉ quay trở lại khi họ được gọi. Trong lúc cánh cửa trước từ từ khép lại phía sau mà không gặp sự cản trở nào, chiếc điện thoại nối trực tiếp với lễ tân tầng dưới đổ chuông. Một hồi sau mới có người nghe máy. Marjorie trở vào từ ban công, nói với người đứng gần nhất, “Lạ thật, không thấy anh ấy ở ngoài đó.” Mẹ cô gái, người buộc phải ra trả lời điện thoại lúc trước, hét lên một tiếng thảm thiết từ đâu đó gần cửa tòa nhà. Bữa tiệc chính thức kết thúc. Cảnh Sát Điều Tra L ew Wanger chẳng buồn đóng cửa xe taxi, lập tức chen qua nhóm người hiếu kỳ tụ tập ở đó. “Có chuyện gì thế?” Ông vừa hỏi viên cảnh sát vừa chìa cái gì đó trong túi áo vest ra. “Hạ cánh.” Viên cảnh sát tuần tra chỉ thẳng lên trời. “Từ trên kia xuống đây.” Ai đó đã đem đến một chồng báo muộn, trải rộng tập giấy in ra hết cỡ, xếp chồng chúng lên nhau và lên cả thi thể kẻ xấu số đang nằm trên đường. Người ta chỉ còn thấy một chân mang giày Oxford da bóng loáng thò ra khỏi góc. “Theo tôi biết thì trên kia người ta tổ chức tiệc tùng. Chắc anh chàng quá chén, nhoài người ra quá đà và mất thăng bằng nên mới ra nỗi này.” Anh ta nhón một tờ báo lên cho Wanger xem. Một tay hiếu kỳ đứng sát hiện trường, tình cờ trông thấy cảnh đó nên quay mặt đi, bụm miệng thoái lui một cách vội vã. “Tưởng dưới này có hoa hay sao?” Viên cảnh sát bình thản nói với theo. Wanger ngồi xổm xuống cạnh nạn nhân, tìm cách nạy bàn tay đang nắm chặt vật gì đó. Một lúc sau, ông cũng gỡ ra được một tấm vải đen mỏng manh như sương khói. “Khăn tay nữ”, viên cảnh sát góp lời. “Khăn choàng”, Wanger chỉnh lại. “Khăn tay thì không to thế này.” Ông lại ngước xuống nhìn thi thể đang được che đậy khỏi ánh mắt người đời. “Tôi không rõ tên tuổi, chỉ biết mặt người này”, ông bảo vệ tòa nhà cung cấp thông tin. “Hình như tối nay người ta tổ chức bữa tiệc đính hôn của anh ta với cô con gái nhà Elliott. Họ ở căn hộ tầng thượng.” “Để tôi lên đó làm nốt thủ tục cho xong”, Wanger thở dài. “Thường chỉ mất mười, mười lăm phút là tôi xuống thôi.” Trời đã sáng bảnh mà ông vẫn còn bận bịu giày vò đám khách khứa mệt lả, đầu bù tóc rối đang dàn hàng trước mặt. “Ý quý vị là không một ai ở đây biết tên cô ta, cũng chưa từng gặp cô ta trước đây?” Chỉ có những cái lắc đầu mệt mỏi đáp lại. “Chẳng nhẽ không ai hỏi sao? Các vị là kiểu người gì vậy?” “Thực tình là tất cả chúng tôi đều hỏi, lúc này hay lúc khác”, một ông khách chán nản phân trần. “Nhưng cô ta đâu chịu nói. Động đến là cô ta lại gạt đi, kiểu ‘Tên tuổi có quan trọng gì’.” “Cứ cho cô ta là khách không mời mà đến đi. Tôi vẫn phải làm rõ xem là ‘Tại sao’ hay nói cách khác là ‘động cơ’ của cô ta là gì.” Thấy mẹ của Marjorie trở lại phòng, ông quay sang hỏi. “Bà có thấy đồ đạc quý giá gì bị mất không?” “Không”, bà ta thổn thức, “không mất mát gì cả. Tôi vừa kiểm tra lại xong.” “Vậy thì loại trừ được khả năng trộm cắp. Cô ta đã lảng tránh hoặc làm nản lòng các quý ông có ý đồ làm thân với mình, theo lời khai của quý vị, vậy mà cô ta lại tiếp cận Bliss ngay khi thấy anh ta ở một mình.” Ông quay sang Corey. “Nhưng theo lời khai của anh, Bliss không hề nhận ra cô ta khi nghe người gác cổng khu nhà mình sống mô tả lại. Đến lúc gặp trực tiếp ở đây thì anh ta cư xử như thể cô ta hoàn toàn xa lạ. Cứ giả sử đó là cùng một người phụ nữ nhé.” “Đó là tất cả những gì tôi thu thập được cho đến giờ. Có ai muốn bổ sung gì vào phần mô tả đã nói với tôi không?” Không ai cung cấp thêm thông tin gì. Rất nhiều người nhìn thấy cô ta, như vậy là đủ rồi. Khi lần lượt từng vị khách buồn rầu đứng vào hàng để khai tên và địa chỉ, phòng khi cảnh sát cần hỏi gì thêm, Corey chen đến cạnh Wanger. Anh ta lúc này nửa say nửa tỉnh, cất giọng khàn khàn hỏi, “Tôi là bạn thân nhất của cậu ấy. Ông thấy thế nào? Rút ra được điều gì rồi?” Wanger vừa sửa soạn ra về vừa đáp, “Tôi có thể tiết lộ với anh, không phải vì anh đáng tin cậy hay được ưu tiên gì hơn những người khác đâu. Không có dấu hiệu nào cho thấy đây không phải vụ tai nạn cả, trừ một điều: Cô ta bỏ đi ngay lập tức sau khi chuyện đó xảy ra, thay vì nán lại thưởng thức âm nhạc như tất cả mọi người. Thêm một chi tiết đáng ngờ nữa: khi gặp cô Elliott tại cửa và được hỏi là có thấy Bliss đâu không, cô ta bình tĩnh trả lời là Bliss ở ngoài ban công, thay vì hét ầm lên là anh ta bị ngã, bình thường thì ai cũng làm vậy, đúng không nào? Tất nhiên, có khả năng là cô ta đi vào nhà rồi thì Bliss mới ngã. Nhưng anh ta lại nắm trong tay một cái khăn đen, nghĩa là rất có thể cô ta vẫn ở cùng Bliss khi anh ta ngã. Nhưng cũng có thể là cô ta đã đánh rơi khăn hoặc tặng khăn cho Bliss trước đó.” Ông nói tiếp, “Tóm lại cho đến giờ thì mọi thứ vẫn là năm mươi - năm mươi. Giả thuyết nghiêng về bên nào thì cũng có lí lẽ phù hợp để phản bác lại. Duy nhất một điều sẽ khiến cán cân lệch hẳn chính là động thái sắp tới của cô ta mà thôi. Nếu một, hai ngày tới mà cô ta đến trình diện và khai báo, sau khi nghe thông báo của cảnh sát, thì rất có thể đây chỉ là vụ tai nạn mà thôi, cô ta bỏ đi để tránh tai tiếng vì biết mình không được mời tới bữa tiệc. Nếu như cô ta tiếp tục lẩn tránh, khiến cảnh sát phải tìm kiếm thì kết luận đây là vụ án mạng cũng chẳng phải là không có cơ sở.” Ông nhét biên bản ghi lời mô tả và các thông tin khác vào trong túi. “Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ tìm được cô ta. Đừng lo gì cả.” Nhưng họ chẳng hề tìm được. Mười lăm ngày sau, tại cửa hàng bách hóa Bonwit Teller. “Đúng rồi, đây là cái khăn giá mười hai đô la của chúng tôi. Chỉ có chỗ chúng tôi mới bán loại khăn này thôi, hàng độc đấy.” “Tốt lắm. Gọi nhân viên bán hàng qua đây, tôi muốn biết có ai nhớ là đã bán khăn cho một người phụ nữ có ngoại hình như sau…” Khi nhân viên đã tề tụ đông đủ, ông nhắc lại đặc điểm nhận dạng tới hơn ba lần, rồi một nhân viên dáng người nhỏ nhắn, đeo kính bước lên. “Tôi… tôi nhớ có bán một cái khăn màu đen như vậy cho một cô gái đẹp giống như ông mô tả, khoảng hơn hai tuần trước.” “Tốt lắm! Tìm hóa đơn bán hàng đi. Tôi cần địa chỉ nhận hàng.” Mười lăm phút sau. “Khách hàng trả tiền mặt, đích thân đến nhận hàng, không để lại tên hay địa chỉ.” “Chỗ các vị hay bán hàng kiểu ấy sao?” “Không, đây là hàng cao cấp, thông thường thì chúng tôi sẽ giao hàng đến tận nơi. Nhưng trường hợp này, tôi nhớ là khách hàng nhất quyết đòi tự đến lấy.” Wanger lầm bầm, “Để xóa dấu vết đây mà.” Ba tuần sau, Wanger báo cáo với cấp trên, “… Cho đến giờ vẫn không có tăm hơi gì của cô ta. Ta không biết cô ta là ai, đến từ đâu và đã đi đâu. Không rõ lí do cô ta gây án - nếu đúng là cô ta làm thế. Tôi đã điều tra kĩ lưỡng quá khứ của Bliss, chỉ thiếu có cô gái đầu tiên anh ta hôn, mà vẫn không thấy bóng dáng người phụ nữ này. Lời khai của người gác cổng chỗ anh ta ở và của bạn anh ta là Corey cho thấy anh ta có vẻ như không biết người phụ nữ này là ai. Thế nhưng cô ta đã chủ động từ chối tất cả mọi người ở bữa tiệc đó, chờ đợi cơ hội tiếp cận anh ta một mình ở ban công. Thế nên không có khả năng là cô ta nhận nhầm người.” “Nói tóm lại, dấu hiệu duy nhất cho thấy đây không phải là một vụ tai nạn là thái độ lạ lùng của người phụ nữ bí ẩn này và việc cô ta biến mất ngay sau đó, không chịu tới trình diện để làm rõ sự tình. Ngược lại, cũng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là một vụ án mạng.” Báo cáo của Wanger về vụ Ken Bliss: Tử vong vì rơi từ ban công tầng hai mươi bảy, lúc 4:30 sáng, ngày 20 tháng 5. Trước khi chết có nói chuyện mới một người phụ nữ khoảng 26 tuổi, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, cao khoảng 1m65. Danh tính chưa xác định. Cần thẩm vấn. Động cơ: Chưa xác định là án mạng, nhưng nếu đúng thì có khả năng là vì quan hệ luyến ái hoặc ghen tuông. Không có ghi nhận về mối quan hệ với nạn nhân trong quá khứ. Nhân chứng: Không có. Vật chứng: Khăn choàng đen, mua tại Bonwit Teller, ngày 19 tháng 5. Vụ án vẫn để ngỏ. Phần 2 Mitchell Kẻ vào rừng tìm nai để săn, Lại thấy trước mắt Là báo đen chờ sẵn. - de Maupassant - Người phụ nữ M iriam - chẳng còn ai trong khách sạn Helena nhớ rõ họ bà là gì - có dáng người thấp, nước da nâu bóng như da thuộc và bản tính hay càu nhàu. Bà có ba điều cố chấp: thứ nhất là quốc tịch Anh, vốn tình cờ bà có được nhờ ngẫu nhiên chào đời trên đảo Jamaica; thứ hai là đôi khuyên tai đồng xu bằng vàng và thứ ba là “cung cách” bà dọn phòng. Chưa có ai buồn can thiệp vào hai điều đầu tiên bao giờ, nhưng vài người từng có ý định thay đổi điều thứ ba đều thất bại thảm hại. “Cung cách” này chẳng liên quan gì tới sự tăng tiến số phòng. Vị trí của các phòng trong dãy hành lang ọp ẹp và mấp mô cũng chẳng phải lí do. Thực tế cho thấy nó là một công thức số học bí ẩn nào đó mà chỉ có đầu óc của bà mới hiểu nổi. Không ai can thiệp được - hình phạt dành cho kẻ cả gan là hàng tràng những lời cằn nhằn vô tận dọc theo hành lang như mê cung, kéo dài hàng giờ liền và còn tiếp tục lâu sau khi nguyên nhân thực sự đã trôi qua trong bực bội. “Số mười bốn sẽ được dọn sau số mười bảy. Phải đợi tôi làm xong số mười bảy đã. Tôi chẳng bao giờ làm số mười bốn trước cả.” Sự ưu tiên này cũng chẳng có liên hệ gì với tiền boa - vốn hiếm khi xuất hiện ở khách sạn Helena. Thói quen, có lẽ vậy, là suy đoán gần nhất cho cách suy nghĩ đầy cảm tính của Miriam. “Cung cách” làm việc chỉ định Miriam sẽ bận rộn ở “số mười chín” vào đúng giờ này trong ngày. Bà một tay cầm xô, một tay cầm cái cán dài gắn một túm sợi vải te tua, đi đến đầu kia của hành lang mốc meo. Bà dừng lại trước “số mười chín”, cầm ngược chìa khóa phòng rồi gõ nó hai lần lên cánh cửa. Đây đơn thuần chỉ là thủ tục, bà sẽ nổi giận khi thấy “số mười chín” vẫn còn ở trong phòng, như thể “cung cách” vốn có bị xâm phạm. “Số mười chín” chưa bao giờ ở trong phòng vào giờ này. “Số mười chín” không có quyền ở trong phòng vào giờ này. Hành động gõ chìa khóa lên cửa không phải là thủ tục theo quy định của khách sạn. Đó chỉ là phản xạ. Bà chẳng thể bước qua cái cửa nào mà không gõ lên đó trước, đến nỗi khi về đến chính phòng của mình vào cuối ngày, bà vẫn lặp lại cái động tác gõ cạch cạch lên cánh cửa rồi mới cắm chìa vào ổ khóa. Bà khó nhọc đẩy cánh cửa ra rồi bước vào trong căn phòng nhỏ, bài trí sơ sài. Họa tiết trang trí trên thảm đã mòn không còn nhận ra hình thù gì nữa, trên sàn lát gỗ chỉ còn lại những mảng nấm mốc xanh xám. Cách ngoài cửa sổ vài bước là một bức tường gạch trắng tinh chắn ngang tầm mắt, ánh sáng gần như phải bẻ gập mình xuống mới chui được qua khe hở giữa tường và cửa sổ. Giá không có ánh sáng đó thì căn phòng vẫn còn có thể duy trì được cái ảo giác về sự sạch sẽ, vì lúc này trong tia nắng chiếu chỉ thấy toàn những hạt bụi bay lơ lửng như một viên sủi được thả vào nước. Bức tường ngay phía trên giường là nơi treo một dãy ảnh đủ cỡ chụp các cô gái, tất cả đều được đóng khung lồng kính cẩn thận. Miriam chả buồn liếc mắt nhìn mấy bức ảnh. Phần lớn chúng đã ở đó vài năm rồi. Cô gái mà “số mười chín” hiện đang qua lại sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đó, cô ta từng nói thế, vì cô ta không có đủ tiền chụp ảnh còn anh ta chẳng có đủ tiền mua đinh, khung và kính để treo nó lên. Với lại cũng chẳng còn khoảng trống nào ở đó để treo thêm. Khó mà bắt đầu lại trên một bức tường mới tinh ở tuổi này. Nếu anh ta chưa phải là lớn tuổi thì cũng bắt đầu mấp mé ngưỡng đó rồi. Chuyện chẳng có gì để bàn nữa. Giường đã dọn xong, đẩy đám bụi xoay vòng vòng trong chùm sáng chiếu từ cửa sổ. Miriam mau mắn khép cửa lại, nhưng không đóng hẳn, với thái độ thách thức. Bà cần gì phải tỏ ra lén lén lút lút. Thậm chí bà còn nói tướng lên, “Giấu giếm, giấu giếm luôn thôi. Anh ta nghĩ ai sẽ ăn trộm cái của này chứ? Ai mà thèm chứ?” Bà lấy tay chùi miệng cho khô, như để chuẩn bị, rồi mở cửa tủ, cúi xuống lục lọi đống quần áo nhàu nhĩ ở trong góc, lôi ra một chai rượu gin như thể người ta tóm được thỏ từ dưới hang vậy. Bà chẳng hề hài lòng khi thấy cái chai mà chỉ tỏ vẻ phẫn nộ. “Anh ta nghĩ ai sẽ vào đây chứ, ngoài mình ra? Anh ta biết thừa là chẳng có ai vào đây ngoài mình cả! Sao lại dám nghi ngờ người khác như thế chứ?” Bà khẽ nghiêng cái chai rồi lại hạ xuống, cầm nó bước tới chậu rửa, kề miệng chai vào vòi nước. Khéo léo nhờ đã thực hành nhiều lần, bà chẳng gặp khó khăn gì mấy khi đẩy miệng chai vào dòng nước rồi rút ra, canh sao cho đủ để bù lại đúng lượng rượu đã vơi lúc nãy. Việc này không phức tạp lắm. Ai đó đã nghi ngờ mà đánh dấu mấy vết chì mờ mờ lên bốn cạnh vỏ chai rồi. Giờ thì bà đã khỏa lấp được phần tội lỗi mà lúc nãy miệng mình đã gây ra với chai rượu. Giờ cảm giác khó chịu lại trào dâng trong lồng ngực bà. “Đồ hà tiện! Đồ keo kiệt!”, chất lửa vùng Caribê nơi bà bùng lên, đôi khuyên vàng kêu lanh canh hưởng ứng. “Anh phải biết là tôi rất bực nếu không được người ta tin tưởng!” Bà đặt cái chai về chỗ cũ, đóng cửa tủ lại, mở ra cửa như cũ để sẵn sàng cho giai đoạn hai của công cuộc dọn vệ sinh phòng, gồm những động tác khua khoắng cái cán đính túm sợi vải xơ xác ở chỗ này chỗ kia dưới chân tường, như người ta đâm cá hồi ở suối. Trong lúc bận bịu với những động tác khó hiểu đó thì bà chợt nhận thấy có người đang nhìn mình. Bà xoay người lại thì thấy một quý cô đang đứng ở hành lang, nhìn vào trong phòng. Miriam liếc qua một cái là biết người phụ nữ không sống trong khách sạn này, cô ta nhanh chóng chiếm một vị trí cao trên thước đánh giá của Miriam. Đối với bà thì chỉ có hai loại người: dạng người kém cỏi luôn bị bà coi thường, và ở phía đối lập là dạng người đáng được kính trọng và đối xử mềm mỏng. Thế thôi. “Gì vậy, thưa cô?” Bà xởi lởi hỏi han. “Cô tìm ông Mitchell à?” Người phụ nữ trả lời mới thân thiện và êm tai làm sao. “Không”, cô ta cười. “Tôi ghé qua thăm bạn ở đây, nhưng cô ấy không có nhà. Tôi tính quay lại thang máy nhưng hình như tôi đi lạc mất rồi…” Miriam tựa vào cán cây lau nhà, như người chèo đò sông Venice tựa vào mái chèo nghỉ ngơi, thầm hi vọng quý cô này không vội đi ngay. Người phụ nữ không bỏ đi. Cô ta thậm chí còn bước lại gần hơn, nhưng vẫn đứng ngoài khuôn khổ căn phòng. Cô ta tạo cho Miriam ấn tượng bị lấn át, kể cả trong đối thoại. Miriam cố gắng tạo dáng dưới khối ánh sáng mờ mờ hắt từ cửa sổ, uốn éo quanh cán cây lau nhà đầy háo hức. “Chị biết không”, cô ta tâm sự thân mật như những người chị em, “tôi lúc nào cũng nghĩ là chỉ cần quan sát căn phòng của một người xem họ sống thế nào, ta có thể đánh giá khá nhiều về người đó.” “Phải đấy, cô nói đúng đấy”, Miriam nhiệt tình hưởng ứng. “Lấy ngay phòng này làm ví dụ… Khi chị còn đang bận dọn dẹp thì tôi tình cờ đi qua cửa. Tôi không biết gì về người sống trong phòng này…” “Ông Mitchell?” Miriam lúc này cứ như bị thôi miên. Cằm bà tì xuống đầu cán cây lau nhà. Người phụ nữ khẽ phẩy tay. “Mitchell hay tên gì cũng thế… Tôi không biết ông ta, cũng chưa bao giờ gặp. Nhưng để tôi nói xem căn phòng này cho tôi biết điều gì về ông ta nhé… Nếu thấy tôi sai thì chị chỉnh lại cũng được.” Miriam lúc lắc đôi vai với sự vui thích khó giấu. “Hay lắm”, bà nói không ra hơi. Việc này cũng thú vị chẳng kém gì xem chỉ tay, mà lại miễn phí nữa. “Ông ta không ngăn nắp. Cà vạt vắt lung tung trên giá treo đèn…” “Ông ta bừa bãi lắm”, Miriam hùng hổ xác nhận. “Ông ta cũng không khá giả gì. Nhưng tất nhiên bản thân khách sạn này cũng nói lên điều đó rồi. Không đắt đỏ lắm…” “Ông ta thiếu tháng rưỡi tiền nhà tám năm liên tiếp rồi!” Miriam hậm hực đáp. Người phụ nữ tạm ngừng lời - không phải để gây áp lực lên đối phương mà dường như cô ta muốn suy xét cẩn trọng lời nói trước khi thốt ra. “Ông ta không làm việc”, cuối cùng cô ta nói. “Có một tờ báo sớm* ngày hôm nay vứt trong sọt rác kia. Đứng đây tôi cũng thấy. Rõ ràng là ông ta ngủ đến tận trưa, đọc báo một chút rồi đi ra ngoài cả ngày…” Miriam gật gù tán thưởng, không thể rời mắt khỏi quý cô thông thái và duyên dáng này. Giả như cán cây lau nhà có trượt đi dưới sức nặng cơ thể, hẳn bà vẫn không hay biết mà tiếp tục duy trì cái tư thế hơi nghiêng người về phía trước này. “Đúng là ông ta thất nghiệp. Ông ta sống nhờ khoản tiền trợ cấp lính tráng nào đó, mỗi tháng một lần, tôi chả biết cụ thể là gì.” Bà lắc đầu như không tin nổi. “Trời ơi, cô giỏi thật đấy.” “Ông ta là người cô độc, không có nhiều bạn bè.” Mắt cô ta lướt trên bức tường. “Tất cả những bức ảnh kia… Chúng là dấu hiệu của một người cô độc, chứ không phải một người quảng giao. Nếu có bạn bè thì ông ta cần ảnh đó làm gì cơ chứ.” Miriam chưa từng nhìn nhận theo hướng này trước đây. Nếu như mấy bức ảnh này có ý nghĩa gì đó với bà - bao nhiêu năm nay chúng chẳng có ý nghĩa gì cả - thì hẳn đó là sự hư hỏng trong suy nghĩ của chủ nhà, là ham muốn đen tối của ông ta. Lúc đầu chính bà cũng phải nói tướng lên một hai lần gì đó khi nhìn thấy chúng, “Đúng là mấy hình bậy bạ mà.” “Kể cả như”, quý cô nói tiếp, “ông ta thực sự quen tất cả mấy cô gái ấy đi nữa… mà chắc là không phải… thì ông ta chỉ có thể quen lần lượt từng người, chứ không nhiều cô một lúc được. Có kiểu bịt tai phụ nữ hay đeo hồi chiến tranh mới kết thúc, có mốt tóc ngắn uốn cụp như búp bê Nhật Bản từ thập niên hai mươi, có cả kiểu tóc suôn thẳng chạm vai rộ lên vài năm trước…” Miriam phải ngoái đầu lại nhìn lên nhìn xuống bức tường phía sau, đầu cán cây lau nhà lúc này tì lên trên một bên tai. Bà còn di di nhẹ nhàng cái cán để gãi đầu. “Ông ta chưa thực sự tìm được người con gái trong mộng. Nếu không đã chẳng có nhiều ảnh thế kia trên tường. Đáng ra đã chẳng có bức nào. Nhưng mà…” Cô ta gõ gõ nhẹ vào một chiếc răng ở hàm dưới ra chiều suy nghĩ. “Hòa trộn tất cả vào thành một bức ảnh tổng thể thì ta biết là ông ta đang tìm kiểu phụ nữ nào.” “Quỷ thần ơi!” Miriam thốt lên. Hiển nhiên bà còn chẳng biết là ông ta đang tìm kiếm gì đó. Hay ít nhất là không phải điều người ta bàn luận đến một cách lịch thiệp. “Ông ta đang tìm kiếm điều gì đó bí ẩn. Một ảo ảnh. Một cô gái chẳng bao giờ có trên đời này mà chỉ tồn tại trong chính trí tưởng tượng của ông ta. Một sinh vật lang bạt khắp chốn, không vấn vương cuộc sống trần tục này, cũng không bị bất cứ điều gì ràng buộc. Một tiên nữ. Một nàng Mata Hari*.” “Ai cơ?” Miriam cảnh giác hỏi, quay đầu dò xét. “Cứ nhìn những cô gái trên kia mà xem. Không bức ảnh nào nào thể hiện bản chất thực sự của người mẫu cả: được lấy nét mềm trước nền voan lụa, tỏa ánh hào quang giữa một màn sương mờ ảo, đôi mắt ló ra sau chiếc quạt, liếc mắt đưa tình với máy ảnh qua tấm gương, cắn một cành hồng…” Cô ta khẽ cười, nụ cười không hẳn là cay nghiệt. “Người đàn ông và những giấc mơ.” “Tôi nghĩ là ông ta sẽ chẳng bao giờ tìm được người phụ nữ giống như mình mong ước”, Miriam ướm lời. “Cái đó cũng khó nói lắm”, người phụ nữ đứng ở khung cửa mỉm cười. “Khó nói lắm.” Rồi đột nhiên, cô ta nghiêng đầu về phía Miriam hỏi. “Nói thật cho tôi biết, từ nãy tới giờ tôi đoán đúng nhiều hơn sai phỏng?” “Cô đã đúng về tất cả các điều”, Miriam sung sướng đáp. “Đấy, đấy. Đó chính là điều tôi muốn nói. Tôi còn có thể cho chị thấy một căn phòng trống nói lên điều gì nữa cơ.” “Vâng, vâng, tôi rất sẵn lòng nghe!” “À mà tôi không làm phiền chị nữa.” Quý cô khẽ vẫy vẫy tay đầy thân mật, kèm theo một nụ cười nồng ấm báo hiệu sự chia tay rồi xoay người bước đi. Miriam thở dài nuối tiếc nhìn khuôn cửa trống. Bà dựa cán cây lau nhà vào tường, bước ra cửa nhìn người phụ nữ đi hết hành lang rồi rẽ. Đến cả hành lang cũng trở nên trống trải. Bà lại thở dài, não nuột hơn bao giờ hết. Cuộc đối thoại mới thú vị và bổ ích làm sao! Tiếc là nó kết thúc chóng quá, nhẽ ra phải kéo dài thêm một chút nữa, đến khi bà dọn xong một phòng nữa chẳng hạn. Tiếng cửa thang máy khẽ vọng lại từ đằng xa, chỗ góc khuất hành lang. Giờ quý cô ấy đã đi hẳn rồi. Miriam miễn cưỡng quay trở vào phòng làm nốt công việc dở dang. “Quý cô này hay thật”, bà lầm bầm tiếc rẻ. “Nhưng chắc là cô ấy sẽ chẳng quay lại đây nữa đâu.” Mitchell M itchell bước vào khu sảnh khách sạn tồi tàn nơi mình sống, đúng giờ như hàng ngày, nách kẹp tờ báo. Gã dừng ở bàn lễ tân xem có thư từ gì không thì nhận được cái nhìn từ người phụ nữ ở sau bàn - cái nhìn dành riêng cho người khách trọ luôn nợ một tháng rưỡi tiền nhà như bệnh kinh niên. Gã có ba lá thư. Thư đầu tiên là lời nhắn từ Maybelle, cô bạn gái tóc vàng làm ở nhà hàng. Thư thứ hai bị chuyển nhầm, nhẽ ra phải để ở ô thư bên trên. Thư thứ ba là giấy thông báo hay hóa đơn gì đó, gã nhìn thoáng qua là biết ngay. Địa chỉ người nhận được đánh máy trong khi phong bì không ghi địa chỉ hồi đáp. Gã không mở phong bì ngay cũng vì lẽ đó. Hóa đơn, thư quảng cáo thì gã đánh hơi được cách đó cả dặm ấy chứ. Gã đi lên gác, đóng cửa lại rồi nhìn quanh phòng. Gã đã sống ở đây mười hai năm rồi. Căn phòng này đã thấm đượm các mặt tính cách của gã trong thời gian đó. Trên tường treo đầy ảnh các cô gái được đóng khung. Một khu trưng bày thông thường. Không phải gã là kẻ tà dâm, thực ra gã ưa sự lãng mạn. Từ lâu gã vẫn tìm kiếm ý trung nhân. Gã mong muốn nàng vừa xinh đẹp vừa bí ẩn. Mặt nạ, quạt, những địa điểm hẹn hò bí mật, đại loại như vậy. Thế mà gã chỉ toàn gặp gỡ mấy cô bồi bàn ở quán Childs hay mấy cô bán hàng ở công ty Hearn. Chẳng mấy chốc mà gã chẳng còn đủ thời gian tìm một nửa định mệnh của đời mình nữa. Chẳng mấy nữa thì việc tìm kiếm trở nên vô vọng. Gã treo áo khoác, bức thư thứ ba lằn thành một vệt sẹo trắng ở túi bên. Gã mở tủ, moi chai rượu gin ra từ đống quần áo bẩn chất đống dưới đáy tủ, nơi bà dọn phòng chẳng bao giờ sờ tới. Mỗi tối, gã chỉ đong rượu đến ngón thứ hai*, phân đều sao cho chai đó đủ uống trong hai tuần. Gã đổ thẳng rượu vào họng, không cần chạm môi vào cạnh cốc. Lại một đêm nữa, chẳng có gì tuyệt vời, chẳng có gì xán lạn sẽ đến với gã. Tất cả toàn là những thứ rẻ rúm. Phòng thuê khách sạn rẻ rúm, một gã đàn ông rẻ rúm mặc áo rẻ rúm, rượu rẻ rúm và những tiếc nuối cũng rẻ rúm. Gã định bụng sẽ gọi Maybelle đến bây giờ hoặc lát nữa để cho khuây khỏa. Gã biết kiểu gì mình cũng sẽ làm thế. Hoặc là Maybelle hoặc chẳng có gì khác. Nhưng gã biết thừa là cô sẽ nói gì, sẽ mặc gì và thậm chí sẽ nghĩ gì nữa. Bia và pate gan nhồi. Gã nhấc điện thoại lên, quay số nhà nơi cô thuê phòng. Rồi gã sẽ phải chờ bà chủ nhà hét tướng lên gọi từ chân cầu thang tới tận tầng bốn, rồi chờ cô đi xuống. Gã trải qua chuyện này nhiều lần đến nỗi tính được cả thời gian mình cần chờ. Gã cứ để điện thoại đó rồi đi ra chỗ áo khoác lấy một điếu thuốc. Gã thấy bức thư thứ ba vẫn nguyên xi trong túi. Gã lấy thư, xé phong bì. Một tấm vé màu đỏ rơi ra ngoài. Bên trong phong bì không còn gì khác. “Nhà hát Elgin. Lô A-1. Dành cho tối thứ Ba.” Đó là tối hôm nay. Giá vé được in ở góc: 3 đô la và 30 xu. Sao có thể thế được chứ? Chắc là đồ giả rồi. Gã lật đi rồi lật lại chiếc vé, xem xét rất kĩ mà không thấy chỗ nào rởm cả, mà cũng không cần phải trả thêm khoản chi phí nào khác. Vé thật rồi. Ai lại gửi cho gã thứ này nhỉ? Trong điện thoại có tiếng léo nhéo, kéo gã trở về. “Cô ấy xuống ngay đấy”, bà chủ nhà của Maybelle nói, xen lẫn là tiếng lẹp bẹp. Cô lúc nào cũng đi xuống cầu thang với tiếng dép kêu như thế. “Xin lỗi”, gã nói cứng, “tôi gọi nhầm số”, rồi cúp máy. Gã bắt đầu sửa soạn để đi chơi. Điện thoại réo đúng lúc gã đang vuốt gọn tóc trước gương. Là Maybelle. “Mitch, anh vừa gọi em đấy à?” “Đâu”, gã nói dối không ngượng mồm. “Thế tối nay mình có gặp nhau không anh?” “Ấy, thôi”, gã vờ rên rỉ. “Anh bị cúm rồi, phải nằm bẹp đây này.” “Thế em qua đó thăm anh nhé?” “Đừng, không cần đâu”, gã vội nói. “Em bị lây cúm từ anh là mất một tuần lương đấy.” Gã cúp máy trước khi cô định làm phiền gã bằng những ý định tử tế nào khác. Gã đã chắc mẩm là khi đến nhà hát Elgin, chìa vé ra ở cửa thì thế nào mình cũng bị đuổi. Thế nhưng người soát vé lại chấp nhận, thậm chí còn dẫn gã vào trong với thái độ trân trọng hơn bình thường vì đó là vé lô riêng. Thế có nghĩa là vé thật rồi. Chẳng còn điểm nào để nghi ngờ nữa. Nhưng ai gửi tặng gã mới được chứ? Liệu người đó có chờ sẵn gã trong lô không nhỉ? Nếu có mấy người ngồi đó thì làm sao gã biết ai vào ai? Trong lô chẳng có ai cả, gã thầm thất vọng khi nhân viên đưa gã lên. Lô nào cũng có bốn ghế, ngăn với lô kế bên và ban công phía sau bằng một bức vách. Ở đây kín đáo hơn bất kỳ chỗ nào khác trong nhà hát. Gã thấy có chút không yên khi ngồi một mình với ba cái ghế trống xung quanh, nhớn nhác nhìn xem có ai vào nữa không. Thậm chí gã ngờ rằng nhân viên sẽ tới gõ nhẹ vào vai mình để báo là có nhầm lẫn và gã phải đi ra vì có người dưới gác đang đòi vé. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Trong khi các lô khác đã dần kín chỗ, vẫn chưa ai đến lô chính giữa, vốn là vị trí được ưa chuộng nhất nhà hát này cả. Đến phần mở màn, người ta giảm ánh sáng, khiến khu khán giả chìm trong một ánh chạng vạng xanh mờ, ba chiếc ghế kia vẫn vô chủ, như thể ai đó đã mua vé trước với mục đích bỏ trống chúng. Vở kịch bắt đầu, phô diễn vẻ tráng lệ và trí tưởng tượng phong phú trước mắt khán giả, gã dần quên đi tình cảnh kỳ lạ đã dẫn lối mình đến đây, bắt đầu thả hồn theo phép màu sân khấu. Thế rồi đột nhiên, chẳng biết chính xác nàng đã vào từ lúc nào nữa, gã chợt nhận ra có người ngồi bên cạnh mình. Trước đó không hề có ánh đèn pin của nhân viên hướng dẫn chỉ ghế cho khách, đến tấm rèm cũng chẳng sột soạt báo động cho gã. Hoặc là gã đã bỏ lỡ những dấu hiệu đó. Chẳng còn ai khác đến ngồi vào hai chiếc ghế còn lại sau lưng họ. Ngoài nửa màn kịch đầu đã xem, gã không còn chú tâm đến sân khấu được nữa, vì từ lúc đó gã không hề rời mắt khỏi nàng. Nàng đẹp tuyệt trần. Trời ơi, nàng đẹp quá! Nàng có mái tóc đỏ và khuôn mặt của một diễn viên. Nàng khoác một chiếc áo choàng nhung sẩm màu, lớp vải phía trong sáng màu hơn, khiến nàng trông càng nổi bật trên những nếp gấp xếp li - như một nữ thần biển hiện lên giữa tấm vỏ sò. Dĩ nhiên gã đời nào dám bắt chuyện với nàng, nhưng đột nhiên chính nàng lại chủ động quay sang gã, cầm một điếu thuốc đưa lên miệng, chờ châm lửa. “Anh không phiền chứ?” Giọng nàng pha chút âm ngoại quốc. “Trong này được phép hút thuốc thì phải.” Đó là mốc khởi đầu mối quan hệ giữa họ. Gã đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ từ lâu trước giờ hẹn gặp nàng. Đến tận lúc này, gã vẫn không tin được là nàng thực lòng muốn vậy, rằng nàng muốn đến chỗ gã. Chính nàng chủ động đề nghị như thế, chứ gã nào dám mơ… Gã đã hướng dẫn nàng cách lên nhà mà không cần băng qua khu vực sảnh với bao con mắt tọc mạch, thay vào đó đi bằng cầu thang phụ đằng sau khách sạn, vốn chỉ có những người sống lâu ở đây như gã mới biết tới. Tuy nhiên, bất chấp bao nhiêu điều như thế, nàng vẫn khéo léo và lịch thiệp làm cho gã hiểu đây không phải chuyện yêu đương gì cả. Dĩ nhiên là không phải, chẳng ai lại yêu đương nữ thần của mình mà phải tôn thờ mới đúng. Gã lùi lại, đứng ngó nghiêng căn phòng đến lần thứ mười mấy. Ảnh mấy cô gái trên tường đã được gỡ xuống, để lại những hình chữ nhật ố vàng do đã ngự trị trên đó quá lâu. Gã cần mấy thứ đồ giả đó làm gì cơ chứ, khi mà giờ gã đã có người thật ở đây rồi? Gã kéo tấm ri-đô che quanh chiếc giường. Cố nữa cũng không làm căn phòng khá hơn được, trông vẫn như cái hộp được thuê với giá tám đô la mỗi tuần. Gã xoa xoa tay lo lắng, rồi lại nhìn vào gương xem cái nơ cổ mới trông có hợp với mình không. Điện thoại đổ chuông. Gã vội vàng lao tới nhấc máy, chân ríu cả vào nhau. Nàng sẽ không đến nữa? Nàng đổi ý rồi chăng? Nhưng rồi gã thất vọng, xị cả mặt. Hóa ra đó là Maybelle. “Anh hết cúm chưa? Em lo cho anh suốt cả ngày đó, Mitch. Này, em thó được ít nước xuýt gà còn dư, vốn dùng đế nấu chung với mấy món đặc sản ở chỗ này đấy. Em sẽ cho vào cặp lồng rồi mang qua chỗ anh. Cái này ăn vào để lại sức…” Gã nghiến răng đau đớn. Sao lại là tối nay cơ chứ? “Anh tưởng thứ Tư thì em phải làm ca tối cơ mà”, gã càu nhàu đáp lại. “Em đổi ca với đồng nghiệp để đến chăm sóc anh đấy.” “Để lần khác đi. Tối nay anh không gặp em được…” Cô nàng đã bắt đầu sụt sùi ở đầu dây bên kia. “Anh muốn thế cũng được! Rồi anh sẽ hối tiếc!” Gã chẳng bận tâm, cúp máy đúng lúc tiếng gõ cửa gã mong chờ vang lên. Gã mở cửa, nữ thần lãng mạn bước vào, vẫn khoác chiếc áo choàng nhung như khi ở nhà hát. Gã đã bao lần mơ tưởng về sự xuất hiện của nàng, ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó. Gã lúng túng, không biết nên làm gì, cũng không biết nói gì cho phải. Đã bao giờ gã được ở gần ý trung nhân đâu. “Em tìm cầu thang có dễ không? Nhẽ ra… tôi nên xuống đón em ở góc phố.” Gã bật đài lên, nhưng gặp phải chương trình bình luận thể thao nên tắt luôn. Nàng rút một chai gì đó ra từ bên trong áo choàng. Động tác đó - trông vô cùng nghịch mắt nếu xuất phát từ một người như Maybelle chẳng hạn - được nàng thực hiện thật duyên dáng và ấn tượng. “Chúng ta sẽ uống thứ này”, nàng nói. “Rượu arak*. Tôi mua để góp vui cho tối nay.” Chai rượu hãy còn chưa mở, lớp giấy nhôm mỏng quấn kín cổ chai. Gã phải dùng dụng cụ mới khui được nút bần ra. Rượu khá bốc, nhưng nó tô hồng cuộc sống trước mắt người uống. Nó cũng làm mềm lưỡi gã, giúp câu từ tuôn chảy dễ dàng và chẳng khó gì để gã cất thành lời những suy nghĩ trong đầu mình. “Em giống hệt người con gái trong mộng của tôi, cứ như em vừa bước ra từ trong tâm trí của tôi ấy.” “Phụ nữ thông minh biết cách hóa thân thành bất cứ mẫu người nào mà đàn ông mơ ước. Giống như tắc kè hoa, cô ấy có thể khoác lên mình những màu sắc mà anh chàng kia hằng mong muốn. Cô ấy chỉ cần tìm hiểu cụ thể xem mong muốn đó là gì thôi. Mấy bức ảnh trên tường cho thấy rất rõ anh tìm kiếm điều gì ở phụ nữ…” Gã suýt thì đánh rơi cả chiếc cốc trên tay, tròn mắt nhìn nàng. “Làm sao em biết là trên tường có ảnh? Em đã từng vào phòng này rồi à?” Nàng nhấp một ngụm rượu, khẽ ho một tiếng. “Chưa hề”, nàng đáp. “Nhưng trên tường có nhiều vết ố, cho thấy đó là nơi từng treo ảnh. Ai làm như vậy thường là người lãng mạn và lãng mạn hóa phụ nữ.” “Ồ, ra vậy”, gã nói, lại nâng cốc rượu lên. Nhận thức của gã đã bắt đầu hơi chếnh choáng. Trong lòng tràn ngập niềm sung sướng, gã cảm thấy mình không cần câu nệ nữa. “Thú vị thật…” “Gì cơ?” “Em ở đây là đủ để căn phòng rách rưới này trở nên ấm cúng và xinh xắn. Em khiến tôi trẻ lại hai chục tuổi, khiến tôi cảm thấy… như trở về ngày xưa, cái thời tôi còn là thằng bé con đội mũ thiếc kiếm tìm ở mọi ngóc ngách…” “Anh định tìm thứ gì?” “Tôi chẳng biết nữa. Một thứ gì đó thật tuyệt vời? Tôi chưa bao giờ kiếm ra nó, nhưng cũng chẳng quan trọng, vì lúc nào cũng còn những ngóc ngách khác để khám phá. Chính cảm giác háo hức khiến bước chân ta lâng lâng mới quan trọng. Từ lâu rồi tôi đã không còn cảm giác đó nữa. Em đúng là có ma thuật.” “Chánh hay tà vậy?” Gã cười bâng quơ. Rõ ràng là gã không nắm được ẩn ý đằng sau câu hỏi đó. “Tôi phải đi rồi.” Nàng đứng dậy, bước tới bàn trước gương. “Thêm một cốc nữa rồi tôi phải về. Vẫn đủ rượu cho một cốc nữa.” Nàng cầm cái chai, đưa lên soi dưới ánh sáng đèn. Tới giờ họ vẫn dùng cái bàn làm nơi rót rượu. Nàng rót đầy hai cốc rồi dừng lại, đặt chúng xuống một lúc, hai cốc nằm cách nhau khá xa. “Tôi cần trang điểm lại một chút… cho anh ngắm lần cuối”, nàng ngoái đầu qua vai, khẽ mỉm cười. Một chiếc hộp sắt nhỏ xuất hiện trên tay. Nàng vươn người qua bàn, ngả về phía chiếc gương. Động tác dặm phấn của nàng chỉ để làm duyên cho có chứ chưa lần nào bông phấn chạm được đến mũi nàng. Đúng hơn là nàng đang trang điểm cho không gian giữa mình và chiếc gương. Gã ngồi đó mơ màng, mỉm cười quan sát nàng như đứa trẻ ngoan. Mũi nàng chẳng hề trắng hơn là mấy - cũng có thể nghệ thuật trang điểm nằm ở sự kín đáo, đẹp mà không lộ liễu. Một hai hạt phấn trắng vương lên bề mặt gỗ sẫm màu. Nàng cúi người xuống, vô cùng khéo léo, đủ thấp để hơi thở đẩy chúng rơi vào quên lãng. Nàng nâng hai chiếc cốc lên, quay lại chỗ gã đang ngồi. Gã nhìn nàng sùng kính như chú chó trung thành nhìn chủ. “Tôi thật không dám tin chuyện này đang xảy ra. Em thực sự đang ở đây. Em thực sự cúi xuống đưa rượu cho tôi. Hơi thở của em chạm vào tóc tôi. Chút dư vị ngọt ngào, như một bông cẩm chướng bừng nở giữa căn phòng, phả hương vào không khí xung quanh tôi…” Gã đặt cốc xuống, nàng cũng làm theo, như thể có một sự đồng điệu không thể chối bỏ. “Khi em ra khỏi cánh cửa kia, tôi sẽ nhận ra rằng mọi chuyện xảy ra đều không có thực. Tôi sẽ mơ về em khi ngủ, rồi đến sáng tôi sẽ không biết đâu là mơ, đâu là thực nữa. Ngay lúc này tôi cũng không phân biệt được rồi.” “Uống đi nào.” Thấy gã đưa tay với nhầm cốc, nàng cản, “Không phải, cốc của anh kia cơ mà. Anh quên rồi à?” Giọng nàng bất ngờ đanh lại. “Uống vì điều gì đây?” “Vì giấc mơ sắp tới. Chúc anh có một giấc ngủ dài và êm dịu.” Gã nâng cốc. “Vì giấc mơ sắp tới.” Nàng quan sát gã đặt cốc rượu đã vơi một nửa xuống. “Đây chẳng phải lần đầu tiên ta gặp nhau”, nàng nói. “Đúng rồi. Tối hôm qua, tại nhà hát…” “Đó cũng không phải lần đầu. Anh đã từng thấy tôi một lần trước đó. Trên bậc thềm nhà thờ. Anh có nhớ không?” “Bậc thềm nhà thờ ư?” Gã lắc lư đầu một cách ngớ ngẩn, rồi cố gắng giữ cho nó thẳng. “Lúc đó em đang làm gì?” “Đang làm lễ cưới. Giờ thì anh nhớ ra chưa?” Chìm đắm trong những lời nàng nói, gã lơ đãng uống nốt chỗ rượu trong cốc. “Tôi đã có mặt ở lễ cưới sao?” “Phải, anh đã có mặt ở lễ cưới - không sai chút nào.” Nàng đứng phắt dậy, gạt nút trên chiếc đài nhỏ. “Đến giờ thưởng thức âm nhạc rồi.” Tiếng kèn trombone ồn ào lấp đầy không gian quanh họ. Nàng bắt đầu xoay xung quanh gã, mỗi lúc một nhanh, tà váy xòe rộng trên đầu gối. Chẳng còn là người yêu dấu của ai nữa cả. Có gì đó không ổn… Gã áp mu bàn tay lên trán. “Tôi không thấy rõ em nữa… Có chuyện gì thế… Ánh đèn đang chao đảo à?” Nàng vẫn tiếp tục khiêu vũ một mình, mỗi lúc một nhanh, vũ điệu chiến thắng và vũ điệu đưa ma. “Đèn vẫn bình thường. Chính anh mới là người chao đảo.” Gã đánh rơi chiếc cốc, nó vỡ tan khi chạm sàn. Gã bắt đầu bứt rứt, tay bấu chặt lấy ngực. “Có gì đó xé toạc… lồng ngực tôi. Gọi người tới giúp, bác sĩ…” “Bác sĩ không đến kịp đâu.” Nàng xoay hết tốc lực như một con quay, ngày một lùi xa khỏi tầm nhìn về phía bức tường. Thị giác đang giảm dần của gã chỉ còn thấy một đốm sáng mờ ảo từng là nàng, rồi như phôi thép luyện dần nguội đi, bóng nàng từng chút từng chút một lẫn vào bóng tối vĩnh cửu. Gã gục xuống bên chân nàng, thều thào những lời cuối cùng trên tấm thảm, “… chỉ muốn em hạnh phúc…” Từ đâu đó xa lắm, một giọng nói châm biếm đáp lại, “Anh đã làm được rồi… làm được rồi…” Sau đó mọi thứ chìm trong im lặng. Cô kéo cánh cửa đóng lại, chuẩn bị niêm phong chặt những gì xảy ra bên trong, thì đột nhiên khựng lại, cánh cửa mới khép hờ, đủ để cô có thể quay vào trong một cách dễ dàng nếu muốn. Họ nhìn nhau, đứng cách có một bước chân. Maybelle với mái tóc vàng, thân hình nảy nở và đậm người, tay cầm một chiếc cặp lồng được gói ghém tạm bợ trong giấy nâu. Người phụ nữ khoác áo nhung có vẻ gì đó ngang tàng và thách thức của một đấu sĩ bò tót, mắt nhìn cô gái chăm chú, tính toán. Maybelle mở lời trước, đôi môi dày tô son quá đậm trề ra. “Tôi mang cái này tới cho Mitch. Nếu anh ấy không muốn gặp tôi thì cũng không sao. Giờ tôi hiểu rồi. Cứ nói với anh ấy. “Sao cơ?” “Bảo anh ấy nên uống cái này khi còn nóng.” Người phụ nữ mặc áo khoác nhung ngoái nhìn khe cửa hé chỉ bằng sợi tóc, quá hẹp để quan sát phía bên trong nhà. “Người ta có nhìn thấy cô vào đây không, mấy người dưới nhà ấy?” “Có chứ.” “Họ có thấy cô mang cặp lồng không?” “Có chứ.” Lừa cô gái này vào phòng mới dễ làm sao. Cô đã lấy ri đô che xác gã lại rồi, ngay khi có tiếng gõ cửa báo hiệu đầu tiên. Chẳng khó khăn gì, trước khi Maybelle phát hiện ra cái xác, cô có thể khiến cô gái im lặng mãi mãi bằng chính cốc rượu gã đã cầm. Hoặc chỉ cần bỏ mặc cô gái này - người chắc chẳng đủ thông minh để thanh minh cho mình - ở lại đây chịu trận. Cô xoay người lại, kéo cửa sập hẳn. “Cô đến đây từ đâu thì hãy quay lại đó thật nhanh.” Lời thầm thì không mang âm hưởng đe dọa mà là cảnh báo. Đôi mắt xanh như sứ Trung Hoa của Maybelle cứ nhìn cô một cách ngu ngốc. “Mau! Cô đứng đây thêm phút nào thì có hại cho cô thêm phút đó mà thôi. Nhớ mang nguyên cả cái cặp lồng kia về, đừng mở ra. Bảo với mọi người là cô không vào được - tạo đám đông quanh cô, khi đó cô sẽ an toàn.” Cô khẽ đẩy Maybelle, buộc cô gái chậm hiểu này phải xuống cầu thang ra khỏi khách sạn. Đến chỗ rẽ cuối hành lang, Maybelle sửng sốt nhìn lại, “Nhưng… có chuyện gì? Chuyện gì đã xảy ra?” “Anh bạn của cô đang nằm chết trong đó. Tôi đã giết anh ta. Tôi đang giúp cô khỏi bị liên lụy đấy, đồ ngốc ạ. Tôi chẳng có thù hằn gì với… những phụ nữ khác.” Nhưng Maybelle chẳng nán lại ở đó để mà nghe cho hết. Tuôn ra một tràng âm thanh rin rít như thủy tinh bị chà xát, cô gái vụng về chạy đi mất. Người phụ nữ choàng áo nhung cũng rời đi ngay lập tức, những bước đi uyển chuyển không nhuốm màu hoảng loạn, về phía cánh cửa thoát hiểm ở đầu kia hành lang, ra cầu thang phụ vắng người trông coi. Cảnh Sát Điều Tra P hải đến gần một tuần sau khi xảy ra vụ việc thì Wanger mới được sếp giao nhiệm vụ điều tra. Trước đó, một tay nào đó tên là Cleary phụ trách việc phá án, nhưng rốt cuộc cũng không đi đến đâu. “Wanger này, có một vụ khá kỳ quặc ở khách sạn Helena. Tôi vừa đọc báo cáo gửi về xong, thấy có vài nét trùng khớp với vụ Bliss… khoảng sáu tháng trước, anh nhớ chứ? Nếu chỉ nhìn qua thì chẳng có gì giống nhau giữa hai vụ này cả. Vụ này thì rõ rành rành là án mạng rồi. Nhưng có một điểm khiến tôi chú ý là cả hai vụ đều có hình bóng một người phụ nữ đã lặn mất tăm ngay sau đó, mặc cho người của ta nỗ lực tìm kiếm khắp nơi. Cả hai vụ cũng không xác định được động cơ cụ thể nào. Trong ngành này, không phải lúc nào ta cũng gặp hai sự việc kiểu đó. Thế nên tôi cho rằng tốt hơn là để Cleary chuyển vụ này sang cho anh, bàn giao lại những gì anh ta phát hiện được, để anh thẩm vấn những người anh ta đã tập hợp trong hồ sơ. Nói cho cùng thì anh cũng đã nắm rõ vụ Bliss, còn anh ta thì không, nên anh sẽ đánh giá tốt hơn. Nếu anh tìm được mối liên hệ giữa hai vụ, cho dù nhỏ nhặt đến đâu, thì báo cho tôi ngay. Tôi giao cho anh toàn tâm vào vụ này.” Cleary nói, “Đây là những gì tôi thu thập được về vụ này sau bảy ngày. Tất cả đều rất dễ hiểu nhưng lại không có ý nghĩa gì cả. Bề ngoài thì trông như một người đàn bà tâm thần đi gây án, nhưng tôi có bằng chứng rõ ràng cho thấy cô ta không phù hợp với hình mẫu ấy - rồi anh cũng sẽ tự rút ra kết luận tương tự sau khi đọc. Nạn nhân tử vong vì một lượng nhỏ kali xyanua pha lẫn trong rượu arak…” “Phải, tôi có đọc trong báo cáo khám nghiệm như vậy.” “Đây là biên bản lời khai nhân chứng. Anh đọc cụ thể sau, giờ để tôi tổng hợp trước. Thứ nhất, tôi tìm được một cuống vé nhà hát màu đỏ - phần khách được giữ lại sau khi xé vé ở cửa ấy - trong túi áo nạn nhân. Tôi đã tìm hiểu, kết quả là thế này: trước hôm anh ta chết hai ngày, vào buổi tối, có một phụ nữ tóc đỏ vô cùng xinh đẹp tới phòng vé nhà hát Elgin để hỏi mua trọn một lô. Nhân viên quầy vé hỏi khách muốn xem vào tối nào thì cô ta đáp là điều đó không quan trọng, tối nào cũng được, miễn là mình có thể lấy toàn bộ ghế trong lô. Điều đó thật kỳ quặc, vì hai lí do: đầu tiên là phần lớn khách chọn thời điểm khá kĩ, họ muốn kiếm được chỗ ngồi tốt nhất vào một ngày cụ thể; thứ hai là số lượng ghế trong lô không phải là vấn đề với người khách này - cô ta không quan tâm lô có ba, bốn hay năm ghế, miễn là riêng một lô. Nhân viên quầy vé chọn ra một lô bốn ghế vào đêm gần nhất nhà hát bố trí được, tức là ngay đêm diễn hôm sau. Đương nhiên sự kiện này khá ấn tượng với ông ta. Hai vé không được sử dụng. Mitchell đến rạp hát một mình vào đêm diễn đó, cầm theo một vé. Người phụ nữ mua vé cũng đến rạp một mình, nhưng muộn hơn nhiều, khá lâu sau khi đã mở màn.” “Chỉ có một người mới có thể xác nhận là người phụ nữ đến rạp cũng là người mua vé”, Wanger nhắc. “Nhân viên quầy vé. Lời khai của ông ta đang ở chỗ ngón tay cái anh đó. Ông ta đóng cửa quầy sau giờ bán và tình cờ lại đứng xem kịch từ cầu thang nên thấy cô ta đi qua, lên gác một mình. Ông ta nhận ra người phụ nữ này ngay lập tức. Giờ đến chỗ quan trọng đây. Tôi đã thẩm vấn nhân viên phụ trách khu vực lô. Qua những gì anh này kể lại, tôi có thể khẳng định rằng hai người bọn họ hoàn toàn không quen biết nhau. Vì nhiều lí do, anh ta đặc biệt chú ý tới việc cô ta vào chỗ ngồi. Khu vực anh ta phụ trách có ít khách hơn khu vực ban công hay khu vực phổ thông. Cô ta đến khá muộn, thế nên thành nổi bật. Anh ta thấy lạ là người phụ nữ đẹp như thế mà lại đi một mình. Anh ta quan sát kĩ, nếu không nói là cố tình tọc mạch, vì những lí do vừa rồi, khi cô ta ngồi vào ghế. Hai người bọn họ không hề chào hỏi nhau câu nào. Anh ta nấn ná lại đủ gần nên chắc chắn chuyện đó. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn khách vào rạp, anh ta khẳng định là họ không quen nhau. Bản thân tôi thấy nhận định của anh ta cũng đúng. Nếu họ quen nhau thật thì Mitchell hẳn đã đứng đợi cô ta ở sảnh, thay vì lên ngồi trước như vậy. Đàn ông ai chẳng thế, kể cả loại thô lỗ nhất. Phải đến giờ nghỉ giữa màn thì anh nhân viên mới thấy hai người họ bắt chuyện với nhau, nhưng đó là cách nói năng khách sáo của hai người vừa mới làm quen. Nói cách khác, đây là trường hợp đón lõng.” “Nếu hai người họ không quen biết nhau, làm sao mà người phụ nữ đó đưa vé cho nạn nhân được? Cô ta mua vé, anh ta đến rạp với một vé trong đó.” “Vé được gửi nặc danh qua đường bưu điện. Tôi cũng tìm thấy phong bì trong túi áo. Tấm vé màu đỏ tươi. Có vết lem màu hồng nhạt phía bên trong phong bì, bàn tay đẫm mồ hôi của ai đó ở bưu điện hoặc lễ tân khách sạn - hoặc có khi là chính Mitchell - đã cầm vào, làm vé ẩm và phai màu ra một chút. Đây, anh xem đi. Người ta chỉ nhìn thấy người phụ nữ này thêm một lần nữa. Rồi cô ta mất tăm mất tích luôn. Tôi vẫn chưa tìm hiểu được từ đó đến nay con người này đã làm gì. Vào tối xảy ra án mạng, không ai thấy cô ta vào hay ra khỏi khách sạn cả. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng có gì là phức tạp, vì đằng sau khách sạn có một cầu thang phụ thông ra con hẻm mà không cần phải qua sảnh. Cửa ra vào cầu thang có chốt nên không mở được từ bên ngoài, nhưng nếu có người bố trí sẵn cửa thì cô ta đi vào chẳng khó khăn gì. Sự cẩn trọng này có lẽ là ý của cô ta - kẻ đang nuôi ý định hạ sát Mitchell.” “Anh vừa nói sau lần ở rạp hát; có người còn nhìn thấy người phụ nữ này thêm một lần nữa. Ai vậy?” “Là một cô bồi bàn đang qua lại với nạn nhân, tên là Maybelle Hodges. Cô ấy lên phòng khoảng một lúc sau thời điểm bên khám nghiệm xác định là nạn nhân chết. Khi cô ấy gõ cửa thì một người phụ nữ bước ra. Cô ta đã ở sẵn trong phòng.” “Người phụ nữ này nói gì?” “Cô ta thú nhận là đã giết Mitchell và khuyên cô gái trẻ quay xuống gác, tránh xa hiện trường để khỏi bị liên lụy.” Wanger gãi gãi cằm, “Lời khai này có đáng tin không đây?” “Tôi thấy khá đáng tin, lời mô tả của cô gái về người phụ nữ kia, cả hình dáng bên ngoài lẫn quần áo mặc trên người, khớp hoàn toàn với lời khai của nhân viên rạp hát. Chứng tỏ cô ấy không bịa chuyện. Điều đó dẫn tới nhận định mà tôi nói lúc nãy. Người phụ nữ này không hề điên chút nào. Cô ta đã có một cơ hội rất tốt để ra tay sát hại cô gái trẻ kia ngay lúc đó, chỉ cần dụ cô ấy vào phòng - cái xác thì đã bị ri đô che rồi. Cô ta có nhiều thời gian. Thế nhưng cô ta lại xua cô gái đi chỗ khác, vì lợi ích của chính cô ấy. Toàn bộ câu chuyện là thế. Có nhiều thông tin hơn chúng ta cần nhưng lại thiếu điểm mấu chốt để giải nghĩa mọi việc: động cơ.” “Động cơ không xác định, kẻ sát nhân và nạn nhân không quen biết nhau, nữ thủ phạm xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất ngay sau khi gây án như một ánh chớp”, Wanger tổng kết lại. “Chà, sếp cử tôi sang đây để xem tôi có thể tìm ra thêm được gì không. Tôi chỉ chắc chắn một điểm duy nhất: vụ này dính líu tới vụ Bliss, nó là một bản sao hoàn chỉnh.” Khách sạn Helena, tầng 4, bà dọn phòng khai, “Trước đó tôi chưa bao giờ gặp quý cô ấy, nên tôi biết cô ấy không sống trong khách sạn này. Tôi tưởng cô ấy đến đây thăm ai cơ. Cô ấy đi ngang qua hành lang - khoảng hai tuần trước sự việc kinh khủng đó, có thể lâu hơn. Cô ấy đứng ngoài cửa ngó vào trong lúc tôi dọn phòng cho ông ta. Tôi hỏi, ‘Cô tìm ông Mitchell à?’ Cô ấy đáp, ‘Không, nhưng tôi luôn nghĩ là ta có thể biết về tính cách và thói quen của con người ta, nếu quan sát nơi người đó sống.’ Cô ấy ăn nói lịch sự và hòa nhã lắm, nghe rất cuốn hút. Cô ấy nhìn mấy bức ảnh chủ nhà treo trên tường rồi nói, ‘Ông ta thích phụ nữ phải bí ẩn, nhìn ảnh là tôi biết. Những cô gái này không hề giống với con người ngoài đời thật của mình chút nào. Họ đang cố vờ như mình là một ai khác để cho ông ta chiêm ngưỡng, cắn cành hoa, nhìn qua quạt ren. Nếu ai trong số đó mà tỏ rõ bản chất thực sự thì chắc ông ta chẳng thèm treo ảnh lên đó đâu.’ Thế thôi. Sau đó thì quý cô ấy đi mất. Từ đó tôi không gặp lại cô ấy lần nào nữa cả.” Nhân viên cửa hàng rượu Globe khai, “Có, tôi nhớ mình có bán chai này. Loại rượu đặc biệt như arak thì cả năm có khi chỉ bán được một chai thôi. Không, không phải là cô ta hỏi. Tôi thấy chai đó trên giá và nghĩ là đây là cơ hội tốt để đẩy nó đi, vì cô ta muốn mua loại rượu vừa lạ vừa nặng đô. Cô ta nói muốn mua làm quà tặng cho một người bạn, rượu càng lạ thì ông ta càng thích. Tôi có giới thiệu vodka và aquavit*, nhưng cô ta quyết định chọn arak. Cô ta cũng thú nhận rằng bản thân chưa bao giờ nếm thử loại đó. Có một điều kỳ lạ là khi ra về, cô ta cười và bảo tôi, ‘Gần đây tôi thấy mình làm rất nhiều điều trước đây chưa bao giờ làm.’ Cô ta không hề tỏ ra lo lắng hay bồn chồn gì cả. Thật ra, có lúc cô ta còn tình nguyện đứng sang một bên và bảo tôi cứ ra phục vụ một ông khách khác đang cần gấp một chai rye*, còn cô ta thì cân nhắc tiếp. Cô ta bảo là mình cần có thời gian để lựa chọn cho đúng.” Một tuần sau, sếp của Wanger hỏi, “Anh có cho rằng hai vụ đó liên quan tới nhau không?” “Có, thưa sếp.” “Liên quan thế nào?” “Chỉ có một điểm liên quan: người phụ nữ vô danh xuất hiện trong hai vụ này là một.” “Ồ, không. Chỗ này thì anh nhầm rồi, không thể nào có chuyện đó”, sếp cẩm gạt đi, hai tay xua xua. “Đúng là khi trao đổi với anh tuần trước, tôi cũng lờ mờ cảm thấy vậy. Nhưng điều đó không có cơ sở vững chắc, chẳng phù hợp với chứng cứ gì cả. Sau đó tôi đã dành thời gian đọc tài liệu tổng hợp mô tả đối tượng do Cleary gửi tới. Kết quả là giả thuyết sụp đổ hoàn toàn. Lấy hồ sơ vụ Bliss ra và mang qua đây… Giờ để hai hồ sơ cạnh nhau để tiện so sánh nhé.” Hồ sơ vụ Bliss tóc vàng cao 1m65 nước da sáng mắt xanh khoảng 26 tuổi ăn nói có học thức, lịch sự Hồ sơ vụ Mitchell tóc đỏ cao 1m70 nước da hơi tái mắt xanh sẫm khoảng 32 tuổi có ngữ điệu ngoại quốc “Không có điểm tương đồng nào trong phương thức gây án, một chút cũng không. Một người đẩy anh nhân viên môi giới khỏi ban công. Người kia bỏ xyanua vào rượu của một gã vô công rồi nghề sống trong khách sạn tồi tàn. Kết quả điều tra cho thấy cả hai nạn nhân đều không quen biết với người phụ nữ đã hãm hại mình, mà họ cũng chẳng biết nhau nữa. Không đâu Wanger, tôi cho rằng đây là hai vụ hoàn toàn độc lập…” “Hai vụ đều do một nữ sát thủ duy nhất ra tay”, Wanger kiên quyết bảo vệ quan điểm. “Với hai cột mô tả đối lập nhau hoàn toàn đập vào mắt thế này, tôi thừa nhận mình thật nực cười khi cứ khăng khăng đây là cùng một người. Tuy nhiên, những điểm khác biệt về ngoại hình đó chẳng có ý nghĩa gì mấy. Hãy chia nhỏ từng nội dung nhé, để xem ta có rút ra được mẫu số chung nào giữa chúng không. Tóc vàng với tóc đỏ: bé gái nào cũng có thể nói với sếp là điểm khác biệt đó không đáng kể. Cao 1m65 với cao 1m70: cô ta chỉ cần thay một đôi giày đế bằng sang một đôi giày cao gót là được. Nước da sáng với nước da tái: giải quyết được với một chút phấn trang điểm. Khác về màu mắt thì có thể là ảo thị do việc đánh phấn mắt mang lại thôi. Khác biệt về tuổi tác cũng phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài như trang phục hay thái độ, hành vi. Còn lại gì nào? Ngữ điệu à? Tôi có thể nói ngay giọng vùng nào đó nếu muốn. Một điểm cần lưu ý là không có nhân chứng nào ở vụ án này có dịp thấy nữ nghi phạm ở vụ kia. Chúng ta có hai nhóm nhân chứng hoàn toàn riêng rẽ. Không có ai liên quan đồng thời tới cả hai vụ, do đó không có cơ sở để tiến hành so sánh, sếp bảo là không có điểm tương đồng về phương thức gây án, nhưng thực tế là có nhiều. Cách ra tay cụ thể thì đúng là khác, cái này khiến sếp bị lạc hướng rồi. Hãy tập trung vào ‘hai’ nữ nghi phạm này. Cả hai đều thông minh, phải nói là cáo già mới đúng, đủ để lẩn đi ngay sau khi gây án. Tài năng hiếm có đấy. Cả hai đều rình rập nạn nhân từ trước, nhằm tìm kiếm thông tin về tính cách và thói quen của nạn nhân. Một người đến căn hộ của Bliss khi anh ta đi vắng, người kia thì cũng ghé qua phòng của Mitchell - cũng lúc anh ta không có nhà. Nếu đó không phải là tương đồng về phương thức thì sếp gọi là gì? Tôi chắc chắn hai nghi phạm đó thực ra là một người.” “Thế động cơ của cô ta là gì?” Sếp cẩm tranh luận. “Không phải là trộm cắp rồi. Mitchell vẫn đang nợ một tháng rưỡi tiền nhà, còn cô ta thì bao trọn một lô bốn có vé giá hơn 3 đô la rồi vứt đi hai vé, chỉ để chắc chắn gặp được anh ta trong hoàn cảnh phù hợp. Trả thù thì nghe cũng hợp lí, nhưng… anh ta lại không hề biết hung thủ, mà cô ta cũng không quen nạn nhân nữa. Ta không khớp được một động cơ khả dĩ nào, cũng không đưa được ra lời giải thích nào giống như các trường hợp thiếu động cơ khác. Cô ta chẳng phải kẻ sát nhân tâm thần nào hết. Cô ta có cơ hội rất rõ để giết cô bồi bàn Hodges - trong khi cô Hodges thì ngây thơ, yếu đuối, chậm chạp, đúng loại mồi ngon khó cưỡng lại của những kẻ sát nhân bẩm sinh. Thay vào đó, cô ta bỏ qua, lại còn bảo cô gái kia đi chỗ khác để khỏi bị liên lụy nữa.” “Động cơ ở trong quá khứ, đâu đó trong quá khứ”, Wanger vẫn cứng đầu với giả thuyết của mình. “Chính anh đã lục tung quá khứ của Bliss rồi còn gì - xem xét từng ngày một - mà có tìm được gì đâu.” “Chắc hẳn tôi đã bỏ qua điều gì đó. Tôi không tìm ra không có nghĩa là nó không tồn tại. Động cơ ở đó, có điều tôi chưa thấy thôi.” “Chúng ta đang gặp trở ngại lớn đấy. Anh có thấy là kể cả khi hai nạn nhân còn sống, họ cũng chẳng giúp ta biết được thêm điều gì về nhân thân hay động cơ của hung thủ… đơn giản là vì bản thân họ cũng không quen cô ta, cũng chưa từng thấy cô ta bao giờ?” “Sếp thật biết cách khích lệ người khác”, Wanger càu nhàu. “Tôi không hứa trước được là sẽ phá được vụ này đâu, dù sếp đã cố đùn sang cho tôi. Tôi chỉ hứa là sẽ không bỏ cuộc trước khi cố hết sức.” Báo cáo của Wanger về vụ Mitchell (5 tháng sau): Vật chứng: 1 phong bì, địa chỉ được đánh máy từ máy chữ trưng bày tại cửa hàng, người bán không cung cấp được thông tin gì. 1 chai rượu arak, mua tại cửa hàng Globe Liquor. 1 cuống vé, lô A-1, nhà hát Elgin. Vụ án vẫn để ngỏ. Phần 3 Moran Giống như tiếng trống tưng tưng Khi đêm rừng già đổ xuống bốn phương Giống như tiếng đồng hồ tích tích Khi nó đếm thời gian trên tường - Cole Porter - Người Phụ Nữ N ó biết ngay là người lớn hay hỏi những câu linh tinh mà. Nhiều lúc có câu hỏi dễ quá, nó còn chẳng muốn trả lời nữa cơ. Thế nhưng người lớn bao giờ cũng muốn nó trả lời. Cứ như là nó không muốn làm gì khác hay không có cái gì hay hơn để làm ấy, như chơi đập bóng hay vẽ trên vỉa hè chẳng hạn. Nhưng cái cô ấy không chịu để nó đi. Cô cúi xuống tận mặt nó mà hỏi, không cho nó chơi. “Ái chà, cháu bé thế này mà chơi quả bóng to nhỉ?” À, thì ra cô ấy thấy quả bóng to. Bóng to thì sao? Sao cô ấy không về nhà đi? “Cháu mấy tuổi rồi?” Sao cô ấy lại muốn biết nó mấy tuổi? “Năm tuổi rưỡi. Cháu sắp sáu tuổi.” “Thế nhà cháu có những ai?” Sao cô ấy lại hỏi nó sống với ai chứ? “Có bố mẹ.” Nó bực bội rồi. Không có bố mẹ thì nó là con ai chứ? “Thế bố cháu tên là gì thế?” Làm như nó không biết bố tên là gì ấy. “Bố Moran”, nó đáp. Cô ấy nói gì đó về mùi hương. “Dễ hương thật đấy.” Rồi cô ấy hỏi, “Cháu có anh chị em nào không?” “Không.” “A, tiếc nhỉ! Cháu có buồn không?” Làm sao mà buồn vì một người không có mặt được chứ? Thế nhưng thằng bé vẫn mơ hồ hiểu được ý nghĩa nào đó của việc không có anh hay chị, thế nên nó lập tức bù đắp bằng cái gì đó khác. “Nhưng cháu có bà.” “Thế thì tuyệt lắm nhỉ? Bà có sống ở đây với cháu không?” Bà thì có bao giờ sống cùng cháu đâu, sao cô ấy lại không biết nhỉ? “Bà sống tận Garrison.” Lại một sự thay thế nữa xuất hiện trong tâm trí thằng bé, thế nên nó lại tiếp tục bù đắp. “Cả dì Ada nữa.” Cô ấy có định để cho nó đi chơi đập bóng tiếp không đây? “Sống xa thế cơ á?” Cô ấy trầm trồ. “Cháu từng đến thăm bà chưa?” “Rồi. Hồi cháu còn bé ấy. Nhưng bác sĩ Bixby bảo là cháu làm ồn quá nên mẹ đưa cháu về nhà luôn.” “Bác sĩ Bixby chữa bệnh cho bà cháu à?” “Vâng. Bác sĩ hay đến.” “Thế cháu đã đi học chưa?” Sao lại hỏi thế chứ? Cô ấy tưởng nó là trẻ con hai tuổi chắc. “Cháu đi học mẫu giáo”, nó trịnh trọng nói. “Thế ở lớp cháu hay làm gì?” “Bọn cháu vẽ vịt này, thỏ này, cả bò nữa. Cô Baker thưởng cháu sao vàng vì vẽ bò đẹp.” Sao cô ấy không đi đi để nó còn chơi? Cứ thế này thì biết đến bao giờ? Suốt nãy giờ đáng ra nó có thể đập bóng được mấy vòng rồi ấy, phí cả thời gian. Thằng bé nhích sang một bên, cuối cùng thì cô ấy cũng hiểu ý nó. “Cháu yêu, chạy ra chơi đi, cô không giữ cháu ở đây nữa.” Cô ấy vỗ nhẹ hai cái vào cái gáy hình viên đạn của thằng bé rồi đi xuôi theo vỉa hè, ngoái lại cười thật tươi với nó. Đột nhiên vang lên tiếng gọi của mẹ, xuyên qua tấm mành cửa sổ tầng một. Hẳn mẹ thằng bé đã ngồi đó từ nãy tới giờ. Từ trong nhà thì nhìn được ra ngoài qua tấm mành, chứ đứng ngoài thì không nhìn được vào bên trong bao giờ. Thằng bé đã nhận ra điều đó từ lâu rồi. “Cái cô lúc nãy nói gì với con thế, Cookie?” Mẹ nó nhẹ nhàng hỏi. Một người trưởng thành hẳn sẽ nhận ra sự tự hào của người mẹ khi đứa con đáng yêu đến nỗi nó thu hút được cả sự quan tâm của người qua đường. “Cô hỏi con bao nhiêu tuổi”, nó lơ đãng trả lời. Nó đang để tâm tới vấn đề quan trọng hơn nhiều. “Mẹ ơi, xem con ném cao chưa kìa.” “Con đừng ném cao quá, nó lăn vào rãnh nước là mất đấy.” Một phút sau thằng bé đã quên bẵng chuyện lúc nãy. Hai phút sau thì mẹ nó cũng quên mất. Moran V ợ của Moran gọi điện tới văn phòng lúc gã ra ngoài ăn trưa, khi gã về thì đã thấy tin nhắn cô để lại. Gã chẳng thấy ngạc nhiên chút nào, chuyện này xảy ra đều đặn cứ ba ngày một lần như thế. Thường thì cô chợt nhớ ra là mình cần món gì đó ở dưới phố và nhờ gã ghé mua trên đường về nhà. Chắc lần này cũng lại như thế thôi, gã nhủ thầm. Nhưng nghĩ lại thì gã thấy không phải, vì nếu không gặp được gã thì cô chỉ cần nhắn lại cho tổng đài viên là xong. Trừ phi có chuyện gì đó quan trọng hơn mà cô cần trao đổi cụ thể chứ không nhờ người khác chuyển lời được. Gã tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi sau bữa trưa, vốn dành cho việc tiêu hóa, để gọi điện. “Vợ ông đây, ông Moran”, tổng đài viên nói. “Frank…”, giọng Margaret run run đầy xúc động khiến gã hiểu ngay đây không phải chuyện nhờ vả mua đồ, dù cô chưa thốt ra điều gì ngoài tên gã. “Có chuyện gì thế em?” “Ôi Fr…ank, sao giờ anh mới gọi lại? Em đang lo quá. Ada vừa gửi điện cách đây nửa giờ…” Ada là cô em vợ chưa chồng đang sống ở thành phố khác. “Điện tín à?” Gã hỏi. “Sao lại đánh điện?” “Điện tín mà. Đây, để em đọc anh nghe.” Gã đợi mấy phút, tưởng tượng ra cảnh cô lục tìm bức điện trong túi tạp dề rồi cố mở nó bằng một tay. “Điện thế này, Mẹ ốm nặng. Không muốn chị lo lắng quá nhưng chị nên về nhà ngay. Bác sĩ Bixby cũng nghĩ thế. Đừng chần chừ. Ada.“ “Chắc lại vấn đề về tim rồi”, gã nói không thương cảm cho lắm. Sao cô lại phải gọi cho gã vào giữa ngày làm việc vì những chuyện như thế này cơ chứ? Vợ gã đã bắt đầu rấm rứt nho nhỏ ở đầu dây bên kia, cố kìm không khóc thành tiếng - khiến cuộc trò chuyện đẫm nước mắt. “Frank, em phải làm gì bây giờ? Anh nghĩ em có nên gọi đường dài về nhà không?” “Nếu dì ấy muốn em về thì em nên về nhà xem sao”, gã đáp ngắn gọn. Rõ ràng cô đang chờ nghe lời khuyên này, nó đồng điệu với dự định của cô. “Em nghĩ thế thì tốt hơn”, cô đồng tình trong nước mắt. “Anh biết Ada rồi đấy, con bé chẳng muốn làm ai kinh động bao giờ, từ trước đến nay nó lúc nào cũng tìm cách đơn giản hóa mọi chuyện. Lần trước mẹ đổ bệnh, đến khi mẹ khỏi rồi con bé mới báo tin để em khỏi phải lo gì cả.” “Em đừng hốt hoảng quá. Bao lần bị bệnh như thế mẹ đều qua khỏi đấy thôi”, gã đi thẳng vào vấn đề. Nhưng mối lo của cô đã chuyển sang hướng khác. “Nhưng còn anh với Cookie thì làm thế nào?” Việc gã bị gộp chung với thằng con năm tuổi ngu ngơ nghe mới chướng tai làm sao. “Anh trông con được”, gã gắt. “Anh có tàn phế đâu. Em có muốn anh tìm chuyến xe cho em không?” “Em tự tìm lúc nãy rồi, có chuyến lúc năm giờ. Nếu đi chuyến muộn hơn thì phải ngồi chờ cả đêm. Như thế thì mệt mỏi lắm.” “Ừ, em nên đi chuyến sớm thì hơn”, gã đồng ý. Cô bắt đầu nói nhanh hơn, ào ào như một con gió. “Em gói ghém hết rồi - chỉ một túi thôi là đủ. Frank, anh sẽ ra tiễn em ở bến xe chứ?” “Có, có chứ.” Gã đã bắt đầu mất kiên nhẫn với màn hội thoại đằng đẵng này. Phụ nữ hình như không biết cách gọi điện sao cho ngắn gọn và vào đúng trọng tâm thì phải. Thư kí của gã đang đứng ở ngưỡng cửa, đợi để hỏi gã điều gì đó. “Frank, anh nhớ đến đúng giờ đấy. Anh sẽ phải đưa Cookie về, em sẽ đưa nó ra bến cùng mình. Em sẽ qua trường đón con trên đường đến bến xe luôn.” Gã đến đúng giờ như đã hứa, nhưng khi gã vào tới bến xe thì Margaret đã ở đó trước rồi, bên cạnh là cái bóng nhỏ nhắn của Cookie. Thấy bố, nó liền nhún nhảy liên tục, ra hiệu có chuyện quan trọng muốn nói. “Bố ơi, mẹ phải đi xa! Mẹ phải đi xa!” Bố mẹ không để ý đến nó. Đây là một trong những lần hiếm hoi nó không chiếm độc quyền được việc khơi mào nói chuyện với bố mẹ. “Em làm gì thế này, khóc à?” Moran trách móc. “Đúng là em khóc rồi, nhìn mắt em là anh thấy hết. Không cần phải làm bộ với anh đâu.” Một tràng những lời căn dặn của một bà mẹ mẫu mực bắt đầu tuôn ra. “Frank này, em đã làm sẵn đồ ăn tối cho con rồi, đặt trên bàn trong bếp ấy, anh chỉ cần hâm nóng lên là được. À, mà Frank, anh đừng cho con ăn muộn quá, không tốt cho trẻ con đâu. Còn nữa, tối nay anh không cần tắm cho con đâu. Anh đâu có biết cách, nhỡ nó gặp tai nạn ở trong bồn tắm thì sao.” “Không tắm một tối chắc con cũng không chết đâu”, Moran bực bội càu nhàu. “À, Frank, anh có biết cách thay đồ cho con không?” “Biết chứ. Cởi cúc ra là được chứ gì. Xem em kìa, chẳng phải anh biết tự thay đồ cho mình sao, có khác gì? Chỉ là cỡ nhỏ hơn thôi.” Nhưng những lời dặn dò vẫn tiếp tục, không ngừng lại. “Frank, nếu sau đó anh cần ra ngoài thì cũng đừng để con ở nhà một mình. Em nghĩ anh nên nhờ mấy nhà hàng xóm sang để mắt tới thằng bé cho tới lúc anh về…” Tiếng loa trầm trầm như vọng từ sâu trong lòng đất bên dưới phòng chờ. “Hobbs Landing, Allenville, Greendale…” “Chuyến xe của em đấy, ra đi.” Họ chầm chậm di chuyển trên lối đi dốc xuống khu vực khởi hành. Những lời nhắn nhủ cuối cùng cũng giảm bớt, chỉ còn là mấy câu ngắn ngủi dành cho chính gã. “Frank, anh biết chỗ em để quần áo sạch của anh ở đâu rồi…” “Tuýtttt”, tiếng còi xe giục giã. Cô choàng tay qua cổ gã, ôm chặt không ngờ, cứ như cô chưa hoàn toàn yên tâm. “Tạm biệt, Frank. Em sẽ về ngay khi có thể.” “Đến nơi thì gọi cho anh ngay nhé, để anh biết là em đến nơi an toàn.” “Em hi vọng mẹ sẽ ổn.” “Tất nhiên là mẹ sẽ ổn. Mẹ sẽ lại khỏe mạnh như bình thường trước cuối tuần ấy chứ…” Cô ngồi xuống bên Cookie, chỉnh lại mũ, cổ áo và gấu quần cho thằng bé, trước khi thơm vào trán và hai má nó. “Cookie, nghe mẹ dặn này. Con phải ngoan đấy. Nghe lời bố nữa, nhớ chưa con?” Điều sau cùng cô nói khi đã đi hết bậc xe là, “Frank, dạo này nó bắt đầu biết nói dối rồi đấy. Em đang cố sửa cho con. Anh đừng khuyến khích nó…” Cuối cùng thì cô cũng phải quay người vào trong vì những hành khách khác cũng phải lên xe mà cô thì lại chắn mất cửa vào. Tài xế quay hẳn đầu lại, nhìn theo đến tận khi cô ngồi xuống ghế. Ông ta lẩm bẩm, “Chúa ơi, tôi chỉ chạy xe vài giờ sang thành phố khác thôi mà, có phải đi đến tận biên giới Mexico đâu.” Hai bố con di chuyển tới vị trí đối diện với ghế cô ngồi. Giả như có thể kéo được cửa sổ lên, cô sẽ lại tiếp tục tuôn ra bao lời dặn dò như trước. Cô buộc phải tự bằng lòng với việc ra dấu hôn gió, kèm theo những động tác hướng dẫn cho hai bố con qua khung cửa kính. Moran không giải nghĩa được phần lớn những động tác đó, nhưng vẫn giả vờ là mình hiểu bằng cách gật đầu ngoan ngoãn để vợ an tâm. Chiếc xe rít lên xì xì rồi bắt đầu lăn bánh trên đường bê tông. Moran cúi xuống phiên bản tí hon của mình, nâng một cánh tay nhỏ như cái tăm của nó lên. “Vẫy chào mẹ đi con”, gã hướng dẫn. Thằng bé đung đưa cánh tay một cách vụng về, như thể đó là một cái cần gạt đồ chơi. Gã đang nghĩ tới Margaret lần thứ mười, với sự nể trọng, phải là kính phục mới đúng, vì có thể giải quyết ổn thỏa, tốt đẹp được cái mớ hỗn độn này - không chỉ một lần mà hết ngày này tới ngày khác - thì chợt có tiếng chuông cửa. Gã rên rỉ thành lời. “Tay chân đã bận túi bụi thế này rồi mà lại còn có khách đến chơi. Chắc họ sẽ cười mình mất thôi.” Gã đã cởi áo khoác, cởi cà vạt, tay áo xắn cao, còn dắt cả một cái tạp dề của Margaret vào thắt lưng. Gã đã hâm nóng được đồ ăn cho Cookie - thực ra Margaret đã làm hết rồi, chỉ việc châm lửa rồi nhét vào lò là xong, gã cũng bê được cả Cookie và đồ ăn vào bàn rồi, sau một hồi chạy vòng vòng phát mệt. Nhưng thành tựu chỉ đến đó là chấm dứt. Người ta làm thế nào để ngăn một thằng bé cầm thìa vụt túi bụi vào đĩa, làm chỗ đồ ăn nát nhừ và bắn ra khắp mọi nơi? Lúc Margaret có ở đây thì Cookie vẫn ăn uống bình thường. Giờ ở với gã thì thằng bé đang tạo ra một bãi chiến trường, với những phát đạn bắn tít ra tận bức tường đối diện. Moran ở phía sau lưng thằng bé, hết chạy sang bên này lại chuyển về bên kia, cố bắt quả tang những cú vụt gây thiệt hại nặng nề của thằng bé. Khuyên nhủ nó cũng chẳng ích gì hết, gã hoàn toàn bất lực khi phải một mình đối phó với Cookie và nó biết điều đó. Lại có tiếng chuông cửa lần thứ hai. Nãy giờ Moran bận chân bận tay nên quên cả tiếng chuông cửa vừa reo lúc trước. Gã cào mấy ngón tay tuyệt vọng lên đầu, hết nhìn Cookie rồi lại nhìn cánh cửa, rồi nhìn cánh cửa xong lại chuyển sang Cookie. Rốt cuộc gã thấy rằng tình hình chẳng thể tồi tệ hơn được nữa nên ra mở cửa, vừa đi vừa chùi một mẩu rau dính trên lông mày. Khách là một phụ nữ mà gã chưa gặp bao giờ. Người khách có dáng dấp lịch sự, thanh nhã. Cô ta cẩn trọng, làm ra vẻ không để ý thấy chiếc tạp dề thêu hoa lưu ly xanh ở góc mà cứ cư xử như thể gã trông hoàn toàn bình thường. Cô ta còn trẻ và khá ưa nhìn, nhưng lại ăn vận theo lối cố tình làm giảm bớt vẻ đẹp của mình: một chiếc áo khoác vải màu xanh nhạt đơn giản, kèm theo chân váy. Tóc cô ta màu vàng ngả đỏ, dùng kẹp tóc hay thứ gì đó tương tự để giữ nếp. Khuôn mặt mộc mạc không hề biết đến loại mĩ phẩm nào ngoài xà phòng và nước. Một vài nốt tàn nhang nho nhỏ tập trung trên hai gò má như đôi nụ hồng, không thấy ở chỗ nào khác. Ở người phụ nữ toát lên vẻ trẻ trung và hòa nhã. “Đây có phải nhà cháu Cookie Moran không?” Cô ta hỏi với một nụ cười thân thiện trên môi. “Đúng rồi… Nhưng vợ tôi lúc này không có nhà…”, Moran đáp, thầm hỏi không biết người phụ nữ này cần gì. “Tôi biết mà, ông Moran.” Cách cô ta nói đầy vẻ thấu hiểu, thậm chí là cảm thông, về tình cảnh của gã. Nhưng cũng có điều gì đó ngược hẳn lại xuất hiện rất nhanh nơi khóe miệng, nhưng đã bị kiềm chế kịp thời. “Bà nhà có kể về chuyện đó khi qua đón Cookie. Thế nên tôi mới đến đây. Tôi là cô Baker, giáo viên của Cookie ở trường mẫu giáo.” “À, vâng”, gã đáp nhanh, nhận ra cái tên này. “Tôi có nghe vợ kể nhiều về cô.” Họ bắt tay nhau, cô ta có cung cách mạnh mẽ và thân mật của một cô nuôi dạy trẻ. “Thực ra thì bà Moran không nhờ tôi qua đây, nhưng qua cách nói chuyện thì tôi thấy bà nhà rất lo lắng vì không biết hai bố con sẽ xoay xở thế nào, thế nên tôi tự nguyện ghé thăm xem sao. Tôi biết bà nhà đi khá gấp gáp, nên nếu tôi giúp được gì thì…” Gã không thèm che đậy sự sung sướng và lòng biết ơn của mình. “Ôi, thật quý hóa quá”, gã nhiệt tình nói. “Cô đúng là vị cứu tinh. Cô Baker, mời cô vào…” Đến lúc này gã mới nhận ra mình đang đeo chiếc tạp dề thêu hoa lưu ly nên vội giật ra, vo lại bằng một tay, giấu đằng sau lưng. “Làm sao cô cho bọn trẻ con này ăn được thế?” Gã thật lòng hỏi khi đóng cửa, theo người phụ nữ đi vào trong nhà. “Tôi chỉ muốn tống đầy thức ăn vào mồm nó, nhưng sợ nó nghẹn mất…” “Tôi biết cách, ông Moran à. Tôi biết mình cần làm gì”, cô ta an ủi gã. Đến cửa phòng ăn, cô ta dừng lại, đứng quan sát một vòng để đánh giá toàn diện tình hình, bật ra một tiếng cười khúc khích từ cổ họng. “Tôi thấy là mình đến cũng đúng lúc đấy.” Gã nghĩ phòng này vẫn được coi là khá ổn so với hoàn cảnh của nhà bếp bây giờ. Cứ như vừa có trận bão càn quét qua chỗ đó. “Anh bạn nhỏ thế nào rồi?” Cô ta hỏi. “Cookie, con xem ai đến này”, giọng Moran vẫn còn vẻ sung sướng vì có sự trợ giúp bất ngờ này, có khác gì cô Tấm chui ra từ quả thị đâu. “Cô Baker, cô giáo của con ở trường. Con ra đây chào cô đi chứ.” Cookie nhìn người phụ nữ chăm chú theo kiểu trẻ con, mắt không hề chớp. “Không phải!” Cuối cùng nó thản nhiên chối. “Sao thế, Cookie?” Cô Baker khẽ trách. Cô ta ngồi xổm xuống bên cạnh chiếc ghế đẩu, sao cho mặt cô ngang tầm với đầu cậu bé. Cô ta đặt một ngón tay lên cằm nó, day nhè nhẹ. “Quay lại nhìn cô cho kỹ nào.” Cô ta ngẩng lên, gửi một nụ cười rộng lượng cho Moran đang đứng phía sau thằng bé. “Con không nhận ra cô Baker à?” Moran cảm giác xấu hổ vì cách cư xử của cậu con trai, thấy mình chẳng khác gì ông bố của một đứa con thiểu năng cả. “Cookie, con sao thế hả, con không nhận ra cô giáo trong trường sao?” “Không phải”, Cookie đáp mà mắt vẫn không rời cô ta. Cô Baker nhìn ông bố, hoàn toàn bối rối. “Sao lại thế?” Cô ta lo lắng hỏi. “Trước đến giờ thằng bé có xử sự thế này đâu.” “Tôi cũng không biết, trừ phi… trừ phi…” Lời dặn dò của vợ khi nãy làm gã tỉnh ra. “Trước lúc đi, Margaret có bảo tôi là dạo này thằng bé bắt đầu biết nói dối rồi. Chắc cu cậu đang giở chứng.” Gã quay sang thằng bé, lên giọng quyền uy hơn. “Chàng trai, nghe bố nói này…” Người phụ nữ làm một điệu bộ bí mật và duyên dáng nhỏ bằng mi mắt, gần như một cái nháy mắt cầu xin. “Để tôi thuyết phục thằng bé cho”, cô ta nói khẽ. “Tôi quen với trẻ con rồi.” Có thể thấy cô ta là mẫu người có sự kiên nhẫn vô hạn dành cho trẻ nhỏ, không bao giờ nổi nóng với chúng trong bất cứ tình huống nào. Cô ta hướng về phía thằng bé, dỗ ngọt nó. “Có chuyện gì thế, Cookie, con không nhận ra cô nữa sao? Cô thì nhận ra con đấy.” Cookie vẫn không nói gì. “À, đây, cô có cái này.” Cô ta mở túi, lấy ra một tờ giấy gấp đôi rồi vuốt phẳng nó. Trên tờ giấy có hình in được tô bằng màu sáp. Nét tô không thật khít với đường viền, nhưng cũng đủ thấy là người tô có nỗ lực. Cookie nhìn bức tranh, không hề tỏ ra hãnh diện về kết quả nó đạt được. “Con không nhớ là sáng nay mình đã tô bức này cho cô à… Cô còn khen con nữa mà? Con không nhớ cô đã tặng con sao vàng vì tô đẹp à?” Cookie có nhớ không thì không rõ, nhưng điều này Moran nghe quen quen. Khá nhiều lần gã về đến nhà là bắt gặp thằng bé nhảy cẫng lên khoe, ‘Hôm nay con có sao vàng, bố ơi!’ “Cô là cô Baker ạ?” Cookie thận trọng hỏi. “Hô!” Cô ta khẽ xoa tai thằng bé. “Tất nhiên rồi. Con biết thế mà.” “Thế sao con trông cô không giống.” Có ta thích thú mỉm cười với Moran. “Tôi cho rằng thằng bé nhắc đến kính của tôi. Chắc nó quen nhìn tôi đeo kính gọng sừng trong lớp rồi, tối nay tôi không đeo ra ngoài. Còn một điều nữa liên quan tới tâm lí trẻ con. Nó chỉ quen nhìn thấy tôi ở trường, ở nhà thì không. Đây không phải là chỗ của tôi. Thế nên với thằng bé..cô ta nhún vai, xòe tay, “… tôi là người khác.” Moran thầm ngưỡng mộ cách làm việc khoa học của cô ta với con trẻ, dựa trên nền tảng kiến thức vững vàng, hoàn toàn khác với cách chăm con đầy cảm tính và bột phát của Margaret. Cô ta đứng lên, hiển nhiên cô biết rằng dồn ép quá mức một đứa trẻ miễn cưỡng sẽ không đem lại hiệu quả, phải hướng đứa bé theo ý mình từng chút một thì mới được việc. Margaret có nói phương pháp giáo dục trẻ em ở trường là như vậy. “Chỉ năm phút nữa là nó sẽ chẳng nhớ là mình từng không nhận ra tôi. Rồi ông sẽ thấy”, cô ta hạ giọng hứa với gã. “Chắc cô chẳng lạ gì cách xử lí bọn trẻ nhỉ?” Gã thực sự bị ấn tượng. “Chúng là những cá thể nhỏ nhắn độc lập theo cách của chúng, chứ không phải là những cá thể trưởng thành trong hình hài trẻ nhỏ. Chúng tôi đã loại bỏ thứ quan niệm sai sót và lỗi thời kia đi rồi.” Cô ta bỏ mũ, cởi áo khoác, bước về phía đống bừa bộn trong bếp. “Giờ xem tôi giúp được gì ở đây nào. Ông cần gì không, ông Moran?” “Ôi, không cần để ý đến tôi”, gã thật lòng khước từ. “Lát nữa tôi ra ngoài ăn là được…” “Sao ông lại phải ra ngoài ăn, tôi làm một loáng là xong ấy mà. Ông cứ đọc báo buổi tối đi… Tôi thấy tờ báo còn gấp nguyên thế kia nghĩa là ông chưa có thời gian mở nó ra. Ông không cần để ý gì cả, cứ coi như vợ ông vẫn đang làm việc nhà như mọi ngày thôi.” Người phụ nữ này, gã nghĩ kèm một tiếng thở dài hàm ơn, là một trong những người đẹp nhất, đảm đang nhất, tốt tính nhất mà gã may mắn được gặp trong đời. Gã vòng qua phòng khách, thả tay áo xuống, ngả lưng trên ghế và bắt đầu đọc bài bình luận thể thao buổi tối. Chuyến đi này dường như dài hơn chuyến viếng thăm mùa hè năm ngoái - đó là dịp gần đây nhất cô cùng Frank về gặp mẹ - cho dù thị trấn Garrison chẳng dịch chuyển dù chỉ một li. Lần này cô đi một mình, đó là một lẽ. Phần nữa là vì cái tin chẳng tốt lành gì đã phủ bóng lên tâm trạng cô. Frank đã chọn cho cô một ghế cạnh cửa sổ, chỗ ngồi bên cạnh vẫn còn trống, thế nên cô không phải hứng thêm sự khó chịu khi phải tiếp chuyện một bạn đồng hành nhiều lời. Nếu khước từ cuộc chuyện phiếm đầy thiện chí - cô biết quá rõ hình phạt - cô sẽ cảm thấy bức bối hơn nữa khi phải chịu đựng người kia cùng bầu không khí căng thẳng, nếu không phải là thù địch, suốt cả chặng đường. Quang cảnh vùng đồng quê từ từ trôi qua theo nhịp điệu nhấp nhô của mặt đất - dường như chiếc xe đang tạo ra một đường cày thẳng tắp trên cánh đồng mà không làm sứt mẻ cây cối, nhà cửa, hàng rào trên đó. Những gì cô nhìn thấy rốt cuộc chỉ lướt qua bề mặt đôi mắt mà không được giác quan đón nhận. Cứ đều đặn mười hai phút, cô lại nhớ ra là mình quên nhắc nhở Frank một điều gì đó về Cookie, về ngôi nhà, về người giao sữa, về chủ tiệm giặt là. Nhưng rồi cô tự nhủ là dù mình có nhớ ngay ra từ đầu và dặn dò Frank cẩn thận thế nào đi nữa thì chắc đến giờ Frank cũng đã quên sạch rồi. Anh không phỉnh phờ được cô bằng mấy cái gật đầu ngoan ngoãn ngoài cửa sổ đâu - thái độ đó quá dễ dãi, cô biết mà. Trong khoảng thời gian mười hai phút đó, cô lại lo lắng về người mẹ đang lâm bệnh. Mọi người ai mà chẳng lo lắng như thế. Nhưng cô rút ra một điều là làm như thế chỉ chuốc thêm ưu phiền mà thôi, tự mình lo hão những khó khăn chưa xảy đến, bỗng dưng ngồi viết cáo phó trong khi bản thân vẫn khỏe mạnh. Frank đã bảo cô là mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Sẽ phải như thế. Và nếu như - xin Chúa nhân từ tha thứ - Số mệnh không cho mọi chuyện kết thúc tốt đẹp như mong muốn thì ta vội vã phỏng có ích gì. Cô cố gắng làm thời gian trôi qua nhanh hơn, tránh nghĩ đến mục đích của chuyến đi này, đánh lạc hướng tâm trí bằng những chuyện khác. Chẳng dễ dàng chút nào. Cô không có thiên hướng quan sát thiên nhiên, cũng chẳng có niềm say mê tìm hiểu bản chất con người, khung cảnh tĩnh ngoài kia không có nhiều ý nghĩa với cô. Một chuyến xe như hôm nay còn lại điều gì cho cô đây? Cô tự nhủ liệu có tốt hơn không nếu trước đó mình mua một quyển sách hay một cuốn tạp chí ở bến xe để mang đi đọc? Chắc cũng không. Quyển sách hẳn sẽ nằm trên đùi cô, trang sách đọc dở chẳng được lật suốt chuyến đi. Cô đã bao giờ là người hứng thú đọc sách đâu. Trong nỗi lo lắng gần như cùng quẫn, cô quay ra nhẩm tính các khoản chi tiêu gia đình tuần trước, rồi cả hai tuần trước. Những con số cứ mờ nhạt trong tâm trí cô, rốt cuộc lại chẳng đâu vào đâu. Những cố gắng vừa rồi hóa ra chẳng hề làm vơi đi chút nào nỗi niềm trĩu nặng trong lòng cô. Trời đã tối, những gì cô trông thấy giờ chỉ gói gọn lại trong thế giới con con, thuôn dài bao quanh cô lúc này. Những người ngồi xung quanh cô chỉ là những hành khách thông thường của bất cứ chuyến xe đường dài nào. Không có bất cứ điểm gì đặc biệt hay nổi trội. Chỉ là phần gáy của ai đó. Cô thở dài, thầm ước mình là người dân Anh-điêng bản xứ, hay bất cứ dân tộc nào có quyền năng rời bỏ xác phàm để bay tới đích trước. Hay cách nào khác tương tự cũng được, vì cô không nắm rõ phương thức những hoạt động xuất hồn như vậy. Đến khoảng tám giờ tối thì xe dừng ở Greendale mười phút, cô tranh thủ uống một tách cà phê ở bến xe. Nghĩ về Cookie ở nhà, cô chắc phần tồi tệ nhất trong ngày đã qua rồi. Trừ khi thằng bé bị đau bụng, không thì giờ này Frank đã tìm cách cho nó ăn xong xuôi rồi, cũng chẳng có gì phải lo lắng nữa. Cũng không cần gọi điện đến Garrison nữa, đã qua hai phần ba chặng đường rồi còn gì. Với lại, nếu như cô gọi điện mà nhận được tin xấu hơn cả bức điện báo thì chặng đường cuối sẽ vượt quá sức chịu đựng của cô. Tốt hơn cả là đợi đến tận nơi hẵng hay. Họ vào bến đúng giờ. Mười rưỡi, không sai một phút. Cô là người đầu tiên xuống xe, phải dùng khuỷu tay chen qua mấy hành khách khác. Cô chẳng thất vọng khi không thấy ai ra bến xe đón mình, Ada chắc đang bận bù đầu ở nhà rồi. Những lúc thế này thì không cần khách sáo quá. Cô ra khỏi bến xe và bước ngay vào cuộc sống ban đêm ngắn ngủi của Garrison. Rạp chiếu phim vẫn còn sáng đèn, hiệu thuốc phía bên kia đường cũng đang phục vụ khách. Cô đi ngang qua một nhóm các thiếu nữ mười tám đôi mươi đang trò chuyện rúc rích, chiếm cả một đoạn hè phố ngay ngoài hiệu thuốc tây. Một cô gái ngoái đầu nhìn theo cô, cô nghe thấy có tiếng nói, “Hình như là Margaret Peabody… vào giờ này… ?” Cô vội tăng nhịp bước, đầu cúi thấp hơn, lẩn vào trong bóng tối xung quanh. May mà bọn con gái không ùa theo để xem có đúng là cô hay không. Cô không muốn phải dừng lại và nói chuyện với những người gần như là xa lạ. Nhỡ mấy cô bé đấy có tin tức gì đó thì sao. Cô không muốn nghe tin từ bọn họ. Cô muốn đi thẳng về nhà, đón nhận trực tiếp dù là tin xấu hay tin tốt. Nhưng cái ‘giờ này’ cứ lẩn quẩn, run rẩy bên tai khi cô bước đi. Ý cô gái là gì nhỉ? Hay là đã…? Cô rảo bước nhanh hơn trên phố Burgoyne tối như hũ nút dưới những tán cây, rẽ trái, tiếp tục đi hết hai căn nhà nữa (chúng dài tương đương hai tòa nhà ở thành phố, đại loại thế), rẽ vào con đường lát đá mà cô chẳng còn lạ gì độ gồ ghề, mấp mô của nó. Viên này chênh với viên kia có khi tận vài phân. Hồi nhỏ cô đã bao lần vấp ngã ở đây. Cô hít nhanh một hơi khi ngôi nhà của mẹ hiện ra ngay trước mặt. Đúng rồi, đúng rồi, có nhiều đèn còn bật quá. Nhiều quá. Cô vội đè nén cơn hoảng loạn đang dâng cao, cố bình tĩnh lại. Mà… kể cả… kể cả mẹ cô có bị đau tim nhẹ rồi phải nằm nghỉ thì chắc Ada cũng bật đèn sáng trưng. Chắc là thế, để tiện chăm sóc thôi mà. Thế nhưng, khi cô bước lên bậc thềm sơn trắng tinh thì con sóng sợ hãi lại ập đến. Phía sau tấm rèm vải lanh đã buông kín có nhiều, quá nhiều bóng người qua lại. Cô có thể nghe tiếng rầm rì của nhiều giọng nói khác nhau từ trong vọng ra, giống như gia đình có việc gấp phải gọi hàng xóm sang giúp đỡ. Trong nhà xảy ra chuyện rồi, có một sự náo động đang chờ đợi phía sau cánh cửa đó. Cô nhấn chuông, ngón tay run run. Lập tức sự huyên náo bên trong trở nên ồn ã hơn, có tiếng ai đó nói to, “Ra ngay đây!”, rồi một người khác hét, “Không, để tôi ra cho!” Cô có thể nghe thấy họ nói rất rõ ràng từ chỗ mình đang đứng. Có phải vừa rồi là Ada, giọng bị đẩy cao đến không còn nhận ra được vì sự mất mát khôn tả? Cô nghĩ đúng là vậy. Em gái cô chắc đang đau khổ lắm, giống như tất cả mọi người. Nhưng trước khi trái tim cô có thể loạn nhịp và trở nên trĩu nặng trong lòng như một tảng đá thì có tiếng bước chân gấp gáp đến bên cửa, nghe như có ai đó đang ngăn ai đó lại. Cánh cửa bật mở, ánh đèn vàng rực rỡ từ bên trong tỏa sáng cả người cô. Hai bóng người đang đứng nơi ngưỡng cửa, đầu đội thứ gì đó rất lạ lùng. “Ta thắng!” Cái bóng nhỏ nhắn hân hoan nói. “Ta đã mở cánh cửa này từ trước khi con chào đời rồi rồi…” Tiếng nhạc xập xình và tiếng cười đùa vui vẻ từ bên trong ùa ra, phá vỡ không gian yên tĩnh của vùng quê ban đêm. Trái tim cô không nhảy ra khỏi lồng ngực, nhưng cái túi của cô thì tuột khỏi bàn tay và rơi phịch xuống đất. “Mẹ”, cô nói không ra hơi. Bóng người đội mũ giấy* còn lại là Ada. “Ôi, chị Margaret. Chị vẫn nhớ hôm nay là ngày sinh nhật em á? Ngạc nhiên quá đi thôi, em không mong gì hơn là…” Cả ba người cứ đứng đó mà nói chuyện, người này chẳng hiểu người kia nói gì. “Nhưng mà Ada…”, Margaret Moran rầy la em gái bằng một giọng run rẩy và bực bội, rõ ràng vẫn chưa trấn tĩnh lại sau cú sốc không ngờ tới vừa rồi. “Sao em lại có thể xử sự theo cách đó chứ? Em có biết là chị đã lo đến thế nào suốt chặng đường từ nhà về đây không? Đừng… chị không bằng lòng với việc em mang sức khỏe của mẹ ra để đùa như thế. Anh Frank mà biết được thì chẳng ra gì đâu!” Không khí im lặng, băn khoăn phủ xung quanh hai mẹ con ngay tại khung cửa. Hai người quay sang nhìn nhau, rồi nhìn theo cô. Giờ thì cô đã vào hẳn trong sảnh được dán giấy nhiễu sáng màu rồi. Người mẹ hoạt bát của cô phân vân, nghiêng đầu hỏi Ada, “Chị con nói thế nghĩa là sao?” Cùng lúc đó Ada cất tiếng hỏi, “Chị ấy đang nói gì thế hả mẹ?” “Chiều nay chị nhận được điện em gửi lên. Em bảo mẹ lại bị đau tim, chị phải về ngay. Em còn nhắc đến cả bác sĩ Bixby trong đấy nữa còn gì…” Margaret Moran bật khóc vì bức xúc, một phản ứng tự nhiên xuất phát từ những gì cô đã trải qua suốt mấy giờ liên tục trước khi đến đây. Mẹ cô nói, “Bác sĩ Bixby cũng ở trong kia. Mẹ vừa khiêu vũ với ông ấy một điệu xong, đúng không hả Ada?” Em gái cô mặt tái nhợt, bao sự phấn khích, hân hoan trong bữa tiệc đã trôi đâu hết. Ada lùi một bước, hoảng hốt nói, “Em có bao giờ đánh điện gửi chị đâu.” Moran kín đáo luồn một ngón cái vào đai quần để nới lỏng nó thêm chút nữa. “Margaret cũng chẳng thể làm tốt hơn thế này”, gã nói thật lòng. “Tôi nói thực đấy, tôi không còn lời nào khen cô hơn thế cả. Tôi mà kể với vợ là hôm nay cô đã đến giúp thế nào thì cô ấy sẽ coi cô như bạn thân ngay. Sau này cô phải bố trí thời gian đến ăn tối với chúng tôi đấy… Cô không cần động tay làm gì cả, chỉ việc ăn thôi… khi nào vợ tôi trở về ấy.” Cô Baker nhìn mấy chiếc đĩa sạch trơn với con mắt hài lòng của một đầu bếp, mãn nguyện vì những nỗ lực của mình đã không bị coi nhẹ. “Cám ơn ông”, cô ta nói. “Tôi sẽ tới. Giờ thực ra tôi không phải nấu nướng nhiều. Tôi thuê phòng ở khu trọ Câu lạc bộ Phụ nữ từ khi nhận việc dạy học này. Ở đó không có nhà bếp. Trước kia, lúc còn ở nhà, mọi người thay phiên nhau chuẩn bị bữa ăn.” Cô ta từ từ đứng lên, thu xếp đĩa thành chồng. “Ông cứ ngồi yên đó đi, ông Moran, không phải lo đâu. Hoặc sang phòng bên cũng được. Tôi dọn chỗ này nhanh thôi.” “Cô cứ để bát đĩa ở đó”, gã khẽ quở. “Margaret có thuê người dọn dẹp ngày mai rồi, bà ấy sẽ rửa hết.” Cô ta nhún vai gạt đi. “Cũng chẳng mất nhiều thời gian đâu. Tôi không chịu được khi thấy bát đĩa bẩn để bừa bãi thế này, ở nhà hay ở đâu cũng thế. Quay ra quay vào là tôi rửa xong ngay ấy mà.” Phước bảy đời cho gã nào rước được người vợ đảm như cô này, Moran nghĩ, nhìn cô ta đi lại như con thoi. Điều lạ lùng ở đây là người phụ nữ này lại chưa có chồng. Mấy tay đàn ông ở khu vực này bất lực hết rồi sao, hay là không ông nào có mắt trên mặt? Gã chuyển qua phòng khách, bật chiếc đèn đọc sách hai bóng lên, cầm tờ báo ngồi xuống, thư thái đọc lần thứ hai cho thấm kỹ hơn. Gã cảm giác như Margaret vẫn đang ở nhà vậy, chẳng khác gì mấy. Trừ việc Margaret không nói “Đừng!” với Cookie thường xuyên như vậy. Hình như răn đe nhiều quá không tốt cho trẻ con thì phải. Làm giáo viên thì phải biết điều này chứ. Cô Baker lại một lần nữa xuất hiện ở cửa phòng ăn, tay cầm một chiếc khăn, lau lau cái đĩa lớn. Cô ta vui vẻ nói với gã, “Sắp xong rồi. Ông với cháu trong đó ổn cả chứ?” “Ổn lắm”, Moran đáp, vẫn ngồi thư thái trên chiếc ghế hơi ngả ra sau, khẽ ngoái đầu nhìn cô ta. “Tôi đang chờ điện thoại của vợ. Cô ấy đã hứa là sẽ gọi điện về ngay khi đến nơi để thông báo tình hình bên đó cho tôi.” “Chắc bà nhà cũng sắp gọi rồi phải không?” Gã liếc chiếc đồng hồ treo trên tường đối diện. Tầm khoảng mười rưỡi đến mười một giờ, tôi nghĩ thế.” Cô ta nói, “Tôi đi vắt ít cam cho ông và cháu uống vào sáng mai nhé, chờ tôi cất cái đĩa này là xong. Tôi sẽ để cốc nước cam trong tủ lạnh.”