🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Claude Monet Là Ai? - Ann Waldron & Stephen Marchesi full prc pdf epub azw3 [Tiểu Sử] Ebooks Nhóm Zalo Claude-Monet-01 Mục lục 1. Claude Monet là ai? 2. Chương 1: Cậu bé say mê vẽ 3. Chương 2: Khởi đầu chông gai 4. Chương 3: Cơ cực và Hạnh phúc 5. Chương 4: Một “triển lãm Salon” mới 6. Chương 5: Thời gian khó khăn nhất 7. Chương 6: Giverny 8. Chương 7: Khu vườn và hoa súng 9. Những dấu mốc trong cuộc đời của claude monet 10. Những dấu mốc lịch sử thế giới Claude Monet là ai? Claude Monet mang ánh nắng vào hội họa. Ông là một trong những nghệ sĩ tiên phong làm việc ngoài trời. Với chúng ta, điều này chẳng có gì lạ thường. Nhưng trước năm 1870, hầu hết các nghệ sĩ đều thực hiện các bức vẽ của mình trong xưởng vẽ. Họ thường theo những khuôn mẫu sẵn có như các vị thần Hy Lạp hay các anh hùng lịch sử. Họ dùng màu tối để vẽ nên những bức họa trông có vẻ “nghiêm trang”. Đôi khi họ cũng ra ngoài để vẽ phong cảnh, nhưng rồi luôn quay lại phòng để hoàn thiện bức vẽ. Monet 01 Claude Monet và những bạn bè họa sĩ của mình đã phá bỏ các quy tắc này. Ngay từ khi còn là sinh viên theo học ở Paris, họ đã mang giá, màu và cọ ra ngoài trời để vẽ các triền sông hay những cánh rừng. Họ tổ chức những chuyến đi ra bờ biển và vẽ cả ngày ở đó. Monet 02_03 Họ muốn cho thấy ánh nắng mặt trời làm nước, cây cối và tàu thuyền ở mỗi thời điểm trong ngày trông lại một khác. Nếu có vẽ người, họ cũng chỉ vẽ những người bình thường vận trang phục thường ngày. Họ dùng màu sáng và vẽ rất nhanh. Monet 04 Nhiều năm trời, Monet chật vật kiếm sống. Có lúc, anh không thể trả tiền thuê nhà, có lúc, gia đình anh không có lò sưởi, có lúc, cả nhà đều đói. Dầu vậy, Monet không bỏ cuộc. Ngày nay, Monet là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất. Những bức họa của Monet được bán với giá hàng triệu đô-la và được triển lãm tại khắp các bảo tàng trên toàn thế giới. Tất cả chúng ta đều may mắn vì Claude chưa bao giờ mất niềm tin vào tài năng nghệ thuật của mình. Chương 1Cậu bé say mê vẽ Claude Monet sinh ra ở Paris, Pháp, ngày 14 tháng 11 năm 1840. Nhưng khi cậu lên năm, cả gia đình chuyển tới Le Havre, một thành phố cảng sầm uất. Monet 05 Thuở nhỏ, Claude rất ghét đến trường. Trường học chỉ mở hai giờ buổi sáng và hai giờ buổi chiều. Dầu vậy, cậu vẫn hiếm khi tới trường. Trường học luôn cho cậu cảm giác ở trong “nhà tù”. Khi Mặt trời chiếu sáng, cậu muốn được ra ngoài, trên những cánh đồng hay bên bờ biển. Suốt cuộc đời, cậu không khi nào muốn gò ép mình theo các quy tắc. Monet 06 Monet 07 Cha của Claude kinh doanh tạp hóa. Ông cung cấp hàng cho những con tàu lớn tại bến cảng. Claude thích nhất là xuống bến tàu. Cậu muốn ngắm nhìn thợ thuyền dỡ hàng từ trên boong. Có gỗ nhạc ngựa từ Nam Mỹ, đường từ Tây Ấn, cà phê từ Java, trà từ Ấn Độ và chà là Ba Tư. Cậu thích nghe người ta nói bằng những ngôn ngữ xa lạ. Năm cậu 16 tuổi, mẹ qua đời. Dì Marie-Jeanne không có con cái nên nhận cậu về nuôi. Monet 08 Claude là một cậu bé cao kều và vui tính. Cậu lúc nào cũng thích vẽ. Ban đầu, cậu vẽ những con vật tưởng tượng và những bức hình vui nhộn về thầy cô giáo. Claude cũng theo học các lớp dạy vẽ. Giáo viên của cậu cũng dạy cách vẽ như mọi người thường dạy thời đó. Học sinh ban đầu học vẽ tượng. Phải sau nhiều năm, họ mới được phép vẽ người thực. Và nếu theo học đủ lâu, họ sẽ được học vẽ màu. Monet 09 Claude không thích giáo viên hay lớp học. Cậu tự vẽ, cứ một bút chì hay một cây bút mực rồi phác họa nhanh ai đó ở Le Havre. Một cửa hàng bán đồ nghệ thuật lồng khung những bức vẽ của cậu rồi treo trước cửa kính. Tranh của Claude bán rất chạy. Monet 10 Chủ cửa hàng giới thiệu cậu với một họa sĩ trong vùng. Tên ông là Eugene Boudin. Ông thích vẽ phong cảnh – cảnh thiên nhiên. Boudin rủ Claude đi vẽ cùng mình. Ban đầu Claude từ chối. Những bức vẽ nhỏ của Boudin bán được ít tiền hơn nhiều so với những bức hoạt họa của Claude. Cho đến một ngày hè, cậu đồng ý và mua vài cây cọ dầu. Rồi cậu sửa soạn đi với Boudin về nông thôn. Monet 11 1 Boudin là một trong số ít những nghệ sĩ vẽ ngoại cảnh ở ngoài trời. Khi quan sát người bạn mới vẽ bầu trời và cánh đồng chân thực y như thật, Claude thấy như được mở mắt. Cuộc đời của Claude đã thay đổi. Anh muốn tới Paris để học vẽ tranh. Cha muốn anh nối nghiệp kinh doanh tạp hóa. Nhưng người dì động viên Claude. Bản thân dì cũng là một họa sĩ. Năm 1859, anh rời Le Havre đến Paris. Claude vừa tròn 18 tuổi. Tiền kiếm được từ việc bán những bức tranh biếm họa đủ nuôi sống anh. Paris là thành phố choáng ngợp với những quán cà phê, hộp đêm và bảo tàng. Claude đến thăm triển lãm Salon nổi tiếng của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia. Triển lãm tổ chức hằng năm trong những sảnh lớn có mái che bằng kính. Nghệ sĩ nào cũng ao ước được treo tranh của mình tại đây. Claude nhìn thấy hơn 2.000 bức tranh. Tranh được lồng trong khung, treo kín từ sàn đến trần nhà. Mọi bức tranh đều theo cùng một kiểu họa lại những thời khắc nổi tiếng trong lịch sử hay trong thần thoại. Phong cách nghệ thuật này không hề thu hút Claude. Anh nghĩ chúng thật đáng thất vọng. Monet 15 Anh ghi tên vào lớp học tại Viện Hàn lâm Thụy Sĩ, trường dạy hoàn toàn miễn phí. Sinh viên chỉ phải đóng góp một khoản nhỏ để trả công cho các người mẫu và sử dụng bất cứ chất liệu gì họ muốn. Họ có thể vẽ chì hay sơn dầu hay màu nước tùy thích. Có thể vẽ người thật hay vẽ tĩnh vật. Có thể đến bất cứ giờ giấc nào từ sáng sớm tinh mơ hay đêm khuya khoắt. Đối với Claude, đây thực là thiên đường. Monet 16 Claude tiếp tục với những bản vẽ chì. Anh kết bạn với một sinh viên lớn tuổi tên là Camille Pissarro. Hai người đã gắn bó với nhau suốt đời. Monet 17 Monet yêu thích cuộc sống ở Paris. Nhưng đến năm 1861, quãng thời gian đầy hưng phấn này cũng kết thúc. Tại sao vậy? Claude Monet phải gia nhập quân đội Pháp. Chương 2Khởi đầu chông gai Monet được gửi đến Algeria thuộc Bắc Phi. Anh say mê cái nóng và ánh sáng nơi đây. Anh nghĩ được ngủ trong một căn lều giữa sa mạc thật lãng mạn. Monet 18 2 Những người lính được yêu cầu phục vụ quân đội Pháp trong bảy năm. Nhưng sau hai năm, Monet bị sốt thương hàn và bị gửi về nhà. Monet 20 Monet 21 Mùa hè năm đó, ở Le Havre, Monet tiếp tục vẽ ngoại cảnh. Anh gặp một họa sĩ Hà Lan – Johan Barthold Jongkind – người cũng chuyên vẽ ngoại cảnh như Boudin. Sau này Monet thừa nhận Jongkind và Boudin chính là những người thầy của mình. Monet 21b Dì của Monet nghĩ rằng những bức vẽ hoàn thiện của anh trông chỉ giống những bản phác thảo thô. Nhưng dì cũng thấy Claude đã làm việc chăm chỉ như thế nào. Vậy nên dì trả tiền cho chính phủ để Claude có thể rời quân ngũ vĩnh viễn. Rồi dì gửi Claude trở lại Paris. Cha anh hứa sẽ trợ cấp nếu anh theo học một giáo viên nghệ thuật “chính quy”. Thế là Monet lại cố theo các giờ học vẽ. Thầy giáo mới của Monet tin rằng anh là một nghệ sĩ rất có tài. Tuy vậy, ông lại muốn Claude phải vẽ đẹp hơn mẫu ngoài đời thực. Nếu chân họ quá to, ông nghĩ Claude nên vẽ chúng nhỏ lại. Monet không đồng ý. Hoàn toàn không! Theo Monet, bạn nên vẽ đúng những gì bạn thấy. Anh cũng không hề thích vẽ trong những xưởng vẽ ồn ào, đông đúc. Nhưng chính từ những lớp học như vậy mà điều kỳ diệu lại nảy sinh. Ba học sinh khác – Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sisley và Frédéric Bazille – trở thành những người bạn thân thiết của Claude. Cả bốn người đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm trời. Bazille vốn là sinh viên trường Y. Bố mẹ anh chỉ trả phí cho những giờ học nghệ thuật chừng nào anh còn tiếp tục theo học trường Y. Renoir khởi đầu là một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc khi chỉ mới 13 tuổi. Cũng như Monet, anh đã tiết kiệm được đủ tiền để tới Paris theo học. Sisley người Anh, là người may mắn nhất, họ đều công nhận điều này. Cha anh là một thương gia ở Paris và chi trả vô điều kiện cho các buổi học nghệ thuật của con trai. Monet 22 3 Monet nói với các bạn mới về vẽ ngoại cảnh. Thoạt tiên, họ không hưởng ứng. Renoir còn thuyết phục Monet cùng anh đi chép tranh trong Bảo tàng Louvre. Nhưng Monet chỉ dựng giá vẽ trong bảo tàng rồi vẽ những gì mình nhìn thấy ngoài cửa sổ! 4 Cuối cùng Monet cũng thuyết phục được bạn bè mình tới thăm một ngôi làng nhỏ xinh xắn ngay gần một cánh rừng rộng lớn. Họ mang theo giá vẽ, sơn, toan, cọ vẽ và lên đường. Bạn của Monet chỉ vẽ phác họa ngoài trời rồi sau đó mang về xưởng vẽ để hoàn thiện. Monet lại khác: anh làm mọi công đoạn ngoài trời. Anh luôn cố gắng bắt lấy ánh mặt trời, hay cách ánh sáng và bóng nắng đổ lên cây cỏ. Năm 1864, trường nghệ thuật đóng cửa. Monet không bao giờ theo học thêm lớp nghệ thuật nào nữa. Anh trở về nhà ở Le Havre. Gia đình anh lấy làm thất vọng. Anh đã chẳng bán được gì kể từ hồi những bức tranh vui nhộn thuở học sinh. Anh nên bắt đầu vẽ tranh đúng lề lối đi thôi! Monet có nghe không? Tất nhiên là không. Anh tới bờ biển và vẽ những bức tranh phong cảnh. Anh gửi hai bức tới triển lãm Salon năm 1865… và cả hai bức đều được nhận! Claude sung sướng. Báo chí tán dương tác phẩm của anh. Claude bán cả hai bức tranh được một khoản hời. Hân hoan trước thành công này, anh bắt đầu vẽ một bức tranh thật lớn. Tấm toan cao bốn mét rưỡi và dài sáu mét. Các họa sĩ nổi tiếng theo trường phái cũ thường vẽ những khung cảnh lịch sử trên vải toan khổ lớn này. Nhưng Monet có ý tưởng khác. Anh muốn vẽ 12 người ăn vận thường nhật trong một buổi cắm trại. Anh mời bạn bè đến làm mẫu cho bức tranh. Làm việc ngoài trời trên tấm toan lớn như vậy quả không dễ dàng. Vậy là, thật không may, Monet đã phải phá bỏ quy tắc của mình và mang tấm toan vào xưởng vẽ để tiếp tục làm việc. Anh mong mỏi có thể mang bức tranh mới tới triển lãm Salon, nhưng đã không thể hoàn thành kịp thời gian. Thay vào đó, anh vẽ nhanh một bức chân dung cỡ người thực của cô bạn gái mới xinh đẹp, Camille. Cô có làn da trắng và mái tóc đen huyền. Khi làm mẫu vẽ tranh, cô mặc một bộ váy sọc xanh lá, tay cầm ô. Lại một lần nữa, để cho kịp, anh hoàn thành bức tranh trong xưởng vẽ. Bức The Woman in the Green Dress (Cô gái váy xanh) được treo tại Triển lãm năm 1866 và đó là quả một thành công. Cha và dì của Monet liệu có hài lòng? Không hề! Họ rất tức giận. Họ đã phát hiện ra Monet và Camille chung sống mà chưa kết hôn. Lại một lần nữa, cha anh ngừng trợ cấp. Claude đã 25 tuổi còn Camille 19. Họ không có tiền – đúng ra, họ còn nợ nần. Họ rời Paris và thuê nhà ở một thị trấn nhỏ. Monet bắt đầu vẽ một bức tranh lớn khác – không lớn bằng bức vẽ buổi cắm trại, nhưng vẫn rất lớn. Nó có kích thước 2,5 x 2,1 m, vẽ bốn người phụ nữ giữa cây và hoa. Camille tạo dáng cho cả bốn nhân vật. Monet thề sẽ vẽ mọi thứ ngoài trời. Anh đào một cái rãnh trong vườn, vậy là có thể hạ thấp tấm toan khi muốn hoàn thành phần tranh phía trên. Ngày nọ, một họa sĩ ghé qua và hỏi Monet tại sao anh không tiếp tục bức tranh. “Vì trời đang không có nắng.” Monet đáp. Người bạn gợi ý những lúc ấy ít nhất Monet cũng có thể vẽ bối cảnh. Nhưng Monet giải thích rằng mọi thứ – kể cả bối cảnh – đều phải được vẽ dưới ánh nắng. Đó là điểm cốt lõi trong nghệ thuật của anh. Triển lãm năm 1867 không nhận bức tranh mới đó, bức Women in the Garden (Những cô gái trong vườn). Nó quá khác biệt. Dưới con mắt các giám khảo, ánh nắng chiếu sáng trên váy, trên ô, hay bóng cây trông thật lạ lùng. Monet tuyệt vọng đến gần như mất trí. Tuy vậy, anh vẫn tiếp tục vẽ. Anh không có tiền để mua toan. Đôi khi anh phải cạo bỏ lớp sơn trên những bức vẽ cũ để vẽ bức mới. Bazille cảm thấy tiếc cho Monet và mua bức Những cô gái trong vườn. Anh hứa sẽ trả tiền hàng tháng. Nhưng đa phần, anh đều quên. Monet tuyệt vọng. Camille sắp sinh em bé. Có lúc trong nhà không có cả tiền mua đồ ăn. Monet bí bách. Anh đưa Camille đến Paris và bán hai bức tranh. Anh đưa tiền cho Camille để cô có thể sống qua ngày. Phần Monet, anh một mình trở lại Le Havre. Anh quyết định nói dối cha và dì là anh và Camille đã chia tay. Trở lại Le Havre, anh làm việc không ngơi nghỉ. Từng đồng kiếm được anh đều gửi hết cho Camille. Anh vẽ 20 bức tranh – vẽ người, cảnh, biển. Trên tất cả, anh hy vọng có thể trang trải để ở bên Camille khi em bé chào đời. Nhưng vào ngày 8 tháng 8 năm 1867, Jean bé bỏng chào đời mà không có cha bên cạnh. Cuối cùng, dì Monet thấy thương cảm nên đã cho anh tiền bắt tàu tới Paris. Anh cùng Camille và con trai thuê một căn phòng nhỏ. Mùa đông năm ấy, trời lạnh cóng, đôi khi cả gia đình chẳng có nổi lửa sưởi hay đủ thức ăn. Vận rủi dường như bám theo Monet tới mọi nơi. Anh không bán nổi bức tranh nào. Gia đình nhỏ lại phải rời tới nơi rẻ hơn ở vùng nông thôn. Nhưng khi anh không thể trả được tiền thuê nhà nữa thì bà chủ nhà cũng ném họ ra đường. Bà ta giữ lại quần áo, toan, sơn và cọ vẽ của anh. Giờ đây, ngoại trừ gia đình, Monet chẳng còn gì. Chương 3Cơ cực và Hạnh phúc Thật khó tưởng tượng còn gì có thể tệ hơn với Monet. Nhưng may thay, cuối cùng, vận của anh đã đổi… ít nhất là một chút. Một người đàn ông giàu có ở Le Havre muốn có những bức tranh do Monet vẽ. Ông muốn vài bức chân dung. Vậy là Monet gắng vẽ càng nhanh càng tốt. Người đó cũng mua thêm hai bức vẽ biển. Với số tiền này, Monet thuê một căn nhà riêng cho gia đình tại một thị trấn nhỏ ven biển gần Le Havre. Anh vẫn tiếp tục làm việc ngoài trời, trải nghiệm với ánh sáng và bóng nắng. Anh nghiên cứu về ánh sáng, nhờ đó khiến ánh sáng trong những bức vẽ của mình trông rất thật. Anh bắt đầu sử dụng nhiều màu khác ngoài màu đen để vẽ bóng. Anh thôi không trộn màu trên bảng màu nữa. Thay vào đó, anh vẽ màu nguyên bản thẳng lên toan. Nếu muốn có màu xanh lá, Monet đặt một nét cọ nhỏ màu xanh da trời ngay cạnh một chấm nhỏ màu vàng. Khi nhìn cả bức tranh, mắt anh sẽ trộn màu xanh da trời và vàng để nhìn ra màu xanh lá. Monet từng nói: “Khi bạn ra ngoài để vẽ, hãy cố quên đi vật ở trước mắt bạn, dù là cái cây, ngôi nhà, cánh đồng hay bất cứ thứ gì. Hãy chỉ nghĩ: ở đây có mảng vuông nhỏ màu xanh da trời, đây là khuông màu hồng, kia là một sọc vàng và vẽ như bạn nhìn thấy nó, theo chính xác màu và hình dạng của nó.” Mùa hè năm đó, Monet dành nhiều thời gian với người bạn cũ, Pierre-Auguste Renoir. Hai họa sĩ làm việc ngoài trời cùng nhau, vai kề vai. Monet vẫn nghèo. Renoir cũng nghèo. Nhưng anh đang sống với bố mẹ. Đôi khi anh mang bánh mì tới cho gia đình Monet để họ khỏi chết đói. Hai người bạn có thể nghèo và đói, nhưng họ yêu công việc mình đang làm. Cả hai đều vẽ những bức tranh về một quán ăn vui vẻ, nhộn nhịp bên bờ sông Seine. Mặt trời chiếu xuống tàu bè và người qua lại, để lại những cái bóng sống động trên mặt nước. Cả hai bức vẽ về quán ăn này về sau đều nổi tiếng. Monet 44 Nhưng vào năm 1870, lại một lần nữa triển lãm Salon từ chối những bức tranh của Monet. Bạn bè thân thiết của anh như Bazille, Renoir, Sisley và Pissarro – tất thảy đều có tranh được treo năm ấy. Monet 46 Monet 47 Khoảng thời gian này thật khó khăn, nhưng may thay vẫn có một điều tốt đẹp đến. Cha mẹ của Camille nói họ sẽ tha thứ cho cô và thậm chí chu cấp chút đỉnh cho Jean bé bỏng nếu cô và Monet kết hôn. Vậy là Claude và Camille đã vâng lời. Đám cưới diễn ra ở Paris. Không ai trong gia đình Monet tới tham dự. Monet 48 Cô dâu, chú rể và Jean bé bỏng đến một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển gần Le Havre. Boudin và vợ cũng tới đây cùng họ. Monet vẽ những bức tranh Camille bên bờ biển. Suốt những năm đó, anh đã vẽ cô rất nhiều lần – bên sườn đồi, giữa đồng hoa, cô đang che ô, cô ở trong vườn – và thường nhất là cô với Jean bé bỏng bên cạnh. Tháng bảy năm đó, chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra. (Phổ ngày nay thuộc nước Đức hiện đại.) Monet còn có gia đình phải chăm sóc nên anh rời tới nước Anh để tránh nhập ngũ. Monet 49 Ở London, anh cũng vẽ miệt mài như hồi ở Pháp. Đồng thời, anh có thêm một may mắn khác. Một họa sĩ Pháp già giới thiệu anh với một người bán tranh có tiếng là Paul Durand-Ruel. Durand-Ruel có phòng tranh ở cả London và Paris. Ông nhận thấy tài năng của Monet. Ông mua nhiều tranh và trả Monet những khoản hậu hĩ. Chiến tranh kết thúc, Monet không quay lại Pháp ngay. Anh đưa cả gia đình tới Hà Lan. Họ sống ở Amsterdam, nơi Monet vẽ những kênh rạch, cối xay gió và hoa tuylip. Năm 1871, họ quay trở lại Pháp và thuê một ngôi nhà trong một thị trấn nhỏ rìa sông Seine. Monet luôn thích sống gần sông nước. Hơn mọi thứ, anh yêu thích vẽ nước. Ngay năm đầu tiên, anh đã vẽ tới gần 50 bức tranh. Monet 51 Cuối cùng thì Monet cũng thực sự kiếm được tiền. Gia đình anh đã đủ ăn đủ mặc. Monet mua một chiếc xà lan, rồi biến nó thành xưởng vẽ nổi để có thể ngồi vẽ giữa sông. Nước Pháp đang hòa bình và giai đoạn này rất yên ổn. Durand-Ruel quay lại Paris và mua nhiều tranh của Monet. Monet vẽ tranh dòng sông, cánh đồng và Camille cùng Jean ở ngoài trời. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc. Chương 4Một “triển lãm Salon” mới Năm này qua năm khác, triển lãm Salon vẫn từ chối tranh của Monet. Và, tranh của ba người bạn – Renoir, Pissarro và Sisley – cũng thường bị đánh trượt. Cả nhóm đều nghĩ những bức tranh của họ trông thật tươi mới và sống động, dù giới phê bình có nhận xét chúng “thô sơ” và “dở dang”. Monet nghĩ rằng nếu muốn kiếm tiền, họ cần tự tổ chức một buổi triển lãm của riêng mình. Vậy là vào năm 1874, họ đã thực hiện điều đó. Triển lãm mở cửa hai tuần trước khi triển lãm Salon khai mạc. 30 nghệ sĩ khác cũng có tranh tham dự. Mỗi ngày, chỉ có khoảng 100 người tới xem tranh của họ, trong khi hàng nghìn lượt người đổ về triển lãm Salon. Monet 55 Khách tham quan đều chế giễu nó. Không mấy tranh được bán. Mọi người đều bối rối trước những chấm sáng được vẽ trên toan. Họ nói mỗi nghệ sĩ hẳn đã nhồi sơn vào súng rồi bắn lên tấm toan. Tranh của Monet bị cười nhạo nhiều nhất. Một nhà phê bình đã viết: “Ngài Monet… dường như đã tuyên chiến với cái đẹp.” Monet 56 Một trong những bức tranh của Monet vẽ hai con thuyền nhỏ dưới ánh mặt trời đỏ hồng đang lên. Bức tranh cần có tên để cho vào catalog triển lãm. Monet quyết định gọi nó là Impression: Sunrise (Ấn tượng: Bình minh). Điều gì khiến anh chọn cái tên này? Đó là bởi Monet và bạn bè thường nói về tầm quan trọng của việc bắt được ấn tượng đầu tiên của một quang cảnh khi vẽ. Mọi người chế nhạo tiêu đề này. Không lâu sau, hết thảy các họa sĩ tham gia triển lãm này đều được gọi là “Những tay trường phái ấn tượng”. Đó như một lời sỉ nhục. Nhưng Monet và những họa sĩ khác vui vẻ thừa nhận rằng họ đích thực là theo trường phái ấn tượng. Những “nghệ sĩ Ấn tượng” này tiếp tục tổ chức triển lãm của riêng họ trong nhiều năm. Ở triển lãm năm 1875, cảnh sát đã phải ngăn mọi người lấy gậy và ô phá hủy những bức họa. Chỉ có vài bức tranh bán được với giá rất rẻ. Lại một lần nữa, Monet phải vay nợ bạn bè. Mọi chuyện thực sự trở nên tăm tối vào mùa thu năm 1876 khi Camille đổ bệnh. Và lại một lần nữa, một nhà sưu tầm giàu có đã ra tay trợ giúp Monet. Lần này là Ernest và vợ ông Alice, họ đã mua rất nhiều tranh của các họa sĩ Ấn tượng. Họ đồng sở hữu một khu căn hộ ở Paris và có một ngôi nhà lớn, xinh đẹp cách Paris không xa là bao. Ernest mời Monet đến ở và vẽ vài bức tranh tường trong một căn phòng. Monet 57 Năm 1876, Monet dành cả mùa hè làm việc trong nhà của Ernest. Camille và Jean thi thoảng cũng tới. Họ có đồ ăn ngon, người phục vụ và bạn bè dễ chịu. Đó hẳn là thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời dành cho Camille ốm yếu và gầy guộc. Monet 58 Khi quay trở lại Paris, Monet lại hứng thú vẽ những ga tàu. Anh vẽ đám đông, vẽ hơi nước phụt lên từ những đầu tàu to lớn và đen đúa, vẽ bầu trời qua mái kính nhà ga. Một trưởng ga rất thích giúp đỡ Monet. Ông sẽ yêu cầu đội kỹ sư cho thổi khói trắng nếu Monet muốn vẽ bức tranh có khói trắng. Monet 59 Tuy vậy, tại buổi triển lãm tiếp theo của những nghệ sĩ Ấn tượng, khách tham quan cũng không mặn mà gì với những bức tranh vẽ ga tàu. Một người thậm chí còn đòi hoàn lại tiền vé. Monet kiếm được ít ỏi từ những bức tranh của mình. Anh phải gửi 16 bức tranh cho một nhà cung cấp đồ vẽ để thanh toán tiền mua dụng cụ. Tệ hơn cả, Camille ngày càng ốm yếu. Cô cũng đang chờ sinh đứa con thứ hai. Monet 60 Chương 5Thời gian khó khăn nhất Cậu con trai thứ hai của Monet là Michel ra đời vào mùa xuân năm 1878. Sức khỏe của Camille yếu hơn bao giờ hết. Ernest đã mất hết tiền bạc nên anh và vợ Alice cùng sáu người con chuyển đến sống cùng Monet. Mọi người cùng sống trong một ngôi nhà lớn có các bậc thang dốc đứng dẫn xuống sông Seine. Monet 62 Alice đảm đương việc nhà và trông nom Camille cùng cậu bé Michel. Cô cũng dạy piano để kiếm thêm tiền. Ernest không thể trả nổi phần chi phí thuê nhà và các hóa đơn đến hạn. Đó là một mùa đông dài cơ cực. Thời tiết lạnh kỷ lục. Tuyết bắt đầu rơi từ 29 tháng 11 và cứ rơi mãi suốt cả tháng 12. Tuyết dày tới hàng mét. Tàu hỏa thường xuyên không chạy được. Đường sá luôn kẹt cứng. Khi sông Seine đóng băng, lũ trẻ thích chí chạy băng qua sông để sang thị trấn bên kia bờ. Nhưng những người lớn thì vô cùng lo lắng và khổ sở. Monet tiếp tục ra ngoài vẽ tranh. Đôi khi anh phải mặc tới ba áo khoác và mang theo cả chai nước nóng để giữ ấm mình. Một người hàng xóm đã giúp đỡ họ. Anh mua vài bức tranh của Monet, nhờ thế mà mọi người khỏi chết đói. Năm đó, Monet gửi 29 bức tranh đến triển lãm Nghệ sĩ Ấn tượng. Mary Cassatt, một họa sĩ người Mỹ sống tại Paris, đã mua một trong số này với giá 300 đô-la. Nhưng rất nhiều người khác vẫn nghĩ phong cách của Monet quá kỳ quặc. Một nhà phê bình nghệ thuật còn nói rằng hẳn anh đã vẽ toàn bộ 29 bức tranh này chỉ trong một buổi chiều. Không chỉ khó khăn về tiền bạc, Camille còn đang yếu dần vì căn bệnh ung thư. Monet điên cuồng tìm mọi cách để trả tiền bác sĩ và thuốc thang cho Camille. Anh cầm cố mọi thứ. Và lần đầu tiên, anh không thể vẽ. Camille qua đời trong đau đớn vào ngày 5 tháng 9 năm 1879. Dù dị thường, nhưng Monet quyết định vẽ bức tranh cuối cùng về Camille trên giường bệnh. Anh đã bàng hoàng khi phát hiện ra rằng ngay cả khi đang đau buồn, anh vẫn nhận thấy cách ánh sáng chiếu trên khuôn mặt bất động của người vợ yêu quý. Trong tranh, cô không hề giống một thiên thần say ngủ. Cô trông giống một người đã chết. Anh là nô lệ cho nghệ thuật của mình, anh thừa nhận với một người bạn như vậy. Chẳng gì là đáng kể hơn với anh. Monet 65 Alice và các con ở lại ngôi nhà với Monet cùng hai con trai. Mùa đông năm sau cũng lạnh giá như mùa đông năm trước. Sông Seine một lần nữa lại đóng băng. Cả tám đứa trẻ đều ốm. Monet lại vẽ và vẽ rất nhiều tranh về sông Seine mùa đông năm ấy. Anh miệt mài tìm hiểu về hiệu ứng ánh sáng trên băng tuyết. Đến kỳ tuyết tan, từng mảng băng trôi dạt trên sông. Monet vẽ chúng, dùng những sắc xám âm u và màu tím thẫm. Khi những bức tranh này được rao bán, mọi người đều nói chúng thậm chí nhìn còn dang dở hơn những tác phẩm thông thường của anh. Monet 66 Ở một thị trấn bên bờ biển gần Le Havre, anh vẽ cảnh biển. Hôm ấy, một trận mưa trút xuống. Bão sắp nổi lên. Monet quyết định thử vận may vẽ lại nó. Anh dựng giá vẽ ở một vách đá nhìn ra biển và lấy dây ràng lại thật vững. Anh cứ đứng vẽ trong khi những con sóng gầm gào nơi vách đá ngay dưới chân. Sóng ngày càng cao. Monet vẫn say sưa vẽ. Monet 68 Thế rồi một con sóng khổng lồ ập tới, xô anh xuống nước. Chỉ chút nữa thôi là Monet bị cuốn xuống biển. Anh sống sót nhờ bám được vào sợi dây giằng giá vẽ. Cuối cùng, hai ngư dân trên một chiếc tàu đã cứu được anh. Không lâu sau lần mạo hiểm này, Monet đã chuyển cả nhà tới gần Paris hơn, nơi có ngôi trường tốt cho Jean bé bỏng. Alice và sáu đứa con giờ cũng trở thành một phần không thể thiếu của gia đình. Alice cảm thấy hai đứa trẻ của Monet cần tới cô. Gia đình không ở lại lâu trong ngôi nhà mới. Monet nói rằng anh không thể vẽ bởi ánh sáng ở đây sai hết cả. Tuy vậy, năm 1882 này cũng là năm anh kiếm được nhiều tiền nhất từ trước tới giờ. Nhưng đỉnh điểm với Monet là khi nước sông Seine dâng lên và ngập cả tầng trệt. Đã đến lúc tìm một nơi tử tế với ánh sáng tuyệt đẹp, nơi anh có thể ổn định và vẽ. Anh tìm khắp các ngôi làng dọc bên sông Seine, cuối cùng cũng tìm được một ngôi nhà gần hoàn mỹ theo ý mình, nằm trong thị trấn Giverny. Anh ở đây 43 năm, suốt cả phần đời còn lại. Chương 6Giverny Lần đầu Monet nhìn thấy Giverny là vào tháng tư. Những cây táo đang kỳ trổ hoa và hoa dại nở khắp các cánh đồng. Lúc đó Monet đang ở trên tàu, nhưng anh vội vàng bước xuống. Ngay bên đường chính là một trang trại lớn cho thuê. Ngôi nhà rất đẹp, với tường hồng, mái lợp và cửa chớp xám màu. Cuối mỗi chái nhà là một kho thóc thấp có nền đất. Ngôi nhà rộng hai mẫu Anh, có một vườn táo và một khu vườn có tường bao. Một con đường mòn dẫn ra phía đường tàu, và ở bên kia đường ray là dòng sông nhỏ. Đây quả là chốn lý tưởng đối với một họa sĩ. Monet có thể trông thấy những cây liễu và vô vàn những loài cây khác rủ bóng bên sông, và những thân bạch dương cao lớn sắp thành hàng đánh dấu nơi đồng cỏ kết thúc. “Mình có thể tạo ra những kiệt tác ở nơi đây.” Monet tự nhủ. Monet 71 Ban đầu anh thuê ngôi nhà. (Sau này, anh mua lại nó). Cả gia đình dọn tới, mang theo tất cả vật dụng của họ, kể cả những con thuyền của Monet. Giờ anh đã có đến bốn chiếc – một chiếc thuyền làm xưởng vẽ, hai chiếc có mái chèo và một chiếc xuồng nhỏ. Anh neo những con thuyền này ở đảo Nettle. Có thể dễ dàng đi bộ từ nhà đến đảo Nettle. Monet cải tạo một trong hai kho thóc nền đất thành xưởng vẽ. Sau này, anh cho xây một xưởng vẽ thứ hai rộng hơn nhiều, và có cửa sổ trên mái. Khu vườn anh dành để trồng rau. Lũ trẻ phụ nhổ cỏ dại và tưới cây. Anh cho phá bỏ hàng rào bao quanh vườn, trông chúng quá chỉn chu và lề lối. Anh cũng bắt đầu trồng một vườn hoa lớn. (Diên vĩ là loài hoa yêu thích nhất của anh.) Anh trồng hồng leo trên những cổng vòm kim loại dọc lối đi và phủ đầy những luống đất bằng đủ loại cây và hoa. Anh muốn từ chớm xuân cho đến cuối thu luôn có thứ gì đó bừng nở. Monet 72 Monet 73 Sau những bức họa, khu vườn ở Giverny trở thành thứ quan trọng nhất trong cuộc đời anh. Bản thân nó cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật. Monet là con người của thói quen. Anh thức dậy mỗi ngày lúc bình minh, ăn bánh mì và xúc xích, rồi chất giá vẽ, sơn và bảng màu lên một chiếc xe kéo. Anh đội mũ bê-rê, đi giày gỗ như những nông dân thực thụ. Anh trở lại nhà ăn trưa, thường vào lúc 11:30 không lệch phút nào. Sau bữa trưa, anh sẽ uống một tách cà phê trong xưởng vẽ, đôi khi nhâm nhi một cốc brandy. Rồi anh lại ra ngoài vẽ nếu ánh sáng vẫn tốt. Monet 74 Monet 75 Khi anh hài lòng với công việc của mình, cả gia đình đều vui vẻ. Nếu một bức tranh không đúng ý, anh sẽ bỏ nó đi. Tính khí Monet nóng nảy khủng khiếp. Một lần khi đang vẽ trong xưởng vẽ trên con thuyền, anh nổi giận với bức tranh đang vẽ tới mức liệng ngay tấm toan xuống sông rồi cho cả sơn và cọ vẽ đi cùng. Anh còn thề sẽ không bao giờ vẽ lại nữa. Ngày hôm sau, đương nhiên anh lại đổi ý. Rắc rối nằm ở chỗ hôm đó là Chủ nhật. Không cửa hàng họa cụ nào mở cửa. Monet gửi điện tín đến một người bán sơn vẽ ở Paris. Ông này bèn cho mở cửa hàng và gửi mọi thứ Monet cần theo chuyến tàu tiếp theo tới Giverny. Rất nhiều thứ có thể khiến Monet ủ dột. Một bữa ăn nấu dở hay một cành cây rơi trong vườn cũng khiến anh nổi cơn thịnh nộ. Bất chấp những giờ phút tồi tệ như thế, cuộc sống ngày một dễ thở hơn. Monet quan tâm hơn tới lũ trẻ – những đứa con của Alice cũng như con trai mình, Jean và Michel. Suốt những kỳ nghỉ, cả tám đứa trẻ và Alice sẽ cùng Monet về vùng nông thôn. Trong khi anh vẽ, đám trẻ cũng tự tìm ra đủ cách để vui đùa. Blanche vẽ. Michel câu cá. Suzanne đọc sách. Alice khâu vá. Những cậu nhóc nhỏ hơn thì thích đi bắt ếch. Vào mùa hè, cả nhà tới xưởng vẽ trên con thuyền để bơi, thi nhau nhảy từ nóc cabin xuống nước. Mùa đông, họ trượt băng trên mặt hồ băng đóng cứng. Monet 77 Monet đã ngoài 40, cao và điển trai với bộ râu rậm. Alice ưa nhìn, thông minh và thân thiện. Cô hiểu Monet và ngưỡng mộ những tác phẩm của anh. Năm 1892, Alice và Monet kết hôn. Và cuộc sống tiếp diễn hạnh phúc. Monet 78 Ở thời điểm đó, công chúng cũng đã đổi ý. Mọi người bắt đầu ngưỡng mộ tranh của những họa sĩ trường phái Ấn tượng. Monet kiếm được nhiều tiền hơn. Giờ đây họ có cả đầu bếp và phụ bếp ở Giverny. Một trong những món yêu thích của anh là đậu đỏ nấu rượu vang. Họ cũng thích gan ngỗng và loại nấm truffle đắt đỏ. Monet 79 Khách khứa thường xuyên lui tới. Không chỉ có một gia đình lớn, Monet còn giữ bên mình rất nhiều bạn bè, họa sĩ và nhà văn. Anh và Alice cũng thường dành thời gian tới Paris thăm bạn. Họ đi nghe hòa nhạc, opera hay xem những trận đấu vật. Với nghiệp họa sĩ, Monet bắt đầu vẽ tranh theo loạt. Mỗi loạt tranh có thể về cùng chủ đề hoặc cùng bối cảnh nhưng trong những điều kiện ánh sáng khác nhau. Một trong những loạt tranh đầu tiên vẽ hàng bạch dương dọc bờ sông. Monet vẽ một bức hàng bạch dương trong nắng sớm, rồi một bức vào buổi trưa và bức khác khi chiều muộn. Anh vẽ cây vào ngày âm u, rồi trong ánh dương rực rỡ. Anh vẽ chúng vào bốn mùa – xuân, hạ, thu, đông. Một ngày, anh nghe nói hàng cây bạch dương yêu thích của anh sẽ bị đốn lấy gỗ. Monet đã trả tiền để giữ lại những cây này thêm vài tháng để có thể hoàn thành bức vẽ. Monet 81 Monet cũng vẽ những đống cỏ khô trên đồng. Những đống cỏ khô cao từ bốn đến sáu mét. Cũng như với những cây bạch dương, anh vẽ đi vẽ lại những đống cỏ khô trong ánh sáng khác nhau vào nhiều thời điểm trong năm. Anh tới cánh đồng với một xe kéo đầy chật vải toan. Đôi khi một trong những cô con gái của Alice cũng đi theo, mang theo chiếc xe kéo khác với nhiều tấm toan hơn nữa. Monet 82 Monet sẽ bắt đầu vẽ lên một tấm toan. Khi ngày qua và ánh sáng thay đổi, anh sẽ đặt nó sang một bên và bắt đầu tấm khác. Ngày hôm sau, anh lại trở lại với tấm toan đầu ngày hôm trước và vẽ thêm. Anh vẽ mỗi tấm toan vào cùng một thời điểm trong ngày. Với anh, điều quan trọng là ánh sáng phải như nhau. Monet còn vẽ loạt tranh nổi tiếng khác về một nhà thờ ở thành phố Rouen. Để vẽ những bức tranh này, anh thuê một căn phòng nhỏ nhìn sang nhà thờ và đặt giá vẽ cạnh cửa sổ. Một lần nữa, anh cố vẽ những hiệu ứng khác nhau, khi sương mù, khi nắng đẹp, và vào những thời điểm khác nhau trong ngày, trong từng mùa. Loạt tranh này cực kỳ nổi tiếng và những bức vẽ nhà thờ bán được với giá rất cao. Chúng được trưng bày tại các triển lãm trên toàn thế giới. Monet 83 Giờ đây Claude Monet đã trở nên nổi tiếng. Khu vườn của anh cũng nổi tiếng không kém. Những người lạ tới Giverny để ngắm nhìn những bông hoa kỳ diệu trong vườn. Họa sĩ khắp nơi trên thế giới đổ tới Giverny, hy vọng được học hỏi từ Monet. (Anh nói với họ: ”Hãy quan sát thiên nhiên.”) Có lần, hơn 40 họa sĩ người Mỹ tới thuê phòng gần nhà của Monet tại Giverny. Bà chủ quán cà phê trong thị trấn học cách nấu món ăn hợp khẩu vị những người khách Mỹ, như món đậu nướng chẳng hạn. Bà thậm chí còn phục vụ họ bữa tối Lễ Tạ ơn. Vài người trong số họ thích Giverny đến mức cuối cùng đã mua nhà tại đây. Những đứa trẻ của Alice và Claude dần trưởng thành. Jean Monet trở thành một nhà hóa học ở Thụy Sĩ. Sau đó, anh tới làm việc cho người chú ở Rouen. Jean yêu và sau này kết hôn với con gái của Alice là Blanche. Jean và Blanche sống tại Rouen. Nhưng họ về Giverny mỗi cuối tuần. Monet 85 Monet 86_87 Michel Monet và con trai Jean-Pierre của Alice bằng tuổi nhau. Họ là anh em, nhưng cũng là bạn bè chí cốt. Cả hai đều say mê hoa và cây cối. Jean-Pierre thậm chí còn cùng một người bạn của gia đình viết sách về cây cối trong vùng. Michel và Jean-Pierre cũng say mê xe đạp và động cơ. Jean-Pierre còn chế ra một chiếc xe đạp đôi có động cơ. Michel chế một chiếc xe chạy bằng ga trông giống như xe ô tô thời kỳ đầu. Michel chưa bao giờ có công việc nào khác. Cậu thích sống ở nông trại tại Giverny. Và Monet thích có Michel ở bên. Người ta kể rằng hai cha con chẳng nói nhiều với nhau. Họ chỉ đơn giản chào nhau: “Chào bố Monet” vào mỗi sáng và “Tạm biệt bố Monet” trước khi về giường đi ngủ. Monet 88 Chương 7Khu vườn và hoa súng Monet 90 Monet ngày càng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho khu vườn. Ông cải tạo lại đất đã bạc màu, mua những giống cây hiếm, dựng thêm hàng rào mắt cáo cho hoa hồng leo, mua thêm đất trồng rau để có thể dành mọi luống trong vườn trồng hoa. Có lúc, ông thuê đến sáu người làm vườn phụ giúp. Nhưng Monet vẫn luôn là người làm chính. Kiếm được nhiều tiền nên Monet đủ sức mua thêm những khoảnh đất phía đối diện nhà. Ở đây, con sông đã tạo nên một cái ao nhỏ nơi những cây môn nước và hoa súng đua nhau mọc. Monet cho thả thêm đủ các loại hoa súng. Vài năm sau, ông lại mua thêm đất để mở rộng cái ao. Ông đào hào để dẫn nước từ sông đổ về ao. Cuối cùng, chiếc ao to gấp ba lần ban đầu. Monet 91 Năm 1892, ông bắt đầu vẽ tranh về hoa súng. Đây là loạt tranh cuối cùng và có lẽ là nổi tiếng nhất của ông. Ông vẽ hoa súng và ảnh phản chiếu của chúng dưới nước. Buồn thay, Alice giờ chịu chứng bệnh về máu gọi là bệnh bạch cầu. Các bác sĩ cũng không thể giúp gì bà. Alice mất năm 1911. Monet đau buồn khi không có bà. Ông đã 70 tuổi. Ông thường xuyên bị chóng mặt, thể trạng ông ốm yếu. Tệ hơn cả, mắt ông ngày càng kém. Ông bị chứng đục thủy tinh thể, giống như có nhiều lớp phim dày chồng lên nhau che phủ con ngươi. Điều này khiến Monet nhìn màu sắc không còn được như trước. Monet 92 Monet 93 Rồi con trai Jean Monet của ông qua đời khi mới chỉ 47 tuổi. Blanche quay trở lại Giverny và giúp chăm sóc ông. Vì đau buồn và lo sợ thay cho đôi mắt, Monet đã thôi vẽ một thời gian. Khi cầm lại được cọ vẽ, ông bắt đầu vẽ hoa súng nhiều hơn. Giờ đây, ông không vẽ hoa súng khi trời vừa sáng, mà đợi đến ban trưa khi những bông hoa hé nở. Năm 1909, 48 bức tranh vẽ hoa súng đã được triển lãm tại Paris. Mọi người yêu thích những bức vẽ này, cho rằng chúng không giống bất kỳ bức họa nào khác trên đời. Monet 95 Monet 95b Ông khởi sự vẽ những bức tranh tường lớn có hoa súng. Những bức vẽ to hơn bất kỳ bức họa nào Monet từng vẽ trước đây. Ông muốn thấy những bức tranh tường này được treo vĩnh viễn trong một căn phòng lớn hình tròn. Năm 1918, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, thủ tướng Pháp Georges Clemenceau đến Giverny. Ông là bạn của Monet và đã hỏi mang những bức họa hoa súng này về Pháp. Monet đồng ý tài trợ 12 bức vẽ lớn nếu họ có thể trưng bày nó trong một căn phòng hình tròn, nơi những người tham quan có thể đứng giữa phòng, bao quanh là hoa súng. Monet 96 Chính phủ Pháp không thể cho xây một tòa nhà đặc biệt. Tuy vậy, vẫn còn một tòa nhà trống gần bảo tàng Louvre. Tòa nhà được gọi là Vườn Ươm Cam bởi người ta từng trồng những cây cam ở đây cho gia đình hoàng gia Pháp. Những bức vẽ hoa súng được treo trong hai căn phòng hình bầu dục tại tầng một. Chính phủ đồng ý sẽ không trưng bày thêm bất cứ thứ gì ở đây. Monet nói giờ đây hội họa là thứ duy nhất trong đời mang lại niềm vui cho ông. Nhưng bởi mắt Monet đã rất kém, nên ông thường không hài lòng với bất kỳ tác phẩm nào của mình. Và khi đã không thích một bức tranh thì ông luôn muốn tống bỏ nó đi. Ông cắt nhỏ những tấm toan, dù đôi khi Michel hay Blanche cũng đã cố cứu lấy các mảnh nhỏ. Cuối cùng, khi Monet gần như lòa hẳn, gia đình thuyết phục ông mổ mắt. Sau hai cuộc phẫu thuật và nhờ những chiếc kính mới, ông lại có thể nhìn đủ rõ để vẽ. Tuy vậy, sau này ông vẫn thường phàn nàn về cách mình trông thấy màu sắc. Tới năm 1918, ông đã hoàn thành 30 bức tranh lớn nhưng từ chối bán bất kỳ tấm nào cho ai. Ông đã gần 80 tuổi. Mỗi ngày ông đều ra ngắm hồ hoa súng. Hai người làm vườn mang theo giá vẽ cùng toan và dựng mọi thứ cho ông. Giờ ông đã vô cùng ốm yếu. Monet vốn nghiện thuốc lá suốt nhiều năm và bị ung thư phổi. Tuy vậy, cho đến tận khi mất vào ngày 5 tháng 12 năm 1926, ông vẫn tiếp tục vẽ hoa súng. Và cho đến ngày cuối đời, ông vẫn dự định những thứ mới cho khu vườn của mình. Ông phấn khởi bởi những củ hoa súng Nhật Bản đã tới và hăm hở muốn đi trồng. Ngày nay, mọi người kéo tới các bảo tàng để nhìn ngắm những bức tranh của Monet. Những bức vẽ hoa súng lớn nhất của ông vẫn được treo ở bảo tàng Vườn Ươm Cam. Những bức nhỏ hơn thì được trưng bày ở các bảo tàng trên khắp thế giới. Monet 98 Michel Monet thọ 88 tuổi. Ông không có con cái nên đã dành tặng rất nhiều bức tranh đẹp của cha cho một viện bảo tàng ở Paris. Trong số đó có bức tranh về con tàu lúc bình minh đã mang tới cái tên Trường phái Ấn tượng. Những bức tranh được vẽ bởi người đàn ông thường xuyên thiếu ăn năm nào giờ có giá đủ để Monet nếu còn sống phải sửng sốt. Một trong những bức tranh vẽ hoa súng năm 1904 được bán vào năm 2007 với giá 36,7 triệu đô-la. Monet muốn các tác phẩm của mình bán được. Nhưng tiền không bao giờ là điều quan trọng nhất đối với ông. Khi những bức tranh tường vẽ hoa súng đầu tiên được đưa ra cho công chúng chiêm ngưỡng tại bảo tàng Vườn Ươm Cam, một nhà phê bình đã lấy làm kinh ngạc trước những bóng hoa kỳ diệu trên nước và trước tài năng xuất chúng của ông khi nắm bắt được những “khoảnh khắc phù du”. Câu này đã tổng kết chân thực điều Monet đã làm trong suốt cuộc đời – họa lại những giây phút phù du của tự nhiên. 6 Những dấu mốc trong cuộc đời của claude monet 1840 - Claude Monet chào đời 1858 - Monet gặp họa sĩ Eugene Boudin 1859 - Monet chuyển tới Paris và theo học Viện Hàn lâm Thụy Sĩ 1861 - Monet gia nhập trung đoàn Zouaves 1862 - Monet gặp Bazille, Renoir và Sisley 1865 - Monet gặp Camille Doncieux 1867 - Con trai Jean chào đời 1874 - Monet giới thiệu bức Ấn tượng: Bình mình tại cuộc triển lãm đầu tiên của những họa sĩ trường phái Ấn tượng 1878 - Con trai Michel chào đời 1879 - Camille qua đời 1883 - Monet chuyển tới sống tại Giverny 1892 - Monet cưới Alice Hoschedé; Monet bắt đầu vẽ những bức họa hoa súng 1911 - Alice qua đời 1914 - Jean qua đời 1926 - Monet qua đời 1927 - Bảo tàng Vườn Ươm Cam trưng bày loạt tranh Hoa súng Những dấu mốc lịch sử thế giới 1840 - Con tem dính đầu tiên trên thế giới, Penny Black, được đưa vào sử dụng 1848 - Cơn sốt Vàng California bắt đầu 1853 - Vincent van Gogh chào đời 1860 - Florence Nightingale mở trường đầu tiên đào tạo y tá ở Anh 1865 - Lần sửa đổi Hiến pháp Mỹ thứ 13, chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ 1870 - Chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra 1876 - Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain được xuất bản; Alexander Graham Bell phát minh ra điện thọai 1886 - Tượng Nữ thần Tự do cập Cảng New York 1888 - Máy ảnh Kodak lần đầu được bán 1889 - Tháp Eiffel được xây dựng ở Paris, Pháp 1898 - Marie Curie khám phá ra nguyên tố phóng xạ radium 1901 - Walt Disney chào đời 1913 - Tờ New York World xuất bản trò chơi ô chữ lần đầu tiên 1914 - Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra 1927 - Phim Jazz Singer khởi quay với tư cách phim nói đầu tiên