🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyện Lính Tây Nam Ebooks Nhóm Zalo Mục lục 1. Lời tựa 2. Nhập ngũ 3. Tân binh 4. “Trịnh Công Sơn” làm cỏ lúa 5. Chủ nhật cuối cùng 6. Chuyến tàu quân sự 7. Trảng Lớn – Tây Ninh 8. Hai cây đàn guitar 9. Lên chốt 10. Chuột tinh 11. Bắn cá cải thiện 12. Chiến công đầu tiên 13. Tết Quân đội biên giới năm 1978 14. Chốt Long An tháng 12/1978 15. Rừng Tràm – Trận đánh đầu tiên 16. S’vay Rieng 17. Trăng liềm hướng địch 18. Vẫn còn ngày xanh 19. Kachiusa bên bờ sông Niek Luong 20. Đập vỡ cây đàn 21. “Ăn cơm đúng kẻng” 22. Cháo gà đêm 23. Khế ước cách mạng 24. Ngọt như trái mít 25. Prek K’dam 26. Tiếng lục lạc bò 27. Tết chiến trường 28. Lăm thon gái góa 29. Giải vây sư 341 30. Chửi nhau với địch ở Oudong - Uống nước xác người trong đường sắt 31. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 32. Tiếng hú chim thiêng 33. Chính trị viên đại đội 34. Nối dây đêm 35. Lá thư đô thị 36. Ga Rômia 37. Hàng phố bâng khuâng 38. Rùa vàng và tê tê 39. Đồ cổ 40. Duyên đạn cuối tầm 41. Lung lay bóng nguyệt 42. Am Leang 43. Tìm diệt 44. Mùa khô rừng khộp 45. Kho súng 46. Áo trận 47. Mất chốt (15/4/1979) 48. Đêm phum dừa cụt 49. Ném nhau với địch 50. Phá vây 51. Vượt đỉnh Aoral 52. Thành phố buồn 53. Đường bò 54. Đi săn Tà Mốc 55. Loạt đạn gọi hồn 56. Hổ phum Kà rọi 57. Ngủ chung với địch 58. Ruồi vàng 59. Buổi chiều máu 60. Phum rừng thị 61. Thị trấn Ponley 62. Một đòn chết bảy 63. Con nuôi 64. Trâu điên 65. Sập bẫy 66. Ma đói mùa mưa 67. Dơi quạ 68. Mìn “xin một chân” 69. Nấm độc 70. Nữ chiến binh Kh’mer Đỏ 71. Cao điểm 701 72. Dào dạt võng đưa 73. Kampong Ch’nang 74. Tự giải quyết phép 75. Chuyến tàu lậu vé 76. Nỗi sợ 77. Tết Canh Thân 78. Hải trình 79. Lỡ hẹn 80. Quý nhân phù trợ 81. Chuyến tàu chiều 82. Cứ Ba Tahean 83. Kẹp núi oan hồn 84. Thịnh đen và Cáp đen 85. Lũ rừng 86. Chim cu 87. Cự Kỳ đà 88. Cây cỏ bình thường 89. Túy ngọa sa trường 90. Bắt tóp thuốc rê 91. Văn nghệ Quân đội trên chiến trường 92. Cây dầu rái có ma 93. Màu tím hoa sim 94. Hổ trắng 95. Cái mới 96. Mưa rừng 97. Khẩu đội đại liên 98. Săn bắn cải thiện 99. Mắc mùng cho chó 100. Hai phát K.59 101. Đồng hồ Orient 102. Thầy bói 103. Bắn tỉa 104. Đi soi cá 105. Đi tải gạo 106. Đường vào biên giới 107. Thủ đô Hai Mươi Nhà và khu Năm Nhà 108. Con đường bí mật 109. Đại bàng 110. Hình chụp thiên thu 111. Tiếng cối đêm sương 112. Rừng thiêng 113. Cú tát tất niên 114. Đêm ga Pursat 115. Tết Tân Dậu 1981 – Tết thứ 3 đời lính 116. Thốt nốt 117. Kiến leo cành xoài 118. Rắn cắn chó 119. Sàri kakeo – Chim sáo 120. Hành khúc trung đoàn 121. Má nuôi 122. Xe lôi lịch sự 123. Thị trấn S’toung 124. Câu chuyện Ph’nom Penh 125. Cơn gió màu xanh 126. Chùa Bạc Hoàng cung 127. Tháo khoán 128. Vịt đầu đỏ 129. Phương Dung và Jeanette trên chiến trường 130. Đêm cuối 131. Đêm đầu tiên đất Việt 132. Nước mắt quê hương 133. Lời bạt 134. Chú thích Hồi ức của Xuân Tùng – nguyên Trung sĩ Thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn Bộ binh 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 trong thời gian Chiến tranh Biên giới Tây Nam 1978-1983. Lời tựa T ÔI LÀ MỘT NGƯỜI LÍNH BỘ BINH, đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chính phủ diệt chủng Kh’mer Đỏ từ năm 1978 đến năm 1983. Sau hơn bốn năm rưỡi dọc dài các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp, tôi trở về bước lên bậc thềm nhà đúng chiều 23 Tết Quý Hợi 1983. Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại. Tên các anh em vẫn luôn được nhắc trong những ngày kỷ niệm, trong hàn huyên lính cũ bên cốc bia hơi vỉa hè hàng phố. Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này, dù tôi không phải nhà văn, nhà báo. Tên tuổi các anh em tôi giữ nguyên không đổi, như là họ vẫn còn sống trên đời. Cũng bởi ngại ngần chưa dám nhờ ai, nên tôi tự mình viết luôn lời tựa cho cuốn sách này, như một người lính được lệnh bước lên dưới quân kỳ, tự giới thiệu mình trước mặt hàng quân. Ba mươi sáu phố phường yêu dấu ta ơi Mỗi một người đi hồn nhói tên một phố Gió chôn vội mắt đêm nhiều ô cửa Sáng nay mưa buồn lòng còn mỗi ngoại ô. Hà Nội, mùa hè năm 2017 Nhập ngũ T ÔI VĨNH BIỆT TUỔI HỌC TRÒ bằng một cú va chạm mạnh. Miền Bắc hồi đó, chị em toàn dùng một loại “quang treo” cùng một kiểu. Nó dày, các lớp vải được tích kê đồng tâm chặt với nhau thành hình nón. Đặc biệt cái mũi cứng và nhọn hoắt nên sơ mi mặc ngoài tại vị trí đó bị sờn trước tiên. Chẳng ai tò mò nhìn mãi vào đấy nhưng không hiểu sao nó cứ thường xuyên chọc vào mắt. Người nào ham sưu tầm các tranh cổ động hẳn biết cái “quang treo” kiên cố đó nó ảnh hưởng đến nền mỹ thuật hội họa tuyên truyền cổ động của chúng ta như thế nào. Trên các áp phích này thường thể hiện anh công nhân vạm vỡ chắc tay búa, gương mặt cương nghị rắn rỏi. Đứng cạnh là cô gái nông dân khỏe khoắn, dồi dào núi đôi, cầm liềm vươn tới cánh đồng năm tấn. Tôi năm đó 18 tuổi, đang học lớp 10 trường Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu, phố Cửa Bắc hệ 10 năm. Thằng con trai 18 tuổi thời đó còn dại lắm, không quái như bọn trẻ con bây giờ. Vẫn dở ông dở thằng, đôi khi còn mặc quần đùi thông lổng ra hồ Hoàn Kiếm câu tôm trong những ngày nghỉ. Một lần cùng bọn con trai đuổi nhau trong trường, tôi chạy ngoặt qua cái góc cầu thang gỗ, ngực va sầm vào một cô giáo thực tập đang đi lên. Tôi đỡ cô giáo dậy, lúng búng xin lỗi rồi xấu hổ biến mất. Nhưng vết sẹo vô hình bởi sự va chạm chết người trên ngực thì không mất, nó lẩn quất đâu đó mãi trong đầu. Vết sẹo vô hình thời áo trắng làm tính tình trở nên chững chạc thanh niên hơn hẳn. Thời đó áo trắng cũng hiếm. Gần nửa thời gian thơ ấu của tôi sống cùng Hà Nội dưới trời bom Mỹ thả. Thêm hai lần sơ tán nối nhau. Áo trắng của tôi bị nhúng vào chậu xanh-mê-ti-len do bố mang về để nguỵ trang. Tuổi thơ trải qua chiến tranh phá hoại quả thật không may cho một đứa trẻ con. Nhưng chính những trận bom, tầm cao xạ cùng tiếng B.52 rền trời ấy làm tôi không bị bất ngờ trong chiến trận sau này. Cũng chính cuộc sống nơi sơ tán thôn quê đã giúp mình tự lập, thay đổi thói quen, thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn dã ngoại. Sau kỳ thi đại học năm 1978, tôi đi nghỉ hè trên viện bố tôi công tác ở Vĩnh Phúc. Ngày chủ nhật, tôi theo nhân viên viện ông lên Tam Đảo chơi. Tháng tám, đang mùa thu hoạch cây xuyên khung. Thị trấn trên núi vắng teo, thơm ngát mùi xuyên khung héo phơi đầy trên những con đường dốc. Chiều tối, khi trở về gần đến Vĩnh Yên trời đổ cơn mưa. Ngoài cửa sổ xe ca hồng thập tự, một đoàn lính đang lặng lẽ hành quân. Họ trùm ni lông sù sù, cắm cúi bước trên con đường ướt loáng ánh đèn pha. Trong xe thật ấm, và chỉ một chút nữa thôi là về đến nhà để duỗi dài đôi cẳng đã mỏi nhừ vì leo dốc núi, mở chiếc đài Hồng Đăng trong phòng nghe ca nhạc. Nhưng có một điều gì đó như dự cảm đồng vọng, bắt tôi phải nhìn theo mãi đoàn quân ấy. Dự cảm bỗng trở thành hiện thực trong vòng 30 phút. Về đến viện gặp bố, ông bảo: “Mai về Hà Nội. Con có lệnh nhập ngũ”. Chỉ bốn tháng sau, chúng tôi đã thành đồng đội, cũng hành quân rạc rài như thế, cũng chui hầm ngủ đất, không biết sống chết thế nào ở một nơi xa lắc. Tân binh S Ẽ LÀ MỘT THIẾU SÓT LỚN trong câu chuyện biên giới Tây Nam khi không nhắc gì đến làng quê chúng tôi huấn luyện tại đó trước khi vào chiến trường. Nơi đây xóm Núi, thôn Lãm, huyện Kim Thanh, tỉnh Hà Nam Ninh, gần ga Bình Lục. Một làng quê Bắc Bộ vùng đồng chiêm trũng điển hình. Những ngọn đồi thấp cắm chân thẳng xuống đồng sâu. Tre gai bao bọc lấy làng thành lũy dày ngăn ngắt. Dân làng nghèo, nhiều nhà phải ngả cả cánh cửa xuống, lấy chỗ nằm cho bộ đội. Tôi với Tuấn Anh được anh Ly tiểu đội trưởng đưa về nhà một chị có chồng đi lính chống Mỹ. Chị có thằng bé con mới học lớp một. Tuấn Anh cho nó cái bánh mì. Nó nhìn mẹ rồi ngập ngừng cầm lấy. Đã ba năm kể từ ngày thống nhất, chồng chị vẫn không có tin tức gì. Chị rất ít nói, buồn như một cái bóng. Mờ đất, khi chúng tôi mới nghe tiếng còi báo thức sáng của anh Ly đã thấy chị cuốn xà cạp vào chân, kéo cành rong tre lấp cổng ra đồng rồi. Xà cạp là miếng vải cuốn vào bắp chân, cao đến tận đùi để chống đỉa. Đồng chiêm trũng nên đỉa rất nhiều. Đỉa hẹ nhỏ, mỏng như cái que, hai lườn vàng choé nhưng rất thính, động nước là lao đến liền. Con này rất sợ vì nó tham ăn, lại hay luồn lách được vào những chỗ không ngờ. Đỉa trâu là nỗi khủng khiếp nhất. Khi đói nó co lại chỉ bằng cái dái mít. Khi đã no máu, nó trương lên cỡ chục lần bằng quả chuối tiêu. Những buổi chiều tập xong ngồi nghỉ ở sân kho cũng là lúc đàn trâu hợp tác đi cày về. Trâu dồn ở sân kho trệu trạo nhai lại, ngửi hít cọ sừng cồng cộc. Trên đùi bầy trâu thường có một túm đỉa lúc lỉu căng máu. Chúng tôi bẻ cành rong, hò nhau đi bắt đỉa cho từng con. Những con đỉa khủng long rơi xuống, lấy chân dẫm lên day mạnh. Hai tia máu đỏ phọt ra từ cả hai đầu thành vòi, vụt xa đến cả mét. Vẫn chưa hả, chúng tôi đốt rơm, gắp lũ đỉa thảy vào. Những con đỉa nổ trong lửa bụp bụp, tiết dở sống dở chín văng tung toé. Thằng Trương muốn thể hiện bản lĩnh trước anh em. Nó nướng cháy từ từ một con đỉa cho đến khi vỏ ngoài thành than. Hắn bóc cái vỏ da đỉa đen cháy, cầm miếng tiết trâu nóng hổi cho thẳng vào mồm nhai, nhăn nhở mặt làm trò. Một tuần sau, thấy chúng tôi ở nhà chị ấy có vẻ không tiện, anh Ly lại lôi hai thằng tôi về ở cùng. Nhà này khá to, có thềm đá mái ngói, vốn là nhà tịch thu của địa chủ thời cải cách ruộng đất. Ông chủ nhà là chủ nhiệm hợp tác xã có con đi bộ đội trong Nam. Hai ông bà cùng cô con gái út 17 tuổi tên là Độ ở nhà trên. Bọn tôi được xếp ở nhà ngang phía dưới. Toàn bộ khu nhà đó nằm thoải từ chân núi xuống cái giếng cạnh đường làng. Cái giếng sâu lắm, dây lại ngắn nên mỗi lần Độ cúi nhoài người giật gàu múc nước thường bị lạnh lưng hở sườn. Khoảng mát trong thanh khiết thấp thoáng dưới tà áo xanh chàm. Những ngày mưa ngâu, chúng tôi không ra thao trường được, nằm tập ngắm bia con chấm bút bi ở trong nhà sao cho tia ngắm chụm. Ngắm bia thì ít, ngắm phần trăng trắng dưới vạt áo đang múc nước ngoài giếng kia thì nhiều. Mục tiêu di động này thu hút hơn bia. Anh Ly tiểu đội trưởng bực mình nổi máu quân tử mã thượng, đi mua một cái chạc dài thay cho cái dây gàu ngắn. Lại bắt tụi tôi mỗi đứa mỗi ngày hai gánh nước đổ lên bể trên cho nhà em Độ. Em Độ không cảm cái oai với sợi thừng dài của anh Ly mà thông cảm với chúng tôi. Ngày đó quán bà Bóp cây đa bán 2 hào một quả bưởi. Sau khi bộ đội về làng, bà điều chỉnh giá lên kịch đường tàu thành 5 hào. Tôi với thằng Tuấn Anh ở đó thích là có bưởi ăn liền, khỏi mua vì Độ cho. Bưởi đầy sau núi vườn nhà. Tối thứ tư sinh hoạt trung đội đọc báo sân kho. Tôi cáo ốm không đi. Lúc về anh Ly đi khẽ, lia đèn pin thấy tôi không ốm, đang ngồi ăn bưởi rinh rích vô tư cùng em trên bực giếng. Anh Ly hầm hầm ra lệnh: “Từ nay ngồi nói chuyện với phụ nữ hoặc với nữ đoàn viên thanh niên địa phương ban tối thì phải đốt đèn dầu. Đèn dầu phải để giữa hai người”. Có ai còn nhớ quả chấp? Nó giống như quả cam, vỏ màu vàng, múi bên trong chua gắt. Độ hay gội đầu bằng nước bồ kết nướng, thêm nhánh sả và mấy miếng vỏ bưởi. Em đứng dưới sân, xổ tóc ra trong chậu nước đặt trên thềm đá cao, từ từ chải thật kỹ, thật cẩn thận. Sau cùng nước tráng vắt nửa quả chấp vào chải tiếp. Nước quả chấp chua làm cho tóc mượt mềm. Đâu đó xong xuôi, Độ vuốt tóc cho nước xuôi xuống. Động tác cuối cùng là mê ly nhất, em đứng giữa sân, nắm suối tóc sát đầu ngay ngọn nguồn rồi quay vù vù như máy bay lên thẳng. Mái tóc nặng, vóc hình thôn nữ khỏe khoắn lắc dẻo như múa ba lê, phơi cái cổ thon thon tròn nõn chuối. Nước mát li ti, thơm bay lỏa tỏa khắp mặt sân kết cầu vồng trong nắng. Tưởng như có thể bay lên được vì tóc em dài lắm. Tôi trở lại thăm nơi huấn luyện cũ ở xóm Núi, thôn Lãm, huyện Kim Thanh, tỉnh Hà Nam Ninh năm 2010. Hỏi thăm em Độ, người làng nói em đã mất, bị đuối nước ngoài cống Non. Cái sân kho đại đội tập thể dục trước cũng không còn. Ngậm ngùi tìm lại nhà thắp cho em mấy nén nhang, để lại chút quà nhỏ rồi đi. “Trịnh Công Sơn” làm cỏ lúa S AU KỲ BẮN ĐẠN THẬT, khoa mục tập nhàn hẳn. Buổi sáng lười, trốn tập thể dục không ai nói. Chúng tôi có thời gian lần mò cải thiện tẩm bổ. Nắng đi vớt ốc bươu, mưa mượn lưới dân đi lưới cá ở ao hợp tác vượt ra mương. Dù đã vượt bờ nhưng cá hợp tác vẫn là cá tập thể. Đất quê vùng chiêm trũng mơ màng trong những buổi trưa hanh gắt nắng rám trái bòng. Giống ốc bươu ốc nứa vỏ mỏng vàng xọng, dồn khí bên trong từ từ nổi lên trên mặt nước, nhờ cơn heo may dài rộng đủng đỉnh làm chuyến viễn du trên mặt sóng lăn tăn. Nghỉ trưa mang vợt ra đi vớt ốc. Ốc mùa này tích mỡ ngủ đông nên béo lắm. Trong những bó rạ được người ta buộc túm, bỏ lại trên ruộng chờ khô để rải liếp màu là nơi trú ngụ của cua đồng. Nhấc ra chắc chắn túm được dăm con. Còn trong những dấu thụt chân người đọng nước trên mặt bùn đã xanh rêu, thọc tay khua khoắng cũng túm được mấy con cá đòng đong, mài mại hay cá giếc nhỏ đem về nhờ chủ nhà kho khế. Những chiều cuối thu, nằm dài trên bờ mương dưới bóng bạch đàn ngắm bia mẹ con, ngắm các em cong mông đẩy xe cải tiến. Đồng đã gặt xong vắng tênh. Chân rạ bời bời sắp hàng trắng mốc, tương phản với bầu trời kéo ngược hút lên sâu thăm thẳm. Không gian bắt đầu chuyển lạnh thấy rõ. Đất chỗ đơn vị tôi huấn luyện ở cách Bình Lục, Yên Đổ, quê cụ Tam Nguyên chưa đến 4 cây số. Hẳn ngày xưa, cụ cũng sống trong cái không gian đồng đất xóm mạc Bắc Việt cuối thu buồn bã này nên mới bị cảm lạnh, mà than rằng “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Thời gian huấn luyện, khẩu phần ăn của bộ đội cực kỳ kham khổ. Bữa sáng ăn ngô xay nấu như kiểu nấu cơm, có cho chút vôi để ngô mềm, thường thường là nát như bánh đúc. Gác ca cuối tôi hay mò vào cạy cửa bếp ăn vụng cháy. Trên mỗi chậu nhôm chia ngô, chị nuôi úp một miếng cháy. Cháy ngô nấu chảo gang dày khi ăn nóng khá giòn và ngon. Bữa trưa và chiều thì cơm ngô theo tỷ lệ 50/50. Thức ăn là rau muống chấm nước mắm gạo rang. Một chút cá khô mục nữa. Còn thịt hồi đó được định nghĩa là thức ăn hằng ngày của nhân dân mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được. Thằng Long “Nhuận” ở 54 Hàng Giấy, gần hiệu sách Yên Sơn, có mang theo một cây guitar. Nó là học trò ông Văn Vượng, chơi classic khá hay. Ngón trémolo(1) những bài Bài ca hy vọng, Vũ khúc Tây Ban Nha... nghe không khác trên đài là mấy. Tôi cũng mới tập tọe học chơi. Đã thế lại còn thích sáng tác. Một sáng tác nhái của tôi theo giai điệu bài Hạ trắng của Trịnh Công Sơn thế này: “Tuyệt quá.....! Bữa cơm chúng mình Toàn rau muống xanh Bát cơm ngô vàng Đệm cho món canh Tép kho hôi rình Ngửi sao thấy tanh Nghẹn không muốn nuốt Biết sao bây giờ...? Cho nên em buồn Cho nên em chuồn Về nơi phố cũ....” Nhiều đứa không biết Hạ trắng là bài nào, nhưng lại thuộc lòng cái lời xuyên tạc chết tiệt. Một tối, đang gân cổ say sưa trình tấu Hạ trắng thì anh Cường chính trị viên vồ được. Anh ấy hỏi: “Thằng nào sáng tác bài hát này?”. Tôi bảo: “Dạ là Trịnh Công Sơn”. Anh ấy bợp tai tôi phát, bảo: “Đồng chí đừng có bố láo. Đại đội này không có quân nhân nào tên là Trịnh Công Sơn cả. Mai đi làm cỏ lúa!”. Ba hôm liền, cứ sau bữa trưa, mọi anh em về đánh giấc thì tôi ra ruộng làm lao công dưới sự giám sát của anh Ly tiểu đội trưởng. Anh ấy lầm bầm chửi: “Tiên sư mày, vì nhân dân quên mình không hát, đi hát nhăng hát cuội. Tiên sư mày, vì mày mà bố mày khổ lây”. Chủ nhật cuối cùng S AU MỘT THỜI GIAN, chúng tôi được chuyển ra phía ngoài Mậu Chử. Xóm đạo bé nhỏ có cây cầu xi măng bắc qua kênh đầu làng. Đơn vị huấn luyện tá túc tại đây đã hành quân trước vào Nam. Đêm nằm nghe tiếng còi tàu rít u u .. Chẳng biết bao giờ đến lượt đơn vị mình lên đường. Đêm cuối thu càng lúc càng lạnh. Tiếng chó sủa ong óc lúc xóm gần, lúc làng xa như có động vì quân cảnh đuổi bắt lính trốn. Một số tiểu đoàn đã lục tục lên đường. Cái dự cảm lên đường hồi hộp nao lòng, bắt đầu từ những tiếng chó sủa đêm đêm, từ những đoàn gia đình nhà lính vào thăm ngày càng nhiều. Bố mẹ tôi cũng vào thăm một lần. Tôi gửi lại cây guitar mang theo vào đơn vị cho bố mang về. Cây đàn này nay vẫn còn, đang treo trên tường. Chiều hôm song thân ra về, tôi tiễn ra đến đường cái quan. Nhớ mãi hình ảnh bố gò lưng đạp cái xe Nam ngược gió Bắc ra ga Phủ Lý, đèo mẹ đằng sau tay chống cây đàn. Bố mẹ tôi là viên chức nghèo, không có tiền nhiều để cho. Nhưng một số anh em gia đình buôn bán hay có nghề phụ gia công được cho khá nhiều. Chúng tôi gom tiền, mua hàng mũ trứng vịt luộc ăn với nhau. Ngày chủ nhật trước khi lên đường, cả bọn đụng luôn con chó gié. Bác chủ nhà đi đạo không ăn thịt chó nhưng thương mấy đứa sắp phải vào chiến trường, đứng ra gọi người làm hộ. Bên bờ ruộng khô trắng vì gió bấc đầu mùa, anh ba toa rút những nắm rơm nhỏ đốt quạt phành phạch, lật đi lật lại con chó, thui lại những chỗ da còn trắng. Tụi lính lui cui vây xung quanh vun đốt bụi cây muồng khô. Quả muồng nổ lốp đốp trong lửa. Da chó dần vàng rộm, căng nứt ra những chỗ quá nhiệt. Mùi rơm đốt, mùi muồng cháy, mùi chó thui bên bờ ruộng quẩn quanh rặng bạch đàn trong gió đầu đông. Đó là ngày chủ nhật cuối cùng trên đất Bắc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu được vào miền Nam cũng tốt. Một vùng đất mới chỉ biết qua sách vở. Vào đó may có khi được đi Sài Gòn xem dinh Độc Lập, đi Cà Mau xem sân chim hay xuống Cần Thơ chỗ anh Phát tôi đóng quân, ăn trái cây một bụng ngon hết sảy như anh ấy kể. Hoàn toàn không có một khái niệm về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Các vụ lấn chiếm lẻ tẻ của Pôn Pốt mà báo đài đưa tin không gây một ấn tượng gì. Dẹp mấy vụ đó có các sư đoàn thiện chiến hùng mạnh cùng một đống vũ khí tối tân của Mỹ vừa thu được. Liệu bọn nó sức mấy. Đơn vị mình vào đó có khi chỉ làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế là cùng. Hồi đó không chỉ tôi mà nhiều người nghĩ như thế. Chuyến tàu quân sự S ÁNG HÔM 18/11/1978, tiểu đoàn huấn luyện báo động di chuyển, hành quân ra Phủ Lý. Từ Mậu Chử ra thị xã chỉ khoảng 6km nên đến gần trưa đã tới nơi. Các tiểu đoàn khác trong trung đoàn huấn luyện (E104) đã tập kết đầy đủ. Cổng sân vận động được đóng chặt lại. Trưa hôm đấy, toàn trung đoàn ăn bánh mì trừ bữa. Khoảng 2h chiều, một đoàn văn công quân đội đến biểu diễn úy lạo. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Tôi không nhớ Trường Sơn Tây, tôi nhớ mẹ tôi, nhưng thấy may khi mẹ tôi không có mặt. Lúc này lòng dạ đâu mà nghe hát. Một số thằng lính tai quái ngồi gần ném rào rào những khẩu xương mía nhai dở lên sân khấu. Các ca sĩ vừa say đắm hát, vừa né những tạc đạn vô hồi. Khoảng 4 giờ chiều, đơn vị hành quân vào ga Phủ Lý giữa hai hàng vệ binh. Từ sân vận động ra ga tàu chỉ khoảng 1 cây số. Tôi đi trong đội hình hành quân, ngoái lại thấy con em gái với mẹ thằng Thắng Hàng Bè, thêm gia đình thằng Lâm và một số gia đình khác đuổi theo hàng quân. Họ đến thăm thường nhật, bất ngờ với cuộc chuyển quân này. Thằng Thắng học khác lớp nhưng cùng trường với tụi tôi. Đám đàn bà con gái xông vào nhưng bị vệ binh gạt ra. Mấy thằng lính Hà Nội nổi khùng vặc lại. Đội vệ binh không làm căng, để mặc họ ôm quấn lấy nhau trong nước mắt. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí, thành thử bây giờ khi xem lại đoạn đầu đặc tả cảnh tòng quân trong phim Đàn sếu bay qua, cổ họng tôi như nghẹn lại. Một cô gái váy trắng lớ ngớ len lỏi tìm người yêu đi lính giữa hai hàng thiết giáp. Tiếng kèn vang vọng lên hành khúc. Hộp bánh bích quy sinh nhật tặng người yêu đổ òa tan vụn dưới vòng xích xe tăng, tan vụn dưới những gót quân hành. Bốn đứa cùng lớp, cùng đơn vị tách thành hai nhóm. Khi lên tàu yên vị, tôi với thằng Tuấn Anh ngồi cạnh nhau. Thằng Bình, thằng Hiệp ngồi ở toa khác. Các cửa toa đóng lại. Hàng lính cảnh vệ và những người thân hôm đó vô tình lên thăm bộ đội ráng ở lại đến cuối chiều chờ phút chia ly. Tàu chuyển bánh, sân ga lùi dần. Ga Nam Định, tàu dừng một lát ngắn. Rất đột ngột, bố thằng Tuấn Anh xuất hiện ở ngay đầu toa. Ông học ngành đường sắt ở Bắc Kinh, lúc đó đang là trưởng phòng điều độ ga Hàng Cỏ nên biết rõ hành trình của các chuyến tàu. Chỉ ông mới có đủ trách nhiệm và quyền hạn để lên được toa quân sự này. Ông cho chúng tôi một ít tiền, dặn rằng: “Anh em chúng mày dù ở đâu cũng phải bao bọc lấy nhau”. Bố nó cũng như bố tôi. Mấy tháng trước khi vừa thi xong được nghỉ hè, chúng tôi còn đạp xe lang thang ngoài đường. Đi chơi về muộn, chổng mông tắm ở máy nước công cộng cho khỏi nóng. Khuya mới về nhà nó lục cơm nguội ăn rồi lăn ra nền ngủ. Sự hiện diện của ông tại toa này như nhắc những ngày hè học sinh cuối cấp còn rói tươi hoa phượng. Ông lặng lẽ xuống toa, lên chuyến tàu tránh ngay tại đó ngược trở lại Hà Nội. Tôi vẫn nhớ lúc đó trời còn chưa tối hẳn, mặc dù mấy ngọn đèn hành lang trên ga đã heo hắt sáng. Con tàu trôi vào đồng bằng tối đen. Những chấm vắng đèn đêm xa lắc, ngược chậm qua cửa sổ trong tiếng bánh xe lăn ù ù. Đến sáng, sự buồn chán hôm trước tan biến. Chúng tôi dán mắt vào khung cảnh bên đường luôn thay đổi. Những vùng đất trước chỉ biết qua sách vở đang trôi qua cửa sổ khiến lòng người háo hức. Đường sắt Quảng Bình nhiều đoạn chạy lút giữa dải đồi gianh cao ngập đầu người. Đoạn đường đất heo hút cắt ngang, có đám em bé mặc áo mà không có quần nheo nhóc trông theo. Cây cầu sắt nhỏ bắc qua lạch nước réo lên ù ù khi tàu vượt. Con ngòi lẩn trong vòm tre vùng thượng du có màu xanh thủy tinh đặc biệt. Những con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu nào đó, mới nghe tên như đã gọi mưa miền hoang vu xa vắng. Cung đường sắt xuyên Việt được đánh dấu từng tên ga trong cuốn lịch bỏ túi xinh xắn. Tôi chúi mũi vào đó để tra tên ga xép, biết mình đang đi qua đâu. Một phác thảo theo ấn tượng còn lại: “Cầu Hiền Lương bé tí. Cửa Tùng bên tay trái xa kia. Nơi đó cách đây 18 năm, Nửa đêm bố đạp xe ra Hồ Xá. Đánh điện về nhà đặt tên cho mình. Lịch kịch! Rình rình… Quảng Trị cát trắng. Những ruộng ớt đỏ. Những con đường vắng. Những nhà tôn tạm bợ không người. “Đây là ga Huế!” Các công tằng tôn nữ mập và đen. Vị trà đá uống chưa quen. Lăng Cô: năm hào một đống ghẹ luộc. Hải Vân đệ nhất hùng quan, Hổn hển hai đầu tàu kéo đẩy. Chui hầm tối. Lính mồm reo, Mắt chợt xót cay đầy bụi. Chẳng cái ngu nào giống cái ngu này! Đà Nẵng tàu chạy giật lùi. Tam Kỳ: Đồồng rỡi một con gồ. Dịch mãi mới ra Eng nói thế Bố thằng tây nó hiểu.” Hành trình xuyên Việt bằng xe lửa kết thúc ở ga Hố Nai. Đoàn lính mới vào trạm Long Bình, sau đó được chuyển về căn cứ Sư đoàn 9 ở Trảng Lớn, thị xã Tây Ninh. Trảng Lớn – Tây Ninh T HỊ XÃ BIÊN GIỚI bé nhỏ xanh ngắt, nằm yên tĩnh giữa vùng đất đỏ. Đoàn xe quân sự vừa dừng bánh, các dì, các em chìa tận cửa xe mời mua những bịch nước mía đá, những gói kẹo đậu phộng. Lời rao véo von vui tai như câu hát giỡn. “Mía ghim mía ghim. Năm hào một cây mía ghim...” xe lôi, xe thổ mộ đôn đáo ngược xuôi. Toà Thánh Cao Đài, chợ Long Hoa người đi lại nhộn nhịp. Đám đông dân chúng điểm nhiều sắc lính áo xanh. Trong quán cóc, dăm ba thương binh đại ca chống nạng băng tay phì phèo thuốc rê, ánh mắt kẻ cả âu sầu nhìn đoàn lính ngố. Chúng tôi được gom vào Tiểu đoàn 31, một tiểu đoàn với chức năng huấn luyện bổ sung của Sư đoàn 9 tại căn cứ. Nhưng những ngày ở đó cũng không huấn luyện thêm gì. Quanh Trảng Lớn có một đội quân đầu nậu thu gom ve chai vật dụng chiến tranh quân cụ. Anh em thương bệnh binh nằm trông cứ, suốt ngày đào cọc vác ghi giấu gom một chỗ, đêm mang qua lỗ thủng hàng rào đi bán. Tấm ghi lót đường băng có giá nhất, kế đến là tôn, cọc rào thép gai, cát tút đạn pháo 105 ly. Sau mót hết đồ lộ thiên rồi họ đào đến dây cáp điện ngầm. Thỉnh thoảng bị vệ binh rượt bắn đùng đùng, họ quăng cả ghi mà chạy. Tiểu đoàn trưởng vệ binh là Đại úy Thanh Nga. Tên ông dễ thương như tên con gái vậy nhưng là tay nhậu dữ. Ngày chủ nhật nghỉ, tôi ra cổng doanh trại ngồi uống nước mía. Trời nắng gắt, tôi cởi cái áo mút từ nhà mang đi khoác hờ lên cổ. Đại úy Thanh Nga cùng mấy lính vệ binh bất ngờ xộc vào. “Thằng này định bán quân trang. Tịch thu, bắt nhốt cho tao!”. Áo mút hồi đó chắc cũng được đôi chục và nó không phải là quân trang. Nhưng tôi vẫn bị tịch thu áo và nhốt vào conet, vốn là thùng dù tiếp vận Mỹ. Cái thùng bằng thép chật nóng điên người dưới nắng hun. Phía sau trạm gác, đội vệ binh đang cữ nhậu vui ngày chủ nhật. Cà tưng cà tưng lên rồi, có ai đó ném đá hoặc lấy thanh sắt đập vào thành conet làm tôi chói ù hết tai. Cuộc nhậu tàn, họ thả tôi ra. Đại úy Thanh Nga lên hứng ca mấy câu vọng cổ gì đó làm đội vệ binh cười ầm. Tôi lủi thủi đi về tiểu đoàn huấn luyện. Cơn uất nghẹn họng làm nước mắt giàn giụa. Từ bé đến lớn chưa bao giờ tôi bị cư xử bất công như thế. Trảng Lớn, căn cứ cũ của Mỹ trước đây, nằm ngoài rìa thị xã Tây Ninh, bao gồm nhiều phân khu độc lập. Các phân khu giới hạn bởi các hàng rào thép gai phủ đầy cỏ Mỹ, vạch ngang dọc những lối chồn đi. Bấy giờ đang là mùa khô. Ngày nắng, bụi, nhưng đêm về gió chướng lùa qua lỗ vách tròn, vốn là những tấm ghi lột lên từ đường băng dã chiến cũ, lạnh gai người. Bình minh mùa khô phương Nam thật lạ. Chân trời đỏ rực với những dải mây thấp, loang lổ xám. Chưa đến giờ tập thể dục. Tôi đang ngái ngủ bỗng dỏng tai nghe tiếng lạ. Vi vi vuuut... Oành! Oành...! Tất cả chạy nháo ra sân. Trung đội trưởng hét: “Tản ra, nằm xuống! Pháo 130 ly địch đấy”. Mấy quả nữa bắn trúng dãy nhà tôn bỏ không mé bên trái, giật tung mái bay xoang xoảng. Tôi không còn thấy sợ, nhưng bắt đầu cay đắng hiểu chiến tranh thực sự đến đây rồi. Pháo Kh’mer Đỏ bên kia biên giới bắn thêm mấy trái nữa rồi ngưng. Trảng cỏ Mỹ khô bắt lửa cháy giần giật. Tàn lửa bay tung trong khói dâng cuồn cuộn. Buổi điểm danh đơn vị đêm hôm đó, bầu trời thị xã sáng bừng hàng trăm vệt đạn 12.7 vạch đường. Hơi thở những ngày báo động cũ đang phả nóng tai. Đã sáu năm trôi qua kể từ cuối năm 1972, bây giờ mới thấy lại đạn cao xạ vạch đỏ trời đêm. Hai cây đàn guitar Đ ẠI ĐỘI CÓ HAI CÂY ĐÀN GUITAR. Thằng Long Hàng Giấy có một cây, thằng Bình nhóm tôi có một cây. Thằng Long là học trò thầy Văn Vượng, chơi cổ điển bài bản. Các bản Vũ khúc Tây Ban Nha, Arabia, Bài ca hy vọng, Cô gái vót chông… đâu ra đó. Kỹ thuật t’remolo hai ngón của nó rất nhuyễn. Tôi thì tự đọc giáo trình Manoloff cùng các thế tay, các hợp âm đơn giản ở nhà. Chủ yếu học chuyền tay đường phố là chính. Nhưng khi là lính, nhất là đã nhậu sừng sừng thì chát bùm bùm có vẻ thích hợp hơn là t’remolo. Văn hóa bình dân quần chúng, ca khúc chính trị chiếm ưu thế so với âm nhạc hàn lâm. Điều đó được thể hiện hùng hồn qua số nhóm khán giả của tôi đông hơn nó gấp nhiều lần. Khi thằng Long độc tấu chỉ mỗi mình nó nghe. Còn khi tôi đàn, đúng hơn là bật bông phừng phừng phừng chạy accord(2), chúng nó lăn vào vỗ thùng đàn thay trống bass. Nhiều thằng kẹp thìa, gõ điệu nghệ theo phách giòn tan. Các loại khác không đập không gõ, gào lên lời chế một cách đáng sợ. Thế mới biết nghệ thuật quần chúng là cái gì đó rất khủng khiếp. Tôi khoái chí về điều này, mặc dù vẫn vừa nể vừa ghen tỵ với cái thằng đàn một mình lặng lẽ kia. Tôi đã đi đúng với định hướng dòng chảy văn nghệ công nông binh thời đại. Một buổi tối, C bộ sau cữ nhậu gọi tôi xách đàn sang. Chẳng ngần ngại gì mà không thể hiện. Cuộc đời vẫn đẹp sao; “Hoàng hôn buông xuống bên sông êm đềm, mờ xa thành phố lung linh ánh đèn”; “Khúc ca mùa hè, nắng trong chiều về, đường ngập trời mây”… Những bài “nhạc xanh, nhạc vàng” trữ tình vẫn lẩn quất đâu đó giữa lòng trai phố thị trong thời gian cả nước giần giật lên hành khúc. Mặc dù không phát trên đài, không in các bướm nhạc, nhưng bằng cách nào đó vẫn được những tay chơi nghiệp dư hát đàn ở các nơi không chính thống, kể cả bị vào tù như anh Toán xồm, anh Lộc vàng. Chát phình phình…! C bộ ngày càng bốc. Đám lính nài nỉ: “Thủ trưởng ơi nhảy đi”. “Được! Mấy thằng em cứ nhảy”. Thủ trưởng ở đây không giống thủ trưởng huấn luyện ngoài Bắc, sướng quá! Đám lính nhảy giật đùng đùng không khách khí. Sân đất bụi mù dưới trăng suông. Thằng liên lạc té nước ra sân cho khỏi bụi. Lính Hà Nội lăn vào nhảy tiếp. Tàn cuộc vui, đại đội trưởng bảo tôi ở lại. Sau khi hỏi han tên tuổi trích ngang, anh ấy bảo: “Tao sẽ gửi mày lên đội văn nghệ Sư đoàn”. Hai hôm sau, tôi khoác ba lô, đội nắng lội bộ lên đội văn nghệ Sư đoàn tập trung, chuẩn bị biểu diễn ngày 22/12. Không phải ra chốt biên thấy lòng mừng khấp khởi. Ăn cơm trưa cùng đội xong, tay trống trong dàn nhạc gọi tôi ra nói chuyện. Anh bảo: “Tao cũng người Hà Nội đây. Hết chuyện lan man ca khúc nhé. Mày được giới thiệu lên đây là chắc gáo đấy, gắng mà trụ. Dù sao chú em cũng có năng khiếu đấy. Để tao nói giúp cho”. Buổi chiều. Tôi được thông báo chính thức đội văn nghệ Sư đoàn đã đủ biên chế. Đến khi khác có dịp thì sẽ gọi lên. Tôi lẳng lặng khoác ba lô cùng cây đàn học sinh về Tiểu đoàn 31. Lòng không buồn lắm vì lại được sum họp với mấy thằng cùng lớp. Đánh nhau thì đánh, chết chùm cho vui. “Cười lên đi em ơi. Hãy ngước mặt nhìn đời”… ca khúc Lê Hựu Hà bất cần đời đang huýt sáo thầm. Cuối cùng, các trường phái âm nhạc hàn lâm lẫn ca khúc chính trị đều cùng lên xe ra chốt biên giới một ngày. Lên chốt Ở CĂN CỨ TRẢNG LỚN thêm mấy ngày nữa, ngày 8/12/1978, chúng tôi lên đường ra chốt. Chúng tôi điểm danh lên xe REO, loại xe vận tải quân sự của Mỹ. Xe chạy về hướng Sài Gòn. Ai cũng thắc mắc, mặt trận ở hướng Tây kia mà? Xe qua những xóm ấp yên bình, những cánh đồng, trảng mía ngút tầm mắt, sông Vàm Cỏ Đông nước xanh ngăn ngắt, thị trấn Gò Dầu Hạ tấp nập... Chóp núi Bà Đen uy nghiêm chầm chậm xoay mình theo hướng xe lăn. Bây giờ chóp núi ấy đã ở phía sau chúng tôi, hơi chếch về tay phải. Có nghĩa là trước mặt là hướng chính Tây. Đường bắt đầu vắng teo. Cánh đồng không cày cấy cỏ dại vàng cháy. Một con đê thấp nằm chắn ngang cánh đồng, đùn lên vài ụ đất bao quanh mấy khẩu pháo tự hành lừng lững. Dãy lều bạt lụp xụp nửa chìm nửa nổi. Đây là đơn vị pháo chiến dịch 175 ly trấn cửa khẩu Mộc Bài. Anh cán bộ dẫn quân bảo: “Biên giới mình đấy”. Ôi chao biên giới là thế này đây! Không cột mốc rào giăng, chỉ một vạch đê nhỏ như bờ lúa chạy dài hút mà thấm ngàn xương máu, không như hình dung của tôi. Đoàn xe bình thản vượt qua ranh giới không gian vô hình. Chúng tôi ngoảnh lại nhìn nước Việt một lần nữa đang lùi xa dần. Đất nước mẹ tôi, em tôi. Có lẽ nhiều nghìn ngày nữa, trên những con đường đầy khói bụi chiến tranh, có thể tôi sẽ gặp hoặc không gặp lại Người. Đồng không mông quạnh. Thốt nốt mọc theo những bờ ruộng thành từng cụm hoặc đơn lẻ. Xe chạy nhanh và xóc lắm. Cả bọn bám thành xe, nghiêng ngả. Gần đến ngã ba Chi Phu, đoàn xe rẽ trái xuôi về hướng Nam theo con đường đất chừng 1,5km rồi dừng lại. Bộ đội xuống xe, tập trung dưới một chòm thốt nốt khá rộng. Đã có một số các “thủ trưởng” nhốn nháo chờ sẵn đón chúng tôi ở đó. Một cha gầy nhẳng, thấy tôi xách cây đàn gọi nhắng lên: “Tuấn ơi! Tuấn ơi! Lấy thằng này!”. Các anh ấy là cán bộ Tiểu đoàn 4 lên thẳng trung đoàn chọn quân. Tôi và nhiều anh em Hà Nội khác được điều về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4. Anh Tuấn, hỗn danh Tuấn còi, trung đội phó thông tin tiểu đoàn dẫn tôi và đoàn lính mới tò te băng đồng về chốt. Anh Tuấn đi đầu, thỉnh thoảng lại nhắc: “Bảo đi khom là đi khom, bảo chạy là chạy rõ chưa! Không 12.8 ly nó quất cho bỏ mẹ”. Tiếng anh Tuấn eo éo như con gái, nghe vừa lạ vừa buồn cười. Xế chiều hôm đó, chúng tôi về đến chốt bờ đê Long An. Tên chốt thế nhưng thực ra nằm sâu vào đất địch đến cả chục cây số. Địa bàn chốt giữ của tiểu đoàn nằm trọn trong vùng Mỏm Vẹt, phía Nam cách ngã ba Chi Phu chừng 4km. Tiểu đoàn 4 bố trí đội hình hàng ngang theo chiều dài một con đê thẳng. Đại đội 2 nằm ngoài cùng, gần phum chùa có cái mái ngói đỏ. Tiếp đó là Đại đội 1. Đại đội 3 nằm nhô lên phía trên đội hình tiểu đoàn chừng 200m trong một cụm nhà cũ đã bị phá huỷ. Đại đội 4 hoả lực nằm gần tiểu đoàn bộ, hơi chếch về bên trái. Đã bắt đầu mùa khô nhưng những căn hầm nửa nổi nửa chìm tựa vào bờ đê vẫn toát lên mùi mốc ẩm. Vĩnh biệt thời huấn luyện. Cái phản lính dài dằng dặc trại Trảng Lớn giờ trở thành niềm mơ ước. Cốc chè đậu đường đen thị xã Tây Ninh trong tiếng hát ma mị Khánh Ly chừng thuộc một thế giới xa mờ. Chuột tinh Đ ÊM ĐẦU TIÊN lính mới bổ sung về được nghỉ, không phải gác. Hầm thông tin thêm 6 người nên chật. Tuấn còi trung đội phó đưa tôi khẩu AK, dẫn ra ngoài hầm truyền đạt ngủ. Hầm này nằm ngoài cùng, cách hầm gác có 5-6m. Cầm khẩu AK băng đạn đầy nhóc, tôi hỏi ngớ ngẩn: “Có được bắn không anh?”. Anh Tuấn bật cười bảo: “Đang nằm giữa tiểu đoàn bộ mày định bắn ai”. Nhưng anh ấy cũng cẩn thận chỉ tôi hướng bắn rồi quay về. Tôi buông mùng nằm một mình. Khẩu AK đặt nằm bên cạnh. Lần đầu tiên cầm trong tay khẩu súng đầy đạn, có thể siết cò nếu địch vào cho con người cảm giác vững tâm và lớn hẳn. Nhưng sự háo hức trẻ con vẫn còn nên tôi nâng lên đặt xuống, đóng mở khóa an toàn, ươm ướm tay cò khẩu súng ở trong mùng tối cho đến khi thiếp đi. Đêm về sáng thấy tiếng lục sục, rồi cảm giác có cái gì nặng nặng ngọ nguậy trên ngực. Nửa tỉnh nửa mơ quờ tay lên, tôi giật mình vì chạm phải con vật gì đó. Nó khịt khịt nhảy xuống ván nằm chạy đi, nhưng bị cái mùng giắt kỹ như tấm lưới chặn mắc lại. Định thần nhìn kỹ, mới nhận ra đó là một con chuột khủng to cỡ bụng chân người lớn. Không hiểu bằng cách nào nó lại rúc vào mùng được. Tiên sư mày! Tôi ngồi hẳn dậy, lựa cách chụp tấm chăn chiên Nam Định lên người nó rồi tóm chặt. Hai bàn tay gồng lên bóp siết họng con quái nung núc vì một tay không đủ vòng. Nó ngúc ngắc một lát, chết tươi ằng ặc dưới lần chăn sợi. Ném đại xác nó ra ngoài hầm, còn nghe tiếng rớt cái bịch rõ nặng. Lại lụi cụi chui vào, trở mặt tấm chăn, dặm mùng ngủ tiếp. Chuột ở chốt Long An nhiều, nhưng anh Ky nói chưa nhiều bằng chốt Ngã tư Nhà Thương. Lũ chuột đồng hoang xơi quen bông băng, máu mủ, thịt cắt lọc thương tử trong trạm phẫu nên con nào con nấy béo núc thành tinh. Thằng Hải cụt dưỡng thương xong mới về đơn vị. Nó chưa kịp nhận nhiệm vụ thì đêm đó, con chuột chúa đầu đàn, ngửi thấy mùi da non chỗ ngón chân cái cụt, táp ngay một miếng. Nó kêu ré lên, máu phun ướt đẫm vạt mùng. Hôm sau tiểu đoàn lại phải cho đi viện tiếp. Trạm phẫu tiền phương ưu tiên thực phẩm cho anh em thương binh. Chốt gần biên giới nên ngoài thịt hộp, mì tôm, rau xanh… thỉnh thoảng còn có trứng tươi do hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh và các má gửi cho. Các anh què đánh chén xong, vỏ hộp thịt, vỏ trứng xả bừa bãi. Đêm đêm chuột đàn kéo tới bãi xả tha vỏ trứng, đụng vỏ lon lục sục leng keng ầm ĩ như địch vào. Lia đèn pin khắp bãi, thấy đàn chuột đội vỏ trứng trên đầu trắng tinh như người ta đội khăn tang, lủi tan đi trong bóng đêm. Chúng tôi ghê lũ chuột này, chê không ăn bởi đồng bưng lúc đó còn nhiều cá. Có biết đâu sau này trong rừng đêm biên giới Thái, phải đi vụt từng con nhái bén nhớt nhèo xanh lợt, mong kiếm chút đạm dành nuôi sức trở về. Bắn cá cải thiện N HỮNG NGÀY RẢNH, nằm chốt thường toàn những ngày rảnh, không vất vả như thời huấn luyện. Chỉ có mỗi ban đêm khổ vì gác địch. Những ngày như thế, tôi xách AK đi vẩn vơ dọc bờ mương bắn cá. Tháng 12 rồi mà sen súng hồng vẫn nở. Điều đó quả là lạ với một anh học trò mới đi bộ đội. Nhớ sen hồ Tây, cữ tháng Chạp là sen tàn. Chỉ còn những cọng khô tiêu điều xơ xác. Lá sen tàn quăn lại trong gió bấc. Đầm sen hiu hắt, lấy chỗ cho những con le le lầm lụi chổng mông lên trời lặn hụp kiếm mồi. Song ở đây sen súng vẫn rộ như mùa hè. Nước trong leo lẻo. Đứng rình một lúc, từng đàn cá mã giáp to cỡ bàn tay từ từ nổi lên. Thân cá dẹp, lốm đốm chấm sáng hoa, đôi râu vây ngực dài thướt chuốt trắng như sợi cước. Đích thị cá mã giáp. Thằng lính Bắc mới vào miền Nam cái gì cũng lạ, thầm thắc mắc sao cá mã giáp ở đây nó to khủng thế? Ngày bé, tôi ham nuôi cá cảnh. Buổi trưa hay mò ra hàng mấy bà bán cá, nơi tiếp giáp giữa chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua. Cá gì mà tôi không lạ? Vạn long, mã giáp, thần tiên, sê can, hồng tử kỳ, kiếm mắt đỏ, mún, ngựa vằn, hắc quần, mây chiều… Rồi chọi hồng, chọi tím than… Rẻ nhất, mắn đẻ nhất là mấy anh khổng tước. Con đực bé tí và đỏm dáng, lúc nào cũng xun xoe quanh con cái, rình húc mõm vào cái bụng đầy trứng. Cái giống khổng tước cái động tí là chửa. Tóm lại không thiếu loại gì tôi không biết, nhưng cá mã giáp to như bàn tay thì chưa thấy bao giờ. Tiếng súng bắn xuống nước bùm bụp. Cá láng bụng trắng đìa. Tôi lội xuống vớt được mấy con chạy về khoe ầm lên. Các anh lính cũ ôm bụng lăn ra cười. “Mày bảo gì? Cá mã giáp hả? Mã giáp là cá gì? Ối giời ơi…! Mấy con sặc bông mà bày đặt mã giáp. Lại học được thêm một từ mới bày đặt”. Đơn vị năm đó toàn lính Bắc từ chỉ huy tới lính, nhưng ngôn từ thì rặt Nam Bộ tuy vẫn nói giọng Bắc. Từ đó, tôi quen dần với những từ cà chớn, dễ nóng, bầy hầy, hết sảy, nam nam… Và cũng học thêm một điều nữa là bắn cá xong phải lấy miếng mùng rách vớt ngay… Vì cá bị sức ép, bị choáng thôi. Chỉ một lát sau là nó hồi lại. Cá mang về om với lá, với đài hoa cây chân vịt chua cọng tím là món ăn hằng ngày của lính chốt. Anh Nhương lại có kiểu bắt cá đặc biệt khác. Không biết anh ấy kiếm đâu được quả đạn B.40 lép liền xoáy tháo ngòi nổ ra, buộc vào một thanh tre cứng dài chừng 2m rồi vác xuống cái đìa cạn gần Đại đội 4. Cái đìa nhỏ nhưng khá sâu, tròn như một hố bom cũ. Nước đìa mùa khô vẫn ngầu đục vì cá quẫy đớp sùng sục. Anh Nhương sai tôi vào xin khẩu đội ít liều cối, cho vào đầu đạn đốt mồi. Thuốc nổ TNT bắt lửa cháy thổi khói ra đen kịt. Chờ thuốc cháy đều, anh Nhương nhúng cái dụng cụ bắt cá quái dị ấy xuống đìa. Rà đi rà lại một lúc như đi cày cho thuốc cháy hết. Tụi lính trung đội lội xuống quờ quạng mò, quăng liên tiếp lên bờ những con cá lóc đen bị say thuốc to cỡ cổ tay. Tôi rất sợ cái dụng cụ nghề cá ghê gớm này. Chiến công đầu tiên T ÌNH HÌNH những ngày cuối năm 1978 ở địa bàn đứng chân của đơn vị tôi khá yên tĩnh. Ta và địch cách nhau một cánh đồng rộng khoảng 1,2km. Ngoại trừ một lần vào lúc chập tối, tiểu đoàn trưởng Sơn lệnh cho Đại đội 3 mang cối 60 tập kích địch để thăm dò. Khẩu đội cối lên trước đội hình khoảng 600m, nạp liều 3 bắn chừng hơn chục quả. Địch trả lời bằng 12.8 ly toang toác suốt đêm. Hầm của trung đội thông tin nằm gần hầm tiểu đoàn. Ban ngày, tiểu đội hữu tuyến củng cố lại dây dợ máy móc. Chúng tôi học rải dây, cuốn dây, nối dây trên những cái khung gỗ gọi là sừng bò. Tiểu đội vô tuyến 2W chúi đầu học bảng mật danh mới. Thằng Vỹ, thằng Mạnh, Thằng Ban trố suốt ngày lầm bầm như cầu kinh. Anh Nhương tiểu đội trưởng 2W luôn miệng càu nhàu vì quân lâu thuộc. Nhưng tôi dám chắc nếu kiểm tra thì chính anh thể nào cũng tậm tịt nhất. Đã thế lại còn cái tính hay chê, bôi bác người khác. Chẳng hạn kể chuyện anh Hoạch hồi mới giải phóng Sài Gòn tưởng cái bồn cầu là chậu vo gạo. Thế nên tống gạo vào vo. Đến khi giật nước gạo trôi đi sạch, anh Hoạch không biết làm thế nào, tức tối chửi tiện nghi của bọn tư bản là thâm độc. Chuyện anh Khương khàn Đại đội 1 dẫn lính đi khao. Không biết gọi phin cafe là gì, anh Khương cất giọng đĩnh đạc kêu chủ quán: “Cho chúng tôi bốn cái nồi ngồi trên bốn cái cốc”. Về sau tôi biết những giai thoại này do người ta phóng đại lên, nhưng hẳn cũng có nguồn từ chuyện có thật ở đâu đó. Tiểu đoàn bộ nằm lui về sau đội hình nhưng vẫn tổ chức gác ba vọng đề phòng địch bâu bám mật tập. Tôi đã biết định vị sao Tua Rua để căn giờ gác. Trong đêm, nếu ếch nhái đang rỉ rả ầm ĩ mà tự nhiên im bặt, hoặc chim đêm trong chòm cây phía trước bỗng dưng xao xác là phải coi chừng. Luồn hào về bấu tay anh em dậy rồi trở lại vị trí gác ngay. Hãy cúi thật thấp sát mặt đất, dùng nền trời đêm sáng mờ làm phông sẽ dễ phát hiện địch hơn. Lại còn muỗi mới khiếp. Muỗi Chi Phu có họ với muỗi Đồng Tháp Mười, con nào con nấy to như con châu chấu. Áo ka ki ga ba đin Nam Định không là cái gì, vòi muỗi xuyên qua hết. Muỗi đốt không ngứa mà đau nhoi nhói vì toàn muỗi đói. Muỗi lăn xả cảm tử xông vào đốt người. Không được đập vì sẽ gây tiếng động. Cũng không được dùng dầu gió xoa vì ban đêm trên đầu gió, mùi dầu sẽ lan rất xa. Chỉ được phép vuốt thôi, vuốt đến đâu tiếng lép bép dội đến đó. Có anh chắc là con bác Ba Phi, kể hồi mùa mưa tao nằm trong mùng. Muỗi bâu kín ngoài mùng chầu máu tươi hết lớp này lớp khác như tổ ong mật, một lúc dây dù buộc mùng đứt phựt. Lỡ để một ngón tay sát chân màn, muỗi châm ngay. Những con khác huơ huơ vòi ngắn, không châm được thì châm ngay vào bụng con đang hút máu mình thành một dây chuyền dài hàng mét. Tôi được điều xuống Đại đội 1 trực máy cùng với anh Ky. Đại đội trưởng lúc đó là anh Thẩm, người Hà Bắc. Đại đội phó anh Liêu, người Hà Nam Ninh. Đại đội 1 đã được phong anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ. Các anh chỉ huy dạy tôi bài học đầu tiên trên chiến trường phải thuộc nằm lòng, là không bao giờ được phép để tụi Kh’mer Đỏ bắt sống. Lúc nào cũng phải thủ một trái da láng kèm theo máy thông tin. Trái lựu đạn này để cưa đôi với địch nếu không muốn bị tụi nó buộc ván cưa cổ họng bằng sống gai tàu lá thốt nốt. Tụi lính Pôn Pốt không bao giờ có khái niệm tù binh. Sống gai lá thốt nốt thì tôi biết, nó như đôi hàm răng đen bóng cứng đanh, nham nhở sắc như lưỡi cưa trời. Bài học chiến trận đầu tiên nhập tâm gây ấn tượng mạnh, thậm chí có ít nhiều sợ hãi. Ngay ca gác đêm đầu tiên tôi đã nổ súng. Đang ngồi gà gật lơ mơ bên thành hầm thì giật mình thấy có tiếng động. Thằng địch áo đen ngồi chồm hổm cạnh bờ ruộng. Nó chống nẹ, cánh tay áo phất phất như ra hiệu cho tụi đi sau. Người túa mồ hôi lạnh, tay run bắn nhưng tôi vẫn kịp siết cò mà không biết đạn bay đi đâu. Khẩu đội đại liên bên tay trái ăn theo tằng tặc một tràng ngắn. Tất cả chạy ra hầm. Anh Liêu lào thào hỏi: “Mày phát hiện hướng nào? Sao nó không bắn lại?”. Tôi giọng vẫn còn run, chỉ: “Đó đó anh, chắc bị tiêu diệt rồi”. Anh Liêu với thằng Đồng vọt hào lên đấy luôn. Đến nơi anh ấy cáu kỉnh chửi: “Tiêu diệt gì bay cái gốc chuối cụt”. Tôi vừa sợ vừa ngượng, nhưng cũng thấy thêm chút yên tâm. Lúc đó chưa hết ca, mọi người vẫn lục sục thức cùng với mình. Ca gác đêm đầu tiên với thằng lính mới bao giờ cũng lắm hiểm nguy rình rập, kể cả một cái gốc chuối cụt. Tết Quân đội biên giới năm 1978 N GOÀI TIÊU CHUẨN mà xe hậu cần B3 chở từ nước sang, chúng tôi tổ chức hun đìa, đánh cá cải thiện thêm. Từ “Tết Quân đội” cũng mới biết trong thời gian này. Với tôi, khái niệm tết là chỉ dành cho tết Nguyên đán, tết Trung thu. Từ nay, trong bộ đồ xanh của lính, tôi có thêm một cái tết nữa để mà mong đợi. Tôi giúp anh Ky đánh vảy con cá sộp đen trũi, lớn hơn bắp tay. Cả đời chưa thấy con cá sộp nào to như thế. Con cá to nhắc tôi nhớ cái ngõ nối chợ Đồng Xuân với phố Hàng Chiếu. Cái ngõ hẹp ướt át, lúc nào cũng tỏa mùi tanh, thông ra ngay cạnh rạp Bắc Đô. Ở đó, các bà buôn toàn loại cá cao cấp. Trong các thúng sơn xâm xấp nước, những con cá quả mõm hơi tròn mình vàng hoa đen, những con cá sộp đầu nhọn vằn vện, thỉnh thoảng lên cơn giãy đùng đùng. Có con còn vọt ra, toài được xuống cống trườn đi… Trong đám cá siêu hạng thời bao cấp khốn khó đó, chẳng có con nào bự như những con cá sộp này. Giờ tốt nhất hãy gọi tên nó là cá lóc. Không có các anh ấy lại chửi. “Hết cá “mã giáp” lại đến cá “quả”, cá “sộp”. Đừng làm chúng tao khổ vì cười”. Thực ra, khi còn đi cày đi học ở quê nhà, các anh ấy cũng vẫn gọi là cá chuối, cá quả, cá sộp, cá tràu mà thôi. Ở Phúc Yên, nơi tôi sơ tán còn gọi con cá quả bé là con cá chõn nhưng ngôn ngữ phương xa nó có gì đó hấp dẫn mới mẻ, nó chứng minh sự từng trải. Hẳn vì thế mà người ta ưa dùng. Muốn khỏi bị bôi bác chọc quê, hãy nói theo ngôn ngữ chung đồng đội. Hết sảy! Đã sạch vảy, tôi nhứ nhứ con dao, định mổ bụng moi ruột. Anh Liêu dòm dòm rồi rú lên: “Thằng Ky đâu xem nó kìa, thằng này không biết làm còn bày đặt”. Anh Ky cười hề hề giằng lấy con dao. Hắn điệu nghệ khứa chéo thân con cá cả hai bên thành những đường song song rất ngọt. Xát hành tím khô băm nhỏ, bột ngũ vị hương, tiêu, ớt, sau đó đặt con cá trong nhiều lớp bẹ chuối. Phía trong lớp bẹ có lót đầy rau ngổ hái ở bờ đê, bó chặt lại. “Xong rồi, mày nướng đi!”. Tôi ngồi nướng cá, nhưng vẫn thắc mắc sao lại không được mổ bỏ ruột con cá sộp từ nay gọi là cá lóc. Trở đi trở lại trên lửa than một lúc lâu, bẹ chuối đã cháy đen vỏ ngoài vỏ trong. Anh Ky ra ngó, bảo: “Được rồi, mang vào đi”. Lần đầu tiên trong cái Tết quân đội đó, tôi biết uống rượu xoay vòng bằng bát sắt bộ đội. Ngồi luôn với cán bộ đại đội không phân biệt. Rượu các anh ấy gửi mua từ bên cứ Tây Ninh. Cái men cay đắng của rượu chưng từ cặn mía đường ùa ngập hồn thằng trai mười tám, trong buổi trưa một ngày cuối năm nắng lộng. Chẳng biết là tua thứ bao nhiêu. Mái hầm luênh loang chao nghiêng bay bổng. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà. Lãng đãng tiếng cười xa xăm của ai đó. “Thằng này xỉn mẹ nó rồi. Khiêng nó vứt vào góc kia. Ha ha… ha ha…” Tôi giàn giụa nước mắt. Tôi khóc. Chốt Long An tháng 12/1978 T RẬN ĐỊA PHÒNG NGỰ chúng tôi dàn hàng ngang, tựa vào bờ đê. Nhìn về phía địch thấy một rặng cây xa mờ. Buổi trưa tan sương, thấy rõ bên đó một mái chùa đỏ ngói. Về đêm, đôi khi thấy những vệt đèn pha xe địch chấp chới rồi tắt ngấm. Chúng tôi đào khoét vào thân đê những cái hố chiến đấu hình móng ngựa. Những bụi cây khoai ngứa, cây điên điển lúp xúp che khuất những bờ đất mới đắp trên ụ. Cuộc sống hằng ngày diễn ra trong những cái lán nửa nổi nửa chìm. Phần nổi đắp đất dày ba mặt chống đạn nhọn. Mái lán úp đủ các loại: chằm lá thốt nốt, che tôn hoặc lợp rạ sơ sài. Thằng bạn thân nhất cùng lớp đã trốn đi. Mấy đứa kia thì đã sang Tiểu đoàn 6. Từ nay lớp cũ còn mỗi mình tôi ở tiểu đoàn này. Buổi trưa nằm hầm, thiu thiu nửa ngủ nửa thức. Không khí nóng âm âm giữa không gian tịch mịch. Trên cánh đồng chỉ thấy tiếng gió chướng lào thào. Tịch lặng đến mức có thể nghe tiếng lá thốt nốt đang nhỏ dần, cựa mình tí tách trên mái lá nóc hầm. Đêm nhìn về mé đất Việt, thấy một quầng sáng hắt lên nền mây một màu vàng đục. Anh Ky bảo đấy là thị trấn Mộc Hóa. Nhìn cái quầng sáng mà thèm, mà nhớ quê nhà. Cái quầng sáng ấy gần lắm! Tưởng chừng chỉ băng qua cái cánh đồng đầy cỏ lác này chừng hơn tiếng là đến nơi. Trời ơi là cái cánh đồng chó ngáp. Ban ngày xanh cỏ, loáng nước chói chang nhưng yên tĩnh. Ban đêm rộ lên sôi động tiếng cá ăn móng, tiếng ếch nhái côn trùng, tiếng rắn trườn hay chuột chạy bùm bũm… Tất thảy những âm bè lạc điệu ấy bị nhấn chìm trong một bè chính vĩ đại, là tiếng vĩ cầm lồng lộng của triệu triệu con muỗi đang rung cánh vu vu. Tôi nhặt ven đê cái cát tút đạn M.79 bi mới còn xanh óng, ngắt mấy bông cỏ xước con con cắm vào các lỗ nhôm thoát phóng để cạnh máy điện thoại. Anh Thẩm đi kiểm tra cảnh giới về, dòm tác phẩm tĩnh vật của tôi cười nhạt. Có lẽ anh ấy đã nghĩ còn mơ được chút nào hãy gắng mà mơ đi con. Yên tĩnh kéo dài được non tháng. Mười bốn hôm sau, đơn vị bắt đầu nhận lệnh tấn công. Rừng Tràm – Trận đánh đầu tiên C ÁN BỘ TIỂU ĐOÀN đi họp quân chính về vào những ngày cuối cùng của năm 1978. Các đại đội lên tiểu đoàn bộ nhận thêm một cơ số đạn. Hữu tuyến tổ chức thu dây ngay trong trưa 31/12/1978. Thông tin 2W nhận pin mới xuống các đại đội nhưng cấm lên sóng. Mọi thông tin tạm thời dùng tiểu đội truyền đạt chạy bộ cho đến khi có lệnh mới. Kiểm tra toàn bộ vũ khí trang bị trước 14h. Đúng 16h30, tiểu đoàn rời chốt hành quân theo dọc bờ đê về vị trí quy định. Tôi đi cạnh thằng Thống. Nó mới 17 tuổi bé kẹ nhưng đi trước tôi ba tháng. Anh Sông thương nó nhỏ kéo nó về làm liên lạc, sau lại thôi nên cho về B vận tải. Nắng chiều cuối năm ửng sáng, gió mùa khô thổi mát mặt. Đầm sen lá phấn vẫy trong nắng xiên lấp lánh. Chúng tôi đi tụt lại chuyện trò ríu rít phấn khởi vô tư, không coi địch là cái gì. Từ hồi ra chốt đến giờ có biết mồm ngang mũi dọc thằng lính Pôn Pốt nó thế nào đâu. Đài và báo loan truyền thông tin quân ta chiến thắng, liên tục giáng cho bọn lấn chiếm những đòn chí tử. Mai là trận vận động chiến cấp chiến dịch. Cả sư đoàn, quân đoàn cùng nổ súng. Khoái lắm! Dần dần chúng tôi dấn lên bắt kịp đoàn quân. Nhìn tiểu đoàn đội hình dằng dặc. B.40, B.41, DK.82, 12.8, cối 8, cối 6 lích kích, ăm ắp đạn trông thật khí thế. Nhiệm vụ triển khai cụ thể. Tiểu đoàn 6 chủ công, Tiểu đoàn 5 dự bị tấn công hướng chính dọc theo lộ 1. Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3 – Trung đoàn Hoa Lư) cùng Tiểu đoàn 4 chúng tôi hộ công luồn sâu vu hồi cánh trái. Tại vị trí tập kết sau khi ăn tối, anh nuôi phát cho mỗi người một vắt cơm lớn và gói bột gia vị, là khẩu phần ăn ngày mai. Lính nằm ngồi thao thức, gà gật dưới tán hàng cây phượng tây cổ thụ chờ lệnh xuất phát. Một cán bộ tác chiến sư đoàn được phái xuống đi cùng với mũi của chúng tôi. Lính bâu vào hỏi: “Thủ trưởng ơi năm nay ăn Tết ở đâu đây?”. Thủ trưởng cười: “Chắc sẽ ở Tây S’vay Rieng”. Anh ấy có cái đài bán dẫn mở nho nhỏ, đang phát đi bản tin báo gió mùa Đông Bắc. Tim bỗng nhói dội lên nỗi nhớ nhà. Đang những giờ khắc cuối cùng năm cũ, những người thân yêu của tôi đang làm gì? Buồn ngủ. Muỗi vo vo như sáo thổi. Tôi túm bốn góc ni lông trùm đầu, tựa vào đống rơm ướt ngủ ngồi. Khoảng 2 giờ 30 sáng, anh Ky vỗ mọi người dậy. Tiểu đoàn 8 đang vượt qua đội hình chúng tôi lên vị trí tiếp cận. Tiểu đoàn tôi kế liền sau đó. Im lặng lầm lũi đi. Thông tin 2W mở máy nhưng chỉ ám hiệu bằng cách bóp công tắc. Bùn lép nhép ngập cổ chân. Đội hình lúc đi lúc dừng vì trinh sát đang bám địch. Chúng tôi tiếp tục đi xuyên vào một rừng tràm non cao đến ngực. Lá tràm toả mùi thơm hăng hắc. Rễ tràm nhọn hoắt mọc ngược, đâm vào đế giày đau điếng. Giày quân nhu hồi đấy đế cao su mỏng như vỏ trứng. Tiểu đoàn 8 đã áp sát địch. Lệnh dừng lại, triển khai công sự tại chỗ. Đằng chân trời phía Đông sao Mai đang dựng. Đất bùn yếu, chỉ sau 10 phút tôi và thằng Thiệu mù đã khoét được một cái hố chung cho hai thằng nằm. Cái hố nông lủng củng rễ tràm, nếu khoét sâu nữa nước sẽ rỉ ra lấp xấp. Trời sáng dần, đủ có thể quan sát thấy trước mặt chúng tôi là một cái phum rộng. Trong phum thấp thoáng mấy mái ngói đỏ khuất sau hàng cây ngoài rìa. Lúc 5 giờ 30 phía bên lộ 1, pháo 105 ly của sư đoàn bắt đầu bắn chuẩn bị. Tiếng đề pa ùng ùng sau lưng. Cả đơn vị chộn rộn. Anh Sơn lệnh truyền đạt lùa các đại đội lên máy vô tuyến. Dây hữu tuyến không phải dải lên tiền tiêu. Tôi cùng lũ bậu sậu dán bụng nằm im gần khu vực chỉ huy sở. Lệnh nổ súng. Cối 82 ly hai tiểu đoàn cùng đồng loạt lên tiếng. Địch phản cối lại ngay sau một lát ngắn. Mỗi lần nghe những tiếng phọp phọp nhỏ xíu lẫn trong nhiều tiếng nổ khác, anh Ky lại quay sang tôi, hất hàm bảo: “Nó đấy, nó đấy” rồi chúi xuống hố. Tôi bắt chước làm y hệt anh. Suốt mười năm phổ thông có lẽ chưa có bài học nào tôi tập trung thực hành run rẩy như bài học này. Loạt trái phá oành oành dứt nổ xong, chúng tôi lại ngóc đầu dậy. May cối địch chỉ rớt độ chục quả vào tiểu đoàn tôi rồi thu tầm theo hướng phát triển của Tiểu đoàn 8 lúc này đang bắt đầu xung phong. Trinh sát đã cắt nhầm hướng. Đáng lẽ phải vòng qua sau lưng phum này chúng tôi lại đâm đầu đúng vào nó. Lính Tiểu đoàn 8 không lên được vì sát phum là bãi mìn chống bộ binh dày đặc. Đạn 12.8 ly và đại liên địch quét thấp, lá tràm rơi lả tả. Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 được lệnh xuất kích đánh vào sườn nhưng cũng bị vướng bãi mìn đành nằm chết cứng. Bọn Kh’mer Đỏ mới được trang bị loại mìn KP.2 – một loại mìn nhảy nổ văng nhiều mảnh gây sát thương rất lớn. Anh em lính mới đại đội dự bị nằm sau thấy cối địch bắn nhảy hoảng lung tung. Tiếng anh Khương gào lính khản giọng: “Chạy đi đâu. Đâu nằm im đó. Chết mẹ hết chúng mày giờ”. Lúc bắt đầu súng nổ, tay tôi run bắn không kiểm soát được. Một lúc sau rồi cũng dần quen. Rừng tràm non che phủ chúng tôi. Thằng Thiệu mù lúc này dở chứng, bảo dịch ra cho nó đi ỉa. Khéo thằng này ỉa mẹ ra quần rồi cũng nên vì thấy có mùi thối kinh. Tôi bảo nó: “Bò ra đằng kia, sao lại ỉa vào công sự chung?”. Nó phớt lờ lập cập tụt quần. Mẹ cái thằng này. Tôi chịu thua, đành bò ra chỗ khác đào một lỗ nông choèn nằm xuống. Đại liên địch vẫn soạt soạt tước vụn những mảnh lá tràm, gí đầu những thằng lính mới chúng tôi xuống đất. Thương binh bắt đầu được cáng về tuyến sau. Hôm đó lại đổ cơn mưa trái mùa. Mưa không to nhưng làm bọn tôi khốn khổ. Lính vận tải nửa nằm nửa bò, kéo trượt võng thương binh trên mặt bùn non như trâu kéo cộ. Bùn non trộn máu bết đầy đáy võng. Qua tiểu đoàn bộ một quãng mới đứng dậy đi khom được. Một số thương binh tử sĩ không có võng chắc chắn đó là lính mới. Anh em đành buộc néo tạm chân tay, treo xỏ trên đòn như người ta khiêng heo lội qua những quãng bùn sâu về phẫu. Những người còn tỉnh rên la nghe thật não nề. Chiều tối có lệnh rút quân. Tiểu đoàn 4 đi sau rút trước nhưng lính Tiểu đoàn 8 vẫn nhanh chân chạy tràn qua đội hình chúng tôi. Quân trang đợt cuối năm toàn quần xanh gioóc vứt đầy mặt ruộng. Địch phát hiện, đồng loạt khai hoả hoả lực các loại. Nghe rõ lính nó trô trô rộ lên gào truy kích. Chúng tôi dừng lại nhường anh em Tiểu đoàn 8 đi qua trước. Anh Sơn hô: “Hai khẩu đội 12.8 ly giá súng đứng kiểu bắn phòng không, hạ nòng bắn quét về phía sau”. Tụi lính Kh’mer Đỏ chỉ hô suông, không dám đuổi. Tôi bám theo tiểu đoàn trưởng, là những người rút ra sau cùng. Mệt mỏi bết bát, tan giấc mơ chiến thắng trận đầu, chúng tôi về lại đúng vị trí xuất phát. Tập hợp đội hình xong, đơn vị hành quân về đội hình trung đoàn ngay trong đêm. S’vay Rieng R ẠNG SÁNG NGÀY 03/01/1979, đơn vị lục đục gọi nhau dậy từ khi trời còn tối đất. Lại lĩnh cơm vắt với bột canh. Đội xe trung đoàn tăng bo chở tiểu đoàn ra ngã ba lộ 1. Đổ chúng tôi xuống xong, xe đỗ luôn ở đó chờ chở thương tử. Anh Bình cháo- quân lực ngồi phệt trên tấm ni lông tựa vào bánh xe hút thuốc, chuẩn bị sổ sách làm công việc hằng ngày của thánh Phê Rô, là mở cửa thiên đường cho những thằng kém số. Các đại đội bộ binh đã lên trước. Tiểu đoàn 6 chủ công còn đi trước nữa. Hai trận đột phá liền tiểu đoàn 4 toàn được đi sau nên ấm gáo quá trời. Chúng tôi vượt lên, đi khơi khơi trên mặt lộ mới bắt đầu tỏ mặt người. Ở lùm cây lúp xúp cái phum ven đường lòi ra hai khẩu pháo 85 ly nòng dài. Bọn này thuộc lữ pháo 24 đi tăng cường cho trung đoàn. Anh em pháo thủ gò lưng đẩy pháo lên tiếp trên mặt ruộng khô. Đến cái bờ thấp sau lưng đại đội 3 thì hai khẩu dàn hàng ngang dừng lại. Tụi pháo thủ đóng chốt càng pháo. Khẩu đội trưởng rút ống nhòm quan sát một lát rồi đóng mấy cái cọc tiêu sắt sơn khoanh trắng đỏ đằng trước. Chúng nó lấy tầm hướng xong xuôi, đốt thuốc rê ngồi chờ. Hai cái nòng ngoằng ngoẵng, rạp xuống sát mặt ruộng. Trên kia, Tiểu đoàn 6 đang tiếp cận địch. Bộ binh Tiểu đoàn 4 nửa nằm nửa ngồi, tản ra hai bên mặt lộ. Anh Trung tham mưu gom lính D bộ sang bên trái đường. Nhưng tôi khoái xem pháo 85 ly bắn, cứ nấn ná nằm bên phải cho gần chúng nó. Anh Ky chửi “Thằng ngu! Nằm gần đấy tý nữa nó phản pháo thì mày thấy ông cố tổ. Sang bên này!”. Hai anh em kiếm được một cái cống thủy lợi bê tông để cho nước chảy qua đường nên tấp cạnh đó, không đào công sự. Nó giã pháo cối thì chui vào đó tốt chán. Thằng Vỹ đi phụ máy Đại đội 3 dự bị, nằm cạnh chòm thốt nốt trên tụi tôi một đoạn trông thấy anh Ky thò đầu ra trên cống. Nó nhe răng cười, quay lại xin điếu thuốc thẳng. Cho đến hồi đó, tôi vẫn chưa biết hút thuốc. Thỉnh thoảng phì phà hút vào mồm rồi thở ra cho oai chứ không nuốt khói. Tiêu chuẩn tháng được hai bao Lao động hay Vàm cỏ cho hết anh Ky. Có tiếng rền trầm trầm sau lưng. Tiếp một dây tiếng sấm rền nữa… Đạn pháo 105 ly hú gió qua đỉnh đầu chúng tôi, dựng lên khói đen hướng địch. Một vài giây sau mới dội lại tiếng nổ. Pháo bắn dày. Chỉ một lát là tiếng đề pa lẫn vào tiếng nổ cấp tập. Cối 82 tiểu đoàn cũng tong tong lên tiếng. Một ánh chớp nhóa tức ngực. Hai khẩu 85 ly bên kia đường nhảy lên cầng cẫng. Bọn pháo thủ 85 đã xác định được mục tiêu bắt đầu khai hỏa. Đạn đi thấp, nhìn thấy cả cỏ, lúa ma và cây bụi bị hút dúi ngả theo hướng chớp đạn. Bọn Pốt cũng bắt đầu chơi lại. Phát hiện được mấy khẩu 85, DK75 của địch phản luôn vài trái. Trái phá địch nổ văng bùn đất, tung tóe hoa lửa lốm đốm trước khẩu đội cả dăm chục mét. Cứ nghe “xéo” phát là tôi lại thụt đầu xuống. Có biết đâu là thụt đầu cũng vô nghĩa, vì đạn DK nó đã nổ trước cả giây rồi. Anh Ky quát: “Mày thấy chưa hả con?”. Tôi chỉ gật gật đầu xác nhận. Đi với thằng phó máy ngu này thì còn phải dạy nhiều. Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 4 bắt đầu vượt trảng xung phong khi pháo vẫn đang còn bắn. Bộ binh lên đến đâu, pháo 85 ly đi cùng đẩy tay lên đến đấy. Thỉnh thoảng, bọn pháo lại dừng, thổi vài trái lộng óc. Chúng nó cứ câm lặng mà làm, thỉnh thoảng ra ký hiệu bằng tay nhưng động tác rất thuần thục ăn ý. Chắc hẳn cả nhà bọn này bị điếc. Tôi với anh Ky lên theo đội hình tiểu đoàn. Vừa đi vừa cố tránh xa bọn điếc với hai khẩu pháo. Hướng này không thấy mìn, lại được sự hỗ trợ tuyệt đối của pháo nên bộ binh tiến khá nhanh. Đã nghe tiếng súng con lốp bốp giòn như rang bắp. Trên cao có tiếng rít gió của phi đội máy bay phản lực. Tôi ngửa mặt nhìn, chói nắng nên không thấy phi đoàn. Chúng tôi dịch dần đội hình lên trên nữa, ngược chiều với những cái võng đẫm máu được khiêng về. Những ống chân đồng đội vàng bệch như sáp, lắc lắc theo nhịp nhún đòn khiêng. Đến 11h30 trung đoàn đã đánh qua lớp công sự thứ nhất. Ở mấy hầm tiền tiêu thấy còn mấy quả bom bay đen trũi to như cái thùng phuy, bọn lính Pốt chết pháo không kịp gí. Quá 12h trưa chịu không nổi, địch bắt đầu tháo chạy. Trăng liềm hướng địch L ỆNH TRÊN ĐỔI TIỂU ĐOÀN 4 chủ công, thay cho Tiểu đoàn 6 nghỉ sức sau trận đột kích cửa mở. Anh Sơn vẫy Đại đội 1 lên trước, chấp hành phiên đổi máu. Chúng tôi vượt qua người anh em cùng trung đoàn lầm lụi bước. Cuối chiều hôm ấy, Tiểu đoàn 4 trở thành đơn vị đi đầu của sư đoàn trên hướng chính tấn công dọc lộ 1. Trận đánh ban trưa đã trở thành quá khứ. Pháo đội 105 ly ngưng bắn kéo lên. Không gian đang chật đầy tiếng nổ bất ngờ câm bặt, mở ra một khoảng lặng dài trong tiếng gió đồng. Mùng ba câu liêm, mùng bốn lưỡi liềm. Lưỡi liềm bạc tụt xuống thấp dần, hững hờ treo ngang bầu trời phía trước. Chúng tôi mải mốt đi về hướng mặt trăng đang lặn. Hàng thốt nốt bên đường im lặng trôi ngược về phía sau. Yên tĩnh đến mức nghe rõ tiếng bước chân mình rào rạo. Cảnh tượng đồng bằng bao la gây ấn tượng mạnh với tôi, vốn chỉ quen nhìn vụn vặt bờ vùng bờ thửa trung du đất Bắc. Tiểu đoàn chủ công trở nên nhỏ bé như đàn kiến, lọt thỏm trong cánh đồng chiều không thấy chân trời. Nhập nhoạng tối, đơn vị dừng lại bên con lạch nhỏ nước đục ngầu. Nhóm nhà sàn bên trái hẳn là trạm phẫu tiền phương của địch. Sục vào kiểm tra, thấy bông băng chai lọ lẫn các bịch huyết thanh đã dùng quăng bừa bãi. Những chiếc võng còn dính máu vẫn chăng dưới chân cột. Không gian tanh nồng, mùi gây xác người thoảng lẫn mùi hăng của thuốc tê. Bọn Pôn Pốt mới rút lui khỏi nơi đây chưa lâu. Chúng tôi dọn dẹp qua loa, nghỉ đêm tại vị trí này. Anh Sơn lên tiền tiêu, bố trí đội hình cho các đại đội đi đầu rồi quay về tiểu đoàn bộ. Chí đen cùng tổ anh nuôi leo xuống bờ thấp, đào bếp sát mặt rạch giấu lửa nấu cơm. Đêm sâu dần, mảnh trăng thượng huyền đã chui tọt xuống bên kia cánh đồng vĩ đại. Chỉ còn ánh sáng trắng mờ mờ, hắt lên từ mặt nước. Chúng tôi sì sụp cơm nóng với canh mì tôm nấu loãng. Lẹt xẹt tiếng bóp tổ hợp máy 2W. Trung đoàn thông báo E3 đang nằm sườn phía Bắc đường, cẩn thận kẻo bắn nhầm. Các đơn vị nhận nhau ngoài vô tuyến điện còn bắn bắt liên lạc, cộng tròn bằng 7. Trên hướng E3, một vài viên đạn lửa vẽ những đường cam trên bầu trời đêm thẫm tối nhưng không nghe thấy tiếng súng. Có lẽ họ ở khá xa. Khoảng ca gác cuối, thằng Hòa lác cối C1 tụt xuống bờ rạch ngoài lấy nước nấu đổ bi đông cho khẩu đội. Anh Yên trung đội phó thấy mặt nước động sóng nghi địch vào, liền bóp đại cò khẩu M.79. Trái đạn bắn gần bay trúng bụng thằng Hòa bật ra, rơi xuống không nổ. Nó ôm bụng la: “Giời ơi!” váng lên, lính tiểu đoàn bộ bên này rạch còn nghe tiếng. Dìu nó vào quân y, thấy thành bụng chỗ đó lồi lên một cục mỡ đỏ, to như cái trôn chén. Nó vẫn phải bám đơn vị, không lui về phẫu được. Vẫn còn ngày xanh Đ ỒNG RUỘNG XÁC KHÔ, chân rạ trải hết tầm mắt. Đội hình tiểu đoàn hàng dọc vận động trên mặt lộ 1 như một buổi hành quân dã ngoại. Thị xã S’vay Rieng đã hiện ra trước mặt. Mái ngói đỏ lô nhô ẩn khuất sau rặng dừa xanh thẫm. Đô thị trù phú duyên dáng. Tiểu đoàn dàn đội hình tấn công, tiến chậm hơn chờ trận pháo cấp tập bắn chuẩn bị như thường lệ. Pháo không bắn. Gần cây cầu sắt bắc qua sông bên phải, một đoàn quân cũng đang vượt tới song song. Trinh sát cảnh giác bắn bắt liên lạc. Ba phát AK vang rành rọt. Bên kia trả lời đĩnh đạc bốn phát. Tiếp bốn phát bắn, bên kia lại trả lời ba đúng quy ước. Đã nhận ra quân bạn Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3. Chúng tôi vòng sang tay bắt mặt mừng, hội quân ngay trên cầu sắt. Bộ binh hai tiểu đoàn hành quân cạnh nhau nhưng vẫn bắn lên trời hỏi đáp bên bốn bên ba mãi. Tiếng súng tiêu khiển báo tin chiến thắng lốp đốp nổ cho đến khi hai đơn vị khuất bóng, lọt thỏm trong hàng cây phố xanh rì. Chúng tôi tiến vào S’vay Rieng không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Tiểu đoàn trưởng báo về trung đoàn đã chiếm được thị xã. Lệnh trung đoàn cho bộ đội chốt cứng, chờ hậu quân tiếp lên. Đơn vị bố trí đội hình trong một khu phố. Trung đội thông tin ở cái nhà đúc, cách chỉ huy sở vài chục mét. Căn nhà nhỏ nhưng đẹp. Với một thằng lính cả tháng trời nằm hầm âm đất thì căn nhà nào cũng đẹp. Duỗi dài trên nền gạch bông mát rượi, đầu gối ba lô nhìn qua ô cửa sổ nắng lấp lánh thấy đu đưa chùm vú sữa chín trắng. Gió chướng lùa lá dừa xạc xào tít trên cao nữa, gọi tên một sáng yên bình. Đã có lệnh trên cấm vi phạm tài sản nhà cửa, tính mạng nhân dân nước bạn. Chẳng nhớ rõ là bao nhiêu điều, song cứ theo cái lệnh cấm đó thì hình như chỉ được thở không khí, được dùng nước sông nước giếng, được lấy củi khô để nấu cơm nước còn ngoài ra cấm tất. Anh Nhương đổi cho dân mấy chục cân gạo được con heo gần hai chục ký. Mấy người lùa nó vào trong toilet, sai tôi đứng ngoài canh. Làm nhanh lắm. Pha thịt chặt xương ngay trong bếp một loáng đâu ra đấy. Gia giảm vài gói ngũ vị hương tống vào thơm phức. Lại mót được vài quả đu đủ non để hầm xương. Anh nuôi chia cơm xong, mấy thằng vội vác chậu về. Một nửa trung đội ăn trước, một nửa ăn sau. Bữa tươi nhớn nhác, vừa ăn vừa canh chừng địch nhưng ngon miệng không chịu được. Đánh nhanh rút gọn. Ban trố đi rửa chậu về trả anh nuôi. Anh Nhương giằng lấy ngửi đi ngửi lại rồi bắt nó đi rửa thêm lần nữa. Một ngày có thịt tươi chén, có nước dừa uống, có vú sữa tráng miệng và được nằm nghỉ ngơi dưới mái nhà có giá đèn chùm treo trên trần trắng. Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy. Cuộc đời vẫn đẹp sao! Chúng tôi không hề biết là sẽ đi những đâu, đánh những đâu. Bao giờ thì hết chiến dịch này cũng không biết nốt. Chỉ mong đừng phải hành quân nữa. Chốt cứng trong cái thị xã nhỏ xinh duyên dáng này cũng được. Rồi kiếm cái nệm êm nằm, kiếm bộ sa lông vừa ngồi uống trà vừa gác. Giấc mơ nhà lầu chốt chặn, bắn AK qua cửa kính tồn tại được đúng dăm tiếng đồng hồ. Cuối chiều có lệnh tiếp tục tấn công. Đủ loại xe pháo, đủ các sắc lính sư đoàn tập kết gần ngã tư trung tâm. Thằng lính trung đoàn 1 mượn cây đàn, ngồi dạng chân trên quầy bán hàng một cửa hiệu lớn hát say sưa. Mắt nó lác lệch đi mỗi khi gào lên đoạn vào điệp khúc. “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh Nghe tin con vẫn còn ngày xanh Một cành hoa em cài mái tóc Anh đưa em qua quãng đường dài…” Lính trung đoàn ngồi bâu xung quanh đập báng súng rầm rầm theo nhịp. Nhiều đứa ậm ừ không thuộc lời nhưng vẫn gào theo. Chẳng biết ngày xanh còn được đến bao giờ nhưng ít nhất trưa nay đã có một bữa no nê. Từ giờ đến lúc bắt đầu cuộc tấn công ban đêm, sinh tử dẫu thế nào cũng chẳng thể trở thành ma đói. Chiều tối dần. Lệnh tiếp tục hành quân tấn công thẳng tiến hướng Tây, đụng địch ở đâu đánh địch ở đó. Tiểu đoàn lúc đi lúc nghỉ mải miết. Bàn chân tôi dần sưng phồng, mọng nước như bị bỏng. Đi nhón thì tức chân, chọc vỡ ra thì rát. Phần da ngoài bong tuột trầy trật xót. Mắt nhắm mắt mở, thỉnh thoảng lại vập đầu đụng ba lô thằng đi trước vì ngủ gật. Mỗi khi có lệnh giải lao, tôi hạ ba lô nằm thẳng cẳng trên mặt lộ ngủ như chết ngay được. Đến khi bị anh Ky đá dậy còn càu nhàu, tưởng là mình vừa mới ngả lưng xong. Khốn khổ nhất là hoả lực cối Đại đội 4. Mỗi thằng một gánh đòn tre kẹp 8 quả cối 82. Văn đò lặc lè với cái mâm đế cối. Tướng nó người đậm thấp, khoác cái mâm đế trông không khác gì con rùa. Lúc đêm khuya lắm, không rõ là mấy giờ thấy quân đằng trước chộn rộn. Có tiếng mõ bò, tiếng bánh xe lăn siết cồng cộc kèm theo một mùi khét cháy lạ thường. Anh Thưởng nhắc dân, dân đấy. Đừng bắn, để cho họ đi. Trong ánh đèn pin tắt bật loang loáng, đoàn dân bạn nhếch nhác tơi tả cắm cúi đi ngược chiều trong câm lặng. Tiếng xe lăn, tiếng mõ bò lốc cốc như tiếng tụng kinh đêm trường xa lăng lắc trôi dần. Một loạt 12.8 ly đỏ lừ chợt bay sạt đầu chúng tôi từ bên phải đường. Tiểu đoàn bộ lăn giạt hết sang sườn lộ. Chẳng biết ta hay địch, nằm xuống là tôi tranh thủ ngủ ngay. Trinh sát tiểu đoàn bắn AK bắt liên lạc theo lệnh tham mưu. Bên kia vẫn toác toác khùng khùng nã đạn 12.8 ly vào đội hình. Anh Sơn cáu kỉnh quát: “Đại đội 4 giá súng 12.8 ly bắn lại”. Từ đó cả hai xuống giọng dùng AK, bên này bốn phát, bên kia ba phát và ngược lại như quy định. Thông tin trung đoàn thông báo đó là quân bạn Sư đoàn 7. Hai bên bắn trao đổi mãi cho tới khi bọn tôi vượt đi xa tít. Tiếng súng gọi bầy của đơn vị bạn nhỏ dần, nhỏ dần. Đã đi bộ qua một đêm dài dường như vô tận. Mãi gần trưa hôm sau mới có lệnh dừng nấu cơm ăn chờ xe của sư đoàn. Mặt lộ cao trông xuống dãy nhà sàn mái ngói sắp hàng hai bên đường. Trong lúc chờ cơm, tôi trèo lên một căn nhà lục lọi. Trong bao thóc đổ thấy có mấy cuốn truyện Duyên Anh, tôi bèn nhét vào ba lô. Chắc chủ nhân ngôi nhà này là Việt kiều, không biết còn sống hay đã chết. Nhắm mắt định ngủ chút bù lại một đêm thức trắng nhưng không hiểu sao mắt cứ chong chong. Có lẽ do thần kinh hưng phấn khi đặt chân đến miền chinh phục. Kachiusa bên bờ sông Niek Luong Q UÁ ÍT XE, sư đoàn chuyển tăng bo dần từng phân đội bộ binh lẻ. Tiểu đoàn tôi mải miết hành quân nhưng chúng tôi không thấy bết như đêm qua nữa. Thêm một chặng dừng nghỉ, tôi dựa ba lô nằm trên mặt lộ ngửa mặt nhìn bầu trời. Trên cao xanh dường như có hàng trăm con diều sáo vô hình bỗng reo lên vu vu cùng một lúc. Mãi sau mới nghe đằng sau lưng rộ lên một loạt đề pa như sấm ầm ì. Anh Mão khoái trá hét lớn: “Pháo 130 ly bây ơi!”. Tiếng hú gió của đạn pháo 130 ly đến nhanh hơn tiếng nổ đầu nòng. Đạn pháo bầy chiến dịch bay qua đỉnh đầu chúng tôi, nổ bên kia phà Niek Luong rền rền. Lính tiểu đoàn chộn rộn phấn khích. Thấy tôi có cây đàn, anh Sơn bảo: “Kachiusa đi em”. Thằng Chương nhào đến cạnh tôi hát luôn chẳng e dè. “Đào vừa ra hoa, cành theo gió đưa vờn trăng tà. Ngoài dòng sông, màn sương trắng buông lững lờ. Tựa bến sông bóng ai in trong làn sương mờ. Cất lời ca, rằng Kachiusa đang chờ.” Tiểu đoàn trưởng gật gù hát theo. Anh mới có người yêu tên Hà, diễn viên đoàn ca nhạc Bông Sen Thành phố Hồ Chí Minh và chắc hẳn rất xinh. Lính tiểu đoàn bộ nhiều người chưa thuộc lời, nhưng người nọ nối người kia dần nhập vào đồng ca hành khúc. Pháo cấp tập. Chúng tôi cũng gào lên cao trào với bè đệm là dàn hơi bộ đồng đang diết da xoáy gió hú ở trên đầu. Chàng đã đã vượt qua miền biên thùy, chàng đã đến đây, chàng đang chuẩn bị vượt sông đánh thẳng vào thủ đô đất địch. Xe sư đoàn đến đón. Tôi ngồi thùng xe ngó nghiêng cảnh vật thay đổi bên đường. Đồng ruộng tít tắp chân trời. Một dãy núi thấp xanh mờ bên phải tô đẹp thêm cho cảnh chiều hôm. Sau gần một tiếng lắc lư trên đường đầy hố pháo, chúng tôi đổ bộ bến phà Niek Luong. Dãy nhà bê tông bến phà bỏ hoang uốn cong theo thế mở, phơi những bức tường thủng toang hoác bởi đạn bắn thẳng. Rặng cây phượng tây cổ thụ um tùm che bóng nắng chiều. Gắt trong không gian mùi xác thối, mùi khét thuốc rê quấn lá cò ke. Tôi chạy ào xuống dốc phà, khoả nước lên mặt. Mêkông loang loáng chảy hắt ngược sáng trong gió lồng lộng thổi. Trên sông, đoàn tàu há mồm LCU lùi lũi ngược sóng. Hộ tống hai bên sườn có mấy chiếc khinh hạm nhỏ. Ba chiếc LCU khác cập bến thả cầu đón Tiểu đoàn 4 sang sông. Chiều hôm ấy đơn vị qua sông, dừng chân ngay trái bến phà bờ hữu ngạn. Gần tối, các đại đội bố trí gác xách xong xuôi. Đội hình tiểu đoàn co cụm không bung rộng bảo vệ bến vượt. Hoàng hôn sông lạ ầm ì tiếng máy tàu tấp nập quân sang. Lính tráng hò nhau đi tắm sông ơi ới. Bờ nước đoạn này sâu, lội ra ngoài một chút là đến ngực. Nước lạnh chảy khá xiết. Thật khoan khoái khi ba ngày mới được tắm. Tôi làm rơi cái bát sắt xuống sông khi đang vục nước rửa. Một bà già mái tóc bạc ngắn ngồi trên nhà sàn sát bờ sông trông thấy, vào lấy cho một cái bát khác. Cái bát sứ men hoa xanh rất nhẹ và đẹp. Giơ đáy bát lên, ánh chiều tà xuyên qua lỗ phủ men kín xanh màu lam ngọc. Anh Ky cười, “ocun” (cám ơn) như một quý ông thứ thiệt. Trên các ô cửa đầu thang, dân bạn ngồi tò mò nhìn những anh lính Việt. Không thấy thanh niên, toàn người già với trẻ con. Dăm đứa bé sán lại những người lính lạ. Chúng tôi trêu chọc lũ bé con trong ánh mắt thiện cảm của những người già. Bọn trẻ con, và cả giống chó nữa, thường rất nhạy cảm với sự tốt bụng hay thân thiện. Các đơn vị nổi lửa nấu cơm chiều ven sông. Đôi bờ tối bập bùng những bếp lửa lính kéo dài xa hút trong sương ngó thấy ấm lòng. Những đống lửa chiều hôm ở bến sông xa khiến tôi nhớ bếp ấm quê nhà. Trong nỗi nhớ có riêng thêm một niềm kiêu hãnh ngấm ngầm của người lính vừa đánh thắng. Cảm xúc dấn thân chinh phục pha màu lãng tử ấy là có thật. Có thể nó bắt nguồn từ tấm lòng vị nghĩa hay đức hy sinh vốn có, bình thường vẫn tiềm ẩn đâu đó trong con người. Hoàn toàn không phải tư tưởng tiểu tư sản như các chính ủy tưởng tượng hay quy kết. Đập vỡ cây đàn H AI NGÀY LIỀN, đi đi lại lại gần năm chục cây số dưới trời nắng gắt làm tôi bết bát. Ba lô trên lưng, cuộn dây trên vai, ruột tượng gạo năm ký quàng cổ, cái máy điện thoại TA.130 Mỹ trẹo sườn. Tôi với anh Ky còn chung vác một khẩu AK Liên Xô có tay cầm nhựa màu đen và cây đàn guitar. Cây đàn này thằng Bình cho khi hai đứa về hai tiểu đoàn khác nhau. Lúc tôi vác đàn thì anh ấy vác súng. Lúc tôi vác súng thì đưa anh cây đàn. Cặp đôi luôn đi bên nhau ăn ý như Bá Nha với Tử Kỳ. Chúng tôi nhễ nhại mồ hôi, há mồm thở vì hành quân mang nặng. Tôi tháo rời cái băng đạn kép khẩu AK, gạ cho một thằng lính Đại đội 3. Nó không lấy bởi cũng đang thở dốc. Rình lúc không có ai để ý, tôi quăng hộp tiếp đạn xuống mương nước. Khẩu súng của tôi từ đó chỉ có một hộp tiếp đạn duy nhất. Trong tình thế này, cây đàn trở thành thừa và vô duyên. Đã thế còn bị đứt mấy dây liền do các ông tai trâu nghịch phá. Đến cái phum bờ sông đầu tiên, tôi bảo anh Ky đưa cây đàn cho em. Tử Kỳ chẳng chút nghi ngờ, chuyển liền tay. Bá Nha thả ba lô, điên tiết nghiến răng phang thẳng cánh cây đàn thân yêu thời học sinh vào cột nhà sàn. Bum một tiếng vang động nhói lòng. Có cả tiếng vang dây ngân cuối cùng trước khi cây đàn thoát xác. Thùng đàn vỡ toang. Tử Kỳ rên lên: “Ơ ơ.. thằng này”, giằng lại cây đàn vỡ, hoang mang xót xa bất lực. Đã muộn mất rồi cần gì thêm hối tiếc, dẫu hàng phím kia từng sáng lên giai khúc Đồng xanh, hộp âm kia từng phong kín hương thầm đầu đông hoa sữa. Phải sống đã, sau đó mới lãng mạn bao la được. Nhớ những buổi trưa nằm chốt biên giới, anh Ky tỉ mẩn rút lõi đồng điện thoại, quấn chặt từng vòng quanh cái lõi dây inox bé tí căng trên mặt ván, chế tạo cho tôi cái dây Ré, dây Mi trầm bị đứt. Khi nhàn nhã trà thuốc, chỉ yêu cầu mỗi bài “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa tươi mừng đón xuân về”. Sau này khi được xem bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, thấy cậu trai làng đốt cánh diều tuổi thơ lúc chia tay người yêu ra trận, tôi cười nhạt cúi đầu nhớ thương cây đàn cũ. Đàn tan diều cháy đã hóa vàng ngày xưa êm ấm thanh bình. Chết chóc chia ly theo chiến tranh kéo đến, giờ thản nhiên hóa kiếp nốt hai chục phím đồng khát khao lãng mạn. Trận mạc lược bỏ đi phù phiếm, tối giản phận lính trụi trần sinh tử còn vương ít nhiều tiếc nuối thuở thanh bình. Thẫn thờ ngồi thở dưới bóng cây, tôi lật đi lật lại cái lá vú sữa trong tay nhớ về bài văn đã đọc. Đâu như tả rằng chiếc lá vú sữa có hai màu. Mặt trên lá màu xanh thẫm bóng, mặt dưới lá vàng mịn như màu nước phù sa dòng Mekong đắp bồi nước Việt. Hai màu nhưng chỉ trên một chiếc lá bé bỏng. Với riêng tôi, sông nước Mekong là nơi tống táng nỗi mộng mơ tuổi trẻ đầu đời, có đôi mảnh đồng xanh thoát phím, có đôi bờ dốc xuôi mé quê nhà bời bời lau trắng. Hoa lau bay tung trời, xơ xác trong gió chướng mùa khô. “Ăn cơm đúng kẻng” H ÀNH QUÂN DĂM SÁU CÂY SỐ rẽ ngang hướng tây. Con đê lớn xuyên qua cái trảng chó ngáp, song song với mương thủy lợi. Đoạn cuối con đê, tiểu đoàn tiến vào một nông trường lớn của địch. Nổi bật trên nền xanh cây trái một tòa nhà xây lợp ngói đỏ lát gạch bông, có lẽ là hội trường. Cách đó không xa là nhà ăn tập thể liền bếp nấu lợp lá thốt nốt rộng rãi vuông vắn. Bàn ghế gỗ kê đơn giản nhưng ngăn nắp. Mấy chiếc nồi gang, chảo lớn bị bắn thủng hết đáy, không để cho ta sử dụng. Lính Pol Pot thực hiện tốt việc tiêu thổ. Một dãy nhà sàn nhỏ cùng kiểu, đứng cách nhau đều tăm tắp xen giữa hàng đu đủ trái lúc lỉu. Trợ lý dân địch vận bảo nhà hạnh phúc của tụi nó đấy. Thằng nào giết được nhiều nó cho về đây nghỉ dưỡng. Thấy cái kẻng treo đầu nhà ăn, thằng Cầm điếc anh nuôi nghịch gõ một hồi váng tai. Gà nghe kẻng bỗng nhiên ở đâu đổ về đông nghịt. Trời ơi! Lính đang đói chất tươi mà gà trống choai, mái tơ quàng quạc lao thục mạng qua các bụi cây, sấn vào bao vây khu bếp. Anh Nhương đi máy cùng chỉ huy tiểu đoàn, he hé mắt nhìn đàn gà âu yếm thở dài. Thằng Điệp liên lạc thả ba lô, liếc sang chính trị viên. Anh Thưởng già mặt lạnh thép nòng, bảo thằng Điệp giở cơm vắt chấm muối ra ăn. Thằng Luân lấy dao găm cắt cơm vắt. Anh Sơn cũng không nói gì, cầm miếng cơm thản nhiên nhai. Thấy tụi thông tin bậu xậu xung quanh chưa ăn, như còn ngần ngừ chờ đợi điều gì, anh Mão tham mưu bỗng nổi điên quát: “Tiên sư tụi bây, ăn ngay không tao vứt cơm cho gà ăn hết!”. Tôi gọt vỏ cứng vắt cơm, vứt cho đàn gà tranh nhau. Vừa nhai cơm vắt chấm muối vừa nhớ đến bài sinh vật học về phản xạ có điều kiện. Ăn cơm đúng kẻng hẳn lũ gà này đã được rèn luyện nhiều. Tài thật! Tài đến thế là cùng! Cháo gà đêm G ẦN TẾT NGUYÊN ĐÁN, gió chướng thổi lạnh cứng các tàn cây. Buổi đêm lạnh nên hay ngót bụng thèm ăn. Mười điều kỷ luật chiến trường đã có, nhưng chúng tôi trú quân ngay gần trại hậu cần nuôi gia cầm của địch, phải nhịn thèm là điều quá ư vô lý. Dường như không chịu được nữa, Tuấn còi trung đội phó thông tin sai tôi với thằng Tường lé mò xuống trại gà địch. Vừa sờ lườn được vài con thì thấy có ánh đèn pin loang loáng đi xuống. Bỏ mẹ! Tôi với thằng Tường vội trèo ngay lên sàn gà đậu, nằm im không dám thở. Anh Thào tiểu đoàn phó cùng thằng Điệp liên lạc đang xuống kiểm tra. Tay vung vẩy khẩu K.59, anh ấy quát hú hoạ: “Mấy thằng mò gà đâu ra ngay! Tao bắn bể sọ!” Im lặng nghẹt thở. Đám gà mé bên kia tự nhiên loác quác. Ánh đèn rê theo hướng ấy, quét đi quét lại vài lần. Thấy buồn buồn chớm nặng từ từ đè ngang lưng, tôi rờ rẫm chạm phải khúc gì lạnh lạnh, bỗng rủn người vung tay hất theo phản xạ. Xoạch! Phì… phì ì …. Thằng Điệp quay ngoắt lại, lia đèn vào chỗ phát ra tiếng động. Một con rắn đang lắc lư trên nền đất trong vùng sáng. Nó lia đèn loanh quanh một chút rồi chĩa thẳng vào mặt tôi đang nằm ép trên giá ngang sát mái. Tôi nháy mắt, hai thằng im lặng nhìn nhau nửa giây. Ánh đèn chĩa ra hướng khác. Tiếng chân hai thầy trò bước xa dần. Tôi và thằng Tường lé tụt xuống. Đêm lạnh nhưng mồ hôi ra ướt đẫm người. Hai thằng bóp cổ chết năm con gà mái tha về trung đội. Về đến nơi, cổ gà đã gần như đứt đôi vì tôi bóp chặt quá. Nước đã sôi sùng sục. Tuấn còi chửi: “Chúng mày làm chó gì mà lâu thế?”. Tôi nói không ra hơi, chỉ tay về hướng địch. Anh Hoạch chồm dậy khỏi võng dụi bớt lửa. Anh Nhương lấy tấm liếp thốt nốt che chắn xung quanh rồi sai thằng Vỹ ra gác. Một lát sau, nồi cháo thịt gà nhiều hơn gạo đã ngấu. Cả trung đội đang sì sụp ăn vụng bỗng giật nảy mình. Thằng Điệp liên lạc không biết từ đâu chui ra đã đứng lù lù trước đống lửa. Nó nhe răng cười chìa bát sắt ra. Thằng này khôn thật. Về sau này, có lẽ chẳng còn bát cháo gà nào với tôi ngon như thế nữa. Khế ước cách mạng G ẦN MỘT TUẦN SAU, xe trung đoàn đón chúng tôi về chốt phía đông cầu Sài Gòn, gần Ph’nom Penh. Bên phải vị trí dừng chân là bờ sông Mekong dốc đứng. Bên trái trải ra một bãi lầy với khu rừng thấp, ngập trong nước tù. Các ngôi nhà sàn không người ở, tọa lạc trên cột bê tông cao đứng dầm chân trong nước. Xóm nhà sàn nối với nhau và với đường bằng nhiều đoạn cầu dài lót ván gỗ, gắn hàng lan can mỏng mảnh. Những cây tràm lớn trụi lá thân trắng mốc, vượt hẳn trên tầm đám cây xanh thấp bên dưới, len lỏi chen quanh giữa khu nhà vắng tênh. Quân đội Kh’mer Đỏ đã bỏ chạy khỏi thủ đô. Dù chưa có ngày lễ chiến thắng hay cuộc duyệt binh nào được tổ chức nhưng chúng tôi mừng lắm, nghĩ rằng đã hết phải đánh nhau rồi, hòa bình rồi. Trung đội nằm giữa vườn sabôchê rậm rạp vùng ngoại ô, cạnh một trại nuôi gà. Đời lính của tôi chưa bao giờ có những ngày sung sướng đến thế. Mắc võng giữa vòm cây xanh mát. Trên đầu, sóc đi tìm quả chín chạy loạt soạt. Bầy sóc đặc biệt dạn người, khéo léo chạy chuyền trên những cành cây mảnh, đánh rơi những trái chúng ăn dở ngọt đến nhức chân răng. Chúng tôi kiểm tra địa bàn, vào nhà một lão già độc thân còn ở lại không chạy theo lính Pốt. Trong nhà không có gì ngoài mấy hũ trái sabôchê đang ủ dấm, thêm những kẹp cá lìm kìm khô hong khói trên giàn bếp. Đang tình trạng vô chính phủ lâm thời, có vẻ lão già muốn xí phần cát cứ khu vườn trái rộng ven sông này. Hắn hào phóng đãi chúng tôi khô cá lìm kìm hong khói với nước thốt nốt chua. Khi đã lâng lâng men vài ống, lão già dẫn cả tụi ra bờ sông. Một con thuyền nhỏ, gá một cái siệc hình chữ V bằng tre đan gióng trước mũi. Trên mặt sông, đàn cá kìm đang ve vẩy ngược nước trong bóng mát bụi tre lớn. Lũ cá kìm cùng đàn nhưng con to con nhỏ không đều nhau, lượn sóng uốn éo thân mình. Nước sông Mekong mùa khô trong lắm. Bóng rợp bụi tre khiến hình hài lũ cá kìm cũng trong veo, dường như lẫn với nước sông. Mỗi con cá có một cái mỏ kỳ lạ dài ngoằng ngoẵng, trông tựa cái kim tiêm mông sốt rét. Con to nhất đàn đang cặp ngang một con cá lòng tong bằng cái miệng đặc biệt ấy. Chú cá nhỏ giãy giụa vô vọng, cố thoát khỏi hàm con cá lớn. Lão già khéo léo luồn cái siệc ngầm bên dưới rồi từ từ nâng lên hốt gọn. Đàn cá lìm kìm sông xanh soi thấu bụng, quẫy đành đạch trong cái bẫy giản đơn, thấy rõ tận ruột cả những con cá con chúng đã nuốt. Giờ chỉ việc mang về làm sạch, phơi qua một nắng và đưa lên gác bếp xông khói. Giống cá này khi tươi mùi khá tanh, nhưng khi đã phơi khô được nắng và hong khói kỹ thịt rất dai và ngọt. Lão già rụt rè hỏi: “Liệu lão có thể ở lại cái nhà vườn này không? Có làm phiền gì đến bộ đội Việt Nam không?”. Trong cơn phê lòi men thốt nốt chua, hạ sĩ Vi Văn Ky vung tay, tuyên bố hùng hồn rằng: “Giải phóng Ph’nom Penh rồi, từ giờ trở đi đất vườn này của boòng pò ôn tuốt luốt”. Lão già ngư phủ Mekong sướng ngất ngư, chắc thấy mình hạnh phúc hơn vạn lần lão già biển cả có mỗi bộ xương con cá kiếm. Khế ước cách mạng, cơ hội đổi đời luôn được ban phát một cách bất ngờ, vào bất cứ lúc nào, thậm chí từ miệng một anh hạ sĩ quèn trong đội quân chiến thắng. Ngọt như trái mít Đ ÓNG QUÂN SÁT THỦ ĐÔ nhưng không được vào thành phố. Có lệnh cấm các đơn vị không có trách nhiệm không được vào Ph’nom Penh. Chúng tôi ra đường lớn chặn xe hậu cần, xin anh em ít dầu đổ cho thuyền dân, nhờ họ chạy thẳng đường sông đổ bộ lên bến Hoàng cung. Ph’nom Penh là một thủ đô chết, một thành phố ma không một bóng người. Đâu đó tại các ngã tư vắng, trên đại lộ dài lác đác vang động tiếng súng lẻ. Tiếng súng của mấy thằng lính, gọi nhau đầu đường cuối phố. Anh Khanh đại đội trưởng gật gù nhìn những chai rượu tụi tôi vác về, bảo kiếm đồ nhậu ngay các đàn em. Căn nhà sàn ban chỉ huy Đại đội 1 cắm chân xuống đìa nước tù nên chẳng phải kiếm đâu xa. Thằng Đồng nằm trên sàn nhà, thò nòng súng AK qua kẽ sàn gỗ hở rình mấy con cá lóc đen vẫn hay nổi lên đớp bóng. Anh Ky với tôi đi chặt chuối non và hái rau càng cua về trộn bột canh bóp ghém. Mâm nhậu bày ra toàn chén thìa kiểng sứ Giang Tây mới tự trang bị. Mấy chai rượu xanh sương mù đã lâu xếp hàng như quân đội duyệt binh. Bó lá thuốc Ara vàng đượm nén chặt vuông vức kế bên chờ tay bóc cuốn. Gió chướng ngoài sông thổi lộng ban chiều, lay lá vườn xanh trào lên như sóng biển. Bao trùm lên tất cả là xúc cảm chiến thắng, là hòa bình đang ngự trị. Đời thằng lính đã mấy phen được lúc lên voi. Thử hỏi trong không khí ấy ai không dám uống hết mình. Dòng rượu Brandy lâu năm mềm hơn hẳn rượu mía Tây Ninh làm chúng tôi méo tiếng. Anh Khanh lúc này mặt đã tím rịm, quát thằng Đồng đục hộp sữa Con Chim đổ vào pha với rượu. Màu nho sậm rượu trộn sữa đặc thành một thứ dung dịch quánh họng nhờ nhợ, nổi vân mây loang trong cái chén chung. Thằng nào bỏ tua tao bắn. Anh Khanh dốc gọn thứ dung dịch đặc biệt ấy vào họng, lè nhè đứng dậy. Ngoài cửa sổ bầu trời đã tối thẫm. Ánh điện sáng từ khu Hoàng cung vọng mặt sông hắt về khiến tôi nhớ nhà. Khung trời thương nhớ của tôi chợt bị cái lưng bè bè của anh Khanh che khuất. Bỗng dưng thấy cái lưng gập xuống rồi biến mất. Nghe một tiếng ủm dưới sàn. Thằng Đồng với anh Ky lao xuống thang, lôi đại đội trưởng từ dưới đìa gầm sàn lên. Đầu tóc người ngợm ướt đẫm toàn rêu bùn, anh Khanh vẫn còn the thé chửi chúng bây sao không hoan hô tao rớt ngọt như trái mít. Đó là những ngày hạnh phúc nhất trong đời lính. Mùa khô, không gian rộng dài, thoáng đãng và êm ả. Đất phù sa bờ bãi Mekong đi chân trần rời rợi mát mịn, chỉ cần ba xoa hai đập là sạch. Leo lên võng, trùm qua tấm đắp là có thể chìm sâu vào những suy nghĩ, tưởng tượng riêng tư. Gió đêm lạnh thoáng co vai, nhưng lại chóng lùa giấc ngủ đến nhanh. Chớm nghe chưa hết tiếng trái chín rụng đầu đêm, bình minh đã rựng đỏ một chân trời đậm hướng quê nhà. Đã lại bắt đầu một ngày mới, trên một miền đất mới. Prek K’dam Ả O TƯỞNG CHIẾN THẮNG hòa bình tan biến trong buổi trưa ngày 25/01/1979, tức ngày 27 Tết Kỷ Mùi. Tiểu đoàn 4 nhận lệnh hành quân. Lích kích súng đạn, hành quân dọc con đường ngược sông về Ph’nom Penh. Đến mũi đất phía nam sông Bốn mặt gần cầu Sài Gòn, các đại đội lần lượt tụt xuống bờ sông dốc đứng. Mấy chiếc tàu há mồm đang ủi bờ chờ sẵn. Chúng tôi xuống tàu, lùi lũi ngược dòng. Sông bốn mặt rộng mênh mông. Thủ đô Ph’nom Penh trải dài ven bờ phía trái tầm mắt. Mái vàng của Hoàng cung lấp lánh trong nắng. Từng vòm cây xanh ngắt ôm ấp những khu nhà ngói đỏ bé như bao diêm. Mùa này Tonle Sap chảy xuôi. Trước mũi tàu rẽ sóng, những đàn cá linh thấy động vụt nhảy rào rào trắng xoá. Có con vọt cả vào lòng tàu qua cái mũi bè bè chưa đóng hẳn. Ph’nom Penh lùi dần lại sau lưng. Hải trình rì rì giữa hai bờ sông bên dựng bên thoải. Chạy được khoảng gần 2 giờ, có tiếng đạn nhọn rộ lên bên sườn bờ bên tay phải, va choang choang vào vỏ thép khiến lính tráng ngồi thụp xuống lòng tàu. Đoàn tàu kéo sập kín mũi, né sang bờ hữu ngạn, tăng tốc phả khói đen mù mịt tiếp tục ủi sóng. Nắng mùa khô hun sàn thép nóng rẫy. Cả bọn lót khăn mặt dưới mũ che nắng gắt, vạ vật như gà vịt trong cái chuồng thép hai lớp. Chạy thêm một tiếng nữa, hải quân cập bờ trái, cày mũi trên con đường dốc phà nhỏ và ngắn. Các đại đội lần lượt đổ bộ. Nhiều thằng nóng quá, tranh thủ nhảy ùm xuống sông cho mát. Anh nuôi Đại đội 2 còn dắt dưới tàu lên một con ngựa thồ cái xoong quân dụng Liên Xô. Có rất nhiều ruột tượng gạo chất ngang thêm trên lưng nó. Địa hình ven bờ toàn bụi cây dại lúp xúp. Me tây cổ thụ mọc thành hàng trên bờ đất cao. Con đường đất chạy giữa một bên sông, một bên là đầm lầy. Trời đã mờ mờ tối. Đơn vị dừng lại cạnh một xưởng cưa bốn mái ven sông, triển khai đội hình. Cái xưởng cưa lợp tôn trắng rất lớn. Trong đó còn nguyên máy cưa và các súc gỗ tròn. Thời bình hẳn đây là cái bến gỗ sầm uất. Lát sau lại có lệnh tiến lên tiếp, nhường vị trí xưởng cưa cho trung đội pháo 85 ly đi phối thuộc. Bọn pháo quen mặt này đến đây bằng đường bộ. Trinh sát bám lên. Địch đào những con hào chống thiết giáp cắt sâu ngang đường. Những vết đào đất còn rất mới. Lò dò quãng nữa đến cái chùa nhỏ thì dừng lại. Anh Sơn bố trí sở chỉ huy tiểu đoàn ở luôn trong chùa. Đại đội 1, đại đội chủ công hôm sau còn phải lên trên nữa. Tôi và anh Ky rải dây lên đơn vị tiền tiêu. Bọn lính Kh’mer Đỏ có vẻ phát hiện ra điều gì đó đang đến. Một vài trái DK75 xeo xéo thăm dò vọt qua đầu. Trên mặt sông Tonle Sap, mấy chiếc tàu chiến nhỏ, đen trùi trũi đi phối thuộc với chúng tôi buông neo gần bờ chếch đằng sau. Đêm cuối tháng tối như mực, im phăng phắc. Máy 2W ngừng lên sóng. Anh Ky điều chỉnh mức chuông đổ, chỉ kêu cạch cạch nhỏ tý. Lệnh cấm đốt lửa! Chúng tôi đổ nước sông vào bịch gạo sấy hoặc xé mì tôm ra trệu trạo nhai sống. Xung quanh toàn cây bụi, không thể mắc võng. Cả chỉ huy sở Đại đội 1 và thông tin trải ni lông trên cỏ nằm. Sương đêm một lát đã làm ẩm tấm đắp mỏng. Trời tang tảng sáng. Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho Đại đội 1 qua máy điện thoại xong, 2W lên máy. Anh Nhương nói qua máy: “Chúng mày cứ nằm đấy không phải thu dây, tao cho chúng nó thu từ dưới này lên”. Bộ binh bắt đầu tiến. Dưới sông, tàu hải quân ngược nước song song. Hải quân phát hiện địch trước. Đại liên 50 hai nòng trên các tháp tàu khai hoả. Đạn nhọn đi cao, lòi trắng các cành me tây răng rắc trên đầu. Lính Đại đội 1 tiến dần lên dưới tầm đại liên bắn dọa. Địa hình hẹp bề ngang, nhiều vật che khuất. Dọc tuyến đường độc đạo ven bờ, đại liên địch khóa chặt dìm đầu chúng tôi xuống. Trên cái cồn chia đôi dòng sông, địch có một cái tăng PT.85 chôn âm, nguỵ trang đầy lá thốt nốt gióng nòng pháo bắn săn tàu chiến. Tàu chiến cơ động liên tục, xe tăng địch nã hơn chục phát không chiếc nào dính đạn. Hai khẩu 85 ly đi tăng cường cho tiểu đoàn trở nên vô dụng do không đẩy qua được các rãnh đào chống thiết giáp. Địch tựa vào bờ sông và cồn bên kia làm thế ỷ giốc. Bộ binh không tiến lên được. Cối 82 được yêu cầu bắn sát trước đội hình, dựng nòng thả đạn. Dưới sông, bốn chiếc khinh hạm yểm trợ nhau lần lượt quay đuôi về phía địch thụt cối 81. Đạn cối nổ trên bờ thì ít, rơi xuống sông thì nhiều. Cá chết cồn trên sóng, trắng xóa mặt sông. Tử sĩ được kéo về đến tiểu đoàn bộ. Vạch võng thấy vàng bệch thằng Thành, thằng Thư, rồi mấy anh em bổ sung đợt 1978 cùng đoàn. Lính mới thường mau chết sớm. Thằng Thái chết oan. Nó bị thương khát quá, cố bò xuống sông uống nước nên cũng không cứu được. Thằng Căn liên lạc chuồi xuống được lòng sông cõng nó về. Mấy chiếc tàu quân ta quần thảo được một lúc, bắn hết đạn cối rồi quay đuôi xuôi sông. Bộ binh cũng nằm luôn, không tiến nữa. Buổi trưa yên tĩnh trở lại. Trên mặt công sự, những con kiến chăm chỉ tha những cọng mì tôm vương vãi đêm qua. Đến trưa mới gọi được pháo 105 ly sư đoàn bắn chi viện vào ngã ba chùa. Tiểu đoàn 5 từ hướng lộ 5 đi Oudong đánh sau lưng tuyến chốt. Bên kia cồn sông tiếng động cơ rồ lên. Chiếc tăng PT.85 địch lùi ra khỏi ụ lủi đi thật nhanh. Khẩu DK82 Đại đội 4 bắn đuổi với nhưng không trúng. Bộ đội đã vượt qua được cầu. Anh Tuyển giựt khẩu B.41 thằng đi bên cạnh, phụt đại một trái xiên lên trời giục: “Lên đi các em ơi”. Nó chạy rồi. Trái đạn tự hủy trên không phía trước, tung chớp khói cam vàng xám. Ngay trước hầm địch 5m là xác thằng Năm trinh sát hy sinh hồi đêm. Súng đã bị thu mất, thi thể găm dày vết đạn. Thấy đôi dép cao su đúc của nó còn tốt, tôi tháo ra xỏ vào chân, quăng đôi giày thối xuống Tonle Sap. Đôi dép trầy trật máu đông của bạn, phải lấy cát xoa vào hết trơn mới xỏ chân được. Lầm bầm tôi khấn: “Mày cho tao xin đôi dép. Sống khôn thác thiêng phù hộ cho tao”. Tiếng lục lạc bò P HÁO 105 LY SƯ ĐOÀN CẤP TẬP. Chúng tôi đánh vượt qua ngã ba cồn sông. Con bò trúng pháo địch nằm quỵ thở khò khè trên sân chùa Kien Kh’leng. Con bò vô chủ, lòng ruột xổ trên nền gạch. Thỉnh thoảng khi nó rướn hớp không khí, vòng lục lạc đồng trên cổ lại ring ring như như hồi chuông báo tử. Tụi anh nuôi mấy đại đội vác dao lê sấn vào tranh nhau xả đùi sau. Đã bốn ngày đánh vận động tấn công, ăn cơm sấy và nhai mì tôm với nước lã nên lính đang thèm thịt. Con bò không đủ sức rướn lên nữa, mũi phì ra sầu bọt máu. Anh Mão tham mưu xông đến giật khẩu AK thằng Thiệu truyền đạt chửi: “Chúng mày không nhịn được à? Tránh ra không phải tội bây giờ, nó đã chết đâu”. Pằm pằm hai phát tiểu liên giữa sọ, đưa hồn guốc chẵn về đồng cỏ bên kia thế giới, nhưng đôi mắt hiền lành của nó vẫn mở thao láo. Anh Mão vứt trả khẩu súng cho thằng Thiệu, hầm hầm bỏ đi chỗ khác. Tụi lính chúng tôi lại xông vào. Chiều hôm đó là 28 Tết Kỷ Mùi, cả tiểu đoàn có món thịt bò tươi đón mùa xuân lang bạt. Những khẩu thịt thái con chì thô, đun sơ với bột canh trong thùng đại liên mới hắc mùi thuốc đạn còn ngọt đến tận bây giờ. Nhiều tháng sau, trung đoàn chúng tôi đánh thốc lên Kampong Ch’nang, lên Pursat, vào sâu trong miền núi Đậu Khấu - Aoral chiến khu của địch. Dân bạn bị quân Kh’mer Đỏ lùa đi trong cuộc thiên di tăm tối, chết vãn đi quá nửa. Họ chết đói, chết khát, chết bom đạn hay đơn giản chết do kiệt sức. Gia sản hành hương đến ngôi đền hoang tưởng do loài thú mặt người Pôn Pốt vẽ ra chỉ còn cỗ xe tàn và cặp bò nay trở nên vô chủ. Chúng tôi hành quân tìm dân diệt địch, đôi khi còn phải tháo ách cắt thừng, giải phóng cho lũ bò này đi kiếm cỏ ăn. Những đêm trở trời, sấm tháng Tư gọi mưa trong rừng khộp, phiên gác sâu nửa đêm về sáng có lúc nghe xa nghe gần tiếng lục lạc ring ring. Ấy là tiếng lục lạc bò nhà vô chủ đi ăn lẫn với bò hoang, với nai bầy ngoài rìa trảng sớm. Cũng có lúc tiếng lục lạc đến thật gần hầm gác rồi rụt rè im bặt. Biết đâu có con bò xưa thoảng nhận ra mùi phum cũ trong hơi áo lính, vì vẫn còn quyến luyến hơi người. Có những chuyện ngày xưa, trong khoảng chiều u ám bỗng trở về không hẹn, cố tình nhắc lại tiếng vọng thời gian từ một cái dây thiều cũ kỹ nhưng dai dẳng trong tâm khảm. Đôi khi nó chỉ là vị đắng liều thuốc phóng, hay chuỗi thanh âm mỏng mảnh không ngờ, như tiếng lục lạc ring ring ấy. Tết chiến trường S AU TRẬN CỒN NGÃ BA SÔNG, Tiểu đoàn 4 dừng chân ở một phum trù phú ven bờ Tonle Sap. Nắng đuối vớt trên những ngọn me cao, kéo ánh ngày sập nhanh xuống không ngờ. Một buổi chiều thờ ơ mỏi mệt, đến độ không ai nghĩ đó là chiều Ba mươi Tết. Tôi với anh Ky phệt dưới một gốc dừa ngồi thở, chờ lệnh Tuấn còi xem anh ấy dúi đi đại đội nào. Con chim cu từ đâu bay đến đậu ngay cuống hoa dừa. Con chim yếm cổ hồng sậm với những chấm hoa đẹp đẽ đậu gần, soạn giọng rướn lên tiếng gù trầm gọi bạn. Anh Ky xúi: “Mày bắn đi”. Tôi nheo mắt ngắm lẩy cò. Sinh linh có cánh rụng nhẹ nhàng như thả. Anh Ky nhặt chim, thổi lông ức phù phù bảo để tối nướng. Cuối cùng không ai phải xuống đại đội, tất cả gom về trung đội tạm nghỉ chân. Tôi, Thịnh đen, anh Ky chiếm cứ một cái nhà xây. Cái nhà nhỏ như cái trạm soát vé nằm ngay mặt đường đất. Bên kia đường là rặng me già sát sông Tonle Sap. Chúng tôi mắc võng vào các chấn song sắt cửa sổ chuẩn bị chỗ ngủ. Ăn tối xong một lát, anh Tuấn còi với một vẻ rất bí mật, lào thào qua kẽ răng gọi: “Chúng mày đâu, chuẩn bị làm thịt gà”. Bọn thằng Túy, thằng Vỹ từ dưới các đại đội về có xách theo mấy con gà mà tụi bộ binh đổi gạo cho dân mang về. Chúng tôi nổi lửa đun nước vặt lông. Anh Tuấn còi ở gần chỉ huy sở tiểu đoàn và đang là B phó Đảng viên nên rất có ý thức thực hiện những lệnh cấm vi phạm. Một anh lạ hoắc trong ban chỉ huy đi xuống trung đội, hỏi: “Chúng mày làm gì thế?”. Tôi thản nhiên bảo: “Chúng em đang nấu cháo gà”. Anh ấy chỉ hỏi tôi giọng rất hiền: “Chú em quê đâu?”.“Dạ em Hà Nội”. “Anh ở Thường Tín, cách nhà mày có hai chục cây thôi”. Nói xong anh ấy bỏ đi. Về sau tôi biết anh ấy tên Lộc. Hôm đó là ngày đầu tiên anh ấy về nhận chức chính trị viên phó tiểu đoàn. Giao thừa, tất cả các cỡ súng đồng loạt rộ lên. Tiếng đạn nhọn giòn như bắp rang của các đại đội trong tiểu đoàn, điểm nhịp trầm trầm tiếng hoả lực. Đạn vạch đường AK, đại liên, 12.8 ly từ các hướng, các đơn vị bay vạch ngang dọc bầu trời. Thậm chí còn có thể nhận ra những vệt đỏ lừ đạn chống tăng M.72. Sát ngay chỉ huy sở tiểu đoàn, bên trung đội trinh sát cũng đen đét một loạt AK nửa chừng. Ra gốc cây me bờ sông đứng nhìn lên trời, có thể quan sát nhận biết điểm dừng chân của bất cứ đơn vị Việt quân nào đang tham chiến trong vùng mặt trận Oudong. Chắc chỉ lính pháo là không dám bắn bậy. Từ hồi chiều, chỉ huy tiểu đoàn đã lệnh cho các đại đội cấm lính bắn. Nhưng tới giờ phút thiêng liêng nào ai kiềm chế được xúc cảm con người. Chúng tôi nhớ quê nhà lá dong khói pháo, hy vọng một ngày mai về lại, câu khấn thầm thằng bạn sáng nay tử trận, nỗi lạnh lùng cô đơn của người lính tha hương... Tất cả những ẩn ức dồn nén ấy chợt hộc lên trong tiếng súng, bi tráng và day dứt hơn bất cứ dàn giao hưởng nào. Như con sói của Jack London cũng đã từng tru lên như thế trong đêm lạnh dưới vầng trăng vùng cực. Nghe nỗi nhớ độc thoại với cô đơn, người lính thêm trưởng thành, thêm thương bạn bè cùng cảnh ngộ, dù trong khoảnh khắc giao hòa trời đất nơi xa xôi có nhoi nhói một nỗi tủi thân riêng tư. Ngày mùng 1 và các ngày sau đó, chúng tôi công khai đi đổi gạo lấy gà, heo ăn. Anh Hồng đại đội trưởng Đại đội 4, treo con chó vàng lên sàn, cắt tia hồng đánh tiết canh rồi rủ anh Sơn xuống nhậu. Tôi với anh Ky vác súng đi bắn gà rừng cải thiện. Cây cối rất rậm rạp, lính đi mò ăn không trông thấy nhau. Thấy tiếng súng bắn gà nhiều khi toác toác sát tai, biết chúng nó bắn thẳng hướng mình rất nguy hiểm. Một con chim cu đậu cành ngang, cách chỗ tụi tôi đứng khá xa. Tôi lấy súng, thực hành động tác đứng bắn. Con chim cu rụng ngay sau khi lẩy cò. Hai ngày hai chim không thể nói ăn may. Anh Ky chỉ cho tôi cái mũi vát đuôi nóc chùa thách bắn. Tôi kê súng lên cái bệ tượng tròn làm một phát. Mẩu vữa bé chót đỉnh văng tung lên trời. Anh Ky gật gật khen: “Khẩu súng này tốt”. Tính tôi vẫn còn trẻ con hiếu thắng, có cơ hội là nghịch phá ngay. Đánh nhau mấy trận đã bao giờ được bắn phát nào đâu. Đi sau ngứa ngáy muốn bắn không dám, sợ lại bắn vào lưng anh em. Chiến công thực sự của tôi cho đến khi đó mới chỉ là cá, gà và chim cu. Lăm thon gái góa S AU TẾT VÀI HÔM, Tiểu đoàn 4 xuống tàu há mồm ngược dòng lên KamPong Ch’năng, để lại Đại đội 2, một khẩu cối 82 ly của Đại đội 4 cùng sở chỉ huy nhẹ do anh Thoan tham mưu nắm bảo vệ trung đoàn bộ. Đại đội 2 và khẩu cối 82 do anh Hải chỉ huy, sang bên kia sông đóng trên cồn. Tiểu đoàn bộ nằm bên này sông, gần đại đội vệ binh. Mấy thằng thông tin gồm anh Ky, tôi, anh Thịnh và thằng Tuý vẫn nằm trong cái nhà xây cũ. Trung đội vận tải còn lại Hưng trắng, Thống và mấy đứa nữa ở trên một cái nhà sàn chân cao nằm trên đầm lầy. Hằng ngày có một cô gái chừng 17 tuổi khá xinh, hay đánh xe bò qua nhà bọn tôi, lên phum cạnh chùa lấy gỗ. Lúc thì đi một mình, lúc thì đi với một ông già. Hễ nó đánh xe qua tôi lại gào tướng duy nhất một câu mòn rỗng mà lính ta đứa nào cũng thuộc: “On sa lanh boòng tê?”. Nó chỉ hơi mỉm cười. Anh Ky nhăn mặt bảo: “Coi chừng bố con nó là gián điệp. Chở gì mấy cái cây nhỏ như khúc củi mà ngày nào cũng lượn qua đây mấy lượt”. Anh Ky nghĩ thế vì cái áo nó thường mặc màu xanh sĩ lâm, cái màu xanh đặc biệt chỉ có trong kho địch. Có một con “gián điệp” xinh ngắm cho vui mắt dẫu sao cũng đỡ buồn. Sắp rằm, trăng sáng vằng vặc. Mỗi buổi chiều tối, phía bên kia sông Tonle Sap nơi Đại đội 2 đóng quân, tiếng trống rom vông pừng pừng bay sang bờ bên này. Lính tiểu đoàn bộ không nhịn được nữa. Cơm tối xong, chúng tôi kiếm thuyền chèo đổ bộ sang xem. Một đội khá đông memai tóc ngắn, chen giữa lính bộ binh đại đội, đang đi vòng tròn theo nhịp quanh bãi trống. Bụi trăng mờ dưới những bước chân hăng hái. Các cô hơi thấp, nhưng dáng múa tròn trịa mềm mại. Mấy thằng lính ta chân cứng như tập duyệt đội ngũ, tay vươn nghều ngào. Ra bước lăm thon cũng không khó gì. Hai tiến một lùi theo nhịp cùng úp mở đôi tay cho khéo. Khi chân đã thuận nhịp, tay đã thuần đưa, bầu máu nóng tuổi xanh bỗng xui khiến con mắt tìm đến những cơ hội khác. Ánh trăng vừa đủ, để cho cảm giác những gương mặt giàu thêm nữ tính. Những bầu ngực trễ nải, rung theo từng bước ròm xoay lắc, văng xây xẩm mặt mày đám lính trẻ phần lớn chưa từng biết mùi ân ái đàn bà. Chạ tình tình – tinh tình. Nhiều chàng rời vòng múa, ra buồng dừa để sẵn chặt tu ừng ực. Giời xui tôi kéo đầu khăn cà ma khỏi cổ chị đang ròm ngay trước. Cô ấy bước ra khỏi vòng kéo lại, nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhìn lại như bị bỏ bùa, quyết không buông đầu khăn. Tụi lính cùng đám memai(3) đang say ròm, ré lên the thé cười phấn khích. Tiếng hỏa lực hướng Oudong bỗng dội lại dữ dội. Một loạt AK bên kia bờ bắn sang loác đoác. Tiểu đoàn bộ nổ súng sạt đầu gọi lính về. Đám ròm cấp tốc giải tán. Chúng tôi hò nhau chèo vội sang sông. Thuyền cập bờ mới tỉnh cơn mê. Trung đoàn báo tin địch vừa tập kích đêm ngay tại ngã ba Oudong. Hú hồn với đám memai vợ lính Pốt. Giải vây sư 341 M ỘT BUỔI CHIỀU, vào khoảng cuối tháng 2 năm 1979, mấy cái xe tải lạ chạy kè lộ 5, bốc Tiểu đoàn 4 thiếu lên xe, nhằm hướng Ph’nom Penh chạy tới. Nhưng xe không vào thành phố mà chạy lòng vòng. Tối mịt, xe đổ chúng tôi xuống vệ đường, nơi rừng ăn ra sát mép lộ. Đến đây mới được quán triệt nhiệm vụ, là đi phối thuộc, giải vây cho một đơn vị Sư đoàn 341. Xuống xe hành quân ngay theo bộ phận dẫn đường của đơn vị bạn. Tiếng pháo rền rền phía trước là đích đến của hành trình. Chúng tôi vào rừng theo con đường bò lớn, vừa đi vừa lôi cơm vắt ra gặm. Tháng hai nhưng lại đổ cơn mưa trái mùa khiến đường đi lép nhép. Mây mưa che trăng thượng huyền lúc sáng lúc tối, đủ để thấy đây là một cánh rừng toàn cây săng gai góc. Ngược hướng đơn vị, khoảng một đại đội lầm lụi cáng đoàn võng tử sĩ ra đường. Anh em để lâu đã lên mùi. Miếng cơm vắt đang nhai, muốn như nghẹn trào trong họng. Chặng hành quân ngắn. Tiếng pháo đề pa càng lúc càng gần. Vị trí tập kết tiểu đoàn tôi bạn bố trí ở trên một cánh ruộng sát bìa rừng, ngay sườn pháo đội 155 ly đang bắn. Có 4 khẩu đội liên tục bắn theo đợt. Chớp đầu nòng lựu pháo giật xanh lét. Mi mắt cũng như muốn giật theo tiếng dội tức ngực, rất khó chịu. Trước mặt đội hình tiểu đoàn có 7 cái thiết giáp M.113 đậu thành hình vòng cung rộng, bao quanh mấy đống lửa nhỏ. Lính thiết giáp đang ăn cơm vội. Tháp súng đại liên trên mỗi xe vẫn thấy đủ người gác. Nòng súng đại liên chúc xuống, ngó lom lom ra trước khoảng rừng tối. Đủ tăng đủ pháo gom cả ở đây chắc hẳn là chỉ huy sở cỡ sư đoàn. Chắc thiếu bộ binh nên họ hốt đơn vị mình về phối thuộc cho ấm sườn. Mưa lắc rắc lạnh. Nước ruộng mùa khô vẫn lắp xắp và muỗi nhiều vô kể. Tôi túm ngược tấm ni lông quanh người từ chân lên đến đầu, lừa lựa ngồi xuống tựa góc bờ mềm cho nước ruộng khỏi lọt vào, rồi quấn tùm hum kín đầu chống muỗi. Nghĩ bụng mình chui trong ni lông thế này, chẳng khác anh em được khiêng ra lúc nãy là mấy. Nước ruộng phùng phìu lạnh quanh lưng rồi cũng ấm dần lên. Đêm thượng huyền trôi vèo qua trong tiếng trọng pháo và tiếng muỗi ru điên. Địch rút lui nên chúng tôi không phải tham chiến. Xe lại bốc chúng tôi trả về cứ cũ. Chửi nhau với địch ở Oudong - Uống nước xác người trong đường sắt T Ừ TONLE SAP, chúng tôi lên hai cái xe tải chạy thẳng ra ngã tư. Suốt từ biên giới nước Việt đến đây, chúng tôi đã quen với đường chân trời hút tầm mắt. Giờ thì cảnh quan đã thay đổi. Xen giữa những khoảng ruộng là những đám rừng thưa cao thấp khác nhau về bình độ. Những quả núi đất thấp nhỏ, cây đã cháy trụi hết. Trên núi, những đền nhỏ hay tháp tượng nham nhở vì vết đạn, bị lửa xông cho đen thui. Có cái tượng bốn mặt bị pháo 37 ly tương đúng mép bay nửa mặt, xếch miệng lên cười trông rất quái hiểm. Núi nào cũng có tháp cổ. Bọn địch thường vác DK.75 lên núi để phụt vào đội hình hành tiến của lính ta trên mặt lộ 5. Ăn sáng xong lên đường. Mỗi thằng một vắt cơm to. Chúng tôi bám lộ 5 rồi tạt phải. Nhiệm vụ là giữ sườn phải cho Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3 thọc vào đường sắt. Khỏi mặt lộ 5 khoảng 500m là đụng địch ngay. Gần chục thằng áo đen chắc là trinh sát đi ngược chiều, thấy bọn tôi chạy lộn cắt ruộng về dãy thốt nốt đằng trước, quay lại bắn léc chéc. Chúng nó bám bờ cao ngăn các khu trảng ruộng bắn vào đội hình. Lúc gào trô trô đằng trước, lúc trô trô bên sườn, lúc lại đằng sau. Anh Hải quát: “Không được bắn bậy. Kệ mẹ nó, cứ từ từ bám địa hình tiến lên”. Lắm lúc đơn vị tránh trảng, thụt bám theo sườn cái bờ đập cao đi dòng dòng. Tụi nó bắn bên này thì tụi tôi lộn qua bên kia. Tụi nó qua bên kia thì bọn tôi lộn lại bên này. Lộn qua lộn lại những con đường bò xuyên thân đập. Một trò ú tim nửa trốn nửa tìm. Trên sóng 2W ở khắp các tần số, tiếng Việt lẫn tiếng Kh’mer loạn xạ, chứng tỏ có rất nhiều đơn vị tham chiến. Lắm khi cả ta và địch cùng dùng một tần số tới cả chục phút. Chúng nó chửi bọn tôi, thằng Túy chửi lại chúng nó. Thằng thông tin địch chửi tiếng Việt: “Đ… má tụi duôn bọn bây ngon thì qua đây”, rất sõi giọng Nam. Qua nửa chiều khát cháy cổ, chúng tôi đến hồ nước trên bản đồ gần đường sắt. Một cái hồ đục ngầu kinh tởm, sủi bong bóng dưới nắng và bốc mùi nồng nặc. Quanh bờ hồ, những cái xác người bị nắng gió mùa khô hun cho khô đét, toả mùi thối khẳm. Trên mặt nước, những gốc cây cổ thụ nhưng cụt tướp xơ, rễ chùm cắm xuống mặt hồ. Thân cây trắng toát như những thân tràm tróc vỏ hay gỗ đước lâu năm. Trong đám rễ chùm cá quẫy sòng sõng. Đang khát cháy, mấy đứa thấy có nước nhao ra. Mé trảng bên kia hồ nhìn rõ toán trung đội địch, có cả lính nữ, đội can nước tháo chạy. Khoảng cách cũng hơi xa và lính đang khát nước nên chẳng ai buồn nổ súng. Bây giờ tôi vẫn nhớ cái mùi nhàn nhạt, ngầy ngậy không đun của cái nước hồ ấy. Chắc chắn nước hồ này lẫn mỡ và nước xác người. Nhưng lúc đó cứ thế uống luôn cái thứ nước ấy mà không bị tháo dạ. Cơ chế cơ thể con người trong hoàn cảnh đặc biệt ưu tiên các vấn đề khác, quan trọng hơn là thiết lập một cơn đau bụng đi ngoài thuần tuý sinh lý. Đêm hôm đó chúng tôi nằm cạnh hồ nước. Đêm yên tĩnh, trôi qua rất nhanh giữa lòng địch ta xen kẽ kiểu xôi đỗ. Tôi và anh Ky trải ni lông nằm đất không mắc mùng. Chúng tôi và chỉ huy sở nằm trong vòng sẫm của những cây thốt nốt, dưới một bờ đất cao. Ngoài trảng ruộng, trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Các chòm cây thốt nốt lớn nhỏ, nằm lọt trên đồng không như những hòn đảo độc lập tối đen nằm trên biển sáng. Chỉ có những thằng ngu mới đi đột chốt vào những đêm như thế này. Mà qua cách giao lưu khinh khỉnh của bọn tôi với chúng nó suốt buổi ban ngày thì bọn Pốt phải hiểu rằng đã nhằn phải một đối tượng không dễ xơi. Tinh mơ hôm sau, súc miệng bằng loạt 12.8 ly của địch từ bên kia hồ quất sang. Khẩu cối 82 ly từ hôm qua vận động nặng đạn, nài nỉ mãi, chưa bắn một quả nào thì hôm nay được lệnh khai hoả cho bộ đội lấy nước. Hơn chục trái giã vào bìa trảng bên kia hồ. Bọn địch thôi bắn ngay lập tức. Lúc này từ các hướng khác, súng nổ rộ lên không lúc nào ngừng, từ sáng đến gần trưa. Nổ liên hồi không phân biệt được ta đâu, địch đâu, như trận đồ bát quái. Càng gần trưa địch giạt về hồ nước ngày càng nhiều. Lắm thằng tưởng đến khu an toàn, xồng xộc chạy ra hồ lấy nước trên mặt ruộng. Lính Đại đội 2 và đại liên thi nhau kéo cò, điểm xạ như bắn tập vì xuôi nắng. Đến mức bọn địch bên kia hồ phải bắn quét dọc lộ để cản quân nó chạy về làm mồi. Kỳ lạ là tôi nhịn cơm gần ngày trời mà không thấy đói. Đến chiều tà, có lệnh tạt về hướng Nam giải vây cho Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3. Tiểu đoàn tôi có duyên với Tiểu đoàn 8 này, kể từ khi nổ súng đánh trận mở màn vào S’vay Rieng. Trận đó D8 đã chạy tràn qua đội hình chúng tôi. Bây giờ lại cứu bồ trên một vùng đất khác. Mỗi đơn vị thường có cái “dớp” của mình. Anh Hải cho thụt thêm vài quả cối rồi lệnh cắt mạn Nam đường. Bọn đang bâu sườn đơn vị bạn bị chúng tôi tập hậu giạt chạy chí chết. Thấy quân đằng sau khơi khơi trên mặt ruộng càn tới, chúng nó tưởng là quân nhà. Đến khi Đại đội 2 nổ súng, tụi nó bất ngờ, đi đến đâu địch giạt ra đến đấy. Cùng tiểu đoàn bạn ra đến lộ 5, chúng tôi gặp anh Nguyễn Năng Nguyễn – E trưởng E3 lúc đó đang chỉ huy trực tiếp 5 khẩu DK.75 ly dàn hàng ngang trên mặt đường. Anh Hải tới chào thủ trưởng cũ. Anh Nguyễn trước là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 từ hồi tôi chưa vào. Cảm động nhất là ra gần sát lộ thì gặp Cáp đen cùng mấy thằng ốm ở cứ, xách súng gánh cơm vắt đi vào. Anh Hải có bảo là: “Mày biết chúng tao ở đâu mà đâm đầu vào rừng, liều thế?”. Cáp đen bảo: “Cứ chỗ nào nổ súng rát thì chúng tao đến đấy. Thế nào cũng gặp bọn mày”. Hai người bạn chí cốt này cùng quê cùng đoàn lính 74 vùng than Quảng Ninh. Về sau cả hai người đều hy sinh, người năm trước, người năm sau. Điều đặc biệt là suốt hai ngày đó, tiểu đoàn tôi không một ai mảy may bị thương hay hy sinh. Trong khi Tiểu đoàn 8 thương tử phải tới gần hai chục. Âu cũng là đạn biết tránh người. Đêm đó, chúng tôi lại về khu nhà tôn nằm. Ngủ như chết và không phải gác vì nằm sát trung đoàn bộ Trung đoàn 3. Ai nấy sau hơn hai ngày phơi nắng, quần nhau với địch rộc rạc cả người. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 L Ộ 5 ĐÃ THÔNG, Đại đội 2 và chúng tôi trở về đội hình tiểu đoàn bằng xe tải. Từ Oudong lên thẳng Kampong Ch’nang, rẽ phải xuôi ra bờ Tonle Sap. Tiểu đoàn 4 đã cùng tàu hải quân lên Kampong Ch’nang trước bằng đường thủy. Chúng tôi qua sông bằng thuyền của dân, nhập về đội hình tiểu đoàn. Trời ngả chiều. Quân phối thuộc bám theo đám dân từ bến sông về phum. Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại ngôi chùa lớn. Trung đội thông tin nằm trong cái nhà đúc 2 tầng cách chỉ huy sở 100m, chẹn ngang ngã ba từ tiểu đoàn bộ xuống Đại đội 4. Cái nhà không trát, đỏ hoét màu gạch trần lỗ chỗ vết đạn nhọn. Anh em không lên tầng 2, tụt cả xuống tầng trệt. Thằng Vỹ thông báo đêm nào cũng bị địch tập kích nên trung đội thông tin cũng phải đảm nhiệm một mũi. Về đến nơi mới kịp làm hụm nước, tôi và anh Ky được phân công xuống Đại đội 1. Anh Nhương đuổi bọn tôi đi sớm vì chiều đã tà. Đêm đầu tiên, vừa chân ướt chân ráo xuống đại đội, địch tập kích ngay. Tiếng súng rộ lên khắp các nơi, chủ yếu là đạn nhọn và M.79. Chưa bao giờ bị địch tấn công ban đêm nên tôi thấy lạ. Trước giờ chỉ có mình chủ động tẩn nó, còn lần này nó chủ động tập kích. Chỉ huy sở đại đội nằm sạp, trong cái lều vịt thấp lè tè im nghe tiếng súng. Khẩu cối tép nằm ngay cái lều bên cạnh, cách một khoảng sân cho vịt ăn. Khi Đại đội 2 chưa về đội hình, trung đoàn tăng cường cho Đại đội 1 tiền tiêu một khẩu DK.75, một khẩu 12.8 ly nên lúc này hỏa lực khá mạnh. Chúng tôi không bắn lại. Chỉ khi thấy chớp đầu nòng súng địch mới câu M.79. Đại đội 1 nằm tựa lưng một gò núi nhỏ mọc đầy tre gai, chẹn ngang con đường đất đi về phía rừng thưa. Nhìn thấy phía đó có cái sườn núi cháy nham nhở. Rừng thưa trên núi trụi lá, chỉ còn những thân cây khô trắng xám. Ban ngày yên tĩnh. Cánh đồng trống trải nhìn rõ những gò cây khô. Lính tráng đi lại kiếm ăn cải thiện khá thoải mái. Thằng Sơn ba tai còn kiếm đâu được con ngựa, cưỡi ra bờ sông sang thị xã Kampong Ch’nang kiếm rau ăn. Chiều tối cả người cả ngựa bơi vượt sông về. Tôi cũng thử cưỡi ngựa. Dù lót cả cái bao tải làm yên nhưng cũng trợt cả da mông vì mồ hôi ngựa. Buổi trưa, thằng Đồng Huế liên lạc phát hiện con trâu đang xồng xộc chạy trên đồng, từ hướng địch hay vào tập kích, có thể chúng cột mìn vào trâu. Nó thét: “Trâu Pốt, trâu Pốt vào!”. Tôi và nó nằm ngay trên sạp trong lều đại đội, vớ AK nhằm tương phát một. Con trâu loạng choạng lảo đảo ngã kềnh, lại thấy bóng người đang chạy tới. Bọn tôi tưởng địch đuổi trâu, đồng loạt quay sang ngắm bắn mục tiêu mới. Thằng Gia cà bây cối 60 hét lên: “Địch đâu mà địch. Ông Khanh đại đội trưởng đấy!”. Bọn tôi hoảng quá, liền ngưng bắn. Anh Khanh, đúng là anh Khanh thật, đứng dậy quan sát rồi bình tĩnh tiến đến con trâu chết. Sau một hồi hì hục giải phẫu, xách về một cái lưỡi, một quả tim, lừ lừ đi thẳng vào lều hỏi thằng nào vừa bắn. Thằng Đồng im lặng. Tôi đành đứng dậy: “Em bắn đấy, em tưởng địch”. Vèo... cái lưỡi trâu trên tay anh Khanh bay thẳng vào mặt. Phản ứng cực lẹ, tôi né được cú ném thứ nhất. Chưa định thần thì bụp cú nữa, quả tim trâu đầy máu đập ngay vào bụng tôi rồi lăn ra đất. Dường như đã hả tức, anh Khanh chửi rủa om sòm vài câu rồi thôi. Tôi cởi áo ra sau bụi le đái vào, vò sạch máu trâu mang giặt. Bây giờ là khoảng giữa tháng hai năm 1979. Một hôm, sau khi ăn cơm chiều, bọn thông tin chúng tôi sang A cối uống trà. Tự nhiên thấy anh Síu ôm cái đài chạy sang. “Này này, Trung Quốc nó đánh mình rồi!”. Chúng tôi chăm chú nhìn vào cái đài đang nói, quên cả uống nước. Được một tý thì anh ấy lại ôm cái đài chạy về lán đại đội. Chúng tôi và bọn cối cũng chạy theo. Lúc đó chỉ huy sở không có ai vì ông Khanh với liên lạc không biết chạy xuống trung đội nào. Một cái tin có lẽ quá gây xúc động nên anh Síu không thể nghe một mình. Lát sau mọi người về đủ. Chỉ huy cùng các cán bộ trung đội hội ý chiều. Hôm đó chẳng thấy ai cắt đặt nhiệm vụ gì như mọi ngày. Cả bọn im lặng hút thuốc rê, dỏng tai nghe đài. Lát sau khi hết tin, đến các đoạn nhạc tiến quân thì anh Khanh xua cán bộ trung đội về. Tôi không thấy lo gì, nghĩ rằng có thể đơn vị sẽ được rút về nước tẩn nhau với bọn này. Nếu đi qua nhà thì tôi sẽ chuồn về ít ngày cho đỡ nhớ. Nói chung lúc đó tâm lý bọn tôi không sợ bọn xâm lược Trung Quốc, chỉ sôi sục muốn được về nước ngay. Có một sự tự tin lớn, thậm chí khá ngông nghênh vì đơn vị chúng tôi đã trải qua nhiều trận đánh thắng. Có chết trận thì cũng chết ngay trên quê hương mình. Những đêm tháng hai năm đó mùa khô quá lạnh. Địch tập kích đã thành quen. Những đêm không có tiếng súng địch bọn tôi không thể ngủ được. Ai gác cứ gác, ai ngủ ngủ cứ ngủ. Chủ yếu là địch bắn vào. Lắm đêm tụi Pốt bắn quá rát, anh Síu gọi liên lạc cùng chạy xuống các trung đội đốc gác. Trở về thấy bọn phối thuộc chúng tôi vẫn nằm ngủ buông mùng trắng toát, cáu kỉnh chửi. “Tao đi đốc gác mà chúng mày vẫn cứ ngủ hả?”. Anh ấy điên lên, giật tung từng tấm mùng. Tôi với anh Ky lặng thinh, thu dọn lại chỗ ngủ, chẳng ai nói gì. Tiếng hú chim thiêng N HỮNG TRẬN TẬP KÍCH quấy rối đêm đêm của Kh’mer Đỏ hầu như không có tác dụng. Nhàm quen đến mức không có tiếng súng địch là chúng tôi đâm khó ngủ. Một trường hợp duy nhất gây thương vong do hai khẩu cối 82 ly Đại đội 4 bắn nhầm. Hai khẩu đội đóng sát nhau cách cái sân trường. Lính khẩu đội 1 chạy qua sân sang xin nước, bị thằng gác khẩu đội kia bắn què. Tuy nhiên địch vẫn quẩn bám chúng tôi rất sát. Bên Đại đội 3, một thằng địch phụ B.40 đeo giá đạn lạc hẳn vào đội hình. Lính ta thấy nó chạy lung tung, quát hỏi: “Mày trung đội nào?”. Nó không trả lời, chạy vọt ra cánh đồng. Đêm tối đen không ai dám đuổi. Anh Thoan gọi sang máy C tôi, báo chú ý địch đang vào gần lắm. Các hầm gác căng thẳng chờ đợi. Đúng lúc đó, từ trên không bỗng vọng xuống giọng hú dài, thảm thiết như tiếng khóc đám ma hờ người chết trẻ. Tôi nằm nghe, nghĩ đến chuyện ma thiêng hú oán, rợn hết da người. Anh Khanh đại đội trưởng đánh nhau lỳ thế hóa ra cũng sợ ma, quát khẩu đội thằng Dung bắn cối tép, lại giật tổ hợp gọi về tiểu đoàn xin hỗ trợ thêm cối 82 ly. Cối tiểu đoàn đề pa, chớp nổ ngoại vi tiền tiêu. Càng bắn, tiếng khóc không trung càng rền rĩ lúc xa lúc gần rồi đột ngột tỏa xuống da diết đúng ngay đỉnh đầu. Cả đại đội căng mắt dỏng tai nghe nhưng không ai biết là tiếng kêu gì. Điện thoại tiểu đoàn gọi xuống dồn dập, hỏi tại sao hỏa lực bắn thế mà địch không thấy động tĩnh. Lúc này mới nghe hướng Trung đội 2 có tiếng trung liên kéo đôi loạt ngắn. Tiếng AK địch đáp trả rất gần, sau nổ thêm 3 phát nữa nhưng xa mé ngoài cánh đồng. Tất cả chìm vào im lặng, chỉ còn tiếng khóc đỉnh trời vang mãi không thôi. Không ngủ được, anh Khanh gọi thằng Đồng cùng xuống các trung đội kiểm tra tình hình. Một lát sau trở về kêu tổ chức thêm vọng gác. Chỉ huy sở đại đội và tiểu đội cối 60 lập thêm một vọng gác chung phía sau nữa. Đêm dần qua. Buổi sáng, ngay trước hầm gác của thằng Cự lù lù một cái xác địch to vật. Nó vào đúng họng trung liên, chết sấp úp mặt xuống đất. Chúng tôi định lật xác nó lên nhưng anh Khanh cản lại. Săm soi một lúc, lại phát hiện thêm vệt máu nữa cách đấy chục mét rồi mất dấu. Anh em trở lại xác thằng địch chết, thận trọng lật lên đề phòng trái gài. Dưới bụng nó là khẩu M.79 đã bóp cò, vài trái lựu đạn. Bộ ka ki dày màu xám, trong túi mìn claymo có cái võng ni lông. Cái võng này tất nhiên thuộc về thằng Cự. Một cuốn sổ ghi chép linh tinh chữ loằng ngoằng như giá đỗ. Đôi dép cao su dày, cắt vuông đầu đuôi tự chế từ lốp xe ô tô. Moi quần thằng địch phụt ra cả một đám tinh dịch loang lổ. Hẳn nó đã mơ gặp người tình trước khi lên thiên đàng. Khẩu M.79 đã bắn nhưng đạn mới tòi ra khỏi nòng được một nửa vì ngã sấp, nòng cắm xuống đất. Thằng Đồng mang khẩu súng ra giếng cạn, lấy cây thọc cho đầu đạn rơi vào lòng giếng. Ban tác chiến trung đoàn dịch cuốn sổ, gọi xuống cho biết đây là bọn đặc công đêm qua định mật tập xơi tái đại đội chúng tôi. Thật may những con ma thiêng đã hú lên báo động. Sau này có người nói cho hay, chúng tôi mới biết đó là tiếng kêu của bầy chim công đất. Có thể hình dung tụi đặc công Kh’mer Đỏ mò vào gây động ổ làm bầy chim bay đêm kêu hoảng. Khi đại đội bắn cối, tưởng bị lộ nên tụi nó rút ra. Tổ ba người của thằng này đen đủi mò vào đúng họng RPD thằng Cự, dính đòn chết một bị thương một. Tiếng AK bắn 3 phát sau từ phía xa có thể là hiệu lệnh tập hợp đội hình rút lui của địch. Hú vía! Sau đêm chim hú, anh Hải cũng lạnh gáy, đòi tiểu đoàn đưa khẩu DK.75 và khẩu 12.8 ly lên tăng cường cho Đại đội 2 nhưng không được. Anh Hải không bằng lòng, thỉnh thoảng lại báo phát hiện trinh sát địch đang trèo cây trong cụm rừng chùa, xúi anh Khanh cho DK bắn. Những phát đạn xuyên 75 ly bay đỏ lừ trong ánh sáng ban ngày chui tọt vào rừng. Chính trị viên đại đội C ŨNG TRONG THỜI GIAN NÀY, một thằng bạn tôi, bỏ đơn vị đi từ hồi còn nằm chốt bờ đê biên giới quay trở lại đơn vị. Ba tháng ở nhà chắc hẳn khó yên được với tiểu khu phường đội. Nó lại vượt biên, lần mò vào được đến tiểu đoàn. Anh Sơn tiểu đoàn trưởng không nhận, bợp tai đuổi đi. Nó lần về đại đội chiến đấu cũ, Khương khàn Trung đội 2 vẫn chia cơm suất cho nó như thường. Lính tráng có suất, chó có khẩu phần như lính ta thường nói. Với anh em trung đội, thêm một tay súng lúc này là rất quý, là những ca gác đêm sẽ ngắn hơn một chút. Hôm đó khan đồ ăn, chúng tôi thịt con ngựa của thằng Sơn ba tai độ nhật. Mấy tối liền, nó ngủ ở lán anh nuôi. Anh Síu chính trị viên đại đội cũng làm găng, xuống đuổi đi nốt. Tôi bảo: “Mày cứ ở lỳ thêm một thời gian, các anh ấy hết giận thì nhận lại súng mà chiến đấu”. Vẫn như còn nhìn thấy bạn trong buổi chiều hôm ấy, tay mân mê cái nhẫn vàng đã quấn bọc lại bằng chỉ khâu cho khỏi mòn, cúi đầu nghe anh Síu chửi. Nó đã sai, nó nhận hèn nên không dám nói lại một câu. Anh Síu đuổi gắt quá, hết kiên nhẫn nên nó đành ra đi. Tôi với nó hai thằng trai hàng phố chia tay nhau lần nữa. “Không đánh Pốt thì bố về bố đánh Tàu”, nó chửi đổng thế. Thêm một thằng khác ở phố Mã Mây, đang thủ cây B.40 dưới Trung đội 2 cũng ra đi theo nó. Mất thêm người, anh Síu quay sang chửi cả tôi, bảo: “Mày là bạn thân với nó, sao không biến mẹ mày nốt đi”. Tiên sư nó uất quá thể. Tôi là đoàn viên thanh niên cộng sản, có phải là loại để ai đè đầu tiện mồm thì chửi đâu. Anh Síu lính đoàn Hải Hưng năm 1974 đóng hàm chuẩn úy. Anh có một cái hộp thuốc cá nhân bằng nhựa màu xanh của Trung Quốc. Trong đó đựng mấy tấm ảnh chụp hồi quân quản Sài Gòn. Chính trị viên trong ảnh mặc quần ga ba đin bộ đội bó ống, tóc để dài như mốt thanh niên thành thị. Thỉnh thoảng anh lại giở ra khoe. Hồi mới đánh vượt phà Niếc Lương, mười điều cấm lệnh chiến lợi phẩm vẫn duy trì. Lính trung đội 2 thèm chất tươi, đổi gạo lấy mấy con gà đem luộc. Anh Síu đi xuống hỏi chúng mày nấu gì đấy. Khương khàn bảo nấu nước uống. Một lát nước sôi, mấy cái chân gà trong nồi co lại đạp vung thò ra ngoài. Anh Síu không nói không rằng, hầm hầm bốc nắm cát lớn ném trọn vào nồi gà luộc rồi bỏ đi.