🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tác phẩm: Chuyện chúng ta bắt đầu
Nguyên tác: Our Story Begins: New and Selected Stories Tác giả: Tobias Wolff
Thể loại: Tập truyện ngắn
Dịch giả: Phan Việt
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm xuất bản: 11/2011
https://thuviensach.vn
Dự án Ebolic #7
Shooting: Hanki
Typing: Rylpee, Changling, My, Nguyễn Hoàng Ngân, Kpage Checking: Rylpee
Leading & Publishing: Tornad
Ngày hoàn thành: 30/4/2017
Ebolic là dự án chế bản ebook do Bookaholic thực hiện. Chúng tôi hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận và dựa trên tinh thần tự nguyện, với mục đích mang đến cho độc giả những đầu sách hay và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích độc giả mua sách in, và chỉ nên tìm đến ebook này khi không thể tiếp cận ấn phẩm sách.
https://thuviensach.vn
Liên hệ với Ebolic qua:
Email: [email protected] Group: facebook.com/groups/ebolic Fanpage: facebook.com/EbolicEbook
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ Nhà bên
Thợ săn trên tuyết
Kẻ nói dối
Người anh giàu có
Cá voi lớn
Giữa sa mạc, 1968
Có hay không?
Bất tử
Dây xích
Giấc mơ của Lady
Tuyết
Đêm đó
Phát đạn xuyên não
Căn phòng đó
Chờ lệnh
Con chó của bà ấy
Một sinh viên trưởng thành
Hỏi cung
Quyền được tin
Nụ hôn sâu
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Tặng các bạn yêu quý của tôi:
George Crile (1945-2006)
và
Bill Spohn (1944-2005)
Một lần nữa, và như mọi lần, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Catherine Wolff và Gary Fisketjon vì sự tận tình mà họ dành cho những truyện ngắn này trong rất nhiều lần đọc và trong rất nhiều năm. Và, vĩnh viễn, tôi cảm ơn Amanda Urban vì tình bạn và sự ủng hộ của cô ấy.
https://thuviensach.vn
Về cuốn
CHUYỆN CHÚNG TA BẮT ĐẦU
và Tobias Wolff
“Tobias Wolff là bậc thầy về truyện ngắn”.
(The New York Sun)
“Wolff nhắc chúng ta nhớ tại sao chúng ta vẫn phải đọc văn học để tìm hiểu về cuộc sống con người”
(Esquire)
“Kiềm chế, độc đáo, và gần như hoàn hảo về cấu trúc”.
(Entertainment Weekly)
“Wolff là người kể chuyện siêu hạng; ông có tài làm cho mọi thứ ông chạm vào trở nên thật”
(Newsweek)
“Truyện ngắn của Wolff là những bài thơ về cuộc sống ngày thường. Ông là nhà văn nhận thức sâu sắc rằng với một số người – có thể là với hầu hết con người – cuộc sống gồm toàn những ngày thường”.
(Chicago Sun-Times)
https://thuviensach.vn
“Sexy, khốc liệt, tinh vi, thông minh, và lôi cuốn… Nhờ Wolff người ta cảm thấy tẩm quan trọng của những câu chuyện với sự tồn tại của chúng ta”.
(Pittsburg Post Gazette)
“Một cuốn sách nên có trên giá sách của mọi người, bên cạnh Hemingwaỵ, Salinger, Flannery O'Connor, Raymond Carver, Gabriel Garcia Marquez, William Treo, và Alice Munro..”..
(Los Angeles Times Book Review)
“Cuốn sách này tập hợp một số truyện ngắn hay nhất của Tobias Wolff và phản ánh tài năng của ông với thể loại này. Trong những câu chuyện về các cặp vợ chồng, về những đứa trẻ giàu và nghèo, về những người lính và
những người mẹ…, giọng văn của Wolff luôn chân thực; ông đón nhận những kinh nghiệm của đời sống Mỹ bằng sự thấu suốt và bao dung”.
(New York Times Book Review)
https://thuviensach.vn
LỜI GIỚI THIỆU
với bạn đọc Việt Nam
Những truyện ngắn này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ; tuy thế tôi đặc biệt vui mừng khi chúng được dịch sang tiếng Việt. Tôi có một lịch sử cá nhân với Việt Nam: tôi từng học tiếng Việt trong một năm, rồi tới đồng bằng sông Mê-kông, vùng gần Mỹ Tho, vào năm 1967-1968 như một người lính. Tôi đã sống, làm việc với những người Việt Nam trong thời gian này và chịu tác động sâu sắc bởi những kinh nghiệm đó, nhất là sự thân thiện và tốt bụng của những con người tôi đã quen và cả phong cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam.
Tôi bắt đầu viết truyện khi còn nhỏ. Mẹ tôi là một người mẹ đơn thân; bà làm việc vất vả cả ngày và tôi thích viết cái gì đó để làm bà vui khi bà trở về nhà sau giờ làm việc – hồi đó chúng tôi không có vô tuyến. Tôi viết những câu chuyện phiêu lưu, những truyện ngụ ngôn về loài vật, truyện cổ tích, truyện về những người anh hùng phải đối mặt với những thử thách lớn. Tôi đoán rất nhiều đứa trẻ làm điều này, cho đến lúc chúng lớn lên và tìm ra cách sử dụng thời gian thực tế hơn. Tôi thì không bao giờ lớn. Những truyện ngắn và tiểu thuyết mà tôi đọc vẫn tiếp tục là nguồn vui với tôi trong thời thiếu niên và lúc trưởng thành – đầu tiên như một nguồn vui đơn giản, rồi sau đó như một cách để hiểu về thế giới và những con người quanh tôi. Và khi tôi viết những truyện ngắn và tiểu thuyết của chính mình, tôi mong muốn mang lại cho độc giả một niềm vui giống như niềm vui tôi đã có từ văn học, và cũng để mang lại một hình hài nghệ thuật cho những suy nghĩ và hiểu biết mà tôi có được từ các kinh nghiệm sống.
Mặc dù làm nhà văn ở Mỹ không dễ, tôi đã may mắn. Các tác phẩm của tôi đã được độc giả đón nhận và một trong các cuốn sách của tôi – cuốn hồi ký có tên Cuộc đời tôi1 – đã được chuyển thể thành phim với sự tham gia của
https://thuviensach.vn
một số diễn viên tuyệt vời. Nhưng hơn cả những thành công này, tôi tự coi mình may mắn theo nghĩa tôi có thể sống bằng cách viết truyện và đã biết những nhà văn Mỹ và Anh vĩ đại nhất của thời đại chúng ta – Saul Bellow, Raymond Carver, William Styron, Joyce Carol Oates, Richard Ford, lan McEwan, Martin Amis… Tôi đã sống cuộc đời mà một đứa trẻ viết truyện để làm mẹ vui không dám mơ tới.
Tôi đã viết những câu chuyện này trong khoảng thời gian 30 năm. Thực tế là tôi viết rất nhiều truyện khác ngoài những truyện trong tập sách này; cuốn sách này tập hợp những truyện ngắn mà tôi coi là thành công nhất. Tôi đã mất rất nhiều thời gian cho mỗi truyện, kể cả những truyện rất ngắn – tôi viết chúng, rồi viết lại, rồi lại viết lại thêm nữa, cho đến khi với tôi, mỗi câu, mỗi từ, mỗi dấu phẩy đều ở vào đúng chỗ của chúng; mỗi nhân vật được khắc họa với toàn bộ sự phức tạp nhân cách của nhân vật đó; mỗi câu chuyện được kể theo một lối có thể hé lộ những hoàn cảnh thách thức suy nghĩ của chúng ta, buộc ta phải lựa chọn như chúng ta vẫn phải làm trong cuộc sống thực: tức là lựa chọn không phải giữa những phiên bản trắng-đen của cái tốt và xấu mà giữa những sắc xám. Nếu những lựa chọn đạo đức lúc nào cũng rõ ràng với chúng ta thì cuộc sống sẽ trở nên dễ hơn rất nhiều. Tôi đã cố gắng diễn tả sự thật này trong tác phẩm của tôi.
Trên phim ảnh, người Mỹ thường được khắc họa như những hình mẫu hoặc đầy sự suy đồi thiếu suy nghĩ, hoặc có lòng tốt và sự anh hùng siêu việt. Dĩ nhiên, hầu hết người Mỹ không như thế. Họ vật lộn để nuôi gia đình giống như mọi người ở khắp nơi trên thế giới và họ cũng vật lộn để tìm ra đường đi đúng trong đời sống khi mà con đường đó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ nghĩ đến những người bạn gặp trong cuốn sách này như những tâm hồn đồng điệu, những người mà bạn có thể gặp trên đường phố ở New York, ở Berlin, ở Hà Nội, và nhận ra họ, và giơ tay chào.
California, 9-2011
TOBIAS WOLFF
https://thuviensach.vn
Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ
Hồi còn trẻ, Mary từng chứng kiến một đồng nghiệp tài giỏi và cá tính mất việc vì dám bày tỏ những ý kiến làm mếch lòng ban giám hiệu trường đại học. Cô có cùng quan điểm với người đàn ông này nhưng không ký vào bản kiến nghị. Thì bản thân sự tồn tại của cô đã là một kiến nghị rồi – trong vai trò là giáo viên, một người đàn bà, một nhà sử học.
Nhưng Mary cẩn thận theo dõi bản thân. Trước khi giảng bài, cô lên giáo án chi tiết toàn bộ bài giảng, cô dùng những luận cứ và lời lẽ của người khác – những tên tuổi đã được chấp nhận để cô không buột miệng nói điều gì đó sai lệch. Những chính kiến riêng của mình, cô giữ lại cho bản thân và khi thời gian qua đi, chúng cứ nhạt dần, nhạt dần mặc dù chúng không hoàn toàn biến mất mà chỉ co lại thành những điểm xa vời, bất an, giống như những cánh chim bay xa dần.
Khi khoa của cô biến thành một mớ bòng bong, Mary vẫn bình thản làm việc và giả như không biết rằng mọi người trong khoa cô ghét nhau. Để tránh tỏ ra là người tẻ nhạt, cô tự biến mình thành người độc đáo theo những lối vô hại. Cô bắt đầu chơi bowling, và cố mê trò này; rồi lại thành lập một chi hội tưởng niệm vua Richard Đệ Tam ở đại học Brandon. Cô thuộc lòng những câu chuyện đùa và trò tấu hài trên sách và băng đĩa; người ta rền rĩ khi nghe cô kể, nhưng cô không để điều đó cản trở mình; và sau một thời gian thì những tiếng rền rĩ trở thành một phần của sự hài hước – người ta cười để ghi nhận sự sẵn sàng phơi mình làm trò cười của Mary.
Thực tế là ở trường, không ai an toàn hơn Mary bởi vì cô đã biến mình thành một cái gì đó hết sức mô phạm – tương tự như một thủ tục hay một biểu tượng học đường; cô trở thành một phần của ý niệm về trường đại học.
Thỉnh thoảng, Mary tự hỏi liệu mình có cẩn trọng quá không. Những gì cô viết và nói có vẻ quá tẻ nhạt; chúng xơ cứng như thể đã bị ai đó vắt hết tinh chất. Và một lần, trong lúc nói chuyện với một giáo sư có tuổi, Mary thấy bóng mình trên cửa sổ; cô thấy mình ngả người về phía ông ta; đầu cô
https://thuviensach.vn
chúi về phía trước, đến mức vành tai hướng thẳng vào miệng của ông giáo sư. Mary ngờ rằng tật điếc của cô là hệ quả của việc lúc nào cũng cố gắng lắng nghe tất cả những gì người khác nói.
Trong nửa sau của khoảng thời gian mười lăm năm mà Mary làm việc tại Brandon, hiệu trưởng trường đại học triệu tập một cuộc họp của toàn thể giáo viên và sinh viên trong trường rồi công bố rằng trường học đã phá sản và sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Ông ta nói ông ta cũng ngạc nhiên như mọi người; ông cũng chỉ nhận được báo cáo tài chính của ban quản lý trường học vào sáng nay. Có vẻ như người quản lý tài chính của Brandon đã đầu cơ một loại chứng khoán nào đó và thua lỗ toàn bộ số tiền. Ông hiệu trưởng muốn đích thân công bố tin này cho toàn trường trước khi tin tức lan tới giới báo chí. Ông khóc và cả sinh viên lẫn giáo viên cũng khóc; chỉ trừ một vài người – những kẻ thượng lưu hoài nghi, những người đã luôn khinh rẻ nền giáo dục mà họ nhận được.
Mary không làm sao quên được từ “đầu cơ”. Nó có nghĩa là “dự đoán”, và trong vấn đề tiền bạc, thì nó có nghĩa là “đánh bạc”. Làm sao một người có để mang một trường đại học ra đánh bạc? Sao ông ta lại muốn làm như vậy? Và tại sao không ai ngăn cản ông ta? Chuyện cứ như xảy ra ở một thời đại khác; Mary tưởng tượng thời mà những ông chủ đồn điền say rượu có thể lấy nô lệ của mình ra đánh bạc.
Cô làm đơn xin việc và được nhận vào dạy ở một trường thực nghiệm tại Oregon. Đấy là lời mời làm việc duy nhất nên Mary chấp nhận. Cả trường chỉ có một tòa nhà. Chuông lúc nào cũng kêu, tủ đựng đồ của sinh viên sắp hàng ngay trong hành lang, và ở góc tường nào cũng có một máy nước uống kêu ì ì. Hai tuần một lần, tờ báo của sinh viên được xuất bản trên một loại giấy lúc nào cũng có vẻ ẩm ướt. Thư viện của trường – ở kề với phòng tập nhạc – không hề có thủ thư và rất ít sách. “Chúng ta còn phải cải tiến nhiều”, ông hiệu phó chuyên môn của trường thích nói đi nói lại câu này với mọi người.
Được cái, cảnh vật quanh trường rất đẹp và Mary lẽ ra đã có thể thưởng thức chúng nếu như những cơn mưa không làm phiền cô nhiều đến thế. Phổi
https://thuviensach.vn
của cô có vẻ không ổn mặc dù các bác sĩ không bao giờ biết rõ nó có vấn đề gì và cũng không chữa khỏi. Dù là vấn đề gì thì rõ ràng chúng trở nên tệ hơn khi thời tiết ẩm. Vào những ngày mua, máy trợ thính của Mary bị ù. Cô bắt đầu sợ phải nói chuyện vì không biết lúc nào mình sẽ phải lấy hộp điều khiển trợ thính ra đập đập vào chân.
Mà gần như ngày nào trời cũng mưa. Lúc trời không mưa là lúc trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong. Mặt đất lúc nào cũng nhão xệ dưới cỏ, và những ánh đèn luôn có một quáng vàng mà mỗi khi bão thì lại lóe sáng.
Tầng hầm nhà Mary rỉ nước. Những bức tường đổ mồ hôi và cô thấy nấm mọc phía sau tủ lạnh. Bản thân cô cũng như đang rỉ dần đi, giống như những cái ô tô cũ mà người ta bỏ mặc trong vườn nhà, lẫn giữa những đống gỗ mục. Mary biết ai cũng đang chết dần chết mòn nhưng cô thấy mình có vẻ như đang chết đi nhanh hơn họ.
Cô tiếp tục tìm việc khác nhưng không thành công. Thế rồi, vào mùa thu thứ ba ở Oregon, cô nhận được một lá thư từ một người phụ nữ tên là Louise – vốn trước đây cũng từng dạy ở Brandon. Louise đã thành công lớn với một cuốn sách về Benedict Arnold và giờ là giáo sư ở một trường đại học nổi tiếng tại miền Bắc bang New York. Chị ta nói rằng một đồng nghiệp ở khoa sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay và hỏi xem Mary có muốn xin vào vị trí này không.
Lá thư làm Mary ngạc nhiên. Louise coi mình là một nhà sử học giỏi và hầu hết mọi người đều vô dụng; Mary không hề biết là Louise nghĩ khác về cô. Hơn thế, Louise có vẻ không phải tạng người quan tâm đến đời sống của người khác; chị ta luôn luôn nín thở khi người đối thoại nhắc đến những cái tên quen thuộc, như thể chị ta biết rằng mình phải cổ gắng nhịn không nói gì về người kia.
Mary không mong đợi gì nhưng cũng gửi hồ sơ và một bản của cuốn sách cô đã viết. Không lâu sau đó, Louise gọi điện báo cho cô biết hội đồng tuyển giáo sư mà Louise là chủ tịch đã quyết định mời Mary tới trường
https://thuviensach.vn
phỏng vấn vào đầu tháng 11. “Nào, đừng hy vọng quá nhiều đấy!”, Louise nói.
“Ồ không”, Mary nói, nhưng rồi lại nghĩ tại sao cô không được hy vọng? Họ sẽ không tốn tiền đưa cô tới phỏng vấn nếu như họ không muốn tuyển cô. Và cô chắc chắn cuộc phỏng vấn sẽ tốt đẹp. Cô sẽ làm cho họ thích cô, hoặc ít nhất cũng không cho họ lí do gì để không thích.
Cô đọc trước về khu vực quanh trường học với một sự quen thuộc lạ lùng, như thể vùng đất đó và lịch sử của nó đã rất quen với cô. Và khi máy bay của cô rời Portland và lấy dần độ cao, Mary cảm thấy như mình đang về nhà. Cảm giác đó vẫn tiếp tục và ngày càng mạnh thêm khi cô hạ cánh. Cô cố gắng diễn tả nó với Louise khi họ rời sân bay ở Syracuse và lái xe về phía trường học ở cách đó khoảng 1 tiếng. “Cứ như là ký ức ở kiếp trước vậy”, Mary nói.
“Ký ức ở kiếp trước là chuyện hoang đường”, Louise nói. “Chỉ là một trạng thái mất cân bằng sinh học ấy mà”.
“Cũng có thể” Mary nói. “Nhưng em vẫn có cảm giác đó”.
“Không cần phải tỏ ra nghiêm túc với tôi đâu”, Louise nói. “Nó không hợp với cô. Cứ vui vẻ, thoải mái như cô hồi trước ấy. Nào, nói thật nhé, trông tôi thế nào?”
Trời đã tối, không thể nhìn rõ mặt Louise nhưng ở sân bay, trông chị ta có vẻ hốc hác, xanh xao, và căng thẳng. Chị ta khiến Mary nhớ đến những mô tả trong sách về những chiến binh Iroquois đã nhịn ăn nhiều ngày để thiền. Louise có cái vẻ đó. Nhưng chị ấy không cần biết điều này. “Trông chị rất tuyệt”, Mary nói.
“Có lý do đấy”, Louise nói. “Tôi đang có bồ. Giờ tôi tập trung tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và tôi sụt mười cân. Má tôi cũng hồng hơn, nhưng mà cũng có thể là do thời tiết. Nên có bồ. Nhưng mà cô chắc chả tán thành chuyện đó”.
Mary không biết phải nói gì. Cô nói cô tin Louise hiểu chuyện này rõ hơn cô nhưng có vẻ câu này cũng không đủ. “Hôn nhân là một thể chế tốt
https://thuviensach.vn
nhưng có ai lại muốn bị ràng buộc trong thể chế chứ?2” Louise rền rĩ.
“Tôi biết cô”, chị ta nói. “và tôi biết là bây giờ cô đang nghĩ, thế còn Ted thì sao, còn bọn trẻ con thì sao? Mary, thật sự mà nói, bọn họ không chấp nhận nổi chuyện này. Ted lúc nào cũng tra hỏi tôi”. Chị ta đưa túi xách cho Mary. “Hãy là một cô gái ngoan và châm cho tôi điếu thuốc được không? Tôi biết tôi đã nói với cô là tôi bỏ thuốc nhưng chuyện bồ bịch này làm tôi khổ quá, tôi sợ là tôi lại hút thuốc trở lại”.
Lúc này, họ đang lái xe qua những quả đồi hướng về phía bắc trên một con đường hẹp. Những thân cây cao đổ tán phía trên đầu họ. Khi họ lên đỉnh một ngọn đồi, Mary nhìn thấy những khu rừng xung quanh, chúng sâu và tối dưới bầu trời màu tía. Chỉ có một vài ngọn đèn sáng ở đây đó, khiến cho bóng tối dày thêm.
“Ted đã thành công mỹ mãn trong việc làm cho bọn trẻ con xa lánh tôi”, Louise nói. “Không thể nào nói chuyện được với mấy bố con nhà đấy nữa. Thực ra là họ từ chối nói chuyện với tôi; thật là buồn bởi vì bao lâu nay tôi đã cố gắng dạy bọn trẻ con phải cố nhìn vấn đề từ con mắt của người khác. Giá mà chúng chịu gặp Jonathan thì chúng có lẽ sẽ nghĩ khác đi. Nhưng bọn chúng thậm chí không thèm nghe tôi nói. “Jonathan là bồ của tôi”, Louise nói.
“Em hiểu rồi”, Mary nói.
Qua một khúc cua, ánh đèn xe của họ chiếu thẳng vào hai con hươu. Mary có thể thấy chúng căng thẳng khi xe của họ chạy ngang qua. “Hươu”, cô nói.
“Tôi cũng chẳng biết nữa”, Louise nói. “Chịu. Tôi cố hết sức rồi, nhưng có vẻ thế cũng chẳng ăn thua. Nhưng thôi, nói thế về tôi là đủ rồi; giờ hãy nói về cô. Cô nghĩ thế nào về cuốn sách mới của tôi?”, Louise kêu lên và đập tay vào vô-lăng. “Nói thật đi, cô thế nào rồi? Hồi Brandon đóng cửa, chắc là cô sốc lắm nhỉ?”
“Nói chung cũng hơi vất vả. Cuộc sống của em đến giờ cũng hơi khó khăn, nhưng nếu em được nhận công việc này thì cuộc sống sẽ tốt hơn
https://thuviensach.vn
nhiều”.
“Ít nhất thì cô cũng còn có việc làm”, Louise nói. “Lạc quan lên”. “Em cũng cố”.
“Cô có vẻ mệt mỏi. Tôi hy vọng cô không lo lắng về buổi phỏng vấn hay buổi giảng bài. Lo lắng chẳng được ích gì đâu. Cứ coi như đây là một chuyến đi chơi đi”.
“Buổi giảng bài? Buổi giảng nào?”
“Thì mai cô phải giảng thử sau khi phỏng vấn. Tôi không nói với cô à? Ồ, lỗi tại tôi, cưng ơi, lỗi tại tôi ở mọi đàng3. Gần đây tôi đãng trí khủng khiếp”.
“Em làm thế nào bây giờ?”
“Cứ bình tĩnh”, Louise nói. “Cô cứ chọn một chủ đề gì đó rồi phiêu thôi”.
“Phiêu?”
“Thì cô biết đấy, cứ mở miệng và chờ xem cái gì tuôn ra thì tuôn. Ngẫu hứng”.
“Nhưng em luôn phải chuẩn bị bài giảng trước”.
“Thôi được rồi, thế này nhé. Năm ngoái tôi có viết một bài báo về Kế hoạch Marshall4, nhưng sau đó tôi chán và không gửi đăng tạp chí nào cả. Cô có thể đọc bài đó”.
Lúc đầu Mary thấy đọc vẹt lại những gì Louise viết có vẻ không phải; nhưng rồi cô nhận ra là mình đã làm chuyện này nhiều năm nay và giờ không phải là lúc nói chuyện đạo đức.
“Đến rồi”, Louise nói và lái xe vào trong một con đường vòng có một vài căn nhà nhỏ bám dọc theo. Trong hai căn có đèn sáng và khói bốc lên từ các ống khói. “Trường học ở cách đây hai dặm”, Louise chỉ xuống phía dưới con đường. “Lẽ ra tôi đã mời cô đến ngủ ở nhà tôi nhưng tối nay tôi ngủ ở
https://thuviensach.vn
nhà Jonathan và Ted thì không được dễ chịu lắm vào những ngày này. Cô chẳng nhận ra được anh ấy đâu”.
Louise lấy hành lý của Mary ra khỏi cốp xe và mang chúng lên các bậc thềm của một căn nhà tối đèn. Louise nói: “Họ đã chất củi vào lò sưởi cho cô rồi đấy. Cô chỉ cần châm lửa là được”. Chị ta đứng giữa phòng, hai tay khoanh lại và quan sát Mary bật diêm châm lửa. “Rồi”, chị ta nói. “Sẽ ấm lên ngay thôi. Tôi cũng muốn ở lại nói chuyện với cô nhưng tôi đang vội. Cô cứ yên tâm ngủ đi nhé, tôi sẽ gặp cô vào sáng mai”.
Mary đứng ở cửa, vẫy tay chào trong lúc Louise đánh xe ra khỏi con đường, bánh xe nghiến những viên sỏi lạo xạo. Cô hít một hơi dài để cảm nhận vị không khí – nó sạch và ngai ngái. Cô có thể nhìn thấy rõ những ngôi sao và quầng sáng mờ mờ giữa những ngôi sao.
Mary vẫn cảm thấy không ổn về việc sẽ đọc bài báo của Louise như thể đó là bài báo của cô. Đây sẽ là hành vi đạo văn trọn vẹn đầu tiên của cô. Nó sẽ thay đổi cô. Nó có thể làm cho cô tồi tệ đi – còn tồi tệ đến mức nào thì cô không biết. Nhưng cô còn có thể làm gì? Chắc chắn cô không thể “phiêu” được. Có thể cô sẽ không cất nổi lời, và rồi thì sao? Mary sợ sự im lặng. Khi cô nghĩ tới sự im lặng, cô nghĩ tới việc chết đuối; im lặng là một thứ nước mà cô không thể bơi trong đó.
“Mình muốn có công việc này”, Mary nói, và thụt sâu người vào trong áo choàng. Đấy là một tấm áo cashmere và Mary chưa hề mặc nó kể từ lúc chuyển tới Oregon bởi vì dân ở đó cho rằng bất cứ thứ gì ngoài những chiếc sơ mi dạ Pendleton đều là trưởng giả; và dĩ nhiên lại còn có mưa. Cô vừa dụi má vào cổ áo dựng đứng vừa nghĩ tới vầng trăng bạc đang soi qua những cành sẫm trơ trụi, một ngôi nhà sơn trắng với những cánh cửa xanh, và những chiếc lá đỏ rơi rơi trong một bầu trời xanh thẳm.
Vài tiếng sau, Louise đánh thức cô dậy. Chị ta ngồi ở mép giường, lấy tay đẩy vào vai Mary và khụt khịt mạnh. Khi Mary hỏi có chuyện gì, chị ta nói “Tôi muốn nghe ý kiến của cô về một chuyện. Chuyện rất quan trọng. Cô nghĩ tôi có nữ tính không?”
https://thuviensach.vn
Mary ngồi dậy. “Louise, chuyện này để lúc khác được không?” “Không”.
“Nữ tính á?”
Louise gật đầu.
“Chị rất đẹp” Mary nói. “và chị biết cách thể hiện bản thân”.
Louise đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. “Cái thằng chết tiệt đó”, chị ta nói. Chị ta quay lại giường và đứng nhìn xuống Mary. “Nếu có ai bảo rằng tôi không hề có khiếu hài hước thì cô có đồng ý hay không?”
“Trong một vài vấn đề thì chị có khiếu hài hước. Ý em là, dĩ nhiên là chị có khiếu hài hước”.
“Cô nói trong một vài vấn đề nghĩa là thế nào? Ví dụ là vấn đề gì?”
“Thì, giả sử chị nghe thấy ai đó bị chết trong một tình huống kì quặc, ví dụ như là vì nổ bình ga, chị sẽ nghĩ như thế là buồn cười”.
Louise phá ra cười.
“Đấy, ý em là thế”, Mary nói.
Louise tiếp tục cười. “Ôi, Chúa ơi”, Louise nói “Giờ đến lượt tôi nói về cô”. Chị ta ngồi xuống cạnh Mary.
“Chị nói đi”, Mary nói.
“Chỉ một điều thôi”, Louise nói.
Mary chờ.
“Cô đang run kìa”, Louise nói. “Tôi định nói là, à, thôi, bỏ qua đi. Nghe này, cô có phiền không nếu tôi ngủ trên sô-pha không? Tôi thì chẳng sao cả”.
“Chị cứ tự nhiên”
“Cô chắc là không sao chứ? Ngày mai rất quan trọng với cô”.
Chị ta ngả người trên sô-pha và tụt giày ra. “Tôi chỉ định nói là cô nên dùng chì kẻ lông mày. Lông mày của cô nhạt quá, trông không được hay
https://thuviensach.vn
lắm”.
Cả hai đều không ngủ. Louise hút thuốc liên tục và Mary nhìn lửa tàn dần. Khi trời hửng sáng đủ để họ nhìn thấy mặt nhau, Louise trở dậy. “Tôi sẽ cử một sinh viên đến đón cô”, chị ta nói. “Chúc may mắn”.
Trường đại học trông hết sức mẫu mực. Roger, người sinh viên được giao nhiệm vụ đưa Mary đi thăm trường, giải thích rằng trường này lấy mẫu từ một trường đại học bên Anh, kể từ những cái tượng thú trên các nóc nhà cho tới các cửa sổ gắn kính màu. Trông nó giống hệt một trường đại học mà các nhà làm phim thỉnh thoảng lấy làm cảnh phim. Bộ phim Andy Hardy vào đại học đã được quay ở đây và mùa thu nào trường cũng tổ chức một ngày “Andy Hardy vào đại học” với những tấm áo choàng lông chồn và các cuộc thi nuốt cá vàng.
Trên cánh cửa tòa nhà tưởng niệm các sáng lập viên của trường là một dòng khẩu hiệu bằng tiếng La-tinh mà dịch thoáng thì có nghĩa là “Chúa cứu những người biết tự cứu mình”. Trong lúc Roger liệt kê tên tuổi những cựu sinh viên nổi tiếng của trường, Mary nhận ra những người này đều đã tuân thủ tuyệt đối khẩu hiệu trên. Họ đã tự cứu mình trong ngành đường sắt, hầm mỏ, quân đội, và chính trị, rồi cả các đế chế tài chính trên khắp thế giới5.
Roger đưa Mary đến nhà nguyện và chỉ cho cô thấy một tấm biển có tên của tất cả các cựu sinh viên từng bị chết trận kể từ thời nội chiến nước Mỹ. Không có nhiều tên trên tấm biển. Cả ở đây nữa, những sinh viên của trường đã tự cứu mình. “À vâng”, Roger nói khi họ rời khỏi tấm biển. “Em quên không nói với cô. Bục nhận thánh lễ được mang từ một nhà thờ bên châu Âu sang, chỗ mà vua Charles Đệ Nhất thường đi lễ”.
Họ đi vào nhà thể thao của trường, rồi tới hai sân chơi hockey, hai thư viện, nơi Mary kiểm tra danh mục sách như thể cô sẽ từ chối nhận việc ở đây nếu như họ không có những quyển sách cần thiết. “Chúng ta vẫn còn thời gian”, Roger nói khi họ ra ngoài. “Cô có muốn đi thăm nhà máy điện không?”
Mary muốn bận rộn liên tục cho tới phút cuối nên cô đồng ý.
https://thuviensach.vn
Roger dẫn cô vào sâu trong tòa nhà cơ khí của trường; cậu ta giải thích về các máy móc mà họ sẽ xem – rõ ràng chúng là các máy móc tân tiến nhất nước Mỹ. “Người ta cứ nghĩ trường đại học là chỗ cổ lỗ sĩ”, Roger nói. “nhưng thực ra không phải. Bây giờ sinh viên nữ cũng đến đây học và một số giáo viên là phụ nữ. Thực ra, theo luật của trường thì họ phải phỏng vấn ít nhất một phụ nữ cho bất cứ vị trí làm việc nào. Đây rồi”.
Họ đang đứng trên một lối đi nhỏ bằng sắt, phía trên một cỗ máy lớn nhất mà Mary từng thấy. Roger là sinh viên địa chất; cậu ta giải thích rằng cỗ máy này được thiết kế từ phát minh của một giáo sư trong khoa của cậu ta. Từ đầu tới giờ, Roger có vẻ nhút nhát, nhưng bây giờ cậu ta trở nên hết sức linh hoạt. Theo Roger, cỗ máy này là linh hồn của trường học, rằng mục đích của trường học là mang lại đầu ra cho cỗ máy. Roger và Mary đứng cạnh nhau, dựa vào lan can xem cỗ máy chạy đều đều bên dưới.
Mary đến gặp hội đồng tuyển việc vào đúng giờ phỏng vấn nhưng trong phòng không có ai. Cuốn sách của cô được đặt trên bàn, cùng với một bình nước và một vài cái cốc. Cô ngồi xuống, cầm cuốn sách lên. Gáy sách kêu lách cách khi cô mở cuốn sách. Những trang sách trong đó phẳng phiu, sạch sẽ, chưa hề được mở. Mary giở chương đầu tiên của cuốn sách; dòng đầu tiên của nó là “Người ta thường cho rằng…”.
“Thật nhạt nhẽo làm sao”, Mary nghĩ.
Gần hai mươi phút sau, Louise bước vào phòng cùng vài người đàn ông. “Xin lỗi chúng tôi đến muộn”, chị ta nói. “Chúng ta không có nhiều thời gian cho nên tốt nhất là bắt đầu luôn”. Chị ta giới thiệu Mary với hội đồng; có điều, trừ một người, tên và mặt của những người còn lại không khớp nhau. Trường hợp ngoại lệ là tiến sĩ Howells trưởng khoa. Ông ta có một cái mũi tái nhợt và hàm răng khủng khiếp.
Một người đàn ông mặt nhẵn bóng ngồi bên phải tiến sĩ Howells cất tiếng đầu tiên. “Theo tôi biết, chị đã từng dạy ở Brandon”.
“Thật tiếc là Brandon phải đóng cửa”, một người trẻ tuổi ngậm tẩu nói. “Có những trường như Brandon cũng tốt”. Trong lúc anh ta nói, cái tẩu
https://thuviensach.vn
ngoáy lên ngoáy xuống.
“Cô đang ở Oregon nhỉ”, tiến sĩ Howells nói. “Tôi chưa bao giờ đến đó. Cô có thích ở đó không?”
“Cũng không thích lắm”, Mary nói.
“Vậy sao?” tiến sĩ Howells ngả người về phía cô. “Tôi tưởng là ai cũng thích Oregon. Nghe nói ở đó rất xanh”.
“Vâng, đúng vậy”, Mary nói.
“Tôi đoán là ở đó mưa nhiều”, ông ta nói.
“Gần như ngày nào cũng mưa”.
"Thế thì tôi sẽ không thích” ông ta nói, đầu lắc lắc. “Tôi thích trời khô ráo. Dĩ nhiên ở đây thì có tuyết, và thỉnh thoảng cũng có mưa, nhưng là mùa khô. Cô đã bao giờ tới Utah chưa? Bang đó rất tuyệt. Có núi Bryce này. Rồi có dàn đồng ca đạo Mormon nữa”.
“Tiến sĩ Howells lớn lên ở Utah”, người đàn ông trẻ ngậm tẩu nói.
“Giờ thì ở đó khác lắm rồi”, tiến sĩ Howells nói. “trước thì vợ tôi và tôi vẫn tính là lúc nào nghỉ hưu thì quay lại đó sống, nhưng giờ tôi cũng chả chắc lắm”.
“Chúng ta không có nhiều thời gian”, Louise nói.
“Thế mà tôi thì cứ huyên thuyên”, tiến sĩ Howells nói. “Trước khi chúng ta nghỉ, cô có muốn nói gì với chúng tôi không?”
“Có. Tôi nghĩ là các vị nên nhận tôi vào làm”, Mary cười khi cô nói; nhưng không ai cười đáp lại, thậm chí cũng không nhìn cô. Tất cả họ đều nhìn đi chỗ khác. Mary đột ngột nhận ra rằng những người này không hề có ý định tuyển cô. Cô chỉ được đưa tới đây cho đúng quy định. Không hề có hy vọng nào cho cô.
Những người đàn ông thu dọn giấy tờ, bắt tay Mary và nói với cô họ chờ mong buổi giảng thử của cô. “Lúc nào tôi cũng muốn nghe về Kế hoạch Marshall”, tiến sĩ Howells nói.
https://thuviensach.vn
“Xin lỗi cô”, Louise nói khi chỉ còn hai người với nhau. “Tôi không nghĩ là mọi việc lại tệ như thế. Tệ thật”.
“Chị nói thật đi”, Mary nói. “Chị đã biết là các chị định tuyển ai rồi, đúng không?”
Louise gật đầu.
“Thế thì chị còn đưa tôi đến làm gì?”
Khi Louise bắt đầu giải thích về quy định tuyển dụng của trường, Mary ngắt lời.
“Tôi biết điều đó. Nhưng tại sao lại là tôi? Sao chị lại chọn tôi?”
Louise bước tới cửa sổ và nói trong lúc quay lưng lại phía Mary. “Chị Louise của cô cũng không được ổn lắm đâu. Gần đây tôi thấy buồn; tôi nghĩ là cô có thể làm tôi vui lên. Hồi xưa, cô rất vui tính; và tôi nghĩ là cô sẽ thích đến đây chơi – cô chẳng mất gì cả, mùa này ở đây lại đẹp, có lá vàng các thứ. Mary, cô không biết bố mẹ tôi đã đối xử với tôi như thế nào đâu. Ted thì cũng chẳng phải tạng vui vẻ gì. Còn Jonathan, cái thằng đểu đó. Tôi cũng đáng được yêu và có bạn chứ, nhưng tôi chẳng có ai”. Chị ta quay lại nhìn đồng hồ. “Sắp đến giờ cô phải giảng bài rồi. Chúng ta đi thôi”.
“Tôi không muốn giảng nữa. Đằng nào cũng có ích gì đâu”.
“Ồ, cô phải giảng chứ. Nó là một phần của cuộc phỏng vấn mà”. Louise đưa cho cô một cái cặp giấy. “Cô chỉ cần đọc cái này thôi. Có mất gì đâu; chúng tôi đã mất bao nhiêu tiền để đưa cô sang đây”.
Mary đi theo Louise qua hành lang vào lớp học. Các giáo sư trong khoa ngồi ở hàng ghế đầu, chân bắt chéo. Họ mỉm cười, gật đầu chào Mary. Phía sau họ là phòng học đầy sinh viên, một vài người phải ngồi ở lối đi. Một giáo sư điều chỉnh lại micro cho vừa với chiều cao của Mary; ông ta khom khom người khi chạy tới chạy lui quanh bục giảng như thể ông ta không muốn bị thấy mặt.
Louise yêu cầu cả phòng trật tự rồi giới thiệu Mary và chủ đề của bài giảng. Nhưng Mary đã quyết định sẽ “phiêu”. Cô đi tới bục giảng, cũng
https://thuviensach.vn
không chắc mình sẽ nói gì; cô chỉ biết cô thà chết còn hơn đọc bài báo của Louise. Mặt trời đang tràn qua những cửa sổ kính màu vào những người ngồi quanh cô, như phết sơn lên khuôn mặt họ. Những vòng khói dày từ chiếc tẩu thuốc của người đàn ông hút tẩu bảng lảng trong vòng ánh điện màu đỏ bao quanh chân Mary – những làn khói biến thành màu đỏ mận, uốn éo như những ngọn lửa. Cô cất tiếng.
“Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu trong số các em biết rằng chúng ta đang đứng trong Long House, một di tích cổ trong liên minh năm bộ lạc Iroquois”.
Hai giáo sư nhìn nhau. “Người Iroquois không biết cảm giác thương xót. Họ săn người bằng gậy, cung tên, giáo mác, lưới, và ống thổi tên làm bằng cây sậy. Họ tra tấn tù binh, không chừa một ai, kể cả trẻ nhỏ. Họ lột da đầu, ăn thịt người, và bắt nô lệ. Vì họ không biết cảm giác thương xót cho nên họ trở nên hùng mạnh; hùng mạnh đến mức không một bộ lạc nào dám chống lại họ. Họ bắt các bộ lạc khác phải cúng tiến, và khi những bộ lạc kia không còn gì để cúng tiến thì người Iroquois tấn công họ”.
Một vài giáo sư bắt đầu thì thầm với nhau. Tiến sĩ Howells nói gì đó với Louise và Louise lắc lắc đầu.
“Trong một lần tấn công”, Mary nói tiếp, “họ bắt được hai linh mục dòng Tên. Jean de Brébeuf và Gabriel Lalement. Họ đổ hắc ín lên người linh mục Lalement và đốt sống ông trước mặt linh mục Brébeuf. Khi Brébeuf phản đối, họ cắt môi và đút một thanh sắt nung đỏ vào cổ họng ông. Họ đeo vào cổ ông một cái cổ dề làm bằng những khớp sắt nung nóng và đổ nước sôi lên đầu ông. Khi ông tiếp tục giảng đạo, họ xẻo từng miếng thịt từ người ông và ăn sống chúng ngay trước mặt ông. Khi ông vẫn còn sống, họ lột da đầu ông, rồi banh lồng ngực ông ra và uống máu ông. Sau đó, tù trưởng của họ dứt tim Brébeuf khỏi lồng ngực và ăn sống; nhưng ngay trước khi ông ta làm điều này, Brébeuf cất tiếng nói với những người Iroquois một lần cuối. Ông nói..”..
https://thuviensach.vn
“Đủ rồi”, tiến sĩ Howells vừa quát vừa đứng bật dậy khỏi ghế. Louise ngừng lắc đầu. Hai mắt chị ta tròn xoe.
Mary cũng đã hết cái để nói. Cô không biết Brébeuf đã nói những gì. Im lặng dâng lên quanh cô; và ngay khi cô nghĩ cô sẽ chìm và mất dạng, cô nghe một ai đó huýt sáo ngoài hành lang bên ngoài – và luyến láy những nốt nhạc như một con chim, như cả một đàn chim.
“Hãy chỉnh đốn lại cuộc đời các người”, Mary nói. “Các người đã lừa dối bản thân bằng sự kiêu ngạo của trái tim và sức mạnh của cơ bắp. Mặc dù các người có thể bay cao như đại bàng, mặc dù tổ của các người được làm trên các vì sao nhưng ta sẽ hạ gục các người, Chúa nói. Đừng thần phục quyền lực, hãy thần phục tình yêu. Hãy tử tế. Hãy công bằng. Hãy khiêm cung”.
Louise đang vẫy vẫy tay. “Mary!” chị ta gọi to.
Nhưng Mary vẫn còn nhiều thứ để nói, còn rất nhiều. Cô vẫy lại Louise rồi tắt máy trợ thính để khỏi bị sao nhãng.
https://thuviensach.vn
Nhà bên
Tôi tỉnh dậy, sợ hãi. Vợ tôi đang ngồi ở mép giường, lay tôi. “Bọn họ lại bắt đầu rồi”, vợ tôi nói.
Tôi đi tới cửa sổ. Tất cả đèn trong nhà họ đang bật sáng, cả tầng trên và tầng dưới, như thể họ cần đốt tiền. Người đàn ông gào lên, người đàn bà hét cái gì đó đáp lại, con chó sủa. Tiếp đó là một khoảng lặng ngắn rồi đứa bé khóc – tội nghiệp.
“Anh đừng đứng chỗ đó”, vợ tôi nói. “Nhỡ đâu họ nhìn thấy anh”.
Tôi nói, “Anh sẽ gọi cảnh sát”, và biết rằng vợ tôi sẽ không để tôi làm thế.
“Thôi mà”, vợ tôi nói.
Cô ấy sợ rằng bọn họ sẽ đầu độc con mèo của chúng tôi nếu chúng tôi gọi cảnh sát.
Ở nhà bên cạnh, người đàn ông vẫn đang gào lên nhưng tôi không nghe rõ anh ta nói gì vì tiếng chó sủa và tiếng đứa bé khóc. Người phụ nữ cười to, ha ha ha; chị ta không muốn cười, rồi bất ngờ chị ta bật khóc. Rồi mọi thứ lặng đi.
“Hắn lại đánh cô ta rồi”, vợ tôi nói. “Em thấy cứ như là hắn đánh em”.
Nhà bên, đứa trẻ ngặt đi một hồi dài và con chó lại bắt đầu sủa. Người đàn ông bước ra khỏi nhà, đóng sầm cửa.
“Anh cẩn thận”, vợ tôi nói. Nàng quay lại giường và kéo chăn lên tận cổ.
Người đàn ông lầm bầm một mình và giật mạnh khóa về. Rút cục anh ta cũng kéo được khóa xuống và đi về phía hàng rào nhà chúng tôi. Đấy là một cái hàng rào trắng, được trang trí tử tế. Cái hàng rào không phải để ngăn người. Tôi đã tự tay dựng nó và trồng hoa kim ngân với hoa giấy dọc hàng rào.
https://thuviensach.vn
“Hắn đang làm gì đấy?” vợ tôi hỏi.
“Suỵt”, tôi nói.
Người đàn ông vịn một tay vào hàng rào, tay còn lại thì giữ cái của quý tiểu vào những khóm hoa. Hắn ta cứ thế đi dọc hàng rào, không bỏ sót một cây hoa nào. Khi xong việc, hắn giũ cái của quý, rồi kéo khóa về và quay trở lại lối vào. Hắn suýt trượt chân trên sỏi nhưng kịp lấy thăng bằng; hắn rủa rồi đi vào nhà, lại đóng rầm cửa.
Khi tôi quay đầu lại, vợ tôi đang ngồi chúi người về phía trước, quan sát tôi. Nàng nhướn lông mày. “Lại thế à?”
Tôi gật đầu.
“Cả hắn với con chó cùng thế thì làm sao mà mấy cây hoa của anh còn mọc được”.
Tôi muốn nói chuyện gì khác. Tôi không muốn nghĩ đến mấy cây hoa. Ở nhà bên, người đàn bà đang gào. Tôi nói, “Em nghe xem”.
“Hồi trước em còn thấy thương cô này, chứ giờ thì chả hơi đâu”, vợ tôi nói. “Từ sau tháng rồi thì quên đi”.
“Anh cũng thế” tôi vừa nói vừa cố nhớ xem chuyện gì xảy ra tháng trước. Tôi không thấy thương cô ta nhưng thực ra thì tôi cũng đã bao giờ thương đâu. Cô ta hay mắng đứa bé, và, xin lỗi chứ tôi không định phí nước mắt cho loại người đối xử với trẻ con như thế. Cô ta gào lên những câu kiểu như, “Tao đã bảo mày ở nguyên trên giường cơ mà”, mà đứa bé thì còn chưa cả biết nói.
Phải nói là cô ta thực ra cũng thuộc loại đẹp. Nhưng vẻ đẹp đó sẽ không bền. Cô ta thuộc loại không có khung xương đẹp. Trông cô ta mỏng mảnh, như thể cô ta chẳng ăn gì khác ngoài bánh quy và sữa. Da cô ta trắng. Đứa bé giống cô ta – dĩ nhiên là chả ai mong nó giống anh ta, vừa đen vừa lắm lông. Ngay cả khi anh ta mặc áo thì vẫn có thể đoán là anh ta có lông khắp lưng và vai – chắc là phải rậm và xoăn như lông chó xù.
https://thuviensach.vn
Giờ thì cả hai đang cùng gào thét, đã thế lại còn mở nhạc hết cỡ. “Anh thì chỉ thương đứa bé” tôi nói.
Vợ tôi lấy tay bịt tai. “Em không thể nào chịu được nữa”, vợ tôi nói. Nàng bỏ hai tay ra. “Anh xem vô tuyến có gì không”. Nàng ngồi thẳng dậy. “Xem ai ở trên chương trình Johnny Carson”.
Tôi bật vô tuyến lên. Cái vô tuyến này trước ở dưới phòng làm việc nhưng tôi mang nó lên cách đây vài năm khi vợ tôi bị bệnh. Tôi tự tay chăm sóc nàng – nấu ăn và làm tất tật mọi thứ. Tôi thành thạo đến nỗi tôi có thể thay khăn trải giường trong lúc nàng vẫn nằm trên giường. Tôi đã luôn định mang cái vô tuyến xuống dưới sau khi vợ tôi khỏi bệnh nhưng rồi tôi vẫn không làm. Giờ nó nằm trên một cái bàn nhỏ giữa hai chiếc giường đơn của chúng tôi. Johnny đang nói gì đó với Sammy Davis và Ed McMahon đang cúi gập người cười. Lúc nào ông ấy cũng vui vẻ. Nếu bạn phải đi một chuyến đi dài thì bạn nên chọn Ed McMahon làm bạn đồng hành.
Vợ tôi muốn biết còn có gì khác trên vô tuyến. “El Dorado”, tôi đọc. “Một câu chuyện phiêu lưu về một nhóm công dân đi tìm một thành phố huyền thoại có rất nhiều vàng. Nó được 2 sao rưỡi”.
“Công dân của cái gì?”, vợ tôi hỏi.
“Không thấy nói”.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định xem phim. Phim về một người đàn ông mù đi vào một thị trấn nhỏ. Ông ta nói rằng ông ta đã tới El Dorado và rằng ông ta sẽ dẫn một đoàn thám hiểm đến đó nếu họ sẽ chia cho ông ta một phần những gì tìm được. Ông ta không còn nhìn được, nhưng ông ta có thể gọi tên các dấu hiệu trong khi đi. Lúc đầu, người ta cười nhạo ông ta; nhưng cuối cùng, tất cả những công dân có địa vị cao nhất đã tập hợp nhau lại và quyết định thử đi tìm. Ngay lập tức, họ bị thổ dân Apache tấn công và một vài người muốn quay lại, nhưng cứ khi nào họ định quay lại thì người đàn ông mù lại chỉ cho họ một dấu tích mới, thế là họ cứ đi.
Ở nhà bên, người đàn bà đang phát điên. Chị ta nói với anh ta những lời mà không một ai nên dùng để nói với một người khác. Vợ tôi bồn chồn.
https://thuviensach.vn
Nàng nhìn tôi. “Em sang bên chỗ anh được không?”, vợ tôi hỏi. “Chỉ sang thăm thôi”.
Tôi kéo chăn xuống và nàng chui vào. Cái giường chỉ đủ cho một người; khi có hai người, nó trở nên chật chội. Chúng tôi nằm nghiêng, tôi ở phía sau. Tôi không có ý định nhưng chỉ một lúc sau là của quý của tôi bắt đầu cứng lên. Tôi vòng tay qua người vợ tôi. Tôi đua tay lên phía rặng núi Rocky của nàng, rồi đưa qua bình nguyên xuống dưới phía nam.
“Nào” vợ tôi nói. “Không học địa lý đâu. Không phải tối nay”. “Anh xin lỗi”, tôi nói.
“Em sang thăm không thôi không được sao?”
“Anh đã bảo anh xin lỗi rồi mà”.
Những người đi tìm vàng đang vượt qua sa mạc. Họ sắp hết nước ngọt và môi họ nứt nẻ. Mặc dù người đàn ông mù đã cảnh cáo nhưng một số người vẫn uống nước từ cái giếng độc và chết một cách thê thảm. Đêm đó, xung quanh đống lửa, những người còn lại bắt đầu cãi nhau.
Hầu hết họ muốn về nhà. “Chỗ này không phải chỗ cho người da trắng”, một người nói. “và tôi nghĩ là chưa có ai từng đến đây”. Nhưng người đàn ông mù tả cho họ nghe về một thỏi vàng ròng lớn và sáng đến nỗi nó sẽ thiêu cháy mắt người nào nhìn thẳng vào nó. “Tôi chính là bằng chứng” ông ta nói. Khi ông ta nói xong, những người đi tìm yên lặng; lần lượt từng người rời đống lửa và nằm xuống ngủ. Họ gối đầu lên tay và nhìn lên những ngôi sao. Một con chó sói tru lên.
Nghe tiếng chó sói, tôi nhớ ra tại sao vợ tôi không còn thấy thương người đàn bà ở nhà bên. Đấy là một tối thứ Hai cách đây chừng một tháng, ngay sau khi tôi từ chỗ làm về nhà. Người đàn ông đang đánh con chó; và không phải là chỉ đập nhẹ một hai cái. Anh ta đánh thật sự, cho đến lúc con chó thậm chí không cả kêu được nữa; con vật đáng thương lạc cả giọng. Cuối cùng thì việc đó cũng chấm dứt. Rồi một vài phút sau, tôi nghe thấy vợ tôi nói “Ôi!” và tôi đi vào bếp để xem có chuyện gì. Nàng đang đứng ở cửa sổ nhìn sang bếp nhà bên. Người đàn ông đang ghì người đàn bà vào tủ lạnh.
https://thuviensach.vn
Đầu gối anh ta nằm giữa hai chân chị ta và đầu gối chị ta ở giữa hai chân anh ta và họ đang hôn nhau cuồng nhiệt. Vợ tôi không nói gì trong vài tiếng liền. Rồi sau đó, nàng nói rằng nàng sẽ không bao giờ phí sự thương hại của nàng cho người đàn bà nhà bên nữa.
Nhà bên bây giờ đang yên lặng. Vợ tôi đã ngủ và tay tôi cũng tê bại dưới đầu nàng. Tôi rút tay ra, rồi co duỗi các ngón tay và nghĩ xem có nên đánh thức nàng. Tôi thích ngủ trên giường của tôi; cái giường cũng không đủ chỗ cho cả hai. Cuối cùng, tôi quyết định cũng chẳng hại gì nếu chúng tôi đổi giường một đêm.
Tôi ra khỏi giường và tưới cây một lúc, rồi mang một vài chậu cây tới cửa sổ, một vài chậu ra phía sau. Tôi tỉa những khóm hoa coleus đã mọc dài rồi bỏ những cụm hoa đã cắt vào một cái cốc nước trên bậu cửa sổ. Bên nhà hàng xóm, tất cả đèn đã tắt, trừ đèn trong phòng ngủ. Tôi nghĩ về cuộc sống của họ – và việc cái cuộc sống ấy cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác cho đến lúc dường như họ hiển nhiên phải sống như thế. Ai cũng bảo loài người thật tuyệt vời vì biết cách thích nghi với hoàn cảnh; nhưng tôi không chắc lắm. Ở Istanbul, một người bạn của tôi nhìn thấy một người đàn ông đi trên phố với một cái đàn piano khổng lồ ở trên lưng. Mọi người trên phố chỉ tránh ra cho ông ta đi chứ không ai giúp. Thật kinh khủng – những gì mà con người có thể trở nên thích nghi.
Tôi tắt vô tuyến rồi lên giường của vợ tôi. Mùi của nàng – ngọt và nồng nồng – dậy lên từ những tấm khăn trải giường. Nó làm tôi hơi say say nhưng tôi thích cái mùi này. Nó làm tôi nhớ đến hoa giành giành.
Lý do mà tôi không xem hết bộ phim là vì tôi có thể đoán được nó sẽ kết thúc thế nào. Những người đi tìm vàng rồi sẽ giết lẫn nhau, có lẽ khi chỉ còn cách thành phố vàng chừng mấy bước chân, và người đàn ông mù sẽ mò mẫm vào trong thành phố một mình mà không biết rằng ông ta đã trở lại El Dorado.
Tôi có thể làm một bộ phim hay hơn thế. Bộ phim của tôi sẽ kể về một đoàn thám hiểm, gồm cả đàn ông và phụ nữ; họ rời bỏ nhà cửa, công việc,
https://thuviensach.vn
và gia đình – rời bỏ tất cả những gì họ từng biết. Họ băng qua biển và tàu của họ bị đắm gần bờ một mảnh đất không hề có trên bản đồ của họ. Một người trong số họ chết đuối. Một người khác bị thú rừng tấn công và ăn thịt. Nhưng những người khác vẫn tiếp tục đi. Họ vượt sông và đi qua một núi băng khổng lổ bằng xe chó kéo. Họ đi ròng rã nhiều tháng trời. Ở trên núi băng, họ cạn lương thực và có một lúc, tưởng như họ sẽ cắn xé ăn thịt lẫn nhau, nhưng không, họ không làm thế. Cuối cùng, họ thống nhất là sẽ ăn thịt những con chó. Đấy là phần buồn của bộ phim.
Cuối phim, chúng ta sẽ thấy những nhà thám hiểm ngủ trên một đồng cỏ đầy hoa dại. Những bông hoa đẫm sương đêm và phủ đầy trên người họ – những cánh hoa chuông đất, hoa bóng nước, hoa sao, hoa huệ, hoa cúc đất, hoa violet, hoa cỏ – chúng phủ dày đến nỗi tất cả họ đều trở nên trắng xóa, đến nỗi không thể phân biệt người này với người khác, đàn ông và đàn bà, đàn bà và đàn ông. Rồi mặt trời mọc. Họ đứng dậy và giơ tay lên trời; trông họ như những thân cây trắng trên một mảnh đất mà loài người chưa từng đặt chân.
https://thuviensach.vn
Thợ săn trên tuyết
Tub đã chờ suốt một giờ đồng hồ dưới tuyết rơi. Anh đi đi lại lại trên vỉa hè để giữ ấm người và thò đầu ra khỏi vệ đường mỗi khi anh nhìn thấy có ánh đèn tiến lại. Tuyết rơi ngày càng dày. Tub đứng dưới mái hiên một tòa nhà. Phía bên kia đường, những đám mây phủ trắng bầu trời phía trên mái nhà và màu trắng loang ra khắp trời. Anh đổi khẩu súng săn sang vai bên kia.
Một chiếc xe tải chạy qua khúc cua, còi xé tai, đuôi xe trượt trên tuyết. Tub tiến sát mép vỉa hè, đưa một tay ra. Chiếc xe leo lên vỉa hè rồi cứ thế chạy, một nửa trên đường, một nửa trên vỉa hè. Nó không hề giảm tốc độ. Tub đứng sững một giây, tay vẫn chìa ra, rồi nhảy lùi lại. Khẩu súng săn trượt khỏi vai anh, đập xuống mặt băng và một chiếc bánh mì kẹp rơi khỏi túi áo. Chiếc xe tải phóng ngang qua chỗ anh và dừng lại ở cuối phố.
Tub nhặt chiếc bánh mì kẹp, khoác lại khẩu súng săn lên vai và bước về phía chiếc xe tải. Người lái xe đang gục người trên vô lăng, hai tay vỗ đùi và chân đập xuống sàn xe. Trông anh ta như một nhân vật phim hoạt hình đang cười. “Tub, giá mà anh nhìn thấy chính anh”, người lái xe nói. “Trông anh như một quả bóng chuyền đội mũ. Có phải không, Frank?”
Người đàn ông ngồi cạnh mỉm cười và nhìn đi chỗ khác.
“Cậu suýt cán tôi”, Tub nói. “Cậu suýt đâm chết tôi”.
“Thôi nào, Tub”, người ngồi cạnh lái xe nói. “Bình tĩnh đi. Kenny chỉ đùa thôi mà”. Anh ta mở cửa xe và dịch vào ghế giữa.
Tub gập khẩu súng săn lại rồi trèo lên ngồi cạnh người kia. “Chân tôi cóng hết rồi đây này”, anh nói. “Nếu các cậu định 10 giờ mới đến thì sao các cậu không bảo là 10 giờ mới đến?”
“Tub, từ nãy tới giờ anh chỉ toàn kêu ca phàn nàn”, người ngồi giữa nói. “Nếu anh định kêu ca rên rỉ cả ngày thì có lẽ anh nên về nhà mà kêu ca
https://thuviensach.vn
mắng mỏ mấy đứa con anh. Anh chọn đi”. Khi Tub không nói gì, anh ta quay sang người lái xe. “Được rồi, Kenny, đi thôi”.
Bọn trẻ hư hỏng nào đó đã đập vỡ kính chắn gió phía bên người lái xe, thế nên gió lạnh và tuyết xộc thẳng vào buồng lái. Máy sưởi không hoạt động. Ba người trên xe cố che chắn bằng mấy tấm chăn mà Kenny đã mang theo và kéo kín vành mũ trùm đầu. Tub cố gắng giữ ấm tay bằng cách chà chúng vào chăn nhưng Frank bắt anh dừng lại.
Họ rời khỏi Spokane rồi lái sâu vào vùng nông thôn, chạy dọc theo những hàng rào đen. Tuyết đã ngớt nhưng vẫn không thể phân biệt được ranh giới giữa trời và đất. Những cánh đồng loang lổ tuyết hoàn toàn bất động. Cái lạnh gột trắng mặt ba người và làm cho hàng râu quai nón nổi bật trên má và mép họ. Ba người dừng lại hai lần để mua cà phê trước khi họ tiến vào rừng, nơi Kenny muốn đi săn.
Tub đã muốn đi săn ở một chỗ khác; hai năm liền họ đã đi săn ở khu vực này mà không gặp bất cứ con thú nào. Frank thì không quan trọng đi săn ở đâu, cậu ta chỉ muốn thoát khỏi cái xe tải khốn khiếp. “Thấy chưa?”, cậu ta vừa nói vừa đóng sầm cửa lại. Cậu ta dạng hai chân, ngửa mặt lên trời, hai mắt nhắm lại và hít một hơi dài. “Phải hít thở cái không khí này này”.
“Đã thế”, Kenny nói. “đất này lại là đất hoang. Hầu hết đất ở quanh chỗ này đều có chủ”.
“Lạnh quá”, Tub nói.
Frank thở hắt ra. “Đừng có kêu ca nữa, Tub. Tập trung đi”. “Tôi đâu có kêu ca”.
“Tập trung”, Kenny nói. “Nếu không thì rồi cậu sẽ thấy mình mặc váy ngủ đứng bán hoa ở sân bay đấy, Frank”.
“Kenny”, Frank nói. “Cậu lắm mồm quá”.
“Rồi”, Kenny nói. “Tôi sẽ không nói một lời nào nữa. Ví dụ như tôi sẽ không nói gì về cái cô bảo mẫu nhỉ”.
“Cô bảo mẫu nào?”, Tub hỏi.
https://thuviensach.vn
“Chuyện riêng của hai chúng tôi ấy mà”, Frank vừa nói vừa nhìn Kenny.
Kenny cười phá lên.
“Là cậu khơi ra đấy nhé”, Frank nói.
“Khơi cái gì?”
“Này” Tub nói. “Thế có định đi săn không nhỉ?”
Họ bắt đầu tiến vào cánh đồng. Tub khó nhọc vượt qua hàng rào. Frank và Kenny có thể giúp anh; họ có thể nâng cao dây rào phía trên và dẫm đè lên dây rào phía dưới, nhưng họ không làm thế. Họ đứng nhìn. Có rất nhiều hàng rào và Tub thở hổn hển khi họ vào tới bìa rừng.
Họ săn suốt hai tiếng mà không thấy một con hươu nào. Không hề có dấu chân hay bất cứ dấu hiệu nào. Cuối cùng họ dừng lại ở một bờ suối để ăn. Kenny ăn một vài miếng pizza và vài thanh kẹo; Frank ăn một cái bánh mì kẹp, một quả táo, hai củ cà rốt và một miếng sô-cô-la; Tub ăn một quả trứng luộc và một cọng cần tây.
Kenny nói.
“Nếu có ai hỏi hôm nay tôi muốn được chết như thế nào thì tôi sẽ nói tôi muốn được xiên chả rồi đem nướng”. Cậu ta quay sang Tub: “Anh vẫn ăn kiêng à?” Cậu ta nháy mắt với Frank.
“Thế cậu nghĩ thế nào? Cậu nghĩ là tôi thích ăn trứng luộc à?”
“Tôi chỉ có thể nói đây là kiểu ăn kiêng duy nhất tôi từng biết mà càng ăn lại càng lên cân”.
“Ai bảo là tôi lên cân?”
“Ồ, tôi xin lỗi; tôi xin rút lại câu vừa rồi. Anh đang gầy mòn đi trông thấy. Có đúng không, Frank?”
Frank đang xòe bàn tay trên cái gốc cây mà cậu ta đã để thức ăn lên. Đốt ngón tay cậu ta có nhiều lông. Cậu ta đeo một cái nhẫn cưới to bản và trên ngón tay út bên phải có một cái nhẫn vàng, trên mặt nhẫn có một chữ F
https://thuviensach.vn
trông như bằng kim cương. “Tub”, cậu ta nói. “Mười năm nay, anh đâu có cúi người xuống nhìn hai hạt cà của anh được”.
Kenny cúi gập người xuống vì cười. Cậu ta tháo mũ, đập đập vào chân. “Thế tôi phải làm gì?”, Tub nói. “Hoóc môn của tôi nó thế”
Họ rời khỏi rừng và đi săn dọc theo bờ suối. Frank và Kenny đi một bên, Tub đi bờ bên kia, cả ba đi ngược lên đầu nguồn. Tuyết rơi nhẹ nhưng đã đóng thành một lớp dày và khó bước. Tub nhìn khắp nơi nhưng chỉ thấy mặt tuyết bằng phẳng, không một dấu chân; sau một hồi, anh không buồn nhìn nữa. Anh thôi không tìm kiếm các dấu chân thú và chỉ cố theo cho kịp Frank và Kenny ở bờ bên kia. Rồi một lúc, anh nhận ra anh đã không còn nhìn thấy họ nữa. Gió đang thổi từ phía bên anh sang phía bên kia; khi gió lặng, thỉnh thoảng anh nghe thấy tiếng Kenny cười – và không gì khác. Anh cố gắng đi nhanh hơn, xuyên qua những bông tuyết dạt, cố gắng bạt tuyết đi. Anh nghe thấy tim mình đập và cảm thấy hai má nóng ran nhưng anh không dừng lại.
Ở khúc quanh của dòng suối, Tub bắt kịp Frank và Kenny. Họ đang đứng trên một thân cây vắt ngang sang bờ của anh. Băng đã đóng lại phía dưới thân cây. Những cây sậy phủ băng nhô lên lởm chởm.
“Có thấy gì không?”, Frank hỏi.
Tub lắc đầu.
Ánh sáng ban ngày đã gần tàn nên họ quyết định sẽ quay lại đường cái. Frank và Kenny vượt qua thân cây; rồi cả ba đi xuôi dòng suối theo đúng những dấu chân của Tub trên tuyết. Họ đi chưa được bao xa thì Kenny đứng lại. “Nhìn này”, cậu ta nói và chỉ vào mấy dấu chân hươu chạy từ bờ suối vào rừng, vết chân của Tub chạy ngang qua những dấu chân hươu. Ngay trên bờ suối là mấy đống phân hươu rõ ràng. “Anh nghĩ đấy là cái gì hả Tub?”, Kenny đá vào mấy dấu chân. “Hạt điều trên bánh kem va-ni à?”
“Chắc là tôi không để ý”.
Kenny nhìn Frank.
https://thuviensach.vn
“Tôi bị lạc”.
“Anh bị lạc. Hay nhỉ”.
Họ lần theo dấu chân vào rừng. Con hươu đã nhảy qua một hàng rào ngập một nửa trong tuyết. Một tấm biển “Cấm săn” được đóng trên đỉnh một cái cọc rào. Kenny muốn đuổi theo con hươu nhưng Frank nói không đời nào, đừng bao giờ đùa với dân quanh đây. Cậu ta nghĩ có thể người sở hữu mảnh đất này sẽ để họ săn nếu như ba người vào xin phép. Kenny không chắc chắn lắm nhưng cậu ta nhận ra rằng cho đến lúc họ trở lại xe và lái ra đường rồi vòng trở lại thì có lẽ trời đã tối.
“Cứ bình tĩnh”, Frank nói. “Dục tốc bất đạt. Nếu số con hươu đó phải chết về tay chúng ta thì thể nào ta cũng thấy nó; nếu không thì thôi”.
Họ đi ngược trở lại phía chiếc xe tải. Phần này của khu rừng chủ yếu là thông. Tuyết được che chắn khỏi ánh mặt trời nên đóng một lớp băng mỏng bên trên. Mặt băng đủ khỏe để đỡ được Frank và Kenny nhưng Tub thì liên tục sụt xuống dưới. Khi anh vung chân bước, mép băng cứa vào ống quần anh. Kenny và Frank bỏ anh lại ngày càng xa, cho đến lúc anh không còn nghe thấy tiếng họ nữa. Anh ngồi xuống một gốc cây lau mặt. Anh ăn cả hai cái bánh mỳ kẹp và một nửa gói bánh quy – ăn một cách rất chậm rãi. Xung quanh hoàn toàn vắng lặng.
Khi Tub vượt qua khỏi hàng rào cuối cùng để ra đường cái thì chiếc xe tải bắt đầu chuyển bánh. Anh phải chạy đuổi theo xe và chỉ vừa kịp bám lấy cửa sau thùng xe và leo được vào trong thùng xe. Anh nằm đó, thở hổn hển. Kenny ngoái nhìn qua gương chiếu hậu, cười toe toét. Tub bò vào chỗ khuất gió sau cabin để tránh gió. Anh kéo hai cái vành che tai xuống và dựng cổ áo lên quá cằm. Ai đó gõ vào cửa sổ nhưng Tub không ngoái lại.
Anh và Frank đợi bên ngoài trong lúc Kenny vào bên trong trang trại để xin phép. Căn nhà cũ kỹ, sơn tường đã bong lên ở hai bên sườn. Khói bay về phía tây từ ống khói trên nóc nhà và tỏa ra thành một dải mây mỏng. Phía trên sườn đồi, một dải mây màu xanh cũng đang bay lên.
“Trí nhớ của cậu quả là ngắn”, Tub nói.
https://thuviensach.vn
“Cái gì?” Frank nói. Từ nãy đến giờ, cậu ta mải nhìn ra xa. “Ngày xưa, lúc nào tôi cũng về phe cậu”.
“Rồi, ngày xưa anh hay về phe tôi. Thế thì sao?”
“Lẽ ra cậu không nên bỏ lại tôi trong rừng như thế”
“Anh lớn rồi, Tub. Anh có thể tự xoay sở được. Mà này, nếu anh nghĩ anh là người duy nhất có chuyện phải lo thì anh sai rồi”.
“Cậu có chuyện gì hả Frank?”
Frank đá vào một cành cây thò ra khỏi tuyết. “Không có gì”, Frank nói. “Kenny nói chuyện cô bảo mẫu là có ý gì?”
“Kenny chỉ được cái lắm mồm”, Frank nói.
Kenny bước ra khỏi trang trại và giơ ngón tay cái lên ra hiệu mọi việc ổn cả. Cậu ta bắt đầu bước về phía bìa rừng. Khi họ vượt qua một chuồng gia súc, một con chó săn màu đen với một cái mũi chảy nước vụt ra sủa chõ vào họ. Mỗi lần sủa, con chó lại lùi lại một tí, như một khẩu thần công bị giật ngược trở lại sau mỗi lần nhả đạn. Kenny cũng phủ phục xuống trên hai tay hai chân rồi kêu ăng ẳng và sủa ngược trở lại con chó. Con chó lủi vào trong chuồng gia súc, vừa chạy vừa thỉnh thoảng lén nhìn lại.
“Đúng là chó già”, Frank nói. “Lão làng. Chắc phải 15 tuổi trở lên”. “Già cóc đế”, Kenny nói.
Qua khỏi chuồng gia súc, họ băng ngang qua những cánh đồng. Đất ở đây không có hàng rào bao quanh và mặt băng dày nên họ có thể đi nhanh. Họ men theo bờ cánh đồng cho đến khi họ nhìn thấy dấu chân hươu và lần theo nó vào trong rừng, càng ngày càng sâu về phía những quả đồi. Những hàng cây bắt đầu mờ dần cùng bóng tối, gió bắt đầu mạnh lên, cuốn những vụn băng nhọn từ mặt đất lên châm vào mặt họ. Cuối cùng, họ mất dấu chân hươu.
Kenny chửi thề và ném cái mũ xuống đất. “Đây là ngày đi săn tồi tệ nhất trong đời tôi, chưa bao giờ tệ thế này”. Cậu ta nhặt mũ lên rồi phủi
https://thuviensach.vn
tuyết đi. “Đây là mùa đầu tiên tôi không săn được con hươu nào kể từ khi tôi 15 tuổi”.
“Vấn đề không phải ở con hươu” Frank nói. “Vấn đề là ở chuyện đi săn. Có rất nhiều yếu tố khác nhau trong tự nhiên, cậu phải thuận theo tự nhiên”.
“Cậu đi mà thuận theo chúng”, Kenny nói. “Tôi thì vào rừng là để săn hươu chứ không phải để nghe mấy cái triết lý nhảm nhí đấy. Mà nếu không tại anh béo này thì tôi đã săn được con hươu rồi”.
“Đủ rồi đấy”, Frank nói.
“Còn cậu nữa, cậu thì quá mải nghĩ đến cái cục cưng quý hóa của cậu nên dù có hươu ngay trước mặt thì cậu cũng chả nhận ra”.
“Cậu im đi”, Frank nói và bỏ đi.
Kenny và Tub đi theo cậu ta trở lại cánh đồng. Khi họ tiến gần tới trang trại, Kenny dừng lại, chỉ vào tấm biển cấm săn. “Tôi ghét cái biển cấm đó”, cậu ta nói rồi giương súng lên, siết cò. Tiếng súng nghe như tiếng một cành cây khô gãy xuống. Cái biển toác từ mép bên phải lên tận đỉnh. “Đấy”, Kenny nói. “Nó đã chết”.
“Thôi đi” Frank vừa nói vừa tiến lên phía trước.
Kenny nhìn Tub. Anh mỉm cười. “Tôi ghét cái cây kia”, Kenny nói và lại nổ súng. Tub vội vã đuổi theo Frank. Anh vừa định cất tiếng thì con chó từ trong trại gia súc chạy ra và sủa bọn họ. “Thôi nào, thôi nào” Frank nói.
“Tôi ghét cái con chó đấy”, Kenny nói sau lưng họ.
“Đủ rồi đấy”, Frank nói. “Cậu bỏ súng xuống đi”.
Kenny lại nổ súng. Viên đạn xuyên thẳng vào giữa hai mắt con chó. Nó gục xuống tuyết, hai chân xoạc ra hai bên, đôi mắt màu vàng mở to, trợn trừng. Ngoại trừ vết máu, trông nó giống như một tấm thảm da gấu. Máu chảy dọc mõm con chó xuống tuyết.
Cả ba đứng nhìn con chó nằm trên tuyết.
https://thuviensach.vn
“Nó đã làm gì cậu nào?”, Tub nói, “Nó chỉ sủa thôi”.
Kenny quay sang Tub. “Tôi ghét anh”.
Tub vẩy súng từ ngang hông. Kenny giật người ra phía hàng rào rồi khuỵu đầu gối xuống. Cậu ta quỳ ở đó, hai tay ấn vào bụng. “Nhìn đi”, cậu ta nói. Hai bàn tay cậu ta đẫm máu. Trong ánh hoàng hôn, máu của cậu ta có màu xanh nhiều hơn là màu đỏ. Trông như thể nó thuộc về những bóng cây, hoàn toàn ăn nhập với chúng. Kenny từ từ nằm ngửa ra. Cậu ta thở dài mấy lần. “Anh đã bắn tôi”, cậu ta nói.
“Tôi không có cách nào khác”, Tub nói. Anh quỳ xuống cạnh Kenny. “Ôi Chúa ơi”, anh nói. “Frank, Frank”.
Frank vẫn bất động kể từ lúc Kenny bắn chết con chó.
“Frank”, Tub kêu to.
“Tôi chỉ định đùa thôi” Kenny nói. “Chỉ là một trò đùa thôi mà. Ôi!”, cậu ta nói và đột nhiên cong người lên. “Ôi”, cậu ta lại nói rồi sục gót chân vào trong tuyết, đẩy đầu mình trượt đi. Rồi cậu ta dừng lại và cứ nằm đó, người vật qua vật lại như một đô vật đang khởi động.
“Kenny”, Frank nói. Cậu ta cúi xuống và đặt bàn tay đi găng lên lông mày Kenny.
“Anh đã bắn cậu ấy”, cậu ta nói với Tub.
“Cậu ấy buộc tôi phải bắn”, Tub nói.
“Không, không, không”, Kenny nói.
Tub đang ràn rụa nước mắt nước mũi. Cả khuôn mặt anh đầm đìa nước mắt. Frank nhắm mắt lại, rồi nhìn xuống Kenny. “Cậu đau chỗ nào?”
“Khắp mọi nơi”, Kenny nói. “chỗ nào cũng đau”
“Ôi Chúa ơi”, Tub nói.
“Ý tôi là, viên đạn trúng chỗ nào?”, Frank nói.
“Chỗ này”, Kenny chỉ vào vết thương ở trên bụng. Máu đang rỉ ra chầm chậm.
https://thuviensach.vn
“Cậu còn may đấy”, Frank nói. “Nó ở bên trái. Không trúng ruột thừa. Nếu mà trúng ruột thừa thì cậu đã toi rồi”. Cậu ta quay mặt đi và nôn xuống tuyết; hai tay quàng chặt lấy hai bên hông như để giữ ấm.
“Cậu không sao chứ?”, Tub nói.
“Trong xe có mấy viên aspirin đấy”, Kenny nói.
“Tôi không sao”, Frank nói.
“Cho tôi cơ mà”, Kenny nói.
“Chúng ta nên gọi xe cấp cứu”, Tub nói.
“Lạy Chúa”, Frank nói. “Chúng ta sẽ giải thích thế nào?”
“Thì cứ nói đúng như chuyện đã xảy ra”, Tub nói. “Cậu ta định bắn tôi nhưng tôi bắn cậu ta trước”.
“Đừng nói thế”, Kenny nói. “Mà tôi cũng không định bắn anh”. Frank vỗ vào cánh tay Kenny. “Phức tạp làm gì cho mệt; nào đi nào”.
Tub nhặt súng của Kenny lên trong lúc họ bước về phía nhà chính của trang trại. “Không nên để súng bừa bãi”, anh nói. “Kenny có thể lại nghĩ ra cái gì đó”.
“Tôi có thể nói với anh một điều”, Frank nói. “Lần này thì anh quá đà rồi đấy. Chuyện này đúng là có một không hai”.
Họ phải gõ cửa tới hai lần thì một người đàn ông gầy gò tóc rủ mới ra mở cửa. Căn phòng phía sau anh ta mù mịt khói. Anh ta nheo mắt nhìn họ.
“Có được con nào không?” anh ta hỏi.
“Không”, Frank nói.
“Tôi biết mà. tôi đã nói với cậu bạn các anh như thế”.
“Chúng tôi có một tai nạn”.
Người đàn ông nhìn vượt qua Frank và Tub vào khoảng trống phía sau. “Bắn nhầm bạn hả?”
Frank gật đầu.
https://thuviensach.vn
“Tôi bắn”, Tub nói.
“Tôi đoán các cậu muốn dùng nhờ điện thoại”.
“Nếu ông cho phép”.
Người đàn ông ngoái đầu nhìn vào trong nhà rồi bước tránh sang một bên. Frank và Tub theo ông ta vào trong nhà. Một người phụ nữ đang ngồi bên bếp lò ở chính giữa căn phòng. Bếp lò đang bốc khói mù mịt. Chị ta cứ nhìn từ đầu xuống chân rồi lại từ chân lên đầu đứa bé đang nằm ngủ trong lòng. Khuôn mặt chị ta trắng và ẩm ướt; những lọn tóc được rẽ ngang trán. Tub hơ hai tay trên bếp lò trong lúc Frank đi vào bếp gọi điện. Người đàn ông chủ nhà đứng ở cửa sổ, hai tay đút túi quần.
“Bạn tôi đã bắn con chó của ông”, Tub nói.
Người đàn ông gật đầu mà không ngoảnh lại. “Lẽ ra tôi nên tự tay bắn nó. Nhưng tôi không thể”, ông ta nói.
“Anh ấy cưng cái con chó đó quá mức”, người đàn bà nói. Đứa trẻ ọ ẹ và chị ta đung đưa nó.
“Anh bảo bạn tôi bắn à?” Tub hỏi. “Anh bảo cậu ấy bắn con chó à?”
“Nó già yếu quá rồi. Không cả nhai được thức ăn nữa. Lẽ ra tôi nên tự tay bắn nó”.
“Anh mà đòi bắn được nó!”, người đàn bà nói. “Còn khuya”. Người đàn ông nhún vai.
Frank đi từ trong bếp ra. “Chúng ta sẽ phải tự đưa cậu ấy đi thôi. Bệnh viện gần nhất ở cách đây 50 dặm và họ cũng chẳng còn cái xe cứu thương nào”.
Người đàn bà biết một lối đi tắt nhưng đường đi phức tạp nên Tub phải ghi lại. Người đàn ông chỉ cho họ chỗ tìm mấy tấm ván để khiêng Kenny. Anh ta không có đèn pin nhưng nói rằng anh ta sẽ bật đèn ngoài hiên lên.
Bên ngoài, trời tối. Mây xuống thấp và nặng; gió thổi từng đợt rét buốt. Cái cửa lưới lỏng lẻo của căn nhà cứ đập chầm chậm rồi nhanh dần lên khi
https://thuviensach.vn
gió mạnh dần. Frank đi tìm những tấm ván trong lúc Tub đi tìm Kenny. Kenny không còn ở chỗ cũ. Tub thấy cậu ta ở trên lối vào, đang nằm sấp.
“Cậu ổn chứ?”, Tub hỏi.
“Tôi thấy đau”.
“Frank nói là đạn không trúng ruột thừa của cậu mà”.
“Tôi đã cắt ruột thừa rồi”.
“Xong rồi”, Frank bước tới chỗ hai người. “Chả mấy mà bọn tôi sẽ đưa cậu tới một cái giường ấm áp”. Frank đặt hai tấm ván ở phía bên phải Kenny.
“Miễn là đừng có giao tôi cho mấy y tá nam”, Kenny nói.
“Ha ha” Frank nói. “Đấy, tinh thần phải thế mới được. Sẵn sàng nhé, nào, lên” và cậu ta lật Kenny lên tấm ván. Kenny kêu rú lên và đạp hai chân. Khi cậu ta bớt kêu, Frank và Tub nhấc tấm ván lên, khiêng dọc lối vào. Tub ở đầu cuối tấm ván và với tuyết cứ tiếp tục thốc vào mặt anh, anh khó khăn lắm mới di chuyển được. Anh cũng mệt mà người đàn ông trong nhà đã quên bật điện ngoài hiên. Khi họ vừa vượt qua căn nhà, Tub trượt chân và phải buông tay khỏi tấm ván. Tấm ván rớt xuống đất và Kenny ngã lộn ra ngoài, lăn dài dọc lối vào, vừa lăn vừa kêu gào thảm thiết. Cậu ta dừng lại ở ngay bánh trước chiếc xe tải.
“Đồ lợn béo phì nộn”, Frank kêu lên. “Anh chẳng được cái tích sự chó gì cả”.
Tub túm cổ áo Frank và ép cứng cậu ta vào hàng rào. Frank cố gỡ tay Tub ra nhưng Tub lắc cậu ta và tát qua tát lại vào mặt cậu ta cho đến lúc cậu ta đầu hàng.
“Cậu thì biết cái chó gì về béo phì, hả?”, Tub nói. “Cậu có biết gì về hoóc môn không?” Anh vừa nói vừa tiếp tục lắc Frank. “Cậu thì biết cái chó gì về tôi?”
“Được rồi, được rồi” Frank nói.
https://thuviensach.vn
“Đừng có bao giờ mở mồm nói thế một lần nữa”, Tub nói. “Rồi, rồi”.
“Tôi cấm cậu nói với tôi bằng cái giọng đó. Tôi cấm theo dõi tôi. Tôi cấm cười nhạo tôi”.
“Được rồi, Tub. Tôi hứa”.
Tub buông Frank ra và quay đi. Hai cánh tay anh buông thõng bên sườn.
“Tôi xin lỗi, Tub”, Frank chạm vào vai anh. “Tôi ra xe đây”.
Tub đứng cạnh hàng rào một lúc rồi cầm khẩu súng ở hiên lên. Frank đã đặt Kenny lên cáng và họ đưa Kenny vào thùng chiếc xe tải. Frank đắp mấy tấm phủ ghế lên người Kenny. “Ấm chưa?”, Frank hỏi.
Kenny gật đầu.
“Rồi. Nào, lùi cái xe này thế nào nhỉ?”
“Đẩy cần số sang trái và lên trên”, Kenny ngồi dậy khi Frank chui vào buồng lái. “Frank!”
“Gì?”
“Nếu nó tắc thì đừng có cố đẩy”.
Chiếc xe tải nổ máy ngay tức khắc. Frank nói.
“Phải công nhận là người Nhật giỏi. Một nền văn hóa cổ như thế, tâm linh như thế mà họ làm ra một cái xe tải thế này”. Cậu ta liếc Tub. “Thôi nào, tôi xin lỗi. tôi không biết là anh cảm thấy như thế; thề có Chúa là tôi không hề biết. Lẽ ra anh phải nói chứ”.
“Tôi có nói còn gì”.
“Bao giờ? Kể một lần xem nào”.
“Mới vài giờ trước chứ đâu”.
“Chắc là tôi không để ý”.
“Chứ còn sao, Frank”, Tub nói. “Cậu chẳng bao giờ để ý cái gì cả”.
https://thuviensach.vn
“Tub”, Frank nói. “Chuyện bắn nhầm lúc nãy ấy mà, lẽ ra tôi nên thông cảm với anh hơn. Tôi nghĩ thế. Anh đang có nhiều chuyện phải nghĩ. Tôi muốn anh biết đấy không phải lỗi tại anh. Cậu ta buộc anh phải làm thế”.
“Cậu nghĩ thế à?”
“Tất nhiên rồi. Hoặc anh hoặc cậu ta. Tôi cũng sẽ làm như anh nếu tôi là anh, chắc chắn là thế”
Gió vẫn thổi thốc vào mặt họ. Tuyết đã biến thành một bức tường trắng di động ngay trước ánh đèn xe; tuyết xộc vào trong buồng lái qua lỗ hổng trên kính chắn gió và đậu lên người họ. Tub vỗ hai tay vào nhau và liên tục ngọ nguậy người để giữ ấm nhưng không ăn thua.
“Chắc phải dừng lại thôi”, Frank nói. “Tay tôi tê cóng cả rồi”.
Phía trước, họ nhìn thấy những ánh đèn bên đường. Đó là một quán cơm. Bãi đậu xe có rất nhiều xe jeep và xe tải. Một vài chiếc xe có những con hươu được buộc ngang trên nóc. Frank đỗ xe và họ vào chỗ Kenny nằm.
“Cậu sao rồi?”, Frank nói.
“Tôi lạnh”.
“Cậu còn tốt chán. Trong cabin còn lạnh hơn, tin tôi đi. Cậu nên sửa lại cái kính chắn gió”.
“Xem kìa”, Tub nói. “cậu ấy đã đạp chăn ra còn gì”. Những cái chăn đang nằm thành một đống cạnh thành xe.
“Kenny”, Frank nói. “cậu kêu cậu lạnh nhưng cậu lại không chịu giữ ấm. Cậu cũng phải biết điều chứ”. Frank đắp chăn lên người Kenny và gài mép chăn ở các góc.
“Chăn bị bay ra đấy chứ”.
“Thế thì phải giữ chúng”.
“Sao lại dừng xe lại?”
“Vì nếu tôi và Tub không ấm lên thì chúng tôi sẽ chết cóng và lúc đó thì cậu sẽ ra sao?”. Frank đấm nhẹ vào tay Kenny. “Cố lên một chút đi”.
https://thuviensach.vn
Quầy bar chật ních những người đàn ông mặc áo jacket, chủ yếu màu da cam. Phục vụ bàn mang cà phê ra. “Đúng thứ chúng ta cần”, Frank vừa nói vừa ủ tay quanh cốc cà phê bốc khói. “Tub này, tôi cứ nghĩ mãi. Anh nói là tôi không để ý cái gì cả, anh đúng đấy”.
“Thôi mà”.
“Không, anh nói đúng đấy. Tôi đoán là tôi đã bận tâm về nhiều về bản thân mình. Tôi có nhiều việc phải nghĩ quá. Dĩ nhiên đấy cũng không nên là lí do”.
“Bỏ qua đi, Frank. Tôi mất bình tĩnh ấy mà. Cả hai chúng ta đều hơi mất bình tĩnh”.
Frank lắc đầu. “Cũng không chỉ có thế đâu”.
“Cậu có muốn nói về chuyện đó không?
“Nhưng anh phải giữ kín nhé, Tub”
“Chắc chắn rồi, Frank. Chỉ có tôi và cậu biết”.
“Tub, tôi nghĩ là tôi sẽ bỏ Nancy”.
“Ôi, Frank. Ôi, Frank” Tub ngả người ra sau, lắc đầu.
Frank đặt tay lên cánh tay Tub. “Tub, anh đã bao giờ thực sự yêu chưa?”
“Ờ thì..”..
“Ý tôi là yêu thực sự ấy”, Frank bóp vào cổ tay Tub. “Yêu bằng toàn bộ con người anh”.
“Tôi không biết. Nếu cậu nói thế thì tôi không biết”.
“Thế tức là anh chưa. Không phải tôi có ý gì nhưng mà nếu anh không biết thì tức là anh chưa từng”. Frank bỏ tay Tub ra. “Đây không phải là chuyện yêu đương vớ vẩn đâu”.
“Thế cô ấy là ai?”
Frank ngập ngừng. Cậu ta nhìn vào cái cốc không. “Roxanne Brewer”.
https://thuviensach.vn
“Con gái lão Cliff Brewer ấy hả? Con bé bảo mẫu ấy hả?”
“Anh đừng có phân chia người ta thành loại này loại khác như thế, Tub. Đấy chính là cái làm cho mọi thứ hỏng bét. Và đấy là lý do mà cả cái nước này đang lao xuống địa ngục”.
Tub lắc đầu. “Nhưng mà con bé đó chắc không quá..”.
“Mười sáu. Cô ấy sẽ lên 17 vào tháng Năm này”. Frank mỉm cười. “Ngày 4 tháng Năm, lúc 3 giờ 27 phút chiều. Ôi, Tub, một trăm năm trước đây thì người ta đã coi cô ấy là một bà già ế chồng vào tuổi 17. Juliet chỉ có 13”.
“Juliet nào? Juliet Miller á? Lạy Chúa, Frank, con bé ấy còn chưa cả có ngực. Nó vẫn còn đang thích nuôi ếch”.
“Không phải Juliet Miller. Juliet và Romeo. Tub, anh không thấy là anh luôn phân loại người ta thành loại này loại khác sao? Người này là ông chủ, cô kia là thư ký, anh kia lái xe tải, cô kia mới có 16 tuổi. Tub, cái người mà anh gọi là cô bé trông trẻ này, cái người mà anh gọi là 16 tuổi này, ngay cái đầu ngón tay của cô ấy cũng chứa nhiều thứ hơn hầu hết những gì chúng ta chứa trong người. Tôi nói anh nghe, cô ấy thực sự đặc biệt”.
“Tôi biết là bọn trẻ con thích con bé”.
“Cô ấy đã chỉ cho tôi những thế giới mà tôi không cả biết là có tồn tại”. “Thế Nancy nghĩ gì về chuyện này?”
“Nancy vẫn chưa biết”.
“Cậu chưa nói với cô ấy sao?”
“Chưa. Chuyện ấy không dễ. Cô ấy đã quá tốt với tôi bao nhiêu năm nay. Rồi còn phải nghĩ đến bọn trẻ nữa”. Ánh sáng trong mắt Frank lạc đi và cậu ta lấy mu bàn tay dụi mắt. “Chắc anh nghĩ tôi là thằng tồi”.
“Không đâu, Frank. Tôi không nghĩ thế”
“Nhưng mà anh nên nghĩ thế”
https://thuviensach.vn
“Frank, khi cậu có một người bạn thì điều đó có nghĩa là cậu có một người luôn đứng về phía cậu, bất kể thế nào. Ít nhất tôi nghĩ bạn bè là như thế”
“Anh nói thật lòng chứ Tub?”
“Dĩ nhiên rồi”.
“Anh không biết là nghe anh nói vậy tôi vui thế nào đâu”.
Kenny đã cố ra khỏi xe tải. Cậu ta đã vượt qua khỏi thành xe, đầu vẫn còn nhô lên phía trên thành xe. Tub và Frank đặt cậu ta trở lại sàn xe và đắp chăn lên. Cậu ta chửi thề và đánh răng lập cập. “Tôi đau, Frank”.
“Lẽ ra cậu đã không đau thế nếu cậu cứ nằm yên. Giờ chúng ta sẽ tới bệnh viện. Hiểu không? Cậu nói đi, tôi sẽ đến bệnh viện”.
“Tôi sẽ đến bệnh viện”.
“Nhắc lại xem nào”.
“Tôi sẽ đến bệnh viện”.
“Rồi, giờ thì cậu cứ nhắc đi nhắc lại câu đó và chẳng mấy chốc chúng ta sẽ đến bệnh viện”.
Họ đi được vài dặm thì Tub quay sang Frank. “Tôi mới làm một việc rất tệ”, Tub nói.
“Việc gì?”
“Tôi bỏ quên tờ giấy chỉ đường ở cái bàn trong quán rồi”.
“Không sao. Tôi còn nhớ mang máng”.
Tuyết đã ngớt và mây bắt đầu quang trên những cánh đồng nhưng trời không ấm lên và sau một lúc thì cả Frank và Tub lại rét cóng và run lập cập. Frank suýt nữa không cua nổi xe qua một khúc cua và họ quyết định dừng lại ở trạm nghỉ tiếp theo.
Toilet trong trạm có một cái máy sưởi tay tự động và họ thay phiên nhau đứng trước cái máy, vừa mở phanh áo khoác và áo lót để cho dòng khí nóng thổi vào mặt và ngực.
https://thuviensach.vn
“Những gì cậu kể với tôi lúc trước” Tub nói. “Cảm ơn cậu đã tin tôi”.
Frank ngọ nguậy những ngón tay trước cái máy sưởi. “Tôi nghĩ thế này, Tub ạ, không có ai có thể là ốc đảo. Ai cũng phải tin tưởng một ai đó”.
“Frank này”.
Frank chờ.
“Khi tôi nói chuyện hoóc môn ấy mà, chuyện đấy không đúng đâu. Sự thật là tôi ăn quá nhiều. Lúc nào cũng ăn. Sáng rồi tối, rồi trong nhà tắm, rồi ở trên đường”. Anh quay người và để cho dòng khí nóng thổi vào lưng. “Tôi thậm chí còn giấu thức ăn cả ở cái máy nhả giấy lau tay ở cơ quan”.
“Thế hoóc môn của anh hoàn toàn bình thường à?”. Frank đã bỏ giày và tất ra. Cậu ta giơ chân phải, rồi chân trái lên cái máy sưởi.
“Ừ, chẳng làm sao cả”.
“Alice có biết chuyện này không?”. Cái máy sưởi tắt đi và Frank bắt đầu buộc dây giày.
“Không ai biết. Đấy chính là điều tệ nhất. Béo cũng chả sao – tôi chẳng bao giờ muốn gầy cả – nhưng mà tệ nhất là phải nói dối. Phải sống hai mặt, cứ như là điệp viên hay là dân giết người thuê. Tôi hiểu mấy loại người đó. Tôi biết họ cảm thấy thế nào. Lúc nào cũng phải nghĩ xem mình nên nói gì và làm gì. Lúc nào cũng cảm thấy như người khác đang quan sát mình, đang cố bắt quả tang mình. Không lúc nào được là mình cả. Ví dụ như tôi phải khăng khăng ra vẻ chỉ ăn một quả cam vào bữa sáng nhưng rồi sau đó tôi lại ăn thốc ăn tháo trên đường đi làm. Nào là bánh quy Oreo, rồi là kẹo Mars, rồi là kẹo Twinkies, rồi là Sugar Babies, rồi Snickers”. Tub liếc nhìn Frank rồi quay đi. “Thật là kinh tởm, phải không?”
“Ôi Tub, ôi Tub”, Frank lắc đầu. "Đi nào”. Cậu ta cầm vào cánh tay Tub và dẫn anh vào khu ăn uống. “Bạn tôi đang đói”, cậu ta nói với cô phục vụ. “Cô làm ơn mang ra bốn suất bánh kếp, thật nhiều bơ và mật”.
“Frank”.
“Ngồi xuống đi”.
https://thuviensach.vn
Khi họ mang thức ăn ra, Frank xắn một tảng bơ lớn và phết lên những cái bánh kếp. Rồi cậu ta đổ cả lọ mật lên trên, dàn đều khắp đĩa. Frank ngả người về trước, chống cằm lên một bàn tay.
“Ăn đi, Tub”.
Tub ăn mấy miếng lớn, rồi bắt đầu lau miệng. Nhưng Frank giật lấy giấy ăn khỏi tay Tub. “Không cần lau”, Frank nói. Tub lại ăn. Mật chảy ròng ròng dưới cằm anh, nhỏ xuống thành một hàng râu. “Chén đi, Tub”, Frank nói và đẩy một chiếc dĩa6nữa ngang qua bàn cho Tub. “Ăn cho đã đi”. Tub cầm dĩa lên tay trái, hạ thấp đầu và bắt đầu ăn ngấu nghiến. “Ăn sạch đĩa”, Frank nói khi những cái bánh kếp đã biến mất. Tub cầm lần lượt từng cái đĩa lên và liếm sạch sẽ. Anh ngả lưng ra sau, cố gắng thở đều.
“Tuyệt vời”, Frank nói. “Anh no chưa?”
“No rồi”, Tub nói. “Tôi chưa bao giờ no đến thế”
Những tấm chăn của Kenny lại bị vun thành đống ở thành xe. “Chắc là lại bị gió thổi”, Tub nói.
“Mấy cái chăn này chả được tích sự gì cho cậu ấy”, Frank nói. “Tốt nhất là dùng vào việc khác vậy”.
Kenny lầm bầm. Tub nghiêng đầu xuống. “Gì cơ? Nói to lên”. “Tôi sẽ đến bệnh viện”, Kenny nói.
“Đúng rồi”, Frank nói.
Những cái chăn giữ họ ấm. Gió vẫn thổi vào mặt và tay Frank nhưng dù sao họ cũng ấm hơn. Tuyết mới trên mặt đường và trên những thân cây lấp lánh sáng dưới ánh đèn xe. Những khoảng sáng hình chữ nhật từ ô cửa sổ các trang trại bên đường nổi lên trên nền tuyết xanh của các cánh đồng.
“Frank này”, Tub cất tiếng sau một lúc. “cái người chủ trang trại lúc nãy ấy mà. Anh ta nhờ Kenny bắn chết con chó”.
https://thuviensach.vn
“Anh đùa hả?” Frank ngả người về phía trước. “Ôi cái thằng Kenny. Có trời mới hiểu được các trò của nó”. Cậu ta phá ra cười và Tub cũng cười.
Tub quay người về phía thùng xe, mỉm cười. Kenny nằm ngửa, hai cánh tay bắt chéo trên bụng, vừa ngắm những ngôi sao vừa mấp máy môi. Ngay phía trên đầu là chòm sao Thần Nông và phía dưới chân Kenny, về hướng bệnh viện là sao Polaris, sao Bắc Cực, người dẫn đường cho các thủy thủ trên biển. Khi chiếc xe chạy vòng qua những quả đồi uốn lượn, những ngôi sao cũng chạy qua chạy lại giữa hai mũi giày của Kenny nhưng không bao giờ ra khỏi tầm nhìn của cậu ta. “Mình sẽ đến bệnh viện”, Kenny nói. Nhưng cậu ta đã nhầm. Ở cách đây một quãng xa, họ đã rẽ nhầm một lối khác.
https://thuviensach.vn
Kẻ nói dối
Mẹ tôi đọc mọi thứ, trừ sách. Bà đọc quảng cáo trên xe buýt, bà đọc toàn bộ thực đơn nhà hàng khi chúng tôi đi ăn, bà đọc các tấm pano, áp phích – đại để, cứ cái gì không có bìa là mẹ tôi muốn đọc. Vì thế nên khi mẹ tôi tìm thấy một lá thư trong ngăn kéo của tôi thì mẹ tôi đọc, dù thư không gửi cho bà. “Đằng nào thì thằng James cũng có gì phải giấu giếm đâu?”, mẹ tôi nghĩ như thế. Bà nhét lá thư trở lại ngăn kéo sau khi đọc xong rồi đi từ phòng này sang phòng khác trong căn nhà lớn vắng người, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Rồi bà lấy lá thư ra đọc lại một lần nữa. Sau đó, không mặc áo khoác cũng không đóng cửa, bà xuống thềm đi về nhà thờ ở cuối phố. Dù bực mình hay hoang mang đến đâu, bà luôn đến dự buổi cầu kinh lúc 4 giờ chiều.
Hôm đó trời đẹp – xanh và lạnh và lặng gió nhưng mẹ tôi bước đi như thể đang đi trong gió mạnh; người bà gập lại, chân bước những bước ngắn, vội vã. Anh chị tôi và tôi thấy dáng di này của bà thật buồn cười và chúng tôi thường nhấm nháy nhau khi mẹ tôi đi ngang qua mặt chúng tôi để cời lửa hoặc tưới cây. Chúng tôi không để cho mẹ phát hiện ra trò của chúng tôi. Bà hẳn sẽ không thể nào tin được là mình lại có cái gì đó đáng cười. Cái gần nhất với sự hài hước ở mẹ tôi là tiếng cười ha ha, không thật. Những người lạ đôi khi kinh ngạc nhìn bà.
Trong lúc chờ ông linh mục đến muộn, mẹ tôi cầu nguyện. Bà cầu nguyện theo một lối quen thuộc, có trật tự, và thành kính: trước hết là cho người chồng quá cố của bà, tức cha tôi; rồi sau đó là cha mẹ bà – cũng đã chết. Bà sẽ cầu nguyện nhanh cho cha mẹ của bố tôi – chủ yếu là có tính nghi thức vì bà không ưa họ; cuối cùng bà cầu nguyện cho các con của bà theo thứ tự tuổi tác, tôi ở cuối cùng. Mẹ tôi không coi sự sáng tạo là một phẩm chất đáng quý và từ đầu cho đến khi tên tôi xuất hiện thì lời cầu nguyện của mẹ tôi giống hệt như mọi ngày.
https://thuviensach.vn
Khi đến tôi, mẹ tôi cầu nguyện thẳng thừng. “Con cứ tưởng là nó sẽ không làm thế nữa. Ông Murphy nói nó đã khỏi hẳn. Giờ con phải làm thế nào đây?”. Giọng bà có vẻ trách móc. Mẹ đã đặt rất nhiều hy vọng vào việc tôi khỏi hẳn; bà đã coi đó là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của bà. Để tạ ơn Chúa, bà đã gửi rất nhiều tiền cho Hội truyền đạo Thomasite – số tiền bà đã để dành để đi du lịch ở Rome. Bây giờ bà cảm thấy như bị lừa và cần phải bày tỏ thái độ. Khi ông linh mục bước vào, mẹ ngồi trở lại ghế và tiếp tục buổi lễ. Sau lễ ban thánh thể, bà lại bắt đầu lo lắng và đi thẳng về nhà mà không dừng lại nói chuyện với Dorothea, bà già vẫn luôn tìm mẹ sau buổi lễ để nói chuyện về những kế hoạch ám hại bà của bọn tay sai của quỷ Sa tăng, và bọn theo mật giáo. Dorothea nheo mắt nhìn bà đi khỏi.
Sau khi trở về nhà, mẹ tôi lấy lá thư trong ngăn kéo của tôi ra và mang nó vào bếp. Bà giữ nó trên bếp bằng những đầu móng tay; mặt bà quay đi chỗ khác để không phải nhìn nó, rồi bật bếp đốt. Khi ngọn lửa bắt đầu cháy gần vào các móng tay, bà thả lá thư đang cháy vào bồn rửa bát và nhìn ngọn lửa đen dãn đi, bập bùng, và thu hẹp lại như một nắm tay khép dần lại. Rồi bà xối nước cho nó trôi xuống cống và gọi điện cho bác sĩ Murphy.
Lá thư đó tôi gửi cho thằng Ralphy bạn tôi ở Arizona. Nó từng sống ở đối diện nhà chúng tôi nhưng rồi nó chuyển đi. Hầu hết lá thư chỉ kể về chuyến đi đến đảo Alcatraz của lớp tôi. Chuyện đó thì cũng chẳng sao. Cái mà mẹ tôi chú ý là khổ cuối cùng; tôi đã viết là mẹ tôi dạo này hay ho ra máu mà bác sĩ chẳng biết tại sao và chúng tôi thì chỉ biết hy vọng chuyện không có gì nghiêm trọng.
Chuyện này không có thật. Mẹ tôi tự hào về sức khỏe của bà; bà tự coi mình là một con ngựa: “Tôi là một con ngựa khỏe”, bà thường nói vậy khi người ta hỏi thăm sức khỏe bà. Từ vài năm nay tôi hay bịa đặt một số thứ không mấy hay ho và chuyện này làm mẹ hết sức phiền lòng – đến mức bà đã đưa tôi đến gặp bác sĩ Murphy và tôi đang ngồi ở văn phòng của bác ấy lúc bà đốt lá thư. Bác sĩ Murphy là bác sĩ của gia đình tôi, bác ấy không được đào tạo về phân tâm học nhưng quan tâm đến “những thứ liên quan đến đầu óc”, như lời bác ấy nói. Bác ấy đã chữa khỏi bệnh viêm ruột thừa và
https://thuviensach.vn
viêm a-mi-đan cho tôi, thế nên mẹ tôi nghĩ bác ấy cũng có thể cấy sự trung thực vào tôi dễ dàng như việc cắt một số thứ khỏi người tôi. Bác Murphy không chia sẻ hy vọng này với mẹ tôi; đại loại, bác ấy chỉ muốn giúp tôi hiểu những việc tôi đã làm và gần đây thì bác ấy đi đến kết luận là thực ra tôi luôn luôn hiểu rõ những việc tôi làm.
Bác sĩ Murphy lắng nghe mẹ kể lể về lá thư. Bác ấy tò mò về những từ ngữ tôi đã dùng và trở nên bực mình khi mẹ nói đã đốt nó. “Vấn đề ở đây là”, mẹ nói. “lẽ ra nó phải khỏi bệnh đó rồi nhưng rõ ràng là nó vẫn chưa khỏi”.
“Margaret, tôi chưa bao giờ nói với chị là nó khỏi bệnh”.
“Anh chắc chắn đã nói thế mà. Nếu không thì tại sao tôi lại gửi cả ngàn đô cho hội Thomasite?”
“Tôi chỉ nói là thằng bé hoàn toàn có ý thức về việc nó làm. Điều đó có nghĩa là James biết nó đang làm gì chứ không phải là nó sẽ thôi làm những gì nó đang làm”.
“Tôi chắc chắn anh đã nói là nó được chữa khỏi hẳn rồi”.
“Không bao giờ. Mà chị nói James được chữa khỏi là có ý gì?” “Anh biết rõ điều đó”.
“Chị nói cho tôi biết xem”.
“Thì tức là kéo nó về với thực tế chứ còn gì nữa”.
“Thực tế của ai? Của chị hay của nó?”
“Murphy, anh nói gì thế? James không điên, nhưng nó mắc bệnh nói dối”.
“Cái đó thì chị đúng”.
“Tôi phải làm gì với nó bây giờ?”
“Tôi không nghĩ là chị có thể làm gì nhiều đâu. Cứ kiên nhẫn là được”. “Tôi đã kiên nhẫn rồi”.
https://thuviensach.vn
“Nếu tôi là chị, Margaret, tôi sẽ không quá lo về chuyện này. James không ăn cắp, đúng không?”
“Dĩ nhiên là không”.
“Nó không đánh nhau hoặc cãi lại chị?”
“Không”.
“Thế thì chị đã có thể cảm ơn Chúa rồi đấy”.
“Tôi không thể nào chịu được nữa. Hồi mùa hè năm ngoái thì nó bịa chuyện máu trắng. Giờ thì chuyện này”.
“Rồi thằng bé sẽ chán và dừng lại thôi, tôi nghĩ thế”
“Murphy, nó đã 16 tuổi rồi. Nếu nó không chán thì sao? Nếu như nó càng ngày càng giỏi nói dối thì sao?”
Rút cục, mẹ tôi nhận ra là bà không thể có câu trả lời thỏa mãn từ bác sĩ Murphy vì bác ấy cứ nhắc bà về những thứ bà nên biết ơn. Bà nói điều gì đó trúng tim bác Murphy khiến bác ấy vặc lại và bà cúp điện thoại. Bác sĩ Murphy nhìn chằm chằm vào ống điện thoại. “A lô?”, bác ấy nói, rồi gác điện thoại. Bác lấy tay vuốt đầu – một thói quen bác vẫn giữ từ hồi còn tóc. Để ra vẻ là người dễ tính, bác ấy hay đùa về cái đầu hói của mình nhưng tôi có cảm giác bác rất tiếc chuyện này. Bác ấy nhìn tôi từ bên kia bàn; có vẻ như đang ước là đã không nhận tôi làm bệnh nhân. Điều trị cho con của một người bạn cũng giống như mang tiền của người bạn đi đầu tư.
“Chắc bác không cần nói với cháu là ai gọi”.
Tôi gật đầu
Bác sĩ Murphy đẩy ghế lùi lại rồi xoay ngược nó để có thể nhìn ra ngoài cửa sổ phía sau. Cái cửa sổ chiếm gần hết bức tường. Bên ngoài vịnh, một vài chiếc thuyền buồm vẫn đang lướt và tiến về phía bờ. Một làn sương mù xám mỏng đã che cây cầu và đang tản ra rất nhanh. Mặt nước có vẻ lặng khi nhìn từ trên này xuống nhưng khi tôi nhìn kỹ hơn tôi có thể thấy những đốm sáng trắng khắp nơi, chứng tỏ mặt nước nhiều gợn sóng.
https://thuviensach.vn
“Bác ngạc nhiên về cháu”, bác sĩ Murphy nói. “Sao lại vứt một thứ như thế bừa bãi trong nhà để mẹ cháu tìm thấy. Nếu cháu thực sự cứ phải làm thế thì ít nhất cũng nên tử tế mà giấu nó đi. Chuyện thế này không dễ chịu với mẹ cháu, nhất là vì bố cháu đã mất và các anh chị của cháu lại ở xa”.
“Cháu biết. Cháu đâu có định để mẹ cháu tìm ra”.
“Thật thế sao?”, bác sĩ Murphy đập đập cây bút chì vào răng cửa. Về chuyên môn, ông có vẻ không tin tôi; nhưng về mặt cá nhân thì có vẻ ông tin. “Bác nghĩ là cháu nên về nhà làm lành với mẹ cháu”.
“Cháu cũng nghĩ thế”.
“Nói với mẹ cháu là có thể bác sẽ ghé vào tối nay hoặc ngày mai. Mà này James, đừng coi thường mẹ cháu”.
Hồi bố tôi còn sống, chúng tôi thường đi rừng quốc gia Yosemite ba hay bốn ngày vào mùa hè. Mẹ tôi sẽ lái xe và bố tôi sẽ chỉ những chỗ thú vị, những đồng cỏ từng có các thị trấn thịnh vượng, những cái cây dùng để treo cổ tử tù, những dòng sông đã từng đổi dòng. Hoặc ông sẽ đọc cho chúng tôi nghe. Cũng như những người lớn khác, ông tưởng rằng trẻ con thích nghe chuyện của Dickens hay Walter Scott. Bốn chúng tôi ngồi ở ghế sau với khuôn mặt chăm chú, nghiêm chỉnh nhưng tay và chân thì đẩy, dẫm, dậm, ngoặc, móc, chọc, thúc, hoặc đá nhau.
Một tối, một con gấu đến gần trại của chúng tôi ngay sau bữa tối. Mẹ tôi đã làm món cá thu hầm và hẳn là mùi của món ấy làm con gấu thèm nhỏ dãi. Nó đi vòng quanh một lúc trong khi chúng tôi ngồi quanh đống lửa rồi đứng lên vặn vẹo người. Anh Michael nhìn thấy nó trước và lấy cùi chỏ ra hiệu cho tôi; rồi đến lượt các chị tôi nhìn thấy và hét lên. Mẹ và bố vẫn ngồi xoay lưng lại nhưng mẹ tôi hẳn đã đoán ra chuyện bởi vì bà lập tức nói: “Đừng có hét lên như thế. Nếu con làm nó sợ, thì có trời mới biết nó sẽ làm gì. Chúng ta sẽ hát và nó sẽ bỏ đi”.
Chúng tôi hát “Chèo, chèo, chèo thuyền” nhưng con gấu vẫn ở lại. Nó đi vòng quanh chúng tôi vài lần, thỉnh thoảng lại đứng lên trên hai chân sau để hít ngửi. Nhờ ánh lửa, tôi có thể thấy khuôn mặt giống như mặt chó của
https://thuviensach.vn
nó và cả những cơ bắp cử động dưới làn da bèo nhèo của nó như những hòn đá trong một cái bao tải da. Chúng tôi hát ngày càng to trong lúc nó đi quanh chúng tôi, càng ngày càng vào gần. “Được rồi”, mẹ nói. “thế là đủ lắm rồi”. Mẹ bất thần đứng bật dậy. Con gấu đứng lại quan sát mẹ. “Có giỏi thì vào đi”, mẹ nói. Con gấu ngồi xuống, nhìn qua nhìn lại. “Có giỏi thì vào đi”, mẹ nói đi nói lại và nhặt một hòn đá lên.
“Margaret, đừng!”, bố tôi nói.
Mẹ ném mạnh hòn đá và nó trúng vào bụng con gấu. Ngay cả trong ánh sáng lờ mờ, tôi có thể thấy bụi bay lên từ lông nó. Nó gầm gừ và đứng thẳng trên hai chân sau. “Mày thấy chưa?” mẹ gào lên. “Đồ gấu bẩn thỉu. Đồ bẩn thỉu!” Một chị của tôi cười khúc khích. Mẹ nhặt một hòn đá khác. “Margaret, thôi nào!”, bố tôi nói. Ngay lúc đó, con gấu quay đầu bỏ chạy. Mẹ ném hòn đá theo nó. Cho đến hết đêm đó, con gấu lảng vảng quanh trại cho đến khi nó tìm thấy cái cây mà chúng tôi treo thức ăn. Nó ăn toàn bộ số thức ăn. Ngày hôm sau chúng tôi lái xe trở lại thành phố. Chúng tôi đã có thể mua thêm thực phẩm trong thung lũng nhưng bố tôi muốn về nhà và không chịu nghe ý kiến của ai. Mặc dù bố cố làm mọi người vui lên bằng cách kể chuyện cười, anh Michael và các chị tôi tảng lờ bố và chỉ nhìn lơ đãng ra ngoài cửa sổ.
Tôi và mẹ chưa bao giờ hợp nhau, nhưng tôi chưa bao giờ coi thường mẹ. Chỉ có mẹ coi thường tôi. Hồi tôi bé, mẹ cứ nghĩ là tôi nhát vì tôi không thích bị tung bổng lên, và bởi vì khi tôi thấy mẹ với các anh chị tôi cười đùa ầm ỹ thì tôi hay lảng ra chỗ khác. Khi họ lôi tôi vào cuộc thì tôi thường bị thương, nào là bị đầu gối thúc vào môi, nào là bị gãy ngón tay, chảy máu mũi – và mẹ thường lấy những chuyện này ra để coi thường tôi, như thể tôi cố tình gây ra những chuyện đó để khỏi phải chơi.
Ngay cả những chuyện tôi làm tốt cũng vẫn làm mẹ bực mình. Tất cả chúng tôi đều thích các trò chơi chữ, trừ mẹ – vì mẹ thường không hiểu; và trong nhà thì sau bố, tôi là người chơi chữ cừ nhất. Trò mà tôi thích nhất là trò Swifty7; bố tôi thường đùa là “con chơi còn giỏi hơn bọn tội phạm”. Bố
https://thuviensach.vn
thường khuyến khích tôi biểu diễn trong bữa tối – và hẳn là với người ngoài thì điều này rất kỳ cục. Mẹ không hiểu trò chơi nhưng mẹ không thích.
Lúc nào mẹ cũng nghi ngờ tôi. Tôi không thể nào đi xem phim mà không bị mẹ lục hết các túi quần túi áo để xem tôi có đủ tiền mua vé hay không. Khi tôi đi cắm trại xa, mẹ mở tung ba lô của tôi trước mặt toàn bộ bọn con trai đang đứng chờ xe buýt bên ngoài nhà. Tôi chẳng thà đi cắm trại không có túi ngủ và một vài cái quần lót để thay (tôi bỏ quên chúng) còn hơn là bị lục ba lô như một thằng ngốc như thế.
Và mẹ lại còn nghĩ tôi là đứa vô cảm vì những gì xảy ra vào hôm bố tôi mất và những ngày sau đó. Tôi không khóc trong đám ma bố và còn tỏ ra buồn chán trong lúc người ta đọc điếu văn; tôi đã nghịch quyển thánh ca. Mẹ tôi dúi hai tay tôi vào vạt áo của tôi và tôi cứ để nguyên chúng ở đó như thể tôi đang cầm cái gì hộ ai; chuyện này làm cho mẹ hết sức bực. Vài ngày sau đó, chúng tôi có vẻ làm lành được với nhau sau khi tôi quyết định nhắm tịt mắt lại lúc đang ở trường rồi dứt khoát không chịu mở mắt ra. Khi vài giáo viên và cả ông hiệu trưởng không làm sao thuyết phục được tôi mở mắt nhìn họ hoặc nhìn cái phần thưởng mà họ hứa đưa cho tôi thì người ta giao tôi cho y tá của trường. Họ đã cố cạy mí mắt tôi mở ra và đã làm xước một bên mí mắt. Mắt tôi sưng lên và người tôi cứng đờ ra. Ông hiệu trưởng hết hồn gọi điện cho mẹ tôi đến đón tôi về nhà. Tôi không chịu nói chuyện với mẹ, cũng không chịu mở mắt ra và khi chúng tôi về đến nhà, mẹ phải hướng dẫn tôi đi từng bước một. Mẹ để tôi nằm trên ghế sô-pha rồi chơi piano cho tôi nghe cả buổi chiều. Cuối cùng, tôi cũng mở mắt ra; chúng tôi ôm nhau và tôi khóc. Mẹ không thực sự tin những giọt nước mắt của tôi nhưng cũng chấp nhận nó, kể cả nếu như tôi đã giả khóc để chiều ý mẹ.
Chuyện tôi nói dối cũng làm chúng tôi xa nhau, và cả chuyện tôi có vẻ chẳng coi trọng lời hứa sẽ không nói dối nữa. Thường thì những lời nói dối của tôi sẽ đến tai mẹ tôi; người ta sẽ dừng mẹ trên phố để chia buồn về những chuyện họ đã nghe thấy. Dĩ nhiên hàng xóm của chúng tôi không muốn làm mẹ bẽ mặt, cho nên họ không làm thế nữa sau khi họ phát hiện ra trò dối trá của tôi. Nhưng với người lạ thì mẹ vẫn phải chịu đựng. Mùa hè
https://thuviensach.vn
sau khi bố tôi mất, tôi đến thăm chú tôi ở Redding và trên đường về, tôi đã cố chuồn khỏi người đàn ông ngồi cạnh tôi nhưng không thoát được. Khi ông ta thấy mẹ đến ôm tôi, ông ta tiến tới đưa cho mẹ một cái danh thiếp và bảo mẹ liên hệ với ông ta nếu mọi chuyện tệ hơn. Mẹ trả lại thiếp cho ông ta và bảo ông ta đừng nhúng mũi vào chuyện người khác.
Mẹ không chỉ phiền lòng về chuyện tôi nói dối; cái chính là nội dung của những lời nói dối. Đấy là mấu chốt sự xung đột của chúng tôi, giống như giữa mẹ và bố. Mẹ từng làm tình nguyện ở bệnh viện nhi và ở nhà ăn thánh Anthony, mẹ từng đi quyên góp cho hội từ thiện thánh Vincent de Paul. Mẹ là người thắp nến, và ở chuyện này thì các anh chị tôi giống mẹ. Bố tôi thì lại ghét bóng tối; bố thích nguyền rủa bóng tối. Bố sinh động nhất lúc ông đang bực mình về cái gì đó. Vì chuyện này mà hoạt động quan trọng nhất trong ngày của ông là đọc báo buổi tối.
Tờ báo của chúng tôi là một tờ báo khủng khiếp. Nó chẳng quan tâm gì đến thành phố hoặc chuyện chính trị hay nghệ thuật; nó chỉ toàn tin giật gân và những sự việc kinh hoàng. Khi bố tôi ngồi trong phòng khách đọc báo, mẹ tôi ở trong bếp và giữ chúng tôi bận rộn, trừ tôi ra, bởi vì tôi thường yên lặng và có thể tự chơi. Tôi tự chơi bằng cách quan sát bố.
Bố ngồi, hai đầu gối dạng ra, người chúi về phía trước, hai mắt dí vào trang báo, đầu gật gật trong lúc đọc. Thỉnh thoảng, bố ném tờ báo xuống rồi đi đi lại lại trong phòng, rồi lại nhặt tờ báo lên và bắt đầu đọc tiếp. Có lúc ông đọc to một đoạn lên. Ông thường bắt đầu với trang tin tức giới thượng lưu mà ông gọi là trang của bọn trưởng giả hút máu. Mục này bắt đầu có vị của một trang truyện cười hoặc là truyện dài kỳ, trong đó một số nhân vật xuất hiện hầu như hàng ngày, thường là trong những bộ quần là áo lượt, tay nâng ly rượu tại các buổi lễ cho trẻ mồ côi, cười toe toét phía sau những cặp kính râm trên hành lang một túp lều trượt tuyết trong núi Sierras. Những người trượt tuyết thường làm bố tôi cáu nhất, có lẽ bởi vì ông không bao giờ hiểu nổi họ. Bản thân chuyện trượt tuyết đã là không thể nào hiểu nổi rồi. Có một cuối tuần mùa đông, các chị tôi đi chơi hồ Tahoe về và hết lời ca ngợi
https://thuviensach.vn
vẻ đẹp của chỗ đó, bố tôi đã bắt họ im đi. “Tuyết thì có cái quái gì là hay ho”, ông nói.
Rồi sau đó là mục tin tức, hoặc cái mà tờ báo tống vào mục tin tức: nào là những xác người tìm thấy ở Scotland, nào là cựu đảng viên Quốc xã trúng cử; nào là động vật quý hiếm bị giết thịt; nào là người nghèo trần truồng chết cứng trong những ngôi nhà lạnh cóng, trên những chiếc đệm có giấu hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu đôla; nào là linh mục cưới vợ; rồi diễn viên li dị; tỷ phú dầu mỏ xây lăng tẩm tưởng niệm con ngựa yêu; rồi những kẻ ăn thịt người. Cha tôi vừa đọc vừa giữ một nụ cười mỉa mai, ngán ngẩm trên mặt.
Mẹ tôi khuyến khích bố theo đuổi một đam mê nào đó hoặc tham gia các hội nhóm, nhưng bố không chịu. Ông không thoải mái với người ngoài gia đình. Bố mẹ tôi hiếm khi ra ngoài, hiếm khi mời khách đến nhà, trừ những ngày lễ lớn. Khách của họ lần nào cũng thế: bác sĩ Murphy và vợ, với một vài người khác mà họ đã quen từ lúc bé. Hầu hết họ chưa bao giờ quen nhau trước khi tới nhà tôi và họ cũng chẳng vui vẻ gì với nhau khi tới nhà tôi. Bố bỏ mặc vai trò chủ nhà bằng cách trêu chọc họ về những điều ngu ngốc mà họ đã nói hoặc làm trước đây và bắt họ phải tự cười nhạo bản thân.
Mặc dù bố tôi không uống rượu, ông vẫn khăng khăng đòi pha cốc-tai cho khách. Ông sẽ không mời khách các đồ uống không pha chế như rượu rum với Coca Cola hay rượu Scotch bỏ đá; ông chỉ mời các loại đồ uống mà ông tự tay pha chế. Ông gọi các đồ uống của mình bằng những cái tên có dính dáng đến nghề luật sư như Thẩm phán treo cổ, Kẻ truy đuổi xe cứu thương, Luật sư lắm mồm, và mô tả cách pha chế chúng một cách tỉ mỉ. Ông kể những câu chuyện dài và rắc rối, thường bằng một giọng thì thào, khiến cho mọi người đều phải ngả về phía ông để nghe, và ông lặp đi lặp lại những câu quan trọng; ông cũng nhắc lại những câu quan trọng trong những câu chuyện mà mẹ tôi kể, và sửa bà khi bà kể sai. Khi những người khách kể hết câu chuyện của mình, ông sẽ lên lớp họ về ý nghĩa đạo đức của câu chuyện họ vừa kể.
https://thuviensach.vn
Bác sĩ Murphy có một vài giả thuyết về bố tôi mà ông thường lấy tôi ra kiểm chứng vào những lúc chúng tôi gặp nhau. Lúc này, bác sĩ Murphy đã bỏ đeo kính có gọng để chuyển sang đeo kính áp tròng; bác ấy cũng giảm cân nhiều nhờ ăn kiêng thường xuyên. Mặc dù bị hói nhưng trông bác ấy trẻ hơn nhiều so với hồi bác ấy còn tới các buổi tiệc ở nhà tôi. Không thể tin bác ấy bằng tuổi bố tôi mặc dù đấy là sự thật.
Một trong những giả thuyết của bác sĩ Murphy là bố tôi đã cố ý nhận một công việc dễ dãi trong một hãng luật tẻ nhạt bởi vì đó là tâm lý điển hình của một người đã từng là một đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh. “Bố cháu sợ phải phát hiện ra giới hạn của mình”, bác sĩ Murphy bảo tôi. “Chừng nào ông ấy còn tiếp tục ngồi phê duyệt mấy thứ giấy tờ lăng nhăng và soạn di chúc cho người khác thì ông ấy còn có thể tiếp tục tin rằng mình không có giới hạn”. Sự quan tâm đặc biệt của bác sĩ Murphy tới bố tôi làm tôi khó chịu; tôi cảm thấy mình như kẻ phản bội khi nghe những lời này. Hồi còn sống, bố tôi không bao giờ chịu để ai phân tích ông; dường như việc để người khác mổ xẻ ông sau khi ông mất là một sự phản bội.
Có điều, tôi cũng thích nghe bác sĩ Murphy kể chuyện bố tôi lúc bé. Bác sĩ Murphy kể một chuyện đã xảy ra hồi bọn họ còn ở trong đội hướng đạo. Bọn họ đã hành quân một đoạn đường dài và bố bị tụt lại sau. Bác sĩ Murphy và mấy người khác quyết định đánh úp bố khi ông đi xuống từ con đường mòn. Họ nấp trong hai bìa rừng bên đường và chờ. Nhưng khi bố tôi đi vào khu vực bẫy, không một ai dám cử động hoặc gây một tiếng động nào. “Cậu ấy có một vẻ mặt dễ thương hết sức”, bác sĩ Murphy nói. “cậu ta vừa đi vừa nghe chim hót, rồi ngửi những bông hoa, cứ như con bò Ferdinand8”. Bác sĩ Murphy cũng nói rằng những món đồ uống của bố tôi có vị như là thuốc kháng sinh vậy.
Trong lúc tôi đạp xe về nhà từ chỗ bác sĩ Murphy thì mẹ tôi bồn chồn. Mẹ thấy lẻ loi trong sự lúng túng của mình nhưng mẹ không gọi điện cho ai bởi vì bà cũng cảm thấy mình đã thất bại. Chuyện tôi nói dối đã tác động đến bà. Mẹ coi nó là một chuyện hết sức cá nhân. Vào những lúc như thế, mẹ không nghĩ đến các chị tôi – một thì đã lập gia đình hạnh phúc, một thì
https://thuviensach.vn
đang rất thành đạt ở Fordham. Mẹ cũng chẳng nghĩ đến anh trai tôi, Michael, người đã bỏ dở trường đại học để làm việc với bọn trẻ con bụi đời ở Los Angeles. Bà chỉ nghĩ đến tôi. Mẹ nghĩ là mẹ đã làm hỏng cả gia đình.
Thực ra thì mẹ tôi đã quán xuyến gia đình rất giỏi. Lúc bố tôi nằm chờ chết ở tầng trên, mẹ gom chúng tôi lại. Mẹ viết ra một danh sách việc nhà và trả công cho mỗi chúng tôi một khoản kha khá. Mẹ điều chỉnh lại giờ đi ngủ và rất nghiêm khắc với chuyện này. Mẹ đặt giờ làm bài tập về nhà. Mỗi đứa phải chịu trách nhiệm về đứa em kế bên dưới, và tôi thì phải chịu trách nhiệm về con chó. Mẹ thường bảo chúng tôi rằng mẹ yêu chúng tôi. Vào bữa tối, mỗi chúng tôi đều phải phụ giúp nấu nướng; sau bữa tối thì mẹ chơi piano và cố dạy chúng tôi hát bằng cách hòa âm với nhau nhưng tôi không thể nào làm được. Mẹ rất hâm mộ gia đình von Trapp9cho nên bà coi chuyện này như một khiếm khuyết về tính cách.
Lúc bố đang chờ chết, cuộc sống của chúng tôi trật tự hơn và lành mạnh hơn lúc trước đó. Bố cũng đặt ra các quy tắc để chúng tôi tuân theo và chúng không khác nhiều so với những quy tắc mà mẹ đặt ra sau khi bố ốm, nhưng bố chỉ giám sát các quy tắc của mình một cách lấy lệ. Mặc dù về nguyên tắc bọn tôi không được đòi tiền công khi làm việc nhà nhưng chúng tôi vẫn cứ xin và bố luôn cho chúng tôi quá nhiều bởi vì bố thích được coi là hào phóng. Thỉnh thoảng bố phạt chúng tôi chẳng vì lý do gì mà chỉ vì bố đang khó chịu. Bố thường hay quyết định ngay khi chị gái tôi chuẩn bị ra ngoài đi nhảy rằng chị tôi nên ở nhà làm gì đó để trau dồi bản thân. Hoặc ông sẽ tụ tập tất cả chúng tôi vào một tối thứ Tư rồi đưa cả lũ đi trượt băng.
Bố thay đổi khi bệnh ung thư bắt đầu hoành hành. Ông nói ít hơn, mềm yếu hơn và không hay bắt bẻ người khác nữa. Ông cũng bớt trêu chọc chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu muốn ở gần bố, đầu tiên là do mẹ tôi khuyến khích, rồi dần dần tôi thích bố. Ông dạy tôi chơi bài poker và đánh cờ; thỉnh thoảng bố còn giúp tôi làm bài tập về nhà. Thường thì chúng tôi chỉ ngồi đọc sách. Tôi đang cố đọc hết bộ thám tử Sherlock Holmes; bố thì đã bỏ đọc báo và bắt đầu đọc lại bộ sử thi Bắc Âu10 mà ông đã say mê hồi còn học đại học, đến mức ông đã tự coi mình là một học giả về chuyện này.
https://thuviensach.vn
Thỉnh thoảng, ông sẽ dừng lại và đọc to một đoạn đặc biệt hùng tráng nào đó. “Thật là những người đàn ông cứng rắn!” bố vui vẻ nói. “những người mà ta chẳng muốn gặp ở đâu ngoài trang sách!”
Một buổi chiểu, bố ngẩng lên nhìn và thấy tôi đang quan sát ông. “Sao vậy?” ông hỏi.
“Không có gì”.
“Thôi nào, có chuyện gì?
“Bố có sợ không?”
“Dĩ nhiên là không”. Ông nhìn xuống cuốn sách, rồi lại nhìn tôi. “Có”. “Con cũng thế”.
“Dào, con trai, bố xin lỗi. Nhưng làm ơn đừng hỏi lại bố câu đó”.
Về cuối, bố hầu như chỉ ngủ. Từ dưới nhà, thỉnh thoảng, rất khẽ, tôi nghe tiếng mẹ chơi piano. Thỉnh thoảng bố gật gật đầu trong ghế khi tôi đọc cho bố nghe; cái áo ngủ của bố sẽ bị phanh ra và tôi nhìn thấy vết sẹo ở bụng bố. Tất cả xương sườn của bố hở ra và hai chân bố trông như những sợi dây cáp.
Tôi từng đọc trong một cuốn tiểu sử của một vĩ nhân rằng ông đã “qua đời một cách yên ổn”. Tôi đoán ý tác giả định nói rằng vĩ nhân kia đã giữ nỗi đau cho riêng mình, không muốn ồn ào, và không muốn gây phiền hà cho những người ở lại. Bố tôi đã chết một cách yên ổn, thậm chí là thanh thản. Cứ như thể sự nóng nảy và cô độc trong suốt cuộc đời ông thực ra là do sợ hãi cái sân khấu cuộc đời. Ông đã đối phó với khán giả của ông – chúng tôi – bằng kinh nghiệm của một anh hề già, ông biết khi nào thì làm thằng hề, khi nào thì phải bảo vệ danh dự của mình. Tất cả chúng tôi đều cảm động và ngưỡng mộ sự dũng cảm của bố, như bố đã muốn chúng tôi làm thế. Ông mất ở dưới nhà trong cái ghế yêu thích của mình trong lúc tôi đang viết một bài tiểu luận. Tôi ở nhà có một mình và không biết phải làm gì. Cơ thể của bố không làm tôi sợ nhưng, ngay lập tức và mạnh mẽ, tôi nhớ bố. Dường như có cái gì đó sai nếu để bố ngồi trong ghế như thế, vậy là tôi
https://thuviensach.vn
cố bê bố lên gác, vào phòng ngủ, nhưng việc đó quá khó khi làm một mình. Tôi gọi cho thằng Ralphy ở bên kia đường. Khi nó sang và nhận ra tôi gọi nó để làm gì, nó bắt đầu khóc. Tôi vẫn cứ bắt nó giúp tôi. Một lúc sau thì mẹ về nhà và khi tôi nói rằng bố đã chết, mẹ chạy lên gác, gọi tên bố. Vài phút sau, mẹ chạy xuống. “Ơn Chúa”, mẹ nói. “ít nhất là bố con cũng mất ở trên giường”. Chuyện này có vẻ quan trọng với mẹ và tôi không nói cho mẹ biết sự thật. Nhưng tối đó, bố mẹ thằng Ralphy gọi điện. Họ nói rằng họ sốc vì những gì tôi đã làm, và mẹ cũng sốc khi nghe chuyện – sốc và giận. Tại sao chứ? Bởi vì tôi đã không nói thật? Hay bởi vì sau khi biết sự thật thì mẹ không thể nào tiếp tục đinh ninh là bố đã chết trên giường?
Khi tôi về đến nhà, mẹ tôi đang xếp gỗ vào trong lò sưởi; mẹ không nhìn tôi, cũng không nói gì với tôi một lúc lâu. Cuối cùng, mẹ cũng xếp xong gỗ và đứng lên phủi tay. Mẹ lùi lại nhìn ngọn lửa mẹ đã đốt. “Tốt rồi”, mẹ nói. “bị lao phổi mà làm được thế là tốt lắm rồi”.
“Con xin lỗi chuyện lá thư”.
“Xin lỗi? Xin lỗi con đã viết hay xin lỗi vì mẹ tìm thấy nó?” “Con không định gửi đi. Con chỉ đùa thôi”.
“Ha ha”. Mẹ cầm chổi quét những vụn gỗ vào trong lò sưởi, rồi kéo rèm cửa và ngồi xuống sô-pha. “Ngồi xuống” mẹ nói. Mẹ bắt chéo hai chân. “Nghe này, mẹ lúc nào cũng khuyên bảo con à?”
“Vâng”.
“Thật thế à?”
Tôi gật đầu.
“Được rồi, mẹ đoán là mẹ có làm thế. Mẹ là mẹ. Mẹ sẽ còn phải khuyên bảo con, chỉ là để tốt cho con thôi. Con không cần phải bịa đặt những chuyện bệnh tật của mẹ đâu James. Đằng nào chúng cũng sẽ xảy ra thôi”. Mẹ nhặt nhặt gấu váy. “Con có hiểu không?”
“Dạ có”.
https://thuviensach.vn
“Con đang lừa dối bản thân con, mẹ đã cố nói với con điều đó. Cứ thế này thì đến khi con bằng tuổi mẹ, con sẽ không còn biết gì về cuộc sống nữa. Tất cả những gì con biết sẽ chỉ là những thứ con đã bịa ra”.
Tôi nghĩ về điều đó. Có vẻ là logic.
Mẹ nói tiếp. “Mẹ nghĩ có lẽ con gần phải nghĩ đến bản thân con ít hơn. Con phải nghĩ nhiều hơn đến người khác”.
Chuông cửa reo.
“Ra xem ai đi”, mẹ nói. “Chuyện này sẽ nói sau”.
Là bác sĩ Murphy. Bác sĩ Murphy và mẹ xin lỗi lẫn nhau và mẹ khăng khăng bắt bác sĩ Murphy ở lại ăn tối. Tôi vào bếp lấy đá để bỏ vào đồ uống cho họ và khi tôi trở lại thì họ đang nói chuyện về tôi. Tôi ngồi trên sô-pha nghe. Bác sĩ Murphy bảo mẹ đừng lo. “James là một thằng bé ngoan”, bác ấy nói. “Tôi cứ nghĩ đến thằng Terry nhà tôi. Nó không phải người dối trá, nhưng nó cũng không phải đứa trung thực. Tôi không thể nào nói chuyện được với nó. ít nhất thì James nó cũng không lươn lẹo”.
“Không”, mẹ nói. “Nó chưa bao giờ lươn lẹo”.
Bác sĩ Murphy đập hai tay vào nhau giữa hai đầu gối và nhìn chằm chằm vào chúng. “Terry thì thế. Lươn lẹo”.
Trước khi chúng tôi ngồi xuống ăn tối, mẹ cầu nguyện. Bác sĩ Murphy cúi đầu, nhắm mắt và làm dấu thánh giá khi mẹ cầu nguyện xong mặc dù bác ấy đã mất niềm tin vào Chúa hồi ở đại học. Khi bác ấy kể với tôi chuyện này – trong một cuộc gặp của chúng tôi và bằng chính những lời đó – tôi cứ hình dung ra một cái áo đi mưa treo một mình bên ngoài một phòng ăn. Bác ấy uống nhiều rượu và liên tục xoay câu chuyện về mối quan hệ của bác ấy với anh Terry. Bác ấy thừa nhận rằng mình đã đi đến chỗ không ưa anh ấy. Bác ấy dùng từ “không ưa” một cách dè dặt như thể một người ăn kiêng đang cho phép mình ăn một miếng khoai tây rán. “Tôi cũng chẳng biết tôi đã làm gì sai”, bác ấy nói đột ngột, không rõ là ám chỉ chuyện cụ thể gì. “Nhưng mà cũng có thể là tôi chẳng làm gì sai cả. Tôi cũng chẳng biết phải nghĩ thế nào nữa. Thực ra chúng ta có ai biết gì đâu”.
https://thuviensach.vn
“Tôi thì biết phải nghĩ gì”, mẹ nói.
“Những kẻ duy ngã cũng nghĩ thế. Làm thế nào để chứng minh cho một kẻ duy ngã là anh ta không tạo ra tất cả chúng ta?11”
Đây là một trong những câu chơi chữ ưa thích của bác sĩ Murphy, và hầu như bất cứ tình huống nào cũng có thể khiến bác ấy bật ra câu này. Bác ấy là một thằng nhóc láu cá.
“Bắt nó đi ngủ đói”, mẹ nói. “Để nó tự tạo ra bữa tối xem”.
Bác sĩ Murphy quay sang tôi. “Tại sao cháu làm thế, hả?” bác ấy hỏi. Bác ấy chỉ hỏi thế thôi, hoàn toàn vì tò mò. Mẹ nhìn tôi nhưng mặt mẹ không có cùng vẻ tò mò như thế.
“Cháu không biết”, tôi nói và đó là sự thật.
Bác sĩ Murphy gật đầu, không phải vì bác ấy đã đoán trước được câu trả lời của tôi mà vì bác ấy chấp nhận câu trả lời ấy. “Thế cháu có thấy vui không?”
“Không, không vui. Cháu không giải thích được”.
“Làm sao mà lại lắm chuyện buồn thế chứ?” mẹ hỏi. “Tại sao lại có những thứ bệnh thế này hả giời?”
“Có thể vì những chuyện buồn là những chuyện thú vị”.
“Đâu có thú vị với tôi”.
“Cháu cũng không thấy thú vị”, tôi nói. “Nhưng mà nó cứ xảy ra”.
Sau bữa tối, bác sĩ Murphy yêu cầu mẹ chơi piano. Bác ấy đặc biệt muốn hát bài “Anh sẽ đưa em trở về nhà, Kathleen”.
“Cái bài hát cũ đấy!”, mẹ nói. Mẹ đứng chăm chú gập khăn ăn lại, rồi chúng tôi theo mẹ vào phòng khách. Bác sĩ Murphy đứng phía sau mẹ trong lúc mẹ khởi động. Rồi họ hát bài “Anh sẽ đưa em trở về nhà, Kathleen” và tôi thấy bác sĩ nhìn mẹ như thể bác ấy đang cố nhớ điều gì. Mắt mẹ nhắm lại. Sau đó, họ hát bài thánh ca “O magnum mysterium”12. Họ hát bè và tôi tiếc là tôi không có giọng họa theo, bởi vì nghe thật hay.
https://thuviensach.vn
“Nào, James”, bác sĩ Murphy nói trong lúc mẹ chơi những hợp âm cuối cùng. “Cháu không thích mấy bài hát cổ này sao?”
“Nó không biết hát đâu”, mẹ nói.
Sau khi bác sĩ Murphy về, mẹ bật bếp và pha thêm cà phê. Mẹ ngồi trong ghế bành lớn, hai chân duỗi thẳng ra phía trước, bàn chân đung đưa. “Cũng vui”, mẹ nói.
“Mẹ với bố có bao giờ làm thế không?”
“Cũng có vài lần, hồi bố mẹ mới bắt đầu hẹn hò. Mẹ nghĩ bố không thích lắm. Bố con giống con”.
Tôi tự hỏi liệu bố mẹ có hạnh phúc không. Bố ngưỡng mộ mẹ và thích ngắm mẹ; bữa tối nào bố cũng bảo chúng tôi dịch cây nến sang phải hoặc trái một tí để bố có thể nhìn thấy mẹ qua bàn ăn. Và tối nào cũng thế, lúc dọn bàn ăn, mẹ lại đặt cây nến ở chính giữa. Mẹ có vẻ chẳng nhớ bố lắm. Nhưng mà thực sự, nếu mẹ có nhớ bố rất nhiều thì tôi cũng chẳng biết được; chính tôi cũng chẳng còn nhớ bố nhiều nữa. Thường thì tôi nghĩ đến những chuyện khác.
“James?”
Tôi chờ.
“Mẹ nghĩ là có thể con muốn xuống chỗ anh Michael ở một hai tuần gì đó”.
“Thế con nghỉ học ạ?”
“Mẹ sẽ nói chuyện với cha McSorley. Ông ấy sẽ không phiền đâu. Có thể mọi chuyện sẽ ổn nếu như con bắt đầu nghĩ đến người khác, giúp đỡ người khác, như anh Michael ấy. Con không phải đi nếu con không muốn”.
“Không sao. Con muốn đi thăm anh Michael”.
“Mẹ không có ý bắt con đi”.
“Con biết”.
https://thuviensach.vn
Mẹ duỗi chân rồi bỏ hai chân vào trong chăn. Mẹ nhấp cà phê. “Cái từ mà bác Murphy dùng nghĩa là gì nhỉ? Cái từ ấy đấy”.
“Từ hoang tưởng hả mẹ? Nó có nghĩa là một người lúc nào cũng tưởng người khác muốn hại mình. Như cái bà gì mà lúc nào cũng túm lấy mẹ sau lễ nhà thờ ấy – bà Dorothea”.
“Không phải hoang tưởng. Từ đấy thì ai chả biết. Người duy ngã ấy”.
“Ồ. Người duy ngã là người cho rằng anh ta tạo ra mọi thứ xung quanh mình”.
Mẹ gật gật đầu và thổi cà phê, rồi đặt nó xuống mà không uống. “Mẹ thích hoang tưởng hơn. Con nghĩ là bà Dorothea bị hoang tưởng à?”
“Vâng. Chuyện ấy quá rõ”.
“Ý mẹ là, bị bệnh ấy hả?”
“Vâng, thì hoang tưởng là thế mà, nó là bệnh. Thế mẹ tưởng nó là cái gì?”
“Sao con phải cáu lên thế?”
“Con không cáu”, tôi hạ giọng. “Con có cáu đâu”.
“Mẹ nghĩ bà ấy chẳng biết mình đang nói gì đâu, bà ấy chỉ muốn có ai nghe thôi. Bà ấy chắc là sống một mình trong một căn phòng nhỏ nào đó. Chúng ta nên cầu nguyện cho bà ấy. Con sẽ nhớ làm điều đó chứ?”
Tôi hình dung ra mẹ hát bài “O Magnum Mysteirum” rồi cầu nguyện với sự tự tin đơn giản. Mẹ luôn có thể tưởng tượng mọi thứ tốt lên chứ không tưởng tượng mọi thứ đổ vỡ. Mẹ nhìn tôi và tôi rúm người lại. Tôi biết mẹ sẽ nói gì.
“Con trai”, mẹ nói. “Con có biết là mẹ yêu con thế nào không?”
Chiều hôm sau, tôi đi xe buýt tới Los Angeles. Tôi đã chờ mong chuyến đi này, chờ mong sự đơn điệu của con đường và những cánh đồng
https://thuviensach.vn
trống hai bên đường. Mẹ đưa tôi đi dọc bến xe dài. Bến xe đông người và ngột ngạt. “Con có chắc là cái xe này không?”, mẹ hỏi ở chỗ lên xe.
“Vâng”.
“Trông cũ quá”.
“Kìa mẹ!”
“Được rồi”. Mẹ kéo tôi lại gần và hôn tôi, rồi ôm tôi hơi lâu để chứng tỏ là mẹ muốn ôm tôi thật chứ không phải chỉ như những người khác; mẹ chẳng bao giờ nhận ra là những người khác cũng làm y như thế. Tôi lên xe buýt và chúng tôi vẫy chào nhau cho đến lúc chuyện này trở nên ngượng ngập. Rồi mẹ bắt đầu lục tìm gì đó trong ví. Khi mẹ lục xong, tôi đứng lên và sắp xếp va li trên giá để hành lý. Rồi tôi ngồi xuống và chúng tôi mỉm cười với nhau, rồi lại vẫy tay khi người lái xe khởi động xe, rồi nhún vai khi ông ấy đột ngột đứng lên đếm số hành khách, và lại vẫy một lần nữa khi ông ấy ngồi xuống. Khi xe chuyển bánh, mẹ và tôi nhìn nhau nhẹ nhõm.
Tôi đã lên nhầm xe. Chiếc này cũng đi Los Angeles nhưng không phải là chuyến tốc hành. Chúng tôi dừng ở San Mateo, Palo Alto, San Jose, Castroville. Khi chúng tôi rời Castroville, trời bắt đầu mưa to; cửa sổ chỗ tôi ngồi lại không đóng chặt được và một dòng nước nhỏ chạy dọc khe kính xuống ghế của tôi. Để giữ khô, tôi phải ngồi dướn lên trên và xa cửa sổ ra. Mưa to hơn. Động cơ xe gầm lên như thể nó sắp sửa vỡ.
Ở Salinas, người đàn ông ngủ cạnh tôi chuyển lên phía trước nhưng trước khi tôi kịp lấy ghế của ông ta thì một người phụ nữ to béo mặc váy hoa đã lấy mất. Bà ta mang một cái giỏ mua hàng lớn. Bà ta ngồi xuống, người tràn cả sang một nửa ghế của tôi. “Giông đấy”, bà ta nói to, rồi quay đầu nhìn tôi. “Đói không?” Rồi chẳng đợi tôi trả lời, bà ấy thò tay vào túi lấy ra một miếng thịt gà và quẳng cho tôi. “Ôi giời, Chúa ơi”, bà ta kêu lên. “nhìn bằng bé nghiến ngấu cái đùi kìa”. Những người khác quay lại nhìn và mỉm cười. Tôi mỉm cười đáp lại và cứ ăn. Tôi ăn hết miếng thịt; bà ấy lại cho tôi một miếng khác. Rồi bà ấy bắt đầu đưa thịt gà cho những người ngồi xung quanh chỗ chúng tôi.
https://thuviensach.vn
Bên ngoài San Luis Obispo, tiếng động cơ xe kêu càng to rồi đột ngột tắt lịm. Người lái xe táp xe vào vệ đường rồi ra khỏi xe, rồi lại lên xe, người ròng ròng nước mưa. Một lúc sau, ông ta tuyên bố rằng xe đã hỏng và người ta đang điều một cái xe khác đến đón chúng tôi. Một người hỏi bao lâu thì xe kia đến; người lái xe nói ông ta không biết. “Bình tĩnh đi”, người phụ nữ ngồi cạnh tôi kêu to. “Người nào định đi Los Angeles mà lại vội thì chắc là điên rồi”.
Gió đang thổi mạnh khiến mưa tạt vào cả hai bên cửa sổ. Chiếc xe lắc nhẹ. Bên ngoài, trời có màu nâu thẫm. Bà béo ngồi cạnh tôi hỏi tất cả những người ngồi quanh chúng tôi xem họ từ đâu đến và đi về đâu rồi bình luận bà ấy đã bao giờ đến đó chưa. “Cháu thì sao?” bà ấy đập vào đầu gối tôi. “Bố mẹ có trại nuôi gà hả? Bác đoán thế?”. Bà ấy phá lên cười. Tôi bảo bà ấy tôi từ San Francisco tới. Bà ấy hỏi tôi làm gì ở đó và tôi nói tôi làm việc với những người tị nạn từ Tây Tạng.
“Thật thế hả? Cháu làm gì với cái đống người Tây Tạng đó?”
“Lẽ ra họ nên kiếm nước khác mà đến”, người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi nói. “Chúng ta đâu có đến chỗ họ”.
“Thế cháu làm gì với cái đống người Tây Tạng đó hả?”, bà béo nhắc lại.
“Thì cháu tìm việc làm cho họ, tìm nhà cho họ, rồi là nghe họ nói về các khó khăn”.
“Cháu biết tiếng Tây Tạng hả?”
“Vâng.”
“Cháu có nói được không?”
“Cũng tàm tạm. Cháu lớn lên ở đấy. Bố mẹ cháu đi truyền giáo ở đấy”. “Truyền giáo cơ đấy!”
“Bố mẹ cháu bị giết chết ở đó”.
Bà béo vỗ vỗ vào tay tôi.
https://thuviensach.vn
“Không sao mà”, tôi nói.
“Thế cháu nói thử tiếng Tây Tạng xem nào”.
“Bác muốn nghe gì ạ?”
“Thì nói Con bò nhảy lên mặt trăng xem”. Bà béo nhìn tôi mỉm cười và khi tôi nói xong, bà ấy nhìn những người khác rồi lắc đầu.
“Sao mà hay thế chứ. Nghe cứ như hát ấy. Cháu nói gì nữa đi xem nào”.
“Nói gì ạ?”
“Gì cũng được”.
Họ nghiêng đầu về phía tôi. Những cửa sổ đã mờ đi vì mưa. Người lái xe đã ngủ gật và ngáy nhè nhẹ trong lúc cái xe lắc khẽ. Bên ngoài, ánh sáng nhập nhoạng đã chuyển thành một màu vàng xám và ở xa có những tiếng sấm. Người đàn bà cạnh tôi ngả ra sau và nhắm mắt lại; những người khác cũng thế trong lúc tôi hát cho họ nghe bằng một thứ tiếng mà họ tin chắc là một thứ tiếng cổ xưa và thần thánh.
https://thuviensach.vn
Người anh giàu có
Họ là hai anh em. Pete và Donald.
Pete, người anh lớn, kinh doanh bất động sản. Anh và vợ quản lý một văn phòng chi nhánh cho Century 21 ở Santa Cruz. Pete làm việc chăm chỉ và kiếm được nhiều tiền – dĩ nhiên vẫn không nhiều như anh nghĩ mình đáng được hưởng. Anh có hai cô con gái, một cái thuyền buồm, một căn nhà mà từ đó anh có thể nhìn thấy một dải biển hẹp, và những người bạn cũng đủ giàu để không phải cầu mong anh sẽ gặp rủi ro. Donald, người em trai, vẫn còn độc thân. Cậu ta sống một mình, sơn nhà khi người ta thuê, và vay nợ Pete ngày càng nhiều khi không tìm được việc.
Không ai có thể tưởng tượng họ là anh em. Pete thì mập mạp, vui vẻ, và yêu đời. Donald thì gầy, nghiêm nghị, và lúc nào cũng ám ảnh về số phận linh hồn mình. Trong nhiều năm, Donald đã đeo mòn ảnh của hai đấng cứu thế khác nhau quanh cổ. Vì sự trung thành với đấng thứ hai, cậu ta đã vào sống trong một tu viện ở Berkeley và suýt chết vì bệnh viêm gan do không được chẩn đoán kịp. Cho đến lúc Pete thanh toán hết viện phí cho Donald thì cậu ta đã kịp trở thành con chiên đạo Ki tô. Cậu ta trôi nổi từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, rồi tham gia một cộng đồng theo dòng Pentecost13; họ thường xuyên gặp nhau ở trong quận Mission14để cùng đọc thần chú và trao đổi các lời tiên tri.
Pete không sao hiểu nổi chuyện này. Cha mẹ của anh và Donald đều đã chết nhưng hồi còn sống, cả hai người đều không thấy cần thiết phải tin rằng thần thánh hay quỷ sứ có mối quan tâm đặc biệt gì đến số phận cuộc hôn nhân của họ. Họ xoay sở để có thể là những người tử tế nhưng không ngớ ngẩn, và Pete cũng có chung tham vọng này với họ. Anh nghĩ chuyện theo đạo của Donald chỉ là một cái cớ để cậu ta khỏi phải suy nghĩ nghiêm túc về chuyện kiếm sống.
https://thuviensach.vn
Vấn đề là ở chỗ Donald không hài lòng với việc chỉ lo lắng về linh hồn bản thân mình. Cậu ta phải lo lắng về linh hồn của tất cả những người khác nữa, nhất là của Pete. Cậu ta giảng đạo cho anh theo những cách mà cậu ta nghĩ là tế nhị, thông qua những sự im lặng đầy ngụ ý, những lời ám chỉ bóng gió, qua những cái nhìn đượm vẻ tuyệt vọng với hàm ý “Anh trai, hãy xem anh đã sa ngã đến thế nào?” Cái mà Pete sa ngã vào, theo ý Donald, là sự giàu có. Đấy là vấn đề cốt lõi giữa hai anh em. Pete giàu, còn Donald thì nghèo.
Vào tuổi 40, Pete bắt đầu học nhảy dù trên không. Anh nhảy lần đầu cùng với hai người bạn đã học nhảy dù trước đó có vài tháng nhưng đã bắt đầu biết làm các trò nhào lộn. Pete không bao giờ muốn động đến chữ “thần tiên” nhưng đấy thực sự là cảm giác của Pete về chuyện nhảy dù. Sau đó, anh mắc sai lầm là mô tả lại kinh nghiệm này cho Donald. Donald hỏi chuyện đó tốn bao nhiêu tiền và tỏ ra kinh sợ khi Pete nói ra con số.
“Ít nhất tôi cũng đang thử cái gì mới” Pete nói. “ít nhất tôi cũng đang cố thay đổi thói quen”.
Không lâu sau cuộc trò chuyện này, Donald cũng thay đổi thói quen bằng cách chuyển tới sống ở một trang trại gần Paso Robles. Trang trại được sở hữu bởi một vài thành viên trong nhóm của Donald – họ mua nó với ý tưởng sẽ thành lập một gia đình đức tin. Đấy là giải thích của Donald trong lá thư đầu tiên. Hàng tuần, Pete được nghe Donald kể cậu ta đang hạnh phúc như thế nào “trong Chúa”. Cậu ta nói với Pete rằng cậu ta đang cầu nguyện cả cho anh; cậu ta và toàn thể những người anh và người chị tinh thần của Pete trong trang trại.
Pete muốn trả lời “Tôi chỉ có một thằng em trai và thế là đủ lắm rồi” nhưng anh giữ ý nghĩ đó cho mình.
Vào tháng Mười Một, những lá thư ngừng lại. Lúc đầu Pete không lo lắng về chuyện này nhưng khi anh gọi điện vào Lễ Tạ Ơn, Donald có vẻ ủ rũ. Cậu ta cố gắng vui vẻ nhưng lại không cố gắng đủ để sự vui vẻ đó có tính
https://thuviensach.vn
thuyết phục. “Nghe này”, Pete nói. “cậu không cần phải ở lại cái chỗ đó nếu cậu không muốn”.
“Em không sao đâu”, Donald trả lời.
“Vấn đề không phải là thế. Vấn đề không phải là sao hay không sao. Nếu cậu không thích cuộc sống ở đấy thì cậu nên đi”.
“Em không sao mà”, Donald nói. “Em vẫn ổn”.
Nhưng một tuần sau, Donald gọi điện cho Pete và nói rằng cậu ta sẽ bỏ trang trại. Khi Pete hỏi cậu ta định đi đâu, Donald thú nhận rằng cậu ta chưa có kế hoạch gì. Ô tô của Donald đã bị lấy lại ngay trước khi cậu ta rời thành phố và cậu cũng chẳng còn đồng nào.
“Thế thì chắc là cậu phải đến nhà tôi ở rồi”, Pete nói.
Donald làm bộ phản đối. Nhưng rồi cậu ta cũng đầu hàng. “Em chỉ ở đến khi em ổn định lại thôi đấy”.
“Được rồi”, Pete nói. “Cứ tính toán đi”. Anh nói với Donald anh sẽ gửi tiền để Donald mua vé xe buýt nhưng khi họ chuẩn bị bỏ điện thoại thì Pete đổi ý. Anh biết Donald sẽ cố gắng xin đi nhờ xe dọc đường để tiết kiệm tiền vé và anh thì không muốn Donald đứng ngoài đường chờ xe một mình vì một kẻ bệnh hoạn nào đó có thể cho cậu ta đi nhờ xe và rồi chuyện gì cũng có thể xảy ra.
“Tôi sẽ đến đón cậu”, Pete nói.
“Không cần phải thế đâu. Em không cần anh làm thế” Donald nói. “Đường cũng xa”.
“Cứ chỉ cho tôi đường đến đó là được”.
Nhưng Donald không chịu chỉ đường. Cậu ta nói trang trại này quá ảm đạm, Pete sẽ không thích. Thay vì thế, cậu ta khăng khăng đòi gặp nhau ở ngoài trạm xăng có tên Tổ hợp đại cơ khí của Jonathan.
“Cậu đùa hả?” Pete nói.
“Nó ở gần đường”, Donald nói. “Em đâu có đặt tên cho nó”.
https://thuviensach.vn
“Tên đấy đáng ghi vào sách đỏ”, Pete nói.
Trước hôm đi đón Donald, Pete nhận được một lá thư từ một người tự giới thiệu là “chủ gia đình” ở trang trại mà Donald đã sống. Ông ta thông báo rằng Donald không bỏ trang trại mà bị đuổi đi. Bức thư được viết trên mặt kia của một phiếu điều tra ý kiến về một nghi lễ nào đó. Câu hỏi cuối cùng thế này:
Bạn cảm thấy thế nào trong buổi tế lễ?
- Cảm thấy đang-là
- Cảm thấy đang-trở-thành
- Vừa đang-là vừa đang-trở-thành
- Không phải các cảm giác trên
- Toàn bộ các cảm giác trên15
Pete cố gắng quên bức thư nhưng dĩ nhiên anh không thể. Mỗi lần nghĩ đến nó, anh lại thấy nghẹt thở – và anh lại có cảm giác đó khi anh lái xe tới trạm xăng và thấy Donald ngồi dựa vào một bức tường, đầu gục giữa hai đầu gối. Lúc đó là chiều tối. Một cái cốc nhựa bị những cơn gió ẩm cuốn lăn chầm chậm ngang qua chân cậu ta.
Pete bấm còi; Donald ngẩng đầu lên. Cậu ta mỉm cười với Pete rồi đứng dậy vươn vai. Cánh tay cậu ta dài, gầy, trắng bợt. Cậu ta đeo một dải băng ngang trán, người mặc một chiếc áo phông có một dòng logo ở ngực mà Pete không thể đọc được vì những dòng chữ đã bị phai.
“Lớn rồi đấy”, Pete gọi to. “Kiếm con Mercedes mà đi chứ”.
Donald bước tới cửa sổ xe. Cậu ta khom người xuống và nói “Cảm ơn. Chắc là anh mệt lắm nhỉ”.
“Không sao”, Pete chỉ vào cái áo phông. “Chữ gì thế này?”
Donald nhìn xuống ngực áo. “Try God16. Chắc là em mặc ngược. Pete, cho em mượn mấy đồng. Em nợ tiền cà phê và bánh mì kẹp”.
Pete lấy ra 5 tờ 20 đôla từ ví và đưa qua cửa sổ.
https://thuviensach.vn
Donald lùi lại như thể hoảng sợ. “Làm gì mà lắm thế”
“Tôi không có tiền lẻ, Pete nói. Khi nào cậu có tiền thì trả tôi cũng được”. Anh vẫy vẫy mấy đồng tiền. “Này này, cầm đi”.
“Em chỉ vay tạm thôi đấy!”, Donald cầm lấy tiền và đi vào trong trạm xăng. Cậu ta trở ra với hai lon nước cam; cậu ta đưa một lon cho Pete trong lúc vào xe. “Em đãi”, cậu ta nói.
“Không có túi tiếc gì à?”
“Chết, không nhắc thì quên béng”. Donald đặt lon nước cam lên bệ trên đầu xe nhưng khi cậu ta bước ra, xe chòng chành làm lon nước rơi xuống ngế ngồi; một nửa lon nước đổ ra ghế và sủi bọt trước khi Pete kịp tóm nó lên. Donald nhìn trong lúc Pete giơ lon nước ra ngoài cửa sổ, bọt ga chảy dọc những ngón tay anh.
“Lau đi”, Pete nói. “Nhanh lên!”
“Lấy gì lau bây giờ?”
Pete nhìn Donald. “Cởi áo cậu ra. Lấy áo mà lau”.
Donald xịu mặt nhưng cũng làm như Pete nói; làn da tái của cậu ta nhăn lại trước gió.
“Sướng thật!”, Pete nói. “Chưa ra khỏi trạm xăng đã được một vố”. Sau đó, khi họ đã ở trên xa lộ, Donald nói: “Xe này mới, nhỉ?” “Phải, xe mới”.
“Chắc thế nên anh mới làm um lên chuyện cái ghế chứ gì?” “Quên chuyện đó đi, được chưa? Quên đi”.
“Em đã xin lỗi rồi mà”.
“Thế cậu không cẩn thận hơn được à?”, Pete nói. “Mấy cái ghế này là ghế da. Cái vết đó chả tẩy được đâu; lại còn mùi nữa. Có ghế da mà lại chả có mùi da, toàn mùi nước cam, chả ra cái thể thống gì”.
“Cái xe cũ của anh bị làm sao?”
https://thuviensach.vn
Pete liếc sang và thấy Donald đã kéo mũ của cái áo thụng xanh lên đầu. Cái chóp mũ dựng đứng trên khuôn mặt gân guốc, chăm chú của cậu ta khiến cậu ta trông như một quan tòa trung cổ.
“Chả sao cả”, Pete nói. “Tôi thích cái xe này hơn, thế thôi”. Donald gật đầu.
Họ im lặng một lúc lâu trong khi Pete lái xe và trời tối dần. Hai bên đường là những cánh đồng đầy những gốc rạ. Những quả đồi thấp chạy dọc chân trời, thỉnh thoảng lại có những chỏm cây màu đen cắt vào nền trời buổi tối. Trong dòng xe chạy ngược với họ, một người lái xe đã bật đèn pha. Pete cũng bật đèn pha.
“Rút cục thì chuyện thế nào?” Pete hỏi. “Cậu không thích sống ở trang trại nữa à?”
Donald không trả lời ngay. Sau cùng cậu ta nói đơn giản “Lỗi tại em”. “Cậu có lỗi gì?”
“Tất. Thôi đừng giả vờ nữa đi Pete. Em biết là họ viết thư cho anh”. Cậu ta nhìn Pete, rồi nhìn đường.
“Tôi không giả vờ”.
Donald nhún vai.
“Tôi chỉ biết là họ yêu cầu cậu rời trang trại”, Pete nói tiếp. “Tôi không biết gì cụ thể cả”.
“Em làm hỏng hết”, Donald nói. “Tin em đi, anh không muốn biết mấy cái chi tiết li kì rùng rợn đấy đâu”.
“Có chứ”, Pete nói. Anh thêm. “Ai mà chả muốn nghe các chi tiết li kì rùng rợn”.
“Ý anh là ai cũng muốn nghe xem người khác đã thất bại thế nào chứ gì?”
“Chứ sao”, Pete nói. “Đời là thế đấy”.
https://thuviensach.vn
Donald co một chân lên ghế và ngả người dựa vào cửa xe. Pete biết Donald đang quan sát anh. Anh chờ. Đêm đang xuống nhanh, lấp dần các khoảng trống trên mặt đất. Hai cái má hõm và đôi mắt sâu của Donald cũng đầy bóng tối. Lông mày cậu ta trắng.
“Anh có bao giờ mơ thấy em không?” Donald hỏi.
“Tôi có bao giờ mơ thấy cậu không? Hỏi với han kiểu gì thế? Dĩ nhiên là tôi không mơ thấy cậu”, Pete nói dối.
“Thế anh mơ thấy cái gì?”
“Sex và tiền. Chủ yếu là tiền. Khi tôi mơ tôi chả có đồng nào thì đấy là ác mộng”.
“Anh nói dối”, Donald nói.
Pete mỉm cười.
“Thỉnh thoảng em tỉnh dậy nửa đêm”, Donald nói tiếp, “và em biết là anh đang mơ thấy em”.
“Chúng ta đang nói chuyện trang trại”, Pete nói. “Nói cho xong chuyện đó đã rồi chúng ta sẽ nói mấy cái chuyện thần giao cách cảm và những thứ ba lăng nhăng tiền kiếp hậu kiếp”.
Trong một khoảnh khắc, Donald trông giống như một cái hộp sọ đang nhe răng cười; rồi cậu ta lại nghiêm nghị trở lại. “Cũng chả có gì mà kể”, cậu ta nói. “Thì nói chung em chả làm gì ra hồn cả”.
“Nói thế mơ hồ quá”, Pete nói.
“Thì, ví dụ như là chuyện thức ăn. Cứ lúc nào đến lượt em đi mua thức ăn thì em lại làm hỏng bét. Em mang thức ăn về nhưng mà một nửa bị mất, hoặc là em mua sai đồ, hoặc là mua sai loại bột mì, sai loại sô-cô-la, đại loại thế. Một lần thì em đem cho tất chỗ đồ ăn. Pete, anh cười cái gì?”
“Cậu cho ai?” Pete hỏi.
“Thì mấy người em cho đi nhờ xe về nhà. Mấy người nông dân đó. Họ có tám đứa con mà lại còn không biết nói tiếng Anh, chỉ biết gật. Dĩ nhiên là
https://thuviensach.vn
em không nên cho không thức ăn. Tức là không nên cho hết. Em biết thế. Nói chung là phải thực tế. Phải nghĩ đến bản thân mình nữa”. Donald cúi người về phía trước và Pete có thể cảm thấy sự hào hứng của cậu ta. “Thực ra thì kinh doanh cũng chả có gì sai”, cậu ta nói. “Miễn là mình công bằng với người khác thì mình cũng vẫn có thể nghĩ đến bản thân mình. Em đang nghĩ là em sẽ kinh doanh, Pete ạ”.
“Sẽ nói chuyện đó sau”, Pete nói. “Thế chuyện chỉ có thế à? Không còn gì nữa à?”
“Thế họ nói với anh những gì?” Donald hỏi.
“Chả nói gì cả”.
“Chắc chắn là họ đã nói gì với anh”.
Pete lắc đầu.
“Họ không nói với anh chuyện đám cháy à?”. Khi Pete lắc đầu lần nữa, Donald quan sát anh một lúc rồi khoanh tay trước ngực và ngả người trở lại cửa xe. “Ở đấy, mọi người thay phiên nhau nấu ăn. Em hay làm món cá thu hầm hoặc spaghetti với bánh mì nướng bơ tỏi. Nhưng có một tối, em nghĩ là em sẽ thử làm món khác, một món gì đó thú vị”. Cậu ta nhìn chăm chú vào Pete. “Anh thấy mấy cái chuyện này lố bịch lắm hả?”
“Xin lỗi cậu”, Pete nói.
“Anh chả biết lúc nào thì nên dừng lại. Lúc nào anh cũng thế” “Kể tiếp chuyện đám cháy đi”.
Donald vẫn tiếp tục quan sát Pete. “Anh lúc nào cũng muốn biến em thành thằng hề”
“Thôi nào, Donald. Cậu cứ có bé xé ra to”.
“Em biết tại sao anh thích làm thế. Tại vì đời anh chả có cái mục đích chó gì cả. Anh sợ phải so sánh anh với những người sống có mục đích, thế nên anh nhạo báng họ”.
“So sánh hả?” Pete nói.
https://thuviensach.vn
“Thực ra bên trong anh sợ chết khiếp”, Donald nói. “Sợ vãi cả đái ra. Từ xưa đến nay vẫn thế. Anh có nhớ là ngày xưa anh toàn định giết chết tôi không?”
“Tôi không muốn biến cậu thành thằng hề. Donald, cậu tự làm điều đó. Giờ cậu cũng đang làm điều đó”.
“Đừng có nói là anh không nhớ. Đấy là hồi sau khi tôi mổ. Chắc chắn anh vẫn nhớ chuyện đó”.
“Cũng hơi hơi”, Pete nhún vai. “Nhưng cũng chả rõ mấy”
“Ồ, chắc chắn là anh nhớ”, Donald nói. “Anh có muốn xem cái sẹo không?”
“Tôi nhớ cậu phải mổ. Tôi không nhớ rõ mọi chi tiết, có thế thôi. Mà làm quái gì có chuyện tôi định giết cậu”.
“Thế hả?” Donald giận dữ. “Rõ ràng là anh có. Lúc chó nào mà anh chả cố giết tôi. Mà vấn đề là về sau, tôi chả bao giờ được động vào cái chỗ quanh vết mổ, không thì ruột của tôi lại phòi ra và tôi lại bị ngộ độc. Chuyện đó không phải chuyện đùa, Pete. Mẹ lúc nào cũng như lên đồng khi tôi trèo lên cây hoặc làm cái gì đó. Còn anh thì cứ nhằm chỗ đó của tôi mà đánh, cứ hở ra là đánh”.
“Mẹ thì lên đồng ngay cả khi cậu ợ hơi”, Pete nói. “Chịu. Có thể tôi vô tình va vào cậu một hai lần gì đó. Tôi chả bao giờ cố tình làm thế”
“Cứ hở ra là đánh!” Donald nói. “Như là có tối bố mẹ vắng nhà và để anh trông tôi. Tôi nghe thấy họ chúc ngủ ngon, rồi họ nổ máy xe và khi họ đi rồi thì tôi nằm nghe ngóng. Sau đó, anh sẽ đi dọc hành lang, rồi tôi phải nhắm mắt giả vờ ngủ. Có tối thì anh chỉ đứng ngoài cửa; chỉ đứng ở đấy rồi bỏ đi; nhưng thường thì anh mở cửa vào và tôi nghe thấy anh trong phòng tôi; tôi nghe thấy anh thở. Anh đến ngồi bên giường của tôi, anh có nhớ không, Pete, chắc chắn là anh phải nhớ – anh ngồi cạnh giường tôi và kéo chăn xuống. Nếu tôi nằm sấp thì anh sẽ lật tôi lên. Rồi anh sẽ lật áo ngủ của tôi và đấm vào mấy vết khâu. Anh lấy hết sức để đấm, đấm đi đấm lại. Tôi sợ là anh sẽ nổi điên nếu anh biết tôi thức. Anh thấy có lạ không? Tôi lại
https://thuviensach.vn
phải sợ anh sẽ nổi điên nếu anh phát hiện ra tôi biết anh cố gắng giết chết tôi”. Donald cười lớn. “Nào, anh nói đi, đừng có giả vờ là anh không nhớ”.
“Có thể chuyện đó cũng xảy ra một hai lần. Trẻ con thì cái gì mà chả nghịch. Tôi chả hơi đâu quan tâm đến mấy cái chuyện tôi có thể đã làm cách đây hai mươi lăm năm”.
“Làm gì có chuyện có thể. Anh chắc chắn đã làm chuyện đó”.
Pete nói. “Cậu làm tôi mệt với mấy cái chuyện vớ vẩn này quá. Chúng ta còn phải lái xe một đoạn dài, nếu cậu không thôi đi thì chắc là chúng ta chả bao giờ tới nơi. Ít nhất là cậu sẽ không tới nơi”.
Donald quay đi.
“Tôi đang cố gắng hết sức rồi còn gì”, Pete nói. Cái vẻ tự thán trong giọng của anh làm cho câu nói nghe như một lời nói dối. Nhưng đó không phải một lời nói dối. Anh đang cố gắng hết sức thật.
Xe lên đỉnh một con dốc. Ở phía xa, Pete nhìn thấy một đám đèn sáng nhấp nháy và lặn dần khi anh xuống dốc. Trời không có trăng. Bầu trời thấp và đen.
“Nghĩ kỹ lại thì”, Pete nói. “Hôm trước tôi có mơ thấy cậu thật. Thực ra cách đây cũng lâu rồi. Cậu đói chưa?”
“Anh mơ thấy gì?”
“Kể cũng buồn cười. Tôi mơ thấy cậu đang chăm sóc tôi. Chỉ có tôi với cậu. Tôi không biết là mọi người đi đâu hết”.
Pete chỉ nói như vậy. Anh không nói với Donald rằng trong mơ, anh bị mù.
“Không biết có phải lúc đó là lúc em tỉnh dậy không”, Donald nói. “Nghe này, em xin lỗi em lôi lại chuyện cái sẹo. Em đã cố quên chuyện đó nhưng chắc em sẽ không bao giờ quên được. Không quên hẳn được. Cũng lạ; ai đời lại có người lúc nào cũng muốn giết chết mình”.
“Chuyện trẻ con ấy mà”, Pete nói. “Qua lâu rồi còn gì”.
https://thuviensach.vn