🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chúa Tàu Kim Quy Ebooks Nhóm Zalo TABLE OF CONTENTS Tựa đề I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX - I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - Chúa Tàu Kim Quy Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach Kho ebook online I - Nhà Lê Thủ Thành thuở nay hễ tối thì sập cửa nhưng mà ngày ấy trong nhà đã đốt đèn rồi, song cửa cái chưa sập, mà cửa sau cũng chưa gài. Thủ Thành lại ngồi chồm hổm dựa cửa mà dòm ra ngoài đường một hồi rồi trở vào đi lại giường giở mùng mà hỏi vợ rằng: “Bớt mệt hay không má nó!”. Người vợ nhướng mắt ngó chồng rồi gật đầu mà đáp rằng: “Bớt. Con Xuân đi hốt thuốc đã về hay chưa?”. Thủ Thành bỏ mùng xuống rồi nói rằng: “Chưa về. Thứ đây vô xóm Cây Xoài mà con nó đi làm sao từ hồi nửa chiều đến bây giờ mà chưa thấy tăm dạng gì hết vậy không biết. Còn thằng Nghĩa, hồi mặt trời gần lặn tôi biểu đi ngừa em nó, mà sao nó cũng mất biệt. Chắc là ông Tú đi khỏi, con Xuân nó ở nó chờ rồi tối nó không dám về chớ gì. Hồi nãy tôi có dặn thằng Nghĩa vô lối cây “táo một” đó mà ngừa, không biết nó chờ không được, nó có đi thẳng vô nhà ông Tú hay không”. Thủ Thành nói mấy lời rồi đi lại bộ ván giữa ngồi hút thuốc và ngó chừng mà xăn văn xéo véo, nên ngồi cũng không yên. Trông đợi hai đứa con đã mòn chí, túng thế ông ngồi khoanh tay trên ván mà chờ, không thèm dòm nữa. Ngoài đường thì vắng teo, không thấy ai đi qua đi lại, còn trong nhà thì cũng lặng lẽ; vợ nằm không cục cựa, chắc đã ngủ rồi. Thủ Thành ngồi nghĩ đến việc nhà. Năm nay là năm Minh Mạng thập thất, nhằmnăm Bính Thân, mình tuổi mới 63, còn vợ mới 61, mà mình không được mạnh giỏi cho lắm, còn vợ lại mang bịnh ho. Vợ chồng sanh có hai đứa con: thằng Lê Thủ Nghĩa năm nay nó đã được 21 tuổi rồi, nó là đứa ham học, mà ngặt nhà nghèo, còn cha mẹ thì bịnh hoạn, nên nó phải bỏ học nửa chừng để lo cày cuốc mà nuôi mẹ cha. Coi bộ nó phải lòng con Chuyên mà tính cậy mai đi nói thì nó không chịu, cứ nói nhà nghèo nếu đi cưới vợ lại càng thêm tốn hao. Còn đứa con gái là con Xuân, năm nay nó mới 19 tuổi, mà chồng đã đi nói rồi, tính để 20 tuổi sẽ cho cưới, mà bên chồng nó cứ theo nài hoài, xin cưới cho sớm. Thủ Thành ngồi suy nghĩ tới đó, bỗng thấy ngoài đường có dạng người đi, liền chạy ra cửa mà ngó, thì thiệt quả hai đứa con về, Thị Xuân đi trước, đầu cổ chồm bồm, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, còn Thủ Nghĩa đi sau, tay mặt cầm hèo, tay trái xách thang thuốc, mặt mày coi cũng khác sắc. Thủ Thành thấy hai con về khuya mà khí sắc khác thường thì trong lòng lo sợ, liền hỏi rằng: “Có việc gì hay sao mà bây về khuya dữ vậy?” Thị Xuân nghe cha hỏi, vừa muốn níu cha mà khóc, kế Thủ Nghĩa bước tới cản ngang, biểu em vô buồng mà nghỉ, rồi day lại hỏi cha vậy chớ mẹ có bớt chút nào không. Thủ Thành nói: “Từ hồi tối đến bây giờ không có ho nữa, nên mới nghỉ đặng một lát đó đa”. Thủ Nghĩa liếc cha rồi đi thẳng xuống nhà sau. Thủ Thành hội ý đi theo, còn Thị Xuân giở mùng thăm chừng mẹ rồi đi thẳng vô buồng. Thủ Thành xuống nhà sau ngồi khoanh tay trên ván ngó chừng Thủ Nghĩa, còn Thủ Nghĩa súc siêu, bỏ thang thuốc vô, đặt lên bếp rồi ngồi gần cha mà tỏ rằng mình đi ngừa em vô khỏi hàng gáo, ngó ra thấy có dạng người đi tưởng là em về nên ngồi đó mà chờ. Ngồi chẳng bao lâu, lại nghe có tiếng la làng, lật đật xách hèo mà chạy. Ngó trước mặt không thấy ai đi hết, chạy tới cây “táo một” nghe trong giữa đámdâu của bà Liễu có tiếng người rên khóc nhỏ nhỏ mới xốc riếc vô, thì gặp Trần Tấn Thân đương hãmhiếp em mình, giận mới vác hèo đập nó, nó chạy ra tới đường té nhủi dựa gốc táo, mình đập hai ba hèo nữa, tưởng nó đã chết rồi nên bỏ đó trở vô đám dâu mà cứu em, nào ngờ khi dắt em về, ra tới cây táo thì không thấy thây Trần Tấn Thân nữa, không biết nó làm bộ chết đặng thoát thân, hay là nó đã chết thiệt mà họ khiêng thây nó họ giấu. Thủ Nghĩa lại nói mình có hỏi con Xuân thì nó nói hồi bận đi, vừa ra khỏi chợ nó có gặp Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng, Tấn Thân theo chọc nó hoài mà nó không thèm nói đi nói lại. Lúc nó đi về, vừa tới cây “táo một” thình lình Tấn Thân trong bụi nhảy ra chụp nó kéo riết vào đám dâu. Nó la làng được ít tiếng, rồi bị Tấn thân bóp họng nên nó la không được nữa. Thủ Thành nghe con thuật chuyện thì ngồi lắc đầu mà thở ra, chớ không nói chi hết. Thủ Nghĩa dọn cơm rồi vào buồng kêu Thị Xuân ra ăn. Thị Xuân nằm khóc hoài không chịu ra. Hai cha con ngồi ăn cơm, mạnh ai nấy ăn, không nói tiếng chi hết. Chừng ăn gần rồi, Thủ Thành mới hỏi rằng: “Bây giờ con tính kiện thằng Trần Tấn Thân hay không?”. Thủ Nghĩa suy nghĩ một hồi rồi thưa rằng: “Dạ thưa cha, con tính để sáng con sẽ dắt em con lên Huyện mà kiện nó”. Thủ Thành đi uống nước rồi lại ngồi một bên con mà nói rằng: - Cha tưởng con không nên kiện đâu con. - Thưa sao vậy? - Con đánh nó dầu không chết thì cũng đã nặng quá rồi, nếu con còn đi kiện nó nữa, cha e nó tức trí nó vãi tiền ra nó lo rồi mình kiện đã thua mà còn bị hại nữa đa con. - Cha nói vậy cũng phải, mà nó làm như vậy bây giờ mình lặng thinh hay sao? Con Xuân chồng gần cưới rồi, mà chuyện này sớm muộn gì rồi đây thiện hạ cũng hay, nếu mình lặng thinh thì chồng nó đương thèm đi cưới đa. - Cưới hay không cưới tự ý nó, chớ biết sao bây giờ. Theo ý cha, đi kiện thì hại nhiều, còn lợi thì không có, đó con. - Việc ấy tại cha định. Thôi để sáng con dọ thử coi, như nó kiện con đánh nó, thì con sẽ kiện nó hãmhiếp con Xuân. Còn như nó lặng thinh thì thôi. Hai cha con bàn tính với nhau cho đến siêu thuốc tới. Thủ Nghĩa đem cho mẹ uống xong xả rồi mới đóng cửa mà đi ngủ. Nhờ thang thuốc ấy, rạng ngày vợ Thủ Thành giảm bịnh đi ra đi vô được. Còn Thị Xuân tuy đã thức dậy nấu nước quét nhà như thường song trong lòng thì không yên, còn ngoài mặt thì buồn nghiến. Thủ Nghĩa thấy mẹ bịnh giảm thì mừng, mà thấy em ưu sầu thì xốn xang không chịu được, bèn tính ra chợ hỏi thăm coi Trần Tấn Thân động tịnh thế nào. Anh ta tưởng cha mẹ nó đã vào đơn mà kiện mình, nào dè vừa ra đến chợ thì nghe thiên hạ nói hồi chiều qua Trần Tấn Thân đi chơi trong đường hàng gáo, leo cây táo hái trái mà ăn, rủi té gãy tay, nhờ Lý Thiên Hùng cõng về, rồi từ hồi hôm đến giờ thầy thuốc đến nhà nườm nượp. Thủ Nghĩa nghe nói, trong trí đã biết rằng Trần Tấn Thân không tính kiện thưa chi, nên mới kiếm chuyện mà nói dối như vậy, bèn trở về nói lại cho cha hay. Về tới nhà thấy em rể là Phạm Kỉnh Chi lên thăm thì càng thêm đau đớn nữa. Vả Phạm Kỉnh Chi với Lê Thủ Nghĩa là anh em bạn học với nhau hồi nhỏ, hai người đồng một tuổi, bấy lâu nay thương yêu nhau như anh em ruột. Kỉnh Chi nhà ở Cái Vừng, mồ côi cha, từ khi đi nói Thị Xuân rồi, mỗi lần đến làm rể thì anh vợ em rể dan díu chuyện vãn với nhau tối ngày mà chưa muốn dứt. Nay Kỉnh Chi nghe mẹ vợ nhuốm bịnh, lật đật lên nhà trước hỏi thăm coi bịnh nặng nhẹ thể nào, sau nữa dọ thử coi Thủ Thành định tháng nào cho làm lễ cưới. Mấy lần trước hễ Kỉnh Chi lên thì Thủ Nghĩa mừng rỡ một phút không rời, chuyến này Thủ Nghĩa đi chợ về chào hỏi sơ sài rồi bỏ đi xuống nhà sau mà lại có sắc mặt buồn. Kỉnh Chi thấy vậy không hiểu có ý gì, nên đứng ngồi không yên chỗ. Trong lúc ăn cơm Thủ Nghĩa cũng ít nói chuyện, chớ không phải như mấy lần trước. Chừng ăn cơmrồi, Thủ Nghĩa dòm thấy Kỉnh Chi bước ra sau vườn cau, liền đi theo rồi hai anh em dắt nhau và đi và nói chuyện dông dài, lần lần tới cái ao sen ở chính giữa vườn, mới ngồi dựa miệng ao mà trò chuyện. Kỉnh Chi thấy Thủ Nghĩa có sắc buồn, hỏi đâu thì nói đó chớ không phải bô lô bô la như khi trước, tưởng Thủ Nghĩa vì mẹ đau nên không vui, bèn kiếm chuyện mà nói rằng: - Trên này anh trồng sen trổ bông coi tốt quá em muốn xin ít bụi đem về trồng trong ao trước nhà emchơi. - Dượng muốn nhổ mấy bụi thì nhổ. - Để khi khác, chuyến này mẹ ể mình, em không muốn làm rộn cho anh. - Hệ gì. - Mẹ uống thuốc ông thầy nào đó anh. - Ông Tú Đoài ở trong xóm Cây Xoài. - Dưới em có một ông thầy hốt thuốc cũng khá quá. Mắc cha nói mẹ nhờ có ông thầy này nên bịnh đã bớt nhiều rồi, chớ không em về rước ông thầy dưới em lên coi mạch mà hốt thuốc cho mẹ. - Ông Tú Đoài cũng giỏi mà. - Bà thân em có dặn nếu lên thăm coi như mẹ bớt thì hỏi thăm cha coi cha có định tháng nào cho cưới đặng em có sắm lễ vật cho sẵn. Em lên thấy mẹ bớt song thấy cha không được vui, nên em không dámhỏi. Anh có nghe cha tính tháng nào cho cưới hay không? - Không. - Em cũng không muốn cưới gấp làm chi; ngặt trong nhà em có hai mẹ con, mẹ thì già còn em thì mắc ở ngoài ruộng hoài, trong nhà không ai coi sóc nên khó lòng quá. Thủ Nghĩa nghe Kỉnh Chi nói chuyện lễ cưới chừng nào thì trong lòng buồn chứng nấy, cứ ngồi ngó sững xuống ao sen chớ không trả lời chi hết. Kỉnh Chi thấy anh vợ không vui nên không dám nói nữa, cứ ngồi ngó Thủ Nghĩa rồi ngó xuống ao sen. Hai người ngồi lặng thinh một hồi Thủ Nghĩa mới day lại mà nói với Kỉnh Chi rằng: “Dượng nó ôi! Hai anh em mình tuy là anh vợ em rể song trước vẫn là anh em bạn thiết với nhau, vậy tôi tưởng nếu có việc gì thì phải tỏ thiệt cho nhau biết, chớ không nên giấu giếm. Lúc này mẹ tôi đã đau, mà trong nhà tôi lại còn xảy ra một cái họa lớn lắm, bởi vậy cho nên tôi không vui chút nào hết”. Kỉnh Chi nghe nói mấy lời trong lòng rất lo sợ nên lật đật hỏi rằng: “Có việc chi đó, sao từ hồi sớmmai đến bây giờ anh không cho em hay?”. - Sớm mai tôi đi chợ về thấy dượng nó lên thì tôi suy nghĩ hoài không biết có nên nói cho dượng nó hay hay không, bởi vậy cho nên tôi dụ dự không muốn nói ra. - Nếu ý anh ở với em như vậy thì chúng ta có phải bạn tri kỉ với nhau đâu. - Dượng nó trách cũng phải, ngặt cũng vì tôi thương dượng nó quá nên tôi không nỡ nói. - Em không hiểu ý anh muốn nói cái gì rồi! Thương em sao lại không nỡ nói. - Số là hôm qua con em tôi nó đi vô xóm Cây Xoài mà hốt thuốc cho mẹ tôi; nó đi về nửa đường trời lỡ tối, đi một mình trên đường vắng, thằng Trần Tấn Thân là con ông Bình nó cố ý muốn em tôi nên nó đón đường níu lại rồi bụm miệng kéo riết vô giữa đám dâu mà hãm hiếp. Tuy tôi thấy trời tối, tôi có đi ngừa nhưng chừng tôi nghe la làng tôi chạy tới thì sự đã dĩ lỡ ra rồi, tôi nổi giận tôi vác hèo tôi đập thằng khốn kiếp ấy gãy hết một cánh tay, song tôi nghĩ dầu tôi đánh chết nó cũng không đủ đền bồi cái danh tiết của con em tôi được. Từ hồi hôm đến bây giờ tôi cứ suy nghĩ hoài không biết phải đi kiện nó hay không. Cha tôi nói nó thì giàu còn mình thì nghèo, sợ kiện không lại nó rồi con em tôi càng mang xấu nhiều hơn nữa. Cái tai họa nhà tôi lớn như vậy đó, tôi với dượng là anh em, nên tôi phải tỏ thiệt cho dượng nghe, đặng dượng liệu coi có nên cưới con em tôi hay không, chớ việc vợ chồng là việc trăm năm, nếu bây giờ tôi không tỏ thiệt, để dượng cưới nó về rồi ngày sau lậu tiếng ra thì không tốt chi đó. Kỉnh Chi nghe Thủ Nghĩa nói chừng nào mồ hôi càng nhỏ giọt chừng nấy; tuy ngồi lặng thinh mà nghe không nói đi nói lại, song trong lòng giận thằng Trần Tấn Thân rồi thương cô Lê Thị Xuân không biết ngần nào. Thủ Nghĩa nói dứt lời thì Kỉnh Chi ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: - Những lời anh nói với em nãy giờ là lời tâm phúc; anh thương em nên anh tỏ hết như vậy thì em đội ơn anh vô cùng. Hồi nãy anh nói cha cản không muốn cho anh đi kiện, em nghĩ cản cũng phải, bởi vì đi kiện ra mình đã không chắc ăn nó mà lại sợ mẹ hay rồi mẹ càng thêm rầu rĩ uống thuốc sao cho mạnh, còn vợ em lại càng mang tiếng, thiên hạ chê cười chớ không ích gì. Thôi, việc đó em khuyên anh hãy bỏ qua cho rồi, em tưởng anh đánh nó gãy tay đó cũng đủ. Còn anh hỏi em vậy chớ việc đã lỡ như vậy, bây giờ em còn tính cưới hay không, thì em xin thưa với anh rằng: vợ em nó bị cưỡng bức ấy là điều tai bay họa gởi, chớ không phải nó muốn như vậy hay sao mà em chê, em không cưới. - Việc vợ chồng là việc trăm năm, dượng nó phải suy nghĩ cho kỹ, chớ nên vội lắm. - Có chi đâu mà phải suy nghĩ, trong ý anh sợ em vị lòng em cưới rồi ngày sau em ăn năn hay sao? - Không có phải ý tôi tưởng như vậy đâu. Dượng nó cũng biết việc của em tôi sớm muộn gì rồi đây thiên hạ cũng hay. Tôi sợ là sợ nếu dượng cưới rồi sau dượng cũng mang tiếng lây nữa chớ. - Anh thương em nên anh nói cạn lời như vậy cũng phải; song em đã nghĩ kỹ rồi, xin anh đừng nghi ngại chi hết. Chẳng giấu chi anh, bụng em chẳng phải như thường tình vậy đâu. Em biết vợ em nó bị thằng Trần Tấn Thân hãm hiếp nên nó đã mất chữ trinh rồi, nhưng mà nó không có tình chi với thằng ấy, nếu nó giữ một lòng thương em thì em cưới nó có hại chi đâu. Chớ nếu em đi nói nó mà nó đã có tình với người khác, em nói thiệt dầu gương trinh nó còn làu làu em cũng không dám cưới. - Dượng nó thiệt là người đại độ. Nếu dượng mà có lòng thương em tôi, dượng chẳng kể miệng thế gian thì ơn ấy ngàn ngày tôi với em tôi cũng còn ghi tạc. Hai anh em to nhỏ bàn tính với nhau xong rồi, Kỉnh Chi mới cậy Thủ Nghĩa lựa bữa nào cha mẹ vui thì hỏi dọ giùm coi ý cha mẹ muốn tháng nào cho cưới. Chuyện vãn vừa xong liền thấy Thủ Thành đi dạo vườn, hai anh em lật đật đứng dậy theo cha một hồi rồi dắt nhau trở vô nhà. Chiều lại Kỉnh Chi xin kiếu mà về. Thủ Nghĩa đưa em rể xuống tới bến, anh em dặn dò với nhau một hồi nữa rồi mới phân rẽ. Bà Lê Thủ Thành nhờ ông Tú Đoài hốt thuốc nên bịnh ngày càng giảm lần lần, quá nửa tháng thì ăn biết ngon và đi chợ đi xóm đều được hết. Còn Lê Thị Xuân tuy hằng ngày cũng đều lo dọn dẹp trong nhà, cũng nấu cơm đi chợ như thường, song nếu ai ngó kỹ thì thấy sắc mặt chao vao, còn thân thể thì cũng ốm hơn trước. Thủ Nghĩa tuy đã đánh Trần Tấn Thân gãy tay, nhưng mà lòng giận cũng chưa nguôi, đến chừng nghe nói Trần Tấn Thân đã mạnh rồi, song cánh tay mặt oam oam như cán vá thì tức cười trong bụng nói thầm rằng: “Vậy cho nó nhớ sau nó không dám đón gái giữa đường mà làm ngang nữa”. II - N gày qua đêm lại lần lựa kể đã hai trăng. Bữa nọ đương ngồi ăn cơm chiều, Thủ Nghĩa dòm thấy cha mẹ có sắc vui bèn đem việc Kỉnh Chi xin cha mẹ định ngày cưới Thị Xuân ra mà nói. Thị Xuân nghe nói liền thôi ăn, đứng dậy cầm chén đũa mà đi xuống nhà sau. Vợ chồng Thủ Thành bàn tính với nhau rồi định qua đầu tháng năm sẽ cho cưới. Thủ Nghĩa ăn cơm rồi ra đứng dựa cửa thì thấy một tên lính lệ ở ngoài xăm xăm đi vô nhà mà nói rằng quan Huyện cho đòi Thủ Nghĩa. Thủ Nghĩa chẳng hiểu có việc chi mà quan Huyện cho đòi, bèn lật đật cho cha mẹ hay rồi mặc áo mà đi theo tên lính đặng hầu quan Huyện. Khi Thủ Nghĩa đến dinh quan Huyện thì trời đã chạng vạng tối rồi. Quan Huyện dạy lính đốt đèn cho tỏ rõ rồi mới nói với Thủ Nghĩa rằng: “Qua trấn nhậm Huyện này đã tám chín năm nay, tuy qua biết ông già em chớ qua chưa biết mặt em, song qua thường nghe nói em là một người chơn chất thiệt thà, mà lại có học nho cũng khá. Qua hiểu người mà có lân la nơi sân Trình cửa Khổng, thì ít ai đành bỏ ông bà mà theo đạo Thiên Chúa bao giờ. Mà không hiểu vì cớ nào trong trong một năm nay qua được hai ba cái thơ, nói rằng em đã lén theo đạo Thiên Chúa rồi. Tuy thơ không có ký tên, nhưng mà nói rõ ràng coi có đủ bằng cớ lắm”. Thủ Nghĩa nghe người ta tố cáo như vậy thì trong lòng giận lắm, nhưng mà ngoài mặt làm tỉnh đứng khoanh tay mà thưa cùng quan Huyện rằng: “Bẩm quan lớn, họ ghét tôi nên họ cáo gian cho tôi, chớ tôi ở gần đây tôi có vậy hay không quan lớn cũng đủ biết rồi chớ. Quan Huyện ngó Thủ Nghĩa rồi chúm chím cười mà nói rằng: “Sao qua lại không biết. Có lẽ em cũng hay có lịnh triều đình cấm nhặt lắm, tuy vậy mà qua biết em không có, nên mấy bức thơ rơi qua xé hết qua không thèm xét làm chi cho thất công”. Thủ Nghĩa cúi lạy quan Huyện và thưa: “Quan lớn là cha mẹ dân, quan lớn làm như thế thì ân đức của quan lớn ví như trời biển”. Quan Huyện đợi Thủ Nghĩa dứt lời rồi tiếp rằng: “Qua nói chưa hết lời. Hồi sớm mai này qua có được một cái tờ bên tỉnh gởi qua nói rằng có người đầu cáo nói em theo đạo Thiên Chúa nên dạy qua phải tra xét rồi phúc bẩm và giải luôn em qua bển lập tức cho quan trên định đoạt. Qua rõ biết tánh tình của em, chớ chi họ qui đơn mà họ cáo với qua thì dễ lắm; ngặt họ cáo bên tỉnh qua phải đòi em đến mà tra hỏi đặng thượng tờ cho quan trên. Bây giờ em khai làm sao đâu emthưa cho qua biết đặng qua có viết lời phúc bẩm”. Thủ Nghĩa nghe nói, mồ hôi nhỏ giọt, liền cúi lạy xin quan Huyện thương, chớ việc họ cáo gian bây giờ có biết ra sao mà khai. Quan Huyện lấy lời dịu ngọt mà an ủi Thủ Nghĩa rằng: “Qua thấy em thiệt thà qua cũng thương, thôi để qua liệu thế mà cứu giùm em làm phước. Em chẳng nên lo sợ chi hết, để tối nay qua viết phúc bẩm rồi sáng mai qua trao cho lính cầm phúc bẩm mà dắt em qua bên tỉnh, hễ quan trên xem phúc bẩm của qua rồi thả em về, không có sao đâu mà sợ. Đêm nay em chịu phiền ngủ dưới trại lính đặng khuya dậy đi cho sớm”. Thủ Nghĩa lạy quan huyện rồi thì quan Huyện dạy lính dắt xuống trại. Thủ Nghĩa nghĩ mình là người vô tội, mà thấy quan lại có ý thương mình nên trong lòng chẳng có chút nào lo sợ, chỉ lo là lo cha mẹ già yếu, sợ e hay việc như vầy rồi buồn rầu đó mà thôi. Mà thiệt lo cũng nhằm đó chút, bởi vì vợ chồng Thủ Thành hồi chiều thấy lính đòi con lên hầu quan Huyện chẳng hiểu có việc chi, nên có ý trông con về coi việc hiền dữ thể nào, trông đến tối rồi đến khuya, mà không thấy con về thì trong lòng xốn xang, nằm ngồi không yên chỗ. Đến nửa canh hai vợ chồng ngồi uống nước mà than thở với nhau, rồi Thủ Thành xách gậy mà lên Huyện, tính lên đó hỏi thăm coi có việc chi mà con không về. Đến Huyện ở ngoài hỏi thăm lính gác thì họ nói Thủ Nghĩa có tội chi không biết mà quan Huyện dạy giam trong trại đặng sáng ngày có giải qua tỉnh. Thủ Thành nghe nói biến sắc, nước mắt rưng rưng, tay run bây bẩy, muốn trở về nói cho vợ hay mà bỏ về không đành, đứng dụ dự một hồi rồi mới tính về lấy tiền đem lo cho lính đặng vô cho giáp mặt mà hỏi con cho rõ. Thủ Thành về, vợ hỏi thì giấu không dám nói ra, lén mở rương xe lấy một quan tiền cột vào lưng rồi trở lên Huyện nữa. Lên đến đó thì trống đã trở canh ba, nhờ có quan tiền nên lính lén dắt vô trại cho cha con gặp nhau. Thủ Nghĩa thuật hết những lời của quan Huyện nói với mình hồi hôm lại cho cha nghe, rồi khuyên cha đừng lo sợ, vì mình đã vô tội mà quan Huyện lại có hứa sẽ lập thế cứu giùm. Thủ Thành thấy con tỉnh táo mà lại nghe quan Huyện có lòng thương thì cũng bớt buồn; chuyện vãn với con được một hồi rồi lính vô biểu phải về kẻo ở lâu quan hay ắt là bị quở. Khi Thủ Thành bước ra về thì Thủ Nghĩa có dặn với rằng: “Xin cha kiếm lời cho khéo mà an ủi mẹ cho mẹ an lòng; khuya này có qua bên tỉnh thì chắc chiều mốt con sẽ về tới nhà, không có sao đâu mà sợ”. Thủ Thành về tới nhà, thấy vợ còn chong đèn mà đợi, liền tỏ hết đầu đuôi cớ sự cho vợ nghe và cũng lựa lời mà nói cho vợ khỏi buồn rầu lo sợ. Vợ chồng than thở với nhau một hồi rồi tắt đèn đi ngủ. Tuy hai vợ chồng biết con mình là người vô tội, lại nghe có quan sở tại binh vực, song nằm nhớ tới thân con thì ruột thắt bồi hồi, bởi vậy cho nên nằm thổn thức hoài ngủ không được. Nghe trống dồn trở canh năm, Thủ Thành lồm cồm ngồi dậy đốt đèn; vợ cũng khoát mùng bước ra, kêu con gái thức dậy nấu cơm. Cơm chín rồi bèn vắt làm hai vắt, giở hũ mắm móc vài con mắm sặc, lấy lá chuối gói lại rồi trao cho chồng xách lên Huyện đón mà đưa cho con đem theo đặng ăn dọc đường. Thủ Thành tay xách mấy vắt cơm, tây cầm một gói mắm, đứng trước Huyện mà chờ từ rựng đông cho đến mặt trời mọc mới thấy Thủ Nghĩa đi ra. Thủ Nghĩa thấy mặt cha thì chẳng xiết nỗi buồn, nhưng mà phải ráng gượng cho cha vững bụng. Thủ Thành đưa cơm với mắm cho con thì rưng rưng nước mắt, chớ không nói được lời chi hết. Tên lính hối đi cho mau đặng qua tỉnh cho sớm. Thủ Nghĩa lấy cơm mắm rồi lật đật theo tên lính xuống bến đặng ngồi xuồng mà đi. Thủ Thành cũng đi theo sau, Thủ Nghĩa ngó lại muốn nói chuyện với cha, song bởi lòng những bồi hồi mắt tràn giọt lụy, nên không nói chi được hết. Lúc đi ngang qua chợ, Thủ Nghĩa ngó vào quán rượu thấy Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng ngồi uống rượu, chỉ mình rồi ngó nhau mà cười, coi bộ đắc chí lắm, thì có ý mắc cỡ và trong lòng phát nghi. Tới mé sông Thủ Nghĩa xuống xuồng rồi ngó lên thấy cha đứng trên bờ thì nói vói rằng: “Thôi cha về nghỉ, chắc sớm tối gì ngày mai con cũng về”. Xuồng đã bơi đi mà Thủ Thành hãy còn đứng ngó theo cho đến đi khuất rồi mới lần bước đi về. Bước vô nhà thấy vợ nằm dàu dàu trong mùng thì sợ vợ buồn mà phát bịnh, nên Thủ Thành kiếm lời khuyên giải, lại nói dối rằng mình có gặp quan Huyện và quan Huyện có hứa rằng hễ Thủ Nghĩa qua đến tỉnh, quan trên xem phúc bẩm rồi thì sẽ thả về liền. Tuy vậy mà bà Lê Thủ Thành cũng không vui, tối ngày cứ nằm dàu dàu; đã không ăn cơm mà hễ ngồi dậy uống nước thì châu mày ủ mặt. Tối bữa đó bịnh ho trở lại, làm cho Thủ Thành lo lắng vô cùng. Sáng ngày sau, Thủ Thành tính bổn thân đi rước ông Tú Đoài, chớ không dám sai con gái đi nữa, may vừa bước ra cửa thì thấy rể là Phạm Kỉnh Chi ở Cái Vừng lên. Thủ Thành trở vô thuật hết mọi việc cho rể nghe. Kỉnh Chi nghe thì đau lòng chẳng kể xiết liền xin để mình đi rước ông Tú Đoài. Thủ Thành hối con dọn cơm cho Kỉnh Chi ăn. Ăn cơm rồi, Kỉnh Chi mới đi rước thầy thuốc. Nội ngày đó Thủ Thành cứ ngồi tại ván giữa mà trông con hoài, song trông đến tối mò mà cũng không thấy dạng. Còn Kỉnh Chi rước ông Tú Đoài coi mạch hốt thuốc cho mẹ vợ, thuốc uống từ giờ ngọ mà đến tối bịnh cũng không thấy giảm chút nào. Kỉnh Chi thấy nhà bối rối không nỡ bỏ mà về. Tối lại Thủ Thành nằm suy nghĩ, chắc là con mình qua đến đó bị quan trên có nhiều việc, nên chưa xét tới mà tha liền, có lẽ hồi chiều này người ta tha thì mai nó mới về tới. Rạng ngày sau nữa, Thủ Thành không thấy con về thì trong lòng phát lo sợ, cứ ra vô mà ngó chừng hoài. Kỉnh Chi thấy vậy bèn xin để cho mình bơi xuồng mà đi đón Thủ Nghĩa, ví như đón không gặp về thì sẽ đi tuốt qua tỉnh mà hỏi thăm. Vợ chồng Thủ Thành đương trông con, mà nghe rể tính như vậy thì rất vừa lòng nên hối dọn cơm riết cho Kỉnh Chi ăn đặng có đi cho sớm. Kỉnh Chi bơi xuồng đi lần lần đến tối đã qua tới tỉnh mà cũng không gặp Thủ Nghĩa về, anh ta trong lòng sinh nghi, tính ở lại đây chờ sáng ngày liệu thế hỏi thăm coi việc lành dữ thế nào rồi sẽ về thưa lại cho cha mẹ vợ biết. Đêm đó Kỉnh Chi nằm dưới xuồng nhịn đói mà ngủ chớ không ăn cơm, bởi vì tuy hồi đi cha vợ có đưa theo một quan tiền, song qua đến đây đã gần hết canh một rồi, thiên hạ đều ngủ hết có biết mua cơm ở đâu mà ăn. Sáng ngày Kỉnh Chi bơi xuồng lại đậu ngay trước quán mua cơm ăn. Ăn uống xong rồi mới gởi xuồng cho chủ quán mà đi vòng trong chợ, có ý tính kiếm lính tráng mà hỏi không ra mối, túng thế Kỉnh Chi phải trở về quán cơm mà nghỉ. Kỉnh Chi đương ngồi ngó ra đường, trong trí tính coi còn thế nào khác mà hỏi thăm nữa, thình lình có một người trai khăn đen áo dài, coi đàng hoàng lắm, ở ngoài bước vô ngồi biểu chủ quán dọn một mâm cơm. Kỉnh Chi có việc buồn trong lòng, cứ ngồi chống tay ngó ra đường chớ không để ý đến người trai ấy. Cách một hồi, người ấy kêu Kỉnh Chi mà hỏi rằng: - Chú ở đâu mà lại đây? Kỉnh Chi nghe hỏi liền day lại đáp rằng: - Tôi ở Cái Vừng. - Chú vô đây có chuyện chi hay không? Kỉnh Chi không biết có nên nói thiệt hay không nên ú ớ một hồi rồi nói rằng: - Tôi vô đây tính mua vài tay lưới. - Miệt Cái Vừng, Tân Châu sao mà người ta ưa theo đạo Thiên Chúa quá vậy chú. - Tôi có thấy ai theo ở đâu. - Sao lại không có. Tên Lê Thủ Nghĩa nào ở Tân Châu đó theo đạo mới bị tù rồi. - Sao ông biết? - Sao lại không biết. Tôi làm đề lại trong dinh quan Án tôi mới chép cái án của anh ta hồi sớm mai đây. Đáng kiếp! Kỉnh Chi nghe nói mồ hôi nhỏ giọt, mặt mũi tái xanh, song gượng gạo làm tỉnh mà hỏi nữa rằng: - Không biết người đó bị kêu án bao nhiêu ông há? - Quan Thượng này ngài thiệt là người nhơn đức. Cái tội đó theo người ta thì chắc là xử trảm, mà ngài có nhơn nên ngài kêu án tù chung thân mà thôi. - Úy! Kêu án chung thân mà ông còn nói có nhơn. - Triều đình dạy hễ bắt được người nào có đạo thì phải trảm, mà ngài không chém, như thế không phải là có nhơn sao? - Không biết người bị xử đó có kêu nài chi hay không ông há? - Nó khóc dữ quá; nó chối nó không có theo đạo. Mà chối cái giống gì, theo tờ phúc bẩm của quan Huyện nói rõ ràng nó nghịch mạng triều đình lén theo đạo mấy năm nay, nó còn chối gì nữa được. Phạm Kỉnh Chi càng nghe nói trong lòng càng rối loạn, hỏi thăm nữa không được nên đứng dậy xin một tô nước uống ngồi xuống xuồng mà bơi riết về Tân Châu. III - Đ ã biết trong sách nho có câu rằng: “Gươm dao tuy bén song người vô tội không thể chém được”, nhưng mà việc của con người làm nào có phải như lời trong sách vậy đâu. Có lẽ Lê Thủ Nghĩa cũng nghĩ như vậy, nên lúc từ biệt cha ngồi xuồng mà qua bên tỉnh, tuy biết mình là người vô tội, song bụng phập phồng không biết việc rồi đây lành dữ thể nào. Bởi vậy cho nên Thủ Nghĩa ở dưới xuồng buồn bã trăm chiều, ngó nước xanh lại càng lạnh lẽo tấm lòng, trông trời trăng cứ vái van độ mạng. Chiều qua tới An Giang rồi tên lính mới dắt Thủ Nghĩa đi thẳng vào dinh quan Án mà nạp. Bữa ấy quán Án không ra khách, có một ông Kinh lịch già giở tờ phúc của quan Huyện ra xem rồi ngó Thủ Nghĩa lườm lườm. Thủ Nghĩa sợ không dám ngó lên, cứ đứng khoanh tay mà ngó xuống đất. Ông Kinh lịch thấy vậy bèn cười gằn mà nói rằng: “Mầy cả gan dữ há!”. Thủ Nghĩa nghe nói chưng hửng không hiểu trong tờ phúc nói làm sao mà mình bị quở như vậy, nên lật đật và lạy và khóc kêu oan, nói rằng mình chẳng hề khi nào dám trái luật triều đình mà theo đạo. Ông Kinh lịch rầy nói: “Nói tờ phúc như vầy mày còn chối gì nữa?”. Rồi dạy lính dắt Thủ Nghĩa vào khám. Thủ Nghĩa thấy việc chẳng hiền nên sợ run lập cập; nước mắt chảy dầm dề, bị lính nắm tay dắt thì cứ đi theo, chớ tâm thần bối rối không còn hiểu được việc chi nữa hết. Đêm ấy nằm trong khám suy nghĩ hoài không hiểu vì cớ nào quan Huyện đã nói để kiếm thế cứu mình mà sao quan Kinh lịch xem phúc bẩm rồi lại cười gằn và hăm dọa mình như vậy. Thủ Nghĩa tính thầm trong bụng nếu quan trên kêu hỏi thì mình đừng sợ nữa, việc thiệt mình cứ khai thiệt cho hẳn hòi, không lẽ mình vô tội mà người ta nói mình có tội được. Tính như vậy cũng phải, mà đợi hoài cho đến tám chín bữa cũng chư thấy quan đòi hỏi chi hết. Qua bữa thứ mười có ông Kinh lịch già vào xem xét tù trong khám, Thủ Nghĩa thấy ổng đi ngang bèn quì trước ổng mà kêu oan và xin ổng xét giùm phúc bẩm của quan Huyện Đông Xuyên rồi tha mình về nhà nuôi cha già mẹ bịnh. Ông Kinh lịch hỏi tên mới biết Lê Thủ Nghĩa bèn cười mà nói rằng: “Quan Thượng và quan Án đã xét tờ phúc rồi kêu án mầy chung thân hổm nay, mầy còn nói gì nữa được”. Thủ Nghĩa nghe nói ở tù chung thân thì ngã lăn mà khóc rống lên, xem ra lấy làm thảm thiết. Ông Kinh lịch ngó lơ rồi bỏ đi, không thèm nói chi hết. Mấy trăm tội nhơn ở trong khám thấy vậy không hiểu chuyện gì, áp chạy lại đứng chung quanh, người thì lấy lời dịu ngọt mà hỏi thăm, kẻ thì dùng tiếng điếm đàng mà cười ngạo. Thủ Nghĩa không thèm nói chi hết, đứng dậy đi riết lại góc khám ngồi khoanh tay mà than khóc. Mấy người hỏi dịu ngọt mà không thấy trả lời thì họ ghét nên họ không thèmhỏi nữa, mà họ cũng không thèm an ủi. Còn mấy đứa theo cười chê nó thấy tánh tình như thế nó càng chọc thêm, làm cho Thủ Nghĩa nổi giận gây gổ rồi sanh ra một đám đánh lộn rần rần trong khám. Lính trong khám vào đánh tả đánh hữu đâu đó rạp hết rồi mới bẩm với quan trên rằng Thủ Nghĩa có bịnh điên. Quan trên không tra xét chi hết, liền dạy bỏ Thủ Nghĩa vào khám tối ở một mình, không cho tên tù nào được lai vãn đến đó. Thủ Nghĩa vào khám tối ngó quanh quất thì mờ mờ, chỉ thấy có một tấm ván ngựa bằng dầu bỏ dưới đất mà thôi, chớ không thấy có vật chi hết. Mỗi ngày đến bữa ăn thì lính đem vô một tô cơm với vài hột muối, lâu lâu mới cho một con mắm sặc nhỏ bằng hai ngón tay. Hễ ăn rồi thì anh lính đóng cửa bỏ ở một mình, muốn thức thì thức, muốn ngủ thì ngủ, không ai rầy la chi hết. Lúc mới vô khám tối thì Thủ Nghĩa cứ nằm than khóc hoài không biết ai mà nhắn lời cho cha mẹ hay, kẻo cha mẹ mỏi lòng trông đợi. Nghĩ như vậy rồi lại sợ, vì cha đã già, mẹ thì có bịnh, nếu hay con bị kết án chung thân thì chắc là cha ưu sầu chẳng khỏi ly trần, mẹ áo não, bịnh càng khó trị. Lo cho cha mẹ rồi lại lo cho nỗi em, vì phận em yếu đuối mà lại mang tiếng nhuốc nhơ chẳng biết Phạm Kỉnh Chi có thương mà bảo bọc hay không, hay là sợ lây tiếng xấu rồi hồi không chịu cưới. Thủ Nghĩa lo việc nhà hết sức rồi mới nghĩ tới việc mình, nghĩ chừng nào càng nghi cho Trần Tấn Thân lo với quan Huyện đặng lập thế mà hại mình, mà nghi chừng nào thì giận thêm chừng nấy. Ngày đêm Thủ Nghĩa xây quanh trong khám tối, nằm hết sức rồi đi chung quanh, mà dầu nằm hay ngồi, hay là đi cũng nhớ cha mẹ thương phận em, chẳng có một giây phút nào mà quên được. Có nhiều khi Thủ Nghĩa não đời buồn trí muốn bỏ ăn đặng chết phức cho rồi, song nghĩ phận làm trai mang nặng gánh hiếu trung, dầu tai ương hoạn nạn đến thế nào cũng phải bền chí mà lo báo bổ đức sanh thành, tài bồi nền vương thổ. Có nhiều lúc Thủ Nghĩa oan tình tức giận, tính lập mưu kiếm kế mà thoát thân, song thấy tường cao cửa chắc khó nổi ra, nên cực chẳng đã phải co tay chịu phép. Thấm thoát ngày qua tháng lại, chốn lao tù xẩn bẩn đã năm năm. Ngày kia, Thủ Nghĩa đương nằm chèo queo trên tấm ván dầu mà than thân trách phận, suy tới nghĩ lui, trong khám thì tăm tối lờ mờ, chung quanh thì tiếng người vắng bặt, thình lình nghe sạt sạt dường như có ai đào đất dưới chỗ mình nằm. Thủ Nghĩa không hiểu ai làm việc chi ở đâu, bèn lóng tai nghe thì tiếng sạt sạt cũng còn hoài cho đến lính gần đem cơm mới hết nghe nữa. Tối bữa ấy thì im lìm, qua ngày sau buổi sớm mai thì cũng chẳng nghe tiếng chi, đến chừng ăn cơm sớm mai rồi lại nghe như vậy nữa, cho đến xế chiều mới dứt. Từ ấy về sau mỗi bữa đều có nghe như vậy, mà tiếng nghe ngày càng lớn. Thủ Nghĩa lấy làm lạ nên có ý trông coi ai làm việc chi ở đâu. Nghe như vậy trọn một tháng trường mà cũng không thấy chi hết nên lần lần mỏn chí không thèm để ý đến nữa. Một buổi trưa, Thủ Nghĩa ăn cơm rồi nằm gác tay lên trán mà tưởng đến việc nhà, tưởng một hồi rồi tâm thần mờ mệt, trong vía ngó thấy một người dị hình dị dạng mở cửa khám mà dắt mình ra rồi chỉ đường cho mình về. Về đến Tân Châu thấy chỗ mình ở khi trước cửa nhà tiêu hết, mà lại có ba bốn cái mồ đất nằm đó thì mủi lòng nên ngồi dựa mấy cái mả mà khóc. Chừng khóc mới giựt mình thức giấc rồi ngồi dậy thấy dựa chỗ mình nằm đất đùn lên dường như có ai ở dưới đất moi đất mà chun lên vậy. Thủ Nghĩa thấy việc quái gở lấy làm kỳ, liền đứng dậy rồi nép một bên có ý rình coi ai làm việc chi cho biết. Cách chẳng bao lâu đất đùn lên thì có một cái lỗ trống chừng bằng cái thúng. Thủ Nghĩa vừa bước lại dòm coi thì ở dưới lỗ ấy có một người trồi đầu lên, râu ria xồm xàm, quần áo lang thang lưới thưới, coi dị hình dị dạng lắm. Anh ta nhớ sự chuyện mình chiêm bao thấy khi nãy, tưởng người này đến cứu mình, nên lật đật quì xuống và khóc xin cứu giùm làm phước. Người dị hình ấy thấy Thủ Nghĩa quì khóc thì chưng hửng, đứng ngó quanh quất một hồi, rồi mới bước lại gần dòm sát trong mặt và nắm tay Thủ Nghĩa mà nói rằng: - Ngộ có phép gì mà cứu nị được? - Vậy chớ ông là ai? - Ngộ cũng ở tù như nị làm vậy mà. Thủ Nghĩa nghe nói cũng ở tù như mình thì biết người ấy muốn đào ngạch mà thoát thân, song rủi đào sai đường nên mới lọt vào trong khám tối của mình. Thủ Nghĩa bèn ngồi trên tấm ván mà thở ra. Người ấy lại khoanh tay một bên Thủ Nghĩa rồi hỏi thăm Thủ Nghĩa quê quán ở đâu, có vợ con hay chưa, bị tội chi mà ở tù, và ở tù đã được bao lâu rồi. Thủ Nghĩa tuy thấy người ấy là chệt khách, song vì trọn năm năm trường không thấy ai hỏi thăm thêm chuyện của mình đặng có nói ra cho nó giải bớt cái lòng sầu não, nay nghe hỏi đến thì tự nhiên cảm động bèn đem hết việc nhà bối rối và việc mình oan ức mà tỏ thiệt cho người ấy nghe, không giấu giếm chi hết. Người ấy nghe rồi lặng thinh rất lâu, dường như trong trí suy nghĩ lung lắm vậy. Cách một hồi người ấy mới nói rằng mình là người Quảng Đông, song sanh đẻ tại Việt Nam, tên là Mạc Tiển, năm nay đã được 50 tuổi. Cách 20 năm trước anh ta ngồi một chiếc thuyền lớn, chở hàng hóa bên Tàu tính đemqua Xiêm mà bán. Đi ngang qua Phú Quốc rủi gặp giông tố nên xả buồm rồi neo thuyền dựa mé hòn mà nghỉ, chẳng dè quan An Nam đi tuần gặp nói thuyền của anh ta là thuyền ăn cướp nên bắt anh ta giải qua An Giang rồi giam cầm trong khám tối từ ấy đến nay. Mấy năm nay anh ta thường tính kế thoát thân, song nhắm coi không có thế nào mà thoát được. Cách một năm trời nay, chiều bữa nọ tên lính đem cơm có cầm theo một con dao phay, đến chừng trở đóng cửa thì lại bỏ quên con dao trong khám. Mạc Tiển hội ý lật đật lấy con dao cắm xuống đất cho lút cán mà giấu. Bữa sau tên lính vô kiếm con dao mà kiếm không có, chắc là tưởng bỏ quên nơi khác nên không thèm kiếm nữa. Mạc Tiển được con dao ấy mới quyết đào hang mà trốn. Đào đất được bao nhiêu thì lấy tay bụm mà đem lên khám rồi tối lén quăng xuống hào ở sau khám đặng lính khỏi nghi. Ban ngày đào đất đem lên, ban đêm lén quăng xuống hào, làm như vậy hơn một năm trường tưởng đã xa rồi nên mới đào trở lên mặt đất, chẳng dè lên được mới hay mình lọt vào khám của Thủ Nghĩa. Hai người bày tỏ tâm sự cùng nhau vừa xong thì đã gần đến bữa cơm chiều. Mạc Tiển đứng dậy từ giã Thủ Nghĩa rồi chun xuống hang mà đi trở về khám mình, trước khi đi hứa mai ăn cơm rồi sẽ chun qua nói chuyện chơi cho giải khuây. Qua ngày mai ăn cơm rồi thiệt quả Mạc Tiển chun qua; hai người trò chuyện một hồi rồi Mạc Tiển dắt Thủ Nghĩa qua khám của mình đặng coi cho biết. Thủ Nghĩa chun xuống hang thì cái hang hẹp lắm, có chỗ thì bò được còn có chỗ nhỏ thì phải nằm mà trườn. Thủ Nghĩa thầm nghĩ Mạc Tiển đào được như vầy thiệt là người bền chí dày công lắm. Khám của Mạc Tiển thì rộng mà sáng hơn khám của Thủ Nghĩa. Yếng sáng đây là nhờ có một cái lỗ chừng bằng hai bàn tay, đứng chỗ lỗ ấy dòm ra ngoài thì thấy dựa bên vách có một cái hào rồi khỏi cái hào ấy thì cỏ cây rậmrạp, cách chừng 40 thước mới có một dãy nhà của lính ở. Mạc Tiển chỉ cái lỗ ấy mà nói rằng mình nhờ đó mới quăng đất xuống hào được. Thủ Nghĩa hỏi vậy chớ tại sao không đào hang ra phía đó lại đào trở lộn vô, thì Mạc Tiển cắt nghĩa rằng mình thấy phía đó có lính ở, sợ đào ra đó chúng hay nên đào vô phía trong, tưởng trổ ra ruộng được nào dè không trổ đi đâu lại trổ qua khám khác. Thủ Nghĩa rủ Mạc Tiển đào nữa thì Mạc Tiển lắc đầu nói rằng mình đã mỏn chí rồi, tính thế nào khác chớ đào hang coi chẳng tiện. Từ ấy về sau, mỗi ngày hai người qua lại mà nói chuyện với nhau hoài. Tuy là nhiều khi nhớ tới thân phận gian nan thì hai người ngó nhau mà khóc, song thiệt cũng nhờ có người hủ hỉ nên bớt buồn. Hễ ăn cơm sớm mai rồi người này không lại thì người kia qua, chừng gần bữa cơm chiều thì về rồi kéo tấmván bít miệng hang lại, nên lính đem cơm không thấy được. Lân la với nhau được một ít lâu, không còn biết chuyện gì nữa mà nói, Mạc Tiển mới dạy Thủ Nghĩa học nói tiếng Quảng Đông. Ban đầu Thủ Nghĩa không chịu học, nghĩ vì mình là người Việt Nam học tiếng Quảng Đông không có ích gì. Song ở trong khám một ngày một thêm buồn, mà tình bầu bạn một ngày một thêm mặn, lần lần hai người thương yêu nhau chẳng khác nào anh em ruột. Thủ Nghĩa muốn giải bớt lòng buồn mà cũng muốn tỏ tình yêu mến Mạc Tiển nên mới chịu học nói tiếng Quảng Đông. Và Thủ Nghĩa sẵn biết chữ nho giỏi, bởi vậy cho nên cách chừng vài năm thì Thủ Nghĩa nói tiếng Quảng Đông giống như khách. Hai người hễ nói chuyện với nhau thì nói ròng tiếng Quảng Đông. Thủ Nghĩa lấy làm vui, nhưng mà có một đêm nằm nghĩ mình là người Việt Nam nếu mình nói tiếng ngoại quốc hoài như vậy thì e quên hết tiếng nước mình. Mà bây giờ mình muốn nói tiếng Việt Nam thì biết nói với ai? Lính đem cơm có khi nào họ thèm nói chuyện với mình đâu mà mình nói. Thủ Nghĩa nghĩ như vậy nên trong bụng có buồn một chút. Hai người lân la bậu bạn với nhau đã được năm năm, tính ra thì Thủ Nghĩa ở tù đã được mười nămrồi, còn Mạc Tiển thì được 25 năm. Mạc Tiển đã già yếu nên năm ấy thường hay đau hoài. Bữa nọ Mạc Tiển đau nặng mà không thuốc men chi hết, biết trong mình không thể sống nữa được, thấy Thủ Nghĩa chun qua thăm bèn nắm tay Thủ Nghĩa khóc rồi tỏ thiệt rằng: Mình vốn là cháu bốn đời của Mạc Cửu, ông nội và cha khi trước đều nối nhau mà cầm quyền Tổng trấn xứ Hà Tiên. Khi vua Gia Long thâu Phú Xuân tức vị ít năm thì cha mình già yếu nên mất lộc. Lúc ấy anh ta còn bé nên vua Gia Long không cho tập ấm mà kế nghiệp cha, mới sai quan An Nam vô lãnh quyền Tổng trấn Hà Tiên. Mẹ con Mạc Tiển bèn chở hết gia tài sự sản đem về Quảng Đông mà ở với một người cậu của Mạc Tiển, khi còn nhỏ thì Mạc Tiển chuyên học tập văn chương tính để ra ứng thí đặng làm quan, chớ trong nhà giàu có lớn mà người cậu cũng giàu, chẳng cần chi phải lo buôn bán. Mạc Tiển tuy dày công đèn sách song đi thi hai lần đều rớt luôn cả hai. Đến 29 tuổi anh ta thối chí không muốn học thi nữa, mới xin phép mẹ rồi sắm một chiếc thuyền lớn đặng đi mua bán chơi. Mạc Tiển dọn thuyền xong bèn soạn những sách cũ của cha để lại, lựa vài bộ đặng đem theo dưới thuyền mà đọc. Soạn sách ra thấy có bộ đề tựa: “Đào Châu tri phú” thì Mạc Tiển mừng rỡ vô cùng, nghĩ thầmrằng mình bấy nay mình chuyên ôn nhuần kinh sử đặng đi thi nên không thạo việc thượng cổ, nay mình tính đi buôn mà gặp được bộ sách này thì may biết chừng nào. Mạc Tiển liền gói bộ sách ấy rồi từ giã mẹ và cậu xuống thuyền, kéo neo tính thẳng qua Nam Việt. Thuyền linh đinh giữa biển, nước xanh lét in trời, Mạc Tiển buồn mới giở bộ sách ấy ra xem. Đọc qua quyển thứ hai đến tờ thứ năm thấy trong ấy có giấu một phong thơ xếp sát lắm nên phải giở tờ sách mới gặp được. Mạc Tiển chẳng hiểu là thơ của ai, bèn ngồi dậy rồi mở ra coi thì là thơ của cha mình viết, trong thơ nói rằng lúc bình sanh bị giặc Xiêm hay nhiễu loạn nên bạc vàng châu báu không dám để tại Hà Tiên, mới chở qua hòn Kim Qui là một hòn nhỏ ở hướng Nam hòn Phú Quốc mà giấu. Bề trái lại có vẽ một tấm địa đồ chỉ chỗ hòn đó nữa. Mạc Tiển thấy thơ nói như vậy thì suy nghĩ hoài không hiểu vì cớ nào mà bấy lâu nay không nghe mẹ mình nói chuyện ấy, không biết cha mình giấu mà đã lấy rồi hay chưa, hay là khi chết quên trối lại cho mẹ mình biết. Mạc Tiển nằm nghĩ cả đêm, mà cũng chưa ắt là chơn giả; tuy vậy mà anh ta nghĩ bây giờ mình qua Nam Việt, chi bằng mình nhơn dịp này mà ghé hòn Kim Qui tìm thử coi có y như thơ của cha nói đó hay không. Mạc Tiển vừa tới Phú Quốc thì quan An Nam xét rồi nghi mình là môn đệ của Mạc Cửu muốn qua mà thâu đoạt xứ Hà Tiên, nên bắt bỏ tù từ ấy đến nay, đã chưa đến được hòn KimQui, mà cũng không hiểu mẹ già còn mất. Mạc Tiển nói đến đó thì giọt lụy tràn trề. Thủ Nghĩa thấy vậy động lòng nên kiếm lời ngọt ngon mà an ủi. Mạc Tiển khóc một hồi rồi xin lỗi Thủ Nghĩa về sự anh em bấy lâu nay không tỏ thiệt với nhau, lại xin Thủ Nghĩa như may mà ra khỏi chốn lao tù thì hãy kiếm thế ra hòn Kim Qui đặng tìm vàng bạc đó mà dùng. Mạc Tiển nói rằng lúc bị bắt mình sợ lậu việc nên đã xé cái thơ của cha, song dầu thơ mất cũng chẳng hại chi, bởi vì ra Phú Quốc rồi nhắm hướng Nam đi thì sẽ gặp cái hòn đó. Mạc Tiển xin có một điều này là như Thủ Nghĩa lấy được vàng bạc rồi thì làm ơn kiếm thuyền quá giang mà qua tỉnh thành Quảng Đông rồi hỏi thăm đến nhà thuật giùm các việc cực khổ của anh ta cho mẹ và cậu anh ta hay mà thôi. Thủ Nghĩa thấy Mạc Tiển đau nặng thì thương, song nghĩ mình không có thế nào thoát thân được nên không để ý đến lời trối của Mạc Tiển cho lắm. Thủ Nghĩa trở về khám rồi tối chun qua thăm Mạc Tiển nữa, thì thấy Mạc Tiển đã tắt hơi rồi. Thủ Nghĩa lấy làm đau đớn trong lòng nên ngồi khóc cho đến sáng mới chun về. IV - T ừ ngày Mạc Tiển chết rồi không có ai trò chuyện nữa thì Thủ Nghĩa buồn bực hết sức; có nhiều khi muốn chết phức cho rồi đặng trả cho sạch nợ trần, song nghĩ Mạc Tiển là một người sang trọng giàu có mà người ta còn ráng chịu cho đến cùng thay, huống chi là mình, có lý nào mình lại thối chí. Đã vậy mà phận mình lại còn cha mẹ, mình phải lo báo bổ nghĩa sanh thành, tuy là mình bị tai nàn nên không trọn đạo thần hôn song mình phải ráng ẩn nhẫn hoặc may có ngày sum hiệp. Thủ Nghĩa nghĩ như vậy nên rầu mà chẳng hề mỏi lòng thối chí. Mạc Tiển chết gần một năm rồi, một đêm kia Thủ Nghĩa đương ngon giấc điệp, thình lình nghe tư bề đều có tiếng la vầy. Thủ Nghĩa lồm cồm đứng dậy rồi chạy lại nép cửa lóng tai nghe coi nửa đêm có việc chi mà trong khám người ta náo nức như vậy. Lóng tai một hồi thì nghe kẻ la om người chạy rộn, song không hiểu việc chi hết. Dòm kẹt cửa mà coi thì thấy ngay trước cửa khám tối chỗ mình bị giamđó yếng sáng ửng lòa. Thủ Nghĩa nghi lửa cháy khám, trong trí liền nghĩ nếu mình ở đây chắc là bị cháy thiêu, chi bằng phá cửa ra ngoài trước là khỏi chết, sau nữa liệu coi nếu có thế nào trốn được thì mình sẽ bôn đào mà lánh nạn. Thủ Nghĩa nghĩ như vậy rồi hai tay xô cửa thì cửa chắc quá nên xô không nổi. Phía ngoài người ta nghe càng lớn, mà lại nghe có tiếng trống vang dậy. Thủ Nghĩa vừa sợ chết vừa muốn thừa cơ hội lộn xộn này mà thoát thân, nên đứng sụn chơn xuống kê vai bên tay mặt vào cánh cửa rồi chuyển gân nín thở mà lấn một cái rất mạnh làm cho cánh cửa văng chốt ngã rớt xuống đất một cái rầm. Lúc ấy Thủ Nghĩa chẳng còn kể chi nữa, thấy cửa ngã liền nhảy phóc ra ngoài rồi chạy dọc theo chái nhà ra tới sân, quả thấy lửa cháy khám rần rần, lính cầm roi, tù xách nước đương xúm nhau mà chữa lửa. Thủ Nghĩa bò theo mấy chỗ tối, lén lại tới hàng rào rồi vạch rào mà chun, chẳng dè ra khỏi rào lại gặp cái mương lớn. Thủ Nghĩa muốn co giò mà nhảy qua, song bị cầm tù hơn mười một năm, chơn đã cuồng, sức đã yếu, liệu nhảy không nổi, nên lần lần lội qua mương rồi nhắm ngay trước mặt mà chạy. Trời thì tối, đất thì cỏ mọc rậm rạp, anh ta chạy té lên té xuống, khó nhọc không biết chừng nào. Chạy được một hồi ngó ngoái lại thì thấy xa xa ngọn lửa còn đỏ trời, biết chắc lính còn lo chữa lửa không dè mình trốn mà rượt theo, nên trong lòng bớt sợ rồi đi thủng thẳng mà nghỉ. Vừa đi vừa suy nghĩ, thình lình nghe phía bên tay trái có tiếng người nói chuyện với nhau nho nhỏ và chạy lướt cỏ nghe xào xào. Thủ Nghĩa chẳng hiểu ai chạy đi đâu, sợ lính theo bắt mình, nên lủi vô bụi rồi im lìm nín thở. Cách một hồi thấy có hai dạng người chạy ngang qua, một người chạy trước, một người chạy sau, người trước nói với người sau rằng: “Ráng chạy một khúc nữa tới phía rừng thì hết lo”. Thủ Nghĩa nghe mấy lời định chắc người nầy là tù thừa hỏa hoạn mà trốn như mình nên bớt sợ. Song đợi hai người ấy chạy được một đỗi xa xa rồi mới đứng dậy mà đi theo. Anh ta vừa đi được nửa canh thì tới một đám rừng tràm, tuy là khó đi song muốn thoát thân nên phải ráng. Đi đến sao mai mọc, đuối chơn mỏi sức đi không nổi, Thủ Nghĩa thấy có một cây tràm lớn chết khô ngả nằm xiên xiên trên mặt đất bèn nằm ngay trên đó mà nghỉ lưng. Nghỉ một hồi rồi ngủ quên đến sáng mặt trời mọc được chừng một sào, yếng sáng mặt trời chói ngay vào mặt mới giật mình thức dậy. Thủ Nghĩa tính thầm rằng bây giờ mình phải lén về Tân Châu mà thăm cha mẹ rồi sẽ xin cha mẹ trốn đi với mình đến xứ khác cho khỏi lậu. Anh ta biết Tân Châu ở hướng mặt trời mọc nên nhắm hướng ấy mà đi. Đi đến đứng bóng, phần thì mệt mỏi, phần thì đói bụng, trong lòng lo sợ nếu đi trong rừng hoài như vầy chắc là phải chết đói. Ráng đi một hồi nữa mặt trời vừa trịch bóng, may đã ra khỏi rừng rồi lại thấy trước mặt đồng trống minh mông, xa xa cách chừng vài dặm hú thì có một cái nhà tranh, có khói bay trên nóc nhà, Thủ Nghĩa chẳng xiết nỗi mừng, bèn đi riết lại cái nhà ấy. Tới nơi bước vô thì thấy có một bà già chừng 60 tuổi, đầu bạc hoa râm, mặc quần vải đen cũ, trên có mang cái yếm mà thôi chớ không có áo, đương ngồi chắp trân để dệt chiếu. Bà già thấy Thủ Nghĩa quần áo rách nát mà mình mẩy lại lấm lem, không hiểu ai đi đâu nên coi có sắc sợ, Thủ Nghĩa nói dối rằng mình là bạn lưới ở Hà Tiên đi ra Tân Châu mà thăm bà con, đi lạc trong rừng mấy ngày rày đói khát hết sức may thấy nơi đây có nhà nên ghé xin cơm mà ăn. Bà già nghe nói lật đật vô buồng bưng rá cơm nguội ra thì còn được vài chén, bèn để trên sập rồi trở vô móc ít con mắm lóc nhỏ đem ra cho Thủ Nghĩa ăn. Thủ Nghĩa ăn rồi liền lạy bà già mà tạ ơn và hỏi thăm đường đi Tân Châu. Bà già nói rằng: “Cậu ở Hà Tiên đi Tân Châu mà cậu đi lạc tới trên nầy, đã gần tới xứ Cao Miên(1) rồi, vậy bây giờ cậu phải trở lộn xuống và đi xéo xéo qua phía mặt trời mọc mới được, mà bây giờ trời đã nửa chiều rồi cậu đi không kịp, vậy thôi cậu ở đây mà nghỉ rồi khuya sẽ đi. Hễ khuya cậu đi thì chừng lối nửa chiều cậu tới Tân Châu, đi ban ngày dễ hơn chớ đi bây giờ rồi nửa đường trời tối chỗ đâu mà nghỉ?” Thủ Nghĩa thấy bà già tử tế thì trong lòng chẳng xiết cảm phục, bèn xin phép cho ngủ nhờ ngoài mái hiên một đêm cũng được, chẳng cần ở trong nhà. Bà già không chịu, lật đật lấy chổi quét sập rồi biểu Thủ Nghĩa lên đó nằm mà nghỉ, còn bà thì đi lấy nồi nấu cơm, đến mặt trời gần lặn bà dọn cơm với rau luộc mắm kho rồi mời Thủ Nghĩa ăn với bà nữa. Tối lại Thủ Nghĩa thấy bà ở giữa đồng có một mình bèn hỏi thăm coi có con cháu chi hay không thì bà nói chồng bà chết có để lại một đứa con trai tên Cam, mà hồi chồng bà còn sanh tiền có thiếu nợ của ông Bình ở Tân Châu 30 quan tiền, bà không thể trả nổi, nên phải đem con mà đợ cho người ta hơn hai mươi năm rồi. Năm ngoái bà đi bán võng có gặp người ở Tân Châu bà hỏi thăm con bà thì người ta nói nó ăn trộm đồ của con ông Bình là Trần Tấn Thân sao đó nên nó đã trốn đi mất rồi. Xưa rày bà không thấy con về mà cũng không nghe tin tức ở đâu, chẳng biết nó có bị quan bắt bỏ tù hay không. Bà già nói đến đó thì rưng rưng nước mắt. Thủ Nghĩa thấy bà già hiu quạnh như vậy rồi nghe lời thiết tha như vậy thì cũng động lòng nên nằm gác tay lên trán mà thở dài. Đến khuya bà già thức dậy nấu cho Thủ Nghĩa ăn một bữa cơm nữa rồi chỉ chừng hướng cho Thủ Nghĩa đi. Thủ Nghĩa tay không chẳng biết lấy chi mà đền ơn, chỉ cúi lạy mà tỏ rằng: “Cháu là người nghèo khổ mà bà tiếp đãi cháu rất hậu như vầy, ơn này dầu ngàn ngày cháu cũng không quên đặng. Vậy cháu xin lạy tạ bà mà tạ ơn và nguyện xuống Tân Châu sẽ hỏi thăm giùm tin tức người con của bà coi bây giờ ở đâu cho biết”. Bà già gật đầu rồi đứng ngó chừng cho Thủ Nghĩa đi. Thủ Nghĩa băng ngang trong đồng, khi thì cỏ lấp bít đầu khi thì lội nước tới bụng, đi riết tới nửa chiều thiệt quả thấy mấy cây gáo mọc theo đường Tân Châu qua xóm Cây Xoài. Thủ Nghĩa bụng đã đói, song sợ người ta biết mặt nên chun trong một đám dâu nằm mà nghỉ chơn, đợi tối rồi sẽ lén mà về nhà. Thủ Nghĩa nằm suy nghĩ chắc là về đây cha mẹ mừng lắm, song mừng mà nghe nói mình vượt ngục thì chắc là chẳng khỏi rầu lo. Suy tới nghĩ lui, sợ rồi mừng, mừng rồi buồn, buồn rồi lại sợ cho đến tối đốt đèn một lát mới đứng dậy mà vô chợ Tân Châu. Thủ Nghĩa đi ngang qua nhà cô Tư Chuyên là người mình yêu mến tính gá nghĩa châu trần khi trước thì nhà đã dỡ đi đâu mất, chỉ còn có một cái nền không với mấy bụi chuối xơ rơ đó mà thôi. Thủ Nghĩa trong lòng khoan khoái muốn đi riết về nhà thì thấy đường đi vô bị bít hết, nhà cửa cũng không có, còn cái vườn cau thì ai đốn hết chỉ còn rơi rát chừng năm bảy cây mà thôi. Thủ Nghĩa xem vườn xưa cảnh cũ như vậy thì lòng như dao cắt, ruột tợ kim châm, đau đớn thay dâu bể cuộc đời, ngao ngán nỗi thung huyên xiêu lạc. Thủ Nghĩa chơn run lập cập, lụy ứa dầm dề, muốn bước vô mà giở bước chẳng kham, nên ngồi bẹp tại đầu đường mà khóc. Thủ Nghĩa khóc một hồi rồi lặng thinh mà ngó mấy cây cau, văng vẳng nghe tiếng chó sủa xa xa, rụt rịt thấy dạng chuột xù xông trước mặt. Anh ta vùng đứng dậy rồi xăm xăm đi thẳng vô chỗ nhà mình ở khi xưa. Đêm ấy trời tuy không trăng, nhưng mà nhờ bóng sao tỏ rạng nên mọi vật đều thấy mờ mờ: cái nền nhà trên chỗ nầy bây giờ tranh mọc đã bít hết. Cái sân là chỗ mình trồng bông khi trước không còn một bụi mà đất lại nổi vồng dường như ai đã cuốc mà trồng khoai bắp chi đây. Cây quít ở dựa chái nhà, khi trước sai oằn nhánh, nay cũng còn đây song cội khô lá đổ coi ra như tuồng nhớ chủ đứng bàng hoàng. Thủ Nghĩa đi xem cùng mấy chỗ mình ở khi trước rồi lần lần đi thẳng vô miếng vườn, cây trái điêu tàn, càng nhắm dạ càng đau, cỏ tranh rậm rạp, càng đi chơn càng vướng; tới cái ao sen là chỗ mình ngồi rồi thỏ thẻ thuật chuyện nhà với em rể lần chót đó, thì ao đã cạn, nước đã khô, bông sen trắng đỏ chẳng còn, chỉ còn thấy một vùng đất bùn đen thui với mấy con cóc nhảy lom xom bên cẳng. Đứng chần ngần dựa mé ao một hồi rồi Thủ Nghĩa quày quã trở ra, đi ngang qua mấy cái nền nhà là chỗ khi mới vô trông thấy rất đau đớn lòng mà anh ta cũng không thèm dừng bước, cứ lầm lũi đi riết ra đường rồi băng xuống ruộng nhắm hướng nam mà đi tới. Thủ Nghĩa đi đến sáng gặp một cây gòn rừng mọc giữa đồng bèn leo lên ngồi tại cháng ba mà dòm ngó tứ phía rồi leo xuống nhắm qua phía mặt trời mọc mà đi. Ai có biết Thủ Nghĩa đi đâu hay không? Số là khi về đến quê xưa dòm thấy nhà cửa tiêu điều mẹ cha đâu mất thì cảm động nên lụy ứa dàm dề, chừng ra gặp ao sen nhớ tới phận thằng em rể mình ở Cái Vừng mới tính đi riết xuống đó đặng hỏi thăm việc nhà và mẹ cha em út. Mặt trời mọc được một lát thì Thủ Nghĩa vô tới xóm Cái Vừng. Vả khi trước Thủ Nghĩa thường tới lui chơi với Phạm Kỉnh Chi, đã quen chỗ em mình ở, nên nay chẳng có chút gì bợ ngợ, vô xóm rồi cứ nhớ theo con đường cũ mà đi. Đến nhà đứng trước ngó vô thì quả là cái nhà đó, tuy cái nhà sau bây giờ đã dỡ cất qua phía bên tay mặt, tuy bây giờ có trồng thêm một hàng dừa ở phía sau, nhưng mà trước nhà cũng còn cái hào đây, dựa chái nhà cũng còn mấy cây xoài đó, Thủ Nghĩa nhắm nhía một hồi rồi bước vô sân; hai con chó vàng trong nhà thấy người lạ mặc quần áo rách lang thang lại ướt loi ngoi thì áp ra mà sủa. Anh ta đứng giữa sân không dám bước tới, thình lình nghe trong nhà có tiếng đàn bà la chó, trong lòng khấp khởi không biết có phải là em gái của mình chăng. Hai con chó dang ra, anh ta vừa muốn đi tới nữa thì thấy trong nhà có một người đàn bà bước ra, độ chừng 40 tuổi, vạt áo trước vắt choàng ngang lưng quần, đầu bịt trùm khăn vải trắng, ngó Thủ Nghĩa mà hỏi rằng: “Chú ở đâu lạ, đến nhà tôi có việc chi hay không?”. Thủ Nghĩa nghe la chó thì trong bụng mừng thầm tưởng em gái mình, chẳng dè chừng thấy mặt lạ không biết là ai lại nghe hỏi thình lình, lính quýnh không biết trả lời làm sao cho được. Anh ta đứng bợ ngợ, người đàn bà ấy ngó chằm chằm một hồi rồi anh ta mới nhỏ nhẹ mà hỏi rằng: - Thưa thím, không biết nhà nầy có phải là nhà của Phạm Kỉnh Chi hay không thím há? - Chú hỏi nhà ai? - Thưa nhà của Phạm Kỉnh Chi. - Kỉnh Chi nào, tôi có biết ở đâu? - Cách hơn mười năm trước tôi có ghé thăm một lần thì tôi nhớ ở chỗ nầy. - Tôi không biết. Người đàn bà trả lời bao nhiêu đó rồi bỏ đi vô nhà. Thủ Nghĩa đứng bơ vơ, mặt buồn nghiến, vừa muốn trở ra thì thấy ngoài cửa ngõ có một người đàn ông đi vô, mặc đồ vắn, tay cầm một rựa, hỏi Thủ Nghĩa là ai mà đi đâu đó. Thủ Nghĩa cũng đáp mấy lời như là đáp với người đàn bà khi nãy vậy, thì người ấy hỏi rằng: “Vậy chú có bà con hay là quen biết chi với Phạm Kỉnh Chi hay sao mà hỏi?” Thủ Nghĩa nói rằng mình là anh em bạn hồi nhỏ, hơn mười một năm mắc nghèo lo đi làm ăn nên không gặp mặt nhau, nay có việc nên ghé mà thăm coi mạnh giỏi thể nào. Người ấy nghe nói như vậy liền biểu Thủ Nghĩa vô nhà. Thủ Nghĩa quần áo lấm lem mà bụng lại đói, vì từ sớm mơi hôm qua đến nay không có để vật chi vào miệng hết, hễ khát nước thì lựa vũng nào trong bụm tay uống cho đỡ dạ mà thôi, bởi vậy cho nên vừa bước vô nhà thì liền ngồi bẹp xuống dưới đất. Chủ nhà đi cất cái rựa rồi trở ra biểu Thủ Nghĩa lên ván mà ngồi. Chủ nhà lại hỏi: - Chú ở đâu mà đi lại đây? - Tôi cũng là người gốc gác ở đây, song hồi nhỏ cha mẹ nghèo nên xiêu lạc, bây giờ tôi ở Hà Tiên. - Phải, cuộc đất này hồi trước là chỗ Kỉnh Chi ở; anh ta bán lại cho vợ chồng tôi nay tính được chín mười năm rồi. - Hồi trước tôi coi Kỉnh Chi tuy không giàu; song trong nhà cũng đủ ăn, không biết tại sao mà bán nhà bán cửa vậy anh há? - Anh ta nghèo là tại vợ, chớ anh ta là người thiệt thà làm ăn, làm sao đến đỗi nghèo được. - Vợ làm sao mà anh nói tại vợ? - Kỉnh Chi đi nói con gái ông Thành ở trên Tân Châu, vợ thì chưa cưới mà bà già vợ chết cũng phải lo chôn. Đến ông già vợ chết cũng phải lo chôn nữa, rồi vợ có chửa đau hoài phải lo mà chạy thuốc, đến chừng đẻ phải lo nuôi đẻ, đẻ chưa đầy tháng vợ chết phải lo chôn nữa, rồi đem con nhỏ về nuôi, làmnhư vậy giàu muôn hộ bây giờ cũng phải nghèo, huống chi anh ta vừa đủ ăn, chớ phải giàu có chi hay sao. Thủ Nghĩa nghe rõ sự tình như dao cắt, nghĩ điềm chiêm bao khi ở khám thiệt chẳng lầm. Anh ta sợ lậu nên dằn lòng gượng gạo mà hỏi rằng: - Không biết bà già ruột Kỉnh Chi bây giờ còn mạnh giỏi hay không anh há? - Ối, bả cũng chết nữa. - Anh có nhớ bả chết hồi năm nào hay không? - Tôi không nhớ chắc, chết đâu một năm với vợ anh ta đó đa. - Hồi nghèo bị nợ đòi quá bán nhà cửa cho tôi đặng lấy tiền mà trả nợ rồi gởi con cho chị Bảy Quế chỉ nuôi giùm còn anh ta thì đi chèo ghe mướn. Cách ba năm nay anh ta dắt con đi đâu mất, tôi không biết bây giờ ở đâu. - Tôi nghiệp ảnh quá, không biết ảnh có con trai hay là con gái? - Con trai. Hai người ngồi nói chuyện với nhau tới đó kế chị chủ nhà dọn cơm bưng lên. Anh chủ nhà mời lơi Thủ Nghĩa ăn, chẳng dè Thủ Nghĩa tỏ thiệt rằng hồi sớm mai hôm qua đến nay mình nhịn đói nên dầu không mời rồi đây mình cũng xin chút cơm dư mà ăn cho đỡ dạ. Chị chủ nhà hồi nãy thấy Thủ Nghĩa lạ mặt nghi là kẻ bất lương nên hỏi thăm không thèm nói, nãy giờ nghe nói chuyện với chồng thì mềm mỏng, bây giờ nghe lời khiêm tốn nữa thì động lòng thương nên hiệp với chồng mà mời Thủ Nghĩa lên ăn cơm, còn chị ta thì trở xuống dưới bếp nấu thêm một nồi nữa rồi sẽ ăn sau, Thủ Nghĩa cơm nước xong rồi mới từ tạ hai vợ chồng chủ nhà mà đi. Chủ nhà hỏi bây giờ đi đâu thì Thủ Nghĩa không biết đi đâu mà nói nên ú ở một hồi nói dối rằng mình đi qua An Giang kiếm thuyền quá giang mà về Hà Tiên. -------------------- [1] Kampuchia V - A i đã từng trải cuộc đắng cay, đã có đớn đau vì ly biệt, thì mới biết những lúc buồn rầu chẳng có lúc nào khó chịu cho bằng lúc nghe tin cha mẹ mình đã tỵ trần mà du âm cảnh. Thủ Nghĩa trót mười một năm trường ngày đêm luống nhớ mẹ thương cha; khi vượt ra khỏi ngục thì quyết đi riết về nhà mà thămcha mẹ; về đến quê xưa, thấy nhà cửa tiêu điều, mẹ cha đâu mất trong lòng tuy đau đớn nhưng mà còn tưởng rằng nếu ráng sức kiếm tìm có lẽ gặp nhau. Nào dè đến Cái Vừng, nghe mẹ cha đã sớm tách suối vàng, em gái cũng hồn du địa phủ; em rể thì vì thế mặt cho mình mà tán gia bại sản, thân bình bồng không biết trôi nổi đến xứ nào. Nếu người thường mà nghe tỏ các điều ấy thì dầu ruột bằng đá cũng phải mềm, dẫu mắt bằng sành cũng phải ướt. Mà Thủ Nghĩa không tỏ dấu ai bi đau đớn, cứ ngồi tỉnh tuồng mà hỏi phăng tới lần lần, thế thì đủ biết người vững lòng bền chí là dường nào, dầu lở núi cũng không nao, dầu sập trời cũng không núng. Có lẽ vì sự hoạn nạn nó trau dồi thiêu đốt cái lòng anh ta đã lâu rồi nên ngày nay mới được cứng như vậy chăng? Chắc là tại như vậy, bởi vì từ khi nghe rõ việc nhà rồi ngồi ăn cơm cho đến lúc từ giã chủ nhà mà đi, anh ta chẳng tỏ dấu chi buồn thảm hết. Chừng bước ra khỏi nhà rồi thì lầm lũi mà đi hoài, đi khỏi xóm ra tới đồng lại băng trong đồng mà đi cứ ngó xuống đất chớ chẳng hề ngó qua ngó lại. Nếu có ai cắc cớ lén đi theo mà coi thì ắt thấy Thủ Nghĩa ra khỏi xóm rồi ruột gan như cắt, nước mắt dầm dề, tay đấm ngực, miệng kêu trời, xem ra lấy làm thảm thiết lắm. Đi được một hồi gặp một gò mả bèn lên đó mà ngồi than khóc một mình, tức tối vì cha mẹ nhắm mắt mà không thấy được mặt con, rồi lại trách trời đất nỡ khuấy rối những người lương thiện. Thủ Nghĩa đau đớn trong lòng chịu không nổi mà nghĩ rằng mình vượt ngục là cố ý muốn về để gần gũi mẹ cha, nay mẹ cha đã chết hết rồi, thế thì mình còn mang cái thân cực khổ này chộn nhộn nơi dương trần nữa làm chi? Nghĩ như vậy nên tính tự vận mà chết, trước là trút cho hết cái nợ hồng trần, sau nữa đến suối vàng hoặc may có sum vầy cùng mẹ cha. Quyết chí rồi đứng dậy ngó quanh quất thì đồng trống minh mông, cách xa chừng một vài dặmthấy mé sông cái mới bươn bả đi lại đó đặng nhào xuống sông mà chết. Đi được vài công đất, trong trí nhớ tới Kỉnh Chi bèn đứng lại mà nghĩ thầm rằng: Kỉnh Chi vì một tiếng hứa hẹn, vì lòng tri kỉ với mình mà phải tán gia bại sản, ơn ấy rất nặng nề, nếu mình chết thì làm sao mà đền bồi cho được. Đã vậy mà mình bị lao tù rồi cha mẹ buồn rầu mà chết hết đây chắc là quân tiểu nhơn âm mưu khổ hại, cái oán này mình chưa trả được, nếu bỏ mà chết đi thì có đáng làm người đâu. Nghĩ như vậy rồi ngồi chồm hổm chống tay đỡ cằm mà tính, tính một hồi rồi đứng dậy nhắm hướng mặt trời lặn lầm lũi mà đi riết. Thủ Nghĩa đêm ngày cứ đi hoài, khi thì xông lướt qua rừng khi thì hụp lặn mà qua bưng, đói kiếm xómxin ăn, mệt lựa gò nằm nghỉ, đi được ba ngày bốn đêm mới tới một sóc Cao Miên. Anh ta đi ngay vào sóc hỏi thăm mới biết đã đến Vũng Trạch rồi, từ đó qua Hà Tiên chẳng còn bao xa nữa. Thủ Nghĩa đi lần lần tính chẵn bảy ngày bảy đêm mới đến Hà Tiên. Đến nơi rồi anh ta mới tìmxóm rỗi biển, tính ở lại đó mà xin ở làm bạn rỗi. Thủ Nghĩa đi dọc theo bãi biển; lúc ấy nhằm lúc ban mai, nước lớn, gió thổi lao rao, dưới chơn sàn sạt sóng cất vòi, ngoài cửa linh đinh thuyền chạy vát. Trước mặt thấy có ba bốn chiếc ghe rỗi đã về đến bến rồi đương cất cá lên bãi, kẻ khiêng người gánh, kẻ tát nước, người cuốn buồm, sau lưng nhìn có mấy cụm núi xanh xanh, lùm lùm chỗ thấp chỗ cao, chỗ phun khói lam như mây đen, chỗ đỏ lòmnhư lửa đốt. Nhìn xem phong cảnh ngó trời ngó nước, trong dạ đương bàng hoàng, thình lình sau lưng có một người đi tới vỗ vai anh ta mà hỏi rằng: “Làm gì mà đứng đây?”. Thủ Nghĩa giựt mình day lại thì thấy có một người độ trên 50 tuổi, quần áo cụt, râu tóc đã hoa râm, tướng mạo vạm vỡ, bộ tịch cứng cỏi, không biết là ai, nên ú ớ không biết sao mà trả lời. Người ấy thấy vậy bèn tiếp rằng: - Chú em nó ở đâu lạ tôi không biết? Thủ Nghĩa muốn thừa dịp làm quen đặng kiếm chỗ dung thân, nên đáp rằng: - Thưa, tôi ở An Giang nghèo nàn không có chỗ làm ăn, nên vô đây tính kiếm chỗ ở đi bạn rỗi. - Vậy sao? Nếu muốn ở bạn thôi về ở với tôi; không hại gì, ở với người ta bao nhiêu tôi cũng trả tiền công như ở với người ta vậy. Mà thuở nay chú em nó đã có biết đi biển hay chưa? - Thưa, chưa. Người ấy ngó Thủ Nghĩa rồi nói: - Không hại gì, ở với tôi, tôi tập cho. Nghề đi biển không khó gì, đi chừng ít tháng thì quen; ai cũng vậy, thuở nay có ai học hành gì đâu. Thôi đi với tôi. Người ấy dứt lời rồi dắt Thủ Nghĩa đi dựa theo mé biển về nhà; lúc đi dọc đường, hỏi Thủ Nghĩa rằng: - Chú em nó có cha mẹ, vợ con chi hay không? Thủ Nghĩa nghe hỏi đến việc nhà thì đau lòng chẳng xiết, nhưng mà muốn cho có chỗ ở yên, lại sợ quan trên người ta bắt nữa, nên phải gượng gạo mà nói rằng: - Thưa, tôi không có vợ con chi hết, chỉ còn một mẹ già bây giờ đương ở với anh tôi ngoài An Giang. - Tôi đây không có con, trong nhà có hai vợ chồng, thuở nay tôi chuyên có một nghề ra biển kiếm cá đem về cho vợ bán. Nói cho phải, nhờ trời đất phò hộ nên trong nhà thường đủ cơm ăn. Năm nay tôi đã 56 tuổi, trong mình có hơi mệt mỏi, nên tôi tính kiếm một người phụ với tôi đặng tôi nghỉ chút đỉnh. Người này tên Nguyễn Văn Phi, thường người ta kêu là ông Tám Phi, lời nói nghe có dấu thiệt tình, nên Thủ Nghĩa trong bụng mừng thầm, chắc được yên thân mà chờ vận. Đi về tới cửa, ông Tám Phi dừng chơn rồi chỉ tay xuống mé biển mà nói rằng: “Đó, chiếc thuyền của tôi đánh cá đó”. Thủ Nghĩa ngó coi thì chiếc thuyền tuy không lớn, nhưng mà sửa soạn rất đẹp, xem qua thì cũng đủ biết người chủ thuyền kỹ lưỡng mà lại mến chiếc thuyền, nên hằng lo rửa chùi sạch sẽ luôn luôn. Lúc vô nhà thì thấy nhà cửa vén khéo mà vợ ông Tám Phi lại vui vẻ nữa. Tám Phi nói việc mình tính mướn Thủ Nghĩa lại cho vợ nghe thì vợ mừng rỡ, khen chồng hay, chớ già cả rồi mà đi lưới có một mình mệt nhọc lắm. Thủ Nghĩa ăn nói nhỏ nhoi, tánh tình trung hậu, vợ TámPhi càng ngày càng để lòng thương. Hễ ngồi thuyền ra khơi mà đánh cá thì ông Tám Phi chỉ cồn này hòn nọ, chỉ cách vát ngược chạy xuôi, chỉ mây sao mà biết mây nổi giông, chỉ nước sao mà biết nước gần lớn, nhờ vậy nên Thủ Nghĩa đã quen thuộc đường đi nước bước trong vịnh Xiêm, đã thông thạo cách coi buồm, cầm lái mà đi biển. Nhiều khi ông Tám Phi mệt ở nhà thì Thủ Nghĩa đi đánh cá một mình; lại nhiều lúc thuận gió cá nhiều Thủ Nghĩa với ông Tám Phi cũng có chạy tuốt vô cửa Cần Vọi, cửa Rạch Giá, hoặc cửa sông Đốc mà bán cá. Thủ Nghĩa ở được một năm, tuy vợ chồng chủ nhà thương yêu như con ruột, nhưng mà anh ta chẳng hề khi nào dám lậu việc riêng, cứ xưng mình là Ba Cu ở An Giang mà thôi. Lúc buồn thường thương cha mẹ, nhớ tới em, thường giận kẻ tiểu nhơn gian mưu, thường thương phận Kỉnh Chi lưu lạc. Mà hễ nhớ tới chuyện nhà thì trong trí thầm quyết sẽ kiếm kế ra hòn Kim Qui mà tìm vàng, nếu quả được châu báu ngọc ngà y như lời Mạc Tiển nói với mình thì liệu kế mà đền ơn trả oán. Bữa nọ vợ chồng ông Tám Phi trả tiền công cho Thủ Nghĩa ở một năm là mười quan, rồi nói với Thủ Nghĩa rằng mình nay già cả làm nghề chài lưới dầm sương trải nắng nữa không nổi mà thấy Thủ Nghĩa có nết siêng năng, có tình trung hậu thì thương, tính bán chịu chiếc thuyền cho Thủ Nghĩa làm chủ đi đánh cá một mình, đánh cá được bao nhiêu đem về bán lại mình mua, làm có tiền bao nhiêu thì trả lần bấy nhiêu, trả đủ một trăm quan thì làm chủ đứt chiếc thuyền, làm như vậy hoặc may ra Thủ Nghĩa mới khá được. Thủ Nghĩa nghe vợ chồng Tám Phi tính như vậy thì xiết nỗi vui mừng, nghĩ thầm rằng nếu mình ráng chịu cực đi đánh cá mà góp cho đủ giá chiếc thuyền rồi thì mình làm chủ muốn ra kiếm hòn Kim Qui đi mới đặng. Bởi nghĩ như vậy nên anh ta chịu liền; thiệt anh ta ngồi thuyền đánh cá chưa đầy một năm mà trả nợ gần hết. Khi trả được 90 quan thì ông Tám Phi kêu mà cho đứt chiếc thuyền không đòi thêm nữa. Thủ Nghĩa có được chiếc thuyền chẳng khác nào như cá có vi, như chim đủ cách, trong lòng nóng nảy quyết tìm cho bằng được hòn Kim Qui mà thôi, ngặt lúc ấy gió nghịch nên phải nấn ná mà chờ, cứ đánh cá đem về đổi lấy tiền, người ngoài ai cũng tưởng Thủ Nghĩa quyết theo nghề chài lưới cho đến già, chớ không dè bình sanh nhiều nỗi đắng cay, trong bụng toan điều vĩ đại. Qua tháng giêng năm sau, Thủ Nghĩa thấy có ngọn gió bấc thổi già mới quyết chí ra khơi tìm hòn KimQui. Anh ta sửa thuyền lại cho chắc chắn, sắm buồm lái cho hẳn hòi, mua gạo củi, nước mắm, cá khô, chở xuống thuyền rồi lại thăm vợ chồng ông Tám Phi và nói dối rằng lúc nầy đi làm cá không được nên tính ra Phú Quốc chở nước mắm về bán. Đúng bữa rằm, khuya thức dậy nấu cơm ăn rồi trời hừng sáng Thủ Nghĩa mới giương buồm mở dây chỉ mũi hướng tây mà chạy. Thuyền ra khỏi cửa rồi thì mặt trời vừa ửng mọc, Thủ Nghĩa ngó ngoái trở vô bờ thì thấy nhà cửa mờ mờ, trên có mấy cụm núi xanh xanh, dưới có mấy giăng rừng lúp xúp. Gió bấc thổi bọc cánh buồm làmtúi, lượn sóng đùa đưa thuyền chạy như tàu, ào ào trước mũi nước tẽ hai, lũm chũm sau lưng tôm nhảy dựng. Thuyền chạy tới đứng bóng, Thủ Nghĩa ngó vô bờ thì chẳng còn thấy chi nữa hết, tư bề trời nước minh mông, trên dưới một màu liên tiếp; Thủ Nghĩa tay nắm lèo, chơn kềm lái, chí tang bồng khấp khởi với dòng xanh, nhớ chuyện cũ, tính đường đi, lòng ân oán chập chồng như non cả. Thủ Nghĩa xem trời ngó nước, suy tới nghĩ lui một mình, dạ đương bồi hồi bỗng trước mũi thuyền dạng dạng có giăng núi nằm ngang, mà phía tay mặt xa xa lại có một giăng núi nữa. Anh ta định chắc trước mặt đó là hòn Phú Quốc, còn phía trên kia là núi Trà Lơn, bởi vậy cho nên tay nắm lèo cứ xuôi gió mà chạy hoài, đến trời tối vô tới bờ rồi mới xả neo thuyền mà nghỉ. Thủ Nghĩa nấu cơm ăn rồi gác tay lên trán, trên trời bóng trăng rằm vằng vặc, ngoài biển lượn sóng dập ồ ào; trên nhành bầy vượn giỡn chuyền con, canh vắng tiếng chim kêu tìm ổ. Thủ Nghĩa tuy ngồi coi lái trọn ngày mệt mỏi, nhưng mà trong lòng lo lắng nên nằm thổn thức trọn canh dài. Trời vừa hừng đông, anh ta vừa thức dậy nấu cơmăn rồi mặt trời mọc thì kéo neo làm buồm chạy dọc theo mé hòn, tính kiếm người mà hỏi đường dọ nẻo. Thuyền chạy tới xế mới tới đầu hòn phía nam, ngó vô bờ thì thấy một cái ụ lớn, trong ụ có ba bốn chiếc thuyền đậu tại đó, lại có người ta đương phơi lưới. Anh ta liền bẻ lái trở buồm xông vô ụ; mấy người đương phơi lưới chẳng biết là thuyền của ai nên ngó sửng. Thủ Nghĩa vô tới, xả buồm buộc thuyền xong rồi mới leo lên bờ đi lần lại chỗ mấy người phơi lưới mà hỏi rằng: - Mấy anh ơi, không biết đây có phải là hòn Phú Quốc hay không, mấy anh? Có một người ước chừng 40 tuổi, nghe hỏi tức cười đã không trả lời, lại hỏi Thủ Nghĩa rằng: - Vậy chớ chú em nó ở đâu mà hỏi kỳ cục vậy? - Tôi ở trong Hà Tiên, chủ tôi sai tôi đi kiếm đồi mồi với ổ yến. Tôi chạy trọn một ngày hôm qua đến tối mới tới hòn nầy, hồi hôm tôi đậu phía trên kia tôi ngủ rồi hồi sớm mai tới bây giờ mới xuống tới đây. Tôi chẳng có gặp ai mà hỏi thăm, mà thuở nay tôi cũng chưa đi đến đây, vậy xin mấy anh làmphước nói giùm coi hòn này là hòn gì. - Phải, hòn nầy là hòn Phú Quốc, mà đây là mũi ông Đội, nhằm đầu hòn, hễ qua mũi nầy rồi thì thấy mũi Hạnh, từ mũi Hạnh đi trở lộn lên đó là Dương Đông. - Người ta nói gần đây có một hòn kêu là hòn Kim Qui, chỗ ấy có đồi mồi nhiều lắm phải vậy không anh? - Hòn Kim Qui đâu có đồi mồi, ai chỉ cho chú em đó? - Chủ tôi biểu tôi ra đó coi như có thế bắt đặng thì bắt, bằng khó bắt thì hỏi giá cả cho chắc rồi về đemtiền ra mà mua. - Không có đâu! Anh em tôi ở đây thuở nay không biết hay sao! Chú em nó đi thất công vô ích. Thủ Nghĩa nghe nói liền khoanh tay trên cổ làm bộ tính thầm một hồi rồi nói rằng: “Mấy anh nói như vậy thì tôi đi cũng không ích gì. Cha chả! Mà chủ tôi sai tôi ra đó nếu tôi đi nửa chừng tôi trở về, chắc là bị rầy. Trong lòng tôi lưỡng lự không biết tính sao bây giờ”. Có một người chừng 30 tuổi, nghe Thủ Nghĩa than như vậy bèn nói rằng: - Nếu người ta biểu anh ra hòn Kim Qui mà anh đến đây rồi anh trở về như vậy sao cho phải. Đây xuống đó chẳng bao xa, chạy độ chừng một buổi thì tới, thà anh đi xuống đó không có anh trở về, vậy cho vừa lòng người ta chớ. Thủ Nghĩa thấy người ấy nói trúng ý mình, thì hỏi phăng tới rằng: - Không biết hòn Kim Qui đi ngả nào anh há? Người ấy làm bộ lanh, buông tay lưới chạy lấy một nhánh cây nhỏ vẽ dưới đất mà chỉ cho Thủ Nghĩa rằng: - Tại đây anh cứ hướng nam mà chạy; anh sẽ gặp bốn cái hòn dọc đường; hòn thứ nhứt là hòn Đen, hòn thứ nhì là hòn Rái, hòn thứ ba là hòn Thơm, hòn thứ tư nhỏ mà nằm ngang đó là hòn Vàng. Hễ anh đi khỏi bốn cái hòn tôi mới chỉ cho anh đó rồi thì anh sẽ thấy bốn cái hòn nằm dài trước mũi ghe, cái hòn chót nhỏ nằm phía bên cột chèo mũi đó là hòn Kim Qui. Thủ Nghĩa nghe nói chíp trong bụng, song còn ráng hỏi thêm rằng: - Anh có đến hòn Kim Qui lần nào không? - Không. Tôi có chạy ngang qua đó vài lần, chớ tôi không có ghé. - Không biết cái hòn đó có người ta ở hay không anh há? - Cái đó tôi không biết chắc. Người chừng 40 tuổi nói chuyện với Thủ Nghĩa hồi đầu hết đó, nghe hỏi liền ứng tiếng nói rằng: “Không có ai ở đâu. Bốn cái hòn nằm ngang đó, cái hòn chót phía bên cột chèo lái kêu là hòn Móng Tay thì có người ta ở, chớ mấy cái hòn kia thì không có”. Thủ Nghĩa nghe nói mừng thầm, ngồi hỏi thăm việc chài lưới một hồi, rồi xuống thuyền nấu cơm ăn, tính ở đó nghỉ một đêm đợi khuya sẽ dậy làm buồm mà xuống hòn Kim Qui. Anh ta biết đường đi rồi nên vững bụng, tối lại ngủ ngon giấc, chẳng còn tư lự chi nữa. Sáng bữa sau, Thủ Nghĩa thức dậy nấu một nồi cơm ăn phân nửa, còn phân nửa để dành chiều. Cơmnước xong xuôi, anh ta mới làm buồm và từ giã mấy người nói chuyện với mình hôm qua đó rồi nhắmhướng nam mà chạy. Thiệt quả qua bốn cái hòn khác nằm ngang trước mũi thuyền. Thủ Nghĩa nhắm cái hòn chót phía bên cột chèo mũi mà chạy, tới đó thì mặt trời vừa đứng đầu. Anh ta lựa một cái vịnh sấn thuyền vào một gốc cây lớn gie ra ngoài mé biển, nằm nghỉ đợi mặt trời trịt bóng mới xăn quần xách rựa mà lên bờ. Khi bước lên hòn thì không biết đâu mà đi; anh ta đứng nhắm một hồi rồi tính trong bụng rằng mình phải đi vòng tròn theo chung quanh cái hòn nầy rồi đi ngang đi dọc nữa thì mới tìm kỹ lưỡng được; song bây giờ trời đã xế rồi mà mình không rõ cái hòn bao lớn nên không biết đi giáp vòng có kịp hay không, vậy thôi bữa nay mình đi bậy một khúc rồi rạng ngày thức dậy sớm mình sẽ đi cho giáp vòng. Tính như vậy rồi anh ta cầm rựa nhắm giữa hòn mà đi sấn vô. Hòn thì hoang tàng nên cây cối rậm rợp, nhánh gie ngang, tàn che phủ khó đi lắm, có nhiều chỗ nhánh nhỏ nó xỏ rế bít đường phải chặt bớt đi qua mới được. Ban đầu đất còn ướt, đi được một hồi hết đất bùn tới đất cát, rồi đi một khúc nữa lại tới đá. Thủ Nghĩa định chắc giữa hòn có núi, song núi không cao bởi khi thuyền còn ở xa thì không thấy hòn núi nổi cao hơn mặt nước cho lắm. Thiệt quả hễ tới đá thì trước mặt có một dãy núi thấp giăng ngang, song chỗ cao chỗ thấp không chừng, mà chỗ nào cây cũng mọc bít hết, nên không thấy đá, lại chỗ cao hơn hết là trăm thước mộc là nhiều. Tới chưn núi, Thủ Nghĩa ngồi dựa gốc cây nghỉ một hồi rồi quyết trèo lên trên chỗ cao đặng đứng lên nhắm địa thế coi cái hòn bao lớn. Lên đến đó rồi ngó trước mặt thì thấy mé biển gần lắm, mới hay giăng núi nằm dựa mé hòn chớ không phải nằm chính giữa hòn. Thủ Nghĩa đương đứng ngó thình lình nghe cái sạt, cây nhỏ rung rinh, không rõ là con chi, anh ta cầm rựa đứng ngó lườm lườm, song không thấy động tịnh chi nữa. Anh ta sợ ác thú mà lúc ấy trời đã nửa chiều rồi, nên lật đật trở lại mà xuống thuyền vì e trời tối giữa đường thì chẳng tiện. Xuống tới thuyền thì mặt trời đã lặn. Anh ta ăn sơ cơmnguội nấu hồi sớm mai đó, rồi mới dậy cho thuyền dang ra xa mà nghỉ. Đêm ấy Thủ Nghĩa trong lòng lo tính hoài nên ngủ không được, không biết mình có công đi tìm vàng bạc như vầy mà được hay không, như được thì làm sao mà chở, và chở rồi biết để ở đâu; còn như tìmkhông được thì mình tính việc chi, chớ không lẽ ơn Kỉnh Chi chưa đền, oán của tiểu nhơn mình chưa tìm ra mối mà mình linh đinh nơi bãi cạn, trôi nổi chốn vực sâu hoài hay sao. Mảng bàng hoàng trằn trọc nên ngủ chẳng đặng bao lâu kế trời sáng. Cơm nước xong rồi muốn xách rựa mà đi vòng theo mé hòn, song nghĩ đường đi hiểm trở lắm, mà đi dựa mé thôi thà mình chèo thuyền mà đi còn tiện hơn. Nghĩ như vậy nên mở dây rồi chèo dọc theo mé, và chèo và ngó vô bờ coi có thấy hang hố gì hay không. Lúc sớm mai trời thanh gió tịnh nên Thủ Nghĩa chèo sát dựa mé, coi chừng hoài mà không thấy chi hết, chỉ có rừng rậm ri, nhánh rào ngang, rễ xỏ dọc bít chịt hết mà thôi. Chèo hơn nửa buổi xuống tới đầu hòn, kế trời phát gió lao rao, Thủ Nghĩa làm buồm đặng mà nghỉ tay, chạy trở lên mé bên kia chẳng bao lâu thì thấy chơn núi ra sát mé biển, cây cối thưa lần, lại có một cái ụ rất kín, nhắm thuyền đậu êm ái lắm. Thủ Nghĩa chui thuyền vô ụ, hạ buồm, buộc dây rồi mới xách rựa mà đi dọc theo chơn núi. Đường đi thì ít có cây cản trở, song đá chập chồng nên đi rất nhọc nhằn. Đi được một khúc ước chừng chín mười công đất, xảy thấy núi dựng đứng sát mé biển. Chỗ ấy lại cũng có một cái ụ thuyền đậu coi êm hơn cái ụ hồi nãy nữa. Anh ta đứng nhắm cái ụ rồi nhắm hòn núi, lại thấy đá dựng đứng đó có một cái hang lớn, miệng hang bề ngang có vài sải và bề cao hơn một tầm, song dây cóc kèn với dây bìm bìm giăng bít hết phân nửa. Anh ta lần lần đến miệng hang, lấy rựa chặt dây giăng phủ đó hết rồi đứng dòm vô trong hang thì thấy tối mờ mờ. Anh ta dụ dự không dám vô, cứ đứng ngoài mà dòm một hồi rồi trở lại chèo thuyền đem lại đây mà đậu. Buộc thuyền xong rồi mới xách rựa nhảy lên, lầm lũi đi sấn vô hang, dường như người đã vô ra quen thuộc đường rồi vậy. Trong hang mờ mờ, Thủ Nghĩa đi lần lần chớ không dám đi mau; đi tới đâu chàng hiu, rắn mối chạy đến đó, có khi cóc giựt mình nhảy đeo chơn, có khi dơi lính quýnh bay đụng mặt. Thủ Nghĩa liều mạng mà đi, chớ trong bụng phập phồng lắm, bởi vì nếu thú rừng rắn độc nằm đâu đây thì khó mà lánh thân, hoặc chống cự được. Hang ở ngoài tuy lớn mà vô trong lại hẹp lần lần, có chỗ phải cúi đầu chun qua mới được. Đi một hồi tới một ngã ba, anh ta đứng dòm thì đường thẳng coi hẹp té mà lại tối đen, có ngõ quẹo bên tay mặt thì là rộng mà lại sáng sáng lần lần, tưởng thầm rằng mình đã qua gần tới miệng hang bên kia rồi nên có yếng mặt trời dọi sáng như vậy. Chẳng dè đi được một khúc, thấy trước mặt sáng hoắc như trên đất bằng. Thủ Nghĩa trong bụng đã hồ nghi mình đi sai đường; tuy vậy mà cũng cứ đi tới hoài, có ý muốn biết coi cái hang này trổ ra đâu, nào ngờ lại đến chỗ sáng ấy thì thấy có một cái lỗ lớn ở trên trổ xuống. Thủ Nghĩa đứng lại chỗ lỗ ngó lên, thấy mây trên trời rõ ràng, mới hay nếu mình dài dài theo trên núi có lẽ mình cũng gặp cái miệng lỗ này, song ngó kỹ thì từ trên miệng lỗ tới chỗ anh ta đứng coi xa lắm, ở trên không có thế nào mà xuống được. Ngó lên rồi mới ngó chung quanh thì thấy cái hang đến đó lại rộng lớn, bèn đi tới nữa. Thủ Nghĩa đi thì thấy hang lần lần tối càng tối, mà lại càng rộng, đi chừng ba chục bước xảy thấy cái hang chỗ ấy bùng binh ra bằng hai căn nhà, chính giữa có một đống chi cao tới ngực như củi chất đó vậy, lại hai bên đống ấy có vật chi đen giống như người ta quì, ở xa coi không rõ. Thủ Nghĩa trong bụng phập phòng ngần ngại, không dám bước tới, bèn đứng mà tằng hắng thì tiếng dội rền trong hang nghe bắt rởn óc. Anh ta vái thầm vong hồn Mạc Tiển nếu có linh thì xin đem đường dẫn nẻo đặng tìm cho được bạc vàng mới có thế qua Quảng Đông mà báo tin được, lại hứa thầm nếu mình được bao nhiêu cũng chở qua Quảng Đông mà chia cho mẹ Mạc Tiển phân nửa. Nhớ tới Mạc Tiển thì liền nhớ tới sự cực khổ của mình ở trong khám tối hơn mười một năm, mà nhớ tới sự cực khổ ấy thì lại nhớ tới phận của mẹ cha, nhớ tới thân em gái và em rể, mà hễ nhớ tới việc nhà thì lòng như dao cắt, chẳng còn biết sợ chi nữa hết, nên xăm xăm đi riết lại chỗ mấy vật đen đen ấy chẳng chút dụ dự nữa. Thủ Nghĩa tới nơi rờ coi thì thấy đống như đống củi ấy là ngà voi, còn mấy vật đen đen như người ta quì đó là mấy cái ché. Anh ta vừa rờ đống ngà voi thì trong bụng mừng rỡ vô cùng, tay run rẩy, ngực hồi hộp, biết chắc mình đã tìm trúng chỗ rồi. Anh ta coi kỹ thì đống ngà voi năm hay bảy chục cặp, còn ché thì là năm cái, hai cái lớn bề cao tới rún và ba cái nhỏ bề cao tới đầu gối, mỗi cái đều có nắp đậy và dây ràng coi chắc chắn lắm. Thủ Nghĩa rờ mấy cái ché, đứng suy nghĩ một hồi rồi lấy rựa cắt dây ràng một cái ché lớn và một cái ché nhỏ thì dây tuy còn nguyên như mới ràng, song đã mục tự bao giờ, nên vừa đụng tới lưỡi rựa thì là đứt hết. Anh ta giở hai cái ché lên coi, trong ché lớn thì bạc nén, còn trong ché nhỏ là vàng thoi. Anh ta liệu chắc trong mấy cái ché kia cũng là vàng bạc chớ chẳng có vật chi lạ nên chẳng cần phải coi nữa, bèn để rựa ngồi chồm hổm mà nghĩ rằng thuyền mình nhỏ lắm, nếu chở hết mà đem về thì sợ chở không nổi, chi bằng mình chở lần một mớ đặng đi mua một chiếc lớn rồi sẽ trở lại chở nữa. Suy nghĩ như vậy rồi mới đứng dậy xách rựa trở lộn ra. Thủ Nghĩa xuống thuyền lấy một cái thúng lớn rồi tay xách thúng tay cầm rựa đi vô hang nữa. Chuyến này quen thuộc đường rồi nên cứ đi riết chẳng chút nào bợ ngợ. Vô đến chỗ vàng bạc khi nãy, Thủ Nghĩa bèn hốt bạc nén trong ché lớn đã giở nắp ra rồi đó mà bỏ qua bên thúng; đầy thúng rồi tính đội mà trở ra, chẳng dè nhóm thử thì nặng quá nhắm đội đi bất tiện nên hốt bớt lại còn chừng nửa thúng rồi mới đội đi. Thủ Nghĩa xuống thuyền đổ bạc sau bồng lái, lấy chiếu đậy lại rồi đội thêm nửa thúng nữa, mà chuyến này lại có lấy bên ché nhỏ vài thoi vàng và lấy một cặp ngà voi rồi mới trở ra. Tới miệng hang anh ta để thúng bạc xuống kéo dây bìm bìm làm cho bít miệng hang rồi mới xuống thuyền. Lúc ấy trời đã gần tối nên Thủ Nghĩa tính đậu thuyền tại đó mà ngủ, đợi sáng ngày sẽ đi. Đêm ấy nằmtính tới nghĩ lui, tính coi phải làm thế nào mà chở cho hết vàng bạc rồi lại tính hễ chở rồi thì đem để đâu và phải làm thế nào đặng đi tìm em rể mà người ta đừng biết mình được. Suy nghĩ tới canh khuya xảy nghe trên núi có tiếng cọp kêu cà um vang dầy; lúc ấy trời êm trăng sáng, sợ ở đây bất tiện nên anh ta lật đật ra mở dây rồi chèo thuyền đi trở lộn lại, vòng theo mé cù lao, đến trời rựng đông thì thả thuyền nấu cơm ăn rồi mới làm buồm mà lên Phú Quốc. VI - T uy Thủ Nghĩa thương nhớ mẹ lòng hằng chua xót chẳng chút nào nguôi, nhưng mà nay tìm được bạc vàng rất nhiều, nghĩ rồi đây mình sẽ có thế mà đền ơn trả oán được, nên khi ngồi thuyền trở về thì lòng thơ thới dường như cá gặp nước, chim vào rừng. Thuyền trở lên Phú Quốc, Thủ Nghĩa tính nếu về Hà Tiên người ta thấy mình có bạc nhiều sao người ta cũng nghi, nên day mũi trở buồm rồi nhắm hòn Tre mà chạy thẳng cửa Rạch Giá. Bị gió ngang thuyền chạy cấn, chớ không phải chạy xuôi như hồi bận ra được, bởi vậy cho nên chạy đến một ngày hai đêm mới tới hòn Tre. Vả lúc ở với ông Tám Phi, Thủ Nghĩa có vào cửa Rạch Giá, Cà Mau mà bán cá thường thường nên quen đường thuộc nẻo hết, nay đến hòn Tre, tuy trời đã tối rồi, song Thủ Nghĩa không chịu đậu mà nghỉ, thừa trời có trăng cứ nhắm hướng cửa mà vô. Vô tới Rạch Giá thì đã đầu canh tư, thiên hạ đều ngủ hết, trên bờ dưới sông im lìm, duy cách xa xa nghe có tiếng người tát nước ghe mà thôi. Thủ Nghĩa cột thuyền rồi thừa canh khuya đêm vắng, giở thúng bạc ra mà đếm thì được 125 nén. Anh ta sắp bạc dài dưới khoang ghe, múc ít gáo nước đổ vô rồi mới lấy bùn quậy cho đục đặng cho người ta không biết. Giấu bạc xong rồi mới nằm mà ngủ, bởi vì mấy đêm rồi ngủ không được, nên trong mình mệt mỏi vô cùng. Rạng ngày Thủ Nghĩa thức dậy nấu cơm ăn rồi chèo thuyền lại mà cột dựa một bên chiếc tàu Hải Nam. Anh ta thấy người dưới tàu là khách Quảng đông bèn dùng tiếng Quảng Đông mà làm quen. Nói chuyện với bạn tàu một hồi rồi gởi thuyền bước lên bờ, kiếm thầy hù, cạo đầu gióc bính và mua hai bộ quần áo khách rồi trở xuống thay quần đổi áo, bạn tàu xem thấy chưng hửng không biết anh ta là khách Quảng Đông hay là người An Nam. Thủ Nghĩa kiếm chuyện nói lơ là một hồi rồi mở thuyền làm buồmmà đi. Ra khỏi cửa, Thủ Nghĩa chỉ mũi hướng Nam mà chạy, trời vừa tối thì đã tới sông Đốc, bèn bẻ lái trở buồm mà vô cửa rồi chạy thẳng vô Cà Mau. Tại sao Thủ Nghĩa hồi ở ngoài hòn Kim Qui thì tính chở một mớ bạc đặng đi kiếm mà mua một chiếc thuyền cho lớn rồi trở lại mà chở nữa mà khi tới Rạch Giá rồi đã không kiếm thuyền mà mua, lại cạo đầu gióc bính rồi chạy xuống Cà Mau? Số là Thủ Nghĩa khi vô Rạch Giá thiệt cũng có ý kiếm thuyền mà mua, song nghĩ lại phận mình rách rưới nếu đi hỏi thuyền mà mua chi khỏi người ta nghi. Đã vậy mà mua thuyền lớn rồi mình chở bạc vàng biết đem đi đâu mà để. Nếu đem lên bờ kiếm chỗ giấu thì sợ mất: nếu để ngoài hòn rồi hễ cần dùng bao nhiêu ra đó mà lấy bấy nhiêu thì sợ đi nhiều lần người ta thấy người ta nghi; còn nếu mua thuyền lớn rồi để dưới thuyền hoài thì càng dễ lậu hơn nữa. Thủ Nghĩa suy nghĩ đáo để rồi mới tính cạo đầu gióc bính giả khách Quảng Đông rồi sẽ mua một chiếc tàu Hải Nam ra đó chở hết vàng bạc mà để dưới tàu. Hễ có tàu rồi thì mình xưng là chúa tàu Kim Qui, thiên hạ ắt tưởng mình là khách Quảng Đông chẳng ai còn vạch chuyện mình vượt ngục mà dầu thấy mình có vàng bạc nhiều cũng không bươi móc chi được. Bởi tính như vậy nên mới cạo đầu làm khách song mà mua tàu thì cũng sợ bể tiếng nữa nên mới kéo buồm mà xuống Cà Mau. Thủ Nghĩa vào Cà Mau thì kiếm khách Quảng Đông mà làm quen, ăn mặc đều theo cách Quảng Đông mà nói chuyện cũng dùng ròng tiếng Quảng Đông, bởi vậy cho nên chẳng những người An Nam thôi mà thậm chí khách Quảng Đông cũng tưởng anh ta là đồng bang nữa. Thủ Nghĩa tới rồi liền hỏi mua một chiếc tàu Hải Nam. May lúc ấy có tên Kha Mộc, là khách Hải Nam, có đóng một chiếc bên Tàu mới đem qua, mà vì thiếu vốn nên đi buôn chưa được. Thủ Nghĩa nghe việc như vậy mới đến hỏi mà nài. Ban đầu Kha Mộc dục dặc không chịu bán, chừng thấy Thủ Nghĩa nói quá mới chịu bán, mà dứt giá 60 nén. Thủ Nghĩa hỏi thăm khách Quảng Đông thì họ nói chiếc tàu ấy đóng có 30 nén mà thôi, mà Thủ Nghĩa quyết mua cho được không kể chi mắc rẻ, nên ráng trả lên tới 50 nén mà Kha Mộc cũng chưa chịu bán. Thủ Nghĩa trong trí đã chịu mua đủ 60 nén rồi, song chưa nói cho Kha Mộc hay là vì mình còn đương suy nghĩ không biết mình mua tàu rồi mướn ai đi bạn. Nghĩ tới sự này trong lòng càng rối lắm, bởi vì ở đây xứ lạ, mình không quen biết ai, nếu mình gặp ai mướn nấy rồi lúc ra hòn Kim Qui bạn nó dòm thấy vàng bạc nhiều xúm nhau giết mình quăng xuống biển đặng đoạt hết của cải ấy chia với nhau thì té ra mình tìm vàng bạc đã không ích gì mà lại còn hại đến tánh mạng mình nữa. Thủ Nghĩa nấn ná ở Cà Mau đã ba bốn ngày mà tính việc chi cũng chưa xong. Bữa nọ ăn cơm chiều rồi, trời mát nằm sau ghe mà hút thuốc. Lúc chạng vạng tối đương nằm lo tính toán thình lình nghe có tiếng một người khách than khóc om sòm. Thủ Nghĩa lồm cồm ngồi dậy thì thấy thiên hạ tựu trước một căn phố ngay mũi ghe đông dày dày. Anh ta chẳng rõ việc chi nên lật đật bước lên bờ mà coi, đứng dòm vào căn phố ấy thì có một người Quảng Đông tay cầm dao và nói và khóc, lại có năm sáu người Quảng Đông khác đương ôm người cầm dao ấy mà nói om sòm, người biểu thôi, kẻ khuyên đừng nóng. Thủ Nghĩa ban đầu tưởng là đám đánh lộn nên có ý muốn trở xuống thuyền, chừng nghe người cầm dao đó nói rằng: “Buông tôi ra đặng cho tôi cắt họng tôi chết cho rồi” thì Thủ Nghĩa mới bước vào phố tính hỏi coi có chuyện chi náo nức lắm vậy. Khi Thủ Nghĩa vừa bước vô thì thấy mấy người kia đã gỡ tay lấy con dao rồi, còn người than khóc đó thì ngồi trên ghế mà khóc kể nghe thảm thiết. Thủ Nghĩa bước lại gần dùng tiếng Quảng Đông mà hỏi thăm; mấy người can gián nãy giờ đó tưởng anh ta là bạn đồng bang nên chẳng giấu giếm chi hết, mới tỏ rằng: “Người khóc đó tên là Trần Mừng, có một chiếc tàu Hải Nam, thường chở hàng đi Hạ Châu, hoặc đi Xiêm mà bán. Nay tàu ở Hạ Châu chở hàng về nửa đường bị chìm, tàu đã mất, mà vốn liếng sạch trơn, bởi vậy cho nên rầu rĩ muốn tự vận mà chết”. Thủ Nghĩa đứng nhắm Trần Mừng thì người tuổi ước chừng 45, hình vóc cao lớn, bộ tướng mạnh mẽ, mặt ngang môi dày, trong bụng nghĩ thầm rằng người nầy tánh tính cứng cỏi mà trung hậu, nếu mình dùng thì sẽ có ích cho mình được. Nghĩ như vậy rồi mới bước lại kiếm lời an ủi một hồi, chừng khách Trần Mừng bớt buồn rầu và thôi than khóc, Thủ Nghĩa mới nhắc ghế đem lại ngồi một bên, hỏi thăm coi người gốc ở huyện nào, gia sự nguy biến làm sao mà đến nỗi ngã lòng muốn tự vận như vậy. Trần Mừng thấy Thủ Nghĩa không quen biết trước mà có lòng ái truất đến phận mình thì cảm động nên đemhết việc nhà mà tỏ thiệt cho Thủ Nghĩa nghe. Anh ta nói rằng mình là người gốc gác ở tỉnh thành Quảng Đông, cha mẹ sanh có hai anh em, mình là lớn, còn em là Trần Như, nhỏ hơn mình ba tuổi. Hồi nhỏ, tuy cha mẹ không phải là giàu lớn, song nhờ cha đi buôn ngoại quốc mấy năm nên trong nhà có đôi ba trăm nén bạc. Cách mười năm trước, khi mẹ đã qua đời rồi, cha nghĩ trong mình già yếu không thế sanh sản nữa được, nên tính chia tài sản cho hai con đặng có sanh phương đi làm ăn. Cha mua hai chiếc tàu Hải Nam mà cho mỗi đứa một chiếc, lại cho mỗi đứa năm chục nén bạc đặng làm vốn mà đi buôn. Trần Mừng thì thường hay đi Xiêm, Rạch Giá, Cà Mau, Hạ Châu, còn em mình là Trần Như lại hay đi Cao Miên mua khô mà chở về Quảng Đông. Anh em đi buôn chẳng bao lâu thì cha đã tỵ thế. Cách sáu năm nay Trần Mừng ở Xiêm vừa qua tới Rạch Giá thì nghe tin em mình nhuốm bịnh chết ở Biển Hồ, trong lòng bứt rứt chịu không được mới neo tàu ở Rạch Giá rồi mướn thuyền nhỏ mà đi Biển Hồ. Khi ở Rạch Giá ra đi có được 160 nén bạc, sợ để lại dưới tàu không ai giữ gìn nên gói hết mà xách theo. Đã biết đường đi thì đêm hôm vắng vẻ, song Trần Mừng võ nghệ cao cường, sức dám đối địch với một đôi mươi, nên không lo chi họ cướp giựt được. Đi tới Tân Châu sực nhớ mấy năm về nhà ăn Tết gặp em mình thì nó thường hay nói có quen một người ở Tân Châu tên là Trần Tấn Thân, bấy lâu nay thường tử tế với nó lắm, mỗi lần nó đi Cao Miên đều có ghé đó ở chơi một đôi ngày. Trần Mừng tính ghé đó mà hỏi thăm tin tức coi Trần Tấn Thân có biết em mình chết hồi nào và chết tại đâu hay không. Bước vô nhà Trần Mừng xưng là anh ruột Trần Như thì thiệt Trần Tấn Thân niềm nở lắm, trải chiếu mời ngồi, hối trẻ nấu nước, lăng xăng lít xít. Chừng nghe nói Trần Như chết thì Trần Tấn Thân chưng hửng, nói rằng năm ngoái Trần Như có ghé thăm rồi nói đi Biển Hồ, lại hẹn chừng trở về rồi ghé mà trông hoài không thấy, tưởng Trần Như đi thẳng chớ không dè đã tỵ trần. Chừng nghe Trần Mừng nói rằng bây giờ mình tính lên Biển Hồ trước tìm hài cốt em, sau nữa coi em chết mà bạc tiền ai giữ thì Trần Tấn Thân lắc đầu trề môi rồi nói rằng: “Tháng trước trên Cao Miên có giặc Xiêm(1), nay vừa mới yên, song dọc theo sông quân lính canh tuần còn nhặt lắm, sợ đi chẳng tiện”. Trần Mừng quyết chí dầu khó dễ thế nào cũng đi mà thôi. Trần Tấn Thân thấy vậy mới khuyên Trần Mừng trả tiền biểu chiếc thuyền ở Rạch Giá trở về, rồi mướn ghe lườn nhỏ và hai người chèo đặng đi nước ngược cho dễ. Trần Mừng nghe lời làm y như vậy, lại thấy Trần Tấn Thân thiệt có bụng tử tế nên lấy bạc ra đếm mà gởi cho Trần Tấn Thân 140 nén, còn đemtheo vài chục nén mà thôi. Đi dọc đường thiệt lính tuần hay kêu ghe ghé lại mà tra hỏi, song hỏi rồi cũng thả đi chớ không cản trở chi hết. Trần Mừng lên Biển Hồ ở trót tháng, hỏi thăm hết sức mà không ra mối, cùng thế phải trở về. Khi về tới Tân Châu đã nửa đêm rồi Trần Mừng ghé qua nhà Trần Tấn Thân đặng lấy bạc mà qua Rạch Giá; vừa mới kêu cửa thì Trần Tấn Thân lật đật chạy ra, đã không mời vào nhà mà lại dắt lại vườn chuối lựa chỗ tối mà đứng, rồi nói rõ với Trần Mừng rằng: “Chú báo hại quá! Hôm trước chú ghé nhà tôi, kế sáng bữa sau quan Huyện lại vây nhà mà bắt tôi tra hỏi tôi vậy chớ có một tên khách nào ở bên Xiêm đem thơ qua cho vua Cao Miên mà ghé nhà tôi làm việc gì, nói chuyện chi? Tình thiệt tôi khai thiệt mà quan không nghe, cứ khảo tôi hoài. Tôi nói chú có gởi cho tôi cất giùm 140 nén bạc qua Biển Hồ mà tìm em chớ không nói chi hết. Quan nghe nói như vậy mới xét nhà rồi lấy hết bạc, lại bắt giam tôi năm sáu ngày mới chịu thả. Hổm nay quan cho lính rình nhà tôi luôn luôn, đợi hễ chú về ghé qua đây thì họ bắt mà giải chú qua tỉnh. Việc khốn khổ như vậy chú phải liệu thế nào, chớ nếu chú dần dà ở đây chắc là bị hại”. Trần Mừng nghe nói hồn phi phách tán chẳng kể chi đến sự tiền bạc mất, chỉ năn nỉ với Trần Tấn Thân tính giùm coi có mưu nào mà làm cho mình thoát thân được hay không. Trần Tấn Thân bèn mướn một chiếc xuồng nhỏ rồi cho hai người bơi mà đưa riết qua Rạch Giá. Trần Mừng thuật chuyện cho Thủ Nghĩa nghe, nói tới đây thì ngồi khoanh tay khóc thút thít một hồi rồi mới nói tiếp rằng: Khi anh ta về tới Rạch Giá bước xuống tàu thì trong mình còn có 12 nén bạc mà thôi, không còn vốn mà đi buôn nữa. Anh ta ở Cà Mau có anh em quen nên mới kéo neo xuống đó mà cậy anh em giúp vốn. Thiệt là nhờ có anh em giúp sức nên mấy năm nay mới có vốn đi buôn mà đi buôn năm nào trừ sở hụi rồi còn dư chút đỉnh mà thôi, bởi vậy cho nên đến năm nay cũng chưa trả hết vốn lại cho anh em được. Năm nay tháng giêng anh ta có bịnh, đi biển không được, nên mới sai từng khạo ngồi tàu đi Hạ Châu mua hàng mà chở về. Tàu ngang qua Bãi Bùn rủi gặp giông lớn nên sa vào bãi cạn úp tàu, hàng hóa trôi hết. Anh ta nói đến đây lại càng khóc thêm nữa, than rằng cha mẹ để lại tài sản bây giờ đã tiêu rụi hết rồi, mà sự nghiệp hết chẳng nói làm chi, ngặt mắc nợ anh em không thế trả được, thôi thì chết cho rồi chớ sống mà thất ước với anh em thì xấu hổ lắm, sống làm sao cho đặng. Thủ Nghĩa ngồi nghe Trần Mừng thuật chuyện gởi bạc cho Trần Tấn Thân mà mất hết thì trong lòng cảm động, rồi lại có ý nghi cho Trần Tấn Thân bày mưu mà đoạt của ấy. Chừng nghe nói sự nghiệp mất hết mà mắc nợ trả chưa dứt nên tính tự vận mà chết thì biết rõ người có đủ trung tín nên quyết kiếm thế mà dụ Trần Mừng theo mình, trước là sẵn có người tin cậy mà dắt đi chở bạc vàng, sau nữa sẵn có kẻ là kiếng là vi đặng ngày sau lo đền ơn báo oán. Thủ Nghĩa tính thầm như vậy rồi mới kiếm lời ngon ngọt mà an ủi Trần Mừng, lại nói rằng mình thấy anh ta là người có chí làm ăn, mà rủi gặp lúc thời quai vận kiển nên vốn liếng cụt hết thì thương xót nên tính ra tiền cho Trần Mừng trả dứt nợ của anh em hết cho rồi. Thủ Nghĩa hỏi thăm Trần Mừng còn thiếu nợ bao nhiêu thì anh ta nói thiếu mấy chủ bây giờ cộng hết là 50 nén. Thủ Nghĩa trở xuống thuyền lấy 50 nén bạc đem lên rồi đưa cho Trần Mừng biểu lấy mà trả nợ cho người ta. Trần Mừng thấy Thủ Nghĩa thuở nay không quen biết với mình khi không mà dám đưa 50 nén bạc thì lấy làm kỳ, không hiểu Thủ Nghĩa có ý nghĩ gì riêng nên dụ dự không chịu lấy. Thủ Nghĩa nói rằng mình là người giàu có lớn mà không có vợ con anh em chi hết, nay thấy Trần Mừng là người trung hậu mà bị tai nạn thì thương, nên cho 50 nén bạc đặng trả nợ cho người ta cho khỏi thất ước chớ chẳng có ý chi mà ngại. Trần Mừng thấy lòng quảng đại của Thủ Nghĩa như vậy thì cảm động vô cùng, hỏi Thủ Nghĩa là ai thì Thủ Nghĩa nói mình là Minh Hương, cha Quảng Đông, mẹ An Nam, cũng bị tàu chìm nên mới đến đây kiếm tàu khác mua mà đi buôn nữa. Trần Mừng đứng dậy nắm tay Thủ Nghĩa mà tạ ơn rồi giữa mặt mấy anh em đồng bang ở trong nhà, vùng nói lớn lên rằng: “Nếu ông muốn làm nghĩa nên cho tôi 50 nén bạc mà trả nợ cho khỏi xấu hổ thì tôi cũng phải lo trả nghĩa lại cho ông; vậy thì đứng giữa chỗ này tôi nguyện theo ông mà làm tôi tớ trọn đời đặng đền ơn tri ngộ”. Thủ Nghĩa cười rồi biểu Trần Mừng lấy bạc cất đi đặng mình nói chuyện khác nữa. Trần Mừng hối bạn quét ván cho sạch rồi dọn mâm hút đặng cho Thủ Nghĩa hút chơi. Thủ Nghĩa sợ bỏ thuyền không ai coi, Trần Mừng mới sai bạn xuống ngủ giữ thuyền, Thủ Nghĩa nói nói dưới thuyền còn bạc nhiều, hai người mới dắt nhau xuống thuyền tát nước lấy bạc bưng hết lên để trên nhà. Đêm ấy hai người trò chuyện cùng nhau coi tâm đầu ý hiệp lắm. Trần Mừng thì kính phục Thủ Nghĩa còn Thủ Nghĩa thì yêu mến Trần Mừng, hai người đều vui, nói chuyện không dứt. Đến khuya, Thủ Nghĩa mới nói với Trần Mừng rằng mình đã mua chiếc tàu của Kha Mộc rồi, song bây giờ không biết mướn bạn ở đâu mà đi, Trần Mừng khuyên Thủ Nghĩa đừng lo, bởi vì tàu của mình tuy chìm, song bạn bè đều về đủ hết, nếu dùng bạn ấy thì cũng tiện. Thủ Nghĩa lại hỏi bạn đó An Nam hay là Quảng Đông, có đáng tin cậy hay không, thì Trần Mừng nói mười hai người đều là Quảng Đông hết, ở bạn với anh ta đã chín mười năm nay, mà có anh ta đi làm từng khạo thì chẳng có chi lo. Sáng ngày Trần Mừng lấy 50 nén bạc đi trả nợ dứt hết còn Thủ Nghĩa lấy 60 nén đi mua tàu. Chừng về ăn cơm Thủ Nghĩa biểu Trần Mừng bán hết đồ đạc trong nhà, bán luôn chiếc thuyền của anh ta nữa, rồi qui tựu bạn lại đặng sắm sửa dọn tàu mà đi. Thủ Nghĩa bảo thế nào Trần Mừng làm cũng đều làm y như ý muốn, tuy thấy Thủ Nghĩa còn có 15 nén bạc không hiểu Thủ Nghĩa làm sao mà đi buôn song không dám hỏi, cứ coi bạn dọn tàu và kiếm người bán thuyền với đồ đạc trong nhà mà thôi. Đồ đạc bán hết, tàu dọn xong rồi, qua ngày mồng một tháng hai, Thủ Nghĩa dạy Trần Mừng đặt một con heo quay mà cúng rồi mới kéo neo làm buồm mà chạy. ------------------- [1] Thái Lan VII - T àu ra khỏi cửa sông Đốc, lúc ấy mặt trời chen lặn, Trần Mừng vào phòng mà hỏi Chúa tàu coi phải chạy hướng nào. Thủ Nghĩa nghe kêu mình là Chúa tàu thì trong bụng tức cười thầm, nghĩ cho số mạng cũng dị kỳ, lúc nhỏ ở với mẹ cha rồi trọn mười một năm ở trong vòng lao lý, có lúc nào tính rằng một ngày kia mình phải thay hình đổi dạng làm một vị chúa tàu, tôi tớ đong đầy, bạc vàng cả đống như vầy đâu? Mà thôi bây giờ người ta kêu mình là Chúa tàu mà mình thiệt cũng là Chúa tàu, vậy thì rắn có chơn rắn biết, trời đã biểu mình làm Chúa tàu mới lân la nơi chốn cố hương được, mới đền ơn trả thảo được, mới hỏi thăm kẻ hại mình được, thôi thì mình cứ làm Chúa tàu có hại chi đâu. Chúa tàu nghe Trần Mừng hỏi liền bước ra đứng dựa cột buồm, ngó trước mặt thì minh mông trời biển, bèn giơ tay chỉ hướng bắc mà biểu Trần Mừng dạy tài công chạy lên Phú Quốc. Chúa tàu đứng xem trời, hóng gió cho đến tối mới trở vào phòng nằm một hồi rồi kêu Trần Mừng vào mà tỏ rằng: “Chẳng giấu chi anh, tôi là người giàu có lớn, song báy lâu nay mắc lo buôn bán, khi ở chỗ nầy, khi đến chỗ nọ, chẳng nhứt định ở xứ nào cho chắc, bởi vậy cho nên tiền bạc tôi có bao nhiêu thì tôi đem mà giấu ở ngoài hòn Kim Qui. Nay tôi mua được chiếc tàu nầy đã mới mà lại chắc, vậy tôi tính chạy ra đó chở hết vàng bạc mà để ở dưới tàu, đặng người đâu của đó cho dễ. Song từ hồi ra biển đến bây giờ sao trong lòng tôi nó ngài ngại hoài, chẳng phải tôi nghi anh, bởi vì không lẽ nào anh là người có khiếu trung hậu mà anh lại nỡ phản tôi, tôi nghi là vì bạn dưới tàu mười mấy người tôi không biết gốc gác người nào hết, thoảng như khi ra đến đó họ thấy vàng bạc nhiều họ trở mặt rồi làm hại tôi với anh đặng họ đoạt của cải ấy, chúng ta có hai người còn họ hơn một chục, mà lại giữa biển không có quan làng chi hết thì chúng ta làm sao?” Trần Mừng nghe Chúa tàu nói, ban đầu chăm chỉ mà nghe, chừng rõ ý Chúa tàu rồi liền đáp rằng: “Xin Chúa tàu cứ việc ăn no ngủ kỹ, đừng lo sợ chi hết, nếu ai muốn lấy một quan tiền hoặc muốn nhổ một sợi lông chưn của Chúa tàu thì phải giết tôi chết rồi có lẽ mới làm được. Mà giết được tôi chẳng phải dễ gì”. Trần Mừng nói tới đó vùng giơ cánh tay mặt ra, xắn tay áo và trợn cặp mắt coi dữ tợn lắm, rồi nói tiếp rằng: “Mười mấy người bạn dưới tàu nầy tôi đánh một tay cũng chết hết, không ai dám có ý gì đâu mà Chúa tàu sợ”. Chúa tàu thấy Trần Mừng ý tứ thiệt tình nên hết nghi ngại nữa, sáng bữa sau thức dậy thì đã thấy hòn Tre. Chúa tàu uống nước rồi ngồi chơi ngoài trước mũi tàu, còn Trần Mừng thì lo dọn dẹp dưới tàu cho tử tế. Vả dưới tàu phía sau lái có hai cái phòng, một cái ở ngoài thì rộng rãi bề vô được mười hai thước mộc, còn một cái ở trong thì hẹp hơn, bề ngang bị lái tàu tóp lại nên vắn hơn mà bề vô cũng chừng sáu thước mộc mà thôi. Ở ngoài muốn vô phòng phải đi ngang qua cái phòng ngoài rồi vô phòng trong mới được. Hai cái phòng đều có làm cửa chắc chắn, hễ vô phòng khóa cửa thì kín mít, duy hai bên hông tàu có đục lỗ làm song đặng cho yếng sáng mặt trời vô mà thôi. Trần Mừng biểu bạn quét lau cái phòng trong rất sạch rồi trải chiếu, tính dọn phòng đó cho Chúa tàu ngủ, còn mình thì ngủ ngoài mà gìn giữ. Khi Chúa tàu trở vào thấy Trần Mừng lo lắng như vậy lại càng tin bụng hơn nữa. Bị gió ngược nên tàu chạy ba ngày ba đêm nên mới tới Phú Quốc. Tới đó trời đã hừng sáng: Chúa tàu ra ngồi một bên đà công mà chỉ đường. Trần Mừng cũng ngồi một bên. Đến bữa cơm, hai người xuống ăn cơm rồi liền trở lên mà ngồi đó. Từ Phú Quốc trở xuống Kim Qui nhờ gió xuôi nên chạy mau, lối xế thì tàu đã tới. Chúa tàu biểu chạy sát mé cho mình kiếm ụ, chừng tới chỗ đậu thuyền mà vào hang hôm nọ thì biểu đà công xả buồm rồi vào ụ mà neo. Chúa tàu coi trời còn sớm, biểu hạ hai chiếc tambản xuống nước, lấy năm cái bao lớn, ba đường dây, năm cây đòn mà bỏ xuống tam bản, dạy Trần Mừng cầm theo một cái rựa đặng ngăn ngừa ác thú, rồi đi với Trần Mừng và mười tên bạn mà vô hòn. Chúa tàu dắt lại miệng hang thì dây bìm bìm cóc kèn đậy hôm nọ cũng còn y nguyên. Chúa tàu biểu bạn kéo cho trống miệng hang rồi mình cầm rựa đi trước, kế đó thì mười tên bạn kẻ vác bao người cầmđòn đi cả dọc. Chúa tàu quen đường nên mạnh dạn chẳng nhút nhát chi hết, lại trong bụng nghĩ rằng khi trước một mình còn chưa sợ thay nay đi đến mười hai người mà sợ nỗi gì. Trần Mừng biết Chúa tàu đi lấy vàng bạc, song không dè của cải mà giấu chỗ u hiểm như vậy, nên tuy đi thì không sợ nhưng mà trong lòng cũng bồi hồi. Còn mười tên bạn đi theo không hiểu dắt đi đâu, tuy chủ biểu phải đi, song thấy hang mờ mờ thì lo sợ lắm. Chúa tàu dắt đến chỗ rồi biểu bạn hốt đống ngà voi bỏ vào bao mà khiêng đem xuống mé biển đổ(ể) tại đó rồi lấy bao đem trở vô khiêng vàng bạc. Mười tên bạn thấy của cải nhiều quá thì chưng hửng, không hiểu của ở đâu đem để đây, lúc khiêng thì người bàn thế này, kẻ bàn thế khác, song không một ai dám tỏ ý gì quấy hết, khiêng đi năm bận mới hết ngà voi và vàng bạc. Chúa tàu và Trần Mừng ngồi đợi khiêng xong hết và biểu khiêng luôn mấy cái ché nữa rồi mới theo mà trở ra: ra tới ụ Trần Mừng coi lại thấy ngà voi và vàng bạc nhiều quá, bèn dạy bạn lấy hai chiếc tam bản mà chở lần ra tàu. Chúa tàu ngồi trên mé mà coi chừng bạn chở, còn Trần Mừng chở trước mấy cái ché đem xuống tàu rồi coi chỉ chỗ cho bạn đổ vàng bạc và chất ngà, chở đến tối mò mới xong hết. Chúa tàu xuống tới tàu thấy vàng bạc để trong phòng phía trong, còn ngà thì chất phòng ngoài thì vừa ý lắm, mới hối bạn dọn cơm ăn rồi nằm nghỉ mà nói chuyện với Trần Mừng. Đêm ấy tàu đậu tại đó cho bạn nghỉ. Qua ngày sau cơm nước xong rồi mới dạy làm buồm kéo neo chạy qua Quảng Đông. Tàu mới vừa lui thì Trần Mừng xin phép Chúa tàu mà đếm vàng bạc và ngà voi coi mỗi thứ được bao nhiêu. Hai người đổ mấy ché ra mà đếm hết thì vàng được 1.200 thoi, bạc được 1.300 nén. Còn ngà voi biểu bạn đếm thì được bảy chục cặp. Trần Mừng tính để vàng bạc trong phòng trong, còn ngà thì để phòng ngoài. Chúa tàu nói để như vậy thì chật phòng hết nên dạy ba ché vàng với hai ché bạc thì để dưới hầm phòng rồi Trần Mừng nằm ở trên mà ngủ, còn ngà thì cũng lót ván mà chất dưới hầm phía đằng trước mũi tàu. Tàu chạy khỏi mấy cái hòn nhỏ nằm phía nam Phú Quốc rồi thì tư bề trời nước trên dưới một màu. Đến chiều thấy trời mát, Chúa tàu ra ngồi trước cửa phòng mà ngó mông thì chẳng biết đâu là cố lý, đâu là quê nhà, chẳng thấy ai là người quen ai là thân thích. Nhắm cảnh nhớ nhà chừng nào lòng xót chua chừng nấy. Buồn thay! Nay mình được bạc vàng cả đống mà mẹ cha không có đặng chung hưởng với mình, thế thì bạc vàng nầy mình dầu có mà có ích chi, chẳng thà mẹ cha còn dầu mình áo rách tay trơn, ăn bữa sớm lo bữa chiều hẩm hút với mẹ cha cũng là khoái lạc. Nghĩ trời đất khéo trớ trêu cắc cớ, mình thương mẹ cha sao lại không khiến mẹ cha trường thọ đặng phụ tử sum vầy, còn mình chẳng ao ước bạc vàng mà sao lại khiến của tiền chất đống, đến nỗi không biết làm việc chi cho hết? Hay là tạo hóa muốn gây cuộc tử biệt đặng cho cái lòng hiếu tử của mình nó thảm thiết trót đêm ngày, rồi lại muốn cho mình giàu có đặng hằng nhớ lúc bình sanh mẹ cha nghèo khổ? Mắt trông trời cao ngậm ngùi nhớ ơn cha nghĩa mẹ, tai nghe sóng bủa đau đớn thay mối thảm đoạn sầu, ngồi dưới tàu mà lòng dạ ở Tân Châu, trong tàu chứa bạc hai ngàn nén, vàng hơn một ngàn thoi mà lòng áo não chẳng khác chi người bạch thủ. Đến tối, Chúa tàu trở vô phòng nằm cũng dàu dàu, Trần Mừng thấy vậy nằm ngồi không yên, nên kiếmchuyện mà nói, trước là giải khuây cho Chúa tàu, sau nữa dọ ý coi vì cớ nào mà buồn rầu cho biết. Té ra Trần Mừng nói thì Chúa tàu ừ hữ cầm chừng mà thôi, chớ không chịu nói chuyện; chừng Trần Mừng hỏi vàng bạc đã chở xuống tàu hết rồi bây giờ tì(í)nh đi mua bán vật chi, châu lưu xứ nào, hay là về đâu mà cất nhà mà ở, chừng ấy Chúa tàu lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Để thủng thẳng tôi sẽ tính” Những mảng suy nghĩ việc quá vãng mà quên lửng việc tương lai, may nhờ có Trần Mừng hỏi mấy điều Chúa tàu mới để ý mà tính coi bây giờ mình đã có vàng bạc đầy thuyền như vậy phải làm thế nào cho sung sướng tấm thân mà cũng tròn ơn tròn nghĩa. Đêm ấy Chúa tàu mới nghĩ rằng mình được tiền của đây là nhờ ơn Mạc Tiển, vậy trước hết mình phải lo đền ơn cho người. Khi tàu ở hòn Kim Qui kéo neo mà chạy mình đã dạy chạy thẳng qua Quảng Đông đặng tìm mẹ Mạc Tiển, mà báo tin thì là phải rồi; mà khi mình kiếm được vàng bạc thì mình sẽ chở qua mà chia cho mẹ Mạc Tiển phân nửa, vậy để qua đến đó mình sẽ chia. Hễ báo tin và chia của cho mẹ Mạc Tiển rồi thì mình trở về Nam Việt đặng lập thế mà về Tân Châu, trước là báo hiếu cho cha mẹ, tìm mà trả ơn cho Kỉnh Chi, sau nữa mình hỏi thăm cho chắc coi hồi trước ai bày mưu thiết kế mà hại mình làm cho đến nỗi tan cửa nát nhà, mẹ cha cùng em đều chết hết. Tàu chạy trọn hai mươi ngày mới tới tỉnh thành Quảng Đông. Trần Mừng khóa cửa phòng chắc chắn, giao cho đà công giữ tàu rồi mới dắt Chúa tàu lên thành đi kiếm mà hỏi thăm họ Mạc. Hỏi thăm hai ngày mới gặp người quen biết mẹ Mạc Tiển, song người ấy nói rằng mẹ và cậu Mạc Tiển đều đã chết hơn mười năm nay rồi; cậu Mạc Tiển có để lại một người con trai mà người ấy thi đậu Cử nhơn rồi bán nhà đi làm quan mấy năm nay biệt tích không biết làm quan tại tỉnh nào. Chúa tàu cùng thế, nghĩ mình đã hết lòng với Mạc Tiển mà rủi mình không gặp được mà báo tin và chia của ấy cũng là bởi tại trời khiến vậy, thôi mình trở về chớ biết sao bây giờ. Trần Mừng gốc sanh đẻ tại tỉnh thành, hồi nhỏ cũng ở với mẹ cha tại đó, nên thấy Chúa tàu về liền xin phép viếng mồ cha mẹ. Chúa tàu thấy Trần Mừng đi viếng mộ thì cái lòng thương cha nhớ mẹ càng tha thiết, bởi vậy cho nên khi Trần Mừng trở xuống tàu thì Chúa tàu liền hối kéo neo mà về Rạch Giá. Lúc tàu lui, Trần Mừng thì đứng sau lái mà ngó vô bờ còn Chúa tàu thì ngồi trước mũi mà trông ra biển, người thì mắt trông chừng từ biệt cố hương, kẻ thì lòng khấp khởi mong về xử sở. Tàu chạy ra khỏi cửa, Chúa tàu day lại thấy Trần Mừng còn đứng đó, thầm nghĩ lòng ly hương đau đớn ai cũng như ai, bởi vậy cho nên Chúa tàu nhè nhẹ đi vô phòng nằm, không kêu gọi chi hết. Cách một hồi lâu Trần Mừng mới vô. Chúa tàu nói rằng hồi nãy kéo neo mà chạy quên tính mua hàng hóa đặng chở qua Lục Tỉnh mà bán. Trần Mừng nghe nói cũng tiếc, song khuyên Chúa tàu cũng chẳng nên buồn, bởi vì nếu muốn mua hàng thì chừng tàu chạy ngang Hướng Cỏn ghé đó mà mua cũng đặng. Trần Mừng có dặn trước đà công nên đà công nhắm Hướng Cỏn mà chạy, tàu tới nơi xán neo rồi Chúa tàu với Trần Mừng bước ra thì thấy cửa Hướng Cỏn cảnh đẹp đẽ lắm, lại thấy có ba bốn chiếc tàu lớn của người buôn bán ngoại quốc đậu đó nữa. Bởi Chúa tàu trong lòng bứt rứt, trông về riết cho tới Lục Tỉnh mà thôi, nên Trần Mừng mời lên bờ xem thành thị chơi, Chúa tàu không chịu đi, rồi biểu Trần Mừng lấy ba trăm nén bạc mà đi mua hàng hóa, chớ mình cũng không thèm đi nữa. Trần Mừng ngồi tam bản đi mua hàng, song trước khi đi có hỏi Chúa tàu tính mua thứ gì, thì Chúa tàu biểu kiếm hàng ngoại quốc coi thứ nào thiệt tốt và lạ thì mua chẳng cần mắc rẻ, bởi vì mình tính chở hàng tốt mà đi châu lưu chơi chớ không phải quyết mua bán mà tính lời tính lỗ. Trần Mừng đi một buổi sáng mới chở hàng về tàu. Chúa tàu ra xem thì thấy: mền bông, vải láng, sô sa gấm nhiễu, dù, quạt, khăn đèn, thứ nào cũng nhiều, mà thứ nào thuở nay mình cũng chưa từng thấy. Trần Mừng lại cũng có mua một tấm nệm bông để trải cho Chúa tàu nằm, một cây súng nhỏ để hờ trong phòng, một cái đồng hồ để treo dưới tàu coi cho đẹp; lại cũng có sắm đồ vặt như: đồ uống trà, chén ăn cơm, khăn lau mặt, giày vớ đủ hết, để cho Chúa tàu dùng coi nhằm tư cách người cự phú. Chúa tàu thấy Trần Mừng lo lắng đến đồ ăn chỗ ngủ cho mình thì mừng lắm, mà thấy hàng hóa món nào cũng đẹp thì lại càng vui lòng hơn nữa. Tàu đậu tại Hướng Cỏn một ngày một đêm, Chúa tàu thấy ý tứ Trần Mừng thì biết là người trung thành, nên chẳng những để lòng tin cậy mà thôi lại còn thương yêu Trần Mừng nữa, Chúa tàu biểu Trần Mừng giữ gìn bạc vàng mà xuất phát, muốn mua vật chi tự ý, chẳng cần hỏi thất công, Trần Mừng thấy vậy mới nói trước với Chúa tàu rồi coi dưới tàu hễ thiếu món nào thì đi mua món nấy, chừng tàu chạy thì dưới tàu đồ đạc có đủ hết chẳng khác nào như ở trên nhà. VIII - B ận về nhờ gió bấc thổi lao rao, nên tàu chạy mau hơn bận đi. Tàu ở Hướng Cỏn kéo neo mà chạy, tính chẵn mười một ngày thì ngó thấy hòn Côn Nôn. Đà công kêu Trần Mừng rồi mượn thưa với Chúa tàu coi Chúa tàu muốn về Lục Tỉnh mà tính vô cửa nào. Chúa tàu nghe hỏi bèn bước ra đứng ngó mông một hồi rồi biểu chạy vô cửa Rạch Giá. Lúc ấy trời đã nửa chiều, biển êm gió lặng, mà tàu chạy lại sát bên hòn Côn Nôn. Chúa tàu muốn ngắm xem phong cảnh chơi, nên biểu bạn tàu nhắc một cái ghế dài để chính giữa tàu mà nằm. Trần Mừng cũng nhắc một cái ghế đẩu ngồi một bên trò chuyện. Chúa tàu và nói chuyện và ngó vô hòn, ngó một hồi vùng ngồi dậy chỉ ngay đầu cồn và biểu Trần Mừng coi có cái chi phất phơ trong cồn đó vậy. Trần Mừng đứng dậy dòm coi kỹ lưỡng rồi nói với Chúa tàu rằng có lẽ ai đi thuyền bi xiêu lạc đến hòn này, nên cột áo trên cây cho tàu đi ngang ngó thấy ghé mà cứu chăng. Chúa tàu nghe nói liền biểu đà công xả buồm neo tàu, rồi sai bạn tàu bơi tam bản vô hòn kiếm thử coi có ai hay không. Tuy nói tàu chạy sát một bên hòn, song từ chỗ tàu đậu vô cho tới hòn, tam bản đi cũng là lâu lắc. Khi tam bản vô tới trong hòn thì mặt trời lặn rồi, bởi vậy cho nên ở dưới tàu ngó vô thấy dạng mờ mờ chớ không thấy rõ. Trần Mừng hối bạn đốt đèn lồng mà rút lên trên cột buồm đặng cho chiếc tam bản biết chỗ mà bơi ra. Trời đã tối mò, chiếc tam bản mới về tới. Khi tam bản vừa cặp lại thì hai tên bạn dưới tam bản kêu lên mà nói rằng: “Có vớt được một người con gái song bị đau và đói quá nên nằm ngay đơ chớ không nói ra tiếng”. Chúa tàu hối bỏ đỏi tam bản lên thì thấy thiệt quả có một người con gái má phấn môi son, choàng một cái yếm vải đen ngang qua ngực chớ áo không có, còn quần thì tả tơi rách nát. Người con gái ấy nói không ra tiếng, mà đứng dậy cũng không nổi, bạn đỡ ngồi trong tam bản thì cứ lấy tay chỉ vô miệng và rờ dưới bụng có ý muốn tỏ dấu rằng mình đói cơm khát nước lắm. Chúa tàu thấy vậy bèn hối Trần Mừng ẵm vô trong phòng lấy quần áo cho bận đỡ rồi day lại biểu đà công kéo neo chạy. Tàu chạy rồi, Chúa tàu vô phòng thấy Trần Mừng đã lấy một cái quần và một cái áo của anh ta mà cho mặc đỡ, lại thấy đương rót nước trà mà cho uống. Chúa tàu rờ trên trán người con gái ấy thì thấy ấm ấm mà thôi chớ không nóng cho lắm, định chắc là đói khát chớ không phải đau bịnh chi, nên biểu Trần Mừng kêu tổng khậu mà dạy nấu một nồi cháo cho lỏng rồi cho ăn cầm chừng, một lát cho húp chừng ba bốn muỗng mà thôi. Đêm ấy Trần Mừng với Chúa tàu thay phiên thức mà cho cô nọ ăn uống, đến sáng bữa sau thì cô tỉnh táo, ngồi dậy được song nói cũng còn khao khao nghe không rõ. Ngày ấy thì cho ăn cháo đặc với cá mặn, lần lần hai ngày đêm rồi mới dám cho ăn cơm. Chừng tàu tới Rạch Giá thì cô nọ đã nói ra tiếng và khi tàu vô cửa hết lắc lư nữa thì cô nọ đã vịn đi được. Chúa tàu thấy cô mạnh rồi, bèn hỏi coi cô con cái của ai, nhà cửa ở đâu, vì cớ nào mà ở một mình trong hòn Côn Nôn. Cô nọ nghe hỏi thì thút thít thưa rằng: “Thưa với Chúa tàu, thân em hoạn nạn không biết sao mà kể cho xiết; từ hồi hôm đến bây giờ em muốn lạy Chúa tàu mà thưa hết cho Chúa tàu nghe, song em thấy Chúa tàu không hỏi đến nên em chưa dám nói. Em vốn là người ở Bình Định, con của Huỳnh Văn Trang. Em tên là Huỳnh Thu Thủy, năm nay được mười chín tuổi. Cha em làm nghề nuôi tằm dệt lụa, nhờ ông bà phò hộ nên trong nhà đủ ăn, hôm nọ, em không nhớ chắc là ngày nào, có một chiếc tàu Hải Nam ghé vô cửa Bình Định. Thuở nay tàu của khách cũng thường ghé mà mua heo bò, bởi vậy cho nên trong xóm thấy chiếc tàu nầy ghé mua đồ, cũng không ai nghi ngại chi hết. Chẳng dè tối lại bạn tàu gần hai mươi, ngồi tam bản mà bơi vô bờ, rồi người cầm búa, kẻ cầm cây, áp vô xóm mà cướp giựt; đồ đạc thì chúng nó dọn hết, đàn ông ai chống cự thì chúng nó đánh, còn đàn bà con gái thì chúng nó bắt hết mà đem xuống tàu. Chúng nó giựt hết không chừa một nhà nào, nhà em ở gần đầu xóm, bởi vậy cho nên khi chúng vừa áp vô nhà, ông thân em không hiểu chúng nó làm sự gì, mới chạy ra mà cản cửa. Chúng nó áp lại, kẻ thì đập, người thì chém, ông thân em té nhào tại cửa cái mà chết. Em với mẹ em kinh hãi lật đật chạy ra la làng. Có hai đứa rất dữ tợn, cầm búa chạy theo nắmđầu em và mẹ em kéo lại rồi lấy dây trói để nằm ngoài sân đặng cho chúng nó dọn đồ cho yên. Chúng nó cướp giựt hết cả xóm rồi mới khiêng đồ và dắt mẹ em với em cùng năm sáu người đàn bà con gái nữa mà đem xuống tàu. Em với mẹ kinh hãi không biết chi hết, chúng nó biểu ngồi đâu cứ ngồi đó không dám thốt một lời nào. Huỳnh Thu Thủy nói tới đây trong lòng cảm động nên ngồi khóc thút thít. Chúa tàu với Trần Mừng thấy vậy cũng động lòng. Chúa tàu thì đứng dậy rót nước trà mà uống, còn Trần Mừng thì nhét thuốc vào bình điếu mà hút, có ý để cho Thu Thủy khóc một hồi đặng giải cái lòng buồn thảm nó ấm ức đã mấy ngày rồi. Chừng Chúa tàu uống nước xong rồi, ngồi lại mà hút thuốc, Thu Thủy mới lấy vạt áo lau nước mắt rồi nói tiếp rằng: “Tàu ăn cướp chạy được bốn ngày, chẳng biết là tới đâu, thình lình bị giông lớn sóng to, chiếc tàu nhồi lên hụp xuống chẳng khác nào một cái trứng vịt trôi ngoài biển cả, làm như vậy trót nửa ngày, buồm đứt cột gãy, bạn tàu lao nhao lố nhố. Lúc ấy mẹ em cùng mấy người đàn bà con gái bị bắt không ai sợ chi hết mà lại vái cho tàu chìm đặng chết phứt cho rồi, nghĩ vì sống mà xa cửa lìa nhà, mà rồi đây còn sợ ô danh thất tiết nữa, sống dường ấy thì thà chết còn có ý nghĩa hơn. Hai mẹ con emđương ngồi to nhỏ than phiền với nhau như vậy, thình lình nghe một tiếng đụng vang tai, chiếc tàu rung rinh rồi lần lần nghiêng triềng muốn úp. Mẹ con em không hiểu có việc chi, liền đứng dậy thì thấy quả chiếc tàu đã chìm, nước đã tràn vô ào ào. Những người dưới tàu la khóc vang vầy, kẻ chạy tới, người chạy lui, coi ai cũng đều sợ hãi. Mẹ con em nắm tay nhau đứng trân trân, dường như không sợ chết, mà em nghĩ dầu lúc ấy em có chạy rộn như họ vậy đi nữa, lại khỏi chết được hay sao. Cách chẳng bao lâu nước biển tràn vô tàu đã ngập tới lưng quần; em ngó lại thì thấy Chúa tàu, bạn tàu và mấy người bị bắt thảy đều nhảy mà lội ngoài biển lểnh nghểnh, sóng dồi gió dập, trồi lên hụp xuống xem lấy làm thương hại vô cùng. Em nghĩ người đã kiếm kế mà thoát, không lẽ mình đeo chiếc tàu mà chịu chết, nên em thấy có một tấm ván đương trôi một bên em, em liền níu lại rồi em biểu mẹ em đeo tấm ván ấy với emđặng thả trôi đến đâu hay đến đó. Mẹ con em đeo tấm ván, vừa mới ra khỏi chiếc tàu, em ngó lại coi còn ai dưới tàu hay không thì chiếc tàu đã chìm mất. Mẹ con em nổi trôi trên mặt biển cho đến tối gió mới lặng, sóng mới êm. Em sợ mẹ em già yếu đeo lâu mỏi tay nên em biểu trườn lên tấm ván mà nằm, rủi thay tấm ván nhỏ mà lại nặng, không có sức nổi bao nhiêu, nên mẹ em nằm nghỉ không đặng phải đeo một đầu, còn em đeo một đầu mà chịu. Mẹ em đeo trọn một đêm đó, đến sáng đã mỏi đuối hai cánh tay, mà lại đói bụng khát nước, nhắm thế chịu không nổi nên mới trối với em rằng: “Trời đã khiến mạng số đến chừng ấy mà thôi, vậy thôi để mẹ buông tay đặng hụp xuống đáy bể cho rồi, dầu con có thương mẹ con cũng chẳng nên cứu làm chi bởi vì nếu con cứu mẹ thì con phải chết theo mẹ, chớ không thế nào mà cứu được. Mẹ nói, con phải nhớ lời, đừng có cãi mẹ. Mẹ em trối có mấy lời rồi thì buông tay hụp mất. Thu Thủy nói tới đây lại ngừng lại mà khóc một hồi nữa rồi mới tiếp rằng: “Mấy lời mẹ em nói đó, emcòn nhớ luôn luôn mà bây giờ em thuật lại đây trong trí em cũng còn nghe văng vẳng lời của mẹ em nói bên tai, em cũng còn thấy rõ ràng cách mẹ em buông tay mà chìm xuống biển. Khi ấy em thò tay mà níu mẹ em, té ra níu không kịp, cùng thế em đeo tấm ván lấy chơn mà dò coi may ra có đụng hay chăng, chẳng dè mẹ em đã chìm mất không thế nào cứu được. Em than trời trách đất, khóc lóc nghêu ngao, cha đã bị người ta giết chết trước mắt mình mà không biết làm sao giải cứu, còn có một mẹ mà mẹ cũng chết một cách rất thảm trước mắt mình nữa mà mình cũng không cứu được, dường ấy thì sự sống của mình nghĩ còn có ích gì. Em than như vậy rồi em định buông tấm ván mà chết theo mẹ em cho rồi; song em vừa muốn buông ra thì em nghe bên tai dường như có tiếng mẹ em biểu: “Đừng, đừng có cãi mẹ, con phải sống chớ” làm cho em nhớ mấy lời của mẹ em trối khi nãy, nên em không nỡ tự vận, ráng đeo tấm ván mà thả trôi. Em đeo cho đến tối không biết trôi đến đâu, chơn em lạnh như đồng, tay em đã bủn rủn, em đương nghĩ thầm nếu không ai vớt thì một đêm nữa chắc là phải chết, thình lình dưới chơn em đụng đất, em mới dò coi thì quả nước cạn. Em đạp đất mà đứng thì nước tới lưng quần mà thôi, emliệu chắc là em đã xiêu vào một cái hòn nào đây rồi, trong bụng mừng thầm, tay cũng còn níu tấm ván chớ chưa dám buông, chơn thì bước riết vô mé, đi chừng nào nước cạn chừng nấy, đi một đỗi rất xa mới lên khỏi nước. Đêm khuya trời tối, em không biết đi đâu, nên kéo riết tấm ván lên cho xa mé nước rồi nằm mà nghỉ, trong bụng tính đợi sáng ngày sẽ đi kiếm xin cơm mà ăn. Em đeo tấm ván gần trót một ngày hai đêm, tuy mệt mỏi mà lại đói cơm khát nước, song em nằm nhớ đến cha mẹ thì đau đớn trong lòng không xiết kể; bởi vậy cho nên em nằm là nằm nghỉ cho khỏe đó mà thôi, chớ chẳng hề nhắmmắt mà ngủ được. Rạng ngày em đứng dậy tính đi kiếm nhà xin ăn, chẳng dè trên mé biển đứng ngó vô thì rừng cao cây lớn, núi non chập chồng, chẳng thấy đâu là đường đi, mà chẳng biết chỗ nào có nhà cửa. Em nghi cái hòn ấy không có người ta ở, mà em thấy non cao rừng rậm em lại sợ, nên không dámbước tới; em mới tính cổi áo leo lên buộc trên nhánh cây hoặc may có thuyền ai chạy ngang họ ghé mà vớt. Em buộc áo xong rồi bèn nằm dưới gốc cây mà chờ, trong bụng thầm nghĩ nếu mình khỏi chết chìm mà rồi bị chết đói như vầy, thế thì trời xui khiến đẩy đưa mình vào bờ có ích chi đâu. Đến trưa em muốn đi vòng theo bãi biển coi hoặc may có thuyền chài lưới chi hay không, chẳng dè đói bụng quá em đứng dậy không nổi, nên phải nằm đó mà chờ chết. Đến chiều tối em cựa quậy đã hết được nữa, may có Chúa tàu thấy nên cho bạn bơi tam bản vào cứu em, chớ không thì đêm đó em chắc phải chết”. Thu Thủy thuật hết đầu đuôi tự sự rồi liền ngồi bẹp xuống lạy Chúa tàu mà nói rằng: “Em mà còn sống đây là nhờ có Chúa tàu cứu vớt. Ơn của Chúa tàu rất trọng khác nào như cha mẹ đẻ em một lần nữa. Phận em xiêu lạc chẳng biết lấy chi mà đền ơn, vậy em kính lạy Chúa tàu gọi là đáp nghĩa”. Chúa tàu thấy Thu Thủy lạy thì lật đật đứng dậy mà nói rằng: “Con người ở đời hễ thấy ai bị nạn thì phải cứu, tôi vớt (chỗ này thiếu) cô em nói rằng gốc Bình Định, vậy thôi ở đỡ dưới tàu tôi đây ít ngày rồi tôi kiếm coi có thuyền nào đi Bình định tôi sẽ gởi cô em theo mà về xứ sở”. Thu Thủy nghe nói tới sự về xứ sở, thì nhớ chuyện cha bị ăn cướp giết, liền khóc rống lên nghe rất thảm thiết, rồi thưa rằng: “Phận em cha mẹ đã chết hết, mà bà con anh em cũng không có ai. Bây giờ em về Bình Định cũng không biết đâu mà nương dựa. Vậy em xin Chúa tàu thương giùm thân em cho em ở dưới tàu nấu cơm nấu nước, giặt áo, giặt quần cho Chúa tàu, trước là nhờ hột cơm manh áo đặng no bụng ấm thân, sau nữa em trả nghĩa đền ơn hườn sanh cứu tử.” Chúa tàu nghe Thu Thủy nói mấy lời liền day mặt chỗ khác, ngồi lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Cô em muốn ở đây với tôi cũng được”. Nói có mấy lời rồi dứng dậy bước ra ngoài. Trần Mừng cũng đứng dậy đi theo. Lúc ấy tàu vô cửa Rạch Giá đã bỏ neo buộc đỏi xong rồi hết, Chúa tàu đứng ngó lên bờ bộ không được vui. Trần Mừng muốn hỏi coi Chúa tàu buồn việc chi song dợm hoài mà không dámhỏi. Chúa tàu ngó một hồi rồi day lại biểu Trần Mừng lên chợ kiếm mua quần áo đem xuống cho Thu Thủy mặc. Trần Mừng đi một hồi trở xuống nói rằng tiệm có bán đồ xẩm chớ không có đồ An Nammay sẵn, Chúa tàu nghe nói ngồi suy nghĩ rồi day lại hỏi thử Thu Thủy coi có chịu mặc đồ xẩm hay không. Thu Thủy thưa rằng đồ nào mặc cũng được, không dám đèo bồng kén chọn chi hết. Trần Mừng vừa đứng dậy đi mua thì Chúa tàu dặn phải mua đồ cho tốt và phải mua ba bốn cái áo với ba bốn cái quần mới đủ cho Thu Thủy thay đổi. Thu Thủy tắm gội sạch sẽ vừa rồi thì kế Trần Mừng đem đồ xuống. Thu Thủy vào phòng trong thay áo đổi quần, chải gỡ xong xuôi rồi bước ra, tuy là ăn mặc theo người Tàu, nhưng mà da trắng môi son, má bầu mày liễu, coi thiệt là đẹp đẽ. Chúa tàu ngồi ngắm Thu Thủy rồi biểu Trần Mừng mở mấy gói hàng mua bên Hướng Cỏn ra mà lựa hai vóc hàng thiệt tốt đưa cho Thu Thủy biểu cắt may theo áo An Nammà mặc. Qua ngày sau, Chúa tàu lên chợ chơi, thấy tiệm có bán đồ nữ trang, bèn lại mua một cây kiềng đồng thòa với một đôi vòng đồng thòa đem xuống mà cho Thu Thủy. Chúa tàu biểu Trần Mừng chia cái phòng ở ngoài ra làm hai đặng Trần Mừng nằm một bên, còn một bên chừa cho Thu Thủy. Ăn cơm thì Thu Thủy ăn chung với Chúa tàu và Trần Mừng, ăn rồi thì lo may vá chớ Chúa tàu không cho làm việc chi khác. Từ Trần Mừng cho đến mười mấy tên bạn dưới tàu ai thấy Chúa tàu trọng đãi Thu Thủy như vậy thì trong bụng cũng đều tưởng chắc rằng Chúa tàu sẽ cưới làm thê thiếp chi đây, song tưởng thì tưởng vậy, chớ thấy Chúa tàu nghiêm trang nên không ai dám nói chi hết. IX - T àu đậu tại cửa Rạch Giá mấy ngày, bữa nào chiều mát Chúa tàu cũng dắt Trần Mừng lên đi dạo phường phố chơi; mà đi thì đi chớ không nghe Chúa tàu tính mua bán chi hết. Trong lúc ban đêm vắng vẻ, Chúa tàu thường hay nhắc ghế dài ra để dựa cột buồm mà nằm, có bữa nằm đến hết canh ba mới chịu vô phòng mà nghỉ. Trần Mừng dòm coi ý tứ như vậy thì trong bụng nghi Chúa tàu có việc ưu sầu chi đây, thường khi muốn hỏi cho biết đặng lập thế mà khuyên giải, song vì Chúa tàu chẳng khi nào mở hơi, nên Trần Mừng không dám hỏi đến. Bữa nọ ở dưới tàu nóng nực, Chúa tàu mới biểu Trần Mừng đi với mình lên chợ mà hóng mát. Hai người vừa đi tới một tiệm cháo thì có một người đàn bà đứng trước cửa tiệm thấy liền mời hai người vào mà dùng cháo trưa. Chúa tàu nghe mời day lại ngó Trần Mừng rồi bước vào tiệm. Trần Mừng thấy vậy cũng nối gót bước vào. Tiệm thì chật mà lại đồ đạc để nghinh ngang bởi vậy cho nên hai người vào không biết chỗ đâu mà ngồi. Người chủ tiệm trạc chừng ba mươi lăm tuổi, mặc một cái quần xà lỏn chớ không có áo đương lum khum thổi lửa, ngó thấy hai người khách lật đật chạy lại dọn quét một cái bàn cho khách ngồi. Chúa tàu dòm tứ phía thì thấy phía trong có hai người ước chừng ba mươi lămtới bốn mươi tuổi, một người nước da đen, không có râu, chưn mày rậm, còn một người nước da trắng, môi dày, râu lún phún, đương ngồi ăn cháo uống rượu. Chúa tàu ngó hai người ấy hoài, đến chừng bàn đã dọn xong, ngồi lại mà cũng còn ngó nữa. Trần Mừng từ khi mới bước vô liếc thấy hai người đó thì cũng chăm chỉ ngó hoài, đến chừng chủ tiệm lại hỏi muốn ăn vật chi, anh ta biểu lấy rượu ngon, nấu vài tô cháo, rồi mới nói tiếng Quảng Đông với Chúa tàu rằng hai người uống rượu đó tên là Cam với tên Quít, cách mấy năm trước ở Tân Châu lén bơi xuồng mà đưa mình xuống Rạch Giá đặng thoát thân. Chúa tàu nghe nói thì ngó ngay Trần Mừng, rồi cũng nói tiếng Quảng Đông biểu Trần Mừng lại làmquen và mời ngồi chung một bàn mà ăn uống, song dặn đừng thổ lộ việc chi hết, để anh ta liệu mà hỏi thăm cho. Trần Mừng nghe lời đi lại vừa tới thì hai người ấy đã biết rồi nên đứng dậy mà hỏi: “Chú là có phải là chú Mừng hay không?”. Trần Mừng cười và đáp rằng: “Làm sao mà không phải. Hai anh emxuống đây làm cái gì?”. Người có râu liền nói: “Thằng Trần Tấn Thân nó xấu quá, cũng vì nó mà hai anh em tôi trôi nổi xuống đây đa”. Trần Mừng nghe nói trái tai, ý muốn hỏi coi vì cớ nào mà nói Trần Tấn Thân bụng xấu, song nhớ sực lời Chúa tàu dặn nên không hỏi lại mời hết hai người lại ngồi chung một bàn uống rượu nói chuyện chơi cho vui. Vả hai người này thiệt là người ở Tân Châu người trắng có râu đó là Hai Cam, còn người đen mà không râu đó là Sáu Quít vốn là tôi tớ ở với Trần Tấn Thân từ nhỏ tới lớn, bởi vậy cho nên khi mới bước vô Chúa tàu ngó thấy thì biết không phải lạ, song vì bởi lâu quá nên không nhớ tên họ được, mà cũng thiệt hai người đó là người cách mấy năm trước Trần Tấn Thân sai bơi xuồng đưa Trần Mừng xuống Rạch Giá bởi vậy cho nên Trần Mừng mới quen. Hai người ăn cháo chưa hết một phần tô mà uống rượu đã xoàng xoàng rồi, nghe Trần Mừng mời thì bưng đồ đương ăn uống đó đem hết lại để chung một bàn mà ngồi với Trần Mừng và Chúa tàu. Trần Mừng nói tiếng Quảng Đông với Chúa tàu rằng hai người này thiệt quả là tên Cam, tên Quít, nămtrước ở Tân Châu bơi xuồng đưa mình xuống đây. Chúa tàu bèn sửa giọng nói theo khách Quảng Đông nói tiếng An Nam mà chào hỏi, rồi quay lại biểu chủ tiệm lấy rượu thêm và chưng cá làm vịt mà dọn cho nhiều đặng ăn uống chơi một bữa. Chúa tàu rót rượu mời Cam, Quít uống cầm chừng mà chờ đồ ăn. Uống rượu được vài hiệp, Trần Mừng mới giở ra hỏi coi vì cớ nào hồi nãy Hai Cam lại nói Trần Tấn Thân bụng xấu, Hai Cam có tánh hễ uống rượu thì hay nói lý quốc, bởi vậy cho nên nghe Trần Mừng hỏi liền đáp rằng: “Thằng Trần Tấn Thân xấu thiệt mà! Để tôi kể hết chuyện xấu của nó cho hai chú nghe, ông già tôi hồi trước mắc nợ ông già nó đâu chừng vài chục quan tiền, mà ông già tôi nghèo quá trả không nổi; khi ông già tôi chết, cha con nó buộc tôi phải ở cố công đặng nát lời. Tôi ở với nó gần hai mươi năm mà nợ cũng còn hoài; tôi có một mẹ già khi đau ốm không ai nuôi dưỡng, nhiều lúc tôi xin nó cho tôi về đặng hẩm hút với mẹ tôi, nó đã không cho mà còn rầy tôi nữa, biểu tôi như muốn về thì đem trả đủ tiền cho nó rồi mới được về. Tôi muốn đi thưa làng, mà thấy nó giàu có, quan làng ai cũng vị nó, nên tôi không dám thưa. Sáu Quít đây cũng vậy, mướn mấy công ruộng của nó, rủi thất mùa không có lúa mà đong, nó bắt ở đợ trừ, mà ở tới mười hai, mười ba năm trừ cũng chưa dứt. Hai chú nghĩ coi nó độc ác biết dường nào? Mà chuyện anh em tôi chẳng nói nhiều làm gì. Để tôi nói chuyện nó ở xấu với chú Mừng đây cho chú biết …” Hai Cam vừa nói tới đó thì chủ tiệm bưng cháo và cá chưng đem lại. Chúa tàu với Trần Mừng mời ăn uống một hồi rồi Hai Cam mới hỏi rằng: “Chú Mừng, hồi chú ghé thăm Trần Tấn Thân rồi chú đi Biển Hồ đó, chú có gởi tiền bạc cho nó hay không?” - Ờ, ngộ gởi một trăm bốn mươi nén bạc. - Hèn chi! Hai Cam day qua ngó Sáu Quít rồi tiếp rằng: “Tại chú gởi bạc đó nên hai anh em tôi mới bỏ xứ mà đi xuống đây đa. Để tôi nói chú nghe: Lúc chú ghé đó thì tôi mắc nấu nước nên tôi không biết nói chuyện gì với nhau. Tôi hỏi thăm người trong nhà thì họ nói chú là anh ruột Trần Như. Chừng chú ra đi thì tôi thấy chủ nhà tôi xách một gói bạc đem vô giở rương xe mà cất. Sáng bữa sau, cơm nước xong rồi chủ nhà tôi đi lên Huyện, không biết nói chuyện chi, mà chừng trở về kêu hết bạn bè tôi tớ trong nhà mà dặn nếu có chú trở về chú có hỏi vậy chớ quan làng có xét nhà lấy hết vàng bạc và bắt chủ nhà tôi giam năm sáu bữa hay không thì phải nói có, nếu đứa nào cãi lời thì sẽ bị đòn mà lại bị giải đến cho quan Huyện bỏ tù nữa. Lúc chú trở về thì nhằm ban đêm, hai anh em tôi mắc ngủ ở nhà sau không hay, chừng chủ nhà tôi kêu thức dậy rồi biểu lấy xuồng đưa chú xuống Rạch Giá thì anh em cứ việc làmtheo chớ không biết chuyện chi hết”. Hai Cam nói tới đó, Chúa tàu liền chận mà hỏi: “Mà trong lúc chú Mừng gởi bạc rồi đi Biển Hồ đó, vậy chớ có quan hay là làng tới xét nhà rồi bắt Trần Tấn Thân hay không?” Sáu Quít nãy giờ ngồi nghe chớ không nói vô, chừng nghe hỏi mới nói: “Đâu có, nó đặt chuyện đặng giựt tiền người ta chớ”. Hai Cam liền hớt mà nói tiếp rằng: “Để tôi nói đủ đầu đuôi cho mà nghe. Hai anh em tôi đưa chú Mừng xuống Rạch Giá, chú cho mấy quan tiền, hai anh em tôi mua gạo mắm bỏ xuống xuồng mà bơi về. Về ngang đồn Cái Vừng lối nửa chiều, lính đồn kêu hỏi vậy chớ hai đứa tôi phải là tên Cam với Quít ở đợ với Trần Tấn Thân trên Tân Châu hay không? Hai anh em tôi tình thiệt nên nói thiệt, lính bèn dạy hai anh em tôi ghé lại lên đồn có chuyện. Hai đứa tôi bước lên thì ông đội dạy lính đem đóng trăng chớ không nói một lời chi hết. Hai đứa tôi tưởng quan bắt là vì đưa chú Mừng nên kêu oan nói rằng chúng tôi là tớ có chủ, hễ chủ biểu làm việc chi thì làm việc nấy, chớ chúng tôi không dám cãi, ông đội nghe nói như vậy nhảy lại đạp đá hai đứa tôi rồi nói rằng: “Bây nói chủ bây biểu đâu làm đó, vậy chớ chủ bây có biểu cạy rương xe lấy bạc của chủ bây hay không?”. Hai đứa tôi nghe nói chưng hửng, không hiểu có việc gì, cứ khóc mà than với ông đội rằng chủ chúng tôi sai bơi xuồng mà đưa chú Mừng xuống Rạch Giá, chúng tôi đưa tới nơi tới chốn bây giờ trở về, chớ không cạy rương của ai hết. Có lẽ ông đội nghe hai đứa tôi nói, biết hai đứa tôi không có lòng gian, bởi vậy cho nên ông mới hết giận rồi nói với hai anh em tôi rằng: “Bây nói chủ bây sai bây đi Rạch Giá, mà sao hôm qua lại qui đơn trên Huyện thưa nói bây cạy rương xe lấy hết mấy chục nén bạc với mấy cặp áo mà trốn. Đây nè có trát quan Huyện chạy xuống đồn hồi sớm mơi đây, dạy tao phải tuần dưới sông đặng đón hai đứa bây mà bắt!”. Khi mới bị bắt, chúng tôi tưởng là về tội đưa chú Mừng chừng nghe nói Trần Tấn Thân cáo chúng tôi về tội ăn trộm thì chúng tôi không hiểu chi hết. Sáu Quít khóc ròng và muốn kể hết đầu đuôi cho ông đội nghe, song ông đội không chịu nghe, dạy chúng tôi phải nằm yên, rồi đợi sáng ông sẽ giải lên Huyện. Đến tối lính trong đồn ngủ hết rồi ông đội mới thức dậy hỏi chúng tôi coi vì cớ nào vô tội mà chủ lại đi cáo như vậy. Tôi kể hết đầu đuôi cho ông đội rõ, tôi lại nói chủ tôi sai đi đã năm bữa rày sao đến hôm qua mới đi thưa, nếu thiệt chúng tôi có ăn trộm đồ mà trốn, sao lại biết chúng tôi đi ngang qua đây mà đón. Tôi lại tỏ việc chú Mừng gởi bạc cho ông đội nghe, rồi tôi nói rằng chắc chủ tôi giựt số bạc ấy, song sợ chúng tôi đi dưới xuồng nói bậy ra cho chú Mừng hay nên lập thế cáo gian làm cho quan bắt mà bỏ tù chúng tôi đặng ăn bạc ấy một mình cho nhẹm. Ông đội nghe hết đầu đuôi, ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói nhỏ với hai đứa tôi rằng: “Tao thấy bây thiệt thà tao thương, mà tao cũng có nghe thằng Trần Tấn Thân nó ỷ thân ỷ thế, hay bày mưu hại người ta thì tao ghét lắm. Chuyện nầy tao chắc nó sang đoạt của người ta mà nó sợ có bây ăn không êm, nên nó lập thế hại bây. Mà nếu tao giải bây lên Huyện thì chắc bây không khỏi, bởi vì nó thân với quan Huyện lắm, tao thấy lá trát của quan Huyện thì tao hiểu rồi. Tao cũng muốn mở trăng cho hai đứa bây đi, song nếu tao làm như vậy thì tao có tội. Thôi, để tao cắt dây cho bây rồi tao đi ngủ, chừng canh tư bây lén trốn mà đi”. Ông đội nói dứt lời liền đi lấy dao cắt dây sẵn cho hai đứa tôi rồi mới đi ngủ.” Chúa tàu nghe nói tới đó vùng cười lớn, còn Trần Mừng ngồi lặng thinh mà bộ giận lung lắm. Chúa tàu hỏi ông đội đó tên gì. Hai Cam nói không biết. Sáu Quít mới ứng tiếng mà nói ông đội Sum, người gốc ở dưới vàm ông Chưởng. Trần Mừng hỏi vậy chớ ông đội cắt dây cho hai người trốn khỏi hay không, thì Hai Cam nói: “Hai đứa tôi nghe lời ông đội nên qua canh tư dọ coi lính đồn ngủ hết mới lén đi xuống mé sông rồi bơi xuồng mà trở vô Rạch Giá. Mấy năm nay hai đứa tôi không dám ló mặt về xứ, cứ ở đây chài lưới mà kiếm ăn. Tôi có một mẹ già, không biết mấy năm nay ở nhà còn hay là mất”. Chủ tiệm bưng lên một mâm thịt vịt nữa, Chúa tàu biểu lấy thêm rượu rồi bốn người ngồi ăn uống coi bộ thân thiết với nhau lắm, ăn một hồi Chúa tàu thấy Hai Cam lanh lợi muốn gây chuyện hỏi nữa nên ngó Trần Mừng nháy nháy con mắt rồi hỏi Hai Cam rằng: “Hai anh em tôi vẫn biết tên Thân là người độc ác. Chú Mừng chú cũng biết nó giựt bạc chú chớ chẳng không; song con người ở đời làm lành thì gặp lành, làm dữ thì gặp dữ, bởi vậy cho nên chú Mừng chú không thèm nói làm chi, mà chú mất có 140 nén bạc, bây giờ chú làm ăn có thêm còn nhiều hơn số đó nữa. Không hề gì mà, tên Thân nó ở xấu thế nào rồi sau ông trời cũng hại nó. Nầy, tôi có nghe hồi trước nó còn làm một điều ác lung nữa, nó bày mưu sao đó mà hại tên Thủ Nghĩa bị đày chung thân, hai anh ở với nó lâu năm, vậy chớ hai anh có biết chuyện đó hay không?”. Sáu Quít vừa muốn nói thì Hai Cam hớt mà đáp rằng: “Không biết hồi đó có anh Quít ở hay chưa, chớ tôi ở đã lâu, chuyện đó tôi biết rõ lắm”. Chúa tàu lật đật rót rượu mời uống thêm rồi biểu Cam nói rõ hết cho nghe chơi. Hai Cam xình xoàng nghe Chúa tàu hỏi phăng lần thì khoái chí nên uống cạn chung rượu rồi mới thuật rằng: “Chuyện hại Thủ Nghĩa tôi biết hết. Số là Thủ Nghĩa có một đứa em gái tên Thị Xuân, lịch sự lắm. Trần Tấn Thân ngó thấy nó muốn song muốn là muốn chơi cho qua buổi, chớ không phải muốn kết vợ chồng. Mà dầu nó muốn kết làm vợ chồng cũng không được, bởi vì cha mẹ nàng đã gả cho Kỉnh Chi ở dưới Cái Vừng rồi. Bữa nọ, nàng ấy đi đâu đó không biết, Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng đi chơi gặp ngoài đồng, Trần Tấn Thân làm ngang, bắt ám sát. Thời may Thủ Nghĩa gặp đánh anh ta gần chết. Lý Thiên Hùng cõng về nói dối rằng leo cây bị té gãy tay. Đó, tại vậy nên mới sanh lòng oán hận Thủ Nghĩa. Chừng mạnh rồi, Thân với Hùng bày mưu đem năm chục quan tiền lên lo cho quan Huyện đặng hại Thủ Nghĩa. Hồi đó tôi vác tiền đem cho quan Huyện đa. Tôi không rõ mưu bày làm sao mà cách không đầy năm bữa quan Huyện cho lính bắt Thủ Nghĩa mà giam rồi làm tờ giải qua bên tỉnh, quan trên kêu án Thủ Nghĩa chung thân”. Chúa tàu nghe nói tới đó thì đau lòng hết sức, song ráng gượng gạo mà hỏi rằng: - Nếu vậy quan Huyện có ăn của nó năm chục quan tiền hay sao? - Chớ sao! - Không biết bây giờ Thủ Nghĩa đã về hay chưa? - Cách mấy năm trước tôi nghe nói cháy khám tù chết nhiều lắm. Tôi chắc Thủ Nghĩa đã chết rồi, mà dầu chưa chết bị án chung thân thì về giống gì được. - Cha chả! Nếu Thủ Nghĩa về không được chắc là cha mẹ ở nhà rầu lắm há? - Còn đâu mà rầu. Thủ Nghĩa mới bị lao tù có mấy tháng, mẹ y rầu quá sanh bịnh ho thổ huyết mà chết. Cha y cũng vì rầu nên cách vài tháng rồi cũng chết theo nữa. Nghĩ thiệt tội nghiệp cho Kỉnh Chi, nói vợ thì chưa cưới, mà làm cũng như đã cưới rồi, lo chôn cất cha vợ, mẹ vợ tử tế quá. Cha mẹ chết rồi thì Thị Xuân bụng đã thè lè, xóm riềng ai cũng đều nói, mà Kỉnh Chi ở tử tế như vậy dầu mình làm đàn bà mình cũng khó gìn giữ được. Theo tôi thì tôi không cưới, bởi vì tuy tiền dâm hậu thú là sự xấu, song Kỉnh Chi dầu chưa có đủ tục lễ mà ở với cha mẹ vợ như vậy thì cũng như có đủ rồi. - Té ra Thị Xuân với Kỉnh Chi ở với nhau luôn, chớ không làm lễ cưới hay sao? - Cha mẹ chết hết rồi cách chẳng bao lâu kế Thị Xuân đẻ, Thị Xuân đẻ được một đứa con trai vừa được ba bốn tháng kế Thị Xuân đau chết nữa. Kỉnh Chi chôn cất vợ rồi lo nuôi con, có lẽ thằng nhỏ năm nay khi đã được 13, 14 tuổi rồi đa. - Anh có biết bây giờ Kỉnh Chi ở đâu hay không? - Tôi hay Kỉnh Chi bán nhà cửa mà đi, song tôi không hiểu đi đâu. Sáu Quít liền tiếp mà nói rằng: “Cách mấy năm trước tôi đi An Giang, tôi có gặp Kỉnh Chi một lần, khi ấy anh ta chèo đò đưa ngang sông, ngay chợ An Giang đó, không biết năm nay còn ở đó hay không?” Chúa tàu nghe nói rõ hết dầu đuôi chuyện của mình tuy lòng giận, hết giận rồi lại buồn, song ngoài mặt cũng làm vui như thường, bởi vậy cho nên Trần Mừng với Cam, Quít không thế nào rõ ý riêng được, mãn tiệc rồi thì trời đã nửa chiều, Chúa tàu đứng dậy trả tiền cho chủ tiệm rồi nói tiếng Quảng Đông biểu Trần Mừng cho Cam, Quít mỗi người một nén bạc. Cam, Quít thấy Chúa tàu cho ăn uống no say, mà chú Mừng còn cho bạc nữa, thì cảm tạ vô cùng. Khi từ biệt nhau mà về, Chúa tàu lại hỏi thăm hai người giờ ở đâu. Cam, Quít nói mình ở đậu nhà thợ U dưới xóm lò rèn. Chúa tàu chỉ chỗ tàu đậu rồi mời hai người khi nào rảnh thì xuống tàu uống rượu chơi. I - X ưa nay nhà ngôn luận thường hay cãi với nhau, người thì nói tiền bạc là vật quí báu trong đời, bởi vì nó có thể giúp người phải làm việc phải, kẻ lại nói tiền bạc là vật rất lợi hại của xã hội, bởi vì nó hay giục người quấy làm việc quấy. Tuy hai phe tỏ hai lý tưởng khác nhau, song xét cho đáo để thì lý tưởng nào cũng là phải hết thảy. Chúa tàu vốn là một người tánh tình chơn chất, khi còn nhỏ mắc lam lụ làm ăn. Lúc ở tù mắc nhớ thương cha mẹ nên trí không rảnh rang mà suy nghĩ đến sự lợi hại của đồng tiền, mà từ khi ra Kim Qui tìm được bạc vàng trở nên một tay cự phú rồi trong trí vẫn còn lộn xộn, trong lòng vẫn còn ngậm ngùi, nên cũng chưa có dịp mà khảo cứu tới những lời cách ngôn, hay là nghĩ suy đến mấy điều thâm viễn được. Nay tình cờ gặp tên Cam tên Quít, được nghe rõ hết các việc ở nhà, biết ai là người hại mình, ai là người giúp mình rồi, thì trong lòng đã hết nghi ngại, đã bớt buồn rầu mà lại còn nghĩ tới đồng tiền là một vật rất hại, cũng vì nó áng con mắt công bình, nó dời cái lòng chánh trực, nó giục cái lòng thamlam của con người, nên mình vô tội mà phải sa vào lao lý trót 11 năm trường, cha mẹ đau không hay, cha mẹ chết mà không thấy; mà đồng tiền cũng là một vật quí, cũng vì có nó nên ngày nay mình có thế mà biết được việc nhà, mà rồi đây có lẽ mình còn phải dùng nó nữa mà trả thảo, mới đền ơn, mới rửa oán được. Chúa tàu và Trần Mừng đi trở về tàu và suy nghĩ như vậy. Xuống tới tàu thì bạn đã ăn cơm chiều rồi hết, duy có một mình Thu Thủy ngồi chờ nên chưa ăn mà thôi. Chúa tàu nói mình đã ăn cơm rồi, biểu Thu Thủy ăn đi và hối bạn chế trà ngon đem vào phòng đặng uống vài chén. Chúa tàu ngồi uống nước trà mà lòng suy tính lung lắm. Thu Thủy ngồi ăn cơm mà ngó Chúa tàu hoài, không hiểu Chúa tàu có việc chi đến nỗi phải lo, có điều chi mà không chịu ăn cơm, chớ không dè Chúa tàu tâm sự đa đoan và thiệt ăn uống cũng đã no say rồi nữa. Chúa tàu uống nước rồi bèn kêu Trần Mừng mà dặn sáng phải đi kiếm mua chiếc tàu nữa, dầu mắc rẻ gì cũng phải mua cho được. Trần Mừng không biết Chúa tàu muốn mua tàu thêm nữa mà làm chi, song không dám hỏi, sáng ngày cứ vưng lời đi mua tàu. May lúc ấy có một người khách Hải Nam tên Hinh Như đi buôn đã làm giàu, bây giờ già rồi không muốn đi nữa, nên tính muốn bán chiếc tàu đặng lên chợ cất nhà dọn tiệm. Chiếc tàu này tuy đã cũ, song lớn hơn chiếc tàu trước. Chủ tàu dứt giá bốn chục lượng Trần Mừng xin bớt hết sức mà không được, nên túng thế phải mua. Trần Mừng về nói lại cho Chúa tàu hay thì người mừng rỡ vô cùng, hối Trần Mừng mau mau đem bạc mà chồng, lại dặn mướn hết đà công với bạn cũ dưới chiếc tàu ấy và đi xuống xóm lò rèn mà mướn tên Cam với tên Quít nữa. Cam, Quít thấy Chúa tàu với Trần Mừng rộng rãi thì trong lòng khen ngợi hoài, nay nghe Trần Mừng nói Chúa tàu biểu xuống mướn ở bạn tàu thì khoái chí lắm nên lật đật gói quần áo mà đi theo liền. Tàu dọn xong rồi, Chúa tàu biểu Cam với Quít qua chiếc tàu mới, rồi kéo neo, chiếc trước, chiếc sau, nối đuôi nhau chạy xuống cửa Tiểu đặng lên An Giang. Lúc đi dọc đường chẳng có chi lạ, duy Chúa tàu có sắc vui vẻ hơn trước, hay nói chuyện với Trần Mừng, hay hỏi thăm Thu Thủy, lại dặn Trần Mừng với Thu Thủy hễ biểu đâu thì cứ làm đó, dầu thấy việc dị thường cũng chẳng nên hỏi, mà dầu thấy điều trái ý cũng đừng thèm cãi. Hai người nghe dặn tuy không dám nói ra, chớ bụng tức cười thầm, bởi vì từ bấy nay, Chúa tàu làm việc nào cũng chẳng giống việc của người đi buôn, nhưng mà làm sao thì làm chớ có ai dám hỏi han hay là cãi lẫy mà phải dặn. Khi hai chiếc tàu lên tới cù lao Giêng thì Chúa tàu biểu Trần Mừng lấy ít chục nén bạc rồi ngồi tambản qua bên chiếc tàu kia đặng dạy đà công vô Vàm Nao mà lên An Giang. Chúa tàu lại dặn rằng hễ tới An Giang rồi thì biểu Hai Cam với Sáu Quít phải giả dạng mà đi kiếm coi Phạm Kỉnh Chi bây giờ ở tại đâu, làm việc chi, rồi neo tàu ở đó mà chờ; tàu mình tuy đi ngả khác, song trong một ít bữa rồi cũng sẽ qua đó mà hiệp. Lên tới chợ Thủ Kiến Sai, lúc ấy trời đã chạng vạng tối, hai chiếc tàu mới tẽ hai ngả, chiếc của Trần Mừng thì qua Vàm Nao, còn chiếc của Chúa tàu thì đi dọc theo cù lao Tây mà thẳng lên Tân Châu. Nước miền trên tuy chưa đổ cho lắm, nhưng mà vì trời tối bớt gió nên tàu đi không đặng mau. Người ở đời dầu nghèo hay giàu, dầu sang hay hèn, ai cũng có cái lòng tư hương; dầu đi xứ khác vui vẻ thế nào, cũng chẳng hề quên cái làng cũ của mình, mà nhứt là khi trở về gần tới quê xưa thì cái lòng tư hương lại càng tha thiết, làm cho mình đứng ngồi không yên, dường như muốn kết cánh mà bay đặng cho mau vậy. Chúa tàu khi phân cách Trần Mừng rồi thì đêm ấy ngủ không được, hễ nằm thì thấy nhà cửa điêu tàn trước mắt không nguôi, nhớ chuyện mẹ cha vĩnh biệt ngàn thu khó gặp; còn nếu đứng dậy đi ra ngoài thấy nhà họ ở hai bên mé sông đèn đốt leo lét, nghe chó họ sủa văng vẳng tiếng xa xa, thì cái lòng nhớ nhà càng dồi dào, giận chiếc tàu đi không mau, nên đứng ngoài chịu cũng không được. Thu Thủy thấy Chúa tàu thổn thức, nằm không ngủ, ngồi không yên, thế khi trong lòng cũng xốn xang hay sao, nên lúc nửa đêm dưới tàu phần nhiều đều ngủ hết duy có một mình đà công đứng cầm tay bánh với vài ba tên bạn thức đặng giúp trở buồm, Thu Thủy mới thức dậy rửa mặt rồi lại chỗ để bộ trà rót nước mà uống. Chúa tàu ở ngoài vô phòng gặp Thu Thủy đương uống nước liền hỏi: - Áo quần An Nam cô may xong chưa? - Thưa, em may xong rồi hết. - Sao không mặc thử coi vừa hay không? - Thưa, Chúa tàu chưa biểu nên em không dám mặc. - Đâu cô lấy mặc thử coi. Thu Thủy lật đật giở áo quần may rồi lấy ra một cái áo và một cái quần, còn Chúa tàu thì chun vào phòng vấn thuốc mà hút. Thu Thủy thay đổi áo quần một hồi rồi Chúa tàu mới bước ra. Thu Thủy miệng thì mỉm cười, hai tay vuốt vạt áo, đầu thì nghẻo qua bên kia, cặp mắt một lát liếc Chúa tàu một cái. Chúa tàu ngồi uống nước nhắm xem Thu Thủy thì thiệt là một mỹ nữ, nhan sắc phi phàm, hình dung yểu điệu, mắt ngó hữu duyên mà tánh nết lại hiền hòa, ý tứ nghiêm nghị nữa. Chúa tàu ngó Thu Thủy, đợi nhắm nhía áo quần cho xong rồi mới hỏi: “Vừa hay không?”. Thu Thủy mắt ngó Chúa tàu, miệng cười chúm chím mà đáp rằng: “Thưa vừa lắm”. Chúa tàu day mặt qua chỗ khác ngó sững một hồi, coi bộ như suy nghĩ chuyện chi vậy, rồi mới day lại mà nói rằng: “Tôi cũng muốn cho cô mặc đồ An Nam song bây giờ còn chưa tiện. Vậy cô chịu phiền hễ gần tới Tân Châu cô phải thay đồ xẩm mà mặc đỡ rồi sau sẽ hay.” Thu Thủy nghe nói vừa muốn mở nút áo mà thay liền, Chúa tàu thấy vậy bèn cản và dặn chừng nào gần tới Tân Châu sẽ thay. Chúa tàu nói dứt lời liền trở vào phòng mà nằm, chẳng biết ngủ thức mà không nghe động tịnh chi hết. Sáng bữa sau, mặt trời vừa mọc, Chúa tàu thức dậy ra xem, thì tàu mới lên tới Hồng Ngự. Chúa tàu đội nón ngồi một bên đà công hoài, gặp chiếc thuyền nào cũng ngó theo, thấy cái nhà nào cũng đứng dậy mà coi. Vừa nửa buổi sớm mơi, nhờ có gió lao rao nên tàu đi mau được. Tới bữa cơm, Chúa tàu vào phòng ăn với Thu Thủy, song ăn thì ăn, chớ không nói chuyện chi hết, ăn cơm rồi cũng đội nón lên ngồi dựa một bên đà công. Đến trưa mới thấy mấy lùm cây tại Tân Châu. Chúa tàu đứng một chỗ không yên, ra trước mũi vừa ngồi thì liền đứng dậy trở ra sau lái, mà ra sau lái rồi cũng ngồi không được, bỏ mà đi tới trước mũi nữa. Chừng tàu còn một khúc sông nữa thì tới bến Tân Châu, Chúa tàu bèn dặn đà công tới đó thì neo dựa mé cho chặt, dặn rồi quày quả trở vô phòng biểu Thu Thủy thay áo đổi quần, cổi vòng, cổi kiềng mà giả dạng xẩm. Còn Chúa tàu thì nằm riết phòng trong, không ló ra nữa. Ăn cơm chiều rồi Chúa tàu mới bước ra đứng tại cột buồm mà ngó lên chợ. Trên bờ con nít người lớn xúm nhau chừng hai ba mươi, ngồi dài theo mé mà xem tàu. Có người bơi xuồng ra cặp một bên hông tàu mà hỏi coi tàu của ai, đến đây mua bán vật chi. Chúa tàu dặn bạn giả đò không biết tiếng An Nam, cứ nói tiếng Quảng Đông hoài, mấy người hỏi họ nghe không được nên bơi xuồng đi hết. Đêm ấy Chúa tàu cho phép bạn nghỉ ngơi, bởi vì tàu chạy đã mười mấy ngày nên ai nấy cũng đều mệt mỏi. Chúa tàu biểu Thu Thủy chế một bình trà rồi mới xách lên chỗ đà công coi lái ngồi một mình uống nước hút thuốc mà ngó vô bờ. Thu Thủy tưởng Chúa tàu ngồi hóng mát một hồi rồi đi ngủ chẳng dè khuya nghe trống dồn trở canh năm, thức dậy dòm trong phòng trong thì thấy đèn chong leo lét mà không có Chúa tàu. Thu Thủy bước ra ngoài dòm trước xem sau thì thấy Chúa tàu hãy còn ngồi dựa tay bánh mà hút thuốc. Thu Thủy nhớ lời dặn nên không dám hỏi, liền quày quả trở vào phòng. Cách một hồi Chúa tàu cũng trở vào, Thu Thủy liếc coi thì con mắt Chúa tàu đỏ chạch mà lại có hơi sưng nữa. Chúa tàu kêu một tên bạn thức dậy canh tàu rồi mới vào phòng tắt đèn mà ngủ. Bị thức khuya, nên qua ngày sau đến lối giờ thìn, Chúa tàu mới thức dậy. Thu Thủy pha nước cho Chúa tàu rửa mặt rồi mới rót nước trà mà bưng lại. Chúa tàu uống nước và hút vừa hết điếu thuốc thì kế cơmdọn. Cơm nước xong rồi Chúa tàu thay quần áo mới, mở mấy gói hàng mua bên Hướng Cỏn ra mà lựa hai cây lụa trắng thiệt đẹp, lại lấy ra hai gói trà ngon và lấy giấy đỏ gói năm nén bạc rồi để lụa, trà và bạc trên một cái mâm, biểu bạn bưng đi theo lên chợ đặng đi viếng quan Huyện. Bạn bơi tam bản đưa Chúa tàu lên bờ, trẻ nhỏ người lớn trên chợ ngó thấy chạy ra mé sông đứng coi đông nức. Chúa tàu thấy thiên hạ đi coi, rồi mới nhớ tới tâm sự, thì trong bụng tức cười thầm, nếu cha mẹ mình còn sống, ngày nay mình về thăm, mà đầu gióc bính, mình mặc đồ như vầy, chắc là cha mẹ cũng không biết ai mà hỏi. Chúa tàu lên bờ rồi, tay cầm quạt lông, khoan thai đi trước, còn tên bạn bưng mâm lúc thúc theo sau, đi được chừng vài chục bước ngó vô trong phố thấy ông cựu lý trưởng Đồ, nay già đã lụm cụm rồi, đứng ngó mình trân trân mà có lẽ cũng tưởng là khách Quảng Đông chớ không dè mình là Thủ Nghĩa. Chúa tàu bèn ghé lại, sửa giọng theo khách Quảng Đông nói tiếng An Nam, rồi hỏi thăm vậy chớ có một Tri huyện trấn nhậm tại đây phải không? Ông lý trưởng gật đầu nói phải. Chúa tàu bèn hỏi vậy chớ quan Huyện nầy quí danh là gì? Ông lý trưởng đáp là Huỳnh Thiện Tứ. Chúa tàu lại hỏi coi quan Huyện khi trước là ông Lê Trọng Kim bây giờ ở đâu, thì ông lý trưởng nói ngài đã bổ đi Tri phủ Tân Thành gần một năm nay rồi. Chúa tàu nghe nói châu mày, dụ dự một hồi rồi kiếu ông lý trưởng mà đi. Đi chừng sáu bảy bước vùng trở lại hỏi coi lên trên quan Huyện phải đi đường nào, ông lý trưởng bước ra ngoài cửa lấy tay chỉ, biểu đi thẳng đường nầy lên tới cây bồ đề lớn có ngã ba, quẹo qua tay mặt đi một đỗi thì tới dinh quan Huyện. Chúa tàu lẽ nào lại không biết đường, nhưng mà sợ người ta nghi nên mới hỏi như vậy. Tới dinh, Chúa tàu sửa áo chỉnh tề rồi mới bước vô. Quan Huyện chẳng hiểu khách Quảng Đông đến có việc chi nên sai lính ra hỏi. Chừng lính vô bẩm rằng khách Quảng Đông ấy là Chúa tàu Kim Qui đến mua bán, muốn vào viếng quan sở tại chớ chẳng có việc chi hết, quan Huyện mới cho vào, Chúa tàu để mâm đồ trên ghế mà thưa rằng mình đến đây mua bán chẳng có vật chi quí nên tạm đỡ vài cây lụa, vài cân trà và năm nén bạc làm lễ ra mắt quan Huyện mà thôi, nên xin quan Huyện thương tình mà nhậm đỡ. Quan Huyện thấy lễ vật rất trọng nên lật đật mời ngồi, rồi dạy lính pha trà đem ra mà đãi. Chúa tàu liếc coi quan Huyện chưa đầy ba mươi tuổi, diện mạo thì nho nhã, song không rõ lòng dạ thể nào. Chúa tàu với quan Huyện trò chuyện với nhau một hồi rồi Chúa tàu mới hỏi thăm tới cha mẹ, nói rằng mười lăm, mười sáu năm trước mình đi buôn bán có ghé qua đây một chuyến, và có làm quen với một người tên Lê Thủ Thành không biết người ấy mạnh giỏi thể nào? Quan Huyện đáp rằng người trấn nhậm Huyện Đông Xuyên chưa đầy một năm nên chưa biết ai cho lắm, rồi kêu một người thơ lại già gần sáu mươi tuổi, đầu đã bạc, răng đã rụng mà hãy còn mạnh. Khi bước ra thì Chúa tàu đã biết mặt liền, song ổng không dè Chúa tàu là Thủ Nghĩa. Chúa tàu hỏi thăm Lê Thủ Thành thì ổng nói vợ chồng với đứa con gái đều chết hết, còn đứa con trai bị án chung thân. Chúa tàu tỏ lời thương tiếc và hỏi ông thơ lại vậy chớ có biết mả chôn nơi nào hay không, xin chỉ giùm đặng có sắm nhang đèn mà cúng, gọi là đền ơn quen biết hồi trước. Ông thơ lại nói mình biết. Chúa tàu bèn xin phép quan Huyện cho ông thơ lại dắt đi chỉ giùm. Ông Huyện thấy Chúa tàu tử tế, dầu xin việc chi cũng đặng, chẳng luận là việc nhỏ mọn như vậy, nên cho thơ lại đi theo Chúa tàu. Chúa tàu kiếu quan Huyện bước ra khỏi dinh rồi thì cứ hỏi ông thơ lại chuyện này chuyện nọ lăng xăng, hỏi hoài không dứt. Chúa tàu lại hỏi vậy chớ nghe ở xứ nầy có ông Trần Tấn Thân giàu có lắm, mà người ở chỗ nào? Lúc ấy đi vừa tới nhà ông Trần Tấn Thân, ông thơ lại liền lấy tay chỉ mà nói rằng: “Nhà Trần Tấn Thân là nhà nầy đây; anh ta giàu có lớn lắm, bạc tiền mà ruộng đất cũng nhiều, cách hai năm nay anh ta mua chức bá hộ bây giờ sang trọng, sung sướng lắm mà”. Chúa tàu đứng ngoài ngó vô thì thấy nhà cửa ba tòa kinh dinh, hoa quả một vườn thạnh mậu, có hồ sen, ao cá, có thơ phòng, nhắm coi thiệt là một cảnh rất phong lưu mà chẳng hiểu tại sao lại chứa một người độc hiểm. Chúa tàu ngó cho đã con mắt rồi mới chịu đi. Chúa tàu và đi và nói chuyện, ra khỏi chợ rồi đi theo bờ nhỏ một đỗi xa xa tới một cây me lớn, ông thơ lại mới dừng bước chỉ tay vô giữa đám ruộng mà nói rằng: “Ba cái mả đứng đây ngó thấy đó là mả của hai vợ chồng và con gái của ông Thành đa”. Chúa tàu đứng ngó một hồi rồi dắt nhau vô chợ, đi dọc đường có nói rằng để qua ngày sau mình sẽ mua nhang đèn đem vô đó mà cúng cho thỏa tình bằng hữu. Đi tới ngã ba lên dinh quan Huyện ông thơ lại bèn kiếu mà về. Chúa tàu thò tay vào hầu bao lấy ra một nén bạc mà đưa cho ổng và xin nhậm đem về mua trà mà uống; ông thơ lại mừng hết sức, không dè Chúa tàu tử tế quá như vậy nên về dọc đường khen thầm hoài. Chúa tàu với tên bạn chưa chịu xuống tàu, dắt nhau thủng thẳng vòng theo các nẻo đường xem nhà cửa, phố phường chơi, đi đến đâu cũng thấy cảnh vật đều khác hết, có chỗ hồi trước u tệ bây giờ đã vẻn vang, còn có chỗ hồi trước vẻn vang bây giờ lại u tệ. Chúa tàu thấy cảnh vật đổi dời như vậy mà ngao ngán trong lòng, nghĩ lại con người nào khác cuộc đời, hết thạnh tới suy, hết suy rồi thạnh. Chúa tàu đi cùng hết, song không dám léo lại chỗ nhà mình ở khi trước và chỗ nhà cô Tư Chuyên, bởi vì sợ đến đó thấy cảnh cũ người xưa, rồi mủi lòng dằn không được. Chúa tàu xuống tới tàu thì đã đúng bữa cơm chiều. Thu Thủy dọn một mâm cơm bưng vào phòng. Chúa tàu thấy thịt cá vù vèo, hỏi ra mới hay Thu Thủy lấy hai quan tiền đưa cho tổng khậu lên chợ mua đặng cho Chúa tàu dùng. Chúa tàu lấy làm đắc ý, biểu Thu Thủy lấy một quan tiền đưa cho bạn bơi tam bản vô chợ mua rượu đem xuống uống cho vui. Rượu mua đem về, Chúa tàu rót một chén còn bao nhiêu thì cho bạn uống. Lúc ăn cơm Chúa tàu vui vẻ lắm, cười cười nói nói luôn. Thu Thủy thấy vậy trong bụng mừng thầm. Chúa tàu dặn Thu Thủy ăn cơm rồi thì đưa tiền cho tổng khậu biểu lên đặt quay một con heo, sáng mai có và mua nhang đèn, giấy tiền, vàng bạc đặng mai đi cúng. Chúa tàu uống rượu ngà ngà nên ăn cơm rồi đi ngủ liền. Sáng bữa sau thức dậy chờ tổng khậu khiêng heo quay về và mua đồ xong rồi mới dạy ba tên bạn khiêng heo xuống tam bản. Chúa tàu biểu Thu Thủy đi theo lên bờ, kẻo ở dưới tàu lâu ngày tù túng. Con nít trên chợ thấy Thu Thủy mặc y phục theo xẩm, lạ con mắt nên áp theo coi rất đông, song đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần. Chúa tàu với Thu Thủy đi trước, bạn khiêng heo và đồ theo sau, đi thẳng ra chỗ hôm qua, rồi kiếm bờ nhỏ mà vô mả. Vô tới nơi thấy hai cái mả nằm kế nhau và một cái mả sụt phía sau, mà ba cái mả cái nào cỏ cũng mọc đầy. Chúa tàu biểu bạn nhổ cỏ cho trống rồi bày lễ vật, đốt nhang đèn mà cúng. Chúa tàu lạy cha lạy mẹ và rót rượu vái em rồi ngồi bẹp dựa mồ cha mẹ mà khóc rống lên nghe rất thảm thiết. May chỗ này ở giữa đồng không ai thấy, duy có ba tên bạn với Thu Thủy mà thôi. Thu Thủy thấy tình cảnh như vậy động lòng, dằn không được, nên cũng ngồi khóc thút thít. Chúa tàu khóc thì được song tỏ cái lòng buồn rầu đau đớn ra không được nên ấm ức từ hồi. Chừng day lại thấy Thu Thủy cũng khóc như mình, thì không thế nào dằn cái lòng ấm ức đó nữa được, nên mới chỉ và nói tiếng An Nam với Thu Thủy rằng: “Hai cái mồ này là mồ của cha mẹ tôi, còn cái mồ nằm sau đây chắc là của em gái tôi, cha mẹ với em tôi chết tôi không thấy mặt; gần mười ba năm nay, tôi mới cúng tế một lần thứ nhứt đây”. Chúa tàu nói tới đó vùng khóc nữa. Thu Thủy nghe nói liền bước lại xá và lạy đủ hết ba cái mả rồi cũng ngồi mà khóc. Cúng tế xong rồi, Chúa tàu mới dạy bạn khiêng heo xuống tàu. Ra khỏi mả Chúa tàu đã lau nước mắt khô rồi, duy còn Thu Thủy cứ khóc hoài, Chúa tàu thấy vậy sợ chúng nghi nên biểu Thu Thủy đừng khóc nữa. Thu Thủy lật đật lau nước mắt và nói rằng: “Nay em mới rõ vì sao mà Chúa tàu buồn. Mà em nghĩ Chúa tàu cũng có phước mà được cúng quải mẹ cha, em rất tủi phận em không biết mồ mả cha mẹ ở đâu mà cúng”. Thu Thủy nói tới đó liền ngồi giữa bờ mà khóc nữa. Ba tên bạn không hiểu chuyện chi nên đứng ngó sững. Chúa tàu liền ngồi một bên mà an ủi, hứa rằng rồi đây mình sẽ đi tìm mồ cha giùm cho. Thu Thủy nghe nói mấy tiếng trong lòng rất mừng, nên dứt khóc, đứng dậy lau nước mắt rồi đi theo mà xuống tàu. Chúa tàu vừa bước xuống tàu thì liền kêu tổng khậu mà dạy xả hết heo quay ra đặng cho bọn bạn họ ăn một bữa cho phỉ dạ. Chúa tàu vào phòng thay áo, cách một hồi tổng khậu dọn cơm bưng vô một mâmcho Chúa tàu với Thu Thủy ăn. Hai người ngồi ăn cơm chẳng ai nói tới ai hết. Chúa tàu thì lơ lơ lửng lửng coi bộ như muốn ép mình ăn chớ trong bụng chẳng muốn ăn chút nào; còn Thu Thủy gắp một miếng thì liếc Chúa tàu một cái, trong ý muốn dọ coi Chúa tàu toan tính những việc chi. Cơm nước xong rồi, Chúa tàu vào phòng trong, ngủ thức không biết, song nằm im lìm cho đến trời nửa chiều mới ra. Tối bữa ấy, Chúa tàu biểu bạn nhắc một cái ghế dài để dựa cột buồm rồi nằm hút thuốc mà suy tính việc mình. Chúa tàu nghĩ thầm rằng khi mình vượt ngục về nhà, thấy nhà cửa tiêu điều, rồi nghe mẹ cha với em đều chết hết, mình tủi tấm lòng, nghĩ nếu còn sống cũng chẳng ích chi cho ai, nên tính tự vận mà chết cho rồi cái kiếp trần ai chi khổ. Mình đã tính như vậy mà mình không chết, lại dằn lòng chịu cực chịu khổ thêm gần hai năm nữa rồi mới vượt biển mà tìm bạc vàng, ấy là vì mình muốn làm sao có thế để về cố hương tìm cho ra mồ mả mẹ cha đặng cúng lạy mà tỏ chút lòng hiếu tử, rồi mình sẽ tính đền ơn Kỉnh Chi là bạn tri kỷ vì mình mà phải bại sản tán gia, và báo oán kẻ thù là đứa bất nhơn làm cho cả nhà mình kẻ bị đày người thì chết. Nay mình đã về chốn cố hương, đã cúng tế mẹ cha rồi, bây giờ phải lo đền ơn cho người ơn, trả oán cho kẻ oán mới mới được. Chúa tàu suy nghĩ như vậy nên mới tính sáng ngày sẽ lên giã từ quan Huyện đặng đi qua An Giang, trước là kiếm Kỉnh Chi, sau nữa mưu trả oán. Thiệt qua ngày sau ăn cơm rồi Chúa tàu liền kêu đà công dặn phải coi buồm cho sẵn đặng trưa có kéo neo mà đi. Chúa tàu dặn rồi thì xuống tam bản ngồi cho bạn bơi đưa vô chợ. Chúa tàu bước lên bờ lại nghĩ rằng đã biết mình thấy chỗ mình ở cũ thì buồn, nhưng mình về đây mà mình không đến đó thì e ngày sau mình nhớ tới mình buồn thầm. Nghĩ như vậy rồi mới thủng thẳng như kẻ đi chơi, lần lần đi lại chỗ nhà ở khi trước; Chúa tàu đứng ngoài ngó vô thì cảnh vật buồn hiu, coi cũng y như cảnh mình thấy trong lúc ban đêm cách hai ba năm trước vậy. Chúa tàu chấp hai tay sau đít đứng ngó, hai hàng nước mắt rưng rưng, sợ đứng lâu khó dằn lòng nên lật đật bỏ mà đi chỗ khác. Chúa tàu về đến chỗ quê nhà thì trong lòng đường kia nẻo nọ ngổn ngang, nhớ chỗ đứng đi, nhớ người quen biết, Chúa tàu lại nhớ tới cô Tư Chuyên là người mà mình có tiếng hẹn hò khi trước, nên lần chơn đến đó, tính hỏi thăm coi bây giờ đã có chồng con hay chưa. Chúa tàu đã biết nhà ở khi trước đã dỡ đi mất rồi, nên không đến chỗ ấy, ghé lại nhà một bên mà hỏi. Có một bà già Chúa tàu vẫn còn nhớ tên là bà Tám Tiền, nói rằng cô Tư Chuyên từ khi mẹ chết rồi có nhiều nơi đi nói, mà một lòng tự quyết không chịu lấy chồng, ở vậy ngày hái rau bắt cá, tối may mướn vá thuê, làm hết sức mà không đủ ăn, nên mới bán nhà mà đi, nói rằng về ở với ông chú. Đi năm nay tính đã năm năm rồi, không ai biết đi đâu, người ta nói đã chết rồi, mà không biết có thiệt như vậy hay không mà dám nói chắc. Chúa tàu nghe nói mấy lời trong lòng cảm động vô cùng bởi vậy cho nên lật đật kiếu bà Tám Tiền mà đi, không muốn hỏi nữa. Chúa tàu đi thẳng lên dinh quan Huyện từ giã rồi xuống tàu hối đà công kéo neo trở xuống Vàm Nao đặng qua An Giang. Theo thói thường hễ khi trước mình ở trong làng trong xóm mình nghèo nàn cực khổ, nay mình đi đến xứ khác làm ăn phát đạt mình trở về chốn cũ quê xưa mà thăm, thì ai cũng trong lòng hớn hở, ngoài mặt hân hoan. Chúa tàu Kim Qui khi còn thơ ấu ở Tân Châu tuy chẳng nghèo cho lung, chẳng cực cho lắm, nhưng mà ngoài đồng không có ruộng, trong nhà chẳng dư tiền, thế thì cũng chẳng phải là bực giàu có chi đó. nay lớn khôn rồi trở về xứ sở, dưới tàu bạc có hơn hai ngàn nén, vàng có hơn một ngàn thoi, lẽ thì đắc ý biết chừng nào; ngặt trong mình có tịch, không dám bày họ chường tên, trong bụng thương tiếc mẹ cha không còn mà sum vầy sung sướng, bởi vậy cho nên về đến quê nhà vàng bạc chở đầy tàu mà chẳng có chút nào vui vẻ hết. Mà nếu về buồn thì đi lẽ phải vui chớ, sao tàu kéo neo mà đi, Chúa tàu lại cũng nằm dàu dàu trong phòng, coi còn buồn hơn khi về nữa. Thu Thủy thấy vậy trong lòng không an, nên bỏ trà ngon, chế nước nóng, rồi mời Chúa tàu dùng nước trà mà giải khát. Chúa tàu uống vài chén nước rồi cũng chun vào phòng nằm gác tay lên trán mà thở ra. Thu Thủy lấy làm bứt rứt trong lòng, không biết làm sao mà gỡ mối sầu não cho Chúa tàu được. Bận đi xuống nhờ nước xuôi gió thuận, tàu đi mau hơn bận lên, bởi vậy cho nên lui hồi xế qua, đến mặt trời lặn thì tàu đã tới Cái Vừng, Chúa tàu ra đứng xem hai bên sông đến tối mới trở vô phòng ngồi uống nước mà coi Thu Thủy may áo. Thu Thủy mặt mày sáng rỡ, môi đỏ má bầu, còn hai tay thì ngón nhỏ, cườm tròn, lụi kim rút chỉ coi thiệt duyên lắm. Chúa tàu là người hiếu nghĩa, lòng thương cha nhớ mẹ chẳng lúc nào nguôi, dạ báo oán đền ơn chẳng lúc nào xao lãng, bởi vậy cho nên từ khi vớt được nàng Thu Thủy thì trong bụng chẳng hề khi nào có tính thừa công ơn cứu tử mà phối hiệp châu trần bao giờ. Nhưng vậy mà đêm nọ ngồi nhắm coi Thu Thủy mặc đồ An Nam, thấy nàng nhan sắc ít ai bì, thì cái cục ái tình nó đà có hơi diêu động. Nay ngồi coi Thu Thủy ngồi may nữa, nhắm gương mặt, ngó bàn tay một hồi thì lửa lòng hừng hực, biển ái dồi dào, nghĩ rất khó mà lảng lơ cho được. Chúa tàu sợ lửa gần rơm chẳng tiện, nên tính bỏ mà đi ra ngoài cho nguôi, song muốn đứng dậy mà đứng không đành, dường như ai níu ai trì, biểu phải ngồi đó mà ngó Thu Thủy. Chúa tàu muốn gây chuyện mà nói, mà không biết phải nói chuyện gì, nên cứ ngồi coi may một hồi lâu rồi mới hỏi rằng: “Cô nói áo quần An Nam may hết rồi, mà sao còn may giống gì nữa đó?”. Nãy giờ Thu Thủy ngồi may trong ý cũng đợi Chúa tàu mở đầu nói chuyện đặng có thừa dịp mà hỏi dọ coi Chúa tàu sầu não việc chi, ngỏ hầu kiếm thế mà gỡ giùm; chừng nghe hỏi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, nên ngước mặt lên, mắt ngó Chúa tàu, miệng cười chúm chím mà đáp rằng: “Thưa, em còn một cái áo nầy chưa đơm khuy nút, nên em đơm cho rồi”. Chúa tàu thấy miệng cười như hoa nở, nghe tiếng nói rất thanh tao, thì tâm thần càng bấn loạn hơn nữa, song cũng gắng gượng mà nói rằng: “Tôi quên lửng, mà cô cũng không thèm nhắc, tàu đậu tại Tân Châu mấy bữa rày sao cô không lấy bạc lên chợ coi hàng lụa có thứ nào đẹp mua may áo quần thêm mà mặc?” Thu Thủy cũng cười chúm chím mà thưa rằng: “Áo quần em đã nhiều rồi, mua làm chi nữa thêm tốn hao”. Chúa tàu nghe nói thì nhíu cặp chơn mày mà đáp rằng: “Cô đừng lo sự tốn hao. Vàng bạc tôi đầy một tàu, xài đến chừng nào cũng không hết đâu mà sợ. Cô muốn mua vật chi cứ dỡ khoang chỗ cô nằm đó lấy tiền bạc mà mua, chẳng cần phải hỏi tôi, mà cũng chẳng cần đợi tôi biểu”. Thu Thủy nghe Chúa tàu nói mấy lời quảng đại không biết lấy chi mà trả lời cho xứng, nên cười rồi cúi mặt xuống mà may. May được vài mũi kim nhớ tới sự sầu não của Chúa tàu liền ngó lên mà hỏi rằng: “Em có một việc muốn hỏi Chúa tàu quá, mà vì Chúa tàu có lời dặn trước, nên em không dám hỏi” - Hỏi việc chi? - Chúa tàu là một người giàu có lớn, muốn làm việc chi cũng được hết; đã vậy mà em dòm coi Chúa tàu lại cũng là một người hiền từ nhơn đức lắm, Chúa tàu sự nghiệp lớn như vậy, tánh nết tốt như vậy, chẳng biết vì cớ nào trong lòng lại hay sầu não, ăn chẳng ngon, nằm chẳng vui? Nãy giờ Chúa tàu ngồi nhìn Thu Thủy, quên những việc riêng của mình, nên trong lòng mới vui vẻ được chút đỉnh, Chúa tàu lấy làm khoái ý, nghĩ vì gần mười ba năm trường nếm mùi đời cay đắng luôn luôn chớ chưa gặp lúc nào ngọt bùi như đêm nay vậy. Chừng nghe hỏi mấy lời, liền nhớ đến nhà, thấy khám tối quạnh hiu, thấy mẹ cha nằm chết, thấy Kỉnh Chi nghèo cực, thấy em gái khóc than, như ai đembức tranh thảm sầu mà treo trước mắt, nên châu mày ủ mặt rồi đổ quạu mà đáp một cách rất cộc cằn rằng: “Tôi đã dặn rồi mà sao cô còn hỏi? Chuyện ấy cô chẳng cần biết làm chi”. Nói vừa dứt tiếng ngó lại thì thấy Thu Thủy mặt mày tái xanh, mà hai hàng nước mắt lại chảy ròng ròng nữa. Có lẽ khi Chúa tàu thấy vậy mà ăn ăn, nên mới nói cộc đó rồi liền tiếp rằng: “Cô ôi, tâm sự của tôi thảm thiết lắm, không thế nào kể cho xiết được. Có lẽ rồi sau cô cũng rõ; bây giờ xin cô đừng hỏi đến, vì hỏi thì tôi thêm đau lòng, chớ không ích chi”. Thu Thủy ngó Chúa tàu một cách rất buồn thảm, rồi cúi mặt xuống mà may, chẳng dám nói lời chi nữa hết. Chúa tàu ngồi ngó cũng hết vui, nên uống nước rồi chun vào phòng trong mà nằm. Chúa tàu muốn ngủ mà ngủ không được, cứ nằm thao thức, nhớ việc này, tính việc kia hoài, nhớ mấy lời bà Tám Tiền thuật chuyện cô Tư Chuyên thì thương xót hết sức. Chúa tàu nhớ lại lúc mình còn nhỏ thấy cô Tư Chuyên là gái có nết, nên mình phải lòng, mình quyết nguyền loan phụng trăm năm, mà chẳng biết cô ta có khứng hay không. Bữa nọ gặp cô ta giữa đường vắng vẻ mình ướm thử, thì cô ta cũng hữu tình, nên mới hứa cùng nhau, vì một chữ nghèo bó buộc, nên mối tơ điều chưa chắp kịp, kế mình bị sa vào chốn lao tù. Mười mấy năm nay mỗi lần nhớ đến cô ta thì đều tưởng đã lấy chồng khác làm ăn rồi chớ có dè đâu một lời hứa giữa đường, mà người cứ cắmthuyền mà chờ khách. Chúa tàu nằm nghĩ đến đó thì trong lòng buồn bã trăm chiều. Cô Tư Chuyên là gái mà biết giữ lời hứa cùng mình, mình là trai há không biết giữ lời hứa với cô hay sao? Nếu có xiêu lạc chốn nào mình cũng phải tìm cho ra mà vầy duyên cá nước, song người ta nói cô đã chết rồi, vậy mình biết đâu mà tìm. Mình có nên giữ cô phòng chích gối đặng tạ lòng thủ tiết của cô hay không? Chúa tàu hỏi thầm trong bụng như vậy rồi lại càng ngẩn ngơ, không biết làm sao mà trả lời. Nằm suy tính một hồi lâu nghĩ cha mẹ sanh đặng có một mình là trai, nếu mình không cưới vợ đặng sanh con mà phụng tự tổ tiên thì là thất hiếu với cha mẹ lắm. Mà nay cô Tư Chuyên là người mình đã nặng lời giao ước, cô đã chết rồi, bây giờ mình mới kết bạn cùng ai? Chúa tàu vừa hỏi câu này bỗng nghe Thu Thủy lục đục ở phòng ngoài. Chúa tàu ngóc đầu mà dòm, thấy cô ta đương dọn dẹp đồ mà ngủ, thì trong lòng lại ngơ ngẩn, lửa tình muốn cất ngọn, sóng ái muốn bủa vòi, thầm nghĩ nếu mình không kết bạn với cô ta thì uổng lắm. Lúc ấy bạn dưới tàu phần nhiều đã ngủ rồi, duy còn đà công cứ coi lái và còn hai người bạn coi trở buồm, một tên thì kéo đờn liếu, một tên thì hát phía trước mũi. Chúa tàu lồm cồm ngồi dậy tính ra phòng ngoài đặng kể hết mọi điều sầu não cho Thu Thủy nghe, rồi luôn dịp sẽ tỏ ý bày lòng mà xin cô kết tóc trăm năm cho phỉ tỉnh quyến luyến. Vừa muốn đứng dậy lại nghĩ mình là người ơn của Thu Thủy, nay mình trở lòng muốn cô ta, như cô ta cũng vui lòng mà làmbạn với mình thì chẳng nói làm chi, thoảng như cô ta không có lòng thương mình, tuy cự hẳn thì không dám cự, song cô ta không được vui, thì cái ơn cứu tử của mình sẽ trở nên cái oán cường bức, dường ấy ắt mình phải ăn năn tới chết. Chúa tàu xét đến đó thì trong lòng chẳng có chút chi vui, nên nằm xuống kéo mền mà đắp tính ngủ phứt cho rồi. Chẳng dè nằm đã trót canh mà ngủ không được, giận khoát mền ngồi dậy rồi đốt đèn, tính kêu Thu Thủy vào phòng trong đặng to nhỏ bày tình cho dễ. Lúc ấy hai tên bạn phía trước mũi đã dứt đờn thôi hát. Chúa tàu lóng tai nghe tứ phía im lìm, duy có chú đà công một lát bẻ bánh nghe một cái kẹt mà thôi. Chúa tàu muốn cất tiếng kêu Thu Thủy, song dợm đến ba bốn lần mà không dám kêu. Việc tình cờ mà nghĩ cũng lạ kỳ, bởi vì từ đầu hôm cho đến chừng ấy. Chúa tàu tính những việc chi là tính thầm trong bụng mà thôi, chớ chẳng hề ló mòi cho Thu Thủy biết, đến chừng muốn kêu Thu Thủy thì Thu Thủy cũng không hay, mà sao Thu Thủy lại cựa mình rồi tằng hắng dường như tỏ ý cho Chúa tàu biết rằng mình còn thức vậy. Chúa tàu nghe tiếng tằng hắng thì ngực nhảy hồi hộp dằn không được nữa, bèn cất tiếng mà hỏi nho nhỏ rằng: “Cô còn thức đó hay sao?”. Thu Thủy cũng đáp nho nhỏ rằng: “Dạ thưa em còn thức”. Chúa tàu lặng thinh một hồi rồi mới biểu rằng: “Cô làm ơn rót cho tôi một chén nước”. Thu Thủy ngồi dậy rót một chén nước trà rồi bưng lại cửa phòng mà đưa cho Chúa tàu. Chúa tàu thò tay mà lấy chén nước, liếc mắt ngó Thu Thủy, thấy mái tóc phất phơ hai gò má dường như guộn mây vướng vít mặt trăng rằm, thì tình càng thêm mến, lòng lại còn thêm yêu, muốn nắm tay Thu Thủy kéo riết vào phòng rồi mặt giao mặt, tay bắt tay, mà tỏ thiệt nỗi niềm đau đớn. Muốn thì muốn mà trong lòng lại ngần ngại, bởi vậy cho nên lấy chén nước rồi ngó đèn mà suy nghĩ một giây lâu, tính rằng sự đền ơn trả oán là điều mình cần phải lo trước, chớ còn sự tóc tơ tình tự là điều mình chẳng gấp gì mà ham, vậy để mình đền ơn trả oán xong rồi sẽ tính phối hiệp vợ chồng nghĩ cũng chẳng muộn chi đó. Thu Thủy đứng đợi Chúa tàu uống nước cho rồi đặng lấy chén đem đi cất, mà đợi hoài không được nên tính dỡ bước mà đi, chẳng dè vừa mới xây mình thì Chúa tàu bưng nước uống rồi trả chén lại và nói rằng: “Cô cất chén rồi đi nghỉ đi, thức chi khuya dữ vậy”. Thu Thủy bước ra cất chén rồi kéo gối mà nằm. Chúa tàu cũng tắt đèn phòng trong rồi đắp mền mà ngủ. II - Đ êm khuya lặng ngồi mà suy hết việc đời thì thấy nhộn nhàng trước mắt có kẻ sang, có người hèn, có kẻ giàu, có người nghèo, có kẻ thiên hạ khen là khôn, có người thiện hạ chê là dại, có kẻ thiên hạ chê là dở, có người thiên hạ khen là hay. Đã thấy như vậy, mà lại còn thấy bực sang giàu thì ở trên cao, còn bực nghèo hèn thì ở dưới thấp. Người mà thiên hạ khen là khôn là giỏi thường hay khua môi múa mỏ, còn kẻ thiên hạ chê là dại là dở lại thường bị ép bị đè. Ai dòm thấy trong xã hội có phân ngôi thứ như vậy thì cũng đều cho là lẽ tự nhiên, nên dầu gặp người giàu sang húng hiếp kẻ nghèo hèn chẳng biết đau lòng, dầu gặp kẻ giỏi khôn khinh khi người dở dại cũng chẳng biết tức trí. Hỡi người ái nhơn quần, mộ đạo nghĩa, vậy chớ ai đã rõ biết sự giàu sang với sự nghèo hèn, hẳn cách nhau bao xa hay không? Vậy chớ có ai xem thấy lời khen ngợi với lời chê bai của thiên hạ đó chẳng nhằm chút nào hay không? Hiếm kẻ giàu trong giây phút đã hóa ra nghèo, hiếm kẻ nghèo rồi trở nên giàu, hiếm kẻ hèn rồi trở nên sang. Người mà họ khen giỏi khôn chưa ắt thiệt giỏi thiệt khôn, người mà họ chê là dở là dại cũng không ắt thiệt dở thiệt dại. Ấy vậy nếu trong xã hội mà muốn phân cho có ngôi có thứ, thì thà phân ra người ngay, người phải, đứng theo một phía còn kẻ quấy kẻ tà đứng theo một bên, rồi người ngay người phải thì tôn trọng ngợi khen, còn kẻ quấy kẻ tà thì khinh khi bỉ bạc. Chúa tàu Kim Qui đã từng lao đao lận đận, mà nay lại được vàng bạc dẫy đầy, đã thấy kẻ giàu mà bất nhơn, người nghèo mộ nghĩa, đã biết kẻ sang tham lam, người hèn thẳng ngay, nên trong lòng chán ngán cuộc đời, chẳng còn kể ai là hơn ai, chỉ biết người phải nên thương, kẻ quấy nên ghét mà thôi. Bụng Chúa tàu đã như vậy mà may gặp Trần Mừng cũng giống ý mình, bởi vậy cho nên hai người yêu nhau, tin nhau chẳng khác chi anh em ruột. Trần Mừng thấy bụng Chúa tàu hào phóng, chưa biết mình mà dám ra mấy chục nén bạc mà cứu mình, thì thường nguyện thầm rằng sẽ đem hết tấm lòng thành mà đáp nghĩa tương tri, bởi vậy cho nên khi thấy Chúa tàu có vàng bạc nhiều chẳng hề động tâm, mà từ ấy về sau lại còn lo mà phục sự Chúa tàu hết lòng hết dạ nữa. Trần Mừng từ khi phân rẽ Chúa tàu mà qua An Giang thì cứ một lòng lo kiếm cho được Kỉnh Chi mà thôi, bởi vì sợ kiếm không được thì chắc là Chúa tàu sầu não. Tàu tới An Giang thì nhằm lúc ban đêm. Vừa quăng neo rồi thì Trần Mừng kêu Cam với Quít vào phòng, đưa cho mỗi người một bộ quần áo Quảng Đông và biểu phải cạo đầu gióc bính rồi mặc quần áo đó cho thiện hạ khỏi nghi, chớ nếu không giả dạng người ta dòm thấy An Nam ở dưới tàu khách, chắc sao người ta cũng tra hỏi, mà hễ người ta tra hỏi thì lậu việc hai người bị tội ăn trộm mà trốn, ắt chẳng khỏi bị bắt. Cam với Quít tuy là sợ quan bắt nên cũng giả làm người khách cho yên thân, song nghĩ vì mình An Nam mà cạo đầu gióc bính thì dị kỳ nên dục dặc không chịu tiễn phát. Trần Mừng nói rằng Chúa tàu muốn cậy hai người đi tìm Kỉnh Chi giùm cho Chúa tàu, nếu hai người không chịu thay hình đổi dạng thì làm sao mà giúp cho Chúa tàu được. Cam với Quít không biết kiếm Kỉnh Chi làm chi mà hỏi Trần Mừng thì Trần Mừng cũng không hiểu bởi vậy cho nên hai người không biết có cần kíp chi hay không mà phải cạo đầu, nên dục dặc hoài, Trần Mừng ép riết, túng thế mới hứa để vài ngày rồi sẽ tiễn phát. Sáng bữa sau, Cam với Quít thức dậy ra mũi tàu mà hút thuốc và bàn với nhau coi có nên cạo đầu gióc bính hay không. Lúc ấy mặt trời gần mọc. Hai Cam đương ngó vô mé bờ, bỗng thấy có một người chèo ghe hình dạng mặt mày giống Kỉnh Chi như khuôn đúc. Anh ta kêu mà chỉ cho Sáu Quít coi. Sáu Quít nhìn một hồi thiệt quả là Kỉnh Chi, chẳng còn nghi ngại chi nữa. Hai người bàn với nhau rằng: “Mấy năm trước mình còn ở Tân Châu thì có nghe họ nói Kỉnh Chi đưa đò ngang sông bến An Giang, có lẽ khi anh ta còn đưa đò đây chớ gì”. Vừa nói dứt tiếng, thiệt quả có ai đứng bên sông kêu đò rồi Kỉnh Chi chèo ghe qua mà rước. Cam, Quít thấy rõ bèn kêu Trần Mừng mà chỉ cho anh ta coi. Trần Mừng nghe nói chèo đò đưa ngang sông trước mũi tàu đó là Kỉnh Chi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, lại sợ Kỉnh Chi nhìn biết Cam, Quít thì trái ý Chúa tàu, nên đứng coi một hồi rồi dặn Cam, Quít đừng có lên bờ, mà cũng đừng cho Kỉnh Chi thấy mặt, để đợi Chúa tàu qua rồi sẽ hay. Hai người nói rằng mình biết Kỉnh Chi là biết mặt mà thôi chớ không quen, mà xa cách nhau đã năm sáu năm rồi, không lẽ Kỉnh Chi còn nhớ mà sợ. Trần Mừng tuy giả ý không cố đến Kỉnh Chi song trong lòng muốn biết coi Kỉnh Chi nhà cửa ở đâu đặng chừng Chúa tàu tới mà thuật lại rõ ràng cho Chúa tàu nghe, bởi vậy cho nên ở trong phòng mở cửa rình coi, đến trưa mới thấy có một đứa con trai chừng mười ba mười bốn tuổi, xách một gói cơmđể dựa gốc cây da, rồi Kỉnh Chi bỏ thuyền leo lên bờ rồi chấp tay sau đít đi thơ thẩn dọc theo mé sông, có ý chờ Kỉnh Chi đi về đặng đi theo sau mà dọ coi nhà ở chỗ nào cho biết. Mặt trời gần lặn, đứa nhỏ xách cơm hồi trưa đó trở lại rồi thì Kỉnh Chi buộc thuyền lên đi với nó mà về nhà. Trần Mừng nom theo thì thấy Kỉnh Chi qua khỏi chợ rồi theo vòng vô trong mé kinh Vĩnh Tế, tới một cái chòi nhỏ bằng tranh giỡ cửa chun vào rồi nổi lửa đốt đèn, nấu cơm lăng xăng. Qua ngày sau, lúc Kỉnh Chi đương chèo đò, Trần Mừng lén đi đến cái chòi ấy thì thấy cửa gài chặt cứng, trong chòi vắng tanh. Trần Mừng dọ biết hết rồi mới chịu nằm dưới tàu mà chờ Chúa tàu. Quan nghe tàu ngoại quốc vào có sai lính xuống hỏi, thì Trần Mừng nói rằng tàu buôn bán, song mình là từng khạo[1], ít ngày nữa Chúa tàu mới đến. Đậu tại An Giang trọn sáu ngày, Chúa tàu mới qua tới. Khi Chúa tàu tới thì mặt trời đã lặn, nên Kỉnh Chi đã về rồi. Trần Mừng vừa thấy tàu tới liền bơi tam bản mà qua, dạy đà công neo ngay chiếc tàu mình đặng hai chiếc đậu song song coi cho đẹp. Chúa tàu vừa thấy mặt Trần Mừng thì liền hỏi coi kiếm Kỉnh Chi có được hay không; mới nghe Trần Mừng nói kiếm được rồi thì trong lòng hớn hở, ngoài mặt vui cười, coi ra đắc ý lắm. Tàu neo xong rồi, Trần Mừng với Chúa tàu mới dắt nhau vào phòng. Trần Mừng thuật lại hết các việc mình đã thấy lại cho Chúa tàu nghe rồi xin Chúa tàu đợi qua ngày mai thì sẽ thấy Kỉnh Chi xuống bến đưa đò. Đêm ấy Chúa tàu thao thức ngủ không đặng, trông đợi cho mau sáng đặng có thấy mặt Kỉnh Chi, kẻo anh em cách nhau mười mấy năm trường, lòng rất nhớ thương, mà nghe nói anh ta vì lo bảo bọc gia quyến mình nên phải mang nghèo, mang khổ, thì lại càng kính mến lắm. Trời vừa hừng sáng thì Chúa tàu đã thức dậy, Thu Thủy thấy Chúa tàu thức dậy thì lật đật hối bạn nấu nước, bỏ trà ngon, chế một bình đem vào phòng cho Chúa tàu uống. Chúa tàu mở cửa sổ bên tay trái, ngồi uống nước mà ngó lên bờ thấy có nhà đã mở cửa, còn có nhà còn ngủ, ngang chỗ tàu đậu có một cây da lớn đứng dựa mé sông, lá rậm rợp, nhánh sum suê, gốc lớn đến nỗi hai người ôm không giáp. Dựa gốc cây da có một chiếc ghe lườn nhỏ, nước ròng chảy mạnh nên chiếc ghe nằm xuôi theo mé bờ. Dọc theo mé sông có một cái đường, một lát thì có một người đàn bà đi ngang, kẻ thì gánh, người thì bưng, mà người nào đến đó cũng đứng lại mà ngó tàu, có người lại để gánh dựa gốc da rồi níu nhánh thòng chơn dưới sông mà rửa. Mặt trời mọc, thiên hạ lại qua trên đường càng đông, Chúa tàu hễ thấy có đàn ông thì ngó chừng, coi phải Kỉnh Chi hay không. Đương dòm bên tay trái, bỗng nghe dưới mé sông bên tay mặt có người kêu đò inh ỏi. Chúa tàu vói tay mở cửa sổ bên kia mà dòm, thì thấy có ba người đàn bà, hai người thì gánh, một người thì bưng thúng nói lớn rằng: “Dữ hôn! Bữa nay ngủ quên hay sao mà tới chừng nầy mới ra?”. Người ấy vừa dứt tiếng lại nghe mé bên kia có tiếng đàn ông đáp lại rằng: “Chịu phiền đợi một chút, bớ mấy chị. Để tôi tát nước rồi tôi qua đa”. Chúa tàu nghe nói như vậy liền trở qua dựa cửa sổ phía tay trái mà coi, thì thấy có một chú đàn ông ở dưới ghe lườn buộc dựa gốc da đó, đương lum khum tát nước ghe. Chúa tàu biết đó là Kỉnh Chi nên trong lòng hồi hộp, mắt ngó chằng chằng, đợi ngước mặt lên đặng xem coi có quả là Kỉnh Chi hay không. Người ấy tát nước xong rồi liền lại trước mũi ghe mà mở dây, rồi ra sau lái gay chèo mà chèo ngang qua sông. Khi ghe day mũi ra ngoài sông, Chúa tàu dòm thấy mặt người ấy chán chường rồi liền cúi đầu xuống, hai hàng nước mắt nhỏ giọt, ngó không được nữa. Trần Mừng thấy Kỉnh Chi ra thì lật đật bơi tam bản qua, có ý chỉ cho Chúa tàu coi. Chúa tàu vào phòng trong nằm gác tay lên trán mà thở ra, một hồi rồi mới ngồi dậy đi ra trước mũi tàu mà ngó hai bên bờ. Lúc Chúa tàu ra thì Kỉnh Chi vừa chèo đò trở lại, mắt thì ngó hai chiếc tàu miệng thì nói chuyện với ba chị đi đò. Chúa tàu thấy Kỉnh Chi mặc một cái quần vắn bằng vải đen vừa chí đầu gối nên lòi hai ống chơn mốc thích, áo cũng vải đen mà đã cũ có vá hai ba miếng, còn đầu thì chôm bôm lại có bịt một cái khăn xéo bằng vải xanh. Chúa tàu đứng ngó hoài coi Kỉnh Chi chèo qua chèo lại đến bốn lần mới chịu trở vô phòng. Ăn cơm rồi Chúa tàu mới dạy Trần Mừng soạn ra năm cây lụa tốt, hai cân trà ngon, hai cặp ngà thiệt xứng, lại lấy giấy đỏ gói hai chục nén bạc, rồi để trên mâm, biểu bạn bưng đi theo đặng có đi tết quan Tổng đốc. Chúa tàu với Trần Mừng vào dinh thì quan Tổng đốc tiếp rước rất hậu. Quan Tổng đốc tuổi chừng năm mươi lăm, râu đã bạc hoa râm, mời uống nước rồi hỏi Chúa tàu tính mua bán vật chi, thì Chúa tàu nói dối rằng mình muốn mua lúa chở về Quảng Đông mà bán. Quan Tổng đốc nghe nói liền lắc đầu mà đáp rằng: “Chúa tàu đến tính mua lúa mà rủi quá, năm nay tỉnh An Giang mất mùa có lúa đâu mà mua, mà dầu dân có lúa chút đỉnh muốn bán đi nữa, tôi cũng không dám cho phép Chúa tàu mua, bởi vì hiện giờ đây nhà nghèo đã không có cơm mà ăn, phải dùng khoai dùng bắp mà đỡ dạm nếu tôi cho bán lúa thì vài tháng nữa chắc là dân trong tỉnh chết đói hết thảy. Hôm tháng trước tôi nghe dân nghèo nhiều làng đã đói rồi thì tôi sai sứ đệ sớ về kinh mà tâu cho Triều đình hay và xin phép khai kho mà chẩn bần. Dân nghe một ngày một đói, mà đợi sứ hoài không thấy về tôi lấy làm bối rối lắm, không biết liệu làm sao đây?”. Chúa tàu nghe nói thì hỏi coi hiện giờ dân ở chỗ nào đói hơn hết. Quan Tổng đốc nói trong cả tỉnh chỗ nào cũng vậy, hễ nhà nghèo là đói, bởi vì lúa thì có, mà giá thì cao, nên dân nghèo không có tiền mà mua, thậm chí khoai bắp mà mua cũng không nổi mà ăn nữa. Chúa tàu lại hỏi nếu Triều đình không cho phép mở kho mà chẩn bần thì làm sao? Quan Tổng đốc ngồi lặng thinh một hồi rồi lắc đầu mà nói: “Không lẽ không cho phép”. Chuyện vãn được một hồi, quan Tổng đốc thấy Chúa tàu với Trần Mừng muốn kiếu mà xuống tàu thì ngài ngó mâm lễ vật rồi nói rằng: “Chúa tàu đến đây buôn bán, vào dinh mà viếng tôi thì cũng đủ lễ rồi, không cần lễ vật chi. Vậy xin Chúa tàu dạy bạn nó bưng đồ ấy xuống tàu, thiệt tôi không dám lãnh đâu”. Chúa tàu thấy quan Tổng đốc không thâu lễ vật thì trong lòng không an, nên theo năn nỉ hoài, mà năn nỉ thế nào ngài cũng không chịu nhậm, ngài lại nói rằng từ ngày ngài ra làm quan thì ngài nguyện giữ lòng thanh liêm chánh trực, chẳng hề thâu lễ vật chi của ai, không lẽ bây giờ ngài đổi cái lòng ấy mà nhậmlễ của Chúa tàu. Chúa tàu nài nỉ không được, túng thế xin nhậm một cây lụa với một cặp ngà, mà quan Tổng đốc cũng không chịu. Chừng Chúa tàu năn nỉ quá, cực chẳng đã ngài phải nhậm một gói trà mà thôi. Chúa tàu lúc nói chuyện thì đã biết quan Tổng đốc là người nhơn đức, chừng thấy không nhậm lễ vật thì mới hay là một người thanh liêm, nên trong lòng cảm phục vô cùng, thầm nghĩ rằng: ông quan này thiệt là đáng kính, nếu khi trước mình gặp ông quan như vậy thì có đâu mà bị hại, mình oan ức tính đến đây lập thế xin minh oan, mà nay mình gặp ông này chắc là thành sự được. Song ổng không chịu nhậmlễ vật thì mình làm sao mà làm quen? Chúa tàu vừa nghĩ đến đó thì hội ý nên day qua nói tiếng Quảng Đông với Trần Mừng biểu Trần Mừng kiếu rồi xuống tàu lấy đem lên cho mình hai trăm nén bạc. Trần Mừng kiếu ra đi, còn Chúa tàu thì cứ ngồi đó mà nói chuyện. Một lát Trần Mừng bưng bạc lên Chúa tàu mới đứng dậy mà thưa với quan Tổng đốc rằng mình là người giàu có lớn, mà được làm giàu ấy cũng là nhờ buôn bán với người An Nam. Nay đến đây quan Tổng đốc nhơn đức thanh liêm thì kính phục vô cùng, lại nghe nói dân nghèo đói rách thì động lòng chịu không nổi. Vậy nên xin dưng cho quan trên hai trăm nén bạc, để mua lúa rồi phát cho dân nghèo ăn đỡ lúc này chớ nếu chờ cho có lịnh cho phép khai kho mà chẩn bần thì sợ dân phải chết đói. Quan Tổng đốc nghe nói thì chưng hửng, không dè người ngoại quốc mà có lòng thương dân trong xứ như vậy. Tuy ngài giữ tánh thanh liêm, mà người ta dưng bạc đặng mua lúa cứu dân chớ không phải cho ngài nên ngài không lẽ từ chối được, bởi vậy ngài tỏ lời cám ơn Chúa tàu, rồi cho mời quan Bố, quan Án đến nhà thuật chuyện Chúa tàu tử tế cho quan Bố, quan Án nghe và dạy lập tức tống trát cho tổng làng nói cho rõ rằng Chúa tàu Kim Qui có dưng hai trăm nén bạc để chẩn bần, dạy làng tổng nếu chỗ nào có dân đói thì phải làm khai đặng đến lãnh bạc về mua lúa phát cho dân ăn. Lúc quan Tổng đốc bàn tính với quan Bố và quan Án, thì Chúa tàu ngồi liếc xem thấy quan Bố chưa có râu, mặt thỏn, môi mỏng, tuổi chừng bốn mươi; còn quan Án thì râu dài, da đen, môi dày, già chừng sáu mươi tuổi. Chúa tàu hỏi thì quan Tổng đốc nói trấn nhậm An Giang mới hai năm, quan Bố được bảy năm, còn quan Án mười một năm rồi. Chúa tàu thầm nghĩ hồi mình bị nạn ba ông này không có ông nào ở đây hết, còn hồi Trần Mừng gởi bạc cho Trần Tấn Thân thì có đủ quan Bố, quan Án nhậm tại đây. Chúa tàu chuyện vãn đến trưa rồi mới kiếu mà đi xuống tàu với Trần Mừng. Hai người dắt nhau về tới bến đò thì thấy Kỉnh Chi đương ngồi dựa gốc da mà cơm ăn với con. Chúa tàu thấy vậy bèn bước lại đứng gần một bên mà xem cho tường tận: Kỉnh Chi mặt da đen nám, ngó thoáng qua thì biết người dầm mưa dang nắng, lao lực cực thân rất nhiều nên mới cùi đày như vậy, còn đứa con tuy áo quần cũng không lành, nhưng mà cặp con mắt sáng trưng, hai bàn tay dịu nhĩu, má bầu cằm lặm, coi giống hệt diện mạo Thị Xuân ngày xưa. Chúa tàu với Trần Mừng tuy giả bộ đứng chờ tam bản vô rước, song thiệt lòng muốn coi cho rõ ràng. Khi hai người đứng đó thì nghe cha con Kỉnh Chi nói chuyện với nhau như vầy: - Bữa nay con đem cơm trễ, cha có đói bụng không? - Chưa đói cho mấy. - Thầy mắc dạy con ráng nghe cho hết bài sách nên bữa nay con về trễ, lật đật vo gạo nấu cơm mà nấu cũng trễ. - Hồi sớm mai con thuộc bài hay không? -Thưa thuộc. Thầy nói mai sáng nghe qua Kinh thơ. Cha mua bộ Kinh thơ đó thầy khen chữ rõ ràng dữ. - Ráng học nghe con. - Ờ, cha, gạo còn có vài nồi nữa thì hết đa cha. - Không hại chi đâu. Cha nài bà Lý được một giạ lúa rồi, để chiều cha gánh về rồi tối sẽ giọt mà ăn…Con ăn cơm rồi về coi nhà, xế sẽ đi học, ở ngoài nầy nắng quá. Chúa tàu nghe tới đó thì tam bản đã vô tới, nên bước xuống tàu cho bạn bơi ra tàu; tam bản bơi dang ra xa rồi mà Chúa tàu cứ ngó cha con Kỉnh Chi hoài. Trời nửa chiều, Chúa tàu với Trần Mừng đem lễ vật đến viếng quan Bố và quan Án, đến đâu cũng được tiếp rước rất hậu song vì bởi quan Tổng đốc hồi sớm mai không nhậm lễ, mà lại Chúa tàu đã có làm ơn đối với dân nên quan Án, quan Bố cũng không nhậm lễ vật. Nhân dân sở tại hay sự Chúa tàu xuất hai trăm nén bạc mà chuẩn bần thì ai cũng đều ngợi khen kính mến, bởi vậy cho nên hễ Chúa tàu bước chơn lên bờ thì đàn ông, đàn bà, con nít nếu ở trong nhà thì núp cánh cửa mà coi, còn như gặp ở ngoài đường thì nép một bên mà ngó. Chúa tàu viếng quan Bố, quan Án xong rồi, bèn biểu Trần Mừng dắt mình đến nhà Kỉnh Chi coi bề ăn ở làm sao. Từ chợ lên tới vàm kinh Vĩnh Tế thì nhà cửa ở đông, mà dọc theo bờ kinh thì cách xa xa mới có một cái, mà cái nào cũng túm húm, muốn chun vô cửa phải cúi đầu. Qua khỏi hai cái nhà rồi Trần Mừng lấy tay chỉ cái nhà nhỏ kế đó mà nói rằng đó là nhà của Kỉnh Chi. Lúc ấy mặt trời đã chen lặn, Chúa tàu chơn đi thủng thẳng, mắt ngó bao đồng, thấy trước mặt hòn núi Sam đồ sộ xanh um, còn xa xa thì là dãy núi Thất Sơn, khói tỏa mây vần, trông ra phát ngậm ngùi tâmsự. Chúa tàu đến trước nhà Kỉnh Chi rồi mới dừng chơn đứng ngó vô, nhà cất sụt vô bờ kinh chừng ba chục thước, có dọn một cái đường vô sạch bóng, hai bên đường trồng bông trang đỏ với bông nở ngày, trước sân có một đám huệ trắng, gió chiều phưởng phất mùi bay ngào ngạt, hai bên nhà trồng khoai lang, sau hè có mấy cây ổi trái sai oằn nhánh. Nhà sập cửa gài kín mít, có một con chó mực nằm dựa gốc ổi thấy Chúa tàu với Trần Mừng đi tới thì chạy ra sửa vang tai. Chúa tàu đứng ngó một hồi, đương buồn bực ngao ngán, bỗng nghe sau lưng có tiếng người ta nói chuyện, lật đật day lại thấy Kỉnh Chi gánh một gánh lúa đi trước, còn đứa con thì tay ôm sách, chạy lút thút theo sau. Chúa tàu sợ Kỉnh Chi nghi, nên lần chơn đi tới, làm như tuồng thừa trời mát mẻ đi theo bờ kinh mà ngó nước trông non. Cha con Kỉnh Chi vào nhà nói chuyện với nhau nho nhỏ, ở ngoài nghe không rõ, duy một lát nghe thằng nhỏ cười lên một tiếng. Chúa tàu lúc về ngang qua nhà Kỉnh Chi thì có khói lên nghi ngút, đứa con ngồi dựa hè, tay vo gạo còn miệng bình sách om sòm. Chúa tàu thấy Kỉnh Chi nghèo khổ thì chẳng xiết nỗi thương, bởi vậy cho nên khi xuống tàu ngồi ăn cơm thì chống đũa mà ngó ra cửa sổ hoài, ăn không biết ngon. Trần Mừng ăn cơm rồi qua bên tàu mình mà ngủ. Chúa tàu dặn Trần Mừng rạng ngày đưa cho Hai Cam ít nén bạc biểu nó mướn xuồng lén về thăm nhà coi mẹ già còn mạnh giỏi thể nào, rồi trở xuống mau mau đặng kéo neo đi xứ khác. Đêm ấy Chúa tàu ngủ không được, cứ ngồi dậy nằm xuống, trong trí tính hoài, không biết làm thế nào đặng đền ơn cho Kỉnh Chi. Ban đầu muốn thừa dịp lúc ban đêm tỏ thiệt cho anh ta rồi hỏi anh ta như muốn đi theo thì bỏ nhà xuống tàu ở với mình, còn như không chịu thì cho anh ta vàng bạc rồi biểu anh ta trở về xứ cho an nhàn, khỏi khổ thân lao lực nữa. Tính như vậy coi đã phải rồi, song nghĩ lại mình còn một nỗi lo báo oán, bởi vì những kẻ thù của mình là kẻ độc ác, không lẽ mình đành để cho nó an hưởng phú quí vinh huê, nếu mình nói thiệt với Kỉnh Chi, sợ Kỉnh Chi dằn lòng không được rồi làm bể tiếng, đã báo thù không được mà lại còn có hại nữa. Chúa tàu tính tới tính lui, nhớ tới đứa cháu càng thương đứt ruột. Trống trên thành đã trở canh tư mà Chúa tàu cũng chưa ngủ, cứ nằm trăn trở hoài. Chúa tàu bò ra phòng ngoài rót nước uống. Thu Thủy thấy Chúa tàu ra thì ngồi dậy mà nói rằng: “Thưa, nước nguội rồi. Chúa tàu muốn uống nước nóng để em đi nấu cho”. Chúa tàu lắc đầu rồi rót nước nguội mà uống đỡ, lại hỏi Thu Thủy coi ngày nay có lên chợ mà đi chơi hay không. Thu Thủy nói: “Xứ lạ em không dám lên. Chúa tàu ngày nay lên hai lần như vậy chớ có gặp việc chi vui hay không?”. Chúa tàu tình cờ suy nghĩ không kịp nên vụt đáp rằng: “Tới đây đã chẳng có chi vui mà lại còn buồn thêm nhiều nữa”. Thu Thủy liếc mắt ngó Chúa tàu thì thấy nước mắt rưng rưng muốn chảy. Thu Thủy bò lại ngồi xếp chè he và lạy và thưa rằng: “Thưa Chúa tàu, em mang ơn Chúa tàu tế độ, cải tử huờn sanh, mà lại còn chiếu cố làm ơn cho em no cơm ấm áo em chẳng biết làm sao mà đền bồi ơn ấy cho được. Đêm nay em xin tỏ thiệt, dầu Chúa tàu nổi giận, chém giết em thì em cũng cam lòng, chớ hễ em thấy Chúa tàu buồn thì em ăn ngủ không được. Thiệt em chẳng dám tọc mạch đèo bồng hỏi thăm đến việc riêng của Chúa tàu, song em xin Chúa tàu một điều này là Chúa tàu nghĩ coi phận em đây có thể chi mà giúp cho Chúa tàu bớt buồn được hay không, ví như em có thể giúp được, thì dầu tan xương nát thịt em cũng vui lòng chẳng hề chi mà Chúa tàu ngại”. Chúa tàu nghe nói mấy lời, bề ngoài thì là trung hậu mà bề trong nghĩ rất thâm tình, bởi vậy cho nên ngồi ngơ ngẩn rối loạn tâm thần, rồi giọt lụy tràn trề ngừng không đặng. Chúa tàu ngồi khóc; Thu Thủy thấy vậy cũng khóc theo. Khóc một hồi rồi Chúa tàu lau nước mắt nói tiếng An Nam với Thu Thủy rằng: - Chẳng giấu chi cô em, có một người khi trước đã có thi ơn cho tôi trọng lắm. Người ấy nay nghèo khổ, còn tôi giàu có mà tôi không biết làm sao để đền ơn, nên tôi buồn bởi vậy, tôi không muốn chường mặt cho người ấy biết tôi. Vậy nếu cô thiệt có lòng thương tôi thì có lẽ tôi trả cái ơn ấy xong được. - Dạ, nếu em có thể trả ơn giùm Chúa tàu được thì em xin vưng. Bây giờ em phải làm sao? - Tôi nghĩ có một kế này thì hơn hết; nếu cô em ưng người ấy làm chồng, thì tôi giao vàng bạc cho cô đem về mà nuôi chồng, làm giàu cho chồng, đặng cho chồng khỏi cực khổ nữa, có kế ấy thì tôi bớt buồn mà thôi. - Dạ, em chịu. - Tôi xin nói trước cho cô biết rằng người ấy trộng tuổi rồi, mà lại xấu xa bần hàn lắm. - Em đã nguyện dầu nát thân em mà Chúa tàu vui lòng được, em cũng làm; em đã nói như vậy, Chúa tàu còn ngại chi nữa. - Nếu cô có lòng tốt quyết thay mặt mà đền ơn đáp ngãi cho tôi, vậy thôi để mai tôi chỉ người ấy cho cô coi. - Thưa, Chúa tàu chẳng cần chi phải chỉ, Chúa tàu dạy em ưng thằng cùi đứa đui em cũng chịu, chẳng luận là ai. - Người ấy chèo đò đưa ngang sông trước mũi tàu đây để mai rồi cho cô coi. - Em đã nói như vậy, còn coi làm chi. - Vậy thôi cô đi nghỉ đi, để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính. Chúa tàu trở vô phòng, bên tai hãy còn văng vẳng nghe mấy lời trung hậu của Thu Thủy hoài. Tuy kế đền ơn thật là hay, song lòng luống những bồi hồi, buồn thì thiệt bớt buồn, mà vui cũng chưa vui được. Rạng ngày sau, Kỉnh Chi ra chèo đò, Chúa tàu dòm thấy liền kêu mà chỉ cho Thu Thủy coi. Thu Thủy nhứt định không chịu coi, mà vì Chúa tàu ép quá, biểu phải coi cho biết mặt, nên cực chẳng đã Thu Thủy phải lại cửa sổ mà dòm. Tàu đậu tại An Giang mấy bữa, bữa nào cũng ngồi mà nhắm Kỉnh Chi. Có khi lên chợ chơi, chừng trở xuống tàu không cho bạn bơi tam bản mà rước, lại biểu Kỉnh Chi chèo đò mà đưa ra tàu rồi cho tiền, khi thì một quan, khi thì hai quan. Kỉnh Chi thấy nhiều không dám lấy, Chúa tàu ép hoài, túng thế phải lấy. Kỉnh Chi thấy Chúa tàu thì hay ngó, nhưng ngó thì ngó chớ không nghi chi hết; lại nghe nói Chúa tàu là người quảng đại, đã xuất ra hai trăm nén bạc mà cứu dân cơ cẩn, nên Chúa tàu đi đò cho một hai quan tiền nghĩ chẳng lạ gì. Hai Cam về nhà mấy bữa rồi trở xuống tàu. Chúa tàu hỏi thăm mẹ mình mạnh giỏi thế nào, thì nói mẹ đã chết hơn một năm nay, nhà cửa bỏ hoang hư sập hết. Chúa tàu nghe nói trong bụng thương thầm, tiếc vì khi hoạn nạn nhờ mấy bữa cơm, nay giàu có mà không đền ơn đáp nghĩa được. Chúa tàu có hỏi Sáu Quít như muốn về thăm nhà thì về, Sáu Quít nói rằng mình không còn mẹ cha mà cũng không có nhà cửa vợ con chi hết, nên về chẳng ích gì. Đã vậy mà cô bác đều ở tại Tân Châu, nếu về đó mà thăm thì chắc không khỏi Trần Tấn Thân làm hại nên không dám về. Tàu đậu tại An Giang trót mười ngày, Chúa tàu dạy Trần Mừng kiếm lụa mua được ít chục cây rồi mới lên từ tạ các quan mà kéo neo. Hai chiếc tàu xuống tới Long Hồ, Chúa tàu dạy neo tại đó, rồi biểu Trần Mừng kiếm mua một chiếc ghe cui ba chèo và mua hàng lụa thêm ít chục cây nữa. Ghe mua xong rồi, tối lại Chúa tàu mới kêu Trần Mừng và Thu Thủy vào phòng mà tỏ rằng ý mình muốn gả Thu Thủy cho Kỉnh Chi và cấp vàng bạc cho nhiều đặng Thu Thủy nuôi Kỉnh Chi mà đền bồi ơn trọng khi trước. Song nếu ở An Giang thì không biết phải làm sao mà gả cho được, bởi vậy cho nên phải xuống đây mua một chiếc ghe ba chèo, biểu Hai Cam, Sáu Quít và mướn thêm một tên bạn An Nam nữa chèo mà đưa Thu Thủy trở lên An Giang, giả dạng gái mồ côi đi bán hàng, lập thế làm quen rồi lần lần kết nghĩa vợ chồng, dường ấy mới gạt Kỉnh Chi được. Vả bạn thì lạ, đường thì xa, Thu Thủy là phận gái, mà vàng bạc đem theo cũng nhiều bởi vậy Trần Mừng phải thay áo đổi quần rách rưới rồi đi theo mà giữ gìn mới được. Chúa tàu nói rồi liền biểu Trần Mừng đếm đưa cho Thu Thủy một trăm nén vàng, hai trăm nén bạc, và biểu đem hết mấy chục cây lụa mua trên An Giang và mới mua tại đây qua chiếc ghe mới, rồi sáng bữa sau, Trần Mừng, Thu Thủy mới sang ghe nhỏ cho Hai Cam, Sáu Quít và tên bạn mới mướn đò chèo lên An Giang. Lúc gần lui ghe, Thu Thủy bước vào phòng lạy Chúa tàu mà đi, thì giọt lụy dầm dề, không nói được lời chi hết. Chúa tàu thấy vậy cũng tủi lòng, song gượng làm tỉnh mà dạy Thu Thủy phải thay áo quần theo An Nam, hễ lấy chồng rồi dầu có gặp mình thì phải làm lơ như kẻ lạ và cũng dạy Trần Mừng, Cam, Quít phải cẩn thận đừng để cho Kỉnh Chi nghi. Khi Thu Thủy bước qua ghe nhỏ mà đi, Chúa tàu nói rằng: “Xin cô ráng hết lòng trả nghĩa thế cho tôi, cái ơn của cô dầu ngàn ngày tôi cũng chẳng hề dám quên dám lạt”. Thu Thủy cúi đầu lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Xin Chúa tàu yên tâm, em nguyện nếu em không trả nghĩa giùm được cho Chúa tàu thì em chẳng hề dám thấy mặt Chúa tàu nữa”. Chúa tàu lại kêu với Trần Mừng mà nói rằng trong ít ngày nữa mình sẽ đem tàu lên sau, rồi đứng ngó cho đến chừng chiếc ghe chèo đã đi xa, không còn thấy dáng nữa nên mới chịu trở vào phòng. ------------------ [1] Người quản lí III - L ối nửa canh một, trời mưa tạnh rồi bóng trăng vằng vặc, gió tây thổi lao rao, ghe Thu Thủy lên tới chợ An Giang thì phố phường đều ngủ hết, duy có một vài nhà còn đốt đèn leo lét, chỗ nói thơ inh ỏi, chỗ may vá im lìm. Trần Mừng bàn tính với Thu Thủy rồi biểu bạn chèo thẳng vào kinh Vĩnh Tế, nhắmlối gần nhà Kỉnh Chi mới cặm sào đậu mà ngủ. Rạng ngày Trần Mừng gói hàng lụa làm hai gói rồi biểu Sáu Quít gánh đi với mình lên chợ kiếm mối hàng mà bán. Chiều lại lối mặt trời gần chen lặn, Thu Thủy mới kéo ghe vô sát mé bờ kinh rồi leo lên bờ đi qua đi lại mà hòng mát. Đương thơ thẩn trên bờ kinh, gió thổi tóc phất phơ dựa hai bên gò má chẳng khác nào mây bay vương mặt trăng, thình lình gặp cha con Kỉnh Chi dắt nhau đi về. Thu Thủy đứng nép tránh bên đường, Kỉnh Chi nép đi qua, không biết vì hổ thẹn phận hèn, hay là ý khinh khi má phấn, song đi qua thì đi, chớ chẳng hề ghé mắt ngó Thu Thủy. Thu Thủy day mặt xuống ghe dặn Hai Cam coi nấu cơm đặng cho hai người đi bán hàng chừng họ về có sẵn cho họ ăn, rồi lần lần đi tới, ngang nhà Kỉnh Chi đứng nhắm một hồi rồi trở lại. Chiều bữa sau, Kỉnh Chi đi về gần tới nhà cũng thấy Thu Thủy nữa, song bữa nay ngồi trên mui ghe, chớ không phải đứng dựa đường như bữa trước. Kỉnh Chi thấy vậy thì hay vậy, trong bụng tưởng ghe thương hồ họ đậu mà mua bán chi đó, nên không để ý đến. Tối lại cơm nước xong rồi, Kỉnh Chi đương ngồi dạy con học, thắp đèn leo lét, cửa lá chống sùm sụp, thình lình con chó mực đương nằm khoanh dưới ván vùng chạy ra cửa đứng sủa vang rân, Kỉnh Chi ngước mặt ra thì thấy hai người muốn vô nhà, song bị chó sủa nên còn đứng khựng lại đó, không dámbước vô. Kỉnh Chi la chó rồi chống hoác cửa lên thì ở ngoài bước vô một nàng con gái là người mình đã gặp hai lần lối gần nhà đó, và một chú đàn ông, là Hai Cam đi theo Thu Thủy. Kỉnh Chi chẳng biết có việc chi mà khách lạ đến đêm hôm như vậy, nên trong lòng ái ngại, song cũng lật đật quét ván mời ngồi. Thu Thủy ngồi tại ván, còn Hai Cam đứng xớ rớ không biết chỗ nào mà ngồi, thấy dựa vách có úp một cái cối giã gạo, bèn đặt đít mà ngồi đỡ. Thu Thủy ngó quanh quất trong nhà thì nhà tuy sạch sẽ, song không có ngựa ván chi cho lắm, chính giữa có một cái gường thờ, ngoài có một cái ghế mà không có bình phong, lục bình chi lắm, chỉ có một cái quả tử với một cái lư hương mà thôi. Trước gường thờ thì có bộ ván là chỗ Thu Thủy ngồi đó, bên mặt thì để một cái cối giã gạo với một cái chày, bên trái thì có hai bó lá buôn với hai ba cây cần câu trúc. Từ gường thờ sắp vô bị vách ngăn nên không biết phía trong có vật chi nữa. Thu Thủy ngồi nhắm nhía, Kỉnh Chi đứng bợ ngợ cứ cầm chổi quét ván hoài, còn con của Kỉnh Chi thấy có khách nên cầm sách chạy lại đứng dựa gường thờ mà ngó. Thếp đèn để chính giữa ván, tim đã lụn, Thu Thủy thấy vậy bèn lấy tay kéo tim ra cho tỏ, rồi mới ngó Kỉnh Chi mà nói rằng: “Thưa anh, em là người ở xứ xa đến đây buôn bán. Dưới ghe chật hẹp mưa nắng cực khổ lắm em chịu không được, em đậu ghe hai bữa rày trước nhà đây, em thấy nhà anh rộng rãi, mà ban ngày anh sập cửa bỏ đó không ai gìn giữ. Vậy em lên đây thưa với anh cho em ở đậu ít ngày, không biết anh liệu có được hay không?”. Kỉnh Chi nghe nói chưng hửng, không biết trả lời làm sao, nên đứng bợ ngợ một hồi rồi mới đáp rằng: “Thưa cô, người ta nói rậm người hơn rậm cỏ, ăn thì nhiều chớ ở hết bao nhiêu. Thiệt tôi chẳng phải hẹp bụng với cô, song nghĩ khó quá”. Thu Thủy ngó thằng con Kỉnh Chi, miệng chúm chím cười rồi liếc Kỉnh Chi mà hỏi rằng: “Thằng cháu đây phải là con của anh chăng?”. Kỉnh Chi cũng ngó con rồi gật đầu: “Thưa phải”. Thu Thủy giơ tay ngoắt thằng nhỏ, còn miệng thì nói: “Cháu, lại cô biểu chút coi nào”. Thằng con Kỉnh Chi mắt ngó cha, còn chơn thì đi lần lại gần. Thu Thủy với nắm tay kéo riết lại, rồi rờ đầu, rờ vai mà nói rằng: “Thằng nhỏ mặt mày sáng láng, dễ thương quá!” Kỉnh Chi đem cây chổi dựng dựa vách rồi lại đứng dựa cột cái vấn thuốc mà hút. Thu Thủy rờ rẫm thằng nhỏ một hồi rồi ngó Kỉnh Chi mà nói rằng: “Em xin ở đậu anh nói khó, em coi có khó chi đâu. Nếu anh cho em ở thì em coi nhà coi cửa giùm cho, cơm nước em biểu bạn họ nấu giùm cho cũng được, hay là anh muốn ăn tiền bao nhiêu em cũng trả cho”. Kỉnh Chi đi lần lại đứng dựa đầu ván bên kia rồi vói tay vô thếp đèn và đốt thuốc và đáp rằng: “Không phải tôi muốn ăn tiền cô nên tôi kiếm chuyện mà nói dục dặc. Tôi nói khó là vì nhà tôi nghèo hèn, trống trước rách sau, còn cô là người giàu có, cô ở tôi sợ không xứng đáng chớ!”. - Không hại gì, ở dưới ghe cực quá, nếu em được ở đây em mừng lắm. Xin anh đừng ngại, em ở đỡ đặng mua bán, hoặc đôi ba tháng hoặc năm bảy tháng rồi em đi, không có sao đâu mà sợ. - Thưa cô, không biết cô ở đâu lại đây mua bán vậy? - Thưa, em ở dưới Long Hồ. - Cô ở Long Hồ sao nói tiếng nghe giống tiếng người đàng ngoài quá? - Ờ phải, cha mẹ em là người Bình Định, vào Long Hồ ở buôn bán gần mười năm nay. Hồi năm kia cha mẹ em khuất, em buồn không muốn trở về xứ, nên mới sắm ghe bạn mua hàng hóa đi buôn bán dạo. - Thuở nay cô đã đến xứ nầy lần nào chưa? - Thưa chưa, mấy năm nay em thường đi phía Định Tường, năm nay lên đây buôn bán thử coi có khá hay không chớ miệt dưới không được khá cho lắm. - Cô buôn bán vật chi? - Thưa, không chừng, em đến đây em coi thứ hàng nào bán có lời thì em mua sỉ rồi cho bạn gánh vô trong xóm làng mà bán. - Dưới ghe cô, bạn được mấy người? - Thưa bốn người. - Không bề gì. Cô muốn ở thì ở. Mà tôi xin tỏ thật với cô, nhà tôi thì nghèo nên không được chắc chắn, vậy cô có ở thì bạc tiền hàng hóa cô phải biểu bạn họ canh giữ, chớ tôi ở chỗ nầy vắng vẻ mà lại óp, nên tôi sợ trộm đạo nó khuấy rối lắm. - Xin anh đừng lo, không hệ gì đâu … Thôi, anh nói vậy để sáng rồi em sẽ biểu bạn dọn đồ đạc chút đỉnh lên nhà em ở. - Cha chả! Mà nhà tôi không có gường chõng chi hết, không biết … Kỉnh Chi nói chưa dứt lời thì Thu Thủy liền chận mà nói rằng: “Anh đừng lo, để em liệu cho”. Thu Thủy nói mấy lời đứng dậy kiếu Kỉnh Chi mà đi xuống ghe. Trước khi bước ra cửa lại rờ đầu thằng con Kỉnh Chi rồi hỏi rằng: “Cháu tên chi?”. Thằng nhỏ đáp: “Thưa, tên Phục”. Thu Thủy lại hỏi: “Cô ở đây cháu chịu hay không?”. Thằng nhỏ dụ dự không biết sao mà trả lời, Thu Thủy liền nói tiếp rằng: “Có cô nấu cơm và vá áo giùm cho cháu biết hôn?”. Thu Thủy ngó Kỉnh Chi chúm chím cười rồi đi xuống ghe. Trời rựng sáng, Kỉnh Chi vừa thức dậy chống cửa thì Thu Thủy với Hai Cam, Sáu Quít ở ngoài đã bước vô. Thu Thủy nhắm trong nhà một hồi, rồi chừng cha con Kỉnh Chi dắt nhau ra đi, mới đưa tiền cho Hai Cam, Sáu Quít và biểu đi ra chợ kiếm mua đỡ một bộ ván dầu với một đôi chiếu. Thu Thủy ở nhà một mình mới bắt đầu từ trước đi ra sau xem chỗ ăn ở của Kỉnh Chi cho tường tận, thấy trong buồng chẳng có vật chi lạ hết, chỉ có một cái chõng trên trải một manh chiếu trắng cũ với hai cái gối rơm rách mà thôi. Dựa vách thấy giắt áo quần; Thu Thủy lấy ra coi thì là một cái áo vải đen rách cánh chỏ, một cái quần vắn cũng bằng vải nhuộm màu dà của Kỉnh Chi với một cái áo, một cái quần của thằng Phục. Dưới bếp tuy quét tước vén khéo, có hai bộ ông táo, song đồ đạc thì chỉ có một cái nồi đất còn mới, một cái ơ đất đã mẻ miệng, hai cái chén, ba cái dĩa với hai đôi đũa tre mà thôi. Dựa chưn vách có để vài cái ghè, giở ra coi thì là gạo trắng. Phía sau hè có chất một đống chà để làmcủi chụm. Thu Thủy coi hết trong ngoài rồi mới ra mé kinh kêu Trần Mừng lên dặn rằng tiền bạc hàng hóa thì Trần Mừng để dưới ghe mà giữ, còn áo quần mền gối của mình thì xin biểu tên Cường là tên bạn mới mướn dưới Long Hồ đó đem giùm lên nhà. Thu Thủy lại biểu hễ có Kỉnh Chi ở nhà thì Trần Mừng với Cam, Quít đừng có lên nhà, vì sợ anh ta biết mặt mà lậu sự. Cơm nấu vừa chín thì thằng Phục đi học về, cất sách lật đật chạy xuống bếp tính nấu cơm đặng có xách ra bến đò cha con ăn với nhau. Thu Thủy cản không cho nấu, lại dắt xuống ghe ăn cơm với mình, rồi lấy quảu nhỏ lót lá chuối mà đựng cơm và lấy tộ múc một khúc cá kho, biểu thằng Phục đem ra cho Kỉnh Chi ăn. Cam với Quít mua được ván đem ghe ra chở về dọn chỗ phía trước, lót tử tế để cho Thu Thủy nằm. Thu Thủy lại dạy đi mua thêm chén bát, mua gạo, cá, muối, nước mắm đem về để trên nhà đủ hết. Chiều lại nấu cơm kho cá xong rồi mới lấy đồ ra may, có ý chờ cha con Kỉnh Chi về sẽ mời ăn cơm chung với mình đặng khỏi mất công nấu nữa. Cha con Kỉnh Chi về, Thu Thủy lật đật dọn cơm rồi mời ăn, Kỉnh Chi ké né hoài, Thu Thủy mời quá, khó mà chối từ được nên cực chẳng đã phải ngồi mà ăn với Thu Thủy. Thu Thủy một hai cũng biểu Kỉnh Chi để mình lo cơm nước cho, bởi vì ơn cho ở đậu là ơn trọng, nên phải lo cơm nước mà đền bồi ơn ấy. Kỉnh Chi cực chẳng đã phải nghe lời, song biểu Thu Thủy lấy gạo của mình mà nấu. Tối lại Kỉnh Chi dạy con học, còn Thu Thủy thì đốt đèn ngồi may, đến gần hết canh một, mạnh ai nấy đi ngủ, chớ không chuyện vãn chi hết. Từ ấy về sau, bữa nào Thu Thủy cũng đều lo cơm nước cho Kỉnh Chi luôn luôn, lại tỏ ý thương thằng Phục lắm, bởi vậy cho nên coi bộ nó cũng quyến luyến. Có bữa Thu Thủy ở nhà lấy áo quần của Kỉnh Chi coi chỗ nào rách thì vá giùm, lại mua vải may cho thằng Phục. Kỉnh Chi thấy vậy cảm đức vô cùng, còn thằng Phục lại càng thêm trìu mến hơn nữa. Trần Mừng với ba tên bạn đều ở dưới ghe hết, khi nào Thu Thủy có kêu sai việc chi thì mới lên nhà mà thôi. Ở được năm bảy bữa, thủng thẳng quen lần lần, ban đêm hễ Kỉnh Chi dạy thằng Phục học xong rồi thì Thu Thủy làm bộ mượn Kỉnh Chi biên sổ, biên bữa nào mua bán hàng thứ nào, giá tiền bao nhiêu. Thu Thủy ở đậu được nửa tháng, bữa nọ cha con Kỉnh Chi đi ngủ mà Thu Thủy cứ ngồi may hoài. Gần nửa canh hai thình lình trời nổi dông, Kỉnh Chi sợ củi để ngoài sau hè mưa ướt hết nên chồm dậy mở cửa chạy ra ôm củi mà bỏ sau bếp đặng sáng mai có củi khô mà chụm. Thu Thủy thừa dịp ấy mới kiếmchuyện mà nói với Kỉnh Chi. Thu Thủy thì ngồi bên bộ ván dài mới mua đó, còn Kỉnh Chi thì ngồi bên bộ ván giữa, ban đầu hai người còn nói chuyện dông dài, Thu Thủy hỏi thăm sự mất mùa đói khát, Kỉnh Chi hỏi thăm coi buôn bán lời lỗ, lần lần Thu Thủy mới hỏi phăng đến việc nhà. Kỉnh Chi thấy Thu Thủy là một người con gái biết điều, thấy mình khó để ý thương yêu, nên chẳng có lòng nghi ngại chút nào, mới đem hết việc riêng của mình mà tỏ cho Thu Thủy nghe. Thu Thủy nghe hết đầu đuôi câu chuyện thì trong lòng có ý nghi Chúa tàu là anh vợ Kỉnh Chi, song nghi thì nghi chớ không tỏ cho Kỉnh Chi biết; mà lại nghe Thủ Nghĩa người ngay mắc nạn và nghe Kỉnh Chi ở trọn nghĩa với anh em thì mủi lòng nên ứa nước mắt rồi nói với Kỉnh Chi rằng: “Nếu vậy thì anh vì thương bà con bên vợ mà phải tán gia bại sản, rồi thân mới ra cực khổ thế này đây. Chị chết đã lâu rồi sao anh không kiếm nơi chấp mối đặng đỡ tay chơn?”. Kỉnh Chi nghe hỏi ngồi thở ra rồi đáp rằng: “Nghèo gần chết, cưới vợ nữa mà làm gì! Mà dầu muốn cưới, bạc tiền đâu mà cưới. Tôi tính thà ở vậy nuôi con, no đói hẩm hút với nhau, miễn thằng nhỏ ăn học được thì thôi, tôi không tính cưới vợ làm chi nữa”. Thu Thủy lặng thinh ngồi may không nói chi hết, Kỉnh Chi liếc xem Thu Thủy mặt mày đẹp đẽ chẳng khác chi con nhà quan, không hiểu vì cớ nào tuổi chừng ấy, dung nhan dường ấy mà lại đi buôn một mình, nên ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi Thu Thủy rằng: “Cô có chồng hay chưa mà đi buôn một mình như vậy?”. Thu Thủy nghe hỏi ngước mặt lên chúm chím cười và nói rằng: “Thưa, chưa”. Kỉnh Chi nghe trả lời như vậy thì trong bụng mắc cỡ thầm, bởi vì người ta mới hỏi mình “sao không cưới vợ”, mình liền hỏi lại “vậy chớ cô có chồng hay chưa” thế thì dầu mình hỏi là hỏi thiệt mà biết người ta có nghi cho mình có bụng quấy hay không, nghĩ như vậy nên day mặt chỗ khác. Có lẽ Thu Thủy biết Kỉnh Chi hỏi vô ý rồi mắc cỡ hay sao, nên liền tiếp mà nói chuyện mình cho Kỉnh Chi nghe đặng có giã lã. Mà thuật chuyện, Thu Thủy không thuật chuyện thiệt như thuật cho Chúa tàu nghe hồi tàu gần đến Rạch Giá, đã vậy, lại đặt chuyện nói rằng: “Cha mẹ mình gốc ngoài Bình Định, khi mình được chín tuổi, cha mẹ mình vào Long Hồ ở buôn bán. Cách ít năm trước cha mẹ khuất hết, còn có một mình, muốn về xứ mà bây giờ về ngoải bà con cũng chẳng còn ai, muốn lấy chồng mà coi chỗ giàu họ hay kiêu căng, chỗ nghèo họ hay quên nhơn nghĩa, nên không chịu xuất giá, mới sắm ghe mướn bạn đi buôn chơi”. Thu Thủy tuy nói dối mà cách nói thật thà, bởi vậy cho nên Kỉnh Chi chẳng chút nào nghi hết. Thu Thủy ở đậu gần đầy một tháng, càng ngày càng quen lần lần. Bữa nọ Thu Thủy biểu Kỉnh Chi đừng có đi chèo đò mướn nữa, bởi vì chèo đò một tháng có một quan tiền, nếu chịu biên sổ và đi mua hàng giùm thì mỗi tháng cô trả tiền công cho hai quan, mà cơm nước hai cha con ăn cô chịu bao hết nữa. Kỉnh Chi thấy lòng rộng rãi cũng muốn thôi chèo đò, song nghĩ thầm rằng mình chèo đò đã tám chín năm rồi, tuy ăn ít tiền song cũng no ấm được. Nay theo làm công với cô này tuy ăn nhiều tiền hơn mà biết có đời hay không, thoảng như một ít tháng cô đi xứ khác, nghề chèo đò mình đã mất rồi, biết làmviệc chi mà nuôi miệng. Nghĩ thầm như vậy nên không chịu, song không dám tỏ cho Thu Thủy biết. Thu Thủy ở chung một nhà, thường để ý coi chừng coi Kỉnh Chi thấy mình có động tình hay không, song xem hoài mà không thấy Kỉnh Chi ló mòi chi hết, túng thế đêm nọ thừa lúc thằng Phục ngủ rồi, Thu Thủy bèn thức dậy đốt đèn rồi mời Kỉnh Chi ra ngoài ván, mà hỏi rằng: “Em đến đây ở đậu với anh hơn một tháng rồi, em dọ coi ý anh thiệt là một người nghèo mà biết an phận, bởi vậy cho nên emkính mến anh lung lắm. Chẳng giấu chi anh, bấy lâu nay em không chịu lấy chồng là vì em muốn kén chọn một người nghèo mà biết trọng nghĩa nhơn, biết liêm sỉ. Nay em nghe gia đạo của anh rồi, emthấy cách anh ăn ở thì hiệp với ý em muốn kén chọn đó lắm. Lời tục thường có nói: “Trâu tìm cột, chớ không lẽ cột tìm trâu” mà vì em mến cách cư xử của anh, em chắc đôi ta có duyên gì nên trời mới khiến gặp nhau đây, vậy nên em chẳng nệ hiềm nghi, mới tỏ thiệt với anh đặng anh liệu định. Nếu anh chẳng chê em là gái hư hèn, anh khứng cho em nưng khăn sửa trấp, thì em nguyện bạch thủ tương kỳ, tùng phu trọn đạo”. Kỉnh Chi cho Thu Thủy ở đậu, thấy Thu Thủy dung nhan tuấn tú còn nghĩ mình lam lụ cùi đày, thấy Thu Thủy bạc tiền chớn chở, còn nghĩ mình thiếu trước hụt sau, thì trong lòng thường cung kính Thu Thủy lắm, coi Thu Thủy là người bực trên còn xét mình là người bực dưới, nên chẳng hề chi nào dám trộm mơ thầm ước điều chi. Nay thình lình nghe Thu Thủy xin kết nghĩa châu trần thì cũng như sấm sét nổ bên tai, cũng như mặt trời lòa trước mắt, trong lòng rối loạn, mừng không phải mừng, buồn cũng không phải buồn, mà mắc cỡ cũng không phải mắc cỡ, ngẩn ngơ bợ ngợ, không biết làm sao mà trả lời. Thu Thủy cũng thẹn thùa hết sức, song muốn đền ơn Chúa tàu nên chẳng nệ, mới nói tiếp rằng: “Anh mới biết em có mấy ngày, chưa rõ gốc gác của em nên anh dụ dự không biết sao mà trả lời, em nghĩ cũng phải. Chớ chi em có cha mẹ bà con thì thân em đâu có lưu lạc như vầy …”. Thu Thủy nói tới đó thì tủi lòng nên khóc thút thít rồi mới nói tiếp: “Em cũng như anh, thân tộc không còn ai hết. Hổm nay em thấy thân anh như vậy rồi em nghĩ đến thân em thì em buồn bực vô cùng, bởi vậy cho nên em mới tính gá nghĩ trăm năm đặng nương cậy nhau mà làm ăn cho dễ. Hôm nọ anh than nghèo nên không muốn cưới vợ, xin anh đừng lo sự đó. Cha mẹ em khuất có để lại cho em vàng được trót trăm thoi, bạc cũng được vài trăm nén, em tưởng bao nhiêu đó vợ chồng ta cũng đủ làm vốn mà buôn bán, nếu may được đất trời phò hộ thì có lẽ cũng làm giàu được”. Kỉnh Chi ngồi suy đi nghĩ lại một hồi lâu rồi mới đáp rằng: “Cô thấy nhà tôi nghèo nàn, thân tôi cực khổ cô thương nên cô tính như vậy, thiệt tôi đội ơn cô nhiều lắm. Cô đã lấy sự thiệt tình mà nói với tôi, vậy tôi xin phép cô cho tôi cũng lấy sự thiệt tình mà trả lời. Cô cũng biết tôi là trai góa vợ năm nay đã gần 35 tuổi rồi còn cô là gái mới lớn lên, mà lại con nhà giàu có nữa. Theo thói thường ai nghe cô nói như vậy cũng vui mừng; tôi đây được một người vợ như cô há tôi lại không vui mừng hay sao? Tôi mừng lắm chớ, song tôi còn nghi một chút. Gái nhan sắc giàu có như cô nếu muốn kén chồng lại thiếu gì chỗ cao sang hay sao? Chẳng hiểu vì cớ nào cô lại ưng tôi làm chồng, bởi tôi nghĩ như vậy nên tôi dụ dự, chớ không phải tôi dám chê cô”. Thu Thủy đứng dậy têm trầu ăn rồi đáp rằng: “Anh hiềm nghi cũng phải. Mà anh biết tại sao mà emưng anh hay không? Đời nầy thiên hạ họ thường coi đồng tiền trọng hơn nhơn nghĩa. Từ nhỏ đến lớn em đã thệ tâm kiếm cho được người nào trọng nhơn nghĩa hơn bạc tiền em mới ưng làm chồng, bằng kiếm không được thì thà em chịu chích bóng trọn đời, chớ không thèm kết bạn. Em đến đây, em nghe anh thuật chuyện nhà của anh, em mới biết anh là người vị nghĩa vong gia, thiệt là người đáng cho emkính trọng lắm, bởi vậy cho nên em mới quyết kết tóc trăm năm với anh. Còn sự anh lớn tuổi còn emnhỏ tuổi, thì xin anh đừng ngại sự ấy. Em kén chồng là kén nhơn nghĩa chớ không phải chọn nhan sắc, nhỏ tuổi mà không biết điều, nhỏ ích gì?” Kỉnh Chi thở ra rồi đứng dậy mà nói rằng: “Thôi, chuyện cô nói vậy, thì hay vây, để thủng thẳng rồi sẽ tính”. Nói rồi liền bước vô trong buồng mà ngủ. Đêm ấy, Kỉnh Chi nằm trăn trở hoài ngủ không đặng, không hiểu vì cớ nào Thu Thủy như vậy, còn mình như vầy, mà cô lại muốn mình. Tuy Thu Thủy nói mến mình là mến nhơn nghĩa, song chưa chắc lời ấy là lời thiệt tình. Ví như lời ấy là lời thiệt tình thì Thu Thủy chẳng phải người tầm thường; mà không phải là người tầm thường thì thiếu chi ông Cử, ông Đồ sao lại tìm một chú chèo đò mà lấy? Suy nghĩ hết sức mà nghĩ không ra cớ nào, đến khuya mới nói rằng: “Hay là trời thấy thân mình cực khổ trời thương nên xui khiến như vày đặng cho mình hết cực?”. Kỉnh Chi nghĩ như vậy mới hết nghi ngại nữa. Kế thằng Phục nằm một bên muỗi cắn nó cựa mình rồi bỏ tay ôm ngang mình Kỉnh Chi. Kỉnh Chi đụng con liền nhớ đến vợ trước thì trong lòng buồn bực không biết chừng nào, nằm suy tới nghĩ lui thao thức sáng đêm chẳng hề nhắm măt. Sáng ngày thức dậy, Thu Thủy bộ có hơi mắc cỡ, còn Kỉnh Chi thì trong bụng lo tính nên ngoài mặt chẳng đặng vui. Ngày ấy Kỉnh Chi chèo đò mà trong lòng tính thầm hoài, không biết có nên kết tóc trăm năm với Thu Thủy hay không. Nếu mình ưng Thu Thủy thì thân mình chắc là sung sướng, mà còn thằng Phục không biết nó có vui lòng không. Trưa thằng Phục đi học về, xách cơm đem ra bến đò cho cha ăn, thấy cha không được vui vẻ như mọi lần trước thì trong bụng sanh nghi. Chiều tan học rồi nó ghé lại chờ cha đặng đi về một lượt, đi dọc đường kiếm chuyện này, nhắc chuyện nọ mà hỏi cha; còn Kỉnh Chi hỏi đâu thì nói đó, bằng không hỏi thì cứ lặng thinh mà đi. Lúc về gần tới nhà, trời đã chạng vạng tối rồi, thằng Phục mới hỏi: “Sao bữa nay cha buồn vậy cha?”. Kỉnh Chi nghe con hỏi thì động lòng, liền ngồi dựa mé bờ kinh mà thuật hết mấy lời của Thu Thủy nói hồi hôm đó lại cho con nghe. Thằng Phục nghe rồi liền hỏi: “Vậy mà cha chịu hôn cha?”. Kỉnh Chi nói mình còn dụ dự chưa nhứt định. Thằng Phục liền nói: “Chịu đi cha. Tuy con nghe cha nói chuyện má thì con thương, mà từ hôm cô đó cổ ở đậu đến nay, con thấy cổ sao con cũng thương quá. Cha chịu đi cha! Má con chết rồi, cha đợi sống dậy được hay sao cha?” Kỉnh Chi thấy con nói xúi thì tức cười nên nói rằng: “Con không sợ mẹ ghẻ hay sao? Nè, nó dọi lủng đầu đa con, chớ không thấy người vợ sau của anh Tư Tồn chỉ đánh khảo sắp con ảnh hay sao?”. Thằng Phục liền trề môi mà nói rằng: “Đâu có! Cô nầy không có như vậy đâu cha, cổ thương con lắm mà”. Kỉnh Chi nghe con nói như vậy bèn đứng dậy dắt con đi về. Trọn bốn năm ngày trong bụng lo tính hoài, nên không vui chút nào hết, Thu Thủy là gái mà đi trêu ghẹo đàn ông như vậy, nghĩ cũng hổ thầm; tuy muốn đền ơn cho Chúa tàu, nên phải làm mặt dạn mày dày, song tưởng mình như vầy, còn người như vậy hễ nói thì đắc lời, nào dè đâu nói ra mà người còn dục dặc, nên mắc cỡ không dám nhắc đến việc hôn nhơn nữa. Thằng Phục tuy còn thơ ngây nhưng mà nhờ cha chỉ điều quấy lẽ phải, nhờ thầy dạy đạo lý luân thường, mà nhứt là nhà nghèo thân khổ, nên thấu hiểu thế thái nhân tình, thấy cha lam lụ cùi đày chẳng xiết nỗi thương, lúc ngồi một mình hoặc khi nằm ban đêm, thường tính học cho siêng đặng thi đậu làmquan mà nuôi cha cho phỉ dạ. Nay nghe cha nói chuyện cô Thu Thủy tính kết duyên thì nó mừng hết sức mừng, chẳng phải nó thấy cô nọ có tiền mà nó ham, thiệt vì nó thấy cô nọ nết na yểu điệu, tánh ý hiền từ, nó muốn cho cha nó ưng đặng có người nội trợ. Bởi nó nghĩ như vậy nên nó theo xúi cha nó hoài, bữa nào chiều cha con dắt nhau về nó cũng hỏi thăm cha nó tính làm sao; hễ cha nó nói để thủng thẳng rồi sẽ hay, thì nó lại khuyên lơn, chí quyết nói cho cha nó chịu nó mới nghe. Kỉnh Chi lớp bị con xúi giục, lớp thì thấy ý Thu Thủy mà thương, nên cực chẳng đã bữa nọ về ngồi ăn cơm tối với con mới tỏ với Thu Thủy rằng nếu cô đem lòng đoái tưởng thì mình cũng không dám phụ rẫy. Thu Thủy được lời chẳng xiết nỗi mừng, biểu Kỉnh Chi lựa ngày tốt, mua một cặp vịt nấu cúng, rồi mời mấy người ở lối xóm và kêu hết bạn dưới ghe lên ăn uống vui mừng cho hai họ vầy duyên cầm sắt. Lễ cưới xong rồi, Thu Thủy không cho Kỉnh Chi chèo đò nữa, đưa hết vàng bạc cho Kỉnh Chi rồi biểu Kỉnh Chi lo cất một cái nhà tại chợ An Giang đặng dọn tiệm mà buôn bán. Thu Thủy lại nói với chồng cho bạn bè họ về xứ sở, làm như vậy đặng trả Trần Mừng, Cam, Quít lại cho Chúa tàu Kim Qui. IV - K hi Trần Mừng với Thu Thủy ra đi thì Chúa tàu Kim Qui có nói rằng ít ngày mình sẽ đem tàu trở lên An Giang. Tuy nói vậy mà Trần Mừng đi rồi, Chúa tàu nghĩ không biết việc tính gả Thu Thủy có thành hay không, nếu việc chưa thành mình lên đó không ích gì, nên lên tới mũi Cần Vố rồi neo tàu tại đó mà chờ Trần Mừng. Chúa tàu đợi hoài không thấy Trần Mừng, vừa muốn kéo neo lên An Giang, bỗng nhớ sực lại quan Huyện Đông Xuyên khi trước nghe nói đã vinh thăng Tri phủ Tân Thành, vậy nên tính lên đó ra mắt ngài đặng coi người hại mình khi trước nay ra thể nào. Chúa tàu bèn dạy bạn sắm lễ vật một mâm rồi vào viếng quan Phủ. Quan Phủ một là vì thấy lễ vật nhiều nên chóa mắt, hai là vì nghe Chúa tàu đã làm ơn trên An Giang nên trong bụng kiêng thầm, bởi vậy cho tiếp đãi trò chuyện rất ân cần, có dè đâu ông Chúa tàu giàu có này vốn là thằng Lê Thủ Nghĩa mình đã gạt hồi mười mấy năm về trước. Chúa tàu hỏi thăm vậy chớ quan Phủ trấn nhậm Tân Thành đã bao lâu, quan Phủ lấy tình thiệt mà tỏ rằng mình ngồi Tri huyện Đông Xuyên gần hai mươi năm mới thăng bổ xuống đây. Chúa tàu liếc xem thì thấy quan Phủ nay tuy tuổi đã già hơn trước, nhưng mà còn bải buôi, giọng cười chẳng đổi chút nào. Nghe nói Tri huyện Đông Xuyên, Chúa tàu mới nói rằng mình có quen với một người ở huyện ấy tên Trần Tấn Thân và hỏi quan Phủ có biết người ấy chăng. Quan Phủ nghe nói tới tên Trần Tấn Thân thì bộ dường như nghi ngại điều chi vậy, bởi vậy cho nên ngó ngay Chúa tàu một cái, nói “tôi biết”, rồi bắt qua chuyện khác mà nói, không muốn nói chuyện Trần Tấn Thân. Chúa tàu từ giã xuống tàu nằm suy nghĩ hoài, không hiểu tại sao người ta độc hiểm đến thế, ngoài miệng thì lời nói ngọt như đường, mà trong lòng lại ruột cay như ớt. Chúa tàu chờ hơn hai tháng, Trần Mừng mới dắt Cam, Quít với tên Cường xuống tới. Trần Mừng thuật hết đầu đuôi việc Kỉnh Chi cưới Thu Thủy lại cho Chúa tàu nghe, lại nói rằng vì Kỉnh Chi dục dặc hoài nên hơn hai tháng tính mới xong việc. Chúa tàu dạy trả tiền công và cho tên Cường về nhà, rồi kéo neo làm buồm mà chạy lên An Giang. Chúa tàu tuy nhớ đến cha mẹ với em thì thương nhớ, song cách mấy tháng trước đã viếng thăm mồ mả cha mẹ được rồi, nay lại đền ơn chút đỉnh cho em rể cũng xong nữa rồi nữa, bởi vậy trong lòng hớn hở, tàu lui rồi thì lấy rượu ra mà uống với Trần Mừng, nói nói cười cười, chớ không phải ủ mặt châu mày tối ngày, vào thở ra than sáng đêm như trước nữa. Trần Mừng thấy Chúa tàu hết buồn thì trong bụng mừng thầm, mà lại có nghe Chúa tàu nói trở lên An Giang quyết lập thế mà đòi cho được một trăm bốn mươi nén bạc giùm anh ta thì anh ta tuy không hiểu lập thế làm sao, song tin chắc Chúa tàu hễ nói thì làm được, nên trong bụng lại càng mừng hơn nữa. Tàu lên tới An Giang, hai chiếc cũng đậu cặp kè nhau như khi trước. Chúa tàu dòm qua bến đò thì thấy người chèo đò nào lạ, chớ không phải Kỉnh Chi. Trần Mừng mặc quần áo đoan trang rồi đi dạo chơi, có ý coi Kỉnh Chi đã cất nhà xong rồi hay chưa; còn Chúa tàu thì ở dưới tàu đặt một lá đơn đặng cho Trần Mừng đứng mà kiện Trần Tấn Thân về sự sang đoạt một trăm bốn chục nén bạc. Trong đơn Chúa tàu kể đủ mọi điều: Trần Mừng gởi bạc đặng đi Biển Hồ, khi trở về Trần Tấn Thân gạt nói quan Huyện đến xét nhà lấy hết bạc ấy, và hăm hễ Trần Mừng về sẽ bắt mà bỏ tù, làm cho Trần Mừng sợ không dám ở mà đòi bạc; Chúa tàu lại kể sự Trần Tấn Thân dạy bạn trong nhà là tên Cam tên Quít đưa Trần Mừng đi cho rồi; mà đi rồi lại nghi cho hai đứa ấy nói lậu ý gian của mình, nên lập mưu với quan Huyện tính cáo hai đứa ăn trộm đồ đặng bỏ tù chúng nó cho ém nhẹm, may nhờ ông đội Sum lấy lòng nhơn mà tha, nên hai đứa ấy khỏi oan ức. Kể xong mọi việc rồi mới xin quan trên đòi chứng là tên Cam, tên Quít với ông đội Sum mà hỏi, rồi buộc Trần Tấn Thân về tội sang đoạt, buộc quan Phủ Tân Thành về tội a ý với kẻ gian và dạy Trần Tấn Thân phải trả một trăm bốn mươi nén bạc cho Trần Mừng. Chúa tàu làm đơn vừa rồi thì Trần Mừng đã trở xuống tàu. Trần Mừng nói nhà Kỉnh Chi cất gần rồi, chừng năm mười ngày nữa sẽ dọn về ở được. Chúa tàu đọc lá đơn lại cho Trần Mừng nghe rồi biểu lấy viết mực mà thủ ký. Chúa tàu biểu thế nào thì Trần Mừng làm y như vậy chớ không cãi lẽ, mà cũng không hỏi han chi hết. Chiều lại Chúa tàu biểu Trần Mừng dắt lên chợ, trước đi hóng mát, sau coi nhà Kỉnh Chi cất chỗ nào, dân sự tuy nhờ có chiếu của Triều đình gởi vô cho phép quan Tổng đốc khai kho mà chẩn bần nên hết đói nữa, nhưng mà cũng hằng nhớ ơn của Chúa tàu cứu cấp lúc đầu, nên thấy dạng của Chúa tàu cả chợ ai cũng vui mừng. Chúa tàu đi ngang qua nhà mới của Kỉnh Chi thấy lợp nóc, làm vách đã xong rồi, duy còn làm cửa nữa mà thôi. Nhà rộng rãi mà lại cao ráo coi đẹp lắm, Chúa tàu thấy vậy chẳng xiết nỗi mừng. Sáng bữa sau, ăn cơm rồi Chúa tàu kêu Cam với Quít vào phòng mà tỏ trước cho hai đứa đó hay rằng Trần Mừng sẽ vào dinh quan Tổng đốc mà kiện Trần Tấn Thân về sự nó giựt một trăm bốn mươi nén bạc và dạy hai đứa nó phải đi theo mà làm chứng. Hai Cam với Sáu Quít nghe nói vào nha môn thì biến sắc bởi vì xưa nay chưa từng đến cửa quan lớn, đã vậy mà chúng nó lại bị Trần Tấn Thân cáo ăn trộm đồ của nó mà trốn, không biết nay ra mặt có hại chi không. Chúa tàu thấy hai đứa nó sợ thì cười mà nói rằng: “Có ngộ đi nữa mà, hỏng có sao đâu mà sợ. Nị ở tù, ngộ chịu cho”. Chúa tàu dặn Cam và Quít hễ quan hỏi thì cứ việc thiệt mà nói, biết sao nói vậy, đừng thêm đừng bớt; dặn rồi bỏ lá đơn vào túi và dắt Trần Mừng đi với Cam, Quít mà lên dinh quan Tổng đốc. Quan Tổng đốc đang ngồi xử kiện, có quan Bố, quan Án ngồi hai bên; phía ngoài thì làng tổng chực hầu đông đầy, Chúa tàu vừa bước vô tới sân, ngài dòm thấy liền sai lính hầu chạy ra mời. Chúa tàu biểu Cam với Quít đứng ngoài cửa, dắt một mình Trần Mừng vô mà thôi. Quan Tổng đốc, quan Án, quan Bố đều mừng rỡ, mời ngồi rồi dạy lính đem nước trà ra mà đãi. Quan Tổng đốc ngưng việc xử kiện để trò chuyện với Chúa tàu. Ban đầu ngài tỏ cho Chúa tàu hay rằng Triều đình mới phê y lời ngài xin, nên ngài đã khai kho mà chẩn bần; tuy vậy mà thiệt cũng nhờ có lòng quảng đại của Chúa tàu, chớ không thì mấy tháng trước nhơn dân chắc là bị khổ hại lắm, Ngài nói việc ấy xong rồi, mới hỏi thămhai tháng nay Chúa tàu đi đâu, và nay trở lại đây có việc chi thì cứ tỏ thiệt với ngài, ngài sẽ hết lòng lo giùm giúp. Chúa tàu tỏ rằng hai tháng nay mắc đi buôn bán tỉnh Long Hồ, nay có việc ức mới trở lên đây mà cầu quan trên minh oan giùm. Quan Tổng đốc nghe nói có việc ức liền hỏi coi việc chi. Chúa tàu thưa rằng Trần Mừng là anh embạn đi với mình đây cách sáu bảy năm trước có gởi bạc cho một người An Nam ở bên Tân Châu bị người ấy giựt hết, việc ức như vậy mà Trần Mừng không biết đâu mà đi kiện, nay mới tỏ cho mình nghe, nên dắt lên đây cầu xin quan trên tra xét giùm. Nói dứt lời liền rút lá đơn trong túi ra mà trao cho quan Tổng đốc. Quan Tổng đốc đọc hết lá đơn rồi liền hỏi: “Trần Mừng là chú nầy phải không?”. Chúa tàu chỉ Trần Mừng mà nói phải. Quan Tổng đốc nói: “Năm đó tôi chưa nhậm tỉnh này. Quan Bố và quan Án ở đây lâu có lẽ hai quan lớn biết việc này. Vậy hai quan lớn xét coi như có quả Tri huyện Đông Xuyên a ý với tên Trần Tấn Thân mà giựt bạc của người ta thì định tội cho nó rồi tịch biên gia sản của tên Thân đặng lấy bạc mà trả lại cho khách Trần Mừng. Hai quan lớn xét giùm mau mau đặng Chúa tàu đi buôn bán, chớ để dần dà lâu ngày, người ta tổn phí tội nghiệp”. Quan Tổng đốc nói rồi bèn đưa lá đơn cho quan Bố. Quan Bố trải lá đơn trên bàn; quan Án bước lại gần rồi hai người đọc với nhau. Đọc rồi quan Bố thưa với quan Tổng đốc rằng: “Bẩm cụ lớn, tôi nhớ chắc lúc trên Cao Miên có giặc chẳng hề có dạy Tri huyện Đông Xuyên xét nhà ai bao giờ; mà thuở nay tôi cũng không có thấy Tri huyện Đông Xuyên phúc bẩm về sự đó”. Quan Án cười gằn mà tiếp thưa rằng: “Bẩm cụ lớn, tôi thường nghe Tri phủ Tân Thành lúc còn ngồi Tri huyện Đông Xuyên hay làm nhiều điều oan ức dân sự lắm. Việc nầy chưa tra mà tôi dám chắc là Tri huyện Đông Xuyên năm đó a ý với tên Thân mà giựt bạc của người ta. Vậy xin cụ lớn để tôi thẩmtra chừng mươi năm bữa ra mối thì biết ai ngay ai gian”. Quan Tổng đốc gật đầu, quan Án lấy lá đơn rồi day qua hỏi Chúa tàu vậy chớ hai tên đi theo Chúa tàu đó phải là tên Cam tên Quít hay không. Chúa tàu thưa phải, quan Án bèn kêu vô hỏi đầu đuôi, chúng nó biết làm sao thì hai đứa cũng nói y trong đơn không sái chỗ nào hết. Quan Án biểu Chúa tàu với Trần Mừng dắt Cam, Quít xuống tàu mà nghỉ, đợi đòi Tri phủ Tân Thành, Trần Tấn Thân với đội Sum tới rồi sẽ đối diện mà xét. Ra khỏi dinh quan Tổng đốc, Chúa tàu bèn dạy Trần Mừng với Cam, Quít đi xuống tàu và dặn đừng có đi chơi, vì sợ Kỉnh Chi ngó thấy sanh nghi mà lậu việc. Chúa tàu đi dạo phố phường chơi lần tới nhà mới của Kỉnh Chi, thấy ba bốn người thợ mộc đang đóng ráp cửa rầm rầm, Kỉnh Chi đứng coi cho thợ