🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chó Trắng Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn CHÓ TRẮNG –★– Tác giả: Romain Gary Dịch giả: Nguyên Ngọc Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Văn Học 6/2018 ebook©vctvegroup https://thuviensach.vn Tác Giả Romain Gary, bút danh của Roman Kacew, sinh ở Vilnius name 1914, được mẹ nuôi dưỡng với những ước vọng lớn, như chính ông kể lại trong tác phẩm Lời hứa lúc bình minh. Nghèo, “gốc Cozak có chút lai Do Thái”, Romain đến Paris năm mười bốn tuổi và sống cùng mẹ ở Nice. Sau khi học luật, ông vào không quân và tìm đến với tướng de Gaulle vào năm 1940. Tiểu thuyết đầu tay của ông, Giáo dục châu Âu, ra mắt thành công năm 1945 cho thấy một nhà văn lớn, với phong cách tự sự thô nhám và nhiều chất thơ. Cùng năm ấy ông vào ngành ngoại giao và do đó có nhiều dịp sống ở Sofia, New York, Los Angeles, La Paz. Năm 1948, ông cho xuất bản tác phẩm Đại sảnh, và năm 1956 đoạt giải Goncourt với tiểu thuyết Rễ trời. Là tổng lãnh sự ở Los Angeles, ông rời ngành ngoại giao năm 1961 và viết Những con chim sẽ chết ở Pérou (Vinh danh những nhà khai phá tiên phong lừng danh của chúng ta) và cưới nữ minh tinh điện ảnh Jean Seberg năm 1963. Ông viết một cuốn tiểu thuyết hài, Quý bà L., trước khi lao vào những bộ tiểu thuyết lớn nhiều tập: Hài kịch Mỹ và Người bạn đại dương, viết nhiều kịch bản và thực hiện hai bộ phim. Từ đó nỗi ưu tư cuối đời và tuổi già bộc lộ trong các tiểu thuyết của ông: Qua khỏi ranh giới ấy tấm vé của anh chẳng còn giá trị, Ánh đàn bà. Jean Seberg tự vẫn năm 1979. Năm 1980, Romain Gary xuất bản cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình, Những con diều, rồi ông cũng tự vẫn vào tháng Mười hai năm đó tại Paris. Ông để lại một tư liệu tiết lộ ông đã tự giấu mình dưới một bút danh khác nữa là Émile Ajar, là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như: Quấn-Quít, Nỗi ưu tư của vua Salomon, Bút danh và Cuộc sống ở trước mặt, được giải Goncourt năm 1975. https://thuviensach.vn Tặng Sandy https://thuviensach.vn PHẦN THỨ NHẤT https://thuviensach.vn I Đó là con chó xám với một mụn hạt cơm bên phía phải mõm trông như cái nốt ruồi và một túm lông hung quanh mũi, khiến nó trông giống lão nghiện thuốc lá thâm căn cố đế trên tấm biển của hiệu Con chó hút thuốc, một quán rượu có bán thuốc lá ở Nice, không xa trường trung học thời nhỏ của tôi. Nó dõi theo tôi, đầu hơi ngả về một bên, ánh nhìn căng thẳng và chăm chú, lối nhìn của bọn chó hoang bị thu nhốt lại một chỗ trông chừng ta đi qua với một hy vọng đầy lo sợ và không thể chịu nổi. Nó có bộ ức của gã đô vật, và nhiều lần về sau khi con Sandy già của tôi trêu chọc nó, tôi thấy nó đẩy lùi kẻ quấy rầy chỉ bằng sức mạnh của lồng ngực, như một chiếc xe ủi. Đấy là một con chó béc giê Đức. Nó bước vào cuộc sống của tôi ngày 17 tháng Hai năm 1968 ở Beverly Hills, nơi tôi vừa đến đoàn tụ với vợ là Jean Seberg, trong lần quay một bộ phim. Hôm đó, một trận mưa rào quá cỡ như phần lớn những hiện tượng thiên nhiên ở Mỹ mỗi khi chúng ra tay ập xuống Los Angeles, trong vài phút biến nơi đây thành đô thị ao hồ nơi những chiếc Cadillac bị giáng truất bò đi thật thảm hại, bì bõm trong nước; thành phố mang cái dáng vẻ chẳng hợp lề thói tí nào của những thứ nhằm dùng vào việc khác hẳn, mà các nhà siêu thực từ lâu đã khiến chúng ta quen thuộc rồi. Tôi lo lắng cho con chó Sandy của mình, ngày hôm trước nó đã làm một cuộc chạy rông của anh chàng độc thân ở phía Sunset Strip và bây giờ vẫn chưa về. Sandy cho đến năm bốn tuổi vẫn còn là trai tân, nhờ ảnh hưởng của môi trường vốn chú trọng đạo đức của gia đình chúng tôi, nhưng một ả chó ở Doheny Drive đã khiến nó cuống cuồng lên. Bốn năm giáo dục tư sản và những tôn chỉ mẫu mực bị vứt vèo qua cửa sổ. Con chó này vốn bản chất thật thà, dễ https://thuviensach.vn tin, không được trang bị tốt để đương đầu với môi trường điện ảnh Hollywood. Chúng tôi đã mang từ Paris đến toàn bộ cái vườn thú thường ngày của chúng tôi. Có con mèo Miến Điện, Bruno, và cô bạn gái Thái Lan của nó, tên là Maï; thực ra Maï là một con mèo đực, nhưng chẳng hiểu vì sao chúng tôi luôn coi nó là một cô nàng, hẳn là vì nó có hàng kho mơn trớn dịu dàng mà nó ban phát cho chúng tôi xả láng. Còn có một mụ mèo già chuyên ở máng xối, Bippo, yếm thế và hoang dã, sẵn sàng cào cho anh một phát khi anh định vuốt ve mụ ta; một con chim tu-căng, Billy-Billy, mà chúng tôi nuôi từ hồi ở Colombia, và tôi vừa mới đem cho vườn thú riêng của Jack Carruthers ở San Fernando Valley, một con trăn tuyệt đẹp dài đến bảy mét, có biệt danh là Pete Kẻ Siết cổ, mà tôi đã bắt gặp trên đường trong rừng ở Colombia, cùng thời với con chim tu-căng. Tôi đành chia tay Pete vì các bạn tôi từ chối chăm nó khi, phải cái thói lang bạt của kẻ mà cái thân xác trong đó anh ta bị nhốt gây ra những cơn khủng hoảng của bệnh sợ chỗ kín, tôi đột ngột bỏ chạy từ lục địa này sang lục địa khác, đi tìm một ai hay một cái gì đó khác, cũng chẳng biết là cái gì. Thôi thì tốt hơn là tôi nên nói ngay là tôi chẳng tìm ra được cái gì khác trong các cuộc chạy đuổi của mình cả, ngoài thứ xì gà khá kỳ lạ ở Madras, một trong những bất ngờ lớn và đẹp của đời tôi. Thỉnh thoảng, tôi đến thăm con trăn của tôi. Tôi vào trong khu đất rào đặc biệt mà Jack Carruthers dành cho nó vì quý trọng các nhà văn. Tôi ngồi xếp bằng, trước mặt nó, và chúng tôi nhìn nhau rất lâu, ngạc nhiên, sửng sốt vô hạn, mỗi bên đều bất lực không cắt nghĩa được chút nào về những gì đã xảy đến cho mình và làm cho bên kia được chia sẻ đôi chút hiểu biết rút ra từ kinh nghiệm của mình. Mang kiếp trăn hay kiếp người là một nỗi bất hạnh khiến ta ngơ ngác đến mức nỗi hốt hoảng được chia sẻ này trở thành mối tình bằng hữu thật sự. https://thuviensach.vn Đôi lúc Pete lấy tư thế hình tam giác - bọn trăn không quấn lại thành cục tròn, chúng dựng thân lên thành hình thước thợ; lúc đó tôi có cảm giác bằng cách ấy nó làm một dấu hiệu gì đấy mà tôi cần diễn giải. Từ đó, tôi biết được tư thế hình thước thợ đối với con trăn là tư thế tự vệ, trước một mối hiểm nguy, và như thế tôi biết rằng Pete Kẻ Siết cổ và tôi quả có một điều chung: cẩn trọng cao độ trong các quan hệ với con người. Tầm trưa, trong khi nước ồ ạt tuôn trên các đại lộ, tôi nghe thấy một tiếng sủa giọng trung đẹp mà tôi đã quá biết và đi ra mở cửa. Sandy là con chó vàng cao lớn, chắc hẳn là hậu duệ rất gián tiếp một dòng chó Đan Mạch xa xôi nào đó, nhưng do mưa và bùn, bộ lông nó đã bắt màu sô cô la nghiền. Nó đứng ở cửa, đuôi cụp, mõm sát đất, dùng tài năng dối trá tuyệt hảo để ra bộ chịu tội, xấu hổ và có dáng đứa con hư trở về nhà. Không biết bao nhiêu lần tôi bảo nó là không được lê lết ngoài đường ban đêm; sau khi đã đưa ngón tay dọa nó và mắng đi mắng lại nó mấy lần là bad dog tôi đã sẵn sàng tận hưởng trọn vẹn cái vai trò lãnh chúa cùng ông chủ được sùng bái và kính sợ, kẻ nắm uy quyền tuyệt đối của mình, thì con chó của tôi kín đáo quay đầu lại để chỉ cho tôi biết rằng không chỉ có mỗi hai chúng tôi. Quả là nó đã dẫn về một cậu bạn tình cờ gặp ngoài đường. Đó là một con béc giê Đức lông xám, chừng sáu hay bảy năm tuổi, con vật đẹp đẽ tạo cảm giác mạnh mẽ và thông minh. Tôi để ý nó không có vòng cổ, điều hiếm thấy ở một con chó nòi. Tôi cho anh chàng đểu của mình vào nhà, nhưng con béc giê Đức không bỏ đi, và mưa to đến nỗi bộ lông ướt dính chặt vào da khiến nó trông giống con hải cẩu. Nó vẫy đuôi, dựng hai tai lên, mắt long lanh linh lợi, với vẻ chờ đợi căng thẳng của lũ chó đang đón một cử chỉ quen thuộc hay một mệnh lệnh. Rõ ràng là nó chờ một lời mời, đòi cái quyền được cho trú ẩn vẫn khắc ghi bao đời nay trong quan hệ giữa con người với bạn hữu đang hoạn nạn. Tôi mời nó vào. https://thuviensach.vn Khá dễ biết tính cách một con chó, trừ với giống doberman*, ở giống này tôi luôn gặp những phản ứng bất ngờ. Con chó xám khiến tôi chú ý ngay vì tâm trạng vui vẻ của nó. Vả lại, ai đã từng sống chung với loài chó đều biết rằng khi một con tỏ ra mến một con khác, thì gần như ta luôn có thể tin đánh giá của nó. Con Sandy của tôi tính rất ôn hòa, và cảm tình tự phát của nó dành cho anh chàng khổng lồ được cứu khỏi cơn mưa rào này là sự tiến cử tốt nhất đối với tôi. Tôi điện thoại cho Hội bảo vệ động vật báo là tôi đã đón nhận một con béc giê Đức lang thang, báo số điện thoại của tôi, phòng trường họp chủ nó xuất hiện, và tôi nhẹ lòng khi nhận thấy vị khách của mình rất tôn trọng bọn mèo, và là một con vật lương thiện có giáo dục. Những ngày tiếp sau đó, tôi có nhiều người đến thăm, và con béc giê mà tôi đặt tên là Batka - trong tiếng Nga có nghĩa là Bố cưng, hay là Lão to sụ - được các bạn tôi rất thích, sau khi đã qua phút e sợ đầu tiên. Ngoài cái ức đ vật và cái mõm to đen sì, quả là Batka còn có bộ răng nanh giống như sừng của loài bò tót nhỏ mà ở Mexico người ta gọi là Machos. Tuy nhiên nó rất hiền dịu; nó hít hít các vị khách để nhận dạng rồi sau đó, ngay từ cái vuốt ve đầu tiên, bắt tay, bằng cách đưa chân ra cho khách như muốn bảo họ: “Tôi biết là tôi có vẻ hung tợn, nhưng tôi rất tử tế.” Ít ra thì đó cũng là cách tôi diễn giải những cố gắng của nó để làm yên lòng các vị khách của tôi, nhưng dĩ nhiên một người viết tiểu thuyết dễ bị nhầm về bản chất con người và sự vật hơn người khác, vì anh ta tưởng tượng ra họ. Tôi luôn tưởng tượng về những người tôi gặp trong đời hay sống gần tôi. Đối với một kẻ tưởng tượng chuyên nghiệp, điều ấy dễ hơn và đỡ mệt. Anh chẳng cần phải tốn thì giờ tìm hiểu những người thân của mình, chăm chú đến họ, thật sự chú tâm đến họ. Anh bịa ra họ. về sau, khi gặp điều bất ngờ, anh giận họ kinh khủng: họ đã lừa dối anh. Tóm lại, họ không xứng đáng với tài năng của anh. https://thuviensach.vn Chẳng ai đòi lại con chó, và tôi thấy nó đã trở nên một thành viên quen thuộc của gia đình tôi. Ngôi nhà của tôi ở Arden vốn sẵn có bể bơi, và công ty bảo dưỡng mỗi tháng hai lần cử người đến kiểm tra bộ phận lọc nước. Một buổi chiều, tôi đang ngồi viết, bỗng ở phía bể bơi có tiếng gầm dài rồi tiếp sau là những tiếng sủa giật từng hồi, nhanh và giận dữ mà bọn chó sủa để báo hiệu có kẻ lạ lẻn vào và chúng sắp tấn công ngay lập tức trong vài giây tới. Thường thì đó chỉ là lối nói trong ngôn ngữ loài chó cái câu tương đương với câu nói trong ngôn ngữ của chúng ta: “Hãy giữ tôi lại không thì tôi gây tai họa đến nơi đây này”, nhưng ở những con chó giữ nhà được huấn luyện tốt thì đó chẳng phải là chuyện làm ra vẻ bề ngoài. Tôi chưa từng biết thứ gì gây căng thẳng thần kinh hơn là những cơn kịch phát bất ngờ và hung dữ ấy mà mục đích là chôn đứng chân anh tại chỗ, trong khi chờ dịp tốt hơn. Tôi chạy ra sân. Bên kia hàng rào sắt là anh chàng làm công người da đen đến kiểm tra bộ phận lọc nước bể bơi, còn Batka thì lao ra phía cổng chính, bọt sùi đầy mõm, trong cơn thù hận tột đỉnh kinh hoàng đến nỗi con Sandy trung hậu của tôi vừa bò vừa rên hư hử lẩn vào một bụi cây và biến thành tấm thảm chân giường. Anh da đen đứng sững, tê liệt vì sợ. Chẳng phải chuyện đùa. Con béc giê hiền từ của tôi, luôn nhã nhặn với khách khứa của chúng tôi, đã biến thành cơn thịnh nộ súc sinh, tìm lại được trong đáy họng nó những tiếng hú của loài ác thú đang đói trông thấy thịt mà không với tới được. Có một điều gì đó thật hết sức đáng nản lòng và gây bối rối trong cái cách thay đổi đột ngột của một con vật hiền lành anh tưởng đã hiểu rõ thành con thú tàn bạo và chừng như hoàn toàn khác. Đây là sự biến đổi thật sự về bản chất, gần như là về tầm vóc, một trong những khoảnh khắc nặng nề khi những sắp xếp nhỏ nhặt vốn đã làm anh yên lòng và những phạm trù quen thuộc vỡ vụn tan tành. Kinh nghiệm khiến người ta phải nản lòng dành cho những kẻ chuộng các niềm tin https://thuviensach.vn chắc chắn. Bỗng nhiên tôi đối mặt với hình ảnh một thú tính khởi nguyên, nấp kín trong lòng tự nhiên, mà người ta thích quên đi sự có mặt ngầm của nó giữa hai lần bộc lộ chết người. Cái mà ngày trước người ta gọi là chủ nghĩa nhân ái luôn bị mắc kẹt trong cái song đồ đó, giữa tình thương lũ chó và sự kinh tởm tính chất chó má. Tôi cố kéo con Batka lại và bắt nó vào nhà, nhưng quả là nó có ý thức nghĩa vụ, cái con khốn kiếp ấy. Nó không cắn tôi, nhưng hai bàn tay tôi đầy những nước bọt, và nó giật ra khỏi tôi, lao về phía cổng, nhe nanh ra. Anh da đen đứng bên kia cổng, dụng cụ cầm ở tay. Đó là một chàng trai trẻ. Tôi nhớ rất rõ nét mặt anh ta, bởi đây là lần đầu tiên tôi thấy một người da đen đứng trước sự căm thù thú tính. Anh ta có cái vẻ buồn thường thấy trên một số khuôn mặt người khi họ sợ. Trong chiến tranh, tôi thường thấy vẻ mặt ấy ở các bạn trong phi đội của tôi. Tôi nhớ hôm trước ngày phải thực hiện một nhiệm vụ bay là sát mặt đất đặc biệt nguy hiểm, đại tá Fourquet đã bảo tôi: “Trông cậu buồn thế, Gary.” Lúc đó tôi sợ. Tôi bảo anh thanh niên đi đi, bỏ chuyện súc bể bơi tuần này. Ngày hôm sau lại tái diễn cảnh tượng ấy với người làm công của công ty Liên hiệp Miền Tây mang đến cho tôi một bức điện tín. Buổi chiều, mấy người bạn đến thăm chúng tôi và, mặc dầu tôi lo lắng, Batka đã đón tiếp họ hết sức thân tình. Họ là người da trắng. Bấy giờ tôi mới nhớ ra là người làm công của Liên hiệp Miền Tây cũng là người da đen. https://thuviensach.vn II Tôi bắt đầu cảm thấy cái khó chịu rất quen thuộc của tất cả những kẻ nhận ra một sự thật đau buồn đang lớn dần lên quanh mình, ngày càng hiển nhiên, nhưng họ lại không chịu chấp nhận. Chẳng qua là trùng hợp ngẫu nhiên thôi, tôi tự nhủ. Tôi suy nghĩ lung tung. “Vấn đề” ám ảnh tôi. Cảm giác khó chịu của tôi trở thành nỗi kinh hoàng thực sự khi anh chàng giao hàng của siêu thị suýt nữa bị con Batka cắn đứt cổ họng. Lúc tôi mở cổng, Batka đang nằm ở giữa phòng, và thình lình, giữa cái im lặng có chủ đích và xảo trá, nó nhảy bổ vào cổ anh chàng nọ. Chỉ cần một giây: tôi chỉ vừa kịp dùng đầu gối đóng sập cánh cổng lại. Anh giao hàng là một người da đen. Ngay hôm đó, tôi cho con Batka lên xe lái đến vườn thú của Jack Carruthers, “Trang trại của Noah*”, ở San Fernando Valley. Tôi rất thân Jack Carruthers, nguyên là một anh chàng cao bồi trên màn ảnh, từ lâu đã chuyển nghề huấn luyện súc vật cho điện ảnh. Ngoài những thứ khác, trang trại của anh lấy làm tự hào về một hố nuôi rắn hơi có thể tìm thấy những loài rắn độc tiêu biểu nhất ở Mỹ. Jack và các phụ tá của anh chiết lấy chất độc cần thiết để pha chế các thứ huyết thanh. Cái hố rắn là nơi tôi cẩn thận tránh, mỗi lần đến trang trại: nhìn cái đám lúc nhúc ở đó, ta có cảm giác đang nhìn ngắm cái tiềm thức tập thể nổi tiếng của Jung*, cái tiềm thức của giống loài mà ta đã rơi vào khi vừa sinh ra, và đấy là một cảnh tượng khá dễ khiến ta suy sụp tinh thần. Jack đang ngồi ở bàn giấy của anh, mặc quần áo lao động màu xanh, đầu đội chiếc mũ cát két bóng chày muôn đời của anh. Đó là https://thuviensach.vn một người to lớn, điềm tĩnh và đậm chắc như thường thấy ở người về già có mất đi một chút dẻo dai cơ bắp nhưng vẫn giữ nguyên được sức mạnh; anh từng làm diễn viên đóng thế trong các phim cao bồi miền Tây và phần lớn tay chân anh đều lãnh hậu quả của cái nghề ấy. Lúc nào cổ tay anh cũng quấn một vòng dây da, và anh xăm một hình đầu ngựa trên cánh tay phải. Anh im lặng lắng nghe tôi nói, miệng nhai một trong những điếu xì gà gớm ghiếc mà nước Mỹ đã tự đày đọa mình phải xài khi cắt đứt quan hệ với La Habana. - Thế anh muốn tôi làm gì với nó nào? - Chữa cho con vật... “Noah” Jack Carruthers là kiểu người mà ta vẫn gọi là người bình thản, cái lối bình thản hơi mỉa mai xuất phát từ một sức mạnh bên trong quá tự tin ở mình nên chẳng cần phải tỏ vẻ cứng rắn. Chỉ có sự bất động được giữ chắc một cách kỳ lạ của cái thân hình đồ sộ, thấp lùn ấy, có thể khiến ta nghĩ đến một thói hung hăng được kìm nén nào đó, một kiểu nín nhịn về thể xác có tính toán. Nhưng đấy là suy tính của kẻ quen cẩn thận tự chế mình: tôi đã cam chịu chấp nhận dứt khoát là tôi không thể hoàn toàn thuần hóa được con thú vẫn ẩn bên trong mà tôi đeo theo cùng mình đi khắp nơi, cũng giống như bao anh chàng lái xe dính với cái tay lái động cơ của họ. Dẫu sao, ở Hollywood, mọi người đều mến Jack, mặc vẻ lạnh nhạt của anh, bởi đấy là một người hiểu rằng con chim hoàng yến mà anh mang đến giao phó cho anh ta là không thể thay thế được bằng bất cứ con hoàng yến nào khác, và một quý ông đem một con trăn Nam Mỹ đến nhờ anh ta nuôi năn nỉ anh ta hết sức chăm sóc, quý ông ấy đang phải chia tay một sinh linh yêu quý - yêu quý có thể vì ông ta tìm thấy ở con trăn một cái gì đó khác biệt với ông ta hơn cả. - Chữa à? Jack nhìn tôi bằng đôi mắt màu băng xanh nhạt. - Chữa bệnh gì chứ? https://thuviensach.vn - Con chó này đã được huấn luyện đặc biệt để chuyên tấn công người da đen. Tôi thề với anh là tôi không nói chuyện viển vông đâu. Mỗi khi có một người da đen đến gần cổng, là nó điên lên. Còn người da trắng thì chẳng sao cả, nó vẫy đuôi và đưa chân trước lên chào. - Rồi, nhưng thế thì sao? - Thế nào, sao lại sao? Cái tật đó, chữa được chứ? - Không, con chó của anh quá già rồi. Một nét chế giễu khẽ ánh lên trong mắt anh: - Đối với thế hệ đó, hỏng rồi. Anh hẳn phải biết điều ấy. - Jack, ai cũng biết là anh từng làm được nhiều điều kỳ diệu đối với những con vật được cho là đã hư hỏng. - Vấn đề là tuổi tác. Những nếp nhăn cũ, ăn sâu quá rồi... Chẳng làm gì được đâu. Vả lại phần lớn những con vật “hư hỏng” là những con vật bị làm hư hỏng. Bị cố tình làm méo mó đi bằng nhiều năm luyện tập. Bị làm hư hỏng có hệ thống. Con chó của anh quá già rồi. - Đây là một vụ cần kiên nhẫn. - Muộn quá rồi. Nó cũng đến bảy tuổi rồi. Không hồi phục được nữa. Không thể thay đổi nó được nữa. Nếp nhăn đã in sâu rồi. Người ta gọi là bệnh nghề nghiệp đấy. - Không thế để nó như thế. - Vậy thì tiêm cho nó một liều thuốc độc. Ở địa vị anh tôi sẽ làm thế đấy. - Chính cái bọn khốn nạn đã huấn luyện nó mới đáng bị tiêm cho chết... Jack phá lên cười. Anh thuộc loại người tốt số có thể vứt bỏ cả thế giới trong một cái cười ha hả. - Thậm chí tôi không chắc có thể giữ được con chó của anh ở chỗ tôi. Tôi có hai người giúp việc da đen. Họ sẽ không ưa chuyện này đâu. Nhưng thôi, cứ tạm thời để nó đấy cho tôi đã, rồi xem sẽ ra sao. https://thuviensach.vn Tôi từ giã Batka. Nó nhìn tôi hết sức chăm chú, tai vểnh lên, đầu hơi nghiêng về một bên. Tôi quay lại gần nó, ngồi bệt xuống, nhè nhẹ vuốt ve mãi mái đầu xám của nó. Sẽ sớm gặp lại nhau nhé, cưng. Đừng lo gì cả. Sẽ đâu vào đó thôi. Tôi lái xe qua khu Coldwater Canyon, lòng trĩu nặng một khối đá đủ để xây thêm mấy nơi cầu nguyện đẹp đẽ nữa. Những đại lộ không có vỉa hè với hàng cọ hai bên vắng tanh, chỉ trong những chiếc xe ô tô là có người. Tôi cứ chạy vòng vòng trong cái khoảng trống không được cơ giới hóa đó, rồi vẫn lại mãi quay về Đại lộ Wilshire nơi có những vỉa hè. Ở đây, các vỉa hè là những ốc đảo. Cuối cùng tôi vào nhà một người bạn mà cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày, sau ba lần giải phẫu. Đó là người từng bị “thanh trừng” thời McCarthy, hồi những năm 1952, bị cấm làm việc trong mười năm, vào thời truy nã bọn phù thủy “lật đổ”. Tôi thấy anh đang xây dựng một thành phố tưởng tượng với bộ Hãy tự bạn làm lấy với bộ đồ nghề. Đã hai năm rồi anh xây dựng cái thành phố rực rỡ chết tiệt ấy của mình, chỉ dừng lại để viết vội viết vàng một kịch bản khoa học viễn tưởng cho vô tuyến truyền hình mà anh đã trở thành một trong những người cung cấp quen thuộc. Nhưng tất cả nỗ lực sáng tạo thực sự nơi anh dồn cả vào cái thành phố lý tưởng của anh. Anh xây, rồi phá đi, tỉa tót, xếp lại tất cả trong một nhà kho nơi cuối vườn, phía sau bể bơi - đó là một hỗn hợp trộn lẫn giữa nhựa và thép với một ước mơ xé lòng, một nhu cầu cái đẹp và sự hoàn hảo còn mạnh hơn cả căn bệnh đang gặm mòn anh. Tôi lao vào cái Cung văn hóa nhìn ra biển của anh, nhưng sau nửa giờ tôi chán và để cho anh tự thỏa mãn lấy một mình. Trong xe, đài đưa tin về những vụ xung đột chủng tộc ở Detroit. Hai người chết. Từ cuộc bạo động ở Watts* làm ba mươi hai người chết, một tư tưởng cứ ám ảnh cả đất nước là nước Mỹ không bao giờ lập một kỷ lục mà không phá nó luôn sớm hay muộn. https://thuviensach.vn Khi là chuyện con người, cùng lắm ta còn có thể tự an ủi bằng Shakespeare, bằng nền y học hay bằng những dấu giày của chúng ta trên mặt trăng. Nhưng khi là chuyện một con chó, thì ta chẳng còn biết lẩn tránh vào đâu nữa. Mỗi lần trở lại gặp Batka bị nhốt trong chuồng của nó, tôi cứ ngỡ đọc thấy qua ánh nhìn một câu hỏi câm lặng: “Tôi có làm gì đâu, tại sao tôi lại bị nhốt trong chuồng, tại sao ông không muốn có tôi nữa?” Chẳng thể nghĩ ra được cách trả lời nào trước sự trong trắng tận bản chất đó, ngoài một cái vuốt ve an ủi. Ra về, tôi thật sự căm hận chính mình, và nói như cái câu nổi tiếng của Victor Hugo mà lâu lắm tôi không tìm ra được một cách diễn dịch tương ứng cho đến khi ngài Hélou, ngày nay là tổng thống Liban, đã nói hộ tôi: “Khi tôi nói tôi, tức là tôi nói về tất cả các người đấy, hỡi những người khốn khổ.” Ngày nào tôi cũng đến chuồng chó. Tôi muốn biết mình đang trở thành cái thứ gì đây. Bảy giờ sáng. Ngoài người gác đêm và đám thú, con thuyền Noé vắng ngắt. Hoa và lá ru đưa trong gió sớm những giọt sương nặng như trái quả của bình minh. Con hươu cao cổ của tiến sĩ Doolittle nhìn tôi với đôi mắt đầy nữ tính giấu sau hàng mi dài, mà các bà ở chỗ Elizabeth Arden* đến phải ghen thèm. Batka đứng lên bằng hai chân sau, áp cả thân mình vào rào sắt, nó đã đánh hơi thấy tôi đến từ xa. Tôi dựa má vào lưới sắt, tôi cảm nhận cái mõm lạnh, cái lưỡi ấm. Chẳng khó gì để nhận ra biểu hiện của tình yêu trong đôi mắt một con chó, và tôi nghĩ đến mẹ tôi vì cái sự trung thành này của con chó và của tình yêu. Nhưng mắt mẹ tôi màu xanh lục. Tôi cũng nghĩ đến một điều ngu ngốc thú vị do một nhà văn ưu tú trong số các bạn tôi nói ra bằng cái giọng mà trong tiếng Anh người ta gọi rất hay là supercilious, pha trộn giữa tính trịch thượng, ti tiện và chất công tử bột tâm lý. “Tôi không thích chó, anh ấy bảo tôi, bởi vì tôi không thích cái thứ đức tính quyến luyến phục https://thuviensach.vn tùng chúng dâng hiến cho anh.” Kể cũng kỳ lạ, khi thấy phẩm giá có thể chui vào đến tận đâu. Tôi không có chìa khóa. Tôi ngồi xổm bên ngoài chuồng còn Batka nằm phía bên kia rào, mõm gác trên đôi chân duỗi dài, mắt không rời khỏi tôi. Trên nền trời, rực rỡ ánh sáng trong veo của buổi bình minh California, trước khi hàng triệu xe cộ tuôn ra đường và các nhà máy bắt đầu vận hành, khi sự ô nhiễm phủ lên thành phố thứ chất thải đục mờ của nó. Tôi định bỏ đi không để ai nhìn thấy. Tôi chẳng có chuyện gì cần nói với ai cả. Nhưng tôi đã mất đi cả khái niệm về thời gian như thường gặp, khi ta trải qua những giờ khắc yên tĩnh và ta hơi thoát ra khỏi chính mình để sống với ánh sáng, cỏ cây và niềm dịu mát của khí trời. Đâu vào khoảng mười giờ, tôi thấy người gác da đen mà tôi biết tên là Keys như mọi người ở vườn thú vẫn gọi anh ta, một cái biệt danh do anh ta thường đeo quanh thắt lưng chùm chìa khóa khiến anh ta trở thành “ông chủ chìa khóa” của tất cả các chuồng sư tử, các hố rắn, các bể cá sấu Mỹ, nhà dành cho bọn khỉ và những nơi khác trên con thuyền của “Noah” Jack Carruthers. Anh ta còn cách chỗ chúng tôi mười mét thì con Batka đã dựng hai tai lên, đứng sững im một lúc, rồi chồm dậy vừa lao vào lưới sắt vừa tru lên. Nước bọt của nó bắn cả vào mặt tôi. Ngoài hình ảnh lập tức được cụ thể hóa về những cuộc đuổi bắt nô lệ chạy trốn và những cánh đồng bông mà đến bây giờ nước Mỹ vẫn còn phải gặt lấy cái vụ mùa bi thảm nó đã tự gieo thuở nào, một lần nữa lại diễn ra cảnh một thứ quen thuộc đột ngột bị đảo lộn, cảnh trong phút chốc một bản tính thân tình biến thành sự thù địch hoang dại... Keys đi qua cạnh chuồng, không thèm liếc nhìn con chó, tươi cười, khuôn mặt sáng rỡ - một chàng trai cao lớn, mảnh người, mặc áo https://thuviensach.vn sơ mi cộc tay, một chòm ria trên mép trông như hai cánh bướm. Trông thoáng giống Malcolm X*. Nhưng tôi ngỡ bao giờ cũng nhận thấy một nét nào đó của người đấu tranh ấy trên khuôn mặt tất cả những người da đen. - Hello, anh ta bảo tôi. Hôm nay đẹp trời quá. - Hello. Tôi ngồi dưới đất, tránh ánh mắt của anh ta, trong khi con Batka lao vào lưới sắt rống lên đến nghẹn cả họng, đột ngột dừng lại, mõm quay về một phía, mắt lại hướng về phía khác, liếc nhìn Keys, răng nhe ra, rồi lại lao vào lưới sắt, rống lên đòi một miếng mồi đẫm máu. Anh chàng da đen mỉm cười. Tôi bảo: - No progress. Keys nhìn con chó. Anh ta móc từ túi quần bò ra một hộp Chesterfield rồi lấy ra một điếu. Anh ta châm thuốc và lại bình thản nhìn con chó một lần nữa. Anh ta nói: - White dog. Chó trắng. Tôi nhớ là lúc đó tôi đã thấy cáu. Nói thế thì quả thực hơi tầm thường. - Được rồi, tôi bảo. Chẳng có gì lạ đâu. Anh ta nhìn tôi một lúc. - White dog, anh ta nhắc lại. Ông biết chứ? Đôi mắt anh ta tiếp tục lục soát tôi, làm như tôi cất hai hay ba thế kỷ lịch sử trong các túi. - Không, dĩ nhiên là ông không biết rồi. Đấy là một con chó trắng. Từ miền Nam đưa lên. Ở đấy người ta gọi là “Chó trắng” những con chó được huấn luyện đặc biệt để giúp cảnh sát chống người da đen. Một kiểu huấn luyện công phu hết mực. https://thuviensach.vn Tôi đang não cả lòng. Bởi vì chính tôi đã huấn luyện nó, con chó này. Câu nói nổi tiếng của Victor Hugo có một đảo đề: “Khi tôi nói anh, tức cũng là tôi nói về tôi đó.” Có một bài hát hay hay: Tea for two, and two for tea, và ta có thể biến nó thành một bài khác kiểu: “Tôi là anh, và anh là tôi.” Dẫu là bài đó có tên: tình bằng hữu. Chẳng cách nào khác thế được. Chẳng còn lối thoát hiểm nào nữa. Vùng Ngoại Mông, tôi nghĩ. Tôi muốn thoát ra lối đó. Tất nhiên là cái từ ngoại khiến tôi thích. - Ngày xưa, người ta huấn luyện chúng để săn nô lệ chạy trốn. Bây giờ, là để đối phó với những người biểu tình... Con chó rống lên. Tôi cũng vậy, một cách lặng câm. - Và rồi, với một con chó canh gác như vậy, cô vợ da trắng của ông có thể yên tâm mà ngon giấc lúc ông vắng nhà. Chẳng ai dám tới cưỡng hiếp cô ta. Keys vừa quay sang phía Batka vừa rít điếu thuốc. Anh ta quan sát nó một lúc với vẻ sành sỏi. - Một con chó đẹp đấy, anh ta nói. Anh ta lắc đầu. - Nhưng nó đã già rồi. Phải tầm bảy tuổi. Ở tuổi này rồi thì người ta chẳng thể thay đổi gì ở chúng được nữa... Anh ta lặng im hồi lâu, mắt vẫn không rời con vật. Anh ta ngẫm nghĩ. Đến bây giờ thì tôi cho rằng chính lúc ấy anh ta đã nảy ra cái ý định riêng của mình, và anh ta đang lờ mờ hình thành một kế hoạch mà anh ta giấu dưới cái vẻ trầm tư kia. - Be seeing you, anh ta bảo tôi. Tạm biệt. Anh ta chậm rãi bỏ đi, chùm chìa khóa leng keng quanh thắt lưng. Con Batka dịu xuống ngay, để lo bắt một con rận. Tôi vào phòng làm việc của Jack, nhưng chẳng có ai ở đấy. Jack đang ở trường quay, bận chăm một con hắc tinh tinh ngôi sao đang https://thuviensach.vn quay phiên bản Romeo và Juliet dành cho khỉ cho vô tuyến truyền hình. Tôi quay về nhà. Vợ tôi đang đi dự một cuộc họp của Liên đoàn Urban chuyên tìm việc làm cho những người da đen thất nghiệp. Trong số những người da đen thất nghiệp, có tương đối ít người thực sự thất nghiệp. Người ta không cho họ làm việc, có thế thôi. Các công đoàn - kẻ cướp đóng mọi cánh cửa đối với bọn họ. Buổi chiều, tại nhà một vị giáo sư nghệ thuật sân khấu, có một cuộc họp của những người theo chủ nghĩa tự do đấu tranh cho dân quyền, mà tôi tránh đến dự. Tôi giải thích với họ là tôi đã khốn khổ để thoát khỏi chuyện Việt Nam, chuyện Biafra*, chuyện số phận những thổ dân da đỏ bị tàn sát ở Amazon, chuyện lụt lội ở Brasil, dẫu sao cũng cần phải biết dừng lại. Cái chứng phù voi ngoài da, anh có biết không? Đó là khi anh thấy khó chịu ngoài da lúc ở nhà người khác. Tôi đã nói với họ, thôi đủ rồi, tôi từ chối đau khổ lối Mỹ. Tôi phải thú thật là tôi đặc biệt ghét vị “giáo sư” mà mà ở nhà vị ấy người ta tổ chức cuộc họp đoàn kết với người da đen tranh đấu. Tôi thấy ông ta là một kẻ phong California điển hình, từ phong có thể dịch gần như là “kẻ bất chính”. Đó là một trong những nhân vật cấp tiến bất mãn với xã hội tiêu thụ của chúng ta, bèn đi mượn tiền của ta để đầu cơ bất động sản. Tôi kinh tởm mấy kẻ mà những lời tuyên bố về lòng tin chủ nghĩa tự do không nảy sinh từ sự phân tích xã hội học mà từ kẽ nứt tâm lý thầm kín. Nếu đám thanh niên chê trách một cách chính đáng một số đồ đệ của Freud là tìm cách “ghép cho khớp” họ vào một xã hội bệnh hoạn, thì tôi thấy cái thủ thuật ngược lại cố ghép cho khớp xã hội vào với cái tâm thần bệnh hoạn của mình cũng chẳng phải là một giải pháp. Với lại các phương pháp giảng dạy của vị giáo sư nghệ thuật sân khấu đó khiến tôi buồn nôn. Chẳng hạn, trong một buổi tiếp các học trò của ông ta, tôi thấy ông ta đưa môi cho một tay diễn viên trẻ giống https://thuviensach.vn đực cực kỳ đầy nhục dục và đã có vợ hôn thật lâu. Và anh có biết vì sao không? Để tập cho gã nọ vứt bỏ được những “ức chế”, và nhất là những ức chế mà một nam diễn viên cảm thấy lúc phải trộn nước bọt của mình với một người đàn ông khác. Vậy là tôi không đến dự cuộc họp, nhưng có được nghe tường thuật lại chi tiết. Người ta bàn cách mở mang đầu óc cho một số người da trắng giàu có, mà người ta định moi từ họ số tiền đủ để duy trì một “trường học không có hận thù”, về mức độ căm ghét người da trắng trong tâm lý bọn trẻ con da đen. Do đó người ta đã tổ chức một cuộc chứng minh nhỏ, bằng cách đưa đến mấy đứa bé bảy, tám và chín tuổi, có mặt cả cha mẹ chúng nữa. Và đây là, trong một bản chép lại mà tôi đảm bảo tính xác thực, cuộc đối thoại giữa bọn trẻ da đen với một bà da trắng không chỉ là bạn của chúng, mà còn cho trú tại nhà bà cả cái gia đình các chiến sĩ đấu tranh ấy, gồm bố mẹ và năm đứa con. Hãy tưởng tượng bọn nhóc khốn khổ ấy, bị hàng năm chục người lớn da trắng vây quanh, đang tham gia cái cuộc giải phẫu ấy, theo kiểu mới. - Am I a honky, Jimmy? Tôi có phải là một mụ da trắng bẩn thỉu không? - Yes, ma’am, you are a honky. Vâng, thưa bà, bà là một mụ da trắng bẩn thỉu. - Am I a blue-eyed devil? Tôi có phải là một con quỷ cái mắt xanh không? Cần nói rõ là trong Kinh Thánh của những người da đen đạo Hồi theo nhà tiên tri Elijah Muhammad, tất cả sinh vật mắt xanh đều là kẻ thù. - Yes, ma’am, you are a blue-eyed devil. Vâng, thưa bà, bà là một con quỷ cái mắt xanh. - Do you hate me, Jimmy? Cháu có ghét tôi không? Đến đây biên bản ghi: “Ngập ngừng hồi lâu. Mắt đứa trẻ lo lắng tìm cha mẹ.” Chớ quên rằng từ nhiều tháng nay đứa trẻ khốn khổ đã https://thuviensach.vn được blue-eyed devil bây giờ đang hỏi nó cưng chiều đủ kiểu. Biên bản ghi: “Đứa bé thở dài.” - Yes, ma’am. Tôi ghét bà. I hate you. Ngập ngừng một chút. -... sort of. Theo một cách nào đó. Biên bản dừng ở đấy. Không thấy nói sau tiết mục đó người ta có cho thằng bé Jimmy một viên kẹo không. Nhưng có trà và bánh ngọt cho mọi người. Thói bạo dâm, chứng thích phô bày, chứng thích quảng cáo và cả cái chứng conning điển hình Mỹ, cái nghệ thuật bịp bợm đã được Mark Twain biến thành bất tử, một cách chơi trò gaming whitey có nghĩa là “sai khiến kẻ da trắng”. Bởi thực ra thằng bé Jimmy quả cảm chẳng hề thù ai cả, và chứng cớ là sau câu “tôi ghét bà” nó không thể không thêm “sort of” tức là “theo cách nào đó”, và như thế thú nhận phải tự ép mình nói “tôi ghét bà”. Cái từ sort of đó báo hiệu rằng mọi sự huấn luyện trái với bản tính tự nhiên về sau sẽ thất bại không cứu vãn nổi. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, tám mươi phần trăm người da đen Mỹ được hỏi ý kiến đã tuyên bố họ chẳng thù ghét ai cả, điều đó có nghĩa là còn có hy vọng, ngay cả với những con chó trắng. Những kẻ đã tổ chức cuộc họp nọ, dầu da họ màu gì và loại trừ bọn lừa bịp ra, đã chứng tỏ một thứ bằng hữu chính cống: tình bằng hữu của sự ngu dốt. - Yes, ma’am, I hate you... sort of. Và người ta chuyền chiếc mũ từ tay người này sang tay người khác theo vòng tròn. Xin mở lòng từ thiện, thưa quý bà quý ông. Người ta xoa đầu người chiến sĩ đấu tranh Jimmy. Thưởng kẹo nữa. Nhưng toàn bộ hy vọng của nước Mỹ nằm trong mấy từ ấy: theo cách nào đó. Nhờ trời, tôi không dự cuộc họp ấy. Tôi hẳn sẽ cắn một ai đó mất. https://thuviensach.vn Điều đó khiến tôi nghĩ đã thực sự đến lúc phải mua một sợi dây dắt cho chắc chắn hơn. Sợi dây tôi dùng từ lâu đã bắt đầu mòn rồi. Biết được biên bản cuộc họp ấy rồi, tôi đã phải chạy bộ suốt một giờ qua khu Beverly Hills. Các bạn tôi tưởng tôi chạy bộ là để giữ eo. Chẳng đúng tí nào. Là mưu đồ chạy trốn đấy thôi. Tôi trở về nhà, kiệt sức dễ chịu, nhưng rồi các sự kiện lại dồn đến ngập đầu ngay. Mười giờ sáng tôi nhận được cú điện thoại của Jack Carruthers. - Anh có thể đến đây ngay không? - Sao? Có chuyện gì thế? - Đến đây đi. Tôi gác máy. Tôi đến đó. Anh ngồi đấy, sau bàn giấy, với cái mũi tẹt gí, mái tóc xám húi cua và một miếng da trần nhỏ hình tròn, ở đó xương sọ của anh đã phải vá lại bằng một mảnh thép. Anh có vẻ một người Phổ giống như tất cả những người bị phang cho những cú bẹp cả mặt. Một cựu diễn viên đóng thế, hơn hai nghìn cú ngã ngựa đã chính thức được công nhận, một tấm bằng hành nghề đóng khung treo trên tường giữa hai bức ảnh của Tom Mix và Rintintin. Chiếc mũ bóng chày trật ra sau gáy, phần lưỡi trai dựng đứng lên. Anh châm mấy điếu thuốc rồi liền gí tắt ngay, đó là cái kiểu mà anh gọi là không hút thuốc lá. Anh có cái khía cạnh vô sản Mỹ trong dáng vẻ ưu tú tự nhiên về thể chất. Anh không chào tôi... - Tốt. Thế đấy. Tôi xin phép anh tiêm cho nó một mũi thuốc độc. Put him to sleep. - Tại sao, sao lại đột ngột thế? - Lại đây mà xem... Con chó già nằm nghiêng, mồm đẫm máu, hổn hển khó nhọc. Nó thấy tồi, và không ngẩng đầu dậy, chỉ yếu ớt vẫy đuôi. https://thuviensach.vn Chúng tôi bước vào trong chuồng. Jack cúi xuống, nắn nắn vào sườn con vật, nó giật mình co thắt thân lại. - Anh đã làm tôi mất mất người phụ tá giỏi nhất, Jack bảo. - Keys à? - Đúng. Mỗi ngày anh ta đi qua cạnh chuồng hai chục lần và lần nào cũng y như vậy. Con vật lồng lên điên dại. Con chó này đã được huấn luyện rất tốt. Một con chó nòi loại ưu. Keys có vẻ không chú ý, trừ phi anh ta cố ý la cà quanh chuồng, tôi ngờ là thế... như thể anh ta khăng khăng định làm vậy. Những tiếng rống lên, tôi muốn nói là, Tiếng gọi của chủ nó*... Anh hiểu không? Cái đó mỗi buổi lại đánh thức cơ chế thù hận nhỏ của nó. Con chó liếm bàn tay tôi và để lại những dấu nước bọt đẫm máu trên các ngón tay tôi. Bàn tay tôi ngập ngừng, tôi kìm cái vuốt ve của mình lại... Tôi biết con Batka đang chờ đợi lời khen thưởng. Ông thấy không, tôi đã làm đúng như được dạy... Tôi vuốt ve mái đầu trung thành của nó. - Số là, sáng nay Keys đã mặc bộ quần áo bảo hộ và bước vào trong chuồng. Anh ta giảng giải cho con chó. Tôi nghe cả hai rống lên, và tôi thề với anh là tôi không biết ai rống to hơn ai, con chó hay con người. Nó đã cắn anh ta dở chết... Hẳn không cần nói với anh là con chó không đáng bị kết tội. Những kẻ khác kia, những kẻ đã huấn luyện nó. Duy có điều anh ta không có những kẻ khác ấy trong tay. Vậy nên... - Sao? “Noé” Jack Carruthers cười. - Anh ta đã nện tôi đến vỡ mồm. Thực ra anh ta đã định làm thế. Khi tôi cố đỡ anh ta dậy, anh ta gỡ tất tật chìa khóa ra, từng cái một, đặt chúng trên mặt bàn rồi bỏ đi. - Tôi rất lấy làm tiếc, Jack ạ. https://thuviensach.vn - Tôi cũng thế. Ở đất nước này có hàng triệu người đã cực kỳ lấy làm tiếc. Điều đó chẳng thay đổi được gì hết. Anh không thể huấn luyện lại con chó của anh, chuyện ấy rõ như ban ngày. Điều tốt nhất anh có thể làm cho nó và cho mọi người, là tiêm cho nó một mũi. Nó đã bị làm cho hỏng hoàn toàn rồi... Vậy đó, anh đã hiểu ý tôi rồi đấy... Anh nhìn con vật. - Người ta không có quyền làm như thế với một con chó. - Jack, tôi muốn tóm cổ cái thằng cha đã... - Anh biết không, tôi không tin là anh có thể huấn luyện lại cả chính hắn ta. Có cả một thế hệ như vậy đó. Nó sẽ tự ngoan ngoãn ra đi. Các thế hệ sinh ra là để sẽ mất đi. Chỉ có điều tôi không chắc người da đen có thời gian và ý định chờ đợi... Anh chiếu thẳng vào tôi ánh nhìn màu xanh thù địch. - Về chuyện mũi tiêm, đồng ý hay không? - Không. Anh gật đầu. - Vậy thì, anh sẽ mang nó về, tôi không muốn giữ nó nữa. Anh hơi nhíu mắt, và các nếp nhăn từ tất cả các phía bỗng dồn hết về đấy. Tôi canh chừng cái cười nửa chừng của anh, cái cười đứt đoạn đến kỳ lạ, dừng lại nửa đường, giống như tất cả các biểu hiện trên khuôn mặt bị vá víu, bị tê liệt nhiều chỗ ấy. - Tôi có một ý. Tôi biết có một trại chó ở đó không có người da đen. Họ không thuê người da đen. Hãy gửi con chó của anh ở đấy. Tôi sẽ cho anh địa chỉ. - Thôi xéo mẹ anh đi. Anh thoáng ra hiệu tán thành một lần nữa rồi bỏ đi, vứt luôn điếu thuốc vừa châm. Tôi ngồi lại trong chuồng cạnh con Chó Trắng. Tôi để cho thời gian trôi đi, bao giờ như vậy cũng hay. Một giờ, hai giờ, tôi chẳng biết nữa. Tôi quyết định, nhưng tôi lợi dụng sự chắc https://thuviensach.vn chắn của quyết định ấy để trì hoãn thời gian phải thực hiện. Tôi ra xe tìm dây xích và gọi điện cho Chuck Belden. Tôi đề nghị anh ta cho tôi mượn khẩu súng ngắn. Tôi trở lại tìm con Batka. Nó khập khiễng đi theo tôi, lưỡi thè ra. Khó nhọc lắm nó mới nhảy được lên xe. Hẳn là một hay hai cái xương sườn đã bị gãy. Tôi đỡ nó. Chúng tôi cho xe chạy dọc đại lộ Ventura, cắt ngang Laurel Canyon. Ở những chỗ đèn đỏ phải dừng lại, người ta mỉm cười với con chó vừa ngoan ngoãn ngồi bên người lái xe, vừa canh chừng con đường. Ở Van Niess tôi vượt đèn đỏ để khỏi phải dừng lại cạnh chiếc xe tải nhỏ do một người da đen lái... Tôi nhốt con Batka trong nhà xe. Lúc bốn rưỡi chiều, Chuck mang đến cho tôi một khẩu côn của quân đội. Tôi tự rót cho mình một cốc whisky nhưng tôi kìm mình lại. Tôi biết tôi không thể cho phép mình uống một cốc whisky rồi sau đó lang bạt khắp thành phố với khẩu súng ngắn đã nạp đạn trong tầm tay. Ở tôi, rượu tháo tung hết mọi thứ dây buộc. Tôi bèn đổ cốc rượu vào gốc cây thu hải đường và ngồi vào tay lái. Batka thích những cuộc đi chơi bằng xe. Tôi quay tất cả các cửa kính lên và chúng tôi băng qua Hollywood, đi về phía Công viên Griffith nơi ngày xưa tôi thường chạy bộ trước khi đến tại vị ở sở lãnh sự của tôi tại Outpost Drive. Các ngọn đồi phủ đầy bụi cây ở đây hồi đó là nơi dạo chơi ưa thích của những người yêu thiên nhiên và những người yêu nhau; bây giờ người ta đi qua những khu hoang vắng này mà chẳng mấy khi chịu rời khỏi xe. Mỗi năm tỷ lệ phạm trọng tội lại tăng thêm bảy mươi phần trăm ở những thành phố lớn của nước Mỹ. Chỉ có một phần nghìn cơ may là anh phải nhận một nhát dao găm, nhưng trong những mối quan hệ độc chiếm mà ai cũng tưởng mình đang có với số phận, người ta cảm thấy đích thị là nó nhằm vào chính mình... Tôi dừng xe cạnh Cây Thập Tự của Người hành hương và cho con Batka ra khỏi xe. https://thuviensach.vn Tôi cầm lấy khẩu súng ngắn. Con Batka nhìn tôi. Nó biết. Linh tính. Nó cúi đầu xuống. Tôi nhằm vào sau tai nó. Chó Trắng chờ đợi. Bàn tay tôi run lên. Tôi khóc. Nước mắt nhấn chìm tất cả. Con chó mờ đi. Tôi bắn. Tôi bắn trượt nó. Con chó không nhúc nhích: nó đã không nhìn tôi. Tôi có cảm tưởng đã trượt mất cuộc tự sát của chính mình. Chó Trắng ngước mắt nhìn tôi, rồi quay đi và chờ đợi. Tôi nôn thốc tháo. Có sao đâu, thưa ngài, một con chó, làm gì mà lắm bi kịch thế... Còn Biafra thì sao? Anh coi thường tôi đấy à? Biafra thì sao? Tóm lại, không làm gì cho Biafra, điều đó cho phép anh cũng chẳng làm gì cho một con chó ư? Ngày nay có một lối biện luận tinh vi, theo đó, vì có chuyện Biafra, vì có chuyện Việt Nam, vì có tình trạng khốn cùng của thế giới thứ ba, vì tất cả mọi chuyện, nên miễn trừ cho anh cái việc giúp một người mù sang đường. Khẩu súng ngắn rơi khỏi bàn tay đẫm ướt của tôi. - Chó Trắng, đến đây. Nó khó nhọc đứng dậy và tiến một bước về phía tôi, đưa mũi ngửi cái họng súng... Không, mẹ kiếp, không bao giờ. Những người da đen thì mắc mưu gì đến tôi chứ, tôi ấy? Họ cũng là người như những người khác. Tôi không phải là kẻ phân biệt chủng tộc. https://thuviensach.vn Với lại, một viên đạn vào đầu con vật này, có một tên gọi cho cái sự việc ấy đấy, ông Romain Gary ạ: chủ nghĩa thất bại. Đầu hàng trước kẻ thù. Tôi chưa từng bao giờ chịu thế. Không thể nghĩ rằng có một khẩu côn đã lên đạn trong tay mà lại quy hàng. Những ngọn đồi tua tủa lùm cây đã nhuốm màu sương tím khiến cho cảnh vật đầy gai ngạnh có phần dịu bớt đi. Nhưng chỉ là cái dịu bên ngoài. Tôi đốt một điếu xì gà La Habana giá tiền đủ nuôi sống một gia đình thổ dân da đỏ mười ngày. Tôi thấy trong người có khá hơn. Tôi vỗ vào gáy con Batka. - Ta sẽ tóm được chúng. Nó vẫy đuôi, thè lưỡi ra. - Chúng sẽ không thoát được đâu! Đáng tiếc là không có một bức tường trắng nào quanh đây để tôi có thể nguệch ngoạc lên đó những tuyên bố quan điểm nhân đạo chủ nghĩa. - Con người sẽ tốt lên! Khi cần bám víu vào một niềm hy vọng, thì chẳng ai bằng tôi. Một nhà vô địch. - Con người sẽ thắng bởi vì con người mạnh hơn tất cả. Tóm lại, tôi đánh lừa được chừng nào tốt chừng ấy. Nhưng điều chủ yếu là tôi thắng. Tôi đeo lại dây dắt cho con Batka và mở cửa xe. Nó nhảy lên ghế đệm. Tấn kịch ngắn chữa bệnh tâm thần đã hạ màn. Tôi dừng lại ở đoạn nhà Schwab và gọi điện đến vườn thú. Không có ai nhấc máy. Tôi tìm được số điện của Jack trong sổ danh bạ. Tôi thú tội. - Chính xác thì anh kể tất cả chuyện đó cho tôi để làm gì? - Anh hãy nhận lại con chó cho đến khi tôi rời khỏi nước Mỹ. Tôi sẽ mang nó theo cùng. https://thuviensach.vn - Xéo mẹ anh đi. Cho nó vào một trại chó không có người da đen. Có một cái trại như vậy, rất tuyệt vời, ở Santa Monica. Rất sang trọng. Ngay cả ngài thị trưởng Yorty* cũng không thể làm hơn. - Thế thì, hãy cho tôi số điện thoại của Keys. - Anh muốn gì ở anh ta? - Tôi muốn nói chuyện với anh ta. - Đó là một anh chàng Hồi giáo da đen, anh biết không. Tốt nhất là anh nên giúp anh ta kiếm chiếc vé đi Mecca*. You’ll only help him to get his ticket for Mecca. Hình như những người anh em Hồi giáo có thể có được cái đặc quyền ấy nếu họ mang đến cho Elijah Muhammad năm miếng da đầu màu vàng hoe hoặc năm đôi tai màu hồng. - Nếu anh ta trở lại làm việc ở chỗ anh, thì anh có nhận lại con chó không? - It’s a deal. Đồng ý. Anh có biết là tôi có những hai trăm con rắn đầy nọc quý, mà chẳng có ai lấy được nọc rắn cả không? Keys là chuyên gia nọc rắn. Nói thế, nhưng tôi không có số điện thoại của anh ta ở đây. Ngày mai gọi điện lại cho tôi ở sở. Tôi nhốt con Batka qua đêm trong nhà xe, với một bữa ăn vương giả. Tôi không hé chút gì với Jean. Cô ấy không biết con chó đang ở cạnh. Lại đang có một cuộc họp của những người đấu tranh trong phòng khách. Jean Seberg từ hồi mười bốn tuổi đã tham gia tất cả các tổ chức đấu tranh vì các quyền bình đẳng. Điều đó tạo nên giữa chúng tôi một vấn đề nghiêm trọng. Vì tôi đã trải qua hành trình cùng các cuộc đổ vỡ huynh đệ của tôi từ hồi tôi mười bảy tuổi cho đến năm ba mươi tuổi và giữa tôi với cô là hai mươi bốn năm cách biệt, nên tôi dứt khoát từ chối sống lại cơn hấp hối kéo dài này một lần nữa. Tôi đã biết quá https://thuviensach.vn nhiều vấp ngã và chẳng hề muốn tham dự vào các vấp ngã của cô ấy nữa. Khi tôi bước vào phòng khách, mọi người im lặng. Thế là phải. Tôi có một vẻ mặt chẳng giấu vào đâu được. Tôi muốn nói là, chỉ cần nhìn tôi sẽ cảm thấy ngay vẻ gì đó lạnh nhạt. Bởi vì tôi biết trong “cánh cấp tiến”, những kẻ trục lợi và bọn khốn kiếp nhiều chẳng kém gì trong cánh xấu. Trong trường hợp cuộc họp tôi nói đây, các sự kiện sau đó đã mau chóng chứng minh là tôi có lý. Quả nhiên, vài tuần sau, một tên khốn kiếp có mặt hôm đó, kẻ đã khoác một bộ da đen cho hợp thời, nếu tôi có thể nói như vậy, đã tính làm một vố tống tiền buộc bọn da trắng phải xin lỗi, tức là chơi trò sai khiến bọn da trắng. Thưa cô Seberg, chúng tôi có nắm được một bức thư có thể gây liên lụy cho cô, trong đó cô nhận chuyển lời chào hữu ái cách mạng đến những sinh viên châu Phi ở Paris... Trong đó có cả tên một trong những lãnh tụ của Báo Đen*... Nếu chúng tôi đăng bức thư này lên báo, thì sự nghiệp diễn viên của cô ở Mỹ sẽ... Jean đã trả lời: - Đăng đi. Sau đó cô đã khóc đôi chút. Cô Seberg còn ở cái tuổi có thể thất vọng. Tôi chờ cô ký séc đóng góp, nghĩa là phòng khách hết người, rồi tôi đi ngủ. Sáng hôm sau tôi có được số điện thoại của Keys và tôi gọi cho anh ta. Một giọng bé gái trả lời là bố cháu không có ở nhà. - Cháu có biết bác có thể tìm bố ở đâu không? Cô bé lo lắng hỏi lại: - Có chuyện gì với một con vật phải không ạ? - Đúng. Rất quan trọng. https://thuviensach.vn Nghe có tiếng thì thào bên kia đầu dây. - Bố đang ở trường quay Pancake, phía Fairfax. Tôi tìm địa chỉ trường quay Pancake và thấy Keys đang ngồi trước một núi bánh kếp tẩm xi rô thích. Đầu anh ta chụp chiếc mũ chỏm bé kiểu Hồi giáo trông như mới cắt ra từ một cái túi thảm hại nào đó. Anh ta chào tôi thân mật và đưa mũi dao chỉ cho tôi chiếc ghế bên cạnh. Anh ta có hàm răng nhỏ, thanh và trắng lạ lùng. Tôi mở miệng định bào chữa, nhưng anh ta ngắt lời tôi: - Tôi biết, tôi biết. Hôm nọ tôi hơi mất bình tĩnh đôi chút. I’m sorry about that.Rất tiếc... Do cái tai tôi đó mà... - Do tai anh, tôi lặp lại ra vẻ hiểu, nhưng kỳ thực chẳng hiểu ra làm sao cả. - Tai tôi nhạy quá. Tôi không thể chịu nổi những tiếng rống của nó nữa. Tôi đã nện nó, cũng gần giống như người ta đập vỡ một cái đài gây ồn ào quá ấy mà... Anh ta vừa ăn vừa suy nghĩ. Tôi nhớ đã một lần mình nhận thấy trong mắt và trên nét mặt anh ta cái dáng vẻ ấy mà tôi không còn cách gọi nào khác hơn là scheming, của một người đang âm thầm nhẩm tính kế hoạch nào đó. - Ông hãy mang nó lại trại chó. Tôi sẽ tự tay lo chuyện này. Cần phải có thời gian đấy. Nhưng tôi tin chắc sẽ thành công. Anh cắt làm tư một chiếc bánh kếp ròng ròng long diên hương. - Bao giờ tôi cũng thành công. - Có cần tôi báo trước cho Jack không? - Chẳng cần. Xong đây, tôi sẽ quay về làm việc. Trưa nay ông mang con chó đến đi. Anh ta ăn ngon lành. - Con vật thật đẹp. Mất thì phí lắm. Anh ta cười với tôi, nhe cả hàm răng nhọn: https://thuviensach.vn - Ông có biết là từ sau vụ ở Watts, một con chó giữ nhà được huấn luyện tốt được người da trắng trả những sáu trăm đô không?* Tôi không nói gì, đứng dậy và bỏ đi. Có vẻ anh ta coi tôi là một tên trắng, cái gã khốn kiếp ấy. https://thuviensach.vn III Tôi lại đưa con Batka đến vườn thú và báo cho Carruthers biết người làm công yêu quý của anh sắp trở về. Lũ rắn sắp được rút đi hết nọc độc của chúng vì lợi ích của nhân loại. Jack đang đứng dựa vào song sắt khu dành cho lũ khỉ, nhâm nhi món cà phê sáng của anh. Một con vật lông lá màu đen bé tí, chỉ nhỉnh hơn con khỉ sóc một chút, đang thò tay qua vai anh cố nhúng vào tách cà phê. Chốc chốc Jack lại chìa cho nó miếng bánh phết bơ, con vật ngoạm một miếng và Jack ăn phần còn lại. - Sáng nay tôi đang có chuyện rầy rà với bọn chuột túi, anh giải thích với tôi. Con mẹ nện con bố, nhưng là chuyện trong nhà chúng nó thế nào đó. Tôi chẳng hiểu đã xảy ra chuyện gì trong gia đình chúng. Tâm lý bọn chuột túi, nhiều lúc tôi chẳng nắm được. Người ta bảo là dân châu Úc giống dân châu Mỹ, nhưng đối với bọn chuột túi thì không đúng như thế. Nó làm sao vậy, cái ả điếm ấy? Gã đực của tôi có con cái nào khác đâu, thế thì vì sao nào? Chuyện này rầy rà cho tôi, bởi vì chiều nay chúng có cuộc biểu diễn đấm bốc, lấy tiền ủng hộ trẻ con Triều Tiên mồ côi. Gã đực chẳng thể lên đài được nữa. Hoàn toàn khiếp đảm. Anh biết không, tất cả bọn chuột túi đều hơi điên. Cách đây mấy năm, tôi có một gã chuột túi đực cứ mỗi khi tôi đưa đến cho hắn một con cái đang hứng tình là hắn ngất xỉu luôn. Hắn ngửi ngửi không khí, hít dồn dập, như một con thỏ, rồi xỉu luôn. Một gã dễ xúc động. Con cái phật ý đến nỗi chụm cả hai chân mà nhảy lên gã kia. Anh bạn ạ, cái khoa tâm lý ấy mà, nó chỉ gây rầy rà cho ta thôi. Anh dùng cà phê không? Không à? Thế là Keys trở lại và anh ta sẽ tự mình lo chuyện con chó à? - Anh ta quả là một người tốt, cái tay Keys ấy. “Noah” Jack Carruthers hớp một ngụm cà phê. Anh có vẻ tư lự. https://thuviensach.vn - Phải rồi, anh bảo, chẳng một chút tin tưởng. Đôi mắt trắng nhạt của anh soi nhìn tôi một lúc, rồi quay ra chỗ khác. Con khỉ thò tay, giật lấy miếng bánh còn lại. - Lũ rắn cũng rất quý anh ta, Jack bảo. Keys là một gã quyến rũ thật sự. Anh hắt cặn cà phê xuống bãi cỏ. - Chưa bao giờ lại thấy một gã đầy hận thù đến thế, anh nói, với một kiểu giọng kính nể. Được chứng kiến cũng thú vị đây... Thôi được, tôi phải đi lên dây cót tinh thần cho con chuột túi của tôi đã. Anh nhìn tôi khinh khỉnh: - Anh làm tất cả những chuyện đó để làm gì thế? - Chuyện gì? - Chuyện con chó ấy. - Tỏi muốn cứu con chó, chỉ có thế thôi... - Khó tin lắm... You bet. Chính xác ra là anh định chứng minh cái gì nào? - Nhưng... chẳng gì cả. - Được rồi, anh bạn. Những nhà trí thức, biết rồi... Một việc có ý nghĩa tượng trưng chứ gì? Anh muốn chứng minh là có thể chữa được phải không? - Có thể chữa được. - Hẳn rồi, hẳn rồi. Nhưng phải bắt đầu từ lúc còn trong nôi kia. Sẽ phải mất năm mươi năm đấy. Dẫu sao, với Keys... - Với Keys thì làm sao? - Anh đã chọn đúng người đấy. Chuyện nọc rắn, anh ta rành lắm. Be seeing you. Tạm biệt. Anh bỏ đi. Con khỉ nhỏ bám vào song sắt, vừa chìa tay cho tôi vừa kêu lên the thé. https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn IV Tôi trở về Arden. Celia, bà bạn Tây Ban Nha của chúng tôi, bảo có một người đến tìm tôi hai lần để nói chuyện gì đó và ông ta sẽ trở lại vào buổi chiều. Đã sáu giờ chiều. Tôi đang ngồi trước bể bơi, ở sân trong. Jean đi quyên góp ủng hộ trường học Montessori mà cô đỡ đầu từ một năm nay. Một trong những mục đích của trường này là đem đến cho trẻ con da đen một nền giáo dục “không có hận thù”. Điều ấy được thể hiện ở tất cả các từ trên tờ quảng cáo. Một nền giáo dục không có hận thù. Điều đó mang đầy ẩn ý, vì nếu đó là một nhà trường khác với những nhà trường khác... Cho đến nay, tôi vẫn ngỡ rằng ở đâu có hận thù thì ở đó không có giáo dục. Ở đó là bóp méo. Là luyện tập. Tôi đang tự nhủ rằng vấn đề da đen ở Hoa Kỳ đặt ra một câu hỏi khiến cho nó trở thành gần như nan giải: đó là vấn đề của sự Ngu đần. Nó bắt rễ từ trong sâu xa của thế lực tinh thần lớn nhất của mọi thời đại, là cái Ngu ngốc. Trong lịch sử, chưa bao giờ trí tuệ có thể giải quyết thành công những vấn đề của con người khi tính chất chủ yếu của những vấn đề này là cái Ngu đần. Trí tuệ chỉ đi vòng tránh vấn đề, dàn xếp với chúng bằng sự khôn khéo hay bạo lực, nhưng mười lần thì hết chín, khi trí tuệ tưởng đã thắng lợi rồi, nó lại thấy tất cả sức mạnh của sự Ngu đần bất diệt mọc lên trên chính mảnh đất của nó. Ngoài nỗi buồn của tôi, ngoài niềm khát khao của kẻ về hưu ở tôi “không muốn dính dấp vào chuyện gì nữa”, còn thêm một nỗi bực bội riêng tư hơn nhiều và hơi kỳ. Từ ngày tôi đến Hollywood, ngôi nhà của tôi, tức là nhà vợ tôi, đã trở thành một thứ đại bản doanh chính cống của cái thiện ý tự do chủ nghĩa da trắng-Mỹ. Những người chủ trương tự do, theo nghĩa Mỹ của từ này - trong tiếng Pháp, hình như từ https://thuviensach.vn gần nghĩa hơn cả là “nhân ái” hay đúng hơn là “nhân đạo chủ nghĩa” - chiếm lấy ngôi nhà mười tám trên hai mươi bốn tiếng, ngay cả khi Jean ở trường quay. Đó là tính thường trực của những tâm hồn cao cả, và ai nghi ngờ rằng tôi nói mấy từ đó với chút giọng chế giễu thì tốt hơn hết là nên gấp quyển sách lại ngay và bỏ đi chơi chỗ khác. Đã bốn mươi năm rồi tôi mang theo trong tôi lang thang khắp thế gian những ảo tưởng nguyên vẹn của tôi, mặc tất cả mọi cố gắng rũ bỏ chúng đi và đạt đến tuyệt vọng một lần cho xong, điều tôi đành bất lực về mặt sinh lý. Chính chuyện đó biến tôi thành kẻ thích gây gổ trong các mối quan hệ với những “tâm hồn cao cả” ấy, ở họ tôi nhận ra chính mình, như là tôi bị lây chất độc do bọ cạp đốt vậy, cũng giống như ở những người da đen căm ghét thân phận của mình mà họ thấy hiển hiện ở những người da đen khác, hay ở những người Do Thái theo chủ nghĩa bài Do Thái vậy. Cũng phải nói rằng càng ngày tôi càng bực bội vì số lượng bọn người ăn bám cứ bâu quanh Jean. Ngày nào cũng có những tổ chức, hội nhóm được lập thêm bên rìa cuộc đấu tranh vì dân quyền, chẳng có hoạt động và mục đích nào khác ngoài để bảo đảm cho sự tồn tại về mặt kinh tế của các “ủy ban lãnh đạo” của chúng. Chúng luôn luôn há miệng chờ, sẵn sàng đón nhận cái món ăn trời cho rơi xuống từ các cơ quan và các nhà cầm quyền liên bang. Tôi chẳng bao giờ nhúng mũi vào chuyện tiền nong của Jean Seberg. Nhưng từ ngày đến đây, tôi để ý thấy cả một nửa tá những tên giảo trá, những tên lừa bịp và du đãng “mãn tính”, chúng chơi đến cùng - và thắng - cái trò đặt cược vào cái mặc cảm hai lần tội lỗi của cô: mặc cảm là ngôi sao điện ảnh, tức là chẳng còn nghi ngờ gì nữa, một trong những loại người bị khinh rẻ nhất, bởi vì bị ghen ghét nhất thế giới, và mặc cảm là người theo thuyết Luther, tức là kẻ tôn sùng tội lỗi nguyên sơ. Tôi đau khổ không còn cái quyền của người chồng trong Bộ luật Napoléon thời xưa, song tôi vẫn thầm mong muốn được có để tống xéo ra khỏi nhà mình vài tên da đen nổi loạn cứ đòi cô vợ da trắng của tôi phải trả thuế cho “tội lỗi” của cô. https://thuviensach.vn Một lần nữa tôi nhận ra rằng ở Mỹ tôi cũng chẳng thoải mái hơn ở Pháp. Tôi đã quá yêu đất nước này. Tôi đã sống quá lâu ở đây để còn cảm thấy là một người ngoại quốc. Tôi gọi điện cho người đại diện của mình và yêu cầu anh sắp xếp cho tôi một chuyến đi làm phóng sự ở Nhật Bản. Tôi đã từng đến Nhật Bản, và dẫu lưu lại đó rất ngắn, đây là một trong những nước hiếm hoi ở đấy tôi cảm thấy thực sự là người ngoại quốc. Một thứ cảm giác tuyệt vời khi thấy mình không phải là người trong cuộc. Có một rào cản ngôn ngữ rất lớn, nó khiến anh được cách biệt ra một cách thú vị. Tôi đã phải rời Nhật quá sớm, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy đối với người Nhật một thứ thiện cảm mà người ta chỉ có thể có được đối với những người có vẻ hoàn toàn khác biệt với chính mình. Vậy là tôi bắt tay lên dây cót một cách nghiêm túc cái cơ chế quyết định của mình để tự thuyết phục mình soạn sửa va li, rời bỏ Hoa Kỳ và chạy đi bất kỳ nơi đâu, miễn là tôi không còn phải nghe cái điệp khúc muôn thuở: “Hẳn rồi, gã da đen nọ là một tên vô lại, nhưng chớ quên rằng chính những người da trắng đã biến y thành ra như vậy.” Cứ mãi cố nén để khỏi nhảy xổ vào cuộc, cuối cùng tôi đến đổ ốm mất. Con Maï ngồi trên đầu gối tôi. Con mèo Xiêm này, cứ bám lấy tôi, ngồi trên vai tôi để kể cho tôi hết sức tỉ mỉ những câu chuyện chẳng thể nào hiểu được, bằng cái giọng lên bổng xuống trầm của nó, lần này nữa lại đang thổ lộ với tôi những bí mật của thế giới-mèo mà tôi cố mãi vẫn chẳng làm sao diễn dịch ra nổi. Một tác phẩm văn học dân gian kỳ diệu, mà chỉ có Pushkin mới diễn thành thơ được, thậm chí có thể là cả một nền triết học-mèo, đã trượt mất qua ngay bên cạnh tôi, quả là một tai họa ngữ văn chính cống. Con nhân sư cuối cùng đã lên tiếng với anh, đã nói với anh tất cả, vậy mà anh lại phải dừng bước trước ngưỡng cửa của một phát hiện vĩ đại chỉ vì cái tội dốt ngoại ngữ. Jean trở về, quanh quẩn bên tôi một hồi, tôi trơ như đá. Tôi chẳng có gì để tha thứ cho cô cả, nhưng có lẽ trong tôi có một chút bực bội https://thuviensach.vn khá kỳ cục của một anh chồng thấy vợ để tâm đến những nỗi khổ của đất nước nhiều hơn là những gì xảy ra trong nhà mình. Có tiếng gọi cửa và tôi ra mở. Đó là hai đứa trẻ, một gái một trai, tầm bảy hoặc tám tuổi, rất đáng yêu, với cái vẻ thiên thần tóc vàng của bọn trẻ con Mỹ. - Excuse us, sir. Fido có ở đây không ạ? - Không, Fido không có ở đây. Tôi lao về phía tủ lạnh và quay trở lại với một mớ bánh sô cô la hạnh nhân mà tôi bị buộc phải kiêng nhưng vẫn để đấy để nhìn cho sướng mắt. - No, thank you, sir. Rất khoái, tôi chén luôn. Hai đứa trẻ nhìn nhau rồi nhìn tôi nghiêm khắc với cái vẻ đáng bỏ tù năm năm, không được hưởng án treo. - Ở Hội bảo vệ động vật, người ta bảo đúng là Fido ở chỗ ngài. Tôi bắt đầu hiểu ra Fido là ai, vừa lúc một chiếc Chevrolet đến đỗ trước nhà tôi và một người đàn ông bước ra, đã có tuổi, gầy và khô, mái tóc muối tiêu giống như lão già mà chúng ta từng thấy cách đây bốn mươi năm đang nhảy qua dãy hàng rào trên tấm biển quảng cáo “Sels Kruschen, mùa xuân vĩnh cửu”, và tôi vui mừng nhận ra là bây giờ vẫn còn sống và vẫn cường tráng như xưa. Ông ta nhẹ nhàng băng qua bãi cỏ. Đến bảy mươi tuổi rồi chẳng chơi, trông những nếp nhăn trên khuôn mặt rám nắng, vui vẻ, cởi mở kia thì rõ. Nhìn cái thân hình mặc áo sơ mi ca rô đỏ Pendleton kia, có thể đoán ra một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, một chuyến về hưu đàng hoàng, nhiều tiền tiết kiệm, đã trả được tất cả các quyền cầm cố, bảo hiểm Blue Cross, lại cả thú đi câu cá và đi săn vịt trời. Ông ta đứng vào giữa hai đứa bé, mỗi tay đặt lên vai một đứa... - Good afternoon, Sir... Ở Hội bảo vệ động vật, người ta bảo chúng tôi là cách đây ba tuần ngài có nhận một con chó hình như chính là con chó của chúng tôi. Một con béc giê Đức, có một nốt mụn https://thuviensach.vn hạt cơm trên mõm với túm lông màu hung... Xe moóc cắm trại của chúng tôi ở Gardenia bị cháy trong lúc chúng tôi đang đi chơi, con chó đã thoát ra và chạy mất... - Fido is the name. Nó tên là Fido, thằng bé nói. Tôi nghe có tiếng bước chân sau lưng. Vợ tôi. Tôi cố tình không quay lại. Jean không biết nói dối. - Mời vào đi, mời vào đi... Họ bước vào. Bọn trẻ con không rời mắt khỏi tôi. Hẳn là chúng đã khóc nhiều, khi con Fido cưng biến mất. Tôi nhã nhặn cười với chúng, tôi cố ra vẻ lương thiện và thực thà. Tôi đã chuẩn bị cho tình huống này từ lâu rồi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ là tôi còn xoa xoa hai bàn tay nữa kia. - Con chó của các bạn không có vòng cổ à? Lão già lắc đầu. - Không, con chó đã mập ra và chúng tôi phải tháo vòng để nó khỏi bị siết cổ, nhất là khi chúng tôi buộc phải cột nó lại. Chúng tôi đang tính mua cho nó một cái vòng cổ khác có biển căn cước đúng quy cách, nhưng... Tôi đưa một bàn tay lên: - Chẳng hề gì cả. Tôi tin chắc đúng là con chó này rồi, có mụn hạt cơm, có chòm lông màu hung quanh mõm, trông như một lão nghiện hút thâm căn cố đế, hà hà hà... - Rất tiếc. Con chó không còn ở đây nữa. Tôi đã báo cho Hội bảo vệ động vật, thậm chí tôi còn cho đăng cả tin trên tờ Examiner... Mà chẳng thấy ai lên tiếng cả. - Chúng tôi đang nghỉ hè ở đây, lão già nói. Con trai tôi và vợ nó đi Los Angeles để xem thử có thích nơi ấy và tùy tình hình tìm một căn nhà. Rồi nó trở về Alabama để giải quyết công việc, trước khi trở lại ở hẳn đây. - Xứ Alabama ấy đẹp thật đấy, tôi thân mật nói. https://thuviensach.vn Lão già cười sáng cả căn phòng. - Không đâu đẹp bằng. - Nhưng California cũng chẳng kém, tôi nói thêm. Lão ta đồng ý. - Ở đây có nhiều khả năng tìm được một công việc thú vị hơn. Con trai tôi đã nghỉ hưu sau hai mươi năm phục vụ trong ngành cảnh sát, nó có ý đinh tự mình làm chủ. Nó muốn mở một trại nuôi chó. Nó mới bốn mươi bảy tuổi. Vâng, nó từng ở trong lực lượng cảnh sát bang. Cả tôi, trước tôi cũng là quận trưởng... Tôi mỉm cười. - Vậy là cha truyền con nối! - Vâng, bố tôi đã là phó quận trưởng và... Tôi cảm thấy lão ta sắp trưng ra cho tôi cả lô ảnh nữa kia. Tôi nghe trong bóng tối lờ mờ, giọng vợ tôi hơi run rẩy nói bằng tiếng Pháp: - Nếu anh trả con chó cho họ, em sẽ bỏ đi ngay. Nụ cười của tôi càng nở rộng ra. - Đừng nói nữa, tôi nhẹ nhàng nói. Anh chỉ giả vờ ngu thôi. Lão Kruschen rất mừng. - Ngài là người Pháp? - Vâng, tôi sinh ở Verdun, đấy là nơi người ta gọi là phép lạ của trận Mame. - Tôi đã ở Pháp hồi 1917, lão ta nói. Lính tình nguyện. Bài hát La Madelon. Thống chế Foch... Chuyện ấy chẳng làm tôi trẻ lại... - Lão chẳng chừa một lời sáo rỗng, cái lão ngu xuẩn này, Jean bảo. Khi Jean dùng tiếng lóng với giọng Mỹ, tức là có chuyện không bình thường. - Tôi lấy làm tiếc về chuyện con chó, tôi bảo. Tôi không còn giữ nó ở đây nữa. https://thuviensach.vn Tôi nhìn lão già. - Một con chó được huấn luyện rất giỏi, tôi nói. Nhưng tôi quên mất rằng, đối với lão già, tất cả những chuyện đó là hoàn toàn tự nhiên, lão ta chẳng có gì phải tự trách mình cả. Lời bóng gió cay chua của tôi chẳng hề động chạm đến lão. Lão giải thích: - Đó là một con chó cảnh sát. Một trong những con cừ nhất. Chính con trai tôi trực tiếp huấn luyện nó đấy. Con trai tôi chuyên huấn luyện chó cảnh sát. Thằng bé rất yêu súc vật, nó còn huấn luyện cả họ hàng nhà con chó kia nữa. Hai thế hệ trước con Fido cũng là chó cảnh sát đấy. Quá tám năm tuổi, bọn chó được về hưu. Chúng đắt hàng lắm. Con trai tôi đã mua lại con chó nó yêu thích nhất. Con Fido mà giữ nhà thì chẳng con nào bằng. - Anh đùa hả Charles, Jean nói, đột ngột nhớ lại một lời thoại của cô với Belmondo, trong phim Ngút hơi. Tôi phiên dịch: - Xin thứ lỗi cho vợ tôi, cô ấy chẳng nói được một từ tiếng Anh nào... Cô ấy hỏi ngài có muốn uống chút gì chăng... - Còn với hai cái tai, anh chẳng làm gì à? Jean lại hỏi tôi. Đây là một câu nói then chốt trong quan hệ giữa hai chúng tôi. Câu ấy tôi học của diễn viên Mario David. Một hôm trông thấy anh ta đang ngồi ở quầy rượu tại sân bay Madrid, mừng quýnh, tôi chạy bổ về phía anh ta, đánh đổ cả chai rượu, vì cố chụp cái chai tôi lại giẫm phải chân người phục vụ, tôi quay lại, lại chọc một phát cùi tay trúng vào mắt Mario, và há mồm để xin lỗi Mario tôi lại đánh rơi luôn một cái răng vàng vào bát xúp. Mario David nhìn tôi chăm chú và hỏi: - Còn hai cái tai, Romain, cậu không làm gì với chúng à? Tôi hỏi: - Một cốc whisky Scotland nhé? - Không, cảm ơn... Có đúng là ngài đã cho ai con chó không? https://thuviensach.vn - Vâng, biết làm thế nào được, vì chẳng thấy ai lên tiếng nhận cả... Một người bạn tôi đã rất quý con vật... - Ngài có địa chỉ của ông ta không? Tôi làm ra vẻ chần chừ. Lão quận trưởng của tôi hơi xẵng giọng. Trịnh trọng: - Tôi xin ngài cho tôi địa chỉ của bạn ngài. - Nghe này, tôi nói. Tôi xin ngài hãy suy nghĩ. Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy giữa con chó của ngài và anh bạn tôi có một sự tương hợp bản năng thế nào ấy, gần như là thú tính vậy... Cần phải nói với ngài rằng anh bạn tôi là người châu Phi... Một người da đen. Lão Kruschen sững người. Trái cổ lão ta chạy lên chạy xuống như cái thang máy rất chi là đẹp còn nụ cười của lão tắt ngấm mà mồm thì vẫn cứ ngoác ra tạo thành vẻ hoảng hốt tột độ. Trong đời sống của một đôi vợ chồng, có những lúc mà cuộc sống chung lâu dài bỗng biểu hiện thật bất ngờ: một trong hai người bỗng đột ngột nói ngôn ngữ của người kia. Bởi tôi bỗng nghe tận cuối phòng, vang lên từ đôi môi mê hồn của vợ tôi, đượm vẻ quý mến và cả cảm phục nữa các từ lóng mà tôi đã cóp nhặt được ngày xưa khi còn ở trong đội quân Lê Dương: - Ôi, con lợn của em! Seberg nói. Được cổ vũ, tôi càng bay bổng hơn: - Bạn tôi là một anh chàng sinh viên châu Phi được học bổng một năm ở Đại học California tại Los Angeles. Anh ta đã gặp con chó của ngài, và như tôi đã thưa với ngài đấy, đã nảy nở một tình bạn tức thì... Vâng, một cú sét đánh thật sự. Hai nhân vật ấy, có thể nói là họ gắn bó mặn nồng với nhau. Có thể ngài sẽ không tin khi tôi nói với ngài là không cách gì chia cắt họ được nữa... Lão Kruschen dần dần hồi tỉnh. Tôi không rõ lão ta đã rơi xuống tận đâu, nhưng đó là loại người có quai hàm chắc chắn và không chịu nằm gục dưới sàn đấu. Lão có tố chất của loại người đi khai phá https://thuviensach.vn những vùng đất hoang. Chính những con người như vậy đã xây dựng nên nước Mỹ. Giọng lão hơi rè đi: - Anh bạn da đen của ngài đã mang con chó về châu Phi rồi à? - Vâng, tôi bảo. Chính tôi đã mua vé cho cả hai. Tôi không muốn họ rời nhau. Có những điều không thể khác được. Bé gái òa khóc, hai nắm tay dụi vào mắt. - I want Fido, con bé rên rỉ, giọng đến não lòng. Cháu muốn con Fido! Tôi phải nói ngay rằng đó chỉ là một lối nói tu từ. Tôi cảm động vì những giọt nước mắt kia cũng gần bằng như Thành Cát Tư Hãn xúc động vì Những bất hạnh của Sophie*. - Tội nghiệp, đứa nhỏ, Seberg bảo, và tin hay không tùy bạn nhưng quả là trong giọng cô có niềm thương cảm thật sự chân thành. Hãy hiểu chúng tôi. Tôi yêu trẻ con, từ khi chính tôi có một đứa con. Nhưng nếu hai đứa bé đáng yêu kia khóc sướt mướt như vậy vì con chó lạc mất của chúng lại khiến tôi ít xúc động đến thế, thì chính là vì nhìn lão quận trưởng tôi cứ tự hỏi tại sao lứa tuổi trung bình của những nạn nhân bị bọn cảnh sát hạ thủ trong các cuộc bạo loạn phản đối phân biệt chủng tộc ở các khu ổ chuột lại cứ ở trong khoảng giữa mười bốn và mười tám tuổi. Giữa chúng tôi ngự trị khoảng im lặng nặng nề, im lặng trắng. Lão quận trưởng hiểu. Chúng tôi hiểu nhau. Lão ta bảo: - Ngài không có quyền muốn làm gì con chó đó thì làm. Tôi đấu dịu: - Ngài nghe đây, tôi sẽ viết thư sang Phi châu. Tôi tin chắc rằng con chó của ngài được đối xử như một ông vua ở bên ấy. Dù thế nào thì nó cũng chẳng thiếu gì đâu. Họ có những hai trăm triệu người, những người da đen, bên châu Phi ấy, cho nên, ngài thử nghĩ... https://thuviensach.vn Lão ta đứng dậy. Đôi bàn tay to bè, chai sạn của lão lại đặt lên hai đứa bé tóc vàng, dáng vẻ che chở. Lão là một người ông tuyệt vời, cái lão khốn nạn ấy. Nhưng điều kinh khủng nhất, là ở chỗ lão không phải một tên khốn nạn. Mà là một người tử tế. - Chúng tôi sẽ tìm một luật sư, lão bảo. - Xin ngài cứ việc. Rồi xin báo lại cho tôi biết ông ta định làm gì. Vợ tôi tiễn lão ra tận cửa. Tính hiếu khách kiểu Mỹ. Rồi cô quay vào, quàng tay ôm lấy cổ tôi, kề má vào mái đầu tôi. Chúng tôi đứng vậy một hồi lâu, chẳng nói gì với nhau. Rồi tôi đã phạm sai lầm khi lên lớp cho cô cái bài học vô vị của mình về sự chín chắn, nghĩa là sự chán chường. - Jean ạ, em hãy vứt bỏ mọi thứ đi. Em không thể tìm được những người chân chính đâu, họ ở ngoài tầm với của chúng ta, họ là hàng triệu, hàng triệu, còn những bọn khác, những bọn rỏm, những bọn giả trá, những bọn chuyên lo cho nỗi đau khổ của người khác, thì quá buồn, quá đáng nản lòng. Có một rào cản không phải là rào cản về màu da, nhưng cũng không thể vượt qua như vậy, đó là rào cản do cái nghề nghiệp của em... Một nữ minh tinh điện ảnh, dẫu là chân thật nhất, tận tâm nhất, lương thiện đến tận cùng nhất, khi cô ta chạm đến một nỗi đau lớn của xã hội, một vết thương thật sự, tức thì mọi thứ sẽ biến thành... biến thành minh tinh màn bạc. Em thường xuyên bị vây bủa bởi quá nhiều quảng cáo và nhiều bọn chụp ảnh nên công chúng khó có thể thấy trong tất cả những gì em làm một cái gì khác hơn là một lối tìm cách quảng cáo, một lối tạo dáng để chụp ảnh... Hoặc là phải vứt bỏ điện ảnh đi, phải xuống tận đáy sâu mà âm thầm làm việc, nhưng ở đấy trong những kẻ vây quanh em lại chẳng có kẻ nào cần em cả, bởi chúng chỉ quan tâm đến các minh tinh màn bạc thôi... - Em biết và em chẳng thèm quan tâm... Nhưng còn có ngôi trường... Còn ba chục đứa trẻ không thể bỏ rơi. Bill Fisher vẫn gửi đến cho chúng ta từ Marshalltown một tờ séc năm nghìn đô và... https://thuviensach.vn Tôi nghe nước mắt cô lăn trên cổ tôi. - Nghe anh đây, Jean. Hãy nói một chút về ngôi trường cứ muốn “không có hận thù” ấy... Nếu quả thật bọn trẻ khốn khổ ấy được nuôi dạy không biết đến hận thù, trong một nhà trường được đặc biệt lập nên vì mục đích đó, chúng sẽ hoàn toàn bị tước hết vũ khí, hoàn toàn không thể dung hợp được trước mắt mọi đứa trẻ khác... - Em muốn giúp chúng. Em biết là có cái khía cạnh “minh tinh màn bạc” đáng nguyền rủa ấy. Em sẽ thôi không đóng phim nữa. - Nếu không đóng phim nữa, em sẽ không còn phải xin được tha thứ vì đã trót là Jean Seberg, một minh tinh màn bạc, và hẳn là em cũng sẽ không muốn giúp đỡ chúng nữa... - Bởi vì chính cái vị trí minh tinh đó đã khiến em hành động chăng? Tôi đứng dậy. - Anh chẳng biết gì về chuyện ấy cả. Nhưng anh chán ngấy hết rồi. Anh cuốn xéo đây. Anh không chịu đựng được nữa. Mười bảy triệu người da đen Mỹ trong nhà, là quá nhiều, ngay cả với một nhà văn chuyên nghiệp. Với anh, tất cả những gì chuyện ấy có thể đem lại cho anh, là thêm một quyển sách nữa. Anh đã làm văn học về chiến tranh, về thời bị chiếm đóng, về mẹ anh, về nền tự do của châu Phi, về bom đạn, anh dứt khoát từ chối làm văn học về người da đen Mỹ. Nhưng em hiểu điều ấy nghĩa là thế nào: khi anh vấp phải một cái gì đó mà anh không thể làm thay đổi được, không thể giải quyết được, không thể vực dậy được, thì anh loại trừ nó. Anh tống nó vào một quyển sách. Sau đó anh không bị nó đè nặng lên mình nữa. Anh ngủ ngon hơn. Vậy nên, anh chuồn đây. Anh không thể xuất bản văn học về người da đen. Anh dứt khoát từ chối. Anh... - Thế nào rồi anh cũng viết một cuốn sách về chuyện đó, cô bảo. - Jean, hãy thôi chuyện đó đi. Em đã sống mười năm ngoài nước Mỹ. Lấy chồng, em đã là người Pháp. - Em vẫn cứ là Mỹ cho đến chết... https://thuviensach.vn - Còn anh, anh từ chối sống với cái gánh nặng nước Mỹ trên lưng... Có tiếng gọi cửa. Tôi ra mở. Năm vị, đàn bà lẫn đàn ông, ăn mặc theo lối bộ lạc. Tôi hét lên bằng tiếng Pháp: “Không, mẹ kiếp! Thôi đi!” và tôi đóng sập cửa lại trước mũi họ. Tôi quay lại phía Jean. Tôi ngỡ là mình đã rống lên, nhưng không biết chắc có đúng vậy không. - Họ đến đó. Họ trình diện đấy. Họ năn nỉ đấy, những kẻ khốn nạn ấy. Bởi vì họ nằn nì, nên anh sẽ làm. Anh không cưỡng lại được, em biết rõ quá rồi. Anh sẽ thí cho họ một quyển sách về nỗi đau khổ của những người da đen, một cú vẩy đũa thần sẽ chấm hết mọi nỗi đau khổ của người da đen, cũng như Chiến tranh và Hòa bìnhhay Phía Tây không có gì lạ đã chấm dứt các cuộc chiến tranh. Chẳng còn ai đếm nổi nữa, những cuốn sách đã làm thay đổi thế giới, nhưng nếu em kể dù cho anh một cuốn, anh sẽ xin cúi xuống mà hôn chân em... Vậy thì, hoặc là em tống khứ cái vấn đề da đen ra khỏi nhà này đi cho anh, hoặc là tự anh sẽ tống khứ nó. Anh sẽ tống mười bảy triệu người da đen của em vào một cuốn sách và sẽ chẳng còn ai nghe nói đến họ nữa. Một cách tự vệ chính đáng đấy. Cô bước ra, mở hé cửa: - Xin chờ cho một lát, cô bảo. Chồng tôi đang thay quần áo... Tôi nói: - Mẹ kiếp! Tôi đi đây. - Anh đi đi. Tôi ra ga ra và ngồi vào sau tay lái. Trong bản các câu hỏi trứ danh của Proust, với câu: “Hành động quân sự mà anh khâm phục nhất là gì?”, tôi đã trả lời: “Đào tẩu.” Trong đời mình, tôi đã đánh đấm nhiều lắm rồi. Tôi đã làm xong phần mình rồi. Tôi chẳng muốn gì nữa. Tất cả những gì tôi đòi hỏi bây giờ là xin hãy để tôi được yên mà hút vài điếu xì gà. https://thuviensach.vn Nhưng, không đúng như vậy. Không còn gì kinh khủng hơn là không thể tuyệt vọng. Vậy thì, đào tẩu thôi. Đừng có ngần ngừ. Tôi lái dọc đại lộ Sunset về phía Đại Dương, nhưng lại đột ngột quay ngoắt lại, theo đường Coldwater Canyon đến tận chỗ con tàu của “Noah” Jack Carruthers. Tôi băng qua khu chăn nuôi và vào tới chuồng chó. Con Batka đứng dựng trên hai chân liếm lên mặt tôi, và tôi ôm siết lấy nó trong vòng tay. - Vĩnh biệt, Batiouchka... Tôi nói với nó bằng tiếng Nga, để cho không ai khác có thể hiểu được chúng tôi: - Hãy nghe kỹ đây, anh bạn già thân mến. Ta không yêu cầu mi đừng cắn những người da đen. Ta yêu cầu mi đừng chỉ cắn những người da đen thôi. Tôi tin rằng nó hiểu tôi. Lũ chó biết nhận ra đồng loại của chúng. Tôi mua một chiếc bàn chải đánh răng và lên chuyến bay đầu tiên đi Honolulu. Sau đó, Manila, Hồng Kông, Calcutta, Tehran... Tôi dừng lại chỗ này chỗ nọ, một đôi ngày, để mà tự mình sao nhãng đi, tự trốn mình đi bằng cách xát vào mình cái “màu sắc địa phương”, cái “chất ngoại lai”, chất “mặn mà”, chất “xa xứ”, vài ngày chỗ này, vài ngày chỗ nọ, trôi nổi, không gắn bó, không kịp để mình tự nhận ra rằng những trò cải trang này chỉ nhằm che giấu đi cái cứ liệu đầu tiên không xứng đáng và không thể chấp nhận của chúng ta, và tôi lại sẽ phải đối diện với chính mình. Tôi ghi những dòng này ở Guam trước mặt người anh em của tôi là Đại Dương. Tôi lắng nghe, tôi hít thở sự xao động của nó, sự xao động giải phóng cho tôi: tôi cảm thấy mình được thông cảm và được bày tỏ. Chỉ Đại Dương mới có những phương tiện âm thanh cần thiết để lên tiếng nhân danh con người. https://thuviensach.vn V Vào lúc đã là đêm trên chiếc máy bay của tôi đang bay trên đồng ruộng và các thành phố Campuchia, ở Los Angeles mới sáu giờ chiều, con Sandy đang nằm dưới chân Jean bỗng dựng đôi tai lên, rồi đứng dậy khẽ khàng bước lại phía cửa. Mõm gí xuống đất, nó ngửi ngửi một lúc, rồi bắt đầu vẫy đuôi báo hiệu có khách quý đến. Đó là con Batka. Nó đã trốn khỏi chuồng chó, và băng qua cả thung lũng San Fernando và các ngọn đồi Beverly để trở về với những người thân của nó. Jean đã phải kể với tôi rằng đôi mắt con chó già đầy ắp tình yêu đến quá sức chịu đựng của cô. Cô òa lên nức nở. Bởi không thể giữ trong nhà một con vật là hiện thân, đối với các bạn da đen của chúng tôi, và là sự hiện diện, đối với chúng tôi, của bao thế kỷ nô lệ. “Em đã trải qua một đêm khốn khổ khi cố dung hòa những điều không thể dung hòa. Điều ấy tự nó chứng tỏ một kiểu dam mê tài tử sang trọng, một thói xa hoa ủy mị về mặt đạo đức. Thật ra chẳng có gì phải đắn đo.” Hôm sau, cô gọi điện báo cho Carruthers. - À thế à, thế là nó đã tìm ra đường về nhà. Tuyệt. Càng tốt. Trong giọng Carruthers có một cái gì đó còn hơn là nhẹ nhõm. Một nỗi vui thật sự. - Jack ạ, anh chẳng phải là một người muốn làm thay đổi thế giới này. - Đấy, sống với một nhà văn rồi thì ra thế đấy, Jean ạ. Cô có một con chó và cô biến nó thành cả một thế giới... Cô có biết hôm trước đã xảy ra chuyện gì không? Đầu tiên, một trong những anh chàng da đen làm việc ở đây, người trẻ nhất, đã tìm cách đầu độc con chó của cô. Anh ta đã trộn vào thức ăn của nó một liều strychnine đủ giết chết nó https://thuviensach.vn hai mươi hai lần. Con chó không thèm đụng đến: cô biết không, một suất ăn do một bàn tay da đen phục vụ mà... - Jack, không thể thế được... - Đương nhiên là không thể được. Một nửa những điều từng xảy ra trên đời này là những điều không thể có được. Tôi không biết cái chuyện strychnine kia đâu. Tôi là ông chủ mà, cho nên người ta chẳng nói gì với tôi cả. Ngày hôm sau, cái anh chàng ấy, Terry - mười tám tuổi, cô xem đấy, tuổi trẻ, đẹp biết bao - anh chàng đi tìm Tatum, người bảo vệ. Bill Tatum là người vẫn cho con chó ăn, ông ta trắng đến nỗi hình như cái mùi trắng ấy tỏa hương xa đến hàng nghìn dặm, cứ xem cái lối con chó của cô ve vuốt thân tình với ông ta thì rõ. Bởi vì cô có thể đoán ra được đấy, Jean ạ, bọn da trắng chúng ta ấy mà, chúng ta có một thứ mùi tinh tế ai cũng phải mê. Tôi sẵn sàng chứng minh với cô điều đó dog-in-hand, có con chó làm bằng chứng. Terry yêu cầu Tatum đầu độc cái tên phân biệt chủng tộc của cô. Tatum trả lời rằng ông ta đã bảy mươi tuổi, ông ta không còn những thứ cần thiết - he didn’t have it in him - để có thể đầu độc bất cứ ai. Ông ta không còn những niềm xác tín đủ mạnh để làm việc đó. Đấy là tuổi già, sự lú lẫn, ông ta không còn đủ dũng cảm. Tôi biết được những việc đã được âm mưu sau lưng tôi chỉ vì đã xảy ra xô xát giữa Terry và Keys. Keys đã dần cho thằng bé kia một trận ra trò. Đừng có mà hỏi tôi vì sao nữa... - Đi kết tội một con vật khốn khổ thì thật là vô lý... Keys đủ thông minh để hiểu ra điều đó. - Không, cô lầm rồi, Jean ạ. Keys còn thông minh hơn thế nhiều. Anh ta thông minh đến nỗi đôi lúc tôi cảm thấy anh ta không suy nghĩ: anh ta tính toán. Đấy không phải là loại người suy ngẫm, đấy là loại người suy tính. Dầu sao anh ta cũng đã nện cho cậu nhóc kia một trận ra trò. Và ngày hôm kia, là đỉnh điểm. Tôi nghe thấy tiếng gào phía phòng gửi áo nên tới xem. Tôi thấy Terry trần truồng, còn Keys thì cầm một khẩu súng ngắn trên tay. Đây là khẩu súng ngắn của tôi, https://thuviensach.vn Terry đã cuỗm được ở bàn giấy của tôi và giấu dưới áo sơ mi của cậu ta. Rõ ràng thằng bé định bắn chết con chó của cô. Vậy đấy, ở đất nước này bây giờ đã đến nông nỗi thế đấy. Qua câu chuyện này, cô thử nghĩ xem tình trạng ứ mủ trong chiều sâu đã đến mức độ nào? Bởi vì không chỉ còn là vấn đề chủng tộc, hay chính trị: nó đã trở thành vấn đề điên loạn, vấn đề bệnh lý tâm thần. Cho nên, cô nghĩ xem liệu tôi có hài lòng không khi biết rằng con chó của cô đã bỏ trốn... - Anh đã giúp nó làm điều ấy à? - Không, không phải tôi. Có thể là Bill Tatum hay một anh chàng da trắng khác nào đó, trong con bột phát tình cảm hữu ái... Nếu lúc đó đang ở Paris, chắc chắn tôi đã nhận được bức điện tín mời ra sân bay Orly để nhận một con chó gửi từ Mỹ sang. Nhưng lúc đó tôi lại đang ở Hồng Kông. Vấn đề đã được giải quyết đối với Jean theo một cách hơi bất ngờ. Tôi không trách cô đã sa vào bẫy. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ sa vào đó. Lúc ấy là tám hay chín giờ tối. Jean có vai trong phim Sân bay ở trường quay hãng đang chuẩn bị pha quay buổi tối. Batka và Sandy vừa ăn một bữa no nê trong bếp và ra nằm dài ở phòng khách. Một chiếc ô tô đỗ xịch ngay trước nhà, và con Batka lập tức nhận ra mùi da màu. Phóc một cái, nó dựng người lên và lao ra phía cửa, lặng lẽ, răng nhe ra, trước khi tru lên một tiếng dường như vọng lại từ những thời xa xưa sâu thẳm. Jean nghe tiếng bước chân đang tiến lại gần. Tiếng chuông chưa kịp vang lên thì ở con chó đã biến đổi kỳ lạ. Nó cúp đuôi vào giữa hai chân sau và bắt đầu lùi lại. Nó vẫn không ngừng sủa. Nhưng trong tiếng sủa bây giờ đã có một âm sắc mới: âm sắc sợ hãi và bất lực. Những tiếng ăng ẳng nhỏ than vãn, gần như là rên rỉ, giữa hai hồi sủa hung hăng. Và nó cứ tiếp tục lùi lại. https://thuviensach.vn Jean mở hé cửa mà không gỡ sợi dây xích ra: đó là Keys, nụ cười nở rộng. Rất thoải mái, thân hình uyển chuyển, khuôn mặt sáng rực lên vì hàm răng dày khít và nhọn mà tôi có thể hình dung ra thật rõ ràng... - Hi, there. Chào. - Hi. Chờ cho một chút. Để tôi nhốt con chó vào trong nhà xe đã. Nụ cười càng nở rộng. - Không, chẳng cần đàu. Nó sẽ không động đến tôi đâu. - Nghe này... - Tôi hiểu rõ súc vật mà, bà Seberg ạ. Tôi đã nói với bà là nó sẽ không động đến tôi đâu. Chúng tôi chưa phải là bạn chí cốt nhưng dẫu sao tình hình cũng đã thay đổi. Đã có tiến bộ đôi chút. Nếu bà có thể có vài phút... Jean do dự, rồi gỡ dây xích ra. Lòng hiếu khách. - Anh chắc chắn chứ? Keys đẩy cửa và bước vào. Tiếng gầm của con Batka càng hung dữ. Nhưng đối với Jean, cũng như tôi, đã từng chứng kiến con vật nhảy vồ lấy “kẻ thù” trong một phản xạ tức thì mỗi lần thấy một khuôn mặt da đen, thì sự thay đổi này thật khiến người ta bối rối. Keys tiến vào giữa phòng khách và con Chó Trắng, không ngừng sủa, cứ quay nửa vòng tròn quanh anh ta, lấy đà để nhảy vồ lên, nhưng cứ như bị một rào chắn tâm lý ngăn lại mà nó không tài nào vượt qua được. Tất cả chuyện đó ngược lại với toàn bộ những gì nó đã được huấn luyện, tất cả những gì nó đã được dạy dỗ, ngược lại với toàn bộ cuộc đời chó trắng trung thành của nó, ta có thể nhận ra sự thể đó trong những tiếng rên rỉ thật sự tuyệt vọng chen giữa hai hồi sủa gầm lên điên dại của nó... Chó Trắng có cảm giác nó đang phản bội. Jean đứng cạnh cánh cửa để mở ra ngoài đêm đen, cố nuốt đi nỗi sợ của mình. Gã Mỹ da đen đứng giữa phòng, anh ta moi từ trong túi ra một bao thuốc lá và https://thuviensach.vn búng nhẹ lấy ra một điếu. Anh ta đặt điếu thuốc vào giữa hai hàm răng. - Bà xem, có thay đổi đấy, anh ta bảo. Bấy giờ, chúng nó sợ. Vâng. Tôi không bịa gì cả đâu. Jean tin chắc đã nghe thấy câu đó. Bây giờ chúng nó sợ. Nếu cái câu gần như điên rồ trong sự khái quát và buộc lụy của nó ấy chưa đủ để soi sáng cho các anh về những gì mà các thế kỷ đã dồn nén trong tâm hồn người da đen, vậy thì không phải các anh đã coi thường những người da đen đâu: các anh đã coi thường những tâm hồn con người. Những con chó cảnh sát như Batka được bọn người chuyên nghiệp gọi là “chó tấn công”. Hầu như bao giờ cũng vậy, chúng có sau lưng cả một dòng họ dài, nhiều thế hệ chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công. Công việc huấn luyện do đó trở nên dễ dàng do một sự lại giống đã biến thành bản năng thật sự. Bây giờ con chó này đang phải đấu tranh chống lại cái sự lại giống đó, chống lại bản năng của chính nó... Chó Trắng giữ thế tự vệ. Nỗi căm thù vẫn ở đó nhưng cái sợ ngăn nó tấn công. Thi thoảng nó nhích tới vài xăng ti mét, nhảy từng bước nhỏ, gần như tại chỗ theo nhịp sủa nhưng rồi liền lùi lại. Lông nó dựng lên, tai cụp xuống, và trong tiếng sủa của nó bây giờ có âm vang của một thứ lưỡng phân tâm lý thật sự, ở đó có thể nhận ra nỗi tuyệt vọng của con chó trung thành tự thấy có tội về sự phản nghịch của mình... Chó Trắng biết nó đang phản bội những người thân của nó... Keys đốt một điếu thuốc. Về sau Jean đã bảo tôi rằng trong tất cả những chuyện ấy có một cái gì đó đê tiện. “Trước hết là cái cười của Keys: đó là một cái cười đắc thắng. Dẫu sao cũng còn những chiến thắng khác, và chiến thắng này cũng chẳng đẹp đẽ hơn bất cứ chiến thắng nào đạt được bằng khủng bố... Bởi vì câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu em là: làm thế nào anh ta lại đạt điều đó? Bằng cách tra tấn? Điều đau lòng hơn cả, là thấy con chó ấy hoảng hốt và ngơ ngác, cưỡng lại những phản xạ của https://thuviensach.vn chính nó, khiếp đảm, rối bời, bị mắc bẫy, phải đương đầu với con người, cái con chó có tính lịch sử ấy... Thật ghê tởm và không thể chịu đựng được. Lúc đó em gần như là căm ghét Keys, nhưng căm ghét một cách phi nhân cách, như kiểu người ta căm ghét tất cả những cái đó. Dẫu sao không thể bất cứ lúc nào cũng trút hết tội vạ lên đầu xã hội được. Có những lúc anh là một tên khốn nạn là do chính anh. Cái ý định thánh thiện muốn ‘thu nhận lại’ con chó, ‘chạy chữa’ cho nó, chẳng dính líu gì vào đây cả. Đây là một sự vụ giữa con người với con người...” Cô ấy nói, xẵng giọng: - Tôi thấy là anh đã để lại cho nó một kỷ niệm không thể quên. - Tự vệ chính đáng thôi, anh ta bảo. Nhưng tôi chỉ thật sự nện nó có mỗi một lần, lúc tôi đã hơi mất tự chủ. Nó đã quen với tôi, thế thôi. Tôi đã có thể ngồi lại trong chuồng nó hai hay ba giờ liền, với bộ quần áo bảo hộ, và như thế nó đã học được tính cam chịu... Nó bắt đầu hiểu rằng nó chẳng làm gì được tôi, nó không khử được tôi, rằng tình thế đã ra thế đấy... Nó biết nó không làm cho tôi sợ nữa, nó thua cuộc rồi... Về sau, khi đã biết được những điều sẽ xảy ra sau đó, tôi thường hỏi các bạn tôi: các anh sẽ làm gì nếu ở vào địa vị chúng tôi? Sự vụ bị tiết lộ ra ngoài và nhiều người với ý định tốt hay xấu đã gọi điện cho Jean, nói rằng họ sẽ rất vui sướng nhận con chó về nuôi. Chẳng thể có chuyện ấy, bởi vì, chẳng cần phải nói, những đề nghị đó quá ư là lộ liễu. Phần lớn những người bạn tôi đã hỏi ý kiến đều trả lời là ở địa vị chúng tôi, họ hẳn đã tiêm cho con chó một mũi thuốc độc và “dẫu sao cũng có giới hạn trong sự đa cảm”. Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Ngược lại tôi luôn thấy quanh tôi bằng chứng cho thấy có quá nhiều giới hạn cho tính đa cảm. Phần tôi, tôi từ chối nhượng bộ tình trạng leo thang hiện đại của sự suy giảm tính đa cảm. Tôi từ chối phá giá trước tình trạng lạm phát, từ chối chấp nhận rằng một trăm đồng đau đớn chỉ còn có giá trị bằng một đồng, nói https://thuviensach.vn cách khác, hôm nay cần có một trăm người chết ở nơi hôm qua chỉ cần một người là đủ rồi. Jean do dự. Có một điều tôi có thể hiểu được, ở những người bản tính hào hiệp, ấy là cái nhu cầu được tin người, nó có thể bị coi như là sự yếu đuối, cái lối phó thác ấy. Tôi không có tính cách hào hiệp bởi vì tôi không bao giờ tha thứ cái gì hết và càng khó quên bất cứ điều gì. Nhưng tôi lại đã từng bị một tên bịp bợm ăn cắp chỉ vì nó có một bộ mặt ghê tởm. Tôi cảm thấy cần từ bỏ nỗi ác cảm bản năng của mình và tôi ký với nó một bản giao ước. - Đương nhiên, Keys nói, nếu muốn bán con chó, bà có thể bán được đến tám trăm đô đấy. Đây không chỉ là một con chó giữ nhà đâu. Đây là một con chó tấn công. An attack dog. Loại này rất hiếm. - Được rồi, Keys. Đừng có mà khiêu khích. Anh biết đấy, tôi hiểu rõ tình hình mà. Anh ta ra vẻ tôn trọng, không một chút mỉa mai. - Tôi biết, bà đã giúp chúng tôi rất nhiều. Những người như bà, Burt Lancaster, Paul Newman, Marlon Brando... Tôi biết. Trong bụng, chắc anh ta đến chết vì cười. Nhưng anh ta giữ vững ý định của mình, tên quỷ sứ. Lòng căm thù và nỗi oán hận có một sức bật phi thường, nó có thể nhấc bổng cả những quả núi, người ta đã từng xây dựng nên những đất nước đẹp đẽ như thế đấy. Đấy là một thứ chất rắn. Jean đã quyết định. Một lần nữa cô sẽ trao gửi niềm tin. Seberg là một người đàn bà như thế đấy, chẳng có gì làm cô thay đổi được. - Được rồi. Anh có thể mang con chó về trại nuôi, bởi vì rõ ràng là anh đến đây để xin điều đó chứ gì. Với điều kiện là Jack đồng ý. - Ông ấy sẽ đồng ý. Bây giờ rất khó tìm được những nhân viên được huấn luyện tốt. Chẳng còn tìm được ai để chăm lũ rắn cả. Phải mất nhiều năm mới thật sự được miễn dịch. Tôi ấy à, một con rắn độc có thể cắn tôi, mà tôi chả sao cả. Trong cả xứ California này chỉ có hai https://thuviensach.vn người không chết trợn mắt lên khi người ta ném một con rắn mái gầm vào tay anh ta. - Tại sao anh lại tha thiết với nó đến thế? Anh ta lắc đầu và cười. - There, you’ve got me. Vậy là bà hiểu tôi rồi đấy. Tôi rất yêu súc vật, từ lúc còn bé kia. Chính vì thế mà tôi đã chọn cái nghề này. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ có trại chó của mình. Tôi sẽ mở trại của riêng mình. Tôi là một người chuyên nghiệp thật sự. Nếu tôi thành công với con chó này, thì tôi sẽ là người giỏi nhất. Yes, ma’am. Người giỏi nhất... Tất cả những chuyện đó hẳn là phải diễn ra trong một bầu không khí nồng đượm mùi hoa hồng. Chắc là khi ra đi tôi đã để lại sau lưng mình một khoảng trống kỳ lạ lắm, bởi vì tôi vừa ra đi thì lập tức được thế chỗ bằng hàng chục bó hoa hồng. Chúng được gửi đến từ mọi phía. Với những tấm danh thiếp. Thật thú vị khi biết rằng anh vừa từ giã người vợ mê hồn của mình, thì bao nhiêu người liền lao đến các quầy bán hoa để cố bù lấp cái mùi hương đã bay mất theo anh. - Còn một chuyện nữa, Keys. Tôi biết là một đồng nghiệp của anh đã định giết con chó. Anh có đoan chắc là hắn không lặp lại điều đó không? - Terry à? Hắn đã hiểu ra. Tôi đã dạy cho hắn một bài học. Vả lại, hắn đang ngồi ngoài kia, trong xe ấy. Tôi đưa hắn về nhà mà. Bà có muốn nói chuyện với hắn không? Quả là gã thanh niên đang ở ngoài kia thật, đang dựa vào thành xe, mải đếm sao. Mười tám tuổi. Thế hệ đang lên. - Bà có thể yên tâm, thưa bà Seberg. Việc tôi làm hôm nọ, thật bậy. Tôi hứa với bà sẽ không xảy ra chuyện đó lần nữa. Không thành vấn đề. Bà có thể tin chúng tôi. Vậy đó. Ngày hôm sau Jean mang con Batka trở lại trại chó. Ở địa vị cô, tôi cũng sẽ làm như vậy. Sống gần Seberg, tôi đã tìm lại được đôi chút sự trắng trong cần có, để chiến thắng dù vẫn biết sẽ thua cuộc. Tôi muốn nói rằng cần phải tiếp tục tin ở con người, bởi vì nếu https://thuviensach.vn có bị họ làm cho thất vọng, bị họ phản bội và coi thường thì cũng không quan trọng bằng tiếp tục tin tưởng vào con người họ và tin tưởng ở họ. Thà cứ để cho lũ súc vật hằn học căm thù ham hố đến uống ở cái nguồn suối thiêng liêng ấy của anh còn hơn là thấy nguồn suối đó cạn kiệt mất đi. Đánh mất chẳng quan trọng bằng tự đánh mất mình. Lúc ấy tôi đang ở đâu đó quãng giữa Phnom Penh và Angkor Wat. https://thuviensach.vn PHẦN THỨ HAI https://thuviensach.vn VI Bốn mươi tám giờ sau khi tôi trở về Paris, một nhà báo ở tờ France-Suir đến báo cho tôi biết tin em trai của Jean vừa chết vì tai nạn ô tô. Mười tám tuổi. Tôi liền đáp máy bay về gặp gia đình Seberg ở Marshalltown, bang Iowa, tận giữa vùng Trung Tây, chắc chắn là nơi còn giữ chất “nước Mỹ của các cụ” nhiều hơn cả trong toàn nước Mỹ. Trong dòng người tử tế đầy phiền não đến chia buồn với gia đình, tôi nghe thấy người ta nói đến “tấn bi kịch khác” đang gây tang tóc cho cái thành phố nhỏ hai chục nghìn dân này: một cô gái “con nhà lành”, bố mẹ rất được trọng vọng ở đây, đã cưới một anh chàng da đen. Ông bố đã buồn vì chuyện đó mà chết, bà mẹ cũng chẳng khá gì hơn, vậy mà họ là những vị đáng kính biết bao, such nice people... Cái ý nghĩ người ta có thể coi một đám cưới “khác màu da” cũng ghê rợn như cái chết bi thảm của một cậu thanh niên mới lớn khiến tôi điên tiết. Tôi cố kìm mình lại, nhưng lặng thinh là tình đã thuận, dẫu sao tôi cũng không thể cứ đứng đó, làm ra mặt phiền muộn, hoàn toàn đồng tình, chỉ đơn giản vì lớp da ít nhiều trắng của tôi đã che giấu cho tôi thật tốt? Khiêu khích là lối tự vệ chính đáng tôi ưa thích. Tôi nói với những người đối thoại với mình rằng tôi hiểu “tấn bi kịch” này hơn ai hết, bởi vì người vợ đầu của tôi, kết hôn năm 1941, là một cô gái da đen châu Phi còn đi lại hoàn toàn trần truồng kia: quả là gần đúng như vậy thật, ngoại trừ một điều ở vùng sông Chari*, hồi chiến tranh, các đám cưới như vậy được tiến hành theo phong tục bộ lạc, và ông bố đã gả cô con gái cho tôi đổi lấy một khẩu súng săn, hai chục mét vải và năm lọ mù tạt. Đám bè bạn cả gia đình im lặng rụng rời: lâu nay người ta cứ ngỡ Seberg đã cưới một người đàn ông lỗi lạc. Bao giờ cũng vậy, vốn tính luôn lao đến tận cùng, tôi càng lúc càng dấn sâu hơn: tôi giải thích cho họ biết là tôi đã có với người vợ da đen của tôi một đứa con https://thuviensach.vn trai, nay hai mươi sáu tuổi và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Vài người trong số những kẻ đối thoại với tôi định chạy trốn, tôi giữ họ lại bằng cách ném ra từ “de Gaulle”* thần diệu. Tôi đã đến nước sắp nói với họ là de Gaulle cũng có dòng máu da đen đấy, nhưng tôi tự kiềm chế được, dẫu sao tôi cũng không có quyền Do Thái hóa nước Pháp, vậy đó, các bạn hiểu tôi muốn nói gì rồi. Tôi đành bằng lòng chỉ nói với họ rằng de Gaulle là người làm chứng trong đám cưới của tôi ở Bangui và ông ta là cha đỡ đầu cho cậu con trai da đen Cộng sản Pháp của tôi. Cái đám người tử tế ấy lặng ngắt đi, và những lời chia buồn của họ với gia đình vợ tôi càng thêm chân thành gấp bội. Tuy nhiên tôi chẳng thể giận trách họ: họ mang nặng sau lưng bao thế kỷ nô lệ. Tôi không nói những người da đen. Tôi nói về những người da trắng. Đã hai thế kỷ nay họ là nô lệ của những thành kiến, những định kiến chí thánh được sùng kính truyền nối từ đời cha sang đời con, và họ bị trói chặt bởi cái nghi thức vĩ đại của những thành kiến, chúng là cái khuôn siết chặt đầu óc người ta lại, cũng giống như những đôi giày ngày xưa đã làm biến dạng đôi chân các cô gái Trung Hoa ngay từ lúc còn bé. Tôi cố kìm mình lại, trong khi người ta giải thích cho tôi một lần nữa rằng “anh không thể hiểu được, bên Pháp các anh đâu có mười bảy triệu người da đen”. Quả vậy: nhưng chúng tôi có năm mươi triệu người Pháp, đấy cũng chẳng phải là chuyện đùa. “Anh nên hiểu rằng đó không phải là chuyện ngược đãi những người da đen. Chúng tôi để cho họ được hưởng mọi quyền lợi của họ. Nhưng cái lối trộn giống chẳng bao giờ thành công đâu.” Đêm ấy tôi ôm trong vòng tay mình cô vợ trẻ đang thổn thức khóc và nỗi tuyệt vọng của cô đối với tôi là lời trách móc cảm nhận thấu tận tim gan vốn không xa lạ với những người quan niệm rằng cái chất đàn ông ở con người trước hết là nhu cầu được đem đến sự bao bọc, bênh vực và bù đắp. Chưa bao giờ, trong những nỗi đau khổ của tôi, tất cả những gì khiến tôi trở thành một con người lại lên tiếng chất https://thuviensach.vn vấn man dại dữ dội và vô vọng đến thế về cái thứ do không còn một từ nào đê tiện hơn nên ta vẫn gọi là số phận: cái cuộc thất trận mà thậm chí chúng ta không được phép ra quân kia. Trong những ngày tiếp sau đó một lần nữa tôi lại nghe nói tới “tấn bi kịch kia”, và điều không tránh được đã xảy đến: sợi dây kìm giữ của tôi đã đứt bung ra và tôi bảo với vị chủ nhà của tôi rằng với kiểu đầu óc chưa đủ hoàn chỉnh của ông ta và cái vẻ rỗng tuếch ấy của khối người da trắng, ông ta cần phải đặt cược đến cùng vào giống da đen đi, để cho lũ hậu sinh của ông ta có được chút ít màu sắc. Tôi rời nơi ấy ra đi trong sự im lặng của món đồ sứ bị đổ vỡ về mặt tâm lý và lái xe qua những cánh đồng ngô, cố nhớ ra rằng tôi đã năm mươi tư tuổi và với tất cả những vết sẹo mà tấm thân cùng tâm hồn đẹp đẽ của tôi còn in dấu, lẽ ra tôi nên học kiềm chế hơn đôi chút. Tôi tự hỏi không biết sự kiềm chế có tương hợp với một đời sống tình dục bình thường không. Cũng giống như sự hiền minh, nó phải đến với anh sau đó. Nhiều nghiên cứu tâm thần học từ lâu đã chứng minh rằng nỗi lo sợ về tình dục đóng một vai trò ngầm kỳ lạ trong các mối quan hệ giữa người da trắng và người da đen. Về mặt này, câu chuyện đồn đại về cái công cụ da đen có gì đó thật kỳ cục. Hồi tôi còn làm tổng lãnh sự ở Los Angeles, từ năm 1956 đến 1960, tôi đã phải làm nhiều báo cáo cho sứ quán của chúng tôi về vấn đề chủng tộc ở California. Vì cứ nghe khắp các phía nói mãi rằng nỗi lo sợ về “kích thước” là một yếu tố quan trọng trong nỗi căm ghét người da đen, rằng người da trắng cảm thấy bị ở vị trí thua kém trong lĩnh vực này, tôi đã nhờ một viện thăm dò dư luận địa phương làm cuộc thăm dò trong hơn một trăm hai mươi cô gái làm tiền ở Los Angeles cả trắng lẫn đen. Kết quả vừa lạ lùng vừa kém xác chứng. Phần lớn các cô gái chuyên nghiệp da trắng đều đã trả lời khẳng định khi được hỏi: “Trong kinh nghiệm của cô, cô có nhận thấy cái ấy https://thuviensach.vn của khách hàng da đen ‘to’ hơn của khách hàng da trắng không?” Nhưng các cô gái da đen lại chẳng hề thấy chút khác biệt đặc biệt nào giữa hai loại khách trên, theo họ, cái ấy tùy thuộc từng cá nhân. Vị đại sứ của chúng tôi hồi đó, ngài Couve de Murville, vốn là người thích các báo cáo rõ ràng và chính xác, và như vậy tôi chẳng thể cung cấp cho ông điều gì thật rõ ràng về đề tài này. Câu trả lời hay nhất là của một phụ nữ trẻ mà sau đó tôi đã yêu cầu được gặp riêng. Trên tờ phiếu điều tra, cô viết: “Không phải số lượng, mà chất lượng mới là điều quan trọng. Vả chăng còn có tình cảm nữa.” Phần đầu câu trả lời ta có thể gán cho tính tự tôn nghề nghiệp của người làm nghề thủ công, nhưng cái câu “vả chăng còn chuyện tình cảm nữa” đã khiến tôi xúc động. Tôi tự hỏi phải chăng cuối cùng tôi đã gặp được người đàn bà của đời mình. Sau một vài khó dễ ở viện thăm dò dư luận, tôi đã biết được tên cô và tôi mời cô đi ăn ở nhà hàng Romanoff. Đấy là một cô gái xinh xắn hai mươi ba tuổi đang dùng thời gian rảnh rỗi để chuẩn bị thi lấy bằng tốt nghiệp thiết kế sân vườn ở trường Đại học California. Vì chẳng có gì khiến một trí thức thấy bối rối hơn cái việc gặp một cô gái điếm đang theo học trường Sorbonne*, hay một trường đại học tương tự ở California, nên quả thật tôi cảm thấy như được tắm mát trong một ngọn gió ân huệ. Mới ăn đến món dưa tây chúng tôi đã nói đến chuyện văn học, và đến món tráng miệng thì từ “chủ nghĩa hiện sinh” đã được nói ra. Các cô gái điếm Mỹ lạc hậu mất hai mươi năm. Ở bên chỗ chúng tôi, họ sẽ nói đến thuyết cấu trúc và Michel Foucault. Tôi không hề hỏi cô vì sao cô làm cái “nghề” này bởi vì chẳng có nghề nào là xấu xa cả. Tôi cũng có phần hơi tỉnh mộng đôi chút khi biết người đẹp của tôi đã có chồng, là mẹ của một bé gái năm tuổi và chồng cô, từ ngày anh ta trở thành nhà sản xuất chương trình truyền hình tại New York, vẫn dùng chiếc xe của anh ta để chở cô đi bắt khách. Tôi cảm thấy mệt mỏi rã rời: không phải là cơn khủng hoảng đạo đức, mà là cái cảm giác mình đã về già mất rồi, và các thế hệ trẻ đang vượt qua mình vùn vụt. Tôi bị nốc ao hoàn toàn vào lúc ăn tráng miệng khi biết rằng cô gái ấy, mỗi ngày “đi” hàng chục khách, lại https://thuviensach.vn không hút thuốc và kiêng cả cà phê. Quả là cô theo giáo phái Mormon và bị cấm dùng cà phê cũng như thuốc lá. Khi ấy là năm 1959. Cặp vợ chồng nọ ít nhất cũng đi trước thời đại mình đến mười năm. Tôi có hỏi bạn tôi, giáo sư Goldberg, theo ông vì sao các cô gái điếm da trắng, gần đến chín mươi phần trăm, đều khẳng định là bọn đàn ông đen “khỏe” hơn, còn các cô đồng nghiệp da đen của họ cũng trong một tỷ lệ tương đương lại khẳng định chẳng có sự khác biệt kích thước nào giữa đàn ông da đen và da trắng. Theo nhà phân tâm học lỗi lạc này, các cô gái da đen, vì sợ người da trắng nên cố tìm cách làm cho bọn đàn ông da trắng vững tin ở tiềm năng của họ, còn các cô gái da trắng, vì căm hờn bọn đàn ông da trắng “của mình” nên ngược lại đã tìm cách “hạ thấp” chúng. Có thể thế thật. Nhưng tôi vẫn không làm rõ được cho ngài Couve de Murville về điểm này, tôi phải nói ngay là ông cũng không hề đòi hỏi cái thông tin ấy. Tuy nhiên tôi vẫn không hết ngạc nhiên về nỗi ám ánh kích cỡ ấy ở Mỹ, nhất là ở các nhà văn. Từ Mailer đến James Jones, từ Faulkner đến Hemingway và đến Philip Roth, nỗi lo lắng của anh chàng người Mỹ trưởng thành và có học về cái của quý ấy của mình bộc lộ theo cách khiến ta nghĩ họ bị một cuộc tổng thiến hoạn hay sao ấy. Ví dụ thống thiết nhất và sầu não nhất là ở trong truyện Hội hè miên man của Hemingway nói về Scott Fitzgerald. Anh chàng này khốn khổ vì ý nghĩ mình “bé” quá. Hemingway, sau khi đã xem xét cái của quý của bạn, đã bảo đảm với vị đàn anh của mình là anh ta hoàn toàn đủ cỡ ra trò. Và để xua hết mọi nghi ngờ, Hemingway đã kéo bạn đến viện bảo tàng Louvre để chỉ cho anh ta xem kích cỡ dương vật ở các tượng Hy Lạp. Làm thế nào mà hai người đàn ông trưởng thành, hai trong số những nhà văn nổi tiếng nhất thời đại mình, lại có thể đi đến cái nước ấy? Có nỗi lo sợ sâu kín nào giấu đằng sau nỗi ám ảnh Mỹ mà tôi không hề gặp thấy ở bất cứ nước nào khác ấy? Vả lại đúng như đức Cha Charrel đáng kính đã nhận xét, có phải ngay cả https://thuviensach.vn Hemingway cũng không biết rằng kích cỡ cái ấy ở tư thế nghỉ chẳng có ý nghĩa gì cả và trong lĩnh vực này chỉ sự cao quý của thế căng cứng mới đáng kể? Có lẽ nên coi nỗi lo lắng này chẳng qua chỉ là một biểu hiện của chủ nghĩa cầu toàn Mỹ, đối với các thứ đồ mới lạ, họ luôn bận lòng lo lắng sao cho mình luôn là mẫu mạnh nhất, mới nhất, tốt nhất? Tuy nhiên tôi e rằng nguyên do còn sâu xa hơn. Bị nhốt chặt trong cái phức tạp của một thế giới ngày càng không nắm bắt được và trong những khớp nối tự động và khít chặt của một xã hội ngày càng thống trị và đè nát con người, con người Mỹ, hơn ở đâu hết, bị kéo vào những chu trình được lên sẵn của một cuộc sống giả tạo, cái cá nhân mỗi lúc lại càng thấy mọi thứ tuột mất khỏi mình, ra sức tìm lại trong chính mình một sức mạnh nguyên sơ nào đấy. Mất phương hướng và bất lực trong tự khẳng định mình, chỉ đơn giản là một tấm thẻ được nhét vào trong chu trình phân phối của guồng máy xã hội biến anh ta thành món đồ được sản xuất ra bởi một lò luyện vị lợi, được nhào nặn ra bằng máy móc để phục vụ cho máy móc, con người của những lối đi dành cho khách bộ hành qua đường và của bộ máy sống quan liêu không còn tìm thấy khả năng tự khẳng định “sức mạnh” của mình ở đâu nữa ngoài sự cương cứng lên. Làn sóng khiêu dâm đang diễn ra, cái lối các diễn viên phô bày mọi thứ trên sân khấu, là một thách thức, là cái ý muốn khốn khổ “tự khẳng định mình” ở kẻ, về phương diện ý thức hệ, triết học, đạo đức, muốn đấu tranh chống lại tình trạng bị thiến hoạn, trong tất cả ý nghĩa của từ này. Dẫu thế nào thì có một điều chắc chắn: the American dream is becoming a prick. “Giấc mơ Mỹ” đang trở thành một nỗi cắn rứt. Bản “tuyên ngôn dương vật” là một dấu hiệu của sự hoảng loạn, lo âu và lưỡng lự. Khi mọi giá trị sụp đổ hết, thì hưởng thụ là niềm tin cuối cùng còn lại. Tôi nhớ lại trong những giờ phút đen tối nhất của chiến tranh, trước khi ra đi lao vào chỗ chết, những người lính vừa tù https://thuviensach.vn trong các nhà chứa bước ra vừa nói: “Thêm một phát nữa mà bọn Đức sẽ không thể có được.” Trong bối cảnh tâm lý như vậy, người “khổng lồ da đen”, nhân vật anh hùng của các sân vận động, của các đường chạy có vạch kẻ chỉ, của bóng đá, bóng chày, “anh chàng châu Phi”, mới từ giã rừng rậm chỉ có ba thế hệ, “con hổ” ấy, “con báo” ấy, hẳn trở thành một hình tượng được thèm muốn, và do đó đáng sợ và phải căm ghét. Chứng phô bày bộ phận sinh dục là một trong những khía cạnh khôi hài hơn cả của sự “về nguồn” ấy, vốn hẳn là một trong những ước mơ lâu đời nhất của nhân loại, cùng với thiên đàng đã mất. Lý trí càng bất lực không giải quyết và khẳng định được, thì giao hợp càng là giải pháp thế phẩm. Chỉ cần đọc văn học Mỹ hôm nay là có thể thấy rằng mọi sự diễn ra cứ như thể tất cả những Philip Roth, những Norman Mailer và bao nhiêu con người tài năng khác đang ngắm nhìn cái của quý cương cứng lên của mình trong bóng tối mà thì thào: “Look, Ma, no hands!”“Xem này, mẹ ơi, cừ không!” https://thuviensach.vn VII Jean phải bắt đầu ngay một bộ phim ở Washington và chúng tôi phải rời Marshalltown ba ngày sau tang lễ. Nhưng cậu em trai bị chết vẫn còn đấy và sẽ còn ở đấy lâu nữa, tôi lại thấy cậu ta xuất hiện trong những dòng lệ bất chợt, nó đánh thức trong tôi cái tình trạng như khi ta tham chiến với nắm tay siết chặt và trống rỗng, cũng giống như những lần tôi vấp phải một tình trạng không thể vãn hồi. Cái anh chàng chuyên đi chống lại bất công với tính cách kiểu con trẻ mà tôi vẫn giấu kín trong mình, cái kẻ muốn bao bọc toàn thế giới, cánh tay phải của thần Công lý, lại thêm một lần nữa đành thúc thủ trong tình trạng âm thầm cuồng nộ, tự càu nhàu và tự căm ghét chính mình, giống hệt như những kẻ nổi loạn khi chúng đành lẩm bẩm một mình: “Nào, mày còn muốn gì nữa, còn có thể làm gì được nữa.” Tôi nắm lấy tay Jean, niềm an ủi cao quý nhất, và hỏi cô tình hình vườn thú của chúng tôi. Tôi biết rằng cậu con trai tôi, chưa trọn năm tuổi đầu, nhưng hẳn là giống bố nó, đã có xu hướng tự quan sát nội tâm và cũng có thể đã nghe theo lời khuyên của Socrate: “Hãy tự biết lấy mình”, đã nuốt một cái thước dây với hy vọng khám phá ra chiều sâu bên trong của chính mình và đã phải nhập viện. Lũ mèo bình an. - Còn con Batka? Khuôn mặt Jean tối sầm lại. Cô ấy vẫn giữ được cái lối bộc trực tình cảm và chân thật không che giấu được tâm trạng mình, với cái cách chuyển rất nhanh từ đang cười sang u buồn, nó là dấu vết cuối cùng của tuổi ấu thơ... - I don’t want to talk about it... Em không muốn nói đến chuyện ấy nữa. Tôi sững người. - Keys đã giết nó rồi à? https://thuviensach.vn - Không. Cô im lặng, nhìn xuống những dãy núi màu xám và đỏ nhấp nhô bên dưới. - Nghe này, Jean... - Trước tiên, anh ta đã bỏ đói con chó. Nghĩa là con Batka từ chối thức ăn khi... khi một người da đen mang đến cho nó. Con chó chỉ còn là một bộ xương. Đã có một cuộc to tiếng kinh khủng giữa Jack Carruthers và Keys vì Jack đã tự mình cho con chó ăn... “Nó phải nhận lấy thức ăn từ tay tôi, hoặc nó chẳng được chút gì hết...”, quan điểm của Keys là thế đấy. Carruthers gọi điện cho em, anh ta hét lên trong máy, và em nghe thấy tiếng anh ta đấm ầm ầm trên mặt bàn... Vâng, chính Jack Carruthers, một người từng trải là thế và chẳng bao giờ nổi giận, người ta vẫn bảo thế... anh coi. Anh ta hét lên trong điện thoại, đập bàn ầm! Ầm! Ầm! “Hãy mang cái con vật khốn kiếp này của cô đi cho tôi, nếu không tôi sẽ cho nó một mũi thuốc độc ngay tối nay... Cô hiểu không, Jean, tống khứ cái của này đi cho tôi...” Tống khứ cái của này đi cho tôi... Tôi thấy bọn họ đang khốn khổ tống đày mười bảy triệu người da đen về châu Phi. - Rồi sao nữa? - Em bảo, đồng ý. Em lấy xe, đi đến trại chó. Chỉ có điều, vậy đó, Keys không muốn cho người ta mang con chó đi. - Em kể chuyện gì thế? - Anh ta không chịu trả lại con chó. Lúc em đến, Keys đang vào phòng Jack và em cứ tưởng cả hai bọn họ đều đã phát điên. Jack Carruthers, cái con người sắt đá, lạnh như tiền ấy, chỉ một chút nữa thôi là lên cơn cuồng loạn, anh có tưởng tượng được không? Không chứ gì. Vậy mà em, em đã trông thấy anh ta như thế đấy. Keys cũng chẳng hơn gì. Jack gào lên, khuôn mặt đã bị liệt một nửa của anh ta cứ giật giật thật đáng sợ, còn Keys mỗi lần mở miệng định nói thì thoạt đầu không thốt ra được tiếng nào và đến khi nói được nên lời thì cứ https://thuviensach.vn như là vá lại những từ vỡ ra từng mảnh, vậy đấy. “Không có quyền bỏ con vật ấy chết đói, Carruthers thét lên. Không được làm thế ở chỗ tôi. Ở nơi này. Trước hết, tôi không chấp nhận cái lối huấn luyện đó. - Vậy thì ông chấp nhận lối huấn luyện nào? Keys gào lên, khản đặc. Cái kiểu người ta đã áp dụng với con chó này ở miền Nam chăng?” Em cứ tưởng “Noé” Jack sắp lên con đau tim mất. Khuôn mặt đã bị vá víu của anh ta căng lên đến mức em sợ nó rách toạc ra luôn. Đầu anh ta như trở thành một nắm đấm. Anh ta nén giọng lại, anh biết đấy, như khi người ta phải cố gắng kinh khủng để tự kìm mình lại, và khi anh ta nói thì nghe như từ dưới đất sâu mười mét vọng lên.“Listen to me. Hãy nghe đây, Keys. Anh cứ kết tội tôi phân biệt chủng tộc đi, tôi sẽ cho là anh nói có lý đấy.” Keys đứng đấy, há miệng sửng sốt. “Tôi là kẻ phân biệt chủng tộc. Chỉ có điều không phải như các anh, da trắng hay da đen. Tôi là kẻ phân biệt chủng tộc bởi vì từ lâu rồi cái giống người điếm nhục các anh đã rặn ra tôi từ cái lỗ l. của họ, dẫu họ là vàng, hay xanh, hay lục, hay màu sô cô la. Tôi làm công việc chọn súc vật từ ba mươi năm nay rồi.” Cả hai đã hơi bình tĩnh lại đôi chút. “Ông không thể thả con chó đó ra sống bình thường bây giờ được, Keys nói. Phải chữa chạy cho nó đã. - Đấy là một con chó đã hư hỏng, bệnh hoạn, Keys ạ, và anh hiểu rõ điều đó quá đi rồi. Nó không còn chạy chữa gì được nữa. Không thể vãn hồi được nữa. - Hãy cứ để tôi làm xem. - Anh bỏ đói, bỏ khát nó. Đó là lối tàn bạo. Anh đang thông qua nó trả thù bọn chủ của nó...” Keys tái người đi vì tức giận. “Trả thù bọn chúng ư... tôi không đi tìm con chó của chúng để trả thù bọn chúng đâu... tôi sẽ đi tìm đích thân bọn chúng. Với khẩu súng lục của tôi.” Em định can thiệp, nhưng anh nghĩ xem... Jack đã chỉ ngón tay vào em. “Tôi muốn quý bà mang con vật này đi. Trước hết, con chó sẽ chết đói. Rồi mọi người sẽ biết. Người ta sẽ bảo rằng Jack Carruthers huấn luyện loài vật bằng cách tra tấn. Hội bảo vệ động vật sẽ nhảy xổ vào tôi. Viên thanh tra ở đó đã hỏi tôi chuyện này rồi. Tôi đã phải nói dối. Tôi bảo là con chó bị ốm, nó chẳng ăn uống gì cả. Chuyện này rồi đến chôn vùi cả thanh danh tôi mất.” Đấy là một lý lẽ mà có lẽ Keys https://thuviensach.vn hiểu được - it’s bad for business, ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn - bởi anh ta phác một cử chỉ đồng tình. “Tôi biết. Tất cả những gì tôi đề nghị ông là hãy để cho tôi làm thêm mười lăm ngày nữa. Con chó sẽ không chết đâu. Nó khỏe tợn mà.” Lúc đó Keys nói ra một điều thật lạ. Anh ta nói: “Con chó rất đẹp.” Câu nói thành thật đến nỗi rõ ràng là Jack không còn biết trả lời ra sao nữa. Anh ta bảo: “Được rồi.” Đến đó, Keys bỏ đi, và Jack quay lại phía em: “Cô có hiểu ra chút gì không? Anh ta thật sự tha thiết với con chó. Vì sao? Vì sao anh ta lại tha thiết muốn chạy chữa cho nó đến thế? Keys là một anh chàng Hồi giáo da đen. Hình như ở quê anh ta kẻ nào mang về được năm mảng da đầu của người da trắng thì sẽ được thưởng một chuyến du lịch đến Mecca. Lòng căm thù ở trạng thái thuần khiết, phải không? Rất tốt. Vậy thì anh ta muốn chứng minh điều gì, với con chó này? Rằng người ta có thể chữa được lòng căm thù chăng? Rằng đó chỉ là kết quả của một quá trình huấn luyện, và cái ấy có thể chữa được? Được rồi, nhưng vậy thì tại sao anh ta không tự chữa lấy mình đi, anh chàng Keys ấy?” Em đã nói với anh ta rằng, em nghĩ từ “căm thù” chỉ đúng với những dấu hiệu lâm sàng, còn chính căn bệnh là một chứng loạn thần kinh sâu xa hơn, hay lây và... nhưng, anh biết đấy, Jack không nghe em nói. Anh ta bảo: “Con chó này biến mọi người thành điên hết, thế đấy.” Tôi thấy mình hoàn toàn đứng về phía Keys. - Anh tin rằng con chó có thể chạy chữa được. Tôi ngỡ rằng tôi ít khi nhầm đến vậy về một con người. Tôi gán cho Keys những chút xao động lý tưởng chủ nghĩa và não nuột của chính tôi, những rung vê rưng lệ của một kẻ “thương người như thể thương thân” vốn không loại trừ cả những con chó lẫn những con bọ ngựa bị ngã ngửa ra và được ta lật lại giúp, cái thứ bài kinh “Ave Maria” vĩnh cửu của lòng đồng cảm, hữu ái và thánh thiện. Khi tôi nghĩ sẽ cho xuất bản câu chuyện này và người ta sẽ đọc thấy từ ngòi bút tôi những từ sướt mướt ấy, tôi đã nghe thấy tiếng cười mỉa mai của https://thuviensach.vn các nhà duy lý chủ nghĩa triệt để, không chừa lề, không chút trang sức nhân đạo chủ nghĩa, những người cứng rắn thật sự, những người thật sự trong những người thật sự, những người đã xây đắp nên thế giới, bởi vì, chớ quên, chính những người mạnh mẽ đã xây đắp nên thế giới, còn ngỡ rằng sự cứu rỗi thì chỉ có thể đến từ tính nữ... https://thuviensach.vn VIII Chúng tôi hạ cánh xuống Chicago. Hai cửa hàng lớn thuộc loại Giá rẻ đang bốc cháy ở vùng ngoại vi khu phố da đen. Một trận hỏa hoạn có tính chất tội phạm. Trong phòng đợi, vài hành khách da đen và da trắng nhìn làn khói bốc lên trên màn hình vô tuyến. Cô tiếp viên trẻ đứng sau quầy rưng rưng nước mắt. - Cơ sự này rồi sẽ đi đến đâu? Cả nền văn hóa của chúng ta đang sụp đổ... Ở đây người ta dùng từ “văn hóa” theo nghĩa là “văn minh”. Trước hết tôi muốn thấy mặt, tích cực của sự việc: một cô gái Mỹ bình thường ở vùng Trung Tây đứng sau quầy của một đường bay thảm hại nói với tôi về “văn hóa” và hoàn toàn có ý thức về cái được mất. Chúng tôi nhìn cửa hàng đang bùng cháy trên màn hình. Chuyện vừa xảy ra sáng nay, còn mới tinh, và tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi cảm thấy dễ chịu vì tôi yêu nước Mỹ. Tôi vui mừng thấy nó đang động đậy, nó đau đớn, có thể nó sẽ bừng tỉnh dậy. Chiến tranh Việt Nam là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho đất nước Việt Nam, nhưng là điều tốt nhất có thể xảy đến cho nước Mỹ: nó chấm dứt những niềm tin chắc, nó đặt lại vấn đề, nó đòi lột xác. Tôi không biết nước Mỹ mới sẽ ra sao, nhưng tôi biết cuộc bùng nổ da đen sẽ ngăn nó khỏi thối ruỗng tại chỗ trong tình trạng bất động của những cấu trúc trơ ì trên những hầm móng vô hình. Nước Mỹ sẽ được cứu bởi thách thức màu đen, challengea mà Toynbee* đã nói đến, rằng các nền văn minh chấn hưng bằng cách chuyển vị lẫn nhau. Hoặc là chúng tiêu vong đi. Một người khuân vác da đen đội mũ lưỡi trai đỏ, đứng cạnh cô tiếp viên trẻ, lắc đầu: - Vẫn là bọn họ làm đấy. https://thuviensach.vn Bọn họ. Anh ta muốn đứng ngoài. Cô gái trẻ lau nước mắt. Cô nhìn tôi đầy lòng tin cậy tự phát thường thấy ở đây đối với những người nắm giữ lẽ phải lâu đời, những người châu Âu. Tôi muốn cầm lấy cái vương miện được là người Pháp của mình và đánh bóng đôi chút cho nó sáng lên hơn nữa. - Ông có nghĩ là mọi chuyện rồi sẽ thu xếp ổn thỏa không? cô gái hỏi tôi. Tôi hơi có phần không tin những chuyện “rồi sẽ thu xếp ổn thỏa”. Trong những chuyện như thế đôi khi có đến hai kẻ thua cuộc thay vì chỉ có một. - Nghe này, tôi bảo cô. Cô có thể yên tâm: chuyện này rồi sẽ chẳng thu xếp ổn thỏa đâu. May thay cho nước Mỹ là chiến tranh ly khai* cũng đã chẳng thu xếp ổn thỏa. Một số ít người da đen cố gắng giải phóng người da trắng khỏi tình trạng nô lệ và chẳng dễ gì đập vỡ những cái cùm sắt bó buộc đầu óc con người suốt hai thế kỷ đâu. Một trong hai điều sẽ xảy ra, hoặc là những người da đen thành công và nước Mỹ sẽ thay đổi, hoặc là họ thất bại và nước Mỹ cũng sẽ thay đổi. Cô chẳng thể nào thua cuộc được đâu. Có khoảng nửa tá người da đen và mười lăm người da trắng trong phòng đợi và họ nhìn cảnh nhà cháy mà chẳng trao đổi với nhau một lời nào. Có một điều báo chí không nói đến: ở Mỹ không bao giờ có thứ mà ngôn ngữ báo chí ở Pháp gọi là “một cuộc tranh cãi cuối cùng biến thành cuộc chiến dàn trận”. Tất cả những vụ bùng nổ bạo lực đều bắt nguồn hoặc là từ một sự vụng về hay một hành động mạnh tay của cảnh sát hoặc một tin đồn nhảm, hay một sự khiêu khích. Không bao giờ là từ một cuộc tranh cãi. - Tôi muốn sang châu Âu, cô gái bảo. Vợ tôi ghi ngay cho cô địa chỉ của chúng tôi ở Paris. Tôi đến run lên. Seberg đưa địa chỉ của chúng tôi cho tất cả các cô gái Mỹ khốn khổ tin rằng đảo Atlantis* là có thật, điều đó khiến tôi hiểu vì sao một https://thuviensach.vn hôm tôi bắt gặp sáu cô cậu hippie nằm ngủ trong túi ngủ tại nhà tôi, phố Bac. Một cậu trong bọn có được địa chỉ của chúng tôi từ bốn năm trước và đã chia sẻ với các bạn của cậu ta. Có những kẻ tuyệt đối chẳng hiểu được các hành vi có tính tượng trưng. Chúng tôi đến Washington vào buổi chiều, được những hàng cây anh đào đang trổ hoa chào đón. Washington là một trong những thành phố, cũng giống như Los Angeles, chẳng bao giờ có thể tìm thấy ở nơi lẽ ra nó phải tọa lạc. Đấy không phải là một thành phố, đấy là những khu phố đang trên đường đi tìm một thành phố. Chuyến đến thăm gần nhất của tôi tới đây là từ hồi tôi còn làm tổng lãnh sự ở Los Angeles. Couve de Murville là ngài đại sứ đầu tiên của tôi ở đây, và chắc hẳn tôi là người duy nhất trên thế giới nhớ đến Couve de Murville khi thấy những hàng cây anh đào đang nở hoa. Một thoáng nhớ nhung ngắn ngủi. Tôi không thể nói rằng tôi thấy thiếu vắng ông ấy, Couve de Murville không phải là một con người mà người ta có thể nói là mình cảm thấy thiếu vắng, nhưng tôi đánh giá cao ở ông cái vẻ lạnh lùng được che giấu, cái vẻ lạnh lùng hẳn là che đậy những mãnh liệt sâu kín và một sự náo động bên trong được hết mực kiềm chế, chỉ thi thoảng mới lộ đôi nét bực bội thoáng qua. Ngay đêm đó, trong chiếc taxi đưa chúng tôi đi ăn tối, chúng tôi nghe đài báo tin vụ ám sát Martin Luther King*. Anh chàng lái xe là một người da đen. Jean tái người đi đến nỗi, do tương phản, tôi thấy anh chàng kia càng đen hơn. Bám chặt lấy tay lái, anh ta yêu cầu tôi nhắc lại địa chỉ quán ăn. Tôi nhắc lại cho anh ta. Anh ta tiếp tục cho xe chạy thẳng, và một lần nữa, giọng khản đặc, hỏi lại: - What was that address again? Địa chỉ thế nào, thưa ngài? Chẳng nên trả lời. Tôi chờ cho anh ta bình tĩnh lại đã. Chúng tôi chạy quanh những hàng cây anh đào trổ hoa tắm trong ánh sáng những https://thuviensach.vn ngọn đèn pha trông hư hư thực thực như một cảnh múa ba lê đã hóa đá. - Ngài bảo, địa chỉ thế nào kia ạ? - Có phải một người da trắng đã giết ông ta không? Jean hỏi. Malcolm X. bị giết bởi người da đen, những người Hồi giáo da đen, cái tổ chức do tên khốn kiếp Elijah lãnh đạo đã nặn ra không biết bao nhiêu là “tín đồ” và đang bị hoạt động thắng lợi của Malcolm bắt đầu đe dọa. Người ta đồn một tên tỉ phú dầu lửa cực hữu, là H., hiện thân chính thức của nòi giống da trắng và công cuộc bảo vệ người da trắng ở Mỹ, đã tuồn những món tiền lớn cho đám Hồi giáo da đen, vì mưu tính, kỳ thật là rất đúng, rằng sự hình thành những phong trào có tính hằn thù chủng tộc của người da đen sẽ “thức tỉnh” người da trắng. Anh chàng lái xe không trả lời. Tôi bảo anh ta quay lại khách sạn. Tôi có cảm giác tấm lưng khòng xuống của anh ta đang căm hận chúng tôi: không phải nhằm riêng vào chúng tôi, chúng tôi là cái thứ da trắng đầu tiên rơi vào tay anh ta lúc này. Được ánh sáng những ngọn đèn pha rọi chiếu dịu dàng, bây giờ hàng cây anh đào quanh chúng tôi trông giống như những người đã nhầm ngày và mặc lễ phục đến dự một cuộc dạ hội ngày mai mới được tổ chức. Anh lái xe đưa chúng tôi về khách sạn. Tôi phải đấu tranh để khỏi đưa cho anh ta một món tiền boa quá hậu hĩnh, chỉ bởi vì anh ta là một người da đen và Martin Luther King vừa bị ám sát. - Đến rồi sẽ bùng nổ mất thôi, Jean bảo. https://thuviensach.vn IX Bùng nổ ngay ngày hôm sau. Đến hai giờ chiều đã đếm được gần bảy trăm đám cháy, nhiều đám chỉ cách Nhà Trắng có hai phố. Bao giờ cũng vậy, những kẻ nổi dậy trẻ tuổi tự đốt chính nhà mình, thành thử, cứ mỗi cửa hàng của người da trắng bị đốt, lại có năm gia đình da đen mất gia cư. Một người Do Thái râu trắng bán đồ cổ có cửa hàng vừa bị đập phá xuất hiện trên vô tuyến: - Tôi không oán trách họ. Cần phải hiểu họ... Những người Do Thái được đặc biệt nhắm đến, trước hết vì một nửa số cửa hàng là của họ, và sau đó vì cũng như mọi người, người da đen cần người Do Thái. Một người da trắng khác không rõ gốc gác Hy Lạp, Ý hay Armenia được quay phim trước tủ kính hàng bán đồ dệt kim đã bị đập vỡ của ông ta, ở đấy còn thấy lủng lẳng một chiếc quần đùi trông như đang phơi mông ra. “Tại sao cảnh sát không nổ súng? Thật đáng xấu hổ. Cảnh sát thì ru rú trong xe trong khi người ta cướp phá cửa hàng của tôi ngay trước mũi họ.” Ông ta hẳn muốn thấy những cậu bé mười lăm, mười sáu tuổi bị giết vì mấy cái quần đùi. Hẳn là loại quần lót hảo hạng. Thị trưởng thành phố Washington, cũng tên Washington và là một người da đen, đã cấm cảnh sát nổ súng trừ trường hợp có sinh mạng người bị nguy hiểm. Qua báo chí tôi biết tin anh bạn Selvin Dressler của tôi vừa bị đâm trong một buồng điện thoại, trong khi anh đang chụp ảnh. Sao lại nghĩ đến chuyện trốn trong buồng điện thoại, ở đó chẳng khác nào một con chuột cùng đường! Vô tuyến chiếu cảnh cướp phá do những phóng viên da đen quay được. Trong vài tiếng đồng hồ, thành phố như bắt đầu lâm vào một tình trạng đông cứng. Khách sạn Hilton nơi chúng tôi ở, như một con tàu hạng sang bị trôi https://thuviensach.vn dạt; những người phục vụ da đen không dám đi qua khu phố của chính họ để đến nơi làm việc. Các thành phố lớn của Mỹ vốn cực kỳ mong manh - sau một trận bão tuyết ở New York trẻ sơ sinh bắt đầu thiếu sữa và cuộc sống tê liệt -, các hàng ăn đóng cửa vì không có đồ trữ sẵn, rác chất đống chẳng mấy chốc đã cao ùn lên - những núi rác này luôn là dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh gặp trục trặc. Khói của các đám cháy trên trời bao phủ cả những khu phố hoàn toàn ở ngoài vòng “hiểm họa”, nhưng ở đó vẫn âm ỉ tin đồn rằng “bọn họ đã ra tay rồi đấy”. Lưu thông trên đường như điên dại: bất cứ ai có một chiếc xe đều tìm cách chạy trốn khỏi cái thành phố mà người da trắng chỉ có gần bốn mươi bảy phần trăm và bị vành đai người da đen vây kín bốn bề này. Tỷ lệ phạm trọng tội ở thủ đô cực kỳ cao. Một quý bà được trọng vọng năm mươi lăm tuổi, là “nữ chủ nhân” nổi tiếng vì những cuộc tiếp tân thượng lưu, bị những người da đen hiếp giữa ban ngày, ngay tại khu trung tâm, trong một công viên khi bà ta dắt chó đi dạo. Một phụ nữ thật cương nghị: sau đó bà tâm sự với ngài đại sứ của chúng tôi rằng đã rất lo sợ cho mấy con chó của bà bị ba tên lưu manh dọa giết. Trong đại sảnh khách sạn Hilton, những du khách đến dự liên hoan Hoa Anh Đào ngồi trên các kiện hành lý của họ, chờ xe ca đến chở họ ra sân bay nơi dịch vụ đã tăng gấp ba, bốn lần. Các khuôn mặt rã rời, các phản ứng quá mức với những mối hiểm nguy hoàn toàn không hề có. Ít nhất cũng có thể nói là nước Mỹ có lẽ đã tìm ra được những người Da đỏ mới của mình, nhưng chắc chắn không phải những kẻ tiên phong mới... May mắn thay, trong khi đi dạo giữa mấy hàng cây anh đào chẳng còn ai quan tâm đến, tôi đã gặp được một đôi vợ chồng người Mỹ đúng như kiểu tôi vẫn mến yêu. Cả hai người cộng lại, họ chắc phải đến một trăm năm mươi tuổi. Bà cụ già đang chụp ảnh một cây anh đào đặc biệt nở nang và tôi thề với các bạn là cây anh đào có vẻ như đang đứng tạo dáng cho người ta chụp ảnh. Cả người chồng của bà ta cũng giống như cái cây khô với lớp vỏ nhăn nheo, mà https://thuviensach.vn không một mùa xuân nào còn có thể làm cho trổ hoa nữa. Đôi mắt xanh vui vẻ của ông nhìn tôi lộ vẻ đồng lõa. - Ông hiểu đấy, tất cả cái mớ nhộn nhạo này... with all that mess... ở đây chúng tôi được yên thân... we have it all to ourselves. Chúng tôi có cả công viên này cho riêng chúng tôi. Tôi nói với họ: - I love you, rồi trả họ lại cho những cây anh đào của họ. Buổi tối, tình hình “xấu đi” đến mức mười hai nghìn lính thuộc quân đội Liên bang được điều về thủ đô. Tình trạng thiết quân luật được ban bố. Mấy phút trước đó, đi qua trước Nhà Trắng, tôi chứng kiến một cảnh tượng lịch sử mà không một nhân chứng nào có thể quên: một khẩu liên thanh đặt trên thềm dinh tổng thống, nòng chĩa xuống đường; vài giờ sau nó sẽ biến mất theo lệnh của đích thân ngài Johnson*, nhưng tôi đã nhìn thấy nó. Thật là tuyệt đẹp. Không gì có thể gây cảm giác bất lực bằng một khẩu liên thanh khốn khổ chĩa xuống đường ngay ở lối vào trung tâm cốt tử của nền dân chủ vĩ đại nhất và hùng mạnh nhất thế giới. Tóm lại Mỹ là một đất nước có thể có một cái gì đó mới mẻ. Không còn một chiếc ô tô trên đường. Trên hè phố, tôi nhận ra một hiện tượng đặc biệt khiến người ta nản lòng: người da trắng và người da đen tránh nhìn nhau khi giáp mặt, và cả hai phía đều có vẻ có tội. Họ thậm chí không biết rằng họ đang có cái may mắn được trải qua một thời điểm lịch sử khi người ta thấy báo hiệu, dẫu là còn rất yếu ớt, sự ra đời của một nền văn minh mới. Nếu tôi là người Nga hay người Tàu, tôi sẽ hết lòng mong ước nước Mỹ thành công trong cuộc chuyển hóa này. Với những người da vàng hay những người phe Đỏ nói đến chuyện “chôn vùi” nước Mỹ, tôi sẽ nhắc họ nhớ rằng nước Mỹ là một lục địa mênh mông, rằng muốn chôn một xác chết như vậy cần nhiều chỗ lắm, đúng ra là cần hết cả trái đất này kia. Tất cả những kẻ https://thuviensach.vn đào mồ chôn nước Mỹ cũng đang chuẩn bị chính đám tang của mình đấy. Ở khách sạn, đi qua những hành lang trống hoang, trước cánh cửa mở rộng, tôi chứng kiến một cảnh tượng cực xấu. Một người đàn bà to béo đang ngồi trên giường, mặc quần lót và đeo nịt vú, mặt mày đẫm nước mắt, đang hét lên với một người nào đó mà tôi không trông thấy, nhưng sự hiện diện vô hình khiến tôi chắc hẳn đó phải là một đức ông chồng Mỹ loại hoàn hảo. - I want to go home. We want to get out of here. Em muốn trở về nhà. Em muốn đi khỏi đây. - Sure, baby, sure. We’ll be alright, we are getting out tomorrow. We’ll be alright. Hẳn rồi, cưng ơi, hẳn rồi. Chúng ta sẽ thoát khỏi đây. Mọi việc sẽ ổn cả mà. Tuy nhiên, nghĩ rằng sẽ có mối nguy hiểm nào đó là hoàn toàn ngu ngốc. Tiếng đồn rầm rì trong hành lang rằng bọn da đen sẽ “đổ xuống” đốt cháy khách sạn Hilton, bịt hết các lối thoát, “hun ngạt” tất cả khách như hun chuột, là một ý tưởng hay ho ở chỗ chính vì đó là một ý tưởng của loài chuột. Trong tất cả những chuyện này có một nỗi hoảng sợ bên trong không liên quan gì đến sự tồn tại một mối đe dọa bất kỳ nào bên ngoài. Cái đang hiển hiện ra là phức cảm tội lỗi, mẹ đẻ của mọi nỗi lo sợ. Nhưng trên tất cả, cái đang tác động, đó là hiện tượng khi cái quen thuộc đột nhiên trở thành hoàn toàn xa lạ. Nước Mỹ vốn biết rõ những người da đen “của mình”, đột nhiên không nhận ra được họ nữa, và nỗi sợ ập đến. Bạn có biết câu chuyện anh chàng thủy binh Dybienko, người bảo vệ trung thành cậu con trai nhỏ tuổi của Sa hoàng, nhân vật kế vị cuối cùng ngai vàng toàn Nga? Anh chàng thủy binh này bao nhiêu năm chăm nom vị con vua với một lòng trung thành đáng cảm động và được hoàng hậu hoàn toàn tin cậy. Lúc xảy ra tình hình xáo trộn, trong tòa lâu đài nơi gia đình Sa hoàng bị tạm quản chế, một người trong đám tùy tùng bất ngờ bước vào phòng thái tử và thấy anh chàng thủy binh đang ngự chễm chệ trên https://thuviensach.vn ghế bành: anh ta bắt cậu con vua đang khiếp sợ tháo giày cho mình, mắng rủa cậu rất thô tục. Vậy đó, không bao giờ có thể tin những đầy tớ của mình. https://thuviensach.vn X Ngay từ ngày đầu cuộc nổi dậy, tôi đã cố bắt liên lạc điện thoại với người mà ở đây tôi sẽ gọi bằng tên tục đứa con thứ mười một cũng tức là đứa út của anh ta, là Red. Tôi quen anh ta ở Paris, sau ngày Giải phóng, bấy giờ anh ta làm nghề ma cô, đồng thời vẫn đi học trường Sorbonne. “Ma cô” đúng ra là từ không chính xác: được o bế*, và một cách tự nhiên, thì đúng hơn. Các cô con gái của Pigalle* không phải chờ đến những anh chàng Báo Đen mới khám phá ra rằng black is beautiful. Vẻ đẹp hình thể của chàng trai trẻ xứ California này là một thứ giá trị mà xã hội trong khi vứt bỏ anh ta lại buộc anh ta phải tận dụng nó, cũng giống như người ta buộc những lực sĩ da màu phải tận dụng đến cùng các bắp thịt của họ để vươn tới tự do. Phải là một kẻ đạo đức giả xấu xa hay một thứ “đạo mạo” khốn kiếp thì mới dám kết tội Malcom X đã là “ma cô” và anh bạn Red của tôi là đã để cho các cô gái bảo bọc. Trong tình trạng những cơ may hiện nay đang mở ra trước mắt những người châu Phi ở Paris, chẳng hạn, kết tội họ “làm nghề dắt gái” trước hết đặt ra vấn đề vô số người da trắng ở châu Phi suốt một thế kỷ đã sai cánh bồi của họ: “Tối nay hãy đưa đến cho ta một đứa con gái.” Ai đã từng biết đến chủ nghĩa thực dân tình dục ở Đông Dương và ở châu Phi sẽ nhìn vào đó hai lần trước khi buộc tội người da đen ở châu Âu tất cả đều là bọn ma cô và bọn dắt gái. Dù chủ nghĩa thực dân trong những đường hướng lớn của nó và trong nửa đầu thế kỷ tồn tại của nó là một thời kỳ lịch sử đáng kể thì cũng không làm thay đổi một điều là tất cả những gì chúng ta đã bắt tâm hồn người da đen phải chịu đựng, dẫu cứ cho là chúng ta quả đã làm được cho họ khá nhiều việc, phải khiến ta thận trọng hơn đôi chút trong những phán xét đạo đức của chúng ta về họ. Những khía cạnh dục tính gắn https://thuviensach.vn