🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký – Tập 2
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS
Thay lời nói đầu
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
24 25 26 27 28
Thay lời nói đầu
Gâu gâu, ấy là lời chào của tôi, chào các bạn người thân mến! Các bạn có nhớ tôi không? Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau nhỉ. Nói là buồn nhớ cũng chưa diễn tả hết tâm trạng của tôi đâu. Tôi cũng xin chào những người bạn mới. Nếu các bạn chưa đọc tập 1 của cuốn sách này, tôi xin được tự giới thiệu: tôi là Trison, một chú chó thuộc giống Labrador. Tôi đã tốt nghiệp trường chuyên đào tạo chó dẫn đường. Hẳn các bạn đã nghe nói về nghề chó dẫn đường. Chúng tôi giúp đỡ những người khiếm thị. Thực ra, không phải ai cũng biết chúng tôi được huấn luyện như thế nào, chúng tôi làm việc ra sao, chúng tôi làm được những gì và nói chung chúng tôi có những năng lực gì.
Tôi xin nói ngay: công việc của chúng tôi không thuộc vào hàng nhàn nhã, mà chúng tôi cũng chẳng ưa kiếm sống bằng con đường nhàn hạ - sứ mệnh chính của chúng tôi là phụng sự con người một cách trung thành và phi vụ lợi. Ở tập 1, tôi đã kể về chuyện tôi từng đưa lối dẫn đường cho cựu chiến binh Ivan Savelievich (ông nay đã về cõi vĩnh hằng), sau đó là cậu bé khiếm thị Sashka. Các bạn biết không, chuyện có thể là rất khó tin, nhưng lần nọ tôi đã tặng người bạn nhỏ của tôi một chiếc cầu vồng. Vâng, có chuyện ấy đấy. Cũng cần nói thêm rằng, loài chó dẫn đường chúng tôi không bao giờ coi những người mà chúng tôi phục vụ là “chủ”. Chúng tôi gọi họ là “những người được chúng tôi bảo bọc”. Rồi các bạn sẽ hiểu vì sao lại thế.
Công việc của chúng tôi không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, thỉnh thoảng chúng tôi còn phải thực hiện những công việc khác nữa. Nói cách khác, trong những tình huống khẩn cấp, chó dẫn đường còn phải là vệ sĩ, chiến sĩ cứu hộ, và thậm chí là…
Thôi, tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết. Nếu các bạn muốn biết, hãy cứ đọc cuốn sách đầu tay của tôi. Ầy dà, trong cuốn sách ấy, tôi từng mệt mỏi biết nhường nào! Còn bây giờ tôi muốn kể các bạn nghe về những biến cố mới xảy ra trong đời mình. Xin được chạy trước sự kiện một chút: cuốn sách này xém chút nữa không bao giờ ra đời được, vì tôi từng rơi vào những tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng ơn trời, sóng lớn rồi yên, biển động rồi lặng – như người ta thường nói: đời chẳng thiếu gì những con chó hay, cũng chẳng hiếm những con người tốt bụng. Đừng nặng lời trách móc tôi bạn nhé, chẳng
Người bạn tri kỷ vượt qua rào cản ngôn ngữ qua tôi thường thích sử dụng những thành ngữ của ngôn ngữ loài người, có thêm thắt vào đó chút đỉnh tư duy của loài chó.
Chắc các bạn cũng đồng ý là còn lâu tôi mới phải nghỉ hưu – tôi còn phải làm việc nhiều. Cũng phải thôi, vì người ta đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, công sức để huấn luyện tôi trong trường chuyên. Tôi không biết bên loài người thế nào, chứ bên loài chó chúng tôi, những nhân viên sáng giá như tôi không bao giờ bị bỏ phí. Chó dẫn đường không bao giờ bị bố trí đi làm chó giữ nhà (xin thừa nhận là dù sao chuyện ấy thỉnh thoảng cũng có xảy ra – tôi sẽ kể sau). Nhìn chung, những chuyên gia như tôi được quý hơn vàng. Một khi vẫn còn sức lực, còn đủ năng lực nghe, nhìn và ngửi, đặc biệt là với đầy đủ kiến thức trong đầu, tôi còn làm chó dẫn đường!
Các bạn hãy tin đi, tôi kể về bản thân, về những năng lực phi thường của mình không phải để tự khoe đâu, thật đấy. Tôi luôn cố gắng tận tâm tận lực phục vụ mọi người. Hẳn các bạn cũng phải thừa nhận rằng trước đây, khi chúng ta chưa quen biết nhau, nhiều người trong số các bạn thậm chí không thể hình dung nổi chó dẫn đường là gì và những con chó ấy làm việc ra sao. Cũng cần nói thêm, những gì được viết ra không phải do tôi hư cấu mà nên. Rất nhiều bạn đọc đã chia sẻ với tôi điều đó. Tôi nói nghiêm túc đấy!
Lần nọ, tôi đã phải làm diễn viên suốt một ngày. Sau khi xuất bản tập 1, tôi được mời đến Saint Peterburg dự buổi lễ ra mắt bạn đọc. Cũng đúng trong thời gian đó có một đoàn khách đến thăm trường đào tạo chó dẫn đường của chúng tôi và một người đàn ông khuyết tật đồng ý đi cùng chúng tôi đến dự lễ ra mắt cuốn sách. Nhà trường cũng cử cô giáo Lêna, huấn luyện viên của tôi, đi Saint Peterburg dự lễ. Có thể các bạn không tin nổi, tôi biểu diễn ngay trong nhà sách, trình diễn cho khán giả xem những tuyệt kỹ của mình. Chẳng giấu gì các bạn, tôi hồi hộp kinh khủng. Nào phải chuyện đùa - tôi đã trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Tôi bước lên sân khấu, ngó quanh khán phòng và cảm thấy hơi bị khớp. Tôi nghĩ bụng, coi chừng, ráng đừng để hỏng bét mọi chuyện. Nhưng rồi mọi chuyện đã diễn ra một cách tuyệt vời.
Trong buổi lễ hôm ấy, một nhiếp ảnh gia lại gần huấn luyện viên của tôi, xoa đầu tôi, gãi gãi vào gáy tôi và nói:
- Cám ơn chị đã đưa Trison đến đây. Tôi đã bốn mươi tuổi rồi nhưng trước đây chưa bao giờ được nhìn thấy một con chó dẫn đường nào cả.
Ôi chao, lúc đó tôi cảm thấy xiết đỗi tự hào!
Nhưng bây giờ chúng ta hãy bắt tay vào việc. Các bạn không thể hình dung nổi, trong đời tôi đã diễn ra biết bao nhiêu chuyện mà tôi sẽ kể các bạn nghe; chuyện vui có, chuyện buồn có, và có cả những chuyện kinh hoàng nữa. Thậm chí tôi e ngại rằng liệu khuôn khổ của thể loại truyện vừa có quá chật hẹp đối với những câu chuyện ấy hay không. Thôi thì đành thế này: tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của mình rồi để xem nó sẽ trở thành cái gì, truyện vừa hay tiểu thuyết, mà có khi là cả một trường thiên tiểu thuyết kiểu như “Chiến tranh và hòa bình” cũng nên.
1
Ở loài chó, cũng giống như ở loài người, kinh nghiệm sống tăng dần sau mỗi mối quan hệ quen biết.
Ôi, nhưng cầu Chúa cho các bạn đừng gặp phải những cú làm quen kinh khủng mà tôi từng phải chịu đựng – mỗi khi nhớ lại, tôi còn giật mình thon thót!
Ban đầu, mọi chuyện khá suôn sẻ. Sau khi Sashka phục hồi thị lực, tôi ăn không ngồi rồi chẳng được lâu. Chỉ được hơn một tháng là tôi lại được giao về cho một nhà văn nữ bị mù. Tất nhiên là ở đây, tôi sống khá sướng. Dù sao tôi cũng còn khá ngây thơ, cứ đinh ninh mình sẽ sống nơi đây cho đến trọn đời. Nhưng sự đời không đơn giản, tôi và người được tôi bảo bọc (tức là nhà văn nữ nọ) đột ngột phải chia tay nhau – hoàn cảnh bắt buộc phải thế, đành chịu thôi. Và tiếp theo… Nhưng thôi, cứ để từ từ rồi tôi sẽ kể.
Dù rằng bà Anna Ygorevna Krivosheeva trở thành người được tôi bảo bọc chẳng được bao lâu, nhưng chúng tôi chia tay như những người bạn lớn. Sở dĩ chúng tôi phải xa nhau chẳng qua vì giờ đây bà Anna đã ra nước ngoài sinh sống. Tôi xin mách nhỏ: nếu gặp người phụ nữ khả kính ấy, các bạn chớ có mà gọi bà ấy là nhà văn, gọi thế, bà ấy sẽ giận lắm đấy. Bà ấy cho rằng cái từ “nhà văn” không tồn tại trong ngôn ngữ loài người, nói cách khác, trên đời này làm gì có nhà văn! Về chủ đề này, loài chó chúng tôi chẳng dám lạm bàn. Ừ thì không có. Có gì đâu, chuyện nhỏ! Vâng, cũng cần nói thêm, trong nhà, chẳng ai gọi bà là Anna Ygorevna theo cách xưng
hô kính trọng cả. Tên gọi chính thức (gồm tên, phụ danh và họ) của bà lặn biệt tăm đâu đó trong các loại giấy tờ, tài liệu, thư từ, v.v. Còn trong cuộc sống bình thường, mọi người chỉ gọi người phụ nữ khả ái này bằng những cái tên thân mật đại loại như Annushka, Anhiuta, hay đôi khi chỉ đơn giản là Anna.
Bà Anna đẹp tuyệt! Tôi nhận thấy một điểm nhỏ khiến bà ấy có phần giống tôi – tóc bà ấy màu vàng kim, hệt màu lông của tôi. Vẻ đẹp của bà còn nằm ở đôi môi luôn hồng thắm, vầng trán cao, sống mũi thẳng và những ngón tay thon. Thân hình bà thanh mảnh, nhẹ nhàng, tựa như sương khói. Không hiểu sao rất nhiều người lầm tưởng rằng bà là diễn viên múa ba-lê. Tôi chưa bao giờ được vào nhà hát, chưa từng nhìn thấy diễn viên ba-lê bằng xương bằng thịt, nhưng trên tivi thì đã chứng kiến họ trình diễn. Không, bà Anna chẳng giống diễn viên ba-lê tẹo nào. Dĩ nhiên là diễn viên ba-lê cũng mảnh mai, xinh đẹp, hấp dẫn… nhưng họ hoạt động dữ dội quá: nào nhảy, nào nhún, nào quay tít mù, còn bà Anna Ygorevna của chúng ta thì luôn an nhiên tự tại, điềm tĩnh, ít nói. Dịu dàng, uyển chuyển. Tôi nghĩ rằng giá mà có một họa sĩ tài năng nào đó vẽ chân dung bà thì chẳng bao lâu sau, viện bảo tàng Louvre - bảo tàng nghệ thuật và lịch sử của Pháp sẽ dám đổi bức La Joconde, tức tác phẩm Mona Lisa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, để lấy bức chân dung bà. Tôi dám chắc!
Bạn đã bao giờ nhìn thấy tác phẩm La Joconde chưa? Trong phòng làm việc của bà Anna Ygorevna có treo phiên bản của bức tranh ấy. Tôi chẳng biết sao mà người ta ca tụng bức họa ấy đến thế, rồi tìm ra trong đó biết bao nhiêu là điều kỳ bí, mỗi phát hiện đều gây chấn động. Cái bà Mona Lisa ấy trông ranh mãnh thấy mồ! Cái
nhìn của bà ấy thấy mà ớn. Tôi có cảm giác như bà ta sắp mở miệng ra lệnh: “Lại đây!”, “Ngồi xuống!”, “Nằm khoanh tròn lại!”, vân vân, giống như các huấn luyện viên dạy chó. Nhưng điều lạ kỳ nhất là dù tôi có đứng ở bất cứ chỗ nào trong phòng, ánh mắt của bà ấy cũng cứ nhìn thẳng chòng chọc vào mắt tôi. Khiếp cho cái bức chân dung ấy! Vậy mà người được tôi bảo bọc, tức là bà Anna, cứ luôn tự dằn vặt là mình sẽ không bao giờ được nhìn thấy bản gốc bức chân dung ấy, nghĩa là ước mơ của bà không bao giờ trở thành hiện thực. Tiếc làm gì cơ chứ. Nhưng mà thôi, mặc kệ bà ấy, nghĩa là mặc cái bà Mona Lisa ấy. Không nói về bà ấy nữa.
Mỗi khi đi dạo cùng bà Anna trong công viên, tôi sướng điên vì niềm tự hào về người mà mình bảo bọc. Tôi chưa từng bắt gặp một người đàn ông nào khi đi ngang qua chúng tôi mà không ngoái đầu nhìn và rồi nhìn theo cho đến khi khuất tầm mắt. Nói cách khác, bà Anna quả là một người phụ nữ tuyệt vời. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ đi dạo gần nhà. Nhưng rồi mỗi ngày cứ đi xa thêm một chút và mỗi lúc một xa hơn. Bà Anna trở nên bạo dạn hơn, đến mức quyết định cùng tôi ngồi tàu điện đi sang quận khác chơi. Dĩ nhiên, mỗi khi lên xuống tàu đều có những người sáng mắt giúp đỡ bà. Đối với người khiếm thị, niềm an ủi lớn lao nhất là được đi đây đi đó cho biết đó biết đây.
Giá mà các bạn biết được lúc đó cuộc sống của tôi như thế nào. Ôi!!! Nếu biết, hẳn các bạn sẽ phải lấy làm ganh tị. Đó là… ôi, thậm chí tôi cảm thấy khó mà diễn tả cho hết. Thôi thì ta làm cách khác nhé. Các bạn có nhớ ông cụ Ivan Savelievich không? Có nhớ Sashka không? Rồi thì các bạn bè, người thân của họ? Ấy đấy, nếu được phát biểu về cuộc sống của tôi trong nhà của nhà văn Anna
Ygorevna Krivosheeva, hẳn cụ Ivan Savelievich sẽ nói: “Trison sống cứ như vua hay chí ít cũng là tể tướng”. Sashka thì hẳn phải thốt lên kinh ngạc: “Đuối luôn!”. Còn bà ngoại của Sashka, bà Elizaveta Maximovna, chắc phải luôn tay làm dấu thánh giá rồi thì thầm lẩm bẩm “Lạy Chúa tôi, thật là cuộc sống chốn thiên đàng!”. Mẹ của Sashka thì… thậm chí tôi không biết thế nào nữa. Chắc hẳn bà ấy chỉ phán một câu đơn giản: “Chẳng khác gì đại gia!”.
Nói cách khác, ở với bà Anna, tôi sống không đến nỗi tồi. Một gia đình cực kỳ thuận hòa, hạnh phúc. Chúng tôi sống trong căn nhà ở ngoại ô, gồm tôi, mẹ Anna Ygorevna, bố Konstantin Alexandrovich và cô con gái của họ, tên là Masha. Masha hãy còn nhỏ, lúc bấy giờ chỉ mới lên 10 thôi, nhưng tôi xin nói cho các bạn hay rằng cô bé rất lanh. Không hiểu sao bố Konstantin thường hay gọi Masha là cô nàng ích kỷ. Tôi không rõ lắm ý nghĩa của danh xưng này, nhưng không thấy cô bé tỏ ra giận dỗi gì với cái tên gọi ấy. Như vậy, đó hẳn là một tên gọi đáng yêu. Masha quả là bản sao của mẹ. Cứ nhìn cô bé là tôi hình dung ra ngay bà Anna hồi bé trông như thế nào.
Tôi cùng Masha kết bạn ngay từ buổi đầu tiên. Các bạn biết đấy, tôi rất thích trẻ con. Masha tắm cho tôi, chải lông cẩn thận và thường hay đút cho tôi món này món nọ thật ngon. Lúc đầu tôi thường từ chối, ngoảnh mặt đi mỗi khi Masha đút món ngon - ở trường tôi đã được dạy là không được ăn vặt, chỉ được ăn những thức ăn chính. Nhưng về sau, để khỏi làm buồn lòng cô bé, tôi thỉnh thoảng cũng xơi một vài món được Masha mời. Tôi luôn nhớ, trong các bài học có nói rằng không được nhận thức ăn từ tay người lạ. Nhưng Masha nào phải người lạ? Chúng tôi thân thiết như thể chị em. Thậm chí tôi với Masha cùng chơi chung một quả bóng trên sân
tập. Rồi tôi sẽ kể kỹ hơn về Masha cho các bạn nghe. Tôi nghĩ rằng mai đây khi lớn lên, Masha sẽ trở thành ca sĩ. Giá mà các bạn được nghe cô bé hát karaoke! Trong nhà có dàn karaoke và thỉnh thoảng cả gia đình cùng hát. Thậm chí tôi cũng hát phụ họa với mọi người. Nghĩa là tôi thỉnh thoảng tru lên vài hơi khi mọi người đang hát. Tất nhiên là tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành ca sĩ ca siếc gì được, nhưng mọi người cũng rất thích thú được nghe tôi cất tiếng “gâu gâu” khi họ đang hát. Sau mỗi buổi “cả nhà cùng ca hát”, mọi người lại đãi tôi một món gì đó thật ngon, khi thì thịt băm viên, khi thì một khúc xương, cũng có khi vài viên kẹo ngọt.
Ối chao ôi, vậy coi sao được cơ chứ - xém chút xíu là tôi quên mất một thành viên nữa của nhà này. Trong gia đình không phải chỉ có bốn khẩu, mà là năm. Trong nhà còn có thêm một kỳ quan thế giới nữa, đó là Kisulia, hay đơn giản là Miu con. Các bạn chớ vội nghĩ rằng do lòng quý mến của mình mà tôi gọi bạn mèo trong nhà bằng cái tên âu yếm đến như thế. Chỉ đơn giản mọi người đặt cho bạn ấy cái tên như vậy và tôi cứ thế gọi theo, có vậy thôi. Mọi người kể rằng khi về với nhà này (từ rất lâu trước khi tôi về đây), bạn ấy có tên khác cơ, Musia hay Dusia gì đó, nhưng rồi do thuận miệng, mọi người cứ gọi là Miu con (Kisulia) cho tiện, riết rồi chết tên luôn. Ôi chao, cái cô bạn Kisulia này thật là… Không hiểu do đâu mà tôi cứ phải chịu đựng những quý nàng miu con như thế này. Không, chúng tôi sống với nhau khá thuận hòa, thân thiện. Nhưng Kisulia đôi khi tỏ ra là một đối tượng rất khó chịu, chán chết đi được.
Đây, mời các bạn hãy hình dung một tình huống như sau. Tôi đi dạo với bà Anna về, ăn lót dạ qua loa, tợp vài ngụm nước rồi khoanh chân nằm nghỉ. Tôi cần ngủ nghỉ nhiều hơn những con chó
bình thường một chút, vì đối với tôi, nhiều khi tôi cũng phải thực hiện nhiệm vụ của mình ngay cả trong lúc ngủ. Vậy mà rồi xảy cớ sự. Cô bạn Kisulia của chúng ta chẳng có chuyện gì làm, buồn quá, muốn chơi đùa cho khuây khỏa. Phải chi cô nàng vớ lấy con chuột nhựa của mình hay quả bóng tennis mà chơi cho đã đời đi. Đằng này không. Hễ tôi vừa thiu thiu chợp mắt là Kisulia gây chuyện, chọc phá. Khi thì kéo đuôi tôi, khi thì cào mình tôi, khi thì meo meo bên tai điếc cả óc. Mèo gì mà chẳng ý tứ chút nào cả, lắm bận, tôi đang ngủ, cô nàng cứ đi qua đi lại trước mặt tôi, ve vẩy đuôi, khiến lông đuôi ngoáy cả vào mũi tôi. Trò này khiến tôi cáu vô kể. Mỗi khi như vậy là cứ phải hắt xì hơi ầm cả lên. Nhiều lần bà Anna phát giật mình vì tiếng hắt hơi của tôi. Bà mỉm cười rồi bảo tôi:
- Coi chừng bị cảm đấy, Trison yêu quý ạ.
- Gâu!– Tôi đáp.
Khổ nỗi, bà Anna không nhìn thấy trò nghịch của cô nàng Kisulia nên cứ tưởng là tôi cảm ơn bà ấy vì đã quan tâm đến sức khỏe của tôi. Bà cười và bảo:
- Không có gì. Chóng ngoan, mẹ thương.
Dĩ nhiên là khi được nựng nịu âu yếm như thế, ai mà chẳng nở từng khúc ruột, nhưng xét trên khía cạnh khác, tôi biết làm sao đây với nỗi ấm ức trong lòng? Thế là tôi lại dùng chân trước che mắt lại rồi ngủ tiếp. Kisulia ma mãnh lại tiếp tục giở trò. Lắm lúc cô nàng chơi những chiêu rất quái, khiến tôi điên tiết, chỉ muốn tru lên như chó sói. Chẳng hạn, có lần tôi đang ngủ, cô nàng leo hẳn lên mình tôi mà nằm rồi rên “rừ rừ” một cách khoan khoái. Có bực không cơ chứ. Muốn tôi làm ngựa cho mà cưỡi chắc? Nhưng những lúc như thế, tôi cũng chẳng buồn hất nàng xuống, bụng bảo dạ, cứ nằm đi,
đồ khùng, miễn là đừng ngoáy lông đuôi vào mũi người ta! Lắm bận cả hai cứ thế ngủ như chết. Chứ tôi còn biết làm gì được nữa!? Chẳng lẽ lại cắn cô nàng? Người nhà với nhau cả, ai lại làm thế. Xét trên tổng thể thì những chuyện đại loại như thế chỉ là chuyện vặt. Rồi tôi sẽ kể các bạn nghe về mèo đặc chủng. Mèo đặc chủng khác xa với nàng tiểu thư Kisulia của chúng tôi. Cuộc sống và công việc của mèo đặc chủng phức tạp hơn nhiều.
Nói gì đi nữa thì cuộc sống của tôi trong gia đình nhà Krivosheevy vẫn sướng chán: thức ăn ngon tuyệt hảo nhé, lại còn có tiện nghi đầy đủ, theo như cách gọi của ông cụ Ivan Savelievich là “vương giả”. Thử nghĩ mà xem, trong phòng làm việc của bà Anna có hẳn một chiếc giường sôfa dành riêng cho tôi. Thật mà. Có đầy đủ chăn gối hẳn hoi. Ở đây tôi mới được yên, vì Kisulia không bao giờ được phép bước chân vào phòng này. Sở dĩ Kisulia bị cấm cửa vì cô nàng đã tự đánh mất uy tín của mình qua một số hành vi hết sức nhảm. Lần nọ, cô nàng leo lên bàn làm việc của bà chủ, bươi bới lung tung khiến cho giấy tờ, tài liệu bay tung tóe khắp phòng. Mà nào chỉ có bấy nhiêu đó thôi đâu, cô nàng còn cắn xé mớ khăn giấy đến nát vụn ra, khiến căn phòng trông cứ như bãi chiến trường – những mảnh khăn giấy màu vàng cam vương vãi khắp nơi. Không phải mèo, mà đích thị là đồ phá hoại.
Mỗi khi bà Anna ngồi làm việc trong phòng, tôi nằm dài trên sôfa, khoan khoái lắng nghe những tác phẩm mới của bà. Bà có thể làm việc trên chiếc máy tính đặc biệt dành cho người khiếm thị, nhưng thường thì bà đọc các chương sách mà bà “viết” trong đầu vào máy ghi âm rồi sau đó ông Konstantin Alexandrovich hoặc Masha sẽ chép vào máy tính. Rồi sau đó nữa, ông chồng sẽ sửa lỗi, biên tập
lại, và thường xuyên góp ý, phê bình tác giả. Thỉnh thoảng xảy ra những trận tranh cãi kinh hoàng, dai dẳng, đến nỗi tôi cứ nghĩ rằng thôi rồi, chỉ về mỗi chuyện này thôi, họ sẽ cãi nhau cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
Ấy vậy mà không, sáng ra, tôi nghe bà Anna thỏ thẻ: - Anh yêu, em nghĩ lại rồi. Quả là cái trường đoạn ở biển ấy rất cần phải viết lại. Đoạn ấy em viết xoàng quá. Anh nói đúng đấy… - Anh không ép buộc em đâu, Anna yêu quý ạ, - ông Konstantin Alexandrovich trả lời. - Em hãy tự quyết định lấy. Em là tác giả mà… Hừm! Các bạn nghe thấy rồi chứ? Ông ấy bảo là không ép. Có thật ông ấy không ép không? Điên thật. Mới hôm qua ông ấy còn nói với vợ là trong suốt cuộc đời của mình, ông ấy chưa bao giờ đọc phải một thứ văn chương kém cỏi đến như thế. Vậy mà bây giờ thì ông ấy bảo là không ép buộc gì. Chết được với những con người như vậy. Nhưng rồi, thú thực, dần dần tôi cũng chẳng còn lấy làm lạ lẫm trước những màn biến hóa như vậy nữa. Các bạn biết đấy, giới văn nghệ sĩ (ông chồng của bà Anna không chỉ là biên tập viên mà còn là nhà thơ nữa cơ đấy) cực kỳ rỗi hơi. Thỉnh thoảng họ ngồi với nhau suốt buổi tối, đọc cho nhau nghe những vần thơ, áng văn, thậm chí bạn có thể không tin nổi, cả những mẩu chuyện thuộc vào hàng… cổ tích. Họ gật gù tán thưởng, rồi chợt cười, đôi khi chợt khóc… Vậy mà rồi đến ngày hôm sau, mọi chuyện bay vèo đi đâu mất...
…A ha, mọi chuyện bay vào gò má. Tôi không hiểu lắm câu thành ngữ này. Thế còn các bạn, các bạn nghĩ rằng mọi chuyện sẽ bay đi đâu? Tất nhiên là bay đến chỗ lũ quỷ của loài chó. Nhưng xin giải thích giùm, điều đó có nghĩa là gì? Chó và quỷ thì mắc mớ gì ở
đây? Còn phải nghĩ ra thêm điều gì tương tự nữa chứ?! Lại có một thành ngữ còn ghê răng hơn nữa: “Nhảm như chó”. Các bạn đã nghe câu ấy bao giờ chưa? Có chết cũng chịu, chứ tôi chẳng thể nào hình dung ra được đó là thứ nhảm gì. Ờ mà loài người các bạn cũng thường nói rằng chó là bạn của người. Các bạn yêu quý những chú vện, chú đốm, chú xù… của mình. Trong nhà bạn có thể có chú chó bốn mắt hay chú cún kiểng nào đó. Và trong nhà bạn không ai mở miệng thóa mạ loài chó. Đúng vậy không? Vậy mà trong cuộc sống, mỗi khi có chuyện gì không hài lòng, bạn vẫn có thể thốt lên: “Đời này mới chó má làm sao!”.
Nào, bây giờ lấy thí dụ, cuộc sống của tôi ở nhà bà Anna Ygorevna khiến khối người phải ganh tị. Đời chó thực ra cũng bình thường thôi. Còn bây giờ nhá, bây giờ tôi sống ra sao, xin lỗi, các bạn không cách nào có thể gọi đó là cuộc đời chó má.
2
Rời nhà bà nhà văn, tôi rơi vào… ôi, tôi không thể nào tìm được từ dùng cho chính xác. Có trời biết được, sau đó tôi rơi vào đâu. Tất nhiên không phải sau khi rời khỏi nhà bà Anna Ygorevna là tôi đến ngay với người khác mà phải trở về trường rồi sau đó tùy tình hình trường sẽ phân tôi đi phục vụ ai đó. Ở trường chúng tôi là thế đấy – người ta nhận chúng tôi rồi trả, trả rồi nhận, cứ thế luân phiên…
Lần cuối cùng người ta nhận tôi cũng bình thường như bao lần trước. Ôi, đời thật lắm thăng trầm dâu bể. Tất nhiên là để không làm hỏng tâm trạng của các bạn, tôi có thể chỉ kể về cuộc sống của mình ở nhà bà Anna mà không kể thêm những chuyện khác. Ở nhà ấy còn có rất nhiều chuyện đáng để kể. Chủ nhà là những người học rộng hiểu nhiều, họ nói chuyện nghe thích lắm. Khách khứa của họ cũng toàn những người uyên bác, thông minh, tốt bụng. Nói chung, sống trong nhà ấy tôi cũng mở mang được tầm kiến thức. Nhưng tôi cũng không thể gạt ra khỏi ký ức của mình một nhân vật được tôi bảo bọc. Dở hay, xấu tốt mặc lòng, nhưng cần phải nói ra sự thật, toàn bộ sự thật. Mà cũng có thể, sự thật ấy sẽ giúp ích nhiều cho các bạn.
Chẳng giấu gì các bạn, hàng đêm tôi thường vẫn khóc. Khóc theo kiểu chó – khóc thầm, không rơi nước mắt. Tóm lại, đêm đêm tôi hay thầm than thân trách phận một hồi rồi… thiếp đi lúc nào không biết. Nhưng thường thì không ngủ được. Sống mà cứ như ngồi trên đống lửa. Tôi nói nghiêm túc đấy. Bất cứ lúc nào cũng có
thể xảy ra chuyện này chuyện nọ. Chỉ đến lúc đó tôi mới bắt đầu nghiệm ra ý nghĩa đích thực của câu ngạn ngữ “cuộc đời chó má”. Nhưng mà thôi, tôi không than khóc nữa đâu. Khóc mà được cái gì. Như ông cụ Ivan Savelievich, người đầu tiên được tôi bảo bọc, thường nói: ta chẳng có cách nào thoát khỏi số phận, hay “chạy trời không khỏi nắng”. Không phải ai cũng có thể suốt ngày nằm ườn trên xa-lông hay đầm mình trong hồ bơi, đặc biệt là hồ bơi dành cho chó. Nghĩa là chuyện nó phải thế. Cuộc đời, dù là đời chó má, đã thử thách tôi. Nhưng tôi xin nói thực: tôi đã vững vàng vượt qua mọi thử thách và hoàn thành công việc của mình (kể cả những công việc không phải của mình) một cách xuất sắc.
Một lần, ông Konstantin Alexandrovich đọc bức thư điện tử (email) mà người ta gửi đến cho bà Anna Ygorevna. Trong thư có đoạn: “Cuộc đời của chúng ta là một chiếc cầu vồng. Cầu vồng có nhiều màu sắc. Màu này phản chiếu màu kia nhưng hai màu liền kề nhau cũng có sự dung hòa nhất định. Cuộc đời cũng thế, có muôn màu sáng tối. Mỗi màu là một phần của màu trắng, mà màu trắng là tổng hòa của cầu vồng đa sắc. Không nên bị cám dỗ vào việc mô tả những gì diễn ra quanh ta chỉ bằng một màu duy nhất. Những nhiệm vụ khó khăn phức tạp được trao cho con người để rồi con người có thể hân hoan cảm nhận niềm vui sướng. Nỗi đau khổ cũng tồn tại, nhưng là để tương phản với niềm hạnh phúc. Mọi chuyện trên đời đều có tính biến thiên và tự chỉnh”. Lời lẽ trong thư hẳn nhiên là nói về sự đời của loài người, nhưng tôi nghĩ rằng đối với loài chó chúng tôi, những nhiệm vụ khó khăn phức tạp được trao cũng không phải ngẫu nhiên. Còn cầu vồng thì khỏi phải nói rồi, bao giờ cũng tuyệt đẹp. Phải thế nào anh bạn Sashka của tôi mới thiết tha với cầu vồng
đến thế chứ. Cầu vồng giúp chúng ta lý giải được rất nhiều nguồn cơn trong cuộc sống.
Tóm lại, lần nọ, bà Polina Foteevna Ivankhnik đến trường để đón tôi về sống với bà. Nhìn bề ngoài, đó là một bà lão phúc hậu, dễ mến. Bà rất lịch sự, chu đáo, tận tình. Ngồi nghe huấn luyện viên của tôi nói chuyện, thỉnh thoảng bà há to miệng vì ngạc nhiên, rồi bà cười, vuốt ve tôi, thậm chí còn hôn vào mũi tôi. Quả thực, ngay từ đầu, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó không ổn. Đi cùng với bà để dắt tay bà là một ông già. Bà Polina Foteevna gọi tên ông là Mironych và giới thiệu với mọi người đó là anh của bà. Nhưng tôi đoán rằng sự thật không phải thế.
Ngay từ ngày đầu, tôi đã không thích cái ông Mironych ấy. Ông ấy thường lặn biệt tăm suốt nhiều ngày, và mỗi khi ông ấy xuất hiện trong nhà, thường là vào buổi tối, bà Polina Foteevna trở nên vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Sau mỗi lần như vậy, từ người bà toát ra một thứ mùi mà loài chó chúng tôi cảm thấy chẳng lấy gì làm dễ chịu. Bà ấy thỉnh thoảng hôn vào mũi tôi và sau mỗi lần như thế, mắt tôi cứ gọi là nổ đom đóm, đầu tôi xây xẩm suốt nửa tiếng đồng hồ. Nói cách khác, chắc các bạn cũng đã đoán ra, bà ấy thường hay uống, không phải nước trái cây hay nước ngọt, mà là thứ gì đó nặng đô hơn nhiều! Nhưng tôi nghĩ rằng biết làm thế nào được – sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật mà. Người này khoái rượu bia, người kia ưa thuốc lá, người khác thích… vân vân. Tóm lại, cả trong trường hợp này nữa, loài chó chúng tôi cũng chẳng có quyền gì mà bàn luận xem con người làm gì thì sai hay đúng. Quan trọng nhất là họ cần quan tâm đến chúng tôi và đừng làm cho chúng tôi phải phiền lòng là được.
Một sự thật rõ ràng là loài chó chúng tôi đã, đang và sẽ giúp ích rất nhiều cho con người. Các bạn còn nhớ không, ở cuốn sách trước, tôi đã kể về giao ước bất thành văn giữa chó và người từ buổi bình minh của văn minh nhân loại. Cho đến tận ngày nay, loài chó chúng tôi vẫn trân trọng giao ước ấy và tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Ôi, giá chi con người cũng có thái độ như vậy đối với bản giao ước! Các bạn có hình dung nổi không, thỉnh thoảng, sau khi đi dạo về, bà Polina Foteevna quên bẵng việc tháo băng đai ra khỏi mình tôi. Thế là đành phải nằm ngủ với mớ dây nhợ lằng nhằng trên mình. Buồn quá, tôi chẳng còn thiết mở miệng đòi ăn, đòi tắm gì nữa…
Tôi với ông Mironych không phải chỉ gặp nhau một lần ở trường dạy chó là hết. Sau khi tôi về ở với bà Polina,
ông ấy cũng thường xuyên lui tới. Ông này ranh ma hết biết. Tôi đoán ra rằng (mà không, tôi tính ra), ông ấy chỉ đến nhà sau mỗi kỳ bà Polina lĩnh lương hưu.
Tất nhiên là những chuyện như thế làm tôi rất khó chịu và căng thẳng. Các bạn thử nghĩ mà xem: thứ nhất, tôi rất không thích cái thứ mùi sặc hơi cồn khiến tôi phát ngu si ấy; thứ hai là hai ông bà này rất hay quên về việc tôi cần ra ngoài mỗi ngày ít nhất hai hoặc ba lần để… “dốc bầu tâm sự”. Họ chẳng mấy khi quan tâm đến nhu cầu tự nhiên của tôi. Điều thứ ba: tôi từng chứng kiến lão Mironych trắng trợn lừa gạt bà Polina. Mỗi khi trong nhà hết tiền là lão ta biến mất, với rất nhiều cái cớ - nào là phải về làng thăm bà con, nào là ốm đột xuất không đến được, nào là bận việc nhà, vân vân và vân vân.
Nói cách khác, từ ngày đó, đời tôi trở thành cơn ác mộng. Lắm hôm tôi phải ở cùng bà Polina trong quán bia suốt cả ngày. Bạn nhậu của bà ấy vuốt ve tôi bằng những bàn tay rất bẩn. Thỉnh thoảng họ cũng gãi lưng, gãi gáy tôi, làm như thân thiện lắm, nhưng thực chất thì đó là những cú cào, cấu, đau thấu xương và gây tức chết đi được. Tệ hại nhất là họ có thể làm đổ bia lên đầu tôi, ném xương cá mắm mồi nhậu lên mình tôi (chẳng biết vô tình hay cố ý). Nhưng nỗi tủi nhục không chỉ có thế. Lần nọ, một gã đàn ông to như bò mộng giẫm phải chân tôi. Cái chân suýt nát bét. Đau đến nỗi tôi không nén nổi, phải tru ầm lên. Quả thực, ở đây tôi chỉ có thể tru mà thôi. Gần như quên mất hai từ “gâu” và “u-u” của mình (hay nói đúng hơn là của Sashka).
Ở quán nhậu người ta có thể vu oan giá họa cho nhau về bất cứ chuyện gì, vì bất cứ lý do gì. Xin đưa ra một dẫn chứng. Lần nọ, tôi đang ngồi dưới gầm bàn, bỗng nhìn thấy có một con cá khô rớt xuống. Một con cá dễ thương, xinh xắn, phần bụng mỏng dính, gần như trong suốt. Mà tôi lúc đó thì đang đói nhừ, đói muốn điên, xém chút nữa là vồ lấy con cá mà xơi ngấu nghiến, theo cách mà con người thường gọi là “ăn như chó”. Các bạn thấy đấy, loài người đã nghĩ ra biết bao nhiêu ngôn từ để hạ nhục loài chó. Thây kệ! Lúc này tôi đang đói thê đói thảm – hồi sáng bà Polina Foteevna do vội đi ra quán nhậu nên quên cho tôi ăn. Và giờ đây, con cá ngon lành nằm trước mặt như một món quà từ trên trời rơi xuống. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng không vồ lấy món mồi ngon mà ăn lấy ăn để. Thậm chí trong thâm tâm tôi cũng không nghĩ là mình sẽ làm điều đó. Tôi có nguyên tắc sống của mình và luôn tuân thủ mọi quy tắc hành nghề. Tôi cẩn thận dùng mõm nhặt miếng ngon ấy lên, chui ra
khỏi gầm bàn và dúi nó vào tay bà Polina. Đúng lúc đó, gã đàn ông bạn nhậu của bà ấy hét toáng lên:
- Ê, của tao đấy! Mày làm gì vậy, đồ khốn nạn?
Thoạt đầu tôi không biết là ông ta mắng tôi. Gã bợm rượu gào tiếp:
- Đồ súc sinh! Polina! Con ch…ch… chó… chó chết của bà ă… ă…ăn cắp con cá của tôi!
Ơ hay, lạ nhỉ! Con cá bỗng dưng xuất hiện trước mặt tôi chứ tôi ăn cắp hồi nào? Tự ông đánh rơi nó xuống đất, tôi nhặt lên, đưa cho bà bạn già của mình, vậy mà ông lại vu cho tôi là ăn cắp. Thiệt tình!
- Này, đừng nói nhảm nhé! – Bà Polina Foteevna đứng ra bênh vực tôi. – Đây này, trả ông con cá thối của ông, đừng làm ầm lên nữa. Chắc xỉn quá rồi, tự làm rơi con cá, may mà con chó của tôi nó nhặt lên cho. Nói cho mà biết nhé, con chó của tôi cực khôn. Hễ nhặt được của rơi là trả lại. Ông đã không biết cảm ơn mà còn…
- Tôi chẳng làm rơi gì tất, – gã bợm tiếp tục làm ầm lên. – Con cá nằm yên trong túi quần của tôi. Con chó của bà lén đánh cắp nó đưa cho bà.
Không chịu xiết nỗi nhục bị vu oan, tôi vùng lên sủa dữ dội. Gã bợm hoảng quá, giật bắn mình về đằng sau, rú lên:
- Thấy chưa, bà Polina! Bà đã thấy con chó chết tiệt của bà nó hung dữ thế nào chưa? Nó còn dám tấn công người ta nữa đấy. Cần phải đưa nó đi bệnh viện th…th… thú y để bác sĩ chuyên về chó khám cho nó!
- Chính ông mới phải tới bệnh viện cho bác sĩ khám, – bà Polina Foteevna trả đũa rồi cười vang. – Tôi đã nói với ông rồi, con chó này không phải là đồ ăn cắp. Ông hiểu rồi chứ? Này,
đây, – bà đưa cho lão ta con cá tội nghiệp. – Ăn đi kẻo mà chết đói! - Ối! Không! Không bao giờ! – Gã bợm hất tay bà ra. – Chưa đủ hay sao mà còn muốn tôi phải ăn thừa của chó. Đưa cho con chó chết tiệt của bà ăn đi.
- Điên hết cả rồi hay sao thế, – một tay bợm khác trong bàn lên tiếng. – Đưa đây cho tôi! – Ông ta vồ lấy con cá khô từ trong tay bà Polina, cắn bỏ cái đầu rồi bập răng vào mình cá, cắn, xé, nhai ngấu nghiến.
Tôi thèm đến rỏ dãi nhưng đành nuốt nước miếng và ngậm ngùi hiểu ra rằng nơi đây, trong quán bia này, hoàn cảnh của tôi chẳng bao giờ sáng sủa. Tôi chỉ thầm ước trời tối mau mau để được về nhà, nếu không thì chẳng biết tôi còn phải nhịn đói cho đến bao giờ.
- Kinh! - Gã bợm rượu “nạn nhân mất cắp” tròn mắt nhìn ông bạn nhậu cùng bàn đang ăn cá. – Ông có thể dám ăn những thức ăn thừa của chó sao? – Hắn đưa mắt nhìn con cá cụt đầu.
- Ăn chứ có gì mà không dám! – Người nọ gật đầu trả lời rồi nói tiếp: - Tôi đang ăn đấy thôi, không thấy à? Đã sao nào? Trison không phải là thứ chó ghẻ đi hoang, mà là người-dẫn-đường của Polina. Có thể nói là một con chó có học thức đấy, hiểu không?
Vâng, dĩ nhiên là tôi rất sướng bụng khi được nghe người ta nói như thế về mình. Nhưng buổi chiều hôm đó có lẽ tôi sẽ sướng bụng hơn nếu được cho phép xơi con cá khô ngon như kẹo ấy. Bất giác tôi nhớ lại những lần đi câu cá cùng với ông cụ Ivan Savelievich.
- Dù sao đi nữa, - gã bợm “bị mất cắp” càu nhàu, - chuyện này cũng quá đáng lắm. Chắc ông sẽ mời con chó ấy ngồi vào bàn và rót bia cho nó chứ?
- Ôi, ôi, ôi! – Bà Polina Foteevna khoát tay. – Thôi, đủ rồi, đừng làm bộ làm tịch nữa! Cứ làm như là mình hay lắm, cao quý lắm! Ông không nhớ là mới đây, ông cùng con chó Pashka của ông xơi hết cả bịch “Pedigri”(*) hay sao? Rồi có làm sao không…?
(*) Tên thương phẩm của một loại thức ăn đóng gói sẵn dành cho chó – ND
- Thế mà cũng so sánh! – Gã bợm nổi quạu. – Tôi với con Pashka có ăn chung một đĩa đâu mà nói thế.
- Thôi được rồi, - bà Polina phẩy tay, – ừ thì ông với nó không ăn chung một đĩa. Không thích thì thôi, làm gì dữ vậy? Chẳng ai ép buộc ông làm điều đó. Còn tôi ấy hả, tôi sẵn sàng ăn thừa của Trison, hơn là ăn thừa của một số người nào đó…
- Bà ám chỉ ai đấy? – Gã bợm nổi cáu thực sự. – Bà ám chỉ tôi chứ gì?
- Tại sao ông lại nghĩ là tôi ám chỉ ông cơ chứ? – Bà Polina Foteevna cười khẩy – Trên đời này thiếu gì hạng đàn ông rác rưởi! Yên tâm đi, ông bạn ạ…
Một lúc sau, mọi người trong bàn nhậu dường như quên bẵng vụ đôi co lời qua tiếng lại vừa rồi và tôi thấy hình như cái gã bợm “bị mất cắp” luôn tỏ ra gớm tởm thức ăn thừa kia cũng tham gia xé con cá khô “hai lần bị ăn thừa” nọ bỏ vào mồm làm mồi nhậu. Chuyện thường thôi, dường như ở đâu và lúc nào cũng thế. Lúc đầu thì phật lòng, giận dữ, la ó, nhảy nhổm lên, sau đó thì nốc vào và xơi tuốt bất cứ thứ gì, kể cả thức ăn thừa của chó. Thế mà cũng gọi là làm người!
Tôi mới ngốc làm sao, vì đã buồn lòng và hờn giận Sashka vì cái tên Trisha mà thỉnh thoảng cậu ấy dùng để gọi tôi (tên tôi là Trison
mà!). Các bạn có biết bà Polina Foteevna thường gọi tôi bằng cái tên nào không? Chắc chắn là các bạn không thể nào đoán ra được. Tôi xấu hổ làm sao khi phải mở miệng nói ra cái tên ấy. Khi tỉnh táo, bà ấy vẫn luôn gọi đúng tên tôi. Nhưng hễ có vài ly vào là thể nào cũng lẫn lộn lung tung, hình như lưỡi bà ấy bị trẹo đi hay sao ấy. Mỗi khi uống vào, bà ấy thường ra những câu lệnh như sau:
- Truson(*), đén với mìn nừu.
(*) Tên của chú chó là Trison, nhưng do say, bà Polina gọi nhầm thành Truson, mà trong tiếng Nga, từ “Tpyc” [trus] có nghĩa là “đồ hèn nhát”; những từ khác trong câu cũng bị phát âm sai, do líu lưỡi khi say – ND
Lần đầu tiên nghe câu lệnh này, tôi hoàn toàn không hiểu bà ấy gọi ai và bà ấy muốn gì. Các bạn hãy tự suy luận đi, câu lệnh “đén với mìn nừu” có nghĩa là gì? Tôi có phải là lính công binh đâu mà đi dò mìn! Nói với chả năng! Tôi phải luận mãi mới hiểu ra là bà ấy bảo “Đến với mình nào”. Bà già này kỳ quặc thật. Lại còn cái tên kỳ cục nữa chứ: Truson. Hừ! Thật vớ vẩn. Bà ấy muốn móc máy rằng tôi hèn nhát (trus) chăng? Tôi mà là đồ hèn nhát à? Còn lâu nhé! Các bạn biết rõ rồi đấy, tôi là một chú chó dũng cảm. Ờ, hay bà ấy gọi tôi bằng cái tên Truson là xuất phát từ chữ “trusy”? Như thế càng bậy, vì chữ “trusy” có nghĩa là… quần lót. Tóm lại, nhục nhã ê chề tràn trề lòng tôi. Gì thì gì chứ cái trò bóp méo tên gọi là tôi chịu không nổi. Thật không ngờ đấy. Vì vậy, cái tên Trisha mà Sashka thường gọi tôi hoàn toàn bình thường, thậm chí nghe còn rất êm tai.
Mỗi cái tên là một bông hoa. Tôi còn nhớ câu thành ngữ mà ông cụ Ivan Savelievich thường dùng: “Gọi tôi là cái nồi cũng được, miễn là đừng đặt tôi lên bếp”. Tên tôi thì sao? Quan trọng nhất là tôi nhớ
tên mình. Tên tôi có mặt trong sổ sách, tài liệu của trường dạy chó, tên tôi hiện hữu trên các loại giấy tờ tùy thân của tôi. Không ai có thể lẫn lộn, không ai có thể quên. Nhưng với người say thì làm gì bây giờ? Thôi, thây kệ cái tên Truson méo mó ấy. Trong đời tôi, tôi đã từng bị gọi bằng vô số cái tên khác nhau, thậm chí có cả cái tên Ăng-lê là Rex. Các bạn nhớ chứ? Chẳng sao cả.
Nhưng ở đây còn có một điều tệ hại khác nữa. Vấn đề không phải ở chỗ cái tên. Lối sống của tôi mới là chuyện rắc rối. Nói cho ngay, tôi đã trở thành kẻ vô gia cư thứ thiệt, hay đơn giản là thứ chó hoang. Nhưng xin các bạn chớ nghĩ rằng tôi có lỗi trong chuyện này. Tất nhiên là không phải tại tôi. Nếu có đi chăng nữa thì cũng là rất ít.
Ngay sau khi tôi về với bà Polina Foteevna, suốt trong tuần đầu tiên, mỗi ngày nhà trường đều cử chuyên gia huấn luyện đến nhà để xem xét, kiểm tra, phụ đạo, hướng dẫn. Bộ ba chúng tôi (chuyên gia, bà Polina và tôi) cùng nghiên cứu, thực hiện một số tuyến đường, chẳng hạn đường đi đến cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, bệnh viện, công viên gần nhất, v.v. Trong tuần ấy, bà Polina còn tương đối được: cho tôi ăn khá đầy đủ, thỉnh thoảng còn ôm ấp, vuốt ve. Việc tắm và chải lông cho tôi bà ấy cũng có thực hiện, tuy không thường xuyên lắm nhưng cũng còn tạm chấp nhận được. Nhưng sau đó, khi chuyên gia không đến nhà nữa, thì thôi rồi. Eo ôi! Mỗi khi nhớ lại cảnh tượng ấy, tôi cứ gọi là giật mình thon thót! Có lắm bận suốt mấy ngày liền tôi không được ngủ ở nhà. Bà Polina thường đi lang thang khắp nơi, hết ngồi quán bia lại tới nhà bạn nhậu, ngủ thì ngủ vạ ngủ vật ở bất cứ nơi đâu có thể ngả lưng được.
Bà ấy có thể ngồi suốt ngày từ sáng đến khuya ở quán bia, đêm thì lăn ra bãi cỏ đằng sau quán mà ngủ. Còn tôi thì phải thức suốt
đêm để canh chừng cho bà ấy. Chứ tôi biết đi đâu bây giờ? Thỉnh thoảng, mệt và buồn ngủ quá, tôi gối đầu lên chân bà ấy, thiếp đi, nhưng cũng chỉ chợp mắt được một lát là giật mình thức dậy để canh chừng. Với lối sống bê tha bệ rạc như vậy, tôi xuống sức hẳn, bộ dạng thấy mà ghê. Một lần, tôi nhìn thấy mình trong gương ở quầy hàng bách hóa và suýt ngã khuỵu vì xấu hổ. Nếu không có cái băng đai có in chữ thập đỏ, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là con chó hoang đích thực.
Mà nói cho đúng ra, ở nhà cũng chẳng khá gì hơn – tôi thường xuyên phải ngủ trong căn hộ nồng nặc mùi bia, hơi rượu. Khốn khổ nhất là việc bà Polina thường xuyên quên tháo băng đai ra khỏi mình tôi. Bạn đã bao giờ bị ngứa sau lưng, ở chỗ mà tay bạn không với tới được để gãi? Rất khó chịu, nhưng đành ráng chịu thôi.
Cuộc đời tôi nó như vậy đấy. Thế mà các bạn cứ rủa đời mình là “đời chó má”.
3
Các bạn có muốn tôi tiết lộ một điều bí mật không? Với danh phận chó dẫn đường, tôi đã phải tiếp xúc với rất nhiều người – trên phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng, hiệu thuốc tây, trong công viên, những khi đi dạo. Các bạn có biết tôi xác định người trước mặt mình là người tốt hay không tốt bằng cách nào không? Tôi nhìn người ấy và nghĩ bụng: người này có thể làm chó dẫn đường được không? Nếu xét thấy người ấy có năng lực làm chó dẫn đường, có nghĩa đó không phải là người không tốt. Ở trường đào tạo chó dẫn đường, người ta chọn lọc chó con rất kỹ. Nòi quý, giống tốt, cha mẹ tinh khôn cũng chưa nói lên được điều gì. Không phải bất kỳ chú chó con nào, kể cả những con cùng một mẹ, đều có thể được chọn để đào tạo thành chó dẫn đường. Phức tạp lắm chứ đâu phải chuyện chơi!
Có một điều đã rõ: ở người không có sự chọn lọc gắt gao như vậy. Nếu bị đưa ra chọn lựa như thế, hẳn các bạn sẽ bị tổn thương ghê gớm và cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Nhưng theo tôi, chính vì lẽ đó mà ở loài người các bạn mới có chuyện tréo ngoe là người khéo tay làm bánh thì lại đi đóng giày, còn người lẽ ra sẽ trở thành một thợ giày tài ba thì lại làm việc ở lò bánh. Ở loài chó chúng tôi không có chuyện đó đâu nhé. Một khi đã là chó giữ nhà hay chó vệ sĩ thì chớ có mà lấn sân sang lĩnh vực của chó dẫn đường, nếu không bạn sẽ dẫn người mù đi lung tung rồi lạc mất lối về, hối không kịp đâu đấy. Nhưng mong rằng các bạn người sẽ không giận tôi.
Được chứ? Rất có thể là tôi nhầm. Ấy là vì tôi luận giải sự đời theo lối tư duy của chó. Có thể vì thế mà từng có trường hợp có người nhận xét rằng tôi là một con chó kỳ cục. Chẳng sao cả, tôi không hề tự ái. Tôi chưa từng tốt nghiệp các trường đại học của loài người. Mọi chuyện tôi đều phải tự trải nghiệm, chiêm nghiệm lấy. Vì vậy, nếu có sai lầm trong đánh giá, nhận định âu cũng là chuyện thường tình.
Tôi xin phép các bạn được nhắc lại đôi chút về gia đình Krivosheevy, vì nếu cứ chỉ kể về cuộc sống của tôi ở nhà bà Polina Foteevna thì buồn chết đi được. Nào, bây giờ chúng ta cùng trở lại với bà Anna. Chắc các bạn muốn biết chi tiết, cụ thể? Tôi sẽ kể về bà ấy và về nỗi đau của bà ấy, chẳng là mãi đến 38 tuổi, bà Anna mới bị mù. Trước đó, theo như mọi người kể lại, bà rất tinh mắt. Thực ra, kể cả khi đã bị mù, thỉnh thoảng bà vẫn đi dự những buổi tiệc tùng hay gặp gỡ xã giao long trọng. Những lần như thế, tôi không được đi theo, vì đã có chồng bà, ông Konstantin Alexandrovich, giúp bà. Nhưng các bạn biết không, tôi không hề tự ái. Bởi vì tôi còn có nhiệm vụ khác chẳng kém phần quan trọng - ở nhà trông nom cô bé Masha. Quả thực, giả dụ có được đi đến những cuộc họp mặt hay tiệc tùng ấy thì ở đó, tôi cũng chẳng có việc gì mà làm. Những buổi “tiệc” mà tôi được tham dự đang chờ tôi phía trước – sống với bà Polina Foteevna, tôi từng phải chịu đựng những “bữa tiệc” kinh hoàng, có thể nói là nhớ đời.
Hồi tôi mới về sống với bà Anna, có lần bà nói chuyện điện thoại với ai đó có bật loa và tôi nghe được nội dung cuộc đàm thoại. Người kia mời bà Anna tới dự tiệc và đề nghị mang tôi theo cùng. Nhưng bà Anna từ chối lời đề nghị này. Bà nói:
- Không được, không được đâu bạn ơi. Trison sẽ quẩn chân hoặc làm cho khách khứa của bạn sợ hãi thì phiền lắm đấy. Thú thực, lúc đó tôi hơi buồn lòng, tự ái. Tôi mà làm cho mọi người sợ hãi ư? Tôi biết cách hành xử, giao tiếp với mọi người lắm chứ. Lẽ nào tôi lại cứ sán vào chân khách khứa, cắn họ hay sục mõm vào đĩa thức ăn của họ? Tôi được dạy dỗ đàng hoàng và là một con chó ngoan. Khi người được tôi bảo bọc chuyện trò với ai đó, tôi sẽ nằm xuống bên cạnh, chợp mắt một chút để lấy sức. Thỉnh thoảng tôi hé một mắt ra, quan sát tình hình, nếu thấy ổn thì ngủ tiếp. Còn tai tôi thì luôn luôn trực chiến, kể cả khi tôi đang ngủ. Nhưng dần dần rồi tôi hiểu ra bà Anna ngụ ý gì trong câu từ chối nói trên. Vấn đề thế này. Số là nhiều người chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy chó dẫn đường. Có thể có người đã nghe loáng thoáng ở đâu đó về chủng loại chó này. Nhưng khi chạm mặt thì có thể nảy sinh những mối băn khoăn, lo lắng, chẳng hạn: ở đây toàn những người sang trọng, toàn các quý ông, quý bà, giày mũ, quần áo đắt tiền, vậy mà lại có một người mù dắt chó tới. Chẳng việc gì phải giấu giếm - ở nước Nga chúng ta, lối suy nghĩ như vậy rất phổ biến. Còn ở nước ngoài thì sao? Lần nọ, xem tivi, tôi thấy có một đại hội gì đó diễn ra ở một thành phố Tây Âu, đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới. Các bạn biết điều gì làm tôi ngạc nhiên không? Trong số các đại biểu có cả những người khiếm thị đi cùng với những con chó dẫn đường của mình. Tôi không thấy có ai trong số những đại biểu sáng mắt tỏ ra khó chịu hay ngạc nhiên gì cả. Hình như đối với xã hội phương Tây, chuyện ấy hoàn toàn bình thường.
Hãy nói thật lòng đi, các bạn có thể hình dung được là ở nước ta, tại… tại kỳ họp quốc hội chẳng hạn, mà có đại biểu mù có chó
dẫn đường theo cùng? Riêng tôi thì không cách nào hình dung được. Giả dụ có chuyện đó đi nữa, tôi dám chắc rằng việc chạy cho được giấy phép cũng phải mất hàng nửa năm! Dù sao thì ở nước ta, chó dẫn đường vẫn còn là chuyện gì đó rất kỳ khôi, lạ lẫm. Chó dẫn đường ở nước ta còn hiếm lắm. Rất hiếm. Phải chi cái sự hiếm này là do ở nước ta có quá ít người mù. Nhưng khốn nỗi, nước ta có rất nhiều người khiếm thị, mà chó dẫn đường thì hiếm còn hơn cả lá… mùa đông! Còn có một điều này nữa tôi cũng không thể nào hiểu nổi: người mù nhiều như thế mà chẳng lẽ trong số họ không ai có thể chung vai gánh vác quốc gia đại sự cùng các đại biểu khác trong quốc hội? Một lần, tôi nghe qua đài phát thanh rằng thái độ ứng xử đối với trẻ em và người khuyết tật là một trong những thước đo đạo lý và sức mạnh tinh thần của một dân tộc. Trẻ em thì đã đành đi, vì cho tham gia quốc hội là hơi sớm. Nhưng còn người khuyết tật thì sao? Gâu gâu! Ơ, mà cũng xin nói rằng nhà văn Arghentina Jorge Luis Borges sau khi bị mù vẫn được cử làm giám đốc Thư viện quốc gia. Bỗng dưng tôi muốn biết, ở nước Nga của chúng ta có được bao nhiêu giám đốc khiếm thị?
Tôi xin tiếp tục.
Khi tôi về sống ở nhà bà Anna, bà đã bốn mươi hai tuổi. Nếu không được cho biết về tuổi của bà ấy, hẳn tôi sẽ không bao giờ tin được rằng bà ấy đã ngần ấy tuổi. Một người bạn gái của bà Anna là Vika, sống ở Piter(*), thường đến thăm chúng tôi. Tôi thậm chí còn nhớ cả họ của bà Vika. Có thể tôi sẽ không bao giờ biết được họ của bà ấy, nhưng không hiểu sao ông Konstantin Alexandrovich vẫn thường thông báo với cả nhà: “Vika Berezovskaja đến thăm chúng ta!”. Thực ra, bà Vika không chỉ là một người bạn của gia đình, mà
còn là mẹ đỡ đầu của Masha. Một người phụ nữ xinh đẹp, có nhiều nét quyến rũ và luôn luôn mỉm cười - có lẽ bà ấy rất hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi rất thích những người hay cười. Thật đáng tiếc, loài chó chúng tôi không bao giờ biết cười.
(*) Tên gọi tắt của thành phố Saint Peterburg – ND
Hẳn các bạn còn nhớ, tôi đã kể với các bạn là tôi từng cố thử tìm cách nói tiếng người, dù chỉ một vài từ. Vô vọng. Sau thất bại đó, tôi bí mật tìm cách mỉm cười. Tôi nghĩ rằng, một khi tôi không thể phát âm được tiếng người thì ít ra cũng phải cố mà tập cười. Thế rồi tôi đưa mặt mình tới trước gương, nhưng thử đủ mọi cách vẫn chẳng ăn thua gì. Suýt nữa thì trẹo cả xương hàm. Tôi nhìn vào mình trong gương và ra lệnh cho mình: nào, cười đi! Không có cách nào mà tôi không làm thử - nào le lưỡi ra, nào ngoác rộng mõm như con cá sấu, rồi thì nhăn mũi, nhíu mày, trợn mắt, thậm chí vẫy mạnh hai tai. Tôi suýt bị trật khớp hàm khi cố gắng mỉm cười. Vậy mà rồi bất chấp mọi nỗ lực nhằm thể hiện một khuôn mặt rạng rỡ, kết quả thu được chỉ là bộ mặt của một con quái vật xấu xí và hung dữ. Đến một lúc nào đó, tôi thậm chí bắt đầu lo: hay ho gì cơ chứ, nếu mọi người nhìn thấy cái bộ mặt thấy gớm này, họ có thể nghĩ gì về mình? Một con chó với “nụ cười” như vậy trên mặt thì chắc chắn phải đưa ngay đến bác sĩ thú y. Người ta chích cho đủ các loại thuốc rồi thì nằm đó mà cười nhé. Tóm lại, tôi quyết định từ bỏ chuyện tập cười. Một khi Tạo hóa đã không ban cho bạn khả năng mỉm cười thì hãy cứ sống với bộ mặt nhăn như bị của mình.
Tôi nhớ, có lần, bà Vika vuốt ve bàn tay bà Anna và nói: - Anna, hãy “bật mí” đi: làm cách nào mà ở tuổi 42, bạn vẫn giữ được những nét đẹp diệu kỳ như thế?
- Ôi, Vika, bạn đừng an ủi tôi làm gì nữa. U-50 rồi, còn đẹp cái nỗi gì…
- Đừng nói thế, đừng nói thế, - bà Vika mỉm cười, - các cô nàng ba mươi tuổi còn phải ganh tị chán với bạn đấy.
Phải chi bà Vika đừng khơi gợi chuyện này ra. Bà Anna thở dài khá não nề rồi nói:
- Cho dù là có như vậy đi nữa thì giờ đây, những nét đẹp ấy liệu còn cần cho ai nữa? Kiểu gì thì tôi cũng chẳng bao giờ còn nhìn thấy mình. Việc gặp gỡ, giao tiếp với mọi người cũng ngày một thưa dần. Chỉ còn biết ngồi đợi tuổi già, và sau đó là về cõi vĩnh hằng…
- Ôi, Anna, bạn nói gì thế! – Bà Vika cũng thở ra. – Mới 42 tuổi mà đã lo nghĩ về cái chết. Sao thế, bạn thân mến của tôi? - Tất cả chúng ta trước sau gì rồi cũng về cõi ấy, - bà Anna trả lời.
- Đã đành là như vậy, - bà Vika dịu giọng, - nhưng việc gì cứ phải lo đưa tang mình sớm thế?
- Tôi cũng không biết nữa, Vika ạ - bà Anna trả lời, - chuyện ấy chỉ một mình Thiên Chúa biết. Trước đây, liệu có bao giờ tôi nghĩ rằng ở tuổi này tôi sẽ trở thành người khuyết tật, mà lại là người khiếm thị? Vậy mà rồi chuyện gì đã xảy ra thì bạn cũng đã thấy đấy.
- Bớt phiền não chút đi nào, Anna. Đừng dằn vặt mình quá như thế. Biết đâu mọi chuyện rồi sẽ tốt lành. Bạn có một người chồng tuyệt vời. Chúng tôi không bao giờ bỏ rơi bạn trong hoạn nạn. Đừng suy nghĩ về cái chết, bạn còn phải nuôi dạy Masha thành người. Hãy vững tâm mà sống, bạn ạ. Không ai lo nghĩ điều gì tệ hại có thể xảy ra.
- Thôi được rồi, - bà Anna ngắt lời, - quả thực là chúng ta bỗng dưng chọn lấy một chủ đề u ám. Nào, bây giờ tôi sẽ đãi bạn một món trà đặc biệt. Bố chồng tôi mang đâu từ nước ngoài về và mới gửi tặng…
Trước khi một người bị mù đột ngột, thường là có một số bất hạnh khủng khiếp xảy ra với người đó. Bà Anna và bà Polina từng phải chịu đựng những nỗi bất hạnh như thế.
Vào cái ngày định mệnh ấy, bà Anna cùng chồng và con gái đến nhà người quen dự sinh nhật. Nhà của người quen ở trên tầng bốn. Bữa tiệc rất vui, khách khứa không nhiều, chỉ có những người bạn thân nhất của chủ nhà. Theo lời vợ chồng chủ nhà, sống trong căn hộ hàng xóm sát vách của họ là một gia đình rất quái. Trong nhà họ luôn xảy ra những chuyện kỳ quặc – khi thì quên đóng vòi nước khiến nước chảy tràn lung tung, khi thì xảy cháy, khi thì đồ đạc loảng xoảng suốt đêm. Mọi người xung quanh đã tìm mọi cách để can thiệp nhưng đều bó tay. Cảnh sát khu vực cũng từng phải đến làm việc, trao đổi, góp ý với chủ nhà, nhưng sau đó chỉ yên được vài ba ngày rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Gia đình người bạn của vợ chồng bà Anna dự định chuyển sang khu vực khác sinh sống. Nhưng không kịp. Buổi tối hôm ấy, trong căn hộ nhà hàng xóm xảy ra vụ nổ bình ga. Kết quả điều tra cho biết, khi xảy ra vụ việc, chủ căn hộ không có mặt ở nhà – khi đi ra khỏi nhà, họ quên khóa bình ga. Sức nổ mạnh đến nỗi căn hộ của gia đình người bạn vợ chồng bà Anna cũng bị phá banh. Một người trong số khách khứa bị chết, tất cả những người còn lại đều bị thương. Chỉ riêng Masha (con của bà Anna) là không hề hấn gì, vì ở thời điểm xảy ra vụ nổ, cô bé đang ở trong căn phòng xa nhất.
Nhưng Masha hoảng sợ đến mức cấm khẩu suốt hai tuần sau đó. Ông Konstantin Flexandrovich bị đa chấn thương, phải nằm viện mất mấy tháng. Còn bà Anna thì bị mù vĩnh viễn…
Tôi không biết giờ đây những người hàng xóm từng gây thảm họa ấy sống thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều – họ sẽ bị dằn vặt suốt đời vì tội lỗi mà họ gây ra, không bao giờ quên được. Lúc đầu, bà Anna Ygorevna chỉ muốn chết đi cho yên hết mọi bề, nhưng bạn bè thân thiết, bà con ruột thịt và chồng con đã tìm mọi cách cứu chữa và sau đó động viên, an ủi bà, giúp bà trở lại với cuộc sống bình thường.
Người bị mù đột ngột thường hay nghĩ rằng thôi, đời mình thế là coi như chấm dứt, sống thêm nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng rồi họ sẽ quen dần với tình trạng và hoàn cảnh của mình, bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn không phải về bản thân mình mà về những người thân yêu nhất và về định mệnh, về chỗ đứng của mình trong cõi đời này. Có một lần, tôi nghe bà Anna tâm sự với bà bạn thân của mình.
- Vika ạ, tôi đã hiểu ra và chấp nhận, - người phụ nữ đáng thương nói khẽ, - rằng giờ đây mình sẽ phải làm gì. Rõ ràng là Thiên Chúa đã buộc tôi phải trả giá cho hai người thân yêu nhất của tôi, đó là Masha, con gái tôi, và Konstantin, chồng tôi. Thà tôi bị mù còn hơn là phải sớm tiễn chồng con về nơi chín suối. Giờ thì tôi đã thích nghi được với hoàn cảnh của mình rồi. Tôi làm việc, viết lách...
- Bạn thật tuyệt. - Bà Vika phấn khích nói. – Chúng tôi luôn yêu quý bạn, không bao giờ bỏ rơi bạn trong cơn hoạn nạn. - Chính điều đó đã giúp cho tôi có thêm sức mạnh, - bà Anna mỉm cười, - có những người bạn như thế bên mình, ta luôn có thể
vượt qua hoạn nạn. Vika, bạn có biết tôi đã mơ thấy gì không? Ồ, tôi mơ thấy mình đi dạo một mình trong rừng, chơi bóng chuyền, thậm chí thỉnh thoảng còn lái xe hơi. Mới đây, tôi còn mơ thấy mình đi xem phim trong rạp. Tôi nhìn lên màn ảnh và nghĩ bụng: Chúa ơi, làm sao tôi có thể nhìn thấy cảnh phim cơ chứ? Tôi là người mù cơ mà. Từ trên màn ảnh, một bác sĩ nào đó trả lời: “Chúng tôi đã chữa lành mắt cho bà rồi, thưa bà Anna Ygorevna!”. Tôi không tin. Tôi lấy tay bịt mắt mình lại rồi thét lên: “Không, không, không phải thế! Đó chỉ là giấc mơ mà thôi!”. Nhưng vị bác sĩ nọ vẫn quyết thuyết phục: “Không phải là mơ, là thật mà!”. Dù sao thì tôi vẫn không tin ông ấy. Và bạn có biết điều gì khiến tôi kinh ngạc nhất trong giấc mơ ấy không? Đó là dù tôi đã dùng tay bịt mắt lại nhưng vẫn trông thấy mọi chuyện xung quanh như thường. Tôi tỉnh giấc và suy nghĩ rất lung, rằng những chuyện trong mơ liệu có ý nghĩa gì?
- Ồ, đúng là một giấc mơ khác thường, kỳ lạ, - bà Vika biểu đồng tình.
- Vika, bạn biết không, - Anna Ygorevna nói tiếp, - thỉnh thoảng trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ rằng đối với con người, thị lực chưa phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất – đó là tình yêu cuộc sống. Con người có thể nhìn bằng trái tim. Tôi thường nhớ đến những con người vĩ đại, chẳng hạn như Homer, Losev, Ostrovsky, Borges, nghĩa là các nhà toán học, triết học, các nhà văn, nhạc sĩ, điêu khắc gia… Giờ đây nào có mấy ai biết đến bệnh tật hay khiếm khuyết thể chất của họ. Nhưng cho đến ngày nay, người ta vẫn nhớ đến những tác phẩm, những công trình của họ, nhớ đến sức mạnh tinh thần, đến tài năng của những con người vĩ đại ấy. Xin hãy lấy Louis Braille làm một ví dụ điển hình. Kiểu chữ nổi dành cho người
mù mà ông sáng tạo ra vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay. Ông bị mù từ bé, nhưng đã sáng tạo nên một công trình vĩ đại đến nhường nào! Cả thế giới này hiện vẫn đang phải dùng đến công trình sáng tạo của ông. Phải rồi, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chớ bao giờ buông xuôi với số phận. Cần phải sống và làm việc để sáng tạo nên những điều kỳ diệu. Hơn nữa, giờ đây tôi đã có đầy đủ mọi điều kiện để thực hiện điều đó. Vậy đó, bạn ạ, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại trên đường đời và rồi mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp.
Quả đúng như vậy, bà Anna Ygorevna kính mến. Đúng như ông cụ Ivan Savelievich thường nói, sự mù lòa không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời mà là sự mở đầu cho một chặng đời mới trinh nguyên, ngập tràn những điều bất ngờ kỳ diệu. Ông già thật có lý. Chớ bao giờ cho phép mình đầu hàng số phận.
4
Tôi nhớ như in một trường hợp trong siêu thị. Ôi, thật mệt cho các siêu thị! Trong siêu thị, tôi toàn gặp chuyện xui xẻo, rắc rối. Ban đầu, người ta không cho phép bà Polina cùng tôi đi vào siêu thị. Nhớ lại lần bị nhốt trong cốp xe hơi, tôi thầm mong bà Polina đừng chấp nhận đề nghị của các nhân viên bảo vệ là bỏ tôi lại một mình bên ngoài. Nhưng lo lắng là thừa – bà Polina đã thể hiện “tính chiến đấu” và khả năng xông xáo của mình. Bà ấy xộc vào mọi nơi, từ trụ sở chính quyền đến văn phòng ban giám đốc siêu thị để đòi cho bằng được cái quyền đưa chó dẫn đường vào siêu thị. Cuối cùng thì các nhân viên bảo vệ phải miễn cưỡng để cho chúng tôi vào cửa. Họ không thể làm gì khác, vì đã có lệnh từ trên xuống.
Lúc đầu tôi nghĩ rằng tranh đấu làm gì cho mệt, không cho vào thì thôi, mặc xác họ. Ở gần nhà của chúng tôi cũng có một cửa hàng thực phẩm, tuy không lớn lắm nhưng cũng bán đầy đủ những thứ giống y như trong siêu thị. Nhưng mà không, bà Polina muốn đi siêu thị cho bằng được cơ. Cho đến khi hiểu ra cớ sự, tôi mới thực sự bàng hoàng sửng sốt. Sống với bà già này, bạn có thể trở thành… bất cứ hạng người nào.
Chúng tôi vào siêu thị, đi len lỏi giữa các dãy kệ hàng, bà ấy dùng tay sờ mó, nắn bóp, tìm xem thứ hàng nào nằm ở đâu. Đi được chừng hai vòng, bỗng tôi nghe bà Polina Foteevna nói khẽ: - Này, anh bạn, xơi đi! – Bà ấy dúi vào mũi tôi một bánh phô-mai.
Tôi thật sự lúng túng, mặc dù mùi phô-mai thơm nức khiến nước miếng tứa ra đầy miệng. Bà ấy nói tiếp:
- Mày làm sao thế hở chó? Mày no lặc no lè rồi hay sao? Không đói à? Sao lại quay mõm đi? Người ta đưa thì lấy, người ta đánh thì chạy? Ăn đi chó, tao cho mày ăn đấy.
Còn biết làm gì khác được? Tôi đành ăn mẩu phô- mai. Bà Polina chọn cho tôi những món ngon hơn nữa, chẳng hạn chiếc bánh dẻo thơm phức, ngọt lịm. Tóm lại, hôm ấy tôi xơi căng bụng những món ăn tuyệt hảo. Bà già ranh mãnh chỉ mua một chai sữa và một ổ bánh mì để che mắt thiên hạ, rồi chúng tôi lên đường về nhà.
- Thế nào? – Bà ấy hỏi tôi trên đường về. – Ngon chứ? - Gâu! – Tôi trả lời. Chắc các bạn còn nhớ, âm thanh ấy có nghĩa là “Vâng”.
Ngay từ buổi làm quen đầu tiên, bà Polina Foteevna đã đoán ra tiếng “gâu” của tôi có nghĩa là gì.
- Ờ, giỏi đấy, - bà ấy mỉm cười. – Bị ăn mất một miếng phô-mai với mấy cái bánh, lũ tư sản mại bản ấy cũng chẳng nghèo đi đâu mà sợ. Chẳng có gì là ghê gớm cả. Đừng sợ, Trison, chúng ta sẽ không chết đói đâu.
Vừa đi tôi vừa suy nghĩ: bà ấy làm như thế để làm gì? Ở nhà, thức ăn dành cho tôi đã hết rồi hay sao? Hay từ nay bà sẽ cho tôi ăn trong siêu thị, bằng những thứ ăn cắp được? Ôi, tôi không thích điều đó tí nào. Như thế nghĩa là sao? Từ một con chó dẫn đường, tôi sẽ biến thành kẻ cắp? Nhưng tôi nào phải là kẻ cắp? Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ tự tiện lấy của ai một miếng ăn nào khi chưa được cho phép, dù có đói rũ sắp chết. Nhu cầu của một con chó thì có bao nhiêu? Nhưng tôi có nghĩa vụ phải phục tùng con
người, tuân theo mệnh lệnh. Ôi, hình như tôi đang cố tìm cách thanh minh, bào chữa cho mình. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy hối hận. Thật xấu hổ khi mình là đồng lõa của kẻ cắp.
Tóm lại, chúng tôi đã tiến hành vài cuộc “tấn công” như vậy vào siêu thị. Mọi chuyện đều êm xuôi. Có lần tôi còn nghĩ rằng làm chuyện này là tôi đã trả thù được cho lần đi cùng với Sashka bị chặn đứng trước lối vào siêu thị. Sau đó tôi bị bắt trộm rồi bị ngược đãi ghê gớm. Cũng còn may là mọi chuyện kết thúc tốt đẹp, nếu không, đời tôi sẽ tệ hại đến mức nào cơ ấy chứ. Lũ cướp ấy có thể bán tôi cho một gã vô lại nào đó, rồi gã sẽ xích tôi lại và cho đến nay có lẽ tôi còn ngồi bên chuồng chó mà giữ nhà cho gã. Ôi, thật kinh khủng!
- Dậy nào, nằm hoài! – Một buổi sáng sớm, bà Polina Foteevna đánh thức tôi. – Dậy để đi kiếm ăn!
Hừ, “nằm hoài” là sao? Chứ tôi còn phải làm gì? Phi như ngựa trong căn hộ bé xíu này chắc? Bà già quấn quanh mình tôi một chiếc khăn lông to sù, tôi nghĩ mãi không hiểu bà ấy làm thế để làm gì. Bà ấy nghĩ ra chiêu thức gì đây? Ôi, thật không hay! Ôi, thật không tốt! Bà ấy quàng băng đai lên bên ngoài chiếc khăn lông rồi ra lệnh:
- Đi đến siêu thị! Nhanh chân lên!
Nhanh chân ư? Tôi có thể phóng như tên bắn, vận động viên điền kinh còn không đuổi kịp nữa ấy chứ. Nhưng như thế thì lấy ai để dẫn đường cho bà và bảo vệ bà, hở bà Polina Foteevna? Có một điều khiến tôi rất tự ái là mỗi lần ra lệnh, bà ấy lại dùng chân đá vào mông tôi. Hành xử như thế thì được gì? Tôi là thứ chó cứ phải bị đòn thì mới nghe lời hay sao? Không phải vì bà ấy làm tôi đau, mà cái chính là làm cho tôi bị tủi. Các bạn sẽ đối xử như thế nào với người mà cứ hễ bảo “Đi nào!” là lại đá một cú vào mông bạn? Thế
nhưng tôi cũng đành phải chấp nhận chuyện đó vậy. Các bạn người thân mến ơi, xin đừng đánh thú nuôi nhé. Các bạn biết không, chúng tôi đau lòng lắm…
Thế nhưng những gì xảy ra tiếp theo thì không thể hình dung nổi, dù có vận dụng toàn bộ bộ óc chó của mình. Ngay trước lối vào siêu thị, bà ấy nói với nhân viên bảo vệ:
- Ôi, tôi quả là một mụ già ngu ngốc! Đã già, lại còn mù. Biết không, tôi đã làm cho con chó của mình bị thương. Rót nước sôi vào bình trà, vô tình làm rơi ấm nước lên lưng nó. Thật đáng thương cho con chó tội nghiệp của tôi. – Bà ấy vuốt đầu tôi rồi lẩm bẩm, – ráng chịu đau chút nhé, già này không cố ý, tha lỗi cho ta con nhé…
Xấu hổ quá, tôi suýt sủa ầm lên. Bà ấy nghĩ ra trò quái quỷ gì thế này? Và quan trọng nhất là bà ấy bịa ra chuyện ấy để làm gì? Để mọi người cảm thương, cám cảnh ư? Không phải đâu, các bạn ạ. Ở đây, “trí tưởng tượng” của bà Polina còn được đẩy đi xa hơn nhiều. Như thường lệ, hễ dạo xong đôi ba vòng, xơi đẫy phô-mai và bánh nướng, chúng tôi đi lại quầy thịt nguội. Nếu tôi không biết chắc bà Polina bị mù, có lẽ tôi không thể tin được bà ấy là người mù. Tay nhanh thoăn thoắt, bà ấy vớ lấy mấy bao giò lụa đã xắt lát, nhét lẹ làng vào dưới tấm khăn quấn quanh mình tôi. Tôi nghĩ người sáng mắt cũng không thể thao tác nhanh gọn đến như thế. Sau đó, như thường lệ, chúng tôi lấy một chai sữa và một ổ bánh mì rồi đi ra quầy tính tiền.
Tôi đứng chờ mà chân run cầm cập. Thanh toán xong, chúng tôi tiến về phía lối ra. Và thế rồi những chuyện rắc rối bắt đầu xảy ra. - Xin chờ một chút, thưa bà! – Một nhân viên bảo vệ lên tiếng. - Có chuyện gì vậy? – Bà Polina vẫn không dừng bước.
- Làm ơn đứng lại cái đã, - ông bảo vệ nắm lấy tay bà ta, giữ lại, - chúng tôi cần kiểm tra con chó của bà.
- Buông tay ra, đồ ngu! – Bà ta la toáng lên. – Tôi gọi công an bây giờ đấy!
- Yên tâm đi, thưa quý bà, - ông bảo vệ cười khẩy, tiến ra đằng trước, chặn đường và nói tiếp: - chúng tôi đã gọi công an rồi. Tôi nghĩ bụng, thôi, thế là xong! Nhưng tôi bỗng nghe bà Polina ra lệnh:
- Trison, ra đòn vỗ mặt! Dẹp thằng khùng này đi cho tao! Xin lỗi bà Polina Foteevna nhé, nhưng tôi không thực hiện mệnh lệnh này đâu. Tôi không thể! Bà tin đi, bà già quý mến của tôi ạ, tôi không thể! Thứ nhất là tôi không được dạy làm những chuyện như thế, thứ hai, tôi không phải là chó vệ sĩ. Nhưng bà già này vẫn không chịu yên:
- Có nghe tao nói gì không? Ra đòn vỗ mặt! Mày phải bảo vệ tao, đồ chó!
Phần tôi, để tỏ ra không đến nỗi quá nhu nhược, bèn sủa lên vài tiếng. Ông bảo vệ chỉ nhìn tôi cười khẩy rồi mắng xơi xới: - Con chó này thật vô liêm sỉ! Ăn cắp đồ trong siêu thị mà còn bày đặt tru với chẳng tréo. Tao cho một đạp vào mõm bây giờ chứ dám sủa tao à?
Nào, các bạn thân mến, các bạn sẽ nói gì đây? Như vậy chẳng phải là “nhục như chó” hay sao? Ai ăn cắp hàng siêu thị? Tôi ư? Các bạn cũng có thể nói rằng tôi đích thực là đồ khốn, cố tình ngụy trang bằng cái khăn quanh mình rồi đi “săn mồi” một cách bất chính. Ôi, người ơi, người ơi. Các người đối xử với loài chó mới bất công làm sao! Tôi cảm thấy tủi nhục đến suýt phát khóc.
Chỉ trong nháy mắt, công an (nay được gọi là cảnh sát) đến liền tức khắc. Có tới hai vị cảnh sát. Chắc là một người để khống chế tôi, người kia khống chế bà già. Ông cảnh sát đứng tuổi, để ria mép, quỳ xuống, thọc tay vào bên dưới tấm khăn và lôi ra 3 bịch giò lụa xắt lát.
Chú ý! Bây giờ đây sẽ diễn ra một chuyện lố bịch nữa, nhưng hoàn toàn mang thuộc tính của con người. Chỉ có con người mới có thể nghĩ ra những chuyện như thế. Ông cảnh sát đứng dậy, cười toáng lên rồi nói với tôi:
- Ồ, hóa ra anh bạn bốn chân của chúng ta chẳng phải chó dẫn đường gì ráo, mà đích thực là tên trộm vặt! Nào, đi về đồn! Chúng tao sẽ lập biên bản, tống bà chủ của mày vào tù, còn mày thì… về nơi yên nghỉ vĩnh hằng nhá.
Các bạn tin không, tôi xém tự bay về cõi vĩnh hằng, chỉ vì xấu hổ. Không, không, tôi chẳng sợ hãi chút xíu nào cả. Thà chết đi còn hơn là sống mà mang cái tiếng nhơ như thế. Điều oan ức muốn chết: tôi mà lại là kẻ cắp ư? Chẳng lẽ tôi lại phải lên lớp cho bà già ấy về đạo đức và lối sống trung thực trên đời này?
- Ông nói cái gì đấy? – Bà Polina Foteevna chen vào. – Tù với chả đày con khỉ gì? Bây giờ ông muốn gì ở chúng tôi? - Hãy bình tĩnh, thưa nữ công dân đáng kính, - một viên cảnh sát
khác, trẻ tuổi hơn, lên tiếng. – Bà bị tình nghi về tội ăn cắp. Mời bà đi theo chúng tôi.
- Ai bảo là tôi ăn cắp? – Bà Polina Foteevna la toáng lên. – Các người nói gì mà kỳ cục vậy?
- Yên nào, yên nào, bà cụ, - viên cảnh sát trẻ tuổi nói.
– Mọi chuyện trắng hay đen rồi sẽ được làm rõ. Đừng làm ồn lên như thế. Ai đã nhét mấy gói thịt nguội xuống bên dưới tấm khăn trên mình con chó?
- Làm sao tôi biết được ai đã làm chuyện đó? – Bà Polina Foteevna đối đáp. – Thịt nguội, giăm bông xúc xích gì cơ chứ? Tôi mới nghe lần đầu đấy. Mà biết đâu có người muốn trêu chọc hay chơi xỏ tôi thì sao?
- Bây giờ chúng tôi sẽ lấy dấu vân tay trên bao bì và rồi sẽ cho bà biết ai chọc phá hay chơi xỏ và ai nói thật.
Tôi đưa mắt nhìn và thấy bà Polina bắt đầu bối rối. Rõ ràng bà đã hiểu ra rằng mọi chuyện sẽ rắc rối đây. Chúng tôi lặng lẽ đi ra xe cảnh sát và được áp giải về đồn.
Đến nơi, người ta lập tức nhốt tôi vào một cái kho chật hẹp nào đó với đủ thứ xô, chậu, giẻ lau… Tối tăm và ẩm thấp. Giá mà họ nhốt tôi vào buồng giam tội phạm có lẽ sẽ tốt hơn, vì ít ra cũng còn được nhìn thấy người. Tôi nghe thấy bà Polina Foteevna than khóc:
- Chẳng qua chỉ vì lúc ở quầy tính tiền, tôi quên báo cho nhân viên thu ngân biết về mấy gói thịt nguội ấy mà thôi. Các ông hiểu chứ?
- Bà già này nói dối, - nhân viên bảo vệ được mời đến làm chứng lên tiếng. – Bà ấy đã chuẩn bị sẵn mọi phương tiện để thực hiện hành vi trộm cắp. Lúc vào cửa siêu thị, bà ấy có bỏ nhỏ vào tai tôi rằng sở dĩ phải quấn khăn cho con chó là vì ở nhà bà ấy lỡ tay đánh đổ nước sôi lên mình nó. Đó chính là hành vi trộm cắp có tính toán trước. Xin hãy kiểm tra con chó. Tôi bảo đảm nó khỏe như bò cày!
Chính ông mới là con bò tiền sử! – Tôi nghĩ bụng. Ừ thì bắt được quả tang bà lão tội nghiệp, dọa bà ấy đến chết khiếp rồi, chưa đủ sao? Nói chuyện phải quấy đi, cảnh cáo bà ấy vài câu, rồi thả chúng tôi ra, có được không?
Ông cảnh sát trực ban coi vậy mà thông minh, khôn ngoan hơn nhiều so với gã nhân viên bảo vệ. Hình như tôi đã nhìn thấy ông ấy ở đâu đấy…
- Thôi được rồi, thưa ông, – ông cảnh sát nói. – Ông cứ về siêu thị làm việc tiếp đi. Nếu cần, chúng tôi sẽ lại gọi ông đến. Sau khi ông bảo vệ đi khỏi, ông cảnh sát trực ban, vâng, quả thực là người quen của chúng tôi, ngồi xuống bên cạnh bà Polina Foteevna và nói:
- Dì làm sao thế, dì Polina Foteevna? Thèm thịt nguội đến vậy sao? Việc quái gì mà phải đánh cắp? Dì biết nhà cháu mà, cứ đến nhà, lúc nào cháu cũng sẵn sàng giúp. Chớ có dại mà dây vào lũ khốn ấy. Chỉ vì mấy lát giò thôi, chúng nó có thể vặn cổ dì đấy, chúng chẳng thương xót gì ai đâu, kể cả người mù. Dì muốn bị như vậy sao?
- Tôi nào có ý định ăn cắp gì của họ đâu, - bà già xua tay, thổn thức, – chỉ là sự vô tình thôi mà. Tôi quên trình hàng ở quầy tính tiền… Bây giờ tôi sẽ bị xử lý như thế nào đây?
- Sẽ không có chuyện gì đâu, má ạ, – ông cảnh sát vỗ vỗ vai bà cụ. - Từ rày đừng bao giờ quên tính tiền những món hàng mà mình đã mua trong siêu thị. Thôi, nhận lại con chó Trison rồi đi về nhà đi. Đây, cầm lấy, - ông cảnh
sát dúi vào tay bà mấy tờ giấy bạc, – đến cửa hàng thực phẩm ở gần nhà mình, mua lấy cái món giò lụa khốn khổ ấy, nếu dì muốn.
Đúng rồi, ông cảnh sát ấy là hàng xóm của chúng tôi. Nếu tôi nhớ không lầm thì ông ấy sống ở cầu thang số 3 cùng trong lô chung cư của chúng tôi. Thảo nào tôi thấy ông ấy trông quen lắm.
- Cảm ơn, Semion à, – bà già lau nước mắt, bây giờ mới hết hoảng sợ. – Cầu Chúa ban phước lành cho cậu. Được rồi, tôi hứa sẽ không bao giờ làm bậy như thế nữa.
– Bà Polina đưa tay sờ mặt ông cảnh sát rồi nói tiếp: - Ôi, Semion, cậu giờ đã chững chạc thế này rồi ư?
- Biết làm sao được hở dì Foteevna, con người ai mà chẳng lớn lên, trưởng thành rồi già đi. Cháu mới tiễn thằng con trai vào quân ngũ đấy.
- Thật vậy sao? – Bà Polina siết chặt hai tay. – Mới ngày nào đây tôi cùng bà nội nó đi đón mẹ con nó về từ nhà bảo sinh. Ôi chao, thời gian, thời gian trôi nhanh mới khiếp…
- Dì Foteevna à, cháu đề nghị dì một điều, - ông cảnh sát bỗng đổi đề tài câu chuyện, - phải chi dì đừng lậm vào chuyện bia rượu. - Biết làm sao được, hở Semion? – Bà Polina Foteeva thở dài. - Đôi khi cũng chán sống lắm, nhưng hễ cứ đẩy một hai ly vào là tự nhiên… xốc lại tinh thần.
- Đó chỉ là lý luận cùn thôi. - Ông cảnh sát ngắt lời. – Nếu dì đồng ý, cháu sẽ mua tặng dì một cái đầu máy đọc sách. Một thứ máy móc tuyệt vời. Mỗi khi lái xe hơi, cháu vẫn thường nghe máy ấy đọc sách. Bảo đảm dì sẽ thích, dì Foteevna ạ, cháu thề đấy. Dì muốn chứ?
- Sao lại không thích chứ? – Bà già ngượng ngập. – Cứ mua đi, nếu không phiền gì cho cậu. Hồi trước già cũng có một cái máy thu
thanh, nhưng nó đã bị hư lâu rồi, còn tivi thì hình ảnh là chính, âm thanh chỉ là phụ, nên chẳng nghe được bao nhiêu.
- Dì chỉ khéo cả lo, - Semion vuốt bàn tay bà cụ, - có đáng bao nhiêu tiền đâu. Cháu không vì thế mà nghèo đi đâu, dì đừng sợ… Chuông điện thoại réo. Trước khi chộp lấy ống nghe, ông cảnh sát ra lệnh cho cấp dưới:
- Thả con chó ra rồi đưa bà cụ với con chó về nhà!
– Hướng về phía bà Polina Foteevna, ông ấy nói: - Ngày mai, đầu giờ chiều, cháu sẽ tới nhà dì. Giờ đó, dì ở nhà, đừng đi đâu nhé.
Khoảng nửa giờ sau, bà Polina và tôi đã ngồi ở nhà mình, uống trà, ăn bánh ngọt. Để đề phòng bất trắc, tôi cứ phải ngồi tránh xa bà ấy ra. Như người ta thường nói, Chúa che chở những ai cẩn trọng – chuyện bình trà, nước sôi tôi đã được nghe ở cửa siêu thị. Biết đâu chẳng may chuyện bịa lại trở thành sự thật…?
5
Nói cho công bằng thì hồi ở trong nhà của bà nhà văn, tôi cũng từng phải chịu đựng một “thảm họa”. Vâng, vâng, bao giờ cũng thế - tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể nằm ườn trên giường, nghỉ ngơi khoan khoái mà không hề biết rằng chỉ sau 5 – 10 phút nữa thôi, tai họa sẽ ập đến. Chẳng trách gì người ta thường nói, trước khi bão tố nổi lên, bao giờ cũng có một khoảng thời gian trời quang gió lặng.
Tai họa cũng vậy, rất ít khi được báo trước. Giờ đây, nếu trong tư cách chó dẫn đường, tôi bị sa thải hay cho nghỉ hưu, chắc chắn tôi sẽ đến gõ cửa Bộ Các tình huống khẩn cấp xin làm việc trong các đội cứu hộ. Có thể tôi sẽ không làm chó cứu hộ mà sẽ chỉ làm huấn luyện viên – tôi sẽ tham gia huấn luyện, kèm cặp đám chó con. Hẳn các bạn không thể hình dung nổi là vào ngày hôm ấy, chuyện gì đã xảy ra với tôi. Toàn chuyện dở cười dở khóc!
Tôi nằm và ngẫm nghĩ sự đời. Bỗng nghe tiếng cô nàng Kisulia kêu gào ở đâu đó. Vâng, kêu gào thực sự chứ không phải “meo meo” như những lúc bình thường. Con người có thể không phân biệt được tiếng “meo meo” bình thường với tiếng khóc của loài mèo, nhưng tôi thì lại có thể xác định rành rọt hai âm sắc ấy. Chẳng hạn, nếu nghe tiếng chó tru, các bạn có thể biết được ngay đó là tiếng kêu ai oán chứ không phải tiếng sủa bình thường. Quan trọng nhất là phải biết lắng nghe. Thế đấy. Tôi lắng nghe và cảm nhận được rằng đang có chuyện gì đó nghiêm trọng xảy ra với Miu con.
- Cứu tôi với, - nàng Kisulia của chúng ta kêu lên, - cứu tôi với, mọi người ơi! Đưa tôi xuống với. Ôi, ôi, ôi!
Có chuyện rồi! Tôi vùng dậy, nhìn ra cửa sổ, thấy cô nàng ngốc nghếch này đã trèo lên tuốt ngọn cây, chân bám chặt vào một cành cây nhỏ xíu, đong đưa, đong đưa theo gió. Tôi xém té xỉu – cô nàng mà rớt xuống thì xương xẩu nát nhừ chứ chẳng chơi. Mặc dù người ta thường nói, loài mèo biết cách rơi không đau, bốn chân luôn chạm đất trước, nhưng rơi từ độ cao này thì nguy hiểm quá, mà cô nàng Kisulia của chúng ta lại là tiểu thư thứ thiệt chứ có được bao nhiêu năng khiếu của nghệ sĩ nhào lộn? Ôi, ôi ôi! Phải cứu cô mèo điên này thôi.
“Sao bạn lại leo tuốt lên đó? Bạn để quên cái gì trên đó à”, – tôi kêu thầm trong bụng.
Hai người phụ nữ đang ngồi chơi trong nhà vẫn bình thản như thường. Tôi hiểu rằng họ chẳng nghe thấy tiếng nàng Miu con đang kêu lên sợ hãi. Phải làm gì trong những trường hợp như thế này? Tôi đặt hai chân trước lên bậu cửa sổ và sủa to hết cỡ. Bà khách hoảng sợ đến mức suýt té khỏi ghế ngồi.
- Trison! – Bà Anna kêu lên. – Làm sao vậy? Muốn ra ngoài phải không?
- Gâu, gâu! – Tôi trả lời, giọng có hạ xuống đôi chút, nhưng mắt vẫn nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ.
- Bình tĩnh nào, anh bạn, - bà Anna dịu giọng, - chờ chút xíu, mẹ với cô Vika nói chuyện xong rồi mình đi dạo. Ráng chịu đựng một chút nhé.
“Trời, dạo với chẳng diếc cái nỗi gì mẹ Anna ơi, hãy lắng tai mà nghe con Kisulia của mẹ đang la làng trên ngọn cây kia kìa. Đứng
lên đi, đứng lên đi! Gâu, gâu! Mau mau đi ra ngoài sân mà trông kìa!”.
Thấy hai người phụ nữ chẳng có phản ứng gì, tôi tru lên như chó sói:
- Gu gu gu gu gu gu gu!
- Ôi, lạy Chúa tôi, - mẹ Anna của tôi than.
- Nó nhìn thấy điều gì đó bất thường đấy, – bà Vika tỏ ra bồn chồn và tiến lại gần bên cửa sổ.
“Mở đi, mở cửa sổ ra đi, – tôi thầm van xin bà khách. – Mở ra đi rồi bà sẽ hiểu ra ngay tại sao tôi lại sủa ầm lên như thế”.
Và các bạn nghĩ thế nào? Không, đừng nghĩ rằng tôi ghét bỏ gì loài mèo. Đừng gọi tôi là kẻ căm thù mèo. Nhưng thật lòng mà nói, lũ mèo nhiều khi ngu ngốc đến tệ hại! Xin lỗi, nhưng cái con… con mèo ngốc Kisulia ấy bỗng dưng câm bặt. Các bạn thử nghĩ xem loài mèo liệu có tí óc nào trong đầu hay không? Bà Vika mở cửa sổ ra, tôi như một thằng ngốc leo hẳn lên bậu cửa sổ, còn cô nàng ưa leo trèo của chúng ta thì vẫn câm như hến. Có tức không cơ chứ!
“Trời ơi, làm sao thế này! Nào, Kisulia yêu quý, hãy cất tiếng kêu lên đi chứ, kêu lên đi, trong khi cửa sổ vẫn còn đang mở! Tại sao đúng vào thời điểm cần thiết mà mày lại ngậm miệng, im thin thít như thế? Đúng là đồ mèo ngu xuẩn!”
Đương nhiên là Kisulia không nghe thấy lời trách móc, van xin thầm lặng của tôi. Hay là do sợ quá, cô nàng bị cấm khẩu mất rồi? Bà Vika nhìn ra ngoài một lúc rồi khép cửa sổ lại, cài then móc. Đúng lúc đó, nàng diễn viên xiếc của chúng ta lại kêu lên thảm thiết. Như người ta thường nói, sự đời không bao giờ diễn ra theo ý ta.
Tôi không còn biết làm gì khác hơn là rên lên ư ử và chạy như cuồng trong cái khoảng trống giữa cửa sổ và cửa ra vào. Cuối cùng thì hai người phụ nữ cũng hiểu ra đã xảy ra chuyện gì đó không bình thường.
- Đi nào, đi ra ngoài sân, - bà Anna đề nghị và nói thêm: - Vika, làm ơn gọi anh Konstantin đi theo luôn.
Vừa thoát được ra ngoài, tôi phóng vội đến gốc cây trong sân và sủa toáng lên.
- Ối mẹ ơi! – Ông Konstantin Alexandrovich thốt kêu sau khi ngước mắt nhìn lên ngọn cây và trông thấy Kisulia trên đó. – Màn ảo thuật kiểu gì thế này!
- Có chuyện gì thế? – Bà Anna hoảng sợ. – Chuyện gì đã xảy ra vậy?
- Bình tĩnh, Anna, hãy bình tĩnh, – giọng bà Vika cũng trở nên run run, - con mèo trèo lên tuốt ngọn cây và không biết cách leo xuống. - Con mèo Kisulia của chúng ta ư?
- Chứ còn ai vào đó nữa? – Ông Konstantin Alexandrovich bực tức nhổ nước bọt. – Nó leo lên trên ấy để làm gì không biết nữa… - À, ra thế, – bà Anna Ygorevna thở ra. – Có nguy hiểm lắm không? Có thể đưa nó xuống được không?
- Để thử xem sao, - người đàn ông duy nhất trong nhà trả lời rồi ra lệnh: - Bây giờ thế này, các bà cứ ở đây trông chừng, tôi đi kiếm cái thang. Còn Trison thì im đi, đừng sủa váng lên thế, coi chừng kẻo làm Kisulia rối trí quá rồi rơi xuống đất mất đấy.
“Ô hay, bây giờ thì tôi còn phải sủa để làm gì nữa cơ chứ? – Tôi ấm ức nghĩ thầm. – Mọi người đều thấy đấy. Bây giờ tôi còn thiết gì sủa nữa”.
Ông Konstantin Alexandrovich trở lại với một chiếc thang, đặt nó tựa vào thân cây và bắt đầu thử leo lên. Nhưng nào có được. Thân cây mảnh mai quá, cứ oặt ẹo khiến cái thang chỉ chực đổ kềnh.
- Ây zà, – ông chủ gãi gáy, – phải làm sao bây giờ? Á à…. Thế này, thế này…
Ông ấy lại chạy đi đâu đó, nhoáng sau mang đến một tấm drap trải giường và yêu cầu hai người phụ nữ căng bốn góc ra, khiến tấm vải trông như mành lưới đỡ, chuyên dành cho diễn viên nhào lộn trên không ở trong rạp xiếc.
- Đứng cho yên, không được xê dịch vị trí, – “chuyên gia cứu hộ” ra lệnh. – Bây giờ tôi sẽ rung lắc thân cây.
- Ối, - bà Anna kêu lên, - em sợ lắm.
- Đừng sợ, em yêu dấu, - ông Konstantin Alexandrovich khua khua bàn tay, cứ như bà Anna có thể nhìn thấy cử chỉ ấy của ông. – Đứng thật yên, đừng nhúc nhích. Giữ tấm vải cho thật chặt.
Ông Konstantin Alexandrovich bắt đầu rung nhẹ thân cây. Bà Vika hai tay bấu chặt vào tấm vải, nhắm nghiền mắt lại, cứ như thể bà ấy sắp bị tùng xẻo đến nơi.
- Lạy Chúa tôi, - bà Anna Ygorevna thì thào rồi hỏi bà bạn: - Chuyện tới đâu rồi, hở Vika?
Bà Vika mở mắt ra, nhìn lên cô nàng “diễn viên xiếc” rồi trả lời cũng bằng giọng thì thào:
- Chưa tới đâu cả. Hiện con mèo đang sợ hãi lắm. Trong 10 phút tiếp theo, kết quả thu được chỉ là số không. Ông Konstantin Alexandrovich rung lắc thân cây đến vã mồ hôi, vậy mà Kisulia vẫn không chịu rớt xuống. Thật đến khổ với cô nàng đỏng đảnh này. Tôi
không mở miệng sủa tiếng nào nữa, chỉ đứng yên một bên theo dõi mọi chuyện.
“Lạ thật đấy, nó leo lên trên ấy để làm gì nhỉ? – Tôi nghĩ bụng. – Có lẽ là để vồ con chim nào đó. Tôi đã khối lần trông thấy nó tìm cách chứng tỏ mình là một tay thợ săn thiện nghệ. Để có thể vồ mấy con chim sẻ, nó bò trườn, rồi nằm im trên bãi cỏ, giấu mình trong những búi cỏ rậm, cụp hai tai lại, làm như thể muốn tỏ ra ta đây không phải mèo thường đâu nhé, mà là sơn miêu thứ thiệt đó. Thật nhố nhăng hết biết! Còn lũ chim sẻ thì luôn luôn chứng minh được rằng Kisulia chỉ là đồ ngốc. Chắc do cáu quá nên mới leo lên cây để bắt chim trên đó chứ gì. Ngu ngốc đến thế là cùng! Rõ ràng là do nàng thợ săn này vụng về quá nên lũ chim sẻ đã ‘vẫy cánh chào’ ráo trọi, để lại ‘ông kẹ sơn miêu’ này trơ khấc trên ngọn cây. Bây giờ thì mặc sức mà la làng nhé”.
Bỗng xuất hiện thêm một “phụ tá”. Đó chính là cô bé Masha. Vừa nhìn thấy Kisulia trên ngọn cây, Masha lập tức òa khóc. - Lại còn chuyện gì nữa đây? – Ông bố đổ quạu. – Khóc cái gì mà khóc?
- Bố ơi, ai đưa nó lên trên ấy thế? – Masha mếu máo hỏi rồi đưa tay quệt mắt.
- Gió đưa nó lên trên ấy đấy, - ông bố bật cười.
- Gió lốc hả? – Cô bé trợn tròn đôi mắt hãy còn ướt đẫm. - Ừ, một cơn cuồng phong, được chưa, – ông bố gật đầu rồi bổ sung: - kèm cả sóng thần nữa.
- Bố! Con hỏi nghiêm túc mà. – Masha giậm chân đành đạch. – Vậy mà bố cứ đùa cợt hoài à.
- Masha, - bố lại gần, cầm lấy tay con gái, - bố yêu cầu con rời khỏi “khán đài” này ngay. Đi vào nhà đi con.
- Tại sao con lại phải đi vào nhà, khi mà cả nhà đang tụ tập ở đây? – Cô bé phụng phịu.
- Thôi được rồi, - ông bố đấu dịu, - vậy thì không được nhõng nhẽo, gào khóc nữa. Chịu không nào?
- Nhưng con có gào khóc đâu hở bố! Chẳng lẽ bố không biết sao, nước mắt thỉnh thoảng nó cứ tự trào ra đấy chứ. - Vậy thì ổn rồi, cứ đứng yên đó. Ờ, hình như tôi đã nghĩ ra được một kế…
- Con sẽ im lặng, im lặng mà, - Masha vội trả lời rồi hỏi khẽ: - Mọi người sẽ cứu được Kisulia chứ?
- Cứu được, chắc chắn sẽ cứu được! – Ông bố tươi tỉnh trả lời rồi nhíu mày nói: - Có điều bố chỉ yêu cầu con một điều, Masha à, là hãy đứng cho thật yên.
- Con sẽ câm như hến! – Masha thốt lên, hệt như giọng của mẹ. Tôi đã không ít lần nghe bà Anna Ygorevna hứa với chồng là sẽ “câm như hến”.
Sự im lặng khó chịu kéo dài khá lâu. Và rồi linh tính đã không đánh lừa tôi.
- Làm sao bây giờ đây, Trison? – Ông Konstantin Alexandrovich bỗng quay sang hỏi tôi. – Chắc chú mày phải leo lên cây thôi… “Ây zà! Vụ này mới à nha! Xin người đồng chí hiểu cho, tôi chỉ là chó dẫn đường. Tôi chưa từng làm việc trong rạp xiếc, chưa từng trèo thang, chưa từng được dạy các kỹ năng cứu hộ. Bây giờ mọi người muốn gì ở tôi đây?”.
- Thực hiện được nhiệm vụ này chứ? – Ông chủ hỏi.
“Tôi không biết phải trả lời sao nữa. Nếu tôi cũng bị mắc kẹt ở trên ấy thì sao? Mọi người sẽ phải làm sao? Không, tôi không từ chối bất cứ nhiệm vụ nào. Chỉ có điều là tôi cần phải suy tính cách thực hiện. Đối với người mà tôi bảo bọc, tôi sẵn sàng đánh đổi mạng sống để cứu người ấy. Tôi sẽ bảo vệ người ấy cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng tôi làm sao có thể hi sinh thân mình chỉ vì một con mèo ngu ngốc. Có thể, các bạn cũng sẽ thương hại cho tôi chứ?”
- Nào, bạn thân mến, - ông Konstantin Alexandrovich khuyến khích tôi và dẫn tôi đến bên chiếc thang, - hãy leo lên thật cẩn thận nhé, và hãy cố gắng đưa cho được con mèo ngốc ấy xuống.
Biết làm sao được nữa? Tôi đã được dạy là phải tuân theo mệnh lệnh của con người. Không được phép trái lệnh. Mà tôi cũng không muốn bị mang tiếng là đồ hèn nhát. Tiếng nhục để đời chứ đâu phải đùa! Người ta sẽ nói thẳng vào mũi: trông kìa, thế mà cũng gọi là hậu duệ của nòi chó Labrador dũng cảm cơ đấy – có mỗi cái thang cũng chẳng dám leo. Không! Việc gì cần làm, nhất thiết tôi sẽ thực hiện. Nếu có mệnh hệ gì thì xin vĩnh biệt mọi người. Nguy hiểm cực kỳ, nhưng tôi không thể làm hổ danh nòi giống anh dũng của mình. Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi bắt đầu leo lên cái thang đang kẽo kẹt thấy ớn đó. Tôi tự trấn tĩnh mình. Phải nói là đáng sợ đến mức kinh hoàng. Tôi leo từng bậc một, trong khi thân cây đong đưa, Kisulia thì kêu réo. Tôi xin tiết lộ: lúc đó, chân tôi run lẩy bẩy, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, lưỡi thụt đi đâu mất, còn cổ họng thì khô đắng.
“Thế là hết! – Tôi nghĩ bụng – Ngày tận số của mình đã đến. Người ta đã đưa mình vào cõi chết”.
Leo được vài bậc thang, tôi đưa mắt nhìn thoáng xuống bên dưới. Nghẹt thở. Tôi chưa bao giờ leo cao đến như thế, kể cả trong thời gian được huấn luyện ở trường dạy chó. Dĩ nhiên rồi, ai mà có thể ngờ được rằng trong khi thực hiện nhiệm vụ chó dẫn đường, tôi lại phải trèo lên thang.
Tôi lại nghĩ bụng: “Này, Kisulia, nếu trời cho tao cứu được mày một cách êm thấm thì rồi mày sẽ biết tay tao; những lúc không có ai ở nhà, tao sẽ cho mày nhừ đòn. Tao sẽ cho mày làm diễn viên xiếc nhào lộn, cho mày đi tàu lượn, rồi mày sẽ được bay khắp nhà như đứa dở dại”.
Tôi không để ý thấy rằng mình đã leo lên được khoảng nửa thân chiếc thang. Chỉ vài bậc nữa thôi là có thể tóm lấy gáy con mèo đần ấy. Nhưng điều quan trọng nhất là làm sao tóm được nó mà bản thân mình không bị té lộn cổ. Bên dưới có tấm vải đang được căng ra thật đấy, nhưng mà xa quá và dường như nhỏ quá, đến mức tưởng rằng mình có thể rớt ra ngoài mất thôi.
- Nào, cố lên, cố lên, Trison yêu quý, – ông chủ động viên tôi, - cố lên anh bạn nhỏ, chỉ còn chút xíu nữa thôi.
“Được rồi mà, tôi đang cố đây. – Bụng tôi nghĩ thế, nhưng miệng chỉ phát ra được những âm thanh ư ử rất tội nghiệp. – Hừ, các người tìm ra được một nhân viên cứu hộ kỳ tài…”
Khi lên được ngang với tầm của con mèo ngu ngốc, tôi ghé sát mõm vào mặt nó, hỏi khẽ:
- Cậu có óc trong đầu hay không đấy? Cậu leo lên đây làm gì? - Meo, meo, – Kisulia rên rỉ, toàn thân run như cầy sấy. Tôi vươn mình về phía con mèo để chộp lấy nó. Vậy mà cái “kỳ quái quan thế giới” ấy lại quay sang bảo tôi:
- Tsh, tsh, tsh, tsh! Chớ có động vào tớ!
- Nếu không động vào thì làm sao tớ có thể đưa cậu xuống đất? – Tôi hỏi và bắt đầu nổi cáu. – Cậu có óc trong đầu không đấy? - Tsh, tsh, tsh, tsh! – Kisulia lặp lại.
Còn ở bên dưới thì mọi người kêu lên:
- Tóm lấy nó, Trison, tóm lấy!
- Cứ thử động vào mình tớ mà xem, - Kisulia dọa, - rồi tớ sẽ cào cho mà nát mặt đấy.
“Trời ơi, biết làm gì với con mèo điên này đây hở trời, – tôi suýt bật khóc. – Sao trời cứ hành tội tôi phải khổ với con mèo chết tiệt này thế này…”.
Lúc này quả thực tôi điên tiết lắm rồi.
- Này, biết không, cô bạn “thân mếu”, - tôi gào lên. – Nếu cậu không muốn rời cái cành cây khốn kiếp ấy, tớ sẽ bẻ gãy nó và chúng ta sẽ cùng rơi xuống đất. Kết cục thế nào cũng mặc đấy nhé.
- Ôi, Trison thân mến, meo, meo. – Kilusia rên rỉ. - Tớ sợ lắm, tớ sợ lắm!
- Bộ cậu tưởng tớ không sợ à? – Tôi cáu. – Nhưng rốt cuộc phải làm cái gì đó chứ. Hay là cậu định sống suốt đời trên cái cây này. Nào, buông cành cây ra, nhảy lên vai tớ và giữ thật chặt.
- Tớ không thể làm thế được đâu. Tớ không thể. Dễ sợ lắm! Đúng lúc đó, chiếc thang bỗng “rùng mình” rồi đầu thang “lượn” nửa vòng quanh thân cây đang đong đưa kẽo kẹt. Tôi không nhớ mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, chỉ biết rằng như một phản xạ tự nhiên, tôi ngoạm răng và đu hai chân trước vào cành cây mà Kisulia đang bám chặt trên đó. Rắc, rắc, rắc… Cành cây gãy lìa khỏi
thân và tôi có cảm tưởng như mình là một nhà du hành vũ trụ đang ở vào trạng thái không trọng lực – chúng tôi đang rơi tự do. Thế rồi bỗng tôi cảm thấy đau nhói. Tôi cứ nghĩ là thôi rồi, thế là đi đời nhà ma – đau đến mức mắt tôi bỗng tối sầm. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở trong nhà. Thì ra, trước khi “tiếp đất”, nghĩa là rơi xuống tấm vải nâng, chân tôi bị vướng vào một nhánh cây khô đã gãy nhưng phần còn lại vẫn còn chìa ra từ thân cây. Vết thương rất nặng.
Bác sĩ thú y đến, đắp lên cái chân bị thương của tôi một mớ bông gạc lằng nhằng gì đó rồi dùng băng bó chặt lại, tiêm cho một mũi thuốc đau buốt đến tận óc và lệnh cho tôi phải nằm thật yên. Ông ấy buồn cười thật. Tôi còn cử động gì được mà chẳng nằm yên? Tôi nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Tôi tỉnh dậy bởi cảm thấy cái gì đó âm ấm bên mình. Mở mắt ra và không tin được: “kỳ quái quan thế giới” đang ngủ bên cạnh tôi và mỗi lần duỗi chân là cứ như đạp vào mặt tôi. Cô nàng vừa ngủ vừa rên rỉ một cách khoan khoái, tiếng rên vang khắp cả phòng, cứ như người ta hát vào dịp lễ. Tôi chẳng thèm lên tiếng, nhắm mắt lại, ngủ tiếp. Ngủ lim dim, nhưng tôi vẫn nghe cô nàng vừa ngáy vừa lẩm bẩm:
- Mrrrrrrr. Ch… ch… cho tttttớ xin lỗi nhé. Caaaa… ảm ơn nhiều, aaaaanh bạn ạ. Caaaa… ảm ơn nhaaa, Trrrrrison.
- Ôi dào, chỉ được cái giỏi nịnh, - tôi làu bàu rồi ngủ tiếp.
6
Hết chạy nhảy nhé. Tôi nghĩ mãi mà không nhớ ra được một từ rất “thông thái” thường được dùng để xác định tình trạng thương tật như của tôi hiện nay. Người ta gọi đó là gì nhỉ? À phải rồi, nhớ ra rồi: què! Tóm lại, tôi thành con chó què. Điều an ủi duy nhất: những người thân của tôi đều nói rằng vết thương sẽ chóng lành thôi. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới được đi ra ngoài để giải quyết nhu cầu vệ sinh. Thực ra, không phải đi mà lết. Giá chi các bạn biết được, đi đứng khó khăn, khổ sở như thế nào với cái chân cứng đơ như chân gỗ. Chân đi cà nhắc, thỉnh thoảng đau quá phải nằm xuống mà bò, vậy mà tôi không khỏi tự giễu mình: người ta câu cá, săn chim, còn tôi nay lại có thêm nghề bắt mèo, ha ha. Nói cho chính xác hơn là nghề bắt miu con. Tôi nghĩ ra một từ mới hay tuyệt. Chỉ tiếc là không thể phát âm từ ấy bằng tiếng người.
Ở trong nhà bà Anna, tôi còn có một thú vui nữa: đánh bạn với cái tivi. Thế rồi một tối nọ, tôi được xem một chương trình về giống chó Labrador. Hẳn các bạn đã đọc một số câu chuyện tôi kể ở cuốn sách trước về giống chó này, nhưng tôi cũng xin bổ sung một vài chi tiết thú vị. Các bạn biết đấy, về giống loài Labrador của mình, tôi có thể kể cả ngày. Nhưng những gì tôi nghe được trong chương trình tivi hôm ấy quả là nằm ngoài trí tưởng tượng của con người. Chú ý cẩn thận nhé, nếu không bạn sẽ té lăn vì cười và té nhào vì kinh sợ. Các bạn biết không, người dẫn chương trình hôm ấy có nói đến một điều cực kỳ lạ lẫm. Tôi thậm không thể tin vào tai mình nữa. Thì ra
có một giả thuyết cho rằng giống chó Labrador chúng tôi vốn là kết quả của sự giao phối giữa chó rừng thời thượng cổ với… loài rái cá. Nghe vậy, tôi cười sằng sặc (dĩ nhiên cái sự cười ấy thể hiện bằng tiếng tru khoái chí), cười đến mức suýt què thêm một chân nữa. Nhưng các học giả lại có cách lý giải riêng của mình. Họ nói rằng từ thời xa xửa xừa xưa từng tồn tại những con chó được gọi là chó rái cá hay chó nước, có ngoại hình, màu sắc và tập tính sinh hoạt tương tự loài rái cá.
Tôi không phản đối ý kiến cho rằng giống chó Labrador và môi trường nước có sự liên hệ mật thiết. Trong quá khứ, chó Labrador là giống chó được các thủy thủ, ngư dân Newfoundland và Bồ Đào Nha ưa chuộng nhất. Các bạn còn nhớ chứ, tôi đã kể rằng họ thường mang theo vài con chó Labrador trên mỗi chuyến hải hành. Xin đừng nghĩ rằng họ mang chó theo là để bảo vệ thuyền bè. Tàu thuyền đánh cá và các ngư phủ thì có gì mà phải bảo vệ. Chống cá mập à? Không phải thế. Thời ấy, chúng tôi là những chiến sĩ cứu hộ xuất sắc. Nếu thuyền bè gặp nạn, chúng tôi ngậm đầu dây thừng bơi về phía bờ, mọi người cứ thế mà lần theo. Bây giờ chắc các bạn đã hiểu, tại sao tôi dám dũng cảm leo lên cái thang chết tiệt nọ. Vì rằng tôi không chỉ là thủy thủ mà còn là chiến sĩ cứu hộ từ trong máu. Hãy nhớ lấy điều đó.
Một điều thú vị rất đáng chú ý: chúng tôi không chỉ cứu người mà còn giúp người đánh cá. Đánh cá chứ không phải câu cá nhé. Chúng tôi từng tham gia kéo lưới cá với thổ dân Bắc Mỹ đấy. Đó không phải trò đùa nghịch mà chơi đâu. Mùa đông, nước biển Đại Tây Dương lạnh kinh khủng, nhưng chúng tôi có bộ lông dày và lớp lông mao bên dưới không thấm nước nên giữ được thân nhiệt rất
tốt. Không chỉ phụ kéo lưới trên thuyền, tổ tiên của tôi chứ không phải ai khác sẵn sàng lao xuống nước để lùa cá vào lưới và gỡ lưới. Không ai và không loài vật nào có thể thay thế chó Labrador trong những công việc như thế. Sau mỗi chuyến đánh bắt trở về bờ, chó Labrador còn phụ giúp các ngư phủ kéo cá về nhà. Thế đấy!
Xin trở lại với hiện tại. Nhìn chung, trong khoảng vài thập niên gần đây, giống chó Labrador luôn đứng trong top 5 các giống chó phổ biến nhất trên thế giới. Các bạn có thể nghĩ rằng đó chỉ là một sự ngẫu nhiên thôi chăng? Dĩ nhiên không phải thế. Trước tiên cần phải biết chúng tôi có khả năng làm được những công việc gì.
Lấy nghề đi săn làm thí dụ. Các bạn hãy tin đi, chó Labrador là phụ tá vô cùng đắc lực cho thợ săn: hoạt động không mệt mỏi, đánh hơi theo dấu tài tình, hiểu và thực hiện các mệnh lệnh một cách nhanh chóng, tóm lại thuộc hàng xuất sắc trong các nòi chó săn. Chó Labrador có thể tìm kiếm chính xác không bao giờ sai vị trí con mồi bị bắn chết hoặc bị bắn rơi, cả ở trên cạn lẫn dưới nước. Các bạn cứ hỏi thử cánh thợ săn chuyên nghiệp xem, bấy nhiêu có phải đã là quá đủ hay không? Ngoài ra, chúng tôi còn có trực cảm tuyệt vời, sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ, đặc biệt là khả năng đánh hơi theo dấu máu con mồi dù đã khô sau mấy ngày.
Tôi xin dẫn ra đây trích đoạn một lời nhận xét của các thợ săn lão luyện: “Một điều không kém phần quan trọng là chó săn thuộc giống Labrador không bao giờ tỏ ra hoảng hốt, giận dữ khi chẳng may bị mất liên lạc với chủ, vẫn miệt mài thực hiện công việc của mình, theo mệnh lệnh mà chủ đã ban ra trước đó. Khi tha con mồi về cho chủ, chó Labrador ngậm nhẹ nhàng đến mức bạn không thể nhận thấy dấu răng trên thân thể con mồi, trong khi đó, với những
con chó săn thuộc giống khác, khi mồi được đưa về cho chủ thì giập nát gần như món thịt băm. Chó Labrador tham gia công việc săn bắn không phải do có bản năng hung hãn tự nhiên, mà do ý thức phục tùng người chủ...”. Thế đấy!
Còn về chó dẫn đường thì người ta đã nói quá nhiều rồi, nhưng tôi vẫn xin được bổ sung vài lời, vì chưa nói ra, tôi chưa yên dạ: chó Labrador chiếm gần tám mươi phần trăm số chó dẫn đường trên toàn thế giới! Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản nhưng vô cùng hợp lý: con người chỉ có thể trao thân gửi phận cho những giống vật đáng tin cậy nhất về tất cả mọi mặt. Xin đưa ra một minh chứng hùng hồn: trong thảm họa ngày 11/9/2001 ở Mỹ, trong cơn hoảng loạn chung, có hai con chó dẫn đường đã bình tĩnh kéo được chủ của mình ra khỏi đống đổ nát của tòa tháp đôi và nhờ thế, họ được cứu sống. Cả hai con chó dẫn đường này đều là chó Labrador!
Tài năng cứu hộ của tôi hẳn các bạn đã được chứng kiến qua vụ giải thoát Miu con ngớ ngẩn khỏi ngọn cây.
Nhưng điều quan trọng nhất, tôi xin nhắc lại, đó chính là chuyện chúng tôi, chó Labrador, có được sự cân bằng tâm lý đến tuyệt vời. Ngoài ra, nếu xét đến đặc tính trung thành và gắn bó với gia đình người chủ, nếu bạn có con nhỏ đồng thời có nuôi chó Labrador, hãy vững tâm rằng con bạn sẽ được coi ngó và bảo vệ tối đa. Chúng tôi không đơn giản chỉ là thú cưng mà còn là bạn bè, phụ tá của con người trong nhiều mặt của cuộc sống. Chẳng phải nói ngoa, chúng tôi luôn biết cách chiều theo ý muốn và luôn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của từng thành viên gia đình; chúng tôi luôn nỗ lực làm hài lòng mọi người trong nhà, dù đó là một người lớn tính tình ưa cáu
bẳn hay một đứa trẻ con quấy nghịch, ích kỷ, một con mèo kiêu ngạo hay một con vẹt lắm mồm.
Giống chó Labrador đứng đầu trong bảng phân cấp các giống chó xét theo khả năng hiểu đúng và thực hiện chính xác một số lượng lớn nhất những câu lệnh của người. Những câu lệnh ngắn gọn, khô khan của con người được chúng tôi chuyển hóa thành ngôn ngữ thuộc cấp độ giao tiếp. Chẳng hạn, từ khi còn là chú cún con, tôi đã hiểu các câu lệnh “Đến đây!”, “Đi lại đây!”, “Lại đây nào!” đều có chung một nghĩa. Tất cả những con chó thuộc giống Labrador đều rất dễ huấn luyện. Điều quan trọng là bạn hãy giải thích cho chó Labrador biết bạn cần gì, trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào cũng không nên dọa nạt, ép buộc chúng. Hãy thể hiện sự bình tĩnh, tế nhị, đồng cảm, chắc chắn con chó Labrador của bạn sẽ đáp lại bằng sự vâng lời, tính kỷ luật và lòng trung thành tuyệt đối.
7
Tôi thật vô cùng sung sướng khi được kể về những phẩm chất tốt đẹp khó bì của giống chó Labrador. Nhưng thôi, bay mãi trên mây xanh rồi cũng có lúc phải đáp xuống mặt đất. Khối người chẳng thiết gì biết đến những đặc tính quý báu ấy của chó Labrador. Dù có là vua của loài bò đi nữa thì cũng chỉ đáng giá vài tạ thịt mà thôi. Bây giờ xin mời các bạn nghe tiếp câu chuyện của đời tôi.
Một lần, tôi và bà Polina lọt vào tầng hầm bỏ hoang của một tòa nhà 5 tầng cũ kỹ. Không phải là tôi tự ý dắt bà ấy xuống đó mà chính bà ấy yêu cầu tôi dẫn đường xuống cái tầng hầm chết tiệt ấy. Tôi đoán ra ngay: bạn bè của bà ấy đang tổ chức nhậu “hợp tác xã” ở dưới đó. Quả nhiên, khi vừa xuống đến nơi, tôi nhìn thấy trên trần có một bóng đèn tròn vàng vọt, ngay chính giữa căn hầm có một cái thùng rỗng lật úp, trên đó có mấy chai rượu với các loại mồi nhậu bình dân: cá ướp muối, đồ hộp, cà chua, dưa chuột và mấy thứ linh tinh khác. Chỉ có một cái ly cho tất cả mọi người. Cuộc nhậu vừa mới bắt đầu. Tôi nhìn bà Polina Foteevna và nghĩ: “Bà già ơi, nốc vừa vừa thôi, chứ nếu xảy chuyện, tôi không kéo nổi bà lên khỏi cái boong-ke này đâu”. Nhưng bà ấy tỏ ra chẳng kém cạnh gì cánh mày râu. Bà ấy đẩy vào hết ly này đến ly khác, cứ gọi là tì tì. Sau vài tua rượu, bắt đầu đến màn ca hát của những con người chuếnh choáng hơi men. Dĩ nhiên chẳng bè chẳng phách gì cả. Mạnh ai nấy rống. Lắm khi có đến ba bài hát khác nhau được “diễn ca” trong cùng một lúc. Đầu tôi nhức điên vì cái dàn đồng ca hỗn tạp ấy. Nhưng biết làm
sao được? Đành nằm xuống bên cạnh bà Polina, cố gắng chợp mắt chút vậy.
Bây giờ mới bắt đầu tấn tuồng hay ho nhất. Hốt nhiên một gã bợm râu ria xồm xoàm đứng phắt dậy nói với bà Polina Foteevna: - Này bà Polina, hãy nói tôi nghe, việc đếch gì mà bà phải tha cái con chó chết tiệt này theo bên mình mọi lúc mọi nơi thế hử? Bà là… - Sao lại “việc đếch gì”? – Một người đàn ông ngắt lời. – Đó là chó dẫn đường…
- Này, tôi không hỏi ông đâu nhé! – Gã râu xồm nổi cáu. – Đừng có ngắt lời. Bà Polina, thế nào? Trước đây bà vẫn đi lại được với cây gậy mà chẳng sao cả. Sao bây giờ lại cần đến chó? Để làm đếch gì?
Bà Polina Foteevna húng hắng ho, lẩm bẩm điều gì đó rồi nói to: - Việc gì đến ông? Nó làm phiền gì ông à? Hay là nó xơi mất mồi nhậu của ông? Bây giờ ông cần gì?
- Ồ không, nó chẳng làm gì phiền đến tôi cả, - gã râu xồm sượng sùng. – Hỏi cho biết vậy thôi. Bà cần nó để làm gì? Tự gánh lấy phiền toái vào mình, nào phải cho ăn, cho uống, tắm táp, chăm sóc, đủ thứ chuyện.
- Ông khỏi lo đi, - bà Polina phẩy tay, - mọi chuyện bình thường. Tôi gánh được.
Tôi nghĩ bụng: “Ái chà, bà Polina Foteevna, bà xạo vừa vừa chứ. Bà ‘gánh’ rất tồi. Nhưng việc gì đến lão kia nhỉ? Hắn khơi mào câu chuyện kỳ quặc này ra để làm gì? Thật chẳng ra làm sao cả…”.
Và tôi đã không lầm. Nạp thêm một tua chất cồn vào người, gã râu xồm đứng dậy nói to:
- Bà Polina, bán cho tôi con chó đực của bà đi!
- Ông làm sao thế, ông Grigory? Ông vừa bị té giếng à? – Bà Polina cười mỉa.
“Bà già khá thật!”, – tôi thoáng nghĩ, nhưng rồi lại phải thất vọng ngay lập tức.
- Đó không phải là chó của tôi! - Bà Polina nói gọn lỏn. - Sao lại không phải chó của bà? – Lão Grigory suýt nghẹn vì bị bất ngờ. – Vậy nó là của ai? Bà suốt ngày đi chơi rông với nó mà. “Đồ vô lại! Ăn với chả nói! Hừ, ‘chơi rông’! Gớm thật, hắn thấy người khác suốt ngày chỉ chơi rông. Tôi mà đeo cái băng đai của tôi vào cho ông để rồi xem ông ‘chơi rông’ như thế nào.” - Nó hiện đang phục vụ tôi, híc… nghĩa là… híc, nó dẫn đường cho tôi, tránh vũng nước, tránh cột đèn, tránh tường, tránh đủ thứ, – bà già ngà ngà say rượu vừa nấc cụt vừa giải thích. – Ông hiểu chứ?
- Đếch hiểu được, – ông Grigory lắc lắc cái đầu. – Tôi chỉ hiểu là nó phục dịch…
“Thật bực khi nghe người ta bàn luận về mình như thế. Tôi ‘phục dịch’! Cứ làm như tôi là bồi bàn không bằng.”
- Bây giờ tôi hỏi đây, - gã râu xồm tiếp tục, - con chó này là của ai? Ai là chủ của nó? Không phải bà, vậy thì ai?
- Tôi đấy, - bà Polina khẳng định. – Chẳng phải tôi thì còn ai nữa?
- Bà ngoắt ngoéo vừa vừa thôi nhé! – Lão Grigory bực mình. – Khi thì nói “nó không phải của tôi”, lúc lại bảo “nó là của tôi”. Bà làm sao thế? Con chó này của ai? Nói mau!
- Làm gì mà ông dám quát tôi đấy, hử, – bà Polina vặc lại. – Mắc mớ gì ông phải làm ầm lên thế? Liệu hồn đấy, tôi mà ra lệnh một
tiếng là Trison sẽ xé ông ra làm trăm mảnh. Ông có biết nó hung dữ đến cỡ nào không? Đừng thấy nó nằm im im vậy mà tưởng nó hèn. Nó có thể xả thịt ông chỉ trong nháy mắt thôi đấy.
“Ối, thôi đi bà Polina Foteevna ơi! Ai lại nói như thế về một con chó dẫn đường bao giờ.”
- Thôi đừng có mà bốc phét, - lão Grigory trề môi. – Tôi còn lạ gì giống chó Labrador. Chúng hiền chứ không hung dữ đến thế đâu. - Hiền cũng tùy lúc tùy nơi, tùy thời tùy thế, - bà Polina vênh mặt lên. – Mới đây Trison đã cho gã quét sân ở khu vực nhà tôi phải đi nhà thương cấp cứu đấy.
“Má ơi! Sao bà ấy dám bịa đặt trắng trợn đến thế hở trời?!” - Vì chuyện gì mà thằng cha ấy bị nó cho no đòn đến thế? – Một bạn nhậu của bà Polina nãy giờ ngồi im, bây giờ lên tiếng hỏi. - Vì cái tội thô lỗ! – Bà Polina đáp tỉnh bơ.
- Tức là như thế nào?
- Tức là như thế này, - bà Polina búng lưỡi một tiếng thật giòn. – Tôi đã cảnh cáo rồi nhưng hắn không chịu nghe, không chịu hiểu, cứ vô tư chửi mắng tôi, tôi bèn ra lệnh: “Trison, ra đòn!”. Thế là xong. Bây giờ thì nằm trong bệnh viện, tha hồ mà chửi, mà mắng. Ông không tin à? Cứ hỏi ông Nikolai đi. Ông ấy là hàng xóm của gã quét sân đấy.
Ông Nikolai nãy giờ nằm dài ngủ gục bên cạnh cái thùng, nghe đến tên mình bỗng giật mình nhổm dậy, ngơ ngác hỏi: - Gì thế? Có chuyện gì thế?
Mọi người cười lăn. Ông Grigory hỏi.
- Ê, Nikolai, có đúng là gã quét sân hàng xóm nhà ông phải đi bệnh viện cấp cứu không?
- Đúng thế, - ông Nikolai dụi mắt, gật đầu. – Mà sao cơ? Các anh định gọi lão ấy đến đây à? Nhưng mà lão ta không biết uống. Hình như lão ấy bị…
- Có điên mà gọi lão ấy đến đây à! – ông Grigory cắt ngang. – Kể nghe nào, nó “quất” lão ấy dữ lắm hả?
- Đúng thế, “quất” đến nơi đến chốn.
“Tôi chẳng hiểu gì cả. Bà Polina Foteevna đã bàn tính trước với ông Nikolai rồi hay sao vậy? Nói dối trơn tru cứ gọi là như bôi mỡ. Làm vậy để làm gì? Chỉ tổ người ta sẽ coi tôi là đồ khát máu. Thật lạ lùng ghê!”
- Thế mới gọi là chó! – Ông Grigory huýt gió một tiếng dài vừa như thán phục, vừa như kinh ngạc. – Hóa ra nó cũng nguy hiểm ghê đấy chứ nhỉ.
- Ồ, không phải thế, - ông Nikolai phẩy tay. – Nó mà nguy hiểm mẹ gì đâu. Chẳng qua lão Ignatych quen thói hồ đồ của dân quét rác, cứ sấn tới làm càn, bởi vậy mới phải lãnh đòn ngay vào mõm.
- Ô!!!! – Ông Grigory há hốc mồm kinh ngạc. – Nó còn biết “chơi” ngay vào mõm người ta!!!
- Tất nhiên rồi! – Ông Nikolai khẳng định. - Máu me cứ gọi là đầy mặt.
“Trời ơi! Họ nói về ai thế? Tôi chẳng hiểu gì cả. Mặt mõm với lại máu me gì vậy?”
- Sao không xích cổ nó lại, - ông Grigory giận dữ nói, - cứ để nó đi lại tự do ngoài đường như vậy mà được à? - Nó cũng hiền thôi, chẳng qua… - ông Nikolai cười cười. - Hiền cái con khỉ khô! – Ông Grigory ngắt lời. – Đồ thú dữ như vậy mà bảo là hiền!
- Ôi dào, ai mà chẳng có lúc thế này thế khác, - ông Nikolai phẩy tay. – Một khi đã có chén vào… Nó là thế đấy, chớ có rót cho nó đến ly thứ ba…
- Sao cơ? Nó còn biết uống rượu nữa cơ à? – Ông
Grigory trợn tròn mắt.
- Thì cũng có uống, - ông Nikolai gật gù - chút đỉnh thôi, không nhiều. Nó biết tửu lượng của mình kém, thường là không quá ba ly. Nhưng thi thoảng cũng bốc lên, rồi “vượt định mức”…
Ông Grigory nhìn tôi với một tinh thần cảnh giác cao độ và hỏi: - Thế hôm nay nó đã có ly nào chưa?
“Có lẽ họ đang ‘ông nói gà, bà nói vịt’, mỗi người nói về một chuyện khác nhau mà cứ tưởng là chung một đề tài.” - Làm gì có! – Ông Nikolai nói. – Hôm nay nó trong sáng như gương.
- Hừm, các vị lạ thật đấy, - ông Grigory lắc lư cái đầu. – Phải tôi, tôi đã đeo cho nó cái rọ mõm. Phòng xa vẫn hơn. - Này, ăn nói kiểu gì thế hở Grigory? – Ông Nikolai hất mặt hỏi. –
Ông có điên không đấy? Tốt hơn hết ông hãy đeo cho mình cái rọ mõm.
- Tại sao tôi phải đeo rọ mõm? Tôi đây không bao giờ cắn người ta đâu nhé.
- Khiếp, sao mà chán ông đến thế! Tôi đã giải thích rồi, mọi chuyện chẳng qua do cái sự say nó hành người ta mà thôi. - Vậy tại sao các ông lại chuốc rượu cho con chó ấy làm gì? – Ông Grigory càu nhàu.
- Này, này, ông làm sao thế? - Ông Nikolai chỉ tay vào mặt ông Grigory. – Liệu mà ăn nói cho đàng hoàng nhé. Dù sao nó cũng là
bạn tôi.
- Á à… Có nghĩa ông là chủ nó? Như vậy hóa ra ông cho bà Polina thuê nó?
- Ông làm sao vậy, ông Grigory? Hôm nay tôi không làm sao hiểu nổi ông đấy. Ở đâu ra cái lề thói chủ nô như vậy hả. Hừ, “ông chủ” với lại “cho thuê”. Điên rồi à?
- Thì tôi chỉ đơn giản muốn biết, ai là chủ của nó thôi. Lề thói chủ nô gì ở đây?
- Vậy ai là chủ của ông? – Ông Nikolai cau mày giận dữ, vùng đứng dậy, hai tay siết chặt nắm đấm.
- Thôi đi, thôi đi các ông ơi! – Một người đàn ông trẻ tuổi hơn đứng ra can. – Xuống tay với nhau thì được ích lợi gì. Hay ho gì chuyện đánh nhau.
- Im đi! – Ông Nikolai gầm lên rồi nghiến răng ken két. - Thôi đủ rồi ông bạn, - ông Grigory phẩy tay, - bình tĩnh đi. Bây giờ chúng ta “thay đĩa” được rồi đấy. Quỷ tha ma bắt cái con chó ấy đi.
- Này, Grigory, tao cảnh cáo mày đấy, - ông Nikolai sừng sộ - mày mà gọi nó là chó một lần nữa thì tao cho mày vào nhà thương nằm với lão quét rác Ignatych luôn đấy, hiểu chưa?
- Các ông hôm nay điên hết cả rồi hay sao ấy, - ông Grigory làu bàu. – Bây giờ lại muốn tôi gọi nó bằng cả tên họ đầy đủ chắc. - Không nhất thiết phải gọi tên họ đầy đủ. – Ông Nikolai nấc cụt một tiếng rồi nói tiếp: - Đến tôi đây cũng đếch biết phụ danh của nó. Cứ gọi tên là được rồi.
- Bà Polina, nó tên gì vậy? Hồi nãy bà có nhắc đến tên nó mà tôi quên mất rồi.
- Cái gì? Cái gì cơ? – Bà Polina Foteevna choàng tỉnh dậy. - Tôi hỏi: nó tên gì? – Ông Grigory gằn giọng.
- Trison! – Bà lão trả lời.
- Ai cơ? – Ông Nikolai ngạc nhiên hỏi.
- Con chó của tôi chứ còn ai, - bà Polina Foteevna trả lời. - Con chó của bà thì liên quan quái gì ở đây? – Ông Nikolai sửng sốt.
- Sao không liên quan? – Ông Grigory nhổm dậy. – Vậy nãy giờ ông nói đến ai vậy?
- Tôi nói về thằng cha Vasili Vurdalak, bạn tôi.
- Vurdalak là thằng cha quái quỷ nào vậy? Nãy giờ tôi hỏi ông về con chó Labrador dẫn đường của bà Polina, hiểu chưa? Không gian tầng hầm rơi vào im lặng mất một phút rồi vỡ òa ra vì những tiếng cười vang dội. Mọi người ngả nghiêng ra mà cười, cười lăn cười lóc, cười long trời lở đất, đến nỗi cái thùng rung lên bần bật, mồi nhậu rơi cả xuống đất. Trong khi mọi người đang cười rũ rượi, tôi tranh thủ nhặt lấy một con cá muối vừa lăn đến bên chân, xơi lót dạ - kiểu gì thì cái đám người say khướt này cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc cho tôi ăn một miếng nào. Cười chán, đám người ấy lại bắt tay vào tua rượu tiếp theo, nhưng chợt nhận ra rằng rượu đã cạn gần tận đáy. Ai đó đề nghị giải tán, đại ý là hết tiền mua rượu tăng cường rồi, mà ngồi suông dưới cái tầng hầm ẩm thấp này thì chán chết. Nhưng đúng lúc đó, ông Grigory lập tức trở lại đề tài mua bán chó. Ông ấy quả là một dạng đặc trưng của dân buôn nô lệ, đúng như ông Nikolai nhận xét. - Các vị nghe đây, - ông Grigory la to. – Tôi có một đề xuất tuyệt vời. Các vị muốn uống nữa hay không?
- Muốn!!! Chúng tôi không từ chối!!! – Cả hội đồng thanh gào lên. - Vậy thì hãy thuyết phục bà Polina, - ông Grigory nói. – Nếu mua được con chó của bà ấy, tôi sẽ chịu tiền rượu cho các vị uống tiếp hôm nay.
Tôi thực lòng tin rằng bà Polina Foteevna sẽ nổi đóa mà thét lên rằng bà ấy không bao giờ làm cái trò hèn mạt là bán đi người bạn đường trung thành, chung thủy của mình, hay bà ấy sẽ thuyết giảng một điều gì đó đại loại như vậy. Thế nhưng tôi lại bị một phen thất vọng.
- Vậy ông định trả bao nhiêu? – Bà già hỏi tỉnh bơ.
- Hàng của bà, bà ra giá đi chứ! – Ông Grigory nói.
- Ba chục ngàn đấy, - bà già nói, mặt lạnh như băng. - Cái giiiì? – Ông Grigory như không tin vào tai mình. – Một con chó ghẻ mà đòi đến ba chục nghìn rúp, tương đương cả nghìn đôla? Bà có bị hâm không đấy?
“Tôi không biết bà Polina Foteevna có bị hâm bị hấp gì không (có thể bà ấy chỉ nói đùa chăng?), nhưng chỉ vì cái từ ‘chó ghẻ’ thôi, tôi sẵn sàng đớp ông hai nhát đấy, ông Grigory ạ, - tôi nghĩ bụng. – Thằng cha Grigory này quả là thứ người không ưa nổi.”
- Chính ông mới là chó ghẻ! – Bà già ngoan cường đáp trả. – Còn Trison của tôi nhá, là một con chó có học. Nó là chó dẫn đường hẳn hoi. Nó được giao cho tôi hoàn toàn miễn phí, nhưng giá trị của nó cao hơn cả một chiếc xe hơi đời mới đấy, tôi nói cho mà biết. Ông có hiểu không?
- Ôi dào, ở ngoài chợ chim, với ba chục ngàn, tôi mua được đến dăm bảy con chó dẫn đường như thế.
- Vậy thì cứ ra chợ chim mà mua, - bà Polina Foteevna cười mỉa, - việc gì phải bám lấy tôi.
- Thôi, hai chục ngàn đi! – Ông Grigory gạ, rồi nói: - Tôi bù thêm một lít.
Cả gian hầm lại chìm vào im lặng. Mọi người nín thở theo dõi diễn tiến của cuộc mặc cả.
- Không được! – Lát sau, bà Polina lên tiếng. – Hai mươi lăm ngàn đấy!
“Ôi trời! Bà ấy muốn bán tôi cho ông Grigory thật sao? Quái! Thế rồi nhà trường thì sao? Bà ấy sẽ ăn nói làm sao với nhà trường? Nào, giải thích đi, Trison đã biến đi đâu mất rồi? Mẹ già kính quý ơi, hãy nghĩ cho kỹ đi chứ!”
- Nào, nào, đừng keo kiệt nữa, – mọi người nhao nhao nhắm vào ông Grigory. – Nó là một con chó quý. Như vậy là đáng đồng tiền lắm rồi.
- Hai chục ngàn thôi! – Ông Grigory vẫn cố giữ lập trường của mình. – Tôi không trả hơn đâu. Tôi hết tiền rồi, chẳng có đâu nữa để mà trả cao hơn.
- Thì làm thủ tục vay tín dụng, - ông Nikolai khuyên.
- Vay tín dụng có mà chết à? – Ông Grigory lắc đầu. – Tôi đang nợ tín dụng đầm đìa đây này. Vợ tôi mới mua cái tivi màn hình tinh thể lỏng, phải trả góp cả năm nữa mới hết đấy. - Gì chứ hai chục ngàn thì tôi không bán, - bà Polina nói dứt khoát.
- Polina à, - ông Nikolai xen vào phân xử, - giá đó được rồi, bán đi. Ông ấy còn bù thêm một lít nữa cơ mà.
- Không! Tôi nói không là không! – Bà Polina
Foteevna dứt điểm.
“Ồ, chắc là bà ấy chỉ định đùa cho vui thôi, – tôi nghĩ bụng. – Chắc chắn bà ấy không bao giờ thực sự muốn bán. Ở đây đâu phải cửa hàng thú cảnh hay chợ chim chợ chó gì chứ.”
- Bây giờ thế này nhé, - ông Grigory xuống nước, - hai chục ngàn cộng với hai lít rượu vodka. Chịu chưa?
Cả hội nhao nhao đồng tình với “sáng kiến hòa bình” nọ, kiểu như là “có thế chứ!”. Ai đó còn thì thào:
- Hai lít chứ đâu phải chuyện đùa!
- Hai lít rưỡi! – Bà Polina phán. – Hai lít uống ở đây, tôi mang về một chai nửa lít. Ngày mai em gái ruột của tôi đến thăm, có cái mà đãi.
- Thôi được, đồng ý! – Ông Grigory phẩy tay. – Thế là xong rồi đấy nhé?
- Xong béng! – Bà Polina Foteevna gật đầu.
“Thế đấy! Bà già này trả ơn tôi như thế đấy! Bán tôi dễ dàng như bán con gấu nhồi bông đồ chơi của Trung Quốc. Than ôi, quả là cuộc đời chó má! Quãng đời sắp tới rồi sẽ ra sao đây?”
Những chuyện xảy ra tiếp theo ở dưới tầng hầm, tôi sẽ không kể chi tiết. Dễ sợ lắm. Nhưng tôi xin nói ngay: tôi vẫn được ở lại cùng bà Polina Foteevna. Số rượu vodka mà ông Grigory mang tới bị cả hội hủy diệt toàn bộ. Xin đừng nghĩ rằng bằng hành động ấy, họ tuyên chiến với nạn nghiện rượu. Tất nhiên không phải thế. Tôi nói “hủy diệt” ở đây có nghĩa là uống ráo. Sau đó, mọi người lăn ra sàn bê tông ngủ ráo. Thức dậy, họ cãi nhau, chửi nhau, nện nhau một hồi rồi giải tán, ai về nhà nấy. Tôi cứ chắc mẩm rằng bà Polina Foteevna đã quên béng vụ thỏa thuận giữa bà ấy với ông Grigory.
Nhưng tôi nhầm. Bà ấy ranh ma ra phết. Trên đường về, bà ấy luôn miệng lẩm bẩm: “Hừ, động chút là giở trò mua mua bán bán, làm như dễ lừa gạt mụ già mù lòa này lắm! Đồ vô lại! Đúng là quân nghiện ngập chết giẫm…”.
8
Hôm ấy chúng tôi về nhà quá trễ, khuya lắc khuya lơ. Như thường lệ, về tới nhà là bà Polina Foteevna bật tivi. Rồi bà ấy đổ thức ăn khô ra đĩa cho tôi, châm nước vào tô. Sau đó bà ấy nằm lăn ra ghế xa lông rồi… ngủ khò ngay tức khắc. Ăn xong, tôi cũng định đánh một giấc, nhưng bỗng nghe phát thanh viên đài truyền hình nói:
- Và bây giờ, chúng tôi xin nói về tình trạng chó hoang, chó chạy rông ở Matxcơva.
Các bạn biết rồi đấy, những tin tức liên quan đến chó là tôi nghe và xem say sưa, không biết mệt mỏi. Thì ra, ở Matxcơva hiện có đến khoảng 40.000 con chó hoang. Nghe mà thất kinh. Số lượng người như thế đủ cho một thị trấn đông đúc. Quả là một thành phố nhỏ trong lòng một thành phố lớn. Thành phố lớn có tên gọi Matxcơva. Còn thành phố nhỏ, tức cái thị trấn tôi vừa nói đến, có thể gọi là gì nhỉ? Ờ… hay gọi là Matxcơgâu. Có lẽ được đấy.
Các bạn thân mến! Nếu không muốn tìm hiểu về tình hình chó hoang, chó chạy rông ở Matxcơva, các bạn có thể bỏ qua chương này.
Từ lâu tôi đã nhận thấy rằng có thể bắt gặp chó hoang ở bất cứ xó xỉnh nào của thủ đô Matxcơva tráng lệ. Chúng có thể nằm nghỉ ngơi thư giãn trên bãi cỏ công viên, trong sân vườn chung cư, hoặc có thể chạy quanh các chợ, ngủ gà ngủ gật trong các ga tàu điện ngầm trên mặt đất hay dưới lòng đất, và đêm đến, chúng “tổ chức”
những màn “đồng ca, hợp xướng” với những tiếng gầm gừ, tiếng sủa, tiếng tru ghê rợn.
Nếu các bạn vẫn đọc tiếp chương này, có nghĩa là các bạn còn muốn biết ở đâu ra lắm chó hoang đến vậy. Chương trình mà tôi vừa được xem có sự tham gia của tiến sĩ sinh học Andrey Poyarkov, chuyên gia về chó sói. Hiện ông đang cố gắng lý giải hiện tượng này. Đề tài nghiên cứu của ông: tác động của những môi trường khác nhau lên hành vi và tổ chức xã hội của loài chó. Có thể các bạn không tin nổi: tiến sĩ Poyarkov nghiên cứu chó hoang đã mấy chục năm nay. Ông khẳng định rằng sau mấy thập niên qua, ngoại hình và tập tính hành vi của chó hoang Matxcơva có sự tiến hóa rõ rệt, vì chúng luôn phải thích nghi với điều kiện sống thay đổi hàng ngày hàng giờ. Gần như tất cả chó hoang hiện nay đều được sinh ra trong các công viên, lâm viên nội thành. Có một điều cần lưu ý: nếu một con chó nhà bị chủ đuổi ra đường thì cầm chắc con chó ấy trước sau gì cũng sẽ nhanh chóng đi đời. Theo tính toán của tiến sĩ Poyarkov, chỉ có khoảng 2% số chó ấy cầm cự được đến cuối đời để rồi chết bằng cái chết tự nhiên.
Các bạn thân mến! Đừng hi vọng rằng những con chó bị đuổi khỏi nhà như thế có thể có được chủ mới hay tìm được một chỗ nương thân gọi là tạm ổn. Không bao giờ! Nếu bạn đuổi con chó của mình ra khỏi nhà thì hãy cứ coi như bạn đã ký bản án tử hình cho nó. Rồi về sau, bạn sẽ sống như thế nào với lương tâm luôn bị dằn vặt của mình?
Tiến sĩ sinh học Poyarkov làm việc tại Viện các vấn đề sinh thái và tiến hóa mang tên A. N. Severtsov. Ông bắt đầu để tâm quan sát, nghiên cứu tập tính hành vi của chó hoang từ thập niên 70 của thế
kỷ 20. Ban đầu, ông chỉ lưu ý đến những con chó hoang sống gần khu vực nhà ông và những con chó ông nhìn thấy trên đường đi làm. Về sau, ông dần dần mở rộng phạm vi lãnh thổ nghiên cứu của mình lên đến một diện tích khoảng 10 kilômét vuông. Trong khu vực lãnh thổ đó có khoảng 100 con chó hoang sinh sống. Rồi ông dùng máy ghi âm ghi lại những âm thanh chúng phát ra, tìm hiểu cách thức tổ chức cộng đồng xã hội của chúng. Ông còn chụp ảnh, quay phim chúng bằng máy quay video để lập hồ sơ, rồi đánh dấu trên bản đồ vùng hoạt động của từng con một.
Phải thừa nhận rằng đó là một công trình nghiên cứu đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vô cùng lớn.
Trên tivi, ông Poyarkov phát biểu: “Chó hoang ở Matxcơva chính là cầu nối giữa chó nhà và chó sói, nhưng hiện chúng chỉ đang ở vào giai đoạn đầu của quá trình trở về với đời sống hoang dã của tổ tiên. Và khả năng đảo ngược quá trình này là rất nhỏ. Đưa một con chó hoang trở lại sống trong nhà cũng là một việc làm gần như vô vọng: những con chó đi hoang đã lâu ngày gần như không bao giờ chấp nhận trở lại với cuộc sống tù túng trong nhà”.
Kết luận cuối cùng của ông Poyarkov: “Về phương diện di truyền, chó sói và chó nhà gần như giống hệt nhau”. Tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận này. Nhưng cũng có những học giả cho rằng chó nhà có nguồn gốc từ chó rừng. Quả là sai lầm nghiêm trọng!
“Chó hoang được chia thành bốn loại, - ông Poyarkov nói tiếp, – xác định theo tập tính sinh hoạt, cách thức kiếm ăn, khả năng giao tiếp với người và mức độ thích nghi sinh thái.”
Những con chó hoang luôn cảm thấy thoải mái trong tiếp xúc với người được Poyarkov gọi là “chó canh gác”. Về nguyên tắc, lãnh thổ của chúng là nhà để xe, nhà kho, bệnh viện và các cơ sở khác mà khuôn viên có tường rào bao quanh. Ở chúng hình thành mối quan hệ nhất định với các nhân viên bảo vệ, tức những người cho chúng ăn uống và là người mà chúng coi là chủ.
“Giai đoạn thứ hai của quá trình hoang dã hóa là khi con chó giao tiếp với người về nguyên tắc, nhưng không phải là giao tiếp cá nhân, – ông Poyarkov nói. – Đó chỉ là hành vi ăn xin, và điều thú vị ở chỗ tất cả những con chó như thế đều là những nhà tâm lý học tuyệt vời”. Dẫn chứng đặc trưng của loại chó này: một con chó dường như đang lim dim ngủ, hoàn toàn không để ý gì đến đám đông đi ngang qua nó, nhưng rất nhanh chóng ngóc đầu dậy khi nhận thấy rằng có thể sẽ có miếng ăn. Con chó đi lại gần người mà nó chọn (một bà lão, ông lão hay một người phụ nữ phúc hậu nào đó), vươn cổ ra, hất cao mũi tỏ ra mừng rỡ, vẫy đuôi lia lịa và trong rất nhiều trường hợp, nó sẽ nhận được thức ăn từ người đó. Những con chó như thế không chỉ rất thính nhạy với mùi thức ăn mà còn cảm nhận rất chính xác người nào có thể cho chúng ăn, người nào không.
Nhóm thứ ba gồm những con chó có giao tiếp với người ở mức độ nào đó, nhưng sự tương tác xã hội của chúng hầu như chỉ hướng vào những con chó hoang khác. Phương thức kiếm ăn chính của chúng là nhặt nhạnh những thức ăn thừa rơi vãi trên đường phố và trong các thùng rác không đậy nắp ở ngoài trời. Thời trước, chó hoang kiếm ăn rất khó khăn, vì thức ăn thừa không có nhiều, các thùng rác lại bị quản lý chặt chẽ, thu dọn thường xuyên, do đó số lượng bầy đàn không lớn, rất nhiều chó hoang phải bỏ mạng vì đói,
vì bị săn lùng, tiêu diệt. Nhưng đến thời “hậu xô viết”, chính quyền ngừng hẳn việc săn lùng, tiêu diệt chó hoang, còn trong các thùng rác thì đầy ngập thức ăn thừa, toàn những thứ ngon bổ. Từ đó, chó hoang bắt đầu có được cuộc đời no đủ.
Nhóm thứ tư theo phân loại của Andrey Poyarkov bao gồm những con chó hoang man dã. Tuy sống trong thành phố nhưng chúng hoàn toàn không tiếp xúc với con người. Chúng vẫn biết đến người, nhưng cho rằng con người là loài động vật nguy hiểm. Chúng kiểm soát một lãnh thổ khá rộng lớn và trở thành thú săn mồi gần như chính cống. Chúng săn chuột nhắt, chuột cống, chim, sóc, thậm chí cả mèo. Chúng sống trong thành phố, nhưng thường tập trung ở những khu vực gần các cụm công nghiệp hay các công viên rừng. Gần như mọi sinh hoạt của chúng đều diễn ra vào ban đêm. Chúng chỉ đi ra ngoài đường khi nào trên đường thật vắng người.
Những con chó như thế giống với chó sói nhất.
Còn có một phân nhóm nữa của chó hoang, mang những nét đặc thù khác biệt hẳn so với bốn nhóm chó hoang kể trên – đó là chó sống trong các ga tàu điện ngầm. Ông Andrey Neuronov, một trong những chuyên gia hàng đầu về chó cho biết: “Chó hoang xuất hiện trong các nhà ga nằm dưới mặt đất của hệ thống tàu điện ngầm chỉ vì một lý do đơn giản là người ta cho phép chúng xuống đó. Tình trạng này bắt đầu diễn ra từ cuối thập niên 1980. Với sự nới lỏng các quy định, chó được phép lên các phương tiện giao thông công cộng, lúc đầu là tàu điện, xe buýt, sau đó là tàu điện ngầm”.
Ông Neuronov cho biết, trong toàn hệ thống nhà ga tàu điện ngầm của Matxcơva có khoảng 500 con chó hoang sinh sống, số lượng có thể tăng lên vào mùa đông giá rét, nhưng chỉ có khoảng 20