🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chó Dẫn Đường Phiêu Lưu Ký – Tập 1 Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS Lời tác giả 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 24 25 26 27 Lời tác giả “Chúng tôi có đôi mắt đã chết, nhưng trái tim vẫn đang sống”. Lần đầu tiên tôi nghe câu nói này năm 12 tuổi, từ miệng một cậu bé mù mà tôi tình cờ làm quen trong công viên. Câu chuyện của cậu bé ấy về cuộc đời mình làm xao động lòng tôi, đến nỗi tôi quyết định thử đóng vai người mù để chiêm nghiệm nỗi đau tinh thần mà cậu phải chịu đựng hàng ngày, hàng giờ. Đợi đến kỳ nghỉ hè, tôi quyết “cất giấu” đôi mắt của mình trong vài ngày. Kết quả là tôi sống được ba ngày với dải băng đen bịt mắt. Không có một ngoại lệ nào cả - suốt 72 giờ tôi sống cuộc sống của người mù. Ăn uống, đi dạo trong sân, chơi với con chó cưng của mình, thay sách thường bằng sách nói, nghe tivi… Xin nói ngay – rất dễ sợ. Thỉnh thoảng có cảm giác không thể chịu đựng nổi. Ngay trong ngày đầu tiên (ôi, ngày mà nói làm gì – ngay giờ đầu tiên), tôi đã muốn giật phắt cái mảnh băng đen ấy ra và không bao giờ tiến hành những cuộc thử nghiệm như thế nữa. Xin nói thực lòng, chính tôi cũng không biết làm sao tôi có thể vượt qua được ba ngày “đen tối” đó. Nhưng dù sao điều đó cũng không giúp cảm nhận được đến tận cùng những gì người mù phải chịu đựng. Bởi vì tôi biết rằng một ngày, hai ngày rồi ba ngày sẽ trôi qua và tôi sẽ lại được nhìn thấy mẹ, thấy bầu trời xanh, bãi cỏ xanh, ráng chiều hồng nhạt. Một lần, trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ: “Nếu bỗng cứ thế này vĩnh viễn thì sao?”. Lòng dạ trở nên bồn chồn bất an. Đêm cuối cùng, tôi nằm hoài không sao ngủ được, không chỉ chực khóc thầm mà còn muốn khóc ầm lên. Có một chuyện tôi không sao lý giải nổi – hoặc đó là ảo ảnh, hoặc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên: ngay sau khi tháo băng bịt mắt, tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời và trông thấy một chiếc cầu vồng. Tôi rất thích ngắm nhìn cầu vồng và thường buồn tiếc khi nó biến mất. Nhưng hôm đó không hiểu tại sao tôi không cảm thấy hứng thú cho lắm. Ý nghĩ đầu tiên vụt đến trong đầu: người bạn của tôi không bao giờ có thể nhìn thấy vẻ đẹp lung linh ấy. Và lúc đó tôi tự hứa với lòng mình: “Một khi còn sống trên đời, tôi còn nỗ lực giúp đỡ người mù!”. Một học sinh có thể làm gì để giúp người khiếm thị? Tôi bắt đầu thu thập tư liệu, làm quen với các huấn luyện viên dạy chó dẫn đường, liên hệ thư từ với những người khiếm thị và cuối cùng, tôi viết nên cuốn sách về một cậu bé mù và người bạn bốn chân của cậu – con chó dẫn đường Trison thuộc giống Labrador. Tất nhiên, tôi đặt tên cho cuốn sách là “Cầu vồng tặng bạn” (Bản dịch tiếng Việt có tựa đề “Chó dẫn đường phiêu lưu ký”). Sau khi xuất bản ở Nga, cuốn sách lập tức được dịch ra tiếng Đức và được Hội các nhà văn sáng tác bằng tiếng Nga của Cộng hòa Séc cho đăng tải trên tạp chí Prague chuyện cảm động không đến từ con người Parnas, sau đó còn được dịch sang tiếng Bulgaria, tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Một số nhà hảo tâm đã tài trợ cho kế hoạch xuất bản cuốn “Cầu vồng tặng bạn” ở Nga bằng chữ nổi Braille trên giấy. Hiện cũng đang có dự án xuất bản cuốn sách này bằng phiên bản điện tử để người khiếm thị có thể đọc qua màn hình chữ nổi. Đây là một dự án rất tốn kém. Tuy nhiên, Quỹ “Những trái tim đang sống” do tôi đề xướng hiện đang phát triển rất mạnh, đã quyên được một số tiền khá lớn, đủ để thực hiện một số dự án có mục đích giúp đỡ người khiếm thị ở Nga. Nhưng có một điều đáng tiếc, không phải tất cả những người khiếm thị đều có chương trình phần mềm đặc biệt để đọc sách điện tử, không phải ai cũng có khả năng tài chính để có thể sở hữu màn hình chữ nổi Braille. Vì thế, rất nhiều người khiếm thị yêu cầu xuất bản sách nói. Đối với họ, đó là phương thức duy nhất để tiếp cận với nền văn học cổ điển và đương đại. Xin hãy tin rằng người khiếm thị cũng là những con người giống hệt chúng ta. Trong số họ có không ít tài năng sáng tạo – những nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sáng chế và thậm chí có cả những họa sĩ, vận động viên thể thao. Giống như chúng ta, họ cũng biết yêu thương, vui mừng, buồn chán, đồng cảm – tóm lại, mắt họ đã chết nhưng tim họ vẫn sống. Xin hãy chia sẻ với họ một phần trái tim của mình và đặt lên đó một chiếc cầu vồng dành tặng những người khiếm thị! Nhân dịp những cuốn sách của tôi được xuất bản bằng tiếng Việt, với tất cả trái tim mình, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn Công ty First News và dịch giả Phạm Bá Thủy về những nỗ lực to lớn nhằm giới thiệu những tác phẩm của tôi đến bạn đọc. Hi vọng, đây là bước khởi đầu thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác lâu dài. Tôi rất mừng vui khi sách của tôi đã tìm được bạn đọc ở đất nước Việt Nam hiếu hiền, tươi đẹp. Tôi cũng hi vọng sẽ có một ngày, bản dịch tiếng Việt những cuốn sách nói về con chó dẫn đường của tôi sẽ đến được với người khiếm thị Việt Nam qua phiên bản sách nói hoặc sách điện tử. Hẹn gặp lại cùng hai cuốn sách tiếp theo của tôi về chú chó Trison dũng cảm mà tôi vừa mới hoàn thành. Với tất cả lòng kính trọng chân thành và niềm hi vọng vô biên. - Mikhail Samarsky Phần 1 Đường về nhà 1 Tôi đang đứng với người đầu tiên được tôi dẫn đường, ông cụ Ivan Savelievich (nay cụ đã về cõi vĩnh hằng), ngay trước lối đi băng ngang qua đường dành cho người đi bộ, chờ đèn xanh. Nhiệm vụ của tôi là canh chừng cho đến khi tất cả xe cộ từ hai hướng dừng hẳn. Không những dừng hẳn, mà còn phải dừng đúng vị trí quy định. Các bạn là người, chắc các bạn nghĩ rằng việc kẻ lằn sọc dưa dành cho người đi bộ ở trước cột đèn tín hiệu giao thông là thừa. Nhân tiện đây, tôi xin đề nghị các đồng chí lái xe chớ lấn lên phần kẻ sọc dưa ấy. Người sáng mắt thì đơn giản rồi, họ có thể vòng tránh mũi xe và đi tiếp. Nhưng người được tôi dẫn đường thì không thể nào hiểu ngay được là tôi muốn gì – đang đi thẳng theo lối băng ngang đường, bỗng dưng con chó dẫn đường lại kéo mình sang hướng khác. Các bạn có hiểu không? Tôi không biết nói tiếng người. Tôi chỉ biết ư ử trong họng và kéo sợi dây nối từ băng đai(*) trên ngực tôi đến tay người mà tôi dẫn đường, thậm chí đôi khi còn phải sủa lên vài tiếng. Người được tôi dẫn đường có thể bối rối, dừng lại để phán đoán xem có phải tôi bày ra trò gì kỳ cục hay không, và gõ đầu gậy xuống mặt đường hoặc lên ngay đầu xe. Cộc, cộc, cộc. Không ít tài xế thò đầu ra mắng: “Làm trò gì thế, điên à? Trầy hết xe người ta”. Nhưng ông ấy không phải kẻ điên. Ông ấy phải xác định xem có cái gì đang hiện diện ngay trước mặt. Không phải lúc nào cũng có thể sờ mọi thứ bằng tay, vì có những thứ mà sờ vào thì bàn tay cứ gọi là đi đứt luôn. (*) Beast - band: Thiết bị chuyên dụng dành cho chó dẫn đường. Tóm lại, trong lúc phân bua thì đèn vàng nhá lên, rồi đèn xanh bật sáng, những chiếc xe đang dừng bắt đầu rồ máy. Khi các tài xế đạp chân ga - đó chỉ mới là một nửa tai họa. Còn có những gã cuồng vừa nhấn ga vừa bóp còi inh ỏi, như thể muốn gào lên: “Lão mù kia, qua lẹ chút coi!”. Họ còn huýt gió, búng lưỡi, kiểu như hối thúc tôi. Các bạn người ơi, giá các bạn biết rằng những lúc như thế, tôi chán các bạn đến mức nào. Đôi khi nhìn các bạn mà nghĩ: tại sao các bạn không biết xấu hổ nhỉ? Bởi vì tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Chẳng lẽ nhanh được vài giây là các bạn sướng bụng lắm sao? Các bạn người ơi, tôi hết lòng cầu mong: hễ nhìn thấy người mù có chó dẫn đường (tôi cũng là chó dẫn đường đấy), xin hãy hành xử bình tĩnh, nhẹ nhàng hơn một chút, đừng làm chúng tôi giật mình, hoảng sợ, đừng gây tai nạn. Các bạn đồng ý chứ? Ấy, cũng có lúc, chúng tôi đang đứng chờ đèn ở trước làn kẻ sọc dưa bỗng lỗ mũi bên phải của tôi ngửi thấy một thứ mùi có thể giết chết con người ta được. Cái thứ mùi quen thuộc đến mức quặn thắt cả dạ dày – tôi từng ngửi thấy mùi này khi đi ngang qua một ki-ốt có biển đề “Gà nướng Shawarma”. Tôi cố gắng tập trung nhìn đường, nhưng một góc con mắt vẫn liếc xéo sang bên và nhìn thấy một miếng thịt gà ướp nho đã được nướng vàng ruộm, thơm phức… Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tại sao lúc đó tôi có thể kiềm chế bản thân để không vồ lấy miếng mồi ngon tuyệt đó. Thế mới biết, trường dạy chó để lại trên từng học viên dấu ấn kỷ luật sâu đậm đến mức nào. Tất nhiên là tôi vô cùng cảm ơn các bạn người về tình thương mến, về lòng tốt muốn đãi miếng ăn ngon, nhưng các bạn người ơi, lúc này tôi đang làm nhiệm vụ. Các bạn có hiểu không? Tôi không phải là chú cún con luôn được nuông chiều đang nhàn rỗi vô tư dạo chơi cùng chủ. Tôi đang làm việc. Tôi nói nghiêm túc nhé: không phải chỉ đơn giản là tôi đi cùng với người mù đâu, mà chính là tôi đang lao động đấy. Công việc của tôi chẳng nhẹ nhàng chút nào. Nhiệm vụ của tôi là đưa người mù được tôi dẫn đường đến nơi nào mà người ấy cần đến, và không chỉ có thế mà còn phải làm sao để trong lúc đi, người đó không bị vấp ngã, không cụng đầu vào cột đèn, thậm chí không vô tình bước vào vũng nước. Tôi có nghĩa vụ phải cảnh báo về các loại trở ngại trên đường, phải luôn kịp thời dừng lại trước các chướng ngại vật và tạo điều kiện cho người đó dùng gậy kiểm tra, xác định cụ thể xem vật chướng ngại trước mặt mình là gì. Nếu vật chướng ngại chắn mất một phần lối đi, tôi sẽ vòng sang trái hoặc sang phải và như vậy, thông qua sợi dây nối, tôi hướng dẫn người mù vòng tránh theo tôi. Ngoài ra, tôi còn phải để ý giúp người mù được tôi dẫn đường tránh được những cành cây sà thấp hoặc những vật chướng ngại nằm ở tầm chiều cao của người ấy. Nhiệm vụ của tôi cũng bao gồm cả việc giúp người mù được tôi dẫn đường không bị va vào người khác. Khi lên xuống các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện, tôi phải tìm đúng cửa lên hay cửa xuống. Tóm lại, đủ thứ chuyện cần phải quan tâm, lưu ý. Liệu các bạn có hình dung nổi công việc của chó dẫn đường là gì không? Nếu bạn nào trả lời rằng “có” thì chớ trách, tôi sẽ cắn bạn đấy! Chớ hấp tấp tự tin thái quá! Hãy đừng vội nói “có”. Để hình dung được và hiểu tường tận công việc của tôi, xin mời bạn thử đeo băng đai lên mình và bỏ ra vài năm để đi cùng những người “chủ” đáng thương của mình. Hẳn các bạn đã để ý thấy rằng tôi dùng từ chủ trong ngoặc kép. Vâng, quả có một số người mù coi mình là chủ của chó dẫn đường, mặc dù không có chúng thì họ không thể đi đâu lấy nửa bước. Nếu tôi muốn cho người tự cho mình là chủ của tôi đập trán vào tường hay va đầu vào cột chẳng hạn thì đối với tôi, việc ấy dễ như trở... bàn chân (xin nói thêm, tôi thuộc giống chó Labrador và là bà con với con chó của một chính trị gia tiếng tăm). Nhưng tôi là một con chó đặc chủng, chuyên nghiệp, được đào tạo trong trường dạy chó dẫn đường suốt hai năm, tương ứng với 10 năm của loài người. Trong khoảng thời gian 10 năm đó, các bạn đã có thể lấy được hai cái bằng đại học. Dĩ nhiên tôi không bao giờ chơi trò bẩn để làm hại người mà tôi dẫn đường. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ người đó tránh mọi rủi ro trên đường và không bị lạc lối. Nhưng rất buồn lòng khi nghe người ta nói: chủ của mày… Người mà tôi dẫn đường không phải là chủ của tôi. Đó là bạn của tôi. Tôi dám bảo đảm rằng trong số những người bạn hai chân của người đó không một ai có thể trung thành và tận tụy như tôi. Các bạn có thể nhếch mép cười khẩy, thậm chí cho tôi cái đá, nhưng điều đó vẫn là sự thật không gì lay chuyển nổi. Chính các bạn đã nghĩ ra câu thành ngữ “Thật tốt khi chó là bạn ta, nhưng thật tệ khi bạn ta là chó”. Các bạn đã nghĩ ra, nhưng lại không suy nghĩ cho thật kỹ, dù Tạo hóa đã ban cho các bạn trí tuệ và năng lực tư duy. Nếu bạn của các bạn là chó thì đã sao nào? Nhưng thôi… Tôi đã hiểu các bạn ngụ ý gì trong câu thành ngữ ấy. Vì vậy tôi không tự ái đâu. Tóm lại, nếu các bạn thấy câu chuyện này là thú vị, tôi xin kể tiếp. Tôi đã được 5 tuổi. Tính theo tuổi của loài người thì tôi lớn tuổi hơn gấp đôi so với người mà tôi dẫn đường hiện nay (Sahka lúc này 13 tuổi). Trước đây tôi từng làm việc với một ông già hưu trí bị mù, ông cụ Ivan Savelievich. Đó là một con người tuyệt vời và là một người bạn tốt của tôi. Thậm chí cụ còn cho phép tôi nằm lăn trên giường của cụ. Mỗi khi về đến nhà, cụ Ivan Savelievich liền tháo băng đai trên ngực cho tôi, cho tôi ăn, chải lông cho tôi và nói: - Nào, Trison, nghỉ ngơi đi con. Các bạn nghĩ rằng đeo cái băng đai ấy trên mình mà đi lại nhẹ nhàng lắm sao? Buổi tối, khi thoát được khỏi băng đai, tôi khoan khoái nằm ngửa ra, đưa bốn chân lên trời, duỗi thẳng mình hết cỡ, sau đó chạy nhảy đôi chút, chơi với quả bóng tennis. Ông cụ Ivan Savelievich không bao giờ la mắng tôi, kể cả cái lần tôi làm vỡ bình hoa. Ông già hiểu rằng chỉ là do tôi sơ ý mà thôi. Tôi xấu hổ lắm, chỉ biết nép sát vào chân cụ, khẽ rên ư ử. Cụ vuốt ve tôi và bảo: - Đừng khóc nữa, Trison, mặc kệ cái bình hoa. Bình vỡ là điềm lành đấy. Vận may sắp đến rồi. Tới giờ tôi vẫn không hiểu nổi, vận may nào có thể đến từ cái bình hoa vỡ? Tôi cũng chưa bao giờ nghe người ta nói điều đó trên tivi. Thế rồi ông cụ Ivan Savelievich của tôi qua đời. Sau khi cụ mất, người ta trả tôi về trường. Tôi buồn và nhớ ông bạn già của mình làm sao! Đến miếng ăn cũng không nuốt nổi. Lúc nào cũng lo nghĩ, không biết người ta sẽ giao tôi cho ai… Tôi không biết số phận tình cờ đưa đẩy thế nào mà một ngày nọ, Sashka, chủ… à không, người được tôi dẫn đường hiện nay, đến trường của chúng tôi. Nếu bạn là người sáng mắt và chưa bao giờ gặp phải những vấn đề của người khiếm thị thì nhân đây tôi sẽ giải thích cho bạn. Trước khi chúng tôi (chó dẫn đường) được giao cho người ch… (các huấn luyện viên quen gọi những người mà chúng tôi dẫn đường là chủ của chúng tôi nên tôi cũng thỉnh thoảng buột miệng gọi theo), tóm lại, trước khi được giao cho người mới, chó dẫn đường phải có một khoảng thời gian làm quen với người đó, tìm hiểu tính nết, ngoại hình, thậm chí cả mùi đặc trưng của nhau. Dĩ nhiên chỉ có tôi mới nhìn thấy ngoại hình của người bạn mới, còn người đó do bị mù nên không thể nhìn thấy tôi, chỉ có thể nghe, sờ và ngửi, để bảo đảm không bị dị ứng hay lây nhiễm ve, rận. Chỉ loài người mới rắc rối lắm chuyện như thế, chứ loài chó chúng tôi đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, trong đời chó dẫn đường không phải không có những chuyện kỳ lạ. Chẳng hạn cô nàng Lada bạn tôi, mặc dù từng làm việc rất tốt với nhiều người mù, nhưng lại không cách nào tìm được tiếng nói chung với người tiếp theo. Cuối cùng, người đó phải trả Lada về trường. Cũng xin nói thêm rằng trường của chúng tôi là trường đào tạo chó dẫn đường rất có bài bản, quy củ. Nếu có nhu cầu về chó dẫn đường, xin các bạn hãy liên hệ trường chúng tôi. Tất nhiên là hiện nay tôi không còn có mặt ở trường, nhưng tôi xin bảo đảm các bạn sẽ không thất vọng về những bạn bè của tôi ở đó. Các bạn có biết là chúng tôi được huấn luyện và kiểm tra nghiêm ngặt như thế nào không? Ồ, đủ các bài khảo thí và thử thách… Nói cách khác, không phải bất cứ con chó nào cũng được nhận vào trường đâu nhé. Chúng tôi – những “sinh viên” của “trường đại học” ấy – đều phải giữ được sự cân bằng tâm lý, không bị tác động bởi các loại tiếng ồn (phải cố làm như không nghe thấy), phải biết phớt lờ lũ mèo đáng ghét, coi chúng như… chết rồi. Nhưng trong thực tế, dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải nhìn thấy chúng (làm sao có thể không thấy chúng được?), nhưng tôi muốn nói là có nhìn thấy cũng đừng để ý đến chúng. Tôi lại sai nữa rồi. Chúng tôi vẫn để ý đến chúng. Nhưng chúng tôi tuyệt đối không có quyền phản ứng trước những… trò mèo của chúng. Lũ mèo khốn lợi dụng triệt để điều khoản này để chọc phá chúng tôi. Tôi nói nghiêm túc đấy. Xin dẫn chứng một trường hợp xảy ra cách đây không lâu. Tôi dẫn Sashka vào cửa chung cư để lên cầu thang (cầu thang có rất nhiều bậc, cần phải hết sức cẩn thận), bỗng nhiên từ căn hộ ở tầng trệt lao ra một ả mèo Ba Tư (gọi theo nòi hay theo màu lông, hiểu thế nào cũng được). Bộ dạng cô ả trông dị hợm đến thảm hại, trên cổ đeo chiếc nơ hồng thấy phát ớn, móng được cắt ngắn, đuôi xù bốc mùi nước hoa gắt chết đi được, hai tai thì như hai cái chảo ăng ten định vị, chìa sang hai bên. Tôi xin thề với các bạn bằng danh dự loài chó rằng trong đầu tôi không hề có ý nghĩ là sẽ gừ lên một tiếng chứ đừng nói là sủa, mặc dù rất bực con mèo gớm ghiếc ấy. Vậy mà cô nàng tiểu thư lông vàng chẳng biết điều thì chớ, lại còn “phừ” lên một tiếng rõ to, xù đuôi ra, cong lưng lại rồi bất ngờ cho tôi một vả vào mõm, ấy, xin lỗi, vào mặt. Tức điên, nhưng tôi chỉ âm thầm liếm mấy giọt máu mằn mặn quanh mép rồi lặng lẽ đưa Sashka về nhà. Chứ biết làm gì bây giờ? Chúng tôi không được phép lơ là nhiệm vụ để ăn thua đủ với lũ mèo ngu ngốc ấy. Trước khi tôi về nhà này, Sashka sống cùng với mẹ và bà. Bố cậu ấy đã qua đời do một vụ tai nạn xe hơi. Thì ra trong cái ngày định mệnh ấy, Sashka cũng ngồi trong xe cùng bố. Lúc đó cậu mới 11 tuổi. Bác sĩ đưa ra phán quyết: mống mắt và thủy tinh thể bị tổn thương vĩnh viễn! Tôi không hiểu gì lắm về những thuật ngữ y khoa tinh vi phức tạp ấy, chỉ biết rằng kể từ ngày bị tai nạn, cậu bé không còn nhìn thấy gì được nữa. Trong nhà, mọi người thường bàn về chuyện có một vị bác sĩ danh tiếng nào đó có thể phục hồi thị lực cho Sashka, nhưng cụ thể mọi việc sẽ diễn ra như thế nào và khi nào sẽ diễn ra thì không ai biết. Hiện tại, tôi vừa là bác sĩ, vừa là đôi mắt, vừa là người bạn của cậu ấy. 2 Tôi cùng Sashka nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Kể ra thì ban đầu tôi cũng có hơi buồn lòng cậu ấy một chút. Chút xíu thôi, không nhiều. Bây giờ các bạn hãy tự suy luận xem nhé. Các bạn biết rồi, tên tôi là Trison. Trong thời gian tôi và Sashka cùng tập làm quen với nhau ở trường, cậu ấy vẫn gọi tôi bằng cái tên đó. Mọi chuyện ổn cả. Sashka xuất sắc vượt qua kỳ thi sát hạch. Bạn ngạc nhiên lắm sao? Làm việc cùng với tôi, bất cứ người mới nào cũng đều thi đỗ. Tôi không chỉ đơn giản thực hiện mệnh lệnh của người mà mình dẫn đường, mà còn thường xuyên thể hiện những sáng kiến tuyệt vời, đúng lúc, đúng nơi, dĩ nhiên là trong khuôn khổ cho phép. Tóm lại, mọi chuyện hoàn toàn trôi chảy. Tôi được về nhà sống với Sashka (mẹ cậu ấy cũng tham gia đưa tôi về đấy). Ở nhà còn có bà ngoại của Sashka, bà Elizaveta Maximovna(*). Bà ấy đón tôi cũng rất niềm nở. Tôi chỉ biết tên bà một cách tình cờ – có lần người hàng xóm sang chơi và gọi bà như thế. Còn trong nhà thì mọi người đều gọi bà bằng “bà”. Tôi để ý thấy ở loài người có một số điều kỳ quặc. Sashka gọi bà Elizaveta Maximovna là “bà” thì đã đành rồi, vì cậu ấy là cháu ngoại, đằng này, bà Svetlana Sergeevna (mẹ của Sashka) cũng gọi bà cụ bằng “bà” luôn. Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao con gái lại gọi mẹ mình bằng “bà”? Loài người các bạn đôi khi cũng khó hiểu thật đấy. Nhưng mà thôi, chuyện ấy chẳng quan trọng bao nhiêu. (*) Gọi tên kèm phụ danh là cách xưng hô kính trọng của người Nga - ND Còn tôi, tôi là Trison. Các bạn biết đấy, đó là một cái tên. Nhưng liệu các bạn có biết cái tên ấy có ý nghĩa như thế nào không? Ái chà! Đó không phải là một cái tên tầm thường kiểu như Tuzik là cái tên thường dành cho chó đốm công tử bột, hay Rex thường dùng cho những con chó què chân đâu. Ông cụ Ivan Savelievich đã nói cho tôi nghe tường tận về cái tên của tôi. Tôi không chỉ là hậu duệ của một nòi chó quý, mà tên của tôi cũng là một cái tên cao quý. Đó là tên của một ông vua Tây Tạng ngày trước. Từ rất lâu rồi, chắc phải đến hàng mấy trăm năm, vua Trison Dentsen đã nghiệm ra rằng chỉ có thể đạt được sự giác ngộ bằng con đường tự hoàn thiện về đạo lý và tinh thần dưới sự hướng dẫn của sư phụ. Tôi không hề khoe khoang khoác lác chút nào, nhưng phải nói rằng sư phụ của tôi ở trường dạy chó thì không chê vào đâu được. Hẳn các bạn đã hiểu ra tâm nguyện của tôi. Chẳng phải nói đùa đâu – tôi ước nguyện trở thành một con chó nòi Labrador được đốn ngộ tâm Phật. Thế rồi chẳng biết căn cớ gì mà bỗng dưng Sashka lại gọi tên tôi là Trisha. Lúc đầu tôi còn không hiểu là cậu ấy gọi tôi hay gọi ai. Một buổi sáng sớm, cậu ấy thức dậy, quờ tay xuống sàn nhà bên cạnh giường, tìm tôi. Nhưng tôi không ngốc đến nỗi lại nằm dưới sàn ngay bên cạnh giường. Tôi luôn nằm ở phía cuối giường để phòng hờ nhỡ đêm Sashka có dậy đi tiểu thì cũng không giẫm phải tôi. Khi nghe tiếng bàn tay Sashka quờ quạng trên sàn, tôi nhổm dậy và sủa khe khẽ trong họng để báo cho cậu ấy biết là tôi đang ở trong phòng. Bỗng tôi nghe cậu ấy nói: - Tri… Trisha, bạn đang ở đâu vậy? Tôi ngồi yên, tưởng rằng cậu ấy đang tìm kiếm món đồ chơi nào đó. Tôi nhìn quanh, thấy chẳng có đồ vật nào khả dĩ tương ứng với cái tên Trisha cả. Bác gấu bông oai vệ ngồi trong góc phòng. Nhưng hôm qua Sashka đã nói rằng bác ấy tên là Mập cơ mà. Vậy Trisha là cái quỷ gì? Tôi chẳng hiểu gì cả. Sashka ngồi thừ một lát trên giường rồi gọi: - Trison! A, vậy ra cậu ấy gọi tôi. Tôi chạy đến, dụi mũi vào đầu gối cậu. - Trison yêu quý. Bạn ngủ có ngon không? Có bị lạ chỗ không? Điều này khiến tôi sửng sốt: hóa ra Sashka thật sự gọi tôi là Trisha. Vụ này hơi bị lạ à nha. Trisha là cái quỷ gì thế, anh bạn? Sashka, bạn làm sao thế? Nhưng khổ tâm nhất là tôi không thể làm gì được. Kể từ khi Sashka gọi tôi như thế, cái tên Trisha gần như gắn luôn với tôi. Tiếp theo sau Sashka, mẹ Svetlana Sergeevna và bà ngoại Elizaveta Maximovna cũng gọi tôi là Trisha. Lúc đầu tôi khó chịu vô cùng. Hễ ai cất tiếng gọi “Trisha!” là lông trên mình tôi dựng đứng cả lên, cái tên oai hùng của tôi coi như đã bị quên lãng. Đang là hoàng đế Tây Tạng bỗng dưng bị truất ngôi, biến thành một con chó bông đồ chơi nào đó. Giá mà các bạn nhìn thấy tôi nhỉ. Tôi không chỉ đơn thuần là con chó vàng theo nghĩa có bộ lông màu vàng, mà tôi thật sự là một con chó-vàng-ròng! Các bạn không tin ư? Hãy nhìn ngắm tôi thật kỹ dưới ánh nắng Mặt trời chói chang, đặc biệt là sau khi tôi vừa được tắm và chải lông xong. Vẻ đẹp ấy không thể tìm thấy ở bất cứ con chó nào. Các bạn hẳn phải tự hào ngất ngưởng nếu có được những bậc tiền bối oanh liệt, kiêu dũng như tổ tiên tôi. Tổ tiên của tôi là chó của người Viking và người Basque – những chiến binh dũng mãnh và những người thông minh tài giỏi từng sinh sống trên đảo Newfoundland(*). Trước thế kỷ XVIII, người châu Âu chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy một con chó thuộc nòi Labrador. Theo những người đi biển, nếu chúng tôi, chó Labrador, có mặt trên tàu thuyền thì đó chính là sự bảo đảm cho chuyến hải hành may mắn. Quan niệm ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu cho rằng đó chỉ là sự mê tín dị đoan tầm thường thì các bạn đã lầm to. Tổ tiên chúng tôi đã giúp đỡ con người rất nhiều. Nếu thuyền gặp nạn hoặc bị đắm, chó Labrador sẽ ngậm đầu dây thừng bơi về phía bờ để mọi người lần theo. Không ít trường hợp chó Labrador kéo được những thủy thủ bị thương hay kiệt sức vào bờ. (*) Một đảo lớn, thuộc tỉnh Newfoundland và Labrador của Canada Mỗi lần đi biển, các thủy thủ Newfondland đều mang theo vài con chó. Dĩ nhiên đó là những con chó Labrador mà tôi là hậu duệ. Tổ tiên của tôi từng mang những cái tên như Sóng dội bờ hay Gió lộng. Các bạn hiểu ý nghĩa của những cái tên này chứ? Sóng dội bờ, Gió lộng, chao, nghe mới kiêu hãnh làm sao! Vậy mà giờ đây tôi lại bị gọi bằng cái tên Trisha cực kỳ vớ vẩn. Làm sao mà không ấm ức, làm sao mà không bực mình được cơ chứ! Dù sao thì tôi cũng buộc phải chấp nhận thôi. Thây kệ, các người muốn gọi sao thì gọi! Lần nọ, một người bạn già nào đó của cụ Ivan Savelievich gọi sai phụ danh của cụ từ Savelievich thành Savich hay Stepanovich gì đó. Phải chi biết nói tiếng người, tôi đã nhắc ông già ấy, nhưng, các bạn biết đấy… Tôi nhìn cụ Ivan Savelievich và thấy cụ không có phản ứng gì, cứ như không hề nghe thấy tiếng gọi ấy. Ông già nọ gọi hoài, gọi mãi. Rồi bỗng ông ấy như giật mình chợt tỉnh, kêu lên: - Ôi, Ivan Savelievich, xin lỗi nhé, ông bạn. - Ông già vỗ trán mình đánh bốp một cái. – Trí nhớ chết tiệt đang dần bỏ mình mà đi mất rồi. - Không sao, không sao, ông Timofey Ivanych ạ! - Cụ Ivan Savelievich nói. - Có gọi tên khác đi cũng chẳng sao. Cứ gọi tôi là cái nồi cũng được, miễn là đừng bắc tôi lên bếp. Tôi nhớ đến ông bạn già của mình và thế là thôi không buồn giận Sashka nữa. Trisha thì Trisha. Thậm chí gọi tôi là cái nồi cũng được. Nếu các bạn hào hứng muốn nghe, tôi sẽ giải thích ngắn gọn về nguồn gốc tên gọi giống chó Labrador của tôi. Cụ Ivan Savelievich kể rằng hiện nay có 3 giả thuyết. Thứ nhất: tên gọi này có xuất xứ từ bán đảo Labrador ở gần đảo Newfoundland quê cha đất tổ của tôi. Thứ hai (tôi thích giả thuyết này nhất): xuất phát từ chữ “labrador” trong tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là “người lao động”. Giả thuyết thứ ba nghe hơi kỳ cục, nhưng một khi đã trót nói ra thì phải nói đến đầu đến đũa: có một loại khoáng sản màu đen ánh sắc xanh, có tên gọi “labrador”. Tại sao tôi không thích giả thuyết này? Tại vì chỉ tổ tiên chúng tôi mới có màu lông đen, còn ngày nay, những anh em chung nòi giống chúng tôi đều mang màu lông vàng như tôi cả, thậm chí còn có những con chó Labrador lông màu sôcôla sẫm. Không, không có chuyện khoáng sản hay bán đảo gì hết. Tên gọi của nòi chó chúng tôi chắc chắn xuất phát từ cái từ đẹp đẽ ấy trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Người lao động thì dù ở châu Phi cũng vẫn là người lao động, như Sashka của tôi thường nói. Chó Labrador chúng tôi chỉ được đưa vào Nga hồi cuối thập niên 1960. Có lần tôi nghe cụ Ivan Savelievich kể với ai đó rằng nhà văn Canada Forley Mowat từng tặng ông Kosyghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô một con chó thuộc giống Labrador. Về sau, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng tặng ông Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, một con chó thuộc giống ấy. Thời gian đầu, chó Labrador chỉ sinh sống ở Matxcơva và Riga(*). Giờ đây, các bạn có thể bắt gặp chó Labrador ở khắp nơi trên đất nước Nga. Tôi sinh ra tại Nga. Mặc dù ở Mỹ và Anh, chó Labrador là một trong những giống chó phổ biến nhất, được nuôi nhiều nhất, tôi vẫn muốn được sống và làm việc, giúp đỡ con người ở nơi chôn nhau cắt rốn. Các bạn chắc đã hiểu rằng chúng tôi từng phục vụ con người từ thời xa lắc? Chó Labrador chúng tôi rất thân thiện với con người. Các bạn cứ tin đi, chúng tôi rất sáng dạ và không hung hãn như một số giống chó khác. Đặc tính quan trọng nhất của giống chó Labrador là thân thiện với con người, luôn sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ con người. (*) Thủ đô của nước Cộng hòa Latvia – một trong 15 nước thuộc Liên bang Xô viết trước đây 3 Một hôm, tôi nghe mẹ nói chuyện với bà. - Sashka đã vui vẻ, sinh động hơn nhiều rồi đấy. – Mẹ nói. – Có con chó, nó đỡ buồn hẳn. - Nhưng điều quan trọng nhất là đừng để con chó làm hại Sashka. – Bà trả lời. – Dù sao thì cũng chỉ là con chó. Loài thú mà… Nghe những lời ấy, tai tôi dựng ngược cả lên. Trời! Làm sao có thể ăn nói bộp chộp như vậy được? “Đừng để con chó làm hại”, “Loài thú”… Hừm, bà coi tôi là loài thú. Đối với bà, tôi là con sói hay con lợn lòi bị thương chăng? Bà có chịu suy nghĩ trước khi nói không vậy? Thảo nào cụ Ivan Savelievich thường khẳng định rằng các cụ ông bao giờ cũng khôn ngoan hơn. Phải chi nghe được những lời vừa rồi của bà, thế nào cụ cũng… Còn tôi, nếu tôi không phải là chó dẫn đường, thế nào tôi cũng kiếm một quả trứng thối tặng bà, bà Elizaveta Maximovna ạ. Chẳng trách cụ Ivan Savelievich thường vẫn nói rằng loài chó chỉ có một nhược điểm duy nhất, đó là quá tin con người. Vâng, chúng tôi tin con người, nhưng con người lại không tin tưởng chúng tôi. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều không tin tưởng chúng tôi, nhưng một số người có thái độ giống như bà già này. May quá, lúc đó mẹ Svetlana Sergeevna đứng ra bênh vực tôi: - Bà ngoại làm sao vậy? – Mẹ cười giòn. – Giống chó này rất hiền, khôn ngoan và thân thiện chứ nào phải thứ chó chạy rông? Con chó nhà mình được đào tạo bài bản, quy củ lắm đấy! Cảm ơn mẹ rất nhiều, mẹ Svetlana Sergeevna quý mến. Ít ra cũng có mẹ Svetlana hiểu được rằng tôi là thứ chó gì. Sashka có một người mẹ tuyệt vời! - Thôi được rồi. – Bà già lẩm bẩm. – Cứ sống rồi khắc thấy. Dĩ nhiên là sẽ thấy. Thấy rồi sẽ thèm cho mà xem. Kiểu gì thì rồi Sashka cũng sẽ yêu quý tôi nhất nhà. Giá các người thấy được cảnh ông cụ Ivan Savelievich khóc như thế nào khi tôi thoát chết trong gang tấc dưới gầm xe lửa. Mỗi lần nhớ lại sự cố ấy tôi lại sởn hết gai ốc, cứ như bị bọ chét đốt toàn thân. Bây giờ các bạn hình dung nhé. Tôi và ông bạn già của tôi đi đến nhà bạn ông ở ga xép Saltykovka, ngoại ô Matxcơva. Xe lửa chạy điện là phương tiện thích hợp nhất cho những chuyến đi như thế. Cũng cần nói thêm, trên tuyến đường sắt này, nếu đi thêm vài ga xép nữa thì sẽ đến trường của chúng tôi. Chúng tôi đến nơi an toàn. Chủ nhà cũng là một cụ già như ông Ivan Savelievich của tôi, chỉ khác ở chỗ là ông ấy sáng mắt. Ngồi chơi, chuyện trò, ăn uống xong, chúng tôi ra về. Tôi không biết các đồng loại chó của mình sẽ hành xử thế nào với con người sau một sự cố như thế (tôi sẽ kể ngay sau đây), nhưng tôi thì không có tật thù dai. Dĩ nhiên dù gì thì tôi vẫn sẽ không từ bỏ nghề chó dẫn đường. Tóm lại, chúng tôi đứng chờ tàu trên sân ga. Hành khách chờ tàu cũng đứng xung quanh thành một đám đông, ai nấy đều nhăm nhăm chực chờ để lao lên toa khi tàu tới (ở ga xép, tàu chỉ dừng khoảng 1 – 2 phút), trông chẳng khác gì các vận động viên điền kinh chuẩn bị xuất phát trong cuộc đua chạy 100 mét. Tàu đến. Đám đông hành khách nhào tới, tranh nhau để lọt sớm được vào các cửa toa, nếu không cửa sẽ tự động đóng lại và tàu sẽ chạy mất. Ông cụ Ivan Savelievich lúng túng, không biết phải làm gì trong cái đám đông hỗn loạn ấy, còn tôi thì đã… biến mất tăm đằng nào, không một động tĩnh gì. Xin các bạn đừng nghĩ rằng do quá hoảng sợ đám người cuồng điên kia mà tôi bỏ chạy. Không đâu. Chỉ đơn giản là tôi bị đám đông hỗn loạn ấy hất văng ra. Bị treo lơ lửng trên đoạn dây nối từ băng đai đến tay ông cụ Ivan Savelievich, ở khe hở giữa mép sân ga với thân tàu, tôi thầm nghĩ: thương thay ông lão Ivan Savelievich của con, thôi thì con coi như là hết kiếp, nhưng rồi ai sẽ đưa ông, người yêu thương nhất của con, về đến nhà, ít nhất là từ ga cuối về đến căn hộ… Thường thì tôi hay đưa người được mình dẫn đường lên toa đầu của đoàn tàu, để luôn được ở gần người lái tàu, trong khoảng cách ngắn nhất. Vậy mà rồi xảy ra hỗn loạn, chen lấn lung tung, mặc dù tàu chỉ mới dừng lại chứ chưa kịp chuyển bánh. Tôi nghe tiếng ông lão tội nghiệp của tôi thét lên, yêu cầu người lái tàu chớ vội cho tàu rời ga, rồi ông ráng sức kéo tôi lên. Các bạn có biết tôi nặng bao nhiêu ký lô không? Không đơn giản như giật con cá giếc từ dưới ao lên đâu nhé. Ờ, mà các bạn nhớ nhắc tôi kể chuyện tôi cùng ông cụ Ivan Savelievich đi câu cá nhé. Tôi xin kể tiếp. Ông già tội nghiệp thở hổn hển, ráng sức kéo tôi lên. May mà có một hành khách góp tay kéo phụ. Nhưng trong tình huống này, càng cố kéo tôi thì lại càng làm cho tôi nghẹt thở, vì cái băng đai cứ thít chặt lấy cổ. Cuối cùng, tôi cũng được kéo lên khỏi mép sàn bê-tông. Nhưng lúc đó thì tôi đã chẳng còn biết trời đất gì nữa. Mắt tôi tối sầm, tôi bắt đầu mê man bất tỉnh. Khi tỉnh lại, tôi cảm thấy có những giọt nước ấm nóng rơi xuống mũi mình. Mở mắt ra, tôi thấy ông cụ Ivan Savelievich đang ngồi ôm tôi mà khóc. Đứng bên cạnh ông là một bé gái nhỏ xíu đang lẩm bẩm câu gì đó. Lúc đầu tôi không nghe thấy con bé nói gì, chỉ thấy nó mấp máy môi và đưa ngón tay lên ngoáy mũi. Thế rồi thính lực của tôi phục hồi. Tôi nghe con bé nói: “Ông ơi, sao ông khóc, con chó của ông chết rồi à?”. Nghe thế, cụ Ivan Savelievich bật khóc thành tiếng, cứ như thể tôi đang bị đưa xuống huyệt không bằng. Ông cụ cúi xuống thấp hơn nữa, hôn tôi và vuốt ve tôi. Còn tôi thì quả thực không thể nào cử động bốn chân, chứ đừng nói cả thân mình – có lẽ khi tôi được kéo lên, dây đai thít vào cổ và ngực tôi quá chặt, tôi bị ngất và do đó mất sức rất nhiều. Nằm một lúc, tôi bắt đầu thấy khỏe ra, sức lực dần phục hồi. A, tôi đã có thể cử động được rồi. Tôi vươn cổ lên, liếm vào má ông cụ. Ông cụ giật mình, suýt ngã ngửa. Lúc này trông ông mới tức cười làm sao! Bạn cứ hình dung một người ngồi xổm mà nhảy tưng lên - hệt như con gà tây. Khi thật sự hiểu được rằng tôi còn sống, cụ Ivan Savelievich mừng quýnh, chồm tới, ôm lấy tôi và bế thốc lên tay, mừng đến nỗi suýt làm rơi xuống đất. Ôi, cụ ơi, làm sao cụ nhấc nổi con cơ chứ? Vậy mà ông cụ vẫn ráng sức giữ lấy tôi trên hai tay, dụi mặt vào bụng tôi và hỏi: “Con còn sống ư, hở Trison yêu quý của ta?”. Tôi biết trả lời sao đây? Chỉ có cách sủa lên mấy tiếng. Nghe tiếng sủa của tôi, ông cụ mừng đến nỗi cứ ôm tôi trên tay mà lắc lư qua lại như người ta nựng trẻ nhỏ. Thôi, đặt con xuống đi nào, kẻo không khéo cụ lại ngã xuống rồi rơi ra khỏi cái sân ga chết tiệt này. Cụ mà rơi xuống đó thì làm sao con kéo cụ lên nổi? Để “đánh thức” ông lão đang mê đi vì vui sướng, tôi cất tiếng “hát”: “U-u-o- u-o-uo”. Nghe thấy thế, cụ Ivan Savelievich hiểu rằng đã đến lúc phải đặt tôi xuống đất. Chúng tôi ngồi bệt ngay trên sàn bê tông, nghỉ ngơi chừng 10 phút. Khi đã hoàn toàn lại sức, tôi giật giật sợi dây nối để nhắc ông cụ: nào, đi thôi cụ ơi, ngồi vậy đủ rồi. Chúng tôi về nhà an toàn trên chuyến tàu kế tiếp – lúc này trên sân ga đã thưa hành khách nên không còn cảnh chen lấn xô đẩy nữa. Nói là về nhà an toàn, nhưng cũng gặp chút rắc rối nho nhỏ ở chỗ hiệu thuốc. Chắc các bạn cũng hiểu rằng sau một sự cố kinh hoàng như thế, đến người mạnh khỏe cũng phải mau mau tìm đến hiệu thuốc. Cụ Ivan Savelievich ra hiệu lệnh yêu cầu tôi đưa cụ đến hiệu thuốc gần nhà. Tuyến đường đến hiệu thuốc thì tôi chẳng lạ gì. Đừng bảo là tôi kiêu căng, chứ mà tôi thuộc lòng hơn ba chục tuyến đường quanh khu vực cụ Ivan Savelievich sinh sống. Nào thì đến hiệu thuốc. Tôi chẳng ngại gì cả, cần đi đâu cứ bảo một tiếng, tôi sẽ đưa đến đó. Chúng tôi đến nơi, vừa bước vào cửa, bỗng một người phụ nữ có bộ ngực đồ sộ rít lên: - Ông già, sao lại đưa chó vào đây? Đây là cơ sở y tế, không biết à? Tôi và cụ Ivan Savelievich đã ra vào cái “cơ sở y tế” này hàng triệu lần và chưa bao giờ bị ngăn cản. Vậy mà bây giờ… Tôi nhìn bà mập ấy và thấy không quen. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà ấy ở đây. - Chúng tôi được phép vào đây. – Cụ Ivan Savelievich bình thản nói và khoan thai tiến về phía quầy thuốc. Người đàn bà khó tính nọ tuy mập ú mập ù nhưng lanh chân đáo để. Bà ấy chặn ông cụ lại. Phải vất vả lắm tôi mới chen được vào giữa hai người để ra hiệu cho ông cụ dừng lại vì phía trước có chướng ngại vật – việc này là yêu cầu đầu tiên trong số mọi trách nhiệm công việc của tôi. Cụ Ivan Savelievich dừng lại, ngơ ngác. Ông cụ biết quá rõ rằng trong hiệu thuốc này chẳng có thứ gì có thể gọi là vật cản. Rồi cụ chìa gậy ra phía trước, chọc chọc để kiểm tra xem vật cản ấy là thứ gì. Người đàn bà nọ lại làm toáng lên: - Này, ông già, chớ có mà chọc gậy lung tung nhé! Tôi đã nói rồi, không được dắt chó vào đây. Đưa nó ra ngoài ngay! Rồi bà ta đứng đơ ra như tượng. Đôi lông mày nhíu lại, môi mím chặt, mắt trợn ngược như mắt ếch, mặt đỏ gay, hai tay chống nạnh, mũi thở hổn hển. Cứ như thể chúng tôi đến đây không phải để mua thuốc mà là để cướp tiền cướp của bà ấy vậy. Làm sao ở con người lại có lòng căm ghét dữ dội đến như thế cơ chứ? Khi đứng giữa hai người, tôi có cảm giác từ bà ấy toát ra một luồng sóng năng lượng rất mạnh dội thẳng xuống lưng tôi. Vâng, đúng là loại sóng mà loài chó rất sợ. Phải rồi, có một thiết bị đặc biệt chuyên dùng để dọa và xua đuổi chó hoang chạy rông. Hễ người ta nhấn nút cái máy ấy cho sóng phát ra thì y như rằng lũ chó quanh đó đều có cảm giác như bị nện thanh củi vào đầu. Cũng có một số huấn luyện viên sử dụng loại máy này khi huấn luyện chó. Dã man! Đểu cáng! Tôi mà gặp phải ông thầy như thế, tôi cắn cho đứt tay. Tôi nói điều ấy ra để làm gì? Vì giờ thì mụ đàn bà bán thuốc tây đang biến thành cái máy như thế đấy. Các bạn có hình dung nổi lúc đó tôi cảm thấy thế nào không? Tôi đứng đó, tưởng tượng như đang có thanh củi tạ chuẩn bị phang xuống đầu, còn bên tai là những tiếng “tróc, tróc, tróc” vô cùng khó chịu. Vậy mà các bạn cứ thường nói: nhìn kìa, nhìn kìa, ông lão mù đi dạo cùng con chó. Nói rằng các bạn đang dạo chơi trong văn phòng của mình thì đúng hơn là nói tôi với ông cụ Ivan Savelievich đi dạo. Hàng ngày, mỗi khi chúng tôi ra khỏi nhà là cứ như ra mặt trận, luôn phải sẵn sàng chiến đấu. - Thưa quý bà, - cụ Ivan Savelievich nói, – hình như bà là người mới vào làm ở đây? - Mới hay cũ thì có gì khác nhau? – Bà bán thuốc tây kiêm cái máy phát sóng dọa chó thở phì phì. – Tôi đã nói rõ rằng cấm đưa súc vật vào hiệu thuốc. Đó là quy định! - Bà hãy đọc lại quy định của ngành mình đi. - Cụ Ivan Savelievich vẫn nhẹ nhàng, nhưng tôi cảm nhận được rằng sắc thái giọng nói đã bắt đầu thay đổi. Tôi nghĩ bụng: mụ ngốc, chẳng mau tránh ra, kẻo ông lão đọc cho một loạt “quy định” thì ở đó mà ngẫm đến tận sáng mai! Cũng cần nói thêm rằng nếu bà bán thuốc tây nọ chỉ một lần được nghe ông lão của tôi có thể giận dữ văng tục như thế nào, hẳn bà ấy đã không dám liều lĩnh cản đường ông cụ. Tôi nói thật đấy. Cụ Ivan Savelievich là một ông già khả kính, luôn điềm đạm, lịch sự, nhưng cứ thử chọc giận ông cụ mà xem… Tôi từng nghe ông cụ chửi mắng rồi. Ôi, ôi ôi… Cụ có thể tuôn ra những từ ngữ mà ngay cả trong trường dạy chó tôi cũng chưa từng được nghe, dù ở đó, ngay trước mặt các học viên chó chúng tôi, các huấn luyện viên vẫn thường chửi thề văng mạng, không hề biết ngượng mồm. Thế rồi bỗng xảy ra một điều kỳ diệu! Một người phụ nữ từ đâu đó bên trong bước ra. Chính là người quen cũ của chúng tôi. - Ôi, Trison! – Bà ấy mừng rỡ chào tôi. – Nào, mời hai ông cháu vào đi, vào đi. – Rồi bà ấy quay sang nói với bà mập. - Tamara, để ông cụ với con chó vào… - Ơ, nhưng chính chị đã bảo rằng… - Tamara à, người khiếm thị có quyền đi cùng chó dẫn đường vào bất cứ nơi đâu, kể cả hiệu thuốc. Dù ngày hôm ấy có xảy ra một vài sự cố nhưng rồi mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp, có thể nói là một cái kết tuyệt vời. Tối ấy, cụ Ivan Savelievich khui một lon thịt gà đóng hộp cho tôi ăn (tôi khoái nhất món này). Cụ còn chúc mừng tôi nhân ngày sinh nhật (tôi không hiểu tại sao) và chúng tôi ăn tối cùng nhau. Tội nghiệp ông lão, không biết do vui mừng quá hay sao mà tay chân quýnh quáng, mấy lần đánh rơi thìa nĩa xuống sàn. Nhưng đã có tôi đây, luôn sẵn sàng nhặt lên đưa lại cho cụ… Nhìn chung, ông cụ của tôi lơ đễnh, đãng trí đến tội nghiệp. Khi thì để tuột mất cây gậy, khi thì làm rơi cặp kính, khi thì chẳng biết đã để chùm chìa khóa ở đâu. Với những đồ vật cứng, có thể phát ra tiếng động khi rơi xuống, thì còn đỡ, vì người mù có thể nghe tiếng động để biết là chúng đã rơi và xác định được vị trí rơi. Còn đối với những đồ vật mềm, như găng tay chẳng hạn, thì thật đến khổ. Lắm bận, khi đi trên đường, tôi mải lo quan sát xe cộ, chướng ngại vật, ông lão đi đằng sau bỗng dưng làm rơi găng tay mà không biết. Phải chi biết nói tiếng người, tôi đã khuyên ông cụ đính vào mỗi chiếc găng tay một cái chuông con để lỡ có rơi thì cụ hoặc tôi còn nghe thấy. Năm cuối tôi ở với cụ Ivan Savelievich, trong số những thứ thường bị rơi còn được bổ sung thêm một đồ vật nữa: điện thoại di động. Rất may là những người tốt bụng đã bày cách bỏ điện thoại vào bao mềm chống sốc để có rơi thì cũng không bị hư hỏng. Khi cần gọi cũng không phải lấy điện thoại ra khỏi bao, vì ở khu vực bàn phím, người ta đã thiết kế một màng mỏng trong suốt, cứ việc sờ đầu ngón tay lên đó mà bấm. Mỗi lần cụ Ivan Savelievich bấm số để gọi thì trông rất buồn cười. Cụ ngửa mặt lên trời, miệng há ra, cứ như chuẩn bị cất tiếng hát, dùng đầu ngón tay trỏ rà rà, bấm bấm trên bàn phím. Thỉnh thoảng, sau khi áp máy vào tai được vài giây, cụ bỗng giật phắt ra rồi lại lần mò bấm bàn phím. Ban đầu, tôi cứ tưởng cụ bị cái máy ấy nó chích điện, về sau mới hiểu ra là cụ bấm sai số, phải bấm lại từ đầu. 4 Có một điều làm tôi phấn khởi: bây giờ trong nhà đã đạt được một sự cân bằng nhất định. Nghĩa là hai nam hai nữ. Tôi về với nhà này thật đúng lúc. Hai người phụ nữ trong nhà dù là rất tốt bụng, hiền lành, chu đáo, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu không có tôi, hẳn cậu bé sẽ buồn và chán đến chết được. Thật tội nghiệp cho cậu bé! Người mù bao giờ cũng đáng thương hơn người bình thường. Họ vô cùng yếu đuối, bất lực, nhất là trẻ em. Rất nhiều người hễ nhìn thấy trẻ em mù là không cầm được nước mắt. Tất nhiên là tuyệt đại đa số mọi người đều sẵn sàng vui lòng giúp đỡ người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. Lòng tốt ấy đáng trân trọng vô cùng. Tuy nhiên, như cụ Ivan Savelievich thường nói, điều đáng nói nằm ở một tâm điểm khác. Các bạn có biết không, vấn đề ở chỗ người mù không muốn mình phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự quan tâm, săn sóc, giúp đỡ của người khác. Tôi nói nghiêm túc đấy. Tất nhiên không phải họ vô ơn. Hoàn toàn không phải thế! Chẳng qua chỉ vì sự quan tâm săn sóc thái quá mọi lúc mọi nơi ấy khiến họ mệt mỏi và phải chịu một áp lực nặng nề. Họ chỉ muốn thét vang cho cả nhân loại nghe thấy: “Các bạn hãy nhìn đây, chúng tôi có thể sống, lao động và sinh hoạt một cách bình thường mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Chúng tôi không muốn làm phiền các bạn. Đừng quá lo lắng cho chúng tôi và hãy lo làm việc của mình đi!”. Tôi rất hiểu họ. Ai đó từng nói rất đúng rằng mắt họ tuy đã chết, nhưng tim họ vẫn còn đang sống. Chẳng bao lâu sau, tôi cùng Sashka được phép đi dạo và nghỉ ngơi trong công viên mà không cần có người lớn đi kèm. Hai người phụ nữ trong nhà đã bắt đầu tin tưởng giao phó Sashka cho tôi. Trước đây, mỗi lần chúng tôi đi dạo đều phải chịu sự giám sát: tôi dẫn Sashka đi đằng trước, bà hoặc mẹ bám theo đằng sau. Chẳng qua họ quá lo lắng, muốn đi theo để phụ giúp, nếu cần. Nhưng tôi đâu cần phụ tá. Tuyến đường này quá dễ mà. Tôi thuộc lòng tuyến đường này rồi, nhanh lắm. Có thể nói, tuyến đường này đối với tôi chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ thì Sashka đã quen với việc phải dùng gậy. Các bạn biết không, hồi đầu, mọi người không cách nào thuyết phục được cậu ấy sử dụng gậy. Cậu chống cự quyết liệt và từng bẻ gãy hai cây gậy. Trẻ con mà. - Đã có Trisha rồi thì còn cần gậy làm gì cơ chứ? - Cậu vùng vằng. Đồ ngốc. Tất nhiên là tôi sẽ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, nghĩa là sẽ dừng đúng lúc, đưa cậu rẽ phải hay rẽ trái khi cần. Nhưng làm sao có thể không cần đến gậy được? Đối với người khiếm thị, cây gậy là tối cần thiết. Sợi dây nối từ đai ngực tôi đến tay cậu chỉ là công cụ đánh tín hiệu cảnh báo về chướng ngại vật. Nhưng đôi khi cậu phải dùng gậy để tự tìm hiểu xem vật chướng ngại trước mặt mình là gì chứ. - Sashka! – Mẹ cậu nghiêm giọng. – Con đã qua khóa huấn luyện ở trường của Trison. Ở đó người ta đã nói với con thế nào? Gậy là vật thiết yếu. Vậy thì con hãy nghe lời các thầy đi, họ có đầy đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hoan hô! Hoan hô mẹ Svetlana đã nói đúng! Mẹ chỉ hơi nhầm lẫn chút xíu về từ ngữ thôi, đó không phải là trường “của Trison”, mà là trường đã đào tạo Trison. Tóm lại, chuyện dùng gậy hay không dùng gậy cuối cùng rồi cũng được giải quyết. Cũng giống như cụ Ivan Savelievich, Sashka rất ưa chuyện trò cùng tôi. Có điều, giờ đây, đề tài đã khác. Sashka rất nhanh chóng làm quen rồi sử dụng thành thạo bảng chữ cái Braille. Các bạn có biết bảng chữ cái ấy là gì không? Đó là những chấm nổi trên nền một mặt phẳng như tờ giấy. Người mù đọc chữ bằng đầu ngón tay. Cách đây không lâu, Sashka đã đọc được một tài liệu nói về nguồn gốc xuất xứ của bảng chữ cái ấy. Thật thú vị khi nghe cậu ấy kể về chuyện đó. Tôi cũng nhận thấy rằng Sashka kể chuyện rất có duyên. Khi cậu ấy kể chuyện, tôi ngồi thật yên lặng, le lưỡi ra thở và nghe bằng… một tai. Vâng, đúng vậy, chỉ nghe bằng một tai thôi, còn tai kia thì còn phải “trực chiến” chứ. Thì ra, từ thế kỷ XIII, vua Louis IX của Pháp, sau khi thất bại trong những cuộc Thập tự chinh vô nghĩa đã trở về Paris và lập nên trại cứu tế dành cho người mù, đặt tên là “Trại 15 con mắt”. Một cái tên kỳ quặc. Nhưng vấn đề không phải ở tên gọi. Những trại viên đầu tiên là khoảng 300 hiệp sĩ từng tham gia các cuộc viễn chinh của nhà vua và bị thương dẫn đến đui mù. Từ thời xa xưa ấy, người ta đã ý thức được rằng cần giúp đỡ người mù và tạo cho họ những điều kiện sống bình thường. Sau đó, vào năm 1771, tại Hội chợ Thánh Ovid’s nổi tiếng và náo nhiệt ở Paris, nơi mà từ ngày 14 tháng 8 đến 15 tháng 9 hàng năm, những người bán hàng rong, các nghệ nhân múa rối và xiếc trình diễn tài nghệ của mình, một thanh niên tên là Valentin Haüy sau khi bố thí cho một cậu bé mù thì vô cùng ngạc nhiên khi nghe thấy cậu bé đọc đúng mệnh giá của đồng xu. Haüy lập tức nhận ra rằng người mù có thể đọc được chữ bằng xúc giác, nghĩa là đọc bằng cách sờ tay lên chữ nổi. Từ đó Haüy bắt đầu mở trường dạy chữ cho người mù và cậu bé ăn mày François Lesuer trở thành học trò đầu tiên. Valentin Haüy đã dạy cậu bé đọc bằng cách sử dụng các chữ cái khắc nổi trên gỗ, rồi ghép chúng lại thành từ. François là một học trò rất có năng khiếu và chỉ sau sáu tháng học đã có thể đọc được các trang sách in nổi. Haüy giới thiệu cậu học trò của mình với Viện Hàn lâm Hoàng gia. Khả năng tuyệt vời của François đã khiến các chuyên gia phải choáng váng và ngay sau đó người ta bắt đầu chế tác ra bảng chữ cái bằng chữ nổi. Phát minh này sau đó được truyền bá ra khắp thế giới. Năm 1806, Valentin Haüy đến Nga theo lời mời của Sa hoàng Alexander I và thành lập Học viện trẻ em mù St. Peterburg. Ở đây, người ta bắt đầu xuất bản những quyển sách chữ nổi đầu tiên và ở Nga cũng hình thành thư viện đầu tiên dành cho người mù. Tiếp theo sau Haüy còn có nhiều người làm được rất nhiều điều bổ ích cho người mù. Nhưng họ đã sai lầm khi xác quyết rằng “cái gì thuận tiện cho người sáng mắt thì cũng thuận tiện cho người mù”. Bắt đầu xuất hiện thêm nhiều loại bảng chữ nổi. Một người Anh tên là James Gol sáng chế ra một kiểu chữ lồi góc cạnh. Alston ở xứ Edinburgh thì sáng chế bảng chữ nổi dựa trên cơ sở bảng chữ cái Latin. Cũng cần nói thêm là bảng chữ cái của Alston trông rất giống một kiểu chữ máy tính ngày nay - kiểu chữ Arial. Tuy nhiên, các ý tưởng sáng chế vẫn không dừng lại ở đó, các nhà khoa học hay chỉ đơn giản là những người đam mê lĩnh vực này luôn cố gắng hoàn thiện các bảng chữ cái dành cho người mù. Người phát minh ra bảng chữ nổi hiện đại, Louis Braille, từ bé đã bị mù do tình cờ bị con dao thợ giày đâm vào mắt. Năm lên 10 tuổi, Louis được gửi vào trường mù Paris, học theo chương trình và bảng chữ nổi của Haüy. Những quyển sách rất to và đắt tiền do được khắc nổi công phu, vì vậy cả trường chỉ có 14 quyển. Louis đọc hết và học thuộc tất cả những quyển sách ấy. Cậu học trò nhỏ cảm thấy hệ thống chữ nổi Haüy chưa hoàn thiện cho lắm – để cảm nhận được một chữ cái phải mất mấy giây, vì vậy việc đọc sách rất nhọc nhằn, vất vả. Bấy giờ, Louis hiểu ra rằng cần phải tìm ra một phương pháp nào đó giúp cho việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn, và quan trọng nhất là nhanh hơn. Sáng chế của Louis Braille có một lịch sử tiền biên đáng kinh ngạc. Nếu các bạn không phản đối, tôi xin kể tiếp câu chuyện của Sashka. Quân đội Pháp từng sử dụng một loại mật mã chữ cái vô cùng độc đáo do Charles Barbier, một sĩ quan pháo binh, sáng tạo ra nhằm chuyển tải những mệnh lệnh truyền đi trong đêm và không được phép viết trên giấy thường. Làm cách nào để đọc lệnh trong đêm? Nếu thắp nến lên thì dù muốn dù không cũng có thể bị lộ bí mật địa điểm đóng quân. Vì vậy, tất cả các chữ cái của mệnh lệnh chuyển đi ban đêm đều được “viết” bằng cách đục lỗ trên một tấm bìa cứng. Louis Braille cũng học và sử dụng thành thạo loại mật mã Barbier, nhưng cho rằng phương pháp này vẫn còn quá thô sơ, chưa hoàn thiện. Dựa trên cơ sở mật mã Barbier, Braille đã sáng tạo ra kiểu chữ gồm nhiều chấm nổi, cho phép nhận dạng rất nhanh và chính xác từng chữ cái. Tuy vậy, rất đáng ngạc nhiên là vào năm 1829, khi Braille trình lên Hội đồng Học viện Hoàng gia hệ thống chữ nổi của mình thì bị Hội đồng bác bỏ. Các bạn có biết vì sao không? Chỉ vì bảng chữ cái này rất bất tiện cho các giáo viên sáng mắt! Thiệt tình! Thay vì quan tâm đến sự thuận tiện của học viên khiếm thị, họ chỉ nghĩ đến sự thuận tiện của chính mình. Nhưng Braille là người kiên trì, nhẫn nại và ông quyết định tự mình truyền bá, phổ biến kiểu chữ nổi của mình trong cộng đồng những người khiếm thị. Bảng chữ nổi Braille được người mù chấp nhận ngày càng rộng rãi và thế là 8 năm sau, Hội đồng Học viện phải đặt vấn đề xem xét lại hệ thống chữ nổi này. Lần này thì các học giả đều nhất trí ủng hộ bảng chữ cái Braille. Cho đến ngày nay, toàn thế giới đều công nhận rằng hệ thống chữ nổi dành cho người mù do Braille lập ra là hoàn thiện nhất. Ở nước Nga, cuốn sách đầu tiên sử dụng chữ Braille được xuất bản năm 1885. Và ai cũng biết rằng tháng Giêng năm 2009 là tròn 200 năm ngày sinh của nhà phát minh khiếm thị vĩ đại này. Các bạn có biết Sashka của tôi có bảo bối gì không? Không tin nổi đâu. Đó là một chiếc màn hình hiển thị nổi dùng để đọc chữ Braille. Văn bản được chuyển thành các tín hiệu, đẩy các chấm của chữ cái nổi lên, và anh bạn nhỏ của tôi chỉ việc dùng đầu ngón tay rà trên màn hình. Cứ thế mà đọc – đọc – đọc... Rồi sau đó cậu ấy kể lại cho tôi nghe, và giờ thì tôi đang kể lại những chuyện ấy cho các bạn nghe đây. Những chuyện ấy thú vị đấy chứ? Tôi cũng rất thích. Mọi người còn nói rằng rồi đây các chuyên gia sẽ tìm ra cách làm cho chữ Braille biết “chạy” trên màn hình, lúc đó, việc đọc của người khiếm thị sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn nữa. Rất may là các nhà khoa học ngày nay đã không còn quan tâm quá nhiều đến sự thuận tiện của bản thân mình. Tôi nghe chuyện say sưa quá đến nỗi suýt mất cảnh giác. Thế rồi có một người phụ nữ khiếm thị tiến về phía chúng tôi và ghé ngồi vào một đầu ghế đá. Bà ấy cũng có một anh chó dẫn đường, đúng hơn là cô chó dẫn đường, tên là Margo. Ái chà, là nữ hoàng cơ đấy nhé. Một con chó dễ thương. Tuy nhiên, nó không cùng giống với tôi mà thuộc một giống nào đó khác, lông xù. Ở trường chúng tôi chưa hề có giống chó này. Con chó khá xinh, lông khoang màu trắng xen hung, mõm nhọn, mắt sắc và sáng. Nhưng mà nó kiêu chết đi được. Các bạn thấy đấy, tôi với nó là đồng nghiệp, vậy mà cô nàng cứ ngoảnh mặt đi, làm như không thèm để ý đến tôi. Mặc xác! Đây cóc cần. Nhưng cũng phải nói cho công bằng là tính chuyên nghiệp của cô nàng rất cao. Chứng tỏ cô nàng từng được học trường xịn. Có lẽ các bạn thắc mắc rằng làm sao mới nhìn qua mà tôi đã có thể nhận biết tính chuyên nghiệp ở một con chó dẫn đường? Rất đơn giản. Có một tốp trẻ choai đi ngang qua chỗ chúng tôi, một chú nhóc huýt gió, chú khác tróc lưỡi, một cô bé còn dừng hẳn lại, chõ vào sát mũi cô nàng mà nựng: “Bé bỏng dễ thương chưa, đáng yêu quá đi thôi”. Mặc dù cô bé không dám đưa tay ra vuốt ve cô chó nhỏ nhưng cứ nói luôn mồm, nghe đến phát chán. Mặc cho cô bé đứng lải nhải hồi lâu, Margo vẫn như bỏ ngoài tai, ngồi lặng yên không nhúc nhích. Mặc ai huýt gió, tróc lưỡi hay nựng nịu, Margo không có bất cứ một phản ứng nào. Đám nhóc bỏ đi. Tiếp đến là một cặp đôi, có lẽ là vợ chồng. Họ khoác tay nhau. Quý bà đội một chiếc mũ rộng vành không hợp lắm với lứa tuổi của mình, quý ông cầm gậy, nhưng không phải người mù, cũng không phải người có tật ở chân, vì bước đi trông vững chãi lắm. Có lẽ ông ta mang gậy theo chỉ để làm dáng mà thôi. Họ dắt theo một con chó bulldog giống Pháp. Gã bulldog này béo tròn béo trục, bộ dạng cực kỳ biếng nhác. Nói thật, tôi chả ưa gì giống chó bulldog. Rõ khéo cho Tạo hóa đã nặn ra cái giống chó ấy. Trông thật dị hợm. Nếu phải mang cái mõm nhăn như thế, hẳn tôi đã trầm mình tự vẫn ở con sông gần nhất rồi. Lông hắn vàng chóe, trơn mượt, dáng đi lặc lè, liếc sơ là biết được xơi toàn đồ bổ, tối ngày chỉ có ăn với ngủ. Tôi không hiểu người ta nuôi cái thứ chó ấy (xin lỗi) để làm gì. Các bạn nói đi, nuôi chúng thì ích lợi quái gì chứ? Chắc các bạn đã nhìn thấy giống chó bulldog Pháp rồi chứ? Vô tích sự lắm cơ. Chỉ tốn công sức, tiền bạc để chăm bẵm chúng. Các bạn hãy nhìn kìa, chỉ riêng cái đai cổ của hắn thôi cũng đã đắt tiền hơn cái màn hình chữ nổi của Sashka rồi. Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi, gã bulldog nọ rướn về phía trước, kéo căng sợi dây trên tay chủ. Đồ ngốc. Đúng là gã công tử bột này không hề biết động tác ấy mang ý nghĩa gì trong “ngôn ngữ” của những con chó dẫn đường như tôi và Margo. Nhưng kìa, ngạc nhiên chưa, cặp đôi nọ dừng lại thật. Chó dẫn đường chúng tôi cũng dùng cách thức tương tự để yêu cầu người được dẫn đường dừng lại để chúng tôi tranh thủ giải quyết nhu cầu tự nhiên. Nhưng ở đây lại là một trường hợp dừng chân với lý do khác. Gã mập này trợn tròn đôi mắt vốn đã lồi như mắt ếch, hết nhìn tôi rồi lại nhìn Margo một cách thận trọng, cảnh giác. Tuân thủ quy tắc hành nghề, chúng tôi tỏ vẻ không thèm đếm xỉa gì đến gã. Quý bà đội mũ rộng vành lên tiếng: - Puzik, sao dừng lại thế? Muốn làm quen à? Các bạn có nghe thấy không? Gã công tử bột này có cái tên rất tương xứng. “Puzik”, ấy là “Bé Bự”. Điên thật, chẳng lẽ không biết xấu hổ khi ra đường với cái tên dở hơi như vậy sao? Đúng là thứ… “Bé Bự”. Thế còn “làm quen” nghĩa là sao? Tôi chẳng rảnh để mà làm quen với Bé Bự của các vị đâu. Các vị cần đi đâu thì đi tiếp đi. Đừng làm phiền nữa. Các vị thấy đấy, mọi người đang nghỉ ngơi. Mọi người nghỉ ngơi, còn chúng tôi thì đang làm việc. Tôi nói thầm trong bụng với gã mập: “Nào, lên đường đi, Bé Bự, ở đây không ai muốn đánh bạn với nhà ngươi đâu”. Dường như hắn đọc được ý nghĩ của tôi nên cất bước đi tiếp, bộ mông đồ sộ của hắn lắc lư, lắc lư thấy ghét! Trong tình huống vừa rồi, Margo cũng tỏ rõ lập trường vô cùng kiên định. Giỏi! Đúng là một chiến sĩ chó dẫn đường chân chính. Xin lỗi vì lúc đầu tớ cứ tưởng cậu kiêu ngạo. Nhưng nói gì thì nói, tôi không nể phục lắm các đồng nghiệp nữ của mình. Tất cả chỉ vì có ai đó từng phao tin đồn nhảm rằng trong nghề chó dẫn đường, chó cái đáng tin cậy hơn chó đực. Vu khống! Chớ có tin! Đó chỉ đơn thuần là chuyện bịa đặt do ganh ghét mà thôi. Lại còn một quan niệm rất sai lầm rằng chó cái thuần tính hơn, dễ bảo hơn, còn lũ chó đực chúng tôi thì chỉ nhăm nhăm đi tìm chó cái để mà… Khiếp! Chẳng thể nào mở miệng nói ra chuyện ấy. Nhưng tôi thì sao? Tôi tí tởn lắm sao? Tôi hung hăng và không biết nghe lời hay sao? Tại sao lại cứ vu oan bừa bãi như vậy? Người đời thật lắm kẻ rỗi hơi ngồi thêu dệt ra đủ thứ chuyện vớ vẩn, nghe tức muốn chết! Tôi đã từng tận tai nghe thấy những chuyện như thế. Lần nọ, có một đôi vợ chồng đến trường chúng tôi chọn chó dẫn đường cho ai đó. Khi đi ngang qua dãy chuồng, người vợ nói: - Đừng chào hàng chó đực đấy nhé. Chúng tôi chỉ chọn chó cái thôi. - Tại sao vậy? – Huấn luyện viên của chúng tôi hỏi. - Tôi nghe người ta nói rằng chó cái dễ bảo hơn, dịu dàng hơn. Thưa quý bà, chúng tôi đây chẳng bao giờ nghe ai nói những chuyện nhảm nhí như thế cả. Ai nói với bà điều đó? Bà thật là ngốc. Vậy nên, xin các bạn hãy nghe lời tôi. Nếu các bạn cần đến chó dẫn đường (cầu trời chuyện ấy đừng xảy ra) thì hãy chọn chó đực. Chúng tôi không chỉ dịu dàng và biết vâng lời, mà còn khéo léo và mạnh mẽ. Mà trong công việc của chó dẫn đường, khéo léo và mạnh mẽ là những yếu tố vô cùng cần thiết. Tất nhiên là khi không còn lựa chọn nào khác thì cứ chọn chó cái cũng được. Ngồi trên ghế một lúc lâu cũng chán, Sashka đứng dậy. Tôi cũng vùng dậy, đứng ngay bên cạnh cậu ấy. - Trisha, đi về thôi. – Sashka nói. Một lần nữa tôi liếc qua cô bạn đồng nghiệp. Rồi tôi gật đầu ra hiệu chào tạm biệt (mặc dù tôi biết làm vậy là thừa). Tôi có cảm giác cô ấy cũng gật đầu trả lời. Có lẽ cô nàng hiểu rằng tôi đây cũng là một tay chuyên nghiệp, chẳng kém phần thiện nghệ. 20 phút sau, tôi và Sashka đã về đến nhà. Một bữa trưa ngon lành đang chờ chúng tôi. Nói chung tôi may mắn được lọt vào một gia đình tốt. Ở trong nhà này, tôi rất thích, nhưng dù sao tôi vẫn thương nhớ khôn nguôi cụ Ivan Savelievich. 5 Tôi với Sashka đã thỏa thuận cùng nhau: khi cậu ấy hỏi tôi câu gì đó, nếu tôi đồng ý thì sẽ trả lời “Gâu”, còn nếu không đồng ý thì sẽ kêu lên “U-u”. Giỏi lắm, Sashka! Mặc dù mới 13 tuổi nhưng cậu ấy là một chàng trai giỏi giang, chững chạc. Vâng, tôi nói “chàng trai” là chẳng ngoa chút nào. Cậu ấy đâu còn bé nhỏ gì nữa? Giá mà các bạn được nhìn thấy Sashka! Bà ngoại đứng chỉ đến vai cậu ấy. Gọi cậu ấy là “chú bé” tôi e rằng không tiện lắm. Tôi thích nhất là cậu ấy rất thông minh, sáng dạ. Tuy nhiên cũng hơi bị lém lỉnh, hiếu động. Và tính hiếu động của cậu ấy khiến cho tôi phải thêm đôi ba phần vất vả. Xét theo khối lượng công việc thì hồi ở với cụ Ivan Savelievich, tôi sống khỏe hơn nhiều. Cụ đi lại chậm rãi, vừa đi vừa khe khẽ hát. Tác phẩm yêu thích nhất của cụ là một bài hát về người lính xe tăng. Tôi chẳng dám nói điêu, cụ có thể trong một buổi tối chỉ hát đi hát lại chỉ độc một bài. Tôi còn nhớ mãi giọng hát trầm ấm của cụ: “Ba chiến sĩ xe tăng, ba người bạn thân tình vui tính – một tổ lái của cỗ máy tiêu diệt quân thù”. Nhưng bài hát có hay đến mấy, ca sĩ có tài năng đến mấy, nghe riết rồi cũng đâm ngán, đến nỗi đôi lúc tôi phải tìm cách làm cho cụ tạm ngưng bài ca bất hủ của mình. Lúc đầu tôi nghe hào hứng, sau đó nghe một cách bình thường, sau đó ráng nghe, sau đó nữa là ráng chịu trận, cuối cùng đành phải cất tiếng sủa gâu gâu - không to lắm nhưng cũng chẳng vui gì cho lắm. Cũng giống như tôi, cụ Ivan Savelievich phản ứng rất nhạy với bất kỳ âm thanh bất thường nào. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Tôi với cụ tuy hai mà một. Người ta thường nói thế nào ấy nhỉ? Ờ, “không thể dùng dao rẽ nước trong cốc làm đôi”. Tôi với cụ Ivan Savelievich cũng như vậy. Hễ cụ nói với tôi điều gì đó, tôi lúc nào cũng sẵn sàng: “Con nghe đây, ông ơi”. Còn mỗi khi tôi sủa, cụ cũng luôn hỏi lại tôi: “Có chuyện gì thế, Trison?”. Tôi trăn trở mãi một điều: nếu ở trường người ta dạy chúng tôi nói tiếng người, liệu tôi có thể học được lấy mươi từ hay không? Ngần ấy đã là quá đủ, không cần nhiều hơn. Tôi chỉ cần làm chủ được mười từ là quá tốt rồi. Cần gì nhiều hơn làm gì chứ? Tôi suy nghĩ rất lung về chuyện này và cuối cùng đi đến một kết luận. Thật tuyệt làm sao, nếu ở trường người ta dạy cho chúng tôi phát âm được những từ sau đây: 1. Đi dạo 2. Dừng lại 3. Đi nào 4. Chán rồi 5. Cứu giúp tôi với 6. Thức ăn 7. Lạnh quá 8. Nóng quá 9. Buồn ngủ 10. Xin lỗi Tôi cho rằng con người ta cũng chỉ cần biết bấy nhiêu từ là đã đủ để tồn tại trên đời. Thôi được rồi, nói về loài người thì tôi không dám bảo đảm, nhưng với tôi như thế là quá đủ. Tôi không hiểu tại sao các huấn luyện viên lại không nghĩ đến chuyện dạy chúng tôi cách phát âm những từ ấy. Tôi có đòi hỏi gì nhiều đâu. Thế mà chẳng ai dạy chúng tôi cả. Mà cũng chẳng ai thử tìm cách dạy mới lạ chứ. Sao người ta không thử đi, biết đâu thành công thì sao. Tự thân tôi đã cố thử, nhưng không có kết quả. Nào là chụm môi lại tròn vo như cái ống thổi lửa, nào là vặn vẹo lưỡi đến nỗi nó suýt thắt lại thành cái nút, nào nhe răng, phô lợi… Tất cả đều vô vọng. Tôi muốn nói một từ nào đó của ngôn ngữ loài người, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ được hai âm thanh là “gâu” và “u-u” của loài chó. Không thầy đố mày làm nên. Chán thật. Ngày trước, cụ Ivan Savelievich có nuôi một con vẹt. Nó về với cụ trước tôi. Đến khi tôi về sống với cụ, nó đã biết nói khoảng 100 từ tiếng người. Nó có thể nói leo lẻo liên tục suốt nửa tiếng đồng hồ. Tôi nói nghiêm túc đấy. Nó biết cả những từ khủng khiếp mà các bà hàng tôm hàng cá vẫn thường xài trong những trận cãi nhau kịch liệt ngoài chợ, những từ mà thậm chí tôi chưa từng nghe thấy từ cửa miệng của những huấn luyện viên dạy chó thuộc vào hàng tục tằn nhất. Tôi còn nhớ, ngay ngày đầu tiên, con vẹt đểu cáng ấy (tên nó là Keria, nghe cực tởm) đã làm tôi chết điếng vì kinh ngạc. Tôi với cụ Ivan Savelievich đi dạo vừa về đến nhà, gã lùn sặc sỡ ấy liền vênh mỏ lên ngạo nghễ: “Keria đói rồi nha!”. Tôi nghĩ bụng, gớm, nó là ông chủ chắc? Chưa hết đâu, nó còn vô liêm sỉ đến độ trong khi ông già mù còn đang lập cập bốc nắm lúa mì chưa kịp rải vào lồng cho nó thì nó đã nhảy loạn xạ, kêu quang quác: “Keria đói rồi! Đói rồi! Đói rồi!”. Đúng là đồ vẹt! Một tối, chúng tôi xem tivi, đúng hơn là tôi xem, còn cụ Ivan Savelievich thì nghe, nhưng cụ vẫn thường nói: “Nào, Trison, chúng ta xem tivi đi”. Chúng tôi ngồi yên lặng, nghe và nhìn. Bỗng dưng con vẹt chết tiệt ấy nổi hứng gào toáng lên đủ thứ từ ngữ có trong đầu khiến tôi với ông già muốn phát điên. Chương trình tivi đang đến hồi hấp dẫn nhất thì cái con sơn ca-kẻ cướp ấy làm rộn cả lên. Chịu hết xiết, cụ Ivan Savelievich bèn lấy chiếc khăn lông to sụ trùm kín lấy cái lồng. Chiêu này hiệu quả tức thì. Con vẹt hoảng hồn, ngậm mỏ tức khắc. Có lẽ nó nghĩ rằng sau màn “trùm mền” này rồi nó sẽ bị nhừ đòn như trong phim xã hội đen. Đáng đời nha con! Kiểu gì tôi cũng không ưa nổi con vẹt này. Bởi vì ngay cả những khi nó im lặng cũng không có nghĩa là không có rắc rối nảy sinh vì nó. Nó không phải chim, mà là đồ con lợn! Khắp nơi trong nhà đầy những lông của nó và vỏ trấu do khi ăn hạt lúa nó nhằn ra. Mỗi khi nó nổi hứng lên đập cánh phành phạch là y như rằng lông từ mình nó và vỏ trấu bay loạn xạ đầy nhà, căn hộ trông chẳng khác nào chuồng gà. Có một người phụ nữ đứng tuổi (tên bà là Maria Petrovna) cứ mỗi tuần hai hoặc ba lần đến nhà để dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ. Ngay cả bà ấy cũng không chịu nổi con vẹt. Bà thường mắng nó: “Keria, mày không biết xấu hổ à? Mày lại bày trò gì nữa đây?”. Nó vẫn phớt lờ, chẳng thèm đếm xỉa. Mắng nó quá thì nó cất tiếng ca bài ca quen thuộc của mình: “Cái đít ngu lâu, cái đầu đất sét”. Tôi hiểu là nó đang “tự kiểm điểm”, nhưng vẫn với thái độ cực kỳ trâng tráo. Bà Maria Petrovna làm mọi việc trong nhà một cách tận tâm tận lực, nhưng không bao giờ chịu nhận một đồng tiền nào từ cụ Ivan Savelievich. Điều đó khiến cụ cũng hơi ngại. Một lần, cụ nói với bà ấy: - Chị Maria Petrovna quý mến, vì Chúa, tôi mong chị đừng để tôi phải cảm thấy khó xử. Xin chị hãy cầm lấy ít tiền, chỉ một ít thôi cũng được. Cầm lấy rồi mua một món quà nho nhỏ nào đó cho bản thân mình. Làm sao tôi có thể để cho chị cứ phải làm việc không công mãi như thế được? Bà Maria cười rồi trả lời: - Sang thế giới bên kia rồi cụ trả cũng được mà - Nhưng tôi chẳng mặt mũi nào đâu, chị Maria ạ. Chị hiểu giùm cho tôi. - Chẳng việc gì mà phải xấu hổ cả cụ ạ. Mọi chuyện tôi làm không phải cho cụ, mà là cho chính bản thân mình đấy. Nói ra thì thật không tiện, nhưng tội vạ đâu tôi xin chịu: những lời của bà Maria Petrovna khiến tôi phải đề cao cảnh giác đối với bà ấy. “Mọi chuyện tôi làm… là cho chính bản thân mình” nghĩa là sao? Tôi nghĩ bụng, phải chăng bà ấy muốn cuỗm món đồ gì đó trong nhà này? Trong lúc dọn dẹp, lau chùi, bà ấy thường sờ mó, ngửi các đồ vật trong nhà. Hồi ở trường, các thầy cô huấn luyện viên thường cảnh báo rằng người mù rất hay bị mất cắp. Một số người sáng mắt cứ làm ra vẻ nhiệt tình giúp đỡ, nhưng thực chất chỉ chực có cơ hội là thó thứ này thứ kia, đặc biệt là tư trang, tiền bạc. Có khi họ tháo cả những bức tranh quý treo trên tường, hoặc nhét vào giỏ của mình những quyển sách hiếm. Có thể họ nghĩ rằng người mù thì cần gì đến tranh và sách. Vì vậy, chúng tôi, dù chỉ là chó dẫn đường, vẫn phải luôn để mắt đến những kẻ khả nghi. Nhưng dần dần, về sau, tôi hiểu ra rằng bà Maria Petrovna không phải thuộc hạng người có thể lợi dụng cơ hội để gây hại cho những người bất hạnh. Qua một chương trình phát trên tivi, tôi được biết rằng trên đời này có rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ người tàn tật trên tinh thần phi vụ lợi. Họ làm điều đó không phải vì tiền bạc, cũng không phải vì thương hại người tàn tật, lại càng không phải vì chính bản thân mình, mà chính là họ đang giúp Chúa. Đúng vậy, như người ta thường nói: muốn giúp đỡ Chúa, hãy giúp đỡ những kẻ bất hạnh, ốm đau, tàn tật quanh mình. Vâng, trên đời luôn có những người như thế. Nếu được dạy nói tiếng người hồi ở trường, thế nào tôi cũng đến đứng trước mặt bà Maria Petrovna mà phát biểu từ số 10: “Xin lỗi”. Hãy tha lỗi cho con, hỡi mẹ già quý mến. Tha lỗi, vì con đã nghĩ sai về mẹ. Cho đến trước khi cụ Ivan Savelievich qua đời, bà Maria Petrovna vẫn đến nhà chúng tôi. Vào những ngày lễ hay sinh nhật, họ cùng nhau uống một hai ly nhỏ. Sau đó họ ngồi với nhau, tay trong tay hát suốt buổi tối. Bà Maria Petrovna hát toàn những bài mượt mà, tình cảm, nghe cứ mê lịm đi, chứ không phải những bản hùng ca kiểu như bài ca ngợi lính xe tăng. Tôi đặc biệt thích ca từ sau đây trong một bài hát nào đó “Bà lão của tôi, bà còn sống đấy ư? Và tôi, tôi cũng đang còn sống. Xin chào, chào em yêu dấu ngày nào”. Họ hát, hát hoài, rồi cùng ngồi khóc. Hình như cụ Ivan Savelievich đã linh cảm được rằng cụ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Cụ thường nói với tôi: “Trison, con sắp được yên, không còn phải cực khổ vì ta nữa rồi. Già này sắp ra đi rồi con ạ”. Cụ già lạ thật, tôi có bao giờ phải cực khổ vì cụ đâu. Cụ ơi, nếu biết rằng sau khi cụ ra đi, con buồn và nhớ cụ biết chừng nào, hẳn cụ chẳng bao giờ nói thế… 6 Cụ Ivan Savelievich thường nhắc đến một câu thành ngữ mà cái đầu tôi không bao giờ luận được hết ý nghĩa sâu xa của nó. Cụ nói: - Trison à, tiền và tù là hai thứ khó mà chối bỏ. Tù thì ít nhiều tôi đã rõ. Cái chuồng nhốt chó có khác chi nhà tù? Nhưng tiền là sao? Tôi không cách nào hiểu nổi. Nhưng rồi xảy ra một chuyện. Cuối cùng thì tôi cũng được làm quen với khái niệm tiền. Tai họa xảy ra – tôi bị bắt trộm. Nhưng từ từ, tôi xin kể tuần tự sự việc. Một hôm thứ Sáu trong tuần, bộ ba chúng tôi đi siêu thị - tôi, Sashka và bà ngoại. Tôi không hiểu tại sao Sashka lại muốn đi vào cái cửa hàng khổng lồ chết tiệt ấy. Nhưng từ sáng sớm cậu ấy đã van xin bà ngoại cho đi cùng: - Bà ngoại yêu quý ơi, con van bà, cho con cùng Trisha đi siêu thị với bà nhé. Con chỉ đi quanh quẩn vài vòng để nhớ lại ngày trước con cùng các bạn đi mua sắm thôi. Con muốn sờ tay vào mấy món đồ chơi, mấy thứ đồ hộp linh tinh... Được chứ? Cho con đi đi mà, bà ngoại. Cho nha… Chọn siêu thị làm chỗ dạo chơi! Thiệt tình! Cụ Ivan Savelievich thường cố gắng tránh xa các siêu thị. Tốt lành gì mấy cái siêu thị cơ chứ. Chỉ toàn quầy kệ, dày đặc hàng hóa. Mà người thôi là người, chen chúc như cá mòi trong hộp. Tuy nhiên, cũng có lần cụ phải vào siêu thị để mua thứ gì đó, tôi được vào theo và chỉ thích có một góc nhỏ trong đó, nơi bán thức ăn cho chó. Thức ăn các loại được đóng gói sẵn, bịch lớn có, bịch nhỏ có, dưới dạng đồ hộp cũng có mà cho vào túi nilon cũng có. Toàn những thứ ngon và bổ dưỡng. Bên cạnh đó có treo đủ loại đai cổ, xích chó, nhưng những thứ đó chỉ dành cho lũ biếng lười, dạng như cái gã bulldog béo ị hôm nào trong công viên muốn làm quen với tôi và Margo. Những thứ dây xích, đai cổ ấy, có cho chúng tôi cũng chẳng thèm. Chúng tôi đã có các loại “trang thiết bị” chuyên dụng, đặc chủng của mình, bền chắc, thuận tiện, bảo đảm hơn nhiều. Tóm lại, theo tôi hiểu thì Sashka muốn ôn lại quãng đời trước đây của mình khi còn sáng mắt. Trẻ con mà đòi gì thì người lớn cứ liệu mau mau đáp ứng kẻo sợ chúng khóc. Mà ở đây lại là đứa trẻ tàn tật. Làm sao nỡ từ chối cơ chứ!? Vừa đến lối vào siêu thị, bỗng trước mặt chúng tôi xuất hiện một gã bảo vệ mặt mày đỏ gay, to cao như hộ pháp, cứ như từ dưới đất mọc lên. Tôi liên tưởng ngay đến bà bán thuốc tây kiêm máy phát sóng dọa chó ở hiệu thuốc (các bạn còn nhớ bà ta chứ?). Tay bảo vệ này cũng thuộc vào hàng cứng cổ. - Xin lỗi. - Gã nói. – Không được mang chó vào siêu thị. - Đây là chó dẫn đường. – Bà Elizaveta Maximovna giải thích. – Chó này được phép vào siêu thị. - Tôi không biết chó dẫn đường hay không dẫn đường. Đã là chó thì không được vào siêu thị! - Làm gì có chuyện lạ lùng như thế được? – Bà ngoại nổi cáu thật sự. - Người ta không dạy luật pháp cho các người sao? - Chúng tôi chẳng cần biết luật pháp mà bà nói là cái gì. – Tay bảo vệ lạnh lùng nói. – Chúng tôi chỉ có quy định từ cấp trên ban hành xuống. Chấm hết. Tôi không tài nào hiểu nổi. Không có các loại quy định thì loài người không sống nổi hay sao? - Con à. – Bà ngoại đấu dịu, dường như muốn làm mềm lòng cái tay điền kinh hạng nặng này. – Con hiểu cho. Thằng bé mù lòa, không thấy đường. Con chó này chính là đôi mắt của nó đấy. Con hiểu không? Ôi, bà Elizaveta Maximovna ơi, bà hãy nhìn cho kỹ quả lựu đạn gỉ sét trước mặt mình đi. Thứ đó mà có thể hiểu được gì cơ chứ? - Má già ơi. - Gã bảo vệ nói. - Bà muốn tôi bị đuổi việc chắc? - Già không muốn thế đâu con ạ, nhưng mà… - Thôi. - Gã bảo vệ đưa lòng bàn tay ra phía trước. – Không năn nỉ ỉ ôi gì nữa. Đằng kia có cây cọc kìa, buộc đôi con mắt của thằng bé vào đó. Tôi trông chừng cho. Gã đầu đất kia, có hiểu mình nói gì không? Hừ, buộc đôi con mắt! Ăn với chẳng nói. Thật chẳng ra làm sao. - Cậu thật không biết xấu hổ! – Bà Elizaveta Maximovna giận sôi. - Bà là gì của thằng bé? – Gã bảo vệ bỏ ngoài tai lời nhiếc của bà già. - Nó là cháu ngoại của tôi. – Bà trả lời đầy tự hào. - Vậy thì bà tự dẫn thằng bé đi. Tại sao lại cứ rủa tôi là không biết xấu hổ? Bà ngoại hiểu rằng có nói nữa với cái đầu đất sét này cũng vô ích, bèn đưa tôi cùng Sashka đến gần cây cọc chết tiệt nọ, buộc tôi vào đó. - Xin lỗi nhé, Trisha, tha lỗi cho bà nhé, con yêu. Con thấy đã xảy ra sự thể gì rồi đấy… Không, con không hờn giận gì đâu bà ạ, con hiểu mà. Cứ đi vào siêu thị đi, rồi mau mau mà trở ra với con, nếu không, đứng dưới trời nắng như thế này, chẳng mấy chốc con thành… con chó thui mất thôi. Hừ, kẻ “trông chừng” mới hay ho làm sao! Bà Elizaveta và Sashka vừa chui tọt vào cái miệng của con quái vật khổng lồ là cái siêu thị chết tiệt kia, tay bảo vệ cũng biến mất tăm. Tôi ngồi đợi dưới ánh mặt trời gắt gao. Nóng như thiêu đốt. Bỗng có tiếng xe hơi phanh kít, một chiếc bốn chỗ màu xanh dương đỗ xịch trước mặt tôi. Hai gã thanh niên bặm trợn, to như bò mộng, mở cửa xe bước ra. Một gã nhìn quanh dò xét rồi hỏi gã kia: - Ê, Bratan, mày biết con chó này giá bao nhiêu không? Đồ vô lại, tôi nghĩ bụng, chó này không phải món hàng thương mại đâu nha. - Chữ thập đỏ trên đai ngực nó nghĩa là gì thế? - Nghĩa là chó dẫn đường cho người mù, chó có học thức đấy. Chuẩn bị mà đếm tiền đi con ạ. Nào, mau mở cốp xe ra. Gã kia phóng lại đằng đuôi xe, mở cốp, còn gã này rút dao ra, cắt phựt sợi dây rồi ôm chặt lấy tôi. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì nắp cốp xe hơi đã đóng sập lại trên đầu. Quân lưu manh đểu cáng! Chúng mày làm gì thế? Sashka của tao còn đang ở trong siêu thị cơ mà. Chúng mày là người hay là đồ chuột cống? Chiếc xe rồ máy lao vút đi. Tôi không biết chúng đưa tôi đi đâu, chỉ có thể cảm nhận rằng chúng không chạy trên đường nhựa. Trời ạ, sao hồi ở trường, người ta không dạy tôi cách tấn công để phòng vệ trong những trường hợp cấp bách cơ chứ! Phải chi được dạy võ, tôi đã đớp vào cổ họng cái thằng trộm chó chết tiệt ấy chứ ở đó mà “mở cốp xe ra” với chẳng “chuẩn bị đếm tiền”! Nhưng chúng tôi không được phép cắn người. Các bạn có hiểu không? Sủa thì được, còn cắn thì tuyệt đối không. Tôi nằm trong cốp xe, tru lên vì uất ức. Hết tru lại sủa, nhưng chẳng tác dụng gì. Tiếng nhạc từ hai cái loa đặt ở băng ghế sau dội xuống điếc cả óc. Bum – bum – bum. Rặt thứ nhạc kẻ cướp. Khoảng nửa giờ sau, xe dừng lại. Tôi dỏng tai lên. Nghe được mấy từ rời rạc: tuần tra giao thông, ông trung sĩ, bằng lái… A ha! Các cu cậu sa lưới công an rồi nhé. Đáng đời! Quả là lưới trời lồng lộng… Cơ hội giải thoát đã đến, tôi vận hết sức ra mà sủa. Rồi tôi nghe ông trung sĩ nói: - Các anh chở gì thế? Trong cốp xe có một con chó phải không? Tôi mừng rơn - sắp được giải thoát rồi. Có thế chứ! - Báo cáo bác chỉ huy, con chó của chúng em nó bị bệnh làm sao đó, em phải đưa nó đến thú y ạ. - Thằng đểu nói dối không ngượng mồm. – Phải nhốt nó vào cốp xe kẻo nó sổng ra không cách nào bắt lại được thì khốn. - Mở cốp ra cho tôi kiểm tra! – Ông cảnh sát giao thông yêu cầu. Thằng trộm chó chỉ mở he hé nắp cốp, ông cảnh sát nhìn qua cái khe rất hẹp, còn tôi thì cố sức sủa, rồi kêu ăng ẳng, rồi vùng dậy, gắng sức dùng đầu đội nắp cốp lên cao. Đồng chí công an ơi, hãy nhìn cho kỹ đi: dây nối dẫn đường của tôi bị cắt, trên mình tôi có băng đai chuyên dụng in chữ thập đỏ, biểu tượng của nhân viên y tế. Nào, nhìn đi, nhìn cho kỹ vào! Chúng là lũ trộm chó chính cống đấy. Trời ơi, giá mà nói được tiếng người, lúc này tôi đã gào lên từ số 5 “Cứu giúp tôi với”. Nhưng nắp quan tài lại đóng sập trên đầu tôi… - Tại sao các anh lại nhốt con chó vào trong cốp xe? - Thì còn biết nhốt nó ở đâu nữa? – Thằng trộm mất dạy cười cười. – Để nó ngồi chung trong xe, nhỡ nó tè bậy, ị bậy thì cả xe thối um lên à? Đồ súc sinh ngu ngốc. Tao đây có thể kiềm chế nhu cầu tự nhiên hàng nửa ngày trời nha con. Quả thực, hồi ở trường, chúng tôi đã được dạy kỹ năng đó. - Ờ, ờ. - Ông cảnh sát trả lời. - Thôi được rồi. Chúc thượng lộ bình an. Các bạn thấy không, cuộc đời chó má là như vậy đấy. Nếu trong cốp xe là một con người, lệnh báo động hẳn đã được phát ra cho toàn bộ Sở cảnh sát thủ đô! Còn ở đây thì chỉ là một con chó bệnh vớ vẩn nào đó mà thôi. Ôi, người ơi là người! Người thì không cho chó vào siêu thị, người thì bắt trộm chó, người thì bỏ lỡ cơ hội cứu chó và biết đâu còn có người… (nghĩ đến mà ghê hồn) có thể giết chết chó. Không, tôi nghĩ, một khi chữ “tiền” đã được nói ra, mọi chuyện không thể kết thúc chóng vánh bằng lưỡi hái của thần chết. Nghĩ như vậy, tôi có phần vững tâm hơn. Khoảng 20 phút sau, xe dừng lại. Một cánh cửa nào đó mở ra nghe ken két. Nắp cốp xe bật lên và tôi nhìn thấy một cái nhà kho nào đó trong góc vườn. Những thằng đểu này đã đánh xe lui sát đến tận cửa kho nên khi tôi nhảy ra khỏi cốp xe là vừa vặn chui tọt vào ngay trong nhà kho. Ngay khi tôi vừa chạm đất, chiếc xe liền vọt tới và cửa kho đóng sầm lại tức khắc. Ngay sát bên dưới mái nhà có một vuông cửa sổ nhỏ. Ánh sáng rọi lờ mờ vào góc đối diện. Xung quanh toàn những thùng phuy, xô chậu, cuốc xẻng, thùng sơn, giẻ lau, vân vân. Tóm lại, còn tệ hơn cả cái chuồng nhốt chó tệ hại nhất. Sống ở đây, thà sống trong tù bên Nhật Bản còn sướng hơn. Những tên trộm chó đứng bên ngoài ngay trước cửa, bàn luận. - Bây giờ đưa nó đi đâu đây? – Một đứa hỏi. - Tốt nhất là đăng tin ở mục rao vặt trên báo. - Đứa kia trả lời. – “Bán một con chó đực giống Labrador, đã qua trường lớp huấn luyện. Giá phải chăng”. - Sao mày biết là nó đã qua trường lớp? - Mày có dở hơi không thế? – Gã du côn cười vang. - Nó là chó dẫn đường. Mọi hiệu lệnh, mệnh lệnh nó hiểu hết, còn hơn cả mày đấy. - Kiểu gì cũng phải cho nó sống ở nhà nghỉ ngoại ô này một thời gian đặng cho nó quen với hoàn cảnh mới. - Thôi được rồi, trước khi thông báo rao vặt được đăng, tạm thời hẵng phải nuôi nó vậy. Này, này, các quý cậu! Các cậu còn chưa biết tôi đâu. Cho đến khi xuống mồ tôi cũng không quên được những người từng được tôi dẫn đường. Đừng có mà hoang tưởng. Các cậu sẽ không đạt được ý muốn điên rồ của mình đâu. Dù các cậu có bán tôi đi đâu, bán cho ai, cuối cùng rồi tôi cũng sẽ bỏ trốn để về với những người thân yêu của mình thôi. Rồi người mua sẽ tìm đến gõ vào gáo dừa của các cậu. Lúc đó thì tha hồ mà “đếm tiền” nhé. - Mà này, chúng ta chẳng có lấy một mảnh giấy chứng minh nguồn gốc, sổ lý lịch, sổ tiêm chủng… gì gì của nó cả. Làm thế nào bây giờ? – Một tên hỏi. - Thì chính vì thế mới phải rao bán giá rẻ. – Tên kia trả lời. – Chúng ta sẽ nói rằng chủ của nó bị chết bất đắc kỳ tử, hoặc sẽ bịa ra một lý do chính đáng nào đó. - Không ổn đâu, nguy hiểm lắm. Có lẽ phải đưa nó sang thành phố khác mà bán thì mới chắc ăn. Thậm chí phải đưa đi thật xa. - Mày điên à? Một tiền gà, ba tiền thóc. Đưa nó đi xa để bán thì chẳng bõ tiền xăng. – Tên kia trả lời. – Không sao đâu, mày đừng lo… Mấy tên cai ngục của tôi bỏ đi đâu mất. Bây giờ thì phải tìm hiểu cái xà lim hôi hám này. Mẹ kiếp, lũ súc sinh ấy chẳng để ở đây cho tôi lấy một ngụm nước. Tống người ta vào ngục, đã không cho ăn thì chớ, lại không nghĩ đến chuyện cho người ta uống. Chẳng những thế, lại còn không chịu tháo băng đai. Quân dã man! Tôi là một con chó hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng tôi vẫn không thể nào không căm giận một số người. Xin các bạn hãy rộng lòng thứ lỗi cho tôi. Ngay cả các bạn cũng không thể gọi cái thứ người ấy là người theo đúng nghĩa. Thứ người ấy là gì? Thậm chí không được là chó nữa, mà chỉ là những con má… 7 Dù sao thì chúng ta vẫn còn có niềm hi vọng. Làm sao tôi có thể không nhớ đến ông cụ Ivan Savelievich quý mến của mình chứ? Cụ thường nói: hễ còn sống là còn hi vọng. Một khi niềm hi vọng còn đó thì hãy vững tâm tiến lên phía trước, hỡi hậu duệ của các chiến binh Viking kiêu hùng và của những bậc tiền bối xứ Basque vĩ đại! Điều đáng chú ý: nền của cái “siêu thị” này là nền đất (tôi tin rằng các bạn hiểu tại sao tôi gọi nhà tù của mình bằng cái tên ấy). Niềm hi vọng chính là ở chỗ đó. Nếu các bạn chưa biết, tôi xin giải thích: chó Labrador có thể đào một cái hố sâu cả mét chỉ sau một đêm. Dĩ nhiên, nếu nó không phải làm việc gì khác. Giờ đây, tôi có phải làm việc gì khác nữa đâu. Phải tìm cách vượt ngục thôi. Tôi chẳng dám nói điêu chứ nếu sáng mai lũ khốn ấy dám vác mặt tới đây, tôi sẽ lao vào chúng và chiến đấu một mất một còn - như một con báo rừng hoang thực thụ. Nói gì thì nói, trước hết cần phải thực hiện các biện pháp an toàn. Xem nào, trong tay ta có gì. Đầy các loại giẻ rách. Tốt! Thậm chí tuyệt vời! Hễ có động, nghĩa là nếu cảm nhận được rằng quân thù sắp xuất hiện trước cổng thành, tôi sẽ dùng mớ giẻ này để che giấu miệng hang. Nào, gom toàn bộ số giẻ lại, cho vào một góc. Tốt rồi. Bây giờ thì… Ơ, cái gì thế này? Dầu nhớt à? Ngửi xem nào. Ôi, thật may mắn làm sao: nước! Bất chợt tôi nhớ lại câu thành ngữ yêu thích của cụ Ivan Savelievich: “Khi một cánh cửa đóng lại, ắt sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Hóa ra mái nhà kho bị dột, lại đúng chỗ cái chậu thau, thế là có cả nửa chậu nước đang nằm đó chờ tôi! Sống rồi! Nếu là người, chắc chắn lúc đó tôi sẽ khoái chí xoa tay hài lòng, sung sướng. Tuy nhiên, sau khi nếm thử cái thứ nước đùng đục màu nâu nhờ nhợ trông ghê ghê ấy, tôi suýt buồn nôn vì mùi tanh của sắt rỉ. Khiếp! Nhưng biết làm sao được? Không thể sống thiếu nước. Nước là nguồn sống, nguồn sinh lực. Đói ăn còn có thể chịu đựng được, chứ khát nước thì chỉ còn biết le lưỡi ra mà thở. Tôi bỗng nhớ lại, cách đây không lâu, Sashka đã đọc cho tôi nghe mấy vần thơ: Tôi ngồi ở đằng sau song sắt Của ngục tù tối tăm ẩm thấp Bài thơ này nói về một con chim nào đó, nhưng vụ tối tăm và ẩm thấp thì quả đúng phóc với tình trạng của tôi lúc này. Nào, còn chờ gì nữa? Bắt tay vào việc thôi chứ? Giờ đầu tiên, tôi làm việc không ngơi chân. Không dừng, không nghỉ. Sau đó là 10 phút giải lao, tợp đúng 10 hớp nước (giờ đây nó ngon chẳng kém gì món cocktail thượng hạng), rồi lại tiếp tục đào. Mấy “chuyên gia về chó” khốn kiếp lặn đi đâu biệt tăm, suốt buổi tối không hề ló dạng. Điều đó cũng tốt cho chúng, vì nếu chúng mà tới thì thế nào rồi cũng phải đi cấp cứu. Răng tôi còn sắc chán. Chúng không đến, tôi vừa mừng vừa tiếc, tiếc vì không có dịp dạy cho chúng một bài học. Trong khi đào, đào, đào, đào, bới, bới, bới, bới, tôi chợt nhớ tới cái gã bảo vệ siêu thị từng hứa với bà ngoại là sẽ trông chừng tôi: phải chi ngươi đừng có nguyên tắc cứng đờ với mấy cái quy định vớ vẩn ấy thì giờ này ta đã yên vị trên tấm thảm mềm êm ái, ngắm nhìn cậu bé yêu quý của mình đang thong thả lướt ngón tay trên màn hình chữ nổi. “Tôi trông chừng con chó của bà cho”. Hừ, thế mà cũng gọi là “trông chừng”! Cứ liệu hồn đấy. Rồi lương tâm sẽ cắn rứt ngươi vì trái tim sỏi đá của ngươi. Bảo vệ cơ đấy. Bảo vệ kiểu gì thế không biết. Cai ngục thì có… Những người thân yêu của tôi giờ đây đang sống thế nào? Chắc là họ đang khóc đến cạn nước mắt, nhất là cậu bé Sashka yêu quý của tôi. Thương cậu bé quá chừng. Tôi với cậu ấy đã quen có nhau rồi. Vậy mà rồi xảy ra chuyện đau lòng như thế này… Đừng khóc nữa, Sashka yêu quý. Đừng quá tự dằn vặt mình như thế. Thế nào tôi cũng thoát khỏi cái ngục tối hãi hùng này. Ôi, có lẽ phải nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi lùi ra xa một chút, ngắm nhìn cái “hố khảo cổ” của mình. Quả thực trông đã giống một đoạn địa đạo con con. Nhưng còn phải đào và đào nhiều nữa. Không được buông lơi, hỡi chiến binh Labrador! Mi phải làm sao để kịp thoát được cái ngục tù này trước khi trời sáng. Hãy uống một hớp nước để rồi còn đào, đào và đào. Quá mải mê với công việc, tôi không để ý thấy một vì sao đã xuất hiện trên ô cửa sổ nhỏ xíu sát mái nhà. Rồi thêm một vì sao nữa. Bầu trời sáng trong, tiết trời ấm áp. Tôi rất thích khoảng thời gian ban đêm. Ban đêm, tất cả chó trên thế gian này, kể cả chó dẫn đường, đều nghỉ ngơi trong “chăn êm nệm ấm”, thưởng thức những giấc mơ. Các bạn ngạc nhiên lắm sao? Tôi xin nói một cách nghiêm túc với các bạn: loài chó chúng tôi cũng có những giấc mơ đấy. Thậm chí có cả những giấc mơ tuyệt vời! Chẳng là hồi ở với cụ Ivan Savelievich, tôi từng được xem rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh. Sau mỗi lần xem phim, tôi lại nằm mơ. Tôi mơ thấy rằng bất chấp mưa bom bão đạn, tôi lao vun vút qua màn khói lửa dày đặc trên trận địa, chạy khắp nơi tìm kiếm các chiến sĩ của ta bị thương, kéo về tuyến sau. Có lần tôi còn mơ thấy mình cứu được một người trượt tuyết bị vùi sâu trong tuyết. Mọi người thưởng huân chương cho tôi, đãi tôi món gà rán, các phóng viên xúm đông xúm đỏ chụp hình. Một phóng viên còn dúi micro vào sát mõm tôi. Vụ này làm tôi hơi khó chịu, vì cái micro mới chán làm sao – vừa lạnh lẽo, vừa thô ráp, thỉnh thoảng còn phóng điện gây tê tê. Cáu lên, tôi sủa vang và… giật mình tỉnh giấc, vẫn còn nghe tiếng sủa của mình vang dội khắp căn hộ. Cụ Ivan Savelievich hoảng hồn, suýt chút nữa lăn từ trên giường rơi xuống đất. - Trison, có chuyện gì thế? – Cụ thảng thốt hỏi. Tôi im lặng. Cụ gọi tôi lại gần rồi nói: - Hình như con nằm mơ thấy điều gì đó… Ông cụ thật giỏi đoán. Tôi rên ư ử vài tiếng. Cụ lại nói: - Đến đây với ông đi con, nào, leo lên nằm bên cạnh đi. Đừng hoảng sợ, con ạ, mộng mị là chuyện thường mà. Thỉnh thoảng già này cũng nằm mơ thấy lắm chuyện hãi hùng. Thỉnh thoảng khi nằm mơ cũng la hét. Cụ Ivan Savelievich thường nằm mơ, thấy lại cuộc đời quân ngũ của mình. Sau đó, khi đi dạo, cụ thường kể lại cho tôi nghe. Cụ nói: “Con biết không, Trison, tối qua ông nằm mơ thấy mình tham gia tập trận trên chiếc xe tăng ngày ấy. Ông nhìn thấy người bạn cũ cùng trung đoàn. Anh ấy là tiểu đoàn trưởng. Mọi chuyện diễn ra sống động cứ như thật. Mọi người trong giấc mơ đều trẻ trung, hoạt bát, năng nổ y như cái ngày xa xưa ấy”. Theo lời kể của ông cụ về cuộc sống quân đội, tôi nhận thấy trường huấn luyện chó cũng chẳng khác là bao: cũng đủ thứ bài tập thao trường, rồi thì mệnh lệnh, huấn luyện tân binh, cựu binh, sát hạch, thi tốt nghiệp, thi nâng bậc… Ối, đào mệt rồi, phải nghỉ chút đã. Nếu cứ đà này, không lơi chân, thì chỉ khoảng từ hai đến ba tiếng đồng hồ nữa ta sẽ thoát được ra ngoài. Nhưng quả thực là tôi đã thấm mệt. Nếu không có cái băng đai trên mình, có lẽ tôi làm việc đạt năng suất gấp mấy lần. Nhưng tôi không thể tự tháo nó ra được. Biết làm sao đây, đành ráng mà chịu thôi, dù vô cùng khó chịu. Mặc dù tôi là chó nòi, được huấn luyện đến nơi đến chốn, nhưng đã từ lâu lắm rồi tôi chưa từng phải đào hang đào hố gì. Hồi ở trường, hễ chúng tôi ngứa chân bươi đất thành cái hố nhỏ thôi là đã bị mắng té tát rồi. Mà loài chó chúng tôi thì thỉnh thoảng cứ phải bươi bới cho đỡ… nhớ. Hồi trước, mỗi lần đi câu cá với cụ Ivan Savelievich (hình như tôi từng hứa sẽ kể các bạn nghe về chuyện đi câu cá), tôi tha hồ vui chơi thỏa thích. Ở bờ sông ngoài đồng hay bờ suối trong rừng, tôi từng đào những cái hố trông thấy mà mê. Ông già vỗ vỗ vào lưng tôi, mắng yêu: - Ngốc quá đi thôi, Trison ơi! Không có việc gì làm nữa hay sao mà cứ đào với bới thế? Để sức mà chạy nhảy trong rừng hay trên cánh đồng có phải hơn không. Cụ làm như tôi không chạy nhảy ấy! Tôi chạy suốt ngày. Không chạy thì ít nhất cũng phải đi. Chỉ có chuyện đào hố thì đành “bó chân”, vì sống trong nội thành. Thử đào mà xem. Dân tình lại chẳng xúm đến mắng cho: “Mày làm gì thế? Phá nát bãi cỏ công viên rồi!”. Mà họ mắng như thế là phải. Trong công viên, đâu có phải muốn đào là đào. Nhỡ em bé nào đấy sa chân xuống đó thì sao. Chuyện này thì tôi thừa nhận mọi người có lý. Lần nọ, tôi cùng cụ Ivan Savelievich đi câu cá. Cụ già giăng cái ghế xếp của mình ra, ngồi xuống, bắt giun đựng trong vỏ lon đồ hộp móc vào lưỡi câu. Cụ làm việc ấy thành thạo đến mức nếu không biết trước, hẳn tôi không thể nào tin được đó là một người mù. Cụ quăng lưỡi câu xuống nước rồi bảo tôi: - Trison, theo dõi nhé, hễ thấy phao động đậy là sủa lên ngay cho ông biết nhé. Hừm, tôi ngồi nhìn chăm chăm vào cái phao, năm phút, mười phút, mười lăm phút, mắt hoa hết cả lên. Chợt tôi thấy hình như cái phao động đậy, bèn đánh động ông cụ: “Gâu!”. Cụ già giật phắt cần câu, rồi kiểm tra lưỡi câu. Chẳng có gì cả. Ông cụ làu bàu, vẻ không hài lòng: - Làm gì mà sủa to thế, cá nó sợ, chạy mất hết cả bây giờ. Thế đấy! Mới ban nãy, cụ chẳng bảo “sủa lên ngay” là gì. Nếu chỉ cần sủa nhỏ tiếng thôi thì phải bảo tôi là “sủa lên khe khẽ” chứ. Thật chẳng biết cách diễn đạt ý nghĩ của mình thành lời nói. Thế mà cũng gọi là dân câu cá. Tôi hơi phật ý. Nhưng chỉ nửa giờ sau, chúng tôi đã làm hòa với nhau. Một bữa ăn thịnh soạn với toàn món cá do cụ Ivan Savelievich câu được. Đối với tôi, bữa ăn đó chẳng khác gì một bữa tiệc trong cung vua phủ chúa! Ông cụ đãi tôi hẳn một con cá rô to gần bằng bàn tay người, béo ngậy. Suốt đời tôi không bao giờ quên được vị ngon của nó. Cắn vào một miếng, nó cứ như tự tan biến giữa hai hàm răng, giữa lưỡi và vòm họng. Quả là ngon không lời nào kể xiết. Ôi, hình như tôi quá sa đà vào chuyện đi câu và chuyện món ngon trên đời. Phải nhấp giọng bằng một ngụm nước thôi. Tợp nước vào, tôi thấy khỏe hẳn ra. Tôi lại lùi ra xa để chiêm ngưỡng cái đường hầm độc đáo của mình. Còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa mới có thể hoàn tất để chui ra ngoài. Miễn sao sức lực đừng bỏ mình mà đi là được. Miễn sao đừng vì mệt quá mà nằm lăn ra rồi ngủ lịm… Hễ mà ngủ mê ngủ mệt, quên mất công việc cần làm, sáng mai lũ khốn ấy đến thì liệu mà phải chiến đấu một mất một còn với chúng. Tôi đào, đào, đào, bới, bới, bới… Hoan hô!!! Hình như đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi. Nào, ráng lên, cố lên, Trison yêu quý! Ráng chút nữa thôi. Chao, nếu không có cái vòng băng đai vướng víu, tôi đã thoát được ra ngoài từ lâu rồi. Chỉ còn chút xíu nữa thôi là có thể chui lọt đầu ra ngoài. Đừng nóng vội, đừng hấp tấp, anh bạn thợ mỏ ạ. Nếu không, bị mắc kẹt như Winie Pooh kẹt trong hang thỏ thì khốn(*). Nào, Trison, cố lên. Xong! Hình như là đã xong! Miệng hang đã mở rộng. Nhưng hãy khoan. Phải nhấp một ngụm nước để lấy sức, vì chắc chắn sẽ phải chạy không biết bao nhiêu đường đất nữa. Tôi thụt lùi trở lại vào trong nhà kho, uống cạn chỗ nước mưa pha rỉ sắt tởm lợm ấy rồi chui qua hang ra ngoài. Ôi, đây rồi, Tự Do - hai tiếng ngọt ngào! Không khí mới trong lành, dễ chịu làm sao! Phía trước có một cái hàng rào. Vớ vẩn! Đối với tôi, cái hàng rào ấy chỉ là chuyện nhỏ. Tôi phóng qua cái một. Thế là thoát. Tôi nhìn thấy một cánh rừng trước mặt. Trước mắt, tôi hẵng tạm ẩn náu ở đó, nghỉ ngơi lấy sức rồi tính tiếp… (*) Winie Pooh là chú gấu trong bộ phim hoạt hình rất được yêu thích của Nga. 8 “Ôi, một ngày thật tuyệt. Ngày hôm nay mới tuyệt làm sao!”. Dù đang ngủ nhưng tôi vẫn nghe được ai đó đang hát một bài hát mà tôi chưa từng được nghe bao giờ. Tôi choàng tỉnh, nhìn quanh, và nghe tiếng trẻ con chơi đùa ở đâu đó rất gần. Chúng nói cười ầm ĩ, thỉnh thoảng lại ré lên. Tôi lắc mạnh đầu cho tỉnh hẳn, khẽ đằng hắng vài tiếng, và suýt ngất xỉu vì bị mùi thịt nướng thơm lựng sộc vào mũi. Nước miếng tứa ra nhưng cổ họng thì vẫn khô đắng. Bất chợt nhớ đến ông lão tội nghiệp của mình. Mỗi lần hết thuốc lá hay mỗi khi cạn đồ ăn trong tủ lạnh, cụ Ivan Savelievich thường nói: “Thế đấy, Trison ạ, chúng ta tận số rồi, chẳng còn gì để ăn, để hút”. Cái từ “hút” chán chết đi được, nhưng “ăn” thì quả thực cần thiết cho tôi lúc này hơn bao giờ hết. Một cách thèm thuồng, tôi cố nuốt cái thứ nước miếng đắng nghét trong miệng, vận hết sức tàn luồn lách qua các bụi rậm. Tiếng trẻ con nô đùa mỗi lúc nghe một rõ hơn. Từ lâu, tôi đã nhận ra rằng ở đâu có trẻ con vui đùa, ở đó có rất ít lòng thù hận của con người, ít nhất cũng gần như thế. Vì vậy, tôi cố bò đến “tụ điểm” nọ, dù sao cũng vẫn không quên đề cao cảnh giác. Ngồi bên bụi rậm, tôi dùng một chân trước cẩn thận rẽ cành cây ra và nhìn thấy hai chiếc xe hơi. Cửa sau của một chiếc xe mở rộng, từ đó phát ra giai điệu tuyệt vời mà tôi được nghe trong lúc ngủ. Một đám trẻ con chạy nhảy, nô đùa vui thú xung quanh hai chiếc xe, cách đó khoảng chục mét có một người đàn ông to béo cầm hai que xiên bằng sắt, trên đó xiên đầy những miếng thịt to tròn, căng mọng. Rồi từ trong xe bước ra thêm ba người nữa: hai người phụ nữ, một già một trẻ, và một người đàn ông gầy gò, vai xuôi. - Zhora. - Người đàn ông nhỏ con vai xuôi vừa bước ra, gọi to. - Đi ngụp lặn chút đi. Đã ra đến đây thì phải bơi lội chút chứ. Á à, tôi nghĩ bụng, vậy là tốt rồi. Rõ ràng, ở gần đây có hồ hay sông gì đó. Mặc dù, do khuất tầm nhìn, tôi chẳng nhìn thấy nước nôi gì quanh đây cả. Nhưng một khi người ta rủ nhau đi bơi thì có nghĩa là có nước. Tôi vững bụng phần nào. - Chờ lát đi. - Ông mập trả lời. – Chờ tôi nướng thịt xong đã. Tôi không thích bơi với cái dạ dày rỗng đâu. - Anh nói vậy là trật rồi, anh Zhora ạ. – Ông gầy khẳng định. – Xem tôi đây này, cứ như vừa lột xác, cảm thấy mình tươi roi rói. Tôi suy luận: nếu mọi người đi picnic, tổ chức cắm trại nơi đây, chắc chắn quanh đây có nguồn nước, tha hồ uống. Chuyện ăn hẵng tạm gác lại đó, trước hết hãy uống cái đã. Tôi lao đi do thám. Chỉ khoảng 5 phút sau, tôi đã có thể tợp lấy tợp để thứ nước tinh khiết đến tuyệt vời mà Tạo hóa ban cho vạn vật. Tôi nốc vào thật nhiều. Để dự phòng, tôi nghĩ bụng. Nhưng sau đó ít lâu, khi cái dạ dày của tôi réo lên ùng ục vì đói, tôi lại có cảm giác như mình vừa uống vào đầy một bụng dầu nhớt. Những con người hạnh phúc kia trước khi đi picnic chắc chắn không nghĩ đến chuyện phải chuẩn bị sẵn phần ăn cho một con chó đói. Mà số thịt mang theo chưa chắc đã đủ cho bản thân họ ấy chứ. Tôi lại mò đến cái bụi cây “vọng gác” của mình để quan sát tình hình. Số lượng người khá nhiều. Thôi, đành chờ họ rút quân rồi mò đến, may ra có còn sót lại đôi chút xương thừa, thịt vụn… Trước đây tôi thường lấy làm bực mình nếu có ai đó đi chơi ngoài trời, ăn uống xong mà không dọn dẹp. Tôi thường nghĩ bụng: làm sao có thể như vậy được chứ? Ngồi ngoài thiên nhiên trong sạch, nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống xong thì khi ra về, ít ra cũng phải thu dọn thức ăn thừa, rác thải. Để rồi nay mai có quay trở lại, nơi đây sẽ sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng hôm nay tôi lại nghĩ khác (hễ nhớ đến chuyện này tôi lại thấy xấu hổ). Tôi ước chi những người đang cắm trại nơi đây sẽ là những kẻ luộm thuộm, vô ý thức. Ước chi họ vứt những thứ ăn thừa lung tung trên bãi cỏ và khi ra về sẽ không thu dọn chúng. Dĩ nhiên chớ mong gì có được lấy một mẩu xương vụn! Không phải vì họ có thể xơi hết cả thịt lẫn xương, vấn đề là chẳng ai dại gì mang xương theo khi đi picnic. Nhưng dù sao thì cũng có thể hi vọng vào một vài mẩu xương sườn nào đó. Tôi căng mắt nhìn thật kỹ mấy xiên thịt: than ôi, có lẽ chẳng có thanh xương sườn nào trong đó cả. Toàn những miếng thịt căng mọng. Hình như là thịt lợn. Thịt lợn mà nướng lên chắc ngon hơn cả thịt gà rán ấy chứ. Tôi lại nuốt nước miếng ừng ực và cái dạ dày rỗng của tôi lại réo lên ùng ục. Mặt trời lên cao, chắc đã đến giữa trưa rồi. Những con người “hoang dã” này sau khi ăn uống no say bèn nằm lăn ra bãi cỏ, còn tôi thì chỉ biết nuốt và nuốt nước miếng mà thôi. Tôi ngủ thiếp đi một lát rồi bỗng choàng tỉnh vì tiếng động cơ xe hơi khởi động. Ôi, họ chuẩn bị ra về rồi sao? Liệu có thể mong đợi gì ở họ? Thì ra cái bác mập nọ nóng quá chịu không được nên mở máy xe để bật máy lạnh. Thế mà cũng gọi là đi “tìm về miền hoang dã”. Bọn trẻ vẫn chơi đùa vô tư giữa trời nắng nóng, vậy mà ông ấy lại chui vào xe bật máy lạnh. Chẳng thà ông ấy đánh xe ra xa xa một chút, đằng này không, cứ để xe ngay trên bãi cỏ gần mọi người và cho xe xả khói để bản thân mình thưởng thức cái hơi lạnh nhân tạo. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi chủ động xuất đầu lộ diện? Giả sử tôi bước ra trước mặt họ, đứng thẳng lên trên hai chân sau, chắp hai chân trước lại trước mặt, để chứng tỏ mình là một con chó hiền lành, đã được huấn luyện đâu vào đấy. Chắc chắn họ sẽ phải hiểu ra mọi chuyện khi nhìn thấy cái băng đai trên mình tôi. Dù sao thì trên băng đai ấy cũng có in dấu hiệu Chữ thập đỏ. Nhưng rồi họ sẽ hành xử ra sao? Họ sẽ làm gì với tôi? Nếu chẳng may họ là người quen của đám lưu manh trộm cướp nọ thì sao? Hoặc giả họ cũng muốn kiếm tiền khi biết tôi thuộc nòi chó quý và có nhiều kỹ năng khác thường? Không được chủ quan. Họ có thể tống tôi vào cốp xe rồi nằm đó mà chết ngột cho đến tối. Dù mọi chuyện không đến nỗi tồi tệ đến thế thì cũng chẳng hi vọng gì vào việc có được miếng ăn bỏ bụng. Chắc là họ đã xơi sạch món thịt nướng rồi. Đúng là đã xơi hết rồi. Nhìn kìa, đống lửa đã tàn. Thậm chí không còn sợi khói nào bốc lên nữa. Nghĩa là bữa tiệc barbecue hôm nay đã kết thúc. Vâng… thật tiếc… Bước ra hay không bước ra – vấn đề là ở chỗ đó! Tôi còn nhớ, nhớ rất kỹ, trong một chương trình truyền hình, một nghệ sĩ nào đó từng phát biểu rằng thà chấp nhận những gì đã quen thuộc còn hơn đi tìm kiếm những gì lạ lẫm với mình. Giờ đây, tôi đánh liều chọn vế thứ hai. Dù sao họ cũng là những người biết yêu thiên nhiên… Thử bước ra xem sao nhé. Đói, đầu gối phải bò – cụ Ivan Savelievich thường nói thế. Dĩ nhiên, trước tiên phải xem thái độ của họ đối với tôi như thế nào để rồi còn có cách ứng xử tương ứng – hoặc tôi sẽ nhe nanh giương vuốt, hoặc để cho họ vuốt ve âu yếm. Ôi, chuyện gì cần phải xảy ra thì nhất thiết sẽ xảy ra. Một liều ba bảy cũng liều. Tôi đã quyết. Như lời của một bài hát “Tôi từ rừng sâu bước ra…”, tôi từ từ bước ra và đứng đó, theo dõi mọi chuyện. Một cô bé con nhìn thấy tôi trước tiên. Để không làm cho cô bé sợ hãi, tôi tỏ tình thân ái bằng cách ngoắt đuôi lia lịa. Nhưng cô bé vẫn kêu ré lên và chạy vội đến với mấy người lớn. Ông mập vọt ngay ra khỏi cái “tủ lạnh” của mình, nhặt lấy một cây gậy từ dưới đất. Tôi nghĩ bụng, sao lại cần đến gậy hở ông bạn? Ông không thấy sao, tôi đứng yên một chỗ, trong tư thế bình thường chứ không phải sẵn sàng tấn công, tôi cũng không sủa. Dù sao thì ông ấy cũng chẳng thể nào hiểu được ở đâu ra lại xuất hiện lù lù một con chó giữa chốn rừng sâu thế này. Tôi đưa mắt ngó lại mình – ôi thôi, đích thị là một con chó hoang. Biết làm thế nào được. Làm sao các vị có thể biết được rằng suốt một ngày đêm vừa qua tôi đã phải trải qua biết bao điều tủi nhục khốn cùng… Bỗng nhiên, thật may phước cho tôi, một trong hai người phụ nữ, cái bà trẻ hơn ấy, nhận thấy vòng băng đai trên mình tôi. - Mọi người nhìn kìa! – Bà ấy kêu lên. – Chó dẫn đường cho người mù đấy. Đừng sợ nó. Nó không cắn đâu. Thôi được, cứ việc tự do ngôn luận. Để còn xem, cắn hay không cắn, chuyện ấy phụ thuộc vào cách hành xử tiếp theo của các vị. Nếu mọi chuyện bình thường, các vị cư xử bằng tình người, dĩ nhiên tôi không bao giờ cắn. Nhưng xin các vị hãy biết rằng trong trường hợp khẩn cấp, để tự vệ, tôi sẵn sàng gác qua một bên những quy định và những điều cấm kị. Tôi mà đã cắn thì thôi rồi, chớ có than thân trách phận nhé. Người phụ nữ trẻ tuổi tiến lại gần tôi, ngồi xổm xuống, đưa tay ra và nói: - Cô bé dễ thương bị đi lạc chứ gì? Khổ thân chưa. Lại đây nào… Sao lại là “cô bé đi lạc”? Chẳng lẽ không thấy tôi thuộc giống đực hay sao? Hãy nhìn cho kỹ đi chứ. “Cô bé dễ thương”! Nghe dễ tự ái lắm à nha. Nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn cất bước tiến về phía bà ấy. Khi đã đến thật gần, tôi gục đầu xuống. Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ đoán được nỗi khổ của tôi để rồi tháo cái băng đai nặng nề, vướng víu ấy ra. Quả là một quý bà thông minh và lịch thiệp: bà ấy cẩn thận tháo bỏ những thứ vòng đai, dây nhợ lằng nhằng trên mình tôi ra. Tôi chẳng còn thiết giữ ý giữ tứ gì nữa, nằm lăn ra trên lưng, duỗi bốn cẳng lên trời cho đỡ mỏi. Lũ trẻ kêu ré lên, đổ xô đến nhìn tôi như thể chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới. Tất nhiên là tôi chẳng việc gì phải đề phòng bọn trẻ. Chúng có ba đứa cả thảy, vô cùng dễ thương, ngộ nghĩnh. Đã dạn rồi, chúng cứ thế nhào vào ôm lấy tôi, vuốt ve, gãi khắp nơi, đến nhột. Ba người lớn còn lại – ông béo, ông gầy và quý bà lớn tuổi – cũng lại gần để xem xét. Ông béo nhíu mày rồi nói: - Một con chó đực. Tôi nghĩ bụng, ông này cứ làm như mình tinh thông mọi chuyện. Tôi đang nằm ngửa, phơi bụng lên trời, chỉ cần nhìn qua, ai mà chẳng biết tôi là chó đực. Nhưng ông ấy nói ra như vậy cũng tốt, nếu không mọi người cứ gọi tôi là “cô bé dễ thương”, “cô bé đi lạc” thì ngượng chết đi được. Bỗng ông mập quát lũ trẻ: - Này, có tránh xa con chó ấy ra không! Nhỡ nó đang mang bệnh truyền nhiễm thì sao! Ái chà chà! Ra thế đấy. Tôi vừa mới thầm khen ông ấy, vậy mà… - Zhora, anh nói gì thế! – Quý bà trẻ tuổi tỏ vẻ không hài lòng. – Một khi nó đeo băng đai trên mình, có nghĩa là nó vừa mới bị lạc cách đây không lâu. Những con chó dẫn đường như thế này luôn được tiêm chủng định kỳ và không bao giờ nguy hiểm cả. Ôi, lạy Đức Mẹ Đồng trinh, con xin cảm ơn Người! Cảm ơn Mẹ đã cho con gặp được một người phụ nữ thông minh, tốt bụng trên bước đường lưu lạc đầy gian truân, lận đận của mình. - Nhưng tại sao trông nó bẩn đến thế? – Ông Zhora vẫn cố bảo vệ quan điểm của mình. - Thì bây giờ chúng ta sẽ tắm rửa sạch sẽ cho nó chứ có gì mà phải lo. – Người phụ nữ khoát tay rồi quay sang tôi. – Nào, anh bạn, chúng ta đi ra sông. Đi nào, đi nào… Người phụ nữ cứ thế đi lùi ra phía bờ sông. Tôi chậm rãi đi theo bà ấy. Thế rồi bà ấy quay lưng về phía tôi, chạy thật nhanh về phía con sông. Tôi khoái chí rít lên trong họng, co giò phóng theo như con én và cuối cùng là… lao tùm xuống nước. Đã gì đâu ấy! - Nào, em trai, đi lại đây! – Người phụ nữ ngoắt tay. – Bây giờ tắm gội nhé, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Chưa từng có ai gọi tôi là “em trai” cả. Cảm ơn nhiều, bà chị đáng mến ạ. Tôi cảm thấy khoan khoái từ đầu mũi đến chót đuôi. Người chị ấy tắm cho tôi, chà lông thật kỹ, dùng tay gỡ những mảng đất dẻo bám trên mình tôi từ khi tôi đào đường hầm. Tôi đứng yên, mắt lim dim, thật đã. Trên đời này quả là người tốt nhiều hơn kẻ xấu. Chúng tôi lên bờ, tôi vùng mình rảy nước cho khô lông. Bây giờ thì mọi người sẽ thấy rõ rằng tôi quả thực là một con chó… vàng ròng. Chắc các bạn còn nhớ, mỗi lần tắm xong, lông tôi trở nên vàng óng, mượt mà, tươi rói, cứ như thể tôi vừa lột xác. Ấy đấy, giờ đây, từ dưới sông bước lên, trông tôi khác hẳn. Vừa nhìn thấy tôi, mọi người đều ồ lên kinh ngạc trước vẻ đẹp lộng lẫy như hoàng tử của tôi. Dưới những tia nắng trời chiều, bộ lông óng mượt của tôi ánh lên đủ bảy sắc cầu vồng, nhưng sắc màu chủ đạo vẫn là màu vàng kim tuyệt đẹp. Bà chị dùng bông gòn lau khô mặt trong của hai tai tôi và nói với mọi người: - Nhìn này, quả là một tác phẩm tuyệt vời của Tạo hóa. Đám trẻ cũng xúm lại chiêm ngưỡng tôi, thích thú nhìn mẹ chúng chăm sóc tôi. Ở đâu ra mà chị ấy biết được những kiến thức chăm sóc chó một cách bài bản như thế? Các bạn thấy không, chị ấy còn biết rằng sau khi tắm xong, cần phải ngoáy tai cho khô để tránh các bệnh về tai. Thật là một người phụ nữ thông minh, am hiểu. - Bây giờ chúng ta phải làm gì với cái “tác phẩm tuyệt vời của Tạo hóa” này? – Cuối cùng, ông gầy cũng lên tiếng. - Làm gì ư? – Người phụ nữ lớn tuổi đưa ra ý kiến của mình. – Chúng ta đưa nó về nhà, đăng thông báo, tôi nghĩ là chủ nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện để đón nó về. Ở Matxcơva, những con chó đặc chủng như thế này không nhiều, có thể đếm được trên đầu ngón tay. - Thế nếu không tìm được chủ nhân của nó thì sao? - Ông mập hỏi. - Thì hãy để nó tạm thời sống với chúng ta, rồi sau đó sẽ tính. – Người phụ nữ lớn tuổi trả lời. - Nhỡ nó làm hại Murzik nhà ta thì sao? Lại một nhân vật nào nữa đây? Xét theo tên gọi thì đó hẳn là một con mèo. Và tôi đã đoán đúng. - Theo tôi được biết thì chó Labrador, nhất là những con làm nghề dẫn đường, không bao giờ làm hại lũ mèo. - “Bà chị” của tôi nói. - Ai mà biết được nó. - Ông mập tỏ ra nghi ngờ. - Nhỡ bất thình lình nó lao vào cắn con mèo nhà ta đứt làm đôi thì sao? Hãy nhìn ông ta mà xem, rõ là một gã thộn. Hết nhặt gậy lên cầm lăm lăm trong tay rồi bảo là tôi mang bệnh truyền nhiễm, bây giờ lại nghi tôi là đồ ăn thịt mèo. Ông làm sao thế? Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe nhé. Ôi, các vị ơi, các vị ơi. Thôi thì giữ vệ sinh cũng tốt, đề phòng cũng tốt. Nhưng cũng phải có ăn rồi thì mới có thể nói chuyện được. Các vị không nghe thấy bụng dạ tôi đang sôi lên như dàn nhạc chơi bản giao hưởng số 40 của Mozart hay sao. Các vị không nghe, không thấy gì sao? Tôi đói đến le cả lưỡi rồi đây này. Quả thực, lưỡi tôi đang đong đưa lòng thòng trước mõm. Giờ tôi mới biết một người phụ nữ thông minh là như thế nào. “Bà chị” của tôi luôn tỏ ra xuất sắc hơn người. - Ôi, lạy Chúa! - Chị ấy thốt lên. – Sao chúng ta lại đứng yên thế này? Con chó chắc đã đói lắm rồi. - Gâu! – Tôi mừng rỡ cất tiếng, nhưng cố gắng kìm bớt âm lượng, kẻo mọi người nghĩ rằng tôi hung dữ. - Đói rồi phải không nào? – Vị cứu tinh của tôi âu yếm hỏi. - Gâu! Gâu! – Tôi sủa nhỏ hai tiếng liền để xua tan nghi ngờ và khẳng định rằng đúng là tôi đang đói lả. - Đi nào, em trai, tôi sẽ cho em ăn món gì đó. Vâng, em đi, em đi, bà chị vô cùng quý mến ạ. Em sẵn sàng chạy theo chị chứ đừng nói là đi. Hãy mau mau cho em ăn kẻo em đói rũ mất. Các bạn người thân mến, các bạn đã bao giờ gặp được một vận may thật lớn chưa? Nếu đã gặp, bạn có nhớ là ở thời điểm ấy, mình đã phản ứng như thế nào không? Chẳng hạn, khi trúng số độc đắc hoặc bốc thăm trúng thưởng một chiếc xe hơi đắt tiền. Hoặc có một ông bác nào đó từ bên Canada gửi về mấy triệu đôla mừng sinh nhật bạn. Hoặc giả bất ngờ bạn nhận được giấy báo nhập học Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva hay Học viện Ngoại giao Matxcơva, hai trường danh tiếng nhất nước Nga, mà không cần phải qua thi tuyển. Những lúc ấy, bạn thể hiện niềm vui sướng của mình như thế nào? Hãy hình dung và suy ngẫm về những gì tôi sắp kể cho các bạn nghe đây. Những người yêu thiên nhiên hoang dã rất tốt bụng và đáng mến ấy ăn chưa hết phân nửa số thịt đã nướng. Ông mập quả là không biết nướng thịt. Sống sì. Nhưng đối với tôi, thịt sống mới là món khoái khẩu. Hai người phụ nữ đảm đang và biết tiết kiệm này quyết định mang số thịt dở sống dở chín ấy về nhà, nướng tiếp trong lò vi sóng. “Bà chị” của tôi cho biết như thế trong khi tôi đang phồng mang trợn má xơi rau ráu “món quà từ Canada” dành cho mình. Ăn uống no nê xong, tôi nằm vật xuống bãi cỏ, nhắm mắt lại và hướng lòng mình về người đàn ông bị tôi nghĩ oan. Xin dành từ số 10 cho ông, hỡi người đàn ông tốt bụng. Hãy tha lỗi cho tôi, ông Zhora nhé… 9 Bằng biện pháp biểu quyết công khai, mọi người nhất trí rằng tôi sẽ được đưa về nhà ông Zhora. Ông ấy là chồng của người đàn bà lớn tuổi. Cô bé nhìn thấy tôi đầu tiên là cháu nội của họ, tên là Liuba. Trước khi lên xe, tôi chạy vào góc khuất sau một thân cây lớn để giải quyết nhu cầu tự nhiên của mình. Thấy thế, ông Zhora có lời khen tôi, tất nhiên vẫn theo kiểu nói năng khá trịch thượng của ông ấy: - Chó đực có khác, khôn ghê, biết “xả lũ” trước hành trình đường xa. - Ông ấy nói rồi mở cửa xe cho tôi và Liuba ngồi vào xe. Ôi, cái nhà ông Zhora này quả là khéo miệng và lịch lãm ra phết. Tôi và cô bé ngồi ở băng ghế sau. Xe của ông Zhora rất xịn, mới cáu. Cô bé Liuba choàng tay ôm lấy tôi như ôm một người bạn cũ thân thiết, nhìn vào mắt tôi, hỏi nhỏ: - Bạn chó yêu quý ơi, bạn tên gì vậy? - U-u – Tôi trả lời, mặc dù âm thanh ấy có nghĩa là “không” trong ngôn ngữ giao ước giữa tôi và Sashka. Nhưng trong tình huống này, tôi buộc phải dùng âm thanh ấy để chuyển tải nội dung sau đây: “Xin lỗi bạn nhé, tôi không biết nói tiếng người nên không thể nói tên mình được”. Nhưng Liuba lại hiểu theo cách khác. Cô bé nói với lên băng ghế trước: - Bà ơi, bà nhội ơi, cháu hỏi con chó tên gì, và nó đã nhói… - Liuba à. - Bà nội vội chỉnh – Bà đã nhắc cháu bao nhiêu lần rồi, “nói” chứ không phải là “nhói”. - Vâng, nhói…, à, nói. - Cô bé ấp úng tự chỉnh, vẻ ngượng ngùng vì bị bà nội “sửa lưng”. - Rồi, thế nó nói gì? – Bà nội mỉm cười. - Nó nhói rằng… – Cô bé lại quên bẵng lời nhắc của bà nội, tiếp tục nói ngọng. – Tên nó là Umka, nghĩa là “khôn ngoan” ấy mà, giống hệt tên của con mèo nhà chú Pechia ở cầu thang số 5 chung cư nhà mình ấy. Chúng ta sẽ gọi nó là Umka nhé? - Được rồi, được rồi, chúng ta sẽ gọi nó là Umka. Khốn khổ thân tôi. Bây giờ đây tôi lại phải mang cái tên của một con mèo nào đó. Nhưng mà thôi, cũng chẳng sao cả. Họ đâu có lỗi gì. Ngồi trên xe, bỗng dưng tôi chợt nghĩ, tại sao cụ Ivan Savelievich và Sashka lại không nghĩ đến việc ghi tên tôi lên băng đai, kèm với số điện thoại di động của họ? Các bạn người thân mến, nếu các bạn có người thân, người quen, bạn bè… là người khiếm thị có nuôi chó dẫn đường, hãy bày cho họ những mẹo mà tôi vừa nói đến trên đây. Dù sao đi nữa, có phòng hờ vẫn tốt hơn. Các bạn thấy chuyện gì đã xảy ra với tôi rồi đấy. Có ai ngờ được rằng có lúc tôi sẽ bị bọn cướp nhốt vào cốp xe, giam trong nhà kho, rồi tôi phải tìm cách vượt ngục, băng mình qua không biết bao nhiêu cánh đồng, quãng rừng, phải ăn xin những miếng thịt nướng chưa kịp chín? Thế đấy, các bạn ạ. May mà tôi gặp được những người tốt bụng. Phải chi trên băng đai có ghi rõ những thông tin cần thiết, hẳn từ khi ở trong rừng họ đã gọi điện thoại và giờ đây, rất có thể tôi không ngồi trong cái “tủ lạnh” của ông Zhora mà đang ngồi trên xe lửa ngoại ô cùng với bà ngoại Elizaveta Maximovna hoặc mẹ Svetlana Sergeevna rồi. Chưa hết! Xin hãy lưu ý, thưa các nhà sản xuất điện thoại di động đáng kính! Tôi có một ý tưởng đáng kinh ngạc đấy. Thậm chí tôi đã đặt tên cho ý tưởng này. Đó là “Zoophone”. Xin quý vị hãy chế ra một loại thiết bị nhỏ gọn, kiểu như chiếc điện thoại di động tí hon, có thể gắn trên đai cổ của chó. Mà chẳng cứ gì chó. Có thể gắn cả cho mèo. Thậm chí gắn cho hươu cao cổ hay khỉ cũng được. Cũng thế cả thôi. Tóm lại, có thể gắn cho tất tần tật những loài thú nuôi không biết nói tiếng người. Giả dụ con thú cưng của các vị đi lạc, mất tích. Các vị bấm số điện thoại di động. Thiết bị trên cổ chó, mèo, hươu, khỉ gì đó sẽ bật loa lên. Các vị hỏi: “Mọi người ơi, có ai thấy con chó (hoặc mèo, hươu, khỉ, lợn… vân vân) của tôi ở đâu không? Nếu thấy, xin vui lòng cho tôi biết địa điểm cụ thể”. Có thể ai đó sẽ trả lời rằng con thú cưng của các vị đang hiện diện ở khu vực… ga tàu điện ngầm “Hội thợ săn” chẳng hạn. Các vị sẽ thông báo tên con vật và yêu cầu giữ nó lại tại chỗ. Hãy tin đi, trên đời này không hiếm những người tốt bụng, họ sẽ giúp các vị. Ít nhất thì những người tốt bụng sẽ đưa con thú đi lạc về nhà mình rồi sẽ thông báo địa chỉ cụ thể. Nếu các vị hứa sẽ tạ ơn hậu hĩnh (các vị có thể không tiếc tiền hoặc quà để tạ ơn người đã cứu con thú cưng của quý vị sao?), tôi xin bảo đảm rằng con thú của các vị sẽ được cho ăn uống đầy đủ, thậm chí còn có thể được ngủ trong chăn êm, nệm ấm. Các vị thấy ý tưởng này thế nào? Nếu các vị thấy nó khả thi và có ý định đưa vào sản xuất thì đừng quên gửi cho tôi lấy vài bịch thức ăn chất lượng cao dành cho chó nhé, gửi qua địa chỉ của Sashka là chắc chắn đến, như một dạng tiền bản quyền ấy mà, hì hì. Xin gợi ý: tôi rất khoái món bánh gối nhân thịt gà. Chắc các vị đã tự đoán ra: hồi nãy tôi khen thịt lợn hết lời chẳng qua vì đói quá mà nói xằng vậy thôi, chứ thịt lợn làm sao có thể sánh được với thịt gà! Tôi nói đến địa chỉ của Sashka có quá sớm không nhỉ? Trước hết phải tìm ra cậu ấy cái đã. Trong khi chờ đợi ông bà nội của bé Liuba đăng thông báo trên trang rao vặt, rồi trong khi chờ hồi âm, trong khi… Tóm lại, không phải là ngày một ngày hai. Nhưng tôi tin chắc rằng bà ngoại Elizaveta Maximovna và mẹ Svetlana Sergeevna cũng không buông xuôi ngồi đợi. Chắc là họ cũng đang tìm mọi biện pháp để lần ra dấu vết của “anh chàng tù binh khốn khổ” là tôi, Trison. Chắc chắn thế nào họ cũng đã báo công an. Nhưng theo tôi nghĩ thì chắc công an chẳng có đủ nhiệt tình để đi tìm kiếm một con chó. Các bạn nghĩ thế nào? Nhiều người bị mất cắp xe hơi, vậy mà công an có chịu điều tra, tìm kiếm cho đâu? Không, không, tất nhiên là các vị ấy cũng làm ra vẻ là sẽ tích cực truy tìm, nhưng thực ra thì chẳng mấy khi nhọc công điều tra, tìm kiếm. Còn trong trường hợp đang xét thì chỉ là một con chó vớ vẩn nào đó bị bắt trộm. Nhưng mà thôi, tóm lại là không nên chạy trước sự kiện, hãy bình tĩnh chờ xem mọi chuyện sẽ diễn tiến như thế nào. Căn hộ của ông Zhora chẳng xoàng tí nào. Rộng mênh mông. Tha hồ mà chạy nhảy tung tăng. Nhưng trước hết tôi vẫn phải giữ ý giữ tứ, không cho phép mình hành xử tự do thái quá, phải biết giữ khuôn phép, phải điềm đạm, tĩnh tại. Tôi thu mình vào một góc và quan sát. Thể theo yêu cầu của cô bé Liuba, bà nội chuẩn bị cho tôi một chỗ nằm thật thoải mái ở ngay gần lối ra vào, lại còn cẩn thận đặt một tô nước bên cạnh. Ôi, bà già quả là người từng trải, am hiểu sự đời. Ông Zhora đứng ngay trong khung cửa, nói: - Nào, bây giờ thì bà thả nó ra, tôi đứng đây canh chừng. A, bây giờ thì tôi đã nhớ ra, trong nhà này còn có một nhân vật nữa. Tôi vừa nằm xuống vị trí dành cho mình thì từ buồng trong bước ra một con mèo to vật, có cái mõm lớn tướng. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi: chắc là họ cho nó ăn toàn thức ăn tăng trọng! Chú mèo Murzik tiến lại gần và đưa mắt nghía tôi. Tôi nằm thật yên, để chứng tỏ cho chủ nhà biết rằng tôi không quan tâm đến loài mèo và tôi sẽ không làm bất cứ điều gì tệ hại với chúng. Ý nghĩ tiếp theo: sao con mèo này với ông Zhora giống nhau đến thế! Cả hai cùng to béo, mỡ màng, cùng có đôi mắt ti hí, ranh ma chết được, cùng có đôi tai nhỏ xíu. Chỉ có một điều khác biệt: ở ông ấy và ở con mèo, cái đầu nằm ở hai vị trí khác nhau. Murzik thận trọng tiến lại gần hơn… Tôi bực nhất lũ mèo vì sự ngu dốt và trâng tráo của chúng. Tôi nằm yên bất động, làm ra vẻ không thèm đếm xỉa gì đến con mèo ăn tham ấy. Còn nó thì sao? Nó mon men đến gần tôi hơn chút nữa, xù đuôi ra. Rồi nó cong lưng lên và bắt đầu cất tiếng. Không phải kêu meo meo bình thường như những con mèo yếu đuối đâu nhé, mà là gào lên thực sự: “M…m…meo…eo…eo…!”. Thật thô bỉ. Thật đáng ghét. Tôi nghĩ bụng: “Này, Murzik, mày muốn gì ở tao? Tao chỉ là khách bất đắc dĩ, ở tạm vài bữa thôi. Hãy bình tâm, đi làm chuyện của mình đi. Tao không đụng gì đến mày, vậy mày cũng chớ động vào tao”. Murzik kêu vài tiếng rồi im, vì thấy rằng tôi chẳng thèm để ý gì đến nó. Nó đi vòng sang phía khác rồi lặp lại trò cũ. Tôi nghĩ bụng, mày lại muốn gì nữa đây? Nó nhấp đuôi khe khẽ xuống sàn nhà. Giá mà các bạn được nhìn thấy con mèo quái quỷ ấy nhỉ. Nó nhảy phắt đến bên ông chủ, đứng đằng sau chân ông ấy, thò đầu về phía tôi, miệng phát ra những âm thanh “Psh! Psh, Psh” nghe thấy ghét. Đuôi nó xù ra trông cứ như cái chổi quét đường. Thấy tôi cư xử nghiêm chỉnh, ông Zhora nói với con mèo ngốc của mình: - Đừng sợ, Murzik! Đây là một con chó có học. Nó không làm gì mày đâu. Xem đây này. – Ông chủ lại gần, vuốt lưng tôi. – Thấy chưa? Nó rất hiền. Đừng sợ, ngốc ạ. Bà nội cũng lại gần, vuốt ve tôi. - Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, Murzik ạ. – Bà ấy nói. – Chẳng chóng thì chày, rồi các con sẽ kết bạn với nhau. Tôi mà lại đi kết bạn với cái ngữ ấy à? Ông với bà cứ kết bạn với nó đi. Rồi theo mà chiều chuộng, nựng nọt nó. Nhưng nhớ dạy cho nó biết cách hành xử đứng đắn, tử tế một chút. Tôi rất lấy làm lạ là ai cũng muốn dạy dỗ loài chó chúng tôi. Nào “ngồi xuống!”, “đứng dậy!”, “nằm xuống!”, “khoanh chân lại!”. Còn đối với lũ mèo đớn hèn thì ai cũng tỏ lòng cưng chiều. Chẳng ai chịu dạy dỗ hay ít ra là tỏ thái độ nghiêm khắc với chúng cả. Mà nuôi chúng thì được ích lợi gì cơ chứ? Ở nông thôn thì đã đành đi, chúng còn bắt chuột, xua đuổi lũ sóc phá hoại hoa màu. Ở đó, ít nhiều gì chúng cũng còn có ích. Còn ở đây, trong các căn hộ thủ đô? Vậy mà người ta vẫn nuôi đủ thứ mèo, đặt cho chúng đủ thứ tên mỹ miều nghe phát ớn. Nói thật lòng, tôi chẳng thể nào hiểu nổi. Tóm lại, cái thực thể vô tích sự ấy quậy một lát, thấy chẳng nước non gì, bèn bỏ vào trong phòng. Hừ, làm nhắng hết cả lên. Muốn xưng hùng xưng bá chứ gì? Làm như ta đây quan trọng, ghê gớm lắm! Hay mày nghĩ tao sẽ nằm tranh chỗ của mày trên ghế xa lông? Tao đây được dạy dỗ đàng hoàng, không phải phường chó hoang đâu, yên tâm đi. Tao không phải như mày đâu. Thay vì nói “xin chào!”, mày lại nhe nanh ra mà phun phì phì như rắn độc. Tóm lại, mày chỉ là thứ mèo xoàng! Sau màn làm quen chẳng mấy thú vị, bà nội bảo tôi: - Umka à, con hãy tạm uống nước, rồi bà đi siêu thị mua cho con thức ăn khô đóng trong bịch nhé. Nghe thấy hai tiếng “siêu thị” đáng ghét, tôi suýt sủa ầm lên vì tức giận. Nhưng tôi đã tự kiềm chế được, vì không muốn làm cho bà già sợ hãi. Nếu biết tôi căm thù siêu thị như thế nào, hẳn bà đã không nhắc đến hai chữ ấy. Nhưng biết làm sao được, kiểu gì thì cũng cần phải có thức ăn. Mua ở siêu thị cũng được, mua ở chợ cũng được. Nhưng tôi xin cảnh báo các bạn rằng ở chợ, chúng ta có thể mua nhầm thức ăn đểu, nghĩa là hàng giả ấy mà. Có lần, ở chợ, người ta ấn vào tay ông lão Ivan Savelievich của tôi một bịch tướng loại thức ăn dành cho chó có thương hiệu nổi tiếng, rất uy tín. Mọi thứ thành phần, công dụng, cách thức sử dụng… vân vân, đều được ghi trên bao bì một cách rõ ràng, chuẩn mực. Nhưng khi món ấy được trút vào đĩa cho tôi, tôi suýt ngất xỉu vì mùi vị tởm lợm của nó. Quân khốn kiếp, tôi nghĩ bụng. Chúng dùng bao bì xịn, nhưng cho hàng dởm vào đó. Ăn hết bịch thức ăn đểu 10 kg ấy, tôi sút mất 5 ký. Mỗi bữa, dù ráng sức cỡ nào tôi cũng không thể nào nuốt hết khẩu phần, ăn vào chỉ chực muốn ói ra. Cụ Ivan Savelievich rất lo lắng, tưởng rằng tôi bị ốm. Cụ gọi bác sĩ thú y đến, nói rằng có lẽ Trison ăn phải thứ gì đó rất tồi tệ. Bác sĩ khám cho tôi, sờ nắn, đặt ống nghe tứ tung khắp nơi trên mình tôi, lắng nghe có vẻ chăm chú lắm. Sau đó ông ấy phán: mọi chuyện bình thường. Rồi ra về. Còn tôi thì phải ráng mà sống (thực ra là sống dở chết dở) cho đến khi cái bịch thức ăn thối hoắc ấy cạn đến tận đáy. Buổi chiều, ông Zhora đưa tôi đi dạo. Chỉ có một điều tôi không sao hiểu nổi, ấy là ông ấy buộc đai cổ cho chó thường (nghĩa là không phải chó dẫn đường) lên mình tôi, gắn hẳn một sợi dây xích để dắt. Việc gì phải thế cơ chứ. Tôi có chạy mất đi đâu mà lo? Khu phố này đâu có phải là nơi quen thuộc đối với tôi. Giả dụ mà tôi có bỏ chạy, chắc chắn sẽ lại rơi vào tay một lũ trộm cướp nào đó. Kiểu gì thì tốt hơn hết vẫn là sống tạm trong nhà với ông bà cùng cô bé Liuba dễ thương. Nhưng tôi cũng không tỏ ý phản đối khi ông ấy buộc lên cổ tôi sợi đai cổ cứng ngắc và dây xích sắt. Phải tạm cam chịu số phận thôi. Giờ đây, nếu có phải bị dắt đi trong trạng thái bị kìm kẹp thì cũng phải chịu nào. Hóa ra, ông Zhora rất có uy tín trong khu vực này. Hàng xóm láng giềng, ai gặp ông ấy cũng đều chào hỏi rất cung kính. Có một ông cụ già, vừa nhìn thấy ông Zhora dắt tôi đi dạo, lập tức vồn vã chào hỏi bằng một thứ tiếng Nga lơ lớ, xin được phép không ghi nguyên xi cách phát âm ra đây: - Ôi, ông Zhora kính mến, ông mới mua con chó Labrador này đấy à? Con chó kháu quá nhỉ. Thật tuyệt. Tôi rành xem tướng chó lắm đấy, ông Zhora ạ. Thật đấy. Thế còn con mèo Murzik của ông dạo này ra sao rồi? - À con chó này chỉ là khách tạm thời trong nhà tôi thôi. – Ông Zhora nói. – Chúng tôi đi picnic với mấy người bạn, tình cờ bắt gặp nó trong rừng… - Ông nói sao? – Ông cụ há hốc mồm ngạc nhiên. – Ông dám đưa một con chó hoang về nhà à? Ngộ nhỡ… - Ồ không, nó không phải là chó hoang đâu, – ông Zhora vội ngắt lời. - Trên băng đai của nó có dấu hiệu chó dẫn đường dành cho