🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời - Jeffrey Archer Ebooks Nhóm Zalo MAISIE CLIFTON 1919 VÀO TRUYỆN Câu chuyện này sẽ không bao giờ được viết ra nếu tôi không có thai. Các bạn biết đấy, tôi vẫn luôn lên kế hoạch sẽ để mất đi sự trong trắng của mình vào dịp đi chơi ở Weston-super-Mare, chỉ có điều, không phải với người đàn ông đó. Arthur Clifton chào đời tại Still House Lane, giống như tôi; thậm chí còn học cùng trường với tôi, trường Tiểu học Merrywood, nhưng vì tôi kém anh hai tuổi, nên thậm chí anh còn chẳng biết tôi tồn tại trên đời. Tất cả đám con gái lớp tôi đều mê mẩn anh, và không phải chỉ đơn thuần vì anh là đội trưởng đội bóng đá của trường. Cho dù Arthur chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến tôi khi còn học ở trường nhưng điều đó nhanh chóng thay đổi khi anh từ mặt trận phía Tây trở về. Thậm chí tôi không dám chắc anh nhận ra tôi là ai khi mời tôi nhảy vào buổi tối thứ bảy đó ở Palais, song một cách công bằng, tôi cũng phải nhìn đến hai lần trước khi nhận ra anh vì anh đã nuôi một hàng ria bút chì và chải tóc lật ra sau như Ronald Colman. Anh không để mắt tới bất cứ cô gái nào khác tối hôm ấy, và sau khi chúng tôi cùng nhau nhảy điệu waltz cuối cùng, tôi biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi anh cầu hôn tôi. Arthur nắm lấy tay tôi trên đường quay về nhà, và khi về tới trước cửa nhà tôi, anh đã cố tìm cách hôn tôi. Tôi quay mặt tránh đi. Xét cho cùng, mục sư Watts vẫn thường nhắc tôi rằng tôi cần giữ mình trong trắng cho tới ngày cưới, và cô Monday, người phụ trách ban đồng ca của chúng tôi, cảnh cáo rằng đàn ông chỉ muốn có một thứ, và một khi có được nó, họ sẽ nhanh chóng mất đi hứng thú. Tôi vẫn thường tự hỏi liệu có phải cô Monday nói từ kinh nghiệm bản thân hay không. Tối thứ bảy tiếp theo, Arthur mời tôi tới rạp chiếu bóng để xem Lilian Gish trong phim Những bông hoa gãy nại, và mặc dù cho phép anh khoác vai mình, tôi vẫn chưa chấp nhận để anh hôn. Anh cũng không làm ầm lên vì chuyện đó. Sự thực là Arthur có phần dè dặt. Đến thứ bảy tiếp theo, tôi cho phép anh hôn mình, nhưng khi anh định luồn một tay vào trong áo tôi, tôi lập tức đẩy anh ra. Kỳ thực, tôi đã không cho phép anh làm thế cho tới khi anh ngỏ lời cầu hôn tôi, trao cho tôi nhẫn đính hôn, còn mục sư Watts đã đọc bản thông báo kết hôn giữa hai người đến lần thứ hai. Anh trai Stan của tôi nói với tôi rằng tôi là cô gái cuối cùng còn trinh bên phía bờ bên này của sông Avon, dù tôi dám ngờ phần lớn những cuộc chinh phục của anh ấy chỉ tồn tại trong đầu anh mà thôi. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định đã tới lúc, và còn dịp nào tốt hơn chuyến đi chơi tới Weston-super-Mare với người đàn ông tôi sắp sửa kết hôn trong vài tuần nữa? Tuy nhiên, ngay khi Arthur và Stan nhảy xuống khỏi xe buýt, cả hai lập tức tông thẳng tới quán rượu gần nhất. Nhưng tôi đã dành cả tháng vừa qua để lên kế hoạch cho khoảnh khắc này, thế nên khi rời khỏi xe, như một cô gái ngoan được hướng dẫn chu đáo, tôi đã sẵn sàng. Tôi bước về phía bến tàu với tâm trạng chán nản thì cảm thấy có ai đó đang đi theo tôi. Tôi ngoái lại nhìn và ngạc nhiên khi nhận ra người ấy là ai. Anh ta bắt kịp tôi, và hỏi có phải tôi đang một mình hay không. “Đúng thế,” tôi đáp, biết chắc lúc này Arthur hẳn đã nốc đến vại bia thứ ba rồi. Khi anh ta đưa tay sờ lên mông tôi, đáng lẽ phải tát vào mặt anh ta, song tôi lại không làm thế vì vài lý do. Đầu tiên, tôi nghĩ tới những lợi thế khi làm tình với một người đàn ông nhiều khả năng sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Và cũng phải thừa nhận tôi khá thích thú trước sự sỗ sàng của anh ta. Khi Arthur và Stan có lẽ đã cạn hết vại bia thứ tám của họ, người đàn ông kia thuê phòng cho chúng tôi ở một nhà nghỉ ngay gần bờ biển. Dường như tại đó người ta có mức giá đặc biệt cho những khách thuê phòng không có ý định nghỉ qua đêm. Anh ta bắt đầu hôn tôi ngay khi chúng tôi kịp lên tới chiếu nghỉ cầu thang lầu một, và khi cửa phòng ngủ đã đóng lại, anh ta hối hả cởi khuy áo tôi ra. Rõ ràng với anh ta đây không phải là lần đầu tiên. Kỳ thực, tôi tin chắc mình không phải là cô gái đầu tiên được anh ta đưa lên giường trong một chuyến đi chơi như thế này. Nếu không phải khách quen, làm sao anh ta biết được mức giá đặc biệt? Phải thú thực là tôi không trông đợi mọi thứ trôi qua nhanh đến thế. Sau khi rời khỏi người nhau, tôi lao ngay vào phòng tắm, còn anh ta ngồi ở cuối giường và châm một điếu thuốc. Có lẽ lần thứ hai sẽ khá hơn, tôi thầm nghĩ. Nhưng khi quay ra, anh ta đã biến mất. Phải thừa nhận là, tôi cảm thấy có chút thất vọng. Có lẽ tôi đã cảm thấy tội lỗi hơn về chuyện không chung thủy với Arthur nếu anh không nôn ọe ra khắp người tôi trong hành trình trở về Bristol. Ngày hôm sau, tôi kể với mẹ tôi về chuyện đã xảy ra, song không tiết lộ thân phận người đàn ông kia. Suy cho cùng, mẹ tôi chưa bao giờ gặp anh ta, và nhiều khả năng sẽ chẳng bao giờ gặp. Bà bảo tôi hãy giữ mồm giữ miệng, vì bà không muốn phải hủy bỏ đám cưới, thậm chí nếu quả thực tôi có thai đi nữa, cũng sẽ chẳng ai đủ tinh ý để nhận ra, bởi đến khi cái bụng lộ rõ thì chắc hẳn Arthur và tôi đã kết hôn rồi. HARRY CLIFTON 1920 - 1933 1 T ôi được kể rằng bố mình đã chết trong chiến tranh. Mỗi khi hỏi mẹ về cái chết của ông, bà không nói lên gì ngoài việc ông phục vụ trong Trung đoàn Hoàng gia Gloucestershire, và tử trận ở mặt trận phía Tây chỉ vài ngày trước khi hiệp định Đình chiến được ký kết. Bà tôi nói ông là một người dũng cảm, và một lần nọ, khi chỉ có hai bà cháu với nhau trong nhà, bà chỉ cho tôi xem những chiếc huân chương của bố. Ông tôi hiếm khi đưa ra ý kiến về bất cứ điều gì. Nhưng ông vốn điếc đặc, nên rất có thể ngay từ đầu ông đã không nghe thấy các câu hỏi. Người đàn ông duy nhất tôi có thể nhớ là bác Stan, người hay ngồi ở đầu bàn vào bữa sáng. Khi bác rời nhà vào buổi sáng, tôi thường đi theo bác ra khu cầu cảng của thành phố, nơi bác làm việc. Mỗi ngày tôi trải qua trên cầu tàu đều là một cuộc phiêu lưu. Những chiếc tàu hàng tới từ các miền đất xa xôi bốc dỡ hàng hóa của chúng xuống: gạo, đường, chuối, sợi đay và nhiều thứ khác tôi chưa từng nghe nói tới. Khi các khoang tàu đã trống trơn, công nhân bốc xếp ở cầu cảng sẽ chất đầy chúng với muối, táo, thiếc, thậm chí cả than (thứ hàng hóa tôi không ưa hơn cả, vì nó luôn để lại dấu vết không thể chối cãi về những gì tôi đã làm trong ngày và làm mẹ tôi phiền lòng), trước khi những con tàu tiếp tục lên đường tới đâu tôi không rõ. Tôi luôn muốn giúp bác Stan bốc dỡ bất cứ thứ hàng hóa nào cập bến tàu sáng hôm ấy, nhưng bác chỉ bật cười và nói, “vẫn chưa tới lúc, chàng trai.” Với tôi, thời điểm đó hẳn cũng sớm đến thôi, nhưng vậy đấy, không một lời báo trước, trường học chen vào. Tôi được đăng ký vào trường tiểu học Merrywood khi lên sáu, và tôi nghĩ đó hoàn toàn là chuyện lãng phí thời gian. Học hành trường lớp mà làm gì trong khi tôi có thể học tất cả những gì tôi cần ngay tại cầu tàu? Chắc chắn tôi sẽ chẳng buồn quay trở lại trường ngày hôm sau nếu mẹ không lôi xềnh xệch tôi tới tận cổng trường, để tôi lại đó, và quay lại lúc bốn giờ chiều để đón tôi về nhà. Tôi đã không hiểu là mẹ có những dự định khác cho tương lai của tôi, trong đó không hề có việc đến làm việc ở cầu tàu với bác Stan. Sau khi mẹ để tôi lại trường mỗi buổi sáng, tôi sẽ nán lại trong sân trường cho tới khi mẹ đi khuất, sau đó lén mò ra bến tàu. Tôi luôn chú ý để luôn có mặt ở cổng trường khi bà quay lại đón tôi vào buổi chiều. Trên đường về nhà, tôi kể với mẹ mọi thứ diễn ra ở trường. Tôi rất giỏi bịa chuyện, nhưng chẳng bao lâu sau mẹ đã phát hiện ra bản chất thật của chúng: những câu chuyện. Có một hai cậu nhóc nữa cùng trường với tôi cũng hay la cà ngoài cảng, nhưng tôi luôn giữ khoảng cách với chúng. Hai đứa đó đều lớn tuổi và to con hơn tôi, và thường hay thụi tôi nếu tôi đi ngang đường chúng. Tôi cũng phải để mắt tới ông Haskin, người đốc công trưởng, vì nếu ông ta bắt gặp tôi lảng vảng, nói theo cách ưa thích của ông ta, ông ta sẽ đuổi cổ tôi đi với một cú đá đít kèm theo lời đe dọa: “Nếu còn thấy mày lảng vảng ở đây, nhóc con, tao sẽ tóm cổ mày tới chỗ thầy hiệu trưởng.” Đôi khi, Haskin cho rằng ông ta thấy tôi quá thường xuyên, vậy là tôi sẽ bị lôi tới chỗ thầy hiệu trưởng, thầy lấy roi da quất cho tôi một trận trước khi trả tôi về lớp học. Thầy chủ nhiệm của tôi, thầy Holcombe, không bao giờ cho tôi vào nếu trước đó tôi không vào lớp từ đầu giờ, nhưng sau đó ông trở nên mềm lòng hơn. Mỗi khi mẹ phát hiện ra tôi trốn học, bà không hề giấu sự tức giận của mình và sẽ lập tức cắt khoản tiêu vặt nửa penny một tuần của tôi. Nhưng bất chấp những cú đấm thỉnh thoảng phải nhận từ mấy thằng nhóc lớn hơn, những lần đều đặn ăn roi da của thầy hiệu trưởng và việc bị mất tiền tiêu vặt, tôi vẫn không sao cưỡng nổi sức hút của cầu tàu. Tôi có được người bạn thực sự duy nhất của mình trong lúc “lảng vảng” trên bến cảng. Tên ông là Già Jack Tar. Ông Tar sống trong một toa tàu bỏ không nằm ở cuối dãy nhà kho. Bác Stan nói với tôi hãy tránh xa Già Jack vì đó là một ông già ngu ngốc, bẩn thỉu. Với tôi, ông già cũng không đến nỗi quá bẩn, chắc chắn là không bẩn bằng bác Stan, và chẳng mất bao lâu sau thì tôi phát hiện ra ông ấy cũng chẳng hề ngốc. Sau bữa ăn trưa cùng bác Stan, một miếng sandwich Marmite của ông, một cái lõi táo ông bỏ đi và một ngụm bia, tôi quay trở lại trường cho kịp giờ trận bóng đá; hoạt động duy nhất tôi cảm thấy đáng để mình có mặt. Xét cho cùng, sau khi rời trường học, tôi sẽ trở thành đội trưởng của Bristol City, hay đóng một con tàu có thể đi vòng quanh thế giới. Nếu thầy Holcombe chịu giữ mồm giữ miệng và ông đốc công không mách tôi với thầy hiệu trưởng, tôi có thể tha hồ lang thang nhiều ngày liền mà chẳng bị ai phát hiện. Chừng nào tôi cẩn thận tránh xa những chiếc xà lan chở than và đứng trước cổng trường lúc bốn giờ chiều, mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ phát hiện được gì. * * * Cứ cách một ngày thứ bảy, bác Stan lại dẫn tôi đi xem Bristol City thi đấu tại sân Ashton Gate. Sáng Chủ nhật, mẹ thường đưa tôi tới Nhà thờ Holy Nativity, một việc tôi chẳng tài nào tìm được cách để thoát khỏi. Sau khi mục sư Watts ban phước lành cuối buổi lễ, tôi sẽ lập tức chạy một mạch tới sân chơi, gia nhập cùng lũ bạn trong một trận bóng đá trước khi quay về nhà kịp giờ bữa tối. Khi tôi lên bảy tuổi, bất cứ ai hiểu biết ít nhiều về bóng đá cũng thấy rõ tôi sẽ chẳng bao giờ có nổi một chân trong đội bóng của trường, chứ đừng nói tới trở thành đội trưởng của Bristol City. Song cũng chính khi đó tôi khám phá ra rằng, Chúa đã ban cho tôi một món quà nhỏ, và nó không nằm ở đôi chân của tôi. Thoạt đầu, tôi không nhận ra là bất cứ ai ngồi gần tôi trong nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật đều ngừng hát mỗi khi tôi mở miệng. Đáng lẽ tôi đã chẳng để tâm tới chuyện này lấy một giây nếu mẹ không gợi ý tôi nên gia nhập ban đồng ca. Tôi bật cười coi thường; vì thực tế là ai cũng biết ban đồng ca là dành cho bọn con gái và mấy thằng nhóc ẻo lả. Hẳn tôi đã gạt phăng chuyện này đi ngay lập tức nếu mục sư Watts không cho tôi biết mỗi đứa con trai trong ban đồng ca được trả một penny cho mỗi đám tang và một xu cho mỗi đám cưới; đây là trải nghiệm đầu tiên của tôi về sự mua chuộc. Nhưng ngay cả sau khi tôi đã miễn cưỡng đồng ý thử giọng, quỷ sứ vẫn quyết định tạo nên một chướng ngại vật trên con đường của tôi dưới hình hài của cô Eleanor E. Monday. Chắc hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ biết mặt cô Monday nếu cô không phải là người phụ trách ban đồng ca tại Nhà thờ Holy Nativity. Dù cô chỉ cao một mét sáu và trông như thể gió thổi cũng bay nhưng không ai dám đùa với cô. Tôi có cảm giác thậm chí cả quỷ sứ cũng phải hãi cô Monday, vì mục sư Watts chắc chắn là sợ cô một phép. Tôi đồng ý thử giọng, nhưng chỉ sau khi mẹ tôi đã ứng trước một tháng tiền tiêu vặt. Chủ nhật tiếp theo, tôi đứng xếp hàng cùng nhóm mấy đứa con trai khác, đợi đến khi được gọi. “Các con sẽ phải luôn có mặt đúng giờ để luyện tập cùng ban đồng ca,” cô Monday thông báo, một ánh mắt sắc như dùi xuyên nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi giương mắt lên nhìn lại đầy thách thức. “Các con sẽ không được lên tiếng, trừ khi được gọi tên.” Bằng cách nào đó, tôi vẫn tiếp tục giữ được im lặng. “Và trong buổi lễ, các con phải luôn tập trung từ đầu đến cuối.” Tôi miễn cưỡng gật đầu. Rồi sau đó, xin Chúa ban phước lành cho cô, cô đã cho tôi lối thoát. “Nhưng quan trọng hơn cả,” cô tuyên bố, hai tay chống hông, “trong vòng mười hai tuần, các con sẽ phải trải qua một kỳ thi đọc và viết, để ta có thể chắc chắn các con hát được một giai điệu mới hay một bài thánh ca không quen thuộc.” Tôi hẳn sẽ rất hân hoan khi bị loại ngay từ lần thử thách đầu tiên đó. Nhưng rồi như tôi khám phá ra cô Eleanor E. Monday không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. “Con đã chọn hát bài nào vậy, cậu bé?” Cô hỏi tôi khi đến lượt tôi tới đầu hàng. “Con vẫn chưa chọn bài nào cả,” tôi nói với cô. Cô giở một cuốn sách đồng ca ra, đưa cho tôi rồi ngồi xuống bên chiếc đàn piano. Tôi mỉm cười với ý nghĩ tôi vẫn còn có thể tham gia vào hiệp hai trận bóng sáng chủ nhật của chúng tôi. Cô bắt đầu chơi một giai điệu quen thuộc, và khi thấy mẹ nhìn mình chằm chằm từ dưới hàng ghế cầu nguyện, tôi quyết định tốt hơn nên thực hiện tử tế phần thử giọng, chỉ để bà vui lòng. “Mọi thứ sáng rực rỡ và đẹp đẽ, mọi tạo vật cả lớn và nhỏ. Mọi điều thông thái và diệu kỳ...” Một nụ cười đã xuất hiện trên khuôn mặt cô Monday từ rất lâu trước khi tôi hát tới “Chúa Toàn Năng đã tạo nên tất cả.” “Tên con là gì, cậu bé?” “Harry Clifton, thưa cô.” “Harry Clifton, con sẽ tới luyện tập cùng ban đồng ca vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, vào đúng sáu giờ.” Quay sang cậu bé đang đứng đằng sau tôi, cô nói, “Người tiếp theo!” Tôi hứa với mẹ sẽ đến buổi tập đầu tiên đúng giờ, cho dù tôi biết đó cũng sẽ là buổi cuối cùng, vì cô Monday sẽ nhanh chóng phát hiện ra tôi chẳng hề biết đọc hay biết viết. Và lần ấy hẳn cũng sẽ là lần cuối cùng của tôi, nếu không phải tất cả những ai lắng nghe đều thấy rõ ràng giọng hát của tôi thuộc về một đẳng cấp khác hẳn so với giọng của bất kỳ cậu bé nào khác trong ban đồng ca. Trên thực tế, cứ mỗi lần tôi cất tiếng hát, những người khác lại im lặng, và những cái nhìn ngưỡng mộ, hay thậm chí kinh ngạc, mà tôi vẫn tìm kiếm vô vọng trên sân bóng, thì tôi lại tìm thấy ở nhà thờ. Cô Monday giả bộ như không chú ý. Sau khi cô cho chúng tôi giải tán, tôi không quay về nhà ngay mà chạy thẳng một mạch ra bến tàu, để hỏi ông Tar tôi nên làm thế nào về chuyện tôi không biết đọc hay viết. Tôi cẩn thận lắng nghe lời khuyên của ông lão, và hôm sau tôi trở lại trường học, ngồi vào chỗ của mình trong lớp của thầy Holcombe. Thầy không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi ngay hàng ghế đầu, và còn ngạc nhiên hơn nữa khi tôi lần đầu tiên chăm chú theo dõi bài giảng buổi sáng. Thầy Holcombe bắt đầu dạy tôi bảng chữ cái, và trong vòng vài ngày tôi đã có thể viết ra được cả hai mươi sáu chữ cái, cho dù không phải lúc nào cũng theo đúng thứ tự. Mẹ tôi hẳn sẽ giúp tôi học thêm khi tôi về nhà buổi chiều, nếu không phải giống như những người khác trong gia đình tôi, mẹ cũng không biết đọc biết viết. Bác Stan chỉ biết nguệch ngoạc ký tên của mình, và cho dù bác có thể nhận biết được sự khác biệt giữa bao thuốc lá loại Will’s Star và Wild Woodbines, tôi dám chắc trên thực tế bác không thể đọc được những gì viết trên nhãn hiệu. Bất chấp những lời thì thầm chẳng mấy hữu ích của bác, tôi vẫn bắt tay vào tập viết các chữ cái trên bất cứ mảnh giấy bỏ đi nào tôi vớ được. Bác Stan dường như chẳng hề nhận thấy những tờ báo cũ nhàu nát trong nhà vệ sinh luôn đặc kín chữ viết. Sau khi đã thành thạo bảng chữ cái, thầy Holcombe dạy cho tôi vài từ đơn giản: “chó”, “mèo”, “bố” và “mẹ.” Đó cũng là lần đầu tiên tôi bắt đầu hỏi thầy về bố tôi, hy vọng thầy có thể cho tôi biết ít nhiều về bố. Nói cho cùng, thầy dường như biết mọi thứ. Nhưng thầy có vẻ ngỡ ngàng khi thấy tôi biết về bố của mình ít đến thế. Một tuần sau, thầy viết cho tôi từ đầu tiên có bốn chữ cái lên bảng đen, “sách”, và sau đó là năm chữ cái “chuối” và sáu chữ cái, “trường”. Đến cuối tháng, tôi đã có thể viết được câu đầu tiên của mình, “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua con chó lười biếng”, trong câu đó, như thầy Holcombe chỉ cho tôi thấy, có mặt tất cả các chữ cái. Tôi đã xem lại, và hóa ra thầy nói đúng thật. Đến cuối kỳ, tôi có thể đánh vần được “quốc ca”, “thánh thi” và thậm chí cả “thánh ca”, cho dù thầy Holcombe luôn nhắc là tôi vẫn luôn quên phát âm chữ “h” bất cứ khi nào tôi nói. Nhưng sau đó chúng tôi bị gián đoạn vì kỳ nghỉ, và tôi bắt đầu lo tôi sẽ chẳng bao giờ vượt qua được bài kiểm tra đầy thách thức của cô Monday nếu không được thầy Holcombe giúp. Và rất có thể điều đó đã trở thành sự thật, nếu Già Jack không thế vào chỗ của thầy. * * * Tôi đến buổi tập tối thứ Sáu sớm nửa giờ. Khi biết mình cần vượt qua bài kiểm tra thứ hai nếu tôi muốn được tiếp tục là thành viên của ban đồng ca. Tôi ngồi lặng im trên ghế, hy vọng cô Monday sẽ gọi tên ai đó khác trước khi cô gọi đến tôi. Tôi đã vượt qua được bài kiểm tra đầu tiên một cách như cô Monday mô tả là xuất sắc. Tất cả chúng tôi đều được yêu cầu hát trích đoạn bài Lời cầu nguyện của Chúa. Đây không phải là vấn đề với tôi, bởi vì mẹ luôn quỳ xuống cạnh giường tôi mỗi tối, và lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện quen thuộc này trước khi bà kéo chăn lên cho tôi. Tuy nhiên bài kiểm tra tiếp theo của cô Monday cho thấy nó là một thử thách khó khăn hơn nhiều. Đến lúc này, đã là cuối tháng thứ hai, chúng tôi được trông đợi sẽ phải hát dõng dạc một bài thánh thi trước mặt những thành viên còn lại của ban đồng ca. Tôi chọn bài Thánh thi 121, bài tôi vốn đã thuộc lòng từ lâu, vì trước đây tôi đã nhiều lần hát bài này. Ta sẽ dõi mắt nhìn xuống các ngọn đồi, và từ đó sự giúp đỡ của ta sẽ tới. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng mình sẽ nhận được sự trợ giúp từ Chúa. Mặc dù có thể giở tới đúng trang trong quyển thánh thi, vì bây giờ tôi đã biết đếm từ một đến một trăm, tôi vẫn sợ cô Monday sẽ phát hiện ra rằng tôi không thể lần theo từng dòng thơ. Nếu thế, không đời nào cô chịu cho qua, vì tôi đã được ở lại trong ban đồng ca thêm một tháng nữa, trong khi hai đứa bất trị khác - đấy là lời của cô, mà thực lòng tôi chỉ hiểu nghĩa của nó khi hỏi thầy Holcombe vào ngày hôm sau - đều bị mời trở xuống giáo đoàn. Đến thời điểm tôi phải trải qua bài kiểm tra thứ ba và cũng là cuối cùng, tôi đã sẵn sàng cho nó. Cô Monday yêu cầu tất cả những đứa còn lại viết ra Mười điều giới luật theo đúng thứ tự mà không được xem trong Sách Xuất Ai Cập Ký. Cô phụ trách ban đồng ca tảng lờ chuyện tôi đã xếp trộm cắp lên trên giết người, không thể viết được hai từ “ngoại tình” và chắc chắn là không hề biết nó có nghĩa là gì. Chỉ sau khi hai cậu chàng bất trị kia bị loại vì những lỗi còn nhẹ hơn nhiều, tôi mới thực sự nhận ra giọng hát của mình phải hiếm có đến mức nào. Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của mùa Giáng sinh, cô Monday tuyên bố cô đã chọn ba nam thiếu niên có giọng kim mới - hay “những thiên thần bé nhỏ,” như mục sư Watts vẫn thường gọi chúng tôi - gia nhập ban đồng ca của cô. Những đứa còn lại bị loại vì đã phạm phải những tội lỗi không thể tha thứ được như nói chuyện trong giờ giảng lễ, mút kẹo viên và, trong trường hợp của hai cậu con trai, bị bắt quả tang chơi chọi xâu hạt trong khi đang hát bài Nunc Dimitti. Ngày Chủ nhật tiếp theo, tôi mặc một chiếc áo chùng dài màu xanh với một chiếc cổ cồn trắng. Chỉ mình tôi được phép đeo một chiếc mề đay bằng đồng thau mang hình Đức Mẹ Đồng Trinh quanh cổ, để ra hiệu tôi được chọn làm giọng kim hát solo. Tôi chắc sẽ đeo chiếc mề đay đầy tự hào trên cả con đường về nhà, thậm chí tới trường sáng hôm sau, để khoe với những đứa con trai khác, nếu cô Monday không thu lại nó vào cuối mỗi khóa lễ. Vào các ngày Chủ nhật tôi như được đưa vào một thế giới khác, nhưng tôi e rằng trạng thái lâng lâng này sẽ không kéo dài mãi mãi. 2 K hi bác Stan thức dậy vào buổi sáng, bằng cách nào đó bác luôn thành công trong việc đánh thức cả nhà dậy. Không ai phàn nàn gì cả vì bác là người kiếm tiền chính trong nhà, và dù thế nào đi nữa bác cũng rẻ tiền và đáng tin cậy hơn một cái đồng hồ báo thức. Tiếng động đầu tiên Harry nghe thấy là tiếng cửa phòng ngủ đóng sầm lại. Tiếp theo âm thanh này là tiếng ông bác cậu rầm rầm bước đi trên lối đi bằng gỗ ọp ẹp, lao xuống cầu thang và ra khỏi nhà. Sau đó, một cánh cửa nữa sẽ đóng sầm lại khi bác biến mất vào trong nhà vệ sinh. Nếu ai đó vẫn còn ngái ngủ, tiếng nước xối ào ào khi bác Stan giật dây xích, kéo theo hai tiếng cửa đóng sầm lại nữa trước khi bác quay trở lại phòng sẽ giúp nhắc họ là bác Stan đang trông đợi bữa sáng của mình phải sẵn sàng trên bàn khi bác bước chân vào bếp. Bác chỉ rửa mặt, cạo râu vào các buổi tối thứ Bảy trước khi tới Palais hay Odeon. Bác chỉ tắm bốn lần một năm chia đều ra các quý. Sẽ không ai có thể buộc tội bác Stan phung phí những đồng tiền kiếm được đầy khó nhọc của mình vào xà phòng. Maisie, mẹ Harry, sẽ là người tiếp theo thức dậy, rời khỏi giường chỉ tích tắc sau tiếng cửa đóng sầm đầu tiên. Sẽ có một bát cháo trên bàn ăn sẵn sàng khi bác Stan ra khỏi nhà vệ sinh. Bà ngoại cậu thức giấc ngay sau đó, và sẽ xuống bếp đến bên con gái trước khi bác Stan ngồi vào chỗ của bác ở đầu bàn. Harry cần có mặt dưới nhà trong vòng năm phút sau tiếng cửa đóng đầu tiên nếu cậu muốn có được chút gì đó để ăn sáng. Người cuối cùng xuất hiện trong bếp sẽ là ông ngoại, người đã điếc nặng đến mức thường vẫn ngủ ngon trong suốt thời gian diễn ra nghi thức sáng sớm của bác Stan. Nhịp sống thường nhật này trong gia đình Clifton không bao giờ thay đổi. Khi bạn chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất ở bên ngoài, một chậu rửa và một chiếc khăn tắm, thứ tự trở thành điều cần thiết bắt buộc. Khi Harry hoàn tất việc hắt vài vốc nước lạnh lên để rửa mặt, mẹ cậu cũng đã chuẩn bị xong bữa sáng trong bếp: hai lát bánh mì dày phết mỡ heo dành cho Stan, và bốn lát mỏng cho các thành viên còn lại trong nhà, chỗ bánh này sẽ được cô nướng lên nếu còn lại chút than nào trong cái bao vứt ngoài cửa trước vào mỗi ngày thứ Hai. Sau khi bác Stan đã ăn xong cháo, Harry sẽ được phép liếm bát. Một bình trà lớn màu nâu luôn được chuẩn bị sẵn trên bếp lò, bà ngoại sẽ rót trà ra một lô cốc uống trà cọc cạch nhờ một ấm chuyên lọc trà khảm bạc mà bà được thừa kế từ mẹ mình. Trong lúc những thành viên khác của gia đình thưởng thức một cốc trà không đường - đường chỉ được dành cho những dịp long trọng và các ngày nghi lễ - bác Stan sẽ khui nắp chai bia đầu tiên của mình, mà thường là bác sẽ tu cạn nó chỉ trong một hơi. Sau đó, bác sẽ đứng dậy khỏi bàn ăn, ợ một hơi thật to trước khi cầm lấy hộp đồ ăn trưa mà bà ngoại đã chuẩn bị khi bác đang ăn sáng: hai miếng sandwich Marmite, một cái xúc xích, một quả táo, thêm hai chai bia và một gói năm điếu thuốc lá. Sau khi bác Stan rời nhà đi ra bến tàu, tất cả mọi người ngay lập tức bắt đầu nói chuyện. Bà ngoại luôn muốn biết những ai đã ghé vào tiệm trà nơi con gái mình làm phục vụ bàn: họ ăn những gì, mặc ra sao, ngồi ở đâu; từng chi tiết về những món ăn nấu trên bếp trong một căn phòng được chiếu sáng nhờ những bóng đèn điện không để lại chút sáp nến nào, đó là chưa nói tới những vị khách thỉnh thoảng để lại một đồng ba penny làm tiền bo, khoản tiền mà Maisie sẽ phải chia đôi với người đầu bếp. Maisie lại bận tâm hơn nhiều với việc tìm hiểu xem Harry đã làm gì ở trường ngày hôm trước. Cô yêu cầu con trai phải báo cáo mỗi ngày, một việc có vẻ dường như không làm bà ngoại quan tâm mấy, có lẽ vì bà chưa bao giờ đến trường. Mà nếu nghĩ cho cùng, bà cũng chưa bao giờ đặt chân tới một tiệm trà. Ông ngoại hiếm khi bình luận gì, vì sau bốn năm liên tục nạp đạn rồi tháo vỏ đạn cho một khẩu pháo dã chiến cả sáng, trưa, chiều và tối, ông đã điếc đặc đến mức đành phải hài lòng với việc quan sát môi những người còn lại mấp máy và thỉnh thoảng lại gật gù. Vẻ bề ngoài này có thể làm người lạ có ấn tượng ông lão là một kẻ ngớ ngẩn, điều mà các thành viên còn lại của gia đình đều biết là không phải sau khi tự thân đã trả giá. Nhịp sinh hoạt buổi sáng chỉ thay đổi đôi chút vào cuối tuần. Các ngày thứ Bảy, Harry sẽ bám theo ông bác rời khỏi bếp, luôn lui lại sau vài nhịp chân trong lúc ông bác cậu tới cầu tàu. Đến Chủ nhật, mẹ Harry sẽ đưa cậu bé tới nhà thờ Holy Nativity, tại đó, từ hàng ghế cầu nguyện thứ ba, cô sẽ có một quãng thời gian đắm mình trong ánh hào quang của cậu con trai, giọng solo bè cao trong ban đồng ca của nhà thờ. Nhưng hôm nay là thứ Bảy. Trong suốt quãng đường hai mươi phút đi bộ tới cầu tàu, Harry không bao giờ mở miệng trừ khi bác cậu lên tiếng. Mỗi lần như thế, câu chuyện lại bất di bất dịch quay lại đúng cuộc trò chuyện mà hai bác cháu đã nói với nhau vào thứ Bảy tuần trước. “Khi nào cháu định rời khỏi trường và làm việc hàng ngày, hả chàng trai trẻ?” luôn là câu mở màn của bác Stan. “Cháu không được phép rời khỏi trường cho tới năm mười bốn tuổi,” Harry nhắc nhở bác cậu. “Luật quy định như thế.” “Thứ luật mắc dịch ngu ngốc, nếu cháu muốn biết ý kiến của bác. Bác đã chuồn khỏi trường và làm việc ở bến tàu từ khi bác mười hai tuổi,” Stan sẽ tuyên bố như thể Harry chưa bao giờ nghe qua lời nhận xét rất mực sâu sắc này. Harry chẳng buồn trả lời, vì cậu đã biết trước câu nói tiếp theo của bác cậu sẽ là: “Và hơn thế nữa, bác đã đăng ký gia nhập quân đội của Kitchener trước ngày sinh nhật thứ mười bảy của bác.” “Hãy kể cho cháu nghe về chiến tranh đi, bác Stan,” Harry nói, biết chắc chuyện này sẽ làm ông bác cậu bận bịu trong suốt mấy trăm yard tiếp theo. “Bác và bố cháu gia nhập Trung đoàn Hoàng gia Gloucestershire cùng một ngày,” bác Stan nói, đưa tay lên chiếc mũ vải của bác như thể đang chào một hồi ức xa xăm. “Sau mười hai tuần huấn luyện cơ bản ở trại Taunton, bọn bác được chở bằng tàu thủy tới Wipers để đánh nhau với bọn Boche. Khi tới nơi, phần lớn thời gian bọn bác ngồi ru rú trong các chiến hào nhung nhúc chuột, chờ tới khi được một tay sĩ quan mặt mày vênh váo ra lệnh rằng khi kèn hiệu nổi lên, bọn bác sẽ phải xông ra khỏi chiến hào, lưỡi lê giương sẵn, súng bắn liên tục trong lúc tiến tới chiến tuyến quân địch.” Sau những lời này là một khoảng im lặng thật lâu, rồi bác Stan sẽ nói thêm, “Bác là một trong số những người may mắn. Trở về nước Anh yêu dấu nguyên vẹn như lúc ra đi, vẫn còn nguyên chất Bristol.” Harry đoán trước được câu tiếp theo chính xác từng từ một, nhưng cậu vẫn im lặng. “Quả thực cháu không biết cháu may mắn đến thế nào đâu, chàng trai. Bác đã mất hai người anh trai, là bác Ray và bác Bert của cháu, còn bố cháu không chỉ mất một người anh trai, mà cả bố của ông ấy, tức là ông nội cháu, người cháu chưa bao giờ biết mặt. Một người đàn ông đúng nghĩa, có thể uống cạn một vại bia nhanh hơn bất cứ công nhân cầu tàu nào khác bác từng được gặp qua.” Nếu bác Stan cúi xuống, hẳn bác đã nhìn thấy cậu nhóc lẩm nhẩm theo từng lời của mình, nhưng ngày hôm nay, trước sự ngạc nhiên của Harry, bác Stan lại nói thêm một câu bác chưa bao giờ nói ra trước đây. “Và bố cháu chắc vẫn còn sống đến tận hôm nay, nếu ông quản lý chịu nghe lời bác.” Harry đột nhiên trở nên chăm chú. Cái chết của bố cậu vẫn luôn là chủ đề của những câu trò chuyện thì thào khe khẽ và những tiếng suỵt. Nhưng bác Stan chợt câm như hến, như thể bác nhận ra mình đã đi quá xa. Có thể là tuần sau, Harry thầm nghĩ, đuổi theo bác cậu và giữ nhịp bước đều đặn với bác như thể hai bác cháu là hai người lính đang đi duyệt binh. “Vậy chiều nay City đá với đội nào vậy?” Bác Stan hỏi, lên tiếng trở lại. “Charton Athletic,” Harry trả lời. “Bọn họ là một đám thợ giày già khú.” “Mùa trước họ đã hành chúng ta ra bã đấy,” Harry nhắc bác cậu. “May mắn chết tiệt, nếu cháu hỏi ý kiến của bác,” bác Stan nói, và rồi không mở miệng thêm nữa. Khi hai bác cháu tới lối vào khu bến cảng, bác Stan chấm công trước khi đi tới bãi cảng nơi bác đang làm việc cùng một nhóm công nhân bến tàu khác, không ai trong họ dám cho phép mình đến muộn dù chỉ một phút. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay và đang có vô khối cậu thanh niên trẻ tuổi chầu chực ngoài cổng, sẵn sàng chờ để thế chỗ họ. Harry không đi theo bác cậu, vì cậu biết nếu ông Haskin bắt gặp cậu lảng vảng quanh bãi hàng, cậu sẽ bị véo tai đến đỏ lừ, sau đó phải nhận thêm một cú đá vào mông từ ông bác vì tội làm ông đốc công khó chịu. Thay vì làm thế, cậu cất bước đi theo hướng ngược lại. Đích đến đầu tiên của Harry vào mỗi sáng thứ Bảy là Già Jack Tar, người sống trong một toa xe lửa bỏ không ở tít đầu kia của bến tàu. Cậu chưa bao giờ kể với bác Stan về những chuyến ghé thăm đều đặn của mình, vì bác cậu đã cảnh cáo cậu cần tránh xa ông già bằng mọi giá. “Có lẽ lão ấy không tắm cả bao nhiêu năm nay rồi,” ông bác mỗi quý tắm một lần của cậu nói, và cũng chỉ chịu đi tắm sau khi mẹ Harry phàn nàn về mùi của bác. Nhưng sự tò mò từ lâu đã chiếm phần thắng với Harry, và một buổi sáng nọ cậu rón rén bò tới gần toa xe lửa bằng hai tay và đầu gối, nhổm người dậy và ngó vào qua một khung cửa sổ. Ông già đang ngồi ở ghế hạng nhất và đọc một quyển sách. Già Jack quay lại đối diện với cậu và nói, “Vào đi, chàng trai.” Harry nhảy xuống, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch cho tới khi về đến trước cửa nhà mình. Ngày thứ Bảy tiếp theo, Harry lại một lần nữa leo lên toa xe lửa và ngó vào trong. Già Jack dường như đang ngủ say, nhưng rồi Harry nghe thấy ông nói, “Sau cháu không vào đi, chàng trai? Ta không cắn đâu.” Harry xoay cái tay nắm cửa nặng nề bằng đồng thau và dè dặt kéo mở cửa toa xe, nhưng cậu không bước vào trong. Cậu chỉ nhìn chăm chăm vào ông lão đang ngồi giữa toa xe. Thật khó có thể nói chính xác ông bao nhiêu tuổi, vì khuôn mặt ông bị lấp dưới bộ râu màu muối tiêu cắt tỉa gọn gàng, bộ râu làm ông lão trông giống như người thủy thủ trên vỏ bao thuốc lá Players Please. Nhưng ông lão nhìn Harry với sự ấm áp trong ánh mắt, một điều mà bác Stan chưa bao giờ làm được. “Có phải ông là Già Jack Tar không?” Harry đánh bạo hỏi. “Người ta gọi ông như thế đấy,” ông lão trả lời. “Và ông sống ở chỗ này ạ?” Harry hỏi, đưa mắt nhìn quanh toa xe, đôi mắt cậu bé dừng lại ở một chồng báo cũ chất cao trên cái ghế đối diện. “Phải rồi,” ông lão đáp. “Nơi này đã trở thành nhà của ta trong hai mươi năm qua. Sao cháu không đóng cửa lại và ngồi xuống, chàng trai?” Harry cân nhắc một lát về lời mời trước khi cậu nhảy xuống khỏi toa tàu và thêm một lần nữa cắm đầu cắm cổ chạy. Đến ngày thứ Bảy tiếp theo, Harry có đóng cửa lại, nhưng tay vẫn đặt trên tay nắm, sẵn sàng tháo chạy nếu ông lão chỉ cần nhúc nhắc chân tay. Hai người nhìn nhau chằm chằm một lúc trước khi Già Jack hỏi, “Tên cháu là gì?” “Harry.” “Và cháu học trường nào?” “Cháu không đi học.” “Vậy cháu sẽ làm gì với cuộc đời mình, chàng trai?” “Tới làm việc ở bến tàu cùng bác cháu, tất nhiên rồi,” Harry trả lời. “Sao cháu lại muốn làm việc đó?” Ông lão hỏi. “Sao lại không?” Harry nóng mặt. “Ông nghĩ cháu không đủ tốt để làm việc đó chắc?” “Cháu quá tốt là đằng khác,” Già Jack đáp. “Khi ta ở vào tuổi cháu,” ông nói tiếp, “ta đã muốn nhập ngũ, và dù bố ta có nói gì hay làm gì cũng không thể thuyết phục được ta từ bỏ ý định ấy.” Trong một giờ đồng hồ tiếp theo, Harry đứng đó, mê mẩn, trong khi Jack Già hồi tưởng về các bến cảng, về thành phố Bristol, và về những miền đất bên kia biển lớn mà cậu chưa được dạy trong các bài học về địa lý. Ngày thứ Bảy tiếp theo, và nhiều ngày thứ Bảy nữa mà cậu bé không thể nhớ được hết, Harry tiếp tục đến thăm Già Jack Tar. Nhưng cậu không hề kể gì với bác hay mẹ mình, vì sợ hai người sẽ cấm không cho cậu được tiếp tục tới thăm người bạn thật sự đầu tiên của cậu. * * * Khi Harry gõ cửa toa xe lửa vào sáng thứ Bảy đó, Già Jack rõ ràng là đang chờ cậu, vì quả táo giống Cox’s Orange Pippin quen thuộc của ông đã được để trên chiếc ghế đối diện. Harry cầm quả táo lên, cắn một miếng rồi ngồi xuống. “Cảm ơn ông Tar,” Harry vừa nói vừa chùi nước táo trên cằm. Cậu chưa bao giờ hỏi những quả táo từ đâu tới; việc này chỉ góp thêm vào vẻ bí ẩn của ông lão vĩ đại. Ông thật khác biết bao so với bác Stan, người luôn lặp đi lặp lại mãi vài điều ít ỏi mà bác biết, trong khi Già Jack giới thiệu cho Harry những từ mới, những trải nghiệm mới, thậm chí cả những thế giới mới mỗi tuần. Cậu thường tự hỏi tại sao ông Tar không phải là môt thầy giáo - Ông lão dường như thậm chí còn biết nhiều hơn cả cô Monday, và nhiều gần như chẳng kém gì thầy Holcombe. Harry hoàn toàn bị thuyết phục rằng thầy Holcombe biết mọi thứ, bởi vì thầy chưa bao giờ đầu hàng bất cứ câu hỏi nào mà Harry đặt ra cho thầy. Già Jack mỉm cười nhìn cậu, nhưng không nói gì cho tới khi Harry đã ăn xong quả táo và ném cái lõi qua cửa sổ. “Cháu đã học được những gì ở trường tuần này,” ông lão hỏi, “mà cháu đã không biết vào tuần trước đó?” “Thầy Holcombe nói với cháu rằng có những đất nước khác nằm bên kia đại dương là một phần của Đế chế Anh, và tất cả những đất nước này đều do nhà vua trị vì.” “Thầy của cháu nói đúng đấy,” Già Jack nói. “Cháu có thể kể tên được nước nào trong số những đất nước này không?” “Úc. Canada. Ấn Độ.” Cậu ngần ngừ. “Và Mỹ nữa ạ.” “Không, nước Mỹ thì không,” Già Jack nói. “Đúng là đã từng như thế, nhưng giờ thì không, vì một vị thủ tướng nhu nhược và một ông vua ốm yếu.” “Ai là ông vua, và ai là vị thủ tướng ạ?” Harry giận dữ hỏi. “Vua George III đang ngồi trên ngai vàng vào năm 1776,” Già Jack nói, “nhưng nói cho công bằng thì nhà vua là một người ốm yếu, trong khi huân tước North, thủ tướng của ông ấy, thì đơn giản là tảng lờ những gì đang diễn ra tại các thuộc địa, vậy là thật đáng buồn, cuối cùng chính những người đồng bào của chúng ta lại cầm súng chống lại chúng ta.” “Nhưng hẳn là chúng ta đã đánh bại họ chứ ạ?” Harry hỏi. “Không, chúng ta đã không thắng,” Già Jack nói. “Không những lẽ phải thuộc về phía họ - cho dù đây không hẳn là một điều kiện tiên quyết cho chiến thắng...” “Điều kiện tiên quyết nghĩa là gì ạ?” “Là điều kiện cần đến trước tiên,” Già Jack nói, sau đó tiếp tục như thể ông chưa hề bị ngắt lời. “Mà họ còn được lãnh đạo bởi một vị tướng xuất sắc.” “Tên ông ấy là gì ạ?” “George Washington.” “Tuần trước ông có kể với cháu Washington là thủ đô của nước Mỹ. Có phải ông ta được đặt tên theo thành phố đó không ạ?” “Không, mà là thành phố đó được đặt theo tên ông ấy. Nó được xây dựng lên tại một vùng đồng lầy có tên là Columbia, nơi có sông Potomac chảy qua.” “Có phải Bristol cũng được đặt tên theo một người không ạ?” “Không,” Jack Già bật cười, thích thú trước cách cái đầu ham học hỏi của Harry có thể nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. “Thoạt đầu Bristol có tên là Brigstowe, nghĩa là nơi có một cây cầu.” “Vậy thì nó trở thành Bristol từ khi nào ạ?” “Các nhà sử học có phần khác nhau trong quan điểm của họ,” Già Jack nói, “cho dù tòa lâu đài Bristol được Robert xứ Gloucester xây vào năm 1109, khi ông ta nhận thấy cơ hội buôn bán lông cừu với người Ireland. Sau đó, thành phố đã phát triển thành một cảng biển thương mại. Kể từ đó, nó đã trở thành một trung tâm của ngành đóng tàu trong hàng trăm năm, và thậm chí còn phát triển nhanh hơn nữa khi hải quân cần mở rộng quy mô vào năm 1914.” “Bố cháu đã chiến đấu trong Cuộc chiến Vĩ đại,” Harry nói đầy tự hào. “Ông cũng thế phải không ạ?” Lần đầu tiên Già Jack do dự trước khi trả lời một câu hỏi của Harry. Ông chỉ đứng đó, không nói một lời. “Cháu xin lỗi, ông Tar,” Harry nói. “Cháu không có ý tọc mạch.” “Không, không,” Già Jack nói. “Chỉ là đã nhiều năm qua không có ai hỏi ta câu hỏi đó.” Không nói thêm lời nào, ông lão xòe bàn tay ra để lộ một đồng sáu penny. Harry cầm lấy đồng xu bạc nhỏ xíu và thử cắn nó, một việc cậu đã từng thấy bác mình làm. “Cháu cảm ơn ông,” cậu nói trước khi bỏ đồng xu vào túi. “Hãy đi mua cho mình ít cá và khoai tây rán ở chỗ quán cà phê gần cầu cảng, nhưng đừng nói gì với bác của cháu, vì thế nào bác cháu cũng hỏi cháu lấy tiền ở đâu ra.” Kỳ thực, Harry chưa bao giờ nói với bác cậu bất kỳ điều gì liên quan tới Già Jack. Cậu từng có lần nghe thấy bác Stan nói với mẹ cậu, “Lão khùng đó đáng ra phải bị nhốt lại.” Cậu đã hỏi cô Monday xem lão khùng là gì, vì cậu không thể tìm thấy từ đó trong từ điển, và khi cô nói cho cậu biết, lần đầu tiên cậu nhận ra bác Stan chắc chắn phải ngốc đến mức độ nào. “Không hẳn là ngốc,” cô Monday đính chính, “chỉ đơn giản là không có thông tin đúng đắn, từ đó trở nên định kiến. Ta không hề nghi ngờ, Harry,” cô nói thêm, “rằng con rồi sẽ gặp thêm nhiều người như thế trong đời mình, một số người trong số họ còn ở những vị trí cao quý hơn nhiều so với bác con.” 3 M aisie đợi cho tới khi cô nghe thấy cửa trước đóng sầm lại và tin chắc rằng bác Stan đang trên đường đi làm trước khi thông báo, “Con đã tìm được việc làm nhân viên phục vụ tại khách sạn Royal.” Không người nào đang ngồi quanh bàn lên tiếng đáp lại, vì những cuộc trò chuyện trong bữa ăn sáng thường diễn ra theo một xu hướng quen thuộc và chẳng khiến ai ngạc nhiên. Harry có cả tá điều muốn hỏi nhưng cậu muốn đợi bà ngoại lên tiếng trước. Bà chỉ bận bịu rót cho mình thêm một tách trà nữa, như thể chưa hề nghe thấy con gái mình nói gì. “Có ai đó làm ơn nói gì đi chứ?” Maisie lên tiếng. “Con thậm chí còn không nhận ra là mẹ đang tìm một công việc khác,” Harry đánh bạo nói. “Mẹ có tìm đâu,” Maisie nói. “Nhưng tuần trước có ông Frampton, giám đốc điều hành khách sạn Royal, ghé qua quán Tilly’s uống cà phê. Ông ấy quay lại thêm vài lần nữa, sau đó đề nghị dành cho mẹ một chỗ làm!” “Mẹ nghĩ con đang thoải mái với công việc tại quán trà,” cuối cùng bà cũng lên tiếng, tham gia vào cuộc trò chuyện. “Nói cho cùng, cô Tilly trả công khá, và giờ giấc thì cũng phù hợp.” “Đúng là con thấy thoải mái ở đó,” mẹ Harry nói, “nhưng ông Frampton đang đề nghị trả con năm bảng một tuần, cộng thêm một nửa tổng các khoản tiền boa của khách. Đến mỗi thứ Sáu, con có thể mang về nhà đến sáu bảng.” Bà ngồi đó, miệng há hốc. “Mẹ có phải làm việc vào ban đêm không?” Harry hỏi, sau khi đã liếm sạch bát cháo của bác Stan. “Không, mẹ sẽ không phải làm đêm,” Maisie nói, xoa đầu con trai cô, “và hơn thế, cứ nửa tháng mẹ lại được nghỉ một ngày.” “Liệu quần áo của con có đủ tươm tất cho một khách sạn lớn như Royal không?” Bà ngoại hỏi. “Con sẽ được phát một bộ đồng phục, cùng một cái tạp dề mới trắng tinh mỗi buổi sáng. Khách sạn thậm chí còn có xưởng giặt riêng của họ.” “Mẹ không nghi ngờ chuyện đó,” bà ngoại nói, “nhưng mẹ có thể nghĩ đến một rắc rối mà rồi tất cả chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó.” “Là gì vậy hả mẹ?” Maisie hỏi. “Như thế con sẽ kiếm được nhiều tiền hơn Stan, và anh con sẽ không thích chuyện này đâu, không một chút nào.” “Vậy thì nó sẽ phải học cách sống với điều đó, phải không nào?” Ông ngoại lên tiếng, lần đầu tiên đưa ra ý kiến sau nhiều tuần. * * * Số tiền kiếm được thêm sẽ có lúc trở nên hữu ích, nhất là sau những gì diễn ra tại nhà thờ Holy Nativity. Khi ấy, Maisie đang chuẩn bị rời khỏi nhà thờ sau buổi lễ thì cô Monday chủ động đi dọc lối đi tới chỗ cô. “Tôi có thể nói chuyện riêng một lát với bà không, bà Clifton?” Cô Monday hỏi, trước khi quay đi và đi ngược trở lại theo lối đi tới phòng thay đồ của ban đồng ca. Maisie hối hả chạy theo cô ta như một đứa trẻ bị hút theo Người Thổi Sáo. Cô lo sợ điều tồi tệ nhất. Lần này Harry đã gây ra chuyện gì vậy? Maisie đi theo cô phụ trách ban đồng ca vào trong phòng và cảm thấy đôi chân như khuỵu xuống khi cô nhìn thấy mục sư Watts, thầy Holcombe và một quý ông khác đang đứng sẵn ở đó. Cô Monday lặng lẽ đóng cửa lại, Maisie bắt đầu run bần bật không sao kiểm soát được. Mục sư Watts khoác tay lên vai cô. “Con không có gì phải lo cả, con gái của ta,” ông trấn an cô. “Ngược lại, ta hy vọng con sẽ cảm thấy chúng ta là người mang đến tin mừng,” ông nói thêm, rồi mời cô ngồi. Maisie ngồi xuống, nhưng vẫn không ngừng run rẩy. Sau khi tất cả mọi người đã ngồi xuống, cô Monday lên tiếng. “Chúng tôi muốn trao đổi với bà về Harry, bà Clifton,” cô bắt đầu nói. Maisie cắn môi; con trai cô có thể đã làm gì để đến mức ba người quan trọng thế này phải tập trung lại? “Tôi sẽ không vòng vo nữa,” cô phụ trách ban đồng ca nói tiếp. “Thầy phụ trách âm nhạc tại St. Bede đã tới gặp tôi và hỏi liệu Harry có muốn ghi danh đăng ký xin một suất học bổng đồng ca của họ hay không.” “Nhưng con trai tôi đang rất hạnh phúc tại nhà thờ Holy Nativity,” Maisie hỏi. “Hơn nữa, nhà thờ St. Bede nằm ở đâu vậy? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến nó.” “St. Bede không phải là nhà thờ,” cô Monday trả lời. “Đó là một trường dạy đồng ca chuyên cung cấp thành viên ban đồng ca cho St. Mary Redcliff, nơi nổi tiếng vì được Nữ hoàng Elizabeth vinh danh là nhà thờ đẹp đẽ và thánh thần nhất trên thế giới.” “Như thế tức là con trai tôi sẽ phải rời khỏi trường học của nó và cả nhà thờ nữa ư?” Maisie hỏi với vẻ không thể tin nổi. “Hãy cố gắng nhìn nhận việc này như một cơ hội có thể làm thay đổi cả cuộc đời cậu bé, thưa bà Clifton,” thầy Holcombe nói, lần đầu lên tiếng. “Nhưng chẳng phải như thế nó sẽ phải ở bên những cậu bé bảnh bao, thông minh sao?” “Tôi không nghĩ tại St. Bede sẽ có nhiều cậu bé thông minh hơn Harry,” thầy Holcombe nói. “Con trai bà là cậu bé thông minh nhất mà tôi từng dạy. Cho dù chúng tôi đã từng có cơ hội gửi các cậu bé vào trường trung học phổ thông, nhưng từ trước đến nay chưa từng có học sinh nào của chúng tôi có cơ hội giành được một chỗ tại St. Bede.” “Có một điều con nên biết trước khi quyết định,” mục sư Watts nói. Maisie trông có phần còn lo lắng hơn. “Harry sẽ phải sống xa nhà trong suốt kỳ học, vì St. Bede là trường nội trú.” “Thế thì không được,” Maisie nói. “Con làm sao có đủ tiền được ạ.” “Điều đó sẽ không phải là khó khăn,” cô Monday nói. “Nếu Harry được trao học bổng, nhà trường sẽ không chỉ miễn mọi khoản phí mà cậu bé còn được hưởng mức học bổng là mười bảng một học kỳ.” “Nhưng có phải đây là một trong những ngôi trường mà các ông bố thì mặc áo vét và đeo cà vạt, và các bà mẹ thì không phải làm gì không?” Maisie hỏi. “Còn tệ hơn nữa kia,” cô Monday nói, cố làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. “Các thầy giáo mặc áo chùng dài màu đen và đội mũ vuông trên đầu.” “Dẫu vậy,” mục sư Watts thêm vào, “ít nhất với Harry là sẽ không còn chuyện bị đánh bằng roi da nữa. Ở St. Bede người ta tao nhã hơn nhiều. Ở đó họ chỉ phạt gậy các cậu bé thôi.” Chỉ có Maisie là không hề cười. “Nhưng sao thằng bé lại muốn xa nhà cơ chứ?” Cô hỏi. “Nó đã yên ổn tại trường tiểu học Merrywood, và nó cũng sẽ không muốn từ bỏ vị trí thành viên dàn đồng ca lâu năm tại nhà thờ Holy Nativity.” “Tôi phải thú thực là mất mát của tôi còn lớn hơn của cậu bé,” cô Monday nói. “Nhưng thế đấy, tôi tin chắc rằng Chúa của chúng ta không muốn tôi ngáng đường của một cậu bé tài năng như thế, chỉ đơn giản vì những mong muốn ích kỷ của riêng tôi,” cô lặng lẽ nói thêm. “Kể cả nếu tôi đồng ý,” Maisie nói, tung ra quân bài cuối cùng của cô, “điều đó không có nghĩa là Harry cũng đồng ý.” “Tuần trước tôi đã nói chuyện với cậu bé,” thầy Holcombe thừa nhận. “Tất nhiên nó rất sợ trước một thách thức như thế, nhưng nếu tôi nhớ không lầm, những lời chính xác của cậu bé là ‘Con cũng muốn thử xem sao, thưa thầy, nhưng chỉ khi thầy nghĩ là con đủ giỏi.’ Nhưng,” thầy nói thêm trước khi Maisie kịp phản ứng, “con trai bà cũng đã nói rõ rằng nó thậm chí sẽ không buồn cân nhắc chuyện đó trừ khi mẹ nó đồng ý.” * * * Harry vừa kinh hãi vừa bị kích động trước ý nghĩ được tham gia kỳ thi đầu vào, nhưng cũng lo lắng về việc sẽ thi trượt và làm nhiều người thất vọng ngang với việc thi đỗ và phải xa nhà. Trong suốt học kỳ tiếp theo, cậu không bao giờ vắng một tiết học nào tại trường Merrywood, và khi quay về nhà vào mỗi buổi tối, cậu đi thẳng lên phòng ngủ mà cậu chia sẻ với bác Stan, tại đó, với một cây nến, cậu học miệt mài nhiều giờ liền cho tới khi không còn ý thức về thời gian nữa. Thậm chí có những lần mẹ cậu thấy Harry ngủ say sưa trên sàn nhà, sách vở rải rác xung quanh. Vào mỗi buổi sáng thứ Bảy, cậu bé tiếp tục tới thăm Già Jack, người dường như biết rất nhiều về St. Bede, ông tiếp tục dạy Harry về rất nhiều thứ khác, cứ như thể ông già biết thầy Holcombe đã giảng tới đâu. Vào các chiều thứ Bảy, trước sự khinh bỉ ra mặt của bác Stan, Harry không còn đi cùng bác tới Ashton Gate để xem Bristol City thi đấu mà quay trở lại Merrywood, nơi thầy Holcombe sẽ phụ đạo thêm cho cậu. Phải nhiều năm sau Harry mới biết được thầy Holcombe cũng đã phải bỏ qua những lần ra sân cổ vũ cho đội bóng Robins ưa thích để dạy thêm cho cậu. Trong khi ngày thi tới gần, Harry ngày càng trở nên lo sợ hơn về khả năng thất bại hơn là thành công. Tới ngày thi, thầy Holcombe tháp tùng cậu học sinh ngôi sao của ông tới hội trường Colston Hall, nơi sẽ diễn ra kỳ thi kéo dài hai giờ đồng hồ. Ông để Harry lại lối vào tòa nhà với lời căn dặn, “Đừng quên đọc kỹ mỗi câu hỏi hai lần trước khi con nhấc bút lên,” một lời khuyên ông đã nhắc đi nhắc lại vài lần trong suốt tuần vừa qua. Harry mỉm cười bồn chồn, rồi bắt tay thầy Holcombe như thể hai thầy trò là những người bạn vong niên. Cậu bước vào phòng thi và thấy chừng sáu mươi cậu bé khác đang đứng rải rác thành từng nhóm nhỏ trò chuyện với nhau. Harry có thể thấy rất nhiều trong đám trẻ này đã quen nhau từ trước, trong khi cậu không quen ai cả. Bất chấp chuyện đó, một vài cậu bé ngừng nói chuyện và đưa mắt về phía cậu trong lúc cậu bước tới trước sảnh, cố tỏ ra tự nhiên. “Abbott, Barrington, Cabot, Clifton, Deakins, Fry...” Harry ngồi xuống chỗ của mình tại một bàn ở hàng đầu tiên, và chỉ trong khoảnh khắc trước khi đồng hồ đổ chuông báo mười giờ, vài vị giám thị mặc áo chùng đen, đội mũ vuông bước vào, đặt đề thi trên mặt bàn cho từng thí sinh. “Các quý ông,” một vị giám thị đứng phía trước sảnh, người không tham gia phát đề, lên tiếng, “Tên tôi là thầy Frobisher, và tôi là chánh giám thị của các trò. Các trò có hai giờ để trả lời một trăm câu hỏi. Chúc may mắn.” Một chiếc đồng hồ mà cậu không thể trông thấy điểm chuông mười giờ. Xung quanh cậu, tiếng ngòi bút thi nhau nhúng vào lọ mực và bắt đầu hăng hái lướt đi loạt xoạt trên giấy, nhưng Harry chỉ ngồi khoanh hai cánh tay lại, tựa người lên bàn và chậm rãi đọc từng câu hỏi. Cậu là một trong những thí sinh cuối cùng cầm lấy bút. Harry không thể biết rằng thầy Holcombe đang bồn chồn đi đi lại lại trên vỉa hè phía bên ngoài, còn lo lắng hơn cậu học trò của ông rất nhiều. Hay mẹ cậu cứ vài phút lại ngước mắt nhìn lên chiếc đồng hồ trong đại sảnh khách sạn Royal trong lúc phục vụ cà phê buổi sáng cho khách. Hay cô Monday đang quỳ gối im lặng cầu nguyện trước ban thờ tại nhà thờ Holy Nativity. Ngay sau khi đồng hồ điểm chuông mười hai giờ, các bài thi được thu về và các cậu bé được phép rời khỏi phòng thi, một số vui vẻ, một số cau có, số khác lại trầm ngâm. Khoảnh khắc đầu tiên khi thầy Holcombe thấy cậu, tim ông chùng xuống. “Không lẽ lại tồi đến thế?” Thầy hỏi. Harry không trả lời cho tới khi cậu tin chắc không cậu bé nào khác có thể nghe thấy lời cậu nói. “Không như những gì con đã trông đợi tí nào,” cậu nói. “Ý con là gì?” thầy Holcombe lo lắng hỏi. “Các câu hỏi quá dễ,” Harry trả lời. Thầy Holcombe cảm thấy chưa bao giờ trong đời, ông nhận được một lời khen tuyệt vời hơn thế. * * * “Hai bộ vét, thưa bà, màu xám. Một quần dài, màu xanh hải quân. Năm áo sơ mi trắng. Năm cổ cồn hồ cứng màu trắng. Sáu đôi tất dài tới ngang bắp chân, màu xám. Sáu bộ đồ lót, màu trắng. Và một chiếc cà vạt St. Bede.” Người phụ việc của cửa hàng cẩn thận kiểm tra lại danh sách. “Tôi nghĩ thế là đủ mọi thứ rồi đấy. Ồ, không, cậu bé còn cần một cái mũ của trường nữa.” Anh ta cúi người xuống dưới quầy, mở một cái ngăn kéo ra, cầm lên một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ và đen rồi đội lên đầu Harry. “Vừa như in,” anh ta tuyên bố. Maisie mỉm cười nhìn con trai cô, không khỏi cảm thấy tự hào. Harry trông đã ra dáng một học sinh của St. Bede đến từng chân tơ kẽ tóc. “Tất cả là ba bảng, mười shiling và sáu penny, thưa bà.” Maisie cố không tỏ ra quá choáng váng. “Có thể mua được món nào trong số này là đồ cũ không?” Cô khẽ nói. “Không, thưa bà, đây không phải là cửa hàng bán đồ cũ,” người phụ việc nói, anh ta cũng đã đi đến quyết định rằng vị khách này sẽ không được phép mở một tài khoản. Maisie mở ví của cô, lấy ra bốn bảng đưa cho anh ta và đợi lấy tiền trả lại. Cô cảm thấy thật nhẹ nhõm vì trường St. Bede đã ứng trước học bổng cho học kỳ đầu tiên, nhất là khi cô vẫn còn cần phải mua hai đôi giày da màu đen có buộc dây, hai đôi giày tập thể thao màu trắng có buộc dây, và một đôi dép dùng để đi trong phòng ngủ. Người phụ việc khẽ hắng giọng. “Cậu bé sẽ còn cần hai bộ đồ ngủ và một cái áo choàng mặc ngày lễ.” “Vâng, tất nhiên rồi,” Maisie nói, hy vọng cô vẫn còn đủ tiền trong ví để trả cho những món này. “Và theo như tôi hiểu, cậu bé là học sinh được học bổng đồng ca?” Người phụ việc hỏi, chăm chú nhìn kỹ hơn vào bản danh sách của anh ta. “Vâng, đúng thế,” Maisie tự hào trả lời. “Thế thì cậu ấy sẽ còn cần đến một cái áo chùng đỏ, hai áo thụng trắng, và một huy chương St. Bede.” Maisie chỉ muốn chạy ra khỏi cửa hàng. “Những thứ này sẽ được nhà trường cung cấp khi cậu bé tham dự buổi tập đồng ca đầu tiên,” người phụ việc nói thêm trước khi đưa tiền thừa lại cho cô. “Bà còn cần thêm gì nữa không, thưa bà?” “Không, cảm ơn ông,” Harry nói, tay cầm lấy hai cái túi, nắm lấy cánh tay mẹ cậu và hối hả kéo cô ra khỏi cửa hàng của T.C. Marsh - Thợ may Danh tiếng. * * * Harry dành buổi sáng thứ Bảy trước khi cậu phải có mặt để trình diện tại St. Bede cùng Già Jack. “Cháu có hồi hộp về việc sắp chuyển tới trường mới không?” Già Jack hỏi. “Không, cháu không hồi hộp,” Harry trả lời đầy thách thức. Già Jack mỉm cười. “Mà cháu sợ lắm,” cậu bé thú nhận. “Tất cả những tay mới đến, như cháu sẽ được gọi, đều thế cả thôi. Hãy cố coi tất cả chuyện này như thể cháu sắp khởi hành chuyến phiêu lưu tới một thế giới mới, nơi mọi người đều khởi đầu bình đẳng như nhau.” “Nhưng ngay khi những đứa khác nghe thấy cháu nói, bọn nó sẽ nhận ra cháu không hề ngang hàng với chúng.” “Có thể lắm, nhưng ngay khi các học sinh khác nghe cháu hát, họ sẽ nhận ra họ không thể ngang hàng với cháu.” “Phần lớn các học sinh khác đều là con em gia đình giàu có, với kẻ hầu người hạ.” “Điều đó sẽ chỉ là sự an ủi cho những kẻ ngu ngốc hơn mà thôi,” Già Jack nói. “Và một số đứa trong chúng sẽ có anh em trai ở trường, thậm chí từng có bố hay ông đã từng học ở đó trước chúng nữa.” “Bố cháu là một người đàng hoàng,” Già Jack nói, “và không ai trong số bọn chúng có một người mẹ tốt hơn mẹ cháu, về chuyện này ta có thể cam đoan với cháu.” “Ông biết bố cháu ạ?” Harry hỏi, không thể giấu nổi sự ngạc nhiên của cậu. “Nói là biết thì hơi quá,” Già Jack nói, “nhưng ta đã quan sát bố cháu từ xa, như ta từng quan sát nhiều người khác làm việc tại bến tàu. Bố cháu là một người tử tế, can đảm, biết kính Chúa.” “Nhưng ông có biết bố cháu chết như thế nào không ạ?” Harry hỏi, nhìn thẳng vào mắt Già Jack, hy vọng cuối cùng cậu cũng có được một đáp án trung thực cho câu hỏi đã làm cậu băn khoăn bấy lâu nay. “Cháu đã được kể những gì rồi?” Già Jack thận trọng hỏi. “Rằng bố cháu đã tử trận trong Cuộc chiến Vĩ đại. Nhưng vì cháu ra đời vào năm 1920, ngay cả cháu cũng có thể đoán được điều đó là không thể.” Già Jack không nói gì suốt một hồi lâu. Harry vẫn ngồi yên trên mép ghế của cậu. “Chắc chắn bố cháu đã bị thương nặng trong chiến tranh, nhưng cháu nói đúng, đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của bố cháu.” “Vậy thì bố cháu đã chết như thế nào?” Harry hỏi. “Nếu ta biết, ta đã nói với cháu rồi,” Già Jack nói. “Nhưng có quá nhiều tin đồn lan truyền vào thời gian đó và ta không dám chắc nên tin ai. Tuy nhiên, có vài người, và cụ thể là ba người, chắc chắn biết sự thật về chuyện xảy ra tối hôm đó.” “Bác Stan của cháu chắc hẳn phải là một trong số đó,” Harry nói, “nhưng hai người còn lại là ai vậy?” Già Jack do dự trước khi trả lời, “Là Phil Haskins và ông Hugo.” “Ông Haskin? Ông đốc công ư?” Harry hỏi. “Ông ấy sẽ chẳng bao giờ cho cháu lảng vảng trước mặt mình. Thế còn ông Hugo là ai ạ?” “Hugo Barrington, con trai của Sir Walter Barrington.” “Chính là gia đình sở hữu công ty tàu biển đúng không ạ?” “Đúng thế,” Già Jack đáp, sợ rằng ông đã đi quá xa. “Và họ cũng là những người tử tế, can đảm, biết kính Chúa đúng không ạ?” “Sir Walter là một trong những con người đáng kính nhất ta từng biết.” “Nhưng con trai ông ấy, ông Hugo, thì sao ạ?” “Không được cắt ra từ cùng một mảnh vải, ta e là vậy,” Già Jack nói mà không giải thích gì thêm. 4 C ậu bé ăn mặc chỉn chu ngồi cạnh mẹ trên băng ghế cuối tàu điện. “Đây là điểm dừng của mẹ con mình rồi,” người mẹ nói khi tàu điện dừng lại. Hai mẹ con xuống tàu, bắt đầu chậm rãi đi bộ lên đồi về phía ngôi trường, càng lúc họ càng chậm dần sau mỗi bước. Harry nắm lấy tay mẹ cậu bằng một tay, trong khi dùng tay kia ôm chắc lấy một chiếc vali đã cũ sờn. Không ai trong hai mẹ con nói một lời khi họ quan sát mấy cỗ xe ngựa đẹp đẽ, cũng như vài chiếc xe hơi có tài xế riêng cứ thỉnh thoảng lại dừng ngay bên ngoài cổng trước của ngôi trường. Những ông bố đang bắt tay với các cậu con trai, trong khi những bà mẹ mặc áo choàng lông còn mải ôm lấy các quý tử của mình trước khi dành cho các cậu một nụ hôn trên má, giống như chim mẹ cuối cùng cũng phải thừa nhận bầy con đã rõ ràng của nó sắp sửa bay khỏi tổ. Harry không muốn mẹ hôn cậu trước mặt các cậu bé khác, vì thế cậu đã buông tay mẹ ra khi hai mẹ con vẫn còn ở cách cổng trường năm mươi yard. Maisie, cảm nhận được sự không thoải mái của con trai mình, đã cúi xuống hôn nhanh lên trán cậu. “Chúc con may mắn, Harry. Hãy làm tất cả chúng ta tự hào về con.” “Tạm biệt mẹ,” cậu bé nói, cố kìm những giọt nước mắt. Maisie quay lại, bắt đầu bước đi xuống đồi, nước mắt tuôn ròng ròng trên hai bên má cô. Harry tiếp tục bước tới, nhớ lại những gì mà bác cậu đã mô tả về việc leo lên khỏi chiến hào ở Ypres trước khi xung phong lao về phía chiến tuyến của kẻ thù. “Đừng bao giờ nhìn lại sau, nếu không coi như cháu đã chết.” Harry muốn ngoái lại nhìn, nhưng cậu biết nếu làm thế, cậu sẽ không thể ngừng chạy cho tới khi đã ngồi yên ổn trên tàu điện. Cậu nghiến răng và tiếp tục bước đi. “Kỳ nghỉ của cậu tuyệt chứ, ông bạn?” Một cậu bé đang hỏi một người bạn. “Tuyệt vời,” cậu kia trả lời. “Ông bố đưa tớ tới Lord’s xem trận đấu của đội trường đại học.” Có phải Lord’s là một nhà thờ không nhỉ, Harry thắc mắc, và nếu đúng thì thứ trận đấu gì lại có thể diễn ra trong một nhà thờ nhỉ? Cậu quả quyết bước về phía cổng trường, chợt dừng bước khi nhận ra một người đàn ông đứng bên cổng chính của trường, trên tay cầm một cái bìa cặp hồ sơ. “Trò là ai vậy, chàng trai trẻ?” Ông hỏi, dành cho Harry một nụ cười chào đón. “Harry Clifton, thưa ngài,” cậu trả lời, bỏ mũ ra khỏi đầu đúng như thầy Holcombe đã dạy cậu làm, mỗi khi một giáo viên hay một quý bà nói chuyện với cậu. “Clifton,” người đàn ông nhắc lại, lướt một ngón tay lần theo một danh sách dài những cái tên. “À, đây rồi.” Ông đánh dấu vào cạnh tên của Harry. “Thế hệ đầu tiên, học bổng đồng ca. Nhiệt liệt chúc mừng trò, và chào mừng trò đến với St. Bede. Tôi là Frobisher, phụ trách nhà nội trú của trò, và đây là Nhà Frobisher. Nếu trò để vali lại ngoài tiền sảnh, một trưởng lớp sẽ dẫn trò tới phòng ăn, tại đó tôi sẽ nói chuyện với tất cả các học sinh mới trước giờ ăn tối.” Trước đó Harry chưa bao giờ ăn bữa tối. “Bữa trà chiều” là bữa ăn cuối cùng tại nhà Clifton, trước khi cậu bị xua lên giường đi ngủ khi trời vừa tối. Điện vẫn chưa hiện diện ở Still House Lane, và gia đình họ cũng không có dư dả để quá phung phí tiền vào những cây nến. “Cảm ơn ngài,” Harry nói rồi bước qua khung cửa trước vào một gian tiền sảnh rộng ốp ván gỗ bóng loáng. Cậu để vali xuống và ngước mắt nhìn chăm chú lên bức tranh chân dung một ông già với mái tóc xám và râu má trắng rậm, mặc áo thụng dài màu đen với một tấm áo chùm đỏ khoác quanh vai. “Tên mày là gì?” Một giọng nói gắt gỏng vang lên sau lưng cậu. “Clifton, thưa ngài,” Harry nói, quay lại và nhìn thấy một cậu thiếu niên cao lớn mặc quần dài. “Mày không gọi tao là ngài. Mày gọi tao là Fisher. Tao là lớp trưởng, không phải là thầy.” “Xin lỗi, thưa ngài,” Harry nói. “Để vali của mày đằng kia rồi đi theo tao.” Harry đặt chiếc vali rẻ tiền, cũ sờn của cậu xuống cạnh một hàng những chiếc vali da sang trọng. Vali của cậu là cái duy nhất không có các chữ cái đầu họ tên được khảm lên nó. Cậu bé đi theo cậu lớp trưởng dọc một hành lang dài treo đầy những bức ảnh chụp các đội thể thao trước đây của trường và những tủ kính xếp đầy những chiếc cúp bạc để nhắc nhở thế hệ tiếp theo về ánh hào quang của quá khứ. Khi hai người tới phòng ăn, Fisher nói, “Mày có thể ngồi bất cứ chỗ nào mày muốn, Clifton. Chỉ có điều hãy nhớ ngừng nói chuyện ngay khi thầy Frobisher bước vào phòng ăn.” Harry do dự một lúc trước khi quyết định xem cậu sẽ ngồi xuống bàn nào trong số bốn chiếc bàn dài. Một số học sinh đã ngồi xúm lại thành từng nhóm, khe khẽ nói chuyện. Harry từ tốn bước tới góc xa nhất của căn phòng và ngồi xuống tận cuối bàn. Cậu ngước mắt nhìn lên và thấy một loạt các cậu nhóc bước vào phòng, trông cũng dè dặt hệt như cậu. Một cậu bé trong đám này tới ngồi xuống bên cạnh Harry, trong khi một cậu nhóc khác ngồi xuống đối diện với cậu ta. Hai anh chàng tiếp tục huyên thuyên với nhau như thể cậu không hề có mặt ở đó. Không hề báo trước, một tiếng chuông vang lên, và tất cả mọi người đồng loạt ngừng nói chuyện khi thầy Frobisher bước vào phòng ăn. Ông ngồi xuống sau một bục giảng mà Harry đã không để ý thấy và giật mạnh các ve áo thụng của ông. “Chào mừng các trò,” ông cởi cái mũ vuông khỏi đầu rồi bắt đầu nói, “hôm nay, ngày đầu tiên trong học kỳ đầu tiên của các trò tại St. Bede. Chỉ chốc lát nữa thôi, các trò sẽ thưởng thức bữa ăn đầu tiên của mình ở trường, và tôi có thể hứa với các trò rằng nó chẳng hề khá lên chút nào.” Một hai cậu bé rụt rè bật cười. “Sau khi đã ăn xong bữa tối, các trò sẽ được đưa tới khu ký túc, nơi các trò sẽ sắp xếp đồ đạc của mình ra khỏi vali. Vào lúc tám giờ, các trò sẽ nghe thấy một tiếng chuông nữa. Kỳ thực đó vẫn chỉ là một chiếc chuông, có điều được rung lên tại một thời điểm khác.” Harry mỉm cười, cho dù phần lớn các cậu bé còn lại đều không hiểu câu pha trò nho nhỏ của thầy Frobisher. “Ba mươi phút sau đó, cũng chính chiếc chuông đó sẽ vang lên lần nữa, và khi đó các trò sẽ lên giường đi ngủ, nhưng không được trước khi các trò đã đánh răng rửa mặt. Các trò sẽ có ba mươi phút để đọc trước khi đèn tắt, sau đó các trò sẽ ngủ. Bất cứ trò nào bị bắt gặp nói chuyện sau khi đèn tắt sẽ bị giám thị trực ban phạt. Các trò sẽ không nghe thấy thêm tiếng chuông nào nữa,” thầy Frobisher tiếp tục nói, “cho tới sáu giờ ba mươi phút sáng mai, khi đó các trò sẽ thức dậy, rửa mặt và mặc quần áo đúng thời gian để có mặt tại phòng ăn trước bảy giờ. Bất cứ trò nào đến muộn sẽ phải nhịn bữa sáng.” “Giờ tập trung buổi sáng sẽ diễn ra vào lúc tám giờ ở đại sảnh, tại đó thầy hiệu trưởng sẽ nói chuyện với chúng ta. Tiếp theo, giờ học đầu tiên của các trò sẽ bắt đầu lúc tám giờ ba mươi. Sẽ có ba tiết học, mỗi tiết sáu mươi phút vào buổi sáng, với mười phút giải lao giữa các tiết học, cho phép các trò có thời gian đổi phòng học. Tiếp theo sẽ là bữa trưa vào lúc mười hai giờ.” “Vào buổi chiều sẽ chỉ có thêm hai tiết học nữa trước giờ thể thao, lúc đó các trò sẽ chơi bóng đá.” Harry mỉm cười lần thứ hai. “Giờ thể thao này là bắt buộc với tất cả các trò không phải là thành viên của ban đồng ca.” Harry cau mày. Không ai nói cho cậu biết các học viên đồng ca sẽ không được chơi bóng đá. “Sau hoạt động thể thao hay luyện tập đồng ca, các trò sẽ quay lại Nhà Frobisher để ăn tối, sau bữa tối là một giờ tự học trước khi các trò quay về giường, tại đó các trò lại có thể đọc sách cho tới khi đèn tắt - nhưng chỉ trong trường hợp cuốn sách đó đã được quản lý phê chuẩn,” thầy Frobisher nói thêm. “Tất cả những chuyện này hẳn nghe có vẻ rất đáng kinh ngạc với các trò” - Harry thầm ghi nhớ trong đầu sẽ tra nghĩa của từ “kinh ngạc” trong quyển từ điển mà thầy Holcombe đã tặng cho cậu. Thấy Frobisher lại một lần nữa giật mạnh các ve áo thụng của ông trước khi nói tiếp. “Nhưng đừng lo lắng, các trò sẽ sớm quen với truyền thống của chúng ta tại St. Bede. Đó là tất cả những gì thầy sẽ nói vào lúc này. Bây giờ, thầy sẽ để các trò thoải mái thưởng thức bữa tối. Chúc buổi tối vui vẻ, các chàng trai.” “Chúc buổi tối vui vẻ, thưa thầy,” một vài cậu bé đủ can đảm lên tiếng trả lời khi thầy Frobisher rời khỏi căn phòng. Harry không hề động đậy trong lúc mấy người phụ nữ mặc tạp dề đi đi lại giữa các dãy bàn và đặt những bát súp trước mặt mỗi học sinh. Cậu chăm chú quan sát cậu bé ngồi đối diện với mình cầm lên một chiếc thìa có hình thù kỳ lạ, nhúng vào bát súp của cậu ta rồi đưa nó ra xa khỏi người trước khi đưa thìa lên miệng. Harry thử bắt chước thao tác này, nhưng chỉ dẫn đến kết quả làm rớt vài giọt súp lên mặt bàn, và kể cả khi cậu thành công trong việc đưa được chỗ súp còn lại vào miệng, thì phần lớn chúng lại chảy xuống dưới cằm. Cậu dùng tay áo lau miệng. Cử chỉ này không thu hút mấy sự chú ý, nhưng khi cậu húp xì xụp thành tiếng với mỗi thìa súp đầy, một vài cậu bé ngừng ăn và đưa mắt nhìn cậu chằm chằm. Bối rối, Harry đặt thìa xuống bàn và để cho chỗ súp còn lại của cậu nguội lạnh. Món thứ hai là món bánh cá khoai tây, và Harry không động đậy cho tới khi cậu thấy được cậu bé ngồi đối diện với mình dùng chiếc nĩa nào để lấy bánh. Cậu lấy làm ngạc nhiên khi thấy cậu bé kia đặt dao ăn và nĩa của cậu ta xuống đĩa giữa mỗi lần lấy đồ ăn, trong khi Harry nắm chặt dao hay dĩa của cậu trong tay như thể chúng là những cây đinh ba xỉa rơm. Một cuộc trò chuyện bắt đầu được khơi mào giữa cậu bé ngồi đối diện với cậu và anh chàng ngồi cạnh cậu ta, về chủ đề cưỡi ngựa đi theo chó săn. Harry không tham gia vào câu chuyện, một phần cũng là vì kinh nghiệm gần nhất với cưỡi ngựa mà cậu từng trải qua là một lần cưỡi lừa với giá nửa penny vào một buổi chiều trong chuyến đi chơi dã ngoại tới Weston-super-Mare. Sau khi những cái đĩa đã được mang đi, và được thay thế bằng những cái bánh pudding, thứ mẹ cậu vẫn gọi là món đại tiệc, bởi vì không mấy khi cậu được thưởng thức chúng. Lại thêm một cái thìa khác, thêm một lần nếm thử, và lại thêm một sai lầm nữa. Harry không hề biết rằng một quả chuối thì không giống như một quả táo, vì thế trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người đang ngồi quanh mình, cậu đã cố thử ăn cả phần vỏ. Với những cậu bé còn lại, giờ học đầu tiên của họ hiển nhiên sẽ là vào lúc tám giờ ba mươi phút sáng hôm sau, nhưng giờ học của Harry thì đã bắt đầu rồi. Sau khi bữa tối đã được dọn đi, Fisher quay trở lại, và với tư cách giám thị trực ban, anh ta dẫn đám học sinh do mình phụ trách lên một cầu thang gỗ rộng tới các phòng nội trú trên lầu một. Harry bước vào một căn phòng có ba mươi chiếc giường được sắp xếp một cách thẳng thớm thành ba hàng, mỗi hàng gồm mười chiếc giường. Mỗi chiếc giường đều có một cái gối, hai tấm ga trải giường và hai cái chăn. Harry chưa bao giờ có đến hai món của bất cứ thứ gì. “Đây là phòng ngủ dành cho học sinh mới nhập trường,” Fisher nói với vẻ khinh khinh. “Đây là nơi các cậu sẽ phải ở cho tới khi đã được cải tạo văn minh. Các cậu sẽ tìm thấy tên mình theo thứ tự abc, ở phía cuối mỗi chiếc giường.” Harry ngạc nhiên khi thấy vali của cậu nằm trên giường và tự hỏi ai đã để nó lại đó. Cậu bé ở cạnh giường cậu đã bắt tay vào lấy đồ từ trong vali ra. “Tớ là Deakins,” cậu ta nói, đẩy cặp kính trên mũi lên cao hơn để có thể nhìn Harry rõ hơn. “Tớ là Harry. Tớ đã ngồi cạnh cậu trong các kỳ thi mùa hè năm ngoái. Tớ không thể tin nổi là cậu trả lời được hết tất cả câu hỏi chỉ trong có hơn một giờ.” Deakins đỏ bừng mặt. “Điều đó giải thích vì sao cậu ta là một học giỏi,” cậu bé ở sát giường Harry bên đối diện lên tiếng. Harry ngoảnh lại. “Cậu cũng là một học giỏi à?” Cậu hỏi. “Lạy Chúa lòng lành, không,” cậu nhóc kia vừa trả lời vừa tiếp tục lấy đồ ra khỏi vali. “Lý do duy nhất người ta cho phép tớ vào học ở St. Bede là vì bố và ông nội tớ từng học ở trường này trước đây. Tớ sẽ là thế hệ thứ ba theo học tại đây. Liệu bố các cậu có tình cờ từng học ở đây không?” “Không,” Harry và Deakins cùng đồng thanh nói. “Thôi tán chuyện đi!” Fisher gắt lên, “và tập trung vào sắp xếp đồ của các cậu đi.” Harry mở vali của cậu ra và bắt đầu xếp quần áo ngăn nắp vào hai ngăn kéo ngay cạnh giường mình. Mẹ cậu đã để một thanh socola Fry’s Five Boys lẫn vào trong chồng áo sơ mi của cậu. Harry giấu thanh kẹo xuống dưới gối. Tiếng chuông vang lên. “Đã đến giờ thay quần áo!” Fisher thông báo. Harry chưa bao giờ cởi quần áo ra trước mặt một cậu bé khác, chứ chưa nói gì trong một căn phòng đầy ắp những cậu nhóc trạc tuổi mình. Cậu quay mặt vào tường, chậm rãi cởi quần áo ra và hối hả mặc bộ pyjama của cậu lên người. Sau khi đã thắt đai lưng áo ngủ, cậu đi theo các cậu bé khác sang phòng vệ sinh. Thêm một lần nữa, cậu quan sát cẩn thận trong lúc họ rửa mặt trước khi đánh răng. Harry chẳng hề có khăn mặt hay bàn chải đánh răng. Cậu bé ở giường bên cạnh lục lọi trong túi đựng đồ vệ sinh cá nhân của cậu ta và lấy ra đưa cho Harry một cái bàn chải mới nguyên với một tuýp thuốc đánh răng. Harry không muốn cầm lấy chúng cho tới khi cậu kia nói, “Mẹ tớ luôn chuẩn bị sẵn mỗi thứ hai cái.” “Cảm ơn cậu,” Harry nói. Cho dù đánh răng rất nhanh, cậu vẫn nằm trong số những học sinh cuối cùng quay trở lại phòng ngủ. Cậu trèo lên giường, với hai tấm ga trải giường sạch, hai cái chăn và một cái gối. Cậu vừa liếc mắt nhìn sang bên và thấy Deakins đang đọc cuốn Tiếng Latinh sơ cấp của Kennedy thì cậu bé còn lại ở cạnh giường cậu nói, “Cái gối này cứng như cục gạch ấy.” “Cậu có muốn đổi với của tớ không?” Harry hỏi. “Tớ nghĩ cậu sẽ thấy tất cả chúng đều giống hệt nhau thôi,” cậu kia vừa nhe răng ra cười vừa nói, “nhưng rất cảm ơn cậu.” Harry lấy thanh socola của mình từ dưới gối ra và bẻ thành ba phần. Cậu đưa một phần cho Deakins, một phần nữa cho cậu bé đã cho cậu bàn chải và thuốc đánh răng. “Tớ thấy là mẹ cậu nhạy cảm hơn mẹ tớ nhiều,” cậu này nói sau khi cắn một miếng. Lại một tiếng chuông vang lên. “Nhân tiện đây, tên tớ là Giles Barrington. Tên cậu là gì vậy?” “Clifton. Harry Clifton.” Harry không thể ngủ được quá nhiều hơn mấy phút mỗi lần, và không chỉ vì cái giường của cậu quá êm ái dễ chịu. Có thể nào Giles lại có quan hệ họ hàng với một trong số ba người đàn ông biết được sự thật về việc bố cậu đã chết như thế nào? Và nếu đúng như thế, liệu cậu ta được cắt ra từ cùng một thứ vải như bố cậu ta, hay như ông nội cậu ta? Đột nhiên Harry cảm thấy thật cô đơn. Cậu mở nắp tuýp thuốc đánh răng Barrington vừa đưa cho cậu và bắt đầu mút nó cho tới lúc ngủ thiếp đi. * * * Khi tiếng chuông - lúc này đã trở nên quen thuộc - reo lên lúc sáu giờ ba mươi phút sáng hôm sau, Harry lờ đờ trèo ra khỏi giường, cảm thấy mệt rã rời. Cậu đi theo Deakins vào phòng vệ sinh, và thấy Giles đang thử nước trong đó. “Các cậu nghĩ là liệu nơi này đã từng bao giờ nghe nói tới nước nóng chưa?” Cậu này hỏi. Harry vừa định trả lời thì người giám thị quát lớn tiếng, “Không được nói chuyện trong phòng vệ sinh!” “Anh ta còn tệ hơn cả một viên tướng Phổ,” Barrington nói, dập hai gót chân vào nhau. Harry bật cười. “Ai vừa nói đấy?” Fisher hỏi, gườm gườm liếc mắt về phía hai cậu nhóc. “Em ạ,” Harry trả lời ngay lập tức. “Tên?” “Clifton.” “Cứ thử mở cái mồm của mày ra lần nữa, Clifton, và tao sẽ cho mày ăn dép.” Harry không hiểu ăn dép là gì, nhưng cậu có cảm giác đó không phải là chuyện hay ho gì. Sau khi đã đánh răng xong, cậu hối hả quay lại phòng ngủ mặc quần áo mà không nói thêm một lời nào nữa. Sau khi đã thắt xong cà vạt - một thứ cậu vẫn chưa thành thạo lắm - cậu đuổi theo và bắt kịp Barrington cùng Deakins trong lúc hai cậu kia đang bước xuống cầu thang tới phòng ăn. Không ai nói một lời nào, vì các cậu bé không dám chắc họ có được phép trò chuyện trên cầu thang hay không. Khi cả ba đã yên vị trong phòng ăn để ăn sáng, Harry ngồi vào giữa hai người bạn mới quen của cậu, chăm chú quan sát trong lúc những bát cháo được đặt xuống trước mặt từng học sinh. Cậu thở phào nhẹ nhõm khi thấy chỉ có một cái thìa duy nhất trước mặt mình, vậy là lần này cậu không thể nhầm được nữa. Harry húp một hơi bát cháo của cậu cứ như thể cậu sợ rằng bác Stan sẽ xuất hiện và giật nó khỏi tay cậu. Cậu là học sinh đầu tiên ăn xong, và không hề dành lấy một giây để suy nghĩ, Harry đặt thìa xuống bàn, cầm bát của cậu lên và bắt đầu liếm nó. Mấy cậu học sinh khác tròn mắt nhìn cậu kinh ngạc như thể không tin nổi, một số chỉ trỏ, trong khi một số khác cười khẩy. Harry đỏ bừng mặt và đặt cái bát trở lại xuống bàn. Chắc hẳn cậu đã òa khóc, nếu Barrington không cầm bát của cậu ta lên và bắt đầu liếm. 5 M ục sư Samuel Oakshott, tiến sĩ tốt nghiệp trường Oxford, đứng ở chính giữa sân khấu, hai chân cách rời nhau. Ông hiền từ đưa mắt nhìn xuống bầy con chiên của mình, vì đó chắc chắn là cách thầy hiệu trưởng của St. Bede nhìn nhận các học sinh. Harry, ngồi trên hàng ghế đầu, chăm chú ngước mắt nhìn lên thân hình đáng sợ đang sừng sững tựa như một tòa tháp phía trên cậu. Tiến sĩ Oakshott cao hơn sáu foot, thầy có một mái tóc dày màu xám và hai bên râu má dài rậm, càng làm dáng vẻ bên ngoài của ông thêm đáng sợ hơn. Đôi mắt sâu màu xanh của ông như nhìn xuyên thấu qua bạn, và dường như ông không bao giờ chớp mắt, trong khi những nếp nhăn ngang dọc trên vầng trán thầy hiệu trưởng cho biết ẩn sau chúng là một trí tuệ kiệt xuất. Ông hắng giọng trước khi bắt đầu nói chuyện với các cậu bé. “Hỡi các học sinh St. Bede,” thầy hiệu trưởng bắt đầu nói. “Chúng ta lại một lần nữa tập trung cùng nhau vào ngày đầu tiên của một năm học mới, và hẳn đã chuẩn bị sẵn sàng để đối diện với bất cứ thách thức nào đặt ra trước chúng ta. Với các trò năm cuối,” thầy hướng sự chú ý về phía cuối hội trường, “các trò sẽ không có một giây nào để lãng phí nếu các trò hy vọng giành được một chỗ tại trường học là lựa chọn số một của các trò. Đừng bao giờ hướng tới lựa chọn tốt thứ nhì.” “Với các trò năm giữa,” đôi mắt thầy chuyển tới giữa hội trường, “đây sẽ là thời điểm chúng ta khám phá xem ai trong số các trò có triển vọng đạt được những điều lớn lao hơn. Khi các trò quay lại trường vào năm sau, liệu các trò sẽ là giám thị, lớp trưởng, trưởng nhà nội trú hay đội trưởng đội thể thao? Hay các trò chỉ đơn giản là một người trong số còn lại?” Có mấy cậu bé cúi đầu xuống. “Trách nhiệm tiếp theo của chúng ta là chào đón các em học sinh mới, và làm tất cả những gì trong quyền hạn của chúng ta để giúp các trò mới cảm thấy như ở nhà. Họ sẽ lần đầu tiên được trao cho cây gậy tiếp sức khi bắt đầu cuộc đua đường dài của cuộc đời. Nếu thử thách tỏ ra quá khắc nghiệt, một hay hai người trong số các trò có thể sẽ quỵ ngã bên đường,” thầy cảnh báo, nhìn chằm chằm xuống ba hàng ghế đầu tiên. “St. Bede không phải là ngôi trường dành cho những kẻ yếu đuối. Hãy đoan chắc các trò sẽ không bao giờ quên những lời Cecil Rhodes vĩ đại từng nói: ‘Nếu anh đủ may mắn để được sinh ra là một người Anh, như thế có nghĩa là anh đã trúng giải độc đắc trong trò xổ số của cuộc đời’.” Cả hội trường đồng loạt vang lên tiếng hoan hô khi thầy hiệu trưởng rời khỏi sân khấu, theo sau là một đoàn các giáo viên được ông dẫn xuống lối đi ở giữa hội trường, rời khỏi đại sảnh ra bên ngoài và bước vào trong ánh mặt trời buổi sáng. Harry, tinh thần trở nên phấn chấn hẳn, quyết tâm sẽ không để thầy hiệu trưởng thất vọng. Cậu theo sau các học sinh lớp trên ra khỏi hội trường, nhưng ngay khoảnh khắc cậu vừa đặt chân ra ngoài, niềm hứng khởi của Harry đã bị dội một gáo nước lạnh. Một đám học sinh lớn tuổi hơn đang nấn ná lại trong góc, hai tay đút túi quần, dấu hiệu chứng tỏ bọn họ đều là các giám thị. “Nó kia rồi,” một anh chàng trong nhóm thiếu niên nọ lên tiếng, chỉ tay về phía Harry. “Vậy ra một đứa trẻ ranh đường phố trông như thế đấy,” một cậu khác nói. Một người thứ ba, mà Harry nhận ra chính là Fisher, tay giám thị trực ban tối hôm trước, nói thêm, “Nó là một con vật, và trách nhiệm của chúng ta không gì khác hơn là tìm cách đưa nó trở lại đúng môi trường tự nhiên của nó càng nhanh càng tốt.” Giles Barrington chạy theo sau Harry. “Nếu cậu tảng lờ bọn chúng đi,” cậu ta nói, “chẳng mấy chốc bọn chúng sẽ phát chán và bắt đầu chọn ai khác để sinh sự.” Harry không hề thấy được thuyết phục, và chạy một mạch đến lớp học trước rồi ngồi đợi Barrington và Deakins đến gia nhập cùng mình. Một lát sau, thầy Frobisher bước vào phòng. Ý nghĩ đầu tiên của Harry là liệu ông có nghĩ cậu là một đứa trẻ ranh đường phố, không xứng đáng có một chỗ tại St. Bede không? “Chúc các trò buổi sáng tốt lành,” thầy Frobisher nói. “Chúc thầy buổi sáng tốt lành,” các cậu bé đáp lời trong khi người thầy của chúng đi tới chỗ của ông trước bảng đen. “Tiết học đầu tiên sáng hôm nay của các trò,” ông nói, “sẽ là môn lịch sử. Vì tôi rất nóng lòng muốn tìm hiểu về các trò, chúng ta sẽ bắt đầu bằng một bài kiểm tra đơn giản để xem xem các trò đã được học nhiều đến đâu, hay cũng có thể là ít đến mức nào. Vua Henry Đệ Bát có bao nhiêu bà vợ?” Vài cánh tay giơ lên. “Abbott,” thầy giáo gọi tên, nhìn xuống bàn sơ đồ trên bàn của thầy và chỉ tay vào một cậu bé ngồi ở dãy ghế đầu. “Sáu ạ, thưa thầy,” câu trả lời lập tức được đưa ra. “Tốt, nhưng ai có thể liệt kê được tên của họ không?” Không còn nhiều cánh tay giơ lên nữa. “Clifton?” “Catherine xứ Aragon, Anne Boleyn, Jane Seymour và thêm một người nữa tên là Anne, em nghĩ vậy,” cậu bé nói trước khi ngừng lại. “Anne xứ Cleves. Ai có thể nói được hai cái tên còn lại nào?” Chỉ còn lại một cánh tay đang giơ lên. “Deakins,” thầy Frobisher gọi tên sau khi kiểm tra lại sơ đồ. “Catherine Howard và Catherine Parr. Cả Anne xứ Cleves và Catherine Parr đều sống lâu hơn Vua Henry ạ.” “Rất tốt, Deakins. Bây giờ, chúng ta hãy vặn đồng hồ tiến lên vài thế kỷ. Ai đã chỉ huy hạm đội của chúng ta trong trận Trafalgar?” Tất cả các học sinh trong phòng cùng đồng loạt giơ tay lên. “Matthews,” thầy giáo gọi, gật đầu về phía một cánh tay đặc biệt khẩn khoản. “Là Nelson ạ, thưa thầy.” “Đúng rồi. Và lúc đó ai đang là thủ tướng?” “Công tước xứ Wellington, thưa thầy,” Matthews nói, giọng không còn tự tin như lần trước. “Sai rồi,” thầy Frobisher nói, “không phải là Wellington, cho dù ông đúng là người sống cùng thời với Nelson.” Ông nhìn quanh lớp, nhưng chỉ còn hai cánh tay của Clifton và Deakins là đang còn giơ lên. “Deakins nào.” “Pitt Trẻ, từ năm 1783 đến 1801, và từ năm 1804 đến 1806.” “Đúng rồi, Deakins. Và Công tước sắt làm thủ tướng vào thời gian nào?” “1828 đến 1830, và một lần nữa năm 1834,” Deakins nói. “Và có trò nào có thể cho tôi biết chiến thắng nổi tiếng nhất của ông là trận đánh nào không?” Lần đầu tiên Barrington giơ tay lên. “Waterloo, thưa thầy!” Cậu ta lớn tiếng trước khi thầy Frobisher kịp có thời gian lựa chọn ai khác. “Phải rồi, Barrington. Và Wellington đã đánh bại ai tại Waterloo?” Barrington tiếp tục im lặng. “Napoleon,” Harry thì thầm. “Napoleon ạ, thưa thầy,” Barrington lên tiếng đầy tự tin. “Đúng rồi, Clifton,” thầy Frobisher mỉm cười nói. “Và có phải Napoleon cũng mà một công tước không?” “Không, thưa thầy,” Deakins lên tiếng, sau khi không có học sinh nào khác muốn thử trả lời câu hỏi. “Ông ta đã lập nên Đế chế Thứ nhất tại Pháp, và tự phong mình làm Hoàng đế.” Thầy Frobisher không mấy ngạc nhiên trước câu trả lời của Deakins, vì cậu bé này được học bổng toàn phần, nhưng ông thực sự thấy ấn tượng trước hiểu biết của Clifton. Xét cho cùng, cậu ta là học sinh được học bổng đồng ca, và sau nhiều năm dạy học, ông đã học được rằng các giọng ca đầy năng khiếu của ban đồng ca, cũng giống như các vận động viên thể thao tài năng, hiếm khi vươn rộng được sự xuất sắc ra ngoài lĩnh vực của họ. Clifton đã chứng minh cậu là một ngoại lệ so với quy luật ấy. Ông Frobisher thực sự muốn biết ai đã dạy dỗ cậu bé này. Khi tiếng chuông báo tiết học kết thúc vang lên, thầy Frobisher thông báo, “Tiết học tiếp theo của các trò sẽ là môn địa lý với thầy Henderson, và ông không phải là một thầy giáo thích phải chờ đợi học sinh. Tôi khuyên các trò trong thời gian nghỉ giải lao hãy tìm xem lớp học của ông ở đâu, và ngồi đúng vào chỗ của mình trước khi thầy bước vào lớp.” Harry bám sát lấy Giles, cậu bạn dường như biết mọi thứ nằm ở đâu. Trong lúc hai cậu bé cùng nhau đi qua sân trong của trường, Harry để ý thấy những cậu học sinh khác hạ giọng xuống khi họ đi ngang qua, và một hay hai anh chàng thậm chí còn quay sang nhìn cậu chằm chằm. Nhờ vào vô số buổi sáng thứ Bảy trải qua cùng Già Jack, Harry có thể có được vị trí nổi bật trong tiết học địa lý, nhưng đến môn toán, tiết học cuối cùng của buổi sáng, thì không ai có thể theo kịp Deakins, và thậm chí cả thầy giáo cũng phải trổ hết trí tuệ của ông để theo kịp cậu học trò. Khi ba cậu bé ngồi vào bàn ăn trưa, Harry có thể cảm thấy cả trăm con mắt đang chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cậu. Cậu làm bộ như không để ý thấy, và chỉ đơn giản bắt chước theo tất cả những gì Giles làm. “Thật dễ chịu khi biết vẫn còn thứ gì đó tớ có thể dạy cậu,” Giles vừa nói vừa gọt một quả táo bằng con dao của cậu ta. Harry thực sự thích thú với giờ hóa học đầu tiên của cậu vào buổi chiều hôm đó, nhất là khi thầy giáo cho phép cậu châm một cây đèn ga. Nhưng cậu bé không thể nổi bật được trong môn tự nhiên, tiết học cuối cùng của ngày hôm ấy, vì Harry là cậu bé duy nhất trong lớp sống trong một ngôi nhà mà không có vườn. Khi tiếng chuông báo hết giờ học vang lên, các bạn còn lại của lớp ra sân chơi thể thao, trong khi Harry phải có mặt tại nhà nguyện để tham gia buổi luyện tập đồng ca đầu tiên. Thêm một lần nữa, cậu để ý thấy tất cả mọi người đều đang chăm chú nhìn mình, nhưng lần này hoàn toàn vì những lý do tích cực. Nhưng vừa rời khỏi nhà nguyện, cậu lại trở thành đối tượng cho những lời châm biếm như lúc trước từ những cậu thiếu niên đang quay về sau giờ thi đấu thể thao. “Chẳng phải kia là thằng nhóc đường phố nhãi ranh của chúng ta sao?” Một đứa lên tiếng. “Thật tội nghiệp, đến một cái bàn chải nó cũng chẳng có,” một giọng khác thêm vào. “Tớ còn nghe người ta kể là nó vẫn ngủ vạ vật ngoài cầu cảng vào ban đêm đấy,” một giọng thứ ba vang lên. Harry không thấy Deakins và Barrington đâu trong lúc cậu đi một mạch về nhà ký túc của mình, tránh mọi nhóm học sinh tụ tập trên đường đi. Trong thời gian diễn ra bữa tối, những cặp mắt săm soi trâng tráo đã bớt lộ liễu hơn, nhưng chỉ vì Giles đã làm rõ với tất cả các học sinh ngồi xung quanh đó rằng Harry là bạn của cậu ta. Nhưng Giles không thể giúp gì được khi tất cả các học sinh cùng đi lên phòng ngủ sau giờ tự học và trông thấy Fisher đứng cạnh cửa, rõ ràng là đang chờ sẵn Harry. Khi các cậu bé bắt đầu thay quần áo, Fisher lớn tiếng thông báo, “Tôi rất lấy làm tiếc về mùi khó ngửi, thưa các quý ông, nhưng một người trong các vị đến từ một ngôi nhà không có nhà tắm.” Một hay hai cậu nhóc cười khẩy, hy vọng lấy được cảm tình của Fisher. Harry tảng lờ anh ta. “Không những anh chàng bụi đời này không có nhà tắm, cậu ta thậm chí còn chẳng có bố nữa cơ.” “Bố tôi là một người đàng hoàng từng chiến đấu cho đất nước này trong chiến tranh,” Harry tự hào nói. “Điều gì khiến cậu nghĩ tôi đang nói về cậu, hả Clifton?” Fisher nói. “Tất nhiên, trừ khi cậu cũng chính là anh chàng có mẹ là” - anh ta dừng lại - “những người phục vụ khách sạn.” “Một người,” Harry nói, chỉnh lại anh chàng giám thị. Fisher vớ lấy một chiếc dép. “Đừng có bao giờ cãi trả lại tao, Clifton,” anh ta tức giận nói. “Cúi xuống, chống tay vào cuối giường.” Harry làm theo, và Fisher đánh cậu sáu lần một cách hung tợn đến mức Giles phải quay mặt đi. Harry trèo lên giường, cố gồng mình lên để nước mắt không trào ra. Trước khi Fisher tắt đèn, anh ta nói thêm, “Tôi hy vọng sẽ được gặp lại tất cả các cậu vào tối mai, khi tôi sẽ tiếp tục câu chuyện kể bên giường ngủ về Nhà Clifton ở Still House Lane. Hãy đợi cho đến khi các cậu được nghe kể về ông bác Stan.” Tối hôm sau, lần đầu tiên Harry được biết bác cậu từng trải qua mười tám tháng trong tù về tội ăn cắp. Tình tiết mới này còn tồi tệ hơn cả chuyện bị đánh bằng dép. Harry trèo lên giường, thầm tự hỏi liệu có phải bố cậu vẫn còn sống nhưng đang ở trong tù, và đó chính là nguyên nhân thực sự khiến cho không ai ở nhà chịu nói gì về ông. Đã ba đêm rồi mà Harry hầu như không ngủ chút nào, và không có sự thành công nào trong các tiết học hay sự ngưỡng mộ giành được ở nhà nguyện có thể giúp cậu thôi không nghĩ tới cuộc chạm trán không thể tránh khỏi tiếp theo với Fisher. Bất cứ lý do nhỏ nhặt nào, một giọt nước làm rớt xuống sàn nhà vệ sinh, một cái gối để không ngay ngắn, một cái tất để tụt xuống sát mắt cá chân đều đảm bảo chắc chắn rằng Harry sẽ phải chờ đợi sáu cú đòn mạnh hết cỡ từ tay giám thị trực ban; một hình phạt sẽ được thi hành trước mặt các học sinh còn lại trong phòng, nhưng chỉ sau khi Fisher đã kể thêm một đoạn nữa của “Câu chuyện dài kỳ về gia đình Clifton.” Tới buổi tối thứ năm, Harry đã cảm thấy quá đủ, và thậm chí cả Giles và Deakins cũng không thể an ủi cậu được nữa. Trong giờ tự học tối thứ Sáu, trong khi những cậu bé khác đang miệt mài giở các trang sách trong cuốn Tiếng Latinh sơ cấp của Kennedy, Harry bỏ qua Hoàng đế Caesar và những người Gaul để ngẫm nghĩ về một kế hoạch đảm bảo Fisher sẽ không bao giờ quấy rầy cậu được nữa. Cho đến khi cậu leo lên giường buổi tối hôm ấy, sau khi Fisher phát hiện ra một mảnh giấy gói kẹo socola ở cạnh giường của Harry và dùng dép đánh cậu lần nữa, kế hoạch của Harry đã đâu vào đấy. Cậu nằm thao thức trên giường rất lâu sau khi đèn tắt, và nằm im không cựa quậy cho tới khi đoán chắc tất cả các cậu bé khác đều đã ngủ say. Harry không biết lúc đó là mấy giờ khi cậu chuồn ra khỏi giường. Cậu lặng lẽ mặc quần áo mà không gây ra một tiếng động nào, sau đó lách đi giữa những chiếc giường cho tới khi cậu đến đầu phía bên kia của căn phòng. Cậu mở cửa sổ, và một luồng không khí lạnh ùa vào làm cậu bé nằm trên chiếc giường gần cửa sổ nhất trở mình. Harry leo ra lối thoát hiểm phòng hỏa hoạn rồi từ tốn đóng cửa sổ lại trước khi leo xuống đất. Cậu đi men theo rìa bãi cỏ, tận dụng bất kỳ bóng tối nào để tránh khỏi ánh sáng của trăng tròn dường như đang chiếu thẳng xuống cậu chẳng khác gì một ngọn đèn pha. Harry kinh hoàng phát hiện ra cổng trường bị khóa. Cậu lom khom lần theo bờ tường bao, tìm kiếm một vết nứt hay vết lõm dù nhỏ nhất cho phép cậu có thể trèo qua tường và tìm về với tự do. Cuối cùng, Harry tìm thấy một chỗ bị khuyết mất một viên gạch và có thể leo lên cho tới khi cậu có thể vắt được chân qua phía bên kia tường. Cậu hạ thấp người mình xuống phía bên kia, các đầu ngón tay bám chặt vào rìa tường, thầm cầu nguyện, rồi buông tay. Cậu nặng nề ngã phịch xuống đất, nhưng dường như cậu không bị gãy xương ở đâu cả. Sau khi đã trấn tĩnh lại, Harry bắt đầu chạy xuống dọc theo con đường, thoạt đầu còn từ tốn, nhưng rồi cậu tăng dần tốc độ và không chịu dừng lại cho tới khi đã ra tới bến cảng. Những người làm ca đêm vừa tan ca và Harry thở phào nhẹ nhõm khi thấy bác cậu không có trong đó. Sau khi người công nhân bến tàu cuối cùng đã đi khuất khỏi tầm mắt, cậu bé chậm rãi đi men theo cầu tàu, ngang qua một dãy những con tàu đang buông neo chạy dài đến hút tầm mắt. Cậu nhìn thấy trên một trong các ống khói ngạo nghễ ngự trị một chữ B, và chợt nhớ tới cậu bạn lúc này hẳn đang say ngủ của mình. Liệu có lúc nào đó cậu ta... ý nghĩ của cậu bị gián đoạn khi cậu dừng chân bên ngoài toa xe lửa của Già Jack. Cậu băn khoăn không biết liệu lúc này ông lão đã ngủ chưa. Câu hỏi của cậu được trả lời khi một giọng nói cất lên, “Đừng có đứng đực ở ngoài đó thế chứ, Harry, vào trong này trước khi cháu làm mình chết cóng vì lạnh đi nào.” Harry mở cửa toa xe và thấy Già Jack đang châm diêm và cố thắp một cây nến. Harry gieo mình ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện với ông lão. “Có phải cháu đã bỏ chạy khỏi trường không?” Già Jack hỏi. Harry bị câu hỏi trực tiếp của ông làm sững sờ đến mức cậu không trả lời được ngay. “Vâng, đúng thế ạ,” cuối cùng thì cậu lí nhí trả lời. “Và hẳn là cháu tới để kể cho ta biết vì sao cháu đưa ra quyết định đột ngột này.” “Cháu đâu có đưa ra quyết định,” Harry nói. “Người ta đã quyết định cho cháu rồi.” “Do ai vậy?” “Tên anh ta là Fisher.” “Một thầy giáo hay học sinh?” “Giám thị phòng nội trú của cháu,” Harry vừa nói vừa nhăn nhó. Sau đó, cậu kể lại cho Già Jack nghe tất cả mọi chuyện đã xảy đến với cậu trong tuần đầu tiên tại St. Bede. Thêm một lần nữa, ông già lại làm cậu phải ngạc nhiên. Khi Harry kết thúc câu chuyện của cậu, Già Jack nói, “Ta thật đáng trách.” “Tại sao ạ?” Harry hỏi. “Ông làm sao có thể giúp cháu nhiều hơn thế được nữa ạ.” “Có, có thể đấy,” Già Jack nói. “Đáng ra ta phải giúp cháu sẵn sàng đối diện với một đám người hợm hĩnh mà không một quốc gia nào khác trên trái đất này có thể sản sinh ra được. Đáng ra ta nên dành nhiều thời gian hơn để kể cho cháu nghe về tầm quan trọng của những mối liên hệ truyền thống cũ kỹ, và ít thời gian hơn cho địa lý và lịch sử. Thế mà ta lại cứ hy vọng rằng mọi thứ có lẽ sẽ thay đổi sau cuộc chiến đã kết thúc mọi cuộc chiến, nhưng rõ ràng là tại St. Bede chúng chưa hề thay đổi.” Ông lão chìm vào dòng suy tư trong im lặng một hồi trước khi hỏi, “Vậy tiếp theo đây cháu định làm gì, chàng trai?” “Chạy trốn ra biển ạ. Cháu sẽ lên bất cứ con tàu nào chịu chấp nhận cháu,” Harry nói, cố tỏ vẻ hào hứng. “Một ý tưởng mới hay ho làm sao,” Già Jack nói. “Tại sao cháu không trực tiếp đối mặt với Fisher?” “Ý ông là sao cơ ạ?” “Chỉ là sẽ không có gì khiến Fisher khoái trá hơn là việc có thể ba hoa với bạn bè của anh ta rằng thằng nhãi ranh đường phố kia là kẻ nhát như cáy, nhưng thế đấy, các cậu còn trông đợi gì từ đứa con trai của một tay công nhân bến tàu và có mẹ làm nhân viên phục vụ cơ chứ?” “Nhưng Fisher nói đúng mà ạ. Cháu không ở cùng một đẳng cấp với anh ta.” “Không, Harry ơi, vấn đề là ở chỗ Fisher đã nhận ra rằng anh ta không ở cùng đẳng cấp với cháu, và sẽ chẳng bao giờ đạt được điều đó.” “Có phải ông đang nói cháu nên quay lại cái nơi kinh khủng đó không ạ?” Harry nói. “Nói cho cùng, chỉ cháu là người có thể đưa ra quyết định đó,” Già Jack nói, “nhưng nếu cháu cứ bỏ chạy mỗi khi bắt gặp phải một gã Fisher của thế giới này, cháu sẽ lại kết thúc giống như ta, một người trong số còn lại, theo như lời thầy hiệu trưởng của cháu.” “Nhưng ông là một người vĩ đại mà,” Harry nói. “Ta có thể như thế lắm,” Già Jack nói, “nếu ta không bỏ chạy vào khoảnh khắc ta chạm trán với gã Fisher của ta. Nhưng ta đã chọn con đường dễ dàng, và chỉ nghĩ đến bản thân ta.” “Nhưng liệu còn ai để nghĩ đến nữa ạ?” “Trước hết là mẹ cháu,” Già Jack nói. “Đừng quên tất cả những sự hy sinh mà mẹ cháu đã làm để cho cháu có được một bước khởi đầu trong cuộc đời tốt hơn tất cả những gì mẹ cháu từng mơ là có thể. Và rồi còn thầy Holcombe nữa, khi biết được cháu đã trốn chạy thì ông ấy hẳn sẽ chỉ tự trách móc bản thân.” “Và đừng quên cô Monday, người đã kêu gọi mọi mối quen biết, nhờ cậy, thuyết phục và dành ra hàng giờ đồng hồ để đảm bảo chắc chắn cháu đủ khả năng giành được suất học bổng đồng ca đó. Và khi cháu cân nhắc giữa được và mất, Harry, ta khuyên cháu hãy đặt Fisher lên một bên đĩa cân, và bên kia là Barrington cùng Deakins, vì ta ngờ rằng Fisher rồi đây sẽ nhanh chóng tan biến thành vô nghĩa, trong khi Barrington và Deakins chắc chắn sẽ là những người bạn thân thiết trong suốt phần đời còn lại của cháu. Nếu cháu bỏ chạy, các cậu ấy sẽ buộc phải lắng nghe Fisher liên tục nhắc đi nhắc lại với chúng rằng cháu không phải là con người như họ từng nghĩ.” Harry im lặng một lúc lâu. Cuối cùng, cậu bé từ từ đứng dậy. “Cảm ơn ông,” cậu nói. Rồi không nói thêm một lời nào, cậu mở cửa toa xe lửa và bước ra ngoài. Harry chậm rãi bước đi dọc theo cầu tàu, thêm một lần nữa ngước mắt nhìn lên những con tàu chở hàng khổng lồ, tất cả chẳng bao lâu nữa đều sẽ lên đường tới các hải cảng xa xôi. Cậu tiếp tục bước đi cho tới khi ra tới cổng bến tàu, đến đây cậu bé vùng chạy và hối hả quay trở lại thành phố. Khi cậu về tới cổng trường, cánh cổng đã mở rộng, và chiếc đồng hồ trong đại sảnh chuẩn bị điểm bảy hồi chuông. Bất chấp cuộc điện thoại nhận được, thầy Frobisher vẫn sẽ phải đi bộ tới ngôi nhà của thầy hiệu trưởng và báo cáo rằng một trong các học sinh của ông đã vắng mặt. Khi thầy đưa mắt nhìn ra ngoài qua cửa sổ phòng làm việc của mình, ông chợt nhìn thấy bóng Harry thấp thoáng đi qua giữa các thân cây khi cậu đang thận trọng đi về phía ngôi nhà. Harry dè dặt mở cửa trước đúng lúc tiếng chuông cuối cùng lặng hẳn, và đang đứng mặt đối mặt với thầy giáo phụ trách nhà ký túc của cậu. “Tốt hơn hết trò nên khẩn trương lên, Clifton,” thầy Frobisher nói, “nếu không thì trò sẽ lỡ mất bữa sáng đấy.” “Vâng, thưa thầy.” Harry nói, và hối hả chạy xuống hành lang. Cậu tới phòng ăn vừa kịp trước khi cánh cửa đóng lại, và tìm đến chỗ ngồi giữa Barrington và Deakins. “Tớ vừa mới nghĩ là có khi sáng nay tớ sẽ là anh chàng duy nhất liếm bát của mình cơ đấy,” Barrington nói. Harry bật cười. Cậu không gặp mặt Fisher ngày hôm đó, và rất ngạc nhiên khi thấy một giám thị khác đã thay thế anh ta trực ban tại phòng nội trú vào tối hôm ấy. Lần đầu tiên trong tuần đó, Harry được ngủ bình yên. 6 C hiếc xe hiệu Rolls-Royce chạy qua cánh cổng của khu nhà Manor House và chạy dọc theo một lối đi dài nằm giữa hai hàng cây sồi cao vươn lên sừng sững như hai hàng quân danh dự. Harry đếm được có sáu người thợ làm vườn trước khi cậu nhìn thấy tòa dinh thự. Trong thời gian theo học tại St. Bede, Harry đã ít nhiều hình dung ra được Giles sống như thế nào mỗi khi cậu bạn trở về nhà vào các dịp nghỉ lễ, song cậu chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối diện với khung cảnh này. Khi Harry lần đầu tiên nhìn thấy tòa nhà, miệng cậu há hốc, và rồi cứ đứng hình như thế. “Tớ đoán là xây vào đầu thế kỷ mười tám,” Deakins nói. “Không tồi,” Giles lên tiếng, “Năm 1722, do Vanburg xây. Nhưng tớ dám cược là cậu không thể nói được ai đã thiết kế khu vườn. Khu vườn này có cả sau tòa nhà đấy.” “Tớ mới chỉ nghe nói đến một người thợ làm vườn phong cảnh,” Harry nói, mắt vẫn dán vào tòa dinh thự. “ Brown làm-được-tuốt.” “Đó chính xác là lý do tại sao gia đình tớ đã chọn ông ta,” Giles nói, “chỉ đơn giản để các bạn tớ có thể nghe nói tới ông ta ngay cả hai trăm năm sau đó.” Harry và Deakins phá lên cười trong khi chiếc xe dừng lại trước một tòa nhà ba tầng được xây bằng thứ đá Cotswold vàng óng. Giles nhảy xuống xe trước khi người tài xế kịp tới mở cửa sau. Cậu ta chạy tót lên các bậc thềm, theo sau là hai cậu bạn với bộ dạng có đôi chút ngập ngừng hơn. Cửa trước đã được mở ra từ lâu trước khi Giles lên tới bậc thềm trên cùng, và một người đàn ông cao ráo, mặc một chiếc áo khoác dài màu đen tao nhã, quần vải sọc và đeo nơ màu đen, hơi cúi đầu chào khi cậu chủ nhỏ chạy vụt qua ông ta. “Chúc sinh nhật vui vẻ, cậu Giles,” ông ta nói. “Cảm ơn bác Jenkins. Nhanh lên nào anh em!” Giles lớn tiếng gọi rồi biến mất vào trong ngôi nhà. Người quản gia giữ cửa mở để Harry và Deakins có thể bám theo sau. Vừa bước chân vào tiền sảnh, Harry chợt nhận ra mình đang bị hút vào bức chân dung một người đàn ông lớn tuổi có vẻ như đang nhìn chằm chằm thẳng vào cậu. Giles thừa hưởng chiếc mũi diều hâu của người đàn ông trong bức tranh, cùng đôi mắt xanh cương nghị và cái cằm vuông. Harry nhìn quanh tới những bức chân dung khác được treo trên tường. Vài bức tranh sơn dầu hiếm hoi trước đây cậu từng được xem qua đều ở trong sách: Mona Lisa, Người kỵ sĩ tươi cười và Cuộc tuần đêm. Cậu đang mải chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh được một họa sĩ có tên là Constable vẽ thì một người phụ nữ bước vào tiền sảnh, mặc thứ trang phục mà Harry chỉ có thể mô tả là một bộ váy dạ hội. “Chúc con sinh nhật vui vẻ, con yêu quý,” bà nói. “Cảm ơn mẹ,” Giles trả lời, trong lúc mẹ cậu cúi xuống hôn cậu. Đây là lần đầu tiên Harry thấy bạn cậu trông có vẻ ngượng ngùng. “Đây là hai bạn thân nhất của con, Harry và Deakins.” Trong khi Harry bắt tay với người phụ nữ không cao hơn cậu là mấy, bà mỉm cười với cậu thật hồn hậu, và ngay lập tức cậu cảm thấy hoàn toàn thoải mái. “Sao chúng ta không cùng vào phòng khách,” bà gợi ý, “và dùng trà nhỉ?” Nói rồi bà dẫn các cậu bé qua tiền sảnh vào một căn phòng lớn nhìn ra bãi cỏ trước nhà. Khi Harry bước vào, cậu không muốn ngồi xuống mà chỉ muốn tới xem những bức tranh được treo trên tất cả các bức tường. Song bà Barrington đã ngay lập tức dẫn cậu tới ghế sofa. Cậu ngồi lún xuống tấm đệm ghế êm ái và không thể ngừng mê mẩn nhìn chăm chăm ra bãi cỏ được xén tỉa đẹp đẽ qua khung cửa sổ cao, khu vườn này đủ rộng để chơi một trận cricket. Tít đằng xa phía sau bãi cỏ, Harry có thể nhìn thấy một hồ nước có những con vịt trời đang hững hờ bơi vòng vòng, hiển nhiên là không hề lo lắng về chuyện bữa ăn tiếp theo của chúng sẽ đến từ đâu. Deakins tự ngồi xuống bên cạnh Harry. Không ai nói gì khi một người đàn ông khác, người này mặc một chiếc áo khoác ngắn màu đen, bước vào phòng, theo sau là một phụ nữ trẻ mặc bộ đồng phục màu xanh lịch thiệp, trông không khác mấy so với bộ đồ mà mẹ của Harry vẫn mặc tại khách sạn. Người hầu gái bưng một khay bạc lớn rồi đặt khay lên trên mặt bàn hình bầu dục ở trước mặt bà Barrington. “Ấn Độ hay Trung Hoa?” bà Barrington hỏi, đưa mắt nhìn Harry. Harry thực sự không hiểu ý bà muốn hỏi gì. “Tất cả bọn con đều dùng Ấn Độ, cảm ơn mẹ,” Giles nói. Harry vốn cho rằng Giles hẳn đã dạy cậu mọi thứ cần biết về phép tắc xử thế trong xã hội thượng lưu lịch sự, nhưng bà Barrington vừa đột ngột nâng trình độ lên một tầm cao mới. Sau khi người phụ việc của quản gia đã rót ra ba tách trà, người hầu gái mang trà tới bày trước mặt ba cậu bé, kèm theo một đĩa đựng đồ ăn kèm. Harry nhìn chăm chú vào núi sandwich chất đầy trong đĩa, không dám động đến. Giles nhón lấy một cái rồi để vào đĩa của cậu. Mẹ cậu cau mày. “Mẹ đã nhắc con bao nhiêu lần rồi, Giles, rằng con luôn phải đợi cho tới khi khách của con quyết định họ thích dùng gì trước khi lấy đồ ăn cho chính mình?” Harry muốn nói với bà Barrington rằng Giles luôn là người làm trước, chỉ để giúp cậu biết mình cần làm gì, và quan trọng hơn cả là không được làm gì. Deakins chọn một cái bánh sandwich rồi để vào đĩa của cậu ta. Harry cũng làm y hệt. Giles kiên nhẫn đợi cho tới khi Deakins đã cầm miếng sandwich của mình lên rồi mới cắn một miếng. “Cô hy vọng các cháu thích cá hồi hun khói,” bà Barrington nói. “Ngon tuyệt,” Giles nói, trước khi các bạn cậu có cơ hội thú nhận rằng cả hai chưa từng được nếm qua cá hồi hun khói trước đây. “Chúng con chỉ được ăn sandwich cá xay ở trường thôi,” cậu nói thêm. “Được rồi, hãy kể cho mẹ nghe xem con và các bạn học hành thế nào ở trường,” bà Barrington nói. “Vẫn cần nỗ lực tiến bộ thêm nhiều, con nghĩ đó là những gì thầy Frob mô tả về những cố gắng của con,” Giles vừa nói vừa lấy thêm một cái sandwich nữa. “Nhưng Deakins thì lúc nào cũng đứng đầu trong mọi môn học.” “Trừ môn Anh văn ạ,” Deakins lên tiếng lần đầu tiên, “Harry vẫn còn nhỉnh hơn cháu tí xíu trong môn này ạ.” “Thế con có môn nào mà con dẫn đầu không, Giles?” Mẹ cậu hỏi. “Bạn ấy đứng thứ nhì trong môn toán, thưa bà Barrington,” Harry lên tiếng giải cứu cho Giles. “Bạn ấy đúng là có năng khiếu trời cho với những con số.” “Giống hệt ông nội nó,” bà Barrington nói. “Bà có bức chân dung treo trên lò sưởi đẹp quá, thưa bà Barrington,” Deakins nói. Bà chủ nhà mỉm cười. “Đó không phải là cô, Deakins, mà là chân dung của mẹ cô.” Deakins cúi đầu xuống trước khi bà Barrington vội nói thêm. “Nhưng lời khen mới lịch thiệp làm sao. Mẹ cô từng được coi là một người đẹp nổi tiếng vào thời của bà.” “Ai đã vẽ bức chân dung vậy ạ?” Harry hỏi, tiếp lời để ứng cứu cho Deakins. “László,” bà Barrington trả lời. “Sao cháu lại hỏi vậy?” “Vì cháu đang thắc mắc liệu có phải bức chân dung quý ông ngoài tiền sảnh cũng do cùng một họa sĩ vẽ không ạ.” “Cháu quả là có khiếu quan sát đấy Harry ạ,” bà Barrington nói. “Bức chân dung cháu thấy ngoài tiền sảnh là của bố cô, và đúng là cũng do László vẽ.” “Thế bố của bà làm công việc gì ạ?” Harry hỏi. “Harry chẳng bao giờ thôi đặt ra các câu hỏi cả,” Giles nói. “Người ta chỉ còn biết quen dần với chuyện đó thôi.” Bà Barrington mỉm cười. “Ông ấy nhập khẩu rượu vang vào đất nước này, và đặc biệt là rượu sherry từ Tây Ban Nha.” “Giống hệt như Harvey’s,” Deakins nói, miệng đầy ắp sandwich dưa chuột. “Giống hệt như Harvey’s,” bà Barrington lặp lại. Giles nhe răng cười. “Lấy thêm một chiếc sandwich nữa đi, Harry,” bà Barrington nói, nhận ra đôi mắt cậu như bị hút vào đĩa bánh. “Cảm ơn bà,” Harry nói, không biết phải chọn thế nào giữa kẹp cá hồi hun khói, dưa chuột, hay trứng và cà chua. Cậu quyết định chọn cá hồi, thầm tự hỏi hương vị của món này sẽ như thế nào. “Thế còn cháu thì sao, Deakins?” “Cảm ơn bà, bà Barrington,” cậu đáp, và lấy thêm một miếng sandwich dưa chuột nữa. “Cô không thể tiếp tục cứ gọi cháu là Deakins,” mẹ Giles nói. “Như thế sẽ làm cháu giống như một người làm vậy. Hãy cho cô biết tên thánh của cháu đi.” Deakins lại cúi đầu xuống. “Cháu thích được gọi là Deakins hơn,” cậu nói. “Là Alan ạ,” Giles lên tiếng. “Một cái tên thật đẹp,” bà Barrington nói, “cho dù cô chắc là mẹ cháu vẫn gọi cháu là Alan.” “Dạ không ạ,” Deakins nói, đầu vẫn cứ cúi gằm xuống. Hai cậu bé còn lại có vẻ ngạc nhiên trước lời hé lộ này, nhưng không nói gì. “Tên cháu là Algernon,” cuối cùng cậu lí nhí. Giles phá lên cười. Bà Barrington không hề để tâm tới tràng cười của cậu con trai. “Mẹ cháu hẳn phải là người rất ngưỡng mộ Oscar Wilde,” bà nói. “Vâng, đúng thế ạ,” Deakins nói. “Nhưng cháu ước gì mẹ cháu gọi cháu là Jack, hay thậm chí là Ernest cũng được ạ.” “Cô sẽ không để điều đó làm cháu lo lắng đâu,” bà Barrington nói. “Nói cho cùng, Giles cũng phải chịu đựng điều khó xử tương tự.” “Mẹ, mẹ đã hứa là mẹ sẽ không...” “Các cháu cần phải bảo nó cho các cháu biết tên đệm của nó,” bà nói, tảng lờ sự phản đối. Khi Giles không trả lời, Harry và Deakins đưa mắt nhìn bà Barrington đầy mong chờ. “Là Marmaduke,” bà vừa nói vừa thở dài. “Giống như bố và ông nội nó trước đây.” “Nếu một trong hai cậu nói với bất cứ ai về chuyện này khi bọn mình quay lại trường,” Giles nói, nhìn sang hai cậu bạn, “tớ xin thề là tớ sẽ giết các cậu, và ý tớ là giết thật đấy.” Cả hai cậu nhóc còn lại cùng bật cười. “Cháu có tên đệm không, Harry?” Bà Barrington hỏi. Harry đang định trả lời thì cửa phòng khách mở toang, và một người đàn ông không thể bị nhầm lẫn là người làm sải bước vào phòng, mang theo một hộp quà lớn. Harry ngước mắt nhìn lên con người chỉ có thể là ông Hugo. Giles đứng lên, chạy tới phía bố, ông đưa cho cậu con trai hộp quà rồi nói, “Chúc sinh nhật vui vẻ, con trai của bố.” “Con cảm ơn bố,” Giles nói, và lập tức bắt đầu tháo ruy băng ra. “Trước khi con mở hộp quà của mình, Giles,” mẹ cậu lên tiếng, “có lẽ con nên giới thiệu các vị khách mời của con với bố trước đã.” “Con xin lỗi bố. Đây là hai bạn thân nhất của con, Deakins và Harry,” Giles nói, đặt hộp quà trên mặt bàn. Harry nhận thấy bố Giles có cùng vóc người thể thao vạm vỡ, tràn đầy năng lượng mà cậu từng cho rằng đó là nét đặc trưng riêng của con trai ông. “Rất vui được gặp cháu, Deakins,” ông Barrington vừa nói vừa bắt tay cậu bé. Sau đó ông ta quay sang Harry. “Xin chào, Clifton,” ông nói thêm, trước khi ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh vợ mình. Harry ngỡ ngàng khi thấy ông Barrington không bắt tay với mình. Và làm sao mà ông ta biết họ của cậu là Clifton? Sau khi người phụ việc của quản gia đã rót một tách trà cho ông Barrington, Giles tháo giấy gói quà ra và reo lên thích thú khi nhìn thấy một chiếc radio hiệu Roberts. Cậu cắm phích điện vào một ổ cắm trên tường và bắt đầu chỉnh radio bắt sóng các đài phát khác nhau. Cả ba cậu bé cùng vỗ tay hoan hô và cười vang mỗi lần một âm thanh mới phát ra từ trong chiếc hộp gỗ to. “Giles cho em biết nó đứng thứ nhì trong môn Toán học kỳ này,” bà Barrington quay sang chồng mình và nói. “Điều đó cũng chưa đủ bù lại việc nó đội sổ trong hầu hết các môn khác,” ông chồng vặn lại. Giles cố không tỏ ra bối rối, trong khi vẫn tiếp tục dò tìm kênh mới trên chiếc radio của mình. “Nhưng giá như ông được chứng kiến bàn thắng cậu ấy ghi được trong trận đấu với Avonhurst,” Harry nói. “Tất cả chúng cháu đều kỳ vọng cậu ấy sẽ là đội trưởng đội cricket vào năm tới.” “Các bàn thắng sẽ không giúp nó vào được Eton,” ông Barrington nói, không hề nhìn Harry. “Đã đến lúc nó cần tu tỉnh lại và nỗ lực hơn nữa.” Không ai nói thêm gì một hồi lâu cho tới khi bà Barrington phá vỡ sự im lặng. “Có phải cháu chính là Clifton hát trong ban đồng ca tại St. Mary Redcliff không?” Bà hỏi. “Harry là người hát solo giọng kim,” Giles nói. “Thực ra, cậu ấy là người được học bổng đồng ca.” Harry ý thức được lúc này bố Giles đang nhìn mình chằm chằm. “Cô nghĩ cô nhận ra cháu mà,” bà Barrington nói. “Cô cùng ông ngoại của Giles đã đến xem một buổi trình diễn vở Messiah tại St. Mary, khi ban đồng ca của trường St. Bede cùng biểu diễn với trường Ngữ Văn Bristol Grammar School. Bài Con biết người chuộc tội cho con sống mãi mà cháu hát quả là tuyệt vời, Harry ạ.” “Cảm ơn bà, bà Barrington,” Harry đỏ mặt nói. “Cậu đang hy vọng là sẽ vào học trường Bristol Grammar School sau khi rời St. Bede chứ, Clifton?” Ông Barrington hỏi. Lại là Clifton, Harry thầm nghĩ. “Chỉ khi cháu có được học bổng thôi, thưa ông,” cậu trả lời. “Nhưng sao điều đó lại quan trọng vậy?” Bà Barrington hỏi. “Chắc chắn cháu sẽ được dành cho một suất nhập học, như bất cứ cậu bé nào khác chứ?” “Vì mẹ cháu không thể nào mà cáng đáng được mức học phí, thưa bà Barrington. Mẹ cháu là nhân viên phục vụ tại khách sạn Royal.” “Nhưng chẳng lẽ bố cháu...” “Bố cháu mất rồi,” Harry nói. “Bố cháu tử trận trong chiến tranh.” Cậu cẩn thận quan sát xem ông Barrington phản ứng ra sao, nhưng hệt như một tay chơi poker lão luyện, ông ta không để lộ bất cứ điều gì. “Cô xin lỗi,” bà Barrington nói. “Cô không hề biết.” Cánh cửa mở ra sau lưng Harry và người phụ việc của quản gia bước vào, mang một chiếc bánh sinh nhật hai tầng trên khay bạc rồi đặt nó xuống chính giữa bàn. Sau khi Giles đã thành công trong việc thổi tắt cả mười hai ngọn nến chỉ bằng một hơi duy nhất, mọi người đồng loạt vỗ tay chúc mừng. “Ngày sinh của cậu là khi nào, Clifton?” Ông Barrington hỏi. “Nó rơi vào tháng trước, thưa ông,” Harry trả lời. Ông Barrington ngoảnh mặt đi. Người phụ việc của quản gia gỡ nến ra trước khi đưa cho cậu chủ nhỏ con dao lớn dùng để cắt bánh. Giles cắt sâu vào chiếc bánh và đặt năm miếng bánh không đều nhau vào mấy chiếc đĩa tách mà người hầu gái đã bày sẵn ra trên mặt bàn. Deakins khoan khoái ngấu nghiến phần kem rớt ra trong đĩa của cậu ta trước khi ăn một miếng bánh. Harry bắt chước theo bà Harrington. Cậu nhấc chiếc nĩa bạc nhỏ để cạnh đĩa bánh của mình lên rồi dùng nó để lấy một miếng bánh nhỏ trước khi đặt cái nĩa trở lại xuống đĩa. Chỉ có ông Barrington không động tới phần bánh của mình. Rồi đột nhiên, không hề có động thái nào báo trước, ông đứng vụt dậy rồi bước ra khỏi phòng mà không nói thêm một lời nào. Mẹ của Giles không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước thái độ của chồng bà, nhưng bà không nói gì. Harry không hề rời mắt khỏi ông Hugo khi ông rời khỏi phòng, trong khi Deakins, sau khi đã ăn xong phần bánh của cậu ta, lại chuyển sự chú ý trở lại với những cái sandwich cá hồi hun khói, hiển nhiên không hề để ý nhận thấy những gì vừa xảy ra quanh mình. Sau khi cánh cửa đóng lại, bà Barrington tiếp tục trò chuyện như thể chưa có gì bất thường xảy ra. “Cô tin chắc cháu sẽ giành được một học bổng vào trường Bristol Grammar School thôi Harry ạ, nhất là với những gì mà Giles đã kể cho cô nghe về cháu. Cháu hiển nhiên là một cậu bé rất thông minh, và cũng là một giọng ca tài năng nữa.” “Giles luôn có xu hướng phóng đại mọi thứ lên, thưa bà Barrington,” Harry nói. “Cháu có thể cam đoan với bà là chỉ mình Deakins là chắc chắn sẽ dành được một suất học bổng thôi.” “Nhưng Bristol Grammar School không có học bổng âm nhạc sao?” Bà hỏi. “Với các giọng ca có giọng kim thì không ạ,” Harry trả lời. “Họ sẽ không chịu mạo hiểm đâu ạ.” “Cô không dám chắc là cô hiểu lắm,” bà Barrington nói. “Không gì có thể lấy đi những năm tháng luyện tập đồng ca mà cháu đã trải qua.” “Đúng là thế ạ, nhưng thật đáng buồn là không ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra khi cháu vỡ giọng. Một số giọng kim cuối cùng trở thành giọng nam trầm hay nam trung, và những người thực sự may mắn trở thành giọng nam cao, nhưng không có cách nào để biết trước được cả.” “Tại sao lại không?” Deakins lên tiếng, lần đầu tiên trở nên hứng thú. “Có rất nhiều người hát solo có giọng kim thậm chí còn không tìm nổi một chỗ trong ban đồng ca địa phương nơi họ sống sau khi vỡ giọng. Thử hỏi thầy Ernest Lough xem. Tất cả các gia đình tại nước Anh đều đã từng nghe ông ấy hát bài Ôi, vì đôi cánh của một con bồ câu, nhưng sau khi ông ấy vỡ giọng, chẳng còn ai được nghe lại giọng hát của ông ấy nữa.” “Cậu chỉ cần học tập nỗ lực hơn nữa thôi,” Deakins vừa nhồm nhoàm vừa nói. “Đừng quên là trường ngữ văn cấp mười hai suất học bổng mỗi năm, và tớ chỉ có thể giành được một suất thôi,” cậu nói thêm với vẻ hiển nhiên. “Nhưng vấn đề chính là ở chỗ ấy đấy,” Harry nói. “Nếu tớ định học hành chăm chỉ hơn, tớ sẽ phải từ bỏ ban đồng ca, và nếu không có học bổng, tớ sẽ buộc phải rời khỏi St. Bede, vậy nên...” “Cậu đang ở thế tiến thoái lưỡng nan,” Deakins nói. Harry chưa bao giờ nghe thấy cách nói này trước đây và quyết định sẽ hỏi Deakins sau xem nghĩa của nó là gì. “À có một điều này là chắc chắn,” bà Barrington nói, “Giles sẽ khó lòng có được học bổng vào bất kỳ trường nào.” “Không hẳn là thế đâu ạ,” Harry nói. “Trường Ngữ Văn Bristol Grammar School sẽ không bỏ qua một tay đập thuận tay trái có đẳng cấp như cậu ấy đâu ạ.” “Vậy chúng ta sẽ phải hy vọng là Eton cũng có cùng suy nghĩ ấy,” bà Barrington nói, “vì đó là nơi mà bố nó muốn nó theo học.” “Con không muốn tới Eton,” Giles nói, đặt nĩa của cậu xuống. “Con muốn tới trường Ngữ Văn Bristol và học cùng các bạn của con.” “Mẹ tin chắc con sẽ có thêm nhiều bạn mới tại Eton,” mẹ cậu nói. “Và bố con sẽ thất vọng lắm nếu con không đi theo con đường của bố.” Người phụ việc của quản gia khẽ hắng giọng. Bà Barrington nhìn qua cửa sổ và thấy một chiếc xe đang chạy tới dưới chân bậc thềm. “Mẹ nghĩ đã đến lúc con và các bạn đều phải quay lại trường rồi,” bà nói. “Chắc chắn là mẹ không muốn phải chịu trách nhiệm về việc có ai đó bị muộn giờ tự học đâu.” Harry thèm thuồng nhìn về phía cái khay lớn đựng đầy sandwich và chiếc bánh sinh nhật còn đang ăn dở nhưng đành phải miễn cưỡng rời khỏi chỗ của mình và bắt đầu bước về phía cửa. Cậu ngoái lại nhìn một lần và dám thề là đã thấy Deakins nhét vội một cái sandwich vào túi quần cậu ta. Harry nhìn một lần cuối qua cửa sổ và ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy một cô bé cao lênh khênh buộc tóc đuôi ngựa đang cuộn tròn trong góc và đọc một quyển sách. “Đó là Emma, cô em gái kinh khủng của tớ,” Giles nói. “Nó chẳng bao giờ ngừng đọc cả. Cứ kệ nó đi.” Harry mỉm cười với Emma, nhưng cô bé không hề nhìn lên. Deakins thậm chí còn chẳng buồn nhìn cô bé đến lần thứ hai. Bà Barrington tiễn ba cậu bé ra cửa trước, rồi bà bắt tay Harry và Deakins. “Cô thực sự hy vọng cả hai cháu sẽ lại sớm đến đây chơi,” bà nói. “Các cháu có ảnh hưởng thật tốt tới Giles.” “Cảm ơn bà rất nhiều vì đã mời chúng cháu dùng trà, bà Barrington,” Harry nói. Deakins chỉ gật đầu. Cả hai cậu nhóc cùng quay mặt nhìn đi chỗ khác khi bà ôm lấy cậu con trai và dành cho cậu một cái hôn. Trong lúc người tài xế lái chiếc xe theo con đường dài dẫn ra cổng, Harry ngoái lại nhìn về phía tòa nhà qua khung cửa kính đằng sau xe. Cậu không hề để ý thấy Emma đang chăm chú nhìn qua cửa sổ về phía chiếc xe đang khuất dần. 7 C ửa hiệu bánh kẹo của trường mở cửa từ bốn giờ đến sáu giờ các buổi chiều thứ Ba và thứ Năm. Harry hiếm khi tìm đến “Emporium,” là cách mà các cậu bé vẫn gọi cửa hàng này, vì cậu chỉ có hai shiling tiền tiêu vặt mỗi học kỳ, và cậu biết mẹ cậu sẽ không tán thành bất kỳ khoản chi phí phụ trội nào dù nhỏ nhất xuất hiện trong hóa đơn cuối kỳ của cậu. Tuy vậy, vào ngày sinh nhật của Deakins, cậu có một ngoại lệ, vì Harry đã dự định mua một thanh kẹo ngọt mềm có giá một penny cho bạn mình. Bất chấp những chuyến ghé thăm hiếm hoi đến cửa hàng bánh kẹo của Harry, lúc nào cũng có một thanh socola hiệu Fry’s Five Boys xuất hiện trên bàn học của cậu vào các buổi tối thứ Ba và thứ Năm. Cho dù đã có quy định của trường là không cho phép một học sinh tiêu quá sáu penny mỗi tuần ở cửa hàng bánh kẹo, Giles cũng luôn để lại một gói kẹo cam thảo Liquorice Allsorts cho Deakins, đồng thời tuyên bố rõ với hai người bạn là cậu ta không trông đợi gì đổi lại. Khi Harry tới cửa hàng bánh kẹo vào ngày thứ Ba ấy, cậu đứng vào một hàng dài học sinh đang chờ đến lượt được phục vụ. Miệng cậu ứa nước bọt khi cậu nhìn đăm đăm lên những chiếc giá ngăn nắp xếp đầy socola, kẹo mềm, kẹo dẻo, kẹo cam thảo, và món quà