🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chat Với René Descartes
Ebooks
Nhóm Zalo
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging–in–Publication Data
Bùi Văn Nam Sơn
“Chat” với René Descartes (1596-1650) / Bùi Văn Nam Sơn. - In lần thứ 1. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2016.
278 tr. ; 20cm. - (Triết học cho bạn trẻ).
1. Descartes, René, 1596-1650. 2. Nhà triết học -- Pháp. I. Ts.
1. Descartes, René, 1596-1650. 2. Philosophers -- France.
194 -- ddc 23
B932-S70
N X B Đ Ạ I H Ọ C Q U Ố C G I A T P. H C M NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Mục lục
Lời nhà xuất bản 7 Đôi lời cùng bạn trẻ! 9
Danh mục tác phẩm của Descartes được trích dẫn 11 1 Từ chiếc nôi... kinh viện 13 2 Ba cơn mơ... định mệnh 22 3 Ngôi nhà mới 29 4 Từ “Những suy niệm” đến... Bà hoàng Thụy Điển! 38 5 Một lần nữa, xin hỏi... Cụ là ai? 48
PHƯƠNG PHÁP LUẬN
6 Hai mặt trận 56 7 Gỡ tấm mặt nạ cho... khoa học! 63 8 “Cái đơn giản” là gì? 67 9 Có thật là “không thể nghi ngờ?” 77 10 “Đại nghi đại ngộ” hay thế nào là sự hoài nghi
có phương pháp? 84
11 Ba cấp độ hoài nghi 91 12 “Tà Thần” 97 13 Làm sao nối được nhịp cầu? 101 14 Dự phóng ban đầu: giải thích hay hoài nghi? 106 15 Chuyển sang mô hình hoài nghi 112 16 Luận cứ “Cogito”:
Tôi? Tư duy? Vậy? Tôi? Tồn tại? 117
17 Trên đôi cánh “ý niệm” 127 18 Có mấy loại “ý niệm”? 133 19 “Rõ ràng” và “phân minh”? 138 20 Ý thức 145
5
SIÊU HÌNH HỌC
21 “Nhị nguyên” hay “tam nguyên”? 156 22 Thế nào là “sự vật hoàn chỉnh” (Ens per se)? 164 23 Hồn & xác tương tác? 171 24 “Vòng tròn Descartes” (1) 179 25 “Vòng tròn Descartes” (2) 186 26 Hiện hữu là một thuộc tính? 192 27 Có chân lý vĩnh cửu không? 199
NHÂN HỌC VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC
28 “Con ma trong cỗ máy”? 206 29 Từ ngôi thứ nhất, số ít... 212 30 “Thịt xương là sông núi?”
(Ta - người khác - thú vật và máy móc) 218 31 “Bộ quy tắc đạo đức lâm thời?” 226 32 Triết học Descartes: mấy bước thăng trầm 233 33 Descartes ngày nay 241
Phụ lục 1 249 Descartes và Bacon 249 Phụ lục 2 253 Tóm lược lập luận trong “Những suy niệm siêu hình
học” của Descartes 253 Phụ lục 3 267 “LES PASSIONS DE L’ÂME”: Một tác phẩm độc đáo khó xếp loại 267
“PASSIONS” là gì? 270 Tình yêu là gì? 273 NIÊN BIỂU TÓM TẮT 275
6
Lời nhà xuất bản
Bạn đã bao giờ chứng kiến cuộc “đối thoại” kỳ lạ giữa một nhà nghiên cứu triết học thời nay với các triết gia quá cố chưa? Chuyện tưởng như đùa ấy sẽ trở thành... “sự thật”, khi chúng tôi xin lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc các cuộc “chat” (tưởng tượng!) giữa nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn và các triết gia nổi tiếng trong quá khứ, trong đó tác giả Bùi Văn Nam Sơn sẽ nhập thân trong cả hai vai! Sau hai cuộc đối thoại đầu tiên với Hannah Arendt, khuôn mặt nữ triết gia nổi bật của thế kỷ 20; và John Locke, đại triết gia Anh thế kỷ 17; khách mời thứ ba sẽ là René Descartes, đại triết gia Pháp thế kỷ 17, tiền bối của John Locke, người được tôn vinh là "cha đẻ" của triết học Tây phương hiện đại. “Chương trình giao lưu” sẽ tiếp tục với các tên tuổi sáng giá khác.
Bùi Văn Nam Sơn là nhà nghiên cứu triết học đã đóng góp nhiều tác phẩm và công trình dịch thuật quan trọng thời gian qua. Trong loạt sách mới này, bằng ngôn từ giản dị, vui tươi, nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm túc, ông sẽ giới thiệu về cuộc đời, các giai đoạn tư tưởng và những tác
7
phẩm nổi bật của từng tác giả. Hy vọng hình thức giới thiệu sinh động này sẽ góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử triết học và giúp bạn đọc có thêm cảm hứng để dấn thân trên hành trình tư tưởng gian khổ nhưng đầy mê hoặc.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc
NXB Đại học Quốc gia TP. HCM
NXB Trẻ
8
Đôi lời cùng bạn trẻ!
“Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư”. Đọc sách mười năm không bằng một đêm được... “Chat” (tưởng tượng!) với các... cụ. Thật thế chăng, thưa không dám chắc! Và làm sao có chuyện ấy được? Nhưng, vui và gây cảm hứng để các bạn tự tiếp tục lên đường, đó là mục đích của... “chương trình phát sóng” này. Mong Quý bạn vui vẻ đón nhận và chia sẻ!
Bùi Văn Nam Sơn
9
Danh mục tác phẩm của Descartes được trích dẫn
Trong sách này, tác phẩm của Descartes được trích dẫn thống nhất từ ŒUVRES DE DESCARTES/ TÁC PHẨM CỦA DESCARTES (11 tập, bản mới, được ấn hành ở Paris từ 1981) do Charles Adam và Paul Tannery ấn hành (nên thường được viết tắt là “AT”), kèm số tập và số trang, theo thói quen của giới nghiên cứu về Descartes.
Tên các tác phẩm chính thường trích dẫn sẽ được viết tắt sau lần giới thiệu đầu tiên:
Discours: Discours de la Méthode/ Luận văn về Phương pháp (AT VI)
Meditations: Meditationes de prima philosophiae (La-tinh)/ Những suy niệm về Đệ nhất triết học/ Méditations métaphysiques (bản dịch tiếng Pháp)/ Những suy niệm siêu hình học (AT VII)
Principia: Principia philosophiae (La-tinh)/ Les Principes de la philosophie (bản dịch tiếng Pháp)/ Những Nguyên lý triết học (AT VIII - 1)
Passions: Les Passions de l’âme/Những xúc cảm của linh hồn (AT XI)
11
Các bạn dễ dàng tìm các bản dịch tiếng Anh tương ứng trên mạng. Được khuyến khích đọc là bộ The Philosophical Writings of Descartes (do J. Cottingham ấn hành), Cambridge 1984-1991.
Trong tiếng Việt, có các bản dịch:“Phương pháp luận Descartes”(1973) và “Những suy niệm siêu hình học của Descartes” (1962) của Giáo sư Trần Thái Đỉnh.
12
1
Từ chiếc nôi... kinh viện
🞣 Thưa Cụ, Cụ là một nhân vật lừng danh và thật đa diện! Ngay ở Việt Nam xa xôi của chúng tôi, ít ai đã học toán và tốt nghiệp trung học mà không một lần nghe đến đại danh của Cụ. Nào là "định lý Descartes", "tọa độ Descartes"... Nhưng có người còn ví Cụ với... nàng Mona Lisa1. Nụ cười bí hiểm, phơ phất như khói như mây của nàng làm mọi người thẫn thờ, ái mộ, nhưng có mấy ai chịu khó đến bảo tàng Louvre ở kinh đô nước Pháp để tận mắt chiêm ngưỡng nàng? Số người nghiên cứu tận tường về... nụ cười ấy, bức tranh ấy càng ít hơn nữa! Thiên tải nhất thì, hay xin nói chính xác theo tinh thần của Cụ, hơn 400 năm đã trôi qua, mong Cụ cho một lần được chiêm ngưỡng... “Lư sơn chân diện mục”!2
R.D: Quoi?
1. Mona Lisa: bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci (1452- 1519).
2. Thơ Tô Đông Pha: “Bất thức Lư sơn chân diện mục, chỉ duyên thân tại thử sơn trung” (Không biết hình dáng thật của núi Lư như thế nào, bởi người ngắm núi đang ở ngay trong núi).
“Chat” với René Descartes • 13
🞣 Thưa Cụ, thì Cụ chẳng đã được hậu thế tôn vinh là Người Cha của triết học hiện đại, thậm chí của cả thời hiện đại đó sao? Cụ cũng đi vào lịch sử khoa học như người kết nối tư duy triết học với tư duy toán học và nghiên cứu tự nhiên. Nói gọn, Cụ là tất cả cùng một lúc: nhà nhận thức luận, nhà siêu hình học, nhà toán học, nhà triết học về tự nhiên, nhà khoa học luận, nhà nhân học triết học... Tất cả cùng một lúc như thế, không lạ lùng và... hấp dẫn sao được?
R.D: Không chừng tôi trở thành nạn nhân của chính lối tư duy... “nhị nguyên” mà người ta thường hay nghĩ về tôi! Hiện nay, người ta còn hiểu tôi theo lối đó?
🞣 Thưa Cụ, quả có thế thật! Cụ đa diện quá, nên có khi buộc người sau phải nhìn Cụ từ nhiều góc độ như trong chiếc kính vạn hoa. Có hai hướng nghiên cứu khác nhau về Cụ hiện nay, thưa Cụ: một hướng là viết lịch sử tư tưởng theo truyền thống triết học phân tích Anh - Mỹ, đặt cuộc thảo luận về cấu trúc của lập luận và luận cứ - mà Cụ là bậc đại cao thủ! - lên hàng đầu. Tức là thảo luận về các luận cứ nổi tiếng của Cụ như “Tôi tư duy”, “Tà thần lừa dối”,... xem có ổn không. Hướng thứ hai xuất phát từ lịch sử khoa học, nghiên cứu mối quan hệ giữa sự phát triển về lý thuyết trong triết học và trong khoa học tự nhiên, từ bối cảnh lịch sử của nó. Thưa, làm sao có thể tìm hiểu Cụ như... chính bản thân Cụ?
R.D: Tôi cũng không biết! Nhưng có lẽ tôi khác phần nào với ông bạn Hegel, trẻ hơn tôi gần... 200 tuổi! Ông
14 • “Chat” với René Descartes
ấy bảo rằng triết học là những chân lý khách quan, độc lập với cá nhân nhà triết học: “Trong triết học của tôi, cái gì là “của tôi” thì là sai!”. Ổng bảo thế! Mọi tình tiết về tiểu sử, do đó, chẳng có ý nghĩa gì hết! Tôi thì sống, suy nghĩ, làm việc trong những kích thước bình thường của con người, không “thần thánh” gì cả!
🞣 Thưa Cụ, Cụ sống trong thời kỳ đầy những biến động ghê gớm về chính trị và tôn giáo. Hơn nửa đời người, Cụ chứng kiến cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài suốt ba thập niên, gọi là cuộc chiến “Ba mươi năm”. Nhưng Cụ khéo léo tuân theo lời khuyên của thi hào La Mã Ovid: “Bene vixit, bene qui latuit”1 (Muốn an cư thì hãy ẩn dật!), nên tránh được nạn binh hỏa. Tuy nhiên, Cụ lại tham gia tích cực vào các cuộc đảo lộn trong khoa học và triết học ở thời Cụ. Cụ thuộc thế hệ những nhà tư tưởng tiền phong của thời Cận đại sơ kỳ, tiến hành “cuộc cách mạng khoa học” vượt qua thế giới quan kinh viện kiểu Aristoteles để hướng về nền vật lý học cơ giới luận và nền siêu hình học “nhị nguyên”. Cuộc sống ẩn dật, không thèm để mắt đến “những tấn trò đời” như Cụ nói, lại cho phép Cụ... cách tân khoa học!
R.D: Tuổi thơ tôi nhiều bất hạnh. Sinh ngày 31.03.1596 ở La Haye (nay mang tên tôi!), một làng nhỏ gần Tours, cùng lớn lên với hai chị gái. Mới mười bốn tháng tuổi, đã mất mẹ, phải về sống với bà ngoại, Jeanere Sein. Tuổi thơ ốm yếu, ảnh hưởng nhiều đến sức làm việc sau này. Các thầy thuốc tiên đoán tôi khó sống được đến tuổi
1. Ovid, Tristia III, iv, tr. 25.
“Chat” với René Descartes • 15
Chàng thư sinh Descartes.
trưởng thành! Từ đó có thói hư không tránh khỏi: suốt đời quen nằm “nướng” trên giường đến trưa trầy trưa trật, đọc sách cũng trên giường, suy nghĩ và viết cũng ngay trên giường!
🞣 Thế cha của Cụ? Chắc rất tự hào về Cụ?
R.D: Trái lại thì có! Cha tôi làm cố vấn trong nghị viện ở Rennes, rất bận rộn, nên ít đoái hoài gì đến tôi! À, nhớ rồi. Sau khi tôi công bố Discours de la Méthode1 (Luận
1. Từ đây viết tắt là: Discours.
16 • “Chat” với René Descartes
văn về phương pháp) năm 1637 được cả... thế giới công nhận, thì cha tôi chỉ bảo: “Trong đám con cái, tôi chán thằng này nhất! Chẳng lẽ tôi đẻ ra thằng con để nó làm trò cười là chịu bó chặt cuộc đời trong tấm áo da cừu?”1. “Áo da cừu” là... bìa sách đấy!
🞣 Chắc ông cụ muốn... mắng yêu thôi! Tấm áo da cừu ấy sẽ đáng giá nghìn vàng đấy, Cụ ạ! Thế Cụ được học hành thế nào, hở Cụ?
R.D: Nhớ lại mà thấy sợ cho một thằng bé ốm yếu như tôi! Lên mười tuổi (1606) tôi vào học ở học viện dòng Tên ở La Flèche (Anjou) mới được vua Henri IV nổi tiếng thành lập hai năm trước đó. Tôi học ở đó suốt 8 năm liền, được hưởng một nền giáo dục nhân văn và kinh viện thật bài bản nhưng cũng thật vất vả!
🞣 Thời ấy, chương trình học ra sao hở Cụ?
R.D: Năm năm đầu chỉ chuyên học ngữ pháp và tu từ tiếng La-tinh và cắm đầu cắm cổ đọc các nhà kinh điển cổ đại. Ba năm sau mới bắt đầu học triết học đúng nghĩa!
🞣 Học những gì hở Cụ?
R.D: Thì năm thứ sáu học biện chứng pháp, năm thứ bảy học triết học tự nhiên, năm thứ tám học đạo đức học.
1. Adam, Charles, Vie et oeuvres de Descartes, Paris, 1910, tr. 433 và tiếp.
“Chat” với René Descartes • 17
🞣 Hơi khác với cách học triết học ngày nay ở các nước Âu - Mỹ, thường bắt đầu với đạo đức học cho nó... cụ thể, rồi “trừu tượng” dần lên!
R.D: Thế nên phải nặn óc ra mà học!
🞣 Cụ thể, học làm sao, thưa Cụ?
R.D: Chỉ tập trung đọc và diễn giải các văn bản kinh điển theo phương pháp kinh viện quen thuộc! Chủ yếu là dựa vào bộ Toàn thư của cụ tổ sư Aristoteles (384-322 trước Công nguyên), nhưng chỉ theo từng đoạn trích và thường đọc chung với các bản chú giải có thẩm quyền. Thông thường là chú giải của Thomas Aquino, nhưng trong dòng Tên, chủ yếu là chú giải của Suárez, Toletus và Fonseca...
🞣 Thưa Cụ, sau này, khi thuật lại thời kỳ này, Cụ lại có cái nhìn đôi khi mâu thuẫn...
R.D (cười): Lúc đầu quả tôi có phần bóp méo những gì được giảng dạy ở La Flèche, vì... bực quá!
🞣 Chẳng hạn, thưa Cụ?
R.D: Tôi bảo rằng, theo học thuyết kinh viện thì đối tượng vật chất là gồm có mô thức và chất liệu. Tổ sư Aristoteles quả có dạy thế thật! Nhưng tôi giải thích mô thức như là một lực bí ẩn điều khiển và hướng đối tượng
18 • “Chat” với René Descartes
Nơi sinh của Descartes.
đến một mục tiêu nhất định nào đó1. Thật ra không phải như thế! Thứ nhất, mô thức hay hình thức (forme) là nguyên tắc đồng nhất và thống nhất hơn là một lực bí ẩn nào đó, và thứ hai, không có gì ở bên trong để điều khiển đối tượng một cách huyền bí cả, mà cùng lắm là quy định sự vật theo kiểu mục đích luận2 thôi. Chỉ vì tôi muốn “bác bỏ” học thuyết kinh viện cho... nhanh ấy mà! Đôi khi, cách giải thích của tôi còn “đoạn văn thủ nghĩa”, tách vấn đề ra khỏi văn cảnh chung nữa!
1. AT VIII-1, tr. 322.
2. Téléologique/teleological.
“Chat” với René Descartes • 19
🞣 Hậu sinh chúng tôi đọc Cụ cũng có cảm tưởng như thế! Nhưng về sau, chính Cụ rất tán dương Học viện ở La Flèche là “một trong những trường học tốt nhất của châu Âu”1 và còn khuyên người bạn nên gửi con đến đấy học kia mà!2
Ngôi trường La Flèche cuối thế kỷ 17.
1. AT VI, tr. 5.
2. AT II, tr. 377 và tiếp.
20 • “Chat” với René Descartes
R.D: Đúng thế đấy! Trong phần đầu của Discours1, tôi tán dương việc dạy ngữ pháp và tu từ học đến nơi đến chốn ở ngôi trường cũ. Tôi có phê bình nặng lời thì không phải tôi khinh thường lối học kinh viện mà vì sự phiến diện và nhất là sự cổ hủ, không còn hợp thời của nó. Do quá muốn tìm hiểu Aristoteles và các bậc tiên hiền trong quá khứ, nên kinh viện học ít chú ý đến những vấn đề thời sự. Biết bao nhiêu vấn đề nóng bỏng và hấp dẫn - như của vật lý học và sinh lý học - đều được lý giải một cách gượng ép bằng mô hình Aristoteles cả, trở nên vô vị và thiếu thuyết phục. Khó lòng chờ đợi sự tiến bộ về triết học và khoa học nếu cứ tiếp tục như thế!
1. AT VI, tr. 6
“Chat” với René Descartes • 21
2
Ba cơn mơ... định mệnh
🞣 Năm 1614, Cụ rời La Flèche. Tiếp theo thế nào, thưa Cụ?
R.D: Tôi ghi danh học đại học Poitiers, hai năm sau có được mảnh bằng cử nhân (licence) về ngành luật. Nhưng tôi chẳng tha thiết với sự nghiệp chính trị hay luật pháp tí nào cả! Tôi quyết định “không đi tìm một tri thức nào bên ngoài những gì ở bên trong tôi hoặc trong quyển sách vĩ đại của thiên nhiên. Tôi dành phần còn lại của tuổi xuân để ngao du sơn thủy, tham quan các triều đình và các đội quân, giao du với đủ hạng người đủ loại tính khí và thành phần để thu thập thêm kinh nghiệm, gặp gỡ bất cứ ai do số phận đưa đẩy, và nhất là suy nghĩ về những điều chắc rằng sẽ có ích cho mình về sau”1, như tôi đã nêu trong phần tự thuật của quyển Discours.
🞣 Tại sao lại tham quan “các đội quân” hở Cụ? 1. AT VI, tr. 9.
22 • “Chat” với René Descartes
R.D: À, thời loạn lạc ấy mà! Lúc ấy cả châu Âu chia năm xẻ bảy bởi các cuộc xung đột gọi là Cuộc Chiến Ba Mươi Năm (1618-1646). Các đội quân đua nhau mời... tham quan để chiêu mộ binh sĩ!
🞣 Cụ gia nhập chứ?
R.D: Có, ham vui thôi! Tôi đăng ký tòng chinh, lúc đầu theo quân đội của Maurice de Nassau của Hà Lan, sau đó là đội quân của công tước Maximilian xứ Bavaria [nay là tiểu bang Bayern, miền Nam nước Đức].
🞣 Cậu bé ốm yếu ngày nào bây giờ là một chiến binh! Nghe nói Cụ cũng tinh thông... kiếm thuật không thua gì... “ba chàng ngự lâm pháo thủ”, đúng không ạ?
R.D (cười): Mang kiếm để... đón gió thu như Hồng sơn liệp hộ nhà anh thôi1, chứ có muốn đâm chém ai đâu! Nhưng một lần suýt chết ở Hà Lan do bị bọn thủy thủ tấn công, nhờ mũi kiếm “thần sầu” ấy mà bọn chúng hoảng vía, bỏ chạy tán loạn đấy!
🞣 Cụ tham gia quân đội lâu không ạ?
R.D: Việc binh không hợp với tôi! Chỉ vài tháng vào giữa 1618-1619 rồi tôi... cáo biệt!
1. Thơ Nguyễn Du: Ký hữu: “... Nhãn để phù vân khan thế sự. Yêu gian trường kiếm quải thu phong...” (“... Chuyện đời ghé mắt mây lơ lửng/Gươm báu cài lưng gió hắt hiu...”, Quách Tấn dịch).
“Chat” với René Descartes • 23
🞣 Ở Hà Lan, Cụ có một duyên kỳ ngộ?
R.D: Lý do khiến tôi “giã từ vũ khí” đấy! Ngày 10.11.1618 tại thành phố Breda, Hà Lan, tôi thấy một áp phích viết bằng tiếng Hà Lan, tôi nhờ một khách qua đường dịch hộ. Té ra cáo thị ấy nêu một vấn đề hình học, tôi giải quyết cái rẹt, và người khách lạ đang kinh ngạc ấy là Isaac Beeckman, nhà y học và nghiên cứu tự nhiên. Thế là chúng tôi bắt đầu bàn đủ chuyện về khoa học. Ông bạn ấy kích thích tôi quan tâm đến nền tảng toán học của khoa học tự nhiên và vấn đề phương pháp luận. Ông ấy lại khuyên tôi nên theo đuổi cuộc đời lao động trí óc hơn là đời lính - nguy hiểm nhưng vô tích sự! Hai chúng tôi trở thành bạn thân kể từ dạo ấy, và năm sau, 1619, tôi tặng công trình đầu tay của tôi cho Beeckman làm quà năm mới. Đó là quyển Compendium Musicae, giải thích hòa âm trong âm nhạc dựa vào thuyết tỉ lệ trong toán học!1
🞣 Sau khi “giã từ vũ khí”, Cụ ngao du đến đâu?
R.D: Tôi sang Frankfurt để xem lễ đăng quang của vua Ferdinand II, rồi xuôi về miền Nam ở Bayern. Mùa đông ập đến sớm, tuyết phủ đầy trời, tôi kẹt lại ở Ulm suốt mấy tháng! Anh bạn biết thành phố Ulm chứ?
🞣 Vâng, có biết! Thành phố cổ kính, xám xịt, buồn thấu xương, gần Stuttgart ngày nay!
1. AT X, tr. 101.
24 • “Chat” với René Descartes
R.D: Mấy tháng bị trói chân này quan trọng với tôi lắm! Tôi có mô tả kỹ trong phần hai của Discours đó!
🞣 Thế nào ạ?
R.D: Thì trong cảnh cô liêu, không bạn bè, lại chẳng bận bịu việc gì, tôi đắm chìm vào suy tư triết học trong căn phòng trọ ấm áp, tha hồ ngao du trong thế giới tư tưởng!
🞣 Cụ khiến tôi nhớ đến cảnh Lý Bạch “nguyệt hạ độc chước”, uống rượu một mình dưới trăng!
R.D: Làm gì có rượu, có hoa như Lý Bạch!1. Toàn bão tuyết và bão tuyết thôi! Sau một ngày nỗ lực suy tư, tôi mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Đó là đêm 10, rạng ngày 11.11.1619, không thể nào quên!
🞣 Giấc ngủ thì có gì đáng nhớ, thưa Cụ?
R.D: Vì tôi trải qua ba cơn mơ sẽ định hướng cả đời tôi! Tôi ghi lại trong sổ tay, nay đã mất, nhưng được Adrien Baillet, người đầu tiên viết tiểu sử của tôi2, ghi lại tận tường.
1. Lý Bạch, Nguyệt hạ độc chước: “... Hoa gian nhất hồ tửu/ Độc chước vô tương thân...” (Giữa bụi hoa với bình rượu, uống một mình không có ai cùng cạn).
2. Adrien Baillet, La Vie de M. Des-Cartes, 2 tập, Paris, 1691.
“Chat” với René Descartes • 25
🞣 Thú vị quá, xin Cụ kể lại cho nghe!
R.D: Cơn mơ thứ nhất, tôi thấy mình bị một cơn gió lốc tạt mạnh vào bên trái, khiến không đứng vững được nữa. Tôi cố chạy vào ngôi nhà thờ bên vệ đường để tránh bão, nhưng không được. Bỗng nhiên tôi nghe như có ai gọi, và một người lạ mặt trong sân nhà thờ trao cho tôi gói quà nhờ trao lại cho ông N. nào đó. Quà tặng là một quả dưa từ vùng đất lạ. Tôi chợt tỉnh lại, thấy đau nhói bên trái và kinh hoàng suốt cả tiếng đồng hồ vì nghĩ rằng có vị ác thần nào đó muốn ám hại tôi.
🞣 Cụ ngủ lại được chứ?
R.D: Vừa chợp mắt lại, cơn mơ thứ hai ập đến. Lần này còn kinh khủng hơn! Tôi nghe một tiếng sét đinh tai và thấy mình bị mắc kẹt trong một căn phòng đầy lửa chớp sáng lòe. Tôi cố ngủ lại và may là cơn mơ thứ ba êm dịu hơn nhiều. Tôi thấy trên bàn có hai quyển sách, đó là một từ điển và một tập thơ. Mở tập thơ xem thử thì gặp câu của Ausonius: “Quod vitae seetabor iter?” (Tôi sẽ chọn nẻo đường đời nào đây?). Rồi bỗng một người xa lạ xuất hiện, trao tôi một bài thơ, bắt đầu với ba từ “Est et non” (Tồn tại và không tồn tại). Tôi đoán câu bí hiểm này cũng của Ausonius, muốn tìm lại tập thơ thì không còn thấy nữa. Người đàn ông cũng biến mất, và trong cơn mơ màng, tôi đã thấy mình bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của ba cơn mơ!
26 • “Chat” với René Descartes
🞣 Thưa Cụ, “motif” của ba cơn mơ khá quen thuộc trong lịch sử triết học như là báo hiệu một sự... hồi đầu thị ngạn, quay đầu lại thấy bờ! Ta nhớ đến “thị kiến” của Rodophilus Staurophorus trong quyển Raptus philosophicus (công bố năm 1619), nhưng không thấy có liên quan trực tiếp nào đến Cụ. Bao nhiêu nhà viết tiểu sử về Cụ tìm cách giải thích nó, kể cả theo phương pháp phân tâm học, nhưng quan trọng là chính Cụ “đoán điềm giải mộng” như thế nào!
R.D: Tôi thì nghĩ rằng hai cơn mơ đầu thức tỉnh tôi khỏi lối sống trước nay. Trong cơn mơ thứ nhất, tôi bị ngăn không cho đến được nhà thờ, có nghĩa tôi bị ngăn cản trước sứ mệnh thật sự của đời mình. Cơn bão là tà thần ngăn bước chân tôi. Quả dưa không nhận được tận tay đó là lời khuyến dụ nên sống cô đơn, ẩn dật. Tiếng sét và ánh lửa chớp sáng lòe trong cơn mơ thứ nhì là “dấu hiệu của chân lý”. Quyển từ điển trong cơn mơ thứ ba hẳn nhiên là biểu trưng của toàn bộ khoa học; tập thơ là biểu trưng cho triết học và sự hiền minh. Câu thơ “Est et non” của Ausonius - vốn là một nguyên lý của Pythagoras - biểu trưng cho việc đúng sai. Cả ba cơn mơ là dấu hiệu kêu gọi tôi... “đáo bỉ ngạn”, hãy sang bờ bên kia thôi!
🞣 Thế là Cụ dứt khoát giã từ binh nghiệp, bắt đầu chọn con đường lao động trí óc? Ba cơn mơ không chỉ làm thay đổi đời Cụ, mà còn thay đổi cả vận mệnh của triết học Tây phương đấy, Cụ ạ!
“Chat” với René Descartes • 27
R.D: Đúng thế, tôi sang Đức, Hà Lan, Ý, rồi năm 1625 về cư trú ở Paris, nơi có thể giao du với nhiều bậc thức giả. Ở đây, tôi gặp lại đồng môn ở La Flèche là Marin Mersenne, anh ấy thông tin cho tôi về bao ngành khoa học mới mẻ, và suốt đời tận tụy giúp tôi công bố tác phẩm.
🞣 Thưa Cụ, từ 1626-1628, Cụ lao mình vào nghiên cứu khoa học, từ quang học, đại số học đến lý thuyết về tri giác. Định luật khúc xạ cũng được phát hiện thời kỳ này. Nhưng đáng chú ý là Cụ bắt đầu khởi thảo công trình phương pháp luận đầu tiên: Regulae ad directionem ingenii (Các quy tắc để hướng dẫn lý trí) từ 1619-1620. Nhưng sao Cụ không hoàn tất và cho in vào lúc sinh tiền?
R.D: À, do tôi phát minh nhiều thứ quá! Nào là trong hình học, đại số, vật lý học! Khó có thể tích hợp hết vào một tác phẩm duy nhất. “Tôi buộc phải phác họa một đề án mới, lớn hơn nhiều so với đề án ban đầu này, giống như kẻ đang làm nhà thì đột ngột giàu to, phải thay đổi thiết kế, vì ngôi nhà trước đã trở nên quá bé. Người ta không thể trách anh ta tại sao lại bắt đầu xây một ngôi biệt thự cho xứng với tài sản mới của mình!”1.
1. AT I, tr. 138.
28 • “Chat” với René Descartes
3
Ngôi nhà mới
🞣 Cụ dự định xây “Ngôi nhà mới” có hình thù ra sao ạ?
R.D: Là... cả một “Thế giới” (Le Monde)! Đó sẽ là một đại công trình giải thích toàn bộ những hiện tượng tự nhiên trên cơ sở vật lý cơ học!
🞣 Cụ hoàn tất công trình vĩ đại này ngay tại Paris? R.D: Không, mới chỉ sơ thảo!
🞣 Thế tại sao vào cuối năm 1628, Cụ lại gần như vĩnh viễn rời bỏ Paris để sang Hà Lan định cư suốt hai mươi năm tiếp theo? Rời bỏ quê hương, nhất là Paris hoa lệ với học giới luôn sôi động ắt có lý do gì sâu xa, thưa Cụ!
R.D: Tôi ít nói về chuyện này với ai, ngoài mấy lá thư cho bạn thân là Mersenne và luôn căn dặn ông ấy không nên công bố!
“Chat” với René Descartes • 29
🞣 Hà Lan là quốc gia Tin Lành; Pháp, quê hương Cụ, là Công giáo toàn tòng, Cụ không định cải đạo chứ?
R.D: Tuyệt nhiên không! Tôi chẳng suy nghĩ gì về đức tin và cũng chẳng muốn dính dáng đến sự xung đột tín ngưỡng và ý thức hệ! Dù sao, nước Hà Lan Tin Lành cởi mở và thông thoáng hơn nước tôi, tiện cho việc công bố các nghiên cứu khoa học rất nhiều! Cũng nên nhắc đến một biến cố chính trị: năm 1610, vua Henri IV bị ám sát. Chính sách ít nhiều khoan dung tôn giáo của vị vua này cũng có nguy cơ kết thúc. Nước Pháp trở nên ngột ngạt với tôi quá!
🞣 Thế sao Cụ lại chọn thành phố Franeker nhỏ xíu, có ghi danh đại học, nhưng rồi lại thay đổi chỗ ở liên tục, hết Amsterdam, Leiden đến Haderwick, Haarlem và Egmond. Có người ví Cụ như người Do Thái lang thang trên sa mạc! Làm khoa học cách xa các thành phố và các trung tâm khoa học lớn, thật khó hiểu, thưa Cụ?
R.D: Tính tôi thích ẩn dật, muốn tìm nơi thanh vắng để sống và làm việc, ít bị ai quấy rầy! Nhưng sống cuộc đời của một học giả độc lập, vẫn làm việc được dù thường xuyên thay đổi chỗ ở, thậm chí giấu cả địa chỉ, lại là nét đặc sắc của thế kỷ 17!
🞣 Thưa Cụ, vào cuối thời trung cổ, các đại học lớn đã được thiết lập như là trung tâm của nghiên cứu và giảng dạy. Ai muốn nghiên cứu và công bố khoa học phải làm giáo sư và thành viên của tầng lớp xã hội được ưu đãi.
30 • “Chat” với René Descartes
Tại sao tình hình bắt đầu thay đổi từ thế kỷ 16 và 17, thưa Cụ?
R.D: Đâu có gì lạ! Khi đại học trở nên xơ cứng, giáo điều, xa rời cuộc sống, thì giới học giả ngoảnh lưng lại thôi! Chúng tôi tiến hành nghiên cứu tại gia hay trong vòng thân hữu riêng tư. Một số người, như Pierre Gassendi1 được một nhà hảo tâm bảo trợ, còn như tôi thì phải tự kiếm sống, khá bấp bênh, bù lại, được tự do thoải mái!
🞣 Thế làm sao công bố tác phẩm, thưa Cụ? Tượng Descartes ở Amsterdam, Hà Lan.
1. Pierre Gassendi (1592-1655).
“Chat” với René Descartes • 31
R.D: Thời trước, phải công bố dưới dạng sách đại học, gọi là Tổng luận hay Chú giải, bây giờ chúng tôi công bố dưới dạng tự do hơn, bằng các chuyên luận nhỏ, bàn riêng về từng vấn đề. Học giả ở rải rác khắp Âu châu, không còn giao lưu qua kênh truyền thống của đại học nữa mà bằng con đường thư từ để trao đổi thông tin và hợp tác khoa học.
🞣 Hèn gì trong toàn tập của Cụ gồm 11 tập (gọi là Toàn tập Adam - Tannery), cả năm tập đầu toàn là thư từ khoa học. Nhiều chủ đề trọng yếu (chẳng hạn “các chân lý vĩnh cửu” hay phân loại các khái niệm cơ bản của siêu hình học) đều chỉ được bàn qua những bức thư!
R.D: Đúng thế đấy! Các bạn muốn nghiên cứu về chúng tôi, không nên chỉ đọc các tác phẩm đã được công bố lúc sinh thời hay di cảo. Đừng quên đọc những lá thư nhé!
🞣 Trở lại với ngôi đại hạ “Thế giới”, thưa Cụ!
R.D: Ngay khi sang Hà Lan, tôi tiếp tục nghiên cứu hình học, đại số, quang học, rồi tập trung vào sinh lý học và cơ thể học. Đi thăm các... lò mổ để tìm hiểu sâu về cơ thể học!
🞣 Cụ quên triết học rồi sao?
R.D: Đâu có! Bên cạnh toán học và khoa học tự nhiên, ngay từ 1630, tôi đã bắt đầu đào sâu các vấn đề siêu
32 • “Chat” với René Descartes
hình học. Trong thư gửi cho Mersenne, tôi thông báo dự định soạn một “khảo luận về siêu hình học”, bàn về sự hiện hữu của Thượng đế và sự bất tử của linh hồn, hai chủ đề nổi bật vào đầu thế kỷ 17 đối với triết học và thần học. Sau này, trong lá thư cho khoa thần học của đại học Sorbonne (Paris), tôi gọi đó là hai vấn đề trung tâm của quyển “Những suy niệm siêu hình học” (từ đây viết tắt là Meditationes) của tôi1.
🞣 Vậy là không thể phân chia một cách máy móc “thời sơ kỳ” khoa học tự nhiên và “thời hậu kỳ” siêu hình học nơi Cụ, phải không ạ!
R.D: Tùy anh bạn! Chỉ biết tôi luôn bận tâm về mọi thứ, và nghiên cứu theo nhu cầu tự thân!
🞣 Từ 1630 đến 1633, Cụ tích cực triển khai “Le Monde”. Phần một, Cụ bàn về cấu trúc của vật chất và các cơ sở của cơ học; phần hai về vũ trụ học và quang học. Nhờ các nghiên cứu về cơ thể học và sinh lý học, Cụ lại soạn Traité de l’homme (Luận về con người), bổ sung vào Le Monde. Cụ định công bố luôn một lượt, nhưng giờ chót lại đột ngột tạm ngưng! Sao thế Cụ? Hậu sinh chúng tôi nghi rằng việc này có liên quan đến vụ đại án của Galileo, đúng không Cụ?
R.D (cười, khá cay đắng!): Có thế thật! Galileo bị kết án năm 1633 do chủ trương thuyết nhật tâm (trái đất quay
1. AT VII, tr. 1.
“Chat” với René Descartes • 33
quanh mặt trời!). Vừa nghe hung tin, tôi viết thư ngay cho Mersenne, bảo rằng thế này thì chưa thể công bố Le Monde được rồi! Lý do khoa học: nếu quả trái đất quay quanh mặt trời là sai, thì toàn bộ cơ sở triết học của tôi cũng sai!1 Nhưng lý do chính: tôi không muốn nhân nhượng, thà sách không in được còn hơn phải tự kiểm duyệt đến tan nát! Bảo tôi... hèn nhát cũng đành chịu!
🞣 Thưa Cụ, nhưng trong Le Monde, Cụ đâu có công khai đề xướng thuyết nhật tâm! Cụ nhấn mạnh rằng những nghiên cứu của Cụ chỉ “thuần túy là giả thuyết” thôi mà! Còn nhớ Cụ viết rõ ràng: “Mục đích của tôi không phải là giải thích sự vật đúng như trong thế giới hiện thực, mà chỉ là thế giới do tôi phác họa một cách tùy ý, trong đó không có gì mà kẻ có đầu óc bình thường nhất lại không hiểu được - tức một thế giới có thể được sáng tạo nên đúng như những gì tôi đã phác họa”2. Cẩn thận đến thế mà Cụ?
R.D: Thì phán quyết của Tòa án dị giáo đối với Galileo cũng đâu có khác gì? Galileo vẫn bị quy kết là sai lầm và lạc giáo, cho dù ông ta khẳng định rằng đó chỉ là một giả thuyết thôi!3
🞣 Thế “xoay xở” làm sao, hở Cụ?
1. AT I, tr. 271.
2. AT I, tr. 306.
3. AT I, tr. 480.
34 • “Chat” với René Descartes
R.D: Cũng có cách chứ! Tôi không những không từ bỏ nghiên cứu, mà còn tìm cách công bố... từng phần của Le Monde! Năm 1637, tôi in luôn một lượt ba quyển: La Dioptrique (Quang học), bàn cả về lý thuyết tri giác; Les Météors (Các thiên thể) xét các hiện tượng thiên nhiên riêng lẻ (ví dụ mây, bão tố và cầu vồng) và La Géométrie (Hình học), đặt cơ sở cho hình học giải tích. Tôi tận dụng tư liệu từ Le Monde, nhưng cẩn thận tránh đụng chạm đến nhà thờ! Khổ thế đấy!
🞣 Thưa Cụ, ba quyển ấy gây chấn động giới học giả quốc tế, thu hút rất nhiều các bình luận, điểm sách, cả phê bình của nhiều nhân vật nổi tiếng, như của nhà toán học Pierre Fermat về quang học và hình học; rồi của Gilles de Roberval, giáo sư toán học nổi tiếng của Collège de France (Pháp quốc Học viện)... Tuy nhiên, thái độ của Cụ lại...
R.D (cười): Không xem ai ra gì chứ gì? Tôi trả lại thư của Fermat mà không thèm đọc! Thư ấy chỉ lặp lại những gì tôi đã viết trong La Géométrie mà thôi. Còn G. d. Roberval thì dốt đặc! Tôi nói riêng với Mersenne: “Người như thế mà cũng được gọi là sinh vật có lý trí thì lạ thật!”. Còn với mấy ông khác, như Pierre Petit thì đúng là “con chó con cứ lẵng nhẵng sau chân!”. Thư của Jean de Beaugrand thì tôi bảo chỉ đáng dùng làm giấy... toilette!
🞣 Cụ... khó chơi thật đấy!
“Chat” với René Descartes • 35
R.D (lại cười): Tại tôi quá tự phụ và tự tin! Tuổi trẻ mà! Tôi viết cho Mersenne: “Này, mọi người không chỉ cần tin rằng tôi đã làm được nhiều chuyện quan trọng hơn bao người đi trước, mà còn phải nhớ rằng: bọn hậu sinh có khám phá được điều gì hay ho thì đừng quên tôi cũng thừa sức làm như thế, nếu tôi chịu khó bỏ chút công ra!”1. Tôi dặn Mersenne chớ công bố mấy thư riêng này, bởi tôi biết, với tính khí như thế, khó còn ai muốn giao du với tôi!
🞣 Thưa Cụ, thế luận văn thời danh Discours de la Méthode của Cụ ra đời lúc nào?
R.D: Nhan đề đầy đủ là thế này: “Discours de la Méthode pour bien conduire sa raison et chercher la vérité dans les sciences” (Luận văn về Phương pháp để chỉ đạo tốt lý trí và tìm chân lý trong các ngành khoa học). Tôi viết và in thành Lời dẫn nhập khá dài cho bộ ba vừa nói đấy chứ ở đâu nữa!
🞣 Cụ cực kỳ nổi tiếng nhờ luận văn này, thưa Cụ! Cách viết cũng hấp dẫn lạ thường!
R.D: Nội dung ta sẽ bàn sau. Nói ngay: tôi cố tình viết dưới dạng tự thuật với văn phong nhẹ nhàng, thoải mái cho đông đảo người đọc, chứ không dành riêng cho mấy ông bà chuyên gia! Tôi muốn mời gọi mọi người “hồi đầu thị ngạn” bằng phương pháp mới, vì kỳ cùng,
1. AT IV, tr. 2.
36 • “Chat” với René Descartes
ai ai cũng có đầu óc giống nhau, ai ai cũng có hạt mầm chân lý nơi chính mình do tự nhiên ban cho cả!
🞣 Chưa bàn vội về nội dung của luận văn, nhưng xin Cụ giới thiệu sơ qua...
R.D: Mở đầu, tôi tường trình chuyện bản thân mình đi từ những bối rối ban đầu sang con đường mới như thế nào. Rồi tôi không chỉ bàn sâu về Phương pháp mà còn nêu các luận điểm siêu hình học chủ yếu và bất biến của tôi: sự tồn tại của Thượng đế và sự bất tử của linh hồn. Tôi còn phác họa cả cương lĩnh về một “đạo đức học lâm thời”!
🞣 Cụ viết thật sáng sủa, dễ hiểu, tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn. Và thật không ngờ, trong phần bốn của luận văn - chứ không phải trong quyển Meditationes cực kỳ nhức đầu - người đọc chúng tôi tìm thấy luận đề trứ danh của Cụ: “Je pense, donc je suis”! (Tôi suy nghĩ, vậy... là có tôi!)1.
1. AT VI, tr. 32 (cách dịch của cố Giáo sư Trần Văn Toàn, theo ghi lại của Phó Giáo sư Trần Hữu Quang) (xem Phụ lục 1 ở cuối sách: “Descartes và Bacon”).
“Chat” với René Descartes • 37
4
Từ “Những suy niệm” đến... Bà hoàng Thụy Điển!
🞣 Cụ thật sự tập trung vào các vấn đề triết học lúc nào, thưa Cụ?
R.D: Các năm 1637-1640, tôi tập trung ngày càng nhiều vào các vấn đề siêu hình học và nhận thức luận và tiếp tục hoàn tất đề án đã phát thảo từ 1630, đó là một “Khảo luận nhỏ về siêu hình học” bàn về sự hiện hữu của Thượng đế và sự bất tử của linh hồn. Thế là hình thành Meditationes de prima philosophia (Những suy niệm về Đệ nhất triết học) xuất bản ở Paris bằng tiếng La-tinh năm 1641, sau đó (1647) được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề “Les Méditations métaphysiques” (Những suy niệm siêu hình học).
🞣 Sao Cụ không dùng lối văn nghị luận mà chọn lối “suy niệm”?
R.D: Cách này thoải mái hơn, nhưng chính yếu là để phát triển tư tưởng từ “ngôi thứ nhất”. Tôi kêu gọi
38 • “Chat” với René Descartes
người đọc chia sẻ và đồng hành với tôi trên từng chặng đường: “Tôi chỉ chuộng những người đọc thực sự cùng suy niệm với tôi một cách nghiêm chỉnh, những người mong muốn cũng như có thể trút bỏ hết mọi định kiến khỏi đầu óc và giác quan của mình”1.
🞣 Quyển Meditationes có lối văn sáng sủa, trang nhã, nhưng thực ra rất khó đọc, Cụ ạ! Nó là một tác phẩm phức hợp, cực kỳ có hệ thống, chặt chẽ theo từng bước suy tưởng, Cụ gọi là “ordre des raisons”!2 Nếu không tập trung và thiếu... định lực thì khó thấy chỗ sâu xa của nó! Nhưng có vẻ lần này thái độ của Cụ đã khác trước: sẵn sàng đón nhận ý kiến để trao đổi, đối thoại...
R.D: Có thế! Tôi không hài lòng lắm với ấn bản thứ nhất nơi nhà Michel Soly ở Paris, nên chuẩn bị ngay ấn bản thứ hai, in tại nhà Elzevier ở Amsterdam, Hà Lan. Khác với ba tập trước đó, lần này, ngay trước khi in lần đầu, tôi đã gửi bản thảo cho nhiều nhà triết học và thần học tên tuổi và đề nghị họ cho ý kiến. Nhận được bảy bản chất vấn với nhiều thắc mắc, phản bác, tôi viết bảy bài trả lời rành mạch, chu đáo. Tôi cho in luôn sáu chất vấn và trả lời vào ấn bản thứ nhất, chất vấn và câu trả lời thứ bảy trong ấn bản lần hai. Rất sòng phẳng!
🞣 Ngưỡng mộ Cụ! Xin Cụ kể chi tiết một chút về các vị này, còn nội dung... để dành sau...
1. AT VII, tr. 9.
2. Xem Phụ lục 2 ở cuối sách: “Tóm lược lập luận trong “Những suy niệm siêu hình học” của Descartes”.
“Chat” với René Descartes • 39
R.D: Đủ loại học giả với đủ loại tính khí! Nhà thần học kinh viện Caterius quan tâm đặc biệt đến các luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế. Ông này thật ra nêu thắc mắc để nhờ tôi làm rõ hơn là phản bác (Chất vấn 1). Chất vấn 2 và Chất vấn 6 đến từ một nhóm các triết gia và nhà thần học do Mersenne tập hợp lại; Chất vấn 3 đến từ “đại ca” Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia Anh, hơn tôi 8 tuổi! Lý thuyết duy vật của “huynh” ấy về tinh thần tất nhiên trái ngược hẳn với thuyết nhị nguyên của tôi! Chất vấn thứ tư là của triết gia và nhà thần học Pháp Antoine Arnault, chủ yếu liên quan đến lý thuyết về các ý niệm và các hệ quả thần học của nền siêu hình học do tôi chủ xướng. Pierre Gassendi, triết gia và nhà nghiên cứu tự nhiên, chịu khó bình luận từng dòng một, từ quan điểm duy nghiệm của ông ấy (ảnh hưởng nhiều đến... chú em John Locke sau này!)1, đả kích lý thuyết về các ý niệm bẩm sinh của tôi, đó là Chất vấn số 5. Sau cùng, là Pierre Bourdin, tu sĩ dòng Tên, tỏ ra chẳng hiểu tí gì về toàn bộ tư tưởng của tôi cả mà còn lên giọng mỉa mai nữa (Chất vấn 7)! Mấy ông khác đều được tôi trả lời nghiêm túc, riêng anh chàng Bourdin xấc láo này thì bị tôi mắng thẳng thừng! Tính tôi là vậy!
🞣 Thế Cụ có gặp rắc rối gì với... các “cơ quan chức năng” không?
R.D (cười): Cũng lạ! Nhà thờ Công giáo chưa có ý kiến gì, trái lại kẻ lên tiếng phản bác dữ dội là các nhà thần
1. Bùi Văn Nam Sơn, “Chat” với John Locke, NXB Trẻ và NXB ĐHQG TP. HCM, 2016.
40 • “Chat” với René Descartes
học và triết học theo giáo phái Tin Lành Calvin! Gay gắt nhất là ông Giáo sư Gisbert Voetius ở Đại học Utrecht, Hà Lan; ông này quy kết tôi theo thuyết duy vật, vô thần và hoài nghi, thậm chí so sánh tư tưởng của tôi với một kẻ “rối đạo” đã bị thiêu sống! Toàn là những cáo buộc “chết người” lúc bấy giờ! Khi ông này lên làm Viện trưởng đại học Utrecht còn kết án tôi và học thuyết của tôi một cách công khai nữa! Năm 1643, tôi buộc phải thảo bức thư dài (Epistola ad Voetium/ Thư gửi Voetius) để tự bảo vệ mình. Trong đó, tôi nhấn mạnh: vật lý học cơ giới của tôi và thuyết nhị nguyên siêu hình học không vi phạm tín điều thần học nào hết!
🞣 “Mệt” thật, Cụ nhỉ! Còn ông đệ tử Regius của Cụ nữa!
R.D: Anh này là học trò tôi, rất nhiệt thành truyền bá triết học của tôi ở đại học Utrecht, rồi soạn một “Cương lĩnh” (Notae in Programma) tóm tắt những nguyên lý quan trọng nhất của tôi. Nhưng tóm tắt... trật lất! Bao nhiêu chỗ tinh tế trong lý luận đều bị bỏ qua, nhất là cơ sở siêu hình học của triết học tự nhiên, gây cảm tưởng rằng tôi không quan tâm gì đến vấn đề hiện hữu của Thượng đế và sự bất tử của linh hồn! Có “chết” tôi không chứ! Năm 1648, tôi buộc phải lên tiếng bác bỏ “Cương lĩnh” này!1
🞣 Trước tình thế ngày càng bất lợi như thế, Cụ đã làm gì, thưa Cụ?
1. Xem bài 32: “Triết học Descartes: mấy bước thăng trầm”.
“Chat” với René Descartes • 41
R.D: Tôi phải soạn lại cho mạch lạc chứ làm sao nữa! Năm 1644, tôi công bố bộ Principia philosophia1 (Những Nguyên lý của triết học) theo kiểu sách giáo khoa. Năm 1647 đã có bản dịch tiếng Pháp và tôi viết Lời tựa, trình bày cơ sở phương pháp luận của tôi. Lúc đầu định có 6 phần, gồm cơ sở siêu hình học, nhận thức luận, triết học tự nhiên và cả những thành tựu khoa học tự nhiên nữa, nhưng tác phẩm chưa thể hoàn chỉnh. Quyển ngắn hơn Recherche de la vérité par la lumière naturelle (Đi tìm chân lý nhờ ánh sáng tự nhiên) dưới dạng đối thoại cũng cùng chung số phận.
🞣 Bản thảo nhỏ này chỉ tìm được sau khi Cụ mất và công bố năm 1701 bằng bản dịch tiếng La-tinh, Cụ ạ! Ngày nay, trong đại học, tài liệu chính yếu để giảng dạy về Cụ là quyển Principia. Thế còn có những cuộc tương ngộ nào đáng nhớ trong thời kỳ này không, thưa Cụ?
R.D: Có hai cuộc! Một là trao đổi thư từ thường xuyên với Công chúa Elisabeth von Böhmen kéo dài nhiều năm. Cô công chúa mới 24 tuổi, đang tị nạn ở Hà Lan, rất quan tâm đến lý thuyết của tôi về linh hồn. Cô ấy muốn tôi đào sâu quan hệ giữa thân xác và linh hồn, nhất là việc hình thành và các chức năng của xúc cảm. Tôi tập hợp những trao đổi này vào tác phẩm sinh lý học tâm lý gọi là Les passions de l’âme2 (Những xúc cảm của linh hồn) in năm 1641. Trong sách này, tôi phân loại các dạng xúc cảm khác nhau dựa vào thuyết nhị
1. Từ đây viết tắt là “Principia”.
2. Từ đây viết tắt là “Passions”. Xem Phụ lục 3 ở cuối sách.
42 • “Chat” với René Descartes
nguyên hồn - xác. Tôi dành tặng bản tiếng Pháp của Principia cho Công chúa.
🞣 Còn cuộc thứ hai, thưa Cụ!
R.D: Là với một sinh viên trẻ người Hà Lan tên là Frans Burman vào tháng 4.1648. Burman nêu nhiều câu hỏi chi tiết và tôi đã nhiệt tình giải đáp. Sau này Burman ghi lại với nhan đề Trò chuyện với Burman. Nhiều chỗ tối tăm trong công trình của tôi được minh giải qua cuộc trò chuyện này!
🞣 Bấy giờ Cụ đã 52 tuổi, Cụ vẫn tiếp tục say mê nghiên cứu?
R.D: Đúng thế, tôi cho cậu Burman biết ý định soạn một khảo luận về sinh lý học (sau này, năm 1664, công bố di cảo với nhan đề Description du corps humain (Mô tả cơ thể con người)), và tôi cũng rất thích thú với các công trình về vận hành của các thiên thể.
🞣 Thưa Cụ, Cụ sống ẩn cư thanh tịnh ở vùng quê hẻo lánh suốt 20 năm, chỉ quan hệ với bên ngoài bằng thư từ. Nhưng qua thư từ, cũng được biết Cụ là người giàu tình cảm với người thân, bạn bè chứ đâu phải một nhà “duy lý” khô khan, suốt đời chỉ biết sách vở và nghiên cứu. Xin Cụ kể một chút về đời tư của Cụ...
R.D: Không có gì nhiều để kể đâu! Tôi kết giao nhiều bạn hữu, nhưng chỉ thuần túy tinh thần! Một lần duy
“Chat” với René Descartes • 43
nhất lạc bước vào... cái “res extensa”1, dan díu với nàng Hélène, sinh ra cháu gái Francine dễ thương vô cùng vào năm 1635. Chúng tôi dự định sau này sẽ đưa cháu sang Pháp học hành, không ngờ cháu mệnh bạc, mất năm lên 5 tuổi, khiến tôi đau buồn và suy sụp vô cùng, thậm chí nghi ngờ cả lòng lành của Thiên Chúa và từ đó không còn có con cái gì nữa!
🞣 Xin thành thật chia buồn cùng Cụ! Chúng tôi nhớ mãi nhận xét của Cụ khi kết thúc quyển Les Passions de l’âme: “Nhưng sự hiền minh là cốt giúp ta việc sau đây: biết làm chủ được cảm xúc và khéo léo xử trí với chúng, khiến cho có thể chịu đựng được cái xấu do chúng gây ra và thậm chí, từ đó, có được niềm vui sống”2. Và... thưa Cụ, rồi từ đâu có lời mời... oan nghiệt vào tháng 2 năm 1649?
R.D (cười buồn): “Cả nể cho nên hóa dở dang!”3. Tháng 2 năm ấy, nữ hoàng Christina của Thụy Điển - trao đổi thư từ với tôi từ lâu và đã đọc thật kỹ quyển Principia của tôi - tha thiết mời tôi đích thân sang giảng dạy triết học cho bà. Ngần ngại lắm nhưng rồi cũng đồng ý! Thế là chớm thu năm ấy, tôi sang!
🞣 Chỉ vì “cả nể” thôi sao, thưa Cụ?
1. “Bản thể vật chất có quảng tính!”. Xem bài 21.
2. AT XI, tr. 488.
3. Thơ Hồ Xuân Hương: Chửa hoang.
44 • “Chat” với René Descartes
Descartes (phải) và Nữ hoàng Thụy Điển.
R.D: Thật ra, khi quyết định chấp nhận lời mời, tôi cũng... ấp ủ một hoài bão! Chính nhà ngoại giao Pháp Hector-Pierre Chanut, người chắp nối mối quan hệ giữa tôi và triều đình Thụy Điển, cho biết Nữ hoàng Christina có tham vọng xây dựng ở Stockholm một viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật tầm cỡ cho toàn khu vực Bắc Âu. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội được góp sức mình vào việc lớn lao ấy, nên muốn... thử thời vận xem sao!
🞣 À, đúng rồi, việc làm cuối cùng đáng ghi nhớ của Cụ là đã trao tận tay Nữ hoàng đề cương và quy chế xây dựng Viện Hàn Lâm Thụy Điển, nơi sẽ lừng danh với giải Nobel sau này! Vinh dự và niềm an ủi lớn cho Cụ!
“Chat” với René Descartes • 45
Tuy nhiên, thưa Cụ, tài liệu ghi lại cho biết chuyến đi sang đất nước “của gấu, núi đá và băng tuyết” này cũng đã thật làm khổ cho Cụ! Quen ung dung thư thái, thức khuya, dậy muộn, nay cứ mới 4 giờ sáng đã phải lặn lội “vào chầu” giữa cái giá lạnh Bắc Âu! Ngay mùa thu năm đó, Cụ đã ngã bệnh. Đến tháng giêng 1650, Cụ vẫn bắt đầu khóa dạy một tuần ba buổi vào lúc 5 giờ sáng cho Nữ hoàng. Non tháng sau, ngày 11.2, Cụ đã qua đời!
Mộ của Descartes ở Paris.
46 • “Chat” với René Descartes
R.D (thở dài): Bọn triều thần còn bắt tôi... làm thơ chúc mừng sinh nhật Nữ hoàng nữa đấy! Ôi thôi...
🞣 Thương Cụ bao nhiêu khi đọc những dòng nhật ký của Cụ: “Đầu óc bị đông cứng không khác gì nước trong mùa đông... Tôi không chịu nổi tình cảnh ở đây, chỉ mong được yên tĩnh và nghỉ ngơi - những báu vật mà không một hoàng đế hùng mạnh nhất nào trên trái đất có thể ban cho ta được, nếu bản thân ta không biết tự mình giữ lấy...”1.
1. AT V, tr. 467.
“Chat” với René Descartes • 47
5
Một lần nữa, xin hỏi...
Cụ là ai?
Thưa Quý vị và các bạn!
Lược qua đôi chút về hành trình trí thức của Descartes, ta đã thấy cụ không theo đuổi một đề án triết học duy nhất, có thể rút gọn vào vài luận điểm cơ bản, mà trải dài qua nhiều chặng đường. Cụ lại hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Câu hỏi đặt ra: ngày nay, nên tiếp cận cụ như thế nào, để vừa học hỏi được từ cụ về triết học, đồng thời đặt và hiểu sự nghiệp của cụ trong bối cảnh lịch sử đương thời?
Descartes, trước hết và trên hết, là đại triết gia về ý thức và là nhà nhận thức luận với luận cứ nổi tiếng về cái Tôi-tư duy (Cogito). Người chủ xướng cách hiểu này không ai khác hơn là Hegel! Hegel hào hứng: “Ở đây, ta có thể nói mình đã về đến nhà, và giống như những thủy thủ sau bao ngày lênh đênh trên biển cả đầy sóng gió, đã
48 • “Chat” với René Descartes
có thể reo lên: đất liền đây rồi!”1. Đất liền mà Hegel muốn nói chính là sự tự xác tín tối hậu của chủ thể. Có “tối hậu” thật hay không thì lại là vấn đề còn tranh cãi từ sau Hegel! Nhưng nhìn chung, hầu như ai cũng đồng ý như thế, dù theo hay chống Hegel! Trường phái Kant mới (ví dụ Paul Natorp) luôn xem nhận thức luận của cụ là nền tảng của triết học hiện đại. Tuy phê phán Hegel, nhưng Edmund Husserl2 cũng đồng tình rằng sự hiển nhiên của “cái Tôi” là hạt nhân của cương lĩnh Descartes, bởi đó là điểm xuất phát của nhận thức vững chắc. Trào lưu triết học phân tích (Anh - Mỹ) - không thích Hegel lẫn phái Kant mới! - vẫn xem Descartes là người tạo nên được “cơ sở” (foundation), để từ đó xây dựng lên từng bước. Vì thế, theo họ, cần tái dựng và đánh giá từng bước các lập luận ấy (nhất là trong Meditationes). Đặc biệt, Richard Rorty vẫn xem nhận thức luận của cụ là “đệ nhất triết học mới mẻ”, nhưng lại yêu cầu phải... chia tay với cụ, bởi việc cho rằng ta có thể ưu tiên tiếp cận một cách không thể nghi ngờ với chính mình là “hiểm họa” đối với triết học hiện đại3! Nhiều người không đồng ý với Rorty, nhưng ai cũng nhất trí rằng nhận thức luận là hạt nhân của cương lĩnh triết học của cụ, và muốn hiểu cụ, không thể bỏ qua lập trường và những hệ quả của nó (xem bài 31).
1. Hegel, Vorlesung über die Geschichte der Philosophie III (Các bài giảng về Lịch sử triết học III), tập hợp Tác phẩm, tập XX, Frankfurt/M, 1971, tr. 120.
2. E. Husserl, Cartesianische Meditationen (Các suy niệm kiểu Descartes), Hamburg 1977, tr. 23.
3. Richard Rorty, Philosophy and the Mirror of Nature, Oxford 1980, Chương 1.
“Chat” với René Descartes • 49
Cách hiểu khá thống nhất như thế về cụ từ cả hai truyền thống (Âu châu lục địa và Anh - Mỹ) lại bị cách hiểu thứ ba công kích! Đó là từ các nhà nghiên cứu lịch sử khoa học. Theo cách hiểu này, chính những công trình về khoa học của cụ (toán học, vật lý học, sinh lý học, vũ trụ học...) mới quyết định triết học và nhận thức luận của cụ! D. Clarke thậm chí còn bảo: “Descartes là nhà khoa học tự nhiên thực hành, nhưng tiếc rằng [sic!] thỉnh thoảng cũng viết đôi cuốn ngắn ngủn và chẳng thú vị gì về triết học”1! Nhận định... ngược đời và cường điệu ấy không phải hoàn toàn... vô lý, nếu chỉ xét về số lượng: các công trình toán học và khoa học tự nhiên của Cụ nhiều hơn hẳn các tác phẩm triết học! Vậy phải chăng cụ... lạc bước vào triết học và chỉ là một triết gia... nghiệp dư? Câu hỏi: “Cụ là ai?”, do đó, không phải... thất lễ mà từ lòng thành thật muốn tìm hiểu “chân diện mục” của cụ, như đã bày tỏ ngay từ đầu cuộc nói chuyện. “Có” cụ ở đây, sao không hỏi “đích thân” cụ nhỉ?
🞣 Thưa Cụ, những câu hỏi nhận thức luận và siêu hình học - xin lỗi Cụ trước - phải chăng chỉ là... “thừa hư đàn suối ca chim” như trong một câu thơ cổ của xứ tôi2? “Thừa hư” là nhân lúc rảnh rỗi, nhàn hạ bàn qua “chút chơi”?
1. Desmond M. Clarke, Descartes’Philosophy of Science, Manches ter, 1982, tr. 2.
2. Bích Câu kỳ ngộ: “Thừa hư đàn suối ca chim. Nửa song đèn sách, bốn thềm gió trăng...”.
50 • “Chat” với René Descartes
R.D (cười): Cậu sinh viên Hà Lan Burgman cũng đã từng hỏi tôi câu ấy đấy! Đúng là, trước nhu cầu thực tế, không nên suốt ngày đắm chìm vào những câu hỏi, tỉ như: “Thế giới có tồn tại không? Có thể nhận thức được nó không?”. Cứ thế thì không còn... “làm ăn” gì được cả! Nhưng không nên “đắm chìm” là một việc, còn không nên đặt những câu hỏi như thế lại là chuyện khác! Ta phải đặt ra chứ, chí ít thì cũng như là những “giả thuyết làm việc”, hay như tôi đã nói ngay đầu Suy niệm thứ nhất1, ai ai cũng nên “ít nhất một lần trong đời” tự đặt mình vào trạng thái hoài nghi triệt để để tự thử thách và tự vượt qua!
🞣 Thưa Cụ, nói ngắn gọn, phải chăng có hai cụ... Descartes, từ đó có hai lối vào? Một Descartes của toán học và khoa học tự nhiên và một Descartes triết gia?
R.D (lại cười): Các anh chị hậu sinh còn tư duy... “nhị nguyên” hơn cả tôi! “Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh vàng?”2. Thôi, hãy cứ đọc kỹ mô hình quyện chặt khoa học tự nhiên và triết học mà tôi đã viết trong Lời tựa ấn bản tiếng Pháp của bộ Principia đi!3 Tôi bảo thế này: “Toàn bộ các ngành khoa học có thể ví như một cây đại thụ. Rễ của nó là siêu hình học, thân của nó là vật lý học, còn các cành nhánh của nó là các môn học còn lại, chia làm ba nhóm chính: y học, cơ học và đạo đức học.” Anh bạn hiểu ý chứ?
1. AT VII, tr. 17.
2. Tác giả khuyết danh, Cáo thị Cần vương.
3. AT IX - 2, tr. 14.
• 51
🞣 Thưa Cụ, hiểu mặt chữ, nhưng ý tứ thì... Tại sao lại ví với... cái cây ạ?
R.D: Là ý nói rằng mọi ngành khoa học là một thể thống nhất. Không nên phân biệt kiểu... nhị nguyên một bên là khoa học tự nhiên và bên kia là khoa học nhân văn (triết học), một bên là khoa học thường nghiệm (empirique)
và bên kia là khoa học không thường nghiệm! Ta chỉ có một thế giới và một cây đại thụ của tri thức mà thôi! Không được chuyên chú vào mục tiêu đặc thù mà lãng quên mục tiêu phổ quát, như tôi đã nói ngay từ lúc khởi đầu với quyển Regulae1: “Không nên đánh giá một khoa học ở bản thân nó, mà ở trong sự đóng góp của nó cho sự hiền minh nói chung”!
Cây tri thức
🞣 Vâng, nhưng tại sao rễ vẫn là siêu hình học, không khác mấy với quan niệm cổ truyền?
1. AT X, tr. 360.
52 • “Chat” với René Descartes
R.D: Vừa giống, vừa khác! Tuy phản đối và đổi mới nhiều điểm trong truyền thống kinh viện Aristoteles, tôi vẫn không thấy có lý do để lay chuyển luận điểm trung tâm của nó: mọi khoa học riêng lẻ chỉ có ý nghĩa khi cùng xuất phát từ một cội rễ chung, đó là thức nhận về căn nguyên siêu hình học của tất cả.
🞣 Thưa Cụ, thú thật tôi vẫn chưa hiểu tại sao vật lý học được Cụ ví như thân cây, chứ không phải như một cây... độc lập, nếu Cụ không... cho một ví dụ dễ hiểu!
R.D: Trong thư gửi Mersenne, tôi thường bảo sáu Suy niệm của tôi không gì khác hơn là cơ sở cho vật lý học của tôi đấy1. Tại sao? Này nhé, anh có thể cứ nghiên cứu vật lý học, nhưng đừng quên rằng đằng sau nó vẫn là câu hỏi siêu hình học. Chẳng hạn, anh bạn không thể hiểu đối tượng vật lý có những thuộc tính nào, nếu trước đó không biết rằng nó chỉ là bản thể có quảng tính (res extensa) mà thôi. Nhầm lẫn nó với bản thể tư duy (res cogitans) - vốn khác về chất - là anh bạn mắc ngay sai lầm như trong quá khứ. Chẳng hạn các tác giả kinh viện thường xem trọng lượng là... “một linh hồn nhỏ”, kéo sự vật xuống đất đấy!2 Họ quên rằng sự vật, về nguyên tắc, không có thuộc tính mục đích luận nào hết để phải nhờ đến... chú em hay cô em “linh hồn nhỏ” nào đấy! Cái gì có quảng tính thì chỉ có những thuộc tính hình học và vận động mà thôi!
1. AT III, tr. 297 và tiếp.
2. AT VII, tr. 441 và tiếp.
• 53
🞣 Xin lĩnh ý Cụ! Thế còn câu hỏi nhận thức luận, có liên quan gì hở Cụ?
R.D: Khi anh bạn hỏi như tôi: có thể có một nhận thức không thể nghi ngờ về thế giới bên ngoài không, thì anh bạn phải hỏi tiếp: vì sao khiến ta nghi ngờ? Rồi, sau khi nghi ngờ thì còn lại gì không thể nghi ngờ? Như sẽ thấy, tôi cho rằng cái không thể nghi ngờ duy nhất còn lại chính là cái Tôi-tư duy (Cogito). Lại phải hỏi tiếp: cái Tôi-tư duy ấy là ai? Là cái gì? Và rút ra được gì từ nó một cách có phương pháp? Anh bạn thấy chưa, câu hỏi nhận thức luận - cũng như bất kỳ câu hỏi toán học, vật lý học nào khác... - không bao giờ là riêng lẻ, cô lập, phân mảnh mà tất cả sẽ tích hợp vào một toàn cảnh: nhận thức luận - siêu hình học - phương pháp luận.
🞣 Rút dây động rừng, theo cách nói của Việt Nam chúng tôi, thưa Cụ! Bây giờ, xin Cụ cho phép rút sợi dây... phương pháp luận trước, Cụ nhỉ, và sẽ không quên phía sau là cả một khu rừng!
54 • “Chat” với René Descartes
Phương pháp luận
6
Hai mặt trận
🞣 Thưa Cụ, phải chăng bài học đáng giá đầu tiên có tính phương pháp luận được rút ra là: quan niệm nhị nguyên trong siêu hình học là một chuyện, và người ta có thể tranh cãi về nó, nhưng áp dụng máy móc thành lối tư duy “nhị nguyên” cô lập, phân cắt lại là sai lầm...
R.D: Đúng thế, người ta thường đổ oan cho tôi lắm đấy!
🞣 Vậy xin được lĩnh giáo tư duy phương pháp luận chính thức của Cụ! Phương pháp luận của Cụ đã có những đóng góp bất hủ vào tiến bộ của khoa học. Ngay sử học, nhân học... cũng chỉ trở thành khoa học nghiêm chỉnh từ khi tiếp thu phương pháp luận của Cụ!
R.D: Công bằng mà nói, việc đổi mới triệt để phương pháp nghiên cứu khoa học là yêu cầu chung của cả thế kỷ 17 chứ không riêng gì của tôi. Từ 1620, Francis Bacon đã công bố tác phẩm chấn động “Đại Cách Tân” (Instauratio Magna) với hình ảnh ẩn dụ: con tàu nhận
56 • “Chat” với René Descartes
thức chỉ có thể cập bến “scientia activa” khi vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mảnh đất cũ xưa. Tôi chỉ là kẻ xung phong nhảy lên con tàu ấy thôi, vì tất cả chúng tôi đều khao khát cái gì mới mẻ sau những đêm dài ngái ngủ!1
🞣 Hình ảnh “con tàu” khiến tôi nhớ đến việc cụ Kant sau này cũng bảo phải khéo lái nó ra khỏi hai tảng đá ngầm chực sẵn hai bên bờ. Thời Cụ, hai tảng đá ngầm nào vậy, thưa Cụ?
R.D: Thời tôi, đó là hai phương pháp luận cựu truyền vẫn chi phối suốt thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17! Thứ nhất là phương pháp luận thần bí từ thời Phục Hưng, chịu ảnh hưởng của triết học Platon-mới, và thứ hai là phương pháp luận diễn dịch theo logic hình thức, chịu ảnh hưởng của triết học Aristoteles.
🞣 Phương pháp luận “thần bí” là sao ạ?
R.D: Là không giới hạn việc nghiên cứu tự nhiên vào những thuộc tính được tri giác trực tiếp (như hình thể, màu sắc, mùi vị,...), mà muốn đi tìm những thuộc tính hay những lực bí ẩn, mạnh mẽ chi phối sự vật! Chẳng hạn, muốn giải thích vì sao một loại cây lá hay nam châm có quan hệ với các đối tượng khác hay với sinh vật khác thì lại đi tìm những thuộc tính bí ẩn đằng sau những thuộc tính khả giác và khả kiến. Tức phải vượt ra khỏi việc đơn thuần mô tả tự nhiên.
1. Xem Phụ lục 1 ở cuối sách: “Descartes và Bacon”.
Phương pháp luận • 57
🞣 Do họ hiểu giới tự nhiên bằng một lối khác, thưa Cụ?
R.D: Đúng thế, đó là cách hiểu bí thuật (hermétique) của truyền thống Platon-mới. Với họ, tự nhiên có cấu trúc riêng, là một thứ mật ngữ cần phải từng bước giải mã. Nghiên cứu tự nhiên, do đó, không cần quan tâm đến bằng chứng và những dữ liệu biểu kiến, khách quan. Có khi lại lý giải cái biểu kiến theo cách huyền bí như trong y thuật của Paracelsus: ăn gì bổ nấy, cây, quả, củ có hình dáng ra sao sẽ chữa được bệnh nơi các bộ phận có hình dáng tương tự! Cũng... vui, nhưng bí hiểm quá!
🞣 Ý Cụ thế nào trước phương pháp luận “đặc dị” này?
R.D: Tôi phản đối ngay từ đầu! Nghiên cứu tự nhiên phải bắt đầu với những hiện tượng được quan sát và được phân tích, kiểm chứng trực tiếp, không được phép xem “lực” bí ẩn nào đó như là một định đề! Tôi viết trong Regulae: “Có một điểm tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt ở đây: ta cần phải tin chắc rằng các ngành khoa học - cho dù còn tối tăm, bí hiểm - không được phép hình thành từ những sự vật huyền bí, mà chỉ từ những gì hoàn toàn dễ dàng và sáng sủa”1.
🞣 Ví dụ, thưa Cụ?
R.D: Chẳng hạn, muốn giải thích tại sao có sự vận động từ điểm này sang điểm khác (của hòn đá), ta không được giả định một lực bí hiểm nào bên trong hay bên ngoài
1. AT X, tr. 402.
58 • “Chat” với René Descartes
hòn đá, mà từ việc thay đổi vị trí với những đặc điểm rõ ràng: độ lớn, sức nặng,... Trả lời bằng lực vận động bí ẩn không khác gì không trả lời gì cả. Trái lại phải tìm những quy luật của sự vận động và đặt chúng vào trong những định luật tự nhiên nói chung. Mục đích của nghiên cứu khoa học là mô tả hiện tượng riêng lẻ, rồi thâu gom nó vào dưới một định luật phổ quát (được diễn đạt kiểu toán học càng tốt)!
🞣 Vâng, đã hiểu ý Cụ! Còn phương pháp luận thứ hai?
R.D: Là của các nhà kinh viện theo phái Aristoteles! Họ cho rằng cái biết chắc chắn và hiển nhiên là dựa vào những chứng minh không thể suy suyển dưới hình thức tam đoạn luận diễn dịch, ví dụ: “Mọi người đều là sinh vật/ Socrates là người/ Socrates là sinh vật!”. Kết luận ấy là đúng vì hai tiền đề đều đúng.
🞣 Cụ nghĩ sao ạ?
R.D: Rỗng tuếch và vô bổ! Thậm chí là “ngụy biện” (petitio principii) nữa! Và chẳng bao giờ mang lại được tri thức gì mới mẻ cả!
🞣 Lời phê bình nặng nề thật! Xin Cụ giải thích hộ Quy tắc 10 sau đây trong Regulae: “Để làm rõ hơn rằng nghệ thuật lập luận này chẳng đóng góp chút gì vào nhận thức chân lý cả, ta phải ghi nhớ rằng, với nghệ thuật của mình, các nhà biện chứng không thể xây dựng được bất kỳ tam đoạn luận nào với một kết luận đúng, ngoài việc
Phương pháp luận • 59
họ đã có nội dung ấy ngay từ trước, nghĩa là ngoài việc họ đã biết tỏng cái chân lý sẽ được suy luận ra”1.
R.D: Dễ hiểu quá thôi mà! Làm sao biết được đại tiền đề: “mọi người đều là sinh vật” là đúng? Đó không phải là tri thức bẩm sinh, phải không? Vậy thì phải sở đắc nó bằng con đường quy nạp thôi. Nghĩa là, ta quan sát từng người, rồi tổng quát hóa nó lên. Muốn có quy nạp đầy đủ, phải dựa trên sự quan sát mọi trường hợp cá biệt, tức phải biết cá nhân ông Socrates là... sinh vật đã. Thế chẳng phải chân lý của kết luận nằm sẵn trong chân lý của tiền đề sao? Lối suy luận ấy đâu có mang lại tri thức gì mới mẻ đâu? Họa chăng chỉ để minh họa cái tri thức đã sở đắc, mà đó thì thuộc về tu từ học chứ đâu phải triết học? Anh... giỏi thì bắt bẻ lại đi!
🞣 Thưa Cụ, không dám! Chỉ có điều ngay thời Hy Lạp hóa, Sextus Empiricus, rồi sau này, thuyết hoài nghi được tái dựng vào thời Phục Hưng cũng đã phê bình “tam đoạn luận” như thế. Nhưng các nhà kinh viện Aristoteles bác lại rằng đó không phải là do quy nạp, tức quan sát từng cá nhân riêng lẻ, mà do ta thâu gồm “loài” (art/species) vào dưới “giống” (genre/genus) thôi ạ! Trật tự ấy độc lập với từng cá nhân!
R.D: Lại ngụy biện thôi! Chẳng nhẽ loài và giống lại độc lập với từng cá thể? Cái phổ biến có thể tồn tại độc lập? Làm gì có! Nó chỉ là sự trừu tượng hóa từ những gì trực tiếp và hiển nhiên mà thôi.
1. AT X, tr. 406.
60 • “Chat” với René Descartes
🞣 Cụ ạ! Cũng còn tùy... cách đọc mô hình tam đoạn luận của Aristoteles như thế nào. Thời Cụ - khao khát tri thức mới - thích đọc tam đoạn luận theo kiểu diễn dịch (deductif) để... dễ phê phán nó. Thế thì tam đoạn luận quả tỏ ra ngô nghê và vô bổ. Nhưng... đương thời, Aristoteles lại muốn đọc nó theo nghĩa diễn giải (explicatif), tức từ một sự kiện hiển nhiên (Socrates là sinh vật), ta đi ngược lại để tìm các tiền đề. Thế cũng bổ ích và cung cấp nhiều thông tin mới chứ ạ? Thêm nữa, về mặt sư phạm, việc cấu trúc hóa các dạng suy luận (Descartes chen vào: À, các nàng Barbara, Celarent, Darrii, Ferio... chứ gì?1 Moa thuộc như cháo!), tuy không phải là “logic of discovery” (logic học khám phá), nhưng cũng rèn tập... “logic of presentation” (logic học trình bày), nếu được phép nói tiếng... Ăng lê, thưa Cụ! Còn muốn khám phá, phát minh thì phải dựa vào nghiên cứu thường nghiệm và... Topica2, phải không ạ?
1. Trong logic học hình thức, các loại mệnh đề được chia thành bốn loại: khẳng định phổ quát (mọi S = P) (biểu trưng bằng ký hiệu: a); khẳng định đặc thù (Một số S = P) (ký hiệu: i); phủ định phổ quát (không S nào = P) (ký hiệu: e); phủ định đặc thù (Một số S là không P) (ký hiệu: o). Để dễ nhớ các hình thức phối hợp mệnh đề trong tam đoạn luận, vào thế kỷ 13, người ta dùng tên các người đẹp đặt cho các suy luận hợp thức dựa trên các nguyên âm ấy thành các câu thơ; ví dụ như suy luận Barbara: “Mọi người đều phải chết/ Mọi người Hy Lạp đều là người/ Mọi người Hy Lạp đều phải chết”...
2. Topica: trong bộ “Công cụ” (Organon) của Aristoteles: nghệ thuật suy luận từ những mệnh đề cái nhiên (có thể đúng) mà không gặp mâu thuẫn.
Phương pháp luận • 61
R.D: Oui, d’accord! Này, nói thật, tôi cũng thừa biết cần phải phân biệt câu hỏi về chân lý (verité) và câu hỏi về giá trị hiệu lực (validité) của suy luận. “Mọi người đều biết bay/ Socrates là người/ Socrates biết bay” là đúng về hình thức, nhưng trật lất về nội dung. Muốn bổ sung nội dung đúng cho hình thức có hiệu lực thì... thật ra không phải là nhiệm vụ của tam đoạn luận mà thuộc về nhận thức luận và khoa học luận. Tôi cũng có... nói oan cho tam đoạn luận, vì gán cho nó cái nhiệm vụ mà nó không đặt ra! (cười) Thời tôi, sự khao khát “nội dung mới” đã đẩy lùi mối quan tâm về “hình thức hiệu lực”, anh bạn nên... thông cảm cho!
62 • “Chat” với René Descartes
7
Gỡ tấm mặt nạ cho...
khoa học!
🞣 “Hiện nay các ngành khoa học đang bị đeo mặt nạ. Gỡ nó ra, dung nhan khoa học sẽ lộng lẫy vô cùng!”1. Câu nói ấy của Cụ có lẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt sự nghiệp của Cụ...
R.D: Đúng thế, việc “gỡ mặt nạ” cho khoa học, như tôi đã cho thấy, phải nhắm đến hai mục tiêu. Một, phải phát triển một phương pháp luận mới mẻ, bắt đầu từ những gì hiển nhiên, biểu kiến chứ không từ một định đề nào cả về những thực thể bí ẩn. Thứ hai, phương pháp luận ấy không dựa trên suy luận đơn thuần hình thức, mà phải thu hoạch được nội dung tri thức đích thực.
🞣 Đó chủ yếu là mặt “phá”, còn mặt “xây”, thưa Cụ?
R.D: Tôi nêu điều này trong Quy tắc đầu tiên của quyển Regulae: Ta cần có một phương pháp luận bao trùm và có thể áp dụng vào cho mọi lĩnh vực tri thức!2
1. AT X, tr. 215.
2. AT X, tr. 360.
Phương pháp luận • 63
🞣 Tham vọng quá cao không, thưa Cụ?
R.D: Không! Thật ra khá... khiêm tốn: chỉ như thế mới có được những tiêu chí chung, thống nhất, giống nhau để kiểm tra sự vững chắc và tính chân lý của mọi kết quả nghiên cứu. Và cũng chỉ như thế mới ngăn ngừa được việc phân mảnh các ngành khoa học và cô lập hóa những đối tượng nghiên cứu.
🞣 Hay lắm, thưa Cụ? Thế mặt mũi của phương pháp luận mới mẻ này sẽ ra sao? Tôi hơi sốt ruột! R.D: Phương pháp luận, trước khi đi vào chi tiết, thì phải được các Nguyên lý hướng dẫn đã chứ? Trong phần 2 của Discours, tôi đã nêu bốn Nguyên lý cơ bản1.
Luận văn về phương pháp (1637).
1. AT VI, tr. 18 và tiếp.
64 • “Chat” với René Descartes
🞣 Xin Cụ cho nghe thật vắn tắt và ta sẽ đi vào chi tiết sau!
R.D: Giản dị thôi! Không nhất thiết đúng nguyên văn nhé!1
(1)Thứ nhất, khi nghiên cứu, ta phải xuất phát từ những gì ta biết một cách thật sự và hiển nhiên. Phải tránh tất cả những gì là phỏng đoán và có thể bị nghi ngờ!
(2)Thứ hai, ta phải “chẻ” vấn đề lớn ra thành những đơn vị nhỏ, tức bắt tay vào những gì có thể giải quyết ngay được!
(3)Thứ ba, ta phải bắt đầu từ cái đơn giản và dễ nhận thức, rồi mới từng bước thâm nhập vào những gì khó khăn, phức tạp hơn, một cách có phương pháp!
(4)Và sau cùng, phải kiểm kê lại đầy đủ mọi chi tiết, đừng bỏ sót chi tiết nào!
Anh bạn nhận ra chỗ hay ho nào trong đó chưa? 🞣 Thưa... chưa!
R.D: Thì đây, bốn Nguyên lý, nhưng gồm hai bước phương pháp. Trước hết, là bước... lùi: lùi về cái gì đơn giản nhất, hiển nhiên nhất; rồi thứ hai là bước... tiến: từ cái đơn giản đi tới cái phức tạp và kiểm kê mọi kết quả đã đạt được. “Tuyệt chiêu” của tôi chỉ có thế thôi, như đã từng nêu ngay từ đầu trong quyển Regulae!
1. Xem Phụ lục 1 ở cuối sách: “Descartes và Bacon”.
Phương pháp luận • 65
🞣 Thú thật với Cụ, nghe sao... nhẹ như lông hồng! Từ dễ tới khó, từ đơn giản đến phức tạp, khác gì lẽ phải thông thường mà ai cũng nói được? Nhưng chắc tôi chưa... lường hết được sự biến hóa vô song của... tuyệt chiêu này!
R.D (cười): “Sự tại dị, nhi cầu chư nan?”1, nếu thấy dễ dàng sao không làm ngay đi mà mãi đi tìm chuyện khó khăn, rắc rối ở đâu đâu? Nhưng thật ra, không... dễ dàng lắm đâu, mon cher ami! Này nhé, bắt đầu từ cái đơn giản, vậy thử hỏi cái đơn giản là gì nào? Làm sao nhận ra được cái gì là “đơn giản”? Rồi đi từ cái đơn giản lên cái phức tạp bằng những quy tắc nào?
🞣 Ồ, thế thì phải xin lĩnh giáo Cụ thôi!
1. Mạnh Tử: “Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn. Sự tại dị, nhi cầu chư nan?” (Đạo nơi ta, sao tìm ở xa; việc dễ, sao tìm chỗ khó?) (Ly Lâu thượng).
66 • “Chat” với René Descartes
8
“Cái đơn giản” là gì?
🞣 Thưa Cụ, trong phần đầu của quyển Regulae, Cụ trình bày đề án phương pháp luận của Cụ. Cụ không nói chung chung, mơ hồ về việc phải đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp, mà lại nêu ra hai quy tắc cơ bản, và còn khẳng định rằng không cần điều gì khác hơn ngoài hai quy tắc ấy. Tại sao Cụ không xác định ngay thế nào là cái đơn giản mà lại đề ra hai quy tắc cơ bản?
R.D: Nói đến phương pháp luận thì phải nói đến quy tắc, nếu không, không biết đâu mà “lần” trên bước đường nghiên cứu!
🞣 Cụ tóm tắt hai quy tắc cơ bản của Cụ thành hai thuật ngữ: trực giác (intuition) và diễn dịch (déduction)1. Ý Cụ là gì, thưa Cụ?
R.D: Định nghĩa thôi thì... đơn giản lắm! Muốn có nhận thức đúng đắn, đáng tin cậy, ta phải làm hai việc.
1. AT X, tr. 368.
Phương pháp luận • 67
Thứ nhất, bắt đầu từ những gì được trực giác (hay trực quan) là đúng và không thể nghi ngờ. Thứ hai, rút ra một cách tất yếu từ những gì đã được trực giác, bằng sự diễn dịch.
🞣 Trực giác? Thưa Cụ, phải chăng đó là tiến trình tâm lý như khi tôi nói: “Tôi có trực giác hay linh tính về mối nguy hiểm đang cận kề!” chẳng hạn? Tức là “cảm nhận” trực tiếp, không bằng con đường phân tích và phản tư cặn kẽ?
R.D: Không phải thế! Diễn trình tâm lý không phải là điểm xuất phát thích hợp cho diễn trình phương pháp! Vấn đề không phải là nhận thức như thế nào (theo nghĩa bằng diễn trình tâm lý gì) mà là nhận thức cái gì. Trong nhận thức, điều quyết định là cái gì đúng.
🞣 Thế “trực giác” là gì, theo cách hiểu của Cụ?
R.D: Tôi đã định nghĩa rất rõ: “Tôi không hiểu trực giác (intuitus) là sự thay đổi của giác quan hay sự phán đoán lừa dối của năng lực biểu tượng nối kết sự vật lại với nhau một cách sai lầm. Trái lại, tôi hiểu trực giác là sự nắm bắt đơn giản và phân minh của tinh thần thuần túy và chăm chú, để cho khi nhận thức, không còn gì nghi ngờ nữa”!1
🞣 Định nghĩa ấy quá cô đọng, xin Cụ giải thích rõ hơn! 1. AT X, tr. 368.
68 • “Chat” với René Descartes
R.D: Anh bạn nên chú ý đến ba điểm trong định nghĩa ấy. Thứ nhất, trực giác không phải là hoạt động của giác quan hay của trí tưởng tượng mà của tinh thần thuần túy.
🞣 “Tinh thần thuần túy”? Khó hiểu Cụ nhỉ?
R.D: “Tinh thần thuần túy” trái với “tinh thần không thuần túy”, tức không dính dáng đến thân xác và không dựa vào những ấn tượng giác quan. Vì sao vậy? Vì không chỉ có những đối tượng vật chất khả giác dành cho tri giác cảm tính (của giác quan) mà còn có những đối tượng khả niệm (intelligible) chỉ duy tinh thần mới nắm bắt được thôi.
🞣 Thưa Cụ, nếu tôi hiểu không lầm, đó cũng chính là truyền thống Platon - Augustinus khi cho rằng chỉ có “cái thấy của tinh thần thuần túy” mới mang lại nhận thức đúng đắn và không thể nghi ngờ. Nhưng tại sao, thưa Cụ?
R.D: Vì để có được nhận thức chắc chắn và không thể nghi ngờ, ta phải bắt đầu với những đối tượng khả niệm! Lý do: những thông tin do giác quan mang lại đều đáng nghi ngờ, do những điều kiện tri giác luôn thay đổi, thiếu ổn định.
🞣 Còn điểm thứ hai, thưa Cụ?
R.D: Trực giác ở đây, như đã nói, không có nghĩa tâm
Phương pháp luận • 69
lý học mà biểu thị một lĩnh vực nhận thức riêng biệt, đó là không thể nghi ngờ. Tất nhiên, tôi cũng bảo rằng trong trực giác, ta nhận ra sự việc ngay lập tức, trong một hành vi duy nhất mà không cần diễn trình tư tưởng dài dòng, nhưng yếu tố tâm lý ấy chỉ là thứ yếu, không quan trọng.
🞣 Xin Cụ một ví dụ!
R.D: Khi giải một bài toán, về mặt tâm lý, ta phải tập trung chú ý và không được lơ đãng. Nhưng điều ấy dù sao chỉ là thứ yếu. Quan trọng là phải tìm cho ra lời giải đúng. Muốn thế, phải bắt đầu với cái gì không thể nghi ngờ về mặt toán học.
🞣 Lại phải xin Cụ một ví dụ khác nữa về điều gọi là “tinh thần nắm bắt một cách phân minh”!
R.D: Đấy là điểm thứ ba. Nhận thức phân minh (distinc) là khi tinh thần tháo rời cái phức tạp hay phức hợp, và bắt đầu với cái gì được phân biệt với mọi cái khác. Ví dụ nhé: ai cũng có thể dùng trực giác để biết rằng mình đang hiện hữu, đang suy nghĩ, rằng tam giác có ba góc...1. Đó là mệnh đề đơn giản, phân minh, phân biệt với mọi cái khác và không thể tiếp tục tháo rời hay phân tích hơn được nữa. Từ đó, bằng con đường diễn dịch, ta tiếp tục có được những mệnh đề cũng không thể nghi ngờ từ những mệnh đề đầu tiên ấy. Chỉ có đi
1. AT X, tr. 368.
70 • “Chat” với René Descartes
theo phương pháp như thế, ta mới đặt được nhận thức trên một cơ sở vững chắc.
🞣 Thế nhưng, thưa Cụ, câu hỏi đặt ra ngay ở đây là: làm sao đánh giá được rằng một mệnh đề là thực sự không thể nghi ngờ?
R.D: Trong Regulae thời kỳ ban đầu ấy, tôi chưa trả lời câu hỏi này thật! Lý do là vì tôi vẫn tin theo Platon rằng những mệnh đề không thể nghi ngờ là tiềm ẩn sẵn trong bất kỳ con người nào từ khi sinh ra. Những hạt mầm đầu tiên của những tư tưởng hữu ích đã được gieo cấy ngay từ đầu1. Muốn có mệnh đề không thể nghi ngờ, ta chỉ cần khởi động tiềm lực tri thức sẵn có và không cần kiểm tra.
🞣 Thời kỳ này, Cụ hay nhắc đến các mệnh đề toán học, tỉ như: “tam giác có ba cạnh”, “tổng ba góc bằng hai góc vuông” như là những ví dụ tiêu biểu của mệnh đề không thể nghi ngờ. Cụ cũng hiểu “diễn dịch” theo nghĩa suy ra một cách tất yếu, như cách làm quen thuộc của nhà hình học, nghĩa là không cần dựa vào kết quả thường nghiệm, cũng như vào tam đoạn luận hình thức. Cụ xem toán học là khoa học mẫu mực có tính hệ hình (paradigmatique)?
R.D: Đúng, nhưng không nên hiểu là có thể toán học hóa mọi thứ và lược quy mọi khoa học vào toán học! Tôi chỉ muốn nói: xét về tính chắc chắn, không thể nghi
1. AT X, tr. 373.
Phương pháp luận • 71
ngờ, mệnh đề toán học (hình học lẫn số học) là mẫu mực của khoa học không-thường nghiệm, không dựa vào giác quan vốn bấp bênh, thế thôi.
🞣 Nhưng còn cái “mathesis universalis” như Cụ tha thiết?
R.D: “Mathesis universalis” không phải là một môn toán học phổ quát như là cùng đích của mọi khoa học, mà chỉ là nền khoa học bao trùm, được tiến hành một cách có phương pháp. Đối tượng của khoa học thật ra không quan trọng cho bằng phương thức tiến hành nó về mặt phương pháp.
🞣 Thưa Cụ, những mệnh đề đơn giản - từ ví dụ của hình học hay các bộ môn không-thường nghiệm khác - thì khá... dễ hiểu, nhưng với các bộ môn khoa học thường nghiệm thì sao ạ? Chẳng hạn, với nhà vật lý học, sinh lý học...
R.D: Thú thật, trong Regulae vào thời điểm 1619, tôi chỉ mới giới hạn vào “mathesis universalis” không thường nghiệm. Nhưng phương pháp luận chỉ hoàn chỉnh khi nó có thể áp dụng vào các khoa học thường nghiệm. Vì thế, thời điểm 1626, tôi đi vào câu hỏi của anh bạn. Vấn đề bây giờ là phải xác định nội dung của những mệnh đề đầu tiên và đơn giản ấy! Nội dung ấy sẽ là “những bản tính đơn giản”, và chính chúng mới là cơ sở vững chắc, không thể nghi ngờ của nhà khoa học tự nhiên.
72 • “Chat” với René Descartes
🞣 “Bản tính đơn giản”, thưa Cụ, thật ra là cái gì?
R.D: Tôi đã mô tả và phân loại chúng trong Quy tắc 12 đấy!1
🞣 Thế nào ạ?
R.D: Gồm ba loại: (1) những bản tính đơn giản thuần túy tinh thần và chỉ do lý trí nắm bắt bằng một “ánh sáng bẩm sinh” nào đó, ví dụ: trạng thái đang nhận thức, đang nghi ngờ, hoặc đang không hiểu biết; (2) những bản tính đơn giản thuần túy vật chất và chỉ có thể được nhận thức trong những vật thể, ví dụ: hình thể, quảng tính, vận động; và sau cùng (3) là những bản tính đơn giản vừa tinh thần vừa vật chất, như: sự hiện hữu, sự thống nhất, quảng tính trong thời gian.
🞣 Hơi... rối, Cụ nhỉ? Chúng thật ra là những thuộc tính sơ cấp hay là những khái niệm sơ cấp?
R.D: Hai loại đầu có vẻ là thuộc tính, còn loại thứ ba là khái niệm, đúng không? Hai loại đầu là thuộc tính tinh thần (ví dụ: X đang nhận thức, đang nghi ngờ, đang không hiểu biết,...) và thuộc tính vật chất (ví dụ: Y có hình thể, quảng tính, đang vận động,...). Còn loại ba là khái niệm (ví dụ: “hiện hữu”, “thống nhất”,...), còn gọi là “châm ngôn” hay “khái niệm phổ biến” (ví dụ: hai cái bằng cái thứ ba thì bằng nhau).
1. AT X, tr. 418 và tiếp.
Phương pháp luận • 73
🞣 Còn hơi khó hiểu, Cụ ạ! Thậm chí có vẻ nghịch lý! Nếu là thuộc tính, thì chúng cũng đâu phải “đơn giản” theo nghĩa của nguyên tử hay bộ phận nhỏ nhất của tự nhiên. Nếu là khái niệm, thì chúng đâu phải là “bản tính” hiểu theo nghĩa “in natura”, tồn tại độc lập với tinh thần. Hóa ra “bản tính đơn giản” không phải là “bản tính đơn giản”?
R.D: “Rối” và khó hiểu là do anh bạn ngộ nhận rằng đây là sự phân loại theo kiểu thuần túy bản thể học (ontologique)! Trong khi đó, tôi chỉ muốn tiến hành phân loại theo nghĩa nhận thức luận (épistémologique) mà thôi!
🞣 Xin Cụ giải thích rõ thêm!
R.D: Tôi không xét chúng là gì nơi bản thân chúng, mà xét xem chúng là gì khi được trực tiếp mang lại cho tinh thần của ta! Tùy theo từng đối tượng nghiên cứu mà chúng có thể là những hiện tượng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ nhé: khi nghiên cứu tâm lý học, cái mang lại cho ta một cách trực tiếp là những hành vi và trạng thái tâm trí (nhận thức, nghi ngờ,...).
Ngược lại, trong nghiên cứu sinh lý học hay vật lý học về vật thể thì các thuộc tính nhất định khác sẽ được mang lại (hình thể, quảng tính,...). Tiếp theo, trong cả hai sự nghiên cứu thì đối tượng nào cũng được mang lại cho ta như là cái gì hiện hữu, có tính thống nhất và có quảng tính trong thời gian,... đúng không? Cho nên, khi đi tìm những “bản tính đơn giản”, điều quyết định không phải
74 • “Chat” với René Descartes
là đặt câu hỏi bản thể học: “đâu là những bộ phận cấu thành đơn giản nhất của sự vật?” hay “đâu là những khái niệm đơn giản nhất mà tôi có?”, mà là câu hỏi nhận thức luận: “Đâu là phương diện đơn giản nhất của đối tượng nghiên cứu được tôi nắm bắt, quan tâm?”. Câu định nghĩa then chốt của tôi ở đây là: “Vì ở đây ta chỉ làm việc với những sự vật, trong chừng mực chúng được lý trí của ta nhận thức, nên ta gọi chúng là đơn giản, khi nhận thức về chúng là rõ ràng và phân minh (clair et distinc), bởi chúng không còn có thể tiếp tục chia nhỏ thành những gì rõ ràng hơn được nữa”1.
🞣 Ồ, thế là Cụ đã dứt khoát chia tay với truyền thống kinh viện?
R.D: Đúng về cơ bản! Truyền thống ấy cho rằng bất kỳ đối tượng tự thân nào - tức độc lập với nhận thức của ta - đều có những thuộc tính bản chất tạo nên nó. Ta chỉ hiểu và phân loại được sự vật sau khi đã nắm được những thuộc tính bản chất này. Chẳng hạn, ta chỉ hiểu con người là gì, khi biết đặc điểm bản chất của con người là có lý trí, bấy giờ ta mới có định nghĩa: “Con người là sinh vật có lý trí”. Đó chính là cách phân loại bản thể học của siêu hình học truyền thống, thâu gồm sự vật vào dưới loài/ giống nào đó, độc lập với nhận thức của ta.
🞣 Cụ ạ, với câu viết: “Cần xét những sự vật riêng lẻ trong mối quan hệ với nhận thức của ta, khi ta nói về chúng
1. AT X, tr. 418.
Phương pháp luận • 75
rằng chúng thật sự hiện hữu như thế nào”1, Cụ đã mở đường cho hệ hình tâm thức luận của triết học hiện đại của Locke2, Kant, dù giữa họ có khác biệt nhau đến đâu, thay thế cho hệ hình bản thể luận của triết học cổ truyền. Thay đổi cách đặt vấn đề, Cụ đã xác lập vị trí bất hủ của mình trong lịch sử triết học, thưa Cụ! Tôi nhớ đến sự phân biệt giữa thuộc tính hạng nhất và thuộc tính hạng hai nơi Locke3 và sự phân biệt giữa vật-tự thân và hiện tượng nơi Kant...
R.D: Tôi có biết các... “cậu” Locke và Kant là ai đâu, nhưng nếu đúng như thế thì quả là một bất ngờ thú vị!
1. AT X, tr. 418.
2. Bùi Văn Nam Sơn, Triết học cho bạn trẻ - “Chat” với John Locke, NXB Trẻ, 2016.
3. Nt.
76 • “Chat” với René Descartes
9
Có thật là “không thể nghi ngờ?”
🞣 Thưa Cụ, nếu tôi hiểu không lầm thì ta phải bắt đầu với những mệnh đề đơn giản. Nghĩa là, không phải với những mệnh đề có nội dung mang tính chất là một sự phân loại bản thể học như loài và giống hay liên quan đến các phạm trù kiểu Aristoteles như bản thể, lượng, chất,... Trái lại, phải là những mệnh đề đơn giản và trực tiếp được mang lại trong một nghiên cứu cụ thể nào đó...
R.D: Đúng thế!
🞣 Nhưng thưa Cụ, tôi vẫn còn băn khoăn khi đọc quyển Regulae...
R.D: Ở điểm nào?
🞣 Thứ nhất, tiêu chuẩn nào để xác định “những bản tính đơn giản” trong một trường hợp cụ thể? Rồi làm sao phân biệt cái đơn giản được mang lại một cách trực tiếp với cái phức tạp không được trực tiếp mang lại? Rồi lấy
Phương pháp luận • 77
gì bảo đảm rằng ai ai cũng nắm bắt được “những bản tính đơn giản” giống hệt như nhau?...
R.D (trầm ngâm): Đúng là trong Regulae, tôi chưa bàn sâu vào các thắc mắc ấy của anh bạn. Lý do có lẽ vì còn chịu ảnh hưởng của truyền thống Platon rằng ai ai cũng có “những hạt mầm đầu tiên của chân lý, vốn là bẩm sinh trong đầu óc con người”1. Nói cụ thể, ai ai, từ khi sinh ra, đều có tiềm năng để biết thế nào là tư duy, quảng tính, vận động,..., rồi khi nhận thức, chỉ cần khởi động và hiện thực hóa tiềm năng bẩm sinh ấy, khi gặp những gì có tính tư duy, quảng tính hay vận động...
🞣 Thưa Cụ, thắc mắc quan trọng hơn: bản tính đơn giản xuất hiện ra cho ta có thật sự tương ứng với thực tại khách quan hay không? Có gì bảo đảm rằng những đối tượng vật chất cũng thật sự vận động, khi ta xem vận động là cái gì được mang lại cho ta một cách trực tiếp và hiển nhiên? Nói cách khác, có gì đoan chắc rằng trải nghiệm chủ quan của ta về sự hiển nhiên là có cơ sở khách quan trong thực tại?
R.D: Thắc mắc ấy liên quan đến câu hỏi về sự hoài nghi, ta sẽ bàn sau. Tức hỏi rằng: những đối tượng khách quan biết đâu sẽ hoàn toàn khác với những gì chủ quan ta cảm nhận, đúng không? Một khi chọn lựa cách đặt vấn đề nhận thức luận thay vì bản thể học, nhất định sẽ gặp phải câu hỏi: đâu là cơ sở khách quan độc lập với
1. AT X, tr. 376.
78 • “Chat” với René Descartes