🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cây Thập Tự Ven Đường - Jeffery Deaver full prc, pdf, epub [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
Thứ Hai
Chương 1
KHÔNG ĐÚNG CHỖ
Viên cảnh sát đội tuần tra Xa lộ California, một anh chàng trẻ tuổi với mái tóc vàng rễ tre dựng đứng nằm dưới cái mũ cứng, đưa mắt nhìn qua kính chắn gió của chiếc xe công vụ Crown Victoria trong lúc lái xe về phía nam dọc Xa lộ 1 ở Monterey. Bên phải là những cồn cát, bên trái là khu thương mại khiêm tốn trải dài.
Có cái gì đó khác lạ. Cái gì kìa?
Viên cảnh sát đưa mắt quan sát con đường lúc quay về nhà vào tầm năm giờ chiều sau khi kết thúc cuộc tuần tra. Anh ít khi viết biên lai phạt ở đoạn đường này mà nhường lại việc ấy cho các đổng nghiệp địa phương - một phép lịch sự nghề nghiệp - nhưng thỉnh thoảng anh cũng tuýt còi ai đó đang vi vu trong một chiếc xe của Đức hay Italia, nếu tâm trạng không được tốt, và anh thường băng qua tuyến đường này để về nhà vào tầm này nên biết khá rõ nơi đây.
Kia… Nó kia rồi. Thứ gì đó khá sặc sỡ bên vệ đường, cách phía trước chừng một phần tư dặm, nằm dưới chân một trong những cồn cát nhô lên che khuất tầm nhìn ra vịnh Monterey. Nó có thể là cái gì nhỉ?
Viên cảnh sát bật đèn nháy trên nóc xe - theo đúng quy định - và tấp vào bên phải. Anh đỗ chiếc Ford lại, để mui xe chếch sang trái hướng ra đường, như thế trong trường hợp bị tông vào từ phía sau, chiếc xe sẽ bị đẩy ra xa chứ không lao về phía anh, rồi bước khỏi xe. Một cây thập tự - vật tưởng niệm bên đường - được cắm vào cát, ở vị trí cao hơn vai anh đôi chút. Nó cao chừng nửa mét và là sản phẩm tự chế, được ghép lại từ những nhành cây gãy sẫm màu, buộc quanh bằng loại dây mà những người bán hoa vẫn dùng. Một bó hoa hồng đỏ sẫm lấm tấm vết bẩn đặt dưới chân thập tự. Ở giữa cây thập tự là một phiến tròn bằng bìa các tông, nơi ghi giữ ngày tháng diễn ra vụ tai nạn bằng nét mực xanh. Không có cái tên nào khắc ở đằng trước hay đằng sau.
Chính ra những vật tưởng niệm các nạn nhân của tai nạn giao thông không được khuyến khích, vì đôi lúc sẽ có người bị thương, thậm chí tử vong khi đang cố trồng một cây thập tự hoặc để lại hoa hay thú nhồi bông.
Những vật như thế thường rất trang nhã và gây xúc động. Nhưng cây thập tự này lại có gì đó ma quái. Mà kể cũng lạ, người cảnh sát không thể nhớ nổi bất cứ vụ tai nạn nào. Trên thực tế, đây là một trong những đoạn an toàn nhất của tuyến Xa lộ 1 ở California. Tuyến đường này thực sự trở thành một nơi tách biệt hẳn với khu phía nam Carmel, chẳng hạn như vụ tai nạn thương tâm vài tuần trước: Hai cô gái chết thảm khi đang trở về sau bữa tiệc tốt nghiệp. Nhưng ở đây thì khác, xa lộ có ba làn xe chạy và phần lớn đều là đường thẳng, thỉnh thoảng xuất hiện một quãng đường vòng hạn chế tốc độ qua khu vực từng là căn cứ Fort Ord, giờ trở thành khuôn viên một trường học và các khu mua sắm.
Viên cảnh sát nghĩ đến việc nhổ cây thập tự đi, nhưng rất có thể những người tưởng niệm kia sẽ quay lại cắm một cây khác và mạo hiểm tính mạng của họ thêm lần nữa. Tốt nhất cứ để yên nó ở đó. Để thỏa mãn cơn hiếu kỳ, anh sẽ hỏi viên trung sĩ phụ trách lúc sáng để biết rõ nơi này đã xảy ra chuyện gì. Anh quay trở lại xe, ném mũ xuống ghế và vuôt mái tóc húi cua, rồi lái xe trở lại đường, không còn đặt tâm trí vào những vụ tai nạn nữa. Anh nghĩ về chuyện vợ mình sẽ nấu gì cho bữa tối, về chuyện sẽ đưa các con đi bể bơi sau đó.
Và khi nào em trai anh sẽ tới thị trấn nhỉ? Viên cảnh sát nhìn vào ô chỉ ngày tháng trên mặt đồng hồ đeo tay của mình. Anh cau mày. Phải vậy không? Một cái liếc nhìn qua điện thoại di động nhằm củng cố thông tin, đúng rồi, hôm nay là Hai mươi lăm tháng Sáu.
Thật kỳ lạ. Ai đó để lại cây thập tự bên đường đã nhầm lẫn. Anh nhớ rất rõ ngày tháng được viết nguệch ngoạc trên đó là ngày mai, thứ Ba, ngày Hai mươi sáu tháng Sáu.
Có thể những con người đau khổ tội nghiệp để lại vật tưởng niệm đã xúc động đến mức ghi nhầm ngày. Hình ảnh cây thập tự kỳ quái mờ dần đi, dù không hoàn toàn biến mất, và khi người cảnh sát tiếp tục
cuộchànhtrìnhtheoxalộquayvềnhà,anhláixecóphầnthậntrọnghơnđôichút.
Thứ Ba
Chương 2
Quầng sáng mờ mờ le lói - thứ ánh sáng mang màu xanh lục nhợt nhạt ma quái - nhảy múa ngoài tầm với cô gái.
Giá như cô có thể với tới nó.
Chỉ cần cô với được tới nó, cô sẽ an toàn.
Quầng sáng mờ mờ, ẩn hiện trong bóng tối của cốp xe, đong đưa đầy cay độc ngay trên hai chân cô gái lúc này đang bị trói chặt vào nhau bằng băng dính, hai cánh tay cô cũng vậy.
Một bóng sáng...
Thêm mảnh băng dính nữa bịt kín miệng và cô đang thở bằng mũi, cẩn thận hít vào từng chút một, như thể không gian bên trong cốp chiếc Camry chỉ chứa đựng có ngần ấy không khí. Người cô xóc nảy lên đau điếng khi chiếc xe vấp phải ổ gà. Cô nấc lên một tiếng kêu tắc nghẹn.
Thỉnh thoảng lại có chút ánh sáng từ các nguồn khác thâm nhập được vào: Một quầng sáng nhờ nhờ đỏ quạch khi hắn đạp phanh, đèn xi nhan khi xe rẽ. Không còn thêm nguồn sáng từ bên ngoài vì lúc này đã khoảng gần một giờ đêm.
Một đốm sáng dập dờn lắc tới lắc lui. Đó là cần mở cốp khẩn cấp. Qua khe hở tay cầm, hình dáng một người đàn ông nhảy ra khỏi xe rọi đèn vào bóng tối.
Nhưng cần mở vẫn nằm ngoài tầm với của chân cô.
Tammy Foster đã ngừng khóc. Những tiếng nức nở bắt đầu sau khi kẻ tấn công ập tới từ sau lưng cô trong bãi để xe tối tăm của câu lạc bộ, dán băng dính bịt lên miệng cô, vặn trói hai tay ra sau lưng và ném cô vào cốp xe. Hắn cũng buộc luôn chân cô lại.
Cô gái mười bảy tuổi cứng đờ trong cơn hoảng loạn khi nghĩ rằng: Hắn không muốn bị nhìn tháy mặt. Thế là tốt. Hắn không muốn giết mình.
Hắn chỉ muốn làm mình sợ.
Tammy đưa mắt nhìn quanh cốp xe, đốm sáng đang đung đưa. Cô gái cố gắng dùng đôi bàn chân với lấy nó, song nó lại trượt đi giữa hai chiếc giày. Tammy khá khoẻ mạnh vì cô chơi bóng đá và còn tham gia đội hoạt náo viên. Nhưng vì góc độ không thuận lợi, cô chỉ có thể giữ hai chân giơ lên được trong vài giây. Bóng sáng vẫn tuột khỏi tầm với của cô.
Chiếc xe tiếp tục phóng đi. Từng chặng đường trôi qua, cô càng cảm thấy tuyệt vọng hơn. Tammy Foster lại bắt đầu khóc.
Đừng! Đừng! Mũi mình sẽ nghẹt và mình sẽ bị ngạt thở.
Cô gái ép bản thân phải ngừng khóc.
Đáng lý Tammy phải có mặt ở nhà trước nửa đêm. Mẹ cô bé có lẽ sẽ nhớ ra con mình về muộn nếu bà không đang say mèm trên trường kỷ, than thân trách phận về mọi rắc rối nào đó với ông bạn trai mới nhất. Hoặc có thể em gái sẽ nhớ tới cô, nếu con bé không phải đang vùi đầu vào mạng Internet hay gọi điện thoại - một trong hai việc Tammy chắc chắn nó đang làm.
Choang.
Vẫn là âm thanh như lúc trước - tiếng kim loại va đập vào nhau khi hắn ném thứ gì đó lên băng ghế sau. Tammy nghĩ tới những bộ phim kinh dị từng xem Những bộ phim quái đản, ghê tởm. Tra tấn, giết chóc. Với đủ thứ dụng cụ.
Đừng có nghĩ về chuyện đó. Cô gái tập trung chú ý vào thứ ánh sáng màu xanh lục đang đung đưa của cái cần mở cốp.
Và nghe thấy một âm thanh mới. Biển.
Cuối cùng xe dừng lại, và hắn tắt máy.
Ánh đèn vụt tắt.
Chiếc xe đung đưa khi người đàn ông cựa quậy trên ghế dành cho tài xế. Hắn đang làm gì vậy? Lúc này cô có thể nghe thấy cả tiếng kêu ồm ồm trong cổ họng của những con hải cẩu gần đó. Họ đang ở một bãi
biển, và quanh nơi đây, vào giữa đêm tối, hẳn là hoàn toàn vắng lặng.
Một cánh cửa xe mở ra rổi đóng lại. Và một cánh cửa thứ hai mở ra. Thêm tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng vang lên trên băng ghế sau.
Các dụng cụ... tra tấn.
Cánh cửa đóng sầm thật manh.
Và Tammy Foster phát hoảng. Cô bé chìm vào trong tiếng nức nở, vùng vẫy cố hít vào nhiều hơn thứ không khí tệ hại. "Không, làm ơn, làm ơn!", cô kêu lên, dẫu cho những lời đó qua tấm băng dính trên miệng cô chỉ còn là thứ âm thanh ư ử.
Tammy bắt đầu đọc lướt qua mọi lời cầu nguyện mà mình còn nhớ trong khi chờ nắp cốp xe bật mở. Tiếng sóng biển rì rào. Lũ hải cẩu kêu ầm ừ.
Cô sắp chết.
“Mẹ ơi.”
Nhưng sau đó... chẳng có gì xảy ra.
Nắp cốp xe không nhấc lên, cửa xe không bật mở, cũng không thấy tiếng bước chân lại gần. Sau ba phút, cô đã kiểm soát được bản thân. Cơn hoảng loạn dịu dần.
Năm phút đã trôi qua, và hắn vẫn chưa mở nắp cốp.
Mười.
Tammy khẽ bật cười man dại.
Chỉ là một màn dọa dẫm hãi hùng. Hắn sẽ không giết hay hiếp cô. Một trò đùa tai ác. Cô đang thực sự mỉm cười dưới lớp băng dính thì chiếc xe đung đưa, cho dù rất nhẹ. Nụ cười của cô tắt ngấm. Chiếc Camry lại rung lên lần nữa, kiểu dao động như bị xô đẩy nhẹ, dù rằng mạnh hơn lần trước. Tammy nghe thấy tiếng nước bì bõm và rùng mình. Cô gái chợt nhận ra một con sóng vừa đập vào đầu xe. Ôi, Chúa ơi, không! Hắn đã bỏ lại chiếc xe trên bãi biển, trong khi thủy triều sắp lên! Chiếc xe lún xuống cát khi nước dâng lên ngập quanh bốn bánh. Không! Một trong những điều cô sợ nhất là bị chết đuối. Và bị mắc kẹt tại một không gian chật chội khép kín như nơi này... thật không tưởng tượng nổi. Tammy bắt đầu đạp lên nắp cốp.
Nhưng tất nhiên, ngoài đó chẳng có ai nghe thấy, ngoài lũ hải cẩu.
Nước biển lúc này đang vỗ ì oạp vào hai bên thành chiếc xe của hãng Toyota.
Ánh sáng...
Bằng cách nào đó, cô phải giật cần mở nắp cốp xe. Cô hất tung đôi giày đang đi ra và thử lần nữa, đầu gí mạnh xuống tấm thảm, tuyệt vọng giơ hai bàn chân hướng về phía cái cần sáng mờ mờ. Cô kẹp hai bàn chân vào hai bên cần, ấn mạnh, các cơ bụng thắt lại.
Ngay bây giờ!
Hai chân cô bị chuột rút đau buốt, cô kéo cái cần xuống.
Một tiếng tách.
Phải! Nó đã mở!
Nhưng rồi Tammy rên lên kinh hoàng. Cần gạt đã hạ xuống theo bàn chân, nhưng cốp xe vẫn không mở. Cô trợn mắt nhìn bóng đèn màu xanh lục nằm ngay cạnh mình. Hẳn là hắn đã cắt dây! Sau khi ném cô gái vào cốp, hắn đã cắt nó. Cần mở chỉ còn nằm đung đưa ở đó, không còn nối với dây cáp nâng nắp cốp xe.
Cô đã mắc kẹt.
Ai đó, làm ơn đi, Tammy lại cầu nguyện... tới Chúa, tới một người tình cờ đi ngang qua, thậm chí cả tới kẻ bắt cóc cô, có thể hắn sẽ ban cho cô chút lòng thương hại.
Nhưng câu trả lời duy nhất là tiếng òng ọc dửng dưng của nước biển bắt đầu tràn vào trong cốp. ~*~
Khách sạn Peninsula Garden nằm lẩn khuất trong khu dân cư gần Xa lộ 68 - tuyến đường dài hai mươi dặm nổi trội với hầu hết những đặc trưng vốn tồn tại ở nơi này - Chốn muôn hình muôn vẻ của hạt Monterey. Con đường quanh co uốn lượn về phía tây bắt đầu từ Salinas - nơi được mệnh danh là “Vườn rau quả của cả nước”. Lướt ngang qua Đồng cỏ nhà trời[1] xanh bạt ngàn là đường đua Laguna Seca[2] đầy náo
nhiệt, hay những khu văn phòng phức hợp, rồi đến Monterey bụi bặm và Pacific Grove[3] với những rặng thông trải dài vô tận. Cuối cùng, để kết thúc chuyến hành trình, tuyến đường sẽ đưa các tay lái, hay chí ít những người đã chịu khó băng qua toàn bộ khung cảnh kể trên từ đầu đến cuối, tới khu Seventeen Mile Drive[4] trứ danh - nơi cư ngụ của một loại người hay gặp quanh nơi này: Những kẻ lắm tiền.
“Không tồi,” Michael O’Neil nói với Kathryn Dance trong khi cả hai cùng chui ra khỏi chiếc xe của anh.
Dance quan sát khu nhà chính trang trí theo phong cách Tây Ban Nha và sáu tòa nhà nằm gần kề qua cặp kính hẹp gọng xám. Khu nhà nghỉ trông khá tiện nghi, cho dù ở vài ngóc ngách đã hơi cũ và bụi bặm. “Đẹp quá. Tôi thích nó.”
Trong lúc cả hai người đứng quan sát khu khách sạn, phía xa là bờ biển Thái Bình Dương lờ mờ trong sương sớm, Dance - một chuyên gia về phân tích cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể - đang cố gắng dò xét O’Neil. Một chánh thanh tra của Ban Điều tra Sở Cảnh sát hạt Monterey, là người thật khó đánh giá. Người đàn ông có thân hình vạm vỡ ngoài bốn mươi tuổi với mái tóc muối tiêu này tương đối dễ tính, nhưng khá kiệm lời trừ khi anh biết rõ đối phương. Thậm chí cả khi đó anh cũng rất dè xẻn trong cử chỉ và thái độ của mình. Người đàn ông này không bộc lộ nhiều qua điệu bộ, cử chỉ.
Tuy vậy, vào thời điểm hiện tại cô có thể nhận thấy rằng anh chẳng chút mảy may bồn chồn, bất chấp tính chất chuyến đi của họ tới đây.
Cô thì... hoàn toàn trái ngược.
Kathryn Dance - một phụ nữ gọn gàng ở độ tuổi ngoài ba mươi - hôm nay để mái tóc màu vàng sẫm của mình theo cách cô vẫn thường làm - bện thành bím theo kiểu Pháp - phần cuối đuôi tóc là một dải ruy băng màu xanh nhạt do chính con gái cô đã chọn sáng hôm đó và buộc cẩn thận thành một cái nơ. Dance mặc một chiếc váy dài xếp ly màu đen và khoác áo vest đồng màu bên ngoài chiếc sơ mi trắng. Đôi bốt đen cổ thấp cao năm phân - món hàng khiến người phụ nữ này mê mẩn từ nhiều tháng trời nhưng cô đã cố kiềm chế chờ đến khi chúng được bán hạ giá.
O’Neil đang mặc trên người một trong số ba hay bốn bộ trang phục thường ngày của mình: quần vải bông ống hẹp và áo sơ mi xanh, không cà vạt. Áo khoác ngoài của anh có màu xanh sẫm kẻ ca rô mờ. Người gác cửa, một anh chàng người La Tinh vui vẻ, nhìn hai người từ đầu đến chân với nét mặt như muốn nói: Có vẻ rất đẹp đôi đây. “Hân hạnh chào đón ông bà. Hy vọng ông bà vui vẻ trong thời gian lưu lại đây”, anh ta mở cửa cho họ.
Dance gượng cười nhìn O’Neil, rồi cả hai băng qua tiền sảnh hây hẩy gió để tiến đến quầy lễ tân. ~*~
Từ khu nhà chính, họ đi xuyên qua khuôn viên khách sạn, tìm kiếm phòng đã được hẹn trước. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ chuyện này sẽ diễn ra”, O’Neil nói với Dance.
Nữ đặc vụ khẽ cười. Cô thích thú khi nhận ra đôi mắt mình thỉnh thoảng lại bất giác hướng về phía các cửa ra vào và cửa sổ. Đây là một dạng phản ứng mang tính phi ngôn ngữ, điều đó chứng tỏ chủ thể đang vô thức tìm kiếm lối thoát - một biểu hiện thường thấy ở những người đang trong trạng thái căng thẳng.
“Nhìn kìa”, cô nói, chỉ tay về phía bể bơi. Nơi này dường như phải có đến bốn cái. “Giống như Disneyland[5] cho người lớn vậy. Nghe nói có rất nhiều nghệ sĩ nhạc rock từng ở đây.” “Thật sao?”, cô cau mày.
“Có gì không ổn à?”
“Chỉ là tôi đang nghĩ bị ném đá và quẳng tivi cùng đồ đạc qua cửa sổ thực sự chẳng vui vẻ gì.” “Nơi này là Carmel, thưa quý cô”, O’Neil nhắc nhở. “Trò điên rồ nhất người ta từng bắt gặp ở đây là ném đồ có thể tái chế vào thùng rác.”
Dance nghĩ tới đường lui song vẫn giữ im lặng. Những lời đùa cợt chỉ càng làm cô thêm bồn chồn. Cô dừng lại bên một cây cọ có lá trông như những món vũ khí sắc lẹm. “Chúng ta đang ở đâu đây?” Người chánh thanh tra nhìn vào một mảnh giấy, định hướng cho bản thân rồi chỉ vào một trong các ngôi nhà nằm phía sau. “Kia.”
Họ dừng lại ngoài cửa. O’Neil thở ra và nhướng một bên mày. “Tôi đoán là nó đây.” Dance bật cười. “Tôi có cảm giác như mình là một cô gái vị thành niên vậy.”
O’Neil gõ cửa.
Sau một khoảnh khắc im ắng, cánh cửa mở ra, để lộ một người đàn ông gầy gò, có lẽ đã gần năm mươi tuổi, mặc quần đen, áo sơ mi trắng và đeo một cái cà vạt kẻ sọc. “Michael, Kathryn. Thật đúng giờ. Mời vào.”
Ernest Seybold, công tố viên lâu năm của hạt Los Angeles, gật đầu mời họ vào phòng. Bên trong, một nhân viên lưu trữ của tòa án đang ngồi bên cạnh chiếc máy ghi âm được lắp trên một cái giá ba chân. Một phụ nữ trẻ khác đứng dậy chào hai người mới đến. Cô ta được Seybold giới thiệu là trợ lý của ông tới từ L.A[6].
Đầu tháng này, Dance và O’Neil đã thực hiện một vụ điều tra ở Monterey: Daniel Pell - kẻ lãnh đạo giáo phái và cũng là một tên sát nhân đang bị kết án - đã vượt ngục và ẩn náu tại vùng bán đảo, lăm le xử thêm vài nạn nhân. Không may rằng một trong số những đối tượng hóa ra lại là người hoàn toàn khác với dự đoán của Dance cùng các đồng nghiệp của cô. Hậu quả của sai lầm đáng tiếc trên đã dẫn đến một vụ án mạng nữa.
Dance kiên quyết muốn truy bắt hung thủ. Nhưng có rất nhiều áp lực nảy sinh từ một số tổ chức rất có máu mặt khiến cuộc điều tra phải khép lại. Đương nhiên, Dance không muốn chấp nhận bỏ cuộc, và trong khi công tố viên Monterey từ chối thụ lý vụ án, cô cùng O’Neil được biết thủ phạm lại gây thêm một vụ giết người nữa tại Los Angeles. Công tố viên Seybold, người vẫn thường xuyên làm việc cùng cơ quan của Dance - Cục Điều tra California, đồng thời cũng là bạn của cô, đồng ý tiến hành chuyển hồ sơ khởi tố đến L.A.
Tuy vậy, vẫn có một số nhân chứng lại sống ở khu vực Monterey, bao gồm cả Dance và O’Neil, do đó ngày hôm nay Seybold đã tới đây để thu thập lời khai. Tính chất bí mật của cuộc gặp gỡ này là hệ quả từ tiếng tăm và các mối quan hệ của thủ phạm. Thực tế, thời gian này họ thậm chí không gọi ra tên thật của kẻ sát nhân. Trong nội bộ, nó được ước định bằng cụm từ “Dân chúng chống lại J.Doe”.
Khi họ ngồi xuống, Seybold nói, “Cô cần phải biết rằng, rất có thể chúng ta sẽ gặp rắc rối.” Cảm giác bất an của Dance từ khi mới bước vào - rằng sẽ có gì đó trục trặc và mọi thứ không như mong đợi đã quay trở lại.
Người công tố viên nói tiếp, “Bên bào chữa đang vận động miễn truy tố dựa trên luật miễn truy tố trách nhiệm hình sự. Thành thực mà nói, tôi không thể cam đoan với cô có bao nhiêu khả năng thành công. Phiên tòa xét xử đã được lên lịch và sẽ diễn ra vào ngày kia.”
Dance nhắm mắt lại. “Ôi không.”
Bên cạnh cô, O’Neil thở hắt ra đầy phẫn nộ.
Tất cả công sức bỏ ra...
Nếu hắn thoát khỏi tay công lý, Dance thầm nghĩ... nhưng rồi chợt nhận ra mình chẳng biết gì hơn ngoài việc: Nếu hắn thoát khỏi tay công lý thì coi như mình thất bại.
Cô cảm thấy quai hàm mình đang run lên.
Seybold tiếp lời, “Tôi đang có một đội chuyên thu thập chứng cứ. Họ rất khá. Là nhóm ưu tú nhất tại văn phòng công tố.”
“Bằng bất cứ giá nào, Ernie,” Dance nói, “Tôi muốn tóm hắn. Tôi muốn hắn phải bị trừng phạt thích đáng.”
“Rất nhiều người muốn thế, Kathryn. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể.”
Nếu hắn thoát được...
“Hãy bắt tay vào việc ngay nếu chúng ta muốn thắng,” ông nói một cách tự tin, và phần nào làm Dance thấy an tâm. Họ bắt đầu làm việc, Seybold đưa ra vô số câu hỏi liên quan tới tội ác mà Dance và O’Neil đã chứng kiến, những bằng chứng trong vụ án.
Seybold là một công tố viên dày dạn kinh nghiệm và ông biết mình đang làm gì. Sau một giờ trao đổi với cả hai, người đàn ông gầy gò nhưng rắn rỏi ngồi xuống trở lại và tuyên bố hiện thời như thế là tạm đủ. Ông đang chờ đợi một nhân chứng nữa - một cảnh sát tiểu bang người địa phương - anh ta cũng đã đồng ý ra làm chứng.
Dance và O’Neil cảm ơn Seybold khi ông đồng ý sẽ gọi điện cho họ ngay khi thẩm phán yêu cầu bên bị giải trình trong phiên điều trần miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi cả hai quay ra tiền sảnh, O’Neil bước chậm lại, nét mặt tỏ vẻ nghĩ ngợi.
“Gì vậy?” Dance hỏi.
“Chúng ta chơi trò bùng học đi.”
“Ý anh là sao?”
Người đàn ông hất hàm về phía nhà hàng sân vườn tuyệt đẹp, nhìn ra một vách đá với mặt biển trải rộng ngay bên dưới.
“Vẫn còn sớm. Lần cuối cùng ai đó mặc đồng phục trắng muốt mang món trứng Benedict[7] đến cho cô là khi nào vậy?”
Dance nghĩ ngợi. “Giờ là mấy giờ rồi?”
Anh mỉm cười. “Đi nào. Chúng ta sẽ không bị muộn đâu.”
Cô đưa mắt nhìn đồng hồ. “Tôi không biết nữa.”
Kathryn Dance chưa bao giờ nghỉ không phép khi còn đi học, huống chi là lúc này, khi cô đang nắm giữ cương vị đặc vụ cao cấp của Cục Điều tra California.
Nhưng rồi cô tự hỏi: Sao mình lại do dự chứ? Mình thích ở bên Michael, hầu như mình vẫn luôn tìm đến anh ấy những lúc gặp khó khăn.
“Yên tâm đi”, cảm giác hứng khởi lại ùa về trong cô, nhưng lần này là một sự dễ chịu nhè nhàng. Họ ngồi cạnh nhau tại một băng ghế bên rìa khu nhà hàng, nhìn xuống các ngọn đồi. Bình minh đã lên cao, đó là một buổi sáng tháng Sáu trong trẻo, nóng bức.
Người nhân viên phục vụ trong bộ đồng phục chỉn chu, cùng một chiếc sơ mi trắng cổ cồn[8] mang thực đơn đến và rót cà phê cho họ. Ánh mắt Dance rơi ngay xuống trang bìa, nơi nhà hàng đang trưng bày hình ảnh về loại đồ uống Mimosas[9] nổi tiếng. Ôi không, cô nghĩ, và liếc lên nhìn O’Neil và bắt gặp anh cũng đang nhìn vào đó.
Họ bật cười.
“Khi nào chúng ta xong việc tại L.A. trước bồi thẩm đoàn hay ra trước toà,” anh nói, “... sâm banh nhé.”
“Nhất trí.”
Đúng lúc ấy điện thoại của O’Neil đổ chuông. Anh lướt nhìn qua danh tính người gọi. Dance lập tức nhận ra ngay những thay đổi trong cử chỉ của anh - vai hơi nhô cao, hai cánh tay co sát hơn vào người, ánh mắt nhìn vào màn hình đầy tập trung.
Cô biết người gọi là ai, thậm chí trước cả khi anh vui vẻ trả lời máy, “Chào, em yêu”. Từ cuộc trò chuyện qua điện thoại, Dance phỏng đoán vợ anh, Anne, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vừa có một chuyến công tác phát sinh ngoài dự kiến, và cô đang hỏi chồng về lịch làm việc của anh. Cuối cùng, O’Neil ngắt liên lạc, lặng im chờ cho bầu không khí tĩnh lặng lại trong giây lát và bắt đầu xem thực đơn.
“Được rồi,” anh lên tiếng, “trứng Benedict.”
Khi Dance ngước tìm người phục vụ định gọi món tương tự thì đến lượt chính điện thoại của cô rung lên. Cô đưa mắt đọc tin nhắn, cau mày, sau đó đọc lại lần nữa, ý thức được cử chỉ bên ngoài của cơ thể mình đang thay đổi nhanh chóng. Tim đập nhanh hơn, vai nhô cao, chân gõ liên tục trên mặt đất.
Dance thở dài, động thái vẫy tay gọi món nhanh chóng chuyển sang dấu hiệu ngỏ ý muốn thanh toán tiền.
Chương 3
Trụ sở khu vực trung tâm phía tây của Cục Điều tra California tọa lạc trong một tòa nhà hiện đại không hề có bất kỳ một biển hiệu nào, hoàn toàn tương tự như những trụ sở của các công ty bảo hiểm và tư vấn phần mềm nằm kế bên, tất cả cùng nằm gọn gàng sau các ngọn đồi và được tô điểm chỉn chu bởi những loại thực vật phong phú vùng Duyên hải miền Trung California.
Cơ sở này nằm gần Peninsula Garden nên Dance cùng O’Neil mất chưa đầy mười phút để đi từ khách sạn tới đó, nếu không tính đến thời gian dừng lại ở các chốt giao thông hay tín hiệu đèn đỏ. Dance xuống xe, đeo túi xách và chiếc túi đựng máy tính to kềnh càng lên vai, chiếc túi mà con gái cô thường gọi là “Phụ lục xách tay của mẹ”, sau khi cô bé biết được phụ lục là gì, rồi cô cùng O’Neil bước vào tòa nhà.
Vào bên trong, họ lập tức đến ngay nơi mà Dance luôn biết đội của mình sẽ tập hợp đông đủ: Văn phòng làm việc của cô, một phần trong trụ sở của CBI[1] được biết đến với mỹ từ “Cánh nhà của các quý cô”, hay GW[2]. Trên thực tế, các nhân vật làm việc ở khu này gồm có Dance, đồng cộng sự Connie Ramirez, trợ lý Maryellene Kresbach, và Grace Yuan, chánh văn phòng CBI, người duy trì tòa nhà hoạt động đều đặn chính xác như một cỗ máy tính giờ. Nguồn gốc danh xưng ấy xuất phát từ một lời nhận xét chẳng mấy hay ho do một nhân viên, mà giờ đã là cựu nhân viên, một anh chàng cũng chẳng hay ho gì cho lắm, gán cho nó trong khi anh ta cố gây ấn tượng về trí thông minh của mình với cô bạn gái trong lúc hướng dẫn cô nàng làm một tua tham quan quanh trụ sở.
Tất cả mọi người tại GW vẫn còn đang tranh luận với nhau liệu anh ta, hay một trong những cô nàng anh ta từng hẹn hò, đã bao giờ tìm thấy sản phẩm vệ sinh của phụ nữ mà Dance và Ramirez đã tống vào phòng làm việc, túi xách hoặc xe hơi của anh ta hay chưa.
Lúc này, Dance và O’Neil lên tiếng chào Maryellen. Người phụ nữ vui vẻ và không thể thiếu được này có thể dễ dàng quán xuyến cả một gia đình lẫn công việc trợ lý mà chẳng phải nhấp nháy đến một bên mi mắt kẻ mascara rất sẫm của mình. Bà cũng là một chuyên gia làm bánh tuyệt vời nhất Dance từng biết. “Xin chào, Maryellen. Mọi việc tới đâu rồi?”
“Chào, Kathryn. Tự chọn một cái đi nào.”
Dance đưa mắt nhìn, cố không bị khuất phục trước những chiếc bánh sô-cô-la giòn tan đựng trong chiếc lọ trên bàn làm việc của nữ trợ lý. Chúng quả xứng đáng với một tội lỗi trong Kinh Thánh. O’Neil, trái lại, chẳng hề cố gắng kháng cự. “Quả là bữa sáng ngon nhất tôi từng thưởng thức từ nhiều tuần nay.” Trứng Benedict…
Maryellen bật cười thích thú. “Được rồi, tôi mới gọi cho Charles lần nữa và để lại thêm một tin nhắn khác. Thật đấy,” bà thở dài. “Ông ta không hề nghe máy. TJ và Rey đang ở trong kia. À, chánh thanh tra O’Neil, một người của anh từ bên MCSO[3] đang ở đây đấy.”
“Cảm ơn. Bà thật đáng mến.”
Trong phòng làm việc của Dance, anh chàng TJ Scanlon - tóc đỏ trẻ tuổi và rắn rỏi đang ngồi ngất ngưởng trên ghế - liền đứng dậy. “Chào sếp. Cuộc thử giọng thế nào?”
Anh chàng muốn ám chỉ đến buổi lấy lời khai.
“Tôi là ngôi sao,” Dance bắt đầu thông báo tin xấu về phiên điều trần miễn truy tố trách nhiệm hình sự sẽ diễn ra.
Chàng đặc vụ nổi cáu. Cả anh ta cũng biết rõ thủ phạm, và kiên quyết không kém Dance trong việc cáo buộc tội danh của hắn.
TJ làm việc rất cừ trên cương vị của mình, dù anh chàng là đặc vụ có phong cách khác người nhất trong một cơ quan thực thi pháp luật vốn nổi tiếng là chuẩn tắc trong phương thức tiếp cận và tác phong. Hôm nay, anh ta mặc quần jean, áo sơ mi hiệu polo và áo khoác thể thao kẻ sọc theo phong cách madras[4] - kiểu kẻ sọc chỉ có thể tìm thấy trên một vài chiếc sơ mi bạc màu trong kho chứa đồ của bố anh ta. TJ sở hữu
một chiếc cà vạt, theo những gì Dance thường nhận xét, là một chiếc Jerry Garcia có mẫu mã kỳ cục đến khó ưa. TJ mắc chứng hoài cổ cấp tính với những thứ đồ thuộc thập niên 1960. Trong phòng làm việc của anh ta có hai cây đèn trang trí kiểu “Dung nham phun trào[5]”, không ngừng đua nhau thổi bong bóng lên.
Dance và anh ta chỉ cách nhau vài tuổi, nhưng giữa họ là khoảng cách của cả một thế hệ. Tuy thế, cả hai phối hợp khá ăn ý về mặt chuyên môn, pha lẫn một chút âm hưởng của thầy và trò. Cho dù TJ có thiên hướng hoạt động độc lập, một phương pháp làm việc trái ngược với nguyên tắc tại CBI, anh ta vẫn được tạm thời bổ sung để thế chân viên trợ thủ thường trực của Dance - người hiện vẫn đang mắc kẹt ở Mexico trong một vụ dẫn độ khá phức tạp.
Anh chàng Rey Carraneo kiệm lời, một lính mới tại CBI, lại là hình ảnh đối lập hoàn hảo nhất với TJ Scanlon mà người ta có thể hình dung ra. Anh ta gần ba mươi tuổi, khuôn mặt rám nắng dù có phần đầy đặn. Hôm nay anh ta mặc một bộ vest xám và áo sơ mi trắng trên thân hình dong dỏng. Anh ta có suy nghĩ từng trải hơn so với tuổi, có lẽ vì đã từng là một cảnh sát nhiều kinh nghiệm tại thành phố Reno đầy những tên cao bồi ở Nevada, trước khi cùng vợ chuyển tới đây để tiện chăm sóc người mẹ đau yếu. Carraneo cầm cốc cà phê bằng bàn tay có mang một vết sẹo ở kẽ giữa ngón cái và ngón trỏ mà mới chỉ vài năm trước, chỗ đó từng xăm một biểu tượng của băng nhóm. Dance cho rằng anh ta là người bình tĩnh và tập trung nhất trong số các đặc vụ trẻ của Cục, đôi lúc cô cũng tự hỏi, tất nhiên là chỉ với bản thân, phải chăng những tháng ngày anh ta tham gia vào băng nhóm đã phần nào tạo nên tính cách đó hay không.
Người nhân viên điều tra của Sở Cảnh sát hạt Monterey, với mái tóc húi cua điển hình và phong cách nhà binh, tự giới thiệu về mình và giải thích những gì xảy ra. Một cô gái vị thành niên người địa phương đã bị bắt cóc tại bãi đỗ xe ở trung tâm Monterey, mạn trên vùng Alvarado, lúc sáng sớm hôm đó. Tammy Foster bị trói và ném vào cốp xe của chính mình. Kẻ tấn công đã lái xe đưa cô tới bãi biển bên ngoài thành phố và bỏ mặc cô chết đuối khi thủy triều lên.
Dance rùng mình ớn lạnh khi nghĩ tới cảm giác mà nạn nhân đã phải trải qua khi nằm co quắp, lạnh cóng trong lúc nước tràn vào khoảng không gian chật hẹp.
“Đó là xe của cô gái đó sao?” O’Neil hỏi khi ngồi xuống một trong những chiếc ghế của Dance và ngả người đu đưa trên hai chân sau, đó chính xác là những gì cô thường răn đe con trai mình không được làm. Và cô chắc mẩm Wes đã học được thói này từ anh. Chân ghế kêu cót két dưới sức nặng của anh. “Đúng vậy, thưa ngài.”
“Bãi biển nào vậy?”
“Xuôi theo bờ biển, ở phía nam Highlands.”
“Vắng vẻ?”
“Vâng, xung quanh chẳng có ma nào. Không ai nhìn thấy cả.”
“Có nhân chứng tại hộp đêm nơi cô ấy bị bắt cóc không?” Dance hỏi.
“Không. Và bãi để xe cũng không có camera an ninh.”
Dance và O’Neil ghi lại các thông tin này. Nữ đặc vụ nói, “Vậy là thủ phạm cần chuẩn bị trước một chiếc xe khác gần chỗ hắn bỏ cô gái lại. Hoặc có thể có một đồng phạm đang chờ sẵn.” “Đội khám nghiệm hiện trường tìm thấy một số dấu chân trên cát, hướng về phía xa lộ. Ở cao hơn mực thủy triều. Nhưng cát quá rời rạc nên không thể xác định được loại hay cỡ giày. Tuy nhiên chắc chắn chỉ có một người.”
O’Neil hỏi, “Không có dấu vết nào cho thấy một chiếc xe rẽ khỏi đường để đón hắn lên sao? Hay một chiếc xe giấu trong các bụi cây gần đó chẳng hạn?”
“Không, thưa ngài. Chúng tôi đúng là có tìm thấy vài vệt bánh xe đạp, nhưng đều chỉ ở bên rìa đường. Có thể được tạo ra tối hôm đó, mà cũng có thể từ tuần trước. Không vệt lốp nào trùng khớp. Chúng tôi không có cơ sở dữ liệu về xe đạp,” anh này nói thêm.
Có hàng trăm người đạp xe trên bãi biển qua lại khu vực đó mỗi ngày.
“Động cơ gây án?”
“Không cướp tài sản, không xâm hại tình dục. Có vẻ như thủ phạm chỉ muốn giết cô bé. Một cách từ từ.”
Dance thở hắt ra.
“Có đối tượng tình nghi nào không?”
“Không.”
Dance quay sang nhìn TJ. “Và cậu đã nói thế nào với tôi lúc trước nhỉ, khi tôi gọi điện ấy? Phần kỳ quái. Còn gì thêm về phần đó không?”
“Ồ,” anh chàng đặc vụ trẻ bồn chồn, “hẳn ý sếp muốn nhắc tới vụ Cây thập tự ven đường.” Cục Điều tra California có phạm vi hành pháp rất rộng, nhưng thường chỉ tham gia vào điều tra các loại tội phạm nghiêm trọng điển hình như hoạt động của các băng đảng, các mối đe dọa khủng bố hay những vụ án tham nhũng và kinh tế lớn. Một án mạng riêng lẻ đột nhiên xuất hiện tại khu vực mà các vụ giết người do thanh toán băng đảng xảy ra như cơm bữa, ít nhất mỗi tuần một lần đáng ra không gây sự chú ý đặc biệt.
Song vụ tấn công Tammy Foster lại khác.
Trước hôm cô bị bắt cóc, một nhân viên tuần cảnh trên xa lộ đã tìm thấy một cây thập tự, giống như một vật tưởng niệm bên đường, ghi ngày tháng của ngày hôm sau trên đó, cắm trên cát ven đường Xa lộ 1. Khi người cảnh sát biết được vụ cô gái bị tấn công, xảy ra cách tuyến đường này không xa, anh ta liền tự hỏi liệu cây thập tự có phải là thông điệp của thủ phạm hay không. Anh ta quay lại lấy cây thập tự về. Đội khám nghiệm hiện trường Sở Cảnh sát Monterey tìm thấy một cánh hoa hồng nhỏ xíu trong cốp xe nơi Tammy bị bỏ mặc lại cho chết dần - cánh hoa hoàn toàn tương ứng với những bông hoa trong bó hoa được bỏ lại chỗ cây thập tự.
Nhìn bề nổi vụ tấn công có vẻ ngẫu nhiên và không có động cơ rõ ràng nào, vậy nên Dance buộc phải cân nhắc tới khả năng thủ phạm đang hướng đến những nạn nhân khác nữa.
Lúc này O’Neil hỏi, “Có bằng chứng gì trên cây thập tự không?”
Viên sĩ quan cấp dưới của anh nhăn mặt. “Thật ra, thưa chánh thanh tra O’Neil, người nhân viên tuần cảnh chỉ nhổ cây thập tự lên rồi ném vào cốp xe của anh ta cùng với bó hoa nữa.” “Vậy là đã bị tạp nhiễm?”
“Tôi e là vậy. Thanh tra Bennington nói ông ấy đã cố gắng hết sức để kiểm tra chúng.” Peter Bennington là người phụ trách cần mẫn có năng lực của phòng Thí nghiệm Hiện trường hạt Monterey.
“Nhưng không tìm thấy gì. Theo như kết quả sơ bộ thì không. Không có vân tay, ngoại trừ của người cảnh sát. Không có vết gì khác ngoài cát và bụi đất. Cây thập tự được làm từ ba cành cây và dây buộc hoa. Phiến tròn hình đĩa với ngày tháng viết trên đó có vẻ được cắt ra từ bìa các tông. Ông ấy cho biết loại bút được dùng là loại thông dụng. Và được viết theo kiểu chữ in hoa. Chỉ hữu ích nếu chúng ta tìm được mẫu chữ từ một kẻ tình nghi. Và còn có một bức ảnh trên cây thập tự. Trông rất quái gở. Giống kiểu trong phim Dự án Phù thủy Blair vậy, ngài biết đấy.”
“Một bộ phim hay,” TJ nói, và Dance không rõ có phải anh ta đang bỡn cợt hay không. Họ cùng nhìn vào bức ảnh. Nó thực sự quái gở. Các cành cây trông như những khúc xương đen thui bị vặn xoắn lại.
Bên khoa học hình sự không thể cho họ biết gì sao? Dance có một người bạn từng làm việc cùng cách đây không lâu, Lincoln Rhyme, một chuyên gia tư vấn về tội phạm học ở thành phố New York. Bất chấp việc bị liệt cả tứ chi, anh là một trong những chuyên gia phân tích hiện trường vụ án xuất sắc nhất trong nước. Cô tự hỏi, nếu để Rhyme xem xét hiện trường thì liệu anh có thể tìm ra điều gì đó hữu ích không? Cô đồ rằng anh sẽ tìm được. Nhưng có lẽ quy luật phổ biến nhất trong công việc của một cảnh sát là: Hãy hành động bằng những gì bạn có.
Cô để ý thấy một thứ trong bức ảnh “Những bông hồng”.
O’Neil hiểu ngay ý cô. “Các cuống hoa được cắt dài bằng nhau.”
“Đúng thế. Như vậy nhiều khả năng chúng có nguồn gốc từ một cửa hàng hoa, chứ không phải bị cắt đi từ vườn nhà ai đó.”
TJ nói, “Nhưng thưa sếp, sếp có thể mua được những bông hồng từ cả nghìn chỗ tại Peninsula.” “Tôi đâu có hô lên rằng điều này sẽ giúp ta lần được tới tận cửa nhà hắn,” Dance nói. “Tôi muốn nói đây là một chi tiết chúng ta có thể sử dụng. Và đừng có vội lao ngay tới kết luận. Có thể những bông hoa ấy đã bị ăn cắp,” cô cảm thấy cáu bẳn, hy vọng sự thể không diễn biến theo hướng ấy. “Tôi hiểu, thưa sếp.”
“Chính xác thì cây thập tự nằm ở chỗ nào?”
“Xa lộ 1. Ngay phía nam Marina,” anh ta chỉ vào một chỗ trên bản đồ treo tường của Dance.
“Có nhân chứng nào biết thời điểm cây thập tự được cắm ở đó không?” Dance quay sang hỏi người nhân viên điều tra.
“Không, theo bên Tuần cảnh Xa lộ California thì không. Và cũng chẳng có camera theo dõi nào trên đoạn đó. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm.”
“Có kho hàng nào không?” O’Neil hỏi, đúng lúc Dance định hỏi đúng câu tương tự. “Kho hàng?”
O’Neil quan sát bản đồ. “Ở bên phía đông tuyến xa lộ. Trong các khu mua bán cho người đi đường. Một trong số chúng hẳn phải được trang bị camera an ninh. Có thể có một cái hướng về địa điểm chúng ta quan tâm. Ít nhất chúng ta cũng biết được đặc điểm và kiểu xe nếu thủ phạm đi xe.” “TJ,” Dance nói, “hãy kiểm tra việc đó.”
“Vâng, thưa sếp. Có một Java House[6] khá tốt ở đó. Một trong những nơi ưa thích của tôi.” “Tôi rất mừng khi biết điều này.”
Một bóng đen xuất hiện trên ngưỡng cửa phòng Dance. “À, tôi không hề biết mọi người đang tụ tập ở đây.”
Charles Overby, đặc vụ mới được bổ nhiệm phụ trách chi nhánh Trung Tây của CBI, bước vào phòng làm việc của cô. Ông ta ở giữa tuổi ngũ tuần, làn da rám nắng. Người đàn ông có thân hình quả lê này vẫn tràn đầy tinh thần thể thao cho việc tới sân golf hay sân tennis vài lần mỗi tuần nhưng không đủ hoạt bát để đánh một loạt bóng dài mà không phải thở lấy hơi.
“Tôi đã ở trong phòng làm việc của tôi… à, cũng được một lúc rồi.”
Dance tảng lờ khi TJ kín đáo liếc xem đồng hồ đeo tay của anh ta. Nữ đặc vụ nghi ngờ việc Overby đã bước vào từ vài phút trước.
“Charles,” cô nói. “Xin chào ông. Có lẽ tôi đã quên báo cáo chúng tôi sẽ họp ở đâu. Xin lỗi.” “Xin chào, Michael,” thêm một cái gật đầu chào về phía TJ – người mà Overby đôi khi vẫn đưa mắt nhìn chằm chằm đầy tò mò – như thể ông ta chưa bao giờ gặp qua chàng đặc vụ cấp thấp này, dẫu có thể đó chỉ đơn thuần là để bày tỏ vẻ không hài lòng với gu thời trang của TJ.
Thực ra, Dance đã thông báo cho Overby về cuộc họp. Trên đường lái xe từ khách sạn Peninsula Garden về, cô đã để lại lời nhắn vào hộp thư thoại của ông ta, cho hay những tin tức đáng lo ngại về phiên tòa điều trần đề nghị miễn truy tố ở L.A. cũng như thông báo về kế hoạch họp mặt của họ ở đây, trong phòng làm việc này. Maryellen cũng đã báo cho ông ta biết chuyện đấy. Nhưng người phụ trách của CBI đã không trả lời. Dance cũng chẳng bận tâm gọi lại, vì Overby thường không mấy khi bận tâm đến khía cạnh vạch rõ sách lược từng bước tiến hành trong các cuộc điều tra. Cô hẳn sẽ không hề ngạc nhiên nếu ông ta từ chối cùng tham gia vào cuộc gặp này. Ông ta muốn biết Bức tranh tổng quan - cách diễn đạt gần đây mới trở thành thời thượng. TJ từng có lần gọi ông ta là Charles Tóm Lược[7], chuyện ấy đã làm Dance cười vỡ bụng.
“Được rồi, vụ cô gái trong cốp xe… hiện giờ đám phóng viên vẫn đang liên tục gọi điện chất vấn. Tôi đã phải trì hoãn. Bọn họ không khoái trò này lắm. Hãy tóm lược tình hình đi.”
À, đám phóng viên. Điều này giải thích rõ ràng cho mối quan tâm của ông ta.
Dance bắt đầu tường thuật lại những gì họ biết đến thời điểm này, cũng như những kế hoạch về sau. “Các vị cho rằng hắn sẽ tiếp tục gây án nữa? Như những gì mấy gã dẫn chương trình đang nói.” “Đó là điều họ đang phỏng đoán,” Dance nhẹ nhàng chỉnh lại.
“Vì chúng tôi không rõ nguyên nhân nào thúc đẩy thủ phạm tấn công nạn nhân đầu tiên, Tammy Foster, nên chúng tôi chưa thể chắc chắn điều gì,” O’Neil nói.
“Và cây thập tự có mối liên quan? Nó được để lại như một thông điệp phải không?” “Giám định pháp y cho thấy những bông hoa trùng khớp, đúng thế.”
“Ái chà. Tôi chỉ hy vọng chuyện này biến thành một kiểu Mùa hè của Sam.”
“À… đó là câu chuyện gì thế, Charles?” Dance hỏi.
“Cái gã ở New York đó. Bắn người rồi để lại những lời nhắn.”
“Ồ, đó là một bộ phim,” TJ là thư viện tham khảo về văn hóa đại chúng của họ. “Spike Lee. Kẻ sát nhân là con trai của Sam.”
“Tôi biết,” Overby vội nói. “Chỉ chơi chữ một chút thôi. Con trai và Mùa hè.”
“Chúng tôi không có bất cứ bằng chứng nào theo hướng này hay hướng khác. Kỳ thực, chúng tôi vẫn
chưa biết gì cả.”
Overby gật đầu. Ông ta chẳng bao giờ thích thú với việc không có câu trả lời… cho cánh báo chí, cho các sếp của ông ta ở Sacramento[8]. Điều đó khiến ông ta thấy bực bội, và đến lượt mình làm tất cả những người khác bực bội. Khi người tiền nhiệm của ông ta, Stan Fishburne, nghỉ hưu đột ngột vì lý do sức khỏe và Overby kế nhiệm, choáng váng là tâm trạng chung của mọi người. Fishburne là người luôn ủng hộ các đặc vụ. Ông sẵn sàng ủng hộ bất cứ ai cần thiết để hỗ trợ họ. Còn Overby có một phong cách khác. Rất khác.
“Tôi đã nhận được một cuộc gọi từ Tổng Chưởng lý tiểu bang[9].” Sếp cao cấp nhất của họ. “Vụ này đã trở thành tin sốt dẻo ở Sacramento rồi. Cả trên CNN nữa. Tôi sẽ phải gọi lại cho ông ấy. Tôi muốn chúng ta có được vài điều cụ thể.”
“Chúng tôi sẽ sớm biết nhiều hơn.”
“Liệu có khả năng đó chỉ là một trò đùa tinh nghịch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng? Như thử thách những kẻ mới nhập môn chẳng hạn. Kiểu như các hội nam sinh hay nữ sinh. Tất cả chúng ta đều làm thế ở trường, phải không?”
Dance và O’Neil chưa bao giờ từng là kẻ thích bày trò tai quái. Nữ đặc vụ cho rằng TJ cũng không, còn Rey Carraneo đã lấy bằng cử nhân điều tra tội phạm bằng cách học ban đêm trong khi làm cùng lúc hai công việc.
“Quá kinh khủng cho một trò đùa,” O’Neil nói.
“Được rồi, hãy cứ bảo lưu nó lại như một giả thiết. Tôi chỉ muốn đảm bảo chắc chắn chúng ta miễn nhiễm với sự hoảng loạn. Điều đó sẽ chẳng giúp ích được gì. Nên giảm nhẹ bất cứ giả thiết nào gợi ý tới một kẻ giết người hàng loạt. Và đừng có nhắc gì tới cây thập tự. Chúng ta vẫn còn đang quay cuồng với vụ trước cũng trong tháng này, vụ Pell đó!” ông ta chớp mắt. “Nhân đây tôi muốn biết luôn, việc lấy lời khai làm chứng diễn ra thế nào?”
“Đang chậm trễ,” chẳng lẽ ông ta không hề nghe lời nhắn của cô sao?
“Tốt quá.”
“Tốt ư?” Dance vẫn còn đang rất bực với vụ vận động miễn truy tố kia.
Overby chớp mắt. “Ý tôi là nó cho phép cô được tự do điều tra vụ Cây thập tự ven đường này.” Dance chợt nhớ về sếp cũ của cô. Hoài cổ đôi khi có thể là một nỗi đau thật ngọt ngào. “Bước tiếp theo là gì?” Overby hỏi.
“TJ đang kiểm tra camera an ninh tại các khu mua sắm và cửa hàng mua bán xe hơi gần nơi cây thập tự được để lại.”
Cô quay sang Carraneo. “Và Rey, cậu có thể kiểm tra khu vực quanh bãi để xe nơi Tammy bị bắt cóc chứ?”
“Rõ, thưa sếp.”
“Anh đang làm gì lúc này ở MCSO, Michael?” Overby hỏi.
“Điều tra một vụ án mạng băng đảng, sau đó là vụ Container.”
“Ồ, là vụ đó sao?”
Khu vực Bán đảo Monterey gần như miễn nhiễm với những mối đe dọa khủng bố. Tại đây không có cảng biển lớn, chỉ có các bến tàu đánh cá, sân bay có quy mô nhỏ và có hệ thống an ninh tốt. Nhưng chừng một tháng trước, một container đã bị lén lút bốc dỡ xuống khỏi một tàu chở hàng tới từ Indonesia đang cập cảng Oakland và được đưa lên xe tải đưa hàng về phía nam, hướng tới L.A. Một báo cáo cho rằng chiếc xe đã chạy tới tận Salinas, tại đây, nhiều khả năng hàng hóa bên trong container đã được dỡ xuống, sau đó chuyển sang những xe tải khác để tiếp tục vận chuyển.
Những thứ để trong đó có thể là hàng buôn lậu, ma túy, vũ khí hoặc, như một nguồn tin trinh sát đáng tin cậy khác báo cáo, là những người nhập cư bất hợp pháp. Indonesia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất thế giới và một số nhóm cực đoan nguy hiểm. Bên An ninh Nội địa đã tỏ ra quan tâm một cách hoàn toàn có lý.
“Nhưng,” O’Neil nói, “tôi có thể tạm dừng vụ đó lại một hay hai ngày.”
“Tốt,” Overby nói, cảm thấy nhẹ nhõm vì vụ Cây thập tự ven đường sẽ được cả một nhóm đặc vụ điều tra. Ông ta lúc nào cũng cố tìm cách phân tán rủi ro cho càng nhiều người càng tốt phòng trường hợp một khi cuộc điều tra gặp thất bại, cho dù như thế cũng đồng nghĩa với việc phải chia sẻ vinh quang.
Dance chỉ cảm thấy hài lòng vì cô và O’Neil sẽ được làm việc cùng nhau.
O’Neil nói, “Tôi sẽ đi lấy báo cáo điều tra hiện trường cuối cùng từ Peter Bennington.” Xuất thân của O’Neil không chuyên về khoa học hình sự, nhưng người cảnh sát rắn rỏi, kiên trì đó trông cậy vào các biện pháp truyền thống để giải quyết những vụ phạm tội: điều tra, tìm hiểu và phân tích hiện trường vụ án. Thi thoảng gồm cả những đòn đánh đầu đầy ngoạn mục. Song cho dù anh có đưa ra kỹ thuật nào đi nữa, người thám tử cao cấp này cũng đang giữ một trong những kỷ lục cao nhất về số vụ bắt giữ, và còn quan trọng hơn thế là số tội phạm bị kết án trong lịch sử của Cục.
Dance đưa mắt xem đồng hồ của cô. “Và tôi sẽ đi thẩm vấn nhân chứng.”
Overby lặng đi trong khoảnh khắc. “Nhân chứng ư? Tôi không hề biết có một nhân chứng.” Dance chẳng buồn nhắc rằng ngay cả thông tin này cũng đã xuất hiện trong lời nhắn cô cố gửi cho sếp của mình. “Đúng vậy, có đấy,” cô nói rồi khoác túi xách lên vai, bước ra phía cửa.
Chương 4
“Ôi, thật buồn,” người phụ nữ nói.
Chồng bà, ngồi sau tay lái chiếc Ford thể thao đa dụng, chiếc xe mà ông ta vừa phải chi ra bảy mươi đô la để đổ xăng, liếc mắt nhìn người phụ nữ. Tâm trạng ông đang không được tốt. Vì giá xăng, đồng thời cũng vì ông ta vừa được chiêm ngưỡng dáng vẻ đầy trêu ngươi của sân golf Pebble Beach, nơi ông ta không đủ rủng rỉnh để cho phép mình đến chơi, cho dù có được vợ đồng ý đi nữa.
Một điều gì đó buồn chán chắc chắn là thứ ông ta không muốn nghe.
Dẫu vậy, là một người đàn ông đã kết hôn hai mươi năm, ông đủ hiểu cần phải lên tiếng, “Chuyện gì?” câu hỏi có hơi cộc lốc so với dự định của ông ta.
Người phụ nữ không nhận ra, hay để tâm đến giọng điệu của chồng. “Kìa.”
Ông chồng nhìn về phía trước, nhưng bà vợ chỉ đăm đăm nhòm qua kính chắn gió về phía xa lộ vắng tanh, chạy ngoằn ngoèo qua khu rừng. Bà ta không chỉ vào thứ gì cụ thể. Điều đó càng khiến ông bứt rứt khó chịu hơn.
“Thử nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra?”
Ông chồng chuẩn bị gắt lên “Chuyện gì chứ?” thì nhìn thấy thứ bà vợ đang nói tới. Và ngay lập tức cảm thấy có lỗi.
Một trong những vật tưởng niệm tại nơi xảy ra tai nạn xe hơi được cắm trên cát trước khoảng ba mươi mét. Một cây thập tự thô kệch nhô lên sau một bó hoa. Những bông hồng màu đỏ sẫm. “Thật buồn,” ông ta lặp lại, nghĩ tới các con – hai đứa trẻ vị thành niên vẫn làm ông lo sợ chết khiếp mỗi lần chúng ngồi sau tay lái. Ông ta biết rõ mình sẽ cảm thấy thế nào nếu có chuyện gì xảy ra với chúng trong một vụ tai nạn. Ông chồng bắt đầu thấy hối tiếc thái độ khó chịu ban nãy của mình. Ông chồng lắc đầu, liếc mắt nhìn khuôn mặt không mấy thoải mái của bà vợ. Hai người lái xe đi quá chỗ cây thập tự được làm thủ công. Bà vợ thì thầm, “Chúa ơi. Nó vừa mới xảy ra.” “Thật sao?”
“Phải. Trên đó ghi đúng ngày hôm nay.”
Ông ta thoáng rùng mình, rồi họ tiếp tục lái xe hướng về một bãi biển cách đấy không xa, nơi có người đã giới thiệu cho đôi vợ chồng vì những tuyến đường dạo bộ tại đó. Người đàn ông ngẫm nghĩ, “Lạ thật.” “Anh nói cái gì lạ cơ?”
“Giới hạn tốc độ ở đoạn này là ba mươi lăm dặm một giờ. Em không thể cho rằng có ai bị tai nạn nặng đến nỗi chết được chứ.”
Bà vợ nhún vai. “Đám trẻ, chắc thế. Uống say rồi lái xe.”
Cây thập tự rõ ràng hướng mọi thứ theo góc nhìn nhận đó. Thôi nào, anh bạn, lẽ ra anh đang phải ngồi ở tận Portland khổ sở đánh vật với đám số má và băn khoăn tự hỏi rồi đây Leo còn bày ra trò điên rồ nào nữa tại cuộc họp toàn thể tiếp theo của nhóm làm việc. Nhưng giờ, anh đang ở khu vực đẹp nhất Tiểu bang California, và còn thêm năm ngày nghỉ nữa.
Và trong cả triệu năm sau này anh cũng không có cơ hội được tới chỗ nào gần sánh được với Pebble Beach đâu. Hãy thôi rên rỉ đi, người đàn ông tự bảo mình.
Ông chồng đặt bàn tay lên đầu gối vợ và lái xe về phía bãi biển, thậm chí chẳng buồn để ý đến màn sương mù buổi sớm vừa đột nhiên ngả sang màu xám.
~*~
Trong lúc lái xe chạy dọc tuyến đường 68, Xa lộ Holman, Kathryn Dance gọi điện cho các con, lúc này đang được ông Stuart, bố cô, lái xe đưa từng đứa tới trại hè ban ngày của chúng. Do cuộc hẹn lúc sáng sớm tại khách sạn, Dance đã thu xếp để Wes – mười hai tuổi và Maggie – mười tuổi ngủ đêm ở chỗ ông bà ngoại hai đứa.
“Con chào mẹ!” Maggie nói, “Bọn con có thể tới chỗ Rosie ăn tối được không?”
“Để tính sau con nhé. Mẹ đang có một vụ điều tra rất quan trọng.”
“Tối qua bà và con đã tự vắt mì để nấu Spaghetti. Trộn bột, trứng và nước với nhau. Ông nói bà và con làm mì từ nguyên gốc. Như thế có nghĩa là gì hả mẹ?”
“Từ các nguyên liệu cơ bản ban đầu. Không phải mua mì nấu sẵn đựng trong hộp.” “Hừm, cái đó thì con hiểu rồi. Ý con muốn biết “gốc” là sao cơ?”
“Không được nói ‘hừm’. Và mẹ cũng không biết. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau.”
“Vâng.”
“Mẹ sẽ gặp lại con sớm, cục cưng. Mẹ yêu con. Đưa máy cho anh con đi.”
“Chào mẹ,” Wes bắt đầu bài độc thoại về trận tennis được lên kế hoạch hôm nay. Dance nghĩ rằng Wes vừa bắt đầu chặng đổ dốc hướng tới tuổi vị thành niên. Đôi khi Wes là cậu con trai bé bỏng của cô, đôi khi lại là một thiếu niên đầy xa cách. Bố thằng bé đã mất hai năm trước và chỉ đến lúc này nỗi buồn đè nặng trong tâm hồn nó mới dần nguôi ngoai. Maggie, có lẽ do ít tuổi hơn, nên lấy lại thăng bằng dễ dàng hơn.
“Bác Michael vẫn sẽ đi chơi thuyền vào cuối tuần này chứ ạ?”
“Mẹ chắc là thế.”
“Tuyệt quá!” O’Neil đã rủ thằng bé đi câu cá vào thứ Bảy tuần này, cùng với Tyler, cậu con trai nhỏ của Michael. Vợ anh, Anne, hiếm khi ra ngoài cùng, và cho dù Dance thỉnh thoảng có đi, thì chứng say sóng cũng khiến cô trở thành một thủy thủ bất đắc dĩ.
Sau đó Dance nói chuyện với bố mình một lúc, cảm ơn ông vì đã giúp trông bọn trẻ, đồng thời cũng cho ông hay vụ điều tra mới có thể làm cô mất khá nhiều thời gian. Stuart Dance là người ông hoàn hảo – nhà sinh học biển sắp về hưu – có thể tự chủ được giờ giấc của mình và thực sự thích việc dành thời gian bên lũ trẻ. Ông cũng không ngại đóng vai tài xế. Tuy nhiên, hôm nay ông có một cuộc họp tại thủy cung vịnh Monterey nhưng vẫn cam đoan với con gái là sẽ đưa lũ trẻ về chỗ bà ngoại hai đứa sau khi chúng kết thúc trại hè ban ngày. Dance có thể đón các con cô ở đó.
Mỗi ngày trôi qua Dance đều cảm ơn số phận hay Chúa rằng cô có gia đình yêu dấu của mình ở bên. Trái tim cô se lại mỗi khi nghĩ tới những người mẹ đơn thân không có người giúp đỡ. Cô chạy chậm dần, rẽ ở chỗ đèn giao thông và đưa xe vào bãi đỗ của bệnh viện vịnh Monterey, quan sát đám đông đứng sau hàng rào chắn bằng gỗ màu xanh.
Có nhiều người biểu tình phản đối hơn ngày hôm qua.
Và ngày hôm qua lại nhiều hơn hôm trước đó.
Bệnh viện vịnh Monterey là một cơ sở danh tiếng, một trong những trung tâm y tế tốt nhất vùng, và cũng là một trong những nơi bình dị nhất, lọt thỏm giữa khu rừng thông. Dance biết rõ nơi này, cô đã sinh con tại đây, bên cạnh bố mình khi ông hồi phục sau ca đại phẫu. Cô cũng từng tới nhận diện thi thể chồng mình tại nhà xác của bệnh viện.
Và ngay bản thân cô mới đây đã bị tấn công tại chính nơi này – một biến cố có liên quan tới cuộc phản đối mà hiện tại Dance đang chứng kiến.
Trong quá trình điều tra vụ án Daniel Pell, Dance đã cử một cảnh sát trẻ của hạt Monterey tới canh gác tù nhân ở phòng xử án của tòa án hạt tại Salinas. Bị cáo đã trốn thoát, trong lúc đào tẩu, y đã tấn công và làm bỏng nặng viên cảnh sát, Juan Millar, sau đó anh ta được đưa tới khu Điều trị tích cực ở đây. Đó quả là một quãng thời gian nặng nề đối với gia đình Juan, là nỗi hoang mang của chính anh ta, Michael O’Neil và các đồng nghiệp của anh tại MCSO. Và với cả Dance nữa.
Chính vào lúc cô tới thăm Juan thì người anh trai đang đau khổ tột bậc của anh ta, Julio, đã tấn công cô, nổi xung khi thấy cô cố lấy lời khai giữa lúc Juan đang nửa tỉnh nửa mê. Dance đã bị giật mình nhiều hơn là đau trong vụ tấn công, cô quyết định không đâm đơn kiện người anh đang ở trạng thái mất bình tĩnh kia.
Vài ngày sau khi nhập viện, Juan qua đời. Thoạt đầu, dường như nguyên nhân cái chết là kết quả do bỏng nặng. Nhưng sau đó người ta khám phá ra rằng có ai đó đã lấy đi mạng sống người bệnh – một vụ giết người vì thương cảm.
Dance rất buồn khi nghe tin, song các vết thương của Juan nặng đến mức tương lai của anh ta sẽ chẳng có gì khác hơn ngoài đau đớn và các quá trình can thiệp y tế. Tình cảnh của Juan cũng làm mẹ Dance, Edie, một y tá công tác tại bệnh viện này, rất áy náy. Dance nhớ lúc ấy cô đang đứng trong bếp, mẹ cô đứng ngay gần bên, đôi mắt bà nhìn chằm chằm vô định. Có điều gì đó đang làm bà vô cùng lo lắng, và
ngay sau đó đã nói cho Dance biết lý do: Trong lúc bà đang kiểm tra cho Juan, người bệnh tỉnh lại và nhìn bà với ánh mắt cầu xin.
Anh ta thì thầm, “Hãy giết tôi đi.”
Có thể đoán anh ta đã từng đưa ra lời cầu xin với ai đó tới thăm hay chăm sóc cho mình. Và không bao lâu sau, người nọ đã hoàn thành ước nguyện cho anh.
Không ai rõ danh tính của kẻ đã trộn thuốc vào dịch truyền tĩnh mạch để kết thúc cuộc sống của Juan. Cái chết này chính thức trở thành một cuộc điều tra tội phạm do Sở Cảnh sát hạt Monterey phụ trách. Song vụ án đã không được điều tra quá ráo riết: Các bác sĩ báo cáo rằng viên cảnh sát khó có khả năng sống thêm được hơn một hay hai tháng. Cái chết của anh ta rõ ràng là một hành động nhân đạo, cho dù là phạm tội.
Song vụ việc đã trở thành một cái cớ lý tưởng cho những người ủng hộ quan điểm duy trì sự sống đến cùng cho bệnh nhân. Những người phản đối mà Dance quan sát từ trong bãi để xe giờ đây đang giơ cao các biểu ngữ mang hình thập tự và hình ảnh Jesus cũng như Terry Schiavo, người phụ nữ bị hôn mê sâu ở Florida, quyền được chết của cô này đã khiến cả Quốc hội Mỹ cũng phải vào cuộc.
Những tấm biểu ngữ được giơ lên trước bệnh viện vịnh Monterey chỉ trích một cách ghê tởm hành động giết người nhân đạo và cả việc phá thai, rõ ràng vì tất cả những người có mặt đều từng được tập hợp từ trước và đã sẵn có tâm trạng phản đối. Họ phần lớn là thành viên của nhóm Ưu tiên sự sống, có trụ sở tại Phoenix. Họ đã tới chỉ vài ngày sau cái chết của viên sĩ quan cảnh sát trẻ.
Dance tự hỏi liệu có ai trong bọn họ nhận ra sự mỉa mai khi không phản đối cái chết bên ngoài một bệnh viện hay không. Nhiều khả năng là không. Họ dường như không phải là một nhóm người có khả năng cảm nhận sự hài hước.
Dance chào vị phụ trách an ninh, một người gốc Phi cao lớn, lúc ấy đang đứng bên lối vào chính. “Xin chào, Henry. Có vẻ như họ vẫn tiếp tục đến.”
“Xin chào, đặc vụ Dance.” Henry Bascomb – một cựu cảnh sát thích dùng các danh xưng trong ngành. Anh ta cười ngơ ngẩn, hất hàm về phía đám người. “Như bầy thỏ vậy.”
“Ai là người cầm đầu vậy?”
Ở trung tâm đám người là một gã đàn ông gầy gò hói đầu với các ngấn thịt dưới cái cằm nhọn. Ông ta mặc đồ mục sư.
“Ông mục sư đó là thủ lĩnh.” Bascomb cho cô biết. “Mục sư Samuel Fisk. Ông ta khá nổi tiếng đấy. Từ tận Arizona tới đây.”
“Mục sư Samuel Fisk. Một cái tên rất giàu chất mục sư,” cô bình luận.
Bên cạnh vị mục sư là một người đàn ông lực lưỡng với mái tóc quăn đỏ mặc bộ vest sẫm màu cài hết khuy. Dance đoán là một tay vệ sĩ.
“Cuộc sống là thiêng liêng!” một người nào đó hô lớn, hướng về phía mấy chiếc xe của các kênh tin tức đậu gần đấy.
“Cuộc sống thiêng liêng!” cả đám đông reo lên.
“Quân sát nhân,” Fisk hô lớn, giọng vang vọng đáng kinh ngạc với một người xương xẩu chẳng khác gì một con bù nhìn.
Cho dù mấy lời đó không hướng vào mình nhưng Dance vẫn thấy ớn lạnh và trong đầu lại lóe lên ký ức về sự việc diễn ra tại khoa Điều trị tích cực, khi Julio Millar trong tình trạng như hóa điên đã chộp lấy cô từ phía sau trước khi Michael O’Neil và một đồng nghiệp khác kịp can thiệp.
“Quân sát nhân!”
Những người phản đối đồng thanh lặp lại thành nhịp. “Quân… sát nhân. Quân… sát nhân!” Dance đoán đến cuối ngày hẳn giọng bọn họ sẽ khản đặc.
“Chúc may mắn,” cô nói với người phụ trách an ninh, anh ta chỉ đảo mắt tỏ vẻ không mấy chắc chắn. Dance vào bên trong, đưa mắt nhìn quanh, phần nào mong chờ được gặp mẹ mình. Sau đó, cô được chỉ dẫn tại bộ phận tiếp tân và hối hả bước xuống hành lang tới căn phòng nơi cô sẽ gặp nhân chứng của vụ án Cây thập tự ven đường.
Khi Dance bước qua cửa phòng để mở, cô gái vị thành niên tóc vàng bên trong, đang nằm trên chiếc giường bệnh thiết kế chuyên biệt, liền ngước mắt nhìn lên.
“Chào Tammy. Chị là Kathryn Dance,” cô mỉm cười với Tammy. “Chị vào được chứ?”
Chương 5
Dù Tammy Foster đã bị bỏ mặc cho chết đuối trong cốp xe, kẻ thủ ác đã có một tính toán sai. Nếu hắn đỗ lại xa bờ hơn, thủy triều đã đủ cao để nhấn chìm toàn bộ chiếc xe, đẩy cô bé tội nghiệp vào một cái chết khủng khiếp. Nhưng trên thực tế, chiếc xe đã bị cát làm kẹt lại cách bờ không xa mấy, và khi thủy triều lên, nước tràn vào trong cốp chiếc Camry chỉ dâng lên khoảng mười lăm phân. Đến khoảng bốn giờ sáng, một nhân viên hãng hàng không trên đường đi làm đã nhìn thấy tia sáng lấp lóe từ chiếc xe. Đội cứu hộ đã giải thoát cho cô bé, trong trạng thái gần như bất tỉnh vì những điều kiện phải chịu đựng, đang sắp lâm vào tình trạng sụt thân nhiệt nặng, và cấp tốc đưa cô bé vào bệnh viện. “Bây giờ em cảm thấy thế nào?” Dance hỏi.
“Ổn, em đoán vậy.”
Tammy khoẻ khoắn và xinh đẹp, nhưng rất nhợt nhạt. Cô bé có khuôn mặt dài, mái tóc suôn mượt màu vàng được nhuộm hoàn hảo, và một sống mũi dọc dừa theo Dance đoán đã từng có một hình dạng ít nhiều khác khi cô bé mới chào đời. Một cái liếc nhanh về phía túi mỹ phẩm nhỏ giúp Dance biết rõ cô bé hiếm khi ra ngoài mà không trang điểm.
Tấm phù hiệu được Dance trình ra.
Tammy đưa mắt nhìn qua nó.
“Trông em khá ổn.”
“Nước lạnh lắm,” Tammy nói. “Em chưa bao giờ thấy lạnh đến thế trong đời mình. Em vẫn còn chết khiếp.”
“Hẳn là thế rồi.”
Cô chuyển sự chú ý sang màn hình tivi. Trên đó đang phát một bộ phim truyện nhiều tập. Dance và Maggie đôi khi cũng xem bộ phim này, thường là lúc con bé bị ốm phải nghỉ học. Bạn không nhất thiết theo dõi hàng tháng trời vì khi tiếp tục xem trở lại, bạn vẫn có thể hiểu nội dung một cách hoàn hảo.
Dance ngồi xuống, nhìn qua những quả bóng bay và vô số bông hoa để trên một cái bàn gần đó, theo bản năng cố tìm kiếm những bông hồng đỏ, những món quà tôn giáo hay những tấm thiếp có hình cây thập tự. Không có gì hết.
“Em phải ở lại bệnh viện trong bao lâu?”
“Có lẽ hôm nay em sẽ xuất viện. Cũng có thể là mai, người ta nói thế.”
“Các bác sĩ thế nào? Dễ mến chứ?”
Đáp lại là một tiếng cười.
“Em học trường nào?”
“Robert Louis Stevenson.”
“Sắp lên năm cuối?”
“Vâng, vào mùa thu.”
Để không khí thoải mái, Dance tâm sự với Tammy: Hỏi cô bé có theo học các lớp hè không, đã nghĩ mình muốn vào trường đại học nào chưa, về gia đình cô bé, về thể thao. “Em có kế hoạch đi nghỉ ở đâu không?”
“Bây giờ thì gia đình em có rồi,” cô bé nói. “Sau chuyện vừa xảy ra. Mẹ, em gái và em sẽ đến Florida thăm bà vào tuần sau.” Có âm hưởng ngán ngẩm trong giọng nói của cô bé, và Dance thấy rõ ràng việc tới Florida cùng gia đình là điều cuối cùng cô bé muốn làm.
“Tammy, em biết đấy, bọn chị rất muốn tìm ra kẻ đã làm chuyện này với em.”
“Thằng khốn.”
Dance nhướng một bên lông mày với vẻ tán đồng. “Hãy kể cho chị nghe những gì đã xảy ra.” Tammy giải thích bản thân đã đến hộp đêm và ra về sau nửa đêm. Cô bé đang ở trong bãi để xe thì có kẻ nào đó ập tới từ phía sau, dùng băng dính bịt miệng, trói chân tay cô bé lại, ném vào cốp xe rồi lái tới bãi biển.
“Hắn bỏ mặc em lại đó để, thế đấy, chết đuối.” Đôi mắt cô bé trống rỗng. Dance, về bản chất vốn là người biết cảm thông – một nét tính cách cô thừa hưởng từ mẹ mình – có thể tự thân cảm nhận được nỗi kinh hoàng, một cảm giác đau nhoi nhói chạy dọc theo sống lưng cô.
“Em có biết kẻ tấn công mình không?”
Cô bé lắc đầu. “Nhưng em biết chuyện gì đã xảy ra.”
“Là gì vậy?”
“Các băng nhóm.”
“Hắn ở trong một băng nhóm sao?”
“Vâng, tất cả mọi người đều biết. Để được gia nhập, chị cần phải giết ai đó. Và nếu muốn vào một băng La Tinh, chị cần giết một cô gái da trắng. Đó là luật lệ.”
“Em nghĩ thủ phạm là người gốc La Tinh?”
“Vâng, em chắc chắn là thế. Em không trông thấy mặt hắn nhưng đã thấy bàn tay. Nước da sẫm hơn, chị biết đấy. Không đen. Nhưng hắn chắc chắn không phải người da trắng.”
“Vóc người hắn thế nào?”
“Không cao lắm. Khoảng một mét sáu mươi tám, nhưng quả thực hắn rất, rất khoẻ. À, còn một chuyện nữa. Em nghĩ tối hôm qua em đã nói chỉ có một gã. Nhưng sáng nay em đã nhớ lại. Bọn chúng có hai người.”
“Em nhìn thấy hai tên?”
“Hơn thế, em cảm thấy có thêm một người nữa ở ngay gần, chị cũng biết cảm giác đó thế nào đúng không?”
“Liệu đó có thể là một phụ nữ không?”
“Ồ, có lẽ. Em không biết nữa. Như em vừa nói đấy, lúc đó em rất hoảng sợ.”
“Có kẻ nào động chạm vào em không?”
“Không, theo kiểu đó thì không. Chúng chỉ dán băng dính lên người em rồi ném vào cốp xe thôi,” đôi mắt cô bé loé lên những tia căm giận.
“Em còn nhớ gì lúc xe chạy không?”
“Không, lúc ấy em quá sợ. Em nghĩ mình nghe thấy tiếng loảng xoảng gì đó, một tiếng va đập vọng ra từ trong xe.”
“Không phải trong cốp?”
“Không. Nghe như tiếng kim loại va đập hay kiểu như thế, em nghĩ vậy. Hắn cho thứ đó vào trong xe sau khi đã ném em vào cốp. Em đã xem phim đó, một tập trong loạt phim Saw[1]. Và lúc ấy em nghĩ có thể hắn sẽ dùng thứ đó để tra tấn em.”
Chiếc xe đạp, Dance thầm nghĩ, nhớ lại những vệt bánh xe ngoài bãi biển. Hắn đã mang theo một chiếc xe đạp để rời khỏi hiện trường. Cô đưa ra giả thiết này, song Tammy lại nói là không phải vì không thể nhét một chiếc xe đạp lên băng ghế sau. Cô bé nghiêm chỉnh thêm vào, “và tiếng động đó nghe cũng không giống một chiếc xe đạp.”
“Được rồi, Tammy,” Dance chỉnh lại kính và không ngừng quan sát cô bé, lúc này đang đưa mắt nhìn những bông hoa, tấm thiếp và thú nhồi bông. Cô bé nói thêm, “Chị nhìn những thứ mọi người mang đến tặng em xem. Con gấu đằng kia là đẹp nhất phải không chị?”
“Phải, trông nó dễ thương đấy… Vậy là em nghĩ đó là mấy thanh niên gốc La Tinh trong một băng nhóm?”
“Vâng. Nhưng… nói chung, chị biết đấy, giờ thì, có vẻ đã qua rồi.”
“Đã qua rồi?”
“Ý là em đã không bị giết. Chỉ bị ướt một chút thôi,” cô bé bật cười trong khi tránh ánh mắt Dance. “Bọn chúng chắc chắn đang rất hoảng. Câu chuyện được nhắc đến khắp nơi trên các bản tin. Em cá là chúng đã đi rồi. Em nghĩ có khi chúng đã rời khỏi thành phố.”
Hiển nhiên là các băng nhóm luôn có những nghi thức gia nhập. Và một số trong đó có dính dáng tới giết người. Những chuyện giết chóc hiếm khi nằm ngoài vấn đề chủng tộc hoặc nhóm sắc tộc, và thông thường nhất là nhằm vào thành viên của băng nhóm đối thủ hoặc những kẻ bán tin. Bên cạnh đó, chuyện xảy đến với Tammy được bố trí quá công phu. Dance đã học được một điều từ việc điều tra các tội ác liên quan đến băng đảng, đó là chúng trước hết liên quan tới chuyện làm ăn. Thời gian là tiền bạc và càng tốn ít
thời gian vào những hoạt động ngoài lề càng tốt.
Dance vốn đã đi đến kết luận Tammy không hề nghĩ kẻ tấn công cô bé là một thành viên trong băng đảng gốc La Tinh. Và cô bé cũng chẳng hề tin chuyện có hai kẻ tấn công mình.
Trên thực tế, Tammy biết nhiều về thủ phạm hơn những gì cô bé thể hiện ra ngoài. Đã đến lúc cần tìm ra sự thật.
Quá trình phân tích ngôn ngữ hành vi trong thẩm vấn và hỏi cung trước hết bắt đầu bằng việc xác lập một vạch ranh giới – một tập hợp những hành vi đối tượng thể hiện khi nói thật: Họ đặt bàn tay vào đâu, họ nhìn vào đâu, thường xuyên tới mức nào, trong khi nói họ có chen vào “ừm”, “à” hay không, họ có gõ bàn chân không, ngồi thõng vai hay nhô người ra trước, họ có do dự trước khi trả lời không?
Sau khi vạch ranh giới trung thực này đã được xác định, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể sẽ ghi nhận bất cứ biểu hiện nào đi chệch khỏi nó khi đối tượng bị hỏi một câu hỏi mà anh ta hay cô ta có thể có lý do để trả lời sai sự thật. Khi nói dối, phần lớn mọi người đều cảm thấy căng thẳng, lo lắng và cố gắng giải tỏa những cảm giác khó chịu đó bằng những cử chỉ và cách diễn đạt ngôn ngữ khác biệt với bình thường. Một trong những câu viện dẫn ưa thích của Dance đến từ một người đã từng sống trước khi khái niệm “ngôn ngữ cơ thể” được hình thành cả thế kỷ: Charles Darwin, người đã nói, “Những cảm xúc bị kìm nén hầu như luôn thể hiện ra ngoài dưới dạng một cử động nào đó của cơ thể.”
Khi chủ đề danh tính kẻ tấn công được đề cập đến, Dance nhận thấy ngôn ngữ cơ thể của cô bé đã dao động khỏi vạch ranh giới đó: Cô bé vặn vẹo hông một cách không thoải mái, một bàn chân liên tục lắc lư. Những kẻ nói dối thường có thể kiểm soát các cánh tay và bàn tay một cách khá dễ dàng, song lại ít để ý tới phần còn lại của cơ thể mình hơn nhiều, đặc biệt là các ngón chân và bàn chân.
Dance cũng nhận thấy những thay đổi khác: Trong cao độ giọng nói của cô bé, ngón tay liên tục gãi lên tóc, những “cử chỉ ngăn chặn” khi đưa tay lên chạm vào miệng và mũi. Tammy cũng có những hành vi ngôn ngữ lạc đề không cần thiết. Cô bé nói lan man, đưa ra những câu chung chung vô nghĩa như “Tất cả mọi người đều biết điều đó” – những biểu hiện điển hình của một người đang nói dối.
Kanthryn Dance tin chắc cô bé đang giấu giếm thông tin nên lúc này cô chuyển sang chế độ phân tích. Cách tiếp cận của cô để làm cho một đối tượng nói thật bao gồm bốn phần. Thứ nhất, cô đặt câu hỏi: Đối tượng có vai trò gì trong biến cố? Ở đây, Tammy chỉ là nạn nhân và nhân chứng, Dance kết luận. Cô bé không phải là một kẻ can dự, không liên quan tới một hành vi tội phạm khác hay ngụy tạo nên vụ bắt cóc mình.
Thứ hai, động cơ của việc nói dối là gì? Câu trả lời đã quá rõ ràng, cô bé tội nghiệp sợ bị trả thù. Trường hợp này cũng thường thấy, nó giúp công việc của Dance trở nên đơn giản hơn nếu so với việc động cơ của Tammy là che giấu hành vi phạm tội của bản thân.
Câu hỏi thứ ba: Cá tính chung của đối tượng thuộc loại nào? Hiểu rõ điều này sẽ giúp Dance biết cô nên áp dụng phương cách tiếp cận nào để tiếp tục cuộc thẩm vấn. Chẳng hạn, cô nên tỏ ra nghiêm khắc hay hiền hòa, xúc tiến theo hướng giải quyết vấn đề hay động viên tình cảm, cư xử một cách thân thiện hay xa cách? Dance phân loại đối tượng của cô theo các đặc tính trong Chỉ số phân loại Myers - Briggs[2] cho phép đánh giá liệu một người hướng ngoại hay hướng nội, lý trí hay tình cảm, giác quan hay trực giác.
Điều khác biệt giữa mẫu người hướng ngoại và hướng nội nằm ở thái độ. Liệu đối tượng hành động trước rồi sau đó đánh giá kết quả - hướng ngoại hay cân nhắc trước khi hành động - hướng nội? Quá trình thu thập thông tin được tiến hành hoặc bằng cách đặt niềm tin vào nhìn nhận - giác quan, hoặc bằng trông cậy vào các linh cảm - trực giác. Việc đưa ra quyết định xảy ra hoặc thông qua phân tích khách quan - lý trí, hoặc là sự lựa chọn cảm tính - tình cảm. Cho dù Tammy khá xinh, khỏe khoắn và có vẻ là một cô gái được mọi người yêu mến, thì khi rơi vào tình cảnh mất an toàn, và cả một cuộc sống gia đình bất ổn – như những gì Dance tìm hiểu được – cũng biến cô bé thành một người hướng nội, con người của trực giác và tình cảm. Có nghĩa là Dance không thể dùng cách tiếp cận thẳng thừng với cô bé. Tammy đơn giản sẽ biến thành một bức tường đá, và bị tổn thương tâm lý nặng nề bởi quá trình thẩm vấn gay gắt.
Cuối cùng, câu hỏi thứ tư người thẩm vấn nhất thiết phải đặt ra là: Đối tượng có đặc tính của loại người nói dối nào?
Có tất cả vài loại. Những kẻ thủ đoạn, hay kiểu Machiavelli điển hình[3] – những kẻ không thấy có gì sai trong việc nói dối vì bọn họ sử dụng dối trá như một công cụ để đạt được mục tiêu cho bản thân trong tình yêu, làm ăn, chính trị và rất, rất giỏi gạt lừa. Những loại khác bao gồm kiểu xã giao – lấy nói dối để
giải trí, kiểu thích nghi – những người thiếu tự tin mượn dối trá hòng tạo ấn tượng tích cực, kiểu diễn viên – những người nói dối để kiểm soát bản thân.
Dance đi đến kết luận Tammy là một sự kết hợp giữa kiểu thích nghi và kiểu diễn viên. Tình cảnh mất an toàn khiến cô bé nói dối để hỗ trợ cho cái tôi mong manh của mình, và cô bé sẽ sẵn sàng nói dối để đạt mục đích.
Một khi người chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể trả lời xong bốn câu hỏi này, phần còn lại của quá trình rất đơn giản: Cô tiếp tục đặt câu hỏi với đối tượng, ghi nhận cẩn thận những hành vi thể hiện phản ứng căng thẳng – các biểu hiện của lời nói dối. Sau đó liên tục trở lại với những câu hỏi, những điều có liên quan, thăm dò tỉ mỉ hơn, tập trung xoáy sâu vào phần nói dối, ghi nhận và xem xét đối tượng đối phó với mức độ căng thẳng ngày càng cao như thế nào. Liệu cô bé sẽ nổi giận, phủ nhận, suy sụp hay cố gắng xoay xở để thoát ra khỏi tình thế của mình? Từng trạng thái trong số này đòi hỏi những cách ứng phó khác nhau để thúc ép, dụ dỗ hay động viên đối tượng nói ra sự thật.
Đây chính là điều Dance đang làm lúc này, ngồi hơi nhô người ra trước một chút để đưa mình vào một vị trí gần gũi nhưng không xâm phạm “ranh giới” - cách Tammy chừng gần một mét. Làm thế sẽ khiến cô bé cảm thấy bồn chồn, nhưng không bị đe dọa quá đáng. Dance luôn giữ một nụ cười phảng phất trên khuôn mặt, và quyết định không đổi kính gọng xám lấy cặp kính gọng đen – “Cặp kính săn mồi” cô vẫn đeo để áp chế những đối tượng kiểu Machiavelli điển hình.
“Những gì em nói rất hữu ích, Tammy. Chị đánh giá rất cao sự hợp tác của em.”
Cô bé mỉm cười, nhưng cũng liếc nhìn ra cửa. Dance kết luận: Nói dối.
“Nhưng có một thứ,” cô nói thêm, “bọn chị đã có được một số báo cáo về hiện trường vụ án. Giống như trong phim CSI[4], em biết chứ?”
“Có chứ. Em xem nó mà.”
“Em thích phần nào?”
“Phần đầu. Chị biết đấy, Las Vegas.”
“Chị nghe nói đó là bản hay nhất,” Dance chưa bao giờ xem qua phần này. “Nhưng từ các bằng chứng, có vẻ không hề có hai kẻ tấn công. Cho dù là ở bãi gửi xe hay ngoài bãi biển.”
“Ồ. Vậy đấy, như em đã nói, tất cả chỉ là, ừm, một cảm giác thôi.”
“Và chị có một câu hỏi. Tiếng loảng xoảng em nghe thấy đó? Em biết đấy, bọn chị cũng không tìm thấy bất cứ vệt bánh xe hơi nào khác. Vì thế bọn chị rất băn khoăn về việc hắn đã làm thế nào để chạy khỏi hiện trường. Chúng ta hãy cùng quay lại chiếc xe đạp. Chị biết em không nghĩ đó là âm thanh đã vang lên trong xe, tiếng loảng xoảng, nhưng nói cho cùng cũng vẫn có thể có khả năng là nó chứ, em có nghĩ thế không?”
“Một chiếc xe đạp ư?”
Nhắc lại một câu hỏi thường là dấu hiệu của lừa dối. Đối tượng đang cố kéo dài thời gian để nghĩ tới những hệ quả của một câu trả lời và để bịa ra điều gì đó có vẻ đáng tin.
“Không, không thể nào. Làm sao một chiếc xe đạp có thể ở trong xe được?” lời phủ nhận của Tammy đến quá nhanh và quá quả quyết. Cô bé cũng đã cân nhắc tới khả năng một cái xe đạp song vì một lý do nào đó lại không muốn thừa nhận nó.
Dance nhướng một bên mày lên. “Ồ, chị cũng không biết nữa. Một người hàng xóm của chị cũng có một chiếc Camry. Đó là một chiếc xe khá lớn.”
Cô bé chớp mắt, dường như ngạc nhiên khi Dance biết kiểu xe của mình. Việc người đặc vụ đã tìm hiểu cặn kẽ mọi chi tiết khiến Tammy cảm thấy bất an. Nhìn ra cửa sổ. Cô bé đang hành động một cách vô thức để cố thoát khỏi tâm trạng lo lắng không chút thú vị này. Dance đã tiến sát tới một điều gì đó. Cô cảm thấy mạch của chính mình đập mạnh hơn.
“Có thể lắm. Em không rõ nữa,” Tammy nói.
“Vậy là hắn có thể có một chiếc xe đạp. Như thế có nghĩa hắn cũng trạc tuổi em, hay trẻ hơn một chút. Tất nhiên người lớn cũng đi xe đạp, nhưng những bạn trẻ như em sẽ sử dụng nhiều hơn. À này, em nghĩ sao về khả năng kẻ tấn công là ai đó học cùng trường với em?”
“Ở trường ư? Không đời nào. Không ai em biết lại có thể làm một việc như thế.” “Đã từng có ai đe dọa em bao giờ chưa? Hay em có ẩu đả với ai ở trường Stevenson không?” “Em nghĩ Brianna Crenshaw cay lắm khi em đánh bại nó để vào đội hoạt náo viên. Nhưng nó lại bắt đầu hẹn hò với Davey Wilcox, người em có cảm tình. Vậy là nghe có vẻ như hòa,” cô bé cười nghèn
nghẹn.
Dance cũng mỉm cười.
“Không, đó chính là tay thành viên trong băng nhóm. Em chắc chắn thế,” đôi mắt cô bé mở to. “Đợi đã, bây giờ em nhớ ra rồi. Hắn có gọi một cuộc điện thoại. Có thể là cho kẻ cầm đầu băng nhóm. Em có thể nghe hắn mở điện thoại ra và nói, ‘Ella esta en el coche’.”
Con bé ở trong cốp xe, Dance tự dịch cho mình. Cô hỏi Tammy, “Em biết câu đó có nghĩa là gì chứ?” “Đại loại là ‘Tôi có cô ta trong xe rồi’.”
“Em đang học tiếng Tây Ban Nha?”
“Vâng.”
Tất cả đều được nói ra nhanh đến không kịp thở với âm vực cao hơn bình thường. Đôi mắt cô bé nhìn chăm chú vào mắt Dance song bàn tay lại đưa lên vuốt tóc ra sau và dừng lại để gãi môi. Câu tiếng Tây Ban Nha vừa được dẫn ra hoàn toàn là bịa đặt.
“Chị nghĩ,” Dance từ tốn bắt đầu, “hắn chỉ giả vờ là một thành viên băng nhóm. Nhằm che giấu danh tính. Điều đó có nghĩa hắn còn lý do khác để tấn công em.”
“Ừm, tại sao?”
“Đó chính là điều chị đang hy vọng em sẽ giúp chị làm sáng tỏ. Em trông thấy hắn lần nào không?” “Cũng không hẳn. Suốt từ đầu đến cuối hắn đều ở sau lưng em. Và trong bãi để xe lúc ấy thực sự, thực sự rất tối. Đáng ra họ phải mắc đèn ngoài đó. Em nghĩ em sẽ kiện câu lạc bộ. Bố em là luật sư ở San Mateo.”
Thái độ tức giận này được tung ra để đánh lạc hướng thẩm vấn của Dance… Tammy đã thấy gì đó. “Có thể trong lúc hắn lại gần, em đã thấy hình ảnh phản chiếu trên cửa kính xe chăng?” Cô bé đang lắc đầu trả lời không. Nhưng Dance vẫn kiên quyết.
“Chỉ một cái nhìn thoáng qua thôi. Thử nghĩ lại xem. Ở đây ban đêm bao giờ cũng lạnh. Hắn không thể chỉ mặc áo sơ mi. Có phải hắn mặc áo vest không? Hay một cái áo khoác da? Hay áo len? Hoặc sơ mi vải len. Hay một cái áo có mũ trùm đầu?”
Tammy trả lời không với tất cả, nhưng có một câu “không” khác hẳn những câu khác. Sau đó Dance để ý thấy đôi mắt cô bé chuyển sang hướng về phía một bó hoa trên bàn. Bên cạnh là tấm thiếp chúc bình phục viết: Nào, cô, hãy sớm thoát khỏi chuyện này! Yêu cậu J, P, và Beasty Girl. Kathryn Dance nhìn nhận về bản thân mình như một nhân viên thực thi pháp luật thạo việc thành công phần lớn vì hiểu thấu đáo công việc phải làm và không chấp nhận câu trả lời “không”. Tuy vậy, thỉnh thoảng bộ óc của cô lại nhanh nhạy đến kỳ lạ. Cô tổng hợp các sự kiện và cảm nhận, thế rồi đột nhiên một cú nhảy vọt thật dài không trông đợi lù lù xuất hiện – một suy đoán hay kết luận hiện ra cứ như thể nhờ vào phép màu.
Từ A tới B tới X…
Điều đó đang diễn ra ngay lúc này, khi cô thoáng thấy Tammy nhìn những bông hoa với đôi mắt đượm vẻ bồn chồn.
Cô nắm lấy cơ hội.
“Em biết đấy, Tammy, bọn chị biết kẻ tấn công em cũng đã để lại một cây thập tự ven đường – như kiểu một thông điệp nào đó.”
Đôi mắt cô bé mở to.
Trúng đích rồi, Dance thầm nghĩ. Cô bé có biết về cây thập tự.
Cô tiếp tục mạch suy đoán vừa phát sinh, “Và những thông điệp như vậy thường xuất phát từ những người quen biết nạn nhân.”
“Em… em nghe thấy hắn nói tiếng Tây Ban Nha.”
Dance biết đó là một lời nói dối, nhưng cô đã học được rằng với những đối tượng có kiểu tính cách như Tammy, cần chừa cho họ một đường lui, nếu không họ sẽ đóng sập bản thân lại hoàn toàn. Cô nói bằng giọng tán đồng, “Ồ, chị tin chắc em đã nghe thấy. Nhưng chị nghĩ hắn đang cố che giấu danh tính. Hắn tìm cách đánh lừa em.”
Tammy đang sợ rúm ró, cô bé tội nghiệp.
Kẻ nào làm cô bé kinh hoàng đến thế?
“Trước hết, Tammy, chị cam đoan là bọn chị sẽ bảo vệ em. Cho dù kẻ tấn công em là ai, hắn sẽ không
thể đến gần em được nữa. Chị sẽ điều một cảnh sát đứng gác ngoài cửa phòng em tại đây. Và bọn chị cũng sẽ cho một người tới trực tại nhà em cho đến khi bọn chị bắt được thủ phạm gây ra chuyện này.” Vẻ nhẹ nhõm hiện rõ trong đôi mắt cô bé.
“Chị có một ý nghĩ thế này: Em nghĩ sao về một kẻ quấy rối? Em rất đẹp. Chị dám cược là em sẽ phải rất cẩn thận.”
Cô bé nở một nụ cười rất thận trọng, nhưng dẫu sao vẫn thích thú trước lời khen.
“Gần đây có ai làm phiền gì em không?”
Cô bệnh nhân trẻ do dự.
Chúng ta đã tới gần sự thật. Thực sự rất gần rồi.
Nhưng Tammy lại lùi xa, né tránh. “Không.”
Dance cũng làm tương tự. “Em có vấn đề nào với mọi người trong gia đình không?” cô đã kiểm tra vì đó cũng có thể là một khả năng. Bố mẹ cô bé đã ly dị sau một cuộc chiến pháp lý dữ dội trước tòa, và anh trai cô cũng sống xa nhà. Một ông chú của cô bé cũng từng bị buộc tội bạo hành.
Nhưng đôi mắt Tammy cho thấy rõ ràng người thân của cô không can dự gì đến vụ tấn công. Dance tiếp tục thả câu. “Em có khúc mắc nào với bất cứ ai em từng trao đổi email không? Có thể là ai đó em quen trên mạng, qua Facebook hay MySpace chẳng hạn? Ngày nay chuyện như thế vẫn thường xuyên xảy ra.”
“Không đâu, thật đấy. Em không lên mạng nhiều thế đâu,” cô bé gại gại móng tay vào nhau, cử chỉ tương đương với vặn vẹo hai bàn tay.
“Chị xin lỗi đã gặng hỏi em, Tammy. Song để đảm bảo chuyện này không lặp lại nữa là hết sức quan trọng.”
Thế rồi Dance nhìn thấy một điều đập thẳng vào cô như một cú trời giáng. Trong đôi mắt cô bé đang hiện lên một câu trả lời thừa nhận – một thoáng nhướng lên rất nhanh của lông mày và lông mi. Như thế nghĩa là Tammy có sợ hãi chuyện này sẽ lặp lại, nhưng vì cô bé sẽ được cảnh sát bảo vệ nên phản ứng này cho thấy kẻ tấn công còn là mối đe dọa cho cả những người khác.
Tammy nuốt nước bọt. Rõ ràng cô bé đang ở trong giai đoạn từ chối hợp tác cùng phản ứng căng thẳng, cũng có nghĩa là Tammy đang thu mình lại, hệ thống phòng vệ được đẩy lên mức cảnh giác cao. “Đó là một kẻ em không biết. Em xin thề có Chúa.”
Một biểu hiện dối trá điển hình: “Tôi xin thề”. Cả chuyện nhắc đến Chúa cũng vậy. Chẳng khác gì cô bé lớn tiếng hét thật to: “Em đang nói dối! Em muốn nói ra sự thật nhưng em sợ.” Dance nói, “Được rồi, Tammy. Chị tin em.”
“Chị thấy đấy, em thực sự, thực sự rất mệt. Em nghĩ có lẽ mình không muốn nói thêm gì nữa cho đến khi mẹ vào đây.”
Dance mỉm cười. “Tất nhiên rồi, Tammy.”
Cô đứng dậy, đưa cho cô bé một tấm danh thiếp của mình. “Nếu em có thể nhớ ra thêm bất kỳ điều gì mới, hãy cho bọn chị hay nhé.”
“Em rất xin lỗi vì em, ừm, không giúp được nhiều,” cô bé cụp mắt xuống. Ân hận. Dance có thể thấy cô bé đã từng dùng đến chiêu trò hờn dỗi và tự vờ trách bản thân này trong quá khứ. Kỹ thuật ấy, cộng với một chút tán tụng, hẳn sẽ có hiệu quả với các cậu con trai và bố cô bé, nhưng với phụ nữ thì không.
Dẫu vậy, Dance vẫn diễn kịch cùng cô bé. “Không, không, em đã giúp được rất nhiều. Thật kinh khủng, cô bé, thử nhìn lại những gì em phải trải qua mà xem. Hãy nghỉ ngơi một chút đi. Và bật một bộ phim truyền hình nào đó lên.” Cô hất hàm về phía tivi. “Nó rất tốt cho đầu óc.”
Bước ra khỏi phòng, Dance nghĩ lại: Thêm vài giờ nữa rất có thể cô đã buộc được con bé phải nói ra sự thật, dẫu không hoàn toàn chắc chắn vì Tammy rõ ràng đang hoảng sợ. Bên cạnh đó, cho dù người thẩm vấn có tài năng đến đâu, đôi khi các đối tượng chỉ đơn giản sẽ không nói ra những gì họ biết.
Cũng chẳng quan trọng. Kathryn Dance tin bản thân đã thu được mọi thông tin mình cần. A tới B tới X…
Chương 6
Ngoài tiền sảnh bệnh viện, Dance dùng điện thoại công cộng vì ở đây không được phép sử dụng di động, gọi một nhân viên cảnh sát tới gác phòng của Tammy Foster. Sau đó, cô đến quầy tiếp tân và nhắn tin cho mẹ mình.
Ba phút sau, Edie Dance làm con gái bà ngạc nhiên khi xuất hiện không phải từ chỗ của bà ở khoa Tim mạch mà lại từ phía khu Điều trị tích cực.
“Chào mẹ.”
“Katie,” người phụ nữ thân hình bè bè chắc nịch với mái tóc xám cắt ngắn và cặp kính tròn lên tiếng chào con gái. Bà đeo trên cổ một mặt dây chuyền bằng vỏ bào ngư và ngọc thạch tự làm. “Mẹ đã nghe nói đến vụ tấn công một cô gái trong cốp xe đó. Con bé đang ở tầng trên.”
“Con biết. Con vừa từ đấy ra.”
“Rồi cũng sẽ ổn thôi. Như người ta vẫn nói. Cuộc gặp của con sáng nay thế nào?” Dance nhăn mặt. “Có vẻ là một bước thụt lùi. Bên bào chữa đang cố dẹp vụ án sang một bên bằng cách vận động miễn truy tố.”
Câu trả lời “Điều đó chẳng làm mẹ ngạc nhiên” cất lên lạnh lùng. Edie Dance không bao giờ do dự nói ra quan điểm của mình. Bà từng gặp qua kẻ tình nghi, và khi biết được những gì hắn làm, bà đã rất phẫn nộ – một cảm xúc hoàn toàn rõ ràng với Dance khi cô quan sát khuôn mặt bình thản và nụ cười thoáng qua. Mẹ cô không bao giờ cao giọng. Song ánh mắt lại lạnh như thép.
Cái nhìn chết người, Dance vẫn nhớ từng nghĩ về mẹ mình như thế khi cô còn bé. “Nhưng Ernie Seybold là một người kiên cường.”
“Michael thế nào?” Edie Dance vẫn luôn có cảm tình với O’Neil.
“Vẫn khỏe. Con và anh ấy đang cùng điều tra vụ này,” cô giải thích về cây thập tự tìm thấy ven đường. “Không thể nào, Katie! Để lại một cây thập tự trước khi ai đó chết ư? Như một thông điệp?” Dance gật đầu. Nhưng cô nhận thấy sự chú ý của mẹ mình vẫn tiếp tục hướng ra ngoài. Khuôn mặt bà đầy ưu tư.
“Con thấy đấy, đáng ra họ còn những chuyện quan trọng hơn để làm. Ông mục sư kia mới hôm nọ vừa đọc một bài diễn thuyết Lửa và lưu huỳnh[1]. Và vẻ căm ghét hằn học trên khuôn mặt họ kìa. Thật xấu xa.”
“Mẹ đã gặp bố mẹ Juan chưa?”
Edie Dance đã dành ra khá nhiều thời gian để an ủi gia quyến người nhân viên cảnh sát bị bỏng nặng, nhất là mẹ anh. Bà biết Juan Millar gần như chắc chắn sẽ không thể qua khỏi, nhưng đã làm tất cả để giúp đôi vợ chồng trong cơn choáng váng và hoang mang hiểu con họ đang được hưởng sự chăm sóc tốt nhất có thể. Edie từng nói với Kathryn rằng nỗi đau tinh thần của người mẹ cũng giày vò khủng khiếp không kém gì nỗi đau thể xác của cậu con trai.
“Không, họ chưa quay lại. Julio thì có. Sáng nay cậu ta đã ở đây.”
“Thật thế ư? Để làm gì ạ?”
“Có lẽ để lấy tư trang của cậu em trai. Mẹ cũng không biết nữa…” giọng bà lắng xuống. “Cậu ta chỉ đứng nhìn chằm chằm vào căn phòng nơi Juan chết.”
“Việc này đã được điều tra chưa?”
“Hội đồng Đạo đức nghề nghiệp của bệnh viện đang tìm hiểu. Và có vài cảnh sát ghé qua đây. Người của hạt. Nhưng khi họ xem qua báo cáo và thấy ảnh chụp các vết thương của Juan, thì không ai thực sự phẫn nộ vì chuyện cậu ấy chết. Đó đúng nghĩa là sự giải thoát.”
“Julio có nói gì với mẹ khi anh ta đến đây hôm nay không?”
“Không, cậu ta chẳng nói gì với ai cả. Nếu con muốn biết, mẹ thấy cậu ta có vẻ hơi đáng sợ. Và mẹ không khỏi nhớ tới những gì cậu ta đã làm với con.”
“Lúc đó anh ta nhất thời bị mất đi lý trí,” Dance nói.
“À, không gì có thể biện hộ được cho hành động tấn công con gái mẹ,” Edie nói với một nụ cười kiên định. Một lần nữa đôi mắt bà hướng ra ngoài cửa kính quan sát nhóm người đang phản đối. Một cái nhìn tối sầm. Bà nói, “Tốt hơn mẹ nên quay về vị trí của mình.”
“Nếu được, chốc nữa bố có thể đưa Wes và Maggie qua đây không mẹ? Bố có cuộc họp ở khu thủy cung. Con sẽ ghé qua đón hai đứa sau.”
“Tất nhiên là được, con gái yêu. Mẹ sẽ đưa chúng đến khu vui chơi trẻ em.”
Edie Dance lại ngoái đầu thêm lần nữa, liếc mắt nhìn ra phía ngoài. Khuôn mặt bà đầy phẫn nộ và bất bình. Như thể đang nói: “Các người không có quyền vác mặt đến đây quấy rầy chúng tôi thế này”. Dance rời khỏi bệnh viện với cái liếc mắt về phía mục sư R.Samuel Fisk và người đàn ông đô con có thể là vệ sĩ của ông ta. Bọn họ cùng một vài người phản đối khác đang siết chặt tay và cúi đầu cầu nguyện.
~*~
“Máy tính của Tammy,” Dance nói với Michael O’Neil.
Anh nhướng một bên mày lên.
“Nó chứa đựng câu trả lời. Tuy không hẳn rõ mười mươi. Nhưng sẽ có một vài thông tin nào đó. Liên quan tới danh tính kẻ tấn công.”
Hai người đang ngồi nhấm nháp tách cà phê bên ngoài Whole Foods[2] trực thuộc Trung tâm Del Monte, một khu mua bán ngoài trời tọa lạc ngay cạnh Macy’s[3]. Dance từng có lần nhẩm tính rằng mình đã mua ít nhất năm mươi đôi giày tại đây vì giày dép vốn là thứ thuốc an thần đối với cô. Tuy vậy, nói cho công bằng, số lần mua có phần thái quá kia đã diễn ra trong vòng vài năm. Và thường xuyên, nhưng không phải luôn luôn, vào các dịp hạ giá.
“Một kẻ quấy rối qua mạng ư?” O’Neil hỏi. Món ăn họ vừa thưởng thức không phải là trứng chần với nước sốt Hà Lan thanh đạm kèm mùi tây, mà là một chiếc bánh sừng bò nho khô kèm kem pho mát ít béo đựng trong vỏ bao hình lá.
“Có thể lắm. Hoặc một cậu bạn trai cũ đã đe dọa con bé, hoặc người nào đó nó gặp trên mạng. Nhưng tôi chắc chắn con bé biết danh tính của hắn, nếu không phải từng gặp tận mặt. Tôi nghiêng về khả năng ai đó học cùng với Tammy. Tại trường Stevenson.”
“Nhưng dù vậy cô bé vẫn không muốn nói ra?”
“Không, nó một mực khẳng định đó là một thành viên trong băng nhóm gốc La Tinh.” O’Neil bật cười. Có rất nhiều lời khai bịp đòi chi trả bảo hiểm vẫn bắt đầu bằng, “Một người gốc Tây Ban Nha đeo mặt nạ xông vào cửa hiệu đồ trang sức của tôi”. Hay “Hai gã gốc Phi mang mặt nạ chĩa súng ra và cướp chiếc đồng hồ Rolex của tôi”.
“Không có chi tiết mô tả nào, nhưng tôi nghĩ kẻ tấn công mặc áo sơ mi vải len và áo khoác có mũ trùm đầu. Phản ứng phủ định của con bé khác hẳn khi tôi nhắc tới chúng.”
“Máy tính của cô bé,” O’Neil trầm ngâm, cầm cặp hồ sơ nặng trịch của mình để lên mặt bàn rồi mở nó ra. Anh xem qua một bản in báo cáo. “Tin tốt là chúng ta có nó trong các vật chứng thu được. Một máy tính xách tay. Ngay trên băng ghế sau chiếc xe của cô bé.”
“Và tin xấu là nó đã từng lềnh bềnh trong biển nước Thái Bình Dương rồi đúng không?” “Hư hại đáng kể vì nước biển,” anh dẫn lời trong báo cáo.
Dance cụt hứng. “Chúng ta sẽ phải gửi nó đến Sacramento hay tới chỗ FBI[4] ở tận San Jose. Phải mất hàng tuần để có phản hồi.”
Hai người quan sát một con chim ruồi bạo dạn bất chấp đám đông bay sà xuống thưởng thức bữa sáng ở một giỏ cây treo có hoa đỏ. O’Neil nói, “Tôi có ý này. Tôi mới nói chuyện cùng một người bạn làm tại Cục ở trên đó. Anh ta vừa tham dự một buổi diễn thuyết về tội phạm máy tính. Một trong các diễn giả là người ở đây – một giáo sư tại Santa Cruz.”
“Ở UC[5] à?”
“Đúng thế.”
Một trong những ngôi trường Dance từng theo học.
“Anh bạn tôi nói tay giáo sư này rất khá. Và anh ta tình nguyện giúp đỡ nếu có lúc nào đó họ cần đến.” “Xuất thân thế nào?”
“Tất cả những gì tôi biết là anh ta từ Thung lũng Silicon[6] tới và bắt đầu dạy học.” “Ít ra ngành giáo dục cũng không có cái bong bóng nào bị vỡ.”
“Cô có muốn tôi thử liên lạc với anh chàng giáo sư đó không?”
“Tất nhiên rồi.”
O’Neil lấy từ trong ca táp một xấp danh thiếp được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng hệt như đồ đạc trên chiếc thuyền của anh, rồi tìm được một tấm thiếp và bấm số gọi đi. Trong ba phút, anh đã liên lạc được với người bạn của mình và có một cuộc trao đổi ngắn. Vụ tấn công đã kịp thu hút sự chú ý của FBI, Dance có thể suy đoán là vậy. O’Neil nguệch ngoạc ghi lại một cái tên và cảm ơn người đặc vụ nọ. Anh ngắt liên lạc rồi đưa mảnh giấy cho Dance. Tiến sĩ Jonathan Boling. Phía dưới tên là một số điện thoại.
“Có mất gì đâu, đúng không?… Bây giờ ai đang giữ chiếc máy tính nhỉ?”
“Nằm trong két bằng chứng của chúng ta. Tôi sẽ gọi điện bảo họ lấy nó ra.”
Dance rút điện thoại di động của cô khỏi bao đựng và gọi cho Boling, ấn vào hộp thư thoại của anh ta và để lại một lời nhắn.
Cô tiếp tục cho O’Neil biết thêm về Tammy, đề cập tới việc phần lớn phản ứng về cảm xúc của cô bé đều xuất phát từ nỗi sợ hãi kẻ tấn công sẽ lại ra tay nữa, và có thể nhằm vào những người khác. “Đúng điều chúng ta đang lo ngại,” O’Neil nói, đưa bàn tay chai sạn lên lùa qua mái tóc muối tiêu. “Cô bé cũng biểu hiện ra ngoài những tín hiệu của cảm giác tội lỗi,” Dance nói.
“Bởi vì rất có thể cô bé có một phần trách nhiệm trong chuyện đã xảy ra?”
“Đó chính là điều tôi đang nghĩ. Dù thế nào đi nữa, tôi thực sự muốn tìm hiểu xem bên trong chiếc máy tính đó có gì.” Dance liếc mắt xem đồng hồ đeo tay, và vô cớ cảm thấy bực bội vì anh chàng Jonathan Boling này vẫn chưa hồi đáp cuộc gọi của cô ba phút trước.
Cô hỏi O’Neil, “Có thêm đầu mối nào từ bằng chứng chưa?”
“Không hề,” anh cho cô hay Peter Bennington đã làm báo cáo về hiện trường vụ án: Cây thập tự được làm từ những cành sồi, loài cây vốn có số lượng khoảng một hay hai triệu ở vùng Bán đảo Monterey. Sợi dây ren màu xanh lục dùng để buộc hai cành cây lại là loại thông dụng, không thể truy ra nguồn gốc. Tấm bìa các tông được cắt ra từ bìa sau của một cuốn sổ ghi chép loại rẻ tiền có bán ở cả nghìn cửa hàng. Chất mực cũng không thể xác định được. Và không rõ những bông hồng có nguồn gốc cụ thể từ cửa hàng hay địa điểm nào.
Dance nói với anh giả thiết về chiếc xe đạp. Song O’Neil đã đi trước cô một bước. Anh cho biết người của mình đã kiểm tra lại bãi để xe nơi Tammy bị bắt cóc cũng như bãi biển nơi chiếc xe hơi bị bỏ lại, và tìm thấy nhiều vết bánh xe đạp hơn, không có vết nào nhận dạng được, song chúng còn mới, cho phép suy đoán nhiều khả năng đây là phương tiện đào tẩu của thủ phạm. Nhưng các vệt lốp lại không đủ đặc điểm khác biệt để có thể truy ra vết tích.
Điện thoại của Dance đổ chuông – nhạc hiệu Looney Tunes[7] của Warner Brothers – do các con cô cài như một trò đùa. O’Neil mỉm cười.
Dance nhìn màn hình để xem danh tính người gọi. Trên màn hình đang hiện lên J.Boling. Cô nhướng một bên mày lên, một lần nữa thầm nghĩ thật vô lý rằng cũng đã đến lúc rồi.
Chương 7
Một tiếng động bên ngoài - tiếng răng rắc vọng lại từ sau nhà - mang nỗi sợ xưa cũ quay về. Cảm giác đang bị theo dõi.
Không giống như ở siêu thị hay trên bãi biển. Cô không sợ những cậu nhóc ma mãnh hay những kẻ ỡm ờ thích trêu ghẹo. Bởi chuyện đó hoặc làm cô khó chịu, hoặc làm cô thấy được tán tụng, tất nhiên phụ thuộc vào đối tượng là một cậu nhóc hay một gã lăng nhăng. Nhưng không, điều làm Kelley Morgan phát khiếp là thứ gì đó đang nhìn chằm chằm vào mình từ bên ngoài cửa sổ phòng ngủ.
Rắc rắc…
Lại một âm thanh nữa. Kelley ngồi bên bàn viết trong phòng, cảm thấy một cái rùng mình đột ngột và dữ dội đến mức da cô nhói lên như bị chích. Các ngón tay cứng đờ như bị đóng băng, dừng lại ngay trên bàn phím. Nhìn đi, cô tự nhủ. Sau đó: Không, đừng.
Cuối cùng: Chúa ơi, mi đã mười bảy tuổi rồi. Vượt qua nó đi!
Kelley ép mình quay người lại, đánh bạo đưa mắt nhòm qua khung cửa. Một nền trời xám bên trên mảng màu xanh lục và nâu của cây cối, đá và cát. Chẳng có ai.
Và chẳng có thứ gì hết.
Quên nó đi.
Cô có thân hình mảnh mai cùng mái tóc dày sẫm màu, và sẽ trở thành học sinh năm cuối trường trung học vào mùa thu tới. Cô đã có giấy phép lái xe. Cô từng lướt ván ở bãi biển Maverick. Và cô sẽ đi nhảy dù vào dịp sinh nhật thứ mười tám cùng bạn trai.
Không, Kelley Morgan không dễ bị dọa nạt.
Nhưng cô có một nỗi sợ hãi khủng khiếp.
Những khung cửa sổ.
Nỗi sợ bắt nguồn từ khi cô còn là một đứa trẻ, có lẽ mới chín hay mười tuổi và sống trong chính ngôi nhà này. Mẹ cô chăm chỉ đọc tất cả những tạp chí về thiết kế nội thất với giá cắt cổ, vì bà nghĩ những tấm rèm cửa hoàn toàn lạc lõng sẽ phá hỏng những đường nét gọn ghẽ tạo nên ngôi nhà hiện đại của họ. Kỳ thực cũng chẳng phải điều gì ghê gớm, ngoại trừ việc Kelley đã xem vài chương trình truyền hình ngu ngốc về Người tuyết khủng khiếp hay một con quái vật đại loại như thế. Trong đó thể hiện hình ảnh con quái thú đi tới một căn nhà gỗ, ngó qua cửa sổ, làm những người đang nằm trên giường sợ hết hồn.
Dẫu cho đó chỉ là những hình ảnh đồ họa vi tính chất lượng thảm hại cũng như chuyện cô biết rõ chẳng có thứ gì như thế trong đời thực, nhưng chúng hoàn toàn không giúp được gì. Một chương trình truyền hình, tất cả chỉ cần có thế. Suốt nhiều năm sau, Kelley tiếp tục nằm trên giường, mồ hôi vã ra đầm đìa, trùm chăn kín đầu vì sợ phải nhìn thấy những thứ sẽ làm mình chết khiếp. Nhưng không nhìn cũng làm cô sợ, sợ không được cảnh báo trước khi nó leo vào qua cửa sổ cho dù nó có là gì đi nữa.
Bóng ma, thây ma, ma cà rồng và người sói không tồn tại, cô tự nhắc bản thân. Song chỉ cần đọc một tập Chạng vạng[1] của Stephenie Meyer, thế là bùm, nỗi sợ hãi lập tức quay trở lại. Còn Stephen King[2] thì sao? Quên đi nhé.
Giờ đây, khi đã lớn hơn và không còn chấp nhận cam chịu những sở thích kỳ cục của bố mẹ mình như trước, cô đã tới Home Depot mua rèm cửa cho phòng mình và tự tay mắc chúng lên, mặc kệ gu thẩm mỹ nội thất của mẹ cô. Kelley luôn kéo kín rèm vào buổi tối. Song lúc này chúng đang được mở ra, vì giờ đang là ban ngày, với thứ ánh sáng nhàn nhạt và một cơn gió nhẹ mùa hè mát mẻ hây hẩy thổi vào.
Thêm một tiếng răng rắc nữa bên ngoài. Có phải nó vang lên gần hơn không?
Hình ảnh con quái vật quái gở phát trên chương trình truyền hình chưa bao giờ biến mất hẳn, cũng như nỗi sợ hãi ăn sâu trong mạch máu cô. Gã Người tuyết khủng khiếp đang ở bên bậu cửa sổ, trợn mắt nhìn cô chằm chằm. Một cơn quặn thắt lúc này siết chặt lấy bụng Kelly, như lần cô bé thử uống thứ nước giảm cân nhanh rồi quay lại với thức ăn đặc.
Rắc rắc…
Cô đánh bạo đưa mắt nhìn lần nữa.
Khung cửa sổ trống hoác mở toang đe dọa cô.
Đủ rổi đấy!
Kelley quay lại bên máy tính của mình, đọc mấy lời bình luận trên mạng xã hội OurWorld nói về Tammy, đứa con gái tội nghiệp ở trường trung học Stevenson vừa bị tấn công tối hôm qua, và lạy Chúa, bị ném vào trong cốp xe rồi bỏ mặc cho chết đuối. Bị cưỡng bức hay ít nhất cũng bạo hành, mọi người đều đang nói vậy.
Phần lớn bình luận đều bày tỏ sự thông cảm. Nhưng có một số bình luận cũng thật tàn nhẫn và khiến Kelley phát khiếp. Lúc này cô đang nhìn trừng trừng vào một bình luận như thế.
Được rồi, Tammy sẽ ổn, ơn Chúa. Nhưng tôi cần phải nói một điều. IMHO[3], cô ta đã tự chuốc lấy điều đó. Đáng ra ả PHẢI biết rằng đừng có lượn lờ khắp nơi như một con mèo cái động đực với kiểu kẻ mắt và những cái váy không hiểu moi từ đâu ra đó? Cô ả BIẾT đám đàn ông đang nghĩ gì, vậy cô ta trông đợi thế nào nữa chứ???
- AnonGurl[4]
Kelley lập tức phản ứng bằng một đoạn trả lời.
OMG[5], sao cậu có thể nói thế? Thiếu chút nữa cô ấy đã bị giết. Và bất cứ kẻ nào nói một phụ nữ MỜI GỌI để được cưỡng bức là một kẻ không có não. Cậu nên thấy xấu hổ!!!
- Bella Kelley
Cô tự hỏi liệu kẻ đăng bình luật ban đầu có đáp lại không.
Kelley cúi người về phía màn hình máy tính, lại nghe thấy một tiếng động nữa bên ngoài. “Là nó,” cô bật lên thành tiếng, đứng dậy, nhưng không đi ra cửa sổ. Thay vì thế, cô bước ra khỏi phòng mình và vào trong bếp, rụt rè liếc vội ra ngoài. Không thấy gì hết… hay là nó quá nhỏ? Liệu có đúng là một bóng đen đang lẩn khuất trong khe núi, đằng sau mấy bụi cây phía sau khu nhà hay không? Nhà cô chẳng có ai, bố mẹ đã đi làm, em trai đi tập thể thao.
Cô bé tự bật cười một mình đầy bồn chồn: Với cô, bước ra bên ngoài và mặt đối mặt với một gã biến thái to xác còn đỡ đáng sợ hơn thấy hắn nhìn vào trong qua cửa sổ phòng mình. Kelley liếc nhìn giá cắm dao từ tính. Những lưỡi dao đều cực kỳ sắc bén. Cô bé do dự một lát. Nhưng rồi để những món vũ khí này ở yên chỗ của chúng. Thay vào đó, cô cầm chiếc Iphone lên áp vào tai và bước ra ngoài.
“Chào, Ginny, phải, mình nghe thấy có tiếng động bên ngoài. Mình chỉ ra xem một chút thôi.” Cuộc nói chuyện chỉ là giả bộ, nhưng hắn hay nó sẽ không biết được điều đó.
“Không, mình vẫn nói chuyện tiếp mà. Chỉ để xem nhỡ có tên khốn nào ở ngoài đó không,” cô bé nói thật lớn tiếng.
Cánh cửa mở ra khoảnh sân bên hông nhà. Kelley hướng ra phía sau, rồi sau đó, khi bước đi gần tới góc ngôi nhà, cô đi chậm lại. Cuối cùng cô rụt rè bước ra sân sau. Vắng tanh. Ở cuối khu đất, sau một hàng rào cây dày, mặt đất đổ dốc thẳng xuống khu đất của hạt – một khoảng đất nông phủ đầy cây bụi và vài con đường mòn cho những người tập chạy.
“Vậy chuyện đó thế nào rồi? À… thế sao? Tuyệt quá. Rất tuyệt.”
Vẫn ổn. Đừng có làm bộ quá đà, cô nghĩ. Điệu bộ của mình thật đáng thất vọng. Kelley rón rén bước tới bờ cây, ngó qua nó xuống dưới lòng khe. Cô nghĩ mình đã thấy ai đó rời xa khỏi ngôi nhà.
Rồi cách chỗ đang đứng không xa, cô thấy một cậu nhóc mặc đồ nỉ ngồi trên xe đạp đang men theo một trong những con đường mòn vốn là lối đi tắt giữa Pacific Grove và Monterey. Cậu ta rẽ trái và biến mất sau một quả đồi.
Kelley bỏ điện thoại xuống. Cô bắt đầu quay vào khi nhận thấy thứ gì đó là lạ trên những luống đất trồng cây sau nhà. Một chấm nhỏ. Cô bước tới chỗ đó và nhặt lên một cánh hoa. Cánh hoa hồng. Kelley thả cánh hoa hình lưỡi liềm đong đưa rơi trở lại xuống đất.
Cô quay vào nhà.
Rồi dừng bước, ngoái lại nhìn phía sau. Không có người nào, không có con vật nào. Chẳng có bóng dáng nào của một Người Tuyết Khủng Khiếp hay Người Sói.
Cô bước vào trong nhà. Và cứng đờ người, miệng há hốc.
Trước mặt cô, chỉ cách khoảng ba mươi mét, một bóng người đang lại gần, khuôn mặt không thể thấy rõ vì luồng sáng chiếu ngược ra từ phòng khách.
“Ai…?”
Bóng người dừng lại. Một tiếng cười vang lên. “Chúa ơi, Kel. Chị cứ như đang chết khiếp ấy. Trông chị… đưa em điện thoại của chị. Em muốn chụp một kiểu ảnh.”
Ricky, em trai cô, với lấy cái Iphone.
“Biến ngay!” Kelley nói, nhăn mặt và rụt lại khỏi bàn tay đang chìa ra của cậu em. “Chị nghĩ em đi tập cơ đấy.”
“Em cần bộ đồ nỉ của em. Mà này, chị nghe nói gì về cô gái trong cốp xe chưa? Cô ấy cũng học Stevenson.”
“Có, chị thấy cô ấy rồi. Tammy Foster.”
“Cô ta nóng bỏng chứ?” cậu nhóc mười sáu tuổi cao lênh khênh, với mớ tóc nâu hoàn toàn giống cô, bước tới tủ lạnh và lấy ra một lon nước tăng lực.
“Ricky, em ăn nói bỗ bã quá.”
“Ừ hừm. Thế nào? Có đúng thế không?”
Ôi, cô căm ghét những đứa em trai biết chừng nào. “Khi em đi, nhớ khóa cửa lại đấy.” Mặt Ricky cau lại. “Tại sao? Có ai muốn quấy rầy chị ư?”
“Khóa cửa vào!”
“Ừm, được thôi.”
Cô ném về phía cậu em một ánh nhìn tối sầm, song hoàn toàn bị cậu tảng lờ.
Kelley tiếp tục đi về phòng mình và lại ngồi xuống trước máy tính. Ái chà, AnonGurl vừa đăng một bình luận tấn công Kelley vì đã bênh vực Tammy Foster.
“Được, đồ chó cái, tao nhớ mày rồi. Tao sẽ xử mày chu đáo.”
Kelley bắt đầu gõ lên bàn phím.
~*~
Giáo sư Jonathan Boling có lẽ đã ngoài bốn mươi tuổi, Dance ước tính. Không cao lắm, chỉ hơn cô vài phân, với một thân hình cho phép suy đoán chủ nhân của nó hoặc chịu khó tập luyện, hoặc khinh thường các loại thực phẩm tạp nham. Mái tóc nâu thẳng giống Dance, cho dù cô cho rằng anh ta không hề bỏ một hộp Clairol[6] vào xe đẩy mua hàng của mình khi tới Safeway vài tuần một lần.
“Chà,” Boling nói trong lúc đưa mắt nhìn quanh các gian sảnh trong khi cô dẫn anh ta từ tiền sảnh vào phòng làm việc của mình tại Cục Điều tra California. “Nơi này quả thực không hẳn giống những gì tôi đã hình dung. Không giống trong CSI.”
Chẳng lẽ tất cả mọi người trong vũ trụ này đều xem bộ phim đó sao?
Một bên cổ tay của Boling đeo đồng hồ điện tử Timex, bên còn lại là một vòng tay tết dây – có lẽ để thể hiện sự ủng hộ với thứ gì đó hay ai đó. Dance nghĩ tới các con cô, hai đứa luôn đeo vô số dải băng màu trên cổ tay đến mức cô chẳng bao giờ dám chắc nguyên do mới nhất là gì. Anh ta mặc quần jean và áo sơ mi kiểu đấu thủ polo màu đen, có vẻ đẹp nhẹ nhàng, thu hút người đối diện giống như National Public Radio[8]. Đôi mắt nâu ánh lên vẻ kiên định, và rất dễ mỉm cười.
Dance đi đến kết luận vị giáo sư này có thể chinh phục được bất cứ cô sinh viên nào anh ta để mắt đến. Cô hỏi, “Anh đã bao giờ vào văn phòng một cơ quan thực thi pháp luật trước đây chưa?” “À, tất nhiên là có,” vị khách nói, hắng giọng và đưa ra những tín hiệu kỳ cục về ngôn ngữ cơ thể. Tiếp theo là một nụ cười. “Nhưng họ đã bãi bỏ lời buộc tội. Ý tôi là họ liệu có thể làm gì khác đây khi thi thể của Jimmy Hoffa chẳng bao giờ được tìm thấy?”
Cô không thể ngừng cười. Ôi, những cô sinh viên tội nghiệp của anh ta. Cẩn thận đấy. “Tôi cứ nghĩ anh từng làm tư vấn cho cảnh sát.”
“Tôi đã đề xuất điều đó, vào cuối bài giảng dành cho các cơ quan thực thi pháp luật và các công ty an ninh. Nhưng vẫn chưa có ai nhờ… cho tới lúc này. Làm việc cùng cô chính là lần thử sức đầu tiên của tôi. Tôi sẽ cố không làm cô thất vọng.”
Hai người vào phòng làm việc của Dance, ngồi đối diện nhau bên cái bàn cà phê cũ.
Boling nói, “Tôi rất vui lòng giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể, nhưng tôi không chắc mình phải làm gì.” Một vạt nắng mặt trời chiếu qua đôi giày lười của anh ta, và vị khách liếc mắt nhìn xuống, nhận ra một chiếc tất mình đang đi có màu đen, còn chiếc kia lại màu xanh hải quân. Anh ta bật cười bối rối. Vào một thời điểm khác, Dance hẳn đã đoán anh ta là người còn độc thân. Nhưng thời buổi này, cả hai vợ chồng cùng bận rộn với công việc, thì trang phục có chút luộm thuộm như vậy là bằng chứng chưa đủ thuyết phục. Tuy nhiên, anh ta cũng không đeo nhẫn cưới.
“Tôi có hiểu biết về phần cứng và phần mềm, nhưng để đưa ra những tư vấn kỹ thuật nghiêm túc, tôi e mình đã qua cái tuổi cập nhật công nghệ tiên tiến rồi, và tôi lại không nói tiếng Hindi.” Boling cho cô biết anh ta có hai bằng văn học và kỹ sư tại Stanford, thừa nhận rằng đó là một kiểu kết hợp kỳ lạ, và sau một thời gian “tha thẩn vòng quanh thế giới” cuối cùng đã hạ cánh xuống thung lũng Silicon, làm công việc thiết kế hệ thống cho một số công ty máy tính lớn.
“Quãng thời gian đó thật thú vị,” Boling nói. Nhưng, vị khách phân trần thêm, cuối cùng anh đã mất hết hứng thú vì thói tham lam ngu ngốc của họ. “Nó cũng giống một cuộc đổ xô vào dầu mỏ vậy. Tất thảy đều đặt câu hỏi làm thế nào để giàu sụ bằng cách thuyết phục dân tình rằng họ cần đến những nhu cầu được tạo ra từ phía nhà cung cấp. Tôi thì nghĩ, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận nó theo cách khác: Tìm hiểu chính xác những gì mọi người thực sự cần và sau đó đặt câu hỏi máy tính có thể giúp họ ra sao.”
Một cái gật đầu. “Thế là xung đột quan điểm nảy sinh. Mất thời gian vô ích. Vì vậy tôi nhặt nhạnh ít tiền từ mớ cổ phiếu được bán ra, rồi bỏ đi chu du khắp nơi. Cuối cùng tôi dừng chân ở Santa Cruz, gặp một người, quyết định ở lại và thử dạy học. Rồi yêu thích công việc này. Và giờ tôi vẫn đang ở đó.”
Dance kể với anh ta rằng mình đã quay lại trường đại học – cũng chính là trường anh ta đang dạy – sau một thời gian ngắn thử làm phóng viên. Cô tham gia lớp truyền thông và tâm lý học. Thời gian cô ở trường tình cờ trùng hợp một quãng ngắn với thời gian anh ta có mặt tại đó, song cả hai không có chung người quen nào.
Boling giảng dạy một số môn, trong đó có mảng Văn học khoa học viễn tưởng, cũng như một lớp học mang tên Máy tính và Xã hội. Ở trường đại học Boling dạy vài thứ mà theo như anh ta mô tả là những môn kỹ thuật chán ngắt. “Nửa toán, nửa công nghệ”. Vị giáo sư cũng làm tư vấn cho các tập đoàn.
Dance từng thẩm vấn những đối tượng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Đa số thường biểu hiện rõ những dấu hiệu căng thẳng khi đề cập đến công việc của họ, biểu hiện phản ứng hoặc tâm trạng lo lắng trước đòi hỏi của công việc, hay thường gặp hơn là nỗi thất vọng về nó như lúc Boling nói về thung lũng Silicon. Nhưng lúc này biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của anh ta, khi nói về nghề nghiệp hiện tại, hoàn toàn không có dấu hiệu căng thẳng.
Tuy vậy, Boling tiếp tục đánh giá thấp khả năng công nghệ của mình, khiến Dance cảm thấy thất vọng. Anh ta dường như có vẻ thông minh và rất sẵn sàng giúp đỡ khi đã lái xe tới đây gần như lập tức. Bản thân cô rất muốn tận dụng sự hợp tác của anh ta, song để xâm nhập vào máy tính của Tammy Foster dường như họ sẽ cần đến nhiều hơn là chỉ duy nhất một người với hiểu biết kỹ thuật cơ bản. Ít ra, cô hy vọng anh ta có thể giới thiệu ai đó.
Maryellen Kresbach bước vào, bê một khay đựng cà phê và bánh giòn. Với ngoại hình hấp dẫn, cùng mái tóc nâu được búi lại và các móng tay sơn Kevlar đỏ chót, trông bà giống như một ca sĩ nhạc đồng quê trong một bộ phim Viễn Tây[9]. “Bảo vệ ngoài cổng vừa gọi. Có người vừa mang chiếc máy tính từ bên văn phòng của Michael sang.”
“Tốt. Chị có thể đưa nó vào đây.”
Maryellen dừng lại trong khoảnh khắc, và Dance chợt nảy ra ý nghĩ đầy thú vị rằng bà ta đang xem Boling như một đối tượng hẹn hò lãng mạn. Maryellen đã xúc tiến một chiến dịch không mấy âm thầm tế nhị nhằm tìm cho Dance một tấm chồng. Khi bà để mắt tới ngón đeo nhẫn bên tay trái vẫn trống không của vị khách và nhướng mày lên với cô, Dance dành cho bà ta một cái liếc mắt đầy ngao ngán, hành động đó được tiếp nhận và hoàn toàn bị phớt lờ tức thì.
Boling lên tiếng cảm ơn, sau khi thả ba viên đường vào tách cà phê của mình, anh quay sang đĩa bánh giòn và ăn hai cái. “Ngon. Không, hơn cả ngon nữa.”
“Chị ấy tự làm đấy.”
“Thật sao? Người ta vẫn làm vậy ư? Hóa ra không phải tất cả chúng đều chui ra từ một gói Keebler[10] sao?”
Dance ăn nửa mẩu bánh giòn và khoan khoái nhấp một ngụm cà phê, cho dù cô đã được cung cấp đủ lượng caffeine từ cuộc gặp trước với Michael O’Neil.
“Hãy để tôi cho anh biết chuyện gì đang xảy ra,” cô giải thích với Boling vụ tấn công nhằm vào Tammy Foster. Sau đó nói, “Chúng ta cần thâm nhập vào máy tính xách tay của cô bé.”
Boling gật đầu ra bộ hiểu. “À, cái máy tính đã bơi dưới Thái Bình Dương…”
“Nó đã bị nướng…”
Vị khách chữa lại, “Với nước sẽ giống món cháo yến mạch hơn nếu chúng ta lấy các món ăn sáng để ví von”.
Đúng lúc đó, một nhân viên điều tra trẻ tuổi của MCSO bước vào phòng làm việc của Dance, mang theo một túi giấy lớn. Anh ta có đôi mắt xanh sáng, trông khá bắt mắt và hào hứng, cho dù dễ mến hơn là đẹp trai, và trong một khoảnh khắc anh ta dường như định giơ tay chào. “Đặc vụ Dance?” “Tôi đây.”
“Tôi là David Reinhold. Thuộc đội Điều tra Hiện trường của Sở Cảnh sát.”
Cô gật đầu. “Rất vui được gặp cậu. Cảm ơn cậu đã mang nó qua.”
“Có gì đâu. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể.”
David và Boling bắt tay nhau. Sau đó anh chàng cảnh sát trẻ, mặc bộ đồng phục là phẳng phiu hoàn hảo, đưa túi giấy cho Dance. “Tôi không cho nó vào túi nilon. Để được thoáng gió một chút. Chúng tôi muốn hơi ẩm thoát ra ngoài càng nhiều càng tốt.”
“Cảm ơn,” Boling nói.
“Và tôi đã mạo muội tự tháo pin ra,” người cảnh sát trẻ nói. Anh ta giơ lên một ống kim loại được đậy kín. “Nó là một tấm pin lithium-ion. Tôi nghĩ nếu bị nước ngấm vào sẽ có nguy cơ gây cháy.” Boling gật đầu, rất ấn tượng. “Suy nghĩ chu đáo lắm.”
Dance không rõ về điều vị khách đang nói đến. Boling nhận thấy cô cau mày và giải thích một số loại pin lithium, dưới các điều kiện nhất định, có thể bốc cháy lên khi tiếp xúc với nước. “Cậu là dân mê máy tính?” Boling hỏi viên cảnh sát.
Anh ta đáp, “Cũng không hẳn. Chỉ là những thứ nhặt nhạnh học được, anh biết đấy.” Anh ta đưa một tờ biên nhận để Dance ký, sau đó chỉ vào tấm thẻ đăng ký bằng chứng được gắn vào túi. “Nếu có bất cứ điều gì khác tôi có thể làm, hãy gọi cho tôi,” David đưa cho cô danh thiếp của mình.
Cô cảm ơn người cảnh sát, và chàng trai trẻ ra về.
Dance lấy chiếc máy tính xách tay của Tammy ra khỏi túi. Vỏ máy có màu hồng. “Màu mè thật đấy,” Boling vừa nói vừa lắc đầu. Anh ta lật ngược cái máy lên và xem phần đáy máy. Dance hỏi anh ta, “Vậy anh biết ai đó có thể làm thứ này hoạt động và xem qua các tệp dữ liệu của cô bé chứ?”
“Tất nhiên. Tôi.”
“Ồ, tôi nghĩ anh vừa nói mình không còn cập nhật về công nghệ kịp thời nữa kia mà.” “Cái này không phải là công nghệ, theo tiêu chuẩn ngày nay thì không,” Boling lại mỉm cười. “Nó cũng giống như thay lốp cho xe của cô thôi mà. Chỉ có điều tôi cần vài món dụng cụ.”
“Ở đây chúng tôi không có phòng thí nghiệm. Không có thứ gì phức tạp như mức độ có thể anh sẽ cần đến.”
“À, cái đó còn tùy. Tôi thấy cô sưu tập giày.”
Cửa tủ đồ của cô để mở, và hẳn Boling đã liếc mắt nhìn vào trong đó, nơi có cả tá giày được xếp tương đối thứ tự dưới sàn, dành cho những tối la cà đâu đó sau giờ làm mà không phải rẽ về qua nhà. Dance bật cười. Và đỏ mặt.
Boling tiếp tục, “Cô có dụng cụ chăm sóc cá nhân nào không?”
“Chăm sóc cá nhân?”
“Tôi cần một máy sấy tóc.”
Cô tặc lưỡi. “Buồn thật, mọi dụng cụ chăm sóc sắc đẹp của tôi đều đang ở nhà.”
“Vậy thì tốt hơn chúng ta nên đi mua sắm.”
Chương 8
Trên thực tế, những thứ Jon Boling cần không chỉ có vậy. Cho dù không nhiều lắm. Họ đã mang về sau chuyến mua sắm một chiếc máy sấy hiệu Conair, một bộ công cụ nhỏ và một hộp kim loại được gọi là hộp ổ cứng, chiều ngang khoảng bảy phân rưỡi, chiều dài khoảng mười ba phân, gắn với một đoạn dây kết nối dữ liệu.
Những thứ này đang nằm cả trên mặt bàn cà phê trong phòng làm việc của Dance tại CBI. Boling khảo sát cấu trúc bên ngoài chiếc máy tính xách tay của Tammy Foster. “Tôi có thể tháo nó ra được không? Sẽ không làm hỏng bằng chứng nào đấy chứ?”
“Cái máy đã được phủ bụi để lấy dấu tay rồi. Tất cả dấu vân chúng tôi tìm thấy đều là của Tammy. Cứ thoải mái làm những gì anh muốn vì cô bé không phải là đối tượng tình nghi. Bên cạnh đó, nó đã nói dối tôi, thế nên không có lý do nào để phàn nàn được.”
“Màu hồng,” vị giáo sư lại thốt lên, như thể đó là một hành vi phá hoại tài sản nghiêm trọng. Anh ta lật chiếc máy lại, dùng một chiếc tua vít đầu nhỏ kiểu Phillips, rồi tháo lớp vỏ ra khỏi đáy máy chỉ trong vài phút. Sau đó, anh ta lấy ra một vật be bé hình chữ nhật bằng kim loại và nhựa. “Ổ cứng,” Boling giải thích. “Vào năm tới, cái này sẽ bị coi là quá to. Chúng ta sẽ dùng thẻ nhớ flash cho bộ xử lý trung tâm. Không cần ổ đĩa cứng vì không còn bộ phận chuyển động nào nữa.” Chủ đề dường như làm Boling phấn khích song anh ta thấy ngay một bài lên lớp quả thực không hợp với tình cảnh lúc này, nên liền im lặng và tiếp tục xem xét ổ cứng kỹ lưỡng hơn. Không có vẻ gì cho thấy anh ta đeo kính áp tròng, vậy nên Dance, vốn phải đeo kính từ nhỏ, luôn cảm thấy có chút ghen tỵ trong lòng khi nhắc tới chủ đề đôi mắt.
Sau đó, vị giáo sư nhẹ nhàng lắc lắc ổ đĩa cạnh tai mình. “Ổn rồi.” Anh ta để nó xuống bàn. “Ổn?”
Anh ta nở nụ cười toe toét khi lấy máy sấy tóc ra, cắm điện và phả một luồng hơi ấm nóng lên phía trên ổ đĩa. “Sẽ không mất nhiều thời gian đâu. Tôi nghĩ nó chưa bị ướt nhưng chúng ta không thể mạo hiểm. Điện và nước gặp nhau sẽ là thảm họa.” Boling dùng bàn tay rảnh rỗi còn lại cầm cốc cà phê lên nhấp một ngụm, rồi trầm ngâm, “Những người làm việc giảng dạy chúng tôi rất ghen tỵ với lĩnh vực tư nhân, cô biết đấy.”
Lĩnh vực tư nhân - đó là cách diễn đạt thời thượng của khái niệm thực sự kiếm ra tiền. Anh ta hất hàm về phía cốc cà phê.
“Starbuck chẳng hạn... Cà phê là một ý tưởng khá hay cho một cuộc đầu tư. Tôi đang tìm kiếm cơ hội lớn tiếp theo. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là mấy thứ đại loại như House O’Pickles và Jerky World. Các thương hiệu đồ uống là tuyệt nhất, song tất cả những thương hiệu tốt đều đã bị mua cả rồi.” “Có thể là một cửa hàng bán sữa,” Dance gợi ý. “Anh sẽ gọi nó là Elsie’s.”
Mắt anh ta sáng lên. “Nếu gọi nó với cái tên Chỉ Là Nơi Dưới Vú thì sao nhỉ?”
“Như thế thì kinh quá,” cô nói trong khi hai người cũng bật cười trong chốc lát.
Khi đã hoàn tất việc sấy khô ổ đĩa, anh ta cho nó vào hộp ổ cứng, sau đó cắm dây USB vào máy tính xách tay của chính mình, một chiếc máy có màu xám nghiêm chỉnh hơn, hẳn nhiên là sắc màu những chiếc máy tính nên có.
“Tôi rất tò mò muốn biết anh đang làm gì,” cô dõi theo những ngón tay tự tin của Boling gõ lên bàn phím. Rất nhiều chữ cái trên ấy đã mòn gần hết. Anh ta gõ mà không cần phải nhìn vào chúng. “Nước hẳn đã làm máy tính bị đoản mạch, nhưng ổ cứng ở bên trong thì chắc vẫn ổn. Tôi sẽ biến nó thành một ổ đĩa di động.”
Sau vài phút, anh ta ngước lên và mỉm cười.
“Không sao cả, nó vẫn ngon lành như mới.”
Dance kéo ghế lại gần hơn.
Cô đưa mắt nhìn lên màn hình và thấy Window Explorer đã nhận được ổ cứng của Tammy dưới tên
Local Disk (G).
“Nó sẽ chứa đựng bên trong tất cả mọi dữ liệu - thư tín điện tử của Tammy, những trang web cô bé từng xem qua, những địa chỉ ưa thích, bản sao lưu các bình luận trên mạng, thậm chí những dữ liệu đã bị xóa. Ổ cứng không hề bị mã hóa hay đặt mật khẩu, điều này cho tôi biết bố mẹ cô bé rất ít can thiệp vào cuộc sống của con gái họ. Những cô cậu bị bố mẹ để mắt sát sao đều học cách sử dụng đủ loại mánh khóe để bảo vệ không gian riêng tư. Mà nhân thể nói luôn, bẻ khóa cũng là nghề của tôi.”
Anh ta tháo ổ đĩa ra khỏi máy tính của mình, rồi đưa nó và cả dây cáp cho Dance. “Tất cả là của cô. Chỉ cần cắm vào máy tính và thoải mái đọc tâm tình từ trái tim cô bé.” Boling nhún vai. “Lần đầu cộng tác của tôi với cảnh sát... ngắn ngủi nhưng ngọt ngào.”
Kathryn Dance cùng một người bạn sở hữu và điều hành một trang web âm nhạc tự chế tác và truyền thống. Cấu trúc của trang này khá phức tạp về mặt kỹ thuật, song Dance biết rất ít về phần cứng và phần mềm, vậy nên họ để chồng của bạn cô phụ trách phần công việc đó. Lúc này cô nói với Boling, “Anh biết đấy, nếu không quá bận rộn thì liệu anh có thể nán lại chút nữa được không? Giúp tôi tìm kiếm chúng?”
Boling do dự.
“Thôi được, nếu anh đã có kế hoạch...”
“Chúng ta đang bàn tới thời gian bao lâu đây nhỉ? Tôi cần phải có mặt ở Napa tối thứ Sáu. Một kiểu họp mặt gia đình.”
Dance nói, “Ồ, không lâu đến thế đâu. Chỉ vài giờ thôi. Cùng lắm là một ngày.”
Mắt anh ta lại sáng lên. “Rất sẵn lòng. Với tôi mỗi câu đố luôn là một liều thuốc kích thích... Nào, bây giờ tôi cần tìm thứ gì?”
“Bất cứ manh mối nào về danh tính kẻ tấn công Tammy.”
“Ồ, Mật mã Da Vinci[1].”
“Hãy hy vọng là nó không hóc búa đến thế, và cho dù có tìm thấy được gì, thứ đó cũng sẽ không khiến chúng ta bị đình trệ đâu... Tôi quan tâm tới bất cứ mối liên hệ nào có vẻ đe dọa. Tranh luận, cãi cọ, bình luận về những kẻ quấy rối. Liệu những lời trao đổi trên mạng có được lưu lại trong đó không?”
“Chỉ những mảnh rời rạc. Chúng ta có thể hệ thống lại phần lớn chúng,” Boling cắm ổ cứng trở lại vào máy tính của mình và bắt đầu vươn người ra trước.
“Sau đó đến các trang mạng xã hội,” Dance nói. “Bất cứ điều gì liên quan tới các vật tưởng niệm ven đường hay những cây thập tự.”
“Vật tưởng niệm?”
Cô giải thích, “Chúng tôi nghĩ thủ phạm để lại một cây thập tự ở ven đường nhằm báo trước vụ tấn công.”
“Quả là bệnh hoạn,” Boling bắt đầu gõ những ngón tay trên bàn phím. Trong lúc gõ, anh hỏi, “Sao cô lại nghĩ máy tính của cô bé chính là câu trả lời?”
Dance giải thích về cuộc thẩm vấn Tammy Foster.
“Cô tìm hiểu được tất cả những điều đó chỉ từ ngôn ngữ cơ thể của cô bé?”
“Đúng thế.”
Cô giải thích cho Boling biết về ba phương cách giao tiếp của con người. “Thứ nhất, qua nội dung lời nói - những gì chúng ta nói. Đó là ý nghĩa của bản thân các từ. Song nội dung lại là thứ ít tin cậy và dễ dàng bị giả mạo nhất, trên thực tế nó chỉ góp một phần rất nhỏ vào phương thức chúng ta gửi thông điệp cho nhau. Phương thức thứ hai và thứ ba quan trọng hơn nhiều: Chất lượng lời nói - cách thức chúng ta nói ra những từ đó. Đó có thể là cao độ của giọng nói, tốc độ nói nhanh hay chậm, chúng ta có dừng lại giữa chừng và dùng đến “ừm” thường xuyên không. Và sau đó, phương thức thứ ba, đó là ngôn ngữ cơ thể - hành vi của cơ thể chúng ta. Cử động, liếc mắt, hít thở, tư thế, kiểu cách. Hai phương thức sau là những gì người thẩm vấn quan tâm hơn cả, vì chúng biểu lộ nhiều thông tin hơn hẳn so với nội dung lời nói.”
Boling đang mỉm cười. Dance nhướng một bên mày lên.
Vị giáo sư giải thích. “Cô có vẻ cũng đầy phấn khích với công việc của mình không kém gì...” “Anh và bộ nhớ flash của anh.”
Anh ta gật đầu. “Phải. Chúng là những gã bé nhỏ thật đáng kinh ngạc... ngay cả khi chúng có màu hồng.”
Boling tiếp tục gõ bàn phím và lướt qua hết trang này tới trang khác nội dung trong ổ cứng máy tính
của Tammy, nhẹ nhàng nói, “Hoàn toàn điển hình cho một cô bé vị thành niên. Các cậu con trai, quần áo, trang điểm, tiệc tùng, một ít về trường học, phim ảnh và âm nhạc... không có chút đe dọa nào.” Anh ta hối hả lướt qua vài màn hình nữa.
“Cho đến giờ, hoàn toàn không có gì với các thư điện tử, ít nhất là những thư trao đổi trong vòng hai tuần vừa qua. Tôi có thể lùi lại kiểm tra những thư có từ trước nữa nếu cần. Bây giờ, có vẻ Tammy góp mặt trên mọi trang mạng xã hội lớn - Facebook, MySpace, OurWorld, Second Life.”
Cho dù Boling hiện không kết nối Internet, anh ta vẫn có thể lấy ra và đọc lại những trang web gần đây Tammy đã đọc.
“Đợi đã. Đợi đã... Được rồi,” anh ta đang chồm người về phía trước, cứng nhắc.
“Cái gì vậy?”
“Cô bé suýt nữa bị chết đuối đúng không?”
“Đúng thế.”
“Vài tuần trước, cô bé và vài người bạn đã bắt đầu một cuộc bàn luận trên OurWorld về việc điều gì làm họ thấy sợ nhất. Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của Tammy là bị chết đuối.” Khuôn miệng Dance đanh lại. “Có thể hắn đã cố ý lựa chọn cái chết đó cho cô bé.” Bằng giọng bất bình đến mức đáng ngạc nhiên, Boling nói, “Chúng ta để lộ ra quá nhiều thông tin về bản thân trên mạng. Quá quá nhiều. Cô biết khái niệm “escribitionist[2]” không?” “Không hề.”
“Những người hay viết blog về chính bản thân mình,” một nụ cười chua chát xuất hiện. “Có thể nói là không tồi, phải không nào? Và rồi còn cả ‘dooce’ nữa.”
“Cái đó cũng mới.”
“Một động từ. Chẳng hạn ‘Tôi đã bị dooce’. Có nghĩa là bị đuổi việc vì những gì cô đã đăng lên blog của mình, cho dù đó là những chuyện về bản thân cô, sếp hay công việc của cô. Một phụ nữ ở Utah đã nghĩ ra từ này. Cô ta đã đăng chuyện gì đó liên quan tới chủ của mình và bị cho thôi việc. Nhân tiện nói luôn, “dooce” xuất phát từ phát âm sai “dude[3]”. À, và còn có cả “pre-dooce” nữa chứ.”
“Là gì vậy?”
“Cô nộp đơn xin việc và người phỏng vấn hỏi cô, ‘Cô đã bao giờ viết gì về sếp cũ của cô trên một blog chưa?’. Tất nhiên, họ đã biết trước câu trả lời. Họ muốn chờ xem cô có thành thật hay không. Và nếu cô có đăng gì không mấy hay ho thì sao? Cô đã bị loại khỏi danh sách ứng viên được cân nhắc ngay từ trước buổi đánh răng sáng hôm đó.”
Quá nhiều thông tin. Quá quá nhiều…
Boling tiếp tục gõ nhanh như chớp. Cuối cùng anh ta nói, “À, tôi nghĩ vừa tìm thấy gì đó.” “Gì vậy?”
“Tammy đăng một bình luận trên một blog vài ngày trước. Biệt danh trên mạng của cô bé là TamF1339,” Boling xoay máy tính lại để Dance đọc.
Trả lời Chilton, do TamF1339 đăng.
[Người lái xe] thật kỳ quái, ý tôi là nguy hiểm. Một lần sau khi đội hoạt náo viên luyện tập, hắn nấn ná bên ngoài phòng thay đồ của bọn tôi, cứ như thể định ngó vào trong và cố gắng chụp ảnh bằng điện thoại của mình. Tôi đi tới chỗ hắn và hỏi đại loại, anh đang làm gì ở đây, hắn trừng mắt như thể sắp giết tôi vậy. Thật đúng là một tên đáng tởm. Tôi biết một cô gái đã từng [bị xóa] cùng bọn tôi, và cô ấy kể với tôi [người lái xe] đã chộp lấy ngực mình, chỉ có điều cô ấy sợ không dám nói gì vì lo hắn sẽ tìm ra cô hay bắt đầu nã đạn vào những người khác, giống như vụ thảm sát ở Đại học Bách khoa Virginia.
Boling nói thêm, “Điều đáng quan tâm là cô bé đăng đoạn này trong một blog mang tên Những cây thập tự ven đường.”
Nhịp tim của Dance tăng lên chút ít. Cô hỏi, “[Người lái xe] là ai vậy?”
“Không rõ. Cái tên này bị xóa đi khỏi mọi bình luận.”
“Một blog à?”
“Đúng thế,” Boling bật cười khẽ và nói, ”Những cây nấm.”
“Các blog chính là những cây nấm của Internet. Chúng mọc lên khắp nơi. Vài năm trước, tất cả mọi người ở Thung lũng Silicon còn tự hỏi phát kiến lớn tiếp theo trong thế giới mạng là gì. Vậy đấy, hóa ra đó lại chẳng phải một loại phần cứng hay phần mềm mang tính cách mạng, mà là những nội dung xuất hiện
trên mạng: trò chơi, các trang mạng xã hội... và các blog. Bây giờ cô không thể viết gì về máy tính mà không nghiên cứu chúng. Nơi Tammy đăng bình luận là website Bản tin Chilton[4].” Dance nhún vai. “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến nó.”
“Tôi thì có. Chỉ mang tính địa phương song rất nổi tiếng trong giới viết blog. Nó cũng giống như một Matt Drudge[5] đóng đô tại California vậy, chỉ có điều cực đoan hơn. Jim Chilton đúng là một nhân vật có tính cách khác người.” Anh ta tiếp tục, “Chúng ta hãy thử lên mạng và tìm hiểu xem.”
Dance lấy máy tính xách tay của mình từ bàn làm việc. “Địa chỉ là gì vậy?” cô hỏi. Boling cung cấp địa chỉ cho cô.
http://www.thechiltonreport.com
Anh ta kéo ghế của mình lại gần và hai người cùng nhau đọc qua trang chủ.
BẢN TIN CHILTONTM
Tiếng nói đạo đức của nước Mỹ. Một nơi tập hợp những suy ngẫm về những gì bất ổn tại đất nước này... và những gì vẫn ổn.
Dance tặc lưỡi. “‘Những gì đang yên ổn.’ Thông minh đấy. Chắc ông ta theo phái Moral Majority[6], bảo thủ, tôi đoán vậy.”
Boling lắc đầu. “Từ những gì tôi biết, ông ta có vẻ khá hơn là cắt và dán[7].”
Dance nhướng một bên mày lên.
“Ý tôi là ông ta biết chọn lọc và lựa chọn quan điểm cho mình. Ông ta thiên hữu hơn thiên tả, song sẵn sàng tấn công bất cứ ai không đáp ứng được những tiêu chuẩn của mình về đạo đức, nguyên tắc hay trí tuệ. Đó là một trong những mục đích của các blog, tất nhiên rồi: Làm khuấy động mọi thứ. Những gì gây tranh cãi đều được mổ xẻ.”
Phía dưới là lời chào dành cho người đọc.
Độc giả thân mến...
Cho dù bạn ghé vào đây vì bạn là một thành viên đã đăng ký, một người hâm mộ hay chỉ đơn giản tình cờ đang lướt web và bắt gặp từ Bản tin, thì cũng xin chào mừng bạn.
Cho dù bạn có quan điểm ra sao trong các vấn đề chính trị và xã hội, tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy điều gì đó từ những suy ngẫm của tôi tại đây, những điều ít nhất cũng sẽ khiến bạn đặt câu hỏi, làm bạn ngờ vực, làm bạn muốn biết nhiều hơn.
Vì đó là tất cả những gì nghề báo chí được sinh ra để thực hiện.
- James Chilton
Phía dưới nữa là: “Công bố sứ mệnh”.
CÔNG BỐ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TÔI
Chúng ta không thể đưa ra phán quyết một cách vô căn cứ. Liệu giới kinh doanh, chính phủ và các chính trị gia tham nhũng cũng như những kẻ tội phạm, những kẻ đồi bại có thành thật về những gì bọn họ đang nhắm đến không? Tất nhiên là không. Công việc của chúng tôi tại Bản tin là soi ánh sáng sự thật vào bóng tối của lừa dối và tham lam, đem đến cho các bạn những tham chiếu để đưa ra những quyết định về những vấn đề cấp bách trong ngày.
Dance cũng tìm thấy một bản tiểu sử tóm tắt của Chilton, rồi sau đó là một mục về tin cá nhân. Cô đưa mắt xem qua danh mục.
TRÊN SÂN NHÀ
ĐỘI NHÀ TIẾN LÊN!
Tôi rất hạnh phúc được nói rằng sau trận đấu cuối tuần này, đội Chàng Trai Lớn đã thắng 4-0! Tiến lên, Jayhawks[8]! Bây giờ, các bậc phụ huynh: Hãy nghe tôi. Con cái các vị nên từ bỏ bóng chày và bóng đá để chơi túc cầu, môn thể thao đồng đội an toàn và có lợi cho sức khỏe nhất. (Hãy xem Bản tin Chilton ngày Mười hai, tháng Tư để biết các bình luận của tôi về chấn thương thể thao trong giới trẻ.) Và nhân tiện đây, hãy đảm bảo các vị gọi nó là “túc cầu”[9], chứ không phải là “bóng đá” như những người ngoại quốc vẫn gọi. Khi ta ở Mỹ, hãy làm như người Mỹ!
MỘT NGƯỜI ÁI QUỐC
Hôm qua, Chàng Trai Nhỏ đã làm khán giả có mặt trong cuộc biểu diễn tại trại hè ban ngày của mình phải ngỡ ngàng khi hát “Nước Mỹ tươi đẹp”. Hoàn toàn một mình! Làm một ông bố tràn ngập tự hào.
AI CÓ ĐỀ XUẤT GÌ KHÔNG?
Chúng tôi sắp đến dịp kỷ niệm mười chín năm ngày cưới, Pat và tôi. Và tôi cần các ý tưởng cho chuyện mua quà! (Xuất phát từ lợi ích bản thân, tôi đã quyết định không dành cho cô ấy việc nâng cấp cáp quang truyền dẫn tốc độ cao cho máy tính!) Các quý bà ở ngoài kia, hãy gửi cho tôi ý tưởng của các vị. Và, không, dứt khoát không có chuyện nhắc tới Tif any’s[10].
CHÚNG TA ĐANG BƯỚC RA TOÀN CẦU!
Tôi rất vui được thông báo Bản tin đã nhận được sự tán thưởng từ khắp nơi trên thế giới. Nó đã được lựa chọn làm một trong những blog ưu tiên đầu bảng trên một trang web chuyên cung cấp chức năng RSS mới (được viết tắt từ cụm từ “Really Simple Syndication”[11]) sẽ kết nối tới hàng nghìn blog, trang web và bảng tin trên khắp thế giới. Vinh quang thuộc về các bạn, những độc giả của tôi, vì đã giúp Bản tin trở nên được ưa thích như vậy.
CHÀO MỪNG VỀ NHÀ
Tôi vừa nghe được một tin vui. Những ai trong các bạn theo dõi sát Bản tin có lẽ còn nhớ loạt bài bình luận sinh động trong suốt những năm qua từ người bạn thân làm báo khiêm nhường Donald Hawken. Chúng tôi đã cùng đi tiên phong trong thế giới máy tính điên rồ này rất nhiều năm, đến mức tôi không thích nghĩ đến chuyện đó nữa. Donald đã từng đào tẩu khỏi khu Bán đảo Monterey để tìm đến những đồng cỏ xanh tươi hơn tại San Diego. Nhưng tôi rất vui mừng được nói rằng anh đã thức tỉnh và quay trở lại, cùng cô dâu Lily, và hai đứa con tuyệt vời. Chào mừng về nhà, Donald!
NHỮNG ANH HÙNG
Xin ngả mũ cúi chào trước những người lính cứu hỏa quả cảm của hạt Monterey... Pat và tôi tình cờ có mặt ở trung tâm thành phố Alvarado hôm thứ Ba tuần trước khi những lời kêu cứu vọng đến và khói bốc lên ngùn ngụt từ một công trường xây dựng. Lửa chặn mất lối ra... trong khi còn hai công nhân xây dựng mắc kẹt tại các tầng trên. Chỉ trong vòng vài phút, hơn hai mươi lính cứu hỏa, cả nam và nữ, đã có mặt tại hiện trường và một chiếc xe cứu hỏa đã đưa thang lên tận nóc nhà. Những người công nhân được cứu thoát khỏi vòng nguy hiểm, đám cháy được dập tắt. Không ai bị thương, thiệt hại ở mức tối thiểu.
Trong phần lớn cuộc đời của chúng ta, lòng can đảm thường không mấy khi đi xa hơn những bàn luận các vấn đề chính trị, hay ở mức độ thể chất cao hơn, lặn với ống thở ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp hay đi xe đạp địa hình trên núi.
Thật hiếm khi chúng ta bị đòi hỏi phải thể hiện lòng can đảm thực thụ, như cách những người đàn ông và phụ nữ ở đội cứu hỏa và cứu hộ hạt Monterey vẫn làm hàng ngày mà không một giây do dự hay phàn nàn.
Hoan hô các bạn!
Kèm theo bài bình luận này là tấm ảnh thật ấn tượng chụp một chiếc xe cứu hỏa giữa trung tâm Monterey. “Điển hình của các blog,” Boling nói. “Thông tin cá nhân, những chuyện đồn thổi. Người ta thích đọc những thứ này.”
Dance bấm chuột vào một đường dẫn đến tiêu đề “Monterey.”
Cô được đưa tới một trang tán dương. “Nhà của chúng ta - Bán đảo Monterey xinh đẹp và giàu truyền thống lịch sử”, có đăng những bức ảnh nghệ thuật chụp bờ biển cùng những con thuyền gần Cannery Row[12] và Fisherman’s Wharf[13]. Vài liên kết đến một số trang về những thắng cảnh địa phương.
Một đường dẫn khác đưa họ tới các bản đồ khu vực, trong đó có bản đồ thành phố nơi cô đang sống: Pacific Grove.
Boling nói, “Đây toàn là những thứ hào nhoáng vô dụng. Hãy tìm hiểu nội dung blog... đó là nơi chúng ta sẽ tìm thấy được các manh mối.” Anh ta cau mày. “Cô có gọi chúng là ‘manh mối’ không? Hay ‘bằng chứng’?”
“Anh có thể gọi là ‘bông cải xanh’ cũng được nếu nó giúp chúng tôi tóm được thủ phạm.” “Hãy cùng xem các loại rau củ hé lộ điều gì.” Anh cung cấp cho cô một đường dẫn nữa.
http://www.thechiltonreport.com/html/june26.html
Đây chính là phần trung tâm của blog: Những bài tiểu luận do Chilton chắp bút.
Boling giải thích, “Bài viết của Chilton chính là OP[14], bài mở màn. Cách gọi này, nếu cô quan tâm, có nguồn gốc từ OG[15] - gangster cựu trào - cách gọi dành cho những tay trùm băng nhóm, giống như Bloods và Crips[16] vậy. Có nghĩa là ông ta mở đầu chủ đề bằng các bình luận của mình và để cho mọi người chia sẻ. Họ có thể tán thành hay phản đối. Đôi lúc họ còn đi hoàn toàn lạc đề.”
Dance nhận thấy bài bình luận của Chilton nằm ở trên cùng, và phía dưới là những phần trả lời. Hầu hết mọi người đều hồi đáp thẳng vào bình luận của chủ blog, nhưng đôi lúc họ lại trả lời nhận xét của những người đăng khác.
“Mỗi bài viết riêng biệt cùng những phần đăng liên quan đến nó được gọi là một chủ đề,” Boling giải
thích. “Đôi khi các chủ đề có thể tiếp diễn trong hàng tháng trời, thậm chí là hàng năm.” Dance bắt đầu tìm lướt. Dưới tiêu đề HypoCHRISTcy[17], Chilton đã tấn công đúng nhân vật Dance vừa thấy ở bệnh viện, ông mục sư Fisk, cùng phong trào Ưu tiên Sự sống. Dường như Fisk từng có lần nói việc xử tử những bác sĩ hành nghề phá thai là hành động hoàn toàn chính đáng. Chilton viết ông ta cực lực phản đối phá thai, nhưng chỉ trích Fisk vì lời phát ngôn đó. Hai người bênh vực Fisk, CrimsoninChrist và LukeB1734, tấn công Chilton cực kỳ cay nghiệt. Người thứ nhất nói vị chủ blog đáng phải bị đóng đinh lên thập tự. Màu đỏ thẫm được nhắc tới trong biệt danh của nhân vật này khiến Dance tự hỏi: Liệu CrimsoninChrist có phải là tay vệ sĩ to con tóc đỏ của ông mục sư cô đã trông thấy lúc trước trong cuộc biểu tình phản đối ở bệnh viện không.
Chủ đề Năng lượng cho nhân dân là bài chỉ trích một hạ nghị sĩ của Tiểu bang California - Brandon Klevinger, chủ tịch Ủy ban các nhà máy điện Hạt nhân. Chilton phát hiện được rằng Klevinger đã đi đánh golf với gã chủ dự án đang đề nghị xây dựng một nhà máy điện hạt nhân gần Mendocino, trong khi đáng lẽ chi phí sẽ rẻ và hiệu quả hơn nếu xây nó gần Sacramento.
Trong Khử mặn... và tàn phá, chủ blog đề cập đến kế hoạch xây dựng một nhà máy khử mặn nước biển gần sông Carmel. Bài bình luận chứa đựng cả những lời chỉ trích cá nhân người đứng đằng sau dự án, Arnold Brubaker, được Chilton mô tả như một kẻ không mời mà đến từ Scottsdale, Arizona, một nhân vật có quá khứ bất hảo và nhiều khả năng dính dáng tới cả thế giới ngầm.
Hai trong số các bài bình luận được đăng thể hiện hai quan điểm của các công dân về vấn đề khử mặn nước biển.
Trả lời Chilton, do Lyndon Strickland đăng.
Phải nói rằng ông đã giúp tôi mở mắt trước vấn đề này. Tôi không hề biết có người đang mưu toan thực hiện trò nguy hiểm đó. Tôi đã xem lại hồ sơ đề xuất tại Phòng Kế hoạch của hạt, và dù là một luật sư quen thuộc với các vấn đề môi trường thì đây cũng là một trong những mớ hồ sơ mơ hồ khó hiểu nhất tôi từng đọc qua. Tôi nghĩ chúng ta cần nhiều chứng cứ minh bạch hơn nữa để có thể tranh luận một cách có ý nghĩa về vấn đề này.
Trả lời Chilton, do Howard Skelton đăng.
Ông có biết nước Mỹ sẽ hết nước ngọt vào năm 2023 không? Và 97% nước trên trái đất là nước nhiễm mặn. Chỉ có kẻ ngốc mới không tận dụng nó. Chúng ta cần khử mặn nước biển vì sự sống còn của chính chúng ta, nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế của mình là đất nước năng suất và hiệu quả nhất thế giới.
Trong bài Con đường lát gạch vàng[18], Chilton nói về một dự án của Sở Giao thông tiểu bang - Caltrans. Một tuyến xa lộ mới đã được khởi công từ Xa lộ 1 qua Salinas và chạy tiếp tới Hollister, đi qua khu trang trại. Chilton đang đặt nghi vấn về việc dự án được phê chuẩn với tốc độ chóng vánh, cũng như tuyến đường ngoằn ngoèo hứa hẹn sẽ đem đến cho một số chủ trại lợi ích lớn hơn hẳn so với những người khác. Ông ta ám chỉ đến chuyện hối lộ.
Quan điểm xã hội bảo thủ của Chilton thể hiện rõ ràng trong Hãy chỉ nói Không, một bài chỉ trích đề xuất tăng cường giáo dục giới tính ở trường Trung học cơ sở - Chilton kêu gọi nên tránh quan hệ tình dục ở lứa tuổi này. Một thông điệp tương tự có thể thấy tại Bị bắt quả tang... KHÔNG, bình luận về một thẩm phán tòa án tiểu bang đã có gia đình bị bắt quả tang rời khỏi nhà nghỉ cùng một nhân viên trẻ chỉ bằng nửa tuổi ông ta. Chilton bực bội trước diễn biến gần đây khi ông thẩm phán chỉ bị Hội đồng đạo đức tư pháp nhắc nhở qua loa. Tác giả cảm thấy ông này nên bị bãi chức và tước giấy phép hành nghề luật sư.
Kathryn Dance sau đó bắt gặp chuỗi bài cô quan tâm, nằm dưới một bức ảnh buồn chụp hai cây thập tự, những bông hoa và một con thú nhồi bông.
NHỮNG CÂY THẬP TỰ VEN ĐƯỜNG
Đăng bởi Chilton.
Mới đây tôi vừa lái xe qua địa điểm trên Xa lộ 1 nơi có hai cây thập tự ở ven đường cùng mấy bó hoa tươi thắm. Chúng đánh dấu nơi xảy ra vụ tai nạn khủng khiếp hôm mùng Chín, tháng Sáu, nơi hai cô gái bị chết sau một bữa tiệc mừng tốt nghiệp. Những cuộc đời kết thúc... kéo theo cuộc đời những người thân yêu và bè bạn thay đổi mãi mãi. Tôi nhận ra mình không nghe thấy gì nhiều về bất cứ cuộc điều tra nào của cảnh sát đối với vụ tai nạn. Tôi đã gọi vài cuộc điện thoại và biết được không ai bị bắt giữ. Thậm chí chẳng có lấy mẫu giấy triệu tập điều trần trước tòa nào được gửi đi.
Tôi thấy thật lạ. Đến lúc này, không lệnh bắt có nghĩa là đã khẳng định được người lái xe là một sinh viên - không tên - không có lỗi. Thế thì đâu là nguyên nhân của tai nạn? Trong khi tôi lái xe qua đoạn đường này, tôi thấy nó khá lộng gió,
đầy cát và không hề có đèn chiếu sáng hay rào chắn an toàn hai bên đường. Một biển báo nguy hiểm đã bị thời tiết bào mòn và khó lòng thấy rõ trong bóng tối (tai nạn xảy ra lúc nửa đêm). Không hề có hệ thống thoát nước vì tôi có thể thấy từng vũng nước đọng bên vệ đường và ngay cả trên xa lộ.
Tại sao cảnh sát không dựng lại hiện trường tai nạn thật tỉ mỉ (tôi đã tìm hiểu và biết được là họ có người để làm việc này)? Tại sao Caltrans không ngay lập tức cử một đội đến kiểm tra mặt đường, rào chắn an toàn, biển báo? Tôi không tìm thấy bất cứ báo cáo nào về một cuộc kiểm tra như thế.
Có thể con đường vẫn an toàn ở mức có thể trông đợi.
Nhưng liệu có công bằng với chúng ta hay không - những người có con cái thường xuyên lái xe qua đó - khi các nhà chức trách lãng quên bi kịch xảy ra nhanh đến thế? Với tôi, dường như sự chú ý của họ đã phai nhạt còn nhanh hơn những bông hoa buồn bã nằm dưới những cây thập tự ven đường đó.
Trả lời Chilton, do Ronald Kestler đăng.
Nếu ông nhìn vào tình trạng ngân sách ở hạt Monterey và trong tiểu bang nói chung, ông sẽ thấy một lĩnh vực phải chịu hậu quả từ tình trạng kinh tế tồi tệ của chúng ta là việc cung cấp đủ các biện pháp cảnh báo theo các tuyến xa lộ có nguy cơ cao. Con trai tôi đã chết trong một vụ tai nạn trên Xa lộ 1 vì biển báo cua gấp đã bị bùn phủ lên che kín. Hẳn những người làm việc bảo dưỡng đường cho tiểu bang có thể dễ dàng phát hiện ra và lau sạch cái biển báo, nhưng họ có làm vậy không? Không. Sự tắc trách của họ là không thể tha thứ. Cảm ơn ông, ông Chilton, vì đã kêu gọi sự chú ý tới vấn đề này.
Trả lời Chilton, do một công dân quan ngại đăng.
Công nhân làm việc bảo dưỡng xa lộ kiếm được những khoản tiền phi lý và ngồi ỳ ra trên những cái [đã xóa] béo phị của bọn họ cả ngày. Ông đã thấy, mọi người cũng đã thấy, họ đứng bên đường chẳng chịu làm gì trong khi cần phải sửa chữa những đoạn xa lộ nguy hiểm và đảm bảo chúng ta được an toàn. Thêm một ví dụ nữa về những đồng tiền thuế của chúng ta KHÔNG được sử dụng hữu ích.
Trả lời Chilton, do Robert Garfield, Sở Giao thông của California, đăng.
Tôi muốn cam đoan với ông và các độc giả của ông rằng sự an toàn cho các công dân nước ta chính là ưu tiên hàng đầu của Caltrans. Chúng tôi đã nỗ lực hết mức để duy trì các tuyến xa lộ tiểu bang chúng ta trong tình trạng tốt. Đoạn đường nơi xảy ra vụ tai nạn mà ông nhắc đến, cũng giống như tất cả các tuyến xa lộ nằm dưới quyền quản lý của tiểu bang, vẫn thường xuyên được kiểm tra. Không có vi phạm hay tình trạng mất an toàn nào được phát hiện. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các lái xe hãy nhớ an toàn xa lộ ở California là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Trả lời Chilton, do Tim Concord đăng.
Bài viết của ông là THẮNG LỢI LỚN LAO, Chilton! Cảnh sát sẽ lờ đi cả án mạng nếu chúng ta để mặc họ! Tôi bị buộc táp vào lề trên đường 68 vì là người gốc Phi. Cảnh sát bắt tôi ngồi trên mặt đất nửa giờ trước khi họ cho tôi đi và không thèm nói cho tôi biết tôi đã làm gì sai, ngoại trừ một cái đèn bị hỏng. Chính quyền cần bảo vệ tính mạng con người chứ không phải quấy quả những công dân lương thiện.
Cảm ơn.
Trả lời Chilton, do Ariel đăng.
Hôm thứ Sáu, tôi và bạn tôi tới xem nơi tai nạn xảy ra, và chúng tôi đã khóc khi trông thấy những cây thập tự và hoa ở đó. Chúng tôi ngồi đấy, đưa mắt nhìn quanh khắp xa lộ và thấy rằng không hề có cảnh sát, ý tôi là không một ai! Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra! Cảnh sát đã ở đâu? Và có thể đã không hề có biển báo nguy hiểm hay mặt đường trơn trượt, nhưng nhìn qua trông nó có vẻ khá an toàn với tôi, cho dù đúng là có nhiều cát.
Trả lời Chilton, do SimStud đăng.
Tôi lái xe qua đoạn đường đó thường xuyên, và chỗ đó không phải là địa điểm nguy hiểm nhất trên thế giới, vì thế điều tôi băn khoăn là liệu cảnh sát có thực sự điều tra về kẻ ngồi sau tay lái hay không, tôi biết [người lái xe] từ khi còn đi học, và tôi không nghĩ anh ta là tay lái cừ nhất thế giới.
Trả lời SimStud, do Footballrulz đăng.
Anh bạn, không phải tay lái CỪ NHẤT thế giới ư???? Ghét phải thông não cho anh bạn nhưng [người lái xe] là một gã hoàn toàn điên và thảm hại, hắn KHÔNG BIẾT lái xe. Tôi thậm chí còn không cho rằng hắn có bằng lái. Tại sao đám cớm không phát hiện ra điều đó nhỉ? Chắc là quá bận nhai bánh ngọt và uống cà phê. LOL[19]. Trả lời Chilton, do MitchT đăng.
Chilton, ông vẫn luôn chỉ trích chính phủ, một chuyện khá thành công song lần này hãy quên con đường đi. Nó rất ổn. Anh chàng từ Caltrans kia đã nói thế. Tôi đã lái xe qua đó cả trăm lần, và nếu ông không nhận ra khúc cua nơi ấy thì nguyên nhân là do ông say khướt hay phê thuốc. Nếu cảnh sát [đã xóa] nó là vì họ không điều tra về [người lái xe] đủ kỹ lưỡng. Hắn là một kẻ kỳ cục và cũng đáng sợ nữa. SimStud là người ĐÚNG NHẤT trong vấn đề này.
Trả lời Chilton, do Amydancer44 đăng.
Thật lạ vì bố mẹ tôi đọc Bản tin nhưng tôi thì không thường thế, vì vậy thật bất ngờ khi tôi vào đây. Nhưng tôi có nghe nói ở trường là ông có bình luận về vụ tai nạn, thế là tôi đăng nhập vào. Tôi đã đọc mọi thứ và tôi nghĩ ông đúng một
trăm phần trăm, những gì người khác nói cũng thế. Mọi người đều vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội, nhưng tôi không hiểu tại sao cảnh sát lại chỉ đơn giản bỏ dở cuộc điều tra.
Một người biết [người lái xe] nói với tôi anh ta đã thức suốt cả đêm trước hôm diễn ra bữa tiệc, ý tôi là liền 24 giờ để chơi game trên máy tính. IMHO[20], anh ta đã ngủ gật trong khi lái xe. Và còn một chuyện nữa là mấy tay nghiện game đó nghĩ bọn họ [đã xóa] rất cừ sau tay lái, vì đã chơi nát các trò lái xe trên máy tính, nhưng lái xe thật không giống thế. Trả lời Chilton, do Arthur Standish đăng.
Chi phí liên bang dành cho bảo dưỡng đường bộ đã giảm đáng kể hằng năm, trong khi ngân sách dành cho các chiến dịch quân sự và viện trợ nước ngoài của Mỹ đã tăng gấp bốn. Có lẽ chúng ta nên quan tâm nhiều tới tính mạng của công dân nước mình hơn là của cư dân tại các quốc gia khác.
Trả lời Chilton, do TamF1399 đăng.
Người lái xe] thật kỳ quái, ý tôi là nguy hiểm. Một lần sau khi đội hoạt náo viên luyện tập, hắn nấn ná bên ngoài phòng thay đồ của bọn tôi, cứ như thể định ngó vào trong và cố gắng chụp ảnh bằng điện thoại của mình. Tôi đi tới chỗ hắn và hỏi đại loại, anh đang làm gì ở đây, và hắn nhìn tôi như thể sắp giết tôi vậy. Hắn đúng là một tên đáng ghê tởm. Tôi biết một cô gái đi [bị xóa] cùng bọn tôi, và cô ấy nói với tôi [người lái xe] đã chộp lấy ngực mình, chỉ có điều cô ấy sợ không dám nói gì vì nghĩ hắn sẽ tìm ra cô hay bắt đầu nã đạn vào những người khác, giống như vụ thảm sát ở Đại học Bách khoa Virginia.
Trả lời Chilton, do BroadtoDeath đăng.
Tôi nghe từ một người có quen một anh chàng tham dự bữa tiệc tối đó và anh ta thấy [người lái xe] trước khi chui vào trong xe và tay này lúc ấy đang đi lượn lờ xung quanh hoàn toàn [đã xóa]. Và đó là lý do tại sao họ bị tai nạn. Chính CẢNH SÁT đã đánh mất kết quả phân tích hơi thở của tay này và mọi chuyện sau đó thật lằng nhằng, vậy là họ đành thả hắn. Đó là SỰ THẬT.
Trả lời Chilton, do SarafromCarmel đăng.
Tôi không nghĩ những gì mọi người trong chủ đề này đang nói là công bằng. Chúng ta không biết rõ sự thật. Vụ tai nạn là một bi kịch khủng khiếp và cảnh sát không khởi tố ai, vậy hãy chấp nhận chuyện đó. Thử nghĩ về những gì [người lái xe] đang trải qua. Cậu ấy ở cùng lớp Hóa học với tôi và chưa bao giờ làm phiền ai. Cậu ấy rất thông minh và giúp nhóm cùng bàn chúng tôi rất nhiều. Tôi cá là cậu ấy rất khổ sở vì chuyện xảy ra với những cô đó. Cậu ấy sẽ phải sống với nó suốt quãng đời còn lại. Tôi thấy ái ngại cho cậu ấy.
Trả lời SarafromCarmel, người đăng ẩn danh.
Sara cô là một kẻ [đã xóa] què quặt, nếu hắn lái chiếc xe, vậy thì hắn đã LÀM gì đó khiến mấy cô kia chết. Làm sao cô có thể nói không được? Chúa ơi, chính những kẻ như cô đã cho phép Hitler giết người Do thái bằng hơi độc và để Bush xông vào Iraq. Sao cô không gọi điện đánh thức [người lái xe] dậy và bảo hắn chở cô đi chơi đêm một chuyến? Tôi sẽ đến cắm một cây thập tự ở chỗ ngôi mộ [đã xóa] của cô, đồ [đã xóa].
Trả lời Chilton, do Legend666 đăng.
Em trai [người lái xe] bị thiểu năng, và có thể cảnh sát thấy không được hay lắm nếu họ bắt [người lái xe], nguyên nhân của tất cả những trò đúng đắn về chính trị khiến tôi thấy buồn nôn. Mà đáng ra họ cũng nên kiểm tra ví mấy cô, ý tôi là mấy cô gái bị tai nạn, vì tôi nghe nói hắn đã vơ sạch đồ của họ trước khi xe cứu thương tới nơi. Gia đình hắn nghèo đến nỗi bọn họ không thể mua máy giặt và máy sấy đồ. Tôi vẫn thấy hắn cùng mẹ hắn và đứa em trai [đã xóa] của hắn tại tiệm giặt tự phục vụ ở Billings suốt. Ai đến tiệm giặt tự phục vụ? Là những kẻ thua cuộc thảm hại.
Trả lời Chilton, do SexyGurl362 đăng.
Bạn thân nhất của tôi là một học sinh ở [đã xóa] cùng [người lái xe] và cô ấy nói chuyện với một người có mặt tại buổi tiệc có sự tham gia mấy cô bị chết. [Người lái xe] lúc đó ngồi một xó, kéo mũ trùm áo khoác lên che kín đầu và nhìn chằm chằm vào mọi người trong khi nói chuyện một mình, và một người khác bắt gặp hắn ở trong bếp đang ngắm nghía những con dao. Tất cả đều như kiểu, hắn đang làm cái chết tiệt gì ở đây? Tại sao hắn lại đến?
Trả lời Chilton, do Jake42 đăng.
Ông hoàn toàn đúng, Chilton!! Phải [người lái xe] hoàn toàn [đã xóa]. Hãy nhìn vào kẻ thất bại thảm hại kia, cuộc đời hắn là một THẤT BẠI to tướng!!! Hắn luôn giả vờ bị ốm vào giờ thể dục để khỏi phải tập. Hắn chỉ ra khỏi phòng tập để lượn lờ trong phòng thay đồ và trợn mắt ra nhìn chằm chằm vào [đã xóa] của mọi người. Hắn là một tay đồng tính chính hiệu, có người nói với tôi thế.
Trả lời Chilton, do CurlyJen đăng.
Tôi cùng các bạn tôi vừa nói chuyện và tuần trước có người thấy [người lái xe] đánh võng ngoằn ngoèo trên chiếc xe hắn lấy trộm của bà hắn khi không được phép ở chỗ Hải Đăng. Hắn đang cố làm [đã xóa] lộ quần lót của cô nàng ra. (Cứ như thể cô ta sẽ để ý vậy, LOL!!!). Và khi cô tảng lờ hắn, hắn bắt đầu thủ dâm ngay trước mặt cô ta, ngay ở đó, ngay tại chỗ Hải Đăng trong lúc hắn đang lái xe, hắn chắc chắn đang làm trò tương tự buổi tối xảy ra tai nạn.
Trả lời Chilton, người đăng ẩn danh.
Tôi tới [đã xóa], tôi là một sinh viên năm thứ hai, và tôi biết cậu ta cũng như tất cả mọi người biết về cậu ta. IMHO, ý
tôi là cậu ta bình thường thôi mà. Cậu ta chơi game rất nhiều, nhưng vậy thì sao? Tôi chơi túc cầu rất nhiều, và điều đó đâu có biến tôi thành một tên sát nhân.
Trả lời Anonymous, do BillVan đăng.
Đã xóa] mày, [đã xóa]. Nếu mày biết nhiều đến thế thì “thái độ tinh tướng” của mày là vì cái gì hả thiên tài? Mày thậm chí chẳng đủ can đảm đăng bài dưới tên thật. Sợ thằng đó đến và [đã xóa] mày lên [đã xóa] hả?
Trả lời Chilton, do BellaKelley đăng.
Ông nói rất đúng!!! Tôi và bạn tôi có mặt ở bữa tiệc hôm mùng Chín khi chuyện đó xảy ra và [người lái xe] đã tới để [đã xóa] và hai cô gái như thế, chỉ bỏ đi thôi. Nhưng anh ta thì không, anh ta đi theo họ ra ngoài cửa khi họ về. Nhưng bản thân chúng tôi cũng đáng trách vì đã không làm gì, tất cả những người có mặt ở đó. Tất cả chúng tôi đều biết [người lái xe] là một kẻ thảm hại và bệnh hoạn và đáng ra chúng tôi phải gọi cảnh sát hay ai đó khi họ ra về. Lúc ấy tôi đã có linh cảm xấu hệt như trong phim Ghost Whisperer[21]. Và thử nhìn xem chuyện gì đã xảy ra.
Trả lời Chilton, người đăng ẩn danh.
Ai đó bước vào khuôn viên Columbine hay Đại học Bách khoa Virginia với một khẩu súng và họ trở thành tội phạm nhưng khi [người lái xe] giết người với một chiếc xe hơi thì lại chẳng ai làm gì. Có gì đó thật lộn xộn ở đây.
Trả lời Chilton, do WizardOne đăng.
Tôi nghĩ chúng ta cần một cái nhìn xa hơn. Một số người đăng bài ác cảm với [người lái xe] vì cậu ta không thích thể thao, mà chỉ chơi game. Nhưng thế thì sao? Có hàng triệu người không chơi thể thao nhưng lại thích game. Tôi thực sự không biết rõ về [người lái xe] nhưng chúng tôi học cùng lớp ở [đã xóa]. Cậu ta không phải người xấu. Ai cũng nói xấu cậu ta song liệu có ai ở đây thực sự BIẾT cậu ta không? Dù chuyện gì đã xảy ra đi nữa, cậu ta cũng không cố tình hại ai và tất cả chúng ta đều biết có những người làm thế hàng ngày. IMHO, cậu ta rất khổ tâm vì những gì đã xảy ra. Cảnh sát không bắt cậu ta vì, thế đấy, cậu ta không làm gì phạm pháp.
Trả lời WizardOne, do Halfpipe22 đăng.
Lại thêm một gã nghiện game nữa. Nhìn xem biệt danh kìa. ĐỒ CHẾT TIỆT!!! Phù thủy[22] mắc dịch, FOAD[23]! Trả lời Chilton, do Archenemy đăng.
[Người lái xe] là một kẻ vô cùng bệnh hoạn. Trong tủ đựng đồ của hắn ở trường, hắn dán hình những nạn nhân ở Columbine và Đại học Bách khoa Virginia, và cả những xác chết trong các trại tập trung. Hắn lang thang vật vờ trong một cái áo có mũ trùm rẻ tiền mắc dịch, cố làm ra vẻ sành điệu nhưng hắn là một kẻ nghiện ngập chết tiệt, và mãi chỉ như thế mà thôi.
[Người lái xe] nếu mày đang đọc những dòng này, nhãi, và không phải đang bận rộn với thần tiên phép thuật, hãy nhớ: Chúng tao BIẾT RÕ VỀ MÀY. Sao mày không cho mọi người chút ơn huệ và bắn vỡ bộ óc [đã xóa] của mày ra. Cái chết của mày = THẮNG LỢI VĨ ĐẠI!
Chương 9
Kathryn Dance ngồi xuống, lắc đầu. “Có quá nhiều lời lẽ nóng nảy ở trong đó,” cô nói với Jon Boling. Cô không khỏi quan ngại trước những bài bình luận đầy ác ý đăng trên blog, và phần lớn lại do những thanh thiếu niên còn trẻ viết lên mạng.
Boling rê chuột trở lại bài bình luận đầu tiên. “Hãy xem chuyện gì đã xảy ra. Chilton chỉ đưa ra nhận xét về một tai nạn chết người. Ông ta chỉ đặt câu hỏi liệu con đường có được bảo trì an toàn hay không. Nhưng hãy nhìn xem những bài trả lời đã chệch xa chủ đề tới mức nào. Chúng đi từ chỗ thảo luận về vấn đề Chilton đưa ra - an toàn trên xa lộ - sau đó chuyển sang vấn đề tài chính của chính phủ, rồi tới cậu thiếu niên đang lái xe, cho dù có vẻ cậu ta chẳng làm gì sai. Những người thảo luận càng ngày càng trở nên kích động hơn và cuối cùng blog biến thành một cuộc ẩu đả về lời lẽ giữa chính những người tham gia với nhau.”
“Giống như trò lan truyền tin tức qua điện thoại. Khi thông điệp đến nơi, nó đã bị bóp méo đi. “Tôi nghe nói...”. “Có người biết một người...”, “Một người bạn của tôi nói với tôi...”.” Dance liếc qua các trang lần nữa. “Tôi thấy một điều, Chilton không hề đáp trả. Hãy nhìn bài bình luận về mục sư Fisk và nhóm Quyền-được-sống của ông ta.
Trả lời Chilton, do CrimsoninChrist đăng.
Ông là một kẻ tội lỗi không thể hiểu được sự nhân hậu trong trái tim mục sư R. Samuel Fisk. Ông ấy đã hiến dâng cả đời mình cho Chúa và những tạo vật của Người, trong khi ông chẳng hề làm gì ngoài chiều theo đám đông để mua vui và thủ lợi cho chính mình. Cách ông bóp méo quan điểm của mục sư thật bệnh hoạn và báng bổ. Chính ông đáng bị đóng đinh lên thập tự.
Boling nói với cô, “Không, những người viết blog nghiêm túc không đôi co tranh luận trở lại. Chilton sẽ đưa ra một câu trả lời hợp lý, song ngọn lửa chiến tranh - các đòn tấn công giữa những người đăng bình luận - vượt ra khỏi vòng kiểm soát và trở thành chuyện cá nhân. Những bài đáp trả quay sang hướng vào chuyện tấn công, chứ không còn dính dáng gì đến chủ đề nữa. Đó là một trong những vấn đề với các blog. Khi đối diện với nhau, người ta sẽ không gây thù chuốc oán kiểu này. Sự vô danh trên blog đồng nghĩa với việc cuộc xung đột kéo dài nhiều ngày, đôi lúc hàng tuần.”
Dance xem qua các bài bình luận. “Vậy ra cậu ta vẫn chỉ là một học sinh.”
Nữ đặc vụ nhớ lại suy đoán của mình từ cuộc thẩm vấn Tammy Foster. “Chilton đã xóa tên cậu ta và tên trường học đi, nhưng chắc hẳn là trường Robert Louis Stevenson. Nơi Tammy đang học. ” Boling gõ lên màn hình. “Và đây là bài viết của Tammy. Cô bé là một trong những người đầu tiên nói đến cậu nhóc kia. Và sau đó tất cả những người khác ào ào nhảy vào cuộc.”
Có thể bài viết chính là nguồn gốc tạo nên dáng vẻ tội lỗi mà Dance phát hiện ra trong buổi thẩm vấn. Nếu cậu con trai này đứng đằng sau vụ tấn công, khi đó Tammy, như cô và O’Neil đã suy đoán, hẳn sẽ cảm thấy phần nào phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào mình, bởi cô bé đã tự chuốc lấy nó. Và có thể cô bé cũng sẽ thấy có lỗi nếu thủ phạm tiếp tục làm ai khác bị tổn thương. Nó lý giải tại sao Tammy không thích lời gợi ý rằng kẻ bắt cóc cô bé có một chiếc xe đạp để trong ô tô, bởi điều đó sẽ dẫn Dance tới chỗ nghi ngờ một kẻ trẻ tuổi hơn - một học sinh mà cô bé không muốn tiết lộ danh tính vì cô bé vẫn coi hắn là một mối đe dọa.
“Tất cả thật xấu xa,” Dance nói, hất hàm về phía màn hình.
“Cô đã bao giờ nghe nói về cậu bé Vứt rác chưa?”
“Ai cơ?”
“Chuyện xảy ra ở Kyoto vài năm trước. Tại Nhật Bản. Một cậu bé vị thành niên ném vỏ bọc đồ ăn nhanh và cốc giấy đựng soda xuống nền đất trong một công viên. Có người chụp lại được thời điểm cậu ta đang làm việc đó bằng điện thoại di động của mình rồi chia sẻ lên mạng cho bạn bè. Thế là sau đó, bức ảnh bắt đầu xuất hiện trên các blog và các trang mạng xã hội trong khắp cả nước. Những người thích tự thực thi công lý trên thế giới ảo bắt đầu săn tìm cậu ta. Bọn họ xác định được tên, địa chỉ nhà cậu ta và tung ngược
lên mạng. Thông tin này lan ra hàng nghìn blog. Toàn bộ câu chuyện trở thành một cuộc săn phù thủy. Người ta bắt đầu xuất hiện trước nhà cậu bé kia và ném rác vào sân. Cậu ta thiếu chút nữa đã tự tử vì việc bị lăng nhục như thế là rất nghiêm trọng tại Nhật Bản,” âm điệu trong giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của Boling đều lộ rõ vẻ tức giận.
“Những nhà phê bình thì nói, ồ, đó chẳng qua chỉ là câu chữ và vài bức ảnh. Nhưng chúng cũng có thể trở thành thứ vũ khí gây ra tổn thương nghiêm trọng không thua kém gì những nắm đấm. Và, thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ những vết sẹo sẽ lâu mờ hơn.”
Dance thắc mắc, “Tôi không hiểu được một số từ ngữ trong các bài bình luận.”
Boling bật cười. “Ồ, trên các blog, bản tin và mạng xã hội, người ta ưa thích các cách phát âm bóp méo, viết tắt hay tự chế ra từ mới. ‘Sauce’ thay vì ‘source[1]’. ‘Moar’ thay vì ‘more[2]’. ‘IMHO’ là ‘theo thiển ý của tôi’.”
“Tôi có thể hỏi được không? ‘FOAD’.”
“Ồ,” anh ta nói, “một lời chào tạm biệt lịch sự dành cho bài bình luận của cô. Có nghĩa là ‘Đi chết đi’. Tất cả những từ viết hoa, tất nhiên rồi, đều có nghĩa là gào lớn”.
“Và ‘p-h-r-3-3-k’ nghĩa là gì?”
“À, đó là ‘ngôn ngữ teen’ của từ ‘freak[3]’.”
“Ngôn ngữ teen?”
“Một kiểu ngôn ngữ được đám trẻ vị thành niên tạo ra trong vài năm vừa qua. Cô chỉ thấy nó trên những đoạn văn được gõ trực tiếp từ bàn phím thôi. Các chữ số và biểu tượng thay thế chỗ của chữ cái. Và cách phát âm bị thay đổi. ‘Ngôn ngữ teen’ xuất phát từ ‘một nhóm người rất đỉnh’, có nghĩa là những kẻ cừ khôi và sành điệu nhất. Với những thế hệ già hơn như chúng ta, nó có thể khó hiểu. Nhưng khi đã biết rõ rồi, chúng ta có thể viết và đọc nó nhanh không kém gì ngôn ngữ chính thống.”
“Sao bọn trẻ lại dùng chúng nhỉ?”
“Bởi nó sáng tạo và không chuẩn tắc... Và cool[4]. Mà về từ cuối cùng này, nhân đây xin nói luôn, cô cần phát âm là K-E-W-L.”
“Kiểu phát âm và ngữ pháp này quả là kinh khủng.”
“Đúng thế, nhưng không có nghĩa những người viết ra nó nhất thiết phải ngu ngốc hay thất học. Chỉ đơn giản là trào lưu thông dụng hiện nay. Và tốc độ là điều quan trọng. Chừng nào người đọc có thể hiểu được cô đang nói gì, cô có thể cẩu thả thoải mái theo ý mà mình muốn.”
Dance nói, “Tôi rất muốn biết cậu nhóc là ai. Có lẽ tôi nên gọi CHP[5] để hỏi về vụ tai nạn Chilton đã nhắc tới.”
“Ồ, tôi sẽ tìm được. Thế giới trên mạng tuy có rộng lớn đấy nhưng cũng thật bé nhỏ. Tôi đã có trang mạng xã hội của Tammy ở đây. Cô bé dành phần lớn thời gian của mình trên OurWorld. Nó còn lớn hơn Facebook và MySpace. Trang mạng này có đến một trăm ba mươi triệu thành viên.” “Một trăm ba mươi triệu?”
“Phải. Lớn hơn cả dân số nhiều quốc gia,” Boling nghiêng đầu nhìn trong lúc gõ bàn phím. “Tôi đã vào tài khoản của cô bé, chỉ cần làm vài kiểm tra chéo... Kia rồi. Tìm được anh chàng rồi.” “Nhanh vậy sao?”
“Phải. Tên cậu ta là Travis Brigham. Cô có lý. Cậu ta là học sinh năm ba tại trường Trung học Robert Louis Stevenson ở Monterey. Sẽ lên năm cuối vào mùa thu này. Sống tại Pacific Grove.” Đó cũng là nơi Dance và các con cô đang sống.
“Tôi đang tìm trong một số bài viết đăng trên OurWorld về vụ tai nạn. Có vẻ như cậu nhóc này trong lúc lái xe từ một buổi tiệc trở về đã bị mất kiểm soát. Hai cô gái bị chết, một người nữa phải nằm viện. Cậu ta không bị thương tích gì nghiêm trọng. Không có bất kì lời buộc tội nào ngoài vài câu hỏi được đặt ra về điều kiện đường xá. Lúc ấy trời đang mưa.”
“Vụ đó ư! Chắc rồi. Tôi vẫn còn nhớ.”
Các phụ huynh luôn nhớ rõ những vụ tai nạn chết người liên quan tới thanh thiếu niên. Và tất nhiên, cô vẫn còn cảm thấy một ký ức đau nhói từ vài năm trước: Người nhân viên tuần cảnh xa lộ gọi điện về nhà cho cô, hỏi cô có phải là vợ của đặc vụ FBI Bill Swenson không. Sao anh ta lại hỏi thế? Cô băn khoăn.
“Tôi rất tiếc phải thông báo với cô, đặc vụ Dance… Tôi e là đã có một tai nạn xảy ra.” Cô gạt ký ức sang một bên rồi nói, “Dù vô tội nhưng cậu bé vẫn bị nói xấu.”
“Nhưng vô tội thật tẻ nhạt,” Boling cười tinh quái. “Đăng bài về điều đó thì chẳng có gì vui vẻ cả.” Vị giáo sư chỉ vào blog và nói. “Thứ cô có ở đây là các Thiên Thần Thù Hận.”
“Là gì vậy?”
“Một loại đầu gấu chuyên bắt nạt người khác trên mạng. Các Thiên Thần Thù Hận rất nhanh nhạy trong việc soi mói. Bọn họ tấn công Travis vì nghĩ cậu nhóc đã thoát khỏi điều gì đó do cậu ta không bị bắt sau vụ tai nạn. Họ không tin, hay không đặt niềm tin, vào cảnh sát. Một thể loại nữa là Thèm Khát Quyền Lực - đám này gần giống với những tay chuyên gia gây gổ điển hình ở trường học. Bọn họ muốn kiểm soát người khác bằng cách thúc ép những người này. Rồi còn cả những Cô Nàng Bẩn Tính - đám trẻ thô lỗ thích bắt nạt các đối tượng xung quanh, vậy đấy, dù bản thân bọn chúng chỉ là đồ rác rưởi. Phần lớn là con gái, những cô nàng luôn cảm thấy buồn chán và đăng lên những lời lẽ tàn nhẫn để mua vui cho mình. Nó cận kề với bạo hành vì khoái cảm.”
Âm hưởng giận dữ lại rung lên trong giọng nói của Boling. “Bạo hành... đó là một vấn nạn thực sự. Và đang trở nên tồi tệ hơn. Những con số thống kê gần đây nhất cho thấy ba mươi lăm phần trăm trẻ em đã bị bắt nạt hay đe dọa trên mạng, đa số là nhiều lần,” Boling im lặng, đôi mắt nheo lại. “Gì thế, Jon?”
“Thú vị thay có một thứ chúng ta không thấy.”
“Là gì?”
“Travis phản công lại trên blog, tranh luận với những người công kích cậu ta.”
“Có thể cậu ấy không biết về chuyện này.”
Boling cười. “Ồ, tin tôi đi, cậu nhóc sẽ biết tất cả chỉ năm phút sau khi bài phản hồi đầu tiên được đăng lên chủ đề của Chilton.”
“Sao chuyện cậu ta không đăng bài lại quan trọng vậy?”
“Một trong những loại tấn công người khác dai dẳng kiên quyết nhất trên mạng được gọi là Phi Vụ Báo Thù Của Những Người Bị Nhục Mạ, hay Nạn Nhân Của Những Kẻ Trả Đũa. Đây là những người từng bị công kích và đang phản công lại. Cảm giác phẫn nộ với xã hội khi bị ruồng bỏ, bị bắt nạt hay nhục mạ vào độ tuổi đó là rất dữ dội. Tôi cam đoan cậu ta đang tức điên, đang tổn thương ghê gớm và muốn trả miếng. Những cảm xúc ấy cần được phát tiết ra theo cách nào đó. Cô hiểu ngụ ý rồi chứ?”
Dance hiểu. “Đồng nghĩa với nó là cậu nhóc chính là người tấn công Tammy.”
“Nếu Travis không công kích trên mạng, càng có nhiều khả năng cậu ấy sẽ tìm đến họ trong đời thực hơn,” Boling liếc mắt đầy quan ngại lên màn hình. “Ariel, BellaKelley, SexyGurl362, Legend666, Archenemy - tất cả đều chĩa mũi dùi vào cậu ấy. Có nghĩa là bọn họ đều đang gặp nguy hiểm nếu cậu ta chính là thủ phạm.”
“Liệu tìm kiếm danh tính thật và địa chỉ của những người này với cậu ta có khó không?” “Chắc rồi, một số người sẽ cần phải xâm nhập vào đường truyền tín hiệu và máy chủ, tất nhiên. Nhưng phần lớn, việc tìm kiếm cũng dễ dàng như cách tôi tìm được tên của cậu ta vậy. Tất cả những gì cậu ấy cần là vài cuốn niên giám trường hay sổ danh sách lớp, rồi tiếp cận vào OurWorld, Facebook hay MySpace. Ồ, và cả lựa chọn ưa thích của tất cả mọi người... Google.”
Dance nhận ra một cái bóng dần bao trùm lên họ và Jonathan Boling đang nhìn ra phía sau cô. Michael O’Neil bước vào phòng làm việc. Dance nhẹ nhõm khi thấy anh. Đôi bên trao nhau nụ cười. Boling đứng dậy. Dance giới thiệu hai người với nhau. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Boling nói, “Vậy là, tôi cần cảm ơn anh vì lần đầu được thử làm cảnh sát.”
“Nếu ‘cảm ơn’ là từ đúng,” O’Neil nói, kèm theo một nụ cười tinh quái.
Họ cùng ngồi xuống bên bàn cà phê, và Dance thuật lại với anh những điều cô và Boling đã tìm thấy... cùng những gì họ nghi ngờ: Có thể Tammy bị tấn công vì đã đăng bình luận lên một blog về cậu học sinh tại trường, con bé cho rằng thằng nhóc phải chịu trách nhiệm về một vụ tai nạn xe hơi.
“Có phải là vụ tai nạn trên Xa lộ 1 hai tuần trước không? Cách Carmel chừng năm dặm về phía nam?” “Đúng thế.”
Boling nói, “Tên cậu thiếu niên này là Travis Brigham, cậu ta học tại Robert Louis Stevenson, cùng trường với nạn nhân.”
“Vậy thì ít nhất cậu ta cũng có động cơ. Và rất có thể là hung thủ, và chúng ta đang e ngại điều gì nhỉ?” O’Neil hỏi Dance. “Hung thủ muốn tiếp tục chăng?”
“Nhiều khả năng là thế. Những trò bắt nạt nhục mạ trên mạng dồn đẩy người ta tới quá ngưỡng chịu đựng. Tôi đã thấy chuyện đó diễn ra hàng chục lần rồi.”
O’Neil gác hai chân lên bàn cà phê và lắc lư trên ghế. Hai năm trước, cô từng cược mười đô la với anh là đến một ngày nào đó anh sẽ lộn nhào. Cho đến nay cô vẫn chưa nhận được món tiền đó. Anh hỏi Dance, “Có gì thêm về các nhân chứng không?”
Dance cho hay TJ vẫn chưa quay về sau chuyến đi tìm hiểu về camera an ninh gần xa lộ nơi cây thập tự thứ nhất được để lại, và Rey cũng chưa hồi đáp gì về các nhân chứng gần câu lạc bộ nơi Tammy bị bắt cóc. O’Neil nói vẫn chưa có đột phá nào với những bằng chứng vật chất. “Chỉ có một thứ - bên Điều tra Hiện trường tìm thấy một sợi vải bông màu xám trên cây thập tự.”
Anh nói thêm rằng phòng thí nghiệm ở Salinas không thể khớp được nó vào một cơ sở dữ liệu cụ thể nào, ngoài việc báo cáo sợi vải bông nhiều khả năng có nguồn gốc từ quần áo chứ không phải thảm hay đồ đạc.
“Tất cả chỉ có thế thôi, không còn gì nữa sao? Không vân tay, không vết bánh xe?” O’Neil nhún vai. “Thủ phạm hoặc là rất khôn ngoan, hoặc là cực kỳ may mắn.”
Dance bước tới bàn làm việc và truy cập vào cơ sở dữ liệu của tiểu bang về hồ sơ và nhân dạng. Cô nheo mắt nhìn lên màn hình và đọc, “Travis Alan Brigham, mười bảy tuổi. Theo thông tin từ bằng lái xe, cậu ta sống ở số 408, đường Henderson.” Cô đẩy kính lên sống mũi trong lúc đọc tiếp. “Đáng quan tâm đây. Cậu ta đã có tiền sự,” sau đó lại lắc đầu. “Không, xin lỗi. Tôi nhầm. Không phải cậu ta. Đó là Samuel Brigham, sống ở cùng địa chỉ. Cậu ta mười lăm tuổi. Tiền sự phạm pháp vị thành niên. Bị bắt hai lần vì nhìn trộm, một lần vì gây gổ hành hung. Cả hai lần đều được miễn truy tố, song phải theo trị liệu tâm lý. Có vẻ như là một đứa em trai. Nhưng còn Travis? Không, lai lịch của cậu ta hoàn toàn sạch sẽ.”
Cô kéo bức ảnh trong hồ sơ của cơ quan Quản lý Phương tiện cơ giới[6] lên màn hình. Một cậu nhóc tóc đen với đôi mắt nằm sát nhau, dưới đôi lông mày nâu dày, đang nhìn thẳng vào ống kính. Cậu ta không hề mỉm cười.
“Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về vụ tai nạn,” O’Neil nói.
Dance gọi điện thoại tới văn phòng sở tại của Đội Tuần cảnh Xa lộ, tên gọi chính thức của cảnh sát Tiểu bang California. Sau vài phút chuyển máy lòng vòng từ đầu dây bên kia, cuối cùng cô kết thúc với trung sĩ Brodsky, Dance bật loa ngoài điện thoại lên và hỏi về vụ tai nạn.
Brodsky lập tức chuyển ngay sang giọng điệu thường thấy khi cảnh sát ra làm chứng trước tòa. Chính xác, không chút cảm xúc. “Hôm đó, ngay trước nửa đêm ngày thứ Bảy, mồng Chín tháng Sáu. Bốn người ở tuổi vị thành niên, ba nữ, một nam đang trên xe xuôi theo hướng bắc nơi Xa lộ 1, đoạn cách khoảng ba dặm về phía nam Carmen Highlands, gần khu Bảo tồn bãi biển Garrapata State. Thiếu niên nam cầm tay lái. Chiếc xe mang kiểu dáng Nissan Altima đời mới. Có vẻ chiếc xe lúc đó đang chạy ở tốc độ bốn mươi lăm dặm một giờ. Người lái xe không nhận thấy một khúc cua, làm xe bị trượt và lao xuống một vách núi. Hai cô gái ngồi băng ghế sau không đeo đai an toàn. Cả hai chết ngay lập tức. Cô gái ngồi trên ghế trước bị va đập mạnh. Cô này phải nằm viện vài ngày. Người lái xe bị giữ lại, kiểm tra và cho về.”
“Travis nói chuyện gì đã xảy ra?” Dance hỏi.
“Chỉ là mất kiểm soát tay lái. Trước đó trời đã mưa nên có nước trên mặt xa lộ. Cậu ta đổi làn đường thế là bị trượt. Chiếc xe của một trong ba cô gái, và các lốp xe không phải ở tình trạng tốt nhất. Cậu ấy không chạy quá tốc độ. Kết quả kiểm tra đều âm tính với cồn và các chất kích thích khác. Cô gái còn sống sót cũng khẳng định những gì cậu ấy kể.” Đâu đó trong giọng nói của anh ta tồn tại chút âm hưởng tự vệ. “Có lý do khiến chúng tôi đã không buộc tội cậu ấy, cô biết đấy. Cho dù người ta có nói gì về cuộc điều tra đi chăng nữa.”
Vậy là viên trung sĩ cũng đã đọc blog nọ, Dance suy đoán.
“Cô sẽ mở lại cuộc điều tra chứ?” Brodsky hỏi đầy cảnh giác.
“Không, cuộc điều tra này liên quan tới vụ tấn công tối thứ Hai. Cô gái trong cốp xe.” “À, ra là vụ đó. Cô có nghĩ chính cậu ấy làm chuyện đó không?”
“Có thể lắm.”
“Chẳng làm tôi ngạc nhiên. Không hề.”
“Sao anh lại nói vậy?”
“Đôi khi cô có một cảm giác rằng Travis là người nguy hiểm. Cậu ta có đôi mắt hệt như mấy đứa nhóc
ở Columbine.”
Làm cách nào anh ta có thể biết được khuôn mặt những kẻ sát nhân trong ‘vụ tàn sát kinh hoàng năm 1999[7]’?
Brodsky nói thêm, “Cậu nhóc này hâm mộ mấy tên đó, cô biết đấy, những kẻ nã súng. Thậm chí cậu ta có cả ảnh của chúng trong tủ đựng đồ cá nhân tại trường.”
Anh ta biết được chuyện đó một cách độc lập, hay là từ blog? Dance nhớ ai đó đã nhắc tới chi tiết này trong bài viết Những cây thập tự ven đường.
“Anh có nghĩ cậu ta là một mối đe dọa không?” O’Neil hỏi Brodsky. “Anh đã thẩm vấn cậu ta lúc nào vậy?”
“Có, thưa ngài. Tôi luôn chuẩn bị còng tay của mình sẵn sàng suốt thời gian đó. Cậu ta là một thanh niên to con và mặc chiếc áo khoác vải len có mũ trùm đầu. Chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Thật kỳ quái vô cùng.”
Lời miêu tả về trang phục của viên cảnh sát làm Dance nhớ lại những gì Tammy đã để lộ ra về việc kẻ tấn công cô bé mặc áo khoác có mũ trùm đầu.
Cô cảm ơn người nhân viên tuần cảnh rồi ngắt máy. Sau một khoảnh khắc, cô ngước mắt lên nhìn Boling. “Jon, anh có thêm nhận xét nào về Travis không? Từ những bài bình luận đó?” Boling ngẫm nghĩ giây lát. “Đúng là tôi có một suy nghĩ. Nếu cậu nhóc là người nghiện chơi game như họ nói thì điều đó có thể rất quan trọng.”
O’Neil hỏi, “Ý anh là thông qua chơi những trò chơi kia, cậu ta đã được lập trình để trở nên bạo lực? Chúng ta có thể thấy một chương trình về chủ đề đó trên Discovery Channel[8] mấy tối trước.” Nhưng Jon Boling lắc đầu. “Một chủ đề thời thượng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng nếu cậu nhóc này đã trải qua những giai đoạn phát triển tương đối bình thường trong thời thơ ấu, tôi sẽ không mấy lo lắng về chuyện đó. Phải, một số đứa trẻ có thể trở nên vô cảm với những hệ lụy của bạo lực nếu chúng thường xuyên tiếp xúc với nó theo một số phương thức - thường là thông qua thị giác - quá sớm. Nhưng tệ nhất thì điều đó cũng chỉ làm cô trở nên chai lỳ hơn chứ không thể khiến cô trở nên nguy hiểm. Xu hướng bạo lực trong giới trẻ gần như luôn xuất phát từ phẫn nộ chứ không phải vì phim ảnh hay truyền hình. Không, tôi muốn đề cập tới một chuyện khác khi nói việc chơi game có thể ảnh hưởng sâu sắc đến Travis. Đó là những thay đổi ở giới trẻ mà chúng ta đang thấy khắp nơi trong xã hội. Cậu ta có thể mất đi khả năng phân biệt giữa thế giới ảo và thế giới thực.”
“Thế giới ảo?”
“Đó là một khái niệm tôi mượn từ cuốn sách của Edward Castronova viết về chủ đề này. Thế giới ảo là cuộc sống trong các trò chơi trực tuyến và các trang web về thực tế giả, như Cuộc sống thứ hai. Chúng là những thế giới tưởng tượng huyền ảo cô bước vào thông qua máy tính của mình, PDA[9] hay một thiết bị kỹ thuật số khác. Những người thuộc thế hệ chúng ta luôn ý thức được sự phân biệt rõ ràng giữa thế giới ảo và thế giới thực. Thế giới thực là nơi cô ăn tối với gia đình cô, chơi bóng mềm[10] hoặc đi hẹn hò sau khi thoát ra khỏi thế giới ảo hoặc tắt máy tính. Nhưng những thế hệ trẻ hơn, và hôm nay tôi muốn nói đến những người đang ở tuổi hai mươi hay thậm chí ở đầu độ tuổi ba mươi, lại không nhìn ra sự khác biệt đó. Thế giới ảo ngày càng trở nên thực hơn với họ. Trong thực tế, có một nghiên cứu gần đây cho thấy gần một phần năm số người chơi trò chơi trực tuyến cảm thấy thế giới thực chỉ là chỗ để ăn và ngủ, còn thế giới ảo mới là nơi cư trú thực sự của họ.”
Điều này khiến Dance ngạc nhiên.
Boling mỉm cười trước biểu hiện bên ngoài có phần ngỡ ngàng của nữ đặc vụ. “Ồ, trung bình một người chơi game có thể dễ dàng dành ra ba mươi giờ mỗi tuần trong thế giới ảo, và những trường hợp dành ra gấp đôi thời gian trên cũng không phải là hiếm. Có hàng trăm triệu người ít nhiều liên quan tới thế giới ảo, và hàng chục triệu người dành phần lớn thời gian trong ngày của họ cho nó. Chúng ta không phải đang nói về Pac-Mac hay Pong[11]. Mức độ sống động trong thế giới ảo thực sự đáng kinh ngạc. Cô thông qua avatar - một nhân vật đại diện cho cô, cư ngụ trong một thế giới cũng phức tạp như thế giới ta đang sống ngay lúc này. Các chuyên gia tâm lý tuổi thiếu niên đã nghiên cứu phương thức người ta tạo nên các avatar. Trên thực tế, người chơi đã sử dụng những kỹ năng nuôi dạy con cái tồn tại trong tiềm thức để hình thành nên các nhân vật của họ. Các nhà kinh tế cũng đã lao vào nghiên cứu trò chơi mạng. Cô cần học hỏi
các kỹ năng để nuôi sống chính mình nếu không sẽ bị chết đói. Trong phần lớn các trò chơi cô sẽ phải kiếm tiền, một loại đơn vị tiền tệ riêng. Nhưng hiện tại thứ bảo ngân ảo đó đang được đem trao đổi lấy đô la, bảng Anh hay Euro trên eBay trong mục trò chơi của họ. Cô có thể mua hay bán các món đồ ảo, như các phép thuật, vũ khí, y phục, nhà cửa, hay thậm chí cả chính các nhân vật bằng tiền của thế giới thực. Ở Nhật Bản, cách đây chưa lâu, một số game thủ đã kiện các hacker đánh cắp những món đồ ảo từ nhà của họ trong thế giới ảo. Họ đã thắng kiện.”
Boling cúi người ra trước, và Dance một lần nữa nhìn thấy những tia sáng lóe lên trong đôi mắt và vẻ hăng hái ẩn sau giọng nói của vị giáo sư.
“Một trong những ví dụ rõ rệt nhất về sự tồn tại song song của thế giới ảo và thực là trò chơi trực tuyến nổi tiếng, World of Warcraft. Các nhà thiết kế đã tạo ra một dịch bệnh như một thứ ‘tác hại’, nghĩa là tình trạng giảm sức khỏe hay sức mạnh của nhân vật. Được gọi là ‘Máu bẩn’. Nó sẽ làm những nhân vật mạnh bị suy yếu và giết chết những nhân vật không đủ mạnh. Nhưng có một chuyện kỳ lạ xảy ra. Không ai hoàn toàn biết rõ tại sao dịch bệnh đó đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát và tự lan rộng. Nó trở thành một cơn dịch đen ảo[12]. Các nhà thiết kế chưa bao giờ trù tính tạo ra tình trạng này. Dịch bệnh chỉ có thể được ngăn lại khi các nhân vật nhiễm phải nó chết hết hoặc thích nghi với nó. Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch ở Atlanta đã nghe nói đến điều này và lập hẳn một nhóm nghiên cứu sự lây lan của loại virus trên. Họ sử dụng nó như mô hình cho dịch tễ học trong thế giới thực.”
Boling ngả người lại sau.
“Tôi có thể kể vô số chuyện nữa về thế giới ảo. Đó là một chủ đề rất cuốn hút, nhưng chung quy cho dù Travis có bị chai lỳ trước bạo lực hay không, câu hỏi thực sự ở đây là cậu ta sống chủ yếu trong thế giới nào, ảo hay thực? Nếu là ảo, khi đó cậu ta sẽ sống cuộc sống của mình tuân theo những quy tắc hoàn toàn khác. Và chúng ta không biết chúng là gì. Báo thù những kẻ bắt nạt trên mạng, hay bất cứ ai nhục mạ cậu ta, là việc hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thậm chí đó còn là điều chính đáng. Có thể so sánh với một kẻ tâm thần phân liệt hoang tưởng giết ai đó vì hắn thật sự tin nạn nhân là một mối đe dọa cho thế giới. Hắn không làm gì sai trái cả. Thực ra với hắn, giết người còn là hành động anh hùng. Còn Travis? Ai biết cậu ấy đang nghĩ gì? Có điều hãy nhớ cho rất có thể với cậu ta tấn công một kẻ kích bác trên mạng như Tammy Foster cũng chẳng khác gì đập một con ruồi.”
Dance ngẫm nghĩ về ý tưởng này rồi nói với O’Neil, “Chúng ta có nên tới gặp cậu ấy để nói chuyện không?”
Quyết định xem nên khởi đầu thẩm vấn một đối tượng tình nghi vào thời điểm nào luôn chứa đựng nhiều nguy cơ. Travis rất có thể chưa nghĩ bản thân là đối tượng bị tình nghi. Bắt chuyện trong lúc này sẽ làm cậu ta mất cảnh giác, và may ra khiến cậu ta buột miệng nói những điều có thể chống lại chính mình, thậm chí thú tội cũng nên. Ngược lại, cậu ta cũng có thể hủy mọi bằng chứng hoặc lẩn trốn.
Quả là nan giải.
Điều giúp cô đưa ra quyết định cuối cùng là một ký ức duy nhất. Cái nhìn trong đôi mắt Tammy Foster - nỗi sợ hãi bị trả thù. Và nỗi sợ hãi thủ phạm sẽ tấn công thêm ai khác.
Cô hiểu họ cần hành động thật khẩn trương.
“Phải. Chúng ta hãy cùng đến gặp cậu ta.”
Chương 10
Gia đình Brigham sống trong ngôi nhà một tầng, ngoài sân chất đầy linh kiện xe hơi và đồ đạc cũ, phần lớn đều bị tháo tung rồi bỏ dở dang. Những túi nilon màu xanh lá cây đựng rác rưởi và lá mục đầy đến tràn cả ra ngoài nằm ngổn ngang giữa các món đồ chơi và dụng cụ hỏng hóc. Một con mèo người ngợm bong tróc thận trọng ngó ra từ cái ổ bên gốc nho của nó dưới một bờ rào cây cao quá khổ. Ả mèo quá lười biếng hoặc quá no bụng để bận tâm tới một con chuột màu xám mập tròn chạy ngang qua. O’Neil đậu xe trên con đường rải sỏi, cách ngôi nhà chừng mười hai mét, rồi cùng Dance bước xuống khỏi chiếc xe mà không mang theo phù hiệu của MCSO.
Hai người quan sát khu vực xung quanh.
Nơi này giống như một khung cảnh của vùng nông thôn miền Nam, cây cối rậm rạp khắp nơi, không có ngôi nhà nào khác trong tầm mắt, hoàn toàn hoang vắng. Trạng thái xập xệ của ngôi nhà và mùi hôi nồng nặc cho biết sự tồn tại của một đường cống nước thải hoạt động không mấy hiệu quả ở ngay gần đó hoặc một đầm lầy, nó giải thích tại sao gia đình Brigham có thể sở hữu một mảnh đất riêng cho mình ở khu vực đắt đỏ như thế này của tiểu bang.
Khi họ bắt đầu tiến về phía ngôi nhà, Dance nhận ra bàn tay cô đang đặt gần báng khẩu súng ngắn, còn áo vest của cô đã mở khuy.
Cô đang dè chừng, cảnh giác cao độ.
Dù vậy, nếu cậu nhóc tấn công thì hành động đó vẫn làm cô bị sốc.
Khi cả hai vừa đi qua một vạt cỏ lơ thơ xơ xác cạnh nhà để xe nằm tách biệt lệch góc với gian chính, Dance quay sang O’Neil và thấy anh cứng đờ khi nhìn qua sau lưng cô. Người thanh tra giơ cánh tay lên nắm lấy áo vest của cô, kéo cô đổ ập xuống phía trước.
“Michael!” cô kêu lên.
Hòn đá bay vèo qua đầu Dance, chỉ chệch vài phân, rồi đập vỡ tan một khung cửa sổ nhà để xe. Hòn đá thứ hai nối tiếp theo sau. O’Neil đã phải nhào vội người xuống để tránh bị ném trúng. Người anh va vào một thân cây gầy guộc.
“Cô không sao chứ?” anh vội hỏi.
Cô gật đầu. “Anh thấy chúng từ đâu tới không?”
“Không.”
Đôi bên đưa mắt nhìn về phía những bụi cây rậm rạp bao quanh khu nhà.
“Đằng kia!” cô kêu lên, chỉ tay về phía cậu thiếu niên mặc đồ nỉ và đội mũ len ôm sát đầu. Cậu ta quay người bỏ chạy.
Dance do dự trong khoảnh khắc. Không ai trong hai người mang theo bộ đàm vì cuộc viếng thăm đã không được lên kế hoạch như một chuyến công tác nghiệp vụ. Quay lại xe O’Neil để gọi điện yêu cầu phát lệnh truy nã sẽ mất quá nhiều thời gian. Họ vẫn còn một cơ hội để bắt giữ Travis lúc này. Cả hai theo bản năng đuổi theo cậu nhóc với tốc độ nước rút.
Các nhân viên của CBI đều được học về kỹ năng chiến đấu giáp lá cà cơ bản - cho dù phần lớn trong số họ, kể cả Dance, chưa bao giờ phải thực sự lâm trận. Họ cũng được yêu cầu kiểm tra tổng quát về thể chất theo định kỳ. Dance có thể lực khá ổn, không phải nhờ vào chế độ của CBI mà do những chuyến điền dã tới những vùng hoang vu để tìm nhạc cho trang web của cô. Bất chấp trang phục đang mặc lúc này không hợp chút nào cho việc chạy bộ - váy đen và áo sơ mi - cô vẫn dễ dàng vượt lên trước O’Neil khi hai người lao vụt vào vạt rừng để đuổi theo cậu nhóc.
Cậu thiếu niên vẫn chạy nhanh hơn họ một chút.
O’Neil lấy điện thoại di động của mình ra, vừa hổn hển không ra hơi vừa gọi điện yêu cầu hỗ trợ. Cả hai người họ đều đang thở dốc, Dance tự hỏi làm cách nào văn phòng Điều động lực lượng có thể hiểu được những gì anh nói.
Cậu nhóc biến mất trong thoáng chốc buộc hai cảnh sát chạy chậm lại. Rồi Dance hô lớn, “Bên kia,”
khi nhận ra cậu ta xuất hiện từ sau mấy bụi cây cách họ chừng mười lăm mét. “Vũ khí ư?” cô thốt lên thất thanh. Cậu thiếu niên cầm vật gì đó sẫm màu trong tay.
“Tôi không rõ nữa.”
Có thể là một khẩu súng, cho dù rất có khả năng là một ống tuýp hay một con dao. Dù là gì đi nữa...
Cậu ta biến mất vào vạt rừng rậm rạp, xa hơn nữa Dance chỉ có thể thấy loáng thoáng một ao nước màu xanh lục. Có lẽ là nguồn gốc gây ra mùi khó ngửi.
O’Neil đưa mắt nhìn Dance.
Cô thở dài và gật đầu. Cả hai đồng loạt rút khẩu Glock ra.
Họ lại tiếp tục bước tới.
Dance cùng O’Neil đã từng cùng nhau điều tra nhiều vụ án và theo bản năng họ luôn có thể phối hợp với đối phương một cách ăn ý. Tuy nhiên mặt mạnh nhất của cả hai là giải quyết những câu đố hóc búa về mặt trí tuệ chứ không phải chơi trò lính chiến.
Cô phải tự nhắc nhở mình: Ngón trỏ để cách xa khỏi cò súng, không bao giờ di chuyển ra trước vũ khí của đồng nghiệp và nâng nòng súng lên cao nếu đồng nghiệp ngang qua phía trước, chỉ bắn khi bị đe dọa, kiểm tra sau lưng, bắn thành loạt ba phát liền, luôn đếm từng viên đạn.
Dance ghét chuyện này.
Thế nhưng đây lại là cơ hội để ngăn chặn kẻ tấn công trong vụ Cây thập tự ven đường. Nhớ tới đôi mắt kinh hoàng của Tammy Foster, Dance hối hả băng qua vạt rừng.
Cậu nhóc lại biến mất thêm lần nữa. Cô cùng O’Neil dừng lại ở nơi hai con đường mòn tách ra. Travis nhiều khả năng đã chọn một vì ở đây cây cối mọc rất dày, nhiều chỗ không thể đi qua nổi. O’Neil im lặng chỉ về phía trái, sau đó về phía phải và nhướng một bên mày lên.
Chẳng khác gì trò tung đồng xu, cô thầm nghĩ, bực bội và cảm thấy bất an vì phải tách khỏi O’Neil. Cô hất hàm về phía trái.
Họ bắt đầu thận trọng tiến bước theo con đường đã định của mỗi người.
Dance đang di chuyển qua giữa các bụi cây, thầm nghĩ mình không thích hợp để sắm vai này đến mức nào. Thế giới của cô là thế giới của từ ngữ, biểu cảm và những sắc thái trong cử chỉ. Không phải là nghiệp vụ thực địa như lúc này.
Cô biết người ta có thể bị thương, bị chết như thế nào khi bước chân ra khỏi môi trường quen thuộc. Một linh cảm chẳng lành lan khắp cơ thể cô.
Dừng lại, cô tự nhủ. Tìm Michael, quay lại xe và đợi tăng viện.
Quá muộn.
Ngay lúc đó Dance nghe thấy tiếng loạt soạt ở dưới chân, cô đưa mắt nhìn xuống vừa kịp để thấy cậu thiếu niên, nấp trong bụi cây ngay bên cạnh, vừa phi một cành cây to về phía cô. Cành cây đập thẳng vào bàn chân trong khi cô cố gắng nhảy qua nó. Dance nặng nề nhào xuống, xoay người, cố lấy thăng bằng để khỏi ngã.
Hành động đó làm cổ tay cô mất kiểm soát.
Và gây ra một hậu quả nữa: Khẩu Glock màu đen vuông thành sắc cạnh tuột khỏi bàn tay Dance và biến mất trong bụi rậm.
Chỉ mấy giây sau, Dance nghe thấy tiếng loạt soạt vang lên lần nữa trong các bụi cây khi cậu nhóc, hiển nhiên đã đợi để chắc chắn cô chỉ có một mình để xông ra.
~*~
Thật bất cẩn, Michael O’Neil bực bội nghĩ.
Anh đang chạy theo hướng vang lên tiếng kêu của Dance, nhưng rồi nhận ra mình không hề biết cô đang ở đâu.
Đáng lẽ họ phải ở cạnh nhau. Thật bất cẩn khi tách lẻ ra. Phải, quyết định đó hoàn toàn có lý để có thể lùng soát được tối đa diện tích xung quanh, nhưng đó là khi anh đã trải qua vài cuộc đấu súng và đôi lần rượt đuổi trên đường phố, còn Kathryn Dance không hề có chút kinh nghiệm nào. Nếu có chuyện gì xảy đến với cô...
Phía xa, tiếng còi hú vang lên mỗi lúc một to. Tăng viện đang tới gần. O’Neil bước chậm lại, cẩn thận lắng nghe. Dường như vừa có tiếng loạt soạt trong mấy bụi cây kế bên. Cũng có thể là không. Càng bất cẩn hơn nữa khi Travis hẳn biết rõ khu vực này như trong lòng bàn tay. Đây là sân sau nhà cậu ta, theo đúng nghĩa đen. Cậu nhóc biết có thể trốn ở đâu, cần tẩu thoát theo con đường nào. Khẩu súng, nhẹ như không trong bàn tay to lớn, chĩa ra phía trước mũi O’Neil trong lúc anh tìm kiếm kẻ tấn công.
Thật điên rồ.
Người thanh tra tiến lên phía trước thêm sáu mét nữa. Cuối cùng đánh bạo lên tiếng. “Kathryn?” anh khẽ gọi.
Không có câu trả lời.
Anh gọi lớn hơn, “Kathryn?”
Gió thổi lào xào qua các thân cây và bụi cây.
“Michael, ở đây!” một âm thanh tắc nghẹn. Từ gần đó, O’Neil hối hả chạy về phía phát ra tiếng gọi của Dance cho đến khi thấy cô phía trước, nơi lối mòn, đang quỳ trên đầu gối và chống hai tay. Đầu cô cúi gằm xuống. Anh nghe thấy tiếng thở dốc. Dance có bị thương không? Liệu có phải Travis đã dùng một ống tuýp đánh cô không? Hay đâm cô bằng dao?
O’Neil phải kìm nén thôi thúc muốn lao ngay đến chỗ Dance để xem cô bị thương nghiêm trọng đến mức nào. Bản thân hiểu rõ cần phải làm gì, anh chạy lại gần hơn, đứng cạnh cô, mắt không ngừng quan sát, quay người tìm kiếm một mục tiêu.
Cuối cùng, ở cách đó một quãng, anh nhìn thấy bóng lưng Travis đang khuất dần. “Nó chạy rồi,” Dance nói, nhặt súng từ trong một bụi rậm ra và đứng dậy. “Theo hướng đó.” “Cô có bị thương không?”
“Chỉ bị đau thôi.”
Quả thực trông Dance có vẻ không bị tổn thương gì, nhưng cô đang phủi bụi đất bám trên trang phục theo một cách không khỏi làm anh áy náy. Cô đang có vẻ bị chấn động, mất phương hướng đến mức bất thường. Anh cũng khó lòng trách được cô. Song Kathryn Dance vẫn luôn là một chỗ dựa vững chắc anh có thể trông cậy, là thước đo để anh đánh giá cách ứng xử của chính mình. Hành động của cô nhắc anh nhớ rằng ở đây họ đang vượt ra ngoài lĩnh vực quen thuộc của mình, rằng vụ án này không phải là một vụ thanh toán băng đảng điển hình hay một nhóm buôn lậu vũ khí dọc tuyến Xa lộ Liên bang 101.
“Chuyện gì xảy ra vậy?” O’Neil hỏi.
“Cậu ta đánh tôi, rồi bỏ chạy. Michael, cậu nhóc này không phải là Travis.”
“Cái gì?”
“Tôi đã thoáng nhìn thấy cậu ta. Cậu ta tóc vàng.” Dance nhăn mặt nhìn một vết rách trên váy, dừng việc chỉnh đốn trang phục. Cô bắt đầu quan sát mặt đất. “Cậu nhóc đã đánh rơi thứ gì đó... Ồ, kia rồi.” Cô nhặt vật đó lên. Một hộp sơn xịt.
“Tất cả chuyện này là cái quái gì vậy?” O’Neil lên tiếng.
Dance đút súng vào bao đựng bên hông và quay trở lại phía ngôi nhà. “Chúng ta hãy đi tìm hiểu xem.” Cả hai quay lại căn hộ của gia đình Brigham cùng lúc với đội tăng viện - hai xe tuần cảnh của cảnh sát thành phố Pacific Grove. Là cư dân lâu năm, Dance biết rõ các nhân viên cảnh sát ở đây và vẫy tay chào. Bọn họ tiến đến bên cô và O’Neil.
“Không sao chứ, Kathryn?” một người cảnh sát hỏi khi trông thấy mái tóc rối tung và bộ váy dính đầy bụi đất của cô.
“Ổn cả.”
Nữ đặc vụ tường thuật cho họ biết về vụ tấn công và cuộc truy đuổi. Một người cảnh sát dùng chiếc bộ đàm hiệu Motorola đang đeo trên vai để báo cáo lại sự việc.
Dance và O’Neil vừa tới trước nhà thì giọng một phụ nữ vang lên từ bên trong, “Các vị có bắt được nó không?” Cánh cửa mở toang, người nói bước ra đứng trên ngưỡng cửa. Bà ta có thân hình đầy đặn và khuôn mặt tròn vành vạnh, Dance đoán bà ta chừng ngoài bốn mươi. Bà ta mặc một chiếc quần jean rách tả tơi và một cái áo sơ mi xám nhàu nhĩ với vết ố màu tam giác ở bụng. Kathryn Dance nhận thấy đôi giày đế mềm màu kem của người phụ nữ đã trở nên méo mó tróc sờn thảm hại vì phải chịu đựng sức nặng của chủ nhân. Và cả sự thờ ơ nữa.
Dance và O’Neil lần lượt tự giới thiệu. Người phụ nữ tên là Sonia Brigham, là mẹ Travis. “Các vị có bắt được nó không?” bà ta khăng khăng hỏi.
“Bà có biết cậu thiếu niên đó là ai không, tại sao cậu ta lại tấn công chúng tôi?”
“Không phải nó tấn công các người,” Sonia nói. “Có khi thằng nhóc đó còn chẳng thấy các người nữa. Nó đang nhằm vào các cửa sổ. Bọn chúng đã ném vỡ ba miếng kính rồi.”
Một người cảnh sát Pacific Grove giải thích, “Gia đình Brigham gần đây đã trở thành mục tiêu tấn công phá hoại.”
“Bà nói là ‘thằng nhóc’,” Dance hỏi. “Bà biết cậu ta là ai chứ?”
“Thằng đó thì không. Chúng có cả một đám.”
“Một đám ư?” O’Neil ngạc nhiên.
“Chúng liên tục mò đến. Ném đá, ném gạch, sơn vẽ linh tinh lên tường và nhà để xe. Đó là tình cảnh chúng tôi phải chịu đựng.” Một cái phẩy tay khinh bỉ, có vẻ là về phía kẻ phá hoại đã biến mất. “Sau khi thiên hạ bắt đầu nói những lời xấu xa về Travis. Hôm trước, có đứa ném cả hòn gạch qua cửa sổ phòng khách, thiếu chút nữa trúng con trai út của tôi. Và nhìn xem.” Bà ta chỉ vào một từ viết nguệch ngoạc bằng sơn xịt màu xanh lục trên vách một nhà kho lớn xiêu vẹo nằm ở góc sân bên cạnh gian chính, cách đó chừng mười lăm mét.
KILL3R[1]!
Ngôn từ teen, Dance thầm ghi nhận.
Dance đưa hộp sơn xịt cho một nhân viên cảnh sát Pacific Grove, anh này nói họ sẽ điều tra thêm về nó. Cô mô tả lại cậu thiếu niên trông có vẻ là một trong số năm trăm học sinh trung học của khu vực này. Hai người cảnh sát lập một bản lấy lời khai từ cả Dance và O’Neil, cũng như từ mẹ Travis, sau đó quay lại xe của họ và ra về.
“Chúng đang săn lùng con trai tôi. Còn thằng bé chẳng hề làm gì cả! Chuyện này cũng giống như đám Ku Klux Klan[2] chết tiệt vậy! Hòn gạch đó thiếu chút nữa đã trúng Sammy. Thằng bé có chút rắc rối. Nó nổi điên. Từng có tiền án.”
Các Thiên Thần Báo Thù, Dance nhớ lại. Hành động bắt nạt không còn diễn ra trên mạng nữa mà đã chuyển từ thế giới ảo sang thế giới thực.
Một cậu nhóc tuổi vị thành niên có khuôn mặt tròn trịa xuất hiện trên ngưỡng cửa. Nụ cười cảnh giác làm cậu ta trông có vẻ chậm chạp, song đôi mắt dường như hiểu rõ mọi chuyện khi cậu nhìn thấy hai người. “Có chuyện gì thế, có chuyện gì thế?” giọng của cậu bé rất gấp gáp.
“Không sao cả, Sammy. Quay vào trong đi. Về phòng của con ngay đi.”
“Họ là ai vậy?”
“Quay lại phòng của con đi. Ở yên trong đó. Đừng có ra chỗ cái ao nữa.”
“Con muốn đến chỗ cái ao.”
“Không phải bây giờ. Đang có ai đó ở ngoài đấy.”
Cậu thiếu niên thong thả trở vào trong nhà.
Michael O’Neil lên tiếng, “Bà Brigham, tối qua vừa có một tội ác xảy ra, một vụ mưu sát. Nạn nhân là người từng đăng bài bình luận chống lại Travis trên một blog.”
“À, mớ rác rưởi của lão Chilton đó!” Sonia nhổ nước bọt qua hai hàm răng vàng xỉn đã bị lão hóa còn nhanh hơn cả khuôn mặt của bà ta. “Chính đống rác ấy đã khơi mào tất cả. Đáng ra ai đó nên ném gạch vào cửa sổ nhà lão ta. Bây giờ thì dân tình xúm lại hành con trai tôi. Và thằng bé chẳng làm gì hết. Tại sao ai cũng nghĩ nó đã làm chuyện xấu? Bọn họ nói thằng bé lấy trộm xe của mẹ tôi và lái đến chỗ ngọn Hải Đăng, như những gì các người nghe thấy, vạch của quý ra. Thế đấy, mẹ tôi đã bán xe của bà ấy bốn năm trước rồi. Toàn bộ mọi thứ bọn họ biết là thế đấy.”
Sau một hơi dài, Sonia chợt nghĩ ngợi gì đó và liền chuyển sang cảnh giác. “Ồ, đợi đã, có phải là cô gái trong cốp xe, suýt nữa bị chết đuối không?”
“Đúng thế.”
“Được lắm, tôi sẽ nói cho các người biết ngay bây giờ, con trai tôi không bao giờ làm chuyện gì như thế. Tôi thề với Chúa! Các người không định bắt nó đấy chứ?” bà ta có vẻ hoảng hốt. Dance tự nhủ: Có phải quá hoảng hốt không? Có phải bà ta thực sự đang nghi ngờ con trai mình? “Chúng tôi chỉ muốn nói chuyện với cậu ấy thôi.”
Bà ta đột nhiên trở nên bối rối. “Chồng tôi không có nhà.”
“Chỉ mình bà cũng được rồi. Không cần thiết phải đủ mặt cả bố lẫn mẹ,” nhưng Dance có thể thấy vấn đề là người phụ nữ này không muốn gánh trách nhiệm.
“À, vả lại Travis cũng không có đây.”
“Con trai bà sẽ sớm quay về chứ?”
“Nó làm việc bán thời gian ở Bagel Express[3] để kiếm tiền tiêu vặt. Cũng sắp đến ca làm của nó rồi. Thằng bé sẽ phải quay về đây để thay đồng phục.”
“Hiện tại cậu ấy đang ở đâu?”
Sonia nhún vai. “Đôi khi nó đến trung tâm trò chơi điện tử.” Bà ta chợt im bặt, có lẽ đang nghĩ tốt hơn không nên nói gì cả. “Chồng tôi sắp quay về rồi.”
Dance chú ý đến âm sắc mà Sonia sử dụng để nói ra hai từ “Chồng tôi”.
“Tối qua Travis có ra khỏi nhà không? Vào khoảng nửa đêm?”
“Không,” câu trả lời được đưa ra quá nhanh.
“Bà chắc chứ?” Dance hỏi với giọng kiên quyết. Sonia thể hiện vẻ khó chịu khi đảo mắt nhìn đi hướng khác và không ngừng đưa tay lên, chạm vào mũi, một cử chỉ Dance không hề thấy trước đó. Sonia nuốt khan. “Có lẽ nó đã ở đây. Tôi không biết chính xác. Tối qua tôi ngủ sớm. Travis thức đến tận gần sáng. Cũng có thể nó đã ra ngoài. Nhưng tôi không nghe thấy gì hết.”
“Thế còn chồng bà?”
Cô đã nhận thấy âm sắc khác lạ trong câu nói của bà ta khi nhắc đến giờ đi ngủ của mình. “Ông ấy có nhà vào khoảng thời gian đó không?”
“Thỉnh thoảng chồng tôi có chơi poker. Tôi nghĩ lúc đó ông ấy đang ngồi sòng.”
O’Neil lên tiếng, “Chúng tôi thực sự cần phải… ”
Câu nói của anh ngừng lại giữa chừng vì một cậu con trai tuổi vị thành niên cao lênh khênh gầy gò, vai rộng, hai chân dang ra, xuất hiện phía ngoài sân cạnh nhà. Chiếc quần jean đen của cậu ta đã bạc phếch, để lộ những vệt màu xám, và một chiếc áo khoác quân dụng màu ô liu được khoác bên ngoài chiếc áo nỉ màu đen. Dance thấy nó không có mũ trùm đầu. Cậu thiếu niên đột ngột dừng lại, ngạc nhiên chớp mắt nhìn các vị khách. Thêm một cái liếc mắt về chiếc xe không số hiệu của CBI, một vật thể bất kỳ ai đã từng xem qua một bộ phim truyền hình nào về cảnh sát được chiếu trên tivi trong mười năm qua đều có thể biết.
Dance nhận ra trong cử chỉ và thái độ của cậu ta, thứ phản xạ điển hình của một người vừa nhìn thấy lực lượng thực thi pháp luật, cho dù mình có tội hay không: Thận trọng... và vội vàng cân nhắc. “Travis, con yêu, lại đây nào.”
Cậu thiếu niên vẫn đứng nguyên ở chỗ của mình, Dance cảm thấy O’Neil đang căng người lên. Song họ không cần đến một cuộc đuổi bắt thứ hai. Không để lộ bất cứ cảm xúc nào, cậu thiếu niên buông thõng hai vai xuống và bước tới chỗ họ.
“Hai người này là cảnh sát,” Sonia nói, “Họ có chuyện muốn nói với con.”
“Con cũng đoán thế. Về chuyện gì vậy?” giọng nói đầy vẻ hững hờ, bình thản. Cậu ta buông thõng hai cánh tay lơ lửng bên sườn. Hai bàn tay cậu ta đều bẩn, các móng tay cáu ghét. Dẫu vậy, mái tóc cậu ta dường như lại vừa được gội. Dance đoán cậu ta làm chuyện này thường xuyên để chiến đấu với đám mụn trứng cá lan đầy trên khuôn mặt.
Dance và O’Neil lên tiếng chào Travis và đưa thẻ công vụ của họ ra. Cậu ta chăm chú nhìn chúng hồi lâu. Để câu giờ chăng? Dance tự hỏi.
“Đã có một thằng đến đây,” Sonia nói với con trai bà, hất hàm về phía chữ viết bằng sơn xịt. “Và ném vỡ thêm mấy khung kính cửa sổ nữa.”
Travis không thể hiện cảm xúc nào trước tin tức vừa nhận được từ mẹ. Cậu ta hỏi, “Sammy thế nào?” ”Nó không thấy gì.”
O’Neil lên tiếng, “Cậu không phiền nếu chúng ta vào trong nhà chứ?”
Cậu thiếu niên nhún vai, và họ bước vào một gian phòng nồng mùi ẩm mốc và khói thuốc lá. Trong nhà ngăn nắp nhưng đầy bụi bẩn. Các món nội thất chẳng có gì tương đồng dường như đều là đồ cũ, tấm vải bọc đệm ghế đã mòn và những chân bàn đã tróc véc ni. Những bức ảnh tối mờ treo đầy trên các bức tường, phần lớn là ảnh trang trí. Dance có thể thấy một phần biểu tượng của tạp chí National Geographic[4] ngay dưới khung một bức ảnh Venice. Có vài bức chụp gia đình. Hai cậu con trai, và một hai bức của Sonia khi
bà ta còn trẻ.
Sammy xuất hiện, hệt như lúc trước, tròn trịa, bước đi thật nhanh, cười hết cỡ.
“Travis!” cậu ta chạy vụt tới chỗ anh mình. “Anh mang kẹo về cho em chứ?”
“Của mày đây.” Travis thò tay vào túi lấy một gói M&M[5] đưa cho đứa em.
“Hoan hô!” Sammy cẩn thận mở gói kẹo ra, nhìn vào trong. Sau đó đưa mắt nhìn anh trai. “Ao hôm nay rất tuyệt.”
“Thật thế à?”
“Vâng,” Sammy quay lại phòng, cầm chặt gói kẹo trong tay.
Travis nói, “Trông nó không ổn lắm. Nó đã uống thuốc chưa?”
Mẹ cậu ta đưa mắt nhìn đi chỗ khác. “Thuốc...”
“Bố không mua tiếp vì giá thuốc tăng. Đúng thế không?”
“Bố con không nghĩ những viên thuốc đó giúp được gì nhiều.”
“Chúng rất có ích, mẹ. Mẹ biết em con trở thành thế nào khi nó không uống thuốc còn gì.” Dance liếc mắt nhìn vào phòng Sammy và thấy trên bàn của cậu nhóc bày đầy những linh kiện điện tử phức tạp, các cấu kiện máy tính và dụng cụ, cùng với những món đồ chơi dành cho những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn nhiều. Cậu ta ngồi thõng vai trên chiếc ghế và đọc một cuốn truyện tranh Nhật Bản. Sammy ngước mắt lên nhìn chăm chú về phía Dance như muốn tìm hiểu cô. Cậu ta hơi mỉm cười và hất hàm về phía quyển truyện. Dance mỉm cười đáp lại cử chỉ bí ẩn đó. Cậu ta quay lại đọc truyện. Đôi môi mấp máy. Cô còn để ý thấy trên một cái bàn dài có một giỏ đựng đồ giặt chất đầy quần áo. Cô gõ nhẹ lên cánh tay O’Neil và đưa mắt về phía một chiếc áo nỉ màu xám để trên cùng. Đó là một chiếc áo có mũ trùm đầu. O’Neil gật đầu.
“Em cảm thấy thế nào?” Dance hỏi. “Sau vụ tai nạn ấy?”
“Ổn thôi, em đoán là vậy.”
“Hẳn phải khủng khiếp lắm.”
“Vâng.”
“Nhưng em không bị thương nặng?”
“Không thực sự. Nhờ túi khí, chị biết đấy. Và em cũng đâu có đi quá nhanh… Trish và Van,” cậu thiếu niên cau mặt. “Nếu hai bạn ấy thắt dây an toàn, chắc cũng không sao.”
Sonia nhắc lại, “Bố thằng bé có thể về bất cứ lúc nào.”
O’Neil tiếp tục nói với giọng đều đều, “Chỉ vài câu hỏi thôi.” Sau đó anh lùi trở ra góc phòng khách, nhường việc đặt câu hỏi lại cho Dance.
Nữ đặc vụ bắt đầu, “Em đang học lớp mấy?”
“Em vừa học xong năm đầu trung học.”
“Trường Robert Louis Stevenson, đúng không?”
“Vâng.”
“Em đang học gì?”
“Em không biết nữa, nhiều thứ. Em thích Công nghệ máy tính và Toán, tiếng Tây Ban Nha. Chị biết đấy, chỉ là những môn mọi người đều học. ”
“Trường Stevenson thế nào?”
“Cũng ổn. Tốt hơn Monterey Public hay Junipero,” cậu ta đang trả lời chân thành, mắt nhìn thẳng vào mắt cô.
Ở trường Junipera Serra, học sinh bị buộc phải mặc đồng phục. Dance đoán quy định về trang phục, còn hơn cả nội quy trên mức nghiêm khắc kiểu Jesuit[6] và những giờ làm bài tập về nhà dài dằng dặc, là thứ bị ghét nhất về ngôi trường này.
“Thế còn các băng nhóm thì sao?”
“Nó không tham gia băng nhóm nào cả,” bà mẹ ngắt lời. Với giọng gần như thể ước gì con trai bà làm điều đó.
Tuy nhiên tất cả đều tảng lờ bà.
“Không đến nỗi tệ,” Travis đáp. “Họ để bọn em yên. Không giống ở Salinas.”
Mục đích của những câu hỏi đó không phải là xã giao. Dance đang đưa ra chúng để xác định vạch ranh giới phản ứng của cậu ta. Sau vài phút với những câu hỏi vô thưởng vô phạt, Dance đã có cảm nhận rõ rệt
về cách xử sự của cậu ta ở trạng thái không nói dối. Bây giờ cô đã sẵn sàng để hỏi về vụ tấn công. “Travis, em biết Tammy Foster đúng không?”
“Cô gái trong cốp xe. Chuyện đó xuất hiện suốt trên các bản tin. Bạn ấy cũng học ở Stevenson. Bọn em chưa từng nói chuyện hay có gì khác. Có thể cả hai đã cùng học chung lớp năm đầu vào trường,” Travis nhìn thẳng vào mắt Dance. Bàn tay thỉnh thoảng lại vuốt qua trên mặt nhưng cô không dám chắc đó có phải là một cử chỉ che chắn, đồng nghĩa với nói dối hay không, hoặc đó chỉ là do cậu ta xấu hổ vì trứng cá. “Bạn ấy có viết vài thứ về em trên Bản tin Chilton. Những điều đó không đúng.”
“Cô bé đã nói gì?” Dance hỏi, cho dù cô vẫn còn nhớ bài bình luận kể lại chuyện cậu nhóc định chụp ảnh phòng thay đồ của đám con gái sau khi đội hoạt náo viên luyện tập.
Travis ngần ngừ, như thể tự hỏi liệu có phải người cảnh sát đang cố giăng bẫy mình hay không. “Bạn ấy nói em đã chụp ảnh. Chị biết đấy, đám con gái.” Khuôn mặt cậu ta tối sầm lại. “Nhưng lúc đó em chỉ đang dùng điện thoại, để nói chuyện.”
“Thật đấy,” bà mẹ chen ngang. “Bob sắp về nhà bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ nên đợi thì hơn.” Nhưng Dance cảm thấy một cơn thôi thúc giục cô tiếp tục. Cô biết chắc nếu Sonia muốn đợi chồng bà về, chắc chắn ông chồng sẽ làm cuộc thẩm vấn chấm hết một cách nhanh chóng.
Travis hỏi, “Bạn ấy sẽ ổn chứ? Tammy ấy?”
“Có vẻ là thế.”
Cậu ta liếc mắt nhìn chiếc bàn cà phê sứt sẹo, nơi có để một cái gạt tàn trống rỗng nhưng ố bẩn. Dance không nghĩ cô từng nhìn thấy cái gạt tàn nào trong một phòng khách từ nhiều năm qua. “Chị cho rằng em đã làm chuyện đó? Tìm cách săn lùng bạn ấy?”
Đôi mắt đen của cậu ta nằm thật sâu dưới đôi lông mày, đón nhận cái nhìn của cô thật dễ dàng làm sao. “Không, bọn chị chỉ đang hỏi chuyện tất cả những người có thể biết thông tin về tình hình.” “Tình hình?” cậu ta hỏi.
“Tối qua em đã ở đâu? Vào lúc giữa mười một giờ và một giờ?”
Thêm một cái vuốt tóc nữa. “Em đến chỗ Game Shed khoảng mười giờ ba mươi.” “Đó là nơi nào vậy?”
“Là chỗ chị có thể chơi điện tử. Giống như nơi đặt máy chơi xèng ấy. Thỉnh thoảng em cũng hay tới đó chơi. Chị biết nó ở đâu không? Ở cạnh Kinko’s. Chỗ ấy ngày trước là một rạp chiếu phim cũ nhưng đã bị phá đi, và người ta dựng thứ này lên. Chỗ ấy cũng không phải hạng nhất, đường truyền không tốt lắm, nhưng lại là chỗ duy nhất mở cửa muộn.”
Dance nhận thấy dấu hiệu nói lan man dài dòng. Cô hỏi, “Em chỉ có một mình à?” “À, ừm, ở đó còn những đứa khác nữa. Nhưng em đã chơi một mình.”
“Mẹ cứ nghĩ con đã ở nhà,” Sonia nói.
Travis nhún vai. “Lúc trước thì có. Sau đó con ra ngoài. Con không ngủ được.”
“Ở Game Shed em có vào mạng không?” Dance hỏi.
“Ừm, không. Em chơi pinball[7], không phải RPG[8].”
“Không phải gì cơ?”
“Trò chơi nhập vai. Để chơi bắn súng, pinball và lái xe, chị không cần phải vào mạng,” Travis giải thích một cách kiên nhẫn, cho dù dường như cậu ta rất ngạc nhiên về chuyện cô không biết sự khác biệt. “Vậy là em không vào mạng?”
“Thì đó là những gì em đang nói mà.”
“Con đã ở đó bao lâu?” bà mẹ tham gia vào.
“Con không biết, một hoặc hai giờ.”
“Mấy thứ trò chơi đó tốn bao nhiêu? Năm mươi cent[9] hay một đô la cho vài ba phút hả?” Vậy ra đó là mối bận tâm của Sonia. Tiền.
“Nếu mẹ chơi giỏi, nó sẽ cho mẹ tiếp tục chơi. Cả tối con mất ba đô la. Con dùng tiền con kiếm được. Con cũng mua ít đồ ăn và hai lon Red Bull[10].”
“Travis, em có thể nhớ ra ai đó nhìn thấy em tại chỗ ấy không?”
“Em không biết. Có thể. Em cần phải nghĩ về chuyện đó.” Đôi mắt cậu ta nhìn chằm chằm xuống sàn. “Tốt. Và em về nhà lúc nào?”
“Một giờ ba mươi. Có thể là hai giờ. Em không biết.”
Cô hỏi thêm nhiều câu hỏi về tối thứ Hai, sau đó về trường học và bạn học của Travis. Cô vẫn chưa thể đi đến kết luận liệu có phải cậu ta đang nói thật hay không, vì Travis vẫn chưa dao động nhiều khỏi vạch ranh giới của cậu ta. Cô lại nghĩ tới những gì Jon Boling đã nói với cô về thế giới ảo. Nếu tâm trí Travis vẫn để cả trong đó, chứ không phải ở thế giới thực, việc phân tích vạch ranh giới có thể sẽ là vô ích. Có lẽ những người như Travis Brigham tương ứng với một tập hợp những quy tắc hoàn toàn khác.
Rồi đột nhiên, đôi mắt bà mẹ liếc về phía cửa ra vào. Cả cậu con trai cũng vậy.
Dance và O’Neil quay lại, nhìn thấy một người đàn ông to con bước vào, cao lớn, vạm vỡ. Ông ta mặc áo liền quần của công nhân dính đầy vết bẩn, trên ngực áo thêu dòng chữ “Thắng cảnh bờ biển Trung tâm”. Người đàn ông chậm rãi quan sát tất cả mọi người có mặt trong phòng. Đôi mắt tối sầm, bất động, thù địch dưới mái tóc dày màu nâu.
“Bob, đây là cảnh sát...”
“Bọn họ không phải đến đây mang theo thông cáo dành cho bảo hiểm đấy chứ?”
“Không, họ...”
“Các người có lệnh khám nhà không?”
“Họ đến đây để...”
“Tôi đang nói chuyện với cô ta,” ông ta hất hàm về phía Dance.
“Tôi là đặc vụ Dance tại Cục Điều tra California,” cô đưa ra tấm thẻ công vụ ông ta chẳng buồn nhìn đến. “Và đây là thanh tra O’Neil, Sở Cảnh sát hạt Monterey. Chúng tôi đang hỏi con trai ông vài câu hỏi về một tội ác.”
“Chẳng có tội ác nào hết. Đó là một vụ tai nạn. Tất cả những gì đã xảy ra chỉ có thế.” “Chúng tôi đến đây vì một vụ việc khác. Một người từng đăng bài bình luận về Travis đã bị tấn công.” “À, cái blog thối tha đó,” người đàn ông gầm lên. “Gã Chilton đó là một mối nguy cho xã hội. Hắn như một con rắn độc chết tiệt.”
Ông ta quay sang bà vợ. “Joey, ở dưới bến tàu, tôi thiếu chút nữa đã vả vào mồm hắn vì những gì hắn nói về tôi. Xúi giục những đứa nhóc khác. Chỉ vì tôi là bố thằng bé. Chúng không chịu đọc báo, chúng không đọc Newsweek. Nhưng chúng lại đọc thứ rác rưởi của Chilton. Ai đó cần phải...” giọng ông ta hạ xuống. Ông ta quay về phía cậu con trai. “Tao đã nói với mày đừng có nói lời nào với bất cứ ai nếu chúng ta không có một luật sư. Có đúng tao đã bảo mày thế không nào? Mày nói một điều ngu ngốc với đối tượng không nên nói, và chúng ta bị kiện cáo. Bọn chúng cướp đi ngôi nhà và nửa tấm séc trả lương của tao trong suốt phần đời còn lại.” Ông ta hạ giọng. “Và em trai mày chui vào một ngôi nhà.”
“Ông Brigham, chúng tôi không đến đây vì vụ tai nạn,” O’Neil nhắc nhở ông ta. “Chúng tôi đang điều tra vụ tấn công tối hôm qua.”
“Đâu có khác gì, phải không nào? Mọi thứ vẫn bị ghi lại và đưa vào hồ sơ.”
Ông ta có vẻ quan ngại về trách nhiệm với vụ tai nạn hơn khả năng cậu con trai có thể bị bắt vì mưu toan giết người.
Hoàn toàn tảng lờ hai người cảnh sát, ông chủ nhà nói với bà vợ, “Sao cô lại cho bọn họ vào? Đây đâu phải là nước Đức thời Quốc xã, vẫn chưa đâu. Cô có thể bảo bọn họ cuốn xéo đi.” “Em nghĩ...”
“Không, cô không hề. Cô chẳng nghĩ gì hết,” ông ta quay sang O’Neil, “Bây giờ, tôi sẽ yêu cầu các người rời khỏi đây. Và nếu các người quay lại, tốt hơn nên cầm theo lệnh khám xét.” “Bố!” Sammy reo lên, lao từ trong phòng của cậu bé ra, làm Dance giật mình. “Nó chạy rồi! Con muốn cho bố xem!” cậu bé đang cầm trên tay một bảng mạch với dây nối tua tủa ra ngoài. Vẻ cộc cằn của Brigham biến mất ngay lập tức. Ông ta ôm lấy đứa con trai út và dịu dàng nói, “Chúng ta sẽ xem nó sau nhé, sau khi ăn tối.”
Dance quan sát đôi mắt Travis, lúc này đang sững lại trước cử chỉ thể hiện tình cảm dành cho em trai cậu ta.
“Tốt thôi,” Sammy do dự, sau đó ra ngoài qua cửa sau và nặng nề giậm chân bước theo lối đi hướng về phía nhà kho.
“Đừng đi xa đấy con,” Sonia gọi với theo.
Dance nhận thấy bà ta vẫn chưa nói gì với ông chồng về những hành động phá hoại vừa mới xảy ra. Sonia sợ phải nói ra tin xấu. Tuy thế, bà ta vẫn nói về Sammy, “Có lẽ nó nên tiếp tục uống thuốc.” Đôi mắt
nhìn về mọi hướng trừ ông chồng.
“Mấy viên thuốc đó chỉ là một trò đốt tiền, với giá của chúng. Mà chẳng lẽ cô không buồn nghe tôi nói sao? Mà để làm gì chứ, nếu nó ở nhà suốt ngày?”
“Nhưng nó đâu có ở nhà suốt ngày. Đó...”
“Vì Travis không chịu trông coi thằng bé như nó cần.”
Travis dửng dưng lắng nghe, không chút cảm xúc trước lời trách móc.
O’Neil nói với Bob Brigham, “Một tội ác nghiêm trọng đã diễn ra. Chúng tôi cần nói chuyện với tất cả những ai có khả năng liên quan. Và con trai ông có liên quan. Ông có thể xác nhận cậu ấy đã ở Game Shed tối qua không?”
“Tôi ra ngoài. Nhưng đó không phải chuyện của các người. Và hãy nghe đây, con trai tôi không dính dáng gì đến bất cứ vụ tấn công nào hết. Việc các người nấn ná ở đây là xâm nhập tư gia, phải không nào?” Ông ta nhướng một bên lông mày rậm lên trong lúc châm một điếu thuốc lá, vẩy tắt que diêm và ném nó rơi chính xác vào gạt tàn. “Còn mày,” ông ta gắt lên với Travis. “Mày sắp muộn làm rồi đấy.”
Cậu ta đi vào phòng của mình.
Dance ngao ngán thất vọng. Cậu ta chính là đối tượng nghi vấn hàng đầu của họ, nhưng cô chỉ đơn giản là không thể đoán biết được những gì đang diễn ra trong đầu Travis.
Travis quay trở ra, cầm theo một chiếc áo khoác đồng phục kẻ sọc màu nâu và be đang treo vào mắc áo. Cậu ta cuộn nó lại và nhét vào trong ba lô.
“Không,” Brigham gắt lên. “Mẹ mày đã là nó tử tế. Mặc nó vào người. Đừng có vo viên nó lại như thế.” “Con không muốn mặc nó bây giờ.”
“Hãy thể hiện chút tôn trọng với mẹ mày, sau tất cả những gì bà ấy đã làm.”
“Đó là một tiệm bánh. Ai bận tâm chứ?”
“Vấn đề không phải ở đó. Mặc cái áo vào. Làm như tao bảo.”
Cậu con trai cứng người lại. Dance gấp gáp trong từng hơi thở khi nhìn thấy khuôn mặt Travis. Mắt mở to, vai gồng lên. Đôi môi cậu ta co lại như một con vật đang nhe răng. Travis gầm lên với ông bố, “Đó là một cái áo đồng phục ngu ngốc mắc dịch. Con mặc nó trên phố và bọn chúng cười vào mặt con!”
Ông bố cúi người ra trước. “Đừng giở giọng đó ra với tao, và tuyệt đối không làm thế trước mặt người khác!”
“Con đã bị chế nhạo thế là đủ rồi. Con sẽ không mặc nó! Bố không có chút thấu hiểu chết tiệt nào hết!” Dance thấy đôi mắt cuồng loạn của Travis đảo quanh phòng và dừng lại ở cái gạt tàn, một thứ có thể dùng làm vũ khí. O’Neil cũng nhận ra điều đó và căng người lên, sẵn sàng cho trường hợp một cuộc ẩu đả nổ ra.
Cậu ta đã trở thành một con người hoàn toàn khác, bị cơn phẫn nộ điều khiển.
Xu hướng bạo lực ở giới trẻ hầu như luôn xuất phát từ phẫn nộ, không phải từ phim ảnh hay truyền hình...
“Con chẳng làm gì sai hết!” Travis gầm lên, quay ngoắt lại và lao qua cửa trước, đóng sầm lại thật mạnh. Cậu ta hối hả bước ra khoảnh sân bên hông nhà, vồ lấy chiếc xe đạp đang dựa vào một hàng rào đổ, dắt xuống con đường mòn đi xuyên qua vạt rừng mọc ôm lấy sân sau.
“Còn quý vị, xin cảm ơn vì đã làm hỏng cả ngày của chúng tôi. Giờ các người hãy xéo đi.” Với những lời chào tạm biệt được nói ra bằng giọng đều đều, Dance và O’Neil quay ra phía cửa, Sonia hướng ánh nhìn xin lỗi dè dặt về phía họ. Bố Travis sải chân bước vào trong bếp. Dance nghe thấy tiếng cửa tủ lạnh mở rồi một nắp chai được bật ra.
Ra đến bên ngoài, cô hỏi, “Anh thế nào?”
“Không đến nỗi tệ, tôi nghĩ vậy,” O’Neil nói và giơ lên một mảnh nhỏ xíu màu xám. Anh đã lấy nó từ chiếc áo nỉ trong giỏ đồ giặt khi quay đi để Dance thực hiện thẩm vấn.
Họ ngồi xuống băng ghế trước chiếc xe địa hình của O’Neil. Hai cánh cửa cùng đồng thời đóng sập lại. “Tôi sẽ đưa mẫu sợi vải cho Peter Bennington.”
Việc đó không được phép vì họ không có lệnh khám nhà, nhưng ít nhất nó cũng có thể cho họ hay Travis là đối tượng nghi vấn nhiều hay ít.
“Nếu trùng khớp, sẽ cho theo dõi cậu ta chứ?” cô hỏi.
O’Neil gật đầu. “Tôi sẽ dừng lại ở chỗ tiệm bánh. Nếu xe đạp của cậu ta dựng bên ngoài, tôi có thể lấy
một mẫu đất từ bánh xe. Tôi nghĩ quan tòa sẽ cho lệnh khám xét nếu mẫu đất khớp với hiện trường trên bãi biển.”
Anh quay sang nhìn Dance. “Linh cảm à? Cô nghĩ cậu ta làm chuyện đó không?” Dance băn khoăn. “Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi đã nhận rõ hai lần tín hiệu không thành thật.” “Lúc nào vậy?”
“Lần đầu khi cậu ta nói cậu ta có mặt ở Game Shed tối qua.”
“Còn lần thứ hai?”
“Khi cậu ta nói không làm gì sai cả.”
Chương 11
Dance quay về văn phòng của mình tại CBI. Cô mỉm cười với Jon Boling. Anh ta cười chào lại, nhưng sau đó khuôn mặt trở nên nghiêm nghị. Anh ta hất hàm về phía màn hình máy tính của mình. “Có thêm bài bình luận nữa về Travis trên Bản tin Chilton. Công kích cậu ta. Và sau đó là những bài khác, chỉ trích những kẻ tấn công. Đó thực sự là một cuộc chiến tranh nảy lửa. Và tôi biết cô muốn giữ bí mật mối liên hệ giữa vụ Cây thập tự ven đường và vụ tấn công, nhưng có ai đó đã bới ra được.”
“Làm sao có thể chứ?” Dance bực bội hỏi.
Boling nhún vai. Anh ta hất hàm vào một bài viết mới được đăng.
Trả lời Chilton, do BrittanyM đăng.
Đã có ai theo dõi bản tin chưa??? Kẻ nào đó đã để lại một cây thập tự rồi xông đi tấn công cô kia. Tất cả chuyện này là gì vậy? OMG, tôi dám cược đó là [người lái xe]!
Những bài viết tiếp theo suy đoán Tammy đã bị Travis tấn công vì cô bé đã đăng một bài chỉ trích cậu ta trên Bản tin Chilton. Và cậu thiếu niên đã trở thành “Kẻ Sát nhân với Cây thập tự ven đường,” cho dù Tammy vẫn còn sống sót.
“Tuyệt vời. Chúng ta cố giữ bí mật về nó nhưng rồi lại bị một cô nhóc vị thành niên tên là Brittany qua mặt.”
“Cô đã gặp cậu ta chưa?” Boling hỏi.
“Rồi.”
“Cô có nghĩ cậu ta là thủ phạm không?”
“Tôi ước gì có thể nói vậy. Tôi đang nghiêng về giả thiết này,” cô giải thích rằng bản thân mình rất khó nắm bắt được Travis do cậu ta dường như sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thực tế, cậu ta đang che giấu chúng bằng ngôn ngữ cơ thể của mình. “Tôi cho rằng có khá nhiều phẫn nộ ẩn chứa ở đây. Anh nghĩ sao về một chuyến tản bộ, Jon? Tôi muốn anh gặp một người.”
Vài phút sau, họ có mặt trước cửa văn phòng của Charles Overby. Lại đang nói chuyện điện thoại, thứ trạng thái thường nhật của ông ta. Charles ra hiệu mời Dance và Boling vào, với một cái liếc mắt tò mò dành cho vị giáo sư.
Cô phụ trách trung tâm gác máy. “Bọn họ đã đưa ra mối liên hệ, đám báo chí. Bây giờ cậu ta đã trở thành ‘Kẻ Sát Nhân với Cây thập tự ven đường.’”
BrittanyM…
Dance nói, “Charles, đây là giáo sư Jonathan Boling. Anh ấy đang giúp đỡ chúng ta”. Họ bắt tay đầy nhiệt tình. “Hiện tại cậu đang giảng dạy sao? Về lĩnh vực nào vậy?” “Máy tính.”
“Đó là chuyên ngành của cậu à? Cậu có tham gia tư vấn chứ?” Overby để những câu hỏi lơ lửng như một cái tàu lượn bằng gỗ balsa[1] trên đầu ba người trong khoảnh khắc. Dance nhận ra lời gợi ý bóng gió dành cho cô và định nói Boling đang tình nguyện dành thời gian của mình để giúp đỡ, thì anh nói, “Chủ yếu tôi giảng dạy, nhưng, đúng thế, tôi có làm chút ít công việc tư vấn, đặc vụ Overby. Thực tế đó là cách tôi kiếm phần lớn thu nhập của mình. Anh biết đấy, lương giảng dạy gần như chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng với tư cách chuyên gia tư vấn tôi có thể tính phí ba trăm một giờ.”
“Ái chà,” Overby có vẻ sững sờ. “Theo giờ. Thật thế sao?”
Boling giữ nguyên khuôn mặt nghiêm nghị trong suốt khoảng thời gian trước khi nói thêm, “Nhưng tôi thực sự thấy hứng thú khi tình nguyện giúp đỡ những cơ quan như cơ quan của các vị. Vì thế, sẽ chẳng có bất kỳ hóa đơn nào được gửi đến đâu.”
Dance gần như phải cắn răng cắn lợi để khỏi bật cười. Cô tin chắc Boling có thể trở thành một nhà tâm lý học cừ khôi, bởi anh ta đã đọc được tính tình bủn xỉn khó chịu của Overby chỉ trong có mười giây, xoa dịu nó rồi thêm vào một câu pha trò để dành cho cô. Dance biết thế vì cô là khán giả duy nhất.
“Chuyện này bắt đầu trở nên điên rồ rồi đấy, Kathryn. Chúng ta đã nhận được vô số thông báo về những tên sát nhân lảng vảng sau sân nhà. Vài người thậm chí đã nổ súng về phía kẻ xâm nhập, nghĩ rằng đó là cậu ta. À, lại có thêm mấy báo cáo nữa về những cây thập tự.”
Dance giật mình. “Lại nữa sao?”
Overby giơ một bàn tay lên. “Trông như tất cả chúng đều là những vật tưởng niệm thật sự. Đã có những vụ tai nạn xảy ra trong vài tuần qua. Không có cây thập tự nào có ngày tháng trong tương lai ghi trên chúng. Nhưng báo chí đang làm rùm beng cả lên. Ngay cả cánh nhà báo ở Sacramento cũng đã nghe được.”
Ông ta hất hàm về phía điện thoại, có vẻ để ám chỉ một cuộc gọi từ sếp lớn của họ - giám đốc CBI. Thậm chí có thể là sếp của ông ta, Chưởng lý tiểu bang.
“Vậy, chúng ta biết được những gì rồi?”
Dance kể cho người cấp trên nghe về Travis, những biến cố xảy ra tại nhà bố mẹ cậu ta, cảm nhận của cô về cậu ta. “Chắc chắn là một đối tượng đáng quan tâm.”
“Nhưng cô đã không giải cậu ta về?”, Overby hỏi.
“Không có lý do chính đáng. Michael hiện đang kiểm tra một số bằng chứng hiện vật cho thấy mối liên hệ giữa cậu ta với hiện trường.”
“Và không có đối tượng nghi vấn nào khác?”
“Không.”
“Làm thế quái nào kẻ gây ra chuyện này lại có thể là một đứa nhóc, một thằng nhãi lượn lờ loanh quanh trên chiếc xe đạp chứ?”
Dance buộc phải chỉ ra cho ông ta thấy rằng các băng nhóm địa phương, tập trung chủ yếu ở nội thị Salinas và khu vực xung quanh, đã làm cư dân trong vùng kinh hoàng từ nhiều năm nay, không ít băng nhóm trong số này có những thành viên trẻ hơn Travis nhiều.
Boling nói thêm, “Có một chi tiết chúng tôi đã tìm hiểu được về cậu thiếu niên này. Cậu ta rất thích các trò chơi điện tử. Những thanh niên chơi giỏi những trò này học được những kỹ năng chiến đấu và bỏ trốn rất phức tạp. Một tố chất những nhà tuyển mộ của quân đội luôn đòi hỏi ở các ứng viên. Nếu mọi tiêu chuẩn khác đều ngang bằng, họ sẽ chọn ngay tay này thay vì đứa còn lại trong bất cứ trường hợp nào.”
Overby hỏi, “Động cơ là gì?”
Dance sau đó giải thích với ông rằng nếu Travis là kẻ sát nhân, lý do rất có thể là để báo thù việc bị công kích, bắt nạt trên mạng.
“Bắt nạt trên mạng,” Overby nói với vẻ nghiêm túc. “Tôi vừa đọc qua về chủ đề này.” “Thật vậy sao?” Dance hỏi.
“Phải. Có một bài viết rất hay trên tờ USA Today số cuối tuần trước.”
“Nó đã trở thành một chủ đề thời thượng,” Boling nói. Liệu có phải Dance vừa nhận thấy chút lo lắng về những nguồn cung cấp thông tin cho người phụ trách văn phòng khu vực của CBI không? “Như vậy là đủ để cậu ta trở nên bạo lực sao?” Overby hỏi.
Boling gật đầu nói tiếp, “Cậu ta đã bị dồn ép quá giới hạn chịu đựng. Các bài bình luận và tin đồn lan quá nhanh. Có người đã đăng cả một đoạn video về cậu ta trên YouTube[2]. Bọn họ quay trong lúc ra sức chế nhạo và tấn công cậu ta.”
“Cái gì cơ?”
“Đó là một hình thức bắt nạt trên mạng. Ai đó tới cạnh Travis tại cửa hàng Burger King và đẩy cậu ta. Cậu ta ngã - một cảnh thật mất mặt - và một cậu nhóc khác đợi sẵn để quay lại tất cả vào điện thoại di động. Sau đó đám nhóc tải đoạn phim lên mạng. Cho tới lúc này, đoạn clip đã thu hút hai trăm nghìn lượt xem.”
Đúng lúc đó một người đàn ông vóc người gầy gò có khuôn mặt nghiêm nghị bước ra khỏi phòng họp bên kia sảnh và đi vào văn phòng của Overby. Ông này nhìn thấy hai vị khách nhưng rồi tảng lờ họ. “Charles,” người đàn ông lạ nói bằng giọng oang oang.
“Ồ... Kathryn, đây là Robert Harper,” Overby giới thiệu. “Từ văn phòng Chưởng lý tiểu bang ở San Francisco. Đặc vụ Dance.”
Người đàn ông bước vào trong và bắt tay cô thật chặt, nhưng giữ một khoảng cách nhất định, như thể lo sợ đối phương nghĩ ông ta đang cố nhảy bổ vào tất cả đối tượng, và rồi bọn họ sẽ chẳng ngại ngùng gì khi
tỏ ra thân thiết với ông.
“Và Jon...” Overby cố nhớ.
“Boling.”
Harper dành cho vị giáo sư một cái liếc mắt hờ hững. Và không nói gì thêm.
Nhân vật tới từ San Francisco có một khuôn mặt khá lạnh lùng cùng mái tóc đen được cắt tỉa hoàn hảo. Ông ta mặc một bộ vest phong cách bảo thủ màu xanh hải quân và áo sơ mi trắng, đeo một chiếc cà vạt kẻ sọc xanh đỏ. Trên be áo có một cây trâm cài hình quốc kỳ Mỹ. Hai cổ tay áo sơ mi phẳng phiu không chê vào đâu được, cho dù cô để ý thấy vài sợi chỉ xám thòi ra ở các đầu vải. Một trợ lý tiểu bang chuyên nghiệp, trung thành với công việc rất lâu sau khi các đồng nghiệp của ông ta đã ra hành nghề tư và kiếm bộn tiền. Cô đoán ông ta khoảng chừng ngoài năm mươi tuổi.
“Chuyện gì đưa ông tới Monterey vậy?” cô hỏi.
“Đánh giá các vụ việc đang điều tra.” Và không hé lộ gì thêm.
Robert Harper dường như là một trong những người, nếu không có gì để nói, luôn thoải mái với vẻ im lặng. Dance tin cô cũng đã nhận thấy trên khuôn mặt người đàn ông này sự tập trung cao độ, một ý thức tận tụy với công việc, giống như thứ cô đã thấy trên khuôn mặt mục sư Fisk tại cuộc biểu tình ở bệnh viện. Cho dù một đợt phân tích các vụ việc đang được điều tra như thế này sẽ đem lại những điều hoàn toàn bí ẩn với cô.
Ông ta chuyển sự chú ý sang cô một lát. Dance đã quen với việc bị nhìn chằm chằm, nhưng thường là bởi các đối tượng tình nghi, song kiểu xăm xoi của Harper thật đáng lo ngại. Cứ như thể cô đang nắm trong tay chìa khóa dẫn tới một bí mật quan trọng với ông ta.
Song, ông ta nói với Overby, “Tôi sẽ ra ngoài vài phút, Charles. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông có thể khóa cửa phòng họp giúp tôi”.
“Tất nhiên rồi. Nếu ông còn cần tới điều gì khác thì hãy cho tôi biết nhé.”
Harper gật đầu lạnh lùng sau đó bước ra ngoài, vừa đi vừa lấy điện thoại từ trong túi ra. “Có chuyện gì với ông ta vậy?” Dance hỏi.
“Công tố viên đặc biệt từ Sacramento. Đã nhận được một cuộc gọi từ cấp trên, từ ngài Chưởng lý tiểu bang, đề nghị hợp tác. Ông ta muốn biết về các vụ chúng ta đang điều tra. Có lẽ có chuyện gì lớn đang từ trên dồn xuống và ông ta cần xem chúng ta đang bận bịu đến mức nào. Ông ta cũng dành một chút thời gian tại văn phòng Sở Cảnh sát. Ước gì ông ta quay lại đó quấy phá bọn họ. Tay này quả là một kẻ lạnh lùng khó gần. Chẳng biết phải nói gì với ông ta nữa. Tôi đã thử pha trò vài lần. Vô ích.”
Nhưng Dance đang nghĩ về vụ Tammy Foster, vậy nên Robert Harper đã biến mất khỏi tâm trí cô. Cô và Boling quay lại phòng làm việc của mình và vừa kịp ngồi xuống bàn khi O’Neil gọi điện tới. Cô thấy vui. Dance đoán anh đã có kết quả phân tích mẫu đất bám trên lốp xe đạp và mẫu sợi màu xám từ chiếc áo nỉ của Travis.
“Kathryn, chúng ta có một rắc rối đây.” Giọng anh có vẻ lo lắng.
“Nói tiếp đi.”
“Thế này nhé, thứ nhất, Peter nói người ta tìm thấy sợi vải màu xám trên cây thập tự phải không? Nó khớp với thứ chúng ta tìm thấy trên áo Travis.”
“Vậy thì cậu ta chính là kẻ tấn công. Thẩm phán nói sao về lệnh khám nhà?”
“Đừng đi nhanh thế. Travis trốn mất rồi.”
“Cái gì?”
“Cậu ta không tới chỗ làm việc. Hay là đã đến... Có vết bánh xe đạp còn mới ở đằng sau nhà hàng, chỉ để chui vào buồng sau, ăn trộm một ít bánh và tiền mặt trong ví của một nhân viên... cùng một con dao thái thịt. Sau đó cậu ta biến mất. Tôi đã gọi điện cho bố mẹ thằng nhóc, song họ vẫn chưa hề liên lạc với nó và tuyên bố họ không biết những nơi cậu ta có thể đến.”
“Anh đang ở đâu?”
“Trong phòng làm việc của tôi. Tôi chuẩn bị phát một lệnh truy nã chi tiết để tìm cậu thiếu niên này. Ở chỗ chúng ta, Salinas, San Benito, và các hạt xung quanh.”
Dance ngả người ra sau, thấy bực bội với bản thân. Tại sao cô lại không lên kế hoạch chu đáo hơn và cử ai đó bám theo Travis sau khi cậu ta rời khỏi nhà? Cô đã cố gắng xác lập tội trạng của cậu ta, và đồng thời lại để cậu ta tuột khỏi tay mình.
À, quỷ tha ma bắt, giờ cô sẽ phải báo cáo với Overby chuyện vừa xảy ra.
Rằng cô đã không giải cậu ta về?
“Còn một việc nữa. Khi đang ở chỗ tiệm bánh, tôi có kiểm tra con hẻm. Ở đó có lối giao hàng gần cửa thoát hiểm.”
“Đúng rồi, tôi biết chỗ ấy.”
“Có một hàng bán hoa ở phía bên hông tòa nhà.”
“Những bông hồng!” cô nói.
“Chính xác. Tôi đã hỏi chuyện với người chủ cửa hàng,” giọng O’Neil trở nên hối hả. “Hôm qua, có người nào đó đã đột nhập vào cửa hàng và ăn cắp sạch những bó hoa hồng đỏ.”
Giờ thì cô đã hiểu tại sao giọng anh lại có vẻ nghiêm trọng như vậy. “Tất cả?... Hắn đã lấy đi bao nhiêu?”
Một quãng ngừng ngắn. “Mười hai bó. Có vẻ như hắn mới chỉ vừa bắt đầu.”
Chương 12
Điện thoại của Dance đổ chuông. Cô liếc nhìn vào danh tính người gọi.
“TJ. Tôi đang định gọi cậu.”
“Không có chút may mắn nào với những cái camera an ninh nhưng có một buổi khuyến mãi tại hàng cà phê Blue Mountain Jamaica ở Java House. Mua một cân rưỡi với giá một cân. Dù vẫn khiến cô tốn gần năm mươi đô nhưng thứ cà phê đó là hạng nhất.”
Cô không hề đáp lại câu pha trò của anh ta. Anh chàng nhận ra ngay. “Có chuyện gì vậy, sếp?” “Thay đổi kế hoạch, TJ.”
Cô kể cho anh biết về Travis Brigham, những bằng chứng pháp y tương thích và một tá bó hoa bị đánh cắp.
“Cậu nhóc đang chạy trốn sao, sếp? Cậu ta đang lên kế hoạch thêm nhiều vụ nữa à?” “Phải. Tôi muốn cậu tới nhà hàng Bagel Express, hỏi chuyện bạn bè hay bất cứ ai quen biết cậu ta, tìm xem cậu ta có thể đi đâu. Những người cậu ta có thể ở cùng. Những chỗ lui tới ưa thích.” “Hiểu rồi, tôi sẽ vào việc ngay.”
Dance gọi tiếp cho Rey Carraneo, người cũng không gặp chút may mắn nào trong cuộc tìm kiếm nhân chứng ở bãi để xe nơi Tammy Foster đã bị bắt cóc. Cô thông báo vắn tắt tình hình với Rey và yêu cầu anh tới Game Shed để tìm kiếm bất cứ đầu mối nào về địa điểm Travis có thể tìm đến.
Sau khi ngắt liên lạc, Dance ngồi xuống tựa người ra thành ghế. Một cảm giác bất lực tuyệt vọng xâm chiếm khắp người. Cô cần các nhân chứng, cần ai đó để thẩm vấn. Đó là kỹ năng cô được sinh ra để làm, là công việc cô yêu thích và có năng lực. Nhưng giờ đây cuộc điều tra đã rẽ sang lãnh địa của bằng chứng và suy đoán.
Cô đưa mắt nhìn những bản in các bài đăng trên Bản tin Chilton.
“Tôi nghĩ tốt hơn chúng ta nên bắt đầu liên lạc với những nạn nhân tiềm tàng và cảnh báo họ. Người ta có công kích cậu ta trên các mạng xã hội không, trên MySpace, Facebook hay OurWorld ấy?” cô hỏi Boling.
“Tại những nơi đó việc này rất cỏn con bởi chúng là các trang mạng quốc tế. Bản tin Chilton mang tính địa phương hơn, vì thế chín mươi phần trăm trường hợp công kích Travis xuất hiện trên đó. Tôi sẽ cho cô hay một điều có thể hữu ích: Thu thập địa chỉ Internet của những người đăng bài. Nếu có được chúng, chúng ta sẽ liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ và tìm ra địa chỉ thực của họ. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.”
“Bằng cách nào?”
“Phải từ chính Chilton hay từ người quản lý trang web của ông ta.”
“Jon, anh có thể cho tôi biết điều gì đó về ông ta không, những thứ sẽ giúp tôi thuyết phục được Chilton hợp tác, nếu ông ấy từ chối?”
“Tôi biết về blog của ông ta,” Boling trả lời, “nhưng biết không nhiều lắm về con người ông ta. Ngoài bản tiểu sử trên chính Bản tin. Nhưng tôi sẽ rất thích được làm một chút công việc của thám tử.” Đôi mắt giáo sư lại lóe lên tia sáng cô thấy lúc trước. Anh ta quay lại với cái máy tính của mình. Những câu đố...
Trong khi Boling bận rộn đắm chìm trong lãnh địa quen thuộc của mình, Dance nhận được cuộc gọi của O’Neil. Một đội điều tra hiện trường đã kiểm tra con hẻm đằng sau Bagel Express và tìm thấy vết cát cùng bụi đất tại nơi Travis từng dựng chiếc xe đạp ở đó. Họ đối chiếu với vết đất pha cát nơi con xế của Tammy bị bỏ lại trên bãi biển. Người thanh tra còn cho biết thêm rằng một đội của MCSO đã điều tra cả khu vực nhưng không ai nhìn thấy cậu thiếu niên.
O’Neil nói với cô rằng anh đã huy động thêm sáu nhân viên nữa ở đội Tuần cảnh Xa lộ tham gia cuộc truy lùng. Họ đang từ Watsonville tới.
Hai người ngừng liên lạc và Dance lại ngả người xuống ghế.
Sau vài phút, Boling thông báo anh ta đã tìm được một số thông tin về Chilton từ chính blog cũng như từ các kết quả tìm kiếm khác. Vị giáo sư quay trở lại trang chủ, nơi có đăng bản tiểu sử do chính Chilton viết.
http://www.thechiltonreport.com
Dance di chuột xuống, bắt đầu lướt qua nội dung blog trong khi Boling cung cấp thông tin, “James David Chilton, bốn mươi ba tuổi. Kết hôn với Patrizia Brisbane, có hai con trai, mười và mười hai tuổi. Sống ở Carmel. Nhưng ông ta cũng có bất động sản ở Hollister, có vẻ là nhà nghỉ, và vài bất động sản cho thuê quanh vùng San Jose. Gia đình họ được thừa kế lại sau khi ông bố vợ qua đời vài năm trước. Còn bây giờ, điều thú vị nhất tôi tìm thấy về Chilton là ông ta luôn có một thói quen kỳ quặc. Ông ta viết thư.”
“Thư?”
“Thư cho biên tập, thư cho dân biểu của ông ta, những thư bày tỏ quan điểm độc lập. Ông ta bắt đầu bằng thư tín thông thường, trước khi Internet thực sự bùng nổ, sau đó đến lượt email. Ông ta viết đến hàng nghìn thư. Nhục mạ, chỉ trích, tán dương, bình phẩm, những bình luận chính trị. Cô biết đấy. Người ta viện dẫn ra ông ta từng nói một trong những quyển sách ưa thích của mình là Herzog, tiểu thuyết của Saul Bellow[1] về một người đàn ông bị ám ảnh với chuyện viết thư. Về cơ bản, thông điệp của Chilton nhắc đến củng cố các giá trị đạo đức, vạch trần tham nhũng, tán dương các chính trị gia làm tốt, chỉ trích những người không làm được - chính xác với những gì đăng trên blog của ông ta. Tôi tìm thấy một số lượng lớn chúng trên mạng. Sau đó, dường như ông ta khám phá ra thế giới của blog. Ông ta bắt đầu Bản tin Chilton từ khoảng năm năm trước. Bây giờ, trước khi tôi tiếp tục, có lẽ sẽ hữu ích nếu cô được biết một chút về lịch sử các blog.”
“Tất nhiên rồi.”
“Tên gọi này xuất phát từ ‘weblog’, khái niệm do một nhân vật có uy tín trong làng máy tính, Jorn Barger, đưa ra năm 1997. Ông ta viết một nhật ký trực tuyến về những chuyến đi của mình và những gì ông ta đang thấy lên web. Cho đến lúc ấy, người ta ghi lại suy nghĩ của họ trên mạng từ nhiều năm rồi, song điều khiến các blog trở nên nổi bật là khái niệm ‘đường dẫn’. Nó là chìa khóa của một blog. Cô đang đọc thứ gì đó và cô bắt gặp phần có gạch chân hay để chữ đậm làm tham chiếu trong phần văn bản, bấm vào đấy và nó dẫn cô tới một nơi khác.”
“Kiểu kết nối này được gọi là ‘siêu văn bản’[2]. Bốn ký tự H-T-T-P trên một địa chỉ trang web nghĩa là gì? Chúng là viết tắt của ‘Giao thức truyền siêu văn bản’[3], một phần mềm cho phép cô thiết lập các đường dẫn. Theo quan điểm của tôi, điều này là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của Internet. Có khi là quan trọng nhất. Vậy đấy, sau khi siêu văn bản đã trở nên phổ biến, các blog bắt đầu phát triển mạnh. Những ai có khả năng viết mã bằng HTML[4] - ngôn ngữ tạo siêu văn bản, một dạng ngôn ngữ của máy tính để tạo các đường dẫn - sẽ tạo nên các blog của riêng họ rất dễ dàng. Nhưng ngày càng có nhiều người muốn nhập cuộc và không phải ai cũng đủ hiểu biết về công nghệ. Vậy là các công ty đưa ra những chương trình mà bất cứ ai, à phải, hầu hết mọi người, có thể sử dụng để tạo nên các blog kèm đường dẫn - Pitas, Blogger và Groksoup là những gã tiên phong. Rồi vô số kẻ khác theo đuôi. Giờ đây tất cả những gì cô phải làm là có một tài khoản Google hay Yahoo, và cô có thể tạo cho mình một blog. Kết hợp với giá lưu trữ dữ liệu phải chăng thời này - và ngày càng hạ xuống từng phút - kết quả là cô có cả một thế giới blog trong tầm tay.”
Bài thuyết trình của Boling thật sinh động và tuần tự. Hẳn anh phải là một giáo sư rất xuất sắc, Dance thầm nghĩ.
“Trước vụ Mười một tháng Chín[5],” Boling giải thích, “các blog phần lớn liên quan tới máy tính. Chúng được dân công nghệ viết ra dành cho dân công nghệ. Tuy thế, sau thảm họa đó, một loại blog mới xuất hiện. Chúng được gọi là blog chiến tranh, sau vụ khủng bố cùng cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Những người viết blog đó không quan tâm đến công nghệ. Bọn họ quan tâm đến chính trị, kinh tế, xã hội, thế giới. Tôi mô tả sự khác biệt như thế này: Trong khi các blog trước Mười một tháng Chín đều hướng nội - hướng về chính bản thân Internet - thì các blog chiến tranh lại hướng ngoại. Những người viết nên nó nhìn nhận bản thân họ như các nhà báo, một phần của thứ được biết tới như Truyền Thông Mới. Họ muốn được thừa nhận là dân làm báo, cũng giống như các phóng viên CNN và Washington Post vậy, và họ muốn được nhìn nhận thật nghiêm túc. Jim Chilton là một nhân vật viết blog chiến tranh thuộc hàng tinh túy.
Ông ta không hề bận tâm tới bản thân Internet hay thế giới công nghệ, ngoại trừ việc nó cho phép ông ta truyền bá thông điệp của mình. Ông ta viết về thế giới thực. Hiện tại, cả hai bên - những người viết blog truyền thống và những người viết blog chiến tranh - liên tục chiến đấu để giành ngôi vị số một trong thế giới của blog.”
“Đó là một cuộc tranh đua sao?” cô hỏi, không khỏi cảm thấy thú vị.
“Với họ thì đúng là thế.”
“Họ không thể cùng tồn tại sao?”
“Có chứ, nhưng đó là cả một thế giới được thúc đẩy bởi cái tôi và họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để leo lên đỉnh cao. Và điều ấy đồng nghĩa với hai thứ. Thứ nhất, có càng nhiều người đăng ký tham gia càng tốt. Thứ hai, quan trọng hơn - có càng nhiều blog khác đặt đường dẫn tới blog của cô càng tốt.” “Loạn quá nhỉ.”
“Rất rất loạn. Còn bây giờ, cô đã hỏi tôi có thể cho cô biết điều gì khiến Chilton hợp tác hay không. Được thôi, cô cần nhớ Bản tin Chilton là một thứ có thật. Nó quan trọng và có tầm ảnh hưởng. Cô cũng để ý thấy một trong những bài đăng sớm nhất vào chủ đề Cây thập tự ven đường là từ một nhân sự quản lý của Caltrans chứ? Ông ta muốn biện hộ cho công tác kiểm tra chất lượng trên xa lộ của họ. Điều đó cho tôi biết các quan chức chính quyền và các CEO[6] thường xuyên đọc blog này. Những gã này sẽ cảm thấy cực kỳ bực bội nếu Chilton nói gì không hay về họ. Bản tin nghiêng về các vấn đề mang tính địa phương, nhưng vì địa phương ở đây là California, điều đó cũng đồng nghĩa những vấn đề đó thực ra chẳng hề địa phương chút nào. Mọi người trên toàn cầu đều để mắt tới chúng ta. Tất cả đều tìm đọc về tiểu bang này dẫu cho họ có yêu hay ghét nó. Vậy là bản thân Chilton nổi lên như một nhà báo nghiêm túc. Ông ta chịu khó tìm hiểu nguồn thông tin của mình, ông ta viết tốt. Ông ta luôn xử sự chừng mực và lựa chọn những vấn đề thực sự - ông ta không phải là kẻ thích buôn chuyện giật gân. Tôi đã tìm kiếm về Britney Spears và Paris Hilton[7] trên blog của ông ta, tìm lùi lại bốn năm, và không cái tên nào trong hai cái tên kể trên xuất hiện.” Dance không khỏi bị ấn tượng với điều này.
“Ông ta cũng chẳng phải là người làm bán thời gian. Từ ba năm trước ông ta đã dành toàn thời gian cho việc viết bản tin rồi. Và ông ta vận động ráo riết cho nó.”
“‘Vận động’ có nghĩa là gì?”
Boling cuộn màn hình xuống dưới chủ đề Trên sân nhà trong trang chủ.
http://www.thechiltonreport.com.
CHÚNG TA ĐANG TRỞ NÊN TOÀN CẦU!
Tôi rất vui được thông báo Bản tin đã nhận được sự tán thưởng từ khắp nơi trên thế giới. Nó đã được lựa chọn làm một trong những blog ưu tiên số một trên một trang web chuyên cung cấp chức năng RSS mới (được viết tắt từ cụm từ “Really Simple Syndication”) sẽ kết nối tới hàng nghìn blog, trang web và bản tin trên khắp thế giới. Vinh quang thuộc về các bạn, những độc giả của tôi, vì đã giúp Bản tin trở nên được ưa thích như vậy.
“RSS là một thứ lớn lao tiếp theo nữa. Kỳ thực nó có nghĩa là ‘Cung cấp địa chỉ RDF[8]’, ‘RDF[9]’ là ‘Khung mô tả nguồn tài nguyên’, nếu cô quan tâm, mà thực ra thì chẳng có lý do gì để cô quan tâm cả. RSS là một phương thức để làm tùy biến và đồng nhất nguồn tài nguyên được cập nhật từ các blog, trang web và podcast[10]. Hãy nhìn vào trình duyệt của cô. Ở trên đỉnh là một hình vuông nhỏ màu cam với một chấm ở góc và hai đường cong.”
“Tôi thấy nó rồi.”
“Đó là đường dẫn RSS cho cô. Chilton đã rất nỗ lực để được những người viết blog và trang web khác viện dẫn đến. Điều đó rất quan trọng với ông ta. Và cũng quan trọng với cô nữa. Vì nó cho chúng ta biết một điều về ông ta.”
“Cái tôi tinh tướng có thể tâng bốc chăng?”
“Đúng thế. Đó là một điểm cần ghi nhớ. Tôi cũng đang nghĩ tới thứ khác cô có thể thử với ông ta, một thứ tai quái hơn.”
“Tôi thích sự tai quái.”
“Cô, bằng cách nào đó ám chỉ việc ông ta đồng ý giúp đỡ là một phương thức quảng bá rất tốt cho blog. Nó sẽ khiến tên tuổi của Bản tin được nhắc đến rộng khắp trong giới truyền thông chính thống. Ngoài ra, cô có thể bóng gió rằng cô hoặc ai đó tại CBI rất có khả năng trở thành nguồn cung cấp thông tin trong tương lai.” Boling hất hàm về phía màn hình, nơi đang hiện lên nội dung blog. “Ý tôi muốn nói, đầu tiên
và trên hết, với vai trò một phóng viên điều tra. Ông ta hiểu rõ giá trị các nguồn thông tin.” “Được thôi. Ý tưởng hay đấy. Tôi sẽ thử.”
Boling nở một nụ cười. “Tất nhiên, khả năng khác là ông ta sẽ coi đề nghị của cô như một sự xâm phạm đến đạo đức nghề báo. Trong trường hợp đó, ông ta sẽ đóng sầm cửa lại trước mũi cô.” Dance nhìn lên màn hình. “Những blog này... Chúng là một thế giới hoàn toàn khác.” “Ồ, thế đấy. Và chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được sức mạnh chúng sở hữu - mức độ làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin và hình thành quan điểm do chúng gây ra. Hiện tại đang có chừng sáu mươi triệu blog.”
“Nhiều đến thế sao?”
“Phải. Chúng làm được những điều thật lớn lao: Lọc trước thông tin để cô không phải dùng Google dò tìm qua hàng triệu địa chỉ, là nơi giao lưu của những người có cùng quan điểm, một chốn khá vui vẻ, sáng tạo. Hay như trường hợp Bản tin Chilton, là nơi giám sát xã hội và khiến chúng ta trung thực hơn. Nhưng cũng tồn tại cả những mặt tối nữa.”
“Lan truyền tin đồn thất thiệt,” Dance nói.
“Một trường hợp điển hình, đúng thế. Nhưng còn thứ khác đáng quan tâm hơn chính là điều tôi đã nói lúc trước về Tammy: Nó cổ vũ mọi người hành xử bất cẩn. Chúng ta cảm thấy được bảo vệ trên mạng và trong thế giới ảo. Cuộc sống dường như vô danh, bài đăng dưới một biệt hiệu hay tên đăng nhập, và đó là tất cả những gì cô phơi bày về mình. Nhưng hãy nhớ: Bất cứ sự thật nhỏ nhặt nào về bản thân, hay lời nói dối mà cô, hay ai đó đưa lên mạng nói về cô, sẽ lưu lại trên đó mãi mãi, không bao giờ biến mất.”
Boling nói tiếp, “Nhưng tôi thấy vấn đề lớn nhất là người ta có xu hướng không đặt nghi vấn về mức độ chính xác của những gì được đăng. Blog đem lại ấn tượng về sự chân thực, thông tin dân chủ và thật hơn vì nó đến từ dân chúng chứ không phải các hãng truyền thông lớn. Nhưng quan điểm cá nhân tôi là những suy nghĩ đó chỉ toàn rác rưởi, và cách nhìn nhận này đã làm tôi bị nhiều người khó chịu trong cả giới học thuật lẫn cộng đồng viết blog. New York Times là một tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận thật đấy, nhưng nó vẫn khách quan hơn gấp nghìn lần so với phần lớn blog. Có rất ít ý thức trách nhiệm trên mạng. Những lời phủ nhận cuộc tàn sát người Do Thái, những giả thiết trời ơi đất hỡi về vụ Mười một tháng Chín, những bài viết phân biệt chủng tộc, tất cả đều tưng bừng nở rộ nhờ vào các blog. Tính chân thực toát ra từ một gã lập dị tại một bữa tiệc cocktail sẽ là điều không tưởng khi gã ta tiết lộ Israel và CIA[11] đứng đằng sau vụ tấn công vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới.”
Dance quay lại bàn làm việc của cô và nhấc ống điện thoại lên. “Tôi nghĩ tôi sẽ mang tất cả kết quả tìm kiếm của anh ra sử dụng, Jon. Chúng ta hãy thử xem chuyện gì sẽ xảy ra.”
~*~
Nhà James Chilton tọa lạc tại một khu vực khá giả của Carmel, khoảnh sân bao quanh ngôi biệt thự rộng tới gần một mẫu, toàn bộ xung quanh là những khoảnh vườn đủ kiểu được chăm sóc xén tỉa, bằng chứng cho thấy người chồng, người vợ hoặc cả hai đã dành rất nhiều thời gian vào dịp cuối tuần cho công tác nhổ cỏ dại và trồng cây thay vì bỏ tiền ra thuê thợ làm vườn chuyên nghiệp làm mấy việc đó.
Dance ngơ ngẩn nhìn quang cảnh bên ngoài đầy ghen tỵ. Làm vườn, cho dù đó là công việc cô ưa thích, nhưng vẫn không phải là một kỹ năng cô làm chủ được. Maggie từng nói giá như những cái cây không có rễ, hẳn chúng đã chạy trốn khi cô bước vào vườn.
Ngôi nhà là một dinh thự kiểu trang trại trải rộng, có tuổi đời chừng bốn mươi năm, và nằm chễm chệ ở phía cuối khu đất. Dance ước tính nó có sáu phòng ngủ. Xe hơi của gia đình này gồm một chiếc Sedan Lexus và một chiếc Nissan Quest, đỗ trong gian ga ra lớn chất đầy dụng cụ thể thao, không giống như những món đồ tương tự để trong ga ra của Dance, trông chúng có vẻ thực sự đã được dùng nhiều.
Cô không nén nổi tiếng cười khi trông thấy những khẩu hiệu dán trên thanh chống va đập mấy chiếc xe nhà Chilton. Chúng lặp lại y nguyên các hàng tiêu đề trên blog của ông ta, nào là: chống lại nhà máy khử mặn nước biển, chống lại dự luật giáo dục giới tính. Tả và Hữu, Dân chủ và Cộng hòa. Ông ta có vẻ nhiều hơn là cắt và dán…
Trong khuôn viên còn có một chiếc xe nữa, đậu trên đường dẫn vào nhà, có lẽ là của một vị khách, vì chiếc Taurus mang một tấm đề can tế nhị của một công ty cho thuê xe. Dance đỗ lại và tiến tới phía cửa,
bấm chuông.
Tiếng bước chân vang lên to dần, một phụ nữ tóc sẫm xuất hiện, người này khoảng ngoài bốn mươi tuổi, mảnh dẻ, mặc quần jean hàng hiệu và một chiếc áo sơ mi trắng, cổ áo dựng lên. Trên cổ bà ta là một sợi dây chuyền bạc hiệu Daniel Yurman có mắt to.
Đôi giày, Dance không thể dừng săm soi, là hàng nhập khẩu từ Ý và cực kỳ kiểu cách. Cô xưng danh, xuất trình thẻ công vụ. “Tôi đã gọi điện trước. Để gặp ông Chilton.” Khuôn mặt người phụ nữ lập tức chuyển thành nét cau mày điển hình khi ai đó gặp phải các nhân viên
thực thi pháp luật. Tên bà ta là Patrizia hay Pa-treet-sia theo như phát âm của bà ta. “Jim vừa mới kết thúc một cuộc gặp. Tôi sẽ báo cho anh ấy biết cô đang ở đây.”
“Cảm ơn bà.”
“Mời cô vào.”
Người phụ nữ dẫn Dance vào một căn phòng đậm chất tư gia, các bức tường phủ đầy ảnh gia đình, sau đó biến mất trong giây lát. Rồi Patrizia quay lại. “Chồng tôi sẽ ra ngay.”
“Cảm ơn. Đây là các con trai bà phải không?” Dance chỉ tay vào một bức ảnh chụp Patrizia, một người đàn ông hói đầu cao lênh khênh gầy gò mà cô đoán là Chilton, và hai cậu bé tóc đen làm cô nhớ tới Wes. Tất cả họ đều đang tươi cười nhìn vào ống kính.
Người phụ nữ tự hào nói, “Jim và Chet.”
Vợ Chilton tiếp tục lướt qua các bức ảnh. Từ những tấm bà chụp hồi trẻ ở bãi biển Carmel, Point Lobos, Mission, Dance đoán bà là dân địa phương. Patrizia xác nhận, phải, đúng là thế, và trên thực tế, bà đã lớn lên trong chính ngôi nhà này. “Bố tôi từng sống một mình ở đây nhiều năm. Khi ông mất, khoảng ba năm trước, Jim và tôi đã dọn về.”
Dance thích ý tưởng về một ngôi nhà gia đình, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cô nhớ tới việc bố mẹ Michael O’Neil vẫn đang sống trong ngôi nhà nằm kề đại dương nơi anh cùng các anh em từng lớn lên. Khi người bố suy yếu vì tuổi tác, mẹ anh đã nghĩ tới chuyện bán nó đi và chuyển đến sống ở một trung tâm dưỡng lão. Nhưng O’Neil đã kiên quyết giữ lại.
Khi Patrizia say mê chỉ vào những bức ảnh chụp lại mọi thành tích thể thao của gia đình - golf, túc cầu, tennis, ba môn phối hợp, Dance nghe thấy có tiếng nói vang lên ngoài tiền sảnh.
Cô quay lại và trông thấy hai người đàn ông. Chilton - cô nhận ra ngay nhờ bức ảnh - đội một chiếc mũ bóng chày, mặc áo sơ mi kiểu đấu thủ polo màu xanh lục và quần kaki ống bó sát. Những lọn tóc màu vàng thò ra từ dưới mũ. Ông ta rất cao và trông gọn ghẽ, chỉ một chút phần bụng hơi đẫy ra phía trên thắt lưng. Chilton đang nói chuyện với một người đàn ông khác tóc muối tiêu mặc quần jean, áo sơ mi trắng và khoác chiếc áo thể thao màu nâu. Dance chăm chú nhìn về phía họ, song Chilton đã hối hả đưa người đàn ông kia ra khỏi cửa. Ngôn ngữ cơ thể cho cô thấy ông ta không muốn vị khách, cho dù người này có là ai đi nữa, biết một nhân viên thực thi pháp luật đã tới gặp ông ta.
Patrizia lặp lại, “Chồng tôi sẽ ra ngay”.
Nhưng Dance đã bước qua bên cạnh bà và tiếp tục đi ra tiền sảnh, cô cảm thấy bà đang cứng người lại, muốn bảo vệ cho ông chồng. Song một người thẩm vấn cần ngay lập tức giành quyền làm chủ tình hình, bởi các đối tượng không thể được phép đưa ra luật chơi. Tuy nhiên khi Dance tới được cửa trước, Chilton đã quay trở lại và chiếc xe nọ rồ máy rời đi, mặt đường rải sỏi kêu lạo xạo dưới bốn bánh.
Đôi mắt màu xanh lục của ông ta - tương tự với màu mắt Dance - hướng sự chú ý về phía cô. Hai người bắt tay. Cô nhận thấy trên khuôn mặt người viết blog, một gương mặt rám nắng lấm chấm tàn nhang, sự tò mò và một chút thách thức hơn là vẻ cảnh giác dè chừng.
Thêm một lần trình thẻ công vụ chớp nhoáng nữa. “Chúng ta có thể ngồi đâu đó nói chuyện vài phút được chứ, ông Chilton?”
“Tất nhiên, trong phòng làm việc của tôi.”
Chilton dẫn cô băng qua tiền sảnh. Căn phòng họ đi vào có kích thước khá khiêm tốn và rất bừa bộn, hàng đống tạp chí, bài cắt ra từ báo và bản in từ máy tính chất cao như núi. Dance nhớ tới những gì cô biết được từ Jon Boling, và nhận thấy quả thực trò chơi làm phóng viên đang thay đổi: Những căn phòng nhỏ tại gia và các căn hộ giống như nơi này đã dần thay thế những tòa soạn báo trong thành phố. Dance không khỏi thú vị khi thấy một cốc trà bên cạnh máy tính của ông ta - mùi chamomile[12] tràn ngập trong phòng. Không thuốc lá, cà phê hay whisky cho những nhà báo mạng nghiêm túc thời nay, có vẻ là vậy.
Họ cùng ngồi xuống và ông chủ nhà mở đầu bằng cái nhướng mày. “Vậy ra ông ta đã phàn nàn, phải không nào? Nhưng tôi thấy tò mò đấy. Sao lại là cảnh sát, thay vì một vụ kiện dân sự?” “Sao lại thế?” Dance không khỏi thấy lúng túng khó hiểu.
Chilton ngả người ra sau ghế, bỏ mũ xuống, đưa tay lên xoa cái đầu hói của mình rồi lại đội mũ vào. Ông ta đang bực bội. “Ôi, hắn chỉ trích chuyện bị phỉ báng. Nhưng chuyện đó đâu phải nhục mạ ai nếu nó đúng sự thật. Bên cạnh đó, thậm chí dù những gì tôi đã viết là sai, mà kỳ thực không phải thế, phỉ báng cũng chẳng phải là tội trạng tại đất nước này. Ở Nga thời Stalin[13] thì có thể đấy, nhưng ở đây thì chưa. Vậy vì sao cô lại can dự vào?”
Đôi mắt ông chủ blog rất sắc bén và soi mói, thái độ thật quyết liệt; Dance có thể hình dung tại sao người ta lại có thể nhanh chóng cảm thấy ngán ngẩm khi trải qua nhiều giờ liền với sự hiện diện của ông ta.
“Tôi không rõ ý ông là gì.”
“Không phải cô đến đây vì Arnie Brubaker đấy chứ?”
“Không. Đó là ai vậy?”
“Ông ta là kẻ muốn hủy diệt bờ biển của chúng ta bằng cách dựng lên cái nhà máy khử mặn nước biển đó.”
Dance nhớ lại blog đăng trên Bản tin Chilton chỉ trích nhà máy nọ. Và dòng khẩu hiệu dán trên thanh chống va đập.
“Không, việc này không có liên quan gì tới chuyện đó hết.”
Trán Chilton cau lại. “Ông ta thích việc ngăn chặn được tôi lại lắm. Tôi đã nghĩ có thể ông ta đã nặn ra một lời cáo buộc hình sự nào đó. Nhưng xin lỗi nhé. Tôi đang đưa ra những suy đoán.” Vẻ thủ thế trên khuôn mặt ông ta dãn ra. “Chỉ là, vậy đấy, Brubaker thực sự là một... cái gai.” Dance tự hỏi không rõ hình ảnh dự định được dùng ban đầu để mô tả người chủ dự án vốn là gì. “Thứ lỗi cho tôi”, Patrizia xuất hiện trên ngưỡng cửa và mang tới cho chồng bà một cốc trà mới pha. Bà chủ nhà hỏi Dance có muốn uống gì không. Lúc này bà ta đang mỉm cười nhưng vẫn nhìn cô đầy nghi ngờ. “Cảm ơn bà, không cần đâu.”
Chilton gật đầu nhận cốc trà kèm cái nháy mắt trìu mến cảm ơn vợ mình. Bà vợ quay ra và đóng cửa lại.
“Vậy tôi có thể giúp gì được cô?”
“Blog ông lập ra về những cây thập tự ven đường.”
“Ồ, vụ tai nạn xe hơi ư?”, chủ nhà nhìn Dance chăm chú. Một phần vẻ thủ thế đã quay trở lại; cô có thể đọc được nét căng thẳng trong tư thế của ông ta.
“Tôi đã theo dõi tin tức. Cô gái đó bị tấn công, báo chí đang nói thế, vì cô bé đã đăng bình luận gì đó trên blog. Những người đăng bài cũng bắt đầu nói chuyện tương tự. Chắc cô muốn biết tên cậu bé kia.” “Không. Cái đó chúng tôi biết rồi.”
“Có phải cậu ta chính là kẻ định dìm chết cô gái không?”
“Dường như là thế.”
Chilton hối hả nói, “Tôi không công kích cậu ta. Câu hỏi tôi đặt ra là liệu cảnh sát đã thực sự nghiêm túc trong cuộc điều tra và liệu Caltrans đã bảo dưỡng con đường đúng yêu cầu chưa? Tôi đã nói ngay từ đầu cậu ta không đáng trách. Và tôi đã ẩn tên cậu ta đi.”
“Không mất nhiều thời gian để đám đông tìm kiếm và phát giác ra cậu ta là ai.”
Miệng Chilton méo đi. Ông ta đã đón nhận lời nhận xét như một chỉ trích nhằm vào bản thân mình hay blog, dù kỳ thực không phải thế. Nhưng ông ta nhượng bộ. “Điều đó đúng là đã xảy ra. Được rồi, tôi có thể làm gì giúp cô?”
“Chúng tôi có lý do để tin Travis Brigham nhiều khả năng đang âm mưu tấn công những người khác đã đăng bài chỉ trích.”
“Cô chắc vậy không?”
“Không, nhưng chúng tôi buộc phải coi đó là một khả năng.”
Chilton nhăn mặt. “Ý tôi là cô không thể bắt giữ cậu ta sao?”
“Hiện tại chúng tôi đang tìm kiếm. Chúng tôi không biết chắc cậu ta đang ở đâu.” “Tôi hiểu rồi”, Chilton nói chậm rãi, và Dance có thể nhận thấy từ đôi vai nhích lên và cần cổ căng
cứng của ông ta là Chilton đang băn khoăn xem thực sự cô muốn gì.
Cô nghĩ tới lời khuyên của Boling và nói, “Thế này nhé, blog của ông được biết đến trên toàn thế giới. Nó rất được tôn trọng. Đây là một trong những lý do có nhiều người đăng bài trên đó đến thế.” Tia sáng khoan khoái lóe lên trong đôi mắt ông ta rất mờ nhạt nhưng thật rõ ràng với Dance. Nó cho cô biết thậm chí cả những lời phỉnh nịnh thẳng thừng cũng được James Chilton đón nhận rất hào hứng. “Nhưng vấn đề là tất cả những người đăng bài công kích Travis đều là mục tiêu tiềm tàng. Và con số này đang tăng lên từng giờ.”
“Bản tin là một trong những địa chỉ có tỷ lệ bình chọn cao nhất trong nước. Nó là blog được đọc nhiều nhất ở California.”
“Tôi không hề ngạc nhiên. Tôi thực sự thích nó.”
Dance luôn để ý đến thái độ bên ngoài của chính cô để không làm lộ ra sự phỉnh nịnh. “Cảm ơn cô,” một nụ cười tươi hết cỡ làm khóe mắt ông chủ blog híp lại.
“Nhưng hãy nhìn vào điều chúng ta phải đối mặt: Mỗi khi ai đó đăng bài lên chủ đề Những cây thập tự ven đường, họ sẽ trở thành một mục tiêu tiềm tàng. Một số trong những người này hoàn toàn ẩn danh, một số sống ở nơi khác. Nhưng có những người sống gần quanh đây và chúng tôi e rằng Travis sẽ tìm ra danh tính của họ. Và khi đó cậu ta cũng sẽ đi tìm họ.”
“Ồ,” Chilton thốt lên, nụ cười biến mất. Bộ óc nhanh nhạy của ông ta lập tức đưa ra suy đoán. “Và cô đến đây vì địa chỉ Internet của họ.”
“Để bảo vệ họ.”
“Tôi không thể cung cấp chúng.”
“Nhưng những người đó đang gặp nguy hiểm.”
“Đất nước này hoạt động trên nguyên tắc tách riêng truyền thông và nhà nước.” Cứ như thể lời giảng đạo này có thể hạ gục lý lẽ của cô.
“Cô bé đó đã bị ném vào cốp xe và bỏ mặc cho chết đuối. Có thể ngay lúc này Travis đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công nữa.”
Chilton giơ một ngón tay lên, ra hiệu bảo cô im lặng như một thầy giáo. “Đó là một con dốc rất nguy hiểm. Đặc vụ Dance, cô làm việc cho ai? Sếp cao nhất của cô là ai?”
“Chưởng lý tiểu bang.”
“Ừ, được lắm, cứ giả sử tôi đưa cho cô địa chỉ những người đăng bài lên chủ đề Những cây thập tự ven đường. Thế rồi tháng sau cô quay lại và yêu cầu địa chỉ của một anh chàng chỉ trích sai trái vừa bị chưởng lý tiểu bang sa thải vì, ồ, quấy rối chẳng hạn. Hay có thể cô lại muốn địa chỉ ai đó đăng bài phê phán thống đốc. Hay tổng thống. Hay chuyện này thì sao nhỉ - ai đó nói vài câu có thiện cảm về al-Qaeda[14]? Cô sẽ nói với tôi: “Lần trước ông đã cung cấp thông tin cho tôi. Sao lần này lại không?”.
“Sẽ không có lần nào nữa.”
“Cô nói thế nhưng...”
Như thể các nhân viên chính phủ lúc nào cũng chỉ thở ra điều dối trá vậy. “Cậu nhóc có biết cô đang truy tìm mình không?”
“Có.”
“Vậy thì cậu ta sẽ chuồn đến đâu đó để trốn, cô không nghĩ vậy sao? Cậu ta sẽ không lộ diện bằng cách đi tấn công ai khác. Không đâu, nếu cảnh sát đang truy nã ráo riết,” giọng ông ta thật quả quyết. Dance tiếp tục với ngữ điệu chậm rãi một cách chừng mực, “Dẫu vậy. Ông biết đấy, ông Chilton, đôi khi cuộc đời là những vụ thỏa hiệp.”
Cô để lời nhận xét treo lơ lửng.
Ông ta nhướng một bên mày lên, chờ đợi.
“Nếu ông cung cấp cho chúng tôi các địa chỉ của những người sống trong vùng đã viết những bài chỉ trích nghiệt ngã nhất về Travis - chúng tôi thực sự đánh giá rất cao cử chỉ này. Có thể... vậy đấy, có thể chúng tôi sẽ làm được gì đó để giúp ông, nếu ông cần giúp một tay.”
“Chẳng hạn như?”
Dance lại nghĩ về những lời khuyên của Boling rồi nói, “Chúng tôi sẽ rất vui lòng đưa ra một thông báo về sự hợp tác của ông. Một quảng bá rất tốt.”
Chilton ngẫm nghĩ. Nhưng rồi cau mày. “Không. Nếu tôi giúp cô, có lẽ tốt nhất không nên nhắc tới
chuyện đó.”
Cô cảm thấy hài lòng vì ông ta đang thương lượng. “Thôi được, tôi có thể hiểu. Nhưng có lẽ còn những thứ khác chúng tôi có thể làm.”
“Thật ư? Cái gì vậy?”
Nghĩ tới một đề xuất khác của vị giáo sư, cô nói, “Có thể, thế này nhé, nếu ông cần một đầu mối liên hệ nào trong các cơ quan thực thi pháp luật California... Nguồn thông tin. Những nguồn cao cấp.” Vị chủ nhà nhoài người ra trước, mắt lóe sáng. “Vậy ra cô đang cố gắng mua chuộc tôi. Tôi đã nghĩ vậy. Chỉ muốn để cô bộc lộ ra ít nhiều thôi. Bắt thóp cô rồi nhé, đặc vụ Dance.”
Cô ngả người ra sau như vừa bị tát.
Chilton nói tiếp, “Kêu gọi đến tinh thần vì cộng đồng của tôi là một chuyện. Còn chuyện này...” ông ta phẩy tay về phía cô, “thật lợm giọng. Và đồi bại nữa, nếu cô muốn biết cảm nghĩ của tôi. Đó là kiểu mánh khóe tôi vẫn tố cáo trên blog của mình hàng ngày.”
Tất nhiên, triển vọng khác là ông ta có thể coi đề nghị của cô như một sự xâm phạm đến đạo đức nghề báo. Trong trường hợp đó, ông ta sẽ đóng sầm cửa lại trước mũi cô.
“Tammy Foster thiếu chút nữa đã bị giết. Rất có thể sẽ có những người khác nữa.” “Tôi lấy làm tiếc về chuyện đó. Nhưng Bản tin Chilton là thứ quá quan trọng để tôi có thể đánh liều. Và nếu người ta nghĩ họ không thể ẩn danh đăng bài, điều đó sẽ làm thay đổi tính toàn vẹn của toàn bộ blog.”
“Tôi muốn ông cân nhắc lại.”
Vẻ bề ngoài nghiêm khắc của Chilton mờ dần. “Cô còn nhớ người đàn ông tôi đang tiếp chuyện khi cô tới đây chứ?”
Dance gật đầu.
“Gregory Ashton,” ông ta nói với chút nhấn mạnh, đúng cách người ta vẫn hay dùng khi nói về ai đó quan trọng với họ, nhưng lại chẳng có chút ý nghĩa nào với bạn. Chilton nhận thấy thái độ đón nhận không chút ấn tượng của Dance. Ông ta nói tiếp, “Ông ấy đang khởi lập một hệ thống blog và trang web mới, một trong những hệ thống lớn nhất trên thế giới. Tôi sẽ ở cấp cao nhất. Ông ấy chi ra hàng triệu để quảng bá nó.”
Đây chính là vấn đề Boling đã giải thích với cô. Ashton chắc hẳn chính là người đứng đằng sau nguồn dẫn RSS mà Chilton đã nhắc tới trong bài viết “Chúng ta đang trở nên toàn cầu”.
“Điều đó sẽ nhân rộng phạm vi của Bản tin ra gấp bội. Tôi có thể đề cập tới các vấn đề trên toàn thế giới. AIDS ở châu Phi, vi phạm nhân quyền ở Indonesia, những hành vi bạo lực ở Kashmir, các thảm họa môi trường tại Brazil. Nhưng nếu có tin đồn lọt ra cho hay tôi tiết lộ địa chỉ Internet những người đăng bài lên blog của mình, điều đó có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Bản tin Chilton.”
Dance cảm thấy thất vọng, cho dù một phần trong cô, trên tư cách một người từng làm báo, đành miễn cưỡng thấu hiểu. Chilton không từ chối xuất phát từ tham lam hay tự cao tự đại, mà vì một đam mê chân thực dành cho độc giả của ông ta.
“Có những người có thể sẽ chết,” cô nài nỉ.
“Câu này đã được đưa ra trước đấy rồi, đặc vụ Dance. Trách nhiệm của những người viết blog,” ông ta hơi cứng người lại.
“Vài năm trước, tôi dành một bài riêng để nói về một nhà văn tên tuổi tôi phát hiện đã đạo một số đoạn văn từ một tiểu thuyết gia khác. Ông ta tuyên bố đó là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, và nài nỉ tôi đừng công bố sự việc. Nhưng tôi vẫn đăng bài lên. Ông ta lại bắt đầu uống trở lại, và cuộc đời ông ta suy sụp. Đó có phải là mục đích của tôi không? Chúa ơi, không. Nhưng hoặc là các nguyên tắc tồn tại, hoặc là không. Tại sao ông ta lại được dễ dàng cho qua, trong khi tôi và cô thì không? Tôi từng đăng trên blog về một người trợ tế ở San Francisco, cũng là thủ lĩnh một phong trào tẩy chay đồng tính nam, và hóa ra nhân vật này cũng là một gã đồng tính ngầm. Tôi cần vạch trần trò đạo đức giả.”
Chilton nhìn thẳng vào mắt Dance.
“Và hắn tự tử. Vì những gì tôi viết. Tự tử. Tôi phải sống với điều đó mỗi ngày. Nhưng có phải tôi đã làm đúng không? Có. Nếu Travis tấn công một người nào nữa, khi đó tôi sẽ cảm thấy rất kinh khủng về chuyện ấy. Nhưng chúng ta đang phải đương đầu với những vấn đề lớn lao hơn ở đây, đặc vụ Dance.” “Tôi cũng từng là phóng viên,” cô nói.
“Thật thế sao?”
“Phóng viên về tội phạm. Tôi hoàn toàn chống lại kiểm duyệt. Chúng ta đang không nói về điều tương tự. Tôi không hề thuyết phục ông thay đổi các bài ông đã đăng. Tôi chỉ muốn biết danh tính những người đã đăng bài để chúng tôi có thể bảo vệ họ.”
“Tôi không thể làm thế,” âm hưởng cứng rắn đã trở lại trong giọng nói của ông ta. Vị chủ nhà nhìn đồng hồ đeo tay. Cô hiểu cuộc nói chuyện đã kết thúc. Chilton đứng dậy.
Dẫu vậy, cô vẫn muốn thử một cú cuối cùng. “Sẽ không bao giờ có ai biết. Chúng tôi sẽ không tiết lộ tìm ra họ bằng cách khác.”
Đưa cô ra cửa, Chilton bật cười chân thành. “Bí mật trong thế giới của blog ư, đặc vụ Dance? Cô có biết lời lẽ lan nhanh thế nào trong thế giới ngày nay không?... Bằng tốc độ ánh sáng.”
Chương 13
Trong khi lái xe lao đi trên xa lộ, Kathryn Dance gọi điện cho Jon Boling.
“Cuộc gặp thế nào?” vị giáo sư vui vẻ hỏi.
“Câu được viết trên blog về Travis chính xác là thế nào nhỉ? Một trong số mấy đứa trẻ đã đăng lên. ‘Thảm hại’ gì đó...”
“À,” giọng nói đã bớt hào hứng hơn. “Thất bại thảm hại.”
“À phải, một cách mô tả khá chính xác. Tôi đã thử cách tiếp cận về viễn cảnh quảng bá tích cực, nhưng ông ta lại chọn cửa số hai: Chế độ phát xít đè nát tự do báo chí. Kèm theo chút chấm phá ‘thế giới cần tôi’.”
“Ái chà. Tôi rất xin lỗi về chuyện đó. Quả là một thử nghiệm tệ hại.”
“Nó cũng đáng để thử. Nhưng tôi nghĩ tốt hơn anh nên cố tự mình tìm ra nhiều cái tên nhất có thể.” “Tôi đã làm rồi. Đề phòng trường hợp Chilton muốn kết thúc mọi chuyện với cô. Chắc không lâu nữa tôi sẽ có được vài cái tên. À, ông ta có nói sẽ trả đũa bằng một blog đăng lên nói về cô vì đã dám đưa đề xuất đó ra không?”
Dance tặc lưỡi. “Cũng gần sát sàn sạt. Tiêu đề hẳn sẽ là Nhân viên CBI thử giở trò mua chuộc.” “Tôi không nghĩ ông ta sẽ làm thế vì cô chỉ là một nhân vật quá nhỏ. Tôi không có ý gì cá nhân đâu nhé. Nhưng với hàng trăm nghìn người đọc những gì ông ta viết, chắc chắn ông ta có trong tay sức mạnh khiến cô phải e ngại.”
Sau đó, giọng Boling trở nên nghiêm túc hơn.
“Tôi cần báo để cô hay các bài bình luận đang trở nên ngày càng tệ hại hơn. Một số người đăng bài nói bọn họ đã tận mắt thấy Travis thực hiện những nghi lễ sùng bái quỷ dữ, hiến sinh động vật. Và có cả những câu chuyện về việc cậu ta sờ soạng các học sinh khác, cả nam lẫn nữ. Tuy vậy, như tôi thấy, tất cả đều sặc mùi giả tạo. Có vẻ như bọn họ đang thi vượt mặt lẫn nhau. Những câu chuyện được đưa ra ngày càng trở nên quái đản.”
Những tin đồn…
“Có một thứ luôn được nhắc đi nhắc lại để so sánh, một điều làm tôi nghĩ có chút ít sự thật trong đó, đó là các trò chơi nhập vai trực tuyến. Bọn họ bàn về việc cậu nhóc bị ám ảnh với đánh đấm và chết chóc. Nhất là với kiếm, dao và cắt xẻo nạn nhân của cậu ta.”
“Cậu nhóc đang chìm dần vào thế giới ảo.”
“Dường như là vậy.”
Sau khi hai người ngắt liên lạc, Dance vặn tiếng chiếc iPod Touch của mình lên. Cô đang nghe Badi Assad, nữ nghệ sĩ guitar kiêm ca sĩ xinh đẹp người Brazil. Nghe nhạc qua tai nghe trong lúc lái xe là bất hợp pháp, nhưng nghe nhạc qua loa trong một chiếc xe cảnh sát không thể đem đến chất lượng âm thanh trung thực nhất.
Cô đang cần một liều âm nhạc thật mạnh để an ủi tâm hồn.
Dance cảm nhận được tính khẩn cấp của vụ này, nhưng cô cũng là một người mẹ, cô luôn phải cân bằng giữa hai thế giới của mình. Bây giờ cô phải tới đón các con đang được mẹ cô trông nom ở bệnh viện, dành một chút thời gian bên hai đứa trẻ và đưa chúng về nhà bố mẹ cô, tại đây Stuart Dance sẽ nhận lại vai trông trẻ sau khi ông kết thúc cuộc họp ở thủy cung. Và cô sẽ quay trở lại CBI để tiếp tục cuộc truy tìm Travis Brigham.
Cô vẫn tiếp tục lái chiếc xe CVPI[1] to bự không phù hiệu - chiếc xe cảnh sát Ford. Điều khiển nó giống như việc kết hợp giữa xe đua và xe tăng. Nói vậy không có nghĩa là Dance từng có lúc lên ga chiếc xe tới tận cùng giới hạn của nó. Về bản chất cô không phải là người đam mê lái xe, và cho dù đã tham gia khóa huấn luyện truy đuổi tốc độ cao ở Sacramento, Dance vẫn không thể hình dung ra việc mình thực sự đuổi theo một người lái xe khác trên những con đường lộng gió của vùng trung tâm California. Với ý nghĩ đó, một hình ảnh từ blog lại hiện lên trong tâm trí cô - bức ảnh chụp những cây thập tự ven đường ở nơi đã xảy
ra vụ tai nạn khủng khiếp trên Xa lộ 1 hôm mùng Chín tháng Sáu, bi kịch đã khởi đầu cho toàn bộ hệ lụy kinh hoàng này.
Giờ đây cô đã về tới bãi đỗ của bệnh viện và trông thấy mấy chiếc xe của đội Tuần cảnh Xa lộ California, cùng hai chiếc không mang phù hiệu, tất cả đều đậu trước bệnh viện. Cô không nhớ có báo cáo nào nói đến một hoạt động của cảnh sát dẫn tới thương vong. Ra khỏi xe, cô nhận thấy đã có sự thay đổi ở phía những người phản đối. Trước hết, số lượng của họ đã tăng lên. Chừng khoảng hơn ba mươi người. Và có thêm hai nhóm phóng viên nữa đến đưa tin.
Ngoài ra, Dance cũng cảm thấy đám đông này thật huyên náo, vung vẩy các biểu ngữ và những cây thập tự của họ như những cổ động viên thể thao. Mỉm cười, ca hát. Dance cũng để ý rằng có vài người đến gần mục sư Fisk, lần lượt bắt tay ông ta. Tay bảo vệ tóc đỏ của ông ta cẩn thận đưa mắt quan sát bãi xe. Thế rồi Dance lạnh ngắt người, miệng há hốc.
Wes và Maggie - mặt mũi ủ dột - bước ra khỏi cửa trước bệnh viện, đi cùng một phụ nữ da đen mặc bộ đồ vest màu xanh hải quân. Người phụ nữ đang dẫn hai đứa trẻ về phía mấy chiếc xe loại sedan không mang phù hiệu.
Robert Harper, người công tố viên đặc biệt cô đã gặp ngoài văn phòng của Charles Overby, xuất hiện ngay sau đó.
Sau lưng ông ta là mẹ Dance. Kèm hai bên sườn Edie Dance là hai nhân viên to con mặc đồng phục của CHP[2] và bà đang bị còng tay.
Dance hối hả tới trước.
“Mẹ!”, cậu bé Wes mười hai tuổi gọi lớn tiếng và chạy băng qua bãi để xe, kéo cô em gái theo sau. “Đợi đã, các cháu không thể làm thế!”, người phụ nữ tháp tùng hai đứa trẻ la lên. Cô ta vội vàng bám theo thật nhanh.
Dance quỳ xuống, ôm lấy con trai và con gái cô.
Giọng nói nghiêm khắc của người phụ nữ vang lên từ phía bên kia bãi gửi. “Chúng tôi đang đưa bọn trẻ đi...”
“Cô sẽ không đưa ai đi hết”, Dance gằn giọng, sau đó quay lại với các con cô: “Các con không sao chứ?”.
“Họ bắt bà ngoại rồi!”, Maggie nói, nước mắt ròng ròng. Bím tóc màu hạt dẻ của cô bé nằm vắt qua vai, nơi nó đã văng lên khi con bé chạy.
“Mẹ sẽ nói chuyện với họ ngay.” Dance đứng lên. “Các con không bị đau chứ?”
“Không”, cậu bé Wes lênh khênh, đã cao gần bằng mẹ, trả lời với giọng run rẩy, “Bọn họ, cô kia và cảnh sát, họ đến đưa chúng con đi, nói sẽ đưa con và em tới chỗ nào ấy, con không biết là ở đâu”. “Mẹ, con không muốn xa mẹ!” Maggie ôm chặt lấy cô.
Dance trấn an con gái mình. “Sẽ không ai đưa con đi đâu hết. Ổn rồi, con vào xe đi.” Người phụ nữ trong bộ đồ xanh lại gần, hạ giọng nói, “Thưa cô, tôi e rằng...” Rồi cô ta nhận ra mình đang nói chuyện với thẻ nhân viên CBI và phù hiệu của Dance khi chúng chĩa sát mặt mình. “Bọn trẻ sẽ đi cùng với tôi,” Dance nói.
Người phụ nữ xem qua thẻ đặc vụ, không có vẻ gì bị ấn tượng. “Đây là quy trình. Cô hiểu cho. Việc này là vì lợi ích của chính bọn trẻ. Chúng tôi sẽ tiến hành mọi việc và nếu mọi thứ được kiểm tra xong...” “Bọn trẻ sẽ đi cùng với tôi.”
“Tôi là nhân viên xã hội của Trung tâm Bảo trợ Trẻ em hạt Monterey.” Thẻ công vụ của người phụ nữ xuất hiện.
Dance đang nghĩ có thể nên thương lượng vào lúc này, song cô vẫn lấy còng tay ở sau thắt lưng ra bằng một cử chỉ gọn ghẽ và xòe mở nó ra như một cái càng cua khổng lồ.
“Nghe tôi nói đây. Tôi là mẹ chúng. Cô biết danh tính tôi rồi. Cô cũng biết tên họ lũ trẻ. Bây giờ hãy lùi lại, nếu không tôi sẽ bắt giữ cô theo điều 207, Bộ Luật Hình sự California.”
Trông thấy cử chỉ này, đám phóng viên truyền hình dường như đồng loạt cứng người lại, hệt như một con thằn lằn cảm thấy có bọ rùa đang mò lại gần. Các ống kính camera lập tức quay cả về phía họ. Cô ta quay về phía Robert Harper, người có vẻ đang do dự. Ông ta liếc mắt về phía đám phóng viên và có vẻ đi đến quyết định rằng trong tình huống này, một hình ảnh quảng bá tồi còn tệ hại hơn là không chút hình ảnh nào. Ông ta gật đầu.
Dance mỉm cười với hai con, cất còng tay về chỗ cũ, rồi đưa hai đứa trẻ tới xe của cô. “Sẽ ổn cả thôi. Các con đừng lo. Đây chỉ là một nhầm lẫn tệ hại thôi.”
Cô đóng cửa xe, khóa lại bằng điều khiển từ xa. Dance đùng đùng bước qua trước mặt người nhân viên xã hội, cô này cũng nhìn lại với ánh mắt thách thức sắc lẻm, tới bên cạnh mẹ cô, người đang bị đưa vào sau một chiếc xe tuần cảnh.
“Con yêu quý!” Edie Dance thốt lên.
“Mẹ, chuyện gì...”
“Cô không thể nói chuyện với nghi phạm,” Harper nói.
Dance quay ngoắt lại đối diện với Harper, cao vừa đúng bằng cô. “Đừng bày trò với tôi. Tất cả chuyện này có nghĩa là sao?”
Ông ta bình thản. “Bà ấy đang được đưa tới chỗ tạm giam của hạt để thực hiện thủ tục tố tụng và ra trước tòa để xem xét xem có được phép tại ngoại hay không. Bà ấy đã bị bắt và được thông báo về các quyền của mình. Tôi không có trách nhiệm nói bất cứ điều gì với cô.”
Các ống kính máy quay tiếp tục thu lấy từng giây của diễn biến đầy kịch tính.
Edie Dance nói với ra, “Họ nói mẹ giết Juan Millar!”
“Làm ơn hãy im lặng, bà Dance.”
Dance phẫn nộ lớn tiếng với Harper, “Đây là ‘đánh giá các cuộc điều tra’ ư? Chỉ toàn là trò rác rưởi, đúng không nào?”.
Harper thoải mái tảng lờ nữ đặc vụ.
Điện thoại di động của Dance đổ chuông, và cô bước ra bên cạnh để nghe máy. “Bố.” “Katie, bố vừa về đến nhà và thấy cảnh sát ở đây. Cảnh sát tiểu bang. Họ đang lục soát mọi thứ. Bà Kensington bên hàng xóm nói họ mang đi mấy thùng đầy đựng đủ thứ.”
“Bố, mẹ vừa bị bắt...”
“Cái gì?”
“Vụ giết người vì nhân đạo đó. Juan Millar.”
“Ôi, Katie.”
“Con sẽ đưa bọn trẻ tới chỗ Martine, sau đó bố hãy đến gặp con tại tòa án ở Salinas. Mẹ sẽ bị khởi tố và sẽ có một phiên tòa xem xét tại ngoại.”
“Tất nhiên rồi. Bố... Bố không biết phải làm gì nữa, con gái,” giọng ông vỡ ra.
Dance cảm thấy đau nhói khi phải nghe chính bố cô - bình thường vốn luôn điềm tĩnh và biết làm chủ bản thân - trở nên tuyệt vọng đến thế.
“Chúng ta sẽ thu xếp ổn thỏa việc này,” cô nói, cố tỏ ra tự tin song trong lòng thực sự cảm thấy lo lắng và bối rối không kém gì bố mình. “Con sẽ gọi lại sau.”
Hai người ngừng liên lạc.
“Mẹ,” cô gọi qua cửa xe, cúi xuống nhìn khuôn mặt ủ rũ của mẹ mình. “Sẽ ổn cả thôi. Con sẽ gặp lại mẹ ở tòa.”
Công tố viên nghiêm giọng nói, “Đặc vụ Dance, tôi không muốn phải nhắc lại với cô lần nữa. Cô không được nói chuyện với phạm nhân.”
Cô tảng lờ Harper. “Và đừng nói lời nào với bất cứ ai,” cô dặn dò mẹ mình.
“Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải có thêm một rắc rối về an ninh ở đây,” người công tố viên nghiêm giọng nói.
Dance liếc mắt nhìn lại, im lặng thách thức ông ta thực hiện lời đe dọa của mình, cho dù nó có là gì đi nữa. Sau đó cô nhìn về phía đám nhân viên CHP gần đó, trong số này có một người cô từng làm việc cùng. Đôi mắt anh ta né tránh cái nhìn của cô. Lúc này tất cả mọi người ở đây đều đang nằm trong tay Harper.
Cô quay lại đi về phía xe của mình, nhưng rồi lại chuyển hướng về phía người phụ nữ tự xưng là nhân viên xã hội.
Dance đứng gần cạnh cô ta. “Mấy đứa trẻ kia đều có điện thoại di động. Tôi là số hai trong danh sách bấm số nhanh, ngay sau 911. Và tôi dám chắc chúng đã nói với cô tôi là một nhân viên thực thi pháp luật. Vậy thì vì lý do quái quỷ nào cô lại không gọi cho tôi?”
Người phụ nữ chớp mắt và lùi lại. “Cô không thể nói với tôi bằng giọng đó.”
“Vì lý do quái quỷ nào cô lại không gọi điện?”
“Tôi đang làm đúng theo quy trình.”
“Các quy trình đều đặt lợi ích của lũ trẻ lên trên hết. Cô phải liên lạc với bố mẹ hay người giám hộ của chúng trong những trường hợp như thế này.”
“Được rồi, tôi chỉ làm những gì được yêu cầu.”
“Cô đã làm việc này được bao lâu rồi?”
“Đó không phải chuyện của cô.”
“Được thôi, tôi sẽ nói cho cô hay, thưa quý cô. Có hai câu trả lời: Hoặc là chưa đủ lâu, hoặc là đã quá lâu.”
“Cô không thể...”
Nhưng Dance đã bỏ đi và đang chui trở lại vào trong xe của mình, gạt cần số. Cô vẫn để nguyên máy nổ từ lúc đến.
“Mẹ,” Maggie lên tiếng hỏi, vừa khóc vừa nấc lên thật nhói lòng. “Chuyện gì sẽ xảy ra với bà ạ?” Dance không định sẽ nói dối các con mình. Cô đã học được rằng suy cho cùng, làm một người mẹ thì tốt hơn nên đối diện với nỗi đau và sợ hãi hơn là chối bỏ hay né tránh chúng. Nhưng cô đã phải cố hết sức để giữ cho giọng nói của mình không mang vẻ hoảng loạn.
“Bà ngoại các con sẽ phải gặp một thẩm phán, và mẹ hy vọng bà sớm quay về nhà. Sau đó người ta sẽ tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Chỉ có điều chúng ta vẫn chưa biết được.”
Cô đưa các con đến nhà bạn thân nhất của mình, Martine Christensen, người cùng điều hành trang web âm nhạc với cô.
“Con không thích ông ta,” Wes nói.
“Ai cơ?”
“Ông Harper.”
“Mẹ cũng không thích ông ta,” Dance nói.
“Con muốn đến tòa án cùng với mẹ,” Maggie nói.
“Không, Mag. Mẹ không biết mẹ sẽ phải ở đó bao lâu.”
Dance ngoái lại nhìn và dành một nụ cười để trấn an lũ trẻ.
Nhìn khuôn mặt thất thần hoảng hốt của các con, cô càng cảm thấy bực Robert Harper hơn. Dance cắm chiếc micro dùng cho chế độ đàm thoại rảnh tay vào điện thoại di động của cô, nghĩ ngợi trong khoảnh khắc rồi gọi cho luật sư bào chữa tốt nhất cô có thể nhớ đến lúc này. George Sheedy từng dành bốn tiếng đồng hồ cố gắng tìm cách làm mất hiệu lực lời nói của Dance trên bục nhân chứng. Ông ta đã tiến sát tới việc giành được phán quyết không có tội cho một trùm băng đảng ở Salinas, một gã hiển nhiên tội lỗi đầy mình. Nhưng những người tốt đã thắng cuộc và tên này lĩnh án chung thân. Sau phiên tòa, Sheedy đã tới gặp Dance và bắt tay cô, khen ngợi cô vì công việc xuất sắc cô đã làm trên bục nhân chứng. Cô cũng thừa nhận năng lực của ông làm cô rất ấn tượng.
Trong khi cuộc gọi đang được chuyển đến cho Sheedy, cô nhận thấy đám quay phim tiếp tục ghi lại cảnh tượng đầy kích động, tất cả đều tập trung vào chiếc xe có mẹ cô ngồi trong với đôi tay bị còng. Trông bọn họ như một đám phiến quân đang dùng súng phóng lựu tấn công vào những người lính đã bị choáng váng vì trái phá.
~*~
Kelley Morgan đã bình tĩnh lại sau khi kẻ xâm nhập từ sân sau hóa ra không phải là Người Tuyết Khủng Khiếp, nên quay sang chải chuốt mái tóc.
Cô gái tuổi vị thành niên này chưa bao giờ rời xa các dụng cụ cuốn tóc của mình. Mái tóc của cô là thứ đáng thất vọng nhất trên thế giới. Chỉ cần một chút độ ẩm, vậy là nó xoăn tít lên và làm cô phát điên đến mức không thể chịu nổi.
Cô cần phải đi gặp Juanita, Trey và Toni ở Alvarado sau bốn mươi phút nữa, và họ là những người bạn tuyệt vời đến mức nếu cô đến trễ hơn mười phút, họ sẽ cho cô leo cây. Cô đã quên khuấy thời gian trong khi viết một bài trên mục Bri’s Town Hall ở OurWorld về Tammy Foster.
Khi Kelley ngước mắt lên nhìn vào gương, cô nhận ra không khí ẩm ướt đã biến các lọn tóc thành thứ tạo vật này. Vậy là cô đăng xuất và quay sang tấn công những lọn tóc nâu xoăn tít.
Có người từng đăng lên một blog địa phương - ẩn danh, tất nhiên rồi:
Kelley Morgan... có chuyện gì với tóc của cô ta thế nhỉ????? Trông cứ như cô ta là một cây nấm vậy. Tôi không thích những cô gái với cái đầu cạo trọc, nhưng cô ta nên chọn kiểu đầu ĐÓ. LOL. Kỳ thật, sao cô nàng không hiểu ra nhỉ. Kelley đã khóc nức nở, sững sờ trước những lời lẽ tàn nhẫn cứa vào cô như một lưỡi dao cạo. Bài bình luận đó chính là lý do khiến cô bênh vực Tammy trên OurWorld và đấu lý với AnonGurl - kẻ cuối cùng cô cũng đánh bại được, đó là một thời khắc thật vĩ đại.
Ngay cả lúc này, nghĩ lại bài viết tàn nhẫn về mái tóc của mình, cô gái vẫn thấy rùng mình ê chề. Và phẫn nộ. Bất chấp việc Jamie nói cậu yêu mọi thứ ở cô. Bài viết đó đã giày vò nặng nề Kelley, làm cô bé trở nên cực kỳ nhạy cảm về chủ đề tóc tai. Và khiến cô mất không biết bao nhiêu giờ. Kể từ hôm mùng Bốn tháng Tư đó, cô bé chưa từng ra ngoài lấy một lần mà không phải khổ sở vật lộn buộc mái tóc của mình vào khuôn phép.
Tốt rồi, vào việc thôi, cô gái.
Kelley rời khỏi máy tính, tới trước bàn phấn của mình và cắm điện làm nóng máy cuốn nhiệt. Chúng làm tóc cô bé chẻ ngọn, nhưng ít nhất hơi nóng cũng thuần phục được những lọn tóc phản phúc ương bướng nhất.
Cô bé bật đèn bàn phấn lên, ngồi xuống, cởi áo sơ mi ra và ném nó xuống sàn, sau đó mặc chiếc áo hai dây ra ngoài áo ngực, thích thú trước hình ảnh của ba cặp dây áo: Đỏ, hồng và đen. Cô thử máy uốn tóc. Cần vài phút nữa. Sắp được rồi. Cô bắt đầu chải. Thật là bất công hết chỗ nói. Khuôn mặt xinh xắn, ngực ngon lành, mông hết sảy. Và cái mái tóc quái gở này.
Kelley tình cờ liếc mắt nhìn về phía máy tính của mình và thấy một tin nhắn nhanh từ một người bạn. Vào xem BC, NGAY LẬP TỨC!!!!!!!
Kelley bật cười. Tris thật hào phóng với những dấu chấm cảm.
Thông thường, cô không mấy khi đọc Bản tin Chilton - nó thường dính dáng đến chính trị nhiều hơn mức bản thân cô quan tâm - nhưng cô đã đưa nó vào đường dẫn RSS của mình sau khi Chilton bắt đầu đăng bài về vụ tai nạn hôm mùng Chín tháng Sáu với tựa đề Những cây thập tự ven đường. Kelley đã có mặt ở bữa tiệc đêm đó và, ngay trước khi Caitlin cùng những cô gái khác ra về, cô đã thấy Travis Brigham cãi cọ với Caitlin.
Cô nàng chạy tới bàn phím và gõ: Không đùa chứ?
Tris trả lời, Chilton đã bỏ hết những cái tên đi, nhưng người ta đang nói Travis đã tấn công Tammy!!
Kelley gõ: Chắc chắn hay cậu đang đoán thế?
Câu trả lời: CHẮC, CHẮC!!!! Travis nổi điên vì cô ấy chỉ trích hắn trên blog, ĐỌC ĐI!!!! NGƯỜI LÁI XE = TRAVIS và NẠN NHÂN = TAMMY.
Choáng váng buồn nôn, Kelley bắt đầu hối hả gõ bàn phím, mở Bản tin Chilton ra và tìm kiếm trong bài viết Những cây thập tự ven đường. Đến gần cuối, cô đọc thấy:
Trả lời Chilton, do BrittanyM đăng.
Có ai xem bản tin chưa???? Kẻ nào đó để lại một cây thập tự sau đó xông đến tấn công cô gái kia. Tất cả chuyện đó có nghĩa là gì? OMG, tôi dám cược đó là [người lái xe]!
Trả lời Chilton, do CT093 đăng.
Cảnh sát ở chỗ [xóa] nào rồi? Tôi nghe nói cô gái trong cốp xe đã bị hiếp và có những hình thập tự rạch trên người, sau đó hắn BỎ MẶC cô ấy trong cốp xe cho chết đuối. Chỉ vì cô ấy đã vạch mặt hắn - [người lái xe], ý tôi là tôi vừa xem bản tin và hắn vẫn chưa bị bắt. TẠI SAO LẠI THẾ?????
Trả lời Chilton, người đăng ẩn danh.
Tôi và các bạn tôi ở gần chỗ bãi biển nơi [nạn nhân] được tìm thấy và họ nghe thấy cảnh sát nói về cây thập tự này. Có vẻ như hắn để nó lại như lời cảnh cáo mọi người hãy ngậm miệng. [Nạn nhân] bị tấn công và cưỡng bức vì cô ấy đã vạch mặt [người lái xe] Ở ĐÂY, ý tôi là những gì cô ấy đã viết trên blog!!! Hãy chú ý nếu bạn từng chỉ trích hắn trong này và không dùng proxy hay chức năng đăng bài ẩn danh, các bạn đang hoàn toàn [xóa], hắn sẽ tìm đến các bạn!!
Trả lời Chilton, người đăng ẩn danh.
Tôi biết một cậu ở chỗ [người lái xe] tới chơi game và cậu ta nói [người lái xe] đã nói hắn sẽ tìm đến tất cả những ai đã đăng bài nói xấu mình, cậu ta định sẽ cắt cổ họ giống bọn khủng bố trên truyền hình Ả Rập, này, cớm [người lái xe] chính là tên sát thủ để lại cây thập tự ven đường!!! Và CHẮC CHẮN đúng thế!!!
Không... Chúa ơi, không! Kelley nhớ lại những gì cô đã đăng về Travis. Cô đã viết những gì nhỉ? Liệu cậu ta có nổi điên với cô không? Cô cuống cuồng cuộn màn hình và tìm thấy bài viết của mình.
Trả lời Chilton, do BellaKelley đăng.
Ông rất đúng!!! Tôi và bạn tôi có mặt ở bữa tiệc hôm mùng Chín khi chuyện đó xảy ra và [người lái xe] đã tới để [đã xóa] và hai cô gái như thế, chỉ bỏ đi thôi. Nhưng anh ta thì không, anh ta đi theo họ ra ngoài cửa khi họ về. Nhưng bản thân chúng tôi cũng đáng trách vì đã không làm gì, tất cả những người có mặt ở đó. Tất cả chúng tôi đều biết [người lái xe] là một kẻ thảm hại và bệnh hoạn và đáng ra chúng tôi phải gọi cảnh sát hay ai đó khi họ ra về. Lúc ấy tôi đã có linh cảm xấu hệt như trong phim Ghost Whisperer. Và thử nhìn xem chuyện gì đã xảy ra.
Tại sao? Tại sao mình lại nói thế?
Mình chẳng từng nói, “Hãy để Tammy được yên. Đừng có công kích người khác trên mạng”. Thế mà mình lại đi nói lăng nhăng về Travis.
Chết tiệt. Bây giờ cậu ta sẽ tìm đến cả mình nữa! Có phải đó chính là tiếng động mình nghe thấy bên ngoài lúc nãy không? Có khi cậu ta thực sự đang ở ngoài kia và việc em trai mình xuất hiện đã làm cậu ta sợ lánh đi.
Kelley nghĩ tới người đi xe đạp cô đã trông thấy. Khỉ thật, Travis lúc nào cũng đi xe đạp, và rất nhiều học sinh ở trường đã lôi cậu ta ra chế giễu vì cậu ta không có nổi xe hơi.
Cô cảm thấy lo sợ, bực bội, khiếp đảm...
Kelley đang nhìn chằm chằm vào những bài bình luận trên màn hình máy tính khi cô nghe thấy một tiếng động vang lên sau lưng mình.
Một tiếng răng rắc, như lúc trước.
Thêm một tiếng động nữa.
Cô gái quay lại.
Một tiếng hét chói tai kinh hoàng bật ra từ miệng Kelley.
Một khuôn mặt - khuôn mặt kinh hoàng nhất cô từng nhìn thấy - đang gườm gườm nhìn cô chằm chằm qua cửa sổ. Dòng suy nghĩ tỉnh táo của Kelley lập tức chết cứng. Cô quỳ sụp xuống, cảm thấy thứ chất lỏng nóng hổi tràn ra giữa hai chân mình khi cô mất hoàn toàn khả năng kiểm soát bàng quang. Một cơn đau nhói lên trong lồng ngực, lan lên tận hàm, rồi lên mũi, lên mắt. Kelley gần như ngừng thở.
Khuôn mặt nọ, bất động, nhìn chằm chằm vào cô với đôi mắt đen ngòm to tướng, làn da bị xé rách, mũi chỉ còn là những khe hõm, mồm bị khâu kín, đỏ lòm máu.
Cảm giác kinh hoàng tột độ từ thời thơ ấu lan đi tràn ngập khắp trong cơ thể cô.
“Không, không, không!”, Kelley khóc nấc lên như một đứa trẻ, lồm cồm bò đi nhanh và xa hết sức có thể. Cô bé đâm sầm vào tường và choáng váng nằm vật ra thảm.
Đôi mắt mở to gườm gườm, đen ngòm.
Chằm chằm nhìn thẳng vào cô.
“Không...”
Kelley cuống cuồng tuyệt vọng bò ra phía cửa, cái quần jean cô đang mặc đã ướt sũng nước tiểu, bụng cô quặn thắt.
Đôi mắt đó, cái miệng bị khâu lại đỏ lòm máu đó. Chính là người tuyết, Người Tuyết Khủng Khiếp. Tận sâu trong phần tâm trí vẫn còn hoạt động của mình, cô biết đó chỉ là một chiếc mặt nạ, được buộc lên cây bằng lăng bên ngoài cửa sổ.
Nhưng điều đó cũng không thể làm dịu bớt cơn hoảng loạn đã bùng lên trong cô - nỗi sợ hãi kinh khủng nhất từ thời thơ ấu.
Và cô cũng hiểu điều đó có nghĩa là gì.
Travis Brigham đang ở đây. Cậu ta đã tới để giết cô, giống như cậu ta đã tìm cách giết Tammy Foster. Kelley cuối cùng cũng cố gắng đứng dậy được và loạng choạng đến bên cửa. Chạy thôi. Cuốn xéo khỏi nơi này.
Ra ngoài hành lang, cô quay về phía cửa trước.
Chết tiệt! Nó đang mở toang! Em trai cô đã không thèm khóa cửa.
Travis đang ở đây, trong nhà!
Cô có nên chạy sang phòng khách không?
Trong lúc cô gái đứng đó như đóng băng lại vì sợ hãi, kẻ tấn công ập đến Kelley từ phía sau, cánh tay
hắn choàng lấy quanh cổ cô bé như một con rắn.
Kelley vùng vẫy cho tới khi kẻ tấn công gí một khẩu súng vào thái dương cô.
Cô gái nấc lên nức nở. “Làm ơn, đừng, Travis.”
“Bệnh hoạn hả?” kẻ tấn công thì thầm. “Thảm hại hả?”
“Mình xin lỗi, mình xin lỗi, mình không có ý đó!”
Trong khi kẻ tấn công lôi cô lùi ra phía sau, về phía cửa xuống tầng hầm, cô cảm thấy cánh tay hắn siết chặt hơn cho tới khi những lời van xin và tiếng nức nở của cô trở nên nhỏ lại, khẽ dần và vầng sáng từ khung cửa kính phòng khách sạch bong không vết bụi chuyển thành màu xám rồi đen kịt.
~*~
Kathryn Dance không lạ gì hệ thống tư pháp Mỹ. Cô đã từng có mặt tại các văn phòng thẩm phán và phòng xử án với tư cách phóng viên viết bài về chủ đề tội phạm, chuyên gia tư vấn cho bồi thẩm đoàn và một sĩ quan của lực lượng thực thi pháp luật.
Nhưng cô chưa bao giờ là thân nhân của bị cáo.
Sau khi rời khỏi bệnh viện, cô để các con ở lại nhà Martine và gọi điện cho Betsey, em gái cô, hiện đang chung sống với chồng ở Santa Barbara.
“Bet, mẹ gặp rắc rối rồi.”
“Cái gì? Kể cho em biết có chuyện gì đã xảy ra,” có chút quan tâm thực sự nghiêm chỉnh hiếm hoi trong giọng nói của cô em gái trẻ hơn Dance vài tuổi, thông thường khá vô lo vô nghĩ. Betsey có mái tóc lượn sóng đẹp thiên thần và không ngừng nhảy từ công việc này sang công việc khác chẳng khác gì một con bướm dạo chơi giữa những bông hoa.
Dance kể lại những chi tiết cô đã biết.
“Em sẽ gọi cho mẹ ngay bây giờ,” Betsey tuyên bố.
“Mẹ đang bị tạm giam. Họ đã tịch thu điện thoại của mẹ rồi. Sắp có một phiên xem xét khả năng cho tại ngoại. Đến lúc đó chúng ta sẽ biết nhiều hơn.”
“Em sẽ tới.”
“Có lẽ để sau thì tốt hơn.”
“Được thôi, tất nhiên rồi. Ôi, Katie, chuyện này nghiêm trọng đến mức nào?”
Dance do dự. Cô nhớ lại đôi mắt lạnh lùng, kiên quyết của Harper, đôi mắt của một nhà truyền giáo. Cô kết luận, “Có thể nghiêm trọng đấy.”
Sau khi hai chị em ngắt liên lạc, Dance đã ngay lập tức lái xe tới nơi đây, văn phòng thẩm phán sơ thẩm tại tòa án, nơi lúc này cô đang ngồi cùng bố. Người đàn ông có vóc người xương xương và mái tóc bạc trắng trông còn nhợt nhạt hơn thường lệ. Ông đã học được qua thực tế khắc nghiệt về những mối nguy hiểm mà một nhà sinh vật học biển phải đối diện với ánh mặt trời gay gắt trên đại dương. Giờ đây ông trở thành một người không thể sống thiếu kem chống nắng và mũ.
Ông khoác một cánh tay lên vai Dance.
Edie đã trải qua một giờ đồng hồ trong phòng tạm giam - nơi rất nhiều tên tội phạm bị Dance bắt giữ từng tạm trú. Nữ đặc vụ biết rõ quy trình: Mọi tư trang cá nhân đều bị tịch thu. Bạn trải qua bước kiểm tra lệnh bắt và thẩm vấn lấy thông tin ban đầu, và rồi bạn ngồi trong một phòng giam, xung quanh là những kẻ bị bắt khác. Việc duy nhất có thể làm là đợi và đợi.
Cuối cùng, bạn bị đưa đến đây, tới văn phòng lạnh lẽo không chút tình người của thẩm phán sơ thẩm để tham dự buổi xem xét tại ngoại. Quanh Dance và bố cô là thành viên của hàng chục gia đình những người bị bắt khác. Phần lớn các bị cáo có mặt tại đây, một số mặc thường phục, một số mặc bộ đồ phạm nhân liền quần màu đỏ của hạt Monterey, là những thanh niên gốc La Tinh. Dance nhận ra rất nhiều thành viên của các băng nhóm với bộ dạng nhếch nhác. Một số là người da trắng với khuôn mặt rầu rĩ, trông còn tàn tạ thảm hại hơn cả đám người La Tinh, với bộ răng và mái tóc ở tình trạng khá thê thảm. Ngồi phía cuối phòng là đội ngũ những luật sư được chỉ định cho các bị cáo. Cả những người ứng tiền bảo lãnh cũng có mặt, chờ đợi đút túi khoản mười phần trăm từ đám phạm nhân xơ xác của mình.
Dance ngước mắt lên nhìn mẹ cô khi bà bị giải vào. Tim cô đau nhói khi phải chứng kiến bà bị còng tay. Bà không mặc bộ đồ liền quần của phạm nhân. Nhưng mái tóc của mẹ cô, bình thường luôn được chải
chỉn chu, bây giờ rối bù. Chiếc vòng cổ bà tự làm đã bị tịch thu trong quy trình bắt giữ. Cả nhẫn đính hôn và nhẫn cưới cũng vậy. Đôi mắt bà đỏ hoe.
Đám luật sư đi lại tha thẩn trong phòng, một số nhìn chẳng khá hơn thân chủ của họ là mấy. Chỉ có luật sư của Edie Dance đang mặc trên người một bộ vest đã được thợ may chỉnh sửa lại sau khi mua. George Sheedy hành nghề trong lĩnh vực luật hình sự ở vùng duyên hải miền Trung California từ hai thập kỷ nay. Ông ta có mái tóc rậm ngả xám, thân người hình thang ngược với đôi vai rộng và giọng trầm có thể tạo ra một phiên bản đáng kinh ngạc của “Old Man River”.
Sau cuộc nói chuyện điện thoại ngắn trên xe với Sheedy, Dance đã ngay lập tức gọi cho Michael O’Neil, anh thực sự ngỡ ngàng khi biết tin này. Sau đó cô còn gọi điện cho công tố viên hạt Monterey, Alonzo Sandy Sandoval.
“Tôi vừa biết chuyện đó, Kathryn,” Sandoval bực bội càu nhàu. “Tôi sẽ nói thẳng với cô: Chúng tôi đã cho MCSO điều tra về cái chết của Millar, chắc chắn rồi, nhưng tôi không hề biết Harper có mặt trong thành phố để làm gì. Và một cuộc bắt giữ công khai,” giọng ông lộ rõ vẻ cay đắng. “Điều đó thật không thể tha thứ được. Nếu Chưởng lý tiểu bang một mực muốn khởi tố, đáng lẽ tôi đã đề nghị cô đưa bà ấy tới.”
Dance tin ông ta. Cô và Sandy đã làm việc cùng nhau nhiều năm và tống không ít kẻ xấu vào tù, nhờ một phần vào sự tin tưởng lẫn nhau.
“Nhưng tôi rất tiếc, Kathryn. Monterey không có liên quan gì đến vụ này. Bây giờ nó nằm trong tay Harper và Sacramento.”
Cô cảm ơn vị công tố viên và ngắt liên lạc. Song ít nhất cô đã có thể thu xếp để việc xem xét cho phép tại ngoại của mẹ mình được thực hiện nhanh chóng. Theo luật pháp California, thời gian xem xét là do thẩm phán sơ thẩm quyết định. Ở một số nơi, như bên khu River và Los Angeles, phạm nhân thường ngồi trong phòng tạm giam mười hai giờ trước khi họ xuất hiện trước thẩm phán sơ thẩm. Vì đây là một vụ án mạng, rất có thể thẩm phán sơ thẩm sẽ không cho phép xem xét tại ngoại, để lại trách nhiệm này cho thẩm phán tại phiên tòa tố tụng, và ở California việc này thường diễn ra trong vòng vài ngày.
Cửa dẫn ra hành lang bên ngoài vẫn để mở, và Dance nhận thấy rất nhiều người mới đến đeo thẻ tác nghiệp truyền thông trên cổ. Không máy quay nào được phép hiện diện, nhưng vẫn có vô số tập sổ ghi chép.
Đúng là một gánh xiếc...
Một nhân viên hành chính gọi lớn, “Edith Barbara Dance”, và mẹ cô đứng dậy, ủ rũ, mắt đỏ hoe, tay vẫn bị còng. Sheedy đến bên cạnh bà. Một nhân viên áp giải đứng bên cạnh họ. Buổi làm việc này chỉ dành riêng cho xem xét chấp nhận tại ngoại, còn những trường hợp kháng cáo sẽ được xét đến sau, tại phiên tố tụng.
Harper đã yêu cầu không cho Edie được phép tại ngoại, một việc không hề làm Dance ngạc nhiên. Bố cô cứng người lại trước những lời lẽ tàn nhẫn của vị công tố viên, người đã biến Edie thành một Jack Kevorkian[3] vô cùng nguy hiểm, một người nếu được thả cho tại ngoại sẽ nhắm tới giết hại các bệnh nhân khác trước khi bỏ trốn sang Canada.
Stuart sững sờ khi nghe vợ ông bị người khác gọi bằng những từ ngữ như thế.
“Không sao đâu, bố,” con gái ông thì thầm, “Đó chỉ là cách họ nói thôi.” Cho dù những lời nói ấy cũng làm tim cô đau nhói.
George Sheedy tranh luận rành mạch đề nghị thả người dưới cam kết - của chính Edie, chỉ ra việc bà không hề có tiền sử tư pháp và nguồn gốc xuất thân của bà trong cộng đồng.
Thẩm phán sơ thẩm, một người gốc La Tinh có đôi mắt nhanh nhẹn đã từng gặp qua Kathryn Dance, thể hiện rõ ông ta đang phải chịu đựng sức ép đáng kể, điều cô có thể dễ dàng nhận ra từ những biểu hiện về cử chỉ và khuôn mặt của người thẩm phán. Người thẩm phán sơ thẩm không hề muốn phải xử lý vụ này chút nào. Ông ta chỉ muốn cư xử đàng hoàng với Dance vì cô là một nhân viên công lực chừng mực, có tinh thần hợp tác. Song ông cũng ý thức được Harper là một tên tuổi lớn đến từ một thành phố lớn. Và ông thẩm phán cũng phải rất để ý tới giới truyền thông nữa.
Cuộc tranh luận tiếp tục.
Dance, một nhân viên công lực, nhận ra cô đang hồi tưởng lại giai đoạn trước trong tháng, nhớ lại hoàn cảnh diễn ra cái chết của người nhân viên cảnh sát. Cố gắng khớp các sự kiện với nhau. Cô đã nhìn thấy ai ở bệnh viện vào khoảng thời gian Juan Millar chết? Nguyên nhân chính xác gây nên cái chết đó là gì? Lúc
đó mẹ cô đã ở đâu?
Lúc này, cô ngước mắt lên và thấy mẹ đang nhìn mình chăm chú. Dance mỉm cười buồn với bà. Khuôn mặt Edie không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào. Bà quay lại phía Sheedy.
Cuối cùng, người thẩm phán thỏa hiệp. Ông ta đưa ra mức bảo lãnh tại ngoại ở nửa triệu đô la, một khoản tiền không phải quá hiếm gặp với một vụ án mạng, nhưng đồng thời cũng không quá nặng nề. Edie và Stuart không giàu có nhưng họ sở hữu vô thời hạn ngôi nhà của mình, vì ngôi nhà đó nằm ở Carmel, không xa bờ biển là mấy, hẳn nó phải trị giá tới hai triệu. Họ có thể lấy ngôi nhà làm bảo đảm để thế chấp.
Harper đón nhận tin này một cách khắc kỷ - khuôn mặt ông ta không chút tươi cười, người vươn thẳng nhưng thoải mái. Kết luận của Dance là ông ta hoàn toàn không hề bị áp lực, bất chấp kết quả bất lợi. Ông ta làm cô nhớ tới J.Doe, tên sát nhân ở Los Angeles. Một trong những lý do cô đã gặp nhiều khó khăn trong việc nhận ra màn dối trá của kẻ tình nghi là những lời tiết lộ và cảm nhận được đẩy đi rất xa, tập trung vào bản thân cũng như không mấy bối rối khi hắn nói dối nhân danh lý lẽ của mình. Điều này chắc chắn cũng có thể áp dụng cho Robert Harper.
Edie bị đưa trở lại phòng tạm giam, còn Stuart đứng dậy đi gặp nhân viên hành chính để thu xếp đóng bảo lãnh.
Trong khi Harper cài khuy áo vest và bước ra cửa, khuôn mặt vô cảm như một tấm mặt nạ, Dance chặn đường ông ta. “Tại sao ông lại làm chuyện này?”
Ông ta bình thản nhìn cô, không nói một lời.
Dance nói tiếp, “Ông có thể để hạt Monterey phụ trách vụ này. Tại sao ông lại từ tận San Francisco xuống đây? Ông đang toan tính gì vậy?” Cô đang nói đủ to để đám phóng viên gần đó nghe thấy. Harper nói dửng dưng đều đều, “Tôi không thể thảo luận chuyện này với cô.”
“Tại sao lại là mẹ tôi?”
“Tôi không có gì để nói,” ông đẩy cửa đi ra ngoài, bước xuống các bậc thềm tòa án, dừng lại ở đó để trả lời báo chí - với những người này có vẻ ngài công tố viên có rất nhiều điều để nói. Dance quay lại ngồi xuống một băng ghế cứng, chờ đợi bố mẹ.
Mười phút sau, George Sheedy và Stuart Dance tới chỗ cô.
Cô hỏi bố, “Việc đó ổn cả chứ bố?”
“Phải,” ông bố đáp với giọng trống rỗng.
“Chừng nào mẹ sẽ được thả?”
Stuart đưa mắt nhìn Sheedy rồi nói, “Mười phút, có khi còn sớm hơn.”
“Cảm ơn ông,” Stuart bắt tay người luật sư.
Dance gật đầu bày tỏ sự biết ơn với Sheedy, vị luật sư nói với hai bố con cô rằng ông sẽ quay lại văn phòng và sẽ bắt đầu chuẩn bị việc bào chữa ngay lập tức.
Sau khi ông ta đi khỏi, Dance hỏi bố, “Họ đã lấy gì khỏi nhà hả bố?”
“Bố không biết. Hàng xóm nói họ có vẻ quan tâm đến ga ra. Chúng ta đi khỏi đây thôi. Bố căm ghét nơi này.”
Hai người bước ra ngoài sảnh. Một vài phóng viên nhìn thấy Dance và lại gần. “Đặc vụ Dance,” một phụ nữ hỏi, “cô có thấy bối rối không khi biết mẹ mình bị bắt vì tội giết người?”
Vậy đấy, có những câu phỏng vấn chẳng khác gì dao cạo. Dance muốn đáp trả bằng lời lẽ nào đó thật sắc bén, nhưng lại nhớ tới nguyên tắc số một trong mối quan hệ với giới truyền thông: Luôn hiểu rằng mọi thứ bạn nói khi có sự hiện diện của một phóng viên sẽ xuất hiện trên bản tin lúc sáu giờ hay trên trang nhất các báo số ra hôm sau.
Nữ đặc vụ mỉm cười. “Tôi không có chút nghi ngờ nào về việc đây chỉ là một hiểu nhầm tai hại. Mẹ tôi giữ cương vị y tá đã nhiều năm nay. Bà tận tụy làm việc để cứu sống sinh mạng con người, chứ không phải để tước đoạt nó.”
“Cô có biết mẹ mình đã ký vào một đơn vận động ủng hộ Jack Kevorkian và trợ giúp việc tự sát hay không?”
Không, Dance không biết chuyện đó. Và, cô thầm tự hỏi, làm sao giới báo chí có thể biết được thông tin này nhanh đến thế? Cô trả lời, “Cô sẽ phải hỏi mẹ tôi về chuyện đó. Nhưng vận động để thay đổi pháp luật không đồng nghĩa với vi phạm pháp luật.”
Đúng lúc điện thoại di động của cô đổ chuông. Là O’Neil. Cô bước ra xa vài bước để nghe máy.