🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cây Cam Ngọt Của Tôi - José Mauro de Vasconcelos
Ebooks
Nhóm Zalo
PHẦN 1
ĐÔI KHI, VÀO GIÁNG SINH, ĐỨA CON CỦA QUỶ RA ĐỜI
Chương 1
KHÁM PHÁ NHIỀU ĐIỀU
Chúng tôi đi xuống phố, tay trong tay, chẳng có gì phải vội. Totoca đang dạy tôi về cuộc sống. Và điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc, được anh trai nắm tay và dạy nhiều điều. Nhưng là dạy về những điều thuộc thế giới bên ngoài. Bởi vì ở nhà, tôi học hỏi bằng cách tự mày mò khám phá và tự làm, tôi mắc lỗi nhiều và vì mắc lỗi, tôi thường bị ăn đòn. Cho tới tận trước đây không lâu, tôi vẫn chưa bị ai đánh bao giờ. Nhưng rồi mọi người nghe được chuyện này, chuyện nọ và bắt đầu nói tôi là quỷ, là quái vật, là tiểu yêu tóc hung. Tôi không muốn biết về điều đó. Nếu không phải đang ở bên ngoài thì tôi đã bắt đầu hát. Hát thú vị lắm. Ngoài ca hát, Totoca còn biết làm điều khác nữa: anh có thể huýt sáo. Nhưng dù cố gắng đến mức nào tôi cũng chẳng thể bắt chước anh huýt sáo được, chẳng âm thanh nào bật ra cả. Để an ủi tôi, anh bảo chuyện đó cũng bình thường thôi, rằng tôi chưa có cái miệng của người huýt sáo. Nhưng vì không thể hát thành lời, tôi hát thầm ở trong lòng. Thoạt đầu điều đó thật kỳ cục, nhưng về sau tôi cảm thấy hát như thế thực sự thú vị. Và lúc này, tôi đang nhớ lại một bài hát mẹ thường hát khi tôi còn bé xíu. Mẹ đứng bên chậu giặt, mảnh khăn buộc quanh đầu để che nắng. Với chiếc tạp dề ôm quanh thắt lưng, mẹ đứng đó hết giờ này
đến giờ khác, dầm tay trong nước, khiến xà phòng nổi cơ man nào là bọt. Sau đó mẹ vắt kiệt nước khỏi quần áo và đem ra dây, phơi lên, kẹp lại và kéo chiếc dây phơi lên cao. Mẹ làm thế với tất cả quần áo. Mẹ giặt thuê cho nhà bác sĩ Faulhaber để kiếm thêm chút ít giúp trang trải chi phí sinh hoạt. Mẹ cao, gầy, nhưng rất đẹp. Da mẹ rám nắng, tóc thẳng và đen. Khi mẹ không cột tóc lên, tóc mẹ xõa đến tận thắt lưng. Nhưng tuyệt nhất là khi mẹ hát, và tôi hay quanh quẩn bên mẹ học lỏm.
Chàng thủy thủ ơi, chàng thủy thủ ơi Chàng thủy thủ của nỗi buồn ơi Vì chàng Ngày mai em sẽ chết...
Những con sóng xô bờ Quăng mình lên bờ cát Chàng ra khơi rồi Chàng thủy thủ ơi...
Tình yêu của chàng Chẳng được nổi một ngày Tàu nhổ neo rồi Tàu ra khơi...
Những con sóng xô bờ...
Bài hát đó luôn khiến lòng tôi dâng trào một nỗi buồn khó hiểu. Totoca giật tay tôi. Tôi bừng tỉnh. “Sao thế Zezé?” “Không sao ạ. Em đang hát thôi mà.” “Hát ư?” “Vâng.” “Vậy chắc anh điếc rồi.” Anh ấy không biết con người ta có thể hát thầm ư? Tôi im lặng. Nếu anh không biết thì tôi cũng chẳng định dạy anh đâu. Chúng tôi đã tới lề đường quốc lộ Rio-São Paulo. Trên đường quốc lộ, có đủ mọi loại xe. Xe tải, xe con, xe ngựa, xe đạp. “Này,Zezé, chuyện quan trọng đây này. Trước hết chúng ta phải quan sát thật kỹ một chiều, sau đó nhìn chiều kia. Bây giờ sang đường nào.”
Chúng tôi chạy sang đường.
“Em có sợ không?”
Tôi sợ, nhưng tôi lắc đầu.
“Chúng mình cùng làm lại nào. Sau đó anh muốn xem em đã biết cách hay chưa.”
Chúng tôi chạy trở lại phía bên kia đường. “Bây giờ em sang đường đi. Đừng ngập ngừng, bởi vì em lớn rồi mà.”
Tim tôi đập nhanh hơn.
“Nào. Sang đi.”
Tôi chạy sang đường, gần như nín thở. Tôi đợi một chút và anh ra hiệu cho tôi quay trở về chỗ anh.
“Lần đầu mà làm được thế là tốt đấy. Nhưng em đã quên một điều. Em phải nhìn cả hai phía xem có xe đang chạy tới không. Không phải lúc nào anh cũng có mặt ở đây để ra hiệu cho em đâu. Chúng ta sẽ thực hành thêm trên đường về nhà nhé. Nhưng giờ thì đi thôi, vì anh muốn chỉ cho em một thứ.”
Anh cầm tay tôi và chúng tôi lại bắt đầu bước đi, thong thả. Tôi không cách nào thôi nghĩ về một cuộc trò chuyện cách đây ít lâu. "Totoca." “Gì cơ?”
“Anh đã cảm nhận được tuổi chín chắn chưa?” “Thứ vớ vẩn gì vậy?”
“Bác Edmundo nói đấy. Bác nói em khôn trước tuổi và rằng chẳng bao lâu nữa em sẽ đến tuổi chín chắn. Nhưng em chẳng cảm thấy có gì khác cả.”
“Bác Edmundo bị ngớ ngẩn đấy. Bác ấy luôn nhồi những thứ vớ vẩn vào đầu em.”
“Bác ấy không ngớ ngẩn đâu. Bác ấy khôn ngoan đấy chứ. Và khi lớn lên em muốn trở nên khôn ngoan, thành nhà thơ và thắt nơ bướm. Một ngày nào đó em sẽ được chụp ảnh chân dung thắt nơ hẳn hoi.”
“Tại sao lại thắt nơ?”
“Bởi vì anh không thể trở thành nhà thơ nếu không thắt nơ. Khi bác Edmundo cho em xem ảnh các nhà thơ trong cuốn tạp chí đó, em thấy ai cũng thắt nơ cả.”
“Zezé, em phải thôi đi, đừng tin mọi điều bác ấy nói với em nữa. Bác Edmundo hơi biêng biêng đấy. Bác ấy còn hơi xạo nữa.” “Bác ấy là đồ chó đẻ ư?”
“Em đã bị tát lệch mặt vì nói bậy quá nhiều mà chưa chừa à! Bác Edmundo không như vậy. Anh nói biêng biệng cơ mà. Nghĩa là hơi hâm hâm.”
“Anh bảo bác ấy là kẻ nói xạo mà.”
“Đó là hai chuyện hoàn toàn khác.”
“Không, có khác gì đâu. Hôm nọ cha kể về ông Labonne với bác Severino, bạn chơi bài của cha, và cha nói, “Lão chó đẻ ấy là một kẻ nói xạo trời đánh thánh vật.” Và chẳng ai tát chả lệch mặt cả.” “Người lớn nói thế thì không sao.”
Chúng tôi không nói gì trong vài phút.
“Bác Edmundo không... Mà biêng biêng có nghĩa là gì, anh Totoca?”
Anh giơ ngón tay chỉ lên đầu, quay quay ngón tay vẽ thành những vòng tròn trong không khí.
“Không, bác ấy không phải vậy. Bác ấy tốt lắm. Bác ấy dạy em nhiều điều, và chỉ đánh em có mỗi một lần, lại còn chẳng đánh mạnh nữa.”
Totoca giật mình.
“Bác ấy đánh em à? Khi nào?”
“Khi em hư thật và bị Gloria tống đến nhà bà. Bác ấy muốn đọc báo nhưng không tìm thấy kính. Bác tìm hết chỗ cao đến chỗ thấp và nổi điên thực sự. Bác hỏi bà kính của bác ở đâu nhưng bà không biết. Hai người lục tung cả nhà lên để tìm. Thế rồi em nói em biết kính của bác ở đâu và nếu bác cho em ít tiền để mua bi thì em sẽ nói cho bác biết. Bác đi đến chỗ để áo khoác và lấy ra một ít tiền.
“Mang kính ra đây thì bác đưa tiền cho mày.” “Em đến chỗ rương đựng quần áo lấy cái kính ra. Bác nói, Ra là mày, đồ ranh con!” Bác phát vào lưng em và cất béng tiền đi.”
Totoca cười phá lên.
“Em đến đó để khỏi bị ăn đòn ở nhà thế mà lại bị đánh ở đó. Đi nhanh chân lên một chút, nếu không chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến nơi được đâu.”
Tôi vẫn đang nghĩ về bác Edmundo. “Totoca, trẻ con nghỉ hưu phải không?” “Gì cơ?”
“Bác Edmundo chẳng làm gì cả mà vẫn có tiền. Bác không làm việc, nhưng Tòa Thị chính vẫn trả tiền cho bác hằng tháng.” “Thì sao?”
“À thì, trẻ con chẳng làm gì. Trẻ con ăn, ngủ và được cha mẹ cho tiền.”
“Nghỉ hưu khác chứ, Zezé. Người nghỉ hưu đã làm việc trong một thời gian dài rồi, tóc đã ngả bạc, chân chậm mắt mờ như bác Edmundo rồi. Nhưng đừng nghĩ về những thứ khó nhằn ấy nữa. Nếu em muốn học nhiều điều từ bác ấy thì tốt thôi. Nhưng khi đi với anh thì không nhé. Hãy cư xử như những đứa con trai khác. Em thậm chí có thể chửi thề, nhưng đừng nhét đầy đầu những thứ khó nhằn. Nếu không anh sẽ không đi chơi với em nữa đâu.”
Tôi xị mặt xuống và không muốn nói chuyện nữa. Tôi cũng chẳng muốn hát. Chú chim nhỏ ca hát bên trong tôi đã bay mất rồi. Chúng tôi dừng lại và Totoca chỉ tay về phía ngôi nhà. “Nó đấy. Thích không?”
Đó là một ngôi nhà bình thường. Màu trắng với những ô cửa sổ màu xanh dương. Toàn bộ cửa nẻo đều đóng im ỉm và im ắng như tờ.
“Có ạ. Nhưng tại sao chúng ta phải chuyển đến đây chứ?” “Thay đổi cũng tốt mà.”
Chúng tôi đứng trông qua hàng rào, nhìn cây xoài phía bên này và cây me ở phía bên kia.
“Em là đứa hay chạy lăng xăng, nhưng em không biết nhà mình đang có chuyện gì đâu. Cha thất nghiệp rồi, đúng không? Đã sáu tháng kể từ khi cha choảng nhau với ông Scottfield và bị đuổi việc. Em có biết bây giờ Lala đang làm việc ở nhà máy không? Còn mẹ thì sắp đi làm ở thành phố, trong xưởng English Mill đấy, biết không? Giờ thì em biết rồi đấy, đồ ngốc ạ. Ở cái nhà mới này, ta sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà... Cái nhà kia thì cha nợ tám tháng tiền thuê nhà rồi. Em còn quá nhỏ nên không phải lo lắng về những chuyện buồn như thế. Nhưng anh sẽ phải giúp thật lực, xắn tay vào hỗ trợ việc nhà.”
Anh đứng im lặng một lát.
“Totoca, họ sẽ mang con báo đen và hai con sư tử cái tới đây chứ?”
“Dĩ nhiên. Và lão gia nhân này sẽ phải tháo dỡ cái chuồng gà.” Anh nhìn tôi bằng ánh mắt thương xót, trìu mến.
“Anh chính là người sẽ dỡ vườn thú và lắp ghép nó lại ở đây.” Tôi thở phào. Bởi vì nếu không tôi sẽ phải kiếm thứ gì đó mới mẻ để chơi với em trai út Luis của tôi.
“Em đã thấy anh là người bạn như thế nào của em rồi, đúng không Zezé? Này, em sẽ chẳng mất mát gì nếu nói cho anh biết em đã làm chuyện đó như thế nào...”
“Totoca, em thề là em không biết. Em thực sự không biết.” “Em nói dối. Ai đó đã dạy em học.”
“Em chẳng học gì cả. Chẳng ai dạy em hết. Trừ phi quỷ sứ dạy em trong giấc ngủ. Jandira nói quỷ sứ là cha đỡ đầu của em.”
Totoca bối rối. Anh thậm chí còn cốc đầu tôi mấy cái, cố bắt tôi phải nói cho anh biết. Nhưng tôi không biết mình đã làm được chuyện đó như thế nào.
“Chẳng ai tự học cái đó được.”
Nhưng anh không biết phải nói gì bởi vì chẳng ai thực sự nhìn thấy người nào dạy tôi học gì hết. Đó là một bí ẩn.
Tôi nhớ lại chuyện xảy ra một tuần trước. Nó đã khiến cả nhà tôi xôn xao. Chuyện bắt đầu tại nhà bà tôi, khi tôi ngồi cạnh bác Edmundo đang đọc báo.
“Bác ơi.”
“Gì vậy, con trai?”
Bác kéo cặp kính xuống chóp mũi, như cái cách mọi người lớn thường làm khi họ đã già.
“Mấy tuổi bác học đọc?”
Khoảng tầm sáu, bảy tuổi.”
““Trẻ năm tuổi có thể học đọc không bác?”
“Bác nghĩ là có. Nhưng chẳng ai thích dạy chúng đâu bởi vì chúng còn quá nhỏ.”
“Bác học đọc như thế nào ạ?”
“Như mọi người khác thôi, với những người đọc mẫu. Đọc bờ a baº.”
“Ai cũng phải học đọc theo cách đó ạ?”
“Theo bác biết thì ai cũng học như thế cả.”
“Tất cả mọi người ư?”
Bác nhìn tôi, ngạc nhiên.
“Này,Zezé, đó là cách mọi người học đọc. Bây giờ hãy để yên cho bác đọc nốt. Ra sân sau mà tìm ổi đi.”
Bác đẩy kính lên và cố tập trung đọc. Nhưng tôi không chịu đi. “Tiếc quá!”
Nghe thấy tiếng cảm thán chân thật ấy, bác lại kéo kính xuống thấp.
“Trời đất quỷ thần ơi. Cháu định ngồi dai như đỉa đây đấy à?” “Chỉ là cháu đã đi cả một quãng đường xa như thế tới đây để nói với bác một điều.”
“Thôi được rồi, vậy thì nói đi.”
“Không. Không phải vậy. Trước hết cháu cần biết ngày lĩnh lương hưu tới đây của bác là ngày nào.”
“Ngày kia, bác nói, vừa nhìn tôi vẻ dò xét vừa cười tủm tỉm. “Ngày kia là thứ mấy hả bác?”
“Thứ Sáu.”
“Ừm, thứ Sáu bác có thể mang từ thành phố về cho cháu một con Vua Bạc không ạ?”
“Nói từ từ xem nào,Zezé. Vua Bạc là gì?”
“Là con ngựa trắng nhỏ cháu nhìn thấy trong rạp chiếu bóng. Chủ của nó là Fred Thompson. Nó là ngựa đã được thuần dưỡng rồi.”
“Cháu muốn bác mang về cho cháu một con ngựa nhỏ kéo xe ư?”
“Không ạ. Cháu muốn con ngựa kiểu có đầu gỗ và bộ dây cương cơ. Ngựa kiểu bác gắn cái đuôi vào rồi chạy vòng quanh ấy ạ. Cháu cần phải luyện tập vì sau này cháu sẽ đóng phim.” Bác cười phá lên.
“Bác hiểu rồi. Và nếu bác kiếm nó cho cháu, thì bác đượC gì nào?”
“Cháu sẽ làm một việc gì đó cho bác ạ.”
Cháu thơm bác một cái nhé?”
“ “Cháu không thích thơm thiếc lắm đâu ạ.” “Vậy thì ôm nhé?” Tôi nhìn bác Edmundo và thật lòng cảm thấy tội nghiệp cho bác. Con chim nhỏ bên trong tôi nói một điều gì đó. Và tôi nhớ lại một chuyện tôi đã nghe người ta nói rất nhiều lần, rằng bác Edmundo sống ly thân với vợ và họ có năm đứa con. Nhưng bác sống một mình, đi lại chậm chạp lắm... Có lẽ bác đi chậm vì nhớ các con chăng? Con bác chẳng bao giờ đến thăm bác.
Tôi đi vòng qua bàn và ôm bác thật chặt. Tôi cảm thấy đám tóc bạc của bác cọ vào trán mình. Tóc bác mềm thật đấy. “Đây không phải vì con ngựa đâu ạ. Cháu sẽ làm cho bác một việc khác Cơ. Cháu sẽ đọc.”
“Gì cơ,Zezé? Cháu biết đọc ư? Ai dạy cháu?” “Chẳng ai cả.” “Cháu nói dối.”
Tôi đi ra, và nói vọng vào từ ngoài cửa,“Thứ Sáu bác hãy mang ngựa về cho cháu và bác sẽ thấy cháu có biết đọc hay không?”
Sau đó, khi đêm xuống và chị Jandira đã thắp đèn dầu lên bởi vì công ty điện đã cắt điện nhà chúng tôi do chưa thanh toán hóa đơn, tôi đứng nhón chân ngắm “ngôi sao” ấy. Đó là bức tranh vẽ trên một mảnh giấy, hình một ngôi sao với lời nguyện cầu ở bên dưới mong ngôi sao phù hộ cho nhà chúng tôi.
“Jandira, chị nhấc em lên được không? Em sẽ đọc những chữ kia.”
“Nói phét đủ rồi đấy,Zezé. Chị đang bận.”
“Cứ nhấc em lên một tí thôi rồi em sẽ cho chị xem. “Này,Zezé, nếu định giở trò gì thì mày liệu hồn.” Chị nhấc tôi lên phía sau cánh cửa.
“Nào, đọc đi. Chị đang muốn xem đây.”
Vậy là tôi đọc, đọc thật. Tôi đọc câu cầu nguyện, cầu Chúa phù hộ cho gia đình chúng tôi và bảo vệ chúng tôi khỏi những linh hồn hiểm ác.
Jandira đặt tôi xuống. Miệng chị há hốc.
“Zezé, mày đã thuộc lòng câu đó phải không? Mày lừa chị phải không?”
“Jandira, em thề. Em có thể đọc mọi thứ.”
“Chẳng ai không học mà lại biết đọc cả. Là bác Edmundo dạy mày phải không? Hay bà?”
“Chẳng ai cả.”
Chị chạy đi lấy một tờ báo và tôi đọc không sai chữ nào. Chị kêu ré lên và gọi Glória. Gloria trở nên lo lắng và đi gọi Alaíde. Trong vòng mười phút, hàng xóm của chúng tôi đã xúm lại để xem chuyện lạ.
Đó chính là chuyện Totoca muốn tôi nói cho anh biết. “Bác ấy đã dạy em và hứa cho em con ngựa nếu em học được.” “Không phải vậy.”
“Anh sẽ hỏi bác ấy.”
“Anh đi mà hỏi. Em không biết giải thích chuyện đó như thế nào, Totoca ạ. Nếu biết, em đã nói với anh.”
“Vậy thì đi thôi. Rồi mày sẽ thấy. Khi mày cần gì đó...” Anh giận dữ chộp tay tôi và bắt đầu lôi tôi về nhà. Rồi anh nghĩ ra một cách để trả thù.
“Đáng đời mày chưa! Mày học quá sớm, đồ ngốc ạ. Giờ thì mày sẽ phải bắt đầu đến trường vào tháng Hai.” Đó là ý tưởng của Jandira. Nhờ thế nhà tôi sẽ yên bình suốt cả buổi sáng, còn tôi thì sẽ biết thế nào là lễ độ.
“Lại học cách sang đường đi. Đừng tưởng khi mày đi học thì anh sẽ là vú em của mày, lần nào cũng đưa mày sang đường nhé. Nếu mày thông minh như vậy, thì mày cũng có thể học đượC việc này.” “Đây, ngựa đây. Giờ thì đọc cái này xem nào.”
Bác mở tờ báo ra và chỉ cho tôi một câu trong một mẩu quảng cáo thuốc chữa bệnh.
“Thuốc có trong tất cả các hiệu thuốc và các cửa hàng dượC uy tín,” tôi đọc.
Bác Edmundo chạy ra gọi bà từ sân sau vào.
“Mẹ ơi. Nó thậm chí đọc đúng cả từ hiệu thuốc này.” Cả hai người bắt đầu đố tôi đọc những câu khác và tôi đọc được hết. Bà bắt đầu lẩm bẩm gì đó tôi nghe không hiểu.
Bác Edmundo đưa cho tôi con ngựa và tôi lại ôm bác. Sau đó bác nâng cằm tôi và nói bằng giọng ngập ngừng, “Cháu rồi sẽ tiến xa, khỉ con ạ. Không phải ngẫu nhiên tên cháu lại là José. Cháu sẽ là mặt trời và các vì sao sẽ sáng lấp lánh quanh cháu.”
Tôi không hiểu bác nói gì và tự hỏi liệu có đúng là bác hơi biêng biệng hay không.
“Cháu không hiểu được chuyện đó đâu. Đó là câu chuyện về Joseph1. Khi nào cháu lớn hơn một chút, bác sẽ kể cho cháu nghe.” Tôi mê mẩn các câu chuyện. Chuyện càng khó hiểu thì tôi càng thích.
Tôi vỗ vỗ con ngựa nhỏ của mình một lúc lâu rồi ngước lên nhìn bác Edmundo, nói, “Bác có nghĩ tuần tới cháu sẽ lớn hơn một chút không, bác?”
Chương 2
MỘT CÂY CAM NGỌT
Trong gia đình tôi, mỗi đứa lớn đều phải trong một đứa em. Jandira trông Gloria và một người em gái khác - đã bị đưa đến miền Bắc làm con nuôi để được nuôi nấng cho tử tế. Totoca là đứa em cưng của Jandira. Lala là người trông nom tôi, mãi cho đến dạo gần đây. Sau đó thì chị hết thích tôi. Tôi nghĩ chị đã chán phát ớn tôi rồi hoặc đã yêu mê mệt bạn trai chị, một anh chàng bảnh bao diện quần thụng áo khoác lửng giống như ca sĩ. Cái thời anh chị còn thường đưa tôi đi dạo (bạn trai chị gọi là “tản bộ”) vào các ngày Chủ nhật, anh thường mua cho tôi một ít kẹo thật ngon để tôi không kể cho ai biết chuyện của hai người. Tôi thậm chí không thể hỏi bác Edmundo xem “tản bộ” có nghĩa là gì, nếu không cả nhà sẽ phát hiện ra.
Hai người anh chị nữa của tôi bị chết yểu và tôi chỉ nghe nói về họ mà thôi. Mọi người kể anh chị là hai em bé người da đỏ thuộc bộ tộc Apinajé, da đen lắm, có mái tóc đen thẳng. Bởi vậy nên anh chị mới được đặt cho những cái tên của người da đỏ. Chị tên là Aracy, còn anh là Jurandyr.
Sau đó em trai Luís của tôi ra đời. Gloria là người trông nom nó nhiều nhất, sau đó đến tôi. Thằng bé thậm chí không cần ai phải
trông, bởi vì trên đời này chẳng có bé trai nào ngoan ngoãn, yên lặng và dễ thương hơn nó.
Chính vì thế, khi nó nói bằng giọng nhỏ nhẹ, sõi ơi là sõi, đúng lúc tôi đang bước chân ra đường, tôi thay đổi ý định ngay tức thì. “Zezé ơi, anh đưa em đi vườn thú nhé? Hôm nay có vẻ trời sẽ không mua đâu, anh nhỉ?”
Cưng quá đi mất. Nó nói sõi quá. Thằng bé đó sau này không phải của vừa đâu; thể nào nó cũng sẽ tiến xa cho xem. Tôi ngắm nhìn ngày đẹp trời, nhìn bầu trời xanh thăm thẳm, chẳng nỡ lòng nào nói dối. Bởi vì đôi khi, nếu đang không vui, tôi sẽ nói, “Luís, em điên à. Nhìn xem, cơn dông sắp kéo đến kia kìa!” Lần này tôi cầm bàn tay nhỏ bé của nó và chúng tôi bước ra sân sau bắt đầu cuộc phiêu lưu.
Sân sau được chia thành ba khu vui chơi. Một là vườn thú. Một khu là châu Âu, kết thúc chỗ hàng rào nhỏ ngay ngắn của Julio. Tại sao lại là châu Âu ư? Ngay cả chú chim nhỏ trong tôi cũng không biết. Chúng tôi chơi trò đi cáp treo lên núi Sugarloaf. Chúng tôi mang cái hộp đựng cúc áo ra và xâu hết cúc lại bằng một sợi dây. (Bác Edmundo gọi thứ dây đó là thừng. Tôi cứ nghĩ “thừng” là đứa con trai, nhưng bác giải thích con trai là “thằng” cơ). Sau đó chúng tôi buộc một đầu dây vào hàng rào và một đầu kia vào ngón tay Luis. Chúng tôi đẩy hết cúc lên tít đầu dây và để chúng trượt từ từ, từng chiếc từng chiếc một. Mỗi toa cáp treo đều chở đầy những người chúng tôi biết. Có một cái đen sì chở Biriquinho. Chẳng có gì là lạ khi nghe thấy một giọng nói vọng qua hàng rào, “Zezé, mày đang phá hàng rào của bà phải không?”
“Không đâu, bà Dimerinda. Bà cứ ra đây mà xem này.” “Ồ, bà thích xem cảnh này đấy. Chơi ngoan với em trai mày. Như thế chẳng hay hơn à?”
Có lẽ như thế hay hơn thật, nhưng khi “cha đỡ đầu” là quỷ dữ của tôi huých tôi một cái, thì chẳng có gì hay hơn chuyện giở trò tinh quái...
“Bà sẽ cho cháu một cuốn lịch làm quà Giáng sinh như năm ngoái chứ ạ?”
“Mày đã làm gì với cuốn lịch bà cho vậy hả?”
“Bà cứ vào trong mà xem, bà Dimerinda. Nó ở ngay phía trên túi bánh mì đấy ạ.”
Bà bật cười và hứa sẽ sang xem. Chồng bà làm việc tại cửa hàng bách hóa tổng hợp của ông Chico Franco.
Trò chơi còn lại là Luciano. Ban đầu Luis thực sự sợ nó, cứ túm lấy quần tôi giật, đòi đi khỏi chỗ đó. Nhưng Luciano là bạn tôi. Mỗi khi nhìn thấy tôi, nó đều rít lên rõ to. Gloria cũng không thích nó và bảo rằng loài dơi là ma cà rồng hút máu trẻ con.
“Không phải vậy đâu, Gló. Luciano không giống như vậy đâu. Nó là bạn em mà. Nó biết em.”
“Em và cái kiểu cuồng động vật của em, suốt ngày nói chuyện với con nọ, con kia...”
Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Luis tin rằng Luciano không phải một con vật. Đối với chúng tôi, Luciano là một chiếc máy bay đang bay đến căn cứ không quân Afonso.
“Nhìn này, Luis.”
Và Luciano thích thú bay quanh chúng tôi như thể nó hiểu chúng tôi nói gì. Mà nó hiểu thật.
“Nó là một chiếc máy bay. Nó đang...”
Tôi ngừng lại. Tôi phải bảo bác Edmundo nói cho tôi nghe từ đó lần nữa mới được. Tôi không biết từ đó là “nháo lộn”, “nhào lộn” hay “nhạo lộn”. Một trong những từ đó. Nhưng tôi không thể dạy em mình một từ không chính xác.
Nhưng bây giờ nó muốn sang vườn thú.
Chúng tôi đến gần cái chuồng gà cũ. Trong chuồng, hai con gà mái lông sáng màu đang mổ mổ xuống đất, còn con gà mái đen già khụ thì lành đến nỗi chúng tôi còn có thể gãi đầu nó.
“Trước tiên chúng mình mua vé đã. Nắm tay anh nào, bởi vì trẻ con dễ bị lạc ở chỗ đông người như thế này lắm. Nhìn xem, ngày Chủ nhật ở đây thật nhộn nhịp phải không?”
Luis nhìn quanh, thấy khắp nơi toàn người là người, bèn nắm chặt tay tôi.
Tại quầy vé, tôi ưỡn bụng và hắng giọng, ra vẻ quan trọng. Tôi cho tay vào túi quần và hỏi người phụ nữ ở quầy,“Miễn vé đến mấy tuổi nhỉ?”
“Năm.”
“Vậy thì cho một vé người lớn.”
Tôi bứt hai chiếc lá cam làm vé và chúng tôi bước vào. “Con trai, trước hết chúng ta sẽ đến xem những con chim đẹp như thế nào nhé. Nhìn kìa, những con vẹt thường, vẹt đuôi dài, vẹt Nam Mỹ với đủ mọi màu sắc kìa. Những con lông sặc sỡ ở đằng kia là vẹt Nam Mỹ đó.”
Mắt em tôi lồi ra vì thích thú.
Chúng tôi đi loanh quanh, ngắm nghía mọi thứ. Chúng tôi nhìn ngó nhiều đến nỗi tôi còn để ý thấy Gloria và Lalá ở đằng sau mọi thứ khác, đang ngồi trên ghế băng bóc cam. Lalá đang nhìn tôi... Có khi nào các chị đã phát hiện ra chăng? Nếu vậy thật thì chuyến thăm vườn thú đó sẽ kết thúc kèm theo một cú phát ra trò vào mông ai đó. Và ai đó ấy chỉ có thể là tôi mà thôi.
“Tiếp theo là gì vậy, Zezé, giờ chúng ta sẽ xem gì hả anh?” Tôi lại hắng giọng và lấy lại điệu bộ vừa rồi. “Ra đằng kia xem khỉ nào. Bác Edmundo gọi chúng là linh trưởng.”
Chúng tôi mang mấy quả chuối theo và ném cho lũ khỉ. Chúng tôi biết mình không được phép làm thế, nhưng những người trông coi vườn thú còn đang bận túi bụi bởi có quá đông khách tham quan.
“Đừng đến gần quá, nếu không chúng sẽ ném vỏ chuối vào người em đấy, nhóc ạ.”
“Em muốn xem sư tử.”
“Đi ngay và luôn nào.”
Tôi liếc nhìn sang chỗ có hai “linh trưởng” khác đang ăn cam. Từ chuồng sư tử, tôi có thể nghe thấy hai con ấy đang nói gì. “Đây rồi.”
Tôi chỉ tay vào hai con sư tử màu vàng, đích thị là sư tử châu Phi. Luis nói nó muốn vỗ đầu con báo đen một cái.
“Em điên à, nhóc? Báo đen là con vật đáng sợ nhất vườn thú. Nó được đưa tới đây vì đã cắn đứt cánh tay của mười tám người dạy thú rồi ăn hết đấy.”
Luis có vẻ sợ hãi, vội rụt tay lại.
“Báo đen đến từ một rạp xiếc hả anh?” “Đúng.”
“Rạp xiếc nào vậy, Zezé? Thế mà trước đây anh chưa bao giờ nói cho em biết.”
Tôi suy nghĩ lung lắm. Tôi có biết ai có tên phù hợp để đặt cho một rạp xiếc không nhỉ?
“À! Nó đến từ rạp xiếc Rozemberg
“Đó không phải tiệm bánh ạ?”
Càng ngày càng khó lừa thằng em tôi. Nó càng ngày càng khôn.
“Cũng có tiệm bánh tên như thế. Ngồi xuống ăn trưa thôi. Chúng ta đã đi bộ nhiều rồi.”
Chúng tôi ngồi xuống và giả vờ ăn. Nhưng tại tôi ngứa ngáy, cứ dỏng lên hóng hai chị nói chuyện.
“Chúng mình nên học tập nó, Lalá ạ. Xem đấy, nó kiên nhẫn với thằng Luís biết bao.”
“Ừ, nhưng Luis có làm những chuyện mà nó vẫn làm đâu. Đó là những việc xấu xa chứ không phải trò tinh nghịch.”
“Vậy nên trong máu nó mới có quỷ, nhưng nó ngộ nghĩnh đấy chứ. Không ai ở ngoài phố có thể tức giận với nó, dù nó làm gì...” “Nó mà đi qua chỗ chị thì sẽ không thoát khỏi cảnh bị phết roi đâu. Một ngày nào đó nó sẽ được dạy cho một bài học.” Tôi nhìn Gloria bằng ánh mắt thương xót. Chị luôn đến giải cứu tôi và lần nào tôi cũng hứa với chị sẽ không tái phạm. “Để sau đi. Bây giờ thì đừng. Bọn chúng đang chơi yên mà.” Chị đã biết hết rồi. Chị biết tôi đã lội qua mương sang sân sau nhà bà Celina. Tôi mê mẩn cái dây phơi quần áo đung đưa cả đống cánh tay với ống chân trong gió. Lúc đó quỷ dữ bảo tôi rằng tôi có thể làm cho tất cả những cánh tay, ống chân kia lộn tùng phèo cùng lúc. Tôi đồng ý rằng cảnh đó hẳn sẽ hết sức buồn cười. Tôi tìm thấy một mảnh thủy tinh sắc ở dưới mương, bèn trèo lên cây cam, kiên nhẫn cắt cái dây phơi.
Tôi suýt ngã theo cái dây. Có tiếng kêu thất thanh và mọi người chạy túa ra.
“Giúp tôi với, dây phơi bị đứt rồi.”
Nhưng một giọng người không biết phát ra từ đâu tru tréo. “Đó là thằng con nhà ông Paulo đấy, thằng ranh con phá hoại đó. Tôi nhìn thấy nó cầm mảnh thủy tinh leo lên cây cam kia kìa.” “Zezé?"
* * *
“Gì vậy, Luis?”
“Sao anh biết nhiều về vườn thú thế?”
“Anh đã đến thăm vô số vườn thú rồi mà.” ”
Tôi nói xạo. Tất cả những gì tôi biết đều là do bác Edmundo kể cho nghe. Bác thậm chí đã hứa một ngày nào đó sẽ đưa tôi đến vườn thú. Nhưng bác đi quá chậm nên khi hai bác cháu đến nơi thì chắc vườn thú chẳng còn ở đó nữa. Totoca đã từng đến vườn thú một lần cùng với cha.
“Vườn thúanh thích nhất là RuaBarõodeDrummond, Vila Isabel. Em có biết nam tước Drummond là ai không? Tất nhiên em chẳng biết đâu. Em còn bé quá chưa biết những chuyện như thế này đâu. Ngài nam tước chắc chắn rất thân với Chúa. Bởi vì chính ngài đã giúp Chúa phát minh ra trò xổ số, cái trò mà họ bán những tấm vé tại quán Đói Khổ và tại vườn thú ấy. Khi nào em lớn hơn...” Các chị tôi vẫn đang ở đó.
“Khi em lớn hơn thì sao cơ?”
“Em hỏi nhiều quá đấy, nhóc. Khi nào em đủ lớn, anh sẽ dạy em về các con vật trong xổ số2 và các số của chúng. Phải đến số hai mươi cơ. Từ số hai mươi đến số hai mươi lăm, anh biết là có một con bò cái, một con bò đực, một con gấu,một con nai và một con hổ. Anh không biết chúng được xếp theo thứ tự như thế nào, nhưng anh sẽ học để không dạy nhóc sai.”
Thằng bé đã phát chán trò chơi rồi.
“Zezé, hát bài “Ngôi nhà nhỏ cho em nghe đi.” “Chúng ta đang ở vườn thú, đúng không? Ở đây đang đông người quá.” “Không. Chúng ta đã ra khỏi vườn thú rồi mà.”
“Bài đó dài lắm đấy. Anh chỉ hát một đoạn em thích thôi nhé.” Tôi biết đó là đoạn về những con ve. Tôi hít căng lồng ngực. Tôi sống trong một ngôi nhà trên đỉnh đồi Dưới chân nhà vườn
cây trái trải ra. Một nếp nhà nho nhỏ Đứng bên thềm tôi có thể nhìn ra tận biển xa.
Tôi bỏ vài đoạn.
Trong đám cây cọ lạ lũ ve sầu hát thánh ca.
Mặt trời lên nhuộm những cánh buồm vàng ruộm Trong khu vườn, một chú chim sơn ca.
Tôi ngừng hát. Các chị vẫn đang ngồi đó đợi tôi. Tôi nảy ra một ý: Tôi sẽ hát cho đến khi đêm xuống. Tôi sẽ bám trụ ở đây lâu hơn các chị.
Chẳng may mắn được đến thế. Tôi hát hết cả bài đó, hát lại lần nữa, rồi hát bài “Vì tình yêu thoáng qua của em”, thậm chí cả bài “Ramona”. Hai phiên bản khác nhau của bài “Ramona” mà tôi biết... Mà các chị vẫn không nhúc nhích. Đến lúc đó thì tôi cải rồi. Tốt hơn nên để chuyện này kết thúc thôi. Tôi đi đến chỗ Lalá.
“Nào, chìa mông ra đây.”
Tôi quay người lại, giơ mông ra cho chị, cắn chặt rằng vì Lala đang cầm dép trên tay.
Đó là ý tưởng của mẹ.
"Hôm nay tất cả chúng ta sẽ đi xem nhà.”
Totoca dẫn tôi ra một chỗ và thì thầm, “Nếu mày nói với bất cứ ai rằng chúng mình đã đến đó rồi, thì mày sẽ lãnh đủ.” Nhưng tôi chẳng hề có ý định ấy.
Cả nhóm chúng tôi đi ra đường. Gloria nắm tay tôi và được lệnh không được rời mắt khỏi tôi dù chỉ một phút. Còn tôi nắm tay Luís. “Khi nào chúng ta chuyển đến đó hả mẹ?” Gloria hỏi. “Sau Giáng sinh hai hôm, chúng ta sẽ phải gói ghém đồ đạc,” mẹ nói, giọng buồn buồn.
Mẹ có vẻ rất mệt mỏi. Tôi thực lòng thấy thương mẹ. Mẹ đã làm lụng cả đời. Mẹ làm việc từ khi lên sáu, khi nhà máy được xây dựng. Người ta để mẹ ngồi lên một chiếc bàn và mẹ phải làm sạch và lau khô các dụng cụ. Hồi đó, mẹ còn quá bé, đến nỗi tè dầm cả ra vì không thể tự xuống khỏi bàn được. Đó là lý do mẹ chưa bao giờ được đến trường, cũng như chưa bao giờ học đọc học viết. Khi mẹ kể cho tôi nghe chuyện đó, tôi buồn đến mức đã hứa rằng khi nào thành nhà thơ và trở nên thông thái, tôi sẽ đọc thơ của tôi cho mẹ nghe.
Dấu hiệu Giáng sinh xuất hiện trên khắp các cửa hàng của hiệu. Ông già Noel đã được vẽ lên trên mọi ô cửa kính trưng bày. Mọi người đều đã mua thiệp, để tránh việc đến cận ngày mới đổ xô đi mua. Tôi có một niềm hy vọng mong manh rằng lần này, Chúa Hài Đồng sẽ được sinh ra trong trái tim tôi. Dù gì đi nữa, có lẽ tôi cũng sẽ tiến bộ hơn chút ít khi đã đến tuổi chín chắn. “Nó đây.”
Mọi người đều thích nó. Nhà mới nhỏ hơn nhà cũ một chút. Với sự giúp sức của Totoca, mẹ tháo sợi dây thép buộc cổng và chúng tôi chạy ùa vào. Glória buông tay tôi ra, quên bẵng mất chị đã sắp thành thiếu nữ. Chị chạy tới chỗ cây xoài và choàng tay quanh thân nó. đầu tiên.”
“Cây xoài là của chị. Chị đến chỗ nó Totoca làm như thế với cây me. Chẳng còn gì cho tôi. Tôi nhìn Glória, suýt khóc. “Thế còn em thì sao, Gló?”
“Chạy ra sau nhà xem sao. Chắc phải còn những cây khác nữa đấy, đồ ngốc.”
Tôi chạy đi, nhưng chỉ thấy cỏ mọc dài và cả đám những cây cam già cỗi đầy gai. Bên cạnh rãnh nước là một cây cam ngọt nhỏ. Tôi thất vọng quá. Các anh chị em của tôi đã chạy khắp nhà nhận phòng ngủ cả rồi.
Tôi giật giật váy của Glória.
“Chẳng có gì khác cả.”
“Em chẳng biết quan sát gì cả. Đợi một phút. Chị sẽ tìm một cây cho em.”
Ngay sau đó chị ra vườn với tôi. Chị chăm chú nhìn những cây cam.
“Em không thích cây kia sao? Cây đó đẹp mà.” Tôi không thích cây này, cũng chẳng thích cây kia, chẳng thích cây nào trong đám ấy. Chúng nhiều gai quá. “Em thích cây cam ngọt hơn đám cây xấu xí này.” “Ở đâu cơ?”
Tôi dẫn chị đi xem cây cam.
“Cây cam nhỏ xinh quá này! Nó không có một cái gai nào. Nó trông rất đặc trưng, đến mức nhìn từ xa ta cũng có thể nhận ra nó là một cây cam ngọt. Nếu chị bé như em, chị cũng chẳng muốn cây khác đâu.” một cây to co.”
“Nhưng em muốn
“Nghĩ kỹ mà xem, Zezé. Cây này vẫn còn nhỏ. Nó sẽ lớn lên thành một cây to - em và nó sẽ cùng lớn lên. Em và nó sẽ hiểu nhau như anh em. Em có thấy cái cành kia không? Nó là cành duy nhất, đúng vậy thật, nhưng nó hơi giống một con ngựa được sinh ra chỉ để cho em vậy.”
Tôi cảm thấy mình thực sự bị đối xử bất công. Chuyện này khiến tôi nhớ đến cái vỏ chai rượu Scotch Có hình các thiên thần mà chúng tôi đã có lần nhìn thấy. Khi ấy, Lalá nói, “Thiên thần này là em.” Gloria chọn một thiên thần và Totoca cũng chọn một. Nhưng còn tôi thì sao? Đến cuối cùng, tôi là cái đầu thấp bé ở phía sau tất cả những thiên thần khác, gần như không có cánh. Thiên thần Scotland thứ tự thậm chí còn không phải một thiên thần hoàn chỉnh... Tôi luôn là kẻ cuối cùng. Mai sau lớn lên, tôi sẽ cho họ thấy. Tôi sẽ mua nguyên cả cánh rừng nhiệt đới Amazon, và tất cả những cái cây cao chọc trời sẽ là của tôi. Tôi sẽ mua một cửa hàng đầy những cái chai in hình thiên thần và không ai lấy đưỢC một mảnh cánh nào ở đấy.
Hờn dỗi, tôi ngồi bệt xuống đất và để nỗi tức giận của mình tựa vào cây cam nhỏ. Glória mỉm cười bỏ đi.
“Em sẽ không tức giận lâu đâu, Zezé ạ. Rồi em sẽ thấy chị nói đúng thôi.”
Tôi cầm một cái que cào cào lên mặt đất và vừa bắt đầu ngừng sụt sịt thì nghe thấy một giọng nói cất lên từ đâu đó, gần trái tim mình.
“Tớ nghĩ chị cậu nói đúng đấy.”
“Mọi người luôn đúng. Chỉ có tớ là chẳng đúng bao giờ.” “Không phải vậy đâu. Nếu ngắm kỹ tớ, cậu sẽ thấy.” Giật mình, tôi lồm cồm nhổm dậy và nhìn kỹ cây cam nhỏ. Thật
kỳ lạ, vì tôi luôn nói chuyện với mọi thứ, nhưng tôi cứ nghĩ chính chú chim nhỏ trong tôi đã khiến cho mọi thứ trò chuyện với tôi. “Nhưng có thật là cậu biết nói không?”
“Cậu không nghe thấy tớ nói sao?”
Và nó bật cười khúc khích. Tôi suýt la lên và ù té chạy. Nhưng sự tò mò đã giữ tôi ở lại.
“Làm sao cậu có thể nói được?”
“Cây cối trò chuyện với vạn vật. Nói bằng lá, bằng cành, bằng gốc rễ. Cậu có muốn thấy điều đó không? Áp tai vào thân của tớ đi, rồi cậu sẽ nghe thấy tiếng tim tớ.”
Tôi do dự một lát, nhưng nhìn kích cỡ của cây cam, nỗi sợ trong tôi tan biến. Tôi áp tại vào thân cây và nghe thấy tiếng tích... tích...
“Thấy không?”
“Hãy nói với tớ xem nào. Mọi người đều biết cậu có thể nói được à?”
“Không. Chỉ mình cậu thôi.”
“Thật không?”
“Tớ thề đấy. Hồi xưa, một bà tiên bảo tớ rằng, khi một cậu bé giống như cậu làm bạn với tớ, thì tớ sẽ nói được và sẽ rất vui.” “Vậy cậu sẽ đợi chứ?”
“Gì cơ?”
“Đợi tớ chuyển tới đây. Phải mất hơn một tuần đấy. Cậu sẽ không quên cách nói chuyện chứ?”
“Tớ không bao giờ quên đâu. Có nghĩa là, chỉ riêng với cậu thôi. Cậu có muốn thử xem cưỡi tớ thì sẽ êm như thế nào không?” “Bằng cách nào...?”
“Ngồi lên cành của tớ đi.”
Tôi làm theo.
“Nào, lắc lư người và nhắm mắt lại.”
Tôi làm như cây cam nói.
“Cậu nghĩ sao? Cậu đã bao giờ có con ngựa nào oach hon chua?"
“Chưa từng. Tuyệt quá. Tớ sẽ cho em tớ con ngựa Vua Bạc. Cậu sẽ thực sự thích thằng bé cho xem.” Tôi trèo xuống, thấy yêu cây cam nhỏ của mình.
“Này, tớ định thế này nhé. Bất cứ khi nào có thể, thậm chí trước khi chúng tớ chuyển tới đây, tớ sẽ đến trò chuyện với cậu. Bây giờ tớ phải đi đây. Mọi người đã ra Cổng chuẩn bị về rồi.”
“Nhưng bạn bè không tạm biệt nhau kiểu ấy đâu.” “Suyt! Chị tớ đến đấy.”
Gloria đến đúng lúc tôi đang ôm cái cây.
“Tạm biệt nhé, bạn của tôi. Bạn là sinh vật đẹp nhất trên đời!” “Chẳng phải chị đã nói với em như thế rồi sao?”
“Đúng vậy. Bây giờ nếu chị muốn đổi cây xoài hay cây me lấy cây của em thì em cũng không đổi đâu.” Chị dịu dàng vuốt tóc tôi. “Zezé, Zezé..."
Chị em tôi nắm tay nhau rời khỏi đó.
“Gló, cây xoài của chị bị câm thì phải, chị có nghĩ vậy không?”
“Còn quá sớm để nói gì, nhưng có vẻ như vậy thật.” “Thế còn cây me của Totoca?”
“Nó hơi kỳ một chút, sao thế?”
“Em không biết có nên nói cho chị biết hay không. Nhưng một ngày nào đó em sẽ kể cho chị nghe về một điều kỳ diệu, Gló ạ.”
Chương 3
NHỮNG NGÓN TAY GẦY GUỘC CỦA NGHÈO TÚNG
Khi tôi tâm sự với bác Edmundo về rắc rối của mình, bác đăm chiêu suy nghĩ một hồi.
“Vậy đó là chuyện khiến cháu lo lắng hả?”
“Vâng ạ. Cháu lo là khi chúng cháu chuyển nhà, Luciano sẽ không đi theo chúng cháu.”
“Cháu có nghĩ rằng con dơi đó thực sự thích cháu không?” “Tất nhiên rồi ạ.”
“Thích từ tận đáy lòng chứ?”
“Chắc chắn thế.”
“Vậy thì cháu cứ yên tâm, nó sẽ đi. Có thể nó sẽ mất một thời gian mới xuất hiện ở nhà mới được, nhưng một ngày nào đó nó sẽ tìm ra đường đến đấy thôi.”
“Cháu đã nói cho nó tên phố và số nhà rồi.”
“Ồ, vậy sẽ càng dễ hơn. Nếu không thể đến vì còn vướng bận chuyện này chuyện kia, nó sẽ gửi một người anh em họ hàng nào đấy đến thay và cháu thậm chí sẽ không bao giờ nhận ra sự khác biệt ấy chứ.”
Nhưng tôi vẫn không thấy thuyết phục cho lắm. Địa chỉ có ý nghĩa gì đâu nếu Luciano không biết đọc? Có thể nó sẽ vừa đi vừa
hỏi thăm chim chóc, bọ ngựa hoặc lũ bướm.
“Đừng lo, Zezé. Dơi rất giỏi xác định phương hướng đấy.” “Xác định cái gì cơ, bác?”
Bác giải thích cho tôi “phương hướng” nghĩa là gì và tôi càng bị ấn tượng hơn trước khối kiến thức của bác.
Nhẹ bớt một nỗi lo, tôi lại đi khắp nơi để kể cho mọi người kế hoạch chúng tôi đang ấp ủ: cuộc chuyển nhà. Hầu hết người lớn đáp lại với vẻ phấn khởi, “Cháu sắp chuyển nhà sao, Zezé? Ôi tốt quá! Tuyệt vời! Thật nhẹ cả người!”
Người duy nhất tỏ ra điềm nhiên là Biriquinho.
“Tin tốt là nhà mới của cậu chỉ cách đây vài con phố. Cậu sẽ vẫn ở gần đây thôi. Thế còn chuyện tớ bảo cậu thì sao?” “Nó diễn ra vào lúc nào ấy nhỉ?”
“Ngày mai, tám giờ, ở cửa sòng bài. Nghe đồn ông chủ nhà máy đã đặt mang đến cả một xe tải đồ chơi. Cậu đi chứ?” “Đi. Tớ sẽ đưa Luís theo. Cậu có nghĩ tớ cũng sẽ nhận được món gì đó không?”
“Tất nhiên. Cậu cũng là một đứa nhóc như nó thôi mà. Sao thế? Cậu nghĩ là mình lớn quá rồi à?”
Nó đến gần hơn và tôi có cảm giác mình vẫn bé xíu. Bé hơn tôi nghĩ.
“Bởi vì nếu tớ đến lấy một món quà thì... Thôi, giờ tớ còn có việc. Gặp cậu ở đó nhé.”
Tôi về nhà, quanh quẩn bên Gloria.
“Có chuyện gì vậy, Zezé?”
“Ngày mai nếu chị có thể đưa chúng em đến sòng bài thì tuyệt. Có một xe tải chất đầy đồ chơi từ thành phố về.”
“Ôi Zezé. Chị có cả núi việc phải làm. Chị phải là quần áo, chị phải giúp chị Jandira chuẩn bị mọi thứ để chuyển nhà, chị phải canh mấy cái nồi trên bếp...”
“Một nhóm học viên trường sĩ quan từ vùng Realengo sẽ đến đấy.”
Ngoài việc sưu tầm tranh của nam diễn viên Rudolph Valentino, hay Rudy theo cách gọi của chị, và dán chúng vào một cuốn sổ tay, Gloria còn mê mẩn các học viên trường sĩ quan.
“Em đang đùa chị hả Zezé. Gặp các học viên trường sĩ quan vào lúc tám giờ sáng ư? Đừng hòng lừa chị! Đi chỗ khác chơi đi, Zezé.” Nhưng tôi không dễ dàng bỏ đi như vậy.
“Chị biết mà, Gló, có phải vì em đâu. Em đã hứa với Luis là sẽ đưa nó đi. Nó còn quá nhỏ. Ở vào tuổi nó thì bọn trẻ con có nghĩ đến cái gì khác ngoài lễ Giáng sinh đâu.”
“Zezé, chị đã nói rồi, chị sẽ không đi. Và đừng có bịa chuyện: chính em mới là đứa muốn đi. Em còn cả đời để kiếm quà Giáng sinh mà.”
“Nhưng nhờ em chết thì sao? Nhỡ em chết mà không nhận được món quà Giáng sinh nào cho năm nay thì sao?” “Em sẽ không chết sớm vậy được đâu, ông cụ non ạ. Em sẽ sống lâu gấp đôi bác Edmundo hay ông Benedito. Nào, lằng nhằng đủ rồi đấy. Đi chơi đi.”
Nhưng tôi vẫn không đi. Tôi đảm bảo rằng dù chị có đi đâu thì hình ảnh tôi cũng đập vào mắt chị. Gloria đi đến chỗ tủ com mốt để lấy thứ gì đó và thấy tôi đang ngồi trên ghế bập bênh, ngước nhìn chị với ánh mắt cầu xin. Việc nhìn Gloria bằng ánh mắt đáng thương để năn nỉ quả thật ít nhiều có tác dụng. Khi chị đi đến chỗ chậu lấy nước, tôi ngồi ở ngưỡng cửa nhìn chị. Khi chị đi đến phòng ngủ để lấy quần áo đi giặt, tôi ngồi trên giường, tay chống cằm, nhìn...
Chị không thể phớt lờ tôi được nữa.
“Đủ rồi, Zezé. Chị đã nói với em rồi, không là không. Chúa ơi, đừng thách thức sức chịu đựng của chị. Đi chơi đi.”
Nhưng tôi vẫn không đi. Có nghĩa là tôi nghĩ tôi sẽ không đi. Nhưng Gloria đã tóm lấy tôi, lôi ra cửa và ném phịch xuống sân sau. Rồi chị trở vào trong, đóng cửa bếp và cửa phòng khách lại. Tôi không bỏ cuộc. Vì bây giờ chị đang bắt đầu phủi bụi và dọn giường, tôi quyết định ngồi bên ngoài mọi ô cửa sổ chị sẽ đi qua. Chị bắt gặp tôi đang nhìn trộm, bèn đóng cửa sổ lại. Cuối cùng thành ra chị phải đóng kín cả ngôi nhà để không phải nhìn thấy tôi nữa.
“Đồ ích kỷ! Đồ phù thủy độc ác! Em cầu mong chị sẽ không bao giờ lấy được một học viên trường sĩ quan. Em ước chị sẽ cưới phải một gã lính trơn thậm chí chẳng đủ tiền để mà đánh bóng đôi bốt.”
Khi nhận ra mình chỉ đang phí thời gian, tôi đùng đùng lao ra đường.
Tôi tình cờ gặp Nardinho đang chơi. Nó ngồi chồm hổm, nhìn say mê một cái gì đó đến mức quên hết mọi thứ xung quanh. Tôi bước đến. Nó đã làm một cái xe kéo nhỏ bằng hộp diêm và buộc vào đó con bọ cánh cứng to nhất trần đời.
“Ối chà chà!”
“Ta nhở?”
“Muốn đổi không?”
“Sao?” “Bao nhiêu cái?” “Hai."
“Nếu mày muốn vài cái thẻ bài...”
“Mày đùa hả. Con bọ cánh cứng lớn chừng này mà mày chỉ định đổi cho tao hai cái thẻ?”
“Có cả đống bọ cánh cứng như con của mày ở cái mương sau nhà bác Edmundo đấy.” bài.”
“Tao sẽ đổi lấy ba thẻ “Ba cái, nhưng mày không được chọn.” “Không chơi thế. Tao sẽ phải được chọn ít nhất hai cái.” “Được rồi.”
Tôi có vài cái thẻ hình nữ diễn viên Laura La Plante nên đưa cho nó một cái. Còn nó chọn một cái hình diễn viên điện ảnh Hoot Gibson và một cái khác hình Pansy Ruth Miller. Tôi bỏ con bọ cánh cứng vào túi quần và đi tiếp.
“Nhanh lên nào Luis. Chị Gloria đi mua bánh mì rồi còn chị Jandira thì đang ngồi đọc sách trên ghế bập bênh.”
Chúng tôi bò rạp qua hành lang đến nhà vệ sinh. Tôi giúp nó đi tè.
“Cố tè cho hết đi vì ban ngày chúng ta không được phép tè trên đường phố đâu.”
Sau đó, tôi vốc nước từ trong chậu té lên mặt nó. Tôi cũng làm vậy với chính mình rồi chúng tôi trở lại phòng ngủ.
Tôi mặc quần áo cho nó mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Tôi đi giày cho nó. Mấy cái tất chết tiệt! Chỉ tổ vướng chân. Tôi cài khuy chiếc áo vét nhỏ màu xanh dương của nó rồi tìm lược. Nhưng tóc nó không chịu xẹp xuống. Phải làm gì đó với mái tóc này mới được. Tôi lục lọi khắp mọi ngóc ngách mà không tìm được gì hữu ích. Không sáp, không dầu. Thế là tôi vào bếp và trở lại với một ít mỡ lợn dính trên đầu ngón tay. Tôi thoa mỡ vào lòng bàn tay rồi thử ngửi.
“Không hề có mùi.”
Tôi vỗ vỗ bàn tay bôi mỡ lên tóc Luis và bắt đầu chải. Mái tóc quăn tít của nó thật đẹp. Nó trông giống Thánh John Công chú cừu non trên vai.
“Bây giờ em đứng đây nhé, đừng làm nhăn bộ cánh đấy. Anh sẽ đi mặc đồ.”
Trong lúc mặc quần dài và áo sơ mi trắng vào, tôi ngắm em trai mình.
Thật là một đứa trẻ xinh xắn! Không có đứa trẻ nào Bangu dễ thương như nó.
Tôi xỏ chân vào đôi giày thể thao, đôi giày nhất thiết phải trụ được đến khi tôi đi học. Trong lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ngắm Luís. Với dáng vẻ đáng yêu và gọn gàng này của thằng bé, mọi người có thể nhầm nó với Chúa Hài Đồng ấy chứ. Tôi chắc chắn nó sẽ được tặng nhiều quà. Khi mọi người nhìn thấy nó...
Tôi rùng mình. Chị Glória vừa trở về và đang đặt bánh mì lên bàn. Tôi có thể nghe thấy tiếng chiếc túi giấy sột soạt. Chúng tôi bước vào, tay trong tay và đứng trước mặt chị. “Trông em ấy thật đáng yêu, chị Gló nhỉ? Em đã tự sửa soạn cho em ấy đấy.”
Thay vì giận dữ, chị đứng tựa vào cánh cửa và ngước mắt lên. Khi chị cúi đầu xuống, mắt chị ngấn lệ. “Trông em cũng đáng yêu lắm. Ôi, Zezé!”
Chị quỳ xuống và ôm ghì tôi vào lòng.
“Lạy Chúa lòng lành! Sao đối với một số người cuộc sống cứ nhất thiết phải khó khăn thế?”
Chị bình tĩnh lại và bắt đầu chỉnh trang quần áo cho chúng tôi. “Chị đã nói rồi, chị không thể đưa em đi. Chị thực sự không thể, Zezé. Chị có quá nhiều việc phải làm. Ăn sáng trước đã nhé, trong khi chị suy nghĩ một chút. Kể cả khi muốn đưa em đi, chị cũng không có đủ thời gian để chuẩn bị...”
Chị rót cà phê và cắt bánh mì cho chúng tôi. Chị vẫn tiếp tục nhìn hai đứa tôi với ánh mắt tuyệt vọng.
“Quá vất vả chỉ vì vài món đồ chơi chẳng ra gì.
Nhưng có lẽ là ngoài kia có nhiều người nghèo khổ quá nên người ta chẳng thể tặng những món đồ tốt hẳn hoi.” Chị ngừng lời
một chút rồi tiếp tục. “Đây có thể là cơ hội duy nhất của em. Chị sẽ không cấm em đi. Nhưng Chúa ơi, em còn quá nhỏ...” “Em sẽ đưa em ấy đi an toàn. Em sẽ luôn cầm tay em ấy, chị Gló. Chúng em thậm chí còn chẳng cần sang đường.” “Kể cả thế, chuyện này vẫn rất nguy hiểm.”
“Không, nó không nguy hiểm chút nào, em rất giỏi xác định phương hướng.”
Chị cười buồn.
“Này, ai dạy em từ đó thế?”
“Bác Edmundo. Bác nói Luciano rất giỏi việc đó, mà Luciano thì nhỏ hơn em, nên chắc hẳn em sẽ giỏi hơn nó...”
“Chị sẽ nói với chị Jandira.”
“Sao phải làm phiền chị ấy ạ? Chị ấy sẽ đồng ý thôi. Chị ấy có làm gì ngoài đọc tiểu thuyết và mơ mộng về bạn trai của mình đâu ạ. Chị ấy chẳng quan tâm đâu.”
“Hãy làm thế này nhé: em ăn nốt bữa sáng đi và chúng ta sẽ ra cổng. Nếu có người quen nào cũng đi đường đó, chị sẽ nhờ họ đi cùng các em.”
Tôi không muốn ăn thêm một mẩu bánh mì nào nữa, vì như thế thật phí phạm thời gian. Vậy nên chúng tôi đi ra cổng. Chẳng có ma nào đi ngang qua. Thứ duy nhất vẫn đang chảy trôi là thời gian. Nhưng cuối cùng một vị cứu tinh cũng xuất hiện. Bác Paixảo, người đưa thư, bước tới. Bác vẫy tay chào chị Gloria, bỏ mũ xuống và xung phong đi cùng chúng tôi.
Chị Gloria hôn Luis rồi quay sang hôn tôi. Chị hỏi với nụ cười đẫm lệ, “Thế chuyện về gã lính tròn và đôi bốt là sao nhỉ?” “Không phải vậy đâu. Em không có ý đó. Chị sẽ cưới một vị tướng không quân với hàng tá sao trên cầu vai."
“Sao em không đi với Totoca?”
“Anh ấy bảo không đi. Và bảo là anh ấy không có tâm trạng tha lỗi hành lý đi loanh quanh.”
Chúng tôi lên đường. Bác Paixảo bảo chúng tôi cứ đi đi còn bác sẽ vừa đi vừa giao thư từ cho các nhà. Mỗi lần giao thư xong bác sẽ rảo bước để bắt kịp chúng tôi. Bác cứ dừng giao thư và đuổi theo anh em tôi, rồi lại dừng giao thư sau đó đuổi theo anh em tôi. Khi chúng tôi tới đường quốc lộ, bác cười nói, “Các chàng trai, giờ ta
phải tăng tốc thôi. Các cháu đang làm ta nhỡ việc rồi. Nào, hai đứa đi đường kia nhé. Không nguy hiểm gì đâu.”
Nói rồi bác tất tả rời đi với một xấp thư từ và giấy tờ kẹp nách. Tôi giận dữ nghĩ thầm, “Đồ hèn! Dám bỏ lại hai đứa trẻ trên đường quốc lộ sau khi đã hứa với chị Gloria rằng sẽ dẫn hai anh em mình đi.”
Tôi siết chặt hơn bàn tay nhỏ xíu của Luis và tiếp tục rảo bước. Dần dần, thằng bé bắt đầu lộ vẻ mệt mỏi. Bước chân của nó cứ ngắn dần ngắn dần.
“Cố lên Luis. Chúng ta sắp tới nơi rồi. Sẽ có rất nhiều đồ chơi ở đó.”
Nó cố bước nhanh hơn một chút nhưng rồi lại giảm tốc độ dần dần.
“Anh Zezé, em mệt.”
“Anh sẽ cõng em một lúc, nhé?”
Nó dang tay ra và tôi cũng nó. Thằng bé nặng thế chứ, nặng như voi ấy. Tới đường Progresso, đến lượt tôi thở hổn hển. “Bây giờ em tự đi một lúc đi.”
Chuông nhà thờ điểm tám giờ sáng.
“Ôi trời ơi, chúng ta đã dự định sẽ đến nơi lúc bảy rưỡi đấy. Nhưng không sao, có rất nhiều người và rất nhiều đồ chơi đủ để phân phát. Một xe tải lận.” “Anh Zezé
, bàn chân em bị đau.” Tôi quỳ xuống.
“Anh sẽ nới dây giày ra một chút và em sẽ thấy khá hơn thôi.” Chúng tôi đi càng lúc càng chậm. Tưởng như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tới được khu chợ. Chúng tôi vẫn còn phải băng qua trường rồi rẽ phải ở con phố có sòng bài Bangu. Và điều tệ nhất là thời gian đang cố tình trôi nhanh.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi, mỏi nhừ cả chân. Không có ai ở đây cả. Xung quanh vắng tanh như thể chẳng có đồ chơi nào từng được phân phát trên khu đất này. Nhưng tôi biết họ đã phát đồ chơi thật, bởi trên mặt đất còn vương vãi những mảnh giấy gói nhăn nhúm. Những mảnh giấy màu bị xé tả tơi nằm lẫn lộn trong cát. Tim tôi bắt đầu đập nhanh.
Chúng tôi tới chỗ sòng bài và thấy ông Coquinho đang đóng cửa.
“Ông Coquinho ơi, tất cả đã xong rồi ạ?” tôi bối rối hỏi. “Đúng vậy, Zezé. Cháu tới muộn quá. Lúc nãy cứ nháo nhào cả lên.”
Người đàn ông khép một cánh cửa và mỉm cười hiền từ. “Chẳng còn gì sót lại hết. Thậm chí không có gì cho các cháu trai cháu gái của ta.”
Ông Coquinho đóng nốt bên cửa còn lại và bước xuống phố. “Năm tới, các cháu nên đến sớm hơn, hai đứa ngủ nướng ạ!” “Không sao đâu thưa ông.”
Thực ra là có sao đấy. Tôi buồn rầu và thất vọng đến nỗi thà chết còn hơn chứng kiến sự thật này.
“Ngồi xuống đây cái đã. Chúng ta phải nghỉ một lúc.” “Em khát nước, anh Zezé.”
“Tí nữa đi qua cửa hàng bánh ngọt, chúng ta có thể xin anh Rozemberg một ly nước. Hôm nay chúng ta chỉ có thế thôi.” Chỉ đến lúc này, nó mới hiểu ra bi kịch của chúng tôi. Nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn tôi, môi dưới trề ra và nó bắt đầu rơm rớm nước mắt.
“Đừng lo, Luis. Em nhớ con ngựa nhỏ của anh không, con Vua Bạc ấy? Anh sẽ gạ anh Totoca sửa lại cái sào của nó để tặng em vào dịp Giáng sinh.” Nó khóc sụt sùi.
“Đừng, đừng khóc. Em là vua mà. Cha nói đã đặt tên em là Luís bởi vì đó là tên của một vị vua. Mà vua thì không thể khóc trên phố trước mặt người khác.”
Tôi để đầu Luís tựa vào ngực mình và vuốt ve mái tóc quăn của nó.
“Khi nào lớn, anh sẽ mua một chiếc xe thật ngầu như xe của Manuel Valadares. Em nhớ không, ông người Bồ Đào Nha có lần đã đi qua chỗ chúng ta ở ga tàu khi chúng ta đang vẫy chào tàu Mangaratiba ấy. Chà, anh sẽ mua một chiếc xe đẹp như thế và chất đầy quà cho riêng em... Nhưng đừng khóc, vì vua thì đâu có khóc.”
Nỗi buồn căng đầy trong lồng ngực tôi.
“Anh thề anh sẽ mua một cái. Kể cả khi anh phải giết người cướp của...”
Giọng đang cất lên không phải của chú chim bé nhỏ bên trong tôi. Đó chắc hẳn phải là tiếng nói trái tim tôi.
Đó là cách duy nhất. Tại sao Chúa không yêu tôi? Đến cả con bò con lừa trong máng cỏ còn được Ngài yêu quý. Nhưng tôi thì lại không. Ngài đang trừng phạt tôi bởi vì tôi là con trai của quỷ. Ngài đang trừng phạt tôi bằng cách không tặng quà cho em trai tôi. Nhưng điều này không công bằng với Luis, nó là một thiên thần. Không một thiên thần nào trên thiên đường có thể tuyệt vời hơn nó...
Nước mắt bắt đầu rơi lã chã trên mặt tôi.
“Anh Zezé, anh đang khóc kia...”
“Anh sẽ nín ngay thôi. Với cả anh không phải vua như em. Anh chẳng có gì tốt cả. Một thằng bé hư, hư thật sự... Chỉ thế thôi.” “Anh Totoca, gần đây anh có đến nhà mới không?”
“Không, còn em?”
“Cứ lúc nào được là em lại tạt vào đó.” “Để làm gì?” “Em muốn xem Pinkie thế nào.” ”
“Pinkie là kẻ chết tiệt nào mới được chứ?
“Nó là cây cam của em.”
“Em tìm được một cái tên hợp với nó thật đấy. Em đúng là giỏi tìm kiếm.”
Anh cười lớn và tiếp tục đẽo đẽo gọt gọt thân hình mới của Con Vua Bạc.
“Thế nó sao rồi?”
“Nó chẳng lớn thêm chút nào cả.”
“Nếu em cứ tiếp tục ngắm nghía nó như thế thì nó sẽ không lớn được đâu. Em đang nghĩ gì thế? Em muốn cái sào thành như thế này phải không?”
“Vâng. Anh Totoca, sao cái gì anh cũng biết làm vậy? Anh có thể làm lồng chim, làm chuồng gà, làm phòng cho em bé, làm rào, làm cổng và cả tỉ thứ khác nữa...”
“Bởi vì không phải ai cũng sinh ra để trở thành một nhà thơ thắt nơ trên cổ. Nhưng nếu em thật lòng muốn thành người như vậy, em có thể học.”
“Em không nghĩ thế. Người ta cần phải có thiên hướng thì mới làm được những việc đó.”
Anh dừng lại một lát và nhìn tôi, nửa như buồn cười nửa như chê bôi cái từ mới mà có lẽ bác Edmundo đã nhồi nhét vào đầu tôi.
Bà vừa mới sang và đang ở trong bếp làm món bánh mì Pháp ngâm rượu vang cho bữa tối Giáng sinh. Đó là tất cả những gì chúng tôi có trong bếp.
Tôi nói với Totoca,“Và một số người thậm chí còn không được như thế này. Bác Edmundo đã cho chúng ta tiền mua rượu và mua nguyên liệu làm món xa lát hoa quả cho bữa trưa ngày mai.”
Anh Totoca đang làm một cái nào mới mà không đòi đổi cái gì sau khi nghe chuyện xảy ra ở sòng bài Bangu. Ít nhất Luis cũng có món gì đó. Một món đồ cũ dùng lại của người khác, nhưng rất đẹp, và tôi rất thích.
“Anh Totoca?” “Gì?”
“Anh có nghĩ là chúng ta sẽ chẳng được ông già Noel tặng gì không?”
“Anh không nghĩ vậy.”
“Anh nói thật đi. Anh có nghĩ em là đứa trẻ hư đốn, xấu xa như mọi người nói không?”
“Không phải xấu theo kiểu xấu xa. Chỉ là trong máu em có quỷ thôi.”
“Khi Giáng sinh đến, em sẽ thật tâm mong ước mình không phải người như thế! Em ước gì dẫu chỉ một lần trong đời, trước khi em chết, Chúa Hài Đồng sẽ được sinh ra trong trái tim em, thay vì một con quỷ ranh.”
“Có thể năm tới... Sao em không học theo anh và làm như anh nhỉ?”
“Anh làm gì cơ?”
“Anh không mong chờ bất cứ điều gì cả. Như thế anh sẽ không phải thất vọng. Chúa không tốt đẹp như mọi người vẫn nói đâu. Bởi vì cha xứ bảo rằng dù sách giáo lý nói...”
Anh ngừng lại, không chắc có nên nói tiếp hay không. “Dù sách giáo lý nói gì cơ?”
“Ờ, hãy cứ cho rằng em hư thật và không xứng đáng được nhận quà đi. Thế còn Luís thì sao?”
“Em ấy là một thiên thần.”
“Còn Gloria?”
“Chị ấy cũng thế.”
“Thế còn anh?”
“Ừm, thi thoảng anh... anh... dùng đồ của em, nhưng anh là người tốt.”
“Còn Lala?”
“Chị ấy đánh đau lắm, nhưng chị ấy cũng là người tốt. Một ngày nào đó chị sẽ khâu cho em một cái nơi.” “Còn Jandira?” “Jandira là Jandira, nhưng chị ấy không phải người xấu.” “Thế còn mẹ?”
“Mẹ thật tuyệt vời, mẹ luôn cảm thấy có lỗi khi đánh em, và mẹ đánh rất nhẹ.”
“Cha thì sao?”
“Hừùm. Em không chắc về cha. Cha không bao giờ gặp may mắn. Em đoán cha cũng như em, thành viên xấu xa của gia đình.” “Chà, vậy đấy. Mọi người trong gia đình ta đều là người tốt cả. Vậy thì tại sao Chúa không đối xử tử tế với chúng ta chứ? Cứ thử đến nhà bác sĩ Faulhaber mà xem bàn ăn nhà ông ấy to CỠ nào, đồ ăn chất cao ra sao.
Cả nhà Villas-Boas. Và nhà của bác sĩ Adaucto Luz nữa, chán chả buồn nói...”
Lần đầu tiên tôi thấy anh Totoca gần như phát khóc. “Đó là lý do anh nghĩ Chúa Jesus muốn sinh ra nghèo khổ chỉ để thể hiện mà thôi. Sau đó Ngài nhận ra chỉ giàu mới tốt... Nhưng thôi đừng nói về điều này nữa. Những gì anh vừa nói có thể là trọng tội đấy.”
Anh phiền não đến mức không hề ngước mắt lên mà chỉ nhìn đăm đăm vào thân con ngựa anh đang đẽo gọt.
Bữa tối Giáng sinh ấy buồn đến mức tối thậm chí không muốn nghĩ về nó. Mọi người ăn trong im lặng và cha chỉ nếm một ít bánh mì Pháp. Cha thậm chí không cạo râu hay sửa soạn gì. Không ai đi lễ nhà thờ. Tệ nhất là không ai nói với ai câu nào. Bữa tối giống lễ tang của Chúa Hài Đồng hơn là lễ mừng ngày sinh của Người.
Cha lấy mũ và đi ra ngoài. Cha đi dép quai hậu, bỏ đi mà không chào tạm biệt cũng chẳng chúc ai Giáng sinh vui vẻ. Bà lôi khăn tay ra chấm chấm đôi mắt rồi bảo bác Edmundo đưa bà về. Bác Edmundo đặt vào tay tôi và Totoca mỗi đứa năm xu. Có lẽ bác muốn cho chúng tôi nhiều hơn nhưng lại không đủ tiền. Có lẽ, bác ước gì có thể tặng món quà đó cho những đứa con của bác ở thành phố, thay vì cho chúng tôi. Thế nên tôi ôm bác. Tôi nghĩ đó là cái ôm duy
nhất trong suốt buổi tối hôm đó. Không ai ôm ai cũng chẳng ai nói lời ấm áp nào. Mẹ đi về phòng. Tôi chắc mẹ làm thế để có thể khóc một mình không ai hay biết. Mọi người có vẻ cũng muốn làm điều tương tự. Chị Lalá đi ra cổng để tiễn bác Edmundo và bà, và trong lúc hai người ấy chậm chạp đi xa dần, chị nói, “Cứ như thể bà và bác đã quá già cho cuộc đời này và quá mệt mỏi vì mọi thứ rồi.”
Lúc buồn nhất là khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên, lấp đầy buổi đêm bằng những âm thanh vui mừng. Vài quả pháo thăng thiên bay vụt lên bầu trời như để Chúa thấy con người hạnh phúc biết nhường nào.
Khi chúng tôi trở vào trong, Gloria và Jandira đang rửa bát đĩa và mắt Gloria đỏ hoe như thể chị đã khóc hết nước mắt. Chị cố gắng che giấu điều đó và nói với tôi cùng Totoca,“Đến lúc trẻ con phải đi ngủ rồi.”
Chị vừa nói vừa nhìn chúng tôi. Chị biết rằng ở đây không còn đứa trẻ nào cả. Chúng tôi đều đã lớn - khôn lớn và rầu rĩ, đang nhấm nháp chung một nỗi buồn vụn vỡ.
Có lẽ tất cả là do ánh đèn dầu lay lắt ảm đạm đã thay thế cho ánh đèn điện bị công ty điện lực cắt mất. Có lẽ vậy.
Người duy nhất hạnh phúc là vị vua nhỏ, kẻ đang ngậm ngón tay cái trong miệng mà chìm vào giấc ngủ. Tôi đặt con ngựa nhỏ đứng cạnh giường nó. Không thể cưỡng lại, tôi âu yếm vuốt ve mái tóc nó. Giọng tôi như một dòng sông mênh mông tràn ngập sự dịu dàng. “Nhóc con.”
Khi căn nhà đã chìm trong bóng tối, tôi nói khẽ, “Bánh mì Pháp ngon nhỉ, anh Totoca?”
“Anh không biết. Anh có ăn chút nào đâu.”
“Sao vậy ạ?”
“Có cái gì đó mắc trong cổ anh, mãi không trôi xuống... Ngủ đi. Giấc ngủ sẽ giúp em quên đi mọi thứ.” Tôi bắt đầu ngồi dậy và anh Totoca có thể nghe thấy tiếng tôi di chuyển trên giường. “Em đi đâu thế, Zezé?”
“Em sẽ đặt đôi giày ngoài cửa.”
“Thôi. Tốt nhất là đừng làm thế.”
“Em sẽ làm thế. Anh làm sao mà biết được, có khi một phép mầu sẽ xuất hiện thì sao. Anh biết đấy, Totoca, em muốn có quà. Chỉ
một món quà thôi. Nhưng là món gì đó mới, dành riêng cho em...” Totoca lật người nằm sấp xuống và vùi đầu dưới gối. Tôi gọi Totoca ngay khi vừa tỉnh giấc.
“Ra xem đi!! Em nói sẽ có gì đó đấy.”
“Anh không quan tâm.”
“Được thôi, em quan tâm.”
Tôi mở cửa phòng ngủ, và trong nỗi thất vọng tràn trề của tôi, đôi giày trống không. Totoca bước từ phía sau tới, dụi mắt. “Anh đã nói với em rồi mà, thấy chưa?”
Những cảm xúc hỗn độn trào lên trong lòng tôi. Tôi oán ghét, giận dữ và buồn bã. Không kìm nổi lòng, tôi buột miệng,“Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo!”
Ánh mắt tôi chuyển từ đôi giày của tôi đến đôi dép quai hậu vừa dừng lại trước mặt. Cha đang đứng đó nhìn chúng tôi. Đôi mắt ông mở to đầy buồn bã. Tôi có cảm tưởng mắt cha đã trở nên quá to - to đến mức nó có thể choán hết cả màn hình của rạp chiếu bóng Bangu. Đôi mắt ông chất chứa quá nhiều sự tổn thương, đến nỗi dù muốn ông cũng không thể khóc. Cha đứng đó nhìn chúng tôi suốt một phút tưởng như dài vô tận, rồi lặng lẽ bước qua. Chúng tôi đứng đó, cứng đờ, không thể thốt lên một lời nào. Cha lấy chiếc mũ ở tủ com mốt rồi lại rời khỏi nhà. Mãi đến lúc đó, Totoca mới chạm vào cánh tay tôi.
“Em thật ích kỷ,Zezé. Ích kỷ như một con rắn. Đó là lý do...” Anh ngập ngừng rồi dừng lại.
“Em không nhìn thấy cha ở đó.”
“Ích kỷ. Nhẫn tâm. Em biết cha đã thất nghiệp lâu rồi. Bởi vậy nên tối hôm qua anh mới không thể nuốt nổi khi nhìn mặt cha. Một ngày nào đó khi em cũng làm cha, em sẽ hiểu những lúc như thế này, cha tổn thương đến mức nào.”
Nếu anh Totoca mà nói thêm gì nữa, tôi sẽ khóc mất. “Nhưng em không nhìn thấy cha, anh Totoca, em không nhìn thấy...” “Tránh xa tao ra. Mày thực sự chẳng có gì tốt cả. Đi đi!” Tôi muốn lao ra phố, bám lấy chân cha mà khóc. Muốn nói với ông rằng tôi thật ích kỷ - thực sự, thực sự ích kỷ. Nhưng tôi chỉ đứng như trời trồng, không biết phải làm gì. Tôi ngồi xuống giường. Và từ trên giường, tôi nhìn chằm chằm đôi giày của mình, vẫn nằm ở góc
đó, trống rỗng đến mức không thể trống rỗng hơn đưỢC nữa. Trống rỗng như trái tim tôi - đang đập loạn xạ vượt ngoài tầm kiểm soát. Ôi Chúa lòng lành, tại sao con làm thế? Lại còn là hôm nay chứ không phải ngày nào khác. Tại sao tôi lại càng trở nên ích kỷ hơn, trong khi mọi chuyện vốn đã quá buồn rồi? Làm sao tôi có thể nhìn cha trong bữa trưa đây? Tôi thậm chí sẽ không thể nuốt trôi món xa lát hoa quả.
Và trong tâm trí tôi, đôi mắt mở lớn của ông, to như cái màn chiếu bóng, đang dán chặt vào tôi, chằm chằm. Tôi nhắm mắt lại nhưng vẫn nhìn thấy đôi mắt mở to của cha tôi...
Tôi gõ gõ gót chân vào cái hộp đồ nghề đánh giày và chợt nảy ra một ý tưởng. Có lẽ tôi có thể khiến cha tha thứ cho sự ích kỷ của mình.
Tôi mở hộp của anh Totoca và mượn một hộp xi đánh giày đen bởi vì hộp của tôi đã hết sạch. Tôi không nói với ai một lời. Tôi buồn bã đi xuống phố, không hề cảm thấy sức nặng của cái hộp mình đang mang. Cứ như thể tôi đang bước trên đôi mắt cha. Làm đau bên trong mắt cha.
Lúc đó, trời mới tờ mờ sáng và người lớn có lẽ vẫn đang ngủ say vì buổi lễ và bữa tối Giáng sinh đêm hôm trước. Đường phố đông nghịt bọn trẻ con đang khoe khoang và so đo các món đồ chơi. Cảnh tượng ấy càng làm tôi cảm thấy tệ hơn. Chúng đều là những đứa trẻ ngoan. Sẽ không đứa nào trong số chúng làm cái điều mà tôi đã làm.
Tôi dừng lại gần quán Đói Khổ, hy vọng có thể kiếm được một khách hàng. Quán rượu mở cửa cả vào ngày Giáng sinh. Không phải tự nhiên nó lại có cái tên đó. Những người đến đó mặc đồ ngủ, đi dép lê, dép quai hậu - nhưng chưa từng xuất hiện một đôi giày hẳn hoi nào.
Tôi chưa ăn sáng nhưng không hề cảm thấy đói. Com đói chẳng thấm tháp gì so với nỗi buồn khổ của tôi. Tôi đi đến đường Progresso. Tôi vòng qua chợ. Tôi ngồi trên vệ đường ngoài tiệm bánh của anh Rozemberg và... không có gì cả.
Giờ này qua giờ khác, ấy vậy mà tôi vẫn không kiếm nổi một xu. Nhưng tôi phải kiếm được gì đó. Tôi phải làm được.
Trời càng lúc càng nóng và quai hộp ghì lên làm đau vai tôi, vậy nên thỉnh thoảng tôi lại phải thay đổi tư thế. Tôi thấy khát, bèn đi uống nước ở vòi nước trong khu chợ.
Tôi ngồi trên bậc lên xuống của trường học, nơi có lẽ tôi sẽ sớm bước vào. Tôi đặt cái hộp xuống, chán nản. Ngả đầu trên đầu gối như một con rối, tôi cứ thế ngồi đó, uể oải bơ phờ. Rồi tôi gục đầu xuống giữa hai đầu gối, giấu mặt dưới hai cánh tay. Thà chết còn hơn về nhà tay không.
Một chiếc giày gõ lên cái hộp của tôi và tôi nghe thấy một giọng nói thân thiện, quen thuộc.
“Này, cậu bé đánh giày, ngủ gật là không kiếm được tiền đâu.” Tôi ngước lên, không thể tin vào mắt mình. Đó là ông Coquinho, bảo vệ của sòng bài. Ông đặt một chiếc giày lên hộp, trước tiên tôi lấy giẻ lau cho sạch sau đó làm ướt giày, rồi lại lau khô. Xong xuôi tôi bắt đầu cẩn thận lấy xi đánh cho bóng giày.
“Ông kéo ống quần lên một chút được
Ông làm như tôi đề nghị. không ạ?”
“Hôm nay cháu làm việc hả Zezé?”
“Cháu chưa bao giờ cần làm việc như bây giờ.”
“Giáng sinh thế nào?”
“Cũng được ạ.”
Tôi gõ bàn chải lên hộp và ông đổi chân. Tôi lặp lại những bước vừa làm rồi bắt đầu đánh bóng. Khi xong việc, tôi gõ vào hộp và ông nhấc giày xuống.
“Bao nhiêu, Zezé?”
“Hai xu ạ.
“Chỉ hai xu thôi hả? Những người khác đều lấy bốn đấy.” “Chỉ khi nào thành thợ đánh giày lành nghề thì cháu mới có thể đòi từng đó. Chứ bây giờ thì chưa được đâu ạ.”
Ông đặt vào tay tôi năm xu.
“Giữ lấy tiền thừa làm quà Giáng sinh nhé. Gặp lại cháu sau.” “Chúc Giáng sinh vui vẻ, ông Coquinho.”
Có lẽ ông đến chỗ tôi đánh giày vì chuyện xảy ra ba ngày trước. Những đồng tiền trong túi làm tinh thần tôi phấn chấn hơn một chút, nhưng cảm giác đó không kéo dài. Đã hơn hai giờ chiều, người người đi lại tấp nập nhưng vẫn chẳng có gì hết. Không có một vị
khách nào, thậm chí chẳng ai thèm bỏ ra một xu để lau giày cho sạch bụi.
Tôi đứng gần cột đèn trên đường quốc lộ và thỉnh thoảng lại cao giọng gọi vang lên,“Đánh giày không, thưa
ông? Đánh giày không, thưa ngài? Ai đánh giày không, xin hãy giúp đỡ người nghèo trong ngày Giáng sinh!”
Chiếc xe hơi của một quý ông giàu có đỗ lại gần đó. Tôi chóp lấy cơ hội cất giọng chào mời một lần nữa, nhưng chẳng dám trông mong gì.
“Xin hãy giúp một tay, thưa ông? Xin hãy giúp người nghèo vào lễ Giáng sinh.”
Một phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ cùng mấy đứa trẻ ngồi ghế sau chăm chăm nhìn tôi. Người phụ nữ tỏ lòng thương xót tôi.
“Đứa bé tội nghiệp, còn nhỏ xíu mà nghèo khổ quá. Hãy cho nó thứ gì đó đi, anh Artur.”
Nhưng người đàn ông nhìn tôi đầy ngờ vực.
“Thằng này là một tên tội phạm nhãi ranh và xảo trá lắm. Nó đang lợi dụng chuyện nó chỉ là đứa bé và hôm nay là Giáng sinh đấy.”
“Ôi, dù sao em cũng sẽ cho nó chút gì đó. Lại đây nào, con trai.” Người phụ nữ mở túi xách rồi vươn tay ra ngoài cửa sổ xe. “Không, cảm ơn bà. Cháu không nói dối. Người ta sẽ chỉ làm
việc vào Giáng sinh nếu thực sự cần phải làm thế mà thôi.” Tôi nhấc hộp đồ nghề khoác lên vai và chậm chạp lê bước. Tôi chẳng còn hơi sức đâu để mà tức giận.
Nhưng cửa xe bật mở và một thằng bé chạy theo tôi. “Này, cầm lấy đi. Mẹ nhờ tớ nói lại với cậu là mẹ không nghĩ cậu nói dối.”
Nó nhét năm xu vào túi tôi rồi chạy biến đi, thậm chí không đợi cảm ơn... Tôi chỉ nghe thấy tiếng chiếc xe chạy xa dần. Bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua và đôi mắt của cha vẫn đang dằn vặt tôi.
Tôi bắt đầu quay trở về nhà. Mười xu vẫn chưa đủ, nhưng có thể quán Đói Khổ sẽ đồng ý giảm giá hoặc cho phép tôi trả sau. Một thứ gì đó ở góc hàng rào khiến tôi chú ý. Đó là một chiếc tất nữ rách màu đen. Tôi cúi xuống nhặt nó lên. Tôi kéo căng cái tất và
vải dãn ra mỏng dính. Tôi bỏ nó vào hộp, ngẫm nghĩ, “Cái này có thể làm thành một con rắn ra trò đây.” Nhưng tôi đấu tranh với chính mình. “Để hôm khác. Không phải hôm nay, tuyệt đối không...”
Tôi về tới nhà của gia đình Villas-Boas. Nó có sân trước rộng lát xi măng. Serginho đang cưỡi chiếc xe đạp tuyệt đẹp, đạp vòng vòng quanh những luống hoa. Tôi gí sát mặt vào hàng rào để quan sát.
Chiếc xe đạp màu đỏ sọc vàng xanh. Lớp kim loại sáng lấp lánh. Serginho thấy tôi đang nhìn bèn bắt đầu thể hiện. Anh đạp nhanh hơn, tăng tốc qua các khúc rẽ và thắng gấp đến nỗi bánh xe rít lên. Rồi anh lượn tới chỗ tôi.
“Thích không?”
“Nó là chiếc xe đạp đẹp nhất thế giới.” “Đến chỗ Cổng đi, em sẽ thấy rõ hơn.”
Serginho bằng tuổi anh Totoca và học cùng lớp anh ấy. Tôi xấu hổ vì bàn chân trần của mình trong khi Serginho thì giày bóng lộn, tất trắng và dây giày màu đỏ. Giày của anh sáng bóng đến mức phản chiếu mọi thứ. Thậm chí đến đôi mắt cha cũng bắt đầu chăm chăm nhìn tôi từ cái ánh sáng bóng loáng đó. Tôi nuốt khan. “Sao thế,Zezé? Em cư xử lạ quá.”
“Không có gì đâu ạ. Nhìn gần trông nó còn tuyệt hơn. Quà Giáng sinh của anh ạ?” "Ù
."
Anh leo xuống khỏi xe đạp để nói chuyện và mở cổng. “Anh được tặng cả núi quà. Một cái máy hát, ba bộ vét, một đống sách truyện, một hộp lớn bút chì màu. Một hộp đầy đồ chơi, một cái máy bay gắn cánh quạt quay được. Hai cái thuyền với cánh buồm trắng...”
Tôi cúi đầu và nhớ về Chúa Hài Đồng, vốn chỉ thích người giàu có, y như anh Totoca đã nói.
“Em sao thế, Zezé?” “Em thì sao?... Em có nhiều quà không?” Tôi lắc đầu, không thể hé môi trả lời. “Không có gì à? Không một món quà nào sao?”
“Không có gì ạ.”
“Năm nay, gia đình em không được Chúa ghé thăm. Cha vẫn đang thất nghiệp.”
“Không thể nào. Em không có hạt khô và rượu à?” “Chỉ có bánh mì Pháp bà làm thôi ạ, và cà phê nữa.” Serginho có vẻ trầm tư.
“Zezé, em sẽ chấp nhận lời mời của anh chứ?” Tôi biết chắc anh định mời gì. Nhưng kể cả khi dạ dày rỗng tuếch, tôi vẫn không muốn nhận lời mời đó.
“Vào trong đi. Mẹ anh sẽ chuẩn bị cho em một đĩa thức ăn. Có nhiều đồ ăn lắm, nhiều kẹo lắm...”
Tôi không muốn mạo hiểm. Dạo gần đây, tôi đã có nhiều trải nghiệm cay đắng rồi. Không chỉ một lần, tôi đã nghe người ta nói,“Ta đã bảo con rồi, đừng có dẫn trẻ lang thang vào nhà.” “Không cần đâu ạ, cảm ơn anh.”
“Được rồi. Vậy để anh nhờ mẹ chuẩn bị một túi hạt khô và đồ ăn để em mang về cho em trai của em nhé - em sẽ nhận chứ?” “Em không thể. Em phải làm nốt việc đã.”
Đến lúc này Serginho mới để ý thấy chiếc hộp đánh giày tôi đang ngồi lên.
“Nhưng chẳng ai cần đánh giày vào Giáng sinh cả...” “Em đã làm việc cả ngày và chỉ kiếm được mười xu, mà một nửa trong số đó là của bố thí. Em vẫn phải kiếm thêm hai xu nữa.”
“Để làm gì, Zezé?”
“Em không thể nói được. Nhưng em thật sự cần món tiền đó.” Anh mỉm cười và nảy ra một ý tưởng hào phóng. “Muốn đánh giày cho anh không? Anh sẽ trả em murời xu."
“Em cũng không làm thế được. Em không lấy tiền của bạn bè.” “Chà, thế để anh cho em, ý anh là, cho em mượn hai xu, được không?”
“Anh có thể cho em nợ ít lâu được không?”
“Sao cũng được. Em có thể trả anh bằng bi.”
“Thế thì được ạ.”
Anh xọc tay vào túi quần và đưa tiền cho tôi.
“Đừng lo, mọi người cho anh rất nhiều tiền. Con lợn tiết kiệm của anh đầy ắc rồi.”
Tôi vuốt ve bánh xe đạp. “Nó đẹp thật đấy.”
“Khi nào em lớn và biết đạp xe, anh sẽ cho em mượn đạp một vòng, nhé?”
“Vâng ạ.”
Tôi chạy về quán Đói Khổ, hộp đồ nghề lóc xóc theo bước chân.
Tôi lao vào quán như một cơn bão, sợ rằng đã đến giờ đóng cửa.
“Ông vẫn còn thứ thuốc lá đắt tiền kia chứ ạ?”
Nhìn thấy tiền trong tay tôi, chủ quán bèn lấy hai gói thuốc lá xuống.
“Thứ này không phải cho cháu, phải không Zezé?” Một giọng nói cất lên phía sau ông, “Ông điên à? Một đứa trẻ nhỏ xíu như thế!” Ông đáp mà không quay người lại, “Bà không biết vị khách này rồi. Đứa trẻ này có thể làm mọi thứ đấy.” “Đây là cho cha cháu ạ.” Tôi cảm thấy hạnh phúc tột độ khi lật đi lật lại hai gói thuốc lá trong tay.
“Bao này hay bao này ạ?”
“Tùy cháu.”
“Cháu đã làm việc cả ngày để mua cho cha món quà Giáng sinh này.”
“Ra là thế hả, Zezé? Vậy ông ấy tặng gì cho cháu?” “Không có gì cả, tội nghiệp cha. Cha cháu vẫn đang thất nghiệp, ông biết đấy.” Ông xúc động. Mọi người trong quán đều im lặng. “Nếu là ông, ông sẽ chọn gói nào ạ?”
“Cả hai đều ngon cả. Và bất cứ người cha nào cũng sẽ thích một món quà như thế.”
“Vậy ông gói cái này hộ cháu với ạ, thưa ông.”
Ông gói nó lại, nhưng ông có vẻ là lạ khi đặt món quà vào tay tôi, cứ như thể ông muốn nói gì đó nhưng không thể. Tôi trả tiền và mỉm cười.
“Cảm ơn, Zezé.”
“Chúc ông Giáng sinh vui vẻ.”
Tôi chạy về nhà.
Màn đêm đã buông xuống. Chỉ còn chiếc đèn xách trong phòng bếp là đang sáng. Mọi người đều đã rời khỏi bếp, chỉ còn cha ngồi bên bàn, tì cằm lên tay, chống khuỷu tay lên bàn, thất thần nhìn đăm đăm vào bức tường.
"Cha oi?"
“Sao vậy con trai?” Giọng ông không có chút oán giận nào. “Con đã ở đâu cả ngày hôm nay thế?”
Tôi chùa cái hộp đánh giày ra. Rồi tôi đặt nó xuống sàn và rút bao thuốc ra khỏi túi quần.
“Cha nhìn này, con đã mua cho cha một thứ hay họ này.” Cha mỉm cười, biết rõ món quà này đáng giá bao nhiêu. “Cha thích nó không? Đây là loại ngon nhất ở cửa hàng đấy.” Cha mở gói thuốc và hít hà mùi thuốc lá, nhưng không thể thốt nên lời.
“Hút một điếu đi cha.”
Tôi đến bên bếp lò lấy diêm. Tôi quẹt lửa rồi đưa lại gần điếu thuốc trên miệng cha.
Tôi lùi lại, ngắm cha rít hơi thuốc đầu tiên. Và một cái gì đó bắt đầu cuộn trào trong tôi. Tôi ném que diêm cháy xuống sàn, cảm thấy mình đang nổ tung. Cảm thấy ngọn lửa đang trào lên trong tôi. Cảm thấy nỗi đau đớn tột cùng vẫn chực chờ phun trào cả ngày hôm nay.
Tôi nhìn cha. Khuôn mặt râu ria lởm chởm của ông, đôi mắt ông. “Cha ơi... Cha ơi...” Đó là tất cả những gì tôi có thể thốt lên trước khi nước mắt và tiếng nức nở lấn át giọng tôi.
Cha dang rộng vòng tay ôm tôi dịu dàng.
“Đừng khóc, con trai. Nếu con cứ dễ xúc động như thế này thì trong cuộc đời con sẽ còn phải khóc nhiều lắm đấy.”
“Con không có ý đó đâu, cha ơi... Con không cố tình nói... như thế.”
“Cha biết, cho biết. Cha không buồn đâu, vì trong thâm tâm, con đã đúng.”
Ông ôm tôi trong lòng, đu đưa vỗ về thêm một lúc nữa. Rồi ông nâng cằm tôi lên và lau mặt cho tôi bằng chiếc khăn lau chén tách nằm gần đó.
“Giờ thì khá hơn rồi.”
Tôi giơ tay vuốt ve khuôn mặt cha. Tay tôi lướt nhẹ trên đôi mắt cha, cố đẩy nó trở lại nơi nó thuộc về, tránh xa khỏi cái màn chiếu bóng CỠ lớn. Tôi sợ rằng nếu tôi không làm thế, đôi mắt ấy sẽ theo tôi đến hết phần đời còn lại.
“Cha sắp hút hết điếu thuốc rồi.”
Vẫn còn nghẹn ngào, tôi lắp bắp, “Cha ơi, khi cha muốn đánh con, con sẽ không bao giờ phàn nàn nữa. Cha cứ đánh con đi...” “Này này,Zezé.”
Cha ấn cả tôi lẫn cơn nức nở còn sót lại của tôi xuống ghế rồi lấy từ trong chọn ra một cái đĩa.
“Chị Glória để phần con một chút xa lát hoa quả này.” Tôi không nuốt nổi. Cha ngồi xuống bón cho tôi từng thìa nhỏ.
“Bây giờ khá hơn rồi phải không, con trai?”
Tôi gật đầu, nhưng những thìa đầu tiên đều mặn chát. Đó là mấy giọt nước mắt cuối cùng của tôi, phải mất một lúc lâu mới ngừng rơi.
Chương 4
CON CHIM NHỎ, TRƯỜNG HỌC VÀ BÔNG HOA
Nhà mới. Cuộc sống mới và những hy vọng giản đơn, những hy vọng thuần khiết, giản dị.
Vào ngày chuyển nhà, tôi ngồi vắt vẻo trên xe kéo, giữa bác Aristides và người phụ việc của bác, rời khỏi nhà cũ, vui tưng bừng như thời tiết nắng ấm hôm ấy.
Khi xe rời khỏi con đường đất và rẽ ra quốc lộ Rio-São Paulo, cảm giác thật kỳ diệu. Bây giờ chiếc xe đang êm ái lăn bánh trên đường. Thật thích thú biết bao.
Một chiếc ô tô đẹp lướt qua chúng tôi.
“Xe ông Manuel Valadares vừa đi qua đấy.” Khi chúng tôi băng qua giao lộ ở đường Acudes, một tiếng còi từ xa vọng lại lấp đầy không gian buổi sáng
“Này, bác Aristides. Tàu Mangaratiba đang chạy qua đấy.” “Cái gì cháu cũng biết, nhỉ?”
“Cháu biết nó phát ra âm thanh gì.”
Âm thanh duy nhất lúc này là tiếng móng gõ cà rộp cà rộp trên đường. Tôi để ý thấy chiếc xe kéo này không mới lắm. Ngược lại mới đúng. Nhưng nó rất chắc chắn và giá cả phải chăng. Chỉ cần hai chuyến nữa thôi, chúng tôi sẽ chuyển hết đống đồ đạc lỉnh kỉnh của
mình. Con lừa trông không được khỏe lắm. Nhưng tôi muốn tỏ ra lịch sự.
“Chiếc xe ổn đấy, bác Aristides.” “Nó được việc lắm.” Bác không có tâm trạng tán chuyện.
“Và đó là một con lừa tốt. Tên nó là gì vậy bác?” “Gypsy." “Hôm nay là một ngày quan trọng với cháu. Đây là lần đầu tiên cháu đi xe kéo. Và cháu vừa nhìn thấy chiếc xe hơi của ông Manuel Valadares và nghe thấy tiếng còi của tàu Mangaratiba.” Im lặng. Không tiếng đáp.
“Bác Aristides, Mangaratiba có phải là đoàn tàu quan trọng nhất Brazil không?”
“Không. Nó chỉ là đoàn tàu quan trọng nhất trên tuyến này thôi.” Vô ích. Đôi khi người lớn thật khó hiểu!
Khi chúng tôi đến nhà mới, tôi đưa chìa khóa cho bác và cố tỏ ra lịch sự, “Bác có muốn cháu giúp một tay không?”
“Cháu có thể giúp ta bằng cách tránh ra chỗ khác. Cứ đi chơi đi và khi nào trở về chúng ta sẽ gọi cháu.” Thế là tôi làm theo lời bác. “Pinkie này, từ giờ chúng ta sẽ luôn sống bên nhau. Tớ sẽ tô điểm cho cậu đẹp đến mức không một cái cây nào có thể sánh với cậu. Cậu biết không, Pinkie, mới ban nãy tớ vừa đi trên một chiếc xe kéo to và chạy êm như thể nó là một toa tàu ta từng thấy trong rạp chiếu phim ấy. Nghe này, hễ khám phá ra bất kỳ điều gì, tớ sẽ đến kể cho cậu, được không?”
Tôi đi qua đám cỏ dại cao mọc trong rãnh và nhìn xuống dòng nước đục ngầu đang chảy qua.
“Hôm nọ chúng ta đã quyết định gọi cái rãnh là gì nhỉ?” “Sông Amazon.”
“Đúng rồi! Sông Amazon. Cứ đi xuôi dòng nước thì chắc hẳn sẽ thấy nhan nhản những chiếc xuồng của người da đỏ hoang dại, đúng không, Pinkie?
“Còn phải nói! Chắc hẳn là như thế đó.”
Chúng tôi còn chưa kịp bắt đầu tán chuyện thì bác Aristides đã đóng cửa nhà lại và gọi tôi.
“Cháu muốn ở lại đây hay về với chúng ta nào?”
“Cháu sẽ ở lại đây. Mẹ và các chị cháu chắc đang trên đường đến rồi.”
Và tôi đi vòng vòng kiểm tra từng ly từng tí chốn này. Lúc đầu, vì e dè, hoặc bởi muốn tạo ấn tượng tốt với hàng xóm, tôi cư xử khá phải phép. Nhưng rồi một buổi chiều, tôi nhồi chật cái tất đen, dùng thừng bó nó lại rồi cắt phần mũi tất đi. Sau đó, tôi buộc một sợi dây diều dài vào chỗ bàn tất. Nếu tôi kéo nó thật chậm thì nhìn từ xa nó không khác gì một con rắn, và trong bóng tối nó sẽ vô cùng đáng sợ.
Màn đêm buông xuống, ai nấy đều đang bận việc. Cứ như thể ngôi nhà mới đã làm thay đổi trạng thái tinh thần của tất cả mọi người. Cả gia đình tắm trong bầu không khí vui vẻ đã một thời gian dài không hiện hữu.
Tôi lặng lẽ đợi ở Cổng. Đèn đường chiếu lờ mờ lên con đường và hàng rào đổ bóng xuống các góc phố. Chắc hẳn phải có người làm tăng ca ở nhà máy, mà tăng ca thì cũng không bao giờ quá tám giờ tối. Họa hoằn lắm ca tối mới kéo dài đến chín giờ. Tôi thoáng nghĩ đến nhà máy. Tôi không thích nó cho lắm. Tiếng còi tầm buồn bã vào buổi sáng của nó thậm chí còn buồn hơn khi cất lên lúc năm giờ. Nhà máy là một con rồng nuốt chửng mọi người vào mỗi buổi sáng và nhả họ ra lúc tối, khi họ đã kiệt sức. Tôi không thích nó còn bởi những gì ông Scottfield đã làm với cha tôi.
Một phụ nữ từ đằng xa đi tới. Chị cầm một cái túi xách và kẹp nách một chiếc dù. Ta có thể nghe thấy tiếng giày của chị gõ lộp cộp trên lề đường.
Tôi chạy vào nấp sau cánh cổng và kiểm tra lại sợi dây nối với con rắn. Nó rất dễ điều khiển. Thật hoàn hảo. Rồi, tay cầm sợi dây, tôi núp dưới bóng hàng rào. Tiếng bước chân của chị vọng tới càng lúc càng gần, rồi gần hơn nữa và nút! Tôi giật mạnh sợi dây. Con rắn chậm chạp trườn giữa đường.
Tôi không ngờ được chuyện tiếp theo sẽ xảy ra như thế. Người phụ nữ hét toáng lên, to đến mức đánh động cả khu phố. Chị quẳng cả túi xách lẫn chiếc dù vào không trung rồi ôm bụng, la hét luôn miệng.
“Cứu với! Cứu với! Có rắn! Ai đó cứu tôi với!”
Những cánh cửa bật mở và tôi đánh rơi tất cả đồ nghề, chạy thoát thân men theo hông nhà rồi vào trong nhà theo lối của bếp. Tôi mở nắp cái sọt đựng đồ giặt rồi chui vào trong, đậy nắp lại. Tim tôi
đập thình thịch vì sợ hãi và tôi vẫn nghe thấy tiếng người phụ nữ đang gào khóc.
“Ôi Chúa ơi, tôi đang mang bầu tháng thứ sáu. Tôi sẽ mất đứa con này mất.”
Tôi không chỉ ôn lạnh cả người mà còn bắt đầu run như cầy sấy.
Hàng xóm đỡ chị vào trong nhưng những tiếng nức nở và rên rỉ vẫn tiếp tục vang lên.
“Lạy Chúa lòng lành, lạy Chúa nhân từ. Không phải con gì khác mà lại là rắn cơ chứ - tôi sợ rắn lắm.”
“Uống một chút nước hoa cam đi. Đây đây, bình tĩnh nào. Cánh đàn ông đang xách đèn soi đường, cầm gậy cầm rìu truy lùng con rắn đó rồi.”
Chỉ vì một con rắn nhỏ bằng tất mà om sòm lên mới kinh làm sao chứ! Nhưng tệ nhất là cả nhà tôi cũng đều đổ ra xem có chuyện gì. Chị Jandira, mẹ và chị Lalá.
“Đó không phải rắn đâu. Chỉ là một chiếc tất cũ thôi.” Trong cơn hoảng loạn, tôi đã quên thủ tiêu “con rắn”. Tôi tiêu đời rồi.
Con rắn được buộc vào sợi dây mà sợi dây thì lại dẫn vào sân nhà chúng tôi.
Ba giọng nói quen thuộc đồng thanh vang lên, “Chính là nó đấy!”
Giờ đây mọi người không tìm con rắn nữa. Họ nhìn xuống gầm giường. Không có gì cả. Họ đi qua chỗ tôi trốn và tôi nín thở. Rồi họ đi ra phía sau nhà để tìm trong khu công trình phụ.
Rồi đột nhiên Jandira nảy ra một ý.
“Con nghĩ con biết nó ở đâu rồi!”
Chị nhấc cái nắp sọt lên và tôi bị xách hai tại lội vào phòng bếp. Lần này mẹ đánh tôi nhừ tử. Chiếc dép của mẹ lao vun vút trong không trung, tôi phải la lên ầm ĩ cho đỡ đau và để mẹ không đánh tôi nữa.
“Thằng ranh con phá hoại! Mày đâu có hiểu được người ta đi lại khó khăn như thế nào khi đang mang thai sáu tháng chứ.” “Nó chẳng vội hiểu đâu!” chị Lalá nói bằng giọng chế giễu. “Nào, lên giường đi, thằng quỷ con.
Tôi rời khỏi bếp, vừa đi vừa xoa mông, rồi nằm sấp xuống giường. May mắn thay cha đã ra ngoài chơi bài. Tôi nằm trong bóng tối khóc thút thít, thầm nghĩ đi ngủ là cách tốt nhất để vượt qua nỗi đau bị tét mông.
Ngày hôm sau, tôi thức dậy sớm. Tôi có hai việc quan trọng phải làm: việc thứ nhất, đi loanh quanh quan sát một vòng, một việc thường ngày. Nếu con rắn còn ở đó, tôi sẽ nhặt nó lên giấu trong áo. Tôi vẫn có thể dùng nó chỗ khác. Nhưng nó không còn ở đó. Thật khó mà tìm được cái tất khác giống hình con rắn như thế.
Tôi đổi hướng và đi đến nhà bà. Tôi phải nói chuyện với bác Edmundo.
Tôi biết giờ này vẫn còn sớm đối với một người đã nghỉ hưu. Tôi muốn gặp bác trước khi bác ra ngoài mua xổ số - hay “đặt cược” theo cách bác thường gọi, và lấy báo. Tôi đã đúng. Bác đang ở trong phòng khách chơi bài đơn theo kiểu mới.
“Cháu chào bác.”
Bác không trả lời. Bác vờ điếc. Ở nhà mọi người đều bảo bác vẫn làm thế khi không muốn nói chuyện.
Nhưng bác không bao giờ làm thế với tôi. Trên thực tế (sao tôi thích nói “trên thực tế” thế không biết!), bác chưa bao giờ giả điếc khi ở cạnh tôi. Tôi giật ống tay bác, và như mọi lần, tôi nghĩ bộ dây đeo quần bằng vải kẻ ca rô đen trắng của bác trông rất ổn.
“À! Cháu đấy à...”
Bác vờ như giờ mới thấy tôi.
“Kiểu chơi bài đơn này gọi là gì vậy bác
?” “Nó đượC gọi là kiểu Đồng hồ.” “Trông đẹp thật.”
Tôi đã biết mọi lá bài trong cỗ bài này. Tôi chỉ không thích những quân bồi cho lắm. Tôi không biết tại sao nhưng chúng trông như quân hầu của nhà vua vậy.
“Bác này, cháu muốn kể cho bác một chuyện.” “Bác đang chơi dở. Đợi bác chơi xong thì hẵng nói chuyện.”
Nhưng ngay sau đó, bác trộn tất cả các lá bài lại. “Bác thắng rồi ạ?”
“Không.”
Bác xếp các quân bài lại thành xấp và gạt sang một bên.
“Được rồi, Zezé, nếu chuyện này liên quan đến tiền,” bác nói, xoa xoa các ngón tay vào nhau, “thì bác nghe đây.”
“Bác không có xu nào để cho cháu mua một viên bị ạ?” Bác mỉm cười.
“Có lẽ bác có một xu đấy. Ai mà biết được?”
Bác định cho tay vào túi quần nhưng tôi bèn ngăn lại. “Cháu đùa thôi, bác, không phải chuyện đó đâu ạ. ”
“Chà, thế là chuyện gì?
Tôi dám chắc bác thấy hứng thú với “sự khôn sớm” của tôi, đặc biệt là sau khi tôi tự học đọc.
“Cháu muốn biết một chuyện rất quan trọng. Bác có biết cách hát mà không hát không?”
“Bác không chắc mình hiểu ý cháu.”
“Như thế này này,” và tôi hát một đoạn bài “Ngôi nhà nhỏ”. “Cháu có thể hát ở bên trong mà không phát ra âm thanh bên ngoài.”
“Đó là hát thầm,” bác bật cười, không biết tôi định đưa chuyện này tới đâu.
“Bác nghe này, hồi bé cháu đã nghĩ rằng bên trong cháu có một chú chim nhỏ biết hát. Chính chú chim đó đã hát.”
“Chà, được rồi. Thật tuyệt vời vì cháu có một chú chim nhỏ như thế.”
“Bác không hiểu rồi. Chỉ là bây giờ cháu không chắc lắm về chú chim đó. Thế còn khi cháu nói và nhìn bên trong thì sao ạ?” Bác hiểu ra và bật cười trước sự bối rối của tôi.
“Bác sẽ nói cho cháu biết nó là gì,Zezé. Nó có nghĩa là cháu đang lớn lên. Và khi cháu lớn, những cái nói và nhìn mà cháu nhắc đến đấy đượC gọi là suy nghĩ. Và việc suy nghĩ sẽ giúp cháu đạt đến cái độ tuổi mà bác đã nói là rồi cháu sẽ sớm đạt đến thôi.”
“Độ tuổi chín chắn ấy ạ?”
“Cháu vẫn còn nhớ thế thì tốt. Và sau đó một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Suy nghĩ của chúng ta lớn dần lớn dần rồi sẽ kiểm soát cái đầu và con tim của chúng ta. Nó tồn tại trong mắt chúng ta và trong mọi bộ phận của cuộc đời ta.”
“Vâng. Thế còn chú chim nhỏ thì sao ạ?”
“Chú chim nhỏ vốn được Chúa tạo ra để giúp trẻ em khám phá mọi thứ. Và khi không còn cần nó giúp nữa, đứa trẻ sẽ trả nó về bên Chúa. Rồi Chúa sẽ đặt nó vào trong một đứa trẻ thông minh khác, như cháu vậy. Nghe rất tuyệt phải không?”
Tôi cười sung sướng bởi vì tôi đang suy nghĩ. “Tuyệt thật ạ. Giờ cháu đi đây.” “Cháu vẫn muốn đồng xu chứ?”
“Không phải hôm nay ạ. Hôm nay cháu sẽ rất bận.” Tôi vừa đi xuống phố vừa suy nghĩ về mọi thứ. Nhưng rồi tôi nhớ ra một chuyện làm tôi buồn vô cùng.
Anh Totoca từng có một con chim sẻ rất đẹp. Nó đã được thuần hóa và thường đầu trên ngón tay anh khi anh thay thức ăn cho nó. Anh thậm chí có thể để mở cửa lồng mà không sợ nó bay mất. Một ngày Totoca bỏ quên nó ngoài trời nắng. Mặt trời chói chang đã giết chết nó. Tôi nhớ Totoca đã nâng niu nó trong lòng bàn tay mà khóc, vừa khóc anh vừa ấp con chim chết lên má. Rồi anh nói, “Anh sẽ không bao giờ nhốt chim trong lồng nữa.”
Khi đó tôi đang ở cạnh anh và tôi nói, “Em cũng vậy, anh Totoca.”
Về đến nhà tôi đi thẳng đến chỗ Pinkie.
“Bạn yêu quý, tớ đến đây để làm một việc.” “Việc gì vậy.” “Chúng ta đang chờ gì vậy,Zezé?”
“Chúng ta đợi một lát được không?”
“Được chứ.”
Tôi ngồi xuống và tựa đầu vào thân cây.
“Một đám mây thật đẹp trôi qua trên bầu trời.” “Để làm gì?” “Tớ sẽ thả chú chim của tớ đi. Đúng vậy, tớ sẽ thả nó đi. Tớ không còn cần nó nữa.”
Chúng tôi ngồi đó nhìn chăm chăm lên bầu trời. “Đám mây kia được không, Pinkie?”
Đám mây lớn đang chầm chậm trôi về phía chúng tôi, tựa như một chiếc lá màu trắng bị rách ở viền.
“Chính là đám mây đó, Pinkie ạ.”
Tôi đứng lên và cởi cúc áo. Tôi cảm thấy chú chim đang bay ra khỏi lồng ngực gầy gò của tôi.
“Bay đi, chú chim nhỏ. Bay cao vào. Hãy bay thật cao và đậu lên ngón tay của Chúa. Chúa sẽ gửi cậu đến với một chú bé khác và
cậu sẽ hát thật hay cho chú bé ấy,y như cậu vẫn hát cho tớ. Tạm biệt, chú chim nhỏ yêu quý của tớ.”
Tôi cảm thấy một cảm giác trống vắng mênh mông trào lên trong lòng.
“Nhìn này, Zezé. Nó đang đậu trên ngón tay của đám mây đấy.” “Tớ thấy rồi!”
Tôi tựa đầu vào trái tim của Pinkie và nhìn đám mây bồng bềnh trôi xa.
“Tớ chưa bao giờ đối xử tệ với nó...”
Rồi tôi quay đầu, áp mặt vào cành của Pinkie.
“Bạn yêu.”
“Gì vậy?”
“Tớ khóc là sai phải không?”
“Đồ ngốc, khóc không bao giờ là sai cả. Nhưng tại sao cậu khóc?”
“Tớ không biết. Tớ chỉ không quen với chuyện này. Tớ cảm thấy chiếc lồng bên trong mình giờ đây trong trải quá.”
* *
Chị Gloria đánh thức tôi khá sớm.
“Cho chị xem móng tay của em nào
.” Tôi xòe tay ra và chị duyệt. “Giờ đến tại của em. Eo ôi, Zezé!” Chị lôi tôi đến bồn rửa, dấp nước khăn với xà phòng và kỳ ghét trong tai tôi.
“Chị chưa thấy ai tự xưng là chiến binh Apinaje mà lúc nào cũng bẩn! Đi lấy giày đi trong khi chị tìm cho em một bộ quần áo tử tế để mặc.”
Chị đến ngăn tủ của tôi lục tìm một hồi. Rồi chị lại lục tìm thêm một hồi nữa. Càng tìm chị lại càng chẳng thấy bộ nào ưng ý. Cái quần dài nào của tôi cũng bị thủng, nếu không thì cũng bị rách, bị vá hoặc bị mạng lỗ chỗ.
“Em không cần nói gì hết. Bất cứ ai nhìn thấy ngăn tủ này cũng sẽ biết em đáng sợ như thế nào. Mặc cái này vào, nó đỡ tệ hơn đống còn lại đấy.”
Sau đó chúng tôi rời nhà, sẵn sàng cho cuộc khám phá “kỳ diệu” mà tôi sắp thực hiện.
Trường học. Khi đến nơi, chúng tôi thấy một đám đông toàn người là người dắt theo con em họ đến đăng ký nhập học. “Nào, giờ thì đừng xị cái mặt ra, cũng chớ quên gì nhé, Zezé.” Chúng tôi ngồi trong một căn phòng đầy nhóc bon trẻ con tò mò nhìn nhau. Đến lượt mình, chúng tôi vào văn phòng có hiệu trưởng. “Đây là em của em à?”
“Vâng, thưa cô. Mẹ chúng em đang làm việc trên thành phố nên không đến được.”
Cô hiệu trưởng nhìn tôi hồi lâu; mắt Cô vừa to vừa đen vì Cô đeo kính dày cộp. Buồn cười là CÔ Có ria mép, y như đàn ông. Chắc hẳn vì thế nên cô mới thành hiệu trưởng.
“Có vẻ cậu bé quá nhỏ thì phải?”
“Em ấy nhỏ hơn so với tuổi. Nhưng em ấy đã biết đọc rồi a.” “Em bao nhiêu tuổi, cậu bé?”
“Đến 26 tháng Hai này em sẽ lên sáu tuổi, thưa cô.” “Tốt lắm. Em điền vào đơn đăng ký nhé. Đầu tiên là tên cha mẹ.” Chị Gloria đọc tên cha. Nhưng đến tên của mẹ, chị chỉ nói, “Estafậnia de Vasconcelos.”
Tôi không thể nhịn được bèn lên tiếng chỉnh chị, “Estefânia Apinajé de Vasconcelos."
“Hả?
”
Chị Gloria hơi đỏ mặt.
“Là Apinajé. Ông bà ngoại em là người da đỏ.” Tôi phổng mũi tự hào bởi vì tôi là đứa trẻ duy nhất ngôi trường này mang một cái họ da đỏ.
Rồi Gloria ký tên vào giấy và dừng lại,hơi ngập ngừng. “Em còn gì thắc mắc không?”
“Em muốn hỏi về đồng phục... Cô biết đấy... Cha chúng em đang thất nghiệp và chúng em rất nghèo.” Điều đó được kiểm chứng khi cô hiệu trưởng yêu cầu tôi xoay một vòng để cô áng chừng CỠ người tôi và nhìn thấy những miếng vá trên bộ đồ của tôi.
Cô viết một con số lên mẩu giấy và bảo chúng tôi vào trong gặp CÔ Eulalia.
Cô Eulalia cũng vô cùng ngạc nhiên trướC vóc dáng nhỏ bé của tôi. Bộ đồng phục CỠ nhỏ nhất mà CÔ Có vẫn quá rộng, đến nỗi tôi
như bơi bên trong.
“Đây là cỡ nhỏ nhất rồi, nhưng nó vẫn quá rộng. Thằng bé còi quá đi mất!”
“Em lấy bộ đó cũng được ạ.”
Cô đưa cho chúng tôi hai bộ đồng phục và chúng tôi rời khỏi đó. Tôi vô cùng phấn khởi với món quà này và tưởng tượng ra vẻ mặt Pinkie khi nó nhìn thấy tôi trong bộ đồng phục học sinh mới chong.
Ngày lại ngày trôi qua, tôi kể với cây cam mọi chuyện. Trường học như thế nào, chuyện ở đó ra sao.
“Họ đánh một cái chuông lớn. Nhưng không lớn bằng chuông nhà thờ. Cậu biết nó mà, đúng không? Mọi người đi vào sân chính và tìm đến chỗ giáo viên của mình. Cô giáo xếp chúng tớ thành bốn hàng rồi tất cả ngoan ngoãn đi vào lớp. Tất cả chúng tớ đều ngồi bên những cái bàn có nắp đóng mở được và chúng tớ bỏ đồ của mình vào trong. Tớ sẽ phải học cả tá bài quốc ca, bởi Cô giáo nói để trở thành công dân Brazil tốt và thành người yêu nước thì chúng ta phải biết quốc ca của đất nước mình. Khi nào học thuộc tớ sẽ hát cho cậu nhé, Pinkie?"
Và đến cùng các bài quốc ca là một thế giới mà trong đó mọi thứ đều mới mẻ và phải được khám phá lại từ đầu.
“Này, cậu mang bông hoa đó đi đâu vậy?”
Đứa con gái trông thật sạch sẽ và những cuốn sách giáo khoa của nó có bìa thật đẹp. Tóc nó được tết bím.
“Tớ đang mang đến tặng cô giáo.”
“Vì sao?”
“Vì cô giáo thích hoa. Và mọi bé gái chăm ngoan đều nên tặng hoa cho cô giáo của mình.”
“Thế các cậu bé có làm thế được không?” “Thật.”
“Nếu cậu yêu quý cô giáo của cậu thì được chứ.” “Thật không?” Không ai tặng hoa cho cô giáo tôi, CÔ Cecilia Paim. Chắc là vì CÔ xấu quá. Nếu không có vết bớt trên mắt thì Cô cũng không đến nỗi xấu lắm. Nhưng cô là người duy nhất thi thoảng vẫn cho tôi một xu để mua bánh ngọt vào giờ ra chơi.
Tôi bắt đầu nhằm vào các lớp khác và thấy các lọ thủy tinh trên bàn giáo viên đều đang cắm hoa. Chỉ có lọ của cô giáo tôi là vẫn trống trong
Nhưng chuyến phiêu lưu lớn nhất lại là vụ khác.
“Cậu đoán được không, Pinkie. Hôm nay tớ đã có một chuyến bám càng đấy.”
“Cậu cưỡi ngựa?” quan sát “Không, ngốc quá. Khi những chiếc xe hơi chạy rất chậm qua trường, cậu bám vào cái lốp dự phòng đằng sau và thế là được bám càng một chuyến. Khi định rẽ vào con phố khác, họ giảm tốc độ để xem có xe nào đang đi tới không, và đến lúc đó cậu lại nhảy xuống. Nhưng phải cẩn thận. Nếu cậu nhảy xuống lúc xe đang đi nhanh, mông cậu sẽ bẹp gí trên mặt đường còn tay cậu sẽ nát bấy.”
Tôi nói thao thao với nó về mọi chuyện xảy ra ở lớp và sân chơi. Bạn phải nhìn thấy cảnh nó phổng mũi tự hào khi nghe kể cô Cecilia Paim đã khen tôi là người đọc tốt nhất lớp. “Người độc giả” giỏi nhất. Tôi không chắc từ đó có đúng không và quyết định rằng ngay khi có cơ hội tôi sẽ hỏi bác Edmundo xem tôi có đích thị là một “người độc giả” không.
“Nhưng Pinkie này, về vụ bám càng ấy. Chỉ để cậu hình dung cho biết thôi nhé, phải nói là nó cũng gần tuyệt như việc cưỡi lên cành của cậu vậy.”
“Nhưng chơi với tớ cậu không gặp nguy hiểm.” “Thật không? Vậy lúc cậu phăm phăm phi nước đại trên những đồng cỏ miền Tây hay lúc chúng ta đi xem đấu bò và săn trâu thì sao? Cậu quên rồi à?”
Nó buộc phải đồng ý bởi nó không biết cách đấu khẩu và giành phần thắng trước tôi.
“Nhưng có một thứ, Pinkie ạ... Có một thứ không ai dám bám càng hết. Biết là gì không? Cái xe to đùng của ông Manuel Valadares đấy. Sao lại có cái tên xấu thế nhỉ? Manuel Valadares..."
“Ừ, tên xấu thật. Nhưng tớ đang nghĩ đến một chuyện.” “Cậu tưởng là tớ không biết cậu đang nghĩ gì ư? Tớ biết chứ, đúng vậy. Nhưng chưa phải lúc. Để tớ luyện tập thêm đã... Sau đó tớ sẽ liều một phen...”
Thời gian dần trôi trong niềm hứng khởi. Một buổi sáng, tôi đến lớp,mang theo một bông hoa tặng cô giáo. Cô rất xúc động và bảo rằng tôi là một quý ông.
“Cậu biết thế có nghĩa là gì không, Pinkie?” “Một quý ông là một người cư xử rất lịch thiệp,như một hoàng tử.”
Ngày qua ngày, tôi càng thêm yêu thích các bài học và càng chăm học hơn. Nhà trường không phàn nàn một lời nào về tôi. Chị Gloria bảo tôi đã cất con quỷ nhỏ của tôi trong ngăn kéo và trở thành một đứa trẻ khác.
“Cậu có nghĩ đúng là thế không, Pinkie?” “Chắc vậy.” “Thật không? Vì tớ đã định kể cho cậu nghe một bí mật, nhưng giờ thì thôi nhé.”
Tôi giận dỗi bỏ đi. Nhưng nó chẳng mấy bận tâm bởi biết thừa tôi không bao giờ giận lâu.
Điều bí mật sẽ xảy ra vào buổi đêm và tôi lo lắng đến nỗi tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Phải lâu ơi là lâu tiếng còi tầm của nhà máy mới vang lên và mọi người mới đi ra. Vào mùa hè, buổi tối đến chậm hơn. Cả giờ cơm tối cũng chưa đến. Tôi ngồi ở Cổng quan sát, không mảy may nghĩ về con rắn hay bất cứ điều gì khác. Tôi ngồi đó đợi mẹ. Đến cả chị Jandira cũng thấy tôi cư xử thật kỳ quặc và hỏi xem liệu có phải tôi bị đau bụng hay không vì tôi đã ăn trái cây còn xanh.
Bóng mẹ xuất hiện nơi góc phố. Đúng là mẹ rồi! Mẹ không thể lẫn với bất cứ ai trên thế gian này. Tôi đứng bật dậy và chạy. “Con chào mẹ,” tôi nói và hôn bàn tay mẹ.
Dưới ánh sáng nhập nhoạng của con phố, tôi vẫn có thể nhìn thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt mẹ.
“Hôm nay mẹ làm việc vất vả lắm đúng không ạ?” “Ừ, con trai ạ. Ở bên khung cửi nóng đến mức chẳng ai chịu nổi.”
“Để con cầm túi cho. Mẹ mệt rồi.”
Tôi cầm chiếc túi xách với hộp cơm trưa rỗng không của mẹ. “Hôm nay con không nghịch quá đấy chứ?” “Chỉ một chút xíu thôi ạ.” “Thế sao con lại đứng ở Cổng đợi mẹ vậy.” Mẹ đang đoán già đoán non.
“Mẹ ơi, có phải mẹ chỉ yêu con một chút thôi không?” “Mẹ yêu con cũng nhiều như yêu các anh chị em của con. Sao thế?” “Mẹ nhớ Nardinho chứ? Cháu của hà mã ấy?”
“Mẹ nhớ,” mẹ bật cười.
“Mẹ cậu ấy đã may cho cậu ấy một bộ cánh rất đẹp. Bộ com lê màu xanh sọc trắng. Nó có áo gi lê cài cúc kín CỔ. Nhưng Nardinho mặc bị chật. Cậu ấy không có em trai để cho nó. Và cậu ấy muốn bán bộ com lê đi. Mẹ mua lại cho con được không?”
“Ôi, con trai. Chúng ta đang khó khăn lắm!”
“Nhưng cậu ấy nói mẹ có thể trở thành hai đợt. Và nó không đắt đâu ạ. Giá của nó còn chưa đủ trả công may nữa.”
Tôi lặp lại lời của ông Jacob Người Cho Vay Lãi. Mẹ im lặng nhẩm tính.
“Mẹ, con là học sinh chăm chỉ nhất lớp. Cô giáo nói Con sẽ đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc. Mẹ mua cho con đi mà. Lâu lắm rồi con không có quần áo mới...” Sự im lặng của mẹ làm tôi bồn chồn. may cho “Mẹ này, nếu mẹ không mua, con sẽ không bao giờ có trang phục nhà thơ. Chị Lalá có thể con một cái nơ con bướm to bằng mảnh lụa mà chị ấy Có..."
“Được rồi, con trai. Mẹ sẽ làm tăng ca một tuần để mua cho con bộ cánh đó.”
Vậy là tôi hôn tay mẹ và vừa bước đi vừa áp mặt vào tay mẹ cho đến khi chúng tôi vào nhà.
Tôi đã có bộ quần áo nhà thơ bằng cách đó. Trông tôi bảnh chọe đến mức bác Edmundo phải dẫn tôi đi làm vài pô ảnh. Trường học. Hoa. Hoa. Trường học...
Mọi chuyện đang yên ổn thì Godofredo tiến vào lớp. Nó xin phép được nói chuyện với cô Cecilia Paim. Tôi không biết có chuyện gì, chỉ thấy nó chỉ tay vào bông hoa trong lọ. Rồi nó đi. Cô giáo nhìn tôi buồn bã.
Lúc tan học, cô gọi tôi đến.
“Cô có chuyện cần nói với em, Zezé. Chỉ một phút thôi.” Cô lục lọi túi xách một lúc. Tôi dám chắc cô không thực lòng muốn nói chuyện với tôi và đang lục lọi đồ đạc để tìm dũng khí. Cuối cùng, Cô cũng ra quyết định.
“Trò Gogofredo đã kể với cô một chuyện rất xấu về em, Zezé. Chuyện đó có đúng không?”
Tôi gật đầu.
“Về bông hoa đúng không ạ? Bạn ấy nói đúng, thưa cô.” “Chính xác thì em đã làm gì?”
“Buổi sáng, em dậy sớm và ghé qua vườn trước nhà Serginho. Vì cổng không đóng kín, em đã lẻn vào hái trộm một bông hoa. Nhưng hoa nhiều lắm nên họ sẽ chẳng thấy mất mát gì đâu ạ.”
“Ừ. Nhưng đó là hành vi không đúng đắn. Em không nên làm thế nữa. Chuyện không có gì nghiêm trọng nhưng nó vẫn là một kiểu trộm cắp.”
“Không phải đâu, Cô Cecilia. Chẳng phải thế giới thuộc về Chúa sao? Chẳng phải mọi thứ trên thế giới này đều thuộc về Chúa sao? Thế thì hoa cũng thuộc về Chúa...”
Cô giáo vô cùng ngạc nhiên trước logic của tôi.
“Đó là cách duy nhất, thưa CÔ. Ở chỗ em không có vườn. Hoa lại đắt... Mà em thì không muốn thấy lọ hoa trên bàn cô lúc nào cũng trống không.”
Cô nuốt khan.
“Chẳng phải thỉnh thoảng cô vẫn cho em tiền để mua bánh ngọt sao ạ?”
“Cô có thể ngày nào cũng cho em tiền. Nhưng em lại biến mất...”
“Em không thể ngày nào cũng nhận tiền được...” “Tại sao không?”
“Bởi vì vẫn còn những đứa trẻ nghèo khác chẳng mang gì để ăn.”
Cô rút khăn mùi sữa ra khỏi túi xách và kín đáo đưa lên chấm chấm đuôi mắt.
“Cô không thấy bạn Cú Nhỏ ạ?”
“Cú Nhỏ là ai?”
“Bạn gái da đen nhỏ nhắn cao ngang em được mẹ cuốn tóc lên trên đầu thành hai búi nhỏ rồi quấn dây lại ấy ạ.”
“Ồ, phải rồi, ý em là Dorotilia.”
“Vâng, thưa cô. Dorotília thậm chí còn nghèo hơn em. Các bạn gái khác không thích chơi với bạn ấy vì bạn ấy nghèo và là người da đen. Vậy nên lúc nào Dorotilia cũng lủi thủi một góc. Em đã chia cho bạn ấy cái bánh ngọt Cô cho em.”
Lần này, Cô đứng đó áp khăn lên mũi một lúc lâu. “Thỉnh thoảng, cô có thể cho bạn ấy thay vì cho em ạ. Mẹ bạn ấy là thợ giặt và có mười một người con. Tất cả đều còn bé. Thứ Bảy hằng tuần,
bà em vẫn cho họ một ít gạo và đậu để giúp đỡ họ. Và em chia bánh cho bạn ấy vì mẹ đã dạy chúng em phải biết chia sẻ những thứ ít ỏi của mình với những người còn thiếu thốn hơn.”
Giờ thì nước mắt tuôn rơi trên mặt cô.
“Em không cố ý làm cô khóc đâu ạ. Em hứa sẽ không trộm hoa nữa và em sẽ học chăm chỉ hơn.”
“Không phải vậy,Zezé. Đến đây nào.” Cô nắm lấy hai bàn tay tôi.
“Cô muốn em hứa với cô một điều, vì em có tâm hồn đẹp,Zezé ạ.”
“Em xin hứa, nhưng em không muốn lừa dối CÔ, thưa cô. Em không có tâm hồn đẹp đâu ạ. Cô nói vậy bởi vì cô không biết ở nhà em như thế nào thôi.”
“Điều đó không quan trọng. Đối với cô thì em đúng là người có tâm hồn đẹp. Kể từ giờ Cô không muốn em tặng cô thêm bất kỳ bông hoa nào nữa. Hãy chỉ làm thế khi hoa đó là em được cho. Hứa với cô nhé?”
“Em hứa. Nhưng còn lọ hoa thì sao ạ? Nó sẽ luôn trống rỗng sao cô?”
“Cái lọ này sẽ không bao giờ trống rỗng. Bất cứ khi nào nhìn nó, Cô sẽ đều thấy bông hoa đẹp nhất trên đời. Và Cô sẽ tự nhủ: cậu học sinh ngoan nhất của cô đã tặng cô bông hoa đó. Được chưa nào?”
Giờ cô đã cười trở lại. Cô thả tay tôi ra rồi nói rất dịu dàng. “Giờ em đi được rồi, trái tim vàng...”
Chương cuối của phần 1
“TA HY VỌNG MI CHẾT MỤC TRONG TÙ”
Điều hữu dụng đầu tiên chúng tôi học được ở trường là các ngày trong tuần. Khi đã thuộc nằm lòng các ngày trong tuần, tôi biết được rằng ông ấy đến vào thứ Ba. Rồi tôi cũng phát hiện ra nếu thứ Ba này ông ấy đến các dãy phố phía bên kia nhà ga thì thứ Ba sau ông sẽ sang phía chúng tôi.
Bởi vậy nên tôi đã cúp học hôm thứ Ba. Tôi không muốn anh Totoca biết, nếu không tôi sẽ phải hối lộ mấy viên bị để anh không để lộ gì với mọi người ở nhà. Vì lúc này đang còn sớm và ông ấy sẽ không xuất hiện trước khi chuông nhà thờ điểm chín giờ nên tôi thong thả tản bộ trên đường. Tất nhiên, tôi chỉ chọn những con phố không nguy hiểm. Đầu tiên, tôi dừng chân tại nhà thờ ngắm các tượng thánh. Tôi thấy hơi sợ khi nhìn những bức tượng im lìm bị vây giữa những cây nến. Nến nhấp nháy làm các bức tượng cũng nhấp nháy theo. Tôi không chắc làm thành thì có thoải mái hay không, nhất là khi phải đứng im suốt ngày.
Tôi dạo quanh phòng để đồ thờ và thấy bác Zacarias đang lấy nến cũ ra khỏi giá nến để thay nến mới vào. Một đống mẩu nến nằm trên bàn.
“Chào bác Zacarias.”
Bác dừng lại, kéo kính xuống chóp mũi, khụt khịt quay đầu đáp lại, “Chào con trai.”
“Bác muốn cháu giúp một tay không ạ?” Tôi không thể rời mắt khỏi những mẩu nến.
“Cháu chỉ làm vướng chân ta thôi. Hôm nay cháu không đến trường à?” bác vừa nói vừa quay trở về với Công việc. “Có ạ. Nhưng cô giáo không đến. Cô bị đau răng.” "Ồ!" Bác quay lại và một lần nữa kéo kính xuống chóp mũi. “Cháu mấy tuổi rồi?”
“Năm ạ. Không phải, sáu. Không, cháu năm tuổi ạ. “Ái chà, thế là năm hay sáu?”
Tôi nghĩ đến trường học và nói dối. “Sáu ạ.”
“Ồ, sáu là độ tuổi thích hợp để bắt đầu học giáo lý đấy.” “Cháu có được phép theo học không ạ?
“Tại sao không? Cháu chỉ cần đến đây vào các chiều thứ Năm, lúc ba giờ. Cháu muốn đến không?” “Còn tùy ạ. Nếu bác cho cháu các mẩu nến vụn, cháu sẽ đến.”
“Cháu muốn lấy mẫu nên làm gì?”
Con quỷ vừa huých tôi một cái. Tôi lại nói dối. “Cháu muốn bôi lên dây diều cho dây chắc hơn.” “Thế thì lấy đi.”
Tôi gom đồng nến vụn nhét vào cặp cùng đống sách vở và bi. Tôi sướng phát điên.
“Cảm ơn bác rất nhiều, bác Zacarias.”
“Này, đừng quên nhé. Thứ Năm đấy.”
Tôi chạy ra khỏi đó. Vẫn còn sớm, tôi vẫn còn thời gian. Tôi vội đến phía trước sòng bài, và nhằm lúc không có ai đi đến, tôi băng qua đường, vận hết tốc lực chà nến lên mặt vỉa hè. Rồi tôi chạy ngược lại, ngồi xuống đợi trên vỉa hè phía bên ngoài một trong bốn cánh cửa đang đóng im lìm của sòng bài. Tôi muốn quan sát từ xa xem ai sẽ là người đầu tiên bị trượt chân.
Đúng lúc tôi sắp không đợi nổi nữa thì đột nhiên, Dạch! Tim tôi nẩy lên. Cô Corinha, mẹ của chị Nanzeazena, vừa bước qua cổng, cầm theo khăn tay và một quyển sách, chuẩn bị đến nhà thờ. “Ôi Chúa ơi!”
Sao không phải là ai khác mà lại là cô Corina cơ chứ - cô ấy là bạn của mẹ còn Nanzeazena là bạn thân của chị Gloria. Tôi không
muốn xem gì nữa. Tôi lao đến góc đường và dừng lại nhìn. Cô đã ngã vạch xuống đất và đang chửi rủa.
Mọi người xúm lại xem cô có bị thương ở đâu không, nhưng nghe cách cô chửi rủa thế kia thì chắc cô chỉ bị vài vết trầy xước. “Chắc chắn là mấy đứa oắt con vô lại rồi.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tôi không nhẹ nhõm đến mức không cảm thấy một bàn tay đang nắm lấy cặp của mình. “Là cháu làm phải không, Zezé?”
Bác Orlando-Tóc-Cháy. Chẳng phải ai khác mà lại là bác, hàng xóm lâu năm của chúng tôi. Tôi không thốt nên lời.
“Phải hay không?”
“Bác hứa không nói với bố mẹ cháu chứ ạ?”
“Bác sẽ không nói. Nhưng nghe này, Zezé. Bác sẽ bỏ qua chuyện này bởi cô ta là người hay ngồi lê đôi mách. Nhưng đừng lặp lại trò này nữa vì có thể sẽ có người gãy chân đấy.”
Tôi trưng ra bộ mặt ngoan ngoãn nhất trên đời và bác thả tôi đi. Tôi quay trở lại khu chợ, đợi ông ấy đến. Nhưng trước khi tới chợ, tôi ghé qua cửa hàng bánh ngọt của anh Rozemberg, mỉm cười chào, “Chúc anh một ngày tốt lành, anh Rozemberg.” Anh cộc lốc chào lại tôi và không cho tôi kẹo. Đồ khốn! Anh ta chỉ cho tôi kẹo khi tôi đi cùng chị Lalá. “Ông ấy đến rồi đây.” Đồng hồ điểm chín giờ. Người đàn ông ấy xuất hiện như thường lệ. Tôi bám theo cách ông một quãng. Ông rẽ vào đường Progresso và dừng lại ở góc đường. Ông đặt cái túi xuống đất và vắt áo khoác lên vai trái. Cái áo sơ mi kẻ mới đẹp làm sao chứ! Khi nào lớn lên, tôi nghĩ, tôi sẽ chỉ mặc những chiếc sơ mi như thế. Ông quàng quanh cổ chiếc khăn màu đỏ và đội ngượC mũ. Rồi ông cất tiếng mời gọi bằng tông giọng trầm của mình, khuấy động con phố, “Tập trung lại đây nào, những người bạn tốt của tôi! Đến đây xem có gì mới này!”
Giọng Bahia của ông cũng thật dễ thương.
“Tâm điểm của tuần này đây! Claudionor! Xin tha thứ!”... Ca khúc mới nhất của Chico Viola. Thành công mới nhất của Vicente Celestino. Đến đây khám phá nào - ca khúc thịnh hành đây!”
Cách ông ngân nga chào Tôi muốn ông hát “đoạn về Fanny”. Ông luôn hát đoạn đó và tôi muốn học theo. Khi ông hát đoạn “Ta hy
vọng mi chết mục trong tù”, nó hay đến mức tối sởn da gà. Ông hít căng buồng phổi và hát bài “Claudionor”. mời làm tôi mê mẩn. Tôi đến nhảy samba ở khu ổ chuột Một cô gái nhìn tôi rồi bảo, Này, anh chàng to cao ở kia ơi Nhưng tôi không đi, khát khao của tôi không được thỏa mãn Chồng cô ấy khỏe lắm, tôi rất có thể toi đời... Tôi không muốn như Claudionor Để nuôi gia đình, phải bốc vác rã rời...
Ông ngừng hát và cất tiếng rao:
“Sách lời bài hát bỏ túi vừa với mọi cỡ túi, giá từ một đến bốn xu đây. Sáu mươi bài hát mới phát hành! Những bản tango mới nhất đây!”
Rồi ông hát đoạn tôi đang chờ đợi. Fanny.
Một hôm nàng đang mải làm việc đặt
Hắn đâm chết nàng sau cánh cửa đóng chặt Chỉ vì nàng mang tội quá quyến rũ mà thôi...
(Rồi ông chuyển sang tông giọng dịu dàng và ngọt ngào đến nỗi có thể làm tan chảy cả những trái tim sắt đá nhất.)
Ôi thương tham Fanny, người có tâm hồn lương thiện Ta thì trước Chúa mi sẽ có lý do để khóc TA HY VỌNG MI CHẾT MỤC TRONG TỪ Gã đàn ông đâm chết nàng vì tội quá quyến rũ Ôi thương thay Fanny, người có tâm hồn lương thiện
Mọi người đổ ra khỏi nhà để mua sách lời bài hát, nhưng trước khi mua họ phải xem xét tất cả để xem mình thích quyển nào. Đến lúc này thì Fanny đã làm tôi không thể thôi bám theo ông. Ông quay về phía tôi, cười xếch đến mang tai.
“Muốn một cuốn không, cậu bé?”
“Không, thưa ông. Cháu không có tiền.”
“Ta cũng đoán thế.”
Ông cầm túi lên và đi thêm một đoạn về cuối phố, vừa đi vừa hét to,“Những điệu vanxơ Xin tha thứ,Hút thuốc và chờ và “Tạm biệt các chàng trai”. Những bài tango còn nổi tiếng hơn cả Đêm các vị vua”. Cả thành phố ai cũng hát Ánh sáng thiên đường. Một bài hát hay tuyệt. Mời mọi người nghe lời bài hát.”
Và ông hát:
Ánh sáng trong mắt em là ánh sáng thiên đường Anh tin rằng anh có thể nhìn thấy Ánh lấp lánh của các vì tinh tú trong những
chòm sao Đôi mắt em cả suối nguồn quyến rũ Hãy nhìn vào mắt anh em sẽ thấy Tình yêu mang đến cho anh ánh sáng tuyệt vời Và cả niềm khổ đau bất hạnh chơi vơi...
Ông chào hàng thêm vài lần, bán thêm được mấy quyển sách và lại nhìn thấy tôi. Ông dừng lại, ngoắc tay ra hiệu cho tôi. “Tới đây nào, chim sẻ.”
Tôi mỉm cười nghe theo.
“Cháu có thôi lẽo đẽo theo ta không thì bảo?” “Không được, thưa ông. Không ai trên đời này hát hay như ông.”
Ông phổng mũi hãnh diện và đỡ bực một chút. Tôi đã tiến được một bước đáng kể.
“Nhưng cháu cứ bám theo ta suốt.”
“Cháu chỉ muốn nghe xem liệu ông có hát hay hơn Vicente Celestino và Chico Viola hay không thôi. Và ông hát hay hơn thật.” Ông cười toe toét.
“Thế cháu đã bao giờ nghe họ hát chưa?”
“Rồi, thưa ông. Ở cái máy hát trong nhà bác Adaucto Luz cùng với con trai bác ấy.”
“Thế chắc hẳn là cái máy hát đó quá cũ hoặc cây kim của nó hỏng rồi.”
“Không đâu, thưa ông. Nó là cái máy hát mới chong vừa được mua về. Ông thực sự hát hay hơn rất nhiều. Thật ra, cháu đang nghĩ đến một chuyện.”
“Chuyện gì?”
“Cháu sẽ theo ông đến mọi nơi. Ông dạy cháu biết mỗi cuốn sách giá bao nhiêu. Rồi ông sẽ hát còn cháu bán sách. Mọi người thích mua đồ do trẻ con bán lắm.”
“Ý tưởng không tồi, chim sẻ ạ. Nhưng nghe đây này. Nếu cháu đi theo thì đó là vì cháu muốn thế. Ta không thể trả cháu gì hết.” “Nhưng cháu không cần gì cả.”
“Tại sao?”
“Ừm, cháu thực sự thích hát. Cháu muốn học hát. Cháu nghĩ bài hát về Fanny là bài hay nhất trần đời. Và nếu bán được nhiều sách, ông cho cháu xin một cuốn sách cũ không ai muốn mua để cháu tặng chị cháu nhé.”
Ông già bỏ mũ xuống rồi gãi gãi mái đầu tóc xẹp lép vì đội mũ.
“Cháu có một chị gái tên là Gloria và cháu muốn tặng nó cho chị. Chỉ cần thế thôi ạ.”
“Vậy thì được.”
Thế là chúng tôi đi cùng nhau, ca hát và bán hàng. Ông hát còn tôi vừa đi vừa học.
Đến trưa, ông nhìn tôi hơi ngờ vực.
“Cháu không phải về nhà ăn cơm à?
” “Khi nào chúng ta xong việc đã ạ.” Ông lại gãi đầu. “Đi với ta nào.”
Chúng tôi ngồi trong một quán bar ở phố Ceres và ông lấy từ đáy túi ra một cái bánh kẹp lớn. Ông rút một chiếc dao từ thắt lưng. Con dao trông thật đáng sợ. Ông cắt một mẩu bánh mì và đưa cho tôi. Rồi ông nhấp một ngụm rượu Cachaça và gọi hai cốc nước chanh. Trong khi nhấm nháp bánh mì ông nhìn tôi chăm chú. Đôi mắt óng ánh lên sự hài lòng.
“Biết không nhóc, ông nói giọng lè nhè. “Cháu đang mang lại may mắn cho ta đấy. Có cả một hàng dài những anh bạn trẻ bụng phệ đang sẵn sàng chờ ta nhưng ta chưa từng nghĩ sẽ để ai trong số đó hỗ trợ.”
Ông uống một hơi dài nước chanh.
“Cháu mấy tuổi nhỉ?”
“Năm. Sáu... Năm ạ.”
“Năm hay sáu?”
“Cháu vẫn chưa đủ sáu tuổi.”
“Ồ, cháu là một cậu bé tốt bụng và thông minh đấy.” “Có phải như thế nghĩa là chúng ta có thể gặp nhau vào thứ Ba tới không ạ?” Ông bật cười.
“Nếu cháu muốn.”
“Cháu muốn chứ ạ. Nhưng cháu phải bàn với chị cháu đã. Chị ấy sẽ hiểu thôi. Thực ra đây cũng là chuyện tốt, vì cháu chưa bao giờ sang phía bên kia ga tàu.” “Sao cháu biết ta sẽ đến đó?”
“Thứ Ba nào cháu cũng đợi ông. Nếu thứ Ba tuần này ông đến thì thứ Ba tiếp theo sẽ không. Nên cháu đoán ông đi đến phía bên kia ga tàu.”
“Thông minh lắm! Cháu tên là gì.” "Zezé a."
“Ta là Ariovaldo. Bắt tay cái nào.”
Ông giơ bàn tay chai sạn ra nắm lấy tay tôi và chúng tôi trở thành bạn cho đến hết đời.
Thuyết phục chị Glória không khó.
“Nhưng này Zezé, mỗi lần một tuần ư? Thế còn việc học thì sao?”
Tôi chìa vở ra cho chị xem; chữ viết của tôi luôn rõ ràng nắn nót. Điểm của tôi đều xuất sắc. Vở toán cũng thế.
“Và em đọc giỏi nhất lớp, chị Gló ạ.”
Kể cả có thế, chị vẫn không tin lắm.
“Sáu tháng sau chúng em vẫn học những thứ bây giờ đang được học, học đi học lại mãi. Những con lừa ấy học lâu vào lắm.” Chị bật cười.
“Ăn nói kiểu gì vậy Zezé.”
“Đúng mà, chị Gló. Em còn học từ việc ca hát được nhiều hơn ấy chứ. Chị muốn xem em đã học được bao nhiêu điều mới không? Sau đó bác Edmundo giải thích cho em biết những điều ấy có nghĩa là gì. Bốc vác, chòm sao, quyến rũ và bất hạnh. Và nhất là hằng tuần em sẽ mang về cho chị một cuốn sách in lời bài hát và dạy chị những điều tuyệt vời nhất trên thế gian này.”
“Được rồi. Nhưng có một vấn đề. Chúng ta sẽ nói thế nào khi cha phát hiện ra em không về nhà ăn vào các buổi trưa thứ Ba?” “Cha sẽ không phát hiện ra đâu. Nhưng nếu cha hỏi, ta sẽ nói dối. Chị hãy nói rằng em ăn ở nhà bà. Rằng em đến nhà chị Nanzeazena truyền tin và ở lại ăn trưa luôn.”
Lạy Đức Mẹ! May mà đấy chỉ là giả vờ thôi, bởi cứ thử tưởng tượng nếu mẹ của chị Nanzeazena, CÔ Corinha, mà phát hiện ra tôi đã làm gì xem!
Cuối cùng chị Glória cũng đồng ý bởi chị biết đó cũng là một cách giữ tôi tránh xa các trò nghịch và như vậy sẽ tránh bị ăn đòn. Và thật tuyệt khi được ngồi với chị dưới gốc cây vào thứ Tư, dạy chị hát.
Tôi nóng lòng mong thứ Ba chóng đến. Tôi sẽ đợi ông Ariovaldo ở ga tàu. Nếu không lỡ tàu thì ông sẽ có mặt ở đó lúc tám rưỡi. Tôi đi loanh quanh ngắm nhìn mọi thứ. Tôi thích đến cửa hàng bánh ngọt ngắm mọi người từ ga tàu bước xuống các bậc thềm. Đó cũng là một chỗ tốt để hành nghề đánh giày. Nhưng chị Gloria không
bao giờ cho phép tôi làm thế vì cảnh sát sẽ đuổi chúng tôi và tịch thu hộp đồ nghề. Và ở đó cũng có các đoàn tàu nữa. Tôi chỉ có thể đi nếu được ông Ariovaldo dắt tay, kể cả khi chúng tôi chỉ băng qua một cây cầu dành cho người đi bộ.
Thế rồi ông đến, bối rối tột độ. Sau bài hát về Fanny, ông hoàn toàn tin rằng tôi biết mọi người thích mua gì. Chúng tôi ngồi trên bức tường nhà ga, đối diện với khu vườn của nhà máy và ông mở cuốn sách in lời bài hát, chỉ cho tôi các bài rồi hát vài câu đầu. Nếu tôi không thấy hay, ông sẽ chuyển qua bài khác.
“Bài này mới: bài Hư hỏng.” Ông cất tiếng hát.
“Hát lại lần nữa đi ạ.”
Ông hát lại đoạn cuối.
“Ông Ariovaldo, chính là bài này, cộng với Fanny và các bản tango, ta sẽ bán cháy hàng.”
Vậy là chúng tôi đi qua những con phố bụi bặm chan hòa ánh nắng. Chúng tôi là những chú chim hoan hỉ báo tin mùa hè đang tới. Giọng hát hay, mạnh mẽ của ông mở tung cánh cửa của buổi sáng.
“Bài hát gây sốt của tuần, của tháng, của năm đây: (Hư Hỏng, được Chico Viola thu âm.”
Vầng trăng chiếu ánh sáng bạc lấp lánh Lên núi non đầu cây lá tươi xanh Những dây đàn thân quen của người hát dạ khúc Mang tình yêu của chàng tới ô cửa sổ đêm. Giai điệu chân thành bắt đầu những vòng xoay dịu êm Cây đàn lia ngọt ngào rung lên đầu điêu luyện Mở bung hết đập chắn, người hát tình ca Để những lời ca của trái tim tương tư tuôn ra...
Rồi ông dừng lại một lát, gật đầu hai lần và tôi sẽ hòa vào bằng giọng nhỏ nhẹ trong veo.
Không cảnh nào được nhìn thấy đẹp hơn Với riêng tôi em là nữ hoàng, em là ánh sáng Em sẽ không bao giờ cất cả nếu đến với tôi Cô gái thông minh ơi, em sẽ bị làm cho hư hỏng mất thôi.
Bạn phải tận mắt chứng kiến cảnh này mới đã! Các cô gái chạy ào tới để mua những cuốn sách lời bài hát. Các quý ông, đủ loại người già có trẻ có. Tôi thực sự thích bán những cuốn sách giá bốn hoặc năm xu. Tôi biết phải làm gì khi gặp khách hàng nữ.
“Tiền thừa của bà đây, thưa bà.” “Cứ giữ lấy mà mua kẹo.”
Tôi còn bắt đầu nói chuyện theo kiểu ông Ariovaldo. Buổi trưa, chúng tôi vào quán rượu đầu tiên mình nhìn thấy, ngấu nghiến nhai chiếc bánh kẹp của ông, thi thoảng bồi thêm một cốc soda cam hoặc dâu.
Rồi tôi xọc tay vào túi đựng tiền lẻ, moi hết ra rải lên mặt bàn. “Đây, ông Ariovaldo.”
Tôi đẩy những đồng tiền xu về phía ông. Ông mỉm cười nói, “Cháu là một đứa trẻ ngoan, Zezé a.
“Ông Ariovaldo,” một hôm tôi hỏi ông. “Sao ông hay gọi cháu là chim sẻ thế?”
“Ở Bahia nơi ta sinh ra, chim sẻ có nghĩa là một đứa bé, một đứa nhỏ.”
Ông gãi đầu và che miệng để ợ một cái. Sau đó ông xin thứ lỗi và lấy một chiếc tăm ra xỉa răng. Đồng tiền vẫn ở nguyên vị trí. “Ta đang suy nghĩ, Zezé ạ. Từ giờ nhóc có thể giữ tiền boa. Xét cho cùng, giờ chúng ta đã là cặp song ca rồi.” “Cặp song ca là gì ạ?” “Là hai người hát cùng nhau.”
“Vậy cháu mua một cái kẹo được không ạ?” “Đó là tiền của nhóc. Cháu muốn làm gì với nó thì làm.”
“Cảm ơn ông, nhà vô địch.”
Ông phì cười trước giọng bắt chước của tôi. Lúc này, tôi đang ăn kẹo và nhìn ông.
“Cháu là người hát song ca thật ạ?”
Giờ thì đúng vậy.”
“Vậy để cháu hát đoạn về tâm hồn của Fanny đi. Ông hát to và đến đoạn về tâm hồn của Fanny, cháu sẽ góp giọng một chút, với chất giọng ngọt ngào nhất trên đời.”
“Quả là một ý tưởng không tồi, Zezé ạ.”
“Vậy sau bữa trưa hãy bắt đầu với bài Fanny đi ạ, vì nó thực sự mang lại may mắn.”
Rồi chúng tôi quay lại với công việc dưới ánh mặt trời chói chang.
Chúng tôi hát đến giữa bài Fanny thì tai họa ập đến. Bà Maria da Penha che ô đi tới, dáng vẻ nghiêm trang, mặt bôi đầy bột gạo trắng. Bà ta đứng lại nghe chúng tôi hát. Lúc tôi đang hát, ông
Ariovaldo đã nhận ra tai họa chuẩn bị giáng xuống bèn huých tay ra hiệu cho tôi chuồn đi.
Nhưng tôi đang đắm chìm trong tâm hồn Fanny nên chẳng mảy may để ý.
Bà Maria da Penha gập ở lại và đứng đó, gõ ô lên mũi giày. Khi tôi hát xong, bà ta quắc mắt giận dữ và la lên, “Ôi trời, ôi trời. Ai lại cho trẻ con hát một bài trái đạo đức đến thế này chứ.”
“Công việc của tôi chẳng có gì là trái đạo đức cả. Miễn là lương thiện thì công việc nào cũng thế, và tôi không hổ thẹn vì nó đâu!” Tôi chưa bao giờ thấy ông Ariovaldo bực mình đến vậy. Bà Maria da Penha đang kiếm chuyện, và bà ta đã kiếm được rồi. “Đứa trẻ này là con ông à?”
“Không, thưa bà, rất tiếc là không phải.” “Cháu trai hả, hay họ hàng?”
“Không.”
“Nó mấy tuổi.”
“Sáu.”
Bà ta nhìn tôi đánh giá vẻ hoài nghi rồi tiếp tục. “Ông không xấu hổ khi lợi dụng trẻ con à?”
“Tôi không hề lợi dụng nó, thưa bà. Nó hát với tôi bởi vì nó muốn hát và bởi vì việc đó làm nó thích thú.
Mà tôi có trả công cho nó đấy chứ, phải không?”
Tôi gật đầu. Tôi thích cuộc tranh cãi này. Tôi muốn húc đầu vào bụng bà ta để nghe xem bà ta sẽ gây ra tiếng động gì khi ngã xuống đất. Rầm!
“Ái chà, nói cho ông biết là tôi sẽ làm gì đó với chuyện này. Tôi sẽ nói chuyện với linh mục. Tôi sẽ đến trung tâm chăm sóc trẻ em. Tôi sẽ đến đồn cảnh sát.”
Đúng lúc đó, bà ta ngậm miệng lại, mắt mở to sợ hãi. Ông Ariovaldo đã rút con dao bự của ông ra và dấn thêm một bước về phía bà ta. Bà ta như thể sắp nổi cơn tam bành.
“Ồ, làm tới đi bà. Nhưng hãy nhanh lên cho. Tôi là người tử tế, nhưng tôi khá thích cắt lưỡi mấy mụ phù thủy lắm lời thích chõ mũi vào những nơi không chào đón họ đấy...”
Bà ta lảo đảo bước đi, cứng đơ như cán chổi, và khi đã đi cách một quãng bà ta quay lại chĩa cái ô ra dứ dứ. “Rồi ông sẽ thấy!”
“Biến đi, mụ phù thủy già lọm khọm.”
Bà ta bung ô ra và biến mất dưới phố, dáng người cứng đơ hết cỡ.
Xế chiều, ông Ariovaldo ngồi kiểm đếm số tiền kiếm được. “Chúng ta cháy hàng rồi, Zezé. Nhóc nói đúng. Nhóc đã mang lại may mắn cho ta.”
Tôi nhớ đến bà Maria de Penha.
“Ông có nghĩ bà ta sẽ làm gì đó không?”
“Tất nhiên là không rồi, Zezé. Cùng lắm là bà ta sẽ báo với linh mục và linh mục sẽ bảo, “Tốt nhất nên cho qua đi, Maria. Gây chuyện với người miền Bắc chẳng hay ho gì đâu.”
Ông đút tiền vào túi áo rồi cuộn chiếc túi xách lại. Rồi, như thường lệ, ông cho tay vào túi và rút ra một cuốn sách gấp gọn. “Cái này là cho chị Gloria của nhóc.” Ông vươn vai. “Một ngày như thiên đường.”
Chúng tôi nghỉ ngơi một lúc.
“Ông Ariovaldo oi." "Gi?"
“Mụ phù thủy già lọm khọm là gì ạ?”
“Sao mà ta biết được, nhóc? Ta chỉ chợt nảy ra từ đó trong lúc bực bội thôi,” ông vừa nói vừa cười khùng khục. “Thế ông có định xiên bà ta một nhát thật không?” “Tất nhiên là không. Ta chỉ dọa bà ta thôi.”
“Nếu ông xiên bà ta một nhát thật, không biết sẽ lòi ra ruột hay rơm nhỉ?”
Ông cười lớn, thân thiết xoa đầu tôi.
“Biết gì không, Zeze? Ta nghĩ sẽ lòi ra phân đấy.” Chúng tôi cùng bật cười.
“Nhưng đừng lo. Ta không giết nổi cái gì đâu. Dù là một con gà. Ta sợ bà nhà ta đến nỗi để mặc bà ấy lấy cán chổi đánh ta đấy.” Chúng tôi đứng dậy, đi đến ga tàu. Ông bắt tay tôi và nói, “Để cho an toàn, chúng ta sẽ tránh xa khu phố đó vài tuần.” Ông siết tay tôi chặt hơn nữa.
“Hẹn gặp lại tuần sau nhé, nhà vô địch.” Tôi gật đầu nhìn ông chậm chạp leo lên thềm. Từ trên bậc cao nhất, ông nói oang oang, “Nhóc là một thiên thần, Zezé!”
Tôi chào tạm biệt rồi bật cười. Thiên thần ư? Giá mà ông biết...
PHẦN 2
KHI CHÚA HÀI ĐỒNG BUỒN THIU XUẤT HIỆN
Chương 1
NHỮNG VỤ BÁM CÀNG
“Nhai nhanh lên, Zezé, nếu không em sẽ bị muộn học đấy!” Tôi đang ngồi ở bàn, nhẩn nha uống cà phê nhai bánh mì. Như mọi khi, tôi thì khuỷu tay lên bàn và nhìn chăm chăm mảnh giấy dán tường.
Gloria luôn có vẻ sốt ruột. Buổi sáng chị chỉ muốn chúng tôi biến đi cho chúng để chị được yên tĩnh làm việc nhà.
“Khẩn trương lên, nhóc con. Em thậm chí còn chưa chải đầu kìa! Em nên học Totoca ấy - đến giờ đi là nó chuẩn bị xong đâu đấy rồi.”
Chị chạy đi lấy lược và chải món tóc vàng trên trán tôi. “Nói thế thôi chứ thằng nhóc tóc vàng này cũng đâu có gì để mà chải.”
Chị bắt tôi đứng lên rồi ngắm tôi từ đầu đến chân để xem quần áo của tôi đã ngay ngắn chưa.
“Nào, đi thôi, Zezé.”
Totoca và tôi khoác cặp sách lên vai. Trong cặp chỉ Có sách giáo khoa, vở và bút chì. Không có đồ ăn nhanh - thứ đó chỉ dành cho những đứa trẻ khác.
Gloria vỗ vỗ đáy cặp của tôi, sờ thấy mấy viên bị và mỉm cười. Chúng tôi cầm theo giày thể thao cho đến khu chợ gần trường học thì xỏ vào.
Chúng tôi vừa ra ngoài là Totoca lập tức chạy như ngựa, để mặc tôi đi lững thững một mình. Chính lúc đó, tiểu quỷ trong tôi bắt đầu thức dậy. Tôi thực sự thích những lúc Totoca đi trước để tôi tự do làm gì tùy thích mà không bị quấy rầy. Tôi mê mẩn quốc lộ. Một vụ bám càng. Một vụ bám càng thứ thiệt. Bám vào đằng sau một chiếc xe hơi và vừa cảm nhận gió trên đường quốc lộ thổi vào mặt vừa hú huýt. Đó là điều tuyệt nhất trên đời. Tất cả chúng tôi đều làm thế. Totoca đã dạy tôi, hết lần này đến lần khác bảo tôi bám thật chặt, bởi vì những chiếc xe phía sau chúng tôi rất nguy hiểm. Chúng tôi dần dần học được cách vượt qua nỗi sợ và cảm giác phiêu lưu mạo hiểm thôi thúc chúng tôi có thực hiện những vụ bám càng thậm chí còn khó nhằn hơn. Tôi trở nên bạo gan đến mức còn bám càng xe ông Ladislau.
Chiếc xe duy nhất tôi không dám thử là chiếc xe đẹp đẽ của ông người Bồ Đào Nha. Chiếc xe mới đẹp và đượC giữ gìn cẩn thận làm sao chứ! Lốp xe luôn mới Coong. Mặt kim loại sáng loáng đến mức ta có thể soi mình vào. Tôi thích tiếng còi xe: âm thanh oai nghiêm như tiếng bò rống trên cánh đồng. Ông người Bồ Đào Nha, chủ nhân cái phương tiện đẹp đẽ ấy, lái xe chạy qua, ngồi cứng đời trên ghế, mang vẻ mặt cau có nhất trên đời. Không đứa nào dám bám càng xe ông ta. Nghe nói ông ta sẽ đánh người, giết người, thậm chí còn dọa cắt chim người ta trước khi giết họ. Cho đến giờ, chưa có đứa con trai nào trường dám bám càng xe ông ta.
Khi tôi kể chuyện đó với Pinkie, nó nói, “Không đứa nào ư, Zezé?”
“Không đứa nào hết. Bọn nó không dám.” Tôi cảm thấy Pinkie đang cười lớn và nó đoan chắc tôi đang nghĩ gì.
“Nhưng cậu muốn làm chuyện đó chết đi được, đúng không?” “Nói thật, tớ muốn làm. Tớ nghĩ...
“Cậu nghĩ gì?”
Giờ chính tôi lại cười lớn.
“Thôi nào, nói cho tớ biết đi.
” ”
“Cậu tò mò quá.”
“Cậu luôn kể với tớ mà - kiểu gì rồi cậu cũng kể với tớ thôi. Cậu không thể nhịn được đâu.”
“Này, Pinkie. Tớ rời khỏi nhà lúc bảy giờ sáng, đúng không? Tớ đến góc đường lúc bảy giờ năm. Rồi thì đến bây giờ mười, ông người Bồ dừng xe ở góc đường bên ngoài quán Đói Khổ và vào trong quán mua thuốc lá... Vào một hôm như thế, tớ sẽ lấy hết can đảm, đợi ông ta quay trở về xe rồi phốc!
“Cậu có mà dám!”
“Tớ không dám ư, Pinkie? Rồi tớ sẽ cho cậu thấy.” Lúc này tim tôi đang đập thình thịch. Chiếc xe dừng lại, ông người Bồ bước ra. Lời thách đố của Pinkie đánh đúng vào nỗi sợ hãi và lòng can đảm của tôi, tôi không muốn, nhưng lòng kiêu hãnh thúc giục bước chân tôi. Tôi đi vòng qua quán bar và nấp sau góc nhà, nhét đôi giày vào cặp. Tim tôi đập nhanh đến mức tối sợ rằng người trong quán sẽ nghe thấy. Ông người Bồ bước ra khỏi quán, thậm chí không nhìn thấy tôi. Tôi nghe thấy tiếng mở cửa xe...
“Bây giờ hoặc không bao giờ, Pinkie!” tôi thì thầm. Tôi nhảy lên cái lốp dự phòng và bám chặt lấy nó bằng toàn bộ sức mạnh được kích động bởi nỗi Sợ hãi trong tôi. Tôi biết còn một đoạn xa nữa mới đến trường. Tôi có thể hình dung ra vẻ mặt của đám bạn cùng lớp khi chúng biết về lòng dũng cảm của tôi...
"Á á á!"
Tôi hét to đến nỗi mọi người phải chạy bổ ra cửa quán rượu để xem ai vừa bị xe cán.
Tôi đang bị treo lơ lửng phía trên mặt đất, vặn vẹo, quằn quại. Tại tôi nóng rực như hai cục than hồng. Không hiểu sao kế hoạch của tôi lại hỏng bét. Trong lúc vội vã, tôi đã quên lắng nghe tiếng xe khởi động.
Vẻ cáu kỉnh của ông người Bồ thậm chí còn gớm hơn bình thường. Mắt ông ta tóe lửa.
“Á à, đồ giẻ rách. Vậy ra là mày hả? Oắt con như mày mà táo tợn gớm!”
Ông ta cho phép tôi chạm chân xuống đất, buông một bên tai tôi ra và giơ cánh tay vạm vỡ lên dọa tôi.
“Mày tưởng ta không thấy ngày nào mày cũng dòm ngó chiếc xe của ta hả, đồ giẻ rách? Ta sẽ đảm bảo mày không bao giờ dám thử lại lần nữa.”
Cảm giác nhục nhã còn đau đớn hơn cả nỗi đau thể xác. Tôi chỉ muốn xổ một tràng chửi rủa vào kẻ cục súc đó. Nhưng ông ta không buông tôi ra, và cứ như thể đọc được ý nghĩ của tôi, ông ta dứ dứ nắm đấm trước mặt tôi và gầm lên,“Nói gì đi chứ, đồ giẻ rách! Chửi đi! Sao mày không nói gì hả?”
Mắt tôi dâng đầy nước mắt; vì đau đớn, vì tủi nhục, và vì những kẻ đứng xem đang cười nhạo.
Ông người Bồ tiếp tục gào lên.
“Sao mày không chửi ta đi, đồ giẻ rách?”
Cơn giận hung ác trào lên trong lồng ngực tôi và tôi Cố lắp bắp đầy giận dữ, “Có thể tôi không nói gì nhưng tôi đang nghĩ đấy. Lớn lên, tôi sẽ giết ông.”
Ông ta cười phá lên, mọi người đứng vây quanh chúng tôi cười rộ theo.
“Ái chà, vậy thì lớn lên đi, đồ giẻ rách. Ta sẽ đợi mày. Nhưng trước hết để ta dạy cho mày một bài học đã.” Ông ta buông tai tôi ra và kéo tôi nằm vắt ngang đùi ông ta. Ông ta chỉ đánh tôi duy nhất một cái, nhưng cú đánh mạnh đến nỗi dường như ông ta đã làm cho mông tôi bắn xuyên qua bụng. Chỉ khi đó ông ta mới thả tôi ra.
Tôi loạng choạng rời khỏi đó, tiếng cười rống lên của đám đông ong ong trong tai. Chỉ đến khi đã sang đến bên kia đường - cứ thế băng qua đường chẳng nhìn ngó gì hết - tôi mới có thể xoa cái mông đau nhói của mình. Đồ khốn! Tôi sẽ cho ông ta thấy. Tôi thề sẽ trả thù. Tôi thề rằng... Nhưng khi tôi đã đi cách xa những kẻ khốn kiếp đó, cơn đau tan biến dần. Đến lúc bọn học sinh ở trường phát hiện ra chuyện này thì mới gọi là tệ. Và tôi sẽ nói gì với Pinkie đây? Cả tuần tới, mỗi khi tôi đi qua quán Đói Khổ, bọn họ sẽ cười nhạo tôi, trong sự hèn nhát người lớn của họ. Tôi sẽ phải rời nhà sớm hơn và đi xuôi tít xuống một đoạn nữa mới sang đường...
Tôi đến chợ, những ý nghĩ này vẫn lẩn quẩn trong đầu. Tôi rửa mặt ở đài phun nướC và xỏ giày vào. Totoca đang lo lắng đợi tôi. Tôi sẽ không hé một lời về nỗi nhục nhã này.
“Zezé, em phải giúp anh mới được.” ?”
“Anh có chuyện gì đấy
“Em nhớ Bié không?”
“Thằng to con ở đường Barão de Capanema hả?” “Thằng đó đấy. Nó sẽ đợi sẵn anh ở cổng trường sau buổi học. Em đấu với nó thay anh được không?” “Nhưng nó sẽ giết em mất.”
“Không đâu, nó không giết em đâu, và dù gì thì em cũng là một chiến binh cừ khôi và dũng cảm mà.”
“Thôi được. Ở cổng trường ạ?” “Ở cổng trường.”
Totoca luôn như vậy. Anh vướng vào ẩu đả và sau đó đã có tôi giải quyết thay. Nhưng thế cũng tốt. Tôi sẽ trút hết sang Bié toàn bộ cơn tức giận với lão người Bồ.
Nhưng hôm đó, tôi đã bị đập một trận ra trò đến nỗi kết thúc trận đánh nhau, tôi thâm tím một bên mắt và hai cánh tay đầy những vết sây sát. Totoca quỳ trên đất với những đứa khác, Cổ vũ tôi, một chồng sách để trên đầu gối anh: sách của anh và sách của tôi. Anh còn gào lên chỉ dẫn tôi.
“Húc vào bụng nó,Zezé. Cắn nó đi, cấu đi - nó béo như lợn ấy. Đá vào cu nó đi.”
Dù được cổ vũ và chỉ dẫn như thế, nhưng nếu không nhờ anh Rozemberg, thì thể nào tôi cũng bị Bié đánh cho nhừ tử. Anh bước ra từ sau quầy, túm cổ áo Bié đánh cho một chặp.
“Mày không biết xấu hổ à? To CỠ mày mà đi đánh một đứa bé à.”
Ở nhà tôi, mọi người đều bảo Rozemberg thầm thương trộm nhớ chị Lalá tôi. Anh biết tất cả chúng tôi và bất cứ khi nào chị đi cùng chúng tôi, anh lại cho chúng tôi bánh kẹo kèm nụ cười toe toét để lộ mấy chiếc răng vàng.
Tôi không thể nhịn được và cuối cùng đã kể cho Pinkie nghe chuyện nhục nhã đó. Đằng nào với bên mắt thâm tím tôi cũng chẳng giấu nổi nó. Thêm nữa, khi nhìn thấy tôi như thế, cha đã bạt tai tôi mấy cái và cho Totoca ăn mắng. Cha chưa bao giờ đánh Totoca, nhưng ông đánh tôi, bởi tôi hư nên đáng bị đánh.
Pinkie chắc hẳn đã biết chuyện, vậy nên làm sao tôi có thể không kể với nó chứ? Nó lắng nghe, phẫn nộ, và chỉ khi tôi đã kể xong nó mới tức giận nói, “Đồ hèn nhát!” “Trận đánh nhau đó có nhằm nhò gì đâu. Giá mà cậu thấy...”
Tôi tua lại chi tiết toàn bộ vụ bám càng. Pinkie ngạc nhiên vì tôi thật dũng cảm và nói, “Một ngày nào đó cậu sẽ trả thù.” “Đúng, tớ sẽ trả thù. Tới sẽ mượn khẩu súng lục của Tom Mix và con Vua Bạc của Fred Thompson rồi sẽ cùng những người da đỏ Comanche phục kích lão ấy. Một ngày nào đó tớ sẽ mang tấm da đầu của lão về nhà, cho nó bay phấp phới trên ngọn sào tre.” Nhưng cơn giận của tôi mau chóng tan biến và chẳng bao lâu sau chúng tôi đã nói sang những chuyện khác.
“Này Bạn Yêu, cậu đoán được chuyện gì không? Cậu còn nhớ tuần trước tớ là học sinh xuất sắc và đượC thưởng cuốn Bông hồng mầu nhiệm chứ?”
Pinkie thích tôi gọi nó là “Bạn Yêu”; cách gọi đó khiến nó biết rằng tôi thật lòng yêu quý nó. “Ù.”
“Chà, tớ đã đọc cuốn đó rồi. Nó kể về chàng hoàng tử được một bà tiên tặng một bông hồng màu đỏ và trắng. Anh chàng may mắn đó cưỡi một con chiến mã tuyệt đẹp toàn thân dát vàng - đó là sách nói thế. Và cưỡi trên lưng con tuấn mã dát vàng toàn thân đó, chàng hoàng tử lên đường tìm kiếm phiêu lưu. Mỗi khi gặp hiểm nguy, hoàng tử lại lắc bông hoa hồng nhiệm mầu và một đám khói lớn xuất hiện giúp chàng trốn thoát. Cậu biết không, Pinkie, nói thật, tớ nghĩ câu chuyện đó hơi ngớ ngẩn. Nó không giống những cuộc phiêu lưu mà tớ muốn có trong đời. Tom Mix và Buck Jones có những cuộc phiêu lưu thực sự cơ. Và Fred Thompson, Richard Talmadge cũng vậy. Bởi vì họ biết đánh nhau, biết bắn súng, biết đấm đá... Nếu lần nào gặp nguy họ cũng phải rút một bông hồng mầu nhiệm ra thì chuyện còn thú vị quái gì chứ. Cậu nghĩ sao?”
“Đúng, thế thì nhạt hoét.”
“Nhưng đó không phải điều tớ muốn biết. Tớ muốn biết liệu cậu có tin một bông hoa hồng có thể tạo ra phép mầu như thế không có.” “Chuyện đó đúng là khá kỳ cục.”
“Người ta kể chuyện và tưởng rằng trẻ con tin tất tần tật.” “Đúng vậy.”
Chúng tôi nghe thấy tiếng động. Luis đang tới. Thằng em trai tôi càng ngày càng đẹp. Nó chẳng thích khóc nhè cũng không hay nổi cáu. Kể cả khi phải trông nó thì hầu như lần nào tôi cũng rất sẵn lòng.
Tôi nói với Pinkie,“Thôi nói chuyện khác đi, vì tớ sẽ kể chuyện kia cho nó nghe và nó sẽ thích đấy. Chúng mình không nên phá hủy thế giới tưởng tượng của một đứa trẻ.”
“Zezé ơi, chơi đi?”
“Anh đang chơi đấy thôi. Em muốn anh chơi gì?” “Em muốn đi thăm vườn thú.”
Tôi nhìn cái chuồng gà với con gà mái đen và hai chú gà con mới nở, chẳng có hứng thú gì hết.
“Muộn rồi. Sư tử đã ngủ rồi và hổ Bengal cũng vậy. Vườn thú sắp đóng cửa rồi. Họ sẽ không để chúng ta vào đâu.” “Vậy thì chu du vòng quanh châu Âu đi.”
Đứa em thông minh của tôi học và nhắc lại mọi điều mà nó nghe một cách chính xác không chê vào đâu được. Nhưng, nói thật, tôi cũng chẳng có tâm trạng chu du vòng quanh châu Âu. Tôi chỉ muốn chơi với Pinkie thôi. Pinkie không trêu chọc tôi hay đem bên mắt sưng húp của tôi ra làm trò cười.
Tôi ngồi bên đứa em trai và nói nhẹ nhàng. “Đợi một lát nhé. Anh sẽ nghĩ ra trò gì đó để chúng ta chơi.”
Ngay lúc đó, thiên thần trong trắng cưỡi đám mây trắng bay qua, làm xao động lá trên cây, cỏ dưới mương và lá của Pinkie. Một nụ cười làm khuôn mặt bầm tím của tôi bừng sáng.
“Là cậu phải không Pinkie?”
“Tớ có làm gì đâu.”
“Ồ, bạn ơi, vậy thì mùa gió đang đến rồi.”
Trên phố của chúng tôi có đủ loại mùa. Mùa bị. Mùa cù quay. Mùa sưu tầm các tấm thẻ in hình ngôi sao điện ảnh. Mùa diều là mùa đẹp nhất. Bầu trời chi chít những cánh diều đủ màu sắc. Những cánh diều đẹp đẽ đủ mọi kích cỡ và hình dạng. Đó là một cuộc chiến trên không. Những cú va chạm bổ nhào, những trận quyết đấu, những vụ quăng thòng lọng và cắt dây.
Dao cạo cắt đứt dây và những con diều xoay vòng vòng trong không trung, bay loạn xạ, làm rối tung dây buộc và đuôi diều; cảnh đó thật đẹp. Thế giới thuộc về những đứa trẻ đường phố. Trên mọi đường phố ở Bangu.
Sau đó sẽ có những bộ khung diều bị mắc vào dây điện, và cả lũ chúng tôi chạy trốn chiếc xe tải của bên điện lực. Mấy người đàn
ông tới, giận dữ gỡ những con diều chết xuống. Gió... gió... Ý tưởng nảy ra cùng cơn gió.
“Chơi trò đi săn đi, Luis.”
“Em không biết cưỡi ngựa.”
“Chẳng bao lâu nữa em sẽ đủ lớn và có thể cưỡi ngựa. Em ngồi đó xem nhé.” ”
Bỗng nhiên Pinkie trở thành con ngựa đẹp nhất trần đời, gió thổi mạnh hơn và những ngọn cỏ gầy dưới mương biến thành những bình nguyên phì nhiêu rộng lớn. Bộ trang phục cao bồi của tôi được dát vàng. Ngôi sao cảnh sát trưởng lấp lánh trên ngực.
“Đi nào, chú ngựa nhỏ, lên đường thôi. Chạy đi, chạy đi...” Cờ lộc - cờ lộc - cờ lộc! Tôi được Tom Mix và Fred Thompson hộ tống. Lần này Buck Jones không muốn đến còn Richard Talmadge đang bận đóng một bộ phim khác.
“Đi nào, đi nào, chú ngựa nhỏ. Chạy đi, chạy đi. Những người bạn thuộc bộ lạc Apache đã tới, bụi tung dưới vó ngựa. Cờ lộc - cờ lộc - cờ lộc! Những chú ngựa của người da đỏ làm huyên náo cả không gian.
“Chạy nào, chạy nào, chú ngựa nhỏ, bình nguyên đầy nhúc trâu bò. Nổ súng đi, các anh em. Bùm, bùm, bùm! Pằng, pằng pằng!” “Phựt, phựt, phựt!” cung tên rít lên.
Gió, tốc độ, ngựa điên cuồng phi nước đại, những đám mây bụi và giọng Luis gần như hét lên. "Zezé! Zezé!"
Tôi ghì cương và nhảy xuống, mặt đỏ bừng vì chuyến cưỡi ngựa.
“Có chuyện gì vậy? Một con trâu rừng tiến đến chỗ em ư?” “Không. Hãy chơi trò khác đi. Có nhiều người da đỏ quá và em sợ.”
“Nhưng đó là người Apache mà. Họ là bạn chúng ta.” “Nhưng em sợ. Họ đông quá.”
Chương 2
KẾT BẠN
Trong vài ngày tiếp theo, tôi đi học sớm hơn một chút để tránh chạm mặt ông người Bồ đang mua thuốc lá. Tôi cũng cẩn thận lẻn vào góc đường phía bên kia - gần như khuất dưới bóng hàng giậu phía trước các ngôi nhà. Ngay khi ra tới đường quốc lộ, tôi sang đường luôn và cắm cổ bước, tay cầm giày, đi sát vào bức tường nhà máy lớn. Nhưng những nỗ lực của tôi quả thực không cần thiết. Đường phố có trí nhớ ngắn lắm và chẳng bao lâu sau, chẳng ai còn nhớ đến trò hề của con trai ông Paulo. Bởi vì đó là cách tôi được biết đến khi phạm phải tội lỗi nào đó: “Con trai ông Paulo đấy.” “Chính là thằng con trai đó của ông Paulo đấy.” “Thằng ranh chuyên gây chuyện con ông Paulo đấy.” Có lần họ thậm chí còn nghĩ ra một trò đùa khủng khiếp: Khi câu lạc bộ bóng đá Bangu bị đội Andara Ơi đánh bại, người ta đùa,“Bangu bị đập nhừ tử hơn cả thằng con ông Paulo!”
Đôi khi nhìn thấy chiếc xe chết tiệt đó ở góc đường, tôi bèn nán lại phía sau để không phải đụng mặt ông người Bồ - khi nào lớn tôi sẽ giết ông ta thật đấy - đang cực kỳ vênh váo với vai trò là chủ nhân của chiếc xe hơi đẹp nhất Bangu và nhất thế giới.
Dạo đó ông ta biến mất trong vài ngày. Thật nhẹ cả người! Chắc hẳn ông ta đã rời khỏi thành phố hoặc đi nghỉ. Tôi lại có thể đi bộ đến trường với trái tim bình yên và bắt đầu cân nhắc không biết sau này có đáng để giết ông ta không. Có một điều chắc chắn: rõ ràng, khi bám càng một chiếc xe ít quan trọng hơn, tôi không còn cảm thấy phấn khích như thế nữa và tai tôi cứ nhói đau rất khó chịu.
Cuộc sống trên đường phố vẫn tiếp diễn như thường lệ. Mùa diều đã tới và chúng tôi luôn có mặt ở ngoài đường. Suốt cả ngày, bầu trời xanh được điểm những vì sao sặc sỡ nhất, đẹp nhất. Vì đang là mùa gió của năm nên tôi không dành nhiều thời gian với Pinkie mà chỉ ra gặp nó khi bị cấm túc sau một trận đòn. Tôi chưa bao giờ cố lẻn đi chơi khi đang bị cấm túc; bị đòn hai lần liên tiếp thì đau lắm. Thay vì thế tôi cùng với Vua Luís ra trang điểm - tôi thích từ đó - cho cây cam của tôi. Thật ngạc nhiên, Pinkie đã lớn hơn nhiều và chẳng bao lâu sau sẽ đơm hoa kết trái. Những cây cam khác đều phải mất một thời gian dài. Những cây cam ngọt của tôi “khôn trước tuổi”, như cách bác Edmundo miêu tả tôi. Sau đó bác đã nói cho tôi biết nó có nghĩa gì: một thứ sẵn sàng từ lâu trước mọi thứ khác. Thực ra, tôi không nghĩ bác biết cách giải thích chính xác. Nó chỉ đơn giản là thứ xuất hiện trước tiên.
Vậy là tôi đi lấy vài đoạn dây thừng, vài đoạn chỉ, đục lỗ trên mấy cái nắp chai và trang điểm cho Pinkie. Các bạn phải tận mắt ngắm mới biết nó đẹp như thế nào. Khi gió thổi, những cái nắp chai chạm vào nhau leng keng, trông như thể Pinkie đang mang bộ định thúc ngựa mà Fred Thompson đã dùng khi cưỡi con Vua Bạc.
Mọi chuyện ở trường cũng ổn cả. Tôi thuộc lòng các bài quốc ca. Bài hoành tráng mới là bài quốc ca đích thực. Hai bài khác thì một bài ngợi ca lá quốc kỳ còn một bài có câu Tự do, Tự do, hãy dang rộng đôi cánh che chở chúng con. Đối với tôi, và tôi nghĩ đối với cả Tom Mix nữa, đó là bài hay nhất. Mỗi khi chúng tôi cưỡi ngựa, trừ phi đang chiến đấu hoặc đi săn, ông đều nói một cách kính cẩn, “Nào, chiến binh Apinajé, hãy hát bài ngợi ca tự do đi.”
Thế là giọng hát vút cao của tôi lại vang khắp các bình nguyên bao la, thậm chí còn hay hơn cả khi tôi thực hiện công việc hát đệm cho Ariovaldo vào các ngày thứ Ba.