🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cầu Ô Thước - Antoine Audouard full prc pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
Ebooks
Nhóm Zalo
Dành để tưởng nhớ cha tôi Yvan Audouard
(1914-2004)
Đêm nay người sống bị quật dậy
Và những người chết thức tỉnh run rẩy giống hệt người sống.
ARAGON
Thế giới người chết là chốn xa xăm luôn đe dọa người sống.
DƯƠNG THU HƯƠNG
“Bạn có nhớ truyền thuyết đó không? Về sao Hôm và sao Mai... Sao Hôm đem lòng yêu sao Mai nhưng chúng chẳng bao giờ gặp được nhau. Tất nhiên rồi, vì khi ngôi sao này đi ngủ lại là lúc ngôi sao kia thức dậy, và ngược lại. Thế là mỗi năm hai lần, trên sông Ngân Hà, những chú quạ lại kết cánh thành cầu nối cho chúng gặp nhau.
- Mỗi năm hai lần, chẳng nhiều nhặn gì.
- Một lần trong đời, có lẽ cũng đã là nhiều.”
Phần mở đầu
Tôi nhận được cuộc điện thoại vào lúc tối muộn. Một giọng nói lạ hoắc, xoe xóe hỏi xem có phải tôi tên là André Garnier, có đúng tôi là con trai của Pierre Garnier không và khi tôi đang lúng búng trả lời rằng đúng là tôi nhưng ai thế? ai vậy? thì giọng nói ấy tiếp tục: “Cha anh, ông Garnier sẽ tới nhà anh ngày mai. Lúc 10 giờ 30 được chứ?” Chắc chắn, chúng ta không sống trong một thế giới mà người cha là đoàn tàu và con cái là sân ga; chắc chắn người phụ nữ này không có thật, bà ta không xưng danh và tôi cũng chẳng hỏi. Thế nhưng, ngày hôm sau, có hai nhân viên cứu thương - một to con, một gầy nhẳng - gõ cửa nhà tôi rồi đưa một tờ giấy màu xanh cho tôi ký, cứ như là họ đi giao thư bảo đảm vậy.
“Đúng 10 giờ 30 phải không nhỉ?” người gầy nhẳng ra vẻ thành thạo hỏi, rồi hai người đàn ông rời đi không để tôi kịp ngậm miệng lại.
Bố và tôi cứ đứng trên lối nhỏ dẫn vào nhà, lạ
lẫm với nhau. Ông hơi lắc lư người, hai bàn tay nắm chặt chiếc túi da du lịch.
“Mẹ con có khỏe không?” cuối cùng ông cũng lên tiếng và tôi thấy lòng mình ngổn ngang những cảm xúc đầy mâu thuẫn mà nổi trội là một cơn giận dữ rất thường tình - tức giận vì đột nhiên tôi phải làm người cha chăm sóc ông trong khi ông chưa từng một ngày làm cha tôi.
“Thế còn vợ con?” ông tiếp tục, với giọng niềm nở.
“Tốt cả,” tôi nói nhỏ, không cố để ông nghe thấy.
Ông đến chậm mất ba mươi năm so với ngày mẹ tôi mất, nhưng chỉ muộn có ba hôm so với ngày vợ tôi bỏ đi. Một chút cố gắng thôi là ông đã có thể đến kịp.
***
Tôi chủ yếu túc trực bên ông những tuần cuối
cùng. Con trai tôi cũng vào phòng, ngồi quỳ ngay dưới chân giường chơi trò Mikado một mình.
Cô gái trẻ lặng lẽ ngồi bên bố tôi, vừa đan khăn vừa liếc nhìn chúng tôi qua cặp kim đan. Cháu bón cho ông từng thìa khoai nghiền hay những món ăn tráng miệng có vị caramel, giúp ông nhấp môi vào ly bia tươi không cồn. Cháu đến với tư cách là người trông trẻ, rồi ở lại với danh nghĩa một y tá, một quản gia và tôi còn biết gì nữa đây. Tất cả những gì tôi biết về cháu là cháu được sinh ra tại Việt Nam. “Giống như tôi ư?” một lần tôi đã hỏi và cháu chỉ gật đầu; việc góp thêm những khoảng lặng vào cuộc sống của chúng tôi không tạo được một chút thân tình nào giữa chúng tôi và cháu.
Cháu cúi xuống bên ông và ông ngập ngừng đưa tay chạm vào mái tóc của cháu. Cháu xoa bóp cánh tay cho ông rồi hôn ông, ông thì thầm, hoặc có thể chỉ hơi mấp máy môi. Một lần tôi nghe tiếng ông nói: “Không.” Rồi lại: “Tại sao lại không chứ?” Đôi mắt ông nhìn mông lung và tôi nghĩ chắc là ông muốn giữ cháu lại. Tôi thấy buồn nôn vì ghen tị: thế đấy, đến cả khi sắp chết ông vẫn yêu thương một người khác - một người xa lạ - hơn tôi.
Tôi bị ám ảnh bởi những nếp nhăn hằn sâu trên trán ông và cái vết nhăn như trẻ con hằn cả xuống cằm, cứ như thể chúng đang che giấu những bí mật mà tôi bị vùi sâu trong đó. Tôi liên tục bị những mảnh ký ức đeo đuổi. Một đêm - là cái đêm trước hôm ông mất? hay là cái hôm bác sĩ đã sử dụng từ “giải thoát”? - lúc tôi đang gà gật trên chiếc ghế bành cạnh giường ông thì bị cái điệp khúc của ông đánh thức:
“Chúng tớ đang trong quán rượu ở cây số 113 trên đường đi Đà Lạt, một mỏm đá lớn bên vệ đường, ngay bìa rừng. Bên phải tớ là Tikhomirov, người Nga da vàng, nhà báo hạng xoàng, một người đồng chí; bên phải anh ta là Carraz, to lừng lững, vừa luồn tay dưới mông cô nàng Olga vừa tợp bát mì. Những người khác bốc khoai tây chiên ăn. Olga: một thiếu nữ Lào xinh xắn lười nhác. Cũng không biết tại sao lại gọi cô nàng là Olga. Bên trái tớ, ngồi ngay sát, là Katia, người mà anh đã biết, lâu rồi tôi không nói chuyện với cô ấy nữa và bên cạnh cô ấy, trong bóng tối, là một người Việt. Anh ta có muốn giết chúng tớ không? Chúng tớ không có mật khẩu và với lính biệt kích Sénégal thì đừng có dại mà đùa. Tikhomirov nói với anh ta: ‘Thế nào, mày muốn giết bọn tao à?’
Anh ta trả lời: ‘Tao chẳng cách gì giết được tụi mày. Tụi mày đã chết rồi.’ Cậu thấy rõ sự việc rồi đấy, tớ đã kể cho cậu rồi mà. Chúng tớ đang trong quán rượu ở cây số 113, trên đường đi Đà Lạt. Bên phải tớ...”
Cái đĩa ấy đã được ghi nhưng phần lời vẫn có thay đổi, những chi tiết vô nghĩa được thêm vào hoặc lược bớt đi, với một sự liên kết tổng hòa theo một logic vẫn còn là bí ẩn cùng câu kết vang lên như một hồi chuông báo tử: “Tao chẳng cách gì giết được tụi mày. Tụi mày đã chết rồi.”
Ngay trước khi chết, ông run rẩy kéo chăn lên như muốn trùm kín cả người. Ông không nói gì nữa, lúc bấy giờ ông sùi bọt mép và thở ran. Tôi đã nhầm khi tưởng rằng đôi mắt ông trống rỗng hay có thể chúng là tấm gương phản chiếu mắt tôi. Con trai tôi còn đang ở trường và tôi có cả buổi sáng để bố tôi ra đi. Đó là thời gian nhiều hơn cần thiết, nhiều hơn thời gian mà chúng tôi từng có với nhau.
Ông vã mồ hôi đầm đìa và tôi đặt tấm khăn mặt lên trán ông. Tôi ấp lấy bàn tay ông trong tay tôi; nó thật nhỏ bé và yếu ớt.
Giữa lúc hấp hối, ông quay mặt về phía tôi, nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt u ám rồi chợt bừng sáng, vẻ nghiêm túc của đứa trẻ vừa mới chào đời. Ông lập bập lưỡi trong vòm miệng nhưng không phải vì khát. Bằng động tác hất cằm, ông ra hiệu cho tôi lại gần.
“Bố có điều muốn nói,” ông thì thầm rất khẽ, nhưng rõ ràng. Và dường như làm thế là chưa đủ, ông nhắc lại to hơn, với tình trạng của ông thì chắc hẳn là một tiếng hét, nhưng chỉ buột ra được một tiếng khào khào: “Bố có điều muốn nói.”
Ánh nắng mùa xuân xuyên qua tấm rèm khép kín. Tôi đứng dậy mở toang rèm ra, hít thở bầu không khí trong lành, chớp mắt và tự nhủ đó là một trong những ngày ấy.
Khi tôi quay lại thì ông đã ra đi, tôi trơ trọi ở lại với những điều ông muốn nói.
***
Ngày hôm sau, chỉ còn tôi và cậu con trai ở lại trong căn hộ trống rỗng. Thằng bé lẩm nhẩm hát và lặng lẽ chơi trên tấm thảm phòng khách. Đồ chơi yêu
thích của nó vẫn là những chú lính chì, chúng từng là của tôi khi tôi còn bé, và trước đó là của bố tôi rồi trước bố tôi là của ông tôi: những cuộc chiến tranh đã ào qua đất nước chúng tôi, nỗi nhục năm 1870, cuộc tàn sát năm 1914, nỗi hổ thẹn năm 1940(1 )... Chúng tôi xuất thân từ một gia đình nơi người ta hy sinh vì nước Pháp.
Tôi cứ nhìn con trai một lúc lâu mà không nói gì; rồi thằng bé ngước mắt về phía tôi mỉm cười.
“Gấu túi.”
Thằng bé bám chặt lấy tôi, quặp đùi quanh hông tôi và dụi đầu vào vai tôi. Rồi tôi nhẹ nhàng đặt nó xuống đất và ngồi xổm bên cạnh. Tôi trải tấm giấy nền màu xanh sẫm xen lẫn màu hạt dẻ của núi được rừng cây bao phủ; cách khu vực chiến trường một đoạn, tôi bố trí một ngôi làng phía Đông, với những trang trại rộng lớn, gia súc, nhà thờ làng với tháp chuông nhọn màu đỏ. Khung cảnh này là nơi chúng tôi từng sống.
Chúng tôi bốc thăm xem ai nhận được chiếc máy
bay trinh sát duy nhất có hai cánh màu xanh lá cây mà khi cất cánh phải thổi vào cánh quạt. Tôi bốc trượt và theo thỏa thuận, phải nhận chiếc xe cứu thương chữ thập đỏ thiếu một bánh, cùng với một cô y tá đội mũ ca lô trắng.
Quân đội của chúng tôi - lính bộ binh mặc áo ca pốt màu xanh dương, lính sơn cước với trang phục màu trắng và áo choàng màu hạt dẻ, long kỵ binh, đại bác, ngựa chiến - bắt đầu di chuyển. Chúng tôi chiến đấu mà không trò chuyện, miệng thổi còi và huýt sáo, họng thở ran và gầm gừ như để lồng tiếng cho một bộ phim lớn về chiến tranh. Là các vịtướng muôn đời trẻ trung, chúng tôi chiến thắng để cười cợt những gì mà cha ông chúng tôi thực ra đã thua.
Sau trận chiến, chúng tôi lên chuyến tàu đêm. Cậu con trai nép sát vào người tôi, còn tôi hát cho nó nghe tất cả các bài hát mình thuộc cho đến khi nó ngủ thiếp đi.
Bác Jean, người bạn thời thơ ấu của bố, ra ga đón chúng tôi. Ông đội chiếc mũ rơm có dải ruy băng màu hạt dẻ mà trên đó vẫn đính mẩu mác bằng giấy bìa: bác Jean đến từ một thế giới nơi người ta không
vứt bỏ bất kỳ thứ gì. Hai hàm răng vàng xỉn không làm lu mờ đi nụ cười của bác nhưng nụ cười ấy chẳng dập tắt được nét buồn trong đôi mắt. Bác cân nhắc từng từ trước khi nói. Cả ba chúng tôi lên một chiếc xe vắng khách ám mùi thuốc lá.
Ngay cạnh ngôi làng nơi bố trưởng thành, tôi giải thích cho con trai, có một chỗ dành cho những người không còn sống nữa nhưng có thể vẫn đang tồn tại.
“Ý bố là gì ạ? thằng bé hỏi, giọng ngờ vực. Họ... hồi sinh hả bố?”
Tôi rất bất ngờ. Nó đào đâu ra cái từ ấy nhỉ?
“Bố không biết. Một số người cho là như vậy, một số người khác thì không.
- Nhưng còn bố thì sao, hả bố?
- Bố không biết
- Bố phải biết chứ. Các ông bố đều biết mà.”
Giọng của ông già Gabin vang lên trong tâm trí tôi, cái bài ca ngốc nghếch ấy: Bây giờ thì tôi biết, tôi biết mình chẳng biết gì. Đó là tất cả những gì tôi biết, điều đó thì tôi biết...
Một đám mây dông bao trùm lên những viên ngói tròn màu đỏ trên các nóc nhà trong thịtrấn Saint-Gabriel rồi quất mạnh vào những quả đồi xứ Provence; một cơn gió Bắc ẩm, se lạnh, thổi tới từ phía sau, khiến những chiếc áo sơ mi mùa hè của chúng tôi bay phần phật như những cánh buồm.
Ở cổng vào nghĩa trang, hai cây bách lắc lư theo những cơn gió mạnh; một cánh cổng lưới sắt đập vào trụ đá. Gió không để cho thứ gì yên bình, kể cả những tấm bia mộ. Dường như ngay cả những tấm bia giả cẩm thạch khắc chữ “Thương tiếc” hay “Requiescat in pace(2 )” cũng đang run rẩy.
Một nhóm những người già mà tôi không quen biết đặt lên má chúng tôi những nụ hôn đẫm nước. Có một người đứng tách ra xa, thậm chí còn chẳng gật đầu làm hiệu với tôi. Ông ta to lớn và gần như hói trọc, phần dưới của khuôn mặt bị bộ râu chớm bạc che lấp. Ông mặc bộ vest màu đen nhàu nhĩ bên
ngoài chiếc áo phông trắng, chân thì đi xăng đan. Ông chỉtiến lại đặt lên quan tài một lá cờ của trung đoàn bộ binh thuộc địa và một tấm huân chương quân nhân. Tôi không rời mắt khỏi ông trong khi ông đứng dậy, cúi đầu rất nhanh rồi bước ra xa.
Cuối buổi tang lễ, một người đàn ông dáng thẳng và gầy còm, đôi mắt xanh lợt, đi về phía tôi, một bên tì vào cây gậy chống, bên kia dựa vào người vợ trông trẻ hơn ông.
“Tôi là Costes. Xin chia buồn, chàng trai trẻ.”
Ông bắt tay tôi và ôm hôn mà không chạm vào mặt tôi. Với ông, việc gọi tôi là “chàng trai trẻ” không làm tôi khó chịu, ngay cả khi tôi vừa tròn năm mươi tuổi cách đây không lâu.
Ông nhìn chòng chọc vào tôi với vẻ chăm chú xa xăm của một người đã lòa mắt.
Bác Jean đứng ở phía sau, và Mireille, con gái bác, đứng ngay bên cạnh. Con trai tôi chạy chơi giữa các ngôi mộ, đặt một cánh hoa hồng lên những ngôi mộ không có hoa. Mireille mặc chiếc váy màu đen
bó sát, để lộ cơ thể viên mãn nở nang tự nhiên sau lớp váy. Dưới đôi mắt cô có những vệt sẫm màu, chắc hẳn là do trang điểm hoặc do mệt mỏi.
Tôi cùng ông Costes chậm rãi tản bộ giữa những ngôi mộ.
“Bố cháu nhắc đến nhiều tên người, tên phố nhưng tất cả đều... trống rỗng... Cuộc đời ấy đã trôi qua. Bố cháu bị quá khứ ám ảnh, nhưng cháu lại có cảm giác như đang lật giở một cuốn album ảnh cũ mà chẳng có ai thuyết minh. Nhiều cái tên lặp lại: Tikhomirov, Bằng Sơn. Cái địa danh này: hẻm Éden. Khi cháu hỏi thì bố chẳng bao giờ trả lời; ông chỉ im lặng hoặc tiếp tục nói như đang đọc chính tả. Vì thế cháu thôi không hỏi nữa.”
Ông Costes luồn tay vào mái tóc đã hơi dài, và đang ngả hoa râm. Cùng với đó là bộ trang phục hoàn hảo, thoảng mùi hương cây đoạn. Ông luôn có nụ cười chẳng dành cho ai cả.
Tôi kể cho ông nghe lúc bố lâm chung, “bố có điều muốn nói”.
Ông Costes bước đi khó khăn, chân phải của ông run rẩy như được đỡ bằng một sợi dây chun.
“Đặc trưng của những vết thương cũ đấy. Nó khiến các cựu chiến binh tin rằng cả tôi cũng là một anh lính già.
- Ông không phải lính già sao?”
Ông làm vẻ ranh mãnh.
“Không. Nhưng tôi có những vết thương riêng... Mà suy cho cùng thì cũng chẳng có gì khác. Cậu có thực sự muốn nói chuyện không?
- Nếu ông có điều gì muốn nói.
- Vấn đề là - và cậu biết rất rõ, phải không? - tôi không thể nói cho cậu những chuyện ‘của ông ấy’. Và như thống chế Pétain lúc cuối đời, tôi cũng thế: mỗi ngày chỉ có hai giờ đồng hồ minh mẫn, không hơn.”
Chúng tôi lại đi qua hàng rào sắt. Những nhân viên nhà đòn chỉ mặc sơ mi, áo vest vắt trên vai, lặng
lẽ uống bia sau xe tang.
Ông Costes đặt bàn tay thô ráp lên tay tôi. Quờ quạng bám vào tôi, ông kéo tôi đến băng ghế sát tường. Ông thở chậm lại, mắt nhắm hờ.
Ngay lúc ấy, vợ ông quay lại, chìa tay ra cho ông. Ông thận trọng đứng lên.
“Cậu đến gặp tôi nhé, ông nói. Ở Paris. Chúng ta sẽ nói chuyện.
- Cháu có thể hỏi ông một điều được không? - Bất cứ điều gì cậu muốn.
- Người đàn ông đặt lá cờ trên quan tài bố cháu rồi lẳng lặng ra về tên là gì ạ?
- Carraz.”
Carraz. Lại một cái tên mà bố tôi từng nhắc đến. “Ông có số điện thoại của ông ấy không?
- Suzanne ơi?”
Vợ ông lấy ra một quyển sổ từ túi xách, chép lại số điện thoại vào mặt sau tấm danh thiếp in tên ông.
Họ cùng nhau rẽ ở góc đường.
Chúng tôi lặng lẽ đi đến chỗ ngã tư cùng với bác Jean và Mireille.
“Đó là một người bạn của bác,” rốt cuộc bác Jean cũng nói ra, mắt nhìn về phía những quả đồi. Sau đó, với vẻ nể trọng, ông nói tiếp:
“Ông ấy quen biết nhiều.”
Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho Carraz. Điện thoại đổ chuông rất lâu rồi mới có một giọng nói khàn khàn, khản đặc do khật khừ say rượu và khó chịu bắt tôi nhắc lại tên. “Cháu là André Garnier, bác Carraz ạ. Con trai của người mà hôm trước bác đã đến dự lễ tang ở Saint-Gabriel.”
Hơi thở của ông có vẻ gấp gáp, sốt ruột.
“Không phải cứ đến dự tang lễ của người cha thì tôi lại có điều muốn nói với con ông ta đâu. Tôi không muốn nói về tất cả những chuyện đó, thế thôi. Tôi đã làm hết những gì cần phải làm rồi.
- Ý bác muốn nói gì ạ?
- Không gì cả. Những người như tôi không muốn nói gì cả.
- Bác thừa hiểu ý cháu không phải là vậy mà. - Những người như tôi chẳng hiểu gì cả.”
Giọng ông bất chợt trở nên giận dữ nhưng ông vẫn không gác máy. Trong vài giây, tôi vẫn nghe thấy tiếng thở như kéo bễ của ông, tôi cố kiềm chế cảm giác khó chịu của mình.
“Còn Bằng Sơn, bác biết người này chứ ạ?”
Tôi thốt ra cái tên này giống như người ta ném viên đá cuội cuối cùng xuống biển, trong màn đêm, với hy vọng nó nẩy thia lia trên mặt nước. Ông mất
nửa giây lưỡng lự.
“Tôi chẳng biết ai cả.
- Tốt thôi, cuối cùng tôi nói, nếu bác muốn như vậy, cháu còn có thể làm gì được chứ?
- Cậu còn có thể làm gì được chứ? ông lặp lại.”
Buổi sáng tôi rời nhà trong lúc con trai vẫn đang ngủ và tôi đi chạy bộ trong rừng thông. Ngay trên mặt đường chính, có đến năm sáu khối đá kếch sù nằm trải dài. Chúng được xếp theo hình vòng cung cứ như để dùng cho một mục đích tôn giáo bí ẩn nào đó. Bản hòa tấu inh ỏi của lũ ve sầu vẫn chưa bắt đầu và tôi tận hưởng giây phút bình yên vừa bị những cơn gió mistral(3 ) đầu mùa đến khuấy động. Rồi tôi đi xuống chỗ con kênh bơi lội cùng với lũ ếch.
Sau đó tôi đi uống cà phê với Mireille và chúng tôi chuyện trò về những chủ đề chẳng ăn nhập gì với nhau, về mây trời, chim chóc, về vị của cà chua mùa này rồi về giá xe hơi.
“Hãy nói cho em biết đi, cô ấy đề nghị.
- Em muốn anh nói gì?”
Tôi những muốn cô ấy im lặng và như vậy tôi có thể được yên trong trạng thái bồng bềnh, tràn ngập ham muốn lặng lẽ và thư thái, chỉthấy chân trời là đường bờ vai cô ấy.
“Hãy cho em biết khi nào anh tỉnh lại, khi nào anh thôi sống với... những cái bóng... khi nào anh định gọi điện cho vợ để nói rằng anh muốn gặp con trai.”
Tôi tiếc nuối rời mắt khỏi cô ấy. Con trai tôi ư? Nhưng tôi vẫn nói chuyện với nó sớm sớm tối tối. Tôi đâu cần cô ta giúp làm việc ấy. Bố con tôi đã làm biết bao việc cùng nhau và tôi đã tạm dừng cuộc đời riêng để tuổi thơ của thằng bé là một lâu đài hạnh phúc.
“André? Anh nói điều gì đi...”
Tôi không thể nào mở miệng. Tôi thừa biết là cô ấy sẽ không bỏ rơi tôi, với tính cách dịu dàng quá đỗi,
với cái cách nhẹ nhàng yêu thương con người tôi, cho dù thế nào đi nữa. Nếu tôi nói ra một lời, thì cùng lúc tôi cũng phủ nhận biết bao điều, để bao nỗi nghi hoặc xâm chiếm hết sự tinh anh của mình, sự tinh anh bất hủ và thân thương.
Tôi lấy tay bịt hai tai lại rồi đi vụt về phía sau khu vườn, ở đó có bậc thang dẫn đến nhà tôi, nơi con trai tôi đang nằm ngủ cuộn tròn trên giường, chờ tôi. Nó sẽ tỉnh giấc khi tôi trở về và kể cho tôi nghe về giấc mơ của nó rồi cả hai chúng tôi lại lim dim ngủ như những chú mèo, một lớn, một bé.
Hiên nhà tối đen, tôi muốn bật đèn nhưng điện đã bị ngắt, tôi không tìm thấy cầu dao. Tôi gọi tìm con trai, con trai yêu quý của tôi còn đang say ngủ, tại sao lại làm phiền nó chứ? Tôi gọi để nó lao đến quặp lấy tôi như con gấu túi, được vỗ về. “Bố chỉ mới để con lại đây một buổi tối thôi mà, tôi nói với nó, nhưng bố không đi xa đâu, lúc nào bố cũng dõi theo con dù con không biết và không chuyện gì có thể xảy đến với con được, bố bảo vệ con trước mọi thứ. Nếu con sợ, nếu con lạnh hay đói, nếu con nhớ bố, con chỉ cần mở mắt là bố đã ở ngay bên cạnh. Không, bố không bỏ rơi con, con đừng nghĩ thế, con trai của bố,
con đừng bao giờ nghi ngờ bố, đừng bao giờ nhé.” Tôi gọi con và quờ quạng tiến lên trong bóng tối, từ phòng này qua phòng khác, dò dẫm bước khắp nhà vì đó là một căn nhà nhỏ chất đầy những mớ lộn xộn của quá khứ, tất cả những đồ gãy hỏng này, những chiếc ghế đổ chổng ngược này, cả cái hành trình chông gai này để được ôm con trai trong vòng tay. Tôi mò mẫm khắp giường, tìm kiếm dưới đám ga phủ và chăn, vì một cơ thể bé nhỏ đến thế có thể bị che lấp, chỉ cần một góc nhỏ, một cái gối là có thể bỏ qua mất thằng bé, tờ quảng cáo cũ của hãng Vận tải biển, thạch cao bong ra từng mảng từ đó, và trong căn phòng cũ kỹ nhất, dọc theo tường, một chiếc cầu là, một chiếc bàn ăn dài trong bếp, áp phích quảng cáo phim Con gái người thợ đào giếng. Thằng bé không có đó, đồ ranh mãnh, láu cá này, nó trốn kỹ đến nỗi mặc cho tôi hét gọi, mặc cho tay tôi khua khoắng mò tìm nhưng vẫn không thấy, con ra đây mau, thế là đủ rồi đấy, buồn cười thật đấy nhưng con thôi đi, bọn trẻ con là như thế đấy, chúng không biết điểm dừng trong khi bạn thì lo lắng, tự vấn, cố tìm, tìm nữa, tìm mãi, nhưng bọn chúng thì không.
Tôi bò vào đến giường và rờ rẫm từng ngón tay về phía trước nhưng vẫn không thấy thằng bé, và lần
đầu tiên tôi toát mồ hôi, đầm đìa cả người: nó không có ở đó.
Khi tỉnh dậy, cả người tôi đau ê ẩm như bị đánh đòn. Nhưng rốt cuộc, tôi chỉ có một mình, một mình giữa những khoảng lặng mà tôi có nhiệm vụ nhân thêm lên nữa, chứ không phải gọi những hồn ma về.
Đã đến giờ lên tàu.
PHẦN 1
SÀI GÒN, HẺM ÉDEN
1.
“Tao chẳng điển trai nhưng lại có cái của quý bự. Mày nghĩ là ổn chứ?”
Carraz ngừng một lát rồi cười ngây ngô. Với cái mũi vừa ngắn vừa tẹt cùng bộ râu ba ngày chưa cạo, Pierre Garnier nghĩ bụng, trông cậu ta thật gớm.
“Này, mày nghĩ cô ấy có thích không?”
Pierre không biết nên cười hay nên càu nhàu. Vào lúc mà những người khác đang trở xuống khu hầm ngột ngạt của chiến hạm Desaix thì họ nằm khểnh trên những ván gỗ vẫn đang còn nóng giãy của boong tàu, nheo mắt nhìn mặt nước biển màu đồng,
lằn những vệt đỏ màu máu. Phía sau họ, bốn gã ngốc đang chơi bài, làm náo loạn không gian yên tĩnh chắc chắn còn hơn cả những chiếc loa phóng thanh, suốt cả buổi chiều toàn xổ ra những bài giáo huấn về địa lý Đông Dương, về cách gieo cấy lúa và về bản tuyên ngôn Brazzaville(1 ) của tướng De Gaulle.
“Vĩ Nhân đã giải phóng chúng ta, Carraz lẩm bẩm, nhưng ông ta chẳng giúp chúng ta đuổi được mấy gã chơi bài bơ lốt ngu xuẩn kia đi. Hay hớm gì cái trò đỏ đen! Nói cho tao biết mày nghĩ sao đi, có hay không nào?
- Tao mà là con gái, thì chắc là tao chẳng khoái đâu.
- Cái xứ này toàn những của quý bé tẹo. Hàng như của tao, họ sẽ phải liệt vào sử sách đấy.
- Nói cho mày biết nhé, có thể tao không phải người thích hợp với chủ đề này.
- Mày nói đúng, anh chàng Cửng-cu ạ, mày chẳng biết cái quái gì cả. Nhưng đó chính là điều tao
thích ở mày. Mày không mắc giang mai hay lậu. Mày cũng chẳng dính đến những thói hư tật xấu đang hủy hoại chúng ta.”
Pierre giương to mắt. Tuy nhiên dường như đối với cậu thì chẳng cần phải cào sâu xuống dưới bề mặt da để tìm thấy thói hư tật xấu. Còn những căn bệnh hoa liễu, thì đúng thật, cậu cũng chẳng vội vàng.
“Garnier, tao làm mày khó chịu hả?” Carraz hỏi.
Pierre đứng dậy không trả lời, kẹp dưới nách cuốn truyện Dưới bóng những thiếu nữ đương hoa. Ở Marseille, trên cảng Joliette, khi mấy cậu bạn nhìn thấy thế, họ đã cười ngất! Proust ư! Tên với chả tuổi - lại còn là một kẻ ái nam ái nữ. Giờ thì điều đó chẳng còn khiến cậu buồn nhún vai: cái biệt danh ngu ngốc này không còn khiến cậu thấy đỏ mặt nữa. Đọc sách là một phần sở thích kỳ cục của riêng cậu, chẳng xấu cũng chẳng tốt hơn trò xăm trổ của Montpezat (mỗi bên mông xăm một con vẹt có bộ vú người) hay thói quen kỳ dị của Lamirault là uống một ngụm Pétrole Hahn(2 )lúc ngủ dậy.
Con sóng lừng chồm lên mạn sườn màu xám của con tàu mà từ dưới đáy tàu thỉnh thoảng lại vang lên tiếng sóng xô trầm đục và sâu. Xa hơn nữa, trên boong vọng lại những tiếng khóa nòng súng cành cạch.
Carraz mải mê với việc cắt tỉa móng tay, cậu ta lấy răng cắn rồi phì ra những mẩu móng, cố phì cho càng lúc càng xa.
Dù thế nào, Pierre nghĩ bụng, có những người đã tham chiến “thực sự” - và những người còn lại. Cậu nằm trong số những người còn lại đó. Cậu đã trải qua bốn năm Đức chiếm đóng cùng với mẹ và dì trong căn nhà của gia đình ở Saint-Gabriel. Ở làng, người ta gọi cậu là “dân Paris” bởi giọng nói và những cuốn sách cậu đọc. Bỗng dưng, vào mùa xuân năm 1944, ở tuổi mười tám, một chuyện đã giáng trúng cậu. Cái ông Malraux mà cậu ngưỡng mộ ấy, chẳng phải ông đang ở đâu đó trong một vùng du kích, và đang tổ chức Kháng chiến sao? Bất chợt, cậu thấy hổ thẹn với chính bản thân mình. Cậu đã làm gì? Không gì cả. Hành động nổi loạn duy nhất của cậu là cùng với cậu bạn Jean, vào năm 1943, cắm cờ quân đồng minh lên một tấm bản đồ châu Âu mà cậu cất dưới giường. Một
trò trẻ con... Không một ai quanh cậu có ý khiển trách gì. Sống sót là môn thể thao tập thể của một dân tộc đổ máu và, có vẻ như, đã bịtước đi mong ước kéo dài quá khứ vinh quang của mình. Một đêm, không nói một lời với bất cứ người nào trừ một lời nhắn để lại cho mẹ, cậu đã rời làng bỏ đi trên chiếc xe đạp.
Gần mười tám tháng sau, khó khăn lắm cậu mới chấp nhận được cảnh trớ trêu ác nghiệt mà vì nó ngay từ ngày ra đi cậu đã ở vịthế của kẻ chậm chân đen đủi - anh lính lạc đường ngay trước trận chiến và vừa chạy theo trung đoàn của mình vừa kêu gào rằng tôi muốn chiến đấu. Cậu thiếu điều gì mà không thể trở thành chiến binh thực sự? Nó thể hiện trên khuôn mặt, trong đôi tay cậu chăng? Bị gom về trại huấn luyện Fontainebleau trong khi những người khác đi giải phóng Paris, cậu lại bị chậm chân trong những trận chiến ác liệt cuối cùng vào mùa đông năm 1944-1945. Thành công duy nhất của cậu là trở thành một “người của Leclerc” - viên tướng bất bại của một dân tộc bại trận, sư đoàn của ông không theo lệnh người Mỹ mà tiến thẳng về Paris. Nước Pháp được giải phóng dưới tay người Pháp: một ảo ảnh tuyệt đẹp nhưng dẫu sao vẫn chỉ là ảo ảnh, Pierre biết
thế.
Chính trong thời kỳ Đức chiếm đóng, cậu bắt đầu gặp gỡ họ, những chàng trai ấy có khi cũng chỉ trẻ như cậu nhưng họ đã thấy hết, biết hết, từ châu Phi đến nước Pháp. Điều người ta có thể biết về những trải nghiệm của một người, không bao giờ là do chính người đó kể mà do một người khác, với giọng thì thầm: âm thầm lặng lẽ, điều không được nói ra đè nặng lên con người còn nặng nề hơn tất cả những lời phỉnh phờ, bỡn cợt và khoác lác. Carraz đã mất đi người em trai vào một ngày hè, trong vùng du kích Lot. Cậu ta không nói ra còn chúng tôi không làm như không biết. Về phần Pierre, cậu chỉ kể là bố mình mất vào tháng Sáu năm 1940. Mọi người chẳng hỏi han gì thêm. Họ không cần biết rằng đó không phải là ở Sedan, không phải trong trận xung kích tuyệt vọng của các sĩ quan dự bịtrường bộ binh Saumur, hay trong trận chiến lẫy lừng ở Montcornet do tướng De Gaulle chỉ huy - mà là trong một tai nạn xe hơi. Sự việc ấy - cùng với những tình tiết liên quan - đã được chôn chặt trong lòng cậu.
Đông Dương. Cậu còn nhớ cái ngày vừa cách đó hai tháng, cậu nghe tin người ta đang tuyển lính tình
nguyện cho quân đoàn viễn chinh Viễn Đông mà “chủ tướng”, biệt danh người ta vẫn gọi Leclerc, đang tổ chức. Điều gì đã khiến cậu lựa chọn? Một cơn trào dâng kích thích tố, suy cho cùng là khát khao cháy bỏng được phục vụ. Và trên hết là sự thanh thản. Đông Dương: sự cứu chuộc, cuộc sống, không gian, quên lãng! Và sau đó đại úy Blondeau đã nhìn thẳng vào mắt cậu mà nói: “Garnier này, với lý lịch của cậu, tôi nghĩ cậu nên xung phong vào ban biên tập tờ báo của chúng tôi.” Pierre choáng váng. Blondeau tiếp tục với giọng nhẹ nhàng hơn: “Chúng tôi không có nhiều nhân tài văn chương trong quân đội. Chúng tôi cần những người như cậu. Đó là một nhiệm vụ cao quý không thua gì các nhiệm vụ khác. Tôi có thể tin tưởng vào cậu được không?” Lòng đầy hổ thẹn, Pierre chỉ gật đầu. Đông Dương...
Đến gần dải đất nhô ra của mũi Saint
Jacques(3 ), biển Đông trở nên xám xịt và như trũng xuống. Phía mặt trời lặn bị chia thành hai dải song song: một dải ở phía trước, mang ánh vàng dịu của ảo ảnh phương Đông; và dải kia, ở phía sau, mang màu đỏ của máu. Phía xa hơn, đường viền màu xanh của rừng rậm mờ dần, bất động, như phông nền cho những con rối bằng bìa đen. Có cảm giác thật không
an toàn khi tiến vào đất nước này giữa lúc đêm hôm.
“Ăn thôi, Carraz làu bàu. Tao đang đói ngấu đây!
- Tao thích ở một mình đọc sách hơn.”
Hiếm khi cậu cưỡng lại mong muốn được bảo vệ nhờ sự có mặt của cậu bạn nặng đến cả tạ, với cung cách hung hãn và khuôn mặt vuông vức lúc nào cũng bị bộ râu chực che lấp khiến cho khá nhiều người phải tránh xa nếu không có mối thù ngấm ngầm nào với cậu. Đó là một gã to mồm nhưng cũng có thể ngậm chặt miệng suốt ba ngày, điều này không khiến Pierre thấy phiền, mà ngược lại. Không cần cố gắng, bằng bản năng, cậu cảm thấy được trong con người Carraz một tình cảm trìu mến đầy ngại ngần và thô kệch, kiệm lời, rất nhạy cảm, tự đắc vì không bị kéo theo mưu đồ của những kẻ ngốc nghếch.
Khi họ gặp lại nhau, ở Marseille, Pierre thì vừa mua xong sô cô la còn Carraz thì mới tiêu nốt phần lương, trước đó đã bị hao hụt kha khá, cho một ả điếm mà cậu ta rất thích vùng xương chậu uyển chuyển của ả, không có từ nào chính xác hơn từ “khó
tả”(4 ) để tả. Khu nhà lụp xụp gần cảng vẫn sản sinh ra những đứa trẻ rách rưới và lũ chuột dẻo dai siêu đẳng.
“Thế giày của mày đâu rồi?”
Carraz đã để quên chúng ở nhà thổ, hoặc đã gán nợ lại một quán bar nào đó, rồi họ lên tàu, khoác tay nhau, dưới ánh mắt chăm chú của một ông già người ẢRập đang ngồi xổm trên bến tàu, cậu trai trẻ gầy trơ xương, nhẹ cân hơn cả chiếc túi đựng sách, và một gã hộ pháp đi chân đất.
Dù có từng mơ tưởng đến những phòng khiêu vũ của quán Pasteur hay những bức chạm nổi phỏng kiểu Angkor ở lối vào nhà hàng Félix-Roussel, Garnier vẫn nhanh chóng hòa nhập được: những phòng ngủ chật kín người, toát ra cái hơi ẩm trong không khí càng lúc càng trở nên nhớp nháp khi họ xuống gần chí tuyến, những boong tàu xếp đầy các thùng trang thiết bị, đạn dược, và trên đó những chiếc xuồng cứu hộ đã bị kéo đi nhường chỗ cho xe Jeep và hai chiếc xe bọc thép, những lần tắm với chút nước ít ỏi đen sì: chẳng có gì trên tàu hứa hẹn viễn cảnh thi vị ở xứ thuộc địa. Còn về đồ ăn, mối
quan tâm thường trực của binh lính Pháp, tốt hơn là không nên đề cập đến.
Đến kênh đào Suez, ở nghi thức nhập môn, cậu đã đọc được rằng ngày xưa, những kẻ phiêu du thường thay Âu phục ra để mặc trang phục màu trắng và đội mũ; với nghi thức này, người đó mong rằng có thể bỏ lại trong xoáy nước con tàu cái tầm thường và mối ưu phiền mình đang trốn chạy - chưa kể đến ký ức về những tội ác và lỗi lầm. Người mới đến, con trai một công chức tỉnh lẻ khiêm nhường, là một kẻ tự phụ! Gã nhát chết, một tên Sở Khanh! Bị nhục nhã, hắn đã sẵn sàng để được cứu chuộc! Kẻ yếu đuối, khi nắm quyền! Pierre hắt hơi: cậu chỉ biết ném qua mạn tàu xuống biển miếng kẹo cao su nhai dở, gói trong tấm giấy bạc.
Khi đỗ lại ở mỏm Aden, vùng sỏi đá vỡ vụn vì nắng nóng nơi chỉ có những túp lều mái tôn mọc lên, cậu đã xuống đến cửa túp lều bẩn thỉu nơi những cô gái trẻ mảnh khảnh hông hẹp đang “hành lễ”, cậu từ chối không vào trong, lấy cớ là bỗng nhiên thấy khó ở, chiếc khăn tay ẩm đắp trên trán, ngồi dưới cái bóng mờ tối của túp lều, sau rốt cậu buộc phải thừa nhận rằng mình đã vui sướng khi nghe thấy những
âm thanh sơ đẳng, tiếng gầm gừ, tiếng làu nhàu từ những người anh em của cậu, những người đàn ông - giữa những âm thanh ấy là tiếng kêu chói tai ngắn ngủi, inh ỏi hòa lẫn tiếng phàn nàn của mình. Cậu không làm điều đó không phải vì việc đó xấu xa, mà do bản tính rụt rè. Đã từng có chuyện như thế này, hồi ở Đức, đôi khi cậu vẫn nhớ lại... cặp mắt lạnh lùng của một phụ nữ trẻ tìm thấy một góc trời xám xịt qua cánh cửa hé mở để trốn chạy, một lọn tóc đẫm mồ hôi dính chặt trên trán và bết lại, trong khi cả cơ thể, tấm đệm, kho thóc đều rung chuyển... “Ảđiếm đã có cái ả muốn,” Le Bihan đã bình luận thế, và cậu đã không thể thoát hẳn khỏi cái bản chất xấu xa của sự thỏa mãn cũng xưa cũ như những kẻ chiến thắng, nếu có thể gọi họ như vậy. Phải, người Nga vẫn làm việc này ầm ầm, tất cả mọi người đều làm việc ấy, cả người Mỹ, và người Anh với những lời rao giảng nhai đi nhai lại, tất cả mọi người. Đồng ý là cậu đã dần cho Le Bihan một trận nhưng rồi cũng chẳng cảm thấy khá hơn sau đó: trong chừng mực nhất định, cậu không thể phủ nhận mình có can dự vào chiến thắng đê hèn này.
Carraz không thuộc đoàn viễn chinh ấy và là người duy nhất cậu có thể trò chuyện về chuyện đó, cổ họng nghẹn lại vì hổ thẹn. Họ ngồi trong bóng tối
lạnh lẽo của một trại đóng quân ngoài trời và cậu tin rằng cậu bị bạn coi thường vì không phải một thằng đàn ông. Rồi cậu nghe tiếng cậu bạn hát:
Sơn ca chao liệng tới
Chim hót vang những lời
Hoa mỹ nhân xinh xắn
Hoa mỹ nhân tươi tắn kìa em ơi
Chim hót vang những lời
Lũ đàn ông đâu có đáng chi
Hoa mỹ nhân xinh xắn
Hoa mỹ nhân tươi tắn kìa em ơi
Lũ đàn ông đâu có đáng chi
Và đám con trai còn chẳng ra gì
Hoa mỹ nhân xinh xắn
Hoa mỹ nhân tươi tắn kìa em ơi(5 )
Carraz ư? Là thế sao, Carraz mà cậu biết đang hát bài Cây mỹ nhân ư? Có gì bí ẩn trong đó, nhưng cậu đã tế nhị không cố hiểu sâu hơn.
Đến Colombo(6 ), thêm lính Anh lên tàu, và cùng với họ, ló mặt ra từ đầy những hoa là hoa, vài anh chàng người Pháp cải trang thành dân Anh, nhưng bị nhận ra ngay vì cái kiểu hơi tí đã phàn nàn, và cả do miếng phù hiệu hình cờ tam tài may trên tay áo họ.
Tại đồn chỉ huy của Trung tâm chỉ huy Đông Nam Á, nép sau đại úy Blondeau, Pierre nhận ra dáng người dong dỏng của Mountbatten. Chừng nào chủ tướng vẫn còn ở đó, người ta vẫn phải diễn trò “thỏa ước hữu nghị” từ bữa sáng cho tới bữa tối. Nhưng giờ đây Leclerc đã ra đi nên cứ hở ra là người Pháp và người Anh lại sát phạt nhau. Người Pháp ham muốn mọi thứ vì họ chẳng có gì, còn người Anh lại tự hỏi vì sao do đói khát mà họ lại lên đường với cơn cuồng nhiệt trong cuộc tranh đua uy quyền vốn đã là quá khứ dù họ có làm gì. Tất cả đều kết thúc với việc chìm ngập vào thứ tiếng Pháp lai Anh trong các quán bar ở Raffles, trong sự mập mờ tinh tế được nuôi dưỡng bằng mối hận thù đeo đẳng sắp được mười thế kỷ.
Vì Pierre cảm ơn Blondeau đã đưa mình đi, viên đại úy nắm lấy vai cậu và, để tốt cho cậu, chỉ dặn cậu
đừng có chuyện trò gì với thường dân duy nhất lên tàu cùng họ, một nhà báo mang họ Carlisle chuyên mặc đồ trắng và mang theo một két rượu Dubonnet, “để động viên tinh thần chịu đựng.”
Hết sức tự nhiên, Garnier chẳng mấy chốc đã gắn kết với Carlisle bằng một tình bạn mà cậu tin là thận trọng, nếu không muốn nói là láu cá. Vốn tiếng Anh tạm được của Garnier, chút hứng thú vui tươi mà người bạn kia khơi gợi ở chàng đồng nghiệp trẻ, vẫn còn non nớt trong nghề báo cũng như trong chiến đấu, kéo họ xích lại gần nhau từ bữa điểm tâm cho đến tận khi trời đầy sao trên boong tàu đã thoảng gió mát. Chính ở đó, lúc đi tiểu, lúc hút điếu Bastos hay Craven A, cậu có cảm giác rõ ràng nhất về việc trở thành một người đàn ông và thoát khỏi nỗi sợ hãi mà thực ra cậu chưa từng thoát được.
“Cậu sẽ làm gì nếu được quyền lựa chọn? Carlisle hỏi cậu với vẻ mỉa mai thường ngày. Một nhà văn chăng?
- Một người hùng,” Pierre trả lời và mặt cậu đỏ lên trong bóng tối khi diễn tả tham vọng ngây thơ này.
“Cậu có thể vừa là một nhà văn vừa là một người hùng đấy.”
Pierre nghĩ tới Malraux, người mà cậu đã thoáng thấy bóng dáng một lần, khi ông lướt qua các văn phòng ở dưới tòa báo Tự do!, phố François I, và cậu thậm chí không dám nói với ông lấy một lời. Cậu cười bực dọc.
“Còn anh thì sao, Carlisle?
- Ồ, tôi ấy à, lạy Chúa lòng lành. Tôi không còn tự hỏi mình câu ấy nữa rồi, như cậu có thể đoán được điều ấy khi nhìn cái con người đang già cỗi của tôi đây. Nếu phải tự vấn, thì đó sẽ là câu, lẽ ra mình đã có thể trở thành gì. Nhưng có trả lời được câu hỏi ấy thì cũng chẳng đề làm gì.
- Tại sao lại thế?
- Vì tôi đã lựa chọn rồi, cậu bạn thân mến. - Rồi sao nữa?”
Nhờ nài nỉ, Pierre đã moi được từ vẻ điềm tĩnh của gã bạn người Anh một tiếng thở dài cáu kỉnh.
“Rồi cuộc đời đã trôi qua.”
***
Bằng Sơn, một người Việt thấp bé, nổi danh là một chiến binh nhanh mạnh, chịu đựng gian khó, thường uống cùng những người khác sau khi ẩu đả nhưng chưa từng để mình đi quá đà. Mùa xuân năm 1939, cậu ta bị kéo khỏi quê hương Nghệ An và bị ép phải gia nhập quân đội Pháp. Những bần cố nông người Việt, sau khi làm nô lệ đồn điền cao su, lại biến thành bia đỡ đạn. Ngược đời làm sao, Bằng Sơn đã vượt qua bài thi sử dụng vũ khí bằng một niềm đam mê lạnh lùng, khéo léo trong thao tác, thuần thục với mọi loại vũ khí cậu ta chạm tay vào, và hăng hái trong mọi nhiệm vụ. Tháng Sáu năm 1940, thất bại của người Pháp chỉ gây cho cậu ta cảm giác dửng dưng lẫn chán ngán. Quyết định tiếp tục trận chiến của cậu ta chính là lời tuyên bố trung thành với đất nước đã nhận nuôi mình - trong chừng mực mà người ta có thể cảm thấy mình là con nuôi của người đã bắt cóc mình và dùng cây gậy như là phương tiện giáo
dục chủ yếu. Cậu ta thích chiến tranh và đứng về góc độ này, trận chiến năm 1940 là nỗi thất vọng. Vì vậy cậu ta theo Leclerc rong ruổi khắp châu Phi, cho đến
tận khi Paris và Strasbourg được giải phóng. Trở về nhà, cậu ta lại xung phong vào Quân đoàn viễn chinh Viễn Đông.
“Tại sao cậu lại làm thế? một hôm Pierre hỏi. - Tại sao cậu lại làm thế, cậu ấy?”
Pierre cười.
“Tớ chẳng biết. Họ nói rằng chúng ta sẽ giải phóng Đông Dương như khi các cậu giải phóng nước Pháp.
- Chúng ta.
- Chúng ta làm sao?
- Chúng ta giải phóng nước Pháp. Chúng ta: có cả cậu ở trong đó đấy.
- Thôi đi, Bằng Sơn. Tớ biết điều mình đã làm. Và biết cả điều tớ đã không làm. Tại sao cậu không trả lời câu hỏi của tớ?
- Người nông dân nhỏ bé nhất ở một làng quê nhỏ nhất đồng bằng sông Mê Kông sẽ được đối xử như người Alsace hay người Normandie.
- Tớ cóc thèm quan tâm đến người Alsace, tớ đang nói với cậu về Đông Dương. Cậu nghĩ rằng chuyện ấy sẽ thực sự xảy ra như thế à?
- Tại sao lại không?”
Bằng Sơn cười vô tư. Pierre không thể không nghi ngờ rằng cậu bạn mình nghĩ và biết nhiều hơn những điều nói ra.
“Vậy thì, Pierre nói tiếp, chúng ta sẽ đá đít quân Nhật và lập lại một thế kỷ hòa hữu Pháp-Đông Dương. Đó là sự thật đích thực phải không?
- Sự thật ấy à, đó là sự thật về quả trứng.
- Quả trứng ư?
- Những người theo chủ nghĩa thực dân kiểu cũ nghĩ rằng lòng trắng tốt hơn lòng đỏ. Tuyên truyền của Nhật lại nói là lòng đỏ tốt hơn(7 ). Còn tớ và cậu chúng ta được trả tiền để làm trứng trộn.”
Pierre cố dò xét trên khuôn mặt nhẵn bóng, đôi mắt không hề cười trước câu chuyện bông đùa của hai người.
“Cậu vẫn chưa trả lời câu hỏi của tớ.
- Tai kẻ thù đang lắng nghe chúng ta.”
Không thể moi thêm điều gì từ cậu ta - và Pierre phải thừa nhận rằng đó là một nét lôi cuốn của cậu ta, cũng như cái thứ tiếng Pháp lạ lùng, sai toét nhưng lại thi vị, ở đó những câu từ sâu sắc luôn pha trộn với thứ tiếng bồi của lính.
Họ chưa từng thực sự nói lại chuyện đó và Bằng Sơn cũng chưa từng trả lời nghiêm túc. Chắc chắn là chưa trả lời. Chắc chắn cậu ta không còn tin vào điều
gì, chỉ cam chịu nghe những điều ngu ngốc và chỉthể hiện sự phản đối bằng vầng trán với đôi mắt đen sáng rực, để ngoài tai những từ ngữ bóng bẩy và rỗng tuếch, những rêu rao sặc mùi men về tình đồng đội, những điều ngu ngốc sau canh khuya. Đúng vậy, có thể cậu ta cóc thèm quan tâm.
Hoặc có thể có điều gì khác.
***
Cái đêm trước khi họ đến Sài Gòn, Pierre được ru ngủ bằng tiếng thầm thì của những người khác, cách chỗ cậu mấy xe, cậu ngồi tựa đầu vào lốp dự phòng của một chiếc Jeep. Đó là lúc nỗi lo lắng, lòng nhớ nhung quê hương, niềm luyến tiếc của con người có thể được mạnh dạn bộc lộ trong bóng tối. Thậm chí người ta có thể câm lặng. Giữa những câu đùa cợt tầm phào, cuộc đối thoại trở nên triết lý. “Tớ biết là tớ sẽ chết, một giọng nói cất lên, nhưng mười lăm phút nữa thì chưa.” Yên lặng. Rồi một giọng khác: “Nhưng làm sao mà cậu biết được?” Cười vang.
Có lẽ Pierre sẽ không thừa nhận mối liên hệ bí ẩn giữa cậu và họ dù có đang ngồi giữa bọn họ. Cậu bắt
lấy từng mảnh đời này nhờ làn gió thổi đến, vui sướng tận hưởng nỗi cô độc của mình vì nó đã được bảo vệ bằng sự hiện diện của những người khác.
Dù cho đã thôi chơi nhạc kể từ cái ngày nhận được tin bố mất, cậu vẫn giữ bên mình một cuốn sổ tay trong đó những khuông nhạc trống rỗng như cái giá sách trong căn hộ bỏ hoang. Thỉnh thoảng, cậu viết nguệch ngoạc lên các dòng kẻ vài vết đen trông như những con quạ đậu trên nhánh lúa mì lúc chiều hôm.
Đêm Trung Hoa, đêm dịu dàng qua...
Cái giọng mũi của Bằng Sơn là tiếng thì thầm đầy mỉa mai kín đáo. Pierre giật nẩy mình cứ như bị bắt quả tang đang làm một việc không thể tiết lộ với ai. Cuốn sổ bìa màu hạt dẻ tuột khỏi tay và cậu phải mò mẫm trong bóng tối để tìm lại.
Bằng Sơn ngồi xuống cạnh cậu mà không nói nửa lời, không một tiếng động, chẳng buồn để tâm đến vẻ căng thẳng bất thường của cậu. Phía dưới chỗ họ ngồi, con tàu đang phun nước òng ọc.
Đêm Trung Hoa, đêm dịu dàng qua...
Lần này, tiếng của Bằng Sơn không làm cậu luống cuống. Cậu mỉm cười trong bóng tối khi bắt quả tang cậu ta đang liếc nhìn. Lúc ấy cậu chỉthấy anh bạn bày biện giữa họ một kiểu như bữa tối nhẹ.
Trên ba cái vỏ đồ hộp, Bằng Sơn vừa dựng xong một cái bàn thờ trên đó cậu ta bày một ít cơm, vài điếu thuốc và một con đầm lấy từ bộ bài; còn có cả một ly nhỏ đựng thứ chất lỏng màu hổ phách có mùi như pha trộn giữa xăng và rượu. Ở giữa, cậu ta đặt một tấm ảnh chông chênh trên đám vỏ đồ hộp hiệu Thái Bình Dương và chèn bằng hai củ khoai tây đã mọc mầm đen.
“Không có nén hương nào.”
Pierre để cậu ta tiếp tục nghi lễ mà không cố hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Rồi cậu chợt nhận ra bố mình trong bức ảnh.
Bằng Sơn lấy hai điếu thuốc lá, một cho mình, một cho Pierre, rồi mời cậu vài hơi. Sau đó chắp tay lại, kẹp điếu thuốc lá lại bằng hai ngón giữa, vái ba
vái. Pierre làm theo. Sau khi vái xong, Bằng Sơn lấy điếu thuốc từ tay Pierre rồi cắm cùng điếu thuốc của mình vào khe giữa hai ván cầu.
“Chúng ta nói chuyện về bố cậu nhé, cậu muốn không?
- Tớ chẳng hiểu gì cả, Bằng Sơn. Bố tớ thì can hệ gì trong chuyện này?”
Bằng Sơn lặng lẽ mỉm cười.
“Không ai nói với cậu là cậu giống ông ấy à? Hay cậu nghĩ rằng hai khuôn mặt người da trắng đối với tớ cũng giống như hai khuôn mặt người da vàng đối với cậu?
- Không phải đó là điều tớ muốn nói, Bằng Sơn, tớ xin lỗi. Chỉ vì khi thấy cậu với bức ảnh này, tớ bị phân tán.
- Cậu có nhớ một ngày tháng Năm năm 1940 khi bố cậu trên đường từ bãi tập về đến làng Saint Gabriel, bố cậu đã ghé qua chào tạm biệt gia đình
không? Ngày hôm đó ở sau lưng ông có một gã thấp bé tóc đen da vàng. Gã đó chính là tớ, binh nhì Bằng Sơn!”
Pierre gật đầu nhưng trên thực tế cậu chẳng nhớ tí gì. Khuôn mặt cứng cỏi cùng bộ râu của bố, những mẩu đối thoại bập bõm hơi có vẻ hình thức với mẹ cậu. Có thể thời điểm đó là khoảng hai tuần trước khi bố cậu được điều đi Paris, và như vậy là một tháng trước khi ông mất. Quá nhiều cảm xúc vẫn vây quanh cậu.
“Tớ chỉ nhớ được là lúc ấy tớ thấy cảm thấy bình thường khi bố tham gia cuộc chiến cách quê nhà Saint-Gabriel có ba cây số. Tớ nghĩ rằng lính nào chẳng như thế, người ta cử họ đi ngay gần nhà thôi. Chỉ sau này tớ mới biết rằng đó có thể được gọi là sự ngẫu nhiên lạ lùng.”
Pierre quay lại với những chi tiết mà cậu không thực sự quan tâm.
“Thế các cậu làm những gì, cả ngày ấy?
- Bọn tớ bị bắt học miễn phí bằng thứ tiếng Pháp
dở hơi.
- Vậy là cậu chưa học xong.
- Tinh thần của dân tộc tớ có những sức sống không ngờ.
- Tại sao thỉnh thoảng cậu cứ nói như sách vở thế?
- Tại vì thỉnh thoảng tớ có đọc sách.”
Họ lặng lẽ hút thuốc một hồi. Rồi Bằng Sơn bình thản tiếp tục:
“Cậu muốn nói chuyện về ông ấy bây giờ chứ?
- Cậu không phải miễn cưỡng đâu, cậu biết đấy. Tớ đã rất bực tức, lúc ấy tớ mới mười bốn tuổi...
- Mười bốn tuổi mà ở quê tớ thì cậu đã là một người đàn ông còn ở nước cậu thì mới chỉ là một đứa trẻ. Tớ rất quý ông, bố cậu ấy, chỉthế thôi. Tớ quý ông ấy cũng chẳng vì lý do gì. Ông ấy chẳng cứu
mạng hay làm gì cho tớ cả.
- Không có lý do. Điều đó không tồn tại, không lý do.
- Có chứ, nó có tồn tại. Một gã trung úy gàn dở thì cử chúng tớ đi trinh sát đường rừng hoặc lội nước, chỉ để đày đọa chúng tớ. Còn bố cậu, cậu biết đấy, ông ấy đi cùng và chỉ cho chúng tớ đường đẹp mà đi. Chúng tớ còn đi săn thỏ nữa. Một lần, tớ còn vào làng với ông ấy để kiếm diệu nho và banh.”
Bằng Sơn không phát âm chuẩn chữ “r” và Pierre mất một lúc mới hiểu được từ “diệu nho” là gì.
“Một trái banh á?
- Cậu thấy chưa, ‘diệu nho’ chẳng khiến cậu ngạc nhiên! Bây giờ cậu đã hiểu rõ quân đội Pháp rồi nhé. Một trái banh, đúng đấy. Chúng tớ buồn như trấu cắn ấy. Đơn vịtớ có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Pháp trước quân Ý nhưng quân Ý thì chẳng thấy bao giờ - chỉ thấy mỗi gã nông dân làm mướn nghèo khổ một tối thứ Bảy đụng phải mấy tay người Pháp yêu nước. Còn chúng tớ, chúng tớ chia đội ra đá banh.
- Pháp-Đông Dương à?
- Bố cậu và gã trung úy gàn dở kia là hai người Pháp duy nhất nên họ làm thủ môn. Không, là đội Bắc đấu với đội Nam.
- Thế đội nào thắng?
- Vận động lịch sử của nước Đại Việt theo chiều từ Bắc vào Nam. Họ chơi khá hay nhưng chúng tớ lại có tính kỷ luật cao hơn. Cũng có thể do bố cậu bắt được một quả phạt đền.”
Trong giây lát, Pierre cố gắng khiến cho cái hình ảnh lạ lẫm của cha mình, với gương mặt luôn nghiêm khắc, đang nhào ra đỡ bóng trở nên gần gũi hơn... Nhưng tâm trí cậu không nấn ná lâu ở những hình ảnh về trận bóng trên mặt sân mấp mô của bãi tập ấy. Cậu hồi tưởng những mảnh vụn ký ức từ những lần hiếm hoi bố ghé qua thăm nhà. Cảm giác khó chịu mà cậu cảm thấy vào chuyến thăm nhà lần cuối của ông, đầu tháng Sáu, khi bố cố gắng cùng cậu đi dạo kiểu “đàn ông với nhau” trên đồi. Những từ ngữ rỗng tuếch: “bị điều đi làm nhiệm vụ”, “ngay khi
bố có thể”, “hãy chăm sóc mẹ chu đáo”, “người đàn ông trong gia đình.” Một câu hỏi đến giờ vẫn còn mắc ngang họng cậu: “Còn điều gì khác mà bố muốn nói với con không hả bố?” Không, cậu không chắc là bố nói dối cậu, mà đúng hơn là cảm giác về một cuộc gặp gỡ nữa đều khiến cả hai cảm thấy gượng ép. Sự trớ trêu của cuộc chiến điều ông đi cách nhà ba cây số, nhưng ông làm như thể sống ở một thế giới khác. Cậu không thể nói tất cả chuyện này với Bằng Sơn, người rất quý bố cậu không vì lý do gì, hay là vì khả năng chơi bóng của ông.
“Cậu bạn Jean của tớ nghĩ rằng các cậu đang phát triển các loại vũ khí bí mật.
- Bí mật đến mức nó vẫn luôn bị chôn vùi ở đó. - Thế ông có nói gì trước khi đi không?”
Pierre mím môi lại.
“Kiểu như bí mật về những vũ khí bí mật à? Không, ông không nói gì. Tớ nhớ là ông không có đàn piano, vì vậy tớ giúp ông làm một tấm ván để chơi. Chỉ mình ông nghe thấy tiếng nhạc, nhưng tớ
vẫn lắng nghe ông.
- Tấm ván ấy giờ thế nào rồi?
- Có thể nó đã bị cháy. Có thể nó đã bị mục nát đâu đó trong rừng. Năm năm thì cũng dài dài đấy.”
Những ngón tay của Pierre gõ nhịp lên boong tàu. Họ lặng thinh. Đôi khi, trong một hành động trùng hợp, Pierre cảm nhận được bóng hình của anh bạn người Việt, họ cúi xuống với lấy điếu thuốc và rít một hơi dài trước khi lại cắm thứ đồ lễ ấy xuống. Trong giây lát, gương mặt bố hiện ra trước Pierre trong một quầng sáng màu đỏ nhạt, chìm trong khói thuốc khiến người ta liên tưởng đến làn sương dày đặc, ở đó sự mơ hồ về ký ức, những cảm xúc trái chiều khơi dậy trong cậu, tất tật, cả bí ẩn về cái chết của ông, hòa trộn vào nhau trong một ẩn ngữ duy nhất rồi tan biến theo làn khói giữa đêm dài vô tận.
Cứ như thế, trong mùi hắc ín và mùi xăng, mùi thuốc lá và mùi cao su, chìm trong không khí thành kính tưởng nhớ một người quá cố mà bản thân cậu chưa bao giờ thể hiện điều đó, cuối cùng Pierre cũng thiếp đi, vài phút trước khi trời sáng.
***
Người đàn ông chèo con xuồng ba lá, giữ mái chèo giữa hai bàn chân, mái chèo duy nhất cũng làm luôn nhiệm vụ bánh lái và trên ấy có treo một chiếc đó.
“Tao rất muốn biết nó chạy kiểu gì,” Carraz nghiến răng nói.
Khi tiến sát gần, họ mới biết tại sao nó lại chệch đường trôi dạt đến như vậy: con xuồng mất lái.
Họ phải chờ triều cường lên mới cho tàu vào sông Sòi Rạp được. Không lâu sau đó, đến khúc uốn của con sông, Sài Gòn màu trắng hiện ra trong buổi bình minh mưa nặng hạt, trên dòng sông nặng phù sa mà họ đang gắng sức tiến lên, dường như không phải rẽ nước mà là rẽ thứ chất lỏng dính nhớt, quánh đặc đầy rong tảo rất đáng ngại, rễ cây trôi nổi, rác rưởi và - đôi khi - cả những thây người. Họ đi qua xác một con tàu Nhật chỉ còn trơ khung; một làn gió ngột ngạt cuốn theo mùi khói muội: một kho cao su đang bốc cháy.
Tất cả mọi người đều lên boong đứng, dò tìm dấu hiệu của sự sống, rình chờ xem dưới các vòm đước liệu có một bóng người hay một dấu hiệu nào không. Chẳng thấy gì hết.
Có tiếng người thì thầm. Đây không phải chuyện bỡn cợt.
Qua những ụ khối xám xịt ở khu cảng ngoài Nhà Bè, họ đi ngược dòng với vận tốc quá nhanh so với nỗi e ngại và quá chậm so với sự mong đợi của họ. Những căn nhà tranh lác đác, điểm xuyết những khóm chuối mọc rải rác, những hàng cau lênh khênh như dấu cảm thán cũng không mang lại lời giải đáp nào. Bên những cầu tàu bằng gỗ đang mục nát ven bờ sông, một con đò không người lái dập dềnh giữa sóng nước; không có lấy một con trâu, một đứa trẻ để đem lại hơi thở cho cái khung cảnh nơi sự sống vừa rời xa này.
Dưới vành mũ trắng, mồ hôi họ túa ra vì nóng nực và sợ hãi.
“Mày nghĩ thế nào?” Pierre thì thầm vào tai Carraz.
Anh chàng to con vừa chộp được một con ruồi, cậu ta lắc lắc trong nắm tay rồi sau đó đưa lên tai nghe xem có còn bay không, với vẻ mong đợi mơ màng hệt như khi người ta áp vỏ sò vào tai để nghe âm thanh đại dương. Cuối cùng cậu ta nhẹ nhàng xòe bàn tay ra, và con côn trùng ấy đờ đẫn bay lên.
“Tao chẳng nghĩ gì cả, anh bạn ạ. Trừ việc đừng nên trông chờ là sẽ có một ủy ban đón tiếp hoành tráng. Và đối với đồ khai vịtối nay thì như vậy là trượt rồi.
- Sự trở lại Đông Dương của người Pháp...”
Pierre chẳng phải ngoảnh lại cũng đoán ra cái giọng mỉa mai đó là của Carlisle.
“May thay chúng ta có những người bạn Anh, cậu nói giọng kèn kẹt. Chúng ta sẽ là cái quái gì nếu không có họ....
- Rất đơn giản: thay vì lão De Gaulle khù khờ, các cậu sẽ có Montgomery hay Eisenhower làm quyền tổng thống. Dù sao, cách đây chưa lâu, chúng tôi vẫn là những người thừa hưởng hợp pháp ngai
vàng nước Pháp. Nếu không có sự ngu ngốc của Jeanne d’Arc(8)thì có phải giờ đây tất cả đều nói tiếng Pháp hết rồi không.
- Lịch sự đi nào, Carlisle, thôi ngay những chuyện ngu ngốc của anh đi.
- Nhớ cho kỹ nhé, dù sao cũng có một số người Pháp đã góp tay đưa cô gái ấy lên giàn hỏa thiêu và châm lửa đống củi. Cậu sẽ yêu kẻ thù như chính bản thân mình... Hẳn là trong truyền thống nước cậu có cái gì đó, hoặc có thể các cậu còn sùng đạo hơn
chúng tôi...
- Carlisle, anh làm bọn tôi bực mình rồi đấy.
- Hài hước kiểu Anh, anh bạn trẻ thân mến, cậu biết không?” Carraz giận dữ liếc mắt về phía gã phóng viên người Anh. Rồi quay sang Pierre.
“Mày muốn tao hòa giải vụ này không? cậu ta lẩm bẩm.
- Ý mày là sao?
- Để tao sửa lại chân dung cho hắn ta?”
Carlisle sờ tay lên khuôn mặt với làn da sần rỗ của mình.
“Chân dung của tôi đã được chỉnh sửa không đến nỗi tệ rồi, gã mỉm cười nói. Tôi e rằng cho dù các cậu có tài nghệ tuyệt vời cũng không thể làm nó đẹp lên - hoặc xấu đi được nữa đâu.”
Carraz quay đầu lại, vẻ ngán ngẩm.
“Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi chúng ta choảng nhau với bọn họ suốt cả nghìn năm trời. Chiến đấu bên họ à? Quên chuyện đó đi.”
Cậu ta khạc nhổ và Carlisle lùi lại một bước, rồi đưa mắt về phía đỉnh tháp nhọn màu đỏ của nhà thờ, nhô cao trên cả rừng mái nhà: Sài Gòn đó, lười nhác và chậm chạp. Vừa lau mồ hôi chảy dài trên trán, vừa khẽ nhấc mũ lên, Pierre chỉthấy những hình ảnh lờ mờ trước khi đọc được những chữ cái đầu tiên trên mặt tiền một tòa nhà mái vòm màu trắng: “Ngân hàng Đông Dương.” Rồi ánh mắt cậu nhắm vào cột cờ Thủ Ngữ, ở đó có treo một lá cờ đỏ sao vàng.
“Cái gì thế nhỉ?” cậu hỏi Carraz, anh chàng nhún vai tỏ vẻ không biết.
Carlisle định trút một câu độc địa nào đó, nhưng ánh mắt giận dữ của Carraz đã ngăn gã lại.
Bến cảng hoang vắng và họ buộc phải tự dỡ hàng xuống tàu. Trong bầu không khí nóng ẩm, những câu nói bông đùa và tiếng cười rúc rích tắt dần giữa sự im lặng nặng nề. Sau đó họ rời boong tàu và đứng xuống mặt đất một lát, vừa nhảy chân sáo vừa chờ một dạng trật tự được thiết lập. Lính Gurkha(9 ) của tham mưu trưởng Gracey đâu rồi? Còn lính Pháp, không còn lấy một ai sao? Chỉ duy nhất có tàu của họ trên bến cảng. Ở trên cao, phía kho vũ khí vẫn còn ánh sáng lờ mờ của đám cháy. Trong cảng, còn trơ khung những con tàu khác. Thỉnh thoảng lại có một tiếng nổ, một loạt súng.
Bước đi chậm chạp, lưỡng lự, họ băng qua khu đất hoang có hàng rào bị đánh sập, ngăn cách họ với tòa nhà bỏ hoang của Công ty vận tải đường biển. Họ tiến vào phố Catinat(1 0) dưới vòm me. Truyền đơn
in trên giấy xám vung vãi dưới đất. Pierre nhặt một tờ lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Nền độc lập của dân tộc Việt Nam muôn năm!” Rồi, những dòng chữ lớn hơn: “Phát lệnh tổng bãi công ở Sài Gòn.”
Lòng tôn kính vô cớ với Malraux khiến cậu mỉm cười nhưng cậu không thể chia sẻ câu trích dẫn trong Thân phận con người(1 1 ) với bất kỳ ai, có lẽ trừ Blondeau, người còn có việc quan trọng hơn phải làm. Bàn tay ẩm ướt đặt trên báng súng, mắt đảo liên hồi về phía hàng rào khép kín của các cửa hàng Denis Frères, Descours và Cabaud, tìm kiếm một tay du kích vô hình, tránh những đống rác chất đầy dưới lòng đường, đoàn lính Pháp đi ngược lên phố Catinat.
“Đây đâu phải là đại lộ Champs-Élysée,” Carraz lẩm bẩm.
Họ đi ngang qua mặt tiền nhà hát, sân hiên khách sạn Continental giờ đã biến thành boong ke và chẳng hiểu vì sao cờ Mỹ được kéo lên cột ở đây, những bao cát, các cửa sổ đóng kín. Đảo mắt tới đâu, Pierre cũng đều thấy những biển hiệu mang những cái tên chất chứa nỗi hoài nhớ đã được báo trước, trong khi cậu lại chẳng có lấy một kỷ niệm nào về
chúng. Nhưng ngay lập tức, trạng thái tập trung nhạy bén khởi nguồn từ nỗi sợ đã thắng thế.
Cậu vượt lên ngang với Blondeau.
“Thế nào, Garnier, mọi việc tốt chứ? viên đại úy hỏi. Tôi hy vọng là cậu sẽ chuẩn bị cho chúng tôi một cái tin long trọng.”
Blondeau nói vội, không ngừng rà soát những hiểm họa rình rập: tầng trên cùng của các tòa nhà, dưới bóng các cổng tam quan, góc khuất chỗ các con phố cắt vuông góc.
“Tôi đã hình dung ra tiêu đề: ‘Quần chúng nhiệt liệt chào đón đội quân giải phóng Sài Gòn’. Tóm lại là một thứ theo văn phong đó: tôi không muốn đe dọa tài sản quý giá nhất của chúng ta - tự do báo chí, hay chính là tự do quân sự.”
Cái nháy mắt không mang vẻ nhạo báng. Đôi khi, một cái nháy mắt làm biến dạng khuôn mặt viên đại úy, trong khoảnh khắc khiến khuôn mặt anh trông giống như một chiếc mặt nạ bi kịch. Blondeau cảnh giác nói thêm ngay:
“Tôi biết việc này chán ngắt, nhưng chúng ta đều biết là một số nhóm quân đang khủng bố dân chúng. Chúng ta phải nhập cuộc thôi.” Bởi một lý do chỉ riêng họ biết, nhóm quân Anh đã đi theo hướng riêng, dọc theo kênh Tàu Hủ, về phía Chợ Lớn.
Ở góc giao với đại lộ Bonard(1 2 ), hình như họ trông thấy hai lính Nhật đang bỏ trốn, mỗi tên gánh một đầu cái đòn gánh treo một người đàn ông. Họ thoáng do dự, khi bình tĩnh trở lại, hai lính Nhật đã mất hút.
“Cái của nợ đó là gì thế? Carraz hỏi
- Đến lượt chúng ta nhập cuộc thôi, Pierre nghiến răng nói.
- Ai nói điều vớ vẩn ấy thế?”
Pierre hất cằm về phía cái đầu trần của
Blondeau đã ở phía xa, cố gắng tỏ ra cứng rắn trong dáng đi. Carraz nhăn nhó gãi cằm.
“Vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa?”
Cách nhà thờ hai trăm mét họ dừng lại nghỉ. Một bức tượng đổ ngang, bị hạ bệ: ngay cả khi đó chỉ là một bức tượng đá thì cũng là người Pháp đầu tiên mà họ nhìn thấy nằm dưới đất. Họ rời mắt khỏi kẻ xâm lăng bị lật đổ đó. Carraz chỉ nhà thờ.
“Nó làm tao nhớ đến Albi, cậu ta cố gắng bỡn cợt.
- Mày đến Albi rồi á, chính mày ấy?
- Không, thế thì sao?”
Pierre thấy một người An Nam đang ngồi xổm, anh ta mỉm cười nhìn họ, bàn tay dài trơ xương, với những đốt tay biến dạng, mân mê dưới cằm, vê chỏm râu lún phún vài sợi. Không chắc đó là lính gác của một ngõ phố nơi mà tất cả các nhà đều đóng cửa, bên cạnh một rạp hát có trưng những dòng chữ đen sì trên tấm bảng hiệu đã tắt đèn: Cuốn theo chiều gió.
Pierre huých khuỷu tay làm hiệu cho Carraz.
“Thấy tên đường chưa?
- Mày muốn tao quan tâm đến cái quái quỷ gì chứ? người kia làu nhàu.
- Éden, Pierre nói. Thiên đường, chúng ta đang ở thiên đường.”
2
Ông cụ thận trọng đứng đằng sau đám giá xếp nơi ông bày “hiệu sách” rong của mình: những cuốn truyện trinh thám tiếng Anh cũ kỹ đã phai màu, vài tập phô tô được đóng lại thành sách, vài tấm bản đồ rách nát, vài tập báo cũ nát.
Ông cụ chừng bảy mươi tuổi, có thể hơn thế. Biển hiệu ghi “Khỉ xanh,” hẻm Éden. Tôi lật giở vài cuốn sách một cách không chủ định, rồi khép lại mà không hề đọc, thận trọng để không khiến những trang giấy mủn ra thành bụi trong tay mình.
“Còn bản đồ Sài Gòn, tôi muốn nói là bản đồ năm 1945-1946 ấy, ông không có cái nào à?”
Vẻ mặt ông cụ không chút biểu cảm, mớ tóc hoa râm mỏng bết chặt lên vầng trán đầy nếp nhăn. Làn da của ông khô ráp và nhợt nhạt, còn đôi mắt toét nhoèn, rầu rĩ. Rốt cuộc ông cúi xuống một ngăn kéo, lôi từ đó ra một tập phô tô cũ kỹ. Bản đồ hàng hải,
bản đồ khí hậu, bản đồ địa lý. Sau đó ông đưa cho tôi một tấm.
“Bản năm 1952, ông nói. Có một số điểm khác nhau, nhưng...” Tôi trả tiền tấm bản đồ, cuốn Người Mỹ trầm lặng, và Truyện Kiều, cuốn sách huyền thoại diễn tả nỗi đau tâm hồn của người Việt.
“Tôi sẽ quay trở lại.
- Chắc chắn rồi.”
Ông tạm biệt mà không bắt tay tôi, lặng lẽ đi khuất vào trong hẻm.
Từ khi tới Sài Gòn, tôi hăng hái rảo bộ, cố nhớ lại những điều tôi chưa từng biết nhưng không hẳn là không biết, được vun đắp bởi một cảm giác quen thuộc lạ lùng cứ vương vấn trong tôi cho đến tận đêm khuya, khi tôi bị khí hậu nóng ẩm tỏa ngập thành phố làm thức tỉnh. Ban ngày, tôi có thể ngồi đến mười lăm phút đồng hồ quan sát dòng người trên một con phố nào đó trước khi tìm thấy chỗ cho mình để rồi hòa vào dòng người đó. Có thể cũng chính điều này đã giữ họ lại, cảm giác ngây ngất được tan biến đi, niềm
cám dỗ của sự phá hủy. Tôi vừa mới đến: tôi có một lý thuyết chung cho mọi điều.
Những đêm đầu, tôi quyết định ở khách sạn Continental, điều hòa thì ồn ã, quầy bar dưới tầng một thì sáng rực đèn neon, sảnh vào bị choán chỗ bởi một cây thông Noel cồng kềnh cùng một đống quà giả bọc giấy trang kim vẫn nằm đó từ Giáng sinh này qua Giáng sinh khác. Trong vườn ngự trị một cây hoa sứ, loại cây nhiều tán với những bông hoa màu hồng tỏa mùi hương khêu gợi, làm thỏa lòng những kẻ phiêu lưu, những ông chủ nhà băng, những người lính đặc công trở về sau nhiệm vụ và những nhà báo trở lại từ khắp phương trời. Dưới gốc cây treo một tấm biển đề “trồng năm 1885”. Ở đây, tất cả những gì không bịtàn phá đều biến thành bảo tàng mà từ nơi ấy sự sống đã rời xa. Không cần phải tìm dấu vết thương tích trên những tòa nhà và cây cối mà chỉ cần tìm trong một ánh mắt nhìn trộm, một hình bóng nhạt nhòa.
Tôi tản bộ trên những con đường thẳng tắp trong khu phố nơi các tòa nhà thuộc chính quyền thực dân đã được chuyển giao nguyên trạng cho chế độ cộng sản, chỉ loại bỏ một vài biểu tượng quá lộ liễu.
Đây đó, những trán tường màu trắng hay màu đất son thể hiện những nét cổ kính của nước Pháp giờ đây đã thất bại, những cán cân của một nền công lý mà người ta không còn tin tưởng nữa, những bầu ngực vốn chẳng nuôi nấng một đứa con nào. Câu lạc bộ thể thao cũ từng là một công viên nơi mà các jogger hiếm hoi chạy vòng vèo quanh đám cau vua, trong khi đó, ở một góc khuất, từ bể bơi vọng đến những tiếng hò hét của bọn trẻ. Chính nơi đây, năm 1945, lòng đoàn kết của những người da trắng đã được tái lập. Ngay khi vừa mới mở cửa trở lại câu lạc bộ cũ mặc định cấm người Việt thì những “người Pháp mới” đã áp dụng luật lệ phân biệt chủng tộc này, với những quy định hiển nhiên đến mức thậm chí họ chẳng cần nói ra.
Trong lúc đọc những cuốn sách, tôi cố tìm hiểu vịthế của bố tôi, một người lính chưa từng thực sự tham chiến, một nhà báo quân đội trở thành người chiếu phim, lang thang không mục đích khắp đất nước, xách chiếc va li kim loại nặng trịch chứa đầy những cuộn phim chiến tranh của Mỹ hay Pháp cùng một máy chiếu De Bries 16 mi li mét và những bóng đèn hình dự trữ.
Thời niên thiếu, khi tôi gặng hỏi thêm chi tiết, mẹ đã miễn cưỡng đưa cho tôi một bản tiểu sử sơ lược: tham gia Kháng chiến năm ông mười bảy tuổi, chuyến khởi hành đến Đông Dương, cuộc gặp gỡ của bố mẹ ở Hà Nội và ngày chào đời của tôi ở Sài Gòn - rồi cuộc trở về Pháp đột ngột của gia đình tôi, vào cuối năm 1954, khi tôi vừa được hơn một tuổi. Những kỷ niệm sau đó lẫn lộn với nhau: những tấm bưu thiếp với độc một từ ngắn ngủi, những lần chờ đợi bên điện thọai khi ông đã hứa gọi mà không gọi, hoặc hứa đến mà không đến. Bố tôi thích những lời hứa, cùng cái không khí trang trọng và sụt sùi bao quanh chúng, nhưng đối với ông, giữ lời là điều không thể.
Ngay cả những “điều muốn nói” mà ông đã nhắc đến trước khi chết, ông cũng chẳng ấp úng buông ra lời đầu tiên.
***
Lúc trời trở tối, tôi đi ngang qua bệnh viện Grall(1 ), phố Lagrandière(2 ) xưa, nơi tôi sinh ra, nếu tin vào tấm bản đồ gấp tư đang ở trong túi tôi. Một phụ nữ đi dạo với chiếc xe nôi. Hai cậu bé chạy đuổi nhau đứng sững lại khi nhìn thấy tôi sau hàng rào. Xa
hơn trên phố, mắt tôi bị hút vào mặt tiền một cửa hiệu bán tranh. Toàn là những chủ đề truyền thống về cuộc sống thôn quê Việt Nam, với những phong cảnh từ muôn đời và những linh hồn phiêu dạt, nhưng người họa sĩ đã chất lên mỗi sinh vật sống một gánh nặng khổ đau, tạo ra một loạt cách nhìn bình thản nhưng bi thảm xuyên qua các thời đại lịch sử.
Cô gái bán hàng mặc bộ áo dài màu xanh pha trắng hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh khá chuẩn xem tôi thích những bức tranh nào. Tôi cười mà không trả lời và cô ấy nói: “Vâng, để em xem nào.” Cô lấy ra một cuộn tranh to rồi mời tôi ngồi xuống bên cạnh, cô trải quanh tôi những bức tranh đồng lúa, những triền đê, trâu bò, một cánh quạ bay, những thôn nữ, cả một vùng địa lý tưởng tượng mà ở giữa nơi ấy chúng tôi thấy mình đơn độc đến vậy.
“Anh có thích những bức tranh này không?”
Tôi gật đầu mà không nhìn cô, đoán là cô vẫn ngồi yên, rất thoải mái và duyên dáng. Cô kể cho tôi những câu chuyện mà tôi không hiểu, nói với tôi những giá tiền mà tôi không thể trả, sẵn lòng ban tặng cho tôi gương mặt nhìn nghiêng thanh tú, cái cổ
mảnh dẻ, bất cứ lúc nào mà tôi muốn. Tôi làm động tác đứng dậy nhưng cái chân mắc chứng cứng khớp đã phản bội tôi và tôi suýt ngã. Cô kêu lên rồi bằng
một động tác nhanh nhẹn cô đỡ lấy tôi, để tôi khỏi ngã.
“Anh ổn chứ? Em xin lỗi. Anh có chắc là ổn không?”
Sự ân cần của cô thật là huyền bí đối với tôi. Chúng tôi bước vào trong phòng tranh, cánh tay cô đỡ lấy cánh tay tôi như một sự che chở thân tình, để chắc chắn là tôi sẽ không ngã khuỵu xuống. Tôi nói với cô rằng tôi không phải khách du lịch đi tìm dịch vụ “mát xa đặc biệt,” mà tôi chỉ muốn nói chuyện với cô, rằng cô không phải trả lời, không phải bây giờ, nhưng nếu muốn thì cô đến gặp tôi vào lúc bảy giờ ở khách sạn Continental. Tôi bước đi trong tâm trạng bối rối, không chờ cô trả lời. Trong tai tôi vang lên những câu nói của cô “em xin lỗi” hoặc thậm chí “em rất xin lỗi” nhưng tôi không thực sự chắc chắn, có thể tôi chỉ nghe thấy có tiếng nói. Sau đó, tôi thấy sự táo bạo của mình thật là nực cười nhưng dễ khiến động lòng. Tôi nghĩ có thể cô sẽ đến, có thể là không, chắc chắn là không, sao lại không chứ? để tạo một mối liên
hệ bí mật giữa sự cần thiết của việc cô đến và sự có mặt của tôi ở thành phố này.
Buổi tối, đến thời khắc mà tôi chờ đợi, một cơn dông khủng khiếp làm ngập cả thành phố và tôi chỉ có một mình trên sân hiên. Tôi không thất vọng, chỉ bị ướt, và sự vắng mặt của cô không tước mất ở tôi cái cảm giác hiện diện đó.
“Ngày mai, tôi tự nhủ, ngày mai cô ấy sẽ tới.”
3.
Buổi tối hôm đầu, họ bị cấm rời khỏi tàu, mặc dù than vãn nhưng không ai nghĩ đến việc phản đối sự cương quyết của cha Blondeau. Giờ chẳng phải lúc đùa và khi chơi bài bơ lốt, các quân bài hạ xuống uể oải, những ánh mắt lơ đãng nhìn về phía vệt sáng đỏ nhạt phát ra từ một đám cháy. Thỉnh thoảng vọng lại tiếng súng F-M. Ngay cả khi không khí tĩnh lặng đã trở lại trong đêm cũng không khiến người ta yên lòng chút nào.
Họ đã bị cuốn vào chiến tranh và phần lớn trong số họ đều đã tham chiến. Nhưng đây có thực sự là một cuộc chiến không?
Pierre rời đám bài bạc và thấy Blondeau một mình trên boong. Làn khói xanh từ điếu thuốc anh hút lởn vởn quanh má. Mặc dù bị chứng máy cơ mặt, viên đại úy trông vẫn có vẻ mơ màng, thờ ơ với mối hiểm họa.
“Thế nào, Garnier, zui chứ?
- Zui quá đi chứ, thưa đại úy, nếu tôi được phép. Anh có biết chuyện gì đang diễn ra không?
- Tôi chẳng biết gì nhiều hơn cậu. Hình như một nhóm nổi dậy đã tuyên bố độc lập ở Bắc Kỳ. Bọn cộng sản, nghe nói thế. Bây giờ chuyện đó kích động đến cả đây, với sự cổ vũ của bọn Nhật mà lũ này thì dù thế nào cũng chỉ muốn tống cổ chúng ta...
- Nhưng bọn chúng đã đầu hàng từ cách đây một tháng rồi mà!
- Ở Nhật thì đúng thế, nhưng ở đây thì không phải vậy. Làm sao mà biết được! Và trí khôn của những kẻ mạnh trên thế giới này khiến chúng phải đầu hàng quân Anh, chứ không đầu hàng quân Pháp. Tôi đã gặp Gracey và mọi chuyện thật đơn giản: thay vì quay vũ khí chống lại chúng ta, lính Nhật bây giờ sẽ quay lại chống những kẻ đang tấn công chúng ta. Tuyệt đấy chứ!
- Thế còn quân Mỹ?
- Quân Mỹ không thích và có chút coi thường chúng ta. Họ nói rằng kể từ thời Napoléon, chúng ta toàn tích cóp thất bại và rằng nếu không có họ thì chỉ có trời mới biết được giờ đây chúng ta ra sao. Trước khi chết, Roosevelt đã tuyên bố rằng họ sẽ tước hết thuộc địa của chúng ta, rằng chúng ta chỉ biết lao vào bóc lột một cách đáng xấu hổ ở đó.
- Đúng là giọng điệu tuyên truyền!
- Có thể, nhưng không cần phải là một nhà cách mạng cũng có thể nhận ra công cuộc thuộc địa hóa của chúng ta không tiến triển theo hướng mà lẽ ra nó đã phải thế và có thể đã như thế... Thế nhưng cần phải có niềm tin, Garnier ạ. Chúng ta vẫn chưa biết tin vào cái gì, nhưng cần phải có niềm tin...”
Pierre thích cái từ này mặc dù Blondeau đã nói ra sau một cú máy cơ mặt, với cái giọng vô cùng chán nản. Trong một hoàn cảnh khác, với đôi mắt u sầu và mái tóc không mấy ngay ngắn này, có lẽ anh sẽ là một tu sĩ nhiệt tâm, sẽ cải đức tin cho những kẻ Dị giáo chứ không đem họ đi đóng đinh hoặc nấu trong vạc dầu. Cậu quay trở xuống hầm tàu.
Một cậu bạn đã tìm cách mua được rượu đựng trong vỏ chai Johnnie Walker rồi họ rót ra ca, chuyển từ võng này qua võng kia, mặt nhăn nhó ngay khi vừa tợp lưỡi. Rượu này đem đốt thì cháy phải biết! Không biết nó được làm từ cái gì - ít nhất thì cũng có mạt cưa. Có tiếng ho rũ rượi, tiếng xuýt xoa ngạc nhiên và đau đớn.
“Cậu nói có một cuộc nổi dậy à,” một giọng nói không biết của ai cất lên khiến tất cả cười bò ra.
Pierre gà gật trong tiếng rầm rì của những cuộc đối thoại không đầu không cuối. Những lời nhận xét lan man, dở dang, và những câu hỏi không chờ câu trả lời. “Chính là bọn Nhật khốn kiếp đã làm chúng ta loạn cả lên, nếu không thì khó tin lắm...” Khó tin ư? Vẫn luôn có một kẻ ngoác miệng phun ra điều cực kỳ ngu xuẩn với cái giọng cố chấp. Pierre rướn người đứng dậy khỏi võng. Dù quân Ăng lê đã dọn dẹp sạch sẽ, thì nơi này vẫn sặc mùi kinh hoàng, cậu vẫn muốn lên phía trên hơn: nếu có bắn pháo hoa, tốt nhất nên ngồi lô đầu.
Khi ra đến hành lang, cậu nghe tiếng láo nháo, tiếng giậm chân, tiếng la hét, tiếng đạn bắn... Cậu lao
về phía boong tàu, nhận ra bóng Carraz và Jaccoux đang bắn bừa phứa. Một quả lựu đạn rít phía trên đầu họ rồi phát nổ trên mặt nước, cách con tàu chừng hai mét. Tiếng đạn phía đối diện vừa ngừng thì những cái bóng cũng tản ra. Vẫn còn lại ba bốn đụn vải đen trên bãi đất trống. Họ nhìn nhau: các chàng trai đã lấy lại nhịp thở. Không kịp sợ: chỉ kịp kinh ngạc. Blondeau là người đầu tiên phá tan sự yên lặng:
“Geyer và Sainte-Laudy, các cậu đi xem xét mấy gã ấy cho tôi. Những người khác, giữ nguyên vị trí.
- Bọn Nhật khốn kiếp, một giọng kèn kẹt cất lên. - Im lặng, tôi xin các cậu đấy.”
Hai người đàn ông mất hút trong bóng tối sương mù dày đặc. Pierre đưa mẩu thuốc cho Carraz. Một giọng nói không rõ từ đâu vang lên.
“Đại úy? Bọn Nhật đó không phải là bọn Nhật. - Ý cậu là gì?