🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Câu Chuyện Về Ngọn Núi Bà Già Mù - Nguyễn Quang Thiều full prc pdf epub azw3 [Tập Truyện Ngắn] Ebooks Nhóm Zalo 179 Mục lục 1. CÂU CHUYỆN VỀ NGỌN NÚI BÀ GIÀ MÙ 2. Một 3. Hai 4. Ba 5. Bốn 6. Năm 7. Sáu 8. Bảy 9. Tám 10. Chín 11. Mười 12. TRUYỆN NGẮN 13. Rùa trắng 14. Bầy chim chìa vôi 15. Bông hoa nước 16. Xứ sở cây ổi còng 17. Người cha CÂU CHUYỆN VỀ NGỌN NÚI BÀ GIÀ MÙ MỘT Tôi chưa bao giờ có dịp được đi một chuyến thật xa khỏi làng. Bởi thế tôi không biết những nơi khác trên thế giới này như thế nào. Nhưng tôi luôn tin rằng: làng tôi là một làng quê đẹp nhất thế gian. Có một điều kỳ lạ là trên cánh đồng phẳng lỳ ven sông của làng lại mọc lên một ngọn núi. Hồi còn sống, bà tôi thường bảo ngọn núi ấy chỉ mọc lên trong một đêm. - Bà nhìn thấy à? - Lúc nào tôi cũng hỏi bà tôi câu ấy. - Bà đẻ ra thì đã thấy ngọn núi rồi. - Bà tôi nói. - Thế ai nhìn thấy ngọn núi mọc lên? - Tôi lại hỏi. - Cụ kỵ cháu nhìn thấy. Tôi chỉ biết bà nội tôi thôi, còn cụ kỵ nhà tôi thì tôi không được nhìn thấy bao giờ. Tôi chỉ biết những nấm mộ của dòng họ tôi mọc san sát bên nhau như không bao giờ hết, dưới chân núi mọc đầy hoa cúc dại vào mùa thu. Dưới chân ngọn núi có một bà già mù sống cùng một con chó trắng trong một ngôi miếu hoang. Bà già mù không có con cháu gì và hình như bà cũng chẳng có ai thân thích. Bà sống với một con chó trắng. Bà làm nghề hái thuốc và trồng ngô, sắn trên những rẻo đất nhỏ ven chân núi. Thi thoảng bà cũng vào trong làng để xem bệnh cho một ai đó. Mẹ tôi bảo hồi còn bé, tôi bị bệnh hen, cứ khi thời tiết thay đổi là tôi nằm bệt trên giường mà thở. Bà già mù đã đến xem bệnh cho tôi. Rồi bà cho mẹ tôi mấy nắm lá để mẹ tôi sao vàng sắc nước cho tôi uống. Uống hết mấy nắm lá của bà, bệnh hen của tôi hoàn toàn biến mất cho đến bây giờ. Nhiều lần mẹ bảo tôi ra thăm bà vào những ngày nghỉ học để xem bà cần gì thì giúp. Thế nhưng tôi chưa một lần nào bước vào ngôi miếu hoang để thăm bà. Đã có đôi ba lần tôi bò đến sát tường ngôi miếu và hé mắt qua khe hở của cánh cửa sổ nhìn vào bên trong. Trong ngôi miếu nửa sáng nửa tối, tôi thấy bà già mù ngồi bất động nhìn ra cửa, đôi mắt bà đục trắng. Bên cạnh bà là con chó trắng. Bỗng bà từ từ quay mặt về phía tôi. Đôi mắt đục trắng của bà như nhìn thấy tôi. Tôi không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào đôi mắt bà. Tôi vùng bỏ chạy. Con chó trắng sủa mấy tiếng và đuổi theo tôi. Tôi chạy trong nỗi sợ hãi đến ríu cả chân và ngã xuống. Về con chó trắng của bà già mù, lũ trẻ chúng tôi đã tranh cãi nhau rất nhiều. Cuối cùng chúng tôi tạm thời thống nhất với nhau rằng: Con chó trắng đó chính là con ma chó trắng mà người làng tôi vẫn thường gặp trong những đêm khuya khoắt ở bãi tha ma dưới núi hay trên con đường chạy ra bờ sông. Con ma chó trắng luôn luôn thay hình đổi dạng trêu chọc người làng. Có một người đàn bà làng tôi một lần đi chợ xa về thấy một đứa bé còn đỏ hỏn đặt bên vệ đường ven chân núi bèn bế lên mang về nhà nuôi. Đi được một đoạn đường, người đàn bà nghe tiếng rên ư ử bèn nhìn xuống. Người đàn bà thất kinh nhận ra mình đang bế trên tay một con chó trắng. Con chó nhe hàm răng nhọn hoắt với nước dãi chảy dòng dòng và đôi mắt đỏ ngầu nhìn người đàn bà. Sợ quá, người đàn bà quăng con chó xuống và bỏ chạy. Sau đêm ấy, người đàn bà lên cơn sốt và trở thành người mắc bệnh tâm thần. Chuyện người đàn bà mắc bệnh tâm thần chỉ là một trong bao nhiêu chuyện về ma chó trắng. Theo người làng tôi bà già mù có thể biết mọi chuyện trong quá khứ và tương lai. Bà nội tôi bảo đó là bà bói mù. Còn chị tôi đang học trên phố huyện gọi bà là nhà tiên tri. Nhưng câu chuyện về một kho báu được chôn giấu trong một cái hang trên ngọn núi mà suốt đời này qua đời khác bao nhiêu người tốn công tốn của tìm kiếm kho báu ấy mà không thấy là câu chuyện luôn luôn ám ảnh lũ trẻ con chúng tôi nhiều hơn cả. Hầu như đứa nào cũng mơ tìm thấy kho báu ấy. Những buổi tối không phải học bài, chúng tôi thường tụ tập quanh gốc đa đầu làng chơi trận giả. Và lúc nào cũng như lúc nào, chúng tôi lại ngồi tựa gốc đa sau khi chơi chán mọi trò và nói chuyện với nhau về kho báu ấy. - Kho báu chứa gì ở trong nhỉ? - Thằng Phàn Phệch hỏi. - Vàng chứ còn gì. - Một đứa nào nói. - Nhiều không? Phàn Phệch hỏi với một bộ mặt ngơ ngẩn như đang quá mê mẩn. - Hàng tấn. - Tao chỉ cần một cân. - Mày cần vàng để làm gì? - Mua bi ve. Có lẽ không ai mê bi ve như Phàn Phệch. Một ông chú của Phàn Phệch làm việc trên tỉnh cho Phàn Phệch một viên bi ve nhiều màu. Nó khâu một cái túi từ một miếng vải để đựng viên bi. Riêng viên bi đó nó không bao giờ dùng để chơi với chúng tôi. Nó giữ viên bi chỉ để ngắm. Một trong những công việc mê mải hết tháng này năm nọ của bọn trẻ chúng tôi là mài bi. Chúng tôi thường đến chân núi tìm những viên sỏi hoặc đá khá tròn về và mài thành bi. Có lần mẹ tôi bảo "Chúng mày cứ mài bi nhiều như thế này rồi sẽ hết cả quả núi". Phàn Phệch có thể ngồi cả ngày mài những hòn cuội hay những viên đá xanh thành bi. Hai cái túi áo của nó lúc nào cũng sệ xuống vì những hòn bi. Sau câu trả lời của Phàn Phệch, một đứa lên tiếng: - Thế thì mày mua được một tấn bi ve. - Nhiều thế cơ à? Phàn Phệch mơ màng rồi nói tiếp. - Nhưng làm thế nào mà tìm thấy kho báu. - Bà tao bảo bà già mù biết đường vào kho báu ấy. - Tôi nói. - Thật à? - Bọn trẻ cùng cất tiếng hỏi. - Thật. - Tôi trả lời với một giọng quan trọng. - Sao bà ấy không lấy vàng mà bán nhỉ? - Để làm gì? - Phàn Phệch lại hỏi. - Để mua gạo chứ làm gì. Bà ấy toàn ăn côn trùng. - Khiếp thế. - Bà ấy có phép gọi côn trùng bay về và bắt ăn thịt. - Hay bà ấy là ma? - Ma làm sao mà sống chung với chó được. Mẹ tớ bảo ma sợ chó lắm. Làng nào mà không nuôi chó thì tối đến ma về bắt cả làng. - Thế bà ấy là gì? Thường là sau câu hỏi ấy chúng tôi đều im lặng. Chẳng đứa nào trả lời được câu hỏi ấy. Chúng tôi trở về nhà. Những buổi tối như thế tôi thường khó ngủ hơn. Tôi nằm im lặng trên chiếc phản gỗ đã bị mọt nhiều chỗ và lắng nghe tiếng chó sủa xa gần trong đêm. Khi bà nội tôi còn nhỏ thì đã có một bà già mù sống dưới chân núi. Đến khi mẹ tôi sinh ra và lớn lên cũng vẫn có bà già mù sống cùng con chó trắng. Và đến khi tôi sinh ra, lớn lên tôi cũng lại thấy bà già mù sống ở đó. Những câu chuyện của người làng tôi về bà già mù luôn quyến rũ chúng tôi bằng cả nỗi sợ hãi. Có người bảo bà không ăn cơm như mọi người mà chỉ ăn côn trùng để sống. Đã có lần, có những đứa trẻ liều lĩnh lẻn vào ngôi miếu khi bà già mù đi vắng để mở nắp vung cái nồi đất dùng nấu ăn của bà xem có phải bà ăn côn trùng không. Nhưng cuộc thám hiểm của lũ trẻ bị thất bại vì con chó trắng phát hiện. Bọn trẻ đã chạy bán sống bán chết mới thoát được cuộc săn đuổi của con chó trắng. Và thế là bí mật về việc ăn côn trùng của bà già mù vẫn là bí mật. Tôi thực sự không làm sao hiểu được những câu chuyện về bà già mù. Tôi hỏi mẹ: - Thế bà già mù bây giờ có phải là bà già mù ngày xưa không mẹ? - Bà già mù ngày trước chết rồi. - Mẹ tôi cười - Ai mà sống dai được như vậy. - Bà già mù này là con bà già mù kia à? - Là con, nhưng không phải bà ấy đẻ ra. Bà già mù không có chồng. Bà ấy xin một đứa bé mù ở bên kia sông về nuôi. - Sao bà ấy lại không nuôi một đứa bé không mù? - Tôi băn khoăn hỏi. - Mẹ cũng không biết, nhưng có lẽ bà ấy mù nên bà ấy thương những đứa bé mù. - Bà nội nói bà già mù ấy biết được kho báu chôn trong lòng núi, có thật thế không mẹ? - Mẹ cũng nghe người ta bảo thế. Bao nhiêu người gạ gẫm bà già mù mách họ nơi chôn kho báu, họ hứa cho bà cả một đống tiền. Nhưng bà già mù không chỉ cho ai cả. Nghe đâu bà nói với những người đã đến gặp bà rằng: Bà sẽ chỉ cho một người biết kho báu ấy, nhưng không phải họ. - Ai sẽ được bà ấy chỉ cho kho báu? - Tôi hỏi và hồi hộp đợi câu trả lời của mẹ. - Mẹ cũng không biết, mà biết đâu người đó lại chẳng là con. Mẹ tôi cười và xoa đầu tôi. Sau câu nói của mẹ, tôi bàng hoàng sung sướng. Chiều ấy tôi lang thang đến chân núi. Nhưng không dám bước đến gần ngôi miếu hoang. Tôi thường mơ những giấc mơ về bà già mù ăn côn trùng. Tôi mơ thấy bà huơ hai tay lên trời và hú dài. Ngay lập tức côn trùng từ núi bay về làm tối đen cả bầu trời. Cả ngôi miếu hoang nơi bà già mù ở tràn ngập côn trùng. Đủ loại côn trùng bò lổm ngổm trên nền miếu. Bà già mù vừa gầm gừ vừa bắt những con con trùng bỏ vào miệng nhai rau ráu. Tôi mơ thấy chúng tôi tìm được cái hang chứa kho báu. Vàng chất đầy trong hang. Từ đống vàng một thứ ánh sáng như lửa tỏa ra rừng rực. Đứa nào cũng phải lấy tay che mắt vì chói. Phàn Phệch nhảy bổ vào đống vàng và vội vàng nhặt một thỏi vàng bỏ vào túi. Bỗng nó kinh hoàng nhận ra một ngón tay của nó đã rụng xuống. Ngón tay ngoe nguẩy như một con giun rồi chui xuống đất. Sau phút kinh hoàng nó lại nhặt một thỏi vàng khác bỏ vào túi. Cũng giống như lần trước, một ngón tay khác của nó lại rụng xuống nền đất và ngoe nguẩy. "Vứt vàng đi, vứt vàng đi". Một đứa kêu lên. Phàn Phệch kinh hãi nhìn bàn tay của nó đã rụng mất hai ngón. Nó hấp tấp lấy một thỏi vàng trong túi ra và ném trả vào đống vàng. Từ dưới đất, một ngón tay của nó chui lên và vụt dính vào bàn tay nó. Tất cả lũ trẻ chúng tôi bàng hoàng trước cảnh tượng ấy. "Vứt vàng đi, vứt vàng đi". Tất cả chúng tôi kêu lên. Phàn Phệch vội móc túi lấy thỏi vàng còn lại vứt đi. Một ngón tay lại từ đất chui lên và dính vào bàn tay nó. Phàn Phệch giơ bàn tay lên. Bàn tay nó đã lành lặn như cũ. Mồm nó méo xệch và rồi bật khóc hu hu. Nó quay đầu chạy ra khỏi hang. Lũ trẻ chúng tôi hoảng sợ chạy theo. Sau những giấc mơ như thế, ngọn núi càng trở nên bí ẩn với chúng tôi. Nhưng với những đứa trẻ chúng tôi, càng bí ẩn bao nhiêu thì sự tò mò của chúng tôi tăng lên bấy nhiêu. Chúng tôi từng bàn với nhau tiến hành khám phá kho báu khi chúng tôi nghỉ hè. Năm nào nghỉ hè chúng tôi cũng lang thang suốt ngày trên núi. Lâu nay, ngọn núi làng tôi cũng đã là một thế giới bí ẩn và kỳ diệu với chúng tôi. Trên núi có rất nhiều tổ ong. Những tổ ong to như một cái quạt mo treo lơ lửng trên cành cây. Mỗi một tổ ong ấy đủ cho chúng tôi có một bữa tiệc đã đời với sáp ong và ong non. Rồi quả tóc tiên, quả vú bò, quả gáo... Chúng tôi từng nấp dưới những gốc cây vào cuối chiều để xem bầy chim trở đập cánh như có bão trên những vòm lá. Chúng tôi đã từng ngắm nhìn mê mải những quả trứng nhiều màu trong các tổ chim vào mùa đẻ trứng. Nhất là vào khi lũ chim non ra đời. Thằng Phàn Phệch đã có lần bắt trộm đầy hai túi áo chim non. Chúng tôi phát hiện ra điều ấy vì những con chim bố, chim mẹ bay quần đảo trên đầu Phàn Phệch và kêu căm giận. Thỉnh thoảng có con chim bố và chim mẹ gì đó lao xuống đầu Phàn Phệch. Nó bỏ chạy. Bầy chim đuổi theo. Chúng tôi bắt Phàn Phệch phải trả lại những con chim non về tổ của chúng. - Mày bắt chim non làm gì? - Một đứa hỏi: - Tao bắt để nuôi - Phàn Phệch nói. - Mày không sợ ma chim mổ mắt à? - Tao đếch sợ. Nhưng ngay sau đó Phàn Phệch im lặng. Tôi tin chắc nó sợ ma chim. Làng tôi ai cũng biết ối chuyện ma chim. Ma chim bay chập chờn trong đêm. Người lớn hay mang chuyện ma chim ra để dọa những đứa trẻ nheo nhẻo khóc đêm. "Nhắm mắt lại ngủ đi kẻo ma chim mổ vào mắt đấy". Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ma chim. Nhưng tôi đã nghe thấy tiếng chim kêu của con chim lợn. Bà tôi bảo: "Hễ chim lợn kêu ở đâu là ở đó có người chết". Bởi thế mỗi lần nghe tiếng chim lợn thét lên trong đêm, tôi lại hỏi bà: "Làng mình ai chết hở bà?". Bà tôi bảo: "Không có ai chết cả". Tuy bà tôi nói vậy nhưng tôi vẫn nơm nớp sợ nhỡ bà tôi chết thì sao. Và tôi vừa sợ vừa ghét con chim lợn. Cuối cùng thì Phàn Phệch cũng trả lại mấy con chim non về tổ của chúng. Nhưng nó vẫn giấu một con trong túi quần mang về. Những con chim bố mẹ đã theo Phàn Phệch về tận nhà. Chúng sà đậu trên mái nhà Phàn Phệch kêu đến khản giọng. Đêm ấy chúng ở lại trên cây dâu da nhà thằng Phàn Phệch và kêu suốt đêm. Nghe chim kêu, bà thằng Phàn Phệch nói: "Mấy con chim này là ma hay sao mà kêu ghê thế", Phàn Phệch thấy sợ, nó hỏi: "Có ma chim thật hở bà?". Bà nó đang mơ mơ màng màng ngủ, nói: "Có". Thế là Phàn Phệch không dám ngủ. Cuối cùng nó mang con chim non, mở hé cửa vứt ra ngoài sân. Sáng hôm sau thức dậy chạy ra sân. Nó thấy con chim non nằm chết trên sân bị kiến bu đầy. Từ ngày ấy, chẳng bao giờ Phàn Phệch bắt trộm chim nữa. HAI Những ngày nghỉ hè năm nay vẫn đến như mọi năm nhưng chúng tôi thấy thời gian chậm chạp vô cùng. Bởi năm nay bọn trẻ chúng tôi có một kế hoạch đặc biệt. Đó là kế hoạch truy tìm kho báu. Những buổi tối đầu hạ thật tuyệt vời. Trời đầy sao. Những ngọn gió thổi qua sông mang hơi nước làm những đêm đầu hạ mát mẻ và rộng lớn. Từ những vòm cây lớn trên núi, tiếng ve râm ran vọng về. Chương trình bắt ve đêm trên núi năm nay đối với chúng tôi ít hấp dẫn hơn. Sau bữa cơm tối, chúng tôi tập trung dưới gốc cây đa đầu làng. Đêm nay chúng tôi tiến hành một phi vụ đặc biệt. Chẳng là quanh ngôi miếu cổ, bà già mù trồng rất nhiều dưa gang. Những quả dưa mỡ màng nằm như những con lợn bột. Dưa gang chấm với muối ớt thì quả là một món ngon không để đâu cho hết. Khi đến gần ngôi miếu bà già mù ở, chúng tôi nhận thấy trước cửa miếu có một ngọn đèn. - Bà già mù thắp đèn làm gì nhỉ? - Một đứa hỏi. - Tối thì phải thắp đèn chứ còn gì. - Một đứa trả lời. - Nhưng bà già mù thì có đèn hay không cũng chẳng sao. - Đứa kia cãi lại. - Ừ nhỉ. Lời giải thích ấy làm cho cả lũ chúng tôi im lặng một lúc. Rồi một đứa lên tiếng: "Chúng mình thử đến đó xem sao đi. Nhưng chúng mày phải bò thật khẽ. Con ma chó mà biết thì có mà chạy đằng trời". Khi đến gần vườn sắn thì chúng tôi bắt đầu bò. Cả bọn bò nối nhau dọc những luống sắn. Ngôi miếu mỗi lúc một rõ. Và chúng tôi nhận ra bà già mù đang ngồi giữa sân trước cửa miếu. Trước mặt bà là ngọn đèn bão và một cái chậu sành. Mặt bà ngước lên cao. Nhưng hai tay bà liên tục nhặt cái gì đó trong chiếc chậu sành. Bọn trẻ chúng tôi không ai bảo ai đều nhổm dậy nhìn về phía sân miếu. Bỗng Phàn Phệch cất giọng thì thào pha một chút sợ hãi: "Hình như bà ấy đang làm phép bắt côn trùng". Câu nói của Phàn Phệch làm chúng tôi bỗng run lên. Con chó trắng đang quanh quẩn bên bà già mù bỗng ngẩng đầu nhìn về phía chúng tôi đánh hơi và khẽ gầm gừ trong họng. Bà già mù vỗ nhè nhẹ lên đầu con chó. Có đứa nào định bỏ chạy. Tôi vội nói khẽ: "Không được chạy, chạy con chó nó biết đấy. Ngồi im". Tất cả bọn trẻ không dám nhúc nhích. Một lúc sau, khi đã bình tĩnh lại, chúng tôi căng mắt nhìn. Cho đến lúc này, qua ánh đèn chúng tôi mới nhận ra rất nhiều từ đâu đó bay về và lao vào cái chậu sành để trước mặt bà già mù. Câu chuyện về bà già mù phù phép gọi côn trùng bay về để ăn thịt rõ ràng là không phải người làng tôi bịa đặt. Tối nay, chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này. Nghĩ đến đó, tôi thấy người lạnh toát. Trong ánh đèn sáng trước ngôi miếu hoang dưới chân núi âm u, hình ảnh bà già mù hiện lên như một mụ phù thủy. Lúc đó, hình như tôi nghe thấy tiếng rung cánh của côn trùng bạt qua vườn sắn. Tôi ngước nhìn lên đỉnh núi trong đêm âm u và đầy bí ẩn. Và lúc này, tôi lại nhớ đến thằng Sấn bạn tôi. Nó đi chặt củi trên núi và không thấy về. Bố mẹ và họ hàng thằng Sấn đã đi tìm nó trong suốt hai năm nay mà không thấy. Có người nói nó bị hổ vồ. Nhưng tôi bảo ngọn núi làng tôi không có hổ. Vì đấy là ngọn núi mọc lên ngay ở đồng bằng cách dãy núi phía chùa Hương xa. Lại có người nói nó bị ma rừng ám không biết đường về nhà và biến thành người rừng chuyên sống bằng quả tóc tiên và quả vú bò. Nhưng bố tôi lúc nào cũng bác bỏ những lời đồn đại đó. Bố tôi cam đoan nó bị rơi xuống khe núi nào đó. Nhiều đêm tôi ngồi trên hiên nhà nhìn về phía ngọn núi và thầm mong nó đột ngột trở về. Nhưng hai năm đã trôi qua vẫn không ai nhìn thấy bóng hình nó. Chỉ những lời đồn về nó mỗi ngày một nhiều. Có lần mẹ nó lên núi nghe thấy tiếng nó gọi mẹ. Mẹ thằng Sấn chạy khắp núi dưới những tán cây rậm rạp nhưng không tìm thấy nó mà chỉ nghe tiếng nó thôi. Mẹ thằng Sấn nghe thấy tiếng nó bảo mẹ mang cho nó cái áo không nó rét lắm. Mẹ nó trở về sắm sửa áo rét và các đồ cúng lên núi cúng cho nó. Mẹ nó treo chiếc áo trên một cành cây để nó đến lấy mà mặc. Ngày hôm sau, mẹ thằng Sấn lên núi thì không thấy chiếc áo treo ở đó nữa. Mẹ nó khóc rống lên và nói: "Sấn ơi, con cần gì cứ bảo mẹ, mẹ mua cho con". Rồi có người làng lên núi về nói tận mắt nhìn thấy thằng Sấn mặc cái áo rét mẹ nó mua cho trèo cây thoăn thoắt cùng với bầy khỉ. Tôi mang chuyện đó hỏi bố, bố tôi bảo có thể đấy là một con khỉ tinh nghịch lấy chiếc áo mẹ thằng Sấn treo ở cành cây mặc vào. Khỉ là một loại động vật rất hay bắt chước người. Lũ khỉ núi nhìn thấy người làng cuốc đất. Khi người làng nghỉ trưa bỏ lại cuốc trên vạt ruộng chân núi, lũ khỉ mò xuống và chí chóe tranh nhau cầm cuốc để cuốc ruộng. Tôi tin lời bố tôi và tôi cũng tin cả những lời đồn của người làng. Chính vì thế mà những câu chuyện về ngọn núi và những gì liên quan tới ngọn núi luôn luôn hiện lên trong tôi kỳ bí và huyền ảo. Và bây giờ, nhìn cảnh bà già mù đang phù phép gọi côn trùng bay về tôi càng tin tất cả những gì tôi nghe kể về mọi chuyện xung quanh ngọn núi. Khi tôi đang nhìn bà già mù và miên man những chuyện trong đầu thì một đứa trong bọn tôi kêu lên: "Tao buồn đái lắm. Tao về đây". Nói xong nó vùng đứng dậy và bỏ chạy. Con chó trắng lao về phía vườn sắn sủa dữ dội. Tất cả bọn trẻ cũng vùng bỏ chạy. Chúng tôi chen nhau chạy như bị ma đuổi. Bọn trẻ chạy khỏi vườn sắn và băng qua cánh đồng về phía cây đa đầu làng. Chúng tôi nằm vật xuống thảm cỏ dưới gốc đa. Tất cả chúng tôi im lặng. Trong đầu chúng tôi đang hình dung lại cảnh bà già mù phù phép gọi côn trùng trong núi bay về. Khi tôi trở về thì mẹ tôi đang ngồi sàng gạo giữa sân. Thấy tôi mẹ hỏi: - Đi đâu về mà không ở nhà giã gạo giúp mẹ? - Con nhìn thấy bà già mù phù phép gọi côn trùng đấy. - Tôi thì thầm. - Lũ trẻ con chúng mày toàn chuyện nhảm. Rửa chân tay rồi vào đi ngủ. - Con nói thật đấy. - Tôi cãi mẹ. Mẹ tôi tiếp tục sàng gạo và không nói gì. Tôi rửa chân tay và leo lên giường đi ngủ. Lại một đêm tôi trằn trọc. Tôi nằm nghĩ lan man bao nhiêu chuyện. Chuyện nào cũng làm tôi khó hiểu. Nếu bà tôi còn sống thì bà tôi sẽ giải thích cho tôi những chuyện ấy. Chuyện gì ở chốn quê này bà tôi cũng biết. Nhưng chuyện bà tôi biết nhiều nhất là chuyện ma. Hồi bà tôi còn sống, đêm đêm bà vừa nhai trầu vừa kể đủ thứ chuyện ma cho tôi nghe. Và lúc nào cũng vậy, tôi ôm bà trong nỗi sợ hãi mơ hồ và ngủ thiếp đi trong tiếng kể đều đều ngái ngủ của bà. Nhưng những câu chuyện ma của bà thường liên quan đến người làng tôi. Một trong những người ấy là cô ruột tôi. Cô mất năm mười sáu tuổi. Một buổi chiều trước khi cưới mấy ngày, cô tôi lên núi lấy mấy bó mây cho bà tôi để đan nong nia. Tối về cô tôi cảm lạnh và mất. Mấy chục năm sau bà tôi vẫn mơ thấy cô tôi hiện về xin bà bán thúng thóc mua cho cô cái áo mới. Hồi còn sống, cô bảo bà: "Khi nào con cưới, u phải bán thúng thóc mua cho con cái áo". Nhưng bà tôi chưa kịp mua cho cô chiếc áo thì cô mất. Suốt đời cô tôi phải mặc áo rách. Đến khi chết cũng chẳng được mặc manh áo lành. Chính vì thế mà bà tôi thương cô và ân hận mãi. Cứ đến ngày giỗ cô, bà tôi đều mua cái áo hàng mã để đốt gửi cho cô. Vào ngày rằm tháng Bảy, làng tôi thường tổ chức nấu cháo đổ vào bồ đề lá đa cho người làng đã chết về ăn. Thuở xưa, người làng tôi chết già hay chết trẻ đều trong cảnh đói khát. Chiều rằm, bà tôi nấu một nồi cháo và sai tôi đổ vào những bồ đề lá đa cắm từ cửa ngõ nhà tôi ra tận đường làng dẫn đến khu nghĩa địa dưới chân núi. Tôi khi đổ cháo, thế nào tôi cũng húp trộm vài bồ đề lá đa cháo loãng. Tôi cứ nghĩ cô tôi phải húp bao nhiêu bồ đề lá đa cháo mới hết đói. Những buổi chiều như thế, trong tiếng trống thì thùng từ đình làng vọng lại, trong những ngọn gió mùa hạ thi thoảng thổi về, trong một khoảnh khắc tôi như nhìn thấy cô tôi thấp thoáng trở về con đường đất từ nghĩa địa chạy vào làng để húp cháo lá đa và lấy chiếc áo hàng mã rồi đứng nhìn về ngôi nhà rất lâu và buồn bã bỏ đi cho tới rằm tháng Bảy năm sau. - Cháu nhìn thấy cô Mùi đấy bà ạ. Tôi nói với bà tôi. - Thế là cô cháu yêu cháu nhất nhà đấy. - Bà tôi vừa ngoáy trầu trong chiếc cối trầu bằng đồng vừa nói. - Làm sao mà cô Mùi biết được cháu. Cô chết từ lúc cháu chưa đẻ cơ mà? - Tôi hỏi. - Người chết nhưng còn hồn. Hồn vẫn về thăm người sống. Vì cô cháu yêu cháu nên mới để cho cháu nhìn thấy. Cô cháu sẽ phù hộ cho cháu. - Thế cô không phải là ma chứ bà? - Tôi lo lắng hỏi. - Hồn xấu thì thành ma. Hồn tốt thì vẫn là người. - Bà tôi thở dài. - Chỉ có điều là người sống ở cõi âm. Tôi cứ nghĩ miên man về bà tôi, cô tôi rồi nghĩ đến thằng Sấn. Thằng Sấn khi còn sống rất tốt với tôi. Nó hay lấy chuối nhà nó mang cho bọn trẻ chúng tôi. Riêng tôi nó luôn giành cho tôi quả chuối to nhất. Thi thoảng nó lại cho tôi một viên bi nó mài tròn xoe và có những vân đá rất đẹp. Tôi nghĩ về thằng Sấn và từ từ chìm vào giấc ngủ. Trong mơ tôi gặp thằng Sấn. Tôi kinh hãi nhận thấy mặt nó dập nát và bê bết máu. Thằng Sấn buồn bã nhìn tôi và nói: - Tớ chết rồi. - Bố mẹ cậu tìm cậu hơn hai năm nay. - Tôi thổn thức nói. - Bố mẹ không tìm thấy tớ vì tớ rơi xuống một khe núi hẹp. - Sấn nói. - Sao cậu lại bị rơi xuống đó? - Tôi vội hỏi. - Tớ trèo lên vách núi xem tổ chim đại bàng đất. Có một tổ đại bàng đất ở đấy, đẹp lắm. Bỗng tớ tuột chân rơi xuống. - Cậu rơi xuống chỗ nào? - Tôi hỏi. - Chỗ mà tớ và cậu đã trèo lên đó một lần lấy trúc làm cần câu ấy mà, có nhớ không? - Sấn hỏi. - Nhớ rồi, tớ nhớ rồi. - Tôi vội nói. - Cậu lên đó đưa tớ về nhé. Tớ ở trên đó một mình buồn lắm. Cậu nhận lời không? Sấn hỏi và đợi tôi trả lời. Tôi nhìn vào mắt nó và thấy nó rất buồn. Tôi ứa nước mắt gật gật đầu. Thế rồi nó biến mất. BA Cuối cùng thì kế hoạch truy tìm kho báu của chúng tôi cũng được thực hiện. Bọn trẻ chúng tôi tập trung từ rất sớm dưới gốc đa đầu làng. Chúng tôi mang theo một chiếc thuổng để đào măng và một cái đèn pin. Ngoài ra chúng tôi còn mang theo ba ống tre đựng nước uống và thức ăn gồm sắn luộc và chuối nhà Phàn Phệch. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là một cái hang ở lưng chừng núi. Cái hang này chúng tôi đã từng thấy nhưng chưa một lần chui vào đó. Quanh cửa hang ở lưng chừng núi. Cái hang này chúng tôi đã từng thấy nhưng chưa một lần chui vào đó. Quanh cửa hang bị phủ gần như lấp hết bởi các bụi cây dại. Thực ra, trong mùa hè năm ngoái, chúng tôi đã định chui vào hang. Nhưng đứa này đùn đẩy đứa kia vào trước. Cuối cùng thì chẳng đứa nào dám chui vào cả. Hình như người làng tôi cũng chưa có ai chui vào cái hang đó làm gì. Chúng tôi nghe người lớn nói trong hang có một cặp rắn có mào. Có người bảo đó là cặp rắn thần. Người làng tôi lên núi đã có lần nhìn thấy cặp rắn thần uốn lượn múa trước cửa hang. Cái mào trên đầu rắn phát ra một thứ ánh sáng xanh. Chúng tôi dừng lại trước cửa hang. Một đứa lên tiếng: "Đứa nào vào hang trước". Sau câu hỏi đó, tất cả bọn trẻ im bặt và liếc nhìn nhau. Rồi đứa này đùn đẩy đứa kia. Và thế là một cuộc cãi nhau nổ ra. Phàn Phệch thấy thế tức quá vung tay đang cầm cái đèn pin và nói: "Chúng mày hèn bỏ mẹ. Không đứa nào dám vào trước thì tao vào. Tất cả đi theo tao. Đứa nào bỏ cuộc thì cả bọn không cho chơi nữa". Nói xong, nó tiến đến cửa hang và vạch những bụi cây dại bước vào. Bọn trẻ vẫn đứng bên ngoài nhìn theo Phàn Phệch. Phàn Phệch quay lại gắt: "Theo tao, đứng đây làm gì?". Lúc này chúng tôi mới bước vào hang. Cái hang tối om và phả ra một mùi nằng nặng. Phàn Phệch bật đèn pin và soi vào hang. Lúc này chúng tôi mới nhận thấy lòng hang rất rộng. - Có thấy rắn mào không? - Một đứa nào đó thì thào. - Mày đừng nói gì nữa.- Phàn Phệch gắt. Tiếng Phàn Phệch vang ồm ồm trong hang. Sau đó. Chúng tôi nghe có tiếng động phía trong hang đá. Bọn trẻ dừng bước, mắt nhìn ngó sợ hãi. Phàn Phệch như không để ý đến chuyện gì cả. Nó bước từng bước tự tin vào phía tôi. Nó rọi đèn pin xem, xét y như một nhà thám hiểm. Bọn trẻ chúng tôi rón rén bước sau. Bỗng nó dừng lại và kêu lên: "Nhìn kìa". Chúng tôi nhìn theo ánh đèn pin của nó và nhận ra chỗ nền hang rải đầy sỏi. Những viên sỏi nhiều màu tròn như những viên bi. Phàn Phệch bước nhanh đến và ngồi xuống. Nó cầm một viên sỏi đưa lên ngắm nhìn. - Sao ở đây lại có nhiều sỏi đẹp thế này nhỉ? - Phàn Phệch hỏi. - Chắc có người nhặt sỏi bỏ vào đây. - Một đứa nói. - Tao sẽ mang hết chỗ sỏi này về để mài bi - Phàn Phệch nói - Thôi đi tiếp. Nhưng trước khi đi tiếp, Phàn Phệch chọn mấy hòn sỏi rất trong có màu đẹp bỏ vào túi. Đi được một đoạn thì chúng tôi phát hiện ra có một cái bếp trên nền hang. Ba hòn đá được kê làm bếp. Và trên nền hang vẫn còn một ít tàn tro và một vài mẩu củi cháy dở đã mục. Cả bọn xúm quanh chiếc bếp. - Sao lại có bếp ở đây nhỉ? - Một đứa hỏi. - Như thế là đã có người vào đây. - Một đứa nhận xét. - Hay đó là những người cũng đi tìm kho báu. - Nếu thế thì họ đã lấy hết vàng rồi còn gì. - Phàn Phệch nói với giọng thất vọng. - Cứ đi tiếp xem sao. - Một đứa nói. - Đi đi. - Cả bọn lên tiếng. Chúng tôi lại tiếp tục đi vào phía trong. Phàn Phệch soi đèn pin lên nóc hang và bất chợt chúng tôi nhận ra có muôn vàn những chấm sáng bám trên nóc hang đá. Những chấm sáng chập chờn. - Cái gì thế kia. - Một đứa thảng thốt kêu khẽ. - Tao không biết. - Giọng Phàn Phệch thực sự hồi hộp. Phàn Phệch tắt đèn. Hang đá tối om. Những chấm sáng biến mất. Và khi Phàn Phệch bật đèn soi lên thì những chấm sáng kia lại hiện lên. "Cái gì thế nhỉ?". Lúc này thì giọng Phàn Phệch thực sự đã run lắm. Bọn trẻ chúng tôi đứng nép vào nhau. Phàn Phệch lấy viên sỏi từ trong túi ra và ném về phía những chấm sáng đó. Những tiếng kêu chin chít vang lên và như một cơn bão ùa ra những con vật có cánh đen xì cùng một mùi hôi khó chịu. Bọn trẻ kinh hoàng kêu rú lên và quay đầu lao ra phía cửa hang. Một con vật bay đập vào mặt tôi cùng tiếng kêu rít lên. Tôi choáng váng ngã xuống nền hang. Một đứa nào thấy đạp lên cả lưng tôi. Tôi quáng quàng đứng dậy và nhìn theo phía ánh đèn pin của Phàn Phệch mà chạy. Bọn trẻ chạy ra phía cửa trong sự hoảng loạn. Khi tất cả đã ra khỏi hang, chúng tôi tụ tập ở một đoạn cách xa miệng hang. Đứa nào đưa ấy mặt cắt không còn một giọt máu. Khi chúng tôi vẫn đang trong cơn hoảng sợ không hiểu cái gì đã xảy ra thì Phàn Phệch bỗng rú lên cười. Tôi kinh hãi nhìn Phàn Phệch cười và nghĩ đến người đàn bà bị ma chó ám trở thành tâm thần. Phàn Phệch cười đến khi mệt quá lăn ra đất nằm thở. - Sao mày lại cười? - Tôi hỏi - Chúng mày có biết con gì trong hang không? - Phàn Phệch nói và tự trả lời. - Lũ dơi núi đấy. Cả bọn chúng tôi lúc này mới ớ người ra. Đúng là dơi núi thật. Tôi đã từng được ăn thịt dơi núi nướng. Ôi! Thế mà trước đó tôi đinh ninh đó là những con ma chim. Một số người làng tôi cũng thường lên núi bắt dơi để ăn. Tôi đã xem bố tôi làm thịt những con dơi núi sạch sẽ rồi ướp với củ sả giã nhỏ với ớt rồi lấy thanh tre tươi kẹp vào và nướng trên bếp than củi lõi ngô. Những con dơi nướng tỏa mùi thơm làm tôi chảy cả nước dãi. Và lúc này, sau cơn hoảng sợ tôi lại thấy thèm được ăn món thịt dơi nướng. - Thế còn cái bếp trong hang là của ai? - Tôi hỏi Phàn Phệch. - Có lẽ của những người đi tìm kho báu - Phàn Phệch nói. Lời giải thích của Phàn Phệch cũng có lý. Chúng tôi cũng từng được nghe nói có nhiều người đã đi tìm kho báu trên ngọn núi này. Mấy năm trước tôi thấy có một nhóm người từ nơi khác đến dựng một cái lều nhỏ trên núi. Nhưng người này nói đi bắt rắn. Nhưng bố tôi bảo họ tìm kiếm cái gì đấy chứ không phải bắt rắn. Còn chuyện những người đi tìm kho báu trên ngọn núi này từ ngày xửa ngày xưa thì nhiều lắm. Hồi còn sống, bà tôi kể rằng có một đoàn người đến ngọn núi này tìm kho báu. Theo lời đồn, họ tin rằng bà già mù sống trong ngôi miếu hoang biết được đường đến kho báu. Bọn người này đã dụ dỗ bà già mù chỉ đường cho chúng. Bà già mù đã kiên quyết từ chối. Thế là chúng đã đánh đập bà vô cùng tàn nhẫn. Trước khi bọn người đó rời khỏi ngôi miếu hoang để đi tìm cái hang chứa kho báu thì bà già mù gượng ngồi dậy, ngửa mặt cười khanh khách và nói: "Các ngươi là những kẻ tham lam và độc ác. Các ngươi sẽ bị trừng phạt". Nghe bà già mù nói vậy, bọn người đạp bà ngã vật xuống và bỏ đi. Nhưng mấy ngày sau, người ta nhìn thấy bọn người đi tìm kho báu ấy da thịt như thối rữa từ trên núi về phía ngôi miếu hoang. Khi đến trước cửa ngôi miếu, bọn người dập mặt xuống đất kêu khóc xin bà già mù tha tội và cứu chúng. Bà già mù nấu một nồi nước lá và bảo chúng tắm rửa. Và sau ba lần tắm thứ nước lá ấy, da thịt bọn tìm kho báu trở lại lành lặn. Bọn người xin bà cho ở lại để hầu hạ bà. Nhưng bà nói với chúng hãy trở về quê quán để hầu hạ mẹ già của chúng. Bọn người dập đầu vâng theo. Tôi đã hỏi bố tôi về câu chuyện ấy. Bố tôi bảo chuyện ấy có thật. "Bà già mù có phép hở bố?". Tôi hỏi bố tôi như thế. Bố tôi cười và nói với tôi rằng: "Trên núi có một thứ cây có hoa màu sắc vô cùng sặc sỡ nhưng phấn hoa rất độc. Nếu phấn hoa dính vào người thì da thịt sẽ bị lở loét. Bà già mù biết thứ hoa đó và cũng biết dùng loại lá thuốc để chữa khỏi bệnh loét da do phấn hoa. Chính bà đã từng chữa cho những người làng không may bị phấn hoa dính vào. Bà là bà lang chữa bệnh bằng lá rừng chứ chẳng có phép bùa gì". Bố tôi bảo bà già mù biết tất cả cây cỏ trên núi. Người làng cũng đồn rằng khi ở trong ngôi miếu thì bà già mù, nhưng cứ lên núi thì mắt bà lại sáng trở lại. Nếu không thế thì bà làm sao mà biết những cây thuốc mọc ở đâu. Khi tôi đang mải nghĩ về câu chuyện liên quan đến bọn người tìm kho báu thì một đứa lên tiếng: - Này, tớ nghĩ hay cái bếp trong hang là của thằng Sấn. Nó đốt củi để nướng sắn đấy. Câu nói ấy làm bọn trẻ đứa nằm đứa ngồi đều đứng bật dậy. - Thằng Sấn chết rồi cơ mà. - Một đứa cãi. - Tớ tin là nó chưa chết. Người ta vẫn nhìn thấy nó mặc chiếc áo mẹ nó mua trèo lên cây cùng bầy khỉ. - Thằng Sấn chết rồi. - Tôi nói - Tớ biết. Có một đêm tớ mơ thấy nó hiện về. Nó bảo tớ hãy lên núi mang nó về. Nó ở trên ấy một mình buồn lắm. Nó trèo lên vách núi xem tổ chim đại bàng đất và bị ngã xuống khe. - Đấy là cậu mơ thôi. Bố mẹ nó tìm nó khắp núi đã hơn hai năm rồi có thấy đâu. - Nếu nó ngã xuống cái khe ấy thì bố mẹ nó khó biết lắm. - Tôi nói. - Cậu biết khe ấy à? - Một đứa hỏi. - Tớ biết - Tớ và nó hay lên đó lấy trúc làm cần câu, có một khóm trúc rất đẹp. - Bây giờ cậu định làm gì? - Một đứa hỏi. - hay là mách cho bố mẹ nó biết. - Chắc đâu mà mách - Phàn Phệch lúc này mới lên tiếng. - Chúng ta lên đó thử xem. Nếu thấy nó thì về báo cho bố mẹ nó biết. Tất cả đồng ý với Phàn Phệch. Phàn Phệch chỉ tay về phía trước và nói với tôi: "Cậu dẫn đường đi". Sau gần nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới trèo tới nơi. Nằm sau tảng đá lớn dựng lên như một bức tường là những khóm trúc đẹp tuyệt vời. Hàng trăm cây trúc cao vút, vàng óng. Cả bọn trầm trồ. Phàn Phệch nhìn khóm trúc rồi quay lại nói: - Chỗ này thuộc về bọn mình. Cấm đứa nào nói cho bọn xóm trong biết. Nếu chúng nó muốn cần câu thì mình bắt chúng nó đổi bi. Một cây trúc mười viên bi. Cả bọn vỗ tay tán thưởng. Thằng Phàn Phệch quay lại phía tôi và hỏi: - Cậu bảo nó trèo lên đây à? - Ừ. - Tôi trả lời. - Thế thằng Sấn ngã xuống đâu? - Tớ đoán là dưới này. Tôi nói và chỉ tay xuống khe núi phía dưới. Từ nơi chúng tôi đang đứng xuống đến đó chừng hai chục mét. Trên vách đá có những bụi cây dại mọc um tùm che lấp lòng khe. - Muốn biết thằng Sấn có ngã xuống dưới đó không thì phải xuống tận nơi chứ? - Phàn Phệch nói. - Còn các cậu ở trên này nhé. Tôi và Phàn Phệch cẩn thận tụt xuống lòng khe. Vách đá dựng đứng, nhưng vì có những bụi cây mọc trên vách đá nên chúng tôi cũng không khó khăn gì nhiều lắm. Bọn trẻ đứng phía trên thi thoảng lại hỏi: "Có thấy gì không?". Phàn Phệch nổi cáu: "Chúng mày hỏi lắm thế, đang trèo mà hỏi là chúng tao ngã đấy. Phải xuống đến nơi mới biết. Chứ cây cối um tùm thế này thì làm sao mà nhìn thấy". Khi chúng tôi chỉ còn cách lòng khe chừng hai mét thì Phàn Phệch buông người nhảy xuống. Tôi cũng buông người nhảy theo. Một cành cây phất vào mặt tôi rát bỏng. Khi chúng tôi lồm ngồm ngồi dậy thì cả hai kinh hoàng kêu lên. Lũ trẻ phía trên cuống quýt hỏi có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi không nói được câu nào. Tôi ôm chặt lấy Phàn Phệch. Hiện ra trong lòng khe lẫn với lá mục là một bộ hài cốt. Người tôi run bắn lên. Tôi nức nở. Chẳng lẽ kia là thằng Sấn. - Có... có phải... thằng Sấn... không? - Phàn Phệch lắp bắp hỏi. - Tớ... tớ không biết. - Tôi run rẩy trả lời. Cả hai chúng tôi im lặng. Chúng tôi đứng nép bên nhau nhìn bộ hài cốt. Lúc này mặt trời đã lên cao. Những tia nắng mặt trời chiếu qua những cành cây chiếu xuống lòng khe. Và chúng tôi phát hiện ra những mảnh vải đã gần như mủn hết phủ lên bộ hài cốt. - Đúng là thằng Sấn rồi. - Tôi thì thầm. - Để tớ lại gần xem sao. - Phàn Phệch nói. Phàn Phệch đã trở nên bình tĩnh. Nó luôn luôn là đứa gan dạ nhất đám trẻ con trong xóm tôi. Giờ đây có nó bên cạnh tôi cảm thấy có thêm sức mạnh. Phàn Phệch rón rén từng bước đến gần bộ hài cốt. Tôi nhìn nó rồi lặng lẽ đến đứng sau nó. Phàn Phệch cúi xuống nhặt một cành cây khô và từ từ gạt những chiếc lá và lớp vải mục. Những chiếc xương của Sấn lộ ra. Trong khi gạt lá và lớp vải mục, chúng tôi chợt phát hiện ra những viên bi đá. "Bi này". Phàn Phệch kêu lên. Lúc này tôi không kìm được nữa òa lên khóc. Vừa nức nở tôi vừa nói: "Bi của thằng Sấn... Bi của thằng Sấn rồi". Lũ trẻ phía trên nhao nhao: "Đâu? Đâu". Một vài đứa bắt đầu tụt xuống khe. Phàn Phệch kêu lên: "Cẩn thận kẻo ngã đấy. Một thằng chúng mày về mách cho bố mẹ thằng Sấn biết". Chỉ một đứa chạy về làng. Còn tất cả xuống lòng khe. Chúng tôi đứng im lặng xung quanh. Lúc này, mọi nỗi sợ hãi trong tôi đã tan biến. Lòng tôi chỉ còn lại nỗi thương nhớ thằng Sấn vô cùng. Nó đã phải nằm một mình dưới lòng khe hơn hai năm nay. Thảo nào nó nói với mẹ nó mua cho nó chiếc áo rét. Dưới lòng khe vào mùa đông lạnh biết chừng nào. Và tôi hiểu vì sao nó lại hiện về bảo tôi hãy đưa nó về vì nó ở trên này một mình buồn lắm. Bỗng lúc này trong tôi dâng lên một nỗi ân hận khôn nguôi. Sao ngày đó tôi không nghĩ ra nó có thể ngã xuống lòng khe này. Bởi chính chỗ này, tôi và nó thường rủ nhau lên xem khóm trúc của chúng tôi có bị ai phát hiện ra không. Trên ngọn núi làng tôi rất ít trúc mọc. Cho nên những khóm trúc mà chúng tôi phát hiện ra quý như một kho báu. Chính những khóm trúc này mà hai đứa chúng tôi có những chiếc cần câu đẹp nhất xóm. Chúng tôi đã dùng những cần câu trúc đổi được vô số bi của bọn trẻ trong xóm tôi và cả lũ bọn trẻ xóm dưới. Nhưng bây giờ nó chẳng còn sống mà cai quản cái kho báu những cây trúc nữa. Nghĩ đến đó tôi òa khóc. Tất cả bọn trẻ đứng đó cũng òa khóc theo. Thằng Phàn Phệch khóc méo xệch cả mồm. Hình như đây là lần đầu tôi thấy nó khóc. Nhiều lần tôi chứng kiến mẹ nó đánh nó bằng roi mây nhưng nó không hề khóc. Bố mẹ thằng Sấn cùng họ hàng và người làng chôn cất Sấn dưới chân đồi gần mộ bà nội nó. Mẹ nó bảo cho nó ở gần bà nội để bà nội trông coi nó và lúc nào bà nội nó cần bắt chấy thì nó bắt cho bà. Vì hồi bà cháu thằng Sấn còn sống, nó hay bắt chấy cho bà nó. Hài cốt của nó được xếp trong một chiếc tiểu sành. Khi chiếc tiểu sành được hạ xuống lòng huyệt thì tất cả lũ trẻ con chúng tôi có mặt ở đó òa lên khóc. Bỗng Phàn Phệch bước đến bên miệng huyệt. Nó lấy trong túi áo cái bọc vải nhỏ đựng viên bi ve nhiều màu. Viên bi ấy đối với Phàn Phệch như một vật báu. Tôi nín khóc quan sát nó vì không biết nó lấy viên bi ra làm gì ở chỗ này. Những ngón tay thô vụng của nó run lên cầm viên bi nhiều màu và nói: "Sấn ơi, tớ cho cậu viên bi ve". Nói xong nó thả viên bi xuống. Viên bi rơi xuống không ai bảo ai, tất cả lũ trẻ con chúng tôi có mặt bên mộ thằng Sấn đều lấy hết những viên bi của mình mang theo trong túi và thả xuống huyệt thằng Sấn. Những viên bi lần lượt lăn xuống và nằm trên tiểu sành đựng hài cốt thằng Sấn. Tất cả người lớn đứng xung quanh đó nhìn chúng tôi nước mắt giàn giụa. Mẹ thằng Sấn bỗng gào lên: "Sấn ơi, con ơi, sao con không sống mà chơi bi với các bạn con, con ơi". Khi những người lớn đã về hết, lũ trẻ con chúng tôi vẫn luẩn quẩn dưới chân núi nơi mai táng thằng Sấn. Chúng tôi đào những cây cúc dại quanh đó trồng lên mộ thằng Sấn. Khi chúng tôi vừa rời ngôi mộ thằng Sấn về làng thì phát hiện cách chỗ chúng tôi không xa, bà già mù đang đứng nhìn về phía chúng tôi. Đứng bên cạnh chân bà là con chó trắng. Bà ấy ra đây làm gì nhỉ? - Một đứa băn khoăn hỏi. Nhưng chẳng có đứa nào trả lời được câu hỏi ấy. Chúng tôi quan sát bà già mù một lúc rồi rẽ sang hướng khác về làng. Buổi tối, bố mẹ thằng Sấn đến nhà chúng tôi cám ơn chúng tôi đã giúp họ tìm được thằng Sấn. Trong đầu tôi cứ hiện ra hình ảnh bộ hài cốt thằng Sấn. Nhưng tôi không hề thấy sợ hãi mà chỉ thấy thương nó. Và khi vừa chợp mắt, tôi đã mơ thấy thằng Sấn về đứng bên ngoài cửa sổ. Nó vác trên vai một bó trúc to nói là để cho chúng tôi làm cần câu. Rồi nó nhe rằng cười và nói: "Cám ơn các cậu đã đưa tôi về". BỐN Buổi sáng chúng tôi được thông báo bà già mù đã cùng con chó trắng lên núi hái thuốc rồi. Thế là bọn trẻ trong xóm chúng tôi tập hợp nhau lại và quyết định đột nhập ngôi miếu hoang để khám phá xem bà già mù ăn loại côn trùng gì. Với bọn trẻ đây là một dịp may. Nhưng phải gần một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tụ tập đông đủ. Chúng tôi tức tốc lên đường. Hôm nay là một ngày nhiều gió. Suốt ngày hôm qua chúng tôi không đi đâu ra khỏi sân nhà Phàn Phệch vì bận sửa chữa những con diều cũ và làm thêm một số diều mới. Năm nay chúng tôi có dự định tổ chức thi diều với bọn trẻ xóm trong. Trong khi làm diều thì câu chuyện chính của chúng tôi vẫn là kho báu trong núi và bà già mù. Bởi thế khi có được cơ hội đột nhập ngôi miếu là chúng tôi hành động ngay. Thật dễ dàng khi cửa ngôi miếu chỉ là một tấm cót. Chúng tôi chỉ cần đẩy nhẹ là có thể lách vào bên trong. Khi chúng tôi đẩy tấm cót thì nắng ùa vào ngôi miếu. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bước vào bên trong ngôi miếu này. Tất cả đồ đạc trong ngôi miếu được xếp đặt gọn ghẽ. Gọi là miếu nhưng cũng chẳng khác gì một ngôi nhà nếu không kể đến một bệ thờ nhỏ có đắp nổi một đôi rồng. Trong miếu có kê một chiếc chõng tre đã cũ. Một góc nhà dùng làm bếp. Ngôi miếu vẫn toát ra một cảm giác kỳ bí. Chúng tôi im lặng quan sát ngôi miếu và bàng hoàng nhận ra có không biết bao nhiêu mà kể những con giống bằng đất sét nung. Nào là chó, lợn, gà, chim, cá, trâu, bò... ôi, đây quả là một kho báu. Chúng tôi không biết làm sao mà bà già mù lại có nhiều con giống bằng đất sét nung đến vậy. Tất cả bọn trẻ chúng tôi rón rén đến bên những con giống. Chúng tôi ngồi xuống và ngắm nhìn chúng. Những con giống thật sống động. Tôi có cảm tưởng như nghe thấy tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tiếng cá quẫy... - Tại sao bà ấy lại có nhiều thế nhỉ? Một đứa thì thào. - Hay bà ấy lấy trong kho báu. Một đứa khác nói. - Kho báu đựng vàng chứ ai lại để con giống đất nung. - Phàn Phệch nói có vẻ hiểu biết. - Thế thì bà ấy lấy ở đâu? - Hay là bà ấy nặn. - Bà ấy mù thì làm sao mà nặn được. - Sao lại không. - Nhưng không đẹp như thế này. Cả lớp mình làm thủ công cũng chẳng có con nào đẹp như thế. Chúng tôi cứ thế tranh cãi nhau. Phàn Phệch suỵt gió và nói: "Chúng mày nói to bà ấy nghe thấy thì có mà chạy lên giời". Nghe vậy, cả bọn nhớn nhác nhìn ra cửa miếu. - Hay là bà ấy dùng phép gọi về. - Mày dốt lắm. - Phàn Phệch nói. - Đây có phải là lợn gà thật đâu mà gọi được. Bà ấy chỉ gọi được côn trùng thôi. - Ôi, phải tìm xem bà ấy giấu côn trùng ở đâu, nhanh lên. Chúng tôi chợt nhớ ra mục đích của cuộc đột nhập này. Thế là cả bọn nháo nhác nhìn ngó xung quanh. Ngay lập tức, chúng tôi phát hiện ra một dãy chum lọ sành và những cái nồi, niêu đất ở góc miếu. Phàn Phệch nhanh chóng bước lại và mở nắp vung một cái nồi. Cả bọn xúm vào xem. "Sắn luộc". Chúng tôi khẽ kêu lên. Trong chiếc nồi đất là những khúc sắn luộc nở bung trắng ngần. Tôi vội nuốt nước miếng. Đúng hơn đó là cái niêu đất để nấu cơm. Chúng tôi thấy trong niêu còn dính những hạt cơm. Một đứa nói: "Có lẽ bà ấy ăn hết côn trùng rồi". Nhưng ngay sau đó Phàn Phệch mở tiếp vung một cái niêu đất khác. Tất cả cùng kêu lên: "Côn trùng". Phàn Phệch bưng cái niêu ra gần cửa nơi có một luồng ánh sáng chiếu vào. Tất cả lại kêu lên: "Châu chấu". Đúng là những con châu chấu. Phàn Phệch đưa chiếc niêu lên gần mũi khịt khịt và nói: "Châu chấu rang với lá chanh thơm lắm chúng mày ạ, ăn thử mà xem". Phàn Phệch đưa chiếc niêu về phía bọn trẻ. Đứa nào cũng xua tay và nói: "Tớ không ăn". Phàn Phệch nói "Không ăn thì tớ ăn" và lấy tay nhặt một con châu chấu trong niêu và bỏ vào miệng nhai ngon lành. - Như thế là không phải bà ấy ăn côn trùng à? - Một đứa băn khoăn hỏi. - Châu chấu là côn trùng chứ là gì? - Tôi nói. - Nhưng bà ấy có phép gọi châu chấu bay về - Đứa khác chen vào. Đúng thế đấy, bọn mình chẳng nhìn thấy bà ấy phù phép gọi châu chấu về đêm vừa rồi đấy. - Có thể đó là cách bắt châu châu của bà ấy thôi - Tôi giải thích. Thực ra món châu chấu rang lá chanh chẳng có gì xa lạ với bọn trẻ con làng tôi. Hơn ai hết, chúng tôi chính là những chuyên gia bắt châu chấu. Vào những ngày hè có mưa rào, bọn trẻ trong làng thường mang một chiếc vỏ chai chạy ra những thửa ruộng ven chân núi bắt châu chấu. Mưa làm cho cánh châu chấu nặng thêm không bay nhanh và xa được. Bọn trẻ đuổi bắt châu chấu và hò hét trên cánh đồng mưa mù trắng. Với lũ trẻ thôn quê chúng tôi, công việc gì chúng tôi cũng thấy vui như ngày hội. Những con châu chấu cái vào mùa lúa chín béo tròn, vàng óng. Mẹ tôi lấy nước sôi dội vào chai cho châu chấu chết. Sau đó mẹ tôi vặt cánh và chân châu chấu rồi đổ nước muối cà, thái nhỏ lá chanh và rang khô. Châu chấu rang ăn với cơm gạo thì ngon biết chừng nào. Tôi hỏi mẹ tôi sao không rang châu chấu với muối mà lại rang với nước muối cà. Mẹ tôi bảo làm như thế thì thịt châu chấu sẽ rắn lại ăn rất ngon. Trẻ con ở làng tôi những năm tháng ấy ăn tất cả những gì có thể ăn được. Một đứa trẻ lên mười ở làng tôi trong ba tháng nghỉ hè có thể là người kiếm tìm thực phẩm chính cho gia đình. Chúng tôi biết hàng chục loại rau dại mọc trên cánh đồng, ven chân núi, dọc bờ sông. Chúng tôi biết móc cua, tát giòn, đặt lờ rô, kéo te, cào hến ngoài sông bằng giậm, câu cá sông khi mùa nước lên. Hầu như mọi thứ sống dưới nước và mọc trên bờ đều có thể nuôi sống chúng tôi. Và công việc kiếm thức ăn khổ cực lại trở thành niềm vui bất tận của tuổi thơ chúng tôi. Bọn trẻ con như có vẻ thất vọng về cuộc thám hiểm ngôi miếu. Bởi lũ côn trùng mà bà già mù ăn lại là một trong những món ăn chính của làng tôi những năm đói kém. Nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng quên đi những con côn trùng bí ẩn của bà già mù và quay lại với những con giống. Khi chúng tôi đang say sưa nói về những con giống thì có tiếng chó sủa sau lưng. Chúng tôi kinh hãi quay lại. Bà già mù và con chó trắng đã đứng ngay cửa miếu. Chúng tôi đã mải mê với những con giống đất nung mà không biết bà già mù về từ lúc nào. Chúng tôi hoảng hốt nhìn xung quanh tìm đường chạy thoát nhưng chẳng còn đường nào nữa. Nếu chỉ có bà già mù thì chúng tôi sẽ liều sống chết lao ra cửa. Nhưng án ngữ cái lối đi duy nhất lại là con chó trắng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ở cách con chó quá gần. Chính vì thế mà chúng tôi thấy con chó trắng quá to lớn như một con ngựa bạch. Một đứa trong bọn định chạy ra cửa nhưng vội lùi ngay lại vì con chó trắng đã nhe hàm răng nhọn hoắt ra đe dọa. Cả bọn trẻ chúng tôi tụm vào nhau sợ hãi. Bà già mù hướng đôi mắt đục trắng về phía chúng tôi im lặng. Một lúc sau bà hỏi: "Các cháu vào nhà bà làm gì?". Không một đứa nào trong chúng tôi cất tiếng trả lời bà. - Các cháu sợ bà lắm phải không? Bà hỏi và mỉm cười. Tôi nhận thấy nụ cười của bà quen thuộc làm sao. Hình như tôi đã gặp nụ cười kia ở đâu rồi. - Các cháu nghĩ bà là một mụ phù thủy chứ gì? Bà lại hỏi. Vẫn không đứa trẻ nào lên tiếng: - Nói đi, các cháu nghĩ bà là phù thủy, có đúng thế không? - Không... không ạ. - Phàn Phệch lại là người lên tiếng trước tiên. - Các cháu nối dối. Nhưng bà không giận. Các cháu vào đây để xem có phải bà ăn côn trùng không chứ gì? Sau câu nói ấy của bà già mù. Tất cả chúng tôi giật mình. Sao bà lại biết được việc làm của chúng tôi. Bà là bà bói mù hay là bà tiên tri như chị tôi nói. - Bà ăn châu chấu. - Một đứa lên tiếng. - Bà ăn châu chấu. - Bà già mù mỉm cười, giọng nhẹ nhàng. - Các cháu có đồng ý với bà là châu chấu rang với lá chanh rất thơm và ngon không. Bà biết các cháu bắt châu chấu giỏi hơn bà nhiều. - Làm thế nào mà bà gọi được châu chấu bay về? Phàn Phệch hỏi. - Bà có cách, ai cũng làm được. Các cháu còn làm giỏi hơn bà đấy. - Chúng cháu không gọi được châu chấu bay về và chui vào niêu. - Phàn Phệch bắt đầu hào hứng. - Nếu các cháu muốn, bà sẽ dạy các cháu. Bây giờ thì các cháu không còn sợ bà nữa chứ. Nào các cháu ngồi xuống đi. Bà muốn nói chuyện với các cháu. Có lẽ lúc này, chúng tôi cảm thấy phấn khích hơn cả khi đột nhập vào ngôi miếu. Bà già mù từng bước khoan thai về phía chiếc chõng tre và ngồi xuống. Con chó trắng bước theo bà. Nó ngồi xuống bên chân bà và lừ lừ mắt quan sát chúng tôi. Mặc dù con chó trắng thôi gầm gừ, nhưng chúng tôi vẫn ngại ngồi gần nó. Như đọc được ý nghĩ của chúng tôi, bà nói: "Các cháu đừng sợ, con chó này khôn lắm. Nó biết các cháu là khách của bà". Rồi bà chỉ tay vào góc miếu và nói: "Cháu nào bưng hộ bà cái thúng ở góc miếu ra đây". Chúng tôi bưng cái thúng có phủ kín lá chuối khô đặt trước mặt bà. Bà mỉm cười nói: "Bà mời các cháu ăn chuối. Cháu nào muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Mở ra đi, các cháu". Chúng tôi rụt rè gỡ lớp lá chuối khô phủ bên trên. Những nải chuối chín vàng hiện ra. Bà lần tay lấy ra một nải chuối đưa về phía chúng tôi và giục chúng tôi ăn. Phàn Phệch đón nải chuối từ tay bà và chia cho chúng tôi. Không biết từ lúc nào, nỗi sợ hãi của chúng tôi về bà đã vơi đi nhiều lắm. Chúng tôi chậm rãi bóc chuối và ăn. Vừa ăn chúng tôi vừa nhìn bà không chớp. Rồi chỉ một loáng sau, chúng tôi đã ăn hết hai nải chuối. Bà im lặng đợi chúng tôi ăn xong mới nói: - Tại sao các cháu lại sợ bà. Bà cũng như mọi người làng mà thôi. Các cháu cũng biết là bà không có con cháu gì. Nhiều lúc bà rất muốn các cháu đến chơi. Bà không nhìn thấy các cháu, nhưng bà biết các cháu rất ngoan và thông minh. Quê bà ở đâu? - Một đứa rụt rè hỏi. - Bà cũng không biết. Bà già mù nói và ngước đôi mắt trắng đục ra phía cửa. Tôi nhận ra đôi môi khô héo của bà run run. Và cũng lúc này tôi nhận ra bà có mái tóc đẹp làm sao. Những sợi tóc trắng trong ánh sáng chiếu từ cửa vào lấp lánh như những tia ánh sáng nhỏ. Bà nội tôi cũng có một mái tóc như thế. Nhưng những năm tháng nằm ốm liệt giường, tóc bà tôi có rất nhiều chấy. Bố tôi phải cắt mái tóc bà. Bố tôi lấy một vuông vải trắng bọc chặt mái tóc bà tôi mà mang chôn xuống cánh đồng ven chân núi. Buổi chiều tôi theo bố tôi đi chôn tóc bà, tôi hỏi bố tôi vì sao phải làm như vậy. Bố tôi nói: "Cắt tóc của người đang ốm thì phải mang chôn. Phong tục của làng mình là thế, con ạ". Sau này nơi chôn tóc bà tôi cỏ mọc lên bời bời. Tôi đã nhiều lần đi qua đó và đứng lại trước ngôi mộ tóc nhỏ như một cái úp nón. Và có lần tôi đã khóc. Bà già mù im lặng rất lâu mới nói: - Mẹ bà cũng là một người mù đã đón bà về nuôi. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở lên hai tuổi. Bà chỉ biết đi ăn xin. Một lần bà bị ốm và mù mất đôi mắt. Mẹ nuôi bà gặp bà và đưa bà về đây. Ba không biết quê bà ở đâu và ai sinh ra bà. - Thế bà sống một mình ở đây, bà không sợ à? - Một đứa hỏi. - Bà quen rồi. - Bà già mù mỉm cười. - Mà có gì phải sợ đâu các cháu. - Bà không sợ ma chó à? - Phàn Phệch lên tiếng. - Có phải con ma chó này không? Bà nói và vỗ nhẹ tay lên đầu con chó trắng. Con chó rên ư ử và dụi đầu vào bàn tay bà. - Có phải bà biết đường đến với kho báu trong núi không? - Tôi rụt rè hỏi. - Chỗ nào cũng chứa kho báu các cháu ạ. Cả quả núi làng ta cũng là một kho báu. Trên đó có bao muông thú, cây cối và rất nhiều thuốc quý để chữa bệnh. - Bà già mù nói. - Nhưng các cháu nói đúng. Trong lòng quả núi làng mình có một kho báu. - Sao bà biết? Ai mách bà? Cho đến lúc này, câu chuyện về kho báu đã làm chúng tôi quên đi tất cả nỗi sợ hãi và e dè về bà già mù và con chó trắng to như một con ngựa bạch. Chúng tôi lao nhao hỏi bà: - Mẹ bà mách cho bà biết. - Bà nói. - Rồi đến một lúc nào đấy, bà sẽ mách cho một người khác. - Bà sẽ mách ai? Bà sẽ mách ai? Bà già mù không trả lời ngay. Bọn trẻ chúng tôi như nín thở chờ đợi. Bà đưa đôi mắt trắng đục nhìn lướt chúng tôi. Lúc đó, tôi cảm tưởng đôi mắt mù của bà nhìn thấy tất cả chúng tôi. Hình như bà đang nhìn chúng tôi để chọn lựa đứa nào sẽ được bà mách cho biết con đường dẫn đến kho báu. Khi đã nhìn kỹ tất cả chúng tôi, bà mỉm cười, bà nói: - Có thể các cháu là người mà bà sẽ chỉ cho biết con đường dẫn đến các kho báu. Tim tôi như dừng lại. Tôi nghĩ những đứa khác cũng mang cảm giác giống tôi. Tôi nhớ mẹ tôi đã nói có thể sau này tôi là người được biết kho báu ấy. Tôi vừa nghĩ vừa chăm chú nhìn vào gương mặt lúc này như bất động của bà. - Nhưng các cháu biết có chuyện gì đang xảy ra trên núi không? Bà trầm giọng xuống hỏi. - Chuyện gì hở bà? Bọn trẻ như cùng hỏi. - Có một số người đang phá hại ngọn núi. Sau đó bà kể cho chúng tôi biết có một số người đang chặt trộm cây trên núi. Bà nói họ chặt cây để bán lấy tiền. Bà lên núi và sờ thấy quá nhiều cây cổ thụ mọc trên núi đến cả vài ba trăm năm đã bị chặt. Đêm đêm bà nghe thấy tiếng cây đổ và tiếng kêu hốt hoảng của bầy chim và lũ khỉ. Nếu không ngăn chặn họ lại thì một ngày gần đây quả núi sẽ không còn cây nữa. Muông thú sẽ không còn nơi sống. Và những chuyện khủng khiếp sẽ xảy ra. Bà nói với chúng tôi rằng bà đã gặp ông chủ tịch xã báo tin đó, nhưng hình như ông chủ tịch không để ý đến nỗi lo sợ của bà. Ông ấy nói với bà rằng: "Mù lòa như bà để ý đến chuyện của người sáng mắt mà làm gì". Bà nói chúng tôi hãy nói chuyện cho người lớn ngăn chặn ngay việc chặt cây trên núi lại. Trước khi chúng tôi rời ngôi miếu, bà đã cho chúng tôi toàn bộ những con giống bằng đất nung. Chúng tôi hỏi bà vì sao mà bà nặn nhiều con giống như vậy. Bà bảo bà yêu những con vật. Những lúc cô đơn, bà lại lấy đất và lần mò nặn những con giống còn đọng trong ký ức ấu thơ của bà. Và một điều thật kỳ diệu là không biết bằng cách nào mà bà nặn những con giống đó mỗi khi thổi thì tiếng kêu của con vật nào đúng với con vật đó. Chỉ riêng những con cá là không có chỗ thổi phát ra tiếng kêu. Chúng tôi hỏi bà tại sao bà không làm lỗ thổi cho con cá. Bà cười và bảo cá là những con vật không có tiếng kêu như mèo hay chó. Giọng nói của bầy cá chính là sự im lặng. Chúng tôi rời ngôi miếu với hai túi áo nặng trĩu những con giống. Cuộc thám hiểm xem bà già mù ăn loại côn trùng nào của chúng tôi thất bại nhưng chúng tôi lại phát hiện ra những điều kỳ lạ khác. Về đến cây đa đầu làng, chúng tôi bầy những con giống trên mặt cỏ. Cả một thế giới những con vật sống động hiện ra. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhìn về ngọn núi kín cây. Làm sao người ta chặt được hết cây trên núi nhỉ. - Một đứa nói. - Tớ cuộc với các cậu đấy. - Cuộc gì nào? - Đứa khác hỏi. - Gì cũng được. - Cậu sẽ thua. - Chắc không? - Chắc. - Vì sao? - Vì tớ thấy bà già mù biết tất cả. Tớ tin bà ấy nói. Sau câu nói ấy, chúng tôi im lặng. Một sự im lặng hiếm hoi của lũ trẻ. Lâu sau mới có một đứa nào đấy nói khẽ: "Nếu ngọn núi hết cây thì sao nhỉ?". Câu hỏi bâng quơ ấy vang lên mà chẳng có đứa nào trả lời. Đúng ra là chúng tôi chẳng biết trả lời. Chúng tôi còn nhỏ quá. Chúng tôi không thể tiên cảm được những gì sẽ xảy ra. Và đấy là điều làm cho tâm hồn ngây thơ và trong sáng của chúng tôi sau này bị tổn thương nặng nề. NĂM Bọn trẻ chúng tôi có những con đường bí mật trên núi mà người lớn không thể nào biết được. Việc khám phá ra những con đường ấy là kết quả của những mùa hè lang thang trên núi tìm tổ ong, bắt ve và hái quả dại. Bây giờ chúng tôi đang đi theo những con đường bí mật để sang bên kia sườn núi. Một bầy khỉ nhìn thấy chúng tôi kêu lên hoảng loạn. Chúng vừa kêu vừa chỉ tay về phía trước. Lúc này bầy khỉ giống như những đứa trẻ chưa biết nói đang cố gắng ra hiệu cho những người khác một điều gì đó chúng đang quan tâm. Có một điều tôi cần phải nói là bầy khỉ trên núi khi thấy người lớn đều tránh xa. Nhưng với bọn trẻ chúng tôi lại luôn tỏ ra thân thiện. Có lẽ bởi lâu nay chúng tôi đã trở thành nơi tin cậy của chúng. Có những buổi trưa mùa hạ, chúng tôi nằm nói chuyện trời đất với nhau. Trong khi đó bầy khỉ ngồi trên những cành cây thấp gần nơi chúng tôi nằm và như lắng nghe. Khi thấy chúng tôi cười rộ lên thì bầy khỉ lại kêu chí chóe. Chúng tôi thường kiếm được những buồng chuối chín trên núi. Và khi chúng tôi ăn chuối thì bầy khỉ mò tới. Chúng tôi vặt từng quả chuối ném cho bầy khỉ. Những lần đầu bầy khỉ đứng từ xa nhìn chúng tôi cảnh giác và liếc những quả chuối một cách thèm thuồng. Chỉ những con khỉ con là có vẻ không biết sợ. Chúng lao đến vồ lấy những quả chuối trong tiếng kêu, vẻ sợ hãi của những con khỉ bố mẹ. Nhưng rồi bầy khỉ cũng hiểu ra là chúng tôi chẳng có gì nguy hiểm với chúng mà ngược lại rất thiện chí với chúng. Các bạn có biết rằng đã có lúc chúng tôi và bầy khỉ chơi ném nhau hò hét ầm ĩ trên núi. Chúng truyền thoăn thoắt trên cây và bẻ những cành cây nhỏ ném về phía chúng tôi. Vì thế mà khi bầy khỉ nhìn thấy chúng tôi lên núi sau nhiều ngày vắng mặt thì chúng nhảy nhót, đu mình trên những cành cây và kêu rối rít. Theo hướng chỉ tay của bầy khỉ chúng tôi rẽ những cành cây và vượt qua những bụi cây tiến lên phía trước. Sau một hồi len lỏi chúng tôi đã sang đến bên kia sườn núi. Ngay lập tức, chúng tôi phát hiện ra những kẻ chặt cây. Phía dưới chân núi, những cây gỗ đã bị chặt để ngổn ngang. Chúng tôi không ngờ rằng có rất nhiều cây gỗ đã bị chặt. Bên cạnh những cây gỗ là một đám người ngồi bên đống lửa. Họ đang ăn uống. Chúng tôi quyết định lợi dụng những bụi cây rậm để tiến sát đám người kia. Khi đến gần, chúng tôi phát hiện ra đám người chặt gỗ đang uống rượu. Điều kinh ngạc hơn là mỗi một kẻ chặt gỗ đều cầm trên tay một cái xiên có rất nhiều những con chim bị nướng cháy đen. Bọn chặt gỗ ăn thịt chim nướng và uống rượu. - Họ nướng nhiều chim quá chúng mày ạ. - Một đứa thì thầm. - Ma chim sẽ mổ vào mắt cho mà xem. - Một đứa khác nói. - Họ ở đâu đến nhỉ? - Chắc là bên kia sông. - Họ lấy gỗ làm nhà à? - Để bán lấy tiền. - Sao cậu biết? - Bà già mù chẳng nói đấy là gì. - Bà già mù nói nếu cây trên núi bị chặt hết thì những điều kinh khủng sẽ xảy ra. - Điều gì? - Làm sao mà biết được. - Liệu bà già mù nói có đúng không? - Chắc là đúng. - Tôi chen vào. - Chị tớ bảo bà ấy là nhà tiên tri. Chúng tôi nằm bên cạnh những bụi cây dại mọc um tùm và nói chuyện với nhau đến khi có tiếng đám người chặt gỗ gọi nhau. Chúng tôi ngồi dậy quan sát và thấy những người đàn ông cởi trần cầm dìu và vác cưa đi lên lưng núi. Chúng tôi ra hiệu cho nhau bám theo. Đám người đến trước một cái cây to, tán lá tỏa rộng. Rồi họ thay nhau dùng rìu chặt gốc cây. Những mảnh gỗ bay lên. Bầy chim từ những vòm lá bay túa ra và kêu táo tác. Khi chặt đã được nửa phần gốc cây, đám người dùng cưa để cưa phần còn lại. Một lúc sau, họ bỏ cưa ra và cùng nhau đẩy. Cái cây khổng lồ từ từ nghiêng và đổ xuống. Vì cái cây quá to, nên cả một vùng những cái cây khác bị quật đổ theo. Chim chóc bay vút lên và kêu ầm ĩ. Những con khỉ nhảy qua những cành cây kêu hoảng loạn. Có con ngửa mặt lên trời hú. - Làm thế nào chặn không cho người ta chặt cây nhỉ! - Phàn Phệch im lặng mãi giờ mới lên tiếng. - Đi báo cho chính quyền các cậu ạ. - Người lớn mà nghe lũ trẻ con chúng mình. Đúng là như vậy. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ để người lớn sai vặt chứ mấy ai nghe lời thỉnh cầu của chúng tôi. Chúng tôi không thể hình dung được những gì sẽ xảy ra trong tương lai với quả núi này. Nhưng chúng tôi không muốn quả núi này bị tàn phá vì đó là một thế giới kỳ diệu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ trở nên cô đơn nếu không còn bầy khỉ, lũ chim, những tổ ong, cái hang nơi trú ngụ của bầy dơi, những con ve, những quả tóc tiên, vú bò và bao nhiêu thứ khác nữa. Và suốt buổi chiều nằm trên lớp lá khô êm như một tấm thảm dưới một gốc cây to. Chúng tôi bàn bạc với nhau để tìm cách ngăn đám người kia không thể tiếp tục chặt cây nữa. Cuối cùng chúng tôi quyết định chờ đến đêm tối sẽ mò đến cái lán của những người chặt gỗ lấy hết cưa và rìu của họ. Chúng tôi tin rằng, không có rìu có cưa thì đám người kia không thể lấy răng mà cắn đổ cây được. Quyết định ấy được tất cả lũ trẻ ủng hộ. Một kế hoạch đánh cắp rìu và cưa được vạch ra khá tỉ mỉ. Và không ai khác, Phàn Phệch được chúng tôi bầu là chỉ huy của nhóm. Sau khi đã phân công nhiệm vụ cho từng đứa, Phàn Phệch đề nghị lũ trẻ trở về làng ăn cơm sớm để tối sẽ thực hiện nhiệm vụ. Khoảng tám giờ tối chúng tôi đã đến sát cái lán của đám người chặt cây. Đó là cái lán bằng vải bạt. Bên ngoài lán có treo một chiếc đèn bão tỏa ánh sáng tù mù, chúng tôi nấp sau những bụi cây quan sát. Quanh chiếc đèn lũ bọ có cánh bay dày đặc. Phàn Phệch ra lệnh cho tôi phải thổi tắt chiếc đèn. Sau một phút lưỡng lự, tôi bắt đầu tìm cách tiến gần đến chiếc đèn bão. Vì có rất nhiều bụi cây rậm mọc quanh chiếc lán nên tôi tiếp cận chiếc đèn một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi đến sát chiếc cọc lán có treo chiếc đèn, tôi thấy tim đập váng đầu và ngực như nghẹt thở. Tôi cảm thấy đôi chân của mình như có đá đeo rất khó nhấc lên. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng tắt được chiếc đèn. Khi ngọn lửa phụt tắt thì bóng đêm đổ ụp xuống. Phải nửa phút sau tôi mới trấn tĩnh và nhận ra phương hướng. Tôi đi như chạy về phía lũ trẻ. Tôi thở ù cả hai tai. Phàn Phệch thấy tôi thở hổn hển, nói: "Cậu làm như bị ma đuổi ấy. Nhưng như thế là tốt rồi. Bây giờ chúng ta sẽ tìm xem họ để rìu và cưa ở đâu. Lấy được cái nào vứt cả xuống sông". Nói xong Phàn Phệch phẩy tay ra hiệu hành động và nó bước lên phía trước đám trẻ như một vị thủ lĩnh. Chúng tôi khom người lò dò từng bước về phía chiếc lán. Đám người chặt cây ngủ như chết sau một ngày làm việc và uống quá nhiều rượu trong bữa tối. Tiếng ngáy của họ vang như sấm. Chúng tôi đi rón rén quanh chiếc lán và nhanh chóng phát hiện ra nơi để rìu và cưa ngay trên bãi cỏ bên cạnh lán. Chúng tôi lặng lẽ vác hết rìu và cưa ra bờ sông. Chúng tôi lội xuống sông cho tới khi nước chạm đến cằm thì dừng lại và vứt hết rìu và cưa chúng tôi lấy được xuống đáy sông. Sau đó chúng tôi men theo bờ sông trở về cây đa đầu làng. Chúng tôi hoan hỉ vì kế hoạch đã thành công. Chúng tôi tin rằng; đám người chặt gỗ sẽ chẳng thể nào chặt thêm được một cái cây nào trên núi nữa. Ngay sau đó Phàn Phệch đề nghị cả bọn đến thăm bà già mù. Một số đứa lưỡng lự không muốn đi. Phàn Phệch liền nói: "Các cậu sợ bà ấy à? Có gì mà sợ. Tớ thích bà ấy. Đến xem bà ấy có nặn thêm được con giống nào nữa không". Nghe Phàn Phệch nói vậy cả bọn bỗng hăng hái cả lên. Khi chúng tôi vào sân ngôi miếu thì con chó trắng xông ra sủa dữ dội. Bà già mù bước ra cửa và hỏi: - Ai đấy? - Chúng cháu - Phàn Phệch trả lời. - Vào đây các cháu. - Bà vẫy vẫy tay về phía chúng tôi. Khi thấy lời nói và cử chỉ thân thiện của bà đối với chúng tôi, con chó trắng liền thôi sủa. Nó ngoe nguẩy cái đuôi như tỏ ý chào mừng. Chúng tôi bước vào ngôi miếu. Ngôi miếu chập chờn ánh sáng của ngọn đèn dầu. Mặc dù bà già mù tỏ ra rất thân thiện với chúng tôi, nhưng những câu chuyện mờ mờ ảo ảo về bà vẫn làm cho chúng tôi đôi lúc cảm thấy bà như là một người ở thế giới khác. Nhất là lúc này. Bà ngồi trên chiếc chõng tre, hai tay đặt lên đầu gối và nhìn chúng tôi với đôi mắt mù. - Sao hôm nay các cháu đến thăm bà muộn thế. - Bà hỏi. - Có việc gì phải không? - Chúng cháu vừa đến lán những người chặt cây. - Phàn Phệch nói. - Thế ư? - Bà già mù khẽ thốt lên. - Các cháu cẩn thận đấy. - Chúng cháu lấy hết rìu và cưa của họ vứt xuống sông. - Một đứa nói. - Các cháu thật thông minh và dũng cảm. - Bà nói. - Nhưng bà vẫn cảm thấy... Nói đến đó bà ngừng lại. Mặt bà có vẻ khác thường. Bà im lặng nhìn ra cửa phía ngọn núi. Tất cả chúng tôi nhìn bà chờ đợi. Với chúng tôi, không hiểu vì sao mỗi câu nói của bà luôn luôn mang đến cho chúng tôi một không khí khác lạ. Nó không giống những câu chuyện cổ tích hay những câu chuyện ma mà chúng tôi vẫn được nghe. Những gì bà già mù nói luôn luôn chứa đựng một sự bí ẩn nào đó. Hay bởi chúng tôi luôn luôn nghĩ về bà với những câu chuyện bí ẩn. - Bà cảm thấy gì ạ? Một đứa hỏi. - Bà chẳng thấy yên tâm về ngọn núi này. Bà luôn luôn thấy nguy cơ một ngày nào đó ngọn núi bị tàn phá. Người lớn không còn yêu ngọn núi nữa. Họ không hiểu được ngọn núi. Họ chưa từng nghe thấy tiếng nói của ngọn núi trong đêm... - Ngọn núi biết nói thật ư bà? Bọn trẻ nhao nhao hỏi. - Tất cả đều biết nói các cháu ạ. Khi bà nặn những con giống bà đặt tên cho chúng. Đêm đêm trong ngôi miếu này, bà nghe chúng nói bằng ngôn ngữ của chúng. Những con cá nói về ao đầm và dòng sông chan hòa nước, trâu bò nói về những cánh đồng cỏ mênh mông, chim chóc nói về những bầu trời bất tận... Những cái cây cũng có tiếng nói và ngọn núi này nữa. - Thế ngọn núi nói gì với bà? - Bọn trẻ hỏi. - Ngọn núi nói về sự sinh ra của nó. Nói về những miền đất tuyệt đẹp trên trái đất chúng ta đang sống. Nó nói về những kho báu và nói về các cháu. - Nói về chúng cháu ư? - Bọn trẻ ngạc nhiên hỏi. - Ngọn núi nói về chúng cháu những gì? - Ngọn núi nói các cháu là những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và nhân ái. Các cháu yêu thương cái cây, những con chim và bầy khỉ. Bà già mù nhìn thẳng vào chúng tôi bằng đôi mắt mù. Nhưng chúng tôi cảm thấy đôi mắt bà lấp lánh như đang cười. Từ đôi mắt ấy như có một thứ ánh sáng đang soi rọi vào tâm hồn chúng tôi. Bà nói những điều thật giản dị, nhưng lạ thay, chúng tôi vẫn thấy một điều gì đó thật lạ lùng đang vang lên đầy mê hoặc trong giọng nói của bà. - Bà có phép để nghe được ngọn núi nói à? - Phàn Phệch rụt rè hỏi. - Bà cũng như các cháu. Bà chẳng có phép gì cả. - Bà già mù mỉm cười. - Bà nghe được vì bà yêu ngọn núi ấy. Các cháu cũng sẽ nghe được ngọn núi, dòng sông, cỏ cây và muông thú. - Có thật không bà? - Bọn trẻ cười. - Thật. Vì các cháu yêu chúng. Bà có biết chuyện các cháu đi tìm hài cốt bạn Sấn. Vì yêu bạn mà các cháu nghe được tiếng bạn ấy trong giấc mơ. Sau câu nói của bà, bọn trẻ quay lại nhìn tôi với vẻ thán phục. Tôi ngây ngất vì xúc động. Đúng là tôi nghe thấy giọng nói của thằng Sấn bảo tôi hãy lên cái khe núi ấy đưa nó về. Đêm ấy từ ngôi miếu trở về đến cây đa đầu làng, chúng tôi dừng lại và nhìn về ngọn núi trong đêm. Trong im lặng của bóng tối, tôi như nghe thấy tiếng ngọn núi đang thì thầm kể chuyện. Tôi tin những đứa trẻ khác nghe thấy những gì tôi nghe. Và làng quê nghèo khổ của chúng tôi lại hiện lên đẹp lộng lẫy và kỳ bí như chưa bao giờ như thế. SÁU Có lẽ chị tôi nói bà già mù là một bà tiên tri là hoàn toàn đúng. Nỗi lo sợ của bà đã xảy ra. Đám người chặt cây đã làm cháy khu rừng. Tôi bị những tiếng huyên náo trong xóm làm tỉnh giấc lúc gần sáng. Tôi lao ra sân. Làng xóm được chiếu sáng bởi ánh lửa. Cả quả núi như một bó đuốc khổng lồ. Người làng đổ xô về ngọn núi để tìm cách dập ngọn lửa. Tôi cũng mắt nhắm mắt mở chạy theo. Nhưng họ không thể nào làm gì được nữa. Lửa cháy quá to. Những thùng nước bé bỏng mà những người làng tôi múc từ dưới sông chỉ làm trò cười cho thần lửa. Bọn trẻ xóm tôi nhanh chóng tìm được nhau dưới chân núi. Tất cả những người có mặt ở đó lúc này chỉ biết đứng nhìn ngọn lửa tự do tàn phá rừng cây trên núi. Mọi người đều tuyệt vọng. Trời đã hửng sáng. Trên bầu trời lẫn với tàn tro là bầy chim. Bầy chim hoảng hốt bay ra từ những vòm cây ngọn lửa bắt đầu liếm vào. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được thấy chim nhiều như thế. Từng đàn chim lớn bay cuộn lên như một đám tàn tro lớn và kêu thảm thiết. Chúng lượn vòng phía trên những vòm cây, nơi mà bao đời nay các thế hệ chim đã làm tổ, đẻ trứng và ấp con. Cơn hỏa hoạn đã đuổi chúng lần đầu tiên phải rời bỏ ngọn núi. Bầy chim cứ chao lượn mãi cho tới khi cả cái cây xanh trở thành một cây đuốc. Không chịu được hơi nóng khủng khiếp của lửa, bầy chim bay lên cao hơn. Hơi nóng của lửa theo những cơn gió phả vào chúng tôi rát bỏng. Bầy chim bay lên nhưng rồi lại đậu xuống những cái cây mà lửa chưa cháy tới. Nhưng rồi chúng cũng chẳng còn một nơi chốn nào an toàn trên quả núi nữa. Cả quả núi đã phủ kín khói và hơi lửa. Chúng bay qua đầu chúng tôi. Mọi ngày, bầy chim bay theo đàn của chúng. Nhưng bây giờ, tất cả các loại chim sống trên núi bay hỗn loạn. Một số bay về những cái cây trong làng. Một đàn cò hàng trăm con lượn mãi trên đầu những người làng và kêu thảm thiết. Chúng lượn vòng quanh quả núi. Cuối cùng chúng đổi hướng bay qua sông về dãy núi bên kia. Những cánh cò trắng xa mãi mãi rồi khuất bóng. Trong khi chúng tôi quan sát bầy chim thì từ những lùm cây phủ đầy khói một đàn khỉ hàng chục con lao ra. Lúc đầu chúng tôi ngỡ đó là những người làng lên núi dập lửa còn lại bây giờ mới xuống. Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận ra đó là bầy khỉ. Bầy khỉ bồng bế nhau vừa kêu vừa chạy về phía dân làng. Nhưng khi đến gần những người làng thì bầy khỉ dừng lại. Chúng nhìn những người làng sợ hãi. Một số con lúng túng lùi lại. Một số con quay về phía ngọn núi. Bọn trẻ chúng tôi tách những người lớn bước về phía bầy khỉ. Chúng tôi làm những cử chỉ thân thiện như khi chúng tôi gặp bầy khỉ trên núi. Bầy khỉ đã nhận ra chúng tôi. Chúng kêu lên vẻ mừng rỡ. Chúng tôi thấy những con khỉ bế trên tay một con khỉ con. Hai tay con khỉ con buông thõng. Và chúng tôi kinh hoàng nhận ra con khỉ con bị chết cháy. Con khỉ mẹ ôm khỉ con với khuôn mặt ngơ ngẩn và thi thoảng lại cúi xuống nhìn đứa con đã chết và khỉ kêu như rên. Chúng tôi bước từng bước đến gần bầy khỉ. Những người làng chứng kiến cảnh tượng đó vô cùng ngạc nhiên vì sao bầy khỉ lại không hề tỏ ra sợ hãi chúng tôi mà còn tỏ ra thân thiện. - Bầy khỉ sẽ sống ở đâu bây giờ? - Một đứa nào đó thì thào. Chúng tôi nhìn nhau lúng túng. Không còn rừng cây thì bầy khỉ biết sống ra sao. Bọn trẻ bắt đầu lúng túng. Nhưng ngay đó, Phàn Phệch nói như reo lên: "Đưa chúng về nhà bà già mù". "Đúng đấy, đúng đấy". Bọn trẻ cùng reo lên. Rồi Phàn Phệch vẫy tay và nói với bầy khỉ: "Đi nào, đi cùng chúng tao". Nói xong, chúng tôi đi trước và cứ vừa đi vừa vẫy và nói với bầy khỉ. Tôi cam đoan bầy khỉ hiểu được những gì chúng tôi nói. Chúng bắt đầu đi theo chúng tôi. Chúng tôi đi mỗi lúc một nhanh hơn và cuối cùng vừa đi vừa chạy. Người làng tôi có lẽ lần đầu tiên trên đời họ được chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ. Họ đứng như bất động nhìn theo chúng tôi và bầy khỉ đang chạy về phía ngôi miếu hoang. Bọn trẻ chúng tôi chạy trước dẫn đường và theo sau là bầy khỉ. Đây có lẽ là cảnh tượng kỳ lạ và xúc động nhất trên thế gian. Bà già mù và con chó trắng đang đứng giữa sân miếu. Bà đứng bất động, đôi mắt mù trắng đục hướng về phía núi. Chúng tôi cùng bầy khỉ ùa vào sân. Con chó trắng thấy bầy khỉ sủa vang. Chúng tôi đến trước bà già mù, sau lưng chúng tôi là bầy khỉ. - Bà ơi! Chúng tôi cất tiếng gọi. Nhưng bà già mù như không nghe thấy chúng tôi vẫn nhìn về phía ngọn núi. Chúng tôi lại cất tiếng gọi bà. Lúc này bà mới đưa bàn tay nhăn nheo lên lau những giọt nước mắt lăn trên mặt và nói: "Các cháu đấy à. Chúng ta không thể nào cứu được rừng cây trên núi rồi". - Chúng cháu đưa bầy khỉ về đây. - Phàn Phệch nói. - Chúng nó không còn chỗ ở nữa, bà ạ. - Bà chưa bao giờ gặp những đứa trẻ như các cháu. Nói xong bà khóc. Chúng tôi cũng giàn giụa nước mắt. Con chó trắng ngước lên nhìn bà và dụi đầu vào chân bà như an ủi người chủ của mình. - Làm sao bầy khỉ lại theo các cháu? - Bà già mù hỏi. - Có lẽ vì chúng cháu hay lên núi chơi với chúng và cho chúng ăn chuối. - Một đứa trả lời. - Nhưng bây giờ chúng cháu không biết sẽ để bầy khỉ ở đâu. - Chúng ta sẽ tìm cách. - Bà già mù nói. - Trong nhà bà có rất nhiều chuối, các cháu vào lấy ăn và cho bầy khỉ nữa. Chúng tôi vào nhà mang tất cả chuối bà già mù có và chia cho lũ khỉ. Những con khỉ chộp lấy chuối và bóc ăn như những đứa trẻ vụng về. Chỉ có con khỉ mẹ bế đứa con chết cháy là không nhận phần chuối. Nó bế đứa con đã chết ngơ ngẩn nhìn những con khỉ khác ăn chuối. Phàn Phệch chia cho chúng tôi mỗi đứa một quả chuối. Nhưng chúng tôi không muốn ăn. Chúng tôi nhìn bầy khỉ và đưa phần chuối của mình cho chúng. Đến chiều thì hầu như mọi cây cỏ trên núi đã bị ngọn lửa thiêu thành tro. Những cái cây to đen đúa vươn những cành vẫn còn nghi ngút khói lên trời. Chúng tôi không còn nhận ra hình ảnh ngọn núi xưa kia nữa. Cái thế giới kỳ diệu của chúng tôi không còn. Bầy chim đã bay về một phương trời nào đó rồi. Chỉ còn bầy khỉ mấy chục con vẫn chạy nhảy loanh quanh ngôi miếu. Bà già mù nói với chúng tôi rằng bầy khỉ không thể ở lại ngôi miếu lâu được. Bà chẳng biết nuôi chúng ra sao. Hơn nữa, chúng phải trở về núi rừng của chúng như cá phải trở về nước. Nếu không chúng sẽ chết mất. Bà già mù cũng nói với chúng tôi rằng đây chỉ là một bầy khỉ nhỏ. Trên núi có rất nhiều khỉ không biết khi rừng cháy chúng có chạy thoát ngọn lửa không và bây giờ chúng ở đâu. Nhưng bầy khỉ sẽ đi đâu? Đó là câu hỏi của bọn trẻ chúng tôi. Bà già mù nói bên kia sông là một nhánh của dãy núi Hòa Bình và chúng tôi phải tìm cách đưa được bầy khỉ đến đó. Nhưng bà vô cùng lo lắng là làm thế nào mà bầy khỉ có thể đi theo chúng tôi suốt cả một chặng đường dài chừng ba, bốn cây số, mà lại phải qua con sông làng tôi. Những người lớn có thiện chí sẽ không giúp chúng tôi được gì. Vì bầy khỉ rất sợ họ. Quả thực chúng tôi cũng không hiểu vì sao bầy khỉ lại có thể gần gũi chúng tôi như thế. Trong khi bà già mù và chúng tôi đang vô cùng lo lắng thì Phàn Phệch lại tỏ ra háo hức và tự tin trong việc đưa bầy khỉ về dãy núi bên kia sông. Phàn Phệch nói với bà già mù hãy cứ để cho chúng tôi đưa bầy khỉ đi. Nó vạch ra một con đường có thể tránh được những người lớn tò mò có thể làm vỡ kế hoạch đưa bầy khỉ về núi. Trước tiên là bầy khỉ cùng chúng tôi sẽ vượt sông. Sang đến bờ bên kia là một cánh đồng dâu mênh mông. Chúng tôi có thể đi xuyên qua cánh đồng dâu mà không ai phát hiện ra được. Hết cánh đồng dâu chỉ còn hơn một cây số nữa là đến chân dãy núi. Nếu đi qua cánh đồng trống ấy vào giữa trưa thì cũng chẳng có ai biết được. Vì lúc ấy, những người nông đân đã về nhà nghỉ trưa. Phải nói rằng kế hoạch của Phàn Phệch rất thuyết phục. Chúng tôi đứa nào cũng đồng ý với nó. Và chúng tôi quyết định phải di chuyển bầy khỉ về núi ngay sáng hôm sau. Buổi tối, chúng tôi nấn ná ở lại ngôi miếu mãi tới khuya. Vì có một số con khỉ khác chạy đâu đấy khi rừng cháy tìm về ngôi miếu. Tai bầy khỉ thật tinh. Chúng nghe thấy tiếng những con khỉ khác kêu trong đêm mà chúng tôi chẳng nghe thấy gì. Cả bầy khỉ ở sân ngôi miếu cùng nghểnh tai lên nghe và kêu lên gọi những con khỉ lạc đàn. Những con khỉ lạc đàn trở về với bộ dạng mừng rỡ. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên ngôi miếu chăm chú quan sát bầy khỉ mừng rỡ khi gặp lại nhau. Lúc đó, lòng tôi dâng lên bao cảm xúc lạ lùng chưa bao giờ có. Khi mặt trời lên cao chúng tôi bắt đầu vượt sông. Trước khi đi, chúng tôi buộc dây vào tay những con khỉ để chúng khỏi chạy nhảy lung tung và mỗi đứa chúng tôi có nhiệm vụ dắt ba con. Đêm hôm trước, chúng tôi đã chuẩn bị một chục thân cây chuối để làm phao vượt sông. Nếu không có bầy khỉ thì việc bơi qua sông đối với chúng tôi là một việc đơn giản. Những mùa nước lớn, củi rừng từ mạn đầu nguồn sông trôi về, đôi khi có cả cây gỗ lớn. Chúng tôi thường trực sẵn ở bờ sông để bơi ra vớt. Trẻ con làng tôi bảy, tám tuổi đã có thể bơi lội trên sông dễ dàng như đi trên cạn. Bên kia sông đối diện với bến làng tôi có một cây đa cổ thụ. Năm nào chúng tôi cũng sang đó hai lần. Lần thứ nhất khi đa ra búp. Những búp đa nõn nà có vị chua. Chúng tôi trèo lên cây hái búp đa chấm muối ăn. Lần thứ hai là lúc quả đa chín. Những quả đa chín màu đỏ tím và phủ một lớp mật bên ngoài. Mùa đa chín chim sáo từ núi làng tôi bay sang đông lắm. Chúng ăn đa chín từ sớm cho tới lúc hoàng hôn lại bay trở về núi. Chúng tôi không cần trèo cây hái quả mà chỉ cần ném một hòn đá lên. Bầy sáo giật mình đập cánh bay làm rụng những quả đa chín nhất. Chúng tôi chỉ việc đứng dưới gốc mà nhặt ăn những quả đa chín rụng trên cỏ. Con sông chảy qua làng chúng tôi không lớn lắm, nên chúng tôi một tay cầm quần áo giơ lên cho khỏi ướt và một tay bơi vẫn có thể sang sông. Một việc mà chúng tôi không lường trước được là bầy khỉ không chịu xuống nước. Chúng tôi phải mất quá nhiều thời gian mới kéo chúng xuống nước để thực hiện cuộc vượt sông. Những con khỉ ôm chặt những thân cây chuối và kêu ầm ĩ. Chúng tôi vừa bơi vừa đẩy cây chuối. Song vào mùa hạ nên nước chảy khá xiết. Nhưng vì sợ dòng chảy nên bầy khỉ lại tỏ ra ngoan ngoãn. Chúng ôm chặt những thân cây chuối và nghe lời chúng tôi. Vì thế mà chúng tôi đưa được bầy khỉ sang sông mà không xảy ra chuyện gì. Khi những thân chuối chạm bờ thì bầy khỉ nhảy ào lên và thi nhau rũ nước bám trên bộ lông của chúng. Vì sợ có người nhìn thấy, nên chúng tôi vội dắt bọn khỉ chạy mãi vào bãi dâu. Chúng tôi dắt bầy khỉ đi giữa những luống dâu. Sau gần ba tiếng đồng hồ vất vả. Chúng tôi cũng đã đưa được bầy khỉ đến chân núi. Chúng tôi cởi tất cả dây buộc bầy khỉ ra. Bầy khỉ như được tự do kêu lên sung sướng và chạy nhảy lung tung. Chúng tôi lặng im đứng nhìn bầy khỉ. Bỗng trong lòng tôi dâng lên một nỗi nhớ. Có thể tôi và bọn trẻ chẳng bao giờ gặp lại bầy khỉ nữa. Trước kia, khi rảnh rỗi, chúng tôi thường bảo nhau lên núi xem bầy khỉ đang làm gì. Nhưng bây giờ ngọn núi làng tôi chẳng còn một cái cây nào. Chúng tôi có muốn giữ bầy khỉ ở lại cũng không được. Bà già mù nói nếu không có rừng thì bầy khỉ sẽ chết. Bầy khỉ thấy núi như quên ngay chúng tôi. Chúng chạy ào về phía những cái cây và trèo lên. Chúng tung mình trên các cành cây. Chúng đánh đu hệt như những đứa trẻ tinh nghịch và kêu la ầm ĩ. Đứng nhìn bầy khỉ một lúc lâu, Phàn Phệch khẽ thở dài và nói: "Chúng mình về thôi". Nói xong nó quay đi. Chúng tôi cũng bước theo nó. Khi chúng tôi rời chân núi được một đoạn thì nghe tiếng kêu của bầy khỉ. Chúng tôi vội quay lại. Chúng tôi nhận ra bầy khỉ đang chạy về phía chúng tôi. Khi đến gần chúng tôi thì bầy khỉ đứng lại, con khỉ mẹ có đứa con chết cháy trên núi bước lên phía trước. Nó nhìn chúng tôi im lặng. Đôi mắt nó mang một nỗi buồn. Nó hơi ngoẹo đầu và kêu khe khẽ. - Thôi đi đi, về núi mà sống đi. - Phàn Phệch phẩy phẩy tay về phía núi và nói. Nói xong, Phàn Phệch quay đầu và bước đi. Chúng tôi lặng lẽ bước theo. Con khỉ mẹ kêu lên. Những con khỉ khác cũng kêu. Chúng tôi không hiểu được ngôn ngữ của bầy khỉ. Nhưng chúng tôi nhận thấy tiếng kêu của chúng buồn bã. Lúc này, tôi nhận ra bầy khỉ không muốn rời xa chúng tôi. Trước kia, chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ bầy khỉ lại có tình cảm như vậy. Dẫu chúng tôi đã từng chứng kiến trên ngọn núi làng tôi những con khỉ mẹ âu yếm con chúng ra sao. Chúng tôi đã từng thấy bầy khỉ bắt rận cho nhau. Chúng tôi cũng từng chứng kiến chúng nổi giận như thế nào. Và bây giờ chúng tôi chẳng khó khăn gì để nhận ra bầy khỉ đang quyến luyến chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể ở lại và cũng không thể đưa bầy khỉ trở về ngọn núi làng tôi. Cái thế giới tuyệt vời trong rừng cây trên núi của bầy khỉ và của cả bọn trẻ chúng tôi giờ không còn nữa. Chúng tôi không đứa nào nói với đứa nào một tiếng, bầy khỉ vẫn ở chỗ đó, con đứng con ngồi nhìn theo chúng tôi. Sau khi vượt qua sông về làng, chúng tôi ghé qua ngôi miếu. Bà già mù đang ngồi dưới mái hiên như chờ chúng tôi. Chúng tôi vừa bước vào sân bà già mù đã lên tiếng hỏi: - Các cháu về rồi đấy à? - Vâng ạ! - Chúng tôi buồn bã đáp. - Các cháu nhớ bầy khỉ lắm phải không? - Bà già mù hỏi. - Bầy khỉ muốn trở về đây. - Một đứa nói. - Bà già mù biết như vậy. - Bà già mù thở dài. Tuy chúng là loài vật, nhưng chúng cũng có tình cảm, nhất là bầy khỉ. Các cháu đã coi chúng như những người bạn và đã cứu chúng. Chúng sẽ rất nhớ các cháu. - Bao giờ thì cây trên núi mọc lại hở bà? - Phàn Phệch hỏi. - Có thể hàng trăm năm nữa. - Bà già mù nói. - Lâu thế cơ ạ - Phàn Phệch nói. - Hàng trăm năm và có thể cả ngàn năm. Nhưng bây giờ chúng ta phải trồng những cái cây mới. Bà trồng, các cháu trồng, rồi con cháu các cháu trồng, rồi những người đời sau đó trồng. Chỉ như thế những cái cây đã bị đốt cháy mới có thể trở về như trước. Bà già mù nói đến đó thì ngừng lại. Chúng tôi thấy từ đôi mắt đục trắng của bà lăn xuống những giọt nước mắt. Bà nhìn về hướng ngọn núi. Dưới nắng mùa hạ như đổ lửa, ngọn núi hiện ra nham nhở tàn tro. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng đám tàn tro khổng lồ bốc lên. Những tàn tro đen bay mù trời như một đám ruồi khổng lồ. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng có một ngày những cái cây cổ thụ trên núi biến mất chỉ trong một đêm như bị phép thuật của phù thủy. Và bà già mù, người mà một thời những đứa trẻ xóm tôi hình dung như một bà phủ thủy biết cách gọi côn trùng bay về để tóm lấy ăn, lại đang ngồi đây trước chúng tôi và khóc cho những cái cây đã bị đốt cháy. Chúng tôi giờ đây như vụt lớn lên. Chúng tôi đã bắt đầu hiểu ra nhiều điều mà mới ít ngày trước đây thôi chúng tôi chẳng hề để ý. Và có lẽ đây là lần đầu tiên lòng chúng tôi dâng lên một nỗi buồn. Trước kia, chúng tôi có thể thấy đói, thấy khát, thấy rét, thấy sợ hãi khi nghe những câu chuyện nửa hư nửa thực về con chó trắng, về bà già mù... Nhưng hoàn toàn chúng tôi không biết đến nỗi buồn. Khi ấy chúng tôi bắt đầu nghĩ về những gì đó lớn lao hơn, xa xôi hơn chứ không phải là những hòn bi và những cái cần câu trúc. Trước khi chúng tôi rời ngôi miếu về nhà, bà già mù hỏi chúng tôi có nhớ những gì bà nói về kho báu trong lòng núi không. Và bà bảo với chúng tôi rằng đến lúc nào đó chúng tôi không chỉ cứu bầy khỉ mà phải cứu những người làng chúng tôi. Bà bảo chúng tôi sẽ phải gánh vác một xứ mệnh trọng đại. Thú thực, điều ấy nghe thật xa lạ và chẳng để lại ấn tượng gì trong tâm hồn những đứa trẻ. Chúng tôi chỉ nghĩ về bí mật của kho báu. BẢY Một mùa hè lại trôi đi. Nhưng với chúng tôi đấy là một mùa hè buồn bã. Đã hai năm kể từ khi ngọn núi bị cháy mà chẳng có mấy cái cây mọc lên ngoài một số bụi cây dại bơ phờ. Bà già mù cùng bọn trẻ cố gắng trồng từng cái cây một nhưng cũng muối bỏ bể. Chúng tôi đi đâu thấy bất kỳ cây con nào cũng đánh về trồng trên núi. Cũng có một số người làng hưởng ứng việc trồng cây của chúng tôi. Nhưng chỉ được một năm đầu rồi họ cũng bỏ cuộc. Cũng từ ngày đó, ngọn núi chẳng có bóng chim bay về. Chẳng bao giờ chúng tôi được nằm dưới những tán lá lớn trong buổi hoàng hôn để nghe tiếng đập cánh như có gió thổi của bầy chim trở về. Có lần nhớ bầy khỉ, chúng tôi đã rủ nhau vượt sông vào dãy núi bên kia tìm bầy khỉ, nhưng chúng tôi chẳng thấy bầy khỉ đâu. Rất nhiều những cái cây lớn sum sê mà mùa hè năm trước chúng tôi còn thấy khi đưa bầy khỉ đến thì giờ đã biến mất. Chúng tôi trèo lên núi và hú gọi bầy khỉ nhưng chẳng hề có tiếng chí chóe của chúng như những ngày xưa. Chúng tôi không biết bầy khỉ còn sống không và nếu còn sống thì chúng đang ở đâu. Mỗi năm đi qua và làng tôi lại thêm một năm đói kém. Những cánh đồng làng tôi và các làng bên cạnh khô trắng vì hạn hán. Người làng tôi phải gánh từng gánh nước dưới sông lên tưới ruộng. Nhưng gánh bao nhiêu nước để có thể tưới đủ cả cánh đồng mênh mông. Do gánh nước nhiều nên dạo này mẹ tôi hay kêu tức ngực. Suốt mùa hè nắng như thiêu như đốt mà không thấy một giọt mưa. Nhiều đêm gần sáng có chớp phía xa và tiếng sấm mơ hồ vọng lại. Nhưng hình như những cơn mưa bỏ làng tôi mà ra đi như bầy chim và bầy khỉ kia. Hai giếng nước làng tôi cũng cạn tận đáy. Người làng phải ra sông gánh nước về ăn. Tôi cũng phải gánh nước giúp mẹ. Chiếc đòn gánh tre như một thanh sắt nung đỏ làm bỏng rát vai tôi. Bọn trẻ chúng tôi ít gặp nhau hơn mọi năm. Thi thoảng chúng tôi mới gặp nhau ngoài gốc đa đầu làng. Chúng tôi đã bắt đầu chán những viên bi. - Bà già mù có biết gọi mưa không nhỉ? - Một đứa hỏi. Câu hỏi ấy đã được hỏi nhiều lần và lần nào nghe hỏi vậy Phàn Phệch cũng gắt: - Bà ấy có phải phù thủy đâu mà biết gọi mưa. Bỗng một sáng tỉnh giấc, chúng tôi thấy người làng xôn xao bàn tán ngọn núi làng tôi chứa rất nhiều vàng. Dưới chân núi xuất hiện những chiếc lán của những người đến đào vàng. Một số người làng tôi cũng bắt đầu tham dự cuộc truy tìm vàng này. Bọn trẻ chúng tôi vội vã tập trung dưới gốc đa đầu làng. Chúng tôi đoán rằng những người kia đã phát hiện ra kho báu trong lòng núi. Một đứa nói hay là bà già mù đã mách cho những người kia con đường vào kho báu rồi. Nghĩ vậy, chúng tôi liền đến ngôi miếu để tìm bà già mù. Khi chúng tôi đến thì bà già mù đang nằm trên chõng. Bà đắp một tấm chăn bông đã quá cũ. Giữa ngôi miếu có một đống lửa âm ỉ cháy. Năm nay mùa đông đến sớm hơn mọi năm. Ngày cuối cùng của mùa thu vừa ra đi thì những cơn gió lạnh của mùa đông đã tới tấp tràn đến. Bà già mù gượng ngồi dậy trên chiếc chõng tre để đón chúng tôi. - Bà ốm hở bà? - Một đứa hỏi. - Bà thấy trong người không được khỏe. Bà già mù vừa vấn lại mái tóc bạc trắng vừa nói với chúng tôi. Giọng bà yếu ớt. Con chó trắng thấy bà ngồi dậy thì tỏ ra rất mừng. Nó ngoáy đuôi và ư ử kêu. - Có rất nhiều người đến đào vàng trong núi, bà ạ. Một đứa lên tiếng. Nhưng bà già mù vẫn im lặng như không nghe thấy câu nói ấy. Bà bước từng bước đến bên đống lửa và ngồi xuống. Bà hơ hai bàn tay xương xẩu trước ngọn lửa rồi xoa lên mặt. - Bà mách những người kia đường đến kho báu à? - Phàn Phệch như không chịu nổi sự im lặng cất tiếng hỏi. - Họ chỉ là những người đi đào vàng, các cháu ạ. - Bà già mù nói. - Bà biết dãy núi bên kia có cả ngàn người đến đào vàng. Bây giờ thì họ đến đây. Có lẽ tất cả những ngọn núi sẽ bị đào tung lên mất. - Ngọn núi này có vàng hở bà? - Bà không biết là có hay không. - Họ không biết được kho báu trong núi chứ bà? - Không. - Bà đưa đôi mắt mù nhìn về phía một đứa vừa nói. - Chỉ có các cháu mới được biết. - Làm sao chúng cháu biết được. - Sẽ có người chỉ đường cho các cháu. - Bà phải không? Bà già mù không trả lời câu hỏi đó. Bà mỉm cười. Chúng tôi đã ngồi xuống bên bếp lửa quanh bà từ lúc nào. Ngọn lửa và câu chuyện về kho báu làm cho chúng tôi thấy người rực nóng. - Các cháu lấy giúp bà bó lá treo ở góc miếu. Theo hướng tay bà chỉ, tôi bước đến và lấy cho bà một bó lá cây khô treo ở góc miếu. Bà già mù bẻ một ít lá cho vào cái nồi đất dùng để sắc thuốc bắc lên bếp lửa. - Bà đun cái này để làm gì? - Đây là lá thuốc. Bà đang ốm phải uống thuốc. Nhưng lá thuốc này rất quý. Nó có thể cứu sống được con người. - Bà lấy những cái lá này ở đâu? - Trên núi làng mình. - Bà khẽ thở dài. Nhưng bây giờ thì không còn nữa. Hai năm nay, cứ vài ngày bà lại lên núi xem những cây thuốc này có mọc lại không. Nhưng bà chẳng thấy gì ngoài đá. - Bà ơi. - Một đứa hỏi. - Lỡ những người đào vàng tìm thấy kho báu thì sao? - Kho báu ấy ở trong một cái hang dẫn vào lòng núi. - Bà già mù nói. - Nếu không có người chỉ đường thì họ không thể tìm thấy cửa hang. - Chúng cháu đã thấy một cái hang. - Trên núi có ba cái hang. - Bà già mù nói. - Nhưng đấy không phải là cái hang dẫn đến kho báu. - Bà biết cái hang dẫn đến kho báu chứ? - Một đứa hỏi. - Bà chỉ nghe mẹ bà kể lại. - Bà già mù kể. - Khi nào nghĩ đến cái hang đó thì nó lại hiện ra trước mắt bà. - Bà đã bao giờ đến cửa hang ấy chưa? - Phàn Phệch hỏi. - Bà đến đó một lần. - Bà già mù đáp. - Lúc đó bà còn nhỏ như các cháu bây giờ. Từ đó đến nay bà chưa quay lại đó. - Nhỡ bà quên mất thì sao? - Phàn Phệch lại hỏi. - Bà không thể nào quên được. - Thế sao bà không mách cho ai đó để họ đến lấy những báu vật trong hang? - Tôi rụt rè hỏi. - Nếu ai đó vào hang chỉ để lấy vàng bạc thì cái kho báu ấy chẳng có ý nghĩa gì. - Bà già mù nói. - Trong hang còn một thứ quý giá hơn tất cả vàng bạc có trong đó. - Cái gì thế bà? - Bọn trẻ nhao nhao hỏi. Bà già mù chợt im lặng. Vừa lúc đó có ba gã đàn ông bước đến trước cửa ngôi miếu. Chúng tôi đều nhìn ra. Bà già mù cũng nhìn về phía những người đàn ông lạ. Ba gã đàn ông quần áo bẩn thỉu, mặt hốc hác, râu ria lởm chởm, trông thật dữ tợn. Họ lừ lừ mắt nhìn chúng tôi. Một gã hỏi: - Bà là bà già mù phải không? - Tôi đây. - Bà già mù nói khẽ. - Chúng tôi muốn mua của bà một ít gạo. - Các ông là ai? - Bà già mù hỏi. - Chúng tôi là dân đào vàng. - Tôi không có gạo bán. - Bà già mù đáp. - Các ông vào làng mà mua. - Thôi được. - Gã đàn ông cau mày. - Chúng tôi muốn nói chuyện với bà. - Chuyện gì các ông cứ nói. - Bà già mù đáp. - Nhưng bà bảo lũ ranh này đi chỗ khác đi. - Gã đàn ông nói. - Chúng nó không được nghe chuyện này. - Đây là các cháu trong xóm. - Bà già đáp. - Các ông đừng ngại. Có gì quan trọng đâu. - Có chuyện quan trọng chúng tôi mới tìm bà. - Gã đàn ông nói với vẻ khó chịu. - Tôi nghĩ chắc các ông lầm chứ tôi là một bà già mù có chuyện gì quan trọng đâu. Gã đàn ông tỏ vẻ khó chịu, phẩy tay, nói: "Tối chúng tôi quay lại". Rồi gã ra hiệu cho hai gã cùng đi rời khỏi ngôi miếu. Khi ba gã đàn ông đi khuất, bà già mù nhìn chúng tôi và hỏi: - Các cháu có đoán được những người này muốn nói chuyện gì với bà không? - Chuyện gì thế bà? - Chắc chắn họ muốn hỏi bà về cái hang chứa kho báu. - Họ cũng biết cái hang ấy à? - Chúng tôi hỏi. Chuyện cái hang chứa kho báu ở ngọn núi này có từ thuở xa xưa. - Bà già mù kể. - Cụ kỵ các cháu đã được nghe về cái hang đó. Ông bà các cháu được nghe. Bố mẹ các cháu cũng được nghe và bây giờ đến các cháu. Câu chuyện này không chỉ mình người làng các cháu biết mà thiên hạ nhiều người biết. Bởi thế mà đời nào cũng có những kẻ tham vàng bạc tìm đến ngọn núi này. Bà được kể lại rằng, cụ nhà bà đã bị một nhóm người đến tìm kho báu giết chết vì không chịu mách cho chúng cái hang chứa kho báu ở đâu. Trước đây đã hai lần có người đến gặp bà hỏi về cái hang chứa kho báu ấy. Nhưng tất cả những người này không bao giờ được quyền biết cái kho báu ấy. Bà già mù là người đàn bà mù cuối cùng trông coi kho báu ấy. Sau bà thì ai sẽ trông coi? - Bọn trẻ gần như đồng loạt hỏi. - Bà linh cảm rằng: Bà là người cuối cùng giữ bí mật về kho báu. Cái hang chứa kho báu sẽ được mở. Nó cần được mở để giúp con người. Nói đến đó bà ngừng lại. Chúng tôi nhìn bà không chớp mắt. Giọng nói của bà mỗi lúc một vang lên đầy huyền bí. Trong ánh lửa chập chờn, bà giống như một pho tượng cổ. Bà đưa tay rờ lên đầu một đứa bên cạnh. Bà xoa đầu nó âu yếm và tin cậy. Rồi bà rờ tay lên mặt lên tóc chúng tôi. Chúng tôi ngồi bất động với một cảm giác kỳ lạ để đón nhận hành động của bà. Những ngón tay gầy guộc và yếu ớt của bà lại truyền vào cho chúng tôi một sức mạnh. Và tôi im lặng như chỉ có tiếng reo của lửa, chúng tôi bỗng nghe thấy bà nói. "Ôi, các con của ta". Đấy là lần đầu tiên chúng tôi như vậy. Đêm ấy tôi thao thức mãi. Tôi nghe thấy tiếng con chó trắng sủa miên man theo gió từ cánh đồng ven chân núi vọng về. Nhưng rồi tôi thiếp đi. Sáng sau tỉnh giấc, tôi nghe mẹ tôi nói: "Không hiểu vì sao mà con chó của bà sủa và tru suốt đêm". Linh tính như báo với tôi có chuyện chẳng lành. Tôi nhặt vội củ sắn luộc còn nóng bỏng và chạy sang nhà Phàn Phệch. Tôi nói với Phàn Phệch về chuyện con chó tru suốt đêm qua. Chúng tôi rủ thêm mấy đứa và cùng chạy ra miếu. Con chó trắng thấy chúng tôi mừng rỡ kêu rồi lại chạy vào trong ngôi miếu như mách chúng tôi một chuyện gì đấy. Chúng tôi bước vào ngôi miếu. Bà già mù nằm bất động trên chiếc chõng tre. Chúng tôi lại gần bà và nhận ra mặt mũi bà tím bầm. - Bà ơi, bà làm sao thế này? - Chúng tôi vội hỏi. Bà già mù gượng xoay người về phía chúng tôi. Đôi mắt mù đục trắng của bà như cố mở to hơn để nhìn chúng tôi. Rồi bà nói trong hơi thở đứt quãng. - Những gã đào vàng tối qua đến tìm bà. - Chúng đã làm gì bà? - Phàn Phệch lo lắng hỏi. - Chúng bắt bà phải nói cho chúng biết cái hang chứa kho báu ở đâu. Bà nói với chúng đó chỉ là chuyện hoang đường. Chúng không tin. Khi chúng biết không thể nào hỏi được bà chuyện ấy thì chúng đánh bà. - Bọn chó! - Phàn Phệch kêu lên - Chúng cháu sẽ ra chân núi tìm chúng. - Đừng, đừng, các cháu. - Bà già mù vội can chúng tôi. - Các cháu chẳng làm gì được chúng đâu. - Chúng cháu không sợ. - Chúng tôi cùng nói. - Bà biết các cháu là những cậu bé dũng cảm. - Bà già mù nói. - Nhưng bà nhờ các cháu một việc. - Bà nói đi, việc gì chúng cháu cũng làm được. - Phàn Phệch sốt sắng. - Các cháu có biết cây gạo không? - Bà già mù hỏi. - Chúng cháu đứa nào mà chả biết. - Phàn Phệch đáp. - Bà nhờ các cháu lấy giúp bà một ít vỏ cây gạo nhé. - Để bà làm gì? - Phàn Phệch hỏi. - Cứ lấy giúp bà về đây rồi bà nói cho các cháu nghe. Những việc như thế này đối với bọn trẻ xóm tôi thật quá dễ. Chúng tôi kéo nhau ra cây gạo mọc gần chân núi. Chúng tôi lấy dao đẽo vỏ cây gạo. Chúng tôi chẳng biết bà già mù dùng vỏ cây gạo để làm gì mặc dù cây gạo quá quen thuộc với bọn trẻ chúng tôi. Hàng năm cứ vào mùa cây gạo có quả là chúng tôi lại ra đó lấy quả ăn. Vì cây gạo quá cao nên chúng tôi không thể trèo lên như trèo ổi. Chúng tôi chặt những đoạn cành cây to bằng cổ tay để ném quả gạo. Quả gạo còn non to bằng quả dưa chuột, ăn hơi nhớt nhưng rất ngon. Có lẽ đối với bọn trẻ con chúng tôi cái gì ăn được cũng trở thành những món ăn tuyệt hảo. Chúng tôi ăn quả gạo, quả vú bò, quả tóc tiên. Đến quả mây chát như thế mà chúng tôi cũng thấy ngon. Chúng tôi ăn cả lá phù dung chấm muối, ăn cả ngọn tầm xuân, búp ổi, vỏ cây ổi, lá chua me, rau má, lá sấu non... tuổi thơ chúng tôi gắn liền với những câu chuyện cổ tích, chuyện ma và các thứ rau, quả dại. Vào mùa những quả gạo già nở bông. Bông gạo nở trắng theo gió bay khắp làng. Ngày bà nội tôi còn sống, bà thường bảo tôi đi nhặt bông gạo về cho bà nhồi gối. Những cái gối bông gạo mềm biết nhường nào. Bà tôi đã tự dệt cho tôi một cái áo bông gạo. Vỏ áo là những mảnh vải nhiều màu từ những chiếc áo rách của bà và mẹ tôi. Đấy là chiếc áo ấm nhất của tuổi thơ tôi trong những mùa đông giá rét. Những chiếc gối nhồi bông của bà tôi bây giờ vẫn còn. Khi nào có nắng, mẹ tôi thường gỡ bông gạo trong gối ra phơi. Chúng tôi mang những miếng vỏ cây gạo về cho bà già mù. Bà bảo chúng tôi giã nát những miếng vỏ cây ấy cho bà và bỏ vào chiếc nồi đất. Sau đó bà bảo chúng tôi đi tiểu vào và lấy một ít nước cho vào đó và xao nóng lên. Bà nói với chúng tôi đó là một vị thuốc rất hiệu nghiệm để chữa vết thương khi bị ngã hay bị đánh đập. Chúng tôi đùn đẩy nhau nhưng không đứa nào dám đi tiểu vào cái nồi đất ấy. Cuối cùng thằng Phàn Phệch tức quá nói "để tao" và nó vạch quần đi tiểu. Nhưng nó cứ đứng mãi mà chẳng són ra giọt nào. Chúng tôi không nhịn được phá lên cười. Phàn Phệch cũng buồn cười quá mà hóa ra lại đi tiểu được. Chúng tôi nhóm lửa xao nóng nồi vỏ gạo cho bà già mù. Bà bọc vỏ gạo vào một miếng vải và bóp vào những vết sưng tím trên mặt. Từ hôm đó, hàng ngày chúng tôi đều ra thăm bà và giúp bà những gì bà cần. Chúng tôi quét dọn ngôi miếu. Chúng tôi gánh nước đổ vào hai chiếc chum để ngoài sân cho bà. Chúng tôi nấu cơm cho bà. Buổi tối thì có một bà già trong làng vốn là bạn của bà ra miếu ngủ với bà. Sau ba ngày bóp vỏ gạo xao nước tiểu thì những vết sưng tím trên mặt bà biến mất. Chúng tôi ngờ rằng bà phải có một thứ thuốc tiên nào đó cho vào. Tôi đem chuyện này nói với mẹ tôi, mẹ tôi cười và nói: "Bà nội con ngày xưa cũng làm như thế". Suốt mùa đông năm đó những kẻ đào vàng đào tan hoang một phần chân núi làng tôi. Nhưng hình như họ cũng chẳng tìm được bao nhiêu. Trong thời gian đào vàng, có bao nhiêu chuyện đánh nhau, tranh cướp nhau xảy ra. Nhưng rồi những kẻ đào vàng cũng không kiên trì được nữa. Họ dần dần bỏ đi để lại những cái hang đất dọc chân núi. Và chúng tôi cũng chẳng có thời gian để ý đến chuyện đào vàng nữa. Hàng ngày chúng tôi đi học một buổi và một buổi giúp cha mẹ lo đủ thứ việc nhà. TÁM Sang đến tháng thứ tư mà vẫn không có dấu hiệu gì của một trận mưa. Những cái cây trong làng tôi mỗi ngày một trở nên tàn lụi. Mẹ tôi nói trong đời mẹ tôi chưa bao giờ thấy hạn hán lại kéo dài như thế. Làng tôi rơi vào cơn đói. Có một số đứa bỏ học. Chúng theo những ông bố đi làm ăn ở tận vùng núi xa. Cánh đồng làng tôi xưa kia lúc nào cũng xanh bát ngát màu xanh của ngô lúa. Bây giờ cả cánh đồng như một sa mạc khô trắng. Con sông chảy qua làng tôi nước cũng vơi đi. Những năm trước đây, vào mùa hè con sông vụt lớn lên sau một trận mưa. Nước ngầu đỏ cuồn cuộn chảy. Thế mà bây giờ có khúc sông chúng tôi có thể lội qua. Lương thực chủ yếu của làng tôi lúc này là sắn. Hàng ngày, sau khi đi học về, bọn trẻ trong xóm lại đổ ra sông bắt hến. Phải nói rằng những năm tháng ấy hến đã cứu sống làng tôi. Trời phú cho con sông làng tôi có quá nhiều hến. Hến nằm dưới đáy sông như sỏi. Mẹ tôi là một người khéo tay nên làm được rất nhiều món ăn từ hến. Hến nấu cháo sắn, hến nấu canh sắn. Nước hến vô cùng ngọt. Chúng tôi chỉ có một món ăn là hến hết ngày này đến ngày khác. Khi nào có gạo nấu cơm thì mẹ tôi lại xào hến với khế chua. Gọi là xào nhưng chẳng có một giọt mỡ nào. Món canh hến mà tôi thích nhất là nấu với lá dâu non. Tôi thường bơi qua sông sang bờ bên kia hái lá dâu về cho mẹ tôi nấu canh hến. Mẹ tôi vò nát lá dâu cho mềm nấu với canh hến và ăn với cà muối nén. Thường cứ hai, ba ngày tôi mới được ăn một bữa cơm. Có lẽ vì thế mà bữa cơm ăn với canh hến nấu lá dâu là bữa cơm ngon nhất của tuổi thơ tôi. Do hạn hán kéo dài nên đội thủy nông của làng tôi thử đào những chiếc giếng khơi ngay ngoài cánh đồng nhưng cũng chẳng được bao nhiêu nước. Không có nước nên không thể cấy lúa được. Làng tôi tập trung vào trồng sắn. Vì sắn có thể chịu hạn. Nhưng vì không đủ một lượng nước nhất định nên những củ sắn bé tèo teo, chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái chúng tôi một chút. Sang mùa đông đất đồng làng tôi cứng lại như đá. Và một năm sắp trôi qua nhưng không một giọt mưa rơi xuống cánh đồng làng tôi. Có người nói rằng vì trên núi bị cháy nên thần núi đã bỏ đi và không còn ai nhờ trời làm mưa cho nữa. Có đêm mẹ tôi nằm mơ thấy mưa vội choàng dậy kêu to: "Mưa, mưa, có mưa rồi làng nước ơi". Nhưng đấy chỉ là cơn mơ của sự đợi chờ mưa xuống của mẹ tôi mà thôi. Mùa đông năm nay đối với chúng tôi như lạnh hơn mùa đông năm trước. Chúng tôi vẫn thường tụ tập dưới gốc đa đầu làng vào buổi tối. Nhưng những lần tụ tập này chúng tôi thường im lặng hơn. Mùa đông năm nay bà già mù ốm rất nặng. Hầu như bà không ra khỏi chiếc chõng tre có đệm rơm. Chúng tôi hàng ngày vẫn ra thăm bà. Mẹ tôi cùng một vài người đàn bà trong xóm thường xuyên ra giúp bà cơm cháo. Trong góc miếu vẫn còn rất nhiều những cây thuốc bà già mù lấy trên núi làng tôi từ những năm trước. Chúng tôi bảo bà chỉ cho chúng tôi cách sắc thuốc để chúng tôi sắc cho bà uống. Nhưng bà nói với chúng tôi rằng bà không thể qua khỏi mùa đông này. Bà bảo đã đến lúc bà phải ra đi và không có thuốc gì có thể giữ bà ở lại thêm được nữa. Bà nói những đêm gần đây bà thường mơ thấy bà già mù mẹ bà chống gậy trở về bảo bà ra đi. Những lúc nghe bà nói vậy, chúng tôi ngồi im lặng nhìn bà. Và sau đó trên đường từ ngôi miếu về làng, chúng tôi thường dừng lại bàn tán với nhau về kho báu. Chúng tôi quả quyết rằng: nếu bà già mù ra đi mà không nói cho ai biết về con đường dẫn đến cái kho báu thì cái kho báu ấy sẽ vĩnh viễn nằm trong lòng núi. Một buổi chiều mẹ tôi đi làm về và nói với tôi bà già mù muốn gặp bọn trẻ con trong xóm. Nghe vậy tôi chạy như bay đi báo cho lũ bạn. Chúng tôi nhanh chóng đến ngôi miếu. - Bà có gì cần chúng cháu giúp phải không? - Phàn Phệch hỏi. - Bà muốn các cháu múc cho bà một lọ nước sông. - Bà già mù nói. - Vâng ạ, chúng cháu sẽ đi múc ngay. - Bọn trẻ đáp. Hai đứa trẻ được Phàn Phệch phân công xách một chiếc lọ sành xuống sông múc nước. Khi hai đứa trẻ mang lọ nước sông về. Bà ngồi dậy và lấy khăn rửa mặt bằng lọ nước sông chúng tôi múc về. Bà bảo chúng tôi bỏ thêm củi vào bếp lửa giữa nhà. Rồi bà ngồi xuống bên đống lửa. Tôi cảm tưởng bà chưa bao giờ ốm. Gương mặt bà thanh thản bà nói: - Các cháu hãy ngồi xuống cả đây. Chúng tôi lần lượt ngồi xuống quanh đống lửa. Bà đưa đôi mắt mù như cố gắng nhìn vào từng gương mặt chúng tôi. Một lúc sau bà nói: - Bà gọi các cháu đến đây vì bà biết bà không còn sống được lâu nữa. - Bà nói với một giọng dịu dàng và thanh thản. - Chỉ nay mai là bà sẽ ra đi khỏi mặt đất này. Bà không còn được gặp các cháu nữa. Bà đã làm xong tất cả các công việc của một đời người. Bây giờ chỉ còn một việc cuối cùng mà thôi. Đó là bà phải nói về con đường dẫn đến kho báu trong lòng núi. Nói đến đó bà ngừng lại. Chúng tôi như nghẹt thở. Điều bí mật mà chúng tôi nghe nói lâu nay là một sự thật ư? Có kho báu trong lòng núi làng tôi thật ư? Lâu nay, chúng tôi vẫn tin có kho báu ấy một cách mơ hồ giống như bao điều kỳ lạ trong các câu chuyện cổ tích mà chúng tôi đã được nghe. Nhưng đến lúc này chúng tôi mới hoàn toàn tin kho báu ấy không phải là chuyện cổ tích. Tất cả bọn trẻ chúng tôi ngồi như bất động nhìn bà. Tim chúng tôi đập vang lên. Tôi cảm giác như những trái tim trong lồng ngực bọn trẻ chúng tôi đang đập vang như tiếng trống trong ngôi miếu. Cũng như lần trước, bà già mù lại đưa mắt trắng đục nhìn một lượt chúng tôi. Bà cầm lấy bàn tay một đứa ngồi bên cạnh bà. Bà hỏi: - Các cháu có biết ai sẽ được chỉ con đường đến kho báu không? - Chúng cháu không biết. Chúng tôi trả lời bà mà như không thành hơi. Chúng tôi đang ngạt thở vì chờ đợi. Ai trong chúng tôi sẽ được bà già mù mách cho con đường dẫn đến kho báu. Phàn Phệch hay là một đứa nào đấy hay là tôi? - Các cháu sẽ là những người được chỉ cho con đường đến kho báu. Đúng là bà già mù đã nói như thế. Bà nói từng tiếng một rõ ràng. Tai tôi chợt ù đi. Tôi nhận thấy một biến động kỳ lạ trên những gương mặt trẻ thơ. - Chúng cháu ư, bà? - Phàn Phệch hỏi lại, giọng run rẩy. - Chính các cháu chứ không phải bất kỳ ai. Các cháu có quyền được biết kho báu ấy. Bà vô cùng hạnh phúc khi bà đã tìm được người để trao lại toàn bộ kho báu ấy trước lúc ra đi vĩnh viễn. Bà hạnh phúc vì sứ mệnh quan trọng nhất của đời bà đã được thực hiện. Nói đến đó bà già mù khóc. Phàn Phệch bật khóc theo. Và chúng tôi cũng nấc lên tức tưởi. Chúng tôi không thể ngờ rằng chúng tôi lại được bà già mù tin cậy đến như vậy. Chúng tôi không ngờ trong đói khổ chúng tôi lại được nhận về mình một sự kiện thiêng liêng đến thế. Sau khi mọi người đã im lặng, bà già mù bắt đầu nói cho chúng tôi biết cách vào cái hang chứa kho báu. Rồi bên ánh lửa chập chờn trong ngôi miếu vào một buổi tối mùa đông giá lạnh, bà già mù kể cho chúng tôi câu chuyện về kho báu. Từ lâu lắm rồi, không rõ tháng năm nào, có một đoàn người đi trên một đoàn thuyền sơn son thếp vàng qua khúc sông làng tôi. Đến khúc sông trước ngọn núi, đoàn thuyền dừng lại và quyết định cập bờ. Đoàn người dọn tất cả đồ đạc từ dưới thuyền lên ngọn núi và sống ở đó. Ngày ấy, làng tôi chỉ vẻn vẹn có mươi gia đình. Người làng không hiểu tại sao đoàn người giàu có kia lại lưu lại ngọn núi làng tôi. Sau này có người bảo đấy là một ông vua mất nước cùng đám tùy tùng chạy trốn. Cũng có lời đồn đó là những người nhà trời. Chẳng thế mà sau này, bến sông nơi những con thuyền rực rỡ neo lại trong một đêm và sáng sau người làng không nhìn thấy đâu nữa được gọi là bến Thiên Thuyền. Bà nội tôi bảo bến Thiên Thuyền là bến để thuyền nhà giời đậu. Người làng tôi nhìn thấy đoàn người đó nhưng chẳng có ai dám đến gần vì thấy lúc nào trong tay họ cũng có gươm giáp tuốt trần và quanh người họ hào quang tỏa ra lấp lánh. Chỉ có một cô bé chăn bò trên núi là dám đến gần họ. Một ông già râu tóc bạc phơ đẹp như một ông tiên nói với cô bé chăn bò là ông và đoàn tùy tùng đến từ một nơi rất xa mà nếu cô bé đi bằng những con thuyền bình thường sẽ chẳng bao giờ tới được. Cô bé nhận thấy trong những chiếc lều của họ chất đầy những đồ vàng bạc châu báu. Cô chưa bao giờ nhìn thấy cái đẹp như thế. Cô mê mẩn ngắm nhìn những đồ vàng bạc châu báu đó. Ông già liền lấy một dây ngọc đeo vào cổ cô, lấy chiếc trâm vàng cài lên tóc cô, lấy gấm vóc quấn lên người cô. Rồi ông già phẩy tay thì một chiếc gương lớn hiện ra trước cô. Cô kinh hãi nhận ra trong gương có một cô gái đẹp lộng lẫy. Cô hỏi ông già cô gái đang đứng trước cô là ai. Ông già cười lớn và nói đó chính là cô bé chăn bò. Khi cô bé đã tin cô gái đẹp trong gương chính là mình thì cô không rời khỏi chiếc gương cho đến khi bóng tối đổ xuống. Cô quay lại trước ông già đang ngồi bên đống lửa và tháo vòng dây ngọc, chiếc trâm vàng trả lại cho ông già. Ông già hỏi cô: "Con thấy những thứ này có đẹp không?". Cô bé trả lời: "Đẹp lắm. Cháu chưa thấy cái gì đẹp như thế". Ông già lại hỏi: "Con có thích những thứ này không?". Cô bé xúc động đáp: "Cháu thích lắm". Ông già cười: "Vậy ta cho con". Cô gái nói: "Cháu cám ơn ông. Nhưng cháu không lấy". Ông già vẻ ngạc nhiên: "Vì sao?". Cô gái thưa: "Vì những thứ này không phải là của cháu. Cháu chỉ được dùng những gì do cháu làm ra". Ông già xúc động, lại hỏi: "Vậy sao cháu lấy cây rừng làm củi, lấy quả rừng làm thức ăn? Những thứ đó cháu đâu có làm ra?". Cô gái lại lễ phép thưa: "Cha cháu dạy: của trời thì được lấy, của người thì không". Ông già xúc động đến lặng người. Ông già hỏi: "Cha cháu đâu? Ta muốn gặp cha cháu". Cô gái đáp khẽ: "Cha mẹ cháu mất lâu rồi. Cháu mồ côi cha mẹ và đi chăn bò thuê". Sau lần nói chuyện đó, ông già vô cùng yêu quý cô bé. Ngày ngày, trong lúc chăn bò, cô bé lượm củi mang đến cho ông già để đốt đêm cho đỡ lạnh. Cô hái những quả rừng ngon mang đến cho ông. Một ngày, ông dẫn cô bé theo một con đường bí mật không thể ngờ tới đến trước vách đá. Trên vách đá có một khe nhỏ chỉ đủ lách một bàn tay vào. Cô vô cùng ngạc nhiên là ông già có thể đi qua được cái khe đá nhỏ ấy. Từ sau tấm đá lớn tiếng ông già vọng ra. Ông bảo cô bé cứ nhắm mắt lại và đi qua cái khe đá nhỏ ấy. Cô bé làm theo và đi được vào bên trong. Khi đã vào bên trong, cô kinh hãi nhận ra phía trong sau vách đá đó là một chiếc hang rộng lớn. Ông già nói: "Đây là một kho báu. Ta thấy con là một cô bé trung thực và trong sáng hơn cả những viên ngọc, nên ta muốn cho con biết". "Rồi ông dẫn cô bé đi sâu vào lòng hang. Cô bé nhìn thấy những tùy tùng của ông đang xếp bao nhiêu là vàng bạc châu báu trong hang. Cô hỏi: "Ông giấu nhiều vàng bạc châu báu như vậy để làm gì?". Ông già nói: "Ta để lại cho những người nào vào được cái hang này". Cô bé hỏi: "Họ là ai?". Ông già đáp: "Là những cậu bé có tâm hồn trong sạch như con nhưng chưa ra đời. Những cậu bé ấy sẽ tìm thấy chiếc hang này và cứu được cộng đồng của chúng". Cô bé lại hỏi: "Tại sao ông lại phải từ xa đến đây để cất giấu vàng bạc cho người mà ông không hề biết?". Ông già trầm ngâm: "Vì cuộc đời đã định đoạt như thế. Nhưng bây giờ, con có thể lấy bất cứ thứ gì trong hang này mà con thích". Cô gái nói: "Cháu chẳng lấy thứ gì cả. Nhưng từng này vàng bạc có thể cứu sống tất cả mọi người hở ông?". Ông già lắc đầu: "Không. Một núi này vàng bạc châu báu cũng không cứu sống được tất cả, cháu ạ. Ta để vàng bạc châu báu ở đây để thử lòng người, còn thứ quý hơn cả vàng bạc châu báu ở cuối hang. Nếu kẻ nào tham vàng bạc sẽ không bao giờ biết bí mật ở cuối hang. Bí mật kỳ diệu ấy chỉ giành cho những người không tham lam và có lòng nhân ái mà thôi. Chỉ những con người đó mới cứu được cộng đồng của mình". Sau đó, ông già dẫn cô bé đi sâu vào trong hang. Càng vào sâu, ánh sáng trong hang càng trở nên rực rỡ. Và bất chợt, trước mắt cô hiện ra một hồ nước rộng ngập tràn ánh sáng. Cô bé khẽ kêu lên. Cô không tin ở mắt mình nữa. Cô bé: "Sao lại có một hồ nước ở trong lòng núi thế này hở ông?". Ông già: "Đây là hồ nước không bao giờ cạn. Có một nguồn nước vô tận trong lòng đất chảy vào đây. Hồ nước này có một cửa thông ra cánh đồng làng cháu". Cô bé: "Nhưng cháu không thấy nước từ lòng núi chảy ra bao giờ". Ông già: "Đường nước đó đã bị đóng. Ta sẽ cho cháu xem". Ông dẫn cô bé đến bên một tảng đá hình một con quỷ dữ tợn đang đứng. Ông chỉ con quỷ và nói: "Chỉ cần đẩy đổ con quỷ này thì nước sẽ tuôn chảy ra cánh đồng. Đến một ngày, các dòng sông sẽ vơi đi rất nhiều nước và có khi hàng năm không có một giọt nước mưa. Con người sẽ lâm vào cảnh đói khát và bệnh tật. Dòng nước này sẽ cứu sống dân làng. Nó vừa làm cho ngũ cốc tươi tốt vừa như một thứ nước thần chữa bệnh cho con người. Ta đã nói hết bí mật về cái hang này cho con rồi". Sau khi đã cất hết vàng bạc châu báu vào hang thì những người tùy tùng của ông già lần lượt lâm bệnh và chết. Cuối cùng chỉ còn lại một mình ông già. Trong những ngày ông già đau ốm, cô bé luôn ở bên ông. Cô đã chăm sóc ông như cháu gái chăm sóc ông nội của mình. Trước khi mất, ông già nói với cô gái rằng ông muốn cô là người trông coi kho báu ấy để đến một ngày nào đó sẽ cứu dân làng. Nhưng nếu cô chấp nhận xứ mệnh ấy thì cô sẽ trở thành một người mù. Và khi đã già, cô phải tìm một người mù khác để trông coi kho báu. Ông nói cô có quyền được từ chối. Vì nếu cô nhận lời, cô sẽ phải chịu một mất mát vô cùng to lớn là không bao giờ có thể nhìn thấy được nữa. Nói xong, ông già tắt thở. Cô gục đầu khóc bên thi thể ông già. Khi cô ngước mắt lên thì thi thể của ông già không còn ở đó nữa. Và dấu vết của đoàn tùy tùng đã từng ở đó cũng không còn lại một chút gì. Tất cả chỉ còn lại ngọn núi và cây cối im lìm đầy bí ẩn. Những ngày sau đó, khi đi chăn bò cô bé thường ghé qua nơi ông già cùng đoàn tùy tùng hạ trại. Cô hy vọng có thể gặp lại ông già. Cô không tin là ông già đã chết. Cô nghĩ ông vẫn ẩn khuất đâu đây trên ngọn núi. Nhưng năm tháng lặng lẽ trôi qua. Cô bé đã lớn lên thành một cô gái xinh đẹp. Cô vẫn sống trong đói nghèo. Cô vẫn đi chăn bò thuê và kiếm củi. Có đôi lần, vì nghèo quá mà cô đã tìm đến trước hang. Cô có ý định lấy một vật gì đó để bán. Nhưng lạ thay mỗi lần đến bên khe núi vào kho báu, người cha đã khuất của cô lại hiện ra và nói: "Đừng để lòng tham hoen ố tâm hồn con. Lần sau cùng, cô đã quỳ xuống trước người cha khóc và xin cha tha thứ cho cô. Và cô quyết định chỉ khi nào dân làng cần cô cứu giúp cô mới bước vào cái hang mà thôi. Cô ngước mắt về phía đỉnh núi thề với ông già sẽ nhận lấy sứ mệnh của ông mong muốn. Lời thề vừa dứt, hai mắt cô bỗng tối sầm và không nhìn thấy gì nữa. Cô nhận ra lời thề đã linh nghiệm. Sau giây phút bàng hoàng, lòng cô bỗng thanh thản vô cùng. Nhưng cũng ngay lúc đó, cô thấy người cô ngập tràn ánh sáng. Dân làng vô cùng ngạc nhiên khi biết cô bị mù mà không hề ốm đau hay bị ai đánh đập gì cả. Nhưng điều làm họ ngạc nhiên hơn là tuy mù nhưng cô gái như nhìn thấy mọi vật rõ hơn. Đêm đêm, trong giấc ngủ, cô thấy ông già trở về và dạy cho cô nghề hái thuốc trên núi để cứu giúp những người bệnh tật và nuôi sống mình. Rồi khi đã già, cô bé chăn bò lại tìm một đứa bé mù về nuôi và truyền lại bí mật về kho báu. Cứ thế, đời này qua đời khác, dưới chân núi này luôn có một người đàn bà mù sống và làm nghề hái lá thuốc. Và bà già mù bây giờ là người đàn bà mù cuối cùng. Câu chuyện về kho báu đã được kể xong. Nhưng tất cả bọn trẻ chúng tôi vẫn bất động trong một niềm hạnh phúc vô bờ. Chúng tôi nhận thấy chúng tôi đã lớn lên rất nhiều và chúng tôi đang mang trên vai mình một sứ mệnh diệu kỳ mà người lớn trong làng không thể nào nghĩ tới. Tối ấy, chúng tôi ở lại với bà già mù trong ngôi miếu cho đến khi bà già mù giục chúng tôi mới ra về. Trước khi chúng tôi ra về, bà già mù còn nói cho chúng tôi biết cái cửa hang ở ngay chỗ cây vả cổ thụ. Mặc dù vụ hỏa hoạn mấy năm trước đã thiêu cháy cây vả, nhưng cái gốc khổng lồ của cây vả vẫn còn. Với cây vả, bọn trẻ xóm tôi đứa nào cũng thuộc từng cái cành của nó. Chúng tôi bước ra khỏi ngôi miếu và đứng trong gió rét đang thổi nhìn ngọn núi. Trong đêm mùa đông mờ mờ ánh sao, chúng tôi cảm thấy như đỉnh núi làng tôi chạm tới các vì sao xa xôi. CHÍN Vào lúc gần sáng mẹ tôi nghe tiếng con chó trắng của bà già mù tru thê thảm. Một người hàng xóm thức giấc ra sân và nói với mẹ tôi là hình như có chó sói về núi. Mẹ tôi bảo người hàng xóm đó chính là tiếng tru của con chó trắng của bà già mù chứ núi này từ xa xưa đến giờ chưa bao giờ có chó sói. Cũng từ đó mẹ tôi không ngủ được. Mẹ tôi thắp đèn ra hiên nhà ngồi thái rau chuối cho con lợn sề sắp đẻ nhà tôi. Trong đêm đông buốt giá và tĩnh lặng của làng quê, tiếng chó tru nghe buồn bã theo gió vọng về. Dù ngủ rất say thì cuối cùng tiếng chó tru cũng đánh thức tôi. Tôi dỏng tai lắng nghe và phát hiện ra tiếng tru của con chó trắng. Tôi thấy lòng dạ bồn chồn. Tôi đoán chắc phải có chuyện gì đó xảy ra thì con chó mới tru như thế. Ngay sau đó, tôi nghĩ tới bà già mù. Tôi tự hỏi không biết bà có làm sao không? Tôi nằm co người trong chiếc chăn chiên nghĩ miên man. Cuối cùng tiếng chó tru dựng tôi ngồi dậy và ra khỏi giường. Mẹ tôi thấy tôi dậy liền bảo: - Còn sớm lắm, ngủ đi, dậy làm gì cho chết rét. - Con chó trắng tru khiếp quá mẹ ạ. - Tôi nói và ngồi xuống bên mẹ. - Nó tru lâu lắm rồi. - Mẹ tôi bảo. - Không biết có chuyện gì. - Tối qua bà già mù nói với chúng con bà sẽ ra đi. - Tôi nói. - Năm nay bà ấy yếu lắm. Có lẽ cũng khó qua khỏi mùa đông này. Mẹ tôi thở dài rồi lại cắm cúi thái rau chuối. Trời đã hưng hửng sáng. Ngay lúc ấy, có bóng người đi vào ngõ nhà tôi. - Ai đấy? - Mẹ tôi hỏi. - Cháu Phàn Phệch đây ạ. - Ơ hay mấy đứa này. - Mẹ tôi vẻ ngạc nhiên. - Hôm nay có chuyện gì mà dậy sớm thế, chẳng bù cho mọi khi cắt mất tai cũng không chịu dậy. Tôi đứng dậy bước về phía Phàn Phệch. Phàn Phệch thì thào: - Cậu có nghe thấy con chó trắng tru không? - Có. - Tôi nói. - Tớ ngủ mơ thấy con chó trắng cắn ống quần tớ lôi đi. - Phàn Phệch vẫn thì thầm. - Tớ dứt mãi mà không được. - Có chuyện gì nhỉ? - Tôi nói. - Đi ra miếu đi. - Phàn Phệch rủ tôi. - Đi thì đi. Tôi quay lại nói với mẹ tôi: "Con đi với thằng Phàn Phệch một tí". Mẹ tôi vội buông tay dao thái chuối hỏi: "Ơ hay, hai đứa đi đâu vào giờ này". Mẹ tôi dứt lời thì chúng tôi đã phóng ra đến đầu ngõ. Phàn Phệch hỏi tôi: - Có gọi chúng nó không? - Liệu chúng nó đã dậy chưa. - Thì cứ chạy qua nhà chúng nó, đứa nào dậy rồi thì rủ đi luôn. Cuối cùng chúng tôi cũng rủ được thêm bốn đứa nữa. Chúng tôi vừa đi vừa chạy về phía ngôi miếu. Trong tiếng gió ù ù là tiếng tru của con chó trắng. Khi chúng tôi đến gần ngôi miếu thì nhận ra con chó trắng đang đứng giữa sân miếu. Thấy chúng tôi, con chó ngừng tru và tỏ vẻ mừng. Rồi nó quay đầu chạy vào trong miếu. Chúng tôi bước vào miếu. Ngọn đèn dầu để trên bàn thờ trong miếu tỏa ánh sáng yếu ớt. Chắc bà già mù để đèn suốt đêm cho nên chiếc đèn đang cháy nốt những giọt dầu cuối cùng. Chúng tôi rón rén đến bên chiếc chõng tre. Bà già mù vẫn nằm im lặng. - Bà ơi, bà - Phàn Phệch cất tiếng gọi. Nhưng bà già mù vẫn nằm im. Mặt trời đã xuất hiện phía chân trời. Ngôi miếu dần dần sáng lên. Chúng tôi vẫn tiếp tục gọi bà nhưng vẫn không một tiếng trả lời. Con chó trắng đã trèo lên chiếc chõng tre từ khi nào và ngồi xuống dưới chân bà. Hình như nó khẽ rên trong cổ họng. Nó nhìn bà già mù rồi lại nhìn chúng tôi. Chúng tôi gọi mãi và bỗng thấy hoảng sợ. - Sao bà ấy lại không thưa nhỉ? - Một đứa hỏi. - Hay bà ấy chết rồi. - Phàn Phệch nói. - Chúng mình gọi bà ấy một lần nữa xem sao. Phàn Phệch nói và rón rén bước gần bà già mù hơn. Nó đặt tay vào vai bà già mù và lay nhẹ. Vừa lay nó vừa gọi bà. Nhưng vẫn như những lần trước, bà già mù nằm bất động và không một tiếng trả lời. - Bà ấy chết thật rồi. - Phàn Phệch nói. Tất cả chúng tôi vội lùi xa chiếc chõng tre. Bỗng Phàn Phệch òa khóc. Chúng tôi cũng òa khóc theo. Chúng tôi khóc và gọi bà. Lúc này, sao tôi thấy bà già mù nằm đó giống hình ảnh cuối cùng của bà nội tôi đến thế. Tôi không bao giờ quên cái buổi chiều bà nội tôi ra đi. Chiều ấy, tôi đang chơi dưới chân núi với bọn trẻ cùng xóm thì chị tôi đi gọi tôi về. Thấy tôi, chị mắng: "Mày hư quá, bà sắp mất mà mày lại đi chơi". Nghe vậy, tôi bỏ chơi chạy về nhà. Thấy tôi, mọi người vội nói: "Thằng Đổng đây rồi, về nhanh bà đang chờ". Mẹ tôi cầm tay tôi kéo vào nhà. Trên chiếc giường tre, bà tôi nằm bất động. Mọi người đang đứng quanh bà tôi. Bác tôi bảo: "Cháu về cầm tay cho bà để bà đi". Rồi bác ghé sát tai bà tôi và nói: "Bà ơi thằng Đổng nó về đây rồi". Mẹ tôi đứng bên tôi, bảo: "Cầm lấy tay bà đi". Tôi ngồi xuống mép giường và cầm lấy tay bà tôi. Bàn tay bà tôi lúc đó đã lạnh. Nhưng như có sức mạnh nào đấy, bà tôi bỗng từ từ mở đôi mắt và nhìn tôi. Tôi nhìn thấy hai khóe mắt bà loáng ướt. Tôi trào nước mắt và khẽ gọi: "Bà ơi". Bà tôi mở đôi mắt đã dại nhìn tôi một lúc rồi nấc lên và ra đi. Bác tôi ôm lấy đầu bà tôi gọi: "Mẹ ơi, mẹ đi thật hở mẹ". Mọi người òa khóc. Tôi cầm bàn tay giá lạnh và bất động của bà tôi khóc nức nở cho tới khi có người cầm tay tôi kéo ra ngoài. Chúng tôi chạy về làng báo tin cho những người lớn biết bà già mù đã chết. Mẹ tôi và mẹ Phàn Phệch tức tưởi chạy ra miếu. Người làng tôi đã cử ra một ban tang lễ để lo quyên góp tiền mua gỗ đóng áo quan và vải niệm bà già mù. Đám tang bà già mù hầu như chẳng có tiếng khóc. Vì bà chẳng có bà con họ hàng gì. Chiếc xe tang cũ kỹ lăn nghiêng ngả trên con đường từ ngôi miếu ra nghĩa địa dưới chân núi. Đi sau quan tài bà già mù là con chó trắng. Nó cúi đầu đi từng bước như một con người. Chỉ khi hạ huyệt thì bọn trẻ mới òa lên nức nở. Trong tiếng nức nở của chúng tôi là tiếng tru của con chó trắng. Rồi chính tiếng tru thảm thiết của con chó trắng đã làm cho nhiều người lớn phải giàn giụa nước mắt. Người làng tôi mai táng bà già mù dưới chân núi bên cạnh mộ người mẹ mù của bà. Khi mọi người đã về hết, chúng tôi vẫn thấy con chó trắng ngồi buồn bã bên mộ bà già mù. Chúng tôi gọi con chó trắng về nhưng nó không chịu đi theo chúng tôi. Đêm ấy, người làng tôi nghe thấy chó tru suốt đêm. Những đêm sau đó cũng thế. Con chó chẳng lúc nào chịu rời ngôi mộ bà già mù. Từ hôm bà già mù mất, ngày nào chúng tôi cũng ra thăm mộ bà. Chúng tôi còn mang cả thức ăn cho con chó. Suốt ngày nó chỉ quanh quẩn bên mộ bà già mù. Và đêm xuống, người ta lại nghe tiếng nó tru thảm thiết. Có người trong làng nói con chó đã hóa điên, có người lại bảo nó đúng là con ma chó hiện hình sống cùng bà già mù. Sau khi bà già mù chết nó lại làm ma. Nếu trước kia, khi chưa quen biết bà già mù thì câu chuyện ma chó sẽ làm chúng tôi tin. Nhưng bây giờ chúng tôi chẳng tin chuyện ấy nữa. Chúng tôi thấy bà già mù là một người hiền hậu và giàu tình thương. Bà đã kể cho chúng tôi nghe bao câu chuyện kỳ diệu. Bà đã mang đến cho chúng tôi những giấc mơ tuyệt đẹp về mảnh đất chúng tôi đang sống. Còn con chó trắng là con vật thông minh nhất mà chúng tôi đã gặp. Nó như hiểu hết những gì bà già mù nói. Mẹ tôi bảo giống chó là con vật trung thành nhất với chủ nuôi. Nó tru như vậy bởi nó nhớ chủ của nó. Mẹ tôi lo lắng con chó sẽ chết mất vì suốt đêm nó ở ngoài cánh đồng dưới chân núi. Đếm xuống, trời có sương và lạnh cắt thịt cắt da. Chúng tôi nằm trong chăn mà vẫn thấy lạnh huống hồ con chó nằm giữa trời. Chúng tôi tìm cách đưa con chó về. Nhưng con chó hoàn toàn không nghe theo chúng tôi. Trước kia nó là một con chó to khỏe như một con ngựa bạch. Thế mà sau cái chết của bà già mù có mười ngày nó đã hoàn toàn thay đổi. Bộ lông trắng muốt của nó giờ đây bẩn thỉu và xơ xác. Nó gầy yếu và lờ đi. Mỗi khi chúng tôi mang thức ăn ra cho nó. Nó chỉ ngửi thức ăn rồi lại nằm xuống gối đầu lên hai chân trước mệt mỏi, buồn bã chẳng thèm nhìn chúng tôi. Rồi một đêm chúng tôi không nghe thấy tiếng tru buồn bã của nó. Tôi nói với mẹ tôi điều đó. Mẹ tôi bảo có khi con chó đã bỏ đi. Tôi hỏi mẹ nếu bỏ đi nó sẽ đi đâu. Mẹ tôi nói mẹ tôi không biết nhưng nếu bỏ đi nó sẽ trở thành một con chó hoang. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và chạy đến nhà Phàn Phệch. Chúng tôi rủ nhau ra ngôi mộ xem con chó ra sao. Khi đến gần ngôi mộ, chúng tôi nhận ra con chó trắng đã chết. Nó nằm gác đầu lên mộ bà già mù. Bọn trẻ im lặng và ngồi xuống trước ngôi mộ. Lúc ấy, lòng tôi thấy trống vắng. Tự nhiên tôi thấy nhớ bà già mù và con chó trắng vô cùng. Cả hai đã trở thành những người thân thiết của chúng tôi lâu nay. Chúng tôi ngồi trong im lặng và gió rét nơi nghĩa địa dưới chân núi. Mỗi đứa đang theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình. Những ngôi mộ như bất tận kia là những người thân của chúng tôi. Năm ấy làng tôi có rất nhiều người chết. Bệnh dịch đã tràn qua làng tôi cùng cơn hạn hán. Chúng tôi quyết định chôn con chó bên mộ bà già mù. Chúng tôi đào một huyệt mộ nhỏ và chôn con chó xuống. Sau đó chúng tôi đặt một tảng đá lên trên mộ con chó. Rồi chúng tôi phân công nhau đi tìm những cây cúc dại mọc ven chân núi về trồng trên mộ bà già mù và mộ con chó trắng của bà. Mấy năm trước, từ mùa thu cho tận giữa mùa đông, hoa cúc dại mọc miên man ven chân núi. Nhưng do hạn hán mấy năm nay, nên chúng tôi chẳng thể nào tìm được một khóm cúc dại. Chôn con chó xong, chúng tôi bàn với nhau và quyết định đi tìm kho báu. - Liệu kho báu ấy có thật không nhỉ? - Một đứa băn khoăn hỏi. - Sao lại không thật. - Phàn Phệch trả lời. - Thế cậu đã nhìn thấy chưa. - Tớ chưa nhìn thấy nhưng bà già mù nhìn thấy và đã mách chúng mình. - Hay đấy chỉ là chuyện cổ tích? - Cổ tích là thế nào. Chẳng lẽ bà già mù lại lừa chúng mình à. - Không tàn bán nữa, chúng mình sẽ đi tìm kho báu. Và thế là chúng tôi đã quyết định thời gian tiến hành khám phá kho báu vào ngày chủ nhật. Ngày ấy chúng tôi không phải đến lớp. Chúng tôi sẽ có cả một ngày để thực hiện kế hoạch của chúng tôi. Phàn Phệch bắt chúng tôi phải thề không được nói cho người lớn biết câu chuyện về kho báu trước khi chúng tôi khám phá ra. Buổi tối trở về, tôi nói với mẹ tôi con chó trắng đã chết. Mẹ tôi thở dài và nói: - Tội nghiệp nó. - Chúng con chôn nó bên mộ bà già mù. - Mẹ tôi nói: - Các con tốt lắm. Có con chó bà ấy cũng đỡ buồn. Ngay lúc ấy, tôi định nói cho mẹ biết bí mật về kho báu. Nhưng tôi nhớ đến lời thề của chúng tôi và tôi im lặng. MƯỜI Đêm trước ngày khám phá kho báu, tôi ngủ chập chờn. Cứ chợp mắt là tôi thấy bọn thằng Phàn Phệch vào kho báu mà không gọi tôi. Thế là tôi lại tỉnh giấc. Nhưng ngay sau đó tôi biết trời vẫn còn tối đen và tôi lại lăn ra ngủ tiếp. Khi tôi tỉnh dậy thì nắng đã đầy sân. Tôi hấp tấp lao ra cây đa đầu làng. Bọn trẻ đã tụ tập đông đủ ở đó. Cũng như lần thám hiểm trước, chúng tôi mang theo một cái đèn pin và một chiếc thuổng nhỏ thường để dùng đào hang chuột đồng. Chúng tôi vội vã lên đường tiến về phía núi. Chúng tôi tìm đến chỗ cây vả. Cái gốc vả còn lại cháy đen nhìn xa như một con gấu đang ngồi. Phía sau cây vả là một vách núi. Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra một khe hở chỉ bằng bàn tay đúng như lời bà già mù kể. Phàn Phệch thò bàn tay vào. Nó nói: - Bên trong sâu lắm các cậu ạ. - Hang lị chẳng sâu. - Một đứa nói. - Nhưng làm thế nào mà chui vào được. - Một đứa băn khoăn. - Bà già mù bảo cứ nhắm mắt là đi qua được cái khe này. - Phàn Phệch nói. - Làm gì có chuyện ấy. - Một đứa cãi. - Chúng mình có phải kiến đâu mà bò qua cái khe này được. - Cứ để tớ thử xem sao. Nói xong Phàn Phệch nhắm mắt và bước tới vách đá. Khi mặt nó chạm vào vách đá nó vẫn cứ bước. Nhưng nó bước mãi mà vách núi vẫn không mở ra. Cả bọn bịt mồm cười. Nhưng cuối cùng không nhịn được, chúng tôi phá ra cười. Phàn Phệch ngượng quá gắt: - Cười cái quái gì mà cười. Có lẽ phải phá cửa hang thôi. Bọn trẻ đồng ý. Chúng tôi bắt đầu phá cửa hang. Thật kỳ lạ khi chúng tôi chọc thuổng vào vách núi thì phát ra tiếng kêu như tiếng trống. Hóa ra bên trong vách núi là rỗng. Vách đá bịt miệng hang trở thành cái mặt trống. Chúng tôi cảm thấy hưng phấn hẳn lên. Cả bọn thi nhau phá tấm đá chắn. Và chỉ một lúc sau, cả cái lỗ lớn đã hiện ra. Chúng tôi tiếp tục phá cho cái lỗ lớn hơn đủ cho chúng tôi chui vào. Đến lúc này tôi hoàn toàn tin lời bà già mù về câu chuyện kho báu là có thật. Chúng tôi lần lượt chui vào trong hang. Một cảm giác vừa sợ hãi vừa quyến rũ kỳ lạ dâng ngập trong tôi. Hang đá tối om. mỗi tiếng nói của chúng tôi đều vang lên ồm ồm và vọng mãi như không bao giờ dứt. Phàn Phệch bật đèn pin soi cẩn thận. Nền hang phẳng như lát gạch. Vách hang cũng phẳng phiu như có người mài đẽo. Và mặt đá vô cùng phẳng đẹp bởi hoa văn nhiều màu. Phàn Phệch đi từng bước một vào trong hang. Chúng tôi cũng rón rén bước theo. - Liệu có con gì sống ở đây không nhỉ? - Một đứa thì thào nói. - Trong hang có gì ăn được đâu mà sống. - Đứa khác nói. - Thế ông già để vàng bạc ở đâu? - Một đứa hỏi. - Cứ đi đi. - Phàn Phệch hơi gắt. - Chúng tôi tiếp tục đi vào. Được vài bước chúng tôi đã phát hiện ra dấu hiệu của kho báu. - Kho báu đây rồi. - Phàn Phệch kêu lên. Tất cả chúng tôi nhao nhao hỏi: "Đâu, đâu". Phàn Phệch ngừng bước và rọi đèn pin vào một phiến đá lớn như một cái bàn để ở giữa lòng hang. Trên chiếc bàn đá có một cây đèn và một chiếc bình có tay cầm. Phàn Phệch đứng nhìn một lúc rồi thận trọng bước tới. Nó soi đèn vào chiếc đèn và chiếc bình. Rồi nó lấy tay lau bụi phủ trên chiếc bình có quai và kêu lên: "Chiếc bình bằng vàng". Chúng tôi xúm vào nhìn chiếc bình. Phàn Phệch đưa chiếc đèn pin cho tôi và nó lại lấy vạt áo lau sạch bụi trên chiếc bình. Một chiếc bình bằng vàng lấp lánh hiện ra trước mắt bọn trẻ. Chúng tôi sững sờ. Phàn Phệch cầm cây đèn cổ và lấy vạt áo lau bụi. Chiếc đèn cũng làm bằng vàng. - Tìm tiếp xem còn gì nữa không? - Một đứa nói. Phàn Phệch đặt chiếc bình và chiếc đèn ngay ngắn trên phiến đá và nói: - Để yên đấy nhé, không đứa nào được đụng vào. Bây giờ chúng ta đi tiếp vào bên trong. Chúng tôi lại chầm chậm đi vào phía trong. Chỉ đi được mươi bước chúng tôi đã phát hiện ra một thanh kiếm dựng bên vách hang. Thanh kiếm cũng bằng vàng. Phàn Phệch cầm lấy thanh kiếm đưa lên ngắm. - Một thanh kiếm thần các cậu ạ. - Phàn Phệch run rẩy nói. - Kiếm thần thật à? - Một đứa hỏi. - Chỉ có kiếm thần mới đẹp thế này. - Phàn Phệch đáp. - Cho tớ cầm thử một tí. - Một đứa đề nghị. Phàn Phệch đưa thanh kiếm cho cậu bé và nói: "Cẩn thận đấy nhé". Cậu bé đón lấy thanh kiếm bằng cả hai tay. Rồi cứ thế, thanh kiếm được truyền cho từng đứa một cầm thử. Cuối cùng Phàn Phệch mang thanh kiếm đặt lên phiến đá bên cạnh cây đèn và chiếc bình. Chúng tôi lại tiếp tục bước đi vào phía trong hang. Cái hang như dài vô tận. Bỗng chúng tôi nghe tiếng u u từ trong lòng hang vọng lại cùng với một luồng gió mát thổi ra. Cả bọn đứng sững lại. - Tiếng gì thế nhỉ? - Phàn Phệch hỏi. Không có đứa nào trả lời câu hỏi của Phàn Phệch. Tiếng u u cứ đều đều vọng ra. Chúng tôi dừng lại lắng nghe nhưng không thể đoán ra đó là âm thanh gì. Lúc đó tôi có cảm tưởng như phía trong hang có một vị thần đang nằm ngủ và thở. Tiếng thở của ông là tiếng u u kia và hơi thở ông là ngọn gió kia. - Có đi vào nữa không? - Một giọng run rẩy hỏi. - Sao lại không đi. - Phàn Phệch nói. - Đứa nào sợ thì ngồi lại đây. Đi nào. Nói xong, Phàn Phệch xăm xăm bước về phía trước. Chúng tôi lại lục tục bước theo. Tôi phải công nhận rằng trong mọi hoàn cảnh Phàn Phệch luôn luôn là người dũng cảm nhất. Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào lòng hang. Tiếng u u mỗi lúc một rõ hơn và bây giờ nó vang lên như tiếng tù và lúc trầm lúc bổng. Và chúng tôi phát hiện ra càng vào sâu trong lòng hang thì cái hang cứ sáng dần ra. - Tại sao trong này lại sáng nhỉ? - Phàn Phệch hỏi. Tất cả chúng tôi không một đứa nào giải thích được điều đó. Phàn Phệch suy nghĩ một lúc rồi bảo cứ đi rồi sẽ biết. Chúng tôi bước vào sâu hơn. Lúc này ánh sáng đã soi rõ những nét hoa văn trên vách hang. Cuối cùng chúng tôi đã đến cuối hang. Chúng tôi bàng hoàng nhận ra ở cuối hang có một hồ nước. Tất cả ánh sáng rọi xuống hang là từ một lỗ hổng lớn thông lên đỉnh núi. Do cấu tạo của đá đã tạo ra sự khúc xạ của ánh sáng. Chính vì thế mà ánh sáng chiếu vào miệng lỗ hổng trên đỉnh núi đã rọi xuống tận đáy hang. Và tiếng u u kia chính là tiếng gió thổi vào những hốc đá. Hồ nước trong lòng núi không lớn nhưng chúng tôi biết nó vô cùng sâu. Nước hồ xanh biếc và lấp lánh bởi ánh sáng. Chúng tôi đứng như chôn chân bên bờ đá hồ nước. Tuổi thơ tôi gặp biết bao điều kỳ diệu. Nhưng đây là điều kỳ diệu lớn nhất đối với tôi. Tất cả những câu chuyện như huyền thoại về kho báu trong lòng hang là có thật. Và lúc này, tôi tin tất cả những câu chuyện cổ tích mà bà tôi và mẹ tôi kể cho tôi nghe đều có thật. Cũng lúc này, một câu hỏi vang lên trong đầu tôi là: Bà già mù có phải là người nhà trời không? Nếu không làm sao bà biết những gì đã xảy ra và làm sao một bà già mù lại có thể biết tất cả những gì có trong lòng quả núi mà bao nhiêu đời nay không ai biết. Nhưng nếu bà là người nhà trời thì vì sao bà phải ăn châu chấu rang lá chanh như chúng tôi. Vì sao bà cũng mắc bệnh và chết như bà nội tôi. Bà không phải là người nhà trời. Bà là một bà già như mọi bà già ở chốn làng quê. Nhưng sao bà lại biết bao nhiêu chuyện. - Này, con quỷ đá kia kìa. Tiếng kêu của một đứa nào đó cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi cùng nhìn về hướng ngón tay chỉ của đứa bạn. Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra con quỷ đá ngồi tựa vào vách đá. Một nửa người con quỷ đá chìm trong nước hồ. Chúng tôi tiến lại gần. Dù bà già mù không nói với chúng tôi về hình dáng con quỷ đá trong câu chuyện thì chúng tôi cũng nhận ngay ra đó là hình dáng của một con quỷ. - Bà già mù dặn chúng mình phải đẩy đổ con quỷ này. - Phàn Phệch nói. Chúng tôi nhao nhao lên tiếng đồng ý phải đẩy đổ con quỷ đá. Phàn Phệch cầm ngay cái thuổng nện thẳng vào đầu con quỷ đá. Cái thuổng bật văng lại. Phàn Phệch loạng choạng suýt thì ngã xuống hồ nước. Sau đó chúng tôi thay nhau nện thuổng vào đầu con quỷ đá. Đầu quỷ đá vỡ nham nhở từng miếng. Cuối cùng chúng tôi cũng đánh đứt được đầu quỷ đá. Chiếc đầu đá khổng lồ rơi xuống hồ làm nước bắn tung tóe. Sau khi cái đầu bị rơi xuống hồ thì cả người con quỷ đá từ từ đổ xuống hồ và chìm nghỉm. Bọn trẻ vỗ tay reo hò. Sau khi đã hạ gục quỷ đá. Chúng tôi nhanh chóng trở ra cửa hang. Đến chỗ phiến đá để những báu vật, Phàn Phệch nói: - Chúng mình sẽ chôn những thứ này đi, các cậu có đồng ý không? - Đồng ý, đồng ý. Chúng tôi reo lên và bắt tay đào một khe núi và chôn những báu vật đó xuống. Chúng tôi cùng hứa với nhau sẽ không đứa nào được nói với bất kỳ người lớn nào về những gì chúng tôi đã làm được và không được trở lại hang đá khi không có việc phải dùng đến thanh kiếm. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi hang. Chúng tôi tìm cách bịt miệng lỗ mà chúng tôi đã chui vào hang. Những người làng tôi vô cùng bàng hoàng khi thấy từ khe dưới chân núi nước tuôn trào ra. Cả làng loan tin ấy và kéo ra chân núi. Họ đứng đông như ngày hội nhìn dòng nước. Không một ai hiểu được lý do gì mà quả núi tưởng chẳng còn sự sống gì lại mang đến cho họ sự sống. Rất nhiều người già trong làng tin rằng thần núi đã trở về và ban phát cho họ nguồn sống ấy. Họ đứng chắp tay, mắt ngước lên đỉnh núi lạy tạ. Chúng tôi len lỏi qua đám đông người làng để nhìn dòng nước từ khe núi phun ra. Chúng tôi mỉm cười nhìn nhau. Trong lòng tôi lúc đó dâng lên niềm kiêu hãnh và hạnh phúc. Đội thủy nông ngay sau đó triển khai nhân lực khai một con mương từ khe núi vào con mương chính của làng đã khô cạn lâu nay. Chiều hôm ấy, tất cả những người làng tôi bỏ hết mọi công việc để ra cánh đồng chào đón dòng nước cho đến tối. Buổi tối, tất cả những ngọn đèn làng tôi được thắp lên. Người làng tụ tập nhau thành từng nhóm bàn tán về dòng nước kỳ lạ. Trong lúc đó, bọn trẻ chúng tôi lặng lẽ rời làng ra nghĩa địa dưới chân núi. Chúng tôi đến trước ngôi mộ bà già mù và đứng trong im lặng. Đêm ấy thật sự là một đêm hội của làng tôi. Mọi người thức đến khuya. Chúng tôi thả sức đi chơi mà không bị cấm đoán như những đêm khác. Chúng tôi la cà hết chỗ này đến chỗ khác trong làng để nghe những câu chuyện của người lớn về dòng nước. Người làng bàn tán rất nhiều nhưng chẳng một ai biết rằng chính bọn trẻ chúng tôi là những người được giao cho sứ mệnh mang dòng nước kia trở về cho dân làng. Nhiều lúc chúng tôi định buột miệng nói cho những người lớn biết về những gì đã xảy ra. Nhưng nhớ đến lời thề của chúng tôi trong hang đá, chúng tôi lại im lặng. Đêm ấy, tôi đi ngủ muộn hơn tất cả mọi ngày. Và khi chợp mắt tôi đã chìm vào một giấc mơ. Trong giấc mơ đầy ánh sáng chan hòa trên làng quê của tôi, những cái cây đã bị thiêu cháy trên đỉnh núi từ từ mọc lên và xòe những tán lá khổng lồ. Và tôi nghe như có tiếng một cơn bão từ xa đang đến. Tôi ngước mắt lên bầu trời kỳ vĩ và nhận ra tất cả những con chim bỏ quả núi ra đi đang đập cánh trở về. Chúng bay thành một vòng tròn trên đỉnh núi như một nghi lễ rồi từ từ đáp xuống những vòm cây. Tiếng hót của chúng vang lên như nhạc trong một ngày lễ hội. Tôi thấy ngũ cốc mọc vùn vụt trên cánh