🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Câu Chuyện Về Lưỡi Trượt Băng Bạc - Mary Mapes Dodge & Hàn Băng Vũ (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
CÂU CHUYỆN VỀ LƯỠI TRƯỢT BĂNG BẠC Nguyên tác: Hans Brinker, or The Silver Skates (1865) –★–
Tác giả: Mary Mapes Dodge
Dịch giả: Hàn Băng Vũ
NXB Lao Động & Đinh Tị – 2019
Nguồn: VCTVEGROUP
PDF: Trúc Quỳnh
Text: Caruri
Xin tặng cuốn sách này cho cha tôi – James. J Mapes Đây là cuốn sách dành riêng cho lòng biết ơn và tình yêu.
Lời nói đầu
T
ác phẩm nhỏ này là sự kết hợp giữa một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch và sự hấp dẫn của một câu chuyện cổ địa phương. Trải đều khắp các trang sách là những dòng mô tả con người Hà Lan, phong tục tập quán và những đức tính chung của họ được nhìn nhận qua lăng kính chân thực. Nhiều sự kiện trong đây được lấy cảm hứng từ thực tiễn, câu chuyện của Raff Brinker cũng được xây dựng gần sát dựa trên sự kiện có thực.
Vốn hiểu biết của tôi có chút hạn hẹp về những tác gia nổi tiếng viết về lịch sử Hà Lan, cả nền văn học và nghệ thuật của họ, thế nên tôi chân thành biết ơn những người bạn Hà Lan của mình, với lòng nhiệt tình vô hạn, đã thay tôi tìm hiểu về hình ảnh quê hương của họ hai chục năm về trước, ngày mà mái nhà của Brinker vẫn còn đứng khép nép dưới ánh nắng và trong bóng tối.
Hy vọng lời nói đầu ngắn gọn này sẽ đưa đến cho các bạn độc giả trẻ tuổi hình ảnh chân thực nhất về tài nguyên và đất nước Hà Lan, tái hiện lại chân thực những người dân chất phác và cuộc sống hàng ngày của họ, thoát khỏi những định kiến xưa cũ, hiểu về những con người đáng quý và tài ba như họ. Nếu được vậy thì tôi đã đạt được mục đích chính của mình rồi.
Dù cho cuốn sách có giúp một trái tim thêm tin tưởng vào lòng tốt và tình thương của Chúa, hay hướng dẫn cho bất kỳ mảnh đời nào đang tìm lối vượt qua những khó khăn chướng ngại, sợi chỉ vàng sẽ không bao giờ bị mài mòn hay đứt đoạn, và lời nguyện cầu nơi sợi chỉ bắt đầu và kết thúc sẽ được hồi đáp.
Lá thư gửi từ Hà Lan
Amsterdam, ngày 30 tháng 7 năm 1873
Thân gửi các cậu bé và cô bé đang ở nhà,
Giá mà các cháu có thể ở bên ta ngày hôm nay, chúng ta sẽ có khoảng thời gian vui vẻ biết bao để cùng nhau dạo quanh thành phố xinh đẹp ở đất nước Hà Lan này! Chúng ta sẽ trầm trồ ngắm nhìn những căn nhà xiêu vẹo quay lưng lại mặt phố; những chiếc gương nhỏ nghiêng nghiêng treo ngoài cửa sổ; những đôi hài gỗ và những cỗ xe chó kéo; những chiếc cối xay gió ở tận phía xa bên cạnh nhà kho lớn; những con kênh mang cả hai nhiệm vụ: vừa là con sông với dòng chảy hiền hòa, lại vừa là con đường giao thông qua lại; những hàng cây và cột buồm xen lẫn nhau có thể trông thấy được từ mọi hướng. Ôi, sẽ thật là dễ chịu biết bao! Nhưng giờ ta đang ngồi đây, trong một khách sạn tuyệt vời, ngắm nhìn tất cả những thứ mới lạ ngoài kia, ta hiểu được rằng các cháu chẳng thể vượt ngược dòng thời gian để về đây, kể cả có được thần linh Hà Lan – một thứ toàn năng – trợ giúp đi chăng nữa. Tuy vậy, cũng là một sự thoải mái cho ta khi đi quanh thị trấn tuyệt vời ở Hà Lan này mà không có các cháu, thật đáng sợ nếu chẳng may có ai đó ngã xuống dòng kênh hay dưới những bánh xe to oành của chiếc xe ngựa kềnh càng nơi đây. Ta biết làm gì nếu có cháu nào ngã xuống bên dưới chúng chứ? Hơn nữa, lỡ may có cậu cháu nghịch ngợm nào động chân động tay vào một con cò thì sao, rồi cả đất nước Hà Lan sẽ chĩa gươm vào chúng ta mất! Không, cứ thế này là tốt nhất. Rồi thời gian trôi qua, các cháu sẽ lần lượt tự đặt chân tới đây và tự mình chứng kiến tất cả.
Hà Lan vẫn tuyệt vời như hơn hai mươi năm trước, khi Hans và Gretel còn trượt băng trên nhánh Y đóng băng. Thật ra, nó còn tuyệt vời hơn thế bởi điều kỳ diệu rằng nó ngày càng được bồi đắp thêm thay vì bị biển sóng dữ dội cuốn trôi đi mất. Các thành phố phát triển dần lên, nhiều nét đặc trưng đã biến mất khi được hội nhập với các nền văn hóa khác; nhưng Hà Lan vẫn, và sẽ mãi đầy ắp điều diệu kỳ, lòng dũng cảm và sự chăm chỉ –
một đất nước nhỏ bé mà can trường nhất thế giới. Ta sẽ không kể về các phong tục, thành phố, những tòa lâu đài, những mái nhà thờ, các phòng triển lãm tranh và viện bảo tàng trong bức thư này – bởi tất cả đều hiện diện trong cuốn sách rồi – nhưng ta đảm bảo với các cháu rằng chúng vẫn ở đây thôi, đẹp đẽ như hồi năm 1873, bởi hầu như ta đã ghé thăm tất cả chỉ trong một tuần.
Hôm nay, ta cùng một cậu bé người Mỹ ghé thăm một căn nhà cổ ở khu thương nghiệp của Amsterdam, hãy đoán xem chúng ta thấy gì nào? Một bà lão bán nước nóng và lửa giữa mùa hè! Bà cụ kiếm sống bằng nghề đó. Cả ngày dài, bà ngồi trông chừng đống lửa lớn đốt bằng than bùn và giữ cho chiếc bình đồng sáng choang lúc nào cũng đầy nước nóng. Những đứa trẻ đến và đi, mang theo cái thau đá lạ mắt đựng ấm nước sôi sục cùng những mẩu than bùn cháy. Chúng đưa bà cụ một đồng Hà Lan để trả cho những thứ đó, một đồng ấy cũng chẳng bằng một nửa đồng tiền của chúng ta. Nhờ thế mà những người không thể giữ lửa cháy liên tục trong những ngày nóng nực vẫn có thể có được một cốc trà hoặc cà phê hay một chút cá hoặc khoai tây luộc bất cứ khi nào mình muốn.
Sau khỉ chúng ta tạm biệt bà cụ nhóm lửa, bà cụ cũng đã gật đầu chào lại vẻ hài lòng và nhét mấy đồng bạc được trả vào túi áo ngoài rộng thùng thình, chúng ta lái xe qua những con phố và thỏa thích ngắm nhìn ngày giặt giũ công cộng. Đúng vậy, ở một vài nơi trong thành phố, cách xa những con kênh, là những con phố hết sức nhộn nhịp với những người phụ nữ đang chăm chỉ giặt giũ. Hàng trăm người phụ nữ với những đôi giày gỗ vụng về, tà váy vấn cao, đôi tay trần cùng chiếc mũ ôm vừa khít đầu, họ cúi người trên những bồn giặt bằng gỗ cao đến ngang eo – vừa vò đồ vừa buôn chuyện, vừa giũ nước vừa buôn chuyện chẳng ngại ngần chi giữa chốn đông người, và tất cả đều giặt bằng nước lạnh chứ không dùng nước nóng như chúng ta. Sẽ tuyệt vời cho bà cụ bán lửa biết mấy nếu đột nhiên nước nóng được dùng trong những ngày giặt giũ thế này nhỉ!
Giờ thì ta phải nói lời tạm biệt thôi. Ồ! Ta còn chuyện này cần kể nữa. Hôm nay, chúng ta tìm thấy cuốn sách về Hans Brinker bằng tiếng Hà Lan trong một hiệu sách ở Amsterdam. Cuốn sách dày đến chóng mặt, được in tuyệt đẹp với những bức tranh sặc sỡ, nhưng câu từ lại đáng sửng sốt đến mức ta thật sự thấy tiếc nuối cho những đứa trẻ Hà Lan sắp đọc cuốn sách.
Tạm biệt lần nữa nhé, lần này là với một câu nói cảm động của người phiên dịch Hà Lan mà ta chắc chắn mọi người sẽ đều đồng tình: Tôi rất cảm ơn những người đồng bào đã giúp đỡ tôi thật nhiệt tình bằng thứ tình cảm mà tôi hy vọng mình hân hạnh được nhận mãi.
Thân gửi các cháu,
Tác giả
I
Hans và Gretel
Đ
ã lâu lắm rồi, vào một buổi sáng đẹp trời của tháng Mười hai, có hai đứa bé ăn mặc phong phanh quỳ gối bên bờ một con kênh đóng băng ở Hà Lan. Mặt trời vẫn chưa lên nhưng nơi chân trời, bầu trời đã được những tia hừng đông ló rạng xua tan màu xám ngắt, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Hầu hết những người Hà Lan đôn hậu vẫn đang say giấc. Kể cả ngài von Stoppelnoze, ông lão người Hà Lan đáng trọng, cũng còn đang nói mớ “trong giấc ngủ êm đềm”.
Chốc chốc lại có một người phụ nữ nông thôn đội trên đầu một chiếc thúng đầy ắp, nhanh nhẹn lội qua bờ kênh rạp cỏ; hoặc một cậu trai trượt băng đến nơi làm việc trong thị trấn, vẻ mặt hiền lành, đôi mày khẽ nhíu lại khi nhìn lướt ngang qua bọn trẻ.
Trong khi đó, vừa thở phì phò vừa ra sức kéo thật lực, có hai anh em vẻ như đang buộc thứ gì đó vào chân – rõ là không phải những lưỡi trượt băng mà chỉ là những mảnh gỗ mỏng, với mặt dưới mài nhẵn và đục vài lỗ để luồn dây da qua.
Thứ lạ lùng đó là tác phẩm của cậu bé Hans. Mẹ cậu là một phụ nữ nông thôn nghèo đến nỗi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc sắm lưỡi trượt băng cho các con mình. Khó khăn là vậy, nhưng gia đình vẫn cho phép hai đứa trẻ nhà mình chơi đùa thỏa thích nhiều giờ trên băng tuyết. Và giờ thì hai đứa trẻ người Hà Lan này đang khom mình xuống sát gần đầu gối, dùng những ngón tay đỏ ửng vì lạnh túm chặt lấy sợi dây; dù không có giày trượt đế sắt thì cũng chẳng thể làm phai nhạt đi sự háo hức sáng bừng trên khuôn mặt chúng.
Một lúc sau, người anh nhổm dậy và vung hai cánh tay một cách khoa trương. Cậu lơ đễnh nói “Đi nào, Gretel” rồi nhẹ nhàng trượt trên bề mặt con kênh.
“Ôi, anh Hans ơi.” Đứa em gái buồn bã gọi với theo. “Chân em còn chưa lành hẳn. Mấy sợi dây cứa rách chân em từ phiên chợ hôm nọ, giờ lại thít chặt vào chỗ bị thương ấy nữa thì em không chịu nổi đâu.”
“Thế thì em buộc dây lên cao hơn đi.” Hans đáp, cậu trượt thành một đường lượn tuyệt đẹp trên lớp băng mà không quay lại nhìn em gái. “Làm sao em buộc cao hơn được chứ? Sợi dây này ngắn quá.” Cậu bé phản ứng bằng một tiếng huýt sáo kiểu Hà Lan, có vẻ như nó có nghĩa là bọn con gái thật phiền phức, rồi cũng chịu lại gần đứa em. “Em đúng là ngốc mới mang đôi giày này, Gretel ạ, khi mà em có hẳn một đôi giày da chắc chắn. Kể cả đôi guốc gỗ của em cũng còn tốt hơn đôi này đấy.”
“Gì cơ, anh Hans! Anh quên rồi à? Bố đã ném đôi giày mới xinh đẹp đó vào lửa rồi còn đâu. Em chưa kịp định thần thì chúng đã rúm ró lại thành tro giữa đống than rồi. Em trượt băng bằng đôi giày này còn được chứ không dùng đôi giày gỗ kia được đâu. Giờ chỉ cần cẩn thận thôi…”
Hans lấy ra từ trong túi một sợi dây. Cậu khẽ ngâm nga khi quỳ xuống bên cạnh em gái, buộc lại lưỡi trượt băng cho Gretel mạnh hết sức bằng đôi tay khoẻ khoắn của mình.
“Ái! Đau em!” Cô bé kêu lên.
Hans tháo nút buộc bằng một cú giật tay thiếu kiên nhẫn. Nếu không lén thấy giọt nước mắt chảy xuống gò má em gái mình, cậu hẳn đã quẳng sợi dây theo cách mà một đứa anh trai vẫn thường làm khi ra oai.
“Anh sẽ sửa lại… Đừng lo mà.” Cậu nói với sự dịu dàng bất ngờ. “Nhưng chúng ta cần phải nhanh lên. Mẹ sắp gọi chúng ta về rồi đấy.” Nói xong, cậu nhìn quanh với vẻ đăm chiêu, lướt mắt tìm khắp mặt đất, rồi đến những cành liễu trơ trụi trên đầu, cuối cùng là bầu trời tuyệt đẹp xen kẽ những dải màu xanh, đỏ thẫm và vàng.
Chẳng thấy thứ gì có ích cả, thế rồi, đột nhiên mặt cậu sáng bừng lên như thể vừa khám phá ra mình cần phải làm gì. Cậu liền cởi mũ, tháo lớp vải lót sờn rách ra, chỉnh nó thành một tấm đệm nhỏ lót lên trên chiếc giày mòn vẹt của Gretel.
“Giờ thì…” Cậu hân hoan reo lên trong khi những ngón tay lạnh cứng vẫn nhanh nhẹn chỉnh lại sợi dây. “Em có thể chịu đựng bị kéo căng một chút không?”
Gretel hé môi như muốn nói “Kéo luôn cái đau của em đi đi” nhưng rồi lại thôi.
Chỉ một lát sau, hai đứa trẻ đã cùng nhau cười vang, tay trong tay bay nhảy dọc con kênh, chẳng hề lo sợ liệu lớp băng có chịu nổi sức nặng của chúng hay không, bởi băng đá ở Hà Lan lúc nào cũng vững như bàn thạch suốt cả mùa đông. Lớp băng yên vị phía trên dòng nước chắc chắn vô cùng, chẳng có vẻ gì là bị mỏng đi hay dễ vỡ dù những tia nắng chiếu xuống có gay gắt hơn đi chăng nữa, cứ như lớp băng mỗi ngày đều gom góp sức mạnh, trở nên vững vàng hơn để tự vệ trước từng tia nắng.
Bỗng nhiên dưới chân Hans có tiếng lách tách. Sải chân cậu cứ ngắn dần, rồi đột ngột dừng lại với một cú giật người ngã sõng soài trên lớp băng, đôi chân huơ huơ trên cao vài lần trông đến là buồn cười.
“Ha ha!” Gretel cười phá lên. “Anh ngã đẹp đấy!” Nhưng bởi cô bé sở hữu một trái tim ấm áp ẩn dưới lớp áo khoác xanh dương bằng vải thô, nên dù cười vậy, cô bé vẫn lại gần anh trai mình sau một đường trượt duyên dáng.
“Anh có bị đau không, anh Hans? Ồ, anh vẫn đang cười kìa! Thử bắt em đi!” Rồi cô bé vội lướt đi. Người cô bé không còn run lẩy bẩy nữa, đôi má cô ửng hồng và đôi mắt lấp lánh niềm vui.
Hans bật dậy và nhanh chóng đuổi theo. Dù vậy, cậu chẳng dễ gì mà bắt nổi Gretel. Nhưng chưa trượt được bao nhiêu, lưỡi trượt của cô bé cũng bắt đầu kêu rít lên.
Biết rằng mình không nên tiếp tục liều lĩnh nữa, cô bé đột ngột quay người lại và lao thẳng vào vòng tay người đang đuổi theo mình. “Ha! Ha! Anh bắt được em rồi nhé!” Hans reo lên.
“Ha! Ha! Là em bắt được anh đấy chứ.” Cô bé đáp, vùng vẫy để thoát khỏi anh mình.
Đúng lúc đó, hai đứa trẻ nghe thấy một tiếng gọi ngắn gọn rõ ràng: “Hans! Gretel!”
“Mẹ gọi rồi đấy.” Hans nói, mặt cậu thoắt trở nên buồn bã. Lúc này con kênh đã ngập tràn nắng. Không khí trong lành của buổi sáng vô cùng khoan khoái, những người đi trượt băng cũng càng lúc càng nhiều. Thật khó khăn để có thể vâng theo lời mẹ gọi. Nhưng Gretel và Hans đều là những đứa trẻ ngoan; chúng không cố tình nán lại chơi mà
mau mắn tháo đôi lưỡi trượt, để lại một nửa số nút thắt còn chưa mở. Hans, với đôi vai vuông vức cùng mái tóc vàng rậm, trông thật cao lớn bên cạnh cô em gái mắt xanh trên đường về nhà. Hans năm nay mười lăm tuổi, còn Gretel mới mười hai. Cậu bé trông rắn chắc, nhiệt huyết với đôi mắt không biết nói dối cùng vầng trán rộng như đủ mang bảng hiệu BẢN CHẤT RẤT TỐT như tấm biểu ngữ treo trước cổng căn nhà hóng mát ở Hà Lan vậy. Gretel thì mảnh mai và lanh lẹ; đôi mắt cô bé chứa những tia sáng lấp lánh và khi bạn ngắm nghía đôi má cô bé, chúng sẽ nhạt màu đi rồi đậm trở lại như cái cách gió thổi tung một mảnh vườn đầy nụ hoa hồng và trắng vậy.
Chỉ cần xoay đi khỏi con kênh, lũ trẻ đã có thể trông thấy căn nhà của cha mẹ chúng. Dáng người cao ráo, gọn gàng trong chiếc áo khoác ngoài cùng váy lót và chiếc mũ vừa khít của mẹ đang đứng gù gù nơi cửa nhà như một bức tranh tĩnh. Kể cả nếu căn nhà có cách xa đến một dặm đi nữa, chúng vẫn thấy nó thật gần. Đất ở đây bằng phẳng đến nỗi có thể thấy rõ mọi vật ở tít xa, từ đàn gà cho đến những chiếc cối xay gió. Thực tế, nếu không vì những con đê và hai bên bờ kênh, người ta có thể đứng ở gần như bất cứ chỗ nào giữa xứ Hà Lan này mà không bị một đụn đất hay chỏm núi nào chắn tầm nhìn.
Không ai có lý do tốt hơn để tìm hiểu lẽ tự nhiên của những con đê này hơn Dame Brinker và hai đứa trẻ đang hổn hển chạy về với cô. Nhưng trước khi đặt câu hỏi tại sao, hãy để tôi đưa bạn đến vùng đất xa xôi đó trên chiếc ghế bập bênh, nơi mà bạn sẽ lần đầu tiên được chứng kiến những điều kì quặc mà Hans và Gretel thấy mỗi ngày.
II
Hà Lan
H
à Lan là một trong những đất nước kì lạ nhất dưới ánh mặt trời. Nó nên được gọi là Đất Lạ hay Đất Nghịch mới đúng, bởi gần như mọi thứ ở đây đều khác so với ở các nước khác. Đầu tiên phải kể đến là phần lớn diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển. Người Hà Lan đã tiêu tốn cả núi tiền bạc cùng rất nhiều công sức để xây những con đê bao biển lớn, hay còn gọi là tường chắn, để giữ cho biển cả không lấn vào đất liền. Có vài chỗ trên bờ biển, sóng biển đôi khi vẫn ào ạt dùng hết sức lực của biển khơi xô vào bờ hòng nuốt lấy đất liền, nhưng đất nước Hà Lan tội nghiệp chỉ có thể chống đỡ được đến thế. Có những lúc, con đê đầu hàng trước sóng biển mà nứt ra và rồi thảm họa kinh hoàng nhất ập đến. Những con sóng cao lớn dữ dội cuốn theo các tòa nhà và những hàng cây đổ gãy. Nó cuốn đi những con đường thơ mộng, mấy chú ngựa nhốt trên cao cũng có thể trông xuống nhiều căn nhà ẩn hiện bị nhấn chìm trong từng lớp sóng. Đáy những con thuyền nổi lên cao hơn cả mái những ngôi nhà giờ đã ngập trong biển nước. Chị cò ôm chặt đứa con trên một nóc nhà, tưởng rằng tổ của mình được cách ly xa khỏi nguy hiểm, thế nhưng chú ếch kêu ồm ộp trong bụi cây nổi gần đó vẫn còn gần bầu trời hơn cả chị. Mấy con bọ nước nhảy qua nhảy lại trên miệng ống khói. Đến cây liễu có vẻ cũng chùng xuống vì hổ thẹn, bởi ngọn không thể với cành lá lên cao bằng đám sậy đang trôi lềnh bềnh cạnh đó.
Kênh, mương, hồ, sông nước ở tất cả mọi nơi. Cao mà không hề khô ráo, chúng lấp lánh dưới ánh mặt trời, chứng kiến gần như tất cả mọi sự hối hả tấp nập và tỏ ý khinh thường những cánh đồng yên ả trải dài lúng liếng bên cạnh. Có người sẽ phải thốt lên rằng: Hà Lan là gì đây – bờ biển hay triền nước?” Màu xanh rì đáng lẽ thuộc về đất liền đã nhầm lẫn mà hạ cánh thẳng xuống hồ cá. Cả đất nước này cứ như một miếng bọt biển ướt sũng, hay như nhà thơ người Anh tên Butler đã mô tả nó:
Một đất nước chèo lái với mỏ neo, với dây cột
Nơi họ không sinh sống, mà thay vào đó đi du thuyền.
Con người nơi đây được sinh ra, lớn lên rồi chết đi, thậm chí cả vườn cây cũng được trồng trên những con thuyền xuyên kênh. Những nông trại với mái nhà to oành như chiếc mũ sụp xuống mắt, sừng sững đứng trên những cái trụ gỗ, nín thở như thể muốn nói: “Chúng ta sẽ giữ cho mình khô ráo hết sức có thể.” Kể cả lũ ngựa cũng phải buộc những cái ghế đẩu lớn vào từng móng để giữ cho chân không chìm xuống bùn. Rốt cuộc, vùng đất này chỉ là thiên đường dành cho loài vịt. Một đất nước có mùa hè lý tưởng để các cô bé, cậu bé chạy chân trần. Sẽ có màn lội nước thật vui! Sẽ có những con thuyền giả lướt đi! Sẽ thật lý tưởng để chèo thuyền, đánh cá và bơi lội! Cứ thử nghĩ về những hồ nước nối tiếp nhau, nơi chúng ta có thể bắt đầu những chuyến đi thuyền suốt cả ngày dài và chẳng cần quay trở về. Tôi chỉ kể như vậy thôi cũng đủ rồi. Nếu nói tiếp, có lẽ tất cả thanh niên đất Mỹ sẽ nhào sang vịnh Zuider Zee ngay lập tức mất thôi.
Các thành phố ở Hà Lan ban đầu trông như một khu rừng chằng chịt những căn nhà, cầu đường, nhà thờ và tàu thuyền, mọc lên san sát những cột cờ, tháp chuông và cây cối. Ở một vài thành phố, những con tàu lớn được buộc như ngựa trước cổng nhà để chủ thuyền chuyển hàng xuống qua cửa sổ tầng trên. Những bà mẹ hét lên dặn dò Lodewyk và Kassy đừng có đánh đu trên cổng vườn, không thì chúng sẽ chết đuối mất. Đường thủy ở đây còn thông dụng hơn đường bộ và đường sắt; thay vì hàng rào thì ở đây là những mương nước xanh lững lờ chảy bao quanh sân chơi, nông trại và vườn tược.
Thi thoảng, đây đó có những bụi cây xanh tươi tốt mọc lên, nhưng ở nơi này không bao giờ có loại hàng rào gỗ như ở Mỹ. Ngay cả hàng rào đá cũng hoàn toàn xa lạ với họ. Ở đây không có đá sỏi gì hết, trừ những tảng đá khổng lồ được nhập khẩu từ nước khác để che chắn bờ biển. Nếu có sỏi nhỏ hay đá cuội đi chăng nữa thì có lẽ cũng bị vùi chặt dưới vỉa hè hoặc đã tan chảy rồi. Những chàng trai với đôi cánh tay khỏe khoắn nhanh nhẹn, từ khi còn mặc áo choàng không tay của con nít cho đến khi mọc đủ bộ râu rậm rạp, chẳng ai biết làm thế nào cho bánh xe nước hoạt động hay cho thỏ biết bay. Đường thủy chính là những con kênh từ khắp mọi ngả chạy ngang dọc đất nước. Chúng có đủ mọi kích cỡ, từ con kênh Bắc Hà Lan dành riêng cho tàu thuyền, một trong những kì quan của thế giới, cho đến con kênh mà một cậu bé có thể nhón chân nhảy qua. Thuyền ngựa kéo, còn
được gọi là trekschuiten, liên tục chạy tới lui khắp các ngả đường để đưa đón hành khách; còn những chiếc xe thồ nước, được gọi là pakschuyten, được dùng để chở nhiên liệu và hàng hóa. Thay vì đường quê với cỏ xanh rì là những con kênh xanh trải rộng từ cánh đồng đến nông trại và từ nông trại ra vườn tược; các trang trại, hay thường được gọi là đất lấn biển, không khác gì những cái hồ lớn được rút cạn nước. Bên cạnh nhiều con đường được lát gạch thì những con phố tấp nập nhất cũng là nước. Những con tàu thủy thành phố với đuôi tàu bo tròn, mũi tàu bọc vàng và lợp sơn tươi sáng hai bên mạn, là loại tàu đặc biệt nhất chốn địa cầu này; còn cỗ xe ngựa Hà Lan, với cái cột cờ nho nhỏ cong cong đến là buồn cười của nó, cũng là một bí ẩn hoàn hảo.
“Có một điều rõ như ban ngày.” Ông chủ Brightside nói. “Đó là cư dân ở đây sẽ không bao giờ phải chịu cảnh khát nước.” Nhưng không, Đất Lạ rõ là vẫn cứ lạ kì như thế. Ngoài thứ nước mặn đang chực chờ nuốt chửng vùng đất, những hồ nước sắp sửa bục ra, những con kênh, dòng sông và suối quá đầy nước, thì ở nhiều con phố chẳng có lấy một loại nước nào uống được. Người dân Hà Lan tội nghiệp phải chịu cảnh khát khô cả cổ hoặc uống rượu, bia, hay đi sâu tít vào trong đất liền vùng Utrecht và vài nơi hẻo lánh khác để có được thứ chất lỏng đáng quý, lâu đời hơn cả Adam nhưng lại thanh mát hơn cả sương sớm. Đôi lúc, cư dân nơi đây có thể uống ực cả nước tắm nếu họ được cho thứ gì để hứng, nhưng nói chung họ như những thủy thủ bị hải âu ám trong bài thơ Người thủy thủ xưa nổi tiếng của Coleridge. Họ thấy…
Nước, nước, nước khắp mọi nơi
Nhưng chẳng có một giọt nào uống được!
Những chiếc cối xay gió tạo ra âm thanh tựa như cả một đàn chim biển khổng lồ đang sà xuống. Từ khắp nơi, người ta có thể thấy những cái cây với dáng vẻ cực kì ngộ nghĩnh, uốn mình theo đủ kiểu hình thù thú vị, thân cây sơn màu trắng, vàng hoặc đỏ. Những chú ngựa thường được buộc theo hàng ba. Đàn ông, phụ nữ và trẻ con bước đi lạch cạch trên những đôi giày gỗ quá khổ; các cô gái nông dân không thể lấy được người thượng lưu vì tình yêu thì trở thành người hộ tống họ tới chợ phiên để kiếm thêm thu nhập. Những cặp vợ chồng tình tứ sánh bước bên bờ kênh và kéo chiếc xe thồ nước đi chợ.
Một đặc điểm nữa của Hà Lan là những đụn cát và đồi cát. Có vô số những đụn cát dọc bờ biển. Trước khi người ta kịp trồng cỏ sậy và các loại cỏ dại khác để lèn cát xuống, những trận bão cát lớn vẫn thường xuyên đổ vào đất liền. Vậy nên, như để thêm vào sự lạ lùng vốn có, những người nông dân thi thoảng đào sâu xuống dưới lớp đất cát để tìm đá sỏi, để rồi vào những ngày gió lộng, mưa cát sẽ ào ào trút xuống những cánh đồng vốn đã “ướt đẫm” sau một tuần nắng chan hòa.
Điều quen thuộc duy nhất mà người Mỹ có thể tìm thấy ở đất Hà Lan này là bài hát thu hoạch khá thịnh hành ở đây, mặc dù chẳng có chuyên gia ngôn ngữ nào có thể dịch được nó. Dù vậy, chúng ta nên nhắm mắt mà thưởng thức thứ giai điệu đó, ta sẽ để cho các cháu đoán thử nó tuyệt vời đến đâu nhé!
Yanker didee dudel down
Didee dudel lawnter;
Yankee viver, voover, vown,
Botermelk and Tawnter!
Mặt khác, nhiều nét kì lạ của Hà Lan đều minh chứng cho tính tiết kiệm và nhẫn nại của người dân nơi đây. Không nơi nào có thể chăm sóc nên một khu vườn màu mỡ, được tỉa tót cẩn thận hơn ở đất nước tràn trề sức sống này. Không thể có một dân tộc nào can đảm và anh hùng hơn con người nơi đây, dù trông họ có vẻ bình dị và thụ động đi nữa. Chẳng mấy quốc gia có thể sánh bằng nơi đây về những phát hiện và phát minh quan trọng; cũng chẳng quốc gia nào vượt qua Hà Lan về mặt thương mại, hàng hải, học thuật và khoa học, hay là đưa ra những tấm gương sáng giá hơn về mặt giáo dục và từ thiện; và chẳng có đất nước nào với diện tích tương tự có thể cung ứng nhiều vốn và sức người đến thế cho những công trình công cộng.
Hà Lan có hẳn những trang lịch sử sáng chói về những người đàn ông và phụ nữ ưu tú lừng lẫy, những tài liệu lịch sử hào hùng về tính nhẫn nại, kháng cự bền bỉ và chiến thắng cuối cùng, sự tự do tôn giáo, khả năng sáng tạo bùng nổ trong hội họa, âm nhạc và văn học. Nơi đây thực sự được mệnh danh là “chiến trường của Châu Âu”; và ta cũng có thể gọi nó là chốn ẩn náu của thế giới, bởi những người bị áp bức từ mọi nước khác đều tìm thấy sự chở che và lòng dũng cảm từ nơi đây. Nếu người Mỹ có
thể cười cợt người dân nơi đây hay gọi họ là hải li và bóng gió rằng đất nước họ chẳng mấy mà sẽ trôi dạt theo sóng biển, thì chúng ta vẫn có thể tự hào và nói rằng người Hà Lan đã chứng tỏ được bản thân, và rằng đất nước ấy sẽ không bao giờ chịu cảnh trôi dạt chỉ cần còn một người Hà Lan vẫn kiên gan đưa tay níu lấy nó.
Người ta nói có ít nhất chín nghìn chín trăm chiếc cối xay gió lớn ở Hà Lan, với những cánh quạt dài từ hai mươi tư đến ba mươi sáu mét. Chúng có thể cưa gỗ, đập sợi gai, nghiền và làm đủ thứ việc khác nữa; nhưng nhiệm vụ chính vẫn là bơm nước từ miền đất thấp vào những con kênh, và cản nguồn nước ngọt từ vùng nội địa đột ngột dâng lên làm ngập cả vùng quê. Hằng năm, chính phủ phải chi trả gần mười triệu đô la để duy trì hoạt động của chúng. Cối xay gió càng to thì càng khỏe. Tòa tháp tròn khổng lồ đây đó mọc lên sừng sững giữa các nhà máy, lại bị chiếm mất sự chú ý bởi một tháp nhỏ hơn có mái thon vút lên như chiếc mũ chóp. Tòa tháp cao hơn này được bao quanh bởi một ban công bên dưới, trục quay tít trên cao là bốn cánh quạt đồ sộ.
Nhiều chiếc cối xay gió ở đây là những chiếc cối xay gió kiểu cổ, chúng có vẻ như đang rất cần “sự cải tiến” của người Mỹ, nhưng có một vài chiếc kiểu mới rất tuyệt vời. Khi xây chúng, người ta đã tính toán sao cho cánh quạt hướng đúng về phía gió lộng để cung cấp cho nó năng lượng nhiều nhất có thể. Nói cách khác thì người phụ trách cối xay giờ có thể chợp mắt một chút mà vẫn yên tâm rằng chiếc cối của mình sẽ tự xoay xở được cho đến khi anh ta tỉnh dậy. Chỉ cần có một chút gió thoảng qua, những cánh quạt sẽ vươn mình ra đón lấy, tuy nhiên nếu có dấu hiệu của cơn bão, chúng sẽ ngay lập tức rụt mình lại như lá hoa trinh nữ, không cho cơn bão lấy nửa cơ hội để thổi bay mình.
Một trong những nhà tù cổ ở Amsterdam có tên là Rasphouse, bởi những tên trộm và kẻ du mục làm tù binh ở đó thường bị bắt vào rừng để khai thác gỗ cây huyết mộc. Nhà tù có một phòng giam riêng dành cho các tù nhân lười biếng. Một góc này phòng giam là một cái bơm, ở góc còn lại là một cánh cửa thông ra một dòng suối nước chảy đều đều. Tù nhân có hai lựa chọn, một là đứng yên đó mà chết chìm, hai là ra sức mà bơm nước ra ngoài cho đến khi người cai ngục quyết định tha cho họ. Tôi thấy có vẻ như trên khắp đất Hà Lan này, thiên nhiên đã phân chia nguồn nước thật
hào phóng. Người Hà Lan luôn trong tình thế bắt buộc phải bơm nước và có lẽ sẽ phải làm vậy suốt cuộc đời mình.
Cứ mỗi năm, hàng triệu đô lại được chi trả để sửa sang đê và điều chỉnh mực nước. Nếu bỏ qua những nhiệm vụ quan trọng này, hẳn sẽ chẳng một ai có thể cư ngụ được ở đây. Như tôi đã nói, có rất nhiều thảm họa từng xảy ra sau khi đê vỡ. Hàng trăm ngôi làng và thị trấn hết lần này đến lần khác đã bị chôn vùi dưới sự hung dữ của nước biển, kèm theo mạng sống của cả triệu người. Một trong những trận đại hồng thủy đáng sợ nhất xảy ra vào mùa xuân năm 1570. Hai mươi tám trận lụt đã từng xảy ra trước thảm họa đó, nhưng chưa có lần nào tồi tệ đến vậy. Đất nước bất hạnh này đã phải chịu ách đô hộ rất lâu dưới quyền chính thể chuyên chế Tây Ban Nha; giờ thì tiếp tục đến thiên nhiên mang đến sự bất hạnh. Khi đọc lại lịch sử của Motley về sự nổi dậy của Cộng hòa Hà Lan, chúng ta biết cần tôn kính những con người quả cảm đã chịu đựng, gánh vác và liều lĩnh đến vậy.
Ngài Motley trong sự xúc động với kí ức về trận đại hồng thủy năm nào, kể lại cho chúng ta nghe về cách mà cơn gió thô bạo không dứt đã kéo dòng nước từ Đại Tây Dương ập vào Biển Bắc, xếp từng chồng nước lên bờ biển địa phương; những con đê bị quá tải đã vỡ òa ở mọi phía. Ngay cả Hand-bos, con đê chắn sóng dựng bằng gỗ sồi, bên ngoài bọc sắt và buộc vào những chiếc mỏ neo nặng trịch, được gia cố bằng sỏi và đá granite, cũng bị đập tan thành từng mảnh nhỏ. Những chiếc thuyền đánh cá, tàu chở hàng nổi lềnh bềnh trôi dạt vào thành phố và bị mắc kẹt lại trên tán cây hoặc mái và tường của các tòa nhà lớn. Khắp tỉnh Friesland biến thành một vùng biển giận dữ. “Vô số đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ, ngựa, cừu, bò và mọi gia súc khác đều chới với giữa làn nước mênh mông. Mọi con thuyền và mọi vật dụng có thể dùng làm thuyền đều được mọi người nhanh nhảu tận dụng. Mọi căn nhà chìm trong nước; kể cả nghĩa địa cũng thất thủ. Cơn lũ từ xa xưa dường như cũng mang trong mình diện mạo mới. Ở mọi nơi, trên ngọn cây, trên gác chuông nhà thờ, con người túm tụm lại, cầu Chúa tha thứ và xin Người giúp đỡ. Khi cơn bão cuối cùng đã qua, thuyền bè bắt đầu tản đi mọi hướng để vớt lấy những người đang vật lộn tìm đường thoát, đón những kẻ chạy nạn từ trên mái nhà và tán cây, thu lượm xác người chết đuối.” Không dưới một trăm ngàn người đã bỏ mạng chỉ trong
vài giờ. Hàng ngàn sinh vật câm lặng, im lìm trôi nổi trên dòng nước và thiệt hại về tài sản lên đến con số không thể đong đếm được. Robles, thống đốc Hà Lan, là người tiên phong trong nỗ lực cứu người và giảm thiểu thiệt hại của thảm họa. Trước đó, ngài bị người Hà Lan ghét bỏ bởi dòng máu Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha của mình, nhưng sự tốt bụng và hành động của ngài trong thời khắc hiểm nguy đã giành được mọi trái tim của người Hà Lan. Ngài nhanh chóng đưa ra phương pháp cải tiến để xây dựng đê điều và ban hành một bộ luật về việc chúng sẽ được bảo vệ bởi chủ nhân vùng đất. Sau này, những trận lũ kinh hoàng như vậy đã giảm thiểu, dù vậy, trong vòng chưa đến ba trăm năm cũng đã có đến sáu trận lụt đáng sợ càn quét qua vùng đất.
Mỗi mùa xuân, mực nước ngầm dâng lên từ miền nội địa luôn là một mối nguy lớn, đặc biệt là vào mùa tuyết tan, bởi khi đó những dòng sông, vốn đang đầy những tảng băng, đầy tràn nước đi khắp nơi trước khi nước kịp đổ ra biển khơi. Thêm vào đó, biển cả lại tiếp tục ép sát vào bờ đê, đẩy Hà Lan vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cả đất nước được đặt trong sự cẩn trọng cao độ để phòng tránh thiên tai. Các kĩ sư và công nhân được điều động tới tất cả những nơi dễ xảy ra bất trắc, quan sát ở đó cả đêm lẫn ngày. Mỗi khi tín hiệu nguy hiểm xuất hiện, tất cả người dân sẽ gấp rút chạy tới để hỗ trợ, nôn nóng tập hợp để chống lại kẻ thù quá quen thuộc kia. Ở mọi nơi khác trên thế giới này, rơm là thứ vô dụng nhất giữa một trận lũ, nhưng ở Hà Lan nó trở thành thứ cốt yếu để chống lại những con nước ào ạt xô tới. Những tấm thảm bện bằng rơm to được đắp vào đê, gia cố bởi đất sét và đá tảng nặng trịch, một khi đã được sắp xếp như vậy, biển xiết chỉ có thể ra sức đập cửa trong vô vọng.
Raff Brinker, cha của Gretel và Hans, đã làm việc tại con đê này trong nhiều năm. Trong một trận bão lớn, khi tất cả chìm trong tối tăm và mưa tuyết, khi các công nhân đang trực tại điểm nguy hiểm gần cửa cống Veermyk, ông đã trượt ngã khỏi giàn giáo và trở nên ngơ ngẩn từ đó. Ông không thể làm việc được nữa; mặc dù giữ được mạng sống, nhưng khả năng suy nghĩ và ghi nhớ của ông đã mất.
Gretel không thể nhớ gì khác về cha mình ngoài hình ảnh một người đàn ông xa lạ, luôn im lặng với đôi mắt trống rỗng dõi theo mỗi lần cô bé quay người, nhưng Hans thì nhớ rất rõ về một người cha nhiệt tình với giọng nói phấn khởi luôn không hề mệt mỏi mà kênh cậu lên trên vai, cùng
những lời ca hát vô tư vẫn còn vang vọng mỗi khi cậu thao thức nằm trên giường.
III
Lưỡi trượt băng bằng bạc
B
à Brinker chỉ kiếm được một khoản ít ỏi cho gia đình nhờ vào việc trồng rau, quay sợi và đan lát. Bà cũng từng làm việc trên boong những chiếc sà lan chạy lên xuống dọc con kênh và thỉnh thoảng làm công việc thời vụ là kéo tàu chở hàng dọc Broek và Amsterdam cùng nhiều phụ nữ khác. Nhưng khi Hans đã đủ lớn và khỏe mạnh, cậu khăng khăng đòi làm thay công việc nặng nhọc đó cho bà. Hơn nữa, lúc này ông Brinker đã không còn tự lo liệu được nữa và cần sự chăm sóc thường xuyên của bà. Mặc dù trí tuệ của ông giờ còn chẳng bằng một đứa con nít, ông vẫn có đôi cánh tay rất khỏe và cường tráng, điều đó khiến bà Brinker đôi lúc gặp khó khăn rất lớn trong việc quản lý ông.
“Ôi! Các con ạ, ông ấy từng rất khỏe mạnh và là chỗ dựa vững chãi.” Thỉnh thoảng bà nói. “Lại còn khôn ngoan chẳng kém vị luật sư nào. Kể cả ngài thị trưởng cũng sẽ phải ngừng lời để nghe ông ấy nói. Nhưng giờ thì, than ôi! Ông ấy còn chẳng nhận ra vợ và con mình. Con nhớ cha con chứ, Hans, khi ông ấy còn là chính mình – một người đàn ông dũng cảm tuyệt vời – con nhớ chứ?”
“Vâng, chắc chắn rồi, thưa mẹ, cha biết mọi thứ và có thể làm mọi việc trên thế gian này – và cả cách cha hát vang nữa! Ôi, mẹ từng cười và nói rằng tiếng hát của cha là đủ để khiến mọi chiếc cối xay gió nhảy nhót.”
“Phải rồi. Chúa phù hộ ta! Con nhớ thật giỏi! Gretel, con yêu, nhanh lấy cái kim đan từ tay cha con đi, không thì ông ấy sẽ tự đâm vào mắt mình mất thôi. Đi giày cho cha con nữa. Bàn chân ông ấy lạnh như băng rồi kìa, nhưng mẹ lại không thể đi tất cho cha được, mẹ chỉ có thể…” Nửa than vãn nửa ngâm nga, bà Brinker lại ngồi xuống và lấp đầy căn hộ thấp tè bằng tiếng rì rì của chiếc máy quay sợi.
Gần như mọi công việc ngoài trời và việc nhà đều do Hans và Gretel quán xuyến. Vào những mùa nhất định, mỗi ngày, hai đứa trẻ lại ra ngoài
để nhặt nhạnh những cục than bùn. Chúng xếp gọn than bùn thành hình vuông vức, to khoảng bằng viên gạch, để làm nhiên liệu đốt. Những khi không có bài tập về nhà, Hans sẽ cưỡi vài con ngựa kéo thuyền bên bờ kênh để kiếm vài đồng stiver một ngày, trong khi Gretel chăn ngỗng cho các nông dân gần nhà.
Hans có tài khắc gỗ, cả cậu và Gretel đều chăm sóc vườn cây rất giỏi. Gretel có thể hát, may vá và chạy trên những chiếc cà kheo cao lênh khênh giỏi hơn bất kì cô bé nào khác trong vùng này. Cô bé có thể học một bản ballad trong vòng năm phút và tìm ra mọi loại hạt hay loài hoa mà bạn gọi tên – chỉ cần mùa đó có. Nhưng cô bé ghét sách vở, chỉ thoáng thấy chiếc bảng đen ở lớp học cũ thôi cũng đủ khiến cô bé rưng rưng nước mắt. Hans thì khác, cậu chậm rãi mà chắc chắn. Học tập hay lao động, việc càng khó thì cậu lại càng ưa. Mấy thằng con trai cùng lứa tỏ ra khinh khỉnh với cậu vì cậu mặc bộ đồ vá chằng vá đụp cùng chiếc quần da ống túm sờn nát, đều buộc phải chịu thua trước cậu trong gần như mọi môn học. Chẳng mấy chốc mà cậu trở thành đứa trẻ duy nhất trong trường chưa lần nào phải đứng vào Góc sám hối, cái chỗ mà treo lơ lửng một cây roi đáng sợ cùng dòng chữ: “Học đi! Học đi! Nhóc con lười nhác, không là sẽ bị ăn đòn đấy.”
Hans và Gretel chỉ được đi học vào mùa đông, trong tháng vừa qua hai đứa trẻ chỉ quanh quẩn ở nhà để hỗ trợ mẹ. Raff Brinker cần được chăm sóc thường xuyên, bánh mì đen cần làm, nhà cửa cần dọn dẹp, đồ cần khâu vá và những món đồ khác nữa cần mang ra chợ bán.
Một buổi sáng tháng Mười hai lạnh giá, khi hai đứa trẻ đang bận rộn giúp đỡ mẹ chúng thì thấy một nhóm các cô bé cậu bé trượt xuống dọc theo con kênh. Lũ trẻ đi những đôi giày trượt tuyệt đẹp, nhìn từ xa, những bộ quần áo đủ màu sắc lướt ngang qua cứ như lớp băng trên con kênh bỗng chốc tan chảy và thay vào đó là cả một dòng hoa tulip tươi sáng trôi bồng bềnh.
Trong nhóm đó có con gái của ngài thị trưởng giàu có, Hilda van Gleck, mặc chiếc áo lông đắt tiền khoác ngoài chiếc váy thụng bằng vải nhung. Bên cạnh là cô bé nông dân xinh xắn Annie Bouman, duyên dáng trong chiếc áo khoác đỏ bằng vải thô và chiếc váy xanh dương đủ dài chỉ để lộ đôi tất xám vải thô tự dệt. Rồi có Rychie Korbes đầy kiêu hãnh, cô bé có cha là van Korbes, một trong những người đứng đầu thành phố
Amsterdam. Vây xung quanh cô bé là Carl Schummel, Peter và Ludwig van Holp, Jacob Poot, và cuối cùng là một cậu bé nhỏ thó so với cái tên hoành tráng Voostenwalbert Schimmelpenninck. Có gần hai mươi cô cậu bé nữa trong nhóm, ai cũng trông đầy hào hứng và vui vẻ.
Chúng trượt tới lui dọc con kênh dài tầm nửa dặm, rồi tăng tốc độ trượt lên mức cao nhất. Đứa trẻ nhanh nhẹn nhất trong nhóm thường trượt lắt léo ngay trước mặt người làm luật hoặc vị bác sĩ kênh kiệu nào đó, những người đang vừa khoanh tay vừa nhàn nhã trượt vào thị trấn. Một hàng dài các cô bé sẽ đôi lúc bị cắt ngang bởi một vị thị trưởng già béo núng nính, đội chiếc mũ chóp vàng chĩa thẳng lên trời, vừa thở phù phù vừa trượt vào Amsterdam. Với đôi lưỡi trượt tuyệt đẹp cùng những sợi dây da cứng cáp và đôi giày chạy tuyệt hảo bó sát mu bàn chân được trang trí hình những quả cầu lấp lánh bên trên, ông ta mở to đôi mắt béo múp của mình mỗi khi có cô bé nào trượt ngang qua và nhún chào, nhưng ông chẳng dám cúi đầu chào lại vì sợ mình sẽ mất thăng bằng mà ngã nhào mất.
Không chỉ những người dạo bộ và quan chức có mặt trên dòng kênh, mà còn có cả những người công nhân với đôi mắt mệt nhoài vội vàng đi tới cửa hàng hay nhà máy; các bác các cô bán hàng trong các khu chợ mang thật nhiều đồ trên cái thúng đội đầu; người bán dạo còng lưng vì giỏ hàng thật nặng; những người lái sà lan râu tóc bờm xờm cùng khuôn mặt đờ đẫn thô lỗ chen lấn nhau trên đường; những vị mục sư với đôi mắt hiền từ có lẽ đang tăng tốc đi tới bên giường của người đang hấp hối; sau đó một quãng là từng nhóm trẻ con với cặp sách trên vai nhanh chóng đi thẳng tới ngôi trường phía xa. Tất cả đều mang giày trượt, ngoại trừ một người nông dân quấn đầy quần áo quanh người kéo theo một chiếc xe hàng kì quặc bước đi đều đều bên bờ con kênh.
Chẳng mấy chốc các cô bé cậu bé phấn khích kia gần như hòa vào nhau trong mê cung màu sắc, trong những chuyển động không ngừng cùng ánh sáng loang loáng của lưỡi trượt phản chiếu lại tia nắng mặt trời. Cả nhóm đột ngột dừng lại và túm tụm một chỗ để không cản đường của mọi người, tất cả tranh nhau nói với một cô bé xinh xắn, người mà chúng đã kéo lại từ dòng người đổ vào thị trấn.
“Ôi, Katrinka!” Chúng reo lên đồng thanh. “Cậu chưa biết sao? Cuộc đua ấy, chúng mình muốn cậu tham gia!”
“Cuộc đua nào cơ?” Katrinka vừa cười vừa hỏi. “Đừng nói cùng một lúc như thế, mình không thể hiểu được.”
Tất cả thở hổn hển và nhìn sang Rychie Korbes, người mà chúng cho là đại diện phát biểu.
“Chẳng là thế này!” Rychie nói. “Chúng ta sẽ có một cuộc đua lớn vào ngày Hai mươi, đúng ngày sinh nhật của phu nhân van Gleck. Đều là sáng kiến của Hilda đấy. Họ sẽ trao giải thưởng tuyệt vời nhất cho người thắng cuộc.”
“Đúng đấy.” Phải đến cả tá tiếng nói chen vào. “Một đôi lưỡi trượt băng bằng bạc – đẹp hoàn hảo – với, ôi chao! Những sợi dây buộc cùng chuông và khóa bằng bạc!”
“Ai nói chúng có chuông cơ?” Cậu bé nhỏ thó với cái tên hoành tráng xen vào.
“Mình bảo vậy đấy, thưa ông Voost.” Rychie đáp.
“Vậy là đúng rồi.”; “Không, mình chắc chắn là không có đâu.”; “Ồ, sao cậu chắc chắn được thế?”; “Phải là mũi tên chứ.”; “Chính ngài van Korbes bảo mẹ mình là đôi lưỡi trượt có chuông mà.” Cả nhóm lại nhao nhao lên đầy phấn khích, nhưng cậu Voostenwalbert Schimmelpenninck chốt lại đầy quả quyết: “Chà, tất cả các cậu chẳng biết gì cả; làm gì có bằng chứng họ sẽ đính chuông lên đôi lưỡi trượt chứ, họ…”
“Ồ! Ồ!” Và rồi cả nhóm lại ào lên tranh luận.
“Đôi lưỡi trượt dành cho nữ sẽ gắn chuông.” Hilda nhẹ nhàng cắt ngang. “Nhưng đôi lưỡi trượt cho nam sẽ gắn mũi tên ở hai bên.” “Thấy chưa! Mình bảo rồi mà!” Hầu như tất cả các cô cậu bé đều reo lên.
Katrina nhìn cả nhóm với đôi mắt mở to ngạc nhiên.
“Ai sẽ tham gia vậy?” Cô hỏi.
“Tất cả chúng ta.” Rychie đáp. “Sẽ vui lắm đấy! Cậu cũng phải tham gia nữa đấy, Katrina ạ. Nhưng đến giờ học rồi, chúng ta sẽ bàn bạc tiếp vào giờ nghỉ trưa. Ồ! Cậu tất nhiên là cũng phải tham gia đấy nhé.”
Katrina không trả lời mà xoay một vòng thật đẹp trên mũi chân rồi bật cười duyên dáng. “Các cậu có nghe thấy hồi chuông cuối cùng chưa? Thử
đuổi kịp mình xem nào!” Rồi cô vụt lướt về phía trường học cách chỗ bọn trẻ đang đứng trên kênh tầm nửa dặm.
Tất cả đều vụt đuổi theo thật nhanh và lộn xộn sau lời thách đố ấy, nhưng chẳng ai bắt kịp được cô gái có đôi mắt ngời sáng đang cười khanh khách kia, với mái tóc vàng lấp lánh dưới nắng, thi thoảng lại ném về phía sau những ánh nhìn đắc thắng trong khi vẫn lao về phía trước.
Katrina xinh đẹp! Đầy sức trẻ và sức khỏe, tràn trề nhựa sống, vui tươi và hăng hái. Thảo nào mà hình ảnh diệu kỳ ấy vụt qua giấc mơ của một cậu bé tối hôm đó. Một điều tuyệt vời mà nhiều năm sau biến thành một khoảng trống đen kịt, bởi sự hiện diện ấy đã rời đi mãi mãi.
IV
Hans và Gretel tìm được một người bạn T
rưa đến, các cô bạn cậu bạn trẻ tuổi của chúng ta ùa ra từ trường cho một giờ luyện tập trên dòng kênh.
Lũ trẻ mới trượt được một lúc khi Carl Schummel bảo Hilda với vẻ nhạo báng: “Có hai đứa vừa từ đâu chui ra kìa! Hai đứa khố rách áo ôm! Lưỡi trượt của chúng chắc là món quà nhà vua trực tiếp ban xuống đấy.”
“Họ kiên trì lắm.” Hilda nhẹ nhàng đáp. “Trượt trên cái thứ kì lạ như vậy hẳn là rất khó. Cậu thấy đấy, họ là những đứa trẻ nông dân nghèo khó. Cậu bạn kia có lẽ đã tự làm mấy lưỡi trượt đó.”
Carl trông có chút sượng sùng.
“Kiên trì thì làm sao, trượt băng ấy à, xuất phát tốt đến mấy thì chẳng phải cuối cùng vẫn ngã chổng vó đó sao? Mình nghĩ chúng nhảy trên nền nhạc đứt quãng mà cậu mới học có khi lại được đấy.”
Hilda bật cười dịu dàng rồi rời đi. Cô bạn tách khỏi đoàn người đang đua và lướt qua từng người một, rồi dừng lại bên cạnh Gretel đang chăm chú quan sát mọi người đua với ánh mắt háo hức.
“Cô bé, tên em là gì?”
“Là Gretel, thưa cô.” Cô bé trả lời, có phần kính sợ địa vị xã hội của Hilda mặc dù họ gần như là bằng tuổi. “Còn anh trai em là Hans.” “Hans là một cậu bạn khỏe mạnh.” Hilda vui vẻ nói. “Cả người cậu ấy như một cái lò nung vậy, nhưng em trông lạnh quá. Em cần mặc nhiều áo ấm hơn, em gái nhỏ ạ.”
Gretel, dù không còn bất cứ thứ gì khác để khoác thêm, vẫn cố gượng cười và trả lời: “Em không nhỏ đến vậy đâu ạ. Em qua mười hai tuổi rồi.” “Ồ, thứ lỗi cho chị. Em thấy đấy, chị gần mười bốn tuổi, mà chị phổng phao hơi quá so với tuổi của mình nên các cô bé khác đều trông thật nhỏ bé bên cạnh chị, nhưng không thành vấn đề. Có khi em sẽ lớn nhanh hơn chị
ấy chứ, nhưng muốn thế thì em cần phải mặc ấm. Những cô bé lạnh cóng đâu thể lớn được.”
Hans đỏ mặt khi cậu thấy nước mắt Gretel dâng lên.
“Em gái tôi chưa bao giờ phàn nàn về cái lạnh cả, nhưng quả thực năm nay rét hại người, ai cũng nói vậy.” Rồi cậu buồn bã nhìn sang Gretel. “Không sao mà.” Gretel đáp. “Em thấy ấm, rất ấm áp mỗi khi được trượt băng. Chị thật là tốt bụng, thưa quý cô, vì đã lo lắng cho em.” “Không, không.” Hilda vội đáp, hơi giận dữ với chính mình. “Chị thật là bất cẩn, thô lỗ, nhưng chị không có ý xấu. Chị chỉ muốn hỏi em… ý chị là nếu…” Hilda lắp bắp không thể nói ra trước hai đứa trẻ nghèo khó nhưng đáng mến.
“Cô cần gì, thưa cô?” Hans nhiệt tình hỏi. “Nếu là việc tôi có thể làm, bất kì…”
“Ồ, không, không phải.” Hilda cười, rũ bỏ sự ngượng ngùng của mình. “Tôi chỉ muốn cho hai người biết về giải thi trượt băng. Hai người không định tham gia sao? Cả hai đều trượt băng rất giỏi, cuộc thi thì miễn phí. Ai cũng có thể tham gia thi đấu cả.”
Gretel nhìn Hans đầy mong chờ. Anh trai cô bé kéo chỉnh chiếc mũ trên đầu, rồi cẩn trọng đáp lại:
“Ồ, thưa quý cô, kể cả nếu chúng tôi có tham gia được đi nữa, chúng tôi chỉ có thể làm vài sải chân so với các ứng viên còn lại mà thôi. Lưỡi trượt của chúng tôi làm bằng gỗ cứng, cô thấy đấy.” Cậu nâng bàn chân mình lên. “Nhưng rồi chúng nhanh chóng bị ẩm, trở nên dính dớp và làm chúng tôi ngã.”
Đôi mắt Gretel lấp lánh vẻ buồn cười khi cô bé nhớ lại cảnh Hans ngã soài lúc sáng, nhưng rồi cô bé đỏ bừng mặt và ngượng ngập lắp bắp: “Ồ, không, chúng em không tham gia được đâu, nhưng chúng em có thể đến đó xem buổi thi đấu không, thưa quý cô?”
“Tất nhiên rồi.” Hilda đáp, cô dịu dàng nhìn hai khuôn mặt nghiêm trang trước mặt và ước gì mình không dùng nhiều tiền mua vòng tay và quần áo đẹp đến thế. Cô giờ chỉ còn có tám đồng kwartje, và từng ấy chỉ đủ mua nhiều nhất là một đôi lưỡi trượt.
Thở dài và nhìn xuống hai đôi bàn chân khác hẳn nhau về kích cỡ, cô hỏi:
“Ai trong hai người trượt băng giỏi hơn?”
“Là Gretel.” Hans ngay lập tức trả lời.
“Là anh Hans ạ.” Gretel cũng đồng thanh.
Hilda mỉm cười.
“Tôi không thể mua cho mỗi người một cặp lưỡi trượt, hay thậm chí là một cặp chất lượng, nhưng đây là tám đồng kwartje. Hãy quyết định xem ai trong hai người sẽ có khả năng chiến thắng cao hơn rồi mua giày cho người ấy. Tôi ước gì mình có đủ tiền để mua một đôi thật xịn cho hai người. Tạm biệt nhé!” Chỉ kịp gửi lại một cái gật đầu cùng một nụ cười mỉm, Hilda dúi tiền vào tay Hans đang ngỡ ngàng bất động rồi nhanh chóng trượt về phía hội bạn của mình.
“Thưa cô! Thưa quý cô van Gleck!” Hans hô to, cậu cà nhắc chạy đến chỗ cô bởi một trong hai lưỡi trượt của cậu còn chưa được buộc dây. Hilda quay người lại với một bàn tay đưa lên che mắt khỏi ánh mặt trời, cậu có cảm giác như cô đang trôi trong không khí, càng lúc càng gần mình hơn.
“Chúng tôi không thể nhận số tiền này.” Hans hổn hển nói. “Dù tôi hiểu lòng tốt của cô.”
“Tại sao lại không chứ?” Hilda đỏ mặt và hỏi.
“Vì…” Hans đáp và cúi người xuống như một cận thần, nhưng đôi mắt cậu nhìn thẳng vào mắt cô như cách một chàng hoàng tử nhìn nữ hoàng. “Chúng tôi không kiếm ra nó.”
Hilda rất nhanh trí. Cô để ý thấy sợi dây chuyền bằng gỗ xinh xắn trên cổ Gretel.
“Làm cho tôi một chiếc vòng cổ đi Hans, như chiếc mà em gái cậu đang đeo ấy.”
“Tôi sẽ làm nó với tất cả tâm huyết, thưa quý cô. Chúng tôi có gỗ trắng ở nhà, chất lượng không kém ngà voi; tôi sẽ đưa cô vào ngày mai.” Rồi Hans vội vàng cố trả lại số tiền.
“Không, không.” Hilda quả quyết đáp. “Đó chỉ là số tiền công ít ỏi mà tôi có thể trả cho chiếc vòng.” Rồi cô nhanh chóng lao đi còn nhanh hơn cả người đang trượt nhanh nhất trên dòng băng.
Hans chỉ biết ngơ ngẩn nhìn theo; giờ có phản đối cũng không có tác dụng gì nữa.
“Đúng.” Cậu lẩm bẩm với chính mình và với Gretel. “Mình phải làm việc thật chăm chỉ từng phút một, kể cả có phải ngồi thâu đêm và thắp nến nếu mẹ cho phép, nhưng cái vòng phải được hoàn thành. Chúng ta sẽ được giữ khoản tiền này, Gretel ạ.”
“Chị ấy đúng là một cô gái tốt bụng!” Gretel reo lên và vỗ tay trong hạnh phúc. “Ôi! Anh Hans ơi, có phải điều may mắn này đến từ con cò đậu lên nóc nhà ta vào hè năm ngoái không? Mẹ nói rằng nó sẽ mang đến may mắn, và mẹ còn khóc khi Janzoon Kolp bắn con cò nữa. Mẹ bảo điều đó sẽ mang đến điềm xui cho anh ta. Nhưng may mắn cuối cùng cũng đã đến với chúng ta! Giờ thì anh Hans ơi, nếu mai mẹ sai chúng ta vào thị trấn, anh có thể mua đôi lưỡi trượt mới ở chợ rồi.”
Hans lắc đầu. “Quý cô trẻ tuổi đã đưa chúng ta tiền để mua lưỡi trượt, nhưng một khi nó trở thành tiền anh kiếm ra, nó phải được dùng để mua len. Em cần có một cái áo ấm.”
“Ôi!” Gretel buồn bã thốt lên. “Anh không mua lưỡi trượt sao? Tại sao chứ, em không thấy lạnh mà! Mẹ bảo máu liên tục chạy lên chạy xuống dọc các huyết mạch của những đứa trẻ nghèo khó và ngâm nga: Ta phải sưởi ấm cho lũ trẻ này! Ta phải sưởi ấm lũ trẻ này!” Ôi, anh Hans.” Cô bé tiếp tục nức nở. “Đừng nói anh sẽ không mua lưỡi trượt nhé. Điều đó làm em muốn òa khóc. Hơn nữa, em thà chịu lạnh còn hơn. Ý em là, em thực sự thấy cực kì ấm áp vào lúc này!”
Hans vội ngước nhìn lên. Cậu có nỗi sợ hãi, nước mắt hay tình cảm của một người Hà Lan đích thực, và trên hết, cậu khiếp sợ đôi mắt xanh biếc của em mình khi đong đầy nước.
“Anh ơi, nghe này.” Gretel kêu lên, cô bé có thể thấy mình đang thắng thế. “Em sẽ thấy tệ hại lắm nếu anh từ bỏ đôi lưỡi trượt. Em không muốn chúng. Em không keo kiệt đến thế; nhưng em muốn ANH có chúng, rồi khi nào em lớn lên, em sẽ dùng lại chúng… Ôi… Anh đếm số đồng tiền đi này, anh Hans. Anh đã bao giờ thấy nhiều tiền đến vậy chưa?”
Hans trầm tư nhìn xuống khoản tiền trong tay mình. Cậu chưa bao giờ mong mỏi một đôi lưỡi trượt đến thế, khi mà giờ cậu đã biết về cuộc thi và thực sự muốn giành lấy cơ hội so tài với những đứa trẻ khác. Cậu tự tin
rằng mình sẽ dễ dàng bỏ xa hầu hết những cậu bé còn lại trên kênh, chỉ cần cậu có được một đôi lưỡi trượt bằng thép. Hơn nữa, lập luận của Gretel cũng không phải là vô lý. Mặt khác, cậu hiểu, với thân hình tuy khỏe mạnh nhưng gầy gò nhỏ bé như thế, Gretel cần ít nhất một tuần luyện tập với một đôi lưỡi trượt tốt mới có thể bắt kịp Rychie Korbes hay thậm chí Katrinka Flack. Một khi suy nghĩ đến đây, cậu liền đưa ra quyết định. Nếu Gretel không thể có chiếc áo ấm, cậu sẽ cho con bé đôi lưỡi trượt.
“Không, Gretel ạ.” Cậu trả lời. “Anh đợi được. Rồi sẽ có ngày anh tiết kiệm đủ tiền để mua được một đôi lưỡi trượt tốt. Còn lần này thì dành cho em.”
Đôi mắt của Gretel bừng sáng long lanh, nhưng rồi ngay lập tức cô bé yếu ớt phản kháng. “Quý cô trẻ tuổi cho anh tiền cơ mà. Sẽ thật tệ nếu em lấy nó.”
Hans quả quyết lắc đầu khi cậu rảo bước về phía trước, làm cho em gái cậu phải vừa nhảy vừa bước đuổi theo. Lúc này, cả hai đã tháo lưỡi trượt gỗ ra và vội quay về nhà để thông báo tin tốt với mẹ.
“Ồ! Em biết rồi!” Gretel reo lên. “Anh có thể làm như này. Anh mua một đôi hơi nhỏ so với anh, nhưng hơi rộng so với em, rồi cả hai anh em ta có thể thay nhau dùng. Vậy có tốt không?” Gretel vỗ tay.
Tội nghiệp Hans! Đó là một lời đề nghị vô cùng hấp dẫn, nhưng cậu gạt nó sang bên như một cậu bé dũng cảm.
“Không được, Gretel ạ. Em làm sao đi được đôi to hơn cơ chứ. Em từng ngã dúi ngã dụi với lưỡi trượt gỗ này như một con gà mờ, cho đến khi anh bào đi phần gót. Giờ thì em cần có một đôi vừa khít, và em phải luyện tập bất cứ khi nào có thể cho đến ngày Hai mươi. Gretel nhỏ bé của anh sẽ giành được đôi lưỡi trượt bằng bạc.”
Gretel không thể không bật cười hạnh phúc với suy nghĩ đó. “Hans! Gretel!” Một giọng nói quen thuộc vang lên.
“Chúng con đang về đây, thưa mẹ!”
Hai đứa trẻ vội vàng chạy về căn nhà nhỏ, những đồng bạc vẫn kêu leng keng trong lòng bàn tay Hans.
Ngày hôm sau, Hans Brinker trở thành cậu trai tự hào và hạnh phúc nhất Hà Lan khi cậu quan sát em gái mình, với những đường trượt khéo léo, bay qua lượn lại giữa những người trượt băng kéo đến đầy con kênh
vào xế chiều. Hilda tốt bụng đã cho con bé một chiếc áo khoác ấm, đôi giày sắp bục của con bé đã được bà Brinker vá lại cho tử tế. Khi sinh vật nhỏ bé ấy vụt lướt tới lui, mặt đỏ lên vì hạnh phúc và không đoái hoài gì đến ánh nhìn tò mò của mọi người, cô bé cảm thấy cặp lưỡi trượt sáng loáng dưới chân mình như đã biến trái đất thành một miền cổ tích, trái tim đong đầy lòng biết ơn của cô bé liên tục hô lên: “Anh Hans yêu quý, anh Hans tốt bụng của em!”
Hans Brinker trở thành cậu trai tự hào và hạnh phúc nhất Hà Lan khi cậu quan sát em gái mình, với những đường trượt khéo léo, bay qua lượn lại giữa những người trượt băng
“Ôi trời ơi!” Peter van Holp thốt lên với Carl Schummel. “Mà cô bé con mặc cái áo khoác đỏ và chiếc váy lót vá chằng vá đụp đó trượt giỏi thật. Trời! Cô bé như có ngón chân ở gót giày và có mắt ở sau gáy vậy!
Nhìn mà xem! Sẽ thật bất ngờ làm sao nếu cô bé tham gia cuộc đua và đánh bại cả Katrinka Flack.”
“Suỵt! Nói nhỏ thôi!” Carl đáp bằng vẻ khinh bỉ. “Cái con bé mặc giẻ rách đó chỉ như thú cưng của Hilda van Gleck thôi. Nếu tôi không nhầm thì đôi lưỡi trượt kia là quà của cô ta đấy.”
“Ái chà! Ái chà!” Peter thốt lên với nụ cười rạng rỡ, bởi Hilda là bạn thân nhất của cậu. “Cậu ấy đã làm một việc thật tốt!” Rồi cậu van Holp, sau khi trượt đường số tám kép, một đường chữ P thật lớn, nhảy lên rồi cắt băng theo một đường chữ H, liền trượt về phía trước tới chỗ Hilda.
Họ nắm tay nhau cùng trượt băng, ban đầu phá lên cười vui vẻ, rồi sau đó chậm rãi trầm giọng trò chuyện.
Kì lạ làm sao, Peter van Holp bỗng dưng nhanh chóng tuyên bố rằng em trai cậu cũng cần có một sợi dây chuyền gỗ như của Hilda. Thế là hai ngày sau đó, vào ngày mừng Thánh Nicholas, với ba cây nến đã đốt hết sạch và thêm nhiều vết cắt trên ngón tay cái, Hans đứng giữa khu chợ ở Amsterdam và mua thêm một đôi lưỡi trượt nữa.
V
Bóng tối trong nhà
C
húa phù hộ bà Brinker! Ngay sau khi bữa tối thiếu thốn được dọn đi vào chiều hôm đó, bà mặc lên người bộ lễ phục để tạ Thánh Nicholas. Bà nghĩ nó sẽ khiến bọn trẻ vui lên và bà đã không nhầm. Suốt mười năm qua, bộ trang phục này chẳng mấy khi được đụng tới; nhưng trước đó, nó đã được diện kiến ở nhiều vũ hội và lễ hội mùa hè, khi mà người ta biết đến bà lúc còn là quý cô Meitje Klenck xinh đẹp. Bọn trẻ thi thoảng mới được thoáng thấy chiếc váy bởi nó được cất trong chiếc rương bằng gỗ sồi cổ. Dù chiếc váy đã nhạt màu và mòn vẹt, nó vẫn thật lộng lẫy trong mắt hai đứa trẻ, với chiếc khăn choàng bằng vải lanh trắng, quàng lên chiếc cổ đã trở nên đầy đặn hơn của bà và biến mất dưới phần thân váy bó dệt bằng vải thô xanh da trời, đi kèm tà váy nâu đỏ viền đen. Đôi găng tay hở ngón bằng len cùng chiếc mũ xinh xắn để lộ một phần tóc khiến bà Brinker trông gần như là một nàng công chúa đối với Gretel, trong khi Hans ra vẻ ưu tư và cư xử đúng mực khi ngắm nhìn bà.
Chẳng mấy chốc cô gái nhỏ, tay vẫn đang tết những lọn tóc vàng hoe của mình, vui vẻ nhảy chân sáo quanh mẹ với sự ngưỡng mộ tột cùng. “Ôi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ thật là đẹp! Anh Hans, anh nhìn xem! Không phải giống như tranh vẽ quá sao?”
“Đúng là đẹp như tranh.” Hans phấn khởi công nhận. “Đẹp như tranh… chỉ là con không thích cái thứ đồ len mẹ đeo trên tay kia.” “Anh không thích đôi găng sao? Trời ơi, chúng quan trọng lắm đấy. Anh nhìn này, chúng đã che đi phần đỏ rộp trên tay mẹ rồi. Ôi, mẹ ơi, tay mẹ thật là trắng ở những chỗ găng tay để lộ ra, còn trắng hơn da con nữa. Con thấy thân váy hơi chật mẹ ạ. Thế có nghĩa là mẹ đang lớn lên! Mẹ chắc chắn đang lớn lên rồi!”
Bà Brinker bật cười.
“Bộ váy này được may lâu rồi, bé cưng ạ, khi đó eo mẹ không lớn hơn chiếc muỗng đánh bơ là bao nhiêu. Con có thích chiếc mũ này không?” Bà hỏi, quay đầu mình sang trái rồi sang phải.
“Ồ, con rất thích, mẹ ạ. Nó đẹp-tuyệt-vời! Mẹ nhìn kìa, cha đang ngắm mẹ đấy!”
Chồng bà đang nhìn sao? Ôi không! Là nhìn với đôi mắt trống rỗng. Người phụ nữ của ông giật mình quay lại, gò má bà hơi ửng hồng lên, tia hy vọng lấp lánh trong mắt bà. Nhưng rồi tia sáng ấy vụt tắt ngay lập tức.
“Không, không phải đâu.” Bà thở dài. “Ông ấy chẳng thấy gì đâu. Hans à, lại đây…” Bà dần nở nụ cười. “Đừng có trầm trồ ngắm mẹ cả ngày như thế, đôi lưỡi trượt mới vẫn đang đợi con ở Amsterdam đấy.”
“Ôi, mẹ à.” Hans đáp. “Mẹ đang cần rất nhiều thứ mà. Sao con lại đi mua chúng làm gì?”
“Vớ vẩn nào. Tiền con được trả là để phục vụ mục đích đó, hoặc là công việc con… Như nhau cả thôi. Đi nhanh đi khi mặt trời còn chưa lặn.” “Đúng đấy anh, đi nhanh về nhanh anh Hans nhé!” Gretel cười khanh khách. “Tối nay chúng ta sẽ ra đua trên con kênh, nếu mẹ cho phép.” Khi ra tới ngưỡng cửa, cậu quay lại và nói. “Khung cửi của mẹ cần một cái bàn đạp mới.”
“Con làm cái mới cũng được, Hans ạ.”
“Cái đó con làm được. Thế thì không tốn tiền. Nhưng mẹ còn cần da, len và đồ ăn nữa, rồi còn…”
“Rồi, rồi! Thế là được rồi. Từng kia tiền đâu thể mua mọi thứ chứ. À! Hans này, nếu số tiền bị mất trộm của chúng ta có thể quay trở lại vào ngày mừng Thánh Nicholas vui vẻ này, chúng ta sẽ vui biết bao! Đêm qua mẹ đã cầu nguyện đến thánh…”
“Mẹ!” Hans ngỡ ngàng kêu lên.
“Sao lại không chứ, Hans? Sao con dám chỉ trích mẹ vì việc đó chứ? Mẹ là đứa con thực sự của đạo Tin Lành, cũng như mọi quý cô đi nhà thờ ngoài kia thôi, nhưng thi thoảng tin vào Thánh Nicholas thì có gì là sai kia chứ? Thôi! Có vẻ như chẳng ai có thể làm vậy mà không bị con cái phản ứng lại… Ngài ấy là vị thánh của mọi cậu bé cô bé. Ôi! Có lẽ ngựa đực con vẫn tốt hơn là ngựa cái trưởng thành chăng?”
Hans hiểu mẹ mình quá rõ để không tiếp tục phản đối bà, nhất là khi giọng bà đã trở nên nóng nảy và gay gắt (nó thường trở nên như thế mỗi khi bà nói về khoản tiền đã mất), vậy nên cậu chỉ hỏi nhẹ nhàng: “Thế mẹ đã hỏi xin Thánh Nicholas điều gì vậy?”
“Chà, ta cầu cho lũ trộm không thể nào chợp mắt cho đến khi chúng chịu trả lại tiền, tất nhiên là nếu Ngài có thể làm được vậy, hoặc khai sáng cho chúng ta để chúng ta tự tìm. Như con biết đấy, mẹ không thể tìm thấy số tiền ấy từ khi cha con bị thương.”
“Con biết, thưa mẹ.” Cậu buồn bã trả lời. “Mặc dù mẹ đã lật tung cả căn nhà này lên chỉ để tìm kiếm.”
“Ừ, thế mà cũng vô dụng.” Bà than thở. “Những kẻ giỏi giấu mới là những kẻ giỏi tìm.”
Hans giật mình. “Mẹ nghĩ cha biết không?”
“Ừ, hẳn rồi.” Bà Brinker gật đầu đáp. “Mẹ cũng nghĩ thế nhưng không có dấu hiệu gì cả. Mẹ không bao giờ tin vào chuyện gì quá hai ngày. Có lẽ cha con đã dùng số tiền ấy để mua chiếc đồng hồ bạc mà chúng ta đã vất vả giữ gìn từ ngày đó. Nhưng, không… mẹ không tài nào tin chuyện ấy được.”
“Cái đồng hồ đấy không đáng một phần tư số tiền mình đã mất, mẹ ạ.” “Tất nhiên rồi, cha con là một người đàn ông khôn ngoan cho đến khi xảy ra biến cố. Một người thận trọng và tiết kiệm như ông ấy sẽ không làm chuyện ngu ngốc vậy đâu.”
“Nhưng con không hiểu chiếc đồng hồ đó ở đâu ra.” Hans lầm bầm. Bà Brinker lắc đầu và buồn bã nhìn sang chồng mình, người đang đờ đẫn trông ra cửa. Gretel đứng bên cạnh ông và đang đan len. “Chúng ta sẽ không bao giờ biết, Hans ạ. Mẹ đã cho ông ấy xem chiếc đồng hồ nhiều lần rồi, nhưng ông ấy chẳng thể hiện gì là mình biết hết. Cái đêm kinh hoàng ấy, khi trở về nhà ăn tối, ông ấy đưa mẹ chiếc đồng hồ và bảo mẹ cẩn thận giữ gìn nó cho đến khi ông ấy hỏi đến lần nữa. Ông ấy chưa kịp nói hết thì Broom Klatterboost phi thẳng vào nhà và thông báo đê đang trong tình trạng nguy hiểm. Ôi! Dòng nước khủng khiếp tuần Pinxter ngày ấy! Rồi ông ấy, trời ơi, lấy đồ nghề và chạy thẳng ra ngoài. Đó là lần cuối mẹ được thấy cha con ở trạng thái minh mẫn. Nửa đêm, người ta đưa ông ấy về nhà trong tình trạng sống dở chết dở, cái đầu đáng
thương đầy những vết trầy vết cắt. Cơn sốt thuyên giảm, nhưng sự ngớ ngẩn thì không… nó thậm chí còn tệ hơn sau mỗi ngày. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được mất.”
Hans đã từng nghe câu chuyện này rồi. Cũng đã hơn một lần cậu thấy mẹ mình, những khi quá túng thiếu, lấy chiếc đồng hồ ra từ nơi cất giấu, gần như quyết định đem đi bán, nhưng rồi bà lại từ bỏ ý định.
“Không, Hans ạ.” Bà nói. “Chúng ta còn có thể túng thiếu hơn nữa trước khi phải bội tín với cha con!”
Kí ức ấy vụt quay trở lại với Hans. Cậu thở dài nặng nhọc, tung một mẩu vụn sáp ong sang cho Gretel ở đầu bàn bên kia, rồi nói. “Vâng, mẹ à, mẹ thực sự đã rất can trường khi giữ gìn chiếc đồng hồ ấy… Là người khác thì đã bán nó đổi lấy vàng từ rất lâu rồi.”
“Họ thật đáng xấu hổ nếu làm vậy!” Bà nóng nảy thốt lên. “Mẹ sẽ không làm thế. Với lại, những kẻ giàu có sẽ sinh nghi nếu thấy đồ vật giá trị đến vậy trong tay kẻ nghèo, kể cả nếu chúng ta có kể hết đầu đuôi câu chuyện cho họ đi nữa, họ vẫn có thể nghi ngờ rằng cha con…”
Mặt Hans đỏ bừng vì giận dữ.
“Họ không dám nói vậy đâu, thưa mẹ! Nếu họ dám, con sẽ…” Cậu siết chặt nắm tay, cho rằng nửa sau của câu nói quá tệ hại để có thể thốt thành lời.
Bà Brinker mỉm cười tự hào với đôi mắt đẫm nước.
“Ôi, Hans, con thực sự là một chàng trai trung thực, dũng cảm. Chúng ta sẽ không bao giờ đem bán chiếc đồng hồ. Biết đâu đến phút sắp chết, ông ấy lại tỉnh ra và đòi nó thì sao.”
“Sẽ tỉnh sao, thưa mẹ?” Hans hô lên. “Tỉnh ra… và nhớ ra chúng ta sao?”
“Đúng thế đấy con.” Mẹ cậu gần như thì thầm. “Kiểu như vậy đấy.” Đến giờ phút này, Hans gần như đã quên khuấy mất nhiệm vụ đến Amsterdam của mình. Mẹ cậu chưa bao giờ thoải mái chia sẻ với cậu đến thế. Cậu cảm thấy mình không chỉ là con trai bà nữa, mà còn là bạn của bà, là người cố vấn của bà.
“Mẹ nói đúng. Chúng ta không được từ bỏ chiếc đồng hồ. Vì cha, chúng ta sẽ bảo vệ nó. Còn số tiền kia, có thể nó sẽ quay về vào lúc chúng
ta không ngờ nhất.”
“Không bao giờ!” Bà Brinker kêu lên. Bà đan mũi cuối với một cái giật mình, rồi đặt món đồ đang đan dở nặng nề trên đùi. “Không thể nào! Một ngàn đồng guilder… tất cả biến mất chỉ trong một ngày! Là một ngàn đồng guilder đây. Ôi, chúng giờ đang ở đâu? Nếu chúng bị đem đi sử dụng cho mục đích xấu, tên trộm nên thú nhận trước khi hắn chết. Hắn sẽ không dám chết khi có ngần ấy tội lỗi lắng cặn trong tâm hồn!”
“Có thể hắn ta chưa chết.” Hans nhẹ nhàng nói. “Chúng ta có thể nghe được tin về hắn một ngày nào đó.”
“Ôi, con yêu.” Giọng bà Brinker thay đổi. “Tên trộm nào mà thèm mò tới đây kia chứ? Căn nhà này luôn gọn gàng và sạch sẽ, ơn Chúa, nhưng nó không đẹp đẽ, vì cha và mẹ tích cóp từng li từng tí một. Năng nhặt chặt bị, đúng thế thật. Hơn nữa, cha con cũng từng có một khoản thu nhập khá tốt, là tiền công làm việc ở vùng Heernocht khi mà trận lụt lớn xảy ra. Cứ mỗi tuần chúng ta lại để dành được một đồng guilder, đôi khi còn nhiều hơn; vì cha con còn làm ngoài giờ và được trả lương cao cho công sức lao động của ông ấy. Cứ mỗi tối thứ Bảy, chúng ta lại tiết kiệm thêm được một ít, trừ hồi con bị sốt và khi Gretel chào đời. Cuối cùng, túi tiền tiết kiệm của chúng ta đầy đến nỗi mẹ phải vá lại một chiếc tất cũ và bắt đầu cho tiền vào đó. Giờ khi nhìn lại, có vẻ như tiền tăng lên rất nhanh trong những tuần nắng ấm. Người công nhân nhanh nhẹn sẽ được trả lương hậu hĩnh trong những ngày ấy. Chiếc túi cứ ngày càng đầy đồng, bạc và… ừ, cả vàng nữa. Con có thể mở mắt được rồi, Gretel ạ. Mẹ thường cười và bảo cha con rằng mẹ mặc chiếc váy cũ này không phải vì nhà mình nghèo. Khi chiếc túi cứ đầy dần và đầy dần, thi thoảng khi mẹ chợt tỉnh giấc giữa đêm, mẹ sẽ dậy và lặng lẽ, nhẹ nhàng, ngắm nhìn thứ tài sản ấy dưới ánh trăng. Rồi, mẹ quỳ gối cám ơn Chúa trời rằng những đứa con của mình sẽ được đi học, rằng chồng mình sẽ được nghỉ ngơi lúc tuổi già. Đôi lúc, trong bữa tối, cha và mẹ sẽ nói về cái ống khói mới và cái chuồng mùa đông cho con bò, nhưng cha con có ý tưởng khác hay hơn. Một con thuyền lớn, ông ấy đã nói, thuận theo hướng gió… chúng ta sẽ làm được những gì mình muốn, sớm thôi, rồi chúng ta cùng nhau ca hát khi mẹ rửa bát. A, một ngọn gió êm ả sẽ giúp thuyền trôi yên lành. Không có gì làm phiền lòng mẹ từ sáng sớm tới đêm muộn. Môi tuần, cha con sẽ lấy túi tiền ra và thả vào thêm vài đồng, rồi cười và hôn mẹ khi chúng ta buộc lại cái túi. Còn con
nữa đấy, Hans! Con vẫn mơ màng ngồi đó mà ngày thì sắp hết rồi kìa!” Bà Brinker thêm vào một cách tiếc nuối, hơi ngại ngùng khi nhận ra mình đã nói với con trai quá nhiều: “Con nên đi ngay bây giờ đi.”
Hans ngồi thẳng dậy và chân thành nhìn thẳng vào mặt mẹ. Cậu đứng dậy, rồi hỏi bằng giọng không to hơn lời thì thầm là mấy: “Mẹ đã thử chưa ạ?”
Bà hiểu cậu đang muốn hỏi gì.
“Rồi, con ạ, nhiều lần rồi. Nhưng cha con chỉ cười thôi, hoặc ông ấy sẽ nhìn chằm chằm mẹ một cách thật kì quặc khiến mẹ thà không hỏi nữa còn hơn. Khi con và Gretel lên cơn sốt mùa đông năm ngoái, bánh mì dự trữ thì đã gần cạn kiệt, còn mẹ thì không thể kiếm được đồng tiền nào, sống trong nỗi sợ hãi rằng lỡ các con sẽ ra đi khi mẹ quay mặt đi, ôi! Mẹ đã thử! Mẹ vuốt tóc ông ấy và thủ thỉ với ông ấy nhẹ nhàng như một con mèo, về số tiền ấy… Nó ở đâu rồi, ai đang cầm nó? Chúa ơi! Ông ấy nghịch tay áo mẹ và lảm nhảm những điều vô nghĩa cho đến khi mẹ mất hết kiên nhẫn. Cuối cùng, khi Gretel đã trắng bệch hơn cả tuyết, còn con thì mê sảng trên giường, mẹ đã hét lên với ông ấy… như là ông ấy buộc phải nghe thấy mẹ… rằng: ‘Raff, tiền của chúng ta đâu? Anh có biết gì về số tiền đó không, Raff? Tiền trong túi và tiền trong chiếc tất đan, cất trong rương ấy?’ Nhưng chẳng khác nào hét lên với một tảng đá. Lẽ ra mẹ nên…”
Giọng bà dần trở nên kì lạ, mắt bà sáng rực khiến Hans lo sợ mà đặt tay lên vai bà.
“Thôi, mẹ ơi.” Cậu nói. “Mẹ hãy thử cố gắng quên số tiền đó đi. Con giờ đã cao lớn và khỏe mạnh. Gretel cũng rất nhanh nhẹn và tháo vát. Chúng ta sẽ sớm kiếm lại được số tiền đó thôi. Hơn nữa, mẹ à, con và Gretel thà thấy mẹ vui vẻ hạnh phúc còn hơn là có được tất cả tiền bạc trên thế giới, phải không Gretel?”
“Mẹ hiểu điều đó mà.” Gretel thổn thức đáp.
VI
Ánh mặt trời
B
à Brinker sửng sốt trước cảm xúc của hai đứa trẻ nhà mình; bà cũng thấy mừng nữa, bởi điều đó cho thấy chúng là những đứa trẻ trung thực và đầy lòng yêu thương.
Những cô gái xuất thân từ những căn nhà lộng lẫy thường cười thật thoải mái mà cũng thật ngọt ngào, làm không khí vui vẻ tràn ngập xung quanh, nhưng tôi ngờ rằng nụ cười ấy vẫn không thể được Chúa đón chào hơn tiếng cười vang lên giòn giã của cô bé và cậu bé ăn mặc sơ sài đến từ căn nhà lụp xụp kia được. Bà Brinker cảm thấy mình đã thật ích kỉ. Đỏ mặt nhưng rạng rỡ, bà nhanh chóng lau mắt và nhìn hai đứa trẻ với ánh mắt mà chỉ một người mẹ mới có được.
“Thôi đi! Chúng ta đã có một cuộc chuyện trò thật tuyệt vời, còn ngày lễ của Thánh Nicholas cũng sắp đến rồi! Thảo nào sợi len cứ làm ngứa ngáy ngón tay mẹ! Nào, Gretel, đến đây lấy đồng tiền này ra chợ mà mua bánh quế, còn Hans đi mua đôi lưỡi trượt cho con đi.”
“Mẹ để con ở nhà với mẹ đi.” Gretel nói, ngước lên nhìn bà với đôi mắt lấp lánh nước. “Anh Hans sẽ mua luôn bánh cho con.” “Vậy cũng được, con yêu, và Hans… Khoan đã. Nốt ba hàng này thôi mẹ sẽ làm xong cái tất này, rồi con sẽ có đôi tất ống tốt nhất từng được đan (biết thêu thùa là một lợi thế vô cùng tốt) để bán cho người bán quần áo trên phố Herengracht. Rồi chúng ta sẽ có ba đồng kwartje, nếu con mặc cả giỏi sẽ mua được bốn chiếc bánh quế bởi chúng ta đang trong mùa đói kém. Tất nhiên là chúng ta vẫn sẽ ăn bữa tiệc mừng Thánh Nicholas.” Gretel vỗ tay. “Thế thì tuyệt quá ạ! Annie Bouman bảo con rằng tối nay bên trong những ngôi nhà khang trang sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng chúng ta cũng sẽ vui như thế. Hans sẽ có một đôi lưỡi trượt mới đẹp đẽ… rồi chúng ta có cả bánh quế nữa! Ôi! Anh Hans, anh đừng làm vỡ
bánh nhé. Anh gói chúng thật kĩ vào, rồi cất chúng trong lớp áo khoác của anh thật cẩn thận.”
“Tất nhiên rồi.” Hans đáp lại hơi cộc lốc với sự hài lòng về tầm quan trọng của chính mình.
“À! Mẹ ơi!” Gretel reo lên bằng giọng cao vút. “Lát nữa mẹ sẽ phải bận rộn với cha, nhưng giờ mẹ chỉ đang đan len thôi. Mẹ kể cho chúng con nghe về Thánh Nicholas được không?”
Bà Brinker bật cười khi thấy Hans đã vội treo mũ lên và chăm chú lắng nghe. “Nào, nào, mấy đứa này.” Bà nói. “Mẹ kể cho các con nghe nhiều lần lắm rồi mà.”
“Mẹ kể lại đi ạ! Ôi, mẹ kể đi mà!” Gretel kêu lên, cô bé thả mình xuống chiếc ghế dài bằng gỗ tuyệt hảo mà anh Hans đã làm hồi sinh nhật mẹ năm ngoái. Hans, dù cố tỏ ra trưởng thành, cũng rất hào hứng được nghe lại câu chuyện, cậu đứng tựa vào lò sưởi và lơ đễnh đung đưa đôi lưỡi trượt.
“Chà, các con, các con có thể nghe lại, nhưng đừng lãng phí ánh sáng ban ngày thế chứ. Gretel, hãy nhặt cuộn len lên và tiếp tục đan tất trong khi nghe mẹ kể chuyện. Lắng nghe không có nghĩa là phải dừng làm. Thánh Nicholas, các con biết đấy, là một vị thánh tuyệt vời. Ngài ấy trông chừng cho các thủy thủ, nhưng đối tượng ngài quan tâm nhất là những cô bé, cậu bé nhỏ tuổi. Một lần, khi ngài còn đang sống trên trái đất, một nhà buôn châu Á đã gửi ba người con trai của mình tới một thành phố lớn tên là Athens để học tập.”
“Athens có phải ở Hà Lan không hả mẹ?” Gretel hỏi.
“Mẹ không biết nữa, con ạ. Có thể lắm chứ.”
“Ồ, không phải đâu, mẹ ơi.” Hans lễ phép nói. “Con học được trong tiết Địa lý từ lâu rồi, Athens là ở Hy Lạp.”
“Chà.” Người mẹ đáp. “Cũng không quan trọng. Hy Lạp có thể thuộc về nhà vua mà, nếu chúng ta không nhầm. Dù sao đi nữa, nhà buôn giàu có này đã gửi con mình tới Athens. Trên chuyến hành trình, họ dừng chân tại một quán trọ tồi tàn, dự định qua đêm để sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Chà, họ mặc những bộ quần áo rất đẹp – có lẽ là bằng vải nhung và lụa, những đứa trẻ giàu có trên thế giới này đâu để tâm chúng mặc cái gì – còn thắt lưng của chúng thì giắt đầy tiền. Tên chủ nhà trọ nham hiểm ở đó đã vạch ra kế hoạch giết mấy đứa trẻ để cướp tiền và bộ trang phục quý giá
của chúng. Đêm hôm ấy, khi cả thế giới chìm vào giấc ngủ, hắn ta thức dậy và giết ba đứa trẻ.”
Gretel đan chặt hai tay vào nhau và rùng mình, trong khi Hans cố tỏ ra bình thản.
“Thế vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất.” Bà Brinker tiếp tục, đôi tay vẫn chầm chậm đan len và lẩm nhẩm đếm số mũi đan trong khi kể chuyện. “Vẫn chưa đến điều tồi tệ nhất. Tên chủ nhà trọ đáng sợ ấy còn định phi tang xác của hai đứa trẻ.”
“Ôi!” Gretel hét lên đầy sợ hãi, dù cô bé đã nghe câu chuyện này nhiều lần rồi. Hans vẫn ngồi bất động.
“Đúng vậy, lúc này mọi người hẳn cho là lũ trẻ đã tiêu đời rồi. Nhưng không. Đêm hôm đó, Thánh Nicholas đã mơ thấy lũ trẻ bị tên chủ trọ hãm hại. Nhưng các con biết đấy, ngài không cần phải hấp tấp vì ngài là thần mà; sáng hôm sau, ngài tới quán trọ và kết tội tên chủ trọ. Chẳng mấy mà hắn ta thừa nhận hết tội lỗi và quỳ rạp xuống cầu xin sự tha thứ. Hắn hối lỗi đến mức cầu xin vị thánh hãy hồi sinh các cậu quý tử.”
“Ngài có đồng thuận không ạ?” Gretel hỏi, tỏ ra vui vẻ vì đã biết trước câu trả lời.
“Tất nhiên rồi. Những cái xác dần ấm lại, và các cậu công tử nhỏ ngồi dậy. Chúng quỳ xuống dưới chân Thánh Nicholas để ngài ban phước, và… Ôi! Chúa phù hộ chúng ta, Hans, con mà không đi ngay thì trời sẽ tối trước khi con kịp trở về mất!”
Lúc này, bà Brinker gần như hết cả hơi và trở nên căng thẳng. Bà không thể nhớ nổi đã lần nào trông thấy con mình lần lữa cả một giờ đồng hồ như thế này chưa, ý nghĩ về một món đồ xa xỉ làm bà khá hoảng sợ. Như để đền bù chút thời gian nào đó, bà cứ đi đi lại lại trong phòng một cách hấp tấp. Bà đặt một hòn than bùn lên lửa, thổi bùng lên ngọn lửa vô hình từ bàn ăn, đưa cho Hans chiếc quần tất – tất cả đều được hoàn thành cùng một lúc.
“Đi đi, Hans.” Bà giục khi thấy cậu bé vẫn đang nán lại ở ngưỡng cửa. “Điều gì níu giữ con vậy, con yêu?”
Hans hôn lên bầu má tròn vẫn luôn hồng hào và tươi sáng dù trải qua biết bao nhọc nhằn của mẹ.
“Mẹ con là người mẹ tuyệt nhất thế gian, con nên mừng khi có được một đôi lưỡi trượt, nhưng…” Cậu phiền não nhìn sang bóng dáng kì quặc đang lom khom bên bệ đá lò sưởi, trong khi tay bận rộn cài nút áo khoác. “Nếu số tiền này có thể mời được bác sĩ từ Amsterdam đến xem xét bệnh của cha, có thể sẽ có ích hơn.”
“Bác sĩ sẽ không đến, cho dù là chúng ta có gấp đôi số tiền đó đi chăng nữa, Hans ạ, mà có đến cũng chẳng được gì. Mẹ cũng đã mất bao nhiêu tiền vì điều đó rồi, nhưng con yêu, cha con sẽ không tỉnh lại đâu. Cái này phải phụ thuộc ý Chúa. Đi đi, Hans, đi mua đôi lưỡi trượt đi.”
Hans bước ra ngoài với trái tim nặng trĩu, nhưng chỉ sau năm phút, trái tim trẻ trung trong lổng ngực của cậu bé đã khiến cậu vừa đi vừa huýt sáo. Mẹ vừa gọi cậu là “con yêu”, điều đó đã đủ để khiến nắng lên trong một ngày âm u. Người Hà Lan không hay gọi trìu mến như thế giống như người Pháp hay người Đức. Nhưng bà Brinker đã từng may vá cho một gia đình ở Heidelberg hồi trẻ, từ đó bà đã mang những từ yêu và cưng về với gia đình khô khan của mình để sử dụng trong những trường hợp đầy trìu mến và yêu thương.
Thế nên câu nói “Điều gì níu giữ con vậy, con yêu?” cứ vang lên như một bản nhạc nền cho tiếng huýt sáo của cậu bé và khiến cậu cảm thấy nhiệm vụ của mình thật tươi đẹp.
VII
Hans thỏa lòng ước nguyện T
hị trấn Broek có những con phố vắng lặng, dòng suối nhỏ đóng băng, vỉa hè lát gạch vàng cùng những căn nhà gỗ tươi sáng. Đó là một ngôi làng nơi mọi sự gọn ghẽ và trang hoàng được phô bày, nhưng người dân nơi đó như thể đang ngủ hoặc như đã chết hết.
Không có lấy nổi một dấu chân để lại dọc con đường cát rải đầy đá cuội và vỏ sò theo những hình họa tiết vui mắt. Mọi cánh cửa sổ đều đóng chặt im lìm như thể không khí và ánh mặt trời ngoài kia là chất độc, còn những cánh cửa trước to lớn chỉ được mở khi có lễ cưới, lễ thánh hoặc lễ tang.
Những đám khói thuốc lá bay lững thững qua từng góc khuất, còn bọn trẻ con – thành phần đáng ra sẽ làm cho nơi này sống dậy – lại đang học ở những khu vực khuất xa nơi này hoặc đang trượt băng trên con kênh gần đây. Một vài con công và chó sói đứng trong vườn, nhưng chúng chẳng đoái hoài gì đến sự sống của loài người. Chúng được cắt tỉa từ những bụi cây hoàng dương và có vẻ như đang trông chừng khu vườn với bộ dạng xanh ngắt. Vài bụi cây tỉa theo hình đàn vịt, những người phụ nữ, người chơi thể thao được cất gọn lại trong những căn nhà hóng mát, đợi đến mùa xuân để tập hợp và chống lại người chủ của mình theo cách sống động nhất. Những lớp mái ngói sáng bóng, khoảnh sân trong chia thành từng ô nhỏ, cộng thêm lối trang trí bên ngoài trang trọng, âm thầm bày tỏ lòng tôn kính đến trời cao, nơi mà một hạt bụi nhỏ bé cũng không có chỗ đặt chân.
Hans liếc nhìn khu làng, cậu xóc những đồng kwartje bạc và tự hỏi liệu điều cậu thường nghe có phải là sự thật không, rằng một vài người Broek giàu đến nỗi họ còn dùng dụng cụ làm bếp bằng vàng ròng.
Cậu đã từng thấy món pho mát ngọt của bà van Stoop trong chợ, cậu biết bà ấy đã kiếm được rất nhiều đồng guilder bạc lấp lánh từ việc bán thứ pho mát đó. Nhưng bà ấy có đun bơ sữa trong cái chảo bằng vàng
không? Liệu bà ấy có dùng cái thìa hớt kem bằng vàng không? Vào mùa đông, liệu có đúng là bà ấy buộc đuôi những con bò của mình bằng ruy băng không?
Những ý nghĩ đó cứ quanh quẩn trong đầu Hans khi cậu tiến bước tới Amsterdam, chỉ còn cách đó chưa đến năm dặm và nằm ở phía bên kia của nhánh Y đóng băng. Lớp băng trên con kênh thì hoàn hảo, nhưng đôi lưỡi trượt bằng gỗ của cậu, như thể nhận ra còn quá sớm để bị từ bỏ, kêu rít lên tiếng từ biệt đầy đau khổ khi cậu ra sức kéo lê và trượt trên nó.
Khi băng qua nhánh Y, cậu trông thấy vị bác sĩ tuyệt vời Boekman đang trượt về phía mình. Ông là bác sĩ và nhà phẫu thuật nổi tiếng nhất Hà Lan. Hans chưa bao giờ gặp ông trước đây, nhưng cậu đã từng thấy hình chân dung của ông qua cửa kính của rất nhiều cửa hàng ở Amsterdam. Dù là người Hà Lan chính gốc, ông có khuôn mặt khó có thể nào quên được, mỏng và gầy gò, đôi mắt xanh dương nghiêm nghị, đôi môi mím chặt lại một cách kì quặc như thể muốn nói: “Không được cười.” Ông trông có vẻ không phải một người vui vẻ hay hòa đồng, bất kì một cậu bé biết điều nào cũng sẽ không dám nguyện ý lại gần.
Nhưng Hans thì có, bởi cậu bị thúc giục bởi một giọng nói mà cậu hiếm khi lờ đi – đó là lương tâm cậu.
“Đây chẳng phải là vị bác sĩ giỏi nhất thế giới hay sao.” Giọng nói đó thì thào. “Chúa đã gửi ngài ấy đến đây. Làm sao mình lại đi mua lưỡi trượt băng trong khi có thể mời được ngài ấy về xem bệnh cho cha mình với số tiền này chứ!”
Đôi lưỡi trượt bằng gỗ vội rít lên trong hân hoan. Hàng trăm đôi lưỡi trượt đẹp đẽ vụt sáng rồi biến mất trong không khí trước mắt cậu. Cậu cảm thấy số tiền kia như đang khiến những ngón tay mình trở nên nhức nhối. Vị bác sĩ lớn tuổi trông thật khắc khổ và khó tính. Trái tim Hans nhảy vọt lên trên cổ họng, nhưng cậu vẫn có thể cất giọng gọi vị bác sĩ khi ông đi ngang qua: “Thưa ngài Boekman!”
Vị bác sĩ dừng lại, môi dưới của ông hơi chìa ra, rồi ông nhìn cậu bé với vẻ bực bội.
Không còn gì ngăn Hans lại nữa.
“Thưa ngài.” Cậu thở hổn hển và tiến lại gần vị bác sĩ đang có vẻ khó chịu. “Cháu biết ngài là bác sĩ Boekman nổi tiếng. Cháu muốn hỏi xin
ngài…”
“Hừ!” Vị bác sĩ bật lên một tiếng, rồi chuẩn bị trượt qua kẻ làm phiền. “Tránh ra đi. Ta không có tiền… để cho kẻ ăn xin đâu.”
“Cháu không phải ăn xin, thưa ngài.” Hans kiêu hãnh đáp lại, cùng lúc đó cậu chìa ra những đồng bạc trong tay mình. “Cháu hy vọng ngài sẽ lắng nghe câu chuyện về cha cháu. Cha cháu còn thở nhưng chỉ ngồi như đã chết. Cha cháu không thể suy nghĩ. Cha chỉ nói sảng, nhưng không phải cha bị ốm. Cha bị ngã ở bờ đê.”
“Hả? Sao cơ?” Vị bác sĩ kêu lên, bắt đầu chú ý lắng nghe. Hans liền kể toàn bộ câu chuyện một cách rời rạc, đôi lúc rơi một hai giọt nước mắt trong lúc nói, rồi kết thúc đầy thống thiết: “Ôi, thưa ngài, hãy đến xem bệnh cho cha cháu. Bên ngoài cha trông ổn cả, nhưng vấn đề nằm ở bên trong tâm trí cha. Cháu biết từng này tiền là không đủ, nhưng ngài hãy cứ cầm lấy nó trước. Cháu sẽ kiếm thêm, cháu biết là cháu sẽ kiếm được. Ôi! Cháu sẽ làm mọi việc cho ngài, nếu ngài có thể chữa bệnh cho cha cháu!”
Vị bác sĩ già phản ứng ra sao đây? Mặt ông sáng lên như có ánh mặt trời chiếu rạng. Mắt ông trở nên hiền từ và xúc động, bàn tay lúc trước nắm chặt lấy cây gậy như thể chuẩn bị đánh người, giờ nhẹ nhàng đặt lên vai Hans.
“Cậu bé, cháu hãy cất tiền đi, ta không muốn nó. Ta sẽ đến thăm cha cháu. Dù bệnh của ông ấy thật là vô vọng, ta e là thế. Cháu nói ông ấy đã bị bao nhiêu năm rồi nhỉ?”
“Là mười năm, thưa ngài.” Hans thổn thức, mừng rỡ với niềm hy vọng chợt đến.
“Ôi! Ca này thật tệ quá, nhưng ta vẫn sẽ đến thăm bệnh cho ông ấy. Để ta nghĩ đã. Hôm nay ta đến Leyden, một tuần sau mới trở về, khi đó ta sẽ tới. Nhà cháu ở đâu?”
“Nhà cháu cách Broek một dặm về phía nam ạ, ở ngay gần con kênh. Đó chỉ là một túp lều nghèo nàn, xập xệ thôi. Bất kì đứa trẻ nào ở đó cũng có thể chỉ căn nhà đó cho ngài ạ.” Hans nói thêm với một tiếng thở dài nặng nề. “Chúng nó có phần sợ nhà cháu, chúng còn gọi nó là căn lều của gã ngốc.”
“Thế là được rồi.” Vị bác sĩ nói, gật đầu với Hans. “Ta sẽ tới. Dù đó là trường hợp vô vọng đi nữa.” Ông lầm bầm với chính mình. “Nhưng thằng bé này làm ta vừa lòng. Mắt thằng bé như mắt của Laurens tội nghiệp nhà ta vậy. Quỷ tha ma bắt nó đi, ta sẽ không thể nào quên thằng oắt con đó!” Cứ như vậy, ông vừa khe khẽ càu nhàu vừa tiếp tục chặng đường của mình.
Và Hans lại lên đường hướng tới Amsterdam trên đôi lưỡi trượt gỗ kêu rít, ngón tay cậu lại như bị châm chích bởi những đồng tiền trong túi, tiếng huýt sáo trẻ con vô thức lại thoát ra trên môi.
Mình nên nhanh chóng về nhà, cậu nghĩ, để kể lại chuyện tốt này, hay nên đi mua bánh quế và lưỡi trượt mới trước nhỉ? Ồ! Mình nghĩ mình cứ nên đi tiếp đã!
Và thế là Hans đã sắm được cho mình đôi lưỡi trượt mới.
VIII
Giới thiệu Jacob Poot và anh họ của cậu ấy H
ans và Gretel đã có một cuộc dạo chơi vui vẻ vào sớm hôm ngày lễ Thánh Nicholas. Hôm đó trăng sáng rọi, mẹ của hai đứa trẻ, mặc dù không còn chút hy vọng nào vào sự tiến triển của chồng mình, đã hạnh phúc với tin tức về ngài bác sĩ đến mức bà cho phép hai đứa trẻ đi trượt băng một giờ trước khi đi ngủ.
Hans rất sung sướng với đôi lưỡi trượt mới của mình, cậu háo hức chỉ cho Gretel thấy chúng “hoạt động” hoàn hảo như thế nào, bằng cách trình diễn thật nhiều trò trên băng khiến cho cô em gái nhỏ chắp tay lại trong sự ngưỡng mộ chân thành. Không chỉ có hai anh em đi trượt, nhưng dường như như chẳng ai trên con kênh đó chú ý đến hai đứa trẻ.
Anh em van Holp và Carl Schummel đang ở đó để thử nghiệm tốc độ nhanh nhất của mình. Trong bốn lần thử thì Peter van Holp đã thắng đến ba. Điều đó khiến cho Carl, vốn chưa bao giờ là một cậu bé tử tế, vô cùng hậm hực. Cậu ta đành tự làm mình khuây khỏa bằng cách chế nhạo cậu nhóc Schimmelpenninck, đứa bé nhất cả đám và luôn nhu mì đi theo chúng nhưng chẳng bao giờ cảm thấy đó là nơi mình thuộc về. Nhưng rồi cậu ta lại nghĩ ra một ý tưởng khác và bắt đầu công kích.
“Nghe mình bảo này, mấy cậu, gạt hai đứa khố rách áo ôm đến từ căn lều của gã ngốc ra khỏi cuộc chơi đi. Hilda chắc bị điên rồi mới nghĩ ra cái trò đó. Katrinka Flack và Rychie Korbes cực kì tức tối vì phải thi đấu với con nhãi kia. Chả thể trách họ được. Còn thằng nhãi kia, là các quý ông thì chúng ta cần phải lên án kịch liệt ý tưởng…”
“Tất nhiên rồi!” Peter van Holp xen vào, cố tình hiểu nhầm ý của Carl. “Còn gì phải nghi ngờ nữa chứ? Chẳng quý ông nào lại đi từ chối cho hai bạn trẻ ấy thi đấu chỉ vì họ nghèo cả!”
Carl quay ngoắt sang đầy châm biếm. “Đừng nhanh nhảu đoảng thế, thưa cậu! Mình sẽ rất biết ơn nếu cậu không nhảy vào mồm người khác
như vậy. Đừng có mà làm thế nữa.”
“Ha, ha!” Voostenwalbert Schimmelpenninck bé nhỏ bật cười, vui vẻ với viễn cảnh về một cuộc ẩu đả mà nếu có xảy ra thì chắc chắn là Peter đáng mến của nó có thể đánh gục được đến mười hai thằng nhãi dễ bị kích động như Carl.
Ánh mắt của Peter có gì đó khiến Carl đành quay sang bắt nạt kẻ yếu hơn. Cậu ta lại chuyển hướng sang Voost với vẻ cắm cảu. “Cậu đang kêu rít cái quái gì vậy đồ con chồn lẩn lút này? Đúng là cái đồ cá trích giơ xương, đồ khỉ con với cái tên dài như đuôi vậy!” Phải đến nửa tá người qua đường dừng lại để hô hào tán thưởng cho lời nhận xét bạo dạn dí dỏm này, điều đó khiến Carl cảm thấy như mình đã đánh bại được kẻ đối đầu và khiến tâm trạng cậu ta trở nên tốt hơn. Dù vậy, cậu ta đã biết đường mà thận trọng thu lại quyết tâm cản đường Hans và Gretel cho đến khi Peter không có mặt.
Vừa lúc ấy, bạn của cậu ta, Jacob Poot đi tới. Ban đầu, lũ trẻ không nhận ra cậu ta, nhưng bởi cậu ta có thân hình cao to nhất làng này nên chúng cũng không thể nhận nhầm cậu ta với ai khác.
“Xin chào! Béo Bự đã đến đấy à!” Carl thốt lên. “Còn mang theo ai nữa kìa, một anh bạn lạ hoắc ốm nhom.”
“Ha! Ha! Nghe cứ như một miếng thịt ba chỉ ngon tuyệt.” Ludwig reo lên. “Một dải thịt nạc và một dải mỡ.”
“Đấy là anh họ người Anh của Jacob.” Cậu Voost nói, vui vẻ vì có thể cung cấp thông tin. “Anh họ đến từ Anh quốc, và, ổ, anh ấy có cái tên buồn cười lắm… Ben Dobbs. Anh ấy sẽ ở với cậu ta đến tận sau cuộc thi đấu.”
Suốt từ lúc nãy, các cậu trai này đã xoay tròn, quay người, lăn vòng và làm nhiều trò khác nữa trên đôi giày trượt của mình một cách khẽ khàng và trò chuyện với nhau. Nhưng giờ chúng đứng yên, gồng mình trong làn không khí lạnh giá khi Jacob Poot và người bạn mới bước tới gần.
“Đây là anh họ của mình.” Jacob hổn hển nói. “Benjamin Dobbs. Anh ấy là một John Bull, anh ấy cũng sẽ tham gia cuộc đua.”
Tất cả liền vây quanh người bạn mới. Benjamin chẳng mấy chốc mà cho rằng người Hà Lan, nếu không kể đến thứ ngôn ngữ kì lạ của họ, thì cũng là mấy người bạn tốt phết đấy chứ.
Thực ra, Jacob đã giới thiệu tên anh họ mình là Penchamin Dopps, gọi cậu ta là người Shon Pull, nhưng tôi cho rằng sửa đổi đôi chút tiếng Anh của lũ trẻ sẽ công bằng hơn. Cậu Dobbs lúc đầu còn thấy ngại ngùng trước những người bạn của em họ mình. Mặc dù phần lớn chúng đều được học tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng chúng vẫn rất ngại giao tiếp bằng hai thứ tiếng ấy, còn cậu thì mắc những lỗi rất buồn cười khi cố gắng nói tiếng Hà Lan. Cậu đã học được vài từ, như vrouw nghĩa là vợ, ja là ừ, spoorweg là đường sắt, kanaal là con kênh, stoomboot là tàu hơi nước, ophaalbruggen là cầu kéo, buiten plasten là trang trại, mynheer là quý ông, tweegevegt là tay đôi, koper là cảnh sát, zadel là yên ngựa; nhưng làm sao mà nói thành câu chỉ bằng mấy từ này được, mà cũng không thể dùng cái danh sách cụm từ dài ngoằng mà cậu đã học trong cuốn Những đoạn hội thoại tiếng Hà Lan được. Các chủ đề trong cuốn sách thì cũng ổn thôi, nhưng các cậu trai ở đây lại chẳng ai nhắc đến chúng cả. Chẳng hạn như cái anh chàng tội nghiệp đã học ở Ollendorf câu hỏi “Bạn có thấy con bò đỏ của bà tôi không?” một cách hoàn hảo, để rồi khi đến Đức, anh chàng mới nhận ra mình chẳng có cơ hội mà hỏi dò con vật thú vị đó, Ben thấy cuốn sách dạy tiếng Hà Lan ấy chẳng giúp ích được gì nhiều như cậu tưởng. Cậu rất ghét Jan van Gorp, tác giả người Hà Lan đã viết một cuốn sách tiếng La tinh để chứng minh Adam và Eva có nói tiếng Hà Lan, cậu mỉm cười đầy ý tứ khi người chú Poot trấn an cậu rằng tiếng Hà Lan “cũng rống tiếng Anh thôi nhưng nó tuỵt hơn, tuỵt hơn nhều”.
Dù sao thì niềm vui của trò trượt băng cũng lớn hơn rào cản ngôn ngữ. Nhờ đó mà Ben nhanh chóng cảm thấy thân quen với các cậu bé còn lại hơn, giờ khi Jacob (với một chút tiếng Anh pha tiếng Pháp) nói với cậu về dự án lớn mà mọi người đã lên kế hoạch, người anh họ cũng đã có thể thi thoảng gật đầu hoặc ậm ừ đồng tình được rồi.
Đây là một dự án lớn, và sắp tới sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tiến hành nó, bởi bên cạnh kì nghỉ cho ngày lễ mừng Thánh Nicholas, lũ trẻ còn có thêm bốn ngày nghỉ nữa để nhà trường thực hiện tổng vệ sinh.
Jacob và Ben đã được cho phép trượt băng một chặng đường dài – không kém gì quãng đường từ Broek đến La Hay, thủ đô của Hà Lan, một chặng đường gần năm mươi dặm.
“Bây giờ nhé, các cậu.” Jacob nói sau khi đã thuật lại xong kế hoạch. “Ai sẽ đi cùng bọn mình nào?”
“Tớ! Tớ!” Bọn nhóc nhao nhao lên.
“Mình cũng sẵn sàng.” Voostenwalbert nhỏ bé cũng lên tiếng. “Ha! Ha!” Jacob phì cười, ôm lấy đôi má béo phúng phính của cậu nhóc. “Cậu ấy à? Một cậu nhóc nhỏ xíu như cậu sao? Cậu còn chưa tháo miếng đệm kia kìa!”
Bấy giờ, ở Hà Lan, mọi đứa bé đều đeo một miếng đệm mỏng quanh đầu, lồng trong khung bằng xương cá voi và ruy băng, để bảo vệ chúng nếu chúng có vấp ngã. Khi lớn đến một độ tuổi nhất định, miếng đệm ấy sẽ được tháo ra. Voost đã chạm đến ngưỡng tuổi danh dự vài năm trước rồi, vậy nên lời của Jacob mang tính xúc phạm khá lớn đối với Voost.
“Cẩn thận với những gì anh nói đây!” Cậu nhóc rít lên. “Thật may khi anh được bỏ miếng đệm ra rồi, chính anh bây giờ là miếng đệm rồi còn gì!”
“Ha! Ha!” Tất cả các cậu bé đều cười ầm lên trừ Dobbs, người chẳng hiểu gì cả. “Ha! Ha!” Còn Jacob thì cười nhiều hơn tất cả. “Nó nà đống mỡ của em… phảy đấy… thằng nhóc nói người em nhồi đầy mỡ!” Cậu giải thích với Ben.
Rồi một cuộc bầu chọn được đồng lòng mở ra để biểu quyết là sẽ cho phép Voost tham gia vào cuộc chơi, nếu gia đình cậu bé đồng ý. “Ngủ ngon nhé!” Cậu bé nói đầy hạnh phúc và trượt về nhà nhanh nhất có thể.
“Ngủ ngon!”
“Jacob này, chúng ta có thể dừng chân tại Haarlem và cho anh họ của em thấy chiếc đàn ống vĩ đại.” Peter van Holp hào hứng nói. “Rồi ở Leyden nữa, ở đó có thể phóng tầm mắt hun hút không thấy điểm dừng luôn ấy. Rồi dừng chân một ngày một đêm tại La Hay, bà chị gái đã lập gia đình của anh ở đó sẽ rất vui mừng chào đón chúng ta, rồi sáng hôm sau chúng ta hãy về nhà.”
“Được thôi.” Jacob trả lời, cậu vốn không phải kiểu người dài dòng. Ludwig vẫn luôn nhìn lên anh mình với vẻ ngưỡng mộ nhiệt thành. “Hoan hô anh, Pete! Phải mất bao công sức anh mới lên được kế hoạch
này! Mẹ sẽ mừng đến thế nào khi chúng ta báo với mẹ rằng chúng ta có thể trực tiếp gửi lời yêu thương của mẹ tới chị van Gend cơ chứ. Nhưng Chúa
ơi, trời lạnh quá.” Cậu nói thêm. “Đủ lạnh để đóng băng đầu luôn ấy. Chúng ta nên về nhà thôi.”
“Lạnh thì có sao, anh bạn già da-nhạy-cảm?” Carl kêu lên, cậu ta vẫn đang bận rộn luyện tập kiểu trượt mà cậu ta gọi là “rìa đôi”. “Chúng ta hẳn sẽ có một mùa trượt băng tuyệt vời nếu thời tiết ấm áp được như tháng Mười hai năm ngoái. Thế cậu không biết là nếu không phải vì năm nay mùa đông đến sớm và kéo dài, thì chúng ta đã không có cơ hội được trượt băng rồi sao?”
“Mình chỉ biết đêm nay lạnh hơn mọi khi, vậy thôi.” Ludwig nói. “Thôi! Mình về nhà đây!”
Peter van Holp lôi ra một chiếc đồng hồ bằng vàng nắp lồi, giơ nó lên dưới ánh trăng trong giới hạn những ngón tay đông cứng của cậu cho phép, rồi kêu lên. “Ôi trời! Đã gần tám giờ rồi! Thánh Nicholas sắp tới đấy. Ngủ ngon nhé!”
“Chúc ngủ ngon!” Mọi người đồng loạt nói, rồi vừa ra về vừa hét, vừa hát lại vừa cười.
Còn Gretel và Hans đang ở đâu?
Ôi, niềm vui bất ngờ cũng phải đến lúc kết thúc!
Hai đứa trẻ trượt băng được khoảng một giờ, cách xa những người khác, chúng hài lòng dù chỉ có nhau, và Gretel reo lên: “Ôi, anh Hans, thật đẹp đẽ làm sao! Thật tuyệt vời làm sao! Khi chúng ta đều có lưỡi trượt mới! Em bảo mà, chính con cò đã mang điềm lành đến với chúng ta!” Thế rồi hai đứa trẻ nghe thấy tiếng hét.
Đó là một tiếng hét – một tiếng hét rất khẽ. Không ai khác trên con kênh nghe thấy, nhưng Hans thì hiểu rõ đó là tiếng gì. Gretel thấy mặt anh trai mình bỗng chốc trắng bệch dưới ánh trăng khi cậu bận rộn tháo bỏ đôi lưỡi trượt.
“Là cha!” Cậu thốt lên. “Cha lại dọa sợ mẹ rồi!” Và Gretel vội chạy theo anh trai mình về nhà nhanh nhất có thể.
IX
Lễ hội mừng Thánh Nicholas T
ất cả chúng ta đều biết, trước khi cây thông Noel trở thành tâm điểm của mọi gia đình ở đất nước chúng ta, một vị “yêu tinh già lương thiện vui vẻ” cùng “tám chú tuần lộc tí hon” sẽ lái chiếc xe trượt chất đầy quà và hạ cánh lên mái nhà, đi xuống qua đường ống khói để lấp đầy những chiếc tất được treo đầy mong đợi trên kệ lò sưởi. Bạn bè gọi ông là Ông già Noel, những người thân quen nhất mới dám gọi là “Ông Nick”. Tương truyền rằng ông đến từ Hà Lan. Điều này thì chắc rồi, nhưng nếu vậy thì hẳn ông ấy, cũng như nhiều người ngoại quốc khác, đã phải thay đổi phong cách khá nhiều khi đặt chân đến nước chúng ta. Ở Hà Lan, Thánh Nicholas là một vị thánh thực thụ, thường xuất hiện trong bộ trang phục đầy đủ với chiếc áo choàng thêu, đính đá quý và vàng lấp lánh, đội mũ, cầm cây gậy phép trong đôi găng tay đính đá. Ở đây, Ông già Noel đến chung vui vào ngày Hai mươi lăm của tháng Mười hai, sáng sớm lễ Giáng sinh thiêng liêng. Nhưng ở Hà Lan, Thánh Nicholas lại ghé thăm vào ngày mùng Năm, một ngày đặc biệt thuận lợi cho ngài. Sáng sớm ngày mùng Sáu, ngài sẽ phân phát kẹo, đồ chơi và cả tiền nữa, rồi ngài sẽ lại biến mất trong suốt một năm.
Lễ Giáng sinh là dịp để người dân Hà Lan thực hiện nghi lễ nhà thờ và thăm hỏi họ hàng. Vào ngày lễ của Thánh Nicholas, những con người trẻ tuổi gần như trở nên phấn khích với niềm vui và sự háo hức. Tuy nhiên, với một vài đứa trẻ thì đó lại là một dịp hối lỗi, bởi ngài là người rất thẳng thắn, nếu chúng đã cư xử tồi tệ suốt một năm vừa qua, ngài chắc chắn sẽ trách phạt chúng. Đôi lúc, ngài kẹp một cây roi dưới cánh tay và yêu cầu cha mẹ lũ trẻ trách mắng chúng thay vì dỗ ngọt, và dạy dỗ bằng roi vọt hơn là bằng đồ chơi.
Thật tốt là các cậu bé đã vội chạy về nhà trong buổi chiều mùa đông còn sáng trời ngày hôm ấy, bởi chỉ chưa đến một giờ sau đó, vị thánh đã xuất hiện ở một nửa số căn hộ của Hà Lan. Ngài ghé thăm cung điện của
nhà vua và xuất hiện tại căn nhà dễ chịu của Annie Bouman cùng một lúc. Có lẽ chỉ với một đồng bạc nửa đô, chúng ta đã có thể mua lại tất cả những gì ngài tặng cho cô bé nông dân Bouman; nhưng nửa đô đối với người nghèo có khi lại có giá trị hơn hàng trăm đô đối với người giàu ấy chứ. Chỉ từng đó cũng đủ làm họ hạnh phúc và biết ơn, khiến họ cảm thấy bình yên và được yêu thương.
Em trai, em gái của Hilda van Gleck vô cùng phấn khích vào đêm đó. Chúng được cho phép ra ngoài phòng khách lớn, được mặc những bộ đồ đẹp nhất của mình và mỗi đứa được cho hai chiếc bánh ngọt để ăn đêm. Hilda đã rất phấn khởi. Tại sao lại không cơ chứ? Thánh Nicholas sẽ chẳng bao giờ gạch bỏ một cô bé mười bốn tuổi ra khỏi danh sách chỉ vì cô bé ấy trông cao lớn và trưởng thành như một quý cô đâu. Trái lại, ngài có lẽ sẽ lấy làm vinh dự được tặng quà một quý cô thanh lịch thế này ấy chứ. Ai mà biết được? Thế nên cô vẫn thoải mái vui chơi, cười đùa và nhảy nhót không thua gì các em, hơn nữa còn là linh hồn của mọi trò chơi. Cha mẹ và bà của bọn trẻ ngồi nhìn với vẻ hài lòng; ông lũ trẻ cũng vậy, trước khi ông trùm chiếc khăn tay to màu đỏ lên trên mặt, chỉ để lại chỏm đầu lộ ra. Hành động trùm khăn này báo hiệu ông đã ngủ.
Sớm hơn vào tối hôm đó, mọi người đã đều tham gia vào cuộc vui. Hài hước làm sao khi có vẻ như điểm khác biệt duy nhất giữa người ông và đứa bé là số tuổi. Rõ ràng, nét mong chờ chân thành phảng phất đây đó trên gương mặt của lũ trẻ khiến chúng trông còn trầm ngâm hơn cả người lớn.
Đến giờ thì niềm vui mới dâng tràn đến đỉnh điểm. Ngọn lửa nhón chân nhảy nhót trong chiếc lò sưởi bóng loáng. Đôi nến nghiêm trang đứng nhìn chằm chằm cây đèn treo không sấp bóng, nó bắt đầu bập bùng với hình ảnh phản chiếu trong chiếc gương phía xa. Một sợi dây chuông dài trong góc nhà thòng xuống từ góc trần, được kết lại bởi chuỗi hột thủy tinh đan thành lưới quanh cuộn dây to gần bằng cổ tay. Nó từng chỉ im lặng lửng lơ trong bóng tối, nhưng đêm nay nó lấp lánh từ đầu chí cuối. Tay cầm bằng thủy tinh đỏ của nó hằn lên những vệt đỏ táo bạo trên giấy dán tường, chuyển những sọc xanh dương thanh nhã của nó thành sắc tím. Người qua đường đều dừng lại để lắng nghe những tiếng cười giòn giã bay qua lớp rèm cửa và khung cửa sổ rồi trượt ra phố, nhảy chân sáo trên đường với một cái giật mình khi nhận ra cả căn làng này đã thức dậy từ bao
giờ. Không khí trở nên náo nhiệt đến nỗi làm ông cụ giật mình tỉnh giấc, chiếc khăn tay đỏ trượt khỏi mặt ông. Làm sao một quý ông già cả lịch sự có thể ngủ được giữa những huyên náo đến thế chứ! Ngài van Gleck kinh ngạc nhìn lũ trẻ. Kể cả em bé cũng đang cho thấy dấu hiệu kích động. Cần phải can thiệp rồi. Vợ ngài gợi ý nếu lũ trẻ muốn gặp Thánh Nicholas tốt bụng, chúng nên hát lại lời mời thắm thiết mà năm trước đã mang ngài đến với gia đình họ.
Em bé chỉ biết nhìn chằm chằm và đút nắm tay vào miệng khi người cha đặt nó xuống sàn. Nhanh chóng, nó ngồi thẳng dậy và nhìn mọi người với vẻ phụng phịu đáng yêu. Với chiếc vòng tay, đồ thêu và vương miện làm từ ruy băng xanh và xương cá voi (vì nó còn chưa qua tuổi biết lẫy), trông nó như ông hoàng của những đứa trẻ vậy.
Những đứa trẻ khác, mỗi đứa bưng một chiếc giỏ xinh xắn kết bằng sợi liễu, nhanh chóng đứng thành vòng tròn và từ từ đi vòng quanh em bé, ngước mắt lên hướng tới vị thánh chưa có mặt mà chúng sắp đón tiếp.
Bà mẹ bắt đầu chơi đàn dương cầm. Những giọng hát nhanh chóng cất lên – những giọng ca thật nhẹ nhàng, trẻ trung – mang bao nhiêu ngọt ngào chất chứa trong giọng ca run rẩy:
“Chào mừng, bạn của cháu! Thánh Nicholas, chào mừng ngài! Xin đừng mang roi vọt đến với chúng cháu vào tối nay!
Khi mà chúng cháu cất lời chào đón ngài
Với trái tim hân hoan ngập tràn ánh sáng!
Hãy cho chúng cháu biết mình đã làm gì sai
Chúng cháu sẽ lắng nghe lời khiển trách của ngài
Rồi chúng cháu sẽ hát, sẽ hát
Khi ngài nói cho chúng cháu biết mọi điều!
Chào mừng, bạn của cháu! Thánh Nicholas, chào mừng ngài! Chào mừng ngài đến với dàn đồng ca vui vẻ này!
Những đứa trẻ hạnh phúc nơi đây chào đón ngài!
Ngài mang đến niềm vui cho toàn bộ miền đất này!
Lấp đầy mọi bàn tay và chiếc giỏ trống rỗng
Là những đứa trẻ của ngài đòi hỏi,
Thế nên chúng cháu hát, và cứ hát
Rồi ngài sẽ mang đến cho chúng cháu mọi điều!”
Giữa phần điệp khúc, những cái nhìn khác nhau, nửa háo hức, nửa sợ sệt, đều hướng về phía cánh cửa bóng loáng đang đóng im lìm. Rồi một tiếng gõ cửa lớn vang lên. Vòng tròn ngay lập tức bị phá vỡ. Một vài đứa nhỏ, với cảm xúc pha trộn giữa sợ hãi và vui sướng, bám chặt vào đầu gối của mẹ chúng. Người ông nhoài thân người về phía trước và đặt cằm vào lòng bàn tay; người bà chỉnh lại gọng kính; ngài van Gleck thì ngồi bên lò sưởi, chậm rãi đặt tẩu thuốc bằng đất sét trắng xuống trong khi Hilda và các em ngồi lại thật ngoan bên cạnh ông, sẵn sàng chào đón vị khách.
Tiếng gõ cửa vang lên lần nữa.
“Mời vào.” Bà chủ nhà nói.
Cánh cửa chậm rãi mở ra, Thánh Nicholas – trong bộ trang phục chỉnh tề – giờ đã đứng trước mặt họ.
Bầu không khí im lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng kim rơi. Rồi ngài bắt đầu cất tiếng. Giọng ngài mới thật quyền uy và huyền bí làm sao! Giọng ngài mới thật ấm áp và tử tế làm sao!
“Karel van Gleck, ta mừng khi được gặp anh, cùng người vợ đáng trọng của anh – Kathrine, cùng người con trai và vợ của cậu ấy – Annie! Các cháu, xin chào! Hendrick, Hilda, Broom, Katy, Huygens và Lucretia! Cùng anh em họ của các cháu là Wolfert, Diedrich, Mayken, Voost và Katrina! Nhìn chung các cháu vẫn là những đứa trẻ tốt từ lần cuối ta ghé thăm. Diedrich đã cư xử thô lỗ tại hội chợ Haarlem mùa thu vừa rồi, nhưng dù sao cháu cũng đã cố gắng sửa chữa từ lần ấy. Mayken gần đây chểnh mảng việc học hành, ăn quá nhiều đồ ngọt và quà vặt trong khi không đóng góp gì mấy cho quỹ từ thiện. Ta mong Diedrich sẽ trở thành một chàng trai mạnh mẽ, lịch sự trong tương lai, còn Mayken thì cố gắng cải thiện thành tích học tập đi nhé. Cháu nên nhớ rằng chi tiêu hợp lý và tiết kiệm là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một cuộc sống ấm no đủ đầy. Katy bé nhỏ đã đối xử tệ bạc với con mèo không dưới một lần. Thánh Nicholas có thể nghe tiếng con mèo cầu cứu khi cháu kéo đuôi nó đấy. Ta sẽ tha thứ cho cháu nếu cháu ghi nhớ kể từ giờ phút này rằng dù là con vật
nhỏ bé ngu ngốc nhất cũng có cảm giác và bằng mọi giá không được hành hạ chúng.”
Khi Katy bật khóc sợ hãi, vị thánh lịch sự chờ đợi cô bé bình tĩnh lại rồi mới nói tiếp.
“Cậu Broom.” Ngài nói. “Ta phải cảnh báo rằng những cậu bé hay rải thuốc lá bột lên trên lò sưởi chân sẽ sớm bị phát hiện và chịu phạt đòn đấy…”
Cậu Broom đỏ mặt và chỉ biết tròn mắt kinh ngạc.
“Nhưng vì cháu là một học sinh xuất sắc, ta sẽ không trách mắng gì thêm.
Hendrick đã chứng tỏ được bản thân trong cuộc thi bắn cung mùa xuân vừa rồi, cháu đã bắn trúng đích dù con chim đã lượn một vòng để đánh lạc hướng cháu. Ta công nhận sự xuất sắc trong thể thao và luyện tập của cháu, nhưng ta không thật sự ủng hộ việc đua thuyền, bởi nó khiến cháu chểnh mảng trong việc học tập.
Lucretia và Hilda sẽ có một buổi đêm ngon giấc hôm nay. Lòng tốt với những người nghèo, tâm hồn luôn cống hiến hết mình cùng thái độ vui vẻ nhiệt thành đối với những người trong gia đình sẽ mang hạnh phúc đến cho các cháu.
Ta đã bày tỏ suy nghĩ về từng đứa trẻ một. Lòng tốt, nhận thức, tính khoan dung và tiết kiệm đều đã xuất hiện trong quá trình các cháu trưởng thành. Vì thế, lời chúc của ta gửi đến các cháu là: Hy vọng sang năm mới, các cháu sẽ tìm được những con đường đi thuận lợi, sự khôn ngoan và tình yêu. Ngày mai các cháu sẽ chứng kiến những bằng chứng quan trọng hơn mà ta để lại. Tạm biệt!”
Vừa nói dứt lời, một cơn mưa kẹo bi rơi xuống và vương đầy tấm thảm lanh trải từ trong nhà ra tận ngoài cửa. Một trận tranh giành nổ ra. Những đứa trẻ gần như ngã lên nhau trong niềm háo hức hứng đầy chiếc giỏ của mình. Bà chủ cẩn thận đặt em bé vào giữa, cho đến khi hai tay đứa bé đầy kẹo. Rồi, đứa trẻ can đảm nhất nhổm dậy và bật tung những cánh cửa đang đóng chặt. Chúng cố gắng ngó vào căn hộ bí mật ấy. Nhưng Thánh Nicholas đã biên mất không dấu vết.
Chẳng mấy chốc lũ trẻ lại ùa vào một căn phòng khác, trong đó có bày một chiếc bàn, được phủ bởi một tấm vải lụa đa mát đẹp nhất và trắng
nhất. Mỗi đứa trẻ đều phấn khích đặt lên trên đó một chiếc giày. Cánh cửa sau đó liền được khóa lại cẩn thận, chìa khóa giấu trong phòng của mẹ. Rồi đến những nụ hôn chúc ngủ ngon, cả đại gia đình đi lên tầng trên, những tiếng chúc ngủ ngon rộn ràng vang lên nơi cửa phòng ngủ, rồi cuối cùng sự im lặng cũng bao trùm lên cả căn biệt thự nhà van Gleck.
Sáng sớm hôm sau, cánh cửa được thận trọng mở khóa và hé ra trước mắt tất cả mọi người trong căn nhà, mong chờ một dấu hiệu cho thấy Thánh Nicholas đã giữ lời hứa.
Mọi chiếc giày đều đầy ắp kẹo, bên cạnh mỗi chiếc còn có thêm một chồng bánh kẹo đầy màu sắc. Chiếc bàn chất đầy quà, kẹo, đồ chơi, đá quý, sách và các loại đồ vật khác. Ai cũng có quà cả, từ người ông cho đến em bé.
Katy nhỏ bé vỗ tay đầy hân hoan và thầm hứa rằng cô bé sẽ không bao giờ trêu chọc con mèo kia nữa.
Hendrick lượn khắp phòng, giơ bộ cung tên hoành tráng cùng mũi tên lên trên đầu mình. Hilda bật cười hạnh phúc khi cô mở hộp quà màu đỏ thẫm và lấy ra một món đồ lấp lánh. Mọi người đều đang phấn khởi trầm trồ với những món quà của mình, y như mọi người dân Mỹ làm trong ngày Giáng sinh.
Cầm trên tay chiếc vòng cổ lấp lánh và một chồng sách, Hilda tiến về phía cha mẹ và nâng khuôn mặt tươi rói của mình lên chờ đợi một nụ hôn. Đôi mắt cô dịu dàng và nồng nhiệt đến nỗi khiến mẹ cô thì thầm một lời thành kính khi bà cúi xuống bên cô.
“Con rất vui vì cuốn sách này. Cảm ơn cha.” Cô bé nói và chạm cằm vào cuốn sách trên cùng. “Con có thể đọc nó cả ngày.”
“Được mà, con yêu.” Ông đáp. “Cũng không có việc gì tốt hơn thế. Chẳng ai được như Cha Cats đâu. Nếu con gái cha đã thuộc làu làu cuốn Biểu tượng đạo đức, thì mẹ và cha còn biết góp ý gì nữa đây. Thứ con đang cầm trên tay nằm trong bộ Biểu tượng – tác phẩm tuyệt vời nhất của ông ấy. Con sẽ thấy rất nhiều bản vẽ hiếm thấy của van de Venne trong cuốn sách đó.”
Xem xét bìa sau của cuốn sách, người cha nhận ra nét giống nhau đáng ngạc nhiên của cuốn sách đó với một cuốn còn chưa đọc, một món quà được gửi bởi Thánh Nicholas. Cũng thật lạ, vị thánh hẳn đã trông thấy mấy
thứ mà lũ trẻ lớn hơn để lại và đặt chúng lên trên bàn, và gắn tên của ông bà và cha mẹ bọn trẻ lên đó. Nhưng giờ đây, mọi người đang quá phấn khởi nên cũng không mấy ai chú tâm vào vấn đề cỏn con như thế. Hilda có thể thấy vẻ say mê trên mặt cha mình mỗi khi ông nhắc đến Jakob Cats, thế nên cô bé vội đặt chồng sách xuống sàn và chăm chú lắng nghe.
“Con ạ, Cha Cats già là một nhà thơ tuyệt vời, không giống như nhà viết kịch người Anh Shakespeare cùng thời với ông ấy. Ta đã đọc các tác phẩm của Shakespeare bằng tiếng Đức và phải công nhận chúng rất hay – rất, rất hay – nhưng không như của Cha Cats. Cats chẳng bao giờ thấy xích mích xung quanh mình, ông ấy không viết về những người phụ nữ da trắng yêu đương với người Moor da màu; ông ấy không viết về những tên ngốc trẻ tuổi nguyện so găng vì một quý cô, cũng không viết về những chàng hoàng tử điên cuồng nhận nhầm các quý ông già cả đáng kính là những kẻ xấu xa. Không, không. Thứ duy nhất ông ấy viết nên là trí tuệ. Nó là sự khôn ngoan được gói ghém thành từng bó nhỏ, từng bó một sử dụng cho mỗi ngày. Con có thể điều hành cả một đất nước chỉ với một bài thơ của Cats, hay dùng nó để ru em bé ngủ say. Ông ấy là một trong những người vĩ đại nhất đất Hà Lan này. Khi cha đưa con tới La Hay, cha sẽ chỉ con nhà thờ Kloosterkerk nơi ông ấy yên nghỉ. Đó là một người đàn ông đáng để các con học hỏi, các con trai của ta ạ! Ông ấy hoàn hảo từ đầu đến chân. Ông ấy đã nói gì nhỉ?
Ơn Chúa, hãy ban cho tôi
Vinh hạnh được sống kiên nhẫn, được chết an lòng!
Kiên nhẫn có phải là khoanh tay đứng nhìn không? Không, ông ấy là một luật sư, một chính khách, một đại sứ, một nhà hiền triết, một sử gia và một nhà thơ. Ông ấy từng giữ chức vụ Đại Pháp quan ở nước Hà Lan này. Ông ấy là… Chà! Các con ồn ào quá, ta không nói được nữa.” Ông chủ nhà nhìn chiếc tẩu thuốc rỗng trơn của mình với vẻ kinh ngạc, rồi gật đầu với vợ và nhanh chóng bước ra ngoài đường.
Sự thật là ông đã phải cạnh tranh với một dàn hòa âm của chó sủa, mèo rít, cừu kêu, thêm cả tiếng ồn ào của chiếc lồng dế bằng ngà mà em bé đang lắc lấy lắc để đầy vui thích. Cuối cùng, cậu Huygens nhỏ bé, nhân lúc ông chủ càng lúc càng nói to, liền thổi phù một phát vào chiếc kèn trumpet mới toanh, trong khi Wolfert hấp tấp thử ngay chiếc trống mới. Những hành động này càng làm cho bầu không khí trở nên ầm ĩ, nhưng điều này
cũng tốt cho mấy sinh vật nhỏ bé. Vị thánh không cho chúng cái vé nào để nghe Jakob Cats giảng đạo cả. Đây không phải là một phần có sẵn trong kế hoạch của ngày lễ. Vì thế nên khi lũ trẻ thấy người mẹ trông không có vẻ gì là hoảng sợ hay phật lòng, chúng lại càng táo bạo hơn. Tiếng ồn càng lúc càng lớn, niềm vui và sự phấn khởi được đẩy lên đến đỉnh điểm.
Hỡi Thánh Nicholas tốt bụng! Vì những cậu bé cô bé Hà Lan đây, tôi, một lần này, nguyện ý thừa nhận ngài và khẳng định sự hiện diện của ngài trước mọi sự ngờ vực.
Carl Schummel khá là bận rộn trong ngày hôm đó để bí mật khẳng định với những đứa em nhỏ hơn, rằng không phải Thánh Nicholas mà chính là cha mẹ chúng mới là chủ nhân thực sự của những lời khuyên răn và những món quà đầy ắp trên bàn. Nhưng CHÚNG TA biết rõ hơn thế mà.
Nhưng nếu đây thực sự là một vị thánh, vì sao ngài không hề ghé qua căn lều nhà Brinker đêm hôm đó? Tại sao ngôi nhà tăm tối và u buồn ấy lại bị bỏ qua?
X
Điều các cậu bé đã thấy và làm ở Amsterdam “M
ọi người đến đây cả chưa?” Peter vui vẻ hỏi to khi cả nhóm tập hợp lại trên con kênh vào sáng sớm hôm sau, đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến trượt băng. “Để xem nào. Vì Jacob đề cử mình làm đội trưởng, nên bây giờ mình sẽ điểm danh nhé. Carl Schummel, có không?”
“Có!”
“Jacob Poot!”
“Có!”
“Benjamin Dobbs!”
“Có!”
“Lambert van Mounen!”
“Có!”
“May quá! Chúng ta sẽ không thể bắt đầu mà thiếu cậu được, vì cậu là người duy nhất có thể nói tiếng Anh ở đây. Ludwig van Holp!” “Có!”
“Voostenwalbert Schimmelpenninck!”
Không có tiếng trả lời.
“Á à, thằng oắt con bị giữ lại ở nhà rồi! Giờ thì, các cậu này, mới có tám giờ sáng – mà tiết trời mới đẹp làm sao, con kênh lại còn cứng như đá tảng nữa. Chúng ta sẽ tới được Amsterdam chỉ trong vòng ba mươi phút thôi. Một, hai, ba, BẮT ĐẦU!”
Đúng thế, chỉ trong chưa đến nửa giờ đồng hồ, bọn trẻ đã trượt qua một bờ đê kiên cố vào trung tâm của nơi tấp nập nhất Hà Lan – một thành phố được bao quanh bởi chín mươi lăm hòn đảo cùng gần hai mươi cây cầu. Mặc dù đây đã là lần thứ hai Ben tới đây, cậu vẫn thấy vô cùng kinh ngạc; tuy nhiên, những người bạn Hà Lan của cậu, vốn đã sống ở khu vực gần đó, đều cho rằng ở đây cũng bình thường thôi. Mọi thứ đều khiến Ben
thích thú: những ngôi nhà cao cao với những chiếc ống khói và cuối hồi hướng ra mặt phố, những phòng chứa đồ gốm của các thương gia nằm ở tít trên cao chỉ ngay bên dưới mái nhà, với những chiếc cần cẩu dài như cánh tay nâng lên hạ xuống thùng hàng qua cửa sổ; những tòa nhà cao lớn chọc thẳng lên trời trên những trụ gỗ bị lún xuống vùng đất trũng; những con phố hẹp; những con kênh đan xen ngang dọc thành phố; những cây cầu, cửa sông; những bộ trang phục đa dạng; và kì cục nhất là những cửa hàng và ngôi nhà nghiêng mình về phía cổng nhà thờ, chĩa những ống khói dài và không cân đối của mình lên phía trên dọc theo bức tường của tòa nhà tôn kính.
Khi ngước lên, cậu thấy những căn nhà cao vút san sát như sẵn sàng đâm thủng bầu trời bằng mái nhà sáng loáng. Khi ngó xuống, cậu thấy những con phố kì lạ, không có vạch kẻ đường hoặc lề đường – chẳng có gì để phân cách vỉa hè đá cuội với đường đi lát gạch – và nếu dừng mắt ở giữa phố, cậu lại thấy những chiếc gương nhỏ cầu kì được đính trên hầu hết mọi cửa sổ, đặt ở vị trí để làm sao người trong nhà có thể quan sát được mọi thứ đang diễn ra dưới phố hoặc ai đó đang gõ cửa nhà mình mà không phải ra mặt.
Thỉnh thoảng, một chiếc xe chó kéo chở đầy đồ gỗ đi ngang qua, rồi một con lừa cõng hai chiếc sọt đựng đầy đồ sứ hoặc thủy tinh, rồi một chiếc xe trượt kéo lê trên những hòn đá cuội (người kéo xe phải liên tục làm trơn bằng một miếng giẻ tẩm dầu để chiếc xe chạy được), và rồi, có thể sẽ có một chiếc xe ngựa gia đình hào nhoáng mà cồng kềnh, được kéo bởi giống ngựa Flanders có bộ lông nâu nhất, phe phẩy chiếc đuôi trắng như tuyết của nó.
Cả thành phố tràn ngập hương vị ngày lễ. Mọi cửa hàng đều trang hoàng lộng lẫy để chào mừng ngày của Thánh Nicholas. Đã hơn một lần đội trưởng Peter buộc phải kéo các thành viên ra khỏi chỗ cửa kính mê hoặc của các cửa hàng, nơi mà gần như mọi thứ đều được tái hiện qua cách sắp đặt của những món đồ chơi. Hà Lan nổi tiếng với ngành sản xuất này. Mọi thứ đều được tái hiện với mô hình tí hon cho trẻ nhỏ; những món đồ chơi phức tạp mà một đứa trẻ Hà Lan nghịch ngợm đầy vô tư lại là mối quan tâm hàng đầu ở văn phòng chính phủ. Ben sảng khoái bật cười khi nhìn những mô hình thuyền đánh cá. Chúng trông thật nặng nề và ngắn tủn, cũng như thứ đồ mỹ nghệ kì cục mà cậu đã thấy ở Rotterdam. Nhưng cái
thuyền nhỏ xíu, chỉ dài có vài chục centimet mà trông như thật ấy làm tim cậu đau nhói. Cậu đã luôn mong mỏi mua được một cái như thế cho đứa em trai đang ở Anh. Nhưng cậu lại chẳng có tiền, bởi với đức tính cẩn trọng vốn có của người Hà Lan, cả nhóm đã quyết định mỗi người mang theo số tiền vừa đủ rồi đưa ví cho Peter giữ. Chính vì thế mà Ben đành để dành hết năng lượng vào việc ngắm cảnh và cố gắng nghĩ về Robby nhỏ bé ít nhất có thể.
Cậu ghé nhanh qua trường Hải quân và cảm thấy ghen tị với các học sinh ở đây về những con thuyền hai buồm được trang bị đầy đủ, chiếc giường ngủ treo giữa những rương hòm và tủ đựng đồ; cậu ngó nghiêng khu phố của người Do Thái, nơi mà những người cắt kim cương giàu có sống cùng những kẻ áo quần rách rưới, và cậu đủ khôn ngoan để tránh xa khỏi nơi đó; cậu cũng tận hưởng chuyến thăm quan nhanh tới bốn đại lộ chính của Amsterdam là Prinsengracht, Keizersgracht, Herengracht và Singel. Chúng cong cong hình bán nguyệt, ba đại lộ đầu dài hơn đại lộ còn lại tầm hai dặm. Một con kênh chạy qua trung tâm mỗi đại lộ, với con đường được lát khéo léo ở hai bên, bao quanh bởi các tòa nhà yên tĩnh. Những hàng cây du trơ trụi bao bọc lấy con kênh, tạo nên một mạng lưới bóng râm trên mặt nước đóng băng, mọi thứ đều rõ ràng và tươi sáng đến nỗi Ben tâm sự với Lambert rằng nó trông tinh xảo đến đáng sợ đối với cậu.
May mắn thay, thời tiết đủ lạnh để người ta ùa ra dọn dẹp đường sá và lau rửa cửa sổ, nếu không những vị khách trẻ tuổi của chúng ta hẳn đã bị ướt sũng hơn một lần. Quét dọn, lau chùi và kì cọ là những niềm đam mê của các bà nội trợ Hà Lan, đối với họ, một vết bẩn trong nhà mình thôi cũng là cả một tội lỗi. Mọi người đều thấy mất thiện cảm với những ai không phủi giày thật sạch trước khi bước vào nhà; ở một vài nơi, khách đến thăm còn phải bỏ giày ra trước khi bước qua cửa.
Ngài William Temple, trong cuốn hồi kí Những gì đã qua tại Christendom từ năm 1672 đến năm 1679 đã kể câu chuyện về một vị quan khách khoa trương đến thăm một quý cô ở Amsterdam. Có một cô gái Hà Lan to khỏe ra mở cửa, báo ông rằng quý cô hiện đang có nhà, còn giày của ông thì không được sạch cho lắm. Chẳng nói thêm lời nào, cô đưa hai tay nâng bổng quý ông đang sửng sốt hết đỗi kia lên lưng, vác ông ta băng qua hai căn phòng, đặt ông ta xuống thềm cầu thang, rồi lấy một đôi dép đi vào
cho ông ta. Chỉ sau đó, cô mới nói tiếp rằng quý cô đang ở lầu trên và ông có thể lên được rồi.
Trong khi đang trượt băng cùng các bạn trên những con kênh đông đúc người qua lại ở thành phố, Ben thấy thật khó có thể tin rằng những người Hà Lan trông có vẻ như ngái ngủ xung quanh mình, với cái miệng ngậm tẩu thuốc thật nhàn nhã và cái mũ như thể sẽ bị bay đi bất cứ lúc nào nếu họ không giữ chúng lại, có thể vượt qua những cuộc bạo động trong lịch sử nước họ, rằng họ thật sự là công dân của một đất nước với những vị anh hùng dũng cảm, can trường mà cậu đọc được trong sử thi Hà Lan.
Khi cả nhóm nhẹ nhàng lướt đi, cậu kể cho van Mounen về cuộc nổi dậy năm 1696 trong chính thành phố này, khi mà không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ và trẻ nhỏ đều ra đường và làm giả một buổi tang lễ dọc các thị trấn, để cho những ngài thị trưởng thấy rằng điều luật mới về việc chôn cất người chết đang bị phản đối kịch liệt – rốt cuộc thì đám đông trở nên mất kiểm soát và đe dọa gây thiệt hại lớn cho thành phố đến mức các thị trưởng tự thấy mừng vì đã thu hồi lại điều luật kia.
“Góc kia kìa.” Jacob nói và chỉ vào một tòa nhà lớn. “Nơi đó khoảng mười lăm năm trước, những nhà máy ngô hoành tráng đã sụp xuống dưới lớp bùn. Chúng từng rất vững chắc và được xây dựng trên những cây trụ gỗ tốt, nhưng người ta chứa đến hơn ba triệu kilôgam ngô trong đó, và số lượng đó là quá lớn.”
Để kể ra cả câu chuyện thì có khi đến hết ngày, nên Jacob chỉ dừng tại đó.
“Làm sao cậu biết được từng có hơn ba triệu kilôgam ngô trong nơi đó vậy?” Carl đành hanh. “Lúc ấy cậu còn đang quấn tã cơ mà.” “Nhưng cha mình biết hết.” Jacob trả lời đầy hàm ý. Cố gắng giữ tỉnh táo khỏi cơn buồn ngủ, cậu nói tiếp: “Ben thích xem ảnh lắm. Cho anh ấy xem thêm đi.”
“Được thôi.” Đội trưởng đáp.
“Nếu còn thời gian, Benjamin ạ.” Lambert van Mounen nói bằng tiếng Anh. “Mình sẽ đưa cậu tới Hội trường Thành phố, còn có tên là Stadhuis. Có hàng đống cột trụ cho cậu tha hồ xem! Nó được xây trên gần mười bốn nghìn cái trụ, cắm sâu hơn hai mươi mốt mét xuống lòng đất. Nhưng thứ
mình muốn chỉ cho cậu thấy ở đó là bức tranh to vẽ cảnh van Speyk làm nổ tung chiếc tàu của ông ấy – đúng là một bức tranh tuyệt vời.” “Van gì cơ?” Ben hỏi.
“Van Speyk. Cậu không nhớ hả? Ông ấy sắp đạt được thỏa thuận với quân Bỉ thì nhận ra họ đã lợi dụng mình và sẽ cướp mất tàu của mình, thế nên ông ấy cho nổ tung con tàu và cả ông ấy nữa, thà làm thế còn hơn là đầu hàng.”
“Đó không phải van Tromp sao?”
“Ồ không. Van Tromp là một vị tướng quả cảm khác. Họ dựng hẳn một đài tưởng niệm ông ấy ở dưới Delfshaven – nơi mà người Pilgrim chiếm tàu cho nước Mỹ ấy.”
“Chà, thế còn van Tromp thì sao? Ông ấy cũng là một tướng vĩ đại của Hà Lan, đúng không?”
“Đúng thế, ông ấy tham gia đến hơn ba mươi trận thủy chiến. Ông ấy đánh bại đội tàu chiến của Tây Ban Nha và Anh quốc, rồi buộc một cái chổi lên cột cờ để chứng minh ông ấy đã quét hết quân Anh ra khỏi vùng biển nước mình. Đừng có dại động vào người Hà Lan, anh bạn ạ!”
“Khoan đã!” Ben kêu lên. “Chổi hay không chổi thì người Anh cuối cùng cũng đánh thắng ông ấy mà. Giờ mình nhớ hết rồi. Ông ấy bị giết đâu đó ở ngoài bờ biển Hà Lan trong một trận giao chiến mà quân đội Anh đã chiến thắng giòn giã. Thật là tiếc quá.” Cậu nói thêm với vẻ cay cú. “Phải chứ?”
“E hèm! Chúng ta đang ở đâu rồi nhỉ?” Lambert hô lên để đổi chủ đề. “Xin chàoooo! Mọi người vượt xa chúng ta rồi đấy – tất cả ngoại trừ Jacob. Ôi! Cậu ấy mới to béo làm sao! Cậu ấy sẽ ngã gục trước khi chúng ta kịp đi được nửa đường mất.”
Tất nhiên là Ben thích trượt băng bên cạnh Lambert, cậu này dù là một người Hà Lan trung kiên nhưng từng được đi học ở gần London và có thể nói tiếng Anh trôi chảy như nói tiếng mẹ đẻ, nhưng cậu không hề thấy tiếc nuối khi đội trưởng van Holp hô lên: “Tháo lưỡi trượt thôi! Viện bảo tàng đây rồi!”
Ngày hôm đó, bảo tàng mở cửa và không tính phí vào cửa. Trên đường bước vào, lũ trẻ thi nhau chà đế giày trên sàn bất cứ khi nào có cơ hội, chỉ bởi chúng thích thú được nghe tiếng giày kêu trên lớp gạch sàn bóng loáng.
Viện bảo tàng này thực chất là một triển lãm tranh trưng bày những tác phẩm đẹp nhất của các bậc thầy Hà Lan, bên cạnh gần hai trăm cặp giấy lưu giữ những bức khắc họa hiếm.
Ben ngay lập tức để ý thấy một vài bức tranh được treo trên những tấm ván đóng chặt vào tường bằng bản lề. Chúng có thể mở ra đóng vào như cánh cửa sổ, từ đó mà bức tranh có thể được chiêm ngưỡng dưới luồng ánh sáng tốt nhất. Nhờ vậy các cậu bé đã chiêm ngưỡng bức tranh mà Gerard Douw vẽ một nhóm nhỏ, bức tranh có tên là Lớp buổi tối, và quan sát được nét chấm phá tuyệt đẹp cùng cái cách mà bức tranh như có vẻ phát sáng khi ánh nắng từ ngoài cửa sổ chiếu vào. Peter chỉ ra vẻ đẹp của một bức tranh khác của Douw mang tên Nhà tu khổ hạnh, cậu còn kể cho những cậu bé còn lại vài giai thoại thú vị về người họa sĩ sinh ra ở Leyden năm 1613.
“Dành suốt ba ngày chỉ để vẽ một cái cán chổi!” Carl kinh ngạc kêu lên, trong khi vị đội trưởng vẫn đang đóng giả theo những nét vẽ vô cùng chậm chạp của Douw.
“Đúng thế đấy, các cậu, là ba ngày trời. Người ta còn bảo nhau là ông ấy dành đến năm ngày chỉ để hoàn tất bàn tay của một quý bà trong bức chân dung. Các cậu có thể thấy mọi thứ mới thật sáng sủa và chỉn chu làm sao trong bức tranh này. Những tác phẩm còn bỏ dở của ông ấy được cất giữ cẩn thận, cả dụng cụ vẽ cũng được bỏ trong hộp kín mít một khi ông ấy đã dùng xong trong ngày hôm đó. Mọi người còn nói, phòng vẽ của ông ấy chẳng khác gì một cái thùng lớn. Ông ấy luôn rón rén đi vào phòng và ngồi im re, cho đến khi những hạt bụi nhỏ nhất bay lên do ông ấy đi vào đã yên lặng nằm lại xuống thì ông ấy mới bắt đầu làm việc. Mình còn đọc được ở đâu đó là tác phẩm của ông ấy được hoàn thiện qua kính lúp nữa kia. Ông ấy cố hoàn thành các tiểu tiết nhỏ nhặt nhất đến mức buộc phải đeo kính khi chưa tròn ba mươi tuổi. Đến năm bốn mươi thì ông ấy chẳng nhìn nổi nữa, cũng chẳng còn cái kính nào có thể giúp ông ấy được. Cuối cùng, một bà cụ già người Đức đã thử cho ông ấy đeo cái kính của bà ấy, nhìn chuẩn như được đo luôn. Điều đó đã giúp ông ấy tiếp tục vẽ cho đến cuối đời.”
“Hừm!” Ludwig khó chịu nói. “Thế thì kì quá! Vậy bà ấy làm thế nào khi thiếu cặp kính?”
“Ồ!” Peter vừa cười vừa đáp. “Chắc bà ấy còn một cặp kính khác. Dù sao đi nữa thì bà ấy cũng khăng khăng muốn ông ấy nhận lấy cặp kính. Ông ấy cảm kích đến nỗi đã vẽ bức tranh cặp kính tặng cho bà ấy, và rồi
bà ấy bán lại bức tranh đó cho thị trưởng để nhận tiền trợ cấp hàng năm giúp cho bà ấy sống thoải mái đến cuối đời.”
“Các cậu!” Lambert nhỏ giọng thì thào. “Lại đây nhìn bức tranh Săn Gấu này.”
Đó là một bức tranh đẹp của Paul Potter, một họa sĩ người Hà Lan ở thế kỷ mười bảy, người đã có nhiều kiệt tác trước khi tròn mười sáu tuổi. Các cậu bé trầm trồ chiêm ngưỡng bức tranh bởi chủ đề của nó làm các cậu thích thú. Chúng hờ hững lướt qua những kiệt tác của Rembrandt và van der Helst, rồi nhao lên hứng thú trước bức tranh xấu xí của van der Vanne về một trận thủy chiến giữa quân đội Hà Lan và quân đội Anh. Chúng cũng đứng mê mẩn trước một bức tranh vẽ hai đứa trẻ lang bạt, một đứa đang nếm xúp còn một đứa thì ăn trứng. Điểm đáng chú ý của tác phẩm là ở chỗ thằng bé ăn trứng đã pha trò bằng cách làm lấm lem cả khuôn mặt nó bằng lòng đỏ trứng.
Tiếp đó, bản tái hiện tuyệt hảo Bữa ăn của Thánh Nicholas có vinh dự hấp dẫn được lũ trẻ.
“Này, van Mounen, nhìn kìa!” Ben nói với Lambert.
“Liệu có gì hay hơn biểu cảm của cậu bé này? Cậu bé đó trông như thể BIẾT mình đáng bị ăn đòn, nhưng lại hi vọng rằng Thánh Nicholas sẽ không phát hiện ra. Đó là kiểu tranh mà mình thích đấy; những bức tranh có thể nói lên cả câu chuyện.”
“Đi thôi, các cậu!” Đội trưởng hô lên. “Mười giờ rồi, đến giờ về rồi đây!”
Thế là lũ trẻ lại nhanh chóng ùa ra con kênh.
“Đeo lưỡi trượt vào đi! sẵn sàng chưa? Một, hai… Khoan! Poot đâu rồi?”
Ừ nhỉ, Poot đang ở đâu?
Một hố băng miệng vuông vừa được cắt trên bề mặt băng cách đó tầm hơn chín mét. Peter thấy nó và vội vàng trượt tới mà không nói một lời. Lũ trẻ ngay lập tức theo sau.
Peter ngó xuống dưới. Tất cả đều ngó xuống dưới, rồi chúng nhìn nhau đầy lo lắng.
“Poot ơi!” Peter gào lên, tiếp tục nhìn xuống cái hố. Đáp lại cậu là sự im lặng. Dòng nước tối đen chẳng chút gợn sóng, trên bề mặt đã vội đóng một lớp băng mỏng.
Van Mounen lén quay sang Ben. “Không phải cậu ấy từng bị ngất xỉu một lần rồi sao?”
“Trời đất ơi! Phải rồi!” Ben hoảng hốt đáp.
Các cậu bé còn lại nhanh chóng hiểu vấn đề. Trong nháy mắt, các lưỡi trượt tuyết đều biến mất. Peter vẫn còn đủ bình tĩnh để múc một mũ đầy nước từ cái hố, rồi vội vàng nhập hội các bạn đi giải cứu.
Thánh thần ơi! Cuối cùng chúng cũng tìm được Jacob đang thiêm thiếp, nhưng lại là thiêm thiếp ngủ. Cậu nằm trong một hốc của phòng tranh, ngáy như sấm rền. Nhìn thấy thế, bọn trẻ cười phá lên, tiếng ồn khiến người phụ trách giận dữ đi đến.
“Gì nữa đây! Ồn ào quá thể! Này, thằng nhóc bụng cóc kia, dậy mau!” Rồi cậu Jacob bị lay một cách thô bạo.
Khi Peter thấy Jacob không hề hấn gì, cậu nhanh chóng trượt lại ra phố để đổ nước khỏi cái mũ đáng thương của mình. Trong lúc cậu lót chiếc khăn tay vào trong để tránh cái lạnh thấu xương chạm vào da đầu mình, lũ trẻ cũng đã ra đến nơi, kéo theo một Jacob ngơ ngác và cáu kỉnh.
Lệnh xuất phát được hô vang lần nữa. Cậu Poot cuối cùng cũng tỉnh ngủ. Lớp băng có chút gồ ghề và đôi chỗ bị vỡ, nhưng cậu bé nào cũng vô cùng hào hứng.
“Chúng ta nên đi trên kênh hay trên sông?” Peter hỏi.
“Ồ, trên sông đi.” Carl nói. “Sẽ vui đáo để cho xem; người ta nói trượt xuôi hết con sông thì đúng là hoàn hảo, nhưng sẽ xa lắm đấy.” Jacob Poot ngay lập tức trở nên hứng thú.
“Mình bỏ phiếu nên đi trên kênh!” Cậu kêu lên.
“Chà, vậy thì đi trên kênh.” Đội trưởng chốt lại.
“Nếu tất cả đồng ý.”
“Đồng ý!” Lũ trẻ đồng thanh bằng giọng khá thất vọng, rồi đội trưởng Peter dẫn đường.
“Được rồi, đi thôi. Chúng ta có thể tới Haarlem trong vòng một giờ nữa!”
XI
Hội chứng lớn và những điều kì quặc nhỏ T
rong khi đang trượt hết tốc độ, bọn trẻ nghe thấy tiếng những chiếc xe hơi từ Amsterdam tiến lại thật gần đằng sau mình.
“Này!” Ludwig kêu lên và nhìn về phía đường ray. “Ai mà chẳng đánh bại được động cơ chứ? Đua thôi!”
Tiếng còi xe vang lên như hưởng ứng ý tưởng này – lũ trẻ cũng vậy – và thế là cả bọn bắt đầu cuộc đua.
Chỉ một chốc, bọn trẻ vượt lên trước và hò reo phấn khích – dù chỉ vượt được có một chốc ngắn ngủi thôi, nhưng thế cũng là cả một thành tích rồi.
Khi sự hứng khởi qua đi, chúng bắt đầu trượt một cách chậm rãi hơn và bắt đầu trò chuyện, chơi đùa với nhau. Thỉnh thoảng, chúng dừng lại để trao đổi vài lời với những người canh gác túc trực từng đoạn dọc bờ kênh. Vào mùa đông, họ có nhiệm vụ loại bỏ những chướng ngại vật và rác thải trên mặt kênh. Sau một trận mưa tuyết, họ sẽ quét dọn bề mặt mềm xốp đi ngay trước khi chúng kịp cứng lại như cẩm thạch, tuy đẹp nhưng vô cùng nguy hiểm đối với người trượt. Đôi lúc, bọn trẻ lại bỏ quên lòng kiêu hãnh mà bò vào giữa những chiếc thuyền bị kẹt trong nước đá túm tụm lại ở một bên cảng rộng lớn ngoài con kênh, nhưng những người canh gác chẳng mấy chốc đã phát hiện ra chúng và hét lên ra lệnh cho chúng ra ngoài.
Không gì có thể thẳng hơn con kênh mà bọn trẻ đang đi, cũng chẳng gì có thể thẳng hơn hàng dài những cây liễu dọc bờ kênh, trơ trụi và xơ xác. Ở phía bên kia, cao hơn tất thảy chốn xung quanh, là con đường trên bờ đê xây quanh hồ Haarlem để ngăn triều cường lên. Kéo dài xa thật xa đến khi khuất tầm mắt là con kênh phẳng lặng như mặt gương với thật nhiều người trượt, những con thuyền chạy trên băng với cánh buồm màu nâu, những chiếc ghế đẩy em bé, và những chiếc xe trượt tuyết nho nhỏ kì quặc, nhẹ
như nút bần, lướt qua lớp băng cùng người đánh xe cầm chiếc gậy có ngạnh bằng sắt điều khiển. Ben mê mẩn trước tất cả cảnh tượng này. Ludwig van Holp cho rằng thật kì lạ làm sao khi cậu bé người Anh này biết nhiều đến thế về Hà Lan. Theo như lời của Lambert thì cậu này còn hiểu biết nhiều hơn cả người Hà Lan ấy chứ. Điều này khiến chàng trai trẻ người Hà Lan khá phật lòng. Đột nhiên một ý tưởng lóe lên và cậu nghĩ nó có thể khiến “Shon Pull” sáng mắt ra; cậu trượt lại gần Lambert rồi nói đầy đắc thắng: “Kể cho cậu ấy nghe về hoa tulip đi!”
Ben nghe được ra từ tulpen.
“Ồ, phải rồi!” Cậu hào hứng nói bằng tiếng Anh. “Hội chứng hoa tulip – cậu đang nói về cái đó đúng không? Mình thường nghe mọi người nhắc về nó, nhưng lại không biết chi tiết gì cả. Nó đã bùng nổ ở Hà Lan, phải chứ?”
Ludwig rên lên; thật là khó để hiểu được Ben vừa nói gì, nhưng không thể không hiểu nét mặt rạng ngời của cậu ấy. Lambert không hề nhận ra sự buồn phiền của cậu bạn mình và vui vẻ đáp lời: “Đúng vậy, chủ yếu là ở đây và ở Haarlem; nhưng sự phấn khích thì lan tỏa khắp Hà Lan, và có khi còn ở Anh quốc nữa.”
“Mình không nghĩ nó lan tới tận Anh đâu.” Ben nói. “Nhưng mình cũng không chắc lắm, vì lúc ấy mình còn chưa ra đời.”
“Ha! ha! Hẳn rồi, trừ khi cậu đã trên hai trăm tuổi. Để mình kể cho mà nghe, bởi chưa từng có một sự kiện nào như thế đâu. Vì sao ư, mọi người phát cuồng vì củ tulip đến mức họ trả số vàng bằng trọng lượng của chúng.”
“Cái gì, trọng lượng của một người sao!” Ben hô lên, bày tỏ sự kinh ngạc trong đôi mắt khiến Ludwig giật nảy người.
“Không, không, trọng lượng của củ tulip kia. Củ đầu tiên được gửi đến từ Constantinople vào khoảng năm 1560. Mọi người trân quý nó đến mức những người giàu có ở Amsterdam yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ gửi thêm. Từ đây, củ tulip dần phát triển thành cả một hội chứng kéo dài trong nhiều năm. Rễ của một cây bán với giá từ một đến bốn nghìn florin, còn củ giống Semper Augustus thì bán với giá năm nghìn năm trăm florin.”
“Thế là hơn bốn trăm đồng vàng quy ra tiền của chúng ta.” Ben chen vào.
“Đúng thế và chắc chắn là mình đúng, bởi mình vừa đọc nó trong một bản dịch từ Beckman hôm kia xong. Vụ đó từng lớn lắm nhé. Tất cả mọi người đều đầu cơ vào bông tulip, từ người coi sà lan đến những phụ nữ nghèo và người nạo ống khói. Những thương gia giàu có nhất chẳng hề ngần ngại mà nhảy vào cuộc vui. Người ta mua củ tulip và bán lại với lợi nhuận ngất trời. Nó dần trở thành một dạng bài bạc. Một số người vụt giàu có chỉ sau vài ngày, cũng có một số người thì mất trắng tất cả. Đất đai, nhà cửa, gia súc, thậm chí cả quần áo đều dồn hết vào củ tulip khi người ta đã hết sạch tiền. Các tiểu thư thì bán trang sức và đá quý để có thể gia nhập cuộc vui. Người ta chẳng nghĩ đến gì khác. Cuối cùng thì Quốc hội phải can thiệp. Mọi người bấy giờ mới nhận ra mình đã ngu ngốc thế nào và giảm giá tulip. Những khoản nợ xấu từ tulip cũ không thể trả. Những người cho vay tìm đến nhờ pháp luật can thiệp, nhưng pháp luật quay lưng lại với họ, nói rằng nợ đến từ bài bạc không bị ràng buộc. Có một thời như thế đấy! Hàng ngàn nhà nghiên cứu giàu có trở thành ăn mày chỉ trong một giờ đồng hồ. Như cụ Beckman từng nói: ‘Bong bóng cuối cùng cũng vỡ thôi.’”
“Đúng thế, bong bóng đó lại còn to nữa chứ.” Ben nói sau khi lắng nghe với vẻ chăm chú hết mực. “Nhân tiện thì cậu có biết cái tên tulip xuất phát từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ không, nó dùng để chỉ chiếc khăn xếp đội đầu ấy?”
“Mình quên khuấy mất đấy.” Lambert đáp. “Nhưng đó là ý tưởng nền tảng. Cứ tưởng tượng một bữa tiệc trên bãi cỏ với người Thổ Nhĩ Kỳ đội những chiếc khăn xếp trên đầu, đúng là một vườn hoa tulip tuyệt hảo! Ha! Ha! Quả là một ý tưởng hào nhoáng!”
“Đấy.” Ludwig gầm gừ với bản thân. “Cậu ta đã toàn kể với Lambert những điều tuyệt vời về hoa tulip, mình biết mà!”
“Thật ra là…” Lambert nói tiếp. “Chúng ta có thể tưởng tượng hình ảnh một con người trong cánh đồng tulip nở rộ, đặc biệt khi chúng đung đưa và lung lay trong gió. Mọi người có thấy thế không?”
“Mình thì không. Mình chợt nhận ra rằng, van Mounen ạ, người Hà Lan các cậu vẫn luôn vô cùng đam mê hoa cỏ nhỉ.”
“Chắc chắn rồi. Cậu đâu thể trồng vườn mà không có hoa, mà còn là những loài hoa đẹp nhất có thể trồng được ấy. Chú của mình có một vườn
hoa tuyệt vời với những loài hoa đẹp nhất được trồng ở căn nhà mùa hè của chú ấy ở phía bên kia Amsterdam.”
“Mình tưởng chú cậu sống trong thành phố?”
“Thì đúng vậy mà, nhưng nhà hóng mát, hay còn gọi là nhà phụ ấy, thì cách đó vài dặm cơ. Chú ấy còn một căn nhà nữa bên kia sông. Chúng ta vừa đi qua gần chỗ đó lúc vào thành phố đấy. Nếu có điều kiện thì mọi người ở Amsterdam đều có một nhà phụ đặt đâu đó.”
Ben gật đầu.
“Trông chúng không có gì đặc biệt lúc này.” Lambert nói tiếp. “Nhưng vào mùa hè thì tuyệt đẹp. Đợi sau khi hàng liễu mọc lại tán, chú của mình sẽ đến căn nhà hóng mát vào mỗi buổi chiều. Chú ấy ngủ và hút thuốc; thím thì gác chân trên lò sưởi chân và đan len, không quan tâm hôm đó nóng đến thế nào; em họ Rika cùng mấy đứa khác thì câu cá dưới hồ qua cửa sổ hoặc trò chuyện với bạn bè đi ngang qua; mấy đứa bé thì chạy quanh hoặc đu trên những cây cầu nhỏ bắc qua con mương. Rồi họ uống cà phê và ăn bánh ngọt, bên cạnh một bó hoa súng to trên bàn. Mình có thể nói rằng cuộc sống đó mới lý tưởng làm sao; chỉ có điều, nói riêng với các cậu thôi nhé, dù mình được sinh ra ở đây, mình vẫn chưa bao giờ được tận hưởng dòng nước tĩnh lặng chảy qua hầu hết mọi căn nhà hóng mát. Gần như mọi căn nhà như thế đều được xây trên một dòng nước. Có lẽ mình dễ thấy điều này hơn vì sống bên Anh khá lâu rồi.”
“Nếu băng tan thì chắc mình cũng sẽ thấy nó.” Ben nói. “Mùa đông đến sớm đã đóng băng những vùng nước đẹp trước rồi, mà thế cũng tốt. Hà Lan mà không có mùa trượt băng tuyệt vời này thì thật là thiếu sót lớn.”
“Cậu thật là khác so với anh em nhà Poot đấy!” Lambert thốt lên, cậu đã lắng nghe rất tập trung. “Thế mà cậu lại là họ hàng với họ, thật chẳng thể hiểu nổi.”
“Bọn mình là anh em họ, hoặc đã luôn coi nhau là thế, nhưng thật tình là không gần gũi lắm. Bà của bọn mình là chị em cùng cha khác mẹ. Nhánh bên nhà mình toàn bộ là người gốc Anh, trong khi nhánh bên nhà cậu ấy toàn là người Hà Lan. Cụ Poot kết hôn hai lần, và mình là con cháu của bà vợ người Anh của cụ ấy. Dù sao thì mình cũng thích Jacob hơn một nửa số anh em họ người Anh của mình cộng lại. Có thể cậu sẽ thấy lạ nhưng cha mình đã vô tình quen biết với cha Jacob trong một chuyến công tác tới
ẳ
Rotterdam. Chẳng mấy chốc họ trở nên thân nhau rồi cùng trò chuyện về những mối quan hệ của mình ở Pháp, và cứ như thế, rồi họ trở nên ăn ý với nhau từ đó. Những điều kì lạ vẫn luôn tồn tại trên thế giới này mà. Chị gái Jenny của mình sẽ rất kinh ngạc với một vài hành động của thím Poot cho mà xem. Thím là một người phụ nữ rất chu đáo, nhưng thật khác so với mẹ mình, cả ngôi nhà và đồ đạc, lối sống, tất cả đều khác.”
“Tất nhiên rồi.” Lambert đồng tình đầy mãn nguyện như thể muốn nói: Cậu làm sao thấy được sự hoàn hảo ở nơi nào khác như ở Hà Lan được chứ. “Nhưng cậu sẽ có nhiều điều hơn để kể cho Jenny lúc quay về.”
“Đúng, chắc chắn là vậy rồi. Mình có thể kể một điều, nếu sự sạch sẽ gần với sự thiêng liêng như họ nói thì Broek an toàn lắm đấy. Đó là nơi sạch nhất cậu từng thấy. Thím Poot, dù giàu có đến vậy, vẫn dành ra cả nửa ngày để kì cọ, nhà thím ấy như thể được đánh bóng từ trong ra ngoài vậy. Mình viết thư gửi mẹ hôm qua rằng mình có thể thấy bản sao của mình hiện ra rõ mồn một dưới sàn phòng ăn bóng loáng.”
“Bản sao của cậu! Từ đó làm mình bối rối, ý cậu là sao?” “Ồ, là hình ảnh phản chiếu, cái bóng của mình ấy. Một Ben Dobbs thứ hai.”
“À, mình hiểu rồi.” Van Mounen đáp. “Thế cậu đã từng tới phòng khách rộng lớn của thím Poot chưa?”
Ben bật cười. “Mới một lần thôi, vào hôm mình đến đây. Jacob nói mình sẽ không có cơ hội được vào đó lần nữa cho đến khi chị gái Kanau của cậu ấy kết hôn, hôn lễ diễn ra sau Giáng sinh một tuần. Chú của mình đồng ý cho phép mình ở lại dự đám cưới. Mỗi thứ Bảy, thím Poot và Kate béo lại vào phòng khách để dọn dẹp, đánh bóng và kì cọ, rồi tắt đèn trong phòng và đóng chặt cửa lại cho đến thứ Bảy tuần sau. Không có ai được vào trong thời gian đó, nhưng ngày dọn dẹp, như thím ấy gọi, thì vẫn phải dọn dẹp như thường.”
“Chẳng có gì đặc biệt đâu. Mọi phòng khách ở Broek đều thế hết.” Lambert đáp. “Cậu nghĩ sao về những loài vật trong vườn nhà hàng xóm của bà ấy?”
“Ồ, chúng khá đẹp; đàn thiên nga trông rất sống động trên mặt ao vào mùa hè; nhưng loài cây chuông tiên đốm mọc dưới gốc cây hạt dẻ ở góc vườn trông thật nực cười, chỉ đáng làm trò đùa cho lũ trẻ con. Khu vườn
thì chắp vá, cây cối thì được tỉa tót và sơn lòe loẹt. Thứ lỗi cho mình, van Mounen ạ, nhưng mình không thể nào tiếp thu được gu thẩm mỹ của người Hà Lan.”
“Việc đó sẽ cần thời gian.” Lambert trịch thượng trả lời. “Nhưng rồi cậu chắc chắn sẽ thấy thích thôi. Mình đã thấy nhiều điều đáng ngưỡng mộ ở Anh quốc, mình hy vọng sẽ được sang Oxford học cùng với cậu, nhưng cuối cùng thì mình vẫn thích Hà Lan nhất.”
“Tất nhiên là vậy rồi.” Ben chân thành đồng tình. “Cậu sẽ không thể trở thành một người Hà Lan tốt nếu không yêu đất nước mình. Không gì có thể sánh bằng tình yêu Tổ quốc. Dù sao thì cũng hơi kì lạ khi dành thứ tình cảm ấm áp đến thế cho một đất nước lạnh lẽo như vậy. Nếu không tập thể dục liên tục, chúng ta có lẽ đã đóng băng rồi.”
Lambert phì cười.
“Đó là do cậu có dòng máu của người Anh thôi, Benjamin ạ. Mình có thấy lạnh đâu. Nhìn những người đang trượt trên kênh đi, họ hồng hào như đóa hoa hồng và hạnh phúc như vua chúa ấy. Này, đội trưởng giỏi giang van Holp ơi!” Lambert gọi bằng tiếng Hà Lan. “Anh nghĩ sao nếu chúng ta dừng chân ở trang trại đằng kia để sưởi ấm chân một chút?”
“Ai bị lạnh đấy?” Peter quay người lại và hỏi.
“Benjamin Dobbs.”
“Benjamin Dobbs cần được sưởi ấm.” Và thế là bọn trẻ tạm dừng chuyến đi của mình lại.
XII
Trên đường tới Haarlem
T
ới trước cửa khu trang trại, các cậu bé mới phát hiện mình đứng giữa một cảnh tượng gia đình đầy sống động. Một người đàn ông Hà Lan cao lớn chạy vội ra ngoài, theo sát phía sau là bà vợ yêu quý đang dùng chiếc chảo cán dài còn ấm nóng đánh ông ta thật mạnh, vẻ mặt của bà ta trông không có vẻ gì là sẽ nồng hậu chào đón các cậu bé, nên lũ trẻ biết thân biết phận mà nhanh chóng tìm một nhà khác để xin sưởi ấm.
Căn nhà tiếp theo có vẻ thân thiện hơn. Mái nhà thấp lợp ngói đỏ vươn ra che cả căn chuồng bò sạch sẽ được xây ngay sát nhà chính. Một người phụ nữ lớn tuổi gọn gàng, điềm tĩnh ngồi đan len bên ô cửa sổ. Bên cửa sổ còn lại với tấm kính sáng choang và rèm cửa trắng như tuyết, là bóng dáng đăm chiêu của một người đàn ông to béo đang ngồi nghiêng người với chiếc tẩu thuốc trên môi. Đáp lại tiếng gõ cửa dè dặt của Peter là một cô gái trẻ với mái tóc sáng màu và đôi má hây hây trong bộ trang phục ngày lễ, cô mở ra nửa trên của cánh cửa xanh lá (cánh cửa được tách đôi ở giữa) và hỏi lũ trẻ có chuyện gì.
“Thưa cô, chúng em có thể vào xin sưởi ấm một chút được không ạ?” Vị đội trưởng lịch sự hỏi.
“Tất nhiên rồi, mời vào.” Cô gái trả lời, đồng thời kéo nửa dưới cánh cửa về phía mình. Trước khi vào nhà, mỗi cậu bé đều chà giày thật lâu và mạnh trên tấm thảm xù xì, cũng như lễ phép cúi chào quý ông và quý bà ngồi bên cửa sổ. Ben suýt thì tưởng rằng họ đều là người máy như những mô hình biết chuyển động trong khu vườn ở Broek, bởi họ đều gật đầu một cách chậm rãi và y hệt nhau, rồi lại tiếp tục với công việc của mình đều đều như một cái máy. Người đàn ông cứ nhả khói, còn vợ ông thì lách cách với hai chiếc kim đan như thể những chiếc bánh răng đang điều khiển bà vậy. Kể cả làn khói đang tỏa ra từ chiếc tẩu bất động kia cũng không đủ để chứng minh họ là con người.
Nhưng cô hầu gái má hây đỏ thì khác. Ôi, cô ấy mới nhiệt tình làm sao. Cô ấy cho các cậu bé ngồi trên những cái ghế bóng loáng có tựa cao, cách cô ấy làm bùng lửa trong lò sưởi như truyền cảm hứng cho nó, mang ra một hộp bánh gừng to và một bình ướp đá đựng rượu chua khiến Jacob Poot suýt thì ré lên vui sướng. Cô cười và gật gù khi các cậu bé ăn như thú rừng được thuần hóa, cô sững người khi Ben từ chối lấy bánh mì đen và dưa cải Đức một cách lịch sự mà cương quyết. Cô lột chiếc găng tay bị rách ngón cái của Jacob ra rồi vá lại ngay trước mắt cậu bé, cắn đứt sợi chỉ bằng hàm răng trắng muốt và nói: “Giờ đeo vào sẽ ấm hơn đấy!” Và cuối cùng, cô bắt tay từng cậu bé và liếc nhìn với vẻ không vừa ý về phía bà chủ người máy, trong khi khăng khăng lũ trẻ hãy mang theo bánh gừng đi mà ăn.
Trong khi tất cả những điều trên diễn ra, tiếng lách cách của đôi kim đan và tiếng phì phò của tẩu thuốc chưa lúc nào ngừng.
Khi lũ trẻ tiếp tục quay lại với chuyến hành trình, chúng chợt thấy tòa lâu đài Zwanenburg với mặt trước bằng đá nguy nga và đôi tháp cổng chào, mỗi tháp có một bức tượng điêu khắc chim thiên nga ở trên đỉnh.
“Được nửa đường rồi đấy các chàng trai.” Peter nói. “Tháo lưỡi trượt ra thôi.”
“Các cậu nhìn nhé.” Lambert giải thích. “Nhánh Y giao nhau với hồ Haarlem ở chỗ này gây ra biết bao là phiền phức. Con sông cao hơn mặt đất đến một mét rưỡi, thế nên xây đê và cửa cống ở đây phải rất chắc chắn, nếu không cả chỗ này sẽ ngập nước ngay tức khắc. Bố trí đường ống cống là một hệ thống hết sức tuyệt diệu. Chúng ta sẽ đi bộ qua chỗ đó và các cậu sẽ thấy nhiều điều đáng kinh ngạc đấy. Người ta đồn rằng dòng nước mùa xuân trong hồ có khả năng tẩy trắng hơn mọi thứ khác trên thế gian; tất cả thợ chuội giỏi nhất ở Hà Lan đều dùng nó. Mình không thể nói nhiều hơn về vấn đề này được, nhưng mình có thể kể một điều từ kinh nghiệm của bản thân.”
“Đó là gì vậy?”
“Cái hồ này chứa đầy những con lươn to nhất các cậu từng thấy. Mình đã thấy chúng ở đây, thường xuyên luôn, to đến kinh hoàng! Chúng có khi đúng là địch thủ của chúng ta đấy, chúng gần như luồn lách lên cánh tay cậu từ trong hố nếu các cậu không phòng vệ. Nhưng mình thấy là các cậu không thích thú với lươn cho lắm. Tòa lâu đài này to thật nhỉ?”
“Đúng thế. Hai con thiên nga kia có ý nghĩa gì không?” Ben hỏi khi ngước nhìn lên đôi tháp đá ở cổng chào.
“Người Hà Lan gần như rất tôn kính loài thiên nga. Tòa lâu đài này cũng lấy tên theo tên chúng – Zwanenburg, lâu đài thiên nga. Đó là tất cả những gì mà mình biết. Đây là một nơi rất quan trọng, bởi những người tài thường họp hội đồng về vấn đề đê điều ở đây. Tòa lâu đài này từng là nơi ở của ngài Christian Brunings đáng kính.”
“Ông ấy là ai thế?” Ben hỏi.
“Peter có thể trả lời câu này tốt hơn mình.” Lambert đáp. “Đấy là nếu hai người hiểu được nhau, hoặc đủ can đảm để không dùng tiếng mẹ đẻ. Nhưng mình thường nghe ông nội kể về ngài Brunings. Ông chẳng bao giờ thấy mệt mỏi khi kể cho bọn mình nghe về người kĩ sư vĩ đại, rằng ngài ấy giỏi thế nào, học thức ra sao, và khi ngài ấy mất thì cả đất nước đã đau buồn và tiếc thương như một người bạn thế nào. Ngài ấy có mặt trong nhiều cộng đồng học giả lớn và là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, đảm nhiệm công việc chăm lo đê điều và những công tác khác để ngăn thảm họa từ biển. Không thể đong đếm những cống hiến của ngài trong việc cải thiện hệ thống đê, cống, guồng nước và những thứ như thế. Người Hà Lan bọn mình coi những vị kĩ sư tài giỏi là những người có công lớn nhất với đất nước. Khi ngài Brunings mất nhiều năm trước, người ta đã cho xây đài tưởng niệm ngài trong Nhà thờ lớn ở Haarlem. Mình đã thấy bức chân dung của ngài ấy rồi và để mình nói cho cậu nghe nhé Ben, ngài ấy trông thật sự cao quý lắm. Thảo nào tòa lâu đài này trông chắc chắn và kiêu hãnh đến thế. Bởi chỉ có nơi ở thế này mới xứng với một người như vậy!”
“Phải rồi, đúng vậy.” Ben đáp. “Mà van Mounen này, mình chỉ tự hỏi sau này liệu mình hay cậu có thể khiến bất kì một tòa nhà cổ nào trông kiêu hãnh đến vậy được hay không. Ái chà! Thế thì phải làm một điều gì đó thật to lớn trên đời này và vài người trong chúng ta, giờ vẫn còn là những cậu bé, sẽ phải thực hiện trong tương lai. Xem lại dây giày đi, Van, còn chưa buộc kìa.”
XIII
Một thảm họa
G
ần một giờ chiều, đội trưởng van Holp cùng cả đội tiến vào thành phố cổ Haarlem lộng lẫy. Chúng đã trượt băng gần mười bảy dặm từ sáng, vậy mà trông vẫn sung sức như những chú đại bàng trẻ tuổi. Từ người nhỏ nhất (Ludwig van Holp, mới mười bốn tuổi) cho đến người lớn nhất – chính là đội trưởng, một chàng trai tuổi mười bảy kì cựu – tất cả đều chỉ có một suy nghĩ: Đây là chuyến đi tuyệt vời nhất của đời chúng. Thực ra trong hai dặm cuối thì Jacob Poot có chút bị hụt hơi rồi, cậu đã sẵn sàng cho một giấc ngủ ngắn nữa, nhưng trong cậu có đủ niềm hứng khởi để tiếp tục trượt thêm mười hai dặm. Kể cả Carl Schummel, người đã trở nên vô cùng thân thiết với Ludwig trong chuyến đi này, cũng quên mất tính khí khó chịu của mình. Về phần Peter, cậu đang ở trạng thái hạnh phúc tột đỉnh của hạnh phúc, cậu ca hát và huýt sáo vui vẻ trên đường khiến cả những người qua đường nghiêm nghị nhất cũng phải mỉm cười.
“Đi thôi, các cậu! Gần đến giờ ăn trưa rồi.” Van Holp nói khi cả đội tiến gần đến một quán cà phê trên phố chính. “Chúng ta phải ăn thứ gì đó no bụng hơn là bánh gừng của quý cô xinh đẹp đó chứ.” Rồi vị đội trưởng thọc tay vào túi như muốn nói: Có đủ tiền để bao cả một đội quân đây này!
“Này!” Lambert kêu lên. “Gì mà trông đau khổ thế kia?”
Peter, với khuôn mặt tái mét và đăm đăm, đang đập tay lên khắp ngực và người mình. Nhìn cậu như một người lên cơn loạn trí.
“Anh ấy ốm rồi!” Ben kêu lên.
“Không, anh ấy bị mất thứ gì rồi.” Carl đáp.
Peter chỉ có thể thở dồn. “Chiếc ví với toàn bộ số tiền của chúng ta… Nó biến mất rồi!”
Trong một thoáng, tất cả đều quá sốc để có thể lên tiếng.
Cuối cùng, Carl cằn nhằn. “Đúng là ngu ngốc mới đưa hết tiền cho một người. Mình đã bảo ngay từ đầu rồi. Tìm lại trong túi bên kia đi.”
“Anh tìm rồi. Nó không có ở đó.”
“Cởi áo khoác của anh ra xem nào.”
Peter làm theo như một cái máy. Cậu thậm chí còn cởi mũ và tìm trong đó, rồi tuyệt vọng thọc tay mình vào mọi chiếc túi trên người. “Nó biến mất rồi, các em ạ.” Cuối cùng cậu tuyệt vọng nói. “Chúng ta sẽ không có bữa trưa hay bữa tối. Biết làm sao đây? Chúng ta không thể tiếp tục đi mà thiếu tiền. Nếu còn ở Amsterdam, chúng ta cần bao nhiêu anh cũng có thể đi lấy. Nhưng ở Haarlem, anh không quen một ai có thể cho chúng ta vay dù chỉ một đồng stiver. Trong các em ai có người quen ở đây có thể cho chúng ta vay một vài đồng guilder không?” Các cậu bé ngơ ngác nhìn nhau. Rồi một nụ cười khẽ được chuyển vòng tròn, nhưng bị dừng khựng lại một cách đáng tiếc khi nó được truyền tới Carl.
“Không được đâu.” Cậu ta cáu bẳn đáp. “Mình có biết vài người ở đây, người giàu ấy, nhưng cha sẽ cho mình ăn đòn nếu dám đi vay bất kì ai. Cha còn treo dòng chữ ‘Một người đàn ông trung thực không cần đi vay’ trên cánh cổng của căn nhà hóng mát đấy.”
“Hừm!” Peter phản ứng, cậu đặc biệt không ưa ủy mị vào lúc này. Các cậu bé chẳng mấy chốc mà đói cồn cào.
“Là lỗi của em.” Jacob ăn năn nói với Ben. “Em là người nghĩ ra ý tưởng cho tất cả tiền vào ví của anh van Holp.”
“Vớ vẩn nào, Jacob. Em cũng chỉ nghĩ cho mọi người thôi mà.” Ben nói bằng giọng phấn khởi đến mức khiến cho anh em van Holp và Carl những tưởng cậu đã nghĩ ra một kế hoạch để làm yên lòng cả đội. “Gì? Gì đấy? Nói chúng tớ nghe đi, van Mounen.” Hai người kêu lên. “Cậu ấy nói đây không phải lỗi của Jacob, rằng khi đề xuất cho tiền vào ví của van Holp thì Jacob cũng chỉ nghĩ cho mọi người mà thôi.” “Thế thôi à?” Ludwig tiu nghỉu nói. “Cậu ấy đâu cần tỏ ra phấn khích đến thế khi nói vậy chứ. Chúng ta mất bao nhiêu tiền đấy?” “Em không nhớ sao?” Peter đáp. “Mỗi người chúng ta bỏ vào ví mười đồng guilder. Chiếc ví có sáu mươi đồng guilder. Anh đúng là đứa ngu ngốc nhất trên đời, đến cả Schimmelpenninck bé nhỏ cũng có thể làm đội
trưởng tốt hơn anh. Anh nên tự đấm mình vì đã khiến các em thất vọng thế này.”
“Thế thì làm đi.” Carl càu nhàu. “Trời ạ.” Cậu ta chêm thêm. “Ai mà chẳng biết đây chỉ là tai nạn, nhưng biết thế cũng chẳng giúp ích gì hết. Chúng ta phải có tiền, anh van Holp ạ, kể cả có phải bán cái đồng hồ tuyệt vời của anh đi nữa.”
“Bán món quà sinh nhật mẹ tặng anh ư? Không bao giờ! Anh sẽ bán áo khoác, bán mũ, bán bất kì thứ gì ngoại trừ chiếc đồng hồ này.” “Thôi, thôi.” Jacob nhẹ nhàng nói. “Chúng ta đang làm quá lên rồi đấy. Chúng ta có thể về nhà và bắt đầu lại chuyến đi trong khoảng một hay hai ngày tới mà.”
“Cậu thì có thể lấy thêm mười đồng guilder.” Carl đáp. “Nhưng bọn mình thì không dễ dàng làm thế được. Nếu về nhà, chúng tôi sẽ ở nhà luôn, tùy mọi người đấy.”
Đội trưởng của chúng ta, một người vẫn luôn vô cùng tốt tính, bắt đầu thấy bực dọc.
“Em nghĩ anh sẽ để các em chịu khổ vì sự bất cẩn của anh hay sao?” Cậu kêu lên. “Anh có số tiền gấp ba lần sáu mươi đồng guilder trong chiếc hộp sắt ở nhà kia!”
“Ồ, thôi xin anh.” Carl vội xen vào với giọng cáu bẳn. “Chà, có vẻ như không còn cách nào tốt hơn là quay về với cái bụng đói meo.” “Anh có kế hoạch hay hơn thế.” Đội trưởng nói.
“Là gì vậy?” Các cậu bé nhao nhao lên.
“Là biến chuyến đi không may mắn này thành một cơ hội để thong thả đi về như những người đàn ông.” Peter đáp, cậu trông thật trưởng thành và đẹp đẽ khi hướng gương mặt ngay thẳng cùng đôi mắt xanh trong của mình về phía các cậu bé còn lại để chúng nắm được tinh thần của mình.
“Ủng hộ đội trưởng!” Các cậu bé đồng thanh hô.
“Giờ thì, các chàng trai, chúng ta quyết định thôi nào. Rốt cuộc thì đâu có nơi nào tốt hơn Broek được chứ… và chúng ta sẽ quay trở lại đó trong hai giờ nữa. Các em đồng ý không?”
“Đồng ý!” Tất cả hô lên và chạy tới chỗ dòng kênh.
“Đeo lưỡi trượt vào mọi người ơi! Sẵn sàng chưa? Đây, Jacob, để mình giúp.”
“Bây giờ. Một, hai, ba, xuất phát!”
Những khuôn mặt non nớt rời khỏi Haarlem sau hiệu lệnh đó gần như vẫn giữ được nét tươi sáng như khi chúng tiến vào thành phố cùng đội trưởng Peter nửa giờ trước.