🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Câu Chuyện Thật Tí Ti của Cedar B. Hartley - Martine Murray full prc pdf epub azw3 [Thiếu nhi]
Ebooks
Nhóm Zalo
Chương 1
Nơi tôi sống có hai chỗ để la cà: trên phố hay xuôi bên con lạch Merry Creek. Nếu bạn có một con ngựa thì chắc cũng không biết phải để nó ở đâu, bởi vì ngoài cái sân vận động tồi tàn bị cắt xén như một tấm thảm ra, thì toàn bộ mặt đất đã bị những con đường có các dãy nhà ở hai bên chiếm mất. Mỗi căn nhà có một cái vườn như kiểu tóc riêng của nó. Vườn của gia đình Bartons rất bề thế và đúng điệu, có hàng rào vuông vắn, bãi cỏ hình chữ nhật cắt xén nghiêm chỉnh, và lối vào tráng xi-măng đậu đầy ô-tô sạch bóng. Vườn của chúng tôi thì hoang dã, vàng úa và um tùm cỏ dại, trên thùng thư có ghi dòng chữ bằng mực đen: “Đừng bỏ thư rác vào đây". Vườn của bà Trinka kế bên thì rất hoa mỹ, với vô số vật trang trí và bụi hoa tú cầu màu xanh lơ. Vườn của gia đình Motts thì có một bãi cỏ thoai thoải dốc mà bạn có thể lăn xuống chơi, nhưng sau khi lăn một hồi thì bạn sẽ ngứa ran người. Tất nhiên là có cây cối, phần lớn là cây tràm trà và cây tiêu huyền, và hai dãy hàng rào, nhưng không có nơi để bơi, trừ phi bạn chơi với Harold Barton, anh chàng này có một cái hồ bơi phía sau nhà. Nhưng tôi không muốn làm điều đó. Harold hay giấu mấy cuốn tạp chí bậy bạ dưới gầm giường, và hắn hay chế giễu người khác.
Chẳng hề gì, vẫn có khối trò khác để bạn vui chơi trên con phố của chúng tôi. Mọi chuyện đều xảy ra sau giờ tan học và trước giờ ăn tối. Đó là lúc bạn ra đường với con chó, hay với tấm ván trượt, hay với kế hoạch bí mật của mình. Trò xé rào thật êm, mấy nhóc tì chuồn ra khỏi cửa và hàng rào, cằm còn dính nguyên một vệt mứt, trong đầu chứa những ý tưởng quậy phá, cùng cái vẻ lè phè bất cần đời trong dáng đi khệnh khạng của chúng. Chúng tôi dồn đống lại trên đường và bắn ra một mớ những cái nhìn và linh cảm lộn xộn, chúng tôi khụt khịt đánh hơi, trao đổi kết nối ý kiến, xem xét nghiêng ngửa con phố ngược xuôi và chờ một điều gì đó xảy ra, bởi vì luôn có một điều thú vị gì đó sẽ xảy ra. Cái vụ này cũng giống như một quy luật hóa học: đám trẻ đủ kiểu đủ cỡ tụ lại trên một con đường nhựa thoải dài, mang theo xế đạp, ván trượt, chó cùng một nhu cầu ngấm ngầm và uể oải muốn xía vào mắt cáo của những phép tắc phủ trùm lên ta khi ở trường, và rồi chẳng mấy chốc sau là đã có ngay điều gì đó xảy ra.
Dù sao đi nữa, nói thiệt nghen, Harold Barton không chơi với tôi vì tôi không xinh gái lắm. Hắn chỉ trò chuyện với các em xinh thôi. Mười sáu tuổi với những đường cong lồ lộ ra. Các nàng như em Marnie Aitkin, diện đồ sành điệu và luôn cất cái giọng xí xọn, ‘Ô, thật vậy sao?’ trước bất cứ điều gì mà bạn nói.
‘Marnie nè, người ta nói rằng tối nay các ngôi sao sẽ rơi khỏi bầu trời, và nếu bồ le lưỡi ra thì có thể sẽ có một ngôi hạ xuống trên đó, và nếu bồ nuốt nó thì bồ sẽ trở thành một ngôi sao đó nghen.’ Cô nàng nói, ‘Ồ, chắc chắn rồi, ngộ ghê.’ Một câu khác mà cô nàng hay nói là, ‘Ồ, chắc chắn rồi.’ Không phải lúc nào điều thú vị cũng xảy ra một cái đùng trên phố. Nhiều khi sự việc cứ rề rề mà ra chuyện. Nhiều khi bạn chỉ nhảy cái ào vào trò chơi, và nếu trò này thú vị thì bạn có thể chơi lại vào ngày mai rồi ngày mốt rồi ngày kia ngày kìa luôn. Như cái trò chúng tôi chơi trong những chỗ đậu xe ở nhà ga xe lửa; đó là một trò chơi (mà thậm chí bây giờ vẫn thế) được bắt đầu khi có đứa nào đó nói, ‘Muốn xuống bãi đậu xe bằng xế đạp không?’ Và thế là chúng tôi cùng vọt.
Nhưng sau cùng thì mọi chuyện đều tùy thuộc vào việc đứa nào có mặt ở đó và được chia phe như thế nào. Bởi vì các tay đàn anh đàn chị (như Hoody Mott, anh chàng chơi được kèn Pháp, và Roland Glumac, và Sarah mang bao len giữ cho ấm chân) đều trốn biệt trong phòng ngủ để làm bài, hay hút thuốc lá vặt, hay gọi điện tán dóc, nên bạn ít có dịp gặp họ, và điều đó khiến cho Harold Barton thành ra kẻ có quyền quyết định ai tham gia vào trò chơi và ai không. Đó là do hắn có cái hồ bơi và ngôi nhà lớn nhất. Vì thế, hắn hành xử như thể am hiểu tất cả mọi chuyện trên đời, và đám nhóc tì tin hắn vì chúng khoái bơi. Thêm nữa, cha mẹ hắn để con làm bất cứ điều gì hắn muốn, thế nên bạn bè có thể ăn bánh ngọt và sô-cô-la ở nhà hắn, hay xem phim dành cho người lớn trên ti-vi, hay bật giàn máy stereo lớn hết ga để nghe nhạc rock do ban Powderfinger chơi. Cái hấp dẫn nhất ở nhà của Harold là căn nhà mát nằm ở đằng sau, vì cha mẹ hắn chẳng bao giờ ra đó. Các nàng Khối Mười hai , như Marnie Aitkin và Aileen Shelby, thường hay đến đó. Barnaby nói rằng chúng nó chơi trò Ai Thua Thì Cởi . Barnaby là anh của tôi. Ai cũng thích anh ấy nhất, nhưng giờ thì anh đi mất rồi. Anh bị gởi đi học xa. Nên còn lại có mình Harold.
Bọn nhóc vẫn có những cách riêng để quy tụ lại, lập băng, nhí nhảnh chơi đùa với nhau, và xem xét lại toàn bộ bản chất kỳ lạ của các sự việc. Nhiều lúc các hoạt động vui chơi của chúng tràn cả xuống con lạch hay kéo ngang qua đường Westgarth hay đường Hutton. Đôi lúc nó hất bạn văng tưng như một trận tuyết lở nếu chẳng may bạn cản đường nó. Đôi lúc nó cũng để lại đằng sau cho bạn những nhóm bạn nhỏ, những khả năng, những lời hứa... có khi là cả một tên bạn mới có cái xế đạp thật ngon.
Riêng tôi, tôi tránh trò chơi trội ngoài phố, chỉ mò tới chơi với những nhóm bạn nhỏ. Một nhóm bạn nhỏ không phải chỉ là thứ bị người ta bỏ rơi lại hay cho ra rìa, cho dù có nhiều lúc người ta cảm thấy như vậy. Một nhóm bạn nhỏ chơi với nhau có nhiều chuyện thú vị lắm kìa.
Ví dụ như nhóm của tôi. Thường thì có ba mạng trong đó, tuy nhiên nhiều khi là bốn hay năm. Trước tiên là tôi, và dễ giận thay, tôi lại chẳng hứa hẹn có chút tăm tiếng gì. Tôi tên là Lana Monroe. Tóc tôi màu đỏ, tôi mười hai tuổi, gần mười ba, có nghĩa là tôi chưa đủ lớn để được mời vào chơi trong căn nhà mát của Harold, nhưng tôi cũng quá già để chơi trò chế bom nước hay chơi trò chiến tranh ném nhau bằng quả quất. Đó là trò của con nít.
Thật ra tên tôi không phải là Lana Monroe, tôi chỉ thích bạn nghĩ nó là như thế, bởi vì nó có vẻ gì đó của một huyền thoại nổi tiếng. Tên thật của tôi là Cedar B. Hartley; Cedar vì đó là một loại cây và khi tôi chào đời là lúc mẹ tôi đang mê phong trào hippy. Dân hippy khoái cây cối thiên nhiên lắm, và thường đặt cho con những cái tên như River và Marigold[1].
Harold Barton nhăn mũi chế nhạo tên tôi. Hắn nói, ‘Cái kiểu tên khỉ gì kỳ cục vậy?’ Má tôi nói Harold thiếu óc tưởng tượng trầm trọng. Bà gọi tôi là Cedy khi vui và gọi Cedar khi tôi không ngoan theo ý bà. Hai là nhỏ bạn Caramella Zito, sống trái ngược hẳn với tôi. Caramella sắp lên mười hai, nhưng chưa đúng tuổi đó, cho nên tôi vẫn là lớn hơn nhỏ. Trong khu vườn be bé nhà nhỏ không có bãi cỏ, mà chỉ trồng những luống đậu, cà chua, rau thì là, phong lữ, một cây ô-liu, và một giàn nho bao quanh. Cha mẹ Caramella khá thấp và không nói giỏi tiếng Anh, nhưng họ mang biếu má tôi rất nhiều nho chùm và đôi khi cả quả hồng vàng, thứ trái cây ngon tuyệt cú mèo mà tôi từng được nếm. Caramella nhát lắm, nhất là khi nổi mụn trên mặt, và Harold gọi nhỏ là Zito-Mặt-Hỏa-Tinh. Nhỏ hơi tròn tròn, bầu bĩnh và đeo một sợi dây chuyền có thánh giá. Caramella là một họa sĩ giỏi, tuy rằng chỉ một mình tôi biết điều đó. Nhiều lúc nhỏ không ra đường chơi nên tôi phải đến nhà nhỏ.
Rồi là Ricci. Ricci trạc năm mươi hay sáu mươi gì đó, do đó bà là người bạn lớn tuổi nhất trong bọn. Bà ở kế nhà của Caramella Zito, tuy rằng là dân Nam Tư chính gốc, nhưng bà nói được cả tiếng Ý. Do đó bà rất thân với cha mẹ của Caramella. Tuy nhiên nhiều lúc bà lại rủa họ, ‘Bọn Ý khốn kiếp.’ Ricci biết đủ thứ chuyện mà người khác không biết. Bà có thể ngó cái cầu vồng và phán với bạn rằng nó đang nghĩ những gì.
Bà chỉ cái cầu vồng, ‘Coi nè, một mùa ngon lành cho dâu và nho à nghen.’
Ricci nuôi một con chó xù lông trắng tên là Bambi, to cỡ gấp đôi chiếc dép. Trong nhà bà có rất nhiều hoa, thú nhồi bông và hình bà phóng to, mờ ảo trong những bộ đồ theo mốt disco bó sát người khi còn trẻ. Mái tóc bà màu vàng và rối tung, và bà không thích nước Úc, nhưng bà thích có một ngôi nhà. Chồng bà qua đời đã khá lâu rồi nên bà phải uống thuốc an thần giảm xì-trét, thứ thuốc ban đầu làm bà cảm thấy dễ chịu hơn rồi lại thấy tệ hơn. Đôi khi bà đi làm cho một tiệm bánh mì, nhưng phần lớn thời gian bà lang thang ngoài phố nói với người này về chuyện người kia, tám đủ thứ chuyện trên đời, ca tụng cái này, phê phán cái nọ. Ricci trông như vầy nè:
Đôi khi trong nhóm của tôi còn có Hailey và cậu nhóc em, Jean-Pierre nữa, cậu này thường cà nhỏng trên một cái xế đạp quá xá bự so với thân thể cậu. Tụi nó ở góc phố, trong một ngôi nhà có hàng rào gỗ cao bị mất mấy thanh chắn nên người ta có thể nhìn trộm vào. Cha của tụi nó lái một xe tắc-xi của hãng Mui Bạc. Ông vạm vỡ và da sậm, ông ở xứ Syria đến đây. Nhiều khi có thể nghe được tiếng nhạc rộn ràng hân hoan và kỳ bí vang lên từ ngôi nhà của họ. Có lần, tôi nhìn xuyên qua khoảng hở ở hàng rào để xem có người nào đội khăn xếp trên đầu đang thổi sáo và gõ trống bongo không, nhưng tôi chỉ thấy một cái máy hát nhỏ đặt trên bàn dưới bóng một cây chanh, cả gia đình họ xúm xít ngồi quanh, có cả vài bà ngoại bà nội gì đó (mấy bà này khoác khăn choàng đen chứ không đội khăn xếp), cùng ăn thức ăn nhanh của McDonald’s. Hailey và Jean-Pierre không thích Harold vì hắn gọi họ một cách miệt thị là bọn Lebbos[2].
Nhưng dường như mọi người khác trên phố đều muốn la cà vui chơi với Harold. Thậm chí có thời Barnaby cũng khoái chơi với hắn.
Chương 2
Thật ra bởi vì Stinky mà mọi chuyện thay đổi. Thật sự ý tôi là mọi chuyện bắt đầu. Stinky là con chó của tôi. Có thời nó là của tôi và Barnaby, nhưng giờ nó chỉ của riêng tôi thôi. Nó là một con chó lai già, dễ thương, lông rũ dài, nhưng tôi thương nó đến phát khùng luôn. Trông nó như vầy nè:
Cái, Barnaby bắt gặp nó dưới cái lạch rồi mang về nhà, ảnh nói, ‘Xì, nó đúng là cha già thối hoắc há?’ Má cuống cuồng lên, vặn đôi tay và thở dài sườn sượt vì Stinky nhảy ngay lên xô-pha và để lại dấu chân bẩn ở khắp nơi. Cái gì bẩn thỉu cũng đều làm cho các bà mẹ phát điên.
Khi Stinky nhấc cái chân nhỏ xíu đầy lông lá lên đống đồ giặt sạch thì má rên lên đau đớn. Bà ngó Barnaby, ‘Không nuôi nó đâu.’ Nhưng Barnaby thuyết phục bà. Ảnh làm được điều đó vì ảnh là người đàn ông duy nhất trong nhà nên má thương ảnh lắm lắm.
Má chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn và bà không về nhà mãi cho tới giờ ăn tối, do đó thường thường chỉ có tôi và Stinky ở nhà với nhau sau giờ học. Tôi ngốn sạch một tô Weet-Bix[3]rồi chúng tôi ra khỏi nhà, không ra phố thì xuống cái lạch.
Một hôm tôi đi học về thì không thấy Stinky ở nhà. Không có đứa nào ngoắt đuôi, nhảy cỡn lên nhặng xị, hay chạy quanh tìm một cái vớ để nhét vào miệng, không có đứa nào ra vẻ suốt cả ngày đã chờ mong tôi về, không đứa nào mừng vì thấy tôi, không đứa nào làm tôi mừng khi thấy nó. Ngôi nhà vắng ngắt và yên lặng một cách bất thường, như một cái cây trong gió mà lá nó không phất phơ gì cả. Tôi biết ngay có điều gì không hay rồi. Tôi gọi lớn vào những bức tường cũ màu xám buồn bã có những cửa sổ lung lay và bức tranh của Bruegel vẽ những nông dân đang làm việc trên một cánh đồng vàng, nhưng chẳng có gì xảy ra. Tôi mong một cử chỉ vẫy đuôi ấm áp và một tiếng sủa, thí dụ như vang đến từ nhà của Caramella Zito, và những mùi ngầy ngậy như tôi ngửi được ở nhà của Ricci, hay thậm chí tiếng Barnaby vừa đàn ghi-ta vừa rống lên một bài hát.
Rồi tôi buồn, không buồn thoang thoáng mà là buồn sâu sắc hơn kìa. Tôi cảm thấy như thể không có gì để tin tưởng hay chạm vào, không có gì cả ngoài những tiếng dội và những cái bóng và những sự tan biến. Đời sống đã biến thành cát lầy và ánh đèn vàng vọt yếu ớt trong nhà bếp tỏa về phía tôi như hơi thở ma quái của những sinh mệnh đã rời bỏ trần gian. Ma mị vô cùng. Và mọi chuyện này là do Stinky không có mặt ở đó. Điều đó cho biết một người bạn nhỏ lông dài cũng quan trọng với đời sống của chúng ta lắm lắm.
Nhà bếp của chúng tôi hơi nghiêng xuống. Có những cái lỗ lớn trên sàn nhà mà bạn có thể thấy đất ở bên dưới, và ở chính giữa nhà bếp có một cái bàn gỗ với một cái chân lỏng lẻo hơi bị nghiêng mà thỉnh thoảng chúng tôi phải cho nó một đá để nó đứng thẳng lại. Tuy vậy, đây là cái nhà bếp rất tốt, vì độ nghiêng làm cho nó giống một cái thuyền, và có khối thứ ở bên ngoài vào bếp qua đường cửa sổ. Trong lúc ngồi ăn Weet-Bix, bạn có thể thấy một tán lá sồi đang thì thầm trong trời xanh, và bạn có thể nghe dàn hợp xướng rộn ràng mê đắm của lũ chim Myna và những con vẹt cãi cọ nhau dành những quả đầu . Nhà bếp nối liền với một căn phòng nhỏ khác, ở đó có một cái xô-pha bệ vệ cũ kỹ và một cái ti-vi. Để làm cho
căn phòng này ấm lên, chúng tôi phải đốt lò sưởi trong bếp và để cửa mở, nhưng vì không có ai rúc vào người, hay lười biếng, hay âu yếm với, nên tôi không buồn đốt lò sưởi lên. Tôi ngồi sụp xuống xô-pha và lôi mạnh ra một nắm bông độn màu trái nho lấm bùn lòi ra khỏi những cái lỗ, và nghĩ về việc Barnaby đã ra đi như thế nào, nghĩ về bà ngoại, và nghĩ do đâu mà tôi không có cha và má tôi không có nhà, và do đâu ngay cả Stinky cũng đã bỏ nhà đi. Chán thật, tôi thật chán khi người ta bỏ đi. Tôi nghĩ, có lẽ tôi cũng sẽ bỏ đi. Lên một chuyến tàu và đi xuyên bang. Chỉ để làm người đi giang hồ thôi. Tuy nhiên, tôi đã không đi, bởi vì những vụ giết người kỳ lạ xảy ra ở Adelaide, và Sydney là dành cho những người dễ dàng ăn nắng, còn những bang khác thì quá xa và quá nóng. Tôi đi hỏi Ricci xem bà ấy có thấy Stinky đâu không. Chuyện gì đang xảy ra Ricci cũng biết.
Ricci la quang quác, vì bà ấy luôn la quang quác. ‘Cháu thử tìm ở dưới lạch chưa?’ ‘Chưa, chưa tìm ở đó.’
Bà vỗ vào vai tôi nói, ‘Cháu đi tìm đi. Để cô đi hỏi bọn con trai .’
Bọn con trai là hai tay xám xịt sống với nhau trong một ngôi nhà ngăn nắp nhất và trắng nhất trên phố. Họ có những cây thuốc phiện và loài hồng băng tảng[4]trong vườn trước, và một con đường nhỏ màu trắng dẫn vào đến cửa nhà họ.
Ricci đẩy tôi tới, nói, ‘Đi đi, đừng ngại.’ Bà luôn ra lệnh và đẩy. Tuy nhiên, bà không có ác ý khi làm thế. Chỉ là bà không bận tâm với những lời đề nghị và lý lẽ, bởi vì để tìm tất cả những từ mà lý lẽ cần thì quá xá rắc rối. Ricci rất cần kiệm. Bà tự trồng đủ loại rau để ăn, và nấu món súp bằng rau và cổ gà tây. Nhiều lần bà mang súp gà tây qua nhà tôi, thở dài và đứng chống nạnh.
Bà hỏi, ‘Má cháu đâu rồi? Cedar nè, cô rửa mấy cái dĩa này, còn cháu thì lau khô chúng nghen.’ Và một khi bà đã lau chùi thì bạn không thể làm bà ngừng tay được. Thậm chí bà còn chùi láng mấy cái tủ bếp và lau sạch cái lò. Điều đó làm tôi phát khùng, nhưng rồi tôi thấy hài lòng nhẹ nhõm, vì ban đầu căn nhà trông lung tung beng khi nó bẩn thỉu, rồi nó trở nên sạch sẽ thơm tho, như một căn nhà trên ti-vi, khi cái lò được chùi sạch.
***
Tôi xuống con lạch và gọi to ‘Stinky ơi,’ trên đường đi. Tôi thấy Marnie Aitkin và Aileen Shelby, vì chúng luôn cặp kè với nhau thành một cặp.
Aileen hỏi, ‘Mày la làng cái gì vậy hả Cedar? Mày đánh rắm à?’ Con nhỏ này luôn thủ một điều khôn lỏi gì đó để phun ra. Marnie giấu mặt cười khúc khích trong đôi tay được cắt tỉa móng kỹ lưỡng. Tôi nhận thấy đôi mắt của Aileen gần với nhau, chúng có cái nhìn của một con rắn.
‘Tôi mất con chó Stinky. Mấy người có thấy nó đâu không?’
Aileen lắc đầu.
Marnie hỏi, ‘Ồ, thật vậy à? Tụi tao đang tới nhà Harold.’
Tôi nói, ‘Vui vẻ nhé,’ nhưng tôi không nghĩ là mình muốn nói vậy. Mấy con nhỏ này làm tôi bực mình ghê.
***
Tôi không tìm ra Stinky vào buổi chiều hôm đó, và ngày hôm sau nó vẫn chưa về nhà. Caramella ghé lại cho tôi xem miếng băng dán quanh cổ chân. Nhỏ bị bong gân khi chơi nhảy tưng trên bàn nhảy, vì nhỏ hơi cà tưng và vụng về với những trò thể thao. Tôi cố ra vẻ chia sẻ nỗi đau bong gân nhưng lại chỉ cảm thấy buồn hơn cho chính mình. Và dù sao đi nữa Caramella cũng khoái việc bị thương như vậy, nhất là vì thế mà cha nhỏ phải chở nhỏ đến trường. Tôi quyết định làm một thông báo chó lạc. Tôi nhờ Caramella vẽ một bức hình Stinky vì nhỏ vẽ giỏi hơn tôi nhiều. Cái thông báo như vầy nè:
«Chó lạc
Nó là một con chó nhỏ, nhiều lông, và trông hơi giống như vầy:
Có tên là Stinky
Thích xương và rượt thỏ, và khi nó xuống con lạch thì hơi bốc mùi hôi, nhưng rất thân thiện và được chủ thương yêu và nhớ.
Xin hậu tạ.
Vui lòng gọi số 93800195»
Tôi không biết món hậu tạ là cái gì đây, nhưng tôi nghĩ tôi có thể lấy một ít hoa hướng dương Nga của Ricci bởi vì chúng to khổng lồ và làm cho bạn có những ý tưởng thần kỳ thời tiền sử. Ricci nhờ một đứa trong bọn con trai phô-tô bản thông báo cho tôi ở sở làm. Bọn con trai thích Ricci lắm. Bà trông coi vườn của họ khi họ đi Thái Lan trong kỳ nghỉ phép, và họ cho bà một cái lò vi-ba trong dịp Giáng sinh nhưng bà không sử dụng nó vì bà cho rằng nó giết chết năng lực sống.
Tôi dán bảng thông báo trên các cột điện khắp dãy phố và xuống tận khu sân vận động. Rồi tôi lại rầu ơi là rầu, còn Caramella thì đi khập khiễng và Ricci thì quang quác quang quác, ‘Cưng ơi, đừng lo, Stinky về ngay mà. Nó khôn như quỷ.’
Chương 3
Thật ra có lần tôi từng bỏ nhà đi bụi. Đó là ngày sinh nhật thứ mười hai của tôi. Tôi bỏ nhà đi vì mọi người quên mất hôm đó là sinh nhật tôi. Tôi hết thiểu não bước rồi lại nhảy lò cò bằng một chân, có ý chờ cho mọi người chú ý, nhưng họ đều bận toan tính công việc và nói điện thoại. Bạn biết không, tôi ra đời trong một ngày đặc biệt, ngày cuối cùng của năm: chính xác là ngày 31 tháng Mười hai, 1988. Kẹt nỗi, nó là một ngày đặc biệt đối với mọi người, chứ không chỉ với riêng tôi. Người ta gọi nó là Đêm Giao thừa. Hãy tưởng tượng rằng bạn phải chia sẻ sinh nhật của mình với cả thế giới xem. Thiệt là chán phèo, vì trong ngày sinh nhật của mình thì bạn muốn cảm thấy đặc biệt. Bạn muốn có riêng ngày này cho mình thôi.
Nói chung ra tôi không phải là đồ ích kỷ, nhưng bạn sẽ không thể kềm được cái cảm giác buồn chút xíu khi mọi người bận rộn tổ chức sinh nhật của bạn đến nỗi họ quên bạn tuốt luốt luôn. Tôi, Cedar B. Hartley. Ra đời vào ngày cuối cùng của năm. Người yêu thích ong và chim. Chắc là khét tiếng. Dở toán nhưng giỏi các món khác, như nhảy và bày trò. Tôi vậy đó. Làm sao mà người ta quên được chứ? Đó là điều xoay mòng mòng trong đầu tôi. Cả Barnaby cũng quên tuốt. Tất nhiên là ảnh chỉ hào hứng về cái bữa tiệc ngu xuẩn mà ảnh sắp tới dự ở nhà Harold Barton thôi.
Tôi đạp xuống đất thình thịch và chổng đầu trồng cây chuối để gây sự chú ý của mọi người. Khi trò đó không có kết quả, tôi làm bộ nghĩ rằng: Ừ, thật ra cần quái gì họ chứ? Tôi tự nhủ. Mình và Stinky thôi cũng được, hai đứa mình sẽ tự tổ chức mừng sinh nhật riêng vậy.
Thế là tôi xuống tiệm bán sữa và mua một hộp Orange Thin , loại sô-cô-la mà má hay dùng sau những bữa tiệc tối. Những người lịch sự chỉ nhón lấy một miếng thôi. Vì má đang dạy tôi làm người lịch sự, tôi chỉ được phép lấy một miếng. Mỗi miếng sô-cô-la được gói riêng trong bao nhỏ màu sô-cô-la, làm như thế để bạn thấy chúng thật đặc biệt. Những miếng sô-cô-la cầu kỳ, đó là thứ mà tôi muốn có cho sinh nhật thứ mười hai của mình. Ừ, cũng không hẳn thế. Thật ra tôi vẫn hay gợi ý bóng gió về một con ngựa. Những lời bóng gió như: Con biết ở đâu có thể có một bãi cỏ (vụ này tôi chỉ ba xạo thôi mà). Ôi, con ước gì con có một con ngựa, con sẽ trở nên đứa trẻ ngoan hơn nếu con có một con ngựa (với một tiếng thở dài kèm theo).
Tôi không nghĩ má hiểu được lời bóng gió đó. Tôi nghĩ rằng tôi biết con ngựa là món quà quá xá lớn, không nên hy vọng. Sao đi nữa thì Orange Thin cũng rất dễ mang theo bên mình khi bạn bỏ nhà đi bụi, và tôi có nguyên một hộp dành cho riêng mình và Stinky. Cuối cùng thì ngày đầu tiên tôi trở thành mười hai tuổi cũng tới, gần như đã có thể trở thành một thiếu niên, và tôi muốn làm một điều gì đó để chứng minh rằng mình đã lớn cỡ chừng nào.
Nói thiệt nghen, tôi không thấy khác biệt gì cả. Tôi không nghĩ là bạn sẽ cảm thấy khác biệt. Tôi nghĩ rằng tới ngày nào đó khi bạn vừa thành sáu mươi hay bảy mươi, thì chắc hẳn tuổi già sẽ là một cú sốc ghê lắm, bởi vì vẫn chính là bạn, ở bên trong; chỉ có điều mọi thứ bên ngoài đều bị nhăn nheo vì thời tiết. Khi tôi già tới như vậy, tôi cũng vẫn nhón lấy một miếng Orange Thin thôi, tôi biết vậy. Thật ra, đó phải là điều tuyệt nhất của tuổi già. Bạn không phải lo lắng về chuyện bị những lỗ sâu trong chân răng của bạn nữa bởi vì răng của bạn đã hư hết, hoặc rụng hết, hoặc đã được trồng lại rồi. Và bạn cũng không phải chờ ai đó cho phép bạn ăn sô-cô-la, bạn có thể làm theo ý mình và xực tới năm miếng rưỡi nếu bạn muốn. Cả những thứ sành điệu tinh tế nữa, không phải là mấy tay bạn ruột hay thuốc lắc hay tàn nhang đâu. Mà là Orange Thin. Chúng rất quý hiếm và sang trọng, như một phụ nữ Á Đông trong bộ váy lụa vậy.
Vì vậy hôm ấy tôi đi ra cây cầu và xơi cho đã đời luôn, lại cho Stinky một nửa, bởi vì nếu bạn không thể chia sẻ điều mình khoái chí với một ai khác thì cũng không vui vẻ gì đâu. Chúng tôi ngồi dưới cầu, rồi chúng tôi cố ở ngoài đó càng lâu càng tốt để biết chắc là má và Barnaby phát hiện ra chúng tôi đã bỏ nhà đi. Tôi hình dung họ ngồi ở bàn trong bếp, cảm thấy ân hận khủng khiếp về việc quên mất sinh nhật của tôi; má thổn thức bên ly cà phê, còn Barnaby thì rơi vào một nỗi hối hận sâu sắc, và bị vây bủa bởi những ý nghĩ rằng tôi là một đứa em gái thân thương, dịu dàng, quý giá biết chừng nào; rồi ảnh và má buộc phải
bàn với nhau cặn kẽ những phương cách có thể làm để đền bù cho tôi, bằng cách hùn nhau mua một món quà đặc biệt hơn nữa (một con ngựa trắng lớn và chạy cực nhanh chẳng hạn). Tôi tưởng tượng vậy đó. Rốt cục, Stinky và tôi cũng về nhà. Má chạy ào tới tôi và tỏ ra rất ân hận về việc quên mất sinh nhật tôi. Tuy nhiên, bà không thổn thức khóc, bà chỉ đưa tôi một gói vật dụng cá nhân có dầu Ulan trong đó. Dầu Ulan là chất dưỡng da màu hồng, thoa lên da để bạn không bị nhăn nheo. Má nói rằng vì tôi sắp là một thiếu nữ, tôi phải bắt đầu chăm sóc cho làn da của mình. Barnaby đã đi dự tiệc rồi (chuyện này khiến tôi giận quá cỡ). Ảnh để lại một lá thư nhỏ và một cuốn sách trên giường tôi. Cuốn sách có tựa đề là Chữ C là dành cho Chó . Tờ giấy ghi:
«Chúc mừng Sinh nhật Cedar Blue. Anh có một ý nghĩ dành cho em. Cuộc đời là một đại dương khao khát. Đừng để sót điều gì mà mình chưa từng thử đến. Thương nhiều. Barnaby» Có một bức vẽ hình đại dương kèm với cuốn sách. Barnaby luôn luôn tự vẽ những tấm thiệp. Anh ngầm tự coi mình có chút gì đó thi sĩ, nhưng tôi nghĩ anh đã rất vội khi viết những dòng này. Anh gọi tôi là Cedar Blue vì có một cái cây ở vườn Bách thảo có tên là Atlas Blue Cedar, và Barnaby cho rằng chắc tôi được đặt tên theo tên của cây đó, và đó là nơi ba má chúng tôi làm vụ đó , ngay dưới tán cây xanh. Nhưng tôi nghĩ anh bịa điều này bởi vì Blue Cedar không phải là một loài cây quen thuộc. Nó đáng ra nên mọc trên núi, nơi có những con nai sừng tấm Bắc Mỹ. Khi tôi hỏi má, bà nói đó là chuyện rất hoang đường, và Barnaby thực đã có một trí tưởng tượng thuộc loại quá cỡ thợ mộc.
Tôi cố ra vẻ hài lòng về lọ kem dưỡng da, nhưng tôi biết rằng má mới đi mua nó ở một tiệm thuốc tây, bởi vì nó đã không được gói lại. Cái thú vị nhất của một món quà là giây phút bạn bắt đầu mở nó ra, khi bạn hoàn toàn không biết chắc nó là món gì, và bạn đầy hy vọng và mong đợi.
Vậy đó, dầu Ulan chẳng giống con ngựa một chút xíu xìu xiu nào cho dù được gói lại. Có nghĩ tới là quan trọng rồi, tôi ráng tự nhủ như thế. Nhưng tôi không khoái việc chăm sóc cho làn da mình. Trước giờ nó vẫn tự chăm sóc rất tốt cho chính nó.
Nghĩ cho cùng, tôi không thật tin chuyện ‘có nghĩ tới’ là quan trọng. Nó chỉ đúng có phân nửa thôi, bởi vì điều gì sẽ xảy ra nếu ‘có nghĩ tới’ mà lại không sâu sắc ân cần chứ, như cách má tôi thường tặng cho Ricci một hộp sô-cô-la hiệu Quality Street? Giờ đây, nếu má thật sự ân cần thì bà có thể nhận ra rằng Ricci gần như luôn luôn ăn kiêng. Má có thể tặng cho bà ấy một quyển sách về đậu hũ thay vào đó, hay một đôi giày mới, bởi vì Ricci rất thích giày, nhất là nếu chúng màu bạc hay màu vàng.
Và chắc chắn có nhiều vấn đề tích cực đáng để nghĩ tới hơn là những rắc rối về da khi bạn bước vào tuổi thiếu niên. Như về sự tự do chẳng hạn, nghĩ sao đây? Như chuyện được phép tự mình hành xử mọi việc chẳng hạn? Như chuyện trở nên khôn ngoan hơn chẳng hạn? Tới khi già bằng má thì tôi sẽ khôn như quỷ rồi. Bà phải suy nghĩ nhiều cho những nạn nhân bị tai nạn, vì họ bị những chấn thương sọ não (đó là cách diễn đạt chính xác cho việc não của họ bị lộn tùng phèo vì một thứ tai nạn có dính líu tới một cú nện thật mạnh vô đầu). Do đó quota suy tư của bà đã bị xài gần hết vào lúc bà về tới nhà, và bà không thể có những ý nghĩ ân cần cho tôi và Ricci, và cho Caramella có một cổ chân bị bong gân.
Có lần tôi hỏi má rằng bà có nghĩ tôi sẽ nổi tiếng không.
‘Cedar, cưng của má ơi. Con sẽ khét tiếng.’
‘Nghĩa là sao hả má?’
‘Khét tiếng là còn nổi tiếng hơn cả nổi tiếng.’ Bà trả lời kèm theo một tiếng thở dài, vì tôi làm bà phát cáu lên với những câu hỏi khi bà mệt.
Tôi không biết tôi sẽ khét tiếng vì cái cóc khô gì, chắc chắn là không vì hình học hay sự chế tạo này nọ, vì tôi không giỏi về những đường thẳng hay về điện.
Chương 4
Dù sao đi nữa, thật là không vui tí nào khi đi xuống con lạch hay lòng vòng quanh phố mà không có Stinky đi cùng. Tôi nằm nhà đọc cuốn Chữ C là dành cho Chó. Nó cho bạn biết mọi chuyện mà bạn cần biết theo thứ tự ABC: răng giả, giống chó xpanhon tai cụp miền đồng bằng, những cơn ngất xỉu, sự đầy hơi, chí rận, ký sinh trùng[5]. Tôi chưa từng nghĩ đến răng giả dành cho chó. Đúng ra một cuốn sách như thế, có lời khuyên về răng cỏ và mọi thứ khác, thì cũng phải có một phần nói về những con chó đi lạc chứ. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều chó bụi đời hơn là chó cần răng mới. Bà của tôi có răng giả. Có lần tôi thấy chúng trong một ly nước. Bà từng sống với chúng tôi, nhưng đã chết vì tuổi già. Thật ra đây là nhà của bà, và chúng tôi đến sống với bà vì trước đó chúng tôi sống trong một căn nhà rất nhỏ. Đời sống tốt đẹp hơn khi bà ở đây, vì hai bà cháu từng ăn loại kem dâu gợn sóng với nhau. Bà cũng chẳng bao giờ nổi cáu. Bà chỉ muốn chải tóc tôi.
Thật là may, tôi đang cà rỡn loanh quanh trong nhà suy nghĩ về hàm răng giả của bà, thì lúc đó chuông điện thoại reo.
‘Alô, Cedar đây.’
‘Xin chào, tôi gọi lại về chuyện con chó.’ Giọng một đứa con trai, không phải thứ giọng ồm ồm hay có vẻ giễu cợt, mà giống giọng của một con sông từ tốn chảy qua hơn.
‘Stinky à? Bồ có thấy nó không?’
‘Tôi nghĩ là có.’
‘Nó có ổn không? Nó có cái vòng cổ màu đỏ không?’
‘Có.’ Ngừng lời một lúc. Tôi nghe được tiếng cậu ta hít vô rồi lại thở ra.
‘Bồ thấy nó ở đâu?”
‘Ở cạnh con lạch Merri Creek.’
Tôi hỏi, ‘Bồ có nghĩ là tôi tới gặp được không?’ Lại thêm một lúc im lặng.
Cậu ta đáp, ‘Tôi có thể gặp bạn ở khu sân vận động gần nơi bạn dán cái thông báo chó lạc.’ ‘Vâng. Nhanh chứ?’
Giọng con sông đáp, ‘Mười lăm phút nhé?’
‘Vâng, gặp bồ sau nhé.’ Tôi đáp, và cúp máy. Ồ, quên hỏi tên cậu ta mất rồi.
Tôi nhìn gương xem mặt mày mình thế nào. Gương mặt của Cedar B. Hartley nhìn lại tôi. Không hoàn toàn là Lana Monroe, không nổi tiếng hay là rất hiểu biết, chỉ là một nụ cười cầu tài và một cái đầu tóc đỏ bao quanh. Tôi thử làm một vẻ mặt thông minh, nhưng không được. Tôi hỉnh hai lỗ mũi ra để cái mũi có nét hơn rồi tôi nhét hai ngón tay út vào vào và gầm gừ. Đột nhiên tâm trạng của tôi chuyển từ nhảm nhí thành ra điên rồ. Căn nhà sáng trưng và tôi bất cần chuyện nó có nhiều cái lỗ to trên thảm lót sàn. Tôi chộp một trái chuối rồi đi đón Stinky về.
Chương 5
Bầu trời trông xám ngắt. Không có ai ở dưới con lạch cả, ngoài Lão Thỏ. Tôi gọi lão là Lão Thỏ, nhưng lão không hề có bộ dạng hay hành động gì giống thỏ. Không hề có lỗ tai dài hay có rất nhiều con. Thật ra, tôi không nhớ nổi tại sao lại gọi lão như thế. Tôi chỉ gọi vậy thôi. Đôi khi, trong trí mình, bạn gọi ai đó bằng một cái tên nào đó chỉ bởi vì cái tên ấy cứ như khẽ khàng chọt chọt bạn khiến bạn phải gọi họ như thế.
Lão Thỏ đã già và là người gốc Ý. Lão có một cây gậy và mặc cái áo xanh da trời gài nút ở cổ áo, đóng bộ với cái quần nhung và giày êm. Một người lớn tuổi mặc quần nhung luôn cho thấy một dấu hiệu tốt của sự cường tráng. Ngoài ra, lão rất yêu chó. Con chó của lão là một con chó già, đi khập khiễng, màu đen-và-nâu, tên là Diva. Họ rất là xứng với nhau.
Lão hỏi, hào hứng quơ quơ cây gậy trên không, ‘Nhưng chó của cô đâu rồi?’ Lão Thỏ nói rất to và rõ ràng. Lão cân nhắc từng từ, như thể đang trồng nó vào trong bạn vậy. Khi lão nói từ ‘Diva’, lão như vắt xiết chữ Di ra rồi đập dẹp chữ va , nghe như Deeee va . Tôi thường thích lắng nghe lão trồng chữ, nhưng lần này tôi đang vội tới khu sân vận động và lởn vởn quanh cái trụ xà.
‘Nó ở khu sân vận động, cháu đi đón nó về.’
‘Nó là bạn thân của cô. Con chó của cô là bạn thân nhất của cô,’ Lão Thỏ nói theo. Lão nói điều đó mỗi lần bạn gặp lão. Lão thích cúi xuống và đưa tay ra với tất cả mọi con chó đi ngang. Lão bày cho tôi điều đó. Lão nói, hãy luôn luôn để cho một con chó đến với bạn, theo cách đó thì bạn sẽ không làm nó sợ.
Có vài người sợ chó. Tôi thích cưỡi xe đạp lên đường Sydney và ngắm đám phụ nữ Ả-rập co rúm trong những cái khăn trùm đầu khi Stinky chạy ngang qua họ. Tôi biết là đáng ra tôi không nên làm thế, nhưng tôi lại nghĩ rằng đó là bài học tốt cho những bà sợ hết hồn đó biết rằng chó không cắn đầu gối hay nguyền rủa người ta. Chó có khi còn dễ thương hơn khối người. Như tôi chẳng hạn. Xét cho cùng, tôi là đứa tìm trò vui trên sự sợ hãi của mấy bà đó. Chứ không phải Stinky. Thậm chí nó không thèm để ý gì đến họ. Trừ khi họ có một khúc xúc-xích.
Trời bắt đầu đổ mưa. Tôi không có cái gì để che mưa cả - mưa thì tốt cho nông dân và mọi người - nhưng tôi lại không khoái bị ướt. Đôi khi tôi có thể vượt qua được điều đó. Tôi có thể ngửa mặt lên trời và nói, ‘Nè rơi xuống đi, tới luôn đi, dội ướt tôi đi.’ Rồi tôi có thể thú vị với cảm giác ướt mèm. Đôi khi tôi lại còn muốn thấy mình có thể bị ướt sũng tới mức nào. Tôi muốn bị ướt mưa hơn bất kỳ ai khác đã từng bị ướt từ trước tới nay. Nhưng tôi không hứng thú chơi mưa trong hôm đó, không một chút nào. Ướt sũng chỉ thích khi nào bạn biết là bạn có thể chạy về nhà và trút bỏ quần áo rồi trườn vào một bồn nước ấm để tắm. Nhưng khi bạn đang trên đường đến gặp một tên con trai có giọng nói như dòng sông, kẻ đã tìm ra con chó của bạn, thì bạn sẽ không muốn nhỏ nước tong tong xuống giày của hắn chút nào.
Do đó, tôi đi thẳng đến cây cầu gù gù. Stinky nhìn rất là tức cười khi nó bị ướt. Lông nó dựng đứng toàn thân. Trông nó sẽ giống thế này đây:
Cây cầu gù gù nhìn rất là xấu xí ở bên trên vì xe cộ chạy trên đó, và cũng khá xấu ở phía dưới nữa vì những hình vẽ trên tường cầu, cùng phân bồ câu vương vãi khắp nơi, thêm một cảm giác hụt hẫng xám xịt bẩn thỉu. Nếu bạn vẽ tranh trên tường, ít ra bạn cũng sẽ muốn viết lên một ý tưởng hay tuyệt cú mèo hoặc vẽ một bức tranh về một con chim đang bắt cá, nhưng bạn chỉ thấy dưới cây cầu những chữ như AKS . Ai mà biết chúng có nghĩa cóc khô gì? Một trong những trụ nâng cầu được vẽ chữ PAT và trên cột trụ kia là chữ GARY bằng sơn đỏ. (Đó chẳng phải là xuất phát điểm gì hay ho, ngoại trừ điều đó làm tôi tưởng tượng ra hai gã từng chơi banh với nhau, và giờ họ thì đều sắp hói đầu và làm xúc-xích để bán cho các cửa hàng đặc sản ở Brunswick.) Anh Barnaby vẫn cho rằng nghệ thuật vẽ trên tường là cho ‘những dấu ấn riêng’, nhưng tôi nghĩ nó chẳng khác gì cái cách lũ chó thích tè lên tường. Bọn chó đực và lũ con trai vốn thích để lại dấu vết của mình.
Thế nên cách duy nhất để thấy rằng cây cầu đẹp là nhắm mắt lại và lắng nghe nó gù gù. Tất nhiên chính là lũ bồ câu đang gù, chứ không phải cây cầu, mặc dù nếu bạn không nhìn thấy lũ bồ câu ẩn mình dưới đó, bạn có thể nghĩ đấy là tiếng của cây cầu. Tôi cố gắng tìm hiểu điều bọn bồ câu đang trao đổi. Tới lúc này thì tôi biết là chúng nói như vầy - đó là những câu dịu dàng sướt mướt như, Ôi em yêu ơi, hãy để anh làm cho cái tổ của em êm ái hơn nhé. Nè, anh xoa những móng vuốt bé bỏng của em nhé? Chúng mình sống trong một cây cầu tuyệt quá. Em xơi một miếng sô-cô-la Orange Thins nghen?
Việc dịch tiếng gù gù không đến nỗi ngớ ngẩn như bạn tưởng đâu, bởi có lần tôi đã nghe nói về một ông thầy tu tên là Francis, ở Ý; ổng có thể nói chuyện với thú vật và chim chóc. Tôi gần như nói được tiếng của chó và tôi không tu hành gì cả. Nhưng tôi hiểu những gì Stinky đang nói. Tôi hiểu ngôn ngữ của cái đuôi. Ví dụ, đuôi ngoe nguẩy vòng vòng nghĩa là rất hài lòng, còn khi dựng đứng đuôi lên là đang thắc mắc điều gì đó, đại khái như Ai vậy? Mày có phải là con thỏ không? Tao tới đó được không? Ngoài ra còn có một ngôn ngữ trong đôi mắt nữa. Ngôn ngữ của cái đuôi và ngôn ngữ đôi mắt phối hợp với nhau rất nhuyễn.
Stinky gần như nói cả được tiếng người nữa. Ở nhà chúng tôi không thể nói chữ ‘đi dạo’, bởi vì chữ ấy làm cho Stinky phát khùng lên. Nó sẽ sủa rồi phấn khích nhảy cà tưng, và điều đó làm má tôi đau đầu. Cho nên thay vì nói vậy, chúng tôi nói, ‘Tôi sắp đi “d.’’.’ Tôi không rõ tại sao, nhưng Stinky chưa hiểu được điều đó. Nói chuyện là một chuyện, nhưng đánh vần lại là một chuyện khác.
Tôi đang nghĩ về những chuyện dễ thương như sự dịu dàng của chim và việc đánh vần của chó thì có kẻ thô bạo xông vào đầu óc thủ thỉ dễ thương của tôi, kẻ đó chẳng ai khác ngoài Harold Barton. Giọng chế nhạo của Harold Barton cất lên, ‘Nào, xem ai đang ở đây nè.’ Hắn đứng đó, thở hào hển như một con chó. Cạnh bên hắn là Patrick Murphy và Frank-Ai-Đó[6]. Cả bọn đều ướt mèm. Nước mưa nhểu xuống từ cái mũ đội ngược của Harold và chảy ròng ròng xuống cổ hắn.
Hắn hỏi, ‘Có tin tức gì của anh mày không?’
Tôi đáp, ‘Không,’ và nhìn Patrick Murphy tự hỏi không biết có phải hắn là kẻ viết chữ PAT không? Harold nói, ‘Barnaby là một thằng quái,’ rồi uốn cong đôi môi thành một hình dạng xấu xí. ‘Nè, mày làm cái khỉ gì mà ngồi dưới cây cầu một mình vậy, hả Cedar? Tao chẳng hiểu nổi bọn Harley chúng mày.’ Harold nghĩ rằng bất cứ ai không tụ tập quanh hắn đều là quái cả, nhất là nếu họ chỉ thích chơi riêng mỗi một mình. Tôi cân nhắc việc có nên nói với hắn rằng tôi đang dịch tiếng chim hay không, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là làm lơ câu hỏi của hắn đi. Tốt nhất là không cho hắn cơ hội nào để tiếp tục kiếm chuyện. Tôi biết Harold đã ngầm ngưỡng mộ Barnaby vô cùng, điều đó không có gì ngạc nhiên, bởi vì Barnaby rất là quyến rũ và lũ con gái mê ảnh muốn khùng luôn. Cho rằng chúng tôi không có tin gì của ảnh là nói dối, bởi vì ảnh vẫn có gởi bưu thiếp về. Thường thì chúng chỉ là một miếng bìa cứng nhỏ, được cắt ra từ một cái hộp, có một bức họa vẽ ở mặt trước và hai dòng chữ ở mặt sau. Như là:
«Má và Cedy thương, ngày lại ngày, trên cao đây
Con tập vỗ cánh, và loạng choạng bay, hình dung thấy bầu trời và nó tuyệt vời quá đỗi» Nhưng tôi không nói với Harold về điều đó, trước tiên vì hắn nghèo trí tưởng tượng, do đó hắn sẽ không biết thưởng thức, nhưng cũng bởi vì tôi có cảm tưởng là đã xảy ra chuyện gì đó rất buồn cười. Barnaby không cho tôi biết là chuyện gì, nhưng tôi hiểu rằng nó có liên quan tới chuyện Barnaby bị gởi đi học xa.
Tôi nói, ‘Harold này, tôi biết là anh đã làm cho anh Barnaby gặp rắc rối, tôi biết chắc vậy.’ ‘Tao không làm. Dù sao đi nữa, Barnaby bị vậy cũng đáng đời.’
‘Đáng cái gì?’ Tôi nheo mắt ngờ vực và Harold cũng nheo mắt ngó trả, và rồi hắn diễn trò phim Mỹ, đặt tay lên tim, nhìn về phía mấy tay bồ tèo của mình bằng ánh mắt khá lão luyện ra vẻ van xin tội nghiệp. Harold Barton là đứa ma mãnh nhất mà tôi từng gặp. Hắn khôn ngoan né đi để khỏi phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất của tôi.
‘Nè tụi bây, Cedar đang tính nuốt tươi tao. Chỉ vì thằng anh nó là một thằng quái. Ê, đồ nhũn não, hãy đối mặt với sự thật đi. Mày và thằng anh mày là đồ quái. Và mày là đứa không cha.’ Tôi không nghĩ rằng cái trò khốn kiếp này đáng để cho tôi đáp trả, nhất là khi Frank-Ai-Đó đã lầu bầu ngượng nghịu đáp trả rồi. (Tôi không thể nghĩ ra họ của Frank bởi vì Frank không phải là loại người bạn thường nghĩ tới.) Patrick Murphy bèn đổi đề tài.
‘Thôi đi, tới sân bóng đi,’ hắn nói, hất mặt về phía khu sân vận động. Patrick là một đứa rất mê bóng đá. Hắn là cái thứ mà tôi gọi là một thằng bị thịt. Hắn khoanh đôi tay béo nù lên ngang ngực. ‘Coi bộ mình phải chạy lẹ tới đó thôi.’
‘Ừ, phải rồi, đi đi nào,’ Harold lôi ra cái kính mát sậm màu và lấy áo thun đang mặc lau sạch nước mưa trên đó. ‘Tạm biệt nghen, con khùng.’ Hắn nói mà không thèm ngó tôi, rồi cả ba đứa lừ lừ bỏ đi. Tôi cũng phải đi, nhưng tôi bước tụt lại phía sau chúng, cảm thấy hơi chán vì hẳn là đang có một đám đông tụ tập ở sân vận động dự buổi diễu hành bóng đá, và bởi vì Harold đã gọi tôi là đồ nhũn não, điều này thật sự chạm tới những sợi thần kinh kiêu hãnh của tôi vì tôi rất là coi trọng bộ não mình; cám ơn mày nhiều lắm, và tao biết bộ não tao sẽ không bao giờ hạ mình trêu ghẹo người khác về chuyện họ không có cha hay mẹ, hay không có cả hồ bơi. Đáng ra tôi phải nói một điều gì đó. Chẳng hạn phải như chú John thì chú hẳn đã nói; Harold Barton, mày không biết cái khỉ gì cả, thậm chí Đội Quân Cứu Tế[7] có vừa thúc tới đít mày vừa chơi bài Cuộc Diễu Hành Chết Chóc[8] hay không mày cũng không biết. Nhưng tôi không bao giờ nhớ ra những điều như thế. Thậm chí tôi không bao giờ nhớ ra những trò tiếu lâm móc họng. Trừ câu chuyện về con tàu chìm run rẩy, hay chuyện con chó - nó nhắc tôi rằng, tôi sắp sửa tìm ra Stinky, ông tướng rậm lông, con dã thú yêu quí của tôi. Bây giờ chỉ kẹt một cái là tất cả mọi người chắc đang đông nghẹt ở sân vận động, thì làm sao tôi có thể tìm ra đứa con trai có giọng-của dòng-sông đây?
Tôi đi, lê từng bước, thì thầm và lắp bắp trong đầu. Nhưng cơn mưa bắt đầu ngớt dần và ánh nắng lấp lánh trên lá ướt, và hẳn là tôi đã lôi cái cảm giác quạu quọ khó chịu đó ra khỏi lòng mình và tống ngay vào trong bùn bởi vì tôi cảm nhận có cái gì khác đang vươn lên, run rẩy như một ngụm nước chanh. Nó làm cho tôi nhảy chân sáo, nhưng chỉ trong một thoáng thôi, bởi vì tôi không muốn cho ai thấy mình đang nhảy chân sáo. Chỉ có bọn trẻ con mới nhảy chân sáo như thế.
Chương 6
Sân bóng hoạt động hết cỡ. Tôi quét mắt vòng quanh rìa sân vận động, theo dãy chấn song lan can. Những nhóm khán giả túm tụm lại dưới hàng cây dương liễu mọc cạnh con lạch. Người ta cầm báo che đầu, la hét và vung tay đấm vào không khí. Một đám người cạnh bên trụ sở câu lạc bộ đứng trong những lùm cây dưới mái tôn; vài người trong họ đang mặc áo sọc của đội bóng. Không thấy Stinky đâu hết, hay Harold và băng nhóm của hắn (hên quá), nên tôi quyết định dợt những tư thế cột xà của mình, bởi vì nếu không thì tôi có thể chỉ đứng đó mà tưởng tượng ra cách dụ cả trăm con chuột vào phòng ngủ của Harold Barton.
Trước hết tôi làm tư thế chim, giống như vầy nè:
Tư thế này rõ ràng đòi hỏi một sức khỏe thật tốt cùng sự thăng bằng. Bạn cần phải trở nên giống như chim. Bạn duỗi các ngón chân ra xa đỉnh đầu và uốn cong hình cung hướng lên và ưỡn ngực về phía trước. Nếu bạn thử làm thế này, hãy chắc chắn rằng bạn giữ được cho tới khi lấy được thăng bằng. Barnaby không làm được tư thế này. Ảnh rất bực vì tôi có thể làm được. Barnaby nghĩ rằng ảnh phải giỏi hơn tôi bởi vì ảnh lớn tuổi và to xác hơn tôi. Ảnh giả bộ rằng ảnh không thú vị gì với các tư thế cột xà, nhưng tôi biết ảnh chỉ ganh tị bởi vì ảnh không thể làm được. Tư thế thứ hai là tư thế dơi:
Bạn chỉ phải để cho đầu mình thõng xuống và đôi chân bay lên. Tôi bắt chéo chân và để cho đầu tôi đong đưa. Thế này đặc biệt tốt cho việc có một cách nhìn đời khác lạ. Mọi người đang đi trông hay hơn rất nhiều khi bạn lộn ngược. Họ trở nên điên rồ và cà tưng, như những phi hành gia trên một hành tinh khác.
Rồi đến cây cầu. Nó nhìn giống như vầy nè:
Hãy gù gù trong tư thế này và có thể một con bồ câu sẽ làm tổ ngay dưới cánh tay của bạn. Tôi đang treo mình trong tư thế loài dơi, mơ hồ xem trận bóng theo chiều ngược. Trông nó hay hơn nhiều. Có một ông bố đứng gần bên cứ la to, ‘Ráng lên nào Ngựa vằn ! Cướp banh đi!’ Khi đội bên kia sút tung lưới, tất cả các cầu thủ đội Ngựa vằn đều gục đầu. Một anh chàng đấm vào cột khung thành. Tôi cảm thấy tội nghiệp họ. Tôi hài lòng là tôi đã không chơi bóng. Thỉnh thoảng Barnaby cố bắt tôi đá với ảnh, nhưng tôi không chơi. Tôi không hiểu làm sao bạn có thể biết trái banh hình quả trứng kia có thể nảy lên theo hướng nào. Nó thất thường vô chừng. Và tôi không thể nào đá nó cho chính xác. Barnaby nói như vậy là do tôi là con gái. Nếu làm một đứa con trai đồng nghĩa với việc bạn phải biết chơi bóng đá, thì tôi thấy mừng rằng mình là con gái. Barnaby là cầu thủ hay nhất thiên hạ. Ngay cả bố của Harold Barton cũng nói vậy khi ông xem một trận bóng trên đường phố. Điều đó làm cho Harold dỗi. Tôi thấy hắn dỗi. Mặt hắn đỏ ửng lên và miệng thở lập bập như một con cá vàng. Và từ phía gốc cây của mình, tôi âm thầm hả hê. Thỉnh thoảng tôi cũng là một đứa ác ngầm.
Ông bố lúc nãy đang phát cuồng lên và mặt đỏ bừng bừng. Ông nói, ‘Chán chưa! Tụi nó chơi như một lũ đàn bà.’ Tôi liếc cha nội này với ánh mắt giận tóe lửa (vì tôi là một người ủng hộ nữ quyền cuồng nhiệt,) nhưng bởi vì tôi đang treo ngược đầu nên không nghĩ ánh mắt mình bắn trúng ổng.
Một ánh mắt tóe lửa giận mà treo ngược thì không thể trực tiếp bắn trúng mục tiêu, đặc biệt khi gã đàn ông mập ú đó khiến cho mọi vật tưng đi thay vì xắn lún vào. Khi Harold Barton bắn tôi bằng một cái nhìn bẩn thỉu, cái nhìn đó xắn ngay vào tôi vì tôi còm nhom.
‘Tại sao bạn treo ngược đầu vậy?’ Giọng con sông hỏi tôi. Tôi thấy mái tóc nâu. Một đứa con trai. Tôi gần như nhìn được tới mũi cậu.
‘Tôi đang luyện tập,’ tôi đáp, nhìn xuyên qua đôi chân cậu để tìm kiếm dấu vết của Stinky. ‘Để chi vậy?’ Cậu đang mặc một cái áo thun có in chữ. Tôi không thể đọc ngược, nên tôi trở đầu xuôi lại.
‘Vô địch Dơi trên Trụ[9].’ Cái áo thun của cậu ghi là Lễ hội nhạc Jazz Wangaratta 1993. Cái đó in trên áo thun cũng không phải là tệ, không như mấy cái áo của Harold luôn luôn có nhãn hiệu thời trang trên đó.
Đứa con trai chun mũi lên. Tôi biết cậu ta nghi ngờ.
‘Vô địch Dơi trên Trụ là cái gì vậy?’
Một câu hỏi bình thường, tôi nghĩ vậy, và trong một thoáng tôi không biết trả lời làm sao vì tôi chỉ vừa bịa ra thôi.
Tôi hỏi, ‘Lễ hội nhạc Jazz Wangaratta là cái gì?’ Đó là một cái mánh mà tôi đã sử dụng hữu hiệu. Khi bạn không thể nghĩ ra câu trả lời, thì để câu giờ, hãy hỏi lại một câu hỏi khác.
‘Đó là một lễ hội nhạc jazz ở Wangaratta. Ba tôi đã mua cái áo thun này chứ không phải tôi.’ ‘Cha bồ là một nhạc công hả?’
‘Không, không hẳn vậy.’ Tôi không quyết định được là mình có hết sức muốn biết về mấy ông bố của người khác, hay hết sức không muốn biết gì về họ. Tôi chưa kịp ngưng điều đó lại, thì rất nhiều hình tượng đã ngập đầy trí tôi - một ông bố mặc áo thun, ơ hờ ậm ừ và nói, ‘Có muốn ngồi xe chạy chơi một vòng không?’ Tôi cau mày xua hình ảnh ông bố đó đi.
Tôi hỏi, ‘Nào, bồ có mang Stinky ra không?’
Đôi chân mày cậu ta nhướng lên và đôi mắt cậu mỉm cười. ‘Bạn là Cedar à?’
‘Đúng rồi, tôi là Cedar. Tôi ướt mèm, tôi biết vậy. Đừng lo, tôi sẽ khá hơn khi tôi khô lại.’ Tôi vuốt nhanh mái tóc và kiểm tra xem nó đã trở thành một trái banh uốn quắn nước mưa chưa. ‘Lẽ ra bạn phải đứng ở chỗ xà trụ.’ Tóc của cậu ta ngắn và giản dị, không chải chuốt chút nào. ‘Ui, tôi quên mất vụ đó.’
‘À, Stinky được cột lại đằng kia,’ cậu ta chỉ về phía sau trụ sở câu lạc bộ, và Stinky đang núp mình dưới một cây dương xỉ. Nó nằm đó có vẻ rất thoải mái, không có dấu hiệu gì là đang bị lạc hay mong mỏi tôi.
Tôi kêu lớn, ‘Nhóc tì Stinky!’ Nó đứng bật dậy, vẫy cái đuôi nhỏ lè bè, và dậm tưng tưng đầy kích động khiến tôi thở phào biết ơn vì không cần chứng minh rằng nó chính là con chó của mình bị lạc. ‘Trông nó thật vui mừng khi gặp bạn.’
Stinky, khi được thả ra, chạy giữa hai chúng tôi, kêu ẳng ẳng với vẻ kích động làm người ta bối rối. Cậu trai kia đúng là một người hiểu chó rất rành.
Theo tôi, thế giới được tạo nên từ hai kiểu người - người chó và người mèo[10].
Nếu bạn kẻ một vạch ngay chính giữa và nói rằng tất cả những người chó hãy bước qua một bên và người mèo bước qua một bên, thì cái phía bên chó của thế giới sẽ hỗn độn và ngầu bùn, một nơi có thật nhiều cây cối um tùm. Phía bên mèo sẽ thật sạch sẽ, khoan thai và đầy những mảnh đất rực nắng với xô pha bọc lụa. Tôi thuộc về phía chó, má tôi cũng vậy, và cả Barbaby. Nhưng Marnie Aitkin, nhỏ đó chắc chắn là thuộc về phía mèo. Nhỏ đó có những móng tay sơn màu đỏ san hô. Và cả Laura Pinkstone nữa. Đó là lý do tại sao tôi biết rằng Barnaby ngu rồi khi rủ nhỏ đó đi chơi, bởi vì chuyện đó chẳng bao giờ có thể nên cơm cháo gì. Ngay cả nếu Barnaby không bị gởi đi học xa, thì ảnh và Laura Pinkstone cũng thuộc về hai phe khác nhau. Bạn có bao giờ nghĩ một con chó có thể cưới một con mèo không?
Tôi ngắm kỹ cậu trai có giọng con sông. Một cái cổ dài. Cánh tay gầy nâu. Khuôn mặt xa vắng. ‘Bồ có chơi bóng không?’ Tôi hỏi, bởi vì tôi cảm thấy nên nói điều gì đó.
‘Không.’ Cậu ta chỉ khẽ nhún vai.
‘Tại sao không?’
‘Không thích cho lắm.’
Tôi nói, ‘Ừ, tôi cũng không thích. Trò đó thật đồng bóng.’ Và nghĩ rằng cậu có thể thán phục với cái từ đồng bóng đó. Nhưng dường như cậu không hề để ý. Cậu vẫn vỗ về Stinky. Qua cái cách cậu vỗ về con chó, tôi biết rằng cậu ta nhất định có những tố chất của một người chó. Người mèo vỗ về từ phía trên với một chút mơn trớn, những cái vỗ khẽ khàng, và họ đưa khuôn mặt họ ra xa để không phải ngửi mùi chó. Khi vỗ về Stinky, tôi thích kề thật sát. Tôi thích kề mặt tôi vào đôi tai nó và ngửi ngửi.
Tôi hỏi. ‘Bồ là một người chó, phải không?’
‘Không, tôi là một người chim.’ Cậu ta nói mà không cần phải nghĩ ngợi, như thể tôi đã hỏi một câu hỏi bình thường. Ừ, tôi phải thừa nhận, điều đó làm tôi chới với mất một thoáng. Tôi vẫn nghĩ chỉ có hai phe trên đời. Nhưng tôi đã lầm. Còn có cả bầu trời. Đó là sự bí ẩn đã bao trùm lên tất cả. ‘Vậy hả? Cái gì làm cho bồ thành một người chim?’
Cậu ta nhìn tôi, như thể đang cân nhắc xem tôi có đáng để trả lời hay là không. Cậu soi mói nhìn xoáy vào tôi, thật nghiêm trọng và chăm chú, cái nhìn trong mắt cậu mênh mang và hoang dại, gần như là biết hết. Nhưng cậu ta biết được điều gì nào? Đôi mắt soi vào tôi như thể cậu muốn xem xét tôi để tìm một khiếm khuyết. Điều đó làm tôi bồn chồn sốt ruột. Cậu quay đi, ngửa cao đầu và cười lớn. Rồi cậu nhảy lên chụp lấy một nhánh cây, đu lên và hạ người xuống trên nhánh cây. Tôi phải nói rằng tôi phục lăn.
Rồi cậu ta làm thêm nhiều trò nữa, những trò mà tôi làm trên cái cột, nhưng ác liệt hơn nhiều. Cậu có thể quăng người tới lui trong nhiều tư thế khùng điên trên cái cây. Cậu nhảy giữa những nhánh cây và lấy đà để quăng người lên và móc vào đó. Tôi nổi giận, giận phát điên lên. Giận vì mong muốn mình có thể làm được như vậy. Giận vì cậu có thể làm được còn mình thì không. Có vẻ như không ai có thể làm được như vậy, như một con thú, như thể cậu biết chắc rằng cậu sẽ không bị ngã.
Tôi hỏi, ‘Làm sao bồ học được mấy cái trò đó vậy?’ Tôi ì ra đó, nghĩ rằng mình sẽ làm cho cậu ta thán phục với cái tư thế dơi cũ xì ngu ngốc của mình, trong khi cậu còn giỏi hơn tôi rất nhiều từ khuya rồi. Cậu vẫn còn treo người trên cành, nhưng quăng người xuống bằng cái cách của một vị hoàng tử nhảy xuống ngựa sau khi chiến xong một trận oanh liệt. Tôi làm bộ như không thèm để ý.
‘Ba tôi dạy tôi hồi còn nhỏ xíu.’ Cậu chọc chọc một cái que vào bụi đất.
‘Bồ thật may mắn.’ Tôi từng đòi má tôi đưa tới học mấy lớp thể dục dụng cụ (nhất là sau khi tôi xem Thế Vận Hội trên ti-vi), nhưng bà nói bà không thể nghỉ làm và chúng tôi cũng không có tiền. Có lần bà đưa tôi tới một lớp dạy múa ba-lê với nhạc jazz vào thứ Bảy ở một hội trường cộng đồng, nhưng tất cả những đứa con gái khác đều mặc trang phục để múa ba-lê và tôi cảm thấy mình trông ngớ ngẩn trong bộ áo quần thể thao để chạy bộ của mình.
Tôi cám ơn cậu ta đã tìm thấy Stinky, và tôi nói rằng tôi nợ cậu một phần thưởng. ‘Thôi, đừng bận tâm về vụ đó.’ Cậu nói, xua xua tay. ‘Gặp bạn dịp khác nghen.’ Rồi cậu bỏ đi. Tôi trông theo một lúc, chỉ để xem coi cậu có bước đi như một con thú không. Tôi thích cái cách cậu đánh tay thật xa. Stinky và tôi đi về nhà và tôi để cho đôi tay mình đánh lên đánh xuống, như thể tôi sắp sửa cất cánh bay lên. Vụ này thiệt là đã.
Chương 7
Khi tôi về tới nhà, má đứng chống nạnh và đôi môi mím lại thành một đường thẳng. Đúng cái tư thế cô-nương-ơi-cô-gặp-rắc-rối-to-rồi. Cái tư thế này từng làm cho Barnaby phải co rúm lại và im re luôn. Bà hỏi, ‘Con đi đâu vậy, hả Cedar?’
‘Con tìm ra Stinky rồi. Coi nè.’
Bà không vui chút nào.
‘Con có bị ướt không? Con sẽ chết vì cảm lạnh mất. Đi thay đồ đi.’
Bà nói như thể đang đóng mộc từng chữ, thật chính xác với gương mặt mím chặt môi và dứt khoát. Tôi không có cơ hội để kể cho má nghe về cậu trai có thể đánh đu trên cây. Vì thế tôi giận dỗi bỏ lên lầu và nhảy lên giường của Barnaby cái ình. Giống hệt như Barnaby từng làm. Tôi bỏ cái đĩa CD của Stevie Wonder không thể thiếu của tôi vào máy hát và mở nước tắm. Tôi đổ xà-bông tắm Radox vào và nằm với mái tóc sâu xuống dưới mặt nước, tóc nổi bồng bềnh như cỏ dại. Tôi thích thấy mình như tiên cá trong bồn tắm và mơ mòng. Lỗi của mặt trời, mặt trời không chiếu sáng, lỗi của cơn gió ... Stevie hát và tôi tưởng tượng tới ba tôi, và tới những điều đáng ra ông sẽ dạy tôi nếu ông không qua đời. Tôi hình dung ông nhấc bổng tôi lên trên đôi vai và đặt tôi ngồi trên một cái cây... Nhưng trái tim tôi đổ lỗi cho tôi...
Có một bức hình chụp cha con tôi. Ông đội một cái mũ - một cái mũ đi câu cá bằng vải bông có chóp nhọn, và một cái áo vải bông có hàng nút tán để mở chạc ngực. Tuy nhiên, ông không phải là một ngư phủ. Ông là một nhạc sĩ. Trong tấm hình, tôi chỉ là đứa bé một tuổi, và trông tôi không có gì đặc sắc cả, như bất cứ đứa bé đầu củ gừng nào mà bạn thấy. Ông nhìn vào máy ảnh và giữ tôi trên đôi vai mình. Ông nửa như đang cười lớn, nửa như đang mỉm chi. Bạn khó mà biết được đó là nụ cười nào. Nhưng đôi mày ông nhướng lên, như thể ông đang hỏi ai đó, ‘Vầy đúng chưa, có phải bạn muốn vầy không?’
***
Tôi nghĩ, bây giờ lại có một nỗi bận tâm mới, cậu trai người chim bên con lạch. Tôi đang hy vọng tôi có thể đụng mặt cậu ta lần nữa, chủ yếu vì tôi muốn học cách làm sao để chơi trên cây theo cái cách mà cậu ta làm được.
Tôi kể cho Caramella nghe về cậu người chim, và chúng tôi tập treo ngược đầu hay bò ra theo các cành trên cây tiêu huyền ngoài đường. Thật ra, Caramella chỉ làm huấn luyện viên từ dưới đất nói vói lên thôi bởi vì mắt cá chân nhỏ vẫn còn đau, và ngoài ra nhỏ quá mềm mại và nghệ sĩ để chơi trò leo cây, nhưng nhỏ thật là một huấn luyện viên cừ khôi. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi có thể sống trên cây, bởi vì tôi tính sống một cuộc đời khác thường, nhưng điều đó thật không dễ chịu chút nào và dù sao cũng chẳng có ai như cậu người chim quan tâm đến. Harold Barton mò tới cùng băng đầu gấu của hắn, một lũ chỉ muốn nhìn váy con gái, cho nên tôi nhổ toẹt vào bọn chúng. Má phạt cấm tôi ra khỏi nhà trong hai ngày. Ricci đem qua tặng tôi một một ít rau diếp luộc với trứng và nói, ‘Đúng là bọn con trai chết tiệt!’
Khi đã được phép đi chơi lại, tôi la cà loanh quanh sân vận động sau khi tan trường, nghĩ rằng mình có thể tình cờ đụng đầu cậu trai, vì nói cho cùng tôi còn nợ cậu ta một phần thưởng. Tôi tập trồng cây chuối và treo ngược đầu trên cột trụ đếm chó, mèo và nghĩ rằng cậu ta có thể sẽ hiện ra. Nhưng cậu ta không tới, và sau một hồi tôi lại có những ý tưởng chán nản, đại khái như là mũi của tôi không được xinh cho lắm hay nhà của chúng tôi bị lún nền như thế nào. (Bạn sẽ biết ngay điều đó, bởi vì không có cánh cửa nào đóng được trừ khi bạn chêm những cuốn sách bìa mềm của Iris Murdoch[11] bên dưới cửa để ép cho chúng đóng lại được.)
Nhóc tì Jean-Pierre phóng xe đạp vèo qua.
‘Ê, Cedar, bà biết gì không?’
‘Gì vậy?’
‘Harold Barton nói bà đã lên cơn mát dây giống anh bà rồi, bởi vì bà treo ngược đầu. Nhìn tui biểu diễn nè.’
Hắn buông tay khỏi tay lái, xếp chúng ra sau gáy và lướt nhanh vù vù xuống con đường mòn. Có lẽ tôi đang xoay thế giới theo lối khác hơi quá đà một chút. Tôi về nhà. Có một tấm thiệp của Barnaby:
Cedy Blue, anh thấy ba của tụi mình trong một giấc mơ. Ông nói, ’Chào con về nhà, giày của con đâu rồi?’ Khoảng 7 giờ anh đi bơi và biển thật đen. Hãy tưởng tượng sự nỗ lực của các vì sao để hiện ra được nổi trên mặt biển đen đó.
Tôi lấy mấy đĩa nhạc Silver Convention của má ra và hát theo thật lớn bài Fly Robin Fly trong phòng tắm, bởi vì trong đó hát nghe hay hơn. Tôi biết thêm một điều nữa là tôi sẽ không trở nên khét tiếng trong vụ ca hát.
Có hai khác biệt chính giữa tôi và Barnaby. Thứ nhất, ảnh là một người hát hay, còn tôi thì hát dở òm. Thứ nhì, ảnh giấu tuốt mọi chuyện, còn tôi thì tiết lộ ra. Ảnh nói tôi ba hoa chích chòe. Tôi nghĩ rằng ảnh là một người không cởi mở. Ảnh bảo tôi là nhiều chuyện ồn ào. Tôi nghĩ là ảnh đau khổ vì thiếu óc tò mò lành mạnh. Nói cho cùng, nếu bạn không hỏi thế giới điều này điều nọ, thì bạn sẽ không bao giờ hiểu được cầu vồng mọc lên từ đâu.
Barnaby đã được năm tuổi khi ba mất, cho nên ảnh biết về ông nhiều hơn là tôi biết, và đó là lý do vì sao Barnaby biết hát. Ba của chúng tôi từng hát với ảnh. Tôi luôn đòi Barnaby kể cho tôi nghe những chuyện về ba. Ảnh nói ảnh không thể nhớ ra, chỉ có chuyện là má đã cãi nhau rất dữ với ông vì ông hút thuốc, và một lần ông đưa Barnaby ra bãi biển - chỉ có ông và Barnaby, và họ đã ở đó khi trời tối.
Barnaby có một cây ghi-ta mà ảnh mang theo khi ra đi. Ảnh thường hay đi quanh nhà, sợi dây đàn quàng quanh vai, hát những bài theo điệu Memphis blues . Ảnh bịa ra ca từ, như là: Ôi Cedar có thể nào đây là kết cục?
Kẹt bên trong một tấm ván chắn mưa với dân Brunswick (đó là vùng ngoại ô của chúng tôi) Lại hát blues.
Má cười lăn chiêng. Tôi cũng cười. Và có một cảm giác dịu dàng trong ngôi nhà cũ. Rồi Barnaby bị phân tâm bởi những chuyện nghiêm trọng hơn, như là Nirvana[12](ban nhạc, chứ không phải khả năng tịnh tâm), và lũ con gái. Và ý tôi là những đứa con gái lớn hơn, như Marnie Aitkin, chứ không phải mấy cô em nhỏ như tôi. Thỉnh thoảng ảnh cũng hút thuốc, chuyện mà đáng ra tôi không biết tới, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó làm cho ảnh lười biếng. Ảnh trồng vài thứ cây cỏ trên mái nhà. Những thứ bí mật mà má không biết tới. Ít ra cho tới khi ông thợ thông máng xối nói cho má biết. Tôi có nghe ông ấy nói. Ông đi xuống nhà dưới, mặc đồ áo liền quần màu xanh, bốc thứ mùi mồ hôi, xe cộ và thuốc lá cũ, rồi ông nói, ‘Aà à, nè bà Hartley, bà có biết là có mấy cây cần sa mọc trên mái ngói của bà không?’
Má chùi hai tay dọc xuống cái váy và trông bà rất buồn cười, như thể có ai đó mới bắt bà đánh vần một từ khó. Bà thở dài nói, ‘Cám ơn ông, không, tôi không hề biết.’
Má của chúng tôi luôn luôn rất lịch sự với các bác sĩ, công nhân, và mọi người trong các cửa hàng. Thiệt tình là, sau đó Barnaby gặp rắc rối lớn! Má giận tới nỗi không nói ra lời. Bà lên lầu, leo ra ngoài cửa sổ và tự tay bứng hết mấy cái cây đó. Rồi bà nhét chúng vào một cái thùng. Đất cát rơi rớt lả tả từ mái nhà xuống tới tận cầu thang. Thông thường thì má không để cho đất cát rơi rớt lung tung khắp nơi như vậy. Sau đó bà dùng máy hút bụi hút hết đi. Tôi biết rằng bà rất giận - bà hút bụi như một bà có con ong kẹt trong lỗ mũi. Tôi không biết bà nói gì với Barnaby khi ảnh về nhà. Cánh cửa đóng kín. Nhưng không lâu sau vụ đó thì Barnaby bỏ nhà đi.
Chương 8
Có một hồi tôi cố tập trung vào chuyện hát, thay vì treo ngược đầu và hy vọng gặp được chàng người chim. Tôi không giỏi vụ hát hò. Tôi cho rằng có lẽ vì tôi không có một cây ghi-ta. Stinky và tôi đi lùng quanh đường Smith tìm kiếm trong các tiệm đồ cũ. Không cây ghi-ta nào có giá hai mươi ba đô-la, đó là tất cả số tiền tôi có, nên tôi bỏ cuộc và tới siêu thị Safeway[13] để ăn nho. Má không thích đi chợ ở Safeway. Bà cho rằng nó ủng hộ sự tham lam của tập đoàn và tính toàn cầu hóa, cho nên chúng tôi chủ yếu mua sắm ở Bạn-của-Trái-đất[14]. Ở đó khá hơn rất nhiều, bởi vì họ có xà-phòng oải hương làm theo phương cách thủ công và họ không tham lam. Điều tôi thích ở Bạn-của-Trái-đất là được tự gói hàng, cho nên nếu chỉ muốn mua tí xíu bột rau câu để làm rau câu, thì cứ gói ít thôi, nhưng nếu muốn ăn cả đống ngũ cốc và hạt quả hạnh rang, thì cứ gói gói to vào. Chỉ có hai lý do để đi Safeway: để mua bao đựng rác và để trốn tránh thời tiết.
Stinky chờ bên ngoài Safeway khi tôi vào trong. Thường khi tôi trở ra lại thì nó làm như không gặp tôi từ lâu lắm vậy. Nó ve vẩy toàn thân. Nhưng khi tôi trở ra lần này, không có cái thân hình bé nhỏ nào ve vẩy với tôi cả. Stinky đang được ve vuốt và tất cả những gì tôi thấy là cái đít nhỏ xù lông lúc lắc dậm giật. Và ai là người đang làm chuyện vỗ về đó? Thật kinh ngạc, tôi nghĩ và rung bắn cả cái đầu tóc xoăn đỏ của mình. Cuộc đời là thế đó. Bạn cố gắng và cố gắng và cố gắng để làm một chuyện gì đó và rồi, cái khoảnh khắc mà bạn bỏ cuộc, thì nó sờ sờ ra kia kìa. Cậu người chim.
‘Xin chào.’ Cậu ta chào, và mặt tôi đỏ ửng lên.
‘Xin chào.’ Tôi chào lại, ước rằng mình không đỏ mặt. Rồi cả hai đứa vội quay mặt về phía Stinky, nó luôn luôn làm cho người ta chia trí và nó khoái được chú ý. Cậu người chim quì một gối xuống. Tôi hỏi, ‘Stinky có nhận ra bồ không?’
Cậu ấy đứng lên gật đầu. Cậu mặc một cái áo thun với một cái quần nhung cũ kiểu rộng thùng thình. Cậu gầy nhom và có bề ngoài không chải chuốt. Tôi thích bề ngoài của cậu, giống như một cái lá bị gió cuốn đi mà cứ để mặc kệ.
‘Tôi không biết tên bồ.’
‘Kite[15].’
‘Kite! Tên đó cũng lạ giống như tên Cedar vậy. Ba má bồ cũng là dân hippy hả?’ ‘Không hẳn thế. Đó là ba tôi, ông chỉ là lập dị. Ông bà già tôi không còn sống chung với nhau nữa.’ ‘Ba má tôi cũng vậy.’ Nói như vậy làm tôi có cảm giác khá hay, giống như cậu ấy và tôi tình cờ cùng
ậm ừ ngân một đoạn điệp khúc với nhau. Nó làm cho tôi tự dưng cảm thấy táo bạo lên, chỉ vì chuyện chúng tôi cùng thiếu cha mẹ. Tôi hỏi cậu có muốn đi uống nước trái cây với nhau không, vì dù sao tôi cũng nợ cậu.
‘Được chứ. Phần thưởng đặc biệt, phải không?’ Kite nói và cười to, đôi mắt dịu dàng trở lại.
***
Chúng tôi tới tiệm Soul Food, ở đây người ta làm sinh tố chuối với sữa đậu nành, có những cái bàn gỗ và các cô bồi bàn không có khoen ở mũi. Khi tôi đủ lớn, có thể tôi sẽ đeo một cái khoen mũi. Barnaby có xâm hình một con bọ rùa ở bên hông, nhưng má không biết điều đó bởi nếu biết bà sẽ nổi giận. Bà sẽ nghĩ rằng nó không đẹp đẽ hay ho gì. Barnaby cho rằng nó là để lấy hên. Tôi nói, ‘Anh không thể xâm sự may mắn lên hông mình,’ và ảnh đáp, ‘Để rồi xem.’
Kite và tôi ngồi trên hai ghế cao ở cái bàn bên cửa sổ và ngắm thiên hạ đi lên đi xuống đường Smith. Má không thích tôi la cà ở đường Smith, nhưng chính điều đó làm cho tôi càng muốn la cà ở đó. Tôi nghĩ điều mà má không thích là mấy tên bán ma túy, nhưng chúng chỉ tìm cái gã tên là Chasen. Tôi thích những thứ của tiệm Melissa’s, bởi vì nó là đồ Hy Lạp và họ làm món bánh rau chân vịt ngon tuyệt với giá có hai tì thôi. Và tôi thích tiệm sách Awareness bởi vì sách trong đó là để bói vận mệnh của bạn. Và tôi thích những tiệm Á Đông bởi vì chúng có mùi là lạ và mấy món rau tua tủa lá và lá. Ở đó còn có một
tiệm có tên là Punctured, nơi bạn có thể xỏ lỗ trên thân thể mình. Và ở đó còn có cả cửa hàng Friends of the Earth.
Môi Xanh đang rảo bước đi lên đi xuống con đường. Môi Xanh không bao giờ ngưng nghỉ. Ông ấy trông lúc nào cũng giống như sắp sửa đi giết ai đó, hay ít nhất là cho họ một trận nên thân, đá vào chiếc xế Hyundai của họ, hoặc giậm lên những đôi giày mới của họ. Ngày hôm đó hẳn là ông đang vui, bởi vì ông không chửi thề. Tôi không biết vì sao, nhưng Môi Xanh luôn gợi tôi nhớ tới Chúa Jesus. Tôi nghĩ rằng có thể vì đôi chân trần và mái tóc dài, khá đẹp (hơi giống mái tóc của Marnie Aitkin) - vàng óng, xoăn xoăn và sạch mướt. Không phải mái tóc mà bạn cho rằng thể nào cũng có ở một gã khùng, kẻ không bao giờ mặc áo, chỉ mặc độc cái quần da và thoa son môi xanh. Chắc ông ta mua cây son môi đó ở tiệm Punctured.
‘Nhìn kìa, Môi Xanh đã vào gặp Marge kìa.’ Tôi nói khi Môi Xanh rẽ vào tiệm Op Shop[16]. ‘Marge là ai?’
‘Thật ra Marge là một nhân vật rất quan trọng.’ Tôi đáp, tình cờ trượt vào cái phần triết lý của bộ não tôi. Rồi tôi tình cờ lao vào lý thuyết về Cuộc-đời-theo-Cedar-B-Hatley. Thỉnh thoảng tôi không thể kềm chế được mình. Tôi có khuynh hướng dễ bị tổn thương hơn người khác.
Theo cách nhìn của tôi, không phải cách giả vờ biết-tuốt mà là cách đặc biệt thật ấy nhé, thì Marge thật sự rất quan trọng. Rất thầm lặng, không kèn không trống. Tôi nghi chẳng có ai khác trên thế giới đã từng nghe tới bà, hay có lúc nào nghe tới bà. Phần lớn thiên hạ thường chỉ thích lắng nghe những tiếng kèn chát chúa vang lên trên ti-vi mà thôi.
Marge Manoli là một bà già có một nốt ruồi có lông trên má. Bà làm việc ở tiệm Opportunity ở đường Smith. Bà gọi bạn là ‘cưng’ và bà nói chuyện với bạn như thể bà rất thích bạn. Tôi nghe bà nói giống y như vậy với tất cả bọn khùng điên và những người vô gia cư và dân ghiền ma túy vào trong tiệm. Bà lắng nghe họ, ngay cả khi họ đang nói những điều hết sức vô lý. Bà không hề mất kiên nhẫn với họ vì họ cứ nói hoài nói mãi chỉ một chuyện thôi. Marge Manoli là bà mẹ của đường Smith. Chẳng bao giờ có ai nói lời cám ơn, chẳng ai trả bà xu nào về chuyện đó, và bà cũng không mong đợi điều gì từ bất cứ ai. Tôi cá là có hàng triệu người kiểu này trên thế giới - những người tốt và ân cần cải trang thành những tài xế xe buýt hay những người giao bánh mì kẹp hay những bà mẹ và những ông thợ ống nước.
Có Marge, rồi lại có cả vô số những người nổi tiếng có thật nhiều tiền, nhiều hơn là số họ cần; họ là những người nổi tiếng vì những điều ngớ ngẩn nhất, như là ra đời với một gia sản kếch sù, với một tờ báo, với một gương mặt đẹp, hay với một sự biệt đãi. Tôi không tài nào hiểu nổi. Tại sao tự nhiên lại có một ai đó chỉ vì rất giỏi trong chuyện đánh một trái banh tennis, đánh qua và đánh lại, đánh qua và đánh lại, liên tục liên tục, mà thành một vị anh hùng chứ?
Tất cả những người danh tiếng, giàu có, nhiều quyền lực này dường như bỏ thời gian của họ để cố lấy thêm điều đó nữa - đánh trái banh mạnh hơn, sửa lại hình dạng cái mũi để nó trông đẹp hơn, tân trang lại bộ ngực khi chúng trở nên quá già cỗi, hay kiếm thêm tiền, cho dù họ đã có nhiều hơn cần thiết. Giờ thì điều đó thật là khùng. Nó khiến tôi nghĩ rằng những thứ tượng trưng nổi tiếng đó, nếu có chúng thì thật quá nguy hiểm. Đó là lý do tại sao tôi mừng là mình không đẹp tự nhiên, hay có tài năng thiên phú,
hay giỏi trong việc đánh banh.
Tôi giải thích với Kite, nghĩ tới Harold Barton với vẻ thể hiện lòng trắc ẩn hoang mang, ‘Người giàu cũng khùng luôn. Bồ không thể trách người giàu vì họ tham lam - nó giống như họ đang phê ma túy vậy. Còn khùng như Môi Xanh. Tôi không biết, có lẽ họ cần được quan tâm nhiều, giống như Barnaby. Má luôn lo lắng về ảnh. Bà từng bắt ảnh phải hôn bà khi ảnh về nhà trễ, làm vậy để bà có thể ngửi hơi thở của ảnh, để kiểm tra xem ảnh có uống rượu hay hút thuốc không. Barnaby gọi đó là sự kiểm tra bằng hôn.’
‘Có phải Barnaby là anh của bạn?’
‘Ừ, nhưng ảnh bỏ nhà đi và chưa chịu về. Tôi biết chỗ Barnaby cất thuốc lá. Thỉnh thoảng tôi thấy ảnh lấy thuốc ra từ ngăn kéo đựng vớ. Tôi nuôi một con rùa nước ngọt trong ngăn kéo đựng vớ của tôi. Tên nó là Moby Dick, tên đó được đặt theo tên một cuốn sách mà Barnaby đọc. Barnaby nói đó là một cuốn sách cổ điển. Con rùa nước ngọt của tôi cũng là một con rùa cổ điển. Barnaby cho rằng những gì cổ điển thì không làm gì nhiều, chúng chỉ hiện hữu thôi. Chúng có một phẩm chất không đo đếm được bằng thời gian, phi thời gian. Moby Dick, con rùa nước ngọt, quá xá phi thời gian, đến nỗi thỉnh thoảng nó quên cả thức giấc.’
Kite thở dài, rướn người lên trên cái bàn và tựa đầu lên hai cánh tay khoanh lại. Kite nói cậu hiểu những cảm nhận của Moby Dick - con rùa nước ngọt. Có nhiều ngày cậu cũng không buồn thức dậy. Cậu nói cậu không thích đi học cho lắm và một ngày nào đó cậu sẽ thành lập một gánh xiếc.
‘Cho tôi tham gia với nha?’ Tôi hỏi, và Kite cười lớn. Một giọng cười trầm sâu như lòng sông. Tôi nói, ‘Tôi không đùa đâu. Tôi đang luyện tập trên mấy cái cây. Chúng ta có thể tới sân vận động và tôi sẽ biểu diễn cho bồ xem. Hoặc bồ có thể dạy tôi một vài chiêu.’
Kite nhăn mũi như thể cậu đang cố tiếp nhận cái ý kiến đó, nhưng có vẻ như không dễ chút nào. Cậu nói điều đó có thể khá nguy hiểm và trước tiên tôi phải biết những bước căn bản, và tôi cần có một sức khỏe cùng sự uyển chuyển dẻo dai cần thiết, và tôi cần phải được chuẩn bị để thực thi những nguyên lý cơ bản và thêm nhiều điều nữa. Nhưng tôi thuyết phục Kite. Tôi học cách thuyết phục đó từ Barnaby, ảnh có thể thuyết phục người khác để vượt qua mọi khó khăn theo ý của ảnh. Má tôi nói Barnaby nói năng rất khéo, ảnh có thể dụ cho con kiến bò ra khỏi hang nữa kìa. Barnaby từng giả bộ dụ cái chân bàn rời bỏ cái bàn trong nhà bếp, chỉ để cho má thấy rằng ảnh không thể làm được điều đó. Nhưng ảnh luôn khiến bà cười to và chào thua. Cuối cùng thì Kite cũng bật cười và đồng ý chào thua.
‘Được rồi, được rồi. Tôi sẽ cố bày cho bạn vài chiêu căn bản, và nếu bạn làm giỏi thì tôi sẽ huấn luyện bạn cho gánh xiếc của tôi.’
‘Ừ.’ Tôi cố nén sự hào hứng của mình xuống cổ họng và nhìn những mẩu rác vụn trên sàn nhà. Có mẩu rễ củ cải đường bị bào ra vương ở chân cái ghế đẩu.
***
Trên đường tới sân vận động, chúng tôi ghé qua thăm bà Marge.
Marge nói, ‘Chào mấy cưng.’ Bà đang hát theo tiếng nhạc trong ra-đi-ô. Chúa của tôi hằng có, vâng Chúa Trời hằng có , bà vừa hát vừa chỉnh lại chuỗi hạt màu xanh quanh một cái đầu làm bằng mốp đặt trên quầy hàng. ‘Rồi đó, hai đứa thấy sao? Ôi, cô thích cái áo thun của cháu quá.’ Bà nói với Kite, ‘Cháu thích âm nhạc phải không cưng? Cháu có biết Mahalia Jackson không? Cổ đang hát trong ra-đi-ô đó.’ Kite lắc đầu trong khi bà hát vang, Vâng Chúa Trời hằng có, Chúa hằng có trong tâm hồn tôi... Ôi tình
Ngài dành cho tôi như vàng ròng. Marge mở lớn đôi mắt. ‘Nhìn kìa, cưng, cô có mấy cái mũ nồi len mới trong đây nè. Nhìn nè, chúng đẹp quá ha.’
Bà bước núng na núng nính như một con gà mái đẻ rồi trở lại với một mớ mũ nồi len, bởi vì bà biết tôi rất thích chúng. Tôi lấy cho cả Barnaby nữa. Bà hát, Tôi cảm nhận Ngài trong tâm hồn tôi . Tôi cố cảm nhận một điều gì đó trong tâm hồn mình nhưng tôi không biết rõ tâm hồn mình nằm ở nơi nào. Tôi đặt tay lên ngực để xem nó còn phập phồng không, nhưng tôi không biết chắc, nên tôi mua một cái mũ nồi màu quả mơ có hai sọc màu xanh chạy vòng quanh vành, bởi vì nó xinh xắn lắm mà chỉ có giá một tì thôi. Tôi tặng nó cho Kite, vì tôi đã có vài cái rồi. Cậu đội lên đầu cho dù trời không lạnh lắm.
Tôi bước dọc theo một tường rào. Mỗi khi nhìn thấy một bức tường mà tôi có thể đi dọc theo nó là tôi phải leo lên nó. Đó là quy luật rồi. Tôi giơ hai cánh tay ra như một người đi dây. Lần này khi lên đó thì tôi hơi làm kiêu một chút, như một ông mục sư, chỉ có điều là tôi không giảng giải gì về Thượng đế và đức công chính, vì tôi không biết gì về điều đó. Tôi chỉ loay hoay tìm trong trí một điều gì đó quan trọng để phán chơi. Bất cứ khi nào tôi khát khao tạo ấn tượng tốt thì trông tôi lại giống một tay điên rồ đào quanh để tìm vàng. Tôi phải lục tung rất nhiều rác rưởi. Tôi mở miệng mà cứ ấp a ấp úng, chỉ vì tôi vô vọng tìm kiếm một ý tưởng hay ho nào đó để phát biểu. Nhưng việc đó giống như mở nắp một thùng ủ phân bón và thải ra vô số rác rưởi và mùi hôi thối. Coi tôi nè, không dưng kể chuyện có lần tôi nuôi một con chuột lang có tên là John Newcombe, và rồi tôi chuyển qua chuyện tổ ong. Tôi nói mình thích ong và Barnaby cũng thích chúng, nhưng chỉ bởi vì chúng có màu vàng và những sọc màu đen (cùng màu với đội banh của ảnh, đội Mãnh Hổ), nhưng tôi thích chúng bởi vì chúng mang những cái vớ dài bằng phấn hoa.
Tôi hỏi, ‘Có bao giờ bồ nghĩ rằng vì đâu một con ong có một phần dịu dàng và một phần ác độc, một cái giỏ mật và một cây kim chích? Chắc một ngày nào đó, khi có đủ thông thái, tôi sẽ viết một lý thuyết về điều đó.’
Kite nói, ‘Cedar nè, bạn có biết là bạn đang làm sai động tác tay không?’
‘Bồ nói vậy là sao?’
Kite nhảy phóc lên bờ tường và bày cho tôi.
‘Khi bạn bị mất thăng bằng ở một bên, giống vầy nè, thì bạn nghiêng cánh tay về phía bên kia. Thấy chưa? Nó mang trọng lượng về lại trung tâm. Bạn đang làm ngược lại. Giống vầy nè.’ Cậu lắc lư về một bên.
Tôi nói, ‘Ô...’ Tôi thôi bàn về loài ong. Tôi đậy cái nắp thùng phân bón lại và nghĩ về gánh xiếc.
***
Điều đầu tiên Kite dạy tôi là lăn tròn thế nào. Chúng tôi lăn tới lăn lui, và lăn nghiêng một bên, những động tác đó gọi là những thế lăn theo môn Hiệp Khí Đạo. Chúng xuất phát từ một môn võ thuật. Kite nói nhiều về chuyện làm mềm dẻo thân thể khi tiếp cận với mặt đất, trải trọng lượng thân thể ra như mật ong, làm cho cột sống dài ra, giữ cho các cơ bụng thóp vào trong và hướng lên trên. Khi chúng tôi vào tư thế trồng cây chuối, cậu đặt ngón tay vào bụng tôi rồi nói, ‘Thóp chỗ này vô,’ nhưng nó làm tôi bật cười và té bịch xuống.
‘Làm sao bồ biết trò này hay vậy?’
‘Ba má tôi dạy hồi tôi còn nhỏ. Họ là những diễn viên nhào lộn. Có thời họ theo một gánh xiếc, sau đó họ có chương trình biểu diễn riêng tại các lễ hội. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia diễn. Họ cũng dạy ở các trường học nữa, và tôi theo họ để thao diễn cho học sinh xem. Do đó tôi được xem họ dạy và hướng dẫn thực nghiệm cho bọn trẻ con.’
‘Hướng dẫn thực nghiệm là làm sao?’
‘Đó là khi bạn dùng tay của mình để đỡ cho ai đó, để họ đừng sợ, và để họ cảm nhận được nơi mà thân thể của họ di chuyển đến. Giống như tôi làm với bạn lúc nãy.’
‘Ba má bồ vẫn còn làm việc cho gánh xiếc?’
‘Má tôi vẫn theo tua diễn ở nhiều nơi. Bà là huấn luyện viên cho gánh xiếc Berzerkus. Bạn biết nó không? Nó nổi tiếng lắm.’
‘Biết chứ.’ Tôi nói dối, vì tôi muốn Kite nghĩ rằng tôi có niềm mong ước trở thành một diễn viên xiếc. Thật ra chuyện này quả là có phần rất thật, vì tôi luôn luôn nhắm tới việc ấy. Thoạt tiên, tôi muốn trở thành một bác sĩ thú y, rồi là một y tá, rồi là một nữ diễn viên và rồi một vận động viên môn thể dục dụng cụ, nhưng giờ thì, sau cùng, tôi quyết định chắc cú lắm rồi. Tôi muốn trở thành một diễn viên xiếc, một diễn viên nhào lộn.
‘Còn ba của bồ thì sao?’ Tôi vội hỏi thêm, để đánh lạc hướng các câu hỏi về gánh xiếc Berzerkus. Kite gục đầu xuống.
‘Bốn năm về trước ba tôi bị ngã và bị chấn thương ở lưng, có nghĩa là ông phải rời bỏ gánh xiếc. Hiện giờ ông làm việc trong một thư viện.’
Tôi nói, ‘Thư viện thì hay rồi.’ Nhưng tôi thấy ngay đó là một câu nói miễn cưỡng, nên tôi liền thực hiện một động tác trồng cây chuối để làm không khí vui lên.
Kite hỏi tôi, ‘Ba của bạn làm gì?’ Tôi ngã xuống khỏi tư thế trồng cây chuối và nằm ngửa ra, ngó lên bầu trời, dõi mắt theo những đám mây.
‘Ba tôi qua đời vì bệnh. Ông là một nhạc sĩ. Nhưng tôi chưa từng gặp ông. Tôi chỉ mới một tuổi khi ông chết.’
Kite nằm xuống theo. Và trong một lúc, cả hai chúng tôi nằm yên như hai tấm khăn cũ nằm trên bãi cỏ, và nhìn lên trời cao. Rồi tôi kể Kite nghe về anh Barnaby. Tôi không hiểu vì sao. Chắc vì tôi hay ba hoa chích chòe, như Barnaby vẫn nói.
***
Sau vụ mấy cây cần sa trên mái nhà, má gởi Barnaby tới một trường nội trú ở miền quê. Đó là năm học cuối của Barnaby, nhưng má nói anh cần theo kỷ luật, điều mà má không thể dạy anh, và sự ảnh hưởng của người miền quê tráng kiện cũng là điều mà bà không thể cho anh nốt. Trái tim tôi tan nát khi chúng tôi đưa anh tới đó. Anh có một cái giường nhỏ, trong một căn phòng dài sắp nhiều giường nhỏ, giống như những lát bánh mì nướng có một cái mền xám. Bọn con trai ở khắp nơi, một bọn nằm ườn trên giường của người khác, cười hô hố và đùa giỡn ầm ĩ. Chúng liếc nhìn chúng tôi khi chúng tôi bước vào, rồi tiếp tục đùa nghịch với nhau.
Barnaby ngồi trên giường, ôm lấy đầu. Tôi nghĩ có lẽ anh sắp khóc. Nhưng anh không khóc. Anh chỉ nói vọng ra từ hai bàn tay, ‘Thôi, cám ơn đã đưa con đến đây.’ Tôi nghĩ là anh muốn chúng tôi rời khỏi đó. Bạn có thể cảm thấy hơi giống một đứa bé khi gia đình bạn đứng quanh, cố làm mặt vui. Vậy nên tất
nhiên là tôi khóc hu hu thay cho anh, vì tôi là con gái và tôi được quyền làm vậy. Suốt trên đường về, tôi cứ mãi nghĩ về những cái giường hẹp đó và việc ảnh không biết một ai cả, thậm chí không có ai để chào hỏi hay chúc ngủ ngon, hay để hỏi nhà vệ sinh ở đâu. Không có con phố nào để la cà rong chơi. Tôi tự hỏi ảnh sẽ làm gì sau khi chúng tôi ra về: nằm dài trên giường, gác tréo chân và ngắm bức tranh ngộ ngộ vẽ Chúa Jesus trên tường chăng? Chúa Jesus chắp tay cầu nguyện và đang ngước nhìn lên. Trên đầu ông có vòng mão gai giống như những ngọn lửa, và bạn không kềm được nỗi băn khoăn rằng liệu Chúa Jesus có nghĩ rằng ông sắp bị phỏng hay không.
Barnaby hẳn là không thích lắm đâu... Một đám những đứa con trai nhà quê khỏe mạnh và những cái giường hẹp té. Sau một vài tháng, trường gọi điện báo cho chúng tôi biết rằng Barnaby đã trốn đi. Vài ngày sau đó, anh gọi cho chúng tôi từ Perth! Đó là một đoạn đường xa ơi là xa, xa tít băng qua sa mạc. Chúng tôi không biết anh tới được đó bằng cách nào, hay anh đang làm gì, bởi vì chắc là anh đã hết sạch tiền xu để gọi điện thoại công cộng. Giờ đây, tất cả những gì mà chúng tôi nhận được là những tấm thiệp ngộ ngộ thỉnh thoảng được gởi về.
Đây là hình Barnaby đang làm một cú lộn mèo:
Barnary rất tệ trong trò nhào lộn và viết thư. Nhưng anh rất giỏi về việc làm các tấm thiệp. «Má và Cedar thương, phòng khi hai người đang thắc mắc, đây là một danh sách những điều mà một con linh dương không biết.
làm sao để nói một nửa điều dối trá
làm sao để cầm một cái tách đúng phép lịch sự
làm sao để mắc nợ
khi nào thì quá muộn
điều gì bị ngăn cấm
làm sao búng ngón tay
rằng ngó chằm chằm là thô lỗ
rằng tập thể dục thì tốt cho mình
rằng cuối cùng tất cả những con linh dương đều chết
may mắn thay con chưa phải là một con linh dương, XXXX»
Tôi hỏi, ‘Bồ có anh hay chị em gì không, hả Kite?’
Kite chầm chậm lắc đầu. ‘Không.’ Kite không nhìn tôi. Cậu chỉ ngó mãi lên trời, và trong một thoáng, thế giới dường như bình lặng xiết bao.
***
Kite nói ngày hôm sau cậu sẽ gặp tôi ở sân vận động. Tuy nhiên, cậu không làm ra vẻ nhặng xị lên với điều đó. Không nói, ‘Hân hạnh được biết bạn, bạn quả là một tài năng hiếm có.’ Không vỗ lưng tôi. Chỉ vẫy tay và đi ngược lên phố. Cậu nói, ‘Gặp sau nghen.’ Tôi nói, ‘Ừ, chào nghe.’ Rồi tôi cuốc bộ về nhà với Stinky.
Tôi thường phải đi qua con lạch với đôi mắt nửa nhắm nửa mở, để khi thấy mấy cái bọc nhựa bị móc và kẹt trên những cái cây thì trông chúng sẽ giống như những hình thể trắng mờ. Thế là tôi sẽ giả bộ rằng chúng là những con chim kiểng ngoại quốc tới chơi trên đường bay đến những cánh đồng tuyết của
Siberia. Lúc đó, tôi nghĩ về Siberia và gánh xiếc của Kite. Tôi tập mấy trò trồng chuối. Trời, mọi người phải xem Barnaby trồng chuối đi. Mắc cười lắm!
Chương 9
Suốt ngày ở trường, tôi không tập trung được. Bà Mayberry bắt tôi phải viết câu ‘Tôi không được ngó ra ngoài cửa sổ’ một trăm lần. Tôi đang bận hình dung mình sải bước qua mặt bọn trẻ đang lội bùn trên đường. Chính tôi đó, rất chi là Lana Monroe, không hề ngừng lại xem sinh hoạt phố xá gì ráo, mà bước qua chúng trong nét uyển chuyển duyên dáng của loài thú, chỉ ngoái nhìn thờ ơ về hướng Harold Barton. Rồi tôi bắt giọng của Shirley Bassey[17] và hát lên đầy tự tin bài Walk on by . Bàn tay tôi vân vê, tôi đang nghĩ chuyện làm sao đưa Caramella Zito đi theo mình, không phải trong ngày hôm đó, mà khi cổ chân con nhỏ đã khá hơn, và Ricci sẽ trở thành người quản lý của chúng tôi, và Barnaby sẽ trở về để chỉ đạo phần âm nhạc và...
‘Cedar Harley, em có nghe bài không đó?’ Có tiếng nổ đùng, giọng nói giận dữ của bà Maryberry rơi ầm xuống ngay trên những ý tưởng dễ thương của tôi. Chán quá!
Ở nhà, tôi bị mắc vào một chuyện đau đầu là phải cố quyết định xem sẽ mặc cái gì để tới sân vận động. Trước đây tôi không hề nghĩ đến vụ này. Tôi đi lục trong tủ áo của má, nhưng không có món nào vừa cả. Tôi mặc vào cái váy ca-rô xanh, rồi cởi ra vì những hột nút phía dưới ở đằng trước quá to và nhìn lỗi mốt, lại xỏ tiếp cái quần jeans với cái áo thun không cổ màu xanh. Nhưng tôi lại thấy hơi lép trong cái áo thun không cổ vì ngực tôi trông giống như hai vết mẩn bé xíu, bèn cởi cái thun không cổ ra và mặc vào cái áo thun màu hồng, rồi tôi lại nghĩ là nếu tôi mặc cái áo thun không cổ tròng bên ngoài cái áo thun hồng thì nhìn sẽ ấn tượng hơn. Rồi tôi cởi cái quần jeans ra và mặc một cái váy hoa cũ, bởi vì mông tôi quá lép không thể mặc quần jeans, rồi tôi mặc thêm dưới váy cái quần ngắn để chạy bộ, vì hẳn là tôi sẽ phải treo ngược và tôi không muốn khoe hàng đồ lót của mình. Rồi tôi xỏ một cái xăng-đan thanh mảnh vào một chân, còn chân kia thì chơi một cái giày bóng chuyền hiệu Dunlop, rồi bước vài bước và quyết định rằng cảm giác mang giày xăng-đan dễ chịu hơn, vì tôi phải mang vớ với giày Dunlop, và đôi vớ sạch duy nhất mà tôi tìm được lại có kẻ sọc. Kẻ sọc thì dứt khoát là hỏng kiểu rồi. Rồi tôi tới ngắm mình trong cái gương ở hành lang. Tôi phải đứng trên một chiếc ghế nếu muốn thấy được khúc dưới thân mình, rồi tôi chẳng thể nào thấy được toàn phần thân thể - mỗi lần chỉ thấy một nửa thân. Thiệt tình, quá là lu bu mỗi khi cần phải mặc đúng đồ để ngó cho được mắt. Và tôi vẫn không thấy yên tâm chút nào.
Có phải là Lana Monroe không nè? Mắt nâu, mũi mũm mĩm có lác đác tàn nhang và một cái miệng rất tươi. Một đứa con gái tóc đỏ gầy nhom trong một mớ áo xống.
Không hẳn là Lana, nhưng ít ra tôi không cho rằng mình xấu xí. Tôi cũng không nói mình là xinh đẹp được. Marnie Aitkin mới đẹp. Cô ả có mái tóc gọn gàng óng mượt trong nắng. Nhưng đó không phải là điều làm cho cô ả đẹp. Chỉ là một sự sắp xếp may mắn về mắt, mũi, miệng và tai, tôi đoán vậy, mặc dù tôi không nghĩ rằng đôi tai có liên quan gì nhiều trong việc này. Một lần nọ, tôi đi ngủ với một cái kẹp phơi quần áo kẹp trên mũi. Tôi nghĩ rằng cái kẹp đó có thể làm cho mũi tôi không quá tròn, sẽ được nhọn hơn, như là mũi của Marnie. Thấy chưa, nếu như niềng răng có thể làm cho răng bạn ngay hàng thẳng lối, thì
chắc chắn là một cái kẹp quần áo cũng có thể kéo thẳng mũi của bạn ra phải không nào? Ít ra cũng tặng cho nó một cái chóp thanh nhã xinh xắn. Nhưng nếu quả có được vậy thì cũng không đáng để tôi bị đau đớn và mất ngủ, tôi thề. Đẹp thì cũng đâu quan trọng tới vậy. Tôi có những nét đặc biệt rất chiến khác, như là bộ óc và nét láu lỉnh. (Marnie Aitkin không thể nhảy say sưa mê đắm.) Vả lại, ở đâu mà chẳng có bọn con gái xinh đẹp nhưng tôi khá là đặc sắc, bạn biết đó. Những vị hoàng đế vẫn cưới những mợ tóc đỏ đấy thôi. Không phải là vì tôi muốn chồng. Thậm chí tôi chưa chắc là mình muốn có một người yêu hay không nữa. Nhiều khi tôi nghĩ là mình muốn mà nhiều khi tôi lại nghĩ là mình không muốn.
Tôi thử kẹp một cái kẹp tóc trên mái tóc, rồi vào phút cuối lại gỡ nó ra, chọn kiểu tóc duỗi thẳng, kiểu uốn lọn, kiểu buông hờ không tạo dáng gì cả. Xõa tóc ra. Sau cùng, tôi cũng trông giống chính mình, nên tôi nhét các ngón tay vào mũi, chỉ để thêm can đảm, và để nhắc mình rằng mình là ai. Rồi tôi chộp lấy một trái chuối, vì tôi không có thì giờ để ăn Weet-Bix, rồi chúng tôi lên đường, Stinky và tôi, sẵn sàng cho khóa huấn luyện kế tiếp. Trông có vẻ hứa hẹn lắm, tôi nói với chính mình.
Tôi phải thật chiến nếu không cậu sẽ không thèm gặp lại tôi nữa.
Phần lớn đám trẻ làm theo cách khác, nhưng tôi làm theo cách này: nếu tôi có thể đi suốt tới sân vận động, bước lên mọi vết nứt trên vỉa hè hoặc đường vạch hay khúc cây nhỏ hay lá cây hay bất cứ cái gì hiện hữu, thì có nghĩa là tôi sẽ đạt được kết quả tốt đẹp nhất. Điều đó sẽ có nghĩa là Kite và tôi sẽ cùng nhau trở thành những diễn viên nhào lộn danh tiếng. Nhưng nếu tôi bước nhầm hay bước sót đường vạch nào thì Kite sẽ không tới. Đó là luật chơi.
Thế nên, tôi hẳn đã đi khá giỏi. Cậu đã đứng tréo chân dựa vào cột trụ. Dáng hơi lè phè. Tôi ước gì mình mặc quần thể thao thay vì mặc váy.
Kite chào, ‘Chào bạn.’
Tôi chào lại, ‘Chào bồ.’ Rồi Kite bật cười to, gần như vậy, xong ngước nhìn lên cao.
***
Cứ vậy đó, mỗi ngày sau giờ học, tôi tới sân vận động và ‘luyện tập’, như Kite gọi thế. Trước tiên, chúng tôi làm nóng người bằng cách chạy vòng quanh và vung tay, rồi chúng tôi duỗi người, rồi tập trồng cây chuối và đứng bằng hai tay, rồi nhào lộn, lộn mèo và sau cùng là những thế thăng bằng đôi. Thế thăng bằng đôi nhìn giống như vầy nè:
Thỉnh thoảng Caramella đến xem. Kite bày cho con nhỏ cách thực hiện thế thăng bằng đôi. Có lần cậu cố dỗ ngọt nhỏ tham gia thực hiện một thế thăng bằng ba người với chúng tôi, nhưng nhỏ dậm chân thình thịch và khoanh tay cảnh giác, ‘Không có chuyện đó đâu, em không leo lên đâu, em sẽ té cho coi.’
Kite cười vang. ‘Em không phải leo lên, em chỉ làm trụ bên dưới thôi, giống vầy nè.’ Cậu chống hai tay quỳ xuống, nhưng Caramella vẫn không muốn làm, bởi vì nhỏ mắc cỡ và không tự tin lắm trong những chuyện thuộc về thân thể và bọn con trai khiến nhỏ càng mắc cỡ hơn. Nhỏ mặc
những cái áo thun rộng, để có thể trốn trong đó. Thật là đáng tiếc, bởi vì Caramalla có cái tật che giấu hết mọi thứ, ngay cả những năng khiếu và những tài năng tiềm ẩn của mình, nhưng tôi đang định thay đổi điều đó. Sau khi Kite về, tôi bắt đầu tự mình dạy cho Caramella, trước tiên chỉ là những động tác đơn giản nhất. Nhỏ rất khoái. Tôi biết vậy bởi vì mặt nhỏ ửng hồng lên và cười khúc khích, quên cả chuyện kéo cái áo thun xuống.
Màn tôi thích nhất là nhào lộn và các thế thăng bằng. Tôi tập suốt, thậm chí khi đi học ở trường cũng tập. Trong giờ học toán, tôi cứ nghĩ về những cú nhào lăn và việc thực hiện được chúng, bởi vì dù sao tôi cũng không quan tâm nhiều tới môn Toán. Vào giờ ăn trưa tôi ra tập ở ngoài sân, và khi tới sân vận động sau giờ học thì tôi đã tiến bộ hơn nhiều. Kite có vẻ như không nhận thấy rằng càng ngày tôi càng giỏi hơn. Cứ như thể tôi tập giỏi như vậy là chuyện cậu đã biết tỏng rồi. Thỉnh thoảng, khi chúng tôi thực hiện thành công một động tác thăng bằng, thì cậu nói, ‘Được đấy.’ Mà chưa bao giờ nói, ‘Wow, bạn tuyệt ghê, thật là tài tình quá.’ Thường thường Kite chỉ dạy tôi cách làm trụ cho động tác thăng bằng, nhưng tôi thích bay hơn. Kite nói việc làm trụ sẽ tốt cho việc tích lũy sức mạnh và hiểu được cách giữ thăng bằng. Để tôi nói bạn nghe, việc điều chỉnh cho cân bằng cơ thể là rất khó đạt được, càng khó hơn khi bạn ở tư thế ngược đầu.
Má cũng nhận thấy có điều gì đó khác lạ.
‘Nè, có chuyện gì vậy, hả Cedy? Ricci nói là mỗi ngày sau giờ học con lại xuống sân vận động. Con đang bày trò nghịch ngợm gì đây?’
‘Không có đâu má, con thề. Con chỉ luyện tập thôi.’
‘Để làm gì vậy?’ Bà một tay cầm củ khoai tây, tay kia cầm con dao bào vỏ, và bà giữ yên chúng như thể chúng đang chờ câu trả lời đúng đắn.
‘Giải Vô địch Dơi trên Trụ.’
Tôi không hiểu tại sao mình nói vậy. Nó chỉ vọt ra vậy thôi, bởi vì thỉnh thoảng mình phải đánh bóng sự thật lên một chút khi kể cho má; phải xây lên một lâu đài cho nó, nếu không bà sẽ lo lắng. Bất cứ điều gì tôi làm, dù là nằm trên giường tưởng tượng tới một cơn sóng triều, hay nghĩ về chuyện sẽ ra sao đây nếu ra đời ở một đất nước xa lơ xa lắc như là Estonia hay ở Tuva, hay ở một thị trấn như Wagga Wagga; hay thậm chí tôi có ra đời như một con gấu bắc cực thay vì như một đứa con gái ở Brunswixh, thì ngay lập tức má tôi cũng sẽ tìm ra lý do để lo lắng. Và chuyện ấy làm bà nhức đầu .
‘Giải Vô địch Dơi trên Trụ’ là cái khỉ gì vậy? Nó có liên quan gì tới trường học không?’ Bà hỏi, khẽ cau mày, nhưng trở lại ngay với việc gọt khoai tây và ném vỏ vào cái thùng dùng để ủ phân bón. Một dấu hiệu tốt.
‘Không hẳn vậy, đó chỉ là một trò chơi của tụi con thôi, xem ai có thể treo ngược đầu lâu nhất.’ ‘Ô, Cedy nè, con cẩn thận à nha. Má biết con mà. Con giống như một con bò mộng chỉ chực phóng ra khỏi cửa chuồng. Con phải cẩn thận để không bị thương. Nhớ chuyện con bị bong gân cổ chân khi chơi nhào lộn trên khung lò xo đó. Rồi chỉ vài tuần sau thì con lại gãy cổ tay khi bay khỏi cái dây đu. Vì Chúa, nhớ cẩn thận à nghen. Má nói vậy thôi.’
Chúa lòng lành bảo bọc cho chính má. Bà luôn luôn đưa ra mấy cái tai nạn tình cờ vớ vẩn. Mỗi khi tôi bước khỏi cửa là y như rằng bà nghĩ tôi sẽ đi cà thọt lúc quay về. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi chuyện bà lo cho tôi cũng giống như một thứ xúi quẩy nào đó; bà lo cho tới nỗi cả thế giới phải nghe và hiểu được ý bà.
Ngay sau hôm đó, dường như mọi chuyện xảy ra y như vậy cho nên má lên giọng trách, ‘Má đã nói rồi mà không nghe, giờ thì thấy chưa?
Chương 10
Chúng tôi khởi đầu thật tệ bởi vì Kite tới trễ và có vẻ như cậu đang bồn chồn lo lắng lắm. Cậu cứ nhìn xa xăm và cau mặt. Tôi cố nghĩ ra một chuyện tếu, nhưng tôi chỉ có thể nhớ chuyện một vụ đắm tàu kinh khủng và tôi không chắc là nó có buồn cười hay không, nên tôi im re luôn. Kite ngồi gục đầu mất một phút.
‘Bạn đã khởi động chưa, Cedar?’
‘Sơ sơ rồi.’ Tôi lại nói dối, vì tôi không muốn làm cậu thêm lo lắng.
‘Mình sẽ thử tư thế lộn nhào kiểu trực thăng nghen?’
‘Được chứ.’ Tôi nhún vai. Chúng tôi đã thử tư thế đó ngày hôm trước, và nó rất khó. Đầu tiên, Kite lộn nhào về phía tôi. Trong lúc cậu còn chổng ngược như vậy, tôi chụp lấy ngang hông cậu và kéo về phía mình. Tôi giữ tư thế đó trong khi cậu đứng lên và rồi tôi sẽ ở trên vai cậu. Giống như vầy nè:
Kite đang nắm đằng sau của hai đầu gối tôi, và tôi phải uốn cong người lên như là trong tư thế chim trên cái trụ. Giống như vầy nè :
Kite quay vòng quanh và tôi trở thành một chiếc trực thăng. Kite từ từ khom xuống và đặt hai chân tôi xuống đất trong khi vẫn xoay vòng. Tuyệt đẹp - nếu diễn thành công.
Kite đứng lên ngáp lớn một cái thật đã và khởi động đôi cánh tay. Tôi làm một cú trồng chuối. Tôi thả đầu xuống và nhìn qua hai cánh tay. Tôi thấy có hai dáng người đang đứng dưới rặng liễu. Một người vẫy tay. Tôi đứng lên và quay lại. Marnie Aitkin và Aileen Shelby. Chúng tiến về phía tụi tôi.
Aileen hỏi, ‘Mày đang làm gì vậy, hả Cedar?’ Cả hai đứa đang nhìn Kite. Và cậu cũng nhìn lại chúng. Marnie mặc một cái váy vừa bó vừa mềm mại, ánh nắng chiếu xuống khiến cho mái tóc nó như là một vầng hào quang bằng vàng.
Con nhỏ nghiêng đầu qua một bên, chắp hai tay ra sau và cong môi thành một nụ cười có vẻ bí mật. Aileen ưỡn hông ra và mở đôi mắt rắn của nó, như thể nó vừa mới ăn thịt một con thỏ. Aileen có một cái đuôi tóc màu nâu và con nhỏ thích nghịch với đuôi tóc ấy.
‘Diễn viên nhào lộn.’ Tôi đáp, nghiêng đầu qua một bên, giống như Marnie.
Marnie nói, ‘Ô, thật sao. Tao thích nhào lộn lắm.’ Con nhỏ cười với Kite làm cậu đỏ mặt và nhìn xuống mất một phút.
Aileen hỏi, ‘Tụi này ngồi coi có được không?’ .
Kite nhún vai. ‘Với tôi thì được thôi.’ Cậu đáp, nhìn qua tôi. Tôi không nói lời nào. Tôi chỉ gật nhẹ đầu, cho thấy rằng tôi không thích lắm, nhưng vì tôi ngầu nên tôi không lấy làm điều. ‘Cậu tên gì?’ Aileen hỏi Kite. ‘Tôi là Aileen và đây là Marnie.’ Con nhỏ dùng tay để chỉ trông cực pro . Tôi giữ trong trí hình ảnh của Aileen như một nữ tiếp viên hàng không với chiếc áo đồng phục màu xanh dương và đầu tóc búi gọn gàng.
‘Tôi là Kite.’ Cậu nhìn xuống chân mình và nhét ngón tay cái vào túi quần sau mông. Aileen và Marnie nhìn nhau, như nói ‘Tên gì mà quái quá!’ rồi cùng cười khúc khích dấm dúi. Kite lại đỏ rần mặt. Rồi Marnie lanh chanh, ‘Dữ hen, cậu có biết gánh xiếc Berzerkus không? Họ sẽ diễn trong thành phố vào tuần tới và chúng tôi sẽ đi coi. Chúng tôi sẽ đi với Harold Barton.’ Con nhỏ nói thêm vào và bắn một tia nhìn tự mãn vào tôi. Làm như tôi quan tâm lắm vậy. Kite chỉ gật đầu mỉm cười và nói là cậu sẽ đi xem buổi biểu diễn, nhưng cậu không nói gì về chuyện mẹ của cậu là huấn luyện viên. Rồi cậu khẽ gật đầu với tôi và chuẩn bị cho tư thế trực thăng. Tôi đứng chân dang rộng, đầu gối tôi quị xuống, cảm thấy đầu óc nặng trịch và rối rắm như một cái ti-vi bị hỏng. Tôi cúi người xuống thấp và tự hỏi tại sao Kite không cho tôi biết gánh xiếc Berzerkus đang sắp tới đây, tôi bực mình và ước rằng mình xinh đẹp mà đi xem xiếc, trong khi Kite đang lộn nhào về phía tôi, và tôi phải bắt lấy cậu ấy, rồi cậu ấy kéo tôi lên và tôi đang tưởng tượng cảnh Marnie ở gánh xiếc Berzerkus, thì bỗng một cảm giác nhọn hoắt đâm thấu ngực trong lúc tôi đang ở trên vai Kite và quay tít, rồi những cây liễu và Stinky rồi Marnie và Aileen, đôi mắt rắn, hông ưỡn ra, câu lạc bộ; rồi lại những cây liễu, và Marnie, trông giống như một con mèo con và miệng của cô nàng há hốc, và câu lạc bộ, và cây liễu, và Stinky vẫy đuôi, tất cả quay tít vòng vòng với những cái đầu nghiêng nghiêng, và hông ưỡn ra, và cơn đau đâm bên lưng còn tôi rơi xuống, đôi chân loạng choạng và tôi chìm xuống mặt đất, bên tai nghe tiếng Marnie Aitkin bật ra - ‘Wow!’
Tôi nằm yên mất một lát, kiểm tra dọc thân thể mình từng chút một, để biết chắc cơn đau phát xuất từ đâu. Tôi ngồi lên. Mỗi lần thở tôi có cảm giác như có một cái đinh to tướng đang đâm vào mạng sườn. Tôi nhún vai ra vẻ bất cần đời với Kite, như thể mọi chuyện đều bình thường, và thận trọng hít thở một hơi thật êm.
Kite nhìn tôi, rồi nhìn mấy đứa con gái, rồi nhìn lại tôi, ‘Tụi mình thử lại lần nữa không? Cú hạ cánh không được êm cho lắm. Xin lỗi nghen.’
Tôi đáp, ‘Thật ra tôi phải về nhà sớm để nấu bữa tối.’ Tôi chưa bao giờ nấu bữa tối nào. ‘Tôi thử được không?’ Marnie hỏi, mái tóc vẫn bóng mượt. Tôi đau khổ đến phát khùng. Không chờ cho đến khi phải chứng kiến cảnh mình bị Marnie Aitkin thế chỗ, tôi quay người bỏ đi về nhà, hai tay không vung được chút nào, cơn đau trong ngực như một cái nĩa đang xói moi buồng phổi theo từng nhịp thở. Chắc là tôi đã quên bước lên khá nhiều đường vạch rồi.
Chương 11
Robert nói rồi khịt khịt mũi, ‘Gãy sườn rồi.’
Ricci la lên quang quác, ‘Aaaaa!’ miệng bà há hốc. Chúng tôi ở trong ngôi nhà của mấy cậu trai trên phố, vì Ricci đưa tôi đến đó để gặp Robert, một tay bác sĩ. Cậu trai kia, Pablo de la Renta, đang nấu món gà hầm dừa trong bếp. Pablo không hẳn là một cậu trai. Ông là một gã đàn ông không còn sợi tóc nào trên đầu. Tôi không hiểu vì sao Ricci lại gọi bọn họ là ‘các cậu trai’, bởi vì cả hai người đều đã khá lớn tuổi, khéo phải bằng tuổi má tôi, nhưng nhà của họ thì đẹp hơn nhà chúng tôi nhiều, cho dù nó khiến người ta cảm thấy không nên ngồi lên bất cứ vật gì để khỏi lưu lại dấu. Trong phòng khách, chúng tôi ngồi đó, có những bức tranh vẽ hoa loa kèn châu Âu, những cái gương có viền vàng lớn, và tấm thảm mịn mượt êm ái. Tấm thảm gợi cho tôi nhớ đến nước Anh và lịch sử, nhưng tôi biết nó là hàng giả, như những bức vẽ trên một hộp kẹo sô-cô-la.
Robert nói, ‘Tôi e là cô không thể làm gì được đâu. Hãy nghỉ ngơi và nó sẽ tự lành lại.’ Ông không mặc áo choàng trắng của bác sĩ mà lại mặc một áo sơ-mi lụa màu hoa cà, nửa hàng nút để mở chạc ngực. Ông thơm nồng nước hoa và trên mu bàn tay có lông, nhưng móng tay rất sạch. Ông mỉm cười với tôi và trông có vẻ hơi thiểu não. Mùi gà hầm từ bếp thoang thoảng bay ra. Nó gợi cho tôi nhớ đến bà nội, vì bà thường nấu gà, tuy nhiên không nấu với dừa, mà chỉ với một hộp quả mơ và một gói súp hành của Pháp rải lên mặt. Tôi ghét ăn thịt gà, bởi lắm xương và gân. Chúng làm tôi nghĩ đến gân xương của chính mình, rồi tôi thấy buồn cười.
‘Cô bé là một con quỷ nhỏ liều lĩnh, Ricci nắm lấy vai tôi, cháu cứ liệu hồn đấy.’ Pablo de la Renta bước vào, mang một cái tạp dề tráng nhựa mỏng có in nhiều trái tim màu đỏ nho nhỏ trên đó. Ông vung vẩy một cái muỗng trên không và đứng nhón chân, tôi chợt có một cảm giác ghê rợn rằng ông sắp mời chúng tôi xơi món gà hầm dừa. Nhưng ông không mời. Ông khoanh tay lại và nghiêng đầu sang tôi. ‘Cô thương binh bé bỏng thế nào rồi?’
Ricci ré lên đắc thắng, ‘Xương sườn bị gãy rồi.’
‘Ôi trời’, Pablo cau mày. Bữa tối gần xong rồi nghe.’ Ông khẽ nhún gối, nghiêng đầu với Robert rồi lại bước ra.
Tôi hỏi, ‘Phải mất bao lâu thì mới khá hơn?’
Robert đáp, ‘Chắc là một vài tuần,’ rồi búng nhẹ một hạt bụi mà ông tưởng tượng đang bám trên tay áo của cái áo sơ-mi hoa cà.
***
Tôi không kể với má. Tôi biết bà sẽ nói, ‘Cedar nè, má đã nói với con làm sao?’ Bà thích nhắc đi nhắc lại những nỗi lo âu của mình. Điều này làm cho bà càng có thêm nhiều điều để lo lắng. Và tôi cũng không kể với Kite. Cậu ta mà quan tâm cái khỉ gì? Tôi tưởng tượng ra cảnh cậu ta và Marnie chơi trò chim xanh, có Aileen chỉ dẫn, và chuyện đó làm cho tôi cảm thấy tệ hại hơn. Thay vì đi đến sân vận động mà tôi biết có Kite đang đợi, thì tôi thẫn thờ rầu rĩ và ước gì mình có mặt ở đó. Tôi bí mật, lặng lẽ hy vọng rằng cậu đang nhớ tôi và khả năng của tôi. Caramella đến mang theo ô-liu hái từ cây của nhà họ. Chúng có vị thấy mà ghê, nhưng má lại thích, cho nên tôi đem cất vào tủ lạnh cho má.
‘Bà không đi tập hả?’
‘Đi không được, tôi bị gãy xương sườn rồi.’
‘Bà đâu có gãy.’
‘Tôi gãy mà. Hỏi Robert xem, bên đường đó. Ricci đưa tôi đi. Ổng là bác sĩ.’
‘Vậy sao bà không nằm bệnh viện? Tại sao không đắp thuốc lên?’
‘Tôi đi bệnh viện rồi.’ Tôi nói xạo để nhỏ mủi lòng, vì đó là cơ hội duy nhất để tôi làm người ta thương cảm. ‘Nhưng họ không chữa được. Người ta đâu có đắp thuốc dán lên xương sườn được, mà phải để cho nó tự lành thôi. Đau thấy mồ luôn, tôi thề là vậy đó, nhất là khi hít vô. Đừng nói với má tôi vì má
sẽ chẳng bao giờ cho tôi chơi môn nhào lộn nữa nếu mà má biết.’
‘Ô-kê, tôi không nói với má bà đâu.’
‘Hứa nghen?’
‘Thề luôn đó.’ Caramella liếm ngón tay rồi làm dấu thập lên trái tim mình, và đó là cách của Caramella vì nhỏ là tín đồ Công giáo và phải hiệp thông với Thượng đế.
***
Caramella và tôi xem ti-vi. Trên chương trình Những ngôi nhà và vườn đẹp hơn có một tay đóng một cái tủ bằng tấm bia vẫn dùng để phóng phi tiêu , nhưng đó là một cái tủ kinh dị, và tôi nói rằng tôi thà có cái tấm bia để phóng phi tiêu còn hơn. Caramella đồng ý. Do đó chúng tôi xem phim tập Hàng Xóm một hồi vì Caramella thích nó, nhưng tôi thì không thích. Câu chuyện về một con nhỏ cãi nhau với mọi người và làm cho mọi chuyện cứ đùng đùng cả lên vì nó không muốn có một đám cưới theo kiểu truyền thống ở nhà thờ. Barnaby cho rằng Hàng Xóm là đồ nhảm nhí buồn tẻ. Ảnh thích vở hài kịch Sienfeld, nhưng tôi thì không. Tôi thích Những Chuyện Huyền Bí và Huyền Thoại Của Thế Kỷ Hai Mươi . Điều tôi ghét trong Hàng Xóm là bạn phải xem phần kế tiếp để biết câu chuyện trở nên như thế nào, và tôi thì không kiên nhẫn chút nào cho vụ này. Tôi không muốn rầy ra. Tôi còn khối chuyện hay hơn để làm, hơn là quan tâm cho vở kịch đám cưới truyền thống của thiên hạ.
Caramella hỏi, ‘Cedar này, bà sẽ lấy chồng chứ?’, cằm nhỏ gập xuống ngực khi nhỏ nghịch với sợi dây chuyền có thánh giá, cố chỉnh cho nó thẳng thớm lại. Có lúc mặt dây chuyền lật ngược lưng ra trước và bạn không thể thấy những đóa hoa hồng bé tí gắn đầy trên đó.
‘Làm sao mà biết được?’ Tôi ra vẻ thoải mái bằng cách thở dài chút đỉnh và nhún vai. Nhỏ hỏi tiếp, ‘Nhưng bà muốn chứ?’ tay vẫn níu sợi dây chuyền.
‘Chừng nào có ai đó mà tôi thích kìa.’
‘Còn Harold Barton thì sao nào?’ Caramella ngước nhìn lên, miệng cười toe toét. Nhỏ đã chỉnh được cái thánh giá nằm thẳng thớm trên ngực, rồi vuốt ve nó như thể vuốt ve một con mèo. Nhỏ cười khúc khích và đôi vai co lên đến tận tai.
Tôi hỏi, ‘Bà khùng à? Không có chuyện đó đâu. Bà có cho tôi bạc triệu cũng không. Harold Barton là một thằng kiêu ngạo dởm đời. Nó đúng là vậy đấy. Và nó chơi gác Barnaby.’
‘Chơi gác cái kiểu gì?’
‘Không biết chính xác, nó phản bội ảnh hay sao đó.’
‘Chà, bà có cưới... ừmmm.’ Caramella nhìn lên trời, như thể đòi ông trời trên cao kia cho nhỏ thêm một nghi can phù hợp. Tôi đoán nhỏ sẽ chỉ đại người nào đó trên phố. Để cho vui thôi. Nhưng nhỏ không làm vậy. Nhỏ hỏi tiếp, ‘Còn Kite thì sao?’
Tôi đáp, ‘Kite hả?’ và vô tình cắn vào môi.
‘Ừ, Kite.’ Nhỏ giũ nhẹ cái đệm ghế, và đấm nắm tay vào đó.
‘Cậu ta thích Marnie.’
‘Không, nó thích bà. Tôi biết mà.’
‘Không đâu.’
‘Thích mà. Xem trên cánh hoa cúc nè.’ Caramella và tôi thường chơi thử trò Yêu tôi, Không yêu tôi trên một đóa cúc. Cứ thế xé những cánh hoa từng cánh một, và trong khi xé thì nói, ‘Ảnh yêu mình,’ rồi ‘Ảnh không yêu mình.’ Cánh hoa cuối cùng là quyết định sau cùng.
Tôi nói, ‘Không, dù sao đi nữa thì tôi không thích cậu ta. Bà sẽ cưới ai nè? Frank-Ai-Đó hả?’ Cả hai chúng tôi cười ồ lên vì cái ý nghĩ đó, và sườn tôi nhói đau muốn điên lên, điều này làm cho tình thế tức cười hơn, vì tôi càng cố nín cười, càng cố rên rỉ và ôm chặt bên hông, thì lại càng tức cười hơn. Nhiều lúc chẳng có gì hài bằng cười cả. Cười làm cho mình cảm thấy khùng, khùng, khùng. Chúng tôi cười như khùng tới nỗi Caramella quên luôn vụ thử hoa cúc. Nhỏ lấy cái đệm ghế phang tôi. Sau đó, khi nhỏ đã về nhà, tôi ra hái một đóa cúc. Nhưng tôi không thử. Tôi chỉ bỏ nó vào hộc kéo đựng vớ, nơi mà Mody Dick từng sống.
Chương 12
Sự thật là, tôi chưa từng hôn con trai. Có lần tôi thấy Barnaby âu yếm Laura Pinkstone trên cái ghế xô-pha trong phòng khách của nhà tôi. Thông thường phòng khách là cái phòng ít có sinh hoạt gì trong đó. Lẽ ra nên gọi nó là cái-phòng-màu-mè-chết-queo-phủ-đầy-bụi, bởi vì không ai được phép vào đó, không được phép trừ phi bạn là khách hay là ông bác sĩ. Chúng tôi chẳng bao giờ có khách, không có những vị khách đúng nghĩa, chỉ có Caramella và Ricci.
Trong phòng khách có thảm rất sạch vì không có ai vào đó. Cái xô-pha và những cái ghế rất hợp với nhau. Chúng có những nụ hoa màu hồng và lá xanh xoắn cuộn khắp bên trên. Tôi biết chúng đã có mặt ở đó lâu lắm rồi vì có một tấm hình chụp Barnaby khi anh còn là một cậu nhóc và đang ngủ trên cái xô-pha hoa hồng. Khi má vắng nhà, đôi lúc tôi vào đó nằm sau cái xô-pha, chỗ có một cái hình chữ nhật màu trắng do ánh nắng rọi lên tấm thảm sạch. Qua cửa sổ, bạn có thể thấy những luồng ánh sáng đầy bụi chiếu xuống mình, thẳng từ thiên đường hay mặt trời, hay từ một đôi mắt của một thiên thần, hay bất kỳ cái gì đó từ trên kia rọi xuống chúng ta. Tôi nằm trong cái khoảng nắng đó và nó làm tôi yên lặng và nhỏ bé và im re như những con côn trùng khô queo nằm trên bậu cửa sổ. Tôi có cảm giác thời gian đang rơi xuống trên tôi, và tôi đang từ từ già đi và im ắng. Tôi ngắm không khí lấp lánh những hạt bụi đang rơi, và tôi rỗng sạch, tuyệt không một ý nghĩ trong đầu. Tôi chỉ để những sự vật đến với mình; thời gian rơi, những luồng không khí ấm áp, tiếng động rầm rì của bên ngoài, những ý nghĩ nhòa nhạt về những con côn trùng khô queo và ma cà rồng, và chuyện ra đời ở Bangladesh. Tôi có thể thấy lưng của cái xô-pha hoa-hồng-và-lá-xanh ở chỗ nó đối diện cửa sổ, ánh nắng làm cho chỗ đó nhạt hơn phần còn lại. Nếu nhấc những lớp áo bao trên những tay dựa lên (như khi bạn kéo một miếng băng dán ra khỏi một vết thương) bạn có thể thấy cái màu vải thật, như khi ba má mới mua về, lúc còn đậm màu và nồng nàn và mọi vật còn mới, còn chín muồi, trước khi thời gian chầm chậm làm khô đi mọi thứ, làm yên ắng, rút đi màu sắc và tinh túy... Đó là điều thời gian đã làm với bà của chúng tôi, để lại bà với làn da bọc khô héo và phai tàn, không còn bao nhiêu tinh túy lại bên trong. Bà không thấy đói gì nhiều, chỉ thèm ăn kem với tôi, đặc biệt là loại kem có hình gợn sóng mùi táo Blue Ribbon. (Má nói ngoại không được phép ăn kem vì chứng đái đường, nhưng ngoại nói, ‘dẹp đi,’ và cứ thế mà ăn.) Nhiều lúc tôi buồn khi cảm nhận cái cách thời gian cứ tiếp tục trôi chảy, và thật sự dừng được nó ở bất cứ nơi nào, chỉ bởi vì thích nó dừng ở đó. Ngay cả cái xô-pha cũng chẳng thể dừng thời gian lại.
Barnaby đang hôn Laura Pinkstone lâu thiệt lâu trên cái xô-pha hoa-hồng-và-lá-xanh. Tôi biết vì tôi đã tiếp tục nhìn trộm qua khoảng hở trên cánh cửa. Barnaby và Laura quấn lấy nhau ở một đầu, và cây ghi-ta của Barnaby đang nằm chiếm lấy phần còn lại của cái xô-pha. Cánh tay của Laura vòng quanh lưng Barnaby và mặt anh phủ lên mặt con nhỏ. Cảnh đó trông khá chán, nên tôi bỏ đi. Nhưng rồi tôi đến nhìn lại lần nữa, vì ti-vi chẳng có cái gì xem. Tay con nhỏ vẫn trên lưng anh, nằm đó như một con thằn lằn tắm nắng trên một tảng đá, nhưng đôi tay của Barnaby thì đang hành động. Một tay đang du hành bên dưới áo thun của Laura và con nhỏ không ngăn anh lại. Bàn tay đó lần lên và ôm lấy ngực con nhỏ. Tôi ngượng quá, cho dù đó không phải là ngực tôi, nhưng tôi vẫn ngượng.
Tôi đi mở máy CD bản Can’t get enough of your love babe[18]thật lớn để họ cũng nghe. Dù vậy điều đó cũng không làm họ dừng lại được. Tôi đi tìm một khẩu súng bắn nước hay một cái còi hay cái gì đó có thể gây cho họ một cú thất kinh để cười chơi. Nhưng tôi không tìm được cái gì cả. Họ không ngưng trò khỉ cho tới khi nghe tiếng má về.
Bao giờ cũng nghe được tiếng má về về vì xe của má kêu lớn lắm. Nó là một cái xe thùng hiệu Kingswood, nhưng chữ K đã rơi mất, do đó chúng tôi gọi nó là Ingswood. Bảng số là JJH 339. Đó là dãy số duy nhất trên đời mà tôi còn có thể nhớ được. Má bắt tôi nhớ nó vì chúng tôi luôn phải gọi RACV[19] khi cái Ingswood bị hư, và điều đầu tiên mà họ muốn biết là số đăng bộ. Dù sao tôi cũng thích bảng số của cái Ingswood. Đọc nó lên nghe rất du dương. Hồi ngoại ở đây, nhiều lần chúng tôi từng đi đây đi đó suốt ngày trên cái Ingswood. Khi chúng tôi đến bãi biển Sandringham, Barnaby và tôi để các thanh ván
trượt nước ở sau thùng xe và vì làm bằng mốp nên chúng cứ kêu cọt kẹt. Sau đó chúng tôi mua kem xanh ở một xe bán dạo trong bãi đậu xe, kem nhỏ đầy lên ghế, nhưng chẳng sao. Ngoại lấy một cái khăn chùi là sạch hết.
Nếu có bao giờ hôn hít Kite, tôi cũng không nghĩ rằng mình muốn làm điều đó trên cái xô-pha. Tôi nghĩ tôi thích hôn khi đang đứng, và sẽ không lâu như Barnaby hôn Laura Pinkstone. Nhiều lúc tôi giả vờ hôn lên tay mình, để thử xem cảm nhận nó như thế nào, nhưng tôi biết nó hoàn toàn không giống. Dù sao thì chắc Kite chỉ muốn hôn Marnie Aitkin chứ không phải hôn tôi, và vả lại, dù sao tôi cũng chẳng nghĩ về Kite.
Nhưng tôi có nghĩ. Tôi cứ nghĩ về trò chơi huyên náo của chúng tôi, cái xương sườn bị đau của tôi, cái động tác trực thăng đó, những đứa con gái, gánh xiếc Berzerkus và Harold Barton, mặc dù tôi đã cố nghĩ về những con đường, những chiếc thuyền, việc ra đời ở Bangladesh và con mèo Signor Dongato. Bất cứ khi nào có điều gì đó trong trí tôi và tôi không thể gạt ra, thì tôi nghĩ về con mèo Signor Dongato. Nó là con mèo từ một ca khúc Barnaby và tôi từng hát.
Ô Signor Dongato là một con mèo
Dongato ngồi trên một mái nhà cao màu đỏ
Nó đến đó để đọc một lá thư
Meo Meo Meo
Nơi ngọn đèn đọc sách tốt hơn
Meo Meo Meo
Này là mảnh thư tình dành cho Dongato.
Chính cái chỗ ‘Này là’ là chỗ tôi thích hát nhất, bởi vì tôi hát nó với một cảm hứng bay bướm, như thể tôi đang khoác một cái áo choàng. Tuy nhiên, nó không giữ cho tâm hồn tôi vui vẻ được lâu bởi vì tôi không thể nhớ nổi câu thứ hai, do đó tôi lại suy nghĩ nữa.
Tôi ra đường và ngồi một lúc trên bức tường nhà Mott, ngắm Harold và Frank và những đứa khác chơi trò bè gỗ trên những tấm ván trượt nước. Harold có một tấm ván trượt hiệu Golden Breed màu xanh sậm. Nó thật chiến, nhưng tôi chẳng bao giờ xin hắn đi ké một vòng. Hắn từng có một tấm ván trượt thật ác chiến khác, tấm màu vàng có vẽ một cái sọ người có lỗ mắt đen trên đó. Tấm ván trượt màu vàng đó biến mất và giờ hắn có tấm mới ngon lành này.
‘Cedar nè, tại sao mày không treo ngược lên với bạn trai của mày? Mày bị nó cho rơi rồi à? Bị u đầu rồi à?’ Harold hỏi, rồi hắn cười phá lên và biểu diễn một cú một trăm tám mươi độ nhưng hỏng bét, chẳng ra gì. Hắn quả là một thằng dởm.
Tôi đáp, rồi đi vào trong, ‘Nó không phải bạn trai tao.’
Chương 13
Ngày hôm sau có một tấm thiệp do Barnaby gởi.
«Chào mấy cô gái, đây là một danh sách của cá:
cá lợn vàng (đáng được ghi nhận vì có khả năng kêu ủn ỉn)
cá đầu bẹt (có một cái đầu thiệt là phẳng và nhạt nhẽo)
cá mú (mò mẫm)
cá lon mây (những cái sừng gây chú ý tua tủa phía bên trên đôi mắt)
cá bống thâm (giống y như cát)
cá bống hoa (bơi qua lá cỏ trong hồ đá)
cá gai mười lăm xương sống (giống đực sầu muộn khi muốn gieo giống)
cá bú bướu (mang một cái nhìn ưu tư trên mặt)
cá vược độc bự hơn (ai mà bị chích trong lúc bất cẩn bắt chúng hay vô ý đạp lên thì nên chữa trị ngay)
Trong trường hợp gặp một con cá vược độc bự hơn thì hãy cẩn thận. Đây sống cạnh biển nhưng vẫn chưa là thủy thủ.
Thương nhiều, B.»
Rõ ràng anh đã làm một cuộc dạo chơi theo danh sách. Tấm thiệp làm má vui lắm. Bà cười ngặt nghẽo khi đọc nó. Tôi nghĩ bà thích ở chỗ ‘chào mấy cô gái’. Bà thích được gọi là một cô gái, dù rằng bà đã đã đích thực đàn bà. Thật ra, má khá lớn tuổi, gần bốn mươi rồi, nhưng trông trẻ hơn nhiều vì có một cái mũi nhỏ. Tôi bèn tạo không khí thật vui và buông ra câu hỏi quan trọng. Tôi đã nóng lòng với câu hỏi đó suốt cả tuần rồi, thả những lời bóng gió vào cuộc trò chuyện và chờ lúc thích hợp để dứt điểm. Đây chính là lúc ấy.
‘Má à, mình có thể đi coi xiếc Berzerkus không?’
‘Gì cơ?’
‘Má biết mà. Con nói với má tối qua đó. Cái gánh xiếc đương đại đó. Nhà hát hiện đại, không có thú vật.’
Hiện đại là điều mà người ta nói về đoàn xiếc trên tờ quảng cáo. Nó có nghĩa là sắc sảo và mới mẻ. ‘Giá vé bao nhiêu?’ Tôi biết má sẽ hỏi nên đã gọi điện thoại hỏi trước cho biết.
‘Ba mươi đô-la, giảm giá còn hai lăm.’
Má thở dài. Hai tay bà vuốt lên màng tang và những ngón tay cứ ấn rồi xoa vòng quanh. ‘Má không biết là con lại thích xiếc.’
‘Con thích mà. Con thích xem xiếc hơn mọi thứ khác. Nó là nhào lộn đó má. Mình đi xem đi nhe má? Con biết là hay lắm. Nó không có thú vật làm trò. Má sẽ thích lắm, mà suốt một thời gian dài rồi mình có trò gì vui đâu.’
‘Chúa ơi, con cũng tệ như anh con vậy.’ Má nói, vì tôi đang dụ bà ngọt như đường. Má ngó ra cửa sổ thấy cái vườn sau. Tôn thiếc vỗ phần phật trên mái phòng giặt đồ. Khu vườn trông rất hỗn độn. Tôi biết chỉ ngó nó thôi cũng đủ làm cho bà mệt. Cỏ mọc cao và bạn chỉ vẹt ra được một lối đi nhỏ xíu mỗi khi phải đến nhà vệ sinh. Ban đêm thì rất đáng sợ vì bạn đi chân đất và chẳng cách nào biết được mình có thể đạp lên cái gì. Có thể một cục cứt của Stinky hay một khúc xương cũ đang mục đi. Má đứng dậy như thể bà sắp đi ra đó và sửa cho tấm thiếc ngừng vỗ trên mái phòng giặt. Hai tay bà thõng xuống bên hông, rồi ôm vòng quanh thân, rồi lại thả chúng xuống trên hai vai tôi và nói tôi phải tự đi mà lấy vé vì bà không có thì giờ. Tôi đáp con sẽ đi lấy vé sau khi tan học.
‘Vậy còn vụ Vô địch Dơi trên Trụ thì sao? Con không tập sau giờ học à?’ Má đang lừa tôi. Tôi biết ngay nhờ nụ cười tếu của bà - cái nụ cười nửa kín nửa hở mà bạn vẫn giấu sau mu bàn tay trái của mình, nếu như có thể.
‘Ồ, chuyện đó à... Con đã thắng giải Vô địch Dơi trên Trụ rồi. Con không cần tập nữa.’
Má cười lớn rồi vò tóc tôi theo cách Barnaby vẫn hay làm. Tôi cứ phải vuốt cho tóc tôi mượt xuống. (Barn vò tóc tôi chỉ vì ảnh khoái nhìn tôi phải chải gỡ tóc lại, vậy thôi. Má làm vậy vì má là một người mẹ, và các bà mẹ có thói quen âu yếm vỗ về con cái, mặc dù chúng nó đã lớn quá cho cái trò này rồi.)
Tôi để cho má làm vậy vì tôi đang quá khoái chí không thể ngồi yên. Tôi đến nhà Caramella để kể cho nhỏ biết.
Caramella đang ngồi ăn ô-liu nhồi trước ti-vi. Ở nhà tôi thì sẽ có chuyện ngay nếu ngồi ăn trước ti-vi, nhưng bà Zito thì không để ý đến chuyện đó. Lần nào tôi đến chơi bà cũng véo má tôi và bỏ một ít bánh Biscotti vào một cái đĩa dành cho tôi. (Biscotti là bánh quy của Ý. Chúng không ngon như bánh quy ép, nhưng được bắt thành một cái nút thắt, do đó nom rất ngộ.)
‘Đoán xem cái gì nào?’
Caramella hỏi lại, ‘Cái gì?’ Nhỏ chẳng bao giờ đoán cả.
‘Má đồng ý rồi.’
‘Đồng ý chuyện gì?’
‘Chuyện Xiếc Berzerkus. Tôi xin và má nói đồng ý. Hai má con tôi đi. Tôi khoái quá chừng.’ ‘ Wow !’ Nhỏ bỏ một trái ô-liu vào miệng và chầm chậm gật đầu. Rồi nhai và có vẻ tập trung hoặc vào việc tiêu hóa, hoặc vào trái ô-liu hoặc vào cái thông tin tôi đi xem xiếc, ai mà biết được cái nào. Sau một lúc Caramella hỏi không biết đoàn xiếc ấy có một phụ nữ treo người bằng tóc và xoay vòng vòng không, như có lần nhỏ xem trên ti-vi.
‘Tôi không biết chắc là có hay hay không.’ Tôi bắt đầu thấy không vui vì Caramella không đi cùng, mà chắc là nhỏ cũng thích đi lắm. Tôi nói, ‘Nhưng có lẽ không, xiếc này có thể không được hay như thế.’
‘Hmmm,’ Caramella ngờ vực ậm ừ, rồi nhỏ ngó chằm chằm vào ti-vi. Có một chương trình dạy nấu ăn, một người đàn ông đang chuẩn bị những trái đào. Tôi nghĩ Caramella đang lắng nghe ông ta, nhưng hẳn là nhỏ cũng đang suy nghĩ gì đó. Nhỏ liếc tôi, ‘Bà nên cho Kite biết về cái xương sườn của bà.’
‘Không, Kite không quan tâm đâu. Kite có Marnie và Aileen để dung dăng dung dẻ rồi.’ ‘Bà đang giận Kite, phải không?’ Nhỏ để một đống hột ô-liu chông chênh trên đầu gối. Đầu gối của Caramella to và mềm, rất nhiều thịt. Của tôi thì u gồ và tôi ghét quỳ. Điều này giải thích vì sao tôi không đi nhà thờ còn Caramella thì hay đi.
‘Không, tôi không quan tâm. Kite thích làm gì thì làm. Nếu Kite muốn chơi với tụi nó thì đó là Kite xui. Ráng mà chịu!’ Tôi đáp, rồi hểnh mũi lên với vẻ cực kỳ đoan chính. ‘Sao thì sao, chắc tôi cũng sẽ gặp Kite ở gánh xiếc Berzerkus. Bà biết mà, mẹ cậu ấy là huấn luyện viên.’
Caramella gật đầu, nhưng tôi biết nhỏ đã không còn hứng thú. Không phải là nhỏ không thèm quan tâm, mà là do nhỏ khoái thức ăn lắm mà cái tay trên ti-vi lại đang giảng giải trái đào tuyệt vời như thế nào. Ông ta gợi cho tôi nhớ đến Pablo de la Renta ở bên kia đường. Caramella nói nhỏ thích trái đào nhồi hạt hạnh nhân. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ người Ý thích nhồi thức ăn. Tôi phủi vụn bánh quy trên đùi và nói tôi phải đi đây. Tôi nghĩ mình phải đi kể với Ricci thôi.
‘Tạm biệt nghen.’ Caramella chào, mớ hột ô-liu vẫn nằm trên đầu gối.
‘Ừ, tạm biệt.’
***
‘Cháu sẽ đi xem xiếc.’
‘Ồ, vui nhé. Cưng đi với cậu đó hả?’
Ricci đang lấy vòi nước tưới dải đất bà trồng sen cạn với rau thơm. Stinky ghếch chân trên đám rau và bà xua nó đi. Tóc bà nhìn thiệt mắc cười, giống như phô-mai cũ và cứng.
‘Không, cháu đi với má. Tóc cô bị sao vậy?’
‘A, cái thuốc khốn kiếp. Cô nhuộm tóc bằng một gói thuốc nhuộm. Cô nghĩ là do cô để lâu quá. Ngó điên quá hả? Mẹ kiếp!’ Bà lấy tay kéo mấy mớ tóc ra, trông đầu bà càng mắc cười hơn nữa. ‘Ngó không xấu đâu.’
‘Con nghĩ vậy hả? Con thấy nó không tệ lắm đâu hả?’
‘Ừ, ít ra thì cũng không đỏ quạch lên.’
‘Ồ, nhưng Cedar nè, cưng có mái tóc đỏ thiệt là đẹp. Màu thiệt đẹp. Ồ, cô cũng vậy, khi còn trẻ như con cô cũng có mái tóc thiệt đẹp. Và Chúa ơi, cô có bộ ngực thiệt bự và đẹp nữa kìa, đẹp lắm, lẽ ra con nên ngó một cái cho biết. Nhưng rồi, Chúa ơi, cô bị mãn kinh và nhìn đây...’ bà nhìn xuống đôi vú và đặt tay bên dưới chúng. Chúng xệ xuống tận váy. Chúng trông như rất nặng, như khệ nệ đeo hai cái quả đạn trước ngực. Bà nói, ‘Ôi, thiệt là mắc cỡ,’ rồi giật mạnh mớ tóc thêm nữa. Tôi nghĩ bà nói vậy vì chồng bà đã qua đời.
***
Má nói Ricci rất cô đơn. Tôi hỏi thế má có cô đơn không, vì ba chúng tôi đã chết. Má nhìn ra cửa sổ. Hai tay bà đang nắm cái cạnh của bồn rửa chén.
‘Má ấy à... Má không có thì giờ để cô đơn. Vả lại, má có con với Barnaby rồi.’
‘Mãn kinh là gì vậy má?’
Má quay đi khỏi cửa sổ và lau cái bàn.
‘Đó là lúc con không thể có con nữa.’
‘Má bị chưa?’
‘Chưa.’
Tôi kiểm tra đôi vú của má nhưng chúng có vẻ bình thường. Vậy là mọi chuyện êm đẹp rồi.
Chương 14
Một tuần sau chúng tôi đi xem xiếc Berzerkus. Má tôi mặc bộ đồ đẹp nhất của bà, bộ đồ mà tôi thích - áo choàng da lạc đà có cổ lông và váy màu đỏ trái xê-ri, và bà làm tóc trông rất xinh xắn rồi tô son môi lên. Diện đồ lên, trông má như một người giàu có, nhưng bà chẳng màng gì cho lắm. Phần lớn, bà mặc đồ rất tự nhiên. Trên đường đi, chúng tôi đến quán chay Vegie Bar để ăn tối. Tôi ăn một món đậu hũ quấn, còn má thì ăn mì Singapore, và anh bồi gọi chúng tôi là quý bà. Tôi đội mũ nồi len màu xanh nhưng má không la. Bà chỉ nói đùa là thay vì đội nó thì tôi nên đội cái ấm ủ trà cho đẹp. Chúng tôi bắt xe điện vào thành phố. Tôi dợt những câu chào định bụng sẽ nói với Kite nếu có tình cờ đụng mặt.
Nè, có gì vui không?
Xin chào, mọi chuyện thế nào?
Ê, biết gì không?
Chào Kite, nhớ ra tôi không?
Hay chơi thiệt giật gân như...
Ê, bồ tèo! Máy bay trực thăng bay vù vù sao rồi?
Thôi, thôi đi, nghe dởm quá. Mình đâu có chơi vậy được. Mình sẽ không bao giờ nói vậy được, và nếu mình cứ thử nói vậy thì rõ ràng là mình đang cố chơi nổi.
Tôi không tìm được một câu nào cho hay. Bộ óc tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm vì phấn khích. Sự phấn khích làm tôi giần giật trong đầu lẫn dưới đôi chân.
Má nói, ‘Cedy, coi con đang cà giật kìa.’ Tôi khép chân lại nghiêm chỉnh.
***
Chương trình xiếc thật tuyệt, chỉ trừ trò tung hứng, mất một lúc. Tôi không thích họ diễn trò tung hứng dao vì thấy ghê quá. Giống như phim kinh dị vậy. Tôi không xem mấy trò ấy được. Tôi phải lấy tay che mắt lại mỗi khi có giết người hay màn bạo lực máu me. Màn hấp dẫn nhất là khi đám diễn viên mặc đồ trắng bay phơi phới từ trên mái nhà xuống. Họ được cột dây và bay chúi xuống như một đàn chim trắng thật lớn. Má thì thích người đi trên dây, vì anh ta thay đồ và ăn bánh bắp trên dây, rồi đi làm. Ai cũng cười màn của anh ta, còn tôi thì không. Tôi chẳng bao giờ cười khi đáng ra phải cười. Tôi chỉ cười tình cờ thôi. Chúng tôi thấy Harold Barton với Marnie Aitkin trong lúc nghỉ giải lao; chúng ra ngoài hút thuốc nhưng chúng tôi không chào. Má mua cho tôi một bánh kem sô-cô-la. Tôi ngó quanh tìm Kite.
Má hỏi, ‘Con đang tìm ai hả?’
‘Không, con chỉ ngó thiên hạ chơi thôi.’
‘Mũi cô nương dính sô-cô-la kìa.’ Bà cười chọc quê tôi, rồi lấy ngón tay cái chùi mũi tôi. Tôi ghét má làm vậy. Tôi né đi, vì tôi thích tự mình chùi lấy, cám ơn nhiều nghen.
‘Má muốn cắn một miếng không?’
‘Không, cám ơn à.’ Má thích uống một tách cà phê hơn. Má cà ngơ vậy đó.
***
Sau khi buổi diễn kết thúc, má thấy bà bạn thân, bà Maya, người có mái tóc đỏ như tóc của tôi và làm việc ở nông trại bảo vệ môi trường cạnh bên con lạch Merri Creek. Tôi vẫn chưa thấy Kite. Tôi cóc cần. Ừ, tôi muốn gặp Kite chứ. Tôi ước gì gặp được Kite, nhưng tôi đang cố quên chuyện đó đi và nghĩ về chương trình xiếc thật là hay thay vì nghĩ về cậu ấy, nhưng trong đầu tôi lại lộn tùng phèo, và lòng thì bồn chồn không yên. Má đang nói chuyện với Maya về một ngày hội để chào đón chim bói cá trở về con lạch. Tôi chỉ nghe loáng thoáng, đứng nhấp nha nhấp nhổm chờ má nói cho xong chuyện thì bị một cú đá nhẹ vào mông. Tôi quay lại.
Thì ra là Kite. Cậu đi với một tay cao nhòng ngó khùng khùng.
‘Nè, bạn gặp chuyện gì vậy? Tôi nghĩ là tụi mình đang tập mà.’
Tôi biết là Kite giận. Cậu khoanh tay. Tay khùng khùng kia thì mỉm cười.
‘Ái dà, tôi nghĩ là bồ đang tập với Marnie.’
‘Tại sao bạn nghĩ như vậy?’
‘Tôi không biết, chỉ nghĩ vậy thôi.’ Bỗng nhiên tôi thấy mình ngu ngốc quá. Tôi đang hành xử như một con đần. Có lẽ là do sự tưởng tượng khùng điên thái quá mà tôi đã cho rằng có chuyện giữa Kite với Marnie không? Tôi cố giả lả bằng một lời bào chữa chân thật yếu ớt. ‘Dù sao đi nữa tôi cũng không tới được đâu. Tôi bị gãy ba sườn vì cái trò máy bay trực thăng đó. Bác sĩ nói tôi phải nghỉ ngơi trong hai tuần để dưỡng thương.’
Kite nói, ‘Cà chớn thiệt, bạn đang bào chữa ha.’ Rồi đổi trọng lượng thân thể từ chân này qua chân kia.
‘Không đâu, tôi đâu có bào chữa. Hoàn toàn là thiệt mà. Tôi thề nhé. Thề nè.’ Tôi nói câu đó vừa lúc má quay lại. Tôi nghĩ mình tiêu rồi, nhưng có lẽ bà không nghe tôi nói. Má mỉm cười với tay cao nhòng như thể có quen cậu ta.
Bà hỏi, ‘Chào, Oscar. Cậu có thích buổi diễn không?’
‘Vâng, thích lắm. Cháu nghĩ là nó khá hay, dàn dựng rất công phu.’
Anh ta nói như khạc lời ra, giọng run run.
Má nói, ‘Đúng, cậu nói đúng lắm. Dàn dựng rất công phu.’ Rồi bà quay qua tôi, ‘Hai đứa có biết nhau không?’
‘Không, con quen Kite thôi.’ Tôi giới thiệu má với Kite, rồi tôi chào Oscar và cả bọn đứng ngơ ngơ vì không ai biết nói năng gì, cho tới khi Oscar chỉ vào tôi.
Anh ta nói, ‘Trên mũi em có dính cái gì kìa.’
Tôi đáp, ‘Sô-cô-la đó mà.’ Rồi lau mũi. Má cười khoái chí vì tôi đã không để bà lau giùm, rồi Kite khe khẽ cười mỉm, mặc dù cậu làm tôi bực mình quá. Nhưng vì giờ tôi đã đúng là một con thảm hại toàn tập bị dính đầy kem sô-cô-la trên mũi, nên tôi bèn lợi dụng quyền của kẻ thất thế để chèo kéo thêm một cơ hội nữa. Tôi hỏi Kite liệu chúng tôi có thể bắt đầu tập lại vào bữa sau hay không.
‘Không, mai tôi kẹt rồi. Mà nè, sườn của bạn sao rồi?’
‘Cũng đỡ nhiều rồi.’
Kite nhìn tôi theo kiểu thỉnh thoảng vẫn nhìn, như thể thấy được cả bên trong. Kite cười lớn rồi quay bước đi, rồi cúi đầu xuống một chút và quay một vòng thật chiến trên những đầu ngón chân hướng về phía tôi.
‘Thứ Bảy nghen?’
Tôi đáp hơi nhanh, ‘Đồng ý.’ Kite từ từ nhướng mày lên, như thể chúng nặng lắm, hay như thể cậu đang rướn ánh mắt lên để dòm với qua cái tột đỉnh háo hức của tôi. Tôi vội ngó xuống sàn nhà và lấy chân vẽ một đường vạch vô hình.
‘Vậy mình có muốn ra sau sân khấu để chào má tôi trước khi về không?’
Tôi ngó má, ‘Tụi con đi được không?’
‘Được chứ, má sẽ chờ ở đây. Đi đi. Chỉ có điều đừng lâu quá nghe.’ Hên quá, má đang vui mà. Thậm chí má không hỏi về cái ba sườn cho mãi đến sau này, khi tôi nói, ‘Ồ, chỉ bầm chút thôi mà,’ thì má gật đầu thông cảm.
Tôi không ở lâu. Đằng sau sân khấu giống y như trong phim. Những tấm gương có những quả cầu sáng đèn chạy viền chung quanh, những con người có bộ mặt bự phấn trắng ôm những bó hoa, bá nhau, la gọi chói lói và hối hả chạy quanh. Má của Kite đang tựa vào băng ghế nói chuyện với một tay cũng đang ngồi trên băng ghế mà lau tẩy gương mặt bự phấn trắng. Hắn nhìn vào gương, còn bà thì vừa nói, vừa hút thuốc, vừa nhìn thẳng phía trước, hay nhìn lên trên góc nhà, nhưng không nhìn hắn. Bà mặc quần đen và có mái tóc đen nhánh mà suôn, thả ngang vai. Bà trông rất lộng lẫy, gọn gàng và sành điệu, như một cái hộp đựng nữ trang quý giá. Khi gặp Kite, bà ôm lấy gương mặt cậu trong tay để ngắm. Rồi bà hôn lên trán cậu, nói, ‘Chào con cưng của má.’ Nhưng bà không ôm Kite.
Kite giới thiệu tôi và Oscar, bà kênh kiệu mỉm cười với chúng tôi, ‘Cô rất vui được gặp mấy cháu.’ Bà có bề ngoài chăm chút từng chi tiết nhỏ. Bà hỏi Kite có thích buổi diễn không, và cậu nghĩ thế nào về cái
màn nhào lộn với cái vòng lắc và màn biểu diễn trên xà treo, và có thích nhạc không. Đôi mắt bà trông rất khẩn khoản. Chúng có vẻ như đào sâu vào bên trong người đối diện để tìm một điều gì đã mất. Bà không hỏi chuyện học hành của Kite. Bà hỏi, ‘Ba con có khỏe không? Ổng không đi xem hả?’ Kite đáp ba khỏe, nhưng ông không muốn đi xem xiếc. Bà hỏi tiếp, ‘Lưng của ổng sao rồi?’ Kite nhún vai nói vẫn như cũ. Rồi cả hai không nói năng gì thêm mất một lúc lâu, nhưng bà rít thuốc thật sâu và ngó nghiêng ra ngoài. Bà gọi một bà khác, ‘Shirley ơi, tới gặp con trai tôi nè.’ Rồi bà nắm tay Kite kéo đi, giới thiệu cậu với mọi người trong gánh xiếc. Tôi nghĩ bà đã quên mất sự hiện diện của tôi và Oscar rồi.
Oscar đứng dựa vào tường và nói với cái giọng vừa chậm vừa nhát gừng, ‘Chà, bả đâu phải là một bà bóng, hả?’
Tôi đáp, ‘Không, không phải vậy.’ Rồi cười khúc khích vì Oscar nhăn mặt làm hề và tôi thích anh ấy vì việc đi cà nhắc ở đó với gương mặt ngơ ngơ. Cả căn phòng thay đồ đầy những người trông giống như những ngọn đèn nhiều màu sáng rỡ liên tục chớp tắt, có lẽ chỉ trừ Oscar, kẻ đứng giữa ánh đèn đó, không dưng trông có vẻ rất bình thản, như một cái chụp đèn thân thuộc tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp, ẩn giấu vài nét muộn phiền, và không gắng gượng để trở nên rực rỡ hay nổi bật hơn tất cả những người khác. Lẽ ra tôi thích ở lại đó, dựa vào tường, lặng lẽ và nhòa nhạt, bên Oscar, nhưng tôi nghĩ mình nên đi thôi.
Oscar nói, ‘Ừ, được gặp em thật là thú vị.’
Tôi đáp, ‘Em cũng vậy.’ Rồi lẻn ra khỏi cửa.
Chúng tôi đi xe điện về nhà. Tôi kể với má về Kite và bà kể về Oscar. Anh là một thân chủ của bà. Có nghĩa là anh là một nạn nhân tai nạn và bà giúp anh nhiều việc. Người ta gọi bà là điều dưỡng viên. ‘Ảnh bị gì vậy má?’
‘Nó bị té sao đó nên bị chấn thương nhẹ ở não, đó là lý do vì sao nó phát âm nghe hơi buồn cười và bước chân hơi cà nhắc chút đỉnh.’ Bà nói trí óc của Oscar tuyệt đối không có vấn đề gì và anh chẳng bị mát dây chút nào, thật ra lại còn rất độc đáo, sắc sảo và nhiều khả năng tưởng tượng. Chỉ có điều là cái phần vận động trong giọng nói của anh có hơi bị chậm thôi. Tôi nói, ‘Con thắc mắc làm sao mà Oscar lại quen với Kite.’
‘Ừ, má cũng vậy.’
Chương 15
Vào bữa ăn tối má đọc lớn tấm thiệp của Barnaby gởi.
«Hãy tưởng tượng má đang đi dạo lòng vòng. Thử nghĩ rằng má đang trong một thành phố, hay một khu rừng, hay trong một căn phòng chứa đầy những người phấn khích... Trong lúc đi, má để ý tiếng động của đám đông đang rì rầm chuyện trò, tiếng bước chân người giẫm lên lá, mùi nước hoa của ai đó thốc vào mắt, một người đàn bà có miếng băng dán trên cằm hỏi xin má một điếu thuốc lá... mọi chuyện này xảy ra và chuyển động. Con nhớ tiếng cái xô-pha cũ rên rỉ lên nho nhỏ khi má cục cựa.
Thương nhiều, và gởi về má lời rên rỉ lẩm cẩm của con, Barnaby.»
‘Ôi, thằng quỷ này. Nó có gien của ba nó đó mà.’ Má nói, lắc đầu như thể bà không hài lòng chút nào, nhưng tôi biết thật sự thì không phải bà không hài lòng, bà chỉ lo thôi. Bà cài tấm thiệp lên trên cái tủ lạnh cùng với những tấm thiệp khác.
‘Gien gì cơ?’
‘Ôi, con biết đó, cái trò thiệp thiếc tưng tửng này. Nó y như cái trò mà ba con vẫn hay làm vậy. Barnaby bỏ đi trong cái thế giới riêng của nó. Mình không thể liên lạc gì được với nó. Mà nó biết là má đang lo chứ.’ Má mệt mỏi. Trên áo bà có một vết bẩn. Bà thấm nước miếng lên ngón tay và lau nó đi nhưng không sạch được, tôi thấy vậy.
‘Ba của tụi con cũng giống vậy hả má?’ Tôi hỏi, nhấn những hạt đậu hòa lan xuống dưới khoai tây nghiền. Tôi không ghét đậu hòa lan lắm, nhưng đó là điều mà Barnaby vẫn làm với đậu hòa lan mỗi khi ăn. Má vòng tay ra đỡ sau gáy. Bà ngó tôi như tôi một đứa bé ngây thơ, dù rằng bà biết rõ tôi đã khá lớn rồi và đã có lần ném một trái quất mà tôi nhặt ở hàng rào vào đầu một cha nội.
Giờ thì bà nhìn tôi đằm thắm và dịu dàng nói rằng ba tôi có một trí tưởng tượng rất sinh động, ông là một kẻ mơ mộng, và tôi đã ăn xong chưa, và tôi có thôi nghịch khoai tây mà ăn hết đi không? Những cuộc trò chuyện về ba luôn khép lại trước khi bạn có thể mở chúng ra. Điều này làm tôi bực cả mình. Việc nói chuyện về ba của chúng tôi giống như đi lên một con đường rất ngắn mà không có lối ra, một thứ ngõ cụt.
***
‘Má nè, ba chết vì bệnh gì vậy?’
‘Đó là một thứ bệnh rất đột ngột.’
‘Có phải ung thư không?’
‘Không phải,’ những ngón tay của má bắt đầu gõ gõ lên mặt bàn.
‘Bệnh quai bị hả?’
‘Không phải.’
‘Bệnh tiểu đường hả?’
‘Không phải, đó là bệnh của ngoại.’ Bàn tay của má duỗi phẳng ra và giữ yên trong một thoáng. ‘Chứng Myxomatosis[20] hả?’
‘Không, chỉ có loài thỏ bị chứng đó thôi.’
‘Vậy thì, đột quỵ vì đau tim hả?’
‘Ồ Cedy, ừ, má nghĩ nó là một thứ đột quỵ vì đau tim. Con không có bài tập ở nhà sao?’ Bà đứng dậy, cái ghế nghiến lên trên sàn nhà khi di chuyển.
‘Con làm bài rồi. Má nè, không phải chỉ có người già mới chết vì đau tim hả?’
‘Thường là vậy. Mà còn tùy. Đôi khi con bắt trái tim làm việc nhiều quá và nó chịu không nổi. Con có thể khiến cho nó hỏng sớm.’
‘Có phải ba đã làm vậy không?’
‘Má nghĩ vậy. Con không nên nghĩ về chuyện đó nhiều quá.’ Má thở dài và bắt đầu bước bức bối quanh phòng bếp.
‘Má à, má có khóc khi ba chết không?’
‘Có chứ, má khóc.’ Má không ngó tôi. Bà đưa tay lên che miệng.
***
Có một màn quảng cáo trên ti-vi, một con bé đang khóc vì gặp rắc rối ở trường và rồi ba nó tới đón. Ông mặc một bộ vét, ông đẹp trai theo kiểu cha nội tài tử Sean Connery, và tôi nghĩ rằng chắc là ông thơm lắm. Ông giải quyết rắc rối cho con nhỏ. Khi đứa con gái gặp ông thì nó mừng quá, biết ngay là sẽ được an toàn. Người cha ôm nó, cầm ba-lô sách vở và mở cửa xe cho nó. Ông có cái xe ngon lành hơn cái Ingswood nhiều, chắc là chẳng bao giờ bị hư. Tôi cá là con bé chẳng biết trên bảng số của cái xe có số gì. Màn quảng cáo thật là ngu xuẩn. Thậm chí tôi không nhớ nổi là nó đang quảng cáo cho cái gì. Tôi cảm giác là có điều gì đó ám muội trong cái chết của ba tôi, nhưng không ai chịu kể với tôi đó là cái gì.
***
Tôi đến nằm lên cái xô-pha cũ và lắng nghe tiếng cái xô-pha rên rỉ khi tôi cục cựa. Nó không thật sự rên rỉ, mà ăng ẳng và phì phò. Barnaby cường điệu lên thôi. Tôi muốn hỏi má có phải bà nghĩ là Barnaby cũng bắt trái tim của ảnh làm việc nhiều quá hay không, nhưng tôi không hỏi vì những thắc mắc của tôi làm bà mệt. Cho nên tôi làm một cú chống đầu xuống đất, chổng cẳng lên trời và kiểm tra xem ba sườn có đau không, nhưng nó không đau, rất ổn. Tôi sẵn sàng rồi, cho ngày thứ Bảy.
Tôi nhớ chuyện ông Barton tới nhà, không lâu trước khi Barnaby bỏ đi. Bạn có thể biết ngay là ổng đang có ý đồ lăng nhăng gì đó, và tôi cũng chưa ném một trái quất nào vào ổng hết. Bạn có thể biết qua cái cách ổng đập cửa - bang bang bang, chứ không phải gõ cóc cóc cóc. Gương mặt của ông cau lại nhăn nhó và hai tay thọc sâu vào túi, như thể chúng muốn vọt ra táng bạn nhưng không được phép vì ông là một ông bố và mặc đồ vét. Má đưa ông vào phòng khách và đóng cửa lại, và họ rù rì rủ rỉ nhỏ xíu xiu tôi không nghe được gì cả. Lần đó tôi nghĩ là nó có liên can gì đó tới Barnaby.
Chương 16
Lẽ ra tôi phải biết. Lẽ ra Kite cũng phải biết. Chỉ khi bạn phải là rất đần mới không biết rằng giữa tháng Năm và tháng Chín thì gần như mỗi thứ Bảy đều có trận đấu ở sân Victoria. Người ở quanh sân bóng đều đến xem. Chỉ có bọn con trai chơi, tuy nhiên chúng và cha mẹ chúng đều rất quan tâm. Tôi chỉ thích khi có tay nào ghi điểm ngon lành bằng cách nhảy lên lưng người khác và chụp bóng cao hơn mọi người khác. Tôi thích như vậy đó.
Tôi nói, ‘Chà, mình không thể tập ở đây.’ Kite và tôi đang ngồi trên lan can xem trận đấu. ‘Không đâu, không hề gì, tụi mình có thể về nhà tôi. Nhà tôi có thảm tập.’ Đôi tay Kite lúng túng nằm kẹt trong áo thun. Kite nghiêng đầu qua ngó tôi. Nhưng tôi không nói năng gì cả. Tôi chỉ khẽ nhún vai.
‘Stinky có đến được không?’
‘Tất nhiên. Ba tôi rất thích gặp lại nó.’
‘Đồng ý, vậy thì đi nào.’ Tôi nhảy xuống khỏi lan can. Kite đã rủ tôi đến nhà cậu - có nghĩa là chúng tôi phải là bạn với nhau. Tôi không quan tâm đến việc có thảm hay không có thảm. Tôi thấy muốn vung hai tay ra và hét lên, nhưng tất nhiên là tôi không làm vậy. Tôi đứng thật vững trên đôi chân rộn ràng phấn khích và mỉm cười. Kite chuồi người khỏi lan can và nhét tay vào túi, ngước nhìn lên trời như thể có một vật gì đó sắp rơi xuống.
***
Tôi gặp ba của Kite. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ có một hành lang dài và những cửa sổ ở trên một bên thôi. Vì thế nó rất tối, và bốc mùi như vớ và thảm chùi chân trong phòng tắm bị ướt. Phía bên kia nối với một ngôi nhà khác gần như trông giống y ngôi nhà này. Nó không bề bộn như ta vẫn nghĩ ở những ngôi nhà không có bàn tay người mẹ, nhưng không được quét tước và sạch bóng nghiêm cẩn như nhà của Barton, hay không có mùi nấu nướng thơm ngậy như nhà của Caramella. Cũng không có bức tranh nào trên tường hay vật dụng để trên kệ như nhà của chúng tôi. Đó là một ngôi nhà không có đồ đạc. Ít ra là cũng không có những vật nho nhỏ. Đối với tôi, vì tôi là một tay chuyên rình mò soi mói, thì chuyện này hơi giống việc mở một cuốn album ảnh ra mà thấy nó trống không, không có hình gì ráo trọi. Ba của Kite đang ngồi ở bàn bếp đọc báo, như má tôi đọc trong ngày thứ Bảy. Bà đọc tờ phát hành đặc biệt The Extra và đôi khi cắt tranh hoạt hình Leunig dán lên tủ lạnh. Tủ lạnh của Kite thì để trơn.
Ba của Kite đứng dậy khi chúng tôi vào nhà bếp. Kite đặt tay lên sau vai tôi và nói, ‘Đây là Cedar.’ Bàn tay giữ trên vai tôi trong vài giây. Tôi cảm nhận được bàn tay ấy. Và khi nó buông xuống, vẫn còn một cảm giác ấm áp ở nơi vai. Ông bố bắt tay tôi, mỉm cười, ‘Rất vui được gặp cháu. Tôi nghe nói cháu là một vận động viên nhào lộn trứ danh,’ điều này làm tôi đỏ mặt và chữa thẹn rằng không phải thế, mặc dù tôi ngấm ngầm biết rằng đối với một người bắt đầu tập thì mình không tệ chút nào. Ông mặc đồ thể thao để chạy bộ và mái tóc bù rối như thể vừa ngủ dậy. Ông bồng Stinky lên và cù lét dưới cằm nó. Đôi mắt ông như những đám mây mang mưa, to, buồn và mờ xám.
Kite nói, ‘Tụi con sẽ tập một lát trong ga-ra.’
Ông đáp, ‘Tốt lắm.’ Ông gật đầu khích lệ, và mỉm cười, và như thoáng bẽn lẽn. Nhưng tôi nghĩ ông dễ mến hơn bà mẹ. Ông có vẻ dịu dàng, như bộ đồ ngủ bằng vải fla-nen. Ông hỏi, ‘Ba có thể xem một chút không?’ rồi ông để con Stinky xuống.
Kite đáp, ‘Không, chưa đâu. Có lẽ ít bữa nữa đã.’ Ông bố gật đầu.
Ông khoanh tay lại và giữ yên như vậy. Có vẻ như ông không biết làm gì, mặc dù ông là ông bố và chúng tôi chỉ là hai đứa nhóc.
‘Lúc nãy Oscar có ghé ngang. Ba nói với nó là chiều nay con mới về.’
‘Cám ơn ba. Con sẽ qua đó sau.’ Kite mở tủ lạnh, nhìn vào trong rồi đóng lại. ‘Bạn uống một ly nước nhé?’ Kite mời tôi, và tôi biết ông bố cảm thấy buồn lòng vì không có nước ngọt hay nước trái cây gì cả.
Ông nói để ông đi mua nước táo nhưng Kite bảo ông đừng bận tâm.
Tôi nói, ‘Mình thích uống nước lạnh và ở nhà mình cũng chỉ uống nước thường thôi, vì má cho rằng nước ngọt làm cho người ta trở nên hiếu động, mà mình thì có thừa hăng hái rồi.’ Tôi nghĩ ông bố cảm kích lời tôi nói vì ông bật cười ha hả.
***
Chúng tôi đi ra sau nhà, ở đây phần lớn là xi-măng với một cái giàn phơi đồ và vài đống gạch đá vật liệu xây dựng bỏ ở trong góc. Tôi hỏi Kite về Oscar, nhưng cậu không trả lời. Cậu chỉ chỉ cái ga-ra ở cuối sân, và nói, ‘Ngó cái coi.’
Những cái ga-ra chưa bao giờ hấp dẫn tôi. Mấy cái gác mái và vườn thì làm tôi khoái, nhưng ga-ra thì thường chất đầy những thứ vật dụng của đàn ông, có mùi hôi hám cùng những góc cạnh sắc bén và nặng nề, nếu bạn làm chúng rớt thì chúng sẽ làm rách váy hay làm bạn đau. Tôi cố ra vẻ hào hứng với cái bề ngoài của hai bức tường gạch có miệng cửa lùa.
Nhưng bên trong lại là một chuyện khác. Cái ga-ra này không có những góc tối và những lỗ nhớp bẩn. Không có xe hơi, đồ nghề, hay những vết ố do xăng nhớt. Và không có cả những tấm lịch có hình phụ nữ Hawai mặc đồ tắm. Trông nó không giống cái ga-ra chút nào.
Trước tiên, có một tấm thảm bẩn màu kem trải trên sàn nhà và một cửa sổ có ánh nắng chiếu vào. Mấy bức tường sơn xanh và có một chồng to những tấm thảm nhỏ bằng mốp để trong góc. Một cái xà để đu treo trên trần nhà nhưng bị cột lại rồi nên không thể với tay tới. Có một cái máy cát-xét xách tay cũ kỹ để trong góc và vài tấm hình đính trên một bức tường. Tôi thấy mình như một đứa bé trong một sân chơi mới.
‘Wow, ga-ra chiến quá!’
‘Ừ, ba má tôi dùng nó để làm chỗ tập khi họ còn sống với nhau.’ Kite đang thảy những tấm thảm lên sàn nhà và sắp chúng lại với nhau như chơi trò ghép hình. Tôi nhìn kỹ lại những tấm hình. Vài tấm là bản sao từ tờ The Timbler’s Manual , do Laporte và Renner chụp, mà Kite đã kể với tôi. Có những bức vẽ hình một ông lùn không có mặt, mặc quần bơi, thực hiện những động tác thăng bằng đôi cùng với một người khác giống y chang mình. Màn biểu diễn này rất có nghề, như các động tác thăng bằng tay-đối-tay, thế tung người nhào lộn tay-đối-chân, thế lăn ngược người ném cổ chân, thế bật nhún đầu-gối-và-vai, thế
lộn ngược nhấc-cổ. Có những dấu chấm để bày cho người tập những động tác di chuyển. Như thế này:
Mình có thể thực hiện tư thế này không?’ Tôi hỏi, tay chỉ vào thế bật nhún đầu-gối-và-vai. Tôi cảm thấy chắc chắn chúng tôi có thể làm được thế đó. Gần như chắc chắn.
‘Có lẽ được. Mình cần ba đánh mấy cái dấu trước đã.’
Còn một tấm hình chụp ba má của Kite khi còn trẻ. Bà má tóc đen nhánh đang đứng trên vai ông ba, mặc một bộ đồ kiểu disco màu trắng có đính kim sa. Cả hai đang cười rất tươi. Rồi một tấm khác có cả Kite. Đó là một tấm đen trắng chụp cả ba người đang trồng cây chuối và cùng cười. Bên dưới là cùng tấm hình đó, chỉ khác cái là họ không cười và chân thì đang ở những tư thế rất tinh tế.
Tôi hỏi, ‘Sao ba bồ không đi xem chương trình xiếc Berzerkus với bồ?’
Kite búng người, cho phần bụng rơi xuống thảm. ‘Tôi không biết. Tôi nghĩ chuyện đó khiến ba buồn. Vì ba không tham gia đoàn xiếc nữa. Và dù sao đi nữa ba cũng không muốn gặp lại má.’ ‘Vì sao vậy?’ (Điểm này thì Barnaby sẽ cho rằng tôi tọc mạch quá.)
‘Ồ, má có bạn trai trong gánh xiếc. Sau khi ba bị tai nạn, má bỏ đi với một tay tên là Howard. Hắn là người chịu trách nhiệm về âm nhạc trong gánh xiếc. Vì thế ba mất quá nhiều thứ trong một lúc và ông sẽ buồn lắm nếu phải đi xem. Nó gợi ông nhớ lại. Tôi không nghĩ là ông thích công việc trong thư viện. Ông bị kẹt phải chăm sóc mình, còn má thì đi vòng quanh thế giới với gánh xiếc và Howard.’ Kite lăn trên lưng rồi co hai gối lên ngực, hít vào một hơi thật sâu. ‘Ba con tôi ghét Howard. Ba gọi hắn là Thằng Chồn. Hôm nọ má gọi điện. Có nhớ cái ngày mà bạn gãy ba sườn không? Hôm đó hai người cãi nhau thiệt dữ trên điện thoại. Tôi có lắng nghe. Họ cãi nhau hoài à. Ba nói má cút ra khỏi cuộc đời của ba đi. Ba nói má ích kỷ và không biết quan tâm đến ai ngoài bản thân. Tôi nghe ba nói vậy đó.’
Điều này giải thích cho tâm trạng kỳ quái của Kite trong cái ngày xui xẻo trẹo-ba-sườn-Marnie-và Aileen. Tôi đến dựa vào đầu gối của kite, làm vậy giúp tôi duỗi người ra tốt hơn. Tôi đang ngó thẳng xuống gương mặt của Kite. Gương mặt đó nhìn lại tôi, thất thần.
Tôi hỏi, ‘Bồ có thương má bồ không?’
Kite quay mặt đi, ‘Tôi không biết. Bạn không khởi động cho nóng người sao?’
‘Ờ.’ Tôi nằm ngửa ra như Kite. ‘Còn bạn có thương má bạn không?’ Kite hỏi, nhìn thẳng lên mái nhà. Giọng nói của cậu vấp váp ngập ngừng, như thể nó lăn trên đá.
‘Má mình ấy à? Không nhiều lắm đâu. Nhiều khi bả làm mình phát điên.’ Tôi không biết vì sao tôi lại nói như vậy. Không đúng chút nào. Ừ, trong một nghĩa nào đó thì cũng đúng. Tôi giận bà vì luôn luôn vội vã hấp tấp và luôn luôn mệt mỏi quá độ, chẳng bao giờ có mặt ở nhà sau giờ tan học. Nhưng nếu đúng là tôi không thích má thì đáng ra tôi phải vui mừng khi bà không có nhà mới phải chứ. Vậy thì chắc tôi phải yêu bà. Và nếu bà bị lên cơn đau tim, như ba đã bị, hay bỏ đi với một gánh xiếc, thì tôi sẽ thấy đời chẳng còn chút ý nghĩa gì. Tôi sẽ có cảm giác hệt như những kẻ trên con tàu Titanic khi nó đang chìm xuống và họ biết rằng họ phải nhảy xuống biển một mình. Ừ, có lẽ không đến nỗi tệ như vậy, nhưng cũng gần như vậy. Chỉ tưởng tượng rằng má không hiện diện trên đời cũng đã làm tôi đau lắm rồi, nên tôi không tưởng tượng thêm. Và vì thế tôi biểu diễn một cú lăn ngược do tôi không kiên nhẫn nữa và cũng muốn khoe tài. Tuy nhiên, Kite không nhìn. Cậu vẫn ngó lên trần nhà. Chắc là đang nghĩ về bà má.
Chương 17
Bọn con trai không trò chuyện theo cái kiểu của bọn con gái. Chúng nói về nhiều thứ. Những thứ bên ngoài và loanh quanh, những thứ mà bạn có thể chạm vào và nhìn thấy, không phải thứ ở bên trong con người. Những thứ bên trong thật ra cũng chẳng phải là chuyện gì cả, vì bạn không thể thấy chúng - không thể thấy bằng mắt - và bạn không thể cầm giữ chúng - không thể cầm bằng tay. Do đó chúng chỉ là những tình huống. Tôi gọi chúng là những tình huống của trái tim. Con trai không nói chuyện về những tình huống của trái tim. Nếu chúng thô thiển thì chúng bàn tán về những thứ kềnh càng mà di chuyển được, như xe hơi, bóng đá và em út. Nếu chúng thật sắc sảo, thì chúng khoái những thứ dính líu đến điện tử, như máy vi - tính, dàn nghe nhạc, những thử nghiệm khoa học. Tôi nghĩ chắc chỉ những thằng con trai thật thông minh mới nói chuyện về chính quyền và nhà hát, nhưng không có nhiều chàng thông minh như vậy. Những kẻ dịu dàng hòa nhã thì nói về các cô mà chúng gặp trên xe điện, và những chàng lớn hơn như Barnaby thì nói về âm nhạc, các ban nhạc với cần sa, và những điều một con linh dương không biết. Tôi không nghĩ sẽ có nhiều anh chàng nói với nhau về chuyện có điều gì mà một con linh dương không biết; chỉ Barnaby mới nói chuyện đó, bởi vì ảnh là một kẻ mơ mộng như ba của chúng tôi vậy.
Không phải là chuyện của đám con gái thì hay hơn hoặc là hay là quan trọng hơn, không phải là ở chuyện đề tài, bởi vì thiệt tình mà nói, nhiều đứa chỉ bàn về bọn con trai và làm sao để con trai mê chúng. Đó là những đứa lớn hơn, và chúng chán chết. Tôi sẽ không làm điều đó bởi vì tôi là một người theo thuyết nam nữ bình quyền, và tôi dự định sẽ có những ý kiến của riêng mình về tình trạng của thế giới, và tôi sẽ chẳng bao giờ để cho một thằng con trai nào dạy tôi làm thế nào để có được chúng cũng như phải làm gì với chúng. Khác là khác ở cái cách mà con gái trò chuyện với cách mà con trai trò chuyện. Với con gái thì bạn có thể nói dông nói dài về những điều nhỏ xíu xiu xảy ra với mình. Bạn được phép bỏ ra cả giờ để thuật lại một vụ cãi nhau của bạn với má, và cuộc cãi vã ấy đã làm cho bạn nổi giận và buồn bã, hay vừa nổi giận vừa buồn bã như thế nào. Nhưng bạn không thể làm điều đó với bọn con trai.
Kite chẳng bao giờ nói được về những thứ bên trong con người. Như khi cậu kể với tôi về ba má của mình, thì cậu chỉ kể như thể đang nói về cái mái nhà mà không như đang chia sẻ điều gì với tôi cả. Và khi bạn hỏi Kite những điều riêng tư, như về tình bạn giữa cậu và Oscar, thì có vẻ như cậu chặn chúng lại ngay, hay cất chúng đi, hay xua chúng đi liền, như thể chúng là những con ruồi đang làm phiền cậu vậy. Đó cũng là cái kiểu mà Barnaby hay làm. Thế nhưng không phải là kiểu của Caramella. Nhỏ đó muốn nhai cục mỡ, như lời của cậu John tôi nói. Điều đó có nghĩa là bạn bám chằng lấy các chi tiết, mổ xẻ những dữ kiện và đi tới tận xương, tận thịt chất máu me xương gân sần sật của vấn đề, cái cốt lõi sân si, cái trung tâm của những cảm xúc rối tung rối mù được chôn kín vào trong da và gói quanh bạn lại. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể chạm đến cái trung tâm đó được đâu, nhưng nếu cứ lởn vởn quanh đó một hồi thì kiểu gì cũng hiểu được lờ mờ về nó.
Khi tôi về nhà sau khi tập với Kite ở nhà cậu thì Caramella muốn nghe tôi kể lại mọi chuyện. Tôi biết Caramella là bạn mình, bởi khi chúng tôi tâm sự với nhau, tôi cảm thấy rằng những gì tôi cảm nhận, nhìn thấy và nói ra trong bất cứ tình huống nào cũng có mang một ý nghĩa gì đó.
‘Kite mặc đồ gì vậy?’
‘Thì vẫn cùng thứ mà cậu ấy vẫn mặc thôi. Tôi không nghĩ là Kite quan tâm đến chuyện đó.’ ‘Bà có hỏi Kite về anh chàng cao nhòng nhòng ở gánh xiếc không?’
‘À, Oscar. Có chứ, tôi hỏi nhưng Kite không chịu trả lời. Tôi không nghĩ là Kite thích nói về chuyện đó.’
‘Hừm. Chuyện đó ngộ hen. Ba của Kite làm sao?’
‘Ổng dể thương. Không có nước ngọt. Ổng định đi mua một ít. Thiệt tình thì tôi nghĩ là ổng buồn lắm.’
‘Làm sao bà biết là ổng buồn chứ?’
‘Chỉ biết vậy thôi. Ổng có ánh mắt rất buồn, và ổng nói năng nhỏ nhẹ, như một đứa bé nhút nhát vậy.
Mà Kite cũng nói là ổng nhút nhát. Bởi vì má của Kite bỏ ổng và giờ thì bả đang sống với một tay tên là Howard, cha nội này giống như một con chồn còn ba của Kite thì phải làm việc ở một thư viện.’ ‘Ô, vậy thì tệ quá.’ Caramella cắn móng tay, cau mày, và cân nhắc tình huống. Rồi nhỏ nói, ‘Họ sống trong cái nhà kiểu gì vậy?’
‘Một căn nhỏ thôi. Tối om, nhưng ở ngoài sau có một cái ga-ra rất chiến có trải thảm. Tụi này tập ở đó.’
‘Thấy bà muốn tiếp tục tập dợt thì Kite có vui không?’
‘Tôi không biết. Kite không nói. Bà biết tính cậu ấy sao rồi mà; Kite không nói ra những cảm xúc của mình đâu.’
‘À, bà không biết được à?’ (Việc của một cô gái là đọc ra những cảm xúc không được diễn đạt của một cậu con trai bằng những cách khác. Con gái rất giỏi trong việc truy tìm những dấu hiệu.) ‘Không biết. Có lẽ vậy.’
‘Bà không có cái cảm giác ngộ ngộ đó à?’ (Cảm giác ngộ ngộ là khi bạn thích ai đó thì bụng của bạn trở nên hoàn toàn trống rỗng và đập thình thịch, và những lời chôn kín bên trong đột nhiên như một cơn ói mửa, phun huỵch toẹt ra miệng trật lất hết trơn, thế là bạn đỏ rần cả mặt, bởi vấn đề quan trọng ở đây là tạo cho được ấn tượng tốt về mình.)
‘Thoạt đầu thì tôi có, nhưng sau một lúc thì tôi thấy bình thường.’
‘Vậy là bà mê Kite rồi ha?’
‘Kite đặt tay lên vai tôi.’ Tôi đáp, hơi né câu hỏi, bởi vì tôi muốn kéo dài nó ra, làm cho nó dài thêm, như từ từ ăn một cây kem vậy.
Caramella hỏi, ‘Kite để tay trên vai bà bao lâu?’
‘Một lúc lận. Tôi cảm thấy nó đi xuyên qua mình.’
‘Bà mê lắm rồi. Tôi biết mà.’ Con nhỏ đắc thắng khoanh tay lại, như thể nó vừa thắng một game Cá vậy.
***
Tôi về nhà và nghĩ về chuyện mình đã mê hay chưa. Tôi chỉ muốn mê nếu Kite cũng mê, nếu không thì thiệt là tệ. Barnary gởi một tấm thiệp về.
Có bao giờ bạn lo rằng da của mình bị mòn đi nếu bạn cứ chùi rửa nó hay đốt cháy nó dưới ánh nắng như kiểu nướng nó lên, hay dậm chân thình thịch trên đườngrồi gập người xuống, làm quần bị nhăn thêm ở mấy chỗ nếp gấp? Cái gì nằm bên trong bộ da của bạn mà làm bạn cứ đi hoài đi mãi vậy? Ô, không gian sâu và bài hát mà nó dâng hiến. Cho dù tôi là một ca sĩ tuyệt vời đi nữa thì những con chim vẫn tuyệt hơn. Không có chúng, không gian sẽ trống vắng vô cùng. Tôi bay lơ lửng. Một nàng thiên nga đen đánh cắp mất trái tim tôi. Tôi là một chú vịt cạp cạp giang hồ phải lòng một nàng thiên nga đen.
Nhiều khi Barnaby có thể nói những chuyện theo một cách đầy ẩn ý. Tôi từng truy hỏi anh sau bữa ăn tối, lúc lẽ ra anh phải làm bài vở nhưng chẳng bao giờ làm. Anh chỉ ngồi trên giường chơi ghi-ta. ‘Barn nè, anh có yêu Laura Pinkstone không?’
‘Không.’
‘Vậy thì sao anh lại hôn nhỏ đó trên xô-pha trong phòng khách?’
‘À, anh đoán là anh có yêu nó khi anh đang hôn nó.’
‘Nhưng sau đó thì hổng yêu nữa hả?’
‘Ừa, không phải lúc nào cũng yêu.’
‘Vậy thì, có lúc anh yêu nó, có lúc không à?’
‘Ừa. Một phần ba thời gian anh yêu nó, nhưng hai phần ba thời gian thì anh không yêu.’ ‘Làm sao anh có thể biết được có bao nhiêu phần ba?’
Anh để cây ghi-ta xuống và chồm tới gần hơn.
‘Cedy nè, có lẽ anh sai, nhưng theo cái cách mà anh hiểu, thì có ba phần để yêu. Ba cách để thực hiện nó - trí óc, thể xác và tâm hồn. Khi em có được cả ba thứ cùng một lúc, thì đúng là nó rồi đó. Đó là hàng thứ thiệt.’
‘Với Laura là phần nào vậy?’
‘Thể xác.’ Tôi nhăn mặt vì đối với tôi dường như đó là phần dởm và cà chớn nhất. Tôi không biết vụ đó. Tôi chỉ biết những gì ta vẫn xem được trên phim, và tình dục thì luôn luôn đưa tới rắc rối. ‘Nghe nè, Cedy. Laura dễ thương. Anh thích nó, nhưng mà, (ngay lúc này Kite xòe cả hai bàn tay ra và làm mặt nhăn nhó) nó không hiểu vậy. Nó cứ nghĩ thẳng ngay đơ tuồn tuột, nó không uyển chuyển được. Và chính anh phải điều chỉnh cái quan niệm đó một chút. Chỉ vậy thôi.’
‘Có bao giờ anh có cả ba phần đến cùng một lượt không?’
Anh mỉm cười, ‘Chưa có. Em có chưa?’
‘Đừng cà chớn nha.’ Tôi hỉnh cái mũi tròn tròn của mình lên và thoi anh một thoi. Barnaby hát bài Dạ Khúc Tình Yêu, và tôi chìm trong suy nghĩ về lý thuyết ba-phần. Sau một hồi tôi cho rằng tình yêu không có gì dính líu với toán học và các phần cả. Tôi nói với Barnaby, và anh nói, ‘Em nói đúng, nó không nên dính tới mấy thứ đó. Tình yêu và toán học, chúng ở hai sân chơi khác nhau.’ Rồi anh bắt đầu hát to lên, Tình yêu và toán, chúng ở hai sân khác...
Còn tôi nghĩ mình đang giận đến phát điên!
***
Khi má về, tôi đưa cho bà tấm thiệp của Barnaby.
Tôi hỏi, ‘Má có nghĩ là Barnary đang yêu thiệt hông?’
Bà bật cười, ‘Má mong là không. Nó có thể sẽ không về nhà nữa nếu nó yêu.’ Bà ngồi xuống xô-pha, cởi giày ra và bắt đầu xoa bóp hai chân.
‘Má nè?’
‘Gì?’
‘Làm sao má biết là khi nào má yêu ba vậy?’
Tôi nhấc chân bà lên và bóp cho bà. Bà thích tôi làm vậy lắm. Bà ngả đầu lên tay dựa và thốt ra một tiếng thở dài buồn thiu.
‘Má chỉ biết là vậy thôi, qua những gì cảm nhận được, má đoán vậy.’
‘Má cảm thấy như thế nào?’ Tôi tự hỏi má có cảm thấy cái cảm giác ngồ ngộ đó không, cái thứ tình yêu đó.
‘Ừ, con cảm thấy muốn gần gũi người đó, con cảm thấy hạnh phúc khi ở bên họ, hay con cảm thấy vậy ngay lúc đầu tiên.’
‘Rồi sao nữa má?’
‘Chà, với mỗi người mỗi khác con à. Với ba của con và má thì tình yêu trở nên phức tạp vì những thứ khác.’
‘Những thứ gì khác vậy?’
‘Ồ, thì chỉ là cuộc sống thôi, con biết mà, chén đĩa dơ, những giấc mơ khác nhau. Mà sao con hỏi vậy, hả Cedy? Con yêu rồi hả?’
‘Không, đâu có yêu đương gì. Barnaby nói là có ba phần để yêu.’
‘Nó nói vậy hả? Ồ, chỗ đó đã lắm (câu này là dành cho ngón tay cái tôi nhấn vào lòng bàn chân của bà). Giờ thì con phải làm chân kia luôn chứ nếu không thì má đi cà niểng một bên đấy. Chân này sẽ ganh
tỵ với chân kia.’ Chúng tôi đổi chân.
‘Barnaby cho rằng có ba phần để yêu: trí óc, thân xác và tâm hồn.’ Tôi nói, giữ giọng bình thường. Má mỉm cười, nhưng không trả lời; không trả lời liền khi đó.
Má nói, ‘Tâm hồn, đó là cái chính.’ Rồi bà nhắm mắt lại.
Chương 18
‘Má nghe hồi hôm con đập rầm rầm. Có chuột hả?’ Má tôi hỏi trong bữa ăn sáng. Chúng tôi phải ăn điểm tâm thật lẹ, bởi vì má phải bỏ tôi xuống ở trạm xe điện trên đường đến sở làm và chúng tôi luôn luôn bị trễ giờ. Tôi lấy Vegenite[21]ra và trét nó lên một lát bánh chưa nướng, lạnh ngắt, bởi vì tôi không có giờ để nướng bánh.
Má hỏi, ‘Con không ăn bơ à?
‘Không, tảng bơ còn cứng quá, dùng cho bánh nướng thì được. Nó làm rách miếng bánh mì mất thôi.’ Má chỉ uống cà phê vào bữa điểm tâm nên bà không hiểu nghệ thuật nướng bánh mì và trét bơ. Bà cũng không mua bơ thực vật. Lúc nào cũng chỉ có tảng bơ lạt cứng ngắt.
‘Con đập lên tường hồi hai giờ sáng hả?’
‘Ddzzaa, lại con chuột đó mà. Nó làm con thức giấc.’ Con chuột sống trong tấm vách tường của căn nhà làm bằng ván ép. Nó là một con chuột mẹ bự lắm. Tôi biết vậy do tiếng động nó gây ra, nhất là khi nó sửa sang cái ổ ngay trong bức tường kế bên giường tôi. Nó làm tôi thức giấc. Tôi đã từng ném giày và sách vào bức tường, nhưng bây giờ thì tôi chỉ đập vào nó bằng cây gậy chơi banh cri-kê cũ của Barnaby mà tôi để ở cạnh giường. Tối đó, tôi đập như điên vì thiệt là bực mình, con chuột đã làm tôi thức giấc khi đang mơ một giấc mơ đẹp. Trong giấc mơ tôi đang ở trên một ngọn núi có nhiều con thú đang nằm và Barnaby ở đó, rồi chúng tôi đang leo lên núi, vì ba của chúng tôi đang chờ ở trên đỉnh núi, thì tôi thấy Kite và cậu ấy đưa cho tôi một ít kẹo gum, chúng làm tôi chóng mặt, và rồi tiếng sột soạt, sột soạt, sột soạt của con-chuột-phá-giấc-mơ-trời-đánh-thánh-vật. Vậy là tôi không bao giờ lên được tới đỉnh núi để gặp ba, nhưng những giấc mơ thường đều như vậy đấy - bạn không bao giờ tới được nơi bạn muốn tới.
Má nói tại mấy con gà hấp dẫn lũ chuột nhà và chuột nhắt. Barnaby mua chúng ở chợ Vic về làm quà sinh nhật má. Vậy đó, vì nó là món quà sinh nhật, má phải trân trọng và nuôi chúng, mặc dù tôi không nghĩ là bà thật sự thích chúng. Chúng sống ở trong sân sau. Tôi đặt tên chúng là Rita Hayworth[22] và Door[23]. Rita Hayworth màu đỏ nhưng cô ả không biết hót. Door là một kẻ theo đuôi thôi - bạn biết mà, như một cánh cửa - chỉ để cho xô tới đẩy lui, mở và đóng. Không có chút cá tính nào, nhưng lại đẻ rất nhiều trứng. Rita Hayworth thì ngược lại, cô ả kêu quang quác và đẹp kinh hồn. Tôi thích đặt tên cho mọi thứ. Nhiều khi tôi đi dọc con đường, đặt tên cho tất cả những con bọ sống trong những cái lỗ trên hàng rào, trên lá cây và giữa những bông hoa.
***
Má nói, ‘Hôm nay Má sẽ làm việc với Oscar.’ Chúng tôi đang ở trên chiếc Ingswood trên đường tới trạm xe điện. Tôi đang ăn lát bánh mì với Vegenite trên xe. Tôi nói má gởi lời chào giùm. Rồi tôi nhớ ra rằng Oscar cũng có mặt ở trong giấc mơ của tôi; anh đang ăn một quả trứng luộc ở trên núi và tôi nói tôi sẽ đem cho anh một quả khác, nhưng tôi bị những con thú đang ngủ làm phân tâm và cũng muốn nằm xuống luôn.
Tôi mò trong ba-lô đựng tập vở của mình lấy ra cây bút và mẩu giấy rồi viết vội vài câu thăm hỏi. «Chào Oscar, anh có thích trứng không? Bọn em có hai con gà mái. Anh trai em là một con vịt giang hồ biết huýt gió và em đang học bay. Thân mến, Cedar.»
Tôi đưa lá thư cho má để chuyển cho Oscar. Tôi không thèm quan tâm bà có đọc nó hay không.
Chương 19
‘Cedar, xuống đi!’ Kite hét lên và chộp lấy cổ chân tôi. Tôi đang đu chơi trên cái xà treo, như vầy nè:
Kite vừa đi vào nhà để lấy nước. Trong lúc cậu đi, tôi nghĩ mình thử chơi tư thế dơi trên cái xà treo. Rồi tôi đu nhè nhẹ thôi. Rồi tôi đu mạnh thêm. Rồi tôi thấy thân thể mình bay vun vút trong không trung, tất cả những nhánh xương thả lỏng và tự do, và không phải là tôi đang đu, mà là một lực khác, một lực nằm chực chờ trong không gian vồ chụp lấy chim chóc, lấy những trái banh, lấy những cái lá rơi, cùng tất cả những thứ gì đang rơi đang bay. Nó khiến tôi cảm thấy mình đang biết một điều gì đó rất đặc biệt, ít ra cho tới khi Kite đi ra rầy tôi và dừng cuộc đu bay lại.
Tôi nói, ‘Bồ nắm cổ chân làm sao mình xuống được.’ Cậu ta buông ra và đỡ tôi xuống, mặc dù tôi không cần cậu làm điều đó. Mặt Kite trắng bệch và giận dữ.
Tôi hỏi, ‘Chuyện gì đây?’
‘Bồ có khùng không? Đừng bao giờ treo ngược đầu mà không có thảm lót bên dưới. Và ngay cả có thảm cũng không được làm vậy một mình. Bồ chưa hề học qua về an toàn. Thật là nguy hiểm nếu rủi bồ té.’
Tôi chưa bao giờ thấy Kite giận dữ. Kite gần như hét toáng cả lên và hai tay múa máy trong không khí, như khi ông Zito nổi điên với bà Zito.
Tôi nói, ‘Được rồi, thôi mà. Mình sẽ không làm vậy nữa.’ Nhưng tôi cảm thấy có chút gì đó như tự ái, như buồn cười, như nổi quạu nên tôi ngồi xuống. Trong một thoáng kinh khủng tôi nghĩ mình sắp bật khóc. Tôi quay mặt vào tường để phòng hờ. Kite không nói lời nào. Dường như cả thế kỷ trôi qua như vậy. Tôi ngồi yên quay mặt đi, nén nước mắt xuống, còn cậu thì đứng im giận dữ. Tôi không biết làm thế nào để ngừng chuyện này lại. Tôi nghĩ mình chỉ cần bỏ đi nhưng tôi không làm được. Tôi không hình dung được nếu làm thế thì có đúng hay không. Kite sẽ nghĩ rằng tôi là tổ sư mè nheo.
‘Cedar nè, mình làm thế lá cờ nghen?’ Kite thở dài, lại đặt tay lên vai tôi, đúng vào chỗ cũ, chỉ khác là lần này cậu bóp nhè nhẹ.
Tôi quay lại, ‘Ừ.’
Kite nói rồi nhe răng cười khì, ‘Xin lỗi nghen, tôi la lớn quá ha.’ Tôi gật đầu, nhưng không nhếch nổi một nụ cười. Tôi không cười ngay được. Tôi phải khởi động lại rồi mới cười được. Đây là tư thế lá cờ khi bạn thực hiện đúng:
Và chúng tôi làm nó như thế này:
Nhiều lúc chúng tôi thực hiện tư thế đó rất dễ dàng, nhưng tôi hay bối rối và cũng hay quên là phải nắm chặt cho đúng nên cứ té xuống hoài. Tôi nản quá, bực mình ghê và sắp sửa nổi cơn giận dữ, thế là tôi bỏ cuộc.
Tôi đề nghị, ‘Này Kite, bồ có muốn đi dạo qua bờ dậu nhà Mott thay vì tập tiếp không?’ Vả lại, tôi đã quá mệt vì bị con chuột tước mất giấc ngủ. Quá mệt, không tập trung nổi để mà nghĩ ra phải dùng thế nắm nào cho tư thế thăng bằng nào.
‘Được chứ.’ Kite nhảy lộn nhào một vòng. ‘Tập vầy đủ rồi, đi thôi nào.’
***
Bờ dậu của Mott dài và tua tủa trên đầu, giống như những cây cọ vẽ đã qua sử dụng. Bờ dậu chạy dài giữa nhà Mott và nhà Barton. Những nhánh cây chĩa ra, và bước dưới đó, bạn có thể đi suốt từ đầu này tới đầu kia, như ẩn bên trong một đường hầm bằng cây. Vấn đề là bạn phải bước đi, chứ không leo trèo như bọn nhóc. Bạn phải bước đi với sự quả quyết như Jesus khi Ngài chứng minh với những kẻ thiếu lòng tin rằng Ngài có thể đi trên mặt nước. Bạn phải cố giữ thẳng lưng mà không nhìn xuống để tìm nơi để đặt chân. Bạn sẽ bị trầy trụa te tua, nhưng cũng đáng công lắm. Đi xuyên qua đám cây, bạn cảm thấy rất tuyệt, như một người hùng thật chiến. Có lần, vì một lời thách mà Hoody Mott nhảy khỏi cái bờ dậu, nhưng nó bị gãy cổ chân nên bây giờ chúng tôi bị cấm nhảy.
Kite bước đi trên bờ dậu giỏi hơn tất cả mọi người. Tôi biết là cậu giỏi lắm. Khi cậu leo cây cậu leo như khỉ. Có vẻ như cậu biết rõ chỗ nào để vươn tay tới nắm, chỗ nào để ngả người ra, khi nào thì nhảy tới. Và có vẻ như cậu biết mà không phải nghĩ ngợi gì, như thể thân thể cậu biết vậy.
Tôi nói, ‘Bồ giống một con khỉ quá.’ Chúng tôi tới cuối đường, nơi mà Hoody đã nhảy. Chúng tôi ngồi tuốt trên bờ rào cao, thõng chân xuống đong đưa và nhìn ra ngoài con đường.
‘Ừ, khi bồ leo thì bồ phải nghĩ mình như khỉ, khi bồ chạy thì bồ nghĩ như báo, khi bồ bay thì bồ trở thành chim. Đó là chiêu mà ba mình bày cho mình.’
‘Ý bồ là sao chứ?’
‘Nè, thân thể nghĩ nhanh hơn đầu óc. Và nó không nghĩ thành lời. Thật ra, việc ra lệnh cho thân thể bồ làm cái gì là không có hiệu quả đâu, nhưng nếu bồ cho nó một hình ảnh nào đó, một hình ảnh mà nó có thể cảm nhận được, thì nó có thể sử dụng cái hình ảnh ấy. Thí dụ, nếu bồ muốn nhảy thật cao, bồ hãy tưởng tượng mình có một cái lò xo bên trong người, bồ hãy tưởng tượng ngực bồ được kéo ngược lên bằng một sợi thừng, bồ tưởng tượng đôi tay bồ đang vươn ra để bắt một trái bóng bay cao trên bầu trời. Đó là cách ba mình dạy. Ông bắt mình tưởng tượng. Ba cho rằng mình có thể bay nếu mình cảm nhận đúng.’
‘Bồ có trở thành chim được không?’
‘Được chứ. Thấy không nào, đó là lý do ông đặt tên mình là Kite, theo một con chim, cho nên bồ có
thể bay.’
‘Ông có muốn bồ bay không?’
‘Ông không muốn chừng nào mình chưa sẵn sàng.’
‘Bồ sẵn sàng chưa?’
‘Chưa, chưa sẵn sàng.’
‘Bồ muốn bay không?’
‘Tất nhiên là muốn. Đó là điều mình sẽ làm. Chứ bồ không muốn sao?’
Tôi đáp, ‘Có chứ.’ Nhưng tôi sắp trả lời ‘không’ bởi vì tôi không biết chắc mình có làm được hay không. Lúc này, tôi tự nhủ, đối với tôi, nội cú chúi người trong màn lộn mèo cũng đã gọi là bay rồi. Tôi bứt một cái hạt tròn trên nhánh cây và thả cho nó rơi. Chúng tôi ngắm nó rơi trên mặt đất và lăn đi. Cái lần tôi ném trúng ba của Harold bằng một trái quất hái được trong bờ dậu đó, ông ta hơi hoảng hồn, rồi đập thình thịch vào cánh cửa nhà chúng tôi như một con gấu bị thương ở đầu. Tôi nhìn ông ta từ phía bờ dậu. Barnaby nói ông ta đáng bị ném một trái quất vào đầu vì ông ta đang tò te với bà Mott, và ai cũng biết chuyện này chỉ trừ ông Mott, một cha nội lù đù. Má nói không nên nghe những chuyện ngồi lê đôi mách đó, và ông Mott không phải là một cha nội lù đù. Ông ấy chỉ không xứng với bà Mott thôi, và vụ đó có thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không có quyền ném trái quất vào ông Barton. Bà phạt tôi cấm ra khỏi nhà trong hai tuần.
***
Từ chỗ ngồi trên bờ dậu, chúng tôi có thể thấy Pablo de la Renta đang ngửi mấy bông hồng ở trong khu vườn phía trước nhà ông. Ông mặc cái tạp dề có tráng nhựa in hình những trái tim. Tôi hét lên chào ông và ông nhón chân, dứ dứ cây kéo tỉa cây về phía tôi và hỏi ba sườn tôi sao rồi. Tôi đáp, ‘Đỡ nhiều rồi.’ Pablo de la Renta có giọng nói ngọt ngào êm ả, nó vỡ ra như những con sóng.
Ông nói, ‘Coi chừng té lộn cổ à nha.’ Rồi ông cau mặt như một bà mẹ, xong lại cúi xuống mấy bông hồng.
Kite hỏi, ‘Ai vậy?’
‘Ổng là một trong hai cậu trai. Người kia, Robert, là một bác sĩ. Họ sống chung với nhau trong ngôi nhà màu trắng đó. Họ có nhiều bàn ghế hết sức sang trọng, một cây chuối và sân chơi phơi nắng ở đằng sau nhà, má nói họ phàn nàn về mấy con gà nhà mình bởi vì tụi gà hấp dẫn chuột nhắt, và họ phàn nàn về việc Ricci cho chim ăn bởi vì chim ị lên mấy cái xe của họ. Nhưng ngoài mấy chuyện đó ra thì họ tốt lắm.’
Kite chỉ xuống con đường, ‘Còn chuyện gì ở đằng kia vậy?’ Đó là Harold Barton, và hai đứa đang ngồi trên cái máng nước gần đó là Hailey và Jean-Pierre. Bọn chúng đang nhìn. Hailey giữ một con thỏ trên tay. Harold cầm một thanh kim loại. Hắn đang ấn nó vào cái miệng cống trên đường và cố bẩy cái nắp lên. Barnaby nói rằng có lần Hoody Mott đã mở cái miệng cống chỉ bằng cách cho ngón tay út vào cái lỗ, nhưng tôi không biết chuyện đó có thật không. Nếu nhìn xuyên qua cái lỗ cống thì bạn sẽ không thấy gì cả, nhưng bạn cảm nhận được mùi đất ẩm ướt bốc lên thốc vào mắt.
Khi mở được cái nắp ra, Harold bỏ đi rồi mang lại một vật gì đó to, sậm màu và nặng. Tôi nhận ra đó là cái gì. Hắn bỏ cái vật ấy xuống cái lỗ, rồi đậy nắp cống lại.
Tôi la lớn, ‘Chết mày chưa, Harold đồ tồi, tụi tao thấy hết rồi nghe!’
Harold hỏi, ngó ngược lên, ‘Thấy cái quái gì?’ Tôi ước gì mình có một trái quất để ném hắn. ‘Ờ, cứ nhìn đi, đồ con nhóc con Harley hết thuốc chữa.’
‘Mày bỏ cái gì vào trong cái lỗ cống vậy?’
‘Đó là chuyện của tao, mày muốn biết thì tự đi mà tìm hiểu.’
‘Cái đó của ai vậy?’
‘Mày không việc gì phải biết.’ Hắn nói bằng giọng chế nhạo và chống nạnh như thể hắn là ông chủ vậy. Bỗng Jean Pierre la lên, ‘Xe tới kìa!’ và cả bọn bỏ chạy khỏi con đường. Harold đưa ngón tay ra dấu chửi tôi và chạy phóng ra đường. Tôi tìm xem có cái gì để ném cái xe. Một cái hạt khô, đúng rồi. Nếu
một cái xe chạy ngang và bạn đang đứng trong bờ dậu, thì bạn phải ném một cái gì đó. Tôi đã ném trúng ông Barton bằng trái quất như vậy đó, xuyên đúng qua cửa sổ xe. Ngay chóc.
‘Tới đó coi hắn bỏ cái gì xuống cái lỗ cống vậy.’ Kite nói, rồi cậu nhảy xuống, từ đúng cái chỗ mà Hoody Mott đã nhảy. Kite đã không thèm xem xét hay cân nhắc gì cả, cứ thế phóng xuống, hai tay dang rộng và ngực ưỡn ra trước. Tôi thề rằng, trong một thoáng tôi đã nghĩ cậu sắp bay qua suốt con đường. Nhưng cậu không bay. Kite rơi và đáp xuống trên bờ cỏ nhà của Mott, hai tay bó gối. Kite nhìn ngược lên phía tôi. Cậu la lớn, ‘Hãy nghĩ như chim.’ Nhưng không đời nào tôi nhảy. Tôi không ngu vậy. Tôi leo xuống.
‘Có khùng mới làm vậy. Mình biết một đứa đã gãy cổ chân vì nhảy ở chỗ đó.’
‘Bởi vì nó không đáp xuống cho đúng cách, vậy thôi. Đâu có cao lắm đâu.’
Hailey đi tới, tay vẫn còn giữ con thỏ. Hailey nhìn Kite như thể cậu là một siêu nhân, như thể nhỏ đang xem cậu có phải là người thật hay không vậy.
‘Anh có bị thương gì không? Hoody Mott từng bị gãy cổ chân. Tụi này hồi đó còn vẽ những ngọn lửa trên miếng bột bó chân của nó cơ mà.’
‘Không, không sao mà. Con thỏ của bạn tên gì vậy?’
‘Nó tên Madge.’ Madge có đôi tai màu xám. Kite vuốt ve Madge và rồi cậu hất đầu về phía miệng cống. ‘Tới đó coi thử coi.’ Tôi biết Hailey và Jean-Pierre sẽ ganh tỵ với tôi bởi vì tôi chơi với một cậu chàng có thể nhảy xuống từ bờ dậu giỏi hơn Moody Mott. Tôi cố không lộ vẻ khoái chí về chuyện đó. Tôi hào hứng nhìn chúng như muốn nói rằng, ‘Tụi bay có thể đi theo luôn.’
Kite nằm trên đường và dán mắt vào cái lỗ nhỏ trên cái nắp. Nó là một cái nắp hình tròn, nặng nề làm bằng thép hay là sắt gì đó, cho nên xe cộ có thể cán qua hoặc bạn có thể nhảy dậm mạnh hết ga trên đó mà nó vẫn không suy suyển gì. Có một cái lỗ nhỏ bằng đồng hai mươi xu ngay ở chính giữa. Kite nói, ‘Thiệt tình, mình không thấy rõ.’ Cái thứ đồ ăn cắp đó.
‘Ừ, mình biết, dưới đó tối thui à.’
Jean-Pierre chạy ào đến ra vẻ quan trọng, ‘Tui biết đó là cái gì. Trong cái lỗ cống đó. Tui thấy mà.’ Hắn có một cái bụng màu hạt điều để lòi ra ngoài cái quần soọt một khoảng. Tóc hắn rất ngắn và dựng lên ở chỏm như một bàn chải chà móng tay, làm hắn luôn có vẻ hoảng hốt hay kích động. Tôi cá là ban đêm hắn vẫn còn mút ngón tay cái.
‘Cái gì vậy?’
‘Đó là một cái đèn. Giống như đèn lồng. Tụi nó chôm được. Patrick và Harold và Frank, ở bên đường Hutton. Ở chỗ có công trình sửa đường. Người ta dùng cái đèn đó để ngăn không cho xe cộ lái vào cái ổ gà lớn trên đường vào ban đêm. Tụi nó sẽ bị rắc rối lớn thôi nếu có ai đó bắt gặp. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó lái xe vào cái ổ gà chứ?’ Jean-Pierre lắc đầu và miệng hả tròn hình chữ O, và bạn có cảm tưởng như nó chỉ muốn thấy ai đó gặp rắc rối. Nhưng nó sẽ không phải là một thằng chỉ điểm thóc mách.
‘Tại sao Harold lại bỏ nó xuống cái lỗ cống chứ?’
Jean-Pierre nhún vai. ‘Ai biết đâu, chắc chỉ để giấu đi.’
Thật tình tôi có thoáng ghen tỵ. Harold đang có một cái gì đó giấu trong cái lỗ cống kia. Có lần, Barnaby đổ cả đống nước vô đó, nhưng việc ấy có hay ho gì đâu - bạn phải cất một thứ gì đó bạn cần phải giấu đi kìa. Một món đồ ăn cắp là hay nhất. Một món gì đó mà có ai đó đang cuống lên đi tìm. Điều đó mới khiến nó trở nên ly kỳ. Không có giấu nếu không có tìm, nếu không thì vô nghĩa. Giống như không có ai tìm bạn thì chuyện đi trốn thiệt là chán phèo. Ngay cả Stinky cũng biết vậy. Nó chỉ muốn có xương xẩu và cây que nếu nào bạn làm bộ bạn muốn mấy thứ đó và đuổi theo nó. Hailey hỏi chúng tôi xem có muốn đến nhà con nhỏ để xem chỗ con thỏ Madge sống không, nhưng tôi nói cám ơn. Hailey lúc nào cũng chỉ muốn chơi gác thiên hạ, và con nhỏ sẽ nổi giận nếu bạn không chơi theo cách nhỏ muốn. Nhỏ sẽ dỗi nếu bạn thêm đôi tai hay rễ cây hay những lời không hay lên bức vẽ của nhỏ.
***
Kite và tôi về nhà tôi xem ti-vi. Ricci với con chó nhỏ Bambi đang đi từ nhà của mấy chàng trai về.
Bà rên lên và nói rằng Bambi không khỏe, nhưng rồi bà mỉm cười và khoe chúng tôi đôi giày thể thao kiểu cọ màu xám và cam mà bà đã mua từ tiệm Tàu hai-đô-la. Bà nói hoàng tử William có một đôi giống vầy. Bà thấy trong một bức hình của ông, trong một tờ Tuần báo Phụ nữ . Bà cười to và nói hoàng Tử William chắc phải keo kiết xác như bà vậy - đôi giày giá chỉ có năm tì mà.
Chương 20
Thường thì tôi không mời ai đến nhà cả, nhất là bọn trẻ học chung trường, bởi vì ở nhà những đứa trẻ khác sẽ có một bà mẹ ngồi đó để canh chừng bạn không đốt nhà, hay uống trộm rượu Bailey’s Irish Cream, hay bị một ông kẹ nào đó bắt cóc. Thêm nữa, căn nhà hẳn sẽ tươm tất hơn nhà của chúng tôi nhiều, và ở đó ắt phải có món gì đấy để ăn, như là bánh quy, hay kem cây, hay nước trái cây.
Có lần, Tophy Sutton ở cùng trường tới chơi, và khi nhìn vào trong tủ bếp của chúng tôi, con nhỏ nói, ‘chán phèo, chán ngắt, chán như con gián.’ Con nhỏ nói là đồ ăn của nhà tôi giống như những lọ đựng đầy thức ăn cho chim. Rồi vào ngày hôm sau nhỏ loan báo cho tất cả mọi người ở trường cùng biết: má của Cedar ăn thức ăn của chim, má của Cedar làm việc kiếm tiền một mình, Cedar không có cha. Tophy Sutton nói rằng bởi vì con nhỏ nói ngọng nên nó cũng thích lôi những khiếm khuyết của người khác ra, chỉ để thấy rằng nó không phải là đứa duy nhất có những thứ khiến cho bị trở nên khác biệt - những thứ là cái cớ để dấy lên một trò huyên náo. Tôi không trả đũa con nhỏ như đáng ra tôi phải làm. Tôi chẳng hề nói một câu đùa nào về tật nói ngọng. Tên thật của Tophy là Sophie Sutton. Có một thời nó bị gọi ngọng nghịu là Thophy Thutton, nhưng rồi con nhỏ méc bà Mayberry, nên chúng tôi gọi tắt lại là Tophy.
Tủ bếp chúng tôi có nhiều thứ như là đậu lăng, gạo và mè. Má nói thiên hạ gọi đó là thức ăn cho chim bởi vì họ không hiểu về dinh dưỡng. Tuy nhiên, tôi sẽ khoái lắm nếu chúng tôi có bánh quy. Tôi đưa cho Kite một trái táo xanh Granny Smith và một nắm hạt hạnh nhân, bởi vì nếu bạn bỏ táo và hạnh nhân vào miệng cùng một lúc thì sẽ rất là ngon.
Với Kite, tôi không bận tâm về căn nhà buổi chiều bừa bộn cũ kỹ trống rỗng của chúng tôi, bởi vì cậu ấy cũng không có một người mẹ ở nhà, và nhà của cậu cũng không ngăn nắp, và cậu cũng không có nước trái cây. Chúng tôi ngồi ở cái bàn trong bếp và tôi khoe với cậu những tấm thiệp của Barnaby. Tất cả được đính trên tủ lạnh bằng những miếng nam châm.
Kite nói, ‘Anh bồ tửng quá.’
‘Đúng vậy. Anh ấy giễu cho bồ cười bể bụng luôn.’
‘Tại sao anh ấy bỏ đi?’
‘Ảnh bỏ trốn khỏi một trường nội trú bởi vì giường quá chật.’
‘Chừng nào anh bồ về?’
‘Hai má con mình không biết. Ảnh không cho biết địa chỉ. Má mình không biết chính xác ảnh đang ở đâu nữa là, chỉ biết đâu đó ở Perth.’
‘Bồ có nhớ anh bồ không?’
Tôi nhét một bụm đầy hạt hạnh nhân vào miệng. Tôi phải suy nghĩ về điều đó. Tôi chưa từng nghĩ rằng tôi sẽ nhớ Barnaby, bởi vì chúng tôi từng nhiều lần cãi nhau chí tử. Có lần anh đấm vào miệng tôi bởi vì tôi đá sập cái lâu đài bằng cát của anh, làm tôi mẻ luôn cái răng cửa. Nhưng đó là khi chúng tôi còn con nít, còn bây giờ thì anh đã mười bảy tuổi, anh chẳng bao giờ đấm tôi nữa. Và anh cũng không đuổi tôi ra khỏi phòng anh nữa. Kite để cho tôi ngồi trên giường và tha hồ mà hỏi. Có thể nói, cái mà tôi nhớ là sự hiện diện của Barnaby, ngay cả khi chúng tôi không ngồi nói chuyện ở trong cùng một căn phòng. Tôi nhớ tất cả mọi thứ dính dáng tới anh: giọng hát kì cục của anh, những phiền toái mà anh dính vào, những điều anh biết. Tôi thích điều đó. Tôi thích khi cảm thấy gia đình như đông đúc hơn, với bà ngoại và Barnaby. Bốn người chúng tôi là đủ để cảm thấy như một gia đình bình thường. Bây giờ chỉ có hai người, có cảm giác như quá nhỏ để thành một gia đình thật. Có cảm giác như thể một vật có những lỗ hổng.Vậy là, tôi đã nhớ thương anh tôi chăng?
Tôi đáp, ‘Ừ, cũng nhớ chứ. Ở đây giờ yên ắng quá. Muốn xem ti-vi không?’
***
Chúng tôi ngồi trên xô-pha. Stinky leo lên với chúng tôi, mặc dù nó không được phép làm thế. Thật là
thích khi ngồi trên xô-pha xem tivi. Chúng tôi không trò chuyện, và chúng tôi ngồi sát nhau cho đến nỗi chạm vào nhau. Chạm vào nhau trên xô-pha thiệt là ngộ, mặc dù khi tập luyện những thế thăng bằng chúng tôi vẫn nắm cổ tay nhau, hay đứng trên đùi nhau, hay ôm eo nhau. Thậm chí tôi còn đặt cái mông xương xẩu của tôi lên đôi bàn chân Kite, như vầy nè:
Nhưng không giống y như vậy nếu bạn chạm nhau trên xô-pha. Trên xô-pha nó mang một ý nghĩa gì đó. Trước khi ra về, Kite thả bàn tay cậu trên chân tôi và nghiêng về phía tôi.
‘Nè, mình phải về thôi. Má và Howard sẽ đưa mình đi ăn tối trước khi họ lại đi lưu diễn.’ Kite rút tay về và đứng lên. Thế là tôi cũng đứng lên và đưa cậu ra cửa, như má vẫn thường làm khi có khách. ‘Bồ sẽ ăn tối ở đâu?’
‘Một chỗ nào đó màu mè có mấy cái khăn trải bàn trắng. Thật ra mình không muốn đi chút nào, không muốn đi với Howard, nhưng mình phải đi bởi vì mình sẽ không gặp lại má trong một thời gian dài.’ ‘Bồ có nhớ má không?’
‘Bây giờ mình quen rồi.’ Kite đá một cục đá và nó bay vèo rồi va vào hàng rào.
Tôi hỏi, ‘Vậy mai mình gặp bồ nghen?’
‘Mai bồ không tập được đâu, mình bận rồi.’ Kite nhìn xuống và đặt một bàn chân lên trên bàn chân kia.
‘Vậy thôi.’ Tôi nhìn đôi giày của Kite. Chúng thật bẩn và cũ.
Kite hỏi, ‘Vậy gặp bồ vào thứ tư nghen?’
‘Ừ.’ Tôi muốn hỏi Kite rằng ngày mai cậu phải làm điều gì vậy, nhưng tôi không hỏi. Tôi biết rằng đó là chuyện bí mật. Tất nhiên rồi, sau khi Kite về tôi đã nghĩ về chuyện đó, và tôi chắc chắn là cậu sắp hẹn hò với Marnie Aitkin. Họ sẽ tới công viên Luna hoặc đi xem phim hoặc tới một nhà hàng sang trọng nào đó có mấy ông bồi bàn mang nơ ở cổ, và con nhỏ sẽ mang một sợi dây chuyền gợi cảm, và Kite sẽ nhận ra và con nhỏ sẽ che miệng cười khúc khích khoe những móng tay màu san hô và...
Ô, Signor Dongato là một chú mèo
Trên mái nhà đỏ cao ơi là cao, Dongato ngồi chễm chệ
Ô Signor viết thư cho một nàng mèo, lông trắng xù và tròn trịa dễ thương...
***
Tôi lên lầu và tô thử mấy cây son môi của má, nhưng tôi không nghĩ là nó làm mình đẹp. Tôi thử nói năng trước tấm gương, môi thoa son. Tôi điệu đàng nghiêng đầu như Marnie. Rồi tôi đi xem ti-vi với đôi môi để nguyên son như vậy. Chỉ để cho quen. Má về.
Má nói, ‘Con đẹp ơi là đẹp.’
Tôi lấy mu bàn tay chùi lớp son đi vì tôi cảm thấy thật ngốc nghếch.
Má nói, ‘Coi nè, má có thuốc chuột Ratsack nè.’
‘Để làm gì?’
‘Để tống khứ con chuột. Má không thể để nó quậy mình mất ngủ hằng đêm.’
‘Má đầu độc nó chứ đâu phải tống khứ nó.’ Người lớn có thể dùng lời rất lắt léo, bạn phải cẩn thận. ‘Má không thể đầu độc nó. Còn vụ quyền của loài vật thì sao nào?’
‘Cedar à, nó là loài có hại!’ Loài có hại, một trong những từ ngụy trang được dùng để bào chữa cho cuộc tàn sát những con vật bé nhỏ.
‘Nó là một con vật, một bà mẹ có con nhỏ.’
‘Ô, thôi đi Cedar, con đang vớ vẩn quá. Đây nè, Oscar đưa cho má một lá thư ngắn gởi cho con đây.’ Một cách đánh lạc hướng. Tôi đón lấy và im luôn về chuyện con chuột. Tạm thời là vậy đã. Cedar thân mến, ừ, tôi rất thích ăn món trứng bác kẹp bánh mì nướng vào những ngày chủ nhật. Ăn
với đậu Hòa Lan. Tuy nhiên, ngày mai tôi định làm một cái bánh thật đẹp với khoảng sáu cái trứng trong đó. Nếu em đói bụng thì hãy tới và ăn thử sau giờ học. Số 59 đường Hickford. Chúng tôi không có gà mái hay vịt lạp cạp nhưng có một con lừa nhồi bông và một tấm hình những cầu thủ da đỏ chơi môn cri-kê. Thân mến, Oscar .
Rốt cuộc, may mắn là tôi không phải đi tập. Tôi thích bánh lắm.
Chương 21
Oscar đang cắt bãi cỏ trước sân nhà khi tôi tới. Anh đang cột một cái áo choàng không tay màu đỏ quanh đầu, hơi giống một người chăn cừu hay một nhà thông thái trong những bức họa của Kinh thánh. Cái áo bay phất phới sau lưng anh. Anh ngồi chồm hổm trên cỏ đằng sau cái máy cắt cỏ. Tôi la lớn để chào. Anh tắt máy cắt cỏ và giơ hai tay lên không, mặt anh giống một đứa bé vừa mới thấy điều gì đó thật hấp dẫn, chẳng hạn một con bò bên ngoài cửa sổ chiếc xe.
‘Ô, anh khỏe.’ Anh nói, nắm lấy tay tôi. (Chắc anh nghĩ rằng tôi hỏi, ‘Anh khỏe không?’) ‘Anh đang cố gắng trở nên người có ích đây, xin mời vào chơi.’ Anh đưa tôi vào nhà và giới thiệu tôi với mẹ anh. Mẹ của Oscar rất già, và cao kều như Oscar. Bà cao quá nên trông không hợp lắm. Bà nói huyên thuyên và khom đôi vai về phía trước, như thể nếu không thì bà không vừa với bên trong căn nhà. Bà nói rằng căn nhà bê bối kinh khủng và đáng ra chồng bà phải hút bụi nhà mới phải vì ông đã bị cho thôi việc, và tôi có muốn uống chút nước rượu chanh không? Ba của Oscar đang ở quán rượu. Theo tôi thì căn nhà nhìn vô cùng ngăn nắp, lại có một bà mẹ, và một ông cha không ở xa đây, và có rượu mùi nữa. Tôi thấy rất ấn tượng.
Trong một phút tôi nghĩ bà sắp sửa hỏi tôi về gia đình tôi, nhưng may mắn thay bà không hỏi han gì. Bà chỉ mỉm cười và đi rót rượu mùi.
‘Oscar đã làm một cái bánh.’
Tôi không chắc mình nên nói cái gì, cho nên chỉ cười và nhìn xuống đôi tay mình. Có cáu ghét bám dưới móng tay. Oscar bật cười to vào trong ly rượu chanh của anh ấy và làm nó văng tung tóe khắp nơi. Bà mẹ cau mặt nói, ‘Oscar, tại sao con không khoe với Cedar mấy cuốn sách của con?’ Tôi ước gì có thể rửa đôi tay mình. Chúng luôn luôn bẩn thỉu do việc phải chống bằng tay trên mặt đường. Tôi có thể đi bằng hai tay vòng vòng khoảng hai mươi bước. Oscar nói điều gì đó, giọng của anh trầm đục và vấp váp. Chuông cửa rung lên lấn át cái giọng nói đùng đục đó. Mẹ của Oscar đang lau rượu đổ. Oscar lê bước lảo đảo đi về phía cánh cửa.
‘Kite tới rồi này.’ Anh nói, lời bắn ra như những viên đạn. Rồi anh cười với tôi. ‘Hôm nay là sinh nhật của anh.’
Kite đang đội cái mũ nồi màu quả mơ. Tôi đỏ mặt. Kite có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi cảm thấy như thể bị bắt gặp đang làm điều gì sai trái vậy. Mẹ của Oscar nói to, vừa nói vừa lau đôi tay vào cái khăn lau bếp.
‘Chào, Kite. Cháu có muốn một ly rượu chanh không? Oscar đã làm một cái bánh. Bánh sô-cô-la và cam. Cháu biết Cedar phải không?’
‘Dạ. Chào Cedar. Mình không biết bồ cũng tới nữa.’ Kite nhướng mày với tôi. Tôi không cho rằng Kite có vẻ cảm động hay phát rồ lên vì vui sướng khi gặp tôi. Kite còn có vẻ hơi đáng ngờ là đằng khác. Rồi Kite trao cho Oscar món gì đó được gói bằng giấy báo. Cậu nói, ‘Chúc mừng sinh nhật, bạn hiền.’
Oscar thở hào hển, lún vào trong cái ghế. Anh cẩn thận và từ từ mở gói quà, như thể mớ giấy gói quà là thứ mà bạn giữ lại để dùng một lần nữa vậy. (Má luôn luôn bắt chúng tôi xài lại mọi thứ.) Nhưng đó chỉ là giấy báo thôi mà. Nếu là tôi, tôi đã xé tung nó ra; tôi thì tôi không có chút kiên nhẫn nào cả. Đó là một quyển sách nhỏ, bìa cứng. Những Bức Vẽ và Những Lời Bình Phẩm của Louise Bourgeois.
Bên trong phần lớn là những hình vẽ trừu tượng với một đoạn văn. Những bức vẽ hơi bất thường: nghiêng ngả, ngộ nghĩnh, vụng về và khó hiểu. Nhưng Oscar thích lắm. Anh cười rạng rỡ và đứng dậy ôm lấy Kite, suýt đập dẹp mũi cậu. Mẹ Oscar bưng cái bánh tới và chúng tôi hát mừng sinh nhật. Oscar muốn biết Kite tìm thấy quyển sách đó ở đâu và Kite nói cậu đã tới lục tìm trong tiệm sách Nghệ Thuật, và trong tất cả các quyển sách thì đây là quyển gợi cậu nhớ nhiều nhất về những quyển sách của Oscar. Cho nên tôi hỏi về sách của Oscar và mẹ của Oscar nói Oscar là một họa sĩ. Oscar cười lớn và nói mình chỉ đang làm điều duy nhất có thể làm, và tôi có muốn xem không?
Phòng của Oscar có một cái giường đơn với tấm trải giường màu xanh dương, và một cái bàn giấy
lớn với một đống bút, sơn, chai lọ, giấy và sách. Khắp trên các vách tường có nhiều hình ảnh được đính lên đó bằng keo dán Blu-Tack; có vài bản phô-tô những biểu đồ cũ, một vài bức vẽ, một vài bức khác là hình của các vì sao và những kim tự tháp hay trang giấy màu xé ra từ một quyển sách. Có một bức hình Oscar đang chạy xe đạp mà buông tay, cái cách mà Jean-Pierre vẫn làm. Trông anh trong hình rất khác - sáng láng hơn và khỏe mạnh. Oscar nhét một quyển sách bìa cứng màu đen vào tay tôi và nói, ‘Nhìn nè, đây là sách của anh.’ Kite nhặt vài chiếc vớ và bắt đầu chơi trò tung hứng với chúng. Tôi ngồi trên giường và xem quyển sách. Trang đầu tiên chỉ là một từ được viết bằng nét chữ run run. Nó là chữ Những Chuyện Thường Ngày . Phần còn lại của quyển sách dày đặc những trang vẽ với những lời, như vầy:
Tôi thích cuốn sách, nhưng không thể nói vì sao. Có lẽ bởi vì nó lập dị, nhỏ nhắn và yên lặng, không có gì lớn lao, và bởi vì nó khiến bạn cười, chỉ một nụ cười khe khẽ hướng nội, và cái cách nó cào vào tâm hồn bạn, như một cú thọt lét ngồ ngộ. Không phải một cái gì lớn lao. Không lớn lao, tuy nhiên nó khiến bạn băn khoăn. Nó khiến bạn nghĩ có lẽ mình là một cái chân đơn độc đang lang thang đây đó tìm cái chân kia.
Tôi nói với Oscar rằng tôi thích cuốn sách và rằng anh tôi chắc cũng sẽ thích. Oscar đang ngồi trên ghế và để cho cánh tay anh đong đưa thõng xuống. Anh nói thêm lần nữa rằng nó là tất cả những gì anh có thể làm. Rồi anh thả bàn tay xuống trên đầu gối và đôi mắt trở nên u buồn.
‘Anh bị chấn thương sọ não.’ Oscar nói, bàn tay vụng về vỗ vỗ lên đầu gối. Anh hướng ánh mắt về phía tôi, đầu cúi về phía trước, nụ cười anh như sợi dây điện duỗi căng vắt ngang khuôn mặt, đôi mắt như những cửa sổ tối trên một chiếc xe limousine, cái nhìn sáng ngời mà tôi đã thấy trong bức hình trở nên mờ tối, như thể nó bị che lấp trong bóng tối. Tôi nghĩ, đâu đó đằng sau đôi mắt ấy, một phần nào đó của Oscar đã bị khóa kín. Tôi muốn nói điều gì đó, nhưng tôi không nghĩ được điều gì. Tôi nhìn Kite, đang đặt tay lên vai Oscar. Cậu đã không nói lời nào với tôi suốt buổi chiều. Tôi nói tôi phải về. Oscar nói anh vui vì tôi đã tới và hãy đến nữa để xem hết những quyển sách khác của anh. Anh nói điều này một cách nghiêm túc, với một sức nặng quả quyết từ tốn, như thể anh đang hạ một món đồ nặng xuống mặt đất, rồi anh chỉ vào chồng sách bìa đen trên kệ. Tôi tới chào tạm biệt bà mẹ.
‘Cám ơn cháu tới chơi, Cedar. Giờ Oscar rất hiếm khi gặp những người bạn mới. Nó sẽ rất vui nếu cháu tới chơi.’ Tôi hỏi Oscar biết Kite từ bao giờ. Bà có vẻ ngạc nhiên.
‘Kite chưa nói gì với cháu về Oscar sao?’
‘Thưa chưa.’
‘Oscar là đứa con út của chúng tôi, cháu biết đó. Anh chị của nó đã ra riêng hết rồi.’ ‘Ồ,’ Tôi thốt lên, hy vọng là bà sẽ nói tiếp.
‘Kite và Oscar là bạn thân khi còn bé. Tụi nó từng đạp xe đi chơi loanh quanh với nhau. Bọn chúng từng làm rất nhiều chuyện với nhau. Kite học nhào lộn từ cha nó, cháu biết đó. Mẹ nó chẳng bao giờ có mặt. Oscar cũng thích nhào lộn. Hồi đó, chuyện gì Oscar cũng thích được.’
Bà mệt mỏi ngừng lời, một màn mây mù che phủ khuôn mặt bà. Tôi cố hình dung ra cảnh Oscar chạy nhảy, chơi ván trượt, trèo cây và la hét. Bà nói tiếp.
‘Bác không biết bọn chúng làm cái gì trong cái ga-ra đó, và Oscar học nhào lộn tiến bộ đến đâu... nhưng rồi thì, một ngày kia, Oscar tự mình tập treo ngược trên mấy cái dây phơi đồ ở phía sau này, và nó ngã. Nó chỉ có một mình lúc đó.’ Bà thở dài và xoắn cái khăn lau trong tay. Tôi gần như có thể đoán được bà sắp nói gì. ‘Nó đập đầu xuống nền bê-tông. Nó bị chấn thương sọ não như vậy đó. Bây giờ thì nó ổn rồi, nó thích làm nghệ thuật. Nhưng mà cháu biết không, hầu như Kite là người bạn duy nhất còn ở lại bên nó. Thằng bé tội nghiệp cảm thấy mình có tránh nhiệm ghê gớm về tai nạn của Oscar. Nhưng tất nhiên là Kite làm sao biết được Oscar lại thử nghiệm các động tác một mình cơ chứ. Về mặt nào đó, Kite gánh chịu cái tai nạn này còn tệ hại hơn cả Oscar, bác nghĩ thế. Nó che chở lo toan cho Oscar. Nó không để thiên hạ chọc ghẹo thằng nhỏ. Tất nhiên, Oscar đang ngày càng khá hơn. Tụi bác hy vọng nó sẽ tiếp tục tiến triển tốt hơn.’
‘Dạ, tất nhiên rồi. Cháu cũng hy vọng thế.’ Tôi nói, và má tôi chắc rất hãnh diện về điều đó.
***
Điều đó giải thích lý do tại sao Kite đã nổi giận với tôi vì tôi treo trên cái xà dây. Điều đó còn khiến tôi nhớ lại má đã luôn phải lo lắng về tôi như thế nào, và tôi luôn bực mình với sự lo lắng của bà như thế nào, bực vì bà lúc nào cũng lo lắng, và bực tại sao bà không thể xem tôi như người ngang hàng? Tôi biết tôi đã tỏ ra như thể tôi là một phụ nữ hoàn hảo, như tôi là bất khả chiến bại. Nhưng tất nhiên tôi biết rằng tôi không được như vậy. Không có ai được như vậy cả. Ngay cả Barnaby cũng không. Sau cùng, tôi đã bị gãy một cái xương sườn. Cho nên không lạ gì khi má cứ hay lo. Nhưng tôi ước gì bà không phải lo nữa.
Tôi nhảy lên trên bức tường và đi dọc trên đó, một cách thật thận trọng.
Chương 22
‘Tại sao mày lại thích đi trên bờ tường, hả Cedar? Mày nhìn giống như một mẩu dây cụt vậy.’ Aileen đang đứng bên dưới tôi. Đáng ngạc nhiên chưa kìa, cạnh bên con nhỏ là Martine Airkin. Tôi đứng yên trên bờ tường. Từ trên này nhìn xuống tụi nó trông có vẻ bé hơn. Miệng của Marnie hé mở một nửa, như thể hàm của nó quá xá nặng nề đến không khép lại được. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt rắn nhỏ xíu của Aileen .
‘Tao thích đi trên bờ tường bởi vì rắn rết bò lổm ngổm khắp vỉa hè.’
‘Ô, chắc vậy rồi, buồn cười quá hé.’ Marine nói gay gắt. Rồi nó khoanh tay trước ngực, đảo mắt và lắc đầu với tôi. Tôi không thấy con nhỏ đẹp chút nào. Tôi tiếp tục bước. Hãy nghĩ mình ngon lành khủng long tôi tự nhủ, và tôi càng lúc càng to dần lên, lớn dần lên, khổng lồ.
Aileen nói lớn, ‘Ê, Cedar nè. Tụi tao muốn mời Kite tới dự một buổi tiệc. Mày cho tụi tao số điện thoại của ảnh được không?’
‘Tao không có, xin lỗi nghen,’ tôi đáp mà không thèm quay lại, bởi vì may mắn thay, như tôi đã nói, con số duy nhất mà tôi nhớ là bảng số chiếc xe Ingwood, JJH 339. Đó là sự thật. ‘Đồ nói dối.’ Một trong hai đứa la lên, nhưng tôi không thèm nhìn lại để xem đứa nào mới nói.
***
Khi từ nhà Oscar về, tôi ra sau nhà nhốt Rita và Door vào chuồng gà và thấy con thỏ Madge đang nhai rào rạo trên đám cỏ dài. Tôi gọi Hailey với Jean-Pierre và chúng tôi đuổi Madge quanh vườn cho tới khi Hailey bắt được nó.
Hailey nói, ‘Madge cứ chuồn ra hoài. Tụi này sắp dọn qua nhà bà tụi này rồi.’
‘Tại sao vậy?’
‘Bởi vì tụi này phải làm thế. Ba nói vậy.’
‘Chừng nào dọn?’
‘Tuần tới.’ Madge tè trên chân của Hailey và con nhỏ nói ‘Ý ghê quá!’ rồi vô nhà để rửa chân.
***
Ricci qua chơi, mang một dĩa ớt quả dồn phô-mai, cơm và dược thảo.
‘Nè cưng.’ Bà bỏ chúng lên cái lò nướng rồi lấy miếng khăn giấy lau sạch cái lò. ‘Cô làm nhiều quá ăn một mình không hết.’
Tôi nói, ‘Hailey sắp dọn nhà đi.’
‘Cô biết rồi.’ (Tất nhiên là bà đã biết. Bạn không thể báo cho Ricci điều gì bởi vì bà luôn luôn biết trước rồi.) ‘Họ bị đuổi ra khỏi nhà.’ Bà nói điều đó ra để chứng minh là bà biết nhiều hơn tôi, rồi bà ngồi xuống ở chiếc bàn bếp và bắt đầu than thở.
‘Vụ gì vậy hả cô Ricci?’
‘Ôi, con ơi, con chó của cô, con Bambi đó, nó cần được giải phẫu, nhưng thằng cha thú y thiệt là ác ôn , nó muốn cô trả tới 500 đô-la lận. Ô, con có nghĩ là cô có chừng đó tiền không? Tất nhiên là không có rồi. Cô hỏi mượn con em họ của cô ít tiền nhưng nó không cho. Nó thiệt là đồ keo kiệt. Cô buồn quá. Cô uống thuốc an thần Valium, nhưng cô vẫn buồn như thường. Cưng biết là cô thương con chó của cô lắm mà.’ Thật vậy. Bà thương con Bambi mịn mượt nhặng xị như thể nó là đứa con bé bỏng vậy. Tôi lo quá .
***
Má về nhà, cười hì hì vui vẻ.
‘Cái gì mà vui vậy má?’ Bà lại bật cười to.
Bà nhướng mày và thọt ngón tay vào mớ ớt nhồi. ‘Má vừa mới thấy một chuyện thiệt là mắc cười. Ricci đem món này qua à?’
‘Dạ. Mà má thấy cái gì vậy?’
‘Ông Abutala. Con biết ổng mà, ba của Hailey phải không?’
‘Cái ông mập thù lù đó hả?’
‘Ổng bự con, không phải mập. Ừ, ông đó đó. Ông đang lùa con thỏ qua vườn của nhà Zitos bằng một cây gậy.’
‘Đó là Madge. Con thỏ của Hailey. Lúc nãy nó ở trong vườn mình.’ Má cười khúc khích và đặt mấy quả ớt nhồi vào lò nướng.
‘Ờ, có vẻ như Madge không muốn ở bên nhà họ, và ông Abutala đang cố tìm cho Madge một căn nhà mới. Thôi cứ hy vọng là Madge đừng có chui vô vườn của mấy tên con trai kia đi, nếu không Pablo có thể hầm nó làm món nhậu. Con có cám ơn Ricci đã cho ớt không?’
‘Dạ có. Và con tặng cô ấy mấy quả trứng. Bị đuổi khỏi nhà có nghĩa là gì vậy má?’ Má có vẻ lo lắng, ‘Tại sao con hỏi, ai bị đuổi?’
‘Bọn họ bị, nhà Lebbos.’
‘Cedar, đừng gọi họ như thế. Bị đuổi có nghĩa là người chủ nhà bảo họ rời khỏi nhà. Con có muốn một ít rau xà-lách không?’ Bà mở tủ lạnh và ngồi xổm xuống để tìm xà-lách.
‘Mình có thể bị đuổi nhà không má?’
‘Bất cứ ai mướn nhà đều có thể bị. Điều đó không có nghĩa là họ làm điều gì sai. Đôi khi người chủ của căn nhà chỉ muốn lấy nó lại thôi.’
Tôi không thích cái ý tưởng đó. Tôi đã quá quen thụôc với căn nhà cũ kỹ này, con đường này và cái cách bạn có thể ra bờ lạch hay tới đường Smith. Một điều mà tôi không thể chịu đựng nổi là việc chẳng thể nào biết được khi nào thì ai đó hay cái gì đó sắp sửa biến đi mất biệt. Bây giờ thì tôi cũng không thể biết chắc được là căn nhà của chúng tôi có luôn luôn là của chúng tôi không. Và rồi điều gì xảy ra nếu chúng tôi phải dọn ra và Barnaby sẽ không biết chúng tôi ở đâu. Tôi nói với má, ‘Mình sẽ lạc Barnaby nếu mình bị đuổi khỏi nhà.’ Bà đang rửa rau xà-lách trong cái chậu. Bà thở dài buồn bã, bởi vì bà lo cho Barnaby, và tôi biết rằng bà nhớ anh lắm vì thỉnh thoảng bà vào phòng anh và ngồi trong đó một mình. Má nói má biết chắc là chúng tôi chưa bị đuổi đâu, và Barnaby sẽ trở về nhà sớm, và bảo tôi xem mớ ớt trong lò nướng chín chưa. Tôi kể với má về chuyện Ricci và con chó của bà. Má nói má sẽ cho Ricci mượn tiền nếu có thể nhưng kẹt một cái là má không thể - má không có đủ số tiền đó, chỉ một ít thôi, có lẽ thế.
Sau buổi ăn tối, tôi vào phòng mình và nảy ra một ý. Tôi luôn luôn có những ý tưởng hay ho khi tôi cần chúng, nhất là nếu tôi nằm yên và suy nghĩ.
Chương 23
Kite và tôi đang tập bay người lộn nhào qua một cái vòng; hai đưa thay phiên nhau cầm vòng. Tôi nói, ‘Hôm qua ở nhà Oscar bồ không thân thiện cho lắm.’
‘Xin lỗi mà.’ Kite nói và mỉm cười.
Tôi phóng người một cú đẹp. Tôi thích những cú bay người lộn nhào.
Kite nói, ‘Bồ có thể phóng cao hơn. Đừng nín thở.’
‘Tại sao bồ đã không như vậy?’
‘Tại sao mình không cái gì?’
‘Thân thiện ấy.’
‘Mình không biết.’
‘Bởi vì Oscar à? Bởi vì bồ nghĩ rằng mình có thể chọc ghẹo anh ấy chắc?’
‘Ừ, chắc là vậy. Oscar khổ lắm rồi, bồ thấy đó. Tụi con nít nghĩ ảnh bị khùng.’
‘Mình không nghĩ vậy. Mình thích Oscar.’
‘Ừ, xin lỗi. Mình chỉ không biết thôi mà.’
‘Không sao. Bồ có thể giơ cái vòng lên cao hơn chút nữa được không?’
***
Sau khi tập, chúng tôi ăn bánh bột bắp nướng với mật ong ở trong bếp. Kite cứ tủm tỉm cười tôi. Cậu ngậm một cái muỗng trong miệng mà vẫn cứ cười mỉm.
Tôi hỏi, ‘Gì vậy?’
‘Không có gì.’
‘Bồ cứ cười hoài kìa.’
‘Vậy hả?’
‘Ừ.’
‘Đó là tại vì bồ cười.’
‘Mình có cười à?’
‘Ừ. Mình...’ Kite ngừng lại, cái miệng mở ra nửa chừng rồi ngậm lại và nhìn xuống mớ bánh bắp. ‘Mình không biết nữa, mình thích tập luyện, chỉ vậy thôi.’
Tôi không hiểu tại sao, nhưng điều đó khiến tôi cảm thấy buồn cười khi Kite nói vậy. Cho nên tôi búng một miếng bắp ép bay ngang qua cái bàn và nhanh chóng đổi đề tài trước khi bắt đầu đỏ mặt hay sao đó. Tôi kể cho Kite nghe về ý tưởng mới của tôi. Trước hết tôi giải thích về Ricci và con chó của bà đang cần cuộc giải phẫu. Rồi tôi nói ý tưởng đó ra.
‘Mình nghĩ là tụi mình có thể làm một buổi trình diễn xiếc, để quyên tiền.’
‘Bồ với mình á?’
‘Ừ, bồ với mình, Oscar cũng có thể làm cái gì đó. Và Caramella. Bất cứ ai. Đó sẽ như là một buổi biểu diễn. Cho con chó của Ricci.’
‘Chúng ta cần thật nhiều người tới xem.’
‘Ừ, nhưng điều đó tùy thuộc hết vào việc quảng cáo. Chúng ta sẽ điện thoại cho đài truyền hình và đặt một quảng cáo trên đó.’
‘Chúng ta sẽ tổ chức ở đâu?’
‘Ở đây.’
‘Mình sẽ phải xin phép ba.’
‘Ừ, tối nay hỏi ông đi.’
Chương 24
Có một khoảng cách lớn giữa một ý tưởng với thực tế. Bên trong đầu bạn có một quang cảnh bao la. Bạn có thể tưởng tượng bất cứ chuyện gì bạn muốn. Ví dụ như, bạn có thể dự tính chính xác bạn muốn căn nhà của mình sẽ như thế nào; bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng ra chiếc cầu thang xoắn ốc với những cái lan-can trơn bóng và sàn nhà gỗ màu xanh cùng những ngôi sao đính trên trần nhà, thảm cỏ cho con thỏ trong phòng của thỏ, và đôi khi có thể có hẳn một con bò trắng trên ghế xô-pha hay một đàn hải âu hoang dã lang thang, đội những chiếc mũ mới và vừa từ tuốt bên Nga bay trở về để kể chuyện bạn nghe, chờ trong cái bồn tắm to gần bằng một chiếc xe buýt luôn luôn ấm áp tuyệt hảo với bọt xà-phòng mùi mật ong. Và xuyên qua những khung hình thoi trên cửa sổ, bạn có thể thấy được từng loại cây cối, thậm chí cả loài cây tro núi , và một số cây có những sợi thừng đong đưa với tiếng líu lo của lũ chim bắt ruồi ức vàng và loài chim thằng chài cười cùng một số những loài chim quý hiếm, hót hay như ca sĩ Stevie Wonder. Và rồi, vào đúng cái khoảnh khắc khi bạn đu đưa từ một sợi dây thừng trong đám cây và hóa thành chàng Tarzan, má bạn réo to và bạn phải mở bừng mắt ra.
Cedar! Ăn tối đi.
Vậy là bạn mở mắt ra, và ô kìa, bạn đang nằm ngửa mặt nhìn lên cái trần nhà nứt nẻ trên cao, đầy vết ố bẩn màu vàng bệch như thể có ai đó đã tè lên. Vậy đó. Cuộc đời thật thì không khác mấy với một chiếc khăn lau bếp đã được dùng qua. Và bạn không thể nào buộc một con hải âu đội mũ và kể chuyện cho bạn nghe trong nhà tắm, dù bạn có làm cách gì đi chăng nữa. Một số ý tưởng vẫn muôn đời chỉ là ý tưởng.
Đầu óc tôi lang thang ra phố, lẩn quẩn với cái ý tưởng gánh xiếc. Ý tôi muốn nói là tôi thật sự nổi khùng.Tôi nằm trên giường và không thể ngừng tưởng tượng về gánh xiếc ấy, càng lúc càng lớn dần lên, tất nhiên mọi chi tiết đều sắc sảo và màu mè lộng lẫy, với ánh đèn sân khấu và một ban nhạc sống cùng những cái chũm chọe gióng lên ở mỗi khoảnh khắc đặc biệt. Còn tôi, đang cỡi một con ngựa trắng phi nước đại, thật ra là đang thực hiện động tác đứng bằng hai tay trên lưng nó, nhìn chao ôi là giống Lana Monroe mặc trang phục rực rỡ có những chiếc lông chim cài trên tóc. Rồi từ trên mái ngói, Kite nhào xuống (cậu có thể đang bay hay được cột vào một sợi dây thừng, nhìn thật tuyệt vời trong chiếc quần kẻ nhung màu da lạc đà và một chiếc mũ nồi,) và cái chiêng lại gióng lên, rồi kèn trom-pet vang vang và đèn chớp tắt khi Kite chộp lấy cổ chân tôi, đám khán giả la ồ lên thán phục trong khi chúng tôi đu lên, cao dần, cao dần và buổi biểu diễn bắt đầu... Chỉ có điều tôi quên, không có thú vật.
Và buổi diễn ở trong ga-ra.
Và tôi không chắc Kite có thể bay hay không.
***
‘Con có nghe má không, Cedar? Má nói là bữa tối đã xong rồi đó.’ Má đang bực mình. Tôi biết điều đó qua giọng nói mệt mỏi của bà. Và trước đó, khi về tới nhà, má đã nghe những tin nhắn trong máy nhắn tin, rồi bà ngồi xuống rấm rứt khóc. Tôi nghe bà khóc. Bà không biết tôi ở nhà, bởi vì tôi im ru ở trong phòng của mình, hết sức tập trung vào những ý tưởng gánh xiếc. Tôi lăn ra khỏi giường theo cái cách mà đám diễn viên nhào lộn vẫn hay làm. Khi tôi vào bếp, má lau vội mắt và đứng lên làm bộ như đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn ra ngoài khu vườn đầy cỏ dại vàng úa. Bà nói điều gì đó về lũ gà, Rita và Door, chỉ để làm ra vẻ tự nhiên. Nhưng tôi biết rồi.
‘Má có làm sao không má?’
‘Ừ, má khỏe mà, chỉ có công việc ở sở hơi mệt thôi.’
‘Có chuyện gì xảy ra vậy?’
‘Ô, má có một người khách hàng khó chiều. Thật ra là hai người chứ. Má phải đưa Matteo - con biết cái ông già người Ý vẫn luôn nghĩ là mình mới hai mươi hai tuổi đó - má phải đưa ổng tới tiệm McDonald’s. Ổng mặc một bộ đồ vét rất đẹp. Rượu đã khiến ông ta ra như thế đó. Ổng ở trong một trung tâm và đây là ngày ổng được đi ra ngoài chơi. Ổng khó lắm, bởi vì ổng không biết mình bao nhiêu tuổi.
Cho nên ổng ngồi trên xe và ổng đặt tay ổng lên chân má hay khoác tay vòng qua cổ má và ổng nói, ‘Anh yêu em, anh yêu em.’
Má nhái rất giống. Má diễn tả, kề miệng bà sát tai tôi và ngân nga bằng giọng Ý lơ lớ. ‘Anh yêu em, anh yêu em.’ Hai má con tôi cười sằng sặc.
‘Rồi còn gì nữa không?’ Tôi hỏi, bởi vì tôi biết thỉnh thoảng má cần phải nói về những điều xảy ra với bà ở sở làm.
‘Ôi, ngoài hai giờ chán ngắt chơi bài Snap with Joy ra, thì vụ tệ nhất trong ngày là Renata. Má đang dạy nó nấu ăn. Cả hai cùng làm bánh quy và má nói là nó nên chia bánh cho mọi người khác trong trung tâm mà nó đang ở cùng ăn cho vui. Vậy mà nó từ chối. Nó nói chỉ khi nào họ từng người một đến xin thì nó mới cho. Rồi nó có thể cho họ một cái bánh nếu thấy thích họ. Thiệt là không công bằng chút nào. Những nguyên liệu làm bánh là của chung của mọi người trong trung tâm, và dù sao đi nữa nó phải học không sống ích kỷ. Không ai thích nó cả. Má yêu cầu là nó phải chia bánh, vậy mà nó ném cái dĩa vào má và chửi má là đồ chó. Má bỏ đi. Má không làm việc với nó nữa. Nó tửng quá.’
‘Tửng là gì vậy má?’
‘Tửng là bất bình thường, bộc phát ầm ĩ lên, giống như một cái núi lửa vậy, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào. Giống như Pablo de la Renta vào một ngày khó ở.’
‘Ồ,’ Tôi thốt lên, nghĩ rằng đó có thể là một cái tên hay cho buổi diễn của chúng tôi. ‘Con có nghe tin nhắn điện thoại không?’ Má hỏi, đùa chơi với thức ăn của bà chứ không phải là ăn. ‘Không, sao vậy, có tin nào cho con hả?’
‘Có một cái của Barnaby, má nghĩ vậy. Con nghe đi.’
***
Tôi bỏ cái nĩa xuống, bước tới nghe tin. Chỉ có tiếng đàn ghi-ta, với một tiếng hát theo ậm ừ thoang thoảng nho nhỏ. Không có lời nhắn nào. Chắc chắn đúng là Barnaby rồi. Tôi mỉm cười nhưng lại thấy rất giận. Đáng ra anh phải nói đôi lời gì đó. Tôi ước gì anh đã nói đôi lời gì đó. Tiếng anh nghe như gió thoảng về từ nơi xa lắc.
Tôi nói, ‘Là ảnh đó mà, chắc vậy rồi.’
Má gật đầu mỉm cười và đôi mắt trở nên dịu dàng. ‘Tức cười quá, thoạt đầu khi má nghe nó, má lại nghĩ đó là ba con.’ Bà ngoảnh đi chỗ khác không nhìn tôi. Tôi nghĩ bà đã lên cơn khùng. Ba tôi đã chết và không thể để lại tin nhắn ngay cả khi nếu ông muốn làm vậy. Rồi má sụt sịt và nhún vai. ‘Ý má là, tất nhiên má biết điều đó là không thể, nhưng khi con quá muốn điều gì thì con có thể gần như đánh lừa cả chính mình.’
Tôi cau mày với bà. ‘Má đã mất trí thật rồi sao?’
Má vỗ nhẹ vào cổ tay tôi. ‘Ba con đã từng đánh đàn và hát vào điện thoại cho má nghe khi ba má còn trẻ, giống y như vậy. Barnaby chơi giống ổng quá.’
Tôi gật đầu. Không phải vì tôi biết điều đó, mà chỉ vì tôi hiểu. Tôi hiểu tại sao má về nhà mà tấm tức khóc. Không phải là do công việc và Renata ném cái dĩa, mà đó là do tin nhắn của Barnaby. Là do ba tôi không còn trên cõi đời này nữa. Đã chết thật rồi.
Tôi hỏi, ‘Có lẽ điều đó có nghĩa là Barn sắp trở về rồi, hả má?’
‘Má hy vọng là thế.’ Má trông ngồ ngộ và buồn trở lại, nên tôi đổi đề tài.
‘Biết gì không nè? Con và Kite sắp làm một biểu diễn xiếc quyên góp cho con Bambi của cô Ricci.’ Bà nói, ‘Kite và con chứ.’ (Má không kềm được chuyện sửa lưng tôi, bởi vì bà là một bà mẹ. Họ quen với chuyện tìm những lỗi lầm của bạn, thay vì những điều bạn làm đúng.)
Tôi từ từ lặp lại, ‘Kite và con đang thực hiện một buổi diễn xiếc.’ Má mỉm cười và có vẻ hơi lo. Má nói tôi phải cẩn thận, bọn tôi có phải làm gì trên cao không và có ai giúp chúng tôi không? Tôi nói dối là ba của Kite giúp chúng tôi, và rồi bà cảm thấy yên tâm hơn về chuyện này.
Bà hỏi, ‘Con có nói cho Ricci hay chưa?’
‘Không, để cho ngạc nhiên mà. Má biết không, để ngừa khi buổi biểu diễn không thành công.’
***
Kite và tôi bắt tay vào việc trong ngày hôm sau. Kite cũng có cả mớ ý tưởng. Chúng tôi bỏ cả buổi chiều nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác. Kite nói, ‘Thử cái này nghen,’ và chúng tôi sẽ thử điều đó một lúc tới khi tôi nói, ‘Mình có một ý hay hơn đây, tại sao mình không làm theo cách này hè?’ Và rồi vì lý do này hay lý do khác mà Kite không thích cách đó (ví dụ như cậu bảo là nó quê mùa hay quá trớn hay dễ đoán quá,) và vậy là chúng tôi lại cùng bắt đầu với một ý khác, cho tới khi cả hai chúng tôi cùng phát chán vì nó. Thế là chúng tôi ngừng, vào trong nhà ăn bánh bắp ép, và ngồi ở bàn không nói năng cười đùa gì cả. Rồi tôi nói, ‘Có lẽ nếu Oscar và Caramella tới giúp thì sẽ dễ dàng hơn chăng?’
Kite cúi sụp xuống bàn và cùi chỏ hất đổ chén bắp ép, nói rằng điều đó sẽ làm cho tình thế tệ hơn nữa và chúng ta phải tập trước những điều chúng ta muốn họ làm, và Oscar dù sao thì cũng không thể giữ thăng bằng, và Caramella thì không bình thường. Chúng tôi cãi nhau một hồi về Oscar và Caramella, vì tôi nghĩ điều đó có thể là một cách tốt cho họ tham dự vào đời sống. Kite nói họ có thể cảm thấy rất buồn nếu họ không thể làm tốt công việc được giao, và tôi nói điều đó sẽ không quan trọng, chúng ta có thể tìm ra một việc mà họ có thể làm tốt, một việc gì đó mà họ làm giỏi, không nhất thiết là những trò nhào lộn. Kite thở dài và tôi thấy bực mình. Có một vũng sữa đổ đang chảy về phía cạnh bàn. Tôi nhúng ngón tay mình vào đó và vẽ một hình vuông. Có lẽ Kite đúng. Điều đó khó quá. Ba của Kite bước vào.
‘Mọi chuyện thế nào? Buổi diễn đó tới đâu rồi?’ Ông đặt tay lên bờ lưng khòm xuống của Kite. ‘Tụi con chưa làm được gì cả.’ Kite nói mà không hề nhìn lên.
Ông nói,‘A!’ Và ngay lập tức tôi thấy dễ chịu hơn, bởi vì ông nói ‘A!’ theo cái cách một ông bác sĩ nói khi ông ta hiểu ra điều gì trục trặc. ‘Nhiều đầu bếp quá mà, ba cho là vậy?’
Kite hểnh mũi lên và gật đầu. Tôi lau dọn chỗ sữa đổ. Ba của Kite ngồi xuống mỉm cười. Tôi hy vọng là ông có thể đề nghị giúp đỡ nhưng ông không nói. Ông hỏi tôi có gì uống chưa (ông vừa mới mua ít nước táo) và ông buồn bã nhìn Kite ngồi gục ở đó. Ông gõ những ngón tay xuống mặt bàn thành một thứ tiếng động khó chịu. Tôi muốn cau mặt bởi thứ tiếng động khó chịu đó và bởi sữa, bởi Kite đang ngồi sụp. Nhưng tôi không làm điều đó. Tôi chỉ ngó ra ngoài cửa sổ. Tôi không biết phải nói gì. Nửa phần trong tôi chỉ muốn bỏ ngang hết mọi chuyện. Nhưng nửa còn lại thì không làm thế. Cái phân nửa muốn bỏ cuộc là phân nửa tồi tệ, phân nửa nhỏ nhen chỉ muốn mọi thứ phải dễ dàng; cái phân nửa đó chỉ muốn bỏ đi và nhảy lên giường với Stinky và rầu rĩ ngó trân trối lên cái trần nhà bẩn thỉu. Nửa kia thì tiếp tục tưởng tượng làm cách nào cho công việc suôn sẻ, nếu chúng tôi viết ra một dự án, hay thay phiên nhau làm sếp nếu chúng tôi cứ tiếp tục cố gắng.
‘Ba có tính giúp tụi con không, ba?’ Kite từ từ ngước lên. Cậu nheo mắt như thể ý tưởng đó đang được nặn ra từ đôi mắt, như thể hỏi điều đó là thật khó khăn. Ba của Kite có vẻ như được an ủi. Ông ngừng gõ và vui vẻ vỗ hai bàn tay lên bàn.
‘Ba muốn thử xem sao.’ Ông nhìn tôi. ‘Cháu nghĩ sao hả Cedar? Cháu có sẵn sàng để cho một lão già hướng dẫn buổi biểu diễn của cháu không?’
‘Chắc chắn chứ.’ Tôi không cần đắn đo gì cả. Điều đó là điều chắc cú nhất mà tôi từng nghe ba Kite nói, và đôi mắt ông mở to và sáng ngời. Không dưng tôi cảm thấy nhẹ nhàng và vui và hào hứng. Giờ thì tôi háo hức muốn đi liền và bắt đầu lại luôn.
‘Ổn rồi, chúng ta sẽ bắt đầu ngày mai.’ Ba Kite nói, và ngay cả ông cũng có vẻ vui sướng. Kite đá lông nheo với tôi. Tôi cố nháy mắt đáp trả nhưng tôi là một đứa đá lông nheo dở ẹt, cả hai mắt nháy cùng một lúc, như một cái chớp mắt. Kite bật cười to.
Kite nói, ‘May mắn là bồ đứng bằng tay giỏi hơn là bồ nháy mắt.’
Chương 25
Kite đi gặp Oscar, còn tôi thì qua thẳng nhà Caramella để hỏi xem nhỏ có muốn tham gia vào đoàn xiếc của chúng tôi không. Stinky tè lên đám củ cải nhà họ, nhưng bà Zito không thấy và tôi không nói gì luôn. Bà Zito đưa cho tôi một trái lựu hái từ trên cây họ trồng. Caramella và tôi ra ngồi trên bờ tường nhà Mott và chia nhau trái lựu.
‘Bà đoán được gì không?’ Tôi hỏi, ráng phun một cái hạt ra xa hết cỡ. (Hạt lựu được bọc trong một lớp thạch màu huyết dụ và bạn mút ăn lớp thạch đó.)
‘Gì vậy?’ Caramella chẳng bao giờ chịu đoán.
‘Tụi tôi đang thành lập một đoàn xiếc.’
‘Bà với Kite hả?’ Con nhỏ hỏi, phủi bụi hai đầu gối và cúi đầu xuống.
Tôi để một hạt lựu nữa lên đầu lưỡi, và uốn lưỡi để làm thành một cái đường hầm gió, rồi phun thật mạnh. Mục đích là để bắn cái hạt lựu ra tới ngoài đường. Caramella không thèm nhìn lên để xem hạt lựu rơi xuống chỗ nào. Nhỏ thở dài.
‘Tụi tôi muốn bà tham gia. Bà tham gia nghen?’ Tôi thúc chỏ nó. Caramella vẫn không nhìn tôi. Đầu nhỏ gục xuống. Hai tay nhỏ xiết chặt lại với nhau và hai ngón trỏ đang nhúc nhích. Tôi nghe Caramella hít vào một hơi thật sâu. Mọi chuyện đã không như tôi mong đợi. Tôi tưởng nó phải khoái lắm chứ.
‘Không, tôi không làm được vụ này đâu. Bà biết là tôi dở ẹt mà.’ Nhỏ nói mà nghe như là đang ở đâu xa vắng lắm vậy, như thể nhỏ bị chôn lấp dưới lớp da của chính mình. Tôi cố nhìn vào mắt nhỏ, nhưng nhỏ không nhìn tôi.
Tôi nói với Caramella là nhỏ đủ khả năng và nếu không muốn nhỏ tham gia thì tôi đã không hỏi. Tôi vòng tay ôm Caramella. Nhỏ vẫn nhìn xuống. Tôi tán thêm vài câu nữa.
Tôi nói, ‘Tôi muốn bà vì những điều đặc sắc chính hiệu Caramella mà chỉ có bà mới có thể làm được. Không phải chỉ toàn là những trò giữ thăng bằng trên cao không đâu, mà còn những trò ở dưới thấp nữa. Dù sao đi nữa, không phải là điều bà làm, mà là cái cách bà làm kìa, dù là việc gì, đi, đứng hay nói. Nó là sự trình diễn con người của Caramella, bởi vì bất cứ việc gì bà làm, bà sẽ làm theo cái cách riêng của Caramella, không phải cách của ai khác, và đó là điều tụi này trông đợi.’ Tôi đang bối rối. Tôi tưởng rằng tôi biết mình muốn gì, nhưng thật ra tôi mới chỉ vừa nghĩ ra lúc tôi nói đó thôi.
Caramella khụt khịt. ‘Kite cũng muốn tôi tham gia à?’ Hai ngón trỏ của nhỏ giữ yên như những dấu chấm than nhỏ xíu. Lúc này tôi chợt nghĩ, chắc Caramella cảm thấy mình bị bỏ rơi. Gần đây tôi dành nhiều thời gian hơn với Kite, và điều đó có nghĩa là ít thời gian hơn với Caramella. Nhỏ vẫn là bạn thân nhất của tôi. Tôi chỉ bị phân tâm tạm thời. Nhưng thật là kinh khủng khi cảm thấy mình bị quên lãng, cho dù thật ra thì bạn không hề bị như vậy.
‘Ừ. Nè, hiện giờ Kite cũng đang đề nghị Oscar tham gia nữa đó. Oscar không hề nhào lộn. Nhưng anh ấy có nhiều sáng kiến lắm. Bà thì biết cách làm cho mọi sự trông đẹp đẽ nè. Tất cả chúng ta sẽ bỏ chung hết tất cả các loại mùi vị của riêng mình vào và khuấy lên với nhau xem coi nó ra cái gì. Tôi biết nó sẽ là một cái gì đó, và tôi muốn bà tham gia. Đồng ý nhé? Làm ơn đi mà, nghe Caramella? Nghe! Tất cả bọn mình có thể cùng chơi chung với nhau mà.’
Caramella gật đầu. Nhỏ vẫn không nhìn tôi. Tôi biết nhỏ mắc cỡ. Cho nên tôi không ép buộc gì thêm. Tôi lấy một hạt lựu nữa và thổi nó bay tuốt ra đường. Tôi la lớn một tiếng chiến thắng. ‘Phải rồi, ông B..’
Caramella cười khúc khích. Phải rồi, ông B. , là câu má tôi nói khi bà làm đúng điều gì. Bà học nó từ một mục quảng cáo trên ti-vi mà tài tử Sammy Davis Junior chào bán các đĩa nhạc. Trước khi Caramella vào trong nhà, tôi chỉ cái củ cải có những giọt nhỏ lóng lánh mà Stinky đã tè trên đó, và nói nhỏ hãy nói cho má nhỏ biết để xịt nước tưới cho sạch trước khi ăn. Tôi sẽ cảm thấy thật kinh khủng nếu cả gia đình Zito bị bịnh bởi vì cái củ cải ấy.
Chương 26
Trước khi Oscar và Caramella tham gia cùng chúng tôi, Kite và tôi đã có một tuần lễ diễn tập với ba của Kite, tôi gọi ông là Ruben. (Ông bảo tôi cứ gọi ông như thế.) Trong lần diễn tập đầu tiên với Ruben, chúng tôi thảo luận rất lâu về những sáng kiến và động tác cùng phương cách để có thể kết hợp chặt chẽ hơn với Oscar và Caramella. Ruben trở lại trong lần diễn tập kế tiếp với một kế hoạch nhét hết tất cả mấy động tác đã tập thử vào. Ông nói, trước tiên chúng tôi phải thảo luận và chỉ vui chơi như thể nó là một trò chơi, có nghĩa là không cuống lên về chuyện cái gì sẽ thành và cái gì sẽ không thành. Khi chúng tôi làm vậy, cũng là lúc ông bắt đầu điều chỉnh lối biểu diễn, rồi bắt chúng tôi lặp lại nhiều động tác, hoặc yêu cầu chúng tôi thử tập đơn giản hơn, hay chuyển động nhanh hơn hoặc chậm hơn, hay giả theo điệu bộ như mấy con chó, như bị say xỉn, như mắc cỡ nhút nhát, hay như bị giật dây điều khiển. Đã lắm, vì Ruben đánh dấu hướng dẫn giỏi hơn Kite nhiều, và tôi học nhanh hơn với ông. Sau một tuần, tôi đã có thể thực hiện động tác trồng chuối và xoạc thẳng hai chân mà không cần giúp đỡ. Thấy chưa nào, mọi chuyện đều nằm ở chỗ hướng của sức đẩy thôi mà, đẩy hông về trước và nhấc lồng ngực lên.
Kite và tôi không đi lạch bạch loanh quanh và nói chuyện nhiều như trước đây nữa. Chúng tôi phải tập trung cao độ. Sau một màn tập thử, tôi cảm thấy như thể mình được làm bằng không khí. Rồi tôi về nhà và tiếp tục suy nghĩ về nó, bạn biết đấy, nghĩ ngợi để tìm ra những ý tưởng lớn khi nằm trên giường.
Ruben không giống như bà Mayberry. Ông không giống như một ông thầy bình thường, chỉ bắt bạn phải làm cái này cái nọ rồi cứ thế giao cho những bài kiểm tra. Ông hỏi chúng tôi về nhiều chuyện thay vì chỉ nói và nói. Ông luôn luôn hỏi, ‘Cảm thấy làm sao? Con tưởng tượng cái gì khi làm điều đó?’
Kite nói, ‘Con cảm thấy tò mò, rất tò mò.’ Tôi nói, ‘Như một loài động vật khổng lồ nào đó thời tiền sử nhảy cà tưng qua bãi cỏ dài.’
‘Con thấy như một miếng ván mắc kẹt giữa không trung.’
Ruben nói, ‘Con có thể tưởng tượng mình dài ngoằng và nhẹ hều, vươn thẳng lên cao để chạm vào một đám mây không?’
‘Dạ được.’
‘Giờ thì con có thể gập xuống qua vai của Kite không?’
‘Kite, con cảm thấy thế nào?
‘Giống như con đang khiêng một bao khoai tây to.’
‘Gồng lên. Tập trung vào. Cố gắng bước đi như thể nó cũng nhẹ nhàng thôi. Cedar, con có thể cuộn quanh vai nó được không và trườn xuống phía trước, giữ tiếp xúc với Kite qua phần bụng của con, đặt đôi tay con lên gối nó nhé? Kite, đứng yên và hạ hông xuống. Giữ hai vai của Cedar. Bác tự hỏi, Cedar nè, nếu Kite ngã người ra phía sau và con nghiêng về phía trước và duỗi chân về phía trần nhà, con có thể trồng chuối được không?’
‘Thiệt là tuyệt! Hai đứa có thể nhìn nhau như kiểu các con đang ngạc nhiên không? Ngạc nhiên khi thấy nhau ấy? (Chúng tôi cười ồ và mất thăng bằng vào lúc đó. Tôi lại rơi trở lại vai của Kite và cậu ấy hất tôi ra, hất xuống cái lưng.)
Ruben nói, ‘Ba thích vậy đó! Hất con bé rơi xuống như vậy, uốn người thêm nữa, giống như con muốn rũ thoát khỏi nó vậy. Nào chúng ta làm lại từ đầu cái phối hợp này lần nữa nghe? Lần này, Kite nâng Cedar cao lên, giống như con đang nhấc cái gì đó lên khỏi mặt đất và đưa nó lên ngọn đèn để xem xét. Rồi Cedar, mở mắt ra giống như con đang ngủ và vươn vai vào buổi sáng. Rồi, con thấy mình đang ở trên trời, con phải có vẻ hoảng sợ và gập người xuống lại vai Kite.’
Kite nhìn tôi với một cái nhìn mới tinh mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây. Cậu nói, ‘Giỏi lắm, Cedar. Bồ đang tiến bộ lắm. Bồ có thể làm lại không?’
Tôi có thể làm lại không à? Tôi xoay tít và loạng choạng như thể vừa nhận được một lời khen bốc lên tận mây xanh. Đó là lần đầu tiên Kite có vẻ thán phục hết lòng. Tôi có thể làm lại không à? Trời ạ, tôi có thể làm lại cả triệu lần nữa kìa.
***
Ngày ngày, Ruben hỏi xem chúng tôi có ý kiến hay ý tưởng gì mới không. Điều đó khiến tôi cảm thấy rằng ý kiến của tôi là quan trọng, khiến tôi muốn tiếp tục suy nghĩ. Tôi nói với ông rằng Caramella có khiếu về nghệ thuật lắm, rằng tôi nghĩ nhỏ thiết kế sẽ rất đẹp, rằng Oscar có trí tưởng rất độc đáo và đã viết một quyển sách tên là Những Chuyện Thường Ngày , nên có lẽ anh sẽ nghĩ ra một vài ý kiến hay ho cho buổi diễn. Kite có ý kiến là đưa Oscar vào trung tâm như một người dẫn chuyện. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều bởi vì Kite đã đồng cảm với cách suy nghĩ của tôi. Nhưng tôi không nói gì. Tôi chỉ cười khì thật vui và lộn nhào ba vòng liên tục.
Tôi đề nghị, ‘Hay ta lấy từ Bốc Hơi làm tên của buổi diễn?’
Chương 27
Sau tuần đó, chúng tôi có buổi diễn tập đầu tiên với Oscar và Caramella. Caramella đến đó cùng tôi và nhỏ đi tụt lại phía sau rồi cúi đầu chào, ngọ ngoạy mấy ngón tay cái, đỏ bừng mặt lên và áp lưng vào bức tường. Kite đang nằm ngửa, khởi động, duỗi chân ra quét quanh thành những vòng tròn. Ông Ruben tới bắt tay nhỏ. Nhỏ không nói được gì, cũng không dịch người ra khỏi bức tường. Ruben đang sửa soạn mấy tấm thảm. Tôi muốn giúp trải mấy tấm thảm ra nhưng tôi không muốn bỏ rơi Caramella nơi bức tường đơn độc. Đôi chân của Kite xoay rất nhanh, vù vù trên sàn nhà. Tiếng động nghe thật bức bối sao đó, cái cách chúng cào cấu, quấy rầy sự yên tĩnh, trong khi nhìn chung, Kite dường như đang phớt lờ đi cái tình huống xung quanh. Tôi thấy bối rối quá chừng. Tôi bắt đầu nhảy lò cò.
Rồi Oscar xuất hiện thật đột ngột. Anh nhào ngay vào cái không khí ngột ngạt của căn phòng, như thể dậm mạnh lên một cái bong bóng và làm nó nổ tung. Một mớ chân tay ngo ngoe lúng túng và rồi anh xuất hiện, nháy mắt lia lịa, gương mặt ngơ ngác ngạc nhiên, như một người sao Hỏa mới đáp xuống. Caramella nhích người ra khỏi bức tường và mỉm cười, bởi vì có người còn vụng về hơn cả nhỏ và ai cũng đang nhìn anh. Tôi thả người nằm sấp xuống, nhẹ nhõm, ‘Anh tới thật là hay quá, Oscar à.’ Kite ngừng ngay mấy động tác quay chân một mình rất khó chịu của cậu lại và bật lên để chào. Như thể căn phòng đang cau có bồn chồn thì bùng lên tiếng cười thoải mái khi Ruben giang rộng tay chào mừng Oscar, và đề nghị chúng tôi ngồi quanh thành vòng tròn để thảo luận.
Tôi nhìn quanh vòng tròn và nghĩ: nếu coi chúng tôi là một món súp thì đây quả là một món mà bạn chưa từng được nếm qua, một món súp không thể tưởng tượng được, có những gia vị mà bạn không thể tìm thấy trong bất cứ quyển sách dạy nấu ăn nào, ngay cả quyển kinh Hari Krishna[24] cũng không có. Oscar mặc chiếc áo khoác đỏ. Caramella chăm chú và nghịch vớ vẩn đôi tay trên hai đầu gối tròn trịa, trong khi đôi mắt màu mây xám của Ruben tỏa sáng và đảo quanh khi ông nói và đặt câu hỏi. Kite thoải mái ngồi ườn ra, nhìn tôi thật nhanh. Tôi không thể nói cho bạn biết ánh mắt cậu ấy nói lên điều gì, nhưng tôi cảm thấy như thể nó gắn bó chúng tôi lại với nhau trong một cách vừa bí mật vừa vui sướng trong một thoáng chớp nhoáng.
Trước tiên, chúng tôi khởi động bằng cách chơi những trò chơi trẻ con, như trò tìm nhặt và trò những bức tượng khổng lồ. Dần dần, Caramella bắt đầu thấy khoái, cười khúc khích và chồm tới trước, tháo bỏ cái khúc mắc sợ hãi nhỏ xíu ở trong tim. Tới khi thực tập những động tác thăng bằng thì nó đã hăng hái vô cùng. Oscar cứ nói mãi, ‘Ôi, các bạn ơi.’ Và vừa cau mày vừa lắc đầu. Thỉnh thoảng anh nói những điều vô nghĩa, như là, ‘Ôi, giờ bị kẹt xe rồi,’ và ‘Ừ, tôi thấy đất liền rồi, làm tôi nhớ tới một con mòng biển quá.’ Mặc dù thường xuyên nói lắp, anh có một kiểu can đảm vụng về, cái kiểu can đảm bắn ra như một loại nước uống có ga, nhiều khi nhễu nhão tùm lum, và anh chỉ chùi nó đi bằng một cái quẹt tay vụng về, xong nháy mắt, rồi ầm ĩ vấp té về phía trước. Anh làm tôi nghĩ tới một kiểu người đi khai phá vượt qua cành lá thấp, bùn lầy và thú dữ, can đảm tiến lên về phía một cái gì đó, cho dù là bất cứ cái gì, chỉ lao về phía trước. Thỉnh thoảng anh ngồi xuống và nói, ‘Tha lỗi cho mình nghen, mình mơ mộng chút thôi mà.’
Hồi sau, Caramella và tôi thả bộ về nhà. Con nhỏ im lặng.
Tôi hỏi, ‘Sao, có ổn không? Bà có thích không?’.
Nhỏ từ từ gật đầu thật quả quyết. ‘Tuy nhiên, tôi không giỏi lắm, đúng không nào? Tôi còn chưa đứng được bằng tay cho đúng nữa mà.’ Caramella thường hay thăm dò như vậy. Nhỏ luôn cần bạn trấn an.
‘Bà làm được thôi mà. Bà chỉ cần tập dượt là xong.’
‘Bà nghĩ vậy hả?’
Tôi gật đầu, ‘Bà sẽ tiến bộ hơn mà.’ Con nhỏ vung đôi tay ra trước một chút và gương mặt trông giống như đang nhồi nhét một điều bí mật bên trong đôi má ửng hồng.
Nhỏ nói, ‘Oscar ngộ quá hé?’
‘Ừ, ngộ và can đảm.’ ‘Đúng vậy.’
Chương 28
Sau hai tuần thảo luận và tập thử, Ruben mang tới một phác họa các động tác. Ông bảo chúng tôi cùng ngồi lại với nhau và vẽ ra một kế hoạch trên một miếng giấy gói hàng lớn của ông hàng thịt. Tôi quan sát ông giải thích, bởi vì ông trông có vẻ rất khác so với khi tôi gặp ông lần đầu trong nhà bếp. Không ngượng nghịu và mềm mại chút nào nữa. Ông giống một ông bố hơn - hay một ông bố là phải như thế - cao lớn, khỏe mạnh và dẫn dắt được buổi diễn. Đó là kiểu ông bố mà tôi vẫn mong muốn có được.
Kế hoạch tốt đẹp. Ông nói ông nghĩ rằng chúng tôi có thể có một chủ đề về sân chơi. Chúng tôi sẽ trình diễn những chuyện xảy ra với lũ trẻ trong sân chơi, chỉ có điều là chúng tôi sẽ cố gắng đặt nó vào trong một thứ ngôn ngữ của thân thể.
‘Cho con hỏi, nhưng ngôn ngữ của thân thể có nghĩa là gì?’ Oscar hỏi, anh ấy lại mặc chiếc áo khoác màu đỏ.
‘Ý bác muốn nói là, giả dụ chúng ta lấy một điều gì đó xảy ra ở trường học, một cảnh mà lũ trẻ bày trò để chơi với nhau và đó là cách chúng trở thành bạn bè, qua việc chơi trò chơi, hay việc bắt chước nhau... Chúng ta thử diễn cảnh đó trong những tư thế nhào lộn cũng bằng cách bày một loại trò chơi tương tự như vậy. Có thể nó sẽ khởi đầu bằng một kiểu bắt tay mà con nít vẫn hay làm, và rồi cái bắt tay đó trở thành một cái nắm chặt, và từ cái nắm tay thật chặt đó mở ra một thế thăng bằng, ngoài và trong, trong và ngoài. Lặp đi lặp lại. Hoặc nhào lộn hai vòng, có thể vậy, hoặc một sự giằng co, giống một trò chơi vậy đó. Các cháu biết mà, cái ý tưởng về sự thăng bằng là thú vị lắm, bởi vì ta phải tin tưởng vào một ai đó và tạo ra một thứ quan hệ, ta phải phụ thuộc vào họ để họ chống đỡ cho ta, và họ phụ thuộc vào ta nữa, điều đó xảy ra hệt như thế trong quan hệ với những người bạn.’
Oscar lắc lư cái đầu một chút và giang rộng đôi tay ra . ‘À, hãy để thân thể lên tiếng.’ ‘Ừ, không những thế - bác nghĩ về gánh xiếc này giống như một dạng nhà hát chuyên về thể lực, có nghĩa là chúng ta mang vào đó rất nhiều yếu tố. Có lẽ chúng ta nên đưa cháu lên sân khấu, trình diễn giống như một người trung gian, hay một người dẫn chuyện, hay một người giám sát buổi diễn. Từ đó cháu có thể đề ra những luật lệ, chỉ có điều chúng không hẳn là những luật lệ, chúng sẽ là những ghi nhận thường ngày của riêng cháu, từ sách của cháu. Có thể Kite và Cedar sẽ thử cụ thể hóa những luật lệ ấy...’ ‘Còn cháu thì sao?’ Caramella nói, đong đưa thân người trên đôi đầu gối tròn trịa. ‘Ờ, cháu không tham gia động tác thăng bằng ba người, bác muốn cháu trở nên người thiết kế sân khấu, người thiết kế trang phục hóa trang - không - không - phải là giám đốc mỹ thuật. Vai trò của cháu là làm việc với bác để thiết kế phần thị giác của buổi diễn - bộ mặt của nó... Điều đó rất quan trọng!’ Caramella đỏ mặt và thở hổn hển. Tôi ngồi nghĩ mọi chuyện sao mà có vẻ quan trọng quá, giống như một cuộc hội nghị ấy, như các quý ông mặc đồ vét, chứ không phải là một đám trẻ con bọn tôi kỳ quặc và một ông bố u buồn. Tôi cho rằng Harold Barton và Marnie Aitkin và tất cả những đứa trẻ khác chưa bao giờ có được những cuộc thảo luận quan trọng như chúng tôi đang có. Có thể chúng sẽ có, nhưng chắc chắn là chưa. Có lẽ Barnaby thì có. Điều đó nhắc tôi nhớ...
Tôi hỏi, ‘Còn về âm nhạc thì sao?’
‘Chưa tính tới đó được. Cháu biết nhạc công nào có thể muốn tham gia không?’ ‘Chỉ có anh cháu thôi, nhưng anh ấy đi xa rồi.’
Kite hỏi, ‘Buổi diễn này sẽ gọi tên là gì ?’
‘Ờ, điều đó tùy vào con. Cedar đề nghị là Bốc Hơi . Ba nghĩ tới một cái tên con có thể dùng cho gánh xiếc của con.’
‘Tên gì vậy?’
‘Những Diễn Viên Nhào Lộn.’
Chúng tôi đều thích ý kiến đó. Oscar cười rú lên và té chỏng gọng ra sau.