🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Câu Chuyện Phương Bắc - Konstantin Paustovsky full mobi pdf epub azw3 [Tuyển Tập] Ebooks Nhóm Zalo CÂU CHUYỆN PHƯƠNG BẮC Tác giả: KONSTANTIN PAUSTOVSKY Nguyên tác: Северная Повесть (1938) Dịch giả: Mộng Quỳnh Thể loại: Tập truyện NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI - 1987 LỜI NÓI ÐẦU Nhà văn Xô-viết nổi tiếng Konstantin Paustovsky đã được bạn đọc Việt Nam biết và yêu mến qua tập truyện ngắn Bình minh mưa và hai tập truyện về nghề văn hết sức độc đáo và đặc sắc Bông hồng vàng, Một mình với mùa thu. Là bậc thầy của truyện ngắn, Paustovsky cũng viết một số truyện dài: Hắc Hải, Câu chuyện về rừng, Vịnh mõm đen. Nhưng ngoài bộ tự sự Truyện cuộc đời ba tập - có giá trị riêng, thành công và đặc sắc hơn cả vẫn là Câu chuyện phương Bắc. Tác phẩm bộc lộ mạnh mẽ bản sắc, sở trường và phong cách của nhà văn lãng mạn, trữ tình, giàu chất thơ, nhạc điệu và hình ảnh. Câu chuyện dài này có thể coi như cuốn sử thi của ba thế hệ người Nga trước và sau Cách mạng tháng Mười. Nhà văn hướng về quá khứ để chứng minh mối dây liên hệ, cuộc chạy tiếp sức qua đấu tranh, hy sinh, đau khổ, mát của bao lớp cha ông bất khuất và dũng cảm, đến thời kỳ dựng xây đất nước đâm chồi nở hoa trong thanh bình đề nhắc nhở chúng ta không được lãng quên quá khứ và những người đi trước. Trước mắt chúng ta như hiện lên hòn đảo xa tít trên miền Bắc gió tuyết, nơi những người lính và sĩ quan đi đày phải sống cuộc đời quân dịch. Anh lính nông dân tốt bụng, chất phát Tikhonov, mối tình của người chuẩn ủy cao thượng Bestuzhev và cô gái Thụy Điển xinh đẹp Anna vừa hé nở đã bị dìm trong máu. Quê hương đói nghèo xơ xác ở nước Nga, dân chúng sống trong cảnh tối tăm, không có tương lai, vùng lên làm cuộc các mạng đổi đời và... Cuối cùng là cuộc xum họp kỳ thú của cháu chắt Tikhonov, Bestuzhev, người chiến sĩ tháng Chạp được cứu thoát - Shchedrin trong một khung cảnh đẹp đẽ, đầy hạnh phúc. Câu chuyện có hậu nhưng hoàn toàn hợp lô-gích và hiện thực lịch sử. Đấu tranh, hy sinh, đổ máu tất nhiên là phải giành được tự do, hạnh phúc cho con cháu và vĩnh viễn mai sau, điều đó đã trở thành hiện thực trên đất nước Xô viết trong hơn nửa thế kỷ qua. Thành phố Leningrad mà Paustovsky xiết bao yêu mến, với vẻ đẹp có một không hai của mình, với những cung điện lâu đài, di tích lịch sử kiến trúc nổi tiếng thế giới, các công vlên (trước đây là vườn thượng uyển), tượng đài, viện bảo tảng, đài phun nước, thành cổ, chiến lũy, cổng chào hiện lên trong truyện đẹp đến bàng hoàng. Để hiểu được điều đó, bạn hãy tưởng tượng thành phố Leningrad vào những đêm trắng mùa hè, khi tất cả đắm mình trong ánh sáng bạc như mơ, như thực, người ta bước đi như mê, như say trong thành phố huy hoàng tráng lệ vào bậc nhất thế giới, mà ở đó mỗi viên đá, mỗi tấc đất là một kỳ quan, một kỷ niệm quý báu, thiêng liêng. Một lần nữa bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước tài năng của Paustovsky, hướng về ngày sinh lần thứ 70 của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại mà chúng ta cùng loài người tiến bộ kỷ niệm trong năm 1987, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc Câu chuyện phương Bắc - bài ca tâm huyết, đầy chất thơ và đằm thắm, thiết tha ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi cách mạng, ca ngợi tình hữu nghị, ca ngợi thành phố Leningrad thân yêu và ca ngợi tình yêu, một lần nữa - tình yêu. Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 1986 MỘNG QUỲNH CÂU CHUYỆN PHƯƠNG BẮC Phần I Vịnh Bothnia bị cùm chặt trong băng. Những cây thông cao nẻ toác ra vì giá lạnh. Gió không ngừng thổi bay những lớp tuyết khô trên mặt băng. Đêm đêm mặt vịnh ảm đạm, lung linh phản chiếu những ngôi sao trời. Ngồi sưởi quanh bếp lò củi cháy tí tách, các sĩ quan trung đoàn Kamchatka lại nhớ đến những câu thơ của Baratynsky. Thỉnh thoảng họ kể cho nhau nghe về nhà thơ trầm lặng đã phải gánh chịu cuộc đời quân dịch tại trung đoàn bộ binh trong chiến lũy Kumel, về “người ca ngợi nỗi buồn thảm trước Phần Lan” và thầm ghen với vinh quang yên tĩnh của ông. Trung đoàn Kamchatka hồi đó đóng trên đảo Aland trong thị trấn Mariehamn. Từ xa xưa, quần đảo Aland vốn đã được coi là quê hương của các tàu buồm. Chuỗi quần đảo nhỏ bé này nằm giữa chốn hoang vu miền Bắc, cách biệt với những kinh thành nhộn nhịp, đã bao đời là nơi sinh cơ lập nghiệp của các bậc thầy về nghề đóng tàu buồm. Họ giữ gìn nghiêm ngặt những quy luật trong nghệ thuật nghề nghiệp và truyền cho các con trai lớn. Thản nhiên ngậm chặt những tẩu thuốc, họ nhìn khói bay lên từ những chiếc tàu thủy đầu tiên làm hoen bẩn cả chân trời, bình phẩm: - Dù sao hơi nước cũng không thể vượt được đại dương. Cứ mỗi lần thu đến, đủ các loại tàu thuyền, tàu buôn hai buồm, ba buồm, xà lan lại trở về vùng đảo để sửa chữa. Chúng về đây từ bốn phương trời, từ biển Caribbean, từ Levant, từ Ireland. Dắt dẫn những con tàu ấy là những hoa tiêu người Thụy Điển, những người ít nói và trung thực. Mùa đông, những con tàu ngập trong băng tuyết, các sĩ quan trung đoàn Kamchatka mỗi lần chạy ra sân cho hả bớt hơi men và khói thuốc trong những cuộc chè chén lại nhìn thấy sừng sững trước mắt những thân tàu đen xẫm, những ngọn đèn vàng vọt trên những dây chão giá lạnh và lại nghe thấy tiếng gió rít quanh cách trục buồm to xù. Người ta mau quen với những con tàu như quen với những ngôi nhà, những thân cây trên đường phố, những chòi canh sơn kẻ sọc. Người ta không nhận ra chúng nữa. Chỉ có những ngày sáng sủa khi mặt trời trắng mọc trên mặt vịnh đóng băng, lính tráng và dân chúng Mariehamn mới nheo mắt lại vì những con tàu sáng chói bám đầy các hạt sương và ngạc nhiên vì vẻ đẹp của cảnh tượng ấy. Tưởng như mùa đông khô lạnh đã sắp đặt cho mình nơi ăn chốn ở trên những con tàu này. Những nắm tuyết từ trên các sợi dây rơi xuống, va vào mặt boong tan ra lạo xạo. Những bông hoa hồng sắc nhọn kết lại bằng nước đá nở ra trên những cửa sổ buồng tàu. Khói lớp lớp tuôn ra từ những căn bếp trên tàu đọng lại trong đám dây chằng suốt từ sáng tới xẩm tối, rồi nó chuyển sang màu đỏ xẫm như khói của một trận đánh và dần dần biến thành bóng đen. * * * Tháng giêng năm 1826 vừa qua là một thời kỳ mờ mịt và rối ren. Mới đây, những tin tức từ Petersburg truyền đến đã báo về cuộc Khởi nghĩa Tháng Chạp[1] và cuộc giao tranh trên quảng trường Senat. Kiselev là một kẻ dương dương tự đắc và không chịu được cách nghĩ, cách hành động theo ý riêng. Y đã tham gia các cuộc chiến tranh chống Napoleon nhưng chưa một lần bị mũi gươm, hòn đạn làm sây xước. Y vẫn khoác lác nói: “Viên đạn dành cho tôi còn chưa đúc.” Người ta đồn đại rằng, năm 1814 sau khi chiếm được Paris, y ngồi trong một quán rượu Paris. Có năm người Pháp bước vào. Họ đòi năm cái cốc không và một chai rượu. Tức khắc Kiselev gọi năm chai sâm banh và một cái cốc không, rồi uống một mạch lần lượt năm chai rượu và bước ra khỏi quán trước tiếng vỗ tay vang dậy của các khách hàng đang say sưa. Các sĩ quan trung đoàn Kamchatka có đặt một bài thơ châm biếm Kiselev: Chiến trường không nguy hiểm với kẻ nhát gan Vinh quang chiến trường hắn đổi lấy rượu Rum Đánh bại kẻ thù trên chiếu bạc Ở mọi nơi và bất kỳ lúc nào Sĩ quan tùy tùng của trung đoàn là Merck mắc tật nói lắp, vốn là một người Đức, một kẻ tuân theo những quy tắc sống vững chắc, quen cúc cung tận tụy, một tay mê âm nhạc. Merck thường bắt đội nhạc trung đoàn chơi ở ngoài bãi tập hàng mấy giờ liền giữa giá rét tàn khốc. Máu bật ra trên môi các nhạc công bị nứt nẻ và phồng rộp lên vì ống đồng lạnh ngắt. Nước bọt đóng băng ở miệng kèn trombone rên rỉ. Khi đội nhạc chơi xong bài hành khúc của trung đoàn đã đờ đẫn cả người, Merck bước ra hiên nhà với chiếc áo khoác sĩ quan choàng trên vai và kêu lên, giọng díu lại: - Vẫn còn nghe thấy tiếng ủng lẹp xẹp! Chơi bẩn lắm, các anh bạn ạ! Hãy chơi lại bài hành khúc cho đến khi không còn lẫn một thứ tiếng nào khác vào đó mới thôi! Những người lính cóng đờ vì rét vẫn phải chơi. Họ nhấc chân lên chân xuống thật khẽ để Merck khỏi nghe tiếng ủng dậm dịch, nhưng những tên nói lắp lại rất thính tai nên không sao lừa hắn được. Hầu hết các nhạc công chân đều bị cóng lạnh. Merck tự coi mình là người thẳng thắn, trọng sự thực. Trong trung đoàn người ta không ưa và sợ hắn. Hắn thường nói với các sĩ quan: “Ngài không biết ăn con cá cho đúng đắn, đó là một điều ô nhục”,“Cuối cùng chuẩn úy nên bỏ cái thói quen rung đùi dưới gầm bàn ấy đi.” * * * Nước Phần Lan mới bị chinh phục cách đây không lâu. Trong trí nhớ mọi người còn nguyên vẹn cuộc chuyển quân nổi tiếng của quân đội Nga qua mặt băng của vịnh Bothnia giá lạnh sang Thụy Điển. Vinh quang của cuộc hành quân này ngay cả những trận thắng quân Pháp mới đây cũng không át đi đươc. Phục vụ đồn trú ở Phần Lan rất nặng nhọc, phải sống và làm việc giữa một đám dân cư khắc khổ và ít nói. Đặc biệt khó khăn là đời lính ở trung đoàn Kamchatka, đồn trú trên quần đảo Aland. Mùa hè từ Petersburg, từ Helsingfors còn có tàu thuyền tới đảo. Khi mùa đông đến, con đường duy nhất lên bờ chỉ còn là mặt băng buốt căm căm. Nhưng thường hơn cả, biển chỉ đông lại men bờ và khi đó không thể ra đảo được nữa, dù là bằng tàu biển hay đi ngựa. Trung đoàn Kamchatka là nơi đày ải các sĩ quan phạm lỗi. Trong số họ có chuẩn úy Bestuzhev mới được thăng từ lính thường lên sĩ quan. Bestuzhev chạm trán với đại hầu tước Mikhail Pavlovich trên đường phố Petersburg trong lúc đội mũ lông, mà không đội mũ của sĩ quan. Đó là một buổi tối giá rét và gió lộng. Bestuzhev bị bệnh buốt đầu nặng sau vết thương ở thái dương trong trận Borodino và chàng đội mũ lông để tránh cho đầu khỏi bị cảm lạnh. Đại hầu tước giật cái mũ khỏi đầu và toan ném xuống đất, Bestuzhev giằng lại cái mũ từ tay hầu tước và bỏ đi thẳng, không thèm ngoái cổ lại, mặc những mệnh lệnh đầy hăm dọa bắt đứng lại. Tại cuộc hỏi cung, chàng nói: - Tôi coi danh dự của tôi cao hơn lời thề! Điều đó đã được tâu lên hoàng đế Alexander. Ngay lập tức có lệnh ban ra, giáng chuẩn úy Bestuzhev xuống lính thường và chuyển chàng về trung đoàn Kamchatka bị đầy ải. * * * Anh lính Semyon Tikhonov tuần tra gần hải đăng Erasgrund. Cây hải đăng thấp, xây bằng đá trên hòn đảo nhỏ đối diện với Mariehamn. Ra nơi tuần tra phải đi qua một con đường hẹp đóng băng trên biển. Trên hải đăng chỉ có một người gác sinh sống, đó là một người Thụy Điển già, trước đây là thuyền trưởng. Cả ngày ông ta cấm cảu, lầu bầu điều gì đó, nhay nhay đôi môi vàng vọt và liếc nhìn người lính cóng lạnh trong chiếc áo bashlyk, rẽ vào điếm canh sưởi đôi bàn tay đỏ lựng. - Ông ơi, ông đừng mắng cháu! - Tikhonov kêu to bằng cái giọng bị cảm lạnh. - Đâu có phải cháu thích loay hoay ở đây để mang cái rét vào. Đi lính cho Nga hoàng đâu có phải là sống, mà là cuộc đầy ải thực sự, ông có hiểu không?” Ông lão yên lặng, Tikhonov ngồi xổm xuống bên bếp lò. Chiếc áo khoác dài của anh lạnh cứng lại như bằng gỗ, lọc cọc chạm xuống sàn. - Ôi, bất hạnh, thật là bất hạnh! - Tikhonov sầu não nói, lấy gót ủng di di những vũng nước chảy từ áo xuống sàn gạch sạch sẽ. Ông già Thụy Điển gật gù. - Có nghĩa là ông hiểu? - Tikhonov hỏi. - Có gì mà không hiểu được khi cả ông lẫn cháu đều là người bình thường, quen làm việc từ tấm bé. Ông cũng canh, cháu cũng canh. Có điều cháu canh cái gì thì chỉ có ông trời và ngài Kiselev biết thôi. - Ồ… ồ… ồ! - Người Thụy Điển nói. - Ông còn ồ… ồ… mãi! - Tikhonov cáu kỉnh nói. - Kiselev, chỉ huy của chúng cháu là tên độc ác. Trong cả trung đoàn chỉ có được một người tử tế là chuẩn úy Bestuzhev, chỉ huy trung đội cháu và là khách trọ thường xuyên ở nhà ông đấy. Bestuzhev thuê phòng trọ ở nhà người gác đèn biển. Ngày ngày ông già vẫn ở ngoài hải đăng. Chỉ có chủ nhật ông mới về Mariehamn. Chăm nom chuẩn úy đã có vợ ông, một bà lão tóc bạc và con gái ông là Anna, một cô gái tóc đen, tính tình e thẹn, hay đi trượt tuyết như con trai. Anna mới tốt nghiệp trường trung học ở Stockholm, giờ sống ở nhà cha mẹ, giúp đỡ mẹ, còn các buổi tối đọc sách suốt. - Bestuzhev - Ông già bặm môi, mỉm cười vỗ vào thân áo vồng lên trên lưng Tikhonov. - Ồ… ồ… Bestuzhev! - Đúng thế đó, ông ạ. - Tikhonov nói và hài lòng, đưa bàn tay thô ráp lên xoa mặt. - Khỏi phải nói, chuẩn úy là người có tâm hồn. Tikhonov hút hết tẩu thuốc lá nặng, lạch cạch mang khẩu súng và thanh rìu đi xa khỏi điếm canh. Anh đóng sập cánh cửa gỗ sồi đen, nheo mắt lại vì tuyết chói lòa đập vào mắt và làm dấu thánh. Đêm tháng giêng nặng nề áp sát vào cửa sổ tỏa sáng lờ mờ của điếm canh. Đèn biển không thắp sáng: mùa đông không cần đến nó. Tikhonov vai đeo súng đi dọc bờ biển chốc chốc lại dừng lại và đứng lim dim ngủ. Xa xa, băng trong vịnh nổ vỡ vì giá rét. Tiếng ì ầm ngao ngán truyền theo bờ biển. Tikhonov lúc lắc cái đầu để xua tan cơn buồn ngủ, chửi tục, rồi khàn khàn kêu lên: - Nghe đây! Anh kêu lên theo thói quen. Gần đó không có một người lính gác nào và cũng không có ai đáp lại tiếng gọi của anh. Chỉ có ông già người Thụy Điển, sau mỗi tiếng kêu của anh lại chậm rãi trở dậy, xếp lại các thanh củi trong lò, lại gần bàn và tiếp tục đọc quyển kinh thánh dày cộp đã ngả vàng. - Nghe đây! - Tikhonov kêu, giọng kéo dài. Gió lặng đi như nghe ngóng. Băng vỡ, tuyết lạo xạo trút vào bức tường đá của trạm gác và rin rít dưới gót ủng anh lính. Anh lính ho và khạc nhổ. Những âm thanh này đã làm gió chán ngán từ lâu, chờ đợi chốc lát, nó lại thổi tuyết từ mặt băng lên bờ biển, chất lại thành đống dài. Tikhonov kêu mãi đã phát chán. Anh nín lặng. Gió cũng lặng đi. Đột nhiên ở đâu đó xa xôi trên mặt băng, anh lính nghe thấy tiếng lộc cộc chậm rãi và lặng lẽ. Anh sửa lại khẩu súng và chiếc rìu rồi lắng nghe. Tiếng lộc cộc lại gần. Anh lính thận trọng nằm nép sau những tảng đá. Tiếng động nghe đã rõ ràng, dường như có người đang đi trên băng trong đôi ủng sắt nặng nề. Anh lính vội vã làm dấu thánh, đặt khẩu súng lên hòn đá và ngắm vào bóng tối, nơi tiếng chân người vọng lại. Trên mặt băng hiện ra một bóng đen. Nó từ từ chuyển động về phía bờ. - Đứng lại! Ai đang đi đó? - Tikhonov khẽ gọi. Nhưng không có ai trả lời. Tikhonov nhìn kỹ và nhận ra hai người, người đi trước vấp phải một viên đá và ngã xuống. Người bạn đường của anh ta toan nâng vai để anh ta ngồi lên, nhưng người kia lại ngã gục xuống mặt băng như một người chết. Tikhonov cầm lấy khẩu súng, lại gần người bị ngã. - Các ông là ai? - Anh hỏi nghiêm khắc. - Phải trả lời, không được giấu diếm. - Hãy khoan đã, anh lính ơi, - Từ bóng tối vọng lại một giọng nói mệt mỏi. - Hãy giúp đưa ông ấy vào nhà đã, ông ấy bất tỉnh rồi. Tikhonov nắm lấy vai người đang nằm và rụt tay lại, dưới tấm vải mưa, anh cảm thấy chiếc lon cứng của sĩ quan. - Sĩ quan à? - Anh hỏi giọng thì thầm. - Sĩ quan. - Thế còn ông là ai? - Tôi là lính thủy. - Có lệnh phải bắt giữ bất kỳ ai không kể cấp bậc thế nào và đem trình ngay ngài đại tá Kiselev. Các ông từ đâu tới và có việc gì vậy? - Người ta đang chết cóng kia kìa! - Người lính thủy nói giọng tuyệt vọng. - Vì Chúa, anh hãy đưa giúp vào nhà đã rồi hãy hỏi. Tikhonov lặng thinh. Cùng người lính thủy, anh vực viên sĩ quan dậy và dìu vào trạm gác. Ông già Thụy Điển đứng dậy, gấp quyển kinh thánh lại, lặng lẽ nhìn người ta đặt viên sĩ quan nằm lên sàn bên cạnh lò sưởi. Sau đó ông thư thả lấy từ trong tủ ra chai rượu Vodka, rót vào chiếc cốc màu lam, và như thường lệ, lầu bầu cáu kỉnh điều gì đó, nâng đầu viên sĩ quan dậy, đổ rượu vào mồm ông ta. Rượu rớt cả ra bộ quân phục nhem nhuốc. Viên sĩ quan mở mắt ra, nhìn thấy Tikhonov liền ngồi phắt dậy. - Anh là lính ư? - Ông ta hỏi, tay ôm lấy ngực. - Chúng ta đang ở đâu đây, anh lính? - Thưa ngài, đây là quần đảo Aland. - Tikhonov trả lời. - Cho tôi hỏi: Ngài từ đâu tới đây và vì việc gì? Viên sĩ quan cười khẩy. - Chúng tôi từ Petersburg tới. - Ông ta chậm rãi trả lời. - Tìm đường sang Thụy Điển, còn sự việc thì đơn giản thôi, người anh em ạ, phải đi trốn giá treo cổ, hiểu chưa? - Tôi hiểu, thưa ngài sĩ quan. - Thế anh bảo nên làm gì? Tikhonov im lặng. Anh lấy tay áo ẩm ướt chùi mũi và hấp háy mãi đôi mắt sưng tấy lên vì gió. - Thế nào? - Viên sĩ quan hỏi. - Thưa ngài. - Tikhonov năn nỉ nói. - Ở đây đã biết hết mọi chuyện, lính tuần tra được cắt đặt khắp các đảo. Đằng nào thì ngài cũng không thể đi thoát được đâu. - Ở đây đã biết chuyện gì? - Về cuộc nổi loạn. Chuẩn úy Bestuzhev đã nói rõ với chúng tôi. Tikhonov nín lặng, lưỡng lự rồi hỏi: - Thưa ngài, xin cho tôi được rõ, trung đoàn cận vệ ngự lâm Moskva có tham gia vào vụ này không? - Có, đứng về phía những người khởi nghĩa. Họ bị hàng loạt đại bác nã lên người. Tikhonov ngồi xổm bên lò sưởi, tư lự: - Ôi, thật bất hạnh, bất hạnh! - Anh nói và loay hoay xếp lại củi trong lò. - Em tôi phục vụ ở trong đoàn ấy. Chẳng nhẽ người ta đã giết nó rồi ư? - Thoải mái, - Người lính thủy đáp. - Biết bao nhiêu anh em trung đoàn Moskva bị đem trôi sông, không đếm xuể được!” - Nghe đây anh lính… - Viên sĩ quan nói. Tikhonov vẫn ngồi nguyên như vậy, trân trân nhìn ngọn lửa. - Chúng tôi đã vùng lên vì một sự nghiệp chính nghĩa. Vì tự do của nhân dân, vì cuộc sống hạnh phúc của anh em binh lính. Vua Nikolai là một tên bạo chúa. Y đang dìm nước Nga trong máu và nước mắt, dày xéo nó đến chết. Sự nghiệp của chúng tôi đã thất bại nhưng hạt giống đã được đem gieo và mầm sẽ mọc lên. Không anh thì con cháu anh sẽ được nhìn thấy cuộc sống không có nước mắt và sẽ cảm ơn chúng tôi về điều đó, hiểu chưa? - Tôi hiểu rồi, thưa quý ông. - Tikhonov khẽ đáp. - Muốn sao thì muốn, sự thật không thể cùm xích được. Viên sĩ quan đứng dậy, đóng lại vạt chiếc áo mưa, đội lên đầu chiếc mũ lông giản dị của nông dân. Dù trong trạm gác nóng ấm, trên mặt ông ta không còn hột máu. Ông bíu chặt vào mặt bàn bằng bàn tay run rẩy và bảo người lính thủy: - Ta đi thôi Pakhomovich. Đêm còn dài, ta còn kịp đi xa đảo chừng năm tầm bắn. Nơi này rất nguy hiểm. - Ta phải ăn chút gì đã Nikolai Ivanovich. Trông ngài không còn thần sắc gì nữa. Viên sĩ quan phẩy tay, lẩy bẩy đi ra cửa. Người lính thủy theo sau. Tikhonov vùng dậy: - Đứng lại đã, thưa quý ông! - Tikhonov kêu lên bằng giọng tuyệt vọng, lao theo viên sĩ quan. Người kia nhanh nhẹn quay lại. Người lính thủy chộp tay Tikhonov. - Buông ra! - Tikhonov kêu lên, giật tay ra, nước mắt chảy trên khuôn mặt dạn dày sương gió đầy vẻ hoang mang của anh. Bằng bàn tay run rẩy, Tikhonov mở chiếc túi dét linh của mình, giật dây cài lấy ra miếng bánh mì đen nhỏ và miếng mỡ muối gói trong mảnh vải sạch. - Xin ngài cầm lấy. - Anh nói như nghẹn thở và dúi miếng bánh, miếng mỡ cho viên sĩ quan. - Xin ngài nhận cho tấm lòng thành của một người lính và đừng từ chối. Tikhonov ngã quỳ xuống, mặt gục vào chân người sĩ quan. - Chết, chết, sao anh làm thế! - Viên sĩ quan bối rối đỡ Tikhonov dậy. - Có thể nào làm như vậy được? Đứng lên nào! Tikhonov nặng nề đứng dậy. Viên sĩ quan kéo anh lại gần mình và họ hôn nhau. Người lính thủy vỗ lên vai Tikhonov. - Thôi vĩnh biệt, làm việc đi! Hãy nhớ lấy! Họ đi ra, Tikhonov đứng lại bên cửa. Khẩu súng của anh nằm lăn lóc cạnh bếp lò. Ông già người Thụy Điển run rẩy xoa xoa bộ mặt lởm chởm của mình. Tikhonov quay lại phía ông, đặt một ngón tay lên môi rồi giơ nắm tay to ra hăm dọa. Người Thụy Điển vui vẻ gật đầu. Có nghĩa là ông già hiểu cả. Một tiếng súng gần đấy vang lên, nổ trong bóng tối. Sau đó phát thứ hai và phát thứ ba, rồi một giọng khàn khàn quát lên gần ngay bên: - Lính canh đâu! Tikhonov nhận ra tiếng viên trung đoàn trưởng. Mỗi tuần lễ một lần, Kiselev đi kiểm tra các phiên gác. Tikhonov không rời chỗ, chỉ nhanh nhẹn sửa lại chiếc áo khoác. Cánh cửa bật mở, bước qua ngưỡng cửa, Kiselev cúi đầu xuống và theo sát y là Merck. Hai người lính giữ chặt tay viên sĩ quan và người lính thủy ở phòng ngoài. - Đưa chúng vào đây! - Kiselev quát những người lính. Những người lính vụng về dẫn hai người bị bắt vào. - Các ông là ai? - Kiselev hỏi viên sĩ quan. Người sĩ quan im lặng. Kiselev phanh ngực tấm áo mưa của ông ta ra. Viên sĩ quan ngửng mặt, vươn thẳng người, dùng tay trái đẩy Kiselev ra. Tay phải của ông buộc băng, trên băng còn thấm những vết máu đen. - Các ông là ai? - Kiselev nhắc lại câu hỏi. - Tôi là con của Tổ quốc bất hạnh của tôi. - Viên sĩ quan nói. - Đừng hỏi tôi điều gì thêm nữa. - Ông là tên phiến loạn. - Merck nói ngọt lịm. - Các ông đã phản lại lời thề và chống lại đức vua thiêng liêng.” - Như vậy cũng được. - Viên sĩ quan nói và cười khẩy. Lúc đó Kiselev tiến lại gần Tikhonov và nhìn vào mắt anh. - Đồ súc vật! - Hắn chửi và giáng nắm đấm vào bộ mặt ướt át của anh lính. Tikhonov hấp háy đôi mắt. - Cứ hấp háy mắt mãi, để lọt một tên tội phạm quốc gia. Phạt nó ba trăm roi, phải đánh nó như đánh một con chó. Khi những người bị bắt và Tikhonov bị giải đi rồi, ông già Thụy Điển tắt ngọn nến, ra khỏi điếm canh và thận trọng đi theo một đường vòng lớn về Mariehamn. Suốt dọc đường, ông vừa đi vừa rên rỉ vừa chửi rủa. * * * Mùa hè, Bestuzhev được thăng lên chuẩn úy. Ngay khi đó chàng đã viết đơn xin từ chức. Đầu tiên, chàng sốt ruột chờ lệnh từ Petersburg tới cho chàng giải ngũ, nhưng sau đó chàng bắt đầu nghĩ tới lệnh đó có phần khiếp hãi và run sợ trong tim. Chàng đã quen với Mariehamn, với những hòn đảo hoang vắng, nơi hoàng hôn còn lưu lại mãi mãi giữa khí trời trong trẻo, quen với nhân dân lầm lì hiền hậu, với những cuốn sách của chàng, với căn phòng sạch sẽ trải thảm bằng bọt biển, với bà cụ chủ nhà và cô gái Anna mảnh mai e thẹn. Giờ đây nghĩ đến cuộc trở về nước Nga, chàng lại nhớ đến mấy vần thơ vẫn vấn vương: Tôi âm thầm sung sướng nhớ đến đất nước hoang vu, Nơi tôi đã sống cả tuổi xuân cách xa hạnh phúc. Anna thường hay trượt tuyết sang đảo bên, đến nhà bạn gái. Sáng sáng thức dậy, Bestuzhev lại nghe thấy dưới cửa sổ giá lạnh, tiếng rin rít của thanh trượt tuyết và giọng nói trẻ trung của Anna, đang nói to lên với bà mẹ lời từ biệt âu yếm. Bestuzhev trở dậy kéo rèm cửa và lại nhìn thấy quang cảnh quen thuộc đáng yêu. Tuyết phủ từng lớp xốp dầy trên các mái nhà và trên các cành tùng. Cả gian phòng sáng lên bởi ánh hào quang màu da cam của mặt trời, của ánh lửa cháy bập bùng trong lò sưởi. Anna toàn thân phủ đầy tuyết từ trên các cành cây trút xuống, nhún người trượt qua cánh đồng tới rừng thông. Một hôm Bestuzhev tỏ ý muốn trượt tuyết cùng Anna sang đảo bên, Anna cười và đồng ý. Họ ra đi từ buổi sáng. Trong rừng còn mờ tối. Những lá thông khô lả tả rơi xuống chân họ. Sâu trong rừng rậm, Anna cắm chiếc gậy trượt vào tuyết và dừng lại. - Anh nhìn kìa. - Nàng nói. - Có lẽ ở quê anh không bao giờ được thấy cảnh này đâu nhỉ? Cảnh tượng mở ra trước mắt họ tràn đầy một vẻ đẹp lạ lùng. Trong rừng im lặng như tờ, không một làn gió thổi. Nhưng ở trên cao, trên ngọn rừng, gió yếu ớt đung đưa gạt tuyết từ trên các cành cao xuống. Hàng trăm bông tuyết rơi từ trên xuống, ánh lên bàng bạc trong những tia nắng xiên nghiêng tỏa xuống khu rừng mùa đông, một ánh sáng huyền ảo! Tuyết rơi mắc vào cành cây kẽ lá, rắc những luồng bụi trắng từ từ xuống đất, làm lao xao khắp vùng như một trận mưa khô. Bestuzhev ngước nhìn Anna. Toàn thân nàng phủ bụi tuyết trắng. Qua lớp bụi ấy, ánh lên làn môi nàng, hàng mi ướt át và đôi mắt xanh không lúc nào thôi cười. - Anna. - Bestuzhev nói. - Em có thể thật lòng yêu một người Nga không? Anna quay nhanh lại phía anh, ngoặc chiếc gậy vào thân cây tùng, một thác tuyết mềm mại đổ lên người nàng và Bestuzhev. - Có chứ. - Nàng nói và nhắm mắt lại. - Nhưng bố không cho em lấy chồng người Nga đâu. - Vì sao? - Bố không ưa người Nga các anh. Bestuzhev tháo chiếc găng đan bằng len xanh và hôn những ngón tay giá lạnh của nàng. Nàng lặng lẽ nâng cằm Bestuzhev và buồn bã nhìn mãi vào gương mặt chàng. Sau đó thúc chiếc gậy, phóng vút qua lùm cây, để lại đằng sau một cơn lốc bụi. Bestuzhev chật vật lắm mới theo kịp nàng. Ở đảo bên, họ rẽ vào một ngôi nhà mà Bestuzhev có cảm tưởng được xây bằng hổ phách lâu năm, vì những bức tường gỗ đều ngả màu vàng sẫm. Một cô gái tóc trắng vui nhộn, bạn của Anna cho hai người uống sữa nóng. Anna nói chuyện phiếm nhiều. Tiếng cười của nàng quá ròn rã, nhưng có cái gì đó bối rối. Cô bạn gái mỉm cười hóm hỉnh nhìn Bestuzhev và Anna, người ta thường mỉm cười như thế khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác. Họ trở về chậm rãi và lặng lẽ. Những ngôi sao đầu tiên bắt đầu sáng lên trên mặt vịnh. Ngôi sao rực sáng nhất, ánh lên màu xanh biếc, mọc tít trên cao ở phần trời phía nam xanh nhạt, thẳng ngay trên trục buồm của một chiếc tàu biển lớn. Anna đã khóc cả đêm sau cuộc đi chơi đó. Đến sáng thì người cha trở về. Ông cụ nói cái gì đó với nàng một cách cáu gắt và đứt quãng. Buổi trưa, Bestuzhev thấy Anna ra hiên đứng hồi lâu không nhúc nhích, nhíu mày lại nhìn ra vịnh. Chàng muốn gọi Anna, nhưng lại không dám. Chàng quyết định rời quân ngũ xong sẽ không đi đâu hết, mà ở lại đây, trên đảo này, bất chấp sự chế giễu của các bạn cùng trung đoàn và sự cấm đoán của cha nàng, sẽ cưới Anna làm vợ. * * * Cuộc rượu chè của sĩ quan kéo dài quá nửa đêm. Lò sưởi cháy đều. Trong ánh lửa hắt ra đỏ sẫm, ngoài cửa sổ đêm càng xanh hơn. Thỉnh thoảng một bông tuyết nhỏ bám vào mặt kính bên ngoài, nếu nhìn cho kỹ có thể thấy rõ cấu trúc hết sức tinh vi từng tinh thể tuyết. Họ uống rượu một cách không hào hứng mặc dù cả Kiselev và Merck đều vắng mặt. Hai người đó đang đi kiểm tra các trạm gác. Họ uống không vui đã từ lâu, từ ngày có những tin tức đầu tiên về vụ binh biến ở Petersburg. Từ mặt bàn chơi bài, bụi phấn bốc lên, làm khé cổ. Những tay chơi vừa lặng lẽ vứt những con bài xuống, vừa rít những tẩu thuốc đã tàn. Các ngọn nến cháy bừng bừng giữa đêm khuya khoắt, người liên lạc bước vào. Cố để cho đôi ủng không khua thành tiếng, anh ta lại gần Bestuzhev và báo cáo ở phòng ngoài có một cô gái không rõ là ai đang đợi chàng. Vẻ mặt của người liên lạc ngây như đá. Các sĩ quan nhìn nhau và ai đó đã cười nhoẻn sau hàng ria mép. Trước đây, mỗi dịp như vậy sẽ làm nổ ra cả một chuỗi những câu đùa nghịch, những giả thiết tinh quái, nhưng lúc này không ai nghĩ đến chuyện bông đùa. Bestuzhev nhanh nhẹn đứng dậy, bước ra. Anna đang đợi chàng ở phòng ngoài. Chàng nhìn bộ mặt tái nhợt của nàng với mái tóc ướt dính vào trán, hỏi nhanh bằng giọng thì thầm: - Có chuyện gì vậy Anna? Cô gái nghẹn thở. - Anh Pavel[2], - Lần đầu tiên nàng gọi chàng bằng tên khi nói chuyện. - Bố em vừa ở nhà đèn về. Ở đấy người ta đã bắt giữ một sĩ quan người Nga. Ông ta định vượt qua vịnh sang Thụy Điển. Đó là một người tham gia cuộc nổi loạn. Phải làm gì đây, anh Pavel? - Bình tĩnh đã nào, Anna. - Bestuzhev nói và cảm thấy tim mình lạnh toát, điều báo trước những quyết định mau chóng và không cần suy nghĩ. Chàng đã từng cảm thấy lạnh ngắt như thế trong trận Borodino và ở Petersburg khi chàng giật lại chiếc mũ ra khỏi tay đại hầu tước. - Vào đây em, ta phải cùng bàn bạc xem nên làm gì. Chàng nắm tay nàng dắt qua gian phòng. Các sĩ quan nhìn thấy cô gái thì đứng cả dậy. Chỉ có những tay đang chơi bài, không nhận ra Anna vừa đến, vẫn tiếp tục hí hoáy ghi điểm bằng phấn và ném bài xuống bàn. - Thưa các ngài. - Bestuzhev nói. - Một giờ trước đây trên đảo chúng ta đã xảy ra một sự cố phi thường, đòi hỏi chúng ta phải cùng bàn bạc. Chuẩn úy Lobov trẻ tuổi và nóng nẩy nhảy bổ đến bên Bestuzhev. - Có chuyện gì thì nói mau đi, khỏi phải mào đầu. Tiếng giầy ủng và đinh thúc ngựa lạch cạch đã không cho Bestuzhev nói tiếp. Cánh cửa mở ra, Kiselev mình phủ đầy tuyết bước vào. Y quẳng chiếc áo mưa ướt át xuống ghế, đưa mắt nhìn các sĩ quan bằng một cái nhìn vui vẻ và láu lỉnh. Cái nhìn đó dường như nói rằng: “Đây, các ngài xem tôi đã mang về cho các ngài một món quà bất ngờ như thế nào!” Merck xuất hiện kế sau Kiselev. Y còn nán lại ở phòng ngoài để chải hết tuyết bám vào giầy. Thoáng nhìn thấy Anna đứng bên cạnh Bestuzhev, y nói với một vẻ lịch sự khinh mạn: - Chuẩn úy Bestuzhev, ông phải biết rằng tại các cuộc họp mặt của sĩ quan, chỉ có vợ, người nhà, vợ chưa cưới của các ngài sĩ quan mới được có mặt. Bestuzhev bừng mặt. - Đây là vợ chưa cưới của tôi. - Anh nói. Anna nín lặng đứng ngây như chết. Merck cúi đầu, chạm đinh thúc ngựa lạch cạch, không ai để ý đến trò hề của y. Mọi người nhìn viên trung đoàn trưởng đầy phấn khích. - Các ngài sĩ quan. - Kiselev giơ tay lên như một diễn viên. - Mới vừa qua đi kiểm tra các trạm gác ở gần hải đăng Erasgrund, tôi và đại úy Merck đã bắt được một tên phiến loạn chạy trốn khỏi Petersburg theo mặt băng vịnh Bothnia định vượt qua Thụy Điển. Một sự im lặng như tờ bao trùm tất cả, đến nỗi nghe rõ tiếng sàn gỗ cọt kẹt dưới chân ai đó. - Xét theo quân phục, y là sĩ quan trung đoàn ngự lâm cận vệ, cùng bị bắt với y có một tên lính thủy thuộc hải đội cận vệ chống lại nhà vua. - Kiselev nhìn khắp lượt các sĩ quan, y muốn biết những lời lẽ của y đã gây ra ấn tượng như thế nào đối với mọi người. Các sĩ quan lầm lì im lặng. - Tên giết vua đã không chịu nói rõ tên họ của mình. Trong các ngài, có thể có người biết y vì chỗ quen biết hay vì đã cùng làm việc trước đây, nên tôi cho là cần phải đưa hắn ra đây cho các ngài nhận mặt. Kiselev gõ kiếm xuống sàn. Cửa mở, mấy người lính giải người sĩ quan trẻ tuổi để đầu trần vào phòng. Trên trán ông tím bầm một vệt máu đông. Ông lấy tay vuốt mái tóc rối bù, dính bết trên đầu và chăm chú nhìn quanh các sĩ quan. Cái nhìn buồn bã và điềm tĩnh, cái nhìn của một người sẵn sàng đón nhận cái chết đó làm mọi người ghi nhớ mãi suốt bao nhiêu năm về sau. Viên sĩ quan dừng lại ở bên bàn và vịn bàn tay nhỏ bé gầy guộc lên bàn. - Tôi hỏi một lần nữa. - Kiselev hách dịch nói. - Ông phải khai rõ ông là ai, tên là gì? - Tôi chỉ có thể nói lại điều tôi đã nói một lần nữa. - Người sĩ quan đáp. - Tôi là con của Tổ quốc bất hạnh của tôi. Vì hạnh phúc của Người, tôi nguyện hiến dâng đến giọt máu cuối cùng. Ông lảo đảo, tay run rẩy cố bám vào mặt bàn. Bàn tay gầy guộc của ông tuột khỏi mặt bàn. Bestuzhev lao về phía người bị bắt, đẩy cho ông chiếc ghế. Viên sĩ quan ngồi xuống, chống khuỷu tay lên bàn, bàn tay ôm lấy đầu. Ông đã kiệt sức đến mụ đi. Chiếc áo mưa của ông tuột khuy và các sĩ quan nhìn thấy cánh tay phải quấn lớp băng thô xù đã khô cứng. Mẩu bánh mì đen rơi khỏi vạt áo và lăn trên sàn nhà. Lobov vội nhặt lên và để cạnh người bị bắt. Kiselev lại nhìn các sĩ quan của mình và chau mày lại. Y nhìn thấy những khuôn mặt tái đi, chăm chú nhìn vào những đôi mắt đầy lo âu và đồng cảm, bèn quyết định chấm dứt mau vở kịch của mình. - Người ta bị thương. - Lobov nói to. - Thật là nhẫn tâm. - Ai trong các ngài nhận ra tên bạo loạn này? - Kiselev hỏi, tuồng như không nghe thấy Lobov nói. Các sĩ quan không trả lời. Merck thốt lên một cách cay độc: - Các ngài sĩ quan chắc là dùng rượu quá nhiều nên trí nhớ bị mụ đi rồi. - Người ấy bị thương. - Lobov kêu lên. - Các ông không thấy sao? Bestuzhev tiến lên một bước, nhìn thẳng vào đôi mắt nhợt nhạt đi vì tức giận của Kiselev, điềm đạm nói: - Có những đạo luật tách biệt ta ra so với loài vật. Một trong những đạo luật đó là lòng nhân đạo đối với tù binh. Người sĩ quan này bị thương và đang đói. Những ngón tay của ông ta đã bị rộp vì lạnh. Sao ông lại có quyền bầy ra trước mặt chúng tôi một trò hề đê tiện và ngược đãi con người như vậy? Ông tìm sự đồng tình của chúng tôi vô ích, không có đâu. Các sĩ quan nhích lại gần Bestuzhev và im lặng. Lưng người bị bắt rung lên và đầu ông đổ gục xuống bàn. Anna chạy lại gần ông ta, ôm lấy hai vai, vỗ về bằng tiếng Nga và tiếng Thụy Điển lẫn lộn. - Lại còn ai thế này? - Kiselev hỏi và đẩy Anna ra khỏi người bị bắt. - Tống cổ ngay con đĩ này đi! - Cô hãy đi đi. - Người bị bắt khẽ bảo Anna. - Kẻo rồi vì tôi mà cô phải chịu sự sự lăng mạ. Anna chậm rãi đứng dậy và đi ra. Mặt cô bừng lên sắc đỏ nặng nề. Bestuzhev lại gần Kiselev và thẳng tay tát vào mặt y. Kiselev rút kiếm. Các sĩ quan bổ nhào lại giữ chặt tay y. - Tôi yêu cầu. - Kiselev gào lên nhưng trong tiếng ồn ào chung quanh không ai nghe rõ lời y. - Tôi sẵn sàng đấu súng bất cứ lúc nào ngài muốn. - Bestuzhev nói và đi ra. Kiselev quên mất rằng là trung đoàn trưởng, y không có quyền đấu súng với cấp dưới. Anna đang khóc đợi Bestuzhev ở ngoài hiên. Merck gọi lính gác và ra lệnh giải người bị bắt đi. Các sĩ quan giải tán quên cả tắt nến, chúng cháy mãi đến tận sáng, làm căn phòng mù mịt muội khói. Khi Anna và Bestuzhev bước xuống khỏi hiên nhà, gió nam ầm ĩ gầm thét nổi lên mỗi lúc một dữ dội. Tuyết đọng trên các g ộ ộ y ọ g trục buồm lạo xạo rơi xuống boong tàu. Những ngọn đèn nhấp nháy rồi tắt dần. Băng rạn vỡ trong vịnh như những loạt trọng pháo nổ từ xa, gió đang phá vỡ chúng. Gió ấm và nặng nề, làm bật cả hơi thở, mang đến mùi tuyết tan. Bestuzhev không nói với Anna một lời nào về điều xảy ra sau đó. Nàng chìa tay cho chàng, chàng nắm chặt chỗ gần khuỷu tay nàng. Qua tiếng gió rít và tiếng gầm của bão táp, chàng vẫn nghe thấy tiếng trái tim nàng đập liên hồi trong bàn tay ấm áp. – Anna, - Bestuzhev nói, - em đã an ủi con người bất hạnh, không còn hy vọng được sống sót. Tình yêu của anh đối với em thật vô hạn, đến nỗi anh không có lời nào để diễn tả nổi. Anna cúi thấp đầu và không trả lời. Gió ào ào thối trên thành phố, như muốn xóa sạch và cuốn lên miền Bắc cái đêm tối nặng nề mù mịt không thể chịu đựng được này với cả nước mắt, muội nến, sự tàn bạo và tình yêu con người. Gió cuốn bay những giọt lệ hiếm hoi trên mi mắt Anna. Gió đôi lúc trở nên dữ dội đến nỗi tưởng rằng nó sẽ thổi bay cả đêm tối ngay bây giờ và thay vào đó sẽ là bầu trời rạng đông hửng sáng với những đám mây nhẹ nhàng trôi. Trong nhà Anna, cửa sổ thắp sáng, đám tuyết trước hiên có nhiều vết chân người dẫm. Ở phòng ngoài bốc mùi thuốc lá. - Khách đến nhà em muộn quá vậy? - Bestuzhev bảo Anna. - Đó là các cụ già đến tụ họp với bố em. Bestuzhev đi vào phòng mình, nhưng chàng vừa kịp bỏ áo khoác ngoài và cởi thanh gươm ra, thì Anna đã gọi chàng phía ngoài cửa; chàng bước ra. - Bố em mời anh ra có chuyện hệ trọng, – nàng nói. - Cụ có thể vào chỗ anh. Nhưng ở ngoài này ít nguy hiểm hơn. Các cửa sổ mở ngay ra vườn. Bestuzhev hồi hộp đi theo Anna. Cụ già đợi chàng ở dưới bếp. Ông nặng nề đứng dậy đón chàng. Cùng với ông, có mấy người Thụy Điển râu bạc, dáng người vụng về cùng đứng dậy sau bàn. Bestuzhev nhận ra họ - đó là những thuyền trưởng của những chiếc tàu trú đông ở Mariehamn. Chỉ có một người khác hẳn những người kia. Ông ta đen, người thấp và mắt cười láu lỉnh. Đó là thuyền trưởng của chiếc tàu buồm Pháp, Jacques Piner cùng với con tàu bị mắc kẹt vì mùa đông ở Mariehamn và đang sốt ruột chờ xuân đến. - Thưa các ngài, tôi có thể giúp ích gì cho các ngài, - Bestuzhev bối rối hỏi. - Thú thực là chúng tôi định hỏi ngài câu đó đấy, - Piner đáp lại bằng tiếng Pháp. Chúng tôi có thể có ích gì cho ngài chăng? Bestuzhev lơ mơ đoán được các viên thuyền trưởng gọi chàng ra để làm gì. - Chúng tôi tin ngài, - bố Anna nói, - và chúng tôi sẽ vui sướng nếu mình không nhầm. Gió đang phá vỡ băng đấy. Ông già nín lặng nhay nhay đôi môi khô. - Cứ hai ngày gió như thế này nữa, - ông nói thêm, - thì biển sẽ thông đến tận Xtốc-khôm. - Các ông tướng của ngài đã phạm phải một sai lầm lớn, - người thuyền trưởng đi đôi ủng vàng, cổ đen bóng gập lên, nói với Bestuzhev. – Họ không để ở Mariehamn một chiếc tàu chiến Nga nào. - Chiếc tàu chiến đã khởi hành rời Abo từ lâu, nhưng nó bị mắc kẹt vì băng, người thuyền trưởng có chòm râu đen trả lời bằng tiếng Thụy Điền, Bestuzhev hiểu họ một cách khó khăn. Bestuzhev dò hỏi nhìn Anna và nàng khẽ dịch lại cuộc nói chuyện chậm rãi của họ. - Chiếc tàu "Valkyrie" của tôi, - người thuyền trưởng đi ủng vàng nói, - loại tàu chiến nhẹ nhất cũng không thể theo kịp. Nhưng may mắn là nó không có đây. - Thưa các bạn, - Bestuzhev nói. - Chúng ta sẽ không chần chừ nữa. Ai là người sẵn sàng ra biển đầu tiên? - Ai cũng sẵn sàng, - Piner vừa rút chiếc tẩu ra khỏi miệng vừa nói. - Nhưng tôi làm điều đó dễ dàng hơn tất cả. Tàu tôi chạy dưới ngọn cờ của quốc vương Pháp không bị theo dõi. - Để cho ông ấy đi, chúng ta nhường cho ông bạn người Pháp, - người thuyền trưởng già nhất nói và mọi người đều im lặng. - Nhưng hãy để ngài sĩ quân Nga đừng hiểu nhầm rằng chúng tôi nhường nhau một cách thích thú đâu. Không. Mỗi người chúng tôi đều muốn giải thoát cho người đồng bào của ông khỏi giá treo cổ. Mỗi chúng tôi đều hiểu rằng, một khi có người nào chiến đấu cho tự do, người đó chiến đấu cho cả chúng tôi nữa. Chúng tôi là người Thụy Điển, Phần Lan, Pháp. Chúng tôi kính trọng ông ấy. Mỗi chúng tôi đều biết im lặng. Còn nói đến cái sợ... - Ông già cười khẩy... - nói đến cái sợ thì tốt hơn chúng ta để đến lần khác, sau những vại bia. Đã bao lần cái chết bám vào thành tầu của chúng tôi nhe răng ra hăm dọa, thậm chí chúng tôi không đếm hết được. - Nhiệm vụ khó khăn nhất đặt lên vai ngài. - Piner quay về phía Bestuzhev nói. - Ngài phải giải thoát viên sĩ quan và người lính thủy khỏi bọn lính canh và kín đáo đưa họ lên con tàu của tôi. Nếu gió không ngừng thổi thì cùng nhất là ngày kia, tôi sẽ nhổ neo vào ban đêm. - Được, - Bestuzhev trả lời. - Tôi xin cảm ơn sự tin cậy của các ngài. Các ông già đứng dậy, rít tẩu thuốc. Bestuzhev xiết chặt tay họ và khoác áo mưa lên người. Cố để ủng bước không thành tiếng, ho rẽ đi theo lối cửa mở ra vườn. Bestuzhev trao đổi thêm mấy phút với Piner. Phải xem trước những trở ngại trong việc chạy trốn để tìm cách khắc phục. Ra về, Piner nháy mắt với Bestuzhev và vỗ vào tay áo anh. - Con tàu của tôi lớn đấy. Có đủ chỗ cho mọi người. Tôi vui sướng nhận thêm một sĩ quán nữa và nếu đôi mắt thuyền trưởng của tôi không nhầm, cả cô gái tuyệt vời, vợ chưa cưới của ông ta nữa. Có phải thể không? Tôi tin những người đang yêu: họ rất độ lượng. Đừng cho là tôi nói đùa. Tôi đã sống qua cuộc đời đầy những sự bất ngờ và phản trắc. Vì vậy tôi dám khuyên ngài: Hãy trốn khỏi nơi đây thôi. - Ta chưa nên nói đến chuyện ấy bây giờ. Tôi còn phải suy nghĩ đã. Người Pháp chia tay và ra về. Bestuzhev quay về phòng riêng, châm nến và ngồi vào bàn. Hai tay chàng ôm lấy đầu suy nghĩ: còn cuộc đầu súng sẽ thế nào? Nếu ngày mai chàng chết trong cuộc quyết đấu, cuộc chạy trốn sẽ không thực hiện được, viên sĩ quan bị bắt và người thủy thủ sẽ bị giải ngay về Petersburg khi có cơ hội đầu tiên và sẽ bị treo cổ ở đó. Điều đó không được để xảy ra. Nếu từ chối đấu súng, chàng sẽ bị mọi người coi là một kẻ hèn nhát. - Kiselev sẽ đưa chàng ra tòa án binh vì tội xúc phạm nặng nề trung đoàn trưởng, cuộc chạy trốn cũng bị lỡ dở, nỗi ô phục sẽ trút lên đầu Bestuzhev và dầu độc cả quãng đời còn lại của chàng. Chỉ còn lại một cách: hoãn cuộc đấu tới sau khi cuộc chạy trốn đã được hoàn thành. Nhưng điều đó có nghĩa là mọi ý nghĩ bí mật về cuộc ra đi cùng với Anna và cuộc sống tràn đầy niềm vui và phiêu bạt cũng sẽ tan vỡ. Sau cuộc nói chuyện với Piner, chàng đã thấy mình cùng Anna đứng trên boong của chiếc tàu buồm lướt đi trước những dải bờ biển phương nam mọc đầy những vườn quả. Trong những đồng bằng ven bờ và những vùng cao rải rác các rừng bưởi, các xóm làng và các lâu đài. Nước sôi sục sau đuôi đầu. Các thủy thủ mỉm cười nhìn người thiếu nữ trẻ tuổi, nhường đường cho nàng đi. Nàng thận trọng dìu trên mặt boong người sĩ quan cánh tay phải quấn băng, ông đã trả lại cho cuộc sống bởi sự cố gắng chung của họ. Những thành phố cổ xưa nhô trên mặt nước, làm xao xuyến lòng người. Những mái nhà của thành phố lấp lánh dưới ánh mặt trời. Tiếng hát của những người chài lưới vẳng lại từ sau làn sương sớm. Bestuzhev quyết định hoãn cuộc quyết đấu đến khi viên sĩ quan và người thủy thủ được cứu thoát. Ý nghĩ về hai con người được cứu sống sẽ sống trong trái tim của Anna và làm cho họ hạnh phúc. Bestuzhev tư lự. Chàng không nghe thấy tiếng nói của cụ già và Anna sau bức tường và tiếng chân của Anna đang lại gần cửa. - Pavel, - nàng nói. - Bố vừa gọi em và nói là muốn cho em và anh được hạnh phúc. Bố nói anh sẽ là người chồng xứng đáng. Bestuzhev đứng dậy. - Chúng ta chịu ơn người tù binh hạnh phúc này. - Anna nói tiếp. - Chúng ta sẽ cứu họ bằng bất cứ giá nào, phải không anh Pavel? - Anh xin thề! – Bestuzhev đáp lại. Ánh dương xanh nhạt bí ẩn rọi vào căn phòng và Anna nom nhợt nhạt hẳn đi trong ánh sáng ấy. Nàng mỉm cười. Bestuzhev bước lại phía nàng một bước, giữa lúc đó, tiếng trống bất ngờ khua vang ngoài cửa sổ. Tiếng trống khua vội vã, liên tiếp, nhưng không át được tiếng người kêu vọng lại từ xa. Bestuzhev dừng lại. - Chuyện gì thế? – Anna kêu lên, chạy bổ lại với Bestuzhev. Nàng khiếp hãi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài đó gió đang thổi, những lớp khối đen từ ống khói tỏa ra và trong không khi biếc xanh, tiếng trống càng nổi lên thôi thúc hơn. - Đây là bọn phạt đòn - Bestuzhev tại mặt đi trả lời. Anna từ từ quỵ xuống sàn: nàng bất tỉnh. Semyon Tikhonov bị đánh thức dậy lúc sáng sớm. Viên hạ sĩ để ngỏ gian phòng của lính gác. Gió ẩm ướt quét trên mặt sàn làm những mớ rơm kêu xào xạc. Những người lính thiếu ngủ đứng chen chúc ngoài hiên, súng lịch kịch và ngáp dài. Tikhonov nhổm dậy, vội vã đi ủng. Anh nhanh nhẹn mặc quần áo và đứng vào hàng. Viên hạ sĩ xoay người anh như con bù nhìn nhìn bốn phía và bảo: - Ôi, Ivan đau khổ, cầm lấy súng chứ? Tikhonov không hiểu mang súng theo để làm gì nếu người ta đưa anh đến chỗ phạt đòn, nhưng cũng cầm lấy khẩu sáng. Chúng giải anh đi. Tuyết lạo xạo rắc xuống mái nhà. Những con quạ kêu lên như trước cơn mưa. Khói từ các ống khói xả xuống mặt đất. "Chẳng lẽ đang là mùa xuân ư?" - Tikhonov thầm nghĩ khi bước trên đám bùn nhão do tuyết đang tan hòa lẫn với nước. Trong các căn nhà vẫn tối om. "Ít ra cũng phải một trăm đón không ít hơn - Tikhonov nghĩ. - Trung đoàn trưởng nóng nảy quá. Ba trăm đòn ai mà chịu nổi! Nếu thế lấy đá đeo và cổ rồi nhảy xuống hố băng còn hơn.'' Đám người đi ra bài tập. Hai hàng linh xếp sẵn, đứng quay mặt vào nhau, tay cầm gậy. Những lính đánh trống xếp hàng một bên. Merck vừa hút tẩu, vừa đi đi lại lại bên cạnh họ. Thỉnh thoảng hắn lại lấy mũi giày khẽ đá vào chân người đánh trống này hay người kia - cho thẳng hàng. Tikhonov bị dẫn lại gần Merck. - Cởi quân phục ra, người anh em. - Merck nói, chăm chú nhìn Tikhonov run rẩy chậm chạp cởi những chiếc khuy và cởi bỏ bộ quân phục. - Chà, đồ ăn hại, áo lót rách rưới thế kia há? Thôi, chịu đòn cho giỏi nhé. - Thưa ngài, tôi xin cố gắng - Tikhonov kêu lên bằng giọng nói cứng như gỗ và cởi chiếc áo sơ mi. - Toàn đội, nghe lệnh! - Merck quát lên và quay gót giầy. Những người lính thắng người ra và lặng đi. Những người lính đánh trống giơ đùi trên mặt trống bọc da xám. Chỉ có chỗ giữa mặt trống mới thâm lại vì dùi gõ vào. Viên hạ sĩ và một người lính ria mép màu hung buộc tay Tikhonov vào báng khẩu súng của anh, nắm lấy nòng, kéo Tikhonov đến gần hàng quân. Tikhonov bước đi chậm chạp như người mất hồn. - Toàn đội nghe lệnh! - Merck quát lên một lần nữa. Theo lệnh trung đoàn trưởng dẫn tên lính Tikhonov qua hàng quân. Đánh ba trăm gậy. Bắt đầu! - Lạy quan lớn! – Tikhonov kêu lên và ngã quỵ xuống tuyết ướt. - Bắt đầu! - Merck vung chiếc găng. Tiếng trống vang lên loạn xạ. Viên hạ sĩ và người linh râu nâu cần nòng súng kéo Tikhonov. Tikhonov ngã xuống, bò đi vài bước trên tuyết, đứng dậy, lảo đảo đi vào giữa hai hàng quân chật hẹp. Tiếng gậy vụt đầu tiên rít lên. - Một! – viên hạ sĩ khàn khàn đếm. Lại một đòn nữa kêu vút. - Hai! – Tên lính ria nâu vui vẻ kêu lên. Khi đó Tikhonov quay bộ mặt đẫm máu đáng sợ về phía Merck kêu lên như xé giọng. - Sự thật không che lấp được! Không giam giữ được, anh em ạ! Bọn bất nhân khát máu sẽ đến ngày tận số! Anh đứng chững lại. Máu chảy thành dòng trên lưng. Tiếng trống vẫn vang lên rền rĩ. Môi những người lính run lập bập. Đến ngọn đòn thứ năm mươi. Tikhonov ngã xuống. Người ta xốc anh lên. Những nắm tuyết đẫm máu dính vào lưng. Thêm mấy gậy nha, anh lại ngã xuống. Anh bị kéo lê trên tuyết, thở phì phò. Những người lính dạ gậy xuống không cần có lệnh. Những tay lính đánh trống cũng dừng lại. - Không ai đánh kẻ đã gục. - Merck nói lắp bắp và lại gần Tikhonov. Viên hạ sĩ và tay lính ria nâu lật Tikhonov ngửa mặt lên. Merck cúi xuống. Tikhonov mở đôi mắt mờ đục không còn sự sống nhìn bầu trời. Sau đó anh hướng cái nhìn sang Merck, gắng gượng nhổm dậy, hàm anh trệu trạo như đang nhai một miếng bánh cứng - Xin quan lớn tránh ra, - viên hạ sĩ nói, - kẻo không có chuyện chẳng hay. Merck nhanh nhấu đứng thẳng người dậy. Tikhonov muốn nhổ vào mặt y, nhưng nước bọt lẫn máu chảy xuống cằm và đọng lại trong đám râu không cạo. - Mang nó đi - Merck nói, quay mặt chậm rãi bỏ đi. Những người lính nhanh nhẹn kiêng Tikhonov đặt lên tấm áo khoác và đưa vào bệnh xá trung đoàn. Buổi sáng, các giám thị của Kiselev đến gặp Bestuzhev. Họ thấy cánh tay phải của anh quấn băng. - Tôi xin phép các ngài hoãn cuộc đấu súng lại hai ngày, - Bestuzhev nói. - Đêm hôm qua trong khi đi về nhà, tôi bị ngã nên cánh tay bị thương. Xin hãy tin là việc trì hoãn này làm cho tôi rất khó chịu, nhưng lý do hoàn toàn chính đáng. Tôi không bắn được. Tôi sẽ cố gắng hết sức để chữa khỏi cánh tay trong một thời gian ngắn nhất. - Chúng tôi sẽ thỏa thuận với ngài Kiselev sau, - một giám thị, thiếu úy hồi hưu người Thụy Điển, hiện sống ở mũi đất gần Mariehamn trả lời. - Và sẽ báo quyết định của ông ta qua các giám thị của ngài. Xin cho tôi được biết tên của họ. Bestuzhev nêu tên Lobov và viên bác sĩ trung đoàn. Buổi sáng chàng đã kịp gửi một mẩu giấy báo tin cho họ. - Có thể cử bác sĩ riêng của tôi đến thăm ngài chăng? - Chia tay, người Thụy Điển nhã nhặn đề nghị. Bestuzhev đỏ mặt. - Cảm ơn ngài, – chàng nói giọng dứt khoát. - Tôi còn đi lại được, nếu cần, có thể tự đến bệnh xá trung đoàn. Những người giám thị cúi chào rồi ra đi. Khoảng một giờ sau, bác sĩ trung đoàn Traube, một người mắt cặp kèm, má phủ đầy lông hồng, đeo mắt kính to, đi trên một chiếc xe trượt do con ngựa còm chở nước kéo đến. Bàn tay mũm mĩm của ông âu yếm nắm tay Bestuzhev, và nói rằng Kiselev – một tay chuyên gây gổ, hay đấu súng, đòi hỏi cuộc đấu phải diễn ra chậm nhất là sáng mai, đồng thời hai đấu thủ đều bắn bằng tay trái. Trái tim Bestuzhev như hẫng xuống. Chàng đồng ý. Traube định xem cánh tay phải của Bestuzhev, nhưng chàng gạt đi. Traube tháo kính và lau hồi lâu bằng chiếc khăn tay đỏ, hấp háy hai hàng mi trắng che gần hết cả đôi mắt. Mặt người bác sĩ cau lại, khóe mép run run. - Pavel Aleksevich – ông cúi mặt xuống nói, - Thế này là thế nào? Chẳng hóa ra đúng như các cụ già nói: bắt đầu đến những ngày đen tối rồi chăng? - Vâng, một thời kỳ đen tối. - Biết bao sự kiện đau buồn. Ban đêm người ta đưa đến chỗ tôi hai người bị bắt. - Sao lại đưa đến bệnh xá? - Người sĩ quan, như anh có thể đã nhận thấy, có một vết thương đã lâu ngày trên cánh tay, cần được cứu chữa. Ông ta đã kiệt sức. Người lính thủy chân bị rộp vì lạnh. - Bác sĩ ơi, - Bestuzhev nói. - Chữa cho họ làm gì nếu để sau đó họ lại bị đem treo cổ. Viên bác sĩ đánh rơi chiếc khăn tay. - Chẳng lẽ anh cho rằng tôi phải khước từ việc chữa chạy cho họ ư? - Như thế thì cao thượng hơn. Giữ sức khỏe cho người ta làm gì nếu cái chết không tránh khỏi sẽ đến với họ? - Có thể hoàng đế tha tội cho họ chăng? - Không bao giờ! - Tôi chữa cho họ vì hy vọng rằng cuộc sống sẽ được trả lại cho họ. - Bởi ai? Viên bác sĩ lại tháo cặp kính ra và run rẩy lau chùi. - Bởi ai cơ chứ? - Bestuzhev nhắc lại. - Họ làm sao chạy thoát nếu không có ai giúp đỡ. - Thật là điên rồ! - Ông thầy thuốc thốt lên. - Các cửa ra vào và cửa sổ đều có lính gác. - Khi đó Bestuzhev ghé sát vào tai người thầy thuốc và nói khẽ: - Nếu bác sĩ còn một chút lòng nhân ái và danh dự, nếu lương tâm không cho phép bác sĩ trở thành đồng lõa của cuộc hành hình mà bác sĩ đang đóng vai thì xin hãy nghe tôi... Viên bác sĩ kinh hãi nhìn ra cửa sổ, rồi nhích lại gần Bestuzhev. Họ chuyện trò với nhau hồi lâu. Bestuzhev vừa đứng lên vừa nói: - Tối nay tôi sẽ đến thăm bác sĩ ở bệnh xá. Tôi cần được biết vị trí nơi đó và nhân thể thăm anh lính Tikhonov trung đội tôi. Hôm nay cậu ấy vừa bị phạt đòn. - Nếu vậy phải đến mau lên, viên bác sĩ nói, - cậu ta chẳng còn sống được mấy chốc đâu. Mất máu nhiều quá! Viên bác sĩ tạm biệt rồi ra về. Con ngựa gầy chở nước từ từ kẻo chiếc xe đưa ông về bệnh xá. Bestuzhev lại gần cửa sổ, áp trán vào mặt kính lạnh lẽo. - Máu... - Anh buồn bã nói. – Máu đọng trong trái tim. Buổi tối Anna cùng Bestuzhev ra khỏi nhà. Anna lo lắng suốt cả ngày. Nàng đã thấy các sĩ quan đến tìm Bestuzhev, cả viên bác sĩ, nhưng không hề hỏi han điều gì. Nàng nghĩ là những điều đó có liên quan đến việc chuẩn bị cho việc cứu tù nhân. Từ sáng đến xẩm tối, nàng ngồi bên lò sưởi rực lửa cuộn mình trong tấm khăn choàng, bỏ cả bữa trưa, thậm chí cả tách cà phê. Mỗi tiếng động lại làm nàng giật bắn người lên. Nàng luôn tơ tưởng thấy tiếng trống khua. Trong một ngày mà nàng sút hẳn đi, một nếp nhăn nhỏ hiện lên giữa hai hàng lông mày luôn động đây và dướn lên. Đôi mắt mỗi lần nhìn Bestuzhev lại hiện rõ vẻ lo buồn của người mẹ. Bestuzhev không chịu được cái nhìn của nàng, đưa mắt lảng sang chỗ khác. Chàng cảm thấy hết sức bối rối vì phải giấu kín cuộc đấu súng. Chàng không ngừng nghĩ đến Anna. Cảm thấy rất đỗi khổ tâm vì tình yêu đã đến với họ sao quá muộn màng và không may đến vậy, đúng vào những ngày lộn xộn đen tối này. Vậy mà chỉ cách đây không lâu thôi, nó còn nở hoa đầy quyến rũ, giữa cảnh trời đông dịu dàng tươi mát, còn làm cho trái tim nóng hổi phải thổn thức dồn dập dưới tiếng nến cháy tí tách, tiếng cười như trẻ thơ của các cụ già hiền hậu, dưới tiếng chuông đồng hồ cổ xưa của ông cha. Anna và Bestuzhev đi ra ngoại ô thành phố, tới sát bờ biển. Chân ngập trong tuyết. Trên bờ biển, Anna kéo cánh tay Bestuzhev và chỉ ra mặt biển. Sau một vệt hẹp lớp băng dầy nứt ra, biển đã rì rào những lớp sóng đen ngầu bọt và gió phả bụi nước vào mặt. Những chiếc tàu hiện lên không xa. Chúng rung rinh trước những cơn sóng vỗ. Những dây xích khi thì chìm xuống mặt nước đen ngòm, khi thì loảng xoảng chồm lên, bọt nước chảy xuống ồn ào. Gió nam thồi về. Tuyết ướt lác đác rơi. Nó tan ra ngay trên mặt vịnh và phủ lớp bụi mù dữ dội. Các con tàu đã thắp đèn, ánh sáng mờ mờ của chúng càng làm cho người ta thấy khó chịu và không cần thiết. Anna và Bestuzhev thong thả đi về thành phố. Gần bệnh xá họ chia tay nhau. Bestuzhev muốn vào bệnh xá. - Sao anh buồn vậy, anh Pavel? - Anna hỏi khi chia tay nhau và mãi không muốn buông bàn tay Bestuzhev ra. - Có người lính sắp chết trong bệnh xá, - Bestuzhev nói lảng. - Em cũng biết đấy. - Thực không có gì khác làm anh lo lắng đấy chứ, anh thân yêu? - Không đâu, Anna. Bestuzhev sợ ngước mắt lên. Anna thở dài. - Thôi được, anh về thật mau nhé, em sẽ đợi. Không có anh, em thấy sợ và cảm thấy trên đảo chẳng có một ai. Anh về ngay nhé! Bestuzhev gật đầu, quay đi, nhanh nhẹn đi vào bệnh xá. Anna nhìn theo theo anh. Bestuzhev bước vào căn phòng giá lạnh. Tikhonov nằm úp sấp trên một chiếc giường sắt. Nhìn thấy Bestuzhev, anh thều thào và cựa mình. Tấm lưng bịt băng của anh không đắp chăn: chăn nặng làm Tikhonov đau đớn không chịu được. Người lính phục vụ tại bệnh xá khoác tấm áo choàng bẩn, lập cập lê đôi ủng đi ra ngoài. Bestuzhev lại gần Tikhonov và quỳ xuống bên giường để nhìn rõ mặt anh. Nhưng anh không nhìn thấy cả mặt mà chỉ nhìn thấy một bên má sưng húp, và con mắt đen mệt mỏi. - Xin ngài đứng lên, ở đây rác rưởi bẩn lắm, Tikhonov thều thào. - Tôi sẽ quay mặt ra. - Nằm yên, nằm yên, bạn thân yêu ơi, – Bestuzhev nói khẽ và đặt bàn tay lên mái đầu ram ráp của Tikhonov. - Thưa ngài ... - Tikhonov nói và khóc òa: - Vì lẽ gì mà chúng hành hạ tôi thế này? - Đừng khóc nữa, Tikhonov ơi, Bestuzhev nhăn mặt và quay đi, nhìn ra cửa sổ tối đen. - Cầu trời cho hai chúng mình được sống sót, hết hạn lính, ta sẽ sống đời tự do. - Tự do nào ? - Tikhonov nói gần như không nghe rõ. - Ai tự do cứ tự do, con ai khổ cứ khổ. Vợ tôi chết rồi. Chỉ còn có bà mẹ già và đứa con trai. Tên cháu là Petrushka. Xin ngài lưu tâm hãy báo cho mẹ tôi biết về cái chết của tôi. Cứ viết là con trai bà đã chết vì bệnh sốt và mong bà sống lâu. - Viết đi đâu cơ? - Tỉnh Novgorod, huyện Belozersky, làng Megra trên sông Kovzha, bà Avdotya Tikhonova, - Tikhonov thì thầm và lặng đi hồi lâu. Nghe thấy rõ tiếng chân lính gác ngoài cửa sổ và ai đó đang thở dồn ở bên kia bức tường. - Thôi, vĩnh biệt Tikhonov! - Bestuzhev nói. Anh lính rút khỏi chăn bàn tay lạnh lẽo mềm nhũn như sáp ong, nắm lấy bàn tay Bestuzhev, rồi lại nín lặng. Tưởng chừng anh đã ngủ thiếp đi. Bestuzhev chờ đợi. – Vĩnh biệt! - Cuối cùng Tikhonov nói thật khẽ. Bestuzhev thận trọng ra ngoài. Bestuzhev trở về nhà lúc trời đã khuya. Anna chờ đợi trằn trọc mãi đã ngủ thiếp đi. Bestuzhev dừng lại bên cánh cửa mở ngỏ vào phòng nàng. - Gì thế, anh Pavel? - Anna lo âu hỏi trong giấc mơ rồi yên lặng. Bestuzhev lắng chờ một lát, nghe rõ hơi thở của nàng, chàng bước vào phòng - cảm thấy tim mình lạnh ngắt. Chàng châm nến ngồi xuống bên bàn, nhìn đồng hồ - đã hai giờ đêm rồi. Cuộc quyết đấu được định đoạt vào sáu giờ sáng trong khoảng rừng thông bên bờ vịnh biển. - Chỉ còn bốn tiếng đồng hồ, - Bestuzhev nói và tư lự một lát, chàng mài mài chiếc ngòi bút lông ngỗng. Chàng lấy từ ngăn bàn ra trang giấy vàng, dầy và bắt đầu viết nhanh những hàng chữ nghiêng rây đầy mực. "Anna, - chàng viết, - anh đã phạm một tội lớn với em là đã không nói một lời nào về cuộc đấu súng sắp tới. Tình yêu của chúng ta không có chuyện đó cũng đã trải qua khá nhiều thử thách. Anh chợt hiều ra là chúng ta yêu nhau khi các sự việc nặng nề đầy căm phẫn đã dồn dập ập vào cuộc đời của chúng ta. Những sự việc ấy đã gây cho chúng ta lòng căm giận và sự lo âu, khiến cho e phải nhỏ lệ, đã cuốn hút toàn bộ sự sống, tất cả trí tuệ của anh mà giờ phút này chỉ bận tâm vào một suy nghĩ - làm sao cứu thoát những con người cao cả đang cầm chắc cái chết trên giá treo cổ. Niềm an ủi duy nhất của chúng ta là, trái với sự vô tâm của những kẻ đang yêu, ta có thể hiến dâng tất cả cho nỗi bất hạnh của người khác. Chúng ta không thể sống chỉ bằng tình yêu lứa đôi, không thể đối mặt với sự bất công và những nỗi đau khổ của người dân. Anh nói những lời đó hoàn toàn chính đáng vì trái chết của anh lính Tikhonov, việc bắt giữ những người tham gia cuộc khởi nghĩa Petersburg chỉ là những trường hợp riêng lẻ của nỗi đau khổ mêng mang của dân chúng. Tổ quốc của anh đã phải gánh chịu trăm đắng ngàn cay một cách oan trái. Những ước mơ của chúng ta về cuộc chạy trốn đã bị tan vỡ vì cuộc đấu súng. Anh vừa mới ghé thăm Piner trên chiếc tàu của ông ta. Đêm ngày kia tàu sẽ nhổ neo. Ông không thể đi ngay bây giờ vì buồm chưa chuẩn bị kịp. Cả đội thủy thủ đang sửa chữa cánh buồm không ngừng tay và anh cho rằng các thủy thủ dũng cảm đã hay biết đôi điều về kế hoạch của chúng ta. Cuộc chạy trốn xảy ra sau một ngày đêm, còn cuộc đấu súng - sau bốn giờ nữa. Nếu anh còn sống, số phận của những kẻ bị bắt sẽ trở g g p ậ g ị thành số phận của chúng ta và cứu thoát họ, chúng ta sẽ phải cùng ra đi với họ. Nếu anh bị chết hay bị thương thì em, Anna, sẽ thay anh. Đêm ngày kia, Lobov sẽ chỉ huy phiên gác ở bệnh xá. Anh đã chuẩn bị mệnh lệnh giả của trung đoàn trưởng đòi chuyển tù nhân về pháo đài Segby đang xây dở. Bác sĩ ở bên phía chúng ta. Các binh sĩ đang phấn khích và sẵn sàng theo tiếng gọi đầu tiên; quay súng vào những tên chỉ huy ngày hôm qua Trung đoàn đang xáo động. Nếu Lobov (có sẵn mệnh lệnh giả đề phòng trường hợp chạm trán với Merck hay một sĩ quan nào đó trung thành với trung đoàn trưởng) giải thoát được những người bị bắt thì chiếc xuồng từ tàu biển cử tới sẽ đón họ sau mũi đất có rừng mọc đầu tiên trên đường tới Segby. Lobov sẽ ra đi cùng những người tù trốn. Anh tin ở Piner và kinh nghiệm hàng hải của ông, nhưng anh muốn em ra tàu từ xẩm tối và chỉ cho Piner rõ quãng bờ biển phải gửi xuồng tới đón những người chạy trốn. Em biết những nơi này như ngôi nhà của mình. Piner vẫn lo rằng trong bóng đêm các thủy thủ sẽ bị lạc và chính ông không xác định được chính xác vị trí vì không am hiểu vùng bờ biển này. Đáp lại lời hứa hẹn của anh là em sẽ có mặt ở trên tàu, ông nói rằng không cần một người dẫn đường nào tốt hơn Anna. Những người lính có thể trốn chạy, nhưng chưa chắc họ đã làm như vậy. Cuộc sống của họ an toàn vì họ đã làm theo mệnh lệnh trực tiếp của cấp trên. Anh e rằng những dẫn giải chính xác của anh sẽ bị em xem như sự hờ hững với em. Chẳng lẽ em sẽ bảo: Sao anh ấy có thể viết một cách bình tĩnh và tỉnh táo như vậy một khi biết rằng sẽ không bao giờ thấy mình nữa?! Anna. tình yêu của anh với em là vô hạn. Anh sợ nghĩ tới em những phút này. Anh xua đuổi mọi ký ức và sợ nghe thấy tiếng nói của em. Nếu em bước vào đây lúc này anh sẽ không chịu đựng nỗi, sẽ quên đi hết thảy và chắc sẽ quỳ xuống van xin em chỉ một điều - chạy trốn để giải thoát. Vì vậy, anh về muộn gặp lúc em đã ngủ. Anh biết - và em phải biết chắc điều này cùng anh - sẽ đến ngày trả hận vĩ đại. Những đau khổ và cái chết của chúng ta sẽ dội vào bao trái tình niềm xúc động mãnh liệt. Sự khinh miệt hạnh phúc của người dân sẽ bị coi là một tội ác ghê tởm nhất. Tất cả những gì hèn hạ sẽ bị đập tan thành tro bụi và hạnh phúc của người dân sẽ trở thành mục tiêu cao cả nhất của những lãnh đạo quần chúng, của các lãnh tụ và các trướng soái. Anh nghĩ đến ngày đó và thầm ghen với những người phụ nữ xinh đẹp, những người đàn ông quả cảm mà tình yêu của họ sẽ nở hoa dưới bầu trời của một đất nước sung sướng và tự do. Anh ghen và âm thầm kêu lên trong lòng mình như những người tù nhân kêu lên trong ngục tối: đừng quên chúng tôi, hỡi những người hạnh phúc! Vĩnh biệt em! Hãy tha lỗi cho anh vì một tình yêu trắc trở và những nỗi đau khổ không ngờ trước. Thư đề tên bà Avdotya Tikhonova em gửi về làng, Megra, huyện Belozersky, tỉnh Novgorod.'' Bestuzhev không đọc lại bức thư, dán phong bì lại và viết lên "gửi Anna". Sau đó chàng viết bức thư thứ hai gửi bà mẹ Tikhonov và để trên mặt bàn. Mấy phút chàng ngồi tay bưng lấy mắt như muốn lắng nghe đêm đang trôi đi. Nó lướt đi buồn thảm và lặng lẽ trên mặt đất, trên biển cả và những hòn đảo phủ rừng rậm. Ánh sáng nhợt nhạt đã hé trên mặt cửa kính. Bestuzhev đứng dậy, buộc dải băng đen vào tay phải, choàng chiếc áo mưa lên người và đi ra hành lang. Anna vẫn ngủ. Trong sự tĩnh mịch ấm áp của gian phòng, chàng nghe rõ hơi thở của nàng. Bestuzhev bước ra, khép cửa lại sau lưng, rón rén đi xuống thềm nhà. Xa xa tiếng gà gáy sáng. Những thân cây bạch dương đã thẳng lên trong bóng tối: bình minh lạnh lẽo và đơn điệu đang đến gần. Bestuzhev thông thả đi ra khu rừng thông bên bờ vịnh. ...Traube và Lobov đến đầu tiên trên chiếc xe có con ngựa gầy chở nước kéo. Da con ngựa lốm đốm những vết lở và thỉnh thoảng nó lại rùng mình; khi các giám thị vừa ra khỏi xe, con ngựa còm đã ngủ thiếp liền. Trời vừa rạng sáng. Trong không khí mờ mờ, rừng phủ băng lấp lánh như những tấm kính. Lobov ngáp dài. Ông bác sĩ nhìn anh ngơ ngác. - Chà, - Lobov nói, - tôi muốn mất gì thì mất để được đủ cho sướng mắt. Trong buổi sáng như thế này mà được nằm trên giường nghe tiếng than cháy ù tách trong lò như tiếng dế kêu nhỉ ? - Anh bao giờ cũng đùa không thích hợp với hoàn cảnh. - Chà, bác Karl dịu dàng yêu quý của tôi, - Lobov trả lời nghiêm trang. - Phỏng khóc có ích gì cơ chứ? Cuộc đời là cái gì? "Còn sống thì sống đi, bình tĩnh rữa ra rồi chết". Nghe tiếng lục cục đều đều. Con ngựa chở nước thức dậy, vừa tránh sang một bên, vừa hất tuyết vào mũi xe sơn bóng do những con ngựa tía của Kiselev phóng tới. Kiselev nhẹ nhàng nhảy xuống xe, lạnh lùng nhìn các giám thị của Bestuzhev và chào họ. Sau y là người Thụy Điển cao kều, nét mặt buồn tẻ, viên đại úy Kurochkin to béo lỗ mãng, một thằng cha ăn gian nói dối và nịnh bợ nổi tiếng trung đoàn cũng bước ra khỏi xe. Kurochkin lấy từ trong xe ra chiếc hộp đựng súng lục. Bestuzhev đã đi bộ đến. Chàng đi thong thả, chân thụp xuống tuyết xốp, len lỏi giữa những thân cây đổ. Những người giám thị dẫm chân lên tuyết thành một con đường nhỏ và đặt hai đấu thủ ở hai đầu. Họ không đề nghị giảng hòa: chắc là họ quên mất điều ấy. Người Thụy Điển đứng ở một bên, xoa xoa hai bàn tay cóng lạnh. Chỉ có mình Kurochkin loay hoay. Lobov chau mày nhìn những khẩu súng. Bestuzhev tựa lưng vào thân một cây bạch dương non, chọn súng. Bàn tay trái không quen bắn nên cứng đờ như gỗ và chỗ khuỷu tay gấp lại cảm thấy đau mỏi. Bestuzhev ngắm bắn. Kiselev cầu thả nâng súng lên bằng tay trái. Y vứt tấm áo mưa xuống tuyết và nheo mắt lại. Những con quạ kêu lên tuyệt vọng, bay khỏi cây bạch đương làm tuyết rắc xuống người Bestuzhev. Bestuzhev nhìn lên phía trên. Giữa lúc đó phát ra một tiếng nổ. Bestuzhev nhìn thấy luồng khói dài, ngửi thấy mùi thuốc súng - mùi khét làm tim chàng nôn nao, - chàng đánh rớt khẩu súng nằm xấp xuống con đường nhỏ vừa được dẫm lên. Lobov vừa chạy vừa vấp về phía chàng, nâng vai chàng lên. Máu đổ ra tuyết, tuyết tan ra thành thấy cái hố phễu trũng đỏ hồng. Traube hấp tấp bước lại. Ông cúi xuống người Bestuzhev, lắc đầu, rồi đứng thẳng dậy. - Sao thế bác sĩ. - Lobov hỏi. - Bắn trúng tim. Traube bắt đầu run run rút chiếc khăn tay to màu đỏ ra. Nước mắt chảy ra sau mặt kính xuống gò má cao của người thầy thuốc. - Băng lại cho hắn, - Kiselev nói. - Gì nữa ? - Traube kêu lên giọng thanh mảnh, đôi má ông rung rung. - Có thể tôi nghe nhầm chăng? Ông quay bộ mặt đầy đặn tái xanh và phía Kiselev. - Ông đừng hòng ra lệnh cho tôi. Ông không được nói gì nữa. Ông là kẻ giết người, người ta sẽ lột lon ông. Kiselev quay đi, tiến lại mấy con ngựa. - Phải, phải! - Traube còn quát với theo hắn. - Tôi sẽ xin giải ngũ. Tôi không phải là tên cai ngục, tên đồ tể! Kiselev làm ra vẻ không nghe tiếng của người bác sĩ, ngồi luôn vào xe cùng Kurochkin và phóng ngựa. Lobov, Traube và người Thụy Điển nâng Bestuzhev đã chết dậy, đặt vào xe trượt tuyết. Con ngựa kéo xe chở nước ngoái nhìn lại đằng sau, lắc đầu, rồi miễn cưỡng bước đi trên tuyết. Những người giám thị đi liền bên. Con ngựa dừng lại luôn, người ta cứ phải lúc nó. Bestuzhev được trở vào bệnh xá và đặt vào nhà xác, bên cạnh Semyon Tikhonov. Chừng một giờ sau, Anna chạy đến bệnh xá. - Không đúng, anh ấy không chết được, - Nàng khăng khăng nói với bác sĩ và nhìn ông bằng đôi mắt trống rỗng. - Anh ấy sẽ tỉnh lại ngay bây giờ. - Ôi, lạy chúa, lạy chúa tôi! - Ông bác sĩ lẩm bẩm, bước sang phòng bên và cứ đứng lỳ một chỗ bên chiếc tủ kính dựng thuốc. - Biết làm thế nào bây giờ? Ông rót mấy giọt linh đan ra cốc, hòa với nước nóng. Ông lóng ngóng khoấy nước hồi lâu và nghe ngóng. Ông sợ phải một mình ở bên Anna. Anna im lặng rồi bỗng nhiên kêu lên. Traube cầm chiếc cốc bước sang nhà xác. Anna đang lắc vai Bestuzhev, sau đó nâng đầu chàng dậy áp vào ngực và nhìn người bác sĩ bằng đôi mắt ráo hoảnh trũng xuống. - Các người đi đi! - Nàng khàn giọng nói. - Đi hết cả đi. Tôi chẳng cần gì nữa. Traube đưa cho nàng cốc thuốc. Anna cầm lấy và ném nó vào góc phòng. - Anna... - Traube nói và đầu ông rung lên. - Anna, cô ngồi khóc ở căn phòng này đã mấy giờ rồi. Trời đã tối. Tôi xin cô, van cô, hãy về nhà nghỉ vài giờ đi. Để tôi ngồi đây với anh ấy. Anna đặt đầu Bestuzhev xuống chiếc gối nhồi rơm và đứng dậy. - Trời đã tối rồi ư? – Nàng ngơ ngác hỏi. - Tối rồi thực. Nhưng cả ngày qua tối như đêm. Mấy giờ rồi? - Hơn tám giờ rồi. Anna mặc áo khoác, sửa lại chiếc khăn trên đầu và không nhìn lại đi ra cửa. - Cháu sẽ quay lại đây, - nàng bảo Traube. - Bác sĩ đừng đi đâu cả. - Nàng nhanh nhẹn đi ra cửa và đi về phía biển. Bên mấy hòn đá lớn mọc rêu vàng lởm chởm, một chiếc thuyền đen đã đứng đợi, chòng chành và đập vào vách đá. Người thủy thủ chìa tay cho Anna và giúp nàng bước xuống thuyền, sau đó chùi tay vào chiếc quần nhung cũ, bắt đầu chèo huyền. Những lớp sóng xám ngát cuộn lên rồi lại hạ xuống trong bóng tối. Thỉnh thoảng chúng hắt cả nước vào mạn thuyền. Người thủy thủ lặng lẽ đưa chiếc thuyền về phía con tàu. Anna ngồi không nhúc nhích ở mũi thuyền, mắt chăm chăm nhìn vào con tàu nặng nề chìm xuống lại nổi lên trên mặt nước vẫn rập rờn ngầu bọt. Từ trên tàu, người ta ném xuống chiếc thang dây. Anna bắt lấy nó và lập cập trèo lên tàu. Không nói một lời nào. Piner khẽ huýt sáo, tức khắc đám thủy thủ yên lặng treo mũi tàu bắt đầu quay dây tời. Từ mặt nước rút lên chuỗi dây xích buộc neo đã hoen rỉ. Những cánh buồm cuộn được lăn ra lạo xạo. Trên boong không một đốm lửa, không ai hút thuốc. Anna đứng trên cầu chỉ huy bên cạnh Piner. Con tàu khẽ kêu cót két. Nước vỗ vào thân nó và vỡ ra rào rào khắp bốn phía mờ mờ lấp lánh. Chiếc tàu buồm nghiêng sang thành bên phải và những ngọt lửa trong thành phố như thay đổi chỗ rồi tắt đi, khuất dần sau những mỏm đá. - Ta đi thôi, - Piner nói và làm dấu thánh rất rộng. Anna cau này nhìn những ánh đèn của thành phố ở phía đuôi tầu và thỉnh thoảng lại giơ tay ra phía trước chỉ cho Piner hướng con tầu phải đi. Trên những chiếc tàu Thụy Điển bên cạnh vẫn tối om và yên lặng như tờ, người ta cố ý tắt đèn. Chỉ có trên một chiếc tàu Piner thấy một bóng người dường như giơ chiếc mũ lên vẫy. Bóng người mau chóng hòa vào bóng đêm tăm tối. Con tàu như lướt đi trong mơ. Mọi người đều im lặng. Chỉ có tiếng gió thổi vào buồm và tiếng sóng vô hình vỗ vào bờ. Đôi khi những mảng băng đập vào thành tàu bằng gỗ, nhưng dễ dàng bị đẩy lùi ra xa và chúng vụng về quay tròn ùng ục chìm xuống nước để rồi lại nổi lên ở sau đuôi tàu. - Đi sát bờ hơn nữa, - Anna nói với Piner - Ngay đây rồi. Piner huýt một tiếng dài. Những cánh buồm được hạ xuống, tầu trôi tại chỗ. Ở dưới thuyền, các thủy thủ lạ xuống nước theo pa-lăng chiếc xuồng to nặng nề. Vào nửa đêm, Lobov ăn mặc theo kiểu dã chiến đến bệnh xá. Anh gọi Traube tập hợp bọn lính gác lại đọc cho họ mệnh lệnh của trung đoàn trưởng về việc chuyển tù nhân về pháo đài Segby và bọn họ không được rời bệnh xá cho đến khi anh trở về. Bình sĩ lẳng lặng tuân theo lời anh. Lobov dẫn những người bị bắt đi, mau lẹ đưa họ qua các sân sau về phía rừng. Lúc đó mới có một người lính nói: - Họ bay đi rồi, chỉ còn đó lại vết mờ thôi. - Còn cậu, hãy giữ lấy cái mồm, - người lính già thấp bé ngắt lời anh ta. - Chúng ta là cấp dưới. Cậu cứ theo lệnh mà làm, còn mọi chuyện về họ đã có các sĩ quan xem xét. Câu chuyện đến đây đứt quãng. Lobov và những người tù lặng lẽ bước. Rừng trùm lên họ bóng tối và sự im lặng. Sau đó, trong đêm sâu ẩm ướt của rừng vọng lại tiếng sóng vỗ nặng nề và gió mặn đều đều thổi lùa qua các cành cây. Lobov rẽ khỏi con đường đi thẳng ra bờ biển. Mùi băng hạt đang lan tỏa lại từ phía bờ. Trong bóng tối đen ngòm, mờ mờ hiện lên thân hình đồ sộ im phăng phắc của con tầu sơn màu bạc. - Mau lên! - Anna bảo Lobov, - Sóng nước xô tàu vào đá. Gấp lên, các bạn! - Thế còn cô ? – Lobov ngạc nhiên hỏi. - Cô phải chạy đi cùng chúng tôi chứ! - Không. - Anna lắc đầu. - Tôi không thể đi được. - Nhưng vì sao cơ chứ ? - Chẳng lẽ tôi phải giảng giải cho anh? - Anna nói với một nỗi chua xót khiến Lobov phải đỏ mặt lên trong bóng tối. Anh nắm chặt tay Anna và không trả lời. Anna quay lại phía những người bị bắt. Người sĩ quan bước lên phía trước một bước. - Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ của cô, - ông nói. Hãy dũng cảm lên. Trong suy nghĩ ở mọi nơi, chúng tôi luôn luôn ở bên cô. Có thế chúng ta còn gặp nhau và tôi sẽ có thể mang lại cho cô niềm an ủi nhỏ mọn. Ông muốn hôn tay Anna, nhưng nàng đã kéo đầu ông lại phía mình và hôn lên vầng trán lạnh lẽo của ông. Vì sự giải thoát này nàng đã hiến dâng tất cả: hạnh phúc, tình yêu, hiến dâng cả cuộc sống. Giờ đây, ông là người ruột thịt duy nhất của nàng. Gió xào xạt thổi vào cánh buồm. Các thủy thủ vội vã. Những người tù và Lobov bước xuống xuồng. Con sóng đầu tiên đã đẩy nó ra khỏi bờ và dìm vào bóng tối. Anna đứng trên bờ và chờ đợi. Thỉnh thoảng nàng lại nghe tiếng mái chèo khe khẽ. Gió thổi bay chiếc áo váy trên người Anna, làn da mặt lạnh ngắt. Nàng nhìn mãi vào bóng tối cho đến khi con tàu lờ mờ như một ảo ảnh, từ từ lẩn vào bóng tối. Lúc đó Anna mới rên rỉ, ôm lấy thân cây thông ẩm ướt, gục đầu vào đó. Chưa bao giờ nàng nghĩ rằng lại có sự cô đơn mênh mang, âm thầm đến thế, sự tuyệt vọng sâu xa đến thế. Anna vừa vấp vừa lần bám vào các gốc cây đi về phía thành phố. Biển đêm ầm ì phía sau lưng thật hững hờ và ảm đạm. Anna biết rằng trên đời không gì có thể mang lại niềm an ủi, rằng không ai hiểu được những giọt nước mắt của nàng, rằng giờ đây những sợi dây cuối cùng rằng buộc nàng với cuộc sống đang dứt đoạn. Bestuzhev và Tikhonov được an táng vào lúc chiều tối ngày hôm sau. Merck không cho phép đội nhạc chơi nhạc ở lễ tang. Chỉ có đội trống đi trước hàng quân cúi đầu và khua lên những hồi trống buồn bã. Đám lính khiêng trên vai hai chiếc quan tài bằng gỗ bào rối. Một ông cố đạo già nghễnh ngãng lần bước ở phía trước. Ông ta không nghe thấy tiếng mình nên khi thì thầm lẩm bẩm những lời cầu nguyện, khi thì hét toáng cả lên. Nhiều sĩ quan đi lẫn giữa hàng lính. Traube khóc hết nước mắt đi bên cạnh Anna, thỉnh thoảng lại nắm lấy khuỷu tay nàng. Mỗi lần như vậy nàng lại giật mình và nhìn lại. Nàng có cảm tưởng đám tang vẫn đứng yên một chỗ. Nàng vẫn chỉ nhìn thấy ngần ấy thứ: bầu trời, mặt đất phủ tuyết, những chiếc đầu xám húi trọc của binh lính, những tấm áo khoác xám của họ và những bàn tay đỏ lựng giơ lên vành mũ. Đội đồng ca buồn bã kéo dài những khúc hát không hiểu được của nhà thờ. Những chiếc quan tài rung rinh. Trên nắp quan tài của Bestuzhev đặt thanh kiếm của chàng, bên Tikhonov – chiếc mũ lính cũ kỹ. Anna ngồi thụp xuống và nhìn thấy những đôi ủng nâu của những người lính đi phía trước. Nàng nhìn những người lính, g g p g g g những tấm lưng của họ, những bàn lay cóng lạnh thận trọng để chiếc quan tài và nàng nghĩ rằng những bàn tay này gần như chạm vào thân mình Bestuzhev và gương mặt nhợt nhạt tư lự của chàng. Khi đó nàng bắt đầu khóc. Traube nắm lấy khuỷu tay của nàng, còn những người lính phía sau hỉ mũi, lấy tay áo chùi mũi và thì thầm với nhau. Tiếng thầm thì của họ lọt vào tai Anna và nàng nghe thấy những lời an ủi vụng về và bất lực. - Mũi tên hòn đạn thì chẳng tránh vào đâu được. - Những người lính nói. - Chết như chuẩn úy là nhẹ nhàng, chẳng phải đau khổ chút nào. Nỗi khổ nó như con nước: làm ngập tràn tất cả rồi lại rút đi. Tại nghĩa trang, người ta mở nắp quan tài ra và ông cố đạo điếc vung cây thần trượng nói to lên những lời đáng sợ. - Lại gần đây, cho phép hôn lần cuối cùng. Anna bước lại gần quan tài, quỳ xuống. Bối rối nhìn quanh, hôn vào đôi môi lạnh lẽo của Bestuzhev. Bestuzhev buồn bã và chăm chú nhìn nàng từ dưới hàng mi cụp xuống. Nàng đặt đôi bàn tay nhỏ bé gầy guộc lên vai Bestuzhev và nhìn mãi khuôn mặt chàng. Mọi người chờ đợi. Ông cố đạo cáu kỉnh vung cây thần trượng và đằng hắng. Traube nân Anna dậy. Những người lính lần lượt tiến đến bên quan tài. Họ kéo lại thắt lưng, sửa lại áo khoác, làm dấu thánh, hôn lên trán Bestuzhev và Tikhonov rồi lui ra. Có người quỳ xuống và cúi đầu sát đất, chào những người chết. Tất cả những điều đó diễn ra trong sự im lặng như tờ. Chỉ có đất mới đào và đá dăm dồn lại bên mộ, lăn xuống lại xạo dưới gót ủng. Nắp quan tài được đóng lại và ông cố đạo bắt đầu lắp bắp cầu nguyện "cho kẻ nô lệ của Chúa bị giết là Pavel và kẻ nô lệ mới lên chầu trời là Semyon". Đội đồng ca hát bài "ghi nhớ đời đời", những hàng lính màu xám quỳ xuống và thấy những tiếng nấc. - Cuộc đời lính mới chua chát làm sao! - Ai đó vừa khụt khịt, vừa nói sau lưng Anna. Nàng quay lại. Hàng chục ngọn nến mỏng manh cháy và tỏa khói lên bầu trời xám xịt. Ai đó đưa cho Anna một ngọn nến. Ánh lửa rung mạnh như muốn bật khỏi ngọn nến, Anna kinh hãi lấy tay che gió. - Nào ta về thôi! – Traube nắm lấy tay Anna. - Cô chẳng nên ở lại đây làm gì nữa. Những người lính cầm thừng và xẻng lại gần quan tài. Anna cam chịu bước đi. Nàng thận trọng cần ngọn nến cháy và mỉm cười đau đớn. Traube lo lắng nhìn nàng và nghĩ thầm rằng một lý trí điềm tĩnh nhất cũng không thể chịu đựng nổi sự chấn động này. - Cô mỉm cười gì thế? - Ông hỏi Anna. - Sẽ chứ, - Anna trả lời và nhìn Traube bằng đôi mắt bình tĩnh. Tuyết nghiêng nghiêng bắt đầu rơi xuống. Những bông tuyết lặng lẽ sà xuống đất. Anna nhìn chúng hồi lâu. - Đấy, bác sĩ thấy không, tuyết cũng cố không làm ồn. Khi những bông tuyết sà vào ngọn nến, ngọn lửa hồ lách tách. Anna tắt nến, quay gót và trở lại nghĩa trang. Traube nhìn theo, vẫy tay và gù xuống, già hẳn đi, trở về bệnh xá. Ghi chú [1] Khởi nghĩa Tháng Chạp: Cuộc khởi nghĩa của các sĩ quan Nga chống lại Nga hoàng Nikolai I, diễn ra vào tháng 12, năm 1825. [2] Pavel: Tên của Bestuzhev. Phần II Cuối năm 1916, trong thời gian chiến tranh chống Đức, hoa tiêu Alexander Shchedrin vừa tốt nghiệp trường trung cấp hàng hải, được cử đến hạm đội phóng ngư lôi ở đảo Aland. Mùa đông năm ấy ấm áp. Ngoài Reval, biển đã hoàn toàn tan băng. Shchedrin đứng trên boong tàu nhìn lên bờ biển bóng tối phủ mờ hồi lâu. Mẹ anh còn lại đó, ở Reval. Bà đã đến Petrograd để tiễn con trai và tạm trú trong một khách sạn không sang trọng. Cha Shchedrin, một bác sĩ hàng hải, đã mất từ lâu. Mẹ anh sống bằng tiền trợ cấp. Bà còn giúp đỡ các chị em, các bà cô, bà thím của Shchedrin và tiền trợ cấp không phải lúc nào cũng đủ. Chỉ riêng ở Petrograd đã có tới ba bà cô. Ngoài đó ra còn phải gửi cho một bà cô ở Vladivostok và một bà nữa ở Kiev. Các bà cô đều là những bà gái già hoặc bà góa với một bầy con trên tay. Gia đình sống hòa thuận, các cô ở Petrograd dạy thêm môn nhạc và tiếng Pháp. Các bà lúc nào cũng vội vàng, lo lắng, chạy đến các lớp học và các thư viện, ngồi lịm đi ở các buổi hòa nhạc, bao giờ cũng thương một ai đó, bao giờ cũng giúp đỡ người nào đó. Hầu hết các bà cô đều là những người tốt bụng, tuy không xinh đẹp. Chính điều đó, theo lời mẹ Shchedrin, đã phá hại đời riêng của các bà. Một bà hát rất hay, có giọng của diễn viên ca kịch, nhưng không được lên sân khấu vì bị cận thị. Không có kính, bà không nhìn thấy gì và trở nên rất lúng túng như lột đứa con nít. Người như vậy thì lên sân khấu làm sao được! Mặc dù không xinh đẹp, thời son trẻ, các bà đều có những mối tình sôi nổi. Nhân vật của những câu chuyện này đã rụng tóc từ lâu, đã có vợ con, ngồi trong nghị viện nay chỉ huy các trung đoàn, tuy vậy mỗi lần các bà ngẫu nhiên gặp các ông ở ngoài phố vẫn đỏ bừng mặt lên như các cô nữ sinh, sau đó chạy về chỗ mẹ Shchedrin đóng chặt cửa buồng, rồi khóc thút thít mãi trong đó. - Vì lẽ gì mà trời ban thưởng cho ta những mụ ngố này vậy! - Mẹ Shchedrin bực mình la lên ở ngoài cửa. Nhưng Shchedrin biết mẹ chỉ vờ vĩnh thế thôi. Mấy chị em không thể sống thiếu nhau. Mẹ Shchedrin được coi như người an ủi chung của mọi người, bà hiền hậu, biết suy xét và tự coi mình là một con người cách mạng. Các bà cô cũng hay đồng bóng. Vừa khóc lóc xong chừng độ một giờ đồng hồ, vào giữa bữa ăn trưa, các bà đã phẫn nộ nói về viên bộ trưởng bộ giáo dục đần độn Kasso. Như nhiều gia đình khác, nhà Shchedrin có truyền thống gia tộc riêng. Khi Alexander mới lớn lên, mẹ đã kể cho anh là ông nội anh, Nikolai Shchedrin, đã tham gia cuộc khởi nghĩa của những chiến sĩ tháng Chạp, bị thương vào tay và đã bỏ trốn ra nước ngoài. Cùng với một thủy thủ thuộc đội tàu cận vệ, ông đã chạy về Abo và từ đó theo mặt biển đóng băng ở vịnh Bothnia vượt sang Thụy Điển. Ở đảo Aland ông đã bị bắt, nhưng sau đó đã chạy thoát sang Stockholm nhờ một chiếc tàu buồm Pháp. Cũng ngay lúc đó, bà mẹ lấy từ trong hòm ra cho Shchedrin xem bức tranh màu một sĩ quan trẻ tuổi. Người sĩ quan nhợt nhạt đứng ở một gian phòng trống không, tay chống lên đuôi kiếm, mặc quân phục đen. Phía sau, sau lớp cửa kính là những đám mây trắng và những thửa vườn bao phủ một lớp khói xám mờ, không hiểu vì sao bức ảnh tạo nên một cảm giác đơn độc. Shchedrin không tin lắm những truyền thuyết gia tộc. Đối với các bà cô có vẻ hoan hỉ, anh tỏ ra độ lượng, thậm chí giễu cợt nữa. Các cô gọi Alexander Shchedrin là con mọt sách vô tích sự, rất bực dọc vì thằng cháu quá ham mê các sách giáo khoa, ngồi thâu đêm vẽ bản đồ địa dư, lẽ ra phải đọc Turgenev hay ngâm thơ của Fet mới phải. Khi Shchedrin nhận được lệnh cử đến đảo Aland và cùng mẹ rời Petrograd đi Reval, các bà cô đã ra cả ga Baltic để tiễn. Các sĩ quan hải quân đi cùng toa với Shchedrin mỉa mai nhìn cả một bầy các bà cô líu ríu chung quanh Shchedrin. Các bà làm dấu phép, căn dặn anh đủ điều và hồi hộp đánh rơi cả kính và túi xách. Shchedrin đỏ mặt, sốt ruột chờ hồi chuông thứ ba. Nhưng khi tàu chuyển bánh, anh bực với chính mình, bực là đã xấu hổ vì các cô trước mặt các sĩ quan, và suốt dọc đường anh lạnh ngắt. Ở Reval, trong gian phòng khách sạn chật hẹp, không khí có vẻ mờ đục đi giữa bốn bề che rèm cửa nhung và mặt sàn trải thảm. Mẹ Shchedrin ngồi trên đi-văng nói với anh: - Sasha[1], con thân yêu, đến đảo Aland con thử cố tìm những vết tích của ông Nikolai. Dù sao cũng thú vị lắm chứ con? - Thưa mẹ, vâng. Trước đó, bà mẹ cứ khóc mãi và Shchedrin mừng là mẹ đã khuây bớt những ý nghĩ về chiến tranh và nhớ tới ông nội. Ở Reval trong thời chiến cấm các nhà không được thắp đèn nến mà rèm cửa chưa được che kín. Họ ngồi trong bóng tối và thành phố cổ ở ngoài cửa sổ chìm trong bóng tối tĩnh mịch. Những ngôi sao xanh lập lòe trên cao, từ ngoài phố vọng lại tiếng bánh xe lăn khe khẽ. - Chưa bao giờ mẹ nghĩ trước là sẽ ngồi với con ở một khách sạn Reval, - mẹ anh nói - Và tiễn con ra mặt trận. Tất cả những điều đó sẽ kết thúc ra sao hở Sasha? - Bà mẹ buồn bã thở dài. Có tiếng gõ cửa. Người hầu phòng đầu hói giống như một viên mật thám bước vào. Y liếc nhanh căn phòng và bảo rằng theo truyền thống nhiều năm, chủ khách sạn có tổ chức lễ cây thông cho các khách xa nhà. Chủ nhân mời mọi người xuống phòng lớn, nơi cây thông đã được lắp đèn sáng và các khách trọ có thể nhận được quà tặng. Shchedrin cùng mẹ xuống phòng lớn. Ánh sáng vàng rực của những cây nến nhiều mầu đã tỏa rộng khắp phòng. Các cửa sổ đều bịt kín. Cây thông được trang trí rất nhiều quả cầu kính, các dây xích bằng giấy mài, cờ của các nước đồng minh, các quả bồ đào vàng chói đến nỗi chả trông thấy lá của nó đâu cả. Những chiếc bàn tròn nhỏ được kê chung quanh cây thông. Các sĩ quan hải quân cùng với những phụ nữ mặc trang phục vũ hội ngồi sau đó. Chiếc áo váy màu đen cũ kỹ của mẹ Shchedrin nói lên như một mụn vá giữa những nhung lụa chói lòa và ánh sáng rực rỡ. Bà mẹ ngượng nghịu. Họ ngồi ở bên mép chiếc bàn con kê ở một góc nhà và chờ mãi người hầu bàn mới đến gần và đặt lên bàn bản thực đơn dài dặc. - Để mẹ chọn cho, - bà mẹ rụt rè nói, cầm lấy tờ bìa cứng. Tiền thì chẳng có nhiều và bà sợ rằng con trai muốn làm vui lòng bà lại đặt một món gì đắt quá. Người hầu không đợi mà đi luôn sang bàn bên. Ở đó có một viên thuyền trưởng hạng nhất, người phương phi để râu đen đang ngồi. Y có đôi mắt đen và trố ra. Y đảo mắt khắp nơi, cả người hầu bàn, cả Shchedrin, cả bồ của mình - một người đàn bà to béo tóc hung, phấn son lòe loẹt trong bộ áo váy tím nhạt với vẻ khinh miệt như nhau. Bà mẹ chỉ đặt nước chè và bánh ngọt. Người bồi mãi cũng không mang ra. Ngồi đợi sau mặt bàn trống trải thật nặng nề và vì sao đó thấy rất xấu hổ, như ngồi trên ghế bị cáo. Một chuẩn úy hải quân trẻ ngồi vào bên chiếc đàn piano, đập tay lên phím đàn và hát: Em ơi, mùa xuân đừng vội hái hoa hồng, Mùa hè em ngắt cũng vừa, em ơi! Chuẩn úy ngậm chặt điếu thuốc lá một bên mép, nhăn mặt lại có vẻ bất cẩn, rồi xuống giọng ngọt ngào. Lúc đó từ sau một chiếc bàn đặt ở xa một giọng nói cục cằn vang lên: - Thay mặt các sĩ quan, tôi nghĩ là ông nên trước hết chơi bài quốc ca đã, sau rồi mới đến những bông hồng của ông. Chuẩn úy độ lượng mỉm cười, thôi hát, đứng dậy và hơi cúi người xuống mặt đàn chơi bài quốc ca. Mọi người đứng dậy. Những tay hầu bàn cũng đứng sững lại với những chiếc khay trên tay. Mẹ Shchedrin hấp tấp đứng dậy, chiếc ví xách tay bật nắp và chiếc mùi xoa nhàu nát rơi xuống sàn. Nó vẫn còn chưa khô nước mắt. Khi mọi người ngồi xuống. Cánh phụ nữ rút ra khỏi ví những chiếc gương nhỏ và những hộp phấn, rồi vừa cười đùa, tán gẫu, vừa xoa lại phấn, tô lại môi, tuồng như bài quốc ca đã làm mất đi vẻ quyến rũ của các bà trong đôi mắt của cánh đàn ông. Viên thuyền trưởng mắt trố gọi người hầu bàn lại gần, lấy ngón tay ngắn cộc chỉ về phía bàn Shchedrin bảo: - Dọn cái thứ kia đi. Người hầu bàn không hiểu, khúm núm nhìn vẻ mặt rẻ rúng của viên thuyền trưởng. - Ngài ra lệnh gì ạ ? - Anh ta cúi khom xuống hỏi. - Dưới bàn kia có miếng rẻ rách? - Viên thuyền trưởng bực dọc nói và đỏ mặt lên. Người đàn bà mặt áo váy tím nhạt chớp chớp mắt. Người hầu bàn lại giần, nhặt chiếc khăn mùi xoa nhàu nát, đặt lên bàn bên cạnh mẹ Shchedrin. - Bà đánh rơi, - anh ta nói khẽ và giật lùi bước lại. Shchedrin nhìn viên thuyền trưởng, tay anh lạnh đi, mặt xám lại vì căm tức. - Sasha, bình tĩnh con! – Bà mẹ nói. - Hãy bình tĩnh, hãy bình tĩnh vì Chúa! Viên thuyền trưởng ăn hau háu, không thèm để ý chút nào tới Shchedrin. Y nhai chóp chép và bộ râu đen của y lòa xòa trên tấm khăn ăn màu xanh cứng queo buộc ngoài chiếc cổ áo hồ bột. - Ta đi khỏi đây thôi... Shchedrin nói. - Ta chả có việc gì làm ở đây giữa bọn... Bà mẹ khẽ lắc đầu vì lo sợ cho con. Shchedrin ngừng lời. Họ đi ra ngoài. Ở cầu thang Shchedrin mới nói hết câu nói bỏ dở. - Ta không có việc gì làm giữa bọn súc sinh này. Bọn máu xanh da trắng! Bọn này bị nhấn chìm ở Kronstadt năm 1905 còn ít quá. Bà mẹ nhìn Shchedrin phẩy tay. ẹ p y y * * * Hạm đội phóng lôi đặt cơ sở ở thị trấn Mariehamn tại một hòn đảo thuộc quần đảo Aland. Shchedrin được cử về tầu phỏng lộ "Dũng Cảm". "Dũng cảm" làm nhiệm vụ tuần tra men bờ biển, dò tìm các tàu ngầm của Đức và ít khi trở về Mariehamn. Hết tháng này sang tháng khác, lênh đênh trên mặt nước màu xám hoang vu của Baltic. Ngày và đêm nước lạnh sôi sục bên mạn tàu bằng thép, các máy tuốc-bin nổ đều và các quan trắc viên căng mắt nhìn đến tận chân trời, để khỏi bỏ qua một làn khói hay ống kính tiềm vọng của tầu ngầm. Các sĩ quan chơi bài trong phòng giải trí. Khó mà tin được chung quanh đang diễn ra chiến tranh và mặt nước mờ đục đầy rẫy những hiểm họa. Các thủy thủ vẫn than phiền rằng cuộc sống buồn tẻ nhất trong hải quân tất nhiên là trên các tầu tuần tra. - Tìm, tìm mãi, như tìm chiếc kim dưới đáy biển - các thủy thủ vẫn nói với nhau như vậy. Trong những ngày cuối tháng hai, "Dũng Cảm" đi về phía vùng biển Thụy Điển. Từ sáng tuyết rơi, rồi đến mưa đá và mưa rào. Gió giật thốc vào mũi tàu rồi khi thì quất vào lưng, vào mặt, khi thì bên phải, bên trái. Những đám mây đen bù xù, sũng nước, lưới đi là là trên mặt biển, khiến ngọn những con sóng tưởng chừng chồm lên đến tận mây. Tất cả đều chìm vào một màu xám tưởng chừng như một bóng đen khổng lồ trùm lên mặt biển, mặt trời đi sang những xứ sở may mắn khác, chỉ còn gửi lại Baltic ánh sáng đang tắt dần của mình. - Chẳng ra ngày, cũng chẳng ra đêm, chả biết đâu mà lần! - Những người trực tầu phàn nàn. - Làm việc thật khổ sở. Thời gian rảnh rỗi, Shchedrin đọc nhiều. Đầu tiên các sĩ quan vào phòng anh mượn sách, nhưng rồi bỏ đi dần. Cách chọn sách của anh theo ý họ là tẻ nhạt. Shchedrin có nhiều nhất là sách khoa học. Trong khi đó các sĩ quan thích các loại tiểu thuyết giải trí. Ngoài sĩ quan, còn có anh thợ lái tàu Marchenko đôi khi vào mượn sách. Anh vốn là một thủy thủ của ngành thương mại hàng hải, người Hắc Hải, dáng vóc vụng về, hơi gù, mắt lúc nào cũng nheo lại. Dù rơi vào hoàn cảnh nào của cuộc đời, anh cũng vẫn thản nhiên. Câu nói anh thích nhất là: "Cái trò ở quán rượu ấy mà!" - Anh thường thốt lên như vậy mỗi khi nhận thấy một việc gì vô lý, khó hiểu. Vào một ngày u ám, vừa xong phiên trực, Shchedrin nằm trong buồng riêng và đọc cuốn sách về sự chuyển động của các lục địa. Lý thuyết này hồi đó ít được biết đến và nó đơn giản đến mức đáng ngạc nhiên. Shchedrin đặc biệt ngạc nhiên vì nó dễ chứng minh bằng mắt. Anh lấy một tấm bản đồ trái đất loại vừa, lấy kéo cắt châu Mỹ, châu Âu, châu Phi rời ra, rồi đẩy những mảnh giấy ấy lại gần nhau, anh thấy đường viền của những châu lục này khớp vào nhau như rìa của một miếng giấy bị xé ra làm nhiều mảnh. Vì niềm say mê khoa học, chuẩn úy trẻ có đôi mắt vui vẻ là Ackerman đã gọi Shchedrin là «Charles Darwin», còn tầu phóng lôi được gọi là «Beagle dũng cảm». Theo phong tục cổ truyền của ngành hàng hải, tất cả các nhân viên trên tầu phóng lôi cũng như các sĩ quan đều có biệt hiệu riêng. Chỉ huy ngư hạm người đầy lông lá được gọi là «Con sư tử trên mặt boong». Sĩ quan trưởng tầu «Dũng Cảm» Viktor Popov, ặ g q g g p người thấp bé, được gọi là «Vitya nửa người». Khi «Vitya nửa người» đứng trên cầu chỉ huy thì trên tay vịn chỉ còn ló lên cái đầu của anh ta mang mũ mưa bằng vải sơn. Tầu phóng lôi «Thẳng Tiến» vẫn đi kèm với «Dũng Cảm» được gọi là «cái nồi hơi ì ạch» vì bao giờ nó cũng thụt lại sau. Ackerman là người đọc nhiều, có trí nhớ kỳ lạ, hay đùa vui và thích bắt chước giọng trong các tiểu thuyết mạo hiểm. Shchedrin đang nằm đọc bỗng vội bíu lấy thành giường, tàu phóng lôi rung mạnh. Nó quặt mạnh để đổi hướng. Cuốn sách rơi xuống sàn. Shchedrin ngồi lên giường và giật mình: tiếng chuông báo lệnh chiến đấu khua vang trên khắp ngư hạm. Tiếng người chạy trên sàn tàu lát tôn thình thịch trên đầu. Shchedrin lúng túng trong đôi tay áo, vừa mặc vừa chạy lên boong. Trên cầu thang anh chạm trán với Ackerman. - Có chuyện gì vậy ? - Shchedrin hỏi. - Chiếc tàu nhỏ bé quả cảm của chúng ta lao vào chiến hạm của địch đấy. - Ackerman trả lời. - Anh chỉ hay đùa! Shchedrin gạt đi, tiếp tuc chạy. - Toàn đội lặng người bên tháp pháo, sẵn sàng chiến thắng hay là chết![2] - Ackerman nói với theo. - Phát rồ lên rồi - Shchedrin còn kịp kêu lên. Ackerman nhanh nhẹn chạy xuống thang về vị trí của mình, giơ nắm tay ra với Shchedrin. Câu chuyện xảy ra như sau: Gần bờ biển Thụy Điển, trên cầu chỉ huy phát hiện ra ở đường chân trời có chiến hạm địch. Nó chạy theo hướng Đông-Nam và kéo theo một con tàu nhỏ. Lúc đầu, trong bóng hoàng hôn, người ta tưởng nó đang kéo theo một tầu phóng lôi, nhưng khi Shchedrin ra mặt boong «Dũng Cảm» đang chạy hết tốc lực từ Tây xuống Nam, tiếp cận với chiếc tuần dương hạm thì nhận ra là một tàu ngầm. Mưa đá quất vào mặt. Vùng trời phía đông tối hơn phía Tây. Đó chính là lợi thế của «Dũng Cảm». Từ phía tuần dương hạm không nhìn thấy chiếc tầu phóng lôi - nom nó trởng như một đám khói hòa với sương mờ trôi nổi trên lớp sóng bạc đầu và bọt nước. Còn chiếc tuần dương hạm thì hiện lên đen xì trên nền trời tối, sừng sững những tầng ống khói và những tháp pháo. – Lúc này trên tuần dương hạm phải hệt như ở quán nhậu - Marchenko đứng bên cạnh Shchedrin nói. - Nó vướng phải cái đuôi dài thế kia thì đánh chác gì. Bây giờ bọn Đức sẽ cắt dây nối và bỏ chiếc tàu ngầm kia đi. Chắc chắn là như thế! Chiếc tàu địch mỗi lúc một đen hơn, gần hơn. Nó không tăng tốc độ mà cứ lẳng lặng một cách dữ dội. Trong sự bình tĩnh và yên lặng của chiếc tuần dương hạm, Shchedrin cảm thấy một đòn long trời lở đất sắp nổ ra. Boong tàu phóng lôi rung lên. Những con sóng như dạng đứng lên. Những người đứng trên cầu chỉ huy và bên tháp pháo đều được buộc lưng vào thang vịn đằng sau. Trên tuần dương hạm bùng lên bốn quả cầu lửa đỏ rực và tiếng ầm nặng nề lan ra khắp mặt biển xa. Những viên đạn rơi xuống sau đuôi tàu «Dũng Cảm». «Dũng Cảm» quay sườn ra phóng một quả mìn. Nhưng không nổ. Chiếc tuần dương hạm đã cắt dây kéo, bỏ mặc chiếc tàu ngầm, vừa nổ súng vừa rút lui thanh về phía nam. Một viên trái phá rơi vào mạn phải của tàu «Dũng Cảm» ở gần mũi. Cả một cột p ạ p g g ộ ộ nước trút lên boong. Cả người Shchedrin ướt sũng. Tiếng người kêu í ới ở mũi tàu. Chỉ huy phái Shchedrin tới đó. - Chuẩn úy Ackerman bị thương, - ông ta nói. - Hãy thay thế anh ấy. Shchedrin chạy ra mũi tàu. Mấy thủy thủ đang vực Ackerman dậy. Chân anh bị dập. Anh còn kịp nói với Shchedrin: – Mạn tàu bị xây sát chút ít, không đáng kể. - Anh cười khẩy và nói thêm. - Dù máu tuôn, anh vẫn ra lệnh cho các thủy thủ... Ackerman muốn đùa vui gì nữa, nhưng kêu lên, rồi rên rỉ. Các thủy thủ khom người xuống víu vào tay vào thang đưa anh xuống phòng giải trí. «Dũng Cảm» chuyển làn pháo vào chiếc tàu ngầm. Các chiến sĩ làm việc hối hả và lặng lẽ bên tháp pháo. Chiếc tàu nặng nề rung rinh trên mặt nước như một con hải cầu và không trả lời. Trong bóng chiều sẫm dần, không còn nhìn thấy rõ nó nữa. Mưa đá lộp độp rơi xuống mặt boong và bật ra khỏi những tay vịn. Biển ngầu đục ầm ầm đồ về phía đông qua hai bên mạn tàu. Một quả đạn nổ ở gần cầu chỉ huy chiếc tàu ngầm, nhưng nó yên lặng. Sự yên lặng đầy dữ dội và nguy hiểm. - Tầu không rồi. – Marchenko nói với Shchedrin. - Ta bắn phí đạn vô ích, Đánh vào chỗ chết rồi. Shchedrin không tin, chẳng lẽ nào bọn Đức kéo theo một chiếc tầu trên không có một người nào! - Pháo bắn vô ích. - Chỉ huy tàu «Dũng Cảm» Rosen ra lệnh ngừng bắn. Tuyết bám vào mặt, rắc cả vào mắt, gió cuốn chúng thành những cơn lốc xám chung quanh các ống khói to của con tầu phóng lôi. Mặt boong dường như được quét một lớp mực tàu đen. Đêm đã chiếm lĩnh mặt biển và con tầu, thậm chí cả các căn phòng chấn song sắt đã vặn chặt lại và các ngọn đèn được thắp sáng, một phần tư công suất. «Dũng Cảm» bật đèn pha và từ từ lượn quanh chiếc tàu ngầm. Shchedrin đi xuống phòng giải trí thăm Ackerman. Trong phòng lạnh lẽo, bốc lên mùi thuốc. Con tầu rung mạnh và mỗi lần lắc lư Ackerman lại rên mạnh hơn. - Tại sao ta cứ loay hoay mãi ở đây mà không về Mariehamn? - vẫn không mở mắt, anh hỏi Shchedrin. - Chỉ huy quyết định không rời chiếc tàu ngầm. Nó yên lặng. Có quỷ biết nó là cái gì! Buổi sáng ta mới đến gần được nó. - Có nghĩa là người ta sẽ cưa chân tớ, Ackerman nói. - Nó đang nóng bừng, chỉ vì một mảnh sắt tẩm hơi độc của một con quỉ quái ác nào đó. Anh chàng y sĩ thì lại chả biết gì. Ackerman phẩy tay để Shchedrin bước ra. Shchedrin đến chỗ Rosen. Shchedrin cũng đang run cả người, hai bả vai đau ê ẩm, khó thở. Rosen đứng trên cầu chỉ huy với Vitya «nửa người». Rosen là một người gầy guộc và ít nói. Ông ta để tóc mái và lúc này chúng đang xòa ra dưới hai bên lưỡi trai như những cái tai nhỏ của con thú ác và ranh mãnh. - Karl Ignatevich, - Shchedrin nói thật to để át tiếng gió gào trong tai, - tình trạng chuẩn ủy Ackerman là rất xấu. Đôi chân bắt đầu bị viêm. - Ừ... ừ... - Vitya hồn hậu thở dài. Anh ấy đành phải chịu một lúc thôi. - Có thể kéo con tàu về Mariehamn ngay bây giờ không? - Shchedrin hỏi. Rosen quay về phía Vitya «nửa người» nhún vai. - Thế đấy, - ông ta nói - Đã bao lần tôi yêu cầu các ông tướng ngủ ở bộ tham mưu rồi, Viktor Petrovich ạ, là họ đừng có cử về tàu phóng lôi của tôi những anh chàng quan tâm đến khoa học! Ông ta quay về phía Shchedrin đút tay vào túi áo và quát lên bằng cái giọng khàn khàn. - Đây là tàu quân sự, chứ không phải tầu thực tập của sinh viên. Cậu đừng có chỉ dẫn cho mình. Shchedrin phẩy tay đi xuống cầu thang. Đêm trôi đi rất chậm. Tưởng chừng buổi sáng không bao giờ có thể chọc thủng những đám mây dầy đặc, vượt qua ẩm ướt, bóng tối và tuyết. Gần sáng, «Dũng Cảm» bắt đầu đến gần chiếc tàu ngầm và bắn một loạt đạn cảnh cáo. Con tàu yên lặng. Phải vất vả hạ chiếc xuồng xuống đưa người sang tầu móc dây kéo. Trong số những người được cử đi có cả Shchedrin và Marchenko. Điều mà Shchedrin nhìn thấy quả là một giấc mơ kinh khủng. Hầm tầu mở ngỏ. Trong buồng thuyền trưởng, một thủy thủ Đức ngồi gục trên sàn. Anh ta ngủ nhưng không sao đánh thức dậy được. Cạnh anh ta nằm vật một xác người, có lẽ là sĩ quan chỉ huy tầu. Từ trong hầm bốc ra mùi xác người thum thủm và mùi khí clo. Vitya «nửa người», Shchedrin và Marchenko xuống dưới tầu. Dưới đó tối và phải soi đèn pin. Cả đội thủy thủ trên tầu đã chết. Người nằm nguyên vẹn trên các giường treo. Trên nét mặt họ lộ rõ sự mệt mỏi và yên tĩnh. Hai thủy thủ chết người co quắp bên những bình dưỡng khi đang mở. Con tầu chòng chành và cùng với nó những cánh tay thõng xuống từ trên giường và những cái đầu cũng lắc lư theo. - Thế đó, - Marchenko nói, - chiến tranh có thể có dạng thư thế đó, không một giọt máu. Những lời của anh dội vào đầu mỗi người một nỗi nhức nhối đến mụ mị. - Họ bị chết ngạt trong giấc ngủ, - sĩ quan trưởng nói. - Chắc là ban đêm con tầu lặn xuống để đoàn thủy thủ nghỉ ngơi. Hai thủy thủ được cử ra trông máy dưỡng khí, đã xả ra một lần chút ít dưỡng khi dùng cho cả đêm. Các thủy thủ này mở máy nhưng không kịp đóng lại, oxygen làm họ bị say. Các anh không thể tưởng tượng được giấc ngủ ở tàu ngầm nặng nề thế nào. Shchedrin và các thủy thủ im lặng nghe. - Tôi có thể tưởng tượng được họ đã mê lịm đi như thế nào, - người sĩ quan chỉ huy nói. - Đầu tiên oxygen tràn ngập cả con tầu, sau đó khí carbonic cũng nhanh chóng như oxygen bắt đầu tích lại trong tầu và làm chết ngạt tất cả. - Viktor Petrovich, - Shchedrin hỏi và nuốt nước bọt, trong miệng anh thấy đắng như tanh đồng. - Nếu vậy sao họ còn cho được con tầu nổi lên và phát tín hiệu radio cầu cứu được? Điều đó tôi không hiểu. – Tôi cũng không hiểu được, anh bạn ạ, - người sĩ quan chỉ huy trả lời rồi rọi đèn pin lên những thủy thủ đã chết. - Chắc rằng hai ba người đã tỉnh lại được. Họ kịp tháo không khí trong các bình nén ra và bơi lên kêu cứu. Nhưng điều đó có thể nói là trong cơn giẫy chết thôi. Thôi, ta đi lên! - Tự tìm cho mình một chiếc quan tài thép. - Marchenko vừa biước lên cầu thang vừa nói. Trên boong tàu ngầm, Shchedrin lại bị một lớp sóng xô trút lên và anh bắt đầu run lẩy bẩy, khó lắm mới trả lời được các câu hỏi của người sĩ quan. Vitya «nửa người» chăm chú nhìn Shchedrin. - Anh trở về tầu phóng lôi đi, - ông ta nói. - Ở đây chỉ cần ba thủy thủ là đủ rồi. - Không, tôi có làm sao đâu, - Shchedrin trả lời và cố mỉn cười, nhưng chẳng cười ra được. - Mỗi tội là tôi ướt hết cả. Vitya «nửa người», thở dài và quay đi. Người là nâng tay thủy thủ Đức lên, đưa xuống xuồng. Anh tự chóp chép môi, nhưng không tỉnh lại được. Chiếc xuồng chạy về phía «Dũng Cảm». Nó nhả khói, vật vã trên sóng, tuồng như đang lắc đầu trách móc. Shchedrin ngồi bó gối trong góc xuồng và những ý nghĩ ngắn ngủi rội lên trong óc anh. Nếu mẹ anh đã biết được chuyện này! Như ng thậm chí khó mà kể lại được cho bà những gì anh đã thấy. Nói chung không thể kể cho ai nghe về điều ấy cả. - Tự họ đi chơi với quỷ đó - Anh nói thành tiếng. Nhưng không ai để ý đến lời nói của anh. Các thủy thủ chèo xuồng, Vitya «nửa người» cổ áo bẻ cao ngồi yên lặng, trông ông chẳng có vẻ sĩ quan tí nào, nhỏ bé với chòm râu nâu ướt át, mặt sưng húp, ông giống như một bác sĩ tỉnh lẻ thì đúng hơn. "Nhưng chính mình cũng tự đến với quỷ", - Shchedrin nghĩ và bắt đầu nhớ lại anh đã bước vào cuộc chiến tranh như thế nào. Không, tất nhiên không phải tự anh đã ra đi, mà bị bắt buộc. Vậy là có một người nào đó có quyền lực với cuộc đời của anh, tình yêu của anh với mẹ, và số phận của anh nữa. "Nhưng ai vậy? Ai? - Shchedrin tự hỏi. - Nga hoàng chăng?" – Trong gia đình anh vẫn luôn cười nhạo Nga hoàng và coi y là tên đần độn, là anh lính tẩy say rượu. "Về Mariehamn mình sẽ suy nghĩ cho ra lẽ", Shchedrin tự nhủ. Lúc này chẳng muốn suy nghĩ. Lúc này chỉ muốn cởi bỏ bộ quần áo, nằm lên giường, chùm chăn kín đầu, dõi theo những giấc mơ mong manh và luôn đứt đoạn như những sợi tơ nhện. Nhưng dù sao một con người khiêm nhường như Vitya «nửa người», với cả một bầy con dại, người ta lại đặt vào tay một công cụ bằng sắt thép để cắt xẻ, băm vụn và nghiền nát cơ thể con người làm gì. "Có một sai lầm nào đó trong tiềm thức của chúng ta rồi'' - Shchedrin nghĩ. Anh nhớ lại người thầy phụ đạo của mình, anh sinh viên Raikovich. Con người luôn đói bụng và giễu cợt này chỉ một lần nói đến chiến tranh, khi Shchedrin và học trường hàng hải. - Tôi chỉ thừa nhận có một cuộc chiến tranh. - Anh nói, - Nó là cần thiết và thậm chí đang mong muốn nữa. Tôi muốn nói đến cuộc chiến tranh chống lại nguồn gốc mọi cuộc chiến tranh trên thế giới, không phải cuộc chiến tranh giữa các dân tộc mà giữa những người muốn sống trong hòa bình và những kẻ sống nhờ bằng chiến tranh. Chiếc xuồng đã đến bên «Dũng Cảm». Từ mũi tầu, chiếc thang dây được ném xuống, Shchedrin vất vả leo lên, Vitya «nửa người» cũng lập cập leo lên trước anh. Tà áo khoác ướt át của ông ta quệt cả vào mặt Shchedrin. Shchedrin nhận thấy các thủy thủ và cả vài sĩ quan sau trận chiến đấu mất đi hẳn vẻ hào hùng của con nhà binh. Họ đều tư lự, đi lại gần như gù người xuống, trong mắt cùng một nỗi lo âu như Shchedrin - nỗi lo âu khơi dậy bởi trận đánh và những ý nghĩ chưa được đào sâu đến nơi đến chốn. «Dũng Cảm» bơi chậm rãi, thỉnh thoảng lại hãm bớt máy cho dây kéo khỏi bị đứt vì căng quá, đi dần về Mariehamn. Thời tiết thay đổi. Gió đã lặng đi. Giữa trưa ánh nắng rụt rè xuyên qua đám mây. Lá cờ trên «Dũng Cảm» rủ xuống. Shchedrin nằm trong buồng, rên rỉ vì xương cốt đau nhừ, anh nhăn nhó và ho luôn. Thỉnh thoảng anh lại thiếp đi. Người y sĩ trên tàu đánh thức anh. Ông ta mang đến cho Shchedrin nước trà và những viên thuốc đắng ngắt. Shchedrin ngoan ngoãn uống thuốc và lại thiếp đi. Anh mơ thấy đang đêm anh ngã xuống nước lạnh. Nước rào rào hắt vào từ cơ thể nóng rẫy của anh. Qua bụi tuyết, anh thấy những quả pháo nối đuôi nhau của «Dũng Cảm» phóng tít lên trời cao, rồi rơi xuống những cơn sóng chồm lên, bay lên, rơi xuống, mờ đi tàn lụi trong chân trời đêm tối đen như những ngôi sao. Shchedrin gọi mẹ trong mơ. Anh trở mình đạp rơi chăn. Mặt anh sưng húp với mớ tóc rối bời nom giống như mặt một cậu bé bị ốm. Thời gian đó Shchedrin vừa tròn hai mươi tuổi. Đến Mariehamn, Shchedrin và Ackerman được đưa đến vào bệnh xá, Shchedrin bị sưng phổi. Bệnh xá đã cổ lắm rồi, được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ mười chín. Suốt gần cả một trăm năm, cho tới cuộc chiến tranh chống Đức nó vẫn bỏ không. Dân chúng trên đảo Aland khỏe mạnh, ai cũng hồng hào và rất ít khi ốm đau. Sàn đá phòng bệnh lạnh và âm vang - tiếng chân bác sĩ vọng lại từ xa. Shchedrin và Ackerman nằm lim dim nghe tiếng lửa cháy tí tách trong lò sưởi gạch men. Trên tường lò có vẽ những chiếc tàu buồm xanh lam dáng vụng về như những chiếc máng ăn. Những chiếc tầu đang nhả những quả khói tròn dày dặc truớc họng pháo. Mùa đông năm ấy bệnh xá càng vắng vẻ và âm thầm. Tháng hai đã qua. Cách mạng bắt đầu nổ ra ở nước Nga. Hải quân đang xao động và chẳng ai để tâm đến bệnh xá nữa. Người ta dường như quên đi Shchedrin và Ackerman. Người đưa tin duy nhất - tới đây từ thế giới xa xôi vang động tiếng còi tầu ngoài của sổ, tiếng nước mùa xuân chảy róc rách là một ông bác sĩ người Thụy Điển đã Nga hóa, sống cả đời trên đảo Aland này. Những sợi tóc bạc lởm chởm rối bù trên đầu ông, tà áo khoác lúc nào cũng bỏ ngỏ. Ông luôn luôn cười vang trong căn phòng làm việc của mình và tiếng cười của ông bay đến tận góc xa nhất của bệnh xá. Shchedrin ưa thích những cuộc thăm bệnh của bác sĩ. Cùng với ông mùi thuốc lá tươi ngái và mùi cồn ùa vào phòng. Bác sĩ ghé tai vào ngực Shchedrin; tóc ông bao giờ cũng ướt, có lẽ vì nước tuyết giỏ giọt và vì sương mù. Càng gần sang xuân, đảo càng luôn bị sương mù bao phủ. Chim hải âu kêu chim chíp, trẻ con gọi nhau í ới trong sương mù, một lần Ackerman đánh thức Shchedrin dậy, họ nghe thấy rất lâu trong làn sương dày đặc ngoài của sổ vang lên long trọng và đắc thắng bài "Marseillaise". "Hỡi các công dân, hãy cầm lấy vũ khí!" - những chiếc kèn bạc reo lên. Rồi tiếng "Ura" dữ dội át đi. - Tớ nhận ra tiếng của anh em thủy thủ bọn mình rồi, - Ackerman nói. - Bọn ăn bám giờ đây mới khốn khổ. Hết đời rồi! Nhân dân công phẫn lao vào cung điện của các tên bạo chúa! Chân của Ackerman đã lên da non và anh lại bắt đầu đùa. Một lần Marchenko đến thăm. Anh kể rằng ở «Dũng Cảm» anh đã được bầu làm chủ tịch đội thủy thủ tầu và mang đến quà của toàn đội: thuốc lá, hai qủa cam khô và một xấp báo những ngày vừa qua. - Marchenko ơi, dù sao chúng tôi cũng là những sĩ quan, - Ackerman nói. - Xương trắng, máu xanh này và nhiều chuyện khác nữa[3]. Marchenko cười nhoẻn: - Các anh cũng gần như chúng tôi thôi. Xin lỗi, sĩ quan gì cái ngữ các anh. Sĩ quan đó là bọn ăn bám, các anh chỉ là những sinh viên thôi. Đầu óc các anh khác. - Còn biết nói gì nữa, - Ackerman nói, - được như thế cũng cảm ơn lắm, dù chúng tôi không xứng được như vậy. Có nghĩa là chúng ta sẽ làm cách mạng đến cùng. - Rõ, đến cùng - Marchenko đứng dậy. Anh vội đi dự mít tinh của thủy thủ. - Các anh em họp mít tinh ở đâu? - Ackerman hỏi. - Trên các tầu chiến à? - Sao lại ở trên tầu! Trên tầu chặt lắm. Họp ở ngoài nghĩa trang ấy. - Chỗ hợp đấy! - Ackerman cười khẩy. - Thích hợp nhất ấy chứ ? - Marchenko nghiêm túc cãi lại. - Ở nghĩa trang có một nấm mồ được anh em lính thủy yêu mến. Người ta họp mít tinh ngay gần cái mộ đó, đứng ngay lên tấm bia và những hòn đá mà diễn thuyết. – Ngôi mộ của ai vậy? - Tôi thấy là phải kể cho các anh về điều đó. - Marchenko buồn rầu nói. - Nếu không, các anh chơ vơ trên cạn chả biết gì cả. Dưới phiến đá đó là anh lính Semyon Tikhonov và chuẩn úy Bestuzhev. Họ được chôn ở đây ngay từ hồi Nikolai I. Thật dễ hiểu khi thấy ngôi mộ này, anh em binh lính đã thắc mắc tại sao một người lính lại chôn chung với một sĩ quan và cùng một phiến đá nặng đặt nằm trên người họ. Mọi người thấy lý thú và họ đi hỏi dân địa phương. Các anh cũng biết là không có chuyện gì trên đời mà anh lính thủy không tìm ra. Có thế mới là lính thủy. Thế rồi họ được biết rằng một trăm năm trước, mùa đông ở đây rất giá buốt và vịnh biển đóng băng kín khắp từ bờ này tới bờ kia... Bây giờ không thế nữa rồi, chính các anh cũng thấy đấy, mùa đông đã rữa ra; hết tuyết lại sương mù với mưa, lầy lội. Một trăm năm trước đây ở Petersburg[4] có cuộc khởi nghĩa. Một trong những người tham gia khởi nghĩa đã phải chạy trốn, mang cái đầu thoát khỏi phần thưởng của nhà vua. Ông đã đi theo mặt băng đến vùng đảo này, định vượt sang Thụy Điển, nhưng đã bị sa cơ ; không rõ bọn cảnh sát hay sĩ quan đã bắt giữ được ông. Và chắc chắn ông đã không thoát khỏi cái chết, nếu anh lính Tikhonov và chuẩn úy Bestuzhev đã không giúp ông trốn thoát. Họ cứu được người khác, còn mình thì chịu cái chết đắng cay. - Chết thế nào cơ ? - Về điều này người ta kể nhiều chuyện khác nhau. Người thì nói họ bị bắt ngay trước trại lính, người lại bảo là họ bị phạt đòn rồi chôn cất bên cạnh nhau trong cùng một ngôi mộ. - Sĩ quan thì không có hình phạt roi đòn đâu, - Ackerman nói. - Thì một kiểu gì đó, làm cho người ta phải chết. Thôi ngủ đi, cố mau khỏe. Ở ngoài giờ vui lắm. Marchenko từ biệt rồi ra về. Shchedrin nhắm mắt lại suy ngẫm, anh nhớ lại những câu chuyện mẹ kể về ông nội, những câu chuyện hân hoan của các bà cô mà anh vẫn cười giễu, cái mà từ bé anh cho là một chuyện hư cấu của gia đình bỗng nhiên hiển hiện thành có thật, vượt ra khỏi khung cảnh chật hẹp của gia đình, đạt tới một ý nghĩa nào đó đối với một thời kỳ cách nuạng, không những chỉ được anh, mẹ anh và các cô anh - mà cả trăm anh em lính thủy biết đến. Vậy quả là ông nội anh đã đến đây và vào cái thời gian đảo điên khủng khiếp ấy có hai con người hy sinh đời mình để cứu ông anh khỏi giá treo cổ. Chiến công của những người đó Shchedrin cảm thấy còn cao hơn cả chiến công của ông anh và càng nghĩ về điều đó, anh càng thêm phần xúc động: - Ackerman này, tên họ là gì nhỉ? - Anh hỏi khẽ. - Ai cơ? - Hai người chôn chung dưới mồ ấy mà. - Anh lính tên là Tikhonov, còn chuẩn úy là Bestuzhev. Shchedrin muốn kể cho Ackerman nghe về ông nội mình, nhưng đã nén lại. Anh sợ hơn cả là sự chế nhạo và không tin cậy! Sasha, cậu mà cũng là cháu của một chiến sĩ tháng Chạp thế quái nào được ! - Ackerman sẽ nói. – Cậu ấp úng cả trước mặt Rosen, không biết hòa hợp với anh em lính, cậu chỉ là một anh chàng bình thường, chứ cháu của chiến sĩ tháng Chạp thế nào được. Trời tối dần. Ánh dương xanh sáng lên ngoài cửa sổ. Có tiếng chân người bước đi trong hành lang. Ông bác sĩ vui tính đầu bù bước vào. Kế sau là người hộ lý đỡ lưng một người to béo râu đen bước tới. Bệnh nhân mới được đặt lên giường. Ông ta giương đôi mắt lồi vẻ chế nhạo nhìn lên trần và im lặng. Ông bác sĩ xoa hai bàn tay vào nhau. - Đây, các anh bạn trẻ ạ, - ông nói, - Thêm cho các anh một người bạn cùng bệnh nữa nhé. Có ba người càng vui thêm, phải không? Shchedrin nằm vẫn không mở mắt. Anh rất mệt vì câu chuyện của Marchenko và những ý nghĩ về ông nội. Anh muốn ngủ. - Ông bác sĩ, tôi yên cầu, - bệnh nhân mới nói bằng một giọng gắt gỏng (Shchedrin mở mắt và nhanh nhẹn nhỏm dậy) - ngay khi có điều kiện phải gửi tôi về Helsingfors. Việc chữa chạy ở đây không hợp ý tôi. - Thưa ngài thuyền trưởng hạng nhất, - Shchedrin nói - Helsingfors không giúp gì được ngài đâu. - Nghĩa là thế nào? - Bệnh nhân mới trâng tráo hỏi - Chú bé, chú nghĩ ra trò gì vậy? - Tôi không phải là chú bé, mà là sĩ quan của hạm đội cách mạng, đã thế lại là con trai của một mụ đầu bếp, - Shchedrin trả lời. - Chúng ta đã gặp nhau chỗ cây thông ở Reval, ông quên rồi chăng? - Cứ cho là ta quên rồi, - viên thuyền trưởng hạng nhất trả lời độc địa - Ta không nhớ dịp may mắn như vậy trong đời ta. Shchedrin ngồi dậy trên giường, nói với ông bác sĩ đang lo cuống cả lên: - Ông mang tên hỗn xược này đi! - À, à! - viên thuyền trường hét lên, nhỏm nguời đậy - Anh sẽ phải nói chuyện với chỉ huy hạm đội. - Còn ông sẽ nói chuyện với anh em lính thủy ở hạm đội, - Shchedrin mặt tái đi, nói. - Bác sĩ ơi, viên sĩ quan này đã lăng mạ một người phụ nữ trước mặt tôi chỉ vì người đó nghèo và ăn mặc tồi tàn. Bây giờ hắn đang định tẩu thoát về Helsingfors. Đằng nào cũng thế, ở đây hay ở Helsingfors, anh em lính thủy cũng sẽ tính sổ với hắn. - Thần kinh tọa là một căn bệnh rất buồn cười. - Ackerman lầu bầu - Ốm mà chả trông thấy gì. Mà có khi ngược lại: không ốm cũng chẳng thấy gì. Viên thuyền trưởng ngồi dậy. Hắn nhìn hai chuẩn úy bằng đôi mắt cuồng nộ. Chiếc cằm mọc râu rung lên, những mạch máu to nổi hẳn trên thái dương. - Im ngay! - Hắn bỗng quát lên bằng một giọng the thé. - Lạy Chúa - Ackerman nói và lấy tay bịt tai. - Ông mà kêu lên một lần nữa thì chúng tôi sẽ không còn gì. Xin ngài thuyền trưởng rủ lòng thương. Viên thuyền trưởng nhổm dậy, bước ra khỏi phòng bệnh. Chiếc áo khoác quết đuôi trên sàn. Bác sĩ và người hộ lý bước theo sau. Ông bác sĩ lắc đầu trách móc. Viên thuyền trưởng được đặt nằm ở một phòng xa. Hai hôm sau vào ban đêm, anh em lính thủy đến bắt hắn giải về Helsingfors, về Ủy ban trung ương của hạm đội Baltic. * * * Tháng Tư, Shchedrin ra viện. Bác sĩ cấm anh không được trở về tầu. Shchedrin phải nghỉ ngơi lấy lại sức chừng hai, ba tuần sau khi ra viện. Theo bác sĩ khuyên, Shchedrin thuê phòng ở nhà người đánh cá Peter Jacobsson. Một căn nhà nhỏ cũ nằm ngay sát mép nước. Căn nhà quét nhiều màu: tường màu xanh đã long lở, khung cửa sổ và cửa ra vào - màu da cam, còn bên trong mỗi phòng một mầu, chắc trước đây đậm sắc hơn nhiều. Phòng Shchedrin quét màu vàng và treo đầy ảnh của các cụ dòng họ Jacobsson. Sáng sáng, còn nằm trên chiếc giường gỗ, Shchedrin nhìn ngắm ảnh những cụ già môi mỏng như tạc bằng sắt treo ở trên đầu giường - những thuyền trưởng, hoa tiêu, đã từng một thời sống trong nhà này. Cũng ngay tại đó, treo ảnh của con gái họ - những cô gái mắt màu sáng với nét mặt niềm nở - và vợ họ - những bà già gầy guộc. Những bà già trên ảnh ngồi thẳng như các vị tướng, đặt những bàn tay gân guốc lên đầu gối. Giữa những bức ảnh ấy có một bức tranh bằng phấn mầu. Đó là chân dung một phụ nữ trẻ, hàng lông mày duớn cao như đang xao xuyến vì một điều gì đó, ánh mắt u buồn và vầng trán nhỏ thanh tú. Mỗi khi nhìn bức tranh, Shchedrin lại thầm nghĩ người phụ nữ này, đã làm gì ở đây trong thị trấn ngư dân nhỏ xíu này, nơi cách đây một trăm năm chỉ có vẻn vẹn ba trăm người. Trong nhà Jacobsson sạch sẽ và yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng Jacobsson vừa dậm nhịp vừa hát ở trong bếp, lúi húi với mớ lưới của mình. Vợ chồng Jacobsson có một con gái lên ba tuổi. Nhưng cháu không sống với bố mẹ mà ở nhà bác sĩ. Vợ chồng bác sĩ không con nuôi dạy con bé và định cho cháu ăn học đến nơi đến chốn. Con bé tên là Maria. Marta, vợ Jacobsson, là một người đàn bà đãng trí. Ngày nào nhà cũng thấy hết sữa, hoặc con mèo tha mất khúc cá rán từ chiếc chạn bỏ ngỏ. Jacobsson chỉ cười là không giận vợ. Cuộc sống này gây cho Shchedrin một ấn tượng là anh bị ném ngược trở lại hàng chục năm về trước, đến một đất nước cổ xưa, nơi mà vẫn có những chiếc xe ngựa chở thư và trong các văn phòng người ta vẫn nuôi những con dế mèn trong những chiếc lồng nhỏ để cầu may. Ngồi trong những căn phòng cổ kính này, đọc những tờ báo bưng bừng khí thế của một thời cách mạng thật lạ lùng. Những trang báo đầy những lời kêu gọi, sự phẫn nộ, những tin tức giật gân và thông báo Lenin đã trở về nước Nga. Tên tuổi Lenin đã vang dậy khắp các cuộc mít tinh của hải quân, được nhắc đến ở khắp mọi nơi. Những chiếc tàu phóng lôi vùn vụt mang tên Người đi khắp vùng Baltic khắc khổ. Các đài phát thanh rung chuyển và tóe lửa, truyền những tiếng nói của Lenin tới các tàu chiến, các đơn vị bờ biển, các pháo đài cấm cố, các tàu ngầm. Các tín hiệu viên xếp tên Người bằng những lá cờ sặc sỡ. Tên tuổi Lenin lan rộng ra, lớn lên, trở thành ngọn cờ và niềm hy vọng của người Baltic. Chung quanh tên Người kết tinh lại sự bất bình của hải quan, ý chí và nhiệt tình cách mạng không gì kiềm chế được của họ. "Ánh dương của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới đã lóe lên" - Lenin nói trong cuộc đón Người ở ga Phần Lan. Những lời đó đã lan đi khắp hạm đội. Tưởng như cả biển cũng ầm vang đắc thắng và đồ dồn vào bờ những khối nước khổng lồ sáng loáng, cùng lặp lại những lời nói đó. Shchedrin thấy người nao nao. Một lần anh đi dự mít tinh trên tầu phóng lôi, thậm chí còn đọc cả một bài diễn văn nồng nhiệt và rắc rối. Anh em lính thủy vỗ tay hoan hô anh hồi lâu, đúng hơn là gõ những nắm tay chắc nịch, rắn như gỗ xuống sàn rồi bồng Shchedrin từ tầu lên bờ - có lẽ vì thương hại: Shchedrin gần như không đứng vững nữa vì xúc động. Ackerman đi bằng nạng. Anh có thái độ thiết thực với cách mạng, ngồi lì ở ủy ban tầu và bướng bỉnh cãi cọ với cấp trên và chuyện cơm nước, nghỉ phép, quần áo phát thêm và những vấn đề thiết yếu khác của đời sống lính thủy. Anh ít đùa hơn trước và chỉ thỉnh thỏang rẽ vào Shchedrin anh mới lại đọc những câu thơ yêu thích trước đây: - Con rắn độc quyền lực của nhà vua đã bị những bàn chân đất của nhân dân xéo nát thành tro bụi. Ngọn cờ đỏ của quân khởi nghĩa phấp phới bay trên đất nước vĩ đại. Shchedrin thức dậy rất sớm. Chim trong vườn ríu rít gọi nhau. Một biển yên tĩnh chói lòa, bốc hơi, lấp lánh ánh phản quang chiếu xa hàng trăm dặm, vỗ sóng vào bờ biển granite, và, như một đứa trẻ, phả vào mặt một luồng gió nóng ấm.