🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà - Phần 1: Sự Báo Thù Của Phù Thuỷ
Ebooks
Nhóm Zalo
Sơ lược tiểu sử nhân vật
Chương 1: ĐỨA CON TRAI THỨ BẢY Chương 2: TRÊN ĐƯỜNG
Chương 3: SỐ 13 HẺM ƯỚT
Chương 4: KÝ TỰ
Chương 5: ÔNG KẸ VÀ PHÙ THỦY
Chương 6: CÔ GÁI ĐI GIÀY MŨI NHỌN Chương 7: AI ĐÓ PHẢI LÀM THÔI
Chương 8: MẸ GIÀ MALKIN
Chương 9: BÊN BỜ SÔNG
Chương 10: BILLY TỘI NGHIỆP
Chương 11: HỐ
Chương 12: KẺ TUYỆT VỌNG VÀ KẺ XÂY XẨM Chương 13: ĐÁM LỢN LÔNG LÁ
Chương 14: LỜI KHUYÊN CỦA THẦY TRỪ TÀ End
Ghi chép của Thomas J. Ward
Sơ lược tiểu sử nhân vật
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Tom
Thomas Ward là đứa con trai thứ bảy của người con trai thứ bảy. Điều này có nghĩa cậu bé được sinh ra với những năng khiếu nào đấy – những năng khiếu giúp cho cậu tuyệt đối thích hợp với vai trò chân tập sự của Thầy Trừ Tà. Cậu bé có thể nhìn ra hay nghe thấy những
người đã khuất và theo lẽ tự nhiên, cậu là kẻ thù của thế lực bóng tối. Nhưng như thế vẫn không ngăn Tom khỏi cảm thấy sợ hãi, và cậu sẽ phải cần đến hết cả lòng can đảm của mình nếu cậu muốn kế tục công việc mà hai mươi chín người khác đã thất bại.
Thầy Trừ Tà
Thầy Trừ Tà là một nhân vật không thể lẫn vào đâu được. Thầy cao ráo, trông bề ngoài khá hung tợn. Thầy khoác chiếc áo choàng có mũ trùm và luôn mang theo bên mình thanh trượng cùng sợi xích bạc. Cũng giống như cậu bé Tom tập sự của mình, thầy là người thuận tay trái và là con trai thứ bảy của người con trai thứ bảy.
Sáu mươi năm rồi thầy đã bảo vệ cho Hạt khỏi những thứ quấy phá về đêm.
Alice
Tom không thể quyết định được rằng Alice là chính hay tà. Cô bé dọa cho đám thanh niên trong làng phát khiếp, có bà con với hai trong số những tộc phù thủy xấu xa nhất (tộc Malkin và tộc Deane) và còn từng được biết là đã dùng phép thuật bóng tối. Nhưng cô bé bị huấn luyện làm phù thủy ngoài ý muốn của mình và từng giúp đỡ Tom trong những thời khắc nguy khốn. Cô có vẻ là một người bạn trung thành, nhưng liệu cô có đáng tin không?
Mẹ
Mẹ Tom luôn biết rằng cậu bé sẽ thành người tập sự của Thầy Trừ Tà. Bà gọi cậu bé là “quà tặng dành cho Hạt”. Bà là một người mẹ
thương con và là một chuyên gia về cây cỏ, thảo dược và sinh đẻ. Mẹ trước nay luôn hơi khác biệt. Xuất thân từ Hy Lạp của bà vẫn còn là một bí ẩn. Thật ra, vẫn còn khá nhiều điều bí ẩn về mẹ...
ĐIỂM CAO NHẤT TRONG HẠT ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI ĐIỀU BÍ ẨN.
TƯƠNG TRUYỀN RẰNG NƠI ĐẤY MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÃ MẤT MẠNG TRONG MỘT TRẬN CUỒNG PHONG BÃO TỐ, KHI ĐANG BẮT ÉM MỘT KẺ TÀ ÁC CHỰC ĐE DỌA TOÀN BỘ THẾ GIỚI NÀY.
RỒI BĂNG GIÁ LẠI TRÀN XUỐNG, VÀ KHI BĂNG TAN ĐI, CẢ HÌNH DÁNG CỦA NHỮNG NGỌN ĐỒI LẪN TÊN GỌI CÁC THỊ TRẤN TRONG THUNG LŨNG ĐỀU THAY ĐỔI.
GIỜ ĐÂY, TRÊN ĐỈNH CAO NHẤT CỦA NHỮNG RẶNG ĐỒI ẤY, KHÔNG CÒN LẠI DẤU TÍCH GÌ CỦA NHỮNG VIỆC ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN TỪ XA XƯA, NHƯNG TÊN GỌI CỦA NÓ VẪN MÃI TRƯỜNG TỒN.
NGƯỜI TA GỌI ĐẤY LÀ –
HÒN ĐÁ BẢO HỘ
Khi Thầy Trừ Tà đến nơi, ánh sáng ban ngày đã bắt đầu lịm tắt.
Hôm đấy là một ngày dài mệt nhoài, và tôi đã xong xuôi chờ ăn tối.
“Ông chắc đấy là thằng con thứ bảy chứ?” Thầy hỏi. Ông đang nhìn xuống tôi lắc lắc đầu, vẻ nghi hoặc.
Bố gật đầu.
“Ông cũng là người con thứ bảy luôn phỏng?”
Bố lại gật đầu và bắt đầu bồn chồn giẫm giẫm hai chân, làm những giọt bùn nâu và phân chuồng bắn tung tóe lên chiếc quần ống bó của tôi. Nước mưa nhỏ thành giọt từ chóp mũ của bố. Cả tháng nay gần như ngày nào cũng mưa. Cây cối đã đâm vài chồi lá non nhưng tiết Xuân còn lâu mới đến.
Bố tôi là nông dân và cha ông cũng thế, và quy tắc đầu tiên của nhà nông là phải gìn giữ đất đai nông trại. Bạn không thể cứ chia hết đất đai cho các con; làm thế thì cứ mỗi thế hệ qua đi là đất đai mỗi nhỏ lại cho đến khi chẳng còn lại gì sất. Thế nên bố để lại nông trại cho con trai cả. Rồi tìm việc làm cho các con còn lại. Nếu được, bố sẽ cố tìm cho mỗi đứa một nghề.
Để làm được như thế thì bố phải cần nhiều ơn huệ lắm. Lò rèn trong vùng là một giải pháp, nhất là nếu như nông trại được rộng lớn và bố có khối việc giao cho lò rèn. Thế rồi tùy vào đấy mà bác thợ rèn sẽ cho tuyển vào học việc, nhưng mà dù có thế thì mới chỉ giải quyết được cho một đứa con mà thôi.
Tôi là đứa con thứ bảy của bố, nên cho đến lúc tới phiên tôi thì mọi ơn huệ đã được xử hết sạch. Bố cùng đường đến nỗi giờ đây ông đang nhờ Thầy Trừ Tà nhận tôi vào làm chân học việc của Thầy. Hay ít ra là vào lúc ấy tôi nghĩ thế. Lẽ ra tôi đã phải đoán được rằng Mẹ là người đứng sau chuyện này.
Mẹ đứng đằng sau nhiều chuyện lắm. Từ trước khi tôi ra đời rất lâu, nhờ vào tiền của mẹ mà chúng tôi mới mua được nông trại này. Bằng không thì làm cách nào anh con trai thứ bảy lại có đủ tiền mà mua chứ? Mà mẹ không phải người trong Hạt. Mẹ đến từ một vùng đất xa xôi bên kia biển lớn. Đa phần mọi người không nhận ra, nhưng thỉnh thoảng, nếu bạn lắng tai nghe thật kỹ ấy mà, sẽ thấy một tí xíu khác biệt trong cái cách bà phát âm một số chữ.
Nhưng mà này, đừng có tưởng tượng là tôi bị bán đi làm nô lệ hay là gì đấy nhé. Dù gì thì tôi cũng chán ngấy việc nhà nông rồi, và cái nơi mà người ta kêu là “thị trấn” thực chẳng hơn gì một ngôi làng ở chốn đèo heo hút gió. Chắc chắn đấy không phải là nơi tôi muốn sống hết quãng đời còn lại của mình. Cho nên nói theo cách nào đấy thì tôi quả là thích cái ý tưởng làm kẻ trừ tà; làm cái này thú vị hơn việc vắt sữa bò hay việc rải phân nhiều lắm.
Dầu vậy chuyện này cũng làm tôi bồn chồn chứ, bởi đây là một công việc đáng sợ. Tôi sẽ học cách bảo vệ các nông trại và làng xóm khỏi những thứ quấy phá về đêm. Đương đầu với ma cà rồng, với ông kẹ và tất tần tật các loài ác thú dữ tợn là việc hàng ngày. Đấy là những gì Thầy Trừ Tà làm và tôi sẽ là người tập sự của Thầy.
“Thằng bé mấy tuổi rồi?” Thầy Trừ Tà hỏi.
“Tháng Tám tới đây là nó được mười ba đấy.”
“Tầm tuổi này vậy là hơi bé xác nhỉ. Nó có thể đọc viết được không?”
“Ậy,” Bố đáp. “Nó có thể đọc viết tất và còn biết cả tiếng Hy Lạp nữa ấy chứ. Mẹ nó dạy cho nó và nó nói được còn trước cả khi biết đi cơ đấy.”
Thầy Trừ Tà gật gù và ngoái nhìn về hướng căn nhà chính của nông trại qua lối đi bùn lầy ở bên kia cánh cổng, như thể đang lắng nghe gì đấy. Đoạn Thầy nhún vai. “Cuộc đời này với một người trai tráng đã cam go lắm rồi, đối với một cậu bé thì miễn bàn,” Thầy bảo. “Ông nghĩ thằng bé đã sẵn sàng à?”
“Nó mạnh lắm và khi trưởng thành, nó sẽ to con như tôi đây,” bố tôi vừa đáp, vừa vươn vai đứng thẳng hết cỡ. Đã làm thế rồi, vậy mà
đỉnh đầu bố chỉ cao mới ngang cằm Thầy thôi.
Thốt nhiên Thầy mỉm cười. Đấy là điều cuối cùng mà tôi mong thấy. Gương mặt Thầy to tướng và trông như thể được đẽo ra từ đá. Cho đến lúc ấy thì tôi nghĩ Thầy khá hung tợn. Chiếc áo choàng đen dài cùng mũ trùm đầu làm Thầy trông như cha xứ, nhưng khi Thầy nhìn thẳng vào bạn, vẻ mặt đăm đăm của Thầy làm cho Thầy có vẻ như một tay hành quyết đang đong đếm bạn để chọn cho vừa sợi dây treo cổ.
Món tóc chĩa ra từ phần trước mũ trùm tiệp màu với bộ râu, màu xám, nhưng hai chân mày Thầy lại đen thui rậm rì. Lại còn có lắm lông đen sì thò ra từ hai lỗ mũi nữa, và hai mắt Thầy màu xanh lục, cùng màu với mắt tôi.
Thế rồi tôi để ý thấy một điều khác về Thầy. Thầy đang cầm một cây trượng dài. Hẳn nhiên là tôi đã trông thấy từ lúc Thầy lọt vào tầm nhìn kia, nhưng điều tôi đã không nhìn ra cho đến lúc này là Thầy đang cầm trượng bằng tay trái.
Thế có phải là Thầy cũng thuận tay trái như tôi?
Đấy là thứ đã đem đến cho tôi rắc rối liên tu bất tận ở trường làng. Người ta thậm chí còn cho mời cha xứ trong vùng đến nhìn lấy tôi rồi cha xứ cứ lắc đầu mãi, bảo tôi phải bỏ tật ấy thôi trước khi quá
muộn. Tôi chẳng hiểu ý cha xứ nói gì. Anh em tôi chẳng ai thuận tay trái cả và bố tôi cũng không. Nhưng mẹ tôi lại thuận tay trái ấy chứ, mà việc ấy dường như chẳng bao giờ làm bà quan tâm, thế là khi thầy giáo dọa sẽ đánh cho tôi bỏ cái tật ấy và buộc viết vào tay phải của tôi, thì mẹ đem tôi ra khỏi trường và từ ngày đấy trở đi mẹ dạy tôi học tại gia.
“Ông tính bao nhiêu để nhận nó vào?” bố tôi lên tiếng hỏi, làm gián đoạn dòng suy nghĩ của tôi. Bây giờ thì chúng tôi bắt đầu bàn chuyện làm ăn thực sự rồi đây.
“Hai đồng vàng cho một tháng thử thách. Nếu thằng bé chịu được, ta sẽ quay trở lại vào mùa thu và khi đó ông sẽ thiếu ta thêm mười đồng. Còn nếu không, ông có thể nhận lại thằng bé và chỉ thêm một đồng cho bõ công phiền toái của ta thôi.”
Bố lại gật gù và thế là thỏa thuận đã xong. Chúng tôi đi vào kho chứa cỏ và tiền vàng được trao trả nhưng họ không bắt tay nhau. Chẳng ai muốn chạm vào một kẻ trừ tà cả. Bố tôi đã là một người can đảm lắm rồi khi dám đứng gần một thầy trừ tà.
“Ta bận vài việc gần đây,” Thầy bảo, “nhưng ta sẽ quay trở lại đón anh chàng này vào sáng sớm mai. Nhớ là chuẩn bị trước cho thằng nhỏ đấy. Ta không thích bị bắt chờ đâu.”
Khi Thầy đi rồi, bố vỗ vỗ vai tôi. “Một cuộc sống mới mẻ cho con đấy, con trai,” bố bảo. “Đi mà tắm rửa đi con. Việc đồng áng của con tới đây là chấm dứt rồi.”
Khi tôi bước vào bếp, Jack, anh trai tôi, đang quàng tay ôm vợ anh ấy, Ellie, và chị đang mỉm cười ngước nhìn anh.
Tôi thích Ellie lắm lắm. Cái kiểu chị ấy ân cần thân mật làm cho bạn cảm thấy như chị quan tâm đến bạn thật hung. Mẹ bảo việc cưới được chị Ellie thật có ích cho Jack vì chị giúp cho anh ấy bớt nóng nảy.
Jack là anh lớn tuổi và to con nhất trong đám anh em chúng tôi và, như lời bố thỉnh thoảng trêu, cũng là người đẹp trai nhất trong một đám xấu xí. Anh ấy to khỏe thật đấy, nhưng mặc cho anh có đôi mắt xanh và hai má hồng hào khỏe mạnh, cặp chân mày rậm đen của anh lại gần như châu lại vào nhau ngay chính giữa trán, nên tôi chẳng bao giờ đồng ý với điều bố nói. Một điều tôi không khi nào tranh cãi là anh ấy đã rù quến được một cô vợ xinh xắn dễ thương. Tóc Ellie có màu như loại rơm tốt nhất được thu hoạch ba ngày sau một vụ mùa khấm khá, và làn da biết tỏa sáng ngay cả dưới ánh nến.
“Sáng mai em sẽ lên đường,” tôi thốt lên. “Thầy Trừ Tà sẽ đến đón em ngay khi bình minh ló dạng.”
Gương mặt chị Ellie rạng rỡ. “Ý em là ông ta đồng ý nhận em ư?” Tôi gật đầu. “Thầy cho em một tháng thử thách.”
“Ôi, giỏi quá đấy Tom. Chị mừng cho em,” chị ấy nói. “Anh không tin nổi!” Jack chế giễu. “Em ấy à, là chân học việc cho
kẻ trừ tà ư? Làm sao em có thể làm được cái việc ấy khi em vẫn không thể ngủ mà không thắp nến chứ hả?”
Tôi bật cười khi nghe câu nói đùa của anh nhưng anh ấy cũng có lý đấy. Đôi lúc tôi lại nhìn thấy những thứ trong bóng tối và thắp một cây nến là cách tốt nhất để xua những thứ ấy biến đi cho tôi có thể chợp mắt tí chút.
Jack đi lại chỗ tôi, gầm lên rồi ghì đầu anh vào đầu tôi và bắt đầu kéo tôi rê quanh bàn bếp. Đấy là kiểu đùa của anh ấy. Tôi chỉ chống cự vừa đủ để làm anh cười thôi, rồi vài giây sau anh thả tôi ra và vỗ vỗ lưng tôi.
“Giỏi lắm, Tom,” anh bảo. “Em làm việc đó sẽ kiếm được bộn tiền đấy. Nhưng mà này, chỉ có một vấn đề thôi...”
“Vấn đề gì ạ?” tôi hỏi.
“Em sẽ phải cần từng đồng từng xu em kiếm được đấy. Biết vì sao không?”
Tôi nhún vai.
“Bởi vì những người bạn duy nhất em có lại là những người mà em phải mua chuộc lấy!”
Tôi cố cười, nhưng những lời anh Jack nói đầy sự thật mười mươi ra đấy. Kẻ trừ tà làm việc và sinh sống một mình.
“Ôi Jack! Đừng có tàn nhẫn thế chứ!” Ellie quở.
“Chỉ là đùa thôi mà,” Jack trả lời, cứ như thể anh ấy không thể hiểu được vì sao Ellie lại nhặng xị lên đến thế.
Nhưng chị Ellie lại đang nhìn tôi chứ chẳng phải nhìn Jack và tôi thấy gương mặt chị ấy đột nhiên xịu xuống. “Ôi Tom!” chị nói. “Như vậy nghĩa là em sẽ không có mặt ở đây khi em bé chào đời...”
Chị ấy trông thật thất vọng làm tôi cảm thấy buồn vì mình không có mặt ở nhà để gặp cô cháu gái sắp chào đời. Mẹ đã bảo con của chị Ellie sẽ là bé gái và mẹ thì không bao giờ nói sai những chuyện như
thế này.
“Em sẽ quay lại thăm ngay khi có thể ấy mà,” tôi hứa.
Ellie cố mỉm cười, và anh Jack bước đến gác tay lên vai tôi. “Em luôn có gia đình ở bên,” anh bảo. “Bọn anh sẽ luôn có mặt ở đây nếu em cần đến mọi người.”
Một tiếng đồng hồ sau, tôi ngồi vào bàn ăn tối, bụng biết rằng sáng ngày mai mình đã đi mất rồi. Bố khấn lời tạ ơn như vẫn thường làm mỗi tối và tất cả chúng tôi đều lầm rầm “A men” trừ mẹ. Mẹ nhìn
chăm chăm xuống chân mình như mọi khi, lịch sự chờ đợi cho đến khi chúng tôi khấn nguyện xong. Khi lời nguyện chấm dứt, mẹ thoáng mỉm cười với tôi. Một nụ cười trìu mến đặc biệt mà tôi nghĩ chẳng có ai khác để ý thấy. Nụ cười làm tôi thấy ấm lòng hơn.
Ngọn lửa vẫn còn bập bùng trong lò sưởi, làm hơi ấm tràn ngập căn bếp. Ngay chính giữa bàn ăn rộng lớn bằng gỗ của chúng tôi là một chân nến bằng đồng đã được đánh thật bóng cho đến khi bạn có thể soi thấy mặt mình trong ấy. Nến được làm từ sáp ong và là loại mắc tiền, nhưng mẹ không cho phép dùng nến mỡ trong bếp vì mùi khó chịu. Bố là người quyết định nhiều thứ về nông trại, nhưng có một số chuyện mẹ luôn làm theo ý bà.
Khi chúng tôi múc súp nóng hổi ra những chiếc đĩa lớn, tôi bất chợt bần thần nhận ra tối nay bố trông mới già nua làm sao – già nua và mệt mỏi – và thỉnh thoảng có một nét biểu cảm thoáng qua mặt bố, một thoáng buồn rầu. Nhưng bố vui vẻ lên một tí khi Jack bắt đầu bàn tán về giá thịt lợn và thảo luận giờ có phải là thời điểm thích hợp để kêu người mổ lợn đến hay chưa.
“Nên chờ thêm độ một tháng nữa,” bố nói. “Giá cả đến lúc ấy chắc chắn là tăng cao hơn.”
Jack lắc đầu và cả hai bắt đầu tranh luận. Đấy là một cuộc tranh luận ôn hòa, kiểu thường có trong các gia đình, và tôi có thể nhận thấy là bố đang rất thích thú. Nhưng tôi lại không tham gia vào. Tất cả những chuyện đó giờ đã chấm hết với tôi. Như bố đã bảo, việc đồng áng với tôi là chấm dứt.
Mẹ và Ellie đang thì thầm rúc rích với nhau. Tôi cố nghe ra họ
đang nói gì, nhưng lúc này thì Jack đã oang oang, giọng anh mỗi lúc một lớn. Khi mẹ liếc xéo sang anh ấy thì tôi có thể nhìn ra là bà đã bực bội cái giọng chợ vỡ của anh lắm rồi.
Jack chẳng hề hay biết gì về những lần liếc háy của mẹ và tiếp tục tranh luận lớn tiếng, anh với tay lấy lọ muối và vô ý làm ngã cái lọ, đổ một chóp muối nho nhỏ trên bàn. Ngay lập tức anh nhón một nhúm muối và rảy ngược ra sau vai trái mình. Đấy là một tục mê tín cổ xưa của người trong Hạt. Làm thế thì bạn sẽ tránh được những vận rủi mà bạn đã gây ra khi làm đổ muối.
“Jack này, dù thế nào thì con cũng không cần thêm muối vào đó nữa đâu,” mẹ lên tiếng mắng. “Làm vậy sẽ hỏng mất món súp đang ngon và đấy là một điều sỉ nhục đối với đầu bếp đấy.”
“Xin lỗi mẹ ạ,” Jack tạ lỗi. “Mẹ nói đúng. Món súp như thế là ngon tuyệt rồi.”
Mẹ mỉm cười với Jack, đoạn gật đầu về phía tôi. “Mà này, chẳng ai để ý gì đến Tom cả. Đấy không phải là cách đối xử với em nó trong buổi tối cuối cùng em nó ở nhà.”
“Con ổn mà mẹ,” tôi đáp. “Chỉ ngồi đây lắng nghe thôi là con đủ thấy vui rồi.”
Mẹ gục gặc. “Ừ, mẹ có vài lời cần nói với con. Sau buổi tối con ở lại dưới bếp và mẹ con mình nói chuyện một chút nhé.”
Thế là sau khi Jack, Ellie và bố đã đi ngủ, tôi ngồi trên ghế cạnh lò sưởi và kiên nhẫn chờ đợi nghe những điều mẹ nói.
Mẹ không phải là người thích nói dài dòng; thoạt tiên bà không nói gì nhiều ngoài việc giảng giải những gì bà đã gói cho tôi mang đi: một chiếc quần dài để thay, ba chiếc áo sơ mi và hai đôi vớ tốt mà mỗi chiếc chỉ mới bị vá có một lần.
Tôi nhìn chăm chăm vào đống lửa hồng, nhịp nhịp chân xuống nền đá, trong khi mẹ kéo chiếc ghế đu lại và đặt ghế sao cho bà đối diện với tôi. Mái tóc đen của bà điểm vài sợi bạc, nhưng ngoài điều đó ra thì bà trông vẫn giống hệt như bà ngày xưa, khi tôi còn là thằng bé con chập chững cao chưa đến đầu gối bà. Hai mắt bà vẫn sáng, và mặc
cho nước da tai tái, bà trông vẫn khỏe khoắn.
“Đây là lần cuối cùng mẹ con mình nói chuyện với nhau và còn lâu mới được nói lại đấy,” bà bảo. “Việc rời khỏi gia đình và bắt đầu sống tự thân là một bước lớn. Vậy nên nếu có điều gì muốn nói, bất cứ điều gì con cần hỏi, thì đây là lúc đấy con.”
Tôi không thể nghĩ ra nổi dù chỉ là một câu hỏi. Thực ra thì tôi còn không thể nghĩ nổi nữa là. Chỉ nghe mẹ nói thế thôi là nước mắt đã bắt đầu nhoi nhói trong đáy mắt tôi.
Sự im lặng kéo dài một lúc. Chỉ còn nghe được tiếng chân tôi nhịp nhịp trên nền đá. Cuối cùng mẹ thở dài. “Chuyện gì thế?” bà hỏi. “Mèo nuốt mất lưỡi con rồi à?”
Tôi nhún vai.
“Đừng có ngọ nguậy nữa Tom, và tập trung vào những gì mẹ nói đây,” mẹ cảnh cáo. “Trước hết, con có mong đến ngày mai để bắt đầu công việc mới của mình không?”
“Con không rõ nữa mẹ à,” tôi vừa thưa với bà vừa nhớ lại câu nói đùa của Jack về việc phải mua lấy bạn bè. “Không ai muốn đến bất cứ đâu gần một kẻ trừ tà cả. Con sẽ chẳng có bạn bè. Lúc nào con cũng sẽ cô độc.”
“Sẽ không tồi tệ như con nghĩ đâu,” mẹ nói. “Con sẽ có thầy để nói chuyện cùng. Ông sẽ là thầy con, và chắc chắn dần dần rồi ông cũng thành bạn của con. Và con sẽ bận rộn luôn ấy mà. Bận rộn học hỏi những điều mới. Con sẽ chẳng có thời gian mà thấy cô độc đâu. Con không nhận thấy toàn bộ chuyện này thật mới lạ và phấn khích sao?”
“Phấn khích thì có đấy nhưng công việc này làm con sợ. Con muốn làm nhưng lại không biết liệu mình có đủ sức hay không. Một phần trong con muốn chu du thăm thú nhiều nơi nhưng mà việc không còn sống ở nơi này nữa cũng khó khăn lắm. Con sẽ nhớ tất cả mọi người. Con sẽ nhớ cuộc sống ở nhà.”
“Con không thể ở đây,” mẹ bảo. “Bố con rồi sẽ già đi, không làm lụng được nữa, và đến mùa đông tới ông sẽ giao nông trại lại cho Jack. Ellie rồi sẽ chóng có em bé, chắc chắn còn thêm nhiều đứa nữa;
từ từ rồi ở đây sẽ chẳng còn chỗ cho con. Không, tốt hơn là con nên tập làm quen với điều này trước khi nó xảy đến. Con không thể về nhà.”
Giọng của bà nghe có vẻ lạnh lùng khắc nghiệt, và nghe thấy bà nói chuyện với mình như thế lại gây ra một nỗi đau ngấm sâu vào ngực và cổ họng tôi làm tôi chẳng thể nào thở nổi.
Lúc ấy tôi chỉ muốn lên giường đi ngủ, nhưng bà còn nhiều chuyện để nói. Hiếm khi nào tôi nghe bà nói lắm chữ trong một lúc đến thế.
“Con có công việc phải làm và con sẽ phải thực hiện nó,” bà nghiêm khắc nói. “Mà không chỉ là thực hiện suông đâu; con còn phải thực hiện thật tốt kia. Mẹ lấy bố các con vì ông ấy là người con trai thứ bảy. Và mẹ sinh cho ông sáu thằng con trai để mẹ có thể có được con. Bảy lần bảy là ra con và con còn có năng khiếu nữa. Thầy mới của con vẫn còn lực nhưng ông ấy đã qua thời đỉnh cao, và cuối cùng thời của ông ấy rồi sẽ chấm dứt.
Trong gần sáu mươi năm nay, ông ấy đã đi ven quanh Hạt thực thi nghĩa vụ. Làm những việc cần phải được làm. Sẽ sớm tới phiên con thôi. Và nếu con không làm việc ấy thì ai sẽ làm đây? Ai sẽ là người coi sóc dân lành? Ai sẽ là người bảo vệ họ không bị làm hại? Ai sẽ giữ cho nông trại, làng xóm và thị trấn được an toàn để phụ nữ và trẻ con có thể rảo bước trên phố trên đường mà không phải hãi sợ?”
Tôi chẳng biết phải nói gì và cũng không thể nhìn thẳng vào mắt bà. Tôi chỉ cố kiềm chế không trào nước mắt.
“Mẹ yêu hết mọi người trong gia đình này,” bà nói tiếp, giọng dịu xuống, “nhưng trong toàn cái Hạt rộng lớn này, con là người duy nhất thật sự giống mẹ. Tuy con chỉ là thằng bé con còn phải trưởng thành nhiều, nhưng con lại là đứa con trai thứ bảy của người con trai thứ bảy. Con là ân phước và là sức mạnh để làm những gì cần phải được làm. Mẹ biết con sẽ làm cho mẹ hãnh diện về con.”
“À, giờ này,” mẹ bước xuống ghế và nói, “mẹ vui vì chúng ta đã làm rõ mọi chuyện. Giờ thì con đi ngủ đi. Mai là một ngày trọng đại và con cần phải được khỏe khoắn nhất.”
Mẹ ôm tôi thật chặt và mỉm cười trìu mến, còn tôi cố gắng hết mực tỏ ra vui vẻ cười đáp trả, nhưng khi lên đến phòng ngủ, tôi ngồi bên mép giường, nhìn đăm đắm vô hồn suy nghĩ về những gì mẹ đã nói với tôi.
Trong vùng này mẹ tôi rất được nể trọng. Bà hiểu biết về cây cỏ thuốc men còn nhiều hơn cả bác sĩ địa phương, và lúc nào có ca rắc rối với chuyện sinh đẻ em bé, bà đỡ luôn nhờ gọi mẹ. Mẹ là chuyên gia về các ca gọi là đẻ ngược. Đôi khi em bé muốn được sinh ra bằng
chân trước nhưng mẹ tôi rất giỏi trong việc xoay em bé khi bé vẫn còn trong bụng mẹ. Hàng tá phụ nữ trong Hạt nợ bà mạng sống.
Dù sao thì, đấy là những gì bố luôn nói còn mẹ thì khiêm tốn và không bao giờ đề cập đến những chuyện như thế. Bà chỉ làm những gì cần phải làm và tôi biết đấy là điều bà trông đợi nơi tôi. Nên tôi muốn làm cho bà hãnh diện.
Nhưng có thể nào bà thực sự có ý là bà cưới bố tôi và sinh ra sáu anh trai chỉ để sinh ra tôi thôi không? Chuyện này dường như không khả thi lắm.
Sau khi nghĩ thông mọi điều, tôi đến bên cửa sổ và ngồi vài phút lên chiếc ghế cũ kỹ bện từ cây liễu gai, nhìn trừng trừng qua cửa sổ hướng về phía Bắc.
Mặt trăng đang chiếu sáng, nhuộm hết vạn vật trong ánh trăng bàng bạc. Tôi có thể dõi tầm mắt hướng qua bên kia cánh đồng trang trại, vượt qua hai cánh đồng rơm và đồng cỏ hướng Bắc, thẳng đến tận ven rìa trang trại của chúng tôi, ngừng ngay lưng chừng lối lên Đồi Treo Cổ. Tôi thích quang cảnh này. Tôi thích Đồi Treo Cổ khi nhìn từ xa. Tôi thích cái cách nó là điểm xa nhất mắt bạn có thể nhìn thấy được.
Hàng năm liền, đây là việc tôi thường làm mỗi đêm trước khi trèo lên giường ngủ. Tôi từng nhìn trừng trừng vào ngọn đồi đó và tưởng tượng những gì bên kia đồi. Tôi biết rằng thực ra chỉ có thêm vài cánh đồng và rồi, xa thêm hai dặm nữa, đi quá ngôi làng trong vùng – nửa tá nhà, một nhà thờ be bé và một ngôi trường còn bé hơn – nhưng trí tưởng tượng của tôi còn gợi lên nhiều thứ khác. Thỉnh thoảng, tôi tưởng tượng ra những mỏm đá cheo leo và xa xa là đại dương, hay có lẽ là một khu rừng hay một thành phố lớn với những tháp thật cao và
những ngọn đèn nhấp nháy.
Nhưng giờ đây, khi tôi nhìn lên ngọn đồi, tôi cũng nhớ đến nỗi sợ hãi của mình nữa. Phải, nhìn từ xa thì không sao nhưng đấy không phải là nơi tôi từng bao giờ muốn đến gần. Đồi Treo Cổ, hẳn như bạn đã đoán ra, chẳng phải vô cớ mà có được tên gọi ấy.
Ba thế hệ trước, chiến tranh đã quét qua toàn bờ cõi và những người đàn ông trong Hạt đã tham chiến. Đấy là một cuộc chiến tồi tệ hơn hết thảy, một cuộc nội chiến cay đắng mà vì đó những gia đình bị chia rẽ hay thỉnh thoảng huynh đệ phải tương tàn.
Trong mùa đông cuối cùng của cuộc chiến tranh ấy, có một trận giao tranh ác liệt cách về phương Bắc chừng một dặm, ngay ven rìa làng. Rốt cuộc, khi trận giao tranh kết thúc, bên thắng trận mang những tù nhân lên ngọn đồi này và treo cổ họ lên những ngọn cây bên sườn đồi mạn Bắc. Họ cũng đã treo cổ vài người phe họ nữa, vì những lý do mà họ gọi là hèn nhát trước quân thù, nhưng câu chuyện đó còn có một phiên bản khác. Người ta đồn rằng một vài người này từ chối chống lại những người họ coi là hàng xóm của mình.
Ngay cả Jack cũng chẳng bao giờ muốn làm việc gần hàng rào cạnh ven nông trại đó, và những con chó sẽ không đến gần khu rừng hơn dăm mét. Về phần tôi, vì tôi có khả năng cảm nhận những điều mà người khác không thể, tôi thậm chí còn không làm việc được trên đồng cỏ phía Bắc. Bạn biết đấy, từ đó tôi có thể nghe thấy họ. Tôi có thể nghe thấy tiếng những sợi thòng lọng kẽo kẹt và các cành cây oằn mình dưới sức nặng của họ. Tôi có thể nghe thấy tiếng người đã chết bị treo cổ tắc họng phía bên kia ngọn đồi.
Mẹ từng nói rằng chúng tôi giống nhau. Vâng, chắc chắn về một phương diện nào đó thì bà giống tôi: tôi biết bà cũng có thể nhìn ra những điều mà người khác không thể nhìn thấy. Mùa đông nọ, khi tôi còn rất bé và tất cả các anh tôi đều ở nhà, những tiếng động từ ngọn đồi về đêm vọng lại lớn đến nỗi tôi có thể nghe thấy chúng từ tận trong phòng ngủ. Các anh tôi chẳng hay biết gì sất, trong khi tôi lại nghe được và chẳng thể nào chợp mắt. Mẹ vào phòng tôi mỗi khi tôi gọi lớn, mặc cho bà phải thức dậy từ tinh mơ làm việc của mình.
Cuối cùng, mẹ nói bà sẽ giải quyết chuyện này, và vào một đêm bà một mình leo lên Đồi Treo Cổ rồi đi thẳng vào những hàng cây. Khi bà
quay lại, xung quanh im phăng phắc và hàng tháng sau đấy mọi thứ vẫn được như thế.
Vậy là có một mặt mà chúng tôi không giống nhau. Mẹ gan dạ hơn tôi rất nhiều.
T
Chương 2
TRÊN ĐƯỜNG
ôi thức dậy trước rạng đông cả tiếng nhưng mẹ đã ở trong bếp từ lâu, chuẩn bị bữa điểm tâm ưa thích cho tôi, món thịt muối và trứng.
Bố đi xuống lầu khi tôi đang dùng lát bánh mì cuối cùng vét sạch đĩa. Lúc chúng tôi tạm biệt nhau, ông lôi vật gì đó từ trong
túi áo ra đặt vào tay tôi. Đấy là chiếc hộp nhóm lửa nho nhỏ lúc trước thuộc về ông nội và trước đó là thuộc về cụ nội. Một trong những vật dụng bố rất yêu thích.
“Bố muốn con giữ lấy vật này, con trai của ta,” bố bảo. “Vật này sẽ rất hữu ích cho con trong công việc mới. Và nhớ chóng quay về thăm chúng ta. Chỉ bởi vì con đã rời khỏi gia đình, không có nghĩa là con không thể trở về thăm hỏi.”
“Tới giờ đi rồi đấy con trai,” mẹ vừa nói vừa đi đến ôm tôi lần cuối. “Thầy đang đứng trước cửa. Đừng bắt ông phải chờ.”
Chúng tôi là một gia đình không thích chia tay lằng nhằng, với lại đã chào tạm biệt nhau rồi, thế nên tôi một mình bước ra sân.
Thầy Trừ Tà ở bên ngoài cánh cổng, một nhân ảnh tối om nổi bật trên nền ánh sáng bình minh xam xám. Thầy đội mũ trùm lên và đang đứng thẳng băng, cao lêu nghêu, tay trái cầm trượng. Tôi bước về phía thầy, mang theo mình túi nhỏ đựng vật dụng cá nhân, cảm thấy vô cùng bồn chồn.
Ngạc nhiên làm sao, Thầy Trừ Tà tự tay mở cổng và bước vào trong sân. “À này anh bạn nhỏ,” thầy lên tiếng, “Đi theo ta nào! Chúng ta nên khởi đầu theo cách như chúng ta sau này sẽ tiếp tục.”
Thay vì đi hướng ra đường lộ, thầy lại đi về phương Bắc, trực diện thẳng tiến đến Đồi Treo Cổ, và chẳng mấy chốc chúng tôi đã băng qua cánh đồng cỏ phía Bắc, tim tôi bắt đầu đập mạnh. Khi chúng tôi đi đến hàng rào lằn ranh, Thầy Trừ Tà nhảy qua nhẹ nhàng như
một người đáng nửa tuổi mình, nhưng tôi thì chôn chân tại chỗ. Lúc vừa đặt tay lên nóc hàng rào, tôi đã có thể nghe thấy âm thanh của các rặng cây đang rên xiết, những tán cành cong oằn dưới sức nặng của những người bị treo cổ.
“Có chuyện gì thế anh bạn?” Thầy Trừ Tà hỏi, quay lại nhìn tôi. “Nếu con sợ hãi những thứ ở ngay trước cửa nhà con, thì với ta, con không được tích sự gì.”
Tôi hít một hơi sâu rồi leo qua hàng rào. Chúng tôi chậm chạp hướng lên trên, ánh sáng bình minh dần tối lại khi chúng tôi tiến vào trong bóng tối của rừng cây. Càng leo lên cao không khí có vẻ càng lạnh hơn và chẳng bao lâu sau tôi đã bắt đầu run lẩy bẩy. Cái kiểu lạnh làm cho bạn nổi da gà và khiến cho tóc tai sau cổ bạn bắt đầu dựng đứng. Đấy là điều cảnh báo rằng có chuyện gì đó không thật ổn. Trước đây tôi đã có cảm giác này khi có thứ gì đó không thuộc về thế giới này tiến đến gần tôi.
Khi chúng tôi đã lên đến đỉnh đồi, tôi có thể nhìn thấy thứ ấy phía bên dưới chân mình. Ít nhất phải có đến một trăm, đôi chỗ đến hai ba người treo cùng trên một cây, mặc những bộ quân phục có thắt lưng da rộng bản và mang những đôi ủng to lớn. Hai tay họ bị trói quặt ra sau lưng và mỗi người phản ứng một kiểu. Vài người vùng vằng thật tuyệt vọng đến nỗi cành cây bên trên họ bật lên bật xuống, trong khi những người khác chỉ chầm chậm quay quanh đầu sợi dây, xoay sang bên này rồi qua bên kia.
Trong khi quan sát, tôi đột nhiên cảm nhận được một làn gió lớn thốc vào mặt, một làn gió lạnh cóng dữ dội đến mức không thể nào là tự nhiên được. Những rặng cây rạp xuống thấp, các tán lá rung rinh và bắt đầu rụng xuống. Trong một loáng, tất cả các cành cây đều trụi lá. Khi ngọn gió đã dừng lại, Thầy Trừ Tà đặt tay lên vai tôi để dẫn tôi đến gần những người bị treo cổ. Chúng tôi dừng cách người đầu tiên chỉ vài bước.
“Nhìn anh ta đi,” Thầy bảo. “Con thấy được gì?”
“Một người lính đã chết,” tôi đáp bằng giọng chớm run run. “Anh ta trông khoảng bao nhiêu tuổi?”
“Cao lắm là mười bảy.”
“Giỏi. Làm tốt lắm anh bạn. Giờ nhé, nói cho ta nghe nào, con còn cảm thấy sợ không?”
“Chút chút. Con không thích đứng quá gần anh ta.”
“Tại sao chứ? Chẳng có gì đáng sợ cả. Chẳng có gì có thể làm hại con. Hãy nghĩ về chuyện với anh ta thì hẳn sẽ như thế nào. Tập trung vào anh ta hơn là vào bản thân con. Anh ta đã phải cảm thấy thế nào? Điều gì sẽ là tồi tệ nhất?”
Tôi cố gắng đặt mình vào vị thế người lính và mường tượng nếu chết như thế thì phải cảm thấy ra sao. Cơn đau và nỗi giằng co cố giành lấy hơi thở hẳn là rất kinh khủng. Nhưng có lẽ còn có điều gì đó thậm chí còn tệ hại hơn...
“Hẳn anh ấy đã biết là mình sắp chết và rằng mình sẽ không bao giờ còn về nhà được nữa. Rằng anh ấy sẽ không được gặp lại gia đình mình nữa,” tôi trả lời Thầy.
Những lời ấy thốt ra khiến một làn sóng buồn bã quét qua tôi. Thế rồi, cùng lúc khi điều đó xảy ra, những người bị treo cổ từ từ biến mất, cho đến khi chỉ còn hai người chúng tôi trên sườn đồi và lá cây bắt đầu xanh trở lại trên cành.
“Giờ thì con cảm thấy thế nào? Vẫn còn sợ không?”
Tôi lắc đầu. “Không, con chỉ thấy buồn.”
“Giỏi lắm anh bạn. Con đang học hỏi. Chúng ta là con trai thứ bảy của người con thứ bảy và chúng ta có năng khiếu nhìn thấy những chuyện mà người khác không thể nhìn được. Nhưng cái tài năng ấy đôi khi lại là lời nguyền. Nếu chúng ta sợ, thỉnh thoảng có những thứ có thể lợi dụng nỗi sợ hãi ấy. Sợ hãi làm cho cuộc sống chúng ta thêm khó khăn. Bí quyết là phải tập trung vào những gì mình có thể nhìn thấy và ngưng nghĩ về bản thân. Bí quyết này luôn có tác dụng.
Này anh bạn, cảnh tượng ấy thật kinh hoàng, nhưng họ chỉ là những vãn hồn,” Thầy giảng tiếp. “Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều cho họ và khi đến lúc thì họ tự động tan biến đi. Một hai trăm
năm nữa sẽ chẳng còn lại gì.”
Tôi những muốn kể cho thầy nghe rằng có lần mẹ đã làm gì đấy với bọn họ, nhưng rồi lại thôi. Cãi lời thầy chắc sẽ lôi chúng tôi vào một khởi đầu chẳng hay ho gì.
“Mà này, nếu đây là những hồn ma thì lại là chuyện khác,” Thầy bảo. “Con có thể nói chuyện phải trái với hồn ma. Chỉ cần con làm cho chúng nhận ra chúng đã chết, đấy là một hành động rất tốt bụng và là một bước quan trọng giúp cho hồn ma bước tiếp. Thường thì một hồn ma là một linh hồn hoang mang bị mắc kẹt trên dương gian này nhưng lại không biết chuyện gì đã xảy ra. Vậy nên thường là hồn ma luôn đau khổ dằn vặt. Nhưng rồi cũng có những hồn ma tồn tại nơi này có chủ đích và họ có lẽ có chuyện muốn bảo với con. Nhưng vãn hồn chỉ là một mảnh của một linh hồn đã chuyển qua điều tốt đẹp hơn. Họ chỉ là thế thôi anh bạn ạ. Chỉ là vãn hồn. Con có thấy những rặng cây thay đổi không?”
“Lá rụng hết và tiết trời là mùa đông.”
“À, giờ thì lá đã mọc trở lại. Cho nên mới nói con chỉ là đang nhìn vào điều gì đó trong quá khứ. Chỉ là một sự nhắc nhở về những điều tàn khốc thi thoảng lại xảy ra trên trái đất này. Theo lẽ thường, nếu con gan dạ, bọn chúng không thể nhìn thấy con và cũng chẳng cảm nhận được gì. Một vãn hồn chỉ giống như hình ảnh phản chiếu trong hồ nước vẫn còn tồn tại dù chủ thể của nó đã siêu thoát. Hiểu những gì ta đang nói không?”
Tôi gật đầu.
“Được rồi, vậy là đã giải quyết xong một chuyện. Thỉnh thoảng chúng ta phải đương đầu với thế giới người chết, vậy con cũng nên làm quen với bọn họ. Mà thôi, chúng ta bắt đầu đi nào. Còn một chặng đường khá dài để đi tiếp đấy. Đây, từ rày trở đi con sẽ phải mang thứ này.”
Thầy Trừ Tà đưa cho tôi chiếc túi da to lớn của thầy và rồi không liếc ra sau lấy một lần, thầy sải bước đi ngược lên đồi. Tôi theo chân thầy trèo qua đỉnh đồi, đi xuống rồi xuyên qua rừng cây về phía đường lộ, lúc này là một vết sẹo xám xa xa chạy ngoằn ngoèo về hướng Nam qua những đồng cỏ như những mảng vá màu nâu hay
xanh lục.
“Trước đây có chu du nhiều chưa anh bạn?” Thầy hỏi với qua vai. “Đã nhìn thấy được gần hết Hạt chưa?”
Tôi thưa với thầy là mình chưa bao giờ rời xa khỏi trang trại của bố tôi hơn một cây số. Chuyến chu du xa nhất mà tôi từng thực hiện là đi đến chợ trong vùng.
Thầy Trừ Tà lẩm ba lẩm bẩm và lắc đầu; tôi có thể nhận thấy là thầy không được hài lòng hết mực với câu trả lời của tôi.
“Vậy thì, bắt đầu từ hôm nay con sẽ chu du,” thầy bảo. “Chúng ta đang đi về hướng Nam tới một ngôi làng lên là Horshaw. Chỉ hơn hai mươi lăm cây số theo đường quạ bay và chúng ta phải đến đó trước khi trời tối.”
Tôi có nghe về Horshaw. Đấy là một ngôi làng hầm mỏ và có vỉ than lớn nhất trong Hạt, cung cấp đầu ra cho hàng tá mỏ than chung quanh. Tôi chưa bao giờ mong được đến đấy và thắc mắc công chuyện của Thầy Trừ Tà ở một chỗ như thế có thể là gì mới được.
Thầy bước nhanh khủng khiếp, sải từng sải chân thật dài mà nhẹ nhàng như không. Chẳng mấy chốc tôi đã phải vất vả theo cho kịp; vừa phải mang chiếc túi nhỏ đựng tư trang và quần áo của mình, giờ tôi còn phải vác luôn túi của thầy nữa, mà dường như mỗi phút trôi qua, chiếc túi mỗi thêm nặng. Và rồi, để cho mọi chuyện thêm khó khăn, trời bắt đầu đổ mưa.
Khoảng một tiếng trước giữa trưa thì Thầy đột ngột dừng bước. Thầy quay lại nhìn tôi trừng trừng. Lúc đấy tôi đang cách thầy mười sải chân. Hai chân tôi đau nhức và tôi đã bắt đầu đi khập khiễng. Con lộ chẳng hơn một rãnh đường hẹp là mấy và lại nhanh chóng biến thành đường bùn. Khi vừa bắt kịp thầy, tôi vấp phải ngón chân mình, trượt đi và sém chút mất thăng bằng.
Thầy tặc lưỡi. “Thấy xây xẩm hả anh bạn?” thầy hỏi.
Tôi lắc đầu. Tôi muốn cho cánh tay mình nghỉ ngơi chốc lát nhưng có vẻ như bỏ túi thầy xuống bùn là không được đúng đắn cho lắm.
“Vậy là tốt,” Thầy Trừ Tà vừa nói vừa hơi hơi cười mỉm, nước mưa nhỏ thành giọt từ vành mũ trùm xuống bộ râu thầy. “Không bao giờ tin tưởng một kẻ xây xẩm. Đấy là một điều rất đáng phải ghi nhớ.”
“Con đâu có xây xẩm,” tôi phản đối.
“Không ư?” thầy nhướn mày hỏi lại. “Vậy thì chắc là do đôi ủng của con rồi. Đôi ủng ấy sẽ chẳng giúp đỡ được gì nhiều trong công việc này đâu.”
Ủng của tôi thì cũng giống như ủng của bố hay của anh Jack, bền thì bền thật đấy, vả lại cũng thích hợp cho đám bùn sình trong trang trại, nhưng lại là loại ủng cần phải được mang thật lâu cho quen chân. Một đôi mới toanh thường làm bạn chịu hai tuần phồng rộp trước khi chân bạn vừa vặn với đôi giày.
Tôi nhìn xuống đôi ủng của Thầy Trừ Tà. Đôi ủng làm từ da thuộc loại hảo hạng, bền chắc, đế ủng dày dặn hơn bình thường. Đôi này thì phải tốn khối tiền, nhưng theo tôi thì đối với một người phải đi bộ thật nhiều, đôi ủng này thật đáng đồng tiền bát gạo. Đôi ủng cong lên theo từng bước đi của thầy và tôi liền biết là chúng rất êm ái ngay phút đầu tiên thầy xỏ chân vào.
“Trong công việc này, một đôi ủng tốt là rất quan trọng,” thầy nói. “Chúng ta chẳng phụ thuộc vào con người hay quái vật để đưa chúng ta tới nơi ta cần tới. Nếu con dựa vào đôi chân cứng cáp của mình, thì chúng sẽ không bao giờ làm con thất vọng. Vậy nên nếu cuối cùng ta quyết định nhận con vào, ta sẽ tìm cho con đôi ủng giống như của ta. Còn cho đến lúc đấy, con sẽ phải xoay sở lấy theo cách tốt nhất.”
Đến giữa trưa, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi chóng vánh, trú trong một chuồng gia súc bỏ hoang để tránh mưa. Thầy Trừ Tà lấy từ trong túi áo ra một mảnh vải rồi mở ra, bày ra một tảng lớn phô mai vàng vàng.
Thầy bẻ một miếng đưa cho tôi. Tôi cảm thấy tệ hơn, vả lại cũng rất đói nên tôi ăn ngấu ăn nghiến. Thầy Trừ Tà chỉ ăn một mẩu bé tẹo rồi gói phần còn lại nhét trở vào túi.
Khi vào trong trú mưa, thầy kéo mũ trùm ra sau nên giờ là lần
đầu tiên tôi có dịp nhìn thấy rõ ràng. Ngoại trừ bộ râu dài rậm và đôi mắt của kẻ treo cổ, điểm đáng chú ý nhất là mũi của thầy, sắc nhọn và khắc nghiệt, khoằm khoằm như mỏ chim. Miệng thầy, khi ngậm lại, hầu như bị râu cằm ria mép che gần hết. Bộ râu thầy thoạt nhìn thì xam xám, nhưng khi tôi nhìn kỹ hơn, mặt cố tỏ vẻ bình thản nhất có thể để thầy không chú ý, tôi thấy dường như mọi sắc màu cầu vồng đều lấp ló trong ấy. Nào là sắc đỏ, sắc đen, sắc nâu và, hiển nhiên, là rất nhiều sợi bạc, nhưng sau này tôi nhận ra rằng tất cả đều phụ thuộc vào ánh sáng.
“Hàm nhỏ thì tính cách hẹp hòi,” bố tôi vẫn thường nói thế và ông cũng tin rằng vài người đàn ông để râu chỉ để che giấu sự thật ấy. Tuy vậy, khi nhìn vào Thầy Trừ Tà, bạn có thể thấy mặc cho bộ râu thì hàm của thầy vẫn dài, và khi thầy mở miệng lại phô ra những cái răng vàng vàng sắc chởm thích hợp cho việc cạp thịt sống hơn là gặm nhấm phô mai.
Tôi rùng mình, bất giác nhận ra thầy nhắc cho tôi nghĩ về con chó sói. Mà không phải chỉ vì bề ngoài của thầy không đâu. Thầy là một loại dã thú vì thầy đi săn trong bóng tối; tồn tại chỉ nhờ vào việc gặm phô mai chắc là khiến thầy luôn đói và tàn ác. Nếu tôi hoàn thành kỳ thử việc của mình, rốt cuộc tôi sẽ giống như thầy.
“Còn đói hả anh bạn?” thầy hỏi, đôi mắt xanh lục của thầy nhìn vào mắt tôi chòng chọc cho đến khi tôi bắt đầu cảm thấy hoa mắt.
Tôi ướt lướt thướt, hai chân đau nhức, nhưng trên hết là tôi đói. Vậy nên tôi gật đầu, nghĩ rằng biết đâu thầy lại cho tôi thêm chút nữa, nhưng thầy chỉ lắc đầu rồi lẩm bẩm lầm bầm. Đoạn, một lần nữa, thầy nghiêm nghị nhìn tôi.
“Đói là việc mà con phải tập làm quen. Chúng ta không ăn nhiều khi đang làm việc, và nếu công việc rất khó khăn, chúng ta sẽ chẳng ăn gì hết cho đến khi xong việc. Nhịn đói là điều an toàn nhất vì nó sẽ khiến chúng ta ít sơ hở hơn trong bóng tối. Khiến chúng ta mạnh hơn. Vậy nên tốt hơn con hãy tập làm quen ngay từ bây giờ, vì chúng ta phải đến được Horshaw, ta sẽ ra cho con một bài kiểm tra nho nhỏ. Con sẽ phải ở qua một đêm trong căn nhà ma ám. Và con phải ở đấy một mình thôi. Bài kiểm tra này sẽ cho ta thấy con thực sự có được những gì!”
Chúng tôi đến Horshaw khi chuông nhà thờ bắt đầu đổ tiếng ở
xa xa. Đã bảy giờ và trời chuẩn bị sập tối. Cơn mưa phùn nặng hạt thốc thẳng vào mặt chúng tôi, nhưng ánh sáng ban ngày vẫn còn le lói đủ cho tôi nhận định được rằng, đây không phải là nơi mình muốn cư ngụ và thậm chí một cuộc viếng thăm ngắn ngủi đến nơi đây cũng tốt nhất là tránh đi cho rồi.
Horshaw là một vết phết đen trên nền những cánh đồng xanh lục, một nơi nhỏ bé xấu xí và khắc nghiệt với khoảng hai tá dãy nhà tồi tàn đấu lưng vào nhau túm tụm chủ yếu là trên mạn phía Nam của sườn đồi khoằm khoằm ẩm ướt. Cả vùng này chằng chịt những mỏ than, và Horshaw nằm ngay chính giữa. Cao cao bên trên ngôi làng là một đống xỉ than thật lớn đánh dấu lối vào hầm mỏ. Đằng sau đống xỉ than là những sàn than, trữ lấy một lượng nhiên liệu đủ lớn để giữ cho những đô thị lớn nhất trong Hạt được ấm áp qua những mùa đông thậm chí là dài nhất.
Không lâu sau đấy, chúng tôi đi xuống những con đường lát sỏi nhỏ hẹp, lưng luôn phải ép sát mấy bức tường đầy bụi bẩn để nhường lối cho những cỗ xe chất đầy những viên than đen ướt nhẹp và lấp lánh dưới mưa. Những chú ngựa thồ to lớn đang kéo xe phải gồng hết thân mình lên dưới sức nặng hàng hóa, vó ngựa trầy trật trên mặt đường sỏi bóng loáng.
Chung quanh chỉ rải rác vài người trên đường nhưng những tấm rèm ren được hạ phắt xuống khi chúng tôi đi qua, rồi có lúc chúng tôi gặp một nhóm thợ mỏ mặt mày khắc khổ đang lê bước ngược lên ngọn đồi để vào ca đêm. Bọn họ đang lớn tiếng chuyện trò nhưng đột nhiên im bặt và chuyển sang bước thành một hàng dọc để bước qua chúng tôi, đi nép sang tận mãi bên kia đường. Một người trong bọn họ còn đưa tay lên làm dấu thánh.
“Làm quen với chuyện này đi anh bạn,” Thầy Trừ Tà cằn nhằn. “Chúng ta được cần đến nhưng hiếm khi nào được chào mời, và có nơi này lại còn khó chịu hơn nơi khác.”
Cuối cùng, chúng tôi quành qua góc phố vào con đường thấp nhất và ghê hơn hết thảy. Chẳng có ai sống ở đấy – bạn có thể nhìn ra ngay ấy mà. Thoạt tiên là vài cửa sổ đã vỡ còn những cửa sổ khác đã bị đóng ván bịt kín, không có bóng dáng ánh đèn nào. Ở cuối con đường là một nhà kho trước đây chứa bắp bỏ hoang, hai cánh cổng gỗ to lớn mở he hé và mắc lửng lơ trên những bản lề hoen gỉ.
Thầy Trừ Tà dừng lại trước ngôi nhà mãi cuối. Nó nằm ngay góc đường sát cạnh nhà kho, căn duy nhất mang số nhà trên con đường này. Con số đó được khắc từ kim loại và đóng đinh lên cánh cửa. Là số mười ba xấu xa và xúi quẩy nhất trong các con số, và ngay bên trên con số là bảng tên đường cao cao trên tường, được treo vào một cái đinh tán hoen gỉ duy nhất và gần như là chỉ thẳng đứng xuống nền đường lát sỏi. Bảng mang tên: HẺM ƯỚT.
Ngôi nhà này có khung cửa sổ nhưng những tấm rèm ren lại ố vàng và chăng đầy mạng nhện. Đây hẳn là căn nhà ma ám mà sư phụ tôi đã cảnh báo lúc trước.
Thầy Trừ Tà lôi từ trong túi ra chiếc chìa khóa, mở khóa cửa và dẫn đường đi vào bóng tối bên trong. Thoạt tiên, tôi vui mừng vì được thoát khỏi cơn mưa phùn, nhưng khi thầy thắp nến lên và đặt nó xuống sàn gần ngay chính giữa căn phòng trước nhỏ bé, thì tôi biết rằng mình ở trong chuồng bò bỏ hoang còn dễ chịu hơn nhiều. Chẳng trông thấy đâu được một món bàn ghế nào, chỉ có sàn nhà lát đá tảng trơ trụi và một ụ rơm dơ dáy bên dưới cửa sổ. Căn phòng cũng rất ẩm thấp, không khí lại lạnh lẽo nặng nề, và nhờ vào ánh nến chập chờn tôi có thể thấy được hơi thở mình bốc khói.
Những gì tôi nhìn thấy đã ghê rồi, nhưng những gì thầy nói còn kinh hơn.
“Này anh bạn, ta có việc phải can dự, thế nên ta sẽ đi khỏi đây, nhưng sau đấy ta sẽ quay lại. Có biết phải làm gì không đấy?”
“Thưa không ạ,” tôi vừa trả lời vừa quan sát ngọn nến chập chờn, lòng thầm lo lắng ngọn nến sẽ phụt tắt bất cứ lúc nào.
“À, là những gì trước đây ta đã bảo con rồi. Con không lắng nghe sao? Con cần phải tỉnh táo, không được lan man mơ màng. Mà thôi, cũng chẳng phải gì khó khăn lắm,” thầy giảng giải, tay gãi gãi chòm
râu như là có con gì đang bò trong ấy. “Con chỉ cần phải ở đây một mình qua đêm nay. Ta đưa tất cả những tay học việc mới đến ngôi nhà cũ kỹ này trong đêm đầu tiên để ta có thể nhìn ra mấy đứa gan đến cỡ nào. Ồ, mà có một điều ta chưa bảo cho con. Đến nửa đêm ta
muốn con đi xuống hầm rượu để đối mặt với một thứ đang lẩn khuất dưới đấy. Qua được việc này thì con đã gần đạt đích được nhận vào làm lâu dài rồi đấy. Có câu gì hỏi không?”
Hỏi thì tôi có cả đống để hỏi nhưng tôi sợ phải nghe lấy câu trả lời quá đi mất. Vậy nên tôi chỉ lắc đầu và cố giữ cho môi trên không run run.
“Làm sao con biết khi nào là nửa đêm?” thầy hỏi.
Tôi nhún vai. Đoán thời gian căn cứ vào vị trí của mặt trời và sao thì tôi khá lắm, và thậm chí nếu phải làm việc lúc nửa đêm, hầu như tôi luôn luôn biết chính xác lúc ấy là mấy giờ, nhưng ở đây tôi lại không chắc lắm. Ở một vài nơi thời gian dường như trôi đi chạm chạp hơn và tôi có cảm giác rằng chỗ này là một trong những nơi ấy.
Đột nhiên tôi nhớ đến đồng hồ nhà thờ. “Chuông vừa đổ bảy tiếng,” tôi nói. “Con sẽ chỉ cần nghe thấy mười hai tiếng chuông là biết ngay ấy mà.”
“Chà, ít ra thì bây giờ con tỉnh táo rồi đây,” Thầy vừa nói vừa thoáng cười. “Khi chuông đổ mười hai tiếng, cầm lấy mẩu nến và dùng nó để tìm đường đi xuống hầm rượu. Từ đây cho đến lúc đó, hãy ngủ đi nếu con có thể. Giờ nghe cho rõ đây – có ba điều quan trọng phải nhớ. Đừng mở cửa trước cho bất cứ ai, mặc cho họ có gõ cửa mạnh đến đâu đi nữa, và đừng có xuống hầm rượu trễ đấy.”
Thầy dợm bước đi ra cửa.
“Thế còn điều thứ ba là gì ạ?” Đến giây cuối cùng tôi mới hỏi với ra.
“Cây nến đấy, anh bạn. Dù con có làm gì, cũng đừng để nến tắt...”
Đoạn thầy đi mất, cửa đóng lại sau lưng thầy, và tôi chỉ còn lại một mình. Tôi cẩn thận bưng cây nến lên, bước đến cửa phòng bếp và thò đầu vào nhìn. Căn bếp trống vốc chẳng có gì ngoài một chậu rửa
bằng đá. Cửa sau đã được đóng nhưng gió vẫn rền rĩ bên dưới cánh cửa. Bên tay phải còn có hai cánh cửa nữa. Một cánh để mở và tôi có thể trông thấy cầu thang gỗ trống trơn dẫn lên phòng ngủ bên trên. Cánh cửa còn lại, cánh gần nơi tôi đứng nhất, đang được đóng kín.
Có điều gì đó về cánh cửa đóng im ỉm này làm tôi thấy khó chịu nhưng tôi vẫn quyết định ngó qua một cái. Tôi bồn chồn nắm lấy tay nắm cửa và giật giật. Cửa đóng chặt cứng, khó mà giật ra, và trong thoáng chốc tôi có cái cảm giác rờn rợn là có ai đó đang đứng bên kia cánh cửa mà kéo lại. Khi tôi giật mạnh hơn một chút, cửa bật mở, làm tôi mất cả thăng bằng. Tôi loạng choạng thối lui vài bước, sém chút nữa đánh rơi cây nến.
Những bậc thang bằng đá dẫn xuống bóng tối; những bậc thang ấy bị muội than bám đen. Cầu thang uốn quanh sang trái nên tôi không thể nhìn thẳng xuống hầm rượu, nhưng một ngọn gió lùa lạnh cóng từ dưới đấy thốc lên, khiến cho ngọn nến rung rinh chấp chới. Tôi nhanh tay đóng cánh cửa lại và quay ra căn phòng trước, đóng luôn cả cửa bếp.
Tôi cẩn thận đặt cây nến xuống góc phòng xa nhất, cách xa cửa chính lẫn cửa sổ. Sau khi đã yên chí là cây nến sẽ không ngã xuống, tôi nhìn quanh sàn nhà tìm chỗ đặt lưng. Chẳng có mấy lựa chọn. Chắc chắn là tôi sẽ không ngủ trên đống rơm ẩm, thế nên tôi an tọa ngay chính giữa căn phòng.
Nền đá cứng ngắc và lạnh lẽo nhưng tôi vẫn có thể chợp mắt. Khi đã mơ màng rồi, tôi sẽ thoát ra khỏi căn nhà cũ kỹ khắc nghiệt ấy và tôi cảm thấy khá tự tin là mình sẽ thức dậy trước lúc nửa đêm.
Thường thì tôi có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ, nhưng lần này lại khác. Tôi mãi run lập cập vì lạnh và cơn gió bắt đầu khua những khung cửa sổ lách cách. Lại còn thêm tiếng lộp cộp sột soạt phát ra từ mấy bức tường. Chỉ là mấy con chuột thôi mà, tôi cứ mãi bụng bảo dạ. Dĩ nhiên, ở trang trại, chúng tôi đã quá quen với lũ chuột rồi. Nhưng rồi, bỗng nhiên, tận sâu bên dưới hầm rượu tối tăm kia vọng lên một âm thanh mới đáng lo ngại.
Thoạt đầu âm thanh ấy thật mơ hồ, làm cho tôi phải căng cả hai tai, nhưng rồi tiếng động ấy lớn dần cho đến khi tôi chẳng còn nghi ngờ về những gì mình nghe được nữa. Mãi bên dưới hầm rượu ấy, có
chuyện gì đó đang xảy trong khi nó không nên xảy ra. Ai đó đang đào rất nhịp nhàng, đồng thời lật từng mảng đất nặng nề bằng cái mai kim loại sắc lẻm. Đầu tiên là tiếng chan chát khi cạnh kim loại va vào bề mặt đá cứng, tiếp theo sau đó là âm thanh sụt xuống òm ọp, mềm mềm khi lưỡi mai nhận sâu vào đất sét đặc và giật nó bay ra khỏi mặt đất.
Hoạt động này diễn ra trong nhiều phút cho đến khi tiếng ồn ngưng lại cũng đột ngột như khi nó bắt đầu. Mọi vật lặng ngắt như tờ. Thậm chí lũ chuột cũng thôi không sột soạt. Giống như thể căn nhà cùng mọi thứ trong nó đang nín thở. Tôi biết là mình đang nín thở thật.
Sự im lặng chấm dứt bằng một tiếng rầm rền vang. Thế rồi một loạt tiếng rầm rầm, dứt khoát là có nhịp điệu rõ ràng. Tiếng rầm ấy mỗi lúc mỗi lớn hơn. Và lớn hơn nữa. Và gần hơn...
Ai đó đang từ dưới hầm rượu leo thang lên đây.
Tôi vơ lấy cây nến và rúm người lại vào góc phòng xa nhất. Rầm, rầm, rầm, gần hơn rồi gần hơn, tiếng đế ủng nặng nề vang đến. Là ai lúc nãy đào bới dưới kia trong bóng tối? Là ai bây giờ đang leo thang lên đây?
Nhưng có lẽ câu hỏi không phải là ai đang leo cầu thang lên. Câu hỏi có lẽ phải là cái gì...
Tôi nghe thấy tiếng cửa hầm rượu mở ra và tiếng đế ủng rầm rập trong nhà bếp. Tôi lại đẩy mình vào trong góc phòng, cố gắng thu nhỏ người lại, chờ đợi cánh cửa phòng bếp mở ra.
Và cửa mở ra thật, thật chậm chạp, kèm theo tiếng két rõ to. Có thứ gì đó bước vào phòng. Lúc đấy tôi cảm thấy lạnh. Rất lạnh. Cái kiểu lạnh hay bảo cho tôi biết rằng có thứ gì đó không thuộc về thế giới này đang ở gần đây. Giống như cái kiểu lạnh trên Đồi Treo Cổ, chỉ có điều là lạnh hơn, lạnh hơn rất nhiều.
Tôi nhấc cây nến lên, ánh sáng ngọn nến chập chờn rọi ra những bóng hình rùng rợn nhảy múa trên tường và trên trần nhà.
“Ai đấy?” tôi hỏi. “Ai đấy?” giọng tôi còn run hơn bàn tay đang
cầm nến của mình.
Chẳng có lấy tiếng trả lời. Ngay cả ngọn gió bên ngoài kia cũng đã ngừng bặt.
“Ai đấy?” tôi lại gào lên.
Lại chẳng có ai hồi âm, nhưng những đôi ủng vô hình lại cọt kẹt trên nền đá khi chúng tiến về phía tôi. Chúng tiến đến mỗi lúc một gần hơn, và giờ tôi còn có thể nghe thấy tiếng thở nữa. Có thứ gì đó to lớn đang thở khò khè nặng nhọc. Nghe như một con ngựa thồ to khủng vừa mới kéo một lô hàng đậm ngược lên ngọn đồi.
Đến giây phút cuối cùng, tiếng bước chân chuyển hướng ra xa tôi và dừng lại gần bên cửa sổ. Tôi thì đang nín thở trong khi cái vật bên cửa sổ dường như là thở giùm cho cả tôi lẫn nó, hít từng vục từng vục không khí vào phổi như thể nó thở mấy cũng không đủ.
Đến lúc tôi không thể chịu đựng thêm được nữa, vật thể ấy thở dài rõ to, nghe vừa mệt mỏi lại vừa thật buồn, rồi đôi ủng vô hình lại cọt kẹt trên nền đá, những bước chân nặng nề rời xa cửa sổ, quay lại cửa chính. Rốt cuộc, khi những bước chân ấy rầm rập quay lại bậc thang dẫn xuống hầm rượu thì tôi mới có thể thở trở lại được.
Tim tôi bắt đầu chậm nhịp lại, hai tay thôi run rẩy và dần dà tôi bình tâm. Tôi phải tập trung tư tưởng. Tôi đã sợ, nhưng nếu đấy là điều tệ hại nhất sẽ xảy ra trong đêm nay, thì tôi đã vượt qua rồi, đã qua kỳ kiểm tra đầu tiên rồi. Tôi sẽ là chân học việc của Thầy Trừ Tà,
thế nên tôi phải làm quen với những nơi như ngôi nhà ma ám này. Đây là một phần của công việc.
Sau khoảng năm phút, tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc cố ngủ thêm lần nữa, nhưng như lời bố tôi đôi khi có nói, “Kẻ xấu xa không bao giờ ngơi nghỉ.” Này, tôi chẳng biết mình đã làm gì sai, nhưng lại có thêm một âm thanh mới đột ngột vọng đến làm tôi chột dạ.
Thoạt tiên âm thanh ấy xa xăm mơ hồ – ai đó đang gõ cửa. Ngưng một chốc, rồi lại gõ tiếp. Ba tiếng cộc rõ ràng, nhưng lần này hơi gần hơn. Lại ngưng một chốc, rồi cộc cộc tiếp.
Tôi không mất nhiều thời gian để hiểu ra. Ai đó đang gõ thật mạnh vào mỗi cánh cửa của từng ngôi nhà trên con đường này, mỗi lúc một tiến gần đến căn nhà số mười ba. Khi cuối cùng họ cũng đến
được bên ngôi nhà ma ám, tiếng gõ lên cửa trước to đến mức đến người chết cũng đội mồ sống dậy. Liệu cái vật gì đấy dưới hầm rượu có trèo lên mà mở cửa không nhỉ? Tôi thấy mình như bị mắc kẹt giữa hai đàng: thứ gì đó bên ngoài muốn vào trong nhà; thứ nằm dưới lòng đất lại muốn được giải thoát.
Và rồi, bỗng nhiên, mọi chuyện bình thường. Một giọng nói từ bên ngoài cửa chính gọi với vào, giọng nói tôi hằng quen thuộc.
“Tom ơi! Tom! Mở cửa ra! Cho mẹ vào!”
Là mẹ. Tôi quá mừng vì nghe thấy tiếng bà đến nỗi tôi chạy vội ra cửa mà không hề suy nghĩ. Ngoài kia trời đang mưa nên bà sẽ bị ướt mất.
“Nhanh lên nào Tom, nhanh lên!” Mẹ gọi. “Đừng để mẹ phải chờ.”
Tôi đã đưa tay nhấc then cài cửa lên rồi đấy chứ, nhưng tôi chợt nhớ đến lời cảnh báo của Thầy Trừ Tà, “Đừng mở cửa trước cho bất cứ ai, mặc cho họ có gõ cửa mạnh đến đâu đi nữa...”
Nhưng làm sao tôi có thể để mặc mẹ ngoài bóng tối kia chứ? “Coi nào Tom! Cho mẹ vào đi con!” giọng nói lại vang lên.
Nhớ đến lời thầy đã dặn, tôi hít thật sâu và cố suy nghĩ. Lý trí mách bảo tôi không thể nào là mẹ được. Tại sao bà lại lặn lội theo tôi mãi tận đây? Làm sao bà lại biết chúng tôi sẽ đi đâu? Mà mẹ cũng chẳng bao giờ đi xa một mình. Bố tôi hay Jack hẳn sẽ đi cùng.
Không, ngoài kia phải là thứ gì khác. Thứ gì đấy không có tay nhưng vẫn có thể gõ lộc cộc lên cửa. Thứ gì đó không có chân nhưng vẫn đứng được trên vỉa hè.
Tiếng gõ cửa bắt đầu lớn hơn.
“Cho mẹ vào đi Tom,” tiếng ấy van nài. “Sao con lại có thể khắc
nghiệt tàn nhẫn đến thế? Mẹ lạnh cóng, ướt lướt thướt và mệt mỏi nữa.”
Rồi dần dần thứ ấy bắt đầu khóc, thế là tôi biết rõ chắc chắn đấy không thể nào là mẹ. Mẹ là người mạnh mẽ. Mẹ sẽ chẳng bao giờ khóc dù mọi chuyện có tồi tệ đến thế nào.
Sau một chốc, những âm thanh ấy lịm dần rồi tắt hẳn. Tôi nằm xuống sàn cố chợp mắt lần nữa. Tôi cứ trở mình mãi, xoay bên này rồi lại bên kia, nhưng có cố cách mấy tôi cũng chẳng ngủ được. Gió bắt đầu giật trên các bậu cửa sổ càng mạnh hơn, và cứ mỗi một tiếng
và nửa tiếng đồng hồ chuông đồng hồ nhà thờ lại đổ, làm tôi tiến gần hơn đến thời khắc nửa đêm.
Càng đến gần với thời điểm phải leo xuống mấy bậc cấp hầm rượu, tôi càng trở nên lo lắng. Đúng là tôi muốn qua được bài kiểm tra của Thầy Trừ Tà, nhưng mà, than ôi, tôi thật ao ước muốn quay về nhà trên chiếc giường ấm áp, an toàn và êm ái đến dường nào.
Và rồi, ngay sau khi chuông đồng hồ điểm một tiếng – mười một giờ rưỡi – tiếng đào bới lại bắt đầu...
Một lần nữa tôi lại nghe thấy tiếng ủng nặng nề rầm rập chậm chạp leo lên bậc thang từ hầm rượu; một lần nữa cánh cửa mở ra và đôi ủng vô hình bước vào phòng trước. Đến lúc này, phần duy nhất trong tôi còn cử động là trái tim đang đập mạnh đến nỗi dường như nó sắp sửa đập gãy cả xương sườn. Nhưng lần này đôi ủng không quành sang hướng cửa sổ. Chúng tiếp tục đi tới. Rầm! Rầm! Rầm! Tiến thẳng tới chỗ tôi.
Tôi thấy như mình bị nhấc bổng lên chỉ bằng tóc và da ở gáy, giống như mèo mẹ tha mèo con. Rồi một cánh tay vô hình vòng quanh người tôi, ép dính tay tôi dọc thân mình. Tôi cố hít vào một hơi nhưng không thể. Ngực tôi đã bị ép nghẹt.
Tôi bị mang đi về phía cửa hầm rượu. Tôi không thể nhìn thấy thứ gì đang cắp mình nhưng tôi có thể nghe được hơi thở khò khè của nó và tôi vùng vẫy trong hoảng loạn, bởi vì chẳng hiểu sao tôi lại biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng hiểu sao tôi lại biết vì cớ gì trước đấy có tiếng đào bới dưới này. Tôi đang bị mang xuống bậc thang dẫn đến hầm rượu và tôi biết rằng một cái huyệt đang chờ mình dưới đấy.
Tôi sẽ bị chôn sống.
Tôi hoảng kinh và cố gào lên, nhưng còn tệ hơn việc chỉ bị giữ chặt cứng và cắp đi. Tôi tê liệt và chẳng thể cử động lấy được một thớ thịt.
Bỗng nhiên tôi đang rơi xuống...
Tôi thấy mình đang bò lồm cồm, nhìn trân trối vào cánh cửa để mở dẫn xuống hầm rượu. Trong cơn hoảng loạn, tim tôi đập nhanh đến mức chẳng đếm nổi nhịp, tôi lảo đảo đứng lên đóng sập cửa lại. Vẫn còn run rẩy, tôi trở lại phòng trước để rồi nhận ra rằng điều lệ
thứ ba của Thầy Trừ Tà đã bị vi phạm.
Cây nến đã tắt ngúm...
Khi tôi bước lại bên cửa sổ, một tia sét bất ngờ soi sáng căn phòng, tiếp theo là tiếng sấm rền vang gần như đánh thẳng xuống đầu. Mưa quất sầm sập vào ngôi nhà, giật từng khung cửa sổ, khiến cho cửa trước răng rắc kẽo kẹt như thể có thứ gì đó đang cố xông vào.
Tôi đau khổ nhìn ra ngoài trong vài phút, quan sát những tia chớp chói lòa. Thật là một đêm kinh khủng, nhưng mặc dầu sấm chớp có làm tôi sợ, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được bước ra ngoài đường kia; đánh đổi bất cứ thứ gì để khỏi phải đi xuống dưới hầm rượu ấy.
Xa xa, chuông đồng hồ bắt đầu điểm. Tôi đếm tiếng chuông và chính xác là mười hai tiếng. Giờ đây tôi phải đối mặt với thứ ở dưới hầm rượu.
Đến lúc ấy, khi mà tia sét lại thắp sáng căn phòng, tôi mới chú ý đến dấu chân to tướng ở giữa phòng. Thoạt tiên tôi nghĩ đấy là dấu chân Thầy Trừ Tà, nhưng dấu chân này màu đen, như là đôi ủng to lớn tạo ra chúng đã bị muội than bao phủ. Những dấu chân đến từ phía cửa phòng bếp, tiến gần sát đến cửa sổ rồi lại quay về nơi chúng xuất hiện. Quay lại hầm rượu. Xuống dưới nơi tối tăm mà tôi phải xuống cùng.
Tôi ép mình tiến lên phía trước, tay lần mò trên sàn tìm mẩu nến. Thế rồi tôi mò mẫm chung quanh tìm túi đồ của mình. Chiếc hộp nhóm lửa bố cho tôi được gói giữa đống đồ ấy.
Mò mẫm trong bóng tối, tôi vãi một nhúm bùi nhùi lên sàn nhà rồi dùng đá và kim loại đánh lửa. Tôi nhen nhúm bùi nhùi ấy cho đến khi chúng bùng lên thành ngọn, vừa đủ để tôi thắp mẩu nến. Bố sẽ không thể ngờ rằng món quà của ông lại chóng hữu dụng đến thế.
Khi tôi mở cửa hầm rượu, lại có thêm một tia chớp khác cùng tiếng sấm đột ngột giáng xuống làm cả căn nhà rung chuyển, vang vọng ầm ầm xuống những bậc thang trước mặt tôi. Tôi đi xuống hầm rượu, tay run lẩy bẩy và mẩu nến nhảy nhót tạo nên những bóng hình kỳ quái phản chiếu trên tường.
Tôi không muốn đi xuống đó, nhưng nếu tôi trượt bài kiểm tra của thầy, chắc chắn là chỉ ngay sớm mai thôi tôi đã phải lên đường trở về nhà. Tôi tưởng tượng ra nỗi xấu hổ khi phải kể cho mẹ nghe những gì đã xảy ra.
Xuống hết tám bậc, tôi quành qua góc để rồi nhìn thấy toàn căn hầm. Căn hầm không rộng lớn lắm nhưng trong mỗi góc lại có bóng tối mà ánh nến không thể rọi tới, rồi mạng nhện từ trần nhà rủ xuống thành những tấm màn mỏng manh, bẩn thỉu. Những mảnh than vụn cùng các thùng gỗ nằm rải rác trên nền đất, cạnh thùng bia thật to là một chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Tôi bước vòng qua thùng bia và để ý thấy có gì đấy trong góc hầm xa kia. Thứ gì đấy đằng sau những chiếc thùng gỗ làm tôi sợ đến mức suýt đánh rơi cả cây nến.
Đấy là một bóng người tối đen, gần giống như một đống giẻ rách, và nó đang phát ra tiếng động. Một âm thanh đều đều khe khẽ, nghe như tiếng thở.
Tôi tiến lên một bước đến gần đống giẻ; rồi thêm bước nữa, vận dụng toàn bộ sức mạnh ý chí để đẩy cho chân nhúc nhích. Đến khi ấy, khi tôi đến thật gần để có thể chạm vào nó, thì vật thể ấy đột ngột lớn lên. Từ một bóng hình trên sàn nhà, nó dâng lên trước mặt tôi cho đến khi trở nên to lớn hơn tôi gấp ba gấp bốn lần.
Suýt chút nữa tôi bỏ chạy. Vật này cao, đen ngòm, đội mũ trùm đầu và trông thật đáng sợ, với hai mắt xanh lục lấp lánh.
Chỉ đến khi ấy tôi mới để ý đến cây trượng mà vật này đang cầm bên tay trái.
“Cái gì đã giữ chân con thế?” Thầy Trừ Tà hỏi. “Con trễ dễ đến năm phút rồi!”
H
Chương 4
KÝ TỰ
ồi bé, ta sống trong căn nhà này,” thầy kể, “và ta đã nhìn thấy những điều có thể làm cho ngón chân cái của con cong quéo lại, nhưng chỉ có ta là nhìn thấy được, và cha ta từng đánh đập ta vì tội nói láo. Có thứ gì đó từng trèo lên khỏi hầm rượu. Chắc hẳn với con cũng thế. Ta nói đúng chứ?”
Tôi gật đầu.
“Chà, cũng chẳng có gì đáng lo đâu, anh bạn. Chỉ lại là một vãn hồn khác thôi, một mảnh của linh hồn lầm lạc đã chuyển đến điều tốt đẹp hơn. Nếu không bỏ phần sai trái của mình lại sau lưng, thì hẳn linh hồn ấy sẽ mắc kẹt lại đây vĩnh viễn.”
“Ông ấy đã làm gì vậy hả thầy?” tôi hỏi, giọng tôi thoáng vọng lại từ trần nhà.
Thầy Trừ Tà buồn bã lắc đầu. “Ông ấy là một người thợ mỏ có hai lá phổi hỏng quá rồi nên không thể làm việc được nữa. Suốt ngày suốt đêm ông ấy chỉ có ho khan và cố gắng thở trong khi vợ ông làm việc nuôi cả hai người. Bà ấy làm công trong một hiệu bánh, nhưng thật đáng buồn cho cả hai người này, vì bà ấy quá đẹp. Chẳng có mấy người phụ nữ mà con có thể tin tưởng được đâu và những cô xinh đẹp là những người không đáng tin nhất.
Chuyện còn tệ hơn vì ông ấy là người hay ghen và bệnh tật khiến ông càng thêm quá quắt. Một đêm nọ, bà vợ đi làm về muộn nên ông cứ mãi đến bên cửa sổ, đi tới đi lui, càng lúc càng thấy nóng giận vì ông nghĩ vợ mình đang ở cùng người đàn ông khác.
Cuối cùng, khi bà vợ về tới, ông ấy đã giận đến mức dùng một tảng than to đập vỡ đầu vợ. Rồi ông mặc cho vợ mình nằm chết dần trên sàn nhà, trong khi mình đi xuống hầm rượu đào một cái huyệt. Khi ông trở lên thì bà vợ vẫn còn sống nhưng không thể cử động mà cũng không thể la lên được. Đấy chính là nỗi kinh hoàng đã ngấm vào chúng ta, bởi đấy là những gì người phụ nữ ấy cảm thấy khi ông
chồng bế bà mang xuống bóng tối dưới tầng hầm. Bà đã nghe thấy tiếng ông ấy đào huyệt. Bà biết chồng mình định làm gì.
Khuya cùng đêm ấy, người thợ mỏ tự kết liễu đời mình. Đây là một câu chuyện buồn, nhưng dù bây giờ cả hai người bọn họ đã yên nghỉ, vãn hồn của ông ấy vẫn còn đây cùng những ký ức của bà vợ, và cả hai thứ đó đều rất mạnh đến mức có thể tra tấn những kẻ như chúng ta. Chúng ta nhìn thấy những điều mà người khác chẳng thể nào thấy được, việc này vừa là ân phước lẫn lời nguyền. Nhưng này, điều ấy rất hữu ích trong công việc của chúng ta đấy.”
Tôi rùng mình. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho người vợ bị giết hại lẫn cho bác thợ mỏ đã giết vợ mình. Thậm chí tôi còn thấy tội nghiệp cho cả Thầy Trừ Tà nữa. Cứ tưởng tượng bạn phải sống hết thời thơ ấu trong căn nhà như thế này mà xem.
Tôi nhìn xuống cây nến được tôi đặt chính giữa bàn. Nến đã cháy gần hết và ngọn lửa đang chấp chới tia sáng cuối cùng, nhưng thầy lại chẳng tỏ ra dấu hiệu gì là muốn đi lên lầu trên. Tôi không thích bóng phản chiếu trên mặt thầy. Nó trông như thể đang dần dần thay đổi, như thể thầy đang mọc ra một cái vòi ngay mũi vậy.
“Con có biết ta đã vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách nào không?” thầy hỏi.
“Dạ thưa không.”
“Một đêm nọ, ta đã kinh sợ đến nỗi thét toáng lên trước khi kịp ngậm miệng lại. Ta làm cho mọi người thức giấc, và trong cơn thịnh nộ bố ta đã tóm lấy gáy ta, mang ta xuống hầm rượu này. Rồi ông ấy lấy búa niêm chặt cửa lại.
Lúc ấy ta vẫn chưa lớn lắm. Khoảng bảy tuổi là cùng. Ta leo ngược lên mấy bậc thang, gào thét vỡ cả phổi, cào cấu đấm đá vào cánh cửa. Nhưng bố ta là người sắt đá nên ông đã bỏ ta lại một mình trong bóng tối và ta phải ở đấy hàng tiếng đồng hồ, mãi cho đến khi bình minh đã ló dạng từ lâu. Một chốc sau đó, ta bình tĩnh trở lại và con biết lúc ấy ta đã làm gì không?”
Tôi lắc đầu, cố không nhìn vào mặt thầy. Hai mắt thầy đang long lên sáng rực làm thầy trông như con sói hơn bao giờ hết.
“Ta leo xuống mấy bậc thang rồi ngồi đó, nơi hầm rượu này, trong bóng tối. Đoạn ta hít vào ba hơi thật sâu rồi đối mặt với nỗi sợ hãi của mình. Ta đối mặt với chính bóng tối, là điều đáng sợ nhất trong mọi điều, nhất là cho những người như chúng ta, bởi vì trắc trở xảy đến với chúng ta từ bóng tối. Chúng săn lùng lấy chúng ta bằng những tiếng thì thào và hiện hình thành những thứ chỉ có mắt chúng ta mới nhìn thấy được. Nhưng ta đã đối mặt như thế, và khi ta rời khỏi căn hầm thì điều tồi tệ nhất đã qua.”
Lúc ấy, cây nến chảy hết ra và tắt ngúm, dìm hai thầy trò chúng tôi vào bóng đêm đen kịt.
“Thế đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo. “Chỉ còn lại con, ta và bóng tối. Con có thể chịu được không? Con có thích hợp làm chân học việc cho ta không?”
Giọng của thầy nghe khang khác, như là trầm hơn và hơi kỳ. Tôi hình dung ra thầy đang bò hai tay hai chân, lông sói phủ khắp mặt, răng cỏ mọc dài ra. Tôi run lập cập chẳng nói được lời nào cho đến khi hít sâu vào đến hơi thứ ba. Chỉ đến lúc ấy tôi mới trả lời thầy. Đấy là lời bố tôi hay nói khi ông phải làm việc gì đó không dễ chịu hay dễ dàng gì.
“Rồi phải có ai làm thôi,” tôi đáp. “Vậy thôi cứ để con làm cho rồi.”
Chắc hẳn Thầy Trừ Tà cho là câu ấy buồn cười, bởi vì tiếng cười của thầy vang khắp căn hầm rồi rầm rập dội lên những bậc thang, chạm trán với một hồi sấm đùng đang vọng xuống.
“Gần mười ba năm trước,” thầy kể, “một lá thư dán niêm được gửi đến cho ta. Lá thư ngắn gọn đề cập thẳng vấn đề và được viết bằng tiếng Hy Lạp. Mẹ con là người đã gửi thư. Con có biết thư viết gì không?”
“Không ạ,” tôi lí nhí đáp, lòng băn khoăn không biết tiếp theo lại là chuyện gì đây.
“Bà ấy viết, ‘Tôi vừa hạ sinh một bé trai, bé là con thứ bảy của người con trai thứ bảy. Tên bé là Thomas J. Ward và bé là món quà tôi dành tặng cho Hạt. Khi bé đủ trưởng thành cứng cáp, chúng tôi sẽ
báo cho ông. Hãy đào tạo thằng bé cho thật tốt. Thằng bé sẽ là chân học việc giỏi nhất mà ông từng có và nó cũng sẽ là người học việc cuối cùng.”
“Chúng ta không sử dụng phép thuật đâu anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo, trong bóng tối, giọng thầy không khác gì tiếng thì thào. “Những đồ nghề chính yếu trong công việc của chúng ta là kinh nghiệm thực tiễn, lòng can đảm và biết ghi chép thật chính xác. Mà trên hết, chúng
ta không tin vào đồn đoán tiên tri. Chúng ta không tin rằng tương lai là mặc định. Vậy nên nếu những gì mẹ con viết lại trở thành sự thực, thì đấy là do chúng ta đã biến chúng thành hiện thực. Con có hiểu không?”
Giọng thầy mang chút hơi hướm giận dữ nhưng tôi biết không phải là giận tôi, nên tôi chỉ gật đầu trong bóng tối.
“Về vấn đề con là món quà của mẹ con dành tặng cho Hạt, mỗi một học trò học việc của ta đều là con trai thứ bảy của người con thứ bảy. Vậy nên con đừng có bắt đầu nghĩ mình là gì đặc biệt đấy. Trước mắt con còn có rất nhiều điều phải học và gian nan phải trải qua.”
“Gia đình có thể là điều phiền hà,” ngưng một lát rồi thầy nói tiếp, lúc này giọng thầy đã dịu lại, vẻ giận dữ đã tiêu tan. “Bây giờ ta chỉ còn lại hai người anh. Một người là thợ sửa khóa và bọn ta qua lại bình thường, nhưng còn người anh kia đã chẳng hề nói chuyện với ta hơn cả bốn mươi năm qua rồi, cho dù ông ấy vẫn còn sống nơi đây, tại Horshaw này.”
Đến khi chúng tôi rời khỏi ngôi nhà thì cơn giông đã tự tan biến đi và mặt trăng lồ lộ hiện rõ. Lúc Thầy Trừ Tà đóng cửa trước lại, lần đầu tiên tôi để ý thấy những gì được khắc trên mặt gỗ.
Thầy Trừ Tà hất đầu về phía dấu khắc. “Ta dùng những ký hiệu như vầy để cảnh báo những kẻ nào có được khả năng đọc hiểu dấu hiệu này hoặc là chỉ để khuấy động trí nhớ của ta một chút. Con sẽ nhận ra ký tự Gamma[1]trong tiếng Hy Lạp. Đấy là ký hiệu cho một hồn ma hay một vãn hồn. Dấu chữ thập ở góc dưới bên phải là số 10 trong số La Mã, là mức độ thấp hơn cả trong mọi cấp bậc. Bất cứ thứ nào lớn hơn 6 thì chỉ là một vãn hồn. Trong căn nhà ấy chẳng có thứ gì có thể làm hại con, nếu con dũng cảm. Hãy nhớ lấy, bóng tối tồn tại nhờ sợ hãi. Hãy dũng cảm lên thì vãn hồn chẳng thể làm được gì.”
Giá như ngay từ đầu tôi đã được biết nhỉ!
“Vui lên đi nào anh bạn,” thầy bảo. “Mặt con gần xệ xuống tận giày rồi kìa! À, có lẽ thứ này sẽ làm con hăm hở lên tí.” Thầy lôi từ trong túi ra một miếng phô mai màu vàng, bẻ ra một mảnh nhỏ đưa cho tôi. “Nhai lấy đi, nhưng đừng có nuốt hết một lúc đấy.”
Tôi theo chân thầy đi xuống con đường lát sỏi. Không khí ẩm thấp, nhưng ít ra trời không mưa, và về hướng Tây, những đám mây trông như những cụm len cừu đang bắt đầu tan tác ra thành từng dải tả tơi trên nền trời.
Chúng tôi rời khỏi ngôi làng và tiếp tục đi về hướng Nam. Một nhà thờ nho nhỏ tọa lạc ngay ven rìa làng, nơi con đường rải sỏi biến thành lối mòn sình lầy. Nhà thờ trông như bị bỏ hoang – nóc nhà thủng vài viên ngói và trên cửa chính sơn đã bong tróc từng mảng. Từ khi rời khỏi ngôi nhà chúng tôi dường như chẳng nhìn thấy ai, ấy vậy mà lại có một người đàn ông lớn tuổi đứng trên lối cửa vào nhà thờ. Mái tóc ông ta bạc trắng, dài lõng thõng, nhờn nhờn và rối bù.
Từ bộ quần áo màu đen trên người cho thấy ông ta là cha xứ, nhưng khi chúng tôi tiến đến gần, chính vẻ mặt của ông ta mới là điều làm tôi chú ý. Ông ta đang cau có nhìn chúng tôi, cả gương mặt méo mó vặn vọ. Và rồi, bỗng nhiên, ông ta đưa tay làm dấu thánh to đùng, đúng ra là khi bắt đầu làm dấu ông ta nhón chân lên, rướn ngón tay trỏ bên bàn tay phải của mình thật cao hết mức chĩa lên trời. Trước đây tôi đã từng trông thấy cha xứ làm dấu thánh, nhưng cái dấu to như thế, kèm theo cử chỉ cường điệu, hầm hầm giận dữ như thế thì chưa thấy bao giờ. Vẻ giận dữ hình như là dành cho chúng tôi.
Tôi đoán là ông này có bất hòa gì với Thầy Trừ Tà đây, hay là bất mãn với việc thầy làm. Tôi biết công việc ấy làm cho đa phần người ta thấy lo lắng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai phản ứng như thế cả.
“Có chuyện gì với ông ta thế ạ?” tôi hỏi khi chúng tôi đã đi qua ông ta đến một cự ly an toàn để ông ta không thể nghe lỏm được.
“Đám cha xứ ấy mà!” Thầy Trừ Tà gắt, sự giận dữ rõ nét trong giọng thầy. “Họ biết hết mọi điều nhưng chẳng nhìn thấy gì cả! Và cái ông vừa nãy là tay chán nhất trong cái đám ấy. Người anh kia của ta
đấy.”
Tôi muốn biết nhiều hơn nhưng cũng cảm nhận được là không nên hỏi han gì thêm nữa. Tôi thấy dường như có rất nhiều điều cần phải học hỏi về Thầy Trừ Tà và quá khứ của thầy, nhưng tôi có cảm giác rằng đấy là những điều thầy chỉ kể cho tôi nghe khi thầy thấy vui
và sẵn sàng chia sẻ.
Vậy nên tôi chỉ đi theo thầy về hướng Nam, vác trên vai cái túi nặng trịch của thầy và suy nghĩ về những gì mẹ tôi đã viết trong thư. Mẹ chẳng bao giờ là người nói ngoa nói đại. Mẹ chỉ nói những điều cần nói, thế nên mỗi một từ mẹ nói đều là sự thật. Thầy Trừ Tà đã bảo tôi rằng chẳng thể làm được gì nhiều với đám vãn hồn, nhưng mẹ đã từng một lần làm cho vãn hồn trên Đồi Treo Cổ phải im tiếng.
Trong loại công việc này thì việc là con trai thứ bảy của người con thứ bảy chẳng có gì đặc biệt cả – bạn phải là người như thế mới được nhận vào học việc với Thầy Trừ Tà. Nhưng tôi biết có điều gì đó khác làm cho mình khác biệt.
Tôi cũng là con của mẹ tôi nữa.
Chúng tôi đang hướng về nơi mà Thầy Trừ Tà gọi là “Căn nhà
mùa Đông” của mình.
Khi chúng tôi đang cuốc bộ, những đám mây cuối cùng của buổi sáng tan đi và tôi chợt nhận ra một điều khác biệt về mặt trời. Ngay cả khi ở trong Hạt, thi thoảng mặt trời cũng chói
chang vào những ngày đông, thế cũng tốt vì như vậy thường là ít nhất trời cũng sẽ không mưa; nhưng cứ mỗi đầu năm mới có một khoảnh khắc bạn bỗng cảm nhận được hơi ấm đầu mùa. Cảm giác giống như là một người bạn cũ đã quay về. “Hôm nay là ngày đầu xuân này, anh bạn,” thầy bảo, “thế nên chúng ta hãy đi đến Chipenden nào.”
Nói điều này ra nghe thấy kỳ kỳ. Thế ra thầy khi nào cũng đến Chipenden vào ngày đầu tiên của mùa xuân hay sao, mà nếu là thế thật, thì tại sao cơ chứ? Vậy là tôi mở miệng hỏi thầy.
“Ba tháng hè. Mùa đông chúng ta sinh hoạt ven rìa Bãi Hoang Anglezarke còn mùa hè thì ở Chipenden.”
“Con chưa bao giờ nghe đến Anglezarke. Đó là ở đâu thế ạ?” tôi hỏi.
“Ở mũi cực Nam của Hạt đấy anh bạn. Là nơi ta được sinh ra. Gia đình ta đã sinh sống ở đó mãi cho đến khi bố ta chuyển cả nhà đến Horshaw.”
Mà thôi, ít ra là tôi đã từng nghe về Chipenden, thế nên tôi thấy an lòng hơn. Tôi chợt vỡ lẽ ra rằng, làm chân học việc cho Thầy Trừ Tà thì chẳng những tôi phải ngao du rất nhiều mà còn phải học cách tự tìm ra đường đi nữa.
Chúng tôi chẳng chút chần chừ đổi hướng về phía đông – Bắc, hướng đến những ngọn đồi xa xa. Tôi không hỏi thêm câu nào, nhưng đêm đó, khi một lần nữa chúng tôi lại trú trong một kho cỏ lạnh lẽo và bữa tối lại chỉ là vài miếng phô mai vàng vàng, dạ dày tôi bắt đầu nghĩ
rằng cổ họng mình đã bị cắt bỏ. Trước giờ tôi chưa khi nào đói thế này.
Tôi thắc mắc không biết đến Chipenden chúng tôi sẽ ở đâu và liệu ở đó chúng tôi có kiếm được thứ gì tử tế mà ăn không nữa. Tôi không quen ai đã từng đến đó nhưng nơi ấy được cho là một nơi hẻo lánh, kém thân thiện nằm đâu đó giữa những vùng đồi đá – là những ngọn đồi xám xịt tia tía mà từ nông trại của bố tôi nhìn ra chỉ thấy được mang máng. Với tôi, những ngọn đồi ấy luôn trông như những con quái vật khổng lồ đang ngủ yên, nhưng có lẽ đấy là do lỗi của một trong những ông bác của tôi, bác ấy thường hay kể cho tôi nghe những câu chuyện như thế. Bác kể rằng, vào ban đêm, những ngọn đồi ấy sẽ bắt đầu nhúc nhích, thế rồi đến bình minh toàn bộ vài ngôi làng nhiều khi biến mất hẳn khỏi mặt đất vì đã bị nghiền nát thành bụi dưới sức nặng của những ngọn đồi kia.
Sáng ngày hôm sau, một lần nữa những đám mây xám đen lại che khuất mặt trời và có vẻ như là chúng tôi phải đợi thêm một thời gian nữa mới được thấy ngày thứ hai của mùa xuân. Gió cũng mạnh hẳn lên, gió thốc vào quần áo chúng tôi khi chúng tôi chầm chậm bắt đầu leo lên sườn đồi, gió thổi tung đám chim bay xáo xác lên trời, những đám mây rần rật đua nhau dạt về hướng Đông để che phủ đỉnh đầu của các ngọn đồi.
Nhịp bước thầy trò tôi chậm chạp nhưng tôi lại lấy đó làm mừng vì mỗi bên gót chân tôi đã phồng rộp lên đau đớn. Vậy nên mãi đến quá trưa chúng tôi mới đến gần Chipenden, lúc đó ánh sáng ban ngày đã bắt đầu phai nhạt.
Khi ấy, dù trời vẫn còn rất gió, bầu trời lại đã quang mây và những ngọn đồi đá tia tía sắc nhọn trên nền trời. Gần suốt quãng đường đi, Thầy Trừ Tà hầu như chẳng nói chẳng rằng nhưng đến lúc này, thầy như đang rất phấn khích khi gọi tên lần lượt từng ngọn đồi một. Những cái tên như là Mỏm Parlick, ngọn đồi này gần Chipenden nhất; những đồi khác – vài ngọn nhìn thấy rõ, vài ngọn xa xăm ẩn mình – được gọi là Gò Mellor, Đồi Yên Ngựa và Đồi Chó Sói.
Khi tôi hỏi thầy mình liệu có con chó sói nào trên ngọn Đồi Chó Sói đó không thì thầy tôi chỉ thoáng cười gằn. “Anh bạn nhỏ à, ở đây vạn vật thay đổi nhanh lắm, và chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác.”
Đến lúc những mái nhà đầu tiên của ngôi làng hiện ra trước mắt, Thầy Trừ Tà chỉ vào một con đường mòn chật hẹp từ con lộ chính rẽ ra ngoằn ngoèo đi ngược lên đến bên dòng suối nhỏ ồng ộc chảy.
“Lối này về nhà ta,” thầy bảo. “Lộ trình có dài hơn một chút nhưng đi đường ấy có nghĩa là mình khỏi phải đi xuyên qua làng. Ta muốn giữ khoảng cách với dân chúng sống trong ấy. Họ cũng thích thế hơn.”
Tôi chợt nhớ đến những gì Jack đã nói về Thầy Trừ Tà, thế là tim tôi chùng xuống. Anh ấy đã nói đúng. Đấy là cuộc đời cô độc. Rốt cuộc bạn phải làm việc chỉ có một mình.
Mỗi bên bờ suối có vài cây còi cọc bám vào sườn đồi chống chọi với sức gió, nhưng rồi đột nhiên, ngay đầu lối ấy là một khu rừng cây ngô đồng và tần bì; khi chúng tôi tiến vào, gió giật dần lịm, chỉ còn nhè nhẹ như tiếng thở dài xa xăm. Khu rừng chỉ là một quần thể tập hợp thật nhiều loại cây, khoảng chừng vài trăm loại hay hơn thế, vươn cành che chắn khỏi cơn gió dập vùi, nhưng một chốc sau tôi nhận ra phải có nhiều loại cây hơn thế.
Trước đấy tôi từng để ý thấy, thi thoảng, có vài loại cây thật ồn ã làm sao, lúc nào cũng răng rắc cành hay xào xạc lá, trong khi đó có những loại cây khác chẳng khi nào phát ra âm thanh. Trên cao xa kia, tôi có thể nghe thấy hơi thở xa xôi của ngọn gió, nhưng khi ở trong lòng rừng, âm thanh duy nhất có thể nghe thấy được là tiếng bước giày của thầy trò tôi. Vạn vật thật tĩnh lặng, nguyên một khu rừng đầy cây lại im ắng quá đỗi đến nỗi một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Chừng đấy suýt chút nữa làm tôi nghĩ rằng rừng cây đang lắng nghe chúng tôi.
Sau đấy, hai thầy trò tiến vào một khoảng rừng thưa, và ngay trước mặt là ngôi nhà. Một rặng hàng rào cây táo gai bao quanh nhà để chỉ còn lộ ra mỗi tầng trên và phần mái. Một làn khói trắng nhả ra từ ống khói. Làn khói bốc thẳng lên không trung, thẳng tắp không xiên xẹo đi đâu, cho đến khi vừa vượt lên khỏi hàng cây thì ngọn gió đã thổi bạt làn khói đi về hướng Đông.
Lúc này tôi nhận ra, ngôi nhà và khu vườn tọa lạc trên vùng đất hõm bên sườn đồi. Trông như thể lúc trước một gã khổng lồ sốt sắng đã lạc bước đến nơi đây, dùng tay vốc đi một phần đất.
Tôi theo chân Thầy Trừ Tà đi dọc quanh hàng rào cho đến tận chỗ cánh cổng bằng kim loại. Cánh cổng bé teo, cao không quá eo tôi, được sơn màu xanh lá cây sặc sỡ, nước sơn còn rất mới khiến tôi băn khoăn liệu sơn đã khô hẳn chưa và liệu Thầy Trừ Tà có dây sơn vào tay hay không, mà lúc này tay thầy đã với tới then cửa rồi.
Thốt nhiên có chuyện gì đấy xảy ra làm tôi nín thở. Trước khi Thầy Trừ Tà chạm vào then cửa, chiếc then tự mình nhấc lên và cánh cổng chầm chậm xoay mở như thể có bàn tay vô hình đã đẩy cửa đẩy then giùm.
“Cảm ơn,” tôi nghe thấy thầy nói.
Cánh cửa trước không tự mình dịch chuyển được, vì trước hết cửa phải được mở khóa bằng chiếc chìa to đùng mà Thầy Trừ Tà rút trong túi mình ra. Chìa này trông tương tự như chiếc mở vào căn nhà trong Hẻm Ướt.
“Phải cùng chiếc chìa thầy dùng ở Horshaw không ạ?” tôi hỏi.
“Ối dào anh bạn à,” thầy vừa đáp vừa liếc xuống tôi khi đẩy cánh cửa mở ra. “Anh trai ta, người làm thợ khóa ấy, đã đưa nó cho ta. Chìa này có thể mở được hầu hết các loại khóa nếu khóa không phức tạp cho lắm. Hóa ra chìa như thế này lại rất hữu dụng cho loại công việc chúng ta làm.”
Cánh cửa mở ra kèm tiếng kẽo cà gầm gừ rõ to, và tôi theo chân Thầy Trừ Tà đi vào lối hành lang tối tăm nhỏ hẹp. Bên tay phải là một cầu thang dốc đứng còn bên trái là lối đi chật chội nền lát đá.
“Bỏ mọi thứ lại nơi chân cầu thang ấy,” Thầy Trừ Tà bảo. “Coi nào anh bạn. Đừng có lần lữa thế chứ. Không có thời gian để lãng phí đâu. Ta thích thức ăn phải thật nóng sốt!”
Thế là tôi bỏ túi của thầy và dúm đồ đạc của mình tại nơi thầy bảo, rồi đi theo thầy qua lối đi về phía nhà bếp và hít hà lấy hương thức ăn nóng hổi.
Khi vào đến bếp tôi không phải thất vọng. Khung cảnh khiến tôi nhớ đến bếp của mẹ mình. Các loại rau mùi được trồng trong những chậu lớn đặt trên bậu cửa sổ và ánh chiều tà chiếu loang lổ bóng hình
những chiếc lá lên khắp phòng. Nơi góc kia căn phòng, một lò sưởi thật lớn đang bập bùng, tỏa hơi ấm tràn ngập không gian, còn ngay chính giữa sàn nhà lát đá phiến là một chiếc bàn gỗ sồi to tướng. Trên bàn có hai chiếc đĩa trống không bự chảng, giữa bàn là năm đĩa chất thức ăn cao ngất cạnh một lọ đầy ứ nước sốt nóng hổi bốc hơi nghi ngút.
“Ngồi xuống ních đầy bụng đi nào anh bạn,” Thầy Trừ Tà mở lời mời, còn tôi chẳng cần chờ được mời đến lần thứ hai.
Tôi tự nhiên cắt lấy mấy miếng thịt gà thịt bò thật lớn, làm đĩa tôi chẳng còn chỗ đâu mà chứa cả ụ rau tươi và khoai nướng được thêm vào sau đấy. Cuối cùng tôi chế lên đấy thứ nước sốt thơm ngon đến nỗi chỉ có mẹ tôi mới có thể làm ra món nước sốt ngon hơn thế.
Tôi thắc mắc không biết bác đầu bếp ở đâu và làm sao bác ấy biết chính xác khi nào chúng tôi tới để có thể dọn thức ăn nóng sốt sẵn ra bàn như thế. Tôi có cả đống câu hỏi nhưng cũng rất mệt nữa, nên thôi tôi dành sức để chén vậy. Rốt cuộc, khi tôi nuốt xong miếng ngồm ngoàm cuối cùng, thì Thầy Trừ Tà đã ăn sạch đĩa mình từ lâu.
“Thích chứ?” thầy hỏi.
Tôi gục gặc, no quá gần như đến nỗi không thể nói được. Tôi cảm thấy buồn ngủ.
“Sau một cữ kiêng khem chỉ ăn toàn phô mai, bao giờ trở về nhà ăn một bữa cơm nóng canh ngọt cũng tuyệt vời cả,” thầy bảo. “Ở đây chúng ta ăn uống rất thịnh soạn. Để bù lại cho những lúc chúng ta ra ngoài làm việc ấy mà.”
Tôi lại gục gặc rồi ngoác mồm ngáp.
“Ngày mai sẽ có nhiều chuyện phải làm lắm đấy nên con đi ngủ đi thôi. Phòng của con có cánh cửa màu xanh lá cây, ngay đầu dãy cầu thang thứ nhất,” thầy dặn dò. “Ngủ ngon nhé, nhưng nhớ ở yên trong phòng và chớ có đi loanh quanh trong đêm. Con sẽ nghe tiếng chuông báo hiệu điểm tâm đã dọn xong. Nghe thấy rồi thì con phải xuống ngay – khi người ta đã nấu cho thật ngon mà con lại để thức ăn nguội lạnh thì họ có thể giận đấy. Nhưng cũng đừng xuống bếp sớm hơn vì như thế cũng chẳng hay ho gì.”
Tôi gật đầu, cảm ơn thầy về bữa tối và quay ngược ra lối đi về phía phần trước của căn nhà. Chiếc túi của Thầy Trừ Tà và dúm đồ của tôi đã biến mất. Tôi vừa băn khoăn chẳng biết ai đã chuyển chúng đi vừa leo lên lầu đi ngủ.
Hóa ra phòng mới của tôi lại rộng hơn phòng tôi ngủ ở nhà rất nhiều, đã vậy có thời tôi còn phải ở chung với hai anh trai khác. Căn phòng mới này có đủ chỗ cho một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ có chân nến, một chiếc ghế và một tủ ngăn kéo, vậy mà trong phòng vẫn còn nhiều chỗ để đi đi lại lại nữa. Mà kia rồi, trên đầu tủ ngăn kéo là túi vật dụng cá nhân của tôi đã nằm chờ sẵn đấy.
Đối diện thẳng với cửa phòng là một cửa sổ trượt bằng kính, cửa chia thành tám khung kính thật dày và gồ ghề đến nỗi tôi chẳng thể nhìn thấy được gì trừ những vòng màu sắc xoay xoay xoắn xít từ bên ngoài. Cửa sổ trông như thể hàng năm trời chưa được mở ra lấy một lần. Chiếc giường được đẩy kê sát tường ngay dưới cửa sổ, thế là tôi tháo ủng ra, quỳ lên tấm khăn phủ mà cố sức mở cửa sổ. Dù cửa có hơi cứng thật, nhưng mở nó ra cũng dễ dàng hơn nó thoạt trông. Tôi giật giật vài lần dây kéo cửa để nâng nửa dưới cửa trượt lên, chỉ đủ rộng để tôi thò đầu ra ngoài nhìn quanh kỹ càng hơn.
Tôi có thể nhìn thấy một vạt cỏ rộng rãi bên dưới, một lối mòn rải sỏi trắng dẫn lẫn vào đám cây chia vạt cỏ làm hai. Bên trên những rặng cây phía bên phải là những rặng đồi đá, đỉnh đồi gần nhất trông thật gần đến nỗi tôi tưởng như mình có thể vươn tay ra mà chạm vào được. Tôi hít sâu vào một hơi khí trời trong mát để ngửi lấy mùi cỏ non trước khi thụt đầu vào mở lấy túi vật dụng bé nhỏ của mình. Mọi thứ dễ dàng được xếp vào ngăn kéo trên cùng. Khi đẩy ngăn kéo đóng lại, tôi bất giác nhìn thấy những chữ viết trên bức tường đầu kia căn phòng, khuất dưới bóng đối diện chân giường.
Bức tường phủ đầy những tên, tất cả được nghuệch ngoạc bằng mực đen trên nền vôi trần trụi. Vài cái tên được viết to hơn những tên khác, như thể những ai viết ra những tên ấy chỉ toàn nghĩ về mình. Nhiều tên đã phai màu theo thời gian, nên tôi thắc mắc không biết đấy có phải là tên của những người học việc đã từng ngủ trong chính căn phòng này. Tôi có nên viết thêm tên mình vào hay phải chờ đến mãi cuối tháng, khi mà biết đâu tôi được nhận vào hẳn luôn ấy? Tôi không có cả viết lẫn mực nên chuyện này để sau hẵng hay, nhưng tôi săm soi bức tường kỹ hơn, cố xác định xem cái tên nào là gần đây
nhất.
Tôi quyết định đấy là BILLY BRADLEY – tên này có vẻ được viết rõ ràng nhất và phải viết ép vào một khoảng thật nhỏ vì bức tường đã kín đặc những chữ. Trong một lúc, tôi tự hỏi không biết giờ Billy đang làm gì, nhưng rồi tôi mệt quá, chỉ sẵn sàng chợp mắt.
Chăn màn thơm sạch và chiếc giường như gọi mời, thế là tôi chẳng phí phạm thêm chút thời gian nào, cởi quần áo ra, và ngay khi đầu tôi chạm xuống gối thì tôi đã ngủ say.
Lần tiếp theo tôi mở mắt ra thì mặt trời đã rọi qua cửa sổ. Tôi đã ngủ mơ và rồi đột ngột bị đánh thức bởi một tiếng động. Tôi nghĩ chắc có lẽ là chuông báo điểm tâm.
Nhưng lúc ấy tôi lại thấy lo lắng. Liệu đấy có phải là tiếng chuông gọi tôi xuống ăn sáng hay là tiếng chuông trong giấc mơ của mình? Làm sao tôi có thể biết chắc được đây? Tôi phải làm gì nhỉ? Có vẻ như tôi xuống sớm hơn hay muộn hơn thì cũng đều gặp rắc rối với bác đầu bếp cả. Thế là, quyết định rằng chắc mình hẳn đã nghe thấy tiếng chuông, tôi mặc quần áo và đi xuống lầu ngay lập tức.
Trên đường đi xuống, tôi có nghe thấy tiếng xoong nồi loảng xoảng vọng ra từ nhà bếp, nhưng ngay lúc tôi nhẹ nhàng mở cửa, mọi vật lập tức im phăng phắc.
Rồi tôi mắc phải sai lầm. Lẽ ra tôi phải quay ngược lên lầu ngay bởi vì rõ ràng là bữa sáng chưa được chuẩn bị xong. Chén đĩa bữa ăn tối qua đã được dọn khỏi bàn nhưng mặt bàn vẫn còn trống trơn và lò sưởi thì đầy tro lạnh. Thực ra thì cả căn bếp lạnh tanh, và còn tệ hơn thế, dường như mỗi lúc căn bếp mỗi lạnh hơn.
Lỗi tôi phạm phải là bước thêm một bước tiến về phía bàn. Chẳng kịp bước xong thì tôi đã nghe vật gì đó phát ra âm thanh ngay đằng sau mình. Là một âm thanh giận dữ. Chắc chắc là thế rồi. Dứt khoát đấy là một tiếng rít phẫn nộ gần sát bên tai trái tôi. Gần đến mức tôi cảm nhận được cả hơi thở của nó.
Thầy Trừ Tà đã cảnh báo tôi đừng nên xuống sớm và chợt tôi ngộ ra mình đang gặp nguy thực sự.
Ngay khi tôi chiêm nghiệm được ý nghĩ này thì một thứ gì đó đập rõ mạnh vào sau đầu tôi; tôi loạng choạng lùi ra phía cửa, sém chút là mất thăng bằng mà ngã chúi nhụi xuống đất.
Tôi chẳng cần được cảnh cáo thêm lần nữa làm gì. Tôi co giò bỏ chạy khỏi phòng và hướng thẳng lên lầu. Thế rồi, mới chạy được nửa đường, tôi chết cứng. Có ai đấy đang đứng trên đầu cầu thang. Một người dong dỏng cao đầy vẻ hăm dọa, bóng hình ngược nắng với ánh sáng tỏa ra từ cánh cửa phòng tôi.
Tôi khựng lại, chẳng biết phải chạy hướng nào cho đến khi một giọng nói quen thuộc làm tôi tĩnh tâm. Là Thầy Trừ Tà.
Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy không mặc áo choàng đen. Thầy mặc chiếc áo suông đen và quần ống bó màu xám, và tôi có thể nhìn ra, dù là thầy cao ráo với đôi vai rộng, phần cơ thể còn lại của thầy ốm tong teo, rõ là vì những ngày thầy chỉ nhấm nháp có mỗi phô mai. Thầy trông giống như một lão nông dẻo dai nhất khi đã về già. Dĩ nhiên là có vài ông chỉ có béo ra thôi, nhưng phần lớn thì – như những bác mà bố tôi thi thoảng mướn vào những vụ mùa gặt hái khi giờ đây hầu hết các anh tôi đã rời khỏi gia đình – phần lớn các bác ấy người roi roi, thân mình dẻo dai rắn chắc. “Càng ôm ốm là càng khỏe,” bố luôn bảo thế, và giờ đây, nhìn vào Thầy Trừ Tà, tôi có thể hiểu được vì sao thầy lại có khả năng bước đi nhanh trong một quãng đường dài như thế mà không nghỉ chân lấy một lần.
“Ta đã cảnh báo con về việc xuống sớm,” thầy lẳng lặng bảo. “Rõ là tai con bịt nút hết rồi. Hãy lấy đấy làm bài học cho con đấy anh bạn. Lần tới biết đâu lại còn tệ hơn rất nhiều.”
“Con nghĩ mình nghe thấy tiếng chuông. Nhưng chắc là tiếng chuông trong giấc mơ của con rồi.”
Thầy cười nhẹ. “Đấy là một trong những bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà một người học việc phải ghi nhớ,” thầy nói; “sự khác nhau giữa mơ màng và thức tỉnh. Có vài anh chẳng bao giờ học lấy được.”
Thầy lắc đầu, bước lên một bước về phía tôi và vỗ vỗ vai tôi. “Đi nào, ta sẽ chỉ cho con xem vòng quanh khu vườn. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó và việc này sẽ giúp chúng ta giết thời gian cho đến khi
điểm tâm được sẵn sàng.”
Khi Thầy Trừ Tà dẫn tôi ra ngoài theo lối cửa hậu của ngôi nhà, tôi nhìn thấy khu vườn rất rộng, rộng hơn nhiều khi nhìn thấy nó từ bên ngoài hàng rào.
Chúng tôi đi về hướng Đông, mắt nheo nheo trong ánh mặt trời buổi sớm, cho đến khi đến được vạt cỏ rộng. Đêm trước tôi đã nghĩ rằng toàn bộ khu vườn được hàng rào bao quanh, nhưng giờ tôi thấy là mình đã lầm. Có những khoảng trống trong vườn, và ngay thẳng trước mặt đây là khu rừng. Lối mòn rải sỏi trắng chia đôi vạt cỏ và biến mất vào trong ấy.
“Thực ra có nhiều hơn một khu vườn ở đây,” Thầy Trừ Tà bảo. “Đúng ra là ba, mỗi khu được dẫn đến bằng một lối mòn như thế này. Chúng ta sẽ tham quan vườn phía Đông trước. Khi mặt trời ló dạng thì khu vườn này khá an toàn, nhưng chớ bao giờ đi vào lối này khi trời tối. À, cũng chớ đi vào trừ khi con có lý do thật chính đáng và đương nhiên là không bao giờ khi con chỉ có một mình.”
Tôi bồn chồn theo chân thầy đi về phía rặng cây. Ngay rìa vạt cỏ, những ngọn cỏ như dài hơn và lấm tấm hoa cát cánh. Tôi thích hoa cát cánh vì chúng đơm bông vào mùa xuân và luôn gợi cho tôi nhớ rằng những ngày hè dai dẳng nóng nực đã không còn xa nữa, nhưng giờ thì tôi chẳng buồn liếc lại đám hoa thêm một lần. Rừng cây che khuất mặt trời và không khí đột nhiên trở nên lạnh lẽo hơn. Điều này nhắc tôi nhớ đến cuộc viếng thăm nhà bếp. Trong phần rừng này có điều gì đó lạ lùng và nguy hiểm, và dường như điều ấy đang mỗi lúc mỗi dần dà lạnh hơn khi chúng tôi tiến sâu vào rừng cây.
Cao cao bên trên đầu thầy trò tôi là những tổ quạ, và tiếng quang quác chói tai, giận dữ của lũ quạ khiến tôi run còn lập cập hơn là vì lạnh. Tiếng chim nghe đầy nhạc điệu như tiếng bố tôi hay ngân nga, bố thường bắt đầu hát khi chúng tôi gần vắt xong sữa. Nếu sữa có bị chua thì mẹ tôi thường đổ lỗi cho bố.
Thầy Trừ Tà dừng bước và chỉ tay về vạt đất phía trước chúng tôi khoảng năm bước chân. “Cái gì thế kia?” thầy hỏi, giọng thầy chẳng lớn hơn tiếng thì thầm là bao.
Đám cỏ nơi ấy đã bị xới bỏ và ngay chính giữa khoảnh đất trống trơn là một bia mộ. Bia cắm thẳng đứng nhưng hơi nghiêng sang bên trái. Trên nền đất phía trước bia mộ, nấm mồ gần hai mét được viền bằng những phiến đá nhỏ hơn, điều này không bình thường. Nhưng lại có điều khác càng lạ lùng hơn nữa: ngang qua đầu mảnh đất, được vít vào những phiến đá rìa ngoài, là mười ba thanh sắt dày cộm.
Tôi đếm qua đến hai lần cho chắc ăn.
“A thôi nào anh bạn – ta đặt câu hỏi cho con mà. Cái gì thế kia?”
Mồm tôi khô khốc đến độ không nói nổi, nhưng tôi cũng cố lắp bắp được ba chữ: “Là ngôi mộ...”
“Giỏi lắm. Mới nhìn lần đầu tiên mà đã nhận ra. Có thấy gì bất thường không?”
Đến khi đó thì tôi chẳng thể nói được lời nào nữa. Tôi chỉ gật đầu.
Thầy mỉm cười vỗ về vai tôi. “Không có gì phải sợ cả. Chỉ là một mụ phù thủy đã chết và dưới mộ ấy là một mụ phù thủy khá yếu kém. Người ta đã chôn mụ dưới một vùng đất không thiêng bên ngoài sân nhà thờ cách đây chẳng mấy dặm. Nhưng mụ cứ bới đất chui lên mãi. Ta đã nói chuyện phải trái với mụ nhưng mụ chẳng chịu nghe, thế nên ta phải cho mang mụ về đây. Như thế giúp người dân thấy thoải mái hơn. Như thế thì họ có thể tiếp tục an lành sinh sống. Họ không muốn phải nghĩ về những thứ như thế này. Và đấy là công việc của chúng ta.”
Tôi lại gật đầu và bất chợt nhận ra mình đang không thở, nên tôi hít một hơi đầy phổi. Tim tôi đang nện thình thịch trong ngực, đe dọa có thể bật ra bất cứ lúc nào, còn tôi lại run như cầy sấy từ đầu tới chân.
“Mà không, giờ đây mụ ta hơi quấy quá một chút,” thầy giảng giải tiếp. “Đôi khi những lúc trăng tròn, con có thể nghe thấy mụ vùng vẫy, nhưng mụ không có đủ sức mạnh để ngoi lên mặt đất, mà dù sao
thì những thanh sắt cũng ngăn không cho mụ làm thế. Nhưng sâu hơn, sau những rặng cây kia lại có những thứ xấu xa hơn nhiều,” thầy vừa nói vừa chỉ ngón tay xương xẩu về hướng Đông. “Đi khoảng thêm hai mươi bước nữa là con sẽ đến chỗ ấy.”
Xấu xa hơn ư? Còn gì có thể xấu xa hơn nữa chứ? Tôi thắc mắc lắm, nhưng tôi biết cỡ nào thầy cũng sẽ chẳng nói cho tôi hay.
“Còn có thêm hai phù thủy khác nữa. Một đã chết và một còn sống. Mụ đã chết được chôn thẳng đứng, đầu chúc xuống, nhưng mà dù có như thế, thì mỗi năm một hai lần chúng ta cũng phải chỉnh những thanh sắt trên mồ mụ cho ngay ngắn. Chỉ là sau khi trời tối phải luôn tránh thật xa nấm mồ này.”
“Sao lại phải chôn chúc đầu xuống ạ?”
“Câu hỏi hay đấy anh bạn. Con thấy đấy, linh hồn một phù thủy đã chết là thứ mà chúng ta thường gọi là “bị-buộc-vào-xương”. Chúng bị mắc kẹt trong bộ xương của chúng và nhiều tên còn không biết là mình đã chết. Thoạt tiên chúng ta thử chôn đầu chúng chổng lên trời trước và thường với hầu hết các loại phù thủy như thế cũng đủ rồi. Mọi tên phù thủy đều khác nhau và có vài tên thực rất ương bướng. Vì vẫn còn trói buộc vào bộ xương nên phù thủy luôn cố hết sức ngoi lên lại dương gian. Làm thế là như thể chúng được tái sinh, nên chúng ta phải gây thêm khó khăn cho chúng bằng cách chôn chúng theo chiều ngược lại. Ngoi lên bằng chân chẳng phải dễ dàng gì. Những em bé sơ sinh đôi khi cũng mắc phải vấn đề như thế. Nhưng mụ ta vẫn còn nguy hiểm lắm, cho nên phải tránh cho thật xa.
Với mụ còn sống thì con nhớ phải luôn tránh mặt. Mụ ta có chết thì vẫn nguy hiểm hơn khi còn sống, vì một mụ phù thủy pháp lực mạnh như thế sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc ngoi trở lại dương gian. Đấy là lý do vì sao chúng ta giam mụ trong một cái hố. Tên mụ ấy là Mẹ Malkin và mụ ta thường lảm nhảm một mình. À, thực ra thì nghe giống như tiếng thì thầm hơn. Mụ ta độc ác quỷ quyệt đến mức thượng thừa, nhưng vì bị giam trong hố quá lâu nên phần lớn sức mạnh của mụ đã ngấm rỉ vào lòng đất hết rồi. Mụ ta rất muốn bắt được một anh chàng như con đấy. Cho nên nhớ tránh cho rõ xa vào. Hãy hứa với ta ngay là con sẽ không bén mảng đến gần. Hứa cho ta nghe đi...”
“Con hứa sẽ không bén mảng đến gần,” tôi thì thào, lòng cảm thấy bất an với toàn bộ chuyện này. Có vẻ thật khủng khiếp, tàn bạo quá khi giữ bất cứ sinh vật sống nào – cho dù đó là phù thủy đi nữa – dưới lòng đất, và tôi không thể tưởng tượng ra mẹ tôi thích thú gì với ý tưởng này.
“Giỏi đó anh bạn. Chúng ta không cần có thêm tai nạn nào giống như tai nạn sáng nay. Có những chuyện còn tồi tệ hơn là bị đấm vào tai nhiều. Tệ hơn nhiều lắm.”
Tôi tin lời thầy, nhưng tôi không muốn nghe nữa. Thế nhưng thầy vẫn còn những điều khác cần phải chỉ cho tôi nên tôi sẽ còn nghe cả đống những lời đáng sợ từ thầy. Thầy dẫn tôi ra khỏi khu rừng và sải bước sang vạt cỏ khác.
“Đây là khu vườn phía Nam,” Thầy Trừ Tà bảo. “Cũng đừng có đi ra đây sau khi trời tối.” Những nhánh cây đan xen chằng chịt nhanh chóng che khuất mặt trời và không khí dần dà trở lạnh hơn nên tôi biết chúng tôi đang tiến gần đến thứ gì không tốt lành cho lắm. Thầy đột ngột ngừng bước cách một phiến đá lớn nằm bẹt trên mặt đất chừng mười bước chân, gần bên gốc một cây sồi. Phiến đá choán chỗ rộng hơn ngôi mộ một chút, và căn cứ vào phần trồi lên trên mặt đất, thì phiến đá này hẳn rất dày.
“Thế con nghĩ kẻ nào bị chôn dưới đấy nào?” Thầy Trừ Tà hỏi. Tôi cố ra vẻ như là tự tin lắm. “Một phù thủy khác phải không ạ?”
“Không phải. Con không cần đến nhiều đá như thế cho một phù thủy. Thường thì sắt là đủ tốt rồi. Nhưng cái thứ bên dưới kia có thể chuồn qua các thanh sắt chỉ trong nháy mắt. Con nhìn phiến đá gần hơn chút nào. Con có thể đọc thấy những gì được khắc trên ấy không?”
Tôi gật đầu. Tôi nhận ra chữ khắc nhưng không hiểu nó mang nghĩa gì.
“Đấy là ký tự beta[2]trong tiếng Hy Lạp,” Thầy Trừ Tà bảo. “Là ký hiệu chúng ta dùng để chỉ một ông kẹ. Đường gạch xéo có nghĩa ông kẹ đó đã bị người ta ép chèn xuống dưới phiến đá và cái tên khắc bên dưới cho ta biết ai là người đã làm việc đó. Góc phải bên dưới là chữ
số một trong số La Mã. Thế nghĩa là một ông kẹ bậc nhất và cực kỳ nguy hiểm. Như ta đã nói, chúng ta phân loại cấp bậc từ một đến mười. Hãy nhớ lấy điều ấy – một ngày nào đó điều này sẽ giúp cứu mạng con. Bậc mười nghĩa là yếu đến nỗi hầu như người thường thậm chí còn không nhận ra là có ở đấy. Bậc một lại có thể dễ dàng lấy mạng con. Ta đã phải tốn cả gia tài để mang được phiến đá đó về đây nhưng lại rất đáng đồng tiền bát gạo. Phiến đá này giờ đang chèn một ông kẹ dưới ấy. Ông kẹ ấy bị ép chèn xuống và sẽ ở yên đấy cho đến ngày tận thế.
“Anh bạn này, con cần phải học rất nhiều thứ về ông kẹ, và ta sẽ bắt đầu huấn luyện con ngay sau bữa điểm tâm, nhưng có một khác biệt quan trọng giữa những tên bị chèn và những tên còn thả rông. Một ông kẹ thả rông có thể đi xa khỏi nơi chúng ở cả hàng dặm, và nếu thích, chúng có thể gây ra vô vàn điều ác. Nếu một ông kẹ nào đó đặc biệt thích gây rối và không muốn nghe theo lý lẽ, thì khi đấy nhiệm vụ của chúng ta là bắt chèn lấy nó. Làm thật gọn gàng vào và chúng ta gọi đấy là ép chèn. Khi đấy thì ông kẹ chẳng thể nhúc nhích gì được nữa. Tất nhiên là nói thì dễ hơn lúc làm nhiều.”
Đột nhiên Thầy Trừ Tà cau mày, như là nhớ ra điều gì ấy khó chịu. “Một trong những anh chàng tập sự của ta đã gặp rắc rối to khi đang cố chèn một ông kẹ,” thầy vừa kể vừa buồn bã lắc đầu, “nhưng vì hôm nay chỉ là ngày đầu tiên của con nên chúng ta sẽ chưa nói đến chuyện này vội.”
Đúng lúc ấy, từ phía ngôi nhà, tiếng chuông xa xăm vọng đến. Thầy Trừ Tà mỉm cười. “Ta đang tỉnh hay ta đang mơ đây?” thầy hỏi.
“Tỉnh ạ.”
“Con chắc chứ?”
Tôi gật đầu.
“Thế thì vào nhà ăn đi thôi. Ta sẽ chỉ cho con khu vườn còn lại khi bụng đã no căng.”
Chương 6
CÔ GÁI ĐI GIÀY MŨI NHỌN
C
ăn bếp đã thay đổi so với lần tôi ghé qua vừa rồi. Một nhúm lửa nhỏ đã được nhen lên trong lò sưởi và trên bàn đã dọn sẵn hai đĩa thịt muối và trứng. Lại còn có thêm một ổ bánh mì to mới ra lò và một khoanh bơ thật lớn.
“Ăn thôi nào, anh bạn, trước khi thức ăn nguội lạnh,” Thầy
Trừ Tà mời.
Tôi làm theo ngay và chẳng mấy chốc hai thầy trò đã chén sạch hai đĩa đầy cùng nửa ổ bánh mì. Đoạn Thầy Trừ Tà ngả tựa người ra sau ghế, tay kéo kéo râu và hỏi tôi một câu hỏi quan trọng.
“Con không nghĩ là,” thầy hỏi, mắt thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, “đây là đĩa thịt muối và trứng ngon nhất mà con từng được ăn sao?”
Tôi không đồng ý đâu. Đúng là bữa điểm tâm đã được chuẩn bị rất chu đáo. Được thôi, bữa ăn ngon đấy, ngon hơn phô mai nhiều chứ, nhưng tôi đã từng được ăn ngon hơn kìa. Tôi được ăn ngon hơn vào mỗi buổi sáng khi tôi còn sống ở nhà. Mẹ tôi là đầu bếp giỏi hơn nhiều, nhưng không hiểu sao tôi không nghĩ đấy là câu trả lời mà Thầy Trừ Tà đang muốn nghe. Vậy nên tôi trả lời bằng một lời nói dối vô hại, kiểu nói dối không thực sự làm hại cho ai mà ngược lại thường làm cho người nghe thấy vui vẻ hơn.
“Đúng ạ,” tôi trả lời, “đây là bữa điểm tâm ngon nhất mà con từng được dùng. Và con xin lỗi vì đã xuống bếp quá sớm. Con xin hứa chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại.”
Nghe đến đấy, Thầy Trừ Tà cười ngoác mang tai đến nỗi tôi sợ mặt thầy sẽ rách ra làm hai mất; rồi thầy vỗ lưng tôi và lại dẫn tôi ra vườn.
Chỉ đến khi chúng tôi ra ngoài rồi thì nụ cười của thầy mới tắt hẳn. “Giỏi lắm anh bạn. Có hai loại rất thích nghe nịnh nọt. Loại thứ nhất là một người phụ nữ và loại thứ hai là ông kẹ. Lần nào nghe
nịnh, họ cũng xiêu hết.”
Phải rồi, tôi chẳng thấy có dấu hiệu nào của phụ nữ trong bếp cả, thế là xác nhận cho những gì tôi nghi rồi nhé – rằng ông kẹ là người nấu ăn cho chúng tôi. Ngạc nhiên là còn ít đấy. Ai ai cũng nghĩ thầy trừ tà là kẻ diệt trừ ông kẹ, hoặc chấn chỉnh ông kẹ sao cho chúng không thể gây ra điều ác gì nữa. Ai lại có thể tin được thầy lại có một ông kẹ nấu ăn dọn dẹp cho mình chứ?
“Đây là khu vườn phía Tây,” Thầy Trừ Tà bảo tôi khi chúng tôi đi dọc theo lối mòn thứ ba, đám sỏi trắng lạo xạo dưới mỗi bước chân. “Nơi này an toàn cả ngày lẫn đêm. Chính ta cũng thường ra đây khi ta có vấn đề cần phải suy tính.”
Chúng tôi đi qua một khoảng trống khác trên hàng rào và chẳng mấy chốc bước qua những rặng cây. Ngay lập tức tôi cảm nhận được sự khác biệt. Chim chóc đang hót vang và những rặng cây nhẹ nhàng chuyển mình trong ngọn gió ban mai. Nơi đây vui vẻ hơn nhiều.
Chúng tôi tiếp tục bước đi cho đến khi ra khỏi rặng cây để đến bên sườn đồi, nhìn sang phải là quang cảnh những đồi đá. Bầu trời quang đãng đến nỗi tôi có thể nhìn thấy những tường đá xếp ngăn những sườn đồi thấp hơn thành những thửa ruộng và đánh dấu địa hạt của từng gia đình nhà nông. Thực sự thì cảnh vật này trải rộng ra mãi tận đỉnh của đồi đá gần nhất.
Thầy Trừ Tà khoác tay về phía băng ghế gỗ bên tay trái. “Ngồi xuống đi anh bạn.”
Tôi làm theo và ngồi xuống. Trong một chốc thầy nhìn xuống tôi, đôi mắt xanh lục của thầy chăm chăm nhìn vào mắt tôi. Rồi thấy bắt đầu đi đi lại lại trước băng ghế mà không nói năng gì. Thầy không còn nhìn vào tôi nữa, nhưng lại đăm đăm nhìn vào khoảng không với ánh mắt vô hồn. Thầy trượt mũ trùm đầu ra sau, cho hai tay vào túi quần ống túm, và bất thần, thầy ngồi xuống bên cạnh tôi mà hỏi.
“Vậy con nghĩ có bao nhiêu loại ông kẹ cả thảy?”
Tôi bí tị. “Con đã biết đến hai loại rồi,” tôi đáp, “một loại thả rông và loại kia là bị chèn, nhưng con thậm chí không thể bắt đầu đoán được về các loại khác nữa ạ.”
“Anh bạn nhỏ này, thế là hai lần xuất sắc đấy. Con đã ghi nhớ những gì ta dạy, và con còn biết chứng tỏ mình là người không đoán non đoán già. Con thấy đấy, có rất nhiều loại ông kẹ khác nhau, hệt như nhiều loại con người ta vậy, và mỗi loại lại có tính cách riêng. Tuy nhiên, nói như thế nhưng vẫn có nghĩa rằng còn một số loại có thể được nhận diện và gọi tên. Đôi khi việc đặt tên dựa vào hình dạng của chúng, thỉnh thoảng còn do tính tình và những chiêu trò mà chúng sử dụng.”
Thầy lục lọi trong túi bên phải và rút ra một cuốn sổ bìa da màu đen. Đoạn thầy trao cho tôi. “Đây, giờ thứ này đã là của con,” thầy bảo. “Giữ gìn nó cẩn thận, và dù con có làm gì, đừng bao giờ đánh mất nó nhé.”
Mùi da thuộc từ cuốn sách nồng hăng và cuốn sách trông như mới cáu. Cũng hơi thất vọng chút xíu khi tôi mở cuốn sách ra mà lại thấy trong ấy toàn mấy trang giấy trống trơn. Tôi nghĩ mình những tưởng cuốn sách phải chứa đầy những bí mật của việc trừ tà – nhưng không, có vẻ như tôi mới là kẻ phải chép những bí mật đó ra, bởi vì tiếp ngay sau đó thầy rút từ trong túi ra một cây viết cùng một lọ mực.
“Sửa soạn ghi chép đi anh bạn,” thầy vừa bảo vừa đứng lên, lại bắt đầu đi đi lại lại trước băng ghế. “Và nhớ cẩn thận đừng dây mực ra đấy. Mực không phải nhỏ ra từ vú bò đâu.”
Tôi loay hoay mở nắp bình, và rồi, thật cẩn thận, tôi nhúng đầu bút vào lọ mực và mở trang đầu tiên của cuốn sổ ra.
Thầy Trừ Tà đã bắt đầu bài giảng và thầy giảng cực nhanh.
“Thứ nhất, ta có loại ông kẹ lông lá trong hình dạng thú vật. Đa phần là trong hình dạng chó nhưng lốt mèo cũng nhiều gần ngang ngửa, cộng thêm một hai lốt dê lạc loài. Tuy nhiên, chớ quên tính luôn cả lốt ngựa nữa – mấy ông kẹ này có thể quỷ quyệt lắm đấy. Và dù cho là trong lốt con nào đi nữa, những ông kẹ lông lá có thể được phân loại thành các loại thù địch, loại thân thiện hay loại lưng chừng ở giữa.”
“Thế rồi còn có thêm loại phá nhà, nhiều khi còn tiến hóa thành loại ném đá, loại này có thể trở nên rất hung hăng khi bị chọc tức. Một trong những loại dữ dằn nhất là loại xé xác gia súc bởi vì chúng
thích máu người chẳng kém gì máu gia súc. Nhưng chớ có vội nghĩ là dân trừ tà như chúng ta chỉ phải đối đầu với đám ông kẹ thôi không đấy, vì những kẻ chết không yên chẳng bao giờ ở xa đây cả. Vả lại, để cho mọi chuyện thêm phần tồi tệ, đám phù thủy mới thực là một vấn đề rắc rối của Hạt. Hiện giờ không có tên phù thủy địa phương nào khiến cho chúng ta phải lo lắng, nhưng về phía Đông, gần đồi Pendle, đám phù thủy ở đấy rất rầy rà. Và hãy nhớ, không phải tên phù thủy nào cũng giống nhau. Đại khái chúng có bốn loại – loại độc, loại lành, loại bị buộc tội sai lầm và loại không rõ thế nào.”
Hẳn chắc bạn đã đoán được, đến lúc này tôi đang gặp rắc rối thật lớn. Này nhé, thứ nhất là thầy nói quá nhanh làm tôi chẳng thể nào viết kịp lấy một chữ. Thứ hai, thực lòng tôi không biết hết những từ ngữ đao to búa lớn mà thầy nói. Tuy nhiên, đến lúc ấy thì thầy ngưng lại. Tôi nghĩ chắc là thầy đã để ý thấy cái vẻ hoang mang trên mặt tôi.
“Có chuyện gì thế anh bạn?” thầy hỏi. “Coi nào, nói ra nghe coi. Đừng sợ phải đặt câu hỏi chứ.”
“Con không hiểu hết những điều thầy giảng về phù thủy ạ. Con không biết "độc" là gì. Cả "lành" cũng thế.”
“Độc là độc ác,” thầy giảng giải. “Lành là vô hại. Và loại không rõ thế nào nghĩa là một mụ phù thủy không biết mình là phù thủy, và bởi vì mụ là phụ nữ nên càng làm cho vấn đề rối rắm gấp bội. Đừng bao giờ tin tưởng một phụ nữ,” Thầy Trừ Tà bảo.
“Mẹ con là phụ nữ đấy ạ,” tôi buột miệng, đột nhiên thấy hơi cáu tiết, “và con tin tưởng bà.”
“Mẹ thường là phụ nữ,” Thầy Trừ Tà nói. “Và các bà mẹ thường rất đáng tin, nếu con là con trai của bà ấy. Bằng không thì coi chừng đấy! Ta cũng từng có mẹ và ta tin tưởng bà, thế nên ta nhớ rất rõ tình cảm này.” Thình lình thầy hỏi, “Thế con có thích con gái không?”
“Thật ra con không biết nhiều cô đâu ạ,” tôi thú nhận. “Con không có chị gái nào cả.”
“À, nếu thế thì con rất dễ sa chân vào những mánh khóe của con gái đấy. Vậy con nên cảnh giác với đám con gái trong làng. Nhất là bất cứ cô nào mang giày mũi nhọn. Chép điều ấy xuống đi. Đấy là điều
thích hợp nhất để ghi xuống đấy, cũng giống như tất cả các điều khác.”
Tôi thắc mắc chẳng biết mang giày mũi nhọn thì có gì ghê gớm cơ chứ. Tôi biết mẹ tôi sẽ không vui khi nghe những gì mà Thầy Trừ Tà vừa nói. Bà luôn tin rằng ta phải nhìn nhận người khác đúng như mình cảm nhận, chứ không chỉ căn cứ vào ý kiến của ai khác. Thế nhưng mà, tôi còn lựa chọn nào đâu chứ? Vậy nên ngay trên đầu trang đầu tiên, tôi viết xuống “Các cô gái trong làng mang giày mũi nhọn”.
Thầy quan sát tôi viết, rồi đòi lại cuốn sổ và cây bút. “Này con,” thầy bảo, “con phải ghi chép nhanh hơn thế chứ. Có rất nhiều điều phải học và con sẽ chóng phải chép đầy cả tá sổ, nhưng bây giờ con bắt đầu với ba hay bốn gạch tiêu đề cũng được rồi.”
Đoạn thầy viết xuống “Kẹ Lông lá” trên đầu trang hai. Và rồi “Kẹ phá nhà” trên đầu trang ba; và cuối cùng là “Phù thủy” trên đầu trang bốn.
“Đấy,” thầy bảo. “Như thế giúp con bắt đầu đấy. Cứ viết hết mọi điều con đã học trong ngày hôm nay bên dưới một trong những tiêu đề ấy. Nhưng bây giờ là cho thứ cần kíp hơn. Chúng ta cần lương thực dự phòng. Cho nên con hãy đi xuống làng, bằng không ngày mai chúng ta sẽ bị bỏ đói mất. Ngay cả đầu bếp tài tình nhất cũng chẳng thể nấu nướng được gì nếu không có lương thực thực phẩm. Nhớ là mọi thứ bỏ vào trong túi của ta. Bác bán thịt biết mà, nên trước hết con phải tới đấy. Cứ việc yêu cầu đơn hàng cho ông Gregory là xong.”
Thầy đưa cho tôi đồng xu bạc be bé, căn dặn tôi không được làm mất tiền thối lại, và rồi bảo tôi đi xuống đồi theo con đường nhanh nhất vào làng.
Loáng sau tôi đã lại bước xuyên qua rừng cây, cho tới khi rốt cuộc tôi cũng đến được cái bục rào dẫn đến một con đường mòn nhỏ hẹp, dốc đứng. Độ khoảng thêm một trăm bước chân nữa, tôi quành qua một ngã tư đường và những mái ngói bằng đá phiến xam xám của làng Chipenden hiện ra trước mắt.
Ngôi làng rộng lớn hơn tôi tưởng. Có ít nhất là một trăm căn nhà tranh, rồi lại có một quán rượu, một trường học và một nhà thờ thật
lớn có tháp chuông. Không có bảng hiệu của quảng trường họp chợ gì cả, nhưng con đường chính trải đá cuội, con đường này mới dốc đứng liên xiên làm sao, lại tấp nập các bà các cô tay mang làn trĩu nặng ra ra vào vào các cửa hiệu. Ngựa cùng các cỗ xe đang đứng chờ đầy cả hai bên đường, thế nên rõ là các bà vợ của mấy bác nông dân trong làng đến đây mua sắm, và chắc là có cả dân ở những làng lân cận.
Tôi dễ dàng tìm thấy tiệm bán thịt và cùng đứng xếp vào hàng các phụ nữ nói cười huyên náo, người nào cũng ơi ới gọi bác bán thịt, một người đàn ông mặt đỏ lựng, to lớn, vui nhộn, hàm râu quai nón hung đỏ. Có vẻ như bác ấy biết tường tận tên mỗi người và làm cho mọi người cười vui ha hả với những câu chuyện tếu, được nhanh nhảu kể ra hơi chút khó hiểu. Tôi không hiểu hết mọi câu chuyện tếu ấy nhưng chắc là đám phụ nữ thì có và dường như các bà rất thích thú thì phải.
Không có mấy ai quan tâm đến tôi lắm, nhưng cuối cùng tôi cũng đến được quầy hàng và đến phiên tôi được mua.
“Cháu ghé lấy đơn hàng của ông Gregory ạ,” tôi thưa với bác bán thịt.
Tôi vừa mở miệng, cả tiệm đột nhiên im bặt và mọi tiếng cười ngưng hẳn. Bác bán thịt với ra sau quầy lôi ra một chiếc túi. Tôi có thể nghe thấy mọi người thì thào sau lưng mình, nhưng dù có căng cả hai
tai, tôi cũng chẳng nghe ra được họ đang bàn tán gì cả. Khi tôi liếc ra sau thì mọi người tảng lờ nhìn sang chỗ khác chứ chẳng nhìn vào tôi. Có vài người thậm chí còn nhìn chằm chằm xuống sàn nhà.
Tôi đưa cho bác bán thịt đồng xu bạc, cẩn thận kiểm lại tiền thừa, nói lời cảm ơn bác ấy rồi xách bị ra khỏi tiệm, vắt túi qua vai khi tôi ra đến ngoài phố. Ghé qua cửa tiệm thực phẩm chẳng mất bao nhiêu thời gian. Số lương thực đã được gói ghém sẵn nên tôi chỉ việc bỏ đồ vào túi, bây giờ chiếc túi đã trở nên nằng nặng.
Đến lúc này mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ, nhưng khi bước vào tiệm bánh mì, tôi trông thấy một nhóm thanh niên.
Có bảy hay tám tên gì đấy đang ngồi trên bờ tường. Việc ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, ngoại trừ một điều là bọn chúng không nói
chuyện với nhau – chúng mải bận nhìn tôi trừng trừng với những gương mặt háu đói, như một bầy chó sói, quan sát từng bước tôi đi khi tôi tiến vào tiệm bánh mì.
Khi tôi ra khỏi tiệm bọn chúng vẫn ở đấy, và lúc này, khi tôi chuẩn bị leo lên đồi, bọn chúng bắt đầu đi theo tôi. Thật tình, mặc cho có vẻ như hơi quá trùng hợp khi nghĩ rằng bọn chúng chỉ quyết định leo lên cùng một ngọn đồi, tôi cũng không lo lắng là mấy. Sáu ông anh trai đã luyện cho tôi đánh nhau quá nhiều rồi.
Tôi nghe thấy tiếng gót giày của bọn chúng tiến mỗi lúc mỗi gần hơn. Bọn chúng đang bắt kịp tôi khá nhanh nhưng có lẽ là vì tôi đang bước mỗi lúc mỗi chậm. Bạn thấy đấy, tôi không muốn bọn chúng nghĩ là mình sợ, và dù sao đi nữa, túi đồ thì nặng mà ngọn đồi tôi leo lại rất dốc.
Bọn chúng bắt kịp tôi khi tôi còn cách bục rào chừng mười hai bước, ngay tại nơi con đường mòn rẽ chia khu rừng nhỏ, những cây to chen chúc nhau hai bên con đường che khuất mặt trời buổi sớm.
“Mở túi ra và coi chúng ta có gì nào,” một giọng nói đằng sau tôi vọng lại.
Đấy là một giọng ồm ồm, khàn khàn quen với việc chuyên bảo người khác phải làm gì. Trong giọng nói ấy còn có vẻ nguy hiểm sắc lạnh khiến tôi hiểu rằng chủ nhân của nó rất thích gây ra đau đớn và luôn luôn để mắt tìm kiếm nạn nhân tiếp theo.
Tôi quay lại đối mặt với hắn nhưng nắm tay trên túi đồ của tôi càng thêm chặt, giữ cho túi nằm im trên vai. Tên vừa lên tiếng là thủ lĩnh của cả nhóm. Hẳn là thế rồi. Những tên còn lại mặt mũi dài thượt nhọn hoắt, như thể chúng rất cần được ăn cho no, nhưng tên thủ lĩnh lại trông như hắn đã ăn hết phần của các tên còn lại. Hắn cao hơn tôi ít nhất một cái đầu, vai thì rộng còn cổ sừng sững như cổ bò tót. Mặt của hắn cũng to nữa, hai má đỏ hồng, nhưng hai mắt lại ti hí và dường như hắn chẳng hề chớp mắt lấy một lần.
Tôi nghĩ rằng nếu tên này không có mặt ở đây và không cố bắt nạt tôi thì tôi hẳn đã mủi lòng. Dầu gì thì, vài thằng trong nhóm trông gần đói lả trong khi trong túi đồ của tôi có đầy táo và bánh ngọt. Mặt khác, mấy món này không phải là của tôi nên tôi không thể tự tiện phân
phát.
“Túi này không phải của tôi,” tôi bảo. “Mà là của ông Gregory.”
“Thằng học việc trước chẳng màng đến chuyện đó,” tên thủ lĩnh nói và dí bản mặt của hắn vào gần mặt tôi hơn. “Nó thường mở túi cho chúng tao. Nếu mày còn biết khôn, hãy làm giống như nó đi. Nếu mày không chịu cư xử biết điều thì tao sẽ phải ra tay nặng đấy. Nhưng mà mày sẽ không thích như thế lắm đâu và cuối cùng thì kết cục cũng như nhau mà thôi.”
Đám ấy bắt đầu tiến đến gần hơn và tôi có thể cảm thấy có tên nào đấy giật giật túi mình. Thậm chí đến lúc ấy, tôi cũng không đầu hàng và tôi trừng mắt nhìn vào cặp mắt heo của tên thủ lĩnh, cố hết sức để mình không chớp mắt.
Lúc đó, có một chuyện xảy ra làm tất cả chúng tôi giật cả mình. Có thứ gì rục rịch đâu đó trong đám cây mé bên tay phải tôi và thế là cả bọn cùng quay sang hướng ấy.
Trong tán râm có một bóng người tối đen, rồi khi mắt tôi làm quen được với bóng râm ấy, tôi nhận ra đấy là một cô gái. Cô chầm chậm di chuyển về phía chúng tôi, nhưng cách tiếp cận của cô khẽ khàng đến độ bạn có thể nghe thấy tiếng kim găm rơi xuống đất, nhẹ nhàng đến nỗi dường như là cô đang trôi chứ chẳng phải đang bước nữa. Đoạn cô gái dừng bước ngay rìa bóng râm, cứ như là cô không muốn bước ra ngoài ánh sáng mặt trời.
“Sao chúng mày không để cho cậu ta được yên hả?” cô ra lệnh. Nghe thì như là một câu hỏi ấy nhưng tông giọng của cô gái bảo cho tôi biết đấy là một câu ra lệnh.
“Liên quan gì đến mày?” tên đầu sỏ hất cằm về phía cô gái và hai tay siết chặt thành nắm đấm.
“Mày chẳng phải lo gì đến tao,” từ trong bóng râm cô gái đáp vọng ra. “Lizzie đã quay lại, và nếu mày không làm theo những gì tao bảo, thì người mày phải trả lời là dì ấy đấy.”
“Lizzie nào?” tên kia hỏi lại, đồng thời thối lui một bước.
“Lizzie Xương Xẩu. Là dì của tao. Đừng có nói là mày chưa bao giờ nghe danh dì ấy...”
Có khi nào bạn cảm thấy thời gian trôi qua thật chậm, chậm đến mức có vẻ như ngừng trôi chưa nhỉ? Có khi nào nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ khi tiếng tích này có vẻ như cách tiếng tắc kia đến vô tận không? Vâng, tình huống là như thế cho đến khi, bất thình lình, cô gái rít lên thật lớn qua kẽ răng nghiến chặt. Rồi cô nói tiếp.
“Tiếp đi,” cô gái nói. “Bọn mày biến hết đi! Xéo đi, nhanh lên không thôi thì chết chắc!”
Bọn kia bị tác động ngay lập tức. Tôi liếc nhìn qua vẻ mặt của vài tên trong đám và nhận ra chúng không những chỉ sợ. Chúng đang kinh hoàng gần đến mức hoảng loạn. Tên đầu sỏ quay gót bỏ chạy ngay xuống đồi, theo sát sau là những đứa đồng bọn.
Tôi không hiểu vì sao chúng lại sợ đến thế nhưng chính tôi cũng cảm thấy muốn bỏ chạy luôn. Cô gái đang trừng to mắt nhìn tôi và tôi có cảm giác mình không thể điều khiển chân tay cho chuẩn được. Tôi thấy mình như con chuột bị ánh mắt của con chồn đang chuẩn bị vồ mồi làm cho chết lặng.
Tôi cố lê chân trái về trước và chầm chậm quay người về phía rặng cây để đi theo hướng mũi mình đang chĩa đến, nhưng tôi vẫn nắm chặt túi đồ của Thầy Trừ Tà. Cho dù cô gái này có là ai, tôi vẫn sẽ không từ bỏ túi đồ ấy đâu.
“Thế cậu sao cũng không chạy đi?” cô gái hỏi tôi.
Tôi lắc đầu nhưng miệng mồm khô khốc và không tin tưởng cho bản thân thử mở mồm ra nói. Tôi biết có thốt ra lời nào cũng không thích hợp đâu.
Cô chắc cỡ khoảng tuổi tôi – đúng ra là nhỏ hơn một chút. Gương mặt cô khá xinh xắn, vì cô có đôi mắt nâu to tròn, gò má cao cao và mái tóc dài đen nhánh. Cô mặc chiếc váy thắt chặt quanh eo bằng một đoạn dây trắng. Nhưng trong khi đang quan sát cô, tôi bất chợt để ý thấy điều gì đó làm mình bất an.
Cô gái mang đôi giày mũi nhọn, và ngay lập tức tôi nhớ đến lời
căn dặn của Thầy Trừ Tà. Nhưng tôi vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm không bỏ chạy như đám mấy tên kia.
“Thế cậu sẽ không cảm ơn tôi sao?” cô gái hỏi. “Tử tế chút mà nói cảm ơn đi nào.”
“Cảm ơn,” tôi lập cập nói, cố mãi mới thốt được mấy lời đầu tiên.
“A, ít ra vậy cũng là khởi đầu,” cô nói. “Nhưng để cảm ơn tớ đàng hoàng, cậu phải cho tớ thứ gì đó chứ, phải không? Bây giờ thì một quả táo hay một cái bánh là được thôi mà. Đòi hỏi thế đâu có nhiều nhặn gì đâu nhỉ. Trong túi ấy có rất nhiều thứ và lão Gregory sẽ không để ý đâu, mà nếu có thì lão cũng sẽ chẳng nói gì.”
Tôi sửng sốt khi nghe cô gọi Thầy Trừ Tà là “lão Gregory”. Tôi biết thầy sẽ không thích bị gọi như thế, và điều này mách bảo với tôi hai chuyện. Chuyện thứ nhất, cô gái này chẳng tôn trọng gì thầy lắm, và chuyện thứ hai là, cô cũng chẳng e sợ thầy tẹo nào. Ở vùng tôi sinh sống ấy à, ngay cả ý nghĩ rằng thầy Trừ Tà có lẽ đang ở quanh đấy thôi cũng đã làm cho đa phần người ta phát run lên rồi.
“Xin lỗi nhé,” tôi bảo, “nhưng tớ không thể làm thế. Đồ này không phải của tớ nên tớ không cho được.”
Cô gái trừng mắt nhìn tôi dữ dội rồi đứng im một chập chẳng nói chẳng rằng. Có lúc tôi chợt nghĩ rằng cô sẽ rít vào tôi qua kẽ răng. Tôi nhìn trừng trừng lại cô ấy, cố gắng không chớp mắt, cho đến lúc rốt cuộc một nụ cười mờ nhạt làm mặt cô dịu lại và cô lại mở miệng nói.
“Thế thì tớ phải đòi có một lời hứa rồi.”
“Hứa à?” tôi vừa hỏi vừa thắc mắc chẳng biết cô ấy có ý gì.
“Một lời hứa cậu sẽ giúp tớ như tớ vừa giúp cậu. Bây giờ thì tớ chẳng cần giúp gì, nhưng biết đâu một ngày nào đó tớ lại cần.”
“Thế thì được,” tôi đáp. “Tương lai mà cậu có cần bất cứ giúp đỡ gì thì cứ bảo tớ.”
“Tên cậu là gì?” cô gái hỏi, miệng nhoẻn cười thật tươi với tôi.
“Tom Ward.”
“À, còn tên tớ là Alice và tớ sống ở trong kia,” cô bảo, chỉ tay vào trong khu rừng. “Tớ là cháu gái yêu nhất của Lizzie Xương Xẩu.”
Cái tên Lizzie Xương Xẩu nghe lạ thật đấy nhưng nếu nói ra sẽ rất mất lịch sự. Chẳng biết bà ta là ai, nhưng nội cái tên của bà ta không thôi đã đủ dọa cho đám thanh niên trong làng sợ chết khiếp.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đấy là kết thúc. Cả hai chúng tôi đều quay bước đi về hai hướng khác nhau, nhưng khi vừa bước đi thì Alice đã nói với lại, “Cậu bảo trọng nhé. Cậu không muốn mình có kết cục như tay học việc vừa rồi của lão Gregory đâu.”
“Chuyện gì đã xảy ra với anh ấy thế?” tôi hỏi ngay.
“Tốt hơn thì đi mà hỏi lão Gregory ấy!” cô nói lớn, đoạn biến mất vào sau rặng cây.
Khi tôi trở về, Thầy Trừ Tà tỉ mỉ kiểm tra túi đồ, đánh dấu kiểm kê từng món một theo danh sách.
“Con có gặp rắc rối gì trong làng không?” mãi sau khi kiểm xong thầy mới hỏi.
“Có mấy tên thanh niên đi theo con lên đến đồi ạ, chúng bắt con mở túi đồ ra nhưng con từ chối,” tôi thưa.
“Con làm thế là can đảm lắm. Lần tới cứ việc cho chúng vài quả táo hay vài miếng bánh cũng chẳng sao. Cuộc sống vốn đã khó khăn rồi, vả lại vài tên trong số ấy xuất thân từ gia đình rất nghèo nữa. Ta luôn đặt mua dư ra phòng khi bọn chúng có xin lấy vài thứ.”
Ôi lúc ấy tôi thấy bực mình làm sao. Giá mà thầy bảo trước với tôi là thế. “Con không muốn làm thế trước khi hỏi ý kiến thầy,” tôi bảo.
Thầy Trừ Tà nhướng mày. “Thế con có muốn cho chúng vài miếng bánh hay đôi quả táo không?”
“Con không thích bị bắt nạt,” tôi đáp, “nhưng đúng là có vài tên có vẻ rất đói ăn.”
“Thế thì lần tới con hãy tin tưởng vào trực giác của mình mà ra tay trước đi,“ thầy bảo. “Tin tưởng vào tiếng nói bên trong con ấy. Nó hiếm khi sai lầm lắm. Một kẻ trừ tà phụ thuộc rất nhiều vào tiếng nói ấy đấy, bởi vì đôi lúc nó lại là sự khác biệt giữa sinh và tử. Thêm một điều nữa chúng ta cần phải tìm ra trong con đấy. Xem thử những trực giác của con có thể tin cậy được hay không.”
Thầy ngưng lại, nhìn tôi chằm chằm, đôi mắt xanh lục của thầy rà soát mặt tôi. Chợt thầy hỏi, “Có rắc rối gì với mấy cô gái không?”
Vì vẫn còn đang bực mình nên tôi không trả lời thầy cho thành thật.
“Chẳng vấn đề gì cả ạ.”
Đấy cũng đâu phải lời nói dối vì Alice đã giúp đỡ tôi cơ mà, thế là ngược lại với rắc rối ấy chứ. Nhưng cho dù thế, tôi biết thầy có ý muốn hỏi là tôi có gặp cô gái nào không và tôi còn biết lẽ ra mình phải kể cho thầy nghe về Alice. Nhất là khi cô ấy mang đôi giày mũi nhọn.
Khi làm người học việc, tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, và điều vừa rồi là sai lầm nghiêm trọng thứ hai của tôi – tôi đã không kể cho thầy nghe toàn bộ sự thật.
Sai lầm thứ nhất, thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều, đó là đã hứa hẹn với Alice.
Sau đấy cuộc sống của tôi ổn định thành lệ thường. Thầy Trừ Tà
dạy rất nhanh và bắt tôi ghi chép tận đến khi cổ tay tôi đau nhức và hai mắt cay xè.
Một buổi chiều nọ, thầy dẫn tôi ra tận mé bên kia ngôi làng, qua khỏi căn chòi đá cuối cùng và đi đến nơi có mấy cây liễu khoanh lại thành một vòng tròn nho nhỏ mà dân trong Hạt hay gọi đấy là những cây “liễu gai”. Nơi ấy là một khu âm u, và ngay đấy, lòng thòng từ trên một nhánh cây, là một sợi dây. Tôi nhìn lên và thấy một chiếc chuông đồng to đùng.
“Khi ai đó cần giúp đỡ,” Thầy Trừ Tà bảo, “họ sẽ chẳng đến thẳng nhà chúng ta đâu. Không một ai đến đấy cả trừ khi họ được mời. Ta quy định điều ấy rất nghiêm. Họ chỉ tới đây và gióng chiếc chuông ấy lên. Rồi chúng ta sẽ đến tìm họ.”
Vấn đề là thậm chí đã mấy tuần trôi qua mà vẫn chẳng có ai đến gióng chuông, còn tôi thì chỉ phải đi xa nhất đến khu vườn phía Tây mỗi tuần khi tôi xuống làng đem lương thực về. Tôi cũng cô đơn nữa, lại nhớ gia đình, thế nên Thầy Trừ Tà đã rất tử tế khi khiến tôi luôn bận rộn – như vậy có nghĩa là tôi không còn thời gian mà gặm nhấm niềm nhớ nhung ấy. Tôi luôn trở về giường mình khi toàn thân mệt lả và vừa ngả đầu xuống gối là tôi thiếp đi ngay.
Những bài học là phần thú vị nhất trong mỗi ngày nhưng tôi lại không được học nhiều về vãn hồn, về hồn ma hay phù thủy lắm. Thầy Trừ Tà từng bảo tôi rằng chủ đề chính trong năm đầu tiên của người học việc là về ông kẹ các loại, cùng với những môn về thực vật học, nghĩa là học mọi thứ về cây cỏ, trong các loài cây cỏ ấy có một số loại rất hữu dụng khi dùng làm thuốc hay còn có thể ăn được khi ta không còn nguồn thức ăn nào khác. Nhưng những bài học của tôi không chỉ có ghi chép. Một số bài học cũng rất cực nhọc và phải vận động mệt như những việc lao động chân tay mà hồi còn ở nông trại nhà mình tôi từng làm vậy.
Khởi đầu là từ một buổi sáng đầy nắng ấm áp, khi Thầy Trừ Tà bảo tôi bỏ tập vở sang một bên và dẫn tôi đi về phía khu vườn phía Nam. Thầy đưa cho tôi cầm theo hai thứ: một cái xẻng và một cây gậy thước đo thật dài.
“Những ông kẹ thả rông thường di chuyển theo hóc xoáy,” thầy giảng. “Nhưng đôi khi cũng có trục trặc. Có thể là do một cơn mưa dông hay thậm chí là do động đất. Ở trong Hạt này người ta chưa từng nhớ là đã có một trận động đất nghiêm trọng nào, nhưng dù thế vẫn có trục trặc, bởi vì những hóc xoáy luôn nối liền với nhau và nếu có chuyện gì xảy đến cho một hóc này, dù là có cách xa đến hàng nghìn dặm, thì những hóc xoáy khác cũng bị ảnh hưởng. Đến khi ấy, những ông kẹ sẽ bị mắc kẹt tại chỗ hàng mấy năm trời và chúng ta gọi đấy là bị "chèn tự nhiên". Thường mỗi khi như thế thì ông kẹ sẽ chẳng di chuyển được hơn một tá bước theo bốn hướng và thế là bọn chúng sẽ chẳng gây ra được phiền toái gì lắm. Trừ khi con đến quá gần chúng. Nhưng cũng có đôi khi, bọn ông kẹ lại bị kẹt trong chỗ ngược ngạo, gần với nhà dân hay thậm chí là ngay trong nhà. Vậy là con sẽ cần phải di dời ông kẹ khỏi nơi ấy và đem chúng đi ép chèn ở nơi khác.”
“Hóc xoáy là gì vậy ạ?” tôi hỏi.
“Không phải ai cũng nghĩ giống nhau đâu anh bạn. Có những người thì cho rằng hóc xoáy chỉ là những lối mòn thời xa xưa cắt dọc cắt ngang mặt đất mà ông cha ta đã đi lại trong thời xa xưa ấy, khi mà
con người vẫn là con người chân chính và thế lực bóng tối biết thân biết phận của mình. Khi mà sức khỏe con người dẻo dai hơn, đời sống trường thọ hơn và ai nấy đều hạnh phúc vui vẻ.”
“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra ạ?”
“Băng giá từ phương Bắc tràn xuống và mặt đất trở nên lạnh cóng trong hàng nghìn năm,” Thầy Trừ Tà giảng giải. “Việc sinh tồn khó khăn đến nỗi con người quên sạch những gì họ đã học được. Những hiểu biết trước kia không còn quan trọng nữa. Làm sao giữ được ấm và có cái ăn là điều kiện tiên quyết. Rồi khi rốt cuộc băng giá cũng tan ra, những kẻ còn sống sót lại là những người thợ săn mặc quần áo làm từ da thú vật. Họ đã quên mất cách trồng trọt mùa màng và chăn dắt muôn thú. Thế lực bóng tối trở nên hùng mạnh.
“À, thời nay đã tốt hơn rồi, dù kỳ thực chúng ta còn phải đấu tranh dài lắm lắm. Tất cả những gì sót lại từ thời kỳ ấy là những hóc xoáy, nhưng sự thực thì những hóc này còn quan trọng hơn là những đường mòn nhiều. Hóc xoáy thực ra là những mạch quyền lực rất sâu dưới lòng đất kia. Là những con đường vô hình bí mật mà đám ông kẹ có thể dùng để di chuyển với vận tốc cực lớn. Mà đám ông kẹ thả rông là bọn gây ra lắm chuyện nhất. Khi bọn chúng dừng lại tạo ổ ở một chỗ mới nào đó, thường thì không ai hoan nghênh chúng cả. Việc không được hoan nghênh khiến cho chúng nổi giận. Thế là chúng giở trò – đôi khi là những trò nguy hiểm – và như thế nghĩa là chúng ta có việc phải làm. Lúc đó ông kẹ phải được ép chèn vào hố. Giống như cái hố mà bây giờ con sẽ phải đào đây này...
“Nơi này thích hợp đây,” thầy nói tiếp, tay chỉ về khoảnh đất gần cây sồi già to lớn. “Ta nghĩ giữa những nhánh rễ cây đằng kia sẽ có đủ chỗ.”
Thầy đưa tôi gậy thước để tôi có thể đào một cái hố có số đo chính xác là hai mét tám chiều dài, một mét tám chiều sâu và chín mươi xen-ti-mét chiều rộng. Cho dù là trong bóng râm nhưng không khí vẫn cứ quá nóng cho việc đào hố và tôi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ để đào cho được một cái hố ra hồn bởi vì Thầy Trừ Tà là người cầu toàn.
Sau khi đào xong, tôi phải pha một loại hợp chất hôi hôi gồm có muối, mạt sắt và một loại keo đặc chế từ xương.
“Muối có thể đốt bỏng ông kẹ,” Thầy Trừ Tà bảo. “Mặt khác, sắt là những thứ có khả năng tiêu hủy của trần gian: cũng giống như tia sét đánh xuống mặt đất và mất đi sức mạnh, sắt đôi khi làm mất dần sức mạnh và thân xác của những thứ thống trị bóng tối. Sắt có thể chấm dứt những việc ác của bọn ông kẹ rầy rà. Nếu được trộn vào nhau để sử dụng, muối và sắt hình thành một rào chắn mà ông kẹ không thể vượt qua. Thực ra thì muối và sắt còn được sử dụng trong nhiều tình huống khác nữa.”
Sau khi pha trộn hỗn hợp ấy trong chiếc xô kim loại to tướng, tôi dùng chiếc cọ to để viền phía bên trong cái hố. Cũng giống như việc sơn nhà thôi nhưng khó khăn hơn nhiều, và lớp phủ phải thật hoàn hảo để ngăn cho ngay cả tên ông kẹ xảo quyệt nhất cũng không trốn được ra ngoài.
“Phải làm cho toàn diện vào đấy anh bạn,” Thầy Trừ Tà bảo tôi. “Một ông kẹ có thể đào thoát qua cái lỗ chẳng to hơn đầu kim là mấy đâu.”
Dĩ nhiên là, ngay sau khi cái hố được hoàn tất theo đúng yêu cầu của Thầy Trừ Tà, tôi phải lấp hố lại và bắt đầu lại từ đầu. Thầy bắt tôi thực hành đào hai hố mỗi tuần, đây là công việc nặng nhọc, nhễ nhại mồ hôi và chiếm hết nhiều thời gian của tôi. Công việc này cũng hơi hơi dễ sợ nữa vì tôi phải thi công gần những chiếc hố đang giam sẵn những ông kẹ thực thụ, mà thậm chí giữa ban ngày ban mặt, nơi ấy cũng rất ớn lạnh. Nhưng tôi để ý thấy Thầy Trừ Tà không đi xa tôi lắm, và khi nào thầy cũng có vẻ rất quan tâm, canh chừng và cảnh giác, việc ấy nói lên rằng ta không bao giờ có thể lơ là với đám ông kẹ ngay cả khi chúng đã bị chèn.
Thầy Trừ Tà cũng bảo rằng tôi cần phải biết mọi ngóc ngách trong Hạt – mọi làng mạc thị trấn trong ấy cũng như là con đường nào ngắn nhất đi từ một nơi này sang nơi khác. Vấn đề là mặc cho thầy bảo mình có rất nhiều bản đồ trong thư viện trên lầu, dường như tôi luôn phải làm việc theo cách khó khăn nhất, thế nên thầy bắt tôi khởi sự bằng việc tự tay tôi phải phác thảo bản đồ.
Chính giữa bản đồ là ngôi nhà cùng những khu vườn của thầy, và bản đồ phải bao gồm ngôi làng cùng những rặng đồi đá gần nhất. Mục đích là bản đồ phải dần dà được mở rộng ra để bao gồm vào đấy ngày càng nhiều thêm những vùng quê lân cận. Nhưng việc vẽ vời không phải là điểm mạnh của tôi, và như tôi đã nói, Thầy Trừ Tà là người cầu toàn nên tấm bản đồ ấy mất rất nhiều thời gian để được phát triển hơn ra. Chỉ đến khi ấy, thầy mới bắt đầu chỉ cho tôi xem bản đồ của riêng thầy, nhưng rốt cuộc thì thầy bắt tôi dành nhiều thời gian để cẩn thận gấp tấm bản đồ ấy lại hơn là thực sự nghiền ngẫm lấy chúng.
Tôi cũng bắt đầu viết nhật ký. Thầy Trừ Tà cho tôi thêm một cuốn sổ khác để viết, lại còn nói đi nói lại với tôi lắm lần rằng tôi cần phải ghi chép lại quá khứ để học hỏi từ đấy. Nhưng mà tôi cũng chẳng viết nhật ký mỗi ngày đâu. Nhiều khi tôi quá mệt và thi thoảng cổ tay tôi đau điếng vì phải hí hoáy liên tục trong cuốn sổ kia khi đang cố gắng theo kịp những gì mà thầy giảng.
Thế rồi, một sáng nọ, trong bữa điểm tâm, khi tôi đã theo Thầy
Trừ Tà được một tháng, thầy hỏi tôi, “Này anh bạn, tới giờ thì con thấy sao nào?”
Tôi băn khoăn không rõ đấy có phải là thầy đang hỏi về thức ăn của bữa điểm tâm hay chăng. Có lẽ sẽ có thêm món thứ hai để bù cho món thịt muối hôm ấy hơi bị cháy. Thế nên tôi chỉ nhún vai. Tôi không muốn làm phật ý ông kẹ, chắc chắn lúc ấy đang dỏng tai nghe ngóng.
“Ừ, đây là một công việc khó nhọc, và ta sẽ chẳng trách gì con nếu giờ con quyết định thôi không theo nữa,” thầy bảo. “Sau khi tháng đầu tiên đã xong, ta luôn cho mỗi người học việc mới của ta cơ hội trở về nhà mà suy nghĩ cho thấu đáo về việc họ có muốn tiếp tục công việc ấy hay không. Thế con có muốn chuyện tương tự không?”
Tôi cố hết sức không tỏ ra quá hăm hở nhưng vẫn không thể giấu đi nụ cười trên mặt mình. Có điều là, tôi càng cười, Thầy Trừ Tà trông càng đau khổ. Tôi nhận thấy rằng thầy muốn tôi ở lại nhưng tôi thì chỉ nôn nóng muốn được nghỉ phép mà thôi. Ý nghĩ rằng mình sẽ được gặp lại gia đình và ăn lại những món mẹ nấu nghe có vẻ như một giấc mơ vậy.
Trong vòng một tiếng, tôi đã lên đường trở về nhà. “Con là một anh bạn can trường và trí tuệ của con nhạy bén lắm,” thầy đứng ngay cổng và nói với tôi. “Con đã vượt qua tháng thử việc rồi nên con có thể thưa với cha mình rằng, nếu con muốn tiếp tục, ta sẽ đến thăm ông ấy vào mùa thu để lấy nốt mười đồng vàng của ta. Con có bản chất của một tay tập sự rất cừ, nhưng tùy vào con thôi đấy, anh bạn ạ. Nếu con không quay lại, vậy là ta sẽ biết con đã quyết định thôi không theo nghề nữa. Bằng không thì ta mong con quay lại đây sau một tuần lễ. Đến lúc ấy ta sẽ huấn luyện con thêm năm năm, giúp con trở thành người thạo việc không kém gì ta.”
Tôi cất bước về nhà, trong lòng phơi phới. Bạn thấy đấy, dù tôi không muốn nói cho Thầy Trừ Tà nghe, nhưng ngay lúc thầy cho tôi cơ hội trở về nhà và có lẽ sẽ không bao giờ quay trở lại, thì tôi đã quyết định là mình sẽ làm y như thế. Đây là một công việc kinh khủng. Từ những gì mà thầy đã bảo với tôi, ngoài sự cô đơn ra, công việc này còn nguy hiểm và đáng sợ nữa. Chẳng ai thực sự buồn quan tâm xem thử bạn còn sống hay đã chết. Họ chỉ muốn bạn dẹp trừ bất cứ thứ gì đang hoành hành quấy nhiễu họ, nhưng họ chẳng chịu dừng