🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cao Điểm Cuối Cùng Ebooks Nhóm Zalo Mụclục LờiTựa PhầnI-Chương1 Chương2 Chương3 Chương4 Chương5 Chương6 Chương7 Chương8 Chương9 Chương10 PhầnIi-Chương1 Chương2 Chương3 Chương4 Chương5 Chương6 Chương7 Chương8 Chương9 Chương10 Chương11 Chương12 Chương13 Chương14 Chương15 Chương16 PhầnIii-Chương1 Chương2 Chương3 Chương4 Chương5 Chương6 Chương7 CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Lời Tựa LỜI TỰA CỦA THƯỢNG TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI Nhà xuất bản Văn học đã đưa tôi đọc cuốn “Cao điểm cuối cùng” được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm trước khi in lại lần thứ hai, để góp ý kiến, đồng thời Nhà xuất bản cũng yêu cầu tôi viết lời giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi chỉ là một người chỉ huy quân sự có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhưng tôi rất vui lòng làm công việc này, vì cuốn sách đã đem lại cho tôi nhiều xúc cảm, gợi cho tôi một số suy nghĩ, và cũng vì tôi nhận thấy việc làm này có thể giúp ích phần nào đối với bạn đọc. Từ ngày quân dân ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ, mười năm đã qua. Công việc trước mắt bận rộn khiến tôi ít có dịp hồi tưởng lại những ngày đầu xuân, đọc lại cuốn sách này, tôi đã thấy hiện ra trước mắt khung cảnh hùng vĩ của Điện Biên Phủ, tôi đã gặp lại ở đây những người đồng chí, những người bạn chiến đấu đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng và vượt qua những thử thách trong mùa xuân năm đó. Mùa xuân 1954, cuộc kháng chiến của chúng ta đã bước sang năm thứ chín. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành. Cuộc phát động quần chúng đấu tranh đòi Cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đang thổi vào lòng người dân Việt Nam cũng như người chiến sĩ trong quân đội một luồng gió phấn khởi, mạnh mẽ. Những chiến thắng liên tiếp của chúng ta trong nhiều năm đã làm cho đế quốc Pháp ngày càng suy yếu. Nhưng một kẻ thù nguy hiểm hơn, là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, đã nhảy tới ra sức hà hơi cho Pháp, thúc đẩy Pháp tiếp tục và mở rộng cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Kế hoạch Na – va thể hiện âm mưu thâm độc của bọn thực dân hiếu chiến Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ, nhằm giành lại quyền chủ động, trong mười tám tháng, bình định xong miền Nam và chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc để tiêu diệt chủ lực ta, hòng đặt lại ách thống trị lên đầu lên cổ nhân dân ta một lần nữa. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được hình thành và trở nên xương sống của kế hoạch Na – va. Đó là một hệ thống gồm bốn mươi chín cứ điểm kiêm cố mà các nhà quân sự có tiếng tăm của Pháp và bọn cố vấn Mỹ đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố là “bất khả xâm phạm”. Sau ba tháng bao vây và năm mươi nhăm ngày liên tục chiến đấu, chiều mồng 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta đã pháp phới bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng Đờ Cát – tơ – ri. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị san phẳng. Giấc mộng của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp để mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ trên đất nước này bị ta vỡ. Chúng buộc phải ngừng bắn và ký kết hiệp nghị Giơ – ne – vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ba tiếng Điện Biên Phủ đã trở nên vô cùng thân thiết và thành niềm tự hào của chúng ta. Điện Biên Phủ mở ra một trang mới chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta, và đã trở thành đề tài của nhiều nhà văn, nhà thơ. Là một cán bộ trong quân đội, Hữu Mai đã có mặt ở Điện Biên Phủ những ngày đó. Anh đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi quân địch đã gọi là “chiếc chìa khóa sống của Điện Biên Phủ”. Chúng đã dồn hết sức lực ra để bảo vệ quả đồi này khi bọ đội ta tiến đánh, vì chúng biết rõ nếu để mất quả đồi này là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu diệt. Những trang sách của Hữu Mai đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954, với những chiến hào bùn lầy đọng máu mà chúng tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những rừng hoa ban, nơi chúng tôi đã chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay, cũng như san sẻ với nhau những lo lắng trước khó khăn, những niềm vui khi chiến thắng. Nhưng đáng quý hơn là tác giả đã giúp chúng tôi gặp lại ở đây những người bạn chiến đấu năm xưa. Những nhân vật trong “Cao điểm cuối cùng”, từ người chiến sĩ cũ, người chiến sĩ mới, đến những cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, các đồng chí tư lệnh trưởng đại đoàn…, những người có tên hay không có tên trong cuốn sách đều gợi cho tôi hình ảnh thân thiết của những con người thực tại Điên Biên Phủ ngày đó. Đó là những con người bình thường, giản dị, yêu cuộc sống nhưng không sợ hy sinh, những người hiền lành, còn bỡ ngỡ trước một cuộc chiến tranh hiện đại, nhưng lại chiến thắng những kẻ địch hung dữ xảo quyệt có trong tay nhiều vũ khí tối tân. Qua những nhân vật này, người viết đã nêu lên được trong cuốn sách, vai trò lớn lao của quần chúng. Đó là những người dân bị áp bức, được sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đã cầm vũ khí đứng lên quyết định vận mệnh của dân tộc mình. Hữu Mai đã nói được vì sao những người nông dân như Khỏe, Quân, Cương, Chư, Ngọ… đã không chịu lùi bước trước mọi thử thách hiểm nghèo của cuộc chiến đấu. Con đường đi của những người tiểu tư sản như Tuấn, như Vinh có khúc khuỷu, quanh co, chông gai hơn, nhưng cuối cùng họ vẫn đi tới đích… Tác giả đã nói được vì sao những cậu học sinh lớn lên trong Cách mạng, không phải chịu sự áp bức bóc lột, vừa rời khhori ghế nhà trường đã bước ngay vào một cuộc chiến đấu hiểm nghèo bậc nhất này, vẫn thích ứng với hoàn cảnh, vẫn lập nên được những chiến công vẻ vang… Với sự giáo dục của Đảng, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã thấm nhuần vào mỗi người dân, làm cho họ cảm thấy tủi nhục khi phải lùi bước trước kẻ thù, và sự xấu hổ khi phải thua kém bạn đồng đội trong cuộc thi đua tiêu diệt bọn cướp nước. Nhiều lần, trong cuốn sách, ta thấy tác giả đã miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phuc, những hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Họ là những người bị lạc khỏi đơn vị trong khi đánh nhau, những người được bổ sung ra mặt trận giữa hai đợt chiến đấu. Trong lúc không có người chỉ huy, không có ai biết tên tuổi họ, họ vẫn chiếm giữ trong đồn địch, tìm súng đạn của chúng bổ sung cho mình, tìm thức ăn ăn cho đỡ đói, rồi tự mình tìm cách xông lên tiêu diệt kẻ thù. Họ đã nêu cao tinh thần anh dũng độc lập chiến đấu, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên chiến trường Điện Biên bao la và khốc liệt này, những chiến công của những người chiến sĩ vô danh vô cùng to lớn. Những con người đó chỉ có thể xuất hiện một cách đẹp đẽ như vậy trong chế độ chúng ta. Tác giả đặt biệt chú ý đến họ. Do đó, anh đã nói lên được một cách đúng đắn vai trò của quần chúng, vai trò của những người quyết định chiến thắng. Họ đã tiếp tục truyền thống của ông cha ngày xưa trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng và đang xây đắp thêm những truyền thống mới của quân đội ta. Tác giả cũng đã tỏ ra không giản đơn khi viết về chủ đề này. Ngày đó, cuộc chiến tranh đã đặt trước quân dân ta những nhiệm vụ khó khăn vượt rất xa sức mình. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta chỉ mới đánh những cứ điểm do một tiểu đoàn địch chiếm đóng. Đến chiến dịch này, chúng ta phải đánh một tập đoàn cứ điểm với quân số tương đương hai mươi bốn tiểu đoàn. Kẻ địch có máy bay, xe tăng, pháo 155 ly, súng phun lửa và súng liên thanh có tia hồng ngoại. Đổi lại, ngoài một số pháo ít ỏi, chúng ta chỉ có toàn vũ khí nhẹ, những gói thuốc nổ và những tri thức quân sự rút ra trong quá trình kháng chiến. Những thử thách của cuộc chiến đấu ở đây rất gay gắt. Chỉ cần lùi về phía sau một bước trong một phút yếu hèn là người cán bộ, người chiến sĩ có thể trở thành một tên đào ngũ xấu xa. Trước một cuộc chiến đấu như vậy, những diến biến tư tưởng chung của bộ đội hay của từng người không giản đơn. Nhiều người đã đi vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản. Nhưng cũng có những người mỗi khi vượt qua một thử thách đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay go. Tác giả đã đi sâu vào những diến biến nội tâm phức tạp này. Anh không giấu giếm là có những kẻ đã lùi bước trong cuộc đấu tranh. Anh cũng đã nói lên những dấu hiệu sút kém về tinh thần của một số người sau ngày cuộc chiến đấu gặp khó khăn. Nhưng anh đã nói rõ, trong lúc đó, bàn tay mẹ hiền của Đảng luôn luôn ở bên chúng ta, nâng chúng ta dậy, chỉ con đường vinh quang cho chúng ta đi, và chung quanh ta lúc nào cũng có sự tiếp sức lớn lao của quần chúng. Tác giả tỏ ra rất coi trọng nghị lực, tinh thần tự đấu tranh của từng người trong trường hợp đứng trước thử thách. Do đó, những người có tâm hồn còn ít nhiều yếu đuối như Tuấn, như Vinh, cuối cùng vẫn vượt qua những thử thách gay go nhất. Qua nhân vật Tuấn, tác giả muốn nói: “Chúng ta phải luôn luôn tự đấu tranh với sự yếu hèn trong con người của mình, đừng có bao giờ để nó lấn ta, những lúc khó khăn nhất cũng là những bước thử thahcs ý chí sắt đá của con người. Anh muốn chứng minh trong khi đề cập đến cuộc đấu tranh này tác dụng to lớn của sự giáo dục lý tưởng chiến đấu của Đảng. Kẻ địch trong cuốn sách đã được diễn tả sinh động với tính chất nham hiểm, quỷ quyệt, ngoan cố trong cuộc chiến đấu và những mặt trái xấu xa của chúng. Nhiều sự thật lịch sử ở đây đã được tôn trọng. Qua đó tác giả càng làm nổi rõ hơn sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy sáng suốt và đầy tinh thần trách nhiệm của cán bộ ta, trí tuệ của quần chúng và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội ta. Tuy tập trung vào miêu tả cuộc chiến đấu, nhưng qua một vài nét phác nhanh, một đôi hình ảnh đậm đà về người dân công địch hậu, tác giả cũng đã làm cho người đọc thấy được một phần sự đóng góp lớn lao của nhân dân ta, một yếu tố đã góp phần quyết định chiến thắng. Hữu Mai không chỉ có phản ánh cuộc chiến đấu, anh còn muốn tìm tòi phân tích, giải thích vì sao chúng ta đã giảnh được chiến thắng. Anh không phải chỉ viết về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội, mà người đọc còn thấy anh đề cập đến một vấn đề về công tác chính trị, công tác lãnh đạo tư tưởng, vấn đề chiến thuật, vấn đề tổ chức, chỉ huy bộ đội… Ngày đó, quân đội thực dân xâm lược Pháp đã giội xuống đầu chúng tôi tất cả những thứ sắt thép mà chúng tôi và đế quốc Mỹ đã mang đến đất nước ta. Cuộc chiến đấu phải kéo dài hơn dự định. Bộ đội ta đã phải trả giá đắt mỗi tấc đất giành giật lại trong tay kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trước sự sống còn của dân tộc, vì tự do ngày hôm nay của chúng ta và ngày mai của những thế hệ mai sau, bộ đội ta đã siết chặt đội ngũ tiến lên phía trước, lớn lên trong khói đạn, và cuối cùng đã chiến thắng. Đây là sự chiến thắng của đường lối quân sự đúng đắn, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có lẽ đó là điều chủ yếu chúng ta thấy tác giả muốn nói lên trong cuốn sách này. Anh muốn ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của bộ đội như anh đã ghi lại ở trang đầu cuốn sách lời nói của Hồ Chủ Tịch: “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Anh đã đạt được mục đích của anh. Anh đã chứng minh được yếu tố quyết định thắng lợi của quân đội ta là “con người” là “tinh thần hy sinh chiến đấu cho chính nghĩa”. Bản anh hùng ca Điện Biên PHủ đã nói thêm một cách hùng hồn rằng không có một quân đội xâm lược thiện chiến nào có hể chiến thắng và khuất phục nổi một dân tộc khi họ đã đoàn kết và quyết tâm đấu tranh vì chính nghĩa giành lại độc lập tự do. o O o Là một chiến sĩ Điện Biên Phủ, tôi đã tìm thấy qua “Cao điểm cuối cùng” một người thân thiết xa cách từ lâu. Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thực đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho “Cao điểm cuối cùng” trong một chừng mực nào đó, giá trị một sử liệu. Tuy nhiên, trong khi miêu tả phân tích tinh vi những diễn biến tâm lý, tình cảm của các nhân vật cán bộ, đặc biệt là những cán bộ tiểu tư sản, Hữu Mai đã tỏ ra còn bị hạn chế khi đi sâu vào tâm hồn của những cán bộ, những chiến sĩ xuất thân từ những thành phần cơ bản. Điều đó đã hạn chế một phần sự thành công của anh. Đó là những điều tôi muốn nói với các bạn trước khi đọc cuốn sách này. Hà nội, ngày 20 tháng 2 năm 1964 Thượng tướng HOÀNG VĂN THÁI CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Phần I - Chương 1 Mùa xuân năm ấy, khi những cây ban bên sườn núi trút hết lớp lá hình chân ngựa rách rưới, nở rộ đầy cành những bông hoa trắng năm cánh, thì cuộc chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Sau khi tiêu diệt các đồn Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, gọt được lần vỏ ngoài của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta chuyển sang giai đoạn hai của chiến dịch tiến đánh vào khu trung tâm. Ba mươi tư vị trí địch, trong đó có sở chỉ huy của tướng Đờ Cát và sân bay, nằm chen chúc nhau giữa cánh đồng. Những ngôi nhà sàn, quê hương của những điệu xòe và cây đàn tính, những vườn cam, bưởi mơ, muỗm trĩu quả đã bị san bằng không còn sót lại một chiếc cột, một thân cây. Tất cả đã trở thành công sự địch. Con sông Nậm Rốm mọi năm vào mùa này, trong xanh, êm đềm chảy ngang các bản mường, giờ đen ngòm gai góc vì phủ đầy dây thép gai và mìn của địch. Năm quả đồi phía đông tô đẹp cho cánh đồng, chỉ còn là những ụ đất lớn đỏ hỏn, nhớp nhúa, bệnh tật. Dù tiếp tế các màu rơi đầy trên những vị trí. Từ trên cao trông xuống, cả khu trung tâm của địch như một miếng thịt khổng lồ, bầy nhầy đọng máu, ruồi nhặng bâu đặc. Trong khi địch chặt hết cây cối, đốt trụi từng búi lau, từng đám cỏ gianh quanh vị trí để phơi mình ra giữa trời, thì quân ta cố gắng náu mình thật kín đáo dưới đám rừng xanh đậm của những rặng núi bao quanh cánh đồng. Đường hào trục nối liền các vị trí trú quân của ta, nằm vắt trên những quả đồi, giấu mình đỏ son dưới bóng um tùm của những cây dẻ vỏ khô mốc nứt nẻ, những rừng vầu, trúc, nứa, tre xanh ứ nước. Nó đổ dồn từ trên núi cao xuống cánh đồng. Địch đã giội hàng loạt bom napan ở cửa rừng, thiêu cháy những quả đồi cỏ gianh, để tìm những đường hào ăn về vị trí tập kết của quân ta. Nhưng những con hào khôn ngoan vẫn giấu mình dưới dàn cây ngụy trang hễ đổi sắc là được thay ngay. Chúng men theo những quả đồi trọc bù xù những câu chó đẻ rồi tỏa ra ngang dọc trên mặt cánh đồng. Vào thời gian này, trận địa chiến hào của ta đã trở thành một sợi dây thòng lọng khổng lồ vây quanh tập đoàn cứ điểm. Địch đã không tiếc bom đạn để ngăn chặn bước tiến của những đường hào. Nhưng cứ sau mỗi đêm, những con hào không biết chết ấy, lại mọc thêm chân thêm tay, lại ngóc đầu bò đến gần các vị trí của chúng hơn. Trưa hôm nay, bầu trời Điện Biên vẫn còn thâm tím vì những trận mưa dầm dề mấy ngày qua. Từ buổi sớm mưa đã ngớt, nhưng mặt trời vẫn chưa ngoi lên khỏi biển mây xám đục. Đất ướt sũng nước mưa, thở ra một thứ hơi nồng oi ả, nặng trịch. Những rặng núi cao dần lên từng đợt bao quanh cánh đồng Mường Thanh bốc hơi nghi ngut. CẢ cái lòng chỏa khổng lồ này vẫn u uẩn trong một thứ mù trắng pha sắc xám nhiều lúc vẩn lên dữ dội. Thường thường vào buổi trưa, những đường hào trên trận địa nằm im phơi mình sưởi nắng mặt trời, hay ngủ lặng dưới rừng cây. Nhưng trưa nay nó đang cuộn lên, dướn mình về phía địch. Lệnh tiến quân đến sau bữa cơm sáng. Các chiến sĩ, từ những hầm hố bám chân rết dọc theo đường hào trục, đã dồn ra chật chiến hào. Hôm nay, họ chỉ mang theo trang bị chiến đấu. Ba lô, chăn màn, quần áo, những đồ dùng giản dị của họ đã gửi cả lại cho bộ phận hậu cần phía sau. Tuy bớt nặng nề đôi chút, nhưng họ vẫn không gọn gàng hơn bao nhiêu. Súng, đạn, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, cơm nắm, ống tre đựng nước... lỉnh kỉnh đầy trên người. Để đôi cánh tay được dễ dàng sử dụng vũ khí, các chiến sĩ đã tìm mọi cách, đeo hoặc cột chặt những thứ đem theo vào người. Bộc phá khối đánh lô cốt đeo trên lưng như ba lô. Những quả thủ pháo tròn khó buộc quai, được nhốt trong những chiếc rọ nhỏ đan bằng tre, lồng vào thắt lưng, bám một vòng quanh bụng. Xẻng, cuốc đều được buộc dây đeo trên người. Tiếng lựu đạn va nhau lục cục. Tiếng thép của lưỡi xẻng mỏng chạm vào nòng súng lanh canh. Người ta còn nghe cả tiếng sột soạt của những bộ quần áo chưa giặt hết hồ. Hầu hết các chiến sĩ đều mặc quần áo mới. Họ đã có thói quen dành những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất cho những ngày đặc biệt này. Có người, vì nghĩ đến những điều thiết thực, thứ vải mới sẽ bảo vệ cho họ phần nào trước những mấu dây thép gai. Có người, vì nghĩ đến những điều xa xôi..., mình sẽ ngã trên chiến trường, phải bước sang thế giới bên kia với một bộ quần áo đẹp. Cũng vẫn là những chiến sĩ bình thường mọi ngày, nhưng hôm nay họ uy nghiêm lạ thường. Sương nắng, đói rét, thiếu thốn, bom đạn của chiến trường đã tạo trên người họ những nét giống nhau. Mấy tháng nay họ ăn, ngủ, làm việc, học tập ngay trong tầm súng cối cỡ nhỏ của địch. Đêm đêm, lần vào gần vị trí địch kiến thiết trận địa dưới những trận bão đại bác. Ban ngày mọi sinh hoạt đều tiến hành trong những căn hầm nhỏ hẹp không thể đứng thẳng người, có khi hàng tuần không rửa mặt, rửa chân tay. Ca, bát sau bữa cơm, chỉ lau bằng lá tre ráp. Trời mưa to, vừa ngủ ngồi vừa tát nước từ chiến hào tiêu không kịp chảy vào hầm. Mỗi đêm đi đào trận đại về, đơn vị lại vắng thêm một vài người, Họ nghiến răng chờ những ngày chuẩn bị căng thẳng này qua đi. Và hôm nay, giờ chiến đấu đã đến. trong tâm hồn họ bỗng chốc được lọc đi những cấn sạn, được rút đi những sợi dây bé nhỏ thường làm vướng mắc họ trong cuộc sống hàng ngày. Đầu óc họ trở nên trong sáng, minh mẫn. Đôi khi một kỷ niệm xưa cũ đột ngột hiện ra trong đáy sâu thẳm của ký ức, một người thân, một gnafy đen tối, một mái nhà tranh... nhưng rồi mọi suy nghĩ đều mau chóng quay về tụ tập quanh nhiệm vụ lát nữa họ sắp phải làm. Họ nghĩ dến những trường hợp chiến đấu khó khăn sẽ xảy ra, và lúc đó họ phải dùng khẩu súng, lưỡi lê như thế nào... Tinh thần họ thẳng căng những tình cảm tốt đẹp. Cơ thể khô héo mệt mỏi của họ bỗng như được tắm trong một thứ nước lạ kỳ tươi tốt hẳn lên, tràn đầy sức sống. Con chim hót như tiếng người huýt sào thường đến khua động sự yên tĩnh của khu rừng này vào những buổi trưa, vừa về đậu trên cảnh dẻ, thấy quang cảnh nhộn nhạo ở đây, nó xù lông, giương đôi mắt đen tròn nhìn mọt lúc, rồi vỗ cánh bay đi. Gió đưa lại mùi hăng hăng của những trái bom napan, mùi khét nồng của những búi chó đẻ bị thiêu cháy, và đôi khi, mùi khắm lặm của một con trâu lạc bị chết vì đạn đại bác. Chân đại liên ba chạc kềnh càng, nòng “mác – xim”, bộc phá ống, súng trường, tiểu liên... tua tủa như một hàng chông vừa dựng lên miệng chiến hào. Dòng người cuồn cuộn đổ xuống núi. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 2 Xuống đến cánh đồng, tốc độ tiến quân của bộ đội chậm hẳn lại. Nhiều đoạn hào nước ứ cao tới bụng, đỏ lầm như son. Mỗi lần các chiến sĩ cất chân lại nhấc theo từng tảng đất nặng như cùm. Miếng bạt rải nằm cuộn lần trắng ra ngoài, đeo chéo người làm tín hiệu nhận nhau ban đêm, đã nhuốm màu hồng. Đến đây, đường hào tỏa thành nhiều nhánh. Ta không còn đủ sức để giấu hàng trăm cây số giao thông hòa dưới mặt đất. Giàn cây ngụy trang trên đầu họ lá đã khô quắt, chỉ còn dùng để che mắt quân địch ở trên cao điểm khi bộ đội vận động dưới chiến hào. Vị trí địch đã hiện ra trước mắt họ, giữa cánh đồng. Hai quả đồi đứng chạm chân nhau nổi lên màn sương mù vẩn đục, một màu đen mốc, một màu đỏ gạch, trông giống như cặp mắt dữ tợn của một người chột say rượu. Những ống bộc phá đen sì, những nòng súng lành lạnh, nhiều lúc nằm im không nhúc nhích trên những đôi vai gầy. Đoàn quân gần như không tiến được nữa. Đã thế, giữa lúc này lại có lệnh của trung đoàn, tiểu đoàn 2 hành quân trước phải đi nép sang bên cho tiểu đoàn 1 ở phía sau vượt lên. Đường hào lầy lội vốn đã hẹp, lại càng trở nên chật chội. Hai hàng quân đan vào nhau, tiếng gọi nhau nổi lên í ới. Tiểu đoàn 2 đi trước phải nhường đường, khích đơn vị chủ công: - Lề mề! Lề mề! bọc giấy bóng kính mãi quen rồi giờ gọi đến không muốn đi phỏng? - Có vào trước thì quén cho gọn cái rào, đừng ỉa nhây ỉa nhớp ra rồi bắt anh em dọn! Các chiến sĩ chủ công không chịu kém lời: - Tán phét mãi đi, lát nữa gọi đến tên không lên chúng tớ bảo cho... Những đôi bạn ở hai đơn vị gặp nhau... - Cậu đấy à? Anh dũng lập công nhé! - Lát nữa gặp nhau trên đồn, sẽ liên hoan. - Cứ như trận Bản Ngà là được. Đúng ngày này năm ngoái, họ đã tiêu diệt đồn Bản Ngà. Trận đánh tuyệt đẹp, tiêu diệt gần hai đại đội mà đơn vị hầu như không bị thương vong. Lại đùa bỡn nhau... - Mắt chuột gặm thế kia, đi có nhớ đường về không? - Đừng lo... Cần dặn vợ con gì bảo tớ, tới nói họ. - Cầm hộ cái “Nicơle” này... – Một anh trai vừa nói vừa chìa chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay, lót bằng một miếng nỉ đỏ. - Hàng đế quốc tớ không thèm cầm. “Nicơle” của cậu đổi nửa điếu thuốc lào cũng không đắt. Thấy bộ đội bị mắc nghẽn lâu, tiểu đoàn trưởng Vinh lách qua các chiến sĩ tiến lên phía trước. Dáng đi của anh uyển chuyển, nhanh nhẹn. Cũng vẫn là bộ quân phục màu xanh lá cây, nhưng quần áo anh bó sát lấy người rất gọn gàng. Chiến hào nhiều chỗ ngập lội mà đội giày của anh gần như không dính bùn, mỗi nước anh đi lại kêu ót ét. Vinh gặp Quỳ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ công, ở ngã ba giao thông hào. Họ nhìn nhau. Cái nhìn khá nhiều ý nghĩa. Lát nữa hai người cùng trực tiếp nắm hai mũi quân xông lên đồn địch. Họ đều là cán bộ tiểu đoàn từ lâu. Nhưng đây là trận đánh đồn đầu tiên, đơn vị của họ nằm trong đội hình chiến đấu của cả đại đoàn. - Đơn vị cậu lên được mấy C rồi? – Vinh hỏi trước. - Hai C. Vinh ra lệnh: - Truyền lên: D2 tránh sang bên, nhường D1 lên trước! Lệnh này bộ đội đã biết từ ban nãy. Nhưng Vinh cứ nhắc lại một lần nữa trước mặt Quỳ để nói: đơn vị cậu ra chậm làm phiền tụi mình đấy, nhưng bọn mình vẫn hết lòng phục vụ cho chủ công. Mặc dù lệnh của anh được truyền lên, hàng quân vẫn không nhúc nhích. Vinh dừng lại chỗ Quỳ, ghếch chân lên một mô đất, tháo tuột sợi dây dù cuốn loăn xoăn ở đầu bao súng, buộc chặt vào ống quần. Anh nhảy lên nhiều lần xem khẩu súng còn đập vào bắp đùi nữa không. Trái với thái độ hoạt động sôi nổi của anh, tiểu đoàn trưởng Quỳ vẫn đứng im lặng, cổ thu lại trong chiếc dù ngụy tran gloaf xòa, mắt nhìn đi đâu. Anh ta như đang bận tâm vì một điều gì ở xa xôi lắm. Quỳ rút tay khỏi túi xem đồng hồ, rồi lặng lẽ cho tay vào túi quần. Thường ngày Quỹ vẫn ít nói. Anh ta tỏ vẻ ít bận tâm đến chung quanh và giữ im lặng ngay cả khi có những việc động chạm tí chút đến mình. Thái độ này làm cho Vinh thấy anh ta có cái gì sâu sắc, chính chắn hơn mình. Vinh vẫn phải nhìn Quỳ bằng cặp mắt nể nang. Nhưng bộ mặt lạnh lẽo có vẻ kiêu kỳ của người tiểu đoàn trưởng chủ công lúc này làm Vinh khó chịu. Vinh nghĩ thầm, hay anh ta coi thường mình chăng? Nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy chiến dịch đề ra cho đợt tiến công thứ hai này là phải tiêu diệt toàn bộ dãy đồi khu Đông gồm năm cao điểm. Năm quả đồi mọc giữa cánh đồng Mường Thanh đã trở nên một bức thành thiên nhiên kiên cố, che cở cho gần ba mươi vị trí địch nép mình dưới chân, chặn ngang đường tiến quân của ta, và khống chế một vùng rộng lớn trên trận địa. Đơn vị Trường Sơn được giao nhiệm vụ đánh chiếm quả đồi ghi trên bản đồ tác chiến bằng ký hiệu A1. Trong hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến ở trung đoàn, trung đoàn trưởng Lê Trang chủ chương đánh một mũi. Theo kế hoạch này, tiểu đoàn 2 của Vinh sẽ đi sau tiểu đoàn 1 của Quỳ, là tiểu đoàn chủ công của trung đoàn. Chủ trương của trung đoàn trưởng bị Vinh phản đối. Anh nói đánh như vậy không chia cắt địch, không buộc chúng phải phân tán đối phó, phạm vào sai lầm về chiến thuật. Còn một điều quan trọng khiến anh không tán thành kế hoạch này mà anh không nói ra. Từ khi chiến dịch mở màn, lần này đại đoàn anh mới bắt đầu ra quân. Các đơn vị bạn đều đã chiến thắng ròn rã, tiêu diệt những cứ điểm Him Lam, Độc Lập... Sau những ngày học tập, kiểm điểm, anh muốn để mọi người thấy bản thân mình có một sự đổi mới. Bây giờ trung đoàn lại phân công cho tiểu đoàn anh làm đội hình thứ hai. Anh không lạ gì cái nhiệm vụ hẩm hiu này... Khi người ta vào chiếm đồn, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm, thì mình nằm bên ngoài để hứng đại bác. Theo sự tính toán của anh, đánh một cao điểm như A1, chả cần phải đưa đến cái đội hình thứ hai vào đồn. Mà dù có được đánh đấm tí chút, công lao cũng chẳng ra gì. Điều suy tính đó cộng với quan niệm về chiến thuật của anh, đã làm anh phản đối kế hoạch tác chiến của trung đoàn trưởng khá gay gắt. Một số cán bộ đồng ý với anh. Một số tán thành ý kiến của trung đoàn trưởng; họ cho rằng lần này đánh một lúc năm cao điểm ở gần nhau, dù ở A1 chỉ đánh một mũi, cũng vẫn là có điểm có diện, làm phân tán sự đối phó của địch rồi. Tan buổi họp, Vinh vùng vằng đi ra mặt đỏ gay. Chính ủy đại đoàn đứng chờ anh, cặp mắt thông minh xoáy vào anh rất chăm chú. Chính ủy hỏi: - Đồng chí đã quyết tâm đánh chưa? - Đi tới đây là chỉ để đánh giặc, bây giờ được đánh, đồng chí bảo tại sao lại không quyết tâm! Nhưng tôi không tán thành đánh một mũi. - Như vậy, nếu trung đoàn cứ chủ trương đánh một mũi thì đồng chí có quyết tâm không? Vinh hơi lúng túng, nhưng rồi anh nói: - Bao giờ tôi cũng quyết tâm tiêu diệt địch, nhưng đánh như thế là đem quân đi mà nướng... Anh vẫn có lối nói ngổ ngáo, táo tợn. Chính ủy không tỏ vẻ khó chịu, cầm tay áo anh, kéo anh tới một gốc cây, bảo anh ngồi bình tĩnh trình bày lại mọi ý kiến của mình về kế hoạch tác chiến của trung đoàn. Nghe xong, chính ủy ngẫm nghĩ rồi hỏi Vinh: - Bây giờ đánh hai mũi, giao cho tiểu đoàn đồng chí phụ trách một mũi, đồng chí có nhận không? Vinh mừng rơn nhưng không tỏ ra thái độ, chỉ giả nhời một cách mà anh cho là đúng mực: - Tất nhiên trên giao thì chúng tôi nhận. Chính ủy nhìn thẳng vào mắt Vinh, bộ mặt anh hiền hậu dễ gần, nhưng cái nhìn của anh đôi khi nhọn và sắc như một mũi khoan. - Nhưng nếu vẫn đánh một mũi và cứ phân công cho các đồng chí đi sau tiểu đoàn 1 thì sao? Vinh đành phải nói: - Chúng tôi vì trách nhiệm đối với trận đánh mà phát biểu... Nếu trên chấp nhận ý kiến của chúng tôi đánh hai mũi thì giao làm nhiệm vụ gì chúng tôi cũng nhận. Nhưng... đồng chí nghĩ đã đi đánh giặc thì người cán bộ nào lại không muốn xông lên trước hơn là đứng nhìn người ta xung phong xong rồi chạy theo... Cuối cùng, chính ủy nói với anh: - Tôi sẽ về trao đổi lại với đảng ủy về ý kiến của đồng chí. Đồng chí chuẩn bị bộ đội sẵn sàng làm nhiệm vụ trong cả hai trường hợp, hoặc cứ như cũ, hoặc đánh hẳn một mũi. Trên quyết tâm đánh cách nào thì mình cũng phải quyết tâm. Đừng nói lung tung ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng anh em. Mấy hôm sau, Vinh được trung đoàn trưởng gọi điện thoại cho biết kế hoạch tác chiến đã thay đổi, sẽ đánh hai mũi, và tiểu đoàn của anh sẽ phụ trách mũi diện. Buông điện thoại, Vinh quật mạnh chiếc mũ nồi xuống cạnh máy, reo lên: “Thế là được việc Đảng, Chính phủ rồi!”. Đó là một thói quen bộc lộ tình cảm khi anh có điều gì thích thú... Đêm nay, Vinh đã nghĩ thầm, phải làm mọi cách cho đơn vị anh vào đồn trước tiểu đoàn 1. Thái độ của người bạn bên tiểu đoàn chủ công chọc vào lòng tự ái của anh, khiến anh càng quyết tâm hơn. Vinh lấy thuốc lá. Bao thuốc chỉ còn một điếu, anh ngắt đôi đưa cho Quỳ một nửa và nói: - Đàn anh và từ từ cho đàn em bên này theo với! Quỳ nhếch mép cười nửa miệng. Cái cười của cậu ta thật là khó chịu. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 3 Khi họ nhìn rõ những cột dây thép gai trên đồn địch thì trời đã ngả chiều. Cũng may, chưa bị chậm quá so với giờ nổ súng đã quy định. Dọc đường tiến quân, họ không bị đại bác địch cản trở. CÁc chiên sĩ đều ướt từ nửa người trở xuống. Những đồng chí thấp bé bị ướt tới ngực. Họ dừng lại ở đầu suối Pom Loi. Tới đây đã gần vị trí địch lắm rồi, nghển cổ lên khỏi chiên shoaf có thể đếm được những ụ súng, những lỗ châu mai trên đồn. Chiến hào của ta mới chỉ đào được đến đây. Lệnh của trên là phải đào giáp tận hàng rào dây thép gai của địch. Nhưng việc đào trận địa ngay dưới chân đồn bị địch gây nhiều khó khăn. Một số cán bộ đã đề nghị đào bắt vào con suối cạn này, và lợi dụng dòng suối tiến vào đồn. Những người đã chiến đấu có kinh nghiệm đều biết mỗi con suối, mõi tử giác quanh đồn địch, thường được pháo binh của chúng tính toán kỹ lưỡng. Nhưng vì chưa làm được hơn, hôm nay họ vẫn phải để bộ đội tiến quân theo dọc suối này. Tiểu đoàn trưởng Vinh và chính trị viên tiểu đoàn Tuấn tới đại đội 1, gặp tiểu đoàn phó Quân đang ngồi nói chuyện với đại đội trưởng Khỏe và trung đội trưởng Cương. Tiểu đoàn phó thấy Vinh tới, thái độ hơi lúng túng. Anh lảng tránh cặp mắt của Vinh, đứng dậy lủi về phía sau. Theo sự phân công trong ban chỉ huy tiểu đoàn Vinh đi với đại đội 1 vào đồn trước, còn Quân đi với đại đội 3 vào sau cùng. Tiểu đoàn phó không vừa lòng với sự phân công này. Anh đã ở với đại đội 1 năm, sáu năm nay, thuộc tính nết và khả năng chiến đấu của từng cán bộ, chiến sĩ. Sau khi được đề bạt lên chỉ huy tiểu đoàn, anh vẫn không muốn xa nó. Nhiều đêm, anh bỏ tiểu đoàn bộ xuống đại đội ngủ chung với các chiến sĩ. Trong lúc chiến đấu này, anh càng không muốn xa nó. Nhưng nể người chỉ huy của mình, anh nhận phân công không nói năng gì. Vinh hỏi đại đội trưởng Khỏe: - Đã kiểm tra bộc phá kỹ chưa? - Đã. - Bảo đảm nổ giòn chứ? - Bảo đảm. Vinh đặt hai tay lên đôi vai u tròn của người đại đội trưởng có bộ mặt to ngang rắn câng câng, đôi mắt nhỏ và xếch: - Nắm chắc lấy đảng viên và chiến sĩ thi đua mở cửa đột phá cho thật nhanh! Vào sau tiểu đoàn 1 là nhão chuyện... Người đại đội trưởng có lẽ không hiểu hết những ý tứ trong câu nói của Vinh, anh trả lời tiểu đoàn trưởng bằng một tiếng "vâng" nghiêm trang. Trung đội trưởng bộc phá Cương ngồi bên anh bỗng nói: - Mở xong cửa đột phá, tiểu đoàn cho chúng tôi củng cố bộ đội vào đồn luôn. Vinh nhìn người cán bộ hơi chăm chú. Anh ta có đôi mắt nhiều lòng đen, và nước da mịn như da con gái đang đỏ ửng lên. Ngồi bên người đại đội trưởng dáng dấp dữ tợn, trông anh ta chả có vẻ gì là con nhà quân sự. Người cán bộ này mới về tiểu đoàn anh ít lâu nay. Nghe nói trước kia anh ta chiến đấu khá lắm, nhưng Vinh chưa hình dung ra được lúc đánh nhau, người có cái tướng con gái đó sẽ làm như thế nào. Cái nhìn khó hiểu của tiểu đoàn trưởng khiến anh ta ngượng nghịu, bàn tay hơi thô cứ xoay mãi chiếc đèn gìn. Vinh nói: - Đồng chí cố gắng mở cửa đột phá cho tốt. Mở được cửa đột phá là coi như đồng chí làm tròn nhiệm vụ trong trận đánh này rồi. Vinh không tin trung đội này sau khi mở xong cửa đột phá lại còn đủ sức tiếp tục cuộc chiến đấu trong đồn địch. Từ phía Hồng Cúm vọng lại một loạt tiếng nổ rền như tiếng sấm. Nó bắn đi đâu giờ này? Những vành tai như mở rộng để thu những tiếng động từ xa vọng lại, không lâu, những thỏi đại bác đã rít gió trên đầu, xoèn xoẹt lao xuống, dựng lên những đụn khói suốt dọc suối. Tiếng nổ muốn xé màng tai mọi người. Vinh quát: - Tản ra! Cán bộ sao túm tụm cả một chỗ thế này? Địch tiếp tục bắn hết loạt đại bác này đến loạt khác. Kẻ địch như đã biết trước kế hoạch tiến quân của ta. Những viên đạn đi chệch nhất chỉ rơi không cách dòng suối quá năm chục mét. Đường đi phía trước đã bị ngăn bằng một hàng rào thép lửa. Khói đại bác lùa vào chiến hào mù mịt. Đội hình ở đây khá dày. Các chiến sĩ, người tạm lánh vào những hầm ếch dọc chiến hào, người nằm phủ phục lấy thân mình che những ống và những khối thuốc nổ. Trận oanh tạc như có chuẩn bị từ trước, đến hơi bất thần, quạt thốc vào hàng quân một luồng gió lạnh. Đây đó, những câu nói để làm yên lòng nhau: - Mẹ mày, có ít đạn mới thả dù bắn hết đi! Lát nữa không bắn được thì ông bảo! - Đấy? Nó lại đánh trống tế bố nó! Có lẽ là lời một đồng chí tổ trưởng tổ ba người nói với một chiến sĩ tân binh... - Ngẩng đầu lên mà nhìn? Bình tĩnh! Lát nữa mình làm gì cậu cứ làm thế! Giữa những giờ phút căng thẳng đó, bỗng thấy tiếng đại bác nổ dồn dập một cách khác thường. Có người đã phân biệt được những loạt tiếng pháo nổ đầu nòng từ dãy núi phía sau lưng họ vọng lại: - Đại bác của ta...! - Pháo ta bắn rồi anh em ơi? Một số chiến sĩ đang nằm ép mình trên đất bùn, bật dậy như chiếc lò xo, bám lấy miệng giao thông hào, nghển cổ nhìn về phía đồn địch, quên cả nguy hiểm. Đúng là lựu pháo của ta cũng bắt đầu nhả đạn. Lúc đầu còn thấy những đám khói đen sủi lên trên đồn, lát sau cả quả đồi đỏ ối đã chìm trong một đám mây xám đặc sệt, luôn luôn lóe ra những ánh chớp lửa. Những xao xuyến trong hàng quân dịu hẳn đi. Những người ban nãy chỉ gục đầu xuống đất để tránh pháo địch đã ngửng mặt lên, nhìn về phía trước. Tuy nhiên, đại bác địch bắn mỗi lúc một thêm dữ dội. Ngoài việc rải đạn theo dọc suối, chúng còn dựng cả một hàng rào lửa quanh vị trí. Cả thung lũng Mường Thanh sôi lên ầm ầm. Biết đường tiến quân đã bị lộ, không thể chờ đại bác địch thôi bắn, đại đội trưởng Khỏe nhảy ra khỏi hầm ếch, lao lên đầu suối cạn, ra lệnh cho bộ đội vượt nốt chặng đường cuối cùng: - Tiến!... Tiếng nói của anh được truyền rất nhanh từ đầu đến cuối hàng quân. Các chiến sĩ xách súng, bộc phá nhỏm dậy. Cả những người đã quen với chiến đấu, phút này bỗng thấy người ướn lạnh, thoáng rùng mình. Cái rùng mình ở giờ phút họ lao vào cuộc chiến đấu vinh quanh và hiểm nghèo bậc nhất. - Mỗi người cách nhau năm thước, vượt thật nhanh! Đại đội trưởng Khỏe khom lưng, đứng áp người một bên vách hào. Bóng anh bị những làn khói xám xóa nhòa đi rồi lại hiện ra ở chỗ cũ. - Nó bắn! Nằm xuống! - Vượt nhanh? Tổ ba người nắm lấy nhau!... Các chiến sĩ làm theo đúng lệnh anh. Cách chỗ anh một quãng, chính trị viên đại đội Thọ không biết đã lên tự lúc nào, đang động viên những người chạy qua: - Học tập rồi, giờ là chiến đấu, quyết tâm! Cả khúc suối mờ mịt khói đại bác. Chỉ chạy được mươi bước, các chiến sĩ lại phải lao người gục mặt xuống sỏi đá để tránh một đợt pháo mới của địch. Họ đưa tay lên xoa mặt tưởng vừa bị bùn đất bắn vào, chợt nhận ra đấy chỉ là những mảnh thi thể nát vụn của bạn đồng đội. Những búi tre bị đại bác chém đổ ngang dòng suối làm chậm thêm bước tiến của họ trên quãng đường nguy hiểm. Một chiến sĩ đại bác tiện cụt chân, vươn tay bám lấy một gốc tre, lê người nép vào bên bờ suối mặt trắng bệch, miệng vẫn gào: - Nằm sang bên! Nằm sang bên! Dành đường cho anh em lên! Nhiều thương binh nghiến răng ken két để khỏi bật tiếng kêu rên. Dọc suối có một ngách hào không biết ai đào từ trước. Mặt trống của nó quay ra đúng quãng đại bác địch rơi nhiều. Mấy chiến sĩ đến đấy thấy đại bác lao xuống, vội nhảy vào ngồi trong đó, đều bị thương. Đại đội trưởng Khỏe nhiều lần thét lên bảo những người đi sau đừng vào đó nữa. Nhưng ít người nghe rõ tiếng anh. Cái hầm trú ẩn thật nguy hiểm. Khỏe chưa biết giải quyết thế nào, chợt lại thấy một bóng người ôm theo một đồng chí khác chui vào hầm. Khỏe gọi tướng lên, anh ta vẫn không ngoái lại. Đặt bạn nằm trong hầm xong, người đó quay đầu chạy xuống, Khỏe nhận ra cái miệng đen sì những râu của chính trị viên. Anh hỏi: - Chỗ ấy đại bác địch bắn nhiều, sao lại đưa thương binh vào? - Không. Đặt vào đấy một đồng chí tử sĩ, lát nữa chúng mình lên hết, anh em đơn vị bạn đi sau, khỏi nhảy vào. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 4 Con suối cạn chạy qua hai bản Hồng Líu, Pom Loi chỉ còn lại những nền nhà và một số kèo cột đã cháy thành than, vào đến một quả đồi nằm giáp với đồn địch. Địch không đóng trên đồi này, nhưng có đặt một bộ phận cảnh giới. Cây cỏ trên đồi bị chúng đốt cháy trụi, quả đồi chỉ còn một màu xám đen, bộ đội đã quen gọi nó là Đồi cháy. Theo kế hoạch tác chiến của trung đoàn, bắt đầu nổ súng, một đơn vị nhỏ sẽ nhanh chóng xông lên diệt bọn cảnh giới của địch, để trợ chiến đặt súng trên đồi, yểm hộ cho các mũi xung kích mở cửa đột phá. Nhưng bộ phận được giao nhiệm vụ này bị chết và bị thương gần hết khi vượt suối cạn. Hai tiểu đoàn xung kích tiếp tục vượt qua đoạn suối nguy hiểm, đến chân Đồi cháy khi địch còn ở trên. Họ chia hai hướng men theo chân đồi, thành hai gọng kìm tiến vào bám lấy hàng rào dây thép gai của A1, chờ pháo ta bắn phá đồn địch xong, sẽ xông lên mở cửa. Tiểu đoàn trưởng Vinh và chính trị viên Tuấn sang đến bên kia Đồi cháy, thấy bộ đội nằm la liệt trên mặt ruộng trồng. Vinh nhìn lại, bộ phận đi theo anh còn nguyên vẹn. Không hiểu tại sao khi họ vượt suối thì pháo địch ngừng bắn một lúc. Đó chỉ là một cái may trong vô vàn cái may và không may khác đầy dẫy trong những trận đánh. Họ không còn bị những tiếng đại bác quát tháo dữ dội như xé màng tai nhưng ở đây, họ lại nghe rõ tiếng huýt sáo, tiếng bay vi vu không kém phần ghê rợn của những mảnh đạn đại bác. Vinh ngước mắt nhìn: đồn địch ở ngay trên đầu đang bị khói đại bác của ta phủ kín. Anh biết rằng lát nữa khi pháo ta ngừng bắn, bọn địch ngửng được đầu lên, nơi anh đang nằm sẽ phải hứng lấy những cơn mưa đạn thẳng của chúng. Tiểu đội trưởng Huy phụ trách bộ phận thông tin liên lạc của tiểu đoàn, khom người chạy lại chỗ hầm anh đã bí mật đào từ đêm hôm trước để làm sở chỉ huy. Bộ đội ngồi chật ních trong đó. - Ra đi các cậu! Hầm này tớ đào cho ban chỉ huy tiểu đoàn. Những người bên trong ngồi lặng thinh. - Bảo!... Kìa!... Ra đi các cậu! Vẫn không ai nhúc nhích. - Bảo mãi không ra phỏng?... Huy nắm lấy thắt lưng một cậu kẻo bật ra ngoài. Anh lần lượt lôi ra đến cậu thứ tư. Huy đã tưởng hay mình nhầm... Nhưng nhìn kỹ thấy vẫn đúng là cái hầm mình đào đêm hôm trước. Cái hầm bằng lỗ mũi mà họ nhét thế nào được từng ấy người? Cái hầm ếch vừa thấp vừa hẹp. Vinh và Tuấn phải ngồi khom lưng, hai cánh luôn luôn thích vào nhau. Mới giờ đầu mà trận đánh đã diễn ra ác liệt hơn là người tiểu đoàn trưởng dự đoán. Chuẩn bị kỹ lưỡng đến thế, có trận nào lại có đường hào đào đến giáp đồn địch, từ sớm đến chiều hôm nay pháo của chúng không bắn một tiếng, anh đã tưởng tiểu đoàn của anh sẽ yên ổn vào nằm cạnh hàng rào, chờ lựu pháo ta giội lửa xong là xông lên.... Thế mà... bỗng chốc tình hình thay đổi. Khi chạy dọc suối cạn, anh đã thấy bộ đội nằm la liệt. Lúc ấy, chỉ nghĩ đến chuyện vượt cho nhanh khỏi đoạn đường chết đó, anh không còn nhận ra người đơn vị mình nằm lại đấy có nhiều hay không. Đồi cháy chưa chiếm được, súng vẫn nổ lóp bóp trên đầu. Mở cửa đột phá sẽ gay go... Một đám khói đại bác vừa đùn lên trên mặt ruộng trước mắt anh. Cái hầm này đào thật thất cách. Ngồi bị gò bó khổ sở mà vẫn còn cả một khoảng trống không gì che chở. Anh muốn phê bình mấy cậu liên lạc, nhưng nghĩ chính họ lúc này đang phơi mình trên mật ruộng cho đạn địch, anh lại thôi. Anh cảm thấy thân thể mình tự nhiên to lớn kềnh càng ra. Nó như lừng lững hiện ra trùm lên cả góc đồi này, để đón lấy những mảnh gang cong queo cháy bỏng. Một chiến sĩ lạ mặt ghé đầu vào cửa hầm. Vinh hỏi: - Gì đấy? - Báo cáo anh, tôi là "phô-ni" được lệnh ra Trường Sơn đến phối hợp tiểu đoàn. Vinh chợt nhớ ra, hôm qua tham mưu trưởng đã nói với anh, trong trận này đơn vị anh sẽ được phối thuộc một máy điện thanh. Lần đầu được sử dụng một phương tiện liên lạc hiện đại, anh quên khuấy mất. - Sao bây giờ mới tới? Người chiến sĩ cười nhe hai hàm răng hơi to. Lúc này mà anh ta vẫn cười được? - Báo cáo anh, trưa nay được lệnh là vác máy đi luôn, không kịp cả lấy cơm chiều. Không biết đường, đi lạc linh tinh cả. Đến D3 lại cứ tưởng là D.2 ngồi mãi mới biết nhầm, lại hỏi thăm mãi mới chạy được tới đây. Bộ phận điện thanh này mới được tổ chức ở đại đoàn, chỉ xuống phối thuộc với các đơn vị trong từng trận chiến đấu. Thái độ vui vẻ bình thản của người chiến sĩ làm cho đầu óc đang căng thẳng của tiểu đoàn trưởng hơi dịu lại. Anh nói: - Tìm chỗ nằm đi! Lát nữa lên đồn kiếm hộp bánh ăn. Ngoài cửa hầm của ban chỉ huy tiểu đoàn, các chiến sĩ liên lạc ngóc đầu quay cả về phía những người mới tới. Họ nhìn bằng cặp mắt tò mò những trang bị nặng nề và lạ mắt của hai người. Một chiến sĩ khêu gợi: - Các cậu này đi chiến đấu mà tham ô gớm nhêểể! Người nhỏ tuổi đặt tay vào chiếc túi to hơn cái tráp đeo lệch bên người, giọng hóm hỉnh: - Ấy không tham ô thế này thì nguy hiểm...! Người lớn tuổi hơn, có cái ba lô vuông thành sắc cạnh đồ sộ che kín cả lưng, giọng thực thà: - Máy điện thanh đấy các đồng chí ạ. Chúng tôi đến để thỉnh thoảng đỡ các đồng chí khỏi phải chạy chân. - Dây của nó đâu? - Nó không cần dây. Nó bắt và phát bằng làn sóng. - Làn sóng... làn sóng điện ấy mà! A, ra nó chạy bằng điện. Điện thì việc gì lạ kỳ mấy nó cũng làm được. Thế là họ hiểu rồi. Họ quay sang hỏi nhau chuyện khác. Các chiến sĩ liên lạc bắt đầu nhìn hai người bạn mới tới bằng cập mắt nể nang. - Đồng chí tên gì? Người lớn tuổi đáp: - Tên Chư. - Cậu tên gì? Anh đeo túi dết đáp: - Mình không nói đâu, nói ra các cậu lại thèm. Người lớn tuổi giọng thực thà. - Tên đồng chí ấy là Đường. Người chiến sĩ trẻ tuổi toét miệng cười, nước da bánh mật làm cho hai hàm răng rất đều của anh trắng lóa. Tiểu đoàn trưởng ghé đầu ra ngoài hầm gọi: - "Phô-ni" ơi? Máy làm việc được không? Người chiến sĩ lớn tuổi tên là Chư nói: - Báo cáo anh máy làm được, nhưng lệnh của trên bao giờ mở xong cửa đột phá mới được liên lạc bằng "phô-ni". Phương tiện liên lạc này còn được coi như một bí mật chiến thuật, người ta chỉ sử dụng nó trong phút chót. Vừa rồi, người giữ điện thoại đưa máy bảo Vinh nói chuyện với trung đoàn. Anh đặt máy vào tai, chưa nghe hết câu thì ống nghe đã lạnh ngắt. Người giữ điện thoại quay máy, lại thấy nhẹ tênh tênh. Từ chiều đến giờ chỉ bắt liên lạc được với trung đoàn có hai lần, cứ nghe một hai câu lại mất. Các chiến sĩ thông tin đã phải xẻ rãnh ở lưng chừng thành chiến hào, đặt dây điện thoại vào đó, nhưng đại bác địch bắn nhử thế này chắc đường dây nát nhừ ra rồi. Dùng điện thanh chưa được... Vinh tự bảo mình, tình hình này phải coi như mất liên lạc hẳn với trên, anh phải tự mình giải quyết lấy mọi việc. Anh gọi một chiến sĩ liên lạc. Người chiến sĩ khom lưng nằm trước hầm, chưa kịp nhận lệnh đã nhăn mặt, vặn người, quờ tay lại phía sau rồi kêu lên. - Tôi bị thương rồi! Mảnh đại bác đã vạt đi của anh một miếng mông. Người Vinh nổi gai lên. Không có người chiến sĩ đi này thì mảnh đạn đã trúng anh hay chính trị viên. Tiểu đội trưởng liên lạc Huýt chạy tới ôm người bị thương đặt sang bên cửa hầm, rồi nhanh nhẹn quay lại hỏi anh: - Anh cần gì? - Gọi đại đội trưởng đại đội 1 lại đây. - Rõ. Huy khuất khỏi cửa hầm. Vinh nghe tiếng người tiểu đội trưởng ra lệnh cho một chiến sĩ đi tìm đại đội trưởng Khoẻ. Một lát lại nghe tiếng Huy: "Bị thương rồi à? Nằm im đây tôi băng cho...". Và Huy tiếp tục ra lệnh cho một đồng chí khác. Mươi phút sau, bộ mặt to ngang có đôi gò má gồ cao của đại đội trưởng Khỏe hiện ra trước cửa hầm. - Tình hình thế nào? Bộc phá lên được bao nhiêu người? Trái với giọng nói hối hả của tiểu đoàn trưởng, Khỏe trả nhời chậm rãi: - Qua suối cạn vừa chết vừa bị thương mất một tiểu đội. Tôi đã điều người ở trung đội khác đến cho Cương rồi! Vinh vẫn hơi nghi ngại về người cán bộ này. Vinh hỏi: - Xem chừng cậu ta thế nào? Khỏe ngẫm nghĩ rồi đáp: - Khi chỉ huy anh em qua suối cạn tôi thấy... khá. Chiến sĩ được cử đi đại hội liên hoan thanh niên thế giới chả nhẽ lại không khá! Vinh giao nhiệm vụ cho Khỏe: - Điện thoại không gọi được, đại bác bắn nhiều, phải coi như mất đứt liên lạc với trung đoàn. Chắc không có hiệu lệnh mở cửa đột phá của trên. Việc mình mình cứ tự động mà làm. Thấy đại bác ta ngừng bắn, cho anh em bộc phá luôn. Tình hình này không chắc trợ chiến có đặt được hỏa lực trên Đồi cháy để yểm hộ cho các đồng chí... Khỏe ngắt lời anh: - Tôi đã cho trung liên bố trí cả rồi? - Tôi cũng định nói với đồng chí dùng hỏa lực của đại đội mà yểm hộ cho anh bộc phá. Tốn kém thế nào cũng phải mở bằng được, không thì đi đứt hết! Người đại đội trưởng nhận lệnh, không hỏi lại cũng không đề nghị gì. Chạy đi được vài bước, anh ngoái đầu lại nói với tiểu đoàn trưởng: - Mở gần xong cửa đột phá, tôi sẽ cho người báo cáo anh. Khỏe khom lưng chạy vụt, đi nhanh nhẹn khác hẳn với vẻ chậm chạp lù đù khi ngồi trước cửa hầm. Mặt trời chỉ còn để lại một đường viền đỏ như máu trên đỉnh núi Hồng Lếch. Bóng tối chảy vào thung lũng Mường Thanh mỗi lúc một đầy thêm. Khúc hòa tấu rầm rộ ầm ầm như động biển của các cỡ pháo lớn đã đổi giọng, thay bằng những âm thanh nhỏ đanh ríu rít như mưa rào nặng hạt của các loại liên thanh. Từ hàng rào thép gai ngoài cùng của đồn địch bắt đầu lóe lên một chớp lửa đỏ quạch của bộc phá. Địch bắn pháo sáng tới tấp lên không trung. Giờ phút này kẻ địch đã biết nguy cơ hiện nay không phải là ở những khẩu đại liên, trung liên bang phun đạn vào các lỗ châu mai, mà chính là ở những ống thuốc nổ đang dọn đường cho những con người tiến vào sào huyệt cuối cùng của chúng. Chúng vội vã đổ đạn về phía ta đang bộc phá. Người chiến sĩ xung kích khi tiến lên gặp một luồng đạn địch đang muốn quật ngã mình, họ sẽ né tránh hoặc dùng cây súng trong tay quật ngã kẻ thù của mình trước. Người chiến sĩ bộc phá thì khác, họ phải đi đúng con đường mà họ đã báo hiệu từng bước với kẻ thù bằng những chớp lửa, và họ không hề tự mình đối phó với kẻ đang nhả đạn vào đầu họ. Chưa bao giờ các chiến sĩ bộc phá thấy mình nằm trước một hàng rào dây thép gai gai bát ngát như lần này. Địch đã bao quanh Ai đủ các loại rào giàn mướp, cũi lợn, mái nhà, cánh sao... đan không thành hàng lối để làm lạc hướng mở đường của quân ta. Các chiến sĩ làm việc trước mũi súng địch phải bình tĩnh hơn chính kẻ đang tuôn đạn vào mình. Đi chệch sang hai bên một chút, những mấu thép gai sẽ níu họ lại, hoặc một quả mìn sẽ không để họ tiếp tục nhiệm vụ. Đặt ống thuốc nổ không đúng hướng, họ sẽ bị sa lầy không tìm ra lối thoát trong cái lưới thép nguy hiểm này, để quân thù tìm mọi cách hiệu nghiệm bắt họ phải nằm lại đó mãi mãi. Liên thanh của địch từ vị trí A3 cạnh đường 41 bắn chéo vào sườn họ. Trung đội trưởng Cương hướng dẫn các chiến sĩ luồn qua làn đạn bắn hơi cao, chiếu thẳng hướng lô cốt địch gần nhất, mở đường. Anh chạy lên chạy xuống ở cửa đột phá như một con thoi. Những tiếng nói rủ rỉ đôi khi còn ngọng nghịu của anh hàng ngày, lúc này luôn luôn vang lên đầy sức mạnh: - Số 4...tiến! - Số 5 chuẩn bị!... - Bình tĩnh giật nụ xòe, lóe lửa hãy chạy xuống! - Học tập rồi, tiến lên các đồng chí! - Tiến lên mang ruộng đất về cho nông dân!... Khi họ tiến lên lưng chừng đồi thì bất thần, một khẩu đại liên từ sườn Đồi cháy tuôn đạn sang chỗ các chiến sĩ đang bộc phá. Biết là đại liên của ta bắn nhầm, đại đội trưởng Khỏe gào lên: - Đại liên! Bắn cao lên! Đ...ại l...i...ê...n! Cao l...ê...n! Nhưng đường đạn vẫn không thay đổi, Khỏe gào mãi không được cho toáng lên: - Đ.. mẹ nó! Bắn chết bộ đội của ông rồi! Tiếng ai nói bên tai anh: "Đại bác bắn nhiều họ không nghe thấy đâu, phải cho một người chạy sang bảo họ". Ngoái đầu nhìn, anh nhận ra chính trị viên. Khỏe chưa kịp tìm người ra lệnh, thì thấy chính trị viên đã lao người chạy vụt sang phía Đồi cháy. Một lát sau, đường lửa của khẩu đại liên vọt vội lên cao. Dưới ánh đèn dù xanh biếc, những chớp lửa đỏ dữ dội vẫn đều đặn lóe lên, mỗi lúc một gần đỉnh đồi của địch. o O o Giao nhiệm vụ cho Khỏe rồi, tiểu đoàn trưởng Vinh yên lòng hơn. Nhưng sự yên ổn đó chả được bao lâu. Anh biết sắp tới lúc mình phải rời khỏi nơi ẩn náu dù sao cũng che chở cho anh được rất nhiều này. Tiếng súng nhỏ bắn thẳng cùng với tiếng nổ đứt quãng của những ống bộc phá đã bắt đầu thay thế cho những tiếng đại bác. Chính trị viên đưa anh một điếu thuốc lá cuốn đã châm lửa sẵn. Điếu thuốc lá được cuốn đều và khá chặt. Anh nhìn người đồng chí ở cơ quan Tổng cục Chính trị mới thuyên chuyển về đơn vị cùng công tác. Cậu này cũng khá đây... Tiểu đội trưởng liên lạc Huy thò đầu vào cửa hầm. - Báo cáo anh Vinh...Anh Khỏe cho liên lạc tới báo cáo sắp bộc phá hết hàng rào. Vinh buột miệng nói ngay: - Chuẩn bị tiến! Những tiếng "Chuẩn bị tiến... Chuẩn bị tiến?..." nóng hổi, nhắc đi nhắc lại nhộn nhịp trước cửa hầm. Vinh định nhảy ra khỏi hầm, bỗng thấy hai chân như bị chôn cứng xuống đất. Anh quay sang chính trị viên. - Quấn cho mình một điếu thuốc nữa? Anh mong kéo dài một chút thời gian. Vừa rút khẩu súng lên đạn xong cho vào bao, chính tri viên đã chìa trước mặt anh một điếu thuốc lá đã châm lửa sẵn. Lần này, điếu thuốc vẫn đều và chặt. Người tiểu đoàn trưởng rít lấy rít để như muốn làm nóng người mình lên bằng khói thuốc. Chấm đỏ đầu điếu thuốc như muốn bốc lửa. Vinh xem đồng hồ. Đôi kim lân tinh chỉ 18 giờ 40. Anh đã qua nhiều trận chiến đấu, nhưng từ khi lên chỉ huy tiểu đoàn, lần này là lần đầu anh xung phong lên đồn cùng đột kích 1. Trước đây, những cán bộ tiểu đoàn còn được coi là loại cán bộ mang chữ "thọ" lớn trên ngực. Đùng một cái, từ chỗ đánh những đồn do một, hai đại đội địch chiếm đóng, nhảy lên đánh một tập đoàn cứ điểm gần hai vạn quân địch, chữ “thọ" trên ngực những người cán bộ như anh đã rơi mất tăm rồi. Sự nguy hiểm sẽ đến với anh như đến với những người cán bộ trung đội, đại đội trong những trận chiến đấu của đơn vị anh trước kia... Anh tháo chiếc đồng hồ tay đưa cho chính trị viên: - Mình tặng lại chi bộ chiếc đồng hồ này. Anh cảm thấy câu nói đó, cử chỉ hào hùng đó làm cho người anh vừa rợn vừa nóng lên. Trước khi đi, ban chỉ huy đã phân công nhau, mở xong cửa đột phá anh sẽ vào với đột kích 1, còn chính trị viên thì ở ngoài đôn đốc những bộ phận lên sau, và giải quyết công tác thương binh tử sĩ. Với kinh nghiệm chiến đấu, Vinh biết rõ ở ngoài đồn không phải là không gay go; đó chính là nơi hứng đại bác địch nhiều nhất. Nhưng bây giờ Vinh lại nghĩ, người được yên ổn là chính trị viên ở trong căn hầm này, còn cái chết sắp đem mình đi trên đồn địch.... Những người chiến đấu nhiều đã thấy nếu muốn giữ được tinh thần dũng cảm, đừng có dừng lại lâu ở nơi yên ổn quá, phải để cái chết vuốt ve mình cho nó quen đi. Chính trị viên Tuấn không cầm chiếc đồng hồ, nói: - Cậu phải giữ lấy để chỉ huy! Không có đồng hồ thì làm thế nào? Rồi anh nắm chặt lấy tay Vinh: - Sáng mai chúng ta lại gặp nhau. Đầu Vinh như vừa bị giội một gáo nước lạnh. Hắn ta đã nhìn. Hắn ta đã nhìn thấy lòng ruột mình chăng? Nhưng rồi anh bỗng thấy mặt nóng bừng. Câu nói đó đã bắt đầu chạm vào một thứ điện trong người anh. Anh cố ấn chiếc đồng hồ vào tay chính trị viên: - Cầm lấy hộ tao! Rơi nó phí đi. Vừa lúc ấy, tiểu đoàn phó Quân mặt xạm đen, chạy đến trước cửa hầm: - Khỏe mở xong cửa đột phá, đột kích 1 vào đồn hết rồi! Thêm một sức mạnh giúp người tiểu đoàn trưởng rút bật chân khỏi cái hầm ếch: - Tiến! Chạy được vài bước anh vấp một gốc rạ ngã chúi. Anh nghĩ, hay mình bị thương rồi? Đang lúc bàng hoàng đó, một bàn tay xốc nách anh dậy. Tiểu đội trưởng liên lạc Huy thét to: - Chạy chung quanh che cho anh Vinh! Cả bộ phận liên lạc của tiểu đoàn quấn quanh người tiểu đoàn trưởng. Khi họ vượt qua cửa mở, thêm hai chiến sĩ liên lạc bị thương. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 5 Sau khi làm xong nhiệm vụ mở cửa, Cương kiểm điểm lại bộ phận bộc phá của mình, chỉ còn hơn một tiểu đội có thể tiếp tục chiến đấu. Họ đã sa lầy hơn nửa giờ đồng hồ trong tấm lưới dây thép gai của địch rải kín từ lưng chừng Đồi cháy qua những thửa ruộng hoang lên tới gần đỉnh đồi A.1, dài ngót hai trăm thước. Cương ra lệnh cho các chiến sĩ tìm súng của những người hy sinh hoặc bị thương tự trang bị, sẵn sàng vào trong đồn tiếp tục chiến đấu. Việc làm của an rất kịp thời. Một chiến sĩ liên lạc chạy như bay từ trên đồn xuống, truyền lệnh của đại đội trưởng cho anh phải thu thập tất cả những người còn lại lên tăng viện cho các đơn vị đột kích. Đồn địch bố trí rất phức tạp. Giao thông hào sâu lút đầu người, đan ngang dọc như mắc cửi. Lô cốt, ụ súng lớn nhỏ dày đặc. Nhiều lần các chiến sĩ dũng cảm lao bộc phá vào lỗ châu mai, nhảy vào ụ súng, chỉ thấy vắng tanh. Kẻ địch đã rút đi từ lúc nào? Nhưng lúc họ vượt qua li súng, tiến sâu vào trong thì bất thần, một hỏa điểm xuất hiện bắn xói vào sau lưng. Tiểu đoàn trưởng Vinh đã tung lên nhiều đợt xung kích, nhưng các đơn vị chỉ tiến được một quãng lại bị tiêu hao, phải dừng lại củng cố. Nhận thấy xung kích vào đồn rất lẻ tẻ, những đợt tấn công bị yếu đi,. Vinh hạ lệnh cho các đơn vị thu thập những người còn ở ngoài đồn, đưa nốt lên. Cương dẫn các chiến sĩ lên gặp đại đội trưởng Khỏe. Đại đội trưởng kẻo anh nhảy lên miệng chiến hào. ánh sáng đèn dù của địch giúp họ quan sát phía trước khá rõ ràng. Khỏe giao nhiệm vụ: - Bên phải đang có tiếng tiểu liên nổ nhiều là đơn vị bạn. Hai trung đội của ta đã tiến theo hướng trái. Bây giờ đồng chí cho đơn vị đánh thọc vào giữa, chiếu hướng cái ụ cao cao kia..., có lẽ là lô cốt cố thủ của nó. Chú ý địch ở hai bên sườn. Đánh đến đâu củng cố đến đấy. Nếu không gặp địch thì tiếp tục tiến. Chú ý bắt liên lạc với đơn vị bạn...Có mang theo bộc phá khối đánh lô cốt không? - Có. Từ trên miệng chiến hào nhảy xuống, Cương xách tiểu liên, đưa cặp mắt nảy lửa kiểm điểm hàng quân, rồi ra lệnh gọn ghẽ: - Các đồng chí tiến theo tôi! Chiến trường đã làm cho khuôn mặt đẹp của anh đanh lại. Những tiếng hô chiến đấu nho nhỏ vừa rắn chắc vừa dịu dàng của anh, có một cái gì như một sợi dây mềm buộc chặt những người chiến sĩ vào với mình. Các chiến sĩ thuộc trung đội bộc phá này, thực ra, chỉ mới hiểu người cán bộ của mình qua mấy giờ chiến đấu vừa rồi. Anh được bồ sung về đại đội giữa chiến dịch trước. Nhìn chiếc ba lô, buộc toàn dây như chiếc bánh chưng, cái khăn mặt xanh nước biển, mặt trắng, những đôi giày vải đế cao, các cán bộ tiểu đội và chiến sĩ lâu năm rỉ tai nhau: "Lại lính lục quân rồi?". Họ vốn ít tin những người cán bộ xuất thân từ nhà trường, những cán bộ mà theo họ "chỉ hay lý thuyết không hay đánh giặc", nhất là khi người cán bộ mới này lại có nước da trắng trẻo và bộ mặt không một vết nhăn. ít ngày sau, một chiến sĩ vốn trước là học sinh có nhận xét, trung đội trưởng trình độ văn hóa cũng xoàng. Qua bài ca dao trên bích báo, anh ta đã thấy trung đội trưởng viết rất xấu và sai chính tả nhiều. Một người khác cũng nhận xét, trung đội trưởng không phải người thành phố vì khi nói anh hay lẫn lộn chữ l với chữ n. Nhưng không phải vì thế mà họ tin tưởng ở trung đội trưởng hơn. Anh em càng xì xào nhiều sau trận Mộc Châu, trung đội trưởng bị sốt nặng không đi chiến đấu được. Có anh tiểu đội phó lâu năm, tính hay châm chọc, đến chỗ nằm của trung đội trưởng ngắm mảnh vải rải giường, chiếc chăn trắng tinh, rồi nói: “Ban chỉ huy ở nhà trường ra có khác, nắm thứ đẹp đẹp nà!". Trung đội trưởng chắc hiểu ý tứ riêng của một số anh em, nhưng không đả động gì, chỉ tích cực làm việc. Chính trị viên đại đội cũng nhận thấy tình hình này. Trong một buổi nói chuyện, anh đã khéo léo giới thiệu để mọi người biết, Cương trước khi đi học lục quân là một cán bộ chiến đấu có nhiều thành tích, đã được cử đi dự đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Bá Linh... Cương dẫn đầu đơn vị thọc rất nhanh về phía ụ đất bằng đại đội trưởng đã chỉ cho anh. Đến mỗi ụ súng, anh tự mình bắn tiểu liên vào lỗ châu mai cho các chiến sĩ lên đặt thuốc nổ. Khói đen chưa tan, người ta đã thấy trung đội trưởng một tay xách tiểu liên, một tay cầm đèn gìn, nhảy vào trong ụ súng địch. Anh nắm cổ từng tên địch còn sống sót đang run rẩy, kẻo ra giao thông hào, đẩy về phía cửa đột phá với câu nói: "A nê! Đi đi!". Càng vào trong, chiến hào của địch càng sâu và hẹp hơn, nhiều quãng phải.nghiêng người mới đi lọt. Người trung đội trưởng muốn tiến thật nhanh tới cái ụ đất cao cao, đại đội trưởng nói đó là lô cốt cố thủ, nhưng anh đoán có lẽ nó là sở chỉ huy của địch, vì anh thấy nó nằm ngạo nghễ giữa đỉnh đồi. Những đường hào chật chội này đã làm chậm bước tiến của anh. Thỉnh thoảng lại gặp một quãng chiến hào mở ra thêm những nhánh mới, làm anh phải dừng bộ đội lại suy tính xem nên tiến theo đường nào. Anh nảy ra một ý định mới...Anh hạ lệnh cho các chiến sĩ bỏ chiến hào nhảy lên tiến trên mặt đồn, như vậy vừa nhanh chóng vừa không chệch mục tiêu. Hào địch sâu một đầu một với, hai bên ghép phên nứa để đất khỏi lở. Người trung đội trưởng bám lấy một chiếc cột tre, đạp chân vào liếp nứa nhảy lên trước. Các chiến sĩ làm theo anh. Họ đã rèn được ba người... bốn người... Hơi chậm... Bất thình lình Cương nghe tiếng kêu bên tai "Nằm xuống'" và có bàn tay ấn vội lưng anh xuống đất. Hơi phá của quả đại bác quất vào mặt anh rát rạt. Tiếng nổ quá gần làm hai tai anh ù đi một lúc. Anh lầu bầu, cáu kỉnh: - Bắn loạn thế này! Đánh vào giữa đồn rồi mà vẫn còn bắn! Chung quanh anh những đám khói đại bác vẫn tiếp tục phụt lên. Người tiểu đội trưởng nói vào tai anh: - Địch nó bắn đấy, không phải ta đâu? Anh nghĩ đồng chí này nhầm. Rõ ràng là tiếng nổ của đạn đại bác. Lẽ nào địch lại bắn đại bác vào giữa đồn?... Cùng lắm, nó cũng chỉ dám cản ta bằng súng cối cỡ nhỏ thôi. Nếu chúng bắn đại bác vào đồn để diệt ta, thì những viên đạn đó cũng chẳng tha gì chúng. Nhưng một lát sau, anh đã thấy người tiểu đội trưởng nhận xét đúng. Cứ sau mỗi loạt tiếng nổ đầu nòng từ Hồng Cúm vọng lại, thì những viên đại bác lại xoèn xoẹt tới tấp lao xuống đồn. Địch bắn đại bác vào đồn chúng..., một hiện tượng lạ anh chưa từng gặp trong những trận đánh trước, khi đồn địch chưa bị tiêu diệt. - Xuống giao thông hào! Các chiến sĩ nhảy xuống chỗ cũ. Lần đầu, họ thấy trung đội trưởng dừng bộ đội lại hơi lâu, chau mày suy nghĩ. Nhưng lát sau họ lại nghe tiếng trung đội trưởng: - Địch bắn vào đồn là yếu lắm rồi. Nó sắp rút đấy! Các đồng chí theo tôi thọc thẳng vào sở chỉ huy. Họ vùn vụt tiến về ụ đất bằng. Một ụ súng nhỏ hiện ra phía bên trái. Ụ súng không hoạt động nhưng có vẻ đáng ngờ. Cương ra lệnh. - Tổ đồng chí Ngọ, tiêu diệt cái ụ kia! Người tổ trưởng chưa kịp nói gì, thì một chiến sĩ bé nhỏ cầm thủ pháo xăm xăm tiến lên. Ụ súng lạnh ngắt làm cho anh ta không thích lắm. Anh đứng thẳng người lững thững đi lại trước miệng lỗ châu mai. Cương vội lao lên nắm áo anh ta, kẻo giật trở lại: - Muốn chết à? Người chiến sĩ ngơ ngác nhìn anh, nói: - Trung đội để tôi lên... - Sao lại đi vào miệng súng của nó? Rẽ sang bên phải mà bò lên. Sau khi quả thủ pháo của người chiến sĩ nổ, người ta vào ụ súng lôi ra được hai thằng địch, một thằng không hiểu tại sao trần truồng như con nhộng. Việc ngăn cản hành động dại dột của người chiến sĩ trẻ tuổi đã làm Cương tụt lại cuối hàng quân. Các cán bộ tiểu đội đã quen với lối chiến đấu của người chỉ huy mình, không chậm trễ một phút tiến về phía trước. Họ vẫn đi trong đường hào sâu hẹp, hai bên ken phên nứa, nhưng họ cũng đoán được mình đang tới gần cái ụ đất lớn ở đỉnh đồi tới gần cái sở chỉ huy của địch như trung đội trưởng đã nói. Chiếc đèn dù của địch phụt tắt, đồn địch lại chìm nghỉm trong bóng tối ngột ngạt khói đạn. Tiếng động cơ máy bay đang ầm ĩ đều đều trên không, bỗng phát ra những tiếng khô rạn của hai vật bằng kim khí cọ xát vào nhau nhiều sắp vỡ ra. Trung đội trưởng Cương đang vỗ vai người đi trước né tránh cho mình vượt lên, bất thần một sức mạnh quật anh ngã xuống lòng hào. Có những vật to lớn nặng nề tới tấp lao xuống người anh. Cương nghe tiếng đạn bay siết quanh người. Trước mắt anh là một khoảng đen thăm thẳm có vô vàn vì sao sáng đang tan vỡ. Tinh lạc người chết chắc là cái này... Anh muốn kêu to lên: "Bố ơi, con chết rồi!". Nhưng có cái gì đút nút trong cổ họng. Trong bóng tối mông lung, hiện ra bộ mặt răn rúm của bố anh, hai con mắt đang mở to nhìn anh, cặp mắt của người già như bọc một lần màng tre mỏng. Người anh lâng lâng bay vút lên... Nhưng lát sau, cái nhẹ nhàng đó tan đi mất. Anh thấy tức thở và có một khối gì rất nặng đè trên người mình. Rồi anh nghe rõ tiếng liên thanh vẫn nổ, đạn đi sát sịt ngay trên đầu. Anh nhận ra mình vẫn còn sống, và cái vật đang đè nặng trên người là những bạn đồng đội có lẽ đã hy sinh. Sờ tay vào má, nhơm nhớp. Anh bị thương rồi. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy rõ ràng mình đau ở đâu. Cương nhớ lại những lần bị thương trước kia, đạn vào người cứ ngọt như không, chỉ lúc sờ thấy vết thương mới biết đau. Anh thử cố vặn người thì thấy đồng chí đè trên anh hơi bị lật sang bên, người anh nhẹ đi. Anh đã nhìn thấy những tia lửa đỏ đang vun vút rít gió trên đầu. Anh biết nếu động mạnh thì lập tức nó sẽ lao xuống tìm mình ngay. Cương cố nghển đầu quan sát phía trước. Cách anh chừng hai thước, giao thông hào có một đường rẽ sang trái. Tới đó anh sẽ tránh được luồng đạn ác liệt của khẩu đại liên này. Đèn dù của địch hết chiếc này đến chiếc khác nối nhau tỏa sáng trên đầu. Bò đi bây giờ khéo địch trông thấy mất? Và anh lại lo...lỡ mình đã bị thương ở chân thì sao? Chả nhẽ cứ nằm đây chịu chết?...Chợt thấy súng địch ngừng nổ, và có tiếng lách cách, Cương dùng hết sức lực hất người đè trên mình sang bên, chồm dậy lao lên, chạy tạt sang đường hào bên trái. Tên địch thay băng xong, đạn lại xối xả sau lưng anh, nhưng chỉ làm tung đất ở bờ hào bụi mù. Cương thấy mình vẫn đi lại được nhẹ nhàng. Anh đi quanh quẩn một lúc, không tìm được anh em nào trong trung đội. Mấy người lố nhố bên một ụ súng. Anh lại gần, nhận ra tiểu đoàn phó Quân đang đứng với hai chiến sĩ, dưới chân là một hòm đầy lựu đạn mỏ vịt. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 6 Người chiến sĩ với khẩu súng trường dài quết đất đó, đi tha thủi giữa những chiến hào đổ vỡ vắng ngắt. Chốc chốc, bóng anh bị khuất trong những đám khói lầm khét lẹt. Khi khói tan, cái bóng bé nhỏ đó lại hiện ra. Anh ngơ ngác ngó quanh ngó quẩn, như tìm kiếm cái gì rồi lại lững thững đi. Trừ những quả đại bác từ xa lao tới nổ cẩm canh đều đều, đồn địch lúc này im ắng một cách rất căng thẳng, khó chịu. ánh đèn dù, sương đêm, khói đại bác quyện vào nhau thành một màu bàng bạc, ngột ngạt. Trong chiến hào, những xác chết nằm còng queo giữa những đống đồ hộp xám xỉn và những viên đạn đồng vàng chóe. Một chiếc rađiô quân dụng bị vứt ở góc hào, đang léo nhéo những tiếng lạ tai. Một chiếc ba lô cóc chặt căng lấp ngang lối đi như một tảng đá, chắc là toàn bộ gia tài của một tên lính đánh thuê. Anh ta lơ đãng bước qua tất cả những thứ đó. - Này! Cậu kia! Lại đây! Người chiến sĩ quay phắt lại phía có tiếng gọi. Khẩu súng anh vừa kéo lê bên người, đã nằm gọn trong đôi tay ở tư thế chuẩn bị. Một bóng đen khác xuất hiện ở ngách giao thông hào trước mặt anh. Chừng nhận ra mảnh vải trắng tín hiệu đeo chéo trên người người vừa gọi mình, anh hạ súng xuống xách ở tay, rảo bước đi lại. - Cậu ở C nào? - C.1. - Sao lại đi một mình? - Tôi lạc đơn vị. - Ngồi xuống đây...chén miếng bánh đã. Họ ngồi xuống mấy hòm đạn bị vứt ngổn ngang trong chiến hào. - Đơn vị anh gói bánh chưng à? - Bánh chưng đâu, nắm cơm, nhưng dính nước nát cả, vứt mẹ nó đi rồi. "Cát cút" chiến lợi phẩm đây, chén đi! Hình như mấy tiếng "chiến lợi phẩm" làm cho người chiến sĩ bé nhỏ vừa chìa tay ra vội rụt ngay lại. Anh nói: - Tôi không biết ăn cái này đâu! - Dễ ăn thôi. Bánh quy đây mà. ăn đi để lấy sức mà đánh. Người bé nhỏ vẫn từ chối. Chiến sĩ kia cũng không nài thêm. Anh ta cầm liền một lúc mấy chiếc bánh nhai sồn sột. Anh ta ăn rất nhanh rồi đứng dậy, kiễng chân nhô đầu lên khỏi giao thông hào, nghiêng ngó một lúc, quay về phía người bé nhỏ hỏi: - Bắn được trung liên không? - Không. Anh ta lặng thinh. Một ngọn đèn dù vừa tỏa sáng vằng vặc trên đầu họ. Có lẽ anh bé nhỏ lúc này mới nhìn rõ người đang nói chuyện với mình. Bộ mặt lấm tấm đầy mảnh lựu đạn như nắm xôi đỗ đen, tím bầm và méo mó đi một cách ghê sợ. - Anh bị thương à? Có đau không? - Người bé nhỏ hốt hoảng hỏi. Anh thương binh không giả nhời, chìa bàn tay phải dập nát máu đã đông lại. - Cậu băng hộ tớ cái? Người bé nhỏ có lẽ sợ làm đau bạn nên đôi bàn tay cứ lóng nga lóng ngóng. Người thương binh vẫn với giọng thản nhiên: - Cứ thít chặt lại. Nó tê đi rồi không đau đâu. Trong khi chờ bạn băng xong, người thương binh nói ý định của mình: - Tớ tưởng cậu biết bắn trung liên, đình nhờ cậu yểm hộ cho tớ lên bộc phá cái lô cốt kia... Nhưng... thôi được...tớ sẽ bí mật bò lên. Mẹ tiên sư nó, cả trung đội tớ bị với cái lô cốt này. - Trung đội tôi cũng bị với nó đấy? - Buộc chắc vào cho tớ! Tớ kiếm được hai quả bộc phá khối kia... Phải chập đôi vào đánh mới ăn thua. Người bé nhỏ rụt rè: - Anh bị thương nặng rồi, ra đi...Lát nữa có anh em khác vào.... - Ra thì ra từ nãy rồi, ở đây làm đếch gì đến bây giờ... Tớ phải cho mấy thằng này tan xác... Tớ giao cho cậu ba thằng tù binh trong ụ này. Có một thằng lính ngụy nói tiếng tây được đấy. Giữa lúc ấy, từ ụ súng cạnh đó phát ra một thứ tiếng kêu mạn rợ, làm người bé nhỏ vội nhỏm lên ngó quanh. Người thương binh chạy lại bên ụ súng, nói: - Có câm đi không? Lộ mục tiêu, ông cho một phát chết ngóm bây giờ!... Tiếng xì xồ trong ụ súng. Rồi tiếng người nói ra. - Nó bảo nó đau và khát lắm. Thằng địch trong ụ súng lại càng kêu rống lên bằng thứ tiếng lạ tai ghê rợn. Người thương binh đứng thần một lúc. Anh ta quay về chỗ ngồi ăn đồ hộp ban nãy, tìm bới lung tung. Một lát anh quay lại trên ụ súng. - Anh đưa cho nó mấy chiếc kẹo này. Bảo nó, càng kêu càng khát, im đi, lát nữa đánh xong đồn, sẽ được đem ra ngoài. Tiếng rên la của tên địch bị thương dịu dần. - Cậu là tân binh phải không? Giọng người bé nhỏ thực thà: - Tôi mới đi bốn tháng nay. - C cậu vào hướng này. Cậu chiếu thẳng đám dây thép gai đen đen trên cái ụ súng bằng gạch kia mà ra thì gặp anh em. Đi chệch là lạc vào chúng nó. Nhưng chờ đó tí đã. Nếu tớ không diệt được lô cốt thì cậu ra nói với anh em vào đánh tiếp. Cậu không biết bắn trung liên à?... Làm người lính súng gì cũng phải biết mới được. Tớ chỉ còn một tay, không thì tớ bảo cậu cách bắn. Một thoáng là bắn được ngay. Ở đây khối đạn, tha hồ tập. Người thương binh cúi xuống nhấc hai quả bộc phá đã được buộc chập vào nhau, đặt lên thành hào. Anh đặt cẳng tay lên trên bờ hào, dùng chân đạp sang vách hào bên kia để leo lên. Người bé nhỏ níu lấy áo người thương binh: - Anh để tôi lên cho. Tôi đánh bộc phá này được. Người thương binh ngoái đầu lại, đôi mắt bị những vết thương sưng húp làm cho chỉ còn nhỏ tí: - Cậu không lên được. Lớ ngớ chết vô ích. Để mặc tớ! Anh chiến sĩ tân binh đứng nhìn theo, quên cả việc đặt khẩu súng trường trong tay lên thành hào phòng lúc cần sẽ yểm hộ cho bạn. Người thương binh nằm dán mình trên mặt đất như một xác chết. Mỗi lần đèn dù xuất hiện, hay khói đại bác tan đi, lại thấy anh ta nằm gần cái ụ đất cao ở đỉnh đồi hơn. Cuối cùng, anh ta lên tới lô cốt địch. Một đám lửa lóe lên trên đỉnh đồi. Khói đen trùm kín ụ đất. - Tan rồi!...- Người chiến sĩ bé nhỏ reo lên. Nhưng đến khi khói đã tan, anh lại thấy ụ đất vẫn ngạo nghễ nằm đó. Không còn nhìn thấy người thương binh đâu. Rồi một chùm đại bác địch lao xuống ngay nóc lô cốt. Khẩu súng trường trong tay anh rơi xuống đất... Người bé nhỏ lại kéo lê khẩu súng trường đi tiếp về phía sau. Anh đã bỏ quên ba tên tù binh vẫn ngồi trong ụ súng. Anh chiếu hướng người thương binh đã chỉ, hướng có đám rào gai đen đen trên nóc chiếc lô cốt gạch nham nhở. Nhưng mới được vài chục thước, anh đã dừng lại. Anh vừa nhận ra cái ụ súng nhỏ nằm há mõm như con cá trê bên tay phải mình, cái ụ súng im lặng suýt nữa làm anh mất mạng nếu không được trung đội trưởng nhanh tay kéo lại. Anh đã bắt gặp đường hào lúc nãy tổ anh tiến theo trung đội về phía ụ đất cao. Khi đó đang đi thì bất thần nghe súng nổ trước mặt, đạn xuyên vào bờ đất cạnh người anh bụi mù. Những người đi trước anh, quay chạy lại, đâm sầm vào anh. Anh cũng hoảng hốt lao đầu chạy. Lúc đã hoàn hồn, anh dừng lại, chung quanh không còn ai, và khẩu súng trường đem theo cũng đã rơi đâu mất. Việc đầu tiên của anh là phải lấy lại một khẩu súng. Súng địch đủ các loại nằm như củi trong giao thông hào. Có những khẩu tiểu liên báng gập chắc là còn rất mới, đen nhánh. Nhưng anh chỉ chọn một khẩu súng trường. Ở nhà ra đi, anh mang súng trường mà. Sau đó, anh đi tìm đơn vị. Lời dặn dò của đồng chí tổ trưởng: "Phải bình tĩnh, trong trường hợp nào cũng bám sát lấy tổ” luôn luôn ám ảnh anh. Thế là mình không thực hiện được những lời hứa hẹn thi đua trước tổ rồi. Mất súng, lạc đơn vị... Giá lúc ấy bình tĩnh một chút, nhìn anh em chạy theo một người, thì bây giờ đâu phải lo lắng. Sáng mai về, gặp cậu Lạn, cái cậu mũi hếch hay trộ anh, cái cậu thường nói bâng quơ trước mặt anh: "Thằng nào vào tổ này cũng phải dũng cảm, cứ nhát gan là chúng ông khai trừ khỏi tổ, trả về đại đội"... Liệu họ có trả anh về đại đội thật hay không? Anh định dừng hẳn lại đây không đi về phía sau nữa, chờ xem có gặp ai, nếu địch đến thì đã có súng đạn gây rồi... Chợt anh nhìn thấy một người đội mũ nan từ trong ụ súng chui ra: - Ai đấy? - Cậu ở đơn vị nào? - Người kia hỏi lại anh. Anh nhận ra tiếng nói của đồng chí tổ trưởng. - Anh Ngọ phải không? Người tổ trưởng nhảy bổ lại ôm chầm lấy anh, nói líu cả lưỡi: "Tao tưởng mày chết rồi. Phấn con? Có bị thương không?". - Không. Ngọ hỏi dồn dập: - Có gặp cậu nào ở trung đội ta không? Có thấy anh Cương đâu không? Phấn lắc đầu, rồi nói: - Tôi mất súng rồi! - Trong đồn thiếu đếch gì súng. Mà súng cậu đây thôi... - Súng tôi mới lấy của địch. - Được. Khẩu nào tốt cứ lấy mà dùng. Súng của tớ tắc, tớ cũng thay khẩu khác rồi... Này, lúc ấy anh Cương đi trước cậu hay đi sau cậu? Phấn ngẫm nghĩ rồi nói: - Anh ấy đi sau nhưng đã vượt lên trên tôi mấy người. - Thế thì không khéo anh Cương hy sinh rồi! Hai người đứng lặng đi một lúc. Chợt Ngọ reo lên: "Mấy cậu nào kia?". Hai người treo tín hiệu đang thủng thỉnh đi về phía họ. Ngọ hỏi: - C nào đấy. - C3. Không phải người thuộc đại đội họ. Chờ hai người đến gần. Ngọ hỏi tiếp: - Các đồng chí vào hết chưa? - Vào hết từ đời nào! Đại đội 3 đi cuối cùng tiểu đoàn. Ngọ thắc mắc: - Thế anh em đâu cả? - Đánh từ tối đến giờ còn độc hai thằng đây thôi... - Các cậu ở C nào? - C.1 Họ nhìn nhau lặng thinh. Hình như họ muốn nói với nhau: Thế là không xong rồi à? - Áo đồng chí làm sao ướt thế kia? - Máu đấy, tớ bị thương! - Bị thương ở đâu? - Khắp người. Người mới tới dựa khẩu tiểu liên vào bờ hào, cởi chiếc áo trấn thủ vấy đầy máu, nói với Ngọ: - Cậu sờ hộ xem tớ bị thương ở những chỗ nào. Tớ sờ đâu cũng thấy máu cả. Ngọ sờ khắp người anh ta, rồi nói: - Khô lắm. Không thấy gì... Cậu xem có đau đâu không? Anh ta vung tay vung chân, vặn vẹo người một lúc rồi mừng rỡ. - Tớ không việc gì rồi. Máu các cậu hy sinh chảy vào tớ. Lúc nãy, sờ vào trong người chỗ nào cũng thấy nhớp, thấy rát mới lạ chứ! Yên trí, vẫn còn thọ. Ngọ rủ những người mới tới vào trong sụ súng. Họ nghe một tiếng "tách" nhỏ và cả gian hầm bừng sáng. Ngọ gạt những hòm đạn ra chung quanh, rồi bày một hộp bánh kẹo ra giữa hầm. Anh lăng xăng soạn sửa như chủ nhà có khách đến chơi. Người lúc nãy nói là bị thương có bộ mặt rám nắng hằn nhiều vết lang bỏng napna như vẽ hoa. Anh ta nhấc hộp đèn chạy bằng pin lên xem, mủm mỉm: "Tây mắc điện cho các sĩ quan Việt Minh ăn tiệc". Người kia mặt tròn căng trông ngây ngô đến hay. Từ khi đến, anh ta chẳng nói một câu. Ngọ mở một hộp bánh mời các bạn: - Ăn đi, các đồng chí... Thấy Phấn còn chần chừ, Ngọ nói: - Ăn được, ăn để lấy sức chiến đấu, không phạm chính sách đâu! Mọi người ăn ngon lành. Riêng Phấn vừa nhai một miếng bánh đã nhăn mặt: - Anh Ngọ ơi, tôi không làm sao nuốt được. Cổ họng khô như ngói ấy. Khát chết mất! Ngọ lắc hết mấy chiếc bi đông trong hầm. Không chiếc nào còn một giọt nước. - Tớ đi kiếm nước... Ngọ cầm một chiếc bi đông đi ra ngoài. Anh lang mặt hỏi Phấn: - Cậu cầm súng trường "Mát" phải không? Phấn gật đầu. - Cho tới mượn cái lê tí! Anh ta móc túi lấy một gói nilông màu cánh dán thong thả mở ra. Những sợi thuốc lào bên trong bẹt dí bết vào nhau như một lá thuốc cao. Anh bứt một điếu để lên miệng hà hơi cho sợi thuốc mềm lại rồi vê tròn đặt vào chiếc lỗ nhỏ ở một đầu cán lê. Anh ngậm đầu cán lê kia vào miệng, bật lửa châm thuốc hút một hơi rất ngon lành. Phấn chăm chú ngồi xem, khi thấy làn khói đắng từ miệng anh ta tuôn ra. Phấn mới thật tin chiếc lưỡi lê của mình có thể dùng thay ống điếu. Một lúc, anh ta hé cặp mắt lim dim hỏi Phấn: - Cậu không biết hút thuốc à?... Nhớ ai như nhớ thuốc lào... Ngọ cầm chiếc bi đông ở ngoài đi vào, đưa cho Phấn: - Nước đây, tu một hơi cho đỡ khát. Phấn ngửa cổ uống ừng ực, giốc ngược cả bi đông. - Mát ruột quá! Phấn liếm môi thèm luồng, và lúc đó mới nhận ra trong nước có một vị gì mằn mặn, Phấn hỏi: - Anh lấy nước ở đâu? - Nước tớ làm ra... - Ngọ nói xong cười sằng sặc. Anh lang mặt cũng tủm tỉm trước vẻ mặt ngơ ngác của Phấn. - Nước giải đấy mà! - Nước giải uống cũng khỏi khát à? Anh lang mặt vẫn dựa lưng vào vách hầm mắt lim dim nói chêm: - Thì "giải khát" mài Phấn bắt đầu cầm bánh ăn ngon lành. Ngọ bàn: - Ăn xong ta ra ngoài bố trí! Anh lang mặt giọng hơi lè nhè: - Ngồi nghỉ tí nữa. Mấy thằng thế này đánh đấm gì! Mình không đưa thêm quân lên, thì tớ cho cứ nhùng nhùng nhằng nhằng đến sáng. Nó giã đại bác vào đồn mạnh thế này là nó có hầm sâu tụt cả vào rồi. Mình hết quân đếch làm gì nó được. Nó cũng không dám thò đầu ra ngoài. Cứ bình tĩnh yên trí ngồi nghỉ cái đã. Ngọ cãi: - Đánh nhau mà lại chúi đầu ở một xó à? Ta ra thôi! Các đồng chí bố trí ở đây, tôi đi tìm được thêm ai thì bảo về, chúng mình lại tổ chức đánh nữa. Khi họ ra ngoài, anh lang mặt lừng khừng đi sau miệng lẩm bẩm: - Đấy rồi các cậu xem... ta không còn ai mà địch cũng đếch dám ra đâu! Ngọ vừa bố trí mỗi người ở một góc hào cảnh giới các mặt xong, thì địch bắn vào đồn một chập đại bác dữ dội chưa từng thấy. Lần này, ngoài thứ đạn nổ ngang mặt đất, chúng còn bắn thêm loại đạn nổ trên không và đạn lân tinh. Dứt loạt đại bác, liên thanh của địch bắn như mưa như gió. Một lưới lửa rất dày chăng trên đầu họ, tưởng chừng giơ bàn tay lên khỏi miệng hào chỗ nào cũng có thể dính đạn địch. Ngớt cơn mưa liên thanh, lại đến những tiếng lựu đạn nổ liên tiếp Ngọ đâm nghi, nhoai người lên miệng hào, nhìn về phía đỉnh đồi. Anh bỗng nhận ra sau màn khói lựu đạn, lố nhố xuất hiện rất nhiều bóng đen. Ngọ vội nhảy xuống hào kêu lên: - Các đồng chí, chuẩn bị đánh địch phản kích! Bọn lính địch này vừa ở Mường Thanh lên. Không gặp sức kháng cự của quân ta, chúng tin tưởng ở trận đại bác vừa rồi, vừa rê tiểu liên, ném lựu đạn, vừa tiến. Ngọ nói với mọi người: - Chuẩn bị lựu đạn, bao giờ tôi bắn thì các đồng chí ném một loạt. Lựu đạn của địch ném đã vượt qua đầu họ. Những bóng đen mỗi lúc một thêm to lớn kềnh càng trước mặt. Nòng súng tiểu liên của Ngọ đã chiếu vào một thằng không mang súng, một tay cầm can, một tay cầm đèn pin. Những quãng hào đại bác phá vỡ nham nhở nằm im như chết trước mặt bọn địch. Tuy vậy, chúng vẫn tiến quân rất cẩn thận. Đi chửng vài thước chúng lại dừng ném lựu đạn tới tấp, và lia tiểu liên ràn rạt. Yên trí là con đường đã được dọn sạch, chúng mới tiếp tục tiến. Khẩu tiểu liên của Ngọ bất thần trút đạn vào tên chỉ huy. Lựu đạn của ta nổ rất đanh giữa đám đen hỗn độn. Bị ta đánh trúng và bất ngờ, địch kêu la, quay đầu chạy tán loạn. Tiểu liên của ta nổ đuổi theo quật ngã thêm một số. Bọn Ngọ thắng lợi đợt đầu. Phấn con xách từ đâu về một khẩu trung liên, chạy đến chỗ Ngọ: - Anh bảo tôi bắn với! Đồng chí lang mặt C3 nói với Phấn: - Cậu mang lại đặt chỗ tớ, hai đứa cùng bắn. Đi khuân thêm đạn về đây, tớ sẽ bảo cho. Trận địa của họ đã bắt đầu bị lộ. Địch dùng súng cối cỡ nhỏ, đạn A.T và "xì-tốc" rót vào các ngách hào họ bố trí. Ngọ bảo anh em tạm lui vào hầm, còn mình vẫn đứng cảnh giới bên ngoài. Mấy lần Ngọ nhô đầu lên, đều thấy bên phía C3, cái đồng chí có bộ mặt trông ngây ngô đến hay cũng đang đứng chăm chăm nhìn về phía đỉnh đồi. Những mảnh đạn địch bay vèo vèo làm Ngọ lo ngại cho anh em. Ngọ gọi: - Này đồng chí!... Đồng chí C3 ơi!... Thấp đầu xuống Nó đang bắn đấy! Ba bốn lần gọi, cậu ta chẳng trả lời. Hai người chỉ cách nhau không đầy chục thước. Cái đầu cậu ta vẫn nghênh nghênh. Ngọ bực mình chạy đến tận nơi, kẻo áo cậu ta ngồi xuống giao thông hào: - Chiến đấu phải anh dũng nhưng phải biết giữ mình chứ? Anh ta ngơ ngác trước thái độ cau có của Ngọ: - Nói gì?... Tôi không nghe thấy đâu... Lúc đó Ngọ mới hiểu tại sao anh ta có vẻ mặt như ngây ngô, hai tai anh ta đã bị đại bác làm điếc đặc. Sợ nguy hiểm cho anh ta, Ngọ ra hiệu cho anh ra khỏi đồn. - Không... Không... Đánh xong tôi mới về. Tiếng anh ta oang oang. Có lẽ sợ Ngọ vẫn chưa nghe rõ câu nói của mình, anh ta lại tiếp: - Tai điếc, tay không điếc đâu! - Anh vừa nói vừa xua tay, rồi lại vỗ vào khẩu súng. Mặt đất vẫn rung lên đều đều, một thứ chấn động là lạ, không giống như sự rung chuyển khi đại bác nổ. Những tiếng ầm ì từ xa vẳng lại mỗi lúc một gần. Lát sau, có những tiếng nổ rất đanh, như xé màng tai. Ngọ từ trong hầm vừa bước ra ngoài hào mắt bỗng bị lóa đi vì một đám lửa lớn. Cả người anh nóng rát như bị vứt vào trong một lò than. Anh ngó đầu nhìn về phía đỉnh đồi thấy một ngọn đèn pha sáng rực. Định thần nhìn kỹ, một chiếc xe tăng đen sì đang tiến chầm chậm về phía anh, vừa đi vừa tuôn ra những tiếng nổ rất đinh tai. Ngay lúc đó, Ngọ lại thấy một lưỡi lửa đỏ liếm dài trên mặt đất phía bên phải, tỏa ra một mùi hăng hăng như mùi bom napan. Ngọ chưa hiểu ra sao thì có người nói to bên tai: - Đồng chí cho tôi lại diệt thằng mang súng phun lửa. Anh quay lại thấy người chiến sĩ bị điếc vì đại bác đứng sau lưng mình. - Nó ở chỗ nào, đồng chí chỉ cho tôi! - Không nghe thấy gì đâu, tôi đi đây... Ngọ biết mình nói với anh ta thì mình lại nghe. Ngọ chỉ vào tai anh ta và xua tay ra hiệu. Anh ta lắc đầu. - Không việc gì đâu. Tôi trông thấy nó rồi. Anh ta cầm thủ pháo trong tay chạy vụt đi theo con đường hào bên trái. Ngọ không kịp làm gì thêm, chiếc xe tăng đang tiến lại phía anh môi lúc thêm gần. Bất giác Ngọ sờ tay lại sau lưng tìm quả bộc phá đánh tăng. Nó đã rơi đâu tự lúc nào. Bên phía Phấn con bố trí, đồng chí lang má đang vội vã hướng dẫn nốt cho người tân binh những điểm cuối cùng trong bài học về bắn trung liên. -... Bấm hết nấc buông ra ngay là đi ba viên một... Khi nào nóng quá thì đái vào nòng... Bắn nó rồi thì phải di chuyển vị trí luôn không nó truy lại... Cậu giữ lấy súng, tớ đi đây... Anh tháo thêm một quả thủ pháo ở thắt lưng của Phấn, nhảy lên giao thông hào và từ từ trườn người về phía xe tăng địch. Hai quả thủ pháo nổ dữ dội. Chiếc xe tăng gầm lên rồi thụt lùi về phía sau. Ngọn đèn trên xe quay gần về phía anh lang má. Tìm được kẻ địch rồi, nòng súng xe tăng bắt đầu chúc xuống. Cái nòng súng như chiếc vòi hút máu của một con quái vật... CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 7 Tối nay, trong những phút chiến đấu ác liệt Tuấn thấy mình đã khác với con người của chính mình cách đây chưa đầy một tháng. Không phải cái hố sâu thăm thẳm và giá ngắt của Thần chết bớt đe dọa anh. Nhưng anh đã nhận thấy rõ ràng, thà chịu đựng những phút rờn rợn, toát người ở nơi bom đạn, còn dễ chịu hơn chúi đầu trong một căn hầm phía sau, để chịu những giày vò cắn rứt trong tâm hồn. Anh đã tìm thấy sự yên tĩnh và nguồn vui ngay trong hoàn cảnh chiến đấu gay go khốc liệt này. ... Sau cuộc học tập chính trị mùa hè năm 1953, Tổng cục chính trị có chủ trương đưa một số cán bộ và đơn vị chiến đấu về để tăng thêm chất lượng cho cơ quan, đồng thời đưa một số cán bộ ở cơ quan lâu ngày ra thử thách, rèn luyện trong chiến đấu. Từ đoàn văn công của Tổng cục chính trị, Tuấn vác ba lô về tiểu đoàn 2, nhận chức chính trị viên phó tiểu đoàn. Như vậy anh nhận chức vụ mới thấp hơn chức vụ cũ của mình một chút. Đó là một cách để anh rèn luyện làm quen dần với công tác mới. Hồi mới về đơn vị, trong những buổi học tập quân sự của cán bộ, người ta thấy anh chỉ ngồi nghe không nói. Những cán bộ chưa biết anh, hỏi các bạn anh là ai, thường được người kia trả lời: "Cán bộ văn nghệ đấy? Mới ở Tổng cục thuyên chuyển về tiểu đoàn 2". Một thời gian ngắn, anh đã có ý kiến góp vào các cuộc thảo luận. Anh còn ít nói, nhưng ý kiến anh thường không sai vì những lập luận của anh bao giờ cũng giống với sự hướng dẫn của trên. ít lâu sau, anh đã tham gia vào những cuộc tranh cãi sôi nổi, với nhiều lý lẽ sắc sảo như những người cán bộ chính trị khác. Mọi người không còn nhìn anh bằng cặp mắt khang khác với một người cán bộ văn nghệ ở cơ quan mới chuyển sang công tác quân sự. Cả những đồng chí cán bộ tổ chức ở đại đoàn, xuống theo dõi tình hình, cũng đã coi anh như một người cán bộ chính trị bình thường ở đơn vị. Trước khi lên đường đi chiến dịch, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn mắc bệnh phải ở lại hậu phương, người ta không ngần ngại cử anh thay thế. Trường hợp này cũng không phải là đặc biệt, nhiều cán bộ chính trị của ta đã ra nắm đơn vị chiến đấu như vây. Anh cố gắng làm quen với cuộc chiến đấu còn quá xa lạ... Trên đường hành quân chiến dịch, được phổ biến ta sẽ đánh địch ở Điện Biên Phủ, địch ở đây đóng thành một tập đoàn cứ điểm trên cánh đồng, có thể ta sẽ đánh địch bằng cách đào trận địa ban đêm xuyên thăng vào các vị trí địch; tự nhiên người chính trị viên này từ đó luôn luôn bận tâm đến chiếc đèn pin của mình... Anh có một chiếc đèn pin không được tốt lắm, nhiều lúc xoay đi xoay lại mãi nó vẫn không sáng, nhưng có khi để nằm yên trong balô trên đường hành quân tự nhiên nó bật sáng, và tiêu thụ gần hết đôi pin của anh mới mua. Anh lo nhỡ trong khi mình đi kiểm tra trận địa giữa cánh đồng, với tính đãng trí xưa nay của anh, chiếc đèn pin sau lưng anh bật sáng, luồng ánh sáng nguy hiểm của nó sẽ kéo theo một cơn mưa đại bác địch xuống trận địa, làm thương vong một số lớn bộ đội... Điều lo lắng cứ ám ảnh cho tới lúc anh thực tế đã đem theo đèn pin đi kiểm tra đơn vị đào trận địa trên cánh đồng. Anh đã làm quen với trận chiến đấu đầu tiên như thế này... Đêm hôm đó đơn vị đào chiến hào vào giáp vị trí địch. Ngày công kích tới gần. Lệnh của trên, nếu địch đánh ra thì phải dùng hỏa lực đuổi địch và tiếp tục đào vào. Nửa đêm, anh đang ngồi vói tiểu đoàn trưởng ở sở chỉ huy tiểu đoàn, đại đội 3 ở trận địa báo cáo về, địch đánh ra rất mạnh. Anh nghĩ lúc khó khăn này mình phải có mặt ở đó. Nhưng nghe pháo địch nổ liên hồi, anh thấy hiện ra trước mắt con đường hào bị bắn phá giập nát không ocnf nơi trú ẩn, bộ đội thương vong nằm ngổn ngang, anh ngần ngại... Anh mong cho kẻ địch bị đánh lui chóng chóng, để mình đỡ phải có mặt ngoài đó. Nhưng cuộc xung đột vẫn kéo dài. Tiểu đoàn trưởng báo cáo tình hình về trung đoàn. Tuấn lắng tai nghe. Anh lại mong trung đoàn thấy tình hình khó khăn, sẽ ra lệnh cho đại đội 3 rút lui. Nhưng lệnh của trung đoàn là cử tiếp tục làm nhiệm vụ. Nửa giờ sau, ngoài trận địa báo cáo, địch vẫn liên tiếp tấn công ra. Anh lại mong cho tiểu đoàn trưởng sốt ruột sẽ ra ngoài đó, để anh ở nhà nắm tình hình chung, giữ liên lạc với trung đoàn. Nhưng tiểu đoàn trưởng vẫn thản nhiên, không tỏ dấu hiệu gì là mình sẽ ra trận địa. Nhiều ý nghĩ quay cuồng trong đầu anh... Đi thì bao nguy hiểm đang chờ anh. Cứ ngồi đây, không ai thúc giục anh phải đi. nhưng trách nhiệm của người chính trị viên cắn rứt. Sau này kiểm điểm..., khó khăn như vậy mà cả ban chỉ huy tiểu đoàn đều ngồi nhà? Tiểu đoàn trưởng còn có lý do, anh ta phải ở sở chỉ huy chung, để theo dõi chỉ huy chung, báo cáo và nhận mệnh lệnh của trên... Còn anh, có việc gì bắt anh cứ phải ngồi đây? Nếu người ta nghi ngờ tiểu đoàn trưởng ngại đại bác, anh ta còn có cả quá trình chiến đấu cũ để làm người ta phải cân nhắc. Chứ còn anh, anh không có gì có bênh vực, che giấu cái điều đáng hổ thẹn, xấu xa của mình. Mặc dầu anh đã có nhiều cố gắng, người ta sẽ nhìn thấy rõ anh vẫn chỉ là một anh lính giấy" không hơn. Những tính toán như vậy chưa đủ đem lại cho anh quyết tâm. Đến khi nhớ tới chiều hôm trước, anh đã nhân danh bí thư đảng ủy tiểu đoàn tới động viên chi bộ đại đội này cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đêm nay, anh quả quyết đứng dậy, bảo tiểu đoàn trưởng ở nhà, mình ra trận địa. Liên lạc viên của tiểu đoàn đã đi công tác hết, mình anh mò mẫm theo đường giao thông hào lầy lội, nhiều quãng bị sạt vì đại bác. Phía trước, dịch bắn pháo sáng liên tiếp. Trận địa đại đội 3, khói đại bác phủ mờ như sương. Những bóng tối nhấp nhô... Những vũng nước mưa phản chiếu ánh sáng như những mảnh gương vỡ ai rải làm chướng ngại trên đường. Chiến hào vắng ngắt. Trừ bộ phận bố trí ở ngoài cùng đang chiến đấu với địch, ở phía sau, anh em đã chui cả vào hầm ếch để tránh pháo. Thỉnh thoảng anh lại giật mình vì một quả đại bác nổ gần. Sắp tới trận địa: anh đang định dừng bước, thì thấy một bóng người đứng ở ngách hào phía trước. Tới gần, anh nhận ra đồng chí đại đội phó của đơn vị này. Người cán bộ chào anh. Tuấn hỏi: - Anh em đâu? Gần đến nơi chưa? - Tuấn cố nói bằng một giọng bình tĩnh. - Báo cáo anh, còn khoảng một trăm thước nữa. Tuấn không hỏi thêm, với vẻ thản nhiên, anh tiếp tục đi. Anh nghe có những bước chân nhè nhẹ sau lưng. Không cần phải ngoái lại, Tuấn cũng biết là người cán bộ đang đi theo mình. Tuấn im lặng tiến ra phía trước, với vẻ bình thản của một người đang đi về nhà. Đồng chí đại đội phó đi sau anh chắc không thể biết được là nếu không có anh ở sau lưng, Tuấn đã dừng lại rồi. Chính vì có anh ta mà Tuấn cứ đều chân bước mãi. Có lúc Tuấn nhận thấy mình đã liều lĩnh đi quá xa. Nhưng anh không thể hỏi người cán bộ đi sau anh đã đến đâu rồi, vì cảm thấy câu hỏi đó là thú nhận sự hèn nhát của mình. Anh cứ đi cho tới khi đồng chí đại đội trưởng từ một căn hầm nhô ra cản anh lại, báo cáo chỗ đó đã nằm trong tầm lựu đạn của địch. Và anh ở lại trận địa với bộ đội suốt đêm... Sau đêm đó, Tuấn được coi là một người cán bộ chính trị sâu sát, xông xáo. Mọi người không hiểu được những diễn biến tư tưởng của anh. Nhưng có hề chi! Miễn là cuối cùng anh có được những hành động như thế! Còn đi sâu vào tư tưởng thì thiếu gì những chuyện lắt léo khác, ngay cả ở những người xưa nay đã nổi tiếng vì dũng cảm. Tuấn rút ra cho mình những nhận xét để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu sau này... Trận địa không đáng ghê sợ như khi người ta ở xa tưởng tượng đến nó. Thần kinh của mình cũng không đến nỗi tồi, nó cũng tạm đủ sức chịu đựng những tiếng rú rít của bom đạn. Cứ lăn vào việc rồi cái gì cũng sẽ quen đi... Tuấn thuộc loại người có cuộc sống bề ngoài trầm lặng, bên trong nhiều khúc mắc. Mỗi chuyện ở trong đầu anh thường đọng lại và bị anh trăn trở nhiều lần. Anh nhiều tính toán. Nhưng sự tính toán đó trong phần lớn trường hợp đã làm cho anh thành một người biết điều. Mỗi lần làm được một việc khó khăn, tư tưởng anh thường phải trải qua những cuộc vật lộn khá gay go giữa cái tốt và cái xấu. Nhưng anh rất xem thường những tâm hồn hèn kém, thiếu nghị lực. Mấy hôm nay, Tuấn phải xuống các đơn vị hướng dẫn và theo dõi tình hình học tập thư động viên của đồng chí Đại tưởng Tổng tư lệnh gửi tới trước giờ chiến đấu. "Tất cả cán bộ và chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết dũng mãnh đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ và đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mỗi người đều có một khí thế rất lớn, không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là phải kinh khủng... " Trong khi giải thích cho cán bộ và chiến sĩ những điều như thế, một câu hỏi cứ xoáy trong đầu anh: “Liệu mình có thực hiện được yêu cầu của trên không?". Anh bị nó giày vò. Khó khăn này đến với anh nhiều lần từ khi anh chuyển sang công tác mới. Là người giáo dục bộ đội, duy trì chính sách, anh không thể không nói ra những điều tốt đẹp của Đảng. Có người khi làm công việc này, họ không bận tâm gì, với họ nói cứ nói, còn mình có làm được như lời mình nói hay không, lại là chuyện khác. Nhưng anh không giống những người đó. Anh nghĩ khuyên người khác làm những điều mà mình sẽ không làm, là một trò bịp bợm. Anh biết trước trong trận đánh tới mình sẽ gặp những thử thách chưa từng thấy. Và cuối cùng anh tự bảo mình, không thể làm khác những điều mình đã nói. Hôm nay, anh bước vào cuộc chiến đấu với một tâm hồn thanh thản... Trong những giờ chiến đấu vừa qua, mỗi lần một nguy hiểm giội qua người, thấy mình vẫn sống, Tuấn cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng hơn, bình tĩnh hơn. Tuấn đã làm tròn nhiệm vụ ban chì huy phân công cho anh ở ngoài đồn. Anh tổ chức những đồng chí đến chậm, những người lạc đơn vị, những người bị thương nhẹ... thành những bộ phận nhỏ, đưa vào đồn tăng viện. Anh động viên những thương binh còn có thể đi được, tự mình lui về phía sau. Anh đôn đốc tải thương lên cửa đột phá đưa thương binh ra. Đến lúc này, những người còn chiến đấu được đều đã vào trong đồn, tiếng rên của những chiến sĩ bị thương chưa đưa được về sau, làm anh rát ruột. Trong đồn, liên thanh, lựu đạn vẫn nổ như ngô rang, chứng tỏ cuộc chiến đấu còn tiếp diễn gay go. Anh nhớ lại thái độ chần chừ, không bình thường của đồng chí tiểu đoàn trưởng khi nãy. Đại bác chen bắn mạnh ở cửa đột phá, một giờ rồi chưa có một thương binh nào ra thêm. Và nếu có ra được nữa thì những người gần chết lịm đi trên những chiếc cáng thương đó, cũng không thể giúp anh hiểu rõ tình hình trong đồn. Anh nảy ra ý nghĩ phải lên đồn xem ra sao. Tuấn gọi đồng chí cán sự chính trị tiểu đoàn bảo anh ta thay mình giải quyết mọi công việc ở đây. Anh buộc chặt lại dây giày, dây mũ. Dưới ánh sáng đèn dù, đường qua cửa mở nằm giữa những bãi dây thép gai, như có anh thợ cạo tinh nghịch chạy một đường "tông đơ" trên cái đầu tóc mọc bù xù. Đồn địch như một đống tro lớn thỉnh thoảng lại bị ai ném vào một hòn đá, bụi lầm lên. Tuấn dùng hết sức chạy nhanh lên chiếc lô cốt đầu tiên. Đường dốc trơn làm anh ngã chúi mấy bận. Anh dừng lại thở, ngó quanh tìm một bóng thân thuộc trong đường giao thông hào. Chợt anh nhìn thấy một xác người cụt cả hai chân, nằm cạnh ụ súng gần đó. Tuấn vẫn chưa tránh khỏi choáng váng khi nhìn vào những vết thương, anh đã toan bỏ qua, bước chân đi. Không biết một sức gì thúc đẩy, bắt anh phải quay lại cúi xuống xem người đó là ai. Anh buột miệng kêu lên: - Đồng chí Đặng! Và anh suýt giật bắn người khi thấy đôi mắt của xác chết chằm chằm nhìn anh như mắt người sống. Đôi môi mỏng nhợt nhạt của người đó mấp máy. Anh đỡ hoảng hốt và nhận ra đồng chí này chưa chết. Trong thời gian học tập chính trị, anh đã đi sát theo dõi trung đội của đồng chí này. Người trung đội trưởng đó chiến dịch trước, trong trận Nà Si đã tụt lại sau bộ đội không làm tròn nhiệm vụ mở cửa đột phá. Trước ngày đi chiến đấu, Tuấn đã gặp anh, nhắc nhở cố gắng thực hiện quyết tâm. Thấy miệng đồng chí mấp máy, biết anh định nói gì, Tuấn ngồi ghé xuống bên. - Sửa chữa được khuyết điểm... r..ô..ồ...i i! - Tiếng nói của anh ta thều thào như một tiếng thở dài. Cổ họng Tuấn như tắc lại. Nghẹn ngào một lát Tuấn nói: - Hoan nghênh tinh thần chiến đấu của đồng chí... Đồng chí nằm tạm đây một lúc, tôi tìm người đưa đồng chí ra ngoài. Một nụ cười nhợt nhạt nở trên môi người thương binh. - Đồng chí đau lắm phải không? Cố gắng một lát nữa. Tôi đi gọi tải thương đến ngay. Người trung đội trưởng không nói gì, miệng vẫn giữ nguyên nụ cười Tuấn nhìn kỹ thấy hai mắt anh đờ ra. Anh ngồi lặng một lúc bên xác người đồng chí. Tuấn cầm chiếc mũ nan rơi bên cạnh, đậy lên mặt đồng chí Đặng, rồi nhảy xuống giao thông hào, đi sâu vào phía trong. - Đơn vị nào đấy...? Lên được bao nhiêu người? Tuấn nhận ra tiếng nói oang oang của tiểu đoàn trướng. Nói to với anh ta thành một cố tật. Anh đáp: - Tuấn đây. Vinh nhìn Tuấn như có vẻ ngác nhiên vì sự có mặt của anh lúc này. - Dưới ấy còn đơn vị nào nữa không? - Không. Chỉ còn toàn thương bệnh nặng, tải thương đang chuyển dần về phía sau. Tuấn đến bên Vinh hỏi nho nhỏ: - Tình hình thế nào? - Hết quân rồi! Chỉ còn mấy người đây thôi... Tiếng Vinh vẫn oang oang. Tuấn ngửi thấy miệng Vinh sặc mùi rượu. Anh ghé sát tai Vinh: - Nói nho nhỏ không anh em nghe ảnh hưởng. Sau khi bộ đội vào đồn. tiện gần lên đến đỉnh đồi, Vinh cho rằng mình đã nắm được ba phần tư thắng lợi. Tuy biết rõ địch đã có một thời gian dài để kiến thiết công sự nhưng Vinh vẫn nghĩ, dù sao cũng chỉ là những công sự dã chiến. Vấn đề anh tự đặt cho mình là phải làm sao đánh thật nhanh tới sở chỉ huy địch trước tiểu đoàn của Quỳ. Nhưng thằng địch và cách bố trí của nó trong đồn này không giống thằng địch và cách bố trí của địch ở những nơi khác anh đã gặp Những đợt tấn công quyết liệt và liên tiếp của tiểu đoàn anh không đạt dược kết quả bao nhiêu. Ngược lại, bộ đội anh còn bị tiêu hao nặng. Kẻ địch khi ẩn khi hiện như những bóng ma. Ta đã phí nhiều sức lực, thuốc nổ, đạn và lựu đạn để đánh vào những chỗ không người. Và từng lúc chúng lại hiện ra ở những chỗ bất ngờ, xả súng bắn vào ta rồi lại biến đi. Trong những trận đánh trước, nếu ta đã lọt vào đồn địch, thì không phải lo trọng pháo của chúng nữa, nhưng lần này địch đã dùng mọi cỡ pháo lớn nhỏ để sát thương quân ta ngay trong đồn của chúng. Quá nửa đêm, tiểu đoàn 2 không còn đủ sức mở những đợt tấn công mạnh mẽ vào quân địch. Và cũng là lúc địch bắt dầu phản kích. Dựa vào pháo lớn, xe tăng, súng phun lửa và lực lượng cơ động của Mường Thanh lên tiếp viện, những đợt phản kích của địch khá mạnh và khá liên tục. Cán bộ, chiến sĩ ta còn lại trong đồn phải dàn thành một tuyến mỏng trên các vị trí đã chiếm được để chống địch phản kích. Họ tổ chức thành những bộ phận nhỏ tự động tác chiến. Chỗ Vinh đứng chỉ còn có bảy người, kể cả anh đại đội trưởng Khỏe. Người đại dội trưởng này bắt đầu làm công việc của một tiểu dội trưởng, một chiến đấu viên. Đạn địch hình như tránh anh ta. Do sự chiến đấu gan dạ của anh, những đợt phản kích của địch về hướng này đều bị đánh lui. Có một điều lạ, cứ sau khi đánh địch xong lại không thấy anh ta đâu. Vinh lúng túng không biết trong tình hình này nên giải quyết thế nào. Quân số còn rất ít, tấn công địch thì không có lực lượng, chả nhẽ cứ cố thủ bám lấy mấy đường hào chờ địch tiêu diệt đến người cuối cùng? Có nên rút không?... Vinh muốn đem việc đó bàn với Khỏe, nhưng anh tự hỏi mình có nên đưa vấn đề này ra với cấp dưới... Giữa lúc ấy, Vinh bỗng thấy gian hầm bên cạnh có ánh đèn sáng. Vinh sục vào thấy Khỏe lúi húi trong đó. Không biết anh ta làm thế nào kiếm được cả bình pin và bóng đèn, dấu dây thép sáng chưng. Khỏe đang gạt chiếc rầm đổ, kẻo ra mấy hòm lựu đạn mắc kẹt. Thấy tiểu đoàn trưởng vào dáng điệu tư lự mỏi mệt, Khỏe dúi vào tay Vinh một cái chai và nói: - Anh làm tý cho nó nóng người. Vinh nhìn nhãn hiệu ngoài chai, một loại rượu nặng của Pháp. Anh ghè vỡ cổ chai vào hòm đạn và tu một phần ba chai rượu như uống nước suối. Giá mọi khi uống như vậy thì say lắm, nhưng lúc này Vinh vẫn thấy mình tỉnh táo. Từ ụ súng gần đó thỉnh thoảng lại vọng tới những tiếng lóng lạ tai của người chiến sĩ điện thanh. Nhờ có phương tiện thông tin này, sau khi vào dồn, Vinh đã liên lạc được với trung đoàn. Anh báo cáo kịp thời với cấp trên tất cả tình hình, nhưng không có triệu chứng gì tỏ ra cấp trên sẽ cho đơn vị anh rút lui... Giữa lúc ấy chính trị viên tiểu đoàn lên gặp anh... Nghe tiểu đoàn trưởng nói sơ qua tình hình. Tuấn hỏi: - Tại sao địch vẫn cứ bắn đại bác vào trong đồn? - Không hiểu ra thế nào? Tuấn hỏi tiếp: - Những hầm như thế này có chịu được đại bác không? - Đấy... sang bên cạnh mà xem... Còn mấy chiếc này cũng sắp sập nốt với nó bây giờ. - Nó bắn vào đồn như vậy chắc nó phải có chỗ ẩn nấp tốt? - Tất nhiên rồi! Qua những câu trả lời như thế của tiểu đoàn trưởng, Tuấn hỏi sang chuyện khác: - Từ tối đến giờ chính ủy trung đoàn có chỉ thị gì không? - Có nhắc quyết tâm. À... còn dặn làm đúng chính sách thương binh. Tuấn lần theo những ngách hào chật hẹp, tanh lợm mùi vỏ đồ hộp, mùi máu và mùi thuốc súng. Thương binh nằm khắp mọi nơi. Nhận ra Tuấn, các chiến sĩ lộ vẻ vui mừng. - Chính trị viên cũng lên đây với anh em chúng tôi à?... Câu nói chắc là thực thà của người chiến sĩ đến với Tuấn vừa như một lời khen, vừa như một lời phê bình. Đúng là mình chưa thực gắn bó với họ. Các chiến sĩ nêu cho anh nhiều câu hỏi rất khó trả lời: - Sắp giải quyết xong đồn chưa đồng chí? - Tình hình thế nào mà cứ để nó phản kích mãi? - Anh em ở ngoài vào hết chưa?... Anh nhận thấy họ có nhiều thắc mắc, nhưng họ đều nghĩ là trước sau cũng tiêu diệt được đồn. Tuấn đi về phía có tiếng người kêu to. Đến gần, anh nghe một giọng nói như giọng nói của người say rượu: - Cán bộ đâu? Học tập rồi mà bỏ anh em đây à? Chính sách để đâu? Một người đứng quay lưng lại phía Tuấn, đang nói với anh ta. - Làm thằng chiến sĩ bị thương một tí mà kêu gào như trẻ con! Không trông thấy tù binh ngồi lù lù kia à? Người đó nói xong quay ngoắt lại, đi về phía Tuấn. Tuấn nhận ra đại đội trưởng Khỏe, đôi mắt sâu đầy vẻ cáu giận. Khỏe thấy anh chỉ nói: "Đồng chí đã lên" rồi đi thẳng. Tuấn nghĩ mình phải gặp người thương binh này. Đến gần, thấy chính trị viên Thọ đang ngồi bên anh ta. Thọ nhìn Tuấn mỉm cười, gật đầu chào, miệng vân tiếp tục nói: -... Không cán bộ thì ai đang ngồi cạnh đồng chí? Cán bộ đang chiến đấu cả ngoài kia. Lát nữa tóm được thằng quan tư, bắt nó đến đây khênh đồng chí ra ngoài. Đừng la nữa, tây nó cười cho? Đưa tay đây, tôi băng lại nào! Giọng nói của người chinh trị viên đại đội nửa như dỗ dành, nửa như vui đùa. - Đây này... cả chính trị viên tiểu đoàn cũng đến thăm đồng chí. Đồng chí xem có phải chính trị viên tiểu đoàn không nào? Tuấn lại bên người chiến sĩ. - Đồng chí không nên nói như vậy, cán bộ không bỏ đồng chí. Chúng tôi lúc nào cũng ở bên các đồng chí. Người thương binh reo to: - A! Đồng chí bí thư đây rồi! Tôi trông thấy đồng chí là tôi trông thấy Đảng... Căm thù giai cấp để đâu? Không diệt xong đồn thì tôi không về. Còn thằng nào đánh thằng ấy, còn răng nào bừa răng ấy! Xê ra cái thằng ma rốc này... Anh ta dùng cánh tay còn lại đẩy người chính trị viên đại đội. Thọ vẫn bình tĩnh: - Kìa, đồng chí lại nhầm. Chính trị đây mà! Thọ râu đây, Ma rốc làm gì có áo trấn thủ như thế này! Lúc đó Tuấn mới nhận ra vết thương quá nặng đã làm người thương binh mê sảng. Anh ta không chịu nhận người ngồi bên là chính trị viên, cứ xua quầy quậy. Nhưng anh ta lại nhận Tuấn là đồng chí bí thư. Thọ đưa miếng gạc bông và cuốn băng cho Tuấn: - Vậy thì đồng chí bí thư đồng chí băng hộ đồng chí đó! Người thương binh ngoan ngoãn chìa cánh tay bị thương ra cho Tuấn. Lần đầu trong đời Tuấn làm công việc này, băng cho một người chiến sĩ bị thương trên mặt trận. Chạm vào những chỗ đau của người thương binh, Tuấn thấy buốt tận ruột. Có lúc anh xây xầm mặt mày. Làm xong, Tuấn vui mừng như vừa vượt được một khó khăn, thấy mình gần với anh em hơn. Khi người thương binh đã chịu nằm im, hai người kẻo nhau ra một quãng hào vắng. Thọ nói: - Thương binh rất nhiều, cửu thương, y tá không còn ai, anh em phải bố trí chống địch phản kích, tôi đi băng cho anh em mãi vẫn không xuể. Đồng chí cho ý kiến nên giải quyết thế nào? Tuấn chợt nhớ ra một số đồng bào bị địch bắt vừa được ta giải phóng, anh đã gặp họ ngồi trong các giao thông hào: - Ta có thể nhờ các đồng bào khiêng dần anh em ra ngoài không? - Ngoài cửa đột phá địch bắn dữ lắm, không hiểu họ có chịu đi không? - Thử gắng động viên họ xem! Thọ định đi thì Tuấn giữ lại: - Tình hình địch như thế nào mà lại không đánh được? - Trên đỉnh đồi, địch có một chiếc lô cốt cố thủ. Có lẽ khi ta đánh, địch thụt cả vào trong đó rồi dùng đại bác tiêu hao ta, khi thấy ta yếu là chúng xông ra phản kích. Từ nửa đêm đến giờ, quân chúng phản kích mạnh. Có anh em nói hay là bọn chúng có đường hầm đào từ Mường Thanh lên, điều này tôi chưa tin hẳn... Tình hình không sáng rõ được thêm bao nhiêu, Tuấn và Thọ cùng đi gặp đồng bào bị địch bắt mới được giải phóng. Sau khi được động viên, họ sốt sắng nhận đưa thương binh ra ngoài. Những chiếc cáng thương binh vượt qua cửa đột phá rất khó khăn. Tuấn tìm vào hầm người chiến sĩ diện thanh. Anh định báo cáo tình hình với trung đoàn và xin chỉ thị mới. Anh đã thấy nghi ngại người bạn tiểu đoàn trưởng của mình. Người chiến sĩ điện thanh nhận ra anh vội nói: - Báo cáo đồng chí, trung đoàn vừa gọi xong. Lệnh của trung đoàn là: Giữ vững trận địa, điều tra kỹ tình hình địch chờ bộ đội lên thêm, quyết tâm tiêu diệt A1 đến cùng. Những lời nói của người chiến sĩ lưu loát và nóng hổi như tiếp cho Tuấn một sức mạnh. Tiếng tiểu liên nổ ran. Địch lại phản kích. Khỏe bê một hòm lựu đạn đặt đánh uỵch trên bờ hào và nhanh nhẹn nhảy lên mặt đồn. Anh nép mình sau một mô đất quẳng lựu đạn liên tiếp về phía quân địch. Vinh đang loay hoay tìm chỗ đặt tiểu liên bắn địch, bỗng thấy một vật rơi bộp cạnh chân. Do một phản ứng rất nhanh, anh chàng tay hất mình lên trên giao thông hào. Anh mới tung được thân người lên, đầu vẫn ngả vào trong hào, quả lựu đạn của địch đã nổ. Ngồi được lên miệng hào, thấy hòm lựu đạn của Khỏe, anh nhặt ném về phía địch tới tấp. Một lát bọn chúng lại biến đi. Vinh bị mấy mảnh lựu đạn nhỏ bắn vào dầu. Tiểu đội trưởng Huy chạy lại giở cuộn băng cá nhân băng cho Vinh. Vinh mệt mỏi ngồi dựa lưng vào vách hầm. Anh cảm thấy như có dăm bảy chiếc đinh lớn đóng vào đầu mình. Mình đã là một thương binh. Có thể về quân y được rồi. Nhưng anh lại nghĩ, nếu về đến đó, những vết thương của mình chỉ rất nhẹ...? Giá bây giờ chính trị viên tới bắt anh phải rút lui về phía sau, anh đi sẽ yên tâm hơn. Nhưng Tuấn chỉ vào hỏi thăm qua loa vết thương của anh rồi bàn phải củng cố chờ tăng viện tiếp tục tiêu diệt đồn. Lúc đó anh lại tìm cách tự động viên mình. Chả nhẽ anh em còn cả đây, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà mình lại bỏ về? Vừa rồi mình đã ném gần chục quả lựu đạn vào bọn địch, chính một mình đã thấy những quả lựu đạn của mình xua chúng chạy như gà. Đã mấy tiểu đoàn trưởng làm được như mình? Đã cố được thế thì ta cố thêm tí nữa. Chết được người cũng có dễ đâu! Vừa rồi mình chẳng đã chỉ cách cái chết không đầy một gang là gì!... Vinh cứ tự khuyến khích mình như vậy. Bỗng anh chú ý đến một đôi giầy đinh nằm trong bóng tối. Lúc này đã bình tĩnh hơn, nên anh nhớ tới đôi giày anh đang dùng là chiến lợi phẩm từ chiến dịch trước, vẹt gót và méo mó cả rồi. Đã có lúc anh nghĩ là phải thay nó. Một đôi giày tốt rất cần cho anh khi vượt rào gai, khi xông xáo trong đồn. Nhân tiện thử xem nếu vừa thì thay luôn. Vĩnh nhích lại gần cầm lấy một chiếc giày. Anh giật mình rụt tay lại như người chạm phải điện. Đôi giày cưỡng lại tay anh. Đúng là nó còn mắc ở chân người. Tên lính địch này chết hay còn sống? Vinh vội vớ chiếc đèn pin bấm vào xó tối. Một thằng tây nằm dài ở góc hầm đang đảo đôi mắt trắng dã, nhìn về phía anh, bất chợt gặp ánh đèn nó nhíu mắt lại. Biết đã lộ, nó vội nói ngay bằng một giọng ồm ồm: - Tôi bị sốt rét... Từ lúc các ông vào đến giờ tôi vẫn nằm im như thế này. Tôi không bắn một phát súng nào... Công việc của các ông đã xong chưa? Giọng nói của nó tuy đượm vẻ sợ sệt, vẫn làm Vinh lạnh gáy. Cái đồn địch này như một bát quái trận đồ. Địch xuất hiện ở bất kỳ một ngóc ngách nào. Từ trong những xó tối kia, một ánh lửa có thể bất thần lóe lên, và một viên dạn xuyên qua ngực anh... Vinh soi đèn khắp chung quanh rồi hỏi nó: - Còn đứa nào trong này nữa không? - Không. - Đứng ngay dậy, đi ra ngoài! Nó lổm ngổm chui ra khỏi hầm, không đợi Vinh phải ra lệnh, nó vươn cổ ngả đầu về phía trước, giơ cao hai tay, tiếng nói của nó rên rỉ như khóc: - Tôi xin thề với ông tôi không phải là người Pháp. Mẹ tôi là người Angiêri... Tôi đẻ ở Công Xtăng Tin. - Im đi! Tao không bắn mày đâu. Tao đưa mày ra kia ngồi với bọn chúng mày. Đi trong chiến hào, Vinh gặp Khỏe cũng dắt ở đâu về bốn tên tù binh khác. Một tên da đen nói tiếng Pháp láu táu: - Chào các bạn. Chúng ta đều là những người dân thuộc địa cả... Nó quay lại bảo mấy tên đi sau: - Chúng mày đừng sợ, Việt Minh rất tốt! - Chừng nhận ra tên đứng sau Vinh đang cúi gằm mặt xuống, nó reo lên: - A! Mày! Thằng quản này ác lắm! Thấy tiểu đoàn trưởng nói tiếng Tây lau láu mãi với mấy tên tù binh, đại đội trưởng Khỏe cau mặt bực bội: - Mấy thằng này vào cả trong kia, không đại bác nó lại bắn chết mẹ bây giờ! Không phải chúng không nghe hiểu tiếng nói của anh, chúng khom những chiếc lưng dài thườn thượt rúc cả vào một cái hầm. Huy đứng ngoài giơ một quả lựu đạn nói: - Tử tế ngồi im, thì lát nữa đưa ra ngoài. Nhốn nháo xoay xở, tao cho cho một quả này... Vinh hỏi Khỏe: - Bắt được bọn này ở đâu? - Tôi đang đứng quan sát ở kia, không biết bọn chúng ở đâu chui ra, tôi giơ súng, cả bọn giơ tay hàng. Tôi tóm cổ tất cả đưa về đây. Sau khi dặn dò mấy chiến sĩ ở ngoài canh gác cẩn thận, Vinh bảo mọi người vào trong một ụ súng hội ý. Trong bóng tối nổi bật lên chiếc đầu của tiểu đoàn trưởng cuốn toàn băng trắng. Giọng nói của tiểu đoàn trưởng tự nhiên dịu dàng: - Tình hình này các đồng chí cho ý kiến nên tiếp tục thế nào? Khỏe nói: - Không diệt được lô cốt mẹ thì không xong. Quân không có, đánh đấm rù rờ như phủi bụi cho chúng nó! Vinh khêu gợi: - Từ nửa đêm đến giờ bên phía tiểu đoàn 1 tiếng súng nổ rất thưa, có lẽ cũng giống như tình hình ta ở đây... Cả hai hướng địch đều phản kích mạnh. Chúng mình không tấn công được nữa mà đã quay sang giữ dắt Chúng ta chỉ còn có những Ổ đề kháng nhỏ. Đánh phản kích luôn mấy đợt, vị trí đều bị lộ. Ngay ở dây lực lượng chỉ còn bảy, tám người hầu hết là cán bộ... - Để dễ thảo luận tôi đề nghị đồng chí bí thư tiểu đoàn ủy nên phổ biến lại ý định của trên về nhiệm vụ của chúng ta. - Chính trị viên Thọ nói. Tuấn nói bằng một giọng nho nhỏ, rất bình tĩnh: - Ý định cuối cùng của đảng ủy trung đoàn là chúng ta tìm mọi cách giữ vững trận địa và điều tra tình hình địch, chờ trên tăng viện thêm lực lượng, sẽ tiếp tục tấn công tiêu diệt dịch... Vinh xen ngang: - Đó là ý kiến của trung đoàn cách đây hai tiếng. - Trước khi địch phản kích, đảng ủy trung đoàn cũng đã điện lại như vậy. Tôi nhận điện chưa kịp hội ý với đồng chí Vinh. Ta chỉ bàn cách làm thế nào thực hiện được quyết tâm của đảng ủy... Sau khi nhận điện của trung đoàn, Tuấn đã tìm Thọ bàn bạc. Hai người phân công nhau đi các đường hào động viên thương binh, khuyến khích những người bị thương nhẹ tìm súng đạn chuẩn bị chiến đấu; những người không đi lại được cũng trang bị lựu đạn để khi địch đến có thể đánh địch ngay tại chỗ. Thương binh nặng vẫn được tiếp tục đưa ra ngoài đồn. Vinh lại nói: - Theo ý tôi, ta nên cử một người về trực tiếp báo cáo tình hình với trung đoàn để xin chỉ thị, báo cáo bằng cái điện đài bập bõm câu được câu mất, không chắc các đồng chí ấy có nám được tình hình cụ thể ở đây không. Tuấn lưỡng lự: - Có cần thiết phải cử người về báo cáo không? Giữa lúc ấy một người trung đội trưởng hiện ra trước cửa hầm. Nhiều lần anh tưởng mình chết đến nơi rồi lại thấy mình vẫn còn sống. Thần chết cứ như đã đỗ trên vai anh lại vỗ cánh bay đi. Quãng hào anh bố trí đánh địch phản kích cách đây một giờ còn bốn người, lúc này chỉ còn lại mình anh. Giọng nói của anh đầy vẻ hốt hoảng: - Tôi hết cả quân rồi! Các đồng chí định thế nào? Khỏe nói gần như quát lên: - Đánh chứ còn thế nào nữa! Có thấy anh em còn nằm đầy chung quanh không? Người trung đội trưởng lủi thủi quay ra như một cái bóng. Bên ngoài địch đang dùng đạn "pa tát" rót vào các ngách hào. Khỏe nói tiếp: - Có bàn gì thì bàn nhanh nhanh, ngồi túm mãi một chỗ nó giọt quả đại bác chết hết cả bây giờ. Tôi thấy không cần cử người về trung đoàn. Trên dã giao nhiệm vụ thì ta cứ thế chấp hành, chờ tiếp viện đánh nữa. Đi một người bây giờ là mất đi một lực lượng chiến đấu. Ớ mãi một chỗ, lộ rồi! Lát nữa nó phản kích, khi nào nó chạy mình truy theo luôn, chuyển vị trí. Càng bám sát nó, nó càng bị bất ngờ, càng dễ đánh... Vinh cảm thấy má mình rát như phải bỏng. Mình không còn là người chỉ huy cao nhất ở đây nữa à...? Có lẽ nào như thế Mình còn là thằng Vinh không?... - Ý kiến của các đồng chí đủ rồi. Bộ phận Khỏe tiếp tục điều tra xem cái gì ở giữa đồn, địch từ đâu xông ra phản kích? Chờ tăng viện, tiếp tục tấn công. Nếu địch phản kích từ cán bộ đến chiến sĩ đều cầm súng giữ vững vị trí. Tiếng nói của Vinh đã trở lại bình thường: oang oang và rắn câng câng như tất cả những khi anh ra lệnh. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 8 Sở chỉ huy của trung đoàn nằm ở chân một quả đồi nhỏ trên dọc đường hào trục, cách Al chừng một cây số. Chiếc hầm của ban chỉ huy trung đoàn cao không đứng thẳng người được, chiều dọc và chiều ngang khi ngồi bó gối mãi mỏi, các cán bộ duỗi thẳng chân, những bàn chân chụm cả vào nhau. Hầm này có một ngách ăn thông sang hầm của bộ phận tác huấn ở gần đó, cũng cùng kích thước như vậy, chật ních người, điện đài, điện thoại... Cuộc chiến đấu trên đồi A1 đã sang đêm thứ hai. Đêm qua, lực lượng của đơn vị Trường Sơn bị tiêu hao nặng. Nửa đêm, bộ chỉ huy mặt trận điều một đơn vị ở phía tây sang phối hợp cùng Trường Sơn tiếp tục giải quyết đồn địch. Đơn vị này đang phân tán làm nhiều nhiệm vụ khác nhau thì được lệnh tập trung gấp, chuyển sang đây. Họ chỉ ở cách trận địa của Trường Sơn từ năm đến mười cây số. Nhưng không biết rõ đường đi, họ bị lạc lung tung giữa những đường giao thông hào nhiều nhánh, nhiều chạc lầy lội, chật chội, lại thêm phi pháo địch cản trở trên dọc đường, họ phải đi suốt đêm và nửa ngày hôm sau mới sang tới nơi. Trên đường hành quân lộn xộn như vậy, cán bộ vừa đi vừa nhận nhiệm vụ, chiến sĩ vừa đi vừa sắp xếp lại đội hình và chuẩn bị chiến đấu. Họ tiến vào A1, trong khi những chiến sĩ đánh đêm trước bị thương rút ra, người ùn như nêm khắp đường hào, kẻ xuôi người ngược, khinh pháo và sơn pháo thọc vào sườn bộ binh, các đơn vị bộ binh đan vào nhau. Trong hoàn cảnh như vậy những đơn vị tiếp viện bước vào chiến đấu. Trước đợt tấn công đêm thứ hai, trung đoàn trưởng Trang nhận định: "Phần lớn đồn địch đã nằm trong tay quân ta, địch đã phải dồn cả vào một căn hầm cố thủ, giải quyết xong căn hầm này là coi như hoàn thành nhiệm vụ”. Anh ra lệnh cho các đơn vị mang theo thật nhiều bộc phá và tin tưởng với lực lượng tiếp viện này, khoảng nửa đêm có thể giải quyết xong đồn. Đôi kim lân tinh trên chiếc đồng hồ tay to mặt của trung đoàn trưởng đã chỉ 3 giờ sáng. Tình hình chiến đấu trên đồn địch lại diễn ra lằng nhằng như đêm hôm trước. Các chiến sĩ thông tin lăn lộn dưới làn mưa đại bác ra sức chắp nối đường dây diện thoại từ chỉ huy sở tới đơn vị, nhưng không lần nào hai bên đầu dây nói trọn câu chuyện. Màng lưới thông tin của điện thanh cũng lúc được lúc mất như ma trơi. Theo các báo cáo lẻ tẻ, đứt đoạn của các đơn vị, trung đoàn trưởng Trang biết những lực lượng còn lại trên đồn và các lực lượng tiếp viện đã nhiều lần đánh bộc phá vào ụ đất cao, nhưng không tiêu diệt được; địch vẫn tiêu hao quân ta bằng cách bắn đại bác vào đồn, tổ chức nhiều đợt phản kích mạnh bằng bộ binh và xe tăng... Trung đoàn phó và tham mưu trưởng đã được phân công lên đồn nắm tình hình. Các đồng chí đó báo cáo về không rõ ràng (sau này mới biết vì địch bắn đại bác nhiều ở cửa đột phá nên hai người này đã nằm lại ngoài chân đồn). Trang đôi lần sốt ruột định lên đồn, nhưng đại đoàn trưởng chỉ thị cho anh phải ở sở chỉ huy để báo cáo tình hình và nhận lệnh của trên. Anh và chính ủy đã thức liền hai đêm. Trận đánh diễn biến rất phức tạp, tình hình luôn luôn căng thẳng làm cho hai người tuy nhiều lúc chỉ ngồi im dựa vào vách hầm nhưng không chợp mắt một phút. Căn hầm nhỏ nặng trịch hơi người. Sao mà thời giờ đi nhanh thế Trang không tin ở chiếc đồng hồ cổ nhưng đã được tiếng là chính xác của mình, anh hỏi chính ủy: - Đồng hồ đồng chí mấy giờ rồi? - Ba giờ đúng. Những cán bộ khác trong hầm đều im lặng. Họ đang cùng một ý nghĩ, lại một đêm nữa sắp qua. Ai vừa buông một tiếng thở dài nhè nhẹ. Trang nhổm dậy. Anh lom khom lần theo ngách hầm ẩm ướt đi sang hầm của cơ quan tác huấn. Mấy chiến sĩ nằm ngủ bị bàn chân to lớn của anh giẫm phải kêu oai oái và văng tục. Anh chỉ nói nhẹ nhàng. “Sao lại nằm ở đây?". Nhận ra tiếng trung đoàn trưởng, họ im ngay. Trang vừa bước vào căn hầm vàng khè ánh đèn đã nghe tiếng máy điện thanh o o và tiếng léo nhéo: - "Báo cáo Em Trang! Báo cáo Em Trang; dì cả tăng gia lãi nhiều, đề nghị chủ hàng góp vốn...". Không cần đợi đài viên dịch lại, trung đoàn trưởng đã hiểu là tiểu đoàn 1 chiến đấu bị hy sinh nhiều đề nghị trung đoàn cho biết ý kiến. Trang nhíu lông mày rồi bảo người giữ máy điện thanh: - Đồng chí hỏi xem ai báo cáo! Đài viên hỏi xong, trả lời: - Tiểu đoàn trưởng Quỳ. Đôi mắt người trung đoàn trưởng nhức nhối. Hai mũi đều tiếp tục báo cáo về là bị thương vong nhiều. Nhưng mũi diện của Vinh và Quân chỉ đề nghị xin tăng viện. Còn mũi điểm của tiểu đoàn trưởng Quỳ đã mấy lần hỏi cách giải quyết. Với kinh nghiệm của anh, trong chiến đấu, một cán bộ chỉ huy đã đặt vấn đề như vậy với cấp trên, thường khó tiếp tục chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ. Anh bảo người giữ đài: - Đồng chí gọi cho tất cả các đơn vị trên đồn đi... Dịch di: "Lệnh của trung đoàn, tổ chức ngay tất cả những lực lượng còn lại, tiếp tục tấn công địch. Trung đoàn sẽ gửi tiếp viện thêm. Không thực hiện được quyết tâm của Tổng quân ủy không rời đồn địch". Anh hỏi trưởng ban tác huấn những lực lượng mới tổ chức được thêm. Tất cả chỉ còn hai trung đội gồm những anh em trong các đội vận tải, tải thương do một cán bộ tác huấn chỉ huy. Anh điều cả hai trung đội này lên đồn với một mệnh lệnh viết tay vắn tắt cho hai tiểu đoàn trưởng Vinh và Quỳ. "Kiên quyết giải quyết xong đồn trước khi trời sáng hẳn". Chuông điện thoại kêu giẫy lên. Người giữ tổng đài đang gà gật ngủ, thức choàng dậy cầm lấy ống nói, và gọi trung đoàn trưởng: - Anh Trang nói chuyện với đại đoàn trưởng. Đầu dây đằng kia, tiếng đại đoàn trưởng ồm ồm: - Đồng chí Trang đấy phải không?... Tình hình phát triển đến đâu rồi? Trang trả lời ngập ngừng: - Báo cáo đồng chí... vẫn chưa giải quyết xong hầm ngầm. Địch vẫn bắn đại bác vào đồn và tiếp tục phản kích mạnh. Nó tăng viện cả xe tăng. - Xe tăng và quân tiếp viện của nó lên theo đường nào?... Không nắm được à? - Tiếng nói của đại đoàn trưởng bắt đầu dằn giọng. Ngay lúc đó có một giọng nói khác xa hơn: - Anh Ngọc hỏi đồng chí Trang: Nó là hầm ngầm hay là lô cốt cố thủ? Báo cáo lên một lúc một khác, lúc nói là hầm ngầm, lúc nói là lô cốt cố thủ, cần xác định cho rõ! Trang biết đồng chí Tổng tư lệnh cũng đang nghe mình báo cáo, và vừa rồi Cục trưởng Cục Tác chiến đã chuyển cho anh câu hỏi của Đại tướng, anh càng bối rối. - Báo cáo đồng chí.... theo anh em nói thì nó là một ụ đất rất lớn ở đỉnh đồi, không biết là hầm ngầm hay chỉ là lô cốt cố thủ. Anh em đã đánh bộc phá nhiều lần nhưng không kết quả... Im lặng một lúc, anh lại nghe thấy tiếng đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến: - Cần điều tra kỹ xem nó là hầm ngầm hay chỉ là lô cốt cố thủ. Bộc phá ở trên không được thì phải tìm ra cửa hầm mà lao bộc phá vào. Các đồng chí phải điều tra và báo cáo rõ con đường địch tiếp viện. Bộ sẽ có kế hoạch chi viện cho các đồng chí. Anh Ngọc nói: "Phải giữ vững quyết tâm liên tục chiến đấu tiêu diệt bằng được A1". Theo tin tức của địch ta bắt được thì chúng rất hoang mang, ở Hà Nội bộ chỉ huy của chúng cũng đang lúng túng. Ở đây chúng đã phải lấy từng tiểu đội ở các cử điểm lên tiếp viện. Lần này đánh năm cao điểm, các đơn vị bạn đã tiêu diệt được bốn rồi, chỉ còn một cao điểm do các đồng chí phụ trách. Các đồng chí hãy cố gắng. Anh Ngọc chờ tin các đồng chí. Cục trưởng Cục Tác chiến dứt lời, đại đoàn trưởng nói tiếp: - Theo dõi xem tình hình tư tưởng của cán bộ thế nào. Có giữ vững được quyết tâm không? Nhắn cán bộ phải có động tác điều tra, phải nắm lấy hỏa lực, phối hợp binh hỏa lực cho chặt chẽ. Đừng có nóng mắt thúc bừa anh em lên, nhưng phải thật kiên quyết. Duy trì kỷ luật chiến trường cho nghiêm. Rõ chưa nào? Nghe những tiếng nói chầm chậm và dằn giọng Trang biết đại đoàn trưởng lúc này đã bực bội nóng nảy về kết quả của trận đánh. Anh tưởng đại đoàn trưởng đã buông ống nói, lại nghe đại đoàn trưởng hỏi thêm: - Đồng chí Trang này, đồng chí có cần đại đoàn giúp đỡ gì không? Trang ngẫm nghĩ rồi nói: - Vừa rồi các đơn vị trên đồn có xin tăng viện thêm. Chúng tôi hiện nay hết lực lượng dự trữ rồi. - Tôi sẽ điều ngay xuống cho đồng chí thêm hai trung đội vệ binh của đại đoàn. Trang hiểu thêm quyết tâm của cấp trên và anh biết đó là những lực lượng cuối cùng để giải quyết đồn địch. Trên A1, tiếng súng vẫn không lúc nào ngớt. Trời đã bắt đầu sáng. Trang đang ở đường hào trước sở chỉ huy của anh, da mặt xanh tái, hai má trệ xuống, đôi mắt thiếu ngủ mi khô lại và lòng con mắt vằn lên những tia máu. Từ trong sương mù dày đặc chốc chốc lại nhô ra một chiếc cáng thương binh, một chiến sĩ quần áo rách bê bết bùn máu, nhìn anh em khiêng nhau, dìu nhau, hoặc đi bước thấp bước cao chuệch choạng dưới giao thông hào lầy lội, nhiều lúc anh phải quay đi. Anh thật khó tin là bộ đội suốt hai đêm một ngày vẫn không giải quyết xong cao điểm. Các chiến sĩ của anh có bao giờ được giáo dục tư tưởng và luyện tập quân sự kỹ lưỡng như lần này? Hỏa lực của ta có bao giờ mạnh như lần này? Nhớ lại khí thế của bộ đội khi xuất quân, anh lại tự hỏi mình: Có lẽ nào một bộ đội như thế mà không hoàn thành nhiệm vụ? Một chiến sĩ cõng thương binh đang đi chầm chậm tới gần anh. Mái tóc dài loăn xoăn quen thuộc của người bị thương làm anh phải chú ý. - Ai bị thương đấy đồng chí? - Anh Vinh. - Bị thương vào đâu? - Báo cáo anh lần trước bị thương vào đầu, lần sau anh ấy bị đại bác ngất đi chưa biết trúng đâu. Người chiến sĩ kể vắn tắt, "anh ta và tiểu đoàn trưởng ở trong một ụ súng thì bị đại bác địch bắn sập, may nhờ cái rầm đổ nghiêng nên anh không việc gì, còn tiểu đoàn trưởng ngất đi. Cửa hầm bị hỏa lực địch kiểm soát. Anh phải cuốc vỡ lỗ châu mai quay về phía ta và cõng tiểu đoàn trưởng thoát ra ngoài". Nói xong, người chiến sĩ lại chậm chạp bước đi. Những lời nói rất bình thường của người chiến sĩ đã làm cho trung đoàn trưởng thấy rát mặt. Anh có cảm giác, người chiến sĩ đang nói với mình: "Chúng tôi chiến đấu như thế, còn anh thì chỉ huy chúng tôi như thế đấy!". Đồng chí liên lạc nhắc anh ăn cơm sáng. Mấy ngày nay, ăn uống thất thường, nhưng không lúc nào anh thấy đói. Trưởng ban tác huấn từ trong hầm chạy ra tìm anh, thái độ lo lắng: - Báo cáo anh Trang, các tiểu đoàn vẫn báo cáo về là chưa nhận được quân tiếp viện. Không biết hai trung đội kia nó đi thế nào? Địch lại có triệu chứng sắp phản kích lớn. Một đường gân nổi hằn trên vừng trán rộng sớm có những vết nhăn của trung đoàn trưởng. Anh biết rất rõ người cán bộ chỉ huy hai trung đội lên tiếp viện này. Không thể nghi ngờ anh ta vì sợ bom đạn mà nằm lại dọc đường. Trưởng ban tác huấn ra lệnh cho một chiến sĩ liên lạc: - Đồng chí chạy thật nhanh ra suối cạn, nếu thấy đại đội 13 thì bảo lệnh của trung đoàn phải lên đồn ngay để đánh địch phản kích. Nếu không thấy nó ở suối cạn thì vượt qua cửa đột phá vào đồn xem nó ở đâu, bảo phải bắt liên lạc với anh Quân và anh Quỳ. Xong việc về đây báo cáo. Liên lạc viên đi mất hút không thấy về. Những tiếng nói rát ruột vẫn vang từ máy điện thanh như những tiếng kêu cứu: - "Báo cáo Em Trang: Dì cả chưa nhận được khăn quàng. Có hai con bò vàng đang ăn cỏ ở đường chỉ xanh...". Sương mù đã vén về những rặng núi xa. Đồn địch hiện ra trước mặt dưới làn khói tro. Trung đoàn trưởng lẩm bẩm. - Hay là lại thương vong rồi? Hai trung đội vệ binh của bộ tư lệnh đại đoàn điều xuống đã tới trước cửa hầm. Trung đoàn trưởng Trang gọi điện thoại báo cáo tình hình với đại đoàn trưởng và đề nghị cho mình vào đồn chỉ huy. Lần này, anh được đại đoàn trưởng đồng ý. CAO ĐIỂM CUỐI CÙNG Hữu Mai Chương 9 Buổi trưa, trời nắng to. Một thứ ánh nắng màu đồng vàng chóe nung đỏ thêm quả đồi Ai đã bầm tím vì máu và lửa đạn. Gió Lào từng cơn đổ về nóng hầm hập như hơi tuôn ra từ một lò than. Không gian rung rinh vì tiếng máy bay. Trong khoảng không như có những vòng tròn đang xô đuổi nhau lan rộng mãi ra, giống khi ta ném một hòn đá trên mặt hồ. Tàu bay hai thân của địch lượn khá thấp. Đoán là chúng thả dù tiếp viện quân, anh chiến sĩ điện thanh cho máy chạy báo cáo tình hình với đại đoàn. Anh nhận được lệnh chuẩn bị cho anh em đánh địch nhảy dù tiếp viện. Lệnh đến với anh trong khi góc đồn này chỉ còn lại anh với đồng chí phụ máy và những chiến hào đầy thương binh tử sĩ. Chính trị viên tiểu đoàn ra ngoài đồn từ đêm hôm trước để tổ chức tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Sáng hôm qua, tiểu đoàn trưởng bị thương cũng ra khỏi đồn. Anh và người phụ máy ở lại làm việc với ban chỉ huy đại đội. Một toán địch rất đông xung phong vào chiến hào. Những người còn lại nếu không bị đánh bật về phía sau, thì đã hy sinh rồi. Riêng hai người đã chọn một căn hầm sập nửa, đặt máy làm việc nên địch không biết. Khi chúng tràn qua, hai người vội vàng thu máy và bình pin đi theo đường hào bên tay trái vào phía trong để tránh bị bọn địch nhận thấy khi chúng quay trở lại. Và họ đã dừng lại ở góc đồn này tiếp tục liên lạc với đại đoàn. Lúc họ mới tới đây, ngoài số thương binh còn ba đồng chí không bị thương. Họ tự động chia nhau bố trí các ngả phòng địch đánh tới. Một giờ sau, họ nhìn thấy hướng Mường Thanh, địch tiếp viện lên rất đông quân. Biết địch sắp phản công lớn, mấy người bàn nhau nên rút lui ra phía cửa mở tìm cán bộ bắt liên lạc với đơn vị. Họ đã khoác súng đạn lên người, bỗng anh chiến sĩ điện thanh có ý kiến: - Các đồng chí hãy chờ tôi báo cáo đại đoàn... Anh mở máy, nói với ban thông tin đại đoàn tình hình và ý định rút lui. Một lát sau đồng chí giữ máy ở đại đoàn bảo anh chú ý nhận lệnh trực tiếp của đại đoàn trưởng. Mặt người chiến sĩ tái đi, tay cầm ống nghe run run. Ống nghe bỗng vang ra một thứ tiếng thật lại dõng dạc và rền như tiếng chuông: "Lệnh của Đại tướng không được ai rút lui lúc khó khăn này. Còn một người cũng chiến đấu, động viên nhau chiến đấu đến cùng bảo vệ trận địa, bảo vệ thương binh... Nhận đủ trả lời!". Anh vội vàng đáp ngay: "Báo cáo nhận đủ ạ" Từ trước tới nay, anh chỉ làm công việc truyền lại những mệnh lệnh của trên qua miệng những anh em cùng là đài viên với nhau, có trực tiếp với cán bộ thì cũng chỉ tới cấp chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn là cùng. Lần này, lại chính đại đoàn trưởng trực tiếp ra lệnh cho anh, trực tiếp chỉ huy anh. Không những thế, đại đoàn trưởng còn truyền đạt cho anh mệnh lệnh của Đại tướng. Vậy ra ông Đại tướng đang chỉ huy trận đánh này. Cái đồi A1 chắc rất quan trọng. Đại tướng ở xa lắm, đâu mãi Thái Nguyên, mà cũng phải chỉ huy lên tận đây từng giờ, hỏi nó quan trọng đến thế nào?... Anh không ngờ cuộc đời cổ cày vai bừa ngày trước, dắt cái xe đạp cho cậu chủ cũng không biết dắt bị chửi, ra bộ đội ít lâu đã sử dụng được cả chiếc máy kỳ lạ, và trong trận đánh này lại được Đại tướng ra lệnh, được cấp đại đoàn trực tiếp chỉ huy. Người chiến sĩ cuống quýt nói: - Các đồng chí ơi! Không ai đi đâu nữa! Tôi xin nói để các đồng chí biết: Đại đoàn trưởng vừa nói với chúng ta, theo lệnh của Đại tướng còn một người cũng không rút lui, phải ở lại trận địa, động viên nhau chiến đấu đến cùng, bảo vệ đồi, bảo vệ thương binh. Những bộ mặt các chiến sĩ mất máu vì đói khát, thức đêm và khói đạn, bừng sáng lên như ngày đông xám chợt có ánh mặt trời. Thương binh nằm ở giao thông hào nhổm cả dậy bảo nhau: - Có lệnh trên rồi, các cậu ở cả đây thôi, không đi đâu nữa! Các chiến sĩ trở về vị trí chiến đấu cũ. Anh giữ máy điện thanh trèo lên miệng hào quan sát một lúc rồi quay xuống. Anh nói: