🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cảnh Đồi Mờ Xám - Kazuo Ishiguro & Lan Young (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo CẢNH ĐỒI MỜ XÁM Tác giả: Kazuo Ishiguro Dịch giả: Lan Young Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Văn học 10-2019 —★— ebook©vctvegroup Nhận được tin Keiko, con gái lớn của mình tự tử, Etsuko, một phụ nữ Nhật Bản sống một mình ở Anh đã bắt đầu cuộc hành trình chìm đắm vào những kí ức về một mùa hè ở Nagasaki hậu chiến. Trung tâm của những kí ức mơ hồ ấy là một tình bạn lạ lùng với Sachiko, người đã bị cuộc chiến tranh tước đi tất cả trừ đứa con gái nhỏ cùng một khao khát mãnh liệt phải đến nước Mỹ bằng mọi giá. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Kazuo Ishiguro đã khắc họa nên bức tranh những số phận ở nước Nhật Bản bại trận, nơi các nhân vật của ông vật lộn, xoay xở, dằn vặt với những thay đổi đến quá nhanh và quá dữ dội. Nhưng sâu hơn, cuốn sách còn là một cuộc thăm dò đầy tinh tế cái bí ẩn của kí ức. Cuộc sống hiện tại đặt nền móng trên kí ức, nhưng đến lượt mình, chính kí ức lại vô cùng bất trắc, khó lường. PHẦN MỘT Chương một N iki, cái tên chúng tôi rốt cuộc đặt cho con gái út của mình, không phải tên tắt mà là một thỏa hiệp giữa tôi với cha con bé. Trái khoáy ở chỗ, anh lại là người muốn chọn một cái tên Nhật Bản cho nó, còn tôi - có lẽ vì một mong muốn ích kỷ không muốn gọi lại quá khứ - nên cứ nhất quyết đòi một cái tên Anh. Cuối cùng thì chồng tôi cũng đồng ý với Niki, vì tin rằng có đôi chút Đông phương phảng phất trong đó. Con bé về thăm tôi hồi đầu năm nay, vào tháng Tư, khi ngày vẫn trôi qua trong lạnh giá và mưa phùn. Có thể nó vốn định ở lại lâu hơn. Tôi không biết nữa. Nhưng ngôi nhà thôn quê và sự tĩnh lặng xung quanh khiến nó bức bối, chẳng bao lâu sau, tôi thấy rõ nó đã rất nóng lòng muốn trở về cuộc sống của mình ở London. Nó nghe các đĩa hát cổ điển của tôi với vẻ bồn chồn, lật vội qua biết bao cuốn tạp chí. Điện thoại thường xuyên đổ chuông, nó vội bước qua tấm thảm, thân hình mảnh dẻ siết trong bộ quần áo bó, cẩn thận đóng cánh cửa sau lưng để tôi không nghe được cuộc nói chuyện. Nó rời đi sau năm ngày. Phải tới ngày thứ hai nó mới nhắc đến Keiko. Hôm ấy là một buổi sáng hút gió ảm đạm, chúng tôi đã kê ghế bành ra gần cửa sổ để ngắm mưa rơi xuống mảnh vườn nhà. “Mẹ có nghĩ con sẽ đến không?” nó hỏi. “Ý con là đến lễ tang ấy.” “Không, mẹ nghĩ là không. Mẹ không thực sự nghĩ con sẽ tới.” “Nghe tin về chị ấy, con cũng buồn. Con đã suýt đến đấy.” “Mẹ chưa bao giờ nghĩ con sẽ tới.” “Mọi người không ai hiểu con bị làm sao,” nó nói. “Con không hề nói với bất kỳ ai. Chắc vì con thấy xấu hổ. Quả thực họ sẽ không hiểu được, họ sẽ không thể hiểu cảm giác của con về chuyện ấy. Chị em gái lẽ ra phải là người ta thấy gần gũi, đúng không. Có thể ta không thích họ lắm, nhưng ta vẫn gần gũi với họ. Nhưng sự thực lại không phải thế. Đến bây giờ, con thậm chí còn không nhớ chị ấy trông thế nào.” “Đúng thế, lần cuối cùng con gặp chị cũng đã khá lâu rồi.” “Con chỉ nhớ chị ấy luôn khiến con khổ sở. Con chỉ nhớ có thế về chị ấy. Nhưng mặc dầu vậy, con vẫn buồn khi nghe tin.” Có lẽ điều thôi thúc con gái tôi quay trở lại London không chỉ là sự tĩnh lặng. Vì dù chúng tôi không bao giờ nói chuyện lâu về cái chết của Keiko, chủ đề ấy không bao giờ khuất dạng, luôn lảng vảng bất cứ khi nào chúng tôi trò chuyện với nhau. Không giống Niki, Keiko là người Nhật thuần và hơn một tờ báo đã mau mắn bám vội lấy chi tiết này. Người Anh thích nghĩ rằng tự vẫn đã ăn sâu vào máu người Nhật chúng tôi, cứ như thể chẳng cần phải giải thích gì thêm; vì đó là tất cả những gì họ đưa lên mặt báo, rằng con bé là người Nhật và nó đã treo cổ trong phòng riêng. ⁎ ⁎ ⁎ Cũng chính buổi tối hôm ấy, khi đang đứng cạnh các ô cửa sổ đưa mắt nhìn ra bóng tối ngoài kia, tôi bỗng nghe tiếng Niki sau lưng mình: “Mẹ đang nghĩ gì thế?” Nó đang ngồi vắt ngang người trên ghế trường kỷ, một cuốn sách bìa mềm đặt trên đầu gối. “Mẹ đang nghĩ về một người mẹ từng quen. Một phụ nữ mẹ từng quen.” “Một người mẹ quen hồi mẹ… Trước khi mẹ đến Anh?” “Mẹ quen cô ấy hồi mẹ sống ở Nagasaki, nếu đó là điều con muốn hỏi.” Thấy nó tiếp tục nhìn mình, tôi nói thêm, “Đã lâu lắm rồi. Rất lâu trước khi mẹ gặp cha con.” Có vẻ hài lòng với câu trả lời nên sau khi buông một lời bình luận bâng quơ, nó quay lại với cuốn sách. Nói chung, Niki là một đứa trẻ biết quan tâm. Nó đến đây không chỉ để xem tôi đón nhận tin về cái chết của Keiko thế nào; nó đến thăm tôi xuất phát từ cảm giác sứ mệnh. Vì trong mấy năm gần đây, do quyết định cảm phục một số khía cạnh nhất định trong quá khứ của tôi, nó đã chuẩn bị tinh thần để nói với tôi rằng mọi chuyện đến giờ không có gì thay đổi, rằng tôi không nên ân hận vì những lựa chọn trước đây của mình. Nói ngắn gọn, để trấn an rằng tôi không phải chịu trách nhiệm trước cái chết của Keiko. Lúc này, tôi hoàn toàn không muốn nói nhiều về Keiko vì điều ấy không an ủi tôi là mấy. Tôi nhắc đến Keiko ở đây chỉ vì chuyện đó liên quan đến chuyến thăm của Niki hồi tháng Tư này, và vì chính trong chuyến thăm ấy, tôi lại nhớ đến Sachiko sau ngần ấy thời gian. Tôi chưa bao giờ thực sự thân với Sachiko. Trên thực tế, tình bạn của chúng tôi chỉ kéo dài có vài tuần lễ, không hơn, trong một mùa hè đã nhiều năm về trước. ⁎ ⁎ ⁎ Lúc ấy, những ngày khủng khiếp nhất đã qua. Lính Mỹ vẫn đông như trước - vì đang có chiến trận ở Triều Tiên - nhưng ở Nagasaki, sau những gì đã xảy ra trước đó thì đó là những tháng ngày yên ả và nhẹ nhõm. Có cảm giác thế giới đang thay đổi. Tôi và chồng sống tại một khu vực ở phía Đông của thành phố, chỉ cách trung tâm một chuyến xe điện ngắn. Gần chỗ chúng tôi ở có một con sông, có lần tôi nghe nói từng có một ngôi làng mọc lên ven bờ sông hồi trước chiến tranh. Nhưng rồi bom giội xuống và tất cả những gì còn sót lại chỉ là những đống đổ nát cháy đen. Việc tái thiết đã được tiến hành và chẳng bao lâu sau, bốn tòa nhà bê tông đã mọc lên, mỗi tòa có khoảng bốn mươi căn hộ riêng biệt. Trong số bốn tòa nhà tập thể ấy, tòa của chúng tôi được xây sau rốt, cũng chính vào thời điểm chương trình tái thiết bị tạm hoãn; vậy là giữa chúng tôi và con sông là một vùng đất trống vài mẫu toàn bùn khô và mương rãnh. Rất nhiều người phàn nàn coi ni đó là một mối đe dọa về mặt sức khỏe, và quả thật việc thoát nước ở đó rất kinh khủng. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng có những hố đầy nước tù đọng, vào những tháng mùa hè, muỗi nhiều đến mức không ai chịu nổi. Thỉnh thoảng cũng thấy các viên chức tới sải chân đo đạc hoặc nguệch ngoạc ghi chép, nhưng rồi nhiều tháng trôi qua mà đâu vẫn hoàn đấy. Cư dân của khu tập thể cũng là những người như chúng tôi - các cặp vợ chồng trẻ, chồng tìm được công việc khá khẩm tại những công ty đang lên. Các công ty là chủ sở hữu của nhiều căn hộ, họ cho nhân viên của mình thuê lại với giá rất hào phóng. Căn hộ nào cũng giống nhau; sàn tatami, nhà tắm và bếp theo thiết kế phương Tây. Chúng đều nhỏ và rất khó giữ cho mát mẻ trong những tháng nóng nực, nhưng về tổng thể, các cư dân ở đây dường như đều có chung cảm giác hài lòng. Tuy vậy, ở đó, tôi vẫn còn nhớ rõ một bầu không khí tạm bợ không lẫn đi đâu được, như thể tất cả chúng tôi đang chờ đến ngày được chuyển tới sống ở một nơi khác tiện nghi hơn thế. Có một ngôi nhà gỗ nhỏ vẫn tồn tại qua sự tàn phá của cả chiến tranh lẫn những cỗ xe ủi đất của chính quyền. Tôi có thể thấy ngôi nhà từ cửa sổ căn hộ của mình, đứng lẻ loi cuối bãi đất trống rộng lớn, gần như ngay sát bờ sông. Đó là một ngôi nhà nhỏ kiểu thường gặp ở nông thôn, mái ngói dốc xuống gần sát mặt đất. Trong những khoảnh khắc trống rỗng, tôi vẫn thường đứng bên cửa sổ trân trân nhìn ngôi nhà đó. Nếu xét tới những chú ý mọi người dành cho sự xuất hiện của Sachiko, thì tôi không phải người duy nhất để mắt đến ngôi nhà ấy. Người ta bàn tán rất nhiều về hai nam công nhân một ngày nọ làm việc ở đó - những chuyện như không biết họ có phải viên chức nhà nước hay không, về sau người ta đồn rằng có người phụ nữ và đứa con gái nhỏ đến sống tại ngôi nhà, chính tôi cũng đã vài dịp thấy hai mẹ con đi qua bãi đất đầy mương rãnh. Lúc ấy là đầu hè - tôi đang mang bầu được ba hoặc bốn tháng - khi tôi lần đầu tiên để ý thấy chiếc xe Mỹ to đùng màu trắng và móp méo đang xóc nẩy chạy trên khu đất, hướng về phía bờ sông. Lúc đó trời đã sẩm tối, mặt trời đang lặn xuống sau căn nhà, thoáng chốc lóe lên trên lớp vỏ xe bằng sắt. Rồi một buổi chiều nọ, tôi nghe thấy hai phụ nữ ở trạm chờ xe điện nói chuyện về người đàn bà đã chuyển tới căn nhà vô chủ bên sông. Một người kể cho người kia mình đã nói chuyện với người ấy vào sáng hôm đó và được đáp lại bằng một thái độ khinh khỉnh không lẫn đi đâu được. Người đi cùng đồng ý rằng người mới đến có vẻ thiếu thân thiện - thậm chí có khi là kênh kiệu nữa. Cô ta trẻ lắm cũng phải ba mươi tuổi, vì con gái cô ta ít nhất cũng đã lên mười. Người phụ nữ thứ nhất bảo cô ta nói giọng Tokyo và chắc chắn không phải dân Nagasaki. Họ bàn tán một lúc về “người bạn Mỹ” của cô, rồi người phụ nữ nhắc lại thái độ kém thân thiện người lạ mặt dành cho mình sáng hôm đó. Tôi không nghi ngờ gì rằng trong số các phụ nữ cùng sống ở khu tập thể vào thời điểm đó, có những người đã phải chịu đau khổ, mang trong mình những ký ức buồn thương và kinh hoàng. Nhưng khi chứng kiến cảnh họ từng ngày bận bịu với chồng con, tôi thấy thật khó tin họ đã từng có lúc sống cuộc đời chất chứa những thảm kịch và ác mộng thời chiến. Tôi không bao giờ cố ý tỏ ra thiếu thân thiện, nhưng nếu bảo tôi không cố chứng minh điều ngược lại thì chắc cũng chẳng sai. Vì vào thời điểm ấy trong đời mình, tôi vẫn còn muốn mọi người để mình được yên. Vậy là tôi chăm chú lắng nghe hai phụ nữ nói chuyện về Sachiko. Tôi có thể hồi tưởng lại một cách sống động buổi chiều hôm ấy ở trạm chờ xe điện. Đó là một trong những ngày rực rỡ ánh nắng đầu tiên sau mùa mưa tháng Sáu, và quanh chúng tôi, các bức tường gạch và bê tông dầm nước đang dần khô ráo. Chúng tôi đang đứng trên cây cầu xe lửa và ở một bên đường ray ngay dưới chân đồi, ta có thể thấy một đám mái nhà tụm lại một chỗ, như thể các ngôi nhà đã xô nhau cùng trượt xuống dốc. Xa hơn một chút là khu tập thể của chúng tôi, nhìn như bốn cột bê tông. Lúc đó, tôi thấy đồng cảm với Sachiko, thấy phần nào hiểu được thái độ xa lánh tôi đã nhận ra khi quan sát cô từ xa. Chúng tôi rồi sẽ trở thành bạn bè với nhau vào mùa hè ấy và tôi sẽ được cô gửi gắm tâm sự riêng, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Giờ thì tôi không nhớ chúng tôi đã gặp nhau lần đầu tiên như thế nào. Chỉ nhớ một chiều nọ tội nhận ra cô đang đi trước mình trên con đường nhỏ dẫn ra khỏi khu dân cư. Tôi vội vã đuổi theo, còn Sachiko cứ bình thản bước. Chắc hẳn lúc ấy chúng tôi đã biết tên nhau rồi, vì tôi nhớ đã gọi cô khi đến gần. Sachiko quay lại chờ tôi bắt kịp. “Có chuyện gì sao?” cô hỏi. “Thấy chị ở đây em mừng quá,” tôi nói, có chút hụt hơi. “Con gái chị, lúc em ra khỏi nhà, nó đang đánh nhau. Ở đằng kia, gần mấy rãnh nước ấy.” “Nó đánh nhau sao?” “Với hai đứa trẻ khác. Một đứa là con trai. Chúng đánh nhau dữ lắm.” “Vậy hả.” Sachiko bắt đầu đi tiếp. Tôi đi bên cạnh cô. “Em không muốn làm chị hoảng hốt,” tôi nói, “nhưng hình như chúng đánh nhau dữ lắm. Em còn thấy một vết cắt trên má con gái chị nữa thì phải.” “Vậy sao.” “Ở đằng kia, phía cuối bãi đất.” “Chúng nó vẫn đang đánh nhau à?” Cô tiếp tục đi lên đồi. “Không. Em thấy con gái chị bỏ chạy.” Sachiko mỉm cười nhìn tôi. “Em không quen thấy trẻ con đánh nhau phải không?” “Trẻ con đánh nhau thì cũng không tránh được. Nhưng em nghĩ nên nói cho chị biết. Và em nghĩ nó không định đến trường đâu. Mấy đứa kia tiếp tục đi về phía trường học, nhưng con gái chị lại quay về phía bờ sông.” Sachiko không trả lời, chỉ tiếp tục đi lên đồi. “Sự thực là,” tôi tiếp tục, “em đã định nói với chị chuyện này từ trước. Chị thấy đấy, dạo này em đã nhiều lần bắt gặp con gái chị. Hình như con bé trốn học chút ít hay sao ấy.” Con đường chia ngả trên đỉnh đồi. Sachiko dừng lại, chúng tôi nhìn nhau. “Em quan tâm đến con gái chị như vậy thật tử tế quá, Etsuko ạ,” cô nói, “hết sức tử tế. Nhất định em sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời.” Cũng như hai phụ nữ ở trạm chờ xe điện, trước đây tôi vẫn nghĩ Sachiko khoảng ba mươi tuổi. Nhưng có lẽ dáng người trẻ trung của cô đã đánh lừa chúng tôi, vì nét mặt cô già dặn hơn nhiều. Cô đang nhìn tôi với vẻ thích thú thoáng hiện trên khuôn mặt, cái nhìn của cô có gì đó khiến tôi phải lúng túng cười trừ. “Chị rất cảm ơn khi em tìm chị thế này,” cô nói tiếp. “Nhưng như em thấy đấy, giờ chị đang bận chút việc. Chị phải vào Nagasaki.” “Không sao. Em chỉ nghĩ tốt hơn cả là đến nói cho chị hay, chỉ vậy thôi.” Trong khoảnh khắc, cô lại tiếp tục nhìn tôi vẫn với ánh mắt thích thú ấy. Rồi cô nói, “Em mới tử tế làm sao. Giờ thì chị xin phép. Chị phải vào thành phố.” Cô cúi chào, sau đó quay sang ngả đường dẫn lên trạm chờ xe điện. “Chỉ vì nó có vệt xước trên má thôi,” tôi nói, hơi cao giọng. “Còn con sông nữa, nhiều khúc rất nguy hiểm. Em chỉ nghĩ tốt nhất nên tìm gặp chị rồi nói cho chị hay.” Cô quay lại nhìn tôi một lần nữa. “Etsuko này, nếu em không còn việc gì để làm,” cô nói, “thì chắc hôm nay em sẽ không ngại trông con bé giúp chị đâu nhỉ. Buổi chiều chị sẽ về. Chị tin chắc em với nó sẽ rất hợp nhau.” “Em sẽ không phản đối, nếu chị muốn thế. Em phải nói là em có cảm giác con gái chị vẫn còn quá nhỏ để ở một mình suốt ngày.” “Em mới tử tế làm sao,” Sachiko nhắc lại. Rồi cô mỉm cười một lần nữa. “Đúng thế, chị tin rằng em sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời.” Sau khi chia tay Sachiko, tôi xuống đồi, đi qua khu dân cư để quay về nhà. Chỉ một lúc sau, tôi thấy mình đã về đến bên ngoài tòa nhà nơi mình ở, nhìn ra dải đất trống. Không thấy bóng dáng con bé đâu, đang định quay vào thì tôi bỗng phát hiện có thứ gì đó di chuyển dọc bờ sông. Chắc con bé chỉ vừa mới đứng lên, vì giờ tôi có thể thấy rõ bóng dáng bé bỏng của nó bên kia khoảng đất đầy bùn. Thoạt đầu, một cảm giác hối thúc dâng lên trong lòng, khiến tôi những muốn quên hết chuyện này đi để quay về làm việc nhà. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn tiến về phía con bé, cẩn thận tránh những rãnh nước tù. Theo những gì tôi nhớ thì đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Mariko. Cách hành xử của nó vào buổi sáng hôm ấy chắc cũng không có gì quá bất thường, vì thực ra tôi cũng chỉ là một người lạ mặt. Nó hoàn toàn có quyền ngờ vực tôi. Và nếu quả là tôi có cảm giác bất an lạ lùng nào đó vào hôm ấy, thì có lẽ cũng chỉ là phản ứng bình thường trước thái độ của Mariko. Sau mùa mưa vài tuần trước, nước sông sáng hôm ấy vẫn khá cao và chảy xiết. Bờ đất dốc thẳng xuống mặt nước, bùn ở chân dốc nơi con bé đang đứng trông sũng nước hơn hẳn. Mariko mặc một chiếc váy bông đơn giản, dài tới gối, mái tóc cắt ngắn khiến nó có vẻ giống con trai. Không cười, nó ngẩng lên nhìn tôi đang đứng trên đỉnh con dốc bùn. “Chào cháu,” tôi nói, “cô vừa nói chuyện với mẹ cháu xong. Cháu là Mariko phải không?” Cô bé tiếp tục nhìn tôi không chớp mắt, chẳng nói một lời. Vệt trên má khi nãy tôi tưởng là máu, giờ hóa ra chỉ là một vết bùn. “Giờ này lẽ ra cháu phải ở trường chứ, đúng không?” tôi hỏi. Nó im lặng một lát. Rồi lên tiếng: “Cháu không đi học.” “Nhưng trẻ em là phải đi học. Cháu không thích đi học à?” “Cháu không đi học.” “Nhưng mẹ cháu không gửi cháu tới trường nào ở đây sao?” Mariko không đáp. Thay vào đó, nó lùi lại một bước. “Cẩn thận đấy,” tôi nói. “Không là cháu sẽ ngã xuống nước mất. Trơn lắm đấy.” Nó tiếp tục đứng dưới chân dốc nhìn lên chỗ tôi đứng. Tôi thấy đôi giày nhỏ xíu của nó nằm ngay cạnh. Cả giày và đôi chân trần của nó đều lấm lem bùn. “Cô vừa nói chuyện với mẹ cháu,” tôi nói, mỉm cười mong nó yên tâm. “Mẹ cháu nói sẽ rất vui nếu cháu lên nhà cô chờ mẹ về. Nhà cô đằng kia kìa, ở khu tập thể ấy. Cháu có thể lên nhà với cồ, ăn thử bánh cô làm hôm qua. Cháu có thích không, Mariko? Rồi cháu có thể kể chuyện của cháu cho cô nghe nữa.” Mariko vẫn nhìn tôi đầy cảnh giác. Rồi không rời mắt khỏi tôi, nó cúi xuống nhặt giày. Lúc đầu, tôi cứ tưởng điều đó có nghĩa nó chuẩn bị đi theo mình. Nhưng khi thấy nó vẫn tiếp tục nhìn mình, tôi mới hiểu ra nó nhặt giày lên là để sẵn sàng bỏ chạy nếu cần. “Cô không làm hại cháu đâu,” tôi nói rồi cười một cách căng thẳng. “Cô là bạn của mẹ cháu mà.” Theo những gì tôi nhớ, hai chúng tôi chỉ nói với nhau có thế vào buổi sáng hôm ấy. Không muốn làm con bé hoảng sợ thêm nên chỉ một lúc sau, tôi đã quay người, vượt qua bãi đất trống về nhà. Quả thực, phản ứng của con bé có phần khiến tôi phật ý; vì trong khoảng thời gian ấy, những điều tuy nhỏ nhặt vậy thôi nhưng lại khơi dậy trong tôi biết bao nỗi e sợ về bổn phận làm mẹ. Tôi tự nhủ chuyện vừa xảy ra chẳng có gì to tát và dù sao chăng nữa, trong những ngày tiếp theo, thế nào cũng có thêm nhiều cơ hội để tôi kết bạn với nó. Nhưng hóa ra, phải đến một buổi chiều khoảng hai tuần sau đó, tôi mới lại nói chuyện với Mariko. ⁎ ⁎ ⁎ Trước chiều hôm ấy, tôi chưa bao giờ đặt chân vào bên trong ngôi nhà nhỏ và đã khá ngạc nhiên khi được Sachiko mòi vào. Trên thực tế, tôi đã lập tức nhận ra cô mời mình là có mục đích gì đó. Quả đúng như vậy, tôi không nhầm. Căn nhà rất gọn gàng, nhưng tôi vẫn nhớ nó tỏa ra một vẻ tồi tàn ảm đạm; xà nhà bằng gỗ trên trần nhìn cũ kỹ và thiếu an toàn, chỗ nào trong nhà cũng phảng phất một mùi ẩm thấp. Cửa trượt ở mặt trước ngôi nhà đã được mở tung cho ánh sáng mặt trời tràn qua hiên vào trong. Mặc dầu thế, phần lớn ngôi nhà vẫn chìm trong bóng tối. Mariko đang nằm ở góc nhà cách xa nguồn sáng mặt trời nhất. Dù rất tối, tôi vẫn thấy có gì đó đang cựa quậy cạnh nó. Lại gần, tôi nhận ra đó là một con mèo lớn đang cuộn tròn trên mặt sàn tatami. “Xin chào, Mariko,” tôi nói. “Cháu có nhớ cô không?” Nó ngừng vuốt ve con mèo và ngước lên. “Cô cháu mình gặp nhau hôm nọ,” tôi nói tiếp. “Cháu không nhớ sao? Ở bờ sông ấy.” Con bé không có vẻ gì đã nhận ra tôi. Nó nhìn tôi một lúc, sau đó lại bắt đầu vuốt ve con mèo. Sau lưng mình, tôi nghe tiếng Sachiko đang pha trà trên bếp đặt ở giữa phòng. Đang định lại chỗ cô thì đột nhiên Mariko lên tiếng, “Nó sắp đẻ rồi.” “Thật sao? thế thì thích thật.” “Cô có muốn một con mèo con không?” “Cháu thật tốt, Mariko. Để cô xem thế nào đã nhé. Nhưng cô tin chắc thế nào lũ mèo con cũng tìm được một mái nhà tử tế.” “Sao cô không lấy một con mèo con?” cô bé hỏi. “Cô kia bảo sẽ lấy một con.” “Để cô nghĩ đã nhé, Mariko. Cô nào cơ?” “Cô bên kia sông. Cô ấy bảo sẽ lấy một con.” “Nhưng cô không nghĩ có ai sống ở bên kia sông, Mariko. Bên ấy chỉ toàn cây cối với rừng thôi mà.” “Cô ấy nói sẽ dẫn cháu đến nhà cô ấy. Cô ấy sống bên kia sông. Cháu không đi theo cô ấy.” Tôi nhìn cô bé trong giây lát. Rồi chợt nghĩ ra, tôi cười phá lên. “Nhưng đó chính là cô mà, Mariko. Cháu không nhớ sao? Cô bảo cháu lên nhà cô chờ mẹ cháu từ thành phố về mà.” Mariko lại ngẩng lên nhìn tôi. “Không phải cô,” nó nói. “Mà là cô kia. Cô ấy sống bên kia sông cơ. Tối hôm qua cô ấy đến đây. Khi mẹ cháu đi vắng.” “Tối hôm qua? Khi mẹ cháu đi vắng?” “Cô ấy nói sẽ dẫn cháu sang nhà cô ấy, nhưng cháu không chịu. Vì lúc ấy trời đã tối. Cô ấy nói thế thì cầm đèn theo” - con bé đưa tay chỉ chiếc đèn xách tay treo trên tường - “nhưng cháu không đi theo cô ấy. Vì lúc ấy trời đã tối.” Phía sau tôi, Sachiko đã đứng dậy và đang nhìn con gái. Mariko trở nên im lặng, sau đó ngoảnh đi và tiếp tục vuốt ve con mèo. “Ra ngoài hiên đi,” Sachiko nói với tôi, tay bê khay trà. “Ngoài ấy mát hơn.” Hai chúng tôi làm theo lời cô, để Mariko lại một mình ở góc nhà của nó. Từ ngoài hiên, tuy không thể nhìn thấy dòng sông, nhưng tôi vẫn thấy rõ nơi triền đất dốc xuống và lớp bùn càng gần mặt nước trông càng ẩm ướt hơn hẳn. Sachiko ngồi lên một tấm đệm và bắt đầu rót trà. “Ở đây nhan nhản mèo hoang,” cô nói. “Chị không thấy lạc quan cho lắm về tương lai của lũ mèo con này đâu.” “Đúng thế, có quá nhiều mèo hoang,” tôi đáp. “Thật đáng thương. Mariko tìm thấy con mèo mẹ ở đây hả chị?” “Không, mẹ con chị mang nó theo. Nếu là chị thì chị đã bỏ nó lại rồi, nhưng Mariko nhất quyết không chịu nghe lời.” “Chị đưa nó về đây từ tận Tokyo sao?” “Không. Chị với con bé đã sống gần một năm trời ở Nagasaki mà. Ở phía bên kia thành phố.” “Ôi vậy sao? Em không biết đấy. Chị sống ở đó cùng… cùng bạn à?” Sachiko ngừng rót trà và nhìn tôi, hai tay ôm ấm trà. Tôi thấy trong ánh nhìn của cô biểu cảm thích thú từng toát ra khi cô quan sát tôi vào lần gặp trước. “Chị e là em nhầm rồi, Etsuko ạ,” cuối cùng cô cũng lên tiếng. Rồi lại tiếp tục rót trà. “Chị sống ở nhà bác trai chị.” “Chị yên tâm, em chỉ…” “Ừ, tất nhiên rồi. Thế nên không việc gì phải ngại ngùng, đúng không?” Cô cười to rồi đưa tôi một chén trà. “Chị xin lỗi, Etsuko ạ, chị không định đùa em. Sự thật là, chị có việc này muốn hỏi em. Muốn nhờ vả em một chút.” Sachiko bắt đầu rót trà cho chính mình, và khi làm việc đó, dường như thái độ cô trở nên nghiêm túc hơn trước. Rồi cô đặt ấm trà xuống, nhìn tôi. “Em thấy đấy, Etsuko, một vài dự tính của chị không tiến triển như đã định. Vì thế nên hiện tại chị cần tiền. Không nhiều lắm, em hiểu không. Chỉ cần một chút.” “Em hiểu,” tôi nói, hạ thấp giọng. “Chắc chị rất vất vả khi phải lo cho Mariko.” “Etsuko này, chị nhờ em việc này được không?” Tôi cúi người. “Em có chút tiền tiết kiệm,” tôi nói, gần như thì thầm. “Em sẽ rất vui nếu giúp được chị phần nào.” Tôi rất ngạc nhiên khi Sachiko cười to. “Em tốt quá,” cô nói. “Nhưng thực ra, chị không muốn mượn tiền của em. Chị đang nghĩ đến việc khác. Hôm nọ em có nhắc tới một việc. Em có một người bạn có quán mì.” “Ý chị là bác Fujiwara?” “Em bảo chị hình như bác ấy đang cần người giúp việc. Một công việc nhỏ như vậy sẽ giúp được chị rất nhiều.” “À,” tôi đáp, hơi do dự. “Nếu chị muốn, em sẽ hỏi giúp.” “Thế thì tuyệt lắm.” Sachiko nhìn tôi trong giây lát. “Nhưng hình như em hơi lưỡng lự về chuyện đó, đúng không Etsuko?” “Hoàn toàn không. Bao giờ gặp bác ấy, em sẽ hỏi giúp chị. Nhưng em chỉ băn khoăn” - tôi lại hạ giọng - “ai sẽ trông con gái chị vào ban ngày?” “Mariko hả? Nó có thể giúp chị ở quán mì. Nó cũng khá được việc đấy.” “Em tin thế. Nhưng như chị thấy đấy, em không biết chắc bác Fujiwara sẽ nghĩ thế nào. Dù sao thì ban ngày Mariko nên tới trường mới phải.” “Chị đảm bảo với em, Etsuko ạ, Mariko sẽ không gây ra một phiền toái nào, dù chỉ là nhỏ nhất. hơn nữa, tuần sau là hết năm học rồi. Chị sẽ đảm bảo nó không làm vướng chân ai. Em có thể yên tâm về điều đó.” Tôi lại cúi người. “Em sẽ hỏi khi gặp bác ấy.” “Chị rất cảm ơn em.” Sachiko nhấp một ngụm trà. “Thực ra, chị muốn nhờ em hỏi bác ấy ngay trong vài hôm tới.” “Em sẽ cố.” “Em thật tốt.” Chúng tôi ngồi im một lát. Nãy giờ, tôi vẫn mải chú ý đến ấm trà của Sachiko; nhìn có vẻ là một sản phẩm cao cấp làm từ sứ trắng. Cả chén trà tôi đang cầm trong tay cũng được làm từ cùng một thứ vật liệu tinh tế ấy. Lúc này khi đang ngồi uống trà cùng nhau, đây không phải lần đầu tiên tôi sửng sốt về sự tương phản kỳ cục giữa bộ ấm chén với vẻ tồi tàn của ngôi nhà cùng mặt đất lầy lội đầy bùn dưới hiên. Khi ngẩng lên, tôi nhận ra Sachiko đang quan sát mình. “Chị quen dùng đồ sứ chất lượng cao rồi, Etsuko ạ,” cô nói. “Em biết đấy, cuộc sống của chị không phải lúc nào cũng giống…” - cô khoát tay về phía ngôi nhà - “thế này. Tất nhiên là chị không ngại một chút bất tiện. Nhưng có một số thứ chị vẫn không thể xuê xoa cho được.” Tôi cúi đầu, không nói gì. Cả Sachiko cũng bắt đầu ngắm nghía chén trà của mình. Cô tiếp tục xem xét, cẩn thận xoay nó trong tay. Rồi cô đột nhiên nói, “Chị nghĩ nói mình lấy trộm bộ ấm chén này cũng chẳng sai. Cơ mà, chắc bác chị cũng không quá nhớ nhưng bộ ấm chén này đâu.” Tôi nhìn cô, hơi ngạc nhiên. Sachiko đặt chén trà xuống trước mặt, phẩy tay xua ruồi. “Có phải chị nói chị sống ở nhà bác chị?” tôi hỏi. Cô chậm rãi gật đầu. “Một ngôi nhà xinh đẹp vô cùng. Với ao cá trong vườn. Khác xa với quang cảnh xung quanh đây.” Trong giây lát, cả hai chúng tôi cùng đưa mắt nhìn vào trong. Mariko vẫn nằm nguyên ở góc nhà từ khi chứng tôi ra ngoài, xoay lưng về phía chúng tôi. Dường như nó đang thì thào nói chuyện với con mèo. Chúng tôi lại ngồi im lặng một lúc lâu, rồi tôi lên tiếng. “Em không biết có người sống bên kia sông.” Sachiko quay ra nhìn những rặng cây ở bờ bên kia. “Không, chị cũng chưa bao giờ thấy ai bên ấy.” “Nhưng cô trông trẻ của chị. Mariko lúc nãy bảo cô ấy đến từ bên kia sông.” “Chị làm gì có người trông trẻ, Etsuko. Ở đây chị không quen ai.” “Mariko có nói về một người phụ nữ nào đó…” “Em đừng để ý đến nó.” “Ý chị là nó bịa ra sao?” Hình như Sachiko thoáng cân nhắc gì đó. Rồi cô nói, “Đúng, nó chỉ bịa chuyện ra thôi mà.” “Vâng, em đoán trẻ con thường hay làm thế.” Sachiko gật đầu, “Khi nào làm mẹ, Etsuko ạ,” cô mỉm cười nói, “em sẽ phải quen dần với những chuyện như thế.” Sau đó, chúng tôi chuyển sang các chủ đề khác. Dạo ấy là thời kỳ đầu trong tình bạn của chúng tôi và chúng tôi chủ yếu chỉ nói về những chuyện vặt vãnh. Phải đến một buổi sáng vài tuần sau đó, tôi mới nghe Mariko nhắc lại về người phụ nữ đã tìm đến nó. Chương hai V ào thời gian đó, trở lại quận Nakagawa luôn gọi lên trong tôi cảm xúc lẫn lộn cả vui lẫn buồn. Đó là một vùng nhiều đồi núi, và sâu thẳm lòng tôi luôn dấy lên cảm giác mất mát khi lại leo lên những con phố hẹp dốc đứng giữa các cụm nhà. Dù đây không phải nơi chỉ vì chợt hứng mà tìm đến, tôi vẫn không thể xa rời nó được quá lâu. Đến thăm bác Fujiwara cũng khơi dậy trong tôi những cảm xúc lẫn lộn tương tự; vì bác từng là một trong những người bạn thân nhất của mẹ tôi; một phụ nữ tốt bụng mà tới lúc ấy tóc đã bắt đầu điểm bạc. Quán mì của bác nằm ở một con ngõ nhỏ đông người qua lại; bên ngoài là một khoảng sân bê tông có mái che, là nơi khách ngồi ăn mì bên những chiếc bàn gỗ và ghế băng. Bác bán được rất nhiều cho nhân viên văn phòng vào giờ ăn trưa và lúc họ tan làm trở về nhà, nhưng những lúc khác trong ngày, quán rất thưa thớt khách. Tôi hơi căng thẳng vào buổi chiều hôm ấy vì đó là lần đầu tiên tôi ghé thăm quán kể từ khi Sachiko bắt đầu làm việc ở đó. Tôi thấy lo lắng - cho cả hai người - nhất là vì tôi không chắc bác Fujiwara có thực sự cần một người giúp việc hay không. Hôm ấy trời rất nóng, con ngõ nhỏ đông kín người. Tôi rất mừng khi cuối cùng cũng được vào nghỉ chân trong bóng râm. Bác Fujiwara rất vui khi thấy tôi. Bác bảo tôi ngồi xuống bàn, sau đó đi lấy trà. Buổi chiều hôm ấy chỉ có vài khách - mà có khi chẳng có ai, tôi không nhớ lắm - cũng không thấy bóng Sachiko đâu. Khi bác Fujiwara trở ra, tôi liền hỏi, “Bạn cháu thế nào hả bác? Chị ấy có được việc không ạ?” “Bạn cháu hả?” bác Fujiwara ngoái lại nhìn về phía cánh cửa dẫn vào bếp. “Cô ấy đang bóc tôm. Chắc cô ấy sẽ ra ngay thôi.” Rồi như thể nghĩ lại, bác đứng dậy, lại gần cửa bếp. “Sachiko ơi,” bác gọi. “Etsuko đến đấy.” Tôi nghe có tiếng trả lời từ bên trong. Khi trở lại chỗ ngồi, bác Fujiwara đưa tay chạm vào bụng tôi. “Bắt đầu thấy bụng rồi đấy,” bác nói. “Từ giờ trở đi, cháu phải chăm sóc cho cẩn thận.” “Cháu cũng không làm gì nhiều,” tôi đáp. “Cuộc sống của cháu rất dễ chịu.” “Thế là tốt. Bác nhớ có một trận động đất khá mạnh xảy ra hồi bác có thai lần đầu. Lúc ấy bác đang mang thai Kazuo. Dẫu vậy, thằng bé vẫn ra đời hoàn toàn khỏe mạnh. Cố gắng đừng lo lắng quá, Etsuko ạ.” “Cháu vẫn cố.” Tôi liếc về phía cửa bếp. “Bạn cháu ở đây ổn chứ bác?” Bác Fujiwara cũng theo tôi nhìn về phía bếp. Rồi bác quay sang nhìn tôi nói, “Bác nghĩ vậy. Hai cháu là bạn thân của nhau đúng không?” “Vâng, cháu không có nhiều bạn lắm nơi cháu sống. Cháu rất mừng vì đã gặp Sachiko.” “Đúng thế. Thật may mắn.” Bác nhìn tôi vài giây. “Etsuko này, hôm nay trông cháu có vẻ mệt mỏi.” “Chắc thế,” tôi khẽ cười. “Cháu đoán mệt cũng là bình thường, bác nhỉ.” “Đúng thế, tất nhiên rồi.” Bác Fujiwara vẫn tiếp tục nhìn vào mặt tôi. “Nhưng ý bác là trông cháu có vẻ hơi… khổ sở.” “Khổ sở ư? Chắc chắn không phải đâu. Cháu chỉ thấy hơi mệt, ngoài ra, chưa bao giờ cháu thấy hạnh phúc hơn bây giờ.” “Thế thì tốt. Lúc này cháu cần giữ cho tâm trí luôn nghĩ về những điều vui. Về đứa con của cháu, về tương lai.” “Vâng, nhất định rồi. Cứ nghĩ về con là cháu thấy vui.” “Tốt.” Bác gật đầu, vẫn không rời mắt khỏi tôi. “Thái độ của cháu sẽ quyết định tất cả. Một người mẹ, bên cạnh việc chăm sóc thể chất, còn luôn cần một thái độ lạc quan để nuôi dạy con cái.” “Vâng, cháu luôn mong chờ đến lúc đó,” tôi nói và cười. Có tiếng động khiến tôi quay ra nhìn bếp một lần nữa, nhưng vẫn chẳng thấy Sachiko đâu. “Tuần nào bác cũng gặp một cô gái,” bác Fujiwara nói tiếp. “Chắc cô ấy phải đến tháng thứ sáu hoặc tháng thứ bảy rồi. Lần nào ra nghĩa trang bác cũng gặp cô ấy. Bác chua bao giờ nói chuyện với cô ấy, nhưng cô ấy trông rất buồn khi đứng đó cùng chồng. Thật đáng buồn khi một cô gái có bầu lại cùng chồng dành cả ngày Chủ nhật để nghĩ về người chết. Bác biết là họ tưởng nhớ người đã khuất, nhưng dù sao bác vẫn thấy thật đáng buồn. Họ nên cùng nhau nghĩ tới tương lai.” “Cháu đoán là cô ấy chưa thể quên được.” “Bác cũng nghĩ thế. Bác thấy tội nghiệp cô ấy quá. Nhưng giờ thì họ nên nhìn về phía trước. Tới nghĩa trang hằng tuần không phải cách chào đón một đứa trẻ đến với cuộc đời.” “Có lẽ vậy.” “Nghĩa trang không phải nơi dành cho thanh niên. Thỉnh thoảng Kazuo cũng đi cùng bác, nhưng bác không bao giờ ép nó. Đã đến lúc nó cũng nên bắt đầu nhìn về phía trước.” “Anh Kazuo dạo này thế nào ạ?” tôi hỏi. “Công việc của anh ấy tốt không ạ?” “Công việc của nó ổn. Có lẽ tháng sau nó sẽ được lên chức. Nhưng nó cần dành thời gian cho những thứ khác nữa. Không ai trẻ mãi được cháu ạ.” Đúng lúc đó, tôi bỗng thấy một thân hình bé bỏng đứng dưới ánh nắng mặt trời, giữa dòng người vội vã qua lại. “Có phải là Mariko không?” tôi nói. Bác Fujiwara quay người. “Mariko,” bác gọi. “Cháu đi đâu về đấy?” Trong thoáng chốc, Mariko vẫn đứng yên ngoài phố. Rồi con bé bước vào bóng râm trong sân, đi qua chỗ chúng tôi, ngồi xuống một chiếc bàn trống gần đó. Bác Fujiwara nhìn con bé, sau đó đưa mắt lo lắng nhìn tôi. Hình như bác định nói gì, song lại quyết đính đứng dậy, lại gần con bé. “Mariko, cháu đi đâu về đấy?” bác Fujiwara đã hạ thấp giọng, nhưng tôi vẫn nghe được. “Cháu không thể cứ chạy đi lung tung như thế. Mẹ cháu đang rất bực mình đấy.” Mariko mân mê ngón tay. Nó không ngẩng lên nhìn bác Fujiwara. “Còn nữa, Mariko này, cháu đừng bao giờ nói với khách hàng như thế nữa nhé. Cháu có biết như thế là rất bất lịch sự không? Mẹ cháu đang rất bực mình vì cháu đấy.” Mariko vẫn tiếp tục mân mê ngón tay. Sau lưng con bé, Sachiko xuất hiện ở cửa bếp. Thấy Sachiko vào buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn nhớ lúc đó mình một lần nữa nhận ra cô thực ra còn già hơn so với tôi tưởng lúc đầu; khi mái tóc dài được cuộn kín trong chiếc khăn trùm đầu, những quầng da rệu rã quanh mắt và miệng dường như trở nên rõ rệt hơn. “Mẹ cháu đây rồi,” bác Fujiwara nói. “Bà nghĩ là mẹ cháu rất giận cháu đấy.” Cô bé vẫn ngồi yên, quay lưng về phía mẹ. Sachiko đưa mắt nhìn nó thật nhanh, rồi quay lại nở một nụ cười với tôi. “Em khỏe không, Etsuko,” cô nói, cúi mình thật tao nhã. “Thấy em ở đây chị bất ngờ quá.” Ở đầu kia sân, hai phụ nữ mặc quần áo văn phòng đang ngồi xuống bàn. Bác Fujiwara giơ tay ra hiệu với họ, rồi quay về phía Mariko một lần nữa. “Sao cháu không vào bếp một lúc đi nhỉ,” bác nói nhỏ giọng. “Mẹ cháu sẽ chỉ cho cháu phải làm gì. Dễ lắm. Bà tin một đứa bé thông minh như cháu sẽ làm được ngay.” Mariko không tỏ vẻ gì đang lắng nghe. Bác Fujiwara đưa mắt lên nhìn Sachiko, trong thoáng chốc, tôi có cảm giác họ nhìn nhau lạnh lùng. Rồi bác Fujiwara quay người bước tới chỗ khách. Có lẽ họ là khách quen, vì vừa đi qua sân, bác vừa cất tiếng chào hỏi thân tình. Sachiko lại gần, ngồi xuống mé bàn tôi. “Trong bếp nóng kinh người,” cô nói. “Chị thấy công việc ở đây thế nào?” tôi hỏi cô. “Chị thấy thế nào ấy hả? Chà, làm việc ở quán mì quả là một trải nghiệm thú vị, Etsuko ạ. Chị phải nói chị chưa bao giờ tưởng tượng nổi có ngày mình lại phải lau chùi bàn ghế ở một nơi như ở đây. Tuy nhiên” - cô cười phá lên ngay - “cũng khá hay.” “Vậy đấy. Còn Mariko thì sao, nó đã quen chưa?” Cả hai chúng tôi cùng đưa mắt sang bàn nơi Mariko ngồi; nó vẫn đang nhìn xuống tay. “À, Mariko ổn,” Sachiko nói. “Đúng là nhiều lúc nó rất bồn chồn. Nhưng trong hoàn cảnh này thì khó mà khác được. Thật đáng tiếc, Etsuko ạ, nhưng em nghĩ mà xem, con gái chị hình như không được vui tính như chị. Nó không thấy ở đây có gì hay ho.” Sachiko mỉm cười, liếc nhìn Mariko lần nữa. Rồi cô đứng dậy, lại gần con gái. Cô hỏi khẽ, “Bà Fujiwara nói với mẹ như vậy có đúng không?” Con bé vẫn im lặng. “Bà nói con lại vô lễ với khách hàng. Có đúng không?” Mariko vẫn không trả lời. “Bà nói như vậy có đúng không? Mariko, người khác hỏi thì con phải trả lời chứ.” “Cô ấy lại đến,” Mariko nói. “Tối hôm qua. Khi mẹ không có nhà.” Sachiko nhìn con vài giây. Rồi cô nói, “Mẹ nghĩ con nên vào trong. Vào đi, mẹ sẽ chỉ cho con phải làm gì.” “Tối qua cô ấy lại đến. Cô ấy bảo sẽ đưa con sang nhà cô ấy.” “Vào đi, Mariko, vào bếp chờ mẹ.” “Cô ấy sẽ cho con xem nơi ở của cô ấy.” “Mariko, vào bếp đi.” Bên kia sân, bác Fujiwara và hai người phụ nữ đang cười ầm ĩ về một chuyện gì đó. Mariko cứ trân trân nhìn lòng bàn tay mình. Sachiko quay lại chỗ tôi ngồi. “Em chờ chị một chút, Etsuko,” cô nói. “Đang có nồi sôi trong bếp. Chị sẽ quay lại ngay.” Rồi hạ giọng, cô ấy nói thêm, “Khó mà trông đọi nó sẽ hoạt bát vui vẻ khi phải ở một nơi thế này, đúng không?” Cô mỉm cười rồi tiến về phía bếp. Tới cửa, cô quay lại nhìn con một lần nữa. “Đi nào, Mariko, vào bếp nào.” Mariko không động đậy. Sachiko nhún vai rồi biến mất vào trong gian bếp. ⁎ ⁎ ⁎ Cũng khoảng thời gian đầu hè ấy, thầy Ogata đến thăm vợ chồng tôi, cũng là lần đầu tiên ông đến thăm từ sau khi chuyển nhà khỏi Nagasaki hồi đầu năm đó. Ông là cha chồng tôi, lạ làm sao khi tôi luôn coi ông là “Thầy Ogata”, dù hồi ấy tôi cũng đã đổi họ sang Ogata. Nhưng vì tôi đã quen coi ông là thầy Ogata từ quá lâu rồi - rất lâu trước cả khi gặp Jiro - nên gọi ông là “cha” vẫn cứ ngắc ngứ thế nào đó. Thầy Ogata và chồng tôi không giống nhau mấy. Bây giờ, mỗi khi hồi tưởng về Jiro, trong đầu tôi luôn hiện ra hình ảnh một người đàn ông nhỏ con, chắc nịch, luôn đeo trên mặt một biểu cảm nghiêm nghị; chồng tôi luôn cầu kỳ với vẻ bề ngoài; kể cả khi ở nhà, anh vẫn thường mặc áo sơ mi, đeo cà vạt. Tôi thấy anh lúc này, hệt như thường thấy trước đây, ngồi trên sàn tatami trong phòng khách, khom lưng ăn sáng hoặc ăn tối. Tôi nhớ anh luôn có xu hướng khom người về phía trước - điệu bộ không khác mấy một võ sĩ quyền anh - kể cả lúc ngồi hoặc lúc đi. Ngược lại, cha anh luôn ngả vai ra sau khi ngồi, và luôn mang một phong thái phóng khoáng thư thả. Khi đến thăm chúng tôi vào mùa hè ấy, thầy Ogata vẫn rất sung sức, thể lực cường tráng và năng lượng tràn trề như một người trẻ tuổi hơn rất nhiều. Tôi nhớ buổi sáng khi lần đầu tiên ông nhắc đến Shigeo Matsuda. Lúc ấy, ông đã đến nhà chúng tôi được vài bữa, rõ ràng ông thấy căn phòng vuông nhỏ bé đủ thoải mái để ở lại lâu. Sáng hôm ấy trời đẹp, ba chúng tôi đang ăn nốt bữa sáng trước khi Jiro đến văn phòng. “Cuộc họp lớp của con ấy, là vào tối nay, phải không?” ông nói với Jiro. “Không, tối mai ạ.” “Con sẽ gặp Shigeo Matsuda chứ?” “Shigeo ư? Không, con không nghĩ thế. Cậu ấy thường không tham dự những dịp thế này. Con xin lỗi vì phải đi vắng và để cha ở nhà, thưa cha. Con cũng muốn bỏ luôn cho rồi, nhưng làm thế có thể khiến mọi người phật ý.” “Đừng lo. Etsuko chăm sóc cha là đủ rồi. Và những dịp như thế này rất quan trọng.” “Con muốn nghỉ làm vài hôm,” Jiro nói, “nhưng đợt này chúng con bận quá. Như con nói đấy, đúng hôm cha đến thì chúng con nhận được đơn hàng này. Thật là phiền toái.” “Không sao đâu,” cha Jiro nói. “Cha hiểu mà. Cách đây không lâu, cha cũng từng vắt chân lên cổ vì công việc. Cha cũng chưa già lắm mà.” “Chưa ạ, tất nhiên rồi.” Chúng tôi tiếp tục ăn trong im lặng một lúc. Rồi thầy Ogata hỏi: “Vậy chắc con sẽ không gặp Shigeo Matsuda hôm nay đâu nhỉ. Nhưng thỉnh thoảng con vẫn gặp cậu ta chứ?” “Dạo này thì không thường xuyên lắm. Từ khi lớn lên, mỗi người chúng con chọn cho mình một con đường riêng.” “Ừ, chuyện vẫn xảy ra như thế. Bọn học trò mỗi đứa một con đường riêng, rồi đứa nào cũng thấy giữ liên lạc sao mà khó ghê. Đó là lý do vì sao những cuộc họp lớp thế này rất quan trọng. Người ta không nên sóm quên những mối thâm tình xưa cũ. Thỉnh thoảng, nhìn lại quá khứ cũng tốt, có thế ta mới suy nghĩ sáng suốt được. Đúng, cha nghĩ ngày mai con nhất định nên đi.” “Có lẽ đến Chủ nhật này cha vẫn còn ở chơi với chúng con,” chồng tôi nói. “Nếu thế, chúng ta có thể đi đâu chơi cả ngày.” “Được, thế cũng được. Một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng nếu con bận thì cũng hoàn toàn không vấn đề gì đâu.” “Không, con nghĩ Chủ nhật con có thể nghỉ. Con rất tiếc vì đúng lúc này con quá bận.” “Các con có mời thầy cô giáo cũ nào đến dự ngày mai không?” thầy Ogata hỏi. “Theo con biết thì không.” “Thật đáng tiếc nếu thầy cô giáo không thường xuyên được mời tới những dịp như thế. Thỉnh thoảng cha cũng được mời. Hồi cha còn trẻ, lúc nào bọn cha cũng coi mời thầy cô giáo là chuyện nhất thiết phải làm. Cha nghĩ như thế mới phải. Đó là cơ hội cho người thầy chứng kiến thành quả của mình, cũng là cơ hội để học trò bày tỏ lòng biết ơn. Cha nghĩ có mặt thầy cô giáo thì mới phải.” “Vâng, có lẽ cha có lý.” “Con người ngày nay rất chóng quên kiến thức mình có được là nhờ ơn ai.” “Vâng, cha nói rất đúng.” Chồng tôi ăn đã xong nên đặt đũa xuống. Tôi rót cho anh một ít trà. “Có một chuyện hơi kỳ cục xảy ra hôm nọ,” thầy Ogata nói. “Bây giờ nghĩ lại, cha thấy buồn cười thì đúng hơn. Cha đang ở thư viện tại Nagasaki thì bỗng thấy tờ tạp chí định kỳ này - một tờ tạp chí nhà giáo. Cha chưa bao giờ nghe đến nó, hồi cha còn công tác, nó còn chưa ra đời. Nếu đọc, con sẽ nghĩ tất cả giáo viên ở Nhật bây giờ đã là đảng viên cộng sản mất rồi.” “Rõ ràng chủ nghĩa cộng sản đang lớn mạnh ở nước ta,” chồng tôi trả lời. “Shigeo Matsuda bạn con cũng có bài viết trong tạp chí. Con cứ hình dung cha ngạc nhiên thế nào khi thấy bài viết của cậu ta có nhắc đến tên mình. Cha không nghĩ thời buổi này vẫn còn có người để tâm tới mình.” “Con tin chắc rất nhiều người ở Nagasaki vẫn nhớ rõ về cha,” tôi xen vào. “Quả có hơi lạ đời. Cậu ta nhắc đến Tiến sĩ Endo và cha, về việc nghỉ hưu của cha và ông ấy. Nếu cha hiểu đúng, thì cậu ta có ý cho rằng ngành giáo vậy là đã tống khứ được bọn cha. Thực ra, cậu ta đi xa tới mức viết rằng lẽ ra cha và ông ấy phải bị sa thải từ cuối chiến tranh. Lạ đời thật đấy.” “Cha có chắc đúng là Shigeo Matsuda ấy không?” Jiro hỏi. “Chắc mà. Từ trường Trung học Kuriyama. Thật lạ đời. Cha nhớ hồi xưa, cậu ta vẫn thường sang nhà chơi với con. Mẹ con cứ chiều hư cậu ta. Cha hỏi cô quản thư liệu có mua một cuốn được không. Cô ấy nói sẽ đặt mua giúp cha. Cha sẽ cho con xem.” “Nếu vậy thì có vẻ phản phúc quá,” tôi nói. “Cha rất ngạc nhiên,” thầy Ogata nói, quay sang nhìn tôi. “Trong khi chính cha là người đã giới thiệu cậu ta với hiệu trưởng trường Kuriyama.” Jiro uống hết chén trà, dùng khăn giấy lau miệng. “Thế thì rất đáng tiếc. Nhưng như con đã nói, lâu rồi con không gặp Shigeo. Con xin lỗi, thưa cha, nhưng con phải đi làm, nếu không sẽ muộn giờ mất.” “Tất nhiên rồi. Chúc con một ngày tốt lành.” Jiro bước xuống cửa ra vào rồi bắt đầu xỏ giày. Tôi nói với thầy Ogata, “Một người đã đạt được địa vị như cha, cha ạ, thì không thể tránh khỏi chút chỉ trích. Cũng là lẽ tự nhiên thôi ạ.” “Đúng thế,” ông nói rồi phá lên cười. “Con đừng bận tâm về chuyện đó, Etsuko ạ. Cha cũng không nghĩ gì đâu. Cha chỉ chợt nhớ ra vì Jiro sắp đi họp lớp thôi. Cha băn khoăn không biết Endo đã đọc được bài báo ấy chưa.” “Con chúc cha một ngày vui, thưa cha,” Jiro gọi từ cửa ra vào. “Nếu có thể, con sẽ cố gắng về sớm hơn một chút.” “Bậy nào, đừng có dớ dẩn vậy. Công việc của con là quan trọng.” ⁎ ⁎ ⁎ Cũng buổi sáng hôm ấy, chỉ lát sau, thầy Ogata ra khỏi phòng, mặc áo khoác và đeo cà vạt. “Cha định ra ngoài sao, thưa cha?” tôi hỏi. “Cha nghĩ mình nên đến thăm Tiến sĩ Endo.” “Tiến sĩ Endo ư?” “Đúng, cha thấy nên đến thăm xem dạo này ông ấy ra sao.” “Nhưng cha không định đi trước bữa trưa đấy chứ?” “Cha nghĩ đi luôn thì hơn,” ông nói, đưa mắt xem đồng hồ. “Endo sống hơi xa ở ngoại ô Nagasaki. Cha sẽ phải đi tàu.” “Thế thì để con chuẩn bị hộp cơm trưa cho cha, sẽ nhanh thôi ạ.” “Thế thì chạ cảm ơn con, Etsuko. Nếu vậy, cha sẽ chờ thêm vài phút. Nói thật nhé, đúng là cha đang hy vọng con sẽ làm com trưa cho cha đấy.” “Thế thì cha nên hỏi chứ,” tôi nói và đứng dậy. “Nếu chỉ bóng gió xa xôi thì không phải lúc nào cũng có được cái ta muốn đâu, cha ạ.” “Nhưng cha biết con sẽ đoán trúng ý cha mà, Etsuko. Cha tin ở con.” Tôi sang bếp, xỏ dép xăng đan rồi bước xuống nền nhà lát gạch đá hoa. Vài phút sau, tôi nghe tiếng cửa trượt sang bên và rồi thầy Ogata đứng ở ngưỡng cửa. Ông ngồi xuống bậu cửa, xem tôi làm. “Con nấu gì cho cha đấy?” “Không có gì đâu ạ. Chỉ là thức ăn còn lại từ tối hôm qua. Cha báo gấp thì chỉ được đến thế thôi.” “Thế nhưng thế nào con cũng chế biến được thành một bữa ăn rất ngon miệng cho mà xem. Cha biết chắc như thế. Con đang làm món trứng gì thế? Không phải trúng từ hôm qua đấy chứ?” “Con tráng cho cha quả trứng. Cha may mắn lắm đấy, cha ạ, vì con đang cảm thấy vô cùng hào phóng.” “Trứng tráng cơ đấy. Dạy cha cách tráng trứng đi. Có khó không?” “Cực khó luôn. Ở tuổi này thì cha không có cách nào học nổi đâu.” “Nhưng cha tha thiết đấy. Với lại, con nói ‘ở tuổi này’ là có ý gì? Cha vẫn còn trẻ chán, có thể học thêm nhiều điều nữa đấy.” “Cha thực sự định làm đầu bếp đấy ư?” “Điều đó thì có gì đáng cười. Sống bao nhiêu năm trên đời, nay cha đã hiểu rõ giá trị của nấu nướng. Cha tin rằng nấu ăn là một nghệ thuật không kém phần cao quý so với hội họa hoặc thơ ca. Người ta chỉ không hiểu được giá trị của nó do tác phẩm biến mất quá nhanh mà thôi.” “Cha cứ tập trung vào hội họa đi là hơn. Cái đó cha làm tốt hơn nhiều.” “Hội họa.” Ông thở dài. “Hội họa giờ không còn mang lại cảm giác thỏa mãn cho cha như trước đây nữa. Không, cha nghĩ mình nên học tráng trứng sao cho giỏi như con ấy, Etsuko ạ. Con phải chỉ cho cha cách làm trước khi cha quay lại Fukuoka đấy nhé.” “Khi đã biết cách làm thì cha sẽ không coi nó là nghệ thuật nữa. Có lẽ phụ nữ nên giữ bí mật những việc như thế.” Ông cười, như thể cười một mình, rồi im lặng tiếp tục quan sát tôi làm. “Con thích con trai hay con gái, Etsuko?” cuối cùng ông cũng cất lời hỏi. “Con thực sự không quan tâm lắm. Nếu là con trai, chúng con có thể đặt tên cháu theo tên cha.” “Thật vậy sao? Đấy là một lời hứa phải không?” “Nghĩ kỹ lại thì con thấy không chắc lắm. Con nói vậy vì chợt quên tên cha. Seiji - tên gì mà xấu thế.” “Nhưng đấy là vì con thấy cha xấu xí thôi, Etsuko. Cha nhớ có lần học sinh cả một lớp cùng đồng ý rằng trông cha giống hà mã. Nhưng con không nên ngại ngần chỉ vì vẻ bề ngoài như thế.” “Đúng thật. Thôi, ta sẽ chờ xem Jiro nghĩ thế nào.” “Phải đấy.” “Nhưng con muốn đặt tên con trai mình theo tên cha, cha ạ.” “Thế thì cha vui lắm.” Ông mỉm cười rồi khẽ cúi người. “Nhưng cha cũng biết cảm giác cáu kỉnh thế nào khi người thân trong gia đình cứ đòi lấy tên mình đặt cho con trẻ. Cha nhớ lần mẹ con với cha cãi nhau về chuyện nên đặt tên Jiro là gì. Cha muốn đặt nó theo tên một ông chú, nhưng mẹ con thì không thích truyền thống đặt tên trẻ em theo tên người trong gia đình ấy. Tất nhiên là cuối cùng thì cha phải chiều ý mẹ con. Khó mà lay chuyển được suy nghĩ của Keiko.” “Tên Keiko nghe hay lắm. Nếu là con gái, chúng con có thể đặt tên là Keiko.” “Con đừng vội hứa như thế. Nếu không giữ lời, con sẽ làm cho ông già này vô cùng thất vọng đấy.” “Con xin lỗi, con chỉ nghĩ gì nói nấy thôi.” “Còn nữa, Etsuko này, cha biết còn nhiều tên khác con muốn đặt cho đứa trẻ hơn. Những người thân thiết với con hơn.” “Có lẽ vậy. Nhưng nếu là con trai, con muốn đặt tên bé theo tên cha. Cha đã từng như cha đẻ của con mà.” “Thế giờ thì không thế nữa hay sao?” “Có chứ, tất nhiên là có. Chỉ có điều hơi khác trước thôi.” “Cha hy vọng Jiro là người chồng tốt.” “Tất nhiên là thế rồi cha ạ. Con tưởng mình không thể hạnh phúc hơn được nữa.” “Và đứa con sẽ khiến con hạnh phúc.” “Vâng. Đây là thời điểm phù họp nhất để sinh con. Chúng con đã tương đối ổn định chỗ ở, còn công việc của Jiro cũng đang tiến triển tốt đẹp. Đây là thời điểm lý tưởng để sinh con cha ạ.” “Nghĩa là con đang hạnh phúc?” “Vâng. Con rất hạnh phúc.” “Tốt lắm. Cha rất mừng cho cả hai con.” “Đây, bữa trưa của cha xong rồi.” Tôi đưa ông hộp sơn mài đựng đồ ăn. “À phải rồi, đồ ăn từ tối qua,” ông nói, đón chiếc hộp với một cái cúi người rất kịch. Rồi ông hé nắp hộp. “Nhưng nhìn ngon mắt lắm.” ⁎ ⁎ ⁎ Khi quay lại phòng khách, tôi thấy thầy Ogata đang xỏ giày ở cửa ra vào. “Nói cha biết, Etsuko,” ông tiếp tục buộc dây giày mà không ngẩng lên nhìn. “Con đã bao giờ gặp cậu Shigeo Matsuda này chưa?” “Một hoặc hai lần rồi ạ. Sau khi chúng con kết hôn, anh ấy từng ghé thăm.” “Nhưng bây giờ cậu ta và Jiro không thân nhau nữa hay sao?” “Nhìn chung là không cha ạ. Chúng con vẫn gửi thiệp cho nhau, nhưng chỉ có vậy thôi.” “Cha sẽ đề nghị Jiro viết thư cho bạn nó. Shigeo phải xin lỗi. Nếu không, cha sẽ buộc Jiro phải cắt đứt liên lạc với cậu ta.” “Con hiểu.” “Lúc nãy cha đã định nói chuyện này, lúc ăn sáng ấy. Nhưng rồi cha thấy những việc ấy nên để dành đến tối thì hợp lý hơn.” “Hẳn là cha nói đúng.” Trước khi ra khỏi nhà, thầy Ogata một lần nữa cảm ơn tôi đã làm bữa trưa cho ông. ⁎ ⁎ ⁎ Nhưng tối hôm ấy, không thấy thầy Ogata đề cập đến chuyện đó. Cả hai có vẻ mệt mỏi khi về và suốt buổi tối hầu như chỉ xem báo và nói chuyện rất ít. Chỉ có một lần, thầy Ogata nhắc tới Tiến sĩ Endo. Đó là vào bữa tối, ông chỉ nói thế này: “Endo có vẻ khỏe. Nhưng ông ấy rất nhớ công việc. Dù sao thì cả đời ông ấy đã sống vì công việc mà.” Trên giường đêm hôm ấy, trước khi ngủ, tôi hỏi Jiro, “Em hy vọng cha hài lòng với sự đón tiếp của vợ chồng mình.” “Cha còn muốn gì nữa nào?” chồng tôi nói. “Nếu em lo lắng đến thế, sao em không đưa cha đi đâu đó?” “Chiều thứ Bảy anh có phải đi làm không?” “Làm sao anh có thể không đi làm được chứ? Ngay lúc này anh đã bị chậm tiến độ rồi. Cha chọn đúng thời điểm khó khăn nhất đến thăm anh. Thật là tệ quá.” “Nhưng ta vẫn có thể đi chơi vào Chủ nhật, phải không?” Giờ đây tôi có cảm giác lúc ấy chồng tôi đã không trả lời, mặc dù tôi nằm đó, đưa mắt nhìn lên bóng tối chờ đợi. Jiro thường rất mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc nên chẳng thiết gì đến việc chuyện trò. Dù sao thì hình như tôi đã lo lắng quá mức về thầy Ogata, vì hóa ra chuyến thăm mùa hè năm ấy là chuyến thăm ông ở lại lâu nhất. Tôi nhớ ồng vẫn ở đó vào buổi tối Sachiko gõ cửa căn hộ của chúng tôi. ⁎ ⁎ ⁎ Cô mặc một chiếc váy tôi chưa thấy bao giờ, một chiếc khăn choàng quàng hai bên vai. Cô trang điểm rất kỹ càng, nhưng một lọn tóc mảnh tuột ra, rủ xuống một bên má. “Chị xin lỗi đã làm phiền em, Etsuko ạ,” cô mỉm cười nói. “Chỉ vì chị không biết liệu Mariko có đang ở nhà em hay không.” “Mariko ư? Không.” “Thế thì thôi vậy. Em không hề thấy nó sao?” “Em e là không. Nó bị lạc rồi sao?” “Không cần phải hoảng hồn như thế,” cô nói và cười to. “Chỉ vì lúc chị về không thấy nó ở nhà, có thế thôi mà. Chắc chắn chị sẽ sớm tìm thấy nó thôi.” Chúng tôi đứng nói chuyện ở cửa ra vào, tôi chợt nhận ra cả Jiro và thầy Ogata đang nhìn. Tôi giới thiệu Sachiko, cả ba cùng cúi chào nhau. “Thế thì rất đáng lo,” thầy Ogata nói. “Có lẽ cháu nên gọi điện ngay cho cảnh sát.” “Không cần đâu ạ,” Sachiko nói. “Cháu chắc chắn sẽ tìm ra nó thôi ạ.” “Nhưng có lẽ gọi điện ngay là an toàn hơn cả.” “Thật sự là không sao đâu mà” - có chút bực bội gọn lên trong giọng nói Sachiko - “Thực sự không cần thiết. Cháu sẽ tìm được con bé ngay thôi ạ.” “Để em đi tìm cùng chị,” tôi nói và bắt đầu choàng áo khoác lên người. Chồng tôi nhìn tôi vẻ không đồng tình. Hình như anh định nói gì, nhưng lại kiềm chế. Cuối cùng, anh chỉ nói, “Trời gần tối rồi.” “Đúng thế, Etsuko ạ, không phải náo loạn lên làm gì,” Sachiko nói. “Nhưng nếu em không ngại ra ngoài với chị một lát thì chị sẽ rất biết ơn.” “Cẩn thận đấy, Etsuko,” thầy Ogata nói. “Nhớ gọi điện cho cảnh sát nếu không tìm thấy con bé.” Chúng tôi xuống cầu thang. Bên ngoài trời vẫn ấm, và ở bên kia bãi đất trống, mặt trời đã xuống sát mặt đất, rọi sáng những rãnh bùn lầy lội. “Chị đã tìm quanh khu tập thể chưa?” tôi hỏi. “Chưa, chị chưa tìm.” “Thế thì ta tìm thôi.” Rồi tôi bắt đầu bước nhanh. “Có thể Mariko đang chơi cùng đứa bạn nào chăng?” “Chị không nghĩ thế đâu. Thật đấy, Etsuko” - Sachiko cười rồi đặt một tay lên cánh tay tôi - “không phải hoảng hốt như thế. Chị đến tìm em thật ra là vì muốn cho em biết tin này. Em biết đấy, cuối cùng thì mọi chuyện đã được thu xếp xong xuôi. Chỉ vài ngày nữa thôi là bọn chị sẽ lên đường sang Mỹ.” “Sang Mỹ sao?” Có thể vì Sachiko đang nắm tay mình, cũng có thể chỉ vì ngạc nhiên mà tôi đã dừng bước. “Đúng, sang Mỹ. Nhất định là em đã từng nghe tới nơi ấy.” Cô có vẻ hài lòng trước vẻ sửng sốt của tôi. Tôi lại đi tiếp. Khu tập thể của chúng tôi là một khu vực rộng lớn được rải bê tông, lác đác những cây non mỏng mảnh được trồng khi các tòa nhà mọc lên. Phía trên đầu chúng tôi, hầu hết các ô cửa sổ đã sáng đèn. “Em không muốn hỏi gì thêm ư?” Sachiko nói khi bắt kịp tôi. “Em không định hỏi vì sao chị đi à? Hay chị đi với ai?” “Em rất mừng nếu đó là điều chị muốn,” tôi đáp. “Nhưng có lẽ ta nên tìm con gái chị trước.” “Etsuko, em phải hiểu thế này, chị chẳng có gì phải xấu hổ hết. Chị chẳng có gì phải giấu giếm trước bất kỳ ai. Em cứ hỏi tất cả những gì em muốn, đừng ngại.” “Em chỉ nghĩ có lẽ ta nên tìm con gái chị trước thôi. Rồi ta sẽ nói chuyện sau cũng được.” “Được thôi, Etsuko ạ,” cô cười to và nói. “Vậy thì hãy đi tìm Mariko trước.” Chúng tôi tìm kiếm khắp mấy khu vui chơi cho trẻ em và đi quanh từng tòa nhà. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi thấy mình đã trở lại điểm xuất phát. Lúc đó, tôi bỗng phát hiện hai phụ nữ đang đứng nói chuyện ở lối vào một trong các tòa nhà. “Biết đâu hai người kia có thể giúp được chúng ta,” tôi nói. Sachiko không động đậy. Cô nhìn về phía họ rồi bảo, “Chị không nghĩ thế?” “Nhưng có thể họ đã thấy con bé. Có thể họ đã thấy con gái chị.” Sachiko vẫn nhìn về phía hai người phụ nữ. Rồi cô thoáng cười và nhún vai. “Cũng được,” cô nói. “Để họ có chuyện mà buôn với nhau. Đằng nào chị cũng chẳng bận tâm.” Chúng tôi lại gần chỗ họ, Sachiko hỏi thăm với thái độ điềm tĩnh và lịch sự. Hai người phụ nữ tỏ vẻ lo lắng, nhưng không ai thấy con bé. Sachiko nói cho họ yên tâm, rằng không việc gì phải hoảng hốt, sau đó chúng tôi quay đi. “Chị tin chắc chuyện vừa nghe khiến họ rất sung sướng,” cô nói với tôi. “Giờ thì họ có chuyện để bàn tán rồi nhé.” “Em chắc chắn họ không có ác ý gì đâu. Cả hai xem ra đều thành thật quan tâm.” “Em thật tử tế, Etsuko ạ, nhưng em thực sự không cần thuyết phục chị tin vào những điều như thế. Em biết đấy, chị chưa bao giờ bận tâm tới việc những người như họ nghĩ gì, giờ thì chị càng không quan tâm.” Chúng tôi dừng bước. Tôi nhìn quanh rồi ngẩng lên nhìn cửa sổ các căn hộ. “Không biết nó còn ở đâu được nhỉ?” tôi nói. “Em thấy đấy, Etsuko, chị không làm gì khiến mình phải hổ thẹn. Chị không có điều gì phải giấu giếm với em. Hay với cả hai người phụ nữ kia, thật đấy.” “Chị có nghĩ mình nên ra sông tìm không?” “Ra sông ư? À, lúc nãy chị tìm ở đó rồi mà.” “Còn ở bờ bên kia thì sao? Có thể nó đã sang bờ bên kia.” “Chị không nghĩ thế, Etsuko ạ. Thực lòng mà nói, nếu chị hiểu đúng con bé thì ngay lúc này có lẽ nó đã về đến nhà rồi. Có khi nó đang rất khoái trá vì đã làm rối tinh rối mù lên thế này.” “Thế thì về nhà chị xem sao.” Khi chúng tôi đi đến rìa bãi đất trống, mặt trời đang dần biến mất phía sau con sông, hắt sáng lên đám liễu rủ đổ bóng dọc bờ. “Em không phải đi cùng chị đâu,” Sachiko nói. “Chị sẽ tìm ra nó ngay thôi mà.” “Không sao. Em sẽ đi cùng chị.” “Thế cũng được. Đi với chị vậy.” Chúng tôi bắt đầu tiến về phía ngôi nhà nhỏ. Tôi chỉ kịp xỏ dép nên đi trên mặt đất mấp mô thật khó khăn. “Chị đi vắng bao lâu?” tôi hỏi. Sachiko đang đi trước tôi một hoặc hai bước; thoạt đầu cô không trả lời, tôi cứ tưởng cô không nghe thấy. “Chị đi vắng bao lâu?” tôi hỏi lại. “À, không lâu lắm.” “Bao lâu? Nửa giờ? Hay hơn?” “Khoảng ba, bốn giờ, chị nghĩ thế?” “Vậy à.” Chúng tôi tiếp tục đi ngang qua bãi đất lầy lội, cố hết sức tránh các vũng bùn. Gần tới căn nhà, tôi lại hỏi: “Có lẽ chúng ta nên kiểm tra phía bên kia sông, để đề phòng thôi.” “Chỗ rừng cây ư? Con gái chị không ở đó đâu. Giờ hãy vào trong nhà kiểm tra. Em không phải tỏ ra lo lắng đến thế đâu, Etsuko ạ.” Cô lại cười, nhưng tôi nghĩ tiếng cười của cô có phần run rẩy. Không có điện nên cả căn nhà tối om. Tôi chờ ở lối vào, trong khi Sachiko bước lên sàn tatami. Cô gọi tên con gái, rồi kéo cửa trượt mở vào hai phòng nhỏ liền kề với phòng chính. Tôi đứng đó, lắng nghe cô đi lại trong bóng tối, cho tới lúc cô quay lại cửa ra vào. “Có lẽ em nói đúng,” cô nói. “Chúng ta nên kiểm tra bên kia sông.” Không trung dọc bờ sông đông đặc côn trùng. Chúng tôi im lặng tiến theo bờ về phía cây cầu gỗ phía xa. Qua cây cầu ấy, ở bờ sông bên kia, chính là rừng cây Sachiko nhắc tới khi nãy. Đang đi qua cầu thì Sachiko bỗng quay lại nhìn tôi rồi nói nhanh, “Cuối cùng thì bọn chị đã ghé một quán rượu. Bọn chị định tới rạp xem bộ phim có Gary Cooper, nhưng dòng người xếp hàng dài quá. Trong thành phố rất đông đúc, lại rất nhiều người say xỉn nữa. Cuối cùng, bọn chị vào quán rượu, họ cho bọn chị một phòng riêng.” “Vậy à.” “Chị đoán là em không bao giờ vào quán rượu, đúng không Etsuko?” “Không.” Đó là lần đầu tiên tôi vượt sông sang bờ bên kia. Mặt đất mềm, gần như lầy lội dưới chân. Có lẽ chỉ là do tưởng tượng nhưng tôi bỗng rùng mình bất an khi sang tới bờ bên ấy, một cảm giác tựa hồ linh cảm khiến bước chân tôi lại trở nên gấp gáp khi tiến về phía vùng tối tăm cây rừng trước mặt. Sachiko níu tôi lại, nắm chặt tay tôi. Nhìn theo ánh mắt cô, tôi phát hiện ra thứ gì đó tựa một cái bọc nằm trên bãi cỏ ven sông, ngay sát bờ, chỉ cách chỗ mình đứng một đoạn. Trong đêm tối lờ mờ, thật khó nhận ra vì nó chỉ hơi sẫm màu hơn bóng đen xung quanh một chút. Tôi muốn lập tức chạy lại kiểm tra, nhưng rồi chợt nhận ra Sachiko đang đứng im phăng phắc, mắt dán chặt vào vật đó. “Cái gì vậy?” tôi hỏi một cách ngớ ngẩn. “Là Mariko,” cô nói khẽ. Khi quay sang nhìn tôi, ánh mắt cô có vẻ gì đó rất lạ lùng. Chương ba R ất có thể ký ức của tôi về những sự kiện ấy theo thời gian đã trở nên nhạt nhòa, cũng có thể mọi việc không diễn ra đúng hẳn như những gì tôi nhớ lại vào ngày hôm nay. Nhưng tôi nhớ khá rõ cảm giác rùng rợn như bị bỏ bùa dường như đã trói chân cả hai khi chúng tôi đứng trong bóng tối đang dần đổ xuống, nhìn về phía hình thù nằm nơi bờ sông kia. Và rồi bùa mê tan đi, chúng tôi bắt đầu chạy. Lại gần, tôi thấy Mariko đang cong người nằm nghiêng, hai đầu gối co lên, lưng xoay về phía chúng tôi. Sachiko tới nơi trước tôi một chút, còn tôi thì vì có bầu nên chạy chậm, đến nơi thì cô đã đứng cạnh con bé. Hai mắt Mariko đang mở, thoạt đầu tôi tưởng nó đã chết. Nhưng rồi tôi thấy mắt con bé động đậy, rồi giương lên nhìn thẳng vào chúng tôi, vẻ trống rỗng dị thường. Sachiko quỳ một bên gối, nâng đầu con bé lên. Mariko vẫn tiếp tục nhìn không chớp. “Mariko, cháu không sao chứ?” tôi hỏi, thở hổn hển. Nó không trả lời. Sachiko cũng im lặng, kiểm tra con gái, lật người con bé trong tay, như thể nó là một con búp bê mong manh vô tri vô giác. Tôi để ý thấy có máu trên tay áo Sachiko, rồi chợt hiểu ra đó là máu của Mariko. “Tốt hơn là chúng ta gọi người giúp,” tôi bảo. “Không có gì nghiêm trọng,” Sachiko đáp. “Chỉ bị xước da thôi. Nhìn này, chỉ là một vết cắt nhỏ.” Mariko đang nằm trong vũng bùn, một bên chiếc váy ngắn của con bé ướt sũng nước đen. Máu chảy ra từ một vết thương ở đùi trong con bé. “Có chuyện gì?” Sachiko hỏi con gái. “Con gặp chuyện gì thế?” Mariko vẫn tiếp tục nhìn mẹ. “Chắc nó đang bị choáng,” tôi nói. “Tốt nhất là không nên gặng hỏi nó ngay lúc này.” Sachiko đỡ Mariko đứng dậy. “Mẹ cháu với cô rất lo cho cháu, Mariko,” tôi nói. Con bé đưa cặp mắt nghi ngại nhìn tôi, sau đó quay nhìn chỗ khác rồi bắt đầu bỏ đi. Nó bước đi khá vững, dường như vết thương trên chân không quá ghê gớm. Chúng tôi trở lại qua cầu và đi theo bờ sông. Hai mẹ con đi trước tôi, không nói năng gì. Khi về đến nhà họ thì trời đã tối mịt. Sachiko đưa Mariko vào phòng tắm. Tôi nhóm bếp nằm giữa phòng chính, định pha chút trà. Anh lửa bếp và ánh sáng từ chiếc đèn xách tay Sachiko thắp lên lúc nãy là hai nguồn sáng duy nhất, nhiều chỗ trong nhà vẫn tối om. Ở một góc nhà, bị đánh thức bởi sự xuất hiện của chúng tôi, vài con mèo con đen tuyền bắt đầu ngọ nguậy không yên. Móng chúng mắc vào sàn tatami, tạo nên những tiếng soàn soạt. Khi trở ra, cả hai mẹ con đều đã thay đồ và đang mặc kimono. Họ cùng sang căn phòng liền kề và tôi tiếp tục chờ thêm một lúc. Giọng Sachiko vọng lại qua cửa trượt. Cuối cùng, Sachiko quay ra một mình. “Trời vẫn nóng quá,” cô nhận xét. Cô đi ngang qua phòng, đẩy cửa trượt thông ra hiên nhà. “Con bé sao rồi?” tôi hỏi. “Nó không sao. Vết cắt không vấn đề gì.” Sachiko ngồi xuống cạnh cửa trượt, đón làn gió nhẹ. “Có nên báo cảnh sát không?” “Cảnh sát ư? Nhưng có gì mà báo? Mariko nói nó đang trèo cây thì bị ngã. Nó bị đứt chân là vì thế.” “Vậy là nó không ở cùng ai tối nay?” “Không. Nó còn ở với ai được nữa?” “Thế còn người phụ nữ kia thì sao?” tôi nói. “Ai cơ?” “Người phụ nữ Mariko suốt ngày nhắc đến. Chị vẫn chắc chỉ do nó tưởng tượng ra thôi ư?” Sachiko thở dài. “Chị nghĩ cô ta không hoàn toàn chỉ là tưởng tượng,” cô nói. “Mariko đã gặp cô ta đúng một lần. Chỉ đúng một lần, hồi nó còn rất bé.” “Nhưng chị có nghĩ cô ta đã có mặt ở đây vào tối nay không?” Sachiko cười to. “Không đâu Etsuko ạ, điều đó là không thể. Dù the nào đi chăng nữa, cô ta đã chết. Em phải tin chị, Etsuko ạ, tất cả những gì nó nói về người phụ nữ này chỉ là một trò quậy phá ưa thích của Mariko mỗi khi nó muốn gây chuyện. Chị đã quen với những trò đùa của nó rồi.” “Nhưng tại sao nó lại kể những chuyện như thế?” “Tại sao ư?” Sachiko nhún vai. “Trẻ con thích làm thế. Bao giờ em làm mẹ, Etsuko ạ, em sẽ phải làm quen với những điều như thế.” “Chị có tin chắc tối nay nó chỉ có một mình không?” “Khá chắc. Chị hiểu rõ con gái mình mà.” Chúng tôi im lặng một lúc. Muỗi kêu vo vo trên không. Sachiko ngáp, một tay che miệng. “Vậy là như em thấy đấy, Etsuko,” cô nói. “Chị sẽ sớm rời khỏi Nhật. Em có vẻ không ấn tượng lắm nhỉ.” “Tất nhiên là có chứ. Em cũng rất mừng nữa, nếu đó là điều chị mong muốn. Nhưng liệu có phải… sẽ có rất nhiều khó khăn không?” “Khó khăn ư?” “Ý em là… chuyển đến một đất nước khác, nơi dùng một ngôn ngữ khác, cùng những lề lối xa lạ.” “Chị hiểu những lo lắng của em, Etsuko ạ. Nhưng thực sự là chị thấy chẳng nên lo lắng nhiều. Em thấy đấy, chị đã được nghe rất nhiều về nước Mỹ, nên đó không phải một nơi hoàn toàn xa lạ với chị. Còn về ngôn ngữ, chị có thể nói tiếng Anh ở một chừng mực nào đó. Chị và anh Frank luôn trò chuyện bằng tiếng Anh mà. Sau khi tới Mỹ một thời gian, chị sẽ nói được như một phụ nữ Mỹ thôi. Chị thực sự không thấy có lý do gì phải lo lắng. Chị biết chị sẽ thu xếp ổn thỏa mọi việc.” Tôi hơi cúi mình, nhưng không nói gì. Hai con mèo con bắt đầu bò lại chỗ Sachiko ngồi. Cô nhìn chúng một lúc, sau đó bật cười. “Tất nhiên,” cô nói, “cũng có đôi lúc chị băn khoăn không biết rồi mọi chuyện sẽ ra sao. Nhưng thực sự” - cô mỉm cười nhìn tôi - “chị biết rồi sẽ ổn.” “Thực ra là,” tôi nói, “em đang nghĩ đến Mariko. Rồi nó sẽ ra sao?” “Mariko ư? Rồi nó sẽ ổn mà. Em biết trẻ con thế nào rồi đấy. Chúng làm quen với môi trường mới dễ hơn chúng ta nhiều, đúng không?” “Nhưng vẫn là một thay đổi lớn lao cho nó. Nó đã sẵn sàng cho việc ấy chưa?” Sachiko nóng ruột thở dài. “Thật tình, Etsuko, lẽ nào em cho rằng chị chưa bao giờ nghĩ tới tất cả mọi chuyện sao? Lẽ nào em tưởng chị quyết định rời khỏi đất nước này mà không thận trọng suy xét về hạnh phúc của con gái mình ngay từ đầu sao?” “Tất nhiên,” tôi đáp, “chị sẽ thận trọng suy xét hết sức về điều đó.” “Hạnh phúc của con gái là điều quan trọng tối cao với chị, Etsuko ạ. Chị sẽ không đưa ra một quyết định có thể làm tổn hại tương lai nó. Chị đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, chị cũng đã bàn bạc với Frank nữa. Chị cam đoan với em, Mariko sẽ ổn. Sẽ không có vấn đề gì.” “Nhưng việc học hành của nó thì sao? Rồi sẽ ra sao?” Sachiko lại cười to. “Etsuko, chị có vào rừng rậm sống đâu. Ở Mỹ cũng có thứ gọi là trường học chứ. Và em nên hiểu, con gái chị là một đứa bé cực kỳ thông minh. Cha nó là một người tài giỏi, và bên dòng họ chị cũng thế, không thiếu những người giữ địa vị cao. Etsuko, đừng vì thấy con chị trong… Trong tình cảnh này mà em coi nó chỉ như con nhà nông dân.” “Tất nhiên là em không nghĩ thế. Em chưa bao giờ…” “Nó rất thông minh. Em chưa biết con người thực sự của nó đâu, Etsuko. Trong một môi trường như thế này, thiết nghĩ việc đứa trẻ đôi lúc tỏ ra rầy rà khó chịu cũng là sự thường. Nhưng nếu em được gặp nó hồi còn ở nhà bác chị, em sẽ thấy rõ các phẩm chất thực sự của nó. Nếu người lớn nói chuyện với nó, nó sẽ trả lời rõ ràng và mạch lạc, không bao giờ có chuyện cười khúc khích hay xấu hổ quay mặt đi như phần lớn những đứa trẻ khác. Và nhất định là không có những trò đùa vặt kiểu này. Nó từng đi học, kết bạn với những người bạn ngoan ngoãn và giỏi giang nhất đời. Nó còn có thầy dạy kèm nữa, ông ấy đánh giá nó rất cao. Thật kinh ngạc khi chứng kiến nó đuổi kịp bạn bè nhanh tới mức nào.” “Đuổi kịp?” “À” - Sachiko nhún vai - “không may là việc học hành của Mariko thỉnh thoảng lại phải gián đoạn. Vì hết chuyện này tới chuyện khác, lại thêm chị chuyển nhà quá nhiều. Nhưng đó là những quãng thời gian khó khăn mà chị cùng con gái đã vượt qua, Etsuko ạ. Nếu không vì chiến tranh, nếu chồng chị vẫn còn sống, thì Mariko đã được hưởng nếp nuôi dạy phù hợp với một gia đình có địa vị như gia đình chị.” “Vâng,” tôi đáp, “quả có vậy.” Có thể Sachiko nhận ra điều gì đó trong giọng nói của tôi; cô ngẩng lên nhìn tôi không chớp mắt; và khi cất lời, giọng cô trở nên căng thẳng hơn. “Chị không việc gì phải rời khỏi Tokyo, Etsuko ạ,” cô nói. “Nhưng chị đã làm vậy, vì Mariko. Chị đã chuyển đến tận đây, sống ở nhà bác chị, vì chị nghĩ làm như thế là tốt nhất cho con gái mình. Không có gì buộc chị phải làm việc đó, chị hoàn toàn không cần phải chuyển đi khỏi Tokyo.” Tôi cúi mình. Sachiko nhìn tôi một thoáng, sau đó quay đi, đưa mắt nhìn ra bóng tối phía ngoài cánh cửa trượt đang mở. “Nhưng chị đã rời khỏi nhà bác chị,” tôi nói. “Còn bây giờ, chị lại chuẩn bị rời khỏi nước Nhật.” Sachiko giận dữ nhìn tôi. “Tại sao em lại nói với chị như thế, Etsuko? Tại sao em không thể mong cho chị được may mắn? Có phải vì em đang ghen tị không?” “Nhưng em thực sự mong cho chị được may mắn mà. Em đảm bảo với chị, em…” “Mariko sẽ ổn ở nước Mỹ, tại sao em không chịu tin vào điều đó? Đứa trẻ lớn lên ở đó sẽ tốt hơn rất nhiều. Ở đó, nó sẽ có nhiều cơ hội hơn, cuộc sống ở nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn nhiều cho một phụ nữ.” “Chị hãy yên tâm rằng em thực sự mừng cho chị. Về phần em, em cũng không thể hài lòng hơn với những gì mình đang có. Công việc của Jiro tiến triển tốt, còn bọn em chuẩn bị chào đời đúng thời điểm mong muốn…” “Con chị có thể sẽ trở thành một nữ doanh nhân, thậm chí là một diễn viên điện ảnh cũng nên. Nước Mỹ là như thế, Etsuko, rất nhiều điều có khả năng trở thành hiện thực. Frank nói chị cũng có thể trở thành doanh nhân. Những chuyện như thế hoàn toàn có thể xảy ra ở đó.” “Em tin là như vậy. Chỉ là cá nhân em hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình mà thôi.” Sachiko nhìn hai con mèo con đang cào cào vào sàn tatami sau lưng cô. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc. “Em nên về thì hơn,” cuối cùng tôi lên tiếng. “Ở nhà chắc đang lo cho em.” Tôi đứng dậy, nhưng Sachiko không rời mắt khỏi hai con mèo con. “Bao giờ chị lên đường?” tôi hỏi. “Vài hôm nữa. Frank sẽ đưa xe đến đón chị. Đến cuối tuần thì chắc bọn chị đã lên tàu rồi.” “Nghĩa là chị sẽ không giúp việc cho bác Fujiwara nữa.” Sachiko ngẩng lên nhìn tôi với một tiếng cười như không tin nổi tôi nói vậy. “Etsuko, chị đang chuẩn bị đi Mỹ. Chị không cần phải làm việc ở quán mì nữa.” “Em hiểu.” “Thực ra, Etsuko ạ, em nói giúp với bác Fujiwara chuyện của chị thì tốt quá. Chị không nghĩ sẽ gặp lại bác ấy.” “Chị không tự nói với bác ấy sao?” Cô sốt ruột thở dài. “Etsuko, em không hiểu rằng với một người như chị, phải làm việc hằng ngày ở một quán mì là đáng ghê tởm thế nào sao? Thế mà chị không hề phàn nàn và làm hết mọi việc theo yêu cầu. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã kết thúc, chị không mong phải thấy lại nơi đó thêm lần nào nữa.” Một con mèo đang cào cào vào ống tay áo kimono của Sachiko. Cô dùng mu bàn tay thình lình đập một cái, khiến con vật bé nhỏ nháo nhào chạy ngang tấm tatami. “Vì vậy, em hãy gửi lời chào của chị tới bác Fujiwara,” cô nói, “và nói rằng chị chúc bác ấy làm ăn thuận lợi.” “Em sẽ chuyển lời. Giờ thì xin phép chị, em phải về nhà.” Lần này, chị đứng dậy, tiễn tôi ra cửa. “Chị sẽ đến chào tạm biệt trước khi đi,” cô nói khi tôi xỏ chân vào dép. ⁎ ⁎ ⁎ Thoạt đầu, nó có vẻ chỉ là một giấc mơ hoàn toàn vô hại; tôi chỉ nằm mơ về điều mình thấy hôm trước - chúng tôi đã ngắm một bé gái chơi ở vườn hoa. Rồi đêm hôm sau, giấc mơ trở lại. Trên thực tế, trong vài tháng vừa qua, giấc mơ đã quay lại với tôi vài lần. Vào buổi chiều chúng tôi đi bộ vào làng, Niki và tôi quan sát cô bé chơi trên xích đu. Đó là ngày thứ ba trong chuyến thăm của Niki, mưa đã ngớt, chỉ còn là một làn mưa phùn. Đã vài ngày liền không ra khỏi nhà nên khi được đặt chân lên con đường quanh co, tôi thích thú tận hưởng bầu không khí ngoài trời. Niki có thói quen đi khá nhanh, đôi bốt da bó kêu cót két theo từng sải chân. Mặc dù theo kịp nó không mấy khó khăn, tôi vẫn thích được tản bộ nhàn nhã hơn. Niki tôi đoán vẫn chưa học được cái thú của việc đi bộ chỉ để đi bộ mà thôi. Nó cũng không tỏ ra xúc động gì trước phong cảnh thôn quê, mặc dù đây là nơi nó sinh ra và lớn lên. Tôi bảo với nó như thế trên đường đi, còn nó thì bẻ lại, nói rằng đây không phải thôn quê thực sự mà chỉ là một thứ đã được mông má nhằm mua vui cho những người giàu có sinh sống tại chốn này. Tôi phải công nhận nó nói đúng; tôi chưa bao giờ lên tận các khu nông nghiệp phía Bắc nước Anh, tuy Niki cứ khăng khăng cho rằng chỉ có ở đó, tôi mới thấy được thế nào là miền quê thực sự. Mặc dầu vậy, những con đường nhỏ này luôn mang lại cho tôi cảm giác thanh bình và êm ả, là những điều tôi dần học được cách trân quý sau nhiều năm. Vào đến làng, tôi đưa Niki tới tiệm trà, nơi thỉnh thoảng tôi có ghé chân. Đây là một ngôi làng nhỏ, chỉ có vài khách sạn và cửa hàng; tiệm trà nằm ở một góc phố, ở tầng hai phía trên một hiệu bánh. Buổi chiều hôm ấy, tôi và Niki ngồi bên một chiếc bàn kê cạnh cửa sổ. Chính từ đó, chúng tôi đã ngồi nhìn bé gái chơi ở vườn hoa phía dưới. Trước mắt chúng tôi, con bé trèo lên một chiếc xích đu, cất tiếng gọi hai người phụ nữ đang ngồi bên nhau trên ghế băng gần đó. Con bé rất vui vẻ, mặc chiếc áo khoác chống nước màu xanh lá cây, đi đôi ủng cao su nhỏ. “Hy vọng con sẽ sớm kết hôn rồi có con,” tôi nói. “Mẹ thèm có cháu quá.” “Con không nghĩ ra được điều gì đáng ghét hơn điều đó,” Niki trả lời. “À, mẹ nghĩ đúng là con vẫn còn trẻ.” “Chuyện đó không liên quan gì đến việc con trẻ hay già. Con chỉ không thích có một đám trẻ con hò hét quanh mình.” “Đừng lo, Niki ạ,” tôi cười nói. “Mẹ có đang bắt ép con phải làm mẹ đâu. Chỉ vì mẹ tự nhiên muốn được làm bà ngoại thôi mà. Mẹ cứ nghĩ biết đâu con sẽ giúp mong ước của mẹ trở thành hiện thực, nhưng mẹ đợi được mà.” Bé gái giờ đang đứng trên mặt ghế của chiếc xích đu, ra sức kéo hai sợi dây xích, nhưng không hiểu sao, nó không thể làm cho xích đu bay lên cao hơn nữa. Nó vẫn cười và tiếp tục gọi hai người phụ nữ. “Một đứa bạn của con vừa có con đấy,” Niki nói. “Nó thích lắm. Con không thể hiểu nổi tại sao lại thích. Cái thứ nó cho ra ấy gào mới kinh khủng làm sao.” “Chà, thì ít ra là bạn con vui. Bạn con bao nhiêu tuổi rồi?” “Mười chín.” “Mười chín ư? Còn nhỏ tuổi hơn cả con. Con bé đã kết hôn chưa?” “Chưa. Nhưng thế thì có khác gì ạ?” “Nhưng mẹ tin chắc bạn con không thể thấy vui về chuyện đó được.” “Tại sao lại không? Chỉ vì nó chưa kết hôn sao?” “Đúng thế. Cùng với việc bạn con mới mười chín tuổi. Mẹ không thể tin nổi là con bé lại thấy vui được.” “Chưa kết hôn thì khác gì ạ? Nó thích có con, lên kế hoạch cho việc đó và tất tật những thứ khác.” “Bạn con nói với con vậy sao?” “Nhưng con biết nó mà, nó là bạn con, mẹ ơi. Con biết nó muốn có con.” Hai người phụ nữ ngồi trên ghế băng đã đứng dậy. Một trong hai người gọi đứa bé gái. Con bé nhảy xuống khỏi xích đu, chạy lại chỗ hai người. “Còn cha đứa bé thì sao?” tôi hỏi. “Cậu ấy cũng vui. Con còn nhớ khi hai người bọn họ mới biết có thai. Tất cả chúng con đã ra quán ăn mừng đấy.” “Nhưng người ta luôn giả vờ vui. Giống bộ phim mẹ con mình xem trên ti vi tối hôm qua ấy.” “Phim gì cơ?” “Mẹ đoán là con không xem. Con mải đọc tạp chí.” “À, phim ấy hả. Chán kinh lên được.” “Đúng thế. Nhưng ý mẹ chính là vậy. Mẹ chắc chẳng có ai biết tin có em bé mà lại phản ứng như những nhân vật trong mấy cái phim ấy.” “Mẹ ạ, nói thật là con không hiểu tại sao mẹ có thể ngồi xem thứ rác rưởi ấy. Ngày xưa mẹ có bao giờ xem ti vi đâu. Con nhớ mẹ vẫn thường mắng mỏ con, vì con xem nhiều quá.” Tôi cười to. “Con thấy mẹ con mình đã hoán đổi vị trí cho nhau thế nào chưa, Niki. Mẹ tin là con sẽ giúp mẹ rất nhiều đấy. Con phải bắt mẹ không được lãng phí thời gian vào những thứ như thế.” ⁎ ⁎ ⁎ Chúng tôi đang trên đường từ tiệm trà trở về nhà thì bầu trời tối sầm lại như một điềm gở, mưa phùn dần trở nên nặng hạt hơn. Vừa đi qua nhà ga xe hỏa được một đoạn thì chúng tôi nghe có tiếng người gọi từ phía sau: “Bà Sheringham! Bà Sheringham!” Tôi quay lại và thấy một phụ nữ nhỏ nhắn mặc áo choàng đang vội vã lại gần. “Tôi biết là bà mà,” bà nói khi đuổi kịp đến nơi. “Dạo này bà thế nào?” Bà nở một nụ cười hớn hở với tôi. “Chào bà Waters,” tôi nói. “Gặp lại bà vui quá.” “Có vẻ như lại trở trời, chán quá nhỉ? Ồ, xin chào cháu Keiko” - bà chạm tay vào tay áo Niki - “bác không nhận ra cháu đây.” “Không,” tôi vội nói, “Đây là Niki.” “À, phải rồi, Niki. Chao ôi, cháu đã trưởng thành rồi, cháu gái ạ. Vì thế mà bác lẫn lộn hết cả. Cháu đã thực sự trưởng thành rồi.” “Chào bác Waters,” Niki nói sau khi bình tĩnh lại. Bà Waters sống không xa tôi là mấy. Dạo này thỉnh thoảng lắm tôi mới gặp bà, nhưng nhiều năm trước, bà từng dạy đàn piano cho cả hai con gái tôi. Bà đã dạy Keiko nhiều năm, còn Niki thì làm học trò bà được khoảng một năm, khi nó vẫn còn nhỏ. Tôi sớm nhận ra ngay khả năng chơi đàn hạn chế của bà Waters, và quan điểm của bà với âm nhạc thường khiến tôi khó chịu; ví dụ, bà đánh đồng các tác phẩm của Chopin và Tchaikovsky, gọi chung là “những giai điệu dễ thương”. Nhưng bà là một phụ nữ dễ mến nên tôi không nỡ lòng nào tìm người thay thế. “Dạo này cháu làm gì, cháu gái?” bà hỏi Niki. “Cháu ấy ạ? À, cháu sống ở London.” “Vậy sao? Cháu làm gì ở đó? Đi học à?” “Cháu không làm gì ạ. Cháu chỉ sống ở đó thôi.” “À, vậy đấy. Nhưng cháu có thấy vui khi sống ở đó không? Cốt là ta được như thế, phải không?” “Vâng, cháu thấy cũng vui.” “Chà, cái chính là phải vui, phải không? Còn Keiko thì sao?” Bà Waters quay ra nhìn tôi. “Keiko dạo này ra sao rồi?” “Keiko ư? À, cháu nó đã chuyển đến sống ở Manchester.” “Vậy sao? Nói chung, đó là một thành phố xinh xắn. Tôi nghe người ta nói vậy. Nó có thích cuộc sống ở trên ấy không?” “Dạo này tôi ít nhận được tin tức của cháu.” “Ôi. Tôi nghĩ không có tin gì nghĩa là tin tốt lành rồi. Keiko vẫn chơi đàn piano chứ?” “Tôi đoán là cháu vẫn chơi. Gần đây tôi không nhận được tin tức gì từ cháu.” Bà Waters rốt cuộc cũng nhận ra sự thờ ơ của tôi, bà cười một cách ngượng nghịu rồi thôi không hỏi nữa. Sự dai dẳng từ phía bà đã thành đặc trưng cho các cuộc gặp gỡ của chúng tôi kể từ khi Keiko bỏ nhà đi. Cả thái độ miễn cưỡng ra mặt của tôi khi phải nhắc tới Keiko, lẫn thực tế là đến tận buổi chiều hôm ấy, tôi vẫn chưa bao giờ nói với bà Waters dù chỉ là về nơi ở của Keiko, cũng đều không thể gây ra một ấn tượng lâu dài nào đó với bà. Rất có thể, mỗi khi chúng tôi tình cờ gặp nhau, bà Waters vẫn sẽ lại tiếp tục vui vẻ hỏi thăm về con bé. Khi chúng tôi về tới nhà, trời đã kịp mưa lâm thâm. “Mẹ rất xấu hổ vì con, phải không?” Niki nói với tôi. Chúng tôi lại ngồi xuống ghế bành, nhìn ra khu vườn bên ngoài. “Điều gì khiến con nghĩ vậy?” “Lẽ ra con phải nói với bác ấy con đang có kế hoạch vào đại học hoặc đại khái thế.” “Mẹ hoàn toàn không để ý con nói gì về bản thân, mẹ không hề thấy hổ thẹn vì con.” “Vâng, con cũng đoán thế.” “Nhưng đúng là mẹ thấy con hơi lạnh lùng với bác ấy. Con chưa bao giờ quý bác ấy, phải không?” “Bác Waters ấy ạ? Thì ngày xưa con rất ghét lúc phải học đàn với bác ấy mà. Buồn tẻ tuyệt đối. Con thường chẳng để ý gì mà chỉ ngồi mơ mộng, rồi thỉnh thoảng lại nghe một giọng nói nho nhỏ bảo con phải đặt ngón tay ở chỗ này chỗ nọ. Có phải chính mẹ là người nảy ra cái ý định bắt con phải học đàn không?” “Chủ yếu là mẹ. Con thấy đấy, mẹ đã từng có những dự định lớn lao cho con.” Niki cười. “Con rất tiếc đã chẳng làm nên trò trống gì. Nhưng đó là lỗi của mẹ. Con hoàn toàn không có chút năng khiếu âm nhạc nào. Ở chỗ con có cô bạn biết chơi đàn ghi ta, cô ấy thử chỉ cho con cách chơi vài hợp âm, nhưng con chẳng buồn học. Con nghĩ bác Waters đã khiến con muốn đoạn tuyệt với âm nhạc suốt đời.” “Biết đâu, sẽ có lức con quay lại chơi đàn và nếu vậy, con sẽ biết ơn những bài học ngày trước.” “Nhưng con đã quên hết mọi thứ học được từ ngày xưa rồi.” “Mẹ không tin là con đã quên hết mọi thứ. Người ta không thể quên hết những gì học được ở độ tuổi ấy đâu.” “Nhưng dù sao cũng là lãng phí thời gian,” Niki lẩm bẩm. Nó ngồi trên ghế, nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc lâu. Rồi nó quay sang tôi và nói, “Con đoán hẳn rất khó khăn khi nhắc đến chuyện ấy với mọi người. Ý con là chuyện Keiko ấy.” “Mẹ thấy nói như mẹ là dễ dàng nhất rồi,” tôi trả lời. “Bác ấy khiến mẹ hơi bất ngờ.” “Vâng, con cũng nghĩ thế.” Niki tiếp tục nhìn ra cửa với nét mặt trống rỗng. “Keiko không đến dự tang lễ của cha đúng không mẹ?” cuối cùng nó cũng lên tiếng. “Con biết rõ chị con không đến, sao con còn hỏi mẹ?” “Con chỉ nói thế thôi.” “Ý con muốn nói con không tới dự lễ tang của chị vì chị con không buồn đến dự tang lễ cha con? Đừng trẻ con như thế, Niki.” “Con có trẻ con đâu. Con chỉ muốn nói chuyện đã xảy ra như thế. Chị ấy chưa bao giờ là một phần trong cuộc sống của chúng ta - ít nhất là của con hay của cha. Con không bao giờ nghĩ chị ấy sẽ tới dự lễ tang cha.” Tôi không trả lời, hai mẹ con im lặng ngồi trên ghế. Rồi Niki lại nói: “Con thấy vụ gặp bác Waters cứ kỳ cục sao ấy. Hình như mẹ rất thích.” “Thích cái gì?” “Thích giả vờ Keiko vẫn còn sống.” “Mẹ không thích nói dối mọi người.” Có lẽ giọng tôi hơi cáu kỉnh, vì Niki giật mình. “Con biết chứ,” nó ngập ngừng đáp. ⁎ ⁎ ⁎ Trời mưa suốt đêm ấy. Ngày hôm sau - ngày thứ tư Niki đến nhà - trời vẫn mưa dai dẳng. “Mẹ có phiền không nếu tối nay con chuyển sang phòng khác?” Niki hỏi. “Con muốn chuyển sang phòng ngủ phụ.” Chúng tôi đang ở trong bếp rửa bát đĩa sau bữa sáng. “Phòng ngủ phụ?” Tôi cười nho nhỏ. “Tất cả các phòng bây giờ đều là phòng ngủ phụ hết. Không, chẳng có lý do gì con không được ngủ ở phòng ấy cả. Con không thích phòng cũ của mình nữa hay sao?” “Con thấy hơi kỳ khi ngủ trong đó.” “Thế thì tệ quá, Niki ạ. Mẹ đã hy vọng con vẫn cảm thấy đó là phòng của mình.” “Có, có chứ,” nó vội vã đáp. “Không phải vì con không thích phòng con nữa.” Nó bỗng im lặng, dùng khăn lau bát lau khô mấy con dao. Cuối cùng nó nói: “Mà vì cái phòng kia. Phòng chị ấy. Nó khiến con thấy sao ấy, căn phòng ngay đối diện phòng con mà.” Tôi dừng tay, nghiêm khắc nhìn Niki. “Nhưng mẹ ơi, con không thể tránh được cảm giác ấy. Con chỉ thấy kỳ quặc khi nghĩ có căn phòng ấy nằm ngay đối diện.” “Tất nhiên rồi, con cứ chuyển phòng nếu muốn,” tôi lạnh nhạt đáp. “Nhưng con sẽ phải trải giường.” Mặc dầu đã tỏ rõ cho Niki thấy nỗi phật ý của mình khi nghe nó nói muốn đổi phòng, nhưng tôi không định gây khó khăn gì. Vì chính tôi cũng có cảm giác bồn chồn mỗi khi nghĩ tới căn phòng đối diện ấy. Xét mọi mặt, đó là căn phòng dễ chịu nhất trong nhà, nhìn ra khắp khu vườn tuyệt đẹp. Nhưng nó đã bị biến thành một lãnh địa nằm dưới sự canh phòng điên cuồng của Keiko quá lâu nên đến tận bây giờ, sáu năm sau khi Keiko bỏ đi, dường như một thứ bùa mê nào vẫn còn lẩn khuất trong ấy và càng trở nên dữ dội hơn khi Keiko đã chết. Trong hai hoặc ba năm trước khi cuối cùng nó cũng bỏ chúng tôi mà đi, Keiko đã khép mình trong căn phòng ấy, đóng chặt cánh cửa cuộc đời mình với chúng tôi. Nó rất ít khi ra khỏi phòng, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng chân nó đi lại trong nhà sau khi chúng tôi đã lên giường. Tôi đoán là nó giết thời gian bằng việc đọc tạp chí và nghe đài. Nó không có bạn bè, cả nhà thì bị cấm bước chân vào phòng nó. Đến bữa, tôi thường để dành một đĩa cho nó trong bếp, sau đó nó sẽ xuống lấy rồi lại về phòng đóng kín cửa. Tôi nhận ra căn phòng ở trong một tình trạng kinh hoàng. Mùi nước thơm lâu ngày và mùi quần áo chăn màn lưu cữu bốc ra từ bên trong. Những khi có dịp liếc mắt vào trong, tôi thấy vô số tạp chí bìa bóng nằm trên sàn nhà, giữa những đống quần áo. Tôi đã phải dỗ dành nó bỏ đồ cần giặt ra ngoài và ít ra trong việc này, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận: cứ vài tuần mỗi lần, tôi lại thấy một túi đồ đặt ngoài cửa phòng cho tôi đem đi giặt giũ rồi trả lại chỗ cũ. Cuối cùng, những người còn lại trong gia đình cũng quen dần với cách sống của Keiko, và khi vì Keiko bỗng chợt hứng lên mò xuống phòng khách, tất cả chúng tôi đều cảm thấy căng thẳng ghê gớm. Lúc nào cũng vậy, những cuộc dạt phòng của Keiko thường kết thúc bằng việc nó cãi nhau hoặc với Niki hoặc với chồng tôi và sau đó, nó sẽ lại quay về phòng mình. Tôi chưa bao giờ thấy căn phòng nơi Keiko qua đời ở Manchester. Làm mẹ mà nghĩ thế này thì đúng là hơi bệnh hoạn, nhưng khi biết tin Keiko tự vẫn, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong óc tôi - trước cả khi cảm thấy choáng váng - là câu hỏi không biết nó đã chết bao lâu trước khi có người tìm ra. Nó từng sống ngay trong nhà mình nhiều ngày liền mà không ai nhìn thấy; thế nên chẳng mấy hy vọng nó sẽ được phát hiện sớm ở một thành phố xa lạ không ai quen biết. Sau này, nhân viên điều tra nói nó đã chết trong phòng “Được vài ngày”. Chính bà chủ nhà là người mở cửa vì nghĩ Keiko đã bỏ đi mà không trả tiền thuê nhà. Tôi liên tục thấy mình gọi lên trong óc hình ảnh con gái mình treo cổ mấy ngày liền trong phòng. Hình ảnh ấy chưa bao giờ hết hãi hùng, nhưng nó đã không còn là một ý nghĩ bệnh hoạn nữa; cũng như một vết thương trên cơ thể, một mối quan hệ gần gụi hoàn toàn có thể hình thành giữa ta với điều ghê sợ nhất trên đời. “Dù sao thì phòng ngủ phụ chắc sẽ ấm hơn,” Niki nói. “Niki, nếu thấy lạnh ban đêm, con chỉ việc tăng nhiệt độ máy sưởi lên là xong.” “Vâng,” nó thở dài. “Gần đây con ngủ không được ngon. Con nghĩ con hay gặp những giấc mơ tồi tệ, nhưng khi tỉnh dậy con lại không thể nhớ chính xác mình đã mơ gì.” “Đêm hôm qua mẹ cũng nằm mơ,” tôi nói. “Chắc vì ở đây yên tĩnh quá. Con không quen với đêm quá yên tĩnh.” “Mẹ nằm mơ về bé gái ấy. Bé gái hai mẹ con mình nhìn thấy hôm qua. Bé gái ở công viên ấy.” “Xe cộ ồn ào con cũng ngủ được, nhưng con quên mất phải ngủ trong tĩnh lặng thế nào rồi.” Niki nhún vai, bỏ dao dĩa vào ngăn kéo. “Chắc ở phòng phụ con sẽ ngủ dễ hơn.” Việc tôi nói với Niki ngay lần đầu tiên mơ giấc mơ ấy cho thấy có thể chính tôi lúc bấy giờ cũng hồ nghi đó không phải một giấc mơ vô hại. Chắc ngay từ đầu tôi đã nghi ngờ - mặc dù không hoàn toàn hiểu vì sao - rằng giấc mơ ấy không liên quan mấy tới bé gái kia, mà thực ra là do hai hôm trước tôi đã nhớ đến Sachiko. Chương bốn M ột buổi chiều nọ, đang chuẩn bị bữa tối trong bếp trước khi chồng tôi đi làm về, tôi bỗng nghe thấy một âm thanh lạ phát ra từ phòng khách. Tôi ngừng tay, lắng nghe. Âm thanh lại vang lên lần nữa - là tiếng đàn violin chơi rất dở. Tiếng ồn tiếp tục khoảng vài phút, trước khi tắt ngấm. Khi cuối cùng cũng vào đến phòng khách, tôi thấy thầy Ogata đang ngồi nghiên cứu bàn cờ vua. Ánh chiều tà đổ vào phòng. Bất chấp chiếc quạt điện đang chạy, cảm giác oi bức vẫn dày đặc trong căn hộ. Tôi mở cửa sổ rộng thêm một chút. “Con tưởng hôm qua đã chơi hết ván rồi cơ mà?” tôi hỏi khi lại gần chỗ ông. “Chưa, Jiro kêu mệt. Cha đoán là nó giở mánh khóe mà thôi. Con nhìn này, cha đã dồn nó vào thế bí rồi.” “Vâng.” “Nó đang lợi dụng chuyện trí nhớ của cha dạo này xuống quá. Nên bây giờ cha đang soát lại chiến thuật của mình thôi.” “Cha tính toán chu toàn làm sao, thưa cha, Nhưng con không nghĩ Jiro lại ranh mãnh đến thế đâu.” “Chắc vậy. Cha tin là bây giờ con hiểu nó hơn cha đấy.” Thầy Ogata tiếp tục nghiên cứu bàn cờ một lúc, sau đó ngẩng lên cười. “Chắc con thấy buồn cười lắm. Trong khi Jiro đang mướt mồ hôi làm việc ở văn phòng thì cha ngồi đây chuẩn bị sẵn bàn cờ đợi nó về. Cha thấy mình giống một thằng bé chờ cha đi làm về.” “Thì con thà thấy cha cắm cúi với bàn cờ còn hơn. Bản độc tấu vừa rồi của cha dễ sợ quá.” “Thật bất kính làm sao. Thế mà cha tưởng con sẽ xúc động lắm đấy, Etsuko ạ.” Cây đàn violin đang nằm trên nền nhà ngay cạnh ông, đã được đặt lại vào hộp. Thầy Ogata nhìn tôi khi tôi bắt đầu mở hộp đàn. “Cha thấy nó nằm trên kệ,” ông nói. “Cha đã tự tiện lấy xuống. Con đừng tỏ ra lo lắng thế, Etsuko. Cha rất nhẹ tay mà.” “Làm sao con biết được. Chính cha nói dạo này cha giống hệt một đứa trẻ mà.” Tôi cầm cây đàn lên kiểm tra. “Trừ việc trẻ em thì không thể với tay lên giá để đồ trên cao.” Tôi kẹp cây đàn dưới cằm. Thầy Ogata tiếp tục nhìn tôi. “Con chơi đàn cho cha nghe đi,” ông nói. “Cha biết con chơi hay hơn cha nhiều.” “Cái đó thì chắc rồi.” Một lần nữa, tôi duỗi tay đưa cây đàn ra xa. “Nhưng đã lâu quá rồi.” “Nghĩa là gần đây con không tập đàn sao? thế thì tiếc lắm, Etsuko ạ. Con từng rất say mê chơi đàn mà.” “Đúng là con đã từng như thế. Nhưng dạo này con hầu như không động đến nó.” “Thật vô cùng đáng tiếc, Etsuko. Thế mà con đã từng rất say mê. Cha vẫn nhớ hồi con hay chơi đàn nửa đêm khiến cả nhà tỉnh giấc.” “Khiến cả nhà tỉnh giấc ư? Con làm thế hồi nào?” “Đúng vậy, cha vẫn nhớ. Khi con mới chuyển đến sống cùng gia đình ta.” Thầy Ogata cười. “Đừng lo lắng quá thế, Etsuko. Cả nhà đều bỏ quá cho con mà. Giờ xem nào, ai là nhà soạn nhạc ngày trước con say mê nhất ấy nhỉ? Có phải là Mendelssohn không?” “Thật sao? Con đánh thức cả nhà sao?” “Đừng tỏ ra lo lắng quá thế, Etsuko. Chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi mà. Chơi một bản nhạc của Mendelssohn cho cha nghe đi.” “Nhưng sao cha không bảo con ngừng tập?” “Chỉ có mấy đêm đầu tiên thôi. Hơn nữa, cả nhà thấy cũng không có vấn đề gì.” Tôi gảy nhẹ dây đàn. Cây đàn đã bị sai tông. “Chắc hồi ấy con làm phiền cha nhiều lắm,” tôi nói nhỏ. “Đừng nói linh tinh.” “Nhưng còn cả nhà. Chắc cả nhà đều nghĩ con là đứa dở hơi.” “Không ai ghét bỏ gì con đâu. Chẳng phải cuối cùng con đã kết hôn với Jiro còn gì. Thôi, Etsuko, nói chuyện ấy đủ rồi. Chơi đàn cho cha nghe đi.” “Hồi ấy con thế nào hả cha? Con có giống phát điên rồi không?” “Con bị sốc nặng, nhưng điều đó thì ai cũng hiểu. Tất cả những ai sống sót đều choáng váng vô cùng. Thôi, Etsuko, quên hết đi. Cha xin lỗi vì đã khơi lại chuyện cũ.” Tôi lại đưa cây đàn lên tì cằm vào. “Á,” ông nói. “Mendelssohn.” Tôi giữ nguyên tư thế ấy vài giây, đàn kẹp dưới cằm. Rồi tôi lại buông đàn, đặt xuống lòng mà thở dài. “Dạo này con hầu như chẳng chơi bao giờ,” tôi nói. “Cha rất xin lỗi, Etsuko.” Giọng thầy Ogata đã trở nên nghiêm tức. “Lẽ ra cha không nên động đến cây đàn.” Tôi ngẩng lên nhìn ông, mỉm cười rồi nói. “Vậy là thằng bé con đang thấy có lỗi rồi đấy.” “Chỉ vì cha trông thấy đàn nằm trên kia nên nhớ đến nó thời xưa thôi.” “Con sẽ chơi cho cha vào dịp khác. Sau khi con đã tập lại một chút.” Ông khẽ cúi mình, ánh mắt lại lấp lánh nét cười. “Cha sẽ không quên lời hứa của con, Etsuko à. Mà con có thể dạy cha chơi nữa.” “Con không thể dạy cha mọi thứ được cha ơi. Cha nói cha muốn học nấu ăn cơ mà.” “À ừ. Cả nấu ăn nữa.” “Lần sau cha đến thăm chúng con, con sẽ chơi đàn cho cha nghe.” “Cha sẽ không quên lời hứa của con,” ông nói. ⁎ ⁎ ⁎ Sau bữa tối hôm ấy, Jiro cùng cha ngồi xuống bên bàn cờ. Dọn dẹp bát đũa xong, tôi cũng ngồi xuống khâu vá. Đang chơi thì thầy Ogata bỗng hỏi: “Cha chợt nhận ra một điều. Con có đồng ý cho cha đi lại nước vừa rồi không?” “Tất nhiên rồi,” Jiro nói. “Nhưng thế thì bất công với con quá. Đặc biệt khi hình như cha đang áp đảo con.” “Không sao đâu mà. Cha cứ đi lại đi.” “Con không phiền lòng chứ?” “Hoàn toàn không.” Họ chơi tiếp trong im lặng. “Jiro này,” thầy Ogata lại lên tiếng sau vài phút, “cha có điều này muốn hỏi con một chút. Con đã viết lá thư đó chưa? Cho Shigeo Matsuda ấy?” Tôi ngừng khâu, ngẩng lên nhìn. Jiro như bị cuốn vào ván cờ nên không trả lời, cho tới tận sau khi đi xong một nước. “Shigeo ấy ạ? Chưa, con chưa viết. Con vẫn định viết, mà đáng tiếc là dạo này con bỗng bận quá.” “Tất nhiên rồi. Cha hiểu chứ. Chỉ vì tự nhiên cha nghĩ đến việc ấy thôi.” “Con thấy dạo này mình như không có thời gian nữa.” “Tất nhiên rồi. Không việc gì phải vội. Cha không định cứ làm phiền con mãi thế này. Có điều, nếu cậu ta nhận được thư sớm thì sẽ hợp lý hơn. Bài báo ấy của cậu ta đã xuất bản được vài tuần rồi.” “Vâng, đúng vậy. Cha nói rất đúng.” Họ lại quay lại với bàn cờ. Cả hai không ai nói gì một lúc. Rồi thầy Ogata lại lên tiếng: “Con nghĩ cậu ta sẽ phản ứng ra sao?” “Shigeo ấy ạ? Con không biết. Như con đã nói, dạo này chúng con không thân nhau lắm.” “Con nói cậu ta đã gia nhập Đảng Cộng sản phải không?” “Con không chắc lắm. Nhưng lần trước con gặp cậu ấy, cậu ấy có bày tỏ quan điểm theo hướng đó.” “Thật vô cùng đáng tiếc. Nhưng mà thời buổi này ở nước Nhật, thanh niên chịu ảnh hưởng của rất nhiều thứ.” “Vâng, hẳn rồi.” “Ngày nay, rất nhiều thanh niên bị các khái niệm và lý thuyết làm cho u mê. Nhưng có thể cậu ta sẽ chịu nhượng bộ và xin lỗi. Thật không gì bằng một lời nhắc nhở đúng lúc về bổn phận cá nhân của một người. Con biết không, cha nghĩ chắc Shigeo chưa bao giờ dừng lại suy nghĩ về những việc mình đang làm. Cha nghĩ cậu ta viết bài báo đó khi một tay cầm bút, còn tay kia thì cầm những cuốn sách về chủ nghĩa cộng sản. Chắc là cuối cùng rồi cậu ta cũng sẽ chịu hạ giọng thôi.” “Rất có thể. Chỉ là gần đây con bận quá.” “Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi. Công việc phải được ưu tiên hàng đầu. Con đừng lo lắng về chuyện ấy. Đến lượt cha rồi hả?” Họ tiếp tục chơi cờ và trò chuyện rất ít. Một lần, tôi nghe thầy Ogata nói: “Nước cờ con vừa đi đúng như cha dự đoán. Con sẽ phải rất khôn khéo mới giải được thế bí này đấy.” Họ chơi được một lúc thì bỗng có tiếng gõ cửa. Jiro ngẩng lên và đưa mắt nhìn tôi. Tôi bỏ đồ khâu xuống, đứng dậy. Mở cửa, tôi thấy hai chàng trai đang cười toe toét cúi chào mình. Lúc đó đã khá muộn, thoạt đầu tôi cứ tưởng họ nhầm nhà. Nhưng rồi nhận ra họ là đồng nghiệp của Jiro, tôi mời họ vào nhà. Họ cứ cười khúc khích khi đứng ở lối đi. Một người mập lùn, mặt đỏ nhừ. Người kia gầy hơn, da trắng bợt như người châu Âu; nhưng cả người này hình như cũng đã uống khá nhiều, vì trên má anh ta đã lấm tấm đầy những vết ửng đỏ. Cà vạt của cả hai người đều đã bị nới lỏng xộc xệch, còn áo khoác thì vắt một bên tay. Jiro có vẻ vui khi thấy họ, anh gọi họ vào trong. Nhưng họ cứ đứng nguyên ở lối vào mà khúc khích cười. “Chà chà, Ogata,” người da trắng bảo Jiro, “hình như chúng tôi đến không đúng lúc rồi.” “Không phải đâu. Nhưng các cậu đến khu này có việc gì vậy?” “Chúng tôi mới đến thăm anh trai của Murasaki. Thực ra, chúng tôi vẫn chưa về nhà.” “Chúng tôi đến làm phiền anh vì chúng tôi sợ không dám về nhà,” anh chàng mập lùn xen vào. “Chúng tôi đã không báo với vợ là sẽ về muộn.” “Hai cậu vớ vẩn quá,” Jiro nói. “Sao không cỏi giày rồi lên đây chứ?” “Chúng tôi đến không phải lúc rồi,” người da trắng nhắc lại. “Tôi thấy anh đang có khách.” Anh ta cười toe toét rồi cúi chào thầy Ogata. “Đây là cha tôi, nhưng làm sao tôi giới thiệu các cậu được nếu các cậu không chịu vào phòng?” Hai vị khách cuối cùng cũng bỏ giày và yên vị trong nhà. Jiro giới thiệu họ với cha, một lần nữa, họ lại cúi chào và rúc rích cười. “Hai cháu cũng làm cùng công ty với Jiro phải không?” thầy Ogata hỏi. “Vâng ạ,” người béo lùn trả lời. “Thật là một vinh dự lớn cho chúng cháu, mặc dù anh ấy toàn làm khổ chúng cháu. Ở văn phòng, chúng cháu gọi con trai bác là ‘vua Pharaoh’ đấy ạ, vì anh ấy luôn giục giã bắt bọn cháu làm việc như nô lệ, còn anh ấy thì chẳng làm gì.” “Cậu chỉ được cái nói năng lung tung,” chồng tôi nói. “Thật mà. Anh ấy ra lệnh cho chúng cháu như đầy tớ không bằng. Rồi anh ấy ngồi xuống đọc báo.” Hình như thầy Ogata hơi bối rối, nhưng khi thấy cả ba cùng cười to, ông cũng cười theo. “Cái gì đây?” người da trắng chỉ tay vào bàn cờ. “Anh thấy không, tôi biết là mình đã phá đám mà.” “Chúng tôi chỉ đang chơi cờ để giết thời gian thôi mà,” Jiro đáp. “Thế thì bác với anh cứ chơi đi. Đừng để những thằng vớ vẩn như bọn cháu làm phiền.” “Cậu đừng có ngốc thế. Làm sao tôi tập trung nổi khi có mặt hai thằng ngốc các cậu.” Jiro đẩy bàn cờ sang bên. Một hai quân cờ đổ xuống, anh dựng chúng dậy, không buồn để ý đặt cho đúng ô. “Nghĩa là các cậu vừa đến thăm anh trai của Murasaki. Etsuko này, em pha trà cho hai quý ông này nhé.” Chồng tôi nói, mặc dù đã thấy tôi đang trên đường vào bếp. Nhưng rồi người béo lùn điên cuồng vẫy tay. “Chị ngồi xuống, ngồi xuống đi. Xin chị hãy ngồi xuống. Chúng tôi về ngay thôi. Chị hãy ngồi xuống.” “Không có gì đâu,” tôi mủn cười nói. “Không, chị ạ, tôi xin chị đấy.” Anh ta bắt đầu gào khá to. “Chúng tôi chỉ là mấy thằng vớ vẩn, như chồng chị đã nói. Không cần quá bận tâm tới chúng tôi đâu, mời chị ngồi xuống.” Tôi đang định nghe theo lời anh ta thì thấy Jiro nhìn mình giận dữ. “Ít ra thì các anh hãy uống chút trà với chúng tôi,” tôi nói. “Không phiền chút nào đâu mà.” “Đã ngồi xuống rồi thì các cậu nên ở lại chơi một lúc,” chồng tôi nói với hai vị khách. “Dù sao thì tôi muốn nghe kể về anh trai của Murasaki. Có đúng là anh ta khùng như mọi người vẫn nói không?” “Anh ta đúng là một người khác thường,” người mập lùn nói rồi cười phá lên. “Dứt khoát là chúng tôi đã không phải thất vọng. Mà đã ai kể cho anh nghe về vợ anh ta chưa?” Tôi cúi chào rồi sang bếp trong khi mọi người mải trò chuyện. Tôi pha trà, bỏ vài chiếc bánh tôi làm lúc ban ngày vào một cái đĩa. Tôi nghe rõ tiếng cười vọng ra từ phòng khách, nghe rõ tiếng chồng mình lẫn với tiếng họ. Một trong hai vị khách lại đang lớn tiếng gọi anh là “vua Pharaoh”. Khi quay trở lại phòng khách, tôi thấy Jiro và họ có vẻ đang rất phấn khích. Người mập lùn đang kể lại giai thoại về cuộc gặp gỡ của một bộ trưởng với tướng MacArthur. Tôi đặt đĩa bánh gần chỗ họ ngồi, rót trà rồi ngồi xuống cạnh thầy Ogata. Hai người bạn của Jiro tiếp tục kể chuyện cười về các chính khách, rồi người da trắng vờ tỏ ra bị xúc phạm khi anh bạn đồng hành dám miệt thị một nhân vật lớn mà anh ta yêu quý. Anh ta giữ bộ mặt nghiêm nghị, trong khi hai người kia chọc ghẹo mình. “Tiện thể, Hanada này,” chồng tôi nói với anh ta. “Hôm nọ tôi nghe được một chuyện thú vị ở văn phòng. Tôi được biết vào lần bầu cử vừa rồi, cậu cầm gậy chơi golf dọa đánh vợ chỉ vì cô ấy không muốn bỏ phiếu theo ý cậu đúng không?” “Anh nghe chuyện nhảm nhí ấy ở đâu ra?” “Từ một nguồn đáng tin cậy.” “Đúng thế,” người mập lùn nói. “Vợ cậu định gọi điện cho cảnh sát báo cáo về một vụ đe dọa chính trị.” “Thật vớ vẩn. Hơn nữa, tớ làm gì còn chiếc gậy chơi golf nào. Năm ngoái tớ bán hết rồi còn đâu.” “Nhưng cậu vẫn còn cây gậy sắt số 7 mà,” người mập lùn nói. “Tuần trước tớ còn thấy trong căn hộ của cậu. Chắc cậu dùng cây ấy.” “Cậu không thể phủ nhận chuyện này được, đúng không Hanada?” Jiro nói. “Chuyện về gậy đánh golf là chuyện vớ vẩn.” “Nhưng đúng là cậu không tài nào bắt vợ nghe theo ý mình được.” Người da trắng nhún vai. “Bỏ phiếu cho người nào là quyền cá nhân của cô ấy mà.” “Thế thì sao cậu lại đe dọa cô ấy?” anh bạn đi cùng hỏi. “Tất nhiên là tớ chỉ cố giúp cô ấy hiểu. Vợ tớ bỏ phiếu cho Yoshida chỉ vì trông ông ta giống cậu của cô ấy. Phụ nữ là thế đấy. Họ không hiểu gì về chính trị. Họ cho rằng chọn các nhà lãnh đạo quốc gia cũng giống như chọn váy áo.” “Và thế là cậu cho cô ấy xơi cây gậy sắt số 7,” Jiro nói. “Thật vậy sao?” thầy Ogata hỏi. Từ khi tôi mang trà quay lại phòng, ông chư hề nói câu nào. Ba người kia ngưng cười, người da trắng nhìn thầy Ogata, nét mặt ngạc nhiên. “Dạ, không ạ.” Anh ta bỗng trở nên trang nghiêm, khẽ cúi người. “Cháu không đánh cô ấy đâu ạ.” “Không, không phải vậy,” thầy Ogata nói. “Ý bác là cháu và vợ cháu bầu cho hai đảng khác nhau sao?” “Dạ, đúng thế ạ.” Anh ta nhún vai rồi cười khúc khích đầy gượng gạo. “Cháu còn biết làm gì nữa?” “Bác xin lỗi. Bác không có ý tọc mạch.” Thầy Ogata cúi người thật thấp, người da trắng cũng cúi người đáp lại. Như thể việc cúi chào là tín hiệu giải vây, ba người kia lại bắt đầu cười đùa và nói chuyện. Họ thôi không bàn chuyện chính trị nữa mà bắt đầu bàn tán về các nhân viên khác ở công ty. Khi tiếp tục rót trà, tôi để ý thấy chỗ bánh ngọt đã gần hết sạch, mặc dù tôi mang ra khá nhiều. Rót trà xong, tôi lại ngồi xuống cạnh thầy Ogata. ⁎ ⁎ ⁎ Hai vị khách ở chơi khoảng một tiếng đồng hồ. Jiro tiễn họ ra cửa rồi ngồi xuống với một tiếng thở dài. “Muộn rồi,” anh nói. “Con chuẩn bị phải đi ngủ đây.” Thầy Ogata đang nghiên cứu bàn cờ. “Cha nghĩ các quân cờ đã bị xê dịch chút xíu,” ông nói. “Cha chắc chắn quân mã nằm ở ô này chứ không phải ô kia.” “Chắc vậy.” “Thế thì cha sẽ đặt nó vào đây. Thống nhất chứ?” “Vâng, vâng, con biết là cha đúng mà. Cha này, chúng ta sẽ phải kết thúc ván cờ lúc khác thôi. Con phải đi ngủ đây.” “Chơi thêm vài nước được không? Ta nên kết thúc cho xong đi.” “Thật ra thì, con không muốn. Con mệt quá.” “Thế thì thôi vậy.” Tôi cất gọn chỗ đồ khâu vá mình đã bắt tay vào làm từ lúc chập tối, ngồi chờ hai cha con đi ngủ. Nhưng Jiro lại cầm báo lên và bắt đầu đọc trang bìa sau. Rồi anh nhón miếng bánh cuối cùng trên đĩa lên, ăn một cách thờ ơ. Một lúc sau, thầy Ogata lên tiếng: “Hay là ta chơi nốt cho xong ván luôn. Chắc chỉ vài nước nữa là cùng.” “Cha ơi, con đang thực sự thấy rất mệt. Sáng mai con còn phải đi làm.” “Ừ, tất nhiên rồi.” Jiro quay lại đọc báo. Anh tiếp tục ăn bánh, tôi nhìn vụn bánh rơi xuống sàn tatami. Thầy Ogata thì tiếp tục chăm chú nhìn bàn cờ một lúc nữa. “Thật là lạ đời,” cuối cùng ông cũng nói, “những gì bạn con nói ấy.” “Dạ? Chuyện gì cơ ạ?” Jiro không ngẩng lên khỏi tờ báo. “Về việc cậu ấy và vợ bỏ phiếu cho hai đảng khác nhau. Vài năm trước thì không ai tưởng tượng nổi có chuyện như thế.” “Quả có vậy.” “Những gì đang diễn ra quả là rất lạ đời. Nhưng cha hiểu, dân chủ là phải thế.” Thầy Ogata thở dài. “Những gì chúng ta nôn nóng học hỏi từ người Mỹ không phải lúc nào cũng tốt đẹp.” “Vâng, đúng là không phải vậy.” “Nhìn xem chuyện gì đã xảy ra. Vợ chồng bỏ phiếu cho hai đảng khác nhau. Thật là một tình cảnh đáng buồn khi ta không thể tin cậy vợ mình trong những vấn đề như thế được nữa.” Jiro tiếp tục đọc báo. “Vâng, thật đáng tiếc,” anh nói. “Một người vợ thời buổi này không còn biết thế nào là lòng trung thành dành cho gia đình nữa. Chỉ biết làm theo ý thích của mình, bỏ phiếu cho một đảng khác theo hứng thú bất chợt của mình. Mọi thứ ở nước Nhật ngày nay đều như vậy. Nhân danh dân chủ, người ta từ bỏ hết bổn phận của mình.” Jiro ngẩng lên nhìn cha một khắc ngắn ngủi, rồi lại cúi xuống đọc báo. “Đúng là cha nói rất có lý,” anh nói. “Nhưng chắc chắn không phải điều gì người Mỹ mang tới đây cũng xấu.” “Người Mỹ không bao giờ hiểu cách sống của người Nhật. Họ chưa bao giờ hiểu dù chỉ chút ít. Cách sống của họ có thể phù họp với dân Mỹ, nhưng ở Nhật thì mọi thứ lại khác, rất khác.” Thầy Ogata lại thở dài. “Kỷ luật, trung thành, đó là những thứ đã từng gắn kết người Nhật thành một khối. Nghe có vẻ to tát, nhưng đúng là như thế. Con người được ràng buộc bởi ý thức trách nhiệm. Với gia đình, với bề trên, với đất nước. Nhưng ngày nay, thay vào đó, ta chỉ toàn nghe người ta nói về dân chủ. Con sẽ nghe tới từ dân chủ bất cứ khi nào người ta muốn ích kỷ, bất cứ khi nào người ta muốn quên đi bổn phận của mình.” “Vâng, con tin là cha nói rất đúng,” Jiro ngáp, lấy tay gãi một bên mặt. “Lấy ví dụ chuyện vừa xảy ra với ngành của cha mà xem. Cả một hệ thống chúng ta đã nuôi dưỡng và vun đắp suốt nhiều năm. Rồi người Mỹ tới, giật tung và xé phăng mọi thứ, không chút băn khoăn. Họ quyết định rằng trường học ta sẽ phải giống trường học ở Mỹ, trẻ em ta phải học những gì được dạy cho trẻ em Mỹ. Còn người Nhật thì sung sướng đón chào. Đón chào và nói rất nhiều đến dân chủ” - ông lắc đầu - “quá nhiều điều tốt đẹp đã bị hủy hoại trong trường học của chúng ta.” “Vâng, con tin chắc những gì cha nói đều đúng.” Jiro lại ngẩng mặt lên. “Nhưng hẳn là hệ thống cũ cũng có khiếm khuyết, tại các nhà trường cũng như tại bất cứ nơi nào khác.” “Jiro, con nói thế là sao? Con đọc được ở đâu à?” “Chỉ là ý kiến của con thôi ạ.” “Có phải con đọc được điều đó trên cái tờ báo kia không? Cha đã hy sính cả cuộc đời mình cho việc dạy dỗ thế hệ trẻ. Rồi cha phải chứng kiến người Mỹ phá bỏ mọi thứ. Những gì diễn ra ở trường học ngày nay, cách người ta dạy trẻ em cư xử, thật là lạ đời. Thật sự lạ đời. Và có quá nhiều thứ không được dạy cho trẻ nữa. Con có biết rằng trẻ em ngày nay ròi ghế nhà trường mà không biết chút gì về lịch sử của chính quê hương đất nước mình không?” “Phải thừa nhận đó là điều đáng tiếc. Nhưng con vẫn nhớ những thứ kỳ cục hồi con còn đi học. Ví dụ thế này, con nhớ được dạy rằng nước Nhật ra đời là do các vị thần tạo ra. Rằng dân tộc chúng ta là thần thánh và tối cao. Bọn con phải học thuộc lòng sách giáo khoa, từng chữ một. Có lẽ không phải cái gì mất đi cũng là tổn thất.” “Nhưng Jiro, mọi chuyện đâu có đơn giản như thế. Rõ ràng con chưa hiểu mọi thứ vận hành thế nào. Chuyện hoàn toàn không đơn giản như con tưởng. Chúng ta đã dành trọn đời mình để đảm bảo những phẩm chất tốt đẹp sẽ được truyền lại cho con cháu, để trẻ em lớn lên có thái độ đúng đắn với đất nước và bạn bè. Đó đã từng là tinh thần của Nhật Bản, là thứ giúp kết nối chúng ta với nhau. Thử tưởng tượng phải làm một cậu bé vào thời buổi này xem sao. Ở trường thì không được dạy một giá trị gì - chắc chỉ trừ việc phải biết ích kỷ đòi hỏi cuộc đời cho mình bất cứ cái gì mình muốn. Rồi khi về nhà lại thấy cha mẹ cãi nhau, chỉ vì mẹ không muốn bỏ phiếu bầu cho đảng của cha. Thật không ra làm sao cả.” “Vâng, con hiểu ý cha. Nhưng cha ơi, con rất tiếc nhưng đã đến lúc con phải đi ngủ.” “Bọn cha đã cố gắng hết sức mình, những người như cha và Endo, bọn cha đã làm hết sức mình để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp ở đất nước này. Quá nhiều điều tốt đẹp đã bị hủy hoại.” “Vô cùng đáng tiếc.” Chồng tôi đứng dậy. “Con xin lỗi, nhưng con phải đi ngủ. Mai sẽ lại là một ngày bận rộn nữa.” Thầy Ogata ngẩng lên nhìn con trai, vẻ mặt có phần ngạc nhiên. “Tất nhiên rồi. Cha thật vô tâm đã bắt con thức khuya.” Ông khẽ cúi mình. “Không có gì đâu ạ. Con rất tiếc vì không thể trò chuyện lâu hơn, nhưng con thực sự phải đi ngủ.” “Tất nhiên rồi con ạ.” Jiro chúc cha ngủ ngon rồi ra khỏi phòng. Thầy Ogata không rời mắt nhìn cánh cửa nơi Jiro vừa đi ra một lúc thật lâu, như thể đang chờ con trai mình quay trở lại bất cứ lúc nào. Rồi ông quay sang nhìn tôi, ánh mắt lo âu. “Cha không biết đã muộn thế,” ông nói. “Cha không định bắt Jiro thức khuya.” Chương năm “Đ i rồi sao? Không để lại tin nhắn gì cho chị ở khách sạn sao?” Sachiko cười. “Trông em sửng sốt quá, Etsuko ạ,” cô nói. “Không, anh ấy không để lại gì. Anh ấy đi từ sáng hôm qua, họ chỉ biết có thế. Mà nói thật, chị cũng đã lờ mờ đoán trước.” Tôi chợt thấy mình vẫn đang bê khay trên tay. Tôi liền cẩn thận đặt xuống rồi ngồi lên một tấm đệm, đối diện với Sachiko. Một làn gió rất dễ chịu đang nhẹ thổi qua căn hộ vào buổi sáng hôm ấy. “Nhưng thế thì kinh khủng cho chị quá,” tôi nói. “Trong khi chị thì đang chờ đợi, mọi thứ đều đã được đóng gói gọn gàng.” “Chuyện này chẳng có gì mới với chị, Etsuko ạ. Hồi ở Tokyo - chính là nơi lần đầu tiên chị gặp anh ấy, em biết đấy. Hồi ở Tokyo, chuyện đã xảy ra hệt như thế. Nên không, chuyện này không có gì mới mẻ với chị. Chị đã học được cách sẵn sàng ứng phó với những chuyện như thế.” “Chị nói tối nay chị sẽ quay vào thành phố đúng không? Đi một mình?” “Đừng tỏ ra choáng váng như thế, Etsuko ạ. So với Tokyo thì Nagasaki chỉ như một thị trấn nhỏ yên bình. Nếu anh ấy vẫn ở Nagasaki thì tối nay chị sẽ tìm ra. Anh ấy có thể đổi khách sạn, nhưng không thể thay đổi thói quen.” “Nhưng chuyện này thật kinh khủng. Nếu chị muốn, em sẵn lòng sang chờ cùng Mariko cho tới khi chị quay lại.” “Em thật tốt quá. Mariko hoàn toàn có thể ở nhà một mình, nhưng nếu em không ngại ở bên nó vài tiếng đồng hồ tối nay thì tuyệt quá. Nhưng chị biết chắc mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy thôi, Etsuko ạ. Em biết đấy, nếu em đã phải trải qua những gì chị từng phải trải qua thì em sẽ không để những thất bại nhỏ nhặt thế này khiến mình phải lo lắng khổ sở đâu.” “Nhưng nhỡ anh ấy đã… ý em là, nhỡ anh ấy đã rời khỏi Nagasaki rồi thì sao?” “Chà, anh ấy chưa đi xa được đâu, Etsuko. Hơn nữa, nếu anh ấy thực sự muốn bỏ chị, thì anh ấy đã để lại một tin nhắn, phải vậy không? Em thấy chưa, anh ấy chưa đi xa đâu. Anh ấy biết chị sẽ đến tìm mà.” Sachiko nhìn tôi, mỉm cười. Tôi không biết phải trả lời ra sao. “Hơn nữa, Etsuko này,” cô nói tiếp, “anh ấy đã xuống tận đây. Anh ấy xuống tận Nagasaki tìm gặp chị ở nhà bác chị, từ tít tận Tokyo. Nói chị nghe, tại sao anh ấy phải làm vậy, nếu không vì anh ấy thực sự nghiêm túc với lời hứa của mình? Em thấy đấy, Etsuko, điều anh ấy mong muốn nhất là đưa chị sang Mỹ. Đó chính là điều anh ấy muốn. Thực sự là không có gì thay đổi, chỉ một chút chậm trễ mà thôi.” Cô cười một tiếng ngắn ngủi. “Em biết đấy, thỉnh thoảng anh ấy vẫn như một cậu bé con.” “Nhưng chị nghĩ bạn chị bỏ đi thế này nghĩa là sao? Em không hiểu.” “Chẳng sao cả, Etsuko, chuyện đó hầu như không thành vấn đề. Điều anh ấy thực sự muốn là đưa chị sang Mỹ và cùng nhau xây dựng một cuộc sống nghiêm túc và bình ổn ở đó. Đó là điều anh ấy thực sự muốn. Nếu không, tại sao anh ấy lặn lội đến tận nhà bác chị tìm chị? Em thấy đấy, Etsuko, chuyện này chẳng có gì đáng lo.” “Vâng, em cũng biết thế.” Sachiko hình như định nói tiếp, nhưng rồi lại thôi. Cô chăm chú nhìn bộ đồ trà trên khay. “Nếu vậy thì, Etsuko ạ,” cô mỉm cười nói, “rót trà đi nhỉ.” Cô im lặng nhìn tôi rót trà. Một lần tôi liếc nhanh nhìn Sachiko, cô mỉm cười như muốn động viên tôi. Rót trà xong, hai chúng tôi ngồi im một lúc. “Nhân tiện chị muốn hỏi, Etsuko ạ,” Sachiko nói, “chị đoán là em đã nói với bác Fujiwara và giải thích hoàn cảnh của chị với bác ấy.” “Vâng. Em gặp bác ấy vào hôm kia.” “Chị đoán là bác ấy đang băn khoăn không biết chuyện gì xảy ra với chị.” “Em đã giải thích với bác ấy, rằng chị phải nghỉ việc và sang Mỹ. Bác ấy rất hiểu.” “Em biết đấy, Etsuko,” Sachiko nói, “chị thấy mình đang rơi vào một tình thế khó khăn.” “Vâng, em hiểu.” “Về cả tài chính lẫn mọi thứ.” “Vâng, ra thế,” tôi nói và hơi khẽ cúi mình. “Nếu chị muốn, em hoàn toàn có thể nói chuyện với bác Fujiwara. Em tin rằng trong hoàn cảnh này, bác ấy sẽ vui lòng mà…” “Không, không, Etsuko” - Sachiko cười lớn - “chị không muốn quay lại quán mì nhỏ bé của bác ấy. Chị tin chắc sớm muộn gì chị cũng sẽ đi Mỹ. Đây chỉ là một sự trì hoãn nho nhỏ, chỉ vậy thôi. Nhưng trong lúc ấy, em biết đấy, chị cần một ít tiền. Và chị cũng vừa nhớ ra có lần em đã đề nghị giúp chị chuyện đó.” Cô nhìn tôi, miệng nở một nụ cười hiền hòa. Tôi nhìn cô một lúc. Rồi tôi cúi người đáp: “Em có chút tiền tiết kiệm riêng. Không nhiều lắm, nhưng giúp được chị thì em rất vui.” Sachiko cúi người đầy duyên dáng, sau đó cầm chén trà. “Chị sẽ không nói cụ thể mình cần bao nhiêu, để em khỏi ngại,” cô nói. “Cho chị mượn bao nhiêu hoàn toàn là quyền của em. Em cứ cho mượn bao nhiêu tùy em, chị đều rất biết ơn. Tất nhiên là sớm muộn gì chị cũng sẽ hoàn lại khoản vay này cho em, em cứ yên tâm về điều đó, Etsuko ạ.” “Nhất định thế,” tôi nói khẽ. “Em hoàn toàn không nghi ngờ gì điều ấy.” Sachiko tiếp tục dành cho tôi nụ cười hiền hậu ấy. Tôi xin phép rồi ra khỏi phòng. Ánh mặt trời tràn ngập trong phòng ngủ, soi tỏ cả những hạt bụi lơ lửng trong không khí. Tôi quỳ xuống cạnh mấy ngăn kéo nhỏ nằm dưới chân tủ. Tôi bỏ nhiều món đồ ra khỏi ngăn kéo dưới cùng - các cuốn album ảnh, thiệp mừng, một tệp bìa cứng chứa các bức tranh màu nước do mẹ tôi vẽ - rồi cẩn thận đặt trên sàn nhà. Dưới đáy ngăn kéo là cái hộp son mài đen. Nhấc nắp hộp ra, tôi thấy những lá thư được tôi giữ lại - chồng tôi không hề hay biết - cùng với hai hoặc ba tấm ảnh nhỏ. Dưới chồng thư đó, tôi lấy ra một chiếc phong bì nhỏ đựng số tiền tiết kiệm của mình, cẩn thận cất mọi thứ trở lại như cũ, tôi đóng ngăn kéo lại. Trước khi ra khỏi phòng, tôi mở tủ, lấy một chiếc khăn lụa có hoa văn đủ giản dị bọc quanh phong bì. Khi tôi trở lại phòng khách, Sachiko đang rót thêm trà vào chén của mình. Cô không ngẩng lên. Khi tôi đặt chiếc khăn lụa gấp gọn lên sàn nhà cạnh chỗ cô ngồi, cô vẫn tiếp tục rót trà mà không nhìn nó. Cô chỉ gật đầu với tôi khi tôi ngồi xuống, sau đó bắt đầu nhấp trà. Chỉ có một lần, khi