🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Căn Phòng Khóa - Emma Donoghue
Ebooks
Nhóm Zalo
Dành tặng Căn Phòng Khóa cho Finn và Una,
hai tuyệt phẩm của mẹ.
CON YÊU
Bao muộn phiền âm thầm mẹ chịu.
Con ngủ ngoan, từng nhịp thở bình yên;
Hòm gỗ buồn nơi giấc mơ lắng dịu;
Ánh khóa đồng ghim chặt những mảnh đêm,
Trong tăm tối, giấc hồng con tỏa sáng dịu êm.
— Simonides (556 TCN – 468 TCN), Danaë§
quà sinh nhật
Hôm nay tôi năm tuổi.
Đêm qua, khi chui vào ngủ trong chị Tủ áo, tôi chỉ bốn tuổi nhưng khi thức giấc trên chị Giường, thì úm ba la xì í ba la xùm, trong bóng tối, tôi đã lên năm. Trước đó là ba tuổi, rồi hai tuổi, rồi một tuổi, và trước nữa là không tuổi. – Con đã từng âm tuổi phải không mẹ?
— Gì cơ? – Mẹ vươn người một cái.
— Trên Thiên đường con đã từng âm một tuổi, âm hai tuổi, âm ba tuổi đúng không mẹ?
— Không đâu, số tuổi chỉ được tính khi con hóa thành quả trứng chui vào bụng mẹ thôi.
— Con chui qua Cửa sổ trần đúng không! Mẹ hẳn là buồn lắm trước khi con rơi vào bụng Mẹ.
— Là con nói đấy nhé. – Mẹ nhoài người qua Giường để bật Đèn, anh ấy làm mọi thứ sáng bừng lên. Ui chao!
Tôi nhắm ngay mắt lại, rồi hé một mắt, rồi mở cả hai mắt.
— Mẹ đã khóc đến cạn khô nước mắt, – Mẹ nói với tôi. – Mẹ cứ nằm đây đếm từng giây.
— Bao nhiêu giây ạ? – Tôi hỏi Mẹ.
— Hàng triệu, hàng triệu giây.
— Không, chính xác là bao nhiêu giây ạ?
— Mẹ không đếm xuể. – Mẹ trả lời.
— Rồi Mẹ cứ cầu và cầu mong mãi cho quả trứng của Mẹ mau lớn đến nỗi Mẹ mập ú ù.
Mẹ cười toe. – Mẹ còn cảm thấy con chòi đạp đấy.
— Con đạp gì cơ ạ?
— Tất nhiên là đạp mẹ rồi.
Tôi luôn phá lên cười khi đến đoạn này.
— Trong bụng mẹ ấy, bum bum. – Mẹ kéo áo phông ngủ lên và làm cái bụng nảy tưng tưng. – Mẹ nghĩ Ô, bé Jack sắp chui ra rồi. Thế là sáng hôm sau, con trượt ra trên thảm với hai mắt mở to tròn.
Tôi nhìn xuống chị Thảm với những vệt đỏ, nâu, đen vương vãi ngoằn ngoèo. Đó là những vết ố do tôi lỡ gây ra khi mới chào đời. – Mẹ đã cắt dây rốn để con được tự do, – tôi nói với Mẹ. – Và rồi con biến thành một đứa bé trai.
— Thực ra, ngay khi chào đời, con đã là một bé trai rồi. – Mẹ rời Giường, đi đến chỗ Máy điều nhiệt để làm không khí ấm lên.
Tôi không nghĩ hắn ta đã đến sau chín giờ tối qua, không khí luôn khác nếu hắn đến. Tôi không hỏi vì Mẹ không thích nói về kẻ đó.
— Hãy nói cho mẹ biết, Quý ngài năm tuổi, con thích nhận quà bây giờ hay sau bữa sáng nào?
— Là quà gì ạ, quà gì ạ?
— Mẹ biết là con thích lắm, – Mẹ nói, – nhưng nhớ là đừng mút tay, không thì vi trùng sẽ lẻn vào người con đấy.
— Làm con bị bệnh như hồi lên ba, bị ói và bị tiêu chảy ạ?
— Còn tệ hơn thế nữa cơ, – Mẹ nói, – vi trùng có thể làm con chết ấy.
— Và trở lại Thiên đường sớm ạ?
— Con vẫn mút tay kìa. – Mẹ kéo tay tôi ra.
— Con xin lỗi. – Tôi ngồi đè lên cái tay hư. – Gọi con là Ngài năm tuổi nữa đi, Mẹ.
— Vậy, thưa Quý ngài năm tuổi, – Mẹ nói, – bây giờ hay để sau đây?
Tôi nhảy lên bà Ghế bập bênh nhìn Đồng hồ, cậu ấy nói 07:14. Tôi có thể trượt trên bà Ghế bập bênh mà không cần vịn vào bà, rồi tôi lăn cù lên chị Chăn lông vịt và trượt trên đó. – Quà nên được mở lúc nào ạ?
— Lúc nào cũng vui. Mẹ chọn cho con nhé? – Mẹ hỏi.
— Giờ con năm tuổi rồi mà Mẹ, con phải tự chọn chứ. – Ngón tay tôi lại chui tọt vào miệng, tôi nhét nó dưới nách rồi kẹp chặt lại. – Con chọn – ngay bây giờ.
Mẹ rút ra một cái gì đó từ dưới gối, tôi nghĩ là nó đã tàng hình trốn dưới đó suốt đêm qua. Đó là một cái ống bằng giấy kẻ ô cuộn lại, quấn quanh bằng một dải ruy băng màu tím tháo ra từ hộp sô cô-la mà chúng tôi nhận được hồi Giáng sinh. – Con mở đi, – Mẹ bảo, – nhẹ tay thôi.
Tôi mày mò tìm cách tháo nút, vuốt phẳng tờ giấy. Đó là một bức vẽ bằng bút chì, không màu. Tôi không biết nó là gì cả, cho đến khi tôi quay nó lại. – Là con! – Giống như hình tôi khi nhìn vào chị Gương, nhưng còn hay hơn thế nữa, đầu, cánh tay và vai tôi, trong chiếc áo ngủ chui đầu.
— Sao mắt con nhắm tịt thế này?
— Vì con đang ngủ mà, – Mẹ nói.
— Làm sao Mẹ vẽ được trong khi ngủ?
— Không, lúc đó mẹ thức. Sáng hôm qua, sáng hôm kia và sáng hôm kia nữa, mẹ bật đèn lên và vẽ con. – Nụ cười của Mẹ tắt lịm. – Có chuyện gì vậy, Jack? Con không thích à?
— Không ạ – chỉ là con không thích khi Mẹ thức mà con thì lại ngủ.
— À, mẹ không thể vẽ khi con thức, vì như thế sẽ hết cả bất ngờ, đúng không? – Mẹ ngừng một lúc. – Mẹ đã nghĩ con thích một bất ngờ.
— Con thích một bất ngờ mà con biết trước cơ.
Mẹ thoáng cười.
Tôi trèo lên bà Ghế bập bênh để gỡ một chiếc ghim trong Bộ ghim trên Kệ, lấy nốt cái đó ra nữa thì bây giờ năm cái chẳng còn cái nào. Trước đây là sáu nhưng một cái đâu mất rồi. Một cái ghim bức Kiệt tác của Nghệ thuật Tây phương Số 3: Đức Mẹ đồng trinh, Chúa Hài đồng với Thánh Anne và Thánh John – Người rửa tội nằm phía sau Ghế. Một cái ghim bức Kiệt tác của Nghệ thuật Tây phương Số 8: Ấn tượng: Mặt trời mọc bên cạnh Phòng tắm. Một cái ghim con bạch tuộc xanh dương. Một cái nữa ghim bức con ngựa chứng có tên Kiệt tác của Nghệ thuật Tây phương Số 11: Guernica. Còn những kiệt tác nữa đựng trong hộp bột yến mạch nhưng tôi treo con bạch tuộc, đó là tác phẩm đỉnh nhất của tôi trong tháng Ba, hơi quăn queo bởi hơi nước nóng bốc ra từ Phòng tắm. Tôi ghim bức hình bất ngờ của Mẹ vào chính giữa tấm giấy dán tường trên đầu Giường.
Mẹ lắc đầu. – Đừng ghim ở đó.
Mẹ không muốn Lão Nick nhìn thấy.
— Hay con ghim trong Tủ áo, trước lưng tủ nhé? – Tôi hỏi. — Hay đấy.
Tủ áo làm bằng gỗ, nên tôi phải lấy hết sức ấn mạnh cái đinh ghim. Tôi khép hai cánh cửa ngốc nghếch của chị lại, lần nào chúng cũng kêu ken két dù hai Mẹ con đã tra dầu ngô vào bản lề. Tôi nhìn qua khe gỗ nhưng bên trong tối quá. Tôi mở cánh cửa ra một chút để hé nhìn, bức vẽ bí mật trắng toát ngoại trừ những đường kẻ nhỏ màu xám. Chiếc váy màu xanh biển của Mẹ treo cao hơn con mắt nhắm của tôi một chút, ý tôi là con mắt trong bức vẽ, còn váy thì là váy thật đang treo trong Tủ.
Tôi có thể ngửi thấy mùi Mẹ đang ở bên tôi. Tôi có cái mũi thính nhất nhà mà.
— Ôi, con quên tu ti một chút khi thức dậy rồi.
— Có sao đâu. Thỉnh thoảng mình bỏ qua nó cũng được mà. Giờ con cũng đã năm tuổi rồi phải không?
— Không đời nào!§
Mẹ ngả lưng lên chị Chăn lông vịt trắng, tôi nằm theo, và thế là được chén một bữa no nê.
Tôi đếm đủ một trăm hạt ngũ cốc và đổ dòng sữa như một dòng thác trắng vào chiếc tô còn trắng hơn, không vãi ra ngoài một giọt. Mẹ và tôi tạ ơn Chúa Hài đồng. Tôi nhón lấy bạn Thìa chảy có mấy chấm trắng trên cán khi bạn ấy bất chợt ngả người vào chảo mì ống đang sôi sùng sục. Mẹ không thích bạn Thìa chảy, nhưng tôi thích bạn ấy nhất vì bạn không giống những chiếc thìa khác.
Tôi xoa xoa an ủi mấy vết xước trên mặt bà Bàn ăn để khiến chúng cảm thấy tốt hơn. Bà Bàn ăn hình tròn, trắng tinh, trừ những vết xước màu xám do thái thức ăn gây ra. Trong khi ăn, chúng tôi chơi trò Ngậm miệng ngân nga bởi vì trò này không cần mở miệng. Tôi đoánMacarena, rồi đến Cô ấy sẽ đến quanh ngọn núi§, và Hạ cánh xuống, cỗ xe ngọt ngào§ nhưng hóa ra lại là bài Trời bão giông §. Thế nên số điểm của tôi là hai, và được Mẹ hôn hai cái.
Đến lượt tôi ngâm bài Chèo thuyền, chèo thuyền nan§, Mẹ đoán ra ngay lập tức. Tôi tiếp tục với bài Ba hoa chích chòe§, Mẹ nhăn mặt nói: – Á à, mẹ biết bài này, nó nói về việc bị thất bại và đứng lên ngay, tên là gì ấy nhỉ?
Rốt cuộc mẹ cũng nhớ ra. Đến lần thứ ba, tôi ngâm bài Không thể xua đuổi anh khỏi tâm trí em§ thì Mẹ chẳng tài nào đoán nổi. – Con chọn được bài khó quá… Con nghe được trên ti-vi à?
— Không đâu, từ Mẹ ấy. – Tôi buột miệng hát luôn phần điệp khúc, Mẹ bảo ôi, mẹ đúng là đồ ngốc.
— Này thì ngốc này. – Tôi hôn Mẹ hai cái.
Tôi kéo ghế đến bên Bồn rửa chén: phải thật nhẹ tay với mấy cái tô nhưng thìa thì tha hồ khua lanh canh lanh canh. Tôi thè lưỡi ra
với chị Gương. Mẹ ở ngay sau lưng tôi, tôi có thể nhìn thấy mặt mình che ngang mặt Mẹ giống như chiếc mặt nạ chúng tôi làm vào dịp Halloween.
— Ước gì mẹ vẽ đẹp hơn, – Mẹ nói, – nhưng ít nhất thì nhìn vào cũng biết con giống ai.
— Con giống ai?
Mẹ gõ nhẹ vào Gương – chỗ trán tôi trong đó, ngón tay Mẹ để lại một vệt tròn.
— Bản sao y hệt của mẹ.
— Bản sao y hệt của Mẹ là sao ạ? – Vòng tròn mờ dần đi.
— Nghĩa là con giống hệt mẹ. Chắc do con chui ra từ bụng mẹ, giống như một bản sao. Cũng mắt nâu này, miệng rộng này, cằm nhọn này…
Tôi nhìn chằm chằm vào chúng tôi trong Gương, cùng lúc chúng tôi trong Gương cũng nhìn lại không chớp mắt.
— Mũi thì không giống.
— Ừ, vì con có cái mũi của trẻ con.
Tôi sờ lên mũi.
— Thế nó có rụng đi và mũi của người lớn sẽ mọc lên không ạ? — Không đâu, nó chỉ lớn lên thôi. Cũng tóc nâu này…
— Nhưng tóc con dài đến ngang lưng, còn tóc Mẹ chỉ đến vai thôi.
— Đúng vậy. – Mẹ nói trong khi với tay lấy Kem đánh răng. – Tất cả các tế bào trong người con trẻ gấp đôi của mẹ mà.
Tôi không biết là có những thứ lại có thể trẻ bằng một nửa. Tôi nhìn vào Gương lần nữa. Áo ngủ của chúng tôi cũng khác nhau, cả quần lót nữa, quần của Mẹ không có hình con gấu nào.
Khi Mẹ nhổ bọt ra lần thứ hai thì đến lượt tôi cầm Bàn chải, tôi chải từng cái răng một thật kỹ càng. Trong Bồn rửa, nước bọt của
Mẹ trông chẳng giống tôi tẹo nào, mà đám nước bọt của tôi cũng chẳng giống tôi nốt. Tôi xả trôi chỗ bọt nhổ và khoe một nụ cười kiểu ma cà rồng.
— Á a. – Mẹ đưa tay che mắt. – Răng con trắng sáng quá, làm mẹ lóa mắt rồi.
Răng Mẹ sâu gần hết vì Mẹ đã quên đánh răng. Mẹ tiếc lắm và không quên nữa, nhưng mấy cái răng vẫn cứ sâu.
Tôi gấp ghế lại để bên cạnh anh Cửa, tựa vào ông Giá phơi quần áo. Ông luôn càu nhàu rằng phòng hết chỗ rồi, nhưng nếu ông chịu đứng cho thật thẳng thì vẫn còn khối chỗ đấy chứ. Tôi cũng có thể gập người thẳng như thế nhưng không thật sát được vì các cơ của tôi còn trẻ quá. Anh Cửa được làm bằng thứ kim loại ma thuật sáng loáng, cứ kêu bíp bíp sau chín giờ khi tôi định lẻn vào ngủ trong chị Tủ áo.
Khuôn mặt vàng của Đức Chúa trời hôm nay sẽ không ló dạng, Mẹ nói ông khó lòng chui qua lớp tuyết.
— Tuyết nào cơ ạ?
— Con nhìn đi. – Mẹ nói, tay chỉ lên cao.
Chỉ có chút ánh sáng phía trên Cửa sổ trần, còn lại thì tối om. Tuyết trên Ti-vi trắng lắm mà tuyết thật lại không thế, lạ quá! – Sao tuyết không rơi xuống người mình hả Mẹ?
— Vì nó ở ngoài mà.
— Trong Không gian Bên ngoài sao? Ước gì nó ở trong này để con chơi với nó.
— À, nhưng lúc đó nó sẽ tan ra mất, vì trong này ấm và dễ chịu. – Mẹ bắt đầu ngân nga, tôi đoán ngay ra bài Cứ để tuyết rơi§. Tôi hát lời hai rồi chuyển sang bài Mùa đông ở xứ sở thần tiên§ và Mẹ hòa theo ở quãng cao hơn.
Sáng nào chúng tôi cũng có hàng đống việc, chẳng hạn như đưa cô Cây vào Bồn rửa và cho cô uống một cốc nước để tránh nhỏ nước ra sàn, rồi đặt cô trở lại cái đĩa cạn trên Tủ ngăn kéo. Lúc
trước, cô Cây sống trên bà Bàn ăn, nhưng mặt Trời đã đốt héo một chiếc lá của cô. Giờ cô chỉ còn chín lá, chúng rộng bằng bàn tay tôi, phủ đầy lông. Chó cũng phủ đầy lông, Mẹ nói thế. Nhưng chó thì chỉ
có trên Ti-vi thôi. Tôi không thích số chín. A, tôi tìm thấy một chiếc lá nhỏ xíu sắp nhú ra này, vậy là mười nhé.
Chị Nhện thì có thật đấy. Tôi gặp chị ấy hai lần rồi. Giờ tôi đang tìm chị đây, nhưng chỉ thấy mỗi cái mạng nhện giăng từ chân đến mặt bà Bàn ăn. Bà Bàn ăn giữ thăng bằng rất tốt, hẳn là phải khéo lắm mới làm được vậy. Tôi có thể đứng một chân lâu ơi là lâu, nhưng cuối cùng cũng ngã nhào. Tôi không kể cho Mẹ nghe về chị Nhện. Mẹ sẽ quét sạch đám mạng nhện ngay, Mẹ nói chúng bẩn, nhưng với tôi chúng trông như sợi bạc mong manh. Mẹ thích mấy con thú chạy vòng quanh và ăn thịt lẫn nhau trong chương trình Thế giới Hoang dã, nhưng lại không thích những con thú thật. Hồi bốn tuổi, khi tôi đang xem lũ kiến hành quân lên Bếp lò thì Mẹ chạy tới đập bẹp dí để chúng khỏi tha mất thức ăn. Phút trước còn thấy chúng bò bò mà phút sau đã thành một đống bầy nhầy. Tôi khóc sưng cả mắt.
Một lần khác, có một con gì đó giữa đêm kêu vo ve vo ve rồi đốt tôi, thế là Mẹ đập nó một phát dính lên Tường cửa chỗ bên dưới Kệ. Hóa ra đó là một con muỗi. Vết tích hãy còn lưu trên gỗ xốp§ dù Mẹ đã chùi rửa, đó là máu mà con muỗi đã hút trộm của tôi, như một con ma cà rồng tí hon. Đó là lần duy nhất tôi bị lấy máu.
Mẹ lấy một viên thuốc từ cái vỉ bạc có hai mươi tám ô nhỏ. Tôi lấy một viên vitamin từ cái chai có hình cậu bé đang trồng cây chuối và Mẹ cũng lấy một viên từ cái chai lớn có hình người phụ nữ chơi Tennis. Vitamin là thuốc phòng bệnh và tránh việc trở lại Thiên đường sớm. Tôi chưa bao giờ muốn đi, tôi không thích chết, nhưng Mẹ nói khi đã một trăm tuổi và chơi đùa mệt rồi thì chết cũng không sao. Mẹ cũng uống một viên giảm đau nữa. Đôi lúc Mẹ uống hai viên, nhưng không bao giờ quá hai, bởi vì một thứ gì đó tốt nhưng dùng nhiều quá cũng sẽ thành có hại.
— Là Răng hư làm mẹ đau sao? – Tôi hỏi. Răng hư nằm ở hàm trên, gần trong cùng vòm miệng, là cái răng bị sâu nhiều nhất.
Mẹ gật đầu.
— Sao mỗi ngày Mẹ không uống hai viên giảm đau? Mẹ nhăn mặt. – Thế thì mẹ nghiện mất.
— Là sao ạ?
— Giống như bị mắc vào luỡi câu ấy, lúc nào cũng phải cần đến thuốc. Mẹ sẽ ngày càng phải uống nhiều thuốc hơn.
— Cần uống thuốc thì có gì xấu hả mẹ?
— Khó mà giải thích cho con hiểu được.
Mẹ biết về mọi chuyện, trừ những chuyện Mẹ không nhớ rõ, hoặc đôi khi Mẹ bảo tôi còn quá nhỏ để Mẹ có thể giải thích cho tôi hiểu.
— Răng mẹ đỡ đau hơn nếu mẹ không nghĩ đến chúng nữa. – Mẹ nói với tôi.
— Như thế nào ạ?
— Cái đó gọi là sức mạnh tinh thần. Nếu mình không để ý thì sẽ không đau.
Tôi mà bị đau cái gì, dù chỉ một chút, thì tôi cũng luôn để ý. Mẹ xoa nhẹ vai tôi, cái vai đâu có đau, nhưng tôi vẫn thích được Mẹ xoa như thế.
Tôi vẫn chưa nói với Mẹ về cái mạng nhện. Cũng lạ khi có một số thứ của-tôi-không-phải-của-Mẹ. Mọi thứ khác đều là của Hai mẹ con. Tôi đoán cơ thể tôi là của tôi, và cả những ý nghĩ trong đầu tôi nữa. Nhưng những tế bào của tôi lại được làm từ tế bào của Mẹ, vậy nên tôi là bản sao của Mẹ. Cũng như khi tôi kể cho Mẹ nghe điều tôi đang nghĩ và Mẹ nói cho tôi biết những điều Mẹ đang nghĩ, thì mỗi ý nghĩ ấy sẽ nhảy vào đầu người kia, giống như tô màu xanh dương lên trên màu vàng thì ra màu xanh lá.
Lúc 08:30 sáng, tôi ấn nút Ti-vi và thử tìm chương trình gì hay hay trong số ba kênh. Tôi tìm được chương trình Dora – nhà thám hiểm, hoan hô. Mẹ xoay đầu và tai chú thỏ Bunny vòng quanh thật chậm để hình ảnh rõ nét hơn. Có lần hồi tôi bốn tuổi, Ti-vi chết ngắc
và tôi khóc om lên, nhưng tối đến, Lão Nick mang tới một chiếc hộp chuyển đổi kỳ diệu để cứu Ti-vi sống lại. Ngoài ba kênh, những kênh khác rất nhiễu nên hai Mẹ con không xem vì có hại cho mắt. Chỉ khi nào có chương trình ca nhạc, chúng tôi mới trùm chị Chăn lên Ti-vi, nghe nhạc qua lớp vải xám của chị và nhịp nhịp chân.
Hôm nay tôi chạm những ngón tay lên đầu Dora thay cho cái ôm và nói cho bạn biết về siêu năng lực tuổi lên năm của mình, bạn ấy mỉm cười. Dora có mái tóc to đùng hệt như chiếc mũ bảo hiểm màu nâu ụp lên đầu với phần đuôi tỉa nhọn, nó to bằng cả thân dưới của bạn ấy. Tôi trở lại Giường ngồi vào lòng Mẹ, ngọ nguậy để tránh những chỏm xương nhọn. Người Mẹ không có nhiều chỗ mềm nhưng những chỗ mềm thì thật là mềm.
Dora nói gì đó không phải bằng ngôn ngữ của chúng tôi, đó là tiếng Tây Ban Nha, như lo hicimos§. Lúc nào bạn ấy cũng đeo Ba-lô sau lưng, nhỏ thôi nhưng chứa được tất tật mọi thứ mà Dora cần, như thang xếp, đồ du hành vũ trụ, đồ dùng để khiêu vũ, chơi bóng đá, sáo… là những thứ để Dora phiêu lưu cùng bạn Khỉ-Ủng đỏ thân thiết của bạn ấy. Dora luôn nói bạn ấy sắp cần sự giúp đỡ của tôi, kiểu như hỏi tôi có thấy một điều kỳ diệu nào đó không, rồi bạn ấy đợi tôi nói, “Có chứ!“, tôi hét lên, “Đằng sau cây cọ kìa!“ và mũi tên màu xanh sẽ chỉ ngay ra phía sau cây cọ, bạn ấy nói “Cảm ơn nhé!“.
Những nhân vật khác trên Ti-vi chẳng bao giờ lắng nghe. Chú Bản đồ lúc nào cũng chỉ ba nơi khác nhau, chúng tôi phải đi từ nơi thứ nhất tới nơi thứ hai rồi tới nơi thứ ba. Tôi đi cùng Dora và Ủng đỏ, nắm tay hai bạn ấy, tôi tham gia vào tất cả các bài hát, đặc biệt là những bài có màn lộn nhào hoặc đập tay, hoặc bài Điệu nhảy con gà ngốc§. Chúng tôi phải canh chừng gã Trộm lén lút và kêu thật to “Trộm, không được ăn trộm!“ ba lần, như thế gã sẽ nổi điên lên và nói “Ôi trời!“, rồi chạy mất. Một lần, hắn chế tạo ra một con bươm bướm rô bốt điều khiển từ xa, nhưng nó bị trục trặc nên thay vì nẫng đồ của người khác, nó lại giật phăng mặt nạ và găng tay của gã, rất tức cười! Đôi khi chúng tôi hái sao bỏ vào bạn Ba-lô, tôi chọn nhóc Sao ầm ĩ có khả năng đánh thức mọi thứ và bé Sao biến hình có thể biến thành mọi hình dạng.
Ở những hành tinh khác hầu như chỉ toàn người, có hàng trăm người lọt vào màn hình, trừ một người lúc nào cũng thật bự và ở gần. Họ mặc quần áo thay cho da, gương mặt họ hoặc hồng hoặc vàng hoặc nâu, hoặc lưa thưa hoặc đầy lông tóc, với những cái miệng rất đỏ và mắt to có viền đen. Họ cười lớn và hét rất nhiều. Lúc nào tôi cũng thích xem Ti-vi, nhưng nó làm não hai mẹ con mủn mất. Trước khi tôi từ Thiên đàng rơi xuống, Mẹ suốt ngày dính lấy Ti-vi và đã hóa thành một người vật vờ giống con ma, bước đi cứ thình thịch. Thế nên bây giờ Mẹ luôn tắt Ti-vi khi hết một chương trình, sau đó các tế bào mới sinh sôi nảy nở vào ban ngày và chúng tôi có thể xem một chương trình khác sau bữa tối và trí não sẽ phát triển thêm khi chúng tôi đi ngủ.
— Một chương trình nữa thôi, vì hôm nay sinh nhật con mà? Đi Mẹ?
Mẹ định nói gì đó nhưng lại thôi. Rồi Mẹ bảo: – Sao lại không nhỉ? – Mẹ tắt tiếng chương trình quảng cáo, vì nó làm cho não chảy nhanh hơn đến mức trào ra cả hai tai.
Tôi xem mấy món đồ chơi, có một chiếc xe tải đẹp tuyệt, một tấm bạt lò xo và mấy con rô bốt Bionicle. Hai cậu bé đang đánh nhau bằng rô bốt Biến hình trên tay nhưng trông cả hai đều thân thiện, không có vẻ là kẻ xấu.
Rồi chương trình tiếp theo đến, phim hoạt hình Bob bọt biển quần vuông. Tôi chạy đến sờ vào cậu ta với anh bạn sao biển Patrick, nhưng không chạm vào anh bạch tuộc Squidward trông gớm chết kia. Đó là câu chuyện rùng rợn về một cây bút chì khổng lồ, tôi xem qua kẽ ngón tay của Mẹ, ngón tay nào của Mẹ cũng dài gấp đôi ngón tay tôi.
Chẳng điều gì làm Mẹ sợ. Trừ Lão Nick, có lẽ thế. Mẹ thường gọi lão ấy là hắn ta, tôi thậm chí còn không biết tên của hắn ta cho đến khi tôi xem bộ phim hoạt hình về một người đàn ông đến vào ban đêm được gọi là Lão Nick, tôi gọi kẻ trong đời thực bằng cái tên đó vì hắn ta cũng đến vào buổi tối, nhưng hắn ta không giống nhân vật có bộ râu, sừng và nhiều thứ khác trong Ti-vi. Có lần tôi hỏi Mẹ hắn
ta đã già chưa, Mẹ nói tuổi hắn ta gần gấp đôi tuổi Mẹ, nghĩa là cũng khá già rồi.
Mẹ đứng dậy tắt Ti-vi ngay khi đến đoạn giới thiệu cuối phim.
Nước tiểu của tôi có màu vàng vì mấy thứ vitamin tôi uống. Tôi ngồi xuống ị rồi nói với cục ị: – Chào nhé, ra biển chơi đi. – Sau khi xả nước, tôi xem bồn cầu sủi đầy bọt bong bóng lóng nga lóng ngóng. Rồi tôi kỳ cọ hai tay cho đến khi da sắp sửa bong ra, đó là cách để tôi biết mình đã rửa tay sạch sẽ.
— Có một cái mạng nhện ở dưới bà Bàn ăn đấy Mẹ, – tôi buột miệng, không biết mình định nói gì. – Của chị Nhện, chị ấy là thật đấy. Con nhìn thấy chị ấy hai lần rồi.
Mẹ mỉm cười nhưng không giống đang cười.
— Mẹ đừng quét nó đi, được không ạ? Bởi vì dù bây giờ chị ấy không ở đó nhưng có thể chị ấy sẽ quay lại.
Mẹ quỳ xuống để nhìn bên dưới bà Bàn ăn. Tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt Mẹ cho đến khi Mẹ vén tóc ra sau vành tai.
— Thế này nhé, mẹ sẽ để nó yên cho đến khi chúng ta tổng vệ sinh nhà cửa, đồng ý chứ?
Đó là vào ngày thứ Ba, nghĩa là còn ba ngày nữa. – Vâng ạ.
— Con biết không. – Mẹ đứng dậy. – Bây giờ mình phải đánh dấu xem con cao bao nhiêu. Con năm tuổi rồi mà.
Tôi nhảy cẫng lên.
Thường thì tôi không được phép vẽ lên bất cứ chỗ nào trong Căn phòng hay đồ đạc. Hồi hai tuổi, tôi vạch nguệch ngoạc lên chân chị Giường, cái chân gần chị Tủ áo, thế là mỗi khi chúng tôi vệ sinh Căn phòng, Mẹ lại gõ gõ vào cái vạch đó mà nói: – Nhìn này, mẹ con mình phải sống chung với nó hết đời đấy.
Nhưng đánh dấu chiều cao vào ngày sinh nhật lại là chuyện khác. Đó là những con số bé xíu bên cạnh anh Cửa, một số 4 màu đen, một số 3 màu đen nằm bên dưới, một số 2 màu đỏ, là màu anh Bút
mực cũ của chúng tôi trước khi anh hết mực, dưới cùng là số 1 màu đỏ.
— Đứng thẳng lên nào. – Mẹ nói. Bút mực cọ vào đỉnh đầu tôi.
Khi tôi bước ra thì đã có một số 5 màu đen nằm hơi cao một chút trên số 4. Tôi thích số năm nhất trong tất cả các con số. Tôi có năm ngón tay trên mỗi bàn tay và cũng có năm ngón chân trên mỗi bàn chân. Mẹ cũng thế, chúng tôi là những bản sao y hệt của nhau mà. Số chín là con số tôi ít thích nhất. – Con đứng được bao nhiêu hả Mẹ?
— Cao chứ. Ừm, mẹ cũng không biết chính xác. – Mẹ nói. – Có lẽ lúc nào mẹ con mình sẽ hỏi xin một cái thước dây, như món quà ngày Chủ nhật.
Tôi nghĩ là thước dây chỉ có trong Ti-vi thôi.
— Đừng, Mẹ hỏi xin sô-cô-la đi. – Tôi đặt một ngón tay lên con số 4 và đứng áp sát mặt mình vào đó, ngón tay ngang với mớ tóc của tôi. – Lần này con chẳng cao lên đuợc bao nhiêu.
— Bình thường mà.
— Bình thường là gì ạ?
— Là... – Mẹ chép miệng. – Nghĩa là cũng được rồi. No hay problema§.
— Nhưng Mẹ xem cơ bắp của con to đến chừng này rồi. – Tôi nhảy phóc lên Giường, tôi là chàng Jack có đôi hia bảy dặm đã đánh bại gã Khổng lồ.
— Kếch xù luôn. – Mẹ nói.
— Khổng lồ.
— Đồ sộ.
— To.
— Bự. – Mẹ nói.
— To bự. – Đó là một từ ghép khi chúng tôi ghép hai từ lại với nhau.
— Hay đấy.
— Mẹ biết không? – Tôi nói. – Khi con mười tuổi, con sẽ lớn lắm. — Vậy à?
— Con cứ to lên, lớn lên, cao lên cho đến khi con trở thành một con người.
— Thực ra con đã là người rồi. – Mẹ nói. – Mẹ và con đều là người.
Tôi nghĩ từ đó đúng với Mẹ con tôi. Những người ở trong Ti-vi thì chỉ là màu sắc.
— Ý con là một người phụ nữ, từ phụ nữ phải không?
— Vâng. – Tôi trả lời. – Một người phụ nữ với một đứa bé trai nằm trong một cái trứng ở trong bụng con, và đứa bé sẽ trở thành một con người thực sự. Hay là con sẽ lớn lên thành một người khổng lồ, nhưng là một người khổng lồ tốt bụng, cao chừng này này. – Tôi nhảy lên để chạm vào Tường trên Giường ở tít cao, gần nơi Mái nhà bắt đầu nghiêng xuống.
— Nghe hay đấy, – Mẹ nói.
Mặt Mẹ sầm xuống, thế nghĩa là tôi đã nói điều gì đó sai nhưng tôi không biết đó là gì.
— Con sẽ phóng xuyên qua Cửa sổ trần tới Không gian Bên ngoài và nhảy tưng tưng giữa các hành tinh. – Tôi nói với Mẹ. – Con sẽ đến thăm Dora, Bob bọt biển và tất cả bạn bè, con sẽ có một con chó tên là Lucky.
Mẹ nở nụ cười, đặt anh Bút mực trở lại Kệ sách. Tôi hỏi Mẹ. — Đến lần sinh nhật tới thì Mẹ được bao nhiêu tuổi hả Mẹ? — Hai mươi bảy.
— Oa!
Tôi không nghĩ điều đó làm Mẹ vui.
Trong khi chờ nước chảy đầy cô Bồn tắm, Mẹ lấy chị Mê cung và bác Pháo đài trên nóc chị Tủ áo xuống. Chúng tôi đã làm chị Mê cung từ khi tôi hai tuổi. Cả người chị toàn là lõi cuộn giấy vệ sinh, bên trong dán thêm những mảnh bìa để tạo thành những đường hầm xoắn lấy nhau theo nhiều hướng. Nhóc Bi nảy rất thích bị lạc bên trong và trốn tôi. Tôi phải gọi thật to, lắc lắc chị Mê cung, nghiêng chị sang phải rồi sang trái, rồi lại lật úp xuống nhóc Bi mới chịu lăn ra, thế đấy. Rồi tôi bỏ những thứ khác vào trong chị, như một hạt đậu phộng, một mẩu gãy của bé Bút sáp xanh hay một đoạn mì spaghetti còn sống nguyên. Chúng rượt đuổi nhau trong những đường hầm, trốn nhau và kêu lên buuuu; tôi không thể nhìn thấy nhưng nghe được tiếng chúng chạm vào tấm bìa và có thể đoán ra chúng ở đâu.
Cậu Bàn chải cũng muốn chơi một lượt, nhưng tôi phải xin lỗi cậu ấy, người cậu ấy quá dài. Cậu bèn nhảy vào trong bác Pháo đài, thay vì đứng canh một ngọn tháp. Bác Pháo đài được làm từ mấy vỏ lon đồ hộp và các chai thuốc vitamin. Mỗi khi chúng tôi có được một cái vỏ lon rỗng thì chúng tôi lại xây thêm cho bác to lớn hơn. Bác có thể quan sát mọi hướng, đổ dầu sôi lên đầu quân thù và chúng không hề biết về những vết dao rạch bí mật trên người bác, ha ha. Tôi rất muốn đem bác vào trong cô Bồn tắm để bác biến thành một hòn đảo, nhưng Mẹ bảo nước sẽ làm bong những chỗ keo dán trên người bác mất.
Mẹ và tôi tháo chùm tóc đuôi ngựa của hai Mẹ con để cho chúng tha hồ bơi lội trong nước. Tôi nằm lên người Mẹ, không nói một lời, tôi thích nhịp tim của Mẹ. Khi Mẹ thở, người chúng tôi dập dềnh lên xuống. Chú chim nhỏ của tôi cũng nổi trên mặt nước.
Vì hôm nay là sinh nhật tôi nên tôi chọn quần áo cho cả hai Mẹ con. Quần áo của Mẹ sống trong ngăn kéo trên cao của anh Tủ ngăn kéo, quần áo của tôi thì ở ngăn thấp hơn. Tôi chọn bộ đồ jean xanh sọc đỏ ưa thích của Mẹ mà Mẹ chỉ mặc vào những dịp quan trọng – vì chúng đã bắt đầu xơ ở đầu gối. Về phần mình, tôi chọn cái áo vàng có mũ trùm. Tôi đã cẩn thận khi đóng ngăn kéo lại nhưng
cạnh bên phải của anh vẫn cứ nhô ra và Mẹ phải đóng mạnh anh mới chịu vào. Hai Mẹ con cùng kéo cái áo xuống và nó cắn vào mặt tôi, nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
— Mẹ bấm một chút ở giữa chữ V cho cổ áo rộng ra nhé? – Mẹ hỏi.
— Không đời nào!
Để chuẩn bị cho bài Thể dục, chúng tôi bỏ vớ ra vì chân trần sẽ ít trượt hơn. Hôm nay tôi chọn bạn Đường chạy trước. Chúng tôi nhấc bà Bàn ăn lên và đặt úp lên chị Giường, rồi để bà Ghế bập bênh lên trên bà Bàn ăn, chị Thảm phủ lên trên cùng. Đường chạy lượn vòng quanh chị Giường, từ chị Tủ áo đến anh Đèn, làm thành một chữ C
màu đen trên mặt chú Sàn nhà.
— Mẹ ơi, nhìn này, con có thể chạy đi chạy lại trong vòng mười sáu bước đấy.
— Tuyệt quá! Lúc con lên bốn thì con chạy hết mười tám bước, phải không nào? – Mẹ nói. – Thế hôm nay con nghĩ là con sẽ chạy đi chạy về bao nhiêu lần nào?
— Năm.
— Thế năm lần năm là bao nhiêu? Đó là phép tính nhân yêu thích của con đấy.
Chúng tôi xòe tay ra cùng đếm. Tôi đếm được hai mươi sáu, nhưng Mẹ bảo chỉ có hai mươi lăm thôi. Tôi đếm lại lần nữa và đúng là hai mươi lăm thật. Mẹ cầm bạn Đồng hồ để canh thời gian.
— Mười hai... – Mẹ kêu lên. – Mười bảy. Con giỏi lắm! Tôi thở hào hển, phù phù phù.
— Nhanh nữa lên...
Tôi chạy nhanh hơn nữa, siêu nhanh, giống như Siêu nhân đang bay.
Khi tới lượt Mẹ chạy, tôi phải viết lên Tập giấy viết Đi học con số bắt đầu và con số hoàn thành của Mẹ, rồi chúng tôi trừ ra để xem
Mẹ chạy nhanh thế nào. Hôm nay, thời gian Mẹ chạy nhiều hơn tôi chín giây, thế là tôi thắng. Tôi nhảy cẫng lên rồi thè lưỡi lêu lêu.
— Giờ mình cùng chạy đua nha Mẹ.
— Có vẻ vui đây. – Mẹ nói. – Nhưng con có nhớ lần hai mẹ con mình cùng chạy rồi vai mẹ va vào tủ ngăn kéo không?
Thi thoảng khi tôi quên điều gì đó, Mẹ nhắc lại và thế là tôi nhớ ra ngay.
Chúng tôi hạ tất cả đồ đạc xuống khỏi chị Giường và trải chị Thảm lại chỗ cũ để chị che đi bạn Đường chạy, như thế Lão Nick sẽ không thấy được chữ C bẩn thỉu đó.
Rồi Mẹ chọn trò Nhảy trên bạt lò xo, nhưng chỉ có mình tôi nhảy trên chị Giường thôi vì Mẹ mà nhảy thì chị sẽ gãy mất. Mẹ đọc lời bình luận “Một cú lộn vòng táo bạo trên không của nhà vô địch trẻ người Mỹ…“.
Tiếp theo tôi chọn chơi trò Simon yêu cầu, thế là Mẹ bảo hãy mang vớ lại để giả làm Xác chết, tức là nằm giống như con sao biển, móng chân mềm oặt, lỗ rốn mềm oặt, luỡi thè ra mềm oặt, thậm chí cả não cũng mềm oặt. Đột nhiên Mẹ bị ngứa ở giữa đầu
gối và phải động đậy, thế là tôi lại thắng thêm lần nữa.
12:13 rồi, đã đến giờ ăn trưa. Đoạn tôi ưa thích nhất trong lời kinh cầu nguyện là về món bánh mì hàng ngày. Tôi làm chủ những trò chơi, nhưng chính Mẹ mới là người làm chủ các bữa ăn. Ví dụ như Mẹ không dọn món ngũ cốc cho bữa điểm tâm, bữa trưa và bữa tối nếu chúng tôi bị ốm, vả lại ăn như thế thì sẽ rất mau hết. Hồi tôi mới không và một tuổi, Mẹ thường cắt vụn thức ăn và nhai thật nhuyễn cho tôi, nhưng khi tôi đã mọc đủ hai mươi cái răng thì tôi có thể tự nhai mọi thứ. Bữa trưa hôm nay có bánh quy giòn phết cá ngừ, tôi đảm nhiệm công việc mở nắp hộp cá vì cổ tay của Mẹ không làm được việc này.
Tôi đang nhún nhảy một chút nên Mẹ đề nghị chơi trò Dàn nhạc giao hưởng. Chúng tôi chạy quanh xem có tiếng động nào được tạo ra nếu gõ vào mọi thứ. Tôi gõ trống lên mặt bà Bàn ăn còn Mẹ thì gõ
cốc cốc vào chân chị Giường, rồi phụp phụp vào mấy cái gối, tôi dùng một cái nĩa và một cái muỗng đập vào anh Cửa đinh đoong, ngón chân đập bang vào cô Bếp lò, nhưng tôi thích nhất là giẫm mạnh lên cái chân giậm của ông Thùng rác vì nắp thùng sẽ bật lên tạo thành một tiếng binh.
Nhạc cụ ưa thích nhất của tôi là bạn đàn Ghita Ting Tang được làm từ một cái hộp đựng ngũ cốc. Tôi trang trí cho bạn ấy bằng chân, giày, áo khoác và đầu đủ màu sắc được cắt ra từ một cuốn catalogue cũ, rồi tôi quấn ba sợi dây ruy băng quanh người bạn ấy. Lão Nick không đem mấy cuốn catalogue đến cho chúng tôi chọn quần áo nữa, Mẹ bảo hắn ta bủn xỉn hơn rồi.
Tôi trèo lên bà Ghế bập bênh để lấy mấy cuốn sách trên bác Kệ và dựng một cao ốc mười tầng trên mặt chị Thảm. “Mười tầng← ”, Mẹ reo lên rồi cười, dù chẳng buồn cười lắm.
Trước đây chúng tôi có chín quyển sách nhưng chỉ bốn quyển có hình ở bên trong là:
Tuyển tập những bài hát ru
Dylan kẻ đào vàng
Thỏ Bunny trốn chạy
Khám phá phi trường
Và năm cuốn cũng có hình nhưng chỉ ở trang bìa thôi, là: Căn lều
Chạng vạng
Người bảo vệ
Tình yêu ngọt ngào và đắng cay
Mật mã Da Vinci
Mẹ hiếm khi đọc những quyển sách không có hình, trừ những lúc Mẹ tuyệt vọng. Hồi tôi lên bốn, chúng tôi đã hỏi xin thêm một cuốn sách hình nữa như món quà ngày Chủ nhật và thế là Alice ở xứ thần
tiên xuất hiện. Tôi thích em sách này nhưng cô bé có quá nhiều chữ và hầu hết là những chữ cổ xưa.
Hôm nay tôi chọn Dylan kẻ đào vàng. Vì anh ấy nằm ở gần đáy nên tòa nhà mười tầng bị đổ cái rầm.
— Lại Dylan. – Mẹ nhăn mặt rồi cao giọng hết cỡ.
Đâaaaaaây Dylan, kẻ đào vàng vững chãi!
Đã đào lên từng bãi quặng chất đầy.
Cánh tay dài vẫn thọc sâu vào lòng đất.
Chẳng máy khoan nào kiên nhẫn bằng anh.
Chiếc cuốc dài lăn tròn mãi xung quanh,
Xúc đất lên và mải mê phân loại.
Có một con mèo trong bức hình thứ nhì, trong bức hình thứ ba, nó nằm trên một đống đá. Đá thì cứng và nặng như sứ trên thân cô Bồn tắm, thím Bồn rửa và bác Bồn cầu, tuy không nhẵn bằng. Mèo và đá chỉ có trên Ti-vi thôi. Trong bức hình thứ năm, con mèo ngã xuống, nhưng loài mèo thì có đến chín mạng sống chứ không như tôi và Mẹ, mỗi người chỉ có một.
Gần như lần nào Mẹ cũng chọn Thỏ Bunny trốn chạy vì Mẹ thích cách thỏ mẹ túm lấy thỏ con ở đoạn cuối và hét lên: “Ăn cà rốt đi con!”. Thỏ ở trong Ti-vi, nhưng cà rốt lại là thật, tôi thích vẻ sặc sỡ của chúng. Tấm hình tôi yêu thích là cảnh thỏ con bị biến thành một tảng đá trên đỉnh núi và thỏ mẹ phải trèo lên cao, cao mãi cao mãi để tìm con. Những ngọn núi quá to để có thật, tôi đã từng nhìn thấy một ngọn núi trên Ti-vi với một người phụ nữ đang treo mình trên nó bằng những sợi dây. Những người phụ nữ không thật như Mẹ, các cô bé và cậu bé cũng không thật. Những người đàn ông cũng không thật, trừ Lão Nick, mà tôi cũng không chắc hắn ta là thật đúng nghĩa là thật. Hay chỉ thật một nửa nhỉ? Hắn ta đem đến cho chúng tôi những món đồ tạp hóa và món quà Chủ nhật, và mang rác đi mất, nhưng hắn ta không phải là người như chúng tôi. Hắn ta chỉ xuất hiện vào ban đêm, y như lũ dơi. Có thể anh Cửa đã tạo ra hắn ta
bằng những tiếng bíp bíp và rồi bầu không khí thay đổi. Tôi đoán Mẹ không thích nói về hắn ta vì sợ hắn ta sẽ trở nên thật hơn.
Tôi ngọ nguậy trong lòng Mẹ để ngắm nghía bức tranh yêu thích của tôi về Chúa Hài đồng Jesus đang nô đùa với Thánh John Tẩy giả – người vừa là bạn vừa là em họ§ của Chúa. Đức Mẹ Mary cũng đang ở đó, Người đang được Mẹ của Người tức là Bà ngoại của Chúa Hài đồng âu yếm vuốt ve, giống như là abuela§ của Dora vậy. Đó là một bức hình kỳ cục, không màu và một số nhân vật không có cả tay lẫn chân. Mẹ bảo chưa vẽ xong. Ban đầu, Chúa Hài đồng là một thiên thần hạ xuống cõi phàm và rơi vào bụng Đức Mẹ Mary, giống như một con ma nhưng là con ma đáng yêu với đôi cánh trên lưng. Đức Mẹ Mary ngạc nhiên lắm, Người thốt lên “Sao lại thế này?”, rồi Người bảo “Ừ, thế cũng được.” Khi Chúa Hài đồng bất ngờ chui ra khỏi bụng Người vào đêm Giáng sinh, Người đặt Chúa vào trong máng cỏ nhưng không phải là để cho đàn bò đến nhai, mà để Chúa được hơi thở của chúng sưởi ấm bởi vì Chúa là một phép màu.
Giờ thì Mẹ tắt anh Đèn và chúng tôi cùng nằm xuống. Đầu tiên chúng tôi đọc lời cầu nguyện của người chăn cừu mơ về những đám cỏ xanh. Tôi đoán những đồng cỏ xanh này cũng giống như chị Chăn lông vịt, chỉ khác là phủ đầy lông tơ và xanh mướt thay vì phẳng phiu và trắng tinh. (Còn một chén dầu đầy tràn thì chắc sẽ làm hỗn loạn lắm đây).§ Tôi bú Mẹ thêm chút nữa, tí bên phải, vì tí bên trái chẳng còn mấy giọt. Lúc ba tuổi, hai tí Mẹ luôn tràn trề sữa mỗi lần tôi bú, nhưng kể từ khi lên bốn thì tôi luôn bận rộn làm chuyện linh tinh nên chỉ còn bú vài lần vào ban ngày và lúc đêm xuống. Tôi ước gì có thể vừa bú tí vừa nói chuyện, nhưng tôi chỉ có mỗi một cái miệng thôi.
Tôi đã hơi thiu thiu nhưng chưa ngủ hẳn. Có lẽ Mẹ đã ngủ rồi vì tôi nghe thấy tiếng Mẹ thở nhè nhẹ.
Sau giấc ngủ trưa, Mẹ bảo rằng chúng tôi không cần hỏi xin thước dây nữa mà có thể tự chế tạo một cái.
Chúng tôi tái chế một cái hộp đựng ngũ cốc từ bộ Kim tự tháp cổ Ai Cập. Mẹ chỉ cho tôi cách cắt ra một dải bìa dài bằng bàn chân mẹ (đó là lý do tại sao người ta gọi là dài một bàn chân§), rồi Mẹ kẻ lên đó mười hai đường kẻ nhỏ, dài mười hai đốt tay§. Tôi đoán mũi của Mẹ đo được hai đốt tay. Mũi của tôi dài một đốt và một phần tư. Tôi ghi kết quả vào giấy. Mẹ làm cho anh Thước bật từ từ lên tựa vào Tường cửa, nơi đánh dấu chiều đứng của tôi. Mẹ bảo tôi cao ba bàn chân và ba đốt.
— Mẹ ơi, mình đo Căn phòng nhé.
— Sao cơ, cả căn phòng á?
— Thế mình còn việc gì khác để làm không Mẹ?
Mẹ nhìn tôi vẻ ngỡ ngàng.
— Mẹ nghĩ là không có việc gì.
Tôi viết vào giấy tất cả các con số, như là chiều đứng của anh Tường cửa đến chỗ tiếp giáp với bà Mái nhà là sáu bàn chân và bảy đốt tay. – Mẹ đoán xem nào. – Tôi nói với Mẹ. – Tất cả các miếng gỗ dán tường đều hơi dài hơn anh Thước một chút.
— Ôi chết, – Mẹ nói, vỗ một cái vào đầu mình. – Mẹ đoán là mấy miếng gỗ dán được làm đúng tỉ lệ một bàn chân đấy. Mẹ phải làm cây thước ngắn hơn một tẹo mới được. Mình đếm theo những viên gạch đi, như thế dễ hơn đấy.
Tôi bắt đầu tính chiều đứng của anh Tường giường, nhưng Mẹ bảo rằng bức tường nào cũng giống nhau cả. Một quy luật nữa là chiều rộng của các bức tường thì bằng đúng chiều rộng của chú Sàn nhà. Tôi đếm được mỗi chiều dài mười một bàn chân, thế nghĩa là chú Sàn nhà hình vuông. Bà Bàn ăn thì hình tròn nên tôi bị rối, nhưng Mẹ đã đo ngang giữa bàn, đó là nơi rộng nhất của bà và chỗ đó dài ba bàn chân chín đốt tay. Ghế của tôi cao ba bàn chân hai đốt tay, ghế của Mẹ cũng cao đúng bằng chừng ấy, chúng thấp hơn tôi. Lúc này thì Mẹ cảm thấy hơi mệt với công việc đo đạc nên chúng tôi dừng tay.
Tôi tô màu phía sau những con số với tất cả những màu sắc khác nhau từ năm cây bút chì màu của chúng tôi – màu xanh dương, màu cam, xanh lá, đỏ, nâu. Khi tô xong, trang giấy giống hệt như chị Thảm nhưng trông vui mắt hơn. Mẹ gợi ý tôi nên dùng bức hình đó làm tấm lót bàn chỗ tôi ngồi ăn tối.
Tôi chọn món mì ống cho bữa tối nay, có cả bông cải xanh tươi dù tôi không chọn, nó tốt cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi dùng bạn Dao răng cưa để cắt bông cải xanh thành từng miếng nhỏ, đôi khi Mẹ không để ý, tôi nuốt luôn miếng nào đó, thế là Mẹ kêu lên, “Ôi, không, cái miếng to đùng đó biến đâu mất rồi?”. Thật ra Mẹ chẳng nổi cáu đâu vì đồ ăn sống giúp ta sống lâu hơn mà.
Mẹ bật lửa làm cho hai cái vòng trên mặt cô Bếp lò đỏ rực lên. Tôi không được phép chạm vào những nút bấm đó vì đó là công việc của Mẹ, để đảm bảo là sẽ không bao giờ có đám cháy giống như trong Ti-vi. Nếu hai cái vòng đó mà vướng vào một thứ gì đại loại như khăn tắm hay quần áo thì ngọn lửa sẽ chạy loạn xạ khắp nơi và những cái lưỡi màu cam sẽ thè ra và đốt cháy bạn Căn phòng thành tro, còn Mẹ con tôi thì sẽ ho sặc sụa, ngạt thở và kêu khóc trong cơn đau khủng khiếp nhất.
Tôi không thích mùi bốc ra từ bông cải xanh đang nấu trên bếp, nhưng nó còn đỡ hơn mùi đậu cô-ve. Rau quả thì là thật, nhưng kem lạnh thì chỉ có trong Ti-vi. Tôi ước gì món kem cũng là thật luôn.
— Cô Cây có phải là một thứ còn sống không hả Mẹ? — Ừ, phải, nhưng đó không phải là thứ để ăn.
— Thế tại sao cô ấy không ra hoa nữa?
Mẹ nhún vai và tiếp tục khuấy món mì ống.
— Vì cô ấy mệt.
— Thế thì cô ấy nên đi ngủ.
— Nhưng đến khi thức dậy, cô vẫn còn mệt. Có lẽ đất trong chậu không còn chất dinh dưỡng nữa.
— Hay cho cô ấy ăn phần bông cải xanh của con?
— Ồ, không phải loại thức ăn đó đâu. Là thức ăn dành riêng cho cây kia. – Mẹ phá lên cười.
— Mình có thể xin mà, như món quà ngày Chủ nhật ấy. — Mẹ đã có một danh sách đầy ắp những thứ phải xin rồi. — Danh sách đâu ạ?
— Nó nằm trong đầu mẹ. – Mẹ trả lời. Mẹ kéo ra một con sâu mì ống rồi nhấm thử. – Mẹ nghĩ là chúng thích ăn cá.
— Ai hả Mẹ?
— Cây cối. Chúng thích ăn cá ươn. Hay là xương cá nhỉ? — Ghê quá.
— Có lẽ lần tới khi ăn món cá chiên xù, mình sẽ chôn một ít bên dưới cô Cây.
— Không được lấy phần của con đâu nhé.
— Sẽ lấy một chút từ phần của mẹ, được chưa.
Lý do tôi thích món mì ống nhất chính là bài hát của những viên thịt băm. Tôi reo lên khi Mẹ sắp vào đầy đĩa cho hai Mẹ con.
Sau bữa tối là điều thú vị bất ngờ: chúng tôi làm một ổ bánh sinh nhật. Tôi cá là nó sẽ rất delicioso§ với những ngọn nến cháy sáng có số lượng bằng với số tuổi mới của tôi. Tôi chưa hề thấy nến thật bao giờ.
Tôi là người thổi trứng§ giỏi nhất nhé, tôi có thể làm cho lòng trắng và lòng đỏ chảy thành dòng ra khỏi vỏ. Để làm bánh, tôi cần phải thổi ba quả trứng. Tôi dùng cái đinh ghim đang ghim bức hình
Ấn tượng: Mặt trời mọc vì tôi sợ con ngựa chứng sẽ lên cơn nếu tôi hạ bức Guernica xuống, dù tôi luôn ghim lại nó ngay lập tức. Mẹ nghĩ Guernica là kiệt tác vĩ đại nhất vì nó trông thật nhất, nhưng thật ra thì nó là cả một đống lộn xộn, con ngựa đang hí vang, răng nhe hết ra vì nó bị một mũi giáo đâm vào người, lại thêm một con bò và một người đàn bà đang ôm một đứa trẻ mềm oặt chúc đầu xuống đất và một ngọn đèn giống hệt như con mắt, tệ nhất là cái bàn chân
to đùng lồi ra ở một góc, lúc nào tôi cũng nghĩ nó sắp sửa giẫm lên mình.
Tôi liếm thìa, rồi Mẹ đặt cái bánh vào trong cái bụng nóng bỏng của cô Bếp lò. Tôi thử chơi trò tung hứng mấy cái vỏ trứng. Mẹ bắt lấy một cái.
— Làm Jack bé xíu với nhiều khuôn mặt nhé?
— Không đâu. – Tôi trả lời.
— Hay là mình làm một cái tổ bằng bột nhào? Nếu ngày mai mình rã đông mấy củ dền thì mình sẽ có nước ép để nhuộm cái tổ thành màu tím…
Tôi vẫn lắc đầu:
— Mình nối mấy cái vỏ này vào bé Rắn trứng đi Mẹ.
Bé Rắn trứng còn dài hơn cả Căn phòng ấy. Chúng tôi đã tạo ra bé từ hồi tôi lên ba tuổi, và giờ thì bé nằm cuộn tròn bên dưới Gầm giường để bảo vệ chúng tôi. Hầu hết những quả trứng trên thân bé có màu nâu, nhưng đôi khi cũng có quả màu trắng, một số lại có hoa
văn được vẽ bằng bút chì, bút chì màu hay bút mực, hoặc bị dính bột hồ, một cái vương miện giấy nhôm cuộn lại và một chiếc thắt lưng ruy băng màu vàng, một mớ chỉ và vải vụn làm tóc. Lưỡi của bé là một cái kim giữ cho sợi chỉ đỏ đi xuyên qua giữa thân. Dạo này chúng tôi ít khi lấy Rắn trứng ra chơi vì thỉnh thoảng bé lại rối tung lên và những quả trứng bị nứt rạn xung quanh lỗ xỏ kim, thậm chí rời hẳn ra, chúng tôi phải xếp các mảnh vỡ lại như trò xếp hình vậy.
Hôm nay, tôi đâm kim vào lỗ của mấy cái vỏ trứng mới, tôi phải canh cho đến khi cây kim thò đầu ra ở đúng lỗ bên kia, phải khéo cơ. Bây giờ thì bé Rắn trứng đã được nối dài thêm ba quả nữa, tôi phải cuộn tròn bé lại thật là nhẹ nhàng để cho toàn bộ thân hình của bé nằm vừa khít bên dưới Gầm giường.
Cái bánh bắt chúng tôi phải chờ đợi hết giờ này sang tiếng nọ, chúng tôi hít lấy hít để bầu không khí thơm nức mũi. Khi bánh đã nguội đi, chúng tôi bắt đầu chế ra thứ gọi là kem nhưng không lạnh
như kem mà chỉ là đường hòa tan trong nước thôi. Mẹ trải thứ kem đó lên khắp mặt bánh và nói:
— Bây giờ con có thể đặt sô-cô-la lên trong khi mẹ rửa dọn các thứ.
— Nhưng có còn miếng sô-cô-la nào đâu.
— Ừ nhỉ, – Mẹ nói, tay cầm lên một cái túi nhỏ và lắc cho nó kêu lách cách. – Mẹ đã để dành được một ít từ món quà ngày Chủ nhật cách đây ba tuần này.
— Mẹ lén giấu à. Ở đâu vậy?
Mẹ kéo khóa trên miệng.
— Để lần sau mẹ phải tìm một chỗ giấu khác à?
— Nói cho con đi!
Mẹ không cười nữa.
— Con hét to làm điếc cả tai mẹ.
— Chỉ cho con chỗ bí mật đi.
— Jack!
— Con không thích có những chỗ bí mật ở đây.
— Làm gì mà ghê gớm thế?
— Những cái thây ma.
— À.
— Rồi chằn tinh với ma cà rồng nữa…
Mẹ mở anh Tủ ngăn kéo và lấy hộp đựng gạo ra. Mẹ chỉ vào cái lỗ tối đen.
— Mẹ chỉ giấu ở trong hộp gạo này, được chứ?
— Dạ được.
— Chẳng có gì đáng sợ ở trong này đâu. Con có thể xem thử bất cứ lúc nào cũng được.
Có năm viên sô-cô-la trong túi: màu hồng, màu xanh dương, màu xanh lá và hai viên màu đỏ. Khi tôi cầm mấy viên sô-cô-la lên, một chút màu của chúng tan ra dính vào mấy đầu ngón tay tôi. Tôi quệt lấy một chút kem và mút tay thật sạch.
Rồi thì cũng đến lúc thổi nến, nhưng chẳng có cây nến nào hết. — Con lại hét toáng lên nữa rồi. – Mẹ nói và lấy tay bịt hai tai lại.
— Nhưng Mẹ nói là có bánh sinh nhật, phải đốt nến thì mới là bánh sinh nhật chứ.
— Lẽ ra mẹ nên giải thích rõ hơn. – Mẹ thở dài. – Năm viên sô cô-la nói lên rằng con đã năm tuổi rồi.
— Con không thích cái bánh này. – Tôi rất tức tối trong khi Mẹ chờ đợi trong im lặng. – Cái bánh đáng ghét!
— Bình tĩnh nào Jack.
— Lẽ ra Mẹ phải hỏi xin món quà ngày Chủ nhật là nến chứ. — Ừ, nhưng tuần trước mình cần thuốc giảm đau mà. — Mẹ cần chứ con đâu có cần. – Tôi gào lên.
Mẹ nhìn tôi như thể tôi có thêm một khuôn mặt khác mà Mẹ chưa từng thấy. Rồi Mẹ nói:
— Dù sao thì con cũng nên nhớ là mình phải chọn những thứ mà hắn ta có thể mua dễ dàng.
— Nhưng mà hắn ta có thể mua bất cứ thứ gì kia mà. — Biết là thế. – Mẹ nói. – Nhưng nếu như hắn ta gặp rắc rối… — Tại sao lại rắc rối ạ?
— Ý mẹ là hắn ta có thể phải đi đến hai hay ba cửa tiệm và điều đó sẽ làm cho hắn ta bực bội. Và giả sử hắn ta không tìm thấy cái thứ khó mua đó thì có thể là mẹ con mình sẽ không có món quà ngày Chủ nhật nữa đâu.
— Nhưng Mẹ à. – Tôi cười phá lên. – Hắn ta không đi đến cửa tiệm đâu. Các cửa tiệm chỉ có trong Ti-vi thôi.
Mẹ cắn môi. Rồi Mẹ nhìn xuống ổ bánh.
— Ừ, dù sao thì mẹ cũng xin lỗi con, mẹ cứ nghĩ là chỗ sô-cô-la đó có thể thay cho nến.
— Mẹ khờ quá.
— Mẹ thật ngốc! – Mẹ lấy tay vỗ vào đầu.
— Ngốc thật. – Tôi nói nhưng không còn thấy bực bội nữa. – Tuần sau khi con lên sáu thì Mẹ nhớ xin nến nhé.
— Năm tới chứ! – Mẹ nói. – Ý con là năm tới. – Và hai mắt Mẹ nhắm lại.
Đôi khi chúng vẫn nhắm mắt lại như thế và Mẹ không nói gì đến cả phút. Lúc tôi còn nhỏ, tôi thường nghĩ là cục pin của Mẹ đã hết, giống như có lần bạn Đồng hồ bị hết pin và chúng tôi phải hỏi xin món quà ngày Chủ nhật là một cục pin mới cho bạn ấy.
— Mẹ hứa nhé?
— Ừ, mẹ hứa. – Mẹ nói rồi mở mắt ra.
Mẹ cắt cho tôi một miếng bánh khổng lồ. Khi Mẹ quay mặt đi, tôi chộp tất cả năm viên sô-cô-la bỏ sang phần bánh của tôi: hai viên màu đỏ, một viên màu hồng, màu xanh lá và màu xanh dương. Mẹ kêu lên:
— Ô kìa, một viên nữa đã biến đi đâu rồi, làm sao mà nó lại bị mất được nhỉ?
— Ngươi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được đâu, ha ha ha. – Tôi bắt chước giọng nói của Trộm mỗi khi hắn ta ăn cắp một thứ gì đó của Dora. Tôi nhón lấy một viên màu đỏ và đưa nó vào miệng Mẹ. Mẹ đẩy nó ra phía răng cửa, nơi ít bị sâu hơn, vừa gặm gặm vừa mỉm cười.
— Nhìn kìa Mẹ. – Tôi chỉ cho Mẹ. – Có những cái lỗ trên mặt miếng bánh của con, chỗ những viên sô-cô-la nằm lúc nãy.
— Giống như những cái hố. – Mẹ đáp và đặt đầu ngón tay vào một lỗ.
— Hố là gì hả mẹ?
— Là những cái lỗ còn lại sau khi có điều gì đó xảy ra. Giống như miệng núi lửa hoặc một vụ nổ hay cái gì đó.
Tôi đặt viên sô-cô-la màu xanh lá trở lại cái miệng núi lửa của nó và rồi đếm mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một, bùm. Viên sô-cô-la bay thẳng vào Khoảng không gian Bên ngoài Vũ trụ rồi lượn quanh miệng tôi. Cái bánh sinh nhật này là món ngon nhất đời tôi.
Mẹ chẳng có vẻ đói bụng chút nào. Chị Cửa sổ trần đã hút hết ánh sáng vào bụng và gần như đen tuyền.
— Tiết xuân phân. – Mẹ bảo. – Mẹ nhớ là người ta đã nói thế trên Ti-vi vào buổi sáng khi con ra đời. Năm đó trời cũng còn tuyết như thế này.
— Xuân phân là gì hả Mẹ?
— Là thời điểm bằng nhau, khi thời gian tối bằng thời gian sáng.
Ăn bánh xong thì cũng đã quá trễ để xem Ti-vi, bạn Đồng hồ bảo 08:33. Cái áo vàng có mũ suýt nữa thì làm đầu tôi rụng ra khi Mẹ kéo nó qua khỏi cổ. Tôi tròng cái áo ngủ chui đầu vào rồi đánh răng trong khi Mẹ thắt nút miệng túi rác và để nó ở đằng sau anh Cửa cùng với bản danh sách của chúng tôi mà tôi đã viết, tối nay danh sách ghi: Xin vui lòng cho Mì ống, Đậu lăng, Cá ngừ, Phô mai (nếu không quá nhiều tiền), O.J., Cám ơn.
— Mình có thể hỏi xin nho được không Mẹ? Nho tốt mà.
Mẹ viết thêm vào cuối danh sách: Nho nếu có thể (hoặc bất cứ thứ trái cây tươi hay đóng hộp nào).
— Mẹ kể cho con nghe một câu chuyện đi!
— Chỉ một câu chuyện nào ngắn thôi đấy. Xem nào…, GingerJack được không?
Mẹ kể câu chuyện thật là nhanh và vui nhộn: GingerJack nhảy ra khỏi bếp lò và vừa chạy vừa lăn tròn nhanh đến nỗi không ai có thể bắt kịp nó. Cả bà già lẫn ông già, người thợ gặt cũng như bác thợ
cày đều không bắt được nó. Nhưng cuối cùng thì nó lại ngu ngốc để cho một con cáo đưa mình qua sông và bị ăn mất ngon lành.
Nếu tôi mà làm bằng bánh thì tôi sẽ ăn chính tôi trước tiên chứ mấy người khác đừng hòng.
Chúng tôi cầu nguyện thật nhanh đến nỗi tay chạm cả vào nhau, mắt nhắm tịt. Tôi cầu nguyện xin Thánh John Người rửa tội và Chúa Hài đồng đến đây để cùng chơi với Dora và Ủng đỏ. Mẹ thì cầu xin ánh nắng mặt trời đun chảy đám tuyết trên chị Cửa sổ trần.
— Cho con bú tí nhé?
— Sáng mai, ngủ dậy mẹ cho liền. – Mẹ nói, kéo cái áo ngủ chui đầu xuống.
— Không, tối nay cơ.
Mẹ chỉ vào bạn Đồng hồ đang nói 08:57, chỉ còn ba phút nữa là chín giờ tối. Thế là tôi chạy tọt vào trong chị Tủ áo, nằm xuống gối và trùm kín người trong chị Mền bằng vải xám xốp mịn có những đường viền đỏ. Tôi nằm ngay bên dưới bức vẽ của mình mà tôi đã quên bẵng đi mất là nó đang ở đó. Mẹ thò đầu vào hỏi.
— Ba cái hôn nhé?
— Không chịu, phải năm cái cho Ngài năm tuổi cơ.
Mẹ hôn tôi năm cái rồi đóng cánh cửa kêu cót két lại.
Vẫn còn vài tia sáng xuyên qua giữa mấy thanh gỗ nên tôi có thể nhìn thấy lờ mờ vài nét của mình trong bức hình, một chút giống Mẹ và cái mũi là của riêng tôi. Tôi đưa tay vuốt ve tờ giấy, đó là loại giấy lụa. Tôi đứng thẳng người dậy nên đầu tôi chạm vào chị Tủ áo, cả hai chân cũng thế. Tôi nghe thấy tiếng Mẹ đang mặc áo ngủ chui đầu và uống thuốc giảm đau, luôn luôn là hai viên vào buổi tối. Mẹ nói cơn đau cũng giống như nước vậy, nó tràn ra khắp nơi mỗi khi Mẹ nằm xuống. Mẹ nhổ kem đánh răng trong miệng ra và nói:
— Anh bạn Zack mặc áo rách.
Tôi nghĩ ra một câu:
— Cô bạn Za hát là lá la.
— Bạn Ê-ben-ne-zơ sống trong chiếc phi cơ.
— Bạn Dora đi đến nhà thờ–a.
— Câu này ăn gian. – Mẹ nói.
— Thôi nào! – Tôi rên rỉ giống như tên Trộm. – Bạn Chúa Hài đồng thích sữa chua.
— Bạn Răng đi tung tăng dưới ánh trăng.
Trăng là khuôn mặt màu trắng bạc của Đức Chúa trời và chỉ hiện ra trong một vài dịp đặc biệt mà thôi.
Tôi ngồi xuống và áp mặt vào những thanh gỗ. Từ đây tôi có thể nhìn thấy một phần bạn Ti-vi đã tắt, ông Nhà vệ sinh, cô Bồn tắm, bức hình con bạch tuộc xanh bắt đầu quăn queo của tôi. Mẹ cất quần áo trở lại vào trong chị Tủ.
— Mẹ ơi!
— Gì thế con?
— Tại sao lại phải giấu con đi giống như sô-cô-la?
Tôi nghĩ là Mẹ đang ngồi ở trên chị Giường. Mẹ nói nhỏ hết mức đến nỗi tôi phải khó khăn lắm mới nghe thấy. – Mẹ chỉ không muốn hắn ta nhìn con. Ngay từ khi con còn bé xíu, lúc nào mẹ cũng trùm kín con trong chị Mền trước khi hắn ta đến.
— Thế có đau không?
— Cái gì đau?
— Nếu như hắn ta nhìn thấy con.
— Không đâu. Ngủ đi con. – Mẹ bảo tôi.
— Đêm ơi đêm, hãy ngủ thật êm, đừng cho rệp cắn.
Những con rệp thì vô hình nhưng tôi vẫn thường nói chuyện với chúng và thỉnh thoảng còn đếm chúng nữa. Lần trước tôi đã đếm
đến 347. Tôi nghe thấy tiếng tắt công tắc rồi ánh Đèn vụt tắt cùng một lúc. Nghe tiếng Mẹ chui vào dưới chị Chăn lông vịt.
Tôi nhìn thấy Lão Nick qua những khe gỗ vài đêm, nhưng chưa bao giờ nhìn thật gần. Đầu hắn ta có vài sợi tóc trắng và số tóc còn ít hơn ở tai. Có lẽ đôi mắt hắn sẽ biến tôi thành đá. Những thây ma thì cắn trẻ con để khiến chúng sống dở chết dở, ma cà rồng thì hút máu trẻ con cho đến khi chúng mềm oặt ra, chằn tinh thì ngoạm chân con nít, lắc lấy lắc để rồi nhai dần lên trên. Những gã khổng lồ có lẽ cũng tệ như thế và đều nói dù cho ngươi còn sống hay đã chết thì ta cũng sẽ xay nhỏ xương ngươi ra để làm bánh mì, nhưng cậu bé Jack đã chạy đi mất cùng với con gà mái vàng. Cậu tuột xuống thân cây Đậu khổng lồ nhanh thật nhanh. Gã khổng lồ bám theo cậu bé, nhưng Jack đã gọi Mẹ cậu ấy lấy cái rìu, đó là thứ giống như con dao của chúng ta nhưng to hơn. Mẹ cậu vì quá run sợ nên không chặt được cây Đậu thần, nhưng rồi khi Jack trèo xuống được đến mặt đất thì cả hai Mẹ con cùng chặt và thế là gã khổng lồ rơi xuống đất tan tành, haha. Vậy là Jack trở thành chàng Jack – dũng sĩ tiêu diệt Khổng lồ.
Tôi tự hỏi không biết Mẹ đã ngủ chưa.
Khi đã nằm bên trong chị Tủ áo, thường thì tôi luôn cố gắng nhắm nghiền mắt lại và nhanh chóng ngủ thiếp đi nên tôi không nghe thấy tiếng Lão Nick đến, để rồi khi tôi thức dậy thì trời đã sáng và thấy mình đang nằm bú tí Mẹ ở trên Giường, mọi thứ đều ổn. Nhưng riêng tối nay tôi cứ thao thức mãi. Cái bánh cứ kêu xèo xèo trong bụng. Tôi dùng lưỡi đếm mấy cái răng ở hàm trên từ phải sang trái cho đến mười, rồi đến hàm dưới từ trái sang phải rồi lại đổi chiều, mỗi lần như thế phải đủ mười và hai lần mười là hai mươi, tức là tôi có hai mươi cái răng.
Không nghe thấy tiếng bíp bíp. Đã quá chín giờ lâu lắm rồi. Tôi lại đếm răng và lần này chỉ có mười chín. Hẳn là tôi đã đếm sót hay là một cái răng nào đó đã rụng đâu mất. Tôi nhấm đầu ngón tay, chỉ một chút thôi, rồi lại thêm một chút nữa. Tôi đợi thêm hàng giờ nữa.
— Mẹ ơi, – tôi thì thầm. – Liệu hắn ta có đến không?
— Có vẻ như là không. Ra đây với mẹ nào.
Tôi nhảy bật dậy và xô mạnh cánh cửa chị Tủ áo tung ra, tôi chui vào chị Giường chỉ trong vòng hai giây. Bên dưới chị Chăn lông vịt nóng sực khiến tôi phải thò hai chân ra ngoài nếu không chúng sẽ bốc cháy mất. Tôi tha hồ bú tí Mẹ, bên trái rồi sang bên phải. Tôi không muốn ngủ vì khi thức dậy thì ngày sinh nhật đã đi mất rồi.
Có ánh đèn chiếu thẳng vào tôi, làm tôi chói mắt. Tôi hé mắt nhìn ra bên ngoài chị Chăn lông vịt. Mẹ đang đứng bên cạnh anh Đèn và mọi thứ đều sáng lóa, rồi thì cách một tiếng và tối bưng trở lại. Lại sáng bừng thêm một lần nữa. Mẹ để đèn sáng ba giây rồi lại tối sầm, rồi lại sáng lên khoảng một giây. Mẹ đang nhìn chằm chằm vào chị Cửa sổ trần. Lại tối mù. Mẹ thường làm như thế trong đêm, tôi nghĩ nó giúp Mẹ ngủ lại được.
Tôi đợi đến khi anh Đèn tắt hẳn. Tôi thì thầm trong bóng tối. — Xong hết rồi chứ Mẹ?
— Mẹ xin lỗi vì đã đánh thức con. – Mẹ nói.
— Không sao đâu ạ.
Mẹ quay trở lại chị Giường, người Mẹ lạnh hơn tôi, tôi choàng tay ôm ngang người Mẹ.
Bây giờ thì tôi đã được năm tuổi và một ngày.
Con chim ngốc nghếch cứ dựng đứng lên vào buổi sáng, tôi lấy tay đè nó xuống.
Khi chúng tôi kỳ cọ tay sau khi đi tè, tôi hát bài Anh ấy có cả thế giới trong tay§, rồi tôi không thể nghĩ đến bàn tay nào khác nữa, nhưng con chim của tôi thì dài khoảng một ngón tay.
Peter ơi bay đi,
Paul ơi, hãy bay đi.
Hai ngón tay tôi nhảy nhót khắp nơi trong Căn phòng và suýt nữa thì va vào nhau trên không.
Trở lại nào Peter,
Paul ơi, hãy quay về.
— Mẹ nghĩ họ thực sự là những thiên thần. – Mẹ bảo. — Dạ?
— À không phải, mẹ xin lỗi, những vị thánh thì đúng hơn. — Những vị thánh là gì hả mẹ?
— Là những người cực kỳ thuần khiết. Giống như những thiên thần không có cánh.
— Thế thì làm sao họ bay ra khỏi bức tường được? – Tôi bối rối.
— Không phải thế, đó chỉ là những con chim con, chúng có thể bay dễ dàng. Ý mẹ nói là chúng được đặt tên theo Thánh Peter và Thánh Paul, hai người bạn của Chúa Hài đồng Jesus.
Tôi không biết là Chúa Hài đồng có những người bạn khác ngoài Thánh John Tẩy giả nữa đấy.
— Thật ra thì có lần Thánh Peter bị nhốt trong tù.
— Trẻ con đâu có bị bỏ tù. – Tôi cười phá lên.
— Chuyện đó xảy ra khi họ lớn.
Tôi không biết là Chúa Hài đồng Jesus cũng lớn lên. — Vậy Thánh Peter là người xấu ạ?
— Không, không phải vậy. Ngài bị bắt vào tù do một sự nhầm lẫn, ý mẹ là có một cảnh sát xấu nào đó đã bắt nhốt ngài. Dù sao đi nữa thì lúc nào ngài cũng cầu nguyện và cầu nguyện để thoát ra. Và con biết không? Một thiên thần đã bay xuống và phá tung cửa nhà tù.
— Hay quá. – Tôi nói. Nhưng tôi vẫn thích khi họ là những đứa trẻ trần truồng chạy loanh quanh hơn.
Có một tiếng nổ vui tai và tiếng kêu ken két. Ánh sáng đang trở lại với chị Cửa sổ trần, đám tuyết tối tăm gần như tan chảy hết. Mẹ cũng ngước nhìn lên, hơi mỉm cười, tôi nghĩ lời cầu nguyện đã đem lại phép màu.
— Thứ đó vẫn còn bằng nhau hả Mẹ?
— À, xuân phân á? Không, phần thắng đã nghiêng về phía ánh sáng hơn một chút rồi.
Mẹ cho phép tôi ăn bánh ngọt vào bữa sáng, trước đây chưa bao giờ được phép làm thế cả. Bánh đã hơi cứng, nhưng vẫn ngon tuyệt.
Ti-vi đang chiếu chương trình Những thú nuôi tuyệt vời!, khá là nhiều lông. Mẹ cứ xoay xoay chú Thỏ Ăng ten nhưng vẫn không làm cho hình ảnh trong Ti-vi sắc nét hơn chút nào. Tôi làm một cái nơ gắn lên cái tai bằng dây kim loại của chú bằng dải ruy băng tím. Tôi ước gì Ti-vi chiếu chương trình Những người digan ở sân sau, đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại họ. Hôm nay không có món quà ngày Chủ nhật vì tối qua Lão Nick không đến. Thật ra thì đó đúng là điều tuyệt vời nhất trong ngày sinh nhật của tôi. Dù sao thì những điều chúng tôi hỏi xin cũng không đặc biệt cho lắm: vài cái quần mới vì mấy cái quần màu đen của tôi đã bục đầu gối. Tôi thấy mấy lỗ thủng này cũng chẳng sao, nhưng Mẹ bảo chúng làm tôi giống trẻ vô gia cư, Mẹ không thể giải thích được vô gia cư nghĩa là gì.
Sau khi tắm, tôi chơi với mớ quần áo. Sáng nay cái váy màu hồng của mẹ là con rắn, nó cãi nhau với chiếc vớ trắng của tôi.
— Tớ là bạn thân nhất của anh Jack đây.
— Còn lâu, tớ mới là bạn thân nhất của anh Jack.
— Tớ đập cho cậu một phát bây giờ.
— Tớ sẽ hạ gục cậu cho xem.
— Tớ sẽ bắt cậu bằng cái súng nước của tớ.
— À, vậy sao, tớ có một con voi biến hình đấy…
— Này. – Mẹ gọi. – Mình chơi Bắt bóng nhé.
— Mình có còn nhóc Bóng bãi biển đâu Mẹ. – Tôi nhắc.
Nhóc Bóng đã nổ tung vì một tai nạn khi tôi đá nó vào anh Tủ ngăn kéo bằng một cú đá siêu tốc. Tôi muốn hỏi xin một nhóc Bóng khác thay vì mấy cái quần vớ vẩn.
Nhưng Mẹ bảo rằng chúng tôi có thể chế ra một nhóc bóng khác. Hai Mẹ con nghiền tất cả những trang giấy mà tôi đã tập viết xong, nhồi đầy một cái túi giấy và ép chặt cho đến khi nó có hình dạng của một quả bóng. Sau đó chúng tôi vẽ lên đó một khuôn mặt đáng sợ với ba con mắt. Nhóc Bóng chữ không bật cao bằng nhóc Bóng Bãi biển, nhưng mỗi lần chúng tôi bắt lấy thì nó lại kêu lên một tiếng két rất to. Mẹ là tay bắt bóng thiện nghệ, ngoại trừ những lúc Bóng chữ chạm vào cổ tay đau của Mẹ. Tôi thì giỏi nhất ở khoản ném bóng.
Do đã ăn bánh ngọt vào bữa sáng nên món bánh kếp ngày Chủ nhật được dời qua bữa trưa. Chỉ còn sót lại một ít nhân nên mấy cái bánh kếp cứ lép kẹp, tôi lại thích thế. Tôi gấp chúng lại, có vài cái bị vỡ ra. Mứt cũng gần hết nên chúng tôi phải hòa thêm nước vào.
Phía góc tôi ngồi ướt sũng. Mẹ lấy bé Bọt biển để lau chùi chú Sàn nhà. – Gỗ xốp tróc hết rồi, – Mẹ nói, hai hàm răng nghiến chặt, – làm sao giữ cho sàn nhà sạch được chứ?
— Đâu hả Mẹ?
— Đây này, ngay chỗ chân mình đang lau đây.
Tôi chui xuống dưới bà Bàn ăn. Có một cái lỗ trên chú Sàn nhà với cái gì đó màu nâu cưng cứng dưới móng tay tôi.
— Đừng làm nó tróc thêm, Jack.
— Dạ không, con chỉ cho ngón tay con nhìn thôi mà. – Nó giống như một cái hố bé xíu.
Chúng tôi dời bà Bàn ăn sang bên cạnh cô Bồn tắm để có thể tắm nắng trên chị Thảm, ngay bên dưới chị Cửa sổ trần. Chỗ này ấm cực kỳ. Tôi hát bài Lẽ nào không có nắng§, Mẹ thì hát bài Mặt trời đến kìa§. Tiếp theo tôi chọn bài Anh là tia nắng của em§. Sau đó tôi muốn bú thêm một chút, chiều nay sữa ở tí bên trái béo ngậy.
Khuôn mặt màu vàng của Đức Chúa trời chiếu những tia đỏ qua hai mí mắt tôi. Tôi mở mắt ra. Chói quá. Mấy ngón tay tôi in bóng trên mặt chị Thảm, những ngón nhỏ hơi ướt.
Mẹ đang ngủ thiêm thiếp.
Tôi nghe một tiếng động và nhỏm dậy, cố không đánh thức Mẹ. Trên cô Bếp lò, có tiếng chút chít chút chít.
Một thứ gì đó sống động, một con vật, là thật chứ không phải trong Ti-vi. Nó ở trên Sàn nhà, đang ăn thứ gì đó, có lẽ là một mẩu vụn bánh kếp. Nó có một cái đuôi, tôi nghĩ nó là… là… là… một con chuột nhắt.
Tôi bước lại gần hơn và vút một cái, nó đã lẩn xuống bên dưới cô Bếp lò nên tôi không thấy nữa. Tôi chưa từng biết thứ gì chạy nhanh đến thế.
— Này, bé Chuột nhắt. – Tôi thì thầm để nó khỏi sợ. Đó là cách nói chuyện với một con chuột nhắt, như trong truyện Alice ấy, chỉ khác là bạn ấy lỡ lời kể về con mèo Dinah của mình làm cho chú chuột hoảng hồn bơi đi mất. Tôi chắp hai tay lại như đang cầu nguyện và nói:
— Này bé Chuột, quay lại đây đi… nào… nào… nào… Tôi đợi lâu ơi là lâu nhưng bé không quay lại.
Mẹ đã ngủ say rồi.
Tôi mở thím Tủ lạnh ra, chẳng còn bao nhiêu đồ ăn bên trong. Chuột thích ăn phó mát, nhưng chúng tôi chẳng còn miếng nào cả. Tôi bóp vụn một miếng bánh mì bỏ vào đĩa rồi đặt xuống sàn nhà nơi bé Chuột xuất hiện lúc nãy. Tôi thu người lại thật nhỏ rồi lại đợi lâu ơi là lâu.
Thế rồi sự kiện tuyệt vời nhất đã xảy ra. Bé Chuột nhắt thò cái mõm ra, cái mõm hơi nhòn nhọn. Suýt nữa thì tôi nhảy cẫng lên nhưng tôi kìm lại được, tôi ngồi thật yên. Bé Chuột nhắt lần đến gần những mẩu vụn bánh và đánh hơi khụt khịt. Tôi chỉ ngồi cách bé có hai bàn chân. Tôi ước gì ngay lúc này tôi có anh Thước kẻ trong tay
để đo nó, nhưng hiện giờ thì anh đang nằm gọn trong anh Hộp bên dưới chị Giường, mà tôi lại không muốn di chuyển vì có thể làm cho bé Chuột nhắt sợ hãi. Tôi ngắm nghía mấy bàn tay của bé, mấy sợi ria, cái đuôi cong cong. Nó sống động quá, là thứ sống động to nhất mà tôi từng nhìn thấy, to hơn mấy con kiến hay chị Nhện hàng triệu lần.
Bất chợt một thứ gì đó đập xuống mặt cô Bếp lò, cháttttttttt. Tôi hét lên và vô tình đạp lên cái đĩa. Bé Chuột nhắt chạy mất. Nó đâu rồi nhỉ? Liệu cuốn sách có đè bẹp nó không? Bà sách tên là Khám phá phi trường. Tôi lật từng trang của bà nhưng vẫn không thấy bé Chuột đâu. Cậu Giấy gửi Hành lý đã quăn tít lên và không còn đứng vững được nữa.
Khuôn mặt Mẹ trông thật lạ.
— Mẹ làm bé chạy mất rồi. – Tôi hét lên với Mẹ.
Mẹ cầm bà Chổi, Mẹ quét dọn những mảnh đĩa vỡ.
— Chuyện gì đã xảy ra trên sàn thế này? Bây giờ thì mình chỉ còn có hai cái đĩa lớn và một cái nhỏ, vậy đấy...
Bà bếp trong truyện Alice ném mấy cái đĩa vào đứa bé và một cái chảo suýt nữa thì làm bay mất mũi nó.
— Bé Chuột thích vụn bánh.
— Nào Jack!
— Nó có thật, con đã nhìn thấy nó mà.
Mẹ kéo cô Bếp lò ra, có một khe nứt nhỏ ở bên dưới chỗ anh Tường cửa. Mẹ lấy ra một bó giấy nhôm, vo lại thành từng nắm nhỏ và nhét vào khe nứt đó.
— Đừng mà Mẹ.
— Mẹ rất tiếc. Nhưng khi đã có một thì sẽ thành mười. Thật là một bài toán điên rồ.
Mẹ bỏ mớ giấy nhôm xuống và ghì chặt lấy hai vai tôi.
— Nếu mẹ con mình để cho nó ở đây thì chẳng mấy chốc mình sẽ bị lũ con của nó làm hại thôi. Nào là ăn vụng thức ăn của chúng ta, nào là đem vi trùng đến trên những cái móng chân bẩn thỉu của chúng.
— Chúng có thể ăn thức ăn của con. Con không đói.
Mẹ không nghe tôi nói. Mẹ đẩy mạnh cô Bếp lò trở lại chỗ cũ, ép sát vào Tường.
Sau đó, chúng tôi dùng một mảnh băng keo để làm cho tờ giấy có hình Khoang chứa máy bay đứng thẳng hơn trong cuốn Khám phá phi trường, nhưng Tờ khai Hành lý thì nhàu nhĩ quá nên không thể chỉnh lại được nữa.
Chúng tôi ngồi cuộn tròn trong bà Ghế bập bênh và Mẹ đọc cho tôi nghe truyện Dylan kẻ đào vàng đến ba lần – thế nghĩa là Mẹ đang hối hận.
— Mình xin thêm một cuốn sách mới làm món quà ngày Chủ nhật, Mẹ nhé. – Tôi nói.
— Mẹ đã xin rồi, cách đây vài tuần. Mẹ muốn con có thêm một cuốn nữa cho ngày sinh nhật. Nhưng ông ta bảo đừng có quấy rầy thêm nữa, chẳng phải mẹ con mình đã có cả một kệ đầy sách đó sao.
Tôi ngước nhìn qua đầu Mẹ để trông lên bác Kệ. Bác ấy còn có thể chứa thêm hàng trăm cuốn sách nữa nếu chúng tôi bỏ mấy thứ khác xuống dưới Gầm giường, chỗ bên cạnh bé Rắn trứng. Hoặc là để trên đầu chị Tủ áo… nhưng chỗ đó là nhà của bác Pháo đài và chị Mê cung rồi. Việc sắp xếp ai ở chỗ nào thì khá là tế nhị, đôi khi Mẹ bảo là chúng tôi nên ném hết vào thùng rác, nhưng thường thì tôi sẽ tìm được một chỗ ở cho họ.
— Hắn ta bảo chúng ta chỉ cần xem Ti-vi hết ngày là được. Nghe buồn cười nhỉ.
— Rồi thì não của hai mẹ con mình sẽ thối rữa ra, giống như não của hắn ta ấy. – Mẹ nói. Mẹ nhoài người ra lấy cuốn Tuyển tập
những bài hát ru. Mẹ đọc cho tôi nghe những đoạn mà tôi chọn trong từng trang. Những câu chuyện mà tôi ưa thích đều có ai đó tên Jack, như làJack Gầy gò hay là Cậu bé Jack thổi tù và.
Jack lanh lợi,
Jack hoạt bát,
Jack nhảy qua giá đỡ nến.
Tôi nghĩ là cậu ấy muốn thử xem liệu bộ áo ngủ của cậu có bị cháy hay không đây mà. Trong Ti-vi người ta mặc pyjama, nếu là con gái thì mặc váy ngủ. Áo ngủ chui đầu là cái áo rộng nhất của tôi, nó có một cái lỗ trên vai áo, tôi thích thò ngón tay vào đó và tự cù mình mỗi khi đi ngủ. Cũng có truyện Chú chó Jackie Wackie ăn bánh pudding và bánh nướng, nhưng khi tôi mày mò tìm cách đọc thì tôi lại thấy thực ra đó là Georgie Porgie. Mẹ cũng thay đổi theo ý tôi, đó không phải là gian lận mà chỉ là làm bộ thôi. Cũng giống như
Nhóc tì Jack con trai người thổi sáo,
Trộm được heo liền chạy một lèo.
Thật ra thì nhân vật trong quyển sách đó là Tom, nhưng đổi thành Jack lại nghe hay hơn. Ăn cắp là khi một cậu bé lấy đi cái gì đó của những cậu bé khác, bởi vì trong sách truyện và trên Ti-vi tất cả mọi người đều có thứ gì đó chỉ của riêng họ, thật là phức tạp.
Đã 05:39 chiều nên chúng tôi có thể ăn tối. Hôm nay có mì ăn liền. Trong khi mì còn nằm trong nước sôi, Mẹ đã tìm thấy trong thùng đựng sữa một vài từ khó để đố tôi, như dinh dưỡng ý nói đến thực phẩm, còn tiệt trùng thì giống như là dùng súng laser hạ gục vi trùng. Tôi muốn ăn thêm bánh nhưng Mẹ bảo phải ăn món củ dền trước đã. Sau đó, tôi cũng được ăn cái bánh lúc này đã hơi hơi cứng. Mẹ cũng ăn một miếng nhỏ.
Tôi trèo lên bà Ghế bập bênh để tìm bạn Hộp đồ chơi nằm ở phía cuối bác Kệ. Tối nay tôi chọn trò Cờ đam và tôi sẽ chọn quân đỏ. Các quân cờ trông giống như những viên sô-cô-la nhỏ, có điều chúng chẳng có mùi vị gì. Tôi đã thử liếm chúng rất nhiều lần rồi.
Chúng bám vào bàn cờ bằng thứ phép màu từ tính. Mẹ thích chơi Cờ vua nhất, nhưng trò đó lại làm tôi nhức đầu.
Đến giờ xem Ti-vi, Mẹ chọn chương trình Thế giới Hoang dã, xem những con rùa vùi trứng vào trong cát để giấu. Khi Alice đã quen ăn nấm thì con chim bồ câu nổi cáu vì nó tưởng bạn ấy là một con rắn hiểm ác đang tìm cách ăn trứng của nó. Đến phần các bé rùa sơ sinh chui ra khỏi vỏ trứng rồi, thế nhưng rùa mẹ đã bỏ đi đâu mất. Thật kỳ lạ. Tôi tự hỏi nếu có lúc nào đó những con rùa mẹ và bầy rùa con gặp lại nhau trong lòng biển thì liệu chúng có nhận ra nhau không hay chỉ là bơi lướt qua nhau thôi.
Thế giới Hoang dã nhanh hết quá nên tôi chuyển sang kênh có hai gã đàn ông chỉ mặc độc chiếc quần đùi, mang giày đế mềm, mồ hôi đầm đìa.
— Ái da, không được phép đánh nhau đâu. – Tôi nhắc họ. – Chúa Hài đồng sẽ giận lắm.
Người mặc quần màu vàng đấm mạnh vào mắt người lông lá.
Mẹ rên lên như thể chính Mẹ đang bị đánh vậy. – Mình phải xem màn đánh đấm này sao?
Tôi nói với Mẹ: – Một phút nữa thôi, cảnh sát sẽ ò e í e ập đến và bắt lấy hai người đó bỏ vào tù ngay thôi.
— Thật ra thì quyền anh… rất ghê, nhưng đó là một trò chơi, hình như là được phép nếu họ đeo loại găng đặc biệt đó vào. Nào, hết giờ rồi.
— Chơi thêm trò Con vẹt nữa đi Mẹ, nó giúp luyện từ vựng rất tốt mà.
— Đồng ý. – Mẹ bước tới và chuyển Ti-vi sang chương trình Trường kỷ đỏ, màn hình hiện lên một người phụ nữ có mái tóc phồng. Đó là người chủ trò đang nêu câu hỏi cho những người khác và hàng trăm người khác nữa thì vỗ tay.
Tôi chăm chú lắng nghe. Bà ta đang nói chuyện với người đàn ông chỉ có một chân. Tôi nghĩ là ông ta đã bị mất chân kia trong một
cuộc chiến.
— Vẹt, – Mẹ kêu lên và bấm nút tắt tiếng.
— Điều đau xót nhất, tôi nghĩ với tất cả khán giả của chúng ta, đó chính là những nỗi niềm sâu kín mà các bạn đã chịu đựng. – Tôi tuôn ra một tràng từ ngữ.
— Phát âm tốt đấy. – Mẹ khen rồi nói tiếp. – Đau xót nghĩa là buồn bã.
— Lần nữa ạ.
— Cũng chương trình này à?
— Không, một chương trình khác ạ.
Mẹ tìm một đoạn tin khác khó hơn.
— Vẹt nào, – Mẹ tắt tiếng lần nữa.
— À, với toàn bộ cuộc tranh cãi về nhãn hiệu đang trở nên gay gắt trên những điểm trọng yếu của việc cải tổ chăm sóc sức khỏe, và tất nhiên điều này nên được lưu ý vào giữa nhiệm kỳ…
— Còn gì nữa không con? – Mẹ chờ một chút. – Tốt đấy, lại nào. Nhưng người ta nói là luật Lao động chứ không phải là nhãn hiệu§.
— Thế thì có gì khác nhau hả Mẹ?
— Nhãn hiệu là miếng dính dán trên những quả cà chua, thế đấy, còn luật Lao động là…
Tôi ngáp một cái thật dài.
— Thôi bỏ đi. – Mẹ cười rồi tắt Ti-vi.
Tôi ghét lúc hình ảnh biến mất và màn hình lại xám xịt. Lần nào tôi cũng muốn khóc òa lên, nhưng chỉ một giây thôi.
Tôi trèo vào lòng Mẹ trong bà Ghế bập bênh. Chân cẳng của hai Mẹ con quấn vào nhau rối tung cả lên. Mẹ là thầy phù thủy bị biến hình thành một con bạch tuộc khổng lồ và tôi là chàng Hoàng tử JackerJack, đến cuối truyện tôi sẽ trốn thoát được. Chúng tôi cùng
chơi cù nách rồi đến trò Bóng nẩy và chiếu bóng lên chỗ Tường giường.
Sau đó tôi xin Mẹ chơi trò Thỏ JackerJack, cậu ấy luôn chơi xỏ Cáo Brer. Cậu nằm lăn bên đường giả vờ chết và Cáo Brer ngửi ngửi mùi trên người Thỏ Jack rồi nói:
— Tốt hơn là đừng đem hắn về nhà, hắn hôi hám quá… – Mẹ hít hà khắp người tôi rồi nhăn mặt. Tôi thì không dám cười vì như thế Cáo Brer mới không biết là tôi còn sống. Thật ra tôi vẫn sống nhăn đây mà.
Vì tôi muốn nghe một bài hát để cho vui, Mẹ bắt đầu: — Những con giun bò ra, những con giun thụt vào§… — Chúng nhấm ruột con như món dưa cải bắp… – Tôi hát theo. — Chúng chén mắt con, nuốt mũi con…
— Liếm láp đất cát giữa hai ngón chân…
Tôi bú đã đời khi nằm trên Giường, nhưng miệng tôi thì đã buồn ngủ. Mẹ bế tôi vào chị Tủ áo, lót chị Mền xung quanh cổ tôi, tôi đưa tay kéo tí Mẹ một lần nữa. Mấy ngón tay tôi sờ soạng dọc theo đường viền màu đỏ quanh tí.
Bíp bíp, anh Cửa lên tiếng làm Mẹ nhảy bật lên và gây ra tiếng động. Có lẽ Mẹ bị va đầu. Mẹ đóng sầm chị Tủ áo lại.
Bầu không khí lạnh buốt thổi vào bên trong chị Tủ áo. Tôi nghĩ đó là một chút không khí của Bên ngoài Vũ trụ, nó có mùi rất hấp dẫn. Anh Cửa kêu một tiếng ầm, thế nghĩa là Lão Nick đã bước vào. Tôi không còn buồn ngủ nữa. Tôi quỳ gối nhìn qua mấy thanh gỗ, nhưng chỉ nhìn thấy có chị Tủ áo, cô Bồn tắm và đường cong của bà Bàn ăn.
— Trông ngon lành quá nhỉ. – Giọng Lão Nick rất trầm.
— Ồ, đó chỉ là phần còn sót lại của cái bánh sinh nhật thôi. – Mẹ đáp.
— Lẽ ra nên nhắc tôi chứ. Có thể tôi sẽ đem món gì đó cho thằng bé. Nó mấy tuổi rồi, bốn hả?
Tôi đợi Mẹ trả lời nhưng Mẹ vẫn im lặng.
— Năm. – Tôi thì thầm.
Nhưng chắc Mẹ đã nghe thấy, vì Mẹ bước lại gần chị Tủ áo và nói “Jack” với giọng giận dữ.
Lão Nick phá lên cười. Tôi không biết hắn ta có thể cười. – Nó nói kìa.
Tại sao hắn ta không gọi là thằng bé mà lại gọi là nó?
— Có muốn ra khỏi chỗ đó và mặc thử cái quần jean mới này không?
Không phải hắn ta nói với Mẹ mà là với tôi. Trống ngực tôi bắt đầu nện thình thình thình.
— Thằng bé gần ngủ rồi. – Mẹ lên tiếng.
Không, tôi chưa buồn ngủ đâu. Tôi ước gì mình đừng thì thào năm để hắn ta nghe thấy, tôi ước mình cứ nằm thật yên.
Họ nói với nhau gì đó mà tôi không nghe rõ.
— Được rồi, được rồi. – Lão Nick nói. – Tôi có thể ăn một miếng chứ?
— Bánh có vẻ muốn thiu rồi. Nếu như anh thực tình muốn ăn thì…
— Thôi, quên đi, em là bà chủ mà.
Mẹ không nói gì nữa.
— Tôi chỉ là một gã giao hàng tạp hóa, đổ rác cho quý bà, đi lòng vòng quanh các quầy hàng quần áo trẻ con, trèo lên thang để quét tuyết cho cửa sổ mái nhà bà, theo lệnh của quý bà…
Tôi nghĩ ông ta đang nói nhạo, khi ông ta thực sự muốn nói những điều trái ngược với giọng nói, đó là một trò quanh co.
— Cám ơn về những việc đó. – Mẹ nói, nghe không giống Mẹ. – Căn phòng đã sáng lên nhiều lắm.
— Đấy, cũng đâu có đau đâu, phải không?
— Xin lỗi. Cám ơn nhiều lắm.
— Giống như thỉnh thoảng nhổ vài cái răng thôi mà. – Lão Nick nói.
— Và cám ơn về đồ tạp hóa, cả quần jean nữa.
— Không có chi.
— Đây này, tôi sẽ lấy cho anh một đĩa, có lẽ phần bánh ở giữa chưa đến nỗi nào.
Có tiếng lanh canh. Tôi đoán Mẹ đang dọn bánh cho hắn ta. Bánh sinh nhật của tôi. Phút sau, tôi nghe thấy hắn ta nói lúng búng trong miệng.
— Ừm, bánh hơi thiu rồi.
Miệng hắn ta đầy bánh của tôi.
Tách, anh Đèn tắt phụt làm tôi giật nảy mình. Tôi không sợ bóng tối, nhưng tôi không thích bị bất ngờ. Tôi nằm xuống bên dưới chị Mền và chờ đợi.
Khi Lão Nick làm cho chị Giường kêu cót két. Tôi lắng nghe và đếm trên năm đầu ngón tay, đêm nay có 217 tiếng. Tôi lúc nào cũng phải đếm cho đến khi hắn ta hổn hển thở hắt ra rồi dừng lại. Tôi không rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không đếm vì lần nào tôi cũng đếm cả.
Thế còn những đêm tôi ngủ thì sao?
Tôi không rõ, có lẽ Mẹ sẽ đếm.
Sau số 217, mọi thứ trở nên yên lặng.
Tôi nghe tiếng bật Ti-vi, chỉ là kênh tin tức, tôi trông thấy chút xíu những chiếc xe tăng xuyên qua những thanh gỗ, nhưng không lý thú
cho lắm. Tôi gối đầu lên chị Mền. Mẹ và Lão Nick đang nói chuyện một chút với nhau, nhưng tôi không nghe nữa.
Khi tôi thức dậy trên chị Giường thì trời đang mưa, lúc đó chị Cửa sổ trần hoàn toàn mờ đục. Mẹ cho tôi bú tí một lúc và hát bài Ca hát dưới mưa§ rất khẽ khàng.
Tí bên phải của Mẹ không ngon lắm. Nhớ lại chuyện đêm qua, tôi ngồi dậy:
— Sao Mẹ không báo trước cho hắn ta biết hôm đó là sinh nhật con?
Mẹ không cười nữa.
— Lúc hắn ta đến đây thì con đã sắp ngủ mất rồi.
— Nhưng nếu Mẹ bảo cho hắn ta biết trước thì hắn ta đã đam cho con vài thứ gì rồi.
— Đem chứ. – Mẹ sửa lại. – Hắn ta nói thế.
— Vài thứ là những thứ gì nhỉ? – Tôi chờ đợi. – Lẽ ra Mẹ nên nhắc hắn ta chứ.
— Mẹ không muốn hắn ta đem thứ gì đó đến cho con. – Mẹ duỗi thẳng hai tay cao khỏi đầu.
— Nhưng món quà ngày Chủ nhật…
— Đó lại là chuyện khác Jack ạ. Đó là những thứ mình cần và mẹ hỏi xin hắn ta đem đến. – Mẹ chỉ về phía chị Tủ đầu giường nơi có thứ gì đó màu xanh dương được gấp lại gọn gàng. – Dù sao con cũng có chiếc quần jean mới đấy thôi.
Mẹ bước vào ông Nhà vệ sinh.
— Mẹ có thể hỏi xin hắn ta một món quà cho con kia mà. Suốt đời con chưa bao giờ có được một món quà.
— Mẹ đã có quà cho con rồi, không nhớ sao? Bức hình ấy.
— Con không muốn bức hình ngốc nghếch đó. – Tôi khóc òa lên. Mẹ lau khô tay rồi bước lại ôm tôi vào lòng, dỗ dành. — Được rồi, thôi nào.
— Biết đâu…
— Mẹ chẳng nghe được con nói gì cả. Hít một hơi dài nào. — Biết đâu...
— Biết đâu sao cơ?
— … là một con chó.
— Gì cơ?
Tôi không thể ngừng lại, tôi phải nói trong khi vẫn khóc nấc.
— Món quà ấy. Nó có thể là một con chó thật và chúng ta sẽ gọi nó là Lucky.
Mẹ dùng lòng bàn tay lau mắt cho tôi.
— Con biết là mình đâu có chỗ mà nuôi chó.
— Có, mình có mà.
— Chó cần phải được đi dạo.
— Mình vẫn đi dạo mà.
— Nhưng một con chó thì…
— Chúng ta vẫn chạy xa thật xa trên bạn Đường chạy đó thôi, Lucky có thể chạy sau lưng mẹ con mình. Con cá là nó sẽ chạy nhanh hơn Mẹ nữa kìa.
— Jack này, một con chó sẽ gây nhiều phiền phức cho chúng ta. — Không, bạn ấy không làm thế đâu.
— Nó sẽ sinh chuyện. Phải nhốt nó lại này, sủa ầm ĩ này, cào lên sàn nhà…
— Lucky sẽ không cào đâu.
Mẹ đảo mắt. Rồi Mẹ bước tới anh Tủ ngăn kéo lấy ngũ cốc, Mẹ đổ ra chén của hai Mẹ con mà chẳng buồn đếm hạt.
— Đến đêm khi Mẹ đang ngủ, con sẽ thức dậy, sẽ kéo mớ giấy nhôm ra khỏi cái lỗ để cho bé Chuột nhắt có thể quay lại. – Tôi bắt chước bộ mặt sư tử gầm.
— Đừng ngốc thế.
— Con không ngốc, Mẹ mới là kẻ ngốc có cái đầu rỗng tuếch. — Nghe này, mẹ biết là…
— Bé Chuột nhắt và Lucky là bạn của con. – Tôi lại khóc ré lên.
— Không có Lucky nào cả. – Mẹ nói với hai hàm răng nghiến chặt.
— Sẽ có, và con thương bạn ấy lắm.
— Đấy chỉ là con tưởng tượng ra thôi.
— Còn bé Chuột nữa, bé thật sự là bạn của con, vậy mà Mẹ đuổi bé đi...
— Ừ, phải. – Mẹ gắt lên. – Thế thì đêm đến bạn con mới không bò lên mặt và cắn con.
Tôi gào to đến lạc cả giọng. Tôi chưa hề biết là bé Chuột sẽ cắn vào mặt tôi, tôi nghĩ chỉ có ma cà rồng mới làm thế.
Mẹ buông người lên chị Chăn lông vịt và nằm bất động.
Một phút sau, tôi trèo lên nằm bên cạnh Mẹ. Tôi vén áo Mẹ lên để bú tí nhưng rồi tôi phải ngừng lại để chùi mũi. Tí bên trái thì ngon nhưng chẳng còn được bao nhiêu sữa.
Lát sau, tôi mặc thử chiếc quần jean mới. Nó cứ tụt xuống. Mẹ giật một sợi chỉ ra.
— Đừng Mẹ.
— Quần mới mà đã tuột chỉ rồi. Thứ rẻ tiền… – Mẹ không nói rõ thứ gì rẻ tiền.
— Denim§, quần jean làm từ vải denim. – Tôi nói với Mẹ rồi cất sợi chỉ vào bà Bình thủ công trong anh Tủ ngăn kéo.
Mẹ lấy bà Hộp đồ may xuống để khâu vài mũi vào chỗ lưng quần, sau đó thì cái quần jean không tụt nữa.
Buổi sáng chúng tôi khá bận rộn. Trước tiên, hai Mẹ con tháo tung em Tàu cướp biển mà chúng tôi đã làm tuần trước và biến em thành một bạn Xe tăng. Bé Bong bóng là người lái, trước đây cô bé to bằng đầu Mẹ, có màu hồng và ú nu; bây giờ thì bé chỉ còn bằng
cỡ nắm tay tôi, màu đỏ và nhăn nheo. Chúng tôi chỉ thổi một bong bóng vào mỗi đầu tháng, vì vậy chỉ có thể đem cho cô bé thêm một em gái Bong bóng khác vào tháng Tư tới. Mẹ cũng chơi với bạn Xe tăng, nhưng chỉ một lúc rồi thôi. Mẹ mau chán đồ chơi, đó là do Mẹ đã thành người lớn.
Thứ Hai là ngày giặt giũ. Chúng tôi bỏ vào cô Bồn tắm nào vớ, đồ lót, cái quần xám của tôi bị nước sốt cà chua bắn vào, tấm khăn trải giường và khăn lau bát, rồi chúng tôi làm bong những vết bẩn ra. Mẹ bật ông Điều nhiệt lên để làm quần áo mau khô. Mẹ kéo ông Giá phơi quần áo từ bên cạnh anh Cửa và dựng ông đứng dạng chân ra, còn tôi bảo ông cố gắng đứng cho thật vững. Tôi muốn cưỡi lên ông giống như hồi tôi còn bé, nhưng bây giờ thì tôi đã to lớn thế này nên có thể làm gãy sống lưng ông mất. Giá như thỉnh thoảng được bé xíu trở lại rồi sau đó lại lớn đùng lên, như Alice ấy, thì thật là thích. Khi đã vắt ráo mọi thứ và phơi lên, Mẹ và tôi phải cởi áo ra, thay phiên nhau chui vào trong ông Tủ lạnh cho mát.
Bữa trưa có món đậu trộn salad, là món tôi ghét hạng nhì. Sau giấc ngủ trưa, chúng tôi chơi trò La hét như mỗi ngày, trừ thứ Bảy và Chủ nhật. Chúng tôi đằng hắng rồi leo lên đứng trên bà Bàn ăn để đến gần chị Cửa sổ trần hơn, vịn chặt hai tay cho khỏi ngã. Chúng tôi kêu lên: “Vào vị trí xuất phát, chuẩn bị, bắt đầu”; thế rồi cả hai cùng há miệng thật rộng và hò hét hú hét inh ỏi hết cỡ. Ngày hôm nay tôi hét to nhất bởi vì hai lá phổi năm tuổi của tôi đang căng rộng ra.
Rồi chúng tôi im bặt, với ngón tay áp chặt lên môi. Có lần tôi hỏi Mẹ là mình đang lắng nghe điều gì thì Mẹ bảo chỉ là để phòng hờ thôi, ta chẳng bao giờ biết.
Sau đó tôi chà bóng một cái nĩa, anh Lược, mấy cái nắp lọ và hai bên ống quần jean của tôi. Giấy có hàng kẻ là thứ mềm nhất để lau chùi, còn giấy vệ sinh dùng để vẽ thì tốt hơn vì nó bền mãi. Hôm nay tôi vẽ hình tôi với một con mèo, một con vẹt, một con cự đà, một con gấu mèo, ông già Noel, một con kiến cùng chú chó Lucky và tất cả các bạn trong Ti-vi của tôi đang diễu hành, còn tôi là Vua Jack. Sau khi vẽ xong xuôi, tôi lại cuộn giấy vào như cũ để có thể dùng để đi vệ sinh. Tôi xé một mảnh nhỏ ra từ cuộn kế tiếp để viết thư cho bạn Dora. Tôi chuốt cây bút chì đỏ bằng bạn Dao cùn. Tôi phải nắm cây bút chì thật chặt vì nó ngắn quá, chỉ còn một mẩu bé tẹo. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới viết những lá thư tuyệt hảo từ mặt trước ra mặt sau. Hôm nay, tôi viết. Mình được năm tuổi ngày hôm kia. Bạn có thể ăn mẩu bánh cuối cùng nhưng không có nến đâu. Tạm biệt bạn thân thương, Jack. Lá thư chỉ bị rách một vết nhỏ ở ngay chỗ chữ bánh.
— Khi nào Dora nhận được thư hả Mẹ? – Tôi hỏi.
— Ừm, Mẹ nghĩ phải mất vài giờ bức thư mới ra đến biển rồi sau đó sẽ dạt vào bờ…
Mẹ mút mút một viên nước đá cho bớt đau răng, âm thanh phát ra nghe rất buồn cười. Biển và bờ là trong Ti-vi, nhưng tôi nghĩ việc tôi gửi đi một lá thư sẽ khiến chúng trở nên thật hơn đôi chút. Mấy cục ị thì chìm xuống còn những lá thư thì nổi lên trên các đợt sóng trong Bồn cầu.
— Ai sẽ tìm thấy nó hả Mẹ? Diego à?
— Có thể. Cậu ta sẽ nhặt nó và đem đến cho cô em họ Dora…
— Trên chiếc xe Jeep đi săn của anh ta. Phóng vù vù trong cánh rừng.
— Vậy là sáng mai thư sẽ đến. – Tôi nói. – Muộn nhất là đến bữa trưa thôi.
— Để xem sao. – Lúc này viên đá đã làm mặt Mẹ bớt sưng.
Mẹ đẩy cục đá lên trên lưỡi.
— Con nghĩ là con cũng có một cái răng đau.
— Ôi Jack. – Mẹ rên rỉ.
— Thực sự… thực sự là đau lắm đấy Mẹ. Ôi… ôi… ôi... Mẹ đổi nét mặt.
— Nếu con muốn mút đá thì cứ việc, con đâu cần phải giả vờ đau răng.
— Tuyệt quá!
— Đừng có dọa mẹ thế.
Tôi không biết mình có thể làm Mẹ sợ đấy.
— Biết đâu nó sẽ đau khi con lên sáu tuổi.
Mẹ thổi phù phù khi lấy mấy viên đá ra khỏi ông Tủ lạnh. — Nói dối, nói dối, lòi đuôi rồi kìa.
Nhưng tôi đâu có nói dối, chỉ là giả vờ thôi.
Trời mưa suốt buổi chiều hôm đó, Đức Chúa trời không buồn hé mắt nhìn lấy một lần nào. Chúng tôi hát bài Trời bão giông§ rồi đến bài Những người đàn ông mưa§ và một bài nữa nói về sa mạc nhớ nhung cơn mưa.
Bữa tối có món cá chiên xù ăn với cơm. Tôi cố vắt quả chanh bằng nhựa chứ không phải chanh thật. Chúng tôi đã từng có chanh thật, nhưng nó khô quắt lại rất nhanh. Mẹ lấy một mẩu cá từ phần của Mẹ đem chôn xuống đất bên dưới cô Cây.
Buổi tối không có chương trình hoạt hình, có lẽ vì ở đó trời tối và họ không có đèn. Tôi chọn chương trình nấu ăn tối nay, nó không giống thức ăn thật, họ không có món đồ hộp nào cả. Người phụ nữ và người đàn ông đang cười với nhau và làm món thịt với một cái bánh ở trên cùng và những thứ màu xanh xung quanh những thứ màu xanh khác, làm thành một chùm. Rồi tôi chuyển sang chương trình tập thể hình, những người mặc đồ lót cùng với đủ thứ máy móc
cứ phải làm những động tác lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ là họ đang bị nhốt ở trong đó. Chương trình này kết thúc nhanh chóng và tiếp theo là xây nhà theo ý bạn. Người ta biến những căn nhà thành những hình dáng khác nhau và sơn hàng triệu màu sắc lên tất cả mọi thứ, chứ không chỉ trên những bức tranh. Những căn nhà giống như rất nhiều Căn phòng kết dính với nhau, còn các cư dân trong Ti-vi hầu như lúc nào cũng ngồi trong nhà. Đôi khi họ cũng ra ngoài và bắt gặp rất nhiều kiểu thời tiết khác nhau.
— Mình chuyển cái giường sang bên kia nhé! – Mẹ hỏi. Tôi giương mắt nhìn Mẹ rồi quay qua hướng Mẹ chỉ. — Đó là anh Tường Ti-vi mà Mẹ.
— Đó chỉ là cách mình gọi thôi. – Mẹ đáp. – Cái giường có lẽ vừa vào chỗ đấy, giữa nhà vệ sinh và… Chúng ta sẽ dời Tủ áo sang một chút, rồi cái tủ đầu giường sẽ chuyển sang chỗ này và Ti-vi đặt ở trên đầu tủ.
Tôi lắc đầu quầy quậy.
— Thế thì mình chẳng nhìn thấy gì cả.
— Được chứ, chúng ta sẽ ngồi ở ngay đây, trên ghế bập bênh. — Ý kiến dở tệ.
— Thôi, quên đi. – Mẹ khoanh hai tay lại thật chặt.
Người phụ nữ trong Ti-vi đang hét lên vì lúc này căn nhà của bà đang chuyển sang màu vàng.
— Bà ấy thích màu nâu hơn hả Mẹ? – Tôi hỏi.
— Không, bà ấy sung sướng quá nên hét lên thôi.
Lạ quá.
— Có phải bà ấy vui-sầu, giống Mẹ khi nghe những bản nhạc hay trên Ti-vi không?
— Không, bà ấy ngốc thôi. Giờ thì tắt Ti-vi nào.
— Thêm năm phút nữa được không? Con xin Mẹ!
Mẹ lắc đầu.
— Con sẽ làm Vẹt, con sẽ lắng nghe chăm chú hơn nữa.
Thế là tôi chăm chú lắng nghe người phụ nữ Ti-vi và lặp lại: “Giấc mơ đã thành hiện thực! Tôi phải nói cho anh biết, Darren này, việc này vượt xa những tưởng tượng điên khùng nhất của tôi, các gờ mái…”.
Mẹ tắt tiếng. Tôi muốn hỏi gờ mái là gì, nhưng tôi nghĩ là Mẹ hãy còn cáu kỉnh về chuyện dời đồ đạc lúc nãy – một ý tưởng điên rồ.
Nằm trong chị Tủ áo, lẽ ra tôi phải ngủ nhưng thay vào đó, tôi đếm những lần cãi nhau với Mẹ. Chỉ mới có ba ngày mà hai Mẹ con đã cãi nhau ba lần, một lần là về những cây nến, lần khác là về bé Chuột nhắt và một lần nữa về Lucky. Tốt hơn hết, tôi nên quay lại bốn tuổi thôi, thay vì lên năm mà cứ phải cãi nhau hàng ngày thế này.
— Chúc ngủ ngon, bạn Căn phòng. – Tôi nói thật khẽ khàng. – Chúc ngủ ngon, anh Đèn và bé Bong bóng.
— Chúc ngủ ngon, bếp lò. – Mẹ lên tiếng. – Cả bàn ăn nữa, chúc ngủ ngon.
Tôi nhe răng cười toét.
— Chúc Bóng chữ ngủ ngon. Chúc bác Pháo đài ngủ ngon. Ngủ ngon nhé, chị Thảm.
— Chúc ngủ ngon, không khí. – Mẹ nói.
— Chúc ngủ ngon, tiếng ồn ở khắp nơi.
— Chúc Jack ngủ ngon.
— Chúc Mẹ ngủ ngon. Và lũ Rệp nữa, đừng quên lũ Rệp Mẹ nhé. Và Mẹ hát.
— Đêm ơi đêm, hãy ngủ thật êm, đừng cho Rệp cắn.
Khi tôi thức dậy, cả tấm kính của chị Cửa sổ mái nhà là một màu xanh thẳm, ngay cả các góc cũng chẳng còn sót lại chút tuyết nào. Mẹ đang ngồi trên ghế, hai tay ôm mặt, thế nghĩa là Mẹ đang đau lắm. Mẹ nhìn thứ gì đó trên bà Bàn ăn, có hai thứ.
Tôi nhảy chồm lên và vồ lấy.
— Xe Jeep. Một chiếc xe Jeep điều khiển từ xa! – Tôi cho nó nhảy múa trong không gian, nó có màu đỏ, to bằng cỡ bàn tay tôi. Cái điều khiển thì màu bạc và có hình chữ nhật. Khi tôi dùng ngón
tay cái bật một trong những công tắc thì mấy cái bánh của chiếc xe jeep xoay tròn, zin zinnnnn.
— Quà sinh nhật muộn đấy.
Tôi biết ai đã đam nó đến: chính là Lão Nick, nhưng Mẹ sẽ không nói vậy đâu.
Tôi không muốn ăn món ngũ cốc, nhưng Mẹ bảo phải ăn xong mới được chơi xe. Tôi ăn hai mươi chín hạt, rồi tôi không còn thấy đói nữa. Mẹ bảo thế thì phí quá và Mẹ ăn nốt chỗ còn lại.
Tôi đã tìm ra cách dùng bạn Điều khiển làm cho bạn Jeep chạy. Cái cần ăng-ten mỏng manh màu bạc, tôi có thể kéo nó dài ra hay thu ngắn lại. Một cái công tắc làm cho bạn Jeep chạy tới và chạy lùi, cái nút khác thì làm cho bạn ấy quẹo bên nọ hoặc bên kia. Nếu tôi bật cả hai nút cùng lúc thì bạn Jeep sẽ bị tê liệt giống như bị trúng một mũi giáo tẩm thuốc độc, và sẽ kêu lên eeeeeee…
Mẹ bảo tốt nhất là nên bắt đầu lau chùi vì hôm nay là ngày thứ Ba.
— Nhẹ tay thôi nhé. – Mẹ dặn. – Nhớ là nó dễ vỡ lắm đấy. Tôi biết điều đó rồi, mọi thứ đều dễ vỡ.
— Nếu con để nó chạy lâu quá thì pin sẽ cạn, mà mình không có pin khác để thay đâu.
Tôi có thể cho bạn Jeep chạy vòng quanh bạn Căn phòng, dễ ợt, chỉ trừ khi đến mép chị Thảm, chị cứ cuộn lên bên dưới những bánh xe của bạn Jeep. Bạn Điều khiển là ông chủ, bạn ấy bảo.
— Lùi lại ngay, cậu Jeep lờ đờ kia! Chạy vòng quanh hai lần cái chân đó của bà Bàn ăn, nhanh lên. Mấy cái bánh xe quay tiếp đi!
Đôi khi bạn Jeep mệt mỏi, bạn Điều khiển chuyển cái bánh của Jeep sang chế độ grừ grừ. Bạn Jeep hư hỏng chạy trốn vào trong chị Tủ áo, nhưng bạn Điều khiển đã dùng phép thuật tìm thấy ngay và bắt tên hư ấy lùi trở ra và rồi phóng vọt lên, đâm sầm vào mấy thanh gỗ.
Ngày thứ Ba và ngày thứ Sáu luôn có mùi giấm. Mẹ đang lau chùi bên dưới bà Bàn ăn bằng tấm giẻ lau vốn trước kia là một trong mấy cái tã mà tôi đã mặc cho đến khi lên một tuổi. Tôi dám chắc là Mẹ đang quét tung đám tơ của chị Nhện, nhưng tôi không quan tâm lắm. Và rồi Mẹ mở bà Hút bụi lên, khiến đám bụi bẩn hét toáng lên oái, oái, oái.
Jeep chui xuống trốn dưới Gầm giường. “Quay lại nào, em bé Jeepy nhỏ xinh của ta!”, bạn Điều khiển gọi bạn Jeep đang lẩn trong gầm của chị Giường. “Nếu mi biến thành một con cá dưới sông thì ta sẽ hóa ra một ngư phủ và tung lưới bắt mi”.
Nhưng bạn Jeep láu lỉnh vẫn nằm im thin thít cho đến khi bạn Điều khiển hạ thanh ăng-ten xuống nghỉ ngơi thì cậu ta mới lẻn ra đằng sau và lấy hết mấy cục pin trong người bạn Điều khiển ra. Vui chưa này ha ha ha!
Tôi chơi đùa với bạn Jeep và bạn Điều khiển cả ngày trời, chỉ trừ lúc ngồi trong cô Bồn tắm. Lúc ấy thì hai bạn phải đậu tạm lên mặt bà Bàn ăn để khỏi bị rỉ sét. Khi hai mẹ con chơi trò La hét thì tôi đẩy các bạn lên gần chị Cửa sổ trần và Jeep để cho các bánh xe của mình rống to hết cỡ.
Mẹ nằm xuống và lại ôm lấy cái răng đau. Đôi lúc Mẹ thở ra một hơi thật dài dài dài.
— Sao Mẹ cứ xuýt xoa mãi thế?
— Mẹ cố đè lên nó.
Tôi đến ngồi bên cạnh đầu Mẹ, vén tóc phần tóc rủ xuống mắt Mẹ. Trán Mẹ đẫm mồ hôi. Mẹ chộp lấy hai tay tôi và giữ thật chặt.
— Ổn rồi con.
Nhưng trông có vẻ như không ổn.
— Mẹ có muốn chơi cùng bạn Jeep, bạn Điều khiển với con không?
— Chắc để lát nữa đi.
— Nếu Mẹ chơi thì mẹ sẽ không còn để ý đến cái răng đau và rồi sẽ chẳng sao nữa.
Mẹ cười nhẹ, nhưng hơi thở kế tiếp nghe lại lớn hơn, giống như một tiếng rên.
Lúc 05:57 chiều, tôi nói: “Mẹ ơi, gần sáu giờ rồi”, thế là Mẹ đứng dậy để làm bữa tối, nhưng Mẹ chẳng ăn gì. Hai bạn Jeep và Điều khiển đang đợi ở trong cô Bồn tắm vì lúc này cô đang khô ráo và biến thành hang động bí mật cho hai đứa.
— Thật ra thì bạn Jeep đã chết và đã lên đến Thiên đường. – Tôi vừa nói vừa nuốt thật nhanh mấy lát thịt gà.
— Ồ, vậy sao?
— Nhưng rồi khi đêm xuống, lúc Đức Chúa trời đã ngủ say, bạn Jeep lẻn ra và trượt xuôi theo thân cây Đậu khổng lồ để chui vào Căn phòng thăm con.
— Bạn ấy láu cá quá nhỉ.
Tôi ăn ba hạt đậu và uống một ngụm sữa lớn, rồi lại thêm ba hạt nữa, từng ba hạt một thì trượt xuống bụng nhanh hơn. Năm hạt có thể sẽ nhanh hơn nữa, nhưng tôi không thể nuốt được, cổ họng sẽ bị nghẹn mất. Có một lần khi tôi lên bốn tuổi, Mẹ viết Đậu cô-ve
hoặc mấy thứ rau xanh đông lạnh khác trong danh sách mua sắm và tôi viết nguệch ngoạc mấy chữ Đậu cô-ve bằng cây bút chì màu cam, Mẹ cho rằng thế rất buồn cười. Vào cuối bữa, tôi ăn món bánh mì mềm vì tôi thích ngậm bánh trong miệng giống như ngậm một cái gối nhỏ vậy.
— Tạ ơn Chúa Hài đồng, nhất là vì món thịt gà xắt lát. – Tôi cầu nguyện. – Và làm ơn, đợi lâu lâu rồi hẵng gửi thêm đậu cô-ve nhé!
Mà Mẹ ơi, tại sao chúng ta tạ ơn Chúa Hài đồng mà không phải là cám ơn hắn ta?
— Ai cơ?
Tôi gục gặc đầu, nhìn về phía anh Cửa.
Mặt Mẹ trở nên lạnh lùng dù tôi không hề nói tên hắn ta. — Tại sao Mẹ con mình phải cám ơn hắn ta?
— Thì tối hôm nọ Mẹ chẳng nói là cám ơn hắn ta về những món đồ tạp hóa, về việc hắn ta đã dọn tuyết trên Cửa sổ trần và về cái quần là gì.
— Con không nên nghe mấy chuyện đó. – Đôi lúc Mẹ thực sự giận, Mẹ nói mà miệng gần như không mở ra. – Chỉ là cám ơn giả vờ thôi.
— Tại sao lại...
Mẹ ngắt lời. – Hắn ta chỉ là người đem đến thôi. Hắn ta đâu có trồng lúa mì trên cánh đồng.
— Cánh đồng nào ạ?
— Hắn ta không thể làm cho mặt trời chiếu sáng trên cánh đồng, hoặc làm mưa rơi, hay bất cứ điều gì.
— Nhưng Mẹ này, bánh mì đâu có mọc trên cánh đồng. Bàn tay Mẹ ép chặt lấy miệng.
— Sao Mẹ lại nói… ?
— Đến giờ xem Ti-vi rồi. – Mẹ nói nhanh.
Đó là chương trình ca nhạc, tôi rất thích mấy tiết mục này. Thường thì Mẹ hay nhún nhảy cùng tôi, nhưng tối nay thì không. Tôi nhảy lên chị Giường và dạy Jeep và Điều khiển cách lắc hông. Tối nay có Rihanna, T. I., Lady Gaga và Kanye West.
— Tại sao trời đã tối mà mấy người hát rap lại đeo kính đen thế hả Mẹ? – Tôi hỏi Mẹ. – Có phải họ bị đau mắt không?
— Không phải, họ chỉ muốn trông có vẻ ngầu. Và để người hâm mộ đừng có lúc nào cũng nhìn thẳng vào mặt vì họ là người nổi tiếng.
— Tại sao người hâm mộ lại nổi tiếng hả Mẹ? – Tôi bối rối. — Không phải thế, các ngôi sao mới là người nổi tiếng. — Và họ không muốn nổi tiếng phải không?
— À, mẹ nghĩ là có chứ. – Mẹ trả lời và ngồi dậy để tắt Ti-vi. – Nhưng họ cũng muốn có được chút riêng tư.
Trong khi tôi bú, Mẹ không chịu cho tôi đem hai bạn Jeep và Điều khiển lên Giường dù hai đứa đã là bạn của tôi. Sau đó Mẹ bảo chúng phải trèo lên bác Kệ khi tôi ngủ.
— Chúng có thể cấn vào người khi mình ngủ.
— Không đâu Mẹ, cả hai đã hứa rồi mà.
— Nghe này, để chiếc xe jeep ra xa và con có thể ngủ với cái điều khiển vì nó nhỏ hơn, miễn là phải hạ cái ăng-ten xuống. Đồng ý chứ?
— Đồng ý.
Khi tôi chui vào trong chị Tủ áo, chúng tôi nói chuyện với nhau xuyên qua những thanh gỗ.
— Cầu Chúa phù hộ cho Jack. – Mẹ cầu nguyện.
— Cầu Chúa che chở cho Mẹ và hóa phép làm cho răng Mẹ hết đau. Cầu Chúa che chở cho hai bạn Jeep và Điều khiển nữa.
— Cầu Chúa che chở cho những quyển sách.
— Cầu Chúa phù hộ mọi thứ ở đây và cả ở ngoài Không gian nữa, và cả bạn Jeep nữa. Mà Mẹ ơi!
— Gì con?
— Lúc đang ngủ thì mình sẽ đi đâu?
— Ở ngay đây thôi. – Tôi có thể nghe thấy tiếng ngáp của Mẹ.
— Nhưng còn những giấc mơ? – Tôi dừng lại một chút. – Chúng ở trong Ti-vi hả Mẹ? – Mẹ vẫn không trả lời. – Mình có đi vào trong Ti-vi để nằm mơ không Mẹ?
— Không. Mẹ con mình chẳng bao giờ đi đâu cả, chỉ ở đây thôi. – Giọng của Mẹ nghe như thể rất xa vậy.
Tôi nằm cuộn người lại, mấy ngón tay sờ soạng những nút bấm. Tôi thì thào.
— Không ngủ được à, các em bé nút bấm? Được rồi, bú một tí nhé.
Tôi đặt chúng lên trên hai đầu tí của mình, chúng thay phiên nhau bú. Tôi đã cảm thấy buồn ngủ nhưng chỉ mới hơi hơi thôi.
Bíp bíp. Đó là tiếng anh Cửa.
Tôi dỏng tai nghe. Không khí lạnh ùa vào. Nếu tôi thò đầu ra khỏi chị Tủ áo thì hẳn là sẽ thấy anh Cửa đang mở ra. Tôi cá là tôi có thể nhìn thẳng vào các ngôi sao và những con tàu vũ trụ, những hành tinh và những người ngoài hành tinh đang đứng xung quanh các đĩa bay. Tôi ước… ước… ước gì được ngắm nhìn khoảng không gian bên ngoài nhỉ.
Rầm, đó là anh Cửa đóng sầm lại và Lão Nick đang nói chuyện với Mẹ về việc không thể kiếm được vài thứ, còn những thứ khác thì có giá trên trời.
Không biết hắn ta có ngước nhìn lên bác Kệ và trông thấy bạn Jeep không. Chà, hắn ta đã đem bạn ấy đến cho tôi nhưng tôi không nghĩ hắn ta từng chơi đùa với bạn ấy. Hắn ta sẽ chẳng biết bạn Jeep
sẽ bất thình lình vọt đi như thế nào khi tôi bật công tắc bạn Điều khiển,zin zinnnn.
Tối nay Mẹ và hắn ta chỉ nói chuyện một chút. Tạch, anh Đèn tắt phụt và Lão Nick lại làm chị Giường kêu lên ken két. Đôi khi tôi thử khác đi, đếm từng tiếng một thay vì mỗi lần năm tiếng. Nhưng tôi bắt đầu bỏ sót nên lại chuyển sang đếm từng năm tiếng một cho nhanh. Tôi đếm được đến 378.
Tất cả đều yên lặng, tôi đồ chừng hắn ta đã ngủ say rồi. Không biết lúc hắn ta ngủ thì Mẹ có ngủ không hay Mẹ vẫn thức để đợi tiễn hắn ta về nhỉ? Có lẽ cả hai đều đã ngủ còn mắt tôi vẫn còn mở thao
láo, thật là kỳ cục. Thậm chí tôi có thể ngồi dậy và bò ra khỏi chị Tủ áo mà họ không tài nào biết được. Tôi có thể vẽ một bức hình họ đang ngủ trên chị Giường hay làm điều gì đó. Tôi thắc mắc không biết họ có nằm cạnh nhau hay nằm xa về hai bên mép giường.
Chợt một ý nghĩ kinh khủng nảy ra trong đầu tôi, lỡ hắn ta bú tí Mẹ thì sao? Liệu Mẹ có để cho hắn ta bú hay Mẹ sẽ bảo Không đời nào, sữa chỉ là để dành cho Jack thôi?
Nếu hắn ta bú một chút thì có lẽ hắn ta sẽ bắt đầu trở nên thật hơn một chút.
Tôi muốn nhảy dựng lên và hét to.
Tôi tìm thấy nút công tắc của bạn Điều khiển, tôi bật cho nó sáng xanh lên. Có buồn cười không nhỉ nếu siêu năng lực của Điều khiển làm cho mấy cái bánh xe của bạn Jeep xoay tròn trên bác Kệ? Chắc Lão Nick sẽ ngạc nhiên thức dậy cho mà xem, ha ha ha.
Tôi thử đẩy nút điều khiển hướng về trước, chẳng có gì xảy ra cả. Ôi, tôi quên dựng ăng-ten lên rồi. Tôi kéo nó dài ra và thử mở công tắc lần nữa, nhưng bạn Điều khiển vẫn chẳng thèm hoạt động. Tôi chọc cái ăng-ten qua khe hở mấy thanh gỗ cửa của chị Tủ áo. Giờ thì nó đã nằm ở bên ngoài, trong khi tôi thì hoàn toàn ở bên trong. Tôi búng nhẹ vào nút công tắc. Tôi nghe thấy một tiếng động thật nhẹ. Chắc chắn là các bánh xe của bạn Jeep đang sống lại và rồi…
RẦMMMMMMMMMMM
Lão Nick kêu rống lên, chưa bao giờ tôi nghe hắn ta kêu lên như vậy, hắn ta kêu điều gì đó về Chúa Jesus, nhưng tôi biết không phải về Chúa Jesus Hài đồng mà về chính tôi. Anh Đèn bật sáng choang, ánh sáng xuyên qua những thanh gỗ chiếu thẳng vào mắt tôi. Tôi vội nhắm chặt mắt lại rồi vặn lưng, kéo chị Mền lên trùm kín mặt.
Hắn ta gào lên. – Cô vừa kéo cái gì thế hả?
Giọng Mẹ run rẩy, Mẹ nói: – Gì thế, cái gì thế? Anh gặp ác mộng à?
Tôi cắn chặt chị Mền, chị mềm mại như một chiếc bánh mì xám đang nằm trong miệng.
— Cô đang thử trò gì đó? Đúng không? – Hắn ta hạ giọng. – Tôi đã bảo cô từ trước rồi, nó nằm ngay trên đầu cô, nếu mà…
— Em đang ngủ mà. – Mẹ nói, giọng nhỏ xíu rời rạc. – Anh hãy nhìn xem, chỉ là chiếc jeep ngu ngốc lăn khỏi kệ thôi mà.
Bạn Jeep không hề ngu ngốc.
— Em xin lỗi. – Mẹ nói tiếp. – Em rất tiếc, lẽ ra em phải để nó ở nơi nào đó không rơi xuống được. Em thực sự rất… rất…
— Thôi được rồi.
— Mình tắt đèn nhé.
— Khỏi cần. – Lão Nick nói. – Tôi đi đây.
Không ai nói gì cả, tôi đếm một con hà mã, hai con hà mã, ba con hà mã… Bíp bíp, anh Cửa mở ra rồi đóng lại đánh rầm. Hắn ta đã đi khỏi.
Anh Đèn lại tắt.
Tôi sờ soạng lên sàn chị Tủ áo để tìm bạn Điều khiển và, thật kinh khủng, cần ăng-ten của bạn ấy cụt ngủn và bén ngót, chắc là nó đã bị gãy khi vướng vào các thanh gỗ.
— Mẹ ơi. – Tôi thì thào.
Không có tiếng trả lời.
— Bạn Điều khiển bị gãy rồi Mẹ ơi.
— Đi ngủ đi. – Giọng Mẹ thật cộc cằn và giận dữ, tôi nghĩ đó không phải Mẹ đâu.
Tôi đếm mấy cái răng của mình đến năm lần, mỗi lần đều ra đúng số hai mươi, nhưng tôi cứ phải đếm đi đếm lại. Chúng hãy còn nguyên lành, nhưng biết đâu đến lúc tôi lên sáu sẽ có vài cái bị sâu.
Tôi hẳn đã ngủ rồi nhưng tôi không biết, vì sau đó tôi thức dậy.
Tôi vẫn còn nằm trong chị Tủ áo, tất cả đều tối đen. Tại sao Mẹ vẫn chưa bế tôi vào chị Giường?
Tôi đẩy cửa chị Tủ áo ra và lắng nghe tiếng thở của Mẹ. Mẹ đang ngủ, khi ngủ Mẹ sẽ không cáu gắt đâu nhỉ?
Tôi chui vào bên dưới chị Chăn lông vịt. Tôi nằm gần, nhưng không chạm vào Mẹ. Xung quanh Mẹ nóng rực.
không nói dối
Sáng hôm sau khi chúng tôi đang ăn món cháo yến mạch thì tôi chợt nhìn thấy những vết lạ. “Cổ Mẹ bị bẩn kìa”.
Mẹ đang uống nước và phần da trên cổ rung rung khi Mẹ nuốt. Thật ra thì đó không phải là vết bẩn, tôi không nghĩ thế.
Tôi nhấm một chút cháo nhưng nóng quá nên tôi phải nhổ trở lại vào bạn Thìa chảy. Tôi nghĩ chính Lão Nick đã in những vết đó lên cổ Mẹ. Tôi định nói nhưng chẳng lời nào thoát ra khỏi miệng, tôi cố thêm lần nữa.
— Xin lỗi Mẹ vì đêm qua con đã làm rơi bạn Jeep.
Tôi đứng dậy khỏi ghế, Mẹ ôm tôi vào lòng.
— Lúc đó con muốn làm gì vậy? – Mẹ hỏi, giọng hãy còn khó chịu.
— Cho hắn ta xem.
— Xem cái gì?
— Con… Con… Con…
— Được rồi, Jack. Nói chậm thôi nào.
— Nhưng bạn Điều khiển bị gãy, còn Mẹ thì nổi giận với con.
— Nghe này. – Mẹ bảo. – Mẹ không lo nhiều cho chiếc xe jeep đó đâu.
— Nó là món quà của con mà.
Tôi chớp mắt nhìn Mẹ. Thế nhưng, giọng Mẹ càng lúc càng lớn và khó nghe hơn.
— Điều khiến mẹ nổi giận là con đã đánh thức…
— Đánh thức bạn Jeep ạ?
— Lão Nick.
Tôi nhảy dựng lên khi Mẹ nói lớn tiếng gọi tên hắn ta. — Con làm cho hắn ta sợ.
— Hắn ta sợ con sao?
— Hắn ta không biết đó là do con làm. – Mẹ giải thích. – Hắn ta nghĩ là mẹ định tấn công hắn ta, làm rớt thứ gì đó thật nặng xuống đầu hắn.
Tôi bịt cả miệng lẫn mũi nhưng tiếng cười rúc rích vẫn cứ tuôn ra. — Không vui đâu, ngược lại đấy.
Tôi nhìn vào cổ Mẹ lần nữa, nhìn những vết mà hắn đã để lại trên cổ Mẹ, và tôi lại cười rung cả người.
Món cháo yến mạch hãy còn rất nóng, vì vậy cả hai mẹ con quay trở lại chị Giường để nằm ôm nhau một lúc.
Sáng hôm đó có tiết mục của Dora, hoan hô. Bạn ấy đang ở trên thuyền và suýt nữa va phải một con tàu. Lẽ ra chúng tôi phải vẫy tay ra hiệu và hét lớn: “Coi chừng!”, nhưng Mẹ vẫn lặng thinh. Những con tàu thì chỉ có ở trong Ti-vi và biển cũng thế, trừ khi mấy cục ị và những lá thư của chúng tôi trôi ra đến biển. Hay cũng có thể chúng đã không còn thật nữa khi ra đến biển? Alice bảo nếu bạn ấy đang ở biển thì bạn ấy có thể về nhà bằng đường sắt, một đoàn tàu kiểu xưa. Rừng cây ở trong Ti-vi, rừng rậm, sa mạc, đường phố, những tòa nhà chọc trời và xe hơi cũng thế. Thú vật cũng ở trong Ti-vi, ngoại trừ đàn kiến, chị Nhện và bé Chuột nhắt, nhưng bây giờ thì bé Chuột nhắt cũng đã quay trở lại Ti-vi rồi. Vi trùng có thật, máu cũng thế. Đám con trai cũng ở trong Ti-vi trông chúng giống tôi nhưng không thật, tôi ở trong chị Gương cũng không phải là thật, tấm hình cũng thế. Đôi khi tôi cởi dây buộc nhúm tóc đuôi ngựa để xõa tóc của mình phủ trùm lên mặt, thè lưỡi xuyên qua rèm tóc đó, rồi thò mặt ra và hù.
Hôm nay là thứ Tư nên cả hai Mẹ con gội đầu. Chúng tôi làm những chiếc mũ trùm bằng đám bọt lấy từ Đĩa đựng xà phòng. Tôi nhìn xung quanh cổ Mẹ nhưng không nhìn vào chỗ đó.
Mẹ làm cho tôi một hàng ria mép, nhột quá nên tôi chùi đi hết.
— Thế một bộ râu quai nón thì sao? – Mẹ hỏi và bôi hết đám bọt xà phòng lên cằm tôi để làm một bộ râu quai nón.
— Hô hô hô. Ông già Noel có phải là người khổng lồ không ạ? — À, mẹ nghĩ ông khá là to lớn đấy. – Mẹ đáp.
Tôi nghĩ ông hẳn phải là thật vì ông đã đam đến cho chúng tôi hàng triệu viên sô-cô-la trong cái hộp quấn dây ruy băng tím.
— Con sắp biến thành Jack-Dũng sĩ khổng lồ tiêu diệt người Khổng lồ xấu xa đây. Con sẽ là một người khổng lồ tốt, con sẽ đi tìm tất cả quỷ dữ và đấm cho đầu chúng vỡ vụnnn.
Chúng tôi làm những cái trống khác nhau bằng cách đổ đầy đổ vơi nước vào những cái bình thủy tinh. Tôi chế một cái thành một con rô-bốt biến hình với một quả mìn chống trọng lực mà thật ra quả mìn đó chính là bạn Thìa gỗ.
Tôi xoay lưng lại để nhìn bức Ấn tượng: Mặt trời mọc. Có một con thuyền màu đen với hai người bé tí xíu, gương mặt vàng của Đức Chúa trời ở phía bên trên với những tia sáng màu cam mờ nhạt trên mặt nước, có những thứ gì đó màu xanh, tôi đoán là những chiếc thuyền khác. Khó mà biết được vì đó là nghệ thuật.
Đến giờ Thể dục, Mẹ chọn chơi trò Thám hiểm các hòn đảo. Trong trò này, tôi sẽ đứng trên chị Giường và Mẹ sẽ đặt những chiếc gối, bà Ghế bập bênh, những cái ghế, chị Thảm đã được cuộn lại, bà Bàn ăn và ông Túi rác, ở những vị trí bất ngờ. Tôi phải ghé thăm từng hòn đảo mà chỉ được đến một lần duy nhất thôi. Bà Ghế bập bênh là hòn đảo khó chịu nhất, cứ tìm cách hất văng tôi xuống. Mẹ thì bơi vòng quanh giả làm con quái vật hồ Loch Ness đang tìm cách đớp chân tôi.
Đến lượt tôi, tôi chọn trò Gối chiến, nhưng Mẹ bảo rằng ruột gối sắp bục ra rồi nên tốt hơn là hãy chơi trò Karate. Chúng tôi luôn luôn cúi đầu chào nhau để tỏ lòng kính trọng đối thủ. Chúng tôi chơi và hét hự, yaaa rất ác liệt. Có một lần tôi chém xuống mạnh quá và làm đau cổ tay bị yếu của Mẹ, nhưng chỉ là vô tình thôi.
Mẹ đã mệt rồi nên Mẹ chọn trò Căng mắt vì chỉ cần nằm dài cạnh nhau trên chị Thảm, duỗi hai tay để cả hai vừa khít trên chị. Chúng tôi nhìn những vật ở xa như chị Cửa sổ trần rồi đến những thứ ở gần như ngay chóp mũi, chúng tôi phải nhìn khoảng giữa những thứ đó thật nhanh.
Trong lúc chờ Mẹ hâm nóng đồ ăn cho bữa trưa, tôi cho bạn Jeep tội nghiệp chạy quanh một lát vì giờ bạn ấy không còn tự đi được nữa. Bạn Điều khiển làm bất động mọi thứ, cả Mẹ cũng bị đông cứng như một rô bốt.
— Nào, cử động. – Tôi nói.
Mẹ lại khuấy thức ăn trong nồi, rồi bảo: – Đồ ăn đến đây.
Là món súp rau, phù phù. Tôi thổi bọt trên mặt món súp để làm nó trông vui hơn.
Tôi vẫn chưa muốn ngủ trưa nên lấy vài cuốn sách xuống. Thấy vậy, Mẹ đằng hắng, – Dylan đến đaaaaaaaaaây! – Rồi Mẹ ngừng lại. – Mẹ thật không chịu nổi Dylan.
Tôi nhìn Mẹ chằm chằm. – Cậu ấy là bạn của con mà.
— Ôi Jack… chỉ là mẹ không chịu được cuốn sách thôi. Được rồi, mẹ không… không phải là mẹ không chịu nổi anh bạn Dylan ấy.
— Tại sao mẹ không chịu nổi quyển sách Dylan?
— Mẹ đọc nó quá nhiều lần rồi.
Nhưng tôi đã thích thứ gì thì lúc nào tôi cũng sẽ thích, như sô-cô la ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ nói là tôi đã ăn sô-cô-la quá nhiều cả.
— Con có thể tự mình đọc quyển đó. – Mẹ bảo.
Thật ngốc, tôi có thể tự mình đọc hết tất cả những cuốn sách đó, ngay cả cuốn Alice với những từ ngữ cổ xưa. – Nhưng con thích Mẹ đọc hơn.
Mắt Mẹ quắc lên giận dữ. Nhưng Mẹ vẫn mở cuốn sách ra. – Đââaaay là Dylan!
Vì Mẹ đang bực bội nên tôi để Mẹ đọc cuốn Thỏ Bunny trốn chạy, rồi sau đó là vài đoạn trong cuốn Alice. Bài hát mà tôi thích nhất là Súp của bữa tối§ và tôi dám chắc nó không nói về rau. Alice cứ lang thang trong một hành lang lớn với rất nhiều cánh cửa, một trong những cánh cửa đó rất bé, bé xíu xìu xiu, và khi Alice mở cánh cửa đó bằng chiếc chìa khóa vàng thì thấy đó là một khu vườn với những bông hoa tươi thắm và những vòi phun nước tuyệt diệu, thế nhưng bạn ấy lúc nào cũng bị biến sai kích cỡ. Cuối cùng Alice cũng đi vào được khu vườn nhưng hóa ra những bông hồng lại chỉ là hoa giả được tô màu chứ không phải hoa thật và bạn ấy phải chơi bóng vồ§ với bầy hồng hạc và lũ nhím.
Chúng tôi nằm lên chị Chăn lông vịt và tôi tha hồ bú. Tôi nghĩ bé Chuột nhắt có thể sẽ trở lại nếu hai Mẹ con thật là yên lặng. Nhưng bé không đến, chắc Mẹ đã bít hết các lỗ rồi. Mẹ không keo kiệt, nhưng đôi khi Mẹ làm những chuyện keo kiết.
Khi thức dậy, chúng tôi chơi trò La hét. Tôi gõ gõ nắp chảo như gõ vào chũm chọe. Những tiếng hét kéo dài hàng thế kỷ vì mỗi khi tôi sắp sửa ngừng thì Mẹ lại thét lên, giọng gần như lạc đi. Mấy vết trên cổ Mẹ trông giống như tôi dùng nước ép củ dền vẽ lên. Tôi nghĩ đó là những dấu tay của Lão Nick.
Sau đó, tôi chơi trò Điện thoại với mấy cuộn giấy vệ sinh, tôi thích nghe những âm thanh vang vọng khi tôi nói qua một cuộn giấy dày. Thường thì Mẹ sẽ nói đủ tất cả các giọng, nhưng chiều nay, Mẹ cần phải nằm và đọc sách. Đó là cuốn Mật mã Da Vinci với đôi mắt đang liếc nhìn của một người phụ nữ, bà trông giống Mẹ của Chúa Hài đồng.
Tôi gọi điện cho bạn Ủng đỏ, bạn Patrick và Chúa Hài đồng Jesus và kể cho các bạn nghe về tất cả những quyền năng mới khi tôi lên
năm tuổi.
— Mình có thể trở nên vô hình này. – Tôi thì thầm vào điện thoại. – Mình cũng có thể thè lưỡi ra và bay vèo ra khỏi tầng Không gian như một chiếc tên lửa.
Mắt Mẹ nhắm nghiền, làm sao Mẹ có thể đọc xuyên qua hai mí mắt nhỉ?
Tôi chơi trò Bấm số, tức là phải đứng trên chiếc ghế bên cạnh anh Cửa. Thường thì Mẹ vẫn đọc số cho tôi bấm, nhưng hôm nay tôi phải tự làm thôi. Tôi bấm vào Bảng số nhanh thật nhanh mà không hề có một lỗi nào. Những con số này không làm cho anh Cửa mở ra kêubíp bíp, nhưng tôi vẫn rất thích tiếng tít tít khi tôi bấm các phím số.
Làm trang phục là một trò chơi yên lặng. Tôi đội lên đầu chiếc vương miện hoàng gia được làm từ những mảnh giấy vàng và bạc cùng vài mẩu bìa cứng cắt từ đáy thùng sữa. Tôi cũng làm cho Mẹ
một cái vòng đeo tay bằng cách thắt hai chiếc vớ của Mẹ lại với nhau, một chiếc màu trắng còn chiếc kia màu xanh lá cây.
Tôi hạ anh Thùng trò chơi từ trên bác Kệ xuống. Tôi dùng anh Thước kẻ đo từng món một, mỗi quân domino dài gần một đốt tay, còn những quân cờ đam thì chỉ nửa đốt thôi. Tôi biến hai ngón tay của mình thành Thánh Peter và Thánh Paul, cả hai cúi chào nhau trước rồi sau đó thay phiên nhau bay lên.
Mẹ lại mở mắt ra. Tôi đem đến cho Mẹ chiếc vòng đeo tay làm bằng vớ, Mẹ khen đẹp rồi đeo ngay vào.
— Mình chơi trò Người hàng xóm ăn xin nha Mẹ?
— Đợi mẹ một chút nhé. – Mẹ đáp rồi đi đến chỗ thím Bồn rửa và rửa mặt. Tôi không hiểu tại sao Mẹ phải rửa vì mặt Mẹ đâu có bẩn. Chắc là có vi trùng trên mặt.
Tôi xin tiền Mẹ hai lần và Mẹ xin tôi một lần, tôi ghét bị thua. Sau đó là trò Bài Gin và Đi câu cá, hầu như lần nào tôi cũng thắng. Tiếp theo, chúng tôi chỉ chơi với những lá bài, nhảy múa, chiến đấu và
chơi đồ hàng. Jack Kim cương là bạn thân của tôi, còn những người bạn khác của cậu ấy là những Jack khác.
— Mẹ ơi. – Tôi chỉ vào bạn Đồng hồ. – Đã 05:01, mình có thể ăn tối rồi.
Mỗi người ăn một cái bánh mì kẹp xúc xích, ngon tuyệt.
Tôi đến ngồi vào bà Ghế bập bênh để xem Ti-vi, nhưng Mẹ lại ngồi ở chị Giường cùng với bà Hộp đồ may. Mẹ đang dùng những sợi chỉ màu hồng để kết lại đường viền trên chiếc váy màu nâu của Mẹ. Chúng tôi xem chương trình y học, các bác sĩ và y tá rạch những cái lỗ trên người bệnh nhân để lấy vi trùng ra. Bệnh nhân nằm ngủ mê mệt nhưng không chết. Bác sĩ không dùng răng để cắn chỉ như Mẹ mà dùng những con dao găm siêu bén, sau đó họ khâu người bệnh nhân lại giống kiểu bác sĩ Frankenstein vẫn làm.
Đến chương trình quảng cáo, Mẹ bảo tôi bấm nút tắt âm thanh. Trong Ti-vi có một người đàn ông đội chiếc mũ bảo hiểm màu vàng đang khoan hố trên đường, ông ấy ôm lấy trán và nhăn mặt.
— Ông ấy bị đau hả Mẹ? – Tôi thắc mắc.
Mẹ ngừng may và ngước lên nhìn:
— Chắc là bị nhức đầu vì máy khoan ồn ào đó.
Chúng tôi không thể nghe tiếng máy khoan vì âm thanh đã bị tắt. Người đàn ông trong Ti-vi đứng ở cái bồn rửa lấy ra một viên thuốc trong một cái chai, kế tiếp ông ta mỉm cười và ném quả bóng cho một cậu con trai.
— Mẹ, Mẹ! – Tôi kêu lên.
— Gì thế? – Mẹ đang gút chỉ lại.
— Chai thuốc của mình kìa. Mẹ thấy không? Mẹ có nhìn thấy cái ông bị nhức đầu không?
— Không.
— Chai thuốc mà ông ấy lấy viên thuốc ra chính là cái chai thuốc của mẹ con mình, thuốc giảm đau.
Mẹ nhìn vào màn hình, nhưng lúc này Ti-vi đang chiếu một chiếc xe hơi phóng nhanh vòng qua một ngọn núi.
— Không, lúc nãy kia. – Tôi nói. – Đúng là ông ta có chai thuốc giảm đau của mình mà.
— Ừ, có lẽ đó là chai thuốc cùng loại với mình, nhưng nó không phải của mình.
— Phải mà Mẹ.
— Không phải, có rất nhiều lọ thuốc như thế.
— Ở đâu cơ?
Mẹ nhìn tôi, rồi quay trở lại với chiếc váy. Mẹ vuốt vuốt đường viền áo.
— Đấy, lọ thuốc của mình nằm ngay trên bác Kệ, còn những lọ kia thì…
— Ở trong Ti-vi phải không ạ? – Tôi hỏi Mẹ.
Mẹ nhìn những sợi chỉ và cuốn chúng quanh lá bài nhỏ để cho vừa vào bà Hộp đồ may.
— Mẹ biết không? – Tôi nhảy cẫng lên. – Mẹ có biết thế nghĩa là sao không? Hắn ta phải đi vào trong Ti-vi.
Chương trình y học đã trở lại nhưng tôi không thèm nhìn đến.
— Lão Nick ấy! – Tôi phải nói rõ để Mẹ không nghĩ là tôi đang nói đến người đàn ông đội mũ bảo hiểm màu vàng. – Những lúc hắn ta không đến đây, vào lúc ban ngày, thật ra là hắn đi vào trong Ti-vi. Ở đó hắn mới lấy được những viên thuốc giảm đau ở trong một cửa hàng và đam chúng về đây.
— Đem. – Mẹ vừa nhắc vừa đứng lên. – Đem chứ không phải là đam. Đến giờ đi ngủ rồi con.
Mẹ cất giọng hát bài Xin chỉ đường đến nơi trú ngụ của tôi§ nhưng tôi không hát theo.
Tôi nghĩ là Mẹ đã không hiểu được vấn đề này thú vị như thế nào. Tôi nghĩ đến nó ngay khi đang tròng lên người chiếc áo ngủ chui đầu, khi đánh răng và ngay cả khi tôi đang bú tí Mẹ ở trên chị Giường. Tôi nhả tí Mẹ ra và hỏi.
— Thế tại sao mình chẳng bao giờ thấy hắn ở trong Ti-vi hả Mẹ? Mẹ ngáp và ngồi dậy.
— Những lúc mình xem Ti-vi chẳng bao giờ nhìn thấy hắn ta cả, sao thế hả Mẹ?
— Hắn không ở đó.
— Thế còn lọ thuốc, làm sao hắn lấy được?
— Mẹ không biết.
Cách Mẹ nói nghe lạ quá. Tôi nghĩ Mẹ đang giả vờ.
— Mẹ phải biết chứ. Mẹ biết hết mọi chuyện mà.
— Kìa con, có gì quan trọng đâu chứ.
— Điều đó rất quan trọng và con quan tâm đến nó. – Tôi gần như hét lên.
— Jack…
Jack gì? Jack nghĩa là sao?
— Chuyện này rất khó giải thích. – Mẹ tựa lưng lên gối. Tôi nghĩ Mẹ có thể giải thích, chỉ là Mẹ không muốn thôi. — Mẹ có thể chứ vì giờ con đã năm tuổi rồi.
— Trước đây, lọ thuốc của mình đúng là từng ở trong một cửa hàng. Hắn đã mua nó ở nơi đó rồi đem đến đây như món quà ngày Chủ nhật. – Mẹ nghiêng mặt về phía anh Cửa.
— Một cửa hàng trong Ti-vi? – Tôi ngước nhìn lên bác Kệ để xem lọ thuốc có còn ở đó không. – Nhưng những viên thuốc giảm đau là thật mà…
— Cửa hàng đó cũng là thật. – Mẹ chùi mắt.
— Sao lại thế?
— ĐỦ RỒI! ĐỦ RỒI ĐẤY!
Tại sao Mẹ lại hét lên?
— Con nghe này. Những gì mà ta thấy trên Ti-vi là… là… nó là hình ảnh của những thứ có thật.
Đó là điều lạ lùng nhất tôi từng nghe.
Mẹ đưa tay lên che miệng.
— Bạn Dora cũng là thật sự luôn hả Mẹ?
Mẹ bỏ tay ra.
— Không, Mẹ xin lỗi. Rất nhiều thứ trên Ti-vi được làm từ những bức tranh… giống như Dora vậy, bạn ấy là một hình vẽ... Nhưng những người khác, những người có mặt mũi giống như con với Mẹ, họ là người thật.
— Những con người thực sự?
Mẹ gật đầu. – Và các địa điểm cũng là thật: những trang trại, rừng cây, máy bay và thành phố…
— Không. – Tại sao Mẹ lại lừa gạt tôi? – Chúng thì đặt vừa vào đâu được chứ?
— Ngoài đó. – Mẹ đáp, hất đầu ra sau. – Bên ngoài.
— Bên ngoài anh Tường giường á? – Tôi nhìn chăm chú vào bức tường.
— Bên ngoài bạn Căn phòng. – Lần này tay Mẹ chỉ về hướng khác, về phía anh Tường bếp lò, ngón tay Mẹ chuyển động vẽ thành một vòng tròn.
— Các cửa hàng và rừng cây mọc xung quanh Tầng không gian hả Mẹ?
— Thôi, quên đi, Jack, lẽ ra mẹ không nên…
— Mẹ nên mà. – Tôi lay mạnh đầu gối Mẹ, tôi nói. – Nói cho con nghe đi!
— Không phải tối nay, mẹ chưa tìm ra được từ thích hợp để giải thích cho con.
Alice bảo rằng bạn ấy không thể giải thích chính xác mình là ai vì bạn ấy không phải là chính bạn ấy. Alice biết là lúc buổi sáng thì hãy còn là chính mình, nhưng sau đó thì phải trải qua vài lần biến đổi.
Mẹ đột ngột đứng lên lấy chai thuốc giảm đau ra khỏi bác Kệ. Tôi nghĩ Mẹ muốn xem chúng có giống với những viên thuốc trong Ti-vi hay không, nhưng Mẹ đã mở chai thuốc và lấy ra, uống hết viên này đến viên khác.
— Thế đến mai Mẹ sẽ tìm thấy từ ngữ thích hợp chứ?
— Bây giờ đã là tám giờ bốn mươi chín phút rồi, Jack, con chịu đi ngủ chưa? – Mẹ thắt nút miệng cái túi rác rồi đặt nó bên cạnh anh Cửa.
Tôi nằm xuống bên trong chị Tủ áo, nhưng hai mắt tôi mở rộng.
Hôm nay là một trong những ngày Mẹ đi vắng.
Mẹ không dậy đúng giờ. Mẹ vẫn ở đây thôi nhưng không thực sự ở đây. Mẹ nằm trên chị Giường, mấy cái gối trùm lên đầu.
Con chim ngu ngốc lại đứng dựng lên, tôi phải đè nó xuống.
Tôi ăn đủ một trăm hạt ngũ cốc rồi trèo lên trên ghế để đứng rửa tô và bạn Thìa chảy. Khi tôi tắt vòi nước, xung quanh yên ơi là yên. Tôi tự hỏi không biết tối qua Lão Nick có đến không, nhưng tôi đoán là không vì túi rác vẫn còn nguyên bên cạnh anh Cửa. Cơ mà cũng có thể là hắn đã đến, chỉ không lấy túi rác đi thôi, nhỉ? Cũng có thể là Mẹ chẳng hề đi vắng. Có thể hắn đã ép lên cổ Mẹ mạnh hơn và giờ thì Mẹ…
Tôi trèo lên thật gần người Mẹ, chăm chú lắng nghe cho đến khi biết chắc Mẹ vẫn còn thở. Tôi chỉ cách Mẹ có một đốt ngón tay. Tóc
tôi chạm vào mũi Mẹ làm Mẹ đưa tay lên che mặt. Tôi lùi lại. Tôi không tự tắm mà chỉ thay quần áo.
Đã qua hàng giờ rồi, hàng trăm giờ ấy chứ.
Mẹ dậy để đi tè nhưng vẫn không nói năng gì, gương mặt trống rỗng. Tôi đã đặt một ly nước gần bên chị Giường, nhưng Mẹ chỉ chui vào lại chị Chăn lông vịt.
Tôi rất ghét mỗi khi Mẹ đi vắng, nhưng tôi cũng thích vì được tha hồ xem Ti-vi suốt ngày. Ban đầu tôi để âm thanh thật nhỏ, lát sau lại chỉnh hơi to lên một chút. Xem Ti-vi quá nhiều có thể biến tôi thành một cái thây ma, nhưng hôm nay thì Mẹ cũng giống một thây ma dù mẹ chẳng ngó ngàng đến Ti-vi.
Có chương trình Bob người thợ xây và Những con thú nuôi tuyệt vời!, rồi lại có Barney. Chương trình nào tôi cũng chạy đến đưa tay ra chạm vào màn hình để chào các nhân vật. Barney và các bạn luôn ôm nhau thật thắm thiết, thế nên tôi chạy đến để đứng vào giữa, nhưng đôi khi trễ quá. Hôm nay, trong Ti-vi có một bà tiên cứ đêm xuống lại lẻn vào nhà và biến mấy cái răng sâu thành tiền. Tôi rất mong Dora, nhưng bạn ấy không đến.
Thứ Năm là ngày giặt giũ nhưng mình tôi không giặt hết đống quần áo được, còn Mẹ vẫn nằm trên tấm ga trải giường.
Khi cái bụng sôi lên, tôi nhìn lên bạn Đồng hồ nhưng mới 09:47 thôi. Các bộ phim hoạt hình đã hết nên tôi xem bóng bầu dục và các chương trình người ta thi thố để giành giải thưởng. Bà tóc phồng ngồi trên trường kỷ màu đỏ đang nói chuyện với một người đàn ông trước đây đã từng là một tay chơi golf nổi tiếng. Ở chương trình khác thì có những người phụ nữ nâng niu trong tay mấy chiếc vòng đeo cổ và cứ luôn miệng nói chúng thật tinh xảo. Bình thường, khi xem đến chương trình này Mẹ lại bảo: “Đồ ngốc”, nhưng hôm nay Mẹ chẳng nói gì mà cũng không để ý là tôi cứ xem Ti-vi mãi và não tôi bắt đầu bốc mùi hôi hám.
Làm sao Ti-vi lại có thể là hình ảnh của những thứ có thật được?
Tôi nghĩ hẳn là chúng đang trôi bồng bềnh ở Tầng không gian bên ngoài các bức tường của bạn Căn phòng. Cả trường kỷ và những chiếc vòng cổ, bánh mì với thuốc giảm đau, những chiếc máy bay cùng với các bà, các ông, những tay đấm Quyền Anh, người đàn ông một chân và cái bà tóc phồng nữa, tất cả đều đang trôi ngang qua chị Cửa sổ trần. Tôi vẫy tay chào họ. Ô, lại còn cả các tòa nhà chọc trời, những đàn bò, tàu thuyền và cả xe tải nữa, hẳn là khoảng không gian bên ngoài đã chật ních rồi. Tôi đếm tất cả những thứ có thể đâm sầm vào bạn Căn phòng. Tôi cảm thấy ngạt thở nên phải chuyển sang đếm răng: từ trái qua phải ở hàm trên rồi từ phải qua trái ở hàm dưới, xong rồi thì quay trở lại, mỗi lần đều đúng hai mươi cái nhưng tôi vẫn nghĩ mình đã đếm nhầm.
12:04, ăn trưa được rồi. Tôi mở một hộp đậu hầm, phải-rất-cẩn thận đây. Nhỡ tôi cắt vào tay và khóc thét lên thì Mẹ có thức dậy giúp tôi không nhỉ? Tôi chưa bao giờ ăn đậu nguội thế này nên tôi chỉ ăn chín hạt rồi không còn thấy đói nữa. Tôi đổ chỗ còn lại vào trong tô để khỏi phí phạm. Một vài hạt còn dính vào đáy hộp thiếc nên tôi đổ nước vào. Chắc là khi thức dậy, Mẹ sẽ cọ rửa nó sau. Mà biết đâu Mẹ sẽ thấy đói bụng và kêu lên “Ôi Jack, con thật chu đáo, đã để phần đậu cho Mẹ ở trong tô này”.
Tôi đo thêm vài thứ nữa bằng anh Thước kẻ, nhưng phải tự cộng các con số lại với nhau thì hơi khó. Tôi uốn cong anh Thước cho đầu này chạm vào đầu kia và anh trở thành người nhào lộn trong rạp xiếc. Tôi chơi đùa với bạn Điều khiển, hướng bạn ấy vào người Mẹ và thì thầm “Dậy nào”, nhưng Mẹ vẫn không động đậy. Bé Bong bóng giờ đã mềm xèo, vắt vẻo trên đầu anh Chai nước mận tít ở trên cao gần chị Cửa sổ trần, cả hai làm cho ánh sáng có màu nâu lấp lánh. Chúng rất sợ bạn Điều khiển vì cái đầu sắc bén của bạn ấy, do đó tôi cất bạn vào trong chị Tủ áo và khép cửa tủ lại. Tôi nói với tất cả đồ vật trong Căn phòng là cứ yên tâm vì đến mai Mẹ sẽ quay trở lại thôi. Tôi tự mình đọc cả năm quyển sách, chỉ trừ cuốn Alice là tôi chỉ đọc vài đoạn. Hầu như tôi cứ ngồi suốt.
Tôi không chơi trò La hét vì như thế sẽ làm phiền Mẹ. Tôi nghĩ không chơi một ngày thì cũng chẳng sao.
Rồi tôi lại bật Ti-vi lên, lắc lắc hai cái tai Thỏ Ăng-ten Bunny để hạt mè trên màn hình rơi bớt, nhưng cũng chỉ được tí ti. Có đua xe. Tôi rất thích nhìn họ phóng đi vù vù nhưng phải nhìn họ chạy vòng vòng theo hình ô-van đến cả hàng trăm lần thì chẳng còn gì hứng thú nữa. Tôi muốn đánh thức Mẹ dậy để hỏi thêm về Không gian bên ngoài với những con người thật và đồ vật thật đang trôi xung quanh, nhưng Mẹ sẽ lại cáu mất. Hay Mẹ sẽ chẳng bao giờ bật dậy nữa cho dù tôi có lay đến mấy. Tôi sẽ không hỏi Mẹ nữa. Tôi trèo lên chị Giường, bò lại gần Mẹ, Mẹ nằm hé ra nửa mặt và cổ. Mấy dấu tay trên cổ lúc này đã ngả sang màu tím.
Tôi sẽ đá vỡ mông Lão Nick cho xem. Tôi sẽ mở tung anh Cửa với bạn Điều khiển và bay vèo vào Không gian Bên ngoài, lấy đủ mọi thứ ở những cửa tiệm thật sự đem về cho Mẹ.
Tôi mếu máo khóc nhưng không thành tiếng.
Tôi xem một chương trình thời tiết và một trong những kẻ thù đang vây hãm một tòa lâu đài, những người tốt bụng đang cùng nhau dựng chướng ngại vật để chặn cánh cửa không cho nó bật ra. Tôi lại ngậm ngón tay, Mẹ không thể cản được. Tôi tự hỏi bao nhiêu phần não của mình đã nhão ra và bao nhiêu phần hãy còn tốt. Tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ nôn ọe giống như lúc lên ba và còn bị tiêu chảy nữa. Lỡ tôi nôn ra khắp chị Thảm thì sao, làm sao tôi có thể giặt chị được khi chỉ có một mình?
Tôi nhìn vết ố trên mặt chị lúc tôi ra đời. Tôi quỳ xuống và vuốt ve nó, nhưng chỉ cảm thấy âm ấm và ram ráp giống như khi sờ lên những chỗ khác trên mặt chị Thảm, chẳng có gì lạ.
Chưa bao giờ Mẹ đi vắng quá một ngày. Tôi không biết rồi mình sẽ làm gì nếu như ngày mai thức dậy và thấy Mẹ vẫn cứ như thế.
Rồi tôi thấy đói bụng, tôi ăn một quả chuối dù nó còn hơi xanh.
Dora chỉ là một hình vẽ trong Ti-vi, nhưng đó vẫn là người bạn thật của tôi, rối quá đi. Jeep thì đúng là thật, tôi có thể dùng tay sờ bạn ấy. Siêu nhân thì chỉ là Ti-vi. Những cây cối cũng là Ti-vi, nhưng cô Cây thì lại là thật. Ôi, tôi quên cho cô uống nước rồi. Tôi bưng cô
từ chỗ chị Tủ đầu giường lại thím Bồn rửa và cho cô uống ngay lập tức. Không biết cô đã ăn mẩu cá Mẹ cho chưa?
Ván trượt thì ở trong Ti-vi, đám con gái, con trai cũng thế, trừ khi Mẹ bảo chúng là thật. Nhưng làm sao chúng là thật được khi người chúng phẳng thế kia? Mẹ và tôi có thể dựng chướng ngại vật, có thể đẩy chị Giường ra sau anh Cửa để anh không bị bật ra, hắn sẽ bị một cú sốc, ha ha. Hắn sẽ gào lên: “Để cho ta vào, nếu không ta sẽ giận dữ thở phì phò và sẽ thổi sập căn nhà của bọn ngươi”. Cỏ thì ở trong Ti-vi và lửa cũng thế, nhưng nó cũng có thể chui vào Căn phòng này nếu tôi hâm nóng hộp đậu và để cho cái lưỡi đỏ nhảy lên liếm tay áo rồi bốc lên khắp người tôi. Tôi muốn nhìn thấy cảnh đó lắm nhưng nó sẽ không xảy ra đâu.
Không khí là thật, còn nước chỉ có ở trong cô Bồn tắm và thím Bồn rửa. Những dòng sông và hồ nước ở trong Ti-vi, tôi không biết biển thế nào, nó mà cứ ầm ì bên ngoài khoảng Không gian thế thì sẽ làm ướt hết mọi thứ mất. Tôi rất muốn đánh thức Mẹ để hỏi xem biển có thật không. Căn phòng thì đúng là rất thật, có lẽ Không gian Bên ngoài cũng thế, nhưng có lẽ nó đang mặc chiếc áo choàng vô hình giống như Hoàng tử JackerJack trong truyện chăng? Tôi nghĩ Chúa Hài đồng Jesus thì ở trong Ti-vi, trừ bức hình của Chúa với Mẹ với người em họ và Bà ngoại. Nhưng Đức Chúa trời thì trông rất thật ở chỗ chị Cửa sổ mái nhà với bộ mặt vàng chói, có điều hôm nay không thấy Người đâu bởi bên ngoài chỉ toàn một màu xám xịt.
Tôi muốn nằm trên chị Giường với Mẹ nhưng tôi lại ngồi trên chị Thảm, sờ mu bàn chân Mẹ dưới chị Chăn lông vịt. Tôi mỏi quá nên hạ tay xuống một lúc rồi lại đặt lên chân Mẹ. Tôi cuốn góc chị Thảm lại rồi thả tay để cho nó tự bật tung ra, cứ thế cả trăm lần.
Khi trời tối, tôi cố ăn thêm vài hạt đậu nữa nhưng nó ghê quá. Tôi đành ăn tạm vài miếng bánh mì với bơ đậu phộng vậy. Tôi mở ông Tủ lạnh và thò đầu vào bên cạnh mấy túi đậu, cải bó xôi và món đậu cô-ve kinh khủng. Tôi cứ giữ nguyên như thế cho đến khi cả mặt tê cóng đến tận mí mắt. Sau đó, tôi nhảy ra và đóng cửa tủ lại rồi chà xát hai má để sưởi ấm. Hai bàn tay tôi đã cảm giác được hai má âm
ấm rồi, nhưng kỳ lạ là tôi lại không có cảm giác là hai bàn tay đang áp lên má.
Bây giờ thì chị Cửa sổ mái nhà đã tối đen. Tôi hy vọng Đức Chúa trời sẽ xuất hiện với khuôn mặt màu bạc của Người.
Tôi thay chiếc áo ngủ chui đầu và tự hỏi liệu mình có dơ lắm không vì hôm nay tôi chưa tắm. Tôi cố hít mùi từ cơ thể mình. Tôi đã chui vào chị Mền bên trong chị Tủ áo nhưng vẫn thấy lạnh. Hôm nay tôi quên bật nút ông Điều nhiệt, thảo nào mà lạnh thế. Tôi sực nhớ ra nhưng không thể bật lên được vì trời đã tối rồi.
Tôi thèm bú tí Mẹ quá, suốt ngày hôm nay tôi chẳng bú được miếng nào. Bên phải cũng được, dù tôi thích bên trái hơn. Giá như được vào ngủ với Mẹ và bú một chút… Nhưng biết đâu Mẹ lại đẩy tôi ra và thế thì còn tệ hơn.
Nhỡ Lão Nick đến khi tôi đang ngủ trong chị Giường với Mẹ thì sao? Tôi không biết là đã chín giờ hay chưa vì trời tối quá không nhìn được vào mặt bạn Đồng hồ.
Tôi bò vào trong chị Giường, chậm thật chậm không để Mẹ biết. Tôi chỉ nằm kề bên Mẹ thôi. Nếu nghe thấy tiếng bíp bíp là tôi nhảy phóc vào trong chị Tủ áo ngay lập tức.
Nếu hắn ta đến mà Mẹ vẫn chưa thức dậy thì sao, liệu hắn có nổi cáu hơn nữa không? Có gây thêm những dấu vết tồi tệ hơn trên cổ Mẹ không?
Tôi thao thức, canh xem hắn có đến không.
Hắn ta không đến nhưng tôi vẫn thức.
Cái túi rác hãy còn nằm cạnh anh Cửa. Sáng hôm nay, Mẹ thức dậy trước tôi, mở miệng túi ra để đổ chỗ đậu còn sót trong hộp thiếc. Nếu cái túi hãy còn nằm ở đây thì hẳn là tối qua hắn không đến. Thế là đã hai đêm hắn không mò đến, hoan hô!
Thứ Sáu là ngày giũ bà Nệm. Chúng tôi lật bà nằm úp xuống rồi lật bà đứng cả hai bên, xóc xóc để bà khỏi bị xô lệch. Bà nặng đến nỗi tôi phải vận dụng tất cả các bắp thịt của mình, rồi khi bà ngã nhào xuống thì hất luôn tôi chúi nhủi lên người chị Thảm. Tôi nhìn thấy vết màu nâu trên mặt bà Nệm từ lần tôi chui ra khỏi bụng Mẹ. Tiếp theo chúng tôi chạy đua với bụi; bụi là những mẩu nhỏ xíu của da mà chúng ta không cần đến nữa sau khi đã mọc lên những lớp da mới như loài rắn. Mẹ hắt hơi với tông cao vút giống như một ngôi sao hát opera mà có lần chúng tôi đã nghe trên Ti-vi.
Sau đó, chúng tôi lập danh sách những món cần thiết và vẫn chưa quyết định được nên chọn gì làm món quà ngày Chủ nhật.
— Hỏi xin kẹo đi Mẹ! – Tôi gợi ý. – Không phải sô-cô-la nữa nhé. Thứ kẹo gì mà mình chưa từng có ấy.
— Thứ gì ngòn ngọt, dinh dính để có được một bộ răng giống mẹ phải không?
Tôi không thích mỗi khi nghe Mẹ mỉa mai.
Bây giờ thì chúng tôi đang đọc những câu văn trong mấy cuốn sách không có hình, cuốn này tên là Căn lều với một căn nhà đáng sợ phủ đầy tuyết trắng.
— Kể từ đó, anh ấy và tôi, như bọn trẻ ngày nay thường nói, hay đi chơi, cùng uống chung một ly cà phê…, hoặc cho riêng tôi là một ly trà thảo mộc thật nóng với sữa đậu nành. – Tôi đọc to.
— Rất giỏi! – Mẹ khen. – Có điều nành thì khi phát âm phải nhe răng như anh nhé.
Những người trong sách và trong Ti-vi lúc nào cũng khát nước, họ cứ uống suốt, nào là bia, nước trái cây, rượu sâm banh và cà phê với sữa và đủ loại các thức uống khác. Đôi khi nếu cao hứng họ lại đập nhẹ ly của mình vào ly của người khác, nhưng không làm vỡ chúng. Tôi đọc lại dòng đó và vẫn thấy khó hiểu.
— Ai là anh ấy và ai là tôi hả Mẹ, họ có phải là bọn trẻ không?