🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái Trống Thiếc
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Table of Contents
Mục lục
Đầu Đề Nguyên Tác
Quyển I - Cái Váy Ụp - Tặng Anna Grass Dưới Gầm Bè
Bướm Và Đèn
Cuốn Album Ảnh
Tan Tành Ô Cửa Kính
Thời Gian Biểu
Rasputin Và Vần Chữ Cái
Ca Khúc -Trái Phá Tầm Xa
Khán Đài
Những Mặt Cửa Hàng
Có Gì Là Lạ
Thực Đơn Ngày Thứ Sáu Thánh
Thuôn Thuôn Đằng Chân
Cái Lưng Của Herbert Truczinski
Niobe
Lòng Tin, Hy Vọng, Tình Yêu
Quyển II - Đồ Đồng Nát
Sở Bưu Chính Ba Lan
Ngôi Nhà Bằng Quân Bài
Ông Ấy Nằm Ở Saspe
Maria
Bột Sủi
Những Thông Cáo Đặc Biệt
Đem Nỗi Cô Đơn Đặt Dưới Chân Bà Greff Bảy Mươi Lăm Kí
Đoàn Văn Công Tiền Tiến Bebra
https://thuviensach.vn
Thị Sát Bê–Tông, Hay Man Rợ, Huyền Bí, Chán Ngắt Kế Tục Chúa Kirixitô
Băng Quét Bụi
Trò Chơi Nô - En
Đường Của Kiến
Nên Hay Không Nên
Thuốc Tẩy Uế
Tăng Trưởng Trong Toa Hàng
Quyển III - Đá Lửa Và Bia Mộ
Fortuna Bắc
Madonna 49
Con Nhím
Trong Tủ Áo
Klepp
Trên Tấm Thảm Xơ Dừa
Hầm Hành
Trên Phòng Tuyến Đại Tây Dương
Ngón Tay Đeo Nhẫn
Chuyến Xe Điên Cuối Cùng Hay Thờ Cúng Một Cái Bình Ba Mươi
https://thuviensach.vn
Mục lục
Đầu Đề Nguyên Tác
Quyển I - Cái Váy Ụp - Tặng Anna Grass Dưới Gầm Bè
Bướm Và Đèn
Cuốn Album Ảnh
Tan Tành Ô Cửa Kính
Thời Gian Biểu
Rasputin Và Vần Chữ Cái
Ca Khúc -Trái Phá Tầm Xa
Khán Đài
Những Mặt Cửa Hàng
Có Gì Là Lạ
Thực Đơn Ngày Thứ Sáu Thánh
Thuôn Thuôn Đằng Chân
Cái Lưng Của Herbert Truczinski
Niobe
Lòng Tin, Hy Vọng, Tình Yêu
Quyển II - Đồ Đồng Nát
Sở Bưu Chính Ba Lan
Ngôi Nhà Bằng Quân Bài
Ông Ấy Nằm Ở Saspe
Maria
Bột Sủi
Những Thông Cáo Đặc Biệt
Đem Nỗi Cô Đơn Đặt Dưới Chân Bà Greff Bảy Mươi Lăm Kí
Đoàn Văn Công Tiền Tiến Bebra
Thị Sát Bê–Tông, Hay Man Rợ, Huyền Bí, Chán Ngắt Kế Tục Chúa Kirixitô
Băng Quét Bụi
Trò Chơi Nô - En
Đường Của Kiến
Nên Hay Không Nên
Thuốc Tẩy Uế
Tăng Trưởng Trong Toa Hàng
Quyển III - Đá Lửa Và Bia Mộ
Fortuna Bắc
Madonna 49
https://thuviensach.vn
Con Nhím
Trong Tủ Áo
Klepp
Trên Tấm Thảm Xơ Dừa
Hầm Hành
Trên Phòng Tuyến Đại Tây Dương
Ngón Tay Đeo Nhẫn
Chuyến Xe Điên Cuối Cùng Hay Thờ Cúng Một Cái Bình Ba Mươi
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Đầu Đề Nguyên Tác
Die Btechtrommet của Günter Grass Copyright© Copyright steidl Verlag, Gottingen 1993
Người dịch chân thành cảm ơn Inter Nationales e.v và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã góp phần tài trợ cho bản dịch này.
Lubeck, den 10.05.2002
Liebe Duong Tuong,
Es hat mich sehr gefreut, als ich erfuhr, dap man nicht nur den Plan hat, meinen ersten weit uber deutsehe Grenzen hinaus bekannten Roman, die “Blechtrommel”, auch in Vietnam in libersetzter Fassung aufzulegen, sondern dap dieses Projekt nun schon fast abgeschlossen ist.
Ich bin neugierig, wie mein Buch Ihren Mitburgern gefallen wird - in europaischer Nachbarschaft, nicht nur im deutschsprachigen Raum, findet es inzwischen in dritter Generation junge Leser und es ist auch fur mich als Autor faszinierend, wie ahnlich und wie verschieden diese Lekture verstanden wird. Vielleicht mogen Sle mir bei Gelegenheit schreiben, welches Echo unsere gemeinsame Arbeit in Vietnam findet? Sie kennen sicher “Katz und Maus”, die “Hundejahre” und nun auch “Im Krebsgang”, die der “Blechtrommel” inhaltllch verwandt Sind - wer weip, wann ich Ihnen zum Erscheinen einer neuen Ubersetzung alles Gute wunschen darf?
Freundliche Grüße
Günter Grass
https://thuviensach.vn
Günter Grass
GlockengieBerstraBe 21
23552 Lübeck
Telefon: 0451-794800
Lübeck, 10.05.2002
Dương Tường thân mến,
Tôi rất mừng khi nghe tin “Cái trống thiếc.”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi mà nhiều nơi ngoài nước Đức đã biết đến, nằm trong kế hoạch dịch và xuất bản tại Việt Nam, và không những thế dự định ấy hiện đã sắp hoàn thành.
Tôi tò mò muốn biết sách của mình được đồng bào nước ông đón nhận ra sao - tới nay, sau ba thế hệ, nó vẫn đến được với những độc giả trẻ tại các nước láng giềng châu Âu, không chỉ giới hạn trong khu vực Đức ngữ, và cách đọc mọi nơi giống nhau hay khác nhau ra sao cũng làm tác giả, là tôi, hết sức thích thú. Khi nào có dịp mong ông viết thư cho tôi biết, công sức của cả hai chúng ta có hồi âm gì không. Chắc ông đã đọc “Mèo và chuột”, “Những nắm chó” và mới đây là “Đi như cua”, nội dung đều gần với “Cái trống thiếc” - bao giờ có thêm một bản dịch nữa cho tôi được chúc ông vạn sự may mắn nhỉ?
Thân chào
Günter Grass
Cái trống thiếc trong nền văn học hiện đại Đức
“Ngày nay, chúng ta thường hay nghe nói rằng tầm quan trọng của văn học đã giảm sút, rằng nó chỉ còn là trò mua vui hoặc một thú tiêu khiển của
https://thuviensach.vn
một tầng lớp elite (tinh hoa) hạn hẹp. Nhưng, tựa như một triết gia thời cổ Hy Lạp, khi muốn báo bỏ lý thuyết của trường phải Elea[1] cho rằng chuyển động là bất khả, chỉ cần đi đi lại lại trước nơi hội họp của các triết gia trường phái Elea, riêng sự hiện diện của Günter Grass cũng đủ khiến chúng ta hiểu ra rằng không dễ gì đẩy văn học ra ngoài rìa,” Tiến sĩ Horace Engdahl, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển, Thư ký Uy ban Nobel, mở đầu diễn văn khai mạc lễ trao giải Nobel văn học 1999 như vậy.
Việc tặng giải Nobel văn học cho Günter Grass tuy hơi muộn - chí ít là theo tôi - nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt bởi nó rơi vào năm bắc cầu giữa hai thế kỷ 20 và 21, đúng bốn thập kỷ sau khi Cái trống thiếc ra đời, làm chao đảo văn đàn châu Âu và thế giới.
Đến nay, 43 năm đã trôi qua kể từ khi tiếng trống ngỗ ngược của Oskar Matzerath đánh thức nền văn học Đức khỏi cơn mụ mị hậu chiến. Nhiều nhà phê bình đã có lý khi đánh giá sự xuất hiện của Cái trống thiếc như một lần khai sinh thứ hai cho nền tiểu thuyết Đức của thế kỷ 20. Thât vậy, kể từ Gia đình Buddenbrook (1901) của Thomas Mann, chưa có cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả nào gây chấn động đến thế. Và chấn động này - bao gồm cả cơn sốc làm dấy lên những la ó phẩn nộ của các vị đạo đức nghiêm cẩn - càng mang nặng ý nghĩa khai mở trong cơn khủng hoảng tinh thần và hoàn cảnh rệu rã, suy sụp nhiều bề ở một nước Đức thất trận chưa thực sự hoà giải với các nước láng giềng. Vào những năm 1950, văn học hậu chiến Đức, bại liệt vì chủ nghĩa quốc xã, đã bế tắc do mặc cảm tội lỗi lại càng bị ức chế bởi lời cảnh báo của nhà triết học hàng đầu Theodor Adorno, người luôn tự vấn mình: Phải tư duy thế nào sau Auschwitz? ‘‘Viết một bài thơ sau Auschwitz là hành động man rợ và vì vậy, ngày nay, làm thơ đã trở nên bất khả,” Adorno tuyên bố. Có nghĩa là không thể viết, nói chung. Nhưng thế hệ của Heinrich Böll, của Günter Grass vẫn viết. Và khi viết, họ nhớ “đinh ninh trong đầu, như Adorno trong cuốn Minima Moralia: Suy nghĩ từ cuộc sống bị huỷ hoại (1951) của ông, rằng Auschwitz đã gây ra một kẽ nứt, một quãng trống không gì bù lấp nổi trong lịch sử của văn minh [2]. ” Chỉ có
https://thuviensach.vn
như vậy, Günter Grass và thế hệ của ông mới vượt nổi ức chế. Và riêng phần mình, ông đã tìm ra một bí quyết: cách duy nhất để có thể viết sau Auschwitz, dù là viết thơ hay văn xuôi, là trở thành ký ức và không để cho quả khứ chấm dứt.
Chính trên tinh thần đó, lời tuyên dương của hội đồng Nobel đã khẳng định: “Nhưng ngụ ngôn đen giỡn cợt của ông (Günter Grass) thể hiện gương mặt bị lãng quên của lịch sử. ”
Ngụ ngôn? Phải, vì hầu hết các tiểu thuyết của Günter Grass đều là những ngụ ngôn hiện đại. Và đen, hiểu theo nghĩa u-mua đen (humour noir) cười ra nước mắt. Vâng,
như tôi thấy, Günter Grass là một nhà ngụ ngôn quái kiệt của thế kỷ 20. Trước khi bàn tiếp, xin lược qua vài nét ‘‘lý lịch trích ngang” của ông. Günter Grass sinh năm 1927 ở Danzig, nay là Gdansk thuộc Ba Lan. Trước khi chuyển sang viết văn, ông học hội hoạ - điêu khắc ở trường đại học mỹ thuật. Là thành viên của Nhóm 47 (Grüppe 47) do Hans Werner Richter và A. Andersch sáng lập ở Munich năm 1947 và giải tán năm 1977, với khuynh hướng dân chủ, đấu tranh khắc phục những hậu quả do chiến tranh phát - xít để lại, ông phát ngôn cho một thế hệ bị bầm giập ê chề đến mất phẩm giá bởi chủ nghĩa quốc xã.
G.Grass sinh ngày 16/10/1927 mất ngày 13/04/2015
Günter Grass biết rất rõ những chấn thương tinh thần cùng những di hại bệnh ly - xã hội, không tiệt nọc với sự cáo chung của chủ nghĩa quốc xã. Ta có thể thấy những hội chứng đó (mà ông bắt mạch được ở những người cùng thời) hiện lên qua từng chương đoạn của cái trống thiếc, qua những cuộc phiêu lưu của gã lùn dị dạng Oskar Matzerath, kẻ ngay từ buổi sinh nhật lần thứ ba đã dứt khoát khước từ thế giới người lớn bằng cánh quyết định; ‘‘ thôi không lớn’’ về thể hình nữa. Như một nhân chứng ngỗ ngược của những sự kiện diễn ra ở Danzig từ 1924 đến 1960, nhìn thế sự từ tầm
https://thuviensach.vn
cao chín mươi tư xăng-ti-mét, nghĩa là từ gần sát mặt đất, lia con -mắt- dao -mỗ dọc theo triền lịch sử như một tấm gương làm méo hình, Oskar, dưới bề ngoài của một đứa bé mãi mãi lên ba, nhưng với sự già dặn trí tuệ của người trưởng thành, làm nẩy ra từ cái trống đồ chơi con nít một thế giới nhố nhăng, kệch cỡm và bí hiểm, một - nhân loại bất túc với thân phận ê chề vùi lấp dưới những đổ nát của lịch sử.
Trong tác phẩm, có nhiều phát triển lưỡng phân. Ngay ở Günter Grass, cũng có một vùng Đức và một vùng Ba Lan, một ngày hôm qua và một ngày hôm nay. Người kể chuyện, cũng là nhân vật chinh Oskar, đan xen hai tầng nhân cách, lúc thì ‘‘tôi” (nhân xưng ngôi thứ nhất), khi lại “nó”, “gã”, “hắn” (nhân xưng ngôi thứ ba). Oskar - nhân vật phản – nhân - vật, nếu có thể nói vậy. Oskar với giọng hát diệt-thuỷ-tinh đối khi được dùng làm phương tiện cám dỗ thiên hạ vào vòng tội lỗi, với tiếng trống quậy phá nhiều phen làm xáo đảo những cuộc mít-tinh, biểu tình quốc xã, Oskar như một Sinbad hiện đại với nghìn lẻ một cuộc phiêu lưu kỳ dị (Oskar ngày đầu tiên và duy nhất đến trường, Oskar dưới khán đài, Oskar Kẻ Cám Dỗ, Oskar thủ lĩnh băng cướp, Oskar nhạc công jazz, Oskar thợ khắc chữ bia mộ, Oskar đánh cắp một chuyến xe điện, Oskar thờ cúng một ngón tay đàn bà...), Oskar, nhân vật phản nhân vật đó, là một gã hung thần. Ngay từ đầu, Oskar đã chọn phe Xa-tăng, níu giữ Xa-tăng lại trong mình như một bản ngã thứ hai: với tất cả các nghi thức trọng thể của nhà thờ, cha Wienke luôn mồm niệm chú (Vade retro Satanas) vẫn không đuổi được Xa-tăng khỏi đứa bé được mang đến bàn thờ Chúa chịu lễ rửa tội. Gia đình, tình yêu, cái chết, tôn giáo...tất thảy đều là đối tương báng bổ, vòi nọc châm chích giễu cợt của gã quỷ lùn không từ cái gì, không tha ai, kể cả người mẹ ‘‘tội nghiệp” mà gã chí yêu vì bà thường xuyên mua trống cho gã, hai người cha “giả định” - Alfred Matzerath và Jan Bronski - mà gã đều phản đối đưa đến cái chết. Phản bội, lật lọng là ứng xử thường thấy ở Oskar khi đến bước đường cùng cần phải tháo thân: với Roswitha trong cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh, với các “chiến hữu” trong Băng Quét Bụi khi bị bắt và khi ra toà. Chỉ có một vài gương mặt hiếm hoi được gã nhắc đến với ít nhiều tình cảm trìu
https://thuviensach.vn
mến: ông ngoại gã, kẻ tội đồ phóng hoả bị truy nã Joseph Ko]jaiczek (đã chết dưới gầm bè hay hiện là nhà triệu phú Joe Colchie ở tiểu bang Buffalo, Mỹ?); người Do Thái.Sigismund Markus, chủ hiệu đồ chơi, nguồn cung cấp trống cho gã; anh chàng Herbert Truczinski với cái lưng đầy sẹo; và nhất là người đàn bà trên cánh đồng khoai tây Kashubes, bà ngoại Anna Koljaiczek của gã. Oskar, trong những khoảnh khắc suy sụp, thường tìm an ủi nguôi ngoai ở ba nơi: dưới gầm bàn, trong tủ áo và đặc biệt là túp lều bốn tầng váy khăn khẳn mùi bơ của bà ngoại Anna, chốn nương náu thân thương mà suốt đời, gã không ngơi khao khát.
Bên cạnh Oskar, tác phẩm còn có một nhân vật trung tâm thứ hai, có lẽ nên đặt từ tố nhân trong ngoặc kép vì đây không phải là một con người cụ thể, mà là một thành phố: Danzig. Một bên là Oskar, một bản thể bày đặt, bên kia là Danzig, một thành phố đã mất, một thành phố bao lần bị giành đi giật lại giữa các nước láng giềng hùng cường trong suốt lịch sử của nó. Danzig, đến cái tên cũng không còn! Nếu Dostoievski vẽ cả bản đồ Saint Petersbourg cổ, thì về phần mình, Grass dành nhiều trang mô tả thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, gợi lại hình ảnh những thành phố, công viên, trường học, triền sông, bãi biển, nghĩa trang, những công trình kiến trúc cổ, đền đài, dinh thự, nhưng Langfuhr, Labesweg, Tháp Công Lý, Nhà Thờ Thánh Tâm, kể cả những chuyến tầu điện đi ra ngoại ô và từ ngoại ô vào thành phố. Để rồi, cuối cùng, hoả táng nó như thể dựng một đài tưởng niệm tượng trưng: “...Phố Câu Liêm, phố Dài, Phố Rộng, Phố Thợ Dệt Lớn, Phố Thợ Dệt Nhỏ bốc lửa. Phố Tobias, Phố Chó Ngao, Hào Phố Cỏ, Hào Ngoại Ô, Luỹ và Cầu Dài chảy tất. Cửa sếu làm bằng gỗ cháy mới ngon làm sao. Ở Phố Quần Cộc. lửa đã đặt may cho mình một loạt quần óng ảnh. Nhà Thờ Nữ Thánh Mary cháy cả trong lấn ngoài, nhìn qua những cửa sổ như ánh sáng ngày hội. (...) Ở Cối Xay Lớn, người ta xay bột đỏ rực. Phố Hàng Thịt sực mùi thịt quay cháy. Nhà Hát Thành Phố công diễn vở kịch một hồi nhưng hai nghĩa nhan đề ‘’Giấc mơ của kẻ phóng hoả”. (...) Tu viện dòng thánh Francisco hoan hỉ bùng lên nhân danh thánh Francisco, người vốn yêu lửa và hát ngợi lửa. Phố Đức Bà cháy vì cả Đức Chúa Cha và Đức
https://thuviensach.vn
Chúa Con cùng một lúc. Khỏi phải nói Chợ Gỗ, Chợ Than vả Chợ Cỏ Khô đã tan thành khói. Phố Bánh Mì, lò và bánh chia lửa với nhau. Phố Bình Sữa, sữa tràn ra ngoài. Chỉ riêng toà nhà của hãng bảo hiểm cháy, thuần tuý vì lý do tượng trưng, là không chịu bốc cháy... ” Những dòng không mảy may bị lụy, nhưng qua đó ta vẫn thấy rõ Danzig là nỗi đau của Günter Grass. Như vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội dần dà chỉ còn lưu lại trong tranh của Bùi Xuân Phái, Danzig giờ chỉ còn sống trong tác phẩm của Grass. Ước nguyện ‘‘trở thành ký ức và không để cho quá khứ chấm dứt” đã thôi thúc ông viết cả một Saga ba bộ về Danzig mà Cái Trống Thiếc là phần đầu - hai phần sau là Mèo và Chuột (1961) và Những Năm Chó (1963). Và có lẽ nỗi đau mất quê hương ấy cũng là nguyên do khiến Grass luôn bị ám ảnh bởi mô típ trốn chạy và truy đuổi: mở đầu và kết thúc Cái Trống Thiếc đều là một cuộc đào tẩu và lùng bắt. Nét chủ đề ấy còn trở lại cả trong cuốn sách mới nhất của ông nhan đề Im Krebssgang (Đi Như Cua).
Cái Trống Thiếc, vào thời điểm nó ra đời, còn là một cú sốc thi pháp. Tác giả chở “những ngụ ngôn đen” của mình trên một bút pháp vừa hoạt bát phóng túng vừa đắp ắp liên tưởng, cuồn cuộn những sóng chữ nghịch nhỉ, chói màu, xứng đáng với Rabelais. Một cách táo bạo đầy hiệu quả, nhà giả kim Grass đã hoà trộn các cấp độ ngôn ngữ - từ phong cách Kinh Thành đến các ăn nói bình dân đầy biệt ngữ tục tĩu, các yếu tố ba - rốc, huyền hoặc, xuất biểu, siêu thực, xoay quanh những hình ảnh “cao áp” (nếu có thể nói vậy) với dung lượng kịch tính và tượng trưng cực đại (đám lươn lúc nhúc trong đầu một con ngựa chết, những tầng váy của bà ngoại Anna...). Và đằng sau cái giỡn cợt, bao giờ cũng là một chân lý cay dắng, về phương diện này chương Hầm Hành là một mẫu mực đầy liên tưởng xã hội - triết học. Khách đến cái tiệm đặc biệt này là những người có những tâm sự đau buồn nhưng lại mất khả năng khóc, nên phải nhờ cậy hơi cay của hành để trút vội nỗl lòng qua nước mắt. ”Không, không phải hễ tim đầy tràn thì tất yếu mắt phải lã chã giọt châu, một số người không bao gờ nhỏ được một giọt nước mắt, nhất là ở thế kỷ của chúng ta, cái thế kỷ mà bất luận mọi đau buồn và thống khổ, chắc chắn sẽ bị hậu thế coi là thế kỷ ít nước mắt nhất
https://thuviensach.vn
[3]’’. "Đó hình như cũng là một trong những suy tư chủ đạo được ông phát triển trong cuốn Thế Kỷ Của Tôi xuất bản cách đây vài năm.
Mùa thu này, Günter Grass kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình. Bài diễn từ nhận giải thưởng văn học Nobel 1999 của ông có đầu đề là: Còn Tiếp. Cuốn sách mới của ông đang một lần nữa làm xôn xao dư luận, chứng tỏ ông vẫn đang rất sung sức. Xin chúc nhà văn dồi dào sức khoẻ và nhiệt hứng sáng tạo để giữ trọn lời hứa “Còn Tiếp ” của mình.
Dương Tường
Chú thích:
[1 ] Trường phái triết học cổ Hy Lạp do Parmenides sáng lập. Nghiên cứu về thế giới hiện tượng, có thể coi là tiền thân của hiện tượng học
[2] Diễntừ nhận giải Nobel của Günter Grass.
[3] Do tôi gạch dưới [D.T)
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Quyển I - Cái Váy Ụp - Tặng Anna Grass
Ophải: tôi đang nội trú ở một bệnh viện tâm thần. Tay y tá để mắt theo dõi tôi; có một lỗ nhòm ở cánh cửa và mắt của tay y tá lại màu nâu không thể điện quang được tôi bởi vì mắt tôi màu xanh lơ.
Vậy thì người canh giữ tôi không thể là kẻ thù của tôi. Tôi đã thấy mên mến anh ta. Khi tay gián điệp rình sau cánh cửa ấy bước vào phòng tôi, tôi thường kể cho anh ta nghe vài mẩu đời tôi để anh ta hiểu tôi bất chấp cái lỗ nhòm. Anh chàng tốt bụng có vẻ khoái những chuyện tôi kể, vì tôi vừa cho anh ta nuốt chửng một chuyện khá hoang đường thì anh đã khoe ngay một kiểu nút dây do anh mới sáng tác để tự giới thiệu mình. Anh ta có phải là một nghệ sĩ hay không, cái đó còn phải xem đã. Tuy nhiên, các tác phẩm của anh ta, nếu đem triển lãm, chắc sẽ được báo chí hoan nghênh: thậm chí, có thể còn có một số người mua là đằng khác. Anh ta thắt nút những sợi dây tạp nhạp được gom nhặt và gỡ rối sau các buổi người nhà vào thăm bệnh nhân; anh ta bện chúng thành những vật còi cọc phức tạp, giâm vào thạch cao, để cho chúng cứng lại và lấy những kim đan cắm chúng lên những cái đế gỗ nhỏ.
Anh ta luôn ve vuốt ý nghĩ tô màu cho những tác phẩm của mình. Tôi ráng khuyên anh đừng có làm thế; tôi nêu cái giường kim loại láng trắng của tôi làm ví dụ so sánh và đề nghị anh thử tưởng tượng cái giường đó bị đem sơn lại lòe loẹt. Khiếp đảm, anh ta giơ hai bàn tay y tá của mình lên chắp vào nhau trên đầu, cố bắt bộ mắt đơ đơ của mình biểu lộ tất cả các vẻ kinh hãi rồi từ bỏ dự định tô màu nọ.
Thế là cái giường kim loại của tôi thành một vế so sánh. Đối với tôi, nó còn hơn thế nữa: cái giường của tôi, đó là mục tiêu, rốt cuộc, đã đạt, là niềm
https://thuviensach.vn
an ủi của tôi, và đó có thể là tôn giáo của tôi nếu như ban quản trị bệnh viện chấp nhận cho sửa đổi đôi chỗ: tôi muốn nâng cao chấn song sắt lên để trốn mọi tiếp xúc.
Mỗi tuần một lần, ngày thăm bệnh nhân quấy rối cõi yên tĩnh trong đó tôi sống đằng sau những chấn song kim loại màu trắng. Vào ngày đó, kéo tới những người muốn cứu vớt tôi, những người tìm tiêu khiển trong việc yêu thương tôi, những người cần đến tôi để tự trân trọng, tự tôn vinh, tự biết mình. Sao mà họ mù quáng, bồn chồn, quê kệch! Họ lấy những móng tay như gọng kìm cào cào hàng song sắt láng trắng ở giường tôi, lấy bút bi hoặc bút chì vẽ nguệch ngoạc lên lớp vẹc-ni những hình người dài ngoằng khiếm nhã. Tay trạng sư biện hộ cho tôi vừa tới đã chụp chiếc mũ ni-lông lên cọc giường tôi và chào hỏi oang oang tưởng đến làm sập cả phòng bệnh. Chừng nào y còn ở lại trong phòng - lạ gì cái thói bẻm mép của dân thày cãi - hành vi bạo lực của y còn làm tôi mất thăng bằng và thư thái.
Sau khi đặt quà cáp lên chiếc bàn một chân phủ tấm vải sơn màu trắng kê dưới bức tranh thuốc nước vẽ cỏ chân ngỗng và kể lể chi tiết những kế hoạch cứu chữa mà họ đang hoặc sắp sửa thực thi, nhằm nhồi vào đầu tôi, đối tượng của những xoay sở không biết mệt của họ, ý thức về mức độ tận tâm của họ, những con người này lại thấy tràn trề yêu đời và từ giã tôi. Lúc đó, tay y tá của tôi mới đến; anh ta làm thông thoáng phòng rồi gom nhặt các sợi dây buộc những gói quà. Nhiều khi, thông phòng xong, anh còn có thì giờ vừa ngồi bên giường tôi gỡ dây vừa toả ra mênh mông im lặng đến nỗi cuối cùng, tôi gọi im lặng là Bruno và Bruno là im lặng.
Bruno Münsterberg - thôi không đùa nữa: đó là tên người y tá của tôi - mua cho tôi năm trăm tờ giấy viết. Nếu số dự trữ này không đủ, Bruno, vốn độc thân, không vợ không con, quê ở Sauerland, sẵn sàng đến cái xưởng giấy nhỏ một lần nữa (ở đây bán cả đồ chơi) kiếm cho tôi những gì cần thiết để hoàn thành bài tập hồi ký của mình, tôi hy vọng thế. Tôi ắt chẳng bao giờ có thể yêu cầu những người đến thăm tôi giúp cho việc ấy, không thể
https://thuviensach.vn
nhờ cha trạng sư chẳng hạn, hoặc Klepp cũng không được. Lòng yêu mến ân cần, lo lắng, chắc chắn sẽ ngăn các bạn tôi mang một vật nguy hiểm như giấy trinh bạch vào đây để phó mặc cho sự bài tiết ngôn từ của trí não tôi.
Khi tôi bảo Bruno: “Này! Bruno, anh có vui lòng mua giúp tôi năm trăm tờ giấy còn trinh không?” thì anh ta ngước nhìn trần nhà và chĩa ngón tay trỏ lên đó mà rằng: “Giấy trắng như thế kia ấy à, ông Oskar?”
Tôi thích cái từ “còn trinh” ấy và tôi bảo Bruno đến cửa hàng cũng cứ nói thế. Khi anh ta trở về vào cuối buổi chiều với xấp giấy, tôi thấy là anh ta đang có những khúc mắc trong lòng. Mấy lần, anh nhìn thật lâu lên trần nhà, nơi anh kiếm tìm mọi cảm hứng của mình, rồi lát sau bật ra: “Ông đã dặn tôi nói cái từ cần nói. Lúc tôi hỏi mua giấy trinh nguyên, cô bán hàng đỏ rừ mặt trước khi mang hàng ra cho tôi.”
Nỗi sợ phải lao vào một cuộc trò chuyện kéo dài về đề tài các cô gái bán hàng ở xưởng giấy khiến tôi đâm tiếc là đã dùng cụm từ giấy còn trinh: bởi thế tôi im lặng và chờ cho Bruno rời khỏi phòng; bấy giờ tôi mới mở cái gói bọc năm trăm tờ giấy ra.
Một lát sau, không lâu lắm, tôi thử nhấc xấp giấy khá cứng và nâng nó lên. Tôi đếm lấy mười tờ và cất số còn lại vào tủ nhỏ cạnh giường; tôi lấy chiếc bút máy trong ngăn kéo, cạnh quyển album ảnh: bút đầy mực. Tôi có đủ mực dự trữ và tôi bắt đầu.
Như thế nào đây? Người ta có thể bắt đầu từ đoạn giữa rồi, bằng một cung cách táo bạo, làm rối beng đoạn đầu và đoạn cuối. Người ta có thể chọn loại hình mô-đéc, xóa nhòa các thời kỳ và các khoảng cách rồi sau đó tuyên bố hoặc để cho tuyên bố là rốt cuộc, người ta đã giải quyết được vấn đề không gian - thời gian. Người ta cũng có thể tuyên bố ngay từ đầu rằng ngày nay, viết tiểu thuyết là điều bất khả, rồi, cách nào đó chính bản thân mình cũng không biết (nếu có thể nói thế), đẻ luôn ra một pho tiểu thuyết dày cộp để ra cái điều ta đây là tiểu thuyết gia cuối cùng còn tồn tại. Tôi
https://thuviensach.vn
cũng nghe nói là muốn tốt và hợp cách thì tiên chưng hãy nêu lên thành định đề: không còn có nhân vật chính của tiểu thuyết nữa vì không còn có những kẻ cá nhân chủ nghĩa, vì cá tính đã mất tiêu, vì con người là cô đơn, mà giờ mọi người đều cô đơn y hệt nhau, bị tước mất nỗi cô đơn cá thể và hợp thành một khối đoàn kết vô danh không có nhân vật chính. Chung quy, điều đó đâu phải là bất khả. Nhưng về phần chúng tôi - tôi đây, Oskar, và anh chàng y tá Bruno của tôi - tôi muốn khẳng định thẳng thừng: cả hai chúng tôi đều là nhân vật chính, những nhân vật chính khác hẳn, anh ta đằng sau lỗ nhòm, tôi đằng trước; và khi anh ta mở cửa là thôi rồi: bất chấp tình bạn giữa chúng tôi và nỗi cô đơn của mỗi chúng tôi, cái còn lại chỉ là một khối vô danh không có nhân vật chính...
Tôi sẽ bắt đầu từ thời điểm khá lâu trước khi có tôi; bởi vì chẳng ai nên mô tả đời mình mà không chừa thời gian trước cuộc tồn sinh của chính mình để tưởng niệm nửa số ông bà nội ngoại. Hỡi các vị đang sống một cuộc sống rốỉ rắm cách xa cái bệnh viện tâm thần này, tất cả các vị, bạn bè và khách thăm hằng tuần, vốn không ngờ đến chuyện tôi tích trữ giấy, tôi xin giới thiệu với quý vị bà ngoại của Oskar.
Vào một buổi chiều tà tháng mười, bà ngoại tôi Anna Bronski đang ngồi xệp dưới đất trong mớ váy lòe xòe bên một ruộng khoai tây. Nếu đó là buổi sáng, ắt ta đã có thể thấy bà lấy cào vun những lá khoai thành từng đống nhỏ xinh bằng những động tác khéo biết chừng nào. Buổi trưa, bà đã ăn một lát bánh mì ướp mỡ lợn quết nước mật rồi cuốc xới nốt mảnh ruộng. Bây giờ đây bà đang ngồi xệp dưới đất trong mớ giữa hai cái thúng đã gần đầy. Trước những đế ủng đựng ngược hai mũi xáp gần nhau của bà, phập phù một ngọn lửa hen xuyễn đốt bằng lá khoai, tỏa trên mặt đất thoai thoải một làn khói bẹt ngập ngừng. Dạo ấy vào năm 1899. Bà tôi đang ở giữa xứ sở người Kashubes [1] gần Bissau, nhưng đúng ra là về bên phía nhà máy gạch. Bà ngồi bệt dưới đất, cách Ramkau không xa, đằng sau Viereck, mặt hướng con lộ Brenntau, giữa Dirschau và Karthaus, quay lưng lại cánh rừng
https://thuviensach.vn
Goldking sầm tối, và với một nhành cây phỉ đã cháy thành than ở chỗ đầu nhọn, bà vùi những củ khoai tây xuống lớp tro nóng.
Sở dĩ tôi vừa đặc biệt nhắc đến cái váy của bà tôi, sở dĩ tôi đã nói khá rành rõ: “Bà ngồi xệp dưới đất trong mớ váy” - sở dĩ tôi đặt tên chương này là “Cái váy ụp”, đó là vì tôi biết rõ mình mang nợ cái món trang phục ấy những gì. Bà tôi không chỉ mặc một, mà những bốn cái váy chồng lên nhau. Không phải bà mặc một chiếc váy dài và ba chiếc váy ngắn; bà mặc bốn cái váy dài như nhau, cái nọ đỡ cái kia; bà mặc váy theo một hệ thống riêng, mỗi ngày lại đổi trật tự chồng váy. Cái hôm qua mặc ngoài cùng, hôm nay cho vào trong, dưới một lớp, cái thứ hai thành cái thứ ba. Cái thứ ba hôm trước giờ ôm sát người. Cái váy bữa qua tiếp xúc với da thịt bà tôi giờ phô ra họa tiết, nghĩa là chẳng có họa tiết gì: những chiếc váy của bà ngoại Anna Bronski đều thuần một sắc thái khoai tây như nhau. Hắn là cái sắc thái này hợp với màu da bà.
Ngoài cái sắc độ ấy, những cái váy của bà tôi còn khác thường ở tầm rộng quá mức của khổ vải. Chúng khum tròn thành hình chuông, phồng lên và kêu phần phật khi gió thổi, xẹp xuống khi tắt gió và cả bốn cái xòe ra phía trước bà khi bà đi xuôi gió. Muốn ngồi xuống, bà phải thu gọn chúng quanh mình.
Ngoài bốn cái váy thường xuyên phồng lên hoặc rũ xuống, quấn quanh hay dựng đứng, cứng sững và trống rỗng, bà tôi còn có một cái váy thứ năm bên cạnh giường nằm. Cái này chẳng có gì khác với bốn cái kia, cũng màu khoai tây. Hơn nữa, cái váy thứ năm không phải là bất di bất dịch. Giống như các chị em của nó - bởi vì váy vốn là giống cái mà - nó cũng phải phục vụ theo chế độ luân phiên, có mặt trong số bốn cái váy được mặc vào người và cũng như chúng, cứ đến phiên (nghĩa là năm tuần một lần vào ngày thứ sáu) lại phải đem giặt trong chậu, sáng thứ bảy đem phơi trên dây trước cửa sổ nhà bếp và khi nào khô, đem là trên tấm ván là.
https://thuviensach.vn
Cứ sau một ngày thứ bảy bù đầu với công việc nội trợ - nào bếp núc, nào giặt giũ, là ủi - sau khi vắt sữa con bò cái và cho nó ăn, bà ngoại tôi ngâm mình từ đầu đến chân vào bồn tắm, bỏ lại một chút bản thân vào trong nước và bọt xà-phòng, sau đó bước ra ngồi lên mép giường, mình quấn tấm vải hoa, lúc ấy, trên sàn trước mặt bà đã xếp sẵn bốn chiếc váy vừa mặc và chiếc váy sạch. Bà đưa ngón tay trỏ bên phải ấn lên mí mắt dưới bên phải, không hỏi ý kiến bất kỳ ai, kể cả ông anh trai Vincent; vì thế, bà quyết định khá nhanh. Đứng trên đôi chân trần, bà lấy ngón chân gạt sang bên cái có màu khoai tây bợt nhất trong số bốn cái váy. Bây giờ, cái váy sạch bèn được thế vào chỗ vừa bỏ trống.
Sáng chủ nhật, bà đi lễ nhà thờ ở Ramkau và khai trương trật tự mới trong chồng váy để tỏ lòng tôn kính Chúa Jêxu - ý niệm của bà về Chúa Jêxu rất rõ ràng. Bà tôi mặc cái váy mới giặt như thế nào? Đây không chỉ là một phụ nữ sạch sẽ mà còn là một phụ nữ hơi phù phiếm, cho nên bà trưng cái váy tươm tất nhất ra ngoài, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp.
Vậy mà cái buổi chiều bà tôi ngồi bệt dưới đất đằng sau đống lửa lá khoai ấy lại nhằm đúng một ngày thứ hai. Cái váy mặc bên ngoài hôm chủ nhật, sang ngày thứ hai, xích lại gần người bà thêm một lớp; trong khi đó cái váy hôm trước còn ấm hơi da thịt bà, giờ chít ngang hông, rủ xuống buồn bã bên ngoài những cái khác. Bà vừa huýt sáo bâng quơ vừa lấy cành phỉ cời tro moi ra củ khoai tây đầu tiên vừa chín tới. Bà đẩy củ khoai ra xa đống lửa cho gió làm nguội đi. Rồi dùng một que nhọn xiên củ khoai đen xì, vỏ xém giòn, nứt toác đưa lên gần miệng, đôi môi khô nẻ lúc này không huýt sáo nữa mà ráng thổi cho sạch tro và đất bám trên vỏ khoai.
Bà ngoại tôi cứ nhắm mắt mà thổi. Khi cho rằng thổi vậy là đủ, bà bèn mở một mắt ra, rồi cả mắt kia nữa; những chiếc răng cửa thưa nhưng cực đẹp vừa cắn lại nhả ra liền; củ khoai bồn bột quá nóng, bốc hơi trong hốc miệng đang há ra của bà; bên trên hai lỗ mũi phập phồng nhả khói cùng khí
lạnh tháng mười, đôi mắt bà trợn tròn nhìn vượt qua cánh đồng về phía
https://thuviensach.vn
chân trời bị ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo, trong đám này cao vọt lên ống khói nhà máy gạch.
Có một cái gì đang chuyển động giữa những cột điện báo. Bà tôi ngậm miệng, bặm môi lại, nheo mắt và bắt đầu nhấm nháp củ khoai. Có cái gì đó chuyển động giữa những cột điện báo; cái gì đó nhảy chồm chồm. Ba người
đang chạy giữa những cột điện báo, cả ba đều hướng về phía ống khói nhà máy gạch, rồi họ lượn một đường vòng và một trong số đó chạy theo chiều ngược lại, tốc độ mỗi lúc một tăng. Anh ta vượt qua xưởng gạch. Vóc người anh ta thấp và bè bè; hai người kia thì cao, mảnh. Rồi sau xưởng gạch, họ lại chạy giữa những cột điện báo; nhưng tay thấp và bè bè chạy ngoắt ngoéo và có vẻ vội vã hơn hai tay cao, mảnh; và hai tay này lại quay trở lui về tận chỗ nhà máy gạch vì tay kia đã lại phóng đi như mũi tên khi hai tay nọ chỉ còn cách có hai mét; và tất cả lại xuất phát, rồi đùng một cái chẳng còn ai, thôi chả chơi nữa, tay thấp bé nhảy phốc một cái từ trên ống khói, biến mất đằng sau chân trời.
Họ dừng ở đó. Đây là lúc nghỉ giải lao. Hoặc là họ thay phục trang, hoặc là họ lại nặn gạch lấy tiền công.
Lợi dụng lúc nghỉ giải lao, bà tôi định xiên một củ khoai thứ hai nhưng trượt mất vì đúng lúc đó cái gã thấp bè bè lại nhô lên từ chân trời. Anh ta không hề thay đổi trang phục. Anh ta bước qua chân trời như thể bước qua một hàng rào, tựa hồ anh ta dần bỏ rơi những kẻ đuổi bắt mình giữa đám gạch hoặc trên quốc lộ Brennlau. Vậy mà anh ta vẫn có vẻ hối hả như trước, muốn đi nhanh hơn cả các cột điện báo. Anh ta bước những bước dài, đi xuyên qua cánh đồng; bùn bắn lên từ những đế giày, anh ta ra sức bứt mình khỏi lớp đất dính và mặc đầu bước rõ dài, anh ta vẫn chậm rề rề trên lớp đất dính. Đôi lúc tưởng như phần dưới của anh ta bị dán chặt xuống, thế rồi anh ta lại lơ lửng trên không một thoáng vừa đủ để lau mồ hôi trán trước khi lại cắm chân xuống cánh đồng mới cày ải bên cạnh năm sào khoai tây.
https://thuviensach.vn
Và anh ta đã tới chỗ con đường trũng. Cái bóng thấp và bè bè của anh ta vừa khuất vào con đường trũng thì những cái bóng cao và mảnh của hai cha kia lại xuất hiện ở chân trời, có lẽ trong lúc vừa rồi, họ đã tranh thủ thăm xưởng gạch. Cao và mảnh chứ không gày, chân đi ủng, họ sải bước trên lớp đất dính hăm hở đến nỗi bà tôi một lần nữa lại xiên trượt củ khoai tây: bởi lẽ đâu phải ngày nào ta cũng có dịp thấy ba người lớn hắn hoi, tuy vóc dáng có khác nhau, nhảy lò cò quanh những cột điện báo, đe dọa quật đổ ống khói nhà máy gạch, rồi, người đi đầu thấp, bè bè cách hai người kia cao, mảnh một quãng, cả ba hì hụi như nhau, kéo theo đế ủng một lớp bùn mỗi lúc một dày thêm, cùng xuyên qua cánh đồng vừa được Vincent cày ải hôm kia, để rồi khuất vào con đường trũng.
Vậy là không còn nhìn thấy ai nữa và bà tôi lại có thể xiên được một củ khoai tây. Bà thổi nhanh cho sạch đất và tro, rồi bỏ tọt cả củ vào trong mồm và nghĩ bụng (ví bằng bà có nghĩ gì) chắc đó là người xưởng gạch. Và bèn nhai tới nhai lui, đảo cả hàm, vừa lúc một người nhô ra khỏi con đường trũng. Một cái nhìn dữ dằn vượt qua bộ ria của anh ta; nhảy phốc hai bước, anh ta đã ở cạnh đống lửa. Cùng một lúc, anh ta ở cả đằng trước, đằng sau và hai bên đống lửa. Anh ta chửi thề. Rõ ràng là anh ta sợ, không biết đi đâu, không thể quay lui vì hai cha kia, cao và mảnh, đang rượt theo trong con dường trũng. Anh ta đập tay vào hai đầu gối, đôi mắt như sắp bật ra khỏi đầu: mồ hôi ròng ròng trên trán. Và hổn hểnr bộ ria mép rung rung, anh ta đánh liều bò bốn chân đến tận trước đế giày của bà tôi. Anh ta lại sát cạnh và nhìn bà tôi như thể anh ta là một con vật nhỏ. Bà thở dài: không thể tiếp tục nhai khoai tây được nữa. Bà thu chân về; bà thôi không nghĩ đến gạch, đến xưởng gạch, đến những thợ làm gạch nữa, mà vén cái váy, à quên xin cải chính, nhất loạt vén cả bốn cái váy lên độ cao vừa đủ cho anh chàng thấp-bè-bè ấy (dứt khoát không phải là người xưởng gạch rồi) chui cả người vào. Giờ thì chẳng thấy anh ta đâu nửa, kể cả bộ ria mép, anh ta không còn cái vẻ của một con thú bị săn đuổi nữa, không phải người vùng Ramkau hay Viereck gì hết.
https://thuviensach.vn
Anh ta đã biến mất dưới cái váy cùng với nỗi sợ của mình và thôi không đập tay lên hai đầu gối nữa, không thấp cũng chẳng bè bè nữa, tuy nhiên vẫn chiếm một chỗ cho riêng mình. Anh ta quên cả hổn hển, quên cả run và quên cả đập tay lên hai đầu gối. Và tất cả bỗng im lìm như trong ngày đầu tiên của cuộc Sáng Thế hay ngày Tận Thế, một làn gió mơn man ngọn lửa lá khoai, những cột điện báo lặng lẽ tự điểm danh, ống khói xưởng gạch đứng sững trong tư thế nghiêm. Còn bà tôi thì đưa tay vuốt chiếc váy trên cùng cho phẳng phiu. Bà hầu như không cảm thấy người đàn ông qua bốn lần váy của mình; cái váy thứ ba thậm chí không hề biết là có một điều gì mới mẻ và khác thường đang xảy đến với làn da dưới lớp váy thứ tư. Phải, thật là khác thường, nhưng vì cái váy ngoài cùng đã được vuốt thẳng thớm còn cái thứ hai và thứ ba thì chẳng biết mô tê gì, nên bà bèn moi từ đống tro ra hai ba củ khoai tây, lấy bốn củ sống trong cái rổ đặt dưới khuỷu tay trái vùi vào tro nóng và dùng que cời cời cho khói bốc lên cuồn cuộn - thử hỏi bà còn biết làm gì khác nữa.
Những cái váy của bà tôi vừa mới được soạn lại cho tươm tất, làn khói sền sệt của ngọn lửa lá khoai, bị những động tác vung chân, đập tay và đảo tro làm chệch hướng, vừa mới nương theo gió chỉnh lại đường bay về phía
đông-nam, thì đùng một cái, hai tay cao-mảnh nhô ra khỏi con đường trũng. Họ đuổi theo gã thấp-bè-bè lúc này đang ở dưới bốn lớp váy, và có thể thấy là hai tay cao-mảnh này, vì lý do nghề nghiệp, mang đồng phục cảnh sát.
Lao đi như hai mũi tên, họ suýt nữa vượt quá chỗ bà tôi. Một cha thậm chí đã nhảy qua đống lửa. Nhưng, chợt nhớ ra là mình mang ủng, họ bèn dùng ủng làm phanh hãm. Mình vận đồng phục, chân đi ủng, họ bơi trong khói, rồi vừa ho sặc sụa vừa tiến lại gần, đồng phục của họ kéo theo chút khói và họ vẫn tiếp tục ho khi nói với bà tôi; họ muốn biết bà có trông thấy tên Koljaiczek không, bởi chăng bà tất phải trông thấy hắn vì bà ngồi ngay cạnh con đường trũng mà hắn, cái tên Koljaiczek ấy, thì chạy trốn theo con đường trũng.
https://thuviensach.vn
Bà tôi chẳng thấy tên Koljaiczek nào cả bởi vì bà không biết ai tên là thế. Hắn có làm ở xưởng gạch không, bà hỏi lại, vì bà chỉ biết cánh thợ làm gạch thôi. Nhưng hai tay đồng phục mô tả tên Koljaiczek như một kẻ không liên quan gì với gạch ngói cả, mà có dáng người thấp bè bè. Bà tôi chợt nhớ là có trông thấy một gã như thế chạy theo hướng này - củ khoai tây bốc khói đầu que xiên chỉ về phía Bissau và cứ theo như củ khoai tây thì Bissau ắt hẳn ở khoảng giữa hai cột điện báo thứ sáu và thứ bảy tính từ xưởng gạch đổ về bên phải. Còn như cái gã trốn chạy ấy có phải là Koljaiczek không thì bà chẳng biết vì bà còn đang loay hoay với cái đống lửa mịt mù cháy chẳng ra cháy dưới chân, đầu óc đâu mà để ý đến những kẻ chạy qua hay dừng lại trong đám khói, vả lại, bà chẳng bao giờ bận tâm đến những người bà không quen biết; và bà chỉ quen những người ở Bissau, Ramkau, Vlerick và xưởng gạch thôi - chừng nấy là đủ với bà.
Nói vậy rồi, bà khẽ thở dài, vừa đủ để khiến bọn đồng phục hỏi tại sao bà thở dài. Bà hất hàm về phía ngọn lửa, ý nói bà thở dài vì nó cháy tồi và phần nào cũng vì các người dừng lại trong đám khói nữa; rồi bằng những chiếc răng cửa thưa, bà cắn đôi củ khoai tây, bắt đầu nhai lấy nhai để, mắt trợn ngược lên.
Bọn cảnh sát không rút ra được thông tin gì từ cái nhìn trân trân lơ đãng của bà tôi. Họ phân vân không biết có nên tìm Bissau đằng sau những cột điện báo hay không. Để tỏ vẻ ta đây, họ thục vài nhát lê vào mấy đống lá khoai không chịu bén lửa bên cạnh. Bất chợt nẩy ra sáng kiến, họ đồng loạt lật nhào hai thúng đầy khoai tây mà bà tôi đang tì khuỷu tay lên; và phải một lúc lâu sau họ mới hiểu ra tại sao chỉ có những củ khoai tây lăn ra trước mũi ủng của họ chứ không phải là một tên Koljaiczek. Nghi nghi hoặc hoặc, họ đi quanh đống khoai tây, làm như thể Koljaiczek có thể trong nháy mắt đã chui vào trong đó; họ nhằm cẩn thận xọc lưỡi lê vào đó, nhưng chẳng thấy ai kêu vì bị đâm trúng. Sự nghi ngờ của họ không bỏ qua một bụi cây còi cọc, một lỗ chuột nhắt nào, rà soát một loạt hang chuột chũi rồi quay lại chia vào bà tôi đang ngồi xệp như mọc rễ dưới đất, miệng thở dài, mí mắt
https://thuviensach.vn
cụp xuống chỉ để lộ lòng trắng con ngươi và lẩm nhẩm đọc tên tất cả các thánh bằng tiếng Kashubes với một giọng lu loa than vãn vì nồi lửa không chịu bốc và hai thúng khoai tây thì đổ tung tóe.
Bọn đồng phục ở rán lại nửa tiếng đồng hồ, lúc thì đứng cách xa đống lửa, lúc lại sán đến gẩn. Họ nhằm ống khói xưởng gạch, tính chuyện chiếm Bissau, rồi quyết định hoãn cuộc tiến công lại và xòe những bàn tay tím tái trên ngọn lửa cho đến khi bà tôi, vẫn không ngừng thở dài, cho mỗi gã một củ khoai tây nướng cắm trên đầu que xiên. Nhưng mặc đầu mồm đang bận
nhai, họ vẫn còn rảnh đầu để chợt nhớ ra là mình đang vận đồng phục và thế là hấp! họ chạy một mạch đến đầu kia cánh đồng cách khoảng một tầm ném đá, xộc tới bụi kim tước bên rìa con đường trũng khiến một chú thỏ rừng chạy té ra, song có điều tên chú không phải là Koljaiczek. Họ trở lại bên đống lửa và những củ khoai bột ấm nóng mùi than hồng và bắt tay vào công việc hòa bình là xếp trả vào thúng những củ khoai tây mà vừa nãy, cúc cung tận tụy với nhiệm, vụ, họ đã đổ tung tóe ra đất.
Mãi đến khi buổi chiều ép từ bầu trời ra được một cơn mưa nhỏ chênh chếch và một hoàng hôn đen như mực, họ mới hối hả, nhưng có phần miễn cưỡng, rời đi thám sát một cột mốc đằng xa đang chìm dần trong bóng tối. Hoàn thành nốt nhiệm vụ này là đủ, họ lại duỗi chân duỗi cẳng một chút và
hơ những bàn tay ban phước lên đống lửa đang bị mưa làm lụi dần trong khói mù. Ho sặc sụa một thôi nữa trong khói xanh, ứa một giọt nước mắt nữa trong khói vàng, họ cất bước về phía Bissau, vừa ho vừa khóc. Nếu tên Koljaiczek không còn ở đây thì ắt là hắn đang ở Bissau. Đối với một cảnh sát thì bao giờ cũng chỉ có hai khả năng mà thôi.
Đám khói mãi không tan bao quanh bà tôi như một cái váy thứ năm rộng mênh mông, thành thử cả bà tôi cùng những tên thánh bằng thổ ngữ Kashubes và bốn cái váy bà đang mặc cũng ở dưới váy như Koljaiczek.
Khi bọn đồng phục chỉ còn là những cái chấm lắc lư chìm dần trong chiều tà giữa những cột điện báo, bà tôi mới từ từ đứng dậy một cách khó
https://thuviensach.vn
nhọc, như thể bà đã mọc rễ và giờ đây gắng nhổ mình lên khiến đất vụn và rác rơi lả tả quanh người.
Koljaiczek cảm thấy lành lạnh khi bị phơi ra đột ngột dưới làn mưa. Anh vội cài lại khuy quần mà nỗi lo sợ cùng nhu cầu tìm kiếm một chỗ nương náu đã khiến anh cởi ra dưới những lớp váy. Những ngón tay anh làm việc nhanh thoăn thoắt vì anh sợ của quý của mình mau chóng trở nên buốt giá trong tiết thu đầy đe dọa.
Bà tôi tìm thấy dưới tro bốn củ khoai tây nóng sốt nữa, Bà cho Koljaiczek ba, còn một dành cho mình. Trước khi đưa lên miệng cắn, bà còn hỏi lại một lần nữa anh ta có phải là người xưởng gạch không mặc dầu bà biết rõ rằng Koljaiczek có thể từ bất cứ nơi nào đến, nhưng không phải dân làm gạch. Không cần đợi trả lời, bà giao cho anh ta cái thúng nhẹ hơn, còn mình thì còng lưng dưới cái kia, nặng hơn. Bà còn rảnh một tay để cầm cái cào và cái cuốc; rồi, với thúng khoai tây, cào và cuốc, bà giong buồm bốn-váy xuôi về phía mỏ đá Bissau.
Không phải đích thị Bissau mà hơi chếch về mạn Ramkau. Vậy là họ bỏ lại xưởng gạch bên tay trái và đi về phía khu rừng đen với Goldkrug ở giữa và Brennlau phía sau. Ngay trước khu rừng, trong một dải đất trũng, là mỏ đá Bissau. Joseph Koljaiczek, vẫn thấp bè bè, theo bà tôi đến đó, không cách chi rời khỏi những cái váy của bà nữa.
Chú thích:
[1] Dân tộc Tây Xlavơ đã Đức hoá sống ở vùng Tây Phổ cũ và Đông Bắc Pomerania, cho đến năm 1945, khoảng 150.000 người vẫn nói tiếng Kashuhcs như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Kashubes thành một thổ ngữ trung gian giao tiếp giữa người Ba Lan và người Tây Pomerania. (Tất cả các chú thích trong cuốn sách này đều của người dịch).
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Dưới Gầm Bè
Nằm dài như tôi đây trên chiếc giường kim lọai vô trùng của bệnh viện tâm thần, dưới con mắt theo dõi của Bruno qua cái lỗ nhòm, mà tả lại những cuộn khói lê thê của một ngọn lửa lá khoai ở vùng Kashubes cùng với những vệt rơi nghiêng của cơn mưa tháng mười, quả là không đơn giản tí nào. Nếu không có cái trống nhắc mọi tình tiết phụ cần thiết cho việc kể lại câu chuyện này trên giấy trắng mực đen - nó là bộ nhớ hoàn hảo khi ta biết khéo léo vận dụng - và nếu không được viện cho phép gõ trống ba-bốn giờ mỗi ngày, tôi ắt thành một gã cha căng chú kiết không có gì để kể về ông bà nội ngoại.
Vậy cái trống của tôi kể rằng: vào cái buổi chiều tháng mười năm một ngàn tám trăm chín chín ấy, trong khi bên Nam Phi ông chú Kruger đang chải cặp lông mày chổi sể, thì tại đây, ở quãng giữa Dirschau và Karthaus, gần xưởng gạch Bissau, dưới một cơn mưa chênh chếch và bốn lớp váy đồng màu, giữa khói mù, lo âu nơm nớp cùng những tiếng thở dài đệm theo lời nguyện cầu bằng thổ ngữ Kashubes, bất chấp những câu hỏi ngu xuẩn của hai cha cảnh sát mắt cay sè vì khói, người đàn ông thấp bè bè tên là Joseph Koljaiczek đã khởi cuộc sinh thành nên mẹ Agnès của tôi.
Ngay đêm hôm ấy, bà tôi Anna Bronski thay đổi họ. Với sự cộng tác của một linh mục rất phóng khóang trong hành lễ, bà trở thành Anna Koljaiczek và đi theo Joseph; không phải sang Ai Cập, mà là đến cái thị xã bên bờ sông Mottlau, tại đó Joseph kiếm được một chân đi bè và tạm thời yên thân về phía cảnh sát.
Tôi khoan chưa nói tên cái thị xã ở cửa sông Mottlau ấy chỉ cốt làm tăng thêm sự hồi hộp, mặc dầu đáng ra phải làm thế ngay vì đó chính là nơi sinh
https://thuviensach.vn
của mẹ tôi. Vào cuối tháng sáu năm một chín không không - bấy giờ vừa có sắc lệnh tăng gấp đôi chỉ tiêu đóng tàu biển, loại thiết giáp hạm - mẹ tôi ra đời dưới chòm sao Nhân Sư chiếu mệnh. Tự tin, lãng mạn, kiêu kỳ và phù phiếm. Ngôi nhà đầu đời, còn gọi là domus vitae, ở độ hoàng đạo vào giờ sinh: sao Song Ngư, bản tính dễ bị ảnh hưởng. Chòm Mặt Trời đối lập với sao Hải Vương, ngôi nhà thứ bảy hay domus matrimonii uxoris, đem lại sự hỗn độn. Sao Kim đối lập với sao Thổ, gọi là hành tinh chua, như ai nấy đều biết, gây các bệnh gan và lá lách, nổi trội ở Nam Dương và chấm dứt ở Nhân Sư, được sao Hải vương cho lươn, thích cà dược, hành và bia, làm chua rượu, sống cùng với sao Kim ngôi nhà thứ tám tức ngôi nhà chết: dự báo chết bất đắc kỳ tử, còn như việc thụ thai trên cánh đồng khoai tây thì hứa hẹn một hạnh phúc đầy bất trắc dưới sự che chở của sao Thủy trong nhà của bà con họ hàng.
Đến đây, phải nhường chỗ cho lời phản đối của mẹ tôi: không bao giờ mẹ chịu nhận là mình được hoài thai ngoài cánh đồng khoai tây. Đành rằng ông già cũng có thử tòm tem thật - điều này thì mẹ thừa nhận; nhưng tư thế của cả hai đều không đủ thuận lợi để Koljaiczek có thể làm Anna Bronski thụ thai.
“Chắc là vào ban đêm trong khi chạy trốn, hoặc trong thùng xe của bác Vincent hoặc thậm chí mãi về sau, khi đã được cánh chở bè ở Troyl cho tá túc.”
Đó là những lời mẹ tôi thường nói để xác định bước khởi đầu cuộc sinh tồn của mình, và bà tôi, người thừa biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao, thì cứ kiên nhẫn gật đến sái cổ mà rằng: “Hẳn thế, con ạ, chắc là ở trong thùng xe hay có khi ở Troyl cũng nên, chứ đâu phải ngoài cánh đồng: bữa ấy mưa gió thấy mồ.”
Vincent là anh trai bà tôi. Sau khi vợ mất sớm, ông làm cuộc hành hương đến Czestochowa, ở đó Đức Mẹ Matka Boska Czestochowa [1] đã ra lệnh cho ông phải xem Người là hoàng hậu tương lai của Ba Lan. Từ đó, ông
https://thuviensach.vn
luôn vùi đầu vào những quyển sách kỳ quái, phát hiện ở từng câu trong đó sự xác nhận những mục tiêu chinh trị của Mẹ Chúa Trời và để mặc em gái trông coi trang trại cùng mấy mẫu đất. Jan, con trai ông, bấy giờ mới bốn tuổi, là một đứa bé ốm yếu, lúc nào cũng chực khóc; Jan chăn ngỗng, tích
cóp ảnh màu và, ôi chao, quả là điềm báo trước! mới nứt mắt đã sưu tầm tem thư.
Bà tôi đưa Koljaiczek cùng những thúng khoai tây về cái trang trại một lòng một dạ với Đức Mẹ Nữ Hòang Ba Lan ấy. Sau khi biết chuyện gì đã xẩy ra, ông Vincent liền chạy đến Ramkau kèo nèo cha xứ kỳ đến khi ông này đành phải đến làm lễ cưới cho Joseph và Anna. Vị linh mục ngái ngủ vừa mới ngáp ngắn ngáp dài ban phước xong và quay cái lưng giáo chức của mình ra về cùng với một lườn thịt lợn sấy hậu hĩ, là Vincent lập tức đóng ngựa vào chiếc xe hòm, xếp đôi vợ chồng mới lên chiếc ổ rơm lót bao tải, đặt thằng cu Jan run cầm cập và rấm rứt khóc bên cạnh mình trên ghế lái và ra hiệu lệnh cho ngựa thẳng tiến vào đêm tối: chuyến đi tân hôn đang hồi khẩn trương.
Khi xe tới cảng bốc gỗ của thị xã, đêm đã tàn nhưng trời vẫn còn tối. Những người bạn, cũng dân chở bè như Koljaiczek, đón cặp uyên ương trên đường trốn chạy.
Vincent đánh xe lộn lại và cho ngựa đi về hướng Bissau: một chị bò cái, một ả dê, một mụ nái sề với lũ lợn con, tám con ngỗng và chú chó canh đang chờ thức ăn, chưa kể cu Jan đang hâm hấp sốt cần một cái giường nằm.
Joseph Koljaiczek lặn biệt ba tuần, đủ để nuôi một bộ tóc mới có đường rẽ ngôi; ông cạo nhẵn ria xoay giấy tờ căn cước mới sạch trơn không vết bợn và kiếm được một chân đi bè dưới cái tên Joseph Wranka. Nhưng tại sao Koljaiczek lại phải lấy giấy tờ căn cước của gã đi bè Wranka đã bị đánh ngã nhào khỏi bè trong một cuộc ẩu đả và chết đuối ở sông Bug vào quãng trên Modlin một tí mà nhà chức trách không hề hay biết? Bởi lẽ sau một
https://thuviensach.vn
thời gian bỏ nghề đi bè, ông đã làm việc ở một xưởng cưa ở gần Schwetz, tại đó ông đã có chuyện xung đột với chủ xưởng. Đó là vì một cái hàng rào mà bàn tay khiêu khích của Koljaiczek đã sơn thành hai màu đỏ trắng [2]. Chắc là để chứng tỏ ta đây không phải tay vừa. Lão chủ xưởng cưa nhổ hai cái cọc rào, một đỏ một trắng, nện lên cái lưng nòi Kashubes của Koljaiczek những đòn trời giáng kỳ cho đến lúc hai cái cọc rào mang màu ái quốc đó nát vụn thành một đống đo đỏ trăng trắng. Chừng đó đủ khiến Koljaiczek uất máu đến nỗi ngay đêm hôm sau, hẳn là một đêm trời đầy sao, ông đã hòa lửa đỏ vào màu trắng của xưởng cưa mới toanh vừa quét vôi để tôn vinh một nước Ba Lan bị chia cắt song chính vì lẽ đó lại càng thống nhất hơn bao giờ hết.
Thế là Koljaiczek trở thành kẻ phạm tội phóng hỏa, mà không phải chỉ một lần, bởi lẽ những ngày sau đó, trên khắp miền Tây nước Phổ, các xí nghiệp cưa cũng như bãi gỗ, đều làm mồi cho ngọn lửa hai màu hừng hực tình cảm dân tộc. Như tất cả mọi lần liên quan đến tương lai đất nước Ba Lan, Đức Mẹ Maria Đồng Trinh đều can dự vào các vụ hoả hoạn này và có những nhân chứng mục thị - những người này có lẽ chưa phải đã chết hết - tuyên bố là đã thấy Mẹ Đức Chúa Trời đội vương miện Ba Lan trên những mái nhà đang sập đổ của nhiều xưởng cưa. Nghe nói dân chúng, vốn cứ thấy cháy to là kéo đến, đã cất giọng hát bài ca ngợi Bogarodzica Mẹ Chúa Trời. Phải thừa nhận rằng những đám cháy của Koljaiczek là chuyện thiêng liêng: ở đó, người ta thường phát thệ.
Và trong khi Koljaiczek bị truy lùng ráo riết dưới tội danh đốt nhà thì gã chở bè Joseph Wranka tứ cố vô thân, hiền lành, vô vị, không tiền án tiền sự, không mấy ai biết đến cũng chẳng ai truy lùng, vẫn chia mớ thuốc lá nhai của mình thành những khẩu phần hàng ngày, cho đến một hôm, ngã tòm xuống sông Bug, để lại trong túi áo va-rơi ba khẩu phần thuốc lá cùng với giấy tờ tuỳ thân. Và vì gã Wranka chết đuối không nói được nữa mà cũng chẳng ai hỏi han lôi thôi gì về gã, nên Koljaiczek, vốn cùng khổ người và cùng kiểu đầu tròn xoay, bèn luồn mình vào chiếc áo va-rơi, rồi vào giấy tờ
https://thuviensach.vn
căn cước lý-lịch-không-tiền án-tiền-sự của gã, bỏ thói quen hút tẩu chuyển sang nhai thuốc, tập nhiễm những đặc tính riêng nhất, thậm chí cả những lỗi phát âm, của Wranka. Trong những năm sau đó, trong vai một tay bè chịu thương chịu khó, tần tiện, hơi cà lăm, ông đã chở hàng rừng gỗ xuôi các dòng sông Niemen, Bobr, Bug và Vistula. Cũng cần nói thêm rằng Wranka đã từng leo được lên chức cai trong đội khinh kỵ binh của Thái tử, dưới quyền chỉ huy của Mackensen, vì Wranka chưa làm nghĩa vụ quân sự còn Koljaiczek, lớn hơn bốn tuổi, đã phục vụ trong pháo binh tại Thorn với một thành tích kém cỏi.
Những tên dữ dằn nhất trong đám đạo tặc, giết người, đốt nhà, ngay cả khi đang theo đuổi công việc bất lương của chúng, vẫn rình ngóng cơ hội kiếm được một nghề tử tế hơn. Một số tên đã gặp may trong cố gắng tìm kiếm ấy. Trong cái lốt của Wranka, Koljaiczek trở thành người chồng hiền
đức, chừa hẳn cái tật phóng hỏa, chừa tiệt nọc đến độ chỉ nhìn thấy một que diêm, ông đã run lên. Những bao diêm vô tội bỏ vương trên bàn nhà bếp không tránh khỏi những cơn bạo lực của ông, ấy vậy mà đáng lý ông phải là người phát minh ra diêm mới đúng. Nhưng ông quăng cái vật cám dỗ ấy qua cửa sổ. Bà ngoại tôi phải khó khăn lắm mới chuẩn bị được bữa ăn nóng sốt đúng giờ giấc. Nhiều đêm, gia đình phải ngồi trong bóng tối vì không có gì để thắp đèn.
Tuy nhiên Wranka này đâu phải là một bạo chúa. Ngày chủ nhật, ông đưa Anna Wranka của mình đi chầu lễ nhà thờ ở phố dưới và cho phép bà đi dạo trong bốn chiếc váy như trên cánh đồng khoai tây xưa, với tư cách là vợ chính thức của ông. Mùa đông, khi các dòng sông đóng băng, và cánh chở bè không có việc làm, ông ngoan ngoãn ở lại Troyl. Nơi đây, chỉ có cánh chở bè, phu bến cảng và thợ đóng tàu trú ngụ. Ông trông coi đứa con gái nhỏ Agnès, cô bé có vẻ như thiên về ‘gien’ bố: lúc nào cũng trốn lủi, không dưới gầm giường thì trong tủ quần áo, hoặc khi nhà có khách thì ngồi thu lu dưới gầm bàn chơi với những con búp-bê nhồi cám.
https://thuviensach.vn
Cô bé Agnès chỉ thích lẩn trốn và tìm thấy trong sự náu mình ấy một cảm giác an toàn như khi Joseph núp dưới bốn lớp váy của Anna, tuy nhiên với một niềm thích thú khác. Kẻ phóng hoả Koljaiczek đủ từng trải để hiểu nhu cầu được che chở của con gái mình. Cho nên khi làm một chuồng thỏ ngoài cái gọi là ban-công của căn hộ một gian rưỡi, ông đã ghép thêm vào đó một cái túp vừa kích cỡ Agnès. Thuở bé, mẹ tôi ‘định cư’ luôn tại đó cùng với những con búp-bê và lớn lên trong đó. Về sau, khi đã đi học, nghe nói mẹ tôi đã vứt bỏ chúng và tỏ ra sớm có ý thức về cái đẹp mong manh bằng thú chơi mới: những viên thuỷ tinh và lông chim nhuộm màu.
Bởi lẽ tôi đang nóng lòng muốn nói về cuộc tồn sinh của chính mình, nên xin được phép cho con bè gia tộc Wranka yên ả lướt nhanh tới năm 1913, khi mà con tàu Columbus được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Schichau; đó là thời điểm mà cảnh sát, vốn nhớ dai, chẳng quên bất cứ cái gì, tìm lại được dấu vết của tên Wranka giả mạo.
Sự cố bắt đầu vào tháng 8/1913, khi Koljaiczek, như thường lệ hàng năm vào dịp cuối hè, áp tải một bè gỗ lớn từ Kiev theo các sông Priper, Bug, Modlin xuôi về đến sông Vistula. Mười hai tay chở bè xuất phát trên tàu kéo Radaune phục vụ xưởng cưa, từ Westlich Neufhar theo nhánh cụt của sông Vistula tới tận Einlage, sau đó ngược sông Vistula, qua Käsemark, Letzkau, Czettkau, Dirschau; tối đến, họ dừng lại nghĩ ở Thorn. Tại đây, tay chủ mới của xưởng cưa xuống tàu để giám sát việc mua gỗ ở Kiev. Bốn giờ sáng, khi tàu Radaune thả neo, mọi người mới biết ông ta đang ở trên tàu. KoỊjaiczek lần đầu tiên trông thấy ông ta vào lúc ăn sáng trong khoang bếp. Tất cả ngồi thành vòng tròn, người nhai kẻ nhấp từng ngụm nhỏ cà-phê. Koljaiczek nhận ngay ra ông ta. Con người to ngang, hói trán ấy sai đi lấy vốtka rót vào những tách cà-phê đã cạn. Trong khi một số người vẫn nhai và ở đầu đằng kia, người ta vẫn tiếp tục rót vốtka, ông ta tự giới thiệu: “Tôi xin thông báo để các anh em biết tôi là chủ mới của xưởng cưa; tên tôi là Dückerhoff; tôi không muốn có chuyện rắc rối lôi thôi.”
https://thuviensach.vn
Theo yêu cầu của ông ta, các tay chở bè, theo thứ tự ngồi quanh, lần lượt xưng tên và nốc cạn tách rượu của mình, khiến cục hầu lên lên xuống xuống. Koljaiczek uống cạn rồi nói: “Wranka” đồng thời nhìn thẳng vào mắt Dückerhoff. Ông ta gật đầu như với những người trước, nhắc lại cái tên Wranka như đã nhắc lại tên những tay bè khác. Nhưng Koljaiczek cảm thấy có một âm sắc đặc biệt trong cách Dückerhoff đọc tên gã chở bè chết đuối, không phải là nhấn giọng nhưng có phần tư lự.
Máy không ngưng chạy xình xịch, con tàu Radaune khéo léo tránh những doi cát với sự giúp đỡ của những hoa tiêu liên tục thay thế nhau, không mệt mỏi đè lên lớp sóng ngầu đục phù sa. Bên trái, bên phải, đằng sau những con đê, vẫn là miền đất ấy: nơi bằng phẳng, nơi nhấp nhô thung đồi, nhìn chung mùa màng đã gặt xong. Những hàng rào, những đường mòn, một khoảng trũng mọc đầy đậu chổi, lác đác đây đó vài nông trại biệt lập; một cảnh quan thích hợp cho những đợt xung phong của kỵ binh, cho một sư đoàn kỵ binh đánh thuê vòng bên trái vu hồi xọc vào, những khinh kỵ binh phốc ngựa qua hàng rào, phù hợp với ước mơ của những sĩ quan kỵ binh trẻ, với trận mạc trong quá khứ và trong tương lai, với bức tranh lịch sử anh hùng: những tên Tartar rạp mình trên bờm ngựa, những long kỵ trên chiến mã chồm lên, những hiệp sĩ Teuton gục ngã, vị tế sư trong chiếc áo lễ đẫm máu, không một vết xước trên tấm giáp che ngực, trừ một gã bị quận công Mazowsze hạ sát. Và những con ngựa đẹp hơn ngựa xiếc, cổ đeo đầy nhạc, những đường gân được vẽ rất tĩ mỉ, những lỗ mũi nở rộng, màu đỗ son, phun ra từng cụm mây nhỏ xuyên thủng bởi những ngọn giáo phất phơ cờ hiệu, gươm đao rạch trời và hoàng hôn, và ở nền đằng sau - bức tranh nào mà chả có nền - bám chắc trên đường chân trời là một làng nhỏ với những ống khói bình yên tỏa khói giữa hai chân sau của con ngựa ô, với những ngôi nhà lụp xụp mái rạ tường rêu; và trong những căn nhà tranh đó, những chiếc chiến xa nhỏ xinh mơ đến một ngày sẽ tới khi cả chúng cũng có thể xông ra góp mặt vào bức tranh, đằng sau những con đê của sông Vistula, như bày ngựa con tung tăng giữa đoàn siêu kỵ.
https://thuviensach.vn
Qua khỏi Wloclawek, Dückerhoff dí ngón tay trỏ vào áo va-rơi của Koljaiczek:
“Nói nghe nào, Wranka, có phải trước đây cậu đã từng làm việc ở xưởng cưa Schwetz? Vào cái năm xưởng bị cháy ấy?”
Koljaiczek nặng nề lắc đầu như thể cổ ông bằng gỗ, đồng thời nhuốm được vào cái nhìn của mình một vẻ rầu rĩ và mệt mỏi đến nỗi Dückethoff không nỡ gặng hỏi thêm nữa.
Đến Modlin, nơi sông Bug đổ vào sông Vistula, tàu Radaune rẽ vào sông Bug và Koljaiczek cúi mình trên lan can tàu nhổ xuống nước ba lần như cánh chở bè thời đó vẫn thường làm theo thông lệ. Dückerhoff đứng bên với một điếu xì-gà và hỏi xin lửa. Chữ ‘lửa’ và chữ ‘diêm’ đi liền theo làm Koljaiczek sởn da gà.
“Này! đằng ấy không việc gì phải đỏ mặt lên như thế khi tớ hỏi xin lửa. Đằng ấy là con gái hay sao vậy?”
Mãi đến khi đi khỏi Modlin một quãng khá xa, Koljaiczek mới hết đỏ mặt, hiển nhiên ông đỏ mặt không phải vì hổ thẹn mà đó là hồi quang muộn mằn của những xưởng cưa mà ông đã phóng hoả.
Vậy là, ngược sông Bug, giữa Modlin và Kiev, qua kênh đào nối sông Bug với sông Pripet cho đến sông Dniepr, chẳng có lời lẽ gì đặc biệt bõ kể lại trong cuộc đối thoại Koljaiczek-Dückerhoff. Dĩ nhiên, theo lẽ thường, có thể đã xảy ra lục đục bất hoà giữa cánh chở bè với nhau, giữa cánh chở bè với đám thợ đốt lò trên tàu, giữa người cầm lái, đám thợ đốt lò và thuyền trưởng, giữa thuyền trưởng và các hoa tiêu thay đổi soành sạch. Tôi có thể dễ dàng mường tượng những cuộc cãi lộn giữa những tay chở bè người Kashubes và gã lái tàu quê quán ở Stettin, thậm chí cả bước sơ khởi của một dấy loạn: hội họp ở khoang sau, bốc thăm, trao đổi mật hiệu, mài dao kiếm. Nhưng thôi, xin đủ những thứ đó. Không có gây rối chính trị, không
https://thuviensach.vn
có ẩu đả giữa người Đức và người Ba Lan cũng chẳng có nổi loạn xuất phát từ những bất bình xã hội. Tàu Radaune ngày ngày vẫn ngoan ngoãn ăn than. Có một lần - hình như vừa qua khỏi Plock - nó mắc phải một doi cát, nhưng rồi tự gỡ ra được. Một cuộc tranh cãi ngắn nhưng gay gắt giữa thuyền
trưởng Barbusch và tay hoa tiêu người Ukraina, có thế thôi - chẳng có gì khác được ghi trong nhật ký hàng hải.
Nhưng nếu như tôi có khả năng và điều kiện để xây dựng một cuốn nhật ký ghi lại những suy nghĩ và tình cảm thầm kín của Koljaiczek hoặc của Dückerhoff thì chắc hẳn sẽ có vô khối diễn biến ly kỳ: ngờ ngợ, cơ sở xác thực cho sự nghi ngờ, bán tín bán nghi và, gần như đồng thời, tạm dẹp mối hoài nghi, lưỡng lự rồi lại tiếp tục ngờ vực. Cả hai cùng e ngại nhau. Dückerhoff thậm chí còn sợ hơn là Koljaiczek vì đây đã là nước Nga. Dückerhoff rất có thể té nhào từ mạn tàu xuống sông như Wranka trước đây; cũng có thể - những bãi khai thác gỗ ở Kiev rộng mênh mông, anh dễ dàng bị lạc đồng thời mất luôn vị thiên thần hộ mệnh của mình giữa những trận đồ bát quái này - cũng có thể bất thình lình một đống gỗ thỏi đổ ụp xuống đầu y. Hoặc giả y có thể được cứu mạng. Mà người cứu lại chính là Koljaiczek! Koljaiczek có thể vớt ông chủ mới của xưởng cưa bị thần hộ mệnh bỏ rơi từ dưới sông Pripet hay sông Bug, hoặc vào giây phút chót, có thể kéo giật Dückerhoff lại, vừa vặn tránh khỏi đống gỗ thỏi để ập xuống. Thật đẹp đẽ nếu lúc này tôi có thể thuật lại cái cảnh Dückerhoff suýt chết đuối hoặc thiếu nước nát nhừ người, thở không ra hơi, một thoáng bóng của tử thần còn vương trong ánh mắt, thì thầm vào tai người đội tên Wranka: “Cảm ơn Koljaiczek, cảm ơn!” rồi sau một quãng ngừng bắt buộc:
“Thế là hai ta dứt nợ với nhau... Cho qua nhé!”
Và với một nụ cười bối rối đượm vẻ thân ái thô kệch, họ nhìn thẳng vào tròng mắt nhau, mi chớp vội như để giấu một giọt lệ, trước khi sượng sùng xiết chặt bàn tay chai sạn của nhau.
https://thuviensach.vn
Chúng ta đã từng thấy cảnh này diễn xuất tuyệt hảo, quay tuyệt hảo trong nhiều phim: cuộc hoà giải giữa hai ngươi anh em thù địch, từ nay trở thành chiến hữu suốt đời, chia sẻ ngọt bùi cay đắng qua mọi gian lao nguy hiểm.
Nhưng Koljaiczek không kiếm được cơ hội nào để dìm chết Dückerhoff, cũng chẳng có dịp kéo giật y khỏi lưỡi hái của thần chết thể hiện dưới dạng thác gỗ đổ ầm ầm. Dückerhoff, một mực lo toan cho lợi ích của xưởng, chỉ mải mốt mua gỗ ở Kiev, giám sát việc đóng số gỗ ấy thành chín bè và, theo cổ lệ, phát thưởng cho đám thợ bè bằng tiền Nga để chi dùng trên đường về rồi đáp xe lửa đi xuyên Warsaw, Modlin, Deutsch - Eylau, Marienburg và Dirschau trở về cơ sở của mình; đó là một xí nghiệp cưa ở cảng gỗ nằm giữa các bãi đóng tàu Klawitter và chichau.
Trước khi theo đám thợ bè từ Kiev xuyên qua kênh đào xuôi các dòng sông và cuối cùng, tới sông Vistula sau nhiều tuần làm việc vất vả, tôi cần phải ngẫm lại xem Dückerhoff có chắc là đã nhận ra tên phóng hoả Koljaiczek trong cái lốt của Wranka hay không. Tôi đồ rằng chừng nào còn ở trên tàu kéo cùng với anh chàng Wranka hiền lành, chăm chỉ, được mọi người yêu mến tuy hơi đần, tay chủ xưởng rất muốn tin rằng người bạn đồng hành ấy không phải là kẻ liều mạng Koljaiczek. Hy vọng ấy chỉ từ bỏ y khi đã đàng hoàng yên vị trên xe lửa. Và khi xe lửa về tới đích, tức là nhà ga trung tâm Danzig, Dückerhoff đã đi đến quyết định. Y thuê một cái xe chở riêng hành lý về nhà rồi tay không, thoăn thoắt đi tới đồn cảnh sát gần đấy bên bờ sông Wiehenwall, phốc qua các bậc thềm của cửa chính và, sau một lúc bồn chồn tìm kiếm, vào trúng cái văn phòng cần vào để trình một báo cáo ngắn nêu toàn sự việc. Y không đích thị tố cáo Koljaiczek - Wranka, mà chỉ yêu cầu làm sáng tỏ vụ này và cảnh sát hứa sẽ truy cứu.
Trong nhiều tuần sau đó, trong khi đám gỗ cùng những lều sậy và thợ bè trên đó tiếp tục xuôi dòng, y còn đến nhiều văn phòng, viết kín nhiều trang giấy nữa.
https://thuviensach.vn
Trước hết, có hồ sơ quân dịch của binh nhì Joseph Koljaiczek thuộc trung đoàn pháo binh dã chiến X. miền Tây Phổ. Gã lính trơn này đã hai lần bị giam ba ngày ở bót cảnh sát vì đã hô những khẩu hiệu vô chính phủ bằng tiếng Đức pha tiếng Ba Lan trong cơn say. Những vết nhơ đó không hề thấy trong lý lịch của hạ sĩ Wranka phục vụ trong trung đoàn khinh kỵ cận vệ 2 đóng tại Langfuhr. Anh chàng Wranka đã từng chói sáng vinh quang: là liên lạc viên tiểu đoàn trong những cuộc tập trận lớn, anh ta đã gây ấn tượng tốt với Thái tử; vốn luôn luôn có sẵn tiền trong túi, ngài bèn thưởng cho Wranka một đồng thaler [3]. Đồng thaler này không được ghi trong hồ sơ quân dịch của hạ sĩ Wranka, mà do chính bà ngoại Anna của tôi rền rĩ nêu ra khi bà bị hỏi cung cùng với ông anh Vincent.
Và đó không phải là lý lẽ duy nhất bà đưa ra để phản bác lời cáo giác vô căn cứ tội phóng hoả. Bà còn trình ra nhiều giấy tờ xác minh rằng ngay từ năm 1904, Joseph Wranka đã xung vào đội cứu hoả tình nguyện ở Danzig - Niederstadt, rằng trong những ngày đông tháng giá, khi cánh thợ bè nghỉ dài, ông đã tham gia dập tắt nhiều đám cháy lớn nhỏ. Lại có cả một giấy chứng chỉ xác nhận rằng hồi xảy ra vụ cháy lớn ở ga xe lửa Troyl vào năm 1909, anh lính cứu hoả Wranka, chỉ nghe theo lòng can đảm của mình, không những đã dập tắt được lửa mà còn cứu thoát hai thợ cơ khí tập sự.
Đại uý cứu hoả Hecht, được mời đến làm chứng, cũng phát biểu theo tinh thần đó. Và ông ta rút ra kết luận sau đây, được ghi lại trong biên bản: “Làm sao anh ta, người đã anh dũng chiến thắng lửa, lại có thể là kẻ phóng hoả cho được? Chao, tôi vẫn còn thấy hình ảnh anh ta đứng trên chiếc thang cứu hoả khi nhà thờ Heubude đang cháy đùng đùng! Từ tro và lửa bước ra như Phượng Hoàng tái sinh, anh ta không những đã dập tắt lửa mà còn xoa dịu vết bỏng của thế gian, làm nguôi cơn khát của Thượng Đế! Tình thật, tôi xin nói với các vị: kẻ nào bôi nhọ thanh danh của người mang chiếc mũ cứu hoả, cái kẻ được ưu tiên nhường đường ở các ngã tư, cái kẻ được các hãng bảo hiểm trân trọng. Cái kẻ luôn luôn có trong túi một dúm tro hoặc để làm bùa, hoặc vì lý do nghề nghiệp, cái kẻ định tố cáo con Phượng Hoàng rực rỡ
https://thuviensach.vn
kia phạm tội đốt nhà, tôi xin nói thẳng, kẻ đó đáng bị buộc một hòn đá vào cổ quăng xuống... ”
Đại uý Hecht, như các bạn hẳn đã nhận thấy, là một cha xứ, một nhà hùng biện; mỗi chủ nhật, ông lên giảng đài nhà thờ giáo xứ St. Barbara ở Langgarten và trong suốt thời gian điều tra vụ Koljaiczek - Wranka, ông không ngừng oanh tạc các tin đồ của mình bằng những ngụ ngôn về người lính cứu hoả nhà trời và con quỷ đốt đền của địa ngục.
Nhưng vì đám thanh tra của đội cảnh sát hình sự không đến St. Barbara nghe giảng đạo và vì đối với họ, cái từ Phượng Hoàng có vẻ như một sự khi quân hơn là một minh oan cho Wranka, nên người ta coi những hoạt động của Wranka trong đội cứu hoả tình nguyện như một căn cứ phụ để buộc tội.
Người ta thu thập chứng cứ từ các xưởng cưa, từ nơi sinh của cả hai người: Wranka ra đời ở Tuchel còn Koljaiczek thì chôn nhau cắt rốn tại Thorn. Đem khớp những lời khai của những thợ bè lớn tuổi và bà con xa của hai người, thì trật ra những mâu thuẫn nhỏ. Già néo đứt dây. Khi tiến trình điều tra đến đoạn này thì con bè lớn bắt đầu vào lãnh thổ Đức; từ Thorn trở đi, nó bị bí mật giám sát và các thủy thủ lên bờ đều bị theo dõi.
Mãi sau khi đi qua Dirschau, ông ngoại tôi mới nhận thấy mình “có đuôi”. Ông vẫn chờ đợi thế. Tuồng như một trạng thái mụ mẫm sâu xa mấp mé chứng suy nhược thần kinh đã ngăn ông “cắt đuôi” ở quãng gần Letzkau hoặc Käsemark; ở cái vùng ông thuộc như lòng bàn tay này, với sự đồng loã của một vài tay thợ bè tận tình, ông thừa sức làm được điều đó. Từ Einlage trở đi, khi những bè gỗ va đập nhau từ từ trôi vào sông Vistula - Chết, một tàu đánh cá với đoàn thủy thủ đông quá mức cần thiết liền áp sát theo, cố gắng một cách lộ liễu để tỏ ra không lộ liễu. Ngay sau khi qua Plehnendorf, hai chiếc xuồng máy của cảnh sát cảng vụt lao ra từ đám sậy ven bờ và bắt đầu rẽ sóng tới lui trên làn nước càng gần đến cảng càng lợ của sông Vistula - Chết. Vòng vây cảnh sát vận đồng phục xanh lơ bắt đầu từ bên kia cây cầu dẫn tới Heubude và dăng khắp các bãi gỗ trông sang Klawitter, các xưởng
https://thuviensach.vn
đóng tàu nhỏ, cảng gỗ trải dài đến tận sông Mottlau, các cầu bến của các xưởng cưa, kể cả cầu tàu của công ty ông nơi gia đình đang chờ ông; khắp nơi đều thấy những bộ đồng phục xanh lơ; khắp nơi trừ Schichau, nơi đang tưng bừng cờ xí: hình như ngưòi ta chuẩn bị hạ thủy một con tàu. Những đám đông náo nức, cả những con hải âu cũng náo nức. Lễ chào mừng ai vậy? Chào mừng ông ngoại tôi?
Ông ngoại tôi trông thấy cảng gỗ đầy những bộ đồng phục xanh. Những chiếc xuồng máy xiết hẹp thêm những vòng lượn đồng tâm và hắt những con sóng qua mặt bè. Ông hiểu tại sao người ta lại tổ chức những cảnh tốn kém này. Bấy giờ - và chỉ đến bấy giờ - nhịp tim xưa của kẻ phóng hoả trong ông mới bắt đầu đập trở lại. Ông khạc gã Wranka nhu mì ra, trút cái lốt cứu hoả tình nguyện, nôn phứt đi cái tật nói lắp và bỏ chạy, chạy miết trên các bè gỗ, trên những bề mặt rộng bập bênh, chân trần trốn chạy trên một thứ sàn gồ ghề, từ thoi gỗ này sang thoi gỗ khác, nhằm hướng Schichau, nơi phất phới cờ xí, nơi đang tưng bừng lễ hạ thủy với những diễn văn hoa mỹ, nơi không có ai hô bắt Wranka hay Koljaiczek. Chỉ còn mấy bước nữa, chỉ còn mấy thoi gỗ nữa thôi. Schichau kia rồi, ở đó người ta đang tuyên bố đại loại như: Ta đặt tên ngươi là TĐV [4] Colombus, chạy tuyến châu Mỹ, hơn bốn mươi ngàn tấn, ba mươi ngàn mã lực, phòng ăn hạng nhất và hạng hai, Tàu của Đức Vua, nhà bếp bên mạn tàu, phòng tập thể dục lát đá hoa, thư viện, tuyến châu Mỹ, Tàu của Đức Vua, thiết bị thăng bằng hiện đại, cầu dạo mát, Heil dir imSiegerkranz [5], cờ hiệu của cảng căn cứ. Hoàng tử Heinrich đứng cầm lái. Ông ngoại Koljaiczek tôi chạy chân trần hầu như không chạm các thoi gỗ, chạy về phía ban nhạc kèn đang tấu vang lừng, một đất nước có những hoàng tử như thế, từ bè này sang bè kia, dân chúng tung hô: Heil dir im Siegerkranz và tất cả các còi của các xưởng đóng tàu và các tàu đậu ở cảng, tàu kéo và du thuyền đều rúc, Colombus, châu Mỹ, Tự Do, và hai chiếc xuồng máy vẫn rượt theo ông, vui như điên, từ bè này sang bè kia những cỗ bè của Đức Vua, và chặn, đường rút của ông, tiếc thay, không còn vui chơi được nữa rồi, ông đứng một mình trên bè gỗ, và ông đã nhìn thấy châu Mỹ, nhưng những chiếc
https://thuviensach.vn
xuồng máy lại chắn ngang. Không còn cách nào khác ngoài việc lao xuống nước và thế là người ta thấy ông ngoại tôi bơi về phía một bè gỗ đang trôi vào dòng sông Mottlau. Những chiếc xuồng máy buộc ông phải nhào xuống và lặn dưới nước và đoàn bè gỗ lướt trôi bên trên ông và cứ thế lướt đi không ngừng, bất tận, bè này sinh ra bè kia, bè của bè của người, tiếp nối vĩnh viễn đời đời chẳng cùng, bè.
Những chiếc xuồng máy tắt “ga”. Những con mắt ráo riết rà khắp mặt sông. Nhưng Koljaiczek đã biến mất tăm, rời xa ban nhạc kèn, rời xa còi xưởng còi tàu chuông tàu, rời xa tàu của Đức Vua, bài diễn văn khánh thành của hoàng tử Heinrich và những con hải âu ngơ ngác, lời tung hô Heil dir im Siegerkranz và xà phòng đen của Đức Vua dùng để chà cho trơn đường của tàu Đức Vua, rời xa châu Mỹ và tàu Coumbus, rời xa đám cảnh sát truy đuổi và xin đủ đoàn bè gỗ trôi hoài trôi huỷ vô cùng tận.
Chẳng ai tìm thấy xác ông ngoại tôi. Mặc dầu tin chắc rằng ông đã chết chìm dưới các bè gỗ, ý thức tôn trọng toàn bộ sự thật vẫn buộc tôi phải trình thuật một số diễn giải khác cho rằng ông đã thoát hiểm một cách kỳ diệu.
Chẳng hạn, một số người nói rằng trong khi kẹt dưới đoàn bè, ông đã tìm ra một khoảng trống giữa những thoi gỗ, vừa đủ rộng để ông có thể thò hai lỗ mũi lên khỏi mặt nước, song phần trên lại đủ hẹp để che mắt bọn cảnh sát vẫn tiếp tục lùng sục từng chiếc bè cùng những lều sậy trên đó cho đến tối mịt. Rồi nhờ bóng đêm che chở - họ kể tiếp - ông tự phó mặc cho dòng nước cuốn đi cho đến lúc, kiệt lực nhưng còn sót chút may mắn, ông dạt vào khu vực xưởng đóng tàu Schichau ở bờ bên kia sông Mottlau; ở đó, ông tìm được một chỗ trú trong kho chứa sắt vụn; về sau, có lẽ nhờ sự giúp đỡ của mấy thủy thủ Hy Lạp, ông lọt được lên một trong những con tàu chở dầu nhớp nhúa đã từng chứa chấp nhiều kẻ trốn chạy.
Theo một diễn giải khác: KoỊjaiczek là tay bơi cự phách lại có buồng phổi đặc biệt, nên chẳng những đã luồn vô tư dưới lớp bè mà còn lặn ngầm qua cả chiều ngang sông Mottlau tới bãi của xưởng đóng tàu Schichau, ở đó
https://thuviensach.vn
ông lẳng lặng trà trộn vào đám đông phấn khích dự hội, hoà chung tiếng hô vang Heil dir in Siegerkranz, cùng hoan hô bài diễn văn của hoàng tử Heinrich. Rồi, lễ hạ thủy kết thúc thắng lợi, quần áo đã gần khô, Koljaiczek cùng với mọi người rời đám hội. Ngay tối hôm đó - đến đây, lại trùng hợp với dị bản thứ nhất - ông bí mật chuồn lên được con tàu chở dầu Hy Lạp nổi tiếng về thành tích bất hảo đó.
Để cho trọn vẹn, xin kể thêm một câu chuyện hoang đường thứ ba nữa: ông ngoại tôi, như một khúc củi rều, cứ thế trôi tuột ra biển, được mấy người dân chài vùng Bohrsack vớt lên rồi giao cho một tay đánh cá khơi người Thụy Điển ở ngoài vùng ba hải lý quy định. Sau đó, như thể do một phép mầu, ông bình phục và tới được Malmo, vân vân và vân vân.
Tất cả những cái đó chỉ là tào lao, là chuyện gẫu của đám dân chài. Tôi cũng chẳng mảy may tin những lời khai của các nhân chứng gọi là mục thị - loại này có thể gặp ở khắp các hải cảng trên thế giới, họ xưng xưng nói là đã thấy ông ngoại tôi ở Buffalo (Mỹ) ít lâu sau Thế chiến thứ nhất dưới cái tên Joe Colchic, nhà kinh doanh nhập khẩu gỗ từ Canada, có cổ phần trong nhiều nhà máy diêm, người sáng lập ra nhiều công ty bảo hiểm hoả hoạn. Một triệu phú sống cô độc trong một nhà chọc trời, ngự sau một cái bàn giấy kếch xù, mười ngón tay đầy nhẫn kim cương rực màu lửa, huấn luyện cho gã vệ sĩ vận đồng phục lính cứu hoả đi đều bước một - hai một - hai, hát bằng tiếng Ba Lan và được mệnh danh là Cận vệ của Phượng Hoàng - họ mô tả ông ngoại tôi như vậy.
Chú thích:
[1] Tương truyền tấm hình Đức Mẹ Đồng Trinh trong một nhà thờ tu viện ở Czestochowa là do chính Thánh Luke vẽ và đã phát huy phép màu giải được một cuộc bao vây của quân Thụy Điển trong thế kỷ 17. Nơi đây trở thành một trong những đền đài miếu mạo nổi tiếng nhất ở Ba Lan, hiện nay hằng năm vẫn thu hút hàng đoàn người hành hương.
https://thuviensach.vn
[2] Màu cờ Ba Lan.
[3] Tiền Đức bằng bạc.
[4] Tàu của Đức Vua.
[5] Xin chào Người dưới vòng nguyệt quế chiến thắng.
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Bướm Và Đèn
Một con người từ bỏ tất cả, băng qua đại dương, tới Mỹ và trở nên giàu có. Thôi được, về ông ngoại tôi như thế là tạm đủ, bất kể ta gọi ông là Goljaczek (theo tiếng Ba Lan), Koljaiczek (theo tiếng Kashubes) hay Colchic (theo tiếng Mỹ).
Với một cái trống thiếc tầm thường bán đầy ở quầy đồ chơi các cửa hàng bách hoá tống hợp, thật chẳng dễ gì mô tả cho sinh động những đoàn bè gỗ trôi đầy sông đến tận chân trời. Tuy nhiên, tôi đã dùng tiếng trống gợi lên được hình ảnh khu cảng gỗ với hàng mớ củi rều lềnh bềnh trong vịnh hoặc mắc vào những đám sậy, tái tạo được những bến hạ thủy của các xưởng đóng tàu Schichau và Klawitter, kho chứa sắt vụn của nhà máy toa xe, bãi thải cùi dừa khô thối hoắc của nhà máy macgarin, tất cả các ngóc ngách của cái cù lao bến cảng này mà tôi thuộc như lòng bàn tay.
Ông chết rồi, ông không hề trả lời, không tỏ ra quan tâm chút nào đến các cuộc hạ thủy những con tàu nhà vua, đến sự suy sụp của một con tàu bắt đầu ngay từ lúc hạ thủy và đôi khi kéo dài suốt hai, ba chục năm, cụ thể là trường hợp của TĐV Columbus có dạo được gọi là niềm kiêu hãnh của hạm đội; dĩ nhiên, người ta đưa nó vào chạy tuyến châu Mỹ và về sau nó bị đánh chìm hoặc tự đánh chìm bằng cách đục thủng đáy, trừ phi có thể nó đã được đưa lên đà để cải biến, thay tên hoặc thải bỏ. Cũng có thể con tàu Columbus ấy, bắt chước ông ngoại tôi, chỉ nhào xuống nước và đến tận hôm nay cả cái khối bốn mươi tấn ấy với phòng ăn, phòng tập thể dục lát đá hoa, bể bơi và các phòng mát xa vẫn còn vật vờ đâu đó tận sáu ngàn mét dưới đáy vụng Philppin hay Emden; ta có thể kiểm tra điều này trong sách “Weyer” hay trong các lịch hàng hải. Tôi cho rằng con tàu Columbus - thứ nhất hoặc thứ
https://thuviensach.vn
hai - đã tự đánh chìm bởi lẽ vị thuyền trưởng không còn mặt mũi nào tiếp tục sống sau một vết nhơ nào đó trên màu hạm kỳ.
Tôi đã đọc cho Bruno nghe đoạn kể về đoàn bè rồi yêu cầu y hãy thật khách quan trả lời câu hỏi của tôi.
“Một cái chết đẹp!” Bruno kêu lên phấn khích và ngay lập tức, với những đoạn dây xoắn nút, y bắt tay vào thể hiện hình tượng ông ngoại tôi chết chìm thành một sáng tác mới. Tôi đành bằng lòng với câu trả lời của y và từ bỏ những dự định ngông cuồng tìm đường sang châu Mỹ hòng kiếm chác chút của thừa tự.
Hai bạn tôi, Klepp và Vittlar, đến thăm tôi. Klepp mang đến một đĩa nhạc jazz: King Oliver cả hai mặt. Vittlar, với những cử chỉ điệu đàng, biếu tôi một quả tim bằng sôcôla tết một dải nơ hồng. Họ làm trò hề đủ kiểu, nhái lại nhiều cảnh trong vụ án của tôi và để làm vừa lòng họ, tôi làm bộ vui vẻ như những lần thăm hỏi khác, thậm chí còn cười tán thưởng những câu đùa ngớ ngẩn nhất. Trước khi Klepp kịp mở đầu bài thuyết trình tất yếu của hắn về quan hệ giữa nhạc jazz và chủ nghĩa Mác, tôi tranh thủ kể câu chuyện của tôi về người đàn ông bị kẹt dưới một đoàn bè gỗ dài bất tận, không thoát ra nổi; chuyện xảy ra vào năm 1913, không lâu trước khi cuộc chiến bắt đầu và không ai tìm thấy xác ông ta đâu cả.
Đáp lại những câu hỏi mà tôi đặt ra một cách thoải mái tự nhiên với giọng ngán ngẩm ra mặt, Klepp xoay cái bộ mặt phụng phịu trên cái cổ núng nính mỡ, cởi khuy áo rồi lại cài vào, làm ra cách đang bơi như thể
chính hắn đang ở dưới bè vậy. Cuối cùng, hắn lắc đầu thoái thác và viện lẽ mới đầu giờ chiều, còn quá sớm để trả lời câu hỏi của tôi.
Vittlar thì ngồi cứng đơ, trong khi bắt chéo chân vẫn thận trọng không để nhàu những nếp “li” của chiếc quần kẻ sọc nhỏ, phô cái vẻ cao ngạo kỳ lạ chỉ có thể thấy ở những thiên thần nhà trời. “Tớ ở trên bè. Tớ thấy ở trên bè là tốt. Phiền một nỗi bị muỗi đốt. Tớ ở dưới gầm bè. Cũng tốt. Chẳng có
https://thuviensach.vn
con muỗi nào đốt tớ. Thật dễ chịu. Tớ nghĩ tớ có thể sống thoải mái dưới gầm bè miễn là không muốn ở trên bè để bị muỗi đốt.”
Vittlar dừng lại một lát để gây hiệu quả, nhìn kỹ tôi từ đầu đến chân rồi, nhướn cặp lông mày vốn đã khá cao như mỗi lần hắn muốn ra bộ giống một con cú mèo và nhấn giọng theo cách rất tuồng: “Tớ đồ rằng người chết đuối
dưới gầm bè, nếu không phải là ông ngoại cậu, thì cũng là ông chú cậu. Cảm thấy có nghĩa vụ đối với cậu trong tư cách là ông chú và, hơn thế nữa, là ông ngoại, ổng thà chết còn hơn vì không gì khổ hơn cho cậu là có một vị ông ngoại còn sống. Do vậy cậu không những là kẻ giết ông chú cậu mà còn là kẻ giết ông ngoại cậu. Tuy nhiên, như mọi đấng ông ngoại chân chính, ổng muốn phạt cậu một tí, ổng không cho cậu niềm thoả mãn được hãnh diện chỉ vào một cái xác trương phềnh nước mà rằng:
‘‘Hãy nhìn ông ngoại tôi chết đây này. Đó là một vị anh hùng! Ông đã lao mình xuống nước khi bọn chúng truy đuổi ông. Ông ngoại cậu đã giấu biệt xác của mình đi không cho ai thấy. Tại sao? Để cho hậu thế và thằng cháu ngoại của mình còn phải băn khoăn bận tâm về ổng dài dài.”
Rồi vụt đổi giọng, ra bộ ranh mãnh, hắn hơi ngả người về phía trước, vỗ về: “Châu Mỹ! Vui lên đi, Oskar! Cậu có một mục đích, một sứ mệnh trong đời. Cậu sẽ được trắng án, được thả. Và cậu sẽ đi đâu nếu không phải là châu Mỹ, nơi mà người ta có thể tìm thấy lại mọi thứ, kể cả một người ông bị mất tích!”
Câu trả lời của Vittlar, tuy đầy ý giễu cợt, thậm chí xúc phạm, vẫn cho tôi cảm giác xác thực hơn là cái kiểu dấm dẳn của Klepp bạn tôi, cứ lập lờ giữa sống và chết chẳng chút phân định rạch ròi, và hơn cả câu trả lời của gã y tá Bruno nữa; gã này thấy cái chết của ông ngoại tôi là đẹp chỉ vì một lý do
duy nhất: ít bữa sau khi ông tôi mất, con tàu Columbus được hạ thủy. Cầu Chúa ban phước cho cái châu Mỹ của Vittlar, nơi bảo tồn những người ông, mục đích và lý tưởng mà tôi có thể vịn vào để vươn dậy nếu một ngày nào đó, chán châu Âu, tôi định quẳng cả trống lẫn bút: “Tiếp tục viết đi, Oskar,
https://thuviensach.vn
hãy làm thế vì ông ngoại Koljaiczek của cậu, vị tỷ phú chán sống, nhà buôn gỗ ở Buffalo, ở Mỹ, người chơi nghịch diêm trong toà nhà chọc trời của mình!”
Khi, cuối cùng, Klepp và Vittlar chào và ra về, Bruno bèn thông gió triệt để cho căn phòng nhằm xua hết cái mùi khó ngửi của các bạn tôi. Rồi tôi lại vớ lấy trống, nhưng tôi không kể về những thỏi gỗ bè giấu tử thi nữa; tôi gióng lên cái tiết tấu nhanh, hoạt mà mọi người phải nhất nhất hoà nhịp theo trong một thời gian dài từ sau tháng Tám năm 1914 ấy. Điều đó khiến tôi chỉ có thể nói qua loa về quãng đời, cho tới cái giờ tôi lọt lòng, của cái nhóm nhỏ dăm ba người chịu tang mà ông tôi để lại bên châu Âu.
Khi Koljaiczek mất tích dưới đoàn bè. Bà ngoại tôi cùng con gái là Agnès, ông Vincent Bronski cùng con trai là Jan bấy giờ mới bảy tuổi, đang đứng trên bến bãi xưởng cưa, giữa đám họ hàng bà con cánh thợ bè, lo lắng theo dõi. Đứng né một chút bên cạnh là Gregor, ông anh trai của Joseph, người được gọi lên tỉnh để thẩm vấn. Ông Gregor này bao giờ cũng sắp sẵn vẫn một câu bất di bất dịch để trả lời cảnh sát:
“Tôi chả biết gì mấy về em trai tôi. Thực tình, tôi chỉ biết tên nó là Joseph. Lần cuối cùng tôi gặp nó, có lẽ nó chỉ mới mười hoặc mười hai tuổi là cùng. Nó thường đánh giày cho tôi và đi mua bia mồi khi mẹ tôi và tôi muốn uống bia.”
Mặc dù nhờ đó người ta có thể xác định được rằng cụ cố bà tôi vốn thích uống bia, câu trả lời của Gregor vẫn chẳng giúp gì cho cảnh sát. Song sự hiện hữu của ông anh trưởng Koljaiczek lại là một hỗ trợ lớn cho bà ngoại tôi. Ông Gregor đã sống đa phần cuộc đời ở Stettin, Berlin, rồi cuối cùng ở Schneidemÿhl, lưu trú tại Danzig, kiếm được việc làm ở nhà máy thuốc súng và sau một năm, khi mọi rắc rối, như cuộc hôn nhân của bà tôi với người mạo danh Wranka, đã được làm sáng tỏ, ông bèn cưới bà; bà vẫn thiết tha với dòng họ Koljaiczek và ắt sẽ không lấy ông Gregor, hoặc chỉ ít cũng không sớm thế, nếu ông không phải là một người mang họ Koljaiczek.
https://thuviensach.vn
Nhờ làm việc ở nhà máy thuốc súng mà Gregor không phải đi lính trong thời bình cũng như thời chiến sau này. Ba người vẫn ở trong cái căn hộ một gian rưỡi đã từng bao năm là chỗ nương náu của kẻ phạm tội phóng hỏa. Nhưng rồi hóa ra không phải mọi người mang họ Koljaiczek đều nhất thiết phải giống nhau, vì sau một năm chung sống, bà tôi buộc phải thuê một cửa hàng dưới tầng hầm một chung cư ở Troyl và kiếm thêm đồng rau đồng cháo bằng cách bán tạp phẩm, từ kim găm đến cải bắp, vì Gregor, tiếng rằng kiếm hàng đống tiền ở nhà máy thuốc súng, nhưng được bao nhiêu đều uống sạch trơn, không mang về nhà đến cả khoản tối thiểu cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Khác với ông ngoại Joseph của tôi thi thoảng mới làm một tợp rượu mạnh, Gregor là một tay Lưu Linh thực sự, có lẽ bởi “gien” cụ cố bà tôi. Ông uống không phải vì buồn, cũng chẳng phải vì vui. Ngay cả khi ông có vẻ hoan hỉ - một điều hiếm thấy vì ông vốn mắc chứng sầu bi - ông cũng không uống vì vui. Ông uống vì ông là một người triệt để, thích đi đến cùng kiệt sự vật, với be rượu cũng như với mọi thứ khác. Bình sinh, chưa ai từng thấy Gregor Koljaiczek tha cho một giọt rượu nào còn nằm ở đáy cốc.
Mẹ tôi, hồi đó là một cô gái bầu bĩnh mười lăm tuổi, ngoài công việc nội trợ trong nhà, còn đỡ đần bà tôi ở cửa hàng - dán tem phiếu vào sổ cái, phục vụ khách hàng vào những ngày thứ bảy và viết những bức thư vụng về nhưng giàu tưởng tượng độc đáo để thúc các khách nợ thanh toán. Tiếc rằng tôi không còn giữ được bức nào trong số đó. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tôi có thể trích dẫn ra đây một vài lời kêu than đau đớn đẩy chất nhi nữ từ những bức thư đó của mẹ tôi - xin nhớ mẹ tôi hầu như mồ côi vì ông Gregor còn xa mới đạt tới tư cách hoàn hảo của một ông bố dượng. Quả thật, bà tôi và mẹ tôi phải hết sức vất vả mới giấu được cái “két” - gọi thế cho sang, chứ thực ra chỉ là hai cái đĩa sắt tây úp vào nhau trong đó chỉ có mấy đồng bạc còn chủ yếu là tiền đồng - khỏi con mắt cú vọ thèm khát và rầu rầu, rất Koljaiczek, của lão thợ làm thuốc súng. Chỉ đến năm 1917, khi Gregor Koljaiczek chết vì bệnh sốt rét, phần lãi của cửa hàng mới tăng lên chút
https://thuviensach.vn
đỉnh, nhưng cũng chả được bao nhiêu: thử hỏi, vào cái năm 17 ấy thì còn có gì mà bán với chác?
Căn phòng nhỏ - trống vắng từ khi ông thợ làm thuốc súng chết, vì mẹ tôi, vốn sợ ma, nhất định không chịu ở đó - về sau được xếp cho anh họ mẹ tôi là Jan Bronski hồi đó vừa hai mươi tuổi; sau khi tốt nghiệp trường trung học ở Karthaus và qua một thời gian tập sự ở trạm bưu diện huyện, Jan rời
Bissau và cha để đi lập nghiệp với tư cách là viên chức Sở bưu chính Danzig-I. Ngoài chiếc va-li, Jan mang theo một bộ sưu tập tem đồ sộ góp nhặt từ hồi bé thơ. Quý vị thấy đó, sự gắn bó của ông với bưu chính vượt xa mối quan tâm nghề nghiệp; thực vậy, ông có một thứ tình cảm ân cần riêng tư đối với ngành hành chính này. Chàng thanh niên lẻo khoẻo với dáng đi lòng khòng này, bù lại, có một khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, có lẽ hơi quá dịu dàng và đôi mắt đủ xanh để khiến mẹ tôi - bấy giờ đã mười bảy - phải lòng. Đã ba lần Jan ra trước hội đồng tuyển quân, nhưng lần nào cũng bị trả về vì gầy yếu đến thảm hại. Điều này nói lên quá rõ thể chất của Jan Bronski bởi hồi đó mọi kẻ thuộc giống đực còn tàm tạm đứng thẳng được đều bị dồn xuống tàu chở đến Verdun để chuyển tư thế từ thẳng đứng sang nằm ngang vĩnh viễn.
Chuyện huê tình của họ hẳn đã bắt đầu khi hai mái đầu trẻ kề bên nhau cùng xem những cuốn album tem, cùng ngắm nghía đường răng cưa và hình soi của những chiếc tem quý. Trong thực tế, nó bùng nổ khi Jan bị gọi tuyển lính lần thứ tư. Mẹ tôi, có việc lên tỉnh, đã theo ông đến tận quân khu và đứng chờ bên ngoài chòi gác của một tay dân quân. Hai người đã nhất trí với nhau rằng lần này Jan phải đăng lính bằng mọi giá để được đưa sang Pháp, ở đó không khí nổi tiếng là chứa nhiều thành phần sắt và chì có thể sẽ chữa lành hai lá phổi ọp ẹp của Jan. Có lẽ mẹ tôi đã đếm đi đếm lại số khuy trên bộ đồng phục của tay dân quân và mỗi lần kết quả một khác. Tôi có thể dễ dàng hình dung hàng khuy của mọi bộ quân phục đều được sắp xếp sao cho khi đếm đến chiếc cuối cùng bao giờ cũng là Verdun, là
https://thuviensach.vn
Hartmannsweilerkopt, hoặc một dòng sông nhỏ nào đó, sông Somme hay sông Marne.
Khi, sau ngót một tiếng đồng hồ, gã thanh niên tuyển lính-bốn-lần không-đắt, ra khỏi cổng quân khu, lao xuống các bậc thềm và ôm chầm lấy cổ mẹ tôi mà thì thầm cái câu rất êm tai hồi đó: “Đằng trước đằng sau đều không đạt. Trả về. Cho hoãn một năm!” thì lần đầu tiên mẹ tôi ghì chặt Jan Bronsski trong vòng tay và tôi không chắc có bao giờ họ hạnh phúc hơn thế trong vòng tay nhau.
Tôi không biết những chi tiết của mối tình thời chiến ấy. Jan bán một phần bộ sưu tập tem để thỏa mãn những yêu cầu của mẹ tôi, người vốn rất nhạy cảm với tất cả những gì hợp thời trang, đẹp và đắt tiền; nghe nói ông có một cuốn nhật ký mà tiếc thay, lại thất lạc mất. Xem ra bà ngoại tôi đã dung thứ cho mối quan hệ của đôi trẻ - rõ ràng vượt xa ranh giới tình cảm
họ hàng - vì Jan Bronski vẫn trú tại căn hộ chật hẹp ở Troyl cho đến một thời gian ngắn sau chiến tranh. Chàng chỉ ra đi khi sự hiện hữu của một me xừ Matzerath trở nên hiển nhiên, không thể chối cãi. Mẹ tôi hẳn đã quen me xừ này vào mùa hè năm 1918, khi bà làm y tá phụ ở bệnh viện Silberhammer gần Oliva. Alfred Matzareth, quê ở vùng Rhine, nằm viện với một viên đạn xuyên qua đùi, chẳng bao lâu, do tính tình vui nhộn vốn là bản chất của người vùng Rhine, đã trở thành đối tượng ưu ái của các nữ y tá. Mới nhúc nhắc được tí chút, ông đã lò cò ngoài hành lang, vịn tay một cô y tá nào đó, giúp việc Agnès mẹ tôi trong bếp vì chiếc mũ nữ y tá xinh xinh sao mà hợp với khuôn mặt tròn trĩnh của mẹ và vì ông vốn là người mê nấu bếp, có thể chế biến tình cảm thành xúp.
Khi vết thương lành, Alfred ở lại Danzig và kiếm ngay được chân đại diện cho một hãng văn phòng phẩm lớn ở Rhine vì ông đã làm việc ở đó từ hồi trước chiến tranh. Chiến tranh đến hồi tàn. Người ta nặn ra những hoà ước bôi bác chỉ để có cớ gây thêm những cuộc chiến tranh mới: vùng lãnh thổ quanh cửa sông Vistula - được phân giới đại khái bằng một đường chạy
https://thuviensach.vn
từ Vogelsang trên sông Nehrung dọc sông Nogar đến Pieckel, xuôi theo sông Vistula đến Czankau, cắt thẳng góc tới tận Schönfliess, vòng quanh khu rừng Saskoschin đến Hồ Ottomin, bỏ Mattern, Ramkau và vùng Bissau của mẹ tôi lại một bên và quay về Biển Baltic ở điểm KleirpKatz - được tuyên bố là một Bang tự do dưới sự kiểm soát của Hội Quốc Liên. Ngay trong địa phận bang này, Ba Lan được một cảng miễn thuế: cảng Westerplatte gồm cả kho đạn dược, sở hỏa xa và một nhà bưu điện riêng trên Quảng trường Hevelins.
Trong khi tem bưu chính của Bang tự do loè loẹt những màu vàng, đỏ của huy hiệu phường buôn thì những người Ba Lan dán trên bì thư của mình những cảnh minh họa truyền sử về Casimir [1] và Bathory [2] thuần một màu tím thê lương.
Jan Bronski theo Ba Lan nên chuyển sang làm ở Sở Bưu Chính Ba Lan. Hành động này xem ra có vẻ hồn nhiên song nhiều người lại cho đó là một phản ứng với sự không chung thủy của mẹ tôi. Năm 1920, khi Marszalek Pilsudski đánh bại Hồng quân trước cửa ngõ Vacxava, cái phép thần kỳ mà ông Vincent Bronski cho là do Đức Mẹ Mary Đồng Trinh, còn các chuyên gia quân sự thì gán cho tướng Sikorski hoặc tướng Weygand, phải, vào cái năm rất đậm nét Ba Lan ấy, mẹ tôi đính hôn với Matzerath, công dân của Đế chế Đức. Tôi đồ rằng cuộc đính hôn này chẳng làm bà ngoại tôi thích thú gì hơn bác Jan. Để lại cho con gái cái cửa hàng dưới tầng hầm ở Troyl mà bà đã gây dựng nên phát đạt, bà rút về Bissau ở với ông anh Vincent, và trên lãnh thổ Ba Lan, lại sắn váy quai cồng quản lý cái nông trại với những cánh đồng củ cải và khoai tây như thời kỳ tiền-Koljaiczek. Để cho ông anh đầy lòng biết ơn mặc sức trò chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh - Hoàng Hậu Ba Lan, bà trở lại ngồi bệt dưới đất trong bốn chiếc váy trước đống lửa mồi bằng vỏ khoai tây khô mà hấp háy mắt nhìn về phía chân trời vẫn ngắt từng đoạn bởi những cột điện báo.
https://thuviensach.vn
Mãi đến khi Jan tìm được và cưới nàng Hedwige của mình, một cô gái Kashubes sống ở thành phố nhưng vẫn có ruộng đất ở Ramkau, quan hệ giữa ông và mẹ tôi mới được cải thiện. Tình cờ gặp nhau trong một tối khiêu vũ ở tiệm cà phê Woyke, mẹ tôi giới thiệu Jan với Matzerath. Hai me xừ rất khác nhau này, song lại đồng điệu về tình cảm đối với mẹ tôi, đâm ra thích nhau, mặc dầu Matzerath vẫn thẳng thừng nhận xét bằng cái giọng đặc sệt vùng Rhineland rằng việc Jan chuyển qua sở Bưu chính Ba Lan là rồ dại.
Jan nhảy với mẹ tôi, Matzerath nhảy với nàng Hedwige cao lớn, to xương có cái nhìn không thể hiểu nổi của một con bò cái khiến người ta tưởng như cô nàng có mang thường trực.
Năm 1921, vào thời kỳ lạm phát, khi mà người ta có thể dán giấy phủ tường một căn phòng ngủ với chi phí bằng giá một bao diêm, nghĩa là bằng không, Matzerath cưới mẹ tôi. Jan là một người làm chứng, còn người kia là một nhà buôn tên là Mühlen. Về Mühlen, tôi không biết gì nhiều để kể với các bạn. Sở dĩ phải nhắc đến ông ta, chỉ là vì vào đúng thời kỳ đồng mark củng cố được đưa vào cuộc, mẹ tôi và Matzerath đã mua lại của ông ta một cửa hiệu tạp hoá xập xệ, xơ xác vì bán chịu, ở khu ngoại ô Langfuhrr. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ tích luỹ được kinh nghiệm hồi giúp việc dưới tầng hầm ở Troyl, biết cách ứng xử khéo léo với mọi loại khách hàng quen mua chịu, lại có khiếu bẩm sinh về buôn bán cộng thêm tài đối đáp linh hoạt, mẹ tôi đã vực được cái cửa hiệu sắp chết chìm phất lên đến độ Matzareth có thể từ bỏ chức vụ đại diện ngành giấy vốn chẳng phát đạt gì để giúp việc trong cửa hiệu.
Hai người bổ sung cho nhau thật tuyệt. Sự thao lược của mẹ tôi từ sau quầy hàng tương xứng với tài giao dịch của ông chồng trong giới chào hàng và bán buôn. Một điều nữa khiến cuộc hôn phối của họ càng thêm hoàn hảo: niềm đam mê của Matzerath đối với nghệ thuật nấu ăn bao gồm cả
https://thuviensach.vn
việc rửa bát đĩa - một may mắn lớn cho mẹ tôi vốn chẳng thú gì công việc bếp núc.
Căn hộ kề liền cửa hiệu đành rằng cũng chật chội và thiết kế vụng, nhưng so với điều kiện ăn ở ở Troyl (mà tôi chỉ được nghe kể lại) thì có thể xem như vào bậc trung lưu, đủ khiến cho mẹ tôi cảm thấy thỏai mái, chí ít là trong những năm đầu của đời sống vợ chồng.
Ngoài cái hành lang dài, hơi xệch xẹo, thường xuyên chất đống những hòm xà-phòng mảnh, còn có một gian bếp rộng cũng ngổn ngang các loại hàng như đồ hộp, bột mì, hạt lúa mạch. Trung tâm của căn hộ dưới tầng trệt là phòng khách có hai cửa sổ nhìn ra phố và một mảnh vườn nhỏ đằng trước, mùa hè được điểm tô bằng những vỏ ốc biển Baltic. Giấy dán tường đậm một màu đỏ vang, còn chiếc xôfa thì bọc bằng vải màu tía. Một cái bàn có tấm nối thêm, tròn góc, bốn chiếc ghế tựa bọc da đen và một cái bàn tròn nhỏ cho người hút thuốc không ngừng bị chuyển chỗ, đứng dạng chân trên một tấm thảm xanh lơ. Một chiếc đồng hồ đen và vàng treo giữa hai cửa sổ. Sát cạnh chiếc xôfa màu tía là chiếc piano đen, thoạt đầu thuê sau rồi mua trả góp, với chiếc ghế xoay đặt trên một tấm da thú lông dài màu trắng đã ngả vàng. Đối diện với chiếc piano là tủ buyp-phê đen với cửa kính trượt nẹp đen có trang trí hình trứng; phần dưới, đựng bát đĩa và khăn bàn, có cửa chạm trổ đầy hình quả trái, bốn chân là những móng vuốt đen xì. Trên mặt tủ, giữa chiếc cốc pha lê đựng hoa quả giả và chiếc bình xanh được giải xổ số, là một khoảng trống mà sau này, tài buôn bán của mẹ tôi đã kịp lấp đầy bằng một máy thu thanh vô tuyến màu nâu nhạt.
Phòng ngủ rực sắc vàng và nhìn ra sân của khu chung cư bốn tầng. Quý vị có tin tôi hay không thì tùy, nhưng cái vòm của chiếc giường phu thê đích thị là màu da trời và dưới ánh sáng xanh lơ đó, một tấm hình nàng Madeleine đỏ da thắm thịt nằm trong hang đá, ăn năn sám hối, phóng một tiếng thở dài lên mép trên bên phải của bức tranh và xoắn hai tay vào nhau, đôi bàn tay nhiều ngón đến nỗi người ta cứ phải đếm đi đếm lại vì ngỡ đâu
https://thuviensach.vn
như không phải chỉ có mười. Phía trước giường phu thê là tủ lớn láng trắng có hai cửa gương, bên trái, một bàn phấn nhỏ, bên phải, một tủ com-mốt mặt cẩm thạch; thiết bị ánh sáng gắn vào hai nhánh đồng treo thõng từ trần xuống, không che chụp bằng xa tanh như ở phòng khách mà bằng hai bán cầu sứ màu hồng nhạt từ đó chòi ra hai bóng đèn lung linh.
Hôm nay tôi đã khua trống suốt cả buổi sáng, hỏi nó xem những bóng điện trong phòng ngủ nhà tôi là bốn mươi hay sáu mươi oát. Đây không phải lần đầu tiên tôi đặt ra cho bản thân, cũng như cho cái trống của mình, cái câu hỏi cực kỳ quan trọng này đối với tôi. Đôi khi tôi phải mất hàng mấy tiếng đồng hồ mới quay về được với những chiếc bóng đèn ấy. Bởi vì tôi phải thoát ra khỏi cả một rừng bóng đèn bằng cách nện trống thật rền không khoa tay múa dùi và phải quên đi hàng ngàn nguồn sáng mà tôi đã nhóm, lên hay tắt đi, mới quay về được với những ánh quang của phòng ngủ nhà chúng tôi ở Labesweg.
Mẹ tôi sinh tôi ngay tại nhà. Khi bắt đầu đau đẻ, mẹ tôi còn ở cửa hàng, đang đóng đường vào những bao một “pao” và nửa “pao”. Đã quá muộn để đưa mẹ vào bệnh viện, đành phải gọi một bà đỡ lớn tuổi sắp thôi hành nghề,
ở phố Hertastrasse gần đấy. Trong phòng ngủ, bà ta giúp cho mẹ con tôi tách rời khỏi nhau.
Vậy đó, ánh sáng đầu tiên đón tôi ra đời là hai ngọn đèn điện sáu mươi oát. Chính vì thế mà bao giờ tôi cũng thấy cái câu trong Kinh Thánh: “Cầu cho ánh sáng bừng lên, và thế là ánh sáng bừng lên” là khẩu hiệu quảng cáo
đạt nhất của hãng bóng đèn Osram. Mọi sự trôi chảy, mẹ tròn con vuông, ngoại trừ điều tất yếu là vỡ đáy chậu. Tôi thoát ra khỏi tư thế lộn ngược, vốn được cả thai nhi lẫn các bà mẹ và bà đỡ ưa chuộng, để chui đầu ra trước, chẳng mấy khó khăn.
Xin nói ngay lập tức: tôi thuộc loại trẻ sơ sinh rất thính tai, với độ phát triển tâm lý hoàn chỉnh từ lúc lọt lòng, sau đó chỉ cần bổ khuyết thêm chút đỉnh. Tỉnh bơ, tôi rình ngóng những lời cha mẹ buột nói ra dưới hai bóng
https://thuviensach.vn
điện. Tai tôi cảnh giác cao độ. Đôi tai nhỏ xíu, gầy và bẹt ấy (mặc dầu vậy vẫn xinh xẻo) đã chộp được những phát biểu mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tôi bởi lẽ đó là nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi. Và những gì tai nghe được, óc bèn phân tích đánh giá tức thì. Sau khi suy ngẫm về những điều nghe lỏm được, tôi quyết dịnh một số điều cần làm và một số điều tuyệt đối không nên làm.
“Một đứa con trai. Lớn lên, nó sẽ thay chúng ta trông nom. cửa hàng,” xừ Matzerath, tưởng mình là cha tôi, nói vậy. “Chí ít chúng ta cũng biết vì sao mình đã làm lụng đến mòn vẹt mười đầu ngón tay.”
Mẹ tôi thì lo chuyện tã lót cho tôi hơn là nghĩ đến cửa hàng. “À, tôi đã biết trước là con trai mặc dù đôi khi tôi vẫn nói là thị mẹt.”
Như vậy, từ rất sớm tôi đã làm quen với cái lôgic của đàn bà. Câu tiếp theo tôi nghe được là: “Khi nào bé Oskar lên ba, bé sẽ được một cái trống thiếc để chơi.”
Trong khi cân nhắc và so sánh những lời hứa ấy của phụ mẫu, tôi quan sát và lắng nghe một con bướm đêm bay lạc vào trong phòng. Tầm cỡ trung bình và đầy lông, nó ve vãn hai cái bóng điện sáu mươi oát và hắt những cái
bóng lớn gấp bội đôi cánh dang rộng của nó, trùm lên căn phòng cùng mọi thứ bày biện trong đó một chuyển động rung rinh. Tuy nhiên điều khiến tôi quan tâm nhất không phải là trò chơi chập chờn sáng-tối, mà là tiếng rì rầm đối thoại giữa bướm và đèn: bướm ta liến thoắng như thể đang hối hả bộc bạch hết những điều mình hay biết, như thể không còn thời gian nào khác để tận hưởng những nguồn sáng này, như thể đây là lời tâm sự cuối cùng của bướm với đèn vậy. Và như thể sau sự xá tội do bóng đèn ban cho, sẽ chẳng còn dịp nào để mắc tội lỗi hoặc phạm điều rồ dại.
Ngày nay, Oskar ắt chỉ nói đơn giản là chú bướm đêm chơi trống. Tôi đã từng nghe thỏ, cáo và sóc đánh trống. Loài cóc [3] có thể dóng trống gọi mưa. Người ta nói chim gõ kiến nện trống để xua bọn sâu bọ ra khỏi chỗ trú
https://thuviensach.vn
của chúng. Còn người thì gõ thanh la, chũm choẹ và trống cái. Người ta tả súng bắn như trống dồn hoặc những hồi trống ‘‘tùng-bi-li” trên pháp trường. Người ta đánh trống tan trường, đánh trống tập hợp quân sĩ, đánh trống tiễn đưa người ra đi vĩnh viễn. Có những chú bé đánh trống và những tay trống đội trưởng quân nhạc. Có những nhạc sĩ viết concerto cho bộ dây và bộ gõ. Ấy là chưa kể những cố gắng tự thể hiện của Oskar trên trống. Nhưng tất cả những cái đó chẳng thấm tháp gì so với cuộc truy hoan trống mà chú bướm đêm đã diễn tấu trên hai chiếc bóng điện sáu mươi oát tầm thường nhân dịp tôi ra đời. Có những người da đen ở châu Phi chính cống hoặc những người đen khác ở châu Mỹ song chưa quên gốc Phi, với cái năng khiếu nổi tiếng của họ về tiết tấu, có thể bắt chước loài bướm đêm Phi châu (to hơn, đẹp hơn bướm đêm Đông Âu là cái chắc) chơi trống một cách say mê cuồng nhiệt mà vẫn quy củ chặt chẽ về nhịp phách; tôi thì chỉ có thể dựa vào tiêu chuẩn Đông Âu của mình mà ca ngợi chú bướm đêm màu phấn nâu, tầm cỡ trung bình xuất hiện vào giờ tôi sinh - đó chính là sư phụ của Oskar vậy.
Đó là vào những ngày đầu tháng chín. Mặt trời đang ở cung Xử Nữ. Một cơn dông cuối hè cuốn theo hòm xiểng, đồ đạc đang xuyên đêm tiến lại gần Sao Thủy khiến tôi có thói hay chỉ trích, sao Thiên Vương cho đầu óc tưởng tượng, sao Kim khiến tôi tin vào sự tiện nghi và sao Hỏa thì cho tôi niềm tin vào tham vọng của mình. Cung Thiên Xứng, thăng lên trong phổ hoàng đạo đầu đời nơi chân trời đằng đông, khiến tôi nhạy cảm và thích phóng đại. Sao Hải Vương nhập vào phổ hoàng đạo thứ mười, tức giữa đời, cột tôi vào một thái độ trung dung giữa niềm tin vào những điều kỳ diệu và sự vỡ mộng. Chính sao Thổ, đối lập với sao Mộc trong phổ hoàng đạo thứ ba, khiến cho nguồn gốc của tôi thành khả nghi. Nhưng ai đã phái chú bướm đêm tới và, giữa lúc một cơn dông cuối hè đang la lối như một ông hiệu trưởng trường trung học, cho phép chú gieo trong tôi niềm đam mê đối với cái trống thiếc mà mẹ đã hứa sẽ cho tôi?
https://thuviensach.vn
Trong khi bề ngoài, tôi la khóc và vào vai một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, trong bụng tôi đã quyết định chối bỏ mọi dự định của cha tôi, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến cửa hàng, mà sẽ ưu tiên xem xét kế hoạch của mẹ tôi vào đúng lúc, cụ thể là vào dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi,
Ngoài tất cả những toan tính ấy về tương lai của mình, tôi mau chóng nhận ra rằng mẹ tôi và xừ Matzerath này không đủ thông minh để hiểu và tôn trọng những quyết định, chống đối hay đồng tình, của tôi. Cô đơn, không người tri âm, Oskar nằm dưới hai bóng đèn điện và mường tượng là sự tình cứ tiếp diễn như thế này trong sáu, bảy mươi năm cho đến lúc, kết cục, một cú chập mạch làm tắt ngóm mọi nguồn sáng; thế là tôi mất hết hứng khởi ngay cả trước khi cuộc sống dưới hai bóng điện bắt đầu. Chỉ có viễn cảnh về cái trống mới ngăn được tôi khỏi bộc lộ mạnh mẽ hơn niềm khao khát muốn lộn trở về bào thai.
Vả lại, bà đỡ đã cắt cuống nhau, chẳng làm gì được nữa.
Chú thích:
[1] Vương hiệu của nhiều triều vua Ba Lan, trong đó vị đầu tiên là Casimir I (1015 - 1058) được mệnh danh là “Người Phục Hưng”, trị vì từ 1040 đến 1058.
[2] Dòng họ quý tộc Hunggary khởi đầu từ thế kỷ XIII, trong đó có thể kể Istvan Bathory (1533 - 1586) từng làm vua ở Ba Lan.
[3] Trong nguyên bản là ếch, chúng tôi đổi thành cóc cho hợp với nếp nghĩ và tín niệm của người Việt: cóc nghiến răng là trời sắp đổ mưa.
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Cuốn Album Ảnh
Tôi còn giữ được một kho báu. Suốt những năm xấu gồm toàn ngày chiếu theo lịch, tôi đã giữ gìn, cất giấu nó những lúc không giở ra xem; trong cuộc hành trình trên toa chở hàng, tôi ghì nó vào ngực và khi tôi ngủ, Oskar ngủ trên kho báu của mình: cuốn album ảnh này.
Không có cái nghĩa trang gia đình này mà nhờ đó mọi sự trở nên phân minh, rõ ràng như ban ngày, liệu tôi có thể làm gì được? Album có một trăm hai mươi trang. Trên mỗi trang, từ bốn đến sáu, hoặc đôi khi chỉ hai, tấm hình được dán cẩn thận, cái trên cái dưới hoặc cạnh nhau, phân bố đều đặn, chỗ đối xứng chỗ không, nhưng bao giờ cũng vuông thành đứng cạnh. Sách đóng bìa da, càng lâu ngày càng rõ mùi da thuộc. Đôi khi, trải mưa nắng phong sương, cuốn album của tôi bị xuống cấp, ảnh bong ra, nom thiểu não đến nỗi tôi phải vội vàng dán chúng trở lại vị trí quen thuộc.
Thử hỏi có cuốn tiểu thuyết nào hoặc giả có gì khác trên thế gian này có được cái quy mô hùng tráng như một album ảnh? Lạy Cha chúng ta trên trời - đấng amatơ không mệt mỏi chụp chúng ta từ trên cao mỗi sáng chủ nhật dưới một ánh sáng ít nhiều thuận lợi và dán chúng ta vào cuốn albumn của Ngài - cầu sao Ngài dắt tôi vững vàng đi qua cuốn album này, đừng để tôi nán lại quá lâu ở những chỗ tôi ưa thích và ngăn cái sở thích của Oskar đối với những gì vòng vèo, ngoắt ngoéo, bởi tôi thường quá ham liên hệ từ ảnh đến người thật.
Hãy thử ngó qua xem: đồng phục đủ mọi loại, thời trang và kiểu tóc thay đổi, mẹ béo ra, bác Jan bệu ra, một số người tôi không biết nhưng tôi có thể đoán được. Chà, ai chụp tấm này đấy nhỉ? Nghệ thuật quả đang xuống cấp. Phải, dần dần ảnh nghệ thuật năm 1900 đổ đốn thành thứ ảnh thực dụng
https://thuviensach.vn
ngày nay. Hãy thử so tấm hình giàu chất tượng đài của Koljaiczek ông ngoại tôi với bức ảnh căn cước của Klepp bạn tôi mà coi. Chỉ cần đặt hai cái cạnh nhau, tấm ảnh ông tôi in màu nâu và tấm ảnh căn cước bóng loáng như đang kêu xin một cái dấu triện, cũng đủ thấy công cuộc tiến bộ đã đưa ta đến đâu trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Ấy vậy mà cái ảnh cấp tập đó lại đòi hỏi cả một lô xí xộ phương tiện hiện đại! Thực ra, về điểm này, tôi phải tự trách mình nhiều hơn là đổ lỗi cho Klepp bởi vì, với tư cách là chủ nhân cuốn album, lẽ ra tôi phải giữ vững một số tiêu chuẩn nhất định chứ. Tôi biết, nếu quả có một ngày chúng ta phải nếm mùi địa ngục, một trong những tội hình ác độc nhất sẽ là nhốt vong hồn trần truồng vào một căn phòng với những tấm ảnh đóng khung thuở sinh thời của hắn. Nào, mau mau sang sề thật mùi mẫn vào: Ôi con người giữa những tấm ảnh chụp chớp nhoáng, những tấm ảnh căn cước! Ôi con người dưới ánh đèn “flash”, Ôi con người đứng thẳng bên tháp nghiêng Pisa, Ôi con người photomaton phải vểnh cái tai phải lên nếu muốn xứng đáng được một tấm ảnh căn cước! Và... mà thôi, tắt giọng mùi mẫn được rồi. Có thể cái địa ngục này còn khả dĩ chịu được bởi vì những tấm hình tồi tệ nhất mới chỉ là trong mơ chứ chưa được chụp, hoặc giả nếu chụp rồi thì cũng chưa được rửa ra ảnh.
Những tấm ảnh này của Klepp và tôi được chụp và rửa vào những ngày đầu bọn tôi ở phố Jỹlicher- strasse, khi chúng tôi kết bạn với nhau nhân một buổi cùng ăn spaghetti. Dạo ấy, tôi đang ấp ủ mộng ngao du sơn thuỷ. Có nghĩa là tôi đang buồn chán đến nỗi tôi quyết định phải làm một chuyến du lịch và muốn vậy, phải xin hộ chiếu. Nhưng vì tôi chưa đủ tiền để chi phí cho một chuyến du lịch đàng hoàng bao gồm Roma, Napoli, hay chí ít là Paris, nên tôi lại lấy làm mừng vì sự thiếu hụt tài chính đó, vì còn gì bi đát hơn là lên đường trong tình trạng hầu bao lép kẹp? Nhưng tiền đi xem phim thì đủ. Thế nên vào thời kỳ đó, Klepp và tôi đến mọi rạp xi-nê có chiếu những phim Viễn Tây hoang dại phù hợp với khẩu vị của Klepp, hoặc những phim đúng yêu cầu của tôi trong đó Maria Schell sắm vai cô nữ y tá lã chã nước mắt và Borsche (vai bác sĩ phẫu thuật) sau mỗi ca mổ khó khăn
https://thuviensach.vn
lại đứng bên cửa sổ mở rộng chơi những bản xônat của Beethoven, bộc lộ rõ một ý thức trách nhiệm cao.
Chúng tôi rất bất mãn vì các buổi chiếu chỉ kéo dài có hai giờ. Có nhiều chương trình phim bọn tôi muốn xem hai lần. Lắm khi, cuối buổi chúng tôi đứng lên, định ra mua vé xem tiếp. Nhưng vừa ra khỏi phòng, trông thấy đám người xếp hàng chờ trước cửa bán vé, chúng tôi lại đâm nản. cả việc phải giáp mặt lần thứ hai với cô bán vé lẫn những cái nhìn trâng tráo của những người lạ hoặc chĩa vào mặt chúng tôi đều làm chúng tôi phát ngượng, hết muốn đứng vào cuối hàng.
Kết quả là hầu như sau mỗi buổi xem phim, bọn tôi đều đến một hiệu ảnh gần Quảng trường Graf- Adolf để chụp ảnh căn cước. Tại đây người ta đã biết chúng tôi, người ta chào đón chúng tôi bằng một nụ cười: chúng tôi là khách hàng vì vậy chúng tôi được tiếp đãi lịch sự. Phòng chụp vừa rảnh là một cô gái đưa chúng tôi vào liền - về cô gái này, tôi chỉ nhớ một điều là cô ta rất dễ ưa. Cô ta khéo léo chỉnh tư thế đầu chúng tôi cho đúng góc độ, đầu tiên là tôi rồi đến Klepp, và bảo chúng tôi nhìn cố định vào một điểm. Lát sau, một loé chớp cùng lúc với một tiếng chuông báo hiệu là hình chúng tôi đã được ghi trên phim sáu lần liền.
Khoé miệng còn cứng đơ vì lấy dáng, chúng tôi được cô gái mời ngồi thoải mái vào hai chiếc ghế bành mây; với thái độ nhuần nhã (ăn mặc cũng nhã), cô đề nghị chúng tôi chịu khó chờ năm phút. Chúng tôi vui vẻ chờ. Bởi vì giờ đây chúng tôi đã có cái để chờ đợi - tấm ảnh căn cước của chúng tôi - và chúng tôi đang tò mò muốn xem nó ra sao. Đúng bảy phút sau, cô gái vẫn nhuần nhã nhưng không có gì đặc sắc đưa cho chúng tôi hai chiếc phong bì và chúng tôi trả tiền.
Chao, cái ánh đắc thắng trong cặp mắt hơi lồi của Klepp! Vừa nhận hai chiếc phong bì ảnh, chúng tôi tức thị có ngay lý do để đến quầy bia gần nhất bởi lẽ có ai mà lại thích ngắm ảnh hộ chiếu của mình ở giữa đường giữa chợ tấp nập, ồn ào, bụi bặm, làm cản trở giao thông. Cũng như chúng tôi
https://thuviensach.vn
luôn trung thành với hiệu ảnh nọ, bao giờ chúng tôi cũng chỉ đến quán bia ở đường Friedrichstrasse. Sau khi gọi bia, dồi xúc xích với hành và bánh mì đen, tranh thủ lúc các món nhậu chưa dọn ra, chúng tôi rải những tấm ảnh còn hơi ẩm lên mặt chiếc bàn tròn nhỏ và trong khi thưởng thức bia với dồi xúc xích vừa được mang đến, chúng tôi trầm ngâm ngắm vẻ mặt căng thẳng của chính mình.
Bao giờ chúng tôi cũng mang theo những tấm hình chụp vào dịp xem phim lần trước. Như vậy, chúng tôi có cái để so sánh và một khi đã có cái để so sánh thì lại có cớ để gọi thêm một chầu bia thứ hai, thứ ba, thứ tư cho thêm phần rôm rả, hay, theo cách nói ở vùng Rhine, để tạo ambiance (không khí).
Tôi không định nói là một người buồn vô cớ có thể giải buồn bằng tấm ảnh căn cước của chính mình; bởi vì nỗi buồn chân chính bao giờ cũng vô cớ; một nỗi buồn như thế, chí ít là nỗi buồn của bọn tôi, không thể truy tìm nguyên nhân cụ thể được và với tính chất vu vơ hồ như vô lối của nó, nỗi buồn này của chúng tôi đã lên tới một cường độ mãnh liệt không chịu nhường bước bất cứ cái gì. Nếu có cách gì bầu bạn được với nỗi sầu của chúng tôi, thì đó là thông qua những tấm ảnh, bởi vì trong những hình chụp chớp nhoáng hàng loạt ấy, chúng tôi tìm thấy một hình ảnh của chính mình dẫu không thật rõ ràng nhưng - đây mới là điều chủ yếu - thụ động và trung lập. Điều đó khiến chúng tôi có thể tự do xử lý với chính mình; chúng tôi có thể uống bia, ngấu nghiến đả dồi xúc xích, vui chơi tung tẩy. Chúng tôi bẻ cong, gập đôi những tấm ảnh, rồi cắt vụn ra bằng chiếc kéo nhỏ mang theo cốt để làm việc ấy. Chúng tôi chồng chắp ảnh cũ ảnh mới vào nhau, biến mình thành độc nhỡn hoặc ba mắt, đặt mũi vào chỗ tai, cho cái tai phải vểnh ra thay miệng đảm nhiệm chức năng nói hoặc im lặng, kết hợp trán với cằm làm một. Và không phải đứa nào dùng ảnh đứa nấy để dựng những tác phẩm lắp ráp đó: Klepp mượn nhiều nét của tôi và ngược lại. Như vậy, chúng tôi đã tạo ra đựơc những sinh linh mới mẻ và - chúng tôi hy vọng thế - hạnh phúc hơn. Thi thoảng chúng tôi cũng cho đi một tấm.
https://thuviensach.vn
Chúng tôi - đây chỉ nói riêng Klepp và tôi, chứ không nhằm các nhân vật tổng hợp được tạo nên bằng cách ghép ảnh - đâm có thói quen tặng ảnh bác bồi bàn mà chúng tôi gọi là Rudi mỗi khi gặp bác ta và điều này xảy ra ít nhất mỗi tuần một lần. Rudi, một tay có mười hai con chính thức và ít nhất là tám con “gửi” thiên hạ, thông cảm nỗi sầu muộn của chúng tôi, bác ta có tới hàng tá ảnh chân dung nhìn nghiêng của chúng tôi và ảnh chính diện thì còn nhiều hơn thế; tuy nhiên, lần nào mắt bác ta cũng ánh lên vẻ thiện cảm kèm theo lời cảm ơn mỗi khi, sau hồi lâu bàn cãi và chọn lựa cẩn thận, chúng tôi đưa cho bác tấm ảnh.
Oskar không bao giờ tặng ảnh cho cô phục vụ ở quầy hoặc cô gái tóc đỏ bê khay thuốc lá; cho phụ nữ ảnh chả phải là một ý hay hớm gì, bởi lẽ ai mà biết được họ sẽ dùng nó vào việc gì. Nhưng gã Klepp béo tròn, hồn nhiên, có thể là mồi ngon cho phái đẹp, tính nó lại cởi mở đến khờ dại, chỉ cần có mặt phụ nữ là xổ hết gan ruột ra, chắc hắn đã giấu tôi đem cho cô ả thuốc lá một tấm ảnh; bằng chứng là hắn đã đính hôn rồi sau đó cưới cô ả chỉ vì hắn muốn lấy lại tấm ảnh đó.
Tôi đã đi trước và dành quá nhiều lời cho những trang cuối của cuốn album. Những tấm ảnh chụp chớp nhoáng ấy không đáng được như thế; tuy nhiên, nếu lấy làm một vế để so sánh thì chúng có thể cho quý vị thấy là tấm ảnh chân dung ông ngoại Koljaiczek của tôi ở trang đầu, cho đến bây giờ, vẫn còn gây một ấn tượng nghệ thuật trác tuyệt, hùng vĩ như thế nào đối với tôi.
Thấp và to ngang, ông đứng đó, đằng sau một cái bàn cà-phê đầy nét chạm trổ. Tiếc thay, ông lại không chụp hình dưới dạng kẻ phóng hoả, mà với danh tính là me-xừ Wranka lính cứu hỏa tình nguyện. Nhưng bộ đồng
phục cứu hỏa vừa khít với tấm huy hiệu cứu trợ và chiếc mũ sắt cứu hỏa đem lại cho cái bàn dáng vẻ của một ban thờ, những cái đó hồ như có thể thay thế bộ ria của kẻ phóng hỏa. Cái nhìn của ông mới nghiêm trang làm sao, chất chứa đau buồn của những năm đau buồn. Cái nhìn kiêu hãnh bất
https://thuviensach.vn
chấp mọi bi kịch ấy dường như đã thành phổ cập trong những năm của Đế chế Đức; ta gặp lại nó trên gương mặt của người thợ làm thuốc súng Gregor Koljaiczek lúc nào cũng say khướt nhưng trong ảnh thì lại có vẻ như chưa uống gì. Tấm ảnh ông Vincent Bronski chụp ở Czestochowa tay cầm một cây bạch lạp thờ nom đượm màu huyền bí. Một tấm chân dung thời trẻ của bác Jan Bronski ốm yếu là một kỷ lục của nhiếp ảnh buổi sơ khai về thể hiện vẻ âu sầu ngượng nghịu.
Phụ nữ thời ấy quả có vụng hơn trong việc tìm ra sắc diện phù hợp với tính cách của mình. Ngay cả bà ngoại tôi vốn là người đầy cá tính - về điểm này, quý vị hãy tin tôi - trong những tấm hình chụp không lâu trước Thế Chiến I, cũng màu mè làm duyên, dán lên môi một nụ cười ngẩn ngơ không mảy may gợi nhớ đến bốn cái váy lớn đùm bọc chở che của bà.
Trong những năm chiến tranh, họ vẫn tiếp tục cười nụ với tay phó nháy trong khi hắn ngó ngoáy nhún nhảy dưới tấm vải đen. Về thời kỳ này, tôi còn giữ một tấm khổ bưu ảnh “đúp”, bồi các-tông, chụp hai mươi ba nữ y tá của quân y viện Silberhammer, trong đó có mẹ tôi, rụt rè xúm quanh một ông bác sĩ quân y bệ vệ. Các nữ y tá này phần nào có vẻ thoải mái hơn trong một tấm ảnh về một cuộc vũ hội hoá trang dành cho các thương binh sắp khỏi. Mẹ tôi đánh bạo nháy mắt, dẩu môi, dáng vẻ ấy như muốn nói rằng, dù mẹ có mang cánh thiên thần và tết kim tuyến trên tóc, thì thiên thần cũng chẳng vì thế mà mất đi giới tính. Trong ảnh, Matzerath quỳ dưới chân mẹ trong một bộ trang phục mà ông hẳn rất lấy làm sung sướng nếu được mặc thường xuyên ngày này qua ngày khác: ông đội một cái mũ đầu bếp, tay vung một cái muôi. Nhưng khi vận bộ quân phục gắn tấm huân chương Thập Tự sắt hạng nhì thì ông cũng dõi về phía xa một cái nhìn bi tráng có dụng ý hắn hoi và trong mọi tấm ảnh, ông đều trội hơn cánh phụ nữ.
Sau chiến tranh, các gương mặt thay đổi. Đàn ông nom ra vẻ đã “về vườn”; giờ đến lượt cánh phụ nữ vươn lên hợp thời thế, đến lượt họ có lý do
https://thuviensach.vn
để phô một cái nhìn trang nghiêm; ngay cả khi mỉm cười, họ cũng không cố che giấu đi một thoáng buồn bởi họ đang tập đau buồn. U sầu đang là vẻ thích hợp với phụ nữ của thập kỷ 20. Bất kể ngồi, đứng hay nửa nằm nửa ngồi, với những lọn tóc đen loăn xoăn bên thái dương, cách nào họ cũng gợi lên được hình ảnh kết hợp hài hoà giữa Đức Mẹ và kỹ nữ.
Tấm ảnh mẹ tôi năm hai mươi ba tuổi - chắc là chụp ít ngày trước khi mang thai - cho thấy một thiếu phụ với khuôn mặt tròn bình thản nghiêng nghiêng trên một cái cổ đầy đặn, rắn chắc. Nhưng dù nghiêng đầu hay không, bao giờ người xem ảnh cũng thấy như mẹ tôi đang nhìn thẳng vào mắt mình. Mẩy da chắc thịt, cái nét nhục dục ấy bị làm nhoà bớt bởi nụ cười rầu rĩ thời thượng và đôi mắt nhiều phần xám hơn là xanh; đôi mắt ấy nhìn vào tâm hồn những người cùng thời - và cả tâm hồn bản thân mình nữa, như thể đó là những vật thể rắn đại loại như cái tách uống trà hay chiếc bót thuốc lá. Nói cái nhìn trong đôi mắt mẹ tôi có hồn, theo tôi, vẫn chưa lột tả được hết.
Chẳng hay ho gì hơn nhưng dễ diễn giải hơn và, do đó, mang nhiều thông tin hơn, là những tấm ảnh tập thể của thời đó. Áo cưới hồi ký hiệp ước Rapallo mới đẹp làm sao, mới “ra” chất hôn lễ làm sao! Trong tấm ảnh cưới, Matzerath còn đeo cả một cái cổ cồn cứng. Nom ông oách ra dáng, trang nhã, gần như trí thức. Chân phải đưa ra đằng trước, trông hơi giống một tài tử điện ảnh thời bấy giờ, hình như là Harry Liedicke thì phải. Dạo ấy, người ta mặc váy ngắn. Áo cưới của mẹ tôi, trắng tinh và xếp rất nhiều nếp, chỉ xuống tới dưới đầu gối một tí, để lộ hai bắp chân thon thả và đôi bàn chân khiêu vũ xinh xẻo trong đôi giày trắng có khoá cài. Một số ảnh khác chụp cả họ nhà gái. Giữa đám người ăn mặc và lấy dáng như dân thành thị, bà ngoại Anna của tôi và ông anh Vincent được ân sủng của Chúa, bao giờ cũng nổi bật lên với cái cứng nhắc tỉnh lẻ và cái vẻ ngượng nghịu đáng tin cậy. Gốc gác từ cùng một cánh đồng khoai tây như cha đẻ, như bà cô ruột Anna và như cô em họ Agnès, Jan Bronski khéo giấu chất quê mùa Kashubes của mình đằng sau vẻ sang trọng hội hè của một nhân
https://thuviensach.vn
viên bưu chính Ba Lan. Nhỏ bé và mảnh khảnh giữa những người vạm vỡ choán phần lớn không gian, nhưng với cái nhìn khác thường và - nét mặt đều dặn, đẹp như con gái, ông trở thành trung tâm của mọi tấm ảnh. Ngay cả khi ông đứng hay ngồi ở rìa.
Từ nãy đến giờ, tôi cứ ngắm hoài một tấm ảnh chung, chụp sau lễ cưới ít bữa.Tôi đã phải lấy trống và dùi ra gõ để cố gợi lại trong tâm tưởng hình ảnh cái bộ ba chỉ thấy lờ mờ trên mảnh giấy cứng hình chữ nhật màu nâu đã phai.
Tấm ảnh hẳn đã được chụp trong căn hộ của gia đình Bronski ở phố Magdeburger, không xa Khu học xá sinh viên Ba Lan, vì ta thấy ở nền sau một mảnh ban-công đầy nắng với những chùm lá đậu leo phủ kín tới một nửa (kiểu ban-công này chỉ có ở các khu chung cư của người Ba Lan). Mẹ tôi ngồi, Matzerath và Jan Bronski đứng. Nhưng mẹ tôi ngồi như thế nào và hai người kia đứng như thế nào? Có lúc tôi đã ngớ ngẩn định vẽ đồ thị chòm sao Tam Hùng này - vì mẹ tôi có đầy đủ phẩm chất của một người đàn ông - bằng một chiếc thước kẻ, một chiếc thước góc và một chiếc com pa mà Bruno đã ra ngoài phố mua giúp tôi. Bắt đầu từ góc giữa cổ và vai, tôi kẻ một hình tam giác; tôi phóng những hình chiếu, suy đoán ra những nét tương tự, vẽ những đường cung gặp nhau rõ rành bên ngoài hình tam giác - có nghĩa là trong đám lá đậu leo - và tạo nên một điểm, bởi vì tôi cần một điểm thuận lợi, một điểm xuất phát, một điểm tiếp xúc, một điểm nhìn.
Tất cả những gì tôi đạt được với cái trò kỷ hà siêu hình ấy là một loạt lỗ nhỏ xíu nhưng đến là khó chịu do mũi nhọn của chiếc com-pa tạo ra trên tấm ảnh quý. Tôi không khỏi tự hỏi: có cái gì đặc biệt nơi tấm ảnh này? Cái gi đã thúc bách tôi tìm kiếm - và thực tế, đã tìm thấy - những quy chiếu toán học và vũ trụ (đến là vô lý!) trong đó? Ba người: một người đàn bà ngồi, hai người đàn ông đứng. Mẹ tôi tóc đen lượn sóng, Matzerath tóc vàng rơm loăn xoăn, Jan tóc màu hạt dẻ chải bẹt từ trán ngược về phía sau. Cả ba cùng mỉm cười, Matzerath ngoác miệng rộng hơn Jan Bronski; và hai ông
https://thuviensach.vn
đều toe toét hơn mẹ tôi nhiều vì nụ cười của họ để lộ cả hàm răng trên trắng bóng trong khi mẹ tôi chỉ hơi nhếch mép mà mắt chẳng hề cười chút nào. Matzerath tì tay trái lên vai phải mẹ tôi; Jan thì chỉ dựa hờ tay phải vào lưng ghế. Mẹ tôi nhìn thẳng vào ống kính, hai đầu gối hơi nghiêng về bên phải, trên lòng bàn tay đặt một quyển sách mà nhiều năm trước đây, tôi tưởng là một trong những cuốn album tem của Jan, sau đó đoán là một số báo thời trang và gần đây lại cho là một bộ sưu tập ảnh những ngôi sao màn bạc lấy từ các bao thuốc lá. Tay mẹ tôi, lúc bấm máy, có vẻ như sắp sửa giở từng trang của cuốn album, cả ba đều có vẻ vui sướng như thể đang chúc mừng nhau về khả năng miễn dịch đối với những bất ngờ thuộc loại chỉ xảy ra nếu một thành viên trong Tam Hùng bắt đầu hoặc đã có những bí mật riêng tư giấu kín trong lòng. Trong mối liên kết tay ba này, họ chẳng mấy cần đến một người thứ tư, cụ thể là vợ Jan - Hedwig Bronski hồi con gái mang họ cha là Lemke - thời gian này đang mang thai đứa bé sau này có tên Stephen; hoặc nếu có cần thì chỉ để nhờ chĩa máy vào họ nhằm làm vĩnh tồn niềm hạnh phúc tay ba của họ, chí ít là trên tấm ảnh.
Tôi đã bóc mấy tấm hình chữ nhật khác từ cuốn album đem đặt cạnh tấm này. Những tấm hình chụp mẹ tôi hoặc với Matzerath, hoặc với Jan Bronski. Không tấm nào phản ảnh cái giải pháp tối hậu, bất di bất dịch kia rõ ràng như tấm hình ở ban công. Đây một tấm chụp riêng mẹ tôi với Jan - tấm này thoảng mùi bi kịch, mùi hám tiền, mùi phấn khích đến độ phè phỡn, một sự phè phỡn vì phấn khích. Mazerath và mẹ tôi: tấm này có cái không khí ngày nghỉ cuối tuần tại nhà của đôi vợ chồng, có tiếng sườn rán xèo xèo, đôi lời cằn nhằn trước bữa ăn tối, ngáp vài cái sau khi ăn tối, nói đùa dăm câu trước khi đi ngủ, bàn cãi tí chút về tờ khai thuế cho có bối cảnh trí tuệ của hôn nhân. Tuy vậy, tôi vẫn thích cái buồn tẻ được ghi lại trên ảnh ấy hơn tấm hình chớp nhoáng “mô-ve-gu” của những năm sau trong đó người ta thấy mẹ tôi ngồi trên lòng Jan ở trong Rừng Oliva gần Freudental; vì tấm ảnh cuối này với tính chất tục tĩu của nó - bàn tay của Jan biến mất dưới váy mẹ tôi - chỉ nói lên nỗi đam mê cuồng dại của cặp uyên ương bất hạnh này, chìm đắm trong ngoại tình ngay từ ngày đầu cuộc
https://thuviensach.vn
hôn nhân của mẹ tôi; Mazerath, tôi đoán thế, chính là người chụp ảnh bị lừa. Ở đây chẳng còn chút gì của cái trong sáng nơi tấm hình ban-công, của cái tế nhị, thận trọng nơi những cử chỉ nhỏ nhẹ dường như chỉ có thể có khi cả hai người đàn ông cùng có mặt, đứng đằng sau hay bên cạnh mẹ tôi, hoặc cùng nằm dưới chân mẹ như trong tấm ảnh bãi tắm Heubude; xem ảnh kèm đây.
Còn một tấm ảnh nữa chụp ba nhân vật chính của giai đoạn đầu đời tôi hợp thành một hình tam giác. Tuy không tập trung bằng cảnh ban công kia, nhưng tấm này cũng toả ra cái vẻ hoà bình căng thẳng như vậy, thứ hoà bình chỉ có thể ký kết giữa ba người. Bạn có thể chán phè những tình huống tay ba trong kịch, song nghĩ cho cùng, khi chỉ còn trơ hai người trên sân khấu, thử hỏi họ có thể làm gì ngoài việc đối đáp chí chết hoặc thầm ước có một người thứ ba? Trong tấm ảnh của tôi, ba người cùng có mặt. Họ đang chơi xì-kạt. Có nghĩa, họ đang cầm bài xoè ra đều tăm tắp như cái quạt, nhưng thay vì nhìn vào những con chủ bài của mình để tính nước thì họ lại dõi mắt vào ống kính. Bàn tay Jan đặt bẹt cạnh một mớ tiền lẻ, riêng ngón trỏ hơi giơ lên. Matzerath thì dũi dũi móng tay vào khăn bàn trong khi mẹ tôi chơi một trò nhỏ mà tôi thấy là khá đạt: mẹ rút một quân bài phô ra trước ống kính nhưng không để các đối thủ thấy. Thật dễ dàng xiết bao, chỉ bằng một động tác đơn giản - giơ môt quân Q “cơ” - là gợi lên được một biểu tượng không quá trắng trợn: ai mà chẳng sẵn sàng “xin chết” vì Nữ hoàng của trái tim?
Như mọi người đều biết, xì-kạt là kiểu bài chỉ chơi tay ba, nó không chỉ là một trò chơi tiện nhất cho mẹ tôi và hai chàng phò mã, đó là chốn nương náu của họ, nơi bao giờ họ cũng rút lui về mỗi khi cuộc đời đe dọa đẩy họ, cách này hay cách khác, vào những trò chơi tay đôi ngu xuẩn như bêzi hay sáusáu.
Về ba con người đã cho tôi ra đời, chừng nấy xem như là đủ. Trước khi kể về bản thân tôi, xin nói đôi điều về Gretchen Scheffler, bạn gái mẹ tôi, và
https://thuviensach.vn
ông chồng Alexander Scheffler chủ hiệu bánh mì. Chồng thì hói, vợ lúc nào cũng toe toét cười phô hai hàm răng ngựa, có đến một nửa bịt vàng. Chồng thấp tè, ngồi trên ghế mà chân không chạm tới thảm trải nhà, vợ bao giờ cũng mặc những chiếc áo dài tự đan lấy với những họa tiết cực kỳ rắm rối. Trong những ảnh chụp sau này, ta thấy đôi vợ chồng Scheffler ngả ngốn trong những chiếc ghế nằm đặt trên boong tàu hoặc đứng cạnh những chiếc xuồng cứu hộ của tàu Wilhelm Gustloff thuộc tổ chức “Sức Mạnh thông qua Niềm Vui” [1] hoặc trên boong dạo của tàu Tannenberg (Tuyến hàng hải Đông Phổ). Năm này sang năm khác, họ đi đây đi đó và mang những đồ xú-vơ-nia [2] từ Pillau, Na Uy, quần đảo Azores hoặc Italia an toàn về tới ngôi nhà của họ ở Kleinhammer-Weg, nơi chàng nướng bánh mì, nàng thêu áo gối. Khi nào ngừng nói, Alexander lại thè lưỡi liếm môi trên liên tục, một thói quen mà Greff, chủ hiệu rau quả, một người bạn của Matzerath ở bên kia đường, cho là tục tĩu và “mô-ve-gu” [3].
Mặc dầu đã có vợ, Greff vẫn ra dáng đoàn trưởng hướng đạo sinh hơn là một đức ông chồng. Trên một tấm ảnh, ta thấy giả to ngang, khoẻ mạnh và nghiêm nghị trong đồng phục với quần soọc, mũ hướng đạo sinh và dây biểu chương đoàn trưởng. Đứng bên cạnh giả là một thiếu niên tóc vàng rơm, mắt khí quá to, trạc mười ba tuổi, cũng vận đồng phục tương tự. Tay Greff âu yếm quàng qua vai cậu thiếu niên. Tôi không biết cậu ta, nhưng sau này tôi có dịp làm quen và hiểu Greff qua cô vợ Lina.
Tôi ngợp trong đống ảnh chụp chớp nhoáng của đám khách du lịch theo chương trình “Sức khoẻ thông qua Niềm vui” và những biểu hiện của thói gợi dục thiếu niên hướng đạo sinh. Xin được bỏ qua vài trang để nhảy cóc tới tấm ảnh chân dung đầu tiên của tôi.
Tôi là một đứa bé xinh trai. Tấm ảnh được chụp vào dịp lễ Hạ trần, năm 1925. Lúc ấy tôi được tám tháng, kém Stephan Bronski hai tháng; một tấm ảnh Stephan cùng khổ ở trang sau toát ra một vẻ tầm thường khôn xiết tả. Tấm hình của tôi làm theo kiểu bưu ảnh có mép viền lượn sóng, mặt sau có
https://thuviensach.vn
kẻ dòng để ghi địa chỉ. Chắc là được in với số lượng lớn cho gia đình họ hàng tùy nghi sử dụng. Trong khung chữ nhật lớn, khuôn ảnh chính có hình quả trứng cực kỳ đối xứng. Trần truồng, tượng trưng cho lòng đỏ trứng, tôi nằm xấp trên một tấm da lông thú trắng có lẽ là quà tặng của một chú gấu Bắc cực tốt bụng cho một nhiếp ảnh gia Đông Âu chuyên chụp trẻ sơ sinh. Cũng như với biết bao ảnh thời kỳ ấy, người ta đã chọn cho tấm ảnh đầu đời của tôi một màu nâu nồng ấm không lẫn được mà tôi cho là “có tính người”, tương phản với cái lạnh lùng phi nhân tính của những tấm ảnh đen trắng ngày nay. Một vòm lá mờ ảo, có lẽ là “phông” giả, tạo thành một nền sẫm chỉ loáng thoáng điểm vài ba chấm sáng Trong khi cái thân hình nhẵn nhụi, hồng hào của tôi nằm bẹp với vẻ tự mãn trên tấm lông thú, tận hưởng sự tiện nghi bắc cực ấy, thì cái đầu trọc lốc như hòn bi-da cố nghểnh lên dõi đôi mắt long lanh nhìn đối lại ai đó đang ngắm sự trần truồng của tôi.
Quý vị có thể nói: một tấm ảnh trẻ sơ sinh bình thường như mọi tấm ảnh trẻ sơ sinh khác. Xin hãy thử nhìn kỹ đôi bàn tay mà xem. Quý vị sẽ phải thừa nhận rằng tấm chân dung đầu tiên của tôi khác hẳn tất thảy những kiểu ảnh chỉ có tác dụng ghi lại những mẩu đời xinh xẻo mà quý vị có thể thấy trong các album gia đình ở khắp nơi trên thế giới. Quý vị thấy hai bàn tay tôi nắm chặt. Quý vị không thấy nhưng ngón tay nhỏ xinh mũm mĩm đùa nghịch với những túm lông như bất giác tuân theo một thôi thúc mơ hồ của bản năng thai nhi. Những nắm tay nhỏ xíu của tôi lơ lửng ngang tầm đầu tôi, với vẻ rất tập trung, sẵn sàng nện xuống. Nện xuống cái gì? Cái trống chứ còn cái gì nữa!
Ta chưa thấy nó trên tấm ảnh, cái trống mà, dưới những bóng điện bữa tôi lọt lòng, người ta đã hứa sẽ cho tôi vào dịp sinh nhật lần thứ ba, nhưng đối với bất kỳ người nào có kinh nghiệm ghép ảnh, việc đưa thêm vào một chiếc trống đồ chơi với cỡ tương ứng, là chuyện đơn giản xiết bao. Chẳng cần phải thay đổi tư thế của tôi, mà chỉ bỏ béng cái bộ da thú ngớ ngẩn mà tôi chẳng thèm mảy may để ý tới, là xong. Đó là một chi tiết lạc lõng trong
https://thuviensach.vn
cái bố cục lẽ ra rất hài hòa ấy nhằm chào mừng cái tuổi tinh nhanh, sáng suốt khi mà những chiếc răng sữa đầu tiên sắp sửa nhú ra.
Ít lâu sau, người ta thôi đặt tôi nằm trên những tấm da gấu Bắc cực. Có lẽ tôi đã được một năm rưỡi khi người ta đẩy tôi trong một chiếc xe nôi bánh cao đi ngang qua một hàng rào gỗ phủ một lớp tuyết, và điều đó khiến tôi tin rằng tấm ảnh đã được chụp vào tháng giêng năm 1926. Ngắm kỹ hồi lâu, hình dáng thô của cái hàng rào cùng mùi hắc ín phả ra từ đó khiến tôi nghĩ tới khu ngoại ô Hochstriess với những trại lính rộng lớn trước kia đã từng là nơi đồn trú của khinh kỵ binh Mackensen và vào thời tôi, là trụ sở cảnh sát Bang tự do. Nhưng vì không nhớ ra ai đã từng ở khu ấy, nên tôi chỉ có thể kết luận là tấm ảnh đã được chụp vào một ngày mà song thân tôi đến đấy thăm một vài người nào đó mà sau này chúng tôi không bao giờ, hoặc rất ít khi, gặp lại.
Đứng hai bên chiếc xe nôi, cả mẹ tôi và Matzerath đều không mặc áo choàng ấm, mặc dù bấy giờ là tiết đông hàn. Mẹ vận một chiếc “blu” Nga có những họa tiết thêu hợp với cảnh trí đến nỗi người ta có thể tưởng tượng đây là gia đình Sa hoàng đang chụp hình ở nơi thẳm cùng rét mướt nhất của nước Nga, Rasputin đang cầm máy ảnh, còn tôi là hoàng nhi, trong khi đằng sau hàng rào gỗ kia, bọn cách mạng đang tự chế lấy bom và âm mưu lật đổ gia đình hoàng tộc chuyên chế của chúng tôi. Nhưng ảo tưởng đó tan biến ngay trước cái vẻ bề ngoài chỉnh chu, rất Đông Âu của Matzerath, nó báo trước (như ta sẽ thấy) một tiền đồ chủ tiệm. Chúng tôi đang ở khu ngoại ô Hochstriess yên tĩnh, cha mẹ tôi chỉ ra khỏi ngôi nhà của chủ nhân một lát thôi, là phải mang áo choàng, chỉ một thoáng đủ để nhờ vị chủ nhân chụp nhanh hộ một tấm hình cùng với bé Oskar có cái nhìn rất chi là láu cá, rồi sau đó, khoan khoái thưởng thức cà phê, bánh ngọt, kem đánh tơi trong phòng ấm.
Còn có cả một tá ảnh chụp Oskar hồi một tuổi, hai tuổi và hai tuổi rưỡi, cái nằm, cái ngồi, cái bò toài, cái chạy lon ton. Những tấm này không tồi,
https://thuviensach.vn
song tựu chung, đó chỉ là tiền đề dẫn đến tấm ảnh chân dung cả người nhân dịp sinh nhật lần thứ ba của tôi.
Đến đận này thì tôi có nó rồi. Phải, tôi đã có cái trống của tôi. Nó lủng lẳng ngay trước bụng tôi, mới toanh, viền răng cưa sơn đỏ và trắng. Tôi cầm hai chiếc dùi bắt chéo trên mặt trống, vẻ cương quyết một cách trịnh trọng. Tôi mặc một chiếc áo chui đầu kẻ xọc, chân đi giày da bóng loáng. Tóc tôi dựng ngược như cái bàn chải sẵn sàng hành động và cặp mắt xanh của tôi ánh lên ý chí của một lãnh chúa quyết ra tay mà không cần tới thủ hạ. Chính trong tấm hình này, tôi đã đi đến một quyết định mà tôi thấy chẳng có lý do gì để thay đổi. Chính vào thời điểm đó tôi đã tuyên bố, đã quyết định, đã nhất quyết không bao giờ làm chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, càng không thèm làm anh lái buôn tạp phẩm, mà chỉ dừng lại đây thôi, mãi mãi vẫn nguyên xi như thế này - và tôi đã thực hiện đúng như thế; trong bao năm, tôi không chỉ giữ nguyên tầm vóc này mà cả bộ trang phục này nữa.
Những người nhỏ con và những người to con, Tí Hon và Khổng Lồ, David và Goliath, Ngón Tay Cái và Gargantua, tôi vẫn mãi là đứa trẻ lên ba, là chú bé Tí Hon, là người xứ Lilliput, là thằng lùn quyết không chịu lớn nữa. Tôi làm thế để khỏi phải học vấn đáp đại và tiểu giáo lý và để khi đến tuổi trưởng thành, cao trên một mét bảy, khỏi phải đối phó với người đàn ông vẫn tự gọi mình là cha của Oskar mỗi khi soi gương cạo mặt, ông sẽ ép tôi đi vào con đường kinh doanh tạp phẩm, lĩnh vực mà Matzerath hy vọng sẽ trở thành thế giới của tôi khi tôi hai mươi mốt tuổi. Để tránh cái máy thu ngân, tôi bám riết lấy cái trống của tôi và từ lần sinh nhật thứ ba trở đi, không chịu lớn thêm lên một đốt tay nào nữa. Tôi giữ nguyên là thằng bé lên ba sớm khôn ngoan, lọt thỏm giữa đám người lớn cao vòi vọi, song lại đứng trên mọi người lớn, không chịu so bóng mình với bóng họ, hoàn chỉnh cả bề trong lẫn bề ngoài trong khi bọn họ, cho đến lúc kề miệng lỗ, vẫn băn khoăn hoài về chuyện “phát triển”; tự mình ngộ ra những gì mà bọn họ phải kinh qua bao khó khăn, thậm chí đau khổ, mới hiểu thấu và chẳng cần phải
https://thuviensach.vn
thay đổi cỡ giày cũng như cỡ quần năm này sang năm khác để chứng tỏ có một cái gì đang lớn.
Tuy nhiên - ở đây, Oskar phải thừa nhận một sự phát triển nào đó - có một cái gì đang lớn lên thật (và không phải lúc nào cũng theo chiều hướng có lợi cho tôi), cuối cùng vươn tới những tầm vóc Cứu thế; nhưng vào thời buổi ấy có người lớn nào thèm để tai lắng nghe Oskar, thằng bé đánh trống mãi mãi ba tuổi?
Chú thích:
[1] Kraftdurch Frende: một tổ chức của bọn Quốc xã Đức phụ trách các hoạt động giải trí trong khuôn khổ kỷ luật cho giai cấp công nhân: sân khấu, thể thao, du lịch... Hồi đó không một đoàn thể xã hội nào được phép hoạt động ở Đức mà không chịu sự kiểm soát của tổ chức toàn quyền này.
[2] xú-vơ-nia = souvenir = kỷ niệm. (@Ct.Ly).
[3] mô-ve-gu = Mauvaive goût = thói, tật xấu hay có một hương vị xấu. (@Ct.Ly).
https://thuviensach.vn
CÁI TRỐNG THIẾC
Günter Grass
www.dtv-ebook.com
Tan Tành Ô Cửa Kính
Tôi vừa mới mô tả một tấm ảnh Oskar lấy cả người cùng với trống và dùi trống, và đồng thời tiết lộ những gì mà trong khi được chụp hình tại bữa tiệc sinh nhật, bên cạnh chiếc bánh gatô có cắm ba ngọn nến, Oskar đã dứt khoát quyết định sau ba năm nghiền ngẫm thật chín. Nhưng giờ đây, cuốn album đang nằm im bên cạnh tôi và tôi phải nói về một số sự kiện chẳng liên quan gì với nó. Những sự kiện này không giải thích tại sao tôi cứ tiếp tục ba tuổi mãi, nhưng đó là những điều đã xảy ra thật và, hơn thế nữa, lại do chính tôi gây ra.
Ngay từ đầu tôi đã thấy rõ và tự bảo: đám người lớn sẽ không hiểu mày đâu. Nếu mày thôi lớn một cách rõ rệt, họ sẽ bảo là mày chậm phát triển; họ sẽ mang tiền theo, lôi mày tới hàng tá bác sĩ và, nếu không phải tìm cách điều trị, thì cũng là một lời giải thích, cho khiếm tật của mày. Do vậy, để giới hạn các cuộc khám bệnh trong phạm vi có thể chịu đựng được, tôi cảm thấy mình buộc phải cung cấp một nguyên cớ khả dĩ nghe lọt tai để cắt nghĩa tại sao tôi thôi lớn, trước khi một ông bác sĩ nào đó kịp đưa ra lời giải thích của mình.
Một ngày nắng đẹp tháng Chín, sinh nhật lần thứ ba của tôi. Một không khí mơ mộng cuối hè; ngay cả Gretchen Scheffler cũng giảm âm lượng tiếng cười của mình. Mẹ tôi dạo trên dương cầm vài giai điệu trong vở Nam tước Digan. Jan đứng đằng sau, tay chạm nhẹ lên vai mẹ, làm bộ như đang lắng nghe nhạc. Trong bếp, Matzerath đã bắt tay vào làm bữa tối. Bà ngoại Anna cùng với Hedwig và Alexander kéo nhau đến ngồi với Greff vì tay chủ hiệu ở rau quả này biết nhiều chuyện, những chuyện về hướng đạo sinh đầy lòng dũng cảm và trung thành; và ở cuối phòng, chiếc đồng hồ chuông
https://thuviensach.vn
không bỏ qua một khắc nào của cái ngày tháng Chín như dệt bằng lụa mỏng này. Và vì tất cả bọn họ đều bận bịu chẳng kém gì cái đồng hồ chuông, tôi bèn rời nước Hunggari của ông Nam tước Digan, tạm biệt các hướng đạo sinh của Greff (họ đang thám hiểm dãy núi Vosges), bỏ qua căn bếp của Matzerath ở đó nấm Kashubes và trứng đánh với dạ dày bò đang xèo xèo trên chảo, theo hành lang ra cửa hàng, vừa đi vừa dạo khẽ trên trống một nét ngẫu hứng. Này đây tôi đã đứng ở quầy trong cửa hàng, bỏ lại xa đằng sau lưng tất cả: dương cầm, nấm và núi Vosges. Tôi nhận thấy cánh cửa xập dẫn xuống hầm kho vẫn để mở; chắc là Matzerath lúc xuống lấy một hộp mứt quả để tráng miệng, đã quên không đóng lại.
Phải mất một lúc tôi mới hiểu ra cái cửa xập ấy xui tôi làm gì. Không phải là tự sát, nhất định rồi. Như thế thì quá đơn giản. Tuy nhiên, phương án kia thì khó và đau đấy, nó đòi hỏi phải hy sinh và ngay từ buổi ấy, điều này đã làm tôi đổ mồ hôi trán như mỗi lần sau này khi người ta đòi hỏi tôi phải hy sinh. Quan trọng hơn cả là làm sao cho cái trống của tôi không bị hư hại gì; vậy phải mang nó thật cẩn thận xuống mười sáu bậc cầu thang mòn vẹt rồi đặt vào giữa những bao bột, tạo nên lý do tại sao nó vẫn nguyên vẹn. Rồi trở lên tới bậc thứ tám, không, thứ bảy, không, kể ra bậc thứ năm cũng được. Nhưng từ độ cao này thì không thể dung hòa hai kết quả: an toàn và vết thương hợp lý được. Thế là lại ngược lên đến bậc thứ mười - không, cao quá - cuối cùng, từ bậc thứ chín, tôi nhào đầu xuống, kéo theo cả một cái giá đầy những chai xirô phúc bồn tử và ngã sóng xoài trên sàn xi-măng của căn hầm kho.
Ngay trước khi bất tỉnh, tôi còn kịp nhận thấy thành công mỹ mãn của cuộc thử nghiệm: những chai xirô phúc bồn tử (quả framboise & raspberry) mà tôi cố tình kéo theo trong cú ngã va nhau loảng xoảng, đủ ầm ĩ để rứt Matzerath ra khỏi bếp, mẹ tôi ra khỏi dương cầm và số khách còn lại của bữa tiệc sinh nhật ra khỏi dãy núi Vosges và tất cả ùa ra cửa hàng, tới chỗ cánh cửa xập mở toang và lao xuống các bậc thang.
https://thuviensach.vn
Trước khi họ tới, tôi còn kịp hít một hơi xirô phúc bồn tử, quan sát thấy đầu mình đang chảy máu và tự hỏi (trong khi bọn họ đang xuống cầu thang) cái mùi dìu dịu và buồn ngủ kia là từ đâu, từ máu của Oskar hay từ những trái phúc bồn tử? Dù thế nào đi nữa, tôi cũng hài lòng vì mọi sự đã thông đồng bén giọt và nhờ sự lo xa của tôi, cái trống không hề sứt mẻ tí nào.
Tôi đồ rằng Greff đã bế tôi lên khỏi hầm. Mãi đến lúc vào phòng khách rồi, Oskar mới ngoi ra khỏi cái đám mây tạo nên bởi hai thành tố - một nửa là xirô và nửa kia là dòng máu trẻ của nó. Thầy thuốc chưa đến, mẹ tôi tru tréo và vung tay đánh tới tấp vào mặt Matzerath bằng cả lòng và mu bàn tay, gọi ông là đồ sát nhân trong khi ông cố trấn an mẹ.
Vậy là bằng mỗi một cú ngã đành rằng cũng khá mạnh nhưng được tính toán kỹ từ trước, không những tôi đã cung cấp cho những người lớn lời giải thích quan trọng (được các thầy thuốc xác nhận năm lần bảy lượt) cho việc tôi thôi lớn, mà ngoài ra, còn biến ông Matzerath hồn hậu, vô hại thành một ông Matzerath phạm tội (thực tình tôi đâu có dụng ý làm thế), ông đã quên không đóng cánh cửa xập. Mẹ tôi đổ hết tội lên đầu ông và trong nhiều năm sau, thi thoảng ông vẫn phải hứng chịu những lời trách mắng không thương tiếc của mẹ tôi.
Cú ngã làm tôi phải nằm nhà thương bốn tuần lễ và sau đó, ngoại trừ những buổi khám bệnh hàng tuần tại nhà bác sĩ Hollatz, tôi được tương đối yên thân về phía ngành y. Ngay từ ngày đầu tiên trong vai trò người đánh trống, tôi đã phát thành công một tín hiệu cho thế giới; “ca” của tôi đã được làm sáng tỏ ngay cả trước khi những người lớn kịp nghĩ đến bản chất thật sự của tình trạng mà chính tôi đã gây ra. Từ nay về sau, cách giải thích chính thức sẽ là: vào dịp sinh nhật lần thứ ba, bé Oskar của chúng tôi bị ngã xuống cầu thang hầm kho, xương cốt tuy nguyên vẹn, nhưng không lớn được nữa.
Và tôi bắt đầu chơi trống. Nhà chúng tôi có bốn tầng. Từ tầng trệt đến tầng áp mái, tôi cứ lên lên xuống xuống, vừa đi vừa đánh trống. Từ
https://thuviensach.vn
Labesweg, tôi ra Quảng trường Max-Halbe, đến Neuschottland, đường Anton-Mưller, phố Nữ thánh Marie, công viên Kleinhammer, nhà máy bia cổ phần, hồ Aktien, bãi cỏ xanh Frobel, trường Pestalozzi, Chợ Mới, rồi quay trở về Labeweg. Cái trống của tôi chịu đựng tốt sự căng thẳng ấy, nhưng những người lớn quanh tôi thì không, họ luôn luôn muốn cắt đứt nhịp trống của tôi, ngáng trở nó; nhưng tạo hoá đã phù trợ cho tôi.
Cái khả năng sử dụng trống để thiết lập một khoảng cách cần thiết giữa tôi và những người lớn đã phát triển nơi tôi ít lâu sau cú ngã, gần như đồng thời với sự xuất hiện của một chất giọng khiến tôi có thể hát và ngân rung ở một cao độ ghê gớm, có nghĩa tôi có thể hát - thét chói tai đến nỗi không ai dám tước đi cái trống làm đinh tai họ, bởi vì hễ nó bị giật khỏi tay tôi là tôi thét liền và khi tôi thét là nhiều thứ đồ quý giá vỡ tan tành. Tôi có cái khiếu
hủy hoại thủy tinh bằng tiếng hát. Tôi thét vỡ bình hoa. Tôi hát nổ ô kính cửa sổ cho gió lùa mặc sức. Như một đóa kim cương tinh khiết - và bởi thế càng khắc nghiệt - giọng tôi bổ toác các tủ kính và, không hề mất đi chất hồn nhiên ngây thơ, xâm nhập vào tận bên trong phá phách bộ ly uống rượu thanh mảnh, hài hòa, phủ một lớp bụi mỏng - quà tặng của một người thân.
Chẳng bao lâu, những năng khiếu của tôi trở nên khét tiếng khắp phố, từ đường Brösener đến khu cư xá cạnh sân bay. Hễ bọn trẻ con hàng xóm trông thấy tôi - những trò chơi của chúng như “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” hay “Đâu rồi, mụ phù thủy đen như hắc ín?”... chẳng hấp dẫn tôi chút nào - là cả dàn đồng ca mặt mày nhem nhuốc của chúng lại cất tiếng nheo nhéo:
Tan tành ô cửa kính
Uống bia tươi với đường
Cô Hai Mít má phính
Thổi kèn dưới hàng dương
https://thuviensach.vn
Một bài vè ngớ ngẩn, vô nghĩa. Tôi chẳng lấy gì làm phiền, mà còn lấy luôn cái tiết tấu đơn giản nhưng không phải là không có duyên ấy hòa nhập vào điệu trống suốt từ đầu đến cuối, này bia tươi, này cô Hai Mít. Cứ thế khua vang trống, tôi diễu hành dọc phố và mặc dù tôi không phải là chàng Thổi Sáo dụ chuột thành Hameln, bọn trẻ vẫn lũ lượt đi theo tôi.
Ngay cả đến giờ, mỗi khi Bruno cọ cửa kính phòng tôi chẳng hạn, tôi vẫn dành một khoảnh khắc để dạo lại trên trống tiết tấu của bài vè đó.
Đáng bực hơn cái trò trêu chọc mang tính trữ tình ấy của bọn trẻ con và rầy rà hơn, nhất là đối với cha mẹ tôi, là cái thực tế tốn kém này: trong cả khu phố tôi, bất kỳ ô kính của sổ nào bị bọn du côn lớn hoặc nhỏ đập vỡ, người ta cũng nhất nhất đổ diệt cho tôi và giọng của tôi. Thoạt đầu mẹ tôi ngay thẳng và sòng phẳng đền những ô kính vỡ mà phần lớn là do súng cao-su, rồi cuối cùng mẹ hiểu ra vấn đề và, lấy vẻ mặt lạnh lùng trong giao dịch doanh thương, mẹ yêu cầu - ai đòi bồi thường phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Và quả thật tôi bị kết tội oan. Vào thời kỳ ấy, không gì sai lầm hơn là gán cho tôi cái thói con nít mê đập phá, cái tật vô cớ thù ghét thủy tinh và đồ thủy tinh. Chỉ có những đứa trẻ chơi đùa mới phá hoại vì tinh nghịch. Tôi đây không bao giờ chơi cả. Tôi làm việc trên cái trống của tôi, còn về giọng tôi, những khả năng kỳ diệu của nó chỉ nhằm thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chí ít là vào thời kỳ đầu. Chỉ đến khi quyền được đánh trống của tôi bị đe dọa, tôi mới dùng thanh đới của mình làm vũ khí. Nếu cũng bằng âm độ ấy và kỹ thuật ấy, tôi có thể xé nát những khăn bàn gớm ghiếc thêu rối tinh rối mù của Gretchen Scheffler hoặc xóa bỏ lớp vẹc-ni sẫm trên chiếc dương cầm, thì chắc tôi đã vui vẻ để yên cho các đồ thủy tinh. Nhưng giọng tôi hoàn toàn vô hiệu đối với khăn bàn và vẹc-ni. Tôi không tài nào xóa được những họa tiết trên giấy phủ tường bằng những tiếng thét, cũng không thể, bằng cách xát mạnh hai âm hú kéo dài theo cách tổ tiên ta ở thời kỳ đồ đá xát hai mảnh đá vào nhau, tạo nên nhiệt lượng đủ là xoè tia lửa cần thiết để đốt những tấm rèm nỏ như bùi nhùi, ám khói thuốc lá ở hai cửa sổ phòng khách nhà chúng tôi cháy bùng lên thành những hoa văn trang trí.
https://thuviensach.vn
Tôi chưa bao giờ hát đến gẫy chân một chiếc ghế nào có Matzerath hay Alexanderr Scheffler đang ngồi bên trên. Tôi những muốn tự vệ bằng những phương cách vô hại hơn, đỡ huyền hoặc hơn, song tôi không có vũ khí nào khác; chỉ có thủy tinh chịu khuất phục uy lực của tôi và do đó phải trả giá.
Cuộc trình diễn thành công đầu tiên của tôi trong lĩnh vực này xẩy ra ít lâu sau bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi. Tôi sở hữu cái trống đã được bốn tuần và đã cật lực dùng nó đến tơi tả. Tang trống sơn đỏ và trắng theo vạch răng cưa vẫn còn nối hai mặt trống với nhau, nhưng cái lỗ ở mặt trên đã lồ lộ; vì tôi không đụng đến mặt kia nên mỗi ngày nó một rộng thêm, tướp ra mọi phía thành những cạnh răng cưa lởm chởm. Những mảnh thiếc vụn, do dùi trống gõ bong ra, rơi vào bên trong và cứ mỗi nhát dùi nện xuống, lại ấm ức va nhau kêu loẻng xoẻng. Những vẩy men trắng, không kham nổi nỗi truân chuyên của đời trống, rơi lả tả xuống thảm trải phòng khách và sàn gỗ nâu đỏ của phòng ngủ.
Mọi người sợ tôi bị những cạnh sắc của lỗ thủng trên mặt trống làm đứt tay. Đặc biệt Matzerath, ông trở nên quan tâm quá đáng đến việc bảo đảm an toàn, lúc nào cũng nhắc tôi phải cẩn thận. Vì mỗi khi đánh trống, những cổ tay vung mạnh của tôi bao giờ cũng gần kề những cạnh sắc ấy, nên tôi phải công nhận rằng nỗi lo ngại của Matzerath không phải là vô căn cứ tuy có phần hơi thái quá. Dĩ nhiên họ có thể chặn trước mọi nguy hiểm bằng cách cho tôi một cái trống mới, nhưng đó không phải là ý định của họ, họ chỉ muốn tước đi của tôi cái trống cũ thân thương đã từng ngã cùng tôi, đi bệnh viện cùng tôi và trở về nhà cùng tôi, cái trống đã theo tôi lên gác xuống gác, diễu hành trên hè phố, qua các trò “Một, hai, ba, cá trích ngâm giấm” và “Đâu rồi mụ phù thủy” và “Cô Hạt Mít” - phải, họ muốn cướp nó đi mà chẳng đền bù gì cho tôi. Họ định mua chuộc tôi bằng một thỏi sô-cô la ngu xuẩn. Mẹ tôi dẩu môi chìa nó cho tôi. Chính Matzerath, với vẻ mặt làm ra nghiêm nghị, là người giơ tay nắm lấy cái trống tiều tụy của tôi. Tôi lấy hết sức níu lại. Ông kéo mạnh. Sức tôi, vốn chỉ đủ để đánh trống, bắt
https://thuviensach.vn
đầu núng thế. Lần lượt từng lưỡi lửa trên tang trống từ từ tuột khỏi tay tôi. Đến lúc này Oskar, vốn xưa nay được xem là đứa bé lặng lẽ, hầu như quá ngoan là đằng khác, mới bật lên tiếng thét công phá đầu tiên của mình: miếng thủy tinh tròn nhẵn bóng che cho cái mặt màu mật ong của chiếc đồng hồ treo khỏi bụi và xác ruồi, bỗng nổ tung, mảnh rơi lả tả xuống sàn gỗ (vì thảm không đủ để trải tới tận dưới chân đồng hồ), nơi công cuộc phá hoại được hoàn tất. Tuy nhiên, phần bên trong của đồ vật cơ khí quý giá này không hề bị hư hại; cái quả lắc vẫn bình thản tiếp tục hành trình của mình và hai chiếc kim cũng vậy. Bộ chuông ngân mọi khi rất nhạy cảm, chỉ một chấn động nhỏ - chẳng hạn một chiếc xe tải chở bia chạy qua - cũng đủ khiến nó ré lên như con mụ bị thần kinh, thế mà nó không mảy may phản ứng với tiếng thét của tôi, chỉ có thủy tinh là vỡ, vỡ tan tành, vỡ triệt để.
“Vỡ đồng hồ rồi!” Matzerath kêu lên và buông cái trống ra. Chỉ thoáng nhìn, tôi đã xác định được là đích thị cái đồng hồ thì không sao, chỉ có mặt kính là đi tong. Nhưng đối với Matzerath cũng như với mẹ tôi và Jan Bronski (theo thường lệ vẫn đến chơi mỗi chiều chủ nhật) thì tổn thất có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Mặt tái mét, họ lấm lét nhìn nhau, nhớn nhác, và vươn tay tới vật rắn gần nhất có thể bấu víu vào được - cái bếp lò, cây dương cầm, tủ buýp- phê... Họ đứng ngây ra, không dám động đậy. Jan Bronski mấp máy cặp môi khô, mắt đầy vẻ van lơn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng bác đang khấn thầm trong bụng một lời nguyện đại loại như: "Ôi con chiên của Chúa, Người cất bỏ những tội lỗi của thế gian này, miserere nobis" [1]. Ba lần như thế rồi tiếp theo là: "Lạy Chúa, con không xứng đáng được đón Người dưới mái nhà này, chỉ xin Người nói một lời..."
Dĩ nhiên là Chúa chẳng nói gì. Vả lại, đồng hồ không đi đứt mà chỉ vỡ mặt kính thôi. Tuy nhiên, có một cái gì thật kỳ khu và con nít trong tình cảm của đám người lớn đối với những cái đồng hồ của họ (về mặt này, tôi không bao giờ là con nít cả). Tôi sẵn sàng đồng ý rằng đồng hồ có thể là vật đáng kể nhất mà người lớn đã tạo ra. Người lớn vốn nuôi chí sáng tạo và đôi khi, với tham vọng, tính cần cù và tí chút may mắn, họ thực sự trở thành
https://thuviensach.vn
sáng tạo, nhưng bởi là người lớn, nên vừa mới tạo ra được một phát minh vĩ đại, họ đã tức thì biến mình thành nô lệ của nó.
Nói cho cùng, đồng hồ là cái gì mới được chứ? Không có người lớn thì nó chẳng là cái gì sất. Người lớn lên dây cho nó, chỉnh giờ nhanh lên hay chậm lại, mang nó đến ông thợ đồng hồ để kiểm tra, lau dầu và nếu cần thì sửa chữa. Cũng như trong các trường hợp chim cu ngừng hót quá sớm, lọ muối trên bàn ăn bị đổ, sáng sớm đã nhìn thấy nhện, gặp mèo đen đến từ bên tay trái, hoặc bức chân dung sơn dầu của ông bác treo trên tường bỗng rơi xuống vì chiếc đinh bị long, người lớn thường nhìn thấy trong gương và đằng sau một chiếc đồng hồ nhiều điều hơn là nó có thể báo hiệu.
Mẹ tôi tiếng là bồng bột song lại có cái đầu khá tỉnh và chính cái tính phù phiếm ấy thường khiến mẹ đi đến những diễn giải lạc quan về các tín hiệu hoặc điềm báo, cuối cùng mẹ tìm ra lời để cứu vãn tình thế.
"Mảnh vỡ là điềm may!" mẹ nói lớn, bật ngón tay đánh tách rồi đi lấy xẻng và chổi hốt lấy may mắn đó.
Nếu hiểu theo lời mẹ thì tôi đã mang đến cho cha mẹ, họ hàng bạn bè và cả nhiều người hoàn toàn xa lạ khá nhiều may mắn bằng cách hát hoặc hét vỡ tan những đồ thủy tinh thuộc về, hoặc đang được sử dụng bởi, những người toan cướp đi cái trống của tôi, nào ô kính cửa sổ, nào bát pha lê đựng đầy hoa quả giả, nào những cốc bia đầy, những chai bia rồng hoặc những cái lọ nhỏ chứa hương mùa xuân mà người phàm tục gọi là nước hoa, tóm lại, bất cứ sản phẩm nào của nghệ thuật làm thủy tinh.
Để hạn chế thiệt hại (bởi tôi xưa nay vẫn là người yêu đồ thủy tinh mỹ nghệ), khi đêm đến, người ta định cất cái trống đi, không để tôi mang theo vào giường ngủ, tôi tập trung vào công phá một hoặc hai - ba bóng trong chùm đèn bốn bóng ở phòng khách của chúng tôi. Trong bữa sinh nhật lần thứ tư của tôi vào đầu tháng 9 năm 1928, tôi giáng một chưởng vào cả đám đông tụ tập đông đủ - cha mẹ tôi, vợ chồng bác Bronski, bà ngoại
https://thuviensach.vn
Koljaiczek, vợ chồng nhà Scheffler và vợ chồng nhà Greff, những người đã tặng tôi - mọi thứ quà họ có thể nghĩ ra, nào lính chì, nào thuyền buồm, nào xe cứu hoả nhưng không có cái trống nào, những người muốn tôi phí thì giờ với đám lính chì, với cái xe cứu hoả ngu xuẩn, những người mưu toan tước
đoạt của tôi cái trống cũ tả tơi nhưng thân tín, muốn cướp nó khỏi tay tôi, thay vào đó cái thuyền buồm vô dụng, trang bị lại không chuẩn - phải, tôi đã giáng một chưởng vào cả cái đám người chỉ nhằm một mục đích duy nhất là lờ tôi đi, không thèm đếm xỉa đến những ước muốn của tôi, ném họ vào bóng đêm tiền sử bằng một tiếng thét lia một vòng đập tan cả bốn chiếc bóng của chùm đèn.
Ôi, người lớn, người lớn! Sau những tiếng la khiếp hãi đầu tiên, sau những lời gần như tuyệt vọng cầu xin ánh sáng trở lại, họ quen dần với bóng tối và khi bà ngoại Koljaiczek của tôi, người duy nhất cùng với cu tí Stephan không kiếm chác được gì nhờ bóng tối, ra ngoài cửa hàng kiếm nến (Stephan khóc nhè vẫn bám riết váy bà) và mang ánh sáng trở lại, thì đám còn lại đã say la đà và cặp với nhau theo dạng thức râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Như có thể dự đoán, mẹ tôi, coóc-xê xộc xệch, đang ngồi trên lòng bác Jan Bronski. Thật phát ớn khi nhìn thấy lão chủ hiệu bánh mì chân ngắn tũn, Alexander Scheffler, gần như lút giữa những lớp thịt ngồn ngộn của Greff nương nương. Matzerath thì đang mút những chiếc răng ngựa bịt vàng của Gretchen Scheffler. Chỉ có Hedwig Bronski là ngồi một mình chắp tay trên đầu gối, cặp mắt bò cái đầy vẻ thành kính trong ánh nến, bên cạnh nhưng không quá kề sát Greff - Rau - Quả, tay này tuy không uống gì mà vẫn hát với một giọng buồn man mác và đắm đuối. Quay về phía Hedwig Bronski, giả làm hiệu mời nàng hòa giọng song ca với mình và cả hai cùng hát một bài ca ngợi một huynh trưởng hướng đạo sinh tên là Riibezahl chết rồi mà hồn vần lẩn quất trên những ngọn núi Bohemia.
https://thuviensach.vn
Người ta đã bỏ quên tôi. Dưới gầm bàn, Oskar ngồi với cái trống xác xơ, cố chắt nốt dăm ba nhịp thoi thóp cuối cùng. Điệu trống yếu ớt nhưng đều đặn của tôi xem ra lại rất phù hợp với trạng thái phiêu diêu ngây ngất của những người đang nằm, ngồi ngả ngốn khắp phòng. Bởi lẽ, như một lớp vẹc-ni, tiếng trống của tôi phủ lên mọi tiếng hôn hít, mút mát cuồng khấu.
Tôi vẫn ở dưới gầm bàn khi bà ngoại bước vào với cây nến như một thiên thần phẩn nộ, nhìn cái cảnh Sodom và Gomorrah [2] trong ánh nến, giận sôi lên đến nỗi những cây nến cầm trong tay run lên, gọi cả đám là lũ lợn bẩn thỉu và chấm dứt cả cảnh huê tình lẫn cuộc du ngoạn trên núi của Riibenzahl bằng cách cắm chặt nến lên đĩa, lấy bộ bài xì-cạt trong tủ buyp phê ra ném lên bàn, đồng thời không quên dỗ cu tí Stephan vẫn khóc nhèo nhẽo. Lát sau, Matzerath lắp những bóng mới vào đui cũ của chùm đèn, ghế được kê lại, bia lại mở bôm bốp; trên đầu tôi, bắt đầu một hội xì-cạt tính mỗi điểm ăn một phần mười fennich. Ngay từ đầu, mẹ tôi đã đề nghị nâng tiền cược lên một phần tư fennich, nhưng bác Jan cho là quá mạo hiểm và cuộc chơi tiếp tục ở mức cò con đó.
Tôi cảm thấy dễ chịu dưới gầm bàn, trong sự che chở của tấm khăn bàn. Khẽ dạo trên mặt trống, tôi hòa nhịp với những tiếng động trên đầu, theo dõi những diễn biến của cuộc chơi và đúng một giờ sau, thông báo: Jan Bronski đã thua. Bác lên bài rất tốt mà vẫn thua. Chẳng có gì là lạ: bác đâu có để tâm vào bài. Đầu óc bác còn mải nghĩ đến những điều hoàn toàn khác với bộ hoa vuông trên tay. Ngay từ đầu, trong khi vẫn nói chuyện với bà cổ uột, cố thuyết phục bà rằng cuộc truy hoan nho nhỏ trong bóng tối ban nãy chẳng có gì là ghê gớm cả, bác đã tụt một bàn chân đi tất ra khỏi giày, đưa qua đầu tôi, tìm (và tìm thấy) đầu gối mẹ tôi. Thế là mẹ tôi liền xích lại gần bàn hơn và Jan bỏ qua một lá bài Matzerath vừa đánh ra, dùng ngón chân nâng gấu váy mẹ lên để luồn cả bàn chân (trong chiếc tất mới thay sáng nay) vào khoa khoắng giữa hai đùi mẹ. Tôi phải bái phục mẹ tôi: bất chấp sự khiêu khích bằng len ấy dưới gầm bàn, mẹ vẫn đi được những nước bài táo bạo bên trên tấm khăn bàn hồ cứng đồng thời liến thoắng trò chuyện rất
https://thuviensach.vn