🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái Ghế Trống - Jeffery Deaver Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC PHẦN I PHÍA BẮC SÔNG PAQUO CHƯƠNG MỘT CHƯƠNG HAI CHƯƠNG BA CHƯƠNG BỐN CHƯƠNG NĂM CHƯƠNG SÁU CHƯƠNG BẢY CHƯƠNG TÁM CHƯƠNG CHÍN CHƯƠNG MƯỜI CHƯƠNG MƯỜI MỘT CHƯƠNG MƯỜI HAI PHẦN II CON NAI CÁI LÔNG TRẮNG CHƯƠNG MƯỜI BA CHƯƠNG MƯỜI BỐN CHƯƠNG MƯỜI LĂM CHƯƠNG MƯỜI SÁU CHƯƠNG MƯỜI BẢY CHƯƠNG MƯỜI TÁM CHƯƠNG MƯỜI CHÍN CHƯƠNG HAI MƯƠI CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI PHẦN III CUỘC ĐẤU TAY ĐÔI CHƯƠNG HAI MƯƠI BA CHƯƠNG HAI MƯƠI TƯ CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY CHƯƠNG HAI MƯƠI TÁM CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN CHƯƠNG BA MƯƠI CHƯƠNG BA MƯƠI CHƯƠNG BA MƯƠI MỐT CHƯƠNG BA MƯƠI HAI CHƯƠNG BA MƯƠI BA PHẦN IV TỔ ONG BẮP CÀY CHƯƠNG BA MƯƠI TƯ CHƯƠNG BA MƯƠI LĂM CHƯƠNG BA MƯƠI SÁU CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY CHƯƠNG BA MƯƠI TÁM CHƯƠNG BA MƯƠI CHÍN CHƯƠNG BỐN MƯƠI CHƯƠNG BỐN MƯƠI MỐT PHẦN V THỊ TRẤN VẮNG BÓNG TRẺ CHƯƠNG BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG BỐN MƯƠI BA CHƯƠNG BỐN MƯƠI BỐN CHƯƠNG BỐN MƯƠI LĂM CHƯƠNG BỐN MƯƠI SÁU (Untitled) PHẦN I PHÍA BẮC SÔNG PAQUO CCHƯƠNG MỘT ô tới để đặt những bông hoa tại cái nơi mà cậu con trai ấy đã chết, còn cô gái thì bị bắt cóc. Cô tới vì cô vốn vụng về và sở hữu một khuôn mặt rỗ. Cô không có nhiều bạn bè. Cô tới vì người ta yêu cầu cô tới. Cô tới vì cô muốn tới. Lóng ngóng và vã mồ hôi, Lydia Johansson, cô gái hai mươi sáu tuổi, bước dọc theo lề đất của đường 112, nơi cô đã đỗ chiếc Honda Accord, rồi thận trọng đi xuống đồi, tới cái bờ lầy lội, nơi con kênh đào Nước đen gặp sông Paquenoke đục ngầu. Cô tới vì cô nghĩ đây là việc nên làm. Cô tới mặc dù thấy sợ. Vừa mới bình minh, nhưng tháng Tám năm nay là tháng nóng nhất so với nhiều năm qua ở Bắc Carolina và bộ đồng phục y tá màu trắng của Lydia đã ướt mồ hôi khi cô bắt đầu bước về phía khoảng đất trống trên bờ sông, xung quanh mọc đầy liễu, sơn thù du và những cây nguyệt quế tán rộng. Cô dễ dàng nhận ra cái nơi cô đang tìm kiếm, vì các dải băng vàng của cảnh sát nổi bật lên trong sương mù. Những âm thanh của buổi sáng sớm. Bầy chim lặn, một con vật sục sạo bới thức ăn trong cái bụi rậm gần đó, những làn gió nóng nực thổi giữa đám lau lách và cỏ đầm lầy. Lạy Chúa, thật đáng sợ, Lydia nhủ thầm. Những cảnh khủng khiếp nhất từ các cuốn tiểu thuyết của Stephen King và Dean Koontz mà hằng đêm cô hay đọc, với thứ bầu bạn là một vại Ben & Jerry’s hiện lên sống động. Lại có thêm những tiếng động trong cái bụi rậm kia. Lydia ngập ngừng dừng bước, nhìn xung quanh. Rồi lại tiếp tục. “Này”, một giọng đàn ông cất lên. Rất gần. Lydia thở hổn hển và quay phắt lại. Suýt nữa thì rơi bó hoa. “Jesse, anh làm tôi sợ phát khiếp.” “Xin lỗi.” Jesse Corn đứng ở phía bên kia một cây liễu rủ, gần khu vực đã được chăng dây. Lydia nhận ra ánh mắt họ cùng nhìn chằm chằm vào một chỗ: đường vẽ màu trắng vẫn còn ướt trên nền đất, đánh dấu nơi người ta tìm thấy xác cậu con trai. Xung quanh vị trí đầu Billy là một đám thẫm màu mà cô, một y tá, ngay lập tức nhận ra là máu thấm xuống. “Vậy chuyện đã xảy ra ở đấy,” Lydia thì thầm. “Phải, ở đấy.” Jesse lau trán và sửa sang lại món tóc vàng lượn sóng. Bộ đồng phục anh ta đang mặc bộ đồng phục màu be của Sở Cảnh sát quận Paquenoke nhàu nhĩ, đầy bụi. Mồ hôi ra tạo thành những khoảng thẫm dưới nách áo. Anh ta ba mươi tuổi, có vẻ đáng yêu kiểu một chú bé con. “Anh ở đây bao lâu rồi?”, Lydia hỏi. “Tôi không biết. Chắc là từ năm giờ.” “Tôi trông thấy một cái xe nữa”, Lydia nói. “Phía đầu đường. Có phải Jim không?” “Không. Ed Schaeffer đấy. Ông ta đang ở bên kia sông.” Jesse hất đầu chỉ bó hoa. “Đẹp nhỉ.” Một lát sau, Lydia mới nhìn xuống những bông cúc dại trong tay mình. “Hai đô la bốn mươi chín xu. Mua ở Food Lion[1]. Mua tối hôm qua. Vì tôi biết là chẳng đâu mở cửa vào lúc sớm như thế này. Ờ, có Deli, nhưng họ không bán hoa.” Cô tự hỏi tại sao bỗng dưng mình lại nói năng lan man thế. Cô nhìn xung quanh lần nữa. “Chưa xác định được Mary Beth bị đưa đi đâu à?” Jesse lắc đầu. “Không tăm hơi.” “Tức là cả hắn cũng không thấy đâu.” “Cả hắn.” Jesse nhìn đồng hồ đeo tay. Rồi đưa ánh mắt khắp mặt nước tối thẫm, những đám sậy dày đặc và cỏ um tùm, cái cầu tàu mục nát. Lydia không thích thấy một anh chàng cảnh sát quân, chưng diện khẩu súng lục bự, lại dường như căng thẳng chẳng kém gì cô. Jesse bắt đầu đi lên sườn đồi đầy cỏ để ra quốc lộ. Anh ta dừng bước, liếc nhìn bó hoa. “Chỉ có hai đô la chín mươi chín xu thôi à?” “Bốn mươi chín xu. Mua ở Food Lion.” “Rẻ đấy.” Anh chàng cảnh sát trẻ tuổi vừa nói vừa nheo mắt nhìn về phía một bãi mênh mông rậm rạp cỏ. Anh ta lại đi lên sườn đồi. “Tôi đi lấy xe.” Lydia Johansson bước tới gần hiện trường vụ án hơn. Cô tưởng tượng thấy Chúa Jesus, cô tưởng tượng thấy các thiên thần, và cô cầu nguyện mấy phút. Cô cầu nguyện cho linh hồn Billy Stail, bây giờ đã rời khỏi cái xác máu me của cậu, nó được phát hiện ra ngay chỗ này, mới sáng hôm qua. Cô cầu nguyện để nỗi bất hạnh đang đến viếng thăm Tanner’s Corner sẽ kết thúc. Cô cũng cầu nguyện cho chính bản thân mình. Lại có thêm những tiếng động trong bụi rậm. Răng rắc, sột soạt. Lúc này, ngày đã rạng hơn, nhưng mặt trời vẫn chưa chiếu sáng cả Bến tàu kênh Nước đen. Con sông ở đoạn này sâu, ven bờ là những cây liễu rối bời, những thân to của tuyết tùng và bách - một số còn sống, một số đã chết, tất cả đều bám đầy rêu và sắn dây. Về phía đông bắc, cách đây không xa, là đầm lầy Sầu Thảm[2], và Lydia Johansson, cũng giống như tất cả các thành viên Nữ Hướng đạo sinh từ trước tới nay của quận Paquenoke, biết mọi truyền thuyết về cái chốn đó: Nàng tiên vùng Hồ, Người lái tàu không đầu… Nhưng chẳng phải những ảo ảnh ấy khiến cô lo sợ, mà là bóng ma của chính Bến tàu kênh Nước đen - kẻ vừa bắt cóc Mary Beth McConnell. Lydia mở xắc, châm điếu thuốc bằng đôi bàn tay run rẩy. Cảm thấy bình tĩnh hơn một chút. Cô bước dọc theo bờ sông. Dừng lại bên đám cỏ nến và cỏ cao bị gió thổi rạp xuống, cháy sém. Lydia nghe thấy tiếng xe hơi khởi động trên đỉnh đồi. Jesse chưa đi chứ? Cô nhìn lên phía đó, lo sợ. Nhưng cô nhận ra chiếc xe đứng yên. Chắc chỉ để chạy máy điều hoà không khí, cô đồ là thế. Khi lại nhìn về phía con sông, cô thấy lau lách, cỏ nến và lúa dại vẫn đang rạp xuống, rập rờn, xào xạc. Như thể có người nào ở đằng kia, tiến tới sát hơn những dải băng vàng, cúi thấp người xuống. Nhưng không, không, tất nhiên không phải vậy. Chỉ là gió thôi, Lydia tự nhủ. Và cô vừa đặt bó hoa lên chạc ba của một cây liễu đen đúa xù xì, cách nét vẽ đáng sợ cái hình người nằm sõng soài, vấy đầy máu thẫm như nước sông không xa. Cô lại bắt đầu cầu nguyện. Bên kia sông Paquenoke, Ed Schaeffer đứng dựa vào một cây sồi, phớt lờ đám muỗi buổi sáng sớm bay vo ve gần hai cánh tay thò ra dưới chiếc sơ mi đồng phục cộc tay của ông. Rồi ông khom mình xem xét tỉ mỉ nền rừng lần nữa, tìm kiếm dấu vết gã trai. Ông phải bám vào cành cây để khỏi ngã. Ông kiệt sức đến chóng mặt. Cũng như hầu hết các đồng nghiệp trong sở, ông đã thức gần hai mươi tư tiếng đồng hồ, tìm kiếm Mary Beth McConnell và kẻ bắt cóc cô. Nhưng trong khi các đồng nghiệp lần lượt về nhà tắm gội, ăn uống và ngủ lấy mấy tiếng, Ed vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm. Ông là người nhiều tuổi nhất và to béo nhất (năm mươi mốt tuổi và nặng chừng hai trăm sau mươi tư pound) nhưng sự mệt mỏi, cái đói và các khớp xương cứng đờ không buộc ông ngừng tìm kiếm cô gái. Ed lại kiểm tra nền rừng. Ông ấn nút truyền của máy bộ đàm. “Jesse, tôi đây. Cậu ở đó chứ?” “Tôi nghe.” Ed thì thầm: “Tôi phát hiện ra các dấu chân ở chỗ này. Chúng còn mới. Một tiếng đồng hồ trước là cùng”. “Ông nghĩ là hắn à?” “Thế còn ai nữa? Vào lúc sáng sớm như thế này, ở phía này sông Paquo?” “Xem chừng ông đúng đấy,” Jesse Corn nói. “Thoạt đầu tôi không tin, nhưng ông nói có lý.” Lúc trước, Ed đã đưa ra giả thuyết là gã trai sẽ quay lại. Không phải vì cái ý tưởng quá sáo mòn về việc kẻ tội phạm sẽ quay lại hiện trường gây án, mà vì gã vẫn luôn sử dụng Bến tàu kênh Nước đen làm địa bàn rình rập, và dù có tự chuốc lấy bất cứ rắc rối gì trong suốt những năm qua, gã bao giờ cũng trở về đây. Ed quan sát xung quanh, sự sợ hãi thay thế cảm giác kiệt sức khi ông đăm đăm nhìn cơ man những cành lá đan chằng chịt đang bao vây mình. Lạy Chúa, người cảnh sát nghĩ, thằng khốn kiếp ở đâu đó gần đây thôi. Ông nói vào bộ đàm: “Dấu vết có vẻ đang di chuyển về phía cậu, nhưng tôi không chắc chắn lắm. Hắn gần như chỉ bước đi trên lá cây. Cậu chú ý đấy. Tôi sẽ tìm hiểu xem hắn xuất phát từ chỗ nào”. Hai đầu gối kêu răng rắc, Ed đứng thẳng dậy, nhẹ nhàng hết mức mà cái thân hình to béo cho phép, đi theo dấu chân gã trai ngược trở về hướng chúng xuất phát – vào sâu hơn trong rừng, cách xa con sông. Ông đi theo dấu vết gã trai chừng một trăm feet thì nhìn thấy nó dẫn đến một căn chòi săn đã cũ – căn chòi xám xịt đủ chỗ cho ba, bốn thợ săn. Những khe kê súng tối đen và chỗ đó có vẻ hoang tàn. Được, ông nghĩ. Được… Hắn có thể chẳng ở đấy đâu. Nhưng cơ mà… Thở mạnh, Ed Schaeffer làm cái việc ông chưa làm suốt gần một năm rưỡi nay: rút súng ra khỏi bao. Ông cầm súng trong bàn tay ướt mồ hôi và bắt đầu tiến về phía trước, mắt đảo tới đảo lui đến chóng mặt, lúc quan sát căn chòi, lúc quan sát nền rừng, quyết định đặt những bước chân sao cho không gây tiếng động. Thằng nhãi đó có súng không? Ed phân vân tự hỏi, nhận ra mình đang chẳng được che chắn gì, y như một người lính bước lên đầu cầu công sự trơ trụi. Ông hình dung ra một nòng súng trường ngay lập tức xuất hiện ở một trong những cái khe kia, nhắm xuống ông. Ed cảm thấy nỗi khiếp sợ ập đến và khom lưng cuống cuồng chạy nốt mười feet cuối cùng tới bên hông căn chòi. Ông nép sát vào những tấm ván gỗ dãi dầu mưa nắng, lấy lại hơi thở và thận trọng lắng nghe. Ông không nghe được gì ngoài tiếng vo ve mơ hồ của đám côn trùng. Được rồi, Ed tự nhủ. Nhìn xem nào. Nhanh. Trước khi hết can đảm, Ed đứng thẳng dậy, nhìn qua một khe kê súng. Không có ai. Rồi ông nheo mắt nhìn xuống sàn. Gương mặt ông nở một nụ cười trước những thứ ông nhìn thấy. “Jesse”, ông phấn khởi nói vào bộ đàm. “Tôi nghe.” “Tôi đang ở chỗ căn chòi có lẽ cách con sông một phần tư dặm về phía bắc. Tôi nghĩ là thằng khốn khiếp ở đây đêm hôm qua. Có giấy gói thức ăn và vỏ chai nước. Một cuộn băng dính nhựa nữa. Và cậu đoán xem còn cái gì? Tôi thấy một tấm bản đồ.” “Một tấm bản đồ?” “Phải. Có vẻ về khu vực này. Biết đâu nó sẽ chỉ cho chúng ta chỗ hắn đang giữ Mary Beth. Cậu nghĩ thế nào?” Nhưng Ed Schaeffer không bao giờ biết được phản ứng của anh chàng đồng nghiệp trước bước tiến tốt đẹp trong công việc điều tra này. Tiếng người con gái thét lên vang vọng khắp cánh rừng và bộ đàm của Jesse Corn im bặt. Lydia Johansson trượt chân về phía sau và lại thét lên khi gã trai nhảy ra từ một đám lách cao, giữ lấy hai cánh tay cô bằng những ngón tay bấu chặt. “Ôi, lạy Chúa, xin đừng làm hại tôi!”, cô van xin. “Câm mồm”, gã trai giận dữ thì thầm, ngó nghiêng xung quanh, những hành động giật cục, ánh mắt đầy dã tâm. Gã cao và gầy giơ xương, giống như phần lớn đám thiếu niên mười sáu tuổi ở các thị trấn nhỏ bang Carolina, thêm vào đó, gã rất khoẻ. Da gã ửng đỏ và nổi cục – trông có vẻ là do quệt vào những gốc cây sồi độc[3]- và mái tóc gã cắt ngắn nham nhở, y như gã đã tự cắt vậy. “Tôi chỉ mang hoa đến… Vậy thôi! Tôi không…” “Xuỵt”, gã trai thì thào. Nhưng những móng tay dài, bẩn thỉu của gã bấm vào da Lydia khiến cô đau đớn và cô lại hét lên. Gã tức tối lấy bàn tay bịt miệng cô. Cô cảm thấy người gã áp sát người cô, cô ngửi thấy cái mùi chua lòm, không tắm gội. Lydia vặn vẹo đầu. “Cậu làm tôi đau”, cô rền rĩ nói. “Hẵng câm mồm!” Giọng gã trai rít lên tựa những cành cây bị phủ băng đang nứt ra và những hạt nước bọt bắn lấm tấm trên mặt Lydia. Gã lắc cô điên cuồng như thể cô là một con chó không vâng lời chủ. Một bên giày vài của gã tuột ra trong lúc vật lộn nhưng gã không chú ý và lại bịt miệng cô cho tới khi cô ngừng kháng cự. Từ trên đỉnh đồi, Jesse Corn gọi: “Lydia? Cô đâu rồi?”. “Xuỵt”, gã trai lại cảnh cáo, cặp mắt mở to, điên dại. “Mày mà hét lên là sẽ thiệt thân. Hiểu không? Mày hiểu không?” Gã thò tay vào túi quần, giơ ra cho Lydia xem con dao. Cô gật đầu. Gã trai đẩy cô đi về phía con sông. Ôi, Xin đừng. Ôi, xin đừng, Lydia thầm cầu cứu thần hộ mệnh của mình. Ðừng để hắn đưa con đến đó. Phía bắc sông Paquo... Lydia ngoảnh nhìn lại và thấy Jesse Corn đứng bên lề đường, cách đấy chừng một trăm thước, dùng bàn tay che ánh nắng của mặt trời chưa lên cao, quan sát xung quanh. “Lydia?”, anh ta gọi. Gã trai đẩy cô đi nhanh hơn. “Lạy Chúa, đi nào!” “Này!”, Jesse kêu lên, rốt cuộc cũng nhìn thấy họ. Anh ta chạy xuống đồi. Nhưng họ đã đến bờ sông, nơi gã trai giấu một chiếc xuồng nhỏ dưới đám sậy và cỏ. Gã đẩy Lydia xuống xuồng và đẩy cho xuồng trôi, chèo mạnh sang bờ bên kia. Gã đưa xuồng lên bờ, kéo cô ra khỏi xuồng. Rồi lôi cô vào rừng. “Chúng ta đi đâu đây?”, Lydia thì thào hỏi. “Đi gặp Mary Beth. Mày sẽ được ở cùng cô ấy.” “Tại sao?”, Lydia thì thào, và lúc này đã nức nở. “Tại sao lại là tôi?” Nhưng gã trai không nói gì nữa, chỉ lơ đãng búng móng tay và lôi cô đi theo hắn. “Ed”, Jesse Corn ấn nút truyền khẩn cấp. “Ôi, thật đẹp mặt. Hắn đã bắt Lydia. Còn tôi thì để hắn thoát.” “Hắn cái gì?” Gắng thở hổn hến, Ed Schaeffer dừng lại. Ông đã bắt đầu đi về phía sông sau khi nghe thấy tiếng thét. “Lydia Johansson. Hắn bắt cả cô ấy rồi.” “Mẹ kiếp”, người cảnh sát to béo lầm bầm, những câu chửi thề của ông cũng chẳng xuất hiện thường xuyên hơn cái việc rút súng khỏi bao đeo bên hông. “Tại sao hắn làm vậy?” “Hắn khùng”, Jesse nói. “Đó là lý do. Hắn sang sông rồi và giờ tôi tới chỗ ông.” “Ðược.” Ed suy nghĩ một chút. “Hắn chắc sẽ quay lại lấy các thứ trong căn chòi. Tôi sẽ nấp bên trong, tóm hắn khi hắn vào. Hắn có súng không hả?” “Tôi không nhìn được.” Ed thở dài. “Được rồi, ờ... Tới đây càng sớm càng tốt. Gọi cả Jim nữa.” “Tôi đã gọi rồi.” Ed thả ngón tay khỏi nút truyền màu đỏ và nhìn qua đám cây bụi về phía con sông. Không có dấu hiệu gì về gã trai cùng nạn nhân mới của gã. Thở hổn hển, Ed chạy trở lại căn chòi và tìm thấy cánh cửa. Ông đá cho nó mở ra. Nó bật về phía bên trong đánh rầm, Ed vội vã bước vào, khom mình trước khe kê súng. Ông đang quá lo sợ, quá hồi hộp, quá tập trung vào việc sẽ làm khi gã trai xuất hiện, đến nỗi thoạt tiên ông không chú ý gì tới hai hay ba đốm nửa đen nửa vàng vèo qua trước mặt. Cũng không chú ý gì tới cảm giác ngưa ngứa bắt đầu từ cổ rổi chạy xuống dọc theo sống lưng. Nhưng tiếp theo thì cảm giác ngưa ngứa bùng nổ thành cơn đau bỏng rãy trên hai vai, chạy xuống hai cánh tay và dưới nách. “Ôi, lạy Chúa.” Ed kêu lên, thở hổn hển, nhảy dựng và bàng hoàng nhìn chăm chăm vào hàng chục con ong bắp cày – vàng dữ dằn – đang bu túm trên da thịt. Ông hốt hoảng phủi chúng và hành động ấy càng chọc tức lũ ong. Chúng chích cổ tay ông, lòng bàn tay, đầu ngón tay. Ông thét lên. Cơn đau này kinh khủng hơn mọi cơn đau ông đã trải qua – kinh khủng hơn lần gãy chân, kinh khủng hơn lần ông cầm lấy chiếc chảo gang mà không biết Jean đã nhóm lò. Rồi bên trong căn chòi tối lờ mờ đi do đàn ong bắp cày tuôn ra từ cái tổ màu xám khổng lồ ở một góc – nó đã bị cánh cửa đập vào sau cú đá của Ed. Rõ ràng hàng trăm con ong đang tấn công ông. Chúng rúc vào tóc ông, đậu trên cánh tay, trên tai, bò vào dưới áo sơ mi và hai ống quần, như thể chúng biết rằng cắm vòi vào vải là vô ích và bởi vậy chúng tìm kiếm da thịt ông. Ông lao về phía cửa căn chòi, xé toạc áo sơ mi và khiếp hãi nhìn thấy từng đám những cái thân cong bóng loáng bám chặt vào ngực và bụng mình. Ông không cố phủi chúng đi nữa mà cứ cắm đầu cắm cổ chạy vào rùng. “Jesse, Jesse, Jesse!”, Ed kêu lên nhưng nhận ra giọng ông chỉ còn là tiếng thì thầm, những vết ong chích vào cổ đã làm cổ họng thít lại. Chạy! Ông tự nhủ. Chạy về phía sông. Và ông chạy. Với tốc lực chưa từng thấy, lao qua cây rừng. Đôi chân guồng lên điên cuồng. Chạy... Tiếp tục chạy, ông tự ra lệnh cho mình. Ðừng dừng lại. Chạy nhanh hơn lũ quỷ sứ bé tí này. Hãy nghĩ về vợ mày. Hãy nghĩ về hai đứa con sinh đôi. Nào, nào, nào... Số ong đã bớt đi mặc dù ông vẫn có thể nhìn thấy ba mươi hay bốn mươi đốm đen bám chặt trên da thịt, những cái thân sau gớm ghiếc cong về phía trước để lại chích ông. Ba phút nữa mình sẽ đến được sông. Mình sẽ nhảy xuống nước. Chúng sẽ chết đuối. Mình sẽ ổn... Chạy! Thoát khỏi cơn đau này... cơn đau này... Làm sao những con vật nhỏ nhường này lại gây ra đau đớn đến thế? Ôi, đau quá... Ed chạy như một con ngựa đua, như một con hươu, đạp lên tầng tầng lớp lớp cây bụi, mà qua nước mắt, ông chỉ thấy mờ mờ như sương mù. Ông sẽ... Nhưng, khoan nào, khoan nào. Có gì không ổn vậy? Ed Schaeffer nhìn xuống và nhận ra rằng mình không hề chạy. Ông thậm chí còn không đứng. Ông nằm trên mặt đất cách căn chòi chỉ chừng ba mươi feet. Đôi chân không guồng lên chạy đang giật liên hồi. Bàn tay Ed rờ tìm máy bộ đàm và tuy ngón cái đã sưng to gấp đôi bình thường vì nọc ong, ông vẫn cố gắng bấm được nút truyền. Nhưng, đúng lúc ấy, cơn rối loạn chức năng bắt đầu từ chân lan đến thân mình, cổ và hai cánh tay khiến ông đánh rơi cái máy. Trong khoảnh khắc, ông nghe thấy giọng Jesse Corn phát ra từ loa, và khi giọng anh biến mất, ông lại nghe thấy tiếng những con ong bắp cày bay vù vù, âm thanh đó dần dần trở nên mảnh như một sợi chỉ và cuối cùng tất cả chìm vào im lặng. CCHƯƠNG HAI hỉ Chúa mới có thể cứu chữa cho anh. Và Chúa thì xem ra không định làm việc này. Điều ấy chẳng thành vấn đề vì Lincoln Rhyme là con người của khoa học chứ đâu phải của thần học, và bởi vậy anh đã không tới Lourdes hay Turin hay một cái lều của giáo phái Baptist để được cầu nguyện, hành lễ, mà anh đã tới đây, tới bệnh viện ở Bắc Carolina này, với hy vọng nếu không hồi phục được hoàn toàn thì chí ít cũng được một phần nào đó. Bây giờ, Rhyme đang lái chiếc xe lăn Storm Arrow[4] gắn động cơ, đỏ như một chiến hạm nhỏ, theo bệ dốc xuống khỏi chiếc xe thùng, chiếc xe vừa đưa anh, anh chàng phụ tá và Amelia Sachs vượt năm trăm dặm - từ Manhattan tới. Ngậm ống điều khiển bằng đôi môi hoàn hảo, anh thành thạo quẹo chiếc xe lăn và tăng tốc độ để nó đi lên vỉa hè, tiến đến cửa chính Viện Nghiên cứu Thần kinh thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery. Thom gập lại bệ dốc của chiếc Chrysler Grand Rollx đen bóng, chiếc xe được thiết kế cho xe lăn lên xuống được. “Đánh nó vào khu vực để xe của người tàn tật”, Rhyme nói to và tủm tỉm cười. Amelia Sachs nhướn một bên lông mày với Thom. Anh chàng bảo: “Tâm trạng đang vui đấy. Hãy tận dụng đi. Vì nó sẽ không kéo dài lâu đâu”. “Tôi nghe thấy rồi đấy”, Rhyme quát lớn. Anh chàng phụ tá lái xe đi và Sachs đuổi kịp Rhyme. Cô đang gọi điện bằng di động, đang chờ kết nối với một công ty cho thuê xe ở đây. Tuần tới, Thom sẽ phải dành nhiều thời gian trong bệnh viện chăm sóc Rhyme, và Sachs muốn chủ động sắp xếp thời gian cho bản thân mình, có thể là thăm thú chỗ nọ chỗ kia trong vùng. Hơn nữa, cô thích lái xe thể thao, chứ không thích lái xe thùng, và về nguyên tắc bao giờ cũng tránh những loại xe mà tốc độ tối đa dưới một trăm dặm một giờ. Sachs đã mất năm phút chờ kết nối và cuối cùng cô bực bội bỏ máy. “Chờ thì em không ngại, nhưng nhạc chuông của bọn Muzak[5] thật điếc cả tai. Em sẽ gọi lại sau vậy.” Cô nhìn đồng hồ đeo tay. “Mới mười rưỡi. Nhưng trời nóng quá. Em muốn nói, nóng quá thể.” Manhattan chẳng phải là nơi có khí hậu ôn hoà nhất vào tháng Tám, nhưng nó cũng nằm về phía bắc hơn nhiều so với Bắc Carolina, và khi họ rời khỏi thành phố New York ngày hôm qua, đi về phía nam qua đường hầm Holland, nhiệt độ chưa tới bảy mươi[6], còn không khí thì khô rang. Rhyme chẳng quan tâm tới cái nóng. Đầu óc anh để cả vào nhiệm vụ sẽ được đặt ra cho anh tại đây. Trước mặt họ, cánh cửa tự động mở ra một cách ngoan ngoãn (anh đồ rằng nó thuộc các tiện nghi được thiết kế cho người tàn tật của hãng Tiffany) và họ bước vào dãy hành lang mát mẻ. Trong lúc Sachs hỏi thăm đường, Rhyme nhìn xung quanh sảnh chính. Anh để ý thấy có dăm bảy chiếc xe lăn không dùng xếp túm tụm lại với nhau, đầy bụi. Anh tự hỏi những người trước đây đã dùng chúng bây giờ ra sao. Có thể là việc điều trị thành công nên cuối cùng họ vứt bỏ được chúng để tự đi hoặc chống nạng. Có thể là một số người bệnh tình trầm trọng thêm, phải nằm liệt giường hoặc ngồi xe lăn lắp máy. Có thể là một số người đã qua đời. “Lối này”, Sachs nói, hất đầu chỉ dãy hành lang phía trên. Thom cùng bước vào thang máy (Cửa rộng gấp đôi bình thường, có các tay vịn, các nút bấm chỉ cách sàn gần ba feet) và vài phút sau họ tìm thấy dãy phòng cần tìm. Rhyme lăn xe tới trước cánh cửa, nhận ra hệ thống chuông cửa hiện hình ảnh. Anh vui vẻ hô: “Vừng ơi, mở ra” và cánh của mở toang. “Chúng tôi hay được nghe câu ấy lắm”, người thư ký trông nhanh nhẹn nói dài giọng. “Ông hẳn là ông Rhyme. Tôi sẽ thông báo với bác sĩ rằng ông đã tới.” Tiến sĩ Cheryl Weaver chừng bốn mươi lăm tuổi, dáng gọn ghẽ, hợp thời trang. Rhyme để ý thấy chị có ánh mắt tinh tường và đôi bàn tay, đôi bàn tay phù hợp với một nhà phẫu thuật, dường như khá khỏe mạnh. Những móng tay ngắn, không sơn. Chị đứng dậy khỏi bàn làm việc, mỉm cười bắt tay Sachs và Thom, rồi gật đầu chào bệnh nhân của mình: “Chào anh, Lincoln”. “Chào bác sĩ.” Cặp mắt Rhyme lướt qua tựa đề rất nhiều cuốn sách xếp trên giá của chị. Rồi lướt qua vô số các chứng chỉ, bằng cấp - tất cả đều của những trường uy tín, những viện nghiên cứu tiếng tăm, tuy nhiên thành tích của chị không khiến anh ngạc nhiên. Sau hàng tháng trời nghiên cứu, Rhyme đã chắc chắn rằng Trung tâm Y khoa Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery là một trong những trung tâm y khoa tốt nhất thế giới. Khoa ung bướu và khoa miễn dịch của trung tâm này thuộc các khoa đông bệnh nhân nhất nước. Viện thần kinh của Tiến sĩ Weaver cũng xác lập tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu và điều trị các chấn thương tuỷ sống. “Thật hay là cuối cùng cũng cũng được gặp anh”, người bác sĩ nói. Bàn tay chị đặt bên trên một túi đựng hồ sơ bằng bìa màu vàng dày khoảng ba inch. Hồ sơ về chính mình, nhà hình sự học phỏng đoán. (Băn khoăn không biết dưới đề mục tiên lượng bệnh là từ nào: “Có triển vọng”? “Không triển vọng”? Hay “Vô vọng”?). “Lincoln, anh và tôi đã trao đổi với nhau vài lần trên điện thoại. Nhưng tôi vẫn muốn nói sơ bộ lại một số vấn đề. Vì lợi ích của cả đôi bên.” Rhyme gật đầu rất nhanh. Anh cũng chuẩn bị tinh thần chịu đựng những thủ tục nào đấy, tuy nhiên anh vốn rất thiếu kiên nhẫn đối với những cái rườm rà. Bắt đầu nghe có vẻ dài dòng văn tự. “Anh đã đọc tài liệu về viện chúng tôi rồi. Và anh biết chúng tôi đang thử một kỹ thuật phục hồi và tái tạo tủy sống mới. Nhưng tôi phải nhấn mạnh lại rằng đây mới chỉ là thực nghiệm thôi.” “Tôi hiểu điều đó.” “Phần lớn những bệnh nhân liệt tứ chi tôi từng điều trị có kiến thức về thần kinh học còn hơn cả một bác sĩ đa khoa. Và tôi chắc chắn anh không phải trường hợp ngoại lệ.” “Có một số kiến thức khoa học”, Rhyme nói cộc lốc. “Có một số kiến thức y khoa.” Và anh dành cho Weaver một cái nhún vai rất đặc trưng của mình, một cử chỉ mà chị dường như đã chú ý và ghi nhận. Chị tiếp tục: “Chà, xin thứ lỗi nếu tôi nhắc lại những vấn đề anh biết rồi, nhưng việc anh hiểu rõ kỹ thuật này có thể làm được gì và không thể làm được gì rất quan trọng”. “Xin mời chị”, Rhyme nói. “Tiếp tục.” “Phương pháp tại viện chúng tôi là dốc toàn lực tấn công vào khu vực bị thương tổn. Chúng tôi sử dụng phẫu thuật giải áp truyền thống để tái tạo cấu trúc xương của bản thân các đốt sống và để bảo vệ khu vực có xuất hiện thương tổn. Rồi chúng tôi ghép hai thứ vào khu vực bị thương tổn: thứ nhất là một số mô của hệ thống thần kinh ngoại biên của chính bệnh nhân. Và thứ hai là các tế bào của hệ thống thần kinh trung ương giai đoạn phôi bào, đó là...” “A, của cá mập”, Rhyme nói. “Ðúng đấy. Phải, của cá mập xanh.” “Lincoln đã nói với chúng tôi điều này”, Sachs lên tiếng. “Tại sao lại là cá mập ạ?” “Vì những lý do liên quan đến tính miễn dịch, sự tương thích với cơ thể người. Ngoài ra”, bác sĩ Weaver vừa cười to vừa bổ sung thêm, “đó là loài cá cực kỳ lớn, nên từ một con chúng tôi có thể lấy được rất nhiều tế bào phôi”. “Tại sao lại lấy tế bào phôi?”, Sachs hỏi. “Hệ thống thần kinh trung ương ở người trưởng thành thì không tái sinh một cách tự nhiên nữa”, Rhyme nói giọng cáu kỉnh, sốt ruột vì Sachs ngắt lời. “Hiển nhiên là hệ thần kinh của một đứa bé sẽ phải phát triển.” “Chính xác. Rồi, bên cạnh phẫu thuật giải áp và việc vi ghép, chúng tôi còn làm thêm một việc - việc này khiến chúng tôi hết sức hứng thú: chúng tôi đã điều chế được mấy thứ thuốc mới mà chúng tôi cho rằng sẽ có tác động đáng kể tới khả năng tái sinh tế bào.” “Liệu có nguy cơ gì không?”, Sachs hỏi. Rhyme liếc nhìn Sachs, hy vọng bắt gặp ánh mắt cô. Anh biết về các nguy cơ. Anh đã quyết định. Anh không muốn cô cật vấn bác sĩ của anh. Nhưng toàn bộ sự chú ý của Sachs tập trung vào Tiến sĩ Weaver. Rhyme nhận ra vẻ mặt của cô: vẻ mặt khi cô xem một bức ảnh chụp hiện trường vụ án. “Tất nhiên là có các nguy cơ. Bản thân những thứ thuốc kia không nguy hiểm lắm. Nhưng phổi cua bất cứ người liệt tứ chi mức độ C4 nào cũng đều bị suy yếu. Bình thường anh chẳng phải sử dụng đến máy thở, nhưng việc gây mê có thể làm ngừng quá trình hô hấp. Rồi thì tâm trạng căng thẳng trong lúc tiến hành các thủ tục có thể gây tăng phản xạ tự phát, dẫn đến tăng huyết áp trầm trọng – tôi chắc chắn những kiến thức ấy chẳng còn xa lạ gì đối với anh – và hậu quả tiếp theo sẽ có thể là đột quỵ hoặc tai biến não. Cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mổ ở khu vực vốn đã bị tổn thương – bây giờ anh không có cái nang hay khối u nào, nhưng việc phẫu thuật và hình thành các chất dịch có thể làm tăng áp suất, gây thêm thương tổn.” “Nghĩa là anh ấy có thể bị nặng hơn”, Sachs nói. Tiến sĩ Weaver gật đầu và nhìn xuống tập hồ sơ, rõ ràng để nhớ lại điều gì, tuy nhiên chị không mở túi hồ sơ. Chị ngẩng đầu nhìn lên. “Một cơ giun của anh có hoạt động – ngón đeo nhẫn ở bàn tay trái – và cơ vai, cơ cổ vẫn tốt. Anh có thể sẽ mất phần nào những khả năng đó, hoặc mất tất cả. Và mất khả năng thở tự nhiên.” Sachs vẫn hoàn toàn bất động. “Tôi hiểu rồi”, cuối cùng, cô lên tiếng. Lời lẽ thốt ra tựa hơi thở dài căng thẳng. Ánh mắt người bác sĩ không rời khỏi Rhyme. “Và anh phải đặt lên bàn cân những nguy cơ này cùng với cái mà anh hy vọng đạt được – anh sẽ chẳng thể lại tự bước đi được đâu, nếu đấy là điều anh hy vọng. Quy trình điều trị loại này từng đạt được một số thành công nhất định đối với những chấn thương tuỷ sống đoạn ngực và thắt lưng – là các đoạn ở thấp hơn nhiều và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với trường hợp như anh. Nó chỉ đạt được đôi chút thành công đối với những chấn thương tuỷ sống đoạn cổ và hoàn toàn không đạt được gì đối với những chấn thương mức độ C4.” “Tôi thuộc dạng ưa mạo hiểm”, Rhyme nói vội vàng. Sachs nhìn anh vẻ lo lắng. Vì cô biết Lincoln Rhyme vốn không phải là người ưa mạo hiểm. Anh vốn là nhà khoa học sống theo những nguyên tắc có thể đo đếm và đã được sách vở chứng minh. Anh nói thêm một cách đơn giản: “Tôi muốn thực hiện cuộc phẫu thuật này”. Tiến sĩ Weaver gật đầu và xem chừng không hài lòng cũng không phật ý trước quyết định của Rhyme. “Anh sẽ phải làm một số xét nghiệm, việc này sẽ mất vài tiếng đồng hồ. Cuộc phẫu thuật được lên lịch vào ngày kia. Tôi có cả nghìn tờ khai và câu hỏi để anh điền. Tôi sẽ đi lấy chúng lại ngay cho anh.” Sachs đứng dậy, đi theo người bác sĩ ra khỏi phòng. Rhyme nghe thấy cô nói: “Thưa bác sĩ, tôi có một…”. Cánh cửa đóng đánh cách. “Âm mưu”, Rhyme lẩm bẩm với Thom. “Lính thường nổi loạn.” “Cô ấy lo lắng cho anh.” “Lo lắng? Cái cô gái đó lái xe một trăm năm mươi dặm một giờ và chơi trò bắn súng ở Nam Bronx[7]. Tôi chỉ sắp sửa được đưa vào người ít tế bào của cá con thôi mà.” “Anh biết tôi đang nói gì.” Rhyme sốt ruột lắc lư đầu. Ánh mắt anh lang thang đi tới một góc văn phòng của Tiến sĩ Weaver, nơi có đặt một dải xương sống – xem chừng là xương sống thật - dựa vào một giá đỡ kim loại. Nó có vẻ quá yếu ớt để làm trụ cho cái cơ thể con người đầy phức tạp từng bám trên nó. Cánh cửa mở ra. Sachs bước vào văn phòng. Một người nữa bước vào theo sau cô, nhưng không phải Tiến sĩ Weaver. Người đàn ông cao, dáng gọn ghẽ trừ cái bụng hợi phệ, mặc bộ đồng phục cảnh sát quận màu nâu vàng. Vẻ nghiêm trang, Sachs nói: “Anh có khách đấy”. Trông thấy Rhyme, người đàn ông bỏ chiếc mũ đồng phục có vành tròn xung quanh ra và gật đầu chào. Ánh mắt anh ta không phóng ngay tới cơ thể Rhyme như phần lớn người ta thường làm khi gặp anh, mà tới dải xương sống được đặt dựa vào giá đỡ đằng sau bàn làm việc của bác sĩ. Rồi mới quay lại nhà hình sự học. “Thưa sếp. Tôi là Jim Bell. Em họ Roland Bell. Anh ấy bảo tôi rằng sếp sẽ có mặt tại thị trấn này và tôi đã lái xe đến đây từ Tanner’s Conrner.” Roland làm việc tại Sở Cảnh sát New York và từng hợp tác với Rhyme trong vài vụ. Anh ta hiện đang là cộng sự của Lon Sellitto, một thám tử Rhyme quen biết nhiều năm nay. Roland đã đưa cho Rhyme tên mấy người bà con để anh có thể gọi khi tiến hành phẫu thuật ở Bắc Carolina, phòng trường hợp anh muốn có ai đó tới chơi. Jim Bell nằm trong số mấy người này, Rhyme nhớ ra vậy. Nhìn qua viên cảnh sát quận về phía khung cửa, qua đấy thiên thần nhân ái của anh, Tiến sĩ Weaver, sẽ quay lại, nhà hình sự học lơ đãng nói: “Rất vui được gặp anh”. Bell mỉm cười nghiêm trang. Anh ta đáp lời: “Thực sự, thưa sếp, tôi không nghĩ rằng sếp sẽ thấy vui mừng lâu đâu”. RCHƯƠNG BA hyme có thể nhận ra những nét giống nhau khi anh tập trung hơn vào vị khách. Cùng cái vóc người rắn chắc, đôi bàn tay dài, mái tóc bắt đầu thưa, cùng cái vẻ dễ tính như của ông anh họ Roland ở New York. Cái anh chàng Bell này trong rám nắng và vạm vỡ hơn. Có lẽ đi câu kéo và săn bắn nhiều. Một chiếc mũ Stetson[8] hẳn sẽ phù hợp với anh ta hơn chiếc mũ cảnh sát quận. Bell ngồi xuống chiếc ghế dựa bên cạnh Thom. “Chúng tôi có một vấn đề, thưa sếp.” “Xin cứ gọi tôi bằng tên.” “Tiếp tục đi”, Sachs bảo Bell. “Hãy nói với anh ấy chuyện anh vừa nói với tôi.” Rhyme liếc nhìn Sachs lạnh nhạt. Cô ấy mới gặp người đàn ông này ba phút trước và họ đã kịp cấu kết với nhau gì thế không biết. “Tôi là cảnh sát trưởng quận Paquenoke. Cách đây chừng hai mươi dặm về phía đông. Chúng tôi gặp phải tình huống này và tôi suy nghĩ về những gì anh họ tôi nói với tôi – anh ấy không có đủ lời để đánh giá sếp cho hết được, thưa sếp…” Rhyme sốt ruột gật đầu ra hiệu bảo Bell tiếp tục. Tự nhủ thầm vị bác sĩ của anh ở chỗ quái quỷ nào rồi? Chị ta phải đào bới bao nhiêu tờ khai thế không biết? Liệu chị ta có cùng tham gia vào cái âm mưu này không? “Dù sao thì, tình huống này… Tôi nghĩ là mình sẽ đến và xem sếp có thể dành cho chút ít thời gian không.” Rhyme cười to, tiếng cười hoàn toàn chẳng biểu lộ chút hài hước nào. “Tôi chuẩn bị lên bàn mổ rồi.” “Ồ, tôi hiểu điều đó. Đời nào tôi lại can thiệp vào kế hoạch của sếp. Tôi chỉ muốn xin sếp mấy tiếng đồng hồ… Tôi hy vọng rằng chúng tôi không cần sếp phải giúp đỡ nhiều lắm. Sếp thấy đấy, anh Rol đã nói với tôi về một số việc sếp từng làm trong những cuộc điều tra trên miền Bắc. Chúng tôi có các thiết bị khám nghiệm hiện trường cơ bản, nhưng phần lớn công tác khám nghiệm vẫn được chuyển đến Elizabeth City - chỉ huy sở gần nhất của cảnh sát bang - hoặc Raleigh. Phải mất hàng tuần lễ mới có được câu trả lời. Và chúng tôi thì không có đến hàng tuần lễ. Thời gian của chúng tôi chỉ tính bằng tiếng đồng hồ thôi. Là lâu nhất.” “Để làm gì?” “Để tìm ra hai cô gái bị bắt cóc.” “Bắt cóc thuộc trách nhiệm của liên bang”, Rhyme nêu ý kiến. “Hãy gọi FBI.” “Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng có một đặc vụ liên bang đến dây là bao giờ, trừ đám nhân viên ATF[9] lo bắt rượu lậu. Chờ được FBI đến đây và bắt đầu điều tra thì hai cô gái đó đã chẳng còn hy vọng gì.” “Hãy nói cho chúng tôi biết chuyện xảy ra như thế nào”, Sachs bảo. Cô đang vờ vịt đeo bộ mặt quan tâm, Rhyme thầm hoài nghi nhận xét – và kèm theo là sự bất mãn. Bell nói: “Ngày hôm qua, một nam sinh trung học của chúng tôi bị giết và một nữ sinh viên đại học bị bắt cóc. Rồi sáng nay, đối tượng quay lại bắt cóc một cô gái nữa”. Rhyme để ý thấy gương mặt người đàn ông tối sầm. “Hắn đặt bẫy và một cảnh sát của chúng tôi bị thương nặng. Ông ấy hiện đang nằm tại trung tâm y khoa này, trong tình trạng hôn mê.” Rhyme nhận ra Sachs đã thôi chọc móng tay vào tóc gãi đầu và lắng nghe Bell nói một cách say mê. Chà, có lẽ họ chẳng phải những kẻ đồng mưu, nhưng Rhyme biết lý do tại sao cô lại quan tâm tới một vụ mà họ không còn thời gian tham gia như vậy. Và anh không thích cái lý do ấy chút nào. “Amelia”, anh lên tiếng, lạnh lùng liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường trong văn phòng Tiến sĩ Weaver. “Tại sao lại không, Rhyme? Việc đó có thể làm hại gì chứ?” Cô hất mái tóc đỏ ra khỏi bờ vai, trên bờ vai cô nó đang buông dài tựa như một thác nước bất động. Bell lại liếc qua dải xương sống đặt ở góc phòng. “Chúng tôi là một đồn nhỏ, thưa sếp. Chúng tôi đã làm những gì có thể - tất cả nhân viên của tôi và một số người khác nữa đã tìm kiếm suốt đêm. Nhưng, thực tế là, chúng tôi chẳng thể tìm thấy hắn hay Mary Beth. Chúng tôi cho rằng Ed, viên cảnh sát đang hôn mê, đã xem tấm bản đồ chỉ hướng thằng nhãi đi. Tuy nhiên, các bác sĩ không biết lúc nào ông ấy mới tỉnh lại, mà cũng không biết ông ấy có tỉnh lại được không nữa.” Anh ta nhìn lại vào mắt Rhyme, vẻ nài nỉ. “Chúng tôi chắc chắn rất biết ơn nếu sếp có thể xem những chứng cứ chúng tôi tìm thấy và cho chúng tôi bất cứ gợi ý nào về hướng thằng nhãi đi. Chúng tôi không giải quyết nổi vấn đề. Tôi rất cần sự giúp đỡ.” Nhưng Rhyme không hiểu. Công việc của một nhà hình sự học là phân tích những chứng cứ để hỗ trợ các điều tra viên xác định thủ phạm và tiếp theo để buộc tội hắn trước toà. “Các anh biết đối tượng là ai, các anh biết nơi hắn sống. Uỷ viên công tố của các anh sẽ có một vụ thật kín kẽ.” Thậm chí nếu họ đã tiến hành khám nghiệm hiện trường chẳng đâu vào đâu – đám nhân viên thực thi pháp luật ở các thị trấn nhỏ thừa khả năng để xảy ra việc này – cũng còn vô khối chứng cứ cho toà án kết án trọng tội. “Không, không – không phải chuyện xét xử khiến chúng tôi lo lắng, thưa sếp. Vấn đề là tìm thấy hắn trước khi hắn giết hai cô gái kia. Hay ít nhất là Lydia. Chúng tôi nghĩ Mary Beth có thể đã chết rồi. Sếp thấy đấy, khi vụ việc này xảy ra, tôi đã giở cuốn hướng dẫn cảnh sát bang về điều tra trọng tội. Sách nói rằng trong một trường hợp bắt cóc cưỡng hiếp, thông thường anh có hai mươi tư tiếng đồng hồ để tìm thấy nạn nhân, sau khoảng thời gian đó nạn nhân trở nên mất tính người dưới con mắt kẻ bắt cóc và hắn sẽ giết họ chẳng cần suy nghĩ gì.” Sachs hỏi: “Anh gọi đối tượng là thằng nhãi. Hắn bao nhiêu tuổi?”. “Mười sáu.” “Vị thành niên.” “Về nguyên tắc là thế”, Bell nói. “Nhưng lịch sử phạm tội của hắn tồi tệ hơn phần lớn những kẻ gây tội đã thành niên ở đây.” “Các anh làm việc với gia đình hắn rồi chứ?”, Sachs hỏi, y như thể chắc chắn cô và Rhyme sẽ tham gia vụ án vậy. “Cha mẹ đẻ đã chết. Hắn có cha mẹ nuôi. Chúng tôi tới nhà họ và xem xét phòng hắn. Không phát hiện thấy cái cửa lật bí mật nào, cũng không phát hiện thấy nhật ký hay bất cứ thứ gì.” Chẳng bao giờ phát hiện được gì đâu, Lincoln Rhyme tự nhủ thầm, chân thành mong người đàn ông này sẽ mau mau mang những vấn đề của anh ta quay về với cái quận phát âm đến méo cả miệng. “Em nghĩ chúng ta nên tham gia, Rhyme”, Sachs nói. “Sachs, cuộc phẫu thuật...” Cô tiếp tục: “Hai nạn nhân trong vòng hai ngày? Hắn có thể thuộc loại tội phạm thực hiện hàng loạt vụ”. Tội phạm thực hiện hàng loạt vụ giống như con nghiện. Ðể thỏa mãn nỗi khát thèm bạo lực ngày càng tăng, tần suất và mức độ nghiêm trọng trong những hành động của chúng sẽ ngày càng tăng. Bell gật đầu. “Chị đúng đấy. Ngoài ra, còn những việc tôi chưa đề cập. Hai năm qua ở quận Paquenoke có ba cái chết khác nữa và mới vài ngày trước đây thôi có một vụ tự tử đáng nghi vấn. Chúng tôi nghĩ có thể thằng nhãi liên quan đến tất cả những trường hợp này. Chúng tôi chỉ không tìm thấy đủ bằng chứng để bắt hắn.” Nhưng lúc bấy giờ tôi không tham gia vào cuộc điều tra, bây giờ, tôi có tham gia không nhỉ? Rhyme tự nhủ, trước khi ngẫm nghĩ ra rằng lòng kiêu hãnh rất có thể là thứ tội lỗi sẽ tấn công anh. Anh miễn cưỡng cảm thấy cái hộp số trong đầu óc mình bắt đầu chuyển động, mà yếu tố kích thích là những vấn đề hóc búa của vụ án. Cái đã giữ cho Lincoln Rhyme không phát điên kể từ lúc gặp tai nạn - cái đã khiến anh không tìm đến một ông Jack Kevorkian[10] nào đấy để được trợ giúp tự tử - chính là những thách thức trí tuệ như thế này. “Cuộc phẫu thuật của anh ngày kia mới tiến hành, Rhyme”, Sachs thuyết phục. “Và từ nay tới lúc phẫu thuật anh chỉ có các xét nghiệm đó thôi.” A, những động cơ ngấm ngầm của em đang hiện ra kìa, Sachs… Nhưng cô đã ghi được điểm. Rhyme đang nhìn vào khoảng thời gian nhàn rỗi xông xênh trước mắt. Và nó sẽ là khoảng thời gian nhàn rỗi trước phẫu thuật - tức sẽ không có rượu Scotch mười tám năm. Dù sao thì một người liệt tứ chi biết làm gì ở một thị trấn nhỏ của Bắc Carolina đây? Kẻ thù ghê gớm nhất của Rhyme không phải là các cơn co thắt, nỗi đau đớn tưởng tượng hay chứng tăng phản xạ vốn vẫn khiến những bệnh nhân mắc bệnh tuỷ sống khổ sở, mà nó là tâm trạng buồn tẻ. “Tôi sẽ cho các anh một ngày”, cuối cùng Rhyme nói. “Miễn sao là nó không trì hoãn cuộc phẫu thuật. Tôi đã phải ở trong danh sách chờ mổ suốt mười bốn tháng.” “Đồng ý, thưa sếp”, Bell trả lời. Gương mặt mệt mỏi của anh ta sáng lên. Nhưng Thom lắc đầu. “Nghe này, Lincoln, chúng ta không ở đây để làm việc. Chúng ta ở đây để mổ cho anh và rồi trở về nhà. Tôi đâu có được một nửa số thiết bị cần thiết để chăm sóc anh nếu anh làm việc.” “Chúng ta đang ở trong một bệnh viện, Thom. Tôi chẳng ngạc nhiên nếu tìm thấy hầu hết những gì cậu cần ở đây. Chúng ta sẽ trao đổi với Tiến sĩ Weaver. Tôi chắc chắn chị ấy sẽ vui vẻ giúp đỡ chúng ta.” Anh chàng phụ tá, đỏm dáng trong chiếc áo sơ mi trắng, quần và cà vạt màu nâu vàng là phẳng phiu, nói: “Xin nhớ cho, tôi không nghĩ đây là ý kiến hay đâu.” “Nhưng cũng giống như các tay thợ săn ở mọi nơi – dù đi lại được hay không - một khi Lincoln Rhyme đã quyết định đuổi theo con mồi, không có gì là vấn đề nữa. Lúc này, anh phớt lờ Thom và bắt đầu thẩm vấn Jim Bell. “Hắn chạy trốn bao lâu rồi?” “Mới vài tiếng đồng hồ”, Bell nói. “Việc tôi sẽ làm là yêu cầu một cảnh sát đem đến các chứng cứ mà chúng tôi đã tìm thấy và có thể cả bản đồ vùng này. Tôi đang nghĩ...” Nhưng giọng Bell nhỏ đến khi Rhyme lắc đầu và cau mày. Sachs nín cười, cô biết điều gì chuẩn bị tới. “Không”, Rhyme đáp dứt khoát. “Chúng tôi sẽ tới chỗ các anh. Các anh sẽ phải bố trí địa điểm cho chúng tôi - nói lại xem quận lỵ ở đâu nhỉ?” “Ừm, Tanner's Corner.” “Bố trí địa điểm để chúng tôi có thể làm việc. Tôi sẽ cần một trợ lý khám nghiệm hiện trường... Các anh có la-bô[11] tại trụ sở chứ?” “Chúng tôi ấy à?”, viên cảnh sát trường bối rối hỏi. “Hầu như không có gì.” “Được rồi, chúng tôi sẽ cho anh danh sách các thiết bị chúng tôi cần. Anh có thể mượn từ cảnh sát bang.” Rhyme nhìn đồng hồ treo tường. “Chúng tôi có thể tới đó sau nửa tiếng. Ðúng không, Thom?” “Lincoln ..” “Đúng không?” “Nửa tiếng”, anh chàng phụ tá nhẫn nhục lẩm bẩm. Bây giờ thì ai ở trong tâm trạng không vui đây? “Hãy lấy các tờ khai ở chỗ Tiến sĩ Weaver. Mang chúng theo. Cậu có thể điền thông tin trong lúc Sachs và tôi làm việc.” “Được rồi, được rồi.” Sachs đang ghi một danh sách các thiết bị khám nghiệm hiện trường cơ bản. Cô giơ lên cho Rhyme đọc. Anh gật đầu, rồi nói: “Bổ sung thêm thiết bị xác định mật độ. Những cái khác có vẻ ổn rồi”. Sachs bổ sung thêm vào danh sách rồi đưa cho Bell. Anh ta đọc, ngập ngừng gật đầu: “Vâng, tôi sẽ cố gắng. Nhưng tôi thực không muốn sếp bị phiền phức quá…”. “Jim, hy vọng tôi có thể phát biểu thẳng thắn.” “Tất nhiên ạ.” Nhà hình sự hạ thấp giọng: “Chỉ xem xét một chút chứng cứ sẽ không đem đến tác dụng gì. Nếu việc này được thực hiện, Amelia và tôi sẽ chịu trách nhiệm săn đuổi đối tượng. Chịu trách nhiệm một trăm phần trăm. Bây giờ, anh thành thật nói xem – như thế có gây rắc rối gì cho ai không?”. “Tôi xin đảm bảo là không”, Bell trả lời. “Tốt. Bây giờ thì anh nên đi lấy các thiết bị đó. Chúng tôi phải di chuyển đây.” Và cảnh sát trưởng Bell còn đứng đó một lát, gật đầu, một tay cầm mũ, một tay cầm bản danh sách Sachs đưa, trước khi bước về phía cửa. Rhyme chắc chắn rằng ông anh họ Roland, một người mang nhiều đặc tính của dân miền Nam, có vẻ mặt hoàn toàn giống vẻ mặt viên cảnh sát trưởng. Rhyme không nhớ chính xác câu thành ngữ đó thế nào, nhưng đại khái nó liên quan đến đuôi con gấu[12]. “Ồ, còn một điều nữa”, Sachs nói, gọi theo Bell vừa bước qua cửa. Anh ta dừng chân, quay đầu lại. “Đối tượng? Tên hắn là gì?” “Garrett Hanlon. Nhưng ở Tanner’s Corner người ta gọi hắn là Thằng Bọ.”       † † † † †       Paquenoke là một quận nhỏ nằm ở mạn đông bắc Bắc Carolina. Tanner's Corner, gần như ở trung tâm của quận, là thị trấn lớn nhất và được vây bọc bởi từng cụm những khu dân cư cũng như những khu buôn bán nhỏ hơn, chưa chính thức thuộc phạm vi chính quyền quản lý, ví dụ khu Bến tàu kênh Nước đen co cụm bên sông Paquenoke - mà hầu hết dân địa phương gọi là sông Paquo - cách quận lỵ vài dặm về phía bắc. Về phía nam con sông tập trung phần lớn các khu vực dân cư và buôn bán của quận. Phía này rải rác những đầm lầy, những cánh rừng, đồng ruộng và những cái ao tĩnh lặng. Gần như tất cả dân cư đều sinh sống ở phía này cả. Ngược lại, phía bắc Sông Paquo, địa hình rất nguy hiểm. Đầm lầy Sầu Thảm từng lấn vào, nuốt mất những khu nhà lưu động, những khu nhà cố định, vài nhà máy xay và xí nghiệp bên bờ sông. Các bãi lầy uốn khúc đã thay thế cho những cái ao, những đồng ruộng và rừng, chủ yếu là rừng già, thì không thể vào được, trừ phi người ta đủ may mắn để tìm thấy một lối mòn. Chẳng ai sinh sống ở phía ấy của con sông trừ đám rượu lậu, ma túy và những kẻ dở hơi rồ dại. Thậm chí cánh thợ săn cũng tránh khu vực này sau sự việc bầy lợn lòi đuổi theo Tal Harper cách đây hai năm, nửa bầy đã bị bắn chết vẫn không khiến số còn lại ngừng ngấu nghiến cắn xé anh ta trước khi có sự trợ giúp. Giống như hầu hết người trong quận, Lydia Johansson hiếm khi đi về phía bắc sông Paquo, và nếu đi thì không bao giờ đi quá xa khỏi thị trấn. Lúc này, với nỗi tuyệt vọng cùng cực, cô nhận ra rằng cô đã bước qua cái ranh giới nào đấy để đặt chân sang một chốn mà từ đó có lẽ cô sẽ không bao giờ trở về - cái ranh giới không chỉ đơn thuần về địa lý, nó còn là ranh giới về tinh thần. Tất nhiên, cô khiếp sợ bị kéo lê đằng sau cái sinh vật này - khiếp sợ cái cách gã nhìn ngó khắp cơ thể cô, khiếp sợ sự đụng chạm của gã, khiếp sợ bị chết bởi cái nóng - hoặc bởi say nắng, bởi rắn cắn – nhưng điều khiến cô khiếp sợ nhất là cô ý thức được rằng cô đã bỏ lại sau lưng, phía nam con sống, đời sống dễ chịu, mong manh, nhỏ bé của mình: vài bạn bè và các y tá cùng làm việc tại phòng bệnh, anh chàng bác sĩ mà cô mất công tán tỉnh vô ích, những bữa tiệc pizza, bộ phim Sièneld chiếu lại trên truyền hình, mấy cuốn truyện kinh dị, món kem lạnh, đám cháu con chị gái cô. Cô thậm chí còn khao khát ngoảnh lại những quãng thời gian khổ sở trong cuộc đời - cuộc vật lộn với cân nặng, cuộc đấu tranh để bỏ thuốc lá, những đêm đơn côi, sự thiếu vắng đằng đẵng những cú điện thoại từ người đàn ông cô thi thoảng gặp (cô gọi anh ta là “bạn trai”, tuy cô biết rằng đó chỉ là mơ tưởng)… Giờ đây ngay cả những điều này cũng dường như gây nên nỗi đau xót mãnh liệt, đơn giản bởi chúng quá thân thuộc. Nhưng bên Lydia giờ đây không có lấy một chút an ủi nào. Cô nhớ cái cảnh tượng khủng khiếp tại căn chòi săn – Ed Schaeffer nằm bất tỉnh nhân sự trên nền đất, hai cánh tay và khuôn mặt bị bầy ong bắp cày đốt sưng vù một cách quái dị. Garrett đã lầm bầm: “Đáng lẽ lão ta không được động vào chúng. Đám ong bắp cày chỉ tấn công khi gặp nguy hiểm thôi. Đó là lỗi của lão ta”. Gã từ từ bước vào bên trong căn chòi nhặt nhạnh những thứ gì đó, đám ong phớt lờ hắn. Gã trói tay Lydia ra phía trước bằng băng dính nhựa, rồi dẫn cô đi xuyên qua rừng cho tới lúc này đã đươc vài dặm. Gã trai bối rối di chuyển, kéo giật cô về một hướng, rồi lại kéo giật cô về một hướng khác. Gã tự nói với mình. Gã gãi những vết đỏ trên mặt. Một lần, gã dừng chân bên một vũng nước và nhìn chằm chằm. Gã đợi cho mấy con rệp hay nhện gì đó nhảy khỏi mặt nước, rồi áp mặt mình xuống nước, ngâm làn da đang ngứa rát. Gã nhìn xuống bàn chân, cởi chiếc giày còn lại ra và lẳng đi. Hai người tiếp tục xuyên qua rừng trong buối sáng nóng nực. Lydia liếc nhìn tâm bản đồ thò ra bên ngoài túi quần gã trai. “Chúng ta đi đâu đây?”, cô hỏi. “Câm mồm. Nghe không?” Mười phút sau, gã trai bắt Lydia cởi giày và hai người lội qua một con suối nông, bẩn thỉu. Khi lội qua con suối rồi, gã đẩy cô ngồi bệt xuống. Garrett ngồi trước mặt cô và trong lúc quan sát đôi chân, khe ngực cô, gã chậm rãi lau khô bàn chân cô bằng nắm giấy ăn nhãn hiệu Kleenex mà gã lôi từ túi quần ra. Cô cảm thấy ghê tởm trước sự đụng chạm của gã giống như lần đầu tiên cô phải lấy mẫu mô từ một xác chết trong nhà xác bệnh viện. Gã xỏ lại đôi giày màu trắng cho cô, buộc dây chặt chẽ, nắm bụng chân cô lâu hơn mức cần thiết. Sau đó, gã xem xét tấm bản đồ và lại lôi cô vào rừng. Gã búng móng tay, gãi má... Đầm lầy dần dần chằng chịt hơn, nước đen hơn và sâu hơn. Lydia đồ là họ đang đi về phía đầm lầy Sầu Thảm, tuy cô không tưởng tượng nổi lý do tại sao. Chỉ khi không thể đi xa thêm vì bị những bãi lầy chặn lại, Garrett mới ngoặt vào một cánh rừng thông lớn mát mẻ hơn nhiều so với đất lộ ra trên những bãi lầy, khiến Lydia nhẹ cả người. Gã trai tìm thấy một lối mòn khác. Gã dẫn cô đi dọc theo đó cho tới lúc gặp một quả đồi dốc đứng. Những tảng đá xếp thành dãy từ chân đồi đến đỉnh đồi. “Tôi không thể trèo được”, Lydia nói, cố gắng lấy giọng ngang ngạnh. “Không thể với hai bàn tay bị trói như thế này. Tôi sẽ ngã mất.” “Vớ vẩn.” Gã trai lẩm bẩm, y như thể Lydia là một kẻ ngu ngốc. “Mày đã đi đôi giày y tá vào rồi còn gì. Chúng sẽ giữ cho mày bước vững. Nhìn tao đây. Tao, đi chân đất và tao có thể trèo tốt. Nhìn bản chân tao đây, nhìn đi!” Gã giơ bàn chân lên. Bàn chân gã đầy vết chai, vàng khè. “Nào, đi lên trên kia. Chỉ cần lên đến đỉnh đồi rồi thì mày dừng lại. Mày nghe thấy tao nói không? Này, mày đang lắng nghe đấy chứ?” Gã lại rít lên, một hạt nước bọt bắn vào má cô và dường như nó đốt cháy da cô tựa axit sunfuric. Lạy Chúa, tao căm thù mày, Lydia nghĩ. Lydia bắt đầu trèo. Cô dừng lại nửa chừng, ngoảnh nhìn đằng sau. Garrett đang vừa thận trọng quan sát cô vừa búng móng tay tanh tách. Dán mắt vào đôi chân đi bít tất dài màu trắng của cô, lưỡi gã thè ra qua đám răng cửa. Rồi ánh mắt gã đưa lên, soi phía dưới váy cô. Lydia tiếp tục trèo. Cô nghe thấy hơi thở gã trai rít lên trong lúc gã bắt đầu trèo đằng sau cô. Trên đỉnh đồi là khoảng đất trống và từ đó có một lối mòn duy nhất dẫn vào cánh rừng thông rậm rạp. Cô bước dọc theo lối mòn, về phía bóng mát. “Này!”, Garrett hét to. “Lúc nãy mày không nghe thấy tao nói à? Tao đã bảo mày đừng có nhúc nhích!” “Tôi có định bỏ trốn đâu!”, Lydia kêu lên. “Trời nóng. Tôi muốn tránh ánh nắng mặt trời.” Gã trai đưa tay chỉ ra cách đấy chứng hai mươi feet. Có một lớp cành thông dày phủ giữa lối mòn. “Mày mà không dừng lại thì sa xuống đó rồi.” Giọng gã the thé. “Mày sẽ làm hỏng nó.” Lydia thận trọng nhìn. Những chiếc là thông hình kim che một cái hố rộng. “Bên dưới đó có gì?” “Một cái bẫy sập.” “Bên trong có gì?” “Mày biết đấy – nó là sự bất ngờ dành cho đứa nào đuổi theo chúng ta.” Gã trai nói vẻ tự hào, mỉm nụ cười đầy ngạo mạn, y như gã đã phải rất thông minh mới nghĩ ra được cái bẫy. “Nhưng bất cứ ai cũng có thể bị sa xuống!” “Mẹ kiếp!”, gã trai lầm bầm. “Đây là phía bắc sông Paquo. Chỉ những đứa đuổi theo chúng ta mới đi đường này. Và bọn chúng xứng đáng lãnh lấy bất cứ điều gì xảy ra. Tiếp tục thôi.” Gã trai lại rít lên. Gã tóm cổ tay cô và dắt cô đi vòng tránh cái bẫy. “Cậu không phải giữ tôi chặt như thế!”, Lydia phản đối. Garrett liếc nhìn cô rồi nới lỏng tay hơn một chút – nhưng việc nới lỏng này lại hóa ra gây khó chịu nhiều hơn. Gã vuốt ve cổ tay cô bằng ngón giữa, khiến cô liên tưởng tới một con ve hút máu to tướng đang tìm kiếm chỗ để chích vào da thịt cô. CCHƯƠNG BỐN hiếc Grand Rollx chạy ngang qua nghĩa trang mang tên công viên Tưởng niệm Tanner’s Corner. Đang có một đám tang. Rhyme, Sachs và Thom liếc mắt sang cái nghi lễ u sầu nọ. “Nhìn chiếc quan tài kìa”, Sachs nói. Nó là một chiếc quan tài nhỏ, của trẻ em. Những người dự đám tang, đều là những người lớn, thì thưa thớt. Chừng hai mươi người. Rhyme băn khoăn tự hỏi tại sao lại ít người vậy. Ánh mắt anh lướt lên bên trên đám tang, quan sát những ngọn đồi nhấp nhô của nghĩa trang và qua những ngọn đồi đó, là hàng dặm rừng mờ sương, những đầm lầy biến vào màu xanh da trời phía xa. Anh bảo: “Đâu phải một nghĩa trang xấu xí. Mình không ngại nếu được chôn cất tại một nơi như thế này”. Sachs, nãy giờ vẫn chằm chằm quan sát đám tang với vẻ lo lắng, đưa ánh mắt lạnh lùng sang Rhyme – rõ ràng vì cuộc phẫu thuật sắp tới, cô không thích nói bất cứ điều gì liên quan đến chuyện chết chóc. Rồi Thom cho xe qua một khúc cua gấp và bám theo xe của Cảnh sát trưởng quận Paquenoke Jim Bell, tăng tốc đi vào một con đường thẳng tắp, cái nghĩa trang mất hút phía sau. Như lúc trước Bell cam đoan, Tanner's Comer cách trung tâm y khoa ở Avery hai mươi dặm. Tấm biển XIN CHÀO MỪNG cho khách đến thăm biết chắc chắn rằng thị trấn có số dân là 3.018 người. Điều này hẳn là sự thực, nhưng chỉ một tỷ lệ vô cũng nhó bé đang hiện diện trên phố Chính trong buổi sáng tháng Tám nóng nực này. Cái chốn bụi bặm ấy dường như là thị trấn của những hồn ma. Một đôi vợ chồng già ngồi trên ghế dài, nhìn ra con phố vắng ngắt. Rhyme để ý thấy hai gã đàn ông ắt là dân say xỉn cư ngụ tại đây - trông ốm yếu và gầy giơ xương. Một gã ngồi trên lề đường, cái đầu đầy vảy gục vào hai bàn tay, có lẽ đang cố gắng thoát khỏi hậu quả của bữa rượu. Gã kia ngồi dựa gốc cây, nhìn chằm chằm chiếc xe bóng loáng bằng cặp mắt trũng mà thậm chí từ xa cũng đã toát vẻ hằn học. Một người phụ nữ gầy nhẳng uể oải rửa khung cửa sổ của cửa hiệu dược phẩm. Rhyme chẳng còn nhìn thấy ai nữa. “Thật thanh bình”, Thom nhận xét. “Đấy chỉ là một cách mô tả”, Sachs nói, rõ ràng chia sẻ cảm giác bất an với Rhyme trước sự trống vắng của nơi đây. Phố Chính là những tòa nhà cũ kỹ kéo dài mệt mỏi và hai dãy nhỏ hàng quán. Rhyme để ý thấy có một siêu thị, hai cửa hiệu dược phẩm, hai quán bar, một quán ăn, một cửa hiệu bán quần áo phụ nữ, một công ty bảo hiểm, một tổ hợp cửa hiệu bán hàng video, bán kẹo và làm móng. Một đại lý xe hơi A-OK nằm kẹp giữa một ngân hàng và một công ty kinh doanh các đồ nghề đi biển. Tất cả mọi người đều bán mồi câu. Một biển quảng cáo McDonald's cách thị trấn bảy dặm dọc theo đường 17. Một biển quảng các khác đã bị phai màu vì ánh nắng, vẽ hai con tàu Monitor và Merrimack thời Nội chiến. “Hãy đến thăm Bảo tàng Thiết giáp.” Bạn sẽ phải lái xe đi hai mươi hai dặm. Trong lúc quan sát tất cả các chi tiết của cái đời sống nơi thị trấn nhỏ này, Rhyme sững sờ nhận ra ở đây, với tư cách một nhà hình sự học, anh mới thiếu chiều sâu hiểu biết làm sao. Anh có thể phân tích thành công những chứng cứ ở New York, bởi anh đã sống ở đó ngần ấy năm – đã chia cắt được thành phố ra nhiều phần, đã bước đi trên các con đường của nó, đã nghiên cứu lịch sử của nó, quần thể thực vật và động vật của nó. Nhưng ở đây, ở Tanner’s Conrner và những vùng ven, anh chẳng biết gì về thói quen của người dân, họ thích loại xe hơi nào, họ sống trong những kiểu nhà nào, những ngành nghề họ làm, những ham muốn thúc đẩy họ. Rhyme nhớ lại hồi mới được tuyển dụng, làm việc với một thám tử cao cấp tại Sở Cảnh sát New York. Ông ta đã lên lớp cho đàn em của mình: “Có người hỏi tôi: thành ngữ “như cá trên cạn” có nghĩa là gì?”. Chàng cảnh sát trẻ Rhyme trả lời: “Nghĩa là không ở trong môi trường quen thuộc của mình. Lúng túng”. “Chà, đúng, điều gì xảy ra khi cá trên cạn?” Viên cảnh sát già tóc hoa râm quát vào mặt Rhyme. “Chúng không lúng túng. Chúng chết mất ngáp luôn. Nguy cơ duy nhất và lớn nhất đối với nhân viên điều tra là ở trong môi trường không quen thuộc. Hãy nhớ như vậy.” Thom đỗ xe và thực hiện trình tự hạ xe lăn xuống. Rhyme thổi vào ống điều khiển chiếc Storm Arrow và lăn về phía đoạn đường dốc đứng dẫn lên trụ sở chính quyền quần, chắc chắn đoạn đường này đã được miễn cưỡng làm thêm sau khi luật Dân chúng Mỹ với Người Khuyết tật có hiệu lực. Ba gã đàn ông - mặc quần áo lao động và đeo bao dao gấp ở thắt lưng - đẩy cánh cửa phụ của văn phòng cảnh sát trưởng ở bên cạnh đoạn đường dốc. Bọn họ bước về phía chiếc Chevy Suburban màu đỏ tía thẫm. Gã gầy nhất hích vào mạng sườn gã to lớn nhất - một gã khổng lồ có đuôi tóc và râu quai nón - hất đầu chỉ Rhyme. Rồi ánh mắt bọn họ - gần như nhất loạt - lướt qua cơ thể Sachs. Cái gã to lớn quan sát mái tóc cắt gọn ghẽ, vóc dáng mảnh khảnh, trang phục không chê vào đâu được và chiếc khuyên tai bằng vàng của Thom. Gương mặt chẳng biểu lộ gì, gã thì thầm với gã thứ ba, một gã trông giống như một doanh nhân miền Nam bảo thủ. Gã này nhún vai. Bọn họ không chú ý tới các vị khách nữa và trèo vào chiếc Chevy. Như cá trên cạn… Bell, bước bên cạnh xe lăn của Rhyme, để ý ánh mắt anh đang nhìn chăm chú. “Đó là Rich Culbeau, cái tay to lớn ấy. Và các chiến hữu của anh ta. Sean O’Sarian – cái tay gầy giơ xương – và Harris Tomel. Bản chất Culbeau không ghê gớm bằng một nửa vẻ bề ngoài đâu. Anh ta thích chơi với dân da trắng hạ lưu, nhưng thường thì anh ta chẳng gây phiền phức gì cả.” Từ ghế hành khách, O’Sarian liếc nhìn về phía họ, dù là gã liếc nhìn Thom hay Sachs hay chính anh thì Rhyme cũng không biết được. Viên cảnh sát trưởng bước vượt lên trước. Anh ta phải mở cánh cửa trên đỉnh đoạn đường dốc dành cho xe lăn, người ta đã đóng nó lại để sơn. “Không có nhiều băng đảng đường phố ở đây”, Thom nhận xét. Rồi anh chàng hỏi Rhyme: “Anh cảm thấy thế nào?”. “Tôi ổn.” “Anh trông không ổn đâu, mặt mũi xanh xao lắm. Ngay sau khi vào bên trong, tôi sẽ đo huyết áp cho anh.” Họ vào bên trong toà nhà… Nó được xây dựng vào khoảng năm 1950, Rhyme ước chừng. Sơn màu xanh lá cây quen thuộc, các dãy hành lang treo đầy những bức vẽ bằng ngón tay của một lớp tiểu học, những tấm ảnh chụp Tanner’s Corner từ xưa tới nay và nửa tá thông báo tuyển dụng người lao động. “Chỗ này liệu có được không?” Bell hỏi, kéo một cánh cửa mở ra. “Chúng tôi vốn sử dụng nó để cất giữ chứng cứ, nhưng chúng tôi sẽ dọn dẹp hết xuống tầng hầm.” Chừng chục cái hộp xếp dọc theo các bức tường. Một cảnh sát hì hục khuân chiếc ti vi Toshiba to tướng ra khỏi phòng. Một cảnh sát khác khuân hai hộp xếp những bình vốn đựng nước quả bây giờ đựng thứ chất lỏng gì đó trong suốt. Rhyme liếc nhìn họ. Bell cười to, nói: “Nó hoàn toàn có thể tóm tắt các loại tội phạm điển hình của Tanner’s Conrner: ăn trộm đồ điện tử ở nhà dân và nấu rượu lậu”. “Đó là rượu lậu à?”, Sachs hỏi. “Rượu thứ thiệt đấy. Tất cả đều mới nấu cách đây ba mươi ngày.” “Nhãn hiệu Ocean Spray[13] à?”, Rhyme nhìn những bình vốn đựng nước quả, giễu cợt hỏi. “Đồ chứa ưa thích của đám “trăng sáng” đấy – vì chúng có cổ rộng. Anh có hay uống không?” “Chỉ Scotch thôi.” “Hãy chỉ xài loại ấy thôi.” Bell hất đầu về phía những cái chai mà viên cảnh sát xách ra ngoài cửa. “Nhân viên điều tra liên bang và cơ quan thuế Carolina lo mất thu nhập. Còn chúng tôi lo mất công dân. Cái mẻ đó chưa phải đã quá tệ đâu. Nhưng nhiều tay “trăng sáng” dám pha thêm cả formaldehyde hoặc chất làm loãng sơn hoặc thuốc trừ sâu. Mỗi năm chúng tôi mất vài người vì những mẻ rượu vô lương tâm.” “Tại sao lại gọi là “trăng sáng”?”, Thom hỏi. Bell trả lời: “Vì bọn chúng quen nấu ngoài trời ban đêm, dưới ánh trăng tròn – như thế thì, cậu biết đấy, bọn chúng chẳng cần đốt đèn, cũng chẳng khiến đám thuế má chú ý”. “À, ra vậy”, anh chàng trẻ tuổi nói. Rhyme biết khẩu vị của anh chàng chỉ bao gồm St Emilion, Pomerol và Bourgogne trắng. Rhyme xem xét căn phòng. “Chúng tôi sẽ cần nhiều điện hơn.” Anh hất đầu chỉ cái ổ cắm duy nhất trên tường. “Chúng tôi có thể chạy ít dây”, Bell nói. “Để tôi cử người làm việc này.” Anh ta cử một cảnh sát đi bố trí dây, rồi trình bày rằng anh ta đã gọi cho phòng thí nghiệm của cảnh sát bang ở Elizabeth City và đề xuất mượn khẩn cấp các thiết bị khám nghiệm mà Rhyme cần. Các thiết bị đó sẽ có mặt tại đây trong vòng một tiếng đồng hồ. Rhyme cảm nhận được rằng đây là tốc độ chớp nhoáng đối với quận Paquenoke và thêm lần nữa cảm nhận được tính cấp bách của vụ việc. Trong một trường hợp bắt cóc cưỡng hiếp, thông thường anh có hai mươi tư tiếng đồng hồ để tìm thấy nạn nhân, sau khoảng thời gian đó nạn nhân trở nên mất tính người dưới con mắt kẻ bắt cóc và hắn sẽ giết họ chẳng cần suy nghĩ gì. Viên cảnh sát quay lại với hai bó cáp điện dày hai đầu có rất nhiều phích cắm. Anh ta dùng băng dính cố định chúng xuống sàn. “Chỗ cáp ấy tốt rồi”, Rhyme nói. Rồi anh hỏi: “Chúng ta có bao nhiêu người để giải quyết vụ này?”. “Chúng tôi có ba sĩ quan, tám lính, hai nhân viên thông tin liên lạc và năm nhân viên văn phòng. Thông thường, chúng tôi phải chia sẻ người với bên Quy hoạch và Phân vùng, cũng như với bên Các Công trình Công cộng - việc vốn vẫn khiến chúng tôi rất bực mình. Nhưng vì vụ bắt cóc và vì anh đã đến đây, chúng ta sẽ sử dụng tất cả những người cần thiết.” Rhyme ngẩng nhìn chằm chằm vào bức tường. Cau mày. “Gì thế ạ?” “Anh ấy cần một tấm bảng viết”, Thom nói. “Tôi đang suy nghĩ về một tấm bản đồ vùng này. Nhưng phải, tôi cũng muốn một tấm bảng viết nữa. Một tấm bảng lớn vào.” “Có ngay”, Bell nói. Rhyme và Sachs trao nhau những nụ cười. Đấy chính là một trong những câu mà ông anh họ Roland Bell ưa dùng. “Tiếp theo liệu tôi có thể gặp những sĩ quan của anh tại đây không? Để hướng dẫn tường tận.” “Và điều hoà nhiệt độ”, Thom nói. “Phòng này phải mát hơn.” “Chúng tôi sẽ xem có thể làm được gì.” Bell nói hờ hững, chắc không hiểu nổi nỗi ám ảnh của người miền Bắc về nhiệt độ ôn hoà. Anh chàng phụ tá quả quyết: “Nóng như thế này rất có hại cho anh ấy”. “Đừng lo lắng tới việc đó”, Rhyme cất lời. Thom nhướn một bên lông mày lên với Bell, nói rõ ràng: “Chúng ta phải làm mát căn phòng. Nếu không tôi sẽ đưa anh ấy quay lại khách sạn”. “Thom”, Rhyme cảnh cáo. “Tôi e là chúng ta không có bất cứ sự lựa chọn nào”, Anh chàng phụ tá đáp. Bell nói: “Không thành vấn đề. Tôi sẽ bố trí”. Anh ta đi ra cửa và gọi: “Steve, tới đây ngay nhé”. Một thanh niên tóc húi cua mặc đồng phục cảnh sát bước vào. “Em rể tôi, Steve Farr.” Anh ta là người cao nhất trong số những cảnh sát mà họ đã trông thấy – rõ ràng phải tới hơn sáu feet bảy – và có đôi tai tròn vểnh ra trông rất ngộ nghĩnh. Anh ta dường như chỉ thoáng băn khoăn khi mới thoạt nhìn Rhyme, rồi cái miệng há tròn ngạc nhiên nhanh chóng chuyển thành nụ cười thoải mái gợi cảm giác rằng anh ta có cả sự tự tin lẫn năng lực. Bell giao cho anh ta nhiệm vụ tìm một máy điều hoà nhiệt độ. “Jim, em sẽ thực hiện ngay.” Steve giật mạnh dái tai và xoay người trên gót giày y như một người lính, biến mất vào dãy hành lang. Một người phụ nữ thò đầu qua cửa. “Jim, Sue McConnell đến. Chị ta thực sự chẳng còn tự chủ được nữa.” “Rồi. Tôi sẽ nói chuyện với chị ta. Bảo chị ta là tôi tới ngay.” Bell giải thích cho Rhyme: “Mẹ Mary Beth. Một người phụ nữ tội nghiệp… Chồng mới mất vì bệnh ung thư một năm trước và bây giờ thì xảy ra chuyện này”. Anh ta lắc đầu, thêm: “Tôi xin nói với anh, tôi cũng có mấy đứa con, và tôi hình dung được chị ta đang…”. “Jim, tội tự hỏi liệu chúng ta có thể kiếm tấm bản đồ đó không”, Rhyme ngắt lời. “Và treo bảng lên.” Bell chớp mắt ngập ngừng trước cái giọng nhát gừng của nhà hình sự học. “Chắc chắn rồi, Lincoln. Và này, nếu dân miền Nam chúng tôi ở đây có hơi chậm chạp quá đỗi với dân Yankee các anh, anh sẽ tăng tốc cho chúng tôi chứ?” “Ồ, yên trí đi, Jim.” Một phần ba. Một trong số ba sĩ quan của Jim Bell có vẻ mừng rỡ khi gặp Rhyme và Sachs. Chà, ít nhất là gặp Sachs. Hai người kia chỉ gật đầu chào xã giao và hiển nhiên mong cặp đôi lạ lùng này chưa từng rời khỏi New York. Người dễ chịu là một cảnh sát trạc ba mươi tuổi, mắt lờ đờ, tên Jesse Corn. Anh ta có mặt tại hiện trường vụ án lúc sáng sớm và với cảm giác tội lỗi đầy đau đớn, thừa nhận rằng Garrett đã mang một nạn nhân nữa, cô Lydia, đi khỏi ngay trước mắt anh ta. Cho tới lúc Jesse sang được đến bên kia con sông, Ed Schaeffer đã gần chết vì đám ong bắp cày. Một cảnh sát bày tỏ sự tiếp đón lạnh nhạt là Mason Germain, người đàn ông có chiều cao khiêm tốn, ngoại tứ tuần. Mắt màu thẫm, các nét thiếu sức sống, dáng điệu hơi quá hoàn hảo. Tóc anh ta chải mượt ra đằng sau, để lộ những vết răng lược. Anh ta xức đẫm nước thơm xoa mặt sau khi cạo râu, mùi xạ hương, rẻ tiền. Anh ta chào Rhyme và Sachs bằng cái gật đầu cứng nhắc, thận trọng. Rhyme hình dung ra anh ta rất mừng vì nhà hình sự học không cử động được nên anh ta không phải bắt tay. Sachs, là phụ nữ, thì cũng chỉ được hạ cố gọi bằng một từ “Cô”. Lucy Kerr là sĩ quan thứ ba và cô ta chẳng vui vẻ gì hơn Mason khi gặp các vị khách. Cô ta cao - chỉ kém nàng Sachs thướt tha yểu điệu một chút. Vóc người gọn ghẽ, trông có dáng thể thao, khuôn mặt dài, xinh đẹp. Đồng phục của Mason nhàu nhĩ và bị ố, nhưng đồng phục của Lucy được là phẳng lỳ. Mái tóc vàng tết theo kiểu Pháp thẳng tắp. Có thể dễ dàng hình dung ra cô ta như một người mẫu cho L.L. Bean hay Land’s End – đi bốt, mặt quần bò và áo gi lê. Rhyme biết rằng sự lạnh nhạt của họ vốn vẫn là phản ứng tất nhiên trước những tay cớm bỗng dưng nhúng mũi vào việc người khác (đặc biệt đó lại là một kẻ què quặt và một phụ nữ - và, tệ nữa, đó lại là dân miền Bắc). Tuy nhiên, anh chẳng quan tâm đến chuyện phải chiếm cảm tình của họ. Mỗi phút qua đi, việc tìm thấy tên bắt cóc càng khó khăn hơn. Và anh có cái hẹn với bác sĩ phẫu thuật mà anh tuyệt đối sẽ không để lỡ. Một người đàn ông thân hình rắn chắc - người cảnh sát da đen duy nhất Rhyme trông thấy từ nãy tới giờ - lăn tấm bảng gắn bánh xe vào phòng và trải tấm bản đồ quận Paquenoke. “Dùng băng dính dán nó lên kia, Trey.” Bell chỉ bức tường. Rhyme xem xét tỉ mỉ tấm bản đồ. Đó là một tấm bản đồ tốt, rất chi tiết. Rhyme nói: “Nào. Hãy cho tôi biết chính xác việc đã xảy ra. Bắt đầu với nạn nhân thứ nhất”. “Mary Beth McConnell”, Bell trả lời. “Cô ấy hai mươi ba tuổi. Sinh viên Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery.” “Tiếp tục đi. Chuyện gì đã xảy ra hôm qua?” Mason nói: “Chà, lúc đó khá sớm. Mary Beth đang…” “Anh nói cụ thể hơn được không?”, Rhyme hỏi. “Về giờ xảy ra sự việc?” “Chà, chúng tôi không biết chắc chắn”, Mason lạnh nhạt trả lời. “Anh biết đấy, chẳng có cái đồng hồ nào dừng lại như ở trên tàu Titanic đâu” “Hẳn là trước tám giờ”, Jesse Corn nói. “Billy - cậu thiếu niên bị giết – đang đi bộ tập thể dục, còn hiện trường vụ án thì cách nhà cậu ấy một đoạn đường khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cậu ấy đang học lấy mấy chứng chỉ ở lớp hè và phải trở về trước tám rưỡi để tắm, rồi tới lớp.” Tốt, Rhyme vừa tự nhủ vừa gật đầu. “Tiếp tục đi.” Mason tiếp tục. “Mary Beth đang tham gia một dự án do lớp tổ chức, đào những đồ tạo tác của người Anh điêng cổ tại Bến tàu kênh Nước đen.” “Cái gì vậy, một thị trấn à?”, Sachs hỏi. “Không, chỉ là một khu vực ven sông chưa chính thức thuộc phạm vi quản lý của bang. Chừng ba chục nóc nhà, một xí nghiệp. Chẳng có cửa hàng cửa hiệu gì. Phần lớn diện tích là rừng và đầm lầy.” Rhyme để ý các con số và chữ cái đánh dọc theo lề tấm bản đồ. “Đâu?”, anh hỏi. “Chỉ cho tôi xem.” Mason đặt ngón tay vào ô G-10. “Theo như chúng tôi nhận định, Garrett xuất hiện, tóm lấy Mary Beth. Hắn chuẩn bị cưỡng hiếp cô ấy thì Billy Stail đi bộ tập thể dục qua và từ trên đường nhìn thấy, đã cố gắng ngăn chặn. Nhưng Garrett vớ một chiếc xẻng, đập vào đầu Billy. Cậu ấy chết. Hắn biến mất, mang theo Mary Beth.” Mason nghiến chặt quai hàm. “Billy là một cậu bé ngoan. Thực sự ngoan. Thường xuyên đi lễ nhà thờ. Mùa giải năm ngoái, cậu ấy đã chặn được một cú chuyền trong hai phút cuối cùng của trận đấu căng thẳng với trường Trung học Albemarle và đưa bóng trở lại…” “Tôi chắc chắn đó là một cậu thiếu niên tốt”, Rhyme sốt ruột nói. “Garrett và Mary Beth đi bộ à?” “Đúng thế”, Lucy trả lời. “Garrett không bao giờ lái xe. Thậm chí không có bằng lái. Tôi nghĩ lý do là vì cha mẹ hắn đã thiệt mạng trong một vụ đâm ô tô.” “Các vị đã tìm thấy những vật chứng nào?” “Ồ, chúng tôi tìm thấy vũ khí giết người”, Mason tự hào nói. “Chiếc xẻng. Và chúng tôi cũng thận trọng khi động đến nó. Có đi găng tay. Chúng tôi thực hiện thủ tục quản lý vật chứng, đúng như sách hướng dẫn.” Rhyme chờ đợi nghe thêm. Cuối cùng, anh hỏi: “Các vị còn tìm thấy gì nữa?”. “Chà, một số dấu chân”, Mason nhìn Jesse, và anh chàng này nói: “Ồ, phải. Tôi đã chụp ảnh các dấu chân ấy”. “Tất cả có thể thôi à?”, Sachs hỏi. Lucy gật đầu, môi mím chặt trước ý phê phán ngấm ngầm của cô gái miền Bắc. Rhyme hỏi: “Các vị không khám nghiệm hiện trướng à?”. Jesse trả lời: “Tất nhiên là chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm. Chỉ có điều không có cái gì khác”. Không có cái gì khác? Tại hiện trường vụ án, nơi một đối tượng giết chết một nạn nhân và bắt cóc một nạn nhân khác, bao giờ chẳng đủ chứng cứ để dựng hẳn một bộ phim về việc một người đã làm gì với ai đó và có lẽ cả việc mỗi diễn viên đã làm gì trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ vừa qua. Xem chừng họ phải chiến đấu với hai thủ phạm: Thằng Bọ và sự kém cỏi của cơ quan thực thi pháp luật. Rhyme bắt gặp ánh mắt Sachs và nhận ra cô cũng đang nghĩ như anh. “Ai thực hiện việc khám nghiệm?”, Rhyme hỏi. “Tôi”, Mason trả lời. “Tôi tới đó đầu tiên. Tôi đang ở gần đó thì nhận được điện báo.” “Và lúc ấy là lúc nào?” “Chín rưỡi. Một người lái xe tải từ trên quốc lộ trông thấy xác Billy và gọi 911.” Và cậu thiếu niên bị giết trước tám giờ. Rhyme không hài lòng. Một tiếng rưỡi – ít nhất là như vậy – là khoảng thời gian dài đối với một hiện trường không được bảo vệ. Nhiều chứng cứ có thể bị đánh cắp, nhiều chứng cứ có thể bị bỏ thêm vào. Gã trai có thể đã cưỡng hiếp và giết chết cô gái, giấu cái xác đi, rồi quay lại lấy mất một số chứng cứ, bố trí thêm một số chứng cứ khác, hòng đánh lạc hướng điều tra. “Anh khám nghiệm một mình à?”, Rhyme hỏi Mason. “Lượt đầu tiên. Sau đấy, chúng tôi cử ba, bốn cảnh sát tới. Họ rà soát khu vực ấy rất cẩn thận.” Và chỉ tìm thấy vũ khí giết người? Lạy Chúa quyền năng vô cùng… Chưa kể những hư hại do bốn cảnh sát không quen thuộc với các kỹ thuật khám nghiệm hiện trường gây ra. “Tôi có thể hỏi được không?”, Sachs lên tiếng. “Làm sao các vị biết Garrett là thủ phạm?” “Tôi đã trông thấy hắn”, Jesse Corn nói. “Khi hắn bắt cóc Lydia sáng nay.” “Điều đó không có nghĩa là hắn đã giết chết Billy và bắt cóc cô gái kia.” “Ồ”, Bell nói. “Các dấu chân – chúng tôi phát hiện ra chúng ngay chỗ chiếc xẻng.” Rhyme gật đầu và bảo viên cảnh sát trưởng: “Dấu chân của hắn được lưu trong hồ sơ qua những lần bắt giữ trước?”. “Phải.” Rhyme nói: “Bây giờ, hãy cho tôi biết về sáng nay”. Jesse giành phần trả lời: “Lúc đó còn sớm. Mới bình minh. Ed Schaeffer và tôi đang canh chừng hiện trường vụ án phòng trường hợp Garrett quay lại. Ed ở phía bắc sông, tôi ở phía nam. Lydia đến đó đặt hoa. Tôi để cô ấy một mình rồi quay lại xe. Tôi nghĩ đáng lẽ ra tôi không nên để cô ấy một mình. Việc tiếp theo tôi biết là cô ấy kêu thét lên và tôi trông thấy hai bọn họ biến mất trên sông. Bọn họ biến mất trước khi tôi kịp tìm một chiếc thuyền hay một cái gì đó để sang sông. Ed không trả lời bộ đàm. Tôi lo lắng cho ông ấy và lúc tôi sang được đến bên kia thì thấy ông ấy bị ong đốt đến sống dở chết dở. Garrett đã đặt bẫy”. Bell nói: “Chúng tôi nghĩ Ed biết nơi hắn đưa Mary Beth đi. Ông ấy đã phát hiện được một tấm bản đồ trong căn chòi Garrett ẩn trốn. Nhưng ông ấy bị ong đốt và bất tỉnh trước khi kịp mô tả cho chúng tôi tấm bản đồ. Garrett đã mang nó theo sau khi bắt cóc Lydia. Chúng tôi chẳng thể tìm thấy nó”. “Tình trạng viên cảnh sát đó thế nào?”, Sachs hỏi. “Bị sốc vì nọc ong. Chẳng ai biết liệu ông ấy có tỉnh lại được không. Hay liệu ông ấy có nhớ ra được gì không nếu tỉnh lại.” Vậy là chúng ta phải dựa vào các chứng cứ, Rhyme tự nhủ. Điều này, suy cho cùng, anh vốn cũng ưa thích, ưa thích hơn nhiều so với việc dựa vào các nhân chứng. “Có manh mối nào từ hiện trường vụ án sáng nay không?” “Đã tìm thấy cái này.” Jesse mở một va li nhỏ và lấy ra một chiếc giày chạy đựng trong túi nhựa. “Garrett đánh rơi nó khi hắn tóm Lydia. Chẳng còn gì khác nữa.” Ngày hôm qua, một chiếc xẻng. Ngày hôm nay, một chiếc giày… Chẳng còn gì khác nữa. Rhyme thất vọng liếc nhìn chiếc giày lẻ loi. “Hãy cứ để nó ở đằng kia.” Rhyme hất đầu chỉ một chiếc bàn. “Hãy cho chúng tôi biết về những cái chết khác mà Garrett là đối tượng tình nghi.” Bell nói: “Tất cả đều ở Bến tàu kênh Nước đen và xung quanh đó. Hại nạn nhân chết đuối dưới kênh. Chứng cứ bề ngoài cho thấy họ đã ngã đập đầu xuống kênh. Nhưng theo nhân viên khám nghiệm y tế thì họ hẳn đã bị đập đầu một cách có chủ ý, rồi bị ném xuống. Trước đấy không lâu, người ta trông thấy Garrett lảng vảng xung quanh nhà họ. Còn năm ngoái, một người chết vì bị ong đốt. Ong bắp cày. Y hệt trường hợp của Ed. Chúng tôi biết rằng Garrett đã gây ra việc này”. Bell tiếp tục, những Mason cắt lời. Anh ta hạ giọng: “Con gái, mới ngoài hai mươi tuổi – giống như Mary Beth. Thực sự tốt, tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo. Cô ấy đang ngủ trưa ở hàng hiên đằng sau. Garrett quẳng một tổ ong bắp cày vào. Cô ấy bị đốt một trăm ba mươi bảy phát. Suy tim.” Lucy Kerr nói: “Tôi nhận được điện và đến đó. Một cảnh tượng thực sự thương tâm, những gì đã xảy ra với cô ấy. Cô ấy chết từ từ. Hết sức đau đớn”. “Ồ, và cái đám tang mà chúng ta đi ngang qua trên đường tới đây thì sao?”, Bell hỏi. “Đấy là Todd Wilkes. Thằng bé tám tuổi. Tự tử.” “Ôi, không”, Sachs lẩm bẩm. “Tại sao?” “Chà, thằng bé vốn đã ốm yếu”, Jesse Corn trình bày. “Nó ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Sức khoẻ nó đã rất tệ. Nhưng chưa hết – vài tuần trước, người ta trông thấy Garrett quát tháo Todd, thực sự khiến thằng bé khốn khổ. Chúng tôi nghĩ Garrett không ngừng quấy rối và đe dọa nó cho tới lúc nó không chịu đựng được nữa.” “Động cơ?”, Sachs hỏi. “Hắn là một kẻ tâm thần, động cơ của hắn đấy.” Mason cố gắng giải thích. “Người ta lấy hắn làm trò cười và hắn xử lý người ta. Đơn giản thế thôi.” “Chứng tâm thần phân liệt à?” Lucy nói: “Theo những giáo viên tham vấn tâm lý ở trường học của hắn thì không phải chứng tâm thần phân liệt. Chứng rối loạn nhân cách phản xã hội, đấy là cách họ gọi. Hắn có chỉ số IQ cao. Hắn đạt điểm A ở hầu hết các môn - trước khi hắn bắt đầu hay trốn học vài năm trước”. “Các vị có ảnh chụp hắn chứ?”, Sachs hỏi. Viên cảnh sát trưởng mở một hồ sơ. “Đây là ảnh chụp khi làm biên bản vụ tấn công bằng ong bắp cày.” Bức ảnh chụp một gã trai gầy gò, tóc cắt cua với cặp lông mày rậm giao nhau và đôi mắt trũng. Trên má có đám ban đỏ. “Đây là một bức khác.” Bell mở một bài viết cắt từ báo ra. Bức ảnh chụp một gia đình bốn người ngồi bên chiếc bàn picnic. Lời chú thích ghi: “Gia đình nhà Hanlon tại khu Picnic Hàng năm của Tanner’s Corner, một tuần trước tai nạn ô tô bi thảm trên đường 112 cướp đi mạng sống của Stuart, 39 tuổi và Sandra, 37 tuổi, cùng con gái họ, Kaye, 10 tuổi. Trong hình vẫn là Garrett, 11 tuổi, đã không có mặt trên xe khi tai nạn xảy ra.” “Tôi xem báo cáo về hiện trường vụ án ngày hôm qua được chứ?”, Rhyme hỏi. Bell mở một tập hồ sơ. Thom cầm lấy nó. Ở đây, Rhyme không có thiết bị lật trang nên anh phải nhờ vào anh chàng phụ tá. “Cậu không thể giữ nó chắc chắn được à?” Thom thở dài. Nhưng nhà hình sự học đang bực bội. Hiện trường vụ án được khám nghiệm rất cẩu thả. Trong số các bức ảnh chụp lấy ngay có bức cho thấy một loạt dấu chân nhưng người ta không đặt thước để xác định kích cỡ. Người ta cũng không đặt biển đánh số để xác định dấu chân của từng người. Sachs cũng chú ý tới điều này và lắc đầu, nêu nhận xét. Lucy nói với giọng thanh minh: “Cô luôn luôn làm như thế à? Đặt biển đánh số ấy?”. “Tất nhiên”, Sachs trả lời. “Đó là cách thức đúng quy chuẩn.” Rhyme tiếp tục nghiên cứu bản báo cáo. Nó chỉ mô tả vội vàng về vị trí và tư thế của xác cậu thiếu niên. Rhyme có thể thấy đường vẽ hình người được phun bằng sơn, ai cũng biết cách này sẽ phá huỷ các dấu vết và làm ảnh hưởng đến hiện trường vụ án. Họ không lấy mẫu đất nào tại chỗ cái xác hay nơi rõ ràng đã diễn ra cuộc vật lộn giữa Billy, Mary Beth và Garrett. Và Rhyme có thể thấy những đầu mẩu thuốc lá trên mặt đất – chúng có khả năng cung cấp nhiều manh mối – nhưng họ không thu cái nào. “Trang tiếp theo.” Thom lật trang. Báo cáo về dấu vân tay thì tốt hơn chút ít. Trên chiếc xẻng có bốn dấu vân tay còn nguyên vẹn và mười bảy dấu bị mất một phần, tất cả đều được xác định chắc chắn là của Garrett và Billy. Hầu hết là dấu vân tay dạng ẩn, tuy nhiên một số dấu khá rõ rệt – có thể dễ dàng nhìn thấy mà chẳng cần dùng đến hoá chất hay nguồn sáng để hiệu chỉnh hình ảnh - ở vết đất bám trên cán xẻng. Nhưng Mason đã bất cẩn khi khám nghiệm hiện trường - dấu găng tay cao su của anh ta trên chiếc xẻng che lấp nhiều dấu vân tay của kẻ giết người. Rhyme sẽ phạt một kỹ thuật viên vì tội xử lý chứng cứ bất cẩn như thế, dù sao, cũng còn nhiều dấu vân tay hữu ích khác, lỗi ấy không gây ra sự khác biệt nào trong trường hợp này. Các thiết bị sẽ nhanh chóng được đưa đến. Rhyme bảo Bell: “Tôi cần một kỹ thuật viên khám nghiệm giúp đỡ tôi phân tích chứng cứ, đồng thời vận hành các thiết bị. Tôi thích lấy một cảnh sát hơn, nhưng quan trọng là có kiến thức về khoa học. Và hiểu biết vùng này. Một người địa phương”. Ngón tay cái Mason xoay nhanh một vòng bên trên chiếc kim hoả có những đường gân của khẩu súng lục. “Chúng tôi sẽ bới từ đâu đấy ra được một người, nhưng tôi tưởng anh là chuyên gia. Tôi muốn nói, chẳng phải đó là lý do để chúng tôi dùng đến anh hay sao?” “Một trong những lý do để các vị dùng đến tôi là vì tôi biết lúc nào mình cần sự giúp đỡ, Rhyme nhìn Bell. “Anh nghĩ ra ai chưa?” Lucy Kerr là người trả lời. “Con trai chị gái tôi – Benny – nó đang học tại Đại học Tổng hợp Bắc Carolina. Sau đại học.” “Thông minh không?” “Hội viên Phi Beta[14]. Nó chỉ… ờ, hơi ít nói.” “Tôi không cần cậu ấy tới nói chuyện.” “Tôi sẽ gọi điện cho nó.” “Tốt”, Rhyme nói. Rồi tiếp túc: “Bây giờ, tôi muốn Amelia khám nghiệm các hiện trường vụ án: phòng gã trai và kênh Nước đen”. Mason nói: “Nhưng…”. Anh ta hất bàn tay chỉ bản báo cáo. “Chúng tôi đã khám nghiệm rồi. Khám nghiệm hết sức cẩn thận rồi.” “Tôi muốn cô ấy khám nghiệm lại”, Rhyme đáp ngắn gọn. Rồi anh nhìn Jesse. “Anh hiểu biết vùng này. Anh đi với cô ấy, được chứ?” “Chắc chắn rồi. Tôi rất lấy làm hân hạnh.” Sachs dành cho anh ta cái nhìn giễu cợt. Nhưng Rhyme biết giá trị của một anh chàng thích tán tỉnh, Sachs sẽ cần đến sự hợp tác - cần nhiều. Rhyme không nghĩ Lucy hay Mason có thể hữu ích bằng nửa cái anh chàng Jesse Corn đã đem lòng si mê cô. Rhyme nói: “Tôi muốn Amelia được trang bị một khẩu súng ngắn”. “Jesse là chuyên gia quân nhu của chúng tôi đấy”, Bell nói. “Cậu ấy sẽ ngay lập tức kiếm cho cô một khẩu Smith & Wesson ngon lành.” “Yên tâm, tôi sẽ kiếm được.” “Tôi muốn mấy bộ còng nữa”, Sachs nói. “Chắc chắn rồi.” Bell để ý thấy Mason trông không vui vẻ gì, đang nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ. “Chuyện gì thế?”, viên cảnh sát trưởng hỏi. “Anh thực sự muốn nghe ý kiến của tôi?”, người đàn ông có chiều cao khiêm tốn hỏi lại. “Tôi vừa hỏi, phải không?” “Anh làm những gì anh cho là tốt nhất, Jim ạ”, Mason nói giọng căng thẳng. “Nhưng tôi không cho là chúng ta có thời gian để khám nghiệm thêm nữa. Khu vực này mênh mông như thế. Chúng ta phải đuổi theo thằng nhãi kia và phải đuổi theo gấp.” Nhưng người đáp lời là Lincoln Rhyme. Ánh mắt đặt vào tấm bản đồ, ô G-10, Bến tàu kênh Nước đen, địa điểm cuối cùng Lydia Johansson được trông thấy vẫn còn sống, anh nói: “Chúng ta không có thời gian để hành động vội vàng”. “CCHƯƠNG NĂM húng tôi đã muốn có nó”, người đàn ông thận trọng thầm thì, y như thể nếu nói quá to thì sẽ gọi phù thủy hiện lên vậy. Ông ta lo lắng nhìn xung quanh khoảng sân đầy bụi phía trước, nơi một chiếc xe tải nhỏ không bánh đang đậu trên nền sân bê tông. “Chúng tôi đã gọi đến các tổ chức hỗ trợ trẻ em và gia đình, hỏi cụ thể về Garrett. Bởi chúng tôi nghe được chuyện của nó và cảm thấy thương xót. Nhưng, thực tế là, nó gây rắc rối ngay từ đầu. Không giống những đứa con khác của chúng tôi. Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng tôi phải nói với các vị, tôi nghĩ nó không nhìn nhận theo cách ấy. Và chúng tôi khiếp sợ. Sợ lắm.” Ông ta đứng trên dãy hàng hiên đằng trước đã bạc màu vì mưa nắng của ngôi nhà ở phía bắc Tanner’s Corner, trao đổi với Amelia Sachs và Jesse Corn. Amelia có mặt tại đây, tại nhà cha mẹ nuôi Garrett, chỉ để lục soát phòng gã, nhưng, mặc dù tình hình gấp gáp, cô vẫn để Hal Babbage kể lể dông dài với hy vọng cô sẽ biết thêm chút ít về Garrett Hanlon. Amelia Sachs không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Rhyme rằng chứng cứ là chìa khóa duy nhất giúp tìm kiếm đối tượng. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện hé lộ ra độc một điều: cha mẹ nuôi của Garrett, như Hal nói, thực sự khiếp sợ việc gã sẽ quay lại làm hại họ hoặc những đứa con khác của họ. Vợ ông ta, đang đứng cạnh chồng, là một phu nữ to béo với mái tóc quăn. Bà ta mặc chiếc áo phông được tặng của một đài truyền thanh chuyên phát nhạc đồng quê. Chiếc áo ố bẩn, có hàng chữ MY BOOTS TAP TO WKRT. Giống như ông chồng, ánh mắt Margaret Babbage thường xuyên quét qua khoảng sân và những đám rừng xung quanh, xem Garrett có trở về không, Sachs đồ là vậy. “Chẳng phải chúng tôi đã làm gì nó , Hal Babbage tiếp tục. Chúng tôi không bao giờ dùng roi vọt với nó - chính quyền bang không cho phép người ta làm như thế nữa - tuy nhiên tôi từng kiên quyết ép nó tuân theo kỷ luật. Ví dụ, chúng tôi lên thời gian biểu cho các bữa ăn. Tôi dứt khoát yêu cầu điều đó. Riêng Garrett luôn luôn không đúng giờ. Tôi khóa chạn thức ăn lại khi không đúng bữa, bởi vậy nó bị đói suốt. Thi thoảng tôi đưa nó tới lớp học Kinh Thánh ngày thứ Bảy dành cho cha và con trai. Nó căm ghét việc ấy. Nó cứ ngồi im thin thít ở đấy. Tôi phải nói với các vị là tôi phát xấu hổ. Và tôi la rầy nó, muốn nó dọn dẹp cái phòng bẩn thỉu ngập ngụa.” Ông ta chần chừ nửa giận nửa sợ. “Đó là những điều người ta vốn vẫn yêu cầu con cái làm. Nhưng tôi biết vì thế mà nó đâm căm ghét tôi.” Bà vợ cũng góp lời khai: “Chúng tôi đã tử tế với nó. Nhưng nó sẽ không nhớ đâu. Nó sẽ nhớ những lúc chúng tôi nghiêm khắc với nó. Giọng bà ta run run. “Và nó đang tính chuyện trả thù.” “Tôi phải nói với anh, chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình.” Cha nuôi Garrett cảnh báo, bấy giờ là nói với Jesse Corn. Ông ta hất đầu chỉ đống đinh và chiếc búa han gỉ nằm trên hàng hiên. “Chúng tôi đang đóng cố định các cánh cửa sổ, nhưng nếu nó cố đột nhập vào... chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình. Bọn trẻ biết cần làm gì. Chúng biết chỗ cất khẩu súng săn. Tôi đã dạy chúng cách sử dụng.” Ông ta khuyến khích chúng bắn Garrett? Sachs bàng hoàng. Cô đã trông thấy mấy đứa trẻ khác trong ngôi nhà, chúng ghé mắt nhìn qua khung lưới cửa sổ. Có vẻ như chưa đứa nào quá mười tuổi. “Hal này.” Jesse Corn nói giọng lạnh lùng, giành quyền của Sachs. “Đừng tự xử lý bất cứ việc gì. Nếu ông trông thấy Garrett, hãy gọi cho chúng tôi. Và đừng để bọn trẻ động đến bất cứ khẩu súng nào đấy. Vào đi, ông thông thuộc các thứ trong căn phòng hơn.” “Chúng tôi có các bài luyện tập”, Hal nói với giọng tự vệ. “Vào các ngày thứ Năm, sau bữa tối. Bọn trẻ biết phải sử dụng súng như thế nào.” Ông ta nheo mắt khi nhìn thấy cái gì đó trên khoảng sân. Sự căng thẳng thoáng hiện. “Tôi muốn xem phòng hắn”, Sachs bảo. Hal nhún vai. “Các vị cứ xem xét thoải mái. Nhưng các vị tự xem xét lấy thôi. Tôi không vào trong đó đâu. Em dẫn họ đi, Mags.” Ông ta cầm lên chiếc búa và một nắm đinh. Sachs để ý thấy báng khẩu súng lục thò ra chỗ cạp quần ông ta. Ông ta bắt đầu đóng đinh vào khung cửa sổ. “Jesse”, Sachs nói. “Đi vòng ra phía sau và kiểm tra qua cửa sổ phòng hắn, xem có cái bẫy nào không.” “Các vị sẽ chẳng trông thấy gì đâu”, bà mẹ giải thích. “Nó đã sơn đen hết cửa sổ rồi.” Sơn à? Sachs tiếp tục: “Thế thì hãy khống chế lối dẫn đến cửa sổ. Tôi không muốn gặp một bất ngờ nào. Canh chừng những vị trí ngắm bắn thuận lợi và đừng phơi mình ra trước mắt hắn.” “Rõ. Canh chừng những vị trí ngắm bắn thuận lợi. Tôi sẽ thực hiện.” Và Jesse gật đầu một cách cường điệu, cái gật đầu cho Sachs thấy anh ta hầu như chưa có kinh nghiệm tác chiến. Anh ta biến mất vào khoảng sân bên hông ngôi nhà. Bà vợ nói với Sachs: “Phòng nó đi lối này.” Sachs bước theo mẹ nuôi của Garrett, đi xuôi một dãy hành lang tối lờ mờ đầy các thứ quần áo phải giặt là và hàng đống tạp chí. Gia đình, Đời sống Cơ Đốc giáo, Súng & Đạn, Đồng ruộng và sông suối, Tập san của bạn đọc. Đầu Sachs rướn về phía trước khi đi qua mỗi khuông cửa, cặp mắt đảo trái đảo phải, những ngón tay dài vuốt ve báng khẩu súng lục làm bằng gỗ sồi chạm hình ô vuông. Cánh cửa phòng gã trai đóng kín. Garret quẳng một tổ ong bắp cày vào. Khiến cô ấy bị đốt một trăm ba mươi bảy phát... “Ông bà thực sự sợ hắn sẽ quay lại?” Im lặng một lát, người phụ nữ trả lời: Garrett là đứa rắc rối. Người ta không hiểu nó và tôi từng thông cảm với nó hơn Hal. Tôi chẳng biết nó có quay lại không, tuy nhiên nếu nó quay lại thì sẽ lôi thôi đấy. Garrett không ngại làm hại người khác đâu. Một dạo, ở trường, mấy thằng con trai cứ mở trộm tủ đựng đồ của nó để vào đó những lời nhắn, quần áo lót bẩn và các thứ linh tinh. Chẳng có gì kinh khủng cả, chỉ là những trò đùa tình nghịch. Nhưng Garrett đã lắp một cái lồng mà cái lồng này sẽ bật mở trong trường hợp tủ đựng đồ không được mở đúng cách. Nó cho một con nhện vào. Lần tiếp theo bọn kia tái diễn trò trêu chọc, con nhện cắn trúng mặt một thằng. Suýt làm thằng bé bị mù... Phải, tôi khiếp sợ nếu nó quay lại.” Họ dừng bước bên ngoài một cửa phòng ngủ. Trên mặt cửa gỗ có hàng chữ khắc tay. NGUY HIỂM. ĐỪNG VÀO. Bức tranh vẽ nguệch ngoạc bằng bút mực một con ong bắp cày trông dữ dằn được dính bằng băng dính phía dưới hàng chữ đó. Không có điều hòa nhiệt độ và Sachs thấy lòng bàn tay ướt mồ hôi. Cô chùi bàn tay vào quần bò. Sachs bật thiết bị bộ đàm hiệu Motorola và đeo bộ tai nghe vừa mượn từ Trung tâm Thông tin Liên lạc Văn phòng Cảnh sát trưởng. Phải mất một lát cô mới dò được tần số mà Steve Farr đã đưa. Sóng không tốt. “Rhyme à?” “Anh đây, Sachs. Anh đang chờ đợi đây. Em đã ở đâu vậy?” Sachs không muốn nói với Rhyme rằng cô vừa dành ít phút cố gắng tìm hiểu về tâm lý của Garrett Hanlon. Cô chỉ bảo: “Bọn em mất một lúc mới tới đây được”. “Chà, chúng ta có cái gì nhỉ?”, nhà hình sự học hỏi. “Em chuẩn bị vào đây.” Sachs ra hiệu bảo Margaret quay lại phòng khách rồi đá cho cánh cửa mở vào bên trong và nhảy giật lùi ra hành lang, áp sát người vào bức tường đối diện. Căn phòng sáng lờ mờ hoàn toàn im ắng. Khiến cô ấy bị đốt một trăm ba mươi bảy phát... Được. Giơ khẩu súng lục lên. Sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng! Sachs đẩy cửa vào. “Lạy Chúa”, Sachs khom người xuống trong tư thế chiến đấu. Ghìm chặt cò súng, cô chĩa thẳng họng súng vào một bóng người ở ngay bên trong phòng. “Sachs?”, Rhyme gọi. “Sao vậy?” “Chờ chút”, Sachs thì thầm, bật ngọn đèn treo trên trần lên. Họng súng đã chĩa vào tấm poster in hình con quái vật gớm ghiếc trong bộ phim Người ngoài hành tinh[15]. Cô dùng bàn tay trái kéo mở toang cánh cửa tủ quần áo. Trống rỗng. “An toàn, Rhyme. Tuy nhiên, phải nói là, em không ưa lắm cái cách hắn trang trí căn phòng.” Đúng lúc ấy, một mùi hôi nồng nặc sộc vào mũi Sachs. Mùi quần áo chưa giặt, mùi cơ thể. Và mùi gì đó nữa... “Ối chao”, Sachs lẩm bẩm. “Sachs. Gì thế?”, Rhyme hỏi giọng sốt ruột. “Cái chỗ này đang bốc mùi.” “Tốt. Em biết quy tắc của anh đấy.” “Bao giờ cũng ngửi mùi hiện trường đầu tiên. Nhưng giá mà em không ngửi thấy gì cả.” “Tôi đã định dọn dẹp.” Bà Babbage khẽ khàng bước tới đằng sau lưng Sachs. “Đáng lẽ tôi nên dọn dẹp, trước khi các vị đến đây. Nhưng tôi quá sợ chẳng dám vào. Với lại, mùi chồn hôi rất khó hết, trừ phi cọ rửa bằng nước cà chua. Mà Hal nghĩ như thế là lãng phí.” Chính nó. Bao phủ lên mùi quần áo bẩn là mùi xạ của chồn hôi, từa tựa mùi cao su cháy. Hai bàn tay vỗ vào nhau một cách tuyệt vọng, trông giống như sắp khóc, bà mẹ nuôi Garrett thì thầm: “Các vị mở cửa phòng nó thế này, nó sẽ tức điên lên mất.” Sachs bảo bà ta: “Tôi cần ở đây một mình ít phút”. Cô dẫn bà ta ra ngoài rồi đóng cửa phòng lại. “Đang lãng phí thời gian đấy, Sachs”, Rhyme nói gay gắt. “Em bắt đầu đây”, Sachs đáp lời. Cô nhìn xung quanh. Cảm thấy nản lòng trước những tấm ga trải giường xám xịt, đầy các vết ố, những đống quần áo bẩn, những chiếc đĩa bị thức ăn cũ làm dính lại với nhau, những túi giấy bóng kính đựng đầy vụn khoai tây chiên và ngô chiên. Toàn bộ căn phòng khiến cô cáu kỉnh. Cô thấy mình đưa những ngón tay lên đầu gãi soàn soạt. Ngừng, rồi lại gãi. Cô tự hỏi tại sao cô lại giận dữ thế. Có lẽ vì sự nhếch nhác này khiến người ta hình dung rằng cha mẹ nuôi đã chẳng quan tâm gì tới Garrett và rằng chính tình trạng bị bỏ mặc đó đã góp phần biến gã trở thành một kẻ bắt cóc, một tên sát nhân. Sachs xem xét căn phòng kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng, để ý thấy hàng chục vết bẩn, dấu tay và dấu chân trên bậu cửa sổ. Dường như gã sử dụng cửa sổ thường xuyên hơn cửa trước và cô tự hỏi phải chăng ban đêm họ khóa bọn trẻ lại. Cô quay sang bức tường đối diện chiếc giường, nheo mắt nhìn. Cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc cơ thể. “Chúng ta có một nhà sưu tầm ở đây, Rhyme.” Sachs kiểm tra cả chục chiếc lọ - những cái chuồng nuôi hàng đàn côn trùng xúm xít vào với nhau - dưới đáy mỗi lọ đều có nước. Các nhãn xác định loài viết nguệch ngoạc bằng tay: Bọ xít bơi... Nhện nước. Một cái kính lúp sứt nằm trên chiếc bàn gần đó, bên cạnh là chiếc ghế văn phòng cũ kỹ trông như thể Garrett đã nhặt nó từ bãi rác về. “Em biết tại sao người ta gọi hắn là Thằng Bọ rồi.” Sachs nói, rồi mô tả cho Rhyme nghe về những chiếc lọ. Cô rùng mình ghê sợ khi một lũ bọ bé tí, ướt át bò dọc theo thành thủy tinh một chiếc lọ. “A, chi tiết tốt cho chúng ta.” “Tại sao?” “Bởi đây là một sở thích ít gặp. Nêu hắn mê tennis hay sưu tầm tiền xu thì việc đặt hắn vào một địa điểm nào đó sẽ khó khăn hơn. Bây giờ, hãy tiếp tục xem xét đi”, Rhyme nói bằng giọng nhẹ nhàng, gần như vui vẻ. Sachs biết anh đang tưởng tượng rằng bản thân anh đang đi theo từng ô ngang dọc của hiện trường, coi cô như mắt và chân của anh vậy. Trước đây, khi phụ trách bộ phận Điều tra và Nguồn lực và đơn vị khám nghiệm hiện trường của Sở Cảnh sát New York, Lincoln Rhyme thường tự khám nghiện hiện trường những vụ án giết người, thậm chí dành nhiều thời gian xem xét hơn cả các sĩ quan cấp dưới. Cô biết công việc này là điều nhớ nhất về cuộc đời trước khi tai nạn xảy ra. “Bộ dụng cụ khám nghiệm hiện trường thế nào?” Rhyme hỏi. Jesse Corn đã đào được một bộ từ kho trang thiết bị văn phòng cảnh sát trưởng ra cho Sachs dùng. Sachs mở chiếc va li nhỏ bằng kim loại đầy bụi. Nó chẳng bằng một phần mười bộ dụng cụ của cô ở New York, nhưng ít nhất cũng có các thứ cơ bản: những cái nhíp, một đèn pin, các que thăm, găng tay cao su và túi đựng chứng cứ. “Sơ sài thôi” cô trả lời. “Đối với vụ này, chúng ta như cá trên cạn, Sachs ạ.” “Em mắc cạn cùng anh, Rhyme.” Cô đeo găng tay vào trong lúc nhìn xung quanh căn phòng. Phòng ngủ của Garrett được gọi là hiện trường gián tiếp - không phải nơi vụ án thực sự xảy ra mà là nơi, ví dụ như, lên kế hoạch hành động, hoặc là nơi đối tượng ẩn trốn sau khi gây án. Từ lâu, Rhyme đã dạy cô rằng những hiện trường này thường có giá trị hơn hiện trường trực tiếp vì ở những chỗ đó đôi tượng có xu hướng bất cẩn hơn, vứt bỏ găng tay, quần áo, để lại vũ khí cũng như các chứng cứ khác. Bây giờ, Sachs bắt đầu cuộc khám nghiệm, đi theo từng ô ngang dọc căn phòng - chia sàn thành từng dải hẹp song song nhau để xem xét, cái cách người ta xén cỏ, từng bước, từng bước, rồi chuyển sang đường vuông góc, rà qua cùng một vị trí lần thứ hai. “Nói cho anh nghe nào, Sachs, nói cho anh nghe nào.” “Đây là một chốn đáng sợ, Rhyme.” “Đáng sợ à?”, anh càu nhàu. “Đáng sợ là cái quái quỷ gì vậy?” Lincoln Rhyme không thích những nhận xét mơ hồ. Anh thích những tính từ mạnh - cụ thể: lạnh, lầy lội, xanh da trời, xanh lá cây, sắc. Rhyme thậm chí còn phàn nàn khi cô bình luận cái gì đó là “lớn” hoặc “nhỏ.” (“Hãy nói cho anh nghe xem kích thước nó bằng bao nhiêu inch hay bao nhiêu milimét, hoặc đừng nói gì cả, Sachs ạ.” Và Amelia Sachs luôn khám nghiệm hiện trường với một khẩu Glock 10, găng tay cao su và thước dây hiệu Stanley.) Cô nghĩ: Ờ, mình cảm thấy sợ phát khiếp. Điều ấy không có ý nghĩa gì sao? “Hắn dán trên tường các bức poster. Từ bộ phim Người ngoài hành tinh. Và Nhện khổng lồ[16]- bọn bọ to lớn này đang tấn công người ta. Hắn cũng tự vẽ nữa. Các hình ảnh đầy bạo lực. Căn phòng cực kỳ bẩn thỉu, đồ ăn vặt, quần áo, lũ côn trùng trong những chiếc lọ. Chẳng còn gì nhiều nhặn nữa.” “Quần áo bẩn à?” “Vâng. Có một vật hữu ích - một chiếc quần dài, bẩn kinh khủng. Hắn đã mặc nó nhiều lần, nó phải chứa cả tấn dấu vết. Gấu lơ-vê. Thật may mắn cho chúng ta - hầu hết đám thiếu niên ở tuổi hắn chỉ mặc quần bò màu xanh.” Sachs thả nó vào một túi nhựa đựng chứng cứ. “Áo sơ mi?” “Chỉ có áo phông”, cô trả lời. “Không cái nào có túi cả.” Các nhà hình sự học vốn vẫn yêu thích những bộ khuy cài măng sét và túi áo, chúng giữ lại đủ mọi loại manh mối hữu ích. “Em tìm thấy mấy cuốn vở, Rhyme. Nhưng Jim Bell và các cảnh sát khác hẳn đã xem xét chúng rồi.” “Đừng đưa ra bất cứ giả định nào về công việc khám nghiệm hiện trường mà những đồng nghiệp của chúng ta tiến hành”, Rhyme nói một cách giễu cợt. “Rõ.” Sachs bắt đầu lật từng trang. “Không nhật ký. Không bản đồ. Không có gì liên quan đến chuyện bắt cóc... Chỉ có các con côn trùng... vẽ những thứ hắn nuôi trong lọ.” “Có hình con gái, phụ nữ không? Có hình ác dâm không?” “Không.” “Mang chúng về đây. Những cuốn sách thì sao?” “Có lẽ chừng một trăm cuốn. Sách giáo khoa, sách về động vật, côn trùng... Khoan đã, có cái này, một cuốn niên giám của trường Trung học Tanner’s Corner. Từ sáu năm trước.” Rhyme hỏi ai đó trong phòng. Rồi anh quay lại với cuộc điện đàm. “Jim bảo Lydia hai mươi sáu tuổi. Cô ta hẳn phải ra trường cách đây tám năm. Nhưng cứ kiểm tra trang về những nữ sinh họ McConnell xem.” Sachs lật đến vần M. “Phải. Ảnh chụp Mary Beth bị cắt ra bằng một lưỡi dao sắc Hắn chắc chắn phù hợp với sự mô tả kinh điển về một kẻ chuyên rình rập hăm dọa, quấy rối người khác.” “Chúng ta không quan tâm đến những mô tả. Chúng ta quan tâm đến chứng cứ. Những cuốn sách khác - những cuốn trên giá của hắn - cuốn nào hắn đọc thường xuyên nhất?” “Làm sao em...” “Xem các trang bẩn nhiều hay không”, Rhyme sốt ruột nói gay gắt. “Hãy bắt đầu từ những cuốn gần giường hắn nhất. Mang về đây độ bốn, năm cuốn.” Sachs lấy ra bốn cuốn có các trang sờn rách nhất. Sổ tay nhà côn trùng học, Hướng dẫn thực địa về côn trùng khu vực Bắc Carolina, Côn trùng dưới nước khu vực Bắc Mỹ, Thế giới thu nhỏ. “Em lấy bốn cuốn rồi, Rhyme. Nhiều trang được đánh dấu. Một số trang được đánh dấu sao.” “Tốt. Mang chúng về đây. Nhưng phải có cái gì đó đặc biệt hơn trong căn phòng chứ.” “Em chẳng thể tìm thấy cái gì.” “Cứ xem xét đi, Sachs. Hắn là một gã trai mười sáu tuổi. Em biết những vụ có thủ phạm vị thành niên mà chúng ta từng làm rồi đấy. Phòng của thanh, thiếu niên mới lớn bao giờ cũng là trung tâm vũ trụ của chúng. Hãy thử suy nghĩ giống như một thiếu niên mười sáu tuổi xem. Em sẽ giấu giếm các thứ ở đâu?” Sachs nhìn bên dưới tấm nệm, bên trong và bên dưới các ngăn kéo bàn học, trong tủ quần áo, bên dưới những cái gối đầy bụi. Rồi cô chiếu đèn pin vào khe hở giữa tường và giường. Cô nói: “Có cái gì đó ở đây, Rhyme”. “Cái gì?” Sachs tìm thấy một đống khăn giấy hiệu Kleenex đã dùng, một chai sữa dưỡng ẩm Vaseline Intensive Care. Cô kiểm tra một trong những chiếc khăn giấy. Nó ố bẩn bởi thứ gì đó có vẻ như là tinh dịch. “Hàng chục chiếc khăn giấy bên cạnh giường. Hắn đã là kẻ thường xuyên bắt bàn tay phải của mình bận bịu.” “Hắn mười sáu tuổi”, Rhyme nói. “Nếu hắn không như thế mới là không bình thường. Bỏ một chiếc vào túi đi. Chúng ta có thể sẽ cần đến ít cấu trúc ADN.” Sachs tìm thấy một thứ khác nữa dưới gầm giường: một khung ảnh rẻ tiền mà trên đó có những hình vẽ thô thiển của Garrett về côn trùng - kiến, ong bắp cày, bọ cánh cứng. Bên trong lồng bức ảnh chụp Mary Beth McConnell cắt ra từ cuốn niên giám. Còn một tập album có chừng chục bức ảnh khác chụp Mary Beth. Chúng là những bức ảnh đời thường. Hầu hết là những bức ảnh chụp cô gái trẻ ở nơi như là trường đại học hoặc lúc cô đang đi bộ dọc theo con phố trong một thị trấn nhỏ. Hai bức chụp cô mặc bikini ở bên hồ. Trong cả hai bức này, cô đều đang cúi xuống và bức ảnh tập trung vào khe ngực cô. Sachs nói với Rhyme những thứ cô tìm thấy. Người đẹp trong mộng của hắn , Rhyme lẩm bẩm. “Tiếp tục đi.” “Em nghĩ chúng ta nên thu lấy mấy thứ này và bắt đầu khám nghiệm hiện trường trực tiếp.” “Xem xét thêm một, hai phút nữa, Sachs. Hãy nhớ: đóng vai những người muốn nhón tay làm phúc, đây là ý tưởng của em chứ không phải của anh nhé.” Cô run lên vì tức giận trước câu nói này. “Anh muốn gì nào?”, cô nóng nảy hỏi. “Anh muốn em lấy dấu vân tay à? Hay hút lấy tóc?” “Tất nhiên là không. Em biết chúng ta không tìm kiếm những chứng cứ cho ủy viên công tố đem ra tòa. Chúng ta chỉ cần những thứ sẽ giúp chúng ta phỏng đoán được nơi hắn đưa hai cô gái kia đi. Hắn đâu định đưa họ về nhà. Hắn đã chuẩn bị một chốn dành riêng cho họ. Và hắn đến đó sớm hơn để sẵn sàng mọi thứ. Hắn có lẽ ít tuổi và thuộc loại lập dị nhưng dường như vẫn là kẻ tội phạm ngăn nắp. Thậm chí nếu hai cô gái kia đã chết thì anh dám cá rằng hắn cũng đã lựa chọn xong những nấm mồ đẹp đẽ ấm áp cho họ.” Mặc dù đã làm việc cùng nhau suốt chừng ấy thời gian, Sachs vẫn không tài nào quen được với thái độ chai cứng của Rhyme. Cô biết đây chính là một trong những yếu tố tạo nên một nhà hình sự học - khoảng cách mà người ta bắt buộc phải giữ đối với nỗi khiếp sợ trước một vụ phạm tội - tuy nhiên cô thấy điều ấy mới khó khăn làm sao. Có thể bởi cô nhận ra cô cũng mang trong mình chính khả năng lạnh lùng ấy, sự lãnh đạm đến tê dại mà các nhân viên khám nghiệm hiện trường bắt buộc phải bật lên như bật một công tắc đèn điện, sự lãnh đạm đôi lúc khiến Sachs lo sợ sẽ làm trái tim cô trơ lỳ đi không mềm mại lại được nữa. Những nấm mồ đẹp đẽ ấm áp... Lincoln Rhyme, người sở hữu giọng nói có sức quyến rũ nhất khi anh hình dung ra một hiện trường vụ án, bảo cô: “Tiếp tục đi, Sachs, hãy soi sâu vào tâm trí hắn. Hãy trở thành Garrett Hanlon. Em đang nghĩ gì? Cuộc sống của em ra sao? Em vẫn thường làm gì trong căn phòng nhỏ bé đó, từng phút, từng phút, từng phút? Những ý nghĩ bí mật nhất của em là gì?” Những nhà hình sự học cừ khôi nhất, Rhyme từng nói với Sachs, cũng giống những tiểu thuyết gia thiên tài, những người có thể tưởng tượng mình là các nhân vật do chính mình sáng tạo - và có thể biến hoàn toàn vào thế giới của một người khác. Ánh mắt cô quét khắp căn phòng thêm lần nữa. Mình mười sáu tuổi. Mình là một gã trai rắc rối. Mình mồ côi, đám bạn học hay trêu chọc mình, mình mười sáu tuổi, mười sáu tuổi, mười sáu tuổi... Một ý nghĩ xuất hiện. Sachs chộp lấy nó trước khi nó chuồi đi. “Rhyme, anh biết điều kỳ lạ là gì không?” “Nói anh nghe, Sachs.” Giọng anh nhẹ nhàng, khuyến khích. “Hắn là một gã trai mới lớn, đúng không nào? Chà, em nhớ Tommy Briscoe - em hẹn hò với anh ta khi em mười sáu tuổi. Anh biết trên khắp các bức tường trong phòng anh ta là gì không?” “Vào thời anh thì là poster in hình cái cô nàng Farrah Fawcett chết tiệt.” “Chính xác là nó. Garrett không có ảnh chụp một người mẫu nổi tiếng nào cả, không có bất cứ một poster in hình từ tạp chí Playboy hay Penthouse nào. Không có bộ bài Magic, không có Pokémon , không thứ đồ chơi nào. Không Alanis hay Celine. Không một poster in hình những tay viết nhạc rock... Và này, anh nghe này: không đầu chạy băng video, không ti vi, không máy stereo, không đài. Không Nintendo. Lạy Chúa, hắn mười sáu tuổi và hắn thậm chí không có máy vi tính.” Con gái đỡ đầu của Sachs mười hai tuổi và phòng con bé gần như là một phòng trưng bày đồ điện tử vậy. “Có thể vấn để là tiền - do cha mẹ nuôi.” “Này Rhyme, nếu em ở tuổi hắn và em muốn nghe nhạc tự em sẽ lắp một chiếc đài. Không có gì ngăn cản được tuổi mới lớn. Tuy nhiên, những thứ ấy không đem đến cho hắn hứng thú.” “Tuyệt vời, Sachs.” Có thể, cô ngẫm nghĩ, nhưng điều này nghĩa là gì? Ghi lại các quan sát mới chỉ là một nửa công viẹc của khoa học khám nghiệm. Nửa kia, quan trọng hơn nhiều, là đi tới các kết luận hữu ích từ sự quan sát. “Sachs...” “Xuỵt.” Cô đấu tranh để gạt con người thực của mình sang bên: nữ cảnh sát đến từ Brooklyn, cô gái say mê những chiếc xe hơi hiệu General Motors khỏe khoắn, cựu người mẫu thời trang cho đại lý của Chantelle ở đại lộ Madison, quán quân bắn súng ngắn, cô gái có bộ tóc đỏ được nuôi dài và những móng tay cắt ngắn để thói quen gãi đầu hay da thịt mỗi lúc căng thẳng đừng gây nên các vết thương giống như các vết thương trên cơ thể chúa Jesus khi bị đóng đinh câu rút. Cố gắng biến con người ấy thành tro bụi và trở thành một gã trai mười sáu tuổi rắc rối, đáng sợ. Một kẻ cần, hoặc muốn, giành phụ nữ bằng vũ lực. Cần, hoặc muốn, được giết chóc. Mình có những suy nghĩ như thế nào? “Em chẳng quan tâm tới các thú vui bình thường, âm nhạc, ti vi, máy vi tính. Em chẳng quan tâm tới tình dục bình thường.” Sachs nói, như nói với chính mình nữa. “Em chẳng quan tâm tới các mối quan hệ bình thường. Người ta cũng giống bọn côn trùng - những thứ để bị nhốt lại. Thực tế, em chỉ quan tâm tới bọn côn trùng. Bọn chúng là nguồn an ủi duy nhất của em. Niềm thích thú duy nhất của em.” Cô nói những điều này trong lúc đi đi lại lại trước dãy lọ. Rồi cô nhìn xuống sàn nhà dưới chân. “Vết di chuyển của chiếc ghế!” “Cái gì?” “Chiếc ghế của Garrett... nó có các bánh xe. Nó quay vào phía dãy lọ nuôi côn trùng. Tất cả những gì hắn làm là lăn ghế tiến lên lùi xuống, chăm chăm quan sát chúng và vẽ chúng. Chết tiệt, hắn có thể còn trò chuyện cùng chúng nữa ấy chứ. Toàn bộ cuộc sống của hắn là những con bọ này.” Nhưng vết di chuyển trên sàn gỗ dừng lại trước khi lăn đến chỗ chiếc lọ ở cuối dãy - chiếc lọ lớn nhất và được đặt hơi cách các lọ khác. Nó đựng những con vật mặc áo vàng. Những con vật bé tí thân cong cong mang hai màu đen - vàng giận dữ vụt qua vụt lại y như thể chúng ý thức được sự xâm phạm của Sachs. Cô bước tới chỗ chiếc lọ, cẩn thận cúi nhìn nó, rồi nói với Rhyme: “Một chiếc lọ đựng đầy ong bắp cày. Em nghĩ đây là chiếc két an toàn của hắn.” “Tại sao?” “Nó không ở gần những chiếc lọ khác. Hắn chẳng bao giờ ngắm nghía nó cả - em có thể nói như thế dựa vào vết di chuyển của chiếc ghế. Và tất cả những chiếc lọ khác đều có nước - nuôi các loài bọ thủy sinh. Đây là chiếc lọ duy nhất đựng loài côn trùng bay được. Một ý tưởng tuyệt vời, Rhyme - ai sẽ động đến chiếc lọ như thế? Và chừng gang tay rưỡi giây hắn vùi giấu cái gì đó.” “Kiểm tra bên trong xem.” Sachs mở cửa và hỏi mượn bà Babbage đôi găng tay da bà ta mang găng tay vào, bà ta thấy Sachs đang nhìn vào chiếc lọ đựng ong bắp cày. “Cô không định động đến nó đấy chứ?”, bà Babbage tuyệt vọng thầm thì. “Tôi đang định làm thế.” “Ôi, Garrett sẽ điên tiết lên. Nó vốn vẫn quát tháo bất cứ ai động đến lọ ong bắp cày của nó.” “Bà Babbage, Garrett là một tội phạm đang chạy trốn. Việc hắn quát tháo bất cứ ai không phải mối bận tâm ở đây.” “Nhưng nhỡ nó lén quay lại và thấy cô động đến chiếc lọ. Ý tôi là... Nó có thể nổi điên.” Nước mắt lại chực trào ra. “Chúng tôi sẽ tìm thấy hắn trước khi hắn quay lại.” Sachs nói với giọng trấn an. “Đừng lo lắng.” Sachs đeo găng tay, và cô lấy chiếc vỏ gối quấn xung quanh cánh tay để trần. Cô từ từ kéo cái nắp lọ bằng lưới ra, thò tay vào. Hai con ong bắp cày bò lên găng tay, nhưng chỉ lát sau nó bay đi. Số còn lại hoàn toàn thờ ơ trước sự xâm phạm này. Cô cố gắng không làm chúng xáo động. Bị đốt một trăm ba mươi bảy phát… Sachs chỉ sục xuống chừng nửa gang tay đã phát hiện được một chiếc túi nhựa. “Đây rồi.” Cô rút nó lên. Một con ong bắp cày thoát khỏi lọ và mất hút trong ngôi nhà trước khi cô kịp đậy cái nắp bằng lưới lại. Cởi đôi găng tay da, đeo đôi găng tay cao su vào, cô mở chiếc túi, đổ các thứ đựng bên trong ra giường. Một cuộn dây câu mảnh. Một ít tiền - chừng trăm đô la tiền mặt và bốn đồng Eisenhower bằng bạc. Một khung ảnh khác, cái này lồng bức hình cắt từ bài báo nọ, chụp Garrett ngồi với gia đình một tuần trưóc vụ tai nạn ô tô đã cướp mất cha mẹ và em gái gã. Một đoạn dây xích ngắn xỏ một chìa khóa méo mó - giống chìa khóa ô tô, tuy nhiên không có logo trên đầu chìa, chỉ có một dãy số ngắn. Cô báo cáo với Rhyme về chiếc chìa khóa. “Tốt, Sachs ạ. Tuyệt vời. Anh chưa biết nó có ý nghĩa gì, nhưng nó là sự khởi đầu. Bây giờ thì chuyển sang hiện trường trực tiếp đi. Bến tàu kênh Nước đen.” Sachs ngừng một chút, nhìn xung quanh căn phòng. Con ong bắp cày thoát khỏi lọ đã quay lại, đang cố gắng chui trở vào. Sachs tự hỏi liệu nó đang gửi tới các anh em nó thông điệp gì. “Tôi không thể theo kịp”, Lydia bảo Garrett. “Tôi không thể đi nhanh như thế này”, cô hổn hển nói. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt cô. Bộ đồng phục của cô ướt sũng. “Im”, Garrett giận dữ quát. “Tao cần phải lắng nghe. Tao không tài nào nghe được khi mày cứ lải nhải suốt.” Lắng nghe cái gì? Lydia tự hỏi. Garrett lại xem bản đồ và dẫn cô đi dọc một lối mòn khác. Họ đang còn ở sâu trong rừng thông và mặc dù họ không đi dưới nắng, cô vẫn bị chóng mặt, nhận ra những triệu chứng ban đầu của cơn say nắng. Gã liếc nhìn Lydia, ánh mắt lại đặt lên ngực cô. Các móng tay búng tanh tách. Cái nóng khủng khiếp. “Xin cậu”, Lydia vừa thì thào vừa khóc. “Tôi không thể đi như thế này! Xin cậu!” “Im! Tao sẽ không nói với mày nữa đâu đấy!” Một đám muỗi mắt bay xung quanh mặt Lydia. Cô hít phải một, hai con và kinh tởm nhổ ra. Lạy Chúa, cô mới ghét cái chốn này làm sao chứ - trong rừng. Lydia Johansson vốn vẫn ghét đi ra ngoài trời. Phần lớn mọi người mê những cánh rừng, những bể bơi, những sân chơi. Nhưng hạnh phúc đối với cô là sự mãn nguyện mong manh hầu như chỉ diễn ra bên trong nhà: công việc của cô, những cuốn truyện kinh dị và ti vi, tán gẫu với các bạn gái còn độc thân bên ly cocktail margarita tại nhà hàng T.G.I Ngày thứ Sáu, những cuộc đi mua sắm lu bù, những buổi tối thi thoảng cùng bạn trai. Toàn những niềm vui diễn ra bên trong nhà. Khung cảnh ngoài trời gợi cho Lydia nghĩ tới các bữa tiệc thịt nướng mà những người bạn đã lập gia đình tổ chức, nó gợi cho cô nghĩ tới những gia đình ngồi xung quanh bể bơi trong lúc bọn trẻ chơi với những thứ đồ chơi bơm phồng, những chuyến picnic, những phụ nữ gọn ghẽ diện đồ bơi hiệu Speedo và dép xỏ ngón. Khung cảnh ngoài trời gợi cho Lydia nghĩ tới một cuộc sống mà cô mong muốn nhưng không có được, gợi cho cô nghĩ tới nỗi cô đơn của cô. Garrett dẫn cô đi xuôi một lối mòn khác, ra khỏi khu rừng. Cây cối đột nhiên biến mất và một cái hố khổng lồ mở trước mặt họ. Đó là một mỏ đá cũ. Nước dưới đáy hố nửa xanh lá cây nửa xanh da trời. Cô nhớ cách đây nhiều năm trẻ con từng xuống đây bơi, trước khi đầm lầy bắt đầu xâm lấn đất đai phía bắc sông Paquo và khu vực này trở nên nguy hiểm hơn. “Đi nào”, Garret nói, hất đầu chỉ cái hố. “Không. Tôi không muốn. Nó đáng sợ lắm.” “Tao chẳng quan tâm chuyện mày muốn gì”, Garrett quát. “Đi nào!” Gã tóm hai bàn tay bị trói của Lydia và lôi cô theo một lối mòn dốc đứng xuống cái gờ đá lởm chởm. Garrett cởi áo sơ mi, cúi người té nước lên lớp da sưng tấy. Gã gãi và chọc vào những vết lằn, xem xét các móng tay. Thật kinh tởm. Gã ngẩng lên nhìn Lydia. “Mày muốn làm thế chứ? Rất dễ chịu. Mày có thể cởi váy ra, nếu mày muốn. Xuống bơi.” Khiếp sợ với cái ý nghĩ trần truồng trước Garrett, Lydia dứt khoát lắc đầu. Rồi cô ngồi xuống gần bờ hố, té nước lên mặt và cánh tay. “Chỉ có điều đừng uống nước đó. Tao có cái này.” Garrett lôi từ đằng sau một tảng đá ra cái túi vải gai bẩn thỉu, hẳn là gã mới giấu nó vào đây. Gã lôi ra chai nước và vài phong bích quy phó mát với bơ lạc. Gã ăn một phong bích quy, uống nửa chai nước. Gã đưa phần còn lại cho Lydia. Cô lắc đầu, từ chối. “Mẹ kiếp, tao không bị AIDS hay bị làm sao đâu, nếu mày đang nghĩ như vậy. Mày phải uống gì đi chứ.” Phớt lờ cái chai, Lydia ghé miệng xuống làn nước dưới mỏ đá, hớp sâu một hơi. Nó mặn và có vị sắt. Thật kinh tởm. Cô nghẹt thở, suýt phát nôn. “Lạy Chúa, tao đã bảo mà”, Garrett quát. Gã lại đưa chai nước cho Lydia. “Có đủ thứ bẩn thỉu dưới đó. Đừng ngu ngốc quá như thế.” Gã quẳng cho cô cái chai. Cô vụng về bắt lấy bằng đôi bàn tay bị trói và uống cạn. Được uống nước, Lydia ngay lập tức tỉnh táo. Cô bớt căng thẳng, hỏi: “Mary Beth đâu? Cậu đã làm gì cô ấy?” “Cô ấy đang ở một chỗ ngoài biển. Ngôi nhà cũ của một người khu bờ.” Lydia biết Garrett muốn nói gì. Đối với dân Carolina, người khu bờ nghĩa là người sống ở Bờ Ngoài - dải đất ngăn cách Đại Tây Dương với bờ biển Bắc Carolina. Vậy Mary Beth đang ở đó. Và cô hiểu tại sao họ đã đi về phía đông - về phía vùng đầm lầy không nhà cửa, hầu như không có nơi nào để ẩn trốn cả. Chắc gã đã giấu một con thuyền để đi xuyên qua vùng đầm lầy ra hệ thống đường thủy ven biển, đến Elizabeth City, vượt eo Albemarle, sang khu bờ. Garrett tiếp tục: “Tao thích chỗ đó. Nó đẹp cực kỳ. Mày thích biển chứ hả?”. Gã hỏi Lydia theo cái cách lạ lùng - như thể trò chuyện - và gã xem ra hầu như bình thường. Trong khoảnh khắc, cô bớt khiếp sợ. Nhưng rồi gã lại ngồi sững, lắng nghe gì đó, đặt một ngón tay lên môi bảo cô im lặng, tức tối cau mày, và phần tăm tối của con người gã quay lại. Cuối cùng, gã lắc đầu khi đi đến kết luận rằng cái gì đó mà gã vừa lắng nghe không phải mối đe dọa. Gã vừa chà mu bàn tay khắp mặt vừa gãi một vết lằn khác. “Đi thôi.” Gã hất đầu chỉ ngược lên lối mòn dốc đứng dẫn tới mép mỏ đá. “Không xa đâu.” “Ra Bờ Ngoài phải mất một ngày. Hơn một ngày.” “Rõ khỉ, hôm nay chúng ta chưa ra đó.” Garrett lạnh lùng cười thành tiếng, như thể Lydia vừa nêu lên một ý kiến ngu ngốc nữa. “Chúng ta sẽ trốn loanh quanh đâu đây và để cho cái bọn chết giẫm tìm kiếm chúng ta đi qua. Chúng ta sẽ đợi đến hết đêm đã.” Gã không nhìn cô khi nói câu này. “Đợi đến hết đêm?”, Lydia thì thào một cách tuyệt vọng. Nhưng Garrett không nói gì nữa. Gã đẩy cô đi theo lối mòn dốc đứng dẫn tới mép mỏ đá và sau đó là rừng thông. SCHƯƠNG SÁU ự cuốn hút của hiện trường những vụ án mạng là gì? Từng khám nghiệm hàng tá những hiện trường, Amelia Sachs hay đặt ra câu hỏi này và giờ đây cô lại ngẫm nghĩ về nó khi đứng trên lề đường 112 ở Bến tàu kênh Nước đen, nhìn xuống sông Paquenoke. Đây là nơi cậu thiếu niên Billy Stail đã chết trong vũng máu, là nơi hai cô gái trẻ đã bị bắt cóc, nơi cuộc đời một cảnh sát tận tụy đã vĩnh viễn thay đổi - có thể sẽ kết thúc - bởi cả trăm con ong bắp cày. Và thậm chí dưới ánh nắng mặt trời không ngừng thiêu đốt, tâm trạng người dân khu vực Bến tàu kênh Nước đen vẫn bất an, ảm đạm. Sachs thận trọng quan sát xung quanh. Chỗ này, tại hiện trường vụ án, một sườn đồi dốc đứng, vương vãi rác, dẫn từ lề đường 112 xuống bờ sông lầy lội. Đến đoạn đất bằng trở lại, mọc lên những cây liễu, những cây bách và hàng túm cỏ cao. Chiếc cầu tàu cũ kỹ, mục nát chạy ra ngoài sông chừng ba mươi feet, rồi chìm dần dưới nước. Ở ngay khu vực này thì chẳng có nhà cửa gì, tuy nhiên Sachs để ý thấy một loạt những ngôi nhà lớn, kiểu thời kỳ đầu thực dân cách không xa con sông. Những ngôi nhà rõ ràng đắt tiền nhưng Sachs để ý thấy thậm chí bộ phận dân cư này của Bến tàu kênh Nước đen, cũng giống như bản thân quận lỵ, cứ có vẻ lạnh lẽo, hoang vắng. Cô mất một lúc mới nhận ra lý do tại sao - không có trẻ em chơi ngoài sân mặc dù đang là thời gian nghỉ hè. Không có những bể bơi bằng cao su bơm phồng, không có xe đạp loăng quăng, không có người tản bộ. Khung cảnh này gợi cho cô nhớ tới cái đám tang mà họ đi ngang qua mấy tiếng đồng hồ trước - nhớ tới chiếc quan tài của đứa bé - và cô phải kiên quyết dứt các ý nghĩ khỏi hồi ức buồn bã đó, để trở về với nhiệm vụ của mình. Khám nghiệm hiện trường. Những dải băng vàng chăng xung quanh hai địa điểm. Địa điểm gần mép nước hơn có một cây liễu, trước cây liễu có vài bó hoa - là nơi Garrett đã bắt cóc Lydia. Địa điểm kia là một khoảng đất trống, được bao bọc xung quanh bởi cây cối, nơi mà, ngày hôm qua, gã trai đã giết chết Billy Stail và bắt cóc Mary Beth. Ở giữa hiện trường này là một loạt những cái hố nông Mary Beth đã đào để tìm kiếm đầu những mũi tên cũng như những di vật khác. Cách trung tâm hiện trường hai mươi feet là đường phun sơn đánh dấu vị trí xác Billy nằm. Phun sơn à? Sachs thất vọng nghĩ. Những cảnh sát này rõ ràng chẳng quen với việc điều tra án mạng. Một chiếc xe của văn phòng cảnh sát trưởng trờ lên lề đường và Lucy Kerr trèo ra. Chính xác là điều mình cần - thêm tay thêm chân. Nữ cảnh sát lạnh lùng gật đầu chào Sachs. “Có tìm thấy thứ gì hữu ích tại nhà hắn không?” “Vài thứ.” Sachs chẳng giải thích thêm và hất đầu chỉ xuống sườn đồi. Qua bộ tai nghe, cô nghe thấy Rhyme hỏi: “Hiện trường có bị giẫm nát bấy như trong ảnh không?”. “Giống như một đàn gia súc đã đi qua vậy. Phải tới hai chục dấu chân.” “Mẹ kiếp.” Nhà hình sự học lẩm bẩm. Lucy nghe thấy lời bình phẩm của Sachs nhưng không nói gì, chỉ tiếp tục nhìn ra chỗ nước tối thẫm nơi dòng kênh gặp sông. Sachs hỏi: “Kia là chiếc thuyền hắn dùng để chạy trốn à?” Cô nhìn về phía một chiếc xuồng nhỏ đậu ghếch lên bờ sông lầy lội. “Đằng kia, đúng rồi.” Jesse Corn nói. “Không phải của hắn. Hắn đánh cắp của mấy người ở mạn trên sông. Chị muốn xem xét nó?” “Để sau. Bây giờ, liệu lối nào không phải là lối hắn đã tới đây? Tôi muốn nói, ngày hôm qua. Khi hắn giết chết Billy.” “Không phải à?” Jesse chỉ về phía đông. “Chẳng có gì ở đằng đó. Toàn đầm lầy và sậy thôi. Thậm chí không thể đậu một chiếc thuyền. Vậy hoặc hắn đi dọc theo đường 112 rồi đi xuống bờ đất này. Hoặc, vì có chiếc thuyền, tôi cho rằng hắn đã chèo thuyền từ bên kia sông sang.” Sachs mở va li đựng đồ khám nghiệm hiện trường. Cô bảo Jesse: “Tôi muốn lấy mẫu đối chiếu đất ở xung quanh đây.” “Mẫu đối chiếu?” “Nhiều mẫu khác nhau, anh biết đấy.” “Chính xác là đất ở đây?” “Phải.” “Được mà”, Jesse trả lời. Rồi hỏi: “Tại sao?”. “Vì nếu chúng ta tìm thấy thứ đất không phù hợp với đất tự nhiên ở khu vực này, nó có thể từ nơi Garrett giữ hai cô gái.” Lucy nói: “Nó cũng có thể từ vườn nhà Lydia hay từ sân sau nhà Mary Beth hay từ giày của lũ trẻ đến đây câu cá vài ngày trước.” “Có thể.” Sachs nói một cách kiên nhẫn. “Nhưng dù sao chúng ta cũng cần làm việc này.” Cô đưa cho Jesse một cái túi nhựa. Anh ta sải bước đi, hài lòng vì được giúp đỡ cô. Sachs bắt đầu xuống đồi. Cô dừng chân, lại mở va li đựng đồ khám nghiệm hiện trường. Không có dây thun. Cô để ý thấy Lucy Kerr cột mấy sợi ở cuối bím tóc tết kiểu Pháp. “Mượn được chứ?”, cô hỏi. “Mấy sợi dây thun ấy?” Sau một chút chần chừ, nữ cảnh sát tháo chúng ra. Sachs quấn vào giày mình. Cô giải thích: “Thế thì tôi sẽ biết dấu chân nào là của tôi”. Cứ như điều đó tạo nên sự khác biệt giữa cái bãi lộn xộn này ấy, Sachs tự nhủ. Cô bước vào hiện trường. “Sachs, em có gì rồi?”, Rhyme hỏi. Sóng bộ đàm thậm chí tồi hơn cả lúc trước. “Em không thể hình dung rõ ràng quang cảnh cho lắm.” Sachs vừa trả lời vừa xem xét mặt đất. “Quá nhiều dấu chân. Phải tới tám hay mười người khác nhau đi qua đây trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ vừa rồi. Nhưng em cũng có những hình dung cơ bản về việc xảy ra - Mary Beth đang quỳ dưới đất. Dấu giày của một người là nam giới tiến đến từ phía tây - từ phía dòng kênh. Dấu giày của Garrett. Em nhớ hình dáng đế giày mà Jesse tìm thấy. Em có thể nhận ra nơi Mary Beth đứng lên và lùi lại. Dấu giày một người là nam giới khác tiến đến từ phía nam. Billy. Cậu ta đi xuống bờ đất. Cậu ta di chuyển nhanh - hầu như chỉ trên mũi giày. Vậy là cậu ta đang guồng chân chạy. Garrett tiến về phía cậu ta. Hai người ẩu đả. Billy dựa vào một cây liễu. Garrett tiến về phía cậu ta. Tiếp tục ẩu đả.” Sachs xem xét đường vẽ màu trắng đánh dấu thân thể Billy. “Phát đầu tiên Garrett đập Billy bằng xẻng là đập vào đầu. Cậu ta ngã xuống. Phát ấy chưa giết chết cậu ta. Nhưng Garrett đập cậu ta một phát nữa vào cổ khi cậu ta ngã xuống. Phát ấy mới là phát chí mạng.” Jesse cất tiếng cười đầy ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào vẫn cái đường vẽ đó y như thể nhìn vào một cái gì hoàn toàn khác với cái Sachs nhìn. “Làm sao chị biết được?” Cô lơ đãng nói: “Các vết máu. Có mấy giọt nhỏ ở đây”. Cô chỉ xuống mặt đất. “Cùng những giọt như thế rơi thành một đoạn khoảng sáu feet - đó là máu từ đầu Billy. Nhưng cái vết máu phun mạnh kia - thông thường phải từ chỗ đứt động mạch cảnh hoặc tĩnh mạch cảnh - bắt đầu khi cậu ta đã ngã... Được rồi, Rhyme, em bắt đầu khám nghiệm đây.” Đi theo đường bàn cờ. Từng bước. Từng bước. Ánh mắt đặt lên lớp bụi đất và những cọng cỏ. Ánh mắt đặt lên lớp vỏ đầy đầu mấu của các cây liễu và sồi. Ánh mắt đặt lên các cành nhánh chìa bên trên cao. (“Một hiện trường vụ án là một không gian ba chiều, Sachs ạ”, Rhyme hay nhắc nhở thế.) “Những đầu mẩu thuốc lá vẫn còn ở đó chứ?”, Rhyme hỏi. “Vẫn còn.” Sachs quay sang Lucy. “Những đầu mẩu thuốc lá ấy”, cô nói, hất đầu chỉ xuống mặt đất. “Tại sao không nhặt chúng?” “Ồ.” Jesse trả lời thay cho Lucy. “Của Nathan thôi mà.” “Ai vậy?” “Nathan Groomer. Một đồng nghiệp của chúng tôi. Anh ta đã cố gắng cai mà chưa được.” Sachs thở dài, tuy nhiên kiềm chế không nói ra là bất cứ người cảnh sát nào hút thuốc tại hiện trường vụ án đều đáng bị đình chỉ công tác. Cô xem xét mặt đất kỹ lưỡng, nhưng chẳng có kết quả gì. Mọi loại sợi nhìn thấy được, những mảnh giấy hay các vật chứng khác đều đã bị di chuyển hoặc bị gió cuốn mất. Cô bước tới hiện trường vụ bắt cóc sáng hôm nay, chui qua dải băng vàng và bắt đầu đi theo đường bàn cờ xung quanh cây liễu. Đi tới đi lui, chiến đấu với cảm giác choáng váng vì nóng. “Rhyme, chẳng có gì đáng kể ở đây đâu... nhưng... khoan nào.” Cô khuỵu chân xuống thận trọng nhặt lên một tờ khăn giấy Kleenex bị vo tròn. Đầu gối cô kêu răng rắc - do chứng viêm khớp đã hành hạ cô nhiều năm nay. Thà chạy đuổi theo một đối tượng còn hơn phải ngồi xổm, cô nghĩ. “Kleenex. Trông tương tự những tờ tìm thấy tại nhà hắn, Rhyme. Chỉ có điều tờ này dính máu. Khá nhiều máu.” Lucy hỏi: “Cô nghĩ Garrett đánh rơi?” Sachs xem xét nó. “Tôi chưa biết. Tất cả những gì tôi có thẽ nói là nó không ở đây từ đêm hôm qua. Lượng hơi ẩm quá ít. Sương sớm đã phải làm nó rã ra phân nửa rồi.” “Tuyệt vời, Sachs. Em biết được điều ấy ở đâu? Anh không nhớ đã từng đề cập tới nó.” “Có, anh đã từng.” Cô nói vẻ lơ đãng. “Sách giáo khoa của anh. Chương mười hai. Về giấy.” Sachs đi xuống mép nước, xem xét chiếc thuyền nhỏ. Cô không tìm thấy gì. Rồi cô hỏi: “Jesse, anh có thể chèo thuyền đưa tôi sang bên kia được chứ?” Anh ta, tất nhiên, còn hơn cả mừng rỡ. Và cô tự hỏi liệu bao lâu nữa thì anh ta sẽ đưa ra lời đề nghị đi uống cà phê lần đầu tiên. Chẳng được mời, Lucy cũng trèo vào xuồng và họ đẩy cho nó rời khỏi bờ. Ba người lặng lẽ chèo sang bên kia sông, dòng nước dập dềnh sóng một cách đáng ngạc nhiên. Trên bờ bên kia, Sachs tìm thấy các dấu chân trên bùn: giày của Lydia - giày vải y tá đế mịn. Và dấu chân Garrett - một chân đi đất, một chân đi chiếc giày chạy mà cô đã biết kiểu đế. Cô đi theo các dấu chân vào rừng. Chúng dẫn đến cái chòi săn nơi Ed Schaeffer bị ong bắp cày đốt. Sachs dừng lại, vô cùng thất vọng. Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở đây vậy? “Lạy Chúa, Rhyme, trông giống như người ta đã quét hiện trường.” Các đối tượng tội phạm hay sử dụng chổi hoặc thậm chí cành lá để phá hủy hoặc làm lộn xộn chứng cứ tại nơi gây án. Nhưng Jesse Corn nói: “Ồ, đó là do chiếc cánh quạt”. “Máy bay trực thăng ấy à?”, Sachs hỏi, điếng cả người. “Chà, phải. Chiếc Medevac - để đưa Ed Schaeffer đi.” “Nhưng gió hút từ những cánh quạt đã làm hỏng hiện trường”, Sachs nói. “Quy trình chuẩn là chuyển nạn nhân bị thương sang chỗ khác rồi mới đáp máy bay xuống.” “Quy trình chuẩn?” Lucy Kerr hỏi, giọng khó chịu. “Xin lỗi, nhưng chúng tôi hơi lo lắng cho Ed. Phải cố gắng cứu sống ông ấy, cô biết đấy.” Sachs chẳng đáp lời. Cô từ từ khẽ khàng bước vào chòi sao cho không làm xáo động hàng chục con ong bắp cày đang lượn xung quanh cái tổ vỡ. Tuy nhiên, tấm bản đồ hay bất cứ manh mối nào mà cảnh sát Schaeffer nhìn thấy bên trong bây giờ đã biến mất và gió từ chiếc máy bay trực thăng đã thổi tung lớp đất bề mặt tới nỗi thậm chí nếu lấy mẫu đất cũng sẽ là vô ích thôi. “Chúng ta hãy trở về la-bô.” Sachs bảo Lucy và Jesse. Khi họ đang quay lại bờ sông thì có tiếng loạt soạt đằng sau lưng cô và một gã đàn ông khổng lồ bước ra từ đám cây bụi rậm rạp mọc xung quanh cụm liễu đen, khuềnh khoàng tiến đến phía họ. Jesse Corn chưa kịp rút vũ khí thì Sachs đã rút khẩu Smittie được cho mượn ra khỏi bao, lên cò và chĩa súng vào ngực kẻ vừa đột ngột xuất hiện. Gã đứng sững, giơ hai bàn tay về phía trước, chớp mắt ngạc nhiên. Gã có râu quai nón, cao và to béo, tóc tết. Quần bò, áo phông xám, gi lê bò. Giày cao cổ. Ở gã có cái gì đó quen quen. Sachs đã trông thấy gã ở đâu nhỉ? Jesse phải nhắc tên gã thì cô mới nhớ ra. “Rich.” Một trong ba gã lúc trước họ gặp bên ngoài trụ sở chính quyền quận. Rich Culbeau - Sachs nhớ cái họ đặc biệt. Sachs cũng nhớ gã và hai gã bạn đã liếc nhìn thân hình cô với sự đểu cáng ngấm ngầm và liếc nhìn Thom với vẻ khinh miệt. Vì thế mà cô chĩa khẩu súng lục vào gã lâu hơn một chút. Rồi cô chầm chậm chúc khẩu súng xuống đất, và đút lại vào bao. “Xin lỗi”, Culbeau nói. “Tôi không định làm ai hoảng sợ cả. Ê, Jesse.” “Đây là hiện trường một vụ án”, Sachs nhắc nhở. Qua bộ tai nghe, cô nghe thấy tiếng Rhyme: “Ai đấy?”. Sachs quay đi, thì thầm vào micro: “Một trong những nhân vật bước ra từ bộ phim Giải thoát[17] mà chúng ta gặp sáng hôm nay.” “Chúng tôi đang làm việc ở đây, Rich”, Lucy nói. “Anh không thể gây cản trở cho chúng tôi.” “Tôi không định gây cản trở cho các cô”, Cullbeau nói chuyển sang nhìn chằm chằm vào rừng. “Nhưng tôi có quyền thử vận may với một nghìn ấy giống như tất cả những người khác. Các cô làm sao yêu cầu tôi ngừng tìm kiếm được.” “Một nghìn nào?” “Chết tiệt.” Sachs buột thốt vào micro. “Người ta treo một giải thưởng, Rhyme.” “Ồ, không. Đó là thứ cuối cùng chúng ta cần.” Trong số các yếu tố chính làm hỏng hiện trường vụ án và gây cản trở cho việc điều tra thì giải thưởng và những kẻ thích tìm kiếm vật lưu niệm là tệ hại nhất. Culbeau giải thích: “Bà mẹ Mary Beth treo giải thưởng này. Bà ta có tiền và tôi cá là đến xẩm tối, nêu cô con gái vẫn chưa trở về, bà ta sẽ treo giải hai nghìn. Có khi còn cao hơn.” Rồi anh ta lại nhìn Sachs. “Tôi sẽ không gây bất cứ phiền phức nào, thưa cô. Cô chẳng phải người ở đây, cô nhìn tôi và nghĩ tôi đích thị là kẻ vô tích sự - tôi đã nghe thấy cô nói cái tên Giải thoát vào chiếc bộ đàm đáng yêu kia của cô. Dù sao, tôi cũng ưa cuốn sách hơn bộ phim. Cô đã đọc chưa? Chà, chẳng thành vấn đề. Có điều đừng căn cứ quá nhiều vào hình thức để đánh giá. Jesse, hãy nói cho cô ta biết ai đã cứu đứa con gái bị mất tích trong đầm lầy Sầu Thảm năm ngoái. Ai mà tất cả mọi người đều biết là đã xông pha vào chốn rắn rết, muỗi mòng và khiến toàn quận thương xót.” Jesse nói: “Rich và Harris Tomel đã tìm được cô bé. Bị mất tích ba ngày trong đầm lầy. Nếu không có họ, cô bé chắc chết.” “Chủ yếu là tôi”, Culbeau lẩm bẩm. “Harris có bao giờ thích giày bị bẩn.” “Anh đã làm một việc tốt”, Sachs nói bằng giọng thiếu thân mật. “Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng anh không khiến chúng tôi mất cơ hội tìm thấy hai cô gái.” “Điều đó sẽ không xảy ra. Không có lý do gì để cô ném tất cả tro vào mặt tôi.” Cullbeau quay người và khuềnh khoàng bước đi. “Tro?” “Nghĩa là giận dữ ấy, cô biết chứ hả.” Sachs nói với Rhyme về vụ đụng độ. Anh gạt đi. “Chúng ta đâu có thời gian mà lo lắng về những người địa phương, Sachs. Chúng ta phải lần theo dấu vết. Và phải lần theo một cách nhanh chóng. Hãy trở về đây, với các thứ em đã tìm thấy.” Trong lúc họ ngồi trên thuyền quay lại kênh, Sachs hỏi. “Anh ta sẽ gây rắc rối chừng nào?” “Culbeau ấy à?” Lucy đáp lời. “Anh ta là kẻ rất lười biếng. Hút ma túy và uống quá nhiều rượu, nhưng anh ta chưa bao giờ để xảy ra chuyện gì tệ hại hơn chuyện quại vỡ hàm ai đó ở chốn công cộng. Chúng tôi nghĩ anh ta chỉ loanh quanh tìm kiếm chỗ nào đấy thôi và thậm chí với một nghìn đô la tiền thưởng, tôi không thể tưởng tượng anh ta lại đạt được kết quả gì.” “Anh ta và hai người bạn thân làm gì?” Jesse hỏi: “Ồ, chị cũng trông thấy họ rồi à? Chà, Sean - anh chàng gầy giơ xương ấy - và Rich, họ không có cái mà chị gọi là nghề nghiệp thực thụ đâu. Bới rác và làm thuê theo ngày. Harris Tomel từng học đại học - dù sao cũng vài ba năm. Anh ta luôn cố gắng mua một cơ sở kinh doanh hay hùn hạp gì đó. Tôi chưa bao giờ nghe nói có việc nào đem lại nhiều tiền. Nhưng bộ ba này thuộc loại rủng rỉnh và như thế tức là họ dính dáng đến rượu lậu.” “Rượu lậu? Các anh không bắt họ sao?” Jesse nói, sau một chút im lặng: “Đôi khi, ở đây, người ta không ngại sờ tới những thành phần phức tạp. Đôi khi người ta lại ngại.” Đây là một triết lý về thực thi pháp luật mà, Sachs biết, hầu như chẳng giới hạn riêng cho miền Nam. Họ cập lại bờ phía nam con sông, bên cạnh hiện trường vụ án, và Sachs trèo được khỏi thuyền trước khi Jesse kịp chìa bàn tay ra - dù sao anh ta cũng vẫn chìa ra. Một hình dáng khổng lồ, tối thẫm bỗng dưng xuất hiện trong tầm nhìn. Chiếc xà lan đen sì, dài bốn mươi feet, từ từ trôi xuôi dòng kênh, vượt qua họ và đi ra sông. Sachs đọc được hàng chữ trên thành: CÔNG TY DAVETT. Sachs hỏi: “Công ty gì thế?” Lucy trả lời: “Một công ty không thuộc thị trấn này. Họ vận chuyển hàng hóa ra hệ thống đường thủy ven biển xuyên kênh đào đầm lầy Sầu Thảm và vào Norfolk. Nhựa đường, giấy dầu, đại loại vậy.” Rhyme nghe được điều này qua bộ đàm và nói: “Hãy hỏi xem có chuyến hàng hóa nào xung quanh thời điểm xảy ra vụ giết người không. Lấy tên của đội chạy xà lan.” Sachs nói lại với Lucy, nhưng cô bảo: “Tôi làm việc đó rồi. Một trong những bước đầu tiên mà Jim và tôi tiến hành.” Cô trả lời giọng nhát gừng. “Không có chuyến hàng nào. Nếu cô quan tâm, xin bổ sung thêm rằng chúng tôi cũng đã gặp tất cả những người ở thị trấn bình thường vẫn đi lại dọc đường Kênh Đào và đường 112. Chẳng đạt được kết quả gì.” “Một cách hay đấy”, Sachs bình luận. “Chỉ là quy trình chuẩn thôi.” Lucy lãnh đạm nói, rồi sải bước về xe của mình giống như một nữ sinh vụng về ở trường trung học rốt cuộc đã hất được cả xô nước lạnh vào đội trưởng hoạt náo viên. TCHƯƠNG BẢY ôi sẽ không cho anh ấy làm bất cứ việc gì cho đến khi các vị chưa đưa được một máy điều hòa nhiệt độ đến đây.” “Thom, chúng ta không có thời gian cho chuyện này đâu”, Rhyme quát. Rồi anh chỉ chỗ để người công nhân tháo dỡ các thiết bị vừa được chở từ cơ quan cảnh sát bang tới. Bell nói: “Steve đã ra ngoài lùng một cái. Không dễ dàng như tôi tưởng.” “Tôi chẳng cần đâu.” Thom kiên nhẫn giải thích: “Tôi lo sợ tình trạng tăng phản xạ tự phát.” “Thom, tôi không nhớ mình đã nghe nói rằng nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng xấu tới huyết áp”, Rhyme đáp lời. “Cậu đã đọc ở đâu à? Tôi thì chưa đọc ở đâu cả. Có thể cậu sẽ chỉ được cho tôi là cậu đã đọc nó ở đâu.” “Tôi không cần sự mỉa mai của anh, Lincoln.” “Ồ, tôi đang mỉa mai đấy ư?” Anh chàng phụ tá kiên nhẫn nói với Bell: “Cái nóng khiến cho mô phình ra. Mô phình ra dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời tăng cảm giác cáu bẳn. Và cái đó có thể dẫn đến tăng phản xạ tự phát, tình trạng có thể giết chết anh ấy. Chúng tôi cần một máy điều hòa nhiệt độ. Đơn giản thế thôi.” Thom là người phụ tá điều dưỡng duy nhất trụ lại được sau vài tháng đầu tiên phục vụ nhà hình sự học. Những người khác hoặc là tự bỏ việc hoặc là bị đuổi thẳng. “Cắm cái kia vào”, Rhyme ra lệnh cho một cảnh sát đang đẩy chiếc máy tách hợp chất gắn bánh xe vào góc phòng. “Không.” Thom bắt chéo hai cánh tay và đứng trước đoạn dây điện được kéo ra. Viên cảnh sát trông thấy vẻ mặt anh chàng phụ tá và băn khoăn dừng lại, không chuẩn bị tinh thần đối đầu với người thanh niên kiên định này. “Khi nào có máy điều hòa... khi đó chúng ta sẽ cắm cái kia vào.” “Lạy Chúa.” Rhyme nhăn nhó. Một trong những điều đáng chán nhất của tình trạng liệt tứ chi là không thể xả nỗi tức giận. Sau khi bị tai nạn, Rhyme nhanh chóng nhận ra rằng bằng hành động đơn giản như đi đi lại lại hay nắm chặt bàn tay - chứ chưa kể việc vớ lấy các vật nặng mà ném (thú giải trí của Blaine, vợ cũ của Rhyme) - người ta sẽ làm tiêu tan được các cơn thịnh nộ. “Nếu tôi tức giận tôi có thể bị chuột rút hoặc co cơ”, Rhyme nêu vấn đề một cách bực bội. “Các điều đó sẽ không giết chết anh - như tình trạng tăng phản xạ tự phát.” Thom nói với sự vui vẻ đầy mưu lược, khiến Rhyme cáu tiết thêm. Bell nhiệt tình bảo: “Cho tôi năm phút”. Anh ta biến mất và đám nhân viên tiếp tục đẩy các thiết bị vào. Thiết bị tách hợp chất chưa được cắm điện mất một lúc. Lincoln Rhyme xem xét đống máy móc. Lòng tự hỏi sẽ như thế nào khi những ngón tay anh lại thực sự nắm lấy các vật. Anh có thể động chạm bằng ngón đeo nhẫn bên trái và mơ hồ cảm thấy sự động chạm. Nhưng thực sự nắm lấy cái gì đó, cảm nhận bề mặt của nó, trọng lượng, nhiệt độ… tất cả đều vượt quá sức tưởng tượng. Terry Dobyns, bác sĩ trị liệu của Sở Cảnh sát New York người ngồi bên canh giường Rhyme khi anh tỉnh lại sau tai nạn xảy ra tại một hiện trường vụ án biến anh thành bệnh nhân liệt tứ chi, đã giải thích với nhà hình sự học tất cả các cung bậc mà thiên hạ vốn vẫn mô tả về nỗi đau khổ. Rhyme chắc chắn anh đã trải qua - và đã vượt qua - tất cả những cung bậc đó. Nhưng điều người bác sĩ không nói cho anh biết là có những cung bậc sẽ lén trở về. Rằng anh mang chúng trong mình như mang virus gây buồn ngủ vậy, và rằng chúng có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vài năm vừa qua, Rhyme đã trải nghiệm lần nữa cảm giác tuyệt vọng và muốn phủ nhận thực tế. Bây giờ, nỗi tức giận xâm chiếm anh. Sao, ở đây, hai cô gái trẻ bị bắt cóc và một kẻ sát nhân đang chạy trốn. Anh muốn biết chừng nào được ào ra hiện trường vụ án, đi ngang, đi dọc, nhặt từ dưới đất lên những chứng cứ khó xác định, chăm chăm quan sát chúng qua các lớp thấu kính đắt tiền của một kính hiển vi kép, đấm xuống bàn phím máy vi tính và các nút điều khiển trên các thiết bị khác, đi tới đi lui trong lúc rút ra kết luận. Anh muốn được bắt đầu công việc mà không phải lo lắng rằng cái nóng kinh khủng này sẽ giết chết anh. Anh lại nghĩ tới đôi bàn tay kỳ diệu của Tiến sĩ Weaver, tới cuộc phẫu thuật. “Anh im lặng”, Thom thận trọng nói. “Anh đang âm mưu gì đấy?” “Tôi chẳng âm mưu gì cả. Xin cậu cắm cái máy tách hợp chất và bật nó lên hộ. Cần có thời gian làm nóng nó.” Thom lưỡng lự rồi bước tới chỗ cái máy, khởi động nó. Anh đặt số thiết bị còn lại lên một chiếc bàn bằng gỗ ép công nghiệp. Steve Farr bước vào văn phòng, lôi theo chiếc máy điều hòa nhiệt độ hiệu Carrier to tổ chảng. Viên cảnh sát rõ ràng vừa cao lớn vừa khỏe mạnh và dấu hiệu duy nhất cho thấy anh ta phải nỗ lực là màu đỏ trên đôi tai vểnh ra. Anh ta hổn hển nói: “Đánh cắp nó từ bộ phận Quy hoạch và phân vùng. Chúng tôi vốn chẳng ưa bọn họ cho lắm.” Bell giúp đỡ Farr gắn chiếc máy điều hòa lên khung cửa sổ và lát sau thì khí lạnh được xình xịch đưa vào căn phòng. Một dáng người xuất hiện ở khuông cửa - thực tế anh ta choán kín khuông cửa. Một thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi. Vai ngang, trán dô. Cao sáu feet, nặng ngót nghét ba trăm pound. Trong một thoáng chốc gay go, Rhyme nghĩ đây có lẽ là bà con gì đó của Garrett đến để đe dọa họ. Nhung bằng chất giọng cao, rụt rè, anh ta nói: “Tôi, Ben đây ạ.” Ba người đàn ông nhìn anh ta chằm chằm, còn anh ta thì băn khoăn liếc qua đôi chân và chiếc xe lăn của Rhyme. Bell hỏi: “Anh cần gì?” “Ồ, tôi tìm ông Bell.” “Tôi là Cảnh sát trưởng Bell đây.” Ánh mắt vẫn bối rối quan sát đôi chân Rhyme. Rồi anh ta nhanh chóng liếc qua chỗ khác, hắng giọng và nuốt nước bọt. “À, ờ, thì… Tôi là cháu dì Lucy Kerr ạ?” Anh ta dường như đặt câu hỏi hơn là đưa ra câu khẳng định. “À, trợ lý khám nghiệm của tôi!”, Rhyme nói. “Tuyệt vời! Vừa kịp.” Lại liếc nhìn đôi chân, chiếc xe lăn. “Dì Lucy không nói...” Tiếp theo là gì đây? Rhyme tự hỏi. “Không nói về việc khám nghiệm”, Ben lí nhí. “Tôi chỉ là sinh viên cao học tại Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery. Ừm, thưa ông, ông muốn nói gì ạ, ‘vừa kịp’?” Câu hỏi Rhyme nhưng Ben lại nhìn viên cảnh sát trưởng. “Tôi muốn nói: hãy đến chỗ chiếc bàn kia. Tôi sẽ có các mẫu được đưa tới bất cứ lúc nào và cậu phải giúp đỡ tôi phân tích chúng.” “Các mẫu... Được rồi. Sẽ là loại cá nào ạ?”, Ben hỏi Bell. “Cá à?”, Rhyme đáp lại. “Cá à?” “Thưa ông, gì thế ạ?”, chàng thanh niên to lớn nói nhẹ nhàng, vẫn nhìn Bell. “Tôi hân hạnh được giúp đỡ ông, nhung tôi phải thú thực với ông rằng tôi có rất ít kinh nghiệm.” “Chúng ta không nói về cá. Chúng ta đang nói về các mẫu khám nghiệm hiện trường! Cậu nghĩ sao?” “Khám nghiệm hiện trường? Chà, tôi không biết trước”, Ben bảo viên cảnh sát trưởng. “Cậu có thể nói chuyện với tôi”, Rhyme nghiêm khắc chấn chỉnh. Mặt chàng thanh niên bừng đỏ và anh ta không chớp mắt. Đầu anh ta dường như run run khi anh ta bắt buộc mình nhìn Rhyme. “Tôi chỉ... Ý tôi là, ông ấy là cảnh sát trưởng.” Bell nói: “Nhưng ông Lincoln đây sẽ giải quyết vụ việc. Ông ấy là chuyên gia về khám nghiệm đến từ New York. Ông ấy đang giúp đỡ chúng tôi.” “Vâng.” Ánh mắt đặt vào chiếc xe lăn, đặt vào đôi chân Rhyme, đặt vào cái ống điều khiển. Rồi trở về chốn an toàn là sàn nhà. Rhyme đi đến kết luận là anh ghét tay thanh niên này, hắn cư xử như thể anh thuộc loại quái dị nhất trong số những kẻ quái dị biểu diễn ở rạp xiếc vậy. Và phần nào anh ghét cả Amelia Sachs - vì đã gây ra toàn bộ sự chuyển hướng này, kéo anh ra khỏi các tế bào của cá mập và đôi bàn tay của Tiến sĩ Weaver. “Chà, thưa ông...” “Cứ gọi Lincoln là được rồi.” “Vấn đề là tôi chuyên về động vật học xã hội, các loài sống dưới biển.” “Là thế nào?”, Lincoln sốt ruột hỏi. “Nói một cách cơ bản, đó là khoa học nghiên cứu hành vi của các loài động vật sống dưới biển.” Ồ, tuyệt vời, Rhyme nghĩ. Tôi không chỉ kiếm được một trợ lý sợ người què quặt mà còn kiếm được một trợ lý là bác sĩ tâm thần cho cá mú nữa. “Ờ, chẳng thành vấn đề. Cậu là một nhà khoa học. Nguyên lý là nguyên lý. Quy tắc là quy tắc. Cậu từng sử dụng máy tách hợp chất bao giờ chưa?” “Rồi, thưa ông.” “Kính hiển vi kép và kính hiển vi đối chiếu thì sao?” Một cái gật đầu tuy không được quả quyết như Rhyme mong muốn. “Nhưng...” Ánh mắt thoáng nhìn sang Bell rồi lại ngoan ngoãn hướng về phía Rhyme. “Dì Lucy chỉ bảo tôi ghé qua. Tôi không biết ý dì là tôi được đề nghị giúp đỡ giải quyết một vụ án... Tôi không thực sự chắc chắn... Tôi muốn nói, tôi có giờ học...” “Ben, cậu phải giúp đỡ chúng tôi”, Rhyme nói cộc cằn. Viên cảnh sát trưởng giải thích: “Garrett Hanlon.” Cái tên đã ở đâu đó trong cái đầu to tướng của Ben. “Ồ, thằng nhãi ở Bến tàu kênh Nước đen.” Viên cảnh sát trưởng kể ra hai vụ bắt cóc và việc Ed Schaeffer bị ong bắp cày tấn công. “Ôi, tôi lấy làm tiếc về chuyện của Ed”, Ben nói. “Tôi đã gặp ông ấy một lần ở nhà dì Lucy và...” “Bởi vậy chúng tôi cần cậu”, Rhyme nói, cố gắng lái cuộc đối thoại trở về chủ đề chính. “Chúng tôi chưa có manh mối nào về nơi hắn đưa Lydia đến”, viên cảnh sát trưởng tiếp tục. “Và chúng tôi hầu như chẳng còn thời gian cứu hai cô gái. Và, ờ, như cậu thấy đấy - ông Rhyme, ông ấy cần người giúp đỡ.” “Chà...” Ánh mắt đưa sang, nhưng không nhìn thẳng vào Rhyme. “Chỉ là tôi sắp sửa có bài kiểm tra. Tôi đang đi học mà, thế thôi. Như tôi đã nói đấy.” Rhyme kiên nhẫn giải thích: “Chúng tôi thực sự không còn sự lựa chọn khác ở đây, Ben. Garrett đi trước chúng tôi ba tiếng đồng hồ và hắn có thể giết một trong hai nạn nhân bất cứ lúc nào nếu hắn chưa giết”. Nhà động vật học nhìn khắp căn phòng bụi bặm tìm kiếm sự cứu vớt, nhưng bất thành. “Tôi nghĩ là tôi có thể ở lại đây một lúc.” “Cảm ơn cậu”, Rhyme nói. Anh thổi vào ống điều khiển và lượn tới chỗ chiếc bàn đặt các thiết bị. Anh dừng lại, xem xét chúng. Anh nhìn qua Ben. “Bây giờ, nếu cậu có thể thay cái ống thông hộ tôi, chúng ta sẽ bắt tay vào việc.” Anh chàng to lớn trông hoảng hốt. Anh ta thì thào: “Ông muốn tôi...” “Đùa đấy”, Thom nói. Nhưng Ben không hề mỉm cười. Anh ta chỉ lo lắng gật đầu và, với sự duyên dáng của một chú bò rừng, bước tới chỗ chiếc máy tách hợp chất bắt đầu nghiên cứu bảng điều khiển. Sachs đi như chạy vào la-bô vừa được tạm thời bố trí trong trụ sở chính quyền quận. Jesse Corn bám sát cô. Thong thả hơn, Lucy Kerr vào sau họ một chút. Cô chào cháu mình, rồi giới thiệu anh chàng to lớn với Sachs với Jesse. Sachs giơ lên một lô túi. “Đây là chứng cứ từ phòng riêng của Garrett”, cô nói, rồi giơ lên một lô túi khác. “Đây là chứng cứ từ Bến tàu kênh Nước đen - hiện trường trực tiếp.” Rhyme nhìn những cái túi, nhưng nhìn với vẻ nản lòng. Không chỉ vì có quá ít vật chứng, mà còn vì anh lại lo lắng bởi ý nghĩ đã đến với anh lúc trước: anh phải phân tích các manh mối dựa vào hiểu biết về khu vực hiện trường do người khác nói lại. Như cá trên cạn... Rhyme nảy ra một ý nghĩ. “Ben, cậu sống ở đây bao lâu rồi?”, nhà hình sự học hỏi. “Từ khi ra đời, thưa ông.” “Tốt. Toàn bộ khu vực có bang này được gọi là gì?” Ben hắng giọng. “Tôi nghĩ là Vùng Đồng bằng Duyên hải Phía bắc.” “Cậu có bạn bè nào làm về địa chất mà chuyên nghiên cứu khu vực này không? Chuyên gia vẽ bản đồ? Chuyên gia tự nhiên học?” “Không. Toàn những người nghiên cứu sinh vật biển.” “Rhyme”, Sachs nói. “Khi bọn em ở Bến tàu kênh Nước đen, em trông thấy cái xà lan ấy, anh nhớ chứ? Nó chở nhựa đường hay giấy dầu từ một nhà máy ở gần đây.” “Công ty Henry Davett”, Lucy bổ sung. Sachs hỏi: “Liệu nhân viên của họ có người chuyên nghiên cứu địa chất không?” “Tôi không biết”, Bell trả lời. “Nhưng Davett, ông ấy là kỹ sư và đã sống ở đây nhiều năm rồi. Chắc ông ấy biết về khu vực này chẳng kém ai đâu.” “Anh gọi điện cho ông ấy nhé?” “Xin yên trí chờ.” Bell biến mất. Lát sau anh ta quay lại. “Tôi nói chuyện được với Davett rồi. Trong đội ngũ nhân viên không có ai chuyên nghiên cứu địa chất, nhưng ông ấy bảo ông ấy có thể giúp. Nửa tiếng nữa ông ấy tới.” Rồi viên cảnh sát trưởng hỏi: “Vậy, Lincoln, anh muốn tiến hành truy đuổi như thế nào?” “Tôi sẽ ở đây, cùng anh và Ben. Chúng ta sẽ xem xét các chứng cứ. Tôi muốn một đội tìm kiếm nhỏ được bố trí ở khu vực Bến tàu kênh Nước đen ngay bây giờ - ở địa điểm Jesse trông thấy Garrett và Lydia biến mất. Tôi sẽ hướng dẫn họ hết mức có thể, tùy thuộc vào manh mối từ chỗ chứng cứ này.” “Anh muốn ai tham gia đội tìm kiếm?” “Sachs phụ trách”, Rhyme nói. “Cùng với Lucy.” Bell gật đầu và Rhyme để ý thấy Lucy không có phản ứng gì trước ý kiến về dây chuyền chỉ huy đó. “Tôi xung phong đi”, Jesse nói nhanh. Bell nhìn Rhyme, anh gật đầu. Rồi bảo: “Có lẽ thêm một người nữa”. “Bốn người? Tất cả thế thôi à?”, Bell chau mày hỏi. “Rõ khỉ, tôi có thể tìm được hàng chục người xung phong.” “Không, trong một vụ như thế này càng ít người càng tốt.” “Ai là người thứ tư?”, Lucy hỏi. “Mason Germain à?” Rhyme nhìn ra cửa, không thấy ai ở ngoài. Anh hạ giọng: “Câu chuyện về Mason là thế nào? Anh ta đã có tiền sử gì đó. Tôi vốn chẳng ưa đám cảnh sát đã có tiền sử này nọ. Tôi ưa những tờ giấy trắng.” Bell nhún vai. “Anh chàng đó từng thiếu may mắn trong cuộc đời. Anh ta lớn lên ở phía bắc sông Paquo - khu vực cặn bã của quận. Cha anh ta đã thử đôi ba vụ làm ăn và rồi bắt đầu buôn rượu lậu. Khi bị nhân viên thu thuế tóm cổ, ông ta tự tử. Mason tự mình đi lên từ chỗ rác rưởi. Ở đây người ta có câu - nghèo mà sĩ. Đó là Mason. Anh ta lúc nào cũng than vãn rằng mình bị cản trở, không đạt được mong muốn. Anh ta thuộc loại tham vọng, sống ở một thị trấn vốn chẳng cần đến sự tham vọng.” Rhyme nhận xét: “Và anh ta đang tìm dịp tấn công Garrett.” “Anh đúng đấy.” “Tại sao?” “Mason đã khẩn khoản xin được làm điều tra viên chính trong vụ án mà chúng tôi đã kể cho anh nghe - cô gái ở Bến tàu kênh Nước đen bị ong đốt chết ấy. Meg Blanchard. Thú thực thì, anh biết đấy, tôi nghĩ nạn nhân có quan hệ như thế nào đó với Mason. Có thể họ đang hẹn hò. Có thể là một kiểu khác - tôi không biết. Nhưng anh ta rất muốn tóm cổ Garrett. Có điều anh ta đã chẳng thể buộc tội hắn được. Khi người cảnh sát trưởng cũ nghỉ hưu, Ban Giám thị có những đánh giá không tốt về anh ta. Rốt cuộc họ giao cho tôi chức vụ này - tuy anh ta nhiều tuổi hơn tôi và vào lực lượng sớm hơn tôi.” Rhyme lắc đầu. “Trong một vụ như thế này, chúng ta không cần những người bốc đồng. Hãy chọn người khác.” “Ned Spoto?”, Lucy gợi ý. Bell nhún vai. “Anh ta là người tốt. Chắc chắn rồi. Có thể bắn cừ đấy, nhưng anh ta cũng sẽ chẳng bắn trừ phi dứt khoát phải nhả đạn.” Rhyme nói: “Hãy đảm bảo rằng Mason không có mặt gần địa điểm tìm kiếm”. “Anh ta sẽ khó chịu đấy.” “Đấy chẳng phải chuyện cần quan tâm”, Rhyme đáp lời. “Giao việc gì đó cho anh ta làm. Việc gì đó nghe có vẻ quan trọng.” “Tôi sẽ cố gắng hết sức”, Bell nói ngập ngừng. Steve Farr thò đầu vào. “Vừa gọi điện đến bệnh viện’’ anh ta thông báo. “Ed vẫn trong tình trạng nguy kịch.” “Ông ấy có nói gì không? Về tấm bản đồ ông ấy trông thấy?” “Không nói gì. Vẫn hôn mê.” Rhyme quay sang Sachs. “Được rồi... Bắt đầu đi. Dừng lại tại nơi mất dấu vết ở Bến tàu kênh Nước đen và chờ thông tin từ tôi.” Lucy ngập ngừng nhìn các túi đựng chứng cứ. “Anh thực sự nghĩ đây là cách để tìm thấy hai cô gái kia?” “Tôi biết như vậy”, Rhyme trả lời ngắn gọn. Lucy hoài nghi nói: “Đối với tôi nó có vẻ hơi quá giống trò ảo thuật.” Rhyme cười thành tiếng. “Ồ, chính xác là thế. Sự biến hóa của đôi bàn tay, lôi ra khỏi mũ những con thỏ. Nhưng hãy nhớ rằng ảo tưởng vốn vẫn dựa trên... dựa trên cái gì, Ben?” Anh chàng to lớn hắng giọng, đỏ mặt và lắc đầu. “Ừm, tôi không rõ ông muốn nói gì, thưa ông.” “Ảo tưởng vốn vẫn dựa trên khoa học. Là nó đấy.” Liếc nhìn sang Sachs. “Anh sẽ gọi cho em ngay sau khi phát hiện được điều gì.” Hai người phụ nữ và Jesse Corn rời khỏi căn phòng. Và thế là, với số chứng cứ quý giá dàn trước mặt anh, các thiết bị quen thuộc đã được khởi động, tình hình chính trị trong nước bị gạt bỏ, Lincoln Rhyme từ từ ngả đầu vào cái tựa đầu của xe lăn, nhìn chằm chằm những chiếc túi Sachs đưa cho anh - sẵn sàng, hay bắt buộc, hay có thể chỉ là cho phép tâm trí đi lang thang đến nơi mà đôi chân anh không đến được, cho phép tâm trí chạm tới cái mà bàn tay anh không chạm tới được. MCHƯƠNG TÁM ột nhóm cảnh sát đi ngang qua. Đứng tựa vào bức tường hành lang bên cạnh cánh cửa dẫn đến các ngăn làm việc của nhân viên văn phòng cảnh sát trưởng, hai tay khoanh trước ngực, Mason Germain chỉ nghe được giọng họ. “Làm sao chúng ta lại có thể cứ ngồi đây mà chẳng hành động gì cả?” “Không, không, không... Cậu chưa nghe à? Jim đã cử một đội tìm kiếm.” “Thế hả? Chưa, tớ chưa nghe gì về việc đó cả.” Mẹ kiếp, Mason nghĩ. Anh ta cũng chưa nghe gì về việc đó. “Lucy, Ned và Jesse. Và cái cô nàng cảnh sát đến từ Washington ấy.” “Không phải, New York chứ. Cậu thấy tóc cô nàng không?” “Tớ chẳng quan tâm đến tóc cô nàng. Chuyện tớ quan tâm là tìm thấy Mary Beth và Lydia.” “Tớ cũng vậy. Tớ chỉ đang nói…” Bụng Mason thêm thắt lại. Bọn họ cử có bốn người lần theo dấu vết Thằng Bọ thôi sao? Bell có điên không đấy? Mason chạy bổ về phía đầu hành lang, định tới phòng làm việc của cảnh sát trưởng, và suýt nữa thì đâm sầm vào chính Bell khi anh ta vừa bước ra khỏi kho chứa đồ - bây giờ được dành cho cái tay kỳ dị, cái tay phải ngồi xe lăn. Bell liếc nhìn viên cảnh sát - nhiều tuổi hơn mình với cái chớp mắt ngạc nhiên. “Này, Mason... Tôi đang tìm anh.” Bell trông không diễn quá, dù sao thì cũng không có vẻ như vậy. “Tôi muốn anh đến chỗ Rich Culbeau.” “Culbeau? Để làm gì?” “Sue McConnell đang treo thưởng hoặc đại loại như vậy cho người nào tìm thấy Mary Beth và anh ta muốn giành được số tiền thưởng này. Chúng ta không cần anh ta phá đám cuộc truy lùng. Tôi đề nghị anh để mắt đến anh ta. Nếu anh ta đang vắng nhà thì hãy đợi cho tới lúc anh ta về.” Mason thậm chí chẳng buồn đáp lại cái yêu cầu kỳ quặc đó. “Anh đã cử Lucy đi truy lùng Garrett. Và không nói gì với tôi.” Bell nhìn viên cảnh sát từ đầu tới chân. “Cô ấy và mấy người nữa đang sang Bến tàu kênh Nước đen, thử xem có lần được dấu vết gì của hắn không.” “Anh hẳn phải biết là tôi muốn tham gia đội tìm kiếm.” “Tôi làm sao cử hết tất cả mọi người được. Hôm nay, Culbeau đã có mặt tại Bến tàu kênh Nước đen một lần rồi. Tôi không thể để anh ta làm hỏng cuộc tìm kiếm.” “Thôi nào, Jim. Đừng nói với tôi những chuyện nhảm nhí ấy.” Bell thở dài. “Được rồi. Sự thật hả? Mason, vì anh cứ sùng sục muốn tóm cổ thằng nhãi đó, tôi quyết định không cử anh. Tôi không muốn xảy ra bất cứ sai lầm nào cả. Tính mạng của họ đang lâm nguy. Chúng ta phải bắt được hắn và phải bắt được sớm.” “Đó cũng là mục đích của tôi mà, Jim. Anh hẳn phải biết rằng tôi đã theo đuổi thằng nhãi đó ba năm nay. Tôi không thể tin được là anh lại gạt tôi ra và giao vụ án vào tay kẻ kỳ dị ở trong kia.” “Này, đủ rồi đấy.” “Thôi nào. Tôi thông thạo khu vực Nước đen gấp Lucy cả mười lần. Tôi từng sống ở đấy. Nhớ chứ hả?” Bell hạ giọng: “Anh quá muốn tóm cổ hắn. Điều ấy có thể ảnh hưởng đến những phán đoán của anh”. “Anh đã nghĩ như thế? Hay thằng cha kia?” Một cái hất đầu về phía căn phòng nơi Mason bây giờ nghe thấy tiếng ken két đáng sợ của chiếc xe lăn. Nó khiến anh ta khó chịu tựa như tiếng máy khoan của nha sĩ. Việc Bell nhờ cái tay kỳ dị đó giúp đỡ có thể dẫn đến đủ thứ rắc rối mà Mason thậm chí không muốn nghĩ tới nữa. “Thôi nào, sự thực là sự thực. Cả thế giới đều biết anh căm ghét Garrett ra sao.” “Và cả thế giới đều đồng tình với tôi.” “Chà, điều tôi bảo cho anh biết là điều không thay đổi được. Anh phải chấp nhận nó thôi.” Viên cảnh sát cười thành tiếng cay đắng. “Vậy bây giờ tôi là vú em trông chừng cái thằng khốn buôn rượu lậu.”