🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái đầu tội lỗi
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
CÁI ĐẦU TỘI LỖI Tác giả: Romain Gary Người dịch: Lê Khắc Cầm Phát hành: Phương Nam —★—
ebook©vctvegroup
https://thuviensach.vn
Lời tựa
Romain Gary, nhà văn Pháp, sinh tại Vilnius (Lituanie), 1914, là “một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất thế giới” (nhận định của tạp chí St. Louis Post Dispatch). Tác phẩm đầu tiên, Les Racines du Ciel viết năm 1954, gây tiếng vang lớn, được giải Goncourt năm 1956. Cái Đầu Tội Lỗi được tác giả viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Pháp: La Tête Coupable; Anh: The Guilty Head) năm 1969. R.Gary và vợ là diễn viên điện ảnh Jean Séberg tự sát tại Paris năm 1980.
Bản tiếng Việt dịch từ bản tiếng Anh, New American Library, 1970.
Người dịch: Lê Khắc Cầm.
https://thuviensach.vn
1
Lão Chong Mập ngắm nhìn cái gã ngoài lề xã hội đó mà lòng buồn não nuột. Đó là tình cảm huynh đệ bất đắc dĩ mà ai cũng phải cảm thấy khi chứng kiến hành vi sa đọa của người khác khiến lòng tự trọng của chính mình bị xúc phạm: gã người Mỹ nọ đầu cúi thấp, cóm róm theo đúng cái tư thế điển hình để bày tỏ lòng hổ thẹn và tủi nhục. Thì Cohn chính là người yêu thích tinh thần cổ điển kia mà. Tuy chẳng có thể rặn ra một giọt nước mắt nào nhưng y vẫn cố xử sự sao cho rõ ra là đang mang một tâm lý tội lỗi. Tóm tắt, tư thế y biểu đạt nói lên rằng y đã mất quyền mang cái danh từ kiêu hãnh mà tự điển Larousse đã định nghĩa: Con người, động vật đứng thẳng.
Lão người Hoa bắt y quả tang. Cohn đã nạy cửa sổ leo vào phòng bếp và người chủ danh giá của “quán ăn Paul Gauguin - Thức ăn chính hiệu ở Tahiti” - tức Chong - tất trụt xuống mắt cá, nút quần chưa kịp gài, đã bắt gặp cái gã người Mỹ tồi tệ này đang ngồi chồm hổm trên sàn nhà, thè lưỡi liếm đĩa sữa y vừa trộm trong tủ chén bát của nhà hàng.
Dẫu chưa hề đọc Sự Suy Tàn Của Tây Phương của Spengler, lão người Hoa cũng thấy đau buồn sâu sắc trước cảnh tượng một công dân Hoa Kỳ trong hoàn cảnh tủi hổ như vậy.
“Ông Cohn ạ, đáng lẽ ông phải xấu hổ. Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại. Một người Hoa Kỳ mà có hành vi tồi tệ đến thế ở vùng Thái Bình Dương này trong khi quốc gia anh ta đang chiến đấu oai hùng đến vậy để ngăn chặn hiểm họa Đỏ...”
- Vàng chứ, Cohn lẩm bẩm.
https://thuviensach.vn
- Ảo, người Trung Hoa cãi lại.
Chong Mập là một người Pháp gốc Hoa, một kẻ theo chủ nghĩa De Gaulle nhiệt thành, một người Hoa nói tiếng Pháp theo âm sắc xứ Corse mà nhiều thế hệ lính sen đầm và lính đoan đã gieo xuống miền đất Tahiti này.
“Ông Cohn này, tất cả chúng tôi đều hổ thẹn về ông. Tương lai của thế giới tự do tùy thuộc vào thể giá của Hoa Kỳ. Ông phải biết điều đó chứ.”
Đầu cúi gầm, ngón chân vẽ những vòng tròn vơ vẩn trên sàn nhà, Cohn biểu đạt một niềm tủi nhục hoàn hảo cho đất nước Cờ Hoa. Thì bạn phải tỏ ra kính trọng cái vũ trụ đạo đức của kẻ khác, nhất là khi bạn mới trộm tiền trong tủ két của người ta chứ. Số tiền chôm trong tủ của lão Chong, Cohn nhét vào túi sau quần jean. Y cẩn thận đứng quay đít vào tường. Hồi nãy, y vừa kịp giấu tiền xong thì nghe tiếng Chong Mập đi xuống cầu thang, y chỉ kịp thì giờ chạy sang nhà bếp, ngồi xổm xuống sàn và chụp lấy chai sữa dành cho mèo.
“Ông Cohn, ông đúng là một sự phiền toái hoàn toàn.” Cohn phơi phới trong dạ. Y vẫn hằng bị dày vò bởi niềm khao khát không nguôi về sự hoàn hảo.
Cohn đưa tay gãi dái, tự hứa phải ghé vào tiệm thuốc mua một chai dầu trừ rệp. Không bao giờ nên quên những điều nhỏ nhặt đó. “Xin lỗi”, y bẽn lẽn nói, như những người đàng hoàng phải nói. “Tôi bắt rệp.”
Cohn, người mà tên thật ra không phải là Cohn và cũng không phải là người Mỹ, tự xem mình là hậu duệ của những kẻ phiêu lưu bạt mạng thuộc thời đại hoàng kim thời trước, gọi là picaro, mà theo Posada của trường Đại học Salamanea, có lẽ bắt nguồn từ Juan Valdés, một kẻ chinh phục giả mạo, phái viên giả mạo của Giáo hoàng, cùng với nhiều lý lịch giả mạo khác, bị treo cổ vào năm 1602, người mà dân chúng yêu mến phong tặng danh hiệu Hijo-de-puta, con của một mụ điếm. Truyền thuyết về con người này hiện vẫn còn ở Castile, với
https://thuviensach.vn
những câu chuyện phiêu lưu vô tận được thêu dệt muôn màu muôn vẻ, luôn luôn được kết thúc bằng thắng lợi của gã là thoát khỏi tay nhà cầm quyền. Các Picaro sống sung túc nhờ tiền của giới quý tộc Tây Ban Nha trong hơn một thế kỷ rưỡi. Đó là những kẻ nhạo báng và là loài ăn bám với một niềm thù hận, những kẻ vô chính phủ đầu tiên của nhân loại, những kẻ nổi loạn không cả niềm hy vọng lẫn đức tin, mà mục đích là lừa gạt tầng lớp cai trị ở mọi dạng, dẫu là giáo hội, vua chúa, quý tộc, thương gia hay cảnh sát... Chúng là những tên đồi bại theo một cách kiêu hãnh và thách đố: Khinh bỉ cái xã hội tội lỗi và đồi trụy, chúng hãnh diện làm những tên bịp bợm trung thực. Giờ đây Cohn cố gắng duy trì cái tinh thần tự do của những bậc tiền bối đã khuất bóng từ lâu trong lịch sử đó.
Lão người Hoa hét lên, “Tôi sẽ làm cho người ta trục xuất ông. Tôi...”
Cohn nhíu mày, càu nhàu: “Im đi, lão già. Đã có một thời tôi kiếm ăn rất khá bằng cách cung cấp cho nhân dân Châu Phi và Châu Á một hình ảnh hấp dẫn về sự suy tàn của Tây Phương. Tôi nhớ là đã sống qua một tháng trời thật là thú vị khi đứng ăn xin ngay trước sứ quán Hoa Kỳ ở Ghana. Đúng là một biểu tượng hoàn hảo cho sự thất bại của chủ nghĩa thực dân. Thật tuyệt vời cho tinh thần Phi Châu! Tôi đứng đó, dưới quốc huy hình con ó của Hoa Kỳ, ngửa tay xin tiền, như một biểu hiện cho sự bất lực của người da trắng. Cuối cùng thì Tòa Đại sứ Mỹ phải chi tiền cho tôi: một trăm năm mươi đôla một tháng, với điều kiện tôi phải làm kiểu ấy trước tòa đại sứ Pháp. Chẳng may, tờ Herard Tribune đánh hơi được và tố cáo chuyện này, thế là chính quyền ở Ghana trục xuất tôi như là một tên provocateur người Hoa...”
Điều này cũng có thật. Vào khoảng thời gian đó, báo chí có nhắc đến hai gã Picaro kiếm ăn ở San Francisco bằng cách tuyên bố rằng họ chính là người đã thả bom Hiroshima và giờ đây không thể nào sống nổi với mặc cảm tội lỗi của mình. Ngày ấy tội lỗi là một chứng khoán đắt giá và đầu tư vào tội lỗi thì chắc chắn có lời. Một trong hai gã đó
https://thuviensach.vn
kiếm được bộn tiền nhờ đi nói chuyện trước công chúng và chấm dứt bằng việc mở ra một loạt cửa hàng bán đồ lưu niệm Hiroshima cho một công chúng tội lỗi. Mọi người đều thích có mặc cảm tội lỗi ở Hiroshima hay ở Việt Nam, vì điều đó chứng tỏ họ vô tội. Mặc cảm tội lỗi làm cho người ta trở thành văn minh: Vào cái giây phút mà một tên khốn kiếp vô tội hoàn toàn cảm thấy tay mình vấy máu, hắn biết rằng mình được kể như là người. Mặc cảm tội lỗi là một đặc quyền đạo đức.
... Ngoài kia, trong đêm đen, sóng vỗ vào bờ đá như bắt chước con tim phẫn nộ của Cohn. Chỉ có đại dương quyền lực mới có thể cất tiếng nói nhân danh con người...
Một trong hai gã đó rút lui đúng lúc, còn kẻ kia thì đi tù vì hắn là một tên giả mạo, một kẻ lường gạt và hắn chẳng hề bỏ bom xuống Hiroshima gì ráo. Nghĩa là hắn không có quyền gởi tín dụng cho hành động đó, một loại bản quyền của tội lỗi. Luật quốc tế mà. Cái người thật sự đã xóa bỏ Hiroshima và là người độc nhất có tác quyền về hành động đó đã truy tố hắn về tội giả mạo.
“... Thế là tôi bèn đến Tahiti để giúp đỡ dân bản xứ. Hành động phát xuất từ sự suy vi và điêu tàn và sụp đổ của Phương Tây, trong một khí hậu dễ chịu và trong một môi trường thú vị. Tên Kaput da trắng cao lớn. Hết thời rồi. Đến mức phải đi liếm trộm sữa dành cho mèo. Tôi thể hiện nơi xứ này cái chung cục khốn nạn của người da trắng, và người ta hoan nghênh họ. Ờ thì có quan trọng gì cái màu da. “Con người sẽ chiến thắng”, Faulkner đã từng khẳng định chính xác như vậy trong diễn văn nhận giải Nobel. Thánh thần trời phật ơi, lão có nhận thức điều đó nghĩa là gì không? “Con người sẽ chiến thắng”, khiếp chưa. Thôi chào.”
Cohn đưa tay vẫy chào ông phật đang bực tức và nhảy ra khỏi cửa sổ. Ba mươi ngàn franc trộm trong tủ của Chong Mập đung đưa khoái trá sau đít phải của y.
https://thuviensach.vn
2
Đêm Tahiti - mà ngày xa xưa, khi sự vật còn giữ đúng tên thật của chúng, được gọi là “Mẹ của Hoan Lạc” - đằm thắm mơn trớn ôm lấy Cohn. Y có cảm giác như mình đang bước một nhà thổ bằng hơi nơi đó những ả đượi vô hình đang dang tay đón chào khách, mỗi làn không khí đều gợi lên một cái gì đặc thù của nữ tính, như hơi thở hổn hển thầm kín, như tiếng thở dài dịu ngọt và như lời thì thầm đầy hứa hẹn.
Dải ngân hà đang quét cái đuôi hàng tỉ năm ánh sáng lên những đợt sóng biển. Đầm nước, cột buồm, hàng cây dừa nằm bất động trong cái thanh bình mong manh mà ánh trăng có thể tặng cho cặp mắt và đôi khi, cho con tim con người. Đâu đây, nơi tận đáy sâu của cái yên tĩnh triền miên đó, những ngọn núi lửa từng tạo ra hòn đảo này giờ đây đã chết từ lâu gợi cho Cohn nhớ đến những ngọn lửa, những niềm hy vọng đã bị dập tắt từ xa xưa. Chính từ đam mê, hy vọng đó mà những hòn đá này ra đời.
Hòa lẫn trong sóng biển là tiếng nhạc, tiếng reo hò, tiếng cười mà cơn gió nhẹ buổi tối mang lại từ các túp lều nơi những thổ dân Maori và người Trung Hoa đang quây quần để mừng ngày tổ chức lễ hội mừng ngày phá ngục Bastille của người Pháp. Chân Cohn thấy bồn chồn: y vốn thích khiêu vũ. Dẫu sao thì nhảy múa cũng làm cho gánh nặng của thế giới nhẹ đi trên vai y. Cohn vẫn thường nghĩ rằng thần Atlas hẳn phải là một vũ công.
Dưới chùm hoa tím vàng của cây maa - loại cây mà Gauguin từng viết “Tôi muốn vẽ cây này như một loại cây đẹp nhất ở đây, tuy
https://thuviensach.vn
thế nói vậy e có hơi vội, vì mỗi ngày ở đây đều đem lại những khám phá mới và điều ngạc nhiên còn lớn hơn nữa” - Cohn thấy Meeva đứng giữa làn ánh sáng bạc, vú và háng đong đưa dưới làn áo mỏng, tròn trịa và đầy sắc màu như một bức tranh cổ đại.
“Thật đáng tiền.”
Đối với y Meeva giống hệt Tohatoa, người mẫu ưa thích nhất của Gauguin. Môi Meeva cũng cong và tròn như thế, cũng ánh mắt nghiêm trang, hơi buồn, cũng mớ tóc đen dày, tất cả làm y nhớ đến cái ả Vahine bất tử mà Cohn nghiền ngẫm mãi nơi tấm ảnh treo ở viện Bảo Tàng địa phương.
Meeva vốn từ đảo Tuamotus đến, và ả đã từng tới Paris chín tháng trước đây. Trong thời gian trước khi họ gặp nhau, ả đã khéo thu xếp để làm cho mình danh nổi như cồn ở Tahiti. Cohn gặp ả trong đám tang của Raffat, tác giả của những cuốn sách lừng danh như Lạm Phát Người và Đả Đảo Nạn Đói, là người đã dùng quãng thời gian đẹp nhất của đời mình để chống lại nạn đói trên toàn thế giới. Rồi vào tuổi năm lăm, thất vọng trước việc hàng tỉ đôla được dành cho cuộc chạy đua vũ trang và cho chương trình lên mặt trăng, Raffat đã từ bỏ cuộc Thập Tự Chinh nhân đạo của mình để đến sống những ngày cuối đời ở Tahiti. Nơi đây, ông ta đến với dục tính như cách người ta tìm đến với rượu. Nỗi tuyệt vọng, sự thất bại của ông hóa thân thành một sức mạnh nam tính không hề biết đến tuổi tác và giới hạn. Ông vẫn không ngừng nhận hàng đống thư từ, điện tín chúc tụng, khích lệ và ủng hộ ông từ những nhóm trí thức từ khắp nơi trên thế giới, lúc này đang sát cánh quanh Bertrand Russel. Thế nhưng Raffat nói rằng tất cả những lời ủng hộ đó chẳng thấm gì với những thất bại của ông ở Ấn Độ, Phi Châu... nói chung là trong cái gọi là “thế giới thứ ba.” Chỉ ở Tahiti, những nỗ lực cuối cùng của đời ông, trong lãnh vực tình dục, mới thành công rực rỡ. Cohn thì cho rằng có lẽ cái khía cạnh vui sướng nhất của việc làm tình là nó cho ta cái cảm giác thành tựu. Bởi vào lúc đó, quả thật ta đã xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn trong cơn khoái
https://thuviensach.vn
ngất và còn kéo dài ít lâu sau đó. Dục tính là một cái chết không đau đớn, một thứ chất kích thích tức thời cho tuyệt đối, là một cuộc tự sát nho nhỏ và vui thú mang lại cho ta sự giải phóng, cả sự sống sót. Vì thế Raffat theo đuổi mục đích ảo tưởng này bằng một tấm lòng hăng say đến nỗi ông chẳng cần chú ý gì đến cái nguồn gốc dòng dõi vua chúa của Meeva, cái ả Vahiné từ một hòn đảo xa xôi nào đó thuộc Polynesie vừa mới đến Tahiti này.
Trong cái thế giới Polynesie không còn giữ lại được gì của di sản quá khứ thì Meeva có vẻ như có mối liên hệ cá nhân mạnh mẽ với những thế kỷ xa xưa. Ả có thể kể cho Cohn nghe hàng giờ liền những huyền thoại về những quần đảo san hô, về những vị thần nước đã bị thần Taaroa hủy diệt, về năm mặt trăng có khuôn mặt người mang lại điều dữ và điều lành cho kẻ mà mình chọn. Meeva kể về cách thần Taaroa khuất phục năm mặt trăng đó và đuổi chúng ra ngoài biển cả, từ đó mà các hòn đảo Bora Bora, Enuo, Huahiné, Raiatéa và Tubuai thành hình. Ả nói say sưa về thần Taaroa, về những chiếc thuyền độc mộc màu đỏ của thần, và về những chiến binh của thần, tường tận như thể ả đã ngủ với từng người một vậy.
Giọng của Meeva vừa dịu ngọt vừa khàn trầm một cách kỳ lạ với những âm họng của người Tuamota, rất giống với âm tiếng Đức. Cha ả, theo ả kể, là thủ lãnh của đảo Takule, đã sáu mươi tuổi khi sinh ra ả với sự giúp đỡ của mặt trăng buổi sớm trước khi lặn lúc bình minh, đã ban phép cho con người vừa thức dậy cái quyền lực mà người đó cần. Meeva đã nói như thế. Mẹ ả đem ả tặng cho những người bạn ở hòn đảo láng giềng, nhằm duy trì truyền thống xa xưa của vùng Polynesie là hiến con mình cho kẻ nào muốn có con cháu không mang huyết thống, như thế họ sẽ thương yêu đứa con đó nhiều hơn. Cohn, vốn tuyên bố rằng mình chẳng hiểu quái gì về chuyện dân gian, nghi tiết cổ truyền, thần linh, huyền thoại - cái thứ thuốc phiện ấy của nhân dân - lại say sưa nghe Meeva kể, mặc dầu y bảo chỉ bởi vì giọng nói của ả
https://thuviensach.vn
đã chạm đến tận cùng những điểm nhạy cảm nhất trong người y, bằng một rung động phù thủy nào đó.
“Cohn, tại sao anh không cố tỏ ra dễ thương với mọi người? Tất cả các popaa đều ghét anh.” Popaa là tiếng Tahiti tương đương với “dân da trắng.” “Họ bảo anh là kẻ phá hoại.”
“Kệ xác chúng nó.”
Họ đi dạo dưới bầu trời đầy sao, dọc theo đại lộ Paul Gauguin, ngang qua ngôi trường cũng mang tên Paul Gauguin.
Sáu mươi lăm năm trước đây, người có thẩm quyền cao nhất về đạo đức ở nước Pháp Hải ngoại là giám mục Martin ở Marquesas đã công khai gọi người nghệ sĩ đang hấp hối đó là một verolé - tên giang mai.
Tiếng gầm, tiếng vỡ của sóng biển càng dữ dội hơn về đêm, bởi người ta đọc thấy trong đêm đen của biển niềm xao xuyến thâm sâu nơi chính mình.
“Với lại, họ cần tôi. Tôi rất quý giá đối với ngành du lịch. Kẻ bị loại bỏ nơi vùng này. Màu sắc địa phương mà. Sự huyền bí của miền biển phương Nam - người nghệ sĩ vừa là con heo dâm dục vừa là kẻ nổi loạn. Somerset Maugham - Hủi - Lậu. Chúng mình làm ăn được lắm. Gauguin sẽ giúp đỡ cho tụi mình.”
Mười hai tháng trước đây, khi mới tới hòn đảo này, Cohn đã nhận ra ngay ở đây người ta tôn thờ Gauguin một cách cuồng nhiệt. Hồi trước, nhà cầm quyền Pháp và chức sắc địa phương đã để cho người nghệ sĩ ấy chết trong đói rách, bị kết tội, bị lên án, đó là chưa nói đến sự thù ghét của các nhà truyền giáo, kịch liệt cho đến nỗi, gần ba mươi năm sau khi Gauguin chết, người cuối cùng ở đây còn sống sót là Giám mục ở Marquesas còn viết cho vị tu sĩ dòng Benedictine là Henry De La Borde như sau: “Tôi ước chi niềm im lặng sẽ phủ lên cái sinh vật đáng ghét đó mãi mãi.” Thế mà giờ đây con cháu họ lại trân trọng ký ức về “cái sinh vật đáng ghét đó”, người mà tác phẩm bây giờ
https://thuviensach.vn
bán giá hàng triệu đôla và là người làm cho Tahiti được ghi vào bản đồ văn hóa và du lịch của thế giới.
Cái con người đã từng viết cho một người bạn tên là Monfreid rằng: “Khi bọn họ nói: Bạn biết đấy, nghệ sĩ mà? Giọng họ mang một vẻ bề trên, nhạo cợt, kèm theo một nụ cười bao dung, che chở làm cho tôi giận điên lên”, cái con người đó giờ đây là kẻ được quần chúng tín ngưỡng nhất.
Tóm tắt, đó là cả một huyền thoại, và Cohn kiếm cách khai thác lợi tức từ đó. Y đã thành công trong việc áp đặt lên Tahiti một loại thuế truy thu sau khi chết của Gauguin nhằm trả cho y. Việc hưởng lợi này là hoàn toàn đạo đức. Nó vừa giải quyết những vấn đề của con người nổi loạn ngày trước ấy vừa cả những vấn đề của riêng y với nhà cầm quyền.
Cohn thừa nhận Gauguin làm ông thánh bảo trợ của mình. Mọi người ở Tahiti đều biết đến “Ngôi nhà Hoan lạc” của y, đặt theo tên chỗ ở của kẻ ly khai vĩ đại Gauguin ở Marquesas. Cách xử sự cũng như vẻ bề ngoài man dại của Cohn, sự hằn học của y đối với các nhà truyền giáo, cách sống buông tuồng, thái độ thách đố của y với chính quyền địa phương được nhiều người thừa nhận như một thái độ nghệ sĩ. Không ai ở Tahiti muốn phải đeo một Gauguin khác trên lương tâm mình. Bởi thật sai lầm khi nghĩ rằng con người luôn luôn lặp lại cùng một lỗi lầm và họ không học được gì từ lịch sử.
Còn về các “tác phẩm” của Cohn, thì là do các học sinh trong xưởng vẽ ở Pavaa vẽ giùm cho y, bắt chước rất khá theo các bức tranh của nhà danh họa. Y chỉ việc ký tên tác phẩm “Genghis Cohn”, tên của một kẻ nổi loạn tiếng tăm khác. Y đã đọc câu chuyện về người này và để tỏ lòng ngưỡng mộ, y đề luôn cái tên này vào giấy thông hành giả mạo của mình.
“Cohn, anh lại fiu nữa rồi.”
Là cái từ nổi tiếng nhất trong ngôn ngữ Tahiti, fiu có rất nhiều nghĩa: buồn, sầu, chán, tuyệt vọng, nhớ nhung, mỏi mòn, đờ đẫn. Từ
https://thuviensach.vn
này bao trùm hết cả những bất hạnh của tâm hồn con người. “Đó là tại anh cứ hay suy nghĩ, Gene ạ. Anh không được suy nghĩ. Nó có thể làm anh điên đấy.”
“Đừng gọi tôi là Gene. Genghis là tên tôi. Genghis là một tên rợ nổi tiếng, một kẻ chinh phục man rợ mà Chúa, bằng sự khôn ngoan vô hạn của mình, đã chọn lựa để thiêu đốt và hủy hoại những kẻ tội lỗi và suy đồi.”
Người ta đồn rằng tại quần đảo này vẫn còn một số quần đảo san hô kỳ diệu, những thánh đường trinh nguyên của cái đẹp và sự thanh bình mà con người chưa hề đặt chân đến. Thế nhưng Cohn biết rằng y không thể sống trong một hòn đảo hoang được. Y cần đến kẻ thù bên ngoài. Sống đơn độc với chính mình sẽ trở thành kẻ ăn thịt bản thân.
Y thường tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh cuồng nhiệt bởi sự khởi đầu của thế giới, bởi cái bình minh đầu tiên, chiếc thuyền độc mộc đầu tiên, tia sáng hy vọng đầu tiên, khi sự sống còn mới mẻ và tất cả con đường đều rộng mở. Khi ấy y không phải dẫm lại lên vết chân của chính mình. Cơ hội đó giờ đã mất. Thế tuy nhiên niềm khát khao vô vọng và hỗn độn ấy vẫn dày vò y, và những dòng thơ của Yeats vẫn vọng lên trong trí y mỗi khi sức nặng y mang trên vai trở thành quá gay gắt:
Tôi tìm kiếm khuôn mặt nguyên sơ của mình
Trước khi thế giới này bắt đầu.
•••
Đêm Tahiti chảy qua người họ. Những cánh hoa maa nhẹ nhàng rơi trên đầu. Thiên nhiên đang mủi lòng và, bằng từng hơi thở của đêm sâu, phung phí những món quà của mình lên trên họ. Lũ thiêu thân bám lấy hai khuôn mặt dưới ánh trăng còn lũ đom đóm thì chập chờn những đốm sao trần gian khiêm tốn xung quanh hai người. Tiếng gầm của biển đã dịu đi, vì thế giờ đây không còn ai lên tiếng nhân danh Cohn nữa.
https://thuviensach.vn
“Nào. Tụi mình hãy nhảy múa.”
https://thuviensach.vn
3
Ngôi làng mang tên “Phá ngục Bastille” chạy dài suốt bờ biển từ ngoại ô thị trấn Papeete đến Pouaavia, Từ cách xa một dặm, ta đã ngửi được mùi hơi người. Mùi này chân thật vì chỉ cần ngửi là ta biết ngay nó phát xuất từ đâu ra. Nơi mỗi túp lều cỏ đều có một dàn trống tamure chỉ nhằm mục đích: Kéo dài cuộc nhảy múa. Vào thời xa xưa, khi cuộc sống còn trinh nguyên vô tội, dàn trống tamure thường cất tiếng nhịp nhàng quanh người vũ nam đang bỏ dương vật của mình vào nơi trú ẩn tự nhiên của nó. Người này cố giữ cho niềm hứng khởi của mình được lâu chừng nào hay chừng nấy trước khi chìm vào cơn động kinh cuối cùng, rồi sau đó rút lui nhường chỗ cho một vũ nam khác.
Nụ cười sảng khoái rạng rỡ trên mặt, chiếc mũ thủy thủ hất ngược ra sau, hàm râu đen dựng thẳng, mũi vênh váo chĩa lên trời, chiếc khoen vàng lắc lư bên tai trái, hai hòn dái tung tăng, mồ hôi hoan lạc vã đầm cả mặt, Cohn lắc mông càng lúc càng nhanh, thỉnh thoảng vừa lắc vừa đưa tay gãi háng sồn sột vì mấy con rệp quái ác. Đối diện với y là Meeva đang lắc hông, lắc háng cuồng nhiệt trước các cặp mắt vui sướng thỏa thuê của đám du khách do gã hướng dẫn viên Puccioni mời đến tham dự và được nghe gã dặn là “ráng chụp cho được bức ảnh cái người đàn ông bất hạnh và cái ả vahine của gã - một trường hợp bi thảm, một quá khứ bí ẩn - một ví dụ điển hình về một người da trắng bị ký ức hủy hoại - Hai con người đó thực sự là ai, chẳng có ai rõ cả.”
https://thuviensach.vn
Sau khi nhảy múa quá độ, hoặc, cũng có thể là chưa đủ, Cohn nắm nhẹ lấy tay Meeva, dẫn ả ra bãi biển, để gạt bỏ tất cả những đớn đau còn lại trong bản thân y bằng cái giây phút thánh thần ngắn ngủi. Rồi thì sau đó, y sẽ thắp một điếu xì gà, trần truồng bước xuống đại dương và đứng đấy, ngửa mặt vênh váo thách đố với những ngôi sao cách xa hàng triệu năm ánh sáng bằng cái đốm lửa nhỏ nơi đầu điếu xì gà của mình.
Khi trời gần rạng, Cohn lại dẫn Meeva ra bãi biển một lần nữa, nhưng là để tán chuyện, và y nhận thấy cô ả chẳng hề chú ý. Mệt nhoài, y nằm ngửa xuống nền cát dịu, ngắm sao. Những ngôi sao được gắn chặt vào bầu trời. Cohn nghĩ đến một việc nhỏ nhặt.
“Nhớ nhắc tôi mua ít thuốc rận. Nghĩ xem, tới lúc này, 1968, mà còn có rận. Thật y như thời Trung Cổ.”
Sao nhạt đi. Đại dương bắt đầu tìm lại giọng nói ban mai còn ngái ngủ của mình. Một chiếc độc mộc đỏ thắm chất đầy ngư phủ nổi lên giữa những hàng dừa, tựa hồ bất động trong cái thế giới trong suốt của riêng mình, cái thế giới không đêm không ngày, không là đại dương cũng không là bầu trời. Rồi thì bầu trời chuyển hồng, vàng, thành cam nhạt ở tất cả mọi nơi mọi chốn.
Cohn nhìn lên vũ trụ, dịu dàng nói: “Đồ điếm rạc.”
Meeva nổi cáu “Anh không được gọi tôi như vậy. Anh phải gọi tôi bằng tên đàng hoàng. Nói cho anh biết, bà cố bên ngoại của tôi từng ngủ với vua Pomare đệ ngũ. Có sử sách minh chứng đàng hoàng đấy.”
Cohn trang trọng đáp: “Tôi đâu có nói cô, tôi đang nói với trời mà.”
Tinh thần mệt mỏi làm cho y nhanh chóng phục hồi sức mạnh thể xác. Thoạt tiên y nghịch ngợm một cách lười biếng thân thể mình, sau đó với Meeva. Làn môi mát rượi của cô ả lướt dọc người y làm sống lại ngọn lửa ham muốn vừa rồi đã lịm tắt.
https://thuviensach.vn
Những chiếc thuyền độc mộc nằm trong vũng nước cạn. Sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền rong rêu. Cohn cố cưỡng lại nỗi cám dỗ muốn nhảy vào những chiếc thuyền đó rồi bỏ bờ biển lại phía sau. Bởi đằng nào thì y cũng phải quay trở lại. Đại dương vô tận chỉ là một ảo ảnh, và đó là lý do y đành phải luôn luôn mang cái mũ lưỡi trai để tự nhắc nhở mình.
Sóng biển càu nhàu đập vào mỏm đá như phụ họa theo con tim cáu giận của Cohn. Cả thế giới san hô bị chìm lấp dưới làn thủy triều, rồi rút đi, để lại trên mép biển một con dã tràng cuống quýt chạy về tổ trú ẩn. Những mảnh thiếc bọc quanh thân dừa - để khỏi bị chuột gặm - phản chiếu lấp lánh ánh sáng bạc của bình minh, trông giống như vầng hào quang mà những người thợ thời Phục Hưng đã đặt lên đầu các tượng thánh.
Từ một chiếc thuyền câu bỏ hoang trong rừng dừa, có một bóng người nhô lên, thụp xuống, rồi bỏ đi. Cohn nhận ra một khuôn mặt quen thuộc: cái di sản giả mạo mà cuộc hành trình sử thi của Hayerdhal đã để lại trên quần đảo Polynesie. Đó là “thuyền trưởng” Skip Ellis, một gã bịp chuyên nặn túi tiền của du khách bằng cách tự xưng mình là một trong những thành viên của đoàn thám hiểm trên chiếc bè Kon-Tiki nổi tiếng.
Dàn trống tamure vẫn chơi những nhịp cuồng loạn, nhưng giờ đây, khi đêm đã tàn, khi ánh sáng hồng của bình minh bắt đầu hiện lên, âm thanh nghe như tiếng thở nặng nề của một người làm tình đã kiệt sức, vừa không kết thúc nổi, vừa không muốn bỏ cuộc. Cohn đột nhiên cảm thấy bực tức vì hình ảnh chiếc thuyền độc mộc treo lơ lửng giữa trời và biển, trong một vũ trụ nhuốm hồng như đang sẵn sàng cho lễ hội mừng rạng đông của miền nhiệt đới. Màu sắc địa phương hơi quá đà. Meeva cũng vậy. Sau khi đã hoan lạc suốt đêm, giờ đây ả không làm tình theo kiểu đón nhận nữa, mà theo cách “tự phục vụ.”
“Được rồi, tiếp đi, cô tự làm đấy”, Cohn nói, người lún sâu xuống cát do sức nặng của Meeva đè lên y.
https://thuviensach.vn
“Cohn này, có một tên đằng kia đang chụp ảnh chúng ta đấy.” Cohn ngước mắt lên, thấy sau thân cây dừa có một gã popaa đang chúi đầu xuống ống kính.
Y gầm lên “Kệ nó. Tôi không làm ăn gì được nếu không có ai chụp ảnh.”
Nói vậy nhưng y cũng rút ra khỏi Meeva, người vẫn còn dựng đứng. Y gọi: “Ê, anh kia.”
Người đàn ông nọ nhìn y. Có vẻ là một khách du lịch điển hình: quần đùi quá gối, chân rám nắng, áo sơ mi chim cò kiểu Hawaii với chiếc mũ Tahiti có gắn vỏ sò chung quanh.
Gã nói, không chút bối rối, “Xin lỗi, tôi đang chụp cảnh mặt trời mọc.”
Cohn khoái chí, “Cám ơn lời khen ngợi của anh bạn. Đây, mặt trời mọc đây này, chụp lấy một tấm thật đẹp mà về đưa cho vợ anh xem. Cứ cho mụ vợ anh thấy tận mắt là quả trên đời có một cái như thế này.”
Gã kia nhún vai và quay đi. Cohn nhìn theo gã khuất sau rừng dừa, một nỗi nghi hoặc mơ hồ dâng lên trong y. Cohn đánh hơi thấy nguy hiểm. Có phải họ vẫn theo dõi y? Không, không thể được. Y không còn dấu tay còn mặt y thì cuộc giải phẫu ở Caracas đã làm thay đổi hẳn. Không còn cách gì để nhận dạng y.
“Có chuyện gì nữa vậy Cohn?”
“Có gì đâu. Chỉ suy nghĩ thôi.”
“Thì tôi biết là anh suy nghĩ rồi. Thấy rất rõ. Anh đang nhũn lại đây này.”
“Thế ra cô không có cái gì khác trong đầu sao, cái cô Tahiti truyền thống này?”
“Chúng ta đéo hay nói chuyện đây? Đó là điều em muốn biết.” Cohn thở dài. Y đã gặp một ả vahine chẳng có máu lãng mạn chút nào. Có cả một thế kỷ của ngôn ngữ thủy thủ đã để lại nơi cô ả.
https://thuviensach.vn
Chẳng thế không có gì lạ khi cái bông hoa đẹp và thanh nhã nhất của cái vườn hoa nhiệt đới này đột nhiên sừng sộ thốt ra những lời lẽ của lính lê dương, những lời lẽ mà thường khi nói về những khía cạnh thơ mộng của “tình yêu nơi quần đảo hoan lạc này” người ta thường cố tình không nhắc đến.
“OK. Đéo thì đéo. Nhưng đừng có ngồi thừ ra đấy.” Y nói, giọng nghiêm trang. “Cô làm gì đi chứ.”
Trong khi ả chủ động làm tình, y quan sát khu rừng dừa, lòng ngờ vực. Y đã phát triển cái giác quan thứ sáu để đánh hơi thấy sự nguy hiểm.
Dẫu cái thân phận “bên lề xã hội” ở đây chứng tỏ việc cải trang của Cohn rất thành công, y hiểu rằng người ta vẫn không ngừng truy đuổi và sớm muộn gì họ cũng tìm ra để đặt một viên đạn - rất đáng đời - vào cái đầu tội lỗi của y.
•••
Mười chín tháng trước, Cohn ẩn trốn tại Trinidad, tại nhà một ả đượi ở nhà chứa Blue Cat. Ả này tên là Lamartine Jones, một phụ nữ da đen đồ sộ, giao du rất rộng. Cohn bơi lội, tắm nắng, sống qua những ngày tháng yên ả ngắm nhìn biển cả - người anh em phẫn nộ của y - và hoàn toàn thoải mái trong thân phận vô danh của mình. Ngọn lửa linh thiêng vẫn cháy bỏng trong lòng y, nhưng nó được giấu kín an toàn, không ai biết, không thể dò tìm nơi con tim và tâm trí của một kẻ lạc lõng bơ vơ bên bờ biển Trung Mỹ. Không ai có thể nắm được nó để đốt cháy thế giới. Prométhée hẳn đã đánh cắp lửa thiêng quá sớm. Cái gã lạc loài này đúng là một kẻ chống phát xít trước tuổi.
Một chiều nọ, Cohn ngồi trên bãi biển trống vắng gần lâu đài Morgan, ngắm nhìn thế giới Ca-ri-bê đang chuyển thành màu tím thẫm trong khi chân trời đằng xa vẫn còn pha chút vàng óng ả, y bỗng thấy ba người đàn ông xuất hiện từ rừng cọ. Cách chừng 50 bước, họ đứng lại bàn tán với nhau. Một gã ngậm điếu xì gà, gã kia mang kính đen,
https://thuviensach.vn
bận bộ đồ xanh sáng. Gã thứ ba khuất sau hai gã kia, chỉ nhìn thấy chóp mũ panama trắng.
Không còn ai trên bờ biển ngoại trừ ánh hoàng hôn đỏ rực sống động. Thế rồi gã đội mũ trắng tiến lên trước, khẩu súng máy trong tay, lặng lẽ bước về phía Cohn.
Y chỉ thoát khỏi cái chết cầm chắc nhờ chiếc xe buýt màu vàng chở du khách đến thăm lâu đài Morgan mỗi ngày. Xe chỉ cách họ chừng 100 thước, gã đội mũ trắng nhìn lui, rồi nâng súng lên khai hỏa. Cohn có cảm giác cháy bỏng ở đùi và thấy cát quằn lên như những con rắn bao quanh mình. Y nhanh trí ôm lấy ngực, ngã gục xuống sau một tảng đá, giả vờ chết.
Kẻ sát nhân có vẻ tin rằng đối tượng đã tắt thở. Chiếc xe buýt giờ đỗ lại bên rừng cọ và Cohn có thể nghe thấy tiếng cười nói vui vẻ của họ.
Úp mặt xuống cát, nằm bất động, Cohn vẫn cố đưa mắt nhìn về phía rừng cọ. Vết thương ở chân tuy máu me ra nhiều nhưng không nghiêm trọng.
Thế là họ lại săn đuổi y.
Cohn nằm yên giả chết cho đến khi những đám mây nhiệt đới theo gió mùa phủ kín mặt trăng mới bò về Blue Cat, nhờ một trong mấy ả ở đây liên lạc với Dee Dee.
Dee Dee trước đây từng là người cộng sự của vị tu sĩ danh giá Boysie Sing - đã bị treo cổ sau hơn 20 năm cai trị giới anh chị ở Trinidad, với thành tích là hơn 100 vụ giết người. Có nhiều cuốn sách và bài hát từng nói về Boysie. Còn Dee Dee thì giờ tuy đã là người giàu nhất Trinidad, vẫn rất năng động và xông xáo. Lão điều khiển những nhà chứa bảnh nhất tại xứ này và kiểm soát đến bảy mươi lăm phần trăm đường dây ma túy, cờ bạc. Lão làm ăn là do bệnh tưởng: lão tin rằng một người làm ăn mà về hưu thì luôn luôn chết vì bệnh tim!
Dee Dee sáu mươi lăm tuổi. Đó là một người da đen khổng lồ có pha những nét da đỏ. Lão mang một viên kim cương 5 ca-ra nơi răng
https://thuviensach.vn
cửa - theo truyền thống xưa thì đó là cách phô trương sự giàu sang - khiến các cô con gái lão, vốn là phu nhân của những vị tai to mặt lớn ở xứ này, muốn chết được vì ngượng.
Cohn chìa cho Dee Dee xem cẳng chân đẫm máu.
“Ai làm vậy?”
“Dee Dee ơi, chúng săn đuổi tôi. Chúng suýt giết chết tôi rồi đó. Tôi phải đi khỏi xứ này hoặc là tiêu đời.”
“Nhưng chúng là ai?”
“Người của Fidel chứ ai.”
Viên kim cương nơi cửa miệng lão lóe sáng, tiếp theo đó là một tràng chửi thề vang dội. Cohn biết rất rõ rằng lão đồ tể này vốn ghét cay ghét đắng chủ nghĩa cộng sản vô thần.
“Tại sao?”
Cohn lựa lời: “Bố phải tin tôi, bố Dee Dee ạ. Tôi không thể nói gì hơn. Lệnh của tổ chức. Tôi cung cấp tin cho CIA. Bố biết đấy, tôi dẫu chẳng ra gì nhưng tôi yêu nước Mỹ của tôi. Người ta có thể là một thằng khốn nhưng vẫn là một người ái quốc. Đây là một âm mưu của phe cộng. Chúng tìm giết tôi. Bố phải giúp tôi, không thì tôi tiêu.”
Cắn một điếu xì gà to tướng vào miệng, Dee Dee bảo: “Được rồi, cứ để đấy cho bố.”
Thế là ngày hôm sau báo chí ở Trinidad đăng đầy tin tức về xác một gã lang thang nào đó, bị giết trên bờ biển cạnh lâu đài Morgan. Không có chứng tích gì để xác định lai lịch nạn nhân và cảnh sát đang nỗ lực truy tìm hung thủ.
Ngay đêm đó Cohn bí mật rời Trinidad trên một chiếc tàu buôn của Dee Dee đến Venezuela. Nơi đây, một trong những người bạn thân nhất của lão, cũng là một tay buôn bán ma túy, đã trang bị cho Cohn một “diện mạo mới”, nói theo cách của giới anh chị Nam Mỹ. Nhà phẫu thuật đã làm việc một cách tài tình, và thế là Cohn đến Tahiti trong một khuôn mặt mới toanh. Y chỉ còn việc phải làm là đốt cháy
https://thuviensach.vn
các ngón tay để xóa dấu. Y chẳng hề do dự chút nào. Nếu không làm thế thì chỉ còn cách xóa cái đầu y đi mà thôi.
•••
Meeva dịu dàng áp người bên y, trong một giấc ngủ thanh bình. Từ trong lều cỏ, tiếng trống tamure đã tắt, chỉ còn vài tiếng đàn ghita, tiếng dương cầm rời rạc buông ra những âm thanh cuối cùng. Đại dương lái những con sóng bạc vào bờ đá san hô và reo lên những tiếng dịu dàng trên cát. Đảo Mooréa nằm im trong làn sương tím nhạt buổi bình minh.
Cohn ngồi dậy bước vào đầm nước. Y đứng yên lặng trong làn nước mát dịu, chiếc mũ hải tặc vênh váo chĩa lên trời. Hôm nay sẽ là một ngày trọng đại. Nếu có một tình thế mà y quyết định phải chiến thắng cho bằng được thì đó là cuộc đối địch giữa cá nhân y với Verdouillet. Hôm trước y đã đưa cho Văn phòng du lịch một tối hậu thư: họ phải quyết định xem ai có thẩm quyền, ai xứng đáng hơn - Cohn hay là cái gã giả mạo Verdouillet kia. Lão giám đốc đã phải gọi cả hai ông Gauguin đến văn phòng sáng nay để công bố quyết định của mình.
https://thuviensach.vn
4
Viên giám đốc Văn phòng du lịch Pháp ở Hải ngoại đang ngồi trước bàn giấy, bên cạnh là một quả địa cầu khổng lồ đội chiếc mũ panama. Tên đầy đủ của ông ta là Hervé Bizien De La Longerie và, vào tuổi 45, được mọi người xem là “vị hoàng đế trong ngành du lịch.” Hiện giờ ông ta đang tập trung mọi nỗ lực vào Tahiti và quyết định, như ông ta đã nói trong buổi nói chuyện mới đây tại Phòng thương mại, là “biến nơi này thành một Vườn Địa Đàng đẹp hơn và hạnh phúc hơn.” Tahiti đang trải qua thời buổi khó khăn. Việc thử nghiệm quả bom hạch tâm sắp tới của Pháp tại đảo san hô Mururoa làm cho du khách sợ hãi không muốn đến Tahiti. Tệ hơn nữa là Tahiti đang bị Hawaii cạnh tranh ráo riết và tin này Bizien theo dõi từng ngày.
Rõ ràng là đã có cái quyết định biến Hawaii thành một “sân khấu sống” của vùng Polynesie, một ấn bản trung thực nhằm tái tạo cái quá khứ văn hóa của vùng Nam Thái Bình Dương đã từng bị quét sạch một cách triệt để trước đây. Các nhà nhân chủng học lớn nhất thế giới đang nỗ lực làm sống lại những vị thần, những đền thờ, những thần thoại, những lễ tiết tôn giáo, tất cả huyền thoại và dân ca của người Maori. Năm triệu đôla đổ vào cho chương trình vĩ đại này.
Tuy vậy, có một điều mà Hawaii không thể vượt được Tahiti, đó là cái chất cuồng nhiệt không gì so sánh được của huyền thoại Paul Gauguin ở đây. Truyền thuyết lãng mạn về cuộc đời, tình yêu, cái chết, hàng tỉ ấn phẩm tranh của Gauguin là một cái nguồn vô tận cho việc
https://thuviensach.vn
quảng cáo cho cái “Địa đàng” này, và cho cả cái nữ tính đặc thù của xứ này, các cô ả vahine bản xứ.
Bởi vậy Bizien đặt cược lớn cho ưu thế này. Ông ta đang sửa soạn cho vở kịch “Đoạn đường khổ nạn”, dựng lại từng bước đi của cuộc hành trình mang cây Thập Ác của vị thánh nổi loạn Gauguin cho đến khi chết trong “Ngôi nhà Hoan lạc” tồi tàn của mình. Những chi tiết gây khó chịu nhất thì tất nhiên phải bỏ đi. Sẽ không hề nhắc đến những đêm trụy lạc của Gauguin, vốn đã được họa sĩ diễn tả rất khoái trá trong thư gửi Monfreid: “Các cô gái - trẻ con quái ác một cách tuyệt vời ấy đã ùa vào giường tôi... Có ba trong số những cô ấy cùng tôi trình diễn suốt đêm qua.” Còn cái việc in ấn những bức ảnh khiêu dâm cũng nhất thiết phải bỏ đi. Một số chi tiết thực của người ấy sau lớp huyền thoại đã trở thành cát bụi và không còn quan trọng. Cái chính là huyền thoại.
Cái chính là chọn người thích hợp để đóng vai người họa sĩ ấy. Bizien một lần nữa ngước nhìn hai ứng viên đang chờ ông ta phán quyết.
Verdouillet có thần kinh nhạy cảm và dùng ông ta thì phải rất thận trọng. Là một người hướng nội bệnh hoạn, ông ta không thích hợp mấy với hình ảnh Gauguin. Ông ta cũng thiếu cái sức mạnh thể xác, cái dáng vẻ hoang đàng, thách đố, chiếc mũi ngạo mạn thấy rất rõ nơi những chân dung tự họa của Gauguin. Nơi Verdouillet không hề có một nét nổi loạn nào cả. Đã thiếu dáng vẻ bên ngoài, tệ hơn nữa, ông ta còn thực sự tin ở tài năng của mình, mà có lẽ cũng có đôi chút tài thật. Bizien nhăn mặt.
Cohn thì lại hoàn toàn khác: Chưa kể về thể chất giống hệt không thể chối cãi, y còn giống hệt Gauguin về phương diện tinh thần, và y rất biết cách làm cho danh tiếng vị thánh này sống lại nơi y.
Vị Hoàng đế du lịch vừa quan sát hai đối thủ, vừa lơ đãng quay quả địa cầu khổng lồ. Verdouillet, nhợt nhạt, càu nhàu, nóng nảy đưa tay gãi gò má hóp đầy tàn nhang.
https://thuviensach.vn
Đưa mắt dò ý nghĩa của Bizien, Verdouillet bắt đầu càu nhàu, giọng chua chát: “Tôi đến đây trước ông ta, tôi có cả bảng pha màu của Gauguin, tôi có phong cách vẽ, nhãn quang của Gauguin. Du khách sẽ nhận ra điều đó ngay. Còn ông Cohn đây thì tranh của ông ta là do các sinh viên trường Mỹ thuật Paava vẽ. Thế mà ông gọi là thẩm quyền, là đích thực ư? Thật không công bằng. Thế mà khi tôi muốn ghi bảng hiệu trên xưởng họa của tôi là “Ngôi nhà Hoan lạc” thì chính quyền địa phương cấm, với lý do là nó nằm trên đại lộ Đại Tướng De Gaulle!”
Cohn khinh bỉ nhìn Verdouillet, dựa bàn giấy của Bizien, mở ngăn kéo bên phải, nơi cái lão Bizien ti tiện cất giấu hộp xì gà. Y chớp một điếu, châm lửa rồi đưa điếu thuốc chỉ vào đối thủ: “Ông là một kẻ lừa gạt, Verdouillet ạ. Ông chẳng có cái vẻ Gauguin một chút nào cả. Ông mà là Gauguin? Ha ha, thật là xúc phạm đến ký ức của tôi.”
Mặt Verdouillet vàng bệt đi - Chắc chắn đây là lần pha màu thành công nhất của ông ta, với tư cách là một họa sĩ.
“Còn việc gọi cái tổ của ông là “Ngôi nhà Hoan lạc” ấy à, cứ hỏi bất cứ cô gái nào mà ông đang đeo đuổi xem. Tất cả các cô vahine ở đây đều biết rằng khó mà thấy ông vẽ nên được một bức cỡ nhỏ xíu đi nữa...”
Bizien giơ tay hòa giải: “Nào nào... Verdouillet có quyền sử dụng cây cọ thế nào tùy thích. Vấn đề kích cỡ không có liên hệ gì ở đây cả.” “Nói dối!”, trong khi đó Verdouillet gầm lên, gần phát khóc. “Đơn giản là ông không có bất cứ cái gì cần thiết để bước theo vết chân của Gauguin cả”, Cohn tiếp.
Bizien bắt đầu cảm thấy rằng cái gã Cohn này hơi quá tự tin, ông ta can thiệp “Ông bạn Verdouillet đây có một ưu thế hơn ông đấy, ông Cohn ạ. Ông ta có một mối liên hệ cá nhân, huyết thống đấy nhé, với con người vĩ đại của chúng ta, Paul Gauguin.”
Verdouillet đỏ bừng mặt vì sung sướng, khiêm tốn không nói gì.
https://thuviensach.vn
“Ông ta là cháu họ của gã sen đầm Claverie, người kẻ thù tàn ác không ngừng trừng phạt Gauguin đấy”
Lần này Cohn tỏ ra quan tâm thật sự: “Hả, tôi không biết điều này.”
“Verdouillet là một di vật đấy”, Bizien kết luận, “Ông có hình dung thiên hạ sẽ xúc động đến thế nào nếu chúng ta có được một hậu duệ trực tiếp của Judas trong chúng ta không? Một mối dây lịch sử sống động với Christ đấy. Thử tưởng tượng xem, người đó sẽ có thẩm quyền về mặt tinh thần và đạo đức lớn lao đến chừng nào!”
Mặt Verdouillet sáng lên vì hãnh diện: “Tôi có đủ giấy tờ để chứng minh điều này đấy. Chính là Claverie, ông chú ngoại của tôi, đã giúp Gauguin trở thành một người tuần giáo. Các ông còn nhớ ông ta đã truy tố Gauguin ra tòa không? Và còn bỏ tù Gauguin nữa chứ.”
Cohn vẫn luôn luôn xúc động khi gặp một mối liên quan trực tiếp còn sống động, còn nóng hổi, với một trong những chất liệu lớn lao của lịch sử.
Quả là có cái hào quang của sự đích thực ở đây thật.
Người ta bảo rằng Judas tự sát. Cohn không tin. Judas có lẽ đã sống đến hết tuổi già, sống khá lâu để chấm dứt cuộc đời của mình một cách huy hoàng, giữa tình yêu thương và lòng kính trọng của tín đồ. Chắc chắn rằng cuối cùng thì người ta cũng chán y, như chán tất cả các anh cựu quân nhân, cứ ngồi kể mãi chuyện cũ, về mối quan hệ gần gũi giữa mình với Jesus ở Nazareth tiếng tăm vang dội kia. Nói cho cùng, thì y, Judas, chính là kẻ phản bội nguyên thủy nhất và trên cơ sở đó y có quyền xem mình là kẻ sáng lập ra tất cả nền văm minh của chúng ta. Cái lão Judas già cỗi, vô vọng, lẩm cẩm đó hẳn cuối cùng làm cho mọi người không chịu nổi, bởi lão luôn luôn đòi hỏi người ta phải tỏ thái độ kính trọng và rộng lượng hơn nữa đối với lão, và hẳn là luôn luôn nổi sùng lên khi thấy mọi người không quan tâm đến lão nữa.
https://thuviensach.vn
Cohn biết rằng y không hề cường điệu trí tưởng tượng. Cuốn sách Cuộc đời của Paul Gauguin của Perruchot cung cấp nhiều những chứng cứ vụn vặt khẳng định ý tưởng của y.
Cái lão Chenpillet to như bò mộng ấy đã về sống tại Haute-Saône cho đến hết đời. Những kẻ ngưỡng mộ người họa sĩ đã khuất từ lâu đó thường đến thăm viếng cái lão sen đầm về hưu này. Khi có khách đến thăm, ông cụ già đáng kính sẽ vui lòng kể lại, mặt đầm đìa nước mắt. “... Họa sư Paul Gauguin, cái con người ngoại hạng ấy, nhà nghệ sĩ bất hạnh vĩ đại ấy, người mà tôi đã may mắn được biết đến khi còn ở Marquesas. Ông ấy không giống bất cứ ai tôi đã từng biết đến. Ông ấy là một nhà tiên tri.”
Còn cái lão sen đầm tàn nhẫn, Claverie, cái ông chú họ của Verdouillet ấy, thì còn ngưỡng mộ, sùng bái Gauguin hơn nữa. Lão rút về sống ở Montgaillard trong vùng Pyrénées, mở một tiệm bán thuốc lá. Và trong tiệm thuốc lá đó, theo Bernard Villaret, “... lão thành kính chưng bày một hộp thủy tinh nhỏ chứa một tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng gỗ của nhà họa sư mà lão ta đã từng kết án với những lời lẽ độc địa vốn giờ đây đã thành thần tượng của lão. “Một di sản quý giá” lão thường nói với khách vừa đưa mắt âu yếm nhìn tác phẩm điêu khắc.
Nếu có một câu nói mà Cohn không thể chịu đựng nổi, thì đó là câu “nhân tình là thế mà.”
Vào lúc đó, bỗng vị Hoàng đế của ngành du lịch đột nhiên lóe lên một sáng kiến.
Chính là do nơi bộ râu đỏ, cặp mắt xanh, khuôn mặt nhợt nhạt, bệnh tật của gã Verdouillet khốn khổ.
“Tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra giải pháp, ông Verdouillet ạ”, Bizien nói.
Verdouillet chớp mắt, ngờ vực “như thế nào?”
“Ông sẽ đóng Van Gogh.”
“Tuyệt vời” Cohn thán phục.
Bizien hài lòng.
https://thuviensach.vn
Verdouillet, rút sâu vào trong cái vỏ sò vô hình, đưa mắt mệt nhọc nhìn cả hai người. Ông ta cảm thấy có một âm mưu nhằm lừa gạt mình.
Bizien nói giọng kết thúc: “Ông có những gì cần thiết để đóng Van Gogh.”
“Nhưng mọi người đều biết là Van Gogh chưa hề đặt chân đến Tahiti!” Verdouillet lắp bắp.
Bizien nhún vai oai vệ: “Thế thì sao nào? Thì mọi người đều biết là Gauguin đã chết rồi. Đây chỉ là sự tái tạo, ông Verdouillet ạ, làm cho thực. Mối lên hệ giữa Van Gogh và Gauguin là phần cốt yếu của huyền thoại. Mọi người đều biết. Cứ tưởng tượng cảnh hai ông, Van Gogh và Gauguin cãi vã nhau tướng lên trong quán cà phê, tuyệt quá chứ lại. Ở Hawaii người ta không có được. Du khách sẽ đái trong quần vì khoái. Ông biết đấy, tận bên kia, ở Arles ấy mà, có một quán mang tên “Lỗ tai Van Gogh”, với hình chiếc tai bằng nê-ông to tướng.”
Giờ thì Verdouillet trở thành một nghệ sĩ bướng bĩnh. “Nhưng tôi vẽ giống Gauguin, tôi đâu có vẽ giống Van Gogh.”
“Thì ông thay đổi bút pháp chứ có khó gì. Mọi người nghệ sĩ đều phải thay đổi mà.”
Nạn nhân toan mở miệng, nhưng cái khoát tay mạnh mẽ của Bizien đẩy những lời phản đối sắp thoát ra của Verdouillet trở lại vào cổ họng.
“Hoặc Van Gogh hoặc không gì hết”, Bizien khắc nghiệt. Cohn nhìn con người bị ép dẹp đó, lòng cảm thấy thương hại, muốn bảo vệ ông ta. Thì Vincent Van Gogh vốn luôn luôn yếu đuối đáng thương, không tự bảo vệ nổi.
“Tôi sẽ lo cho ông mà”, y bảo Verdouillet bằng giọng bề trên, cố nén cười.
“Xéo... anh... đi.” Kẻ bất hạnh còn cố tranh luận một lần cuối. “Tôi vẫn không thấy được Van Gogh làm gì ở Tahiti này?”
https://thuviensach.vn
Bizien kiên nhẫn giải thích: “Nghe đây, thế thì tất cả những kho báu nghệ thuật Polynesie làm gì ở các viện bảo tàng Mỹ và Âu Châu? Phải trao đổi văn hóa chứ. Chúng ta đã lấy văn hóa Polynesie ra khỏi dân chúng xứ này, nay thì ta đem Van Gogh cho họ để đổi lại.”
“Thế còn tại sao Gauguin lại phải do một người Mỹ đảm nhiệm?” “Trước hết, ông Cohn đây không còn là Cohn hay là người Mỹ gì hết. Tôi cũng chẳng hề biết ông ta là ai hay làm gì, và tôi cũng chẳng cần biết. Vả lại, đa số du khách đến đây là người Mỹ. Họ sẽ hài lòng.
Nước Pháp đã cưu mang gánh nặng văn hóa khá lâu rồi.” “Nào, thế là cái chuyện nhỏ này ta đã giải quyết xong rồi đấy, tôi còn có một số việc phải làm. Tôi phải thực hiện “Vườn Địa Đàng” tại Tahiti này. Đó chính là điều mà người ta tìm kiếm nơi xứ này. Không phải là một loại công việc giải trí đâu: cái đó hãy để cho Disneyland của Hawaii. Không, đây là một dạng mà vị bộ trưởng văn hóa của chúng ta, André Malraux, gọi là Viện Bảo tàng. Tưởng tượng, Musée Imaginaire, nhưng được dựng thành đời sống thực. Du khách sẽ thực hiện cuộc hành trình bằng xe buýt; khởi đầu từ Adam và Eve và tội lỗi nguyên thủy, ngang qua nơi Victor Hugo lưu đày ở Guernsey. Tôi định ném cả Napoléon vào đây nữa, không biết chừng. Cái đó còn tùy thuộc André Malraux tài trợ cho tôi bao nhiêu tiền. Một cái gì đó thực sự Pháp, nhưng theo nghĩa rất Gaullist kia, từ La Joconde của De Vinci đến kho tàng nghệ thuật Ai Cập ở Louvre, việc chiếm đóng Byzantium của Thập Tự Quân, Jesus, Mark Twain, Goethe, cả Picasso, Chagall, Pasteur, Kinh Thánh, lâu đài ở Loire, Moise và các phiến đá, nghĩa là mọi thứ góp phần tạo nên sự vĩ đại của văn hóa Pháp “một nước Pháp lớn hơn biên giới quốc gia”, nói cách khác, cái sứ mạng thế giới, Mission Universelle của chúng ta. Tất cả đều ở trong bối cảnh thiên nhiên. Có thể tôi còn xin được Malraux cho phép tôi chở ngược về đây kho tàng nghệ thuật Polynésie tại Viện Bảo tàng ở Pháp, ít nhất là mượn trong một thời gian. Cũng có thể có những mẫu giáo đường Chartres và điện Versailles thu nhỏ. Du khách cũng không
https://thuviensach.vn
cần phải rời xe buýt nữa. Tôi có 3 dặm đất trên vùng Pouaavia, đủ để cho du khách ngồi trên xe thưởng ngoạn, từ Khải Huyền cho đến Brigitte Bardot. Đừng quên rằng nước Pháp có ưu thế hơn Disneyland. Chúng ta có cả ngàn năm văn vật hơn họ.
Cohn nhiệt tình tham gia: “Cảnh Thánh Antoine được các ả Vahiné sùng bái...”
Nhà kế hoạch vĩ đại hăng hái hẳn lên: “Một khách sạn Hilton và một sòng bài ở Mooréa, với cái sòng ru-lét, bắc-ca-ra, hoặc bài crab của Mỹ. Một sân gôn ở Atuana, nơi chôn Gauguin...” Cohn gào to: “Jeanne D’Arc mặc bi-ki-ni!”
“Ừ, Jeanne D’Arc trong bối cảnh Polinésie điển hình, khiêu vũ ở Shalom! Nhất thế giới!”
“Bach! Bắt buộc phải có!” Cohn gầm lên, với một niềm thù hận được nuốt sâu vào tận đáy lòng.
“Tất nhiên phải có Bach, cả Saint Louis, Picasso và một trại Auschwitz thu nhỏ! Phải có Auschwitz mới được, vì có ít nhất bốn mươi phần trăm trong số khách du lịch Mỹ là gốc Do Thái!”
“Auschwitz, cả La Légende Des Siècles của V. Hugo do các cô gái Tahiti ngâm dưới ánh trăng...”
“Chúa Trời! Chúng ta phải để Chúa Trời vào một nơi nào đó chứ”, Cohn gào lên, “nhất định phải có.”
“Người ta sẽ kiếm cách đặt Chúa Trời vào, cái này thì để cho du khách tự làm.”
“Còn Napoléon ở Saint-Hélène nữa, chúng ta cần phải thêm một vẻ vinh quang chứ!”
“Diệt chủng! Chúng ta có hình ảnh diệt chủng mới được.” “Kennedy! Chúng ta phải có Kennedy nữa!”
“Kennedy lội dưới biển!”
“Kennedy chữa bệnh cho người hủi.”
“Schweitzer nữa! Cần thiết phải có!”
https://thuviensach.vn
“Gandhi! Phật! Đ.m, chúng ta phải có Đức Phật! Không thể toàn là Kitô giáo hết được. Không có phân biệt đối xử.”
“Còn sự thống khổ của người Mỹ da đen, cũng phải có mới được.”
“Mỗi phòng đều có TV.”
“Cảnh giám mục Martin rửa tội cho Gauguin trên giường bệnh!” “Và nữ hoàng ngoại đạo Pomare quỳ gối đón chào những thừa sai Kitô giáo đầu tiên ở xứ này!”
“De Gaulle khám phá ra chất trụ sinh!”
“Dục tính và mặt trăng, phải có cái đó mới được.”
“Được rồi, người phi hành gia đầu tiên trên mặt trăng đang thủ dâm!”
“Lễ quốc táng Paul Gauguin, hài cốt được an táng rong điện Panthéon! André Malraux đọc diễn văn trong dịp này! Gauguin ngồi bật dậy giữa đám người chết và vén quần đái!”
“Phải có cái gì đó của Mỹ nữa, bắt buộc!”
“Phải, phải. Phải có chất Mỹ vào đây! Vụ ám sát người thứ ba nhà Kennedy!”
Trước khi đến trú ngụ tại Tahiti, người tự xưng là Genghis Cohn đã từng tìm kiếm một hòn đảo hoang trong quần đảo Tuamotu. Nhưng sau đó y đổi ý. Y có một bản năng tự bảo tồn rất bén nhạy. Trên một hòn đảo hoang, tính nhân loại sẽ còn thu lại trên chính mình, khi đó sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào, dẫu là một cách thuần túy tượng trưng và chiếu lệ.
Vị hoàng đế của ngành du lịch lấy lại hơi thở. Trong khi đó, Verdouillet từ nãy giờ miệng há hốc, chìm đắm trong một trạng thái kinh sợ đến tê liệt. Một con ruồi nhiệt đới vẫy vùng tuyệt vọng nơi kính cửa sổ.
Cohn biết rằng y đang chứng kiến buổi bình minh của một kỷ nguyên mới, sự ra đời của một đức tin mới, đó là đức tin của ngành du
https://thuviensach.vn
lịch. Quy luật căn bản của nó là kẻ sát nhân luôn luôn trở lại nơi phạm tội, nhưng lần này mang theo vợ con và túi xách.”
Cohn rời văn phòng du lịch trong trạng thái tủi nhục và phẫn nộ không cách gì chế ngự được mãi cho đến khi cả ngày sau, y phải nốc một lượng rượu kinh khủng, ngay cả trong bối cảnh Tahiti. Y cố gắng nhớ xem mình làm sao thoát khỏi cơn hoan lạc đó, nhưng tất cả những gì y nhớ được là họ đã tống y ra khỏi quán Con Mèo Hồng, sau khi y gây gổ và ẩu đả vô số lần trong quán, rồi y nhớ mơ mơ màng màng là y đứng trên quầy quán Chez Ricco, tồng ngồng, oai vệ như đứng trên bục giảng, trước một đám thính giả gồm thủy thủ và đượi, giảng rằng nguồn năng lực vĩ đại nhất là Tupapau, linh hồn con người; tất cả điều bạn phải làm là điều khiển nó, nó sẽ hoạt động cho bạn mãi mãi, như các nguyên tử tự vận hành và tự đéo lấy nó vậy. Dĩ nhiên, với linh hồn con người là một năng lượng như vậy, nảy sinh ra vấn đề ô nhiễm mội trường trầm trọng do chất bã của linh hồn thải ra. Y nhớ rằng đến đó thì người ta buộc y phải mặc quần trở lại và tống y ra. Y cố gắng bước thấp bước cao về tổ ấm, “Ngôi nhà Hoan lạc” của mình, vừa nghêu ngao hát “Tiến lên! Hỡi những chiến sĩ của Đức Kitô” nhưng lực bất tòng tâm, y ngã xoài xuống đất, trong khi chòm sao Đại hùng chiếu ánh sáng thân thương huynh đệ lên vầng trán y.
Gia đình Bradford gặp y đang ngủ say mê mệt ngay giữa lòng đường.
https://thuviensach.vn
5
Đó chính là cái giờ phút chuyển mình khi Tahiti-noui, nàng Vahine Tinoo Taato, “Bà chúa của sự sinh nở”, từ giường vươn dậy điểm trang trong buổi sáng. Khi các nữ tì của bà chúa vén chiếc màn đêm, thì Cohn ra khỏi cơn say và thấy mình đang nằm thoải mái trên chiếc đi văng, đầu dựa lên gối, trên boong chiếc du thuyền Antinea. Trước đây Cohn vẫn thường ngắm nghía chiếc du thuyền tuyệt đẹp này. Nó buông neo đúng nơi địa điểm mà hai thế kỷ trước đây chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha Aguila của Maximo Rodriguez, người da trắng đầu tiên đến đảo này, đã cập bến.
“Chúa ơi!”, Cohn thốt lên, một cơn đau như một nhát búa nện lên đầu y.
Ông Bradford nhìn Cohn, giọng thương xót: “A, người Mỹ.” “Wichita Falls”, Cohn thì thào thốt ra tên một thành phố ở Texas, chỉ bởi y cảm thấy như mình cùng chiếc đi văng rơi từ trên cao xuống đáy vực. “Chúa ơi! Đây là cơn nhức đầu khủng khiếp nhất trong tuần này.”
Y lại cố mở mắt ra và thấy một khuôn mặt phụ nữ khá dễ chịu đang nhìn xuống. Chừng bốn mươi, nhưng trông còn được lắm. Có lẽ chỉ khoảng băm sáu, băm bảy, cái tuổi tốt nhất nếu bạn muốn gợi ra tình mẫu tử. Người chồng thì tính tình dễ chịu, tóc xám, có cái dáng vẻ một người Mỹ trung lưu điển hình, ngoại trừ có khác biệt nhỏ là có chiếc du thuyền đến ba trăm ngàn đôla. Cohn đỡ lấy cốc cà phê Lee Bradford trao.
https://thuviensach.vn
Bà Bradford bảo: “Tôi nói không phải, nhưng đúng ra ông không nên uống nhiều đến như vậy.”
Ông chồng chen vào, theo giọng đùa: “Những lời khuyên kiểu đó không bao giờ khiến các nhà làm rượu phải sợ cả.”
Cohn nhấp một ngụm cà phê đặc. Y thấy thích những người tốt bụng này ngay. Y biết đáng lẽ y phải cám ơn họ một cách thích hợp. “Ông nằm xoài ra ngay giữa đường. Thật lạ là không có một chiếc xe tải nào cán ngang qua ông đấy.”
Cohn buồn bã đáp: “Tôi ước chi có một chiếc cán qua cho rồi.” Y hiện không sẵn sàng để bịa chuyện. Thường ngày y không thiếu chuyện đặt bày, nhưng với cái đầu nhức như búa bổ hiện giờ, y không biết y có đủ sức đặt ra một chuyện gì thích hợp không đây. Thấy y nhắm mắt, nhăn mặt vì đau đớn, bà Bradford đi sang phòng bên lấy nước đá ra đắp lên trán y trong khi ông Bradford quan sát y bằng cái nhìn thương xót: Áo quần Cohn dơ dáy, đầy mồ hôi và đất. Bộ râu đen như đám rừng hoang mọc vung vãi trên khuôn mặt với đôi mắt sâu hoắm, mũi y chĩa thẳng lên như mũi một con thuyền chìm đắm.
Thật khó tin, nhưng lần này Cohn mất hết sáng kiến. Không một lời nói nào hiện ra nổi trong trí y.
Y phải cầu viện đến ký ức về bậc tiền bối vĩ đại của mình, một gã picaro bất tử tên là Pedro Gomez sống giàu có vào thế kỷ 17 nhờ tiền của của giới cầm quyền Tây Ban Nha trong suốt năm mươi năm, kẻ đã vui sướng giẫm đạp gót chân của mình lên tất cả những thiên kiến, những đức tin giả hiệu, những sự giả dối sùng kính của thời đại mình, kẻ đã ăn cắp của người giàu và chẳng chia xu nào cho người nghèo. Kẻ cho đến hiện nay tại Sevilla người ta vẫn còn nhớ đến với danh hiệu “người khiêu vũ.” Pedro Gomez chết vào tuổi già, lúc gần 80 tuổi, vì bệnh cương cứng dương vật kéo dài cả bảy tuần lễ, mặc cho các tu sĩ quây quần bên giường bệnh hết lòng săn sóc.
https://thuviensach.vn
Bà Bradford trở lại với một dĩa trứng chiên. Bà mặc quần đùi, như tất cả mọi phụ nữ không nên mặc. Bà ta có đôi mông đẹp, nhưng là loại mông cần mặc váy hoặc cởi truồng ra kia. Đôi vợ chồng người Mỹ này mang một tính cách dễ mến, hiền lành phát xuất từ thiện chí và lòng tin nơi đồng loại. Tất nhiên không thể để họ ra đi với tấm lòng như vậy được. Cohn nghĩ rằng không thể để họ rời hòn đảo này mà không có một món quà gì làm phong phú cho chuyến đi du lịch của họ, món quà đó là một kinh nghiệm họ không thể quên. Hình ảnh rất chi là du lịch về “một gã bị đày ải nơi hòn đảo thiên đường” chắc chắn là không đủ liều lượng trong trường hợp này.
Y cắm cúi ăn đĩa trứng chiên.
“Thật tình mà nói, đây là bữa điểm tâm kiểu Mỹ mà quá lâu rồi tôi chưa hề được nếm.”
“Vì sao ông đến xứ Tahiti này vậy?” Bà Bradford tò mò hỏi. Cohn nóng lòng muốn bịa cho họ một chuyện làm quà. Cái đầu đau nhức vì rượu không làm nhụt đi cái thiện chí trời sinh của y. “Bởi vì tôi chẳng còn biết đi đâu nữa. Nó theo tôi khắp nơi. Tôi là một kẻ bị săn đuổi.”
Ông Bradford chen vào, ra vẻ thông cảm, “Bởi cảnh sát hả?” “Không, bởi lương tâm tôi”, Cohn nói, như phóng mình xuống nước mà vẫn chưa biết mình sẽ bơi đi theo hướng nào. Y ngừng lại, ra vẻ bí mật và nhận điếu xì gà ông Bradford mời để suy nghĩ trong khi ông này quan sát y một cách kín đáo, yên lặng theo kiểu để khuyến khích người ta thú tội. Thật là những con người tốt bụng. Mình không thể rời họ mà chẳng có gì làm quà. Cohn ngẫm nghĩ.
Phải là một chuyện gì thuộc “tội lỗi”, tất nhiên rồi. “Tội lỗi” là một tình trạng đức lý mà. Nó nâng cao đời sống luân lý và văn hóa của con người lên. Đó là một món trang trí xa hoa, một chiếc xe Cadillac của ý thức xã hội. Nó là cả một giai cấp.
https://thuviensach.vn
Một bi kịch Phi-Mỹ. Nói cách khác, cái tầm quan trọng của mặc cảm phạm tội. Về một con người không thể tạo dựng được một lương tâm dày vò, hay là câu chuyện về bài hát nổi tiếng số một, “Hiroshima, người hủy diệt ta” ra đời như thế nào.
Ý tưởng hình thành, Cohn đã sẵn sàng. Con người thanh giáo trong y chưa bao giờ lỡ hẹn với ngọn lửa thiêu đốt đó. Cái con người lý tưởng bí mật sâu kín trong Cohn chưa bao giờ ngừng cung cấp cho y những gì thô bạo nhất.
Một niềm thôi thúc không cưỡng lại được, sắc bén, đầy hoan lạc và tin tưởng tràn ngập con tim y. Con người phải xem các dải thiên hà trên trời cao như những hòn cuội vô nghĩa dưới bước chân và phải chiếu sáng con đường đi bằng hàng tỉ tỉ năm ánh sáng.
Và thế là y đã sẵn sàng để lại nhảy múa.
“Tôi chính là đứa con trai bất hạnh của con người đã ném bom Hiroshima. Cha tôi không dám nhìn vào mắt tôi do bi kịch cá nhân của ông - mặc dù ông ta là một con người đã phạm vào một tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử, ông ta vẫn không thể nào có được một mặc cảm tội lỗi trong mình. Chính vì thế mà ông ta cảm thấy không Mỹ chút nào cả và chỉ là một tên khốn kiếp.
“Ông trốn tránh đồng loại, xa lánh mọi người, bị dày vò, bị nghiền nát bởi cái mặc cảm khủng khiếp rằng mình không có một mặc cảm tội lỗi chút nào hết. Ông thay tên đổi họ luôn luôn, nhưng báo chí vẫn tìm ra ông vì ông chính là biểu tượng tội lỗi lớn lao của nước Mỹ và là người tuẫn giáo cho khoa học. Bố tôi là một người đơn giản và ông chịu không nổi đủ thứ niềm thông cảm, lòng xót thương của mọi người dội xuống đầu ông, kẻ đã phạm một tội ác lớn lao đến thế.
“Mẹ tôi thì lại xuất thân từ một gia đình có nguyên tắc đức lý chặt chẽ hơn, vì thế đối với bà lại dễ dàng hơn nhiều; bà tự nhiên có mặc cảm tội lỗi, thế là bà liền có những tình nhân người Nhật, hết người này đến người khác. Dĩ nhiên, đó là nhằm được tha thứ và nhằm trừng phạt ông chồng tội lỗi của bà. Thế là khách Nhật Bản đổ đến nhà
https://thuviensach.vn
tôi như thác, trong một thời gian dài gia đình chúng tôi sống rất khá và cha tôi cũng không cần đi làm việc nữa. Chúng tôi có cả một căn nhà nghỉ mát trên núi và hai chiếc xe hơi”.
“Nhưng rồi tôi bắt đầu gặp khó khăn vì danh tiếng của tôi đối với đám bè bạn, bọn chúng biết tôi là con trai của kẻ đã xóa sạch một thành phố, thế là tất cả bọn chúng đều xem tôi như lãnh tụ và chờ đợi những điều lớn lao nơi tôi. Điều đó ăn sâu vào tôi và tôi trở thành một tên anh chị thứ thiệt khi mới tới tuổi 15. Tôi thường xuyên bị buộc tội thiếu nhi phạm pháp, nhưng ra tòa thì luật sư của tôi liền kêu bác sĩ phân tâm ra giải thích trước tòa rằng tôi mang một nỗi ẩn ức bên trong muốn khước từ bởi tôi thù ghét cha tôi và muốn trừng phạt ông ta. Thế là được tha bổng. Tôi biết ngay rằng tôi có thể thoát khỏi mọi thứ trừng phạt. Đó là những năm đẹp nhất trong đời tôi”.
“Bất cứ lúc nào gặp cha tôi, tôi đều thấy ông say sưa. Quý vị phải hiểu rằng ông là một người vốn rất tầm thường, ông không có tầm vóc ngay với tội lỗi của ông. Và thực ra ông đã bỏ bom Hiroshima vì ông chẳng thể làm gì khác. Ông không phải là loại người dành cho những cái lớn lao. Khi ông nhận thức rằng mọi người muốn biến ông thành một kẻ tuẫn giáo, một loại Judas bị đóng đinh, ông cũng cố thử. Ông quả cố thử làm kiểu mình bị dằn vặt về lương tâm. Nhưng ông không làm nổi. Bởi cơ bản ông là một người bình thường và lành mạnh. Ông chẳng thấy ăn năn day dứt gì hết, ông ngủ chẳng có cơn ác mộng với xác cháy thiêu ám ảnh, và mặc dầu ông cố hết sức, điều khủng khiếp là ông vẫn chẳng có mặc cảm gì cả”.
“Cuối cùng chính điều đó đánh gục ông. Ông cảm thấy mình là một tên vô loại không Mỹ chút nào chỉ vì ông không tạo dựng nổi một mặc cảm tội lỗi thích hợp về Hiroshima, theo cách mà cả quốc gia này mong đợi nơi ông. Ông đã làm hạ giá nước Mỹ. Ông cảm thấy mình là một con quái vật không tâm hồn cũng không lương thức. Ông bắt đầu uống tối ngày. Trước đây thì ông cũng đã uống nhiều, nhưng bây giờ thì ông biết tại sao ông uống”.
https://thuviensach.vn
“Ông thường gọi tôi đến quán rượu. Chúng tôi có nhiều điều để nói với nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều quá sợ, sợ nói ra những điều không nên nói trong hoàn cảnh của chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều không ngang tầm với hoàn cảnh của mình. Có người đủ sức gánh vác những tầm vóc lớn lao, có người thì không. Bố tôi thiếu tầm vóc thích hợp. Có lần ông bảo tôi tất cả là do lỗi của quân đội. Lý ra trước khi tín nhiệm để giao cho một người cái nhiệm vụ dùng bom nguyên tử hủy diệt một thành phố cùng với đàn ông, đàn bà, trẻ em, người ta phải khảo sát kỹ để chọn người có ý thức đạo đức cao, có tinh thần nhân bản, một người xứng đáng với công việc đó. Rồi chúng tôi ngồi đó, chẳng nói gì thêm, nhưng chúng tôi hiểu nhau”.
“Mẹ tôi thì dễ hơn, bà vẫn tiếp tục giao du với người Nhật. Vốn là con một mục sư dòng Giám lý, bà tự nhiên có khuynh hướng tự trừng phạt. Có lần ngồi với tôi cùng uống bia, cha tôi thu hết can đảm và hét lên rằng ông đã quá chán phải bị đóng đinh, bị tuẫn giáo để làm ông Thánh Judas, ông cóc cần làm cái biểu tượng tội lỗi lớn lao của Mỹ gì hết, rằng vất cha Hiroshima đi. Theo cách ông nói, hình như ông muốn quay trở lại bỏ bom nơi đó một lần nữa không biết chừng. Tôi cảm thấy hiểu và gần như là thích ông”.
Càng ngày ông càng cảm thấy mình bị cả một dân tộc giam giữ và canh chừng, ông nghi ngờ mọi người cho ông là một tên tồi tệ, dần dần tâm tính ông trở nên dữ tợn và chống xã hội. Cuối cùng cái tâm lý đó đã đưa ông đến hành động đánh cướp nhà băng, bằng một khẩu súng đồ chơi. Ông được tha bổng. Mọi người đều hiểu rằng ông chỉ cố ý làm cho mình bị trừng phạt do cái hành động đã làm ông biến thành một Judas trước loài người. Báo chí viết chuyện này rùm beng.
Rồi bố tôi tu tỉnh lại. Ông bắt đầu thỏa hiệp. Tinh thần cứng cỏi của ông bị dập gãy, ông đầu hàng. Bây giờ thì ông hưởng thụ cái thẩm quyền đạo đức với tư cách là biểu tượng tội lỗi lớn lao của Hoa Kỳ. Ông không còn chạy trốn, chửi rủa khi được mời tham dự những buổi lên án Mỹ vì hành động này hành động nọ. Nhưng ông từ chối không
https://thuviensach.vn
làm gì về Việt Nam. Bố tôi hết sức ghét Việt Nam và tất cả dư luận về vấn đề này. Ông thấy đó như là một âm mưu nhằm làm lãng quên sự chú ý của công chúng Hoa Kỳ vào Hiroshima và vào ông. Ông không chịu nổi khi ai đó nói với ông về Việt Nam. Ông cảm thấy bị xem thường.
Và giai đoạn có nhóm người khuynh hướng tự do điều khiển công luận trên cái nền của tinh thần “tội lỗi Mỹ” tiếp xúc với cha tôi. Người Nga nói đến việc trao giải thưởng hòa bình Lênin cho ông. Tất cả những người hòa bình chủ nghĩa, những người nhân văn, những nhóm chủ trương tái võ trang đạo đức đều theo sau ông, đó là chưa kể những người tu sĩ nữa. Bố tôi thì càng ngày càng uống nhiều. Điều đó càng làm cho tư thế ông thuận lợi hơn và đúng với những gì người ta chờ đợi.
Mọi người chờ đợi tôi trở nên một kẻ bất thường do ở lòng thù hận cha, và quả thật tôi đã cống hiến cho họ nhiều điều. Bác sĩ phân tâm của tôi cố giúp tôi thêm vào cái viễn tượng đó nhưng tôi từ chối thỏa hiệp. Tôi chẳng thấy có lý do quái gì phải dính líu vào cái chuyện quái quỷ ấy, chỉ bởi vì cha tôi đã xóa sổ một thành phố. Chẳng lẽ như vậy là chưa đủ hay sao. Tôi bắt đầu cảm thấy xã hội đòi hỏi tôi quá nhiều.
Rồi bố tôi lại nổi chướng. Thấy báo chí viết rằng ông không dám nhìn thẳng vào mắt đứa con trai, thế là ông quay lưng lại đám phóng viên và nhìn thẳng vào mắt tôi, chỉ để chọc họ. Rồi thì ông còn lè lưỡi ra nhạo tôi, cái này thì quá sức. Tôi bèn chụp lấy một chai bia và ném choang vào đầu ông. Ngày hôm sau trên khắp các trang báo đều kể chuyện ấy và cả nước Mỹ khóc. Họ đã biết đến cái điều nằm trong lòng tôi, cái tình cảm thù hận cha đấy mà. Thật chúng ta chẳng thể hơn được công luận. Nó mạnh hơn chúng ta nhiều lắm.
Thế rồi tôi bỗng khám phá ra rằng tôi cũng có danh tiếng của riêng tôi. Tôi nhận được lời khuyến khích từ tất cả mọi người. Hẳn rằng người ta yên tâm khi thấy mọi sự diễn ra như nó đáng phải diễn
https://thuviensach.vn
ra. Tôi đang trở thành một biểu tượng lớn của Mỹ: Người - thù - hận - cha mình. Tôi được mời đi diễn thuyết ở Berkeley, rồi tại các trường đại học khác. Nhưng một lần nữa, tôi thiếu cái nền tảng văn hóa cần thiết. Thật ra tôi chưa bao giờ có một nền giáo dục chính quy nào cả. Chỉ trình diện trước các chú sinh viên và tuyên bố mình là thằng đánh cha phản chú không thôi thì chưa đủ, phải cho họ một cái gì khác - sự lãnh đạo tinh thần, chứ không thể triển khai mãi trên cái nền tảng “đánh cha” đó mãi được. Phải có tinh thần biện chứng, mà tôi thì chẳng hiểu đó là cái quái gì.
Tôi cho rằng nếu trước đây tôi cố gắng làm việc và học hành thì tôi rất có thể đã trở thành “biểu tượng cho niềm bất mãn của tuổi trẻ Hoa Kỳ” được lắm. Nhưng tôi đã để mất cơ hội. Tôi đổi thành phố luôn luôn và cuối cùng sống ở Memphis với một ả đượi.
Rồi thì người ta xôn xao về vụ có đến mười bảy gã khác tự nhận là đã thả bom Nagasaki và Hiroshima. Nhưng báo chí chứng minh rằng không một ai trong số các gã đó đã có tham dự các trận ném bom ở hai thành phố này. Toàn là đồ giả mạo. Không lực Hoa Kỳ phát hành một tài liệu xác nhận bố tôi là hàng thật.
Quí vị hiểu cho, tôi đã được nuôi dưỡng từ nhỏ đến lớn trong cái bối cảnh phạm tội ấy. Tôi bị nung nấu bởi ý tưởng được gia nhập vào không quân để đi bỏ bom Hiroshima hay New York hay bất cứ một thành phố nào khác. Tôi tình nguyện đăng ký, nhưng cố nhiên họ từ chối, chỉ vì bố tôi. Đúng như một viên đại tá ở phòng tiếp nhận đã bảo tôi: “Rất tiếc, nhưng cậu phải dành phần cho người khác nữa chứ.”
Cuối cùng thì chính ả đượi nuôi tôi ở Memphis thuyết phục tôi cố tạo thêm tiếng tăm với tư cách một đứa con bị hủy hoại cuộc đời vì tội lỗi của cha mình. Ả kiếm được một gã viết những bài báo cho tôi, tôi chỉ việc ký tên, ả cũng kiếm luôn một nhân viên đại diện tổ chức cho tôi đi tiếp xúc trực tiếp với công chúng. Tôi kiếm được chút đỉnh. Nhưng bố tôi chẳng chịu chuyện này. Có lần ông ấy đến San Diego, nơi tôi đang nói chuyện với công chúng, ông bảo tôi hãy xéo đi khỏi
https://thuviensach.vn
công chuyện của ông. Tôi cướp cơm của ông, ông bảo vậy. Cuối cùng, đại diện của tôi và bố tôi đi đến một thỏa thuận: Tôi làm ăn ở bờ biển phía Tây, còn bố tôi hoạt động trên tất cả phần còn lại của đất nước.
Bố tôi biết chơi đàn ghita sơ sơ, nên có người viết cho ông một bài dân ca, “Hiroshima, người hủy hoại đời ta.” Ông thu đĩa và tức khắc bán vượt con số đĩa của Joan Baez, đứng đầu trong mười bài ăn khách nhất trong năm. Từ một gợi hứng tương tự, ở Pháp người ta làm phim Hiroshima, Mon Amour hết sức thành công. Quả là bố tôi và quả bom của ông ta đã khởi đầu cho một sự bùng nổ văn hóa thực sự.
Tôi bắt đầu thật sự thù ghét cha tôi. Cái lão già này xem ra hên quá. Cố bắt chước, tôi cũng mua một cây đàn ghita điện và cố làm một vài bài dân ca của riêng mình, với sự trợ giúp của một vài cậu mới từ ở Việt Nam về. Nhưng vào lúc này có quá nhiều người làm cái vụ này quá, nên không ăn nổi.
Phần còn lại chắc quý vị đã biết. Bố tôi quả đã tạo ra được cả một phong trào phục sinh trong dân ca. Bom, phóng xạ, Việt Nam, phân biệt chủng tộc... tất cả trở thành một phần không thiếu được của di sản văn hóa và nghệ thuật dân gian Hoa Kỳ, những bài du ca, dân ca mang tính chất phản kháng xã hội của Bob Dylan, Joan Baez và hàng trăm người khác, những thành tựu đồ sộ đến nỗi không ai có thể bảo việc bỏ bom Hiroshima là vô ích được. Hiện giờ, bố tôi làm chủ một công ty thu dĩa và một nhà xuất bản băng, dĩa nhạc, ông trở thành biểu tượng của sự phấn đấu, sức phục hồi tinh thần lớn lao của Hoa Kỳ, là bằng chứng sống động rằng ta không thể coi thường một con người tốt được. Người ta nhắc đến ông như một ví dụ điển hình con người Hoa Kỳ tự tin khởi đi từ con số không - thì đúng là cái thành phố ấy đã bị xóa sạch mà - và làm được những điều kỳ diệu vượt qua mọi trở lực. Người Mỹ chúng ta gọi là “thành công thần kỳ” mà. Bố tôi là một trong những “dòng giống tiên phong”, người ta bảo vậy.
Ông chẳng hề cho tôi lấy một xu. Ông bảo ông bất bình việc tôi làm và khuyên tôi nên kiếm một việc khác chứ đừng xía vô cái chuyện
https://thuviensach.vn
Hiroshima của ông. Hễ tôi hỏi xin tiền là ông viết thư nghiêm khắc “lên lớp” tôi, nhắc tôi rằng, bằng máu, mồ hôi và nước mắt mà ông bước lên tới đỉnh cao và tất cả những gì tôi phải làm là theo gương phấn đấu của ông. Có lẽ ông nói đúng. Có lẽ tôi nên đổi tên và đăng ký đi lính qua bên đó, bên Việt Nam, để chia sẻ nỗi đau khổ với người Việt Nam tại đấy, bắn giết họ và trở thành tội lỗi. Nếu gặp may một chút, có thể tôi sẽ được họ gởi đi ném bom Hà Nội và thế là ăn tiền. Tôi sẽ trở về với một lương tâm run rẩy và rất nhiều chủ đề cho những bài hát phản chiến tuyệt vời. Thế nhưng sự thật là tôi không có cái đó trong người. Có một cái gì đó sai trong tôi, thật sai, có lẽ trong cả thế hệ tôi. Chúng tôi không còn có cái hạt giống Mỹ căn bản trong người nữa. Chúng tôi đã hư hoại rồi. Chúng tôi chỉ buông trôi cuộc đời vì dường như chúng tôi thích buông trôi hơn là thích sống. Tôi không hề nói là chúng tôi sẽ không ném bom đâu nhé. Không, tôi không muốn nói vậy. Tôi chỉ muốn nói không chắc gì rằng chúng tôi sẽ ném bom đúng người, tôi muốn nói, sai người, như đã làm ở Việt Nam. Nghĩa là quí vị không thể tin chúng tôi khi chúng tôi có bom nữa. Điều đó thật tệ. Đó là suy đồi. Chúng tôi có thể mang bom bay đi và ném xuống người của chính chúng ta, đó, phong cách của chúng tôi là như thế.
Giờ thì chắc quí vị đang tự hỏi tôi đang làm gì ở đây, tại Tahiti này. Được rồi, tôi sẽ nói với quí vị. Tôi có chút quen biết với vị giám đốc du lịch ở đây. Ông ta cho tôi cái đặc quyền có một không hai để diễn cái vai trò mà tôi đang diễn trước mặt quí vị đây, và khi tôi cầm chiếc ghita và hát bài hát nổi tiếng của tôi “Bản du ca của một đứa con bị nguyền rủa” ngay giữa cái thiên đàng trần gian này, du khách bị một cú khích động hết cỡ. Họ thường đòi “bít”, và thế là tôi hát thêm bài “thằng Mỹ chửi cha đánh mẹ vĩ đại”, bài này hiện rất phổ biến bên quê nhà mình.
Đó, ông bà thấy, tôi đang bắt đầu tạo tên tuổi của riêng tôi, và khi tôi đạt được danh vọng tôi thường quay lại du khách, bảo: “Thưa quý ông quý bà, cám ơn đã chú ý, và tôi xin nói với quý vị bằng những lời
https://thuviensach.vn
của chính Paul Gauguin vĩ đại mà tôi trích dẫn sau đây “Xéo các người và cái tình cảm tội lỗi của các người đi, tôi muốn cho các người biết rằng tôi hoàn toàn hạnh phúc, rằng tôi đã rơi xuống tận cùng đáy sâu như thế nào”.
Ông bà biết đấy, tôi chẳng có mặc cảm tội lỗi về bất cứ điều gì hết, và người ta còn có thể chìm sâu hơn là mình đã chìm nữa. Tuy vậy, để tỏ lòng kính trọng công chúng của mình và để khẳng định sự suy đồi đạo đức toàn diện của mình, tôi xin trưng ra đây những bức ảnh đồi trụy, chỉ để chứng minh rằng tôi là truyền nhân tinh thần đích thực, chân chính của Hiroshima, một trong những sự đồi bại lớn lao nhất của mọi thời đại. Đây, quý vị hãy nhìn...”
Cohn móc túi lấy mấy bức ảnh, ném lên bàn. Đó là những bức chụp lại những bưu ảnh mà Gauguin đã mua tại Port Said trên đường đến Tahiti, những bức ảnh này hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng Con Người ở Paris.
Bà Bradford bật khóc vì tủi hổ, trong khi ông chồng đưa mắt giận dữ nhìn Cohn. Nhưng Cohn cảm thấy an toàn, bởi y biết rằng con người Thanh giáo nằm sâu trong y đã được che giấu khỏi người trần mắt thịt. Nước biển xanh ngắt, hàng dừa thinh lặng, bãi cát trắng ngần cùng với bầu trời cao tít trên kia, tất cả thiên nhiên kỳ diệu tỏ bày sự hững hờ lạnh nhạt đối với những gì mà con người không thể không quan tâm.
“Yêu cầu anh đi khỏi chiếc thuyền của tôi ngay lập tức”, ông Bradford nói, giọng run lên vì giận dữ. “Thật quá đáng. Tôi biết rằng thế hệ các anh chẳng còn kính trọng bất cứ cái gì nhưng ngay cả sự khinh mạn, khiêu khích gì nữa thì cũng phải có giới hạn chứ.”
Cohn đứng lên: “Tôi lấy một điếu xì gà được không?” “Lấy đi và cút khỏi đây!”
Xì gà hiệu Monte Cristo. Cohn cuỗm luôn cả hộp. Y cảm thấy một niềm khoái trá cực độ của một người chiến sĩ Thập tự chinh trên
https://thuviensach.vn
đường đi giải phóng lăng mộ đức Kitô ở Jerusalem, được ngừng lại để cướp phá Constantinoble.
“Anh có thể lấy chiếc xuồng. Cứ để lại trên bờ cho tôi.” Cohn chẳng cần mượn xuồng để vào bờ. Y chuồi mình xuống nước, bơi ngửa, tay giơ cao hộp xì gà trên đầu cho khỏi ướt. Y nhìn lên thấy bà Bradford ném xấp ảnh xuống biển. Phí thật! Ảnh có nhiều tư thế làm tình rất thú vị và mang tính ý thức hệ sâu sắc làm Mao Trạch Đông và đám vệ binh đỏ của ông ta có xem cũng không thể coi thường.
Cohn - người Thanh giáo - bồng bềnh, nằm ngửa trong nước xanh, điếu xì gà vẫn gắn nơi miệng, bầu trời phủ đầy mắt y. Bên kia đầm nước và bãi biển, trên sườn ngọn núi Orohéna, những bông hoa dại khổng lồ nhô lên từ dòng suối xanh ngắt, và từ dưới lũng sâu những đền thờ - nơi thần linh không còn trú ngụ - chìm trong giấc ngủ đời đời. Và xa hơn nữa, về phía rặng Faaone ẩn khuất, các cửa sông dâng hiến những dòng nước ngọt ngào cho biển cả. Đại dương đập đôi cánh vĩ đại của mình lên bờ đá, biến thành hàng ngàn con đại bàng trắng tỏa ra, nhô lên trên hàng rào san hô rồi nặng nề rút lui, để lại đám lông trắng xóa. Còn đối với những cặp mắt từng chiêm nghiệm tranh Gauguin nơi viện bảo tàng thì còn có thể thấy cả những ả Vahiné khổng lồ cỡi các con ngựa hồng và vàng lang thang khắp nơi trên nền cỏ biếc.
Về phía bán đảo Taiaropu, năm mươi chiếc thuyền độc mộc, mỗi chiếc hai mươi tay chèo, như từ trong ký ức đi ra, đua nhau lao về phía chiếc tàu La Boudeuse từ hai thế kỷ trước đây, trên mỗi chiếc chất đầy các ả Vahiné trần truồng làm quà tặng cho những người khách lạ.
Cohn bước ra khỏi Đại dương, qua bãi biển, bước xuyên khu rừng chuối. Ngọn núi Orohena cao vút trên y. Gauguin đã vẽ ngọn núi này thực cho đến nỗi người ta ngạc nhiên khi thấy nó vẫn sừng sững ở ngoài đời.
https://thuviensach.vn
Y thấy Meeva đang ngồi rầu rĩ trước cửa nhà, chiếc xà rông đỏ chói quấn quanh hông, đôi vú khổng lồ no tròn như lấy ra từ bức Okahi, bức tranh ưa thích nhất của Cohn.
“Có chuyện gì vậy?”
“Cohn, chúng ta cần tiền. Chủ tiệm không cho mua chịu nữa.” “Thế hai chục ngàn franc tôi đưa cô hôm qua đâu hết rồi, cô ả?” “Thì em mua một cái áo dài mới rồi.”
Với loại chuyện này thì chẳng có thể tranh cãi gì được với cô ả. Cohn - gã bao gái đưa tay gãi râu, ngẫm nghĩ. Có một nhóm du khách mới đến khách sạn Palace.
“OK” y bảo “Lấy cho tôi một cái quần sạch, một chiếc áo sạch, với chiếc găng da màu đen của tôi nữa.”
https://thuviensach.vn
6
Mataoa Jenkins, quản lý khách sạn Paul Gauguin Palace, một người Tahiti chính cống, đưa mắt nhìn Cohn với cái vẻ vênh váo, kiêu ngạo của một người chủ nhân ông đã dám xây một hồ bơi hàng trăm thước ngay trước mũi Thái Bình Dương. Chính cái cảnh tượng này làm Cohn phát khùng. Hình ảnh một hồ bơi nhân tạo nằm ngay bên cạnh cái vô cùng thật quá sức chịu đựng của y. Vì thế nhiều lần y đã định tổ chức một chiến dịch biệt kích cá nhân nhằm phá hoại hồ bơi, và nhiều lần y đã kiếm cách đái vào hồ bơi ngay giữa ban ngày ban mặt. Vì lý do đó, và vì nhiều lý do khác nữa, Mataoa Jenkins hết sức nghi kỵ cái gã vô loại tai tiếng nhất Tahiti này.
“Ông Cohn, chúng tôi đã yêu cầu ông đừng đến đây. Hôm qua có một chiếc tàu cập bến chở toàn những du khách đàng hoàng đến đây. Họ không cần đến... sự phục vụ của ông đâu.”
Cohn dõng dạc đáp: “Dọn buổi điểm tâm cho tôi ở sân thượng. Anh không cấm tôi được. Đây là một nơi công cộng. Tôi cũng có một tình cảm đáng kính, Mataoa. Nhớ nhà đấy mà. Tôi cần thấy những khuôn mặt Mỹ cùng quê cùng xứ ở quanh mình cho đỡ nhớ. Nếu anh để tôi vào, tôi hứa sẽ không bao giờ đái vào hồ bơi của anh nữa. Hình như anh đã phải thay nước đến năm lần thì phải. Nào, giờ hãy cho anh một dịp may đi.”
Gã quản lý khách sạn nhìn y từ đầu đến chân. Cái tên vô loại này hôm nay trông có vẻ ít tồi tệ hơn thường ngày. Quần sạch, áo sạch, chiếc mũ thuyền trưởng trông cũng đỡ bẩn hơn. Y còn mang găng tay, chỉ có một chiếc bằng da màu đen bên tay phải. Trông lần này dáng vẻ
https://thuviensach.vn
y có thể chấp nhận được, ngoại trừ cái mũi trông vênh váo quá, như nó sinh ra để biểu lộ sự xấc láo hơn là dùng để thở vậy.
“Thôi được, ông Cohn, nhưng nhớ đừng có giở trò đấy.” “Cứ tin ở tôi đi mà.”
Cohn lên sân thượng và đưa cặp mắt sắc lẻm liếc quanh một vòng. Toàn những khuôn măt Mỹ lớn tuổi, tốt bụng. Y gọi một cốc cà phê và khi cô hầu bàn Marua lại gần, y phải cố hết sức để không thò tay vào dưới váy cô ta. Y ngồi yên, hiền lành vô tội, trong khi Mataoa lượn quanh như một con kên kên, sẵn sàng lao xuống quặp lấy y nếu như thấy y có ý định giở trò gì.
Sau khi từ tốn nhấp nháp cốc cà phê, y nghiêng người sang bán bên, hỏi, giọng rụt rè: “Xin lỗi ông, tôi có thể mượn ông tờ Time một lát có được không ạ? Tôi xa nhà đã nhiều năm rồi...” Y gục đầu và thở dài não nuột.
Người đàn ông lớn tuổi, khuôn mặt hiền từ dễ thương bảo: “Xin mời ông sang đây với chúng tôi cho vui. Tên tôi là Chaffee, Jim Chaffee, quê ở Des Moines. Đây là vợ tôi, Betsy, và em vợ tôi, Marjorie.”
“Tôi là Bill Smith”, Cohn tự giới thiệu. Y luôn luôn khoái đặt cho mình một cái tên mới, đơn giản, phát xuất từ niềm khao khát mơ hồ và vô vọng nhằm vừa trốn thoát bản ngã và vừa đạt đến sự đơn giản tuyệt đối.
Cohn sang ngồi cùng bàn với họ. Mataoa nhận ra ngay, sẵn sàng phản ứng để bảo vệ khách của lão. Nhưng Cohn tỏ ra thoải mái và lễ phép. Y ngồi nói chuyện nho nhỏ với những người cùng quê hương xứ sở, chắc là cho đỡ nhớ, có vậy thôi. Yên tâm, Mataoa bỏ đi chỗ khác.
“Thế ra cả hai năm rồi ông chưa trở về Mỹ?” Ông Jim Chaffee hỏi y, giọng đượm vẻ cảm thông.
Cohn nhún vai, tuyệt vọng “Làm thế nào được. Ông biết bên nhà họ đối xử với những người cùi như thế nào. Họ nhốt lại một nơi. Luật mà.”
https://thuviensach.vn
“Cùi? Ơ, tôi không...”
“Tôi thưa thật với quí vị, từ khi bác sĩ xác nhận tôi bị phong mấy năm trước đây - xứ này nhiều người bị lắm, quí vị biết đấy - tôi không còn nghĩ đến chuyện về quê nữa. Bên đó họ nhốt vào bệnh viện ngay. Ở đây thì họ để cho chúng tôi đi lại tự do như ông bà thấy đấy. Ở đây họ không xem bệnh này là bệnh lây lan, trừ trường hợp tiếp xúc trực tiếp.”
Y đưa bàn tay đeo găng đen ngay dưới mũi cái cô Marjorie quái quỉ gì đó.
“Cô sờ xem. Bằng thép đấy. Mấy ngón nơi bàn tay phải tôi rụng hết cả. Bị ăn trụi, có thể ăn len lên đến tận cùi chỏ. Thật ra nếu điều trị ngay ở giai đoạn đầu bằng thuốc Enelpha thì cũng có thể chế ngự được, tiếc rằng tôi khám phá ra mình mắc bệnh hơi muộn.”
Cả ba người du khách bỗng nhiên hóa thành pho tượng. Một trong ba pho tượng, Marjorie quái quỉ gì gì đó xem chừng sắp vỡ thành mảnh vụn. Cô ta ta kinh hoàng nhìn bàn tay đeo găng đang huơ huơ thân mật trước mũi mình.
“Tự nhiên là đời sống tôi hơi khó khăn. Tôi không thể làm việc, tôi cũng không thể gửi thư xin tiền nhà. Gia đình tôi bên ấy không biết gì chuyện này. Tôi không muốn làm họ đau khổ. Tội nghiệp má tôi, quí vị tưởng tượng xem, nếu như bà ấy biết... Cũng may mà mọi người ở đây rất tốt với tôi. Đặc biệt là đồng hương người Mỹ. Họ không bao giờ để tôi nguy kịch. Họ là cái dân tộc tốt bụng còn lại trong cái thế giới buồn thảm này.”
Y nhẹ nhàng rút tay về. Y sợ cái cô Majorie hoảng loạn hơi sớm. Đó là một kinh nghiệm về con người cực kỳ thú vị. Bản chất có giáo dục khiến họ ngồi cứng trên ghế chứ không lập tức đứng dậy chạy trốn mặc dầu họ rất muốn. Jim Chaffee, ở Des Moines, mặt xám ngắt, hối hả đưa tay lục túi áo.
“Dĩ nhiên, tôi rất sung sướng,... ơ... ông cho phép... ơ, tôi không mang tiền mặt, ông nhận chi phiếu cũng được chứ ạ?”
https://thuviensach.vn
“Tôi không hề có ý định xin tiền ông”, Cohn nói bằng giọng tổn thương.
“Ơ, nhưng mà ông phải...”
“Không, nhất định không...”
“Nhưng tôi van nài ông mà, là người Mỹ đồng hương với nhau...” Cuối cùng thì Cohn cũng nhượng bộ. Cái lão già tội nghiệp đó hiểu rằng họ chẳng có cách gì chạy được trừ phi phủ lên sự rút lui bằng một cử chỉ nhân đạo. Viên quản lý, cảm thấy có cái gì bất ổn, bắt đầu lượn gần chỗ họ ngồi một cách bồn chồn. Cohn ngầm dùng một ngón tay chỉ về phía lão với một cử chỉ thô tục. Cuối cùng y nhận của
ông Mỹ kia một chi phiếu 300 đôla. Xem ra khá hơn lần trước. “Xin lỗi, nhưng chúng tôi có việc phải đi”, Jim Chaffee vừa nói giọng hơi run, vừa bật ra khỏi ghế như bị ai đạp vậy.
Cohn đề nghị: “Tôi rất muốn đưa quí vị đi xem hòn đảo.” “Ồ, không... không, cám ơn ông! Bên công ty du lịch người ta lo hết mọi việc rồi.”
Cả ba giờ đây đã rời khỏi ghế. Đây là cái cảnh tượng nực cười và thú vị nhất, khi cái ý tưởng “Bill Smith” sẽ bắt tay họ làm cho cả ba thấy lạnh xương sống.
Chaffee ấp úng: “Nếu như tôi có thể làm gì đó cho ông tại Mỹ...” Ba trăm đô la, Cohn ngẫm nghĩ. Tiền họ bỏ ra đáng lắm. Nói cho cùng thì đây là đỉnh cao trong cuộc du lịch của họ. Rồi họ có thể kể cho bạn bè nghe suốt buổi về câu chuyện một chàng trai Mỹ sáng sủa bị mắc bệnh phong ở Tahiti. Đúng là một bức ảnh nhiệt đới hoàn hảo, thuần túy Somerset Maugham, mang dáng dấp truyền kỳ của vùng biển phương Nam. Quả thực y đã làm cho 300 đô la họ bỏ ra xứng đồng tiền bát gạo.
“Ông có thể chụp một bức ảnh tôi với bàn tay này.” Cohn tử tế đề nghị. Họ làm như không nghe.
https://thuviensach.vn
“Nếu như tôi có thể giúp ích gì ông bên nhà...” Ông Chaffee lập lại y như một cái máy, mồ hôi tươm trên trán.
“Không có gì đâu”, Cohn nói, “Ơ, có một điều này...” Giọng chùn xuống, y thở dài, “tôi sợ như thế này thì quá lãng mạn, nhưng... nhưng ông hãy gởi cho tôi một nắm đất quê nhà, qua khách sạn này. Tôi sẽ mang nắm đất luôn bên mình. Tôi biết điều này thật kỳ cục, nhưng mà tôi xa nhà lâu quá rồi. Ơ... ơ người mẹ tội nghiệp của tôi, thôi...”
Người đàn bà lớn tuổi bật khóc. Lão quản lý xuất hiện tức khắc, quan sát Cohn như người ta thăm dò một trái bom.
“Ông Cohn, chúng tôi đã yêu cầu ông đừng làm phiền khách.” Jim Chaffee, ở Des Moines, trừng mắt nhìn lão, nghiêm nghị “Hãy để ông ta yên.”
Rồi ông ta quay lại nhìn Cohn và tuyệt vọng tìm kiếm một lời để an ủi y, một lời lạc quan, một lời thật sự mang chất Mỹ. Cuối cùng ông nói: “Ông hãy liên hệ với ông lãnh sự của chúng ta ở đây. Liên hệ với ông ta thường xuyên nhé. Tôi chắc chắn ông ấy giúp ích được nhiều cho ông đấy.”
Mặt lão quản lý Mataoa thộn ra vì ngạc nhiên. Hai người phụ nữ đứng tuổi kia bật khóc, Cohn thì đưa tay chùi mắt, trong khi Jim Chaffee sụt sịt chùi mũi bằng chiếc khăn tay. Quá xúc động, y giang rộng dôi tay định ôm cái ông người Mỹ tốt bụng vào lòng khiến Chaffee xanh mặt, nhảy lùi lại mấy bước. Cohn nhặt tờ Time trên bàn lên đưa cho người đồng hương.
“Ông quên tờ tạp chí...”
Cả ba lùi lại, tụm vào nhau thành một khối phòng thủ, hãi hùng trước cái ý tưởng phải chạm tay vào tờ báo đầy vi trùng cùi kia. “Không sao, không sao. Cứ giữ lấy, giữ lấy...”
Jim Chaffee hơi vẫy tay chào y, rồi thúc hai người phụ nữ rút lui nhanh nhanh về phòng khách sạn. Cohn đứng yên, hình dung ba người
https://thuviensach.vn
này trần truồng, đang lấy rượu tưới lên thân thể nhau, không chừa chỗ nào. Rồi y đi đến quầy khách sạn và đưa tờ chi phiếu du lịch ra. “Đổi tiền mặt cho tôi.”
Người phụ nữ sau quầy đeo kính lên. "Ba trăm đô la? Lần này ông bày đặt chuyện gì để nói với họ vậy, ông Cohn?"
Cohn đáp gọn: “Ờ thì bạn cũ của gia đình chứ có gì đâu. Đổi nhanh lên.”
Nhưng quá muộn. Y nghe thấy tiếng gầm dữ dội của con tê giác bị thương là Mataoa Jenkins đang phóng rầm rập xuống cầu thang, bộ mặt giống như một mặt nạ Polynesie nhăn nhúm vì hận thù.
“Thằng khốn, mày đừng bao giờ đặt chân vào đây nữa đấy. Tao sẽ cho mày biết tay nếu như mày còn làm cho khách của tao hoảng hốt vì những lời bịa đặt của mày!”
“Ý ông nói mấy vị khách đó họ phàn nàn điều gì à?”
“Tất nhiên rồi chứ còn gì nữa?” Mataoa gầm lên, “Họ dọa sẽ bắn tôi vì đã để bọn cùi quanh quẩn trong khách sạn làm phiền khách!” Cohn cảm thấy bị “sốc” thật sự. “Thật đúng là những người tàn nhẫn, chai lì. Thú thật với ông, tôi đau lòng hết sức. Tôi thất vọng quá!”
“Cút ra!”
Lão nắm lấy cổ áo Cohn, tay kia nắm lưng quần, áp giải y ra đến cửa và kết thúc cái nghi thức trang trọng đó bằng một cú đá đít chính xác khiến Cohn văng ra khỏi khách sạn, té nằm úp mặt trên đất. Cohn có cảm giác khoái trá khôn tả. Lại một lần nữa y đã làm được một cái gì tích cực cho thế giới của người da trắng ở Nam Thái Bình Dương này.
Trước khách sạn có một số người Âu, trong số đó là ba anh em nhà Vervieux từ Congo đến đây. Ở Congo họ đã mất sạch tài sản cha truyền con nối từ hai thế hệ. Cohn đang lóp ngóp bò dậy, phủi bụi định bước đi thì gã trẻ nhất trong ba anh em người Bỉ chặn đường.
https://thuviensach.vn
“Ê, tên kia.”
Đó là một gã vạm vỡ, dữ dằn, mặt quằm quặm tỏ ra không hề biết đùa chút nào. Cohn thật ra không hoàn toàn chống chủ nghĩa thực dân. Y vẫn cho rằng vài thế kỷ đô hộ của người Âu lên Phi Châu biết đâu cũng có cái hay. Đời sống dục tính của Tây Phương càng ngày càng trở nên máy móc và buồn chán.
“Thằng khốn, nếu mày còn để cho một tên bản xứ đá đít mày như vậy thì tụi tao sẽ đi hãm hiếp và giết chóc bọn bản xứ ngay tại đây, như đã làm ở Congo đấy.”
Trí tò mò của Cohn nổi dậy, y hỏi “Thế thực sự ở Congo ông đã hiếp và giết ai vậy?”
Gã người Bỉ tiến lên một bưóc, Cohn lùi lại hai bước. “Thằng da trắng phản bội kia, nếu lần sau mày còn để cho một tên bản xứ đá đít mày, chúng tao sẽ cột đá vào cổ mày và ném xuống nước đấy, liệu hồn.”
Cohn vốn luôn nhanh nhạy nhất khi y bị giằng co giữa sự vênh váo và nỗi sợ hãi. Lần này trí óc y vụt hiện ra một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời.
“Ông dám làm thế không?” Y cao giọng, âm sắc Mỹ mạnh mẽ: “Tôi là tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở đây, và tôi không cần ai dạy bảo về phẩm giá của người da trắng cả.”
Gã người Mỹ há hốc: “Tổng, tổng...”
“Đây, danh thiếp tôi đây, thưa ông.”
Học theo đúng phong cách của một Picaro chân chính, Cohn luôn luôn mang theo danh thiếp của ngài Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở xứ này, người mà y căm ghét thậm tệ, chỉ vì cái lão khốn này thường xuyên tìm cách trục xuất y khỏi xứ.
Cohn bỏ đi, miệng huýt sáo vui vẻ. Rỉ tai là phương tiện truyền thông mau lẹ nhất ở xứ này. Chỉ trong vài giờ nữa là cái vụ lá cờ sao sọc bị làm nhục này sẽ được truyền đi khắp nơi, và Ngài T. Jefferson
https://thuviensach.vn
Jr. ấy hẳn sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao cả người Pháp lẫn người Tahiti đều nhìn mình cười tủm tỉm vậy. Vụ chơi khăm này quả là một nét cọ hoàn hảo. Thì Cohn là một nghệ sĩ thật sự mà.
Cô ả Meeva đang đợi y bên lề đường, trước một cửa hiệu Tàu. Ả mặc quần Jean, điều mà Cohn rất tởm - Phải có sắc luật cấm các cô gái Tahiti mặc blue jean mới được, y thầm nghĩ - Y đưa cho ả tấm chi phiếu.
“Đây này. Ba trăm đô. Đổi đi.”
Ả nhổ một tiare, bông ban trắng, trên đầu xuống, âu yếm đặt lên vành tai của gã popaa của ả. Y cầm lấy tay ả. Y thích thấy tay ả trong tay mình cũng như y thích cùng ả tay trong tay đi dọc đại dương, với một bông hoa trên vành tai. Bằng cách nào đó, y cảm thấy mình vô tội, tưởng như y nắm lại được ít nhất một phần nào đó của “con người của mình trước khi thế giới bắt đầu.”
Mặt trời - đỏ ối, sưng vù như thể sắp bung ra và hạ sinh một thiên anh hùng ca mới, đẫm máu - đang nặng nề chìm xuống biển trong ánh sáng nhạt nhòa của buổi bắt đầu của thế giới, như đang khẳng định rằng hẳn phải từng có ánh sáng nào đó cho một cuộc chuyển dạ như vậy. Rồi màu chàm và xanh thẫm ngự trị hết vùng Moorea, còn đầm nước thì chìm hẳn vào bóng tối - Hàng dừa chỉ còn là những bóng đen, tuy vẫn chút ít ánh bạc nơi chỗ mà cát bắt đầu trải ra biển. Và cái thế giới đã chết của những đá - mẹ, Madrepore, thường được gọi là san hô, đang đưa lên khỏi đầm nước đen những mảnh xám xịt của sự sống của mình, với những con còng biển màu vàng nhỏ xíu đang chạy rối rít giữa đám rong.
Ba trăm đô la thì cũng lớn bộn, nhưng một phần còn phải để trang trải cho sơn, bút vẽ. Thật là phí tiền vô ích nếu xét rằng Cohn chẳng khi nào sờ đến cây cọ; rằng y hoàn toàn thiếu khả năng trong lãnh vực này. Tuy vậy, các du khách mà gã hướng dẫn viên Puccioni đưa đến Ngôi nhà Hoan Lạc chờ đợi gặp nơi đây một không khí có vẻ nghệ thuật, nên đơn giản là cần phải có nhiều sơn dầu, “cho những
https://thuviensach.vn
bức sắp thực hiện” và bút cọ vứt lung tung. Cũng như tất cả những tên bịp khác, Cohn rất có tinh thần hiện thực. Điều kiện tiên quyết để làm một Picaro là phải tạo lòng tin - Đâu phải không có cái gì chứng thực mà phỉnh người ta được. Cho nên Cohn đã chạy đi mua chịu ở cửa hiệu bán dụng cụ hội họa của Smirnoff. Tóm tắt, y cần thêm tiền.
Ở đây có một người Đức mới đến mà y chưa khai thác. Một người Đức thì hẳn phải hiểu “tội lỗi” và tội lỗi thì luôn luôn là một cơ hộ tốt cho ta kiếm tí tiền.
Y leo lên chiếc Honda cà tàng.
“Lên đi”, y bảo Meeva.
Khi y nổ máy xe, Meeva bắt đầu cất tiếng hát. Đó là một bài dân ca Maori xưa kể về bầu trời đã giao hoan với mặt đất như thế nào, và buồn thay, cuộc yêu đương của họ bị gián đoạn trong bất hạnh bởi ngọn thủy triều khổng lồ của đại dương, vốn ghen tuông điên giận với trời bởi đại dương cho rằng trái đất thuộc về mình và chỉ đại dương mới có quyền vuốt ve mặt đất. Và thế là, niềm hoan lạc của hai kẻ làm tình bị ngưng ngang, và trái đất , thay vì hạ sinh một nhân-thần như đôi lứa mong đợi, chỉ sinh được một con người phàm trần. Cohn nghĩ, chắc chắn đó là một Coitus interruptus - một cuộc giao hoan bị gián đoạn - khó chịu nhất của mọi thời.
Y gắt: “Im đi, cô làm tôi fiu quá.”
https://thuviensach.vn
7
Họ chạy xe ra đến bãi biển san hô. Cohn dừng lại, xuống xe và đi vào rừng dừa, khoái cảm thấy đôi chân trần chạm lên nền cát dịu. Ngôi biệt thự mà lão Popoa người Đức thuê hiện ra giữa hàng dừa, trắng xóa rực rỡ. Đây là ngôi biệt thự đẹp nhất ở Pouavia này.
“Đợi tôi ở đây.”
Cohn tuột quần áo. Trần như nhộng, y lăn mình trên cát trắng cho đến khi y giống hệt như một con người tiền sử vừa bò ra khỏi tổ của mình để kiếm một con thằn lằn hay một cái trứng rùa nào đó.
“Cohn, anh định làm gì với cái ông người Đức đó? Trông anh ghê quá.”
“Đừng lo.”
Y để ả đứng sau hàng dừa, tiến về phía biệt thự. Phía bên kia đầm nước, hàng dừa nghiêng đầu, cúi mình xuống làn nước xanh biếc trong dáng vẻ phiền muộn, giống như vẻ sầu muộn của những bức tranh tôn giáo Ý, hay vẻ tang tóc của những dàn đồng ca Hi Lạp cổ đại. Hàng dừa phủ lên toàn đảo một vẻ trầm buồn càng lúc càng đậm hơn khi bóng in của chúng trải dài thêm trên cát.
Ngôi nhà, do một kiến trúc sư Thụy Sĩ xây dựng, nổi tiếng vì dáng dấp hiện đại nhất trên toàn đảo, bao quanh bởi những thảm cỏ mượt mà, rất hiếm thấy ở Tahiti. Thảm cỏ trồng kéo dài từ mép đầm đến tận ngôi nhà, được chăm tưới kỹ lưỡng. Giữa các thảm xanh biếc mênh mông ấy, chủ nhân, một người dáng sang trọng, đang duỗi mình trên chiếc ghế dài, tâm trí rõ ràng thanh thản, mắt đưa mông lung nhìn vào vô cùng.
https://thuviensach.vn
Cohn liếm môi. Rõ ràng đây là một kẻ trốn chạy. Cái lão khốn này hẳn tưởng rằng mình đã chạy đủ xa, lão cảm thấy bình yên nơi đây, thoát khỏi mọi sự. Được, y sẽ dạy cho lão biết rằng người ta không thể trốn thoát khỏi bất cứ điều gì.
Người làm vườn đang tưới hoa. Tên lão là Muhuu, nhưng ai cũng gọi lão là Popaul. Lão nhìn thấy Cohn và tất nhiên có phản ứng như tất cả những người ở Tahiti có liên hệ cách này hay cách khác với tên vô loại khét tiếng này. Lão buông vòi nước xuống và chạy ra chặn y.
“Anh làm gì mà trần như nhộng vậy Cohn?”
“Ừ thì mới bơi xong. Có ông kia muốn hỏi mua tranh của tôi ấy mà.”
Rồi y rón rén bước lại gần con mồi, vừa đi vừa lập lại một số động tác co giật thần kinh. Không quá cường điệu, chỉ vừa đủ để trông có vẻ thật và gợi lòng tin. Y quyết định co vai phải đồng thời giật giật ở mắt phải và méo miệng cho bọt mép sùi ra, thêm vào đó là tiếng gừ gừ phát ra từ cổ họng như tiếng chồn. Chính nhờ cái tiếng kêu nhỏ thảm thiết của một con thú hoang đó khiến lão người Đức đang mơ màng nhận ra có sư hiện diện của con người bên cạnh mình.
Ông ta thấy trước mặt mình một kiểu đạo sĩ Ấn Độ trần truồng, người và mặt dính đầy cát. Vẻ bề ngoài đáng kinh sợ đó còn được tô đậm thêm bởi cơn co giật thần kinh liên hồi trông rất khủng khiếp. Vốn là ngưòi nhã nhặn, ông ta bèn đứng dậy, hoặc chắc là thấy cái thân thể trần truồng, cùng với những cơn co giật đó, với đôi mắt man dại và hàm râu rậm rì, ông ta tưởng mình đang rơi vào trong một cảnh giới thánh thần nào đó.
“Tôi xin lỗi vì...”
Kèm theo là tiếng kêu gừ gừ từ cổ họng, một cơn co giật ở gò má phải. Và trong giây phút sáng tạo ấy, Cohn quyết định thêm vào tật cà lăm cho đủ bộ.
“X... xin... lỗi... đã... làm... ph... phiền... ông.”
https://thuviensach.vn
Cohn nhẹ nhõm khi thấy lão người Đức này khá già để hiểu biết lịch sử. Tóc bạc trắng, khuôn mặt nhạy cảm và buồn, cặp mắt trầm tư. Cohn luôn luôn thích làm ăn với những kẻ nhạy cảm: họ dễ nhượng bộ hơn. Vả lại loại người này khiến cho y có cái cảm giác khoan khoái rằng y đang thanh toán nợ nần với chính mình
“Ch... chúng... ta... là... h... hàng... x... xóm...Tôi... s... sống nơi... một cái h... hang... gần đây. T... trốn, ông hiểu chứ. Kh. khi tôi nghe cuối... cùng ông đã đến đ... đây, tôi... tôi biết ch... chẳng sớm thì... muộn...” Y thôi không làm mặt co giật nữa, không nên phí công làm quá nhiều “ C... có lẽ ông còn... nh... nhớ tôi?”
“Ơ... tôi không chắc...”
“Ch... cho phép tôi nhắc ông. Cohn. Moshel C... Cohn, con trai của Leiba Cohn.”
“Còn tôi là Martin Grutt, từ Munich đến. Rất mừng được gặp ông.”
“Ô... ông kh... không nhớ ra tôi?” Cohn thì thào. “Ông đ... đã... qu... quên hết cả.”
Ông già người Đức trông hơi bối rối, Y nghĩ. Vượt tám ngàn dặm bằng máy bay đến nơi tận cùng thế giới, Tahiti, thiên đàng trần thế, hẳn lão nghĩ rằng mình đã bỏ lịch sử lại đằng sau. Lão đưa tay làm một cử chỉ bất lực.
“Tôi xin lỗi, nhưng... mặc dầu tên nghe rất quen.”
Đại dương cất tiếng cười vang trên bờ đá san hô đến nỗi Cohn sợ rằng người anh em biển cả của mình sẽ phá hỏng cuộc chơi. “Tôi thấy rằng tên tôi không gợi ra gì nơi ông, giờ đây, sau hai mươi lăm năm. Nhưng mà cái họ Cohn, ông cũng không nhớ ra à? Một loại Nhật ký của Anne Frank và tất cả những gì tương tự - Ghết tô ở Varsovie - không à? Những cái đó không gợi cho ông điều gì ư?” Một loạt co giật ở mặt, ba tiếng gừ gừ nhỏ thốt ra từ cổ họng, một làn sóng co giật liên tiếp ở đầu, cổ và vai mà thật ra là một vũ điệu dậm dật ngắn mà Cohn thường làm. Lão Popaa người Đức đứng lặng,
https://thuviensach.vn
cuốn Những hòn đảo kỳ thú của Gonçalves còn kẹp nơi nách, những bông hoa đỏ rực phủ lên nền phía sau nhà và xa hơn, đàng kia, đại dương toét miệng cười, khoe hàm răng trắng muốt trên bờ đá mượt.
“Khi tôi nghe ông đến đây, tôi tự bảo “Cohn, đã đến lúc rồi, mày phải khai tức khắc. Mày không thể trốn chạy mãi được nữa.” Mặt y mở rộng, trắng dã, chấn động trước một nỗi kinh hoàng không tên. Để đạt đến trình độ nghệ thuật hoàn hảo này cũng như khi y trình diễn một vũ điệu co giật thần kinh, y luôn nghĩ đến giáo sư Teller, cha đẻ của bom hy-drô, để làm cho khắp người y nổi da gà lên. Nhưng hôm nay trời nóng quá, không làm thế được. Y bèn cho làn môi mấp máy. Nói đến nghệ thuật, Cohn là người theo chủ nghĩa hiện thực mà.
“Hai mươi lăm năm nay tôi sống chỉ bằng chuối. Tôi chui dưới đất như một con chuột chù. Nhưng dầu sao trong 25 năm cái tên Cohn này vẫn sống sót được trong khi gia đình hắn, chị hắn, cha hắn, mẹ hắn, anh em hắn, tất cả họ đều...”
Lại một đợt co giật cơ bắp trên khắp người y. “Auschwitz! Auschwitz!”
Mắt y tràn đầy một nỗi kinh hoàng, khiến người đàn ông kia không phải khó khăn gì để thấy nơi cặp mắt đó hình ảnh của sáu triệu xác chết Do Thái. Cohn nghe thấy từ đám hoa tiếng cục cục gợi cảm. Tiếng bồ câu. Vì Tahiti thiếu chim, nên Bizien, gã giám đốc du lịch đã cho nhập vào đây cái giống chim dễ thương và có giới tính rất mạnh này để làm tăng thêm tính hấp dẫn cho truyền thuyết về tình yêu vĩnh cửu.
Ông già Đức trắng nhợt như xác chết.
“Tôi không thể khẳng định với ông rằng tôi không có dính dáng gì với cái chuyện khủng khiếp ấy cả”, giọng ông ta vỡ, lạc đi. Lão làm vườn Muhuu, tay vẫn cầm ống tưới cây, quan sát hai người. Lão chắc bẩm có chuyện gì lộn xộn đây, và sẵn sàng đợi có một dấu hiệu nhỏ nhất là can thiệp ngay. Nhưng Cohn cảm thấy an toàn.
https://thuviensach.vn
Cái con người đáng kính này chắc hẳn không bao giờ là một tên phát xít. Vậy thì ông ta sắp xùy tiền ra. Ông ta phải làm thôi. Bởi chỉ người vô tội mới có mặc cảm tội lỗi.
Cohn sáng tạo thêm một cú co giật đầu gối rất tuyệt, lần này có cơ sở y học thật sự.
“Có lẽ ông thắc mắc là ngôi sao David của tôi đâu, nhưng ông thấy đấy, ở đây chúng ta sống trong Vườn Địa Đàng và tôi hoàn toàn trần truồng. Luật bắt người Do Thái phải đeo sao sáu cánh ở trên quần áo, chứ đâu phải trên da thịt. Có thể ông bảo rằng bây giờ luật đã đổi, rằng người Do Thái phải đeo hình ngôi sao trên da, bởi vì có nhiều thay đổi, và bởi vì Fermi, Einstein, Oppenheimer và Teller đều là Do Thái hết, nhưng tôi đâu có biết. Tôi thì tôi không hề biết, tôi thế đấy!”
Nếu cái lão khốn với cái khuôn mặt hiền từ, nhạy cảm này tưởng rằng chỉ cần mua vé máy bay đi đến đây và thuê một biệt thự đẹp đẽ này ở Tahiti là có thể trốn thoát khỏi lịch sử thì lão đã lầm.
Người Đức nói bằng một giọng ngập ngừng, mặt trắng bệt như một người da trắng có thể trắng - “Chuyện đó chấm dứt rồi. Chấm dứt lâu rồi. Điều đó không bao giờ xảy ra lại nữa.”
Cohn thoáng có cảm giác ông khách du lịch này không chịu trả tiền, nhưng y tự trách mình ngay vì cái ý tưởng bất chính đó. Y lắp bắp: “Tôi mừng thấy ông đến xứ này. Tôi đã chờ đợi quá lâu trong sợ hãi. Chờ đợi đã hai mươi lăm năm rồi - đợi họ đến và chất lên tàu đưa đi - đưa trở về nhà...”
Từ tận đáy sâu trong cổ họng y thoát ra một tiếng kêu, tiếng một con thú ở bước đường cùng, một con thú - người, tất nhiên. Y đứng yên một lát, mắt mở trừng trừng, mồm méo xệch. Rồi y lắc lay đầu và nhìn quanh, như thể vừa ra khỏi một cơn mơ. “Tôi sống gần đây” - y lắp bắp từng hồi - “Chúng ta là láng giềng. Nếu ông cần điều gì thì tôi, Cohn, Moses Cohn... tôi xin chào mừng ông đến nơi thiên đàng trần thế này.”
https://thuviensach.vn
Y quay người và bước đi, dáng cứng ngắt như một rôbô. Y gặp Meeva, dưới hàng dừa và mặc lại quần áo.
“Anh kiếm được bao nhiêu, Gene?”
Cohn ngạc nhiên nhớ ra “Chết tiệt, tôi quên mất..”
Hồi nãy y hoàn toàn quên mất chuyện tiền. Điều này thường xảy ra khi y có hứng khởi thật sự. Không còn gì quan trọng nữa ngoại trừ nhảy múa. Hoặc hủy hoại. Cũng là một thôi. Chẳng hề gì, ý nghĩ. Đôi khi người ta hành động theo tinh thần nghệ thuật vì nghệ thuật, có sao.
https://thuviensach.vn
8
Từ dưới kia, về phía Mooréa, vòng cung đá san hô đứt đoạn chừa một chỗ cho nước biển tràn vào, sóng biển trắng xóa lao vào bờ biển đang dang tay đón chào với cái vẻ tự tin, oai vệ đầy nam tính của thần Teona, người cha đầy sinh lực của mọi biển cả. Bọt biển - vẫn mang vẻ tinh khiết nguyên sơ của hành động sáng tạo đầu tiên - đang chìm dần xuống cát trong tiếng thì thầm khoái cảm nhè nhẹ. Hàng ngàn cây dừa cúi đầu xuống dưới chân của thần Orohena, vị Thần Phẫn nộ sau này bị đánh bại và trở thành một ngọn núi lửa chết. Những dải cỏ xanh ngắt ôm lấy tấm thân trần truồng sù sì của ngọn núi lửa chết khuất hút vào những thung lũng sâu đen thẫm, nơi ánh sáng của biển và trời giao nhau trong một màu tăm tối bí nhiệm.
Trên đường về họ ghé lại chỗ ở của Le Goff - Đây là một gã phiêu lưu đang gặp buổi khó khăn. Vài ngày trước, nàng Vahine của gã có ghé Meeva và khóc lóc bảo Meeva rằng gã Popaa của cô nàng chắc sụm rồi và đòi Meeva tìm cho cô nàng một ông chủ nào khác mà cô nàng có thể yêu thương cung phụng hết cuộc đời còn lại. Bởi cô nàng đã quá chán phải ăn chỉ toàn cá và cả mấy tháng nay không có được một cái áo mới nào cả - Thật là mất mặt. Nếu có một điều trên đời này Meeva biết tường tận, thì đó là các câu chuyện mủi lòng. Thế là ả thúc giục Cohn. Y biết còn một vai khuyết và đã nói với Bizien chuyện này. Viên Giám đốc Du lịch đồng ý rằng Le Goff có râu tóc vàng, dáng vẻ buồn, nhẫn nhục đúng với nhân dáng và công việc đòi hỏi.
https://thuviensach.vn
Họ nghe tiếng nước chảy và thấy túp lều cỏ trên ngọn đồi giữa hàng cây đu đủ trái to bự treo lủng lẳng. Hình như ánh sáng khắp mọi nơi ở cái xứ Tahiti này đều chứa tính chất của biển cả. Mỗi giọt ánh sáng đều mang trong mình màu lục biếc của vịnh, màu vàng của lưu huỳnh, màu xanh trong suốt của đầm nước. Họ bỏ xe và đi xuyên qua con đường hầm đầy hoa đỏ ối và tím thẫm dẫn đến ngôi nhà.
René Le Goff, trần như nhộng, chồm hổm trước nhà đang nướng cá. Ngồi bệt trên đất bên cạnh gã là cô nàng Vahine Taimaha, áo màu xanh và trắng, đang cho đứa bé mới sinh bú, đứa bé mà cô nàng đã yêu cầu những gia đình khá nhất trên đảo nhận làm con nuôi. Cohn thường ngẫm nghĩ về cái phong tục của người bản xứ Polynesie đem đứa con máu huyết của mình cho người lạ và nhận đứa con khác làm con nuôi. Có lẽ tục này bắt nguồn từ nghi tiết tôn giáo Arii bắt buộc tín đồ phải giết con của chính mình. Bằn cách đem con cho người khác và nhận con người khác làm con mình, họ thoát khỏi lời nguyền mà không hề xúc phạm đến thần linh.
Le Goff có khuôn mặt buồn, bộ râu vàng dài thượt, tóc phủ xuống vai, cả người gã bôi đầy sơn đỏ, xanh, vàng.
“Chào René, có gì mới không?”
“Chào Cohn, tôi nghĩ tôi bị lậu tái phát.”
“Đó là do khí hậu đấy”, Cohn khôn khéo nói.
René thở ra. Với tóc và râu vàng óng, rực rỡ, gã trông giống một người chiêm tinh Cohn từng quen biết ở khu La Tinh. “Tất nhiên, tiêm một phát pê-ni thì hết ngay. Nhưng làm thế thì phạm vào một vấn đề đạo đức. Trên nguyên tắc thì tôi phải tự chữa bằng cách đặt tay lên người chứ. Nếu họ biết tôi phải đi nhờ bác sĩ chữa...”
“Thì nhờ cha Tamil, bên dòng Dominican ấy, nhờ ông ta tiêm cho một mũi. Ông ta vui lòng ngay. Ông ta không nói cho ai biết đâu.” “Nhưng nhờ đến sự giúp đỡ của một tôn giáo khác thì bẽ mặt quá.”
https://thuviensach.vn
Le Goff đến Tahiti ba năm trước đây. Vào thời gian đó giới trẻ ở nước Anh làm cuộc diễn hành hàng chục ngàn người trên khắp đất nước nhằm phản kháng sự điên rồ của cuộc chạy đua võ khí hạt nhân và tình trạng gọi là “sự thăng bằng của nỗi khủng khiếp.” Le Goff nói rằng gã cũng cố tổ chức những phong trào phản kháng tương tự ở Pháp, nhưng gã phải chịu thua vì người Pháp vốn quá cá nhân chủ nghĩa nên không hề quan tâm đến mối đe dọa về cái chết tập thể. Quả là mọi người Pháp dường như đều cho rằng không có niềm an ủi nào lớn hơn là cái chết của chính cá nhân mình.
“Thoạt đầu tụi tôi cố diễn hành qua Musée de L’Homme ở Paris, trần truồng và bôi sơn từ đầu đến chân, để tượng trưng cho tình trạng sa đọa và man rợ của chúng ta. Tụi tôi chỉ gợi được sự tò mò chốc lát của quần chúng, thế thôi. Tụi tôi cố kéo dài vài tháng nhưng quần chúng thì hoàn toàn lạnh nhạt. Anh biết đấy, người Pháp chúng tôi rất khinh bạc, họ chẳng hề thèm tin vào sự chấm dứt của thế giới. Tụi tôi cảm thấy mình chỉ mua vui cho họ. Thế là tôi tự bảo “Cút xéo chúng mày đi!” Rồi tôi trốn đến đây. Dân ở đây thấy tôi ngồi trần truồng, mặt sơn xanh đỏ, họ bèn xem tôi ít nhất cũng là một vị thần, một Tiki mà nước Pháp trả lại cho họ. Người ở đây thấy cần phải tin vào một cái gì đó. Họ cho tôi ăn. Tôi trở thành một loại phù thủy - thầy thuốc của họ.”
Thế là dần dần, chẳng biết bằng cách nào, Le Goff trở thành một Đạo-sờ, tức chữa bệnh bằng cách đặt tay mình lên thân thể người bệnh, dĩ nhiên trừ người hủi, bởi gã chẳng dám đặt tay vào. Một lần, gặp một nữ bệnh nhân khá đẹp, thay vì chỉ đặt tay, gã lấy luôn ả Vahine này.
Gã suy sụp hoàn toàn, chỉ uống rượu và làm tình suốt ngày; dầu gã vẫn tự làm ra bộ nghiêm chỉnh như một thầy lang có bùa phép thật sự, và vị thầy lang này vẫn phẫn nộ dữ dội khi các ngư dân ở Buuva đi ra biển mà chẳng thèm dâng cúng gì cho gã, có một sự thật là chỗ của gã chẳng hề được đưa vào danh sách “những địa điểm văn hóa phải
https://thuviensach.vn
đến thăm cho bằng được” do công ty du lịch ấn hành, nghĩa là gã chẳng hề kiếm chác gì được từ du khách cả. Dân làng thì tử tế, vẫn cung cấp cho Tiki của mình cá và trái cây để đủ sống qua ngày. Dầu vậy Le Goff vẫn mơ màng đến vinh quang trong tương lai.
“Tôi muốn thiết lập một cơ sở vững chắc hơn”, gã vừa nhận điếu xì gà Cohn đưa, vừa nói, “Tôi muốn dân ở đây xây cho tôi một thánh đường.”
Cohn bật cười. Y chẳng hề tin một lời nào của Le Goff về cái cuộc thập tự chinh của gã chống lại bom hạt nhân ở Pháp cả. Tất cả những vết sơn xanh vàng đỏ trên người có lẽ chẳng qua là nhằm ngụy trang cho khuôn mặt của một gã anh chị mà Cảnh sát quốc tế đã biết quá rõ.
“Anh thấy ý kiến được không? Ai cũng phải cần đến cơ sở vật chất cả. Sau này, khi họ thôi tin tưởng ở tôi, thì ít ra tôi cũng còn được ngôi nhà thờ. Tôi tin vào bất động sản.”
Đứa bé khóc ré lên và Taimaha cười hãnh diện nhìn Cohn. “Anh xem thằng bé đẹp không? Nó bắt đầu giống anh như hệt rồi đó. Chị gái tôi cũng có một đứa con trai với một thủy thủ người Anh, nhưng đâu có đẹp bằng thằng này.”
“Cô chắc chắn rằng tôi đã ngủ với cô rồi à?” Cohn hỏi. Y đưa tay véo mũi đứa bé, thằng nhỏ đạp đạp chân.
Taimaha nói ngay: “Đó, nó nhận ra anh đó.”
Meeva tươi mặt, vẻ đồng tình.
Từ trên hàng cây Matave lá đỏ thắm, ngọn núi mà Gauguin đã vẽ trong các bức họa lừng danh của mình, bao phủ một vẻ đẹp nhục cảm phàm trần, có vẻ ít là một biểu lộ của thiên nhiên hơn là một sản phẩm từ một cặp mắt người đang cố sức hình dung. Trong bối cảnh đó là gã phiêu lưu tóc vàng trần truồng, khuôn mặt sơn vằn vện, có lẽ nhằm che giấu dưới lớp sơn nét mặt của một tên Nazi hoặc một gã tội phạm quốc tế bị săn đuổi; là người đàn ông mà tên không phải là Cohn, là hai ả vahine chỉ là vahine; là đứa bé mà do một mầu nhiệm nào đó sẽ
https://thuviensach.vn
trở thành một người đàn ông sau này, tất cả lặng im giữa đám hoa lá sặc sỡ trong ánh chiều.
Rồi Taimaha hỏi, “Anh cho em ít tiền được không Cohn? René từ ba ngày nay chẳng nhận được gì ngoại trừ mấy con cá ươn cả. Bác sĩ thì bảo rằng em phải ăn thịt và tinh bột. Dẫu sao đây cũng là con anh mà.”
Không đúng, nhưng Cohn vẫn thường xem mọi đứa bé là con y. Y cho họ hai trăm franc và bảo Le Goff đáp xe buýt lên Papete gặp Bizien ngay chiều nay, gấp.
Rồi Cohn và Meeva rời nơi đây. Chiều nhiệt đới buồn tênh phủ lên họ.
•••
Ánh trăng thô viền bọc lấy cơn mưa rào xám nhạt, và đại dương vẫn còn lóe lên những ánh sáng tàn tạ cuối cùng của cái mặt trời sưng vù, đỏ ối. Khói từ một con heo quay bốc lên cao, phía trên một ngôi làng khuất sau rặng dừa. Ngọn núi của Gauguin như vươn lên, đột nhiên tiến sát lại gần như tựa vào người Cohn.
•••
Chiếc Citroen đen theo dõi họ suốt đường về Pouaavia, đến gần, người tài xế tắt đèn, lái xe dọc con đường rợp bóng dừa ven bãi biển. Mây vẫn đen kịt bao kín mặt trăng. Bóng dừa lờ mờ trên cát. Người ngồi sau tay lái mặc chiếc áo “vét” trắng, cây thánh giá tổ bố đeo trước ngực. Giữa hai lông mày điểm một chấm đỏ theo kiểu Ấn Độ. Người Trung Hoa ngồi cạnh anh ta thì mập ú, mặt tròn vành vạnh, giống mặt trăng hơn chính cái mặt trăng thật đang lơ lửng giữa đám mây trên kia. Y cắn chặt điếu thuốc trên miệng trông như một cây sáp cắm vào ổ bánh sinh nhật. Họ đậu xe xa xa nhà Cohn, ngồi yên lặng trong bóng
https://thuviensach.vn
tối, giữa đám đom đóm, không nói với nhau một lời, chăm chú nhìn ánh sáng ngọn đèn dầu từ trong nhà. Rồi ánh sáng vụt tắt. Callum nói, “Cũng chẳng có gì lạ. Anh có chắc vậy không?” “Chắc chứ” lão người Hoa trả lời, "Thằng cháu tôi theo dõi nó từ ba tuần nay, chuyện đó xảy ra hai lần. Nhưng mà tôi không hiểu. Tôi không hiểu chút nào cả, ông Callum ạ. Tại sao một người quan trọng như ông lại đi chú ý đến cái thằng chết dịch đó? Tại sao cơ quan CIA vĩ đại lại đi chú ý đến cái tên họa sĩ dơ bẩn đó? Tại sao? Đó là điều tôi muốn biết".
“Có lẽ hắn ta đang dự trù ám sát Tổng thống Mỹ đó.”
“Hắn ta à? Hắn là một thằng vô tích sự.”
“OK, thôi để tôi bảo cho ông biết. CIA khám phá ra rằng hắn là người duy nhất trên thế giới mà họ không biết rõ lý lịch. Điều này làm họ chấn động. Cho nên họ phải chăm chút hắn.”
Lão Hoa lắc đầu bất bình, “Toàn là đùa”, lão tiếp, “Đó là điều bậy nhất của nước ông: Đùa. Đó là lý do tại sao các ông thua trận ở Việt Nam: do đùa. Cái gã này theo tôi có lẽ do Cộng Sản trả tiền để phá hoại uy tín của thế giới tự do. Tôi đã viết điều này trong báo cáo về trung ương. Ông có biết cái thằng merde này đã đi quanh khắp Papeete suốt mấy tuần, mang một cái bảng I AM AN AMERICAN trên ngực không?”
Người mang cây thánh giá bạc bật cười.
“Ừ, thì cũng có thể đó là lý do người ta ra lệnh phải giết gã. Gã quá phá hoại. Gã phá hoại thế giới của Hoa Kỳ tại nam Thái Bình Dương. Đó là một tên đặc công phá hoại.”
Lão người Hoa nhún vai “Ông lại đùa.”
Mây che kín hết mặt trăng. Người da trắng chửi thề - “Chẳng thấy cái chó gì cả” gã nói “nhưng mình vẫn có thể chụp ảnh.” Gã vỗ nhẹ vào chiếc máy ảnh hiệu Bordas có gắn hồng ngoại tuyến đang kẹp giữa hai đùi mập ú.
https://thuviensach.vn
“Ông Callum, xin ông vui lòng nói cho tôi biết cái ông Cohn này là ai vậy.”
“Jesus Christ!”
Lão người Hoa suy nghĩ một lúc: “Tôi không tin thế.” “Tôi có bảo hắn ta là Jesus Christ đâu. Tôi nói: Jesus Christ. Đó là một thành ngữ tiếng Mỹ.”
Lão người Hoa rút một điếu thuốc và cắm vào ổ bánh sinh nhật. Tại sao một cơ quan danh giá như CIA lại đi chú ý đến một tên họa sĩ dơ bẩn chỉ vì hắn ta thỉnh thoảng thức dậy nửa đêm và để hàng giờ vẽ bậy trên cát nhỉ? Trông ít có nghĩa lý quá cho nên thật đáng sợ.
•••
Người đàn ông đang quan sát hai người kia dùng bộ đàm liên lạc lần thứ hai vào lúc 1 giờ sáng.
“Mon Capitaine, họ vẫn còn ở đó ạ.”
“Còn Monsieur Cohn thì sao?”
“Cho đến giờ thì chưa có gì xảy ra. Nhà vẫn tắt đèn, nhưng ai biết được.”
“Tôi không muốn Callum chụp ảnh, Nghe chưa Mozon, lệnh đấy. Không cho họ chụp.”
“Tôi phải làm gì đây, giết họ à?”
“Anh bạn, hai gã đó cộng lại cả mấy trăm cân đấy. Quá nhiều thịt, nên không thể thu vén vào đâu mà không làm cho me xừ Cohn chú ý. Vả lại, còn có vấn đề đạo đức nữa. CIA không phải là kẻ thù của chúng ta, đó là nói về mặt kỹ thuật ấy.”
“Thế thì...?”
“Đuổi họ đi.”
“Bien, mon capitaine.”
Cohn cố dằn mình lại và y đã nỗ lực bằng tất cả can đảm. Tình dục là một cách tốt nhất để loại bỏ cái thôi thúc sáng tạo, và y thì đã
https://thuviensach.vn
làm tình hết sức mình. Nhưng bây giờ khi Meeva ngủ say, sự thôi thúc trở lại, dâng lên trong đầu y không thể dằn được.
Cohn ngồi dậy và thắp ngọn đèn dầu. Thiêu thân lao vào quanh ngọn lửa, cái mà chúng tưởng lầm là một nền văn minh. Cohn đứng yên, cố chống lại cái bản ngã đích thực của mình, rồi y thổi tắt ngọn đèn, bước ra ngoài, nhìn vào đêm đen. Không một bóng người. Không có gì ngoại trừ ánh sáng bạc. Hòn đảo Moorea cong mình lên trời sao. Đại dương lấp lánh hàng tỉ vi sinh vật. Đám mây tím thẫm chứa đầy những ánh chớp lặng lẽ. Cơn mưa rào vẫn nhỏ xuống thận trọng ngoài bờ biển xa, như thể gìn giữ ngọn lửa của mình ở một khoảng cách an toàn khỏi cái bàn tay Promethée của con người đang đứng trên bờ đại dương.
Cohn nhặt một que gỗ và quì gối xuống trên bãi cát.
Rồi thì...
Đêm yên tĩnh và tin cậy. Thiên nhiên như ngừng hơi thở. Chỉ một tiếng thì thầm trên bờ đá san hô, một con dã tràng vụt đi. Người mang thánh giá bạc đứng yên trong bóng đêm, giương chiếc máy ảnh Bordas có gắn tia hồng ngoại với ống viễn kính lên. Dưới kia, nơi chân đụn cát, Cohn, trần truồng, đang quì gối viết lên cát. Cả hai người, Callum và lão Trung Hoa đều trố mắt nhìn. Rồi mây đột ngột vén ra khỏi mặt trăng và cả toàm bộ bãi biển tỏa màu xanh nhạt lấp lánh.
Người đeo thánh giá chửi thề khe khẽ. “Chẳng có nghĩa mẹ gì cả.”
“Thì tôi đã bảo ông rồi. Tối nào hắn cũng làm vậy. Thức dậy lúc nửa đêm rồi vẽ trên cát. Sau đó nốc rượu đến say sưa. Tất cả điều đó có nghĩa là gì vậy?”
Hình vẽ trên cát trông giống như những nốt nhạc.
Callum lại chửi thề. Được rồi, cứ để cho Washington lo ngại. Gã giương ca-mê-ra lên.
https://thuviensach.vn
Viên đạn đầu tiên tức khắc bắn trúng chiếc máy ảnh.
Hầu như không hề nghe tiếng nổ, chỉ một tiếng bụp rất khẽ của ống hãm thanh. Rồi hai viên nữa và cái thiết bị gián điệp giá đến mười ngàn đô la nằm vỡ vụn trên cát.
Callum nghe một tiếng rên thảng thốt và thấy lão người Hoa chạy lại núp cạnh chiếc xe. Đồ ngốc. Callum và lão đều mặc áo trắng và quá to béo nên một tay chuyên nghiệp chẳng thể nào bắn trượt được. Đây chẳng qua chỉ là một lời cảnh cáo thân hữu của người Pháp. Người Mỹ, cút đi. Đi mà lo những chuyện chó chết của các ông. Monsieur Cohn là của chúng tôi.
“Đứng dậy đi.”
“Họ giết chúng ta mất.”
“Người Pháp không giết đồng minh đâu, họ chỉ xua chúng ta xa khỏi họ thôi. Đi. Mai rồi trở lại lấy xe cũng được.”
•••
Họ đi bộ qua đụn cát ra đến đường làng. Callum rút mùi soa chùi mồ hôi trên trán. Gã không sợ hãi. Gã chỉ sống qua một cơn ác mộng thôi. Toàn bộ chuyện này giờ thành điên rồi. Cả SDEC của Pháp và CIA của Mỹ đều quan tâm một cách cao độ đến một tên nhạc sĩ rồ hằng đêm thức dậy viết những nốt nhạc trên cát nơi một bãi biển quạnh hiu ở Tahiti!
“Y vẽ cái gì vậy?”, lão người Hoa lại tiếp tục hỏi.
“Tại sao ta...”
“Im đi. Hắn là một nhạc sĩ. Viết nhạc chứ gì nữa. Cơ quan CIA quan tâm sâu sắc đến âm nhạc. Đa số không hiểu, chứ thật ra CIA là một viện văn hóa lớn. Họ quan tâm đến một nhạc sĩ để có một bài nhạc hay cũng là chuyện thường thôi.”
Thủy triều rút lui, để lại những ghềnh đá san hô nhẵn bóng bắt đầu rộn lên vì những chú dã tràng khi phóng vụt đi khi đứng bất động
https://thuviensach.vn
vì sợ hãi mhư gợi nhớ đến những nỗi nhọc nhằn không tên của buổi Sáng Tạo - Trên bầu trời, vệt trắng ngần của dải Ngân Hà giống như vết hằn của niềm thống khổ nguyên sơ. Rồi khi đại dương bắt đầu đầy ắp lên bởi những làn sóng thủy triều trở lại, khi những ngôi sao nhạt dần, Cohn ném que gỗ đi. Đại dương bò chầm chậm trên cát, run rẩy như sợ phải làm hủy hoại hàng chữ kia, nhưng Cohn đã phụ với sóng biển, dùng chân xoa xoa cát, và thế là khi ngày rạng, không còn một dấu vết gì của bản nhạc của y còn trên bãi biển.
Y nằm xuống, mắt nhắm lại, mỉm cười.
Cơn mưa rào vẫn còn run rẩy đằng xa kia, rồi tiếng rầm rập đó của trời dịu đi, biến thành một tiếng thì thầm mà kẻ mộng mơ này nhận ra giọng nói thanh xuân của buổi khởi đầu thế giới, tuồng như thể chưa hề có gì mất đi và mọi cơ hội vẫn còn rộng mở.
Tôi tìm kiếm khuôn mặt nguyên sơ
Trước khi thế giới hình thành.
https://thuviensach.vn
9
Y thức dậy do bị đá một cú vào bên sườn và chỉ kịp liếc nhìn quanh để biết chắc không vết tích gì của y để lại trên cát trước khi bị hai gã sen đầm tóm cổ ném vào chiếc xe jeep. Dấu hiệu tốt: chừng nào họ còn đối xử với y như với một tên vô loại, y còn an toàn. Cái ngày mà họ xem y như một Beethoven, ngày ấy y tiêu đời.
Y bị giải về đồn cảnh sát, bị buộc tội ăn trộm và lôi đến bàn của cảnh sát trưởng.
Với bộ tóc xám rẽ giữa, cặp môi thâm dày, Ryckmans, lỗ mũi ngắn ngủn không hình thù ngự trị giữa khuôn mặt bừ bự đần độn. Trưởng thanh tra cảnh sát Ryckmans rõ ra là một thằng ngốc siêu hạng - mắt thì chớp chớp ngu độn. Cohn xem anh chàng này là truyền nhân xứng đáng của gã sen đầm Charpillet bất tử, kẻ đã làm cái báo cáo lịch sử chống lại Gauguin chỉ vì họa sĩ này đi quanh đảo “trên một chiếc xe thắp đèn.” Và đó chính là chiếc xe ngựa duy nhất trên đảo Marquesas. Nói thật ra Cohn cũng chẳng để bụng chuyện đó. Vào thời ấy Gauguin là họa sĩ duy nhất trên đảo còn Chapillet thì là gã cớm duy nhất. Họ không thể không đụng nhau được.
Mười năm làm cảnh sát ở cái nơi trước đây là thuộc địa, Ryckmans đã chứng kiến nhiều cuộc đổi đời, lên voi xuống chó trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập của người Phi, khiến cho gã có thói quen nhìn tất cả các tên tội phạm như là những lãnh tụ chính trị trong tương lai. Chẳng hạn cái tên trộm người Công-gô trước đây từng bị gã nhốt tù cả một năm mà không cần xét xử thì giờ đây được chính Đại tướng De Gaulle đón tiếp tại phủ Tổng Thống, và cả Paris vẫy cờ đón
https://thuviensach.vn
chào y. Còn cái cậu mà gã “mạc kê” số một ở Brazaville thì giờ là Bộ trưởng bộ Y tế, còn cái tên thuộc bọn “giựt dọc” - như lúc ấy người ta gọi chúng thế - mà gã đã tống 1 cú bay mất 3 răng cửa trong một chuyến đi tuần, thì 3 tuần sau trở thành bộ trưởng nội vụ. Những biến đổi bi thảm của định mệnh ấy như một đòn nện vào số phận của Ryckmans, khiến cho gã trở thành một trong những anh cớm bối rối, nhát gan, ù lì nhất thế giới. Việc gã thiếu khả năng đánh hơi ra ai sẽ là khuôn mặt lãnh đạo chính trị tương lai trong đám cô hồn Phi Châu tác hại nặng nề lên bước đường hoạn lộ của gã. Cho nên đến giờ gã chỉ là một cảnh sát cấp thấp ở Papeete - Gã tự xem sự thất bại của mình như là cái giá mà một anh cớm tốt phải trả cho một lịch sử xấu và lòng gã chìm ngập một nỗi hoài niệm buồn bã. Cái vẻ rụt rè bẽn lẽn với điệu bộ thường xuyên của gã chẳng qua chỉ là để che giấu cho một tâm trạng bối rối cùng cực, và gã thường len lén bắt tay thân thiết với đám ăn cắp gà ăn cắp vịt ở Papeete, sau khi buộc lòng phải giam chúng lại, lòng tự nhủ rằng mình đang tiếp xúc với những vị tổng thống tương lai của nền cộng hòa độc lập hải ngoại này.
Chặng này, nỗi sợ hãi khủng khiếp luôn ám ảnh cái tâm trí vốn đã bệnh hoạn của gã: Gã cứ tưởng mình đang ngồi trong văn phòng, thoải mái bình yên thì bỗng có một cú điện thoại gọi đến bảo gã phải hành hình một ông Jesus nào đó. Cái ý tưởng ghê rợn đó khiến gã cứ chợt thức giấc nửa đêm và vợ gã phải van nài chồng hãy nghĩ đến một chuyện khác, bởi họ đã có quá nhiều điều để lo nghĩ rồi nhưng Rickmans thì cứ khăng khăng về chuyện ấy.
“Mình thử nghĩ mà xem, tôi đang ngồi ở Papeete thì điện thoại reo, ông thống đốc xứ Polynesie này ra lệnh: anh phải bắt một người như vậy như vậy và phải hành hình y tức khắc. Lệnh từ Paris đấy. Thế mình bảo tôi phải làm gì nào? Mình thấy đó, tôi chẳng được ai bảo đảm là cái anh chàng phải bị treo cổ ấy có trở thành Jesus hay không, y như ở Congo người ta đâu có nghĩ rằng Lumumba sẽ trở thành Lumumba. Đấy, họ bảo tôi phải làm thế này thế nọ, phải treo cổ y ta
https://thuviensach.vn
lên, đại loại như vậy. Chúa ơi, tôi phải làm gì đây. Mình thử đặt vào địa vị tôi xem?”
“Bernard, thật tình không có chuyện như vậy xảy ra ở Tahiti này đâu. Có ai từng thấy Jesus ở Vườn Địa Đàng đâu mà lo? Mà thôi đi, cứ cho là điều tệ hại nhất xảy ra đi, cứ tưởng tượng đột nhiên ông Jesus xuất hiện ở đây đi, thế thì mình làm gì được nào. Mình cứ lo chuyện không đâu làm ốm người đi.”
“Thì chuyện đó cứ xảy ra suốt thời gian tôi thi hành công vụ đấy chứ. Mình còn nhớ Guganda ở Nyome không? Họ bảo tôi phải cho thằng nhọ ấy một trận cho bọn chúng tởn ra. Được, tôi thi hành. Rồi điều gì xảy ra? Sáu tháng sau, y trở thành Tân thủ tướng. Mình thấy không? Còn bây giờ họ bảo tôi, một viên sĩ quan cảnh sát, có một người như vậy như vậy tên là Jesus, một kẻ gây rối, phải cho hắn một bài học, chúng ta không muốn nghe hắn lên tiếng nữa v.v... Thế thì tôi phải làm sao nào? Vâng lời hay không vâng lời?”
“Mình nghe tôi đi, Bernard, trước khi mình thấy Jesus ở Tahiti...” “Mình không có thể chắc điều gì được đâu. Ông ấy có thể đến bất cứ nơi nào, dưới bất cứ tên gì, tại nơi mà ta ít nghĩ nhất - yếu tố bất ngờ mà...”
“Bernard, mình còn có chán điều để lo nghĩ hơn là việc lo trời sập đó. Bọn nhỏ nhà mình phải đi Pháp để học rồi đấy...” “Ở Congo tôi tóm thằng Kamoto và cho nó đi tù, sau đó hắn trở thành Giám đốc cảnh sát. Ở Algerie tôi bố trí bắt thằng Godard, một thủ lĩnh OAS, hắn chẳng thành cái quái gì hết. Làm thế nào mà ta biết được? Tôi chỉ là một anh cảnh sát. Giả dụ họ bảo tôi “Này Ryckmans, chúng ta có một tên phá hoại ở đây, một gã tên là Jesus...” “Coi kìa Bernard!”
“Thì mình hãy nghĩ đến Gauguin xem. Hắn ta là một gã vô chính phủ, kẻ thù khốn kiếp của Luật pháp và Trật tự, một gã dâm dục bị vi trùng giang mai ăn hết cả người. Thế mà bây giờ, con cái chúng ta học
https://thuviensach.vn
ở đâu? Học ở trường trung học Paul Gauguin đấy! Thật không công bằng chút nào cả!”
“Mình có ngủ không thì bảo? Ba giờ sáng rồi đấy!”
“Tôi có đến gặp giám mục Tatin để thảo luận những điều tôi vừa nói thì cái ông giám mục ấy bảo “Điều ấy không thể xảy ra đâu! Hừm!”
“Bernard, nếu ông Jesus có trở lại thì ông cũng không đến Tahiti đâu. Người ta không đến Tahiti vì những chuyện như vậy đâu.” “Mình còn nhớ Jamila không, ở Algérie ấy mà? Con bé chết khi bị thẩm vấn. Cái vỏ chai làm xấu quá, bị bể. Nó chảy máu đến chết. Rồi bây giờ Jamila trở thành nữ thánh ở Algérie. Thanh tra Bigreux bị đá ra khỏi sở cảnh sát...”
“Tôi thề với mình rằng mình sẽ không gặp chuyện gì tương tự với Jesus Christ đâu. Đừng mất ngủ vì chuyện tào lao ấy. Chẳng đáng đâu.”
“Mình biết không, chủ nhật vừa rồi cha Safran đã tống cổ tôi ra khỏi nhà thờ đấy?”
“Thì mình hãy tự đặt vào dịa vị cha Safran mà xem: Đi đến nhà thờ để cầu nguyện đức Kytô đừng trở lại trần thế! ai mà chịu được!” Thế là khi gã thấy cái tên phá rối dễ ghét nhất trên đời đứng trước mặt gã, đang gãi dái sồn sột, gã dùng hết tất cả sự khôn ngoan của mình để toét miệng ra cười, một nụ cười quét qua hết khuôn mặt, chỉ chừa có lỗ mũi, nụ cười của một kẻ tỏ ra hiểu biết và rộng lượng. Nếu trên đời này có một kẻ mà lão ghét, thì đó chính là Cohn. Cũng vì Rickmans đã từng là một tên cớm nạn nhân của sự quay ngoắt của lịch sử nên lão không hề muốn cho hậu thế nhìn lão như là: “Một tên thô bạo luôn luôn tìm mọi cách để làm tổn thương người nghệ sĩ thiên tài bất hạnh, người đã từng phủ lên Tahiti một cái đẹp mỹ học còn vĩnh cửu hơn cả cái đẹp của những đầm nước xanh trong vắt của xứ này.” Chỉ mới hôm qua thôi, lão còn đọc một bài viết về Gauguin, đầy những lời thóa mạ nhằm vào tiền thân của gã 65 năm trước, người
https://thuviensach.vn
công bộc bất hạnh của Luật pháp và Trật tự, tức gã sen đầm Charpillet. Ryckmans có sáu đứa con, và cái ý tưởng rằng một ngày mai kia con cháu gã sẽ đọc những điều ghê khiếp như thế về ông cha mình làm gã nổi gai ốc khắp người. Còn cái tên Gauguin tân thời thì nay đang đứng mặt, hằn học nhìn người sĩ quan cảnh sát. Ryckmans bèn toét miệng cười và gã cảm thấy đau nhói ở bao tử vì cái cố gắng phản tự nhiên của mình.
“A, chào Mousieur Cohn. Ngồi xuống đi. Làm một điếu gì xà nhé?”
Ryckmans cố nhìn Cohn bằng cặp mắt của một người cha nhân từ và độ lượng. Nỗ lực này làm biến dạng, méo mó hẳn cái hình hài của gã cảnh sát đến nỗi Cohn thấy muốn chồm tới sửa người gã lại cho ngay ngắn. Điều làm y không tha thứ cho gã được là nơi bức tường sau bàn giấy, có 3 bản tranh Gauguin, trong đó có bức Rerioa.
Ryckmans nhẹ nhàng: “Chúng mình nói chuyện thẳng thắn với nhau nhé.”
“Thì nói cha ra đi.”
Ngày 27 tháng Năm, sáu mươi lăm năm trước đây, người tiền bối của Ryckmans là thượng sĩ sen đầm Jean-Pierre Claverie, đã đánh một đòn tối hậu lên con người bệnh tật và suy sụp sống trong Ngôi nhà Hoan lạc. Tự tay Claverie kết án Gauguin 3 tháng tù ở và phạt 50 franc về tội viết thư nhục mạ y ta là nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ. Và tính chất không thể tha thứ của toàn bộ cái vụ việc đáng xấu hổ này là việc nhà cầm quyền đã yêu cầu Clavierie, bên nguyên đơn, đứng ra làm người buộc tội.
“Ông Cohn này, đến lúc chúng ta nên hòa hoãn với nhau.” “Anh thừa biết rằng các quan tòa của cái tòa án khốn kiếp của các anh đúng ra không có quyền chỉ định người buộc tội. Khi trao cho tên Claverie, tiền thân của anh 65 năm về trước, làm công việc đó, thì rõ ràng là phát xít chứ không gì khác hơn cả. Tôi bảo cho anh biết, tôi có bạn lớn ở Paris. Còn người đại diện bán tranh cho tôi, Vollard và De
https://thuviensach.vn
Monfreid hiện đang gặp Malraux, bộ trưởng văn hóa, về vấn đề này nếu cần chúng tôi sẽ gặp thẳng De Gaulle. Tôi đòi hỏi phải được phục hồi danh dự và xin lỗi hẳn hoi.”
Cổ Ryckmans co giật liên tục. Vị bác sĩ khám cho gã bảo rằng gã bị rối loạn thần kinh, kết quả của những cơn suy sụp tinh thần và chấn động tâm lý mà gã chịu đựng trong thời gian công tác ở Phi Châu.
“Thì tôi đang cố can thiệp cho ông khỏi bị trục xuất. Chong Fat gởi đơn thưa ông về tội ăn trộm tiền của lão đấy.”
“Bọn da vàng nói láo. Chúng làm mọi chuyện để chúng ta mất uy tín đấy mà.”
“Tôi còn nhận một báo cáo nói rằng ông lại gởi những trò cũ ra với những du khách trên tàu Columbus. Tôi nhắc ông rằng nếu ông còn đứng chụp các bức ảnh khiêu dâm ấy một lần nữa thì...”
“Tôi không hề đứng cho họ chụp. Mấy thằng khốn đó chụp lén tôi đấy. Lúc đó tôi đang lội dưới nước thì thằng khốn Puccioni với đám du khách rón rén lại gần. Tôi quay lưng và mắt thì nhắm. Cả hai chúng tôi đều quay lưng. Anh biết tư thế đó không?”
“Rồi ông bắt họ phải trả tiền nữa.”
“Cái đó là nguyên tắc. Họ đâu có quyền chụp ảnh tôi trong cái lúc hệ trọng như vậy trong đời mà không có sự đồng ý của tôi được. Đáng lý họ phải xin phép tôi mới được chứ.”
Thật ra chẳng có một lời nào là sự thật trong cái việc Cohn bày trò con heo cho người ta chụp ảnh cả. Đây là một đòn vu cáo của đối thủ của y, Verdouillet. Nhưng Cohn không hề có ý định chối chuyện đó. Bởi chuyện này có lợi cho “danh tiếng” của y. Đó chính là nhát cọ thần kỳ của Gauguin làm hoàn hảo thêm cái nhân cách giả dạng của Cohn. Điều duy nhất khiến y lo ngại là giọng nói. Y có thể thay đổi mặt mũi và dấu tay, nhưng chẳng thể làm gì nhiều với thanh quản được.
Y đập tay xuống bàn Ryckmans.
https://thuviensach.vn
“Với lại tôi cần nhắc cho anh biết rằng những bức vẽ khiêu dâm Gauguin phác họa trên giường bệnh, vốn làm các ngài giáo sĩ khiếp hãi đó, hiện giờ đang chưng ở Louvre đấy. Năm 1952 người ta đã trả hàng triệu để mua mấy bức đó đấy. Một trong những bức thư cuối cùng của Gauguin trước khi chết chỉ có viết: “Tôi ngã quị xuống đất, bại trận...”, thế mà năm 1959 bức thư đó bán được sáu trăm ngàn franc ở Paris đấy. Anh muốn nhốt tù tôi thì cứ nhốt, nhưng hậu thế sẽ đời đời nguyền rủa anh đấy...”
Ryckmans lặng thinh. Hắn đã học được đôi điều với lịch sử. Picasso, người vẽ các bức tranh ghê khiếp ấy, được xem là thiên tài nghệ thuật lớn lao nhất của thời đại chúng ta. De Gaulle thì trước đây bị kết án tử hình vì tội đào ngũ, giờ thì ông ấy là cả một tượng đài. Nehru trải qua 15 năm trong tù, để rồi sau đó trở thành một huyền thoại. Lumumba, bị buộc tội ăn trộm, trở thành một nhà tiên tri, một vị thánh. Còn Jesus, kẻ thù của thiết chế, đã trở thành cột trụ chống đỡ cho một thiết chế khác. Gauguin, người đã gieo rắc bệnh giang mai cho hàng trăm cô gái bản xứ, giờ đây tên được đặt cho trường trung học, viện bảo tàng, đại lộ mang tên Gauguin. Còn các thầy chú sen đầm Charpillet và Claverie thì trở thành những con quái vật trước mắt hậu thế. Thế giới trở mình quá mau khiến cho mọi thứ đều chổng đít lên trời và các anh cớm tinh nhanh nhất khi chạm mặt với lịch sử cũng không thể nào biết được kẻ mà mình đang nện nhừ tử là một thằng đầu trộm đuôi cướp hay là một ông thánh tương lai nữa. Mồ hôi lạnh chảy đầy trán Ryckmans, y nhổm dậy khỏi ghế, đi vòng quanh bàn, đưa bàn tay thân thiện vỗ vỗ lên vai Cohn.
“Thôi được, tôi sẽ thu xếp để lão Chong mập rút đơn kiện. Chừng nào tôi còn ở đây, mọi nghệ sĩ ở Tahiti này, đặc biệt là ông, ông Cohn, có thể tin vào sự ủng hộ của tôi. Tuy rằng tôi không hiểu lắm các tác phẩm của ông... nói về nghệ thuật thì “gu” của tôi hơi bảo thủ: Gauguin, Van Gogh... ừ, đại để là cổ điển một tí, thì tôi mới thích...”
https://thuviensach.vn
Hắn đưa Cohn ra tận cửa và bắt tay thân thiết: “Cố đi, cố duy trì cái tinh thần sáng tạo đó, anh bạn trẻ. Làm việc, làm việc ngày đêm, đó chính là điều cốt yếu. Nhớ là Gauguin vĩ đại của chúng ta tự tiêu hủy mình bắng cách đéo - ơ, tôi muốn nói bằng cách làm việc không nghỉ.”
Ra ngoài, Cohn thấy ngay Meeva ngồi ở vệ đường dưới một thân cây bông đỏ ối, mặc một chiếc áo mới cũng in hoa đỏ trên nền trắng. “Cô làm gì ở đây vậy?”
“Mấy thầy chú bảo em là anh bị nhốt. Em quyết định ngồi chờ.” “Em phải biết đúng ra là phải chờ khá lâu đấy.”
“Ồ Cohn, em muốn chờ anh mãi mãi, bất cứ đâu, suốt đời em, ngay cả anh bị tù đến vài tuần đi chăng nữa.”
Họ thung thăng đi trên con đường đầy bụi, tay nắm tay. Từ trên cao của Papeete, trên triền dãy Orohena, đám lá xanh khổng lồ như bùng vỡ thành muôn ngàn đợt pháo bông và trên cao nữa, ngọn núi như trần truồng với màu đỏ thắm chen lẫn đen và xám của tro núi lửa còn sót lại từ ngày xưa. Bông Tiare trắng xóa quấn quanh khắp thân cây như vốn chúng là rắn đã được các vị thần chân chính hóa phép thành hoa, như là một phần thưởng dành cho chúng vì chúng đã thành công trong việc khuyến khích đôi trai gái đầu tiên của thế giới nếm vị ngọt của trái cây hoan lạc. Đó là lý do tại sao không hề có rắn ở Tahiti, chỉ có hoa.
“Cohn, đừng nghịch mông em ở ngoài đường thế. E mea haama. Em mắc cỡ.”
Cohn rút tay lại, cảm thấy buồn vì mất mát.
“Đi. Tôi dẫn cô đến tiệm lão Chang ăn trưa.”
•••
Vị Thống Đốc vùng Châu Đại dương thuộc Pháp gạt bức điện sang một bên, đưa khuôn mặt mệt mỏi nhìn Caillebasse.
https://thuviensach.vn
“Bên nhà họ điên rồi”, ông nói, giọng run vì bực tức. “Chắc có nhầm lẫn gì đây. Cái gã này thì cảnh sát của ta ở đây biết chán đây. Tôi không tin. Chấm hết.”
“Đã từng có trường hợp những người quan trọng đến trú ẩn nơi Châu đại dương này, Monsieur Le Gouverneur. Ngài biết đó, đây là một truyền thống có từ lâu.”
“Thế nhưng họ nói bảo đảm an toàn cá nhân nghĩa là gì, anh bảo cho tôi biết đi.”
“Điện nói rằng chúng ta sẽ nhận chỉ thị chính xác sau. Theo chỗ tôi đoán thì người này đang bị nguy hiểm.”
Im lặng. Bốn năm làm việc tại nơi này, đây là lần đầu tiên ông nhận điện ký tên “Tổng Thống nước Cộng Hòa.” Cứ như là chạm mắt với De Gaulle vậy.
“Thế ai đe dọa hắn ta? Tại sao? Đây là Tahiti chứ đâu phải Chicago?”
Caillebane cảm thấy ông Thống Đốc của mình hơi lạc hậu. Ông nhắc đến Chicago như thể hiện nay là năm 20, 30 vậy. Vị Thống Đốc này thấp người, tóc bạc, vốn nổi tiếng vì quan niệm đạo đức nghiêm khắc và vì sự lang chạ của bà vợ, điều này giải thích điều kia.
“Lần cuối cùng xảy ra vụ giết người ở đây là khi nào nhỉ? Bảo đảm an toàn cá nhân? Hứ, tôi không dính gì đến chuyện này. Đưa qua cho bên SDEC. Đây là loại chuyện họ phải lo.”
“Người bên SDEC theo dõi chuyện này cả năm nay rồi, thưa ngài.”
Mặt viên Thống Đốc đỏ bừng: “Họ không cho tôi biết à?” “Tôi cho là họ chưa chắc chắn lắm.”
Vị Thống Đốc này là một vị anh hùng tiếng tăm của thời đại chiến thứ II. Nhưng anh hùng gì thì cũng bị quên lãng theo thời gian.
https://thuviensach.vn
Sang năm ông sẽ về hưu, và hiện nay ông chỉ là một ông già ngờ vực và bẳn tính.
“Thế thì tại sao đến giờ họ mới cho tôi biết. Khoan đừng trả lời, để tôi đoán. Người này là tối quan trọng. Thật ra thì tôi vẫn chưa tin chính là anh ta - và người này đang bị nguy hiểm. Anh ta có thể bị giết. Vì thế bên SDEC muốn đổ trách nhiệm lên vai tôi. Đúng không?” “Đúng.”
•••
Chiếc máy bay Hồng Kông lượn trên bầu trời Tahiti. Ba kẻ đến đây để giết Mathieu đưa mắt nhìn xuống hòn đảo xanh biếc với cặp mắt thù hằn của kẻ chuyên nghiệp, những kẻ không bao giờ biết chắc rồi mình sẽ bị chôn ở nơi nào.
•••
Người đàn ông mặc đồ trắng vẫn ngồi trên chiếc gắn máy phía bên kia đường, quan sát Cohn và cô gái đi vào quán ăn. Hắn khôn ngoan không đi vào theo. Sau một năm theo dõi quan sát kỹ, hắn đâm kính nể cặp mắt sắc bén và cái mũi đánh hơi nguy hiểm rất nhanh của “Mr Cohn.” Trò chơi này không thể kéo dài lâu hơn nữa. Paris thì vẫn do dự, nhưng CIA thì khá nóng lòng, và nóng lòng là đúng. Cũng khó mà nghĩ rằng người Tàu và người Nga không hề quan tâm gì đến chuyện này. Chong Fat là nhân viên đưa tin giỏi nhất của Pháp ở xứ này nhưng việc lão ta khẳng định nhiều lần rằng thành phần “mao ít” trong số sáu ngàn người Hoa ở đây là không đáng kể lại là một vấn đề khác. Thật khó tin rằng Bắc Kinh lại không biết đến sự hiện diện của kẻ vốn là mối đe dọa thường trực cho nền an ninh của họ mà mật danh của người này thường xuyên được nhắc đi nhắc lại trong những bức điện bí mật giữa Paris và Papeete là “Elyséeus”, mật danh này hàm ý nói rằng bản thân T.Thống De Gaulle lưu tâm đến chuyện này.
https://thuviensach.vn