🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái chết của bà Mac Ginty Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Chương I Từ quán Bà già đi ra, Hercule Poirot đã vào tới khu phố Soho. Trời đêm không lạnh, ông vẫn kéo cổ áo khoác lên, vì phòng xa hơn là vì cần thiết. Ông thường nói: “Ở tuổi ta, cứ cẩn thận vẫn hơn!”. Ông rất mãn nguyện. Món ốc sên của quán Bà già quả là số một. Quán nhỏ, bề ngoài chẳng có gì đáng chú ý, thế mà hay. Poirot đưa lưỡi liếm môi và lấy khăn tay khẽ chùi bộ râu mép rậm. Ăn một bữa ngon rồi, bây giờ làm gì? Một chiếc tắc xi chạy qua, đi chậm lại, vẻ mời chào. Poirot ngần ngừ một giây, nhưng không vẫy. Việc gì phải đi xe? Cứ nhẩn nha cuốc bộ về nhà cũng sớm chán. Ông lẩm bẩm: “Đáng buồn là một ngày ta chỉ ăn được ba bữa.” Vì quả thực, không bao giờ ông quen được cái thói dùng trà lúc năm giờ. “Nếu uống trà,” ông giải thích, “ta không còn đủ dịch vị để ăn bữa tối, mà chớ quên bữa tối là bữa ăn quan trọng nhất của cả ngày”. Ông cũng không ưa tách cà phê buổi sớm. Không. Với ông, chỉ cần điểm tâm với sôcôla và bánh sừng bò, rồi đến bữa trưa, bao giờ cũng ăn trước một giờ chiều, và bữa tối thì đúng là đại sự. Hercule Poirot luôn coi trọng chuyện ẩm thực. Ở tuổi già, ăn không chỉ là cái thú vật chất, mà còn là một thứ giải trí trí tuệ. Ông dành một phần giờ rỗi của mình để đi tìm những thứ thích khẩu mới. Cho nên khi phát hiện ra quán ăn Bà già, ông xếp nó vào loại lâu đài ẩm thực đáng để luôn lui tới. Khốn nỗi, hãy còn cả một buổi tối rỗi rãi! https://thuviensach.vn Hercule Poirot cất một tiếng thở dài: “Đáng tiếc là ông bạn cố tri Hastings không ở bên mình!”. Ông bồi hồi nghĩ tới Hastings. “Người bạn đầu tiên ta có trên đất nước này… Và đã trở thành người bạn thân nhất! Lắm lúc hắn làm mình phát cáu lên, tất nhiên rồi, nhưng điều ấy có gì đáng kể? Mình chỉ nhớ những chuyện khác. Hắn phục tài mình, há hốc mồm ra mà khâm phục, và mình lại hay trêu hắn, nghĩ một đằng nói một nẻo làm hắn không hiểu gì, cứ lao theo những chỉ dẫn sai lầm, cuối cùng mới ngớ ra rằng mình biết tỏng từ đầu. Ôi ông bạn già… Mình thích làm mọi người phải ngạc nhiên. Đó là thói xấu của mình, biết vậy nhưng vẫn cứ thế. Và Hastings cũng phải hiểu rằng một người có tài như mình đây, ắt cần phải có người ngồi bên cạnh để chia sẻ sự khâm phục chứ. Chả lẽ ta cứ suốt ngày ngồi trên ghế để tự mình ca ngợi mình!” Poirot đi vào đại lộ Shaftesbury. Liệu có nên sang đường để đi vào rạp chiếu bóng Leicester Square xem cho hết tối? Ông lắc đầu. Phim dạo này rất chán. Kịch bản lỏng lẻo, cốt truyện phát triển trái lôgích, kỹ thuật quay thì có người khen nhưng Poirot lại không chịu được. Người ta nhân danh nghệ thuật để quên đi cái mà ông ưa nhất: trật tự và phương pháp. Hơn nữa, trên màn ảnh, bạo lực đang là mốt. Là cựu sĩ quan cảnh sát, Poirot chúa ghét điều đó. Hồi trẻ ông đã chứng kiến quá nhiều rồi. Quá ngu ngốc và quá nhàm. “Sự thực,” trên đường về nhà, ông nghĩ thầm, “là ta không theo kịp thời đại nữa rồi. Hơn nữa, dù có tài hơn, ta vẫn chỉ giống những người khác là một tên nô lệ. Quen nghề rồi, đến khi không làm việc nữa, thì không biết tiêu thì giờ vào cái gì. Ông trùm tài chính về hưu quay sang chơi gôn, anh lái buôn nhỏ thôi mở cửa hiệu thì lui về chăm sóc cây cảnh, còn mình, mình chỉ biết ăn. Khốn thay, như đã nói, chỉ có thể ăn ba bữa một ngày, biết lấy gì để lấp những chỗ trống!”. https://thuviensach.vn Ông liếc nhìn bảng quảng cáo của một quán bán báo. Vụ Mac Ginty. Phán quyết của tòa án. Poirot không quan tâm. Ông nhớ mang máng đã đọc một tin ngắn về vụ án này. Một án mạng tầm thường. Chỉ vì vài livrơ mà một bà già bị ám sát. Một tội ác bẩn thỉu, bây giờ đầy rẫy. Thời buổi này thế đấy. Poirot bước vào cái sân rộng của khu nhà lớn, nơi ông có một căn hộ. Ông dừng chân một lát để ngắm khối nhà đồ sộ với đường nét cân đối, mà ông rất yêu. Thật dễ chịu khi về tới nhà với những căn phòng tiện nghi, sang trọng, mọi thứ đều bóng loáng. Ông vừa vào tới phòng đợi thì George, anh hầu, đã ra đón: “Ông đã về. Thưa, có một… quý ông đang đợi.” George giúp Poirot cởi áo khoác. Nhà thám tử không thể không nhận thấy chút rụt rè khi anh hầu nói ‘quý ông’. Anh ta bao giờ cũng nhận ra khách nào là người thuộc tầng lớp nào. “Ông ta tên gì?” “Dạ, một ông tên gọi Spence.” “Spence?” Poirot không nhớ ai có tên này. Ông chần chừ một lúc trước gương để sửa lại bộ râu mép, rồi bước sang phòng khách. Nhìn thấy ông, người khách đang ngồi ở chiếc ghế bành vuông, nhổm ngay dậy: “Chào ông Poirot… Ông nhớ tôi không? Lâu lắm rồi… Tôi là thanh tra Spence.” “Ồ, nhớ… Thanh tra Spence!” Poirot nồng nhiệt bắt tay khách. Thanh tra Spence, Sở Cảnh sát Kilchester. Một vụ án ly kỳ… nhưng đã lâu rồi. “Ông uống gì chứ? Một chút kem ca cao? Hay một bénédictine?” Poirot nói đến đấy thì George đi vào, bưng một cái khay, trên có chai bia và một cái cốc. https://thuviensach.vn “Hay ông uống bia vậy?” Một lần nữa, Poirot lại thầm ngợi khen anh hầu. Ông không biết là trong nhà có bia, vả lại ông không thể hiểu tại sao người ta lại uống thứ nước ấy, trong khi trên đời còn biết bao thứ rượu ngọt và êm, dành riêng cho những thực khách văn minh. Tuy nhiên, mặt Spence tươi lên: “Vâng, tôi uống bia, nếu ông vui lòng!” Poirot mỉm cười, chờ khách rót đầy cốc bia sủi bọt, rồi tự rót một ly bénédictine cho mình. “Tôi rất vui được gặp ông,” Poirot nói. “ Rất vui! Ông đến từ…?” “Từ Kilchester. Sáu tháng nữa tôi về hưu. Lẽ ra tôi có quyền nghỉ từ một năm rưỡi trước, nhưng họ cứ yêu cầu tôi ở lại ít lâu nữa, nên tôi đành nhận.” “Ông làm thế là phải. Rất phải.” “Chẳng biết có phải thật hay không.” “Thật đấy mà. Ông không hiểu phải ngồi rỗi là thế nào đâu!” “Ồ! Nếu về nghỉ, tôi có ối việc để làm. Năm ngoái chúng tôi đã về ở một tỉnh nhỏ, nhà có một mẩu vườn chưa ra làm sao, tôi chưa có điều kiện thực tâm chăm sóc.” “Ông về làm vườn? Tôi đã thử. Tôi đã về nông thôn, thử trồng rau. Thất bại thảm hại. Tôi không có khiếu.” “Thế thì ông phải đến tôi. Tôi mê hoa hồng, và ngay từ sang năm…” Bỗng ông ngừng lại, rồi nói tiếp: “Nhưng tôi đến đây không phải để nói chuyện hoa hồng…” “Ông đến đây thăm một người bạn cũ, tôi rất biết ơn.” “Không phải chỉ thế đâu, ông Poirot! Tôi đến yêu cầu ông một việc.” “Cần tiền ư? Xin sẵn lòng.” Spence kêu lên: “Không phải! Không phải tiền.” Poirot đưa tay làm một cử chỉ lịch sự: https://thuviensach.vn “Vậy tôi xin lỗi.” “Thực ra,” Spence tiếp, “việc tôi đến đây thật mạo muội, nghe xong có khi ông đá đít tôi không chừng.” Poirot mỉm cười: “Không có cú đá nào đâu, ông yên tâm. Vậy là chuyện gì?” “Vụ Mac Ginty. Ông biết rồi chứ?” Poirot lắc đầu: “Biết qua loa. Mac Ginty là một bà già, bị ám sát. Bà ta chết ra sao?” “Trời!” Spence thốt lên. “Tôi chưa hề nghĩ về điều ấy.” “Sao kia?” Poirot ngạc nhiên hỏi. “Là cái câu hỏi ông vừa đặt ra ấy. Nó làm tôi nhớ một trò chúng tôi hay chơi hồi nhỏ. Cả bọn xếp hàng một, rồi một đứa nói: ‘Bà Mac Ginty đã chết. Bà ấy chết thế nào?’ Người đứng đầu hàng đáp: ‘Đầu gối quỳ xuống đất, thế này này”. Đến lượt người thứ hai. Hỏi: ‘Bà Mac Ginty đã chết. Bà ấy chết thế nào?’ Trả lời: ‘Dang tay như thế này này’. Mỗi người đứng nguyên trong tư thế vừa nói, và cuối cùng một đứa đáp: ‘Thế này này’, rồi thụi mạnh vào đứa bên cạnh… thế là cả bọn ngã dúi dụi như những con ki!” Spence cười, nói thêm: “Ông làm tôi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm cũ!” Poirot vẫn nghe, lịch sự. Lắm lúc những người Anh thật khó hiểu, ông cũng từng là trẻ con, cũng chơi ú tim như mọi người, nhưng chả bao giờ kể chuyện đó cho người khác. Khi cảm thấy Spence đã hết say sưa với kỷ niệm cũ, ông hỏi lại: “Bà ta chết ra sao?” Viên thanh tra trở lại nghiêm nghị: “Bà ta bị đánh vào sau đầu bằng một vật sắc và nặng. Phòng bị lục tung, tiền để dành bị lấy đi, chừng ba mươi livrơ. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ, và có cho một cậu tên là James Bentley ở trọ. Không có bẻ khóa, phá tủ gì. Bentley mất việc làm, không một xu dính túi và đã nợ hai tháng tiền nhà. Số tiền mất cắp được https://thuviensach.vn tìm thấy, giấu dưới hòn đá lớn sau nhà. Trên tay áo vét tông của Bentley có vết máu và một sợi tóc. Máu là của nạn nhận, và sợi tóc cũng rất có thể của bà ta. Theo những lời khai ban đầu, Bentley không hề tiếp cận xác chết. Vì thế…” “Ai phát hiện ra xác chết?” “Ông hàng bánh vẫn mang bánh cho bà Mac Ginty. Hôm ấy là ngày bà phải trả tiền bánh. James Bentley ra mở cửa. Theo anh ta nói, anh ta đã gõ cửa phòng ngủ của bà già mà không có tiếng đáp. Ông hàng bánh nói có lẽ bà bị ốm, và hai người cùng đi tìm một bà hàng xóm để lên phòng bà Mac Ginty. Bà này không có ở trong phòng, giường không bị nhầu nát, nhưng phòng bị lục lọi tứ tung, và một mảnh ván sàn bị cậy. Họ liền xuống phòng khách nhỏ dưới nhà, và thấy bà ta nằm dưới đất, đã chết. Bà hàng xóm suýt chết khiếp vì sợ. Tất nhiên, họ vội báo ngay cảnh sát.” “Rồi Bentley bị bắt và truy tố?” “Tòa vừa xử hôm qua. Vụ việc không phức tạp, nên sáng nay đoàn hội thẩm thảo luận không quá hai mươi phút. Hắn bị kết án tử hình.” Poirot gật đầu: “Và tòa tuyên án xong, ông đáp ngay xe lửa đến London chỉ để gặp tôi. Sao vậy?” Thanh tra Spence đăm đăm nhìn cốc bia đã uống hết, thong thả nói: “Vì tôi không tin là Bentley có tội.” https://thuviensach.vn Chương II Spence ngừng một lúc lâu. “Và bây giờ ông nhờ tôi…?” Poirot không nói hết câu. Viên thanh tra ngước mắt lên. Bộ mặt có vẻ vô cảm, nhưng là của một con người trung thực, tin chắc vào những nguyên tắc suốt cả một đời đã giúp ông phân biệt cái thiện và cái ác và bây giờ cũng không sẵn sàng từ bỏ. Ông nói: “Tôi ở ngành cảnh sát đã lâu, kinh nghiệm không thiếu. Tôi biết đánh giá một con người không kém bất cứ ai. Đời tôi đã phá nhiều vụ án, có vụ rất đơn giản, có vụ không. Ông Poirot, có một vụ ông cũng biết đấy…” Poirot gật đầu đồng ý. Spence nói tiếp: “Vụ ấy khá là khó và, nếu không có ông, chưa chắc ta đã làm sáng rõ. Dù sao thì lần ấy, thủ phạm đã trả giá… chứ không trả thay người khác. Nhiều vụ khác cũng vậy. Như vụ Whistler. Hắn bị treo cổ là đáng đời. Rồi bọn giết ông già Guterman. Rồi tên Verall, kẻ đầu độc. Một số kẻ khác đã thoát tội. Đó là bà Courtland, vì chồng mụ là một tên ma bùn, nên hội đồng đã chiếu cố. Tranter, vì chứng cớ chưa rõ. Có những chuyện như thế… Đôi lúc, các hội thẩm cũng bị mủi lòng; lúc khác họ bị ảnh hưởng bởi những luật sư biết khai thác một chi tiết rất nhỏ; có lúc thì do bên công tố mắc sai lầm… Ở tòa, mọi việc đều có thể xảy ra, tôi đã chứng kiến tất. Nhưng tôi chưa từng thấy, ít nhất là ở nước Anh này, một người bị treo cổ vì một tội ác người đó không phạm… điều ấy tôi không bao giờ muốn thấy!” “Và dường như ông sắp thấy điều đó,” Poirot nói. “Nhưng tại sao?” Spence ngắt lời: https://thuviensach.vn “Tôi biết ông sắp nói gì, và xin trả lời trước những điều ông định hỏi. Chính tôi được giao điều tra vụ này. Tôi đã tiến hành thận trọng, thu thập các chứng cớ mà xem ra tất cả đều hướng về một thủ phạm duy nhất. Hồ sơ hoàn tất, tôi đã chuyển lên cấp trên. Thế là tôi hết trách nhiệm, quyết định thế nào là tùy thẩm phán. Các sự việc rõ ràng như thế, ông ta không có cách nào khác, chỉ còn tiếp tục quá trình tố tụng. Vậy là James Bentley bị bắt, bị xử, bị kết luận phạm tội. Không thể nào khác, và các hội thẩm hẳn không vấn vương điều gì. Tôi chắc rằng họ đều hoàn toàn tin tưởng là bị cáo có tội.” “Nhưng ông, ông lại không tin?” “Không.” “Tại sao?” Spence thở dài, đưa tay lên xoa cằm: “Tôi không biết. Nói cho rõ tại sao, thì tôi chịu. Trước mắt các hội thẩm, anh ta có bộ dạng kẻ sát nhân. Với tôi thì không… Và trong lĩnh vực này, ít nhất tôi cũng hiểu sâu hơn họ…” “Phải, hiểu những kẻ giết người, hẳn không ai bằng ông!” “Trước hết, anh ta không hề có thái độ ngạo nghễ. Không vênh vênh cái mặt. Hoàn toàn không. Thông thường, bọn tội phạm hay huênh hoang, chúng tỏ vẻ bất cần, tưởng chừng đánh lừa được tất cả mọi người, và cả khi ngồi trên ghế bị cáo, lúc không còn ảo tưởng về điều gì đang chờ ở phía trước, chúng vẫn cứ đóng kịch. Chúng ngoan cố mà! Ông hiểu tôi nói gì chứ?” “Rất hiểu. Và cái tay James Bentley này, hắn không… ngoan cố?” “Không. Hắn… cứ như người sợ hãi đến líu lưỡi lại. Và một số người lại thấy đó là thêm một bằng chứng về tội của hắn. Nhưng tôi thì không!” “Tay James Bentley này trông dáng bộ ra sao?” “Ba mươi ba tuổi, cao trung bình, da vàng, đeo kính…” Poirot đưa tay ra hiệu: https://thuviensach.vn “Điều tôi muốn biết, không phải nhận dạng, mà là tính cách hắn.” “Tôi hiểu…” Thanh tra Spence suy nghĩ một lát, rồi nói: “Nhân vật này không mấy gây cảm tình. Thiếu bình tĩnh. Không bao giờ nhìn thẳng, mắt luôn luôn cúi xuống – thật không gì làm mất cảm tình hơn với đoàn hội thẩm – lúc nhạt nhẽo, lúc lại cáu bẳn, cử chỉ hung hăng chẳng ra làm sao. Tôi cho hắn là một tay nhút nhát. Tôi có một thằng em họ hơi giống hắn. Không vừa lòng điều gì là xổ ra những lời lung tung, thiếu suy nghĩ, khiến ai cũng biết ngay là không đúng sự thật.” “Tay James Bentley của ông, quả thật, chẳng có gì hấp dẫn!” “Tôi đồng ý. Chẳng thể có cảm tình. Nhưng tôi không muốn anh ta bị treo cổ!” “Và ông nghĩ là người ta sẽ treo cổ hắn?” “Tôi chưa biết anh ta làm thế nào mà thoát được. Luật sư của anh ta có thể yêu cầu phúc thẩm, viện cớ có sai sót thủ tục gì đó, nhưng tôi cho là rất khó.” “Người bào chữa anh ta có khá không?” “Graybrook, luật sư chỉ định. Còn trẻ, tỏ ra rất tích cực, khôn khéo nữa.” “Tóm lại, bị cáo được xử ở một phiên tòa hợp lệ, và các hội thẩm đã kết án theo đúng tâm hồn và lương tâm mình?” “Đúng thế. Một đoàn hội thẩm bình thường. Bảy nam, năm nữ. Không nghi ngờ gì, toàn người tốt. Chánh án là ông già Stanisdale, một quan tòa thuộc loại công minh nhất.” “Vậy là về mặt pháp lý, James Bentley không có cớ gì để khiếu nại?” “Nếu hắn bị treo cổ vì một tội không phải của mình, thì hắn có cớ để khiếu nại chứ!” “Ông nói nghe hay đấy.” https://thuviensach.vn “Hắn bị xét xử là do trách nhiệm của tôi. Tôi tiến hành, tôi thu thập tài liệu, rồi trên cơ sở đó, họ xử và kết án. Thưa ông Poirot, đó là điều tôi không thú gì. Cái phán quyết ấy, tôi không thể chấp nhận!” Poirot nhìn ông bạn một lúc lâu, rồi hỏi: “Vậy ông định làm gì?” Viên thanh tra lộ vẻ rất lúng túng. “Ông Poirot, tôi nghĩ chắc ông đã đoán vì lý do gì tôi đến tìm ông. Vụ Bentley đã xử xong. Tôi lại đang làm một vụ khác, một chuyện lừa đảo mà tôi phải đi Scotland ngay đêm nay để điều tra. Tôi không có thì giờ…” “Còn tôi thì có…?” Spence đỏ mặt: “Đúng vậy… Chắc ông cho tôi là quá bạo phổi, nhưng đó là giải pháp duy nhất lúc này. Khi điều tra, tôi đã làm kỹ, đã cân nhắc mọi giả thuyết mà chẳng đi đến đâu, và nếu tôi làm lại, thì cũng đến thế thôi. Với ông, thì khác. Ông nhìn mọi việc, cho phép tôi nói điều này, khác với mọi người, và trong trường hợp này, có lẽ phải như thế mới được. Nếu thủ phạm không phải Bentley, phải tìm ra tên giết người thực… Biết đâu ông chả khám phá điều gì đó mà tôi đã bỏ qua. Tất nhiên ông chẳng có lý do gì để phải nhận việc này, và tôi hiểu rất rõ mình đã cả gan thế nào mới dám đến yêu cầu ông. Nhưng tôi không thấy cách nào khác… Dĩ nhiên nếu ông từ chối, tôi cũng rất thông cảm. Tại sao ông phải dính vào…?” “Tại sao?” Poirot cắt lời. “Vì tại tôi đang rỗi, quá rỗi, và cũng tại câu chuyện này khiến tôi hết sức tò mò, nó đang thách thức các tế bào xám của tôi. Và, cũng tại vì ông nữa! Tôi hình dung, sáu tháng nữa, ông về chăm sóc các khóm hồng, có đủ thứ để hưởng hạnh phúc nhưng lại không hạnh phúc, vì canh cánh bên lòng một kỷ niệm không vui cứ đeo đuổi. Ông là bạn tôi, tôi muốn tránh cho ông cảnh đó… Với lại, còn chuyện khác…” Poirot đứng dậy, tựa bàn tay lên lưng ghế. https://thuviensach.vn “Còn vấn đề nguyên tắc. Người không phạm tội không thể bị treo cổ.” Ngừng một lát, ông nói thêm: “Nhưng nếu vẫn chính hắn là kẻ giết người?” “Nếu ông chứng minh được điều ấy, tôi xin rất biết ơn.” “Được rồi! Xong, tôi nhận! Và xin bắt đầu ngay, vì, nếu tôi hiểu không sai, thời gian gấp lắm rồi… Bà Mac Ginty bị giết ngày nào?” “22 tháng Mười một vừa rồi. Tôi sẽ chuyển ông các tài liệu.” “Tốt. Hôm nay, ta hãy xét những nét lớn. Nếu Bentley không giết, thì là ai?” Spence nhún vai: “Theo tôi biết, chẳng ai có lợi gì phải giết bà ta.” “Câu trả lời ấy không thể chấp nhận. Không án mạng nào không có động cơ. Trường hợp này, động cơ là gì? Ganh ghét? Thù hằn? Ghen tuông? Sợ hãi? Tiền bạc? Động cơ cuối cùng này là đơn giản nhất. Ai có lời lãi gì để phải giết bà Mac Ginty?” “Cô cháu gái. Nhưng bà già chẳng để lại bao nhiêu: hai trăm livrơ, gửi ở Quỹ tiết kiệm.” “Hai trăm livrơ, không nhiều… Nhưng cũng có thể là đủ! Vậy hãy xét cô cháu gái! Xin lỗi, tôi phải bắt đầu lại cuộc điều tra của ông, có thể tôi vẫn đi theo vết chân ông thôi, nhưng việc đó là cần thiết.” Spence gật đầu đồng tình: “Dĩ nhiên, chúng tôi đã không quên bà cháu gái. Ba mươi tám tuổi, lấy chồng là họa sĩ làm trong ngành trang trí. Một anh chàng tốt bụng, lao động nghiêm chỉnh. Còn bà ta, cũng là người dễ chịu, nói hơi nhiều, và có vẻ rất quý bà cô. Có thêm hai trăm livrơ thì cũng tốt, nhưng cặp vợ chồng này không cần số tiền ấy.” “Còn ngôi nhà?” “Nhà không phải của bà Mac Ginty, bà chỉ ở thuê. Luật không cho phép chủ nhà đuổi người thuê, nhưng bà cháu gái thì chẳng https://thuviensach.vn có quyền gì thế chỗ bà cô. Vả lại bà cháu đã có nhà riêng, rất khá, nên mặt này, không thành vấn đề.” Spence thở dài, nói thêm: “Hãy tin tôi, tôi đã xét kỹ tình hình đôi vợ chồng này… rồi ông sẽ xem tận mắt, về phía này không tìm thấy gì đâu!” “Được,” Poirot nói. “Bây giờ đến bà Mac Ginty. Ông tả cho tôi nghe… mà không phải chỉ chú ý đến nhân dạng bên ngoài.” “Hiểu! Một bà sáu mươi tư tuổi, ở góa. Chồng trước đây làm ở hiệu Hodges, tại Kilchester, gian bán hàng vải, bị sưng phổi chết đã bảy năm. Từ đó, bà Mac Ginty đi làm cho các gia đình. Broadhinny, mới không lâu còn là một làng thuần túy nông dân, nay đã hơi thay đổi diện mạo từ khi nhiều người về xây biệt thự, người là cán bộ về hưu, người là công chức sáng đi tối về. Đường sá thuận tiện, có thể đi xe buýt hay tầu hỏa đến Kilchester và cả Cullenquay, một ga quan trọng cách chưa đầy mười dặm. Khu dân cư mới ở khá xa làng Broadhinny thực thụ, làng này cách đường cái từ Drymouth đi Kilchester khoảng vài trăm mét. Làng chỉ có một số nhà ít ỏi, trong đó có nhà bà Mac Ginty.” “Bà ta còn lấy người ở trọ?” “Phải. Lúc chồng còn sống, bà đã cho thuê lại một phòng, vào mùa hè. Chồng mất, bà cho người ở trọ suốt cả năm. James Bentley ở trọ nhà bà được vài tháng.” “Thế là ta lại trở lại với James Bentley?” “Anh ta làm cho một văn phòng địa ốc ở Kilchester – đó là công việc gần đây nhất. Trước đó, sống ở Cullenquay với bà mẹ tàn tật, chỉ chăm nom mẹ, chẳng mấy khi đi đâu. Mẹ mất, lương hưu của mẹ không còn, anh ta bán ngôi nhà nhỏ của mẹ, đi tìm việc làm. Người đứng đắn nhưng vụng về chẳng biết làm gì, vả lại như tôi đã nói, vẻ ngoài lại không hấp dẫn. Tuy nhiên anh ta cũng kiếm được việc ở văn phòng hãng Breather và Scuttle, một cơ quan làng nhàng thôi, nên khi cần giảm người, anh ta bị giãn trước tiên. Thế là thất nghiệp, còn chút tiền cũng mau chóng tiêu hết. Hàng https://thuviensach.vn tháng phải trả tiền nhà bà Mac Ginty. Ba livrơ một tuần, được bà ta cho ở và ăn hai bữa. Lúc bà ta bị giết, anh ta còn nợ hai tháng tiền nhà, có thể nói không xu dính túi. Vẫn không việc làm và đang bị bà ta đòi nợ.” “Và anh ta biết là bà có để ba mươi livrơ trong nhà? À mà tiền đó sao bà ta lại giữ, bà có tài khoản ở Quỹ tiết kiệm mà?” “Bà ta không tin lắm vào chính phủ, cho rằng Nhà nước giữ hộ hai trăm livrơ là quá nhiều rồi. Muốn có tiền ở ngay tầm tay. Bà không giấu diếm chuyện đó, đã kể lại cho nhiều người, số tiền ba mươi livrơ ấy được giấu dưới một ván sàn, trong phòng ngủ. Cho nên khi bà bị giết, người ta lên tìm chỗ ấy ngay. Mà James Bentley cũng công nhận anh ta biết chỗ giấu tiền.” “Thật đẹp cho anh ta đã nói điều ấy! Bà cháu gái và chồng cũng biết chứ?” “Biết.” “Tuyệt vời… Giờ xin trở lại câu hỏi đầu tiên: Bà Mac Ginty chết ra sao?” “Bà ta bị giết đêm hôm 22 tháng Mười một, khoảng từ 7 đến 10 giờ tối, theo như báo cáo của bác sĩ pháp y. Bữa tối bà ăn một đĩa cá trích hun khói, một ít bánh với mỡ mácgarin, khoảng lúc sáu giờ rưỡi như thường lệ. Nếu cho là bà ăn tối vào giờ ấy, thì theo kết quả phân tích tiêu hóa trong dạ dày, bà bị giết vào lúc tám rưỡi, chín giờ. James Bentley khai tối hôm ấy, anh ta đi chơi từ bảy giờ mười lăm đến chín giờ. Hầu như chiều nào cứ chập tối anh ta lại đi như vậy. Theo anh ta nói, anh ta về khoảng chín giờ – anh ta có chìa khóa riêng – và lên ngay phòng mình. Anh ta tắm rửa – bà Mac Ginty đã làm phòng tắm cạnh phòng ngủ, từ hồi bà cho khách du lịch thuê – rồi đọc sách nửa tiếng và đi nằm, không thấy có gì đặc biệt. Sáng hôm sau, anh xuống nhà, vào bếp, không thấy bà Mac Ginty đâu, mà cũng chưa có gì để ăn điểm tâm. Ngần ngừ một lúc, anh đến gõ cửa phòng bà Mac Ginty, không có tiếng trả lời. Anh ta nghĩ bà ta còn ngủ. Lúc đó ông hàng bánh đến, và https://thuviensach.vn anh lại lên gõ cửa bà chủ nhà. Lúc anh xuống thì ông hàng bánh đã sang tìm bà hàng xóm, bà tên là Elliot, và bà này tìm thấy bà Mac Ginty nằm vật trong phòng dưới nhà. Bà ta bị đánh phía sau đầu bằng một vật có thể là con dao thái thịt, lưỡi rất sắc. Chết ngay lập tức. Trong phòng ngủ của bà, mọi thứ vứt lung tung, ngăn kéo bị mở, ván sàn chỗ giấu tiền bị cậy, tiền không còn. Cửa sổ, cửa chớp đều đóng. Không có dấu hiệu đột nhập từ bên ngoài.” “Do đó suy ra rằng,” Poirot kết luận, “hoặc James Bentley đã hạ sát bà Mac Ginty, hoặc chính bà đã đưa kẻ sát nhân vào nhà, trong lúc Bentley đi vắng?” “Đúng thế. Bà ta có thể mở cửa cho ai vào? Cho một người hàng xóm, cho bà cháu gái hay chồng của bà này? Về số hàng xóm. không có ai đến nhà bà tối hôm đó. Còn vợ chồng người cháu, họ đi xem phim. Một trong hai người có thể xem nửa chừng rồi đi xe đạp về nhà – xa độ ba dặm – giết bà Mac Ginty, giấu tiền rồi lại quay về rạp, về lý thuyết có thể làm được, nhưng giả thuyết này không có gì chứng minh. Với lại, nếu thế, tại sao tên sát nhân lại giấu số tiền ngay gần nhà, ở một chỗ mà sau này không dễ gì tới lấy lại? Dọc ba dặm đường, thiếu gì chỗ giấu… Không! Nếu tiền giấu ở chỗ tôi vừa nói…” Poirot nói tiếp vào câu ông thanh tra mới bắt đầu: “Có nghĩa là sát nhân ở ngay trong nhà, nhưng không muốn đem cất vào trong phòng mình. Nói cách khác, không là ai khác, ngoài James Bentley.” “Thế đấy! Cuối cùng vẫn lại đến hắn! Chưa kể tay áo hắn có vết máu…” “Hắn không giải thích tại sao?” “Hắn khai hôm trước hắn quệt phải cái phản ông hàng thịt. Tai hại thay cho hắn, máu lại đúng là máu người.” “Hắn vẫn giữ lời khai ấy?” “Sao được! Ra tòa hắn lại nói khác… vả cũng không có cách nào khác, vì hắn còn phải giải thích vì sao ở tay áo hắn lại có một sợi https://thuviensach.vn tóc dính máu, chắc chắn là tóc của bà Mac Ginty. Hắn nhận rằng hôm trước, lúc đi chơi về, có vào phòng mà bà Mac Ginty nằm chết. Hắn nói đã gõ cửa trước khi vào, và không ngờ là bà ta đã chết, nên đã mó vào xác. Thế rồi, hắn cuống lên. Hắn nói cứ nhìn thấy máu là bao giờ hắn cũng sa sẩm mặt mày. Hắn liền vội lên phòng mình, nói rằng gần như ngất xỉu. Sáng hôm sau, hắn không dám nói đã biết rằng bà Mac Ginty đã chết.” “Chuyện khó chấp nhận!” “Tôi cũng nghĩ thế… Tuy nhiên, có thể là đúng sự thật. Đoàn hội thẩm thì không tin rồi, tất nhiên, nhưng tôi, tôi thấy có vẻ hợp lý. Có những người như thế… Không dám chịu trách nhiệm việc gì. Hắn đứng trước xác bà Mac Ginty. Lẽ ra phải làm một cái gì, báo cảnh sát, hô hoán hàng xóm, vân vân. Hắn không dám. Hắn nghĩ bụng cứ làm như không biết gì, như chưa vào phòng ấy… Rồi hắn đi ngủ, như là đi chơi về rồi lên thẳng phòng mình. Dĩ nhiên, hắn hành động như thế chỉ vì sợ, sợ bị nghi ngờ. Hắn tưởng thế là khôn. Sự thực hắn đã làm việc ngu ngốc, và chính vì hắn xử sự như thằng ngu nên thiên hạ càng tin hắn là thủ phạm.” Ngừng một lát, Spence nói tiếp: “Vậy mà không ngoại trừ là mọi việc xảy ra như thế thật!” “Cũng có thể.” Poirot nói. “Có thể đó là cách giải thích mà luật sư của hắn nghĩ ra, và tin đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ không hoàn toàn như thế. Cô hầu bàn một quán ăn nhỏ ở Kilchester, nơi hắn thường đến ăn, khai rằng hắn luôn chọn một bàn ngồi quay mặt vào tường, để khỏi trông thấy ai. Cô ta bảo trông hắn lạ lạ. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng không lạ lạ đến mức giết người. Hắn không có thói hung bạo ấy…” Spence ngừng nói. Poirot cau mày, suy nghĩ. https://thuviensach.vn Chương III Lát sau, Poirot thở một hơi dài và đứng dậy. “Chúng ta đã kết thúc với động cơ đầu tiên là tiền. Hãy xét các giả thuyết khác! Bà Mac Ginty có ai thù hằn gì không? Có sợ một người nào không?” “Hình như không…” “Hàng xóm nói thế nào?” “Chẳng có gì nhiều. Tôi nghĩ họ chẳng giấu diếm gì đây, vì thực ra chẳng có gì để nói. Theo họ, bà Mac Ginty là người không hay bắt chuyện. Bà biết tất cả làng, nhưng không thân với ai.” “Bà ta ở làng từ bao lâu?” “Hai chục năm.” “Vậy bốn chục năm trước, sống ở đâu?” “Không có gì bí mật. Bà là con gái một tá điền ở Devon và sống với chồng ở Ilfracombe rất lâu, trước khi đến Kilchester. Ở đó ẩm thấp thế nào đó, nên họ rời về Broadhinny. Ông chồng rất tốt, ít khi đi đâu và không bao giờ la cà quán xá. Những người lương thiện mà… Chẳng có gì phải giấu ai.” “Vậy mà, bà Mac Ginty bị ám sát!” “Phải, vậy mà bà ta bị ám sát!” “Quan hệ với bà cháu gái có tốt không?” “Nghe nói tốt.” Poirot đưa tay gãi mũi, nói: “Vụ này sẽ ít rắc rối hơn nếu bà Mac Ginty không phải là bà Mac Ginty, nếu trong đời bà có bí ẩn gì, có quá khứ đáng ngờ…” “Hả! Phải rồi, bà chỉ là bà Mac Ginty, một bà già tốt bụng không học cao, cho người ở trọ và đi làm phục vụ các gia đình, ở nước Anh này, đâu chẳng có người như thế: Có hàng ngàn.” https://thuviensach.vn “Nhưng tất cả đâu có bị giết.” “Đành là thế.” “Vậy thì, tại sao lại giết bà Mac Ginty? Ta không bằng lòng với lời đáp dường như đã có sẵn. Còn lại cái gì? Bà cháu gái? Không có lẽ. Một người lạ nào? Cũng không chắc. Thôi thì ta hãy chỉ căn cứ vào sự việc. Một bà già làm nghề giúp việc, bị giết. Người ta đã bắt và xử người được coi là hung thủ, một chàng trai nhút nhát, tính khí hơi kỳ. Tốt! Tại sao James Bentley bị bắt?” Spence ngạc nhiên nhìn Poirot: “Các chứng cớ đều chỉ vào anh ta. Tôi đã nói rồi…” “Tôi biết. Nhưng, ông Spence thân mến, những chứng cớ ấy xác thực hay giả tạo?” “Giả tạo?” “Tôi xin nói rõ. Giả thử James Bentley vô tội. Về số chứng cớ, có hai khả năng: chúng có thể được nguy tạo để hướng sự nghi ngờ vào Bentley, hoặc chúng là thật, nhưng chẳng chứng minh điều gì, và Bentley chỉ là nạn nhân của một sự trùng hợp hoàn cảnh.” Spence gật đầu: “Tôi hiểu ông muốn nói gì.” “Chưa có cơ sở nào để ta nói rằng các chứng cớ là giả tạo, nhưng cũng không có cơ sở để bảo là chúng không giả tạo. Tiền được giấu bên ngoài nhà, ở một chỗ người ta tìm thấy ngay. Nếu giấu tiền ngay trong phòng của Bentley thì rất vụng về: cảnh sát sẽ ngờ ngợ. Vụ án xảy ra vào giờ Bentley thường đi dạo. Trên tay áo anh ta có vết máu. Biết đâu chẳng có người nào cọ vào anh ta trong đêm tối, cốt để tạo ra chứng cớ ấy!” “Ông Poirot, tôi nghĩ là ông đã đi hơi xa!” “Có vậy thật, nhưng là rất cần để chúng ta nhìn cho sáng… Vì ông Spence ạ, có điều này ông phải nhớ kỹ! Rằng, bà Mac Ginty là một bà phục vụ nghèo hèn, không có gì đặc biệt, nhưng kẻ giết bà lại phải là một kẻ đặc biệt. Rõ như ban ngày! Trong chuyện này, nạn nhân không đáng chú ý, mà hung thủ mới đáng chú ý. Trong https://thuviensach.vn phần lớn các vụ án khác, thì ngược lại. Người cần phải hỏi, phải nói là người chết. Khi ta biết người đó sống thế nào, yêu ai, ghét ai là đã gần tìm ra thủ phạm, ở đây, trái hẳn! Ai giết bà Mac Ginty? Tại sao giết? Không phải nghiên cứu cuộc đời bà Mac Ginty mà biết được, phải chính tính cách của kẻ giết người mới giúp ta tìm con đường đúng. Đồng ý không?” Spence từ nãy vẫn nghe với vẻ nghi ngờ, đáp một câu thận trọng: “Xem ra thì đúng.” “Tên giết người này,” Poirot tiếp, “nó muốn gì? Muốn loại bỏ bà Mac Ginty…? Hay loại bỏ James Bentley? Với tôi, đây là một trong những câu hỏi đầu tiên phải giải đáp. Vụ án đã có một nạn nhân bề ngoài. Liệu có còn một nạn nhân khác, nạn nhân thật? Cần phải xem xét.” Spence chưa hoàn toàn bị thuyết phục: “Ông thực lòng tin rằng có một kẻ nào đó giết một bà già tội nghiệp, hoàn toàn vô hại, chỉ để làm cho một người vô tội bị treo cổ?” “Muốn ăn ốp-lét, không thể không đập vỡ trứng,” Poirot đáp. “Món trứng ốp lét đây, chính là James Bentley. Ông kể về anh này xem.” “Nhanh thôi! Bố là thầy thuốc, mất khi anh ta lên chín. Đã học hết trung học; không vào quân đội được, vì yếu phổi; thời chiến tranh, công tác ở văn phòng một bộ; cậu ta được bà mẹ cưng chiều suốt thời gian bà còn sống.” “Ở đây, có khả năng xảy ra nhiều chuyện hơn là tiểu sử bà Mac Ginty.” “Ông nghĩ thế?” “Lúc này, thì tôi chưa nghĩ gì hết. Tôi chỉ nói là ta phải điều tra theo hai hướng khác nhau, và cần phải xác định ngay hướng nào là đúng để mà theo.” https://thuviensach.vn “Vậy ông cho là ta nên bắt đầu từ đâu, ông Poirot? Liệu tôi có giúp được gì…” “Trước tiên, tôi muốn gặp James Bentley.” “Dễ thôi. Để tôi báo cho luật sư của anh ta.” “Xong rồi, tôi sẽ đi Broadhinny. Ở đó, căn cứ vào những ghi chép của ông, tôi sẽ làm lại cuộc điều tra mà ông đã làm…” “Để xem nhỡ tôi có bỏ quên điều gì.” Spence nói với nụ cười gượng. “Nói cho đúng,” Poirot chữa lại, “để xem có chi tiết nào mắt tôi nhìn khác mắt của ông. Phản ứng trước mỗi việc là tùy theo từng người. Một hôm, ở Liège, tôi nhận xét là nhà tài chính giàu có người Bỉ nọ trông giống như một cái ấm đun nước. Trước đó, không có ai nhận ra như thế. Nhưng thôi… Tôi dự định sẽ lần lượt loại trừ, từng cái một, những hướng điều tra mà chúng ta để ngỏ, để giữ lại cái hướng đúng nhất. Vậy tôi sẽ đi Broadhinny. Ở đó có khách sạn nào ở được không?” “Có Ba con vịt, nhưng tôi khuyên ông không nên ở đó, và Con cừu, ở Cuvallon, cách Broadhinny ba dặm. Còn trong làng, có một kiểu nhà trọ gia đình, nhà nông thôn cũ kỹ của một cặp vợ chồng trẻ, họ cho trọ lấy tiền. Không bảo đảm tiện nghi hiện đại.” Hercule Poirot nhắm mắt. Đành phải tỏ ra dũng cảm vậy. “Không sao!” Ông nói. “Được thế nào, hay thế.” Spence nói tiếp: “Đến đó, tôi chưa rõ ông nên nói thế nào. Tự giơi thiệu là ca sĩ ôpêra bị mất giọng, cần nghỉ ngơi chăng. Nghe cũng được…” Hercule Poirot ưỡn ngực: “Không! Tôi là Hercule Poirot, vậy đến đó tôi vẫn xưng là Hercule Poirot.” Spence nhăn mặt, tỏ ý nghi ngại: “Như thế có khôn ngoan không?” “Như thế là cần thiết! Nên nhớ là ta không có nhiều thời gian trước mặt! Phải đạt kết quả thật nhanh! Chúng ta biết gì? Chưa gì https://thuviensach.vn cả. Nhưng phải làm mọi người tưởng ta biết rất nhiều. Tôi là Hercule Poirot, thám tử đại tài, vô song. Và tôi, Hercule Poirot, chưa hài lòng với bản án đã tuyên về vụ Mac Ginty. Đó là vì tôi có lý do để nghĩ rằng tôi biết thực sự đã xảy ra chuyện gì, rằng tôi đã biết sự thật. Mọi người hãy coi chừng, như vậy chỉ có lợi cho ý đồ của tôi! Ông thấy có được không?” Spence chỉ có thể trả lời: đồng ý. Poirot tiếp: “Sự có mặt của tôi sẽ làm cho người này, người nọ có phản ứng khác nhau. Tôi sẽ quan sát những phản ứng đó. Hy vọng chúng sẽ cho ta biết nhiều điều!” “Nhưng hãy cẩn thận, chớ nên mạo hiểm quá, ông Poirot ạ. Tôi không muốn chuyện gì xấu xảy ra với ông!” “Nhưng, giả thử tôi bị đánh lén chẳng hạn, thì đó chẳng là chứng cớ ta đang tìm hay sao?” Viên thanh tra bối rối, đáp: “Đúng. Nhưng tôi không muốn ông phải trả giá như thế!” https://thuviensach.vn Chương IV Poirot quan sát căn phòng đang đứng. Rộng, nhưng ngoài ưu điểm đó, chẳng còn gì khác. Thám tử đưa ngón tay trỏ miết lên ngăn trên của một cái giá, rồi nhăn mặt: đúng như ông đoán, nó phủ đầy bụi. Ông ngồi xuống ghế đệm, lò xo ọp ẹp xụp hẳn xuống, mặc dù ông không to béo gì. Ba chiếc ghế khác cũng không khá hơn. Còn con chó giữ nhà nữa, lúc này nó đang giương mắt nhìn Poirot với vẻ tò mò đáng ngại. Trên tường có vài tranh khắc trên kim khí toàn cảnh chiến trận, và hai tranh sơn dầu tạm được. Giấy dán tường đã lâu, phai hết màu sắc ban đầu. Bàn khập khễnh, thảm trải đã sờn. Cửa sổ mở toang, và có lẽ khó có sức mạnh nào trên đời đóng khít lại được. Cửa ra vào cũng không hơn. Lúc này nó đang đóng, nhưng Poirot dám chắc là chỉ hơi có gió là nó sẽ mở tung. Hercule Poirot ngao ngán cám cảnh cho số phận của mình. Cửa mở, bà Summerhayes bước vào. Tóc hung, mắt mũi trông được, song lấm tấm vết hoe. Bà đi vào, rồi lại quay đầu ra để đáp lại người nào gọi từ bên ngoài, và biến mất theo đường đã vào. Poirot phải chạy theo để đóng cửa lại. Bà Summerhayes quay lại ngay. Lần này bà ôm theo một chậu sắt, tay cầm con dao. Từ bên ngoài, có tiếng đàn ông gọi: “Này Maureen! Con mèo lại ốm. Làm thế nào?” “Không sao đâu, mình ơi! Tôi ra đây.” Bà đặt chậu xuống đất, quẳng dao lên bàn, lại đi ra. Poirot lại chạy theo, đóng cửa. Bên ngoài, có tiếng động cơ ô-tô, con chó bỗng sủa, nó nhảy lên chiếc bàn con cạnh cửa sổ. “Không thể chịu được!” Poirot lẩm bẩm. https://thuviensach.vn Cửa lại mở, do gió đẩy, và một luồng khí lạnh giá ùa vào. Con chó càng sủa, rồi nhảy vọt qua cửa sổ. Poirot nghe tiếng bà Maureen gọi chồng: “Sao mình không khép cái cửa sau lại, hở Johnny? Gà ở cả trong bếp!” Poirot thở dài, nói thành tiếng: “Thế mà mình phải trả bảy livrơ một tuần!” Tiếng vọng của cuộc chiến đấu giữa bà Summerhayes với lũ gà mái lại vẳng tới. Rồi, chắc đã giải phóng xong căn bếp, bà lại xuất hiện, và hỏi: “Ông không lấy làm phiền, nếu tôi ngồi đây để bóc vỏ đỗ? Dưới bếp, mùi hôi quá!” “Xin bà cứ tự nhiên, tôi vui lòng!” Nói thế không hoàn toàn đúng, cũng không hoàn toàn sai. Từ lúc đến đây, đã hai mươi tư giờ, Poirot chưa lúc nào chuyện trò nổi với bà Summerhayes quá ba mươi giây. Đây chính là dịp để trao đổi chút ít với bà. Bà Summerhayes ngồi vào ghế và bắt đầu công việc của mình, vẻ chăm chú. Một lát, bà nói: “Tôi mong ông không đến nỗi phiền lòng khi đến ở Long Meadous. Cần gì, ông cứ cho biết!” Poirot lịch sự đáp rằng bà chủ quá tử tế, rồi nói thêm: “Tôi chỉ mong là có cách nào giúp bà mượn được người giúp việc tốt!” “Người giúp việc!” bà Summerhayes kêu. “Bói đâu ra bây giờ! Không tìm nổi ai làm hộ việc nhà. Trước đây có một bà, rất tốt. Thì lại bị ám sát. Thật là rủi!” “Tôi nghĩ bà muốn nói tới bà Mac Ginty?” “Chứ còn ai nữa! Thiếu bà ấy, tôi rất lúng túng.” “Bà ưa bà ấy lắm nhỉ?” “Là vì, thưa ông, bà ấy là người tin được. Bà ấy đến hai lần một tuần, chiều thứ Hai và sáng thứ Năm. Luôn luôn đúng giờ… Bây https://thuviensach.vn giờ, có bà Burp, nhà bà ở gần ga. Có chồng và năm đứa con, cho nên đến bữa đực bữa cái. Nếu không là chồng ốm, thì mẹ già đau, hay là một đứa con! Tóm lại, ít khi thấy mặt. Còn với bà Mac Ginty, thì yên tâm.” “Bà ấy trung thực và đáng tin cậy?” “Bà ấy không bao giờ tơ hào cái gì, từ chút thức ăn trở đi! Tất nhiên, cũng có tính tò mò, hay nhòm ngó những thư từ vứt trên bàn. Nhưng thư vẫn còn nguyên, vậy chẳng có gì phải trách cứ. Những người như bà ấy, cuộc đời không vui…” “Bà Mac Ginty khổ lắm?” “Chứ còn gì. Ông tưởng lau sàn nhà là thích lắm à? Sáng sớm đến nơi, đã thấy một đống quần áo phải giặt? Mà chẳng phải là quần áo của mình! Tôi ấy à, tôi mà sống như thế thì nếu có bị ám sát cũng là một cách giải thoát. Ấy nghĩ thế nào, tôi nói thế.” Bộ mặt thiếu tá Summerhayes lấp ló ngoài cửa sổ. Bà Summerhayes chạy ra: “Gì thế, mình?” “Maureen này, con chó chết tiệt, ăn hết những thứ mình chuẩn bị cho gà!” “Phiền quá! Ăn vào thì ốm.” Johnny Summerhayes đưa cho vợ một rổ đầy rau xanh: “Rau muống đây. Đủ chưa?” “Ông cứ đùa!” “Tôi lại nghĩ nhiều quá.” “Luộc lên thì nó ngót đi, không đủ một đĩa. Mình không biết thế nào là rau muống ư?” “Biết, nhưng…” “Cá đã tới chưa?” “Chưa thấy.” “Thế thì mở đồ hộp vậy. Còn hai, ba hộp ở góc tủ, dưới bếp. Mình lấy hộ nhé?” “Được rồi. Còn rau muống?” https://thuviensach.vn “Cứ mặc tôi!” Nói rồi, bà vọt qua cửa sổ ra vườn. Poirot vội chạy ra đóng lại. Cả chồng cả vợ đi xa dần, song do xuôi gió nên nhà thám tử nghe lỏm được lời họ trao đổi: “Maureen này, cái ông mới đến trọ là người thế nào? Trông có vẻ lạ lạ. Tên là gì?” “Lúc nãy trò chuyện với ông ta, tôi cố nhớ lại tên: Poirot. Như là người Pháp…” “Ồ lạ thật, cái tên này tôi quen quen!” “Chắc mình xem trên quảng cáo. Vẻ như loại thợ cắt tóc đi cắt tóc từng nhà…” “Không, hình như là đại diện thương mại gì đó. Dù là ai, mình nhớ đòi hắn trả tiền trước…” Poirot không nghe được hết. Ông đóng cửa sổ, rồi để có việc gì mà làm, nhặt các hạt đậu vương vãi mà bà Summerhayes lúc nãy để lại. Vừa làm xong thì bà trở lại. Bà cảm ơn ông đã vui lòng dọn giúp, và nói: “Loại đậu này chả ngon lắm… Hơi nhiều hạt đen…” “Vâng, tôi cũng nghĩ vậy… Bà cho phép tôi đóng cứa nhé? Kẻo gió lùa…” “Vâng, xin ông. Ấy tôi có cái thói cứ mở cửa rồi quên không đóng…” “Tôi đã nhận ra điều ấy.” “Khổ một cái, cái cửa này, nó có chịu đóng đâu! Nhà cửa ọp ẹp. Nhà của bố mẹ chồng, xưa kia lương ít, chả lấy đâu mà chữa chạy. Chúng tôi cũng vậy, từ khi từ Ấn Độ về ở đây, không có khả năng. Nghỉ hè, chỉ bọn trẻ là sướng: bao nhiêu là buồng, lại có vườn để chơi trò da đỏ! Chúng tôi hết sức cố gắng, nhưng bị mấy phen làm ăn thất bát, bây giờ đành cho ở trọ để sống qua ngày!” “Lúc này, ngoài tôi ra, bà còn khách trọ nào khác?” “Có, một bà đã cao tuổi. Từ hôm đến đây, bà nằm bẹp, không dậy lần nào. Tôi không có cảm giác bà ốm, nhưng thế đấy… Tôi https://thuviensach.vn lên dọn ăn cho bà bốn lần một ngày. Vì bà vẫn ăn ngon! Nhưng ngày mai hình như bà phải ra ngoài để đi thăm một cô cháu gái thì phải…” Bà Summerhayes ngừng một chút, rồi nói tiếp, giọng thiếu tự nhiên: “Tôi đang chờ người mang cá đến… Nếu không phiền, ông có thể cho xin… số tiền của tuần đầu? Vì ông định ở tám ngày, có phải không?” “Tám ngày… và có thể hơn.” “Tốt rất ngại phải hỏi ông như thế, quả thật tôi không có tiền lẻ… mà các ông hàng cá thì…” “Không sao, không sao, bà đừng ngại!” Bà Summerhayes vớ lấy bảy tờ một livrơ mà nhà thám tử chìa ra, vẻ hồ hởi, mừng rỡ ra mặt. Thám tử nói: “Có lẽ tôi cũng nên tự giới thiệu rõ hơn. Tôi là Hercule Poirot.” Lời tuyên bố này không gây cho bà Summerhayes ấn tượng dự kiến. “Tên hay quá,” bà nhoẻn cười khả ái. “Như là tên Hy Lạp ấy nhỉ?” “Và chắc bà đã biết, tôi là thám tử.” Rồi lên giọng một nấc, Poirot bồi tiếp: “Hơn thế, có thể tôi là thám tử vĩ đại nhất thế giới.” Bà Summerhayes cười phá lên: “Ông Poirot, tôi biết mà, ông là người thích đùa. Thế, với tư cách thám tử, ông định tìm gì? Vết vân tay? Dấu chân?” “Tôi tìm kẻ giết bà Mac Ginty, và không phải chuyện đùa.” Bà Summerhayes khẽ kêu một tiếng: bà vừa bị dao cứa đứt tay. Sau khi xoa vết thương, bà nhìn chằm chằm vào Poirot: “Tôi khó tin là ông nói nghiêm túc. Vụ ấy đã xong. Tên giết người bị bắt từ lâu. Hắn đã bị tuyên án và giờ này chắc bị treo cổ rồi!” https://thuviensach.vn “Thưa bà, không. Hắn không bị treo cổ… ít nhất là chưa bị… và vụ việc chưa kết thúc. Như một thi sĩ nước bà đã viết, một vấn đề chưa được giải quyết chừng nào chỉ mới có những lời giải què quặt.” Bà Summerhayes nhìn ngón tay chảy máu xuống chậu hạt đậu. “Không sao,” bà nói. “Vào nước sôi thì cái gì cũng chín.” Poirot đứng lên: “Quên không báo cho bà… Trưa nay tôi không ăn.” https://thuviensach.vn Chương V “Tôi không biết gì – Tôi cam đoan.” Bà Burch nói câu ấy ba lần rồi. Trước cái ông ria mép dài, thu lu trong chiếc áo khoác cổ lông, bà khó cưỡng lại nỗi e ngại tự nhiên khi tiếp xúc với người nước ngoài nói chung. Bà tiếp: “Tất cả những gì tôi có thể nói là cái chuyện này đã làm phiền hà chúng tôi rất nhiều. Sau khi bà cô tôi bị giết, cảnh sát ập đến, ngó ngàng khắp nơi, tra hỏi đủ điều. Hàng xóm thì tò mò, thoạt đầu, tôi tưởng đến phát điên. Chưa kể bà mẹ chồng tôi, suốt ngày ca cẩm rằng chuyện ấy không bao giờ có thể xảy ra trong nhà mình, và thật khổ cho thằng Joe. Thế còn tôi, dễ sung sướng chắc? Dù sao, đó cũng là bà cô tôi, đâu phải cô của bà ấy! Tôi tưởng mọi chuyện đã xong, bây giờ ông lại bảo…” “Vâng! Nhỡ James Bentley vô tội…” Bà Burch nhún vai: “Vô tội. Ông nói nghiêm chỉnh chứ? Chính hắn gây ra chuyện ấy, nghi ngờ gì nữa! Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên! Một thằng khùng vừa đi vừa nói một mình… Tôi đã dặn cô tôi phải đề phòng. Đã nói nếu là tôi, tôi sẽ không cho loại người ấy trọ… Bà ấy cãi: ‘hắn không làm ồn, hắn tốt, không có gì đáng lo. Hắn không uống rượu, không hút thuốc!’ Bây giờ cháy nhà mới ra mặt chuột. Tội nghiệp bà cô!” Poirot ngắm nhìn bà Burch. Người to béo, da sẫm màu, miệng liến thoắng. Ngôi nhà nhỏ sạch sẽ, ngăn nắp. Mùi xi phảng phất, trộn với khói từ bếp tỏa ra rất dễ chịu. Bà Burch có vẻ là vợ hiền, biết trông nom nhà cửa, chịu khó làm cho chồng những món ăn ngon. Rất tốt. Đã nghĩ gì thì như đóng đanh vào cột, không thay đổi. Đó là quyền của bà! Khó hình dung bà vung dao chém bà cô https://thuviensach.vn một nhát, hay xui chồng làm việc đó. Spence đã tìm hiểu tình hình kinh tế của nhà Burch. Họ không cần tiền và Spence tin chắc chắn không phải họ giết bà già. Poirot đồng ý kết luận ấy. Tuy thế, ông vẫn tiếp tục gợi chuyện, không hướng về bản thân vụ án, mà hướng vào chính nạn nhân. Ông hỏi về tình hình sức khỏe của bà Mac Ginty, về thói quen, sở thích của bà, về ông chồng đã quá cố, và về nhiều thứ khác nữa. Liệu có ích gì chăng? Poirot cũng không dám khẳng định. Nhưng cứ hỏi để buộc bà Burch phải nói, qua đó Poirot hiểu rõ hơn cả bà cô và bà cháu gái. Thực ra, Bessie Burch không biết gì nhiều về bà cô. Cũng ít khi gặp nhau. Mỗi tháng một hoặc hai lần, vào Chủ nhật, Bessie cùng chồng đến ăn với bà già. Thỉnh thoảng bà này đến chơi với họ. Lễ giáng sinh, tặng quà nhau. Vợ chồng Burch biết là bà cô dành dụm được ít tiền, bà chết thì tiền này thuộc về họ. “Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi mong bà ấy chết!” Bà Burch hơi đỏ mặt, nói. “Chúng tôi cũng có tiền để dành, và xin nói là đã làm cho bà một đám tang đàng hoàng, đủ lệ bộ!” Bà cô ưa đan áo. Không ưa chó vì chúng hay làm bẩn, nhưng bà có một con mèo. Một hôm, nó đi mất. Bà không nuôi con khác, nhưng bà nhân viên bưu điện hứa sẽ cho bà một con mèo con. Bà giữ nhà rất sạch, đánh đồ đạc bóng lộn, sáng nào cũng lau rửa bếp cẩn thận. Bà đi làm giúp các gia đình, được trả công khá. Một silinh mười xu mỗi giờ, riêng nhà bà Carpenter, ở Holmeleigh trả hai silinh. Nhà Carpenter lắm tiền, yêu cầu bà đến giúp thường xuyên, song bà không nghe, vì còn phải đến làm ở các nhà khác, những nhà này đã mượn bà từ trước. Bỏ họ để đến làm riêng cho bà Carpenter là không nên. Trong lúc chuyện trò, Poirot nói đến tên bà Summerhayes, ở Long Meadows. Có, bà cô có đến làm ở nhà bà ấy, một tuần hai lần. Hai vợ chồng ở Ấn Độ về, nơi đó họ có cả lô đầy tớ bản xứ. Bà Summerhayes rất tốt và bà cô rất quý, nhưng bà ấy không biết https://thuviensach.vn quản lý một gia đình. Họ đã thử trồng rau, nhưng rồi làm ăn chẳng ra sao. Nghỉ hè, bọn trẻ về chơi và lúc đó chúng mới là những ông chủ thực sự của Long Meadows. Chủ nhật, bà Mac Ginty đi lễ nhà thờ, nhưng không quan tâm đến công việc của nhà xứ. Họa hoằn có đi xem phim, về một vài vấn đề, bà rất nguyên tắc: khi biết người chủ mượn mình sống với anh họa sĩ không cưới xin gì, bà bỏ không làm nữa. Bà không đọc sách, nhưng hay xem lướt các báo cũ người ta bỏ đi. Không quan tâm chính trị, nhưng có đi bầu. Bao giờ cũng bỏ phiếu cho ứng cử viên phe bảo thủ, ông chồng trước đây cũng vậy. Bà ăn tiêu tằn tiện, ít khi sắm quần áo mói. Vả lại các gia đình thường cho bà đủ loại quần áo mà họ không dùng nữa. Tóm lại hình ảnh bà Mac Ginty hiện lên đúng như Poirot đã tưởng tượng; còn bà cháu gái đúng như thanh tra Spence đã tìm hiểu và ghi chép. Poirot sắp cáo từ thì Joe Burch về, vì đã tới giờ ăn. Anh này người nhỏ nhắn, mắt ranh mãnh, xem ra có vẻ khó tiếp cận hơn vợ. Tuy nhiên anh ta tỏ vẻ vồn vã với nhà thám tử và tuyên bố luôn là sẵn sàng cung cấp mọi tin tức anh biết. Poirot thấy sự vồn vã này có cái gì đáng ngờ. Tại sao Joe Burch cố làm ra vui vẻ với một người lạ đến làm phiền mình? Chỉ có một cách giải thích: người lạ này có giấy giới thiệu của thanh tra Spence, phòng cảnh sát quận. Joe Burch muốn tranh thủ cảnh sát. Phải chăng nên rút ra kết luận rằng anh ta không thể làm như bà vợ là nói tất cả ý nghĩ của mình; và sở dĩ thế là vì lương tâm anh ta không trong sáng. Lương tâm cắn rứt? Tại sao? Có thể vì những lý do không liên quan đến vụ giết bà Mac Ginty, nhưng cũng có thể vì cái lý do ngoại phạm (đêm ấy họ nói là đi xem phim) là bịa đặt. Có thể đặt giả thuyết: Joe Burch đến gõ cửa bà Mac Ginty, hắn đã giết bà già, ngụy tạo thành một vụ ăn cắp và giấu tiền gần nhà, nhằm để mọi người nghi cho James Bentley: số tiền hai trăm livrơ gửi Quỹ tiết https://thuviensach.vn kiệm quan trọng hơn nhiều so với ba mươi cất dưới sàn. Hai trăm livrơ ấy, vợ hắn sẽ thừa kế, mặt dù họ nói là không cần. Poirot nhớ ra là vẫn chưa tìm thấy hung khí. Tại sao vậy? Một cái đầu ngu tối nhất cũng hiểu chỉ cần đeo găng là không sợ để lại dấu vân tay. Việc gì hung thủ phải đem theo vũ khí đi, một vật rất nặng, có lưỡi sắc? Có phải vì nếu để lại, sẽ nhận ngay ra đó là đồ vật của nhà Burch? Có khi nó vẫn còn để trong nhà. Bác sĩ pháp y nói nó giống con dao thái thịt. Vật chứng này, cảnh sát đã lục tìm khắp nơi, kể cả mò dưới ao! Trong bếp nhà bà Mac Ginty, không thấy thiếu dụng cụ gì, và có vẻ như James Bentley cũng không có vật nào giống như thế. Đó là một điểm có lợi cho anh ta. Người ta đã không tính đến điểm này, vì bên cạnh còn nhiều chứng cớ khác không có lợi. Dù sao, phải tính đến chứ. Dù là nhỏ… Poirot đưa mắt nhìn khắp căn phòng của bà Burch. Hung khí có ở trong phòng này chăng? Hay ở dưới bếp, ngay cạnh? Và có phải vì thế mà Joe Burch có vẻ vừa không thoải mái vừa vồn vã tỏ ý sẵn sàng cộng tác với Poirot? Poirot không tin là như vậy. Tuy nhiên, niềm tin ấy cũng rất mỏng manh. https://thuviensach.vn Chương VI 1 Sau một phút chờ đợi, Poirot được mời vào văn phòng ông Scuttle, một trong những giám đốc của hãng Breather and Scuttle. Ông Scuttle là người bận rộn, tác phong dứt khoát nhưng hòa nhã. Ông chào lại Poirot rồi xoa hai bàn tay ra chiều thân mật, hỏi xem vị khách cần gì. Tuy nhiên bằng con mắt nghề nghiệp, ông vẫn quan sát người lạ, cố đoán xem là loại người nào. Người nước ngoài, rõ rồi. Ăn mặc đàng hoàng, vẻ giàu có. Một giám đốc khách sạn? Có thể. Một nhà sản xuất điện ảnh? “Hy vọng tôi không làm mất thì giờ quý báu,” Poirot nói. “Tôi muốn ông cho biết một số điều về một nhân viên cũ của ông, James Bentley.” Lông mày ông Scuttle nhướn lên cao tới ba phân, rồi lại cụp về chỗ cũ. “Ông là nhà báo?” “Không.” “Là cảnh sát?” “Không.” “Vậy, vì lý do gì…” Poirot, khi cần, không ngại nói dối tí chút. Ông nói ông điều tra về vụ án Mac Ginty theo yêu cầu của một số người thân của James Bentley. “Tôi không biết là anh ta còn người thân.” Ông Scuttle nói. “Dù sao thì đã chậm rồi. Anh ta đã bị tòa xử, tử hình.” “Nhưng án chưa thi hành.” “Và chừng nào còn sống, còn hy vọng! Ông muốn nói như vậy?” https://thuviensach.vn Ông Scuttle lắc đầu, nói tiếp: “Tôi, tôi không tin. Tòa tuyên án dựa trên chứng có chắc nịch. Mà những người thân này của James Bentley là ai vậy?” “Tôi chỉ có thể nói đó là những người giàu có và thế lực. Rất giàu có là đằng khác…” “Ông nói lạ!” Dù sao cũng rất nhạy cảm với câu nói vừa rồi của Poirot, giọng ông Scuttle dịu hẳn xuống: “Tôi ngạc nhiên… Vâng, rất ngạc nhiên.” “Cố phu nhân Bentley, tức là mẹ của James Bentley, đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ với họ hàng.” Poirot giải thích. “Mâu thuẫn gia đình, hả…? Đáng tiếc cho cậu Bentley, họ hàng của cậu đến tận bây giờ mới ra mắt!” “Họ không biết gì hết. Ngay khi được tin, họ đã yêu cầu tôi sang Anh tìm mọi cách để cứu James Bentley.” Ông Scuttle ngả người ra ghế! Không phải chuyện làm ăn, nên ông có thể cho phép thoải mái một chút. “Tôi không hiểu ông có thể làm được gì.” Ông nói. “Viện lý anh ta không chịu trách nhiệm? Khó đấy… Trừ khi có ý kiến xác nhận của cơ quan y tế cấp cao…” Poirot thấy nên trở lại mục đích cuộc viếng thăm: “James Bentley đã từng làm việc chỗ ông. Tôi muốn ông cho biết về anh ta.” “Cũng chẳng có gì nhiều. Một anh chàng có giáo dục, viên chức cần mẫn, không có gì đáng trách cứ, chỉ mỗi tội là không hiểu tí gì về nghệ thuật bán hàng. Không bao giờ hoàn tất nổi một vụ. Mà trong nghề chúng tôi, quan trọng là phải đạt hiệu quả. Một khách hàng đến gặp, nói có một ngôi nhà muốn bán, trách nhiệm chứng tôi là phải bán bằng được. Ngược lại, khách muốn mua, chúng tôi phải tìm cho họ ngôi nhà vừa ý. Nhà cũ, ở nơi hẻo lánh, không có tiện nghi, chúng tôi phải tán là nhà cổ, có giá trị lịch sử, không đả động chuyện khác. Nếu là nhà đẹp ở cạnh một xí nghiệp khí đốt, https://thuviensach.vn chúng tôi lờ không tả bối cảnh nhưng nhấn mạnh những ưu điểm khác. Quan trọng là cuối cùng mua gọn, bán gọn. Nghề chúng tôi là thế… phải có tâm lý chứ!” Poirot bắt lấy câu cuối cùng: “Tâm lý, đúng, ông rất tâm lý, biết đánh giá đúng con người!” Ông Scuttle đưa tay, ra vẻ khiêm nhường. Poirot nói tiếp: “Vì thế, tôi muốn ông nói ông đánh giá James Bentley thế nào. Điều này chỉ riêng ông và tôi biết thôi nhé, ông có nghĩ rằng hắn đã giết?” Scuttle ngơ ngác nhìn Poirot: “Rõ quá rồi!” “Và ông nghĩ rằng, về tâm lý mà nói, hành động đó có thể giải thích được, đúng với tính tình của Bentley như ông đã biết?” “Nghĩa là, là… Thật khó nói… Tôi không thể tin hắn có thể làm chuyện ấy. Tuy nhiên, thần kinh hắn không vững… Hắn không có việc làm, đang lo buồn… Và rồi hôm đó, không kìm được nữa…” “Lúc ông cho cậu ấy thôi việc,” Poirot hỏi, “ông có đưa ra lý do đặc biệt nào?” “Không. Lúc đó là thời kỳ ít việc, người làm lại quá nhiều, nên tôi đã cho thôi anh nào làm việc kém nhất. Người đó là Bentley… Chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận tốt cho anh ta, nhưng anh ta không xoay được việc làm mới. Thiếu nghị lực, bề ngoài không hấp dẫn.” Sau đó, Poirot đã ra về. James Bentley không gây được cảm tình, ai cũng nói thế. Tuy nhiên, có một suy nghĩ khiến nhà thám tử không nản: ông đã biết nhiều tên tội phạm mà ai cũng công nhận là mặt mũi tuấn tú. 2 “Ông cho phép tôi ngồi cùng bàn? Muốn hầu chuyện ông một lát.” https://thuviensach.vn Poirot đang mải xem bảng thực đơn ở quán Mèo xanh, ngẩng đầu, hơi chút ngạc nhiên. Phòng ăn hơi tối, chủ quán muốn tạo ra khung cảnh cổ xưa với nội thất toàn gỗ sồi, cửa kính nhiều màu và cửa sổ nhỏ xíu. Tuy nhiên Poirot nhận thấy ngay cô gái đứng cạnh bàn rất xinh đẹp với bộ tóc vàng đậm. Cô mặc bộ váy hiện đại, và Poirot mang máng nhớ vừa thấy cô ở đâu. Cô nói: “Tôi không cố tình, song đã nghe thấy vài câu ông trao đổi với ông Scuttle.” Poirot gật đầu. Ông đã nhận xét thấy, trong văn phòng hãng Breather and Scuttle, các phòng được ngăn cách chỉ bằng những tấm bình phong mỏng, bên trên lắp kính trong suốt. “Cô đánh máy ở ngăn bên cạnh, có phải không? Cô ở ngay sau lưng tôi, lúc vào tôi đã nhìn thấy.” Cô nhoẻn miệng cười. Hàm răng rất đẹp. Poirot ngắm kỹ hơn. Dáng dấp rất cảm tình. Chừng băm ba, băm tư. Tóc vàng là nhuộm. Nếu để tự nhiên, phải là màu nâu. “Về vấn đề ông Bentley.” Cô nói. Poirot ra hiệu mời cô ngồi. “Và về ông Bentley, cô định nói gì?” “Anh ấy định kháng án, đòi phúc thẩm? Có phải như vậy là đã phát hiện ra điều gì mới? Thế thì hay quá… Bởi vì, tôi không bao giờ tin là anh ta phạm tội!” “Không bao giờ?” “Ít nhất là lúc đầu! Tôi nghĩ có sự lầm lẫn… Tất nhiên, về sau, những chứng cớ…” Cô bỏ lửng câu nói. “Tôi hiểu.” Poirot gật gù. “Lúc đó, vì không thể còn thủ phạm nào khác, tôi nghĩ, hay là, anh ta hành động trong một phút điên rồ…” “Có bao giờ cô cảm giác là anh ta, hừ, nói thế nào nhỉ…? Là lạ?” “Không, không theo nghĩa mà ông hiểu! Anh ta có vẻ ‘kỳ quặc’, nhưng đó là do nhút nhát, nhút nhát đến mức không thể tưởng. https://thuviensach.vn Không biết cách tự khẳng định mình. Nói đúng ra, anh ta thiếu tự tin.” Poirot nhìn cô. Cô có vẻ rất tự tin, thậm chí đủ tự tin cho cả hai người. “Cô yêu anh ta?” Ông hỏi. Cô gái đỏ mặt: “Có cảm tình, có. Amy – cô đồng nghiệp cùng phòng – hay chế anh ta, cho là người ‘kém cỏi’, nhưng tôi, tôi thấy anh ta có cảm tình. Một người có giáo dục, dễ chịu… và biết khá nhiều điều… tôi muốn nói những điếu anh đọc trong sách…” “Tôi hiểu…” “Anh ta rất nhớ mẹ. Bà mẹ ốm đã nhiều năm… Không ốm hẳn, nhưng không khỏe… Và anh ta làm tất cả vì mẹ!” Poirot gật đầu, vẻ thông cảm. Ông rất hiểu những bà mẹ như thế. Cô nói tiếp: “Về phần bà mẹ, bà rất quan tâm đến con. Lo sức khỏe. Mùa đông, khuyên anh ta giữ ngực ấm. Lo xem con ăn gì…” “Và,” Poirot hỏi, “cô và anh ta là bạn thân?” “Tôi không biết… Không hẳn như vậy! Chúng tôi hay chuyện trò với nhau trong một thời gian. Nhưng, từ khi anh ta thôi việc… tóm lại, hầu như không gặp nữa. Tôi viết thư cho anh ta một lần, rất tử tế. Không thấy anh trả lời…” Poirot nhẹ nhàng: “Mặc dù vậy, cô vẫn yêu anh ta?” “Phải, yêu.” Cô nói lời này, giọng vừa cương quyết vừa từ tốn. “Rất tốt!” Poirot tuyên bố. Ông nghĩ đến lần ông vào thăm Bentley trong tù. Nhớ rõ bộ mặt tội nghiệp, thân hình quá gầy, bàn tay quá nhỏ so với cổ tay to và xương xẩu, cổ dài ngoẵng, yết hầu lồi to. Anh ta không nhìn trước mặt, cứ như người không đàng hoàng. https://thuviensach.vn Nói thì giọng ngập ngừng, đôi khi khó nghe. Tất cả toát ra một vẻ đáng ngờ hơn là tin cậy. Và chắc đó cũng là cảm tưởng của đoàn hội thẩm, họ coi anh là người rất có thể biết nói dối và nện một nhát lên đầu bà già chết tươi. Ấy vậy mà, cái cảm giác ấy, thanh tra Spence – vốn cũng rất hiểu biết về con người, lại không có. Poirot cũng không. Cô gái này cũng vậy, tất nhiên. “À mà, cô tên là gì?” “Maude Williams. Tôi có làm được gì… giúp anh ấy?” “Có thể lắm. Cô Williams ạ, có những người không tin là James Bentley phạm tội. Họ muốn chứng minh sự vô tội đó, và tôi đến đây để thu thập những bằng chứng cần thiết. Xin nói thêm là sứ mạng của tôi đang tiến triển tốt.” Câu nói dối này, Poirot thốt ra mà không đỏ mặt. Nó rất cần thiết. Maude Williams sẽ nói. Lời nói của cô sẽ được nghe, rồi lan truyền đến tai những người nào đó khiến họ không thể không giật mình, vì có lý do. Vậy Poirot phải nói dối. Nói dối thẳng thừng. “Cô nói là đã nói chuyện nhiều với James Bentley. Anh ta đã nói về cuộc sống gia đình mình. Có bao giờ anh ta hé ra là có kẻ thù nào không? Có người nào bất hòa với mẹ anh ta, bị bà mẹ ghét?” Maude Williams suy nghĩ. “Tôi không nhớ có lần nào! Tất nhiên, theo như tôi hiểu, bà mẹ không ưa những phụ nữ trẻ…” “Không! Không! Các bà mẹ được con chiều chuộng thường đều thế cả… Tôi muốn nói chuyện gì nghiêm trọng hơn, một mối hận thù gia đình chẳng hạn…” Maude lắc đầu. “Chẳng bao giờ anh ấy nói chuyện gì như thế.” “Thế còn về bà chủ trọ, bà Mac Ginty, cậu ta có nói gì không?” https://thuviensach.vn “Đến tên bà anh ấy cũng không nói, nhưng một lần anh kể bà ta ăn toàn cá trích, lần khác, bà ấy buồn vì mất con mèo.” “Anh ta có bao giờ nói – điều này tôi yêu cầu cô trả lời thật thẳng thắn – anh biết chỗ bà ta giấu tiền.” Cô gái hơi tái mặt, nhưng ngẩng đầu lên: “Có, anh có biết và có nói với tôi. Chúng tôi đang nói chuyện về những người không tin vào nhà băng, thế là anh nói bà chủ trọ chỗ anh là người như thế, giấu tiền dưới ván sàn trong phòng ngủ. Tôi nhớ anh còn nói: ‘Tôi có thể lấy, nếu bà đi vắng!’ Không phải nói đùa – anh ta không đùa bao giờ – mà nói như người thấy sự hớ hênh ấy mà phiền lòng.” “Rất hay.” Poirot nói. “Ít nhất theo hướng tôi nghĩ. Cô hiểu không? Khác gì anh ấy nói: ‘Thế nào cũng có ngày người ta đập chết bà ấy để lấy tiền!’” “Nhưng anh không làm điều đó!” “Tất nhiên! Tôi muốn lưu ý cô điều này: chỉ cần một câu nói, dù tầm phào, đủ làm rõ một tính cách. Bọn tội phạm khôn ra thì đừng có mở miệng. May thay, chúng lại thường huyênh hoang, lắm mồm. Vì thế số thoát khỏi pháp luật không nhiều.” “Nhưng, cuối cùng,” Maude Williams nói, “phải có một kẻ nào đã giết chết bà già!” “Chắc chắn như vậy.” “Vậy hắn là ai? Ông biết chưa?” Một lần nữa, Poirot lại nói dối một cách thản nhiên: “Tôi nghĩ là đã biết, và không thể nhầm. Nhưng tôi mới chỉ bắt đầu điều tra…” Cô gái nhìn đồng hồ, đứng lên: “Xin lỗi, tôi phải trở về văn phòng. Tôi chỉ có nửa giờ rảnh. Hồi làm việc ở London, thoải mái hơn. Nếu tôi làm được gì giúp anh ta, ông báo tôi nhé?” Poirot trao đổi danh thiếp cho Maude Williams, sau khi đã ghi thêm địa chỉ và điện thoại nơi mình đang trọ tại Long Meadows. https://thuviensach.vn “Lúc nào cô muốn gặp, xin cứ gọi.” Tên ông trên danh thiếp không để lại ở cô gái ấn tượng gì – Poirot buồn bã nhận ra điều đó. Ông nghĩ: thế hệ trẻ ngày nay chẳng biết gì tới những nhân vật tài danh của thời đại. 3 Hercule Poirot về Broadhinny bằng xe buýt. Khá hài lòng: giờ ông biết là không chỉ có mình mình tin James Bentley vô tội. Anh chàng ấy ít nhất còn có một người bạn tốt. Ông lại nghĩ đến cuộc gặp anh ta trong nhà tù. Bentley thực sự thất vọng, có vẻ chẳng thiết quan tâm đến số phận của mình. “Xin cám ơn ông,” anh ta nói, “nhưng tôi nghĩ chẳng còn làm gì được.” Anh ta đoan chắc mình không có ai thù hằn: “Làm sao tôi có kẻ thù, vì có ai thèm để ý tôi đâu!” “Mẹ anh cũng không có?” Anh ta bất bình phản đối: “Tất nhiên không! Ai cũng quý, cũng trọng bà.” “Anh kể về các bạn của anh vậy.” “Tôi không có bạn.” Câu này, anh ta sai. Có Maude Williams là bạn. Poirot nghĩ bụng: “Kỳ cục thay tạo hóa! Một con người, dù bị thấp kém, coi thường đến đâu, tạo hóa vẫn thu xếp để anh ta có một người nào đó yêu mình!” Tại sao Maude, một cô gái xinh đẹp, yêu James Bentley? Hẳn là vì, trái hẳn bề ngoài, cô thuộc típ người ‘bao dung mẫu tử’. Cô có đủ các đức tính mà Bentley thiếu. Nghị lực, cương quyết, cô nằm trong số người không bó tay chịu thất bại, chiến đấu tới cùng. Rồi Poirot nghĩ tới những lời dối trá đã nói trong ngày. Ông tự an ủi: nói dối, nhưng đều là cần thiết. https://thuviensach.vn Chương VII 1 Ngôi nhà bà Mac Ginty bị giết cách điểm đỗ xe buýt có vài bước. Hai đứa trẻ đứng chơi trước cửa, một đứa ngoạm quả táo có vẻ bị sâu, đứa kia vừa hét những tiếng man rợ vừa cầm một đĩa sắt tây gõ ầm ầm lên tường. Poirot góp thêm vào tiếng ồn bằng cách gõ thật mạnh cánh cửa. Một người đàn bà ló ra từ góc nhà, đầu tóc bù xù, và mặc chiếc tạp dề sặc sỡ. “Emie, im ngay!” Bà ta hét. Thằng bé vẫn làm ồn, như không nghe thấy. Poirot tiến về phía bà. “Đồ mất dạy, không nói nổi nữa!” Bà ta chép miệng, rồi thản nhiên như không. Poirot xưng danh và được mời vào nhà bằng cửa sau, vì cửa trước đã khóa từ bên trong. Người phụ nữ đi trước dẫn đường. Họ qua một gian bếp ẩm thấp, có phần bẩn thỉu. Người phụ nữ dừng lại, nói: “Bà ấy không bị giết ở đây, mà trong phòng phía trước.” Không nhận thấy sự ngạc nhiên của Poirot, bà nói tiếp: “Ông cần vào phòng ấy chứ gì? Có phải ông là người mới ở trọ nhà Summerhayes?” Bụng sướng rơn, Poirot hỏi: “Ra bà đã biết tôi? Rất hân hạnh… Còn bà là bà…?” “Kiddle. Ông xã nhà tôi làm thợ nề. Mới dọn đến đây đúng bốn tháng. Trước, chúng tôi ở nhà mẹ của Bert… Có những người bảo chúng tôi: ‘Sao lại dọn đến ở cái nhà có người bị giết ấy?’… Chúng https://thuviensach.vn tôi bỏ ngoài tai! Nhà là nhà, ở đây rộng rãi hơn, chứ trước ấy à, cả đống người nhét cùng một phòng… Với lại, nào có chuyện gì đâu. Người ta cứ bảo người bị giết sẽ hiện hồn về ban đêm… Có thể, nhưng bà này thì không… Ông muốn xem tận nơi chứ?” Như khách du lịch đến viếng một ngôi nhà lịch sử, có người hướng dẫn hẳn hoi, Poirot theo chân bà Kiddle bước vào một phòng linh kỉnh những đồ đạc, một kiểu phòng khách nhỏ… Bà Kiddle giới thiệu: “Đây, bà ấy nằm chỗ này, đầu bị vỡ: Phải nói là bà Elliott hết hồn hết vía. Chính bà ấy đã phát hiện ra, cùng với Larkin, ông đưa bánh của hợp tác xã… Còn tiền, thì ở trên kia… Để tôi chỉ cho…” Theo sau bà Kiddle, Poirot lên gác. Buồng ngủ khá rộng: Ông liếc nhìn chiếc giường to có khung bằng đồng, một cái tủ lớn đầy quần áo chưa xếp gọn, cuối cùng đưa mắt xuống mảnh ván sàn có chân bà Kiddle dậm lên: “Tiền dành dụm đặt dưới này!” Poirot cố hình dung căn phòng như lúc bà Mac Ginty còn sống, rất sạch sẽ, ngăn nắp. Ông hỏi: “Số đồ đạc này, không phải của bà ấy?” “Không, của bà, bà cháu gái mang đi rồi.” Vậy không còn gì của bà Mac Ginty. Vợ chồng Kiddle đã ngự nơi đây là những người chủ mới. Cuộc sống vẫn tiếp tục. Dưới nhà, có tiếng trẻ khóc thét. “Thằng út của tôi lại thức dậy rồi.” Bà Kiddle giải thích, dù chẳng cần thiết. Bà lao về phía cầu thang. Poirot đi xuống theo. Căn nhà này không cung cấp được tin tức gì. Ông sang gõ cửa nhà bên cạnh. 2 https://thuviensach.vn “Vâng, chính tôi đã phát hiện ra!” Bà Elliott nói bằng giọng lâm ly. Nhà bà sạch, xinh, có phần đỏm dáng nữa. Ở đây không có gì gợi lại tấn bi kịch, ngoại trừ chính bà Elliott đang tường thuật cái phút đáng nhớ nhất của đời mình. Bà có thân hình cao, gầy, tóc nâu, rất mau miệng. “Ông Larkin đến báo tôi. Ông ấy đã gõ cửa bà Mac Ginty, cùng với cái tay ở trọ nhà bà ấy; không ai trả lời, ông sợ có tai nạn gì chăng. Có thể lắm… Bà ấy chẳng còn trẻ, mạch đập phập phù, tôi đã biết từ lâu, có thể ngất xỉu lúc nào không biết. Thế là, tất nhiên, tôi đi theo Larkin. Họ là đàn ông đàn ang, vào phòng ngủ người ta không tiện…” Poirot gật gù, vẻ hoàn toàn đồng ý. “Tôi trèo lên cầu thang. Hắn đang đứng đó, mặt nhợt như xác chết. Sau này tôi mới nhớ lại, chứ lúc ấy tôi đâu đã biết chuyện gì xảy ra. Tôi gõ cửa, và không ai trả lời, tôi liền mở ra. Trong phòng lộn xộn, mọi thứ ngổn ngang, và tôi nhận ra ngay miếng ván sàn bị cậy. ‘Có kẻ cắp!’ Tôi kêu. Nhưng bà ấy đâu nhỉ? Thì ra bà ấy nằm sóng sượt dưới nhà, trong phòng khách… Đã chết, đầu vỡ toang… Một vụ giết người, vừa nhìn, tôi hiểu ngay… Ở đây, tại Broadhinny này! Thế có chết không…? Tôi la ầm lên… và suýt ngất xỉu… Họ phải chạy ra quán Ba con vịt xin cônhăc về đổ cho tôi, thế mà mấy giờ sau, tôi vẫn còn run cầm cập… Rồi tôi về nhà, vẫn chưa hoàn hồn, cho đến khi ông xã tôi về hỏi có chuyện gì… Ông thấy không, từ bé, tôi đã rất sợ trông thấy người chết…” Poirot tìm cách kéo bà Elliott đi vào vấn đề. “Vâng, điều đó rất tự nhiên. Thế lần cuối cùng bà gặp bà Mac Ginty là bao giờ?” “Có lẽ là hôm trước. Bà ấy đang ở ngoài vườn, hái mấy lá mùi, lúc đó tôi đang cho gà ăn.” “Bà ấy có nói chuyện với bà?” “Bà ấy chào tôi, hỏi gà có đẻ trứng không.” https://thuviensach.vn “Và đấy là lần cuối cùng bà nhìn thấy? Ngày hôm bà ấy chết, bà có gặp không?” “Không. Song, hôm ấy, tôi có thấy hắn. Lúc đó dễ đã mười một giờ. Hắn đang đi dạo trên đường, như mọi khi.” Poirot chờ xem bà có nói gì thêm. Không có, ông liền đặt câu hỏi nữa: “Lúc người ta bắt hắn, bà có ngạc nhiên?” “Trời! Vừa có vừa không. Ông hiểu không, tôi vẫn có cảm giác là tay này không bình thường, và với những kẻ đầu óc không ổn định như thế, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đôi khi, chúng khùng lên… Tôi có một ông chú như thế! Lúc thường thì củ mỉ cù mì, nhưng có lúc như điên lên… Theo tôi, tay Bentley này đúng là một tên lẩn thẩn, nếu không treo cổ cũng phải nhốt hắn vào nhà thương điên… Chỗ hắn là ở đó. Hãy xem hắn giấu tiền ở đâu! Giấu ngay chỗ này, ở nơi chắc chắn người ta sẽ tìm thấy ngay lập tức, không điên thì là gì?” “Phải, hoặc hắn lại mong người ta tìm thấy ngay lập tức” Poirot nghĩ bụng. Rồi ông hỏi to: “À này, tình cờ bà có thấy trong nhà mất cái gì, một con dao, một cái rìu?” “Không. Cảnh sát đã hỏi tôi, mà cũng hỏi cả làng rồi. Hắn chém bà ấy bằng cái gì, chưa ai tìm ra!” 3 Hercule Poirot thong thả đi về trạm bưu điện. Tên sát nhân đã muốn người ta tìm thấy tiền, không tìm thấy hung khí. Bởi vì tiền tìm thấy sẽ tố cáo James Bentley. Nếu tìm ra hung khí, ai sẽ bị tố cáo? https://thuviensach.vn Poirot đã nói chuyện với hai bà hàng xóm khác của bà Mac Ginty. Không lắm miệng bằng bà Kiddle và không lâm ly bằng bà Elliott, họ cho biết Mac Ginty là một bà già đàng hoàng, không hay dính mũi vào chuyện người khác, bà cháu gái ở Cullavon thường đến thăm bà. Theo họ, không ai có hiềm khích gì với bà. Họ cũng hỏi Poirot có phải mọi người đang làm kiến nghị xin tha cho James Bentley hay không. Poirot nghĩ bụng: “Mình dậm chân tại chỗ. Không thêm được điều gì, thảo nào Spence sinh nản. Tuy nhiên, ta, ta không phải là Spence. Ông thanh tra là một cảnh sát tốt, trung thực, tận tụy, còn ta là Hercule Poirot. Với ta, mọi việc rồi phải sáng rõ!” Ông dẫm chân phải vũng nước, nhăn mặt. Ông là Hercule Poirot, vĩ đại, vô song, nhưng tuổi cũng đã cao, và đôi giày quá chật, chân rất đau. Ông bước vào trạm bưu điện. Phòng chia làm đôi: bên phải dành cho công vụ; bên trái, một thứ cửa hiệu tạp hóa bán đủ loại: bánh kẹo, đồ chơi, vải vóc, đồ sừng và tã lót trẻ con. Poirot thủng thẳng hỏi mua vài con tem. Bà nhân viên, mà ông đã biết tên là Sweetiman, khoảng bốn mươi tuổi, có đôi mắt rất thông minh. “Tất cả bốn si linh mười xu. Ông còn cần gì nữa không?” Ở cánh cửa bên trong, ló ra bộ mặt một nữ nhân viên trẻ, tóc biếng chải, không ưa nhìn, cứ như người bị cảm. “Ông từ London tới?” Bà Sweetiman hỏi. “Vầng,” Poirot mỉm cười, đáp. “Và tôi chắc bà biết tôi đến là có việc gì.” Bà Sweetiman trả lời, đơn thuần vì phép lịch sự: “Dạ, tôi đâu rõ.” “Bà Mac Ginty.” Poirot nói. Bà Sweetiman gật đầu: “Một chuyện buồn… Tội nghiệp!” “Bà biết bà ấy?” https://thuviensach.vn “Ai ở Broadhinny này chả biết. Thỉnh thoảng bà ấy đến đây có việc, cũng chuyện trò vài câu. Thật là một cái chết thê thảm… Nhưng, nghe nói, vụ án chưa kết thúc…” “Phải, một số người không tin là James Bentley có tội.” “Đấy, đâu phải là lần đầu cảnh sát bắt người oan! Tuy nhiên, tôi nghĩ lần này không oan. Thực ra tôi đâu ngờ anh ta làm việc đó. Tính tình nhút nhát, không ngờ lại nguy hiểm đến vậy.” Poirot hỏi mua thêm tập giấy viết thư. “Có ngay đây.” Bà Sweetiman đi về phía sau quầy tạp hóa, ngoái đầu lại: “Nhưng nếu không phải Bentley, thì là ai? Thỉnh thoảng, có bọn lang thang qua đây, nếu cửa sổ không khép kỹ, biết đâu chẳng có đứa đột nhập vào nhà bà Mac Ginty. Nhưng thế thì sao hắn bỏ tiền lại? Mà toàn tiền một livrơ, rất dễ đổi.” Cầm tập giấy viết thư rồi, Poirot hỏi bà Sweetiman có thấy bà Mac Ginty lo sợ chuyện gì không. “Ồ! Không, không bao giờ. Bà ấy thì còn sợ gì. Lắm hôm, bà giúp việc ở nhà bà Carpenter ở Holmeleigh, tận trên đỉnh đồi, về rất muộn, vì nhà chủ có khách. Bà vẫn về một mình, trong đêm tối… đến ngay tôi, tôi chẳng dám thế!” “Bà biết bà Burch, cháu gái bà ấy?” “Cũng gặp qua, chào hỏi vài câu thôi. Thỉnh thoảng bà ta có đến đây. Cả ông chồng.” “Họ được thừa kế của bà Mac Ginty đấy nhỉ?” Bà Sweetiman nhìn Poirot bằng con mắt nghiêm nghị: “Lẽ tự nhiên rồi. Của cải, ai mang đi được, tự nhiên phải để lại cho người thân trong nhà. Ông cho thế là không phải?” “Ồ, phải, phải! Bà Mac Ginty có quý cháu gái?” “Rất quý. Bà ấy không lộ ra mặt đâu, nhưng tôi biết bà ấy rất quý.” “Cả chồng của bà cháu gái?” “Theo tôi biết, quý cả hai.” https://thuviensach.vn “Bà gặp bà Mac Ginty lần cuối khi nào?” Bà Sweetiman suy nghĩ một lát. “Xem nào… Hôm bà ấy chết? Không, hôm trước… hoặc hôm trước nữa… Phải rồi… Hôm ấy là thứ Hai… Đúng! Thứ Tư bà bị giết, thứ Hai bà đến đây mua lọ mực.” “Một lọ mực.” “Chắc bà cần viết thư.” “Chắc vậy. Và hôm ấy, bà ấy vẫn như bình thường? Có vẻ gì khác lạ không?” “Không, tôi không thấy gì.” Cô nhân viên trẻ có bộ tóc biếng chải – tên là Edna – đứng ở cửa và từ nãy nghe hết câu chuyện, lúc này mới tham gia: “Không, hôm ấy bà không như mọi ngày. Có điều gì vui… rất vui là đằng khác.” “Có lẽ cô nói đúng,” bà Sweetiman nói. “Lúc đó tôi không để ý ngay, nhưng bây giờ cô nói ra, tôi nhớ đúng là bà ấy có vẻ rất vui… Hôm ấy, chắc chắn có chuyện gì làm bà phấn khởi.” “Bà thử nhớ xem bà ấy có nói gì?” “Bình thường, thì tôi quên rồi, nhưng sau vụ án, cảnh sát hỏi lắm, rồi mọi việc cứ ồn lên, tôi có nghĩ lại lần gặp hôm ấy. Bà ta không nói gì về James Bentley, điều ấy là chắc. Bà ấy nói về nhà Carpenter, về bà Upward… Những gia đình bà ấy đến làm giúp.” “Bây giờ tôi mới nghĩ ra! Tôi xin hỏi, bà ấy đi làm cho những ai?” Câu trả lời có ngay: “Thứ Hai và thứ Năm, làm ở nhà bà Summerhayes, ở Long Meadows. Ông trọ ở đấy thì phải?” Poirot thở dài: “Vâng. Mà cũng không có chỗ nào hơn…” “Ngay cả ở Broadhinny, cũng không chỗ nào hơn. Bà Summerhayes là người khả ái, có điều giống những bà nhiều năm sống ở nước ngoài: không biết trông nom nhà cửa. Nghe đâu mỗi https://thuviensach.vn lần bà Mac Ginty đến là phải lau chùi, cọ rửa thật lực… Là bà ấy kể thế. Chiều thứ Hai bà làm ở đấy. Sáng thứ Ba, làm ở chỗ bác sĩ Rendell, chiều ở nhà bà Upward, ở Laburnums. Thứ Tư, đến lượt bà Wetherby ở Hunter’s Close, và thứ Sáu bà Selkirk, nay tức là bà Carpenter. Bà Upward đã già, sống với ông con trai. Bà có một cô hầu nhưng đã bắt đầu có tuổi, và bà Mac Ginty mỗi tuần đến một lần làm thêm cho kỹ. Nhà Wetherby không mượn ai được lâu, bà ấy ốm đau luôn. Còn gia đình Carpenter, nhà cửa to đẹp, lại hay có khách. Toàn những người sang trọng.” Poirot chia tay bà Sweetiman, đi bộ về Long Meadows. Tổng kết lại, cả ngày chưa thu thập được gì nhiều. Tóm lại, biết thêm được những gì? Rằng James Bentley có một bạn gái, nhưng không có kẻ thù, bà Mac Ginty cũng không. Rằng hai ngày trước khi chết, bà này có vẻ vui và đã mua một lọ mực. Poirot đột ngột dừng chân. Sự việc nhỏ này, phải chăng là điều ông đi tìm từ khi đặt chân đến Broadhinny? Lạ là tại sao bà Mac Ginty cần một lọ mực; ông chỉ nghe biết điều này qua một câu hỏi gần như vô tình, và bà Sweetiman còn nói là chắc bà Mac Ginty cần viết thư! Lúc đó ông chưa để ý đến tầm quan trọng của chi tiết này, vì với ông và với nhiều người khác, viết thư là chuyện thường ngày, có gì phải quan tâm. Nhưng với bà Mac Ginty thì khác. Hẳn là hiếm khi bà viết, đến nỗi khi cần đến, bà phải đi mua một lọ mực. Hai ngày trước khi chết, bà viết một lá thư. Cho ai? Để làm gì? Những câu hỏi có thể vớ vẩn, nhưng cũng nên đặt ra. Một lọ mực… https://thuviensach.vn Chương VIII 1 “Thư?” Bessie Burch ngớ ra. “Không, tôi không nhận thư nào của bà cô. Mà bà viết thư làm gì?” Poirot đặt giả thuyết là bà có điều gì muốn nói với cháu chăng. Bessie lắc đầu: “Bà có viết bao giờ. Bảy mươi tuổi rồi, ông thấy đấy, và lúc bé, có học hành mấy.” “Nhưng bà biết đọc biết viết?” “Tất nhiên. Nhưng bà có đọc gì đâu, ngoài mấy tờ Tin thế giới và Sao chổi Chủ nhật. Còn viết lách, thì là cả một vấn đề. Khi cần nói điều gì, ví dụ muốn bảo chúng tôi đến chơi, bà gọi điện cho ông Benson, ở hiệu thuốc bên cạnh, thế là ông ấy nhắn lại. Ông ấy tốt thật, khỏi phải nói… Bà ra gọi điện thoại công cộng ở trạm bưu điện, mỗi lần mất có hai xu…” Poirot cố giữ khỏi mỉm cười. Viết thư tốn tiền hơn, và bà già không phải là người phí phạm, dù chỉ nửa xu. Bà đã có tiếng là “đếm từng xu”. “Nhưng dù sao, thỉnh thoảng có viết thư?” “Có gửi thiếp mừng vào dịp Nô-en.” “Bà có thể thư từ với bạn bè ở nơi khác?” “Tôi biết không có ai. Có một bà em dâu, bà ấy chết hai năm nay rồi… Còn bà Birdlip nữa, bà ấy cũng chết.” “Tóm lại, nếu viết thư, hẳn là để trả lời một thư nào đó mà bà nhận được?” Bessie Burch lắc đầu hoài nghi: “Thực tình, tôi không nghĩ có ai viết thư cho bà…” https://thuviensach.vn Rồi cười, nói thêm: “Trừ khi là thư của chính phủ…” Poirot hiểu: với Bessie Burch, chính phủ với các cơ quan hành chính là một, những cơ quan này thường gửi lắm giấy tờ, yêu cầu dân kê khai đủ thứ số liệu vừa chi tiết vừa vô duyên. “Vậy là, có thể bà Mac Ginty nhận được của… chính phủ một thông báo gì đó mà bà cần trả lời?” “Trường hợp ấy, bà đã mang sang nhờ Joe viết hộ. Có gì lấn cấn, bà thường nhờ Joe.” “Trong số giấy tờ, bà có giữ những thư riêng nào không?” “Tôi chẳng biết. Với lại giấy tờ đồ đạc của bà, cảnh sát đã đến trước tôi, xem chán rồi mới để chúng tôi mang đi.” “Vậy chúng đâu cả rồi?” “Nhà chật, chúng tôi không giữ hết… Chỉ giữ vài thứ đồ… Như cái tủ ông trông kia…” “Tôi muốn nói những đồ dùng cá nhân kia: gương lược, quần áo, ảnh chụp…” “Tôi để tất cả vào một cái hòm con ở trên gác… Chả biết dùng để làm gì. Quần áo, tôi không muốn đem bán cho nhà hàng đồ cũ, định đến Nô-en đem cúng vào hội từ thiện, rồi quên khuấy mất.” “Bà có thể cho tôi xem trong hòm còn gì nữa…” “Nếu ông muốn, xin cứ mời! Nhưng tôi nghĩ chẳng tìm thấy gì đâu. Cảnh sát đã xem tất cả…” “Tôi biết. Dù sao…” Bà Burch dẫn Poirot lên gác, vào một phòng ngủ nhỏ xíu. Chiếc hòm đặt dưới gầm giường. Bà Burch kéo ra giữa phòng. “Đấy!” Bà nói. “Giờ xin lỗi ông, tôi phải xuống xem cái món ra gu…” Poirot đề nghị bà cứ để ông tự nhiên. Bà vừa quay gót, ông mở ngay hòm. Mùi băng phiến xông lên mũi. Với sự thành kính tự nhiên, ông tiến hành một cuộc kiểm kê, giúp hiểu rõ thêm người đã mất. Hòm chứa nhiều thứ: một áo https://thuviensach.vn khoác đen đã cũ; hai cuộn len, một bộ váy và tất bằng sợi bông; hai đôi giầy bọc trong giấy báo cũ; một cái lược, một bàn chải tóc, cũ nhưng sạch; một chiếc gương có khung bằng bạc; một khung ảnh hai vợ chồng mới cưới ăn mặc theo mốt năm 1920, chắc là ông và bà Mac Ginty; hai ảnh phong cảnh Margate gắn lên gỗ, một con chó nhỏ bằng sứ, một mẩu hướng dẫn làm mứt cắt từ trong tạp chí, và hai mẩu tin cắt từ báo, mẩu đầu nói về ‘đĩa bay’, mẩu sau viết về những lời tiên tri của Mẹ Shipton; cuối cùng là cuốn Kinh Thánh, và một cuốn kinh đọc hàng ngày. Không có túi xách, không găng tay, có lẽ Bessie đã lấy dùng. Vài quần áo còn lại, Bessie để đấy chỉ vì không mặc vừa. Theo số quần áo này, thì bà Mac Ginty người nhỏ, gầy. Poirot cởi một gói giấy bọc giầy. Giầy cũ, còn tốt, nhưng đã đi mòn gót. Chân bà Bessie Burch chắc không xỏ vừa. Nhà thám tử sắp gói trả lại, bỗng chú ý tới măng sét tờ báo: tờ Sao chổi Chủ nhật ngày 19 tháng Mười một. Bà Mac Ginty bị giết ngày 22, vậy bà đã mua tờ báo này hôm Chủ nhật trước khi chết. Tờ báo đó vẫn ở trong phòng bà, và Bessie dùng nó để gói đôi giầy. Thứ Hai, bà Mac Ginty đi mua một lọ mực. Có phải do điều gì bà đã đọc thấy trên tờ báo hôm trước? Poirot cầm gói giầy thứ hai. Đó là tờ Tin thế giới, cũng ngày 19 tháng Mười một. Poirot cẩn thận trải hai tờ báo lên sàn, vuốt thắng, rồi ngồi lên ghế để nhìn cho hết. Một điều đập vào mắt: cả một bài báo lớn trên trang trước của tờ Sao chổi Chủ nhật đã bị cắt đi mất, mà không thấy có lẫn trong các thứ trong hòm. Đọc lướt nhanh cả hai tờ báo, không thấy có gì lạ. Ông gói tất cả lại, xếp gọn mọi thứ vào hòm, rồi xuống nhà, gập bà Burch dưới bếp. “Thế nào, chắc ông chả tìm thấy gì?” “Vâng, không có gì.” Rồi lấy giọng thật thản nhiên, ông hỏi: https://thuviensach.vn “Trong túi xách hay ví của bà cô, bà có thấy một bài báo cắt rời?” “Tôi không nhớ. Nếu có, thì cảnh sát đã lấy đi rồi…” Không phải thế: sổ ghi chép của Spence không nói gì chuyện này. Bản kiểm kê các đồ tìm thấy trong túi xách của người chết cũng không ghi. Poirot ra về. Liệu ông đã tìm ra dấu vết gì chưa? Được, rồi sẽ biết ngay thôi. 2 Ngồi trước một tập báo dày cộm và bụi bậm, Hercule Poirot bắt đầu thấy mình suy nghĩ đúng, và cái lọ mực quả đã dẫn ông vào con đường tốt. Tập báo, đó là những số Sao chổi Chủ nhật đóng lại với nhau. Đây là tờ tuần báo chuyện kể những chuyện xưa, có phần nào tô vẽ, ly kỳ hóa thêm. Và trong số 19 tháng Mười một, Poirot đọc thấy dòng tít chạy dài hết mấy cột ở trang 5: BỐN NGƯỜI ĐÀN BÀ, BỐN NẠN NHÂN GIỜ ĐÂY HỌ RA SAO? Dưới dòng đầu đề là ảnh bốn người phụ nữ. Kỹ thuật in không tốt, nên ảnh không rõ nét. Lại là ảnh cũ từ xưa, nên các nhân vật của những bi kịch một thời đã gần bị quên lãng, trông càng buồn cười. Dưới mỗi ảnh, có lời chú thích: - Eva Kane, “người đàn bà khác” trong vụ Craig. - Janice Courtland, người đã kết hôn cùng quỷ. - Em bé Lily Gamboll, nạn nhân vô tội của một thời kỳ vô nhân đạo. - Vera Blake, không ngờ mình chung sống với một kẻ sát nhân. https://thuviensach.vn Poirot ngồi ngay ngắn trên ghế, đọc không sót một dòng, để xem ông nhà báo Sao chổi Chủ nhật viết gì về những phụ nữ khốn khổ nọ. Vụ án Craig đã một thời khuấy động dư luận, Poirot có nhớ, nên có biết đến Eva Kane. Alfred Craig là một công chức nhỏ của Tòa Thị chính Parminster, người đứng đắn, dễ chịu, không may lấy phải bà vợ đanh ác, khó tính. Bà ta đau hết bệnh này bệnh khác – nhưng bạn bè đều bảo là ốm vờ – làm cho cuộc sống của Craig khốn khổ, vì thế mà phải vay nợ nhiều. Eva Kane là cô bảo mẫu trông con cho hai người. Mới mười chín tuổi, xinh đẹp, không thuộc loại thông minh. Cô ta phải lòng Craig, anh này cũng mê tít. Một hôm, có tin các bác sĩ chỉ định cho vợ Craig đi dưỡng bệnh ở nước ngoài. Theo anh chồng kể, anh ta đã lái xe đưa vợ đi London, rồi từ đó, vợ đáp tầu đi miền nam nước Pháp. Trở về Parminster, một thời gian anh ta vẫn nói cho mọi người biết tin tức của vợ, nói chung là bệnh không thuyên giảm. Trong khi đó, Eva Kane, gần như làm chủ trong nhà, và thiên hạ bắt đầu đồn đại. Cuối cùng, Craig báo tin vợ chết. Anh ta đi vắng một tuần, lúc trở về, kể chuyện tang lễ vợ, song dại dột nêu hẳn tên cái làng nhỏ trên bờ biển nước Pháp – nơi nói là vợ anh ta chết và được đưa tang. Ít lâu sau, một người dân Parminster từ Pháp về, nói chẳng có bà Craig nào chôn cất ở cái làng nói trên, và cũng chẳng ai biết bà Craig là ai. Việc đến tai cảnh sát, và sự thật chẳng bao lâu được làm sáng tỏ. Bà Craig chẳng đi Cote d’Azur bao giờ. Craig đã chặt vợ thành từng khúc, chôn ngay dưới hầm nhà. Khám nghiệm chứng tỏ bà đã bị đầu độc chết. Craig bị bắt, bị xử, lĩnh án tử hình. Eva Kane lúc đầu bị truy tố vì là tòng phạm, sau được miễn tố, vì điều tra chứng tỏ cô ta không biết gì chuyện này. Eva Kane, lúc đó có mang, đã bỏ đi khỏi Parminster. Sau này đời cô ra sao, báo Sao chổi Chủ nhật viết: Ở bên kia Đại Tây Dương, nàng có những người anh em họ dang tay đón tiếp. Nàng thay tên đổi họ, vĩnh viễn rời khỏi nước https://thuviensach.vn Anh. Trên đất mới, nơi không ai biết nàng từng là bạn gái đau khổ của một tên sát nhân bi ổi, nàng sắp bắt đầu cuộc đời mới. Đứa con sẽ không bao giờ biết tên bố. “Con tôi,” nàng tuyên bố, “sẽ không bao giờ biết. Cuộc đời đã quá tàn nhẫn với tôi, nhưng con tôi có quyền hưởng hạnh phúc. Tôi thề là nó sẽ hạnh phúc. Những kỷ niệm đau buồn chỉ là của riêng tôi, tôi sẽ giữ lấy chúng cho mình tôi.” Nàng Eva Kane tội nghiệp, nàng đã không ngờ tới sự xấu xa của người đời, bây giờ nàng ở đâu, nàng ra sao…? Ta có thể hình dung được chăng, ở đâu đó, trong một thành phố nhỏ Hoa Kỳ, có một bà, nay đã cao tuổi, mà hàng xóm luôn không hiểu tại sao cứ có đôi mắt u buồn, một con người đau khổ nhiều, nhưng có niềm an ủi là thỉnh thoảng lại có những đứa trẻ kháu khỉnh đến thăm và gọi ‘bà’. Những đứa trẻ này, cùng với mẹ của chúng, không bao giờ biết tới sự hy sinh cao cả của người đã giữ im lặng để bảo đảm hạnh phúc cho những người mình yêu quý. Poirot thở một hơi dài, ngước mắt lên trần, rồi chuyển sang “người tiếp theo”. Janice Courtland, ‘bà góa bi thảm’, rõ ràng đã làm một việc không khôn ngoan cái ngày đi lấy chồng. Courtland là một con quái vật, những thói tật của hắn chỉ có thể kể bằng những lời ám dụ, đủ để kích thích sự hiếu kỳ của độc giả. Nàng đã phải sống bên hắn như sống dưới địa ngục suốt tám năm ròng. Rồi nàng làm quen với một trang thanh niên dịu dàng và mơ mộng. Một buổi tối, chứng kiến cảnh hai vợ chồng cãi vã, trong đó người chồng tỏ ra cực kỳ bỉ ổi, chàng thanh niên bất bình xông vào hắn, làm hắn ngã đập đầu vào giờ lò sưởi bằng đá, rồi chết sau đó. Tòa công nhận bị cáo bị khiêu khích và giết người không có chủ định, nên chàng thanh niên chĩ bị kết án năm năm tù. Vụ án gây nhiều tiếng vang. Janice bỏ nước Anh ra đi. Tờ Sao chổi Chủ nhật viết: https://thuviensach.vn Để quên. Nàng có quên được không? Chúng ta mong như thế. Có thể lúc này, ở một thành phố xa xôi, nàng đang là một bà mẹ hạnh phúc, nếu có nghĩ đến cơn ác mộng thuở trước chỉ là để tự hỏi nó có thật hay không… Poirot thở dài và lại chúi xuống đọc câu chuyện của Lily Gamboll, “nạn nhân vô tội của một thời vô nhân đạo”. Là con út của một gia đình đã quá đông con, Lily được tách khỏi bố mẹ, giao cho một bà cô nhận nuôi. Một hôm, cháu đòi đi xem phim. Bà cô bảo: ‘Không được!’. Lily vớ luôn con dao thái thịt có sẵn trong bếp, chém bà cô. Lily mới mười hai, nhưng cháu lớn hơn tuổi, người vạm vỡ. Bà cô thì nhỏ bé mỏng manh. Bà chết ngay. Lily bị đưa vào nhà trừng giới. Giờ đây nàng đã là đàn bà. Vì trước đây đã từng là nạn nhân, nay nàng có quyền có chỗ đứng trong xã hội như mọi người. Suốt thời gian bị mất tự do, nàng có hạnh kiểm gương mẫu. Như vậy chứng tỏ là, trong câu chuyện bi thảm nàng đóng vai chính trước đây, người đáng lên án không phải là đứa trẻ mà là cả chế độ xã hội. Như chúng tôi đã nói, Lily chỉ là nạn nhân. Lỗi lầm một lúc, nàng đã trả giá đắt và chúng ta rất muốn tin rằng hiện nay nàng đã có gia đình, có con… và hạnh phúc. Poirot nhăn mặt. Ông không mong ai chết, song những phản ứng của con bé mười hai tuổi này quả là đáng ngại, khiến ông không thể đồng tình với tác giả bài báo. Trong vụ này, ông đứng về phía bà cô. Ông chuyển sang Vera Blake. Vera Blake rõ ràng là một phụ nữ có số không may. Đầu tiên nàng chung sống với một chàng tuấn tú, sau mới biết anh ta là một tên găng-tơ bị cảnh sát truy nã vì đã giết chết người gác đêm của nhà băng hôm anh ta đến cướp. Tiếp theo, nàng kết hôn với một nhà kinh doanh đáng kính, sau mới vỡ lẽ anh ta chỉ là kẻ chuyên buôn đồ ăn cắp, bị tòa án hỏi thăm nhiều lần. Những đứa con của anh ta cũng bị cảnh sát để mắt: chúng theo ‘mẹ’ đi các https://thuviensach.vn siêu thị và trổ tài lấy cắp giỏi, tỏ ra xứng đáng với ‘nếp nhà’. May thay, sau khi ly dị chồng, có một ‘người tốt’ đến với nàng, đưa nàng và các con sang Canada. Poirot xem kỹ bốn bức ảnh. Eva Kate đội chiếc mũ rất to, và có vẻ rất hãnh diện với mớ tóc xõa che kín tai, cô hơi nghiêng đầu, áp một bông hoa hồng lên má. Janice Courtland đội mũ hình chuông xụp xuống đầu, miệng hé mở, kính gọng to trùm lên đôi mắt. Lily Gamboll là một đứa trẻ khá xấu xí, mặt lấm tấm mụn. Còn Vera, bản kẽm xấu quá, phải nhiều trí tưởng tượng mới đoán ra những đường nét của khuôn mặt. Bài báo này, tại sao bà Mac Ginty lại cẩn thận cắt ra từ tờ Sao chổi Chủ nhật? Đây là điều lạ. Poirot đã đọc các biên bản của cảnh sát. Suốt cuộc đời, bà Mac Ginty chẳng lưu trữ nhiều giấy tờ; kiểm kê các vật bà để lại thì biết. Vậy mà Chủ nhật bà đã cắt riêng bài này ra, và thứ Hai đi mua một lọ mực, có vẻ như định viết thư. Không phải là thư công việc, vì nếu vậy bà sẽ nhờ Joe, chồng của bà cháu gái. Vậy thì lá thư ấy là thư gì? Một lần nữa, Poirot nhìn vào bốn bức ảnh chân dung. Bốn người phụ nữ này, tờ Sao chổi Chủ nhật đặt câu hỏi: giờ đây họ ra sao? Poirot bắt đầu ngợ rằng tháng Mười một vừa rồi, một trong bốn phụ nữ đó đã có mặt ở Broadhinny. 3 Poirot phải đợi tới hôm sau mới được cô Pamela Horsefall tiếp. Đó là một phụ nữ khá cao, dáng điệu như đàn ông, hút thuốc liên tục và khoe là biết uống rượu. Khó mà tin cô là người đã viết bài văn lâm ly, sướt mướt nọ trên tờ Sao chổi Chủ nhật. Vậy mà đúng là cô! https://thuviensach.vn Cô loan báo trước chỉ có thể tiếp ông Poirot một lát thôi. Cô phải đi Sheffield ngay làm phóng sự. “Có chuyện gì vậy? Ông nói mau cho! Tôi đang vội.” “Tôi đến gặp vì một bài báo đăng tháng Mười một, trên tờ Sao chổi Chủ nhật, đầu đề: Bốn người đàn bà, bốn nạn nhân.” “Tôi nhớ rồi, không hay lắm hả?” Poirot chưa muốn phát biểu ý kiến, nói tiếp: “Bài đăng số ngày 19 tháng Mười một, nói về Eva Kane, Vera Blake, Janice Courtland và Lily Gamboll.” Pamela Horsefall có vẻ đã sốt ruột, hỏi: “Thế thì sao?” “Tôi đoán là, sau bài này, vốn là nằm trong chuyên mục Những vụ án nổi tiếng, cô sẽ nhận được một số thư của độc giả?” “Ông nói đúng! Dường như thiên hạ không còn việc gì hay hơn để làm là viết thư cho báo. Chuyên mục này nhận được hàng loạt thư. Một độc giả nói đã gặp Craig đi chơi ngoài phố ở London, một người khác…” Poirot ngắt lời: “Điều tôi muốn biết là trong số thư ấy, có thư nào của một bà tên Mac Ginty, ở Broadhinny…” “Làm sao tôi trả lời được? Thư, tôi nhận hàng đống. Không lẽ tôi phải nhớ tên tất cả những người viết thư?” “Tất nhiên không thể. Nhưng bà Mac Ginty này bị ám sát ngay mấy hôm sau, hy vọng cô sẽ để ý sự trùng hợp này.” “Chuyện bắt đầu thú vị rồi đó…” Cô Pamela Horsefall quên phứt mình vội đi Sheffield, ngồi dạng chân xuống ghế, gãi đầu, nói: “Mac Ginty… Tên nghe quen quen… Bà già bị người ở trọ trong nhà đập vỡ sọ, phải thế không? Lấy con mắt báo chí mà xét, không có gì hấp dẫn. Nạn nhân đã già, kẻ sát nhân tầm thường, không có tình ái bên trong… Ông bảo là bà Mac Ginty này có viết thư cho tôi?” https://thuviensach.vn “Tôi có lý do để nghĩ bà có viết thư cho Sao chổi Chủ nhật.” “Thì cũng vậy. Viết cho ai thì thư cũng đến tay tôi… Để tôi nhớ xem… à, nhớ ra rồi, nhưng thư gửi từ Broadway, không phải Broadhinny!” “Sao lạ thế.” “Tôi không khẳng định, nhưng hình như là thế… Tôi nhớ nét chữ, rõ là của người ít học… Rất khó đọc… Nhưng đúng là gửi từ Broadway, chắc chắn…” “Người viết chữ khó đọc, có thể lầm lẫn Broadway và Broadhinny.” “Có thể… Vậy ông cần gì? Những tên quái quỷ của những làng xóm xa xôi, làm sao nhớ hết! Nhưng dù sao thì bây giờ tôi nhớ rõ, thư ký tên bà Mac Ginty.” “Cô có nhớ thư viết gì?” “Về một bức ảnh giống bức ảnh chúng tôi đã đăng trên báo. Bà ta hỏi tòa báo có sẵn sàng mua bức ảnh ấy không, mua giá bao nhiêu.” “Và tòa báo trả lời sao?” “Ôi, tòa báo cần bức ảnh ấy để làm gì? Chúng tôi đã phúc đáp bằng mẫu chữ in sẵn: cảm ơn, rất tiếc và mong, vân vân… Nhưng thư ấy, chúng tôi gửi đi Broadway, vậy bà ta sẽ không bao giờ nhận được.” Thế là Poirot nắm được một thông tin quan trọng: Bà Mac Ginty đã nhận ra một trong bốn nhân vật phụ nữ ở bài báo của Pamela Horsefall. Ông chợt nhớ một câu bà Summerhayes nói: ‘Tất nhiên, cũng có tính tò mò, hay nhòm ngó những thư từ vứt trên bàn’. Bà Mac Ginty lương thiện, nhưng thích ngó ngang ngó dọc. Cái gì cũng để ý… và nhiều người có cái thói quen lạ kỳ giữ lại trăm thứ, những thứ chẳng biết để làm gì, giữ vì luyến tiếc hay vì lười không chịu vứt, có khi chẳng biết là mình giữ những gì. Bà Mac Ginty đã nhìn thấy một bức ảnh cũ, sau này lại thấy đăng https://thuviensach.vn trên báo Sao chổi Chủ nhật. Và nảy ra ý nghĩ, nhân việc này có thể kiếm được ít tiền… Poirot đứng dậy: “Xin cảm ơn cô Horsefall. Chỉ xin hỏi một câu nữa, nếu có gì không phải xin cô lượng thứ. Những điều cô viết trong bài báo, có chính xác không? Ví dụ, tôi đã thấy cô viết tòa xử vụ Craig vào cái ngày ấy là sai. Nó diễn ra một năm sau cái ngày cô nói. Trong vụ Courtland, người chồng, nếu tôi nhớ không nhầm, tên là Herbert, không phải Hubert… Và người cô của Lily Gamboll cư trú ở Buckinghamshire, không phải Berkshire.” Cô Horsefall hẩy tay gạt tàn điếu thuốc lá: “Thưa ông thân mến, tất cả những chi tiết không có chút quan trọng gì, và chắc còn nhiều sai sót khác nữa trong bài báo. Tôi chỉ giữ lại cái cốt yếu rồi tiểu thuyết hóa nó lên, cho hợp thị hiếu…” “Điều tôi quan tâm là muốn biết những… nhân vật của cô có đúng như cô đã tả.” Cô Horsefall cười phá lên, nghe như tiếng ngựa hí: “Tất nhiên là không! Sao ông dễ tin vậy? Tôi tin chắc rằng Eva Kane là một ả giang hồ, không phải gái ngây thơ tội nghiệp đâu, còn nàng Courtland sở dĩ chịu chung sống tám năm với thằng chồng bỉ ổi là vì hắn nằm trên đống vàng, trong khi cậu bạn trai của nàng thì không xu dính túi!” “Còn em Lily Gamboll?” “Thú thật, nếu trông thấy nó cầm con dao, ắt tôi phải tránh xa!” Poirot chắp hai bàn tay lại với nhau: “Cô nói họ đều đã bỏ ra nước ngoài, đi Canada, đi Tân thế giới, họ làm lại cuộc sống ở những chân trời khác. Có thể. Nhưng có gì chứng minh họ đã không trở về nước Anh?” “Ô! Không có gì hết… Nhưng thôi, tôi phải đi đây…” Tối hôm đó, Poirot gọi điện cho Spence. Tiếng đầu dây đằng kia: https://thuviensach.vn “Thế nào? Tôi không biết ông đang làm gì. Có tìm thấy gì mới không?” “Tôi đang điều tra.” “Kết quả?” “Kết quả: mọi người dàn làng Broadhinny đều là những người rất đàng hoàng.” “Thế có nghĩa là?” “Hãy chịu khó suy nghĩ, ông bạn ơi! Tôi nói ‘Những người rất đàng hoàng’. Là người rất đàng hoàng, đôi khi là điều kiện đủ để trở thành sát nhân. Ta đã từng thấy như thế…” https://thuviensach.vn Chương IX Bác sĩ Rendall tính dễ thương, người chắc nịch, chừng bốn mươi tuổi, thân ái tiếp Poirot. Ông nói: “Ông biết không, cái làng nhỏ này rất vinh dự được Hercule Poirot vĩ đại đặt chân tới?” Poirot ưỡn thẳng người, vốn không cao lắm. Ông hài lòng. “Vậy ông có biết tôi?” “Biết chứ! Ai mà không từng nghe nói tới ông!” Câu nói có nghĩa lấp lửng, nhưng Poirot lờ đi, coi như không để ý. “Tôi rất mừng,” ông nói, “là ông có nhà.” “Quả là may đấy!” Bác sĩ Rendall đáp. “Mười lăm phút nữa tôi có một ca mổ. Tôi có thể giúp gì ông đây. Thú thật tôi tò mò muốn biết vì sao ông tới đây. Ông đi nghỉ dưỡng sức, hay có một tên tội phạm nào đang lởn vởn quanh đây?” “Tôi quan tâm vụ giết bà Mac Ginty.” “A…? Nhưng muộn quá rồi, còn gì nữa?” “Chưa muộn. Xin nói riêng với ông thôi, bên bị cáo đã yêu cầu tôi giúp, cần tìm những chứng cớ mới để đòi xét lại vụ án.” “Chứng cớ mới?” Rendall thốt to. “Còn chứng cớ gì nữa?” “Tiếc thay, tôi chưa được phép nói.” “Tôi xin lỗi… Tôi rất hiểu…” “Dù sao, tôi đã phát hiện ra một số điều… nói thế nào nhỉ…? Khá kỳ cục, buộc ta suy nghĩ. Thưa bác sĩ, tôi đến gặp ông là vì, theo như tôi biết, thỉnh thoảng bà Mac Ginty có đến giúp việc nhà ta. Phải không ạ?” “Đúng vậy… Ông uống gì nhé? Xeres hay uýt-ki…? Ông muốn Xeres? Tôi cũng thế!” https://thuviensach.vn Ông đưa cốc cho Poirot, tay mình cầm một cốc, ngồi xuống cạnh nhà thám tử, nói: “Bà Mac Ginty tới đây mỗi tuần một lần, làm vài việc nặng. Tôi có một người ở rất tốt, nhưng bà Scott – đó là tên bà ấy – bắt đầu luống tuổi, nên quỳ gối xuống đất là rất khó nhọc. Bà Mac Ginty đến rửa sàn bếp, đánh bóng đồ đồng và làm nhiều việc khác nữa. Chúng tôi rất hài lòng về bà.” “Bà ấy đáng tin cậy không?” “Hơi khó trả lời… Chưa có dịp thử thách, nhưng tôi nghĩ có thể tin được.” “Và ông cho rằng, một khi bà nói điều gì với ai, điều đó chắc phải có thật?” Câu hỏi có vẻ làm bác sĩ lúng túng: “Tôi không nói đến mức ấy. Thật ra, tôi cũng mới biết bà ấy thôi. Ta thử hỏi bà Scott xem sao…” “Thôi, thôi. Không cần…” Bác sĩ Rendell cười: “Ông làm tôi sinh tò mò. Vậy bà ấy đã nói điều gì? Rất có thể đưa đẩy chuyện nọ, nói sau lưng người kia…” Poirot giữ thái độ thận trọng: “Tất cả còn rất mơ hồ. Tôi mới bắt đầu điều tra.” “Thế thì ông phải làm nhanh lên!” “Tôi cũng nghĩ vậy. Thời gian gấp lắm rồi.” “Thú thật, tôi lấy làm lạ… ở đây mọi người đều tin Bentley là thủ phạm. Không thể nghi ngờ.” “Ông muốn nói mọi người đều tin đây là một chuyện giết người tồi tệ, không có gì phức tạp?” “Vâng… Như thế đấy!” “Ông có biết James Bentley?” “Anh ta có đến khám bệnh chỗ tôi một, hai lần. Nói thực ra, anh ta đã được mẹ cưng chiều quá nhiều. Ở đây, tôi cũng biết một trường hợp tương tự…” https://thuviensach.vn “Lại thế nữa?” “Vâng. Bà Upward… Bà ta cứ túm chặt con trai, muốn anh ta bám gấu váy mình… Đó là một thanh niên cũng khá, không giỏi lắm như anh ta tự huyễn hoặc, nhưng có chút tài lẻ. Tương lai có thể là kịch tác gia.” “Họ sống ở đây lâu chưa?” “Được ba, bốn năm. Ở Broadhinny này, chưa mấy ai ở lâu. Thoạt đầu, làng chỉ gồm một nhúm nhà, tất cả về phía Long Meadows. Ông ở trọ ngả ấy thì phải?” “Đúng vậy.” Poirot hạ câu nói ấy với vẻ ngao ngán, làm bác sĩ Rendell không khỏi mỉm cười: “Bà Summerhayes cho thuê trọ lấy tiền, điều ấy tôi không tưởng tượng! Bà ấy lấy chồng, rồi sang sống ở Ấn Độ. Bên ấy bà có vô khối người hầu nên có biết gì về nội trợ! Tôi chắc ông ở đấy không thoải mái và, giống những người trước, chắc không ở lâu. Ông Summerhayes là người tốt nhưng với cái vườn rau thì chẳng đủ sống. Ông ấy có quen buôn bán đâu! Nói vậy, chứ tôi quý cả hai ông bà. Bà là người dễ thương; ông thì hơi đồng bóng, thất thường, đó là người của lớp cựu binh trước. Đại tá Summerhayes xưa thì oai phong, gớm lắm…” “Đó là ông thân sinh thiếu tá Summerhayes?” “Phải. Ông chết, không để lại gì nhiều, chia chác đi gần hết, nhưng vợ chồng Summerhayes nhất định lưu giữ lại ngôi nhà. Có thể là dại, nhưng cũng không đến nỗi!” Bác sĩ Rendell nhìn đồng hồ. “Tôi không muốn làm ông lỡ việc.” Poirot nói. “Tôi còn dăm phút nữa, xin phép được giới thiệu ông với nhà tôi. Mà giờ này, không biết bà đang ở đâu. Khi biết ông đến Broadhinny, bà ấy rất quan tâm. Chúng tôi rất thích các chuyện vụ án, đọc rất nhiều.” Poirot cười: https://thuviensach.vn “Ông bà thích đọc loại nào? Sách nghiên cứu tội phạm học, tiểu thuyết hay phóng sự?” “Thích tất cả.” “Có hạ cố xem báo Sao chổi Chủ nhật?” “Có chứ!” Rendell cười, đáp. “Chủ nhật không có nó thì xem gì?” “Cách đây bốn, năm tháng, báo đó đăng một loạt bài cũng hay. Đặc biệt, một bài nói về số phận của bốn phụ nữ đã từng gặp thảm họa trong đời…” “Tôi biết ông nói bài nào rồi. Hay đấy, nhưng quá bốc.” “Ông cho là thế?” “Về vụ Craig, tôi không biết rõ ngoài những điều đã đọc ở đây đó. Nhưng vụ Courtland, tôi đảm bảo là người vợ không phải nạn nhân vô tội đâu. Một con điếm, làm gì đều có chủ đích cả. Tôi biết vì có một ông chú tôi chăm sóc sức khỏe tay chồng. Tay này không phải tay vừa, nhưng cô vợ chẳng kém cạnh. Mụ phải lòng một tay non choẹt, xui hắn giết chồng, để rồi hắn ngồi tù, còn mụ lấy người khác. Mụ đã góa chồng, nhưng giàu có.” “Báo Sao chổi Chủ nhật không nói việc này. Ông có biết mụ lấy ai về sau?” Rendell lắc đầu: “Người ta không nói, chỉ bảo là mụ ta đã khéo thu xếp ổn thỏa.” “Đọc bài báo đó,” Poirot nói vẻ xúc cảm, “ta không thể không tự hỏi giờ đây họ ra sao.” “Tôi thì không lo về số phận của họ! Rất có thể ông đã gặp họ trong một buổi tiếp khách tuần trước. Họ không kể về quá khứ của mình thì làm sao ta nhận ra? Ngay dù có những ảnh đăng trên Sao chổi Chủ nhật quá lèm nhèm, ta cũng không nhận ra.” Poirot đứng lên: “Tôi không muốn giữ ông lâu hơn nữa. Rất cảm ơn vì sự tiếp đón thân ái.” https://thuviensach.vn “Sợ rằng tôi chẳng giúp được gì… Nhưng nhất định tôi phải giới thiệu ông với nhà tôi! Bà ấy mà biết tôi để ông đi là không xong…” Rồi đi trước ra phòng ngoài, bác sĩ Rendell gọi to: “Shelgh… Shelgh…” Có tiếng trả lời đâu đó trên cao, ông nói: “Xuống mau… Có chuyện bất ngờ…” Bà Rendell sớm xuất hiện ngay. Đó là một phụ nữ còn trẻ, người dong dỏng, tóc vàng. Ông Rendell nói: “Shelgh, xin giới thiệu với mình ông Hercule Poirot. Thấy chưa?” “Ô!” Bà Rendell lạ lùng đến mức không nói nổi một câu. Đôi mắt màu xanh nhạt, chăm chú nhìn Poirot. Nhà thám tử cầm tay bà, rồi nghiêng mình đưa lên môi hôn. Mãi rồi bà Rendell mới nói: “Chúng tôi có nghe nói ông đang ở đây, không ngờ…” Bà ngừng bặt không nói tiếp, đưa mắt nhìn chồng. “Ở nhà này, ông chồng là người chỉ huy”, Poirot nghĩ thầm. Ông nói vài lời xã giao rất lịch thiệp, rồi xin cáo từ. Tổng kết cuộc đến thăm: bác sĩ Rendell rất dễ chịu. Bà Rendell ít nói và lộ vẻ lo lắng. 2 Hunter’s Close là một tòa nhà vững chãi xây từ thế kỷ trước, có lối đi vào đầy cỏ rậm. Một cô hầu trẻ, rõ là gốc người nước ngoài, ra mở cửa. Khi nhà thám tử nói muốn gặp bà Wetherby, cô nhìn khách một lúc, rồi khi mời ông vào, mới nói: “Có lẽ cô Henderson sẽ tiếp ông.” https://thuviensach.vn Rồi cô ta đi mất, để Poirot ở phòng chờ. Lát sau cô quay lại dẫn ông vào một phòng nhỏ, tối, giữa kê một chiếc bàn to. Poirot nhận ra đây đó những đồ vật kỳ cục, có vẻ lượm từ khắp nơi trên trái đất. Trên lò sưởi, một bình cà phê to bằng đồng, vòi trông như cái mũi khoằm. Tất cả đều âm u, bụi bậm. Cửa mở, một phụ nữ trẻ đi ra. “Mẹ tôi nằm nghỉ.” Cô nói. “Quý ông cần gì?” “Cô là con gái bà Wetherby?” “Tôi họ Henderson. Ông Wetherby là bố dượng.” Ước chừng cô ba mươi tuổi. Cao lớn, không đẹp, cử chỉ vụng về. “Tôi đến để mong được biết chút ít về bà Mac Ginty, thường đến làm ở nhà ta.” Cô Henderson mở to mắt: “Bà Mac Ginty…? Bà ấy chết rồi mà!” “Tôi biết,” Poirot nhẹ nhàng. “Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn cô nói về bà ấy.” “Ông đại diện một công ty bảo hiểm?” “Không. Tôi điều tra vụ này, theo yêu cầu của các luật sư của James Bentley.” Cô Henderson càng lúc càng tỏ ra kinh ngạc. “Nhưng anh ta chẳng phải là thủ phạm rồi sao?” “Theo ý kiến của đoàn hội thẩm, thì là anh ta. Nhưng hội thẩm cũng có khi sai lầm…” “Vậy là một người khác giết bà ấy?” “Vâng, có thể.” “Nhưng là ai?” “Tôi cũng đang đặt câu hỏi.” “Tôi không hiểu.” “Không ư…? Cũng không can gì. Cô cứ nói về bà Mac Ginty… được không?” Cô ngập ngừng một lúc: “Được thôi! Ông cần biết những gì?” https://thuviensach.vn “Hừm… Để mở đầu, cô nghĩ gì về bà ấy?” “Chẳng nghĩ gì đặc biệt… Một người đến giúp việc như mọi người khác.” “Lắm lời hay ít nói? Tò mò hay kín đáo? Dễ chịu hay không?” Cô Henderson suy nghĩ. “Bà ấy làm việc tốt, nhưng nói hơi nhiều. Có khi kể những chuyện vớ vẩn… Thực lòng, riêng tôi, tôi không ưa lắm.” Cửa mở. Cô hầu lúc nãy không vào, đứng ngoài nói với cô Deirdre rằng ‘Bà nhà’ muốn gặp ‘quý ông’. Deirdre Henderson hỏi ý Poirot: “Ông muốn lên không?” “Lên chứ.” “Tôi đưa ông đi…” Poirot đi theo Deirdre Henderson, ông có cảm giác cô này không sáng trí lắm, hơi đần là đằng khác. Phòng bà Wetherby là phòng của một phụ nữ đã chu du nhiều nơi, nơi nào dừng chân cũng muốn đem về chút kỷ niệm. Nhìn chỗ nào cũng vấp phải một vật làm ra cốt để vui lòng – và moi tiền – khách du lịch. Cứ như một cửa hàng đồ cũ. Đồ đạc xấu và lủng củng: bàn, tràng kỷ, ghế bành… Trong căn phòng mênh mông ấy, bà Wetherby như lọt thỏm. Bà cố tạo ra cảm giác ấy, hơn nữa bà có thân hình nhỏ bé. Những người ốm o, yếu ớt dễ được mọi người thương cảm. Bà nằm dài trên chiếc xô-pha, chung quanh bày đủ thứ vừa tầm tay với: mấy cuốn sách, một bộ đồ đan, một hộp kẹo, một cốc nước cam. Bà nói giọng hồn nhiên: “Mong ông thứ lỗi tôi không dậy để tiếp ông, nhưng tại bác sĩ cứ bắt tôi phải nằm nghỉ, nếu không theo thì mọi người la mắng, nên tôi đành bất động…” Poirot cầm bàn tay bà đưa ra, lịch sự cúi xuống, miệng lí nhí những lời không rõ. “Ông ấy muốn lượm tin tức về bà Mac Ginty.” Deirdre nói. https://thuviensach.vn Nhà thám tử cảm thấy bàn tay mình đang cầm bỗng quặp chặt. Không thể không liên tưởng đến móng sắt của một con chim mồi. Tuy nhiên, bà Wetherby cười thẳng thắn: “Deirdre, con nói gì vơ vẩn! Mac Ginty là ai?” “Ôi! Mẹ nhớ quá đi chứ… Người đến giúp việc nhà mình. Cái bà bị ám sát ấy!” Bà Wetherby rùng mình nhắm mắt: “Thôi, con không nói chuyện ấy nữa! Nghe thấy là mẹ đến ốm thêm vài tuần nữa, con biết rồi đấy. Cái bà khốn khổ ấy, tôi rất thương, nhưng sao bà ta lại ngu đến mức giấu tiền ngay trong phòng, thế ngân hàng để làm gì…? Phải rồi, tôi nhớ bà ấy rồi. Chỉ quên mất tên.” Deirdre trở lại vấn đề: “Ông muốn biết tin tức về phía bà ấy.” Bà Wetherby mỉm cười về phía Poirot: “Ông Poirot, ông lấy ghế ngồi xuống! Tôi đang rất hiếu kỳ. Bác sĩ Rendell vừa gọi điện, báo tin một nhà tội phạm học trứ danh đang có mặt ở Broadhinny. Ông ấy mô tả hình dáng ông, nên khi con bé Frieda vào báo người như ông tới, tôi biết ngay, vì vậy tôi mời ông lên. Chính xác là có vấn đề gì vậy?” “Như cô đây vừa nói, tôi muốn vài tin tức về bà Mac Ginty. Theo tôi biết, cứ thứ Tư bà ấy đến nhà ta. Hôm bà bị giết cũng là thứ Tư. Vậy hôm ấy bà có đến đây. Phải thế không ạ?” “Có thể. Đã hơi lâu rồi…” “Vâng, vụ án xảy ra đã vài tháng. Hôm ấy, bà Mac Ginty có nói ra điều gì… đặc biệt?” “Loại người ấy bao giờ cũng lắm lời,” bà Weherby nói, vẻ bực mình, “nhưng ai hoài hơi nghe họ. Vả lại, bà ta không thể báo tin là tối ấy bà sẽ bị giết. Phải không nào?” Poirot lịch sự mỉm cười. Chợt đang chuyện này sang chuyện nọ, ông hỏi: https://thuviensach.vn “Bà có đọc các báo Chủ nhật?” Bà Wetherby giương to mắt: “Có chứ! Chúng tôi mua Người quan sát và Thời báo Chủ nhật. Thế thì sao?” “Hỏi để biết thôi ạ. Bà Mac Ginty đọc tờ Sao chổi Chủ nhật và Tin thế giới.” Im lặng một lúc. Bà Wetherby thở dài, đôi mắt lim dim: “Vụ ấy làm tôi ngủ không yên. Kẻ nào làm chuyện ấy, tôi không hiểu nó còn lý trí hay không…? Giết một bà già bằng dao thái thịt! Kinh tởm!” “Đến nay vẫn chưa tìm ra hung khí.” Poirot buông lời nhận xét. “Chắc nó vứt xuống ao hay hồ rồi.” “Người ta đã mò khắp nơi,” Deirdre nói. “Con đã xem…” Bà Wetherby đưa tay bóp trán: “Sao con cứ nói mãi chuyện ấy…? Nghe càng thêm đau đầu… Ôi, cái đầu tôi!” Deirdre quay về Poirot, giọng bực bõ: “Thôi, ông không nên hỏi nữa… Mẹ tôi quá nhạy cảm… Không đọc nổi một cuốn truyện trinh thám.” Poirot đứng dậy: “Mong bà thứ lỗi. Tôi đến đây chỉ vì ba tuần nữa, một người sẽ bị treo cổ. Nếu anh ta vô tội,…” Bà Wetherby kêu lên: “Hắn có tội! Còn nghi ngờ gì nữa!” Poirot lắc đầu: “Tôi chưa dám chắc.” Ông cúi đầu chào rồi ra thật nhanh. Cô gái đi theo ra tới phòng ngoài, hỏi: “Điều ông vừa nói là nghĩa thế nào?” “Là đúng như tôi nói.” “Nhưng còn gì nữa?” Poirot không đáp. Deirdre tiếp: https://thuviensach.vn “Ông đến, làm cho mẹ tôi rối loạn… Bà ấy không chịu được những chuyện án mạng, giết chóc, bạo lực…” “Nếu vậy, khi được tin cái bà giúp việc nhà mình bị giết, bà phải bị sốc mạnh?” “Còn phải nói!” “Bà có… đau đớn lắm?” “Mẹ tôi cấm không ai nói chuyện ấy trước mặt… Chúng tôi cố hết sức để tránh làm mẹ xúc động… không bao giờ nói trước mặt mẹ những xấu xa của cuộc đời.” “Cả chuyện chiến tranh?” “May thay, chưa có một vụ ném bom nào ở đây!” “Có, hồi chiến tranh cô làm gì?” “Tôi làm việc trong một bệnh viện ở Kilchester và tôi lái xe. Tất nhiên tôi không thể vắng nhà lâu, mẹ tôi cần tôi. Bà ấy vẫn kêu là tôi hay đi vắng… Cuộc sống không dễ dàng, hồi ấy. Ở nhà, mẹ tôi không mó tay vào việc gì… Yếu quá… Mà để có người phục vụ, không kiếm được ai. May là có bà Mac Ginty! Lúc bấy giờ bà bắt đầu đến nhà chúng tôi. Bà ấy làm việc tốt. Tất nhiên ngày xưa người ở còn tốt hơn, nhưng thời thế đã thay đổi…” “Chắc cô lấy làm buồn?” Câu hỏi dường như làm cô ngạc nhiên, cô đáp: “Không, tôi thì không. Với mẹ tôi thì khác… Bà sống nhiều về quá khứ…” “Phải, có những người như thế.” Poirot nói. Ông hình dung lại căn buồng ông vừa đi ra, đặc biệt là một ngăn kéo mở nửa chừng, trong đó có một cái nệm cắm ghim, một chiếc quạt gẫy, một bình cà phê nhỏ bằng bạc và vài tờ báo cũ. Ông nói giọng nhỏ nhẹ: “Họ lưu giữ hàng trăm thứ kỷ niệm gợi nhớ thời xưa cũ: thiếp mời dự hội, chương trình nhà hát, ảnh các bạn đã mất; khi xem lại, họ tưởng sống lại một thời tươi đẹp…” https://thuviensach.vn “Ông nói có lý. Còn tôi, tôi không hiểu những người ấy. Tôi không giữ gì.” “Cô nhìn phía trước mặt, không nhìn phía sau?” “Chẳng biết tôi có nhìn trước mặt hay không… Hiện tại là quá đủ! Ông không nghĩ thế?” Cửa mở, một người cao lớn, đã có tuổi, đi vào, nhưng đứng dừng lại khi nhìn thấy Poirot. Ông ta ngoảnh nhìn Deirdre để hỏi. Deirdre giới thiệu: “Bố dượng tôi. Còn đây là ông… hình như tôi chưa biết tên…” “Tôi là Hercule Poirot.” Nhà thám tử nói, với vẻ bối rối của một vị hoàng tử bỗng buộc phải xưng lai lịch cao quý của mình. “À?” Ông Wetherby thốt một tiếng đơn giản, khoác áo lên mắc. “Ông ấy đến lấy một vài tin tức về bà Mac Ginty.” Deirdre nói. Ông Wetherby lặng yên vài giây rồi mới nói: “Tôi thấy lạ nhỉ. Bà này bị giết đã mất tháng, và mặc dù có đến đây giúp việc, chúng tôi chẳng biết gì về bản thân bà và gia đình. Nếu biết, chúng tôi đã thông báo cho cảnh sát.” Kiểu nói thế là rõ. Ông Wetherby liếc nhìn đồng hồ, tiếp: “Dăm phút nữa là ta ngồi vào bàn ăn chứ?” “Con sợ là hôm nay sẽ ăn hơi muộn.” Ông Wetherby cau mày: “Thật ư? Có thể hỏi tại sao?” “Frieda bận nhiều việc…” “Deirdre này, bố tiếc là phải nhắc lại lần nữa: quán xuyến việc nhà này là trách nhiệm của con. Bố mong có sự nền nếp hơn.” Trước khi ra khỏi cửa, Poirot ngoái nhìn lần cuối sau lưng: Ông Wetherby và cô gái đứng đối diện. Có sự coi thường trong ánh mắt ông Wetherby, còn trong mắt của Deirdre, có một cái gì giống như thù hận. https://thuviensach.vn Chương X Sau bữa ăn trưa – một miếng thịt dai ngoách, đĩa khoai tây nhạt phèo và mấy chiếc bánh tráng tàm tạm – Poirot lại lên đường đi thăm nhà thứ ba trong ngày. Ông đến bà Upward, ở Laburnums, một biệt thự cheo leo trên sườn đồi. Ông dừng lại trước hàng rào sắt để vuốt lại ria mép lần cuối thì bỗng đâu một lõi táo từ bàn tay nào ném tới, rơi độp vào má. Ông kêu lên một tiếng tức tối, quay ra nhìn, thì thấy ô-tô, từ lối rẽ đi ra. Chắc chắn cái lõi được ném từ đó. Một cái đầu thò ra: “Xin lỗi! Ném trúng ông ư?” Poirot nhìn kỹ hơn. Khuôn mặt đầy đặn đượm nét cao quý, đôi lông mày rậm, mớ tóc muối tiêu kia, ông đã nhận ra: “Ô kìa, bà Oliver!” Đúng rồi, đúng là nhà văn nổi tiếng về tiếu thuyết trinh thám. “Trời hỡi! Ông Poirot!” Bà Oliver cố lách người ra khỏi xe, vì thân hình to béo. Poirot tiến lại đỡ, giúp bà nhảy xuống đường đánh phịch như dòng nham thạch phụt khỏi núi lửa. Tiếp theo là những quả táo lăn lông lốc xuống đất. “Cái túi bị thủng.” Bà Oliver giải thích. Bà cầm mấy miếng táo xoa xoa lên ngực, nói tiếp: “Tiếc quá, táo rất ngon, mua của cửa hàng Cox… Nhưng ông Poirot, ông làm gì ở đây? Nhà ông ở đây à? Nếu không, thì là một vụ án mạng? Hy vọng là bà bạn tôi chưa bị ám sát?” “Bạn bà là ai?” Bà Oliver hất hàm chỉ ngôi biệt thự: “Bà ở trong nhà này… nếu đúng đây là biệt thự Laburnums… Bà ấy thế nào?” https://thuviensach.vn “Bà chưa biết bà ấy?” “Tôi nói ‘bà bạn’ là một cách nói thôi. Tôi đến đây là vì nghề nghiệp; ông Robin Upward đây định phỏng theo một truyện của tôi chuyển thành kịch. Tôi đến để bàn với ông ấy.” “Xin chúc mừng, thưa bà văn sĩ!” “Chưa có gì đâu. Đến giờ, tôi vẫn không thú gì công việc này. Trái lại! Và tôi cứ trách mình để bị lôi kéo! Sách của tôi viết thu về khối tiền, nhưng ông thuế lấy của tôi phần lớn, nếu càng viết khỏe, ông ấy càng giã nặng, nên chẳng hơi đâu… Vì vậy tội gì tôi không để các vị kịch tác gia chế biến, thay đổi các nhân vật! Robin Upward luôn mồm nói: ‘Phải nhìn với nhãn quan sân khấu…’ Nghe đâu ông ta rất khá. Nếu khá, sao không tự viết lấy vở, mặc xác ông nhân vật Phần Lan của tôi? Mà bây giờ không phải Phần Lan nữa, mà là người Na Uy, chỉ huy một đường dây kháng chiến…” Bà Oliver đưa tay lên tóc: “Cái mũ của tôi đâu rồi?” Poirot nhìn vào trong xe: “Hình như bà ngồi bẹp gí rồi.” “Có lẽ thế thật,” bà Oliver nói, sau khi đã liếc mắt kiểm chứng. “Không sao, tôi không thích nó lắm, có điều hơi phiền nếu Chủ nhật tôi phải đi lễ nhà thờ. Sẽ xét sau… Giờ hãy trở lại vụ án của ông! Ông còn nhớ cái vụ giết người mà tôi với ông đã cùng nghiên cứu dạo nào?” “Rất nhớ!” “Hay đấy chứ, nhỉ…? Tôi không nói bản thân vụ án, mà cái gì tiếp theo sau nó… Còn lần này là vụ gì?” “Tất nhiên là một người, nhưng không nổi bật như bà Shaitana. Một bà giúp việc bị giết tại đây năm tháng trước. Chắc bà có đọc trên báo. Tên là Mac Ginty. Đã bắt một thanh niên, xử tử hình…” https://thuviensach.vn “Anh ta không phải là thủ phạm, ông biết đích danh tên giết người và sắp vạch mặt hắn. Hoan hô!” Poirot thở dài: “Chưa đâu! Tôi còn đang tìm… và khi tìm ra rồi, còn phải chứng minh đúng là hắn!” “Các vị chậm chạp quá… Như tôi, tôi sẽ tóm được ngay! Là người bản địa đây, phải không? Cho tôi bốn mươi tám tiếng, tôi sẽ tìm ra! Linh tính phụ nữ mà, đó là điều ông thiếu. Trong vụ Shaitana, tôi đã đoán đúng… Phải không nào?” Vì phép lịch sự với phụ nữ, Poirot không muốn nói lại rằng bà Oliver đã lần lượt chỉ ra mấy thủ phạm, cuối cùng mới trúng, còn ông đã đoán đúng từ trước. Ông sắp định nói thì có tiếng đàn ông gọi từ trong nhà: “A lô! Bà Oliver đấy ư?” “Tôi đây, tôi đây!” Bà Oliver ghé tai Poirot, nói nhỏ trong hơi thở: “Yên tâm đi, tôi sẽ không nói gì.” “Ấy không nên!” Poirot đáp liền. “Tôi không yêu cầu bà kín miệng. Trái lại!” Robin Upward đã chạy xuống, mở cửa hàng rào. Anh ta để đầu trần, ăn mặc xuềnh xoàng một cách có ý tứ: vét-tông vải tuýt đã sờn, quần dạ xám cũng cũ. Nếu không có cái vóc hơi đẫy, trông sẽ như vận động viên thể thao. Anh ta ôm hôm bà văn sĩ, gọi bằng tên là Ariadne, rồi đặt hay tay lên vai bà, nói mình đã có một ý tưởng tuyệt vời cho màn hai của vở kịch. “Ta sẽ bàn sau.” Bà nói không vẻ gì hào hứng. “Xin giới thiệu, đây là ông Hercule Poirot.” Robin Upward bắt tay nhà thám tử, rồi lại quay về phía bà Oliver. “Bà có hành lý không?” “Còn ở trong xe.” https://thuviensach.vn Đó là hai hòm nhỏ, tự thân Robin ra mang vào. Anh ta giải thích: “Thực tế là chúng tôi không có người giúp việc. Có bà Janet đấy, nhưng già rồi, không xốc vác được.” Trên lối đi vào nhà, anh ta quay lại nói: “Ta cùng uống gì nhé!” Lời mời nhằm vào Poirot, lúc đó còn đứng ngoài xe với bà Oliver đang lấy nốt cái ví xách tay, một quyển sách và một đôi giày cũ. Bà thì thào với Poirot: “Có phải lúc nãy ông bảo tôi không cần phải giữ kín?” “Vâng, càng không giữ kín càng tốt!” “Lạ đây! Nếu là tôi, tôi sẽ có phương pháp khác. Nhưng thôi, đấy là việc của ông!” Từ biệt thự, lại có tiếng Robin gọi: “Mời các vị vào đi! Mạ tôi đang chờ!” Bà Oliver vội chạy vào, Poirot theo sau. Nội thất biệt thự Laburnums hẳn phải tốn tiền lắm, nhưng đẹp. Khung cảnh vừa giản dị vừa sang trọng. Bà Laura Upward ngồi trên xe lăn cạnh lò sươi, tiếp khách với nụ cười khả ái. Năm nay bà độ lục tuần, tóc muối tiêu và cái cằm nghị lực. Bà nói: “Bà Oliver, rất hân hạnh được làm quen với bà. Tôi nghĩ bà không thích người khác nói về tác phẩm của bà, nhưng xin nói ngay sách của bà là nguồn an ủi của tôi từ nhiều năm nay nhất là từ khi tôi không đi lại được nữa.” Bà Oliver đỏ mặt vì ngượng, vội vã cảm ơn rồi giới thiệu Poirot, và nói thêm: “Ông Poirot là bạn rất thân của tôi. Rất tình cờ, chúng tôi đã gặp nhau ở trước cửa nhà ta…” Bà Upward chìa tay cho Poirot, rồi gọi: “Robin con!” “Dạ, mạ bảo gì?” https://thuviensach.vn “Đem thức uống lên chứ… Thuốc lá đâu.” “Ở trên bàn.” Bà Upward quay về phía Poirot: “Thưa ông Poirot, ông cũng viết văn?” Người trả lời là bà Oliver: “À không… Ông Poirot là thám tử… như Sherlock Holmes… Bà biết chứ ạ? Dấu vân tay, tàn thuốc lá, vết chân mờ ảo… Ông ấy đến đây để điều tra về một vụ án mạng…” Có tiếng cốc bị rơi vỡ. “Cẩn thận đấy, Robin!” Bà Upward nói. Robin Upward đang loay hoay ở khay cốc tách, nói: “Ra Maureen Summerhayes nói đúng. Bà ấy bảo có một thám tử mới về. Bà ấy cho là lạ, nhưng giờ tôi hiểu, đây là chuyện nghiêm túc?” “Tất nhiên rồi,” bà Oliver nói. “Vì kẻ giết người luẩn quất quanh đây.” “Hả? Vậy nếu không có gì bí mật, xin được hỏi hắn giết ai vậy?” “Không bí mật gì,” Poirot nói. “Chuyện đó, các vị biết cả…” “Đó là cái bà giúp việc bị chém chết cách đây mấy tháng,” bà Oliver nói rõ hơn. “Mac… cái gì đó tôi không nhớ…” Robin Upward không giấu sự cụt hứng: “Mac Ginty…? Nhưng vụ này kết thúc rồi mà!” “Chưa đâu!” Bà Oliver đáp. “Người bị kết án là oan, anh ta sẽ bị treo cổ nếu ông Poirot không mau tìm ra thủ phạm. Hấp dẫn đấy chứ!” Robin đưa khay đi mời. “Mời mạ.” “Cảm ơn, con cưng.” Poirot chau mày. Ông cầm ly rượu Robin mời. Bà Oliver cũng vậy. Robin nâng cốc: “Chúng ta uống mừng… tội ác!” Uống xong, anh nói: https://thuviensach.vn “Bà ấy có đến giúp việc ở đây.” “Bà Mac Ginty?” Bà Oliver hỏi. “Đúng. Phải không, mạ?” “Có nghĩa là mỗi tuần đến một lần.” “Và thỉnh thoảng đến buổi chiều.” “Bà làm việc tốt không?” “Sạch sẽ đến quá đáng,” Robin đáp. “Có tật lau quá kỹ, thích dọn dẹp trật tự. Bà ấy vào phòng nào là sau không tìm thấy gì nữa!” “Con ơi,” bà Upward nói, “nhà chật thế này, nếu không dọn dẹp sắp xếp, thì rồi đến đi cũng không lách được!” “Mạ ơi, con biết. Nhưng, nếu cứ cất thứ này thứ khác, con không làm việc được! Sổ ghi chép cũng không tìm thấy!” Bà Upward thở dài: “Chà! Tôi tiếc là không nhúc nhắc được chân tay… Nhà cũng có một bà người ở rất trung thành, nhưng chỉ yêu cầu được bà ta làm bếp là cùng…” “Bà đau gì vậy?” Bà Oliver hỏi. “Thấp khớp?” “Đại loại là thế. Rồi sắp đến lúc phải mượn một cô y tá luôn túc trực. Thật là khổ… Tôi đâu muốn phiền ai!” “Thôi nào, mạ, mạ ca cẩm làm gì?” Bà Upward cười dịu dàng với con trai: “May mà có Robin! Nó hết sức lo lắng, chăm sóc…” Poirot đứng lên: “Rất tiếc là tôi phải đi. Tôi còn đến thăm một nơi, sau phải ra ga đáp tầu. Xin rất cảm ơn bà đã vui lòng tiếp. Và, thưa ông Upward, hy vọng vở kịch của ông sẽ thành công!” Bà Oliver nói: “Phần tôi, xin chúc ông điều tra thắng lợi!” Robin Upward hỏi: “Vậy ra, đó là việc nghiêm chỉnh? Không phải chuyện đùa?” https://thuviensach.vn “Sao lại đùa!” Bà Oliver kêu. “Ông Poirot chưa muốn nói ra tên đứa giết người, chứ ông biết thừa! Phải không, ông Poirot?” Poirot phản đối lấy lệ, đủ để mọi người không tin: “Không đâu, thưa bà. Lúc này, tôi chưa biết nó là ai!” “Thì ông đã nói thế, nhưng tôi thì tôi không tin. Ông cứ hay thích kín kín, hở hở!” Poirot chống chế lại lần cuối, nghiêng mình chào rồi đi ra. Đang theo lối đi dẫn ra hàng rào sắt, ông nghe thấy tiếng của Robin Upward, rất rõ: “Bà Ariadne ơi, tôi sẵn sàng tin bà, nhưng khổ nỗi, trông bộ ria mép lố bịch ấy, ai nghĩ là thật. Bà lại còn bảo ông ta là thám tử tốt nữa!” Poirot cười thầm. Thám tử tốt? May thay, ta hơn thế nhiều! Trên đường, ông gặp chiếc xe chở rau của Summerhaves đi ngược chiều. Chính ông ta cầm lái. Ông ta nói với lại với Poirot rằng ông rất vội, phải ra ga cho kịp tầu chở sản phẩm của vườn nhà ông đi Covent Garden. Poirot cũng phải đáp tầu, để đi Kilchester, ở đó ông sẽ gặp thanh tra Spence để thảo luận. Nhưng ông còn đủ thời giờ để đến thăm một nhà nữa. Gia đình Carpenter ở một ngôi nhà tít trên đỉnh đồi, đặc điểm là mái bằng và rất nhiều cửa sổ. Guy Carpenter là đồng giám đốc một nhà máy xây dựng kim khí lớn, một nhà công nghiệp giàu có, mới đây còn tham gia chính trị. Ông ta mới lấy vợ được ít lâu. Qua cổng rào sắt, Poirot theo một lối đi rất hẹp, rồi bấm chuông cửa chính. Một anh hầu mặt bình thản lập tức ló ra. Hắn đưa mắt nhìn khách một lượt, đánh giá chỉ là đại diện hãng buôn nào đó, tức thuộc loại không để cho vào. “Ông bà Carpenter đi vắng.” “Tôi ở lại chờ vậy.” “Không rõ bao giờ ông bà mới về.” https://thuviensach.vn Cửa lập tức đóng lại. Đáng lẽ trở ra, Poirot quyết định đi một vòng quanh nhà. Vừa ngoặt ở góc nhà, ông chạm trán một phụ nữ trẻ đi ngược lại. Bà ta khoác một áo lông thú. “Ông là ai? Vào đây làm gì?” Poirot lùi hai bước với cử chỉ lịch sự thường lệ: “Tôi đến mong được gặp ông hoặc bà Carpenter. Phải chăng tôi có may mắn đang đứng trước bà Carpenter?” “Đúng, tôi là bà Carpenter đây.” Cử chỉ của bà không làm ra vồn vã, nhưng giọng nói cũng từ tốn. “Tôi là Hercule Poirot.” Trước cái tên ấy, bà Carpenter không có phản ứng mong đợi. Chẳng những không biết Poirot là ai, bà còn không biết ông là khách trọ mới của bà Summerhayes. Những tin tức đồn đại trong làng không tới đến đây. Một nhận xét không có gì đặc biệt, nhưng cũng có thể có một ý nghĩa nào đó. Poirot nói tiếp: “Tôi muốn gặp hoặc ông, hoặc bà, nhưng rất may lại được hầu chuyện bà càng tốt, vì những điều tôi muốn hỏi, chắc bà rõ hơn ông.” “Rồi… chắc lại là một cuộc thăm dò, thống kê gì…” Đột nhiên, bà dứt khoát: “Thôi được! Mời ông vào.” Poirot lại cười thầm. Bà Carpenter tưởng ông là một viên chức nhà nước đi lấy số liệu làm thống kê gì đó, và sắp định nói toẹt ra những điều không hay mà bà nghĩ về những cuộc điều tra vớ vẩn đó, nhưng bà đã kịp ngừng lại vì nhớ đến những tham vọng chính trị của chồng, nó không cho phép bà chỉ trích những chủ trương của chính phủ. Bà đưa Poirot vào một phòng rộng, cửa sổ nhìn ra khu vườn, rất đẹp. Bàn ghế, phần lớn đều kiểu giả cổ, xem chừng mới sắm, rất đắt tiền. Mọi thứ đều sang trọng, nhưng vô cảm. Về phía bà Carpenter, như vậy là do dửng dưng hay thận trọng? https://thuviensach.vn Ông ngồi xuống chiếc ghế mà bà Carpenter chỉ, rồi đi thẳng ngay vào mục đích: “Thưa bà, những điều tôi nói liên quan đến bà Mac Ginty, mới chết – hay đúng hơn, bị giết – tháng Mười một năm ngoái.” “Bà Mac Ginty? Tôi không nhớ là ai.” Bà Carpenter nhìn Poirot qua đôi mắt xanh lạnh tanh. “Bà không nhớ bà Mac Giíity?” “Không. Tôi không biết gì hết.” “Bà không nhớ vụ ám sát bà ấy? Chẳng lẽ ở đây án mạng xảy ra luôn, đến nỗi không ai buồn để ý?” “Ông định nói vụ ám sát? Xin lỗi! Tôi quên mất tên nạn nhân.” “Bà ấy có đến giúp việc tại nhà ta.” “Không. Hồi đó, tôi chưa về nhà này. Tôi mới kết hôn với ông Carpenter chưa được ba tháng.” “Nhưng bà ấy có đến làm việc ở đây. Sáng thứ Sáu hàng tuần, theo như tôi biết. Lúc đó bà mang họ là Selkirk và ở biệt thự Rose Cottage.” Bà Carpenter có vẻ bực: “Nếu ông đã biết hết rồi, hà tất phải hỏi! Cuối cùng là chuyện gì nào?” “Tôi điều tra chung quanh vụ ám sát đó.” “Nhưng tại sao ông đến tìm tôi?” “Vì bà có thể biết điều gì đó giúp cho cuộc điều tra.” “Nhưng tôi không biết, thì biết nói gì…? Nói rằng đó là một bà già đã bủn xỉn, lại ngu ngốc đem giấu tiền dưới sàn nhà, để đến nỗi bị ám sát… Tôi chỉ biết có thế, một câu chuyện xấu xa như bao chuyện xấu xa khác đầy rẫy trên các số báo Chủ nhật…” Poirot không bỏ lỡ cơ hội: “Đúng vậy. Bà có đọc báo Sao chổi Chủ nhật?” Bà Carpenter chồm dậy, chạy ra cửa sổ mở ra vườn, gọi: “Guy… Anh Guy!” Từ bên ngoài, tiếng đàn ông đáp: https://thuviensach.vn “Eve, có việc gì thế?” “Lên đây mau!” Mấy giãy sau, một người khoảng băm nhăm, bốn mươi, trông tráng kiện, đi lên. Eve Carpenter nói liến láu: “Có một ông… cũng không phải là người Anh, đến đây hỏi em rất nhiều câu về cái vụ án kinh khủng năm ngoái ở Broadhinny… Cái bà già giúp việc bị ám sát ấy, anh nhớ không? Em kinh những chuyện ấy quá…” Guy Carpenter cau mày đi vào. Bộ mặt nhạt nhạt dài như mặt ngựa. Tác phong ra vẻ huênh hoang, kiêu ngạo. “Xin cho biết thế là nghĩa thế nào?” Anh ta tiến về phía Poirot hỏi. “Hình như ông đang quấy rầy vợ tôi?” Poirot thấy anh chàng này thật mất cảm tình. “Tôi đâu có muốn làm phiền bà nhà, bà đã có nhã ý tiếp chuyện! Vì nạn nhận đã từng giúp việc nhà ta, tôi hy vọng bà giúp được vào công việc điều tra…” “Điều tra? Điều tra gì?” “Điều tra chung quanh cái chết của bà Mac Ginty.” “Ông đùa…? Việc xong đã lâu rồi!” “Ông nhầm… Chưa xong.” “Ông nói ông điều tra…,” Carpenter giương đôi mắt ngờ vực. “Chỉ có cảnh sát mới có quyền điều tra. Nhưng hình như ông không hề nói ông là người của cảnh sát?” “Đúng vậy, tôi không liên quan gì với cảnh sát.” Eva Carpenter chen vào: “Là nhà báo! Ông ấy dính đến cái tờ báo Chủ nhật kinh tởm nào đó… Chính ông ấy nói ra.” Mặt Carpenter dường như hơi dịu đi. Chính trị gia phải cố giữ quan hệ tốt với báo chí. Anh ta cố lấy giọng nhẹ nhàng: “Vợ tôi rất nhạy cảm, nói chuyện giết chóc là bà ấy rối loạn. Vả lại chắc chắn bà ấy không có gì hơn để nói: bà ấy chỉ biết sơ sơ về cái bà Mac Ginty.” https://thuviensach.vn