🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Buồng Khử - Jeffery Deaver Ebooks Nhóm Zalo Dành tặng Judy, Fred và Dax —ooOoo— Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi quyết hy sinh để bảo vệ quyền được nói lên điều đó của anh. — Evelyn Beatrice Hall, Những Người Bạn Của Voltaire, 1906 Thứ Ba, 9 Tháng 5 PHẦN I CÂY GỖ ĐỘC 1 CÂY GỖ ĐỘC Ánh chớp ấy làm anh bất an. Một tia sáng, trắng hoặc vàng nhạt, ở đằng xa. Từ nước chăng? Từ mũi đất băng qua cái vịnh ngọc lam yên bình ấy chăng? Nhưng tại nơi đây, không thể có nguy hiểm. Nơi đây, anh đang ở trong một khu nghỉ dưỡng xinh đẹp và biệt lập. Nơi đây, anh thoát khỏi cái nhìn soi mói của giới truyền thông và tầm ngắm của kẻ thù. Roberto Moreno nhíu mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, mới gần tứ tuần mà mắt anh đã kém. Anh đẩy gọng kính lên sống mũi rồi lướt mắt qua khung cảnh tuyệt mĩ - khu vườn ngoài cửa sổ của dãy phòng, bờ cát hẹp trắng xóa, biển màu xanh ngọc đang vỗ nhịp. Xinh đẹp, biệt lập… và nghiêm mật. Không tàu bè nào bập bềnh trong tầm mắt. Và giả sử có một kẻ thù nào đó cầm súng trường biết anh đang ở đây rồi lén lút băng qua khu nhà máy công nghiệp trên mũi đất cách chỗ anh tận một cây số rưỡi bên kia biển, thì khoảng cách và sự ô nhiễm đến mịt mờ tầm nhìn cũng sẽ vô hiệu hóa phát súng. Không còn ánh chớp, cũng chẳng còn tia sáng. Mày đang được an toàn. Dĩ nhiên là vậy. Song Moreno vẫn thận trọng. Như Martin Luther King, như Gandhi, anh luôn trong tình cảnh nguy hiểm. Đây là lối sống của anh. Anh không sợ chết. Nhưng anh sợ chết trước khi xong việc. Và ở độ tuổi trẻ trung này, anh vẫn còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, sự kiện mà anh vừa tổ chức xong cách đây khoảng một tiếng - một sự kiện trọng đại, nhất định sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người - chỉ là một trong số cả chục kế hoạch được lên cho năm sau. Và xa hơn nữa, một tương lai dư dật đang chực chờ. Vận một bộ com lê vàng nâu nhạt kín đáo, sơ mi trắng và cà vạt màu xanh hoàng gia - đậm chất Caribê - người đàn ông phương phi rót đầy hai tách từ bình cà phê mà nhân viên phục vụ phòng vừa giao rồi trở lại chỗ đi văng. Anh trao một tách cho ông phóng viên, lúc này đang sửa soạn máy ghi âm. “Senor[1] de la Rua. Ông dùng ít sữa nhé? Hay đường?” “Không, cảm ơn anh.” Họ đang trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà Moreno rất thành thạo. Anh ghét tiếng Anh và chỉ sử dụng thứ tiếng này khi cần thiết. Anh chưa bao giờ hoàn toàn trút bỏ chất giọng New Jersey khi nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, “her” nghe như “hehr”, “mirror” nghe như “mirrah”, “gone” nghe như “gun”. Hễ nghe chính giọng điệu của mình là anh lại nhớ về những ngày đầu ở Mỹ - bố anh dành nhiều giờ dằng dặc làm việc trong tỉnh táo, còn mẹ anh lại đắm chìm nhiều giờ dằng dặc trong hơi men. Những khung cảnh ảm đạm, những kẻ bắt nạt từ một trường trung học gần đó. Rồi sự cứu rỗi xuất hiện: Gia đình anh dọn tới một nơi tử tế hơn hẳn South Hills, một nơi mà ngay cả lời ăn tiếng nói cũng mềm mỏng và tao nhã hơn. Ông nhà báo nói, “Cứ gọi tôi là Eduardo được rồi.” “Còn tôi là Roberto.” Tên anh thật ra là “Robert” nhưng cái tên ấy sặc mùi luật sư phố Wall, mùi chính trị gia Washington và mùi của lũ tướng tá nơi chiến trường luôn gieo trên đất khách những cái xác của dân bản địa như mớ hạt giống rẻ tiền. Thế mới có cái tên Roberto. “Ông sống tại Argentina,” Moreno nói với ông nhà báo, một người đàn ông nhỏ nhắn, đầu đang hói dần, mặc một chiếc sơ mi màu lam không cà vạt cùng một bộ com lê đen đã sờn chỉ. “Thành phố Buenos Aires phải không?” “Đúng vậy.” “Ông có biết gì về tên gọi của thành phố đó không?” De la Rua nói không. Ông chẳng phải người bản địa. “Nghĩa của nó dĩ nhiên là ‘không khí trong lành’ rồi,” Moreno nói. Anh đọc rất nhiều - vài cuốn sách mỗi tuần, phần lớn thuộc thể loại lịch sử và văn học Mỹ Latin. “Nhưng ‘không khí’ ở đây là ở đảo Sardinia của nước Ý, không phải ở Argentina. Được đặt theo tên một khu định cư trên đỉnh một ngọn đồi tại Cagliari. Khu này nằm bên trên, để xem nào, đủ thứ mùi hăng nồng của thành phố cổ bên dưới nên được đặt tên là Buen Ayre. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã phát hiện rồi đặt tên Buenos Aires theo khu định cư này. Dĩ nhiên đó là khu định cư đầu tiên của thành phố. Chúng bị người địa phương quét sạch vì dân bản địa không thích bị người châu Âu bóc lột.” De la Rua nói, “Ngay cả các giai thoại anh kể cũng có hơi hướng chống thực dân thấy rõ.” Moreno cười. Nhưng sự khôi hài biến mất và anh lại nhìn nhanh ra ngoài cửa sổ. Cái tia sáng chết tiệt ấy. Nhưng anh vẫn không thấy gì ngoài cây cối trong vườn và mũi đất mù sương cách đây một cây số rưỡi. Khách sạn này nằm trên phần bờ biển tây nam gần như hoang vắng của New Providence, hòn đảo tại quốc gia Bahamas nơi thủ đô Nassau tọa lạc. Khuôn viên được rào và canh phòng. Khu vườn được dành riêng cho dãy phòng này và được bảo vệ bằng một hàng rào cao ở phía bắc và phía nam, với bãi biển ở phía tây. Không có ai đằng kia. Không thể có ai đằng kia. Một con chim chăng? Một chiếc lá rung rinh. Simon đã kiểm tra khuôn viên cách đây không lâu. Moreno liếc nhìn cậu ta, một người Brazil to con, ít nói, da ngăm đen, mặc một bộ com lê đẹp - vệ sĩ của Moreno ăn mặc đẹp hơn anh mà không diêm dúa. Simon, ngoài ba mươi, trông nguy hiểm đúng như kỳ vọng và mong muốn của người đời đối với cái nghề này, mặc dù cậu ta chẳng phải dân anh chị. Cậu ta từng làm sĩ quan trong quân đội, trước khi trở về làm thường dân trong vai trò chuyên gia an ninh. Cậu ta cũng rất thạo nghề. Đầu Simon xoay đi, cậu ta đã để ý thấy cái nhìn trân trối của ông chủ nên lập tức bước đến chỗ cửa sổ, mắt nhìn ra ngoài. “Một ánh chớp thôi mà,” Moreno giải thích. Người vệ sĩ đề xuất đóng mành lại. “Chắc không cần đâu.” Moreno đã quyết rằng Eduardo de la Rua, sau khi bỏ tiền túi đáp chuyến bay hạng phổ thông đến đây từ thành phố của không khí trong lành, xứng đáng được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt mỹ này. Ông ấy không có nhiều cơ hội trải nghiệm sự phồn hoa, vì bản thân là một phóng viên năng nổ được tiếng luôn tường thuật sự thật thay vì viết những bài tâng bốc nhân viên cao cấp doanh nghiệp và chính trị gia. Moreno cũng quyết định thết đãi người đàn ông này một bữa trưa thịnh soạn ra trò tại nhà hàng cao cấp của khách sạn South Cove. Simon nhìn chằm chằm ra ngoài một lần nữa, trở lại ghế rồi cầm lên một cuốn tạp chí. De la Rua nhấn máy ghi âm. “Bây giờ tôi xin phép nhé?” “Xin tự nhiên.” Moreno dồn toàn bộ sự chú ý vào ông nhà báo. “Anh Moreno, Phong trào Trao quyền Địa phương của anh vừa mở văn phòng ở Argentina, là văn phòng duy nhất tại nước này. Anh có thể cho biết mình đã thai nghén ý tưởng này như thế nào không? Và nhóm của anh làm gì?” Moreno đã thuyết giảng bài này cả chục lần. Nội dung thay đổi tùy theo nhà báo hoặc khán giả cụ thể, song mục đích cốt lõi của nó rất đơn giản: khuyến khích dân bản địa cự tuyệt chính phủ Mỹ cùng sức ảnh hưởng của doanh nghiệp Mỹ bằng cách tự cung tự cấp, nhất là thông qua tín dụng vi mô, nông nghiệp vi mô và kinh doanh vi mô. Anh trả lời, “Chúng tôi kháng lại sự phát triển của doanh nghiệp Mỹ. Cũng như các chương trình viện trợ và chương trình xã hội của chính phủ Mỹ, mà suy cho cùng, mục đích cũng chỉ là khiến chúng tôi nghiện ngập các chuẩn mực của họ. Chúng tôi không được xem là con người, chúng tôi bị xem là nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường cho hàng hóa Mỹ. Ông có thấy cái vòng luẩn quẩn đó chưa? Dân của chúng tôi bị bóc lột trong nhà máy của người Mỹ rồi sau đó bị dụ dỗ mua sản phẩm từ chính các công ty đó.” Ông nhà báo nói, “Tôi đã viết nhiều về mảng đầu tư kinh doanh ở Argentina và các nước Nam Mỹ khác. Và tôi được biết phong trào của anh cũng có những khoản đầu tư tương tự. Người ta có thể lý luận là anh cực lực phản đối chủ nghĩa tư bản song cũng tán đồng nó.” Moreno vuốt mái tóc hơi dài, đen và bạc trước tuổi. “Không phải, tôi cực lực phản đối việc áp dụng sai chủ nghĩa tư bản - cụ thể là việc người Mỹ áp dụng sai chủ nghĩa tư bản. Tôi lấy việc kinh doanh làm vũ khí. Chỉ có kẻ ngốc mới dựa vào một mình hệ tư tưởng để tạo ra thay đổi. Tư tưởng là bánh lái. Tiền là chân vịt.” Ông nhà báo mỉm cười. “Tôi sẽ lấy đoạn đấy làm phần dẫn nhập. Tôi được biết một số người gọi anh là nhà cách mạng.” “Ha, tôi chỉ là một kẻ to mồm, thế thôi!” Nụ cười phai dần. “Nhưng nhớ kỹ lời tôi đi, trong khi thế giới đang tập trung vào Trung Đông, thì mọi người đã bỏ sót mất sự ra đời của một lực lượng hùng mạnh hơn hẳn: Mỹ Latin. Tôi chính là người đại diện cho vùng đất ấy. Trật tự mới. Chúng tôi không thể để người khác phớt lờ mình nữa.” Roberto Moreno đứng dậy bước đến cửa sổ. Đội lên trong khu vườn là một cây gỗ độc, cao khoảng mười hai mét. Anh trọ tại dãy phòng này thường xuyên và rất thích cái cây. Thật ra, anh đã nảy sinh tình đồng chí với nó. Gỗ độc là loại cây đáng gờm, kiên gan và đẹp một cách mộc mạc. Nó còn rất độc, như cái tên gợi tả. Phấn hoa hoặc khói tỏa ra sau khi đốt gỗ và lá cây có thể lẻn vào phổi, gây đau rát tột độ. Dẫu vậy, loài cây này nuôi dưỡng loài bướm phượng Bahamas xinh đẹp, còn loài bồ câu mào trắng lại sống nhờ vào quả cây. Mình cũng giống cái cây này, Moreno nghĩ. Một bức ảnh đẹp cho bài báo chăng. Mình sẽ đề cập chi tiết này nữa… Lại tia sáng ấy. Trong tích tắc: Một chuyển động lập lòe đánh động đám lá thưa thớt của cái cây, rồi cái cửa sổ cao trước mặt anh nổ tung. Thủy tinh biến thành hàng triệu tinh thể tuyết ào ạt, lửa bùng trổ trong ngực anh. Moreno bỗng thấy mình nằm trên chiếc đi văng mà trước đó nằm sau lưng anh hơn mét rưỡi. Nhưng… nhưng chuyện gì vừa xảy ra ở đây? Cái gì thế này? Mình đang ngất, mình đang ngất. Mình không thở được. Anh nhìn trân trân cái cây, giờ đây nó rõ hơn, rõ hơn hẳn, khi không còn tấm kính cửa sổ ở đó. Cành cây đung đưa trong cơn gió biển ngọt lịm. Lá cây hết phồng lại xẹp. Cái cây đang thở hộ anh. Bởi lẽ anh không thở được, khi ngực anh đang cháy rực. Khi cơn đau vẫn còn đó. Tiếng thét, tiếng la ó cầu cứu quanh anh. Máu, máu khắp nơi. Mặt trời đang lặn, bầu trời tối dần. Nhưng chẳng phải đang buổi sáng sao? Moreno thấy hình ảnh vợ mình, cậu con trai và cô con gái đang tuổi mới lớn. Những suy nghĩ của anh tan biến đến khi anh chỉ nhận thức được một thứ duy nhất: cái cây. Vừa độc vừa hùng dũng, vừa độc vừa hùng dũng. Ngọn lửa bên trong anh đang yếu dần, tan biến dần. Sự nhẹ nhõm đẫm lệ. Bóng tối đang thẫm lại. Cây gỗ độc. Gỗ độc… Độc… Thứ Hai, 15 Tháng 5 PHẦN II HÀNG CHỜ 2 HÀNG CHỜ “Ông ấy đi rồi hay chưa?” Lincoln Rhyme hỏi, chẳng buồn kìm lại sự bực dọc. “Có chuyện gì đấy ở bệnh viện,” giọng Thom nói với vào từ lối hành lang hoặc nhà bếp hoặc chỗ nào đó. “Ông ấy đến muộn. Khi nào rảnh ông ấy gọi.” “‘Có chuyện gì đấy’. Chà, cụ thể thật. ‘Có chuyện gì đấy ở bệnh viện’!” “Thì ông ấy bảo tôi như vậy mà.” “Ông ấy là bác sĩ. Ông ấy nên nói chính xác chứ. Và cũng nên đúng giờ nữa.” “Ông ấy là bác sĩ,” Thom đáp, “nên luôn có ca cấp cứu phải xử lý.” “Nhưng ông ấy có nói ‘ca cấp cứu’ đâu. Ông ấy chỉ nói ‘có chuyện’. Cuộc phẫu thuật này được lên lịch vào ngày 26 tháng 5 rồi. Tôi không muốn hoãn lại. Ngày đấy dù sao cũng quá xa rồi. Tôi chẳng hiểu tại sao ông ấy không làm sớm hơn được.” Rhyme điều khiển chiếc xe lăn Storm Arrow màu đỏ của mình đến một màn hình vi tính. Anh đỗ xe cạnh chiếc ghế mây mà Amelia Sachs, mặc chiếc quần jean và áo sát nách đen, đang ngồi. Mặt dây chuyền vàng đính một viên kim cương và một hạt ngọc trai đung đưa từ sợi dây chuyền mỏng quanh cổ cô. Trời còn sớm, nắng xuân xuyên qua những ô cửa sổ trực diện hướng đông, phản chiếu ánh sáng quyến rũ từ mái tóc đỏ búi cao được cuốn lên cẩn thận bằng kẹp thiếc của cô. Rhyme chuyển sự chú ý trở lại màn hình, lướt qua báo cáo hiện trường về một án mạng anh vừa giúp Sở cảnh sát New York phá xong. “Sắp xong,” cô nói. Họ ngồi trong phòng khách căn biệt thự của anh tại khu phố Tây Central Park tại Manhattan. Cái nơi xưa kia có lẽ từng là căn phòng hiu quạnh, tĩnh lặng dành cho khách khứa và những tay ve gái vào thời Trùm Tweed[2] nay là một phòng giám định hiện trường vụ án chỉn chu. Phòng đầy ắp trang thiết bị giám định chứng cứ, máy vi tính và dây nhợ, dây nhợ chằng chịt khắp nơi, khiến việc di chuyển xe lăn của Rhyme lúc nào cũng mấp mô, một cảm quan mà anh chỉ cảm nhận được từ phần vai trở lên. “Ông bác sĩ đến muộn,” Rhyme làu bàu với Sachs. Không cần thiết vì cô chỉ ở cách anh có ba mét lúc anh nói chuyện với Thom. Nhưng anh vẫn còn bực và cảm thấy đỡ hơn nếu được cằn nhằn thêm chút đỉnh. Anh cẩn thận đưa cánh tay phải đến bàn rê cảm ứng ở phía trước rồi cuộn xem những đoạn cuối cùng của bản báo cáo. “Tốt.” “Em gửi nhé?” Anh gật đầu rồi cô nhấn một phím. Toàn bộ sáu mươi lăm trang báo cáo được mã hóa khởi hành vào không gian ảo đến cái đích cách đó gần mười cây số: cơ sở phân tích hiện trường của Sở cảnh sát New York tại Queens, nơi bản báo cáo sẽ trở thành nội dung trụ cột cho vụ án New York khởi tố Williams. “Xong.” Xong… nhưng còn phải cho lời khai trước tòa vào phiên xử tay trùm ma túy này, kẻ đã phái bọn đàn em mười hai, mười ba tuổi xuống đường phố khu Đông New York và Harlem để giết thuê cho gã. Khó khăn lắm Rhyme và Sachs mới định vị và phân tích được nhiều mẩu li ti các chứng cứ dấu vết và chứng cứ dấu hằn dẫn dắt họ đi từ chiếc giày của thằng lỏi con đến tầng lầu của một cửa hiệu mặt tiền tại Manhattan, đến tấm thảm của một chiếc xe con Lexus rồi đến một nhà hàng tại Brooklyn và cuối cùng đến căn nhà của chính tên Tye Williams. Tay đại ca giang hồ này trước đó không có mặt lúc nhân chứng bị giết, không chạm vào súng, cũng không có hồ sơ cho thấy gã ra lệnh khử người, còn tay súng non choẹt nọ lại quá kinh sợ không dám cho lời khai chống lại gã. Song những rào cản này trong quá trình truy tố không quan trọng, Rhyme và Sachs đã giăng một sợi chỉ chứng cứ căng dài từ hiện trường vụ án tới thẳng ổ của Williams. Gã sẽ đi tù mọt gông. Sachs nắm lại bàn tay mình trên cánh tay trái của Rhyme, cánh tay hiện bị cột vào xe lăn, bất động. Nhìn những đường gân mờ bên dưới làn da xanh xao của cô, anh biết cô đang siết chặt tay. Người phụ nữ cao ráo đứng dậy duỗi người. Họ đã làm việc suốt từ sáng sớm để hoàn thành bản báo cáo. Cô thức dậy lúc 5 giờ. Anh, muộn hơn một chút. Rhyme để ý thấy cô nhăn mặt khi cô bước đến chỗ bàn nơi đặt tách cà phê của mình. Chứng viêm khớp ở hông và đầu gối cô gần đây trở nặng. Tình trạng tổn thương tủy sống của Rhyme, khiến anh trở thành kẻ liệt tứ chi, bị xem là rất trầm trọng. Song nó chưa hề làm anh đau đớn một phút giây nào. Cơ thể của tất cả chúng ta, bất kể là ai, đều ít nhiều phụ lòng ta, anh suy ngẫm. Kể cả những ai hiện đang khỏe mạnh và ít nhiều mãn nguyện cũng thấy phiền lòng trước những bất trắc. Anh thương xót các vận động viên, những con người mĩ miều, những con người trẻ trung hiện đang lường trước thời khắc suy tàn trong âu lo. Song, trớ trêu thay, điều ngược lại lại đúng đối với Lincoln Rhyme. Từ đáy địa ngục của thương tổn, anh đã hồi phục, nhờ vào các phương pháp phẫu thuật tủy sống mới cùng thái độ quyết liệt của anh đối với thể dục và các quy trình phẫu thuật thí điểm đầy rủi ro. Nghĩ tới đây, anh bỗng nhớ lại mình đang bực dọc vì ông bác sĩ đã muộn cuộc hẹn đánh giá sức khỏe của ngày hôm nay để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật sắp tới. Tiếng chuông cửa vang lên kính-coong. “Để tôi mở cửa,” Thom gọi với ra. Căn biệt thự phố này dĩ nhiên được sửa sang cho hợp với người khuyết tật, Rhyme nhẽ ra có thể dùng máy tính để xem và nói chuyện với người đang ở trước cửa rồi mới cho họ vào. Hoặc không cho vào. (Anh không thích những kẻ ghé qua đột xuất và thường đuổi họ đi - đôi khi đuổi sỗ sàng - nếu Thom không hành động nhanh). “Ai vậy? Kiểm tra trước đã.” Người này không thể là bác sĩ Barrington, vì ông ấy sẽ gọi điện ngay khi giải quyết xong “chuyện gì đấy” khiến ông đến muộn. Rhyme không có tâm trạng tiếp khách khác. Song người điều dưỡng của anh có kiểm tra trước hay không dường như cũng không quan trọng. Lon Sellitto xuất hiện trong phòng khách. “Linc, anh có nhà đây này.” Tất nhiên là ở nhà rồi. Vị thám tử béo lùn đi thẳng đến khay chứa cà phê và bánh ngọt. “Ông muốn ăn bánh tươi không?” Thom hỏi. Cậu hộ lý mảnh khảnh vận một chiếc sơ mi trắng tinh tươm, cà vạt in hoa màu lam và quần dài sẫm. Hôm nay có khuy măng sét, bằng gỗ mun hoặc mã não. “Kệ đi, cảm ơn Thom. Chào Amelia.” “Chào Lon. Rachel khỏe không?” “Khỏe. Gần đây cô ấy tập Pilates. Cái tên nghe kỳ khôi. Môn thể dục gì đấy.” Sellitto vận một bộ com lê nâu nhàu nhĩ đặc trưng và một chiếc sơ mi xanh lơ cũng nhàu nhĩ đặc trưng. Anh ta diện một cái cà vạt có sọc đỏ thẫm, thẳng thớm như miếng gỗ bào, vốn chẳng phải phong cách anh ta. Một món quà mới nhận, Rhyme suy luận. Từ cô bạn gái Rachel chăng? Bây giờ là tháng năm - chẳng có lễ lạt gì. Chắc là quà sinh nhật. Rhyme không biết ngày sinh nhật của Sellitto. Mà thật ra anh cũng chẳng biết được hầu hết ngày sinh nhật của người khác. Sellitto nhấp cà phê rồi nhấm một chiếc bánh ngọt Đan Mạch, cắn chỉ hai miếng. Anh ta muôn đời vẫn ăn kiêng. Rhyme và vị thám tử này làm chung với nhau nhiều năm trước, là cộng sự của nhau, và chính Lon Sellitto là người chủ yếu hối thúc Rhyme công tác trở lại sau vụ tai nạn, không phải bằng cách chiều chuộng, dỗ dành mà bằng cách ép buộc anh nhấc mông lên mà đi phá án trở tiếp. (Chính xác hơn, trong trường hợp của Rhyme, phải nói là ép anh yên vị mà công tác trở lại). Quá khứ giữa hai người là thế, nhưng Sellitto chẳng bao giờ đến đây chỉ để thăm hỏi. Vị thám tử hạng nhất này được phân công vào Tổ Trọng án, làm việc tại Đại Cao ốc - 1 Police Plaza[3]- và anh ta thường làm thám tử chỉ đạo trong các vụ án mà Rhyme được thuê làm cố vấn. Sự xuất hiện của anh ta vào lúc này là một điềm báo. “Này.” Rhyme nhìn sơ qua anh ta. “Anh có gì hay ho cho tôi hả, Lon? Một vụ án cuốn hút chăng? Ly kỳ chăng?” Sellitto hết nhấp lại gặm. “Tôi chỉ biết là mình vừa nhận điện thoại của cấp trên hỏi anh có rảnh không. Tôi bảo họ anh đang làm nốt vụ Willams. Rồi họ bảo tôi đến đây gấp, gặp một người. Họ đang trên đường đến.” “‘Một người’? ‘Họ’?” Rhyme hỏi một cách chua chát. “Cụ thể chả thua gì ‘chuyện gì đấy’ đang cầm chân bác sĩ của tôi. Dễ lây nhiễm thật. Như dịch cúm vậy.” “Này, Linc. Tôi chỉ biết nhiêu đó thôi.” Rhyme ném một cái nhìn nhăn nhó về phía Sachs. “Tôi để ý thấy chẳng ai gọi cho tôi về chuyện này cả. Có ai gọi cho em không, Sachs?” “Chẳng có lấy một cuộc.” Sellitto nói, “Ồ, đấy là vì cái lý do kia.” “Lý do kia nào?” “Bất kỳ chuyện gì đang xảy ra cũng là bí mật. Và phải được giữ bí mật.” Vậy chuyện này ít ra cũng ly kỳ hơn được một chút, Rhyme nhận định. 3 HÀNG CHỜ Rhyme đang ngước lên nhìn hai vị khách, khác nhau một trời một vực, đang bước vào phòng khách nhà anh. Đầu tiên là một người đàn ông ở độ tuổi ngũ tuần, phong thái quân đội, vận một bộ com lê may sẵn - dễ dàng nhận ra từ hai vai áo - màu xanh hải quân, sẫm gần như đen. Ông ta có một gương mặt nhẵn nhụi, má xệ, da rám nắng, tóc tai gọn gàng, phong cách lính thủy đánh bộ. Nhất định là quan lớn, Rhyme nghĩ. Người kia là một phụ nữ trạc ngoài ba mươi. Cô ta có vóc dáng gần như là bè bè, mặc dù vẫn chưa quá cân, chưa thôi. Mái tóc vàng, thiếu óng ả uốn kiểu phồng dợn ngược lỗi thời, xịt keo cứng ngắc, Rhyme để ý nước da nhợt nhạt của cô ta bắt nguồn từ lớp mặt nạ trang điểm tông màu da được bôi ê hề. Anh không thấy mụn hay chỗ rỗ nào khác nên cho rằng lớp kem dày cộm này là một sở thích thời trang của riêng cô ta. Không có lớp phấn phủ hay viền kẻ nào quanh đôi mắt đen tựa họng súng, càng làm nổi bật hơn đôi mắt giữa gương mặt có tông màu kem. Cặp môi mỏng của cô ta cũng kém sắc và khô. Rhyme đánh giá đây không phải là khuôn miệng thường xuyên nở nụ cười. Cô ta có thói quen chọn một vật để nhìn vào - trang thiết bị trong phòng, cửa sổ, Rhyme - rồi tập trung ánh nhìn sắc lẹm vào nó, mài giũa nó đến tận lớp nghĩa bên trong hoặc gạt nó ra ngoài lề. Bộ com lê cô ta mặc màu xám sẫm, cũng không đắt tiền và cả ba cúc nhựa đều cài kín. Những chiếc cúc sẫm này có vẻ hơi không đều và anh tự hỏi liệu có phải cô ta đã tìm được một bộ com lê thật vừa vặn với những điểm nhấn không như ý rồi tự mình thay cúc hay không. Đôi giày thấp màu đen bị mòn không đều và được sửa gần đây bằng dung dịch che vết trầy. Rõ rồi, Rhyme nghĩ. Anh tin mình quen sếp của cô ta. Nên anh lại càng tò mò hơn. Sellitto giới thiệu người đàn ông, “Linc, đây là Bill Myers.” Vị khách gật đầu. “Đại úy, rất vinh dự được gặp anh.” Ông ta dùng chức danh cũ của Rhyme ở Sở cảnh sát New York, từ hồi anh nghỉ hưu vài năm trước vì lý do tật nguyền. Chi tiết này xác nhận công việc của Myers, Rhyme đã đúng, quan lớn. Còn là quan lớn khá thâm niên. Rhyme điều khiển chiếc xe lăn điện tới trước rồi chìa vội bàn tay ra. Vị quan lớn để ý chuyển động giật giật, ngần ngại rồi nắm chặt bàn tay anh. Rhyme cũng để ý một thứ: Sachs đanh người lại một chút. Cô không thích anh dùng tay và các ngón một cách không cần thiết vào mấy phép xã giao. Song Lincoln Rhyme không cưỡng lại được. Mười năm qua là một nỗ lực nhằm cải biến những gì mà số phận đã gây ra cho anh. Anh hãnh diện với những thắng lợi ít ỏi của mình và khai thác chúng. Vả lại, mục đích của đồ chơi là gì nếu ta không bao giờ chơi với nó? Myers giới thiệu người bí ẩn kia. Tên cô là Nance Laurel. “Tôi là Lincoln,” anh nói. Một cái bắt tay nữa, ra chiều rắn chắc hơn cái bắt tay của Myers, mặc dù dĩ nhiên Rhyme không phân biệt được. Cảm quan không đi cùng với chuyển động. Ánh mắt chằm chặp sắc bén của Laurel thu vào mái tóc nâu dày của Rhyme, cái mũi nhiều thịt, đôi mắt sẫm tinh anh. Cô ta không nói gì ngoài “Chào.” “Vậy ra,” anh nói. “Cô là phó công tố viên quận.” Cô ta không tỏ phản ứng gì trước suy luận của anh, một suy luận vốn phần nào chỉ là suy đoán. Một thoáng do dự, rồi: “Vâng, phải.” Giọng cô ta gãy gọn, quả quyết. Sellitto bèn giới thiệu Myers và Laurel với Sachs. Vị quan lớn nhìn người nữ cảnh sát như thể ông ta chẳng lạ gì tiếng tăm của cô. Rhyme để ý thấy Sachs hơi nhăn mặt khi cô bước tới để bắt tay. Cô sửa lại dáng đi khi trở lại ghế. Anh tin chỉ mình anh thấy cô kín đáo bỏ một vài viên Advil vào miệng nuốt khan. Dù đau tới đâu, cô chưa bao giờ uống thuốc gì mạnh hơn. Hóa ra Myers cũng có cấp bậc đại úy và điều hành một bộ phận mà Rhyme chưa nghe, có lẽ là bộ phận mới: Đơn vị Công tác Đặc biệt. Tác phong tự tin của ông ta cùng cặp mắt kín kẽ gợi cho Rhyme biết ông ta và đơn vị của mình có kha khá uy quyền bên trong Sở cảnh sát New York. Có lẽ ông ta là một đấu thủ nhắm đến tiền đồ trong chính quyền thành phố. Bản thân Rhyme chưa bao giờ hứng thú với các chiêu trò của các tổ chức như Sở cảnh sát New York, huống hồ thứ gì xa vời hơn như Albany hay Washington[4]. Điều duy nhất khiến anh hứng thú lúc này là sự hiện diện của người đàn ông nọ. Sự xuất hiện của một tay cảnh sát thâm niên có dòng dõi cục sở bí ẩn cùng với một phó công tố viên quận có sức tập trung như chó sục cho thấy đây sẽ là một nhiệm vụ xua đi sự nhàm chán đáng sợ đã trở thành kẻ thù số một của anh kể từ vụ tai nạn. Anh cảm nhận tiếng đập thình thịch của sự mong đợi, của con tim, nhưng thông qua hai bên thái dương chứ không phải qua bộ ngực mất cảm giác của mình. Bill Myers tôn trọng ý kiến của Nance Laurel, “Tôi để cô ấy tháo mở sự vụ này đây.” Rhyme cố gắng thu hút sự chú ý của Sellitto bằng một cái liếc nhăn nhó nhưng anh ta lại nhìn đi hướng khác. “Tháo mở.” Rhyme ghét những thuật ngữ tự chế, kiểu cách như thế này, thứ mà các vị quan liêu và nhà báo khi nói chuyện hay gieo vào. “Nhân tố thay đổi cục diện” là một cách nói khác gần đây. “Màn kịch Kabuki”[5] nữa. Những cách nói này chẳng khác nào mấy lọn nhuộm đỏ chói trên tóc một người phụ nữ trung niên hay hình xăm trên má. Một khoảng lặng nữa rồi Laurel nói, “Đại úy…” “Gọi tôi là Lincoln đi. Tôi ra khỏi ngành rồi.” Khoảng lặng. “Lincoln, vâng. Tôi đang trong quá trình khởi tố một vụ án nhưng vấp phải một số vấn đề bất thường nhất định. Tôi được gợi ý là biết đâu anh đủ khả năng điều tra vụ này. Anh và thám tử Sachs. Tôi được biết hai người thường xuyên làm việc chung.” “Đúng vậy.” Anh tự hỏi liệu phó công tố viên quận Laurel có lúc nào thả lỏng không. Có lẽ không. “Để tôi giải thích,” cô ta nói tiếp. “Thứ Ba tuần trước, ngày 9 tháng 5, một công dân Mỹ bị mưu sát trong một khách sạn hạng sang tại Bahamas. Cảnh sát địa phương tại đấy đang điều tra vụ án này nhưng tôi có lý do tin rằng tay súng này là người Mỹ và đã trở lại đây. Có lẽ là khu vực New York.” Hầu như trước câu nói nào cô ta cũng nghỉ một chút. Cô ta đang lựa từ đắt để trình bày chăng? Hay đang đánh giá các trách nhiệm pháp lý nếu một từ không đúng rời khỏi cửa miệng? “Hiện tôi không có ý định tiến hành buộc tội mưu sát đối với hung phạm này. Rất khó tranh tụng ở tòa án cấp bang đối với tội xảy ra ở nước khác. Làm thì vẫn được thôi, nhưng sẽ mất nhiều thời gian lắm.” Bây giờ tần số ngập ngừng càng dày đặc hơn. “Trong khi cần phải hành động nhanh.” Tại sao? Rhyme tự hỏi. Ly kỳ đấy… Laurel tiếp tục, “Tôi muốn truy tố các tội danh độc lập khác tại New York.” “Tội âm mưu,” Rhyme nói, đây là suy luận tức thời của anh. “Hay, hay. Tôi thích đấy. Dựa trên cơ sở là vụ án được lên kế hoạch tại đây.” “Chính xác,” Laurel nhận định. “Án mạng này được thực hiện theo lệnh của một cư dân New York trong thành phố. Nên tôi đủ thẩm quyền truy tố.” Giống tất cả các cảnh sát, hoặc cựu cảnh sát, Rhyme am tường luật như hầu hết các luật sư. Anh nhớ lại điều khoản có liên quan trong Bộ luật Hình sự New York: Một người phạm tội âm mưu khi có ý đồ thực hiện hành vi cấu thành một tội và người này thỏa thuận với một hoặc nhiều người để tham gia vào hành vi đó hoặc gây ra hành vi đó. Anh nói thêm, “Và cô có thể truy tố vụ án tại đây cho dù án mạng này xảy ra bên ngoài bang bởi vì hành vi nền tảng - hành vi mưu sát - là một tội tại New York.” “Đúng vậy,” Laurel xác nhận. Có thể cô ta hài lòng vì anh đã phân tích đúng. Rất khó để biết. Sachs nói, “Cô nói là có người ra lệnh giết. Nghĩa là sao, trừ khử theo kiểu tội phạm có tổ chức hả?” Nhiều tay trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng nhất chưa hề bị bắt và bị kết án các tội tống tiền, mưu sát, bắc cóc mà bọn chúng phạm phải, vì có thể chẳng bao giờ gắn kết được bọn chúng với hiện trường vụ án. Nhưng bọn chúng thường bị tống vào tù vì âm mưu gây ra các sự việc đó. Tuy nhiên, Laurel nói, “Không phải. Vụ này khác.” Tâm trí Rhyme nhảy múa. “Nhưng nếu ta xác định và tóm cổ những kẻ chủ mưu thì bên phía Bahamas sẽ muốn dẫn độ chúng. Ít nhất là dẫn độ tay súng.” Laurel yên lặng ngắm anh một chốc. Sự ngập ngừng liên tục của cô ta gần như khiến anh bồn chồn. Cuối cùng cô ta nói, “Tôi sẽ phản đối việc dẫn độ. Và tôi cho rằng cơ hội thành công của mình là trên 90%.” Dẫu đã ngoài ba mươi nhưng Laurel trông trẻ trung. Cô ta có một chất ngây thơ kiểu nữ sinh. Không, nói “ngây thơ” không đúng, Rhyme nhận định. “Quyết tâm” mới phải. “Cứng đầu” là một từ sáo mòn thích hợp khác. Sellitto hỏi cả Laurel lẫn Myers, “Hai người có nghĩ đến nghi phạm nào không?” “Có. Tôi chưa có nhân thân của tay súng nhưng tôi biết có hai người đã ra lệnh khử này.” Rhyme mỉm cười. Trong anh khuấy lên sự tò mò, cùng với cái cảm giác mà một con sói buộc phải có khi đánh hơi được một phân tử duy nhất trong mùi của con mồi. Anh biết chắc Nance Laurel cũng có chung cảm giác, mặc dù sự hào hứng này thể hiện không rõ lắm qua lớp phấn L’Oréal. Anh tin mình biết chuyện này sẽ đi tới đâu. Và cái đích còn hơn cả ly kỳ. Laurel nói, “Vụ mưu sát này là giết người có mục tiêu, có thể nói là một vụ ám sát, do một quan chức chính phủ ra lệnh - cục trưởng NIOS, Cục Tình báo và Chỉ huy Quốc gia, có tổng bộ tại Manhattan ngay đây.” Đây là điều mà ít nhiều Rhyme đã suy ra trước. Mặc dù ban đầu anh tưởng đó là CIA hoặc Lầu Năm Góc. “Trời đất,” Sellitto thì thầm. “Hai người muốn tóm quan chức liên bang hả?” Anh ta nhìn Myers, không thấy có chút phản ứng gì, rồi nhìn lại Laurel. “Cô làm được không đấy?” Sự ngập ngừng của cô ta dài bằng hai hơi thở. “Anh nói vậy là sao hả đồng chí thám tử?” Cô ra chiều rối trí. Sellitto có lẽ không có ý gì khác ngoài điều vừa nói. “Chẳng phải y được miễn tố sao?” “Các luật sư của NIOS sẽ tìm cách đưa ra lập luận miễn tố nhưng đó là lĩnh vực mà tôi rất rành. Tôi có viết một bài cho tập san luật về đề tài miễn tố quan chức chính phủ. Tôi đánh giá cơ hội thành công của mình vào khoảng 90% tại tòa cấp bang và 80% tại Tòa Phúc thẩm Vùng Hai[6]. Đến được Tòa Tối cao thì chúng ta thảnh thơi.” “Luật miễn tố là sao?” Sachs hỏi. “Đây là một vấn đề trong Điều khoản Tối thượng,” Laurel giải thích. “Đó là điều khoản hiến pháp nói rằng, về cơ bản, khi xảy ra xung đột pháp lý, thì luật liên bang thắng luật cấp bang. New York không thể truy tố công chức liên bang đối với các tội ở cấp bang nếu công chức này khi ấy vẫn hành động trong thẩm quyền của mình. Trong tình huống của chúng ta, tôi tin tay cục trưởng NIOS đã biến chất - hành động vượt ngoài thẩm quyền của mình.” Laurel liếc nhìn Myers, rồi ông này nói, “Chúng tôi đã luận bàn vấn đề này nhưng có nhiều cứ liệu vững chắc khiến chúng tôi tin tên này đang cải sửa chính tin tình báo tạo thành cơ sở cho vụ ám sát, để thực hiện nghị trình chính trị của hắn.” Luận bàn… cứ liệu… “Vậy cái nghị trình đấy là gì?” Rhyme hỏi. “Chúng tôi không rõ,” ông đại úy nói tiếp. “Y hình như lúc nào cũng nghĩ đến chuyện bảo vệ đất nước, trừ khử bất kỳ ai là mối họa - kể cả những người có lẽ chẳng phải mối họa gì cả, chỉ cần hắn xem họ là phản quốc. Người mà y ra lệnh bắn chết tại Nassau không phải là khủng bố. Người này chẳng qua…” “Thẳng tính thôi,” Laurel nói. Sachs hỏi, “Tôi hỏi chuyện này: Trưởng công tố viên có duyệt vụ này chưa?” Sự ngập ngừng của Laurel lần này có thể đã che đậy sự sửng cồ của cô ta khi nghe về sếp của mình và việc người này chấp thuận theo đuổi vụ điều tra. Rất khó để biết. Cô ta trả lời điềm đạm, “Thông tin về vụ ám sát đến văn phòng chúng tôi tại Manhattan, nơi có thẩm quyền quản lý NIOS. Công tố viên quận và tôi đã bàn vấn đề này. Tôi muốn nhận vụ này vì có kinh nghiệm với các vấn đề về miễn tố và bởi vì loại tội phạm này làm tôi rất khó chịu - cá nhân tôi cảm thấy bất kỳ án mạng nào có mục tiêu đều trái hiến pháp vì vi phạm trình tự pháp luật chính đáng. Công tố viên quận hỏi tôi có biết đây là một cái bẫy mìn không. Tôi nói có. Ông ấy đến gặp trưởng công tố viên ở Albany, người này nói tôi có thể tiến hành. Nên phải, tôi được sự đồng ý của ông ấy.” Một cái nhìn vững vàng nhắm vào Sachs, người cũng nhìn lại bằng cặp mắt không nao núng. Rhyme nhận thấy cả hai người đàn ông này, công tố viên quận Manhattan và trưởng công tố viên New York, đều thuộc đảng chính trị đối lập với đảng của chính quyền hiện tại ở Washington. Xét đến chi tiết này liệu có công bằng? Anh nhận định sự hoài nghi sẽ không mang tính hoài nghi nếu có bằng chứng củng cố nó. “Chào mừng đến với tổ ong,” Sellitto nói, khiến ai cũng mỉm cười, trừ Laurel. Myers nói với Rhyme, “Thành thử tôi đã đề cử anh, đại úy, khi Nance đến gặp chúng tôi. Anh, thám tử Sellitto và thám tử Sachs hoạt động độc lập hơn một chút so với các sĩ quan chính quy. Các anh chị không bị trói buộc vào trung tâm chỉ huy như phần nhiều các điều tra viên.” Lincoln Rhyme hiện là cố vấn cho Sở cảnh sát New York, FBI và bất kỳ tổ chức nào khác muốn trả mức phí ngất ngưỡng do anh đặt ra để hưởng dịch vụ pháp y của anh, miễn là vụ việc này nằm đâu đó gần cực chính Bắc của trục “thử thách.” Anh hỏi, “Rồi ai là kẻ chủ mưu, tay cục trưởng NIOS này à?” “Tên y là Shreve Metzger.” “Có ai có suy nghĩ gì về tay súng không?” Sachs hỏi. “Không. Hắn - hoặc ả - có thể xuất thân quân đội, nếu vậy thì gay. May ra thì hắn là dân thường.” “May ra?” Câu hỏi từ Sachs. Rhyme cho rằng lý do mà Laurel muốn nói là hệ thống tư pháp quân đội sẽ làm phức tạp nhiều chuyện. Nhưng cô ta giải thích thêm, “Người lính thì dễ nhận được sự cảm thông từ ban hội thẩm hơn lính đánh thuê hay dân thường giết thuê.” Sellitto nói, “Cô nói đến hai kẻ chủ mưu, ngoài tay súng ra. Còn ai khác ngoài Metzger nữa?” “À,” Laurel nói tiếp nói bằng một giọng hơi kẻ cả, “tổng thống nữa.” “Nước nào?” Sellitto hỏi. Câu hỏi này có cần phải tạm ngừng để suy tư hay không thì Laurel vẫn cứ ngập ngừng rồi nói. “Tất nhiên là Hoa Kỳ rồi. Tôi chắc chắn mọi vụ trừ khử có mục tiêu đều đòi hỏi phê chuẩn của tổng thống. Nhưng mục tiêu của tôi không phải tổng thống.” “Trời ạ, hi vọng là không phải,” Lon Sellitto nói kèm một tiếng cười nghe tựa một tiếng hắt hơi cố nén. “Vậy còn hơn cả bẫy mìn chính trị đấy chứ đây là bom nguyên tử mẹ nó luôn rồi.” Laurel chau mày, như thể cô ta đã phải dịch câu nói của anh ta từ tiếng Iceland. “Chính trị không phải là vấn đề, thám tử ạ. Cho dù tổng thống có hành động ngoài thẩm quyền khi ra lệnh trừ khử một mục tiêu đi nữa, thì trình tự hình sự trong trường hợp của ông ta sẽ là trình tự phế truất. Nhưng rõ ràng chuyện đấy nằm ngoài thẩm quyền của tôi rồi.” 4 HÀNG CHỜ Hắn thoáng phân tâm trước mùi cá nướng vỉ, dùng kèm chanh xanh và chuối tá quạ[7], hình như thế. Một mùi khác nữa, một hương liệu. Hắn chưa ngửi ra được mùi này. Hít hà không khí một lần nữa. Nó có thể là mùi gì đây? Với dáng người chắc khỏe, mái tóc đinh màu nâu, hắn tiếp tục dạo bước thư thả dọc vỉa hè bị vỡ - và con đường đất, nơi các phiến bê tông đều mất sạch. Hắn làm phồng chiếc áo vét sẫm để thông khí giải nhiệt rồi chợt nghĩ cũng may mình không đeo cà vạt. Hắn lại dừng bước bên cạnh một bãi đất phủ đầy cỏ dại. Vào lúc này, đã cuối buổi sáng, con phố gồm những cửa hiệu thấp tè và những ngôi nhà màu phấn bong tróc đang hoang vắng. Không bóng người, mặc dù có hai con chó bánh nồi[8] biếng nhác đang nằm uể oải trong bóng râm. Rồi nàng xuất hiện. Nàng đang ra khỏi cửa hiệu Deep Fun Dive và đi bộ về hướng đường West Bay, trong tay là một cuốn tiểu thuyết của Gabriel Márquez. Với làn da rám nắng và mái tóc vàng óng, cô gái trẻ có một ít tóc rối, với một bím tóc được thắt hẹp thành một dải duy nhất buông từ thái dương xuống ngực. Nàng có hình thể đồng hồ cát nhưng là đồng hồ cát thon thả. Nàng mặc một bộ áo tắm hai mảnh màu vàng và đỏ cùng một tấm khăn choàng màu cam tròng hờ quanh eo, trêu ngươi. Nó kéo dài xuống tận mắt cá chân nàng. Nàng dẻo dai và đầy nhựa sống, nụ cười của nàng đôi khi ranh mãnh. Và nụ cười ấy lúc này đang ranh mãnh. “Chà, xem ai đây này,” nàng nói rồi dừng lại bên cạnh hắn. Đây là khu vực yên tĩnh cách trung tâm Nassau một quãng đường. Quán xá đìu hiu. Lũ chó nằm nhìn một cách uể oải, tai cụp xuống như những nếp gấp đánh dấu trang sách. “Chào đằng ấy.” Jacob Swann tháo cặp kính Maui Jim của mình ra rồi chùi mặt. Đoạn đeo kính trở lại. Phải chi hắn mua kem chống nắng. Chuyến đi đến Bahamas lần này có lên kế hoạch gì đâu. “Hừm. Chắc điện thoại của em bị hỏng rồi,” Annette tỏ vẻ hờn dỗi. “Chắc vậy rồi,” Swann nhăn mặt lên tiếng. “Anh biết. Anh nói anh sẽ gọi. Có lỗi quá.” Nhưng cái tội này cùng lắm cũng chỉ là tội nhẹ. Annette là cô gái hắn bao làm bạn đồng hành, nên câu nói làm bộ của nàng làm sao gay gắt như trong hoàn cảnh khác được. Mặt khác, cái đêm hôm ấy vào tuần trước không chỉ là quan hệ khách-gái bao. Nàng tính tiền chỉ hai giờ nhưng lại bao hắn trọn đêm. Tối hôm ấy dĩ nhiên không như phim Người Đàn Bà Đẹp[9], nhưng hai người ai cũng cảm thấy vui vẻ. Số giờ giao dịch giữa họ trôi qua thật nhanh, cơn gió thoảng mềm mại ẩm ướt trôi ra dạt vào cửa sổ, tiếng vọng từ đại dương xâm phạm sự tĩnh lặng theo nhịp điệu một bài thơ. Hắn hỏi nàng có ở lại không và Annette đồng ý. Căn phòng khách sạn của hắn có một căn bếp nhỏ và Jacob Swann nấu bữa tối muộn. Trước đó, sau khi đến Nassau, hắn đã đi chợ mua nhiều thứ, trong đó có thịt dê, hành tây, nước cốt dừa, dầu, gạo, sốt nóng và các hương liệu địa phương. Hắn lọc thịt ra khỏi xương một cách lão luyện, xắt thịt thành nhiều miếng nhỏ vừa miệng rồi ướp thịt trong sữa bơ. Chưa đến 11 giờ tối, món hầm này đã sôi riu riu trên lửa nhỏ được sáu tiếng và sẵn sàng. Hai người dùng món ăn và uống một chai vang đỏ Rhône loại mạnh. Rồi họ lại lên giường. “Làm ăn sao rồi?” Lúc này hắn hỏi, đầu hất ra sau về phía cửa tiệm để chỉ rõ mình đang nói đến việc làm ăn nào, mặc dù công việc bán thời gian tại tiệm Deep Fun này là nguồn cung cấp những khách hàng trả cho nàng nhiều tiền hơn hẳn phí thuê ống thở. (Cả hai đều hiểu sự mỉa mai trong cái tên cửa hiệu[10]). Annette nhún bờ vai diễm lệ của mình. “Cũng tạm. Kinh tế sa sút quá. Nhưng nhà giàu vẫn thích gắn bó với san hô và cá.” Bãi xe um tùm cỏ được trang hoàng nào lốp xe trọc lóc, nào khối bê tông phế thải, nào một vài vỏ thiết bị điện gia dụng gỉ sét và móp méo mà ruột máy bên trong bị bươi mất từ lâu. Mỗi giây trôi qua, trời càng nóng hơn. Khắp nơi toàn là nắng chói và bụi bặm, những vỏ lon cạn khô, những bụi cây cần tỉa tót, cỏ rậm rạp. Có các mùi: cá nướng vỉ, chanh, chuối tá quạ và khói rác. Và cái hương liệu ấy. Nó là gì? “Em nhớ đâu có nói anh biết chỗ làm của em.” Một cái hất đầu về phía cửa tiệm. “Có, cưng có nói mà.” Hắn xoa tóc mình. Cái đầu tròn lẳn của hắn lấm chấm mồ hôi. Lại vén chiếc áo vét lên. Không khí tràn vào thật sảng khoái. “Anh không nóng hả?” “Sáng nay có hẹn khách ăn sáng, nên ăn mặc phải chỉn chu. Anh vừa xong, mới về đây. Không biết lịch của cưng.” “Đêm nay nhé?” Annette đề nghị. Và khuyến khích. “À, anh còn một cuộc họp nữa.” Gương mặt Jacob Swann không biểu cảm. Hắn chỉ nhìn vào cặp mắt nàng khi nói câu này. Không một nét nhăn ra chiều nuối tiếc, cũng không một biểu hiện ve vãn kiểu choai choai. “Anh thì hi vọng ngay lúc này cơ.” Hắn hình dung cặp mắt ấy đang thèm khát, hắn cảm thấy thế. “Cái rượu ấy là rượu gì nhỉ?” “Rượu mà anh phục vụ lúc ăn tối à? Châteauneuf-du-Pape. Anh chả nhớ từ vườn nho nào.” “Rượu tuyệt cú mèo đấy.” Một cụm từ Jacob Swann không dùng nhiều - hoặc không bao giờ dùng - nhưng hắn mặc kệ, ừ, tuyệt cú mèo. Y như nàng đây. Những sợi dây buộc mảnh quần của nàng đung đưa xuống dưới, chực bị giật đi. Đôi dép lê để lộ những móng chân màu lam và nàng đeo nhẫn vàng trên cả hai ngón chân cái. Hai chiếc nhẫn này hợp thành bộ với hai chiếc khuyên vòng cỡ lớn trên tai nàng. Nàng còn đeo một bộ xuyến bằng vàng được móc nối phức tạp. Annette cũng săm soi hắn và có lẽ đang nhớ lại hình thể lõa lồ của hắn, đầy cơ bắp, eo, mông, ngực và hai cánh tay mạnh mẽ. Cuồn cuộn. Hắn nhọc công lắm mới được thế. Nàng nói, “Em có kế hoạch nhưng…” Câu nói kết thúc bằng một nụ cười mới. Khi hai người bước đến chỗ xe hắn, nàng ôm lấy cánh tay hắn. Hắn hộ tống nàng qua bên ghế ngồi hành khách. Vừa vào trong, nàng liền chỉ hắn đường đến căn hộ nhà mình. Hắn nổ máy nhưng chưa vào số thì khựng lại. “À, anh quên. Có thể anh không gọi điện, nhưng anh có mang quà cho cưng đây.” “Không phải chứ!” Nàng ré lên một cách thích thú. “Quà gì vậy?” Hắn lôi ra một cái hộp từ chiếc ba lô mà hắn dùng làm cặp hồ sơ đang dựng ở ghế sau. “Em thích nữ trang mà, đúng không?” “Con gái nào không thích chứ?” Annette hỏi. Khi nàng mở hộp ra, hắn nói, “Đây không phải là bù cho tiền công của em. Mà là boa thêm.” “Ồ, thôi mà,” nàng đáp bằng một nụ cười trừ. Rồi tập trung mở cái hộp nhỏ hẹp. Swann nhìn quanh con phố. Vẫn vắng lặng. Hắn xét hết mọi góc cạnh, thu về bàn tay trái - lúc này đang mở, ngón cái và ngón trỏ rộng và cứng - rồi đánh mạnh vào họng nàng một cách điêu luyện. Nàng hộc lên, mắt thao láo. Nhổm người ngược ra sau ghì chặt cái cổ bị tổn thương. “Ặc, ặc, ặc…” Cú đánh này không dễ thực hiện. Phải đánh đủ nhẹ để không làm nát hẳn khí quản - hắn muốn nàng còn nói được - nhưng đủ mạnh để chặn lại tiếng thét. Mắt nàng nhìn hắn chòng chọc. Chắc nàng đang muốn gọi tên hắn - thật ra là cái tên giả mà hắn đã cho nàng biết tuần trước. Swann có ba hộ chiếu Mỹ, hai hộ chiếu Canada và năm thẻ tín dụng đứng năm tên khác nhau. Thú thật, hắn không nhớ nổi lần cuối mình dùng “Jacob Swann” với người chưa quen là khi nào. Hắn điềm nhiên nhìn lại nàng rồi xoay người lôi cuộn băng keo ra khỏi ba lô. Swann đeo găng cao su màu da vào rồi xé một dải ra từ cuộn băng. Hắn chững lại. Chính là nó. Cái hương liệu mà tay đầu bếp gần đó vừa thêm vào món cá. Rau mùi. Sao lúc nãy hắn lại không nhận ra chứ? 5 HÀNG CHỜ “Nạn nhân là Robert Moreno,” Laurel nói với họ. “Ba mươi tám tuổi.” “Moreno - nghe quen lắm,” Sachs nói. “Báo chí nói rần rần đấy, thám tử,” đại úy Bill Myers xen vào. “Trang đầu luôn.” Sellitto hỏi, “Khoan đã, tay người Mỹ chống Mỹ đấy hả? Tờ báo nào đấy gọi anh ta vậy thì phải.” “Đúng rồi,” tay đại úy nói. Rồi ông đế thêm một cách cay cú: “Thứ đần độn “ Lần này không dùng biệt ngữ. Rhyme để ý Laurel có vẻ không thích nhận xét này. Chưa hết, cô ta có vẻ sốt ruột, cứ như mình không có thời gian cho mấy chuyện bông đùa lạc đề. Anh nhớ cô ta nói mình muốn hành động nhanh - và lý do giờ đây đã rõ: Có lẽ một khi NIOS phát hiện ra vụ điều tra này, bọn họ sẽ tiến hành các biện pháp chặn đứng vụ việc - một cách hợp pháp và, biết đâu, cả không hợp pháp. Rhyme cũng sốt ruột không kém. Anh muốn sự ly kỳ. Laurel trưng ra tấm ảnh một người đàn ông điển trai mặc sơ mi trắng, ngồi trước một micro phát thanh. Anh ta có đường nét đầy đặn trên khuôn mặt cùng mái tóc đang thưa dần. Cô phó công tố viên quận bảo họ, “Một tấm ảnh chụp gần đây trong phòng thu thanh của anh ta ở Caracas. Lúc còn sống, anh ta mang hộ chiếu Mỹ nhưng là kiều dân, sống tại Venezuela. Ngày 9 tháng 5, người này đi công tác tại Bahamas thì bị tay bắn tỉa giết trong phòng khách sạn. Hai người khác cũng thiệt mạng - vệ sĩ của Moreno và một nhà báo phỏng vấn anh ta. Tay vệ sĩ là người Brazil, sống tại Venezuela. Ông nhà báo là người Puerto Rico, sống tại Argentina.” Rhyme chỉ ra, “Báo chí cũng không làm rùm beng gì nhiều. Nếu chính phủ bị bắt quả tang đặt tay trên cò súng, có thể nói vậy, thì báo chí đã ầm ĩ lên rồi. Người ta cho ai là kẻ gây án?” “Các các-ten ma túy,” Laurel bảo anh. “Moreno đã lập ra một tổ chức gọi là Phong trào Trao quyền Địa phương để làm việc với người bản địa và người nghèo khổ tại Mỹ Latin. Anh ta phê phán việc buôn lậu ma túy. Điều này chọc giận một số người tại Bogotá và tại một số nước Trung Mỹ. Nhưng tôi không tìm được dữ kiện củng cố giả thuyết là có các-ten cụ thể nào muốn anh ta chết. Tôi tin Metzger và NIOS đã dựng mấy câu chuyện về các nhóm các-ten để lái sự chú ý ra khỏi bọn họ. Vả lại, còn một thứ tôi chưa nói đến. Tôi biết chắc chắn một tay bắn tỉa của NIOS đã giết anh ta. Tôi có bằng chứng.” “Bằng chứng?” Sellitto hỏi. Ngôn ngữ hình thể của Laurel, tuy không phải là nét mặt của cô ta, như muốn nói cô ta rất hân hạnh kể cho họ biết chi tiết. “Chúng tôi có một người tố giác - trong nội bộ NIOS hoặc có dính líu tới NIOS. Người này rò rỉ chỉ lệnh cho phép giết Moreno.” “Như WikiLeaks hả?” Sellitto hỏi. Đoạn lắc đầu. “Mà không phải, không thể nào được.” “Đúng rồi,” Rhyme nói. “Vì nếu có thì chuyện này đã đăng khắp báo đài rồi. Văn phòng công tố quận nhận được tin này trực tiếp đấy. Trong lặng lẽ.” Myers: “Đúng vậy. Tay tố giác đã trao dẫn lệnh khử này.” Rhyme lờ đi tay đại úy và cách nói kỳ quặc của ông ta. Anh nói với Laurel: “Kể cho chúng tôi nghe về Moreno đi.” Cô ta kể, theo trí nhớ. Gia đình có gốc gác ở New Jersey, rời Mỹ khi Moreno được mười hai tuổi rồi chuyển nhà tới Trung Mỹ để tiện công việc của người cha, ông này là nhà địa chất cho một công ty dầu khí của Mỹ. Thoạt đầu, Moreno học trường Mỹ dưới đấy, nhưng sau khi người mẹ tự sát thì anh ta chuyển sang học trường địa phương và học rất giỏi. “Tự sát?” Sachs hỏi. “Hình như do bà ấy không thích nghi được với việc chuyển nhà… còn công việc của người chồng buộc phải đi công tác suốt đến những địa điểm khoan dầu và thăm dò dầu khắp vùng. Ông ấy chẳng mấy khi ở nhà.” Laurel tiếp tục khắc họa nạn nhân: “Ngay từ khi còn nhỏ, Moreno đã ghét việc chính phủ Mỹ và doanh nghiệp Mỹ vì lợi ích của họ mà bóc lột người dân Nam Mỹ và Trung Mỹ bản địa. Sau đại học, tại thành phố Mexico, anh ta trở thành người dẫn chương trình phát thanh và nhà hoạt động chính trị, viết và phát thanh nhiều bài công kích dữ dội nhằm vào Mỹ và cái mà anh ta gọi là chủ nghĩa đế quốc thế kỉ XXI của Mỹ. Anh ta định cư tại Caracas và lập ra Phong trào Trao quyền Địa phương như một phương thức thay thế giúp người lao động phát triển sự độc lập và không phải dựa dẫm vào các công ty châu Âu hay Mỹ để tìm việc và dựa vào viện trợ Mỹ giúp đỡ. Phong trào này có nửa tá chi nhánh khắp Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribê.” Rhyme rối trí. “Khó có thể là tiểu sử của một tay khủng bố.” Laurel nói, “Chính xác. Nhưng tôi phải nói với anh là Moreno lên tiếng ủng hộ một số nhóm khủng bố: al-Qaeda, al-Shabaab, Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan ở Tân Cương, Trung Quốc. Và anh ta hình thành một vài mối liên minh với nhiều nhóm cực đoan tại Mỹ Latin: ELN của Colombia - Quân đội Giải phóng Quốc gia - và FARC, cũng như Lực lượng Tự vệ Thống nhất. Anh ta rất đồng tình với nhóm Sendero Luminoso tại Peru.” “Con đường Sáng phải không?” Sachs hỏi. “Phải.” Kẻ thù của kẻ thù mình chính là bạn mình, Rhyme suy ngẫm. Cho dù chúng đánh bom giết trẻ em. “Nhưng mà…” anh hỏi. “Chỉ vì vậy mà bị ám sát ư?” Laurel giải thích, “Gần đây trang blog và những số phát sóng của Moreno ngày càng chống Mỹ kịch liệt hơn. Anh ta tự xưng là ‘Sứ giả Chân lý’. Và một số thông điệp của anh ta là cực kỳ hung hăng. Anh ta thật sự ghét cái đất nước này. Đến mức có tin đồn là có người vì được anh ta truyền cảm hứng mà bắn du khách hoặc quân nhân Mỹ, hoặc quăng bom vào các đại sứ quán Mỹ hay các công ty hải ngoại. Nhưng tôi không tìm được một sự kiện nào trong đó anh ta chính miệng nói một từ ra lệnh hay thậm chí là gợi ý tiến hành một vụ tấn công cụ thể. Truyền cảm hứng khác với dự mưu.” Dù chỉ biết cô ta vài phút, nhưng Rhyme ngờ rằng cô Nance Laurel đã chọn lọc hết sức kỹ càng những từ ngữ này. “Nhưng NIOS cho rằng có tin tình báo nói Moreno đang lên kế hoạch tấn công hẳn hoi: đánh bom trụ sở một công ty dầu tại Miami. Họ dò trộm được một cuộc nói chuyện qua điện thoại bằng tiếng Tây Ban Nha, và giọng nói được xác nhận là của Moreno.” Cô ta bèn lục lọi trong chiếc cặp hồ sơ cũ nát của mình và tham khảo các ghi chép. “Đây là Moreno: Anh ta nói, ‘Tôi muốn nhắm vào Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ tại Florida. Vào ngày thứ Tư’. Bên kia, chưa rõ là ai: ‘Ngày 10. Ngày 10 tháng 5 hả?’ Moreno: ‘Phải, buổi trưa, lúc nhân viên đang đi ăn trưa.’ Rồi bên kia: ‘Chà, làm sao đem đến đó được đây?’ Moreno: ‘Xe tải’. Rồi đến đoạn nói chuyện loạn xạ. Moreno lại nói: ‘Và đây chỉ mới là khởi đầu thôi. Tôi còn cả mớ thông điệp tương tự nữa trong kế hoạch.’” Cô ta bỏ bản ghi vào lại cặp hồ sơ. “Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ có hai cơ sở tại Florida hoặc ở gần đấy: trụ sở khu đông nam tại Miami và một giàn khoan dầu ngoài biển. Không thể nào là giàn khoan được vì Moreno nói đến xe tải. Nên NIOS tin chắc trụ sở nằm trên Đại lộ Brickell, mới chính là mục tiêu. “Đồng thời, các nhà phân tích tình báo phát hiện thấy các công ty có dính líu tới Moreno đang chuyên chở nhiên liệu điêzen, phân bón và nitơ mêtan tới Bahamas trong tháng vừa qua.” Ba thành phần phổ biến trong thiết bị nổ tự chế. Chính các chất này đã xóa sổ tòa nhà liên bang tại thành phố Oklahoma. Cũng chính là nơi chúng được vận chuyển đến bằng xe tải. Laurel nói tiếp, “Rõ ràng Metzger tin nếu Moreno bị giết trước khi quả bom được tuồn lậu vào Mỹ thì bọn tay sai của anh ta sẽ không hoàn thành được kế hoạch. Anh ta bị bắn một ngày trước sự kiện này tại Miami. Vào ngày 9 tháng 5.” Câu chuyện đến bây giờ nghe có vẻ như, cho dù người ta có ủng hộ việc ám sát hay không, giải pháp của Metzger đã cứu nhiều mạng người. Rhyme toan đề cập đến điểm này nhưng Laurel đã đi trước anh. Cô ta nói, “Nhưng Moreno lại không nói đến một vụ tấn công. Đó là một vụ phản đối ôn hòa. Vào ngày 10 tháng 5, giữa trưa, nửa chục xe tải xuất hiện trước trụ sở Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ. Chỗ xe này không chuyển bom đến, mà là chuyển người đến để tham gia biểu tình. “Còn các thành phần chế bom kia thì sao? Các thành phần này dành cho chi nhánh Phong trào Trao quyền Địa phương của Moreno tại Bahamas. Nhiên liệu điêzen dành cho một công ty vận tải. Phân bón dành cho mấy hợp tác xã nông nghiệp còn nitơ mêtan thì để sử dụng trong thuốc hun trùng trong đất. Đều hợp pháp cả. Đây là chỗ vật liệu duy nhất được nói đến trong chỉ lệnh cho phép giết Moreno nhưng còn có cả tấn hạt giống, gạo, linh kiện xe tải, nước đóng chai và các vật vô hại khác trong cùng một kiện hàng. NIOS đã cố tình quên đề cập đến mấy thứ đấy.” “Không phải tình báo sai sao?” Rhyme ngỏ lời. Khoảng nghỉ tiếp sau đó dài hơn gần hết các khoảng nghỉ trước, rồi cuối cùng Laurel nói, “Không. Tôi nghĩ tin tình báo đã bị sửa đổi. Metzger không thích Moreno, không thích cách anh ta hùng biện. Y có lần gọi thẳng người này là ‘một thằng phản bội đáng khinh’. Tôi nghĩ y không chia sẻ với các cấp tất cả các thông tin y tìm được. Thành thử giới chóp bu ở Washington phê chuẩn phi vụ này vì nghĩ có liên quan đến bom, trong khi Metzger biết là không có.” Sellitto nói, “Nên NIOS đã giết một người vô tội.” “Phải,” Laurel nói kèm một thoáng cao hứng trong giọng. “Nhưng vậy thì tốt.” “Hả?” Sachs thốt lên, mày nhăn lại. Một khoảng nghỉ bằng một nhịp tim. Laurel rõ ràng không hiểu vẻ thất kinh thấy rõ của Sachs, hệt như lúc cô thám tử này phản ứng trước nhận xét trước đó của Laurel rằng “may ra” thì tay súng này là dân thường, không phải quân nhân. Rhyme giải thích, “Ban hội thẩm nữa đấy Sachs. Họ có khuynh hướng kết tội bị cáo đã giết một nhà hoạt động chính trị khi người này chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của mình theo Điểm sửa đổi Thứ nhất của Hiến pháp - hơn là một tay khủng bố cộm cán.” Laurel nói thêm, “Đối với tôi không có khác biệt về mặt luân lý giữa hai trường hợp, ta không hành quyết bất kỳ ai mà không thông qua trình tự pháp luật chính đáng. Bất kỳ ai. Nhưng Lincoln nói đúng, tôi phải tính đến ban hội thẩm.” “Thành ra, đại úy à,” Myers nói với Rhyme, “vụ án này chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm và khi đó chúng tôi sẽ cần một người sáng suốt như anh.” Phản ứng tức thì của Rhyme là đồng ý. Vụ án rất ly kỳ và đầy thử thách về đủ mọi phương diện. Nhưng anh để ý thấy Sachs đang nhìn xuống, một ngón tay chà xát da đầu, một thói quen của cô. Anh tự hỏi điều gì đang làm cô phiền lòng. Cô nói với công tố viên, “Cô đâu có truy tố CIA về vụ al-Awlaki đâu nào.” Anwar al-Awlaki, công dân Mỹ, là một lãnh tụ Hồi giáo cấp tiến ủng hộ thánh chiến, đồng thời là một thành viên cốt cán bên trong mạng lưới con của al-Qaeda tại Yemen. Là một kiều dân như Moreno, hắn có biệt danh là Bin Laden của mạng Internet và hào hứng cổ vũ tấn công người Mỹ thông qua các bài viết trên blog của mình. Trong số những kẻ được hắn truyền cảm hứng có tay súng tại Fort Hood và kẻ đánh bom máy bay bằng thuốc nổ trong đồ lót, hai sự kiện đều xảy ra vào năm 2009, cùng kẻ đánh bom Quảng trường Times vào năm 2010. Al-Awlaki và một công dân Mỹ khác, biên tập viên trực tuyến của hắn, bị giết trong một đợt oanh tạc bằng máy bay không người lái theo chỉ đạo của CIA. Laurel ra chiều không hiểu. “Sao tôi truy tố vụ đó được? Tôi là công tố viên New York mà. Chẳng có sự liên hệ nào ở cấp bang trong vụ ám sát al-Awlaki cả. Nhưng nếu cô hỏi tôi có chọn những vụ mà tôi nghĩ có thể thắng không, thám tử Sachs, thì câu trả lời là có. Buộc Metzger tội ám sát một tay khủng bố khét tiếng và nguy hiểm có lẽ sẽ không thắng được. Cũng không thắng được nếu buộc tội ám sát một người không phải công dân Mỹ. Nhưng vụ bắn Moreno thì tôi có thể thuyết phục được ban hội thẩm. Khi Metzger và tay bắn tỉa của y bị kết tội rồi thì tôi sẽ có thể xét đến các vụ án khác nhập nhằng hơn.” Cô dừng nói. “Hoặc có lẽ chỉ cần chính phủ đánh giá lại các chính sách của mình và hoạt động theo sát Hiến pháp… rồi ra khỏi ngành giết thuê.” Liếc nhìn Rhyme, Sachs nói với cả Laurel lẫn Myers. “Tôi không biết nữa. Có cái gì đấy không ổn.” “Ổn ư?” Laurel hỏi, ra chiều không hiểu cái từ ấy. Chà mạnh hai ngón tay vào nhau, Sachs nói, “Tôi không biết. Tôi không chắc đây có phải là việc của chúng tôi hay không.” “Cô và Lincoln à?” Laurel thắc mắc. “Ai trong chúng tôi cũng vậy thôi. Đây là vấn đề chính trị, không phải vấn đề hình sự. Cô muốn ngăn NIOS ám sát người, được thôi. Nhưng chẳng phải đây là vấn đề của Quốc hội sao? Sao lại dính tới cảnh sát?” Laurel liếc trộm Rhyme. Sachs tất nhiên đã đưa ra một luận điểm hợp lý - cái luận điểm mà ngay cả Rhyme cũng không nghĩ tới. Nói đến luật pháp, anh rất ít quan tâm đến vấn đề rộng hơn là đúng hay sai. Đối với anh, chỉ cần chính quyền Albany hay Washington hay hội đồng thành phố xác định rằng một tội cần tìm ra hung thủ, vậy là đủ. Việc của anh sau đó rất đơn giản: truy ra thủ phạm và xây dựng lập luận chống lại kẻ này. Cũng như chơi cờ vua vậy. Việc các cha đẻ của trò cờ bí truyền ấy quyết định buộc quân hậu phải toàn năng và quân mã phải đi theo góc vuông có quan trọng không? Không. Nhưng một khi các quy tắc đó được thiết lập, người ta chơi theo các quy tắc đó. Anh lờ đi Laurel nhưng mắt vẫn dán vào Sachs. Rồi điệu bộ của cô phó công tố viên quận thay đổi, tinh tế nhưng rõ ràng. Rhyme nghĩ thoạt đầu cô ta chột dạ nhưng anh nhận ra không phải vậy. Cô ta đang chuyển sang chế độ biện hộ. Như thể cô ta vừa đứng dậy khỏi bàn luật sư tại tòa rồi bước đến trước mặt ban hội thẩm - một ban hội thẩm vẫn chưa bị thuyết phục về tội của nghi can. “Amelia, tôi nghĩ công lý nằm ở những tiểu tiết,” Laurel bắt đầu. “Ở những điều nhỏ nhặt. Tôi truy tố một vụ cưỡng hiếp không phải vì xã hội sẽ kém ổn định khi phụ nữ bị bạo hành tình dục. Tôi truy tố tội cưỡng hiếp bởi vì có một con người hành xử theo những hành vi bị cấm trong Bộ luật Hình sự New York, điều 130 khoản 35. Công việc của tôi là vậy, công việc của tất cả chúng ta là vậy.” Nghỉ một chốc, cô ta nói, “Xin cô đấy, Amelia. Tôi biết thành tích của cô. Tôi muốn cô tham gia.” Vì tham vọng hay ý thức hệ đây? Rhyme tự hỏi, mắt nhìn lướt qua thể trạng nhỏ bé nhưng khỏe khoắn của Nance Laurel, với mái tóc cứng đơ, ngón tay và móng tay cùn thiếu nước son bóng, bàn chân nhỏ nhắn trong đôi giày thực dụng không dây buộc, trên giày là dung dịch che vết trầy đã được bôi kỹ lưỡng như lớp phấn trên mặt cô ta. Anh thực tình không thể nói yếu tố nào trong hai yếu tố đó thúc đẩy cô ta, nhưng có một điều anh quan sát thấy: Thực ra anh đã rùng mình khi thấy sự thiếu vắng đam mê trong đôi mắt đen của cô ta. Và không dễ gì làm Lincoln Rhyme rùng mình. Trong khoảng im lặng tiếp sau đó, ánh mắt Sachs chạm ánh mắt Rhyme. Cô dường như cảm nhận được anh rất muốn tham gia vụ án này. Và đây chính là điểm bùng phát. Một cái gật đầu. “Tôi tham gia,” cô nói. “Tôi nữa.” Rhyme đang nhìn, không phải nhìn Myers hay Laurel mà là Sachs. Nét mặt của anh nói: Cảm ơn em. “Và dù không ai yêu cầu tôi,” Sellitto càu nhàu nói, “nhưng tôi rất sẵn lòng phá mẹ nó sự nghiệp của mình bằng cách tóm cổ một quan chức liên bang thâm niên.” Rồi Rhyme nói, “Tôi cho rằng việc cần ưu tiên là bảo mật.” “Chúng ta phải giữ kín chuyện này,” Laurel đáp. “Bằng không chứng cứ sẽ biến mất dần. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không cần phải lo vào thời điểm này. Trong văn phòng tôi, chúng tôi đã tìm mọi cách giấu kín vụ án. Tôi tin chắc NIOS không biết gì về cuộc điều tra đâu.” 6 HÀNG CHỜ Khi hắn lái chiếc xe mượn tạm đến một cồn cát trên bãi biển tây nam của đảo New Providence, gần công viên Clifton Heritage rộng lớn, Jacob Swann nghe tiếng báo tin nhắn từ điện thoại. Tin này cập nhật về cuộc điều tra của cảnh sát tại New York về cái chết của Robert Moreno cùng các tội danh âm mưu. Swann sẽ nhận được chi tiết trong vài tiếng tới, trong đó sẽ có tên các bên liên quan. Nhanh thật. Nhanh hơn hẳn so với dự kiến của hắn. Hắn nghe một tiếng thụi từ cốp xe, nơi Annette Bodel, cô gái điếm xấu số, bị cuộn tròn lại. Nhưng chỉ là một tiếng thụi nhẹ nên chẳng ai khác quanh đó nghe được, không có nhóm người nào tụ tập lục rác hay đi chơi bên đường như thường thấy tại Bahamas, vừa nhấp bia Sands hay Kalik vừa đùa bỡn, buôn chuyện, phàn nàn về phụ nữ và ông chủ. Cũng không có xe cộ trên đường hay người đi thuyền nào trên mặt biển màu ngọc lam. Vùng Caribê đúng là ngược ngạo, Swann suy ngẫm khi hắn quan sát xung quanh: một sân chơi hào nhoáng cho du khách, một sân ga tiêu điều cho cuộc sống của dân địa phương. Sự tập trung đổ cả vào cái điểm tựa mà tại đó đồng đô la, đồng euro giao với ngành dịch vụ và giải trí, bỏ lại hầu hết phần còn lại của đất nước này một cảm giác kiệt quệ. Cũng giống như mảng đất đầy cát gần bãi biển này đây, vương vãi rác, đầy cỏ dại, oi ả. Hắn leo ra ngoài thổi vào găng tay để làm mát đôi tay đẫm mồ hôi. Nóng bỏ mẹ. Hắn từng đến địa điểm này, vào tuần trước. Sau một phát súng trường hiểm hóc mà chính xác đã xé nát trái tim của ngài Robert Moreno phản phúc, Swann lái xe đến đây chôn một ít quần áo và các chứng cứ khác. Hắn muốn mấy thứ đó mãi bị chôn vùi. Nhưng sau khi nhận được cái tin lạ lùng và đáng lo là đám công tố viên tại New York đang điều tra cái chết của Moreno, hắn quyết định tốt nhất nên moi lại những thứ đó rồi phi tang hiệu quả hơn. Nhưng trước hết phải làm một việc vặt khác… một nhiệm vụ nữa. Swann bước đến cốp xe, mở cốp ra rồi liếc xuống nhìn Annette, đẫm lệ, đầm đìa mồ hôi, đau đớn. Đang gượng thở. Hắn bèn bước đến ghế sau, mở va li lôi ra một trong những bảo bối của mình, con dao đầu bếp hắn ưa thích, hiệu Kai Shun Premier, thuộc dòng dao xắt cao cấp. Nó dài khoảng 23 phân và có lớp dập tsuchime cạnh dao đặc trưng của công ty, được thợ rèn ở thị trấn Seki của Nhật dập bằng búa. Lưỡi dao có một lõi thép VG-10 cùng 32 lớp thép Damascus. Cán dao làm bằng gỗ óc chó. Con dao này có giá 250 đô la. Hắn có nhiều kiểu dao của cùng hãng sản xuất đó với đủ loại hình dạng và kích thước, phục vụ nhiều kỹ thuật làm bếp khác nhau, nhưng đây là con dao hắn ưa thích. Hắn nâng niu nó như con mọn vậy. Hắn dùng nó để rút xương cá, để thái thịt bò mỏng dính làm món carpaccio và để tạo động lực cho con người. Swann đi du lịch cùng con dao này và nhiều con khác trong một túi đựng dao cũ sờn hiệu Messermeister, cùng hai quyển sách nấu ăn nhàu nát - một quyển của James Beard và một quyển của đầu bếp Pháp Michel Guérard, bậc thầy về ẩm thực thon gọn[11]. Quan chức hải quan đời nào lại đếm xỉa đến một bộ dao chuyên nghiệp nhưng chết người, được gói trong mớ hành lý ký gửi bên cạnh một quyển sách nấu ăn. Vả lại, khi hắn đi công tác xa nhà, những con dao này rất hữu dụng, Jacob Swann thường nấu ăn, hơn là chơi bời trong quán rượu hay đi xem phim một mình. Chẳng hạn như rút xương dê rồi cắt thịt thành khối nhỏ để làm món hầm vào tuần trước. Ông hàng thịt bé bỏng của tôi, ông hàng thịt bé bỏng yêu dấu của tôi… Hắn nghe một tiếng động khác, một tiếng thịch. Annette đang bắt đầu giãy đạp. Swann trở lại cốp xe, nắm tóc lôi nàng ra. “Ặc, ặc, ặc…” Đây có lẽ là phiên bản “không, không, không” của nàng. Hắn tìm thấy một chỗ lõm trên cát, xung quanh toàn cây nhỏ khẳng khiu và trang hoàng nào lon Kalik, nào chai Red Stripe, nào bao cao su vứt bừa và nhiều mẩu thuốc lá đang phân hủy. Hắn lăn ngửa nàng ra rồi ngồi lên ngực nàng. Nhìn quanh. Không có ai. Mấy tiếng thét yếu đi nhiều, do cú đánh vào họng, nhưng cũng không tắt hẳn. “Mày, anh sẽ hỏi cưng vài câu và cưng phải nói thành lời. Anh cần câu trả lời ngay và luôn. Cưng nói thành lời được không?” “Ặc.” “Nói ‘được’ xem.” “Đ…đ…được.” “Tốt.” Hắn moi trong túi ra một tờ giấy lụa Kleenex, đoạn kẹp mũi nàng bằng tay kia và khi nàng mở miệng ra, hắn lấy giấy lụa chộp lấy lưỡi nàng, kéo đầu lưỡi qua môi hai phân. Đầu nàng lắc dữ dội, cho đến khi nàng nhận ra lắc đầu còn đau hơn bị hắn kẹp mũi. Nàng ép bản thân bình tĩnh lại. Jacob Swann vừa nhích con dao Kai Shun tới trước vừa chiêm ngưỡng lưỡi dao và cán dao. Dụng cụ nấu nướng thường nằm trong số những món đồ được thiết kế phong cách nhất. Ánh nắng phản chiếu từ nửa trên của lưỡi dao - được dập thành nhiều chỗ lõm - tựa như đang nhấp nháy trên sóng biển. Hắn cẩn thận dùng mũi dao vuốt lên đầu lưỡi của nàng, vạch ra một vệt hồng sẫm nhưng không có máu. Một tiếng gì đó. Hình như là “Xin anh.” Ông hàng thịt bé bỏng… Hắn nhớ lại cảnh cứa ức vịt chỉ vài tuần trước, bằng chính con dao này, rạch ba khe rất nông để mỡ dễ chảy hơn dưới ngọn lửa nướng. Hắn nhoài người tới. “Nghe cho kỹ đây,” hắn rỉ tai. Miệng Swann gần tai nàng và hắn cảm nhận làn da nóng hực của nàng chạm vào má hắn. Hệt như tuần trước. Thật ra thì, đại khái như tuần trước. 7 HÀNG CHỜ Đại úy Bill Myers đã chấm dứt mấy lời dông dài chói tai của ông ta rồi rút đi, sau khi trao chiếc gậy nhạc trưởng của vụ án cho Rhyme và đồng đội. Mặc dù điều tra tội âm mưu vụ Moreno, về một số phương diện, là một công việc đồ sộ, nhưng tựu trung lại nó cũng chỉ là một vụ bình thường trong số hàng nghìn vụ trọng án đang được điều tra tại New York, nhiều vụ việc khác chắc chắn vẫn đang vẫy gọi ông đại úy và cái Đơn vị Công tác Đặc biệt bí ẩn của ông ta. Rhyme cũng cho rằng nếu là anh, anh cũng muốn tránh xa vụ này. Myers đã hỗ trợ cho cô công tố viên - ai ở cấp bậc Đại úy tất phải làm vậy, cảnh sát và công tố viên vốn là cặp song sinh liền thân - nhưng bây giờ chính là thời khắc để Myers hướng tới một nơi chưa hé lộ. Rhyme nghĩ đến cái tham vọng chính trị mà trước đó anh đã ngửi được và nếu đúng như vậy, ông quan này sẽ ở ngoài cuộc xem vụ việc được tháo mở như thế nào. Sau đó ông ta sẽ quay trở lại bục trong vinh quang, kịp lúc cho buổi áp giải nghi can[12]. Hoặc lặn mất tăm nếu vụ án bùng nổ thành một cơn ác mộng về quan hệ công chúng. Một kịch bản rất có khả năng xảy ra. Rhyme chẳng bận tâm. Thật ra, anh hả dạ khi thấy Myers đi. Anh chẳng làm được gì ra hồn khi có bất kỳ tay đầu bếp nào khác trong nhà bếp. Lon Sellitto dĩ nhiên ở lại. Về mặt lý thuyết, anh ta là điều tra viên chính, nhưng lúc này Sellitto đang ngồi trên một chiếc ghế mây cọt kẹt, phân vân mình có nên ăn một cái bánh muffin trên khay đồ điểm tâm không, mặc dù anh ta đã gặm mất nửa miếng bánh ngọt Đan Mạch. Nhưng sau đó Sellitto thót bụng lại hai lần, như muốn truyền tải thông điệp là mình đã sụt đủ ký theo chế độ ăn kiêng thời thượng mới nhất nên anh ta xứng đáng được ăn chỗ bánh ngọt này. Ngược lại thì có. “Cô biết gì về cái gã điều hành NIOS này?” Sellitto hỏi Laurel. “Tên là Metzger thì phải?” Cô ta lặp lại lần nữa mà không cần xem tài liệu: “Bốn mươi ba tuổi. Đã ly hôn. Vợ cũ là luật sư tư, Phố Wall. Y học Harvard ra, theo chương trình Đào tạo Sĩ quan Dự bị. Sau đó vào quân đội, đến Iraq. Vào là trung úy, ra là đại úy. Nghe đồn y còn muốn thăng cấp cao nữa nhưng bị hỏng ngang vì một số vấn đề, để lát tôi kể thêm. Giải ngũ, vào học trường Yale, lấy bằng thạc sĩ chính sách công với bằng luật. Vào Bộ Ngoại giao, rồi gia nhập NIOS cách đây 5 năm trong vai trò giám đốc điều phối. Khi cục trưởng NIOS bấy giờ nghỉ hưu vào năm ngoái, Metzger thế chức của ông ấy, mặc dù y là một trong những người trẻ tuổi nhất trong ban quản trị. Người ta nói là không gì ngăn được y nắm quyền chỉ huy hết.” “Con cái thì sao?” Sachs hỏi. “Hả?” Laurel đáp. “Metzger có con cái không?” “Ồ, cô nghĩ có người dùng con cái của y để gây áp lực cho y, buộc y phải thi hành những nhiệm vụ bất lương hả?” “Không phải,” Sachs nói. “Tôi chỉ thắc mắc y có con cái hay không thôi.” Laurel chớp mắt một cái. Đến lúc này cô ta mới tham khảo tài liệu. “Có một trai, một gái. Học cấp II. Y không có quyền nuôi dưỡng trong một năm. Giờ thì y cũng có một số quyền thăm con nhưng tụi nhỏ ở với mẹ là chủ yếu. Metzger thì còn hơn cả diều hâu. Y chính miệng nói là nếu được thì y đã đánh bom hạt nhân vào Afghanistan vào ngày 12 tháng 9 năm 2001 rồi. Y chẳng ngại nói thẳng ra là chúng ta có quyền đánh phủ đầu để tiêu diệt kẻ thù. Kẻ thù truyền kiếp của y là công dân Mỹ nào từng ra nước ngoài và tham gia vào các hoạt động mà y xem là phản quốc, chẳng hạn như tham gia phiến quân hoặc lên tiếng ủng hộ các nhóm khủng bố. Nhưng đó là quan điểm chính trị của y nên tôi chẳng quan tâm.” Một khoảng nghỉ. “Tố chất quan trọng hơn của y là không ổn định về mặt tâm thần.” “Sao lại thế?” Sellitto hỏi. Rhyme đang bắt đầu mất kiên nhẫn. Anh muốn xét đến các yếu tố pháp y của vụ án. Nhưng vì cả Sachs lẫn Sellitto đều luôn tiếp cận vụ án “một cách toàn cục”, nói theo kiểu của ông đại úy Myers, nên anh để Laurel tiếp tục còn anh cố gắng tỏ vẻ chăm chú. Cô ta nói, “Bấy lâu y có vấn đề về cảm xúc. Chủ yếu là hay nổi nóng. Tôi nghĩ nóng giận là nguyên nhân chính sai khiến y. Tuy y giải ngũ với thành tích tốt nhưng lúc còn trong quân đội, y cũng đã nổi nóng gần chục bận làm tổn hại đến sự nghiệp bản thân ở đấy. Những cơn lôi đình, thịnh nộ, muốn gọi sao tùy mọi người. Hoàn toàn mất tự chủ. Y có lần phải nhập viện nữa. Khó khăn lắm tôi mới khai thác được một số hồ sơ cho thấy y vẫn còn đi khám bác sĩ tâm thần và mua thuốc uống. Y bị cảnh sát tạm giữ vài lần vì lâu lâu lại lên cơn điên. Nhưng chưa hề bị truy tố. Nói trắng ra, tôi nghĩ nhân cách của y sắp chạm ngưỡng hoang tưởng. Không phải bị tâm thần nhưng nhất định bị ảo tưởng và nghiện ngập - nghiện cơn giận. Chính xác hơn là nghiện phản ứng với cơn giận. Theo những gì tôi nghiên cứu về đề tài này, thì cảm giác nhẹ nhõm có được khi ta xả giận rất gây nghiện. Như ma túy vậy. Chắc việc ra lệnh cho một kẻ bắn tỉa trừ khử người mà Metzger căm ghét làm y phê lắm đây.” Quả là có nghiên cứu. Cô ta nói cứ như bác sĩ tâm thần đang lên lớp sinh viên vậy. “Vậy sao y lại có công việc này?” Sachs hỏi. Một câu hỏi mà Rhyme đã nghĩ đến trước đó. “Bởi vì y giết người cực kỳ, cực kỳ giỏi. Ít ra thì hồ sơ tại ngũ của y cho thấy như vậy.” Laurel tiếp tục, “Muốn cho ban hội thẩm xem kết quả thử nghiệm toàn diện nhân cách của y sẽ rất khó nhưng tôi sẽ tìm cách. Cầu trời cho y ra bục nhân chứng. Tôi sẽ được dịp cho ban hội thẩm chứng kiến một cơn thịnh nộ.” Cô liếc nhìn Rhyme rồi sang Sachs. “Khi hai người theo đuổi vụ điều tra này, tôi muốn hai người tìm ra bất kỳ thứ gì cho thấy tình trạng mất ổn định của Metzger, khuynh hướng nổi giận và khuynh hướng hung hăng của y.” Giờ đây lại có một khoảng nghỉ trước câu đáp của Sachs. “Vậy có hơi mờ ám, cô có thấy vậy không?” Cuộc chiến của những khoảng lặng. “Tôi chưa hiểu ý cô.” “Tôi chẳng biết phải tìm ra loại chứng cứ pháp y nào mới chứng minh được gã này hay nổi xung nữa.” “Tôi chưa nghĩ đến pháp y. Tôi chỉ nghĩ đến công tác điều tra chung chung thôi.” Cô phó công tố viên quận đang ngước lên nhìn Sachs - nữ thám tử này cao hơn Laurel khoảng hai mươi phân. “Cấp trên đánh giá cô rất cao trong lĩnh vực phác thảo tâm lý và thẩm vấn nhân chứng của mình. Tôi tin chắc cô muốn tìm gì là tìm được.” Sachs nghiêng đầu một chút, mắt nhíu lại. Cả Rhyme cũng ngạc nhiên khi thấy cô phó công tố viên quận này đã điều tra lý lịch Sachs - và có lẽ cả lý lịch của nhà khoa học hình sự là anh nữa. Nghiên cứu… “Vậy đấy.” Laurel đột nhiên thốt ra. Vụ việc thế là xong, họ sẽ tìm kiếm chứng cứ chứng minh sự mất ổn định. Hiểu rồi. Điều dưỡng của Rhyme xuất hiện ở góc phòng. Cậu mang đến một bình cà phê mới pha. Nhà khoa học hình sự giới thiệu cậu ta. Anh để ý thấy bộ mặt tiền son phấn của Nance Laurel thoáng lay động khi cô ta thấy Thom. Sự chú tâm hiện rõ trong mắt cô ta - tuy người phụ nữ này không đeo chiếc nhẫn cưới hay nhẫn đính hôn, nhưng Thom Reston không phải mẫu người trong mơ của phụ nữ, dẫu cậu ta điển trai và có duyên đến đâu. Nhưng một chốc sau, Rhyme kết luận phản ứng của cô ta không phải do sức hút của cậu hộ lý mà vì cậu ta giống một người cô ta quen hoặc từng quen thân. Cuối cùng cũng rời mắt khỏi cậu thanh niên, Laurel từ chối cà phê, như thể nuông chiều bản thân khi làm việc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Cô ta lục trong cặp hồ sơ tố tụng của mình, bên trong được sắp xếp ngăn nắp hoàn toàn. Các thẻ ngăn hồ sơ sử dụng nhiều màu để phân loại và anh chú ý hai chiếc máy vi tính, cặp mắt của chúng nhấp nháy đèn màu cam ở chế độ ngủ đông. Cô ta lôi ra một tài liệu. “Bây giờ,” cô ta ngước mắt lên hỏi, “mọi người có muốn xem chỉ lệnh khử không?” Ai lại đành nói không? 8 HÀNG CHỜ “Tất nhiên bọn họ không gọi đây là ‘chỉ lệnh khử’,” Nance Laurel cam đoan. “Đó là cách gọi tắt thôi. Thuật ngữ đúng là ‘STO’, Mệnh lệnh Đặc nhiệm.” “Nghe còn tệ hơn,” Lon Sellitto nói. “Làm như mình sạch sẽ lắm ấy. Thấy ghê.” Rhyme đồng ý. Laurel trao cho Sachs ba tờ giấy. “Phiền cô dán lên bảng, để tất cả chúng ta cùng xem.” Sachs do dự rồi làm theo yêu cầu. Laurel gõ vào tờ giấy thứ nhất. “Đây là email mà văn phòng chúng tôi nhận được vào thứ Năm tuần rồi, ngày 11.” Xem tin tức về Robert Moreno đi. Đây là chỉ lệnh đằng sau nó. Cấp Hai là cục trưởng NIOS đương nhiệm. Thi hành chỉ lệnh này là ý của y. Moreno là công dân Mỹ. THNY nghĩa là thiệt hại ngoại ý. Don Bruns là mật danh của Sĩ quan đã giết anh ta. — Một người có lương tâm. “Chúng tôi sẽ truy ra nguồn gốc email này,” Rhyme nói. “Rodney.” Một cái liếc về phía Sachs, cô gật đầu. Cô giải thích với Laurel rằng họ thường xuyên làm việc với đơn vị tội phạm điện tử trong Sở cảnh sát New York. “Tôi sẽ gửi họ yêu cầu. Cô có email này ở dạng điện tử không?” Laurel moi một bao Baggie[13] chứa một thẻ nhớ ra khỏi cặp hồ sơ của mình. Rhyme rất ấn tượng khi thấy một tấm thẻ theo dõi quy trình sử dụng chứng cứ được đính vào đó. Cô vừa trao nó cho Sachs vừa nói, “Phiền cô…” Cô thám tử liền ghi vội tên mình lên tấm thẻ. Sachs cắm thẻ nhớ vào cạnh bên máy tính của mình rồi bắt đầu gõ. “Nhớ nói với họ bảo mật là việc ưu tiên.” Sachs nói mà không cần nhìn lên, “Tôi có nói trong đoạn đầu rồi.” Một lát sau cô gửi yêu cầu này đến Đơn vị Tội phạm điện tử. “Mật danh nghe quen lắm,” Sellitto chỉ ra. “Bruns, Bruns…” “Chắc tên bắn tỉa thích nhạc đồng quê Viễn Tây,” Sachs đáp. “Có một ông Don Bruns là nhạc sĩ kiêm ca sĩ, hát dân ca, nhạc đồng quê Viễn Tây. Cũng khá hay.” Laurel ngẩng đầu lên như muốn nói mình chưa bao giờ nghe nhạc nhẽo gì, huống hồ dòng nhạc sinh động như đồng quê Viễn Tây. “Kiểm tra bên Cục Thông tin,” Rhyme nói. “Khai thác từ khóa ‘Bruns’. Nếu là điệp viên nằm vùng không chính thức thì hắn nhất định còn hiện diện trong thế giới thực.” Các điệp viên hoạt động nằm vùng không chính thức vẫn sở hữu thẻ tín dụng và hộ chiếu - có thể - cho phép truy ra đường đi nước bước của họ, tiết lộ manh mối về thân phận thật của họ. Cục Thông tin là một bộ phận mới của Sở cảnh sát New York, một đơn vị khai thác thông tin đồ sộ, một trong những đơn vị tốt nhất nước Mỹ. Trong khi Sachs gửi yêu cầu, Laurel quay trở lại bảng rồi gõ vào tờ thứ hai mà Sachs đã dán lên đó. “Còn đây chính là chỉ lệnh khử.” TUYỆT MẬT - TUYỆT MẬT - TUYỆT MẬT Mệnh Lệnh Đặc Nhiệm Hàng chờ • 8/27 Nhiệm vụ: Robert A. Moreno (mã NIOS: ram278e4w5) Sinh: 4/75, New Jersey Thời hạn: 8/5-9/5 Phê chuẩn: Cấp Hai: Duyệt Cấp Một: Duyệt Tài liệu củng cố: Xem “A” Cần xác nhận: Có Cần mã định danh: Có THNY: Phê chuẩn, nhưng giảm thiểu Chi tiết: Chuyên viên thực hiện: Don Bruns, Buồng Khử, Khách sạn South Cove, Bahamas, dãy phòng 1200 Tình trạng: Đã đóng • 9/27 Nhiệm vụ: Al-Barani Rashid (mã NIOS: abr942pd5t) Sinh: 2/73, Michigan Thời hạn: 19/5 Phê chuẩn: Cấp Hai: Duyệt Cấp Một: Duyệt Tài liệu củng cố: Không bắt buộc Cần xác nhận: Không Cần mã định danh: Có THNY: Phê chuẩn, nhưng giảm thiểu Chi tiết: Cung cấp sau Tình trạng: Chờ thi hành Tài liệu còn lại trên bảng có đầu đề “A”. Tài liệu này cung cấp thông tin mà Nance Laurel đã đề cập trước đó, các dữ liệu củng cố về các kiện hàng phân bón, nhiên liệu điêzen và hóa chất gửi đến Bahamas. Các kiện hàng này có xuất xứ từ Corinto, Nicaragua và Caracas. Laurel hất đầu về phía chiếc thẻ nhớ, hiện vẫn đang cắm vào máy tính gần đó. “Kẻ tố giác còn gửi một tệp .wav ghi âm lại một cuộc điện thoại hoặc điện đàm vô tuyến với kẻ bắn tỉa, có vẻ như từ chỉ huy của hắn. Cuộc nói chuyện này diễn ra ngay trước vụ nổ súng.” Cô ta nhìn Sachs một cách trông đợi, Sachs nghỉ một hồi rồi lại ngồi xuống máy tính. Cô đánh máy. Một lát sau, một trao đổi ngắn phát ra từ cặp loa léo nhéo. “Hình như có hai, không, ba người trong phòng.” “Anh có nhận diện chắc chắn là Moreno không?” “Đó là… hơi bị chói. Được rồi, đỡ rồi. Có. Tôi nhận diện được nhiệm vụ. Tôi thấy y rồi.” Rồi cuộc điện đàm kết thúc. Rhyme toan bảo Sachs chạy chương trình phân tích giọng nói nhưng cô đã làm xong. Anh nói, “Điểm này không chứng minh được hắn tận tay bóp cò nhưng cho thấy hắn có liên quan. Bây giờ chúng ta chỉ cần tìm ra người nào có giọng này.” “Chuyên viên,” Laurel chỉ ra. “Hình như là chức danh chính thức của những kẻ ám sát.” “Sao lại có mã NIOS?” Sellitto hỏi. “Có lẽ để chắc chắn là chúng tìm đúng người tên R. A. Moreno. Nếu nhầm lẫn thì xấu mặt lắm.” Rhyme đọc. “Hay ho là kẻ tố giác không cho ta biết tên tay súng.” “Chắc gã không biết,” Sellitto nói. Sachs: “Có vẻ gã biết mọi chuyện khác. Lương tâm của gã cũng có chừng mực thôi. Gã muốn vạch mặt người đứng đầu tổ chức nhưng lại đồng cảm với kẻ nhận nhiệm vụ nổ súng.” Laurel nói, “Tôi đồng ý. Kẻ tố giác phải biết. Tôi cũng muốn truy ra gã. Không phải để truy tố mà để khai thác thông tin thôi. Gã là manh mối tốt nhất dẫn tới kẻ bắn tỉa - không có kẻ bắn tỉa thì không có tội âm mưu và cũng không có vụ án này.” Sachs nói, “Cho dù ta tìm được thì gã cũng không sẵn lòng tiết lộ gì đâu. Nếu gã chịu tiết lộ thì đã nói luôn rồi.” Laurel đáp một cách lơ đãng, “Cứ giao kẻ tố giác cho tôi… rồi gã sẽ nói thôi. Nhất định sẽ nói.” Sachs hỏi, “Còn việc điều tra Metzger về các nạn nhân còn lại thì sao? Người vệ sĩ và ông phóng viên, de la Rua thì phải?” “Không, vì chỉ có Moreno được gọi đích danh trong chỉ lệnh khử còn hai người kia là thiệt hại ngoại ý nên chúng tôi không muốn làm rối ren sự việc.” Vẻ mặt chua chát của Sachs như muốn nói: Nhưng hai người đó cũng chết khác gì mục tiêu đâu chứ. Không được làm rối ban hội thẩm yêu quý chứ gì? Rhyme nói, “Cho tôi chi tiết của chính vụ án mạng đi.” “Chúng ta có rất ít thông tin. Cảnh sát Bahamas có đưa cho chúng tôi một báo cáo sơ bộ, rồi sau đó chẳng nghe tin tức gì từ họ nữa. Họ không trả lời điện thoại. Chúng ta chỉ biết là Moreno đang ở trong dãy phòng khách sạn của anh ta thì bị bắn.” Cô ta chỉ vào bản chỉ lệnh STO. “Dãy 1200. Buồng Khử, bọn họ gọi vậy. Kẻ bắn tỉa nổ súng từ một gò đất cách khách sạn khoảng 1.800 mét.” “Chà, phát súng đúng là lợi hại,” Sachs nói, mày nhíu lên. Cô cũng là một xạ thủ, thường xuyên tranh tài trong các cuộc thi bắn súng và giữ kỉ lục tại Sở cảnh sát New York lẫn các giải đấu tư, có điều cô thích dùng súng lục hơn súng trường. “Chúng tôi gọi đó là viên đạn nghìn đô. Kỉ lục hiện tại của một người bắn tỉa vào khoảng 2.300 mét. Dù là ai đi nữa thì tay súng này cũng có chút kỹ năng.” “Vậy thì tốt cho chúng ta chứ sao,” Laurel tiếp tục. “Thu hẹp số lượng nghi can.” Đúng vậy, Rhyme suy ngẫm. “Chúng ta còn biết gì nữa?” “Hết rồi.” Vậy thôi? Một vài bức email, một tài liệu chính phủ bị rò rỉ, danh tính một kẻ chủ mưu. Còn thứ Rhyme cần nhất lại thiếu rành rành: chứng cứ. Chứng cứ đang nằm đâu đó cách đây hàng trăm cây số, ở một vùng pháp lý khác - không đúng, ở một quốc gia khác. Anh đây, một chuyên gia hiện trường vụ án lại thiếu hiện trường vụ án. 9 HÀNG CHỜ Shreve Metzger ngồi ở bàn làm việc của y tại Manhattan Hạ, bất động, giữa lúc một sợi nắng sớm, phản chiếu qua một tòa nhà cao tầng gần đó, rơi ngang cánh tay và ngực y. Nhìn chằm chằm dòng sông Hudson, y đang nhớ lại nỗi khiếp đảm hôm qua khi đọc tin nhắn mã hóa do bộ phận do thám của NIOS gửi đến. Tổ chức này chẳng điêu luyện hơn tổ chức của CIA hay NSA[14], nhưng lại không quá lộ liễu, nên ít bị sự phiền phức của lệnh khám xét FISA[15] này nọ bó buộc. Bởi thế mà chất lượng tin tình báo của nó là vàng. Hôm qua, xế trưa Chủ nhật, Metzger đến xem trận bóng đá của đứa con gái, một trận đấu quan trọng - đấu với đội Wolverines, một đối thủ đáng gờm. Đừng hòng bảo y rời bỏ chỗ ghế ngay chính giữa khán đài này vì bất kỳ thứ gì. Hễ nhắc tới con cái là y dè dặt, y biết quá rõ điều này. Nhưng khi y đeo vào cặp kính gọng nhẹ của mình - sau khi lau sạch mắt kính - rồi đọc những dòng chữ rắc rối, rầy rà, đến mức gây choáng thì Khói hình thành, nhanh và đặc sệt, giống chất keo hơn là hơi nước, rồi nó quấn quanh y. Ngột ngạt. Y bỗng dưng rùng mình, hàm nghiến chặt, tay siết chặt, tim thắt chặt. Metzger đọc đi đọc lại: Mình chịu được mà. Công việc phải vậy thôi. Mình biết có nguy cơ bị phát hiện. Y tự nhắc nhở bản thân: Khói không định nghĩa ta, nó không phải một phần của ta. Muốn thì ta có thể thả trôi nó. Nhưng ta phải muốn mới được. Cứ buông xả đi. Y bình tâm một chút, các ngón tay buông lơi gõ gõ lên cái chân xương xẩu trong chiếc quần tây (những ông bố bóng đá[16] khác đều mặc quần jean nhưng y không có cơ hội thay quần áo giữa giờ làm từ văn phòng sang sân bóng). Metzger cao gần một mét tám và nặng gần bảy chục kí. Hồi nhỏ thì béo ú, nhưng giờ đây y đã tan bớt trọng lượng và không bao giờ để nó quay trở lại. Mái tóc nâu đang thưa dần của y hơi dài so với một công chức nhưng y thích phong cách này nên chẳng buồn thay đổi. Hôm qua, trong lúc y cất điện thoại đi thì cô nhỏ trung vệ mười hai tuổi quay về phía khu vực khán đài mỉm cười với y. Metzger cười nhăn nhở đáp lại. Cái cười giả dối và chắc Katie cũng biết. Phải chi người ta bán rượu scotch ở đây, nhưng đây là trường cấp II tại Bronxville, New York, nên liều mạnh nhất trên thực đơn cũng chỉ là caffein, mặc dù bánh quy và mấy em tóc vàng tuyệt cú mèo của Hội Phụ huynh - Giáo viên trường Woodrow Wilson cũng làm người ta ngây ngất. Dù sao thì rượu mạnh cũng không phải là cách đánh bại Khói. Bác sĩ Fischer, tôi tin ông. Chắc vậy. Tối qua y đã quay lại văn phòng rồi cố gắng lý giải cái tin đó: Một tay phó công tố viên quận sục sôi khí thế nào đấy tại Manhattan đang đeo bám y để điều tra về cái chết của Moreno. Bản thân cũng là luật sư, Metzger cộng dồn lại tất cả các tội danh khả dĩ thì nhận ra cái dùi cui to nhất, nặng nhất giáng vào đầu y là tội âm mưu. Và y còn sửng sốt hơn khi biết do Mệnh lệnh Đặc nhiệm bị rò rỉ mà văn phòng công tố quận đã biết về cái chết của Moreno. Thằng tố giác đáng chết! Thằng phản phúc. Phản tao, phản NIOS, tệ nhất là phản cả dân tộc. Ái chà, nghĩ vậy khiến Khói quay trở lại. Y mường tượng cảnh tận tay dùng xẻng đánh thằng hoặc con công tố viên ấy đến chết - y nào biết cơn thịnh nộ của mình có muôn hình vạn trạng ra sao. Và cái viễn cảnh này, hết sức máu me kèm theo nhạc nền ghê rợn, khiến người ta vừa đờ đẫn vừa thỏa thê đến tận tâm can bằng sự sinh động và dai dẳng của nó. Khi đã bình tâm, Metzger bắt tay vào việc, gọi điện thoại và gửi những tin nhắn bọc trong lớp kén của công nghệ mã hóa siêu việt, với mong muốn dốc hết sức để xử lý vấn đề. Lúc này đây, sáng thứ Hai, y quay mặt khỏi con sông rồi duỗi người. Máy móc trong cơ thể y ít nhiều vẫn chạy tốt, sau khi y ngủ được tổng cộng bốn tiếng (quá tệ, vì sự kiệt quệ chỉ tổ tiếp sức cho Khói) rồi tắm táp trong phòng tập thể dục của NIOS. Trong văn phòng 6x6 mét trống trơn ngoại trừ két sắt, tủ, máy tính, một vài tấm ảnh, sách và bản đồ, Metzger nhâm nhi tách cà phê sữa kiểu Ý của mình. Y cũng mua cho bà trợ lý một tách như thế - của Ruth thì pha thêm sữa đậu nành. Y tự hỏi có nên thử loại đó không. Bà ấy cho rằng đậu nành là một chất an thần. Y nhìn tấm ảnh đóng khung chụp mấy cha con y đi nghỉ mát tại Boon, Bắc Carolina. Y nhớ lại chuyến cưỡi ngựa tại khu vực chuồng ngựa dành cho du khách. Sau đó một nhân viên đã chụp cho ba cha con tấm ảnh kỉ niệm này. Metzger chú ý thấy cái máy ảnh mà tay nhân viên mặc đồ cao bồi nọ đã dùng là máy Nikon, chính cái công ty chế tạo ống ngắm mà lính bắn tỉa của y sử dụng tại Iraq. Cụ thể thì y đang nhớ lại cảnh một tay lính của y bắn một viên .388 Lapua 8,56 li cách 1,7 cây số vào vai một tên Iraq sắp kích nổ một thiết bị nổ tự chế. Chẳng như phim ảnh, một viên đạn như thế trúng vào chỗ nào cũng giết được ta. Vai, chân, bất kỳ chỗ nào. Tên phiến quân đó chỉ đơn giản là tan xác rồi ngã phịch xuống cát, còn Shreve Metzger thì thở phào trong sự bình yên và hân hoan ấm áp. Cười lên đi, ông Metzger. Ông có những đứa con thật dễ thương. Ông muốn 3 tấm ảnh khổ thường và một chục tấm khổ bỏ ví không? Không có Khói bên trong y lúc y lên kế hoạch lẫn thi hành kế hoạch hành quyết một kẻ phản phúc. Hoàn toàn không. Y kể vậy với bác sĩ Fischer. Vị bác sĩ tâm thần nom khó ở nên hai người không đi sâu vào chủ đề đó nữa. Metzger liếc nhìn máy tính và chiếc điện thoại ma thuật của mình. Cặp mắt nhợt nhạt của y - một màu hạt phỉ y chẳng thích thú gì, xanh lục pha vàng, trông bệnh hoạn - lại nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm lát cắt sông Hudson trước mặt, cái quang cảnh hiện hữu nhờ một mớ kẻ tâm thần ngu si, vào một ngày tháng Chín quang đãng, đã phá bỏ những tòa nhà can thiệp vào khung cảnh tuyệt mĩ này. Những kẻ, trước mất mát từ những người đồng bào còn sống sót của bọn chúng, đã đẩy Metzger vào cái nghề mới của y. Trước những suy nghĩ này, Khói cô đặc lại, như vẫn thường cô đặc mỗi khi y nghĩ về ngày 11 tháng 9. Các ký ức về ngày hôm ấy nếu trước đây làm y suy nhược thì giờ đây chỉ làm y nhói lên một cơn đau rát bỏng. Buông xả đi… Điện thoại reo. Y xem người gọi, cái tên hiện lên, có nghĩa đại khái là: Toi mẹ anh rồi. “Metzger đây.” “Shreve!” người gọi thốt lên hân hoan. “Anh khỏe không? Chủ nhật cả tháng vừa rồi chưa tán gẫu với anh.” Metzger xưa nay không thích Phù thủy xứ Oz. Không thích chính nhân vật Phù thủy (chứ bộ phim thì y khá thích). Lão ta lén lút, giỏi sai khiến người khác, độc đoán, lừa lọc để lên ngôi… vậy mà vẫn chỉ huy toàn bộ quyền lực ở vùng đất này. Giống hệt cái lão đang nói chuyện điện thoại với y. Lão Phù thủy của riêng y đang quở, “Anh không gọi cho tôi, Shreve.” “Tôi vẫn đang thu thập dữ kiện,” y nói với lão, một người tình cờ đang ở cách đó hơn 400 cây số, về phía nam, tại Washington, DC. “Còn nhiều chuyện chúng ta chưa biết lắm.” Câu nói rỗng tuếch. Nhưng y không rõ Phù thủy đã biết được bao nhiêu. Bởi thế nên y sẽ đi theo hướng lấp lửng. “Có phải cái tin tình báo sai be bét về Moreno không, Shreve?” “Chắc vậy.” Phù thủy: “Chuyện đó thường thôi. Hoàn toàn bình thường. Cái ngành nghề của chúng ta điên khùng thế đấy. Toàn bộ tin tình báo của anh đều chuẩn xác, kiểm tra những hai, ba lần đấy.” Của anh… Lựa cái từ cũng thẳng thừng thật. “Tất nhiên rồi.” Phù thủy không nhắc Metzger nhớ lại cụ thể chuyện y đã bảo đảm với lão là cái chết của Moreno rất cần thiết để cứu nhiều mạng người bởi tên kiều dân này sắp cho nổ tung trụ sở Công ty Dầu Mỹ tại Miami. Trong khi thực tế chuyện xảy ra tệ lắm cũng chỉ là một người phụ nữ biểu tình ném trượt cà chua nhằm vào một cảnh sát. Nhưng hễ có Phù thủy thì cuộc nói chuyện nào phần lớn cũng hàm chứa ẩn ý và những lời của lão - hoặc những lời lão không nói - dường như càng nhằm thẳng vào cái ẩn ý ấy. Metzger làm việc với lão cũng nhiều năm. Họ không gặp mặt thường xuyên nhưng hễ có dịp gặp thì cái lão phương phi, tươi cười này luôn mặc vải xéc lam, bất kể là món gì, và đôi tất có họa tiết ấn tượng, cùng một chiếc kẹp hình cờ Mỹ trên ve áo. Lão chưa bao giờ gặp vấn đề như Metzger, vấn đề mang tên “Khói”, nên hễ nói chuyện là lão luôn dùng chất giọng điềm tĩnh nhất. “Khi ấy ta phải hành động nhanh,” Metzger nói mà trong lòng bực dọc vì đang ở thế phòng ngự. “Nhưng ta biết Moreno là một mối họa. Hắn cấp tiền cho khủng bố, hắn ủng hộ buôn bán vũ khí, mấy doanh nghiệp của hắn rửa tiền, đủ thứ.” Metzger tự sửa lời: Moreno từng là một mối họa. Hắn bị bắn chết rồi. Phù thủy xứ Washington nói tiếp bằng cái giọng đường mật của lão, “Đôi khi anh phải hành động nhanh, Shreve, thật vậy. Cái ngành điên rồ.” Metzger lấy ra một cái bấm móng tay rồi bắt tay vào việc. Y xén chậm rãi. Nhờ vậy mà Khói không hình thành, trong chốc lát. Bấm móng tay như thế này thật kỳ quặc nhưng còn đỡ hơn ngấu nghiến khoai tây chiên và bánh quy. Và quát nạt vợ con. Phù thủy bịt lại ống nghe rồi nói chuyện rì rầm với ai đó. Kẻ quái nào đang trong phòng với lão? Metzger tự hỏi. Trưởng công tố viên chăng? Một người từ Đại lộ Pennsylvania[17] chăng? Khi Phù thủy trở lại đường dây điện thoại, lão hỏi, “Rồi chúng tôi nghe nói người ta đang điều tra ít nhiều hả?” Vậy là. Mẹ nó. Lão có biết. Làm thế nào mà tin này lại lọt ra ngoài? Rò rỉ thông tin, đối với công việc mình đang làm, là mối đe dọa nghiêm trọng chẳng khác gì bọn khủng bố. Khói, nghi ngút. “Hình như vậy.” Một khoảng nghỉ, rõ ràng như muốn hỏi: Rồi anh định khi nào đề cập chuyện này với chúng tôi đây, Shreve? Song câu hỏi từ miệng Phù thủy ra lại là: “Cảnh sát chăng?” “Sở Cảnh sát New York, đúng vậy. Không phải bọn liên bang. Nhưng ta có cơ sở vững chắc để áp dụng luật miễn tố.” Tấm bằng luật của Metzger tuy bám bụi đã nhiều năm nhưng y đã tra cứu vụ án Neagle và các vụ liên quan rất kỹ càng trước khi nhận việc ở đây. Y có thể đọc thuộc làu phán quyết của vụ đó trong khi ngủ: Quan chức liên bang không thể bị truy tố về các tội cấp bang, miễn là họ hoạt động trong thẩm quyền. “À, đúng, miễn tố,” Phù thủy nói. “Tất nhiên, chúng tôi nghiên cứu vấn đề đấy rồi.” Rồi ư? Nhưng Metzger không lấy gì làm lạ lắm. Một khoảng lặng ngượng ngập. “Anh vui vì mọi thứ đều đã nằm trong thẩm quyền, phải không Shreve?” “Phải.” Làm ơn, xin trời, cho tôi giữ Khói bên trong lúc này. “Tốt lắm. Bruns chính là chuyên viên thi hành, đúng chưa?” Qua điện thoại, hoặc không dùng tên, hoặc dùng mật danh, bất luận điện thoại được mã hóa tốt đến mấy. “Ừ.” “Cảnh sát nói chuyện với hắn chưa?” “Chưa. Hắn ngụy trang kỹ lắm. Đố ai tìm được.” “Tất nhiên tôi không cần phải nói - hắn biết phải cẩn thận mà.” “Hắn đang rất thận trọng. Ai cũng phải vậy mà.” Một khoảng nghỉ. “Chà, nói về vụ đấy thế là đủ. Tôi để cho anh lo.” “Tôi làm được mà.” “Tốt. Bởi vì tình hình là ủy ban Tình báo đã đả động đến vấn đề ngân sách rồi. Tự nhiên lại nêu ra. Chẳng hiểu nữa. Chưa lên lịch gì cả nhưng anh biết mấy cái ủy ban đấy rồi. Lúc nào cũng giám sát tiền đi đâu. Và tôi chỉ muốn nói anh biết là, vì một lý do nào đấy - nói là thấy phát bực rồi - NIOS đang trong tầm ngắm của bọn họ.” Không có Khói nhưng Metzger chưng hửng. Y không nói được gì. Phù thủy sấn tới. “Tào lao, đúng không? Anh biết chúng tôi đã đấu tranh cực khổ để cho tổ chức của anh vận hành trơn tru mà. Một số người lúc đó cũng khá lo ngại về tổ chức này.” Một tiếng cười khan. “Các đồng chí cánh tả của chúng tôi không thích ý tưởng của anh đã đành. Còn một số đồng chí phía bên kia lại không muốn anh giật việc của Langley[18] và Lầu Năm Góc. Đằng nào cũng chết cả. “Sao cũng được. Chắc cũng chẳng có chuyện gì đâu. À, tiền. Sao lúc nào chung quy lại cũng là tiền nhỉ? Mà Katie và Seth khỏe không?” “Tụi nó khỏe. Cảm ơn ông đã hỏi thăm.” “Vậy thì tốt. Đi đây, Shreve.” Họ ngắt máy. Ôi, mẹ kiếp. Xúi quẩy thật. Điều mà lão Phù thủy hân hoan cùng bộ cánh Phù thủy bằng vải xéc lam, đôi tất lòe loẹt và cặp mắt sẫm sắc như dao cạo của lão thật sự muốn nói nãy giờ là: Anh đã trừ khử một công dân Mỹ trên cơ sở tình báo sai và nếu vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa cấp bang thì nó sẽ lan tới tận xứ Oz. Nhiều người tại thủ đô sẽ để mắt kỹ đến New York và kết quả của sự vụ Moreno. Bọn họ hoàn toàn sẵn sàng phái một tay súng riêng - tất nhiên hiểu theo nghĩa bóng, dưới dạng một ngân sách bị thâm hụt - bám riết NIOS. Cục sẽ phá sản sau sáu tháng. Và toàn bộ vụ việc nhẽ ra đã ngủ yên, nếu không có kẻ tố giác. Tên phản bội. Bị Khói làm mù quáng, Metzger gọi điện thoại nội bộ đến trợ lý của y rồi lại nhấc lên tách cà phê. Toàn bộ tin tình báo của anh đều chuẩn xác, kiểm tra những hai, ba lần đấy… Chà, nói đến cái đấy thì… Metzger bèn tự nhủ, Nghĩ thông tình huống này nào: Mình gọi một mớ rồi, nhắn tin cũng một mớ rồi. Quá trình phi tang đang được tiến hành. “Anh… ở… có sao không, Shreve?” Mắt Ruth nhìn vào các ngón tay của y đang siết quanh cái tách bằng giấy bồi. Metzger chợt nhận ra mình suýt nữa bóp nát tách, làm thứ cà phê nguội ngắt đổ lan ra tay áo và nhiều tập hồ sơ khác nhau mà chỉ chục người trên cả nước Mỹ được phép đọc. Y thả lỏng gọng kềm tử thần rồi gượng cười, “Ừ, phải. Đêm dài mà.” Trợ lý riêng của y mới ngoài sáu mươi, khuôn mặt dài, thu hút, vẫn còn lấm chấm nhiều vết tàn nhang mờ, khiến bà trông trẻ hơn tuổi. Y mới biết là cách đây nhiều thập kỷ bà từng là một hoa nữ[19]. “Mùa hè Tình yêu” ở San Francisco. Sống ở khu Halght[20]. Lúc này đây mái tóc bạc của bà, như thường lệ, được bới lên thành búi nghiêm chỉnh và bà đeo nhiều vòng cao su đủ màu trên cổ tay, những vòng dây biểu thị sự ủng hộ đối với nhiều sự nghiệp xã hội khác nhau. Ung thư vú, niềm hi vọng, sự hòa hợp. Vô số. Y ước chi bà đừng làm vậy. Những thông điệp như thế, dù là mập mờ, có vẻ không phù hợp trong một cơ quan chính phủ có sứ mệnh như NIOS. “Spencer đến chưa?” y hỏi bà. “Ông ấy nói khoảng một tiếng nữa.” “Ông ấy đến thì bảo ông ấy vào gặp tôi ngay.” “Được rồi. Anh cần gì nữa không?” “Không, cảm ơn bà.” Khi Ruth đã rời văn phòng và đóng cửa lại, để lại làn hương dầu hoắc hương sau lưng, Metzger gửi thêm một vài tin nhắn và nhận lại một vài tin nhắn. Một tin nhắn làm y vững dạ. Chí ít thì tin nhắn này làm loãng Khói một chút. 10 HÀNG CHỜ Rhyme để ý thấy Nance Laurel đang săm soi mặt trong tấm gương mờ tạo từ khung kim loại của chiếc máy sắc ký khí. Cô ta không có phản ứng gì trước hình ảnh của mình. Cô ta không giống kiểu phụ nữ thích chải chuốt. Cô ta quay sang hỏi Sellitto và Rhyme, “Hai anh đề xuất chúng ta nên tiến hành thế nào?” Trong đầu Rhyme, vụ án được bày biện ra rất rõ. Anh đáp, “Tôi sẽ cố gắng phân tích hiện trường vụ án. Sachs và Lon cố gắng điều tra về NIOS, Metzger và kẻ dự mưu còn lại - tên bắn tỉa. Sachs, bắt đầu vẽ biểu đồ. Thêm dàn nhân vật lên đấy, mặc dù ta chưa biết nhiều lắm.” Cô lấy bút lông ra rồi bước đến một tấm bảng trắng trống trơn, ghi nhanh lên đấy lượng thông tin ít ỏi. Sellitto nói, “Tôi cũng muốn truy ra người tố giác nữa. Có thể khó khăn. Gã biết mình sẽ gặp nguy hiểm. Đâu phải người này mách nước cho báo giới biết là có công ty nào đấy dùng bột mì rởm trong món ngũ cốc điểm tâm, gã tố cáo chính phủ phạm tội mưu sát. Amelia, sao rồi?” Sachs đáp, “Tôi đã gửi cho Rodney thông tin về bức email và chỉ lệnh STO. Tôi sẽ phối hợp với anh ấy và Đơn vị Tội phạm Máy tính. Người có khả năng lần ra một tệp tải lên nặc danh chỉ có thể là anh ấy.” Cô suy nghĩ một chốc rồi nói, “Ta hãy gọi cho Fred nữa.” Rhyme suy ngẫm rồi nói, “Tốt.” “Ai vậy?” Laurel hỏi. “Fred Dellray. FBI.” “Không được,” Laurel nói thẳng thừng. “Không được có quan chức liên bang.” “Sao lại không?” Câu hỏi của Sellitto. “Có khả năng tin tức sẽ đến tai NIOS. Tôi thấy không nên mạo hiểm.” Sachs phản đối, “Chuyên môn của Fred là nằm vùng. Ta yêu cầu kín kẽ thì anh ấy sẽ hành động kín kẽ. Ta cần hỗ trợ, trong khi anh ấy lại có thể kiếm được nhiều thông tin hơn hẳn NCIC[21] và các cơ sở dữ liệu tội phạm cấp bang.” Laurel phân vân. Gương mặt nhợt nhạt, tròn trịa của cô ta - trông ưa nhìn theo kiểu cô nàng nhà nông khi quan sát từ một số góc độ - biểu lộ một sự thay đổi tinh tế. Lo ngại? Tự ái? Chống đối? Nét mặt của cô ta tựa như những chữ viết Hebrew hoặc Ả-rập, trong đó các dấu phụ tí hon là manh mối duy nhất dẫn đến những ý nghĩa khác hẳn nhau. Sachs liếc nhìn cô công tố viên một lần, quả quyết nói, “Chúng tôi sẽ cho anh ấy biết chuyện này rất nhạy cảm. Anh ấy sẽ phối hợp.” Laurel chưa kịp nói gì thêm thì Sachs đã nhấn loa ngoài trên một điện thoại gần đó. Rhyme thấy cô công tố viên đanh người lại và tự hỏi liệu cô ta có bước tới nhấn ngón tay xuống nút ngắt máy không. Âm thanh rỗng của tiếng chuông điện thoại lấp đầy không trung. “Dellray đây,” chàng điệp viên trả lời máy. Giọng điệu lý nhí cho thấy có thể anh đang đóng vai nằm vùng đâu đó tại Trenton hay Harlem và không muốn thu hút sự chú ý. “Chào Fred. Amelia đây.” “Ái chà chà, cô khỏe không? Lâu lắm rồi. Giờ xem tôi liều mạng thế nào này. Dám trả lời điện thoại khi bên đầu dây này thì rõ ràng bảo mật trong khi bên cô thì đang truyền tín hiệu trực tiếp tới trường đấu Madison Square Garden? Tôi chúa ghét loa ngoài.” “Anh an toàn mà, Fred. Ở đây có tôi, Lon, Lincoln…” “Chào Lincoln. Anh thua độ vụ Heidegger rồi, biết chưa? Tôi nghía hộp thư mỗi ngày mà từ hôm qua cũng chẳng thấy lấy một tờ séc đề là ‘Trả cho Fred Đừng-Hòng-Cãi-Vã-Triết Học-Với-Dellray’.” “Tôi biết, tôi biết mà,” Rhyme làu bàu. “Tôi sẽ trả đủ.” “Anh nợ tôi năm chục đấy.” Rhyme nói, “Đúng ra Lon phải trả một phần chứ. Anh ấy thúc tôi mà.” “Tôi cóc làm nhé.” Anh ta nói vèo một hơi. Nance Laurel nghe cuộc trao đổi mà ngây người ra. Trong tất cả những thứ không thuộc cá tính của cô ta, bông đùa đứng ở nhóm đầu danh sách. Hoặc có lẽ cô ta chỉ đang giận vì Sachs đã gạt mình và gọi cho tay điệp viên FBI này. Sachs nói tiếp, “Còn có một công tố viên, phó công tố viên quận Nance Laurel.” “Chà, hôm nay là ngày đặc biệt dữ. Chào cô, công tố viên Laurel. Cô làm tốt vụ kết tội Longshoremen lắm. Là cô làm, phải không?” Khoảng lặng. “Phải, điệp viên Dellray.” “Chưa hề, chưa hề, chưa hề nghĩ cô thắng được vụ đó luôn đấy. Anh biết cái tên bị thộp cổ không, Lincoln? Vụ Joey Barone, ở khu Nam ấy? Tụi tôi truy tố thằng đấy một số tội danh cấp liên bang nhưng ban hội thẩm lại muốn xử nhẹ. Công tố viên Laurel, trái lại, dồn lên tấn công tại tòa cấp bang và tặng cho thằng đấy ít nhất hai chục năm. Nghe đâu tay công tố viên liên bang ấy treo hình cô trong văn phòng hắn… trên bia phóng phi tiêu.” “Tôi không biết chuyện đó,” cô ta đáp lại máy móc. “Tôi rất hài lòng với kết quả.” “Thôi, nói tiếp đi.” Sachs nói, “Fred, chúng tôi có sự vụ này. Một sự vụ nhạy cảm.” “Chà, phải nói là giọng của cô nghe ly kỳ muốn rối trí luôn, đừng ngừng nói.” Rhyme thấy một nụ cười thoáng qua trên mặt Sachs. Fred Dellray là một trong những điệp viên giỏi nhất của FBI, một tay vận hành mạng lưới nội gián kiêm người đàn ông của gia đình kiêm người cha… kiêm triết gia nghiệp dư. Nhưng những năm tháng bôn ba làm điệp viên nằm vùng đã cho anh một phong cách nói chuyện độc nhất, quái đản chẳng khác thị hiếu thời trang của anh. “Hung thủ là chủ của anh, chính quyền liên bang.” Một khoảng nghỉ. “Hừm.” Sachs liếc nhìn Laurel, cô ta phân vân một chốc rồi tiếp lời, trình bày lại các dữ kiện mà họ biết cho đến thời điểm này về vụ án mạng Moreno. Fred Dellray tuy lặng thinh nhưng bình tĩnh và tự tin, song lúc này Rhyme nhận ra sự lo âu khác thường. “NIOS hả? Bọn họ chưa hẳn cùng phe với bọn tôi đâu. Bọn họ hoạt động theo kiểu riêng. Khi tôi nói vậy, không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa tốt.” Anh ấy không tiết lộ chi tiết, mặc dù Rhyme không chắc Dellray có cần làm vậy không. “Để tôi kiểm tra một số thứ đã. Chờ chút.” Tiếng gõ phím bay ra khỏi loa như vỏ hạt dẻ khua lọc cọc trên mặt bàn. “Điệp viên Dellray,” Laurel lên tiếng. “Gọi tôi Fred được rồi. Vô tư đi. Tôi cũng được mã hóa hết cỡ mà.” Một cái chớp mắt. “Cảm ơn anh.” “Được rồi, đang xem hồ sơ của chúng tôi ở đây, các hồ sơ này…” Một khoảng nghỉ đằng đẵng. “Robert Moreno, còn gọi là Roberto. Ừ, ở đây có một số ghi chép về APDR, Công ty Khoan Lọc Dầu Mỹ… Hình như văn phòng tại Miami của chúng tôi bị xáo xào lên vì một sự cố tưởng là khủng bố nhưng hóa ra chỉ là báo động giả tào lao thôi. Cô muốn tôi gửi thông tin về Moreno ở đây cho cô không?”