🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can - Đặng Hoàng Giang
Ebooks
Nhóm Zalo
LỜI NÓI ĐẦU:
Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, nổi tiếng với lời khẳng định:
“Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”. Đương nhiên tư duy và suy nghĩ đơn thuần là hai việc khác nhau. Trong một ngày chúng ta thật sự tư duy, động não, suy nghĩ tập trung bao nhiêu giờ hay thậm chí bao nhiêu phút? Cái gì kích thích chúng ta tư duy? Đó có thể là một cuốn sách, như Bức xúc không làm ta vô can - tuyển tập các bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang - chẳng hạn.
Các bài trong cuốn sách được chia thành ba chương. Chương I có chủ đề về quan hệ giữa cá nhân và đám đông trong xã hội hiện đại.
Chương II bàn về một số vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo. Các bài trong Chương III bàn tới một số hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa đương đại. Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả đã mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng. Đây thật sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ “nhà phê bình nghệ thuật” , “nhà phê bình văn học” ) mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Và khi xã hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại Việt Nam thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta. Tôi đặc biệt tâm đắc với lựa chọn chủ đề của Chương I về tâm lý đám đông, một chủ đề đến nay vẫn chưa được mổ xẻ kịp thời và đủ sâu và trúng tại Việt Nam.
Tuy nhiên tác giả không chỉ dừng lại ở sự quan sát tỉnh táo và diễn giải lạnh lùng của một nhà khoa học thuần túy. Các bài trong tuyển tập còn toát ra lòng nhân ái của một người dấn thân với số phận mọi người và mỗi người, đặc biệt những tầng lớp, những con người kém may mắn, thua thiệt trong xã hội.
Tôi không hoàn toàn chia sẻ quan điểm và phân tích của tác giả Đặng Hoàng Giang đối với mọi đề tài trong cuốn sách. Nếu như tôi
hoàn toàn đồng tình với quan điểm trong bài Ngó Mỹ, dòm Nhật, hóng Do Thái: lựa chọn nào cho ta? , bài Văn hóa không phải là lý do khiến quốc gia thất bại, hay bài Những người khốn khổ ở Tiên Lãng chẳng hạn, thì trái lại tôi khó thông với lời nhắn nhủ “để công chúng là người quyết định cuối cùng số phận của các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật” trong bài Sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ. Vì theo cách tiếp cận của tác giả trong nhiều bài khác, số đông “công chúng” có thể bị chi phối, định hướng bởi những tổ chức đặt lợi ích thương mại lên trên hết, khai thác sự thèm khát hào nhoáng, danh vọng của một bộ phận đáng kể trong công chúng, từ đó không thật sự làm chủ lựa chọn của mình.
Phải chăng độc giả cuốn sách này chỉ bó hẹp trong giới học thuật và hoạt động xã hội chuyên nghiệp? Tôi không nghĩ như vậy và kêu gọi mọi người, bất kể già trẻ, nam nữ, dù thuộc tầng lớp hoặc nghề nghiệp nào, cũng hãy đến với cuốn sách. Không hề khô khan, không hề nhàm chán, cuốn sách kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở của cuộc sống với tia sáng của học thuật. Và tôi hết sức thích thú với cách tác giả lồng ghép khéo léo sự hóm hỉnh và châm biếm sắc sảo nhưng tinh tế(1) vào việc phê bình xã hội của mình, khiến tác phẩm đến được với nhiều độc giả hơn.
TÔN NỮ THỊ NINH.
VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH:
Vì sao những người dân Đồng Nai vốn bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa.
Điều gì làm cho những thanh niên Nghệ An, cuối tuần vừa đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào “đánh hôi” kẻ trộm chó như đi trẩy hội. Lý do nào khiến những công nhân xây dựng ở Thái Nguyên, hằng ngày chăm chỉ mang cặp lồng cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho mình? Sẽ hời hợt nếu ta chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự suy đồi của đạo đức, về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hóa, vân vân và vân vân. Để có thể hiểu được những hiện tượng này và truy tìm
nguyên nhân, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem nó vận hành như thế nào.
Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định. Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó khác với cảm giác có được khi xem trận bóng trước màn hình ti vi. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, một sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.
Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó một cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: “Báo công an đi, ông thách đấy!”
Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Giả sử như hàng trăm thùng bia ở Đồng Nai kia được xếp ngay ngắn ven đường, thì dù chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung tóe ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, kết hợp với sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớt hải gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.
Tuy nhiên, chen chúc nhau để lượm mấy lon bia trên mặt đường, hay để bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh đấm tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục cái xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành một sức mạnh phá hủy - nhiều khi phá hủy chính môi trường sống của bản
thân họ? Những sự kiện trên có điểm gì chung với những lần các cổ động viên bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, với làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, hay với sáu ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong?
Điểm chung của Nghệ An 2014 (thanh niên nông thôn) , Samsung Thái Nguyên 2014 (công nhân xây dựng) , London 2011
(thanh niên nhập cư) và Los Angeles 1992 (thanh niên da đen) là: đám đông này là đám đông của những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội. Họ mang sẵn trong mình một sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời mình, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông (bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Tri thức năm 2006) , họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức, họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của tập thể xung quanh. Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá hủy và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra: một công nhân bị bảo vệ đánh vào đầu, một con chó bị trộm.
Thực chất, sự hung hãn của người nghèo, của những người ở đáy xã hội, tới từ cảm giác bất lực, ngoài lề, không làm chủ được cuộc đời mình. Họ thấy mình như kẻ lạ trên chính đất nước của mình, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị.
Cũng vì thế, khi đã ngấm cái say của một đám đông nổi loạn thì họ hân hoan như đang tham dự một cuộc vui điên dại. Một tờ báo đã rất chính xác khi chạy tít cho vụ Nghệ An “Đánh trộm chó đông như đi hội”. Ai xem những video quay cảnh bạo loạn ở nhà máy Samsung hẳn cũng nhận ra không khí vui vẻ, phấn khích, các bình luận xôn xao, tiếng huýt sáo, reo hò, tiếng cười sảng khoái, như ở một buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng mà ai cũng được tham gia góp vui. Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác
mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hằng ngày của mình. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.
Đám đông “mới” của ngày nay khác đám đông “cũ” của năm 1945. Đám đông cũ, qua quá trình được “vận động” tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một ý thức hệ. Sau 30 năm kinh tế thị trường, công nhân và người nghèo bây giờ đã mất đi ý thức về bản
thân như một giai cấp. Họ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo truyền xuống từ thế hệ trước để lại. Họ là sản phẩm của văn hóa nghèo khổ, những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hóa của nghèo khổ năm 1998, “có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp.” Chúng ta, những người đã quen với các đại tự sự cách mạng, ngạc nhiên nhận ra rằng những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Thái Nguyên không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó ở Nghệ An không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền địa phương. Họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.
Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King:
“Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá hủy nó.”
Chúng ta hãy dành cho đám đông những người nghèo đô thị, những thanh niên nông thôn, những công nhân ở các khu
công nghiệp, một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ. Một cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.
Nếu không, họ sẽ không để cho những người khác yên. Tháng Giêng 2014
LẠI CHUYỆN BIA, THỊT CHÓ VÀ ẤN ĐỀN TRẦN : Từ bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân? Mấy hôm nay, người ta chuyền tay nhau các con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó, và 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt. Chúng ta đang tự mô tả mình như một cộng đồng chỉ quẩn quanh dọc ba cạnh của hình tam giác mà ba đỉnh là quán bia, đền chùa và quán thịt chó (trong đó cạnh nối quán bia và quán thịt chó là được lưu thông nhiều nhất).
Tôi muốn kêu gọi: chúng ta hãy bình tĩnh. Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản, hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả Rập, nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào. Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện.
3 TỈ LÍT BIA :
Theo con số của các nhà sản xuất bia thì người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm, hay bình quân 33 lít trên một đầu người. Vậy là mỗi tuần, mỗi người uống chừng 0,6 lít bia. Tôi không cho rằng đây là con số gây sốc. Tất nhiên, có người có thể lý luận là phải bỏ
ra ngoài phép tính này trẻ em, người già, phụ nữ, vân vân. Nhưng kể cả như vậy, suy ra, mỗi người đàn ông Việt cũng chỉ uống cỡ 1,2
lít bia, hay là hơn hai cốc vại một chút, một tuần. Một con số khiêm tốn. Bạn không tin ư? Xin thưa, tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra còn uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba Úc. Nói cách khác, người Úc uống bia nhiều gấp 3 lần người Việt.
Quán quân thế giới là những người Tiệp Khắc anh em, năm 2012
họ tiêu thụ 160 lít bia mỗi người, thêm bớt mấy cốc không thành vấn đề. Lại có một số người lý luận là thể tích của người châu Âu to hơn nên họ có thể uống nhiều hơn trước khi bị lú lẫn. Nhưng ngược lại, ta phải nhớ là ở xứ lạnh không ra mồ hôi như Tiệp Khắc thì 160 lít của họ sẽ gần với 180-200 lít hơn, còn 33 lít ở ta thì thực ra chỉ còn 20 lít vì mùa hè nó túa ra theo lỗ chân lông hết, vả lại bia hơi vỉa hè thì làm sao mà đo được lượng cồn với Pilsner Urquell. Có thể tranh luận nhiều hơn, nhưng tóm lại, chúng ta không có gì phải băn khoăn ở đây.
5 TRIỆU CON CHÓ :
Bây giờ sang chuyện 5 triệu con chó bị đưa lên bàn ăn hằng năm ở Việt Nam (theo nguồn tin của tờ báo Anh The Guardian). Vấn đề này cần phân tích công phu hơn một chút. Người ta ăn chó ở Cameroon, Ghana, Nigeria, và không những ở những nước “lạc hậu” này, mà còn ở Canada (với điều kiện con chó phải bị giết trước sự có mặt của một thanh tra liên bang) , Thái Lan, Nhật Bản, và tất nhiên, ở Hàn Quốc. Chúng ta hãy dừng lại ở đất nước này.
Mỗi năm người Hàn xếp lên đĩa khoảng 8.500 tấn thịt chó. Giả định rằng mỗi con chó nặng trên dưới 10 kg, số lượng thịt này sẽ tương đương với khoảng 850.000 con chó. Công nhận là chưa thấm tháp gì, nhưng ta phải lưu ý dân số Hàn Quốc chỉ có 50 triệu.
Như vậy, nếu dân số tương đương với Việt Nam, lượng chó đi vào bếp ở Hàn Quốc sẽ là hơn 1,5 triệu con. Vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu của ta.
Nhưng, và bây giờ các bạn hãy bám chắc vào mép bàn hay thành ghế để khỏi ngã: mỗi năm, người ta dùng thêm 93.600 tấn, tức là hơn 9 triệu chú cẩu nữa, để sản xuất ra một loại nước lên men tên là Gaesoju, nôm na là rượu chó, mà người Hàn Quốc thề là rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt để “điều hòa tiêu hóa” , và nhất là “sau phẫu
thuật”. Vị chi tổng cộng là 11 triệu con chó, cho cả ăn lẫn uống.
Không rõ vì sao người Hàn lại bị phẫu thuật nhiều như vậy.
500.000 ẤN ĐỀN TRẦN :
Khác với bên trên, trong chuyện ấn đền Trần thì chúng ta không có điều kiện làm các so sánh quốc tế với độ tin cậy cao. Tuy nhiên con số nửa triệu là khá ấn tượng, cộng với các loại ấn của các đền khác
nhau trong cả nước, cũng như các lễ lạt chùa chiền khác nữa thì về mặt thống kê có thể nói trung bình gia đình nào cũng có người đầu năm đến nhang khói nhờ thánh thần phù hộ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là vì sao bây giờ người Việt lại nhờ cậy tới thần linh nhiều như vậy.
Theo các nhà xã hội học, người ta càng có nhu cầu bám vào các thế lực siêu nhiên khi cuộc sống của người ta càng bấp bênh, bất an, ngoài vòng kiểm soát. Nói một cách khác, khi xã hội không có thượng tôn pháp luật, không đem lại cho người dân an sinh, cảm giác an toàn, chắc chắn, được che chở, bảo vệ, thì người ta phải nương tới cửa thánh thần.
Chẳng ngoài vòng kiểm soát hay sao nếu như bạn không chắc là miếng đất có sổ đỏ của bạn, hay cái đầm cá bạn vẫn canh tác hàng chục năm nay, tới sáng mai liệu có còn thuộc về bạn, hay đã nằm trong dự án của một đại gia nào đó rồi. Rõ là bạn muốn khấn bái để các thánh giúp bạn không bị trượt chân ngã đúng lúc đang ở trong đồn công an, đập gáy vào dùi cui mà thiệt mạng chứ. Để các thần trao cho đứa bé sơ sinh trong gia đình bạn sức đề kháng chống cự lại với vắc xin bệnh viện được bảo quản đúng quy trình chứ. Để bà Chúa Thượng ngàn cho năm nay mưa thuận gió hòa để cái đập thủy điện lơ lửng bên trên đầu bạn không xả lũ đúng quy trình chứ.
Những cái “quy trình” mà lúc nào cũng đúng, nó cứ lừng lững tiến như xe lu, cán bẹp mọi thân phận không may dính phải nó, người ta biết nhờ vào ai mà tránh nếu như không vái tứ phương.
Nhưng còn một cái bấp bênh cuối cùng nữa, đó là không rõ các thánh thần có còn tai mà nghe tiếng cầu khẩn của dân hay không.
Đằng trước hàng chục nghìn dân đen nhốn nháo, quần áo nhếch nhác, chen chúc nhau trước cửa đền Trần là mấy hàng quan chức, trang nghiêm trong những bộ com lê đen trịnh trọng, như đang ở một cuộc họp trung ương. Họ trò chuyện và hứa hẹn gì với đức Thánh Trần, sẽ chẳng ai biết được. Nhưng gì thì gì, ở chỗ linh thiêng này cũng như nơi trần tục, quan phải xong thì mới tới lượt dân.
Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.
Tháng Hai 2014 .
“SỐNG CHUNG VỚI LŨ” VÀ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG THƯỜNG NHẬT :
Câu chuyện của một người bạn tôi, ta tạm gọi là Hồng, trưởng bộ môn ở một trường đại học lớn, chắc hẳn cũng xảy ra trong vô vàn cơ quan và công ty nhà nước khác. Hằng năm, chị và các đồng nghiệp đều được “nhắc khéo” khi sắp tới ngày giỗ bà thân sinh
của ông hiệu trưởng, và vào hôm đó, lãnh đạo các khoa và các bộ môn lại nghỉ việc, cùng nhau thuê một chuyến xe về quê ông hiệu trưởng. Trung bình mỗi người đi ăn giỗ để vào phong bì một triệu, một khoản thu nhập xinh xắn mà không vất vả cho ông hiệu trưởng.
Những người về dự giỗ hôm đó có thực sự muốn chia sẻ với ông hiệu trưởng một ngày đáng nhớ, xúc động, trong không khí ấm cúng, với 300 người “gần gũi” của gia đình? Chắc chắn không.
Ngược lại, ai cũng hiểu rằng đây là một kỹ thuật làm tiền thô thiển.
Nhưng người ta tuân theo nó vì “ai cũng làm vậy cả”. Ma chay hiếu hỉ, rồi Trung thu, Tết, sinh nhật, ốm đau, mỗi lần là một dịp phong bì.
Không ai muốn bị đánh giá là không trung thành, là phá bĩnh.
Đây chỉ là một vài trong số vô vàn tiểu tiết người ta làm để mong có được một cuộc sống yên ổn.
Tôi hình dung, trên chuyến xe hôm đó, người ta bông lơn pha trò, giống như các chuyến dã ngoại khác của trường, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy le lói sự lố bịch của tình huống. Lúc bước xuống xe, có thể người ta không khỏi cảm thấy một chút cay đắng, nhưng rồi gạt nhanh nó đi. Khi lần lượt bắt tay ông hiệu trưởng, thông điệp mà mỗi người phát ra sau nụ cười là: “Ông thấy chưa, tôi cư xử đúng như ông muốn nhé. Tôi tuân theo luật chơi đấy, nên ông hãy để yên cho tôi sống, và có món gì thì đừng có mà quên tôi.”
Điều chúng ta nhìn thấy ở đây là quyền lực độc tôn, quyền lực của một bộ máy mà ông hiệu trưởng là đại diện trực tiếp, bao trùm lên những người dưới ông như một vỏ bọc khổng lồ. Trong thâm tâm, người ta có thể lên án, nhưng bên ngoài họ im lặng, và làm những điều mà hệ thống yêu cầu. Họ sống trong một sự dối trá.
Người Việt mô tả tình huống này bằng một câu nói tài tình “Sống chung với lũ”. Đây là một câu cửa miệng - không chỉ những người dưới quyền ông hiệu trưởng dùng câu này, mà bản thân ông ấy và cả những vị bên trên ông cũng thế. Qua câu này, người ta muốn thể hiện, với người nghe và với bản thân, rằng họ là người đàng hoàng, tuy họ phải sống cùng cái xấu, nhưng họ khác nó, họ không phải cái xấu.
Tất nhiên, không ai muốn tự thú nhận sự khúm núm mất tự trọng của mình, và bên kia cũng hiểu vậy, nên cả hai tìm ra những hình thức trang trí cho mục đích thực chất đằng sau. Trá hình dưới những dịp lễ Tết, sinh nhật, ốm đau, hiếu hỉ, mục đích thực chất là để một bên luôn tái khẳng định quyền lực, và bên kia luôn tái khẳng định sự phục tùng, trong khi vẫn tự nhủ với nhau và với bản thân rằng nhân phẩm của họ vẫn nguyên vẹn.
Nhưng “sống chung với lũ” chỉ là một sự tự ru ngủ. Bởi khi người ta chấp nhận sống chung với cái dối trá, thậm chí cố gắng trục lợi từ nó, thì như Václav Havel, cố tổng thống Tiệp Khắc, viết
trong tiểu luận mang tên Quyền lực của những người không quyền lực, “người ta xác nhận cái hệ thống, đáp ứng nó, làm ra nó. Người ta chính là cái hệ thống đó.”
Và khi có người cầm phong bì xuất hiện trước cửa nhà Hồng và đồng nghiệp để nhờ cậy, họ sẽ phải phản ứng thế nào? Nếu từ chối những vị khách này thì chẳng phải họ tự thú nhận những hành động họ làm với ông hiệu trưởng là đáng chê trách, đáng xấu hổ, là không chấp nhận được? Hơn nữa, không ai chỉ có thể cho mãi mà không nhận. Cho nên, họ phải coi đây là một hành động bình thường. Khi người ta chậc lưỡi nhận phong bì từ những người có ít quyền lực hơn mình, họ đã khép kín vòng tròn. Để ngủ ngon, họ phải tin vào tính chính danh của các hành động của mình. Điều này, Václav Havel viết tiếp trong tiểu luận nói trên, “cho phép người ta đánh lừa lương tâm và che đậy trước thế giới và trước bản thân chỗ đứng thực của họ, cái cuộc sống thê thảm của họ. Nó là tấm voan để con người có thể giấu đi sự tồn tại thảm hại, sự tầm thường hóa, sự thích nghi của mình. Nó là một lời thanh minh mà ai cũng sử dụng, từ một nhân viên sợ mất việc tới một lãnh đạo cao cấp bám lấy quyền lực. Chức năng của nó là khiến người ta, những nạn nhân lẫn những trụ cột của hệ thống, ảo tưởng rằng hệ thống đang tồn tại hài hòa với trật tự của con người.”
Chuyến xe dự giỗ kia là một nhắc nhở cho mọi người về cái trật tự đó, nhắc nhở họ đang sống ở đâu, họ phải hành xử thế nào, nếu như họ không muốn bị loại ra ngoài, bị hắt hủi. Hành xử đó cũng phải được thể hiện ở vô vàn chỗ khác: trong lớp học, trong các hội đồng nghiệm thu đề tài, khi viết các bài báo, khi họp bộ môn, khi xét thưởng và bổ nhiệm, ở các buổi văn nghệ và liên hoan... Cái vòng tròn khép kín kia chính là hệ mao mạch đưa cái giả dối thẩm thấu đến chân tơ kẽ tóc vũ trụ của Hồng và các đồng nghiệp của cô.
Và lúc đó, ai sẽ là người lên tiếng khi có bất công xảy ra? Ai sẽ phát biểu khi một giảng viên bị trù úm, một luận án bị hủy bỏ bất thường, một ghế trưởng khoa được mua bán ngang nhiên, một công trình đạo văn trắng trợn? Khi đã thận trọng, tính toán qua từng chuyến xe buýt, từng cái phong bì, để xây dựng và chăm chút cho
sự an toàn của cái cuộc đời con con của mình, người ta có còn dám để lương tâm lên tiếng khi nó muốn lên tiếng?
“Đây là một thời kỳ mà cái xấu được thưởng công, và những điều tốt bị trừng phạt. Những kẻ hung hãn được ngợi ca, còn người yếu mềm bị chà đạp. Trong thế giới điên đảo này, phần lớn mọi người bối rối. Sợ hãi làm họ mất phương hướng, mong muốn tự vệ làm họ mù lòa.” Những dòng trên là những gì nhà tâm lý học Eva Folgemann viết trong cuốn Lương tâm và can đảm về thời kỳ Phát xít Đức, và vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy - thời đó cũng thế mà bây giờ cũng vậy. “Một số ít người vẫn giữ được con đường của mình. Một số ít vẫn dùng la bàn đạo đức riêng để định hướng.”
Folgemann viết tiếp. Hồng và một vài người nữa trong trường đã không lên xe đi dự giỗ.
Giống như những người tố cáo một bệnh viện nhân bản xét nghiệm máu hay tráo thủy tinh thể, hay lên tiếng khi thấy lãnh đạo một trường nội trú cắt xén học bổng của học sinh, trong khi những người khác xung quanh im lặng, ở đây có một số cá nhân quyết định bước ra ngoài hệ thống, không tham gia “cuộc chơi” , và chấp nhận các thiệt thòi mà quyết định đó có thể đem lại. Giáo sư Philip Zimbardo gọi đó là những hành động anh hùng và những cá nhân đó là những “anh hùng thường nhật”. Trái với hình dung lãng mạn của chúng ta, anh hùng không chỉ là những siêu nhân xả thân cứu cả cộng đồng hay quốc gia trong một cuộc chiến tranh.
Nhà điền kinh và hoạt động xã hội Mỹ, Arthur Ashe, viết, “chủ nghĩa anh hùng thực sự thường không rực rỡ và không kịch tính.”
Những “anh hùng thường nhật” là những người giữ được “la bàn đạo đức” của mình trong một tình huống, có thể rất nhỏ, của cuộc sống. Theo Zimbardo, chủ nghĩa anh hùng khác với các hoạt động nhân đạo từ thiện, tuy cả hai đều phục vụ những người khác. Nó đòi hỏi một thái độ chấp nhận hy sinh lớn hơn. Để không thỏa hiệp các nguyên tắc của mình, những anh hùng thường phải chấp
nhận các tổn thất lớn nhỏ: đánh đổi tiện nghi vật chất, bị cô lập, hắt hủi về mặt xã hội, hay bị khủng bố, gây áp lực về tinh thần.
Khái niệm “anh hùng thường nhật” thay đổi cách nhìn của chúng ta. Thay vì hình dung rằng phẩm chất “anh hùng” được thiên nhiên ban tặng cho một số cá nhân đặc biệt, chúng ta hiểu rằng nó không phi thường, mà gần gũi hơn rất nhiều. Thứ nữa, khi đặt chữ “anh hùng” cho một hành động nhỏ như hành động của Hồng, chúng ta cho nó một sự tôn vinh và khích lệ xứng đáng. Cuối cùng, “anh hùng thường nhật” mang trong nó hàm ý là ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều tốt, thậm chí, thay vì thụ động chờ đợi một siêu nhân ra tay, ai cũng có nghĩa vụ trở thành anh hùng thường nhật ở một khía cạnh nào đó, trong một tình huống nào đó. Đó là cách duy nhất để đẩy lùi lũ.
Tháng Bảy 2015 .
NGƯỜI NGHÈO KHÔNG CÓ LỖI :
Hẳn ai cũng từng nhìn thấy hình ảnh này đâu đó ở vùng núi: người dân ngủ lăn lóc bên vệ đường, xe máy vứt lỏng chỏng bên cạnh.
Trước đó, họ đã ra chợ bán đi mấy bó củi hay con gà, rồi mua rượu uống say túy lúy. Nếu xuống làng của họ, sẽ thấy thêm nhà nào cũng uống, người nào cũng uống. Đây là những làng mà trợ cấp bao nhiêu cũng hết nhưng không làm ra được cái gì, tiền hỗ trợ cho trẻ con đi học thì bị người lớn lấy để mua điện thoại di động, dùng vài tuần rồi vứt lăn lóc. Đến thóc giống được phát cũng “nảy mầm” thành rượu. Trẻ em thì lớn lên trong hoang dã, không ai đoái hoài. Nhìn những cảnh đó, khó mà kiềm chế được cảm giác bực bội. Hình dung lãng mạn về người nghèo của chúng ta vẫn là những bà mẹ tần tảo chợ búa, những người cha gầy gò cặm cụi kéo xe. Nhưng thực tế trần trụi là ở nhiều nơi, người nghèo sống một cuộc sống vật vờ, thậm chí ốm thì cũng đắp chiếu nằm đó chứ không thiết đi chữa bệnh.
Thời gian gần đây có thể nhận thấy có một sự sốt ruột từ phía chính quyền và dư luận xã hội với những người nghèo. “Anh chị mà còn nghèo,” họ lên tiếng, “thì là lỗi tại các anh chị, chứ còn của ai nữa.”
Đầu tháng Ba, trong bài Sống ăn bám trên VnExpress, tác giả Hoàng Xuân mô tả sự lười biếng, buông xuôi nát rượu ở một làng quê Ninh Thuận, nơi người dân có “cái vẻ hiền lành gần như trì độn” làm tác giả “chỉ muốn hét to”. Người nghèo quen xin xỏ, dựa dẫm, được cấp cho con bò thì buộc cọc bỏ đói, có cơ hội thì “đào mỏ” tới cạn kiệt những họ hàng khá giả hơn. Tâm lý ăn bám, hèn nhược bệnh hoạn, tác giả kết luận, là lý do khiến nhiều người nghèo vẫn hoàn nghèo. Bài viết nhận được hưởng ứng của khá đông đảo bạn đọc và được share gần 1000 lần qua Facebook.
Giữa năm ngoái, trang mạng của đảng bộ Điện Biên dẫn ý kiến của nhiều vị lãnh đạo tỉnh: “Nguyên nhân căn bản cản trở mục tiêu giảm nghèo của địa phương là bệnh lười khá phổ biến trong tư tưởng người nghèo.” Với những người này, “có nỗ lực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bao nhiêu thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa.” Một phát ngôn khá táo bạo với một tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo chính thức là 38%.
Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố “kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động”. Đây là địa phương đầu tiên làm động tác mạnh tay này, và sẽ không ngạc nhiên khi trong thời gian tới quan điểm quản lý ấy được các địa phương khác noi theo.
Quan điểm “nạn nhân có lỗi” không chỉ có ở Việt Nam. Ở các nước Trung Âu, nhiều cộng đồng người nhập cư vẫn được coi là “nát rượu” và là “máy đẻ” , lợi dụng lòng hảo tâm của nhà nước.
Dân Di gan thì khỏi nói, bị liệt luôn vào dạng mọi rợ, cộng thêm lưu manh vặt, tóm lại là vô phương cứu chữa. Ở Mỹ, nhiều người lớn tiếng là đã tới lúc người nghèo phải tắt ti vi đi và nhấc cái mông béo ú ra khỏi xô pha mà đi tìm việc, thay vì sống triền miên bằng trợ cấp xã hội.
Thực ra, đây là một quan niệm rơi rớt lại từ tư duy của cách đây hai thế kỷ. Ở London thời Victoria, tầng lớp giàu có cho rằng nghèo đói là do lười nhác, nghiện ngập, cờ bạc và chi tiêu vô tội vạ
(giống hệt những gì tác giả Hoàng Xuân kể về cái làng ở Ninh Thuận) , và do đó, chính phủ không nên và không cần can thiệp.
Samuel Smiles, tác giả có ảnh hưởng lớn của cuốn Self-Help nổi tiếng, xuất bản năm 1859, còn cảnh cáo là “bất cứ cố gắng nào của chính quyền nhằm giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ làm họ thêm phung phí trong tiêu pha và không lao động chăm chỉ để cải thiện bản thân”. Ở điểm này, có vẻ ông Samuel Smiles và chính quyền Đà Nẵng có cùng suy nghĩ.
Suy nghĩ này tuy xuôi tai (và dễ nhận được sự đồng tình từ những người làm từ thiện mãi rồi nản) , nhưng lại nhìn nhầm vấn đề. Điểm chung của người nghèo ở Việt Nam bây giờ và người bần cùng ở London cách đây 150 năm là: không phải lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo cho họ lối sống như vậy. Nói khác đi, cái nghèo cha truyền con nối đã biến họ thành những con người có thái độ sống buông xuôi, những người mà một cán bộ địa phương ở Vân Canh, Bình Định, mô tả một cách rất chính xác là “ngày ngày cứ ra đường ngồi chống cằm rồi về... uống rượu”.
Người nghèo phải chịu một mức độ stress cao hơn rất nhiều, do bệnh tật, thiếu thốn, đói kém và rủi ro triền miên đem lại. Một cách tự nhiên, con người phản ứng với tình trạng stress này bằng hai cách: hoặc giận dữ, hung hăng, hoặc thụ động, buông xuôi; và nhiều khi họ chạy từ thái cực này sang thái cực khác. Theo các nghiên cứu về thần kinh, trong khi các cú stress ngắn hạn có tác dụng làm tăng sự tập trung và linh lợi, stress mãn tính gây hại tới “hồi hải mã” (hippocampus) , một phần của não trước đảm nhiệm việc lưu giữ thông tin, ngôn ngữ, hình thành ký ức dài hạn và khả năng định hướng trong không gian.
Các quan sát lâu năm cũng cho thấy, ở trẻ em lớn lên trong nghèo khổ, vùng tiền não thùy (prefrontal cortex) - đây là vùng liên quan tới khả năng kiểm soát bản thân và điều phối cảm xúc -
bị ảnh hưởng, tương tự như ở người trầm cảm. Điều này cũng giải thích cho vẻ mặt “hiền lành gần như trì độn” mà bài báo VnExpress quan sát được.
Các nghiên cứu về hành vi gần đây cũng chỉ ra là sự thiếu thốn và bất an làm giảm thiểu các tài nguyên liên quan tới nhận thức, hay là công suất não, dẫn tới những hành vi không hợp lý và các quyết định không hiệu quả. Năm ngoái, một loạt các thí nghiệm với người dân Mỹ của Đại học Princeton kết luận rằng nghèo khổ có hậu quả tương đương với mất đi 13 điểm của chỉ số IQ. Cái nghèo làm cho người ta thiếu những kỹ năng sống cơ bản, cũng như năng lực nhận thức để có thể làm chủ bản thân và cuộc sống.
“Mụ mẫm vì nghèo” là một cách diễn đạt khác.
Và như vậy, yêu cầu những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường cùng cực, thậm chí qua nhiều thế hệ, là họ phải có nghị lực, quyết tâm, chăm chỉ, cần cù, suy nghĩ sáng tạo, quyết định hợp lý, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng chỗ, thì không khác gì yêu cầu dân văn phòng, những người vốn không quen sử dụng cơ thể của mình, phải có sự khéo léo, uyển chuyển, dẻo dai, động
tác chính xác, cử chỉ nhịp nhàng, duyên dáng như một vận động viên nhảy cầu.
Hãy hình dung bạn có một người em nghiện ngập, nhu nhược, lười biếng, và hay làm những việc khiến bạn muốn phát điên lên.
Bạn phải làm gì? Chu cấp mãi thì không ổn, mà phủi tay bỏ đi thì cũng không xong. Trước hết, bạn dừng lại các chê trách và lên án.
Và sau đó, bạn tìm cách giúp người đó nhen nhóm lên sự tự tin, tạo thói quen bắt tay vào việc dù rất nhỏ, kiên nhẫn hướng dẫn, khích lệ để họ đạt được những bước tiến dù bé xíu, gây dựng cho họ niềm hy vọng về chính bản thân, một cảm giác họ không phải là phế thải.
Một cộng đồng nghèo cũng cần được đối xử như vậy. Nó khó hơn nhiều việc chỉ quyên góp tiền hay hỗ trợ thóc gạo, nhưng không có cách nào khác.
Tháng Tư 2014 .
BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN :
Vào buổi sáng Chủ nhật đẹp trời tuần trước, trên đoạn quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Nam, một tài xế xe tải chở xoài vụng về tránh một xe máy cùng chiều, cua tay lái gấp, và làm xe lật nghiêng. Hơn chục tấn xoài đổ tràn ra đường. Người dân xung quanh xúm lại chia nhau bảo vệ hiện trường và giúp tài xế thu gom xoài nằm vung vãi. Các báo đăng một tin ngắn về sự việc. Hôm sau, câu chuyện rơi vào quên lãng.
Điều này làm tôi suy nghĩ.
Tôi tin chắc rằng nếu như người dân lao vào hôi xoài, thì ngay lập tức dư luận sẽ dậy sóng, trên các mặt báo lại đầy những cảnh báo về đạo đức xã hội suy đồi, và người ta lại hổ thẹn lẫn cho nhau trước các bạn quốc tế. Vậy mà sao hôm đó các ống kính báo chí không chụp cận cảnh những người dân đang tươi tắn, nhễ nhại mồ hôi khuân xoài hộ tài xế, như họ đã từng zoom vào các khuôn mặt tươi tắn và nhễ nhại mồ hôi hôi bia cách đây mấy tháng? Sao không có ai phỏng vấn anh tài xế thở phào nhẹ nhõm vì không phải đền hàng? Và mấy hôm sau, sao không có người dân nào căng băng rôn ven đường “Tôi tự hào là người Quảng Nam” ?
Câu chuyện nhỏ này cho ta thấy là chúng ta, một cách vô thức, thờ ơ với các tin tốt, nhưng lại quan tâm đặc biệt tới các tin xấu.
Hôm Chủ nhật kia, thậm chí ta còn gần như nghe được tiếng thở dài tiếc rẻ của các nhà bình luận trên mạng, vì vụ xoài đổ này đã không cho họ một cơ hội để khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta thật là những con người tồi tệ, sống trong một môi trường
thật tồi tệ.
Tin tức về những “tệ nạn” hay “bất cập” trong xã hội cung cấp cho chúng ta những cái cớ để than phiền và kêu ca. Phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Các trạng thái này được gói ghém một cách tài tình trong từ “bức xúc”. Không từ tiếng Việt nào lại có một sự
nghiệp thăng tiến ngoạn mục như vậy. Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29
triệu kết quả, gấp gần mười lần “Ngọc Trinh” , một con số ấn tượng cho một từ có làn da xấu xí như vậy.
Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành? Vì sao chúng ta muốn kêu ca, phàn nàn thay vì vui tươi chuyền tay nhau những tin vui, những câu chuyện đẹp? Hội chứng “bức xúc” mới nghe thoạt tưởng vô lý, nhưng nó có những lý do tâm lý đằng sau.
Trước hết, khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là chúng ta không thờ ơ, vô cảm, mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Hơn nữa, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Càng có nhiều vụ cướp tiệm vàng, bác sĩ vứt xác bệnh nhân, bảo mẫu đánh trẻ, hôi của, bẻ hoa, chúng ta càng có nhiều cơ hội để tự nhủ là chúng ta không phải “họ” , chúng ta chỉ không may bị chung sống cùng “họ” , nhưng thực chất chúng ta ưu tú hơn “họ” nhiều.
Một điểm quan trọng nữa là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Các chính trị gia đã nhận ra điều đó; các bạn có thấy gần đây các quan chức cũng bức xúc rất nhiều?
Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng tham nhũng (Báo điện tử Chính phủ, 29/10/2013). Bộ trưởng Bộ Y tế bức xúc về đồng nghiệp (Tuổi trẻ, 4/11/2013). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bức xúc về thực phẩm độc (Báo Đầu tư, 2/1/2014).
Khi bày tỏ sự bức xúc, một cách khéo léo, chúng ta tuyên bố là mình không thể thuộc về bên “thủ phạm” được, mà mình đứng về phía bị thiệt thòi, mình cũng là nạn nhân.
Dần dần, chúng ta đâm ra nghiện những cái lắc đầu, những cái chép miệng, lúc thì ta phẫn nộ, khi thì chỉ cười buồn. Cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái. Nó cũng giúp xoa
dịu những bứt rứt lương tâm thi thoảng nổi lên, khi chúng ta lờ mờ cảm thấy mình không đủ dũng cảm để làm hết những gì có thể làm trước những sai trái trong xã hội. Những lúc đó, cách trấn an bản thân hiệu nghiệm là tỏ ra bức xúc một cách gay gắt.
Nhưng chúng ta không vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta đang đặt trên nền của bao nhiêu bất công và phi lý. Những viên gạch xây nên ngôi nhà của ta được đóng bởi những đứa trẻ có tuổi thơ vất vả. Cái ti vi ta dùng được làm bởi những người công nhân di cư có một cuộc sống buồn tẻ và khốn khó, con cái họ bị khó dễ khi tới trường vì không có hộ khẩu.
Cho nên, lần tới, khi ngồi trong quán ăn ở một resort bên bờ biển, bạn cũng đừng bức xúc với mấy người phục vụ quê mùa đang lóng ngóng rót rượu vang vào cốc uống nước cam nữa. Hãy cụp mắt xuống, khiêm nhường, khi họ đứng trước mặt bạn. Bởi có thể gia đình họ đã bị đuổi ra khỏi nơi này, và ngôi làng mà họ đã sống ở đó nhiều đời đã bị xóa sổ để biến thành nơi bạn đang tới nghỉ. Có thể chúng ta không phải là những kẻ trực tiếp tạo ra bất công, nhưng cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ.
Ý thức về điều đó là việc tối thiểu mà ta có thể làm. Ngoài việc chúng ta chuyền tay nhau những câu chuyện đẹp, những tin tốt, để chúng nhận được sự công nhận và giá trị xứng đáng.
Tháng Tư 2014 .
CƠ THỂ GIẢ, KHÁT VỌNG THẬT :
Phiên bản mới nhất của câu chuyện Từ Lọ Lem thành công chúa mang tên Thay đổi cuộc sống - Change life, một chương trình truyền hình thực tế do VTV2 phối hợp với kênh truyền hình Raum (Hàn Quốc) thực hiện. Với mục đích “từ thiện” , chương trình chọn 11 ứng viên trẻ và có ngoại hình xấu xí (10 người trong đó là nữ)
trong số 700 hồ sơ gửi về, và đưa họ sang Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí với chi phí 50.000 USD một người trong thời gian ba tháng.
Báo chí và khán giả nghi ngút với những “11 sự lột xác ngoạn mục” , “sự phù phép khó tin” và “sự thay đổi kỳ diệu”. Được trầm trồ nhất là trường hợp của cô gái Nam Định Vũ Thanh Quỳnh, bởi thậm chí chính cô cũng “không nhận ra mình nữa”. MC Minh Quân của chương trình xúc động: “Từ một người có hàm răng hô, mũi gãy, bị mọi người chê bai, bạn ấy đã trở thành một hot girl, được báo chí và nhiều người khác quan tâm... Hàng xóm hai bên cũng sang chia vui, gia đình còn nhận được sự hỗ trợ của những đơn vị xã hội khác vì nhà Quỳnh rất nghèo.”
“Có những bạn trước đây giận bố mẹ vì đã cho mình hình hài không may mắn, giờ hối hận và xin lỗi.” MC Phí Linh cũng không kìm được lòng mình. “Xúc động nhất” là trường hợp của Lê Thị Thúy, bố của Thúy “đã khóc vì hạnh phúc khi biết con mình được chương trình chọn, để rồi đột ngột ra đi trong lúc bạn xa nhà để phẫu thuật ở Hàn Quốc.”
Rất nhạy cảm với thị trường, mùa hè này một chương trình truyền hình thực tế khác mang tên Phép mầu sắc đẹp sẽ được tung ra để cạnh tranh, với nội dung giống hệt. Doanh nhân Lý Nhã Kỳ ủng hộ nóng chương trình mới này 1 tỉ VND và phát biểu: “Một người phụ nữ đẹp vẫn muốn đi làm đẹp huống chi là những người phụ nữ kém may mắn.”
Nhiều người đánh giá những chương trình truyền hình thực tế này là “tiếng súng mở màn cho trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới”. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch trong quan điểm của công chúng ( Thay đổi cuộc sống đã được đề cử giải VTV Awards 2015 chỉ sau hai tháng lên sóng).
Phẫu thuật thẩm mỹ đang được diễn giải và quảng bá như một chìa khóa để giải phóng bản thân và chạm tới hạnh phúc. Bạn có một gã chồng dở hơi? Thay vì bỏ hắn, bạn hãy đi nâng cấp khuôn mặt mình. Trang mạng của một thẩm mỹ viện kể lại một câu chuyện ở Hàn Quốc: “Cô Kim Eun Ah đã phải sống những tháng ngày tột cùng đau khổ khi bị chính người chồng mình yêu thương mắng nhiếc, chửi rủa chỉ vì vẻ ngoài không xinh đẹp. Cuối cùng, người phụ nữ này đã phải tìm đến phẫu thuật thẩm
mỹ để thoát khỏi cuộc sống tăm tối đó.” May mắn thay, cô được nhận vào chương trình truyền hình Let me in (chính là cụ tổ của mấy chương trình Việt). “72 ngày sau khi được phẫu thuật, cô đã biến thành một phụ nữ xinh đẹp và quyến rũ. Lúc này, thái độ của người chồng bỗng thay đổi, ‘vợ giờ đẹp hơn rồi, tôi khó lòng mà nói ra được chữ chia tay. ’”
Đặt nền móng cho sự chuyển dịch quan điểm này là sự thay đổi của chuẩn đẹp phụ nữ trong xã hội. Trong hai thập kỷ qua, cùng với toàn cầu hóa, người ta đã tiếp thu chuẩn đẹp phụ nữ của phương Tây, bất chấp các đặc thù về nòi giống và chủng tộc. Chiều cao của các hoa hậu Việt đã tăng từ dưới 160 cm vào cuối thập kỷ 1980 tới 175-180 cm hiện nay, số đo vòng một tăng từ 80 cm lên 90 cm. “Khuôn trăng đầy đặn” của truyền thống đã nhường chỗ cho một khuôn mặt thon, mũi nhỏ, miệng rộng. Báo chí ca ngợi, “những tiêu chí đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ Việt đang dần được hoàn thiện, phù hợp với thời đại hội nhập.” Ông Dương Kỳ Anh, chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong hai thập kỷ đầu tiên của nó, tự hào: “Khi tiêu chí đánh giá vẻ đẹp ngày càng tiệm cận với quốc tế thì nhan sắc Việt cũng dần tìm được vị trí của mình trên bản đồ sắc đẹp thế giới.”
Nghe giống như ông mô tả một cuộc chạy đua về GDP.
Osho đã trở nên lạc hậu vô cùng khi viết “Phương Đông có một khái niệm khác về vẻ đẹp phụ nữ.” Giờ đây, cái đẹp được chỉ định bởi Dove, Lancôme và Nivea. Người Việt đã thôi không nói “đẹp như tiên” nữa mà chuyển sang nói “xinh như Tây”. Tiên thì không ai nhìn thấy, nhưng khuôn mặt L’Oréal thì xuất hiện ở tất cả các bến xe buýt.
Sự dịch chuyển chuẩn đẹp này tạo ra một khoảng vênh lớn giữa cái đẹp lý tưởng hiện được ca ngợi trên truyền thông và quảng cáo, và hình dạng trung bình của phụ nữ Việt. Cái “bình thường”
đã trở thành cái “xấu”. Song song, cơ thể của phụ nữ Việt đã bước ra ngoài không gian công cộng. Chúng không còn bị giấu giếm nữa, mà được trưng ra để xã hội soi xét, đánh giá và tiêu thụ.
Cả hai quá trình trên, cộng với mức sống gia tăng, là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chóng mặt của công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam, thể hiện qua mật độ các cơ sở làm đẹp tại các thành phố lớn. Chỉ cần tìm hiểu sơ, người quan tâm sẽ thấy mình đứng trước một menu dài vô tận của những cơ hội gọt
đẽo, nhào nặn cơ thể mình: nâng mũi bọc sụn, thu nhỏ đầu mũi, thu gọn cánh mũi. Bấm mắt bồ câu, bấm mí Hàn quốc, nâng mí mắt, nâng chân mày, tạo khóe mắt. Gọt mặt trái xoan, độn cằm, chẻ cằm. Căng da mặt, tiêm botox, làm đầy rãnh nhăn, tạo má lúm đồng tiền. Nâng gò má, hạ gò má, cấy mỡ má hóp, làm đầy thái dương, chữa cười hở lợi, bơm môi, làm mỏng môi. Đặt túi ngực, treo ngực xệ, thu gọn ngực, thu nhỏ quầng vú, thu nhỏ núm vú.
Hút mỡ cơ học, hút mỡ siêu âm, tạo bong bóng chân không trong tế bào mỡ, đông lạnh hủy mỡ, cắt da thừa. Bơm mông, treo mông, nâng mông bằng mỡ tự thân. Thu nhỏ bắp chân, làm hồng vùng kín, cắt mép, thu hẹp âm đạo.
Trong nghề, người ta ưa dùng các chữ cái. Bộ ngực hoàn hảo thì là chữ Y mềm mại (tạo bởi khe ngực và mép trên của hai bầu ngực) , khuôn mặt lý tưởng thì thon hình chữ V, mũi thì chữ S
(nhìn nghiêng hếch như một cái bệ trượt tuyết) , đầu mũi thì chữ A (tạo bởi đỉnh mũi và hai cánh mũi, đi kèm với lỗ mũi hình hạt chanh). Kết quả tổng thể là một khuôn mặt nữ sinh ngây thơ với hai con mắt khổng lồ và bộ ngực đầy, trông như mới bước ra từ một truyện tranh.
Những người can đảm hơn có thể đi kéo dài chân. Cẳng chân bị bẻ gãy, rồi được lắp cố định một thiết bị có tác dụng kéo dãn xương, các dây thần kinh và mạch máu, mỗi ngày kéo dài 0.75
mm. Theo các bác sĩ, “không nên quá vội vã, nếu không có thể dẫn tới chi dưới bị hoại tử, phải cắt hoặc vĩnh viễn bại liệt.” Thời gian điều trị là một năm, chiều cao đạt thêm có thể tới 6-8 cm, và sự đau
đớn là vô biên. Dịch vụ này đang ngày càng thịnh hành ở Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc.
Ít đau đớn hơn, nhưng không kém cầu kỳ, là một số biện pháp làm đẹp khác: dưỡng da bằng mặt nạ vàng 24 karat, bằng nhau thai cừu, bằng kem chế từ tinh trùng đàn ông, dưỡng tóc bằng tinh
trùng bò đực, uống hormone thay thế để làm ẩm âm đạo, hay cấy ghép hormone để tránh tích mỡ dưới da và chặn luôn kinh nguyệt (cực kỳ thịnh hành ở Brazil).
Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là nâng ngực. Trên Webtretho, mạng xã hội hàng đầu của các bà mẹ trẻ, nó thu hút hàng nghìn, hàng nghìn ý kiến, từ thế hệ “các mẹ” này sang thế hệ “các mẹ” khác, trường tồn, vĩnh cửu, mãi mãi thời sự. Họ thường là trung lưu, và đến với phẫu thuật vào thời điểm sau khi đã có đứa con thứ hai. Diễn ngôn đặc trưng đi kèm là “đã đến lúc phải chăm sóc cho bản thân, mình phục vụ chồng con mãi rồi”. Họ theo đuổi một “dự án cơ thể” , kỳ vọng kết hợp yêu cầu của truyền thống (vai trò làm mẹ, làm vợ) và yêu cầu của thời hiện đại (trẻ và đẹp theo “đúng chuẩn” ). Bản thân dự án này lại nằm trong một cuộc đua lớn hơn, một “dự án cuộc đời”. Mục tiêu tóm tắt của cuộc đua là: có một ông xã chí thú làm ăn, hai đứa con ngoan, căn hộ chung cư Ecopark, xe Camry đỗ dưới hầm, và hai cái vú ra tấm ra món.
Với nhiều người, một cơ thể “đàng hoàng” là cái thiếu cuối cùng để đạt được cuộc sống viên mãn, đầy đủ. Chồng, con, xe hơi, vẫn chưa trọn vẹn nếu bộ ngực là hai cái công tắc. Lý do số một để người phụ nữ tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ là “để tự tin hơn”. Giá trị của bản thân được gắn với vòng ngực. Cơ thể không những nuôi dưỡng ta, nó còn thể hiện vị thế xã hội (social status). 3.000
đô la Mỹ cho mỗi phẫu thuật thẩm mỹ ngực hay tạo hình bụng, 4.000 đô la Mỹ cho chi phí phẫu thuật vùng mông - “đẹp” là một thước đo của thành công vật chất.
Thông điệp của Thay đổi cuộc đời, và đằng sau nó, của cả ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ là hạnh phúc, may mắn, sự sung
túc, tình bạn, tình yêu, sự yêu thương của những người quanh bạn, sự nở hoa của con người bạn, tất cả, tất cả sẽ đến với bạn nếu bạn có một khuôn mặt hợp chuẩn, cho dù nó là một cái mặt nạ bằng thịt.
“Một phụ nữ hiện đại thật may mắn khi có được một cơ thể cho phép cô chuyển động, chạy, múa, có khoái cảm tình dục, với một bộ ngực khỏe mạnh, một cuộc đời dài gấp đôi cuộc đời của một người cách đây hai thế kỷ, đủ dài để cô thể hiện cá tính trên khuôn mặt mình,” nhà nữ quyền Naomi Wolf viết. “Nhưng Thời đại Phẫu thuật thẩm mỹ phá hủy sự may mắn khôn cùng này của cô, nó bẻ nhỏ món quà cô được trao, một cơ thể đầy cảm nhận và sức sống, một khuôn mặt của riêng mình, thành những bộ phận phế phẩm.
Nó khiến cô coi sự may mắn suốt đời mình là một sự nguyền rủa suốt đời.” Không phải vô cớ mà các mẹ trên Webtretho tự nhận mình là “vịt xấu xí”.
Ở đây cơ thể và tinh thần được tách rời nhau, cơ thể bị coi là cái gì có thể thay đổi, thay thế, thao túng. Họ dùng những từ miệt thị để mô tả các bộ phận cơ thể của chính mình mà họ căm ghét, “hai cái bánh giầy” , “núi mỡ”. Dưới cái mác “chăm sóc bản thân” , họ coi chúng như những vật thể lạ, không liên quan, cần phải dứt bỏ khỏi cuộc sống của mình. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là vị cứu tinh giải phóng họ khỏi cái cơ thể thậm tệ đang giam cầm họ. Nhà phẫu thuật không còn là bác sĩ chữa bệnh nữa, mà trở thành người cung cấp dịch vụ, gọt đẽo một cơ thể khỏe mạnh với hứa hẹn đem tới hạnh phúc cho khách hàng. Giống bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào khác, ngành công nghiệp giá trị 20 tỉ USD này (còn lớn hơn công nghiệp khiêu dâm) sẽ tìm mọi cách để nguồn khách hàng không chấm dứt.
Trong dự án lên đời, nâng cấp và cải tạo cơ thể này, phụ nữ không hẳn phục vụ trực tiếp cho chồng mình (người trong khá nhiều trường hợp phản đối kế hoạch của vợ) , mà phục vụ cho một ánh mắt phán xét vô hình của một xã hội nam trị, hiện diện mọi lúc, mọi nơi. Đằng sau tham vọng mang tên “Cuộc đời hoàn hảo” là nỗi lo thường trực rằng mình sẽ bị hất ra ngoài, bị tụt hậu, bị đào
thải. Trong một môi trường đầy cạnh tranh và bất an, phân biệt đối xử dựa trên vẻ bề ngoài, xin vào vị trí văn thư cũng bị yêu cầu chiều cao trên trung bình, xin làm lễ tân bị yêu cầu cởi đồ để kiểm tra ba vòng, họ tự nguyện đến với phẫu thuật thẩm mỹ. Nó giống tình huống mẹ chồng và con dâu bí mật bàn nhau bỏ thai gái, hy vọng đứa tiếp theo sẽ là con trai. Nó giống như người bà ở châu Phi đè đứa cháu gái ra để người mẹ cắt âm vật của nó.
Khi người ta bỏ cái riêng, cái độc đáo của mình, để phục tùng uy quyền của chuẩn đẹp, ranh giới giữa cái “giả” và cái “thật” , giữa cái “thực” và cái “nhân tạo” bị xóa nhòa. Một website quảng cáo cho phẫu thuật thẩm mỹ lấy tên “Real Self ” (“Cái tôi thật” ). Một cô gái đã chỉnh sửa tất cả những gì có thể chỉnh sửa tuyên bố: “Tôi luôn trung thành với chính mình.” Các thí sinh thi hoa hậu của Hàn Quốc giống nhau tới mức trông họ như mấy chục chị em ruột.
Nhiều thẩm mỹ viện Hàn Quốc phải cấp giấy chứng nhận cho khách hàng nước ngoài của mình để họ có thể xuất cảnh, vì họ không còn giống gì với ảnh hộ chiếu của mình nữa. “Con đây, Dím của mẹ đây!” Vũ Thanh Quỳnh đã phải kêu lên như vậy để người mẹ nghe giọng mà nhận ra mình.
Cuộc đua này không dễ dàng với người phụ nữ. Gọt hàm, nâng mũi, độn ngực là những can thiệp sâu sắc vào cái tôi, vào bản sắc cá nhân. Những người phụ nữ cảm giác rõ ràng điều đó, nhưng họ chấp nhận rủi ro sức khỏe và chi phí tâm lý. Họ lên bàn mổ như một sự dấn thân, một động tác giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của tạo hóa. Ai dũng cảm thì mới hòng thành công. Diễn đàn về phẫu thuật ngực trên Webtretho mang cái tít thách thức “Làm thiên nga không dễ”. Một “mẹ” tâm sự vào đêm hôm trước: “Sáng mai mình lên thớt rồi, tâm trạng bây giờ rất, rất hỗn độn. Một chút lo lắng, một chút chần chừ, một chút quyết tâm, một chút sung sướng. Chúc các nàng đã và sẽ thành thiên nga mãi xinh đẹp, hạnh phúc.”
Câu chúc kia vang lên như một lời tuyệt vọng. Phẫu thuật thẩm mỹ không giúp phụ nữ trả lời câu hỏi làm thế nào để già đi trong tự trọng. Trong cuộc chạy đua với thời gian và truy tìm tuổi trẻ, người
ta luôn là kẻ thua cuộc, dù có căng da, hút mỡ, bơm botox đến bao nhiêu lần. Các “thiên nga” không thể “mãi mãi xinh đẹp”.
Phẫu thuật thẩm mỹ là một sự hủy hoại bản thân, xuất phát từ sự chối bỏ cơ thể mình, chạy trốn những năm tháng mình đã sống, phần đời mình đã trải qua. Nhưng từ chối con người mình cũng là từ chối khả năng thấu hiểu cuộc đời, bao gồm cả sự tổn thương, tính vô thường, và cái chết. Sự khước từ này biến cuộc sống tại đây và lúc này thành một địa ngục trần gian mà không dao kéo nào có thể giải thoát được.
Tháng Tư 2015 .
BI KỊCH CỦA SỰ HÀO NHOÁNG :
“Nếu cả thế giới biết tới bạn, dù chỉ như một diễn viên sex, thì cũng vẫn tốt hơn là không ai biết tới bạn cả.”
Marilyn Monroe Hãy tự thú nhận, chúng ta có thể không biết nhiều về tuổi thanh niên của cha mình, hay về những trắc trở trong gia đình người anh họ, và lâu rồi không tâm sự với đứa con trai, nhưng ta lại rất rành về các cuộc tình của Hồ Ngọc Hà, chuyện Sơn Tùng M-TP gặp phiên bản giả của mình ra sao, và có ý kiến rõ ràng về trình độ tiếng Anh của Lý Nhã Kỳ. Họ, những người mẫu, ca sĩ, diễn viên, chân dài, đại gia, tựu trung là những ngôi sao, còn chiếm lĩnh tâm trí chúng ta nhiều hơn các thành viên trong gia đình ta, dù ta chưa gặp họ bao giờ, và họ không biết ta là ai. Họ là những “người xa lạ gần gũi” , theo chữ của Richard Schickel. Chúng ta đưa họ lên trung tâm sân khấu cuộc đời, dành cho họ không gian để thể hiện, và cất công đi tìm con người đằng sau bộ mặt công chúng của họ.
Dù không đứng đầu các thể chế chính trị hay kinh tế, các ngôi sao, và văn hóa ngôi sao xung quanh họ - bộ máy truyền thông, quảng cáo, thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh - nắm giữ một quyền lực lớn có thể thay hình đổi dạng xã hội. Angelina
Jolie có khả năng làm người dân toàn cầu chú ý tới nạn đói ở châu Phi hơn nhiều lần Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (mà tên ông ta là gì nhỉ? ). Ở
buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của tòa tháp đôi New York, được tổ chức vài tuần sau ngày 11/9, trong khoảnh khắc bi tráng và đau thương, người đứng đầu nghi lễ để vực dậy tinh thần của cả nước Mỹ không phải là một chính trị gia hay một lãnh tụ tôn giáo, mà là
Oprah Winfrey, một ngôi sao truyền hình. Vài năm sau, khi tổng thống Bush lên truyền hình quốc gia công bố sự kiện trọng đại là quân đội Mỹ đã bắt sống Saddam Hussein, ông ta đã không cạnh tranh được với show truyền hình thực tế The simple life của Paris Hilton được phát cùng giờ, trên đó 18 ứng cử viên tranh nhau trở thành “người bạn tốt mãi mãi” của cô gái tóc vàng này.
Khi nào thì một cá nhân “chỉ” đơn thuần là nổi tiếng, và khi nào thì họ đã trở thành một ngôi sao, một celebrity? Một nhân vật của công chúng trở thành sao vào thời điểm truyền thông chuyển từ việc tường thuật về vai trò và hoạt động xã hội của họ sang tường thuật về đời sống cá nhân của họ. Đó là lúc người ta bàn tán về cái biệt thự của một nhà khoa học hơn là về công trình của ông ta, về cuộc ly hôn của một vận động viên hơn là về chương trình tập luyện của anh.
Văn hóa ngôi sao nói gì với chúng ta về những thay đổi trong xã hội? Dường như nó đang kích hoạt một quá trình dân chủ hóa. Có vẻ như mâu thuẫn, nhưng trong khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn thì các khác biệt về giai cấp và xuất thân lại được cào bằng. Bắt đầu từ thế kỷ 19 ở châu Âu, theo nhà xã hội học Stephen Gundle, phong cách, cái đẹp, thời trang, sự xa xỉ và cả danh tiếng không còn là độc quyền của giới vua chúa và quý tộc nữa. Quá trình này dường như đạt được điểm kết ở cuối thế kỷ 20. David Beckham là con của một thợ làm đầu và một thợ đóng bếp. Vợ anh, ca sĩ Victoria của Spice Girls, là con của một nhân viên văn thư và một kỹ sư điện. Nhưng đám cưới của họ được tổ chức như một nghi lễ hoàng gia, và là một sự kiện toàn cầu. Ngay sau đó, một tờ báo Anh chạy một biếm họa vẽ David và Victoria đội vương miện, mặc áo choàng lông, vẫy thần dân từ trên ban công của một lâu đài, trong khi đó nữ hoàng Anh bé tí đứng ở một góc nói vào điện thoại “Bảo vệ đâu, chúng ta bị
chiếm nhà!” David Marshall viết: “Các ngôi sao là hiện thân cho sự đắc thắng của đám đông.”
Ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, “đẳng cấp” là cái gì có thể mua được, như các quảng cáo cho gỗ lát sàn, rượu và quần lót vẫn khẳng định. Lý Nhã Kỳ lớn lên trong một xóm nhỏ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đàm Vĩnh Hưng làm nghề hớt tóc khi còn nhỏ, và Ngọc Trinh bắt đầu sự nghiệp bằng một chân Promotion Girl, và vẫn nói “xì pa” thay cho spa. Những tiểu sử này là những bài ca cho chủ nghĩa cá nhân, một điểm cơ bản trong ý thức hệ phương Tây, mà sự nổi tiếng được coi là đích đến.
Xuất phát từ bình dân, nhưng các ngôi sao đã trở thành tầng lớp elite mới. Họ xuất hiện khắp mọi nơi, các phát ngôn của họ được theo dõi sát sao, thuật lại nhiều lần và bình luận tỉ mỉ. Khi các hoa
hậu đi thăm người ốm, họ đeo băng ren quanh ngực và đội vương miện, trang trọng như khi vua chúa đi thị sát ngày xưa.
Lệ Rơi hay Bà Tưng là những đại diện mới nhất của những người “nổi tiếng bình dân” này, và đặc điểm của họ là không nổi tiếng vì đã đạt được những thành tựu nào đó trong khoa học, nghệ thuật hay thể thao, vì dũng cảm trong chiến tranh hay là tấm gương đạo đức trong khủng hoảng xã hội. Họ nổi tiếng vì được nhiều người biết tới. Không cần tới yếu tố tài năng thiên bẩm cộng khổ luyện nhiều năm, chỉ cần đi qua cỗ máy truyền thông và giải trí để được đóng gói, dán nhãn, đánh bóng và quảng bá. Đôi khi, chỉ cần một vòng một ấn tượng và một bộ đồng phục y tá. Thậm chí, sự thiếu vắng tài năng có thể được sử dụng như một chiến lược. Cái “bất tài” của Lệ Rơi làm anh nổi tiếng và cho phép anh bước vào làng show biz, mở công ty truyền thông, làm chủ chuỗi nhà hàng, vì nó được nhìn như một dấu hiệu của cái thật, cái thực.
Danh tiếng của các sao được xây dựng chủ yếu bởi những sắp đặt của truyền thông, những “sự kiện giả” , theo chữ của học giả Daniel Boorstin. Những “phi sự kiện” này không chủ đích đem lại một nội dung văn hóa hay xã hội nào, ngoài việc để người nổi tiếng xuất hiện, phục vụ cho một cuộc làm ăn thuần túy. Một “hot
girl” mặc áo Manchester United lên K+ “bình luận” về bóng đá. Lệ Rơi lên chương trình Cuộc sống thường ngày của VTV1 vào cuối năm 2014. Có thể nói đây là một cột mốc quan trọng của truyền thông Việt Nam. Bộ máy này đã sẵn sàng nhập cuộc, và có lẽ nó đang ngày đêm cầu nguyện để có được một Kim Kardashian hay một Paris Hilton phiên bản Việt. Có nhiều ý kiến phản đối việc Lệ Rơi lên VTV1, nhưng tôi tiên đoán rằng sự kháng cự này sẽ không kéo dài được lâu. Giá trị của một ngôi sao không được đo bởi đóng góp của họ cho xã hội và cộng đồng, mà được đo bởi số lượng người theo dõi họ.
Từ nổi tiếng qua tai tiếng tới khét tiếng, với truyền thông, chúng có giá trị như nhau. Tội phạm cũng có thể trở thành celebrity “chính hiệu”. Người ta dành cho sát thủ Lê Văn Luyện nhiều mực in và sự chú ý như cho một ngôi sao ca nhạc - với công chúng, họ đều là một nhân tố bí ẩn. Ô danh cũng là danh. Ở phương Tây, nhiều tử tù nhận được vô số thư tình và lời cầu hôn. Tội phạm có thể trở thành ngôi sao, mà khi ngôi sao trở thành tội phạm thì còn thu hút view kinh khủng hơn nữa. Phiên tòa xử Michael Jackson năm 2005 làm cuộc sống công cộng toàn cầu tê liệt.
Vì sao các sao hấp dẫn? Họ là màn ảnh để công chúng chiếu lên đó các giấc mơ, các khao khát của mình. Với đàn ông Việt, Ngọc Trinh vừa là siêu người mẫu vừa như cô bé nhà bên, vừa là người tình búp bê vừa là công chúa hiện đại, vừa Á Đông vừa phá cách, vừa tự do vừa phục tùng, vừa rẻ tiền vừa dũng cảm, vừa bóng bẩy vừa thật thà. Phụ nữ Việt nhìn Ngọc Trinh vừa ghen tị vừa lo ngại, vừa kinh ngạc vừa tò mò, vừa ngưỡng mộ vừa khinh thị. Nhưng dù yêu hay ghét, người ta không thể rời mắt khỏi nhất cử nhất động của cô.
Theo Stephen Gundle, sức hút của các ngôi sao tới từ chỗ họ thể hiện những phẩm chất mâu thuẫn: một sự lịch lãm không đứng đắn, một thái độ cao sang gần gũi, một cảm giác elite dân chủ.
Mang trong mình những mâu thuẫn này, họ như một lời hứa cho một xã hội đầy ắp cơ hội, trong đó mọi người sẽ được chuyển hóa thành
những phiên bản hay hơn, hấp dẫn hơn, giàu có hơn của chính bản thân mình.
Các ngôi sao khoác trên mình glamour. Không có một khái niệm Việt tương đương, nó là tổng hợp của hào nhoáng, rực rỡ, lộng lẫy, lôi cuốn và hoành tráng. Với triết lý gỗ không quan trọng, nước sơn quyết định tất cả, nó khơi dậy khao khát. Hình ảnh của các sao là cầu nối dẫn người ta tới một thế giới long lanh, phiêu lưu, phấn khích và hồi hộp, không buồn chán, bụi bặm và mòn mỏi như cuộc đời thực. Đầu tư tình cảm vào mối quan hệ một chiều với các sao, các fan dường như nhờ họ sống cho mình, sống hộ mình.
Các sao cũng là những biểu tượng văn hóa, là loa phát của những trào lưu mới, là địa hạt cũ mới giao tranh. Phát ngôn “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” của Ngọc Trinh, cái hôn khóa môi nhà sư của Đàm Vĩnh Hưng, Bà Tưng không mặc áo lót, tất cả là thách thức với những kiến lập cũ, là cố gắng đập vỡ truyền thống và chuẩn mực cũ. Chúng cung cấp chất liệu cho những lời đàm tiếu để nuôi dưỡng quyền lực văn hóa của các sao. Theo Graeme Turner, những câu chuyện “buôn dưa lê” là một quá trình xã hội quan trọng để người ta tranh cãi, đánh giá và thay đổi căn tính và chuẩn mực xã hội. Thông qua chúng, các ngôi sao tác động vào quá trình hình thành bản sắc cá nhân của các thành viên trong đám đông.
Trong thời đại mà các thánh thần như Bà Chúa Kho được đối xử như sao, thì các sao cũng trở thành thánh thần. Khán giả lên sân khấu chắp tay lạy Mỹ Linh. Một fan thổ lộ với Ngọc Trinh: “Em nguyện làm một con chó của chị cũng được.” Các bảo
tàng sáp Madame Tussaud được lập ra để thỏa mãn nhu cầu gần gũi thần tượng của những người mộ đạo. Chris Rojek cho rằng khoảng trống gây ra bởi sự suy tàn của tôn giáo được lấp đầy một phần bởi văn hóa ngôi sao. Sau Chúa, các ngôi sao đã trở thành một trong những trụ cột chính đem lại cảm giác thuộc về, cảm giác gắn bó cho các thành viên của một xã hội thế tục. Không phải lý tưởng hay niềm tin, mà chính mối quan tâm tới kiểu ngủ
giạng chân của Kỳ Duyên mới là điểm chung, có thể là duy nhất, giữa người giàu và người nghèo, trí thức và nông dân trong xã hội..
Mỗi ngôi sao có hai con người, con người riêng tư và con người công cộng, và giữa chúng thường có một khoảng cách khổng lồ. Bộ mặt công cộng của các ngôi sao không thuộc về họ, mà được cấu thành với sự tham gia của công chúng. Mặt khác, công chúng lại khước từ quyền được là con người riêng tư của các sao, trong khi vẫn tìm tới các chi tiết đời tư của họ như một cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa mình và thần tượng.
Công chúng vô thức hiểu được rằng mình sở hữu các ngôi sao, không có công chúng thì không có sao. Chính vì thế đám đông có thể thất vọng và nổi giận khi phát hiện ra ngôi sao không sống đúng với kỳ vọng của mình. Trong con mắt các “mẹ bỉm sữa” , Hồ Ngọc Hà đã phản bội. Họ không cho phép cô tụt xuống khỏi cái bệ mà họ đã đặt cô lên.
Danh vọng luôn quyến rũ, như ánh sáng quyến rũ thiêu thân.
Nổi danh cho con người ảo giác rằng họ bất tử. “Danh tiếng cầm tù thánh thần và con người,” sử gia Hy Lạp Heraclitus viết. Ba ngày trước khi nghệ sĩ Andy Warhol chết, ông ta còn hỏi tiếp tân để được khẳng định là không có ai nổi tiếng khác đang nằm cùng viện.
Trong cuốn Những kẻ nghiện danh, tác giả Jake Halpern để một diễn viên già đang sống trong một trại dưỡng lão của Hollywood kể lại: “Sự nổi tiếng giống như một người tình. Anh cố gắng bỏ đi, nhưng người tình luôn nói: ‘Hãy quay lại đi, hãy thử một lần nữa. ’
Anh thề thốt sẽ dứt áo ra đi, nhưng sự cám dỗ của người tình luôn ở đó.”
Hơn ai hết, các ngôi sao hiểu rằng họ cũng chỉ là vật tế lễ cho thị trường. Nếu họ được coi là thần thánh thì tôn giáo mà họ đại diện là chủ nghĩa tiêu dùng, và bản thân họ là những mặt hàng có hạn sử dụng. Giống như sao băng, họ tàn lụi cũng nhanh chóng như khi lên ngôi. Ngọc Trinh thể hiện bi kịch này rõ nhất qua tâm sự:
“Tôi chỉ sợ mình xấu đi.” Thị trường luôn tái tạo các ngôi sao để thổi gió vào ngọn lửa khao khát tuổi trẻ, sắc đẹp và sự hào nhoáng của đám đông. Và đám đông sẽ vô tư quên họ đi khi họ già, yếu, cô đơn và hết thiêng như những đạo cụ ảo thuật nằm dưới ánh nắng ban ngày.
Tháng Sáu 2015 .
VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH :
“Chúa Trời đứng một mình - nhưng Quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể.”
Henry David Thoreau “Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng,” nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17. Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt. Từ cãi vã hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.
Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận. Trong một thí nghiệm của trường Đại học Virginia, Mỹ, những người tham gia được yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả, ngoài một cái nút. Nếu bấm nút, họ sẽ bị
điện giật. Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng. Nhưng với nhiều người, nó là một cực hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân, chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ giật, và ai cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.
Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình.” Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ. Không cần phải đợi về tới nhà để bật ti vi lên nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên
màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội. Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn. Xác họ
ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy trong đám đông nhốn nháo trên mạng. Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ, giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block. Trên mạng, con
khỉ tâm trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.
Con nguời hiện đại không biết phải làm gì với chính mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán, thì chúng ta có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác.
Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương, hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ. Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng, và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình. Không trực tiếp làm chết người như
đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình vào chân tường, cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh:
“Đừng cho tôi thêm gì nữa. Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên.”
Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn là khước từ thức ăn và tình dục. Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn. Ai cũng có công chúng.
Câu của Andy Warhol: “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15
người”. Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng, là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng
định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm, lên bàn -
chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại. Trên Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.
Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh “sợ bị bỏ lỡ”. Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong, điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại. Biết đâu vừa có chuyện gì mới xảy ra, ta không thể vắng mặt. Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: học giả thơm hoa hậu, người mẫu ngủ giạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng ly kỳ nối đuôi nhau.
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.
Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ
khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới. Thay vì bình tâm ngắm một hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn tìm một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn. Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo. Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web. Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.
Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực nhất. Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn” , nhiều lời khen. Thực tế không quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này. Đứng trước bức Mona Lisa ở bảo tàng Louvre, Paris, tất cả các du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình. Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử. Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.
Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác. Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post
là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc. Ý
nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.
Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh. Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.
“Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh. Không chỉ đơn giản là “Không làm điều xấu” , mà cụ thể là “Không đi theo đám đông để làm điều xấu”. Trong một loạt các thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng - một bài tập cho trẻ con. Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai, thì trong tới 30% trường hợp, người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông. Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo. Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn người Mỹ ở thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm những ý kiến của họ.”
Đứng một mình không dễ. Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé.
Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ 19
Henry David Thorau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc đẩu, hay một ngọn gió Nam, hay một cơn mưa tháng Tư, hay băng tan tháng Giêng.”
Cuối cùng, một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh. Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn. Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.
Tháng Bảy 2015 .
RỒI TẤT CẢ SẼ TRỞ THÀNH ĐỒ SƠN :
Cái tát hữu hình của bàn tay vô hình Quốc gia có tỉ phú đô la, nên vui hay buồn?
“Những nguời khốn khổ” ở Tiên Lãng Tử tù sinh con: quyền hay đặc ân?
Đừng “làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau” !
Đầu tháng Ba vừa rồi, báo chí đăng tin ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, tiếp tục được tạp chí quốc tế Forbes “vinh danh” trong danh sách tỉ phú đô la toàn cầu. Năm 2013, ông Vượng, lần đầu tiên, và là người Việt duy nhất, lọt vào danh sách này, và năm nay, ông vẫn vững vàng bảo vệ vị trí của mình, tuy rằng chỉ khiêm nhường nằm trong nhóm phần ba cuối bảng của 1645 người giàu có nhất hành tinh.
Chữ “vinh danh” mà báo chí dùng, cũng như các comment trên mạng về “người con ưu tú” làm “rạng danh đất nước” cho thấy có một niềm tự hào không nhỏ của người Việt về việc này. Có thể hiểu được lý do của niềm tự hào ấy. Nhiều người hẳn vẫn còn bị ám ảnh bởi khẩu hiệu Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu của những năm 1980s bao cấp. Trong khi theo đuổi viễn tưởng về một xã hội bình đẳng, thỏa mãn mọi ham muốn và nhu cầu của con người, trên thực tế người ta đã tạo ra một xã hội mà trong đó,
giáo sư, nông dân, bác sĩ, công nhân, và nghệ sĩ đều nghèo như nhau.
Xuất thân từ tỉnh nghèo Hà Tĩnh, và đi học ngành địa chất không liên quan gì tới kinh doanh, con đường của ông Vượng từ mì tôm tới bất động sản là chất liệu cho giấc mơ mới của người Việt, một minh chứng cho việc người ta được phép giàu và có thể giàu. Sau nhiều năm xấu hổ vì bị coi là nghèo, hèn và kém cỏi, làm lòng tự trọng bị xây xước nghiêm trọng, người ta muốn tìm những dấu hiệu để an ủi bản thân về giá trị của mình: một cúp vô địch bóng đá khu vực (đã có) , một hoa hậu tầm quốc tế (chưa có) , hay một tỉ phú đô la (cuối cùng cũng có).
Nhưng chúng ta hãy tự hỏi thực ra có gì để tự hào trong chuyện này? Trung Quốc có tới 152 tỉ phú, xếp thứ hai trong danh sách về con số tuyệt đối, chỉ sau Mỹ. Nga cũng đóng góp 111 tỉ phú, một tỉ lệ trên đầu người cao hơn nhiều nước Tây Âu phát triển khác. Có thực sự hai quốc gia này là những nước trọng người tài, có thượng tôn pháp luật, hệ thống quản trị quốc gia minh bạch và sạch sẽ, tức là những nền tảng cơ bản để người dân có thể làm giàu một cách chính đáng? Nigeria có 4 tỉ phú, Ai Cập có 8, Kazahkstan có 5.
Đây là những mô hình chúng ta muốn noi theo? Liệu số lượng tỉ phú có thể làm thước đo thành công cho sự phát triển của một quốc gia? Tôi không nghĩ vậy.
Nếu có một điều mà câu chuyện tỉ phú này có thể nói với chúng ta thì đó là ngày nay sự phân hóa giàu nghèo đã lên tới mức bất an. Nhưng trước khi đi tiếp, chúng ta hãy dừng lại một chút để chuẩn bị tinh thần. 1 tỉ là một con số trừu tượng, có thể hình dung ra
nó như thế nào? Người ta có thể làm gì với 1 tỉ đô la? Thu nhập trung bình của người Việt hiện nay là gần 2.000 USD
một năm. Nhưng ta không lấy con số này, mà hãy lấy hẳn một người ở thành phố lớn, được học hành, đào tạo tốt, và có thu nhập cao gấp 10 lần mức trung bình của toàn quốc, tức là 20.000 USD
một năm (bằng tới hai phần ba mức thu nhập trung bình của người Mỹ). Và cứ cho là con người giỏi giang và may mắn ấy có thể tiết kiệm được toàn bộ số tiền này, mà không phải tiêu xài gì cả. Vậy anh ta sẽ phải làm việc trong bao nhiêu năm để tích lũy được 1 tỉ USD? Câu trả lời là 50.000 năm. Hay là hơn 1.200 thế hệ, nếu mỗi thế hệ có 40 năm để lao động.
Đây là một ví dụ nữa, sau khi bạn đã phục hồi khỏi cơn choáng.
Hình dung ra một khách sạn xa xỉ, chúng ta vẫn nghĩ tới mức giá vài trăm đô la một đêm. Ít người biết rằng ở những nơi như Burj Al Arab, khách sạn có hình cánh buồm ở Dubai, thu nhập 20.000
USD mỗi năm của người nói trên chỉ đủ để trả tiền phòng cho một đêm. Thế còn với 1 tỉ USD, bạn có thể ngủ bao nhiêu đêm ở đây?
144 năm và mấy tháng lẻ.
Chênh lệch giàu nghèo đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Trên thực tế, trong nhóm những quốc gia có chênh lệch khủng khiếp nhất có đủ các loại: giàu như Mỹ, thu nhập trung bình như Brazil, hay khốn khổ như Zimbabwe.
Ở Mỹ, năm 2011, gần một nửa dân số không có tài sản gì cả (tức là họ có mức nợ cao hơn sở hữu của cải của mình) , trong khi đó, 1% những người giàu nhất sở hữu trên 35% tổng tài sản của quốc gia này. Ở Việt Nam, nếu lấy số liệu của công ty Wealth-X/UBS làm cơ sở thì năm 2013,195 người siêu giàu (“siêu giàu” được công ty này định nghĩa là có trên 30 triệu USD) sở hữu tổng cộng 20 tỷ USD, bằng hơn nửa GDP của toàn bộ TP. Hồ Chí Minh, và bằng 12% tổng sản lượng quốc gia.
Đầu năm nay, Oxfam, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và phát triển của Anh, công bố một con số gây sốc: 85 cá nhân giàu nhất thế giới, nghĩa là một nhóm người nhét vừa đủ vào một xe buýt hai tầng, có tài sản bằng tài sản của một nửa dân số toàn cầu.
Cũng theo Oxfam, riêng phần gia tăng của cải trong năm qua của 100 tỉ phú giàu nhất thế giới đã đủ để xóa sổ sự nghèo đói trên toàn
bộ hành tinh này tới bốn lần.
Trước tình hình này, Báo cáo rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos năm 2013 đã đưa bất bình đẳng trong thu nhập vào danh sách những rủi ro toàn cầu nguy cấp nhất. Theo một khảo sát của Gallup, hai phần ba người dân Mỹ bất bình về tình trạng phân bổ của cải hiện nay ở nước họ. Trong một diễn văn đầu năm nay, tổng thống Obama cho rằng chênh lệch thu nhập còn đe dọa nền kinh tế Mỹ hơn cả vấn đề thâm hụt ngân sách. Mùa hè năm ngoái, The Guardian, một tờ báo lớn của Anh, tổ chức một tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia kinh tế và phát triển hàng đầu và chạy tít Chúng ta có nên tìm cách xóa bỏ giàu có quá mức thay vì xóa bỏ nghèo đói cùng cực?
Nhưng vì sao giàu có quá mức (khái niệm tiếng Anh được dùng hiện nay là “extreme wealth” ) , kể cả khi nó được tạo ra một cách hợp pháp, lại trở thành mối nguy trong con mắt các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế quốc tế, những người chắc chắn không đi theo chủ nghĩa Marx? Xã hội sẽ phải trả giá gì cho tình trạng phân hóa giàu nghèo cực đoan?
Không ai phủ nhận việc chênh lệch giàu nghèo ở một mức nhất định nào đó trong xã hội là tự nhiên, thậm chí là cần thiết. Tự nhiên, vì tài năng, sức khỏe, sự chăm chỉ và may mắn được phân bổ không đồng đều giữa các thành viên trong xã hội. Cần thiết, bởi nó là động lực thúc đẩy và ban thưởng cho những người sáng tạo, chăm chỉ và chấp nhận rủi ro. Nông dân trong các hợp tác xã thời bao cấp không ra đồng bởi họ thấy có cố gắng cũng chẳng được gì hơn nguời khác.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo quá mức, được thể hiện qua các ví dụ ở trên, đang bắt xã hội phải trả những giá đắt.
CHÊNH LỆCH GIÀU NGHÈO QUÁ MỨC CÓ HẠI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ :
Phân hóa giàu nghèo quá mức dẫn tới một nền kinh tế kém hiệu quả. Khi nguồn vốn và tài nguyên chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ, sức mua trong xã hội, và qua đó, tăng trưởng kinh tế, bị kìm hãm.
Thêm nữa, phần tăng trưởng đã ít ỏi này lại chủ yếu chảy vào túi những người vốn đã giàu, tiếp tục vòng xoáy trôn ốc phân hóa.
Ngược lại, nếu tiền được chia đều hơn trong xã hội, khả năng chi tiêu của xã hội sẽ được nâng lên, dẫn tới tăng trưởng và làm giảm phân hóa giàu nghèo.
Gần đây nhất, các nhà kinh tế học Berg và Ostry chỉ ra rằng thể chế chính trị, tự do thương mại và bình đẳng trong thu nhập là ba yếu tố quan trọng nhất có thể kéo dài các giai đoạn tăng trưởng của một nền kinh tế (một giai đoạn tăng trưởng thường nằm kẹp giữa hai giai đoạn trì trệ). Theo các tác giả, phân hóa thu nhập cao sẽ khuếch đại các nguy cơ khủng hoảng tài chính, xua đuổi các nhà đầu tư, và gây khó khăn cho chính phủ khi cần đưa ra các chính sách đối phó với các cú sốc kinh tế.
CHÊNH LỆCH GIÀU NGHÈO QUÁ MỨC ĂN MÒN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ :
Tiền bạc là sức mạnh. Tiền bạc tập trung đem lại quyền lực tập trung cho các nhóm lợi ích. Phân hóa giàu nghèo quá mức sẽ ăn mòn tính dân chủ và xâm hại tới hệ thống quản trị nhà nước, bởi khi đó tiếng nói của một số đông dân chúng bị ra rìa.
Đặc trưng của các nhóm lợi ích là tìm kiếm đặc lợi (“rent seeking” ) , một hành vi khéo léo, nằm trong bóng tối, nhằm “vặt lông con ngỗng để làm sao có được nhiều lông nhất, trong khi làm ngỗng kêu ít nhất”. Các ví dụ kinh điển của nghệ thuật vặt lông ngỗng này là tác động chính sách để chính phủ bảo vệ độc quyền, bán sản phẩm và dịch vụ cho chính phủ và công chúng với mức giá cao, tiếp cận được nguồn lực công như đất đai hay khoáng sản với giá thấp hơn thị trường. Tìm kiếm đặc lợi không chỉ hay xảy ra ở các quốc gia nhiều tham nhũng và không có thượng tôn pháp luật, mà cả ở các nước phát triển, như đã được nêu trong cuốn Cái giá của sự bất bình đẳng của Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel năm 2001.
CHÊNH LỆCH GIÀU NGHÈO QUÁ MỨC PHÁ HỦY GẮN KẾT XÃ HỘI :
Hai tác giả Wilkinson và Pickett đã so sánh giữa các quốc gia phát triển, cũng như giữa 50 bang của Mỹ, để chỉ ra rằng các vấn đề xã hội hiện đại như bệnh tật, tội phạm, đời sống cộng đồng rời rạc, thiếu niên mang thai v. v... xảy ra nhiều hơn ở những nơi có mức bất bình đẳng cao hơn. Điều đó cũng giải thích vì sao so với các quốc gia phát triển khác thì Mỹ có tuổi thọ trung bình thấp hơn và nhiều nhà tù hơn. Theo Robert Putnam, sự gia tăng bất bình đẳng trong năm thập kỷ qua là một trong những lý do chính phá hủy vốn xã hội, sự gắn kết và tính cộng đồng trong xã hội Mỹ ngày nay.
Phân hóa giàu nghèo tạo ra cảm giác bất công. Chỉ cần nhìn vào xuất thân của các sinh viên Trung Quốc đang theo học ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ thì có thể thấy giới nào đang có lợi thế trong cuộc đua xã hội, để rồi thế hệ qua thế hệ, ngày càng đào sâu cái hố phân cách.
Nhưng ngay cả người giàu cũng không được sống yên ổn trong một xã hội phân hóa cực đoan. Bất công là nguồn gốc của bạo lực.
Ở Nam Phi, các biệt thự đều có dây thép gai vây kín chung quanh, trở thành những nhà tù cao cấp. Ở Trung Quốc, dịch vụ đào tạo vệ sĩ cho những gia đình giàu có đang bùng nổ. Ở Mỹ và các nước phương Tây, phong trào Chúng ta là 99% và Occupy cho thấy
đám đông đang thực sự nổi giận.
Trước những vấn đề này, các quốc gia đã bắt đầu hành động.
Cuối 2013, tòa án tối cao Pháp thông qua mức thuế 75% cho tất cả các thu nhập vượt 1 triệu Euro một năm. EU ban hành một điều luật giới hạn mức thưởng ở các ngân hàng chỉ được tối đa bằng hai lần mức lương. Đầu năm 2013, 68% người dân Thụy Sĩ bỏ phiếu cho phép các cổ đông có quyền hạn chế mức lương và thưởng của lãnh đạo công ty. Tổ chức nhân đạo Oxfam của Anh kêu gọi chấm dứt “nạn” giàu có quá mức vào năm 2025
- trong một thế giới với nguồn lực hữu hạn, nghèo đói chỉ có thể được giải quyết nếu chênh lệch giàu nghèo cực đoan được chấm dứt.
Sau gần 80 năm, phát biểu của tổng thống Roosevelt vào năm 1936 vẫn còn nguyên tính thời sự: “Sự bình đẳng chính trị mà chúng ta giành được đã vô nghĩa trước sự bất bình đẳng kinh tế.
Một nhóm nhỏ gần như hoàn toàn nắm trong tay việc kiểm soát tài sản của người khác, tiền của người khác, sức lao động của người khác - cuộc sống của người khác. Với nhiều người trong chúng ta, cuộc sống không còn tự do nữa, sự giải phóng không còn thực sự nữa, người dân không còn có thể mưu cầu hạnh phúc.”
Và vì vậy, thay cho tự hào vì đã có tỉ phú đô la, chúng ta hãy cố gắng để có thể tự hào về mức tăng tuổi thọ trung bình hay số lượng trẻ em tới trường.
Trước khi Việt Nam có thể cải thiện các thể chế của mình và diệt trừ tham nhũng để đem lại công bằng và cơ hội cho số đông, về phần mình, ông Phạm Nhật Vượng và những đại gia Việt Nam khác có thể suy nghĩ để học tập Bill Gates hay Warren Buffet trong việc trao tặng của cải. Bởi vì kể cả ngày nào cũng ngủ ở khách sạn Burj Al Arab thì tới mấy đời cũng chẳng thể nào tiêu hết tài sản.
Mặt khác, để tới lúc phải chăng dây thép gai dẫn điện quanh dinh thự, và thuê hàng đại đội vệ sĩ đưa con đi học, thì lúc đó đêm đêm ngủ trên cái giường, dẫu 7 tỉ hay 70 tỉ, cũng chẳng sung sướng gì.
Tháng Ba 2014 .
“NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ” Ở TIÊN LÃNG : Jean Valjean, nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, nhận án tù năm năm vì ăn cắp một ổ bánh mì cho mấy đứa cháu.
Dường như chúng ta cần một Victor Hugo mới để viết Những người khốn khổ của Việt Nam năm 2014.
Vào một buổi sáng đầu tuần tháng Chín năm ngoái, ba thanh thiếu niên Thành, Hùng, Thịnh đèo nhau trên một chiếc xe máy ra đường liên huyện của Tiên Lãng, Hải Phòng, để trêu gẹo con gái.
Trên đường, nhóm này rủ thêm Lộc, đang cuốc bộ đi học, lên xe, thành din bốn cầu. Cả bốn đều là các thanh thiếu niên nhà nông, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 16.
Đó là giờ học sinh tới trường. Nạn nhân đầu tiên của bộ tứ nghịch ngợm là một nữ sinh. Thành áp sát vào xe đạp của cô này rồi giật chiếc mũ vải cô đang đội trên đầu. Đi thêm một đoạn, Thành lại giật một chiếc nón lá để ở giỏ xe đạp của một nữ sinh khác.
Tới đây thì các nguồn tin không thống nhất. Theo lời kể của các thủ phạm với báo chí, ngay sau đó, có hai người mặc thường phục đi xe máy vọt lên, xưng là công an, dùng dùi cui và còng số tám khống chế, bắt Thành đưa đi cùng chiếc xe máy, còn Hùng, Lộc, Thịnh đi bộ về. Chiều hôm sau, Hùng và Lộc bị công an xã bắt.
Sáng hôm sau nữa, Thịnh bị công an huyện giữ để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, theo phiên bản bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lãng thì bốn ngày sau cái ngày thứ Hai định mệnh đó, cả bốn thủ phạm tự dẫn thân tới công an huyện để đầu thú và giao nộp vật chứng là mũ và nón.
Tuy không nhất quán trong việc các “tội phạm” được các chiến sĩ công an nhanh chóng truy bắt hay tự ra đầu thú, nhưng các nguồn tin đều thống nhất về giá trị của hai tang chứng trong vụ cướp giật liên hoàn. “Một mũ vải màu trắng đã qua sử dụng có giá 30 nghìn đồng; một nón lá cọ, màu vàng nhạt, quai nón màu hồng đã qua sử dụng có giá 30 nghìn đồng” , Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận.
Với sự khẩn trương mẫu mực, chỉ mười ngày sau khi xảy ra vụ việc, công an huyện Tiên Lãng khởi tố. Thành bị bắt tạm giam từ đó tới
nay, Lộc được tại ngoại sau thời gian tạm giữ, Hùng và Thịnh cũng được tại ngoại sau ba tháng tạm giam.
Vị thẩm phán của tòa sơ thẩm Tiên Lãng hẳn phải làm cho Javert, tay thanh tra sắt đá và trung thành với pháp luật, người đã dành 19 năm để đưa Jean Valjean ra vành móng ngựa, kính nể.
Đầu tháng Tư vừa rồi, tòa buộc tội bốn bị cáo đã “dùng thủ đoạn nguy hiểm, nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát” , và “gây tác động nặng nề tới xã hội.”
Chữ “nhanh chóng” được dùng tới ba lần trong một câu của bản án, giúp người ta thấy sự quyết liệt và uyển chuyển của một chiếc xe máy chở bốn thanh niên, thâm hiểm chực tìm cơ hội để nhảy bổ vào đám nữ sinh áo trắng đang thong dong đạp xe tới trường.
Ngoài ra, các thủ phạm còn “chia nhau sử dụng” các vật phẩm cướp được, bản án cũng cho biết. Tôi cố gắng hình dung: hai đứa dùng chung cái mũ vải nữ, còn hai đứa kia thay nhau đội cái nón lá? Liệu chúng có cãi nhau và tranh giành xem đứa nào được đội mũ màu trắng và đứa nào phải dùng cái nón vàng nhạt có quai màu hồng? Bỏ phiếu dân chủ hay cậu lớn tuổi nhất sẽ ra quyết định? Thế còn “tác động nặng nề tới xã hội” ? Cứ theo đánh giá của tòa thì hẳn là sau vụ này cả mấy xã của huyện run sợ, các nữ sinh không dám đội mũ khi ra đường, hoặc chỉ dám đội mũ khi có bạn trai đi kèm, bản thân hai nạn nhân thì chắc bị dư chấn của sợ hãi kéo dài, cộng đồng hoang mang, bất an.
Và thế là, để có “tác dụng tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm” , tòa tuyên án Thành 36 tháng tù, Thịnh 22 tháng tù, Hùng và Lộc cùng 18 tháng tù, tổng cộng 94 tháng tù giam. Quả nhiên, “tác động nặng nề tới xã hội” đã xảy ra, nhưng lại là do chính bản án đem lại: người dân xôn xao, ngơ ngác, báo chí vào cuộc, hai nữ sinh mất mũ viết đơn xin giảm tội cho các thủ phạm, giải thích rằng “đây chỉ là trò trêu đùa nam nữ, không phải cướp giật” , chính quyền địa phương, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lên tiếng xác nhận nhân thân tốt và tư cách của bốn cậu.
Nhưng cỗ xe công lý có con đường đi riêng của mình, nó nhìn thấy tội phạm ở chỗ mà xã hội không nhìn thấy.
Việt Nam không có tư pháp vị thành niên, và cái đáng sợ của hệ thống thể hiện ở chỗ nó coi những người vi phạm trẻ tuổi như người lớn. (Chắc ai cũng đồng ý một người đàn ông trung niên giật mũ trêu ghẹo một nữ sinh là một câu chuyện khác hẳn). Ở các nước phát triển, tư pháp vị thành niên hoạt động dựa trên ba mục tiêu chính: ngăn ngừa tái vi phạm, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu tới tương lai của người phạm luật, và hỗ trợ người vi phạm tái hòa nhập cộng đồng.
Trong những trường hợp như trường hợp này, án treo, phạt hành chính, hay lao động công ích là những hình thức quá đủ để ngăn ngừa thanh thiếu niên không tái phạm. Đi ngược lại các mục tiêu nêu trên, sự trừng phạt hung dữ của tòa làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học hành, tìm kiếm công ăn việc làm, dự định gia nhập quân ngũ (trong trường hợp của Thành) , và tương lai nói chung của bốn đứa trẻ, và có nguy cơ biến chúng từ những cá thể đang sống yên ổn trong cộng đồng của mình thành những kẻ bị đóng dấu là “vào tù ra tội”.
Ra tù, Jean Valjean trở thành lưu manh chính hiệu. May mắn cho anh, anh được cải hóa sau khi gặp một linh mục, người đã bảo vệ anh bằng cách nói với cảnh sát là cái chân nến bằng bạc anh ăn cắp của nhà thờ là được tặng. Không rõ khả năng nào thì cao hơn: khả năng bốn đứa trẻ Tiên Lãng cũng gặp may như Jean Valjean, hay khả năng án tù biến chúng trở thành các Chí Phèo mới?
Nhưng, câu hỏi này cũng sẽ không nằm trong mối quan tâm của cỗ xe công lý.
Tháng Năm 2014 .
TỬ TÙ SINH CON: QUYỀN HAY ĐẶC ÂN?
Nhà tù được thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ bốn mục đích. Mục đích ngăn ngừa - phạm nhân bị giam trong tù sẽ không có cơ hội tiếp tục làm những hành động trái pháp luật. Mục đích trừng phạt, những người tin vào công lý trừng phạt (retributive
justice) cho rằng tội ác phải bị trừng trị. Tù nhân phải nhận hình phạt vì đã gây ra tổn thất cho xã hội, và mức độ trừng phạt phải tương ứng với mức độ tội ác gây ra. Đi liền với trừng phạt là mục đích phòng ngừa: nhà nước cầm tù một cá nhân phạm tội để răn đe những người khác dừng tay trước những hành động tương tự.
Và cuối cùng, nhà tù có mục đích cải huấn, thời gian trong tù được sử dụng để chuyển biến tù nhân thành một con người tôn trọng pháp luật và có ích cho cộng đồng. Cũng cùng một án tù, nhưng mục tiêu đằng sau có thể khác nhau. Một người gây án mạng bị tù chung thân vì hệ thống quyền lực cho rằng anh ta là mối đe dọa tiềm tàng cho xã hội, và do đó cần phải bị cách ly vĩnh viễn với cộng đồng. Cũng án chung thân, nhưng cho tội tham nhũng, sẽ không phải vì nguy cơ tái phạm, mà có mục đích trừng phạt và “làm gương”.
Tử hình là mức án thể hiện quyền lực cao nhất của nhà nước với một cá nhân trong lãnh thổ của nó, là hình thức răn đe và trừng phạt ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên, không phải cái chết nào cũng giống cái chết nào. Ở đây, điều quan trọng là cái chết phải được thực hiện bởi bàn tay của quyền lực nhà nước, vào thời điểm mà nó quyết định. Chính vì vậy, bộ máy trại giam làm mọi thứ để bảo đảm tử tù không thể tự sát. Nếu họ tự kết liễu đời mình, nhà nước sẽ mất đi cơ hội trừng phạt. Và cũng vì thế, người ta có thể chấp nhận chi phí, dù rất lớn, để chữa bệnh cho người bị án tử hình, giữ họ trong trạng thái khỏe mạnh, để chờ tới ngày thi hành án.
Một đặc trưng cơ bản của sự giam cầm là tù nhân bị hạn chế các quyền dân sự. Họ bị tước quyền tự do di chuyển, quyền sống với gia đình, quyền tiếp cận các cơ hội đào tạo và việc làm theo mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, tử tù khác với “cuộc sống trần trụi”
(“bare life” ) , khái niệm được triết gia Giorgio Agamben dùng cho những người sống trong trại tập trung của Phát xít Đức, hay người dân Campuchia trong thời kỳ Pol Pot, những người hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật, có thể bị kết liễu cuộc đời mà những người giết họ không bị kết tội “giết người”. Người chịu án tử hình vẫn là một chủ thể nằm trong không gian được trị vì bởi luật pháp và có
một số quyền nhất định. Quyền được chữa bệnh, như đã nói bên trên, hay quyền không bị tra tấn và ngược đãi. Ở nhiều nước trên thế giới tử tù được phép kết hôn. Ở Mỹ, có hàng chục website giúp các tử tù tìm bạn, và đã dẫn tới hàng trăm hôn nhân. Ở Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình không cấm phạm nhân kết hôn, tuy nhiên rào cản nằm ở khó khăn kỹ thuật khi triển khai, bởi quy định pháp lý hiện nay yêu cầu hai người phải cùng có mặt ở cơ quan đăng ký.
Một câu hỏi khác, cũng liên quan tới quyền của tù nhân, và đang được dư luận quan tâm là tử tù có được phép lưu giữ tinh trùng và mô phôi tinh hoàn để có con qua đường thụ tinh nhân tạo hay không? Câu hỏi này không chỉ có ý nghĩa với những tử tù, mà còn với những tù nhân lãnh án lâu năm, án chung thân, hay tù nhân đang bị bệnh nặng. Và nó dẫn tới một câu hỏi rộng hơn, nền tảng hơn: Tù nhân, bất kể đang chịu án giam có thời hạn hay án tử hình, có quyền duy trì nòi giống hay không?
Có hai luồng lập luận khác nhau. Luồng lập luận thứ nhất cho rằng để trừng phạt, trong thời gian chịu án (nghĩa là vĩnh viễn với những án chung thân và tử hình) , tù nhân bị tước quyền được có con, dù qua bất cứ hình thức nào. Không thể trở thành một người bố, đó là cái giá họ phải trả cho tội phạm của mình. Luồng lập luận đối nghịch cho rằng việc tước đoạt quyền có con của tù nhân gần như là một sự trừng phạt mang tính “chu di tam tộc” , cho dù là gián tiếp, và đi ngược với tư duy nhân đạo của xã hội hiện đại. Xã hội không có nghĩa vụ giúp tù nhân (hay bất cứ ai khác) sinh con đẻ cái, nhưng cũng không được tước đi quyền này của họ, nếu như nó không ảnh hưởng tới sự vận hành và những yêu cầu an ninh của một nhà tù.
Trên thực tế, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cho phép tù nhân gặp vợ hay chồng mình trong một không gian riêng tư (ở Việt Nam gọi là “phòng hạnh phúc” ) để họ có thể sinh hoạt vợ chồng, một biện pháp được thừa nhận là có tác động rất tốt cho tâm lý phạm nhân, cho sự gắn bó trong gia đình và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đây là một con đường tự nhiên để tù nhân có
thể trở thành bố. Tuy nhiên, vì lý do an ninh, tử tù không được có những cuộc viếng thăm “hạnh phúc” này (nguy cơ xảy ra bạo lực hay tự sát ở tử tù được cho là cao hơn nhiều, do vậy họ luôn phải nằm dưới sự giám sát của quản tù). Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, tiếp xúc vật lý giữa vợ và chồng không còn cần thiết nữa cho mong muốn có con, và tại sao các tù nhân, dù là tử tù hay không, không được gửi tinh trùng của mình ra ngoài, nếu điều này không ảnh hưởng tới an ninh của nhà tù, và các chi phí sẽ do gia đình phạm nhân gánh chịu?
Đây không phải là một câu hỏi mang tính lý thuyết, nó đã xảy ra nhiều lần trên thực tế. Ví dụ, năm 1999, William Gerber, một tù nhân thụ án chung thân ở California, Mỹ, đã kiện ra tòa vì nhà tù không cho phép anh gửi tinh trùng cho vợ. Một tòa án đã xử Gerber thắng cuộc, với lý do: “Không có bức tường nào ngăn cách giữa người tù và Hiến pháp, do đó, anh ta vẫn được giữ những quyền trong Hiến pháp phù hợp với vị thế tù nhân và không đi ngược các mục đích của hệ thống trừng giới.” Tuy nhiên, sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác lại, cho rằng quyền được duy trì nòi giống như nêu trong Hiến pháp không được áp dụng cho những người ở đằng sau chấn song sắt nhà tù. Quan điểm ở đây là những cá nhân phạm tội nặng phải từ bỏ nhiều quyền mà người dân tôn trọng pháp luật được hưởng - rõ ràng là một quan điểm của công lý trừng phạt.
Mỹ chưa bao giờ được biết tới như một quốc gia có hệ thống trừng giới tiến bộ. Việt Nam có thể chứng tỏ mình nhân đạo hơn, qua việc cho phép tù nhân được có con qua đường thụ tinh nhân tạo. Tước đoạt các quyền con người của tù nhân quá mức độ cần thiết chỉ góp phần tạo ra những con người vừa hung hãn vừa tuyệt vọng, và làm mất đi chức năng cải huấn của biện pháp cầm tù. Xa hơn một bước, Việt Nam nên xem xét lại chính sách tử hình của mình. Cho tới nay, các nghiên cứu xã hội không thể chỉ ra được tác động ngăn ngừa tội phạm của biện pháp tử hình. Giết một mạng sống như một hành động trừng trị để “bảo toàn công lý” là một ý tưởng không còn phù hợp với một nhà nước hiện đại. Thay vào đó, án chung thân là một biện pháp nhân văn hơn, ít bạo lực và
ít tàn khốc hơn, và thực hiện tốt hơn bốn mục đích của hệ thống trừng giới như đã nêu ở đầu bài.
Tháng Giêng 2014 .
ĐỪNG “LÀM GIÀU TRƯỚC, DỌN DẸP THIỆT HẠI SAU” ! Việt Nam có mức độ phát triển như thế nào, khi so với Hàn Quốc chẳng hạn? Với câu hỏi này, phản xạ đầu tiên của chúng ta là đi tìm thu nhập bình quân đầu người để so sánh. GDP trên đầu người của Hàn Quốc hiện nay là 26.000 USD, gấp 14 lần Việt Nam. (Nếu kinh tế tăng trưởng đều đặn 8% một năm, thì sau 38 năm Việt Nam sẽ đuổi kịp Hàn Quốc bây giờ).
Thật là một phép tính nhanh gọn và tiện lợi, và đó cũng là lý do vì sao một con số thống kê khô khan như GDP lại nổi tiếng rộng rãi hơn bất cứ một ngôi sao màn bạc nào. Được giới thiệu năm 1932 bởi nhà kinh tế học Simon Kuznets, nó nhanh chóng có một sự nghiệp ngoạn mục. Năm 1944, nó trở thành chuẩn mực quốc tế để đo lường một nền kinh tế. Năm 1978, bảng thống kê quốc tế đầu tiên, với số liệu từ hơn 100 nước, cho phép người ta so sánh các quốc gia với nhau, như chúng ta vừa làm giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Năm 1999, Bộ Công thương Hoa kỳ tuyên bố GDP là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Tới nay, nó vẫn là chỉ số đầu tiên và quan trọng nhất được dùng để đánh giá xem chính phủ một đất nước làm ăn thế nào.
Và đấy cũng là nguồn căn của vấn đề. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 tăng gấp rưỡi so với 2009. Nhưng bạn có thấy cuộc sống của mình tốt đẹp lên nhiều như vậy hay không? Tôi cá là không. Trong năm năm qua, có thể bạn đổi được cái xe máy, thay bộ xa lông cũ, mua một cái iPad, và cho gia đình đi chơi Singapore. Thế nhưng, so với năm năm trước, hằng ngày bạn bị hít khói lâu hơn trong cái biển xe tắc đường lúc tan tầm, cây xanh và hồ nước trong thành phố ngày một ít đi, mở báo ra thì toàn rác và kền kền rỉa xác, phong bì biếu sếp thì ngày càng phải dày lên, có việc tới cửa quan thì bị quát, ra đường thì phải khéo léo để tránh bị dùi cui của công an phang.
Như ta đã thấy, GDP không phản ánh được đầy đủ chất lượng cuộc sống, hay “mức độ phát triển”. Những vấn đề như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, bạo lực xã hội, bất công v. v... không xuất hiện trong đó. Người ta tính rằng, nếu tính đến những hủy hoại môi trường ở Trung Quốc thì hằng năm phải đánh tụt GDP
của nước này tới 3%. Luật pháp Brunei, nước giàu thứ năm trên thế giới theo thu nhập bình quân, cho phép ném đá tới chết những người đồng tính và những người ngoại tình. Ở Saudi Arabia, một quốc gia giàu có tương đương với Ý và New Zealand, phụ nữ không được phép lái ô tô, không được xuất cảnh mà không có nam giới đi kèm, và sẽ chỉ được bầu cử lần đầu vào năm 2015 tới. Bạn có muốn sống ở những quốc gia “thịnh vượng” đó không?
Càng ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng việc quá bị ám ảnh bởi GDP dẫn chúng ta tới một bế tắc trong triết lý phát triển. Cuộc chạy đua về GDP là cuộc chạy đua lạc lối. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy của Mỹ có lần phát biểu: “GDP không bao gồm vẻ đẹp của thơ ca, sự bền vững của hôn nhân, mức sắc sảo của các cuộc tranh biện, mức liêm chính của viên chức. Nó không đo được lòng dũng cảm, trí tuệ, hay cam kết của chúng ta với đất nước. Nó đo mọi thứ, trừ những gì làm cho cuộc sống này đáng sống.” Gần đây nhất, năm 2009, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel nổi tiếng Joseph Stiglitz yêu cầu chấm dứt “chủ nghĩa tôn thờ” GDP.
Nhưng điều gì làm cuộc sống này đáng sống? Theo Khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) , mức độ an sinh (well-being) của người dân không những được thể hiện qua thu nhập, sức khỏe, môi trường, giáo dục, an ninh mà còn qua chất lượng dịch vụ công và sự tham gia của người dân vào đời sống cộng đồng. “Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc” của the new economics foundation (có lẽ nổi tiếng nhất với chúng ta vì nó đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong xếp hạng, gây nhầm tưởng là người Việt hài lòng với cuộc sống vào loại nhất thế giới) được tính tỉ lệ thuận với tuổi thọ trung bình và cảm nhận của người dân về an sinh, và tỉ lệ nghịch với mức độ tiêu thụ tài nguyên của nền kinh tế. Việt Nam xếp hạng cao
vì có tuổi thọ trung bình khá cao, tương đương với Slovakia, trong khi tiêu thụ tài nguyên chỉ bằng một phần ba nước này. Cách tính này trừng phạt các nước phát triển (Mỹ xếp hạng 105! ) vì mức độ
sử dụng năng lượng của họ. Trong khi đó, mức an sinh theo cảm nhận chủ quan, tức là mức độ hài lòng với cuộc sống của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình, và bằng 2/3 của Bắc Âu. Nói vậy để thấy rằng Việt Nam xếp hạng cao ở đây không phải do người Việt “lạc quan tếu” , “dễ bằng lòng” , “buông xuôi” như một số báo chí đã bình luận trong thời gian qua, mà là do chúng ta còn chưa đi nhiều ô tô, và tuy có một cuộc đời còn nhiều bức xúc nhưng bù lại thì sống lâu.
Phong trào hướng tới hạnh phúc thay vì chạy theo tăng trưởng kinh tế đã đạt tới mức độ toàn cầu. Năm 2013, Liên Hiệp Quốc đưa ra các hướng dẫn giúp các quốc gia đo lường mức “an sinh chủ quan” của người dân, một khái niệm thường được hiểu rộng hơn “hạnh phúc” , bao gồm sự tự đánh giá về trạng thái tinh thần và tình cảm của người dân, và về “cuộc sống của mình có mục đích và ý nghĩa hay không”. Theo triết lý này, một người ngồi sau xe Lexus, nhưng cáu bẳn, lo lắng và bị xâm chiếm bởi một cảm giác trống rỗng, sẽ bị coi là bất hạnh hơn người đi xe đạp bên cạnh, tâm trạng thanh thản, và thấy những gì mình làm thật có ý nghĩa.
Đi đầu phong trào này là Bhutan. Năm 1972, vua Jigme Singye Wangchuck, lúc đó mới 17 tuổi, tuyên bố mục tiêu của mình không phải tăng trưởng GDP, mà là tăng trưởng “Tổng hạnh phúc quốc nội” - hay GNH. Để tránh hiểu lầm: Bhutan không từ chối đường nhựa, ô tô, ti vi hay Internet, và người dân ở đây không chỉ muốn ngồi khoác vai nhau trong các túp lều tranh với nét mặt rạng rỡ. Trước hết, GNH của họ bao gồm các lĩnh vực kinh điển: thu nhập, việc làm, chất lượng giáo dục, y tế và môi trường. Nhưng nó cũng đo hiệu quả của hệ thống quản trị công. Ngoài ra, đáng lưu ý nữa, nó đo sức sống của cộng đồng, bảo tồn văn hóa, và sự cân bằng trong việc sử dụng thời gian của người dân.
Chính phủ nào thì cũng cam kết hùng hồn là mình đi theo “phát triển bền vững” , nhưng trên thực tế, những cộng đồng yếu thế, văn hóa và môi trường hay phải trả giá cho các dự án phát triển kinh tế, và chỉ khi dùng một công cụ như GNH thì người ta mới có thể định lượng những trả giá này. Với triết lý phát triển mới, nếu GDP tăng nhưng GNH giảm thì chính phủ vẫn bị coi là thất bại.
Khái niệm GNH của Bhutan ngày càng có ảnh hưởng rộng rãi.
Phần lớn nội dung của nó được ứng dụng trong “Chỉ số An sinh”
của Canada. Năm ngoái, nước Anh cho ra đời ngày “Hành động vì Hạnh phúc”. Hàng loạt các thành phố Mỹ đã công bố các dự án đo lường hạnh phúc và an sinh cho cư dân của mình.
Một cuộc sống hạnh phúc, tóm lại, không phải chỉ có cơm no, áo ấm, mà là khi con người tin tưởng nhau, hàng xóm láng giềng chan hòa, thân ái, và người dân được chính quyền tôn trọng thông qua những thể chế dân chủ. Quan điểm “làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau” được thực hiện ở nhiều quốc gia trong mấy thập kỷ qua đã gây hại khôn lường. Không đâu xa, chỉ cần nhìn vào chất lượng sống xuống cấp ở các thành phố Trung Quốc và làn sóng di cư của những người khá giả ra khỏi nước này là đủ để thấy rõ tiền không mua được hạnh phúc. Khi quan hệ giữa người với người và giữa người với thiên nhiên trở nên cằn cỗi thì có ngồi trong Lexus người ta cũng chỉ là một kẻ bất hạnh.
Tháng Bảy 2014 .
VĂN HÓA KHÔNG PHẢI LÝ DO KHIẾN QUỐC GIA THẤT BẠI :
Một trong những tác động xã hội bất ngờ của giàn khoan HD981 là giống như một bác sĩ tâm lý nghiêm khắc, nó bắt người Việt quay lại truy vấn về bản thân mình, về gốc gác và bản sắc văn hóa của mình. Và khá nhanh chóng, chữ “thoát Trung” được chuyền tay nhau. Một cảm giác hưng phấn treo lơ lửng trên không và chạy rần rật trên các mạng xã hội. “Một cơ hội nghìn năm có một” , thời cơ để Việt Nam thoát khỏi cái bóng (ma) rộng lớn mang tên
Trung Quốc - nhiều người tự nhủ. Không chỉ muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng về kinh tế (ai mà chẳng muốn miếng cơm, manh áo của mình không phụ thuộc vào một kẻ duy nhất) , hay về chính trị (ai mà chẳng muốn mình không phải con rối của một quốc gia khác) , rất nhiều tiếng nói yêu cầu Việt Nam thoát Trung về văn hóa. Theo họ, khước từ văn hóa Trung Quốc, tức là khước từ gốc gác của văn hóa Việt, là điều cấp thiết nhất để Việt Nam trở nên hùng mạnh và thịnh vượng.
Là một trong những giọng nói khẩn thiết nhất, bài Thoát Trung luận của tác giả Giáp Văn Dương kêu gọi Việt Nam hướng tới phương Tây (thú vị thay, bằng văn phong của một bản hịch thời phong kiến). Bài luận phê bình việc dùng các bài khấn bằng chữ Hán trong ma chay “mặc dù người chết không đọc được lấy một chữ” , hay việc chiếu phim Trung Quốc trên ti vi. Ông Dương liệt kê ra những thói hư tật xấu mà ông cho là đặc trưng của văn hóa Trung Quốc, như “ngông nghênh coi thường chân lý” , “ếch ngồi đáy giếng” , “bằng cấp hư danh” và cho rằng do quá “nghiêm cẩn”
với “người thầy” phương Bắc của mình, nhất nhất tuân theo, mà người Việt để cho những thói hư tật xấu này hoành hành ở đất nước mình. Theo ông, đi theo những giá trị tiến bộ phương Tây là cách duy nhất để dứt bỏ “thói hành dân” , “nịnh trên lừa dưới” , “tệ chạy chức chạy quyền”.
Những người khác còn đi xa hơn, họ cho rằng đạo Khổng, với đạo lý tôn trọng tôn ti trật tự, cá nhân nằm dưới gia đình nằm dưới cộng đồng nằm dưới vua quan, chính là lý do tại sao chúng ta lại ở trong tình trạng bi đát như bây giờ. Phải đoạn tuyệt với văn hóa Khổng giáo, thay thế nó bằng chủ nghĩa tự do cá nhân, họ khẳng định. Tư tưởng của các nhà cách tân Việt Nam đầu thế kỷ 20 được lấy ra, phủi bụi, và sử dụng lại y nguyên như thể thế giới vẫn đứng im trong 100 năm qua. “Đi theo phương Tây, hay là chết” - phương châm của họ có thể tóm tắt lại như thế.
Đáng tiếc là câu chuyện không đơn giản như vậy.
Nếu ông Lý Quang Diệu có theo dõi cuộc tranh luận sôi nổi này của người Việt, hẳn ông ta phải nhăn mũi khó chịu. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông đã quảng bá không mệt mỏi cho “những giá trị châu Á” , được nuôi dưỡng chính từ những triết lý Đạo Khổng, và coi con đường cá nhân chủ nghĩa của phương Tây, đặc biệt của Mỹ, là đi vào chỗ tắc.
Ngoài ông Diệu, cơ man các công trình nghiên cứu kinh tế phát triển cũng cho rằng sự thành công của bốn con rồng Á châu (Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong) là nhờ đóng góp của văn hóa Khổng giáo: tôn trọng trật tự, kỷ luật, hy sinh cá nhân vì lợi ích tập thể. Singapore đã đưa Khổng giáo vào chương trình giáo dục phổ thông tới tận thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tức là trong toàn bộ 30 năm cất cánh của họ. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc dùng các giá trị Khổng giáo trong các khóa đào tạo lãnh đạo của mình.
Không cần tới ví dụ của các con rồng châu Á người ta cũng có thể thấy là “ngông nghênh” , “hành dân” , “tham nhũng” , “chạy chức chạy quyền” không phải đặc tính của Khổng giáo, hay của bất cứ một văn hóa nào khác, mà là đặc tính của một nền quản trị quốc gia thất bại. Thành công thì có nhiều con đường, Bắc Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á, nhưng thất bại thì bao giờ cũng có hình thù giống nhau. Tham nhũng ở Philippines cũng có hình dạng như ở Pakistan hay ở Việt Nam, cho dù văn hóa của các nước này là Công giáo, Đạo Hồi hay Khổng giáo.
Mục tiêu lớn nhất của các nhà cách tân Việt Nam đầu thế kỷ 20
là khắc phục tinh thần “dị ngoại” , nghĩa là ghét cái khác mình, của người Việt, để người Việt có thể hiểu được phương Tây, làm việc cùng phương Tây, và trở nên hiện đại như phương Tây. Việt Nam
của thế kỷ 21 nằm trọn vẹn trong một thế giới phẳng. Nhân lực, vốn tài chính, các sản phẩm văn hóa, di chuyển xuyên quốc gia theo sự điều khiển của bàn tay thị trường toàn cầu. Cách đây 100
năm, cắt móng tay, tóc húi cua, mặc áo vest, đi giày da... là những hành động mang tính biểu tượng để đưa người Việt Nam lại gần với
một nền văn minh của máy móc và công nghệ. Ngày nay, mục đích của Việt Nam là xây dựng thượng tôn pháp luật, phát triển kinh tế bền vững, đi cùng với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Cái cần phải sửa là cái ruột bên trong, chứ không phải những cái hình thức bên ngoài như ông Giáp Văn Dương lo lắng.
Bởi vì với cái thẩm mỹ của số đông u mê hiện nay, với cung cách chụp giật, câu view của các nhà đài, không có phim tập Tàu thì sẽ có phim tập Hàn, đầy ung thư, phản bội, chia ly sướt mướt, hay phim tập Việt sống sượng rẻ tiền. Cũng là nhét rác vào đầu thì có cần ưu tiên rác Việt, rác Hàn chứ không phải rác Tàu?
Bởi vì nếu hằng năm Tết đến người ta vẫn xin ông đồ chữ Nhẫn như một cái máy, mà không ai bỏ ra lấy hai phút để nghĩ xem trong năm mình đã tu tập, cảnh tỉnh bản thân thế nào, thì nếu có bỏ cái chữ Hán đó đi mà thay bằng cái gì đấy người ta có thể “đọc được” như ông Dương yêu cầu (“Keep calm” cho nó Tây? ) thì cái tờ chữ đó cũng chẳng thần kỳ biến người sở hữu nó thành một người tự chủ, đàng hoàng, bản lĩnh.
Bởi vì nếu các trường học chỉ thay cái khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” bằng “Hãy tin vào chính bạn” (một phương châm 100% Mỹ) , thì liệu vì thế nạn dạy thêm, phong bì, chạy trường chạy điểm, có bỗng dưng biến mất? Nếu thay Tết Nguyên đán bằng Lễ Noel thì người ta liệu có thôi biếu sếp phong bì, mà chuyển sang tặng ngỗng?
Ông Giáp Văn Dương và những người giống ông có đang đề nghị Việt Nam làm một cuộc cách mạng văn hóa nữa, lại đạp đổ các đền chùa miếu mạo, lại lên danh sách các “hủ tục” , phát động phong trào xây dựng “văn hóa mới” , duy lần này không phải xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” mà là “con người mới tư bản toàn cầu” ?
Tôi mong muốn được nhìn thấy các cộng đồng mà người dân đọc được các chữ Hán, chữ Nôm viết trên các chùa chiền, đình, miếu nơi mình ở, những nơi có thể biến thành các bảo tàng
cộng đồng, giúp người dân hiểu được lịch sử địa phương mình. Tôi tin vào sự quan trọng của văn hóa không bị đứt gãy, chỉ có thể có khi người dân đọc được những tư liệu cổ của nước mình. Tôi muốn Đạo Khổng được dạy trong một môi trường giáo dục có tự do ngôn luận và tự do học thuật, bên cạnh các văn hóa khác, mà không bị bắt cóc bởi các mưu đồ chính trị (như đang xảy ra ở các Viện Khổng tử tại Mỹ). Tôi muốn nhìn thấy người dân Việt Nam có đủ hiểu biết và sự dẻo dai về văn hóa để chèo lái trên biển toàn cầu hóa, để trở nên những công dân toàn cầu mà không bị tha hương về văn hóa, bị bơ vơ về bản sắc. Họ không cần phải thoát đi đâu cả.
Năm 2012, hai học giả Daron Acemoglu và James A. Robinson của MIT và Đại học Harvard cho ra đời cuốn Vì sao các quốc gia thất bại, gây tiếng vang lớn. Những người đang kêu gọi “thoát Á” , “thoát Khổng” , “thoát Trung” nên đọc cuốn này. Tôi không muốn tiết lộ câu trả lời, nhưng chỉ điều này: theo các tác giả, văn hóa không phải là lý do.
Tháng Sáu 2014 .
RỒI TẤT CẢ SẼ TRỞ THÀNH ĐỒ SƠN :
Từ sau khi đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai khánh thành, lượng khách tới Sapa tăng đột biến. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ô tô và xe khách biển số 29 và 30 chen chúc nhau nhích từng tí một trên những con phố dốc và hẹp ở trung tâm, rú ga giữ máy, bấm còi inh ỏi. Buổi tối, ở quảng trường nhà thờ, nhạc disco được mở to hết cỡ, tiếng bass làm vạt áo rung bần bật. Các buổi sáng, du khách chen lấn nhau để xuống thung lũng “tham quan” các bản, lượng iPad nhiều hơn số lợn con nằm vầy đất ven đường. Không còn nhìn thấy núi non gì nữa vì hai bên đường đã kín hàng quán bán đồ lưu niệm. Trẻ con H’mong xếp hàng đợi được phát bánh kẹo như khỉ trong sở thú. Những đứa bạo dạn hơn thì đi giật lùi trước mặt khách, chúng từ chối kẹo, chỉ nhận tiền, và đồng thanh kêu như những cái máy vô hồn, tiếng Kinh không sõi “cô cho hai nghìn, cô cho hai nghìn”. Một cộng đồng và một vùng thiên nhiên đã đánh mất nhân phẩm của mình vì du lịch.
Đi du lịch là một sở thích khá mới của người Việt. Tới tận giữa những năm 1990, Sapa vẫn còn là một thị trấn xanh, yên tĩnh và thanh bình, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Hồi đó, không có một người Kinh nào quan niệm leo lên đỉnh Phan Xi Păng là việc đáng làm, đấy là việc chỉ người H’mong “phải” làm để mưu sinh.
Cũng giống như ở phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đi du lịch của người Việt dần dần lớn mạnh khi có đủ ba yếu tố hội tụ. Thứ nhất, thu nhập đã thừa để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu. Thứ hai, quỹ thời gian rộng rãi hơn, người ta không phải đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống nữa. Thứ ba, cơ sở hạ tầng, nghĩa là phương tiện đi lại, dịch vụ khách sạn và ăn uống, đã tốt lên, để cho việc xê dịch không còn vất vả. Những yếu tố đó làm thay đổi thái độ của người dân với việc di chuyển, chuyển từ quan điểm “xểnh nhà ra thất nghiệp” tới chỗ coi việc ra khỏi nhà như một thú vui, một sự hưởng thụ. Thậm chí, để thoát khỏi cái buồn chán của cuộc sống công sở hằng ngày ở một thành phố lớn, người ta còn tìm tới cái vất vả như một cuộc chạy trốn ngắn ngủi, tất
nhiên bởi người ta biết cái vất vả này là hữu hạn về mặt thời gian, và các rủi ro nằm trong vùng được kiểm soát. Các phong trào phượt, phong trào đạp xe, phong trào “leo Phan” ra đời.
Giờ đây, tình hình đã khác hẳn. Năm ngoái có gần 4 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, cộng với 40 triệu lượt khách nội địa, tổng lại là bằng một nửa dân số quốc gia. Nhìn xung quanh, ta thấy mỗi gia đình đều lên kế hoạch cho một vài chuyến đi trong năm. Với người Việt trung lưu, du lịch đã trở thành một sinh hoạt cơ bản, như mua sắm hay đi nhà hàng. Khoảnh khắc cho đồ đạc lên ô tô để lên đường bao giờ cũng là một trong những khoảnh khắc phấn khởi nhất của cả gia đình trong năm, và hình ảnh người bố trẻ lái xe trên xa lộ, người mẹ trẻ gọt hoa quả ở ghế bên cạnh, ở đằng sau là hai đứa con chụm đầu chơi iPad, truyền tải một trong những cảm giác sống viên mãn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ 21.
Du lịch là con ngỗng đẻ trứng vàng với nhiều địa phương, họ giàu có lên trông thấy nhờ vào nguồn thu từ du khách, nếu “giàu có” được đo bằng số lượng nhà cao tầng mới xây và số ô tô chạy trên đường. Cái mất mát thì không ai lượng hóa được. Thờ ơ hoặc không ý thức được mặt trái xấu xí của du lịch, phần lớn các chính quyền địa phương tiếp tục cổ súy vô điều kiện cho “ngành công nghiệp không khói” này như một hướng phát triển văn minh và tiến bộ.
Cái đang xảy ra ở Sapa là sự hoành hành phá phách của hiện tượng du lịch đại trà (mass tourism) và chính sách phát triển phục vụ nó. Chính sách này có thể được gói gọn trong một mục tiêu: càng nhiều khách càng tốt. Để tiếp tục với ví dụ Sapa: số lượng khách tới đây vào năm 1991 là 2.000. Năm 2002, con số này là 60.000. Nhưng riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2015 vừa rồi số du khách đã là 50.000.
Trong cuốn Quá tải: kinh doanh du lịch bùng nổ, tác giả Elizabeth Becker gọi du lịch là một ngành công nghiệp toàn cầu tàn bạo, một con dao hai lưỡi, hứa hẹn thu nhập và việc làm cho bên chủ nhà, và các trải nghiệm để đời cho bên khách, nhưng cùng lúc cũng có sức tàn phá khủng khiếp với môi trường, văn hóa và cộng đồng.
Số phận các địa điểm du lịch tầm cỡ khác của Việt Nam cũng tương tự Sapa. Ở vịnh Hạ Long, mỗi ngày 20.000 du khách được đưa đến và chuyển đi như gà con trên băng chuyền, sau khi trực tiếp xả thẳng phế thải của mình xuống dưới biển. Ở Phú Quốc, mùi nắng gió, mùi nước mắm, các đồn điền tiêu, những làng chài, tâm hồn và cá tính của hòn đảo, đang biến mất dần. Thay vào đó là chi chít hàng quán, biển hiệu rối rắm, như một thị trấn vô hồn bất kỳ nào khác. Người ta xẻ rừng quốc gia để đặt vào đó các lâu đài nhái kiểu cổ tích châu Âu chóp nhọn lòe loẹt xanh đỏ, những cây thông và bãi cỏ ôn đới lạ lẫm với khí hậu địa phương, biến một thiên đường nhiệt đới tự nhiên thành một “thiên đường” bê tông nhân tạo.
Du lịch đại trà là một hiện tượng toàn cầu, nhưng nó gây ra tác hại nhiều nhất ở các nước đang phát triển, vì sức chống cự của những nước này, cả về nguồn lực tài chính lẫn trình độ quản lý đều yếu kém hơn. Ở Angkor Wat, gần đây các ngôi đền bắt đầu bị lún vì mực nước ngầm hạ thấp do mức tiêu thụ nước của các khách sạn liên tục tăng lên. Ám ảnh nhất với tôi là Vang Viêng ở Bắc Lào. Nằm bên bờ sông Nam Song, được vây xung quanh bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, cái làng nhỏ duyên dáng và xinh xắn này bỗng nhiên trở thành nơi các thanh niên phương Tây tập kết để ăn chơi như không có ngày mai. Họ tụ tập ở các bar trải dài 4
km dọc bờ sông, ăn pizza trộn với cần sa, nốc whisky đựng trong các bát ô tô nhựa, nhảy nhót trong tiếng nhạc rầm rầm, rồi nằm trong xăm ô tô lao mình xuống nước xoáy để tiêu khiển. Sau mấy chục ca tử vong chỉ trong vòng một năm, chính phủ Lào phải ra tay dừng cuộc vui lại.
Mức sống chung cao lên, các đường bay giá rẻ ra đời, càng tạo điều kiện cho du lịch đại trà phát triển. Thậm chí, người ta bắt đầu dùng tới thuật ngữ “du lịch siêu đại trà” (mega-mass tourism) để mô tả hiện tượng này. Đầu thế kỷ 21, Giáo hoàng John Paul II phê phán du lịch đại trà là một hình thức bóc lột mới, nó “biến văn hóa, các nghi lễ tôn giáo, và các lễ hội dân tộc thành những
sản phẩm tiêu dùng” khi khách du lịch tìm tới những cái mới lạ một cách hời hợt và không muốn tiếp xúc thực sự với văn hóa bản địa.
Thật vậy, trong trường hợp Sapa, điều quan trọng nhất với các du khách là câu hỏi ăn lẩu cá hồi ở đâu và mua rượu táo mèo chỗ nào. Không ít người lên đây vì bạn rủ đi để “có người uống cùng cho khỏi buồn.” Văn hóa, thể hiện qua đám người dân tộc ăn mặc sặc sỡ và những cái ruộng bậc thang, sẽ chỉ là phông nền cho các bức selfie. Chả ai bỏ công ra tìm hiểu về lịch sử, tín ngưỡng, xung đột xã hội, hoàn cảnh kinh tế của người dân ở đây. Có lẽ yếu tố “văn hóa” duy nhất mà khách quan tâm là cái chợ tình như là cái gì man di đáng yêu của “bọn nó” , nhưng đằng nào nó cũng biến mất từ nhiều năm nay rồi - cũng vì du lịch.
Đấy là chưa nói đến chuyện sắp tới sẽ có nhiều hội thảo, tập huấn, tổng kết, liên hoan v. v... được tổ chức ở Sapa, ngạch này gọi là du lịch-công việc (business tourism). Loại du khách này thường không đi cùng gia đình, nên chắc lúc đó sẽ mọc lên nhiều tiệm massage và karaoke thư giãn với các cô gái miền Tây Nam bộ đổ về cạnh tranh với con gái địa phương.
Nhìn những gì người ta đang tiếp tục làm với Sapa mà thấy đau lòng. Các khách sạn khổng lồ tám, chín tầng vẫn đang xẻ núi mọc lên, nhiều khi cái nọ chỉ cách cái kia một con phố nhỏ, xe không quay được đầu. Đảo qua một vòng trên báo chí, cũng thấy nhắc tới các “thách thức” du lịch ở Sapa, nhưng hóa ra đó chỉ là các vấn đề “cháy” phòng và khan hiếm chỗ đỗ xe. Chính quyền địa phương cam kết sẽ ưu tiên giải quyết để “Sapa ngày một vui hơn.”
Cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng cũng đang được thi công. Ở độ cao 3.000 m, người ta đang phá đá để tạo ra một khu vực rộng gần 8 ha, một diện tích rất lớn với độ cao chênh vênh đó. Quần thể ga đến sẽ
có “khu dịch vụ du lịch, khu tham quan, công viên văn hóa tâm linh và một tượng Phật khổng lồ”. Cáp treo có công suất 2.000
người một giờ, nghĩa là khi đi vào hoạt động sẽ cho phép mười mấy nghìn người lên đỉnh núi mỗi ngày, quanh năm,
ngày nào cũng như ngày nào, thay vì con số hiện nay chỉ là mấy chục người một ngày leo đường bộ, và chỉ trong sáu tháng mùa khô.
Còn những người dân tộc, những người chủ thực sự từ bao đời nay của vùng núi này, họ được gì từ tất cả những chuyện trên?
Hiện nay, mỗi du khách tới Sapa sau khi bỏ ra một triệu đồng cho việc đi lại, khách sạn, ăn uống, thì mới bỏ ra 10 nghìn mua mấy món đồ thổ cẩm của người dân tộc. Thậm chí nhiều hướng dẫn viên du lịch còn dẫn khách tới các cửa hàng bán thổ cẩm nhập từ Trung Quốc vì họ được hoa hồng từ đây.
Sắp tới, cáp treo sẽ làm hàng trăm người dân tộc đang khuân vác phục vụ khách leo núi mất việc. Họ sẽ nhập vào đám vợ con họ đang lang thang hằng ngày ở thị trấn. Họ sẽ không để cho du khách yên, sẽ táo tợn, sẽ hét “no money, no photo” , sẽ đeo bám quấy rầy cho tới khi khách mua hàng mới thôi.
Buổi trưa, khi các đoàn khách bận rộn với món lợn Mán nướng bên trong các quán ăn, họ sẽ ngồi trên bậc thềm bên ngoài, ngước nhìn lên để thấy ngọn “Hủa Xi Pan” , biểu tượng của thiên nhiên hùng vĩ, nóc nhà chung của họ từ hàng trăm năm nay, bỗng nhiên trở thành một điểm hành hương Phật giáo mới để cho những người ở đâu tới khấn lạy và nhét tiền vào tay tượng, xa lạ và thô bạo với không gian văn hóa của họ.
Có thể dừng lại cỗ máy khổng lồ mang tên “phát triển” này được không? Tôi không chắc. Vì nó đang được đốt bởi lòng tham. Các doanh nghiệp thì tham lợi nhuận. Chính quyền thì tham tăng trưởng GDP. Các du khách thì tham các trải nghiệm mì ăn liền, tham việc được tưởng thưởng mà không phải lao động. Họ muốn “chỉ cần 15 phút để lên nóc nhà Đông Dương” , chụp selfie giữa rừng già mà vẫn đi guốc cao gót, nhẹ nhàng như vào Paris Deli.
Nhưng cũng như với mọi thứ khác trên đời, sự tham lam sẽ phá hủy hết. Lòng tham sẽ biến con ngỗng vàng mang tên du lịch thành một con quái vật. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều về cú nổ bong bóng của các điểm đến sau thời kỳ tăng trưởng nóng vô độ.
Với cách làm du lịch hiện nay, sẽ tới lúc Sapa giống muôn vàn những chỗ khác: vô bản sắc, ô hợp, nhân tạo và rẻ tiền. Rồi tất cả sẽ trở thành Đồ Sơn, một sự thảm hại cho cả người ở đó lẫn người tới thăm.
Tháng Hai 2015 .
TỪ THIỆN CÂU LIKE :
Hãy hình dung cảnh khách du lịch nước ngoài đứng ở các ngã tư Hà Nội, hoặc đi dọc các phố cổ, trong tay là một xếp những tờ 10
USD, vừa đi vừa phát tiền cho bất kỳ đứa trẻ nào mà họ gặp, mỗi đứa một tờ, hết đứa này tới đứa khác. Chỉ đơn giản vì họ “yêu quý”
chúng và muốn chia sẻ tiền của họ cho những trẻ em mà họ cho là kém may mắn hơn.
Bạn sẽ thấy khó chịu, đúng không? Bạn có cho phép con mình nhận tiền khi họ đi ngang qua? Có cái gì đấy không ổn, thậm chí lăng mạ, ở đây.
Nhưng đây là điều mà nhiều người vẫn làm khi họ tới những nơi nghèo khổ hơn. Đầu năm vừa rồi tôi chứng kiến khá nhiều du khách ở Sapa xuống các bản lân cận, người thì khoác một bịch ni lông kẹo to tướng, người thì cầm một xếp các tờ 2000 đồng. Họ luôn tay phân phát kẹo và tiền cho trẻ em dân tộc, mồ hôi lấm tấm trên trán. Lũ trẻ hoặc là đứng thành hàng ven đường, hoặc là chen chúc nhau trước mặt khách, bụng phồng tướng lên vì đã nhét đầy kẹo của những người đi trước vào bên trong áo. “Cháu bao nhiêu tuổi rồi,” họ hỏi ngọt ngào, “13 à, sao bé thế, đây nhé...” , rồi quay sang đứa bên cạnh, “Còn cháu đã có kẹo chưa?” Bên cạnh là một người cùng đoàn, bấm iPhone lia lịa, rồi nhanh chóng up lên Facebook.
Có thể là vô thức, nhưng trong những trường hợp như thế này, người ta làm “từ thiện” không phải vì người nghèo, mà vì chính bản thân mình. Ở cổng làng người ta đã dán các khuyến cáo đề nghị du khách không cho trẻ kẹo và tiền, vì
chúng sẽ bỏ học để đứng ngoài đường đón khách, tự biến bản thân thành ăn mày.
Nhưng nhiều du khách bỏ ngoài tai lời khuyên này. Có lẽ sức hấp dẫn của việc chỉ bỏ ra có mấy chục nghìn mà được tắm mình trong cảm giác mãn nguyện với bản thân, nhìn thấy mình đang phân phát lòng tốt cho người khác, là quá lớn.
Tâm lý này được thể hiện rõ nhất khi báo chí đưa tin về những người nổi tiếng đi làm từ thiện. Lúc thì hoa hậu này “vô tư hát múa với người nghèo” , lúc thì người mẫu kia “giản dị cùng người yêu đi trao quà Tết” , rồi thì ca sĩ nọ “cùng vợ thăm bệnh nhân mổ tim ngay sau sinh nhật”. Người nghèo ở đây chỉ là cái cớ, những vai quần chúng, không ai quan tâm tới họ hết, cả người viết lẫn người đọc báo. Cái họ quan tâm là người nổi tiếng mặc gì, đi giày ra sao, đi cạnh ai.
Tôi cho rằng Việt Nam mà không có người nghèo nữa thì các ngôi sao và hoa hậu sẽ rất buồn. Họ không còn cớ gì để có thể thể hiện “lòng tốt” của mình.
Một hiện tượng đang nổi nữa là du lịch kết hợp từ thiện. Một công ty du lịch mô tả chương trình Mộc Châu, Sơn La của mình như sau: “Sau khi chụp ảnh với các cánh đồng hoa đào, hoa mận, quý khách tản bộ vào các bản làng để tặng những món quà do nhân viên của công ty đã chuẩn bị sẵn” , và sau đó trên đường về thì “dừng lại mua đặc sản măng chua, bánh sữa.” Đại diện một công ty du lịch khác cho biết: “Các chương trình đưa thêm vào gói tour khá đơn giản, tiện lợi, không làm mất thời gian của hành trình mà ngược lại góp phần làm phong phú thêm lịch trình nên khách hàng rất hài lòng.”
Không có một lời nào nói đến người nghèo, họ không có danh tính, không có khuôn mặt. Tất cả xoay quanh nhu cầu của khách du lịch. “Không mất thời gian” , “phong phú lịch trình” , cuộc viếng thăm
tặng quà người nghèo trở thành một “đặc sản” của chuyến đi như măng chua, bánh sữa, một “giá trị gia tăng” và “lợi thế cạnh tranh” của sản phẩm mà công ty du lịch đưa ra. Trong trường hợp này, từ
thiện chỉ là một dạng khác của tiêu dùng. Quan trọng là có thể bỏ tiền ra “xem tận mắt” cái nghèo và mua lương tâm sạch sẽ một cách tiện lợi, tiết kiệm thời gian và với chi phí vừa phải. Tôi cam đoan là trong khi các du khách chất vấn tour guide rất kỹ xem buổi trưa ăn món gì, thì sẽ ít người có nhu cầu đặt câu hỏi về nội dung của những gói quà mà công ty đã chuẩn bị sẵn.
Gần đây, loại hình du lịch này tăng trưởng 30 - 40% một năm.
Theo website của Tổng cục Du lịch, trước kia các chương trình này “thường chỉ đưa vào tour dành cho khách nước ngoài cao cấp, nhưng nay bắt đầu trở thành xu hướng mới của các tour nội địa.”
Điều mà Tổng cục Du lịch vô tình đề cập tới qua câu nói trên là tâm lý từ thiện để (vô thức hay có ý thức) ngưỡng mộ bản thân và khẳng định cái ưu việt của mình không phải chỉ có ở người Việt trung lưu.
Ở phương Tây người ta dùng khái niệm châm biếm “Người cứu tinh da trắng” (White savior) để chỉ những người phương Tây tới những nước nghèo hơn để “giúp đỡ” , nhưng không hiểu gì về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị của nước đó.
Nhà văn người Mỹ Teju Cole viết về hiện tượng này: “Một kẻ vô danh ở Mỹ hay châu Âu có thể tới châu Phi và trở thành một vị cứu tinh như Chúa trời.” Teju Cole lên án việc châu Phi chỉ là cái
“studio” để người da trắng trình diễn các tưởng tượng lãng mạn với vai người hùng và thỏa mãn cái tôi của mình.
Trên mạng có vô số những bức ảnh chụp thanh niên nam nữ phương Tây, tóc vàng, mắt xanh, vây xung quanh bởi tụi trẻ Phi châu, tất cả cười rạng rỡ. Họ là voluntourist, một tourist (du khách) kiêm volunteer (tình nguyện viên). Họ tới một làng nào đó, ở Nepal chẳng hạn, đá bóng với lũ trẻ, hút cần sa, ghi chép vào một cuốn sổ giấy đen, và hài lòng với bản thân. Trang Pacific Standards nhận xét rằng một trong những lý do chính để thanh niên da trắng trở thành tình nguyện viên ở thế giới thứ ba là để chụp selfie với trẻ con bản xứ, và lòng ái kỷ (yêu chính bản thân mình) là động cơ thúc đẩy chính của phong trào du lịch thiện nguyện toàn cầu này.
Tờ báo trào phúng The Onion đăng tin Cuộc viếng thăm 6 ngày tại một làng châu Phi đã thay đổi hoàn toàn avatar Facebook của một cô gái, và để “nhân vật” này kể lại: “Ngay khi tôi bước chân tới cái làng bụi bặm, hẻo lánh đó, và nhìn thấy lũ trẻ tươi cười chạy tới, tôi đã biết là avatar của mình sẽ thay đổi vĩnh viễn.”
Đây là những dạng khác nhau của cái mà tôi gọi chung là “từ thiện câu like”.
Như vậy làm từ thiện như thế nào cho đúng?
Trước hết, chúng ta nên bắt đầu bằng cách đặt tâm điểm của sự chú ý vào người nhận, chứ không phải vào người làm từ thiện, những ngôi sao hay người mẫu. Chúng ta nên bắt đầu bằng sự tôn trọng những người nhận sự giúp đỡ của chúng ta, nhìn họ là những con người độc lập, có lịch sử, có số phận, có câu chuyện riêng. Sự giúp đỡ ở mức cao nhất, Maimonides, triết gia Do Thái ở thế kỷ 12 đã viết, là sự giúp đỡ mà qua đó người nhận vẫn giữ được lòng tự trọng và nhân phẩm.
Chúng ta cũng cần suy nghĩ xem hành động của mình, dụng ý thì tốt, nhưng có thể gây tác hại gì không. Cái làng ở Mộc Châu kia, nếu như tuần nào, thậm chí ngày nào, cũng có một vài nhóm du khách vào đưa cho họ chăn và mì ăn liền, thì chẳng mấy chốc toàn bộ cấu trúc xã hội của làng sẽ sụp đổ, và tôi sẽ không lạ khi dân làng bắt đầu bán đồ được cho để mua rượu uống.
Trong một bài báo năm 2012, Al Jazeera dẫn ra những tác hại của du lịch thăm trẻ mồ côi, một lĩnh vực đang được người phương Tây rất ưa chuộng, qua trường hợp ở Campuchia. Trẻ mồ côi bị ảnh hưởng tâm lý vì mỗi tuần chúng lại phải cắt đứt quan hệ tình cảm với một nhóm tình nguyện viên mà chúng vừa quen, và xây dựng quan hệ với một nhóm mới. Trong nhiều trường hợp, những người quản lý trại lợi dụng lũ trẻ để trục lợi mà khách viếng thăm, do cưỡi ngựa xem hoa, không thể biết được. Câu chuyện này hẳn không xa lạ với người Việt. Ở Bali, làn sóng khách du lịch tới cho tiền các trại mồ côi đã khuyến khích
các gia đình đẩy con mình vào trại, biến một gia đình lành lặn thành một gia đình què quặt.
Chúng ta cũng nên bắt đầu bằng những câu hỏi đúng. Thay vì hỏi: “Cháu đã có kẹo chưa?” du khách Sapa ở bên trên nên hỏi:
“Tại sao cháu lại đứng ở đây mà không tới trường?” Chúng ta nên quan tâm một cách tổng thể tới hoàn cảnh của người cần giúp đỡ, bối cảnh của địa phương họ và các yếu tố tác động đằng sau. Vì sao họ nghèo? Vì họ không có đường ra chợ, vì họ bị trung gian thu mua nông sản bắt chẹt, vì lũ cuốn đất màu do rừng bị tàn phá, vì họ thiếu vốn, vì họ thiếu kỹ năng quản lý vốn?
Tiếp theo, chúng ta có thể suy nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại lợi ích lớn nhất cho những người hoặc cộng đồng cần trợ giúp. Đôi khi, cái mà một bản nghèo cần cho cuộc sống và nhân phẩm của mình không phải lại thêm hàng chục thùng mì ăn liền hay những cái chăn, mà là một cái cầu treo, hay cơ hội để bán hàng của mình ở thị trấn. Tất nhiên, để tìm ra được những điều này cần tâm trí và sự quan tâm thực sự và lâu bền, không chỉ một cảm xúc mùi mẫn kéo dài 20 phút khi người ta chụp selfie trước những ngôi nhà dột nát.
Hoạt động từ thiện có thể chữa phần ngọn: quyên tiền cho một ca mổ tim, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị, bảo trợ cho một sinh viên nghèo học đại học. Những hoạt động này thực sự thay đổi cuộc đời, thậm chí cứu mạng sống.
Nhưng quan trọng hơn, các hoạt động nhân đạo và từ thiện rất cần tập trung thay đổi phần gốc, đó là các tương quan xã hội tạo ra đói nghèo, bóc lột và bất công. Hội chứng “Người cứu tinh da trắng” có vấn đề bởi nó không liên quan gì tới công lý, nó chỉ là một trải nghiệm tình cảm để người ta tái khẳng định sự may mắn và đặc lợi của mình. Trong trường hợp này, từ thiện trở thành một cử chỉ phô ra sự thương hại và sức mạnh của người giàu, bởi họ không quan tâm tới hoàn cảnh xã hội, và qua đó từ chối thay đổi nó để giải quyết bất công. “Sự hào phóng của người làm từ thiện sẽ đóng
băng nếu như quyền lực của anh ta bị thách thức,” nhà thần học người Mỹ Reinhold Niebuhr viết, “hoặc nếu sự hào phóng này không được tiếp nhận với sự nhẫn nhục mà anh ta đòi hỏi.”
Trong một xã hội hiện đại với các tương quan phức tạp như hiện nay, trách nhiệm của một công dân có ý thức không chỉ là “lá lành đùm lá rách” , mà còn phải cố gắng hiểu những tương quan đó, tự vấn về trách nhiệm cá nhân mình trong các lựa chọn làm ăn, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng, và đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay đổi những nguyên do của vấn đề, hoặc ít nhất không làm nó trầm trọng hơn.
Trong hoạt động nhân đạo và từ thiện, tiền chỉ là một trong các nguồn tài nguyên, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất.
Quan trọng hơn là kiến thức, tài năng, và sức ảnh hưởng của các cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào của mình. Báo chí, thay vì tập trung vào chuyện người nổi tiếng mặc gì khi phát quà, hãy để họ lên tiếng và lôi kéo sự chú ý của công chúng tới những vấn đề thuộc về phần gốc: nông dân bị mất kế sinh nhai, công nhân ở những khu công nghiệp vật lộn với cuộc sống, môi trường bị hủy hoại, phân hóa giàu nghèo, bạo lực trong gia đình.
Thay vì chỉ đóng tiền cứu trợ khi có bão lũ, hay nhân tiện mang quần áo cũ lên vùng cao nhân dịp đi chụp ảnh hoa ban, hãy tìm hiểu công việc của những tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ họ.
Những tổ chức này đang bền bỉ hoạt động để bảo vệ quyền của trẻ em, để phụ nữ không bị buôn bán, người thiểu số giữ được văn hóa bản địa, người khuyết tật không bị kỳ thị, chính quyền địa phương trở nên minh bạch hơn, và người dân có tiếng nói hơn.
Làm việc với họ tuy không cho ra những bức ảnh bắt mắt chụp với trẻ em miền núi, nhưng lại hiệu quả hơn rất nhiều so với phản xạ rút ví vào những lúc chúng ta “rủ lòng thương”.
Cuối cùng, chúng ta nên từ bỏ tâm thế của người ban phát. Từ thiện là một quá trình hai chiều, cho và nhận. Mỗi người, dù nghèo tới
đâu, cũng có cái để cho người khác, và mỗi người, dù đầy đủ tới đâu, cũng cần mở rộng mình để nhận. Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất chức năng là chất gắn kết của một cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội.
Tháng Ba 2015 .
SỰ KHỐN CÙNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ : Cuộc sống khó khăn và rối ren, bạn cần một lời khuyên, nhưng từ đâu? Với nhiều người, giải pháp gần nhất là đi mua một cuốn self help.
Bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help, hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp, vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người Việt đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy. Dòng sách này đã trở thành nồi cơm của nhiều nhà xuất bản. Bước vào một hiệu sách, bạn sẽ thấy chừng một phần ba diện tích kệ sách, thường là khu vực gần cửa nhất, được dành cho thể loại này. Hai mảng bán chạy nhất là học làm giàu và phát triển bản thân, và thường chúng đi kèm với nhau: thay đổi bản thân để thịnh vượng. Nhiều năm qua, những cuốn như Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế hay Sức mạnh của tư duy tích cực luôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Gần đây, thậm chí ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, còn cho phát không hàng chục triệu cuốn Nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hills và Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie cho thanh niên cả nước. Hai cuốn kinh điển này nằm trong một danh sách được ông Vũ gọi bằng một cái tên cũng rất self-help là “Tủ sách đổi đời”.
Lý do gì khiến người Việt đón nhận nhiệt tình tới như vậy một thể loại sách xa lạ với tư duy truyền thống của mình?
Như đã thể hiện qua chữ “đổi đời” của ông Vũ, loại sách này đem lại hy vọng. Bỏ ra có vài chục nghìn đồng, người mua sách self help sở hữu những giấc mơ ngọt ngào. Tuần làm việc 4 giờ hứa có
thể giúp bạn “làm việc ít đi 20 lần, nhưng thu nhập tăng lên 10
lần” , và “thuê một trợ lý cách xa nửa vòng trái đất để cô này viết một lá thư ngọt ngào xoa dịu người vợ đang giận dữ của bạn”.
Nghĩ giàu làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có. Cái đó thì không khó. Trên trang mạng Học làm giàu, một thanh niên đặt ra mục tiêu “Sau năm thứ nhất có 20 triệu VND, sau năm thứ năm có 1 triệu USD, sau năm thứ 10 có 1 tỉ USD.” Các thành viên khác ngưỡng mộ: “Việt Nam mình có nhiều người có hùng tâm như anh thì ước mơ dân giàu, nước mạnh không phải quá xa vời. Chúc anh thành công!”
Đằng sau những ảo tưởng làm giàu kiểu mì ăn liền kia là những dịch chuyển xã hội và thay đổi cơ bản trong triết lý sống của người Việt. Trước hết, hai thập kỷ qua đã tạo ra huyền thoại Từ cậu bé nhà quê thành đại gia, mà chính ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ. Nếu như trước kia người Việt cho rằng giàu nghèo có số, và vị trí của mình trong xã hội đã được xếp đặt sẵn, thì ngày nay, chứng kiến của cải nảy nở xung quanh mình, họ chuyển sang thái cực kia, và tin vào một triết lý lạc quan ngây thơ là bạn hoàn toàn có thể điều khiển được tiền tài và danh vọng của mình, nếu như bạn nắm được một số “kỹ thuật” nhất định: 23 nguyên tắc của Carnegie, 13 bước của Hills, 8 bài học từ Cha giàu cha nghèo của Robert Kiyosaki. Cuộc đời, vốn được quan niệm là bất định, nay được cho là được quản trị bởi một số “bí mật” mà rất may là đã được các tác giả phát hiện và truyền đạt lại, dễ hiểu hơn bản cửu chương.
Thứ nữa, mô hình lao động cùng tập thể, cá nhân dựa vào cộng đồng trong cuộc sống nông nghiệp không còn thích hợp cho một môi trường kinh tế thị trường đầy cạnh tranh. Thay cho một hệ thống hài hòa, vạn vật đều có chỗ đứng của mình, cuộc đời
nay được hiểu như một mê cung, một cuộc đua, một rừng rậm, những biểu tượng hay được dùng trong các sách self-help phương Tây.
Trong môi trường này người ta luôn phải cập nhật các kỹ năng và tái tạo bản thân để mạnh hơn các đối thủ, và những sách dạy phát triển bản thân đánh vào nỗi lo âu thường trực này. “Cần phải sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi, nếu không mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình,” cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi cảnh báo,
và bán được 26 triệu bản trên toàn cầu.
Rất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt, bởi những tác động tiêu cực của chúng.
Vấn đề đầu tiên là triết lý của phong trào self-help hiện đại, được đặt nền móng bởi Dale Carnegie với Đắc nhân tâm, là “mỗi người vì chính mình”. “Phát triển bản thân” luôn là một dự án vì mục đích cá nhân, và không có chỗ cho những vấn đề của cộng đồng và hoạt động xã hội. Trong thế giới quan của Carnegie, con người là một động vật ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng, và thèm khát sự khen ngợi. Thay vì làm cho con người tốt đẹp lên, Carnegie đánh vào bản năng thấp kém của họ và khuyên người ta lợi dụng nó. Con người chỉ là những loài cá khác nhau, và bí mật để đạt được thành công là “học được cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loài cá”.
Nhiều nguyên tắc của Đắc nhân tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng. Trong cuốn sách, một đại tư bản tự hào là vì ông có thể gọi nhiều công nhân của mình bằng tên riêng nên “chưa hề có một cuộc đình công nào xảy ra tại các nhà máy thép của ông”. Ở đây có một ẩn ý xã hội sâu xa hơn: thay vì phải xây nhiều nhà vệ sinh hơn cho các nữ công nhân dệt may, các ông chủ hãy học thuộc tên riêng của họ. Lúc đó họ sẽ vừa nhịn đi tiểu vừa hát bên băng chuyền.
Nếu như trước kia giá trị sống của người Việt là trở thành người quân tử, ưu việt về đạo đức và vững vàng về luân lý, thì ngày nay, mục tiêu đơn thuần chỉ là tạo ra một bộ mặt khả ái, bởi, như Carnegie giải thích, thành công “được định nghĩa phần lớn qua việc người khác nhìn bạn như thế nào.” “Với Carnegie,” Steven Watts, tác giả cuốn tiểu sử về ông, viết, “trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác.” Carnegie nói về “thương hiệu bản thân” trước khi chữ này tồn tại. Nhà văn Sinclair Lewis phê phán rằng Carnegie đã thay thế những chữ Niềm tin, Danh dự, Cao thượng trong những cuốn sách học làm người trước kia bằng chữ Giàu có. Ông đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.
Và như vậy, thách thức của cuộc đời không còn là việc đi tìm một ý nghĩa sống trong cộng đồng của mình nữa mà là giám sát và quản lý bản thân để trở nên giàu có. Cho rằng không khi nào là quá sớm, một số nhà trẻ nhanh nhạy ở Việt Nam tổ chức những khóa học “Dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo bản thân từ những năm đầu đời”. Viễn cảnh ở đây là những đứa trẻ sớm điều khiển được người khác, và theo dõi hiệu quả của bản thân như của một cỗ máy.
Bên cạnh tham vọng “đọc vị” người khác, tư duy tích cực là một trụ cột cơ bản khác của văn hóa self-help, và như tác giả Barbara Ehrenreich lập luận trong cuốn Sự quảng bá triền miên tư duy tích cực đã làm xói mòn nước Mỹ như thế nào, nó đang gặm nhấm nền tảng xã hội. Ở đây tư duy tích cực không liên quan gì tới một thái độ sống lạc quan. Nó là một niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân. Bạn muốn giàu? Bạn phải thật sự, luôn luôn và sắt đá tin là mình sẽ giàu. Vì thế mà các nhà trẻ Việt nói trên cho lũ trẻ mẫu giáo hằng ngày lặp lại các câu như: “Tôi là một thần đồng trong lớp học” và “tôi đang trên con đường tạo ra sự giàu có tuyệt vời”.
Cuốn Nghĩ giàu làm giàu yêu cầu bạn đọc viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên ngày hai lần
vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc “tuy không nói năng được, nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó.” T.
Harv Eker, tác giả của Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc “cài đặt” tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: “Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi.” Sau đó chạm lên đầu mình và nói: “Tôi có tư duy triệu phú.”
Đằng sau cái tư duy tích cực kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.
Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Trong một loạt các bức tranh lan truyền trên mạng, người giàu (bụng phệ, đội mũ phớt đen như những ông trùm tư bản của thế kỷ trước) hiên ngang lái con tàu số phận trên biển, còn người nghèo (không cạo râu, quần vá, mũ vải nhàu nát) rúm ró một góc vì không chịu “quảng bá bản thân” và không “giao lưu với người thành công”.
Tệ hại hơn, tư duy này làm cho những người nghèo bên lề xã hội cũng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư duy tích cực được dùng như một công cụ kiểm soát xã hội. Barbara Ehrenreich dẫn ra rằng khi các tập đoàn Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thập kỷ 1980 thì cũng là lúc họ thuê nhiều nhất các diễn giả về tư duy tích cực tới để
xoa dịu những người bị đuổi việc và để những nhân viên chưa bị đuổi tiếp tục lao vào cày cuốc.
Và cuối cùng, tư duy triệu phú cổ súy cho một dịch chuyển của các giá trị đạo đức. Nếu như trước kia người ta tôn vinh các cá nhân theo đuổi một cái nghiệp, cống hiến, say mê, thì bây giờ sự say mê duy nhất được ngưỡng mộ là say mê làm giàu. Và sự giàu có mới nổi cần một biện minh về đạo đức để được chấp nhận và tôn trọng. Trên nền tảng đạo đức mới này, giàu có nghĩa là thành công, và với Napoleon Hills, nó “không cần lời xin lỗi”. Làm giàu không những đã trở thành đích sống, nó còn là một đức hạnh.
“Làm giàu là vinh quang”. Thậm chí, “làm giàu là yêu nước”. Hệ quả là gì? Trong khi tôn vinh người giàu, người ta cho rằng người nghèo làm xấu hổ đất nước, là gánh nặng của cộng đồng. Napoleon Hills viết: “Chúa đứng bên những người quyết tâm làm giàu.” Nửa câu sau không được nói ra là người nghèo và hoang mang thì không xứng đáng để có Chúa bên cạnh.
Cũng đáng ngạc nhiên là chưa một ai thắc mắc là nếu hàng triệu cuốn sách dạy tư duy tích cực và làm giàu có hiệu quả thì GDP
quốc gia hằng năm đã phải tăng như thế nào rồi. Nhưng các ý tưởng self-help không khuyến khích các câu hỏi, chúng chỉ yêu cầu người đọc tin vào chúng. Nếu bạn chưa giàu thì có nghĩa là bạn chưa tin đủ, bạn cần mua thêm sách, nghe thêm băng, tới dự thêm các buổi thuyết trình. Theo Salerno, tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18
tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới.
Sự khốn cùng của tư duy triệu phú là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu nhất ở Việt Nam. Nó không dẫn tới Khai sáng và Minh triết.
Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức
thuộc về kẻ giàu có.
Tháng Năm 2015
TÔN THỜ SÁCH LÀ MÊ TÍN DỊ ĐOAN :
NGÓ MỸ, DÒM NHẬT, HÓNG DO THÁI: LỰA CHỌN NÀO CHO TA?
Sự trì trệ kinh tế trong năm năm qua đã làm tổn hại nặng nề tới lòng tự tin của người Việt. Cái hào hứng, hồ hởi, phấn khởi, thậm chí đắc thắng của thời kỳ 2007-08 đã nhường chỗ cho trạng thái u ám, bi quan, bực bội và cáu bẳn, dai dẳng từ 2010 và ngày càng loang rộng. Một mặt, người ta đổ lỗi cho cái thể chế nói riêng và “cái nước mình” nói chung, như trong câu “Cái nước mình nó thế!” , bảo bối được nhà văn hóa Hoàng Ngọc Hiến trao tặng giới trí thức để họ cùng với ông thể hiện một cách tài tình thái độ buông xuôi của mình mà không ai có thể trách cứ được.
Mặt khác, người ta đổ lỗi cho những người xung quanh. Cộng đồng người Việt hiện ra trên báo chí và mạng xã hội như một tập thể lười biếng, ngày ngày chỉ lượn từ quán trà chanh sang hàng bia hơi, sau đó thì hoặc là đi bắt trộm chó, hoặc là gia nhập đám đông đánh trộm chó một cách phấn khích man rợ, và chỉ dừng lại khi thấy một xe tải chở bia bị đổ ra đường. Văn hóa thì “xuống cấp” , và đạo đức đã hoàn toàn “băng hoại”.
Với não trạng này, khá dễ hiểu khi thấy người Việt hướng tới một số dân tộc khác như những ngọn hải đăng trên biển cả mịt mù, mong tìm ra được một cuốn cẩm nang hướng dẫn tỉ mỉ phải
sống như thế nào. Ba dân tộc được nhắc tới nhiều nhất, với lòng thành kính, ngưỡng mộ và khâm phục, là Mỹ, Nhật và Do Thái.
Không ngày nào trôi qua mà không gặp một bài báo, một trạng thái trên Facebook ca ngợi sự ưu việt của những nền văn hóa kia, và những căn dặn tỉ mỉ để noi theo chúng. Người ta chuyền tay nhau các bài viết chê cười tủ rượu của người Việt, và ngợi khen tủ sách của người Do Thái, và còn cho biết thêm phụ huynh Do Thái “xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ từ khi còn
trong nôi” , và “để sách hấp dẫn trẻ, họ thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý” (tôi tự hỏi bước tiếp theo sẽ là rắc nước hoa vào bát bột để trẻ hết biếng ăn? ).
Một loạt các bài báo khác cũng khá được ưa thích chỉ ra sự khác nhau trong hành xử ở phòng chờ sân bay giữa người phương Tây ưu tú và người Việt ít học. Chúng khiển trách người Việt không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, trong khi đó, “người phương Tây dành thời gian để trò chuyện, ăn nhẹ và quan sát xung quanh”. Thật tao nhã, chỉ “ăn nhẹ” thôi nhé, để không bị phân tâm khi quan sát vũ trụ kỳ diệu đang hiện hữu ngay ở sảnh B. Tiếp theo, một bức ảnh chụp một phụ nữ phương Tây đứng tuổi đang ngồi xổm có dòng chú thích “Một phụ nữ tóc vàng đọc sách dù đang phải ngồi chờ trong tình trạng bất tiện.”
Ngoài chuyện đọc sách, giáo dục trẻ con là cái mà người Việt luôn tầm sư học đạo. Tình hình rối như canh hẹ. Lúc thì người ta khuyên nhau nên nuôi con thành nhẫn nại, khiêm nhường “như người Nhật”. Lúc khác thì lại phải biến chúng thành quyết đoán, phá cách “như người Mỹ”. Buổi sáng thì tới khóa học “Bí quyết nuôi con thông minh của người Do Thái” , buổi tối lại nghiền ngẫm triết lý được cho là của Nhật rằng “trẻ em không cần phải quá thông minh; thông minh, học giỏi không hẳn là một điều tốt.”
Những nỗ lực này làm ta liên tưởng tới một đại gia đình thường xuyên ca cẩm về sự suy tàn của dòng họ mình, và cử những đứa con ra ngoài thám thính các gia đình thành công trong phố. “Họ dậy rất sớm để tập thể dục, sau đó ăn nhẹ và quan sát xung quanh,” một đứa trở về và tuyên bố. Đứa khác lại cho biết: “Họ làm việc thâu đêm bên máy tính, đó là bí quyết thành công của họ.” Điều mà đại gia đình này thiếu là niềm tin vào các giá trị của bản thân, và khả năng phân tích, đánh giá và phán xét thế giới xung quanh để không mù quáng chạy theo người khác. Việc chạy theo các công thức kiểu “nhỏ nước hoa vào sách để dụ trẻ con đọc” , về bản chất cũng giống phong trào uống nước tiểu của bản thân để chữa bách bệnh, vốn cực kỳ thịnh hành ở
Việt Nam vào các thập kỷ trước. Bút ký Niệu liệu pháp của nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tái hiện lại phong trào này một cách rất hóm hỉnh và bắt đầu như sau: “Sáng đó không biết có việc gì mình sang Hội (Văn nghệ) sớm, thấy chú Khuyến phó chủ tịch hội, đứng đái ở hàng rào. Ông cầm cái ca, đái vào đấy, đầy ca thì bưng vào, trông điệu bộ kính cẩn ca nước đái lắm.”
Sự khâm phục và ngưỡng mộ phương Tây và Nhật Bản gần như vô điều kiện này đạt tới đỉnh điểm qua phát ngôn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong một bài báo ngày 1/1/2015 nhan đề Điều gì cần cho Việt Nam lúc này? trên Vietnamnet: “Ở nước ngoài, họ có thể chăm chút cả đám mây bay trên bầu trời.” Không cần biết “nước ngoài” cụ thể là ở đâu, không, ta không có nhu cầu biết, “nước ngoài” lấp lánh và mê hoặc. Nó là tất cả những gì không phải là chúng ta. “Nước ngoài” có tất cả những cái chúng ta không có nhưng khao khát, một cuộc sống cực lạc, viên mãn, những triền cỏ non và cây cối ra hoa kết trái, trẻ em ngoan ngoãn và thông minh, thanh niên nở nang và thân thiện, người già nhân hậu và độ lượng, và những đám mây, đặc biệt là những đám mây, chúng được chăm chút tỉ mỉ hằng sáng trước khi được thả ra bầu trời để đón bình minh.
Nhưng, có lẽ “nước ngoài” cũng không phải là một miền đất hứa êm đềm, đầy mật ngọt trên mặt đất và tiếng chuông lục lạc vang trong không trung, như người ta vẫn hình dung? Và cư dân của nó cũng là những người trần mắt thịt, cũng luẩn quẩn trong tham, sân, si, cũng vô minh và bối rối trong cuộc sống?
Ví dụ ư? Có ai biết là theo điều tra của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ năm qua thì một phần tư dân số Mỹ cho rằng mặt trời quay xung quanh trái đất. Có ai biết là trong năm 2013,28% người Mỹ không đọc bất cứ một cuốn sách nào, và số lượng người Mỹ không đọc sách, theo The Atlantic, đã tăng gấp 3 kể từ 1978. Tôi đồ rằng nhóm người này không quá cảnh ở Nội Bài để được chụp ảnh trong phòng chờ.
Vẫn nói chuyện về sách, có ai biết là 1/3 doanh thu của thị trường sách cho người lớn ở Nhật tới từ truyện tranh. Trong hình
dung lãng mạn của người Việt, người Nhật ngồi ở tàu điện ngầm chăm chú đọc Khởi nghiệp của Fukuzawa. Thực tế trần trụi là họ nghiền ngẫm manga, chỉ cần nhìn khách Nhật trong các quán sushi ở Hà Nội thì biết. Nhà văn Murakami tin rằng chỉ 5% dân số Nhật thực sự yêu quý sách.
Còn về người Do Thái, thật đáng tiếc là phải làm sứt mẻ huyền thoại “quốc gia khởi nghiệp” , nhưng Israel đang có vấn đề lớn với cộng đồng quốc tế bởi những gì họ làm với người Palestine. Một cuộc điều tra của BBC vào tháng Năm 2014 cho thấy Israel, Bắc Triều Tiên, Pakistan và Iran là bốn nước có hình ảnh tệ nhất trong con mắt thế giới. Sự ác cảm tới từ cả hai phía. Năm 2010, 77%
người Israel cho rằng bất kể họ làm gì thế giới cũng sẽ phê phán họ.
Nêu ra những chuyện bên trên không phải để chúng ta trở nên kiêu ngạo, cho rằng “họ cũng không hơn gì ta” , hay “người Việt được thế là tốt lắm rồi” , hay “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” , thậm chí miệt thị “Tây ngố” , như các du học sinh Đông Âu thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước vẫn làm trong khi ăn học ở nước họ. Khao khát học hỏi từ những văn hóa khác là một việc tốt và cần thiết.
Nhưng thái độ tôn sùng nước ngoài của chúng ta hiện nay đang ẩn chứa nhiều vấn đề. Nó thực ra đang cản trở việc học hành của chúng ta, đóng mắt chúng ta lại, thay vì mở ra.
Sùng bái Mỹ, Nhật và Do Thái trước hết hàm ý ngầm một thái độ phân biệt chủng tộc và kỳ thị. “Anh từ châu Phi tới ư,” chúng ta thầm nói với bản thân khi đứng trước một người da màu, “nước các anh cũng nghèo, các anh cũng vứt rác ra đường và bấm còi inh ỏi? Vậy các anh không có gì để chúng tôi học cả.” Thái độ này khiến chúng ta bỏ qua những kho báu của nhân loại. Thật đáng tiếc cho những ai vì nhìn thấy 500 triệu người Ấn Độ hiện vẫn thích ra ngoài đồng hơn là ngồi trong toa lét, mà cho rằng nền văn hóa Ấn Độ không có gì để dạy họ. Bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng Lebanon, một đất nước mà ta không biết gì về nó, đã đóng góp cho thế giới nhà thơ thiên tài Khalil
Gibran, tác giả được đọc nhiều nhất trên thế giới chỉ sau Shakespeare, và tác phẩm Nhà tiên tri của ông cho chúng ta những suy ngẫm tuyệt vời về tình yêu, hôn nhân, niềm vui và nỗi buồn, học và dạy học, tình bạn, khoái cảm, đau đớn, cái đẹp, tôn giáo và cái chết?
Tôi cho rằng chúng ta bị hút hồn bởi Mỹ, Nhật và Do Thái vì thực chất chúng ta chỉ quan tâm làm thế nào để trở nên giàu có, mặc dù chúng ta tự nhủ là muốn học để trở thành văn minh. Bởi nếu muốn học để biết phải sống như thế nào, chúng ta có thể học được nhiều lắm, từ bất cứ quốc gia hay dân tộc nào. Chúng ta có thể học từ lòng dũng cảm của những người Mẹ trên quảng trường de Mayo, Argentina, những người trong thập kỷ 70 đã thách thức chính quyền quân đội độc tài phải giải thích về sự biến mất của hàng ngàn con trai họ. Chúng ta có thể học từ những sinh viên Myanmar năm 1988, khi họ đứng lên phản đối chế độ quân chủ.
Chỉ cần giảm một nửa số lượng bài báo ca ngợi cái sạch sẽ của người Nhật, cái lịch sự của người Mỹ, thay vào đó là những ví dụ trên, thì thế giới của chúng ta đã phong phú và giàu có lên biết bao nhiêu.
Ngay cả từ phương Tây, Nhật và Do Thái, chúng ta cũng tiếp tục phải học, nhưng không chỉ từ chuyện không vượt đèn đỏ hay không vứt rác ra đường vẫn hay được thường xuyên nhắc tới.
Chúng ta có thể rút ra bài học vì sao hàng chục triệu người Đức, chỉ cách đây có 60 năm thôi, lại có thể mê muội đi theo một học thuyết diệt chủng và tuân thủ người cầm đầu của họ như chưa bao giờ một dân tộc tuân thủ lãnh tụ của mình như vậy. Và chúng ta có thể học từ những vất vả và đau đớn mà người Đức đã trải qua trong sáu thập kỷ qua để xây dựng nền dân chủ của mình. Khi xây dựng lại nhà Quốc hội ở Berlin bị tàn phá trong chiến tranh, sau khi thống nhất Đông và Tây Đức, người ta tìm thấy, và quyết định bảo quản các grafitti tiếng Nga của những người lính Hồng quân Liên xô trên tường. Nhà báo George Packer của The New Yorker chỉ ra rằng không một quốc gia nào khác trên thế giới trưng bày bút tích của kẻ