🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bức Thư Giải Oan - Trần Diễn full mobi pdf epub azw3 [Truyện Dài] Ebooks Nhóm Zalo - Tên sách : Bức thư giải oan - Tiểu thuyết tình báo thời Hậu Chiến Việt Nam - Tác giả : Trần Diễn - Nhà xuất bản Công an nhân dân - Năm xuất bản 2003 Chương một 1 Chiếc máy bay hãng hàng không Mỹ vượt lên độ cao ba ngàn mét, Mihara - người của công ty HanaNhật Bản, mới cởi dây bảo hiểm, ngả người trên ghế đệm. Hai người Mỹ ngôi cạnh Mihara cứ hút thuốc liên tục. Mihara buồn nôn vì thần kinh làm việc căng thẳng suốt tuần qua lại bị hơi thuốc. Hơn lúc nào hết, vào lúc này, Mihara mới cảm thấy gánh nặng của tuổi tác. Đến sân bay Băng Cốc, Mihara chuyển sang máy bay Việt Nam. Từ lúc chiếc máy bay này cất cánh, rồi đến khi nó đột ngột hạ độ cao, Mihara biết ngay mình đã đến sân bay quốc tế Hà Nội. Vừa bước ra khỏi cửa kiểm soát, ông nghe thấy tiếng người con gái: - Mihara xên xây1. Mihara quay lại. Một người con gái tóc cắt ngắn, mặc áo dài, mặt thoa lớp phấn hồng nhìn ông vẻ tươi cười, tay vẫy vẫy như đã quen từ trước. Đứng bên cô gái là ông Phó thư ký Phòng thương mại. - Chúng tôi đi đón ngài! - Ông Phó thư ký Phòng thương mại vừa nói vừa rút danh thiếp đưa cho Mihara. Thay vì giới thiệu, Mihara cũng đưa danh thiếp của mình cho ông Phó thư ký và nữ phiên dịch Bích Vân. Cả ba người ngồi vào chiếc xe Toyota đã nổ máy đứng chờ trước phòng đợi. Chiếc xe lăn bánh và chẳng mấy chốc đã về tới khách sạn Hòa Bình nằm ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Chu Trinh. Vừa bước vào phòng, Mihara lập tức quan sát xem trong phòng có vật gì có thể dùng được vào công việc ông đang cần. Sau một hồi tìm tòi, ông ngồi xuống chiếc ghế đu đong đưa mấy cái rồi vào bàn rửa mặt. Hai chiếc khăn thơm mùi vải nằm bên bánh xà phòng nhãn hiệu Hoa Nhài. Những ngày đầu tiên đến Việt Nam, Mihara đã dành tất cả thời gian rảnh rỗi đi xem hầu hết các di tích lịch sử, đường phố Hà Nội. ông quyết định, dù bận đến đâu cũng phải để thì giờ nghiên cứu quy luật đi lại, cuộc sống văn hóa, tinh thần người dân của thủ đô cộng sản này. Sau gần hai năm làm việc với Phòng thương mại Tổng Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp I Bộ Ngoại thương, Unimex Hà Nội, Mihara nhờ nữ phiên dịch Bích Vân ra bưu điện quốc tế Hà Nội chuyển giúp bức điện: Mihara, Hòa Bình Hotel Hà Nội Gửi Công ty Hana Nhật Bản tại Hồng Kông Vụ sen năm nay mất mùa Nếu vẫn mua trả lời trước 10 tháng 7 Các điều kiện khác như thường. Sau khi đánh điện xong, trên đường trở về, Bích Vân tự hỏi: Mình là người phiên dịch cho ông ta từ lúc ở sân bay, khách sạn, tiếp xúc với cán bộ các cơ quan ngoại thương Việt Nam, không lần nào Mihara hỏi về trồng cây, thu hoạch sen ở Việt Nam và không ai ở phía Việt Nam nói chuyện với ông ta vấn đề này. Vậy tin tức kia là do ai cung cấp? Nữ phiên dịch Bích Vân gọi điện báo cho cơ quan an ninh hiện tượng không bình thường này. * Thượng tá Phó cục trưởng Cục 17 Bộ Nội vụ Hoàng Thế Huy cầm tờ giấy sao bức điện của Mihara, vừa xem vừa lặng lẽ bấm chuông. Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn bước vào. - Đồng chí gọi tôi? - Đồng chí cho tôi mượn lại những bức điện của thương nhân Mihara. - Khi nào đồng chí cần đến? - Ngay bây giờ. Thiếu tá đi ra, khoảng năm phút sau quay lại với ba tờ giấy phô tô ba bức điện. - Đây, mời đồng chí xem - Thiếu tá đưa tập giấy đến trước thượng tá. Thượng tá cầm tập giấy, chữ viết nguệch ngoạc của người con gái dịch từ chữ Nhật ra chữ Việt. Tất cả chẳng có điểm nào đáng nghi ngờ mà còn rõ ràng, dễ hiểu. Duy chỉ có bức điện thứ tư, ông vẫn thấy có điều gì khó hiểu. Ông nhìn thiếu tá: - Đồng chí có suy nghĩ gì về bức điện thứ tư của thương nhân Mỉhara không? - Tôi cho rằng đó là bức điện bình thường - Tuy trả lời, song thiếu tá thấy Phó cục trưởng hỏi như vậy chắc có vấn đề nên anh thận trọng nói tiếp - Tất nhiên, là những sĩ quan phản gián, chúng ta còn phải nghiên cứu nhiều nữa để lần tới sự chính xác. - Đúng như vậy. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều không lôgic để tìm ra dấu hiệu khả nghi: từ dấu hiệu khả nghi chúng ta lần tìm ra sự thật chính xác, thực chất về một con người. - Nhưng đồng chí thấy có gì không lôgic? - Lẽ ra điều này tôi hỏi đồng chí mới đúng. Song, đồng chí không thấy, tôi nói để chúng ta cùng bàn. Trước khi trao đổi nội dung chính, tôi hỏi, đồng chí có biết mùa sen nở năm nay được hay mất? - So với bốn năm gần đây, năm nay thu hoạch khá hơn cả. Hiện tại, kho ngoại thương còn gần một ngàn tấn liên nhục chưa xuất. - Thế thì tại sao Mihara lại điện về cho Công ty Hana mùa sen năm nay mất. Có phải là điểm không lôgic không?- Thượng tá đứng lên. - Nếu vậy, tại sao ông ta lại điện báo công khai qua bưu điện quốc tế - Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn hỏi. - Chính tôi cũng đặt câu hỏi như thế - Thượng tá vừa đi vừa gật đầu - Hoạt động trên mặt trận bí mật này, chúng ta không được xem nhẹ tình huống tưởng là đơn giản. - Nghĩa là chúng ta bố trí lực lượng giám sát? - Đúng. Tôi giao cho đồng chí công việc đó. Thế là một tổ cán bộ cơ quan an ninh Việt Nam quyết định đuổi theo một cái bóng mà chưa dám khẳng định có thật hay giả. ------------------ 1. Tiếng Nhật: Chào ông Mihara (Mihara tiên sinh) 2 Tháng Tám năm đó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức cho các nhà ngoại giao, thương nhân, nhà báo nước ngoài ở Hà Nội tham quan một số tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Mục đích của chuyến đi là để mọi người chứng kiến cảnh thiên nhiên tàn phá mùa màng, nhà cửa ở những tỉnh này, thông qua đó, họ kêu gọi chính phủ các nước hoặc các công ty của họ viện trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng bị lũ lụt. Một số sứ quán không cử người đi. Những người đi phần lớn là chưa vào Huế, Đà Nằng, nhân dịp này đi để tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào những thành phố đã hơn hai mươi năm Mỹ cai trị; có người đi để làm quen với đồng nghiệp ở các sứ quán, các thương nhân khác, mở rộng thêm mối quan hệ bạn bè. Ông Phó thư ký Phòng Thương mại gợi ý Mihara đi tham quan khu vực miền Trung. Lúc đầu ông từ chối, sau lại nhận lời. Sáng thứ hai, Mihara rời khỏi khách sạn Hòa Bình lúc 7 giờ 30. Chiếc xe Toyota màu sữa chở ông đến câu lạc bộ quốc tế Ba Đình đang lúc nữ phiên dịch tiếng Anh mời các nhà ngoại giao và các nhà báo, thương nhân lên xe chuẩn bị rời Hà Nội. Khoảng năm chục chiếc xe con đủ các kiểu. Một nhóm các nhà ngoại giao đang trao đổi với cán bộ Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao ở gần cổng chính. Mihara chào hai nhà báo Pháp ngủ buồng bên cạnh mình ở khách sạn Hòa Bình rồi tiến về phía cán bộ đón tiếp. Khi quay ra xe, Mihara cố liếc mắt kiếm tìm người quen. Ngay lúc ấy, câu hỏi "Kác vác Zavút?” 1 thoảng tới tai Mihara nghe rất quen thuộc, làm ông phải ngoái đầu lại. Mihara nhìn thấy người vừa nói có khuôn mặt quen thuộc, môi mỏng, mũi hơi khoằm, đang tiến đến chiếc xe Vonga đen. Ông nhận ra ngay đó là nhà ngoại giao Liên Xô mà có lần đã gặp ở Tokyo. Mihara biết Liên Xô và Việt Nam hợp tác toàn diện, vậy thì chuyến đi Việt Nam lần này sẽ gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi tên nhau của tốp cán bộ ngoại giao hay thuơng nhân, nhà báo Liên Xô vừa rồi đã làm Mihara vừa lo, vừa ghét. Những ý nghĩ đó đã làm chậm buớc chân ông. ông chưa về tới chỗ xe mình đỗ thì cả đoàn xe rồ máy nối nhau đi về phía cửa Nam. Người tài xế chở Mihara đợi cho xe của sứ quán Inđônêxia và Ai Cập vượt qua xe mình liền bám theo luôn. Hôm đó Hà Nội có mưa, bầu trời xám ngắt, mây sà xuống tận ngọn cây. Đường Điện Biên Phủ như bị láng thêm một chất men màu đục, in bóng biến dạng của đoàn xe. Mihara thích thú ngắm nhìn đường phố, cây cối, đồng ruộng, công trường, xí nghiệp hai bên đường số Một. Ông thừa nhận rằng đất nước này nghèo, tang thương chẳng khác gì nước Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mihara rất thích thú việc so sánh nước Việt Nam với Nhật Bản. Mihara lấy trong cặp ra tờ lịch tham quan, đọc chăm chú. Đồng hồ chỉ 11 giờ đúng. Khoảng 10 phút nữa đoàn tham quan sẽ dừng lại nghỉ trưa tại thị xã Thanh Hóa. Ngồi trong xe, Mỉhara tính rằng đến Thanh Hóa sẽ tranh thủ đi một vòng tìm kiếm xem có cô gái nào phiên dịch tiếng Anh mà có nốt ruồi ở đuôi mắt hay không. Nếu có, sẽ tìm cơ hội thuận tiện để trao cho cô ta gói hàng của ông Jon Smit. Mihara tính toán kỹ về cuộc gặp gỡ này. Sẽ nói gì với cô ta? Làm sao có thể gặp riêng? Mihara chào hỏi Chin Sang thương nhân Singapo, Buthuma thương nhân Thái Lan quen biết, rồi đi dọc đoàn xe. Khi đi gần hết đoàn xe, ông ta nhìn thấy một cô gái khá đẹp, đôi môi mỏng ngồi hàng ghế sau chiếc xe số ba nhưng cũng không phải người ông ta tìm gặp. Quá 12 giờ trưa, Mihara trở lại xe của mình tiếp tục cuộc hành trình. Sau hai ngày tham quan, nghỉ ngơi ở Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên, đoàn xe lại nối đuôi nhau như con rắn nhiều màu, luồn qua các đám mây đang bồng bềnh lưng chừng đèo Hải Vân trườn về phía Đà Nằng. Mihara và một số nhà ngoại giao ở khách sạn Thái Bình Dương. Sau bữa cơm chiều, ông còn ngồi lại trong phòng ngắm bức tranh sơn mài vẽ cảnh chùa Non Nước. Ông ta rời phòng ăn đi đến quầy bán hàng lưu niệm. Ngay lúc ấy, một cô gái trẻ vận quần Jean Thái, áo phông loại đắt tiền, đi từ phía trước, tóc quấn ngược lên đỉnh đầu để lộ chiếc cổ trắng tròn, nở nụ cười duyên. Cái đẹp tự nhiên của cô gái thu hút sự chú ý của Mihara, song nốt ruồi ở đuôi mắt phải của cô ta lại còn có lực hấp dẫn hơn. "Thế là có thể nhận ngân phiếu 20 triệu đô la." - Mihara nén nỗi vui mừng đó, bước đến bên cô gái: - Xin lỗi, bà cho tôi hỏi đường từ đây ra chợ Cồn? Người con gái nhìn người khách một cách dò xét rồi hỏi lại một câu bằng tiếng Anh, âm điệu chuẩn xác: - Ông từ đâu đến? Mihara sau khi nhận diện đúng người mình tìm gặp, tự giới thiệu là thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam theo lời mời của Phòng Thương mại. - Xin hỏi bà, Việt Nam có nhiều sa nhân không? - Có. - Có thảo quả không? - Có. - Quê bà có quế thanh không? - Có nhiều quế khâu hơn. - Xin giói thiệu, tôi là khách hàng Việt Nam về những mặt hàng đó. Mihara đề nghị người con gái cùng đi tới quầy bán hàng lưu niệm. Cô gái vui lòng quay lại theo lời yêu cầu của khách. Tại quầy hàng, họ nói chuyện tự nhiên, cởi mở. Theo Jon Smit quy định, Mihara hỏi ba câu và phải trả lời liên tục bốn câu. Nhưng tại sao cô gái kia không hỏi câu nào phù hợp với nội dung bốn câu mình chuẩn bị trả lời. Hay đấy là người của cơ quan an ninh Việt Nam? Mihara bắt đầu lo. Tuy vậy cũng chưa có gì đến mức phải thối chí. Mỉhara bình tĩnh nhắc lại câu đầu tiên khi gặp cô gái hỏi đường ra chợ cồn. Cô gái giơ tay ý nói chào tạm biệt các cô bạn bán hàng, miệng hỏi: - Ông sang đây buôn bán với cơ quan nào? - Gengralimex I Hà Nội! (Tổng công ty xuất khẩu tổng hợp I Hà Nội) - Ông không buôn bán với Unimex Hà Nội hay sao? - Có. - Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh? - Tôi mong muốn giao dịch với Cholimex (Tổng công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn). - Ngoài những mặt hàng đã ký, ông còn mua mặt hàng gì? Mihara mừng thầm trong bụng nhưng không trả lời ngay mà đi mãi tới tận cuối hành lang mới nói: - Nhiều thứ nữa như liên nhục, kê, hồi... Mihara quyết định đi thẳng vào nội dung cuộc gặp và kết thúc nhanh. Đợi cho đôi vợ chồng trẻ thuê buồng bên cùng tầng đi ngang qua, xuống tận tầng dưới, ông ta mới rút trong túi ra tờ Chương trình tham quan và hỏi to: - Thưa bà, ngày mai đoàn đi bãi tắm Non Nước? - Vâng, đúng thế. Mihara chìa tờ giấy trước mặt người con gái nói nhỏ: - Nhờ bà chuyển cho ông nhà giấy này - Mihara nói to như muốn cho mọi người nghe - Xin hẹn bà ngày mai gặp nhau ngoài bãi biển. Cô gái cầm ngay tờ giấy cuộn tròn rồi đập khẽ vào tay trái một cách tự nhiên, chào: - Good night! (Chúc một đêm tốt lành). - Saiônara! (Chào tạm biệt). Thế là cuộc trao đổi tài liệu đầu tiên giữa Mihara với người của nhóm điệp viên H80 của Cục Tình báo trung ương Mỹ kết thúc. Mihara trở về phòng và lúc đó bắt đầu cảm thấy hơi nhức đầu, mệt mỏi. Có lẽ, đó là kết quả của tuổi tác, chuyến đi dài ngày và cuộc gặp gỡ căng thẳng. Mihara đến bên cửa sổ mở rộng cánh cửa chớp. Luồng gió nhẹ mang theo hơi nước từ phía biển Thanh Bình tràn qua ô cửa làm Mihara dễ chịu hẳn. Điều làm ông ta dễ chịu hơn nữa là nghĩ lại các tình tiết buổi tiếp xúc trao tài liệu chuẩn xác, bí mật, tự nhiên đến nỗi nếu có người đứng gần cũng khó phát hiện ra. Ông ta dựa lưng vào tường sung sướng như một võ sĩ vật thắng cuộc sau một trận đấu. Được một lát, ông ta thư thái ngồi lên ghế để mặc cho gió tràn qua xoa bóp lên mặt, lên đầu. ----------------- 1. Tiếng Nga: Tên anh là gì? 3 Chuyến đi tham quan khu vực miền Trung của các nhà ngoại giao, thương nhân, báo chí kết thúc, Thượng tá, Phó cục trưởng triệu tập cuộc họp gồm những người tham gia vào việc giám sát thương nhân Mihara. Ông yêu cầu: - Bây giờ từng tổ công tác báo cáo, lần lượt theo chuyến đi của ông ta, bắt đầu từ tổ đồng chí Như Phơng. - Nhiệm vụ tổ tôi theo dõi hoạt động tiếp xúc của ông ta từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Xe của chúng tôi đã bám theo xe của Mihara rất sát, nhưng không phát hiện thấy ông ta nói chuyện với ai lâu. - Có lẽ ông ta phát hiện thấy có người theo dõi mình? - Thượng tá hỏi. - Tôi không nghĩ như vậy. Ông ta đi lại rất bình thường. Thượng tá cúi đầu suy nghĩ. - Dù sao chăng nữa thì ta cũng loại trừ được khả năng tiếp xúc trên đường đi - Thượng tá quay về phía trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ - Đồng chí hãy báo cáo lại kết quả đặt máy ở khách sạn Thuạn Hóa, Huế*.. - Xe của chúng tôi đến khách sạn trước nửa ngày. Chúng tôi đã đi kiểm tra nơi ăn ở, các phòng cho khách và đặt máy quay phim tự động ở phòng bố trí cho Mihara ngủ. Chúng tôi phát hiện thấy ông ta thức trắng đêm, lúc thì đi lại, lúc ngồi trầm tư, khi thì cúi đầu viết. - Mihara viết gì? - Thượng tá hỏi. - Vì máy để xa, chữ lại nhỏ nên không hiện rõ. - Đã phóng đại chưa? - Chúng tôi đã dùng máy phóng đại lớn nhưng không đọc được nội dung của những dòng chữ. Phó cục trưởng nheo mắt lại như bắn ra những tia lửa. 'Đó là những hành động vụng trộm của những tên gián điệp - ông thầm suy nghĩ - Bước đầu ta khẳng định ông ta không phải là một thương nhân chỉ biết có công việc buôn bán". - Còn thời gian ở khách sạn Thái Bình Dương, Đà Nằng? - Suốt từ tối tới sáng ông ta không làm gì. Thượng tá quay lại phía đại diện của công an Quảng Nam - Đà Nang hỏi: - Đồng chí thấy thương nhân Nhật Bản này có gì đáng nghi không? - Tôi không thấy có gì nghi ngờ ngoài cuộc nói chuyện với cô hướng dẫn viên xinh đẹp. - Đồng chí có thể trả lời kỹ hơn chút nữa. - Các nhà ngoại giao, ngoại thương, nhà báo... đi ra đi vào ríu tít trên hành lang khách sạn. Họ vui vẻ nói chuyện, mua báo chí, hàng lưu niệm, chụp ảnh kỷ niệm cho nhau. Họ vây quanh cô hướng dẫn viên xinh đẹp. Mặc dù đứng ở gần quầy hàng lưu niệm, quay mặt vào họ, họ không nhìn thấy tôi nhưng tôi quan sát họ rất rõ. Cô hướng dẫn viên có làn tóc lượn sóng rất quý phái, tôn cho vẻ mặt đẹp, rám nắng của cô. Nhiều khách nước ngoài nhìn đôi mắt đen dưới đôi mắt kính màu hồng cũng khó lòng yên tâm. Cô hướng dẫn viên không ngớt lời trò chuyện vui vẻ với khách. Hình như cô gái chưa phát hiện thấy ông thương nhân này để ý tới mình từ lúc nào. Sau khi ăn cơm xong, ông thương nhân có ý nán lại, về muộn hơn mọi người nên khi cô hướng dẫn viên chào nhóm người đang nói chuyện đi ra thì gặp ngay ông ta. Với nghề nghiệp hướng dẫn viên du lịch, cô ta trò chuyện cởi mở, nhiệt tình giới thiệu với ông thương nhân các mặt hàng ở gian bán hàng lưu niệm và hình như họ hỏi nhau về chương trình tham quan? - Tại sao đồng chí ở xa lại nghe được điều đó? - Chúng tôi phán đoán qua việc họ chỉ tay vào tờ giấy giới thiệu chương trình tham quan. - Có một trùng hợp kỳ quặc - Thượng tá Phó cục trưởng nói giọng phấn khởi - Ở Huế máy quay phim tự động ghi lại được hình ảnh thương nhân Mihara sử dụng giấy giới thiệu chương trình tham quan viết gì đó; ở Đà Nẵng lại phát hiện ông ta với cô hướng dẫn viên du lịch cầm tờ giấy này nói chuyện với nhau - Hình như sực nhớ ra điều gì, thượng tá quay lại hỏi đại diện công an Quảng Nam - Đà Nang - Tờ giấy đó của ai? Đại diện công an Quảng Nam - Đà Nang hơi bối rối vì không nhớ rõ. Anh cố nhớ lại một cách chính xác nhưng không được nên đành nói nước đôi: - Chắc chắn là tờ giấy đó, nhưng ai trao ai thì không rõ. - Đồng chí nên rút kinh nghiệm - Thượng tá phê bình khéo - Công việc chúng ta đòi hỏi phải quan sát ghi nhận từ những chi tiết nhỏ nhất, những việc làm tưởng rất bình thường, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ may, có khi cả cuộc đời mới lấy lại được - Thượng tá gật đầu, một thói quen khi nghĩ ra điều gì mới - Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề. Với những động tác của Mihara, chúng ta kết luận không cần bàn cãi, đó là hành vi hoạt động mờ ám. Theo ý kiến các đồng chí, chúng ta nên đối phó thế nào? - Đề nghị bí mật lấy tài liệu ông ta đã nhận để nghiên cứu - Trung tá Vũ Duy Bừng đề nghị. - Theo tôi, khi đã có chứng cứ trong tay, ta mời ông ta đến trụ sở để khai thác. Điều quan trọng hơn nữa, ta chưa phát hiện ông ta liên lạc với ai, nhằm mục đích gì. - Vậy ý kiến đồng chí thế nào? - Theo tôi - Thượng tá lại gật đầu - một là tìm hiểu về cô hướng dẫn viên du lịch; hai là tiếp tục giám sát Mihara. Qua theo dõi ta sẽ phát hiện ra ông ta bắt liên lạc với tên gián điệp nào nằm vùng tại nước ta, mà có lẽ là điệp viên do CIA cài lại sau chiến tranh hoặc điệp viên của tình báo Nhật. Những điệp viên này có nhiều khả năng nằm trong cơ quan kinh tế đối ngoại của ta. Còn về mục tiêu Mihara định tiếp cận, theo tôi là tìm hiểu đường lối kinh tế đối ngoại của ta hoặc kỹ thuật sản xuất và giá cả các mặt hàng chiến lược. Gần đây, Nhật Bản là nước đang muốn phát triển kinh tế, Mihara lại là thương nhân nên mọi người dễ dàng thống nhất với kết luận của thượng tá, phấn khởi tiếp tục lao vào cuộc điều tra Chương hai 1 Cuộc điều tra thương nhân Nhật Bản Mihara chưa thu được kết quả gì thì ông ta đã hết thời gian lưu lại ở Việt Nam. Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn gặp ông Chánh thư ký Phòng thương mại tìm hiểu về thái độ buôn bán của Mihara. Ông Chánh thư ký đánh giá, Mihara rất nhiệt tình, buôn bán có kết quả. Các mặt hàng ông ta mua, nhất là sa nhân, thảo quả, ba kích, kê, hồi, quế thanh, quế khâu, liên nhục đều cao giá hơn so với một vài thương nhân Hồng Kông, Singapo. Malaixia; cách thức buôn bán rõ ràng, sòng phẳng, không dìm giá. Từ nơi gặp gỡ trở về, thiếu tá đạp xe rất chậm. Gia đình thiếu tá ở một ngõ hẻm phố Bạch Mai. Anh dắt xe dọc theo bức tường đã cũ, rêu mọc loang lổ, qua một khu đất trải sỏi mới vào đến địa phận nhà mình. Anh gieo mình xuống giường. "Thế là thả sổng con mồi!" - Thiếu tá nghĩ rồi nằm xuống, thở làn khói lên trần nhà. "Đúng là tan như làn khói - Anh tiếp tục nghĩ - Lúc phát hiện có dấu hiệu hoạt động gián điệp thì không đủ chứng cứ, lúc tổ chức giám sát thì đối tượng đã bỏ chạy. Nếu như ông ta là gián điệp kinh tế thì phải tính toán tới thua lỗ chứ, tại sao lại mua giá cao hơn thương nhân khác? Hay bắt về cơ quan xét hỏi? Nếu bắt truy khan chắc chắn sẽ có những công hàm phản đối từ phía Nhật Bản”. Thiếu tá châm thuốc hút, ngước nhìn trần nhà qua làn khói mỏng tang. Chị Hồng Diệu, vợ anh, từ trong nhà đi ra. Ngạc nhiên thấy chồng về lúc nào mà mình không biết, chị đi đến phía giường nhẹ nhàng ngồi xuống bên anh. - Dạo này sao anh suy tư nhiều thế? - Câu hỏi của vợ làm anh dịu bớt sự căng thẳng trong đầu. Tay Hồng Diệu đặt lên trán chồng vuốt nhẹ. Đã lâu lắm rồi, anh không nhận được sự vuốt ve trìu mến này. Công việc mấy tháng chạy theo cái bóng thương nhân làm anh đi sớm về muộn, còn đâu thì giờ tâm sự cùng vợ. Để bù đắp lại, giờ đây anh cầm tay Hồng Diệu đặt lên ngực mình như bảo rằng: anh vẫn nghĩ tới em. Hồng Diệu để mặc cho chồng bóp chặt tay mình, nói thơng thả: - Độ này em thấy tâm tính anh khác trước nhiều, hay mấy ông cơ quan lại đấu đá nhau? - Đừng nói bậy! - Anh trả lời giật cục. - Trước đây anh có hút thuốc lá nhiều như bây giờ đâu? Gần đây chị Diệu có nghe người ta nói, chồng mình hay đi với cô gái nào đó, chị sinh nghi nhưng vẫn giấu kín điều đó. Bây giờ, chị quyết định hỏi chồng, nếu không, đợi đến khi biết chắc sợ quá muộn. - Hay anh chê em già? Như một quả tạ giáng xuống đầu, anh chết lặng người. Trong giây phút, quá khứ cuồn cuộn trào lên. Anh muốn nâng niu, muốn giữ chặt những tình cảm hai người đã dành cho nhau. Đợi mãi chồng không trả lời, chị phát khóc lên vì tức. - Có lẽ anh xấu hổ vì có em hả? - Sao em lại nghĩ điên rồ thế? - Thiếu tá bực bội trả lời. - Vậy tại sao mấy tháng nay anh không đi chơi với em, thậm chí rủ anh về bên ngoại chơi anh cũng không đồng ý? Câu hỏi của vợ lại như một quả tạ thứ hai giáng xuống đầu làm anh thục sự xúc động. Anh lựa lời nói với Hồng Diệu: - Anh không đi chơi vì không muốn phô trương hạnh phúc của chúng ta. Hồng Diệu nghĩ câu nói đó của chồng không thật, có gì đó như che đậy cho một mối quan hệ mờ ám. Chị giận dỗi đứng lên: - Vì em biết anh thích đi với gái trẻ để phô trương với bạn bè! Tại sao Hồng Diệu lại biết mình đi với cô ta? Nếu bây giờ vợ mình làm toáng việc này lên, đến tận cơ quan cô ta đánh ghen thì có lẽ hỏng hết việc. Hay là nói thật, mình đi với cô ấy để làm nhiệm vụ? Nhưng nói như thế đâu được. Thiếu tá thấy mình lạc lõng trong hàng ngàn vạn câu hỏi nên xử sự như thế nào mà chưa có câu trả lời chuẩn xác. Anh đưa mắt nhìn vợ như nhìn trộm. Đúng là nhìn bề ngoài Hồng Diệu già hơn cô ta đến chục tuổi. Khuôn mặt hơi vuông, cặp môi hơi dày, lại có vẻ rạn nứt như vén bờ. Hai cánh tay hơi gầy, cả thân hình khô như cây thông trụi lá. Khoa Đoàn ngồi dậy. Cơn gió cuối thu ào qua cùng với tiếng ô tô chạy ngoài đường như những tiếng kêu thất thanh. Vợ chồng gửi cả cuộc đời cho nhau - anh nghĩ - mà không tin nhau, thì dễ đổ vỡ lắm. Anh rùng mình run sợ, tưởng như có tai họa sắp đến. Nếu nói thật với Hồng Diệu, cô gái kia là ai, đang làm gì, có thể bị hỏng việc; nếu không nói thật, có lẽ mình mất lòng tin với vợ. - Em hãy tin ở anh. Tiếng anh thầm thì, run run y như tai họa đã chém ngang hạnh phúc gia đình. -Tin! - Rồi anh sẽ nói cho em rõ. - Nói rõ! Khoa Đoàn và Hồng Diệu đều nhận rõ nội dung của những câu đối thoại đó gay gắt và có phần nào không đúng với lương tâm mình. Nhưng càng nói chuyện thì càng đẩy cả hai người bước tiếp lên một sợi dây giăng qua hố sâu. - Xong việc anh sẽ nói với em. - Nghĩa là cưới xong cô ta, anh mới nói với em chứ gì? - Không, anh không bao giờ phản bội tình chồng vợ, mà cũng không hề dối trá. Anh cay đắng nghĩ: Lẽ nào mình để cho tên gián điệp khoác áo thương nhân về nước rồi lại để cho vợ mình cũng từ từ chia tay mình hay sao? Thiếu tá Khoa Đoàn quay lại định lựa lời giải thích với vợ, nhưng chị đã bỏ vào nhà trong từ lúc nào. Anh đứng câm lặng nhớ lại tiếng chỉ trích của vợ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh bị vợ nghi ngờ, oán giận. Gần mười năm sống bên nhau, anh chưa hề chuẩn bị, nói đúng ra không cần chuẩn bị sự đối phó này nên khi nghe Hồng Diệu nói, anh không tránh khỏi đường đột. Anh đứng trơ trọi một mình giữa nhà. Lần đầu tiên anh thấy mình cô độc. Và lần đầu tiên anh mới hiểu, muốn không trơ trọi, phải quan tâm tới cuộc sống gia đình. 2 Mấy tháng bám theo cái bóng thương nhân Mihara không kết quả và những lời trách cứ của Hồng Diệu làm Thiếu tá Khoa Đoàn mệt rã rời. Từ cơ quan về, anh lên giường nằm cố chợp mắt bù lại thời gian công tác vất vả, nhưng không sao ngủ được. Trong óc anh lúc nào cũng căng thẳng vì những giả định đã đặt ra về người thương nhân Nhật Bản. Mỗi khi nhắm mắt, anh lại thấy hiện rõ các hoạt động của Mihara ở khách sạn Thuận Hóa, Huế. Bộ mặt ấy luôn đăm chiêu, hiền từ; động tác lúc vội vã, lúc thơng thả. Đối với thương nhân, việc trầm tư suy nghĩ cách buôn bán kiếm lời là lẽ đương nhiên. Còn việc ghi chép đêm đó có thể là những số liệu mặt hàng, giá cả thì sao? Trông ông ta cũng bình thường như mọi người Nhật khác, cũng có nét trầm tư kín đáo của người phương Đông. Vậy thì làm sao có thể phân biệt được ông ta là thương nhân hay gián điệp khoác áo thương nhân? Tuy lý giải như thế, song thiếu tá nghĩ rằng hành động vụng trộm, tháo gỡ gót giày, hí hoáy ghi chép lúc ở khách sạn là không thể bỏ qua. Càng nghĩ, thiếu tá càng cho rằng đó là hành động đáng nghi. Nếu là thương nhân chỉ chăm chú việc buôn bán thì cần gì phải cất giấu tài liệu trong đế giày? Lại còn một điều nữa, sau đó ông ta cầm tờ giấy đó trao cho cô hướng dẫn viên kia? Vậy cô hướng dẫn viên kia là ai? Cô ta có quen ông ta hay gặp gỡ tình cờ như muôn vàn người khách khác? Nghề của cô ta là dẫn khách tham quan, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cơ mà! Còn nếu như quen biết thì bắt đầu từ bao giờ? Ông Mihara lần đầu tiên vào Việt Nam, cô ta chưa một lần đi ra nước ngoài thì quen nhau trong trường hợp nào? Những câu hỏi ấy cứ lung bung trong đầu làm thiếu tá không sao ngủ được. Rồi anh lại tự động viên, ông ta chưa phương hại tới nền an ninh quốc gia, lại trở về nước thì còn nghĩ tới làm gì cho mệt xác. Không, nghĩ thế là sai lầm. Nếu ông ta hoạt động gián điệp thì dù ở Việt Nam hay ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc... nghĩa là ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tìm cách chống phá Việt Nam. Trách nhiệm của mình là phải điều tra, ngăn chặn, thủ tiêu những hành động đó. Thương nhân Mihara về Nhật đã mấy tháng trời mà hình bóng với việc làm của ông ta vẫn như đang diễn ra hôm qua. Một buổi sáng, anh đi làm muộn hơn vợ. Anh với tay lấy bao thuốc để trên bàn châm lửa hút. Khoa Đoàn thấy lạ là bao thuốc còn mới nguyên. Có lẽ Hồng Diệu mới mua đặt ở đó trước khi đi làm. Sau mấy tháng lạnh nhạt, lần đầu tiên vợ mua thuốc cho anh. Anh vui vẻ bóc bao thuốc. Có tiếng guốc ngoài ngõ. Một giọng thanh thanh nhưng rắn rỏi: - Đây có phải nhà anh Nguyễn Khoa Đoàn không ạ? Thiếu tá không nghe thấy tiếng trả lời của gia đình ngoài mặt phố, nhưng cánh cửa gỗ của ngõ chung ba nhà đã khép lại. Tiếng guốc ngập ngừng, dè dặt. Thiếu tá hơi ngạc nhiên vì có cô gái hỏi mình vào giờ này. Cô gái có bím tóc dài, mặt tròn, má lúm đồng tiền, bước chậm chạp. - Xin lỗi! Em hỏi có phải anh là anh Đoàn không ạ? - Vâng, tôi đây. - Bố em bảo mời anh đến cơ quan bố em. - Bố cô là ai? - Dạ, bố em tên là Cương. Lúc bấy giờ thiếu tá mới nhớ cô gái là con cả của ông Cương, Thứ trưởng, thuộc địa bàn anh phụ trách. - Cô cứ về trước, một lúc nữa tôi sẽ tới. Ý định của anh là đến cơ quan báo cáo rồi mới tới gặp ông Cương. Anh tiễn cô gái ra tới ngõ thì gặp vợ trở về. Hóa ra là xe vỡ lốp nên vợ anh phải quay về. Hồng Diệu liếc nhanh người con gái. - Em chào chị! - Cô gái chào rồi đứng nhìn Hồng Diệu vẻ ngượng ngập. - Vâng, chào cô - Giọng Hồng Diệu nặng nề đầy tính chất soi mói. Nét mặt thiếu tá biểu lộ vẻ chưng hửng, bối rối. Anh chưa kịp giới thiệu cô gái thì Hồng Diệu đã dắt xe đi được một đoạn. Thiếu tá vội đi theo Hồng Diệu về nhà. - Bây giờ anh có việc phải đi ngay. - Đi với con bé đó? - Giọng Hồng Diệu lạnh lùng. - Đừng nói bậy - Thiếu tá nói to như thét rồi mở khóa xe. Ra tới cổng anh còn nghe thấy lời trách cứ của vợ: "Còn oan lắm đấy!" Câu nói đó là những âm thanh cay độc bắt anh phải suy ngẫm rồi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải giải đáp. 3 Mãi tới 9 giờ thiếu tá mới rời cơ quan đi gặp ông Cương. Anh Phú, trưởng ban bảo vệ cơ quan Bộ cũng đang ngồi ở phòng làm việc của ông. Sự căng thẳng lo sợ đã lộ rõ trên khuôn mặt hai người. Dưới chiếc quạt trần quay chậm, ông Cương đang lần dở từng kẹp giấy trong cặp hồ sơ. Trưởng ban bảo vệ chăm chú theo dõi thủ trưởng của mình. Những ý nghĩ phỏng đoán trường hợp mất tài liệu đang diễn ra trong đầu Thứ trưởng. Ông nhìn đồng hồ. - Đã chín giờ hơn rồi mà vẫn không thấy anh ấy đến. Không biết con bé đã báo chưa? - Thứ trưởng nhìn trưởng ban bảo vệ - Không tìm được bản tài liệu này thì tôi đến phải thôi chức Thứ trưởng và ra đứng trước vành móng ngựa. Hay là anh lấy xe tôi đi đón anh ấy? Ông vừa nói dứt lời, thiếu tá Khoa Đoàn đã gõ cửa. - Có chuyện gì mà anh cho tìm tôi thế? Thứ trưởng dừng tay không lục tìm tài liệu, mặt hơi biến sắc, nặng nề ngồi xuống ghế. Những giọt mồ hôi lớn đọng lại ở hai bên thái dương từ lúc nào. - Bản Nghị quyết trung ương về đối ngoại đã bị mất cắp. Thiếu tá Khoa Đoàn làm công tác bảo vệ nội bộ nên biết rất rõ tầm quan trọng của bản Nghị quyết này. Đó là bản Nghị quyết của Trung ương Đảng ta đối với Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, các nước Đông Nam Á trong những năm sắp tới, vừa mới được thông qua trước đây mấy tháng. Nếu để lọt vào tay kẻ địch Nghị quyết này, chúng sẽ tìm cách bao vây, chống phá một cách có hiệu quả. Anh đã nhiều lần đặt vấn đề với lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ, Viện cảnh giác mà vẫn cứ để xảy ra. Anh nhìn Thứ trưởng hỏi một cách khiêm tốn: - Tại sao tài liệu quan trọng cơ mật như thế đồng chí lại giữ? - Vì tôi là Thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại của Bộ. - Theo đồng chí, nơi bị mất cắp ở đâu? - Có khả năng mất tại nhà. - Tại sao đồng chí biết mất tại nhà? - Vì chiều qua tôi mang bản Nghị quyết đó về nhà ăn cơm xong còn đem ra đọc. Thứ trưởng nhìn thiếu tá, đôi mắt ánh lên những tia lo âu một cách tội nghiệp. Gần hết đời công tác, trải qua hai cuộc kháng chiến, được bổ nhiệm là Thứ trưởng, có lần nào ông để mất tài liệu đâu. Thiếu tá nhìn ông vẻ thông cảm. - Đồng chí có thể nói rõ hơn trường hợp bị mất cắp được không? - Hiện bây giờ tôi chưa biết đích xác - Thứ trưởng trả lời. - Đồng chí có nghi ai không? - Tôi không nghi cho ai cả. - Chiều qua có ai tới thăm gia đình đồng chí không? - Để tôi xem - Thứ trưởng suy nghĩ - Không. Không có ai, chỉ có cháu Giang có người yêu rủ đi chơi, nhưng các cháu hẹn nhau ở chỗ khác. Sau khi nghe Thứ trưởng nói, thiếu tá hỏi: - Đồng chí Phú hôm nay có bận lắm không? - Tôi không bận lắm. Thiếu tá nhìn Thứ trưởng: - Nếu vậy, xin phép đồng chí cho đồng chí Phú tới chỗ chúng tôi bàn cách tìm ra kẻ đã đánh cắp được không? Thứ trưởng sốt sắng trả lời: - Được. Nếu bận thì cũng xếp lại. Đồng chí trưởng ban bảo vệ lẳng lặng theo thiếu tá ra hành lang. Xuống hết cầu thang thứ nhất, thiếu tá hỏi: - Chiều qua đồng chí có đi cùng xe Thứ trưởng về nhà không? - Có. - Và nhìn thấy đồng chí ấy đem cặp tài liệu theo? - Đúng. - Dù sao cũng cám ơn đồng chí đã giúp tôi xác định lại chắc chắn hơn hoàn cảnh Thứ trưởng mất tài liệu. Về tới trụ sở Cục 17 Bộ Nội vụ, thiếu tá Khoa Đoàn kéo ghế rót nước mời trưởng ban bảo vệ rồi nói luôn: - Nếu đem tài liệu về nhà, không bị rơi dọc đường, khách không tới thăm thì tài liệu bay đi đâu? Theo tôi, một là do kẻ gian đột nhập vào ban đêm; hai, có thể chính là người nhà đồng chí đó lấy. Đã gần mười năm nay làm việc với đồng chí, hiểu đồng chí nên tôi mới nói suy luận đó của mình. - Vì thế đồng chí mới mời tôi đến đây? - Đúng! Nghi ngờ đồng chí, người thân là không cho phép, nhưng nghi ngờ để tìm ra sự thực và giải tỏa mối nghi ngờ đó là trách nhiệm của tôi và đồng chí. ẳ - Vậy tại sao đồng chí không nói thẳng với Thứ trưởng. Đồng chí ấy là cán bộ cao cấp, lại có kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta trong việc này. - Nhưng đồng chí ấy cũng là một con người, sẽ đau khổ khi biết người thân mình dính líu. Như vậy có phải chúng ta đã đem sự đau khổ tới cho đồng chí ấy không? - Thiếu tá nói chậm rãi - Tôi quyết định, không nói với đồng chí ấy, đó không phải không tin mà xuất phát từ lòng nhân ái. Trưởng ban bảo vệ lặng người đi. - Tôi hiểu gia đình Thứ trưởng. Thiếu tá nhìn thẳng vào mắt trưởng ban bảo vệ: - Việc gặp riêng đồng chí là chúng tôi muốn đồng chí giúp chúng tôi tìm hiểu về vợ con của Thứ trưởng. - Nhưng để làm gì? - Trưởng ban bảo vệ nhìn thiếu tá, nét mặt già hẳn đi - Đó là việc làm xúc phạm tới lòng tự trọng của một gia đình cách mạng. - Không. Chính là để thanh minh cho đồng chí Thứ trưởng vì chính đồng chí ấy nói, tài liệu để ở nhà, không có ai tới thăm mà mất thì có phải tự đồng chí ấy kết luận người nhà đồng chí ấy lấy không? - Thiếu tá thấp giọng - Đồng chí giúp chúng tôi làm rõ vấn đề này. Trưởng ban bảo vệ bối rối: - Tôi có thể làm gì? - Chỉ cần đồng chí nhận lời, chúng tôi sẽ nói cụ thể từng việc. - Nếu là việc làm nhằm bảo vệ tốt nền an ninh quốc gia, tôi chấp nhận. 4 Hà Nội sau một trận mưa bất thần mùa đông tưởng như từ trên trời rắc xuống một lớp kem sữa. Nhiều đường phố lớp nhớp bùn cát. Mỗi một khi xe đạp, ô tô chạy qua lại hằn những vết bánh xe, khi thì thẳng như kẻ, khi thì ngoằn ngoèo như rắn bò. Bầu trời xám xịt bỗng sáng hơn. Phía nam sông Hồng lộ rõ một khoảng trống với mấy đám mây trắng kéo qua. Ông Phó thư ký Phòng thương mại bước vào phòng làm việc, ông mở xem một loạt bức điện chào hàng của các cơ quan xuất nhập khẩu Việt Nam với Công ty Hana và một số công ty khác của Nhật Bản, Hồng Kông; thư giới thiệu làm quen với thương nhân Mihara của thương nhân các nước Anh, Pháp, Úc, Cộng hòa Liên bang Đức... trong thời gian lưu lại ở Việt Nam. Mắt ông hơi bị nhíu lại khi đọc thư của Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp I Hà Nội: Hà Nội, ngày 5 tháng 11 Kính gửi ông Mihara Giám đốc Công ty Hana Nhật Bản Thưa quý ông, Chúng tôi xin cảm ơn thư của quý ông đề ngày 20 tháng 10, trong đó qúy ông hỏi mua bốn mặt hàng dược liệu: liên nhục, sa nhân, thảo quả, ba kích. Chúng tôi rất tiếc báo để quý ông rõ là mặt hàng ba kích hiện nay đã hết, vì vậy chúng tôi chỉ có thể bán cho ông ba mặt hàng liên nhục, thảo quả, sa nhân theo giá mà ông và chúng tôi đã thỏa thuận. Chúng tôi gửi kèm theo thư này mẫu hàng và bảng giá từng mặt hàng theo điều kiện FOP Hải Phòng, tin rằng quý ông sẽ hài lòng. Kính chào. Tổng giám đốc Gengralimex I Hà Nội Ông Phó thư ký đưa tay nhấc cặp kính lão. Như vậy là Mihara đã quan hệ buôn bán với Gengralimex, Bộ Ngoại thương, Unimex Hà Nội, Unimex Nghệ Tĩnh, Unimex Quảng Ninh. Hai tuần sau, Mỉhara lại gửi một bức thư cho ông Tổng giám đốc xuất nhập khẩu tổng hợp I: Tokyo ngày 19 tháng 11 Kính gửi ngài Tổng giám đốc Gengralimex I Hà Nội Chúng tôi cảm ơn thư của ngài đề ngày 5 tháng 11 trả lời thư đề ngày 20 tháng 10 của chúng tôi. Chúng tôi thông báo để ngài rõ, khi nhận được hàng mẫu, chúng tôi đã đưa cho người tiêu dùng để họ tham khảo ngay. Họ rất hài lòng. Chúng tôi mong muốn rằng thời gian tới, sẽ buôn bán với các ngài với số lượng gấp đôi. Chúng tôi mong sớm nhận được giấy mời của các ngài mời chúng tôi vào Hà Nội ký hợp đồng để chúng tôi đến Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tokyo xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam vào tuần đầu tháng 12. Kính chào Mihara Giám đốc Công ty Hana Sau khi xem các bức điện của Công ty Hana, ông Phó thư ký Phòng thương mại nhấc ống nghe. - Alô. Tôi, Phó thư ký Phòng thương mại. Cho tôi gặp đồng chí Hoàng Thế Huy. - Alô. Tôi là Huy đây. Đồng chí có việc gì cứ nói. - Tôi muốn hỏi lại trường hợp thương nhân Mihara. Nói qua điện thoại sợ không tiện nên muốn đến gặp trao đổi trực tiếp. - Ngay bây giờ? - Vâng. - Đến chỗ tôi hay chỗ đồng chí? - Có lẽ đến chỗ đồng chí tiện hơn. Ông Phó thư ký Phòng thương mại xách cặp đi ra cửa. Vừa ngồi vào xe, ông mở tờ báo Asahi Shimbum, tờ báo hàng ngày lớn nhất Nhật Bản, xem. Ông lật mấy trang đầu, dừng lại ở trang quảng cáo, nghĩ: "Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Nhật cũng bị bom đạn như nước mình mà tại sao sau mấy chục năm các nhà kinh tế Nhật đã đưa đất nước này phát triển với tốc độ chóng mặt. Bây giờ mình muốn bắt tay với họ, nghiên cứu về họ lại bị mấy ông an ninh ngáng chân. Nếu cứ kiểu làm ăn này... " Chiếc xe dừng lại trước trụ sở Cục 17. Theo người bảo vệ, ông bước lên gác 2. - Mời đồng chí vào, tôi đang chờ. Sau những câu chào hỏi xã giao, ông Phó thư ký Phòng thương mại hỏi luôn: - Về trường hợp thương nhân Mihara xin nhập cảnh, ý kiến các đồng chí thế nào? - Chúng tôi đang nghiên cứu. - Tôi đi nhiều nước thấy họ trả lời vấn đề như thế này rất nhanh. Còn bên ta, các đồng chí lại nghiên cứu quá lâu. Họ vào Việt Nam làm ăn kinh tế mà chúng ta không tạo điều kiện thì chúng tôi mất hết khách hàng. Buôn bán phải có khách hàng chứ! - Chúng tôi hiểu. - Nhưng vì lý do gì lại giải quyết chậm trễ? - Không nói thì đồng chí cũng biết đấy, cái nghiệp của chúng tôi là kiểm tra xem có bảo đảm an ninh quốc gia không? - Nhưng theo tôi đề nghị không nên viện vào công việc đặc thù đó để cản trở công việc buôn bán. - Nhưng theo tôi, công việc buôn bán của Nhà nước và công việc của chúng tôi lại là một. - Không. Nó là hai vấn đề tách rời nhau. - Theo ý kiến đồng chí? - Theo suy nghĩ của tôi, đã nói đến đi buôn là phải tính lỗ lãi. Nếu thương nhân nào đó mở rộng được mặt hàng, đem nhiều lãi cho ngoại thương Việt Nam là chúng tôi chấp nhận. Còn thương nhân nào vào đây, họ không thực hiện theo luật pháp Việt Nam, phá hoại nền an ninh thì các đồng chí phải lo. - Nhưng chúng tôi không thể hoạt động tách rời các đồng chí mà phải qua các đồng chí xem thái độ buôn bán của họ. về trường hợp thương nhân Mỉhara, các đồng chí đánh giá thế nào? - Như đã trao đổi lần trước, ông ta là một trong những khách hàng chính của mặt hàng quế, sa nhân, thảo quả, ba kích, hồi, liên nhục... Buôn bán sòng phẳng. - Vì vậy các đồng chí đề nghị tiếp tục cho vào? - Đúng thế. Chính vì vậy, hôm nay tôi gặp đồng chí yêu cầu trả lời sớm. - Về vấn đề này, ngày mai chúng tôi sẽ trả lời chính thức - Giọng thượng tá ôn tồn hơn. Gần trưa, thượng tá tiễn khách ra về. ông quay lại bàn làm việc, ngồi xuống ghế trầm ngâm suy nghĩ. Mihara là thương nhân đã vào Việt Nam, có nhiều nghi vấn hoạt động gián điệp, có nên cho nhập cảnh không? Kinh nghiệm cho thượng tá thấy rõ, một khi bọn gián điệp khoác áo thương nhân, ngoại giao, nhà báo, tổ chức xã hội nào đó vào Việt Nam thì các sĩ quan phản gián của ta phải tập trung sức đấu tranh khá vất vả. Hay là đề nghị Bộ Ngoại giao không cho thị thực nhập cảnh, đó là con đường đỡ vất vả nhất cho cơ quan an ninh. Thiếu tá Khoa Đoàn từ ngoài cửa bước vào, cắt đứt luồng suy tư của thượng tá. - Đồng chí đã đọc bức thư Mihara xin nhập cảnh vào Việt Nam ký hợp đồng mua dược liệu chưa? - Tôi đã đọc. Ý các đồng chí bên ngoại thương thế nào? - Các đồng chí ấy đang chờ câu trả lời của chúng ta. Vậy theo ý kiến đồng chí? - Theo tôi, nên cho ông ta vào. - Cậu nghĩ nông cạn lắm - Thượng tá chỉ trích thiếu tá - Khi nghi có dấu hiệu hoạt động gián điệp phần đông ta phải bóp từ trong trứng. - Vì chủ trương bóp từ trong trứng nên không cho ông ta vào, đó là một chủ trương sai lầm. - Vì sao? - Thứ nhất, chúng ta sẽ gặp sự phản đối của các đồng chí bên ngoại thương, vì Mihara là thương nhân đem lại nhiều lãi cho Việt Nam; chúng ta lại không có chứng cứ buộc tội ông ta. Vậy thì sao không cho ông ta vào quan hệ buôn bán đối ngoại. Thứ hai, nếu như Mihara là gián điệp thật thì ông ta bắt liên lạc với kẻ nằm vùng ở Việt Nam. Việc tìm cho ra kẻ đào ngũ ở trong nội bộ, làm trong sạch đội ngũ ở trong nước mới là nhiệm vụ chính của chúng ta. Thưa đồng chí thượng tá, có đúng thế không? - Thôi được - Thượng tá quyết định - Đồng chí cứ trả lời với bên ngoại thương cho Mihara vào và lập kế hoạch cho sát. Nếu có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, cần tiến hành bắt quả tang - Và giọng hơi bực tức, ông hỏi thiếu tá - Vụ mất Nghị quyết trung ương, đồng chí điều tra tới đâu rồi? - Tôi cũng định gặp đồng chí để xin chủ trương. - Còn chủ trương gì nữa, đó là một vụ nghiêm trọng gắn liền với an ninh quốc gia, chúng ta cần phải điều tra cho ra thủ phạm. - Ý tôi muốn hỏi, nhận định kẻ đánh cắp tài liệu nhằm mục đích chính trị hay hình sự? Nếu nó đánh cắp vì mục đích chính trị thì công việc điều tra của chúng ta khác hẳn với điều tra hình sự. - Tất nhiên đó là vụ án chính trị. - Nếu đêm đó kẻ trộm lọt vào đánh cắp thì cũng gọi là chính trị hay sao? - Nếu trộm lấy của, tại sao lấy một vài tờ giấy? - Thượng tá quyết đoán - vấn đề đó đã rõ. Chúng ta không nên bàn nữa, cứ cho tiến hành điều tra. Còn vấn đề hôm qua đồng chí hỏi, vụ mất tài liệu này có liên quan với thương nhân Mihara không, thì dễ dàng khẳng định: Không! Thiếu tá khẽ gật đầu, tỏ thái độ đồng tình. Thượng tá dặn thiếu tá Khoa Đoàn: - Nên điều tra theo hướng đã bàn với đồng chí trưởng ban bảo vệ. 5 Tại gia đình ông Cương, sau bữa cơm chiều, ông vừa nhấm nháp chén cà phê vừa thơng thả đọc qua mấy tờ báo. Vợ ông, bà Cẩn, đang đọc truyện. Bà năm nay bốn bảy tuổi, trẻ hơn chồng sáu tuổi. Nhờ có thân hình dong dỏng và nước da trắng của người phụ nữ dân tộc Nùng, so với ông Cương, bà trẻ hơn nhiều. Tuy vậy, năm tháng tuổi tác và nếp nhăn trên trán đã in dấu ấn lên nhan sắc, làn da đã mất cái màu hồng của trái mận chín Lạng Sơn. Nghe tiếng ô tô tới đón, ông Cương bỏ báo, xách cặp. - Bà ở nhà, tôi đi họp. Bà Cẩn thở dài: - Họp gì mà họp cả đêm, chẳng quan tâm gì tới con cái. Anh Phú, trưởng ban bảo vệ từ ngoài bước vào. Bà Cẩn nói ngay: - Chú xem, ông nhà tôi chẳng biết gì chuyện con cái cả, hình như con Giang lại sắp bỏ thằng Hoành rồi - Bà Cẩn nói vẻ lo lắng. - Thanh niên nam nữ bây giờ, yêu nhau bỏ nhau nó cứ như cơm bữa - Giọng anh Phú bình thản. - Chú không biết chứ, lần này mà hai đứa bỏ nhau thì nhà chị không còn chàng rể nào hết - Bà đặt quyển truyện xuống mặt bàn - Thằng ấy con nhà tử tế, người ngợm trông được mà con Giang nhà tôi nó còn không ưa. Không ưa cái gì cơ chứ! - Thế mà chị chẳng nói cho em biết từ đầu - Phú quyết định tìm hiểu về Hoành và mối quan hệ giữa Hoành và Giang - Chị có thể nói cho em biết cậu ta con nhà ai, làm việc ở đâu được không? Bà Cẩn có dịp nói hết nỗi bực dọc: - Cậu ấy con ông Tiền, Vụ trưởng chứ có kém cỏi gì đâu. Cậu ta học ở Liên Xô, về nước năm ngoái. Hai đứa chúng nó yêu nhau từ ngày học phổ thông. Tốt nghiệp lớp mười thằng Hoành sang Liên Xô học, còn con Giang nhà này vào trường y. Năm, sáu năm trời, chúng nó còn ghi cho nhau hàng trăm, không, phải nói là hàng ngàn lá thư. Hai gia đình cũng đã đi lại. Ông nhà tôi là bạn ông Tiền từ ngày làm lính ở mặt trận Cao Lạng. - Chắc anh lấy chị từ ngày đó? - Đúng đấy - Bà Cẩn bùi ngùi nhớ lại mối tình vợ chồng - Ngày ấy, anh bị thương phải nằm lại gia đình chị. Sau khi lành vết thương, anh lại ra mặt trận và ghi thư thường xuyên cho chị. Chiến dịch kết thúc, anh chị cưới nhau với hai bàn tay trắng, chứ có tính toán gì của nả đâu. Bây giờ con Giang nhà này lại tính toán đủ thứ. - Lớp trẻ bây giờ không sao hiểu nổi. Cháu Giang năm nay đã hai ba tuổi rồi chứ còn thơ dại gì nữa đâu. Chị cho em địa chỉ cậu ta, em tìm hiểu xem sao. - Phải đấy, em giúp chị một tay - Bà Cẩn hạ thấp giọng - Nghe nói, quan hệ giữa hai đứa không lấy gì làm trong sạch lắm. Phú hỏi đột ngột: - Sao chị biết? - Nó nôn oẹ luôn - Bà Cẩn như bị nghẹt thở - Chú giúp chị, chị không quên ơn đâu. Cơ sự đã đến thế mà hai đứa nó lại định bỏ nhau cơ chứ. - Thôi được, chị để em lo. Chị nói cho em biết địa chỉ cơ quan cậu ta làm. Ở - Ở Bộ giao thông vận tải. - Nhưng ở cơ quan Bộ hay công ty nào? - Chị không biết chính xác. Anh của chú biết đấy. - Thôi được rồi. Chào chị, em về. Phú bước ra cửa vẫn còn nghe rõ câu nói như thỉnh cầu: - Chú giúp chị, chị không quên ơn đâu. * Ngay từ đầu tìm hiểu, Phú đã thấy dường như tất cả tình yêu của Giang với Hoành đều do bố Giang xây đắp. Giang càng lớn càng trưởng thành trên tất cả mọi lĩnh vực, được cả người lẫn nết. Những năm cuối cùng của cuộc đời học sinh phổ thông, cô là lớp trưởng, phó bí thư đoàn trường. Xinh gái, thông minh... nghĩa là Giang trở thành một bông hoa cho các chàng trai trong lớp, ngoài trường để ý tới. Hầu như tuần nào cô cũng nhận được thư qua đường bưu điện chuyển đến: "Giang đi chơi với mình vào tối thứ bảy này nhé"; "Tại sao Giang không ghi thư cho mình?"; "Ngồi cùng lớp nhưng khó nói lắm nên viết thư này"... Hầu như tất cả các thư đó đều không ghi tên người gửi hoặc chỉ có một chữ ký tắt nhưng Giang đều biết đó là thư của ai. Nhưng tất cả những người bạn trai đó đến nhà đều bị bố Giang hỏi cặn kẽ. Sau khi các chàng trai ra về, ông nói với con: "Xem ra cậu ta yêu cái nghề phục vụ ăn uống của mẹ con hơn yêu con". Có lần ông bảo: "Cậu ấy thích cái chức vụ Thứ trưởng của bố để xin cho cậu ta ở lại Hà Nội công tác. Còn cái cậu đến chơi với con tuần trước nó yêu con cuồng nhiệt chỉ vì sắc đẹp của con gái bố... Con nên nhớ rằng, tất cả các chàng trai đến với con mà không vứt bỏ cái đó đi thì sau này về sống với con sẽ không hạnh phúc đâu". Vốn là một cô gái trong gia đình cách mạng, có văn hóa, Giang ý thức ngay được điều bố nói. Cô cũng không ưa gì những con người thực dụng đó. Tình yêu trước hết phải chân thành, xuất phát từ trái tim, không vụ lợi. Giang ngồi nghe bố giảng đến lặng đi. Cũng thời gian đó, ông Tiền, bố Hoành, thường đến nhà ông Cương trao đổi công tác. Sau bữa cơm, chén trà, hai người ôn lại kỉ niệm những ngày nằm vùng ở Ninh Bình. Hồi đó hai ông là cán bộ nằm vùng ở ngay phía nam núi Cánh Diều. ... Một buổi tối, tên chỉ điểm dẫn một tốp lính Pháp từ thị xã ập đến làng. Hai ông rút vào một gia đình trong làng. Bọn Pháp truy lùng ráo riết và vây chặt ngôi nhà. Hai ông bàn với nhau quyết mở đường máu. Ông Tiền từ trong đống rơm xông ra lia một tràng tiểu liên. Ông Cương xỉa lưỡi lê vào tên chỉ điểm rồi hai người lách qua bờ rào chạy ra bờ sông bơi sang bên Nam Định. Khi vừa tới bờ bên kia, ông Cương bị trúng đạn địch. Ông Tiền cõng ông chạy xuôi theo dòng sông suốt đêm... Công việc bận rộn và năm tháng trôi đi nhưng hai ông không sao quên được kỷ niệm chiến trường đó. vốn là những người lính chuyển ngành, hai ông không bao giờ quên được những kỷ niệm của tình đồng đội, chia ngọt sẻ bùi, khó khăn gian khổ, sống chết có nhau... "Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống", hai ông đều muốn cho Giang và Hoành gần gũi nhau hơn, nên đã tạo điều kiện cho các con đi lại, lúc thì chuyển thư, lúc thì mượn tài liệu. Một lần Giang ra mở cửa tiễn khách về, Hoành nói: - Ngày mai rỗi, Giang đến nhà mình chơi. - Em có chút việc không đi được. - Mình có thể đến thăm Giang được không? - Thôi được, khả năng chủ nhật sau Giang sẽ đến. Sắc đẹp của Giang đã làm Hoành rạo rực đến khó tả. Bây giờ anh lại bàng hoàng trước câu nói mập mờ này. Gần một tuần phấp phỏng chờ đợi đến sáng chủ nhật, sáng hôm đó, anh thức dậy khá sớm, quét dọn lại nhà cửa, lau chùi lại chiếc tủ, kê lại bộ bàn ghế. Khoảng hơn 7 giờ mọi việc đã xong, anh thay quần áo lịch sự. Chiếc áo pôpơlin Trung Quốc trắng và chiếc quần simili Tiệp là thẳng tắp. Nhiều lúc anh định ngồi song sợ nó mất nếp là nên cứ đứng và đi lại trong phòng. Bắt đầu từ lúc đó trở đi, anh cứ nhìn chiếc đồng hồ treo tường, tai nghe tiếng động ngoài cửa. "Có lẽ một lúc nữa Giang sẽ đến - Hoành tự động viên mình như thế - Nhưng nếu Giang không đến cũng chẳng sao, vì có hẹn chính thức đến đâu." Nhưng bất ngờ, tối đó Giang xuất hiện trước cửa, Hoành vồn vã: - Sáng nay đợi cả buổi. Hoành ríu rít mời mọc. Chỉ sau khi ngồi vào bàn uống nước. Giang mới nói: - Đi ban ngày ngại lắm. Và chỉ đến lúc đó Hoành mới biết lý do tại sao Giang lỡ hẹn. Tối đó, Hoành chủ động lấy xe đạp tiễn Giang về. Nhưng anh không đưa Giang về nhà ngay mà đạp xe vòng khắp Hà Nội. Khi đi ngang qua công viên Thống Nhất, Hoành ướm thử xem Giang vào đó dạo chơi hay lên đường Thanh Niên ngồi ngắm hồ. Giang nhẹ nhàng từ chối. Thế là hai người đạp xe đến tận mười giờ đêm mới dừng xe lại ở đầu phố gần nhà Giang, chia tay. Đó là buổi đi chơi đầu tiên, một cảm giác tình yêu mơ hồ chờn vờn giữa đôi trẻ. Nó nhu là chìa khóa cho hai người đi vào lĩnh vực đặc biệt của tình cảm. * Sau ngày đi thi đại học trở về, Hoành hoàn toàn tự do ăn ngủ, đọc sách. Đến lúc này anh mới thấy mình khao khát được yêu hơn bao giờ hết. Anh mong muốn được gặp Giang để biểu hiện một tình yêu không vụng trộm, trẻ con, sợ thầy cô biết. Anh mong giấy báo nhập học của Bộ Đại học và mong Giang đến chơi. Anh thực sự yêu Giang. Những ý nghĩ đó anh chưa nói thành lời với Giang vì không hiểu Giang có yêu mình hay không. Rồi một chiều thu, bác đưa thư chuyển cho anh giấy báo vào tập trung tại Đại học Ngoại ngữ để đi học nước ngoài. Giấy báo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp là cái giấy chứng nhận sự cố gắng hơn mười năm học của anh. Đối với Giang, anh cho đó là động cơ thúc đẩy cho tình yêu. Tối đó, anh đến tìm Giang báo tin. Hai người sóng vai nhau bước đi trên đường Thanh Niên. Gió trên hồ cứ như đùa bỡn làm bay làn tóc cô gái chưa đầy hai mươi tuổi. - Giang có yêu Hoành không? Giang lắc đầu: - Em chưa thể. Sau một tuần tập trung ở trường Đại học Ngoại ngữ trở về, tối thứ bảy, Hoành lại đến tìm Giang. Lần này Giang không chịu đi ra khỏi nhà. - Chỉ còn một tuần nữa mình đi học xa rồi, Giang trả lời mình đi. - Cứ từ từ đã. Trước lúc anh lên đường một ngày, Giang sẽ nói. Hoành buồn buồn nói: - Thôi được. Tối thứ bảy, ngày mười sáu tới nhé. - Ừ, mười sáu. - Đợi Giang ở đâu? - Ở đầu đường Quán Thánh. Suốt hai tuần lễ, Hoành nóng lòng chờ đến ngày mười sáu. Chiều hôm đó, học xong anh đạp xe ngay về nhà. Lúc ngồi ăn cơm, mới năm giờ anh đã tưởng hơn sáu giờ. Cơm nước xong, anh vội đạp xe lên chỗ hẹn sớm hơn nửa giờ. Hoành dắt xe dựa vào gốc xà cừ ở giữa vườn hoa và đứng quan sát. Từng phút, từng phút chậm chạp qua đi. Càng đến gần giờ hẹn máu nóng trong người bốc lên nóng bừng mặt. Lần đầu tiên trong đời Hoành thấy thời gian trôi quá chậm. Đúng giờ hẹn, Giang đến. - Chờ Giang có lâu không? - Sợ xe hỏng đến sớm nên thấy lâu. Giang cười rồi dắt xe đi về phía vườn Bách Thảo. Hai người ngồi xuống gốc cây bên hồ trong sự im lặng, trong tình cảm vốn đã ước ao. Họ ngồi đến tận khuya. Khi nhiều đôi trai đã đứng dậy ra về mà chưa ai tìm được cớ gì để bộc lộ tình yêu đang rạo rực trong người. - Hoành bảo nhé. - Bảo gì nào? - Giang có yêu Hoành không? Hoành nói ấp úng đến tội nghiệp, nhưng mắt anh luôn nhìn về phía Giang như thúc giục. - Tại sao Hoành lại yêu Giang? Bị hỏi bất ngờ, Hoành không sao trả lời được. Anh ngồi như một kẻ tội lỗi không biết làm gì. - Anh nói đi! - Hoành chẳng biết nói thế nào, chỉ biết Hoành yêu Giang hơn ai hết. - Nhưng đi xa có quên Giang không? - Hoành chỉ còn thiếu nước đập vào cây này chết đi nếu như không được Giang yêu. - Thế thì nhớ ghi thư đều cho Giang nhé. Sự xúc động thực sự đến lặng đi trong Hoành. Thế là Giang đã yêu mình. Song anh vẫn muốn được nghe Giang nói thành lời: - Giang nói đi, có yêu Hoành không? Giang rụt rè nhìn vào màn sương đêm và ánh mờ mờ phủ trên mặt hồ. -Có! Hoành bàng hoàng xúc động trước câu trả lời ngắn gọn, thiêng liêng mà anh hằng mong đợi. Anh cầm tay Giang và có cảm giác cả hồ nước, cây cối, ánh đèn điện đều ngả nghiêng chao đảo. Và đó là sự gần gũi đầu tiên của hai người bắt đầu yêu. 6 Anh Phú đi được một lúc lâu, có lẽ khoảng mười phút. Giang cũng từ bệnh viện về. Cô đang đứng gọi cửa thì ông Cương xuống xe. Bà Cẩn mở cửa. giọng niềm nở: - Hai bố con ông cứ như hẹn nhau ấy. Ông Cương không nói gì, đi thẳng vào nhà trong đặt cặp tài liệu lên bàn, bắt đầu moi tất cả các loại giấy tờ, sổ sách lần lượt ném ra giữa nhà. Ong lục bới tất cả các gầm giường, ngăn kéo tìm kiếm bản tài liệu theo lời khuyên của một số bạn bè nhưng vẫn chẳng thấy bản Nghị quyết đâu. Bà Cẩn đi ra đi vào vẻ lo lắng. Giang liếc mắt nhìn. Ông Cương không chịu nổi cái nhìn lén lút, sợ sệt của đứa con gái, mặc dù ông không muốn nhìn. - Giang! -Dạ. - Hôm qua mày có lấy bản Nghị quyết của tao để trong cặp đem đi đâu không? - Không. Con không biết nghị quyết nào cả. - Tối qua, trước lúc ăn cơm bố còn đọc. Tối không ai đến nhà này và không ai đi ra khỏi nhà ngoài con ra. Thế mà sáng nay mở cặp ra không thấy đâu. Vậy thì không phải con thì ai lấy? Giang nhìn bố rầu rĩ. Bà Cẩn nhìn chồng lo lắng, chỉ sợ ông giận dữ mắng con gái. Đối với bà, Giang là niềm vui, niềm hạnh phúc. Bà nói thanh minh: - Suốt tháng trời các con nó giận nhau, tối qua mới đi chơi một buổi, hôm nay ông lại nỡ mắng con như thế sao? Giang tiếp lời: - Bố vu oan giáng họa cho con hay sao? - Mày có im mồm đi không nào. Người ta điều tra ra mày lấy thì mày là đồ phản trắc. Lúc ấy mày đừng có về cái nhà này nữa. - Ông Cương! Ông định đuổi con đi đâu? Ông Cương gieo mình xuống ghế, giọng gay gắt: - Thật không ngờ! Thật không ngờ, nuôi cho mày ăn học đến bác sĩ, thế mà bây giờ mày đền ơn bố mày như thế đấy? Mày có biết không. Mất bản Nghị quyết này, bố mày sẽ bị kiểm điểm, sẽ bị cách chức và có thể còn bị đi tù - Ông Cương nắm tay đấm mạnh xuống mặt bàn khiến cốc chén nhảy lên như múa rồi rơi xuống sàn vỡ loảng xoảng - Mày không thương bố mày hay sao? Mày định làm gì bản Nghị quyết ấy để cho bố mày chịu hình phạt? Giang vẫn đứng bên tường, hai tay thõng xuống, người run lên. Hình như máu đã nén xuống làm sắc mặt cô nhợt nhạt. Đôi mắt cô dại đi để mặc cho nước mắt chủ động tràn ra. - Ông ơi, tôi chẳng mong muốn gì hết. Tôi có lỡ mồm lỡ miệng nói điều gì làm ông giận thì xin ông tha cho chứ đừng quát ầm lên, đừng mắng con nữa. - Nhưng bà có biết tác hại của việc mất bản Nghị quyết đó không? Đó là đường lối đối ngoại của Đảng ta, Nhà nước ta trong giai đoạn sắp tới. Muốn bảo vệ tốt, không cho lọt vào tay kẻ xấu, người ta đánh số thứ tự từng bản và giao cho từng người để nghiên cứu. Ngày mai đã phải nộp trả lại Ban Tổ chức Trung ương. Nếu ngày mai không có nộp nghĩa là tôi ngồi viết kiểm điểm, vào tù. Thế mà bà còn bênh con gái bà hay sao? Ông Cương quát lên như muốn trút hết nỗi bực tức lên vợ con và không thèm nhìn vào ai trong nhà, chỉ nhìn ra phía cửa sổ. Tất cả đều im lặng. Nhưng sự im lặng đó chỉ được trong giây phút, nó bị phá vỡ bởi tiếng khóc của Giang. Trước cảnh con gái tội nghiệp hoảng sợ, đầm đìa nước mắt; trước cảnh người bạn đời trăm năm đang bối rối vì mất bản tài liệu mật, lòng bà Cẩn tái tê, tan nát. Vào lúc ấy, ở người đàn bà miền núi tốt bụng nhưng thần kinh yếu đuối như bà Cẩn, không còn con đường nào khác là để cho sự khổ đau theo dòng nước mắt trào ra, nức nở. - Tôi xin ông, tôi van ông đừng nghi cho con gái mình. - Không nó thì còn ai! - Ông hét to không hề giảm cơn thịnh nộ. Khi nghe thấy tiếng vợ và con gái khóc quá to, ông mới quay lại và nhìn hai gương mặt đều thất sắc, run rẩy sợ hãi mà cảm thấy động lòng. Ông chợt yên lặng, hoảng hốt vì việc làm vừa rồi của mình. Tiếng nức nở từ hai góc nhà tiếp tục dội vào ngực ông, đè nén cơn thịnh nộ đó lại. Dường như tất cả lòng yêu thương vợ con trong giây phút vừa qua bị tan biến đi bây giờ có dịp ùa vào trong lòng mà không một sức mạnh nào kìm hãm nổi khiến cho toàn thân ông tê liệt. - Xin ông xem lại kẻo oan cho con gái, ông ơi! - Bà Cẩn nức nở kêu lên. - Nếu vậy tôi hỏi bà, ai vào nhà để lấy cắp? - Nỗi tức giận lại nhân lên. Ông nói một câu không suy nghĩ - Hay bà lấy? - Trời đất ơi, ông lại còn nghi ngờ lung tung thế nữa hay sao? - Còn nghi ngờ gì nữa. Cứ nhảy nhót, cứ đi với cái thằng Hoành ấy để rồi hư thân - Ông Cương thét lên giận dữ - Không nghe theo lời bố mẹ thì cứ đi theo cái thằng ấy. - Vâng con đi cho bố vừa lòng - Giang nói trong tiếng khóc và lao ra cửa. - Trời đất ơi! - Bà Cẩn thét lên - Con, con! - Bà Cẩn lao ra cửa theo con gái nhưng vừa bước được mấy bước thì quỵ xuống, bám tay lên cánh cửa ra vào, đầu cúi gục vì kiệt sức. * Từ ngày Giang bỏ đi, chồng lại đi công tác biền biệt, bà Cẩn ủ rũ. Đêm đêm, bà thấy có mùi gì đó thoang thoảng buồn bã, chợt tỉnh, bà nhận ra đó là hương khói ở gốc cây đa Nhà Bò, nơi Giang sinh ra. Bà thấy nôn nao đến choáng váng. Thôi đúng rồi, từ ngày con bé sinh ra, mình không năng lui tới đây thắp hương, có lẽ thần giận đã cướp hồn con bé đi. Nghĩ thế, bà quyết định mua chuối, hương hoa, bí mật thuê một chuyến xích lô đi đến đấy cầu thần phù hộ cho con gái. Miếu cây đa Nhà Bò có từ bao giờ, tại sao lại gọi như thế, không ai hay biết. Chỉ biết rằng, ở cuối phố Lò Đúc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có một cây đa to, cành lá xum xuê, gốc cây nhẵn thín. Trên thân cây, cách mặt đất khoảng hai mét có một chỗ lõm sâu, không biết ai đã đặt một bát nhang vào đó. Nhiều bà mẹ trước và sau khi ra vào trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em gần đó thường tiện tay thắp nén hương cầu mong mẹ tròn con vuông. Lâu ngày, nơi đó trở thành nơi khói hương nghi ngút và trở thành nơi có thần thiêng nổi tiếng Hà Nội, thu hút hàng ngàn vạn bà mẹ qua đây cầu cúng. Chiếc xe xích lô dừng lại bên đường, bà Cẩn bước xuống, rút tiền đưa trả người đạp xích lô rồi lập cập bước đến bên gốc cây đa. Bà bật diêm đốt hương, mắt dại đi. - Lạy "ngài", con từ Lạng Sơn về đây sinh sống, nếu có gì không phải, xin "ngài" dạy bảo. Linh tính như mách bảo bà, "thần” từ trong thân cây đa bước ra. Bà không sao kìm được nỗi khiếp đảm. - Lạy "ngài", hãy tha thứ cho cháu Giang nhà con còn trẻ người non dạ, và bù trì cho cháu cuộc sống trăm năm! Bà run lên như đang cơn sốt. Mặc dù vậy, bà vẫn còn đủ trí óc minh mẫn đưa những ngón tay như tê cóng rút tiền trong túi nhét vào kẽ gốc cây đa. Bà chắp tay vái liên tục, mắt không rời bát nhang. "Lạy “ngài"! Mong "ngài" phù hộ độ trì cho chồng con và cháu Giang qua cơn hoạn nạn này". Chương ba Cầm tấm hộ chiếu trong tay, Mỉhara rời Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tokyo lặng lẽ đi ra xe ô tô trở về nhà. Suốt dọc đuờng, ông không nói, không cười, mặt tái đi như người bị ốm. Mihara đã nhận hộ chiếu đi ra nước ngoài gần hai mươi lần. Nhưng trong cuộc đời đi ra nước ngoài buôn bán thì đây là lần thứ hai ông lo nghĩ ghê gớm. Sau khi từ bỏ CIA chuyển sang nghề kinh doanh, ông đã bắt tay ngay với các công ty ở Đài Bắc. Đi lại Đài Loan nhiều, ông đã quen thân với dân Đài Loan, sinh hoạt hòa nhập trong cuộc sống thương mại. Lần nào đến Đài Bắc ông cũng đến Long Sơn sì sựp lễ bái cầu thần phù hộ. Ông cũng không quên ở gần đó, trong một khu ngõ hẹp, những ả mày ngài đang ưỡn ờ lấy bộ lấy điệu dưới ánh đèn nê-ông ở nơi "hang viện". Ông cũng cùng dân địa phương xúm quanh xem mấy anh chàng làm tiền ở cửa hàng mổ bụng những con rắn độc hãy còn sống và cho tiết chảy vào một thứ hũ rượu thuốc mà họ đảm bảo có công hiệu cường dương. Ông cũng đã cùng các thương nhân Đài Loan, Hồng Kông, Singapo ngồi chơi mạt chược và tán chuyện với các cô hầu bàn xinh như trong mộng. Cuộc buôn bán với các thương gia Đài Loan đang vui vẻ, ông bỗng nhận được tin Tổng thống Mỹ Catơ đang thăm Trung Quốc và Oa-sinh-tơn sẽ bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Nhận được tin này ông và các bạn đồng nghiệp bỏ bàn mạt chược lo lắng trước một tương lai gần sẽ bị mất một trong những nước buôn bán lớn nhất với mình. Oa-sinh-tơn quan hệ với Bắc Kinh có nghĩa là bỏ rơi Đài Loan. Sự lo lắng và tình hình bất trắc về tương lai của Đài Loan đem đến cho Mihara tính toán, giảm buôn bán với Đài Loan, tăng cường buôn bán với Việt Nam. Nhưng lần này, nhận tấm hộ chiếu, ông có cảm giác như một gánh nặng khủng khiếp đè lên vai, cho nên về đến nhà ông đổ xuống giường như một cái xác. Gần như ngay lúc đó vợ ông, bà Hana cầm bó hoa từ ngoài lao vào. Bà đang chuẩn bị cho bữa liên hoan tiễn chồng đi sang Việt Nam. - Ông sang giường bên nằm để tôi dọn - Bà nói vui như hát. -Tôi vừa nằm - Ông nói chậm. Bà Hana tỏ ý ngạc nhiên trước thái độ lạnh lùng của chồng. Đột nhiên, bà Hana ý thức được chồng mình đang có điều gì buồn phiền, cảm giác lo âu buồn phiền bắt đầu len lỏi tâm hồn bà không rời ra được. Mở ti vi chăng? Chồng bà im lặng quá, bà không dám hỏi. Sống với chồng gần trọn đời bà hiểu, những lúc chồng suy nghĩ như lúc này, tốt nhất không nên hỏi chuyện, không làm ồn ào. Đêm đó, bà nằm yên bên chồng. Hai người hầu như không nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng bà cắt ngang sự im lặng: - Sáng mai tôi tiễn ông ra sân bay quốc tế nhé? - Ừ. - Đến Hồng Kông ông điện cho tôi. - Ừ. Mihara sau những lần đáp "ừ" hoặc "không" gọn lỏn lại chìm ngập trong lo âu. Ông giữ kín nỗi lo không nói cho vợ biết. Đường biên giới không cho ông nói việc mình đi gặp H80 ở Việt Nam là quy định của Cục Tình báo trung ương Mỹ. Đường biên giới ấy rất rõ, không một người Mỹ hay người nước ngoài nào nhận làm việc cho CIA có thể bước qua được. Lần đầu tiên trong đời ông mới ý thức được rằng, nỗi lo âu khép kín đã tăng theo cấp số nhân, đè nặng lên vai mình. Và đêm ấy, lần đầu tiên, ông nhìn lại một cách đầy đủ cuộc đời hơn năm mươi năm đã qua. Tất nhiên quá khứ trong năm mươi năm qua có thể có chỗ lu mờ, nhưng năm mốc chính của cuộc đời ông không sao quên được. * Mihara sinh ra và lớn lên ở thành phố Hirôsima. Khi cuộc chiến thế giới thứ hai sắp kết thúc, tổng thống Mỹ cho ném bom nguyên tử xuống thành phố này. Bố mẹ và anh em ông đều chết, chỉ còn ông sống sót. Hội chữ thập đỏ Nhật Bản đưa ông về Sibia Tokyo nuôi - Đó là thời gian ông chỉ nghe người lớn kể lại. Rồi ông trưởng thành và biết yêu. ông thuê một căn phòng nhỏ trong ngõ hẻm. Một nửa căn phòng kê giường, phần còn lại bày đủ các thứ bát đĩa, xoong nồi. Mỗi chiều đi làm về, đúng 5 giờ ông thường xuống bến xe buýt ở đầu phố rồi thơng thả cuốc bộ về nhà. Một sự tình cờ như duyên số đã xe. Có một cô gái không lấy gì làm đẹp lắm, khuôn mặt hơi thô một chút nhưng thân hình uyển chuyển ưa nhìn cũng đi về cùng đường với ông. Thế rồi hai người quen nhau. Nơi dừng xe buýt trở thành nơi hẹn hò cho đôi bạn. Từ bến xe, Mihara đưa bạn gái về nhà. Khi hai người vừa bước vào nhà, ông đã nóng vội ôm lấy Hana một cách cuồng nhiệt bất ngờ. Cô có vẻ cố vùng ra vì ngượng ngùng nhưng mắt nhìn Mihara âu yếm như bảo rằng: anh ghì chặt nữa vào. Mihara sung sướng nhìn không chớp mắt làn da trắng của Hana - cô gái vùng đảo Hôckaiđô giá lạnh đang ửng hồng lên nói: - Anh yêu Hana1 vì em là hoa cho anh ngắm, là mũi cho anh thưởng thức mùi thơm. Từ ngày đó, Hana dọn hẳn đến ở chung với ông, thực sự đem lại cuộc sống tinh thần, động viên Mihara lúc thiếu thốn, khó khăn, thực sự đem lại cuộc sống vật chất hàng ngày cho bữa ăn vợ chồng. Thế rồi Hana sinh con trai, một năm sau lại sinh con gái. Vợ không công ăn việc làm, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, ông đành xin vào làm thuê cho Mỹ tại quân cảng Yôkôsuka. Ở đó, Cục Tình báo trung ương Mỹ tuyên bố ông làm điệp viên theo kiểu hàng trinh thám tư nhân, giúp việc cho Machưmôtô Maxaki theo dõi những người chống đối - những người của sứ quán các nước cộng sản đóng tại Tokyo. Theo lệnh của những người chóp bu cơ quan tình báo Mỹ ở Lengli2, Mihara có nhiệm vụ hỗ trợ cho Machưmôtô Maxaki bắt cóc ông Pokơlôpxki - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Liên Xô tại Tokyo đêm 26-3-1966, nhưng không thành công. Sau vụ tai tiếng đó, Bộ Ngoại giao Liên Xô đã gửi công hàm phản đối Chính phủ Mỹ và Chính phủ Nhật Bản. Machưmôtô Maxaki và Mihara buộc phải thôi việc. Trong ba năm ròng, Machưmôtô Maxaki ngồi viết cuốn “Ở trong đó có CIA” do Nhà xuất bản Thaidên, Tokyo xuất bản năm 1970, kể lại công việc bẩn thỉu mình đã làm cho CIA. Còn Mihara quyết định chấm dứt giai đoạn hoạt động dính líu tới chính trị, chuyển sang nghề kinh doanh và trở thành một thương nhân bằng cách lập nên công ty buôn bán mang tên vợ "Hana". Con đường buôn bán đưa ông trở thành một nhà tư sản đánh giá sức mạnh của đồng tiền có thể mua được tất cả. Năm 1975, Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Ông tìm mua hàng chồng sách nói về lịch sử, đất nước, về các mặt hàng ở Việt Nam, nhờ người Việt di tản sang Nhật dạy tiếng Việt. Có chí làm quan, có gan làm giàu. Quá nửa đời người, ông mới ý thức được rằng muốn làm giàu phải bám lấy thị trường chưa mấy ai khai phá - thị trường Việt Nam. Sau ngày Mihara ký giấy thôi không làm việc cho CIA, cam đoan không tiết lộ công việc đã làm, ông mong rằng mình đã hoàn toàn tự do. Trái lại, CIA vẫn cử người theo dõi giám sát một cách khá chặt chẽ, biết được cả tham vọng và quyết định bám chắc, bám lâu dài lấy thị trường Việt Nam của ông. Theo sự thỏa thuận giữa công ty của ông và Phòng thương mại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mihara rời Tokyo đến Việt Nam vào trung tuần tháng 7. Sau khi xuống sân bay quốc tế Hồng Kông. Mihara về nghỉ tại khách sạn Đông Phương. Vừa mới bước ra khỏi thang máy tầng bảy, Mihara đã gặp Jon Smit, trung tá CIA mà một thời là ông chủ thuê Mihara làm thám tử tại Nhật Bản. Jon Smit và Mihara đi vào căn buồng ngoài cùng, nơi có cô gái người Hoa mặc chiếc váy mini có tên là Tiểu Hồng đang tra chìa khóa vào ổ. - Xỉnh chin3! Cô gái ngửa lòng bàn tay chỉ về gian buồng cánh cửa đã mở. - Aligatô gôgiaiimaxư4. Mihara cúi người chào theo phơng tục người Nhật. Cô gái người Hoa lại tiếp tục chìa tay mời Jon Smit. - Thanh you5. Jon Smit liếc nhìn cô gái có vẻ như đã quen nhau từ trước. Ba người thuộc ba dân tộc khác nhau nói bằng ba thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng họ đều hiểu đó là những câu chào xã giao. Jon Smit có thân hình to, béo phệ, thở khò khè như con trâu mộng ăn no. "Thật lạ kỳ, CIA cử cái thằng cha ấm ớ này đến đây làm gì?" Mihara nghĩ như thế, nhưng không biết rằng Jon Smit từ Matxcơva đến đây đã gần nửa năm để tìm chọn điệp viên trong số người Việt Nam di tản sang Hồng Kông. Lần này, theo lệnh của Lengli, Jon Smit gặp Mihara để mặc cả về chuyến đi của ông sang Việt Nam. Jon Smit giải thích: - Hoạt động kinh doanh không thể tách rời chính trị. Muốn buôn bán với nước nào phải hiểu được đường lối đối ngoại của nước đó. Nếu Bộ Chính trị Trung ưong Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định buôn bán toàn diện với Liên Xô, không buôn bán với Nhật Bản hoặc chỉ buôn bán một số mặt hàng nào đó mà lao vào chèo kéo họ, liệu có kết quả không? Theo tôi chỉ là sự tốn công vô ích, có khi bị phá sản... Thực lòng mà nói, lúc đầu Mihara vốn có định kiến với CIA, không muốn nghe Jon Smit nói. Nhưng về sau, những lời lẽ lải nhải của Jon quả là thứ thuốc hiệu nghiệm. Mihara không chỉ chăm chú ngồi nghe mà còn hỏi lại: - Tôi với các ngài đã đoạn tuyệt với nhau mười mấy năm nay rồi. Ngài còn nói chuyện chính trị với tôi làm gì? --------------------- 1. Tiếng Nhật: từ Hana có nghĩa là hoa, nếu đọc sai ngữ điệu lại có nghĩa là mũi. 2. Đại bản doanh của cơ quan tình báo trung ương Mỹ. 3. Tiếng Trung Quốc nghĩa là "mời vào". 4. Tiếng Nhật nghĩa là "cảm ơn". 5. Tiếng Anh nghĩa là "cảm ơn". Jon Smit cười sặc sựa, rung cả phần thịt dưới cằm. - Vì tình vì nghĩa, vì ngài đã từng cộng tác với chúng tôi nên tôi để ngài tính toán đường làm ăn. Tôi biết, bây giờ ngài cũng như tôi, cần có đô la, có đồng Yên. Không có nó chúng ta đều trở nên vô nghĩa. - Chính vì vậy, tôi mới đi sang Việt Nam. - Nhưng ngài quên mất yếu tố chính trị. - Lại chính trị. - Đúng. Tôi biết hơn mười năm nay ngài đã từ bỏ con đường hoạt động chính trị. Nhưng dĩ nhiên đó là ý nghĩ riêng của ngài. Còn thực tế, nếu buôn bán mà không biết tình hình chính trị thì thua lỗ cầm chắc trong tay. Mihara không ưa Jon Smit vì hắn hút quá nhiều thuốc, nghiện uýt-ki và theo ông đánh giá thì ông ta không có tính cách bông đùa - dấu hiệu đầu tiên của người Mỹ. Chính vì Jon Smit chỉ chăm chút vào công việc, không thích bông đùa nên Mỉhara cho rằng lời Jon Smit không thể coi nhẹ. Nhưng với tính cẩn thận của người Nhật Bản, Mỉhara hỏi lại: - Ngài không đùa đấy chứ? - Không đùa tí nào cả! Chính trị và buôn bán gắn chặt với nhau. Hay như các nhà triết học cộng sản nói, nó quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Jon Smit im lặng hồi lâu và trầm ngâm uống cạn chỗ rượu Mao Đài trong chiếc cốc pha lê nhiều cạnh, đáy dầy. Mihara tỏ vẻ suy nghĩ nhưng vẫn giữ vẻ thâm thúy, bình tĩnh của người Nhật. - Nghĩa là ngài khuyên chúng tôi từ bỏ buôn bán với Việt Nam? - Không. Thế thì ngài nhầm. Nước Mỹ và nước Nhật là hai anh em sinh đôi. Tôi và ngài là những đứa con của người anh và người em. Chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau để làm ăn chứ! - Jon Smit chậm chạp kéo hoi thuốc, xoay chiếc cốc không còn rượu trong tay - Dù buôn bán hay hoạt động chính trị chúng ta cũng phải hợp tác với nhau. Chúng tôi có ý định, ngài cứ sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và giúp chúng tôi một việc. - Các ngài không tự làm được sao? - Vì nước Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nên chúng tôi không có điều kiện thực thi nhiệm vụ - Jon Smit rót đầy cốc rượu, uống cạn và có cảm giác như đang ngồi trong chiếc máy bay tròng trành trong cơn bão - Ngài có điều kiện tới Việt Nam hãy giúp chúng tôi nhận một tài liệu mật. Kinh nghiệm đã mách bảo Mihara biết đó là công việc gì. Ông nói chậm: - Hoạt động gián điệp. - Đúng như vậy. Câu trả lời khẳng định của Jon Smit làm Mihara giật mình trong suy nghĩ. Mihara nghĩ, quá nửa đời người, từng đi với CIA, từng vùng vẫy khắp đất Nhật, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan... để giết chóc, lừa gạt và cũng gặp bao điều may mắn mà chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Chỉ có từ khi chuyển sang nghề kinh doanh ông mới yên một bề buôn bán, kiếm tiền. Chả lẽ giờ đây lại để cho mọi cố gắng kiếm nhiều tiền lại thui chột chỉ vì nhận làm việc cho CIA hay sao? Không. Ta phải có nhiều đô la, phải trở thành công ty lớn, trở thành ông chủ buôn bán khắp thế giới. - Tôi không thể nhận lời các ngài được. - Bình tĩnh đã! - Jon Smit ngả lưng ra thành ghế - Tôi hỏi ngài, công ty ngài hiện có bao nhiêu vốn, kể cả trong nước và ngoài nước. - Hai mươi triệu đô la. - Xoàng - Jon Smit cười hết cỡ - Ky cóp hơn mười lăm năm trời mới có hai mươi triệu đô la thì mèng quá. Ngài cứ làm việc cho chúng tôi, chúng tôi sẽ trả công ngài một cách hậu hĩnh - Trả bao nhiêu? - Mihara hỏi theo bản năng của một kẻ đi buôn. - Mươi lăm năm, hai mưoi triệu - Jon Smít cố dằn giọng - VỊ chi một năm cả vốn lẫn lãi ngài thu được - Jon Smit nhẩm tính trong đầu - hơn một triệu đô la - Jon Smit suy ngẫm và trả lời một cách chắc chắn - Trả ông ít nhất một triệu. Mihara nhăn mặt vẻ khó chịu. - Có lẽ ngài chê ít? - Đúng thế. - Thế thì bao nhiêu? Mihara bước vào nghiệp buôn bán muộn mằn, vốn lãi so với nhiều công ty ở Nhật Bản cũng chưa đáng là bao nên con số một triệu kia đã làm cho ông run lên, làm rung tất cả các cơ bắp trên mặt. Nỗi đam mê đô la đã làm đầu óc Mihara điên dại, không phân biệt chính trị hay buôn bán. - Ngài có thể nói cụ thể công việc được không? - Ngài Mihara thân mến! Ngài sẽ gặp điệp viên H80 của chúng tôi nhận tài liệu. -Tài liệu gì? Jon Smit cười độ lượng: - Về nguyên tắc, chúng tôi không được nói. Nhưng đối với ngài, tôi chẳng giấu làm gì. Đó là bản Nghị quyết mật của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đối với Liên Xô, Trung Quốc và một số nước - Jon Smit bắt đầu giải thích - Cách đây hơn một năm, Trung Quốc và Việt Nam có cuộc đụng độ ở biên giới, từ đó đường lối đối ngoại của Việt Nam hoàn toàn thay đổi buộc Chính phủ Mỹ và Chính phủ Nhật phải định lại đường lối đối ngoại của mình đối với Việt Nam, Đông Dương, Đông Nam Á. Về thực chất, sự kiếm tìm kết luận này đã được bắt đầu. Nhưng tất cả mới chỉ là tư liệu, phân tích rồi rút ra kết luận theo chủ quan của người Mỹ. Mấy năm qua, chúng tôi có đào tạo được điệp viên H80. Anh ta có khả năng tiếp cận tài liệu. Ngài đến Hà Nội thay chúng tôi chỉ huy H80 đánh cắp và chuyển giao tài liệu này. Như vậy, việc định ra đường lối đối ngoại với Việt Nam của Mỹ và Nhật Bản phụ thuộc vào chuyến công cán của ngài. Như lúc đầu tôi nói, chính nó định đoạt cả việc buôn bán của công ty ngài với Việt Nam từ nay về sau. Có đúng thế không? - Đúng - Mihara trả lời một cách quả quyết - Hoạt động của tôi cho các ngài trước đây ở ngay trên quê hương tôi, tổ quốc tôi, đã là việc khó, huống hồ lần này lại ra ngoài biên giới Nhật, đến tận Việt Nam chắc sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi sợ rằng tên H80 kia đã đầu thú ở cơ quan an ninh Việt Nam, hoặc do một sơ suất nào đó, tôi có thể bị sa lưới. Vậy thì một triệu đô la đổi lấy cả tính mạng và công ty tôi thì quá rẻ. - Theo ngài, bao nhiêu mới vừa? - Hai triệu! - Mỉhara trả lời cụt lủn. Jon Smit thấy con số đó vẫn nằm trong khung mà những người chóp bu ở Lengli cho phép, y trả lời ngay: -Tôi chấp nhận! Thế là sự mua bán đã ngã giá. Mỉhara bước vào giai đoạn thứ năm của cuộc đời: vừa làm ông chủ vừa làm thuê cho CIA. Co quan tình báo trung ưong Mỹ tổ chức một lóp huấn luyện cấp tốc cho Mỉhara tại trung tâm của CIA tại Hồng Kông. - Theo lịch, sáng thứ sáu sẽ có chuyến bay đi Băng Cốc. Từ nay tới ngày đó ngài còn cần gì ở chúng tôi không? - Jon Smit hỏi: - Tôi chỉ lo H80 của các ngài làm hỏng việc. - Không. Anh ta trẻ, đẹp trai, rất thông minh - Jon Smit dừng lại suy nghĩ - Ngay từ lần gặp đầu tiên, ngài chuyển cho anh ta chìa khóa mã mới và chuyển tần số đài phát thanh đã ghi trong chỉ thị. Hai ngày sau, đúng 8 giò sáng thứ sáu, Jon Smit thân chinh lái xe đưa Mihara đến sân bay quốc tế Hồng Kông. Đợi cho máy bay rời khỏi đường băng, lẫn vào trong mây, Jon Smit mới quay về. * Suốt đêm Mihara không ngủ được. Ông nghĩ lại những ký ức đã qua rồi tự chia ra, lúc thì bốn giai đoạn, lúc thì năm giai đoạn. Dù chia ra bao nhiêu giai đoạn ông cũng cho rằng giai đoạn từ lúc yêu, rồi cùng Hana đi làm thuê (làm công việc không dính líu tới hoạt động chính trị) để kiếm tiền nuôi con là giai đoạn hạnh phúc nhất. Còn bây giờ, vừa là ông chủ, vừa đi làm thuê, tiền kiếm được nhiều nhất so với bất kỳ thời gian nào trong năm mươi năm đã qua, song ông cho là thời kỳ lo sợ nhất. Sự lo sợ đó bắt đầu nảy sinh từ sự nghi ngờ về lòng trung thành của một người nước ngoài làm thuê cho CIA. Mihara tự hỏi: Mình và Jon Smit là những đứa con của hai anh em Mỹ - Nhật nhưng mình cũng không tin gì Jon Smit, không tin vào CIA, vậy thì H80 và cô gái kia là người Việt Nam, đã từng chứng kiến cảnh người Mỹ giết hại đồng bào họ thì liệu rằng họ có thực lòng đi theo CIA không? Nếu như lúc nào đó họ phản lại hay do sơ suất có lẽ mình sẽ bị còng tay đầu tiên. Hay là không làm việc cho họ nữa? Mihara lại tự phản bác: Không được. CIA sẽ tìm cách bao vây công ty của mình đến phá sản, thậm chí thủ tiêu cả gia đình mình. Mihara tự an ủi: Mình tiếp tục làm theo hợp đồng đã ký nhưng phải thận trọng, khôn khéo. Nhưng Mihara không biết rằng, đó là sự an ủi, tự tin mù quáng. Từ sau bức điện thứ tư của chuyến công cán đầu tiên sang Việt Nam gửi cho công ty Hana, ông đã bị cơ quan an ninh Việt Nam bám sát chặt chẽ. Tất nhiên lúc đầu vẫn chỉ là sự nghi ngờ. Chiếc máy bay chở Mihara nhỏ như một con chim nhạn bay giữa bầu trời mùa thu trong xanh rồi biến mất. Lúc đó, Jon Smit mới rời sân bay trở lại khách sạn Đông Phưong. Gã vui mừng thấy cô phục vụ buồng Tiểu Hồng vẫn đang chờ ở chân cầu thang máy. - Nỉ hảo1 - Jon Smit nói vui - Nín hảo2 - Giọng Tiểu Hồng vui, giễu cợt. - Ừ thì chào "bà em"! - Jon Smit quàng tay vào bờ vai Tiểu Hồng kéo nhẹ cô đến bên nút điện xanh đỏ, đưa tay trái bấm nút số "8". Cánh cửa cầu thang máy từ từ mở ra, khép lại rồi đưa họ lên tầng 8. Họ bước vào căn phòng CIA thuê bao. - "Bà" của anh uống Mao Đài hay Sakê? - Sao "cháu" của em ngốc thế? - Tiểu Hồng gí ngón tay trỏ lên trán Jon Smit - phải dùng của Nhật chứ! Jon Smit nhìn Tiểu Hồng, tay bật nút chai Sakê rót đầy hai ly. - Ông Mihara là người của anh à? - Ừ! - Jon Smit nghĩ ngay là mình đã lỡ lời, vội chống chế - Chỉ quen biết thôi. Ngày anh ở Tokyo có quen biết ông ta. - Anh ở Tokyo có lâu không? - Từ năm sáu mưoi đến năm sáu sáu. - Sau đó anh làm việc ở đâu? - Về Mỹ. - Và ở Mỹ quốc cho tới khi nào? - Đen tháng sáu năm nay mới đến đây. Cuộc ân ái, trò chuyện giữa Jon Smit và Tiểu Hồng kéo dài quá nửa đêm nhưng Jon Smit thực hiện nguyên tắc số một của CIA là không để lộ tông tích, công việc mình làm. ------------------ 1. Tiếng Trung Quốc: Chào em 2. Tiếng Trung Quốc: Chào bà chứ. * Thực ra sau vụ tổ chức cho Machưmôtô Maxaki và Mihara bắt cóc tuyển thủ Olympic Liên Xô ở Thế vận hội lần thứ 8 tổ chức tại Tokyo (1964) không thành công; tiếp sau đó vụ bắt cóc ông Pôkơlôpxki - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Xô tại Nhật Bản thất bại, Jon Smit đã bị gọi về Lengli làm việc tại phòng Liên Xô - Đông Âu và bắt đầu học tiếng Nga. Cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó diễn ra ác liệt. Tổng thống Giônxơn quyết định cho ném bom miền Bắc Việt Nam, phơng tỏa đường thủy, đường bộ. Quân và dân Việt Nam chiến đấu dũng cảm bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của Mỹ, đồng loạt tiến đánh Sài Gòn, Huế, Đà Nằng và khắp các thành phố miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968. CIA cho rằng miền Nam có thể rơi vào tay cộng sản nên phải tổ chức cứu nguy cho chế độ ngụy Sài Gòn. Tổng thống Mỹ chỉ thị cho Richard Henls lúc ấy là Phó tổng giám đốc CIA điều Wiliam Colby1 sang Việt Nam làm phó chỉ huy chiến dịch bình định. Wiliam Colby gắn trọn cuộc đời cho hoạt động của CIA. Trước khi bàn giao chức Trưởng phòng Liên Xô - Đông Âu, ông ta nghĩ ngay tới một kế hoạch thâm độc: - Này! - Jon Smit dừng tay viết - Tôi bàn với ông việc này - Colby nói chậm - Ông có thấy không, người Mỹ chúng ta to, mũi cao, da trắng; người Việt Nam nhỏ bé, mũi tẹt, da vàng. Nếu đưa người Mỹ xâm nhập vào Việt Nam chắc chắn như phơi mình trên bãi cát, có đúng không? - Hoàn toàn đúng như thế, thưa ngài! - Vì vậy, tôi có ý định sử dụng người châu Á, mà tốt nhất là người Việt Nam làm việc cho chúng ta. - Đó là điều mơ ước. - Không. Phải trở thành sự thực. - Ngài có thể nói kỹ hơn. - Liên Xô và Việt Nam là hai nước anh em, hai nước cộng sản. Liên Xô đang giúp Việt Nam đào tạo hàng ngàn, hàng vạn kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ. Chúng ta hãy phái người đến Mátxcơva tìm chọn điệp viên trong số những người đang lưu học, công tác tại đó. - Tuyệt. Nhưng việc đó không đơn giản. Jon Smit chăm chú nghe Colby nói, mắt chớp chớp liên tục vì bị kích động. - Thưa ngài - Jon Smit bắt ngay được ý đồ của người chỉ huy - nghĩa là chúng ta tuyển chọn, đào tạo ở Mátxcơva rồi tung về Việt Nam. Jon Smit đăm chiêu: - Ôi, tại sao kế hoạch dễ nhìn thấy như thế mà ta lại không chủ động đề xuất nhỉ? Kế hoạch đó thật lý thú nhưng rất mạo hiểm. - Ô, mạo hiểm là đặc trưng của Cục tình báo trung ương Mỳ chúng ta mà. Chúng ta phải tuyển chọn điệp viên loại này mới có năng lực làm việc, mới có khả năng tiếp cận các tài liệu mật. Đối với điệp viên loại này, thời chiến đã có tác dụng, thời bình lại càng tác dụng. - Thưa ngài, đúng là điệp viên chiến lược. - Hành động đi, Jon Smit ạ! cần phải hành động ngay. Chúng ta cứ tuyển chọn, đào tạo tung về Việt Nam rồi tùy theo từng trường hợp cụ thể để sử dụng. Có thể điệp viên A gặp môi trường phát huy ngay tác dụng, điệp viên B chưa tiếp cận mục tiêu, ta cứ để ẩn náu lâu dài, chờ thời cơ - Colby rót đầy cốc rượu - Ông có muốn đến Mátxcơva một chuyến không? Câu hỏi đó đến với Jon Smit một cách đột ngột nên ông ta nói thành thật: - Tôi chưa nghĩ đến, thưa ngài! - Thì bây giờ nghĩ đến! - Colby nâng cốc rượu uống - Tầm quan trọng bậc nhất bây giờ là chúng ta phải đối phó với cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuần sau, tôi sang Việt Nam chỉ huy chiến dịch bình định, ông sẽ sang Mátxcơva. Chúng ta xa nhau hàng vạn dặm, nhưng tôi hy vọng sẽ có một đường dây liên lạc, đó là những điệp viên CIA người Việt Nam nằm tại Hà Nội. Wiliam Colby và Jon Smit cùng uống rượu chia tay mừng cho kế hoạch đã được thống nhất. ----------------- 1. Wiliam Colby lúc đó nguyên là Trưởng phòng Liên Xô - Đông Âu Cục tinh báo trung ương Mỹ. Năm 1972 được đề bạt làm Phó giám đốc phụ trách kế hoạch, nghĩa là phụ trách những hoạt động bí mật của CIA. Ngày 9 tháng 5 năm 1973 được Tổng thống Nixon bổ nhiệm giám đốc CIA. 3 Sau khi quyết định cho thương nhân Mỉhara vào Việt Nam tiếp tục buôn bán, thượng tá Hoàng Thế Huy càng lo nghĩ làm sao xác định được thực chất về thương nhân này. Thực ra, những năm qua có hàng ngàn thương nhân Anh, Pháp, Nhật, Hồng Kông, Thái Lan, Singapo... vào Việt Nam buôn bán, song những thương nhân có nghi vấn hoạt động gián điệp như Mihara không nhiều. Dùng biện pháp nào để làm rõ về con người này, đó là trách nhiệm trên trận tuyến bí mật. Sự lo nghĩ về công việc thầm lặng và tuổi tác đã làm tóc ông bạc trắng, cặp lông mày cũng không còn sợi nào đen. Trước khi thương nhân Mihara vào Việt Nam một tuần, thượng tá cho gọi thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn, trung tá Vũ Duy Bừng đến trao đổi. Họ ngồi ngay ở bên cửa sổ, nơi có cây xà cừ che gần hết. Đứng ở trong phòng nhìn qua các kẽ lá có thể nhìn thấy những chiếc xe ô tô, xe đạp nối đuôi nhau chạy quanh hồ Thiền Quang. - Đồng chí Đoàn hãy trình bày trước phương án tiếp cận đối tượng! - Theo tôi, cho người của ta đóng vai người ngoại thương làm việc với Mihara trong thời gian ông ta ở Việt Nam và tiếp tục bố trí các trạm quan sát kỹ thuật ở những nơi quan trọng. - Tôi cho rằng làm theo cách đó hơi thô thiển - Trung tá Vũ Duy Bừng bác bỏ ý kiến của thiếu tá - Nếu như công việc đổ bể, họ biết bị công an theo dõi sẽ không lợi cho quan hệ đối ngoại - Anh dừng lại suy nghĩ. - Nhưng nếu như họ không hoạt động gián điệp thì ta có theo dõi họ không? - Thiếu tá hỏi trung tá nhưng cũng muốn khẳng định suy nghĩ của mình, cần gài người vào theo dõi Mỉhara. - Xưa nay người ta vẫn nói hoạt động theo dõi người khác là công việc bất nhân, không tình người. Vì vậy, chúng ta phải giải thích như thế nào để cho mọi người hiểu, cho các đồng chí bên ngoại thương hiểu. Có hiểu họ mới ủng hộ ta làm việc - Thượng tá nói chậm - Theo tôi, các cơ quan tình báo gián điệp khoác áo thương nhân, nhà báo, du lịch, lợi dụng bà con Việt kiều, cán bộ, lưu học sinh của ta ở nước ngoài hoạt động gián điệp, chống phá công cuộc xây dựng của nước ta, đó là công việc bẩn thỉu, vô nhân đạo. Còn ta tiến hành các hoạt động này nhằm bảo vệ cho thành quả kinh tế, văn hóa, bảo vệ đất nước mình, nghĩa là hoàn toàn mang ý nghĩa tự vệ, ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Như vậy, các cơ quan gián điệp đế quốc và an ninh chúng ta đều áp dụng thủ đoạn gài người vào các cơ quan liên quan để hoạt động, song mục đích khác nhau nên nó mang ý nghĩa khác nhau. - Đúng! Nhưng trong buổi chiêu đãi Mihara, đồng chí Chánh thư ký Phòng thương mại đã giới thiệu những người làm việc với ông ta trong thời gian lưu lại ở Việt Nam, bây giờ đột nhiên lại thay đổi, có phải vạch áo cho người xem lưng không? Thượng tá suy nghĩ, thấy ý kiến trung tá Bừng có phần đúng. Nếu không tính toán sẽ nảy sinh những điều bất họp lý, làm kẻ địch nghi ngờ. ông nhìn thiếu tá: - Ý đồng chí thế nào? - Theo tôi việc thay đổi người là chuyện thường. Ta có thể thông báo với ông ta người nào đó bị cảm đột xuất, phải đi viện có được không? - Như thế là ta bị động - Thượng tá gật đầu - Bây giờ ta bàn cách đối phó. Tôi tán thành ý kiến đồng chí. Nhưng chọn ai làm công việc này? Đồng chí Khuất Văn Đăng có được không? Đồng chí ấy biết tiếng Nhật, lại là con em gia đình cách mạng - Giọng ông Huy bùi ngùi - Bố cậu ấy đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, là bạn thân của đồng chí Cục trưởng Cục ta. Trước khi chết, ông có nói với đồng chí Cục trưởng giúp đỡ Đăng, người con trai duy nhất. Giữ lời hứa với người đã khuất, đồng chí Cục trưởng xin cậu ấy từ Trường Trung cấp Ngoại thương về đây đào tạo. Bây giờ cậu ta làm việc với Mihara chính là dịp giúp cậu ta nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn. - Theo tôi không nên cử đồng chí Đăng - Thiếu tá không đồng ý với cách lý giải của thượng tá. Anh nói giọng có vẻ gay gắt - vấn đề ở chỗ là tìm người đánh địch chứ không phải tìm con của bạn thân Cục trưởng. Thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn thường rất thẳng thắn. Một khi xét đoán thấy điều gì sai trái, không giải quyết theo công việc mà theo kiểu đối nhân, anh đấu tranh đến cùng. Anh tiếp tục thuyết trình ý kiến của mình: - Làm việc với thương nhân Nhật Bản, với các cán bộ Bộ Ngoại thương, tôi nghĩ phải là người có am hiểu về công việc này, cậu Đăng làm sao có thể đảm đương được. Cuộc chiến đấu chỉ đạo nhiều chuyên án đã giúp thuợng tá đức tính bình tĩnh. Giọng chậm chạp, ông hỏi lại: - Đồng chí có thể nói rõ hơn lý do không gánh vác đuợc? - Một là, tri thức của cậu ta về ngoại thương quá yếu, không thể đối thoại được với các nhà chuyên môn. Hai là, xét về học vị cậu ta mới có bằng trung cấp ngôn ngữ Nhật. Kinh nghiệm làm việc chuyên môn với những người thuộc thế giới tư bản cần phải có học vị. Ba là, tri thức xã hội của cậu ấy còn quá yếu, khả năng phân tích, tổng hợp kém. Bốn là, xét về hình thức con người làm công tác đối ngoại, cậu ta không đủ tiêu chuẩn: người lùn bé, nói năng lập cập, giọng mang nhiều âm điệu địa phương. Với một con người như thế mà đại diện cho Bộ ta làm việc với Bộ Ngoại thương, tôi cho rằng đã rất khó khăn chứ chưa nói đến làm việc với người nước ngoài. Thượng tá ngồi lặng hồi lâu. Thiếu tá Khoa Đoàn nói có lý, nhưng tại sao đồng chí Cục trưởng lại xếp cậu ta vào loại cán bộ triển vọng cần đào tạo? Ong hỏi có ý tìm hiểu để xác định thêm cho nhận định của mình: - Nhưng cậu ta biết tiếng Nhật. - Ngôn ngữ là thứ giao tiếp chứ không thể thay thế được suy nghĩ, khả năng phân tích, tổng hợp của con người. Vì vậy ngôn ngữ không thể trở thành điều kiện quyết định việc sắp xếp cán bộ được. Trung tá trưởng phòng ngồi nghe cuộc đối thoại, mặt nóng bừng. Ông cho rằng Nguyễn Khoa Đoàn quá tự phụ, coi thường đồng đội, không nghe theo ý kiến cấp trên. - Tôi đề nghị đồng chí sử dụng quyền cấp trên kết luận vấn đề. - Nhưng vấn đề tôi đưa ra đúng hay sai? Một con người không có đầu óc phân tích, tổng hợp, thiếu nhãn quan chính trị như cậu Đăng thì dù có nằm ngay ở Tokyo cũng không rút ra được kết luận. Thượng tá ngồi im hút thuốc và suy nghĩ. "Thuốc Bông Sen ngon thật" - Ông thầm nghĩ. Nhưng lời nói của thiếu tá cứ chạy quanh trong đầu ông. Ông biết việc Cục trưởng sử dụng Đăng, giúp đỡ cậu ta có cái gì đó chưa ổn, gây cho anh em trong Cục thắc mắc, nhưng trí não ông vẫn chưa bắt trúng được "nó". - Vậy đồng chí định tiến cử ai? - Thượng úy Vũ Như Phơng và thiếu úy Mai Kim Châu. Thiếu tá Khoa Đoàn trình bày kỹ về khả năng từng người và kế hoạch sử dụng. Sau khi nghe xong, thượng tá chấp nhận. Để tiện cho việc giữ bí mật, ông quyết định cho hai người mang tên khác, có bí số riêng: Như Phơng bí số N8; Kim Châu bí so N10. Thượng tá cầm ống nghe quay số điện của trưởng phòng kỹ thuật: - Thế Huy đây. Đồng chí đến ngay chỗ tôi có việc cần. Lát sau trưởng phòng kỹ thuật từ tầng dưới đi lên, mở cửa. - Đồng chí Khoa Đoàn hãy trình bày phương án dùng kỹ thuật theo dõi Mỉhara để xem các đồng chí kỹ thuật có đáp ứng được không. Sau khi nghe mọi người trình bày, ông thấy đáp số vẫn chưa hiện lên. Thâm tâm và giác quan thứ sáu của ông đều linh cảm thấy: thương nhân Mihara có điều gì khó hiểu; sắp có "cái gì đó" xảy ra. Nhưng cụ thể đó là cái gì, diễn ra ở đâu, với ai, như thế nào phải đợi sau một thời gian tìm hiểu. Chương bốn 1 Trong lúc thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn đang lần theo dấu vết thương nhân Mihara, bắt đầu nghi ngờ Giang là người dính líu tới vụ lấy cắp tài liệu mật thì anh bỗng nhận được tin của công an Hà Nội báo cho biết, bác sĩ Giang chết đột ngột. Anh phóng xe ngay đến hiện trường xảy ra vụ án. Hiện trường là một căn phòng xét nghiệm bình thường như những căn phòng xét nghiệm của các bệnh viện: không lớn lắm, lát gạch hoa ốp đá men trắng, phía trên quét ve xanh xỉn. Gian phòng có hai dãy bàn đặt hàng trăm bình thủy tinh, lọ hóa nghiệm khác nhau. Góc trong cùng bên cạnh cửa sổ kê chiếc giường lò xo bằng nhôm. Xác Giang đang nằm nghiêng, cứ như trước đó cô tự nằm ngủ rồi vĩnh viễn không thức dậy. Phía trong giường có một đống cơm lẫn thức ăn. Đen gần xác Giang, anh nhìn kỹ thấy hai đồng tử bị dãn rất nhiều. Thiếu tá Khoa Đoàn đoán chắc cô ta bị nôn mửa, và có khả năng bị ám hại bằng một thứ thuốc nào đó nên mới có hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thiết. Anh quyết định mời thượng úy Mạnh Lâm, chuyên gia của Viện Khoa học hình sự đến xét nghiệm. Thượng úy được đào tạo ở Cộng hòa dân chủ Đức, biết áp dụng kiến thức khoa học hình sự hiện đại nhất vào trong công tác. Đặc biệt, anh đã biết kết hợp chặt chẽ với các giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia bộ môn pháp y Trường đại học Y Hà Nội và các nhà bệnh lý học, giáo sư, tiến sĩ của ngành chất độc học Việt Nam trong điều tra án mạng. Thượng úy tiến hành mổ tử thi khám nghiệm và ghi: tim và các bộ phận khác của nạn nhân bình thường; các tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến yên đều hoạt động tốt, không có vi khuẩn hoạt động ở phủ tạng và lá lách; kết luận: xét bề ngoài, không có triệu chứng chết đột ngột. Cùng thời gian đó, các bác sĩ pháp y Trường Đại học Y, bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và một số chuyên gia hóa học, chất độc học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được mời đến xét nghiệm, phân tích tóc, máu, gan, phổi... Cuộc trao đổi của họ xoay quanh câu hỏi: chất thuốc hay chất độc nào đã gây ra cái chết của người phụ nữ mới có mang này? Trong lúc các chuyên gia đang mải mê nghiên cứu, khám nghiệm tử thi, thuợng tá Hoàng Thế Huy và thiếu tá Nguyễn Khoa Đoàn cho trinh sát đi tìm hiểu quan hệ xã hội của Giang. Sau khi nghe các trinh sát báo cáo, thuợng tá trao đổi với thiếu tá Khoa Đoàn: - Nhu vậy tạm thời kết luận cô Giang là một người đúng mực. - Nhưng tại sao cô ta yêu Hoành rồi lại yêu Tần? Khi Hoành từ Liên Xô về nước lại bỏ Tần đi với Hoành? Và cái thai là kết quả của cuộc ái ân với ai? - Theo bà Cẩn, mẹ cô Giang cho biết, cái thai đó là do kết quả yêu thưong giữa cô ta với kỹ sư Hoành. Hai người chuẩn bị cưới. Còn bác sĩ Tần theo đuổi cô ta mấy năm trời nhưng không được đáp lại. - Vậy đồng chí cho tôi thẩm vấn Tần? - Về tội gì? Mới nghi ngờ đã đòi bắt người hay sao? - Tôi lo cứ tiến hành biện pháp điều tra bí mật sẽ kéo dài vụ án. Thủ phạm giết bác sĩ Giang không tìm ra mà kẻ lấy cắp tài liệu mật có thể sẽ chạy thoát. - Chúng ta cứ bình tĩnh phân tích xem - Thượng tá thấp giọng - Chúng ta nghi ngờ Hoành và Tần liên quan tới vụ lấy cắp tài liệu mật, bây giờ bắt khi chưa có chứng cứ liệu có phải báo cho kẻ địch nằm im hay không? - Theo tôi, trong thời gian bác sĩ Giang chết, Hoành đi công tác xa Hà Nội gần hai trăm cây số nên có thể loại trừ. Còn Tần, tối hôm trước đi chơi với Giang nên có nhiều dấu hiệu là thủ phạm. - Nhưng cái chết của cô ta do sự ghen tuông giữa Tần và Hoành hay liên quan tới vụ mất tài liệu? - Có nhiều khả năng do ghen tuông. - Vậy ai là chủ mưu lấy cắp tài liệu? Thiếu tá Khoa Đoàn trả lời một câu theo cảm tính: - Có thể là Hoành. - Phi lý - Thượng tá nói to - Hai chàng trai yêu một cô gái. Cô gái kia đột nhiên bị chết. Một chàng trai bị nghi là thủ phạm, người kia lại bị nghi là lấy cắp tài liệu. Kết luận đó không có cơ sở, phi thực tế. Một vài phút im lặng, thượng tá thấp giọng: - Thế này - Ông nhìn thiếu tá Khoa Đoàn - Tôi không đồng ý cho lệnh bắt mà chỉ được mời bác sĩ Tần đến làm rõ quan hệ tình ái giữa anh ta với cô Giang. Nội dung chỉ có thế. Sau khi làm rõ mối quan hệ này chúng ta mới có cơ sở kết luận họ có mâu thuẫn hay không? * Ngay chiều hôm đó, bác sĩ Tần được mời tới cơ quan an ninh. Đó là một căn phòng rộng nhìn ra đường Trần Hưng Đạo. Từ trong phòng nhìn qua rèm cửa, người ta có thể thấy xe chạy thành dòng trên đường phố. - Anh có biết vì sao chúng tôi mời anh tới đây không?- Thiếu tá Khoa Đoàn hỏi. - Tôi không hay biết. - Anh hãy cho biết về quan hệ giữa anh và bác sĩ Giang. - Công an không nên thọc vào đời tư của người khác - Đôi mắt Tắn ánh lên những nỗi bực tức. - Đúng, anh nói đúng - Thiếu tá Khoa Đoàn gật đầu tỏ vẻ đồng tình - Công an không được tò mò đời tư của người khác. Nhưng một khi đời tư đó có liên quan tới cái chết của một con người thì trách nhiệm chúng tôi phải làm rõ: một là người đó phạm tội; hai là thanh minh cho người đó là vô tội. - Nhưng các anh hỏi làm gì cơ chứ? - Có chứ! Để thanh minh cho anh không phải là thủ phạm giết bác sĩ Giang. - Đây không phải là những từ ngữ hoa mỹ để lừa dối tôi. - Nếu như anh nói thành thật. Bác sĩ Tần ngồi yên lặng như một tảng đá. - Tôi và Giang là bạn học phổ thông, cùng thi vào Đại học Y Hà Nội. Từ ngày ngồi trên ghế nhà trường, tôi yêu Giang tha thiết, nhưng đáp lại lòng nhiệt tình đó là sự im lặng. Mãi sau này tôi biết mới Giang yêu Hoành, nhưng tôi vẫn yêu Giang. - Và tối qua anh đã rủ cô ấy đi choi? - Vâng. Đúng thế. - Anh bình tĩnh nhớ lại mọi lời nói, cử chỉ của anh với cô ta? - Gần đây, khi biết Giang giận Hoành, thú thực tôi vui. Lòng nhiệt tình của tôi với Giang được nhân lên gấp bội. Tôi quyết định tấn công chinh phục Giang vì biết chắc Giang không ghét bỏ gì tôi. Giang khóc kể rằng đã bị Hoành bội bạc. Hình như Giang muốn nói với tôi một điều gì nhưng không diễn đạt nổi vì nó ẩn giấu một điều gì khó hiểu. Tôi mạnh dạn hỏi Giang còn yêu Hoành nữa không? Nước mắt đã làm Giang nghẹn lời. Một lúc sau nó mới thoát khỏi lồng ngực Giang thành tiếng: "Tuy anh ấy phản bội em những em vẫn yêu anh ấy!". Những lời nói ấy bấy lâu giấu kín trong tim Giang, đối với tôi còn là sự hoài nghi thì giờ đây đã bày tỏ. Rõ ràng, Giang vẫn yêu Hoành. Nhưng tại sao cô ấy lại khóc, khóc nức nở? Phải chăng cô ấy thương hại tôi hay có điêu gì uẩn khuất mà chưa nói được. Dần dà tiếng khóc đã dịu bớt. Giang đưa mắt nhìn tôi chứa đựng tình cảm dịu dàng. Tôi hỏi: "Hoành phản lại mối tình đầu mà Giang vẫn yêu hay sao?”. Nỗi đau xót hằn lên mặt Giang. "Vâng! Anh ấy là kẻ phản bội, là người ác độc!" Tôi hỏi: "Tóm lại, đến giây phút này Giang vẫn yêu Hoành, còn Hoành không yêu Giang?" Cô ấy trả lời: "Vâng". Tôi rùng mình và ngạc nhiên trước tình cảm mâu thuẫn trong Giang. Tôi hỏi: "Tại sao Giang vẫn yêu Hoành?" Giang trả lời: 'Không biết". Thú thực, buổi tối hôm đó, suốt trong mấy tiếng đồng hồ tôi cảm thấy Giang đau xót trong những tình cảm thổn thức quằn quại. Mặc dù đó là câu chuyện kinh khủng đối với tôi, song tôi vẫn còn hy vọng vì tôi vẫn yêu Giang. - Một khi không chiếm đoạt được trái tim Giang, anh đã làm gì? Có tiếng gõ cửa. Thiếu úy trực ban đẩy cửa bước vào. - Báo cáo anh, có kết quả xét nghiệm. Thiếu tá Khoa Đoàn vui đến phát run lên, đưa tay cầm tờ giấy đọc nhanh: "Chúng tôi tập thể các giáo sư, bác sĩ Trường Đại học Y, Đại học Tổng hợp dùng kính lúp kiểm tra thi thể nạn nhân phát hiện thấy ở đùi bên phải có hai vết tiêm. Sau khi xét nghiệm phần thịt ở xung quanh mũi tiêm và tiến hành hàng loạt các thí nghiệm liên quan chúng tôi kết luận: nạn nhân chết do bị tiêm insulin liều lượng cao ". Sẵn có ý nghĩ Tần là thủ phạm, không được Giang chấp nhận tình yêu đã tìm cách "đạp đổ", xét về khả năng chuyên môn sử dụng loại chất insulin, thiếu tá Khoa Đoàn vững tin: Tần là thủ phạm giết Giang. Khi mời Tần đến, anh nghĩ, hỏi xong chuyện sẽ thả. Nhưng kết luận xét nghiệm của một tập thể giáo sư, bác sĩ làm anh thay đổi suy nghĩ. Anh quyết định giữ lại để khai thác. - Từ giờ phút này, tôi coi anh là một can phạm. Bác sĩ Tần lạnh toát người, mặt tái đi. - Về tội gì? - Tội giết cô Giang. - Như vậy các anh ghép cái chết của bác sĩ Giang là tội của tôi. - Thôi, anh đừng đóng kịch nữa. Anh hãy khai lấy chất insulin ở đâu? Giết cô ta vì ghen tuông hay nghe người khác xúi bậy? - Tôi không giết Giang, tôi yêu cô ấy - Tần lấy khăn lau mồ hôi trán, tự nhủ bình tĩnh - Xin các anh điều tra lại. - Đừng biện bạch nữa. Thiếu tá Khoa Đoàn nhấc ống nghe. Một lúc sau, hai cán bộ cùng đơn vị bước vào dẫn Tần sang phòng bên, nơi có bàn, ghế, bút, giấy để trả lời những câu hỏi theo yêu cầu của cơ quan an ninh. 2 2 Sau mỗi lần viết lời khai. Tần lại bị giải vào một căn phòng rộng khoảng hơn mười mét vuông, kê chiếc giường con, bộ bàn ghế, bộ ấm chén. Cuộc sống của người bị bắt như thế cũng không đến nỗi tồi tệ. Nhưng đối với anh, một bác sĩ học tập và làm việc trong một môi trường sạch sẽ nên những nơi ít người ngủ này như có mùi hôi hám ngột ngạt. Khi cánh cửa khóa lại, tuy khóa không lấy gì làm chắc lắm, nhưng anh vẫn có ý nghĩ danh dự mình bị xúc phạm một cách ghê gớm. Anh vẫn chưa hiểu tại sao mình bị bắt. Anh ngồi xuống bàn, gục đầu vào tay. Thời gian càng trôi, đầu anh càng nhức, anh vừa nhớ thương Giang, vừa uất ức vì bị bắt vô lý. "Anh hãy khai lấy chất insulin ở đâu?" Bên tai anh luôn luôn vang lên câu hỏi đó của người sĩ quan thẩm vấn. Giọng anh ta cũng dịu dàng và nhẹ nhõm. Giá như anh ta hỏi Tần vào lúc khác, chắc Tần thấy dễ chịu. Song trong những ngàv bị bắt này anh thấy nó ác độc làm sao. Anh chỉ trả lời một cách kiên quyết: chính cô ta tự vẫn. - Tại sao anh biết tự vẫn. Tần trả lời một cách bướng bỉnh: - Các anh đi mà điều tra. Nhưng ngay sau đấy, nỗi uất ức đã phải nhường bước cho niềm thương nhớ Giang. Trong tâm trạng tổn thương, quặn đau, anh nhớ lại những gì Giang đã nói với anh vào đêm Giang chết. ... Tối đó, Giang dựa lưng vào gốc cây xà cừ, qua vòm lá um tùm, cô ngắm nhìn trăng đầu mùa đông đang run rẩy như sợ rét về. - Sao Giang buồn thế? Tần nhận thấy vẻ mệt mỏi, hoang mang chứa chất trong câu trả lời. - Chán đời lắm! Không muốn sống. - Có gì đến nỗi bi quan thế hả Giang? - Bố Giang bảo Giang lấy cắp tài liệu, Hoành lại bỏ đi yêu người khác. Còn ở cơ quan ai nhìn Giang cũng như có vẻ thương hại. Trông mặt họ cũng đủ biết - Phút giây im lặng qua đi - Tần ơi, có biết không, về đến nhà thì bố Giang thét lên: đem trả lại bản Nghị quyết mật của Trung uơng mới đuợc về nhà. Các bạn bè gặp ở đâu cũng hỏi: Bao giờ tổ chức cuới... Bạn bè tưởng Hoành bây giờ vẫn còn thủy chung với mối tình lắm. Không! Hoành đã đi yêu cô gái khác, sống trong cảnh bố mẹ ngờ vực, không còn tình thương với mình, sống trong cảnh người yêu phản bội, lừa gạt, khó sống lắm. Tần im lặng. Anh ngồi rứt từng ngọn cỏ bên lề đường. - Nếu như có gì chưa hiểu thì Tần thiết tưởng Giang nên gặp bố mẹ giãi bày. Phút im lặng kéo dài nặng nề khiến Tần phải đưa mắt nhìn Giang như cầu xin. Ánh trăng vẫn đủ để soi bộ mặt trắng bệch của Giang. Cô vẫn ngồi im thổn thức. - Tần chẳng hiểu gì cả. - Đúng. Có thể Tần chưa hiểu biết, vì Tần yêu Giang nên đã nói thật lòng, còn Giang vẫn giấu. Nhưng theo Tần, Giang cứ về gặp bố mẹ trình bày kỹ thì hơn. Thái độ con cái đối với bố mẹ chỉ có thể tôn trọng chứ không phụ thuộc vào bố mẹ yêu hay ghét mình. Lời thuyết phục nhẹ nhàng ấy làm Giang hơi đỏ mặt, vì cô đã mắc lỗi lầm lấy bản Nghị quyết kia đưa cho Hoành, đẩy bố cô vào con đường tiếp tay cho kẻ xấu. - Vâng! Giang biết. Nhưng làm được như vậy giờ đây khó lắm. - Mình giúp được không? Chẳng hạn về xin lỗi ông bà. - Cảm ơn lòng tốt của Tần. Nhưng không được đâu - Giang định lảng sang chuyện khác - Chúng mình đi bộ cho vui. Tần tiếp tục hỏi: - Hoành phản bội Giang điều gì? Giang dường như lúng túng vì câu hỏi đó. - Anh Tần. Đừng hỏi đến điều ấy nữa. - Thôi. Tần cũng chẳng hỏi làm gì. Nếu Giang muốn giữ bí mật, không tin mình thì đừng nên nói. - Tất nhiên Giang tin anh hơn Hoành nhiều - Giọng cô hết sức đau xót - Câu chuyện như Tần đã biết, sáu năm Hoành đi lưu học tại Liên Xô là sáu năm chờ đợi, ghi thư. Khi anh ấy về nước, hai đứa chuẩn bị cưới. Thú thực, gần mười năm đó, Giang cho rằng trên đời này không có một trái tim nào trong sáng, nhiệt tình hơn trái tim anh ấy. Nhưng rồi những ngày bàn cưới, Giang phát hiện anh ấy say mê người khác. Giang nghĩ, anh ấy đi học ở nước ngoài về, lại đi công tác ở khắp nơi, sẽ chóng quên và bỏ Giang thôi. Giang buồn vì đã sống hết mình vì người yêu mà nhận lại một sự dối lừa. Từ đó, nhiều đêm Giang thức thâu đêm, lòng trống trải, giận cho số phận mình. Như thế vẫn chưa hết. Còn một điều nữa Giang không thể thổ lộ vì có cảm tưởng Tần không giúp gì được việc này. Hai người ngồi im lặng mấy phút trong đêm. Trăng trên trời cũng như đang run rẩy trong màn đêm bàng bạc. Thỉnh thoảng một dải mây trắng đục kéo qua làm cả hai người cảm tưởng như trăng đang lấy khăn lau những giọt nước mắt. - Như thế Giang vẫn chưa nói hết. - Vâng. Đúng thế. - Thế thì hôm nay Giang đi chơi với Tần làm gì? - Tần tựa tay vào góc xà cừ, bàn tay nắm chặt - Chúng mình về thôi. Tần định đứng lên. Giang kéo Tần: - Anh đừng ngắt lời, để Giang nói cho cạn đã. Chỉ còn đêm nay Giang nói chuyện với anh. Tần lặng lẽ ngồi im, đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. - Cũng như lúc trước Giang nói, đến lúc này Giang yêu và tin Tần hơn Hoành. Và có thể nói, trên thế gian này Giang yêu Tần hơn ai hết. Chưa chắc anh đã hiểu điều này. Nhưng tình yêu đó không bao giờ thực hiện được. Giờ đây, đêm nay Giang muốn nói với anh điều đó và chỉ xin anh: trong cuộc sống, trong tình yêu phải thận trọng. Trước khi quyết định một việc gì phải đắn đo cho kỹ. Giang lặng lẽ cúi gục đầu. Tần không hiểu Giang định nói gì. Anh đặt tay lên vai Giang, cầm mấy sợi tóc vê tròn trong tay rồi đặt tay lên mái đầu cúi gục của cô. Anh định kéo Giang vào lòng. - Đừng anh! - Giang đẩy Tần ra - Sáng mai, anh đến chỗ Giang thật sớm nhé. Từ lâu, Tần chỉ mong được nghe những lời nhẹ nhõm như lúc nàv. Những lời nói đó làm anh thực sự xúc động, lấy lại được thăng bằng trong suy nghĩ. Anh không hiểu Giang hẹn mình đến làm gì nhưng trong lòng rất vui. Tâm trạng này của Tần, hôm nay Giang mới thấy là lần đầu tiên. Hình như giữa anh và buổi hẹn gặp sáng mai có một sợi dây liên lạc thần bí, một sợi tơ hồng nào đó. Giang cứ ngồi lặng hàng giờ đưa mắt nhìn ánh trăng mờ dần cho đến khi bóng đen tràn đến. Mọi vật như ngưng đọng và mờ mịt. Giang có cảm giác, bóng tối dữ tợn đang trùm lên hai người. - Anh - Giang rùng mình - Sao Giang có cảm giác bóng đen kia như tâm hồn của những kẻ chơi vơi trong tăm tối và cái chết. Giang vẫn nhìn vào làn sương đêm mù mờ trong ánh trăng và bóng đen trên cánh đồng gần thị xã Hà Đông. Tự nhiên Giang co rúm người lại, ngả đầu vào lòng Tần và lấy tay bưng lấy mặt. Tần lặng lẽ vuốt mái tóc đã thấm sương đêm của Giang. - Anh Tần ơi, sắp sửa đêm rồi. Có lẽ chúng ta chỉ còn có đêm nay thôi để rồi không bao giờ gặp nhau nữa. - Đừng nghĩ vớ vẩn, Giang - Giọng Tần nói trong hơi thở - Hoành phản bội tình yêu thì anh sẽ đến với Giang. - Truớc khi chia tay, anh nói với Giang điều gì đi! Giọng Tần yếu ớt: - Anh yêu Giang. Còn Giang có yêu anh không? Giang nói trong hơi thở: - Em cũng yêu anh. Nhưng... - Giang nghiến chặt răng, nắm chặt tay để khỏi bật ra tiếng khóc - Sáng mai gặp, em sẽ nói hết. Anh nhớ đến thật sớm. Khuya rồi, về đi anh! Tần chiều theo ý Giang, kéo tay cô đứng lên. Hai người dắt xe đạp trên vạt cỏ ướt đẫm sương. ẳ Họ im lặng cúi đầu bước đi chẳng hề nhìn nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Khi đi hết bờ ruộng thứ nhất, tự nhiên Giang dừng lại. - Em khó thở quá - Giang thì thầm. Lần đầu tiên trong đời Tần được nghe giọng nói vừa thân thương, vừa bi quan làm tim anh vừa thổn thức, vừa nhói đau. - Tần đưa Giang về với bố mẹ được không? - Không, không đâu. Em đã mang đến cho bố mẹ em nỗi buồn khổ đau, rồi em lại xa bố mẹ... Những điều em làm, em biết nó sẽ đẩy bố mẹ em đi tới đâu. Vì vậy, anh đừng khuyên Giang trở về nhà. - Nhưng điều ấy không thể được - Tần kêu lên một cách thực thà - Giang tội nghiệp thương yêu của Tần, có điều gì khủng khiếp đến mức độ như thế, nói cho Tần nghe. Nếu Giang xử sự như thế không phải đạo làm con mà còn làm héo mòn tấm lòng cha mẹ. Việc làm đó cũng đồng nghĩa với giết chết bố mẹ Giang và cả chính Giang nữa. Có đúng thế không? - Anh đừng kết tội Giang như thế. Có thể Giang sẽ giết chính mình chứ không thể giết bố mẹ được. Em có thể làm điều gì đó cứu vớt tâm hồn bố mẹ chứ không thể xô đẩy bố mẹ em tới chỗ chết. Trong hai việc làm đều đem đến cho bố mẹ nỗi khổ đau song việc nào đem đến nỗi khổ đau ít hơn thì em chọn việc làm đó. Anh hãy hiểu cho Giang như thế - Giang nói, giọng buồn khó tả. Tần vẫn cúi đầu bước đi, đắn đo, suy nghĩ và bối rối trước những câu nói không rõ ràng của Giang. Đầu óc anh quay cuồng. Anh linh cảm trong Giang đang có một sự dằn vặt khủng khiếp. - Lên xe đi anh! Đợi cho chiếc xe tải phóng qua. Tần và Giang mới đạp xe theo. Sáng hôm sau, khi Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi chuơng trình nhạc thể dục buổi sáng, Tần thức dậy. Sau khi rửa mặt, anh dắt xe ra phố ăn bát phở,