🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bức Ảnh Dài Nhất Thế Giới - Tetsuya Honda & Nguyễn Hoàng (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
Ebooks
Nhóm Zalo
BỨC ẢNH DÀI NHẤT THẾ GIỚI Tác giả: Tetsuya Honda Người dịch: Nguyễn Hoàng Phát hành: MintBooks Nhà xuất bản Thế Giới 2018 —★—
ebook©vctvegroup
Chương 1
C
ăn phòng trống rỗng.
Chiếc hộp các tông ngổn ngang đồ đạc.
“Cái này thì sao? Ketsumeishi đấy!”
Rõ ràng căn phòng thân quen từ bé, vậy mà đây là lần đầu tiên tôi thấy quang cảnh này.
Không có cái bàn trong góc phòng. Không có chiếc giường cạnh bờ tường chính diện. Cũng không có điều hòa lắp phía trên và cả tấm rèm nơi cửa sổ. Không có cả giá sách đầy ắp truyện tranh và CD, nơi giấu một ít sách không dành cho trẻ con nữa. Chỉ còn sót lại cái một cái hộp các tông.
“Tớ nghe cái đó rồi.”
“Thế thì… Hamasaki Ayumi nhé?”
Hôm nay, Yousuke sẽ rời khỏi thành phố này. Vì công việc của bố, nên cậu ấy phải chuyển tới sống ở vùng Tohoku. Hành lý của cậu đã được chất lên chiếc xe tải đỗ trước cổng nhà.
“Ayu… không cần đâu.”
“Hả? Nhưng hồi trước Nobu thích lắm mà.”
“Ừ, nhưng thôi.”
“Thế đây thì sao? Earth, Wind & Fire!”
“Không biết. Chưa nghe bao giờ.”
“Hay đó. Hàng cổ, nhưng khá chất đấy!”
Bìa đĩa là một bức tranh kì quái, trông như tượng đá nữ hoàng Cleopatra trong tư thế đứng, nhưng nửa bên trái lại giống robot. “Mấy thứ như CD tớ không cần đâu.”
“Đừng nói thế mà. Cậu lấy đi, chẳng mấy khi.”
“Chẳng mấy khi gì cơ?”
“Kiểu như… quà kỉ niệm chia tay.”
“Bày vẽ gì chứ. Cậu cầm chỗ này mang về nhà mà nghe, sau đó ôm gối khóc nhớ thương những kỉ niệm về tớ!”
Tuy nói vậy, nhưng Yousuke lại cười toe toét.
“Nghe thứ nhạc chưa nghe bao giờ thì sao mà gợi lên kỉ niệm gì được hả trời.”
“Nên mới nói cậu mang Ketsu hay Ayu về mà.”
Cả album của Ketsumeishi, lẫn nhạc của Hamasaki Ayumi, Yousuke đều đã tải vào iPod của tôi từ lâu. Hẳn là cậu ta cũng đã làm thế với Ipod của mình nên mới không cần tới đĩa gốc nữa.
Không còn cách nào khác, tôi đành nhận hai cái đĩa đầu tiên. Rồi tôi đặt chúng xuống sàn nhà, phần giữa sàn đã phai hẳn màu so với các góc.
“Này, Yousuke, nhắc mới nhớ… Cậu với Miyoshi, thế nào rồi?” “À… Tớ chia tay đàng hoàng với Nanae rồi.”
“Hả?”
Chia tay rồi…?
Vậy có nghĩa là… hai đứa đã từng hẹn hò sao?
Khác với tôi, Yousuke là một cậu nhóc điển trai, chơi thể thao cũng giỏi, học hành không quá xuất sắc, nhưng nói chuyện thú vị nên rất được đám con gái mến mộ. Vì vậy, khi Miyoshi tìm tôi nhờ “tư vấn”, thực lòng tôi khá là bối rối.
“Bây giờ mới tỏ tình với Yousuke chắc là chẳng có kết quả đâu nhỉ? Giờ đã là năm cuối cấp, có nói ra cũng chẳng ý nghĩa gì.” Lúc ấy mới là mùa xuân, nhưng lại chính là thời điểm ngay sau khi Yousuke nói rằng có thể cậu ấy sẽ chuyển trường vào cuối học kì một.
“Ừm… nhưng cậu cứ thử xem sao. Nếu chỉ là tỏ tình thôi thì không mất gì mà.”
Một lời khuyên kì cục, nhưng tôi chỉ nghĩ ra được như vậy thôi. “Vậy, Norobuu, giúp tớ chứ?”
Cậu thôi gọi tớ là Norobuu đi có được không?
“Hả? Gì cơ?”
“Chuyện tỏ tình ấy.”
“Sao lại là tớ?”
“Thì cậu là bạn thân với cậu ấy từ thời mẫu giáo mà!” Chẳng biết có phải là bạn thân không. Bạn thời thơ ấu thì đúng. “Cậu thử dò hỏi Yousuke giúp tớ với. Xem cậu ấy nghĩ sao về tớ.”
“À, chuyện đó thì…”
Miyoshi là kiểu con gái mà, ừm…, cũng không hẳn là xấu, nhưng khó có thể xem là dễ thương được, đại loại vậy. Cô ấy vừa là cán bộ lớp vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ Nhiếp ảnh và được coi là thủ lĩnh
trong đám con gái. Cô ấy có tính cách mạnh mẽ, và lực cánh tay có khi mạnh hơn cả tôi. Nhân tiện, tôi là thành viên mờ nhạt của câu lạc bộ Nhiếp ảnh, buổi tư vấn này cũng được tiến hành lén lút trong một căn phòng không người.
“Nhờ cậu đấy, Norobuu.”
Đã nói là đừng gọi thế nữa mà.
“Ừ, ừ… Hiểu rồi, mình sẽ hỏi hộ.”
Và thế là, trên đường về nhà ngày hôm sau, hay hôm sau nữa gì đó.
Khi tôi nói với Yousuke “Hình như Miyoshi thích cậu đấy”, cậu ta phì cười, đáp lại “Tớ biết rồi”. ‘Biết rồi là sao chứ?’, tôi thầm nghĩ trong đầu nhưng lúc đó không hỏi thêm gì nữa. Chỉ là khi ấy, Yousuke đang để ý Andou Erika lớp bên cạnh, và Erika có vẻ cũng không chê Yosuke, không lẽ cậu ta gạt chuyện đó qua bên để chọn Miyoshi? Không có chuyện đó đâu.
Dù thế tôi vẫn nói lại nguyên văn với Miyoshi. Vì tôi nghĩ phản ứng của cậu ấy như vậy cũng không hẳn là tệ.
“Yousuke nói là biết rồi.”
Đúng như dự đoán, dấu hỏi to đùng hiện trên mặt Miyoshi. Câu chuyện chỉ có vậy. Yousuke sau đó không nói gì với tôi về Miyoshi và Miyoshi cũng không nhắc tới chuyện đó nữa. Thế nên tôi cũng có chút tò mò không biết chuyện ra sao, thế mà rốt cục lại là chia tay à?
Vậy là hai người đó đã tiến tới cái giai đoạn mà tôi chưa từng được trải qua, rồi chưa gì đã chia tay rồi? Đừng đùa chứ? Cậu phải kể với tớ chuyện đó chứ, Yousuke!
Nhưng đến phút cuối tôi cũng không thể nói ra câu đó. “À, vậy à? Haha…”
Tôi lúng túng xếp lại cái CD Ketsumeishi bị lệch cho khớp với chiếc đĩa của Ayu.
✩✩✩
Bố của Yousuke ngồi ghế phụ trên chiếc xe tải của công ty dịch vụ chuyển nhà. Yousuke và anh trai ngồi trên chiếc xe khách do mẹ cậu lái.
“… Chào nhé. Tớ sẽ nhắn tin cho cậu sớm.”
Yousuke khẽ vẫy tay, sau khi xe chạy khoảng chục mét, cậu ta hạ tay xuống, đóng cửa sổ rồi chiếc xe cứ thế xa dần trên con đường giữa cánh đồng.
“Tớ cũng sẽ nhắn cho cậu,” nói đoạn, tôi vẫy mạnh chiếc CD và đuổi theo. Cảnh tượng kể trên có lướt qua đầu tôi một chút, nhưng rốt cục tôi không làm thế, buổi chia tay trôi qua nhạt nhẽo.
Chiếc xe chở gia đình Yousuke dừng lại ở ngã tư thứ hai phía xa xa, rồi khi tín hiệu đèn chuyển sang màu xanh, xe lại lăn bánh và tôi kết thúc màn tiễn biệt của mình.
Thứ còn lại chỉ là hai chiếc đĩa CD chẳng tượng trưng cho kỉ niệm nào về Yousuke. Khi tôi mở vỏ đĩa ra, thế quái nào bên trong CD của Ketsumeishi lại là đĩa Southern All Star. Làm gì với cái của nợ này đây?
Tạm thời cứ về nhà trước đã. Từ nhà Yousuke đi ngược theo
con đường lúc nãy năm phút là tới nhà tôi. Tiện thể nói luôn, từ nhà tôi đi xe đạp tới ga gần nhất mất mười phút, tới trường mất mười lăm phút. Nếu đạp hết sức thì mất vừa tròn hai mươi phút để tới phố mua sắm có cửa hàng cho thuê CD.
“Con về rồi!”
Khi tôi sắp đi thẳng lên gác, định bụng nghe thử mấy cái đĩa xem sao, thì mẹ tôi gọi lại.
“A, Hironobu về đúng lúc lắm. Con đến chỗ của ông, rồi nhờ ông sửa cái đó giúp mẹ với!”
Rồi mẹ chỉ tay vào cái lò vi sóng đặt trên bàn bếp. Dây cắm điện đã được rút sẵn ra, cuộn thành bó.
“… Ngay bây giờ ạ?”
“Ừ, cố gắng nhé. Nếu sửa được có lẽ sẽ kịp làm bữa tối. Hôm nay, mẹ định làm món gratin mà con thích đó!”
Tôi có thích gratin nhưng đó là chuyện lâu lắm rồi. Cùng lắm chỉ đến năm lớp một hay hai gì đó. Một nam sinh lớp chín như tôi đương nhiên thích mấy món thịt dồi dào năng lượng hơn.
Nhưng mà bây giờ có nói cũng muộn rồi.
“V… vậy con đi đây!”
Tôi đặt CD lên bàn rồi nhấc cái lò vi sóng lên. Khá là nặng. Tuy nhiên không phải là không cố được. Thực chất tôi để ý đến cảm giác nhơm nhớp quanh thân lò hơn.
“Nhờ con nhé!”
Hình như mẹ cũng chẳng có ý định giúp tôi chất nó lên xe đạp thì phải.
Sau một hồi xoay xở, cuối cùng tôi cũng yên vị được cái lò vi sóng trên giá chở hàng và bắt đầu xuất phát. Nhiều lúc bị ô tô phóng sượt qua hay khi gặp đoạn đường lỗ chỗ ổ gà ổ vịt khá nguy hiểm nhưng may mắn là tôi đã tới đích an toàn mà không xảy ra tai nạn hay đánh rơi lò vi sóng lần nào.
Nơi nhà tôi thường gọi là “chỗ của ông” thực ra là một cửa hàng nhỏ. Tên chính thức là “Cửa hàng tái chế Takenaka”. Trước kia, ông từng kinh doanh một xưởng đúc sắt ở đây, sau đó hình như kinh tế khó khăn nên ông không muốn tiếp tục nữa. Tuy nhiên đống dụng cụ, thiết bị vẫn còn đó, mà ông cũng thích mày mò máy móc, nên ông bắt tay vào mở một cửa hàng thu mua phế liệu, làm sạch, nếu cần thì sửa chữa rồi bán lại chúng. Nhân tiện, cái tên “Cửa hàng tái chế” mới có gần đây, có lẽ là khi tôi vừa lên trung học. Trước đó mọi người toàn gọi là “Cửa hàng thu mua phế liệu” hay “Cửa hàng đồng nát”. Đúng là những cái tên chẳng vẻ vang gì, nhưng thật ra chúng còn hợp với nơi này hơn. Hình tượng của cửa hàng đến tận bây giờ vẫn không thay đổi chút nào.
“Ông ơi!”
Ngồi im trên yên xe, tôi ngó vào ngôi nhà bên trong, trước đây là xưởng làm, giờ kiêm thêm nhiệm vụ chứa đồ phế thải. Tối đen và yên tĩnh. Hình như ông không có ở đây.
Tôi đi sang ngôi nhà bên cạnh. Ngôi nhà này trước đây là văn phòng, bây giờ là quầy bán hàng.
“Ông ơi, ông có ở đó không?”
Ở trong có rất nhiều đồ gia dụng được sửa chữa, mang vẻ ngoài đẹp đẽ, sáng bóng. Tivi, tủ lạnh, máy giặt, có cả máy vi tính luôn.
Thậm chí máy phát đĩa than, hay điện thoại quay số cũng có. Quả nhiên là có đôi chút khác biệt so với các cửa hàng điện tử khác. Không thấy ai trả lời, tôi dựng chân chống xe đạp rồi đi vào trong. “Ông ơi, ông đi đâu rồi?”
Không, ông chẳng đi đâu cả. Ông ở phía trong quầy bán hàng. Tôi có thể thấy bàn chân mang tất đen lấp ló sau tấm bình phong. Tôi cũng thấy luôn cả đầu ngón chân cái lòi ra khỏi lỗ rách trên tất. “Ông ơi, cháu muốn nhờ ông sửa chút đồ ạ…”
Tôi thử vào trong xem sao. Ông đang ngủ trưa trên ghế sofa dưới bóng tấm bình phong. Mắt kính xộc xệch. Cái miệng há to, lộ rõ hàm răng giả. Dưới sàn nhà gần đó là một tờ báo đọc dở, phập phù trong luồng gió từ cây quạt máy.
Đúng lúc tôi nghĩ “Cứ như xác chết ấy nhỉ…” thì “Oáp!” - ông ngáp một tiếng to. Nhưng rồi không có động thái gì nữa. Ông lại ngủ say rồi.
“Ông ơi, sửa đồ hộ cháu được không ạ?”
Tôi lay đầu gối ông. Cảm giác gầy gò, xương xẩu.
“Ừmmmm…”
Ông đã tỉnh một chút. Tôi lay thêm lúc nữa, cuối cùng ông cũng mở mắt.
“Ừm… ơ… xin lỗi, xin lỗi.”
Chắc ông nhầm tôi với ai khác. Tuy thế khi chỉnh lại gọng kính, nụ cười niềm nở đó cũng tắt ngấm.
“Tưởng ai, Hironobu à?”
Hầy, ui da - ông vừa lẩm bẩm vừa tìm cách ngồi dậy. Tôi giơ hai
tay ra kéo ông lên, cố nhẹ nhàng để không làm ông đau khớp. Ông ngồi thẳng người, thở một hơi, gãi sột soạt lên phần bụng chiếc áo may ô.
“Bây giờ là mấy giờ?” Ông hỏi.
“Mười một rưỡi ạ. Sắp trưa rồi ông.”
“Hừm… Mười một rưỡi… Á!”
Đột nhiên, ông hốt hoảng đứng dậy, nhìn về phía quyển lịch hình võ sĩ sumo treo trên tường.
“Hôm nay là ngày bao nhiêu?”
“Hai mươi sáu tháng Sáu ạ.”
“Thứ mấy?”
“Thứ Bảy ạ.”
Ông chỉnh lại kính một lần nữa, đôi mắt đăm chiêu.
“Ngày hai mươi sáu… À, phải rồi… Thế thì vẫn chưa sao.” Trong khi tôi vẫn đang thắc mắc ông nói chuyện gì thì ông đã đứng dậy và tiếp tục lẩm bẩm “Ui da da”.
“Chuyện gì nào? Cháu lại đến xin máy tính nữa hả?” Máy tính là một trong những mặt hàng hiếm hoi được ưa chuộng, nên dù là cháu chắt ông cũng ít khi cho không. Nhưng tôi vẫn kiên trì nài nỉ ông thêm nữa.
“Không phải. Cháu đến nhờ ông sửa cái lò vi sóng.”
“Vậy à? Yasuko sai đi phải không?”
Tiện đây cũng xin giới thiệu luôn, ông là cha của mẹ tôi, tức là ông ngoại của tôi. Bà ngoại tôi mất khá lâu rồi. Ông bà nội tôi vẫn còn khỏe, nhưng họ sống ở Shikoku nên hiếm khi tôi được gặp.
“Đâu? Để ông xem.”
Tôi bước ra ngoài cùng ông. Trời nhiều mây nên không khí tương đối mát mẻ.
“À? Cái này hả? Rồi, mang vào đi!”
“Vâng!”
Tôi để nguyên lò vi sóng trên xe đạp rồi dắt cả xe vào trong xưởng làm việc.
Khi bước vào, ngay bên phải tôi là chiếc bàn làm việc. Ánh sáng khá đầy đủ, rất nhiều thứ như thiết bị hàn, mỏ hàn, tuốc-nơ-vít nằm lăn lóc trên bàn. Một bức ảnh paranoma* núi tuyết treo trên bức tường đối diện.
“Một, hai, lên nào!”
“Lên!”
Sau khi đặt lò vi sóng lên bàn, ông ngay lập tức mở cửa lò, nhìn vào bên trong.
“Vậy cháu về nhé!”
“Đợi đó!”
Ơ? Tại sao chứ?
“Bên trong hình như không có vấn đề gì. Nếu chỉ là dây điện bị đứt thì ông sửa xong ngay thôi, ông làm luôn cho cháu bây giờ, nên ngồi đợi một tí.”
Sau đó, ông lấy ra một thiết bị mà ông gọi là “máy kiểm tra”, cắm vào lò rồi kiểm tra thứ gì đó.
Tôi thấy hơi chán nản.
“Một chút”, “Xong ngay” của ông thật ra chẳng biết mất bao lâu.
Đôi khi chỉ mất năm phút thật, nhưng cũng có lúc mất đến hai tiếng. Có những khi mới đợi ba mươi phút hoặc một tiếng thì tôi chưa biết sẽ mất từng đó. Nếu ông nói là chờ, thì tôi đành im lặng ngồi chờ thôi.
Chuyện này có lẽ kì quặc với nhiều người. Đã là học sinh trung học rồi mà tại sao vẫn phải nghe lời ông răm rắp?
Nói trắng ra là vì thỉnh thoảng ông cho tôi những kho báu không thể ngờ tới được. Từ hồi tiểu học, tôi đã sở hữu tivi, đầu băng, dàn loa của riêng mình. Toàn đồ nhìn cũ cũ nhưng dùng rất tốt. Gần đây, tôi còn được ông cho đầu DVD với máy ảnh kĩ thuật số. Giờ thứ tôi đang nhắm tới, như đã nói lúc trước, là cái máy tính. Máy tính bàn hay laptop đều được hết. Tuy nhiên, tôi có một kì phùng địch thủ.
“Nè ông, ra ăn cơm đi! Cơm!”
Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến. Đó là chị họ tôi, Atsuko. Tôi hay gọi là “Acchan”. Chị đang sống trong căn nhà phía sau xưởng làm. Cả gia đình chị có năm người, chị, chị lớn Shouko, bác trai bác gái và ông ngoại tôi.
Acchan đang rình mò cái laptop hiệu Fujitsu ông sẽ sửa xong trong nay mai.
“Ừ, đợi chút, ông đang xem cái này.”
“Ramen đấy! Trương hết lên bây giờ!”
“Đã bảo là đợi chút mà! Đợi ông tí!”
“Không đợi được. Mì chín rồi này!”
Acchan thường nói năng như vậy nhưng khi nhìn kĩ sẽ thấy chị rất đẹp. Chị năm nay hai mươi mốt, hơn tôi sáu tuổi. Từ năm mười
mấy tuổi đã khoái uống rượu và hút thuốc phì phèo. Ngoài ra còn rất giỏi các trò cờ bạc nữa. Khi trông cửa hàng, từ trưa đã thấy chị lôi bia ra uống, hút thuốc, ngồi dạng hai chân trên ghế xếp để đọc báo đua ngựa. Ừm, một ông già. Mặc dù cử chỉ y hệt một ông già, nhưng nếu bỏ qua tất cả những thứ đó, mà chỉ xem xét ngoại hình thì quả thật Acchan cực kỳ xinh đẹp. Tôi cũng không biết nên miêu tả như thế nào. Đôi mắt to tròn, sống mũi cao. Đôi môi mọng lúc nào cũng tô son đỏ rực. Năm ngoái, tóc chị vẫn vàng chóe và rối bù, nhưng bây giờ chị đã chuyển sang mái tóc nâu dài. Theo tôi, diện mạo bây giờ của chị đẹp hơn nhiều.
“Vậy cháu về đây… Ông! Cháu bảo rồi đó. Cháu làm xong ramen rồi, chút nữa nó trương lên ông đừng có càu nhàu đấy… À, Hironobu, em ở đây à?”
“Vâng, em vừa đến nhờ ông một chút!”
Khi tôi cúi chào, chị giơ hai ngón tay lên “Chào em!”. “Em cũng lại gần nói cho ông già lãng tai đó đi. “Không nhanh lên là mì trương đó… À, phải rồi. Món cá khô muối cô cho hôm trước ngon lắm. Em bảo cô là chị cảm ơn cô, lần sau cô lại để phần chị một ít nhé. Thế nhé.”
Chị lại giơ hai ngón tay lần nữa rồi đi mất. Dù nhà chị ở sau xưởng làm, nhưng hai nơi không thông với nhau nên muốn về lại phải vòng qua đường.
Khi tôi nhìn theo bóng lưng Acchan, ông tự dưng cất tiếng. “Sao nó lại trở nên thô lỗ thế nhỉ… Con bé Shouko thì rất nhẹ nhàng, vậy mà nó thì…”
Chị Shouko hiện đang làm giáo viên tại một trường tiểu học ở thị
trấn bên cạnh.
“Nhất là… gì nhỉ? Cái điệu nhảy như con khỉ làm xiếc ấy? Lúc mới nhìn thấy ông còn tưởng nó bị điên.”
Hẳn ông đang nói tới điệu break dance. Nhưng ông ơi, chị có nhảy nữa đâu. Chị bảo là chán rồi.
“Hironobu. Sau này cháu không được như vậy đâu đấy!” Tôi không tưởng tượng nổi mình mà giống Acchan sẽ ra sao. “Ông đừng nói thế. Tội nghiệp Acchan!”
“Tội nghiệp cái gì chứ?”
“Tội nghiệp chứ. Hơn nữa Acchan đối xử tốt với cháu, cháu thấy chị ấy ngầu lắm!”
Ông nhổ đờm đánh toẹt lên mặt đất rồi lại gí mắt vào cái máy thử. “Ngầu ở đâu mà ngầu? Cái ngữ ấy…?”
Tự nhiên hỏi ở đâu thì tôi cũng không biết trả lời ra sao. Nó là một thứ gì đó không phải ngoại hình hay được thể hiện ra ngoài, nói chung tôi không miêu tả bằng lời được. Không khí xung quanh chị ấy, rồi thái độ cởi mở. Nhưng nói vậy khó mà coi là một lời giải thích được.
“Ừmmmm… Thế nào nhỉ? Đại loại là… ừm… tóm lại, chắc là tự do? Đúng. Cảm giác tự do ấy… Cháu nghĩ rất ngầu.” Ông ngoại buông một câu “Chả hiểu gì sất!” rồi lại tập trung vào công việc, không nói thêm gì nữa.
Tôi thầm nghĩ đi nghĩ lại lời mình nói trong đầu.
Tự do. Tự do, thật ngầu!
Có suy nghĩ như vậy trong lòng, có phải là tôi không được tự do
lắm không nhỉ?
Chương 2
N
gay khi mở mắt ra, tôi đã thấy lòng u ám.
Không cần mở rèm cửa tôi cũng biết.
Rằng trời vẫn đang mưa.
Giờ chưa hết mùa mưa nên đó là chuyện đương nhiên, nếu nói thế thì đúng là thế thật, nhưng không vì thế mà cảm giác u ám này biến mất hoàn toàn được.
Mưa vẫn rơi không ngừng. Và tôi thì không có cách nào đánh bại được ác ý của cơn mưa cả.
“… Bố định đi đâu ạ?”
Khi tôi xuống nhà cũng là lúc bố chuẩn bị ra ngoài. Ông mặc vest, ngồi trên thềm nhà thắt dây giày. Sau lưng ông là mẹ tôi với chiếc tạp dề quen thuộc.
“Bố chở con đến trường với!” Nếu tôi có thể nói vậy thì sẽ đỡ mệt biết bao.
Không, thực ra tôi đã nói vậy nhiều lần rồi. Nhưng mỗi lần như thế là một lần tôi ăn “tràng liên thanh” những lời chỉ trích. Đi ô tô đến trường, định ra vẻ cậu lớn ở đó à? Hướng đi còn ngược nhau nữa! Nếu bố đưa mày đi kiểu gì cũng muộn giờ làm. Miễn cưỡng thì bố vẫn đưa mày đi được bằng cách xuất phát sớm, nhưng nếu thế thì phải dậy trước mọi khi bốn mươi phút. Mày dậy
được không hả? Nếu ngày hôm sau trời có khả năng mưa, mày phải đặt đồng hồ báo thức trước mọi khi bốn mươi phút rồi còn phải dặn bố dậy sớm tương đương mày nữa. Ngay cả những bước chuẩn bị đó, mày có làm được vào hôm trước không?
Xin lỗi. Con chịu.
“… Tôi đi đây.”
“Mình đi cẩn thận nhé.”
Tôi cũng nói “Bố đi cẩn thận ạ” cho có lệ. Chắc là bố cũng chẳng nghe thấy.
“Ơ kìa, Hironobu, con ở đây nãy giờ à?”
Ôi… Sự tồn tại của tôi mờ nhạt quá chăng.
✩✩✩
Từ nhà đến trường mất mười lăm phút đi xe đạp. Thật không may, tôi chẳng có đủ sức để vừa đạp xe vừa che ô đi hết quãng đường đó. Chỉ còn một cách là mặc áo mưa. Nhưng thời tiết này mà mặc áo mưa chắc đến trường cả người tôi ướt đẫm mồ hôi mất. Nếu thế thì cũng bằng không. Gần nhà tôi lại chẳng có bến xe buýt nào, mà đạp đến ga mất tận mười phút. Chọn cách nào cũng phiền phức cả.
Phương pháp thực tế nhất là… đi bộ. Hơn ba mươi phút. Quãng đường đó trước đây không thành vấn đề, vì tôi hay đi cùng Yousuke. Cứ khi nào tôi buồn phiền hay chán nản, Yousuke lại khiến tôi quên đi.
Nhưng, Yousuke đã không còn đây nữa.
“Hironobu, ăn nhanh lên con! Con đi bộ đúng không? Muộn bây giờ!”
Con biết rồi. Biết vậy nhưng mà…
Ngay lúc ấy, tiếng chuông vang lên trước cổng nhà.
“Không biết là ai nhỉ?” Mẹ tôi lẩm bẩm rồi bước về phía cửa. Hàng xóm chăng? Mới sáng sớm đã tới nhà người khác, không biết có chuyện gì?
Không, không phải hàng xóm.
“Ô kìa, Acchan. Sao thế?”
“Cháu chào cô!”
Ừ. Đúng là Acchan thật.
“Cô ơi, Hironobu còn ở nhà không?”
Có, em vẫn còn ở nhà này.
“Ừ, nó chưa đi, sao thế?”
“Giờ cháu sắp lên Tokyo bằng ô tô, nên cháu định cho em đi nhờ xe.”
“Tuyệt cú mèo!” đúng lúc nghĩ như thế thì miếng bánh mì nướng chặn ngang họng tôi. Khí quản hoàn toàn bị tắc, tôi không còn thở nổi nữa, nhưng vẫn vội xông ra cửa.
Acchan, chị thật tuyệt vời!
✩✩✩
“May mà có chị đấy. Em vui lắm. Bố em chắc chắn sẽ không đưa
em đi đâu!”
Hôm nay, Acchan vẫn trang điểm kỹ lưỡng từ sáng sớm, mái tóc dài buộc gọn sau gáy. Cũng phải nói luôn, chiếc xe chị đang lái là ô tô một khoang hạng nhẹ của ông.
“Cũng đúng. Chú là kiểu người thế mà!”
Trong xe bật nhạc hiphop nên lúc tán gẫu phải nói to mới nghe thấy.
“Chị đi Tokyo làm gì thế?”
“À, chị đi lấy đồ hộ ông. Ông bảo là đồ của người quen, gửi ở viện bảo tàng.”
Viện bảo tàng?
“Sao chị Acchan phải đi hộ ông?”
“Ông già vẫn chưa tỉnh rượu, không đứng dậy nổi nữa nên nhờ chị. Hình như hôm qua ông uống với bạn bè ở Hội Thương nghiệp đến mức nôn ọe tùm lum luôn… Thật là! Ông già, nghĩ đến tuổi tác của mình đi chứ!”
Haha.
“Nhưng Acchan biết rõ chuyện đó nhỉ?”
Vừa dứt lời, tôi bỗng ngớ người ra.
“Acchan, chẳng lẽ là… vì cái máy tính…”
Chị khẽ nhếch đôi môi đỏ mọng.
“He he he… Xin lỗi nhé. Cái máy tính Fujitsu đó là của chị rồi.” Hự, tức quá. Ra vậy. Hóa ra là thế…
Việc ngồi lên xe lúc này chợt trở nên thật ngớ ngẩn. Nhưng rồi tôi ngay lập tức nghĩ lại, phải chăng chính vì chuyện này mà Acchan
mới lái xe đến đưa tôi tới trường?
Hừm. Tâm trạng tôi hiện giờ thật là phức tạp.
✩✩✩
Nhờ Acchan mà cuối cùng tôi cũng đến trường một cách bình yên vô sự, không bị ướt cũng không muộn học.
Tiết đầu là giờ sinh hoạt. Cán bộ lớp Miyoshi là người chủ trì. Chủ đề là sự kiện kỉ niệm tốt nghiệp. Một là cả khối sẽ tổ chức chung, hai là bốn lớp mỗi lớp tự tổ chức cái gì đó. Nếu cả khối cùng làm thì sẽ làm gì? Nếu từng lớp làm riêng vậy hoạt động là gì? Hiện tại chúng tôi đang thảo luận đến đó.
“Nếu trong tuần này không đưa ra được ý tưởng rồi chốt trong học kì một thì chắc chắn không kịp đâu. Mọi người, suy nghĩ nghiêm túc vào nhé!”
Ai đó đề xuất làm kịch anh ngữ, nhưng Miyoshi gạt phắt đi, “Mấy thứ đó làm trong Lễ hội văn hóa ấy!”. Còn tiết mục nhảy truyền thống, thì tụi con gái ngồi cạnh cửa sổ đồng loạt phản đối vì nó “ghê chết đi được.”
“Không có ý kiến gì khác à?”
Khi đó, thằng Akira ngồi phía trên, bên phải tôi giơ tay “Có nè!” “Mời bạn Shibata.”
“Ừm… E hèm, để Norobuu nhảy break dance thì sao nhỉ?” Hả?
“… Này! Akira!”
Chỗ bọn tôi ngồi ở ngay giữa lớp. Lũ ngồi sau thì không biết, nhưng bọn ngồi phía trước tôi chỉ ghé tai nghe chúng tôi một chút, sau đó không phản ứng gì nữa.
Một bầu không khí tĩnh lặng như khi đang làm bài kiểm tra, thoáng chốc bao trùm lớp học.
Thà cả lũ cười vào mặt tôi còn hơn. Hoặc là đứa nào đó nói “Mày đùa đấy à!”. Hoặc bọn con gái kêu “Ghê chết đi được!” thêm lần nữa.
Nhưng thực tế, cả lớp đều im lặng.
Không ai phản ứng gì.
Tôi nhìn thấy Miyoshi hít vào hai hơi thật sâu.
“Đó là trình diễn cá nhân, không được.”
Ngay lập tức, Akira quay sang tôi.
“Norobuu, như vậy không được đâu! Cậu làm mọi người mất hứng rồi nè!”
Bộp bộp, nó vỗ vào đầu tôi, há miệng cười.
He he, tôi gãi gãi đầu.
✩✩✩
Tôi như người trên mây suốt tiết lý hóa tiếp theo, rồi tiết toán, cả tiết thể dục, tóm lại là cả buổi sáng.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy hai vai nặng trĩu do sự vắng mặt của Yousuke.
Trò đùa bảo tôi biểu diễn “Break dance” không phải là không có
nguyên do. Đầu tiên tôi học lỏm được từ Acchan, sau đó tôi cho Yousuke xem và cậu ta cực kỳ thích. Yousuke nói tôi nhảy ở trường luôn đi, nên tôi thử biểu diễn rồi dần dần khá là thuần thục.
Yousuke phát nhạc hiphop bằng điện thoại của cậu ấy (mà thực ra thì trường quy định cấm mang điện thoại). Cậu ấy còn khuấy động đám đông y như MC, rồi khiến họ vỗ tay theo nhịp nữa. Sau đó, cậu ta ra dấu với tôi, như kiểu “Thấy chưa?”.
Có thể tôi có chút tự mãn, nhưng hồi ấy tôi nhảy giỏi đến mức chính mình cũng bất ngờ. Từng bước nhảy uyển chuyển, bắt chéo hai tay chống xuống đất rồi xoay người vòng vòng, cuối cùng kết thúc bằng tư thế chống một tay. Thực sự, tôi nhảy quá tốt đến nỗi cứ như không phải là bản thân mình vậy.
Ngay cả bây giờ, nếu bảo tôi nhảy tôi vẫn có thể làm được. Cả bước nhảy, cú xoay người, và tư thế kết thúc. Tôi chỉ học được đúng một điệu từ Acchan, nhưng nếu là cùng động tác thì tôi chắc chắn có thể làm giống hệt chị.
Thế nhưng, tôi không thể vui vẻ như hồi đó nữa. Vì trong lớp học này, không còn Yousuke.
Tôi hiểu. Thực ra người ta không thích điệu nhảy của tôi đến mức đó. Chẳng qua là Yousuke quá giỏi. Cậu ấy cổ động mọi người, khiến tôi hào hứng, giúp tôi nhảy trơn tru.
Lúc đó điệu nhảy ấy đã trở thành phong trào. Nó là một “kĩ thuật nhất thời” do Yousuke khởi xướng vào một thời điểm vi diệu đó. Nếu Yousuke không ra tay, tôi cũng không nhảy. Đám đông cũng chẳng chờ đợi. Chính thế.
Thế mà, Akira. Nó lại…
Nếu nói đại khái thì Yousuke và Akira khá giống nhau, cả hai đều chơi thể thao tốt hơn học hành, đều hài hước và nổi bật trong lớp. Nhưng theo tôi, xét về mọi mặt thì Akira quả là kệch cỡm, hay nói đúng hơn, thô thiển. Yousuke thì ngược lại, tinh tế và hào hoa. Dù nhiều lúc cậu ấy cố tình bêu xấu bản thân nhưng vẫn tỏa sáng hơn ai hết. Yousuke là vậy.
Akira chắc chắn cũng biết. Chuyện Yousuke nổi tiếng hơn. Đúng. Vì biết nên nó mới nói chuyện đó.
Chuyện mọi người đã quên điệu break dance của tôi. Chuyện nếu không có Yousuke, tôi không nhảy tốt được. Thế mà nó vẫn cố tình nói vào giờ sinh hoạt lớp. Dù nó biết chắc rằng mọi người sẽ mất hứng.
Ngay từ đầu, cái biệt danh “Norobuu” của tôi cũng do Akira đặt. Đầu học kì một năm lớp chín, Fuji ở câu lạc bộ Tennis gọi nhầm tên tôi “Ê, hinorobuu!”. Fuji không có ác ý gì, nhưng thằng Akira bỗng nhiên cười phá lên “Hironobu… buồn cười quá!”. Kể từ đó Akira liên tục gọi tôi là “Hironobu”, lâu ngày trở thành “Norobuu”. Rồi điều đó trở thành phong trào và cả lớp gọi tôi như vậy luôn.
Lúc đầu, Yousuke nói đỡ cho tôi.
“Dừng lại đi! Hironobu đâu có chậm chạp*.”
“Hả? Cậu nói gì vậy? Yousuke?”
“Tớ bảo cậu đừng gọi là Norobuu nữa!”
“Cậu vừa nói đó thôi. Hinorobu!”
“Tớ nói là Hironobu!”
“Tớ nghe là Hinorobu mà. Nói lại lần nữa xem nào! Hinorobu!”
“Đừng có đùa, thằng mất nết!”
Rốt cục họ đánh nhau thật. Rất tiếc nhưng về đánh nhau thì Akira mạnh hơn. Không, không phải mạnh hơn mà là hèn hơn. Akira sẵn sàng chọc tay vào mắt đối phương, cũng như không hề ngập ngừng khi dùng vũ khí. Họ lăn lộn dưới đất, đập vào cái bàn gần đó, làm rơi hộp bút xuống sàn. Akira ngay lập tức nhặt cây bút chì kim trong đống đồ rơi vãi, định dùng để đâm Yousuke. Mọi người cản nó lại. Trong đó có tôi.
Lúc đó, Akira lườm tôi. Nó nói với tôi.
“Đừng có dựa hơi thằng khác, lên đánh với tao này, Norobuu!” ✩✩✩
Giờ nghỉ trưa nhạt nhẽo trôi qua. Tôi còn chẳng buồn mở miệng với đám mình hay buôn chuyện cùng. Cứ như là sợi dây kết nối giữa xung quanh và tôi vừa đứt cái phựt. Tôi cảm thấy thế.
Tiết năm học môn xã hội học. Giờ giáo dục công dân. Tiết sáu là mỹ thuật. Chúng tôi hoàn thành bức vẽ phong cảnh hôm trước. Vì đến phiên tôi trực nhật nên tôi ở lại dọn phòng mỹ thuật rồi về lớp. Miyoshi đang ở trong lớp.
“Norobuu, cậu chụp phần hôm nay chưa?”
Câu lạc bộ Nhiếp ảnh quy định các thành viên phải nộp ít nhất năm bức ảnh tự chụp mỗi tháng. Có người không quản ngại đi tìm những khung hình đẹp trong thành phố, cũng có người chuyên chụp đường sắt. Chủ đề tự do, nên có những người chụp cả ảnh bạn bè,
hoa, mèo. Còn tôi miễn cưỡng mà nói có lẽ là dạng không-chủ-đề. “Không, hôm nay tớ vẫn chưa… chụp được bức nào đẹp.” “Cho tớ xem máy ảnh.”
“Hả?”
Từ trước đến nay cô ấy chưa bao giờ nói thế.
“Sao cơ? Tự dưng lại…”
“Đôi khi chính cậu không thấy đẹp nhưng người ngoài lại thấy đẹp thì sao!”
Không, không phải, tớ đã chụp cái ảnh nào đầy cảm tính, gây tranh cãi vậy đâu!
“Hay là có mấy tấm chụp trộm quần lót hay con gái thay đồ đấy?” “Linh tinh… L… Làm gì có!”
“Thế thì cho tớ xem đi!”
Nghĩa là nếu không chụp trộm ai thì đưa đây. Thứ năng lực tạo ra điều đó như thể nó là một điều chính đáng của cô ấy ngược lại làm tôi thấy thật nể. Tôi không thể bắt chước theo được. “Nào, nhanh lên.”
“À, ừ…”
Không còn cách nào khác, tôi đành phải đưa chiếc máy ảnh tự mình mua cho Miyoshi. Đó là một chiếc máy ảnh cũ, khá nặng và cục mịch. Tôi cho cô ấy xem ảnh tấm lưng ông ngoại khi ông đang làm việc.
“… Chà. Đẹp đấy chứ! Màu sắc trong ảnh trầm lắng nhỉ. Chỉ tại vô tình trời hơi tối thôi.”
Ơ kìa, đừng có tự mở xem những ảnh khác thế chứ.
“A, người này là chị họ cậu phải không? Yousuke có nhắc đến.” Hả, Yousuke á, sao cậu ấy lại nói tới chuyện này?
“Đúng là đẹp thật… Cứ như người mẫu ấy!”
“Ừ… nhưng ăn nói hơi thô lỗ.”
Ê, đã bảo là đừng có xem thêm nữa mà. Cậu đang xâm phạm đời tư người khác đấy!
“Ừ… tớ chụp trước khi cậu ấy dọn đồ.”
Nhưng mà, Miyoshi đã đến phòng Yousuke rồi à?
“Ồ, quyển này… Cuốn “Nhà giả kim” đây mà!”
Miyoshi say mê nhìn phòng Yousuke như đang hồi tưởng lại. Cô tỉ mỉ ngắm nhìn từng góc màn hình nhỏ bé của máy ảnh. Tỉ mỉ và chậm rãi.
Trên đôi môi ấy không biết tự lúc nào đã hé một nụ cười dịu dàng.
Đôi má hồng căng tròn hạnh phúc.
Ô kìa, chuyện gì thế nhỉ?
Tôi chưa thấy Miyoshi như thế này bao giờ. Nói thế nào nhỉ, cô ấy thật nữ tính. Thậm chí tôi còn có ảo giác rằng, thực ra Miyoshi rất xinh đẹp đó chứ? Ngay cả động tác vén tóc của cô ấy cũng có chút khác mọi khi.
“… Yousuke có nói gì không?”
Nhắc đến mới thấy, cả giọng nói của cô ấy cũng người lớn hơn. “Ơ, à… không… không có.”
Không cần nói cũng biết, trong đầu tôi văng vẳng câu nói của
Yousuke “Tớ chia tay đàng hoàng với Nanae.”
“Vậy à? Tớ cũng thế. Đến lúc cuối vẫn chẳng nói được điều gì quan trọng.”
“Lúc cuối… Là khi nào?”
“Sáng thứ Bảy. Cậu ấy chỉ nói là trưa hôm nay sẽ đi…” Chia tay đàng hoàng, là thế đó hả?
✩✩✩
Tôi rời trường sau khi nói với Miyoshi rằng hôm nay không thấy cảnh nào ưng nên sẽ ra ngoài chụp.
Tuy nói vậy, nhưng tôi không có ý tưởng, cũng không có thứ gì muốn chụp cả.
May thay, trời đã tạnh. Từ sườn đồi nơi ngôi trường tọa lạc, tôi đi xuống con dốc dài. Trong lúc đó, tôi lơ đãng nhìn xung quanh tìm kiếm chủ thể chụp ảnh, nhưng không có thứ gì nổi bật. Cánh đồng lạc. Giờ này còn chụp nơi đó làm gì?
Tòa nhà đang xây. Cái đó thì phải do người xây chụp chứ! Hay tiệm bánh mì mà lũ học sinh chúng tôi đứa nào cũng ít nhất từng vào một lần? Nó nằm ngay góc ngoặt nên được gọi là “Bánh mì góc phố”. Nhưng tên thật của nó là Marufuji. Cửa hàng này rất quen thuộc nhưng nếu thay đổi nhiều góc chụp, biết đâu trông nó sẽ khác đi.
Sau khi đi hết con dốc, tôi thử tiến về hướng ngược lại so với mọi khi.
Đi một lúc là tới khu dân cư. Ngay khi tôi nghĩ nơi này còn chán hơn, thì một mùi hôi là lạ vương vất bay tới. Giống như mùi giẻ lau khô vậy.
Đúng rồi. Hình như tôi từng nghe nói gần đây có một nhà chứa rác.
Không phải tìm đâu xa, nó nằm bên trái, mặt hất ra đường, cách chỗ tôi hai mươi mét. Đó là một ngôi nhà nguyên căn khá cũ làm bằng gỗ. Bên ngoài bờ tường tầng hai có những thanh gỗ nám đen, và chỉ còn một phần ba số ngói trên mái nhà không rơi vãi lung tung. Cũng không có kính cửa sổ. Tấm màn ni-lông rách rưới rủ từ trên cao xuống, ở tầng một có mái hiên, nhưng phía dưới bị lấp đầy bởi đồ phế thải nên chẳng biết được cửa ra vào ở đâu.
Cái máy giặt màu xám, tivi vỡ màn hình, két sắt mini gỉ sét, thùng các tông đã mủn. Trong chiếc túi ni-lông nhồi nhét hàng chục thứ đồ linh tinh, các vật dụng thường ngày đã qua sử dụng nằm ngổn ngang, chen chúc; mất đi những ký ức khi còn có ích, mất chốn quay về và đang sống nốt cuộc đời còn lại trong pháo đài của sự lãng quên. Ở đó, có một búp bê em bé bằng nhựa với cái bụng phình to. Nó nằm xiêu vẹo, hai vai dường như bị lệch tạo nên một tư thế kì dị.
Dù vậy, em bé vẫn đang cười.
Tôi tức giận vô cớ.
Tôi kiên quyết phủ nhận.
Tao… tao… không giống mày chút nào hết.
Chương 3
C
uối cùng, tôi cũng nộp ảnh cho chủ nhiệm sát hạn chót vào cuối tháng.
“Cái gì đây?”
“Rác… trong nhà chứa rác.”
Đó là ảnh con búp bê nhựa tôi chụp để tự giễu mình. Tùy theo cách nhìn sẽ có cảm nhận khác nhau, biết đâu cô ấy sẽ nhận xét là dễ thương…
“Kinh tởm. Mà đơn giản là nó thật bẩn thỉu.”
“… X… xin lỗi.”
Cô ấy lật thêm một tấm. Bức ảnh toàn cảnh nhà chứa rác. “Sao cậu chụp mãi một chỗ này thế?”
“Ừ, nhưng mà cậu có cảm thấy có chút… bi ai không?” Miyoshi hay nói mấy thứ như vậy còn gì.
“Không có. Màu sắc, ánh sáng và góc độ đều quá đơn giản, không thể tạo nên cảm giác đó. Hoàn toàn không được. Cái này chỉ đơn giản là chụp ảnh tư liệu thôi. Loại. Chụp lại!”
Ặc! Thật hả?
“Ví dụ như…”
Miyoshi lấy từ trong cặp ra một phong bì khá to.
“Cậu nhìn mấy bức này xem.”
Trong phong bì là vài bức ảnh đường sắt in trên khổ giấy A4. Có lẽ là do cu cậu Sugii năm hai chụp.
“Cậu hiểu mà, đúng không?”
“Hả, gì cơ?”
“Sự khác biệt. Sự khác biệt so với ảnh của Norobuu ấy.” Ừm, sự khác biệt ư, nếu nói tới chuyện đó thì…
“Này, tha cho tớ đi mà. Nhìn qua là biết luôn còn gì? Tình yêu đường sắt của Sugii được thể hiện rõ nét trong từng bức ảnh đấy thôi!”
Hả? Làm sao tớ biết được?
“Ừ… ừ nhỉ. Norobuu, cậu thích cái nhà chứa rác này à?” Làm gì có chuyện đó. Tôi lắc đầu quầy quậy.
“Thế còn búp bê em bé?”
Tôi lại lắc đầu.
“Thấy chưa? Thế nên mới không ổn đấy. Tớ biết cả những người chụp ảnh tàn tích. Vì vậy có người chụp nhà chứa rác cũng không phải là chuyện lạ. Nhưng, đó là trường hợp người chụp cảm nhận được vẻ đẹp của chủ thể. Họ phải nghĩ rằng tàn tích, hay rác, rất “đẹp”. Ít nhất là đối với người chụp. Nói cách khác là ngay từ đầu, vì muốn truyền tải lại vẻ đẹp ấy mà họ mới chụp ảnh. Những thứ thường ngày được cho là bẩn thỉu, như tàn tích hay rác rưởi, nếu theo cách nhìn ấy, chụp theo phương pháp ấy, thì sẽ khác hẳn, trở nên đẹp tuyệt vời, chẳng hạn. Ban đầu họ phải có cảm xúc muốn thể hiện lại vẻ đẹp đó đã, rồi họ mới chụp. Chụp ảnh không phải là công việc như thế sao?”
À, vậy à?
“Ảnh Norobuu bẩn là đương nhiên. Vì chính Norobuu cũng ghét chủ thể mà. Vì cậu nghĩ là nó bẩn. Vì thế nên hình ảnh cậu chụp được cũng bẩn theo đấy…”
Cô ấy lật tiếp một tấm nữa. Đó là bức ảnh ông ngoại mà tôi cho cô ấy xem trên máy ảnh lần trước.
“Đây, tấm này khá này. Tình thương mến và sự tôn kính cậu dành cho ông đều hiện lên trong đây cả.”
Hả? Không thể nào!
“Chẳng phải là do Miyoshi biết rõ chuyện gia đình tớ nên mới nhìn theo góc nhìn đó sao?”
“Gì? Chuyện gia đình gì cơ?”
“Ví dụ nhé… Cậu biết rõ chuyện tớ được ông ngoại tặng cái máy ảnh kĩ thuật số, nên tưởng tượng ra vậy.”
“Không phải! Tớ nghĩ là ai nhìn cũng sẽ thấy tấm này đẹp hơn đấy!”
À đương nhiên. Vì là ảnh người sống sờ sờ mà. So với rác thì phải đẹp hơn rồi.
“Đây đây, như ảnh chị họ này, cậu chụp đẹp thế còn gì?” “Cái đó cũng thế thôi… Vì mẫu đẹp sẵn rồi mà!”
“Không phải! Cái tớ muốn nói là vẻ đẹp của bức ảnh ấy!” “Thì đã bảo nếu mẫu đẹp thì…”
“Không phải như vậy! Vì Norobuu thương yêu chị họ, và tình yêu đó được thể hiện trên bức ảnh nên cuối cùng nó mới đẹp!” “Này, này!”
Tôi ngay lập tức nhìn dáo dác xung quanh.
Căn phòng chỉ có bốn chiếu rưỡi. Trong phòng có hai bộ máy tính kèm máy in. Ngoài ra còn bàn làm việc dùng để cắt, dán ảnh và chiếc giá sách. Chỉ vài thứ như vậy nhưng toàn bộ thành viên vẫn không thể ở trong phòng cùng một lúc được, nên chúng tôi thường để cửa mở. Nói chuyện ở đây thì cả hành lang đều nghe thấy được. Thêm vào đó, giọng Miyoshi to khủng khiếp.
“Đừng có dùng cách nói kì quặc ấy chứ!”
Mấy đứa thành viên lớp tám bên ngoài đang nhìn về phía này. “Kì quặc gì?”
“Thì… tình yêu với chị họ ấy.”
Miyoshi nghiêng đầu cái “Rắc!”.
“Hảaaa? Norobuu, cậu nghĩ bậy bạ gì thế? Chính vì cậu nghĩ vậy nên mới nghe ra như thế đấy. Không có ai giải nghĩa điều tớ nói như vậy đâu. Nhỉ?” Cô ấy tìm kiếm sự đồng ý từ lũ đàn em.
Mấy đứa lớp tám, nhất là hai đứa con gái, gật đầu lia lịa. Cái lũ này…
Mà Miyoshi, cậu là thứ gì vậy? Sức thuyết phục dị thường quá. ✩✩✩
“Hôm nay tạm thời tớ nhận mấy tấm này, nhưng tháng sau thì chụp nghiêm chỉnh vào.”
Dù Miyoshi đã tạm chấp nhận nhưng vẫn nói, “Cậu phải chịu phạt. Hãy đến phòng giáo viên, xin cô ba tờ đơn xin cấp kinh phí câu
lạc bộ về đây.”
Phạt cái gì mà phạt? Mấy đứa lớp dưới đang cười kia kìa. “Ba tờ đấy nhé, Norobuu!”
“Biết rồi. Ba tờ chứ gì.”
Thật là. Đối xử với nhau kiểu gì thế này?
Câu lạc bộ của tôi có ba đứa lớp chín, Miyoshi, tôi và một thằng con trai tên Uchida. Phó chủ nhiệm là Uchida. Nhờ vậy mà tôi không phải phụ trách gì.
Thành viên lớp tám gồm Sugii và hai đứa con gái khác. Hai bé này giữ chức thủ quỹ và tạp vụ, nhưng thực ra hầu hết công việc do Miyoshi đảm nhiệm. Nếu có thời gian kêu ca về việc không hiểu năm sau câu lạc bộ sẽ ra sao, thì ngay từ bây giờ nên giao việc dần cho tụi năm hai đi chứ. Cái tinh thần hăng hái vô hạn đó của cậu ở đâu ra thế?
Và chỉ có một cô bé lớp bảy tên Igarashi. U ám khủng khiếp. Hơi đáng sợ nữa.
Chậc, tại sao có tới bốn đứa đàn em mà một thằng lớp chín như tôi vẫn phải làm việc vặt chứ? Khó chịu thật.
Khi tôi đi dọc hành lang với mấy suy nghĩ vẩn vơ đó thì đột nhiên…
“Ồ, Norobuu. Vẫn ủ dột như mọi khi nhỉ?”
Eddy gọi tôi. Cậu ta ngồi trước cầu thang, ôm cây guitar cổ điển. Tôi không rõ biệt danh ấy bắt nguồn từ đâu. Tên thật của cậu ta là Tsumoto Keita.
“Như mọi khi là sao?”
“Cũng không hẳn là mọi khi, mà là gần đây. Từ khi Yousuke chuyển trường cậu buồn rầu quá đấy!”
Nhân tiện Yousuke cũng chơi được guitar, nên cậu ấy khá thân với Eddy. Thỉnh thoảng, hai bọn họ chơi mấy bài hát của Yuzu ở hành lang. Hơn nữa còn chơi rất hay.
“Không phải, giờ tớ không buồn vì chuyện đó.”
“Vậy à?… Vậy thì tốt.”
Tinh tinh… Cậu ta gảy một dây đàn.
Âm sắc man mác buồn, không hiểu sao rất hợp với hành lang giờ tan trường.
“Tớ buồn lắm… Không có Yousuke, không còn người hát chung, buồn kinh khủng.”
Tính tinh tình tinh.
Đúng lúc đó, một bạn nữ la lên từ cầu thang tầng dưới, “Eddy! Ồn quá”. Eddy cười nhăn nhở.
“Vậy thì tớ chơi một khúc tĩnh lặng hơn nhé.”
Cậu ta bắt đầu chơi bản nhạc tủ của mình - Jeux interdits. Không hiểu sao mà tôi ngồi nghe trọn vẹn một bài.
Eddy. Không ngờ cậu cũng tự do ghê.
✩✩✩
Loanh quanh một hồi cũng đến được phòng giáo viên. Sau đó, tôi xin cô Tanimura Momoe mấy tờ đơn xét duyệt kinh phí câu lạc bộ. Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi đồng thời cũng là cố vấn câu lạc bộ
Nhiếp ảnh.
“Cho em xin ba tờ ạ!”
“Hả, ba tờ?”
Cô Tanimura là một giáo viên trẻ, chỉ độ khoảng hơn hai mươi lăm. Khuôn mặt cô nhìn như thỏ con vậy, không quá dễ thương nhưng rất duyên dáng.
“Bọn em làm gì mà dùng tận ba tờ?”
“Chắc là tiền giấy ảnh, tiền sửa máy in và tiền mực in ạ.” “Ồ vậy hả…”
Cô rút ra từ ngăn kéo ba tờ đơn xét duyệt kinh phí - lá đơn được làm bằng loại giấy chất lượng thấp. Tôi ghi lên đó ngày tháng hôm nay và tên câu lạc bộ. Tên của cô đã được đóng dấu sẵn từ trước. “Em cảm ơn ạ.”
Tôi cúi chào và chuẩn bị rời đi.
“Chờ chút, em Naitou…”
Cô nhìn thẳng vào mắt tôi với khuôn mặt lo lắng.
“Vâng, có chuyện gì ạ?…”
Cô vẫn nhìn tôi chằm chằm như thế. Bốn giây, năm giây… Nhưng đột nhiên cô mỉm cười rồi lắc đầu.
“Ừm… không có gì. Em chụp nhiều ảnh đẹp vào nhé!” Ồ. Dù sao thì em cũng sẽ cố gắng thử xem.
✩✩✩
Tự dưng muốn ngắm sân trường nên tôi đã đi vòng về phía cửa ra vào.
Câu lạc bộ Bóng đá và Điền kinh đang tập trên sân thể dục. Sân bóng chày cách trường khoảng hai trăm mét nên cả câu lạc bộ Bóng chày cũng đang di chuyển đến đó.
Có một nhóm đang luyện tập ở khu vực đường chạy xung quanh sân bóng. Bài khởi động chạy nước rút 100 mét.
Ồ, người vừa cán đích đầu tiên chính là Andou Erika lớp bên. Andou Erika xinh nhất khối, ngay cả Yousuke cũng một thời mê mẩn. Đúng là Andou rất xinh đẹp. Chắc tôi sẽ muốn chụp ảnh cô ấy. Mặc dù điều đó là không thể. Tôi còn chưa nói chuyện đàng hoàng với cô ấy lần nào. Nếu nghĩ theo cách như vậy thì Yousuke quả thật rất cừ. Cậu ấy từng đứng nói chuyện riêng với Andou tự nhiên như không vậy.
Ồ, Kinoshita lớp tôi vừa sút một quả. Dù bảng cửu chương chưa chắc cậu ta đã thuộc, nhưng khi khoác lên chiếc áo đội bóng thì tính cách cậu ta hoàn toàn thay đổi. Mọi thứ, ngay cả khuôn mặt cũng bảnh lên, cứ như một người khác vậy. Cậu ta cũng tâng bóng cực giỏi. Tôi muốn chụp lại khuôn mặt ấy quá.
Đúng. Nếu có thể chụp được thần thái nhân vật thì nhất định sẽ rất thú vị, nhưng thật ra chuyện đó cực kỳ khó khăn.
Con người khác với đồ vật, không thể tự tiện chụp được. Hơn nữa, giả sử họ cho phép tôi chụp khi tôi yêu cầu, thì biểu cảm vào thời điểm đó cũng không còn là thứ tôi muốn chụp. Và tôi cũng không thể nhắc nhở “Không phải, không phải khuôn mặt đó” được. Mà kể cả khuôn mặt đúng như ý của tôi, khi cho người mẫu xem,
chẳng may họ nói “Hả? Chẳng đẹp tí nào! Cậu chụp dở quá” thì đúng là muối mặt.
Nhưng ảnh thể thao thì sao nhỉ? “Cứ luyện tập như bình thường, tớ sẽ tự chụp”, chỉ cần nói vậy là xong. A… không được. Tôi sẽ bị lũ con gái tổng công kích, kiểu như “Cậu chỉ muốn chụp ảnh Erika thôi phải không?” mất!
Mà khoan…
Đột nhiên, một tia sáng lóe lên trong đầu tôi. Cái gì cũng được, không nhất thiết phải là thể thao.
Đúng vậy, Eddy cũng được đấy chứ. Có khi còn đẹp như tranh ấy. Trời, tại sao đến giờ này tôi mới nhận ra nhỉ?
Tôi chạy dọc hành lang, leo lên cầu thang tìm chỗ Eddy vừa mới ngồi đánh guitar.
Nhưng hình như tôi muộn mất rồi.
Không còn ai ở đó cả.
Chán thật. Mãi mới có thứ muốn chụp, vậy mà…
Không không không. Sao cứ bắt buộc phải chụp Eddy? Tự nhận thấy mình có duyên với những bài hát, tôi tiến đến phòng âm nhạc. Câu lạc bộ Âm nhạc? Câu lạc bộ Sáo? Cái nào bây giờ? Hình như trường tôi có cả hai thì phải. Cái ý nghĩ “Không rõ lắm, nhưng chắc phải có câu lạc bộ nào đó đang sinh hoạt chứ” của tôi có lẽ hơi ngây thơ.
Phòng âm nhạc trống không.
Nếu không có hoạt động câu lạc bộ, tôi hy vọng tình cờ nhìn thấy một người con gái nào đó tóc dài, đang ngẫu hứng chơi những bản
giao hưởng bất hủ của Chopin mà không cần nhìn bản nhạc. Thật may mắn làm sao nếu bắt gặp cảnh tượng đó, nhưng trên thực tế, căn phòng không một bóng người. Ít nhất vẫn còn cây piano cỡ lớn, nên tôi thử tìm góc chụp, nhưng chụp ở góc độ nào cũng vướng phải bức tường thủng lỗ chỗ phía sau. Vậy là tiêu tan giấc mơ “tranh đẹp” của tôi rồi.
Thế phòng mỹ thuật thì sao nhỉ?
Tôi lại chạy trên hành lang lần nữa, rồi leo cầu thang… Ôi trời! Mấy câu lạc bộ văn hóa của cái trường này bị sao vậy? Phòng mỹ thuật cũng chẳng có ma nào. Câu lạc bộ Mỹ Thuật không hoạt động à? Hay họ đang tham gia cuộc thi vẽ tranh nào đó, nên ra ngoài mất rồi?
Đương nhiên, dù có nhìn kỹ thế nào cũng không thể thấy, ở phía trong có một người con gái, tóc dài ngang vai đang vẽ tranh sơn dầu, với khuôn mặt chăm chú và nghiêm túc, đẹp hơn cả một bức tranh… Vì đó vẫn chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi.
Chậc. Đã tìm được cảm hứng rồi mà sao lại xui vậy nhỉ. Tôi không chụp nữa đâu.
Không còn cách nào khác, tôi đi lòng vòng rồi trở về phòng câu lạc bộ.
Ngay khi bước chân vào cửa…
“… Lâu thế!”
Tôi bị Miyoshi lườm cháy mặt. Không có thành viên nào khác. Hình như bọn họ về hết rồi.
“Này Norobuu, cậu chỉ tới phòng giáo viên rồi về thôi mà sao mất
từng ấy thời gian vậy hả?”
“Xin lỗi, nhiều chuyện xảy ra lắm. Đại loại là tớ đi tìm chủ thể chụp ảnh.”
“Đành vậy,” nói đoạn, Miyoshi bỏ tư thế khoanh tay.
Thật ra “đi tìm chủ thể” là từ khóa cực kỳ công hiệu khi viện cớ với Miyoshi. Cô ấy sẽ tha thứ nếu vì vậy mà tới muộn một chút. “Đây, đơn xin xét duyệt kinh phí!”
“Cái gì? Cậu chỉ lấy được một tờ thôi à? Đồ cẩu thả!” “Xem kĩ lại đi rồi nói. Ba tờ đấy.”
Tớ không đến nỗi vô dụng thế đâu.
“Ừm, vậy được… Cảm ơn cậu.”
Ngay lập tức, Miyoshi đến bàn làm việc, cầm cây bút lên, vừa nhìn hóa đơn vừa viết vào tờ đơn xét duyệt.
“Vậy, tớ v…”
“Chờ một chút, tớ xong ngay đây.”
Hả? Gì thế?
Tại sao tôi phải về nhà cùng với Miyoshi chứ?
“Lúc nãy tớ vừa nói chuyện với Uchida.”
Hơn nữa, Miyoshi thì đi bộ còn tôi lại dắt xe.
Tôi không thích tình huống này. Có lẽ đây chỉ là suy nghĩ của riêng tôi, nhưng thay vì hai người đi bộ cùng nhau, một người dắt xe một người đi bộ nhìn giống “Không gian riêng của cặp đôi” hơn. Nói chung là rất xấu hổ.
“Cậu ấy muốn tổ chức một sự kiện như kiểu Ngày hội nhiếp ảnh
kỉ niệm tốt nghiệp.”
Ồ, người vừa đi qua là thằng nào lớp D ấy nhỉ? Không nhớ rõ lắm nhưng là thằng nói được tiếng Nga. Nó vừa quay lại nhìn xem ai với ai kìa.
“Norobuu, cậu nghĩ thế nào?”
Thực ra tôi nghĩ đến bây giờ cũng khó mà có lời đồn gì. Nhưng thằng nào nhiều chuyện sẽ tung tin đấy.
“Này, cậu có nghe người khác nói không đấy?”
Woa, nguy hiểm quá. Tự nhiên đá vào bánh xe người ta làm gì? “C… cậu làm cái gì vậy?”
“Lại còn hỏi nữa. Cậu vừa xong có nghe tớ nói không thế?” “Gì?… À ừ.”
“À ừ là sao? Cậu không nghe chứ gì?”
Ừ ừ. Đúng rồi…
“Xin lỗi. Tớ không nghe.”
“Thật là… Tớ nói rồi, trong khi Norobuu loanh quanh luẩn quẩn mãi chưa về, tớ với Uchida vừa bàn chuyện, rằng sẽ thật tuyệt nếu chúng ta tổ chức một sự kiện giống Ngày hội nhiếp ảnh kỉ niệm tốt nghiệp.”
“Ồ… vậy à.”
Thế thì sao cậu phải đá bánh xe của tớ?
“Nguy hiểm đấy.”
“Nghe kĩ đây này. Trong tiết sinh hoạt lúc trước dù đã mang chuyện này ra bàn nhưng bọn mình chẳng đưa ra được ý kiến nào hay ho cả, nhớ không? Bên Uchida cũng thế.”
Uchida ở lớp bên cạnh, cùng lớp B với Andou Erika.
“Norobuu cũng nghĩ ra ý gì đi. Đừng để Shibata Akira đem cậu ra làm trò cười mãi thế.”
Cậu nói thế không thấy hơi quá à, Miyoshi?
“Ý của tớ và Uchida là, sẽ thật vui nếu Ngày hội nhiếp ảnh trở thành một sự kiện của lễ kỉ niệm tốt nghiệp, cậu thấy sao?” “Nhưng ảnh tốt nghiệp đã có thợ chuyên nghiệp do trường thuê rồi.”
“Đã bảo vụ đó sẽ tách riêng mà!”
“Mà tại sao bỗng dưng sự kiện kỉ niệm tốt nghiệp lại trở thành ngày hội nhiếp ảnh vậy?”
Một bên má của Miyoshi nổi lên, căng phồng.
Ồ, cậu ấy giận rồi à? Cách nói của tôi có gì chạm nọc cô ấy chăng?
“… Đã ai quyết định sẽ làm gì cho sự kiện đó đâu.”
Cô ấy đang hờn dỗi? Hay đang mất tinh thần? Thôi chết. Gay thật.
“Chỉ là tớ, với tư cách là cán sự lớp C, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ Nhiếp ảnh, muốn biến sự kiện lần này thành một kỉ niệm hữu hình để có thể lưu trữ lại. Tớ nghĩ như vậy nên mới nói thế. Nếu cậu có ý kiến khác thì nói đi chứ. Cậu cũng là thành viên lớp C, thành viên câu lạc bộ Nhiếp ảnh mà?”
Ồ may quá. Cô ấy lại tràn đầy năng lượng như mọi khi rồi. “Không, tớ chẳng có ý kiến gì hết… Nhưng cái vụ biến nhiếp ảnh thành một sự kiện đó, tớ không tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào.”
“Thì ví dụ như… Kìa, không phải chúng ta rất hay thấy đó sao. Học sinh xếp hàng thành huy hiệu trường ở sân, sau đó chụp ảnh từ trên không, chẳng hạn.”
Hả?
“Chụp từ trên không thì chịu thôi.”
Này, bỏ cái trò đá vào lốp ấy đi. Hỏng bây giờ. Hàng tái chế chứ có phải đồ xịn đâu.
“Tớ đã nói là ví dụ rồi mà. Tớ là người biết rõ nhất rằng bọn mình không có kinh phí để chụp ảnh từ trên không. Nên ý tớ không phải thế. Chỉ cần chụp được thì chụp từ sân thượng nào đó cũng được, mà cũng không nhất thiết phải chụp từ trên cao xuống. Tớ chỉ lấy ví dụ để nói là mình có thể kết hợp nhiếp ảnh với sự kiện tốt nghiệp thôi.”
“À, ra thế…”
Cô ấy lại giận rồi. Con người này khó hiểu quá đi.
Chương 4
V
iệc tốt chớ có chần chừ. Dù nghĩ vậy nhưng cuối cùng tôi lại trì hoãn tới tận tuần sau.
“Eddy này. Cậu cho tớ chụp ảnh nhé!”
Tôi bắt chuyện với Eddy vào giờ tan trường hôm thứ Hai. Cậu ta vẫn ngồi chỗ cũ đánh guitar như mọi khi.
“Hả?”
Đột nhiên, cậu ta ôm lấy cây đàn vẻ phòng thủ rồi nổi giận. “Cậu nói thế… nhưng mục đích cuối cùng là lột đồ tớ ra chứ gì?” Cậu ta phản ứng một cách quá khích bằng tông giọng eo éo. Chậc, tớ biết cậu là nghệ sĩ rồi. Không cần lúc nào cũng phải diễn vậy đâu.
“Không, không, chụp bình thường thôi. Cậu cứ vừa đánh đàn vừa hát như mọi ngày là được rồi.”
“Trong khi khỏa thân à?”
Chậc. Cái cậu này trông vậy mà cũng phiền phức ghê. ✩✩✩
Tôi đeo chiếc máy ảnh lòng thòng, đứng cùng Eddy đeo cây đàn trên lưng.
“Lấy bức tường này, và cảm giác đổ nát này làm phông nền, đẹp đấy chứ?”
Hai chúng tôi đang ở quanh khu vực toilet ngoài trời nằm cách biệt ở một góc sân trường mà đám câu lạc bộ Thể thao hay dùng. “Không. Tớ bị cấm vụ chụp ảnh đổ nát rồi. Có vẻ tớ chụp kiểu đó không đẹp lắm.”
“Bị cấm à? Ai cấm? Momoe à?”
Đúng thế. Có vẻ nhiều đứa học trò hay gọi thẳng tên cô Tanimura. Cũng không hẳn bọn nó coi thường gì cô, mà là một cách biểu đạt thân thiết như gia đình.
“Không, Miyoshi cấm.”
“Úi chà… khắt khe quá nhỉ?”
“Ừ. Thực sự rất khắt khe đó.”
“Bình thường câu lạc bộ Nhiếp ảnh hay làm gì?”
“Bình thường? Xem nào… Tháng chụp năm bức ảnh, nộp cho chủ nhiệm, sau đó bọn tớ sẽ nhận xét lẫn nhau; cái này tốt, cái kia chưa tốt, chỗ này nên chụp thế nào, rồi đưa ra lời khuyên cho nhau.”
Mà trong trường hợp của tôi thì toàn là Miyoshi nhận xét một chiều thôi.
“Mỗi năm bọn tớ sẽ làm một tuyển tập ảnh. Những người muốn công bố ảnh cũng ứng tuyển các cuộc thi luôn. Sau đó là triển lãm ở Lễ hội văn hóa. Các hoạt động chủ yếu là vậy.”
“Ha. Vì vậy mà Norobuu bị Miyoshi cho ăn hành hả.” “… Ờ.”
“Như kiểu trưởng phòng độc tài và cấp dưới vô dụng ấy nhỉ?”
Eddy. Cậu vừa mới nói tới điều-không-được-phép-nói rồi đấy. ✩✩✩
Rồi chúng tôi cũng đi tìm địa điểm khác. Sân thượng có chút nhàm chán còn sân trường thì phông nền bị bên câu lạc bộ Thể thao phá đám, khu lớp học cũng chẳng có không khí lắm. “Norobuu thích chụp trong trường hơn à?”
“Không hẳn, không phải tớ thích chụp trong trường hơn mà dù có ra ngoài cũng không có chỗ nào khá khẩm cả. Ở gần đây ấy.” Toàn mấy chỗ như tiệm bánh mì góc phố hay nhà chứa rác thôi. Sau đó, thế nào nhỉ? Eddy nhìn ngước lên như muốn nhòm vào sâu trong não mình.
“… Hôm nay là thứ Hai à?”
“Ừ. Chuẩn.”
“Tối ngày mai, Norobuu rảnh không?”
Eddy. Cậu nhìn tớ giống người bận vào buổi tối lắm hả? “Rỗi, rỗi lắm. Nếu mai không có bài tập.”
“Oh, yeah.”
Sau đó đột nhiên tôi bị đập “bộp” một cái vào sau gáy. “Đau!”
“À, xin lỗi.”
Thủ phạm là cây guitar mà Eddy đang xoay vòng. Cậu gảy đàn tưng tưng, rồi tự mình cũng xoay người, tạo dáng.
“Vậy tối mai cậu đến buổi riha của bọn tớ đi. Rồi chụp lại buổi đó là được.”
Cậu thôi gảy đàn tưng tưng đi được không. Lại bị người khác kêu là ồn ào bây giờ.
“Buổi riha ngày mai là cái gì?”
Bọn tớ, là những ai?
“Buổi tổng duyệt của ban nhạc tớ chơi cùng mấy tiền bối. Nói bằng tiếng Nhật thì là “luyện tập” ấy.”
Ồ. Eddy tham gia cả những hoạt động đó à.
✩✩✩
Vì thế ngày hôm sau đó là một trong những lần hiếm hoi tôi đi chơi đêm.
“Muộn thế này con còn đi đâu?”
Phải nói luôn, bây giờ là 8 giờ 20 phút.
“Con nói rồi mà, con đến xem Tsumoto luyện tập với ban nhạc của cậu ấy.”
“Ở đâu?”
“Chắc là trên phố. Cậu ấy nói là ở studio.”
Phố, tức là phố mua sắm ở mấy ga lớn.
“Đừng về muộn quá đấy.”
“Vâng.”
“Làm bài tập chưa?”
“Vâng. Con làm xong rồi.”
“Xe đạp?”
“Vâng, con đạp đến nhà Tsumoto. Sau đó đi bằng ô tô của mấy anh ấy.”
“Ô tô?” Mẹ hỏi lại. “Gì vậy chứ… Mẹ chẳng hiểu gì cả. Sao mấy chuyện như này lại là hoạt động của câu lạc bộ Nhiếp ảnh?” “Thì con đã giải thích hôm qua rồi mà. Con phải chụp ảnh lúc Tsumoto biểu diễn. Đó là một hoạt động hẳn hoi của câu lạc bộ đó!” “Vậy con bị giao việc này hả?”
“Không phải vậy đâu. Chủ đề tự do… Mà thôi đến giờ rồi.” Hình như mẹ khá là lo lắng, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nên đi chơi kiểu này vài lần chứ.
“Con đi ạ!”
Mẹ còn kêu ca một hồi nữa, nhưng tôi bỏ ngoài tai và ra khỏi nhà. Tôi leo lên chiếc xe đạp, bỏ cái cặp đựng máy ảnh vào giỏ xe. Tôi bật công tắc đèn bằng đầu móng tay và bắt đầu đạp đi thật nhanh. Ánh sáng từ căn nhà trôi xa dần về phía sau chỉ trong khoảnh khắc. Trước mặt tôi chỉ có cánh đồng tối đen, thỉnh thoảng vài căn nhà dần xuất hiện, toát lên vẻ buồn bã. Trong không gian ấy chỉ có mình tôi đi trên con đường độc đạo. Tôi đạp tới trước ngôi nhà Yousuke từng ở. Đương nhiên không có chút ánh sáng nào bên trong.
Tôi tiếp tục đạp đi với tâm trạng phức tạp.
Thực ra, trong thâm tâm, tôi cũng có ý định nổi loạn một chút. Không phải đi tới nhà bạn, mà là đi chơi bằng ô tô với những đàn
anh không quen biết trên phố thị phồn hoa. Đây là lần đầu tiên nên nếu nói tôi không lo lắng thì là nói dối.
Nếu nghĩ kĩ thì, tôi cũng không biết rõ về Eddy đến vậy. Cũng rất có thể Eddy là một thằng đầu gấu, định lôi kéo tôi làm việc phi pháp. Thực ra cho tới ngày hôm qua, tôi vẫn không biết cậu ta chơi nhạc cùng đàn anh. Mọi người trong trường có biết không nhỉ? Chuyện đó, thế nào đây?
Trong lúc suy nghĩ lung tung, tôi đến nơi lúc nào không hay. “Xin chào…. Cậu làm gì mà đạp hùng hục thế?”
Eddy đang đứng trước cửa nhà, mặc áo phông đỏ, quần bò. Khác với bao đựng chiếc guitar cổ điển cậu đeo mọi hôm, hôm nay Eddy mang một hộp đựng guitar giống hộp vải nhựa hơn, nhỏ gọn, đen bóng. Cùng một chiếc hộp đen với tay cầm.
Thần thái cậu ấy khác hẳn với lúc ở trường. Có cảm giác người lớn hơn.
“À ừ, tớ cũng không rõ nữa.”
“Cậu bị ma đuổi à?”
“Không phải!”
Xe của tiền bối đến ngay lập tức. Đó là chiếc ô tô một khoang màu trắng. Dòng chữ xanh lá “Xe công việc Kyohide” viết trên cửa xe bên ghế phụ. Tiếng nhạc vốn chỉ nghe thấy thoang thoáng vẳng ra chợt tăng âm lượng to đùng khi một tiền bối mở cửa xe.
“Em chào anh!”
Eddy nói rồi nhòm vào trong chiếc xe tối om, anh thanh niên trẻ lái xe quay mặt sang.
“Xin chào. Nào lên đi, lên đi.”
Hơn nữa còn có hai người ở ghế sau.
“Norobuu, lên trước đi!”
Eddy đẩy sau lưng tôi.
“À… Em xin phép.”
Tôi cúi chào rồi leo lên ngồi sâu trong hàng ghế thứ hai. “Ừ, chào mừng em!”
Cùng lúc Eddy đóng cửa xe.
“Rồi! Đi nào!”
Chiếc xe xuất phát. Trong xe bật loại nhạc rock lâu đời mà tôi không rõ lắm.
Cả xe tối om. Xung quanh tôi là những người lớn hoàn toàn xa lạ. Quang cảnh khu phố mua sắm sáng trưng, sầm uất được chiếu rọi từ chiếc đèn pha, phản chiếu trên cửa kính xe. Dù bình thường tôi đã quá quen thuộc với khu này rồi, nhưng hôm nay lại là một cảnh tượng hoàn toàn khác.
Không khí xung quanh sặc mùi nguy hiểm…
Nhưng…
“Anh nghe Eddy kể rồi, chú là em họ của tiền bối Atsuko phải không?”
Lời nói của anh tài xế ngay lập tức đánh tan nỗi bất an của tôi. “V… vâng, đúng vậy. Takenaka Atsuko là chị họ em ạ.” Mà này Eddy, cậu nói với họ như nào thế? Có nhắc tới chuyện chụp ảnh không vậy?
“Anh, à nói đúng hơn là thế hệ bọn anh, cực kỳ hâm mộ tiền bối Atsuko đấy. Người đâu mà xinh khủng khiếp, ăn mặc phong cách, nói chuyện hòa đồng. Mà chị ấy cũng từng chơi trong một ban nhạc, cực ngầu luôn. Hồi đó, chị ấy là ngôi sao đấy. Nhỉ? Ngôi sao bự hẳn hoi!”
Một trong hai người ngồi đằng sau gật đầu lia lịa.
Có vẻ như bọn họ là cựu học sinh hiện đang theo học hoặc đã tốt nghiệp trường cao trung Kita cấp thành phố. Tóm lại là khóa dưới của Acchan.
Anh tài xế tên Kon, hai mươi tuổi. Người ngồi ngay sau tôi là Take, cũng hai mươi tuổi. Ngồi bên trái phía sau là Maru, mười bảy tuổi. Nhân tiện, nếu có thể tôi không muốn vào trường Kita, mà là trường cao trung Higashi cấp tỉnh.
Quả nhiên đi bằng ô tô rất nhanh. Tôi mới nghe qua giới thiệu thành viên thôi mà đã đến nơi rồi.
Xe dừng trước một tòa nhà bách hóa u ám ở rìa khu phố. Tôi tiếp tục có cảm giác hơi rờn rợn, tuy vậy không chỉ Eddy, mọi người đều vui vẻ, tốt tính nên chắc không sao.
Ngoài ra ở tầng hầm hình như có nơi gọi là “Studio”. Ồ, đúng là có tấm biển kim loại ghi chữ “Studio Bach” treo trên tường. Từ cầu thang đi xuống dưới, mở cánh cửa dày cộm, bàn lễ tân ở ngay trước mặt. Những poster, tờ rơi tuyển thành viên dán chi chít trên bức tường phía trong.
“Vâng, mời anh Kondou đến phòng studio B.”
Quả nhiên anh Kon chính là Kondou. Chúng tôi đi qua lối đi nhỏ
hẹp để tới studio B. Ở đó lại có một cánh cửa dày cộm khác. Lại còn là loại hai cánh.
Anh Kon mở cửa bước vào. Tôi vào thứ tư, cuối cùng là Eddy kiêm nhiệm vụ đóng cửa.
Không khí trong phòng bí bách và có mùi ẩm mốc, nhưng không đến mức không chịu được. Ngoài Eddy, ba người còn lại ngay lập tức lôi bao thuốc lá ra hút và khói thuốc phả ra khiến tôi khó thở hơn mùi ẩm mốc nọ.
Trong phòng đã chuẩn bị đầy đủ dàn loa, trống, guitar. Hình như anh Kon chơi trống, anh Take chơi bass, anh Maru và Eddy chơi guitar.
Vào lúc này, tôi chợt nhận ra một điểm rất thú vị.
Anh Kon có lẽ tên thật là Kondou. Anh Take có thể tên là Takeda hoặc Takeshi, Takeru. Anh Maru chắc là Maruyama.
Nếu thế thì, Tsumoto Keita, cậu…
“Anh ơi, sao Eddy lại được gọi là Eddy ạ?”
Anh Kon đang chỉnh lại bộ trống, vừa cười vừa nói cho tôi biết. “Ban đầu thành viên ban nhạc gồm mấy đứa bằng tuổi nhau, anh của Eddy và bọn anh. Thằng đó cũng chơi guitar. Nhưng nó tự tiện bỏ lên Tokyo học đại học nên quyết định rời ban nhạc. Chính vì thế bọn anh yêu cầu nó giao em trai cho ban nhạc để thế chỗ và rồi đưa Eddy vào… À hồi đó có một người chơi bass, lão đại của bọn anh, anh Jin. Hồi anh ấy vẫn còn trong ban, có lần anh ấy lên Tokyo chơi rồi bị một gã dưới quận Kabuki tán tỉnh. Thằng đó tên là Alex. Mà vào lúc đó người anh Jin cưng nhất là Kouichi, tức là anh của Eddy
ấy. Thế rồi không biết từ lúc nào, mọi người bắt đầu trêu biết đâu Kouichi chính là Alex thì sao.”
Đột nhiên cả ban nhạc cười ngặt nghẽo.
Hở? Cười cái gì vậy?
“Vì là em trai của Alex, nên đương nhiên nó là Eddy rồi.” Cả bọn lại cười đến rách cả khóe miệng.
Hả? Tôi không hiểu gì hết. Tại sao anh của Eddy lại là Alex? Sao tự dưng em của Alex lại tên là Eddy? Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì hết.
“Ahaha… Thế ạ.”
Sau đó, không ai giải thích thêm gì nữa. Lý do biệt danh đó nổi tiếng toàn trường vẫn trong vòng bí mật.
“Vậy bắt đầu thôi nhỉ. Naitou cứ chụp tự nhiên nhé!” “À, vâng! Em cảm ơn!”
“Được… vậy Eddy, bắt đầu từ Brown Sugar nhỉ?”
“Vâng!”
Eddy hơi ưỡn ngực về phía trước, tạo tư thế cho ngầu, rồi bắt đầu chơi nhạc bằng cây guitar điện thân đen có họa tiết vân gỗ. Xình xình chát, xình xình chát, chát chát xình xình
Ngay lập tức tiếng guitar của anh Maru, tiếng trống của anh Kon, tiếng bass của anh Take bắt đầu cuốn theo giai điệu Eddy đang chơi. Lúc đầu, tôi bị giật mình bởi tiếng chũm chọe, nhưng được một lúc thì quen dần.
Hát chính là anh Maru. Eddy cũng hát đệm khi đến đoạn điệp khúc. Anh Maru để tóc dài, khuôn mặt thon nhỏ, tùy vào mắt nhìn có
thể coi là mang ngoại hình trung tính, nhưng chất giọng thì rất trầm. Eddy và anh Maru trông rất vui vẻ khi cùng hét vào micro cụm từ Brown Sugar, cũng là tên bài hát. Tự nhiên tôi thấy cảm động quá… Eddy chỉ tay vào tôi, hét gì đó vào micro nhưng tôi không hiểu. Vì cậu ta hòa theo nhịp điệu, nên tôi cứ nghĩ là cậu ta ngẫu hứng theo bài hát.
“Chụp, chụp đi, Norobuu!”
À, chụp ảnh ấy hả? Ừ. Tôi hoàn toàn quên khuấy mất. ✩✩✩
Eddy ngầu quá. Không, không chỉ Eddy, mà cả anh Kon anh Take anh Maru, mọi người đều ngầu quá!
Khi định thần lại, tôi bắt đầu chăm chú chụp ảnh. Thỉnh thoảng, mọi người cùng nhìn về phía tôi và tạo dáng. Dù vì vậy mà nhiều lần họ biểu diễn hỏng, nhưng vẫn thật đáng yêu. Buổi luyện tập kết thúc trong tiếng cười.
Trước đây tôi chưa từng biết đến. Rằng chơi nhạc lại vui đến như vậy. Tập hợp các thành viên, đem theo nhạc cụ, mọi người đồng thanh “Một hai” rồi cùng nhau hát, hệt như một bữa tiệc. Có lẽ đây là nơi vui vẻ nhất trên thế giới này.
Nói rằng chơi nhạc vui là vì, dù tôi không thực sự chơi, chỉ đứng cạnh xem họ, nhưng cơ thể tôi bất giác cũng đung đưa theo, khi nhận ra thì tôi cũng đang cười rất thoải mái. Lần đầu tiên tôi nhận ra ý nghĩa thật sự của từ “vui vẻ”. Tôi cảm thấy như vậy.
Vì thế…
“Hôm nay cảm ơn mọi người rất nhiều. Nhờ mọi người mà em chụp được những bức ảnh rất tuyệt.”
“Ừ, nếu đẹp thế thì chú đến lúc nào cũng được. Tháng sau bọn anh có đêm nhạc đấy. Chú nhớ đến nhé!”
“Vâng. Em nhất định sẽ đến!”
“Nếu được thì mời cả chị Atsuko nữa nhé.”
“À vâng… Em sẽ hỏi thử.”
“Chào nhé, Norobuu. Hẹn gặp ngày mai.”
Khi chia tay với mọi người ở trước cửa nhà Eddy, đột nhiên tôi cảm thấy thật cô đơn.
Tôi về nhà một mình trên con đường độc đạo giữa cánh đồng, trời đã tối hơn cả lúc đi.
Đi được một đoạn thì không chịu được nữa, tôi mới lôi chiếc máy ảnh kĩ thuật số ở trong cặp ra và xem thử.
Quả nhiên mọi người đang cười. Ở vài tấm hình, anh Maru khi hét vào micro mặt mũi như quỷ, nhưng trông vẫn rất ngầu. Không, có khi ngầu nhất đám ấy chứ. Trong đó, tay chơi bass Take tuy là người trầm tính nhất nhưng cũng cười mỉm một chút, kiểu “he he he”.
Anh Kon và Eddy thì trông như đang chơi xấu trò gì đó. Họ chơi nhạc rất nghiêm túc nhưng khuôn mặt lại như đám nhóc nghịch ngợm. Giống như họ quá vui, quá phấn khích, không thể kiềm chế được.
Cảm giác này là sao nhỉ?
Nếu nghĩ kĩ thì, những thứ tôi có thể làm không có thứ nào vui như vậy.
Không. Không cần nghĩ kĩ mà chỉ cần nghĩ qua thôi là thấy rồi. Tôi về nhà khá muộn nhưng không bị mẹ mắng như tưởng tượng. Sáng hôm sau, tôi thức dậy như bình thường, mẹ vẫn chào tạm biệt “Con đi nhé” trước khi tôi đi học. Bình thường quá ngược lại khiến tôi có cảm giác lạc nhịp.
Rồi ngay khi tôi đến trường,
“Chào buổi sáng, Eddy. Hôm qua…
“Ừ… Xin lỗi. Tớ vào nhà vệ sinh chút đã.”
Tôi đã gặp Eddy ở hành lang, nhưng không hề có chuyện tôi thân thiết với cậu ta hơn hay cùng bàn luận sôi nổi về âm nhạc. Đúng… vậy nhỉ. Đối với Eddy, hôm qua chỉ là một ngày bình thường như bao ngày, không có gì đặc biệt. Do tôi tự mình shock văn hóa, xúc động rồi buồn bã. Chuyện chỉ có vậy.
Khi đầu óc tôi vẫn lơ đãng nơi nào, sáu tiết học đã trôi qua với tiết cuối cùng là môn toán xác suất. Dù đã chụp rất nhiều ảnh ngày hôm qua, nhưng tôi không có tâm tình công bố cho thành viên câu lạc bộ, tôi chỉ nói với Miyoshi một câu “Tớ về” rồi ra khỏi trường.
Sau đó, khi tôi tới cuối con dốc từ cổng trường thì chuông điện thoại reo. Điện thoại từ cửa hàng của ông.
“Alô.”
“Ờ, chị Atsuko đây. Hironobu, học xong đến cửa hàng nhé! Con người này lúc nào cũng đầy hứng khởi.
Sau đó, khi tôi đi tới cuối con dốc từ cổng trường thì chuông điện thoại reo. Điện thoại từ cửa hàng của ông.
“Alô.”
“Ờ, chị Atsuko đây. Hironobu, học xong đến cửa hàng nhé.” Con người này lúc nào cũng đầy hứng khởi.
“Hả? Tại sao?”
“Chảo nướng takoyaki sống lại rồi. Em đến ăn đi!”
“Không, em không cần…”
Chậc. Dập máy rồi.
Mà “chảo nướng takoyaki sống lại” nghĩa là sao?
“Nè, cái chảo nướng takoyaki đó của nhà Acchan à?” Hôm nay, Acchan đeo băng đô đỏ trên trán, mặc chiếc tạp dề cũng màu đỏ luôn. Hình như vì vậy mà chị ấy dễ thương hơn mọi khi.
“Không phải… là rác… Phế liệu.”
Chúng tôi đang ở mặt tiền cửa hàng, Acchan đang vô cùng chăm chú làm thử takoyaki.
Chị bưng cái bát bạch tuộc luộc thái nhỏ, bắt đầu cho vào bánh. “Hôm trước… ông bảo… chỉ cần đánh bóng lên thôi… Sau đó trông nó rất đẹp nên chị muốn làm thử… Hôm nay, chị chuẩn bị nguyên liệu rồi thái nhỏ hết ra như này. Nhưng chị nhận ra tối nay nhà không có ai… nên gọi em!”
Tiếp đó chị cho thêm viên bột rán, hành, gừng đỏ, bắp cải. Chị cho hơi nhiều bắp cải ở giữa rồi đó!
“Không có ai á? Thế còn ông?”
“… Lại đi đâu rồi ấy.”
Lại nữa à?
“Lên núi hả?”
“… Không biết… Sáng chị dậy đã không thấy đâu rồi… Cả ví, kính với ba lô cũng không thấy.”
Chuyện thường ngày ở huyện, ông không có điện thoại di động nên một khi đi mất là khỏi liên lạc luôn. Cũng không biết khi nào ông về. Một tuần hay một tháng gì đó, không đoán trước được. Nhưng cả nhà cũng quen rồi nên không bao giờ đăng tin tìm người nhà.
“Ố ồ, nhìn này, nhìn này.”
Chị lật mấy viên takoyaki lên…
“Gì cơ?”
“Quá đẹp luôn. Cái này được quá ấy chứ, như tác phẩm nghệ thuật ấy. Nhìn muốn giữ lại trang trí quá đi. Đẹp quá ăn cũng phí!” “T… thế à?”
Tròn xoe ấy nhỉ.
“Được rồi. Hironobu, ăn đi.”
Chậc. Acchan, em chả hiểu gì cả.
Rốt cục hai chúng tôi cũng xử lý hết chỗ bánh. Hình như tôi đã ăn khoảng năm hộp theo cỡ bán ở cửa hàng. Tôi phải gọi bảo mẹ không cần để phần cơm mới được.
“Ui da… Ngon quá… Nhìn này, Hironobu. Bụng chị trương cả lên rồi.”
Đương nhiên là thế rồi. Chị mở tận năm lon bia cỡ đại cơ mà. Anh Kon mà nhìn thấy Acchan thế này chắc suy sụp lắm. À nhắc mới nhớ tôi vẫn chưa nói chuyện đó. Thôi để lúc khác.
“… Nhưng mà này, chị làm takoyaki giỏi phết đấy chứ, sánh
ngang đầu bếp chuyên nghiệp rồi nhỉ!”
“Vâng. Ngon lắm.”
“Nếu mở cửa hàng sẽ lãi lắm đây.”
Cái đó thì không biết được. Acchan cả thèm chóng chán mà. “Không cần gương mặt đại diện này. Nguyên liệu rẻ này. Dù bán giá cao hơn thị trường hai trăm yên, chỉ cần muốn là chị có thể bán được.”
Lại thế nữa. Máu tham nổi lên rồi.
“… Acchan đừng buôn bán làm gì, chị cứ đánh bạc là được rồi!” Vì như vậy không gây phiền phức gì cho người khác cả. Nhưng Acchan nhìn chằm chằm vào mắt tôi với gương mặt vô cùng nghiêm túc.
“Không, Hironobu… Đánh bạc thật ra là chuyện không được phép làm đâu!”
Chẳng hiểu gì cả. Chị say rồi chứ gì?
“Chị nói gì thế? Chính chị đánh bạc suốt ngày còn gì.” “Không phải. Đó là giao ước với quỷ dữ đấy!”
Acchan. Giọng chị đáng sợ quá!
“G… gì?… Giao ước với quỷ là gì?”
“Giao ước giữa con người với quỷ dữ… Cho nên con người không được phép làm.”
“Nhưng Acchan… Chị chơi cả Pachinko, cá độ đua xe, đua thuyền, chơi mạt chược ăn tiền nữa.”
Chị bài bạc cả đống từ hồi mười mấy tuổi đấy thôi.
“Không sao hết. Vì chị là… bản thân chị là ác quỷ đấy!” Nói đoạn, chị phá lên cười “Gyahahaha”. Acchan say bí tỉ rồi. “… Mà này, Acchan.”
Từ lúc nãy tôi đã chú ý tới thứ đó rồi.
“Cái va li chị đang ngồi lên ấy. Cái va li đó bên trong có đồ quan trọng phải không?”
“Hử?” Acchan dạng hai chân, cúi đầu nhìn cái va li mình ngồi lên. Nó có màu bạc, gần như hình lập phương nhưng các góc được bo tròn, trông có vẻ khá chắc chắn.
Mặt ngang có tay cầm, bánh xe được lắp phía ngược lại, nó nằm chổng kềnh trên sàn, trông hệt một khối hợp kim duralumin siêu cứng. Kích thước đúng là phù hợp để ngồi thật.
“À, cái này… Đúng rồi chính nó. Cái thứ mà ông nhờ chị lên tận Tokyo để lấy về.”
“Hả? Chị lấy cái này từ bảo tàng về à?”
“Đúng rồi!”
Thế thì lại càng không ổn.
“Nếu vậy thì nguy to. Sao chị tự ý đặt nó nằm ngang như vậy?” “Chỗ tay cầm cộm lên nên khó ngồi lắm. Đặt ngang ra lại rất vừa vặn. Ngồi vững chãi, thích cực!”
“Lấy thứ khác dùng làm ghế cũng được mà!”
Nào, chị tránh ra em xem.
Acchan say mèm nên vô dụng rồi, tôi đành dựng cái va li lên một mình. Khá là nặng.
“Bên trong không biết có vấn đề gì không?”
“Không sao đâu… Lo thế thì mở ra thử xem.”
“Cầm lấy này,” Acchan không biết lôi từ đâu ra một cái chìa khóa nhỏ, đưa cho tôi.
“Vâng… Thế để em xem.”
Mặt trước cái va li có hai cái chốt, mỗi chốt một lỗ khóa. Tôi đưa chìa để Acchan tra vào và mở khóa. Lách cách, lách cách, mặt trên cái va li mở ra khoảng một phần tư.
“Là máy ảnh.”
“Ừ, cái đó em cũng biết.”
Nhưng, đây là một cái máy ảnh phim dáng rất cổ, hoàn toàn xa lạ với tôi. Lấy ra khỏi va li tôi mới nhìn rõ. Nó thuộc loại máy cỡ lớn mà người ta hay sử dụng kèm vải che đen trong hiệu ảnh.
Tại sao chị lại mang thứ này về từ bảo tàng Tokyo nhỉ? Có vẻ như nó là đồ vật của người quen ông ngoại.
Chương 5
T
ôi đau bụng quá. Không hẳn, thực ra tôi mệt mỏi toàn thân. Nguyên nhân đương nhiên là đống takoyaki hôm qua tôi ăn với Acchan. Ngoài nó ra tôi không còn nghĩ được lý do nào khác. “Con ăn một lát bánh đi.”
“… Dạ thôi. Con khó chịu lắm.”
Bánh mì nướng có vẻ đã nguội từ đời nào.
“Súp heo thì sao?”
“… Càng không ăn được ạ.”
Những lúc thế này phải uống sữa nóng chứ! Mẹ chẳng tinh ý gì cả.
“Mà sao con ăn nhiều takoyaki thế làm gì.”
“Vì Acchan bảo ăn đi…”
“Thật là. Từ bé con đã thế rồi, cứ chuyện gì xấu là đổ cho Acchan.”
Chịu thôi. Bởi vì đúng là lỗi của Acchan mà.
“Trong khi con bé cưng chiều con nhất nhà đấy.”
Gần đây từ “cưng chiều” không hay ho gì đâu mẹ ơi. Mà thôi, dù sao Acchan đối với tôi ít nhiều cũng có chút “bắt nạt”, sử dụng từ đó có khi lại hợp lý.*
“Con muốn nghỉ học…”
Rầm, mẹ đập mạnh xuống bàn. Bát súp heo sóng sa sóng sánh. “Con nói cái gì vậy? Mẹ chưa nghe chuyện nghỉ học vì ăn quá nhiều takoyaki bao giờ đâu!”
Ôi trời. Mới sáng ngày ra mẹ đã giận rồi.
✩✩✩
Vì thế, hôm nay tôi vẫn phải đến trường.
Tiết một là môn công nghệ. Hôm nay có lẽ chúng tôi học sử dụng phần mềm tính toán bảng.
Tình cờ ngồi cạnh tôi lại là Miyoshi.
“Norobuu chụp ảnh ban nhạc vào hôm kia à?
Cậu cuồng hoạt động câu lạc bộ quá rồi!
“Sao vậy? Cậu nghe Eddy kể à?”
“Hôm qua cậu ấy kể là cậu đã cùng họ tới phòng thu trên phố.” “Ờ… ừ. Đúng thế.”
“Được đó. Cậu lên tinh thần làm việc rồi đó… Thế nào? Chụp được bức nào ưng ý không?”
Bị lộ đến mức đó rồi nên tôi đành phải cho cô ấy xem thôi. “Sau khi về lớp tớ sẽ cho cậu xem.”
Ơ kìa. Cậu lại đá vào ghế tớ làm gì vậy? Con người này đúng là có đôi chân xấu xa mà.
“… Tớ rõ ràng chỉ hỏi cậu có chụp được bức nào ưng ý không thôi mà?”
“Đương nhiên chính tớ không biết được rồi. Bức nào tớ nghĩ là đẹp đều bị Miyoshi bác bỏ hết. Miyoshi tự xem rồi quyết định đi!” Cậu lại đá nữa hả? Nghĩ vậy, tôi thủ thế sẵn. Tuy nhiên cô ấy không làm gì cả.
Trái ngược với suy nghĩ của tôi, Miyoshi thở dài, hai vai trùng xuống.
“Norobuu này… Cậu tự lập một chút đi. Cậu là con trai đúng không? Hãy nghĩ về việc muốn làm thử cái này, dự định làm cái kia, gì cũng được, xem thế nào. Phải tích cực lên chứ.”
Ôi. Bị một đứa con gái đầy khí chất con trai như cậu nói câu đó tớ xấu hổ lắm có biết không.
“Ừ, hiểu rồi.”
“Không, bộ dạng cậu thế này là chưa hiểu đâu.”
Tớ biết rồi. Chính tớ cũng nhận ra. Rằng bản thân mình rất mờ nhạt.
“Norobuu, từ khi Yousuke chuyển đi, cậu rất…”
Đến giữa câu, đột nhiên Miyoshi ngừng lại.
“Rất gì cơ?”
“Không, không có gì. Xin lỗi. Quên câu tớ vừa nói đi.” Làm sao nói quên là quên được.
Kể từ khi Yousuke rời đi, trông tôi vật vờ vậy sao? Lúc trước Eddy cũng nói một câu y hệt như thế.
Đúng là tôi đã mất đi người bạn cùng nhau đến trường mỗi sáng, cũng như những câu chuyện khiến tôi phải ôm bụng cười. Nhưng có chắc chỉ mình tôi như vậy không? Chẳng phải trong những đứa chơi
thân với cậu ấy, không ít đứa đều có chút buồn rầu sao? Ngay cả Miyoshi cũng… Chậc, về vẻ bề ngoài thì có lẽ Miyoshi không thay đổi gì mấy, nhưng nội tâm thì sao đây? Dù Yousuke nói “chia tay đàng hoàng”, nhưng nỗi buồn vẫn là nỗi buồn mà thôi.
Mà Yousuke không gửi tin nhắn gì cho tôi gì hết. Cái thằng đó. Nó có nhắn tin với Miyoshi không nhỉ? Mà có khi nó nhắn cho Andou Erika hàng ngày ấy chứ. Không biết thực hư ra sao? Nói là tò mò thì đúng là tôi tò mò thật.
“Cậu có nhận được tin nhắn từ Yousuke không?”. Tôi thoải mái nói câu đó với Andou Erika. Không được. Mới tưởng tượng thôi tim đã đập thình thịch rồi. Vâng, tôi đúng là thằng ngốc.
Tỉnh táo lại, tôi thử xem mấy tấm ảnh trong máy. Đối với tôi thì bức nào cũng đẹp, nhưng người định đoạt là chủ nhiệm câu lạc bộ Miyoshi kìa. Nếu vô tình cho cô ấy xem cả tấm tôi chụp hỏng, cô ấy sẽ lại thuyết giáo cho cả buổi, phiền lắm. Cần nâng cao tiêu chuẩn và xóa các tấm vớ vẩn trước đi mới được. Nghĩ đoạn, tôi lại tất bật với cái máy. Nhưng nói thế nào nhỉ, cảm giác hình như khác với mọi khi. Cái máy ảnh kĩ thuật số dường như nhẹ hơn, nhỏ bé hơn và không đầm tay. Không không, nó là máy đời cũ, nên so với máy ảnh thời nay đáng lẽ phải nặng hơn, to hơn và chắc chắn hơn mới phải.
À, tôi hiểu rồi. Là cái đó. Lý do là bởi hôm qua, sau khi ăn takoyaki với Acchan, tôi đã nhìn thấy cái máy ảnh bên trong chiếc va li Acchan dùng làm ghế. Tôi muốn thử kiểm tra xem nó có hỏng không. May là, sờ từ trên xuống dưới tôi không phát hiện ra hỏng hóc dễ thấy nào, kiểu như có bộ phận nào bị rời ra chẳng hạn.
Nhưng cái máy ảnh đó tuyệt thật đấy. Vừa to lớn, lại cứng cáp.
Nếu coi máy ảnh thời đại bây giờ là súng lục để phòng thân, thì nó phải là súng máy hoặc đại pháo. Ừm, cảm giác y hệt như “vũ khí” thật vậy. Màu sắc cũng đen đặc luôn. Hình như trên ống kính có logo “Mamiya” thì phải. Có lẽ là tên nhà sản xuất.
“… Ơ kìa, cậu đừng có nghệch mặt ra thế. Cho tớ xem đi.” Miyoshi ăn bữa trưa căng tin xong lại quay về ngồi cạnh tôi. Đương nhiên, tôi đã ăn xong rồi. Ít nhất tôi cũng là con trai mà. À, bụng tôi bình thường trở lại rồi.
Phải rồi. Vừa đúng lúc.
“Này, cậu biết tên hãng máy ảnh nào là Mamiya không?” Miyoshi vừa cau mày vừa nhận lấy chiếc máy ảnh kĩ thuật số tôi đưa cho. Dưới phần mái trước được cắt bằng phẳng, lông mày trái được giấu đi, chỉ có lông mày bên phải hơi nhếch lên. Biểu cảm thật kì quái.
“Mamiya? Tớ không biết.”
“Tớ nghĩ là hãng sản xuất máy ảnh phim đấy. Cái loại cồng kềnh, nặng nề ấy.”
“Tớ đã nói là không biết mà.”
Ồ vậy à?
“Sao thế? Norobuu, còn non mà muốn chơi muối bạc à?” “Hả?”
“Chơi phim ấy? Ảnh muối bạc còn gì?”
“Đấy là cái gì?”
Cô ấy lại thở dài. Lần thứ hai trong ngày rồi.
“Bạc trong vàng bạc, muối cậu biết rồi. Người ta gọi là ảnh muối
bạc và máy ảnh muối bạc ấy.”
“Hả, chưa nghe bao giờ.”
Cô ấy lại đá vào ghế của tôi. Nhưng không sao. Tôi đã biết trước rồi.
“Chỉ có cậu không biết thôi. Người ta vẫn gọi như vậy đấy. Trái ngược với máy ảnh số, toàn bộ phương thức chụp bằng phim, tráng rửa và các công đoạn sau đó được gọi là muối bạc.” Vậy hả? Vậy là tớ lại học thêm được một thứ mới.
“Vậy cuối cùng Norobuu chụp muối bạc hay là không?” “À không, do tớ nhìn thấy cái máy ảnh có logo Mamiya, nên tò mò không biết có phải hãng nổi tiếng không?”
“Cậu lại thấy ở cửa hàng của ông à?”
Sắc bén quá nhỉ. Tôi thật thà gật đầu.
“Nếu thế cậu hỏi ông là biết.”
“Lúc đó ông tớ không ở đấy.”
Mà cũng chẳng ai biết khi nào ông mới về.
“Vậy cậu tìm là được mà.”
“Hả, tìm thế nào?”
“Dùng internet.”
À, đúng vậy. Mà hiện tại cũng đúng vào giờ nghỉ trưa. ✩✩✩
Phòng máy tính trong giờ nghỉ trưa là một nơi khá được ưa thích trong trường.
“Masuda. Ê Masuda. Tránh ra cho tụi tớ nhờ tí. Đằng nào cậu cũng chỉ đang ngồi chơi game thôi đúng không.”
Ừm, chủ nhiệm. Tôi thực sự nể cô ấy ở khoản này. Cô ấy đẩy thẳng một thằng con trai ra khỏi chỗ mà không ngần ngại chút nào. Rồi Miyoshi ngồi phịch xuống ghế.
“Ừm… cái gì nhỉ? Mamiya đúng không?”
“Ừ, Mamiya.”
Ngay lập tức, cô ấy gõ “máy ảnh Mamiya” vào ô tìm kiếm trên một trang web tra cứu thông tin, sau đó nhấn vào nút tìm kiếm. Rồi, click ngay vào tiêu đề trang hiện ra đầu tiên.
“Có này.”
“Ừ nhỉ.”
Ngay lập tức, logo ”Mamiya” màu đỏ, cùng hình ảnh của một cái máy SLR hiện ra. Có lẽ đây là trang chủ của Mamiya. “Sản phẩm, sản phẩm… Cái chỗ product này à?”
Miyoshi tự ý click chuyển trang xoành xoạch. Mỗi lần như vậy, trang web lại hiển thị rất nhiều loại máy cùng phần giải thích. Nhưng cái nào cũng là máy ảnh số… Theo phán đoán của Miyoshi, chúng tôi tiếp tục chuyển trang.
“A, có máy phim này. Ở đây viết là loại 6x7 đúng không. Mẫu Mamiya 7II.”
Ồ. Miyoshi thực ra cũng khá rõ về máy ảnh đó nhỉ. Tôi không biết đó. Mà lúc nãy cậu vừa mới nói “phim” kìa. Không phải “muối bạc” à? Thực ra thì sao cũng được.
“Ừ. Nhưng hình dáng hoàn toàn khác. Cái tớ nhìn thấy vuông
vắn hơn cơ.”
Mẫu 7II nó cứ bẹt bẹt thế nào ấy.
Miyoshi lại click tiếp.
“À, cái đó.”
Nó đây rồi. Trong thoáng chốc tôi đã tưởng nó là cái máy ảnh súng máy ấy, nhưng…
“Không, không đúng.”
Tôi cảm giác nó thiếu tính cổ điển.
“À thế à? Vậy tiếp theo.”
Cô ấy lại click tiếp. Sau đó xuất hiện một mẫu còn giống hơn. Mamiya RB67 ProSD.
Cảm giác cổ điển cũng gần giống. Suýt nữa tôi khẳng định là nó. Nhưng…
“Rất giống, nhưng mà có cảm giác nhỏ hơn cái tớ thấy.” “Vậy à. Nhưng máy ảnh chỉ có tới mẫu này thôi. Sau đó toàn ống kính các thứ.”
Thật vậy. Không còn mẫu nào nữa.
“Vậy trước tiên cậu in cái ảnh này cho tớ.”
“Cơ mà sao tự nhiên tớ lại bị Norobuu sai vặt chứ?”
Ờ kìa… Cái gì đấy? Tớ có nhờ đâu tự cậu muốn tìm đấy chứ. Con gái đúng là loài sinh vật tự ý mà.
✩✩✩
Buổi chiều có tiết toán xác suất và quốc ngữ.
Nhưng trong hai tiết đó, đầu tôi chỉ toàn Mamiya.
Gần như giống hệt nhau, nhưng có gì đó khang khác. Cái máy ảnh trong va li đó thực ra là thế nào nhỉ?
May là tiết học trôi qua mà tôi không bị cô gọi lần nào. “Norobuu, hôm nay cậu không hoạt động câu lạc bộ à?” “Ừ. Tớ muốn so sánh bức ảnh này với cái máy đó.”
Tôi phe phẩy bức ảnh trước mặt Miyoshi rồi ra khỏi lớp. Khi đang đi trên hành lang, tôi bị ai đó gọi lại. Là Eddy.
“Norobuu, buổi diễn tháng sau cậu nhất định phải đến đấy!” “Ừ, đương nhiên.”
“Nhân tiện, cậu mua vé chỉ mất hai nghìn yên thôi. Hôm nay mua luôn chứ?”
Thật hả? Cậu lấy tiền hả?
“Ừ… để sau.”
“Ừ, tớ thì lúc nào cũng được hết nhé.”
Hôm nay, tôi không được nghe tiếng gảy đàn đặc trưng. Mà cậu ta cũng chẳng mang theo đàn.
Không hiểu tại sao nhưng hiện tại tôi thấy rất háo hức. Có lẽ là đây chính là cảm xúc khi nhân vật chính trong hoạt hình Nhật Bản gặp gỡ con robot khổng lồ.
Thứ đó chắc chắn là máy ảnh. Cái logo chói sáng và lấp lánh “Mamiya” ở phần trên ống kính - tương ứng với vị trí của trán nếu xét theo cơ thể con người - đã chứng minh điều đó. Nhưng có điểm khác biệt. Nó vừa là Mamiya vừa không phải là Mamiya. Nhất định là
một cái Mamiya rất đặc biệt. Có lẽ nên gọi là Mamiya Vĩ Đại. Ôi trời, tôi đang lẩm bẩm cái gì thế này.
“Ông ơi.”
Tôi không về nhà mà đến ngay cửa hàng của ông. Quả nhiên ông không có đây.
“… Hả? À, Hironobu.”
Acchan đang trông cửa hàng. Thực ra không hẳn là trông cửa hàng, mà là ngủ trên ghế sofa phía bên kia bình phong thì đúng hơn. Acchan và ông quả thật rất giống nhau.
“Này này, Acchan. Cho em xem cái máy ảnh lần trước một lần nữa đi!”
“… Thật là… Nói to quá đấy!”
Tóc Acchan rối bù sau khi ngồi dậy trên ghế sofa. Có lẽ vì chị dụi mắt, nên lớp trang điểm bị hỏng, quanh mắt chị phấn mắt đen xì. Có cảm giác như phim kinh dị.
“Ở trên bàn có chìa khóa đấy. Em lấy đi.”
“Vâng!”
Cái va li được đặt cạnh cửa ra vào, cùng vị trí với lần trước. Tôi làm giống lần trước, mở hai lỗ khóa rồi mở nắp va li duralumin. Lách cách, cảm giác như mùi đặc trưng của máy móc cỡ lớn, hòa lẫn với mùi bọt biển, mùi nhựa tổng hợp lan tỏa ra xung quanh. Đây chính là hình dạng đầy đủ của Mamiya Vĩ Đại.
“Hironobu, ăn dưa hấu không?”
“Không ạ, để sau cũng được.”
Giờ tôi tâm trí đâu mà nghĩ tới chuyện đó chứ.
Ok, làm ngay nào. Thử so sánh xem có gì khác với bức ảnh kia không.
Ồ, vừa nhìn đã thấy khác rồi. Điểm khác biệt à? Khác nhau hoàn toàn ấy chứ!
Máy ảnh Mamiya RB67 tôi tìm được trên mạng, đại khái được cấu tạo từ thân hình lập phương và ống kính hình trụ. Trong khi đó, cái Mamiya bí ẩn thì ở đằng sau còn gắn thêm một cái hộp hình lập phương nữa. Tóm lại là ống kính + khối lập phương + khối lập phương. Hơn nữa, ở trên khối lập phương phụ thêm còn chòi ra một khối lập phương nhỏ bé nữa. Trông nó giống hệt một cái kính tiềm vọng*…
“Hironobu, cắt dưa hấu cho chị.”
“Ừ, để sau.”
Lúc trước mới chỉ là phán đoán theo góc nhìn từ trên xuống. Để biết rõ hơn tôi phải lấy nó ra thôi.
“Nè Acchan. Em lấy cái này ra có được không?”
“Hả? Được chứ! Mà chính chị cho nó vào mà. Dù anh quản lý có giúp một chút.”
Vậy à. Thế thì không vấn đề gì.
Được rồi. Vậy chuẩn bị tư thế, nhấc ra cẩn thận nào. Có một tấm đệm được chèn ngang. Trước tiên chắc tôi sẽ lấy cái này ra trước. Tôi nhanh chóng lấy nó ra. Sau đó thì, nhìn này, dễ dàng thò tay vào được. Nào, một, hai…
Ừm, quả nhiên là rất nặng. Tôi thử cho ngón tay vào sâu hơn. Cầm ở chỗ này được chưa nhỉ? Có vẻ được rồi. Một, hai…
Ok, lên rồi. Một chút nữa, một, hai… Nhấc ra được rồi. Phải đặt vào đâu đó. Đặt ở đâu nhỉ?
“Acchan, tránh ra hộ em.”
“Ui trời, cái gì thế.”
Đặt “rầm!” một cái xuống thì không ổn lắm, nên tôi giữ nguyên lực cho tới phút cuối và hạ xuống nhẹ nhàng. Tôi đặt nó lên cái bàn thấp cạnh ghế sofa.
“… Được rồi… Thành công!”
“Này! Em đặt ở đấy thì chị ăn dưa hấu ở đâu?”
“Acchan, chị vẫn hay ăn dưa ở ngoài mà?”
Mamiya Vĩ Đại trong truyền thuyết, đã đến lúc ta vén bức màn bí mật của…
“… Hử?”
Tôi nhanh chóng nhận ra điều kì lạ.
Cái Mamiya này được gắn gì đó ở dưới. Mà nói đúng hơn là nó được đặt trên cái gì đó. Không chỉ có ống kính + khối lập phương + khối lập phương.
“Ừm ừm.”
Sau khi so sánh với bức ảnh tôi càng thêm chắc chắn. Mamiya bình thường sẽ không có bộ phận đó.
Bộ phận gì ấy hả? Trước tiên có cái bệ kích thước vừa đúng hai khối lập phương, hay nói đúng hơn là tấm sắt đen. Rồi các bộ phận máy ảnh bình thường với khối lập phương phụ thêm được đặt trên đó. Ống kính chĩa về phía trước. Tấm sắt và khối lập phương phụ thêm đính chặt với nhau thành một thể, nên nhìn có vẻ như máy ảnh
mới là phụ tùng. Nhìn ngang có cảm giác máy ảnh kẹp trong bệ đỡ hình chữ L vững chãi vậy.
Ngoài ra ở dưới bệ đỡ màu đen, có thứ gì đó giống như bàn xoay với cấu trúc phức tạp. Có lẽ nó dùng để lắp chân máy chăng? Lắp vào xong có thể tự do xoay ống kính sang hai bên trái phải…
Không, đợi chút. Nếu lắp chân máy thì máy ảnh bình thường cũng có thể tự do chuyển hướng được. Cần quái gì phải có cấu trúc trông như bộ phận của người máy chiến đấu thế kia?
Hừ. Bí ẩn của Mamiya Vĩ Đại vẫn chưa có lời giải đáp. Mà cho phim vào máy thế nào vậy? Bình thường thì mở nắp phần lưng máy sẽ cho vào được, nhưng phần đó gắn liền với khối lập phương phụ thêm mất tiêu rồi. Vậy có nghĩa là cho vào từ phần lưng của bộ phận phụ thêm à?
À, quả nhiên là thế. Ở mặt sau có nắp máy. Bên phải có chốt, có vẻ dễ mở.
“Acchan, em mở thử được không?”
“Ừ, vô tư đi. Chủ cũ của nó hiện đã giải nghệ, nên không cần máy ảnh nữa. Thế nên ông mới lấy được nó đấy.”
Hóa ra là vậy.
“Vậy em mở nhé.”
Cách.
Ừm. Khối lập phương nhỏ lắp trên khối lập phương hình như kết nối với bàn xoay ở dưới bằng phần trục lớn. Ở đó có nhiều ống trụ nhỏ, nếu lắp phim vào đó thì phim sẽ đi qua kia rồi chui vào đấy… Giời ạ, chả hiểu gì hết.
Chương 6
T
ạm thời tôi ra cửa hàng tiện lợi mua một cuộn phim. Lúc về, tôi thấy Acchan đang hí hoáy Mamiya Vĩ Đại.
“A, ngừng lại ngừng lại.”
Không biết chị ấy trang điểm lại từ lúc nào.
“Tại sao?”
“Acchan có hiểu gì về máy ảnh đâu.”
“Em thì hiểu chắc?”
“Em biết nhiều hơn Acchan đấy… Nào nào, tránh ra hộ cái.” Hừm, không biết chị ấy có chọc phá gì không? Lúc nãy tôi vừa thấy chị ấy cho ngón tay vào xong. Mặc dù nếu hỏi tôi có chỗ nào thay đổi không thì tôi cũng chịu.
“Nói chung là cứ để đấy cho em.”
Tôi nhanh chóng mở hộp, sau đó lấy cuộn phim ra. Tôi thử lắp nó vào phần lưng Mamiya Vĩ Đại.
“Hừm…”
Tôi đột nhiên khựng lại. Tôi vẫn chưa biết phải lắp vào đâu. “Nè Hironobu, em có thích ai ở trường không?”
Lại nữa à. Sao chị toàn hỏi mấy chuyện không liên quan gì tới câu chuyện hiện tại thế nhỉ. Bị người khác hỏi thì kể cả không muốn trả lời, cũng phải suy nghĩ về chuyện đó còn gì.
Ở sâu trong tiềm thức của tôi, bên góc phải phía trên, bỗng hiện ra khuôn mặt của Andou Erika. Cả đôi chân mịn màng, trắng muốt đang chạy trên sân trường nữa. Hơi thở gấp gáp và đôi vai thon đung đưa lên xuống dưới chiếc áo phông. Ánh mắt nghiêm túc khi nghe thầy cô giảng dạy…
Không được không được. Tôi đang nghĩ cái gì vậy.
Tôi nhắm chặt mắt, xua tan hình ảnh Andou Erika ra khỏi đầu. Tiếp theo lại đến góc trái phía dưới. Miyoshi ngước mắt lên nhìn tôi từ phía đó. Cô ấy nói, “Erika xấu tính lắm, cậu từ bỏ đi”. Không cần cậu nói, tớ bỏ từ lâu rồi. Tôi với Andou Erika có thể có chuyện gì chứ? Tôi còn chưa nghe giọng cô ấy bao giờ.
“Làm gì có ai. Mà chị đừng nói chuyện đó vào lúc này. Em đang bận.”
Chậc, thật là. Giữa chừng bị ngắt quãng nên tôi vẫn chưa biết lắp phim ra sao.
Vì có nhiều ống trụ tròn xếp cạnh nhau nên tôi biết đó là đường dẫn đưa phim qua, nhưng quan trọng là chỗ đưa phim vào thì chẳng thấy đâu. Nhưng mà cái máy ảnh này bên trong quá trống trải, nên chẳng biết lắp phim kiểu gì nữa? Nếu có cái hốc vừa với kích thước phim tôi có thể biết được, nhưng mà.
“Chị mới được bốn chàng tỏ tình đấy, chị đang phân vân không biết nên chọn ai.”
Hóa ra là Acchan đang rất muốn nói về chuyện này.
“À vậy ạ?”
“Hironobu đã gặp anh Junta lần nào chưa?”
Junta là bạn trai cũ của Acchan. Anh ta từng nhảy break dance, nhưng sau khi Acchan học được một thời gian thì chị ấy nhảy giỏi hơn cả Junta. Rồi một hôm Acchan mới lấy chuyện đó ra trêu anh ta, sau đó anh ta giận cá chém thớt định đấm chị. Acchan cũng tức giận và phản kích lại, gạt tay trúng cằm làm anh ta “một phát ngất luôn”. Nói chung Junta đã trải qua một chuyện tình buồn. Lý do vì Acchan từ bé đã học Karate rồi. Đừng coi thường chỉ vì chị ấy có khuôn mặt xinh đẹp.
“Em chưa gặp lần nào. Mới nghe kể thôi.”
Mà chiều dài cái trục này sao chẳng khớp với cuộn phim gì thế? Nếu ướm thử thế này thì cuộn phim dài ba centimet đúng không? Cái trục thì dài gấp mấy lần. Nếu lắp xuống phía dưới thì phía trên trống toang hoác luôn. Không biết có lắp được không.
“… đã làm chưa?”
À, xin lỗi. Em không nghe chị nói.
“Hả, gì cơ?”
“Chị đang hỏi là Hironobu đã hôn con gái bao giờ chưa?” Sao tự nhiên lại hỏi thế…
“Chưa ạ. Mà chuyện đấy thì liên quan gì?”
“Hehe, chưa à.”
Hả? Gì thế. Tự nhiên lại gí sát mặt em.
“Vậy để chị dạy cho…”
“G… gì chứ… Đ… đồ ngốc… C… chúng ta… là c… chị em họ…” “Ở Âu Mỹ, chị em hôn nhau là chuyện bình thường mà.” “C… chúng ta là n… người Nhật!”
Thấy vậy, Acchan nhanh chóng làm bộ mặt chán chường, khôi phục tư thế cũ.
“Chậc. Đồ ngốc!”
Không hiểu. Tôi không tài nào hiểu được con người Acchan. ✩✩✩
Nhưng tâm trạng và hứng thú của Acchan thay đổi như chong chóng.
“Sao thế… Cuối cùng không lắp vào được à?”
Sau khi chị hút được nửa điếu thuốc, thì chuyện vừa nãy như chưa từng xảy ra vậy.
“Dạ… Có vẻ không được rồi. Em từng lắp phim vào cái máy của em rồi, nhưng nó hoàn toàn khác với cái này. Nó không khó như thế này.”
Chị hút thêm một hơi, rồi dụi thuốc xuống chiếc gạt tàn thủy tinh lớn.
“Thế thì… chẳng phải là loại phim khác sao?”
Loại phim khác ư?
“Nhưng ở cửa hàng tiện lợi bán mỗi loại này thôi.”
“Đến hiệu ảnh trên phố chắc là có những loại khác đấy.” Ừ nhỉ.
“Có một tiệm ở sau Aeon đấy. Em cũng chụp ở đấy vào lễ Shichigosan* còn gì.”
“Ừm. Hình như có một hiệu ảnh ở đấy.”
“Nếu em mang máy ảnh đến đấy họ sẽ chỉ cho mình nên lắp loại phim nào thôi.”
Vậy à? Nhưng nếu thế phí mất cuộn phim em vừa mua. Năm trăm mười lăm yên đấy!
Nhưng quan trọng hơn là…
“Em không mang nổi cái máy ảnh này lên phố đâu.”
“Ừ… Nếu vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật để chị dùng ô tô chở đi cho. Với lại cái cửa hàng này nghỉ bao giờ chả được. Từ ngày ông đi mất làm gì có khách đâu. Cả người bán lẫn người mua chẳng thấy ai đến cả!”
Vâng, cái đó em nghĩ do Acchan cứ ngủ trưa hoài đấy. ✩✩✩
Vì thế tôi đến cửa hàng vào đầu giờ chiều thứ Bảy.
“Sao thế, Acchan?”
Chị vẫn trang điểm xinh đẹp, nhưng biểu cảm thì đờ đẫn. “Ừ… Chị vừa nhậu vừa chơi mạt chược đến sáng…” “Thế có sao không ạ?”
“Ừ… Chị thắng 70.000 yên.”
“Không, không phải thế, chị lái xe được không ấy.”
“À, chắc không sao đâu… Nào chất đồ lên đi.”
Sau đó, chúng tôi vừa nói chuyện vừa chuyển cái va li lên khoang hàng của xe. Bọn tôi còn quấn lại bằng chăn cho chắc. “Ok! Xuất phátttt.”
“Chị lái cẩn thận nhé. Em xin đó!”
Thực ra tôi cũng không lo về chuyện lái xe cho lắm. Cái xe này cũng rách nát lắm rồi, không thể tăng tốc được.
“Ừ… Không hiểu sao chị khó chịu quá.”
“Này, chị không sao chứ?”
Ngay khi tôi nói xong, Acchan lấy một tay bụm miệng. “Ọeeeeeeeee… Ực!”
Trò đùa “Không nôn ra mà nuốt vô”.
“Chị thôi ngay đi. Kinh quá!”
“Ha ha ha ha!”
Acchan đúng là thích phá hoại hình tượng xinh đẹp của bản thân mà. Nếu tôi mà là một mỹ nhân như vậy thì sẽ hành động duyên dáng hơn nhiều. Hôm nay, chị mặc chiếc váy denim ngắn, đi kèm áo thun không tay đen. Xinh đẹp là thế, mà lại ụ với chả ọe.
Chiếc xe tiến về phía ngọn núi, đi qua đường ray rồi vào gần thành phố. Studio tôi đi cùng Eddy hôm trước ở phía ngược lại của con đường, cách một ga.
“Đến nơi rồi!”
Mặt sau của Aeon. Đúng rồi, hiệu ảnh Miyamoto.
Chúng tôi đặt cái va li xuống đất, rồi Acchan lái xe rẽ vào ngách. Mà tôi cũng không rõ có được phép đỗ ở đó không.
Sau đó, bọn tôi lại cùng nhau bê cái va li vào cửa hàng. Thực chất va li có bánh xe nên có thể kéo đi được, nhưng tôi sợ kéo đi lọc cọc sẽ làm hại máy ảnh nên bọn tôi bê vào bằng cách nhấc hẳn lên. “Chú chủ tiệm ơi.”