🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Britt-Marie Đã Ở Đây - Fredrik Backman full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Tác phẩm: Britt-Marie đã ở đây Tựa gốc: Britt-Marie was here Tác giả: Fredrik Backman Người dịch: Hoàng Anh Nhà xuất bản: NXB Trẻ 3/2018 Ebook©VCTVEGROUP 16-01-2019 Nhân sự: annie_tuongminh, Misaki, dr.dean01, Sophia, chanhvan1987, pinoko, songuyento, khanh911 Borg là một nơi chốn tưởng tượng, bất kỳ sự giống nhau nào đối với những địa điểm có thực chỉ là trùng hợp. “Bạn yêu bóng đá vì điều đó thuộc về bản năng. Khi một quả bóng lăn tới trên đường, bạn sẽ đá nó. Bạn yêu bóng đá bởi cùng một lí do như khi bạn yêu ai đó. Vì bạn không thể làm khác được.” Tặng mẹ, người luôn bảo đảm có thức ăn trong bụng và có sách trên kệ cho con. MỘT N ĩa. Dao. Muỗng. Theo đúng thứ tự đó. Britt-Marie tuyệt đối không phải là loại người đi phán xét người khác. Không hề. Nhưng rõ ràng không một người văn minh nào nghĩ đến chuyện sắp xếp một ngăn kéo cất dao nĩa theo một cách khác so với cách mà lẽ ra nó phải được sắp xếp. Chúng ta đâu phải loài thú, đúng không nào? Đó là một ngày thứ Hai của tháng Giêng. Britt-Marie đang ngồi trước một cái bàn giấy của văn phòng giới thiệu việc làm. Đúng là không có cái ngăn kéo cất dao nĩa nào ở quanh đấy, nhưng hình ảnh đó xuất hiện trong đầu bà vì nó tổng kết cho tất cả những thứ đã đi sai đường dạo gần đây. Dụng cụ ăn uống cần phải được sắp xếp như mọi khi, bởi vì cuộc sống nên tiếp tục như cũ. Cuộc sống bình thường phải coi sao cho đàng hoàng. Cuộc sống bình thường là người ta dọn dẹp nhà bếp, giữ ngăn nắp ban công và chăm sóc con cái. Đó là một công việc khó khăn - khó khăn hơn người ta tưởng nhiều. Trong cuộc sống bình thường chắc chắn bạn sẽ không thấy mình ngồi ở văn phòng giới thiệu việc làm. Cô nhân viên ở đây có mái tóc ngắn phát sợ, Britt-Marie tự nhủ, chẳng khác nào tóc đàn ông. Không phải chuyện đó có gì sai trái, tất nhiên rồi - hiện đại mà, hẳn là thế. Cô gái chỉ vào một tờ giấy và mỉm cười, rõ ràng cô đang vội. - Bác vui lòng điền tên, số bảo hiểm xã hội và địa chỉ vào đây. Người ta lập hồ sơ về bà. Như thể bà là một tên tội phạm. Như thể bà ăn cắp một công việc thay vì đi tìm nó. - Sữa và đường ạ? - Cô gái vừa hỏi vừa rót một ít cà phê vào cái ly nhựa. Britt-Marie không phán xét ai cả. Không hề. Nhưng ai lại đi hành xử như thế? Ly nhựa? chúng ta đang ở trong thời chiến hay sao? Bà muốn nói điều đó với cô nhân viên, nhưng bởi vì ông Kent luôn giục bà tỏ ra “khéo léo hơn trong giao tế”, nên bà chỉ mỉm cười một cách nhã nhặn hết mức có thể, và chờ được đưa một cái lót ly. Kent là chồng của Britt-Marie. Ông là một chủ doanh nghiệp. Nó thành công một cách cực kỳ đáng kinh ngạc, ông làm ăn với người Đức và cực kỳ, cực kỳ giỏi giao tế. Cô nhân viên đưa cho bà hai hộp giấy be bé đựng thứ sữa mà người ta không cần phải bảo quản lạnh. Sau đó cô giơ ra một cái ly nhựa có cái muỗng nhựa ló lên. Có được mời ăn thịt của một con thú bị xe cán chết thì bà cũng không thể kinh ngạc hơn. Britt-Marie lắc đầu và lướt bàn tay trên mặt bàn như thể trên đó có nhiều vụn bánh vô hình. Giấy tờ nằm bừa bộn khắp nơi. Rõ ràng cô nhân viên không có thời gian để thu dọn chúng, Britt-Marie đã hiểu - cô quá bận với sự nghiệp của mình. - Được rồi. - Cô gái nói với giọng dễ chịu và hướng sự chú ý vào mẫu đơn trở lại. - Bác chỉ cần điền địa chỉ vào chỗ này. Britt-Marie nhìn xuống đùi. Bà nhớ ngôi nhà và cái ngăn kéo cất dao nĩa của mình. Bà nhớ Kent, vì ông luôn là người điền vào mọi biểu mẫu. Khi cô gái có vẻ như sắp nói tiếp, bà ngắt lời cô. - Cô đã quên đưa cho tôi cái đĩa lót tách. - Britt-Marie nói và mỉm cười với tất cả khả năng giao tế mà bà huy động được. - Tôi không muốn để lại vết bẩn trên bàn làm việc của cô. Phiền cô đưa tôi thứ gì đó để tôi đặt cái... tách cà phê lên, có được không? Britt-Marie dùng giọng điệu đặc biệt mà bà luôn dựa vào mỗi khi phải huy động toàn bộ sự tử tế trong lòng, để gọi nó là một cái “tách”, mặc dù nó là một cái ly nhựa. - Ồ, bác đừng lo, cứ đặt nó ở chỗ nào cũng được. Như thể cuộc sống đơn giản đến thế. Như thể việc sử dụng cái đĩa lót tách và sắp xếp ngăn kéo cất dao nĩa theo đúng thứ tự chẳng hề quan trọng. Cô gái - người rõ ràng không bận tâm đến giá trị của những cái đĩa lót tách, những cái tách tử tế, thậm chí cả những cái gương, căn cứ theo kiểu tóc của cô ta - tiếp tục gõ cây bút vào tờ giấy, bên cạnh mục “địa chỉ”. - Nhưng lẽ nào chúng ta lại đặt ly tách lên bàn? Nó sẽ để lại vết bẩn, cô thừa biết như thế mà. Cô gái liếc nhìn bề mặt của cái bàn trông như đã bị một đứa trẻ con trây trét khoai tây nghiền lên. Bằng một cái nĩa. Trây trét lung tung. - Có gì quan trọng đâu ạ, nó đã cũ kỹ và trầy xước sẵn rồi! - Cô gái mỉm cười đáp. Britt-Marie gào thét trong lòng. - Tôi không tin cô hiểu được chuyện đó là do cô đã không dùng đĩa lót tách. - Bà lẩm bẩm. Britt-Marie hoàn toàn không dùng lối nói “hung dữ thụ động” như chữ dùng của hai đứa con ông Kent, khi chúng nghĩ bà không nghe thấy. Thật ra bà không hung dữ thụ động. Bà là người chu đáo. Sau khi nghe thấy hai đứa nói mình là người hung dữ thụ động, Britt Marie đã trở nên “siêu chu đáo” trong suốt mấy tuần lễ liền. Cô nhân viên ở văn phòng giới thiệu việc làm tỏ ra hơi căng thẳng. - Được rồi... bác vừa nói tên bác là gì nhỉ? Britt, đúng không ạ? - Britt-Marie. Chỉ có chị tôi mới gọi tôi là Britt. - Dạ vâng, bác Britt-Marie, bác vui lòng điền vào mẫu đơn nhé. Britt-Marie ngó xuống tờ giấy đang đòi hỏi bà phải cam đoan về nơi bà sống và nhân thân của bà. Thời buổi này người ta phải đối phó với một số lượng phi lí các loại giấy tờ để được làm người. Một số lượng ngớ ngẩn các thủ tục hành chính để xã hội tiếp nhận một con người. Cuối cùng, bà miễn cưỡng điền tên, số bảo hiểm xã hội và số điện thoại di động. Dòng địa chỉ bị bỏ trống. - Chuyên môn được đào tạo của bác là gì vậy, Britt-Marie? Bà siết chặt cái túi xách. - Xin cam đoan với cô là việc học hành của tôi rất xuất sắc. - Nhưng không có chuyên môn ạ? - Nói cho cô biết nhá, tôi đã giải hàng đống ô chữ. Người không có học còn lâu mới làm được như thế. Bà nhấp một ngụm cà phê. Chẳng giống mùi vị cà phê của ông Kent chút nào. Kent pha cà phê rất ngon, mọi người đều công nhận điều đó. Bà phụ trách đĩa lót tách, còn ông lo pha cà phê. - Được rồi... Bác có kinh nghiệm gì rồi ạ? - Công việc gần đây nhất mà tôi làm là phục vụ bàn. Tôi được người ta rất tín nhiệm. Cô gái khấp khởi ra mặt. - Đó là năm nào vậy ạ? - 1978. - À... thế từ đó đến nay bác không làm việc ạ? - Tôi vẫn làm việc hàng ngày đó chứ. Tôi giúp đỡ chồng tôi với công ty của ông ấy. Cô gái lại khấp khởi hỏi tiếp: - Thế bác đảm trách công việc nào trong công ty đó? - Tôi chăm sóc con cái và lo liệu sao cho nhà cửa luôn tươm tất. Cô nhân viên mỉm cười để che giấu sự thất vọng, giống như người ta thường làm khi không thể phân biệt được “một nơi để sống” và “một tổ ấm”. Thật ra chính sự quan tâm mới tạo ra sự khác biệt. Bởi có quan tâm thì mới có đĩa lót tách, có những tách cà phê đàng hoàng, và cái giường được dọn phẳng phiu đến nỗi, như ông Kent thường nói đùa với bạn bè, nếu chẳng may bị vấp chân ở ngay ngưỡng cửa phòng ngủ, người ta sẽ “ít có nguy cơ bị gãy chân khi ngã xuống sàn hơn so với ngã vào giường”. Bà không thích ông nói như vậy. Người văn minh chắc chắn phải nhấc chân khi đi qua ngưỡng cửa phòng ngủ chứ? Mỗi khi hai ông bà đi vắng, bà rắc natri bicarbonate lên nệm hai mươi phút trước khi dọn giường. Còn được gọi là thuốc muối, nó có công dụng hấp thu chất bẩn và hơi ẩm, làm cho nệm sạch hơn. Nó gần như hữu ích trong mọi trường hợp, theo kinh nghiệm của Britt Marie. Ông Kent thường xuyên phàn nàn về sự chậm trễ, nhưng bà chỉ chấp tay trước bụng và đáp: “Em phải dọn xong giường trước khi chúng ta lên đường, Kent à. Thử tưởng tượng nếu chúng ta đột ngột qua đời thì sao!” Đây chính là lí do bà ghét đi du lịch. Chết. Ngay cả natri bicarbonate cũng vô tác dụng đối với cái chết. Kent cho rằng bà chỉ nói quá, nhưng người ta có thể chết bất cứ lúc nào khi không có nhà, và người chủ nhà sẽ nghĩ như thế nào nếu phải phá cửa ra vào để rồi trông thấy một tấm nệm bẩn thỉu? Chắc chắn người ta sẽ cho rằng hai ông bà là những kẻ ăn ở mất vệ sinh. Cô gái xem đồng hồ. - Thôi... được. - Cô nói. Bà Britt-Marie cảm thấy trong giọng điệu của cô có một chút chỉ trích. - Hai đứa con sinh đôi và một cái ban công. Việc có một cái ban công, nó hiệu quả hơn cô tưởng đấy. Cô gái ngập ngừng gật đầu. - Con cái bác bao nhiêu tuổi rồi ạ? - Chúng là con của ông Kent. Ba mươi. - Vậy là họ đã ra ở riêng rồi ạ? - Dĩ nhiên. - Còn bác đã sáu mươi ba tuổi? - Phải. - Bà Britt-Marie xẵng giọng, như thể đó là một chi tiết cực kỳ không liên quan. Cô gái hắng giọng như thể đó là một chi tiết rất liên quan. - Thế này, bác Britt-Marie ạ, nói thật lòng với bác, do khủng hoảng kinh tế, cháu... có một sự khan hiếm các công việc dành cho những người... ở vào hoàn cảnh của bác. Giọng điệu của cô gái nghe giống như cô ta không định kết thúc câu với cụm từ “hoàn cảnh của bác”. Britt-Marie mỉm cười một cách kiên nhẫn. - Ông Kent bảo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã trôi qua. Là một doanh nhân, Kent nắm rõ những thứ như thế, những thứ có lẽ hơi nằm ngoài tầm hiểu biết của cô. Cô nhân viên chớp mắt mất một lúc. Rồi cô xem giờ. Cô tỏ ra không thoải mái, và điều này làm bà Britt-Marie bực bội. Bà nhanh chóng quyết định tặng cho cô gái một lời khen để tỏ rõ thiện ý của mình. Bà nhìn quanh phòng, tìm kiếm một thứ gì đó để khen ngợi, và rốt cuộc cũng nói nên lời, với một nụ cười bao dung nhất mà mình có thể trưng ra: - Cô có một kiểu tóc rất hiện đại. - Sao ạ? Ồ, cảm ơn bác. - Cô gái đáp, mấy đầu ngón tay bất giác đưa lên da đầu. - Cô rất can đảm khi để kiểu tóc ngắn đến thế với một cái trán rộng như vậy. Tại sao cô ta tỏ ra bị xúc phạm như thế nhỉ, Britt-Marie tự hỏi. Rõ ràng đây là điều sẽ xảy ra khi cố kết thân với bọn trẻ thời bây giờ. Cô nhân viên đứng lên khỏi ghế. - Cảm ơn bác đã đến. Bác đã được ghi nhận trong hệ thống. Chúng ta sẽ liên lạc với nhau nhé! Cô gái đưa tay ra để bắt tay bà. Britt-Marie đứng dậy và đặt cái ly nhựa vào tay cô ta. - Bao giờ? - Ơ, chuyện đó hơi khó nói ạ. - Vậy thì tôi nghĩ mình nên ngồi đợi. - Britt-Marie đáp với một nụ cười nhã nhặn. - Cứ như thể tôi không có chuyện gì hay ho hơn để làm ấy nhỉ? Cô gái nuốt khan. - Dạ, đồng nghiệp của cháu sẽ liên hệ với bác để trao đổi về một khóa học dành cho người tìm việc, nó... - Tôi không cần học. Tôi cần việc làm. - Vâng ạ, nhưng rất khó để nói khi nào sẽ có việc... Bà Britt-Marie lấy từ trong túi ra một cuốn sổ tay. - Ngày mai được không? - Sao ạ? - Ngày mai có thể có gì đó được không? Cô gái hắng giọng. - Ơ, có thể, nhưng mà cháu... Bà Britt-Marie lấy ra một cây bút chì, liếc nó với ánh mắt không hài lòng, rồi nhìn cô gái. - Cảm phiền cô cho tôi mượn một cái đồ chuốt được không? - Đồ chuốt viết chì ấy ạ? - Cô nhân viên hỏi lại với giọng điệu như thể đó là một món đồ huyền bí hàng ngàn năm tuổi. - Tôi cần thêm cuộc gặp của chúng ta vào danh sách. Một số người không hiểu được giá trị của các danh sách, nhưng bà Britt-Marie khác họ. Bà có nhiều danh sách đến nỗi phải lập một bản liệt kê toàn bộ chúng. Nếu không thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bà có thể lăn đùng ra chết. Hoặc quên mất không mua natri bicarbonate. Cô nhân viên đưa cho Britt-Marie một cây bút bi và nói gì đó đại loại như: “Thực sự là cháu không rảnh ngày mai”, nhưng bà mải nhìn cây bút bi đến nỗi không nghe thấy câu nói đó. - Lẽ nào chúng ta có thể dùng mực để viết các danh sách? - Bà thốt lên. - Cháu chỉ có bút bi thôi ạ. Hôm nay cháu còn giúp gì được bác nữa không đây, Britt-Marie? - À. - Bà đáp sau vài giây. Britt-Marie thường nói như thế. “À” như trong “à há”, với một giọng điệu cực kỳ thất vọng. Giống như khi người ta thấy một cái khăn mặt ướt trên sàn phòng tắm. - À. - Ngay sau khi nói ra, Britt-Marie lập tức ngậm chặt miệng lại, để nhấn mạnh rằng đó là lời cuối cùng của bà về chủ đề này. Mặc dù hiếm khi nào đúng là như thế. Cô nhân viên ngần ngừ. Britt-Marie nắm chặt cây bút bi, làm như nó trơn nhẫy. Bà nhìn vào danh sách của thứ Ba trong cuốn sổ, rồi ở phía bên trên các mục “Dọn dẹp” và “Đi chợ”, bà thêm “Văn phòng giới thiệu việc làm liên hệ với tôi”. Đoạn bà trả lại cây bút. - Rất vui được gặp bác. - Cô gái nói như cái máy. - Chúng ta sẽ liên lạc sau nhé! - À. - Britt-Marie gật đầu. Britt-Marie rời văn phòng giới thiệu việc làm. Cô nhân viên rõ ràng đang cho rằng đây là lần cuối họ gặp nhau, bởi vì cô không biết bà tuân thủ các danh sách của mình đến thế nào. Cô ta hẳn nhiên chưa bao giờ nhìn thấy cái ban công của bà. Nó là một cái ban công tươm tất một cách vô cùng đáng kinh ngạc. Đang là tháng Giêng, không khí mùa đông giá lạnh nhưng dưới mặt đất không có tuyết. Nhiệt độ ẩm dù không có bất cứ biểu hiện nào chứng tỏ. Khoảng thời gian tồi tệ nhất trong năm đối với đám cây cối trên ban công. Sau khi rời văn phòng giới thiệu việc làm, Britt-Marie đi đến một siêu thị khác với siêu thị thường ngày của mình, nơi bà mua mọi thứ trong danh sách. Bà không thích đi chợ một mình, vì bà không thích đẩy cái xe đẩy hàng. Kent luôn là người đẩy nó, trong khi bà đi bên cạnh ông và bám vào một góc xe. Không phải vì bà muốn lèo lái, chỉ vì bà thích nắm vào những thứ mà Kent cũng đang nắm. Để có cảm giác rằng họ đang đi cùng nhau. Britt-Marie ăn tối lúc sáu giờ đúng. Bà đã từng thức cả đêm ngồi đợi Kent, nên bà cố đặt phần ăn của ông vào tủ lạnh. Nhưng cái tủ lạnh ở đây đầy ắp những chai rượu bé tí. Bà ngả người trên chiếc giường không phải của mình, trong khi vuốt ve ngón tay đeo nhẫn, một thói quen của bà những khi căng thẳng. Vài ngày trước đó bà còn đang ngồi trên chiếc giường của mình, xoay xoay chiếc nhẫn cưới sau khi đã làm sạch nệm một cách cực kỳ cẩn thận bằng natri bicarbonate. Giờ thì bà chỉ sờ soạng lằn da màu trắng nơi từng có cái nhẫn mà thôi. Nơi này có địa chỉ, nhưng chắc chắn nó không phải là một nơi để sống, cũng không phải một tổ ấm. Trên sàn là hai cái chậu nhựa để trồng cây ngoài ban công. Nhưng căn phòng khách sạn rẻ tiền này không có ban công. Britt-Marie cũng chẳng có ai để chờ đợi cả đêm. Nhưng bà vẫn đợi. HAI V ăn phòng giới thiệu việc làm mở cửa lúc 9 giờ đúng. Britt Marie đợi thêm hai phút trước khi bước vào, vì bà không muốn bị coi là một kẻ ngoan cố. - Hôm nay theo lịch cô phải liên hệ với tôi. - Bà thông báo với giọng điệu không hề cứng đầu một chút nào, ngay khi cô nhân viên mở cửa văn phòng. - Sao ạ? - Cô gái thốt lên, khuôn mặt trơ ra. Xung quanh cô là những người ăn mặc tương tự tay cầm ly nhựa. - Ừm, bác thấy đấy, chúng cháu sắp bắt đầu một cuộc họp. - Ồ, phải rồi. Chắc là nó quan trọng lắm? - Britt-Marie vừa nói vừa chỉnh lại một nếp gấp trên váy mà chỉ có bà thấy được. - Dạ, vâng ạ. - Còn tôi thì không quan trọng, dĩ nhiên rồi. Cô gái vặn vẹo người như thể bộ trang phục cô đang mặc bỗng nhiên thay đổi kích cỡ. - Bác ơi, hôm qua cháu đã nói là cháu sẽ liên hệ nếu có gì mới, cháu không nói là sẽ liên hệ hôm nay... - Nhưng tôi đã ghi nó vào danh sách. - Bà Britt-Marie cắt ngang và chỉ vào danh sách trong cuốn sổ của mình. - Nếu cô không nói thì tôi đã không ghi nó vào đây, cô nên hiểu như thế. Và cô đã khiến tôi phải ghi bằng mực! Cô gái hít một hơi thật sâu. - Bác ạ, cháu rất xin lỗi nếu như có sự hiểu nhầm ở đây, nhưng cháu phải quay lại cuộc họp. - Biết đâu các cô sẽ có nhiều thời gian để tìm việc làm cho người ta nếu như không họp suốt ngày? - Bà nhận xét trong lúc cô gái đóng cửa lại. Còn lại một mình trong hành lang, Britt-Marie trông thấy hai mẩu giấy được dán trên cánh cửa văn phòng, ngay phía dưới núm cửa. Khoảng tầm tay của một đứa trẻ. Cả hai có hình vẽ quả bóng đá trên đó. Chúng khiến bà nhớ đến Kent, bởi vì ông rất yêu bóng đá. Kent yêu bóng đá hơn tất cả những thứ khác trong đời, thậm chí còn hơn cả việc khoe khoang với mọi người về giá trị những món đồ mình sắm được. Khi các giải đấu lớn diễn ra, phụ trương ô chữ được thay bằng bản tin bóng đá, và đó là lúc có cạy miệng Kent cũng khó mà làm ông lên tiếng được. Nếu Britt-Marie hỏi ông muốn ăn gì, Kent sẽ lẩm bẩm rằng chuyện đó không quan trọng, trong khi mắt vẫn dán chặt vào trang báo. Britt-Marie không bao giờ tha thứ cho bóng đá vì chuyện đó. Vì nó đã kéo Kent ra khỏi bà, và tước mất phụ trương ô chữ của bà. Britt-Marie chà xát lằn da màu trắng ở ngón tay đeo nhẫn. Bà còn nhớ lần cuối cùng tờ báo buổi sáng thay thế ô chữ bằng bản tin bóng đá, bởi bà đã đọc tới đọc lui nó bốn lần với hi vọng tìm được một ô chữ nho nhỏ nằm kín đáo đâu đó. Bà đã không tìm thấy ô chữ, nhưng đọc được một bài báo về cái chết của một phụ nữ bằng tuổi mình. Và không thể xóa nó khỏi đầu. Theo bài báo thì người phụ nữ đã qua đời vài tuần lễ trước khi được phát hiện nhờ hàng xóm báo cảnh sát về mùi hôi bốc ra từ căn hộ của bà ta. Britt-Marie cứ nghĩ mãi về bài báo đó, về sự rầy rà khi hàng xóm láng giềng bắt đầu phàn nàn vì mùi hôi thối. Nguyên nhân cái chết được cho là “tự nhiên”, theo bài báo. Một người hàng xóm thuật lại rằng “bữa tối của bà ta vẫn còn nguyên trên bàn khi người chủ nhà bước vào bên trong căn hộ”. Britt-Marie đã hỏi Kent xem ông nghĩ người phụ nữ đó đã ăn gì. Bà thấy thật khủng khiếp khi lăn đùng ra chết ngay giữa bữa ăn của mình, làm như thức ăn quá dở vậy. Kent chỉ làu bàu đáp rằng chuyện đó không quan trọng và bật to âm lượng của chiếc tivi. Bà đã nhặt cái áo của ông dưới sàn nhà và bỏ nó vào máy giặt, như thường lệ. Rồi bà cho máy giặt chạy, và cất chiếc máy cạo râu vào trong phòng tắm. Kent cứ khăng khăng cho rằng bà đã “giấu” máy cạo râu của ông, nhưng không phải thế. Bà chỉ cất nó đi thôi. Khác biệt nằm ở chỗ đó. Có lúc bà cất nó vì cần phải làm như thế, nhưng cũng có những lúc chỉ vì bà muốn được nghe Kent réo tên mình vào buổi sáng. Khoảng nửa tiếng sau, cửa văn phòng bật mở. Mọi người đi ra ngoài. Cô nhân viên mỉm cười và chào tạm biệt mọi người một cách nhiệt tình, cho tới khi trông thấy Britt-Marie. - Ơ... bác vẫn ở đây à! Như cháu đã nói, cháu rất xin lỗi bác vì không có thời gian để... Britt-Marie đứng dậy và phủi vài vụn bánh vô hình bám trên váy. - Theo như tôi thấy thì, cô thích bóng đá. - Bà hất hàm về phía hai mẩu giấy đính trên cửa. Khuôn mặt cô gái sáng rỡ. - Vâng ạ. Bác cũng thích ạ? - Hoàn toàn không. - Dạ... Cô nhân viên hết nhìn đồng hồ đeo tay rồi lại nhìn một cái đồng hồ treo trên tường. Rô ràng cô ta đang muốn tống khứ bà ra khỏi đây, thế nên Britt-Marie mỉm cười một cách kiên nhẫn và quyết định nói một câu gì đó dễ nghe. - Hôm nay cô để kiểu tóc khác. - Sao ạ? - Khác kiểu hôm qua. Nó... hiện đại, tôi thấy thế. - Gì cơ ạ, kiểu tóc ấy ạ? - Không cần phải căng lên như thế. - Bà nói thêm. - Tôi nói vậy thôi chứ nó không có gì sai cả. Thật ra nó trông rất tiện lợi. Thật sự mà nói thì nó ngắn cũn cỡn và tua tủa, giống như khi ai đó phun nước cam vào một tấm thảm san hô. Kent luôn làm đổ món vodka pha nước cam trong khi xem bóng đá, cho đến cái ngày mà bà quyết định rằng như thế là quá đủ và cất tấm thảm vào trong phòng dành cho khách. Đã mười ba năm trôi qua, nhưng bà vẫn thường xuyên nghĩ tới chuyện đó. Những tấm thảm và những ký ức của Britt-Marie khá tương đồng với nhau ở chỗ chúng rất khó gột rửa. Cô gái hắng giọng. - Bác này, cháu cũng muốn trò chuyện thêm, nhưng như cháu đã nói, bây giờ cháu không có thời gian. - Khi nào thì cô có thời gian? - Britt-Marie hỏi lại và rút cuốn sổ tay của mình ra. - Ba giờ chiều đượckhông? - Hôm nay cháu kín lịch rồi ạ. - Bốn hoặc năm giờ chiều cũng có thể được. - Britt-Marie đề nghị với bản thân mình hơn là với cô gái. - Chúng cháu đóng cửa lúc năm giờ chiều. - Vậy thì năm giờ chiều đi. - Sao ạ? Không được, chúng cháu đóng cửa lúc năm gi... - Chúng ta không thể gặp nhau sau năm giờ được. - Britt-Marie phản đối. - Sao ạ? Britt-Marie mỉm cười một cách vô cùng kiên nhẫn. - Tôi không muốn làm phức tạp chuyện này. Không hề. Nhưng thưa cô, những người văn minh dùng bữa tối vào lúc sáu giờ chiều, do đó bất cứ cuộc hẹn nào sau năm giờ cũng bị xem là muộn, cô có đồng ý không? Hay cô định nói là chúng ta nên bàn bạc công việc trong lúc ăn tối? - Không... ý cháu là... Mà sao ạ? - Này nhé, trong trường hợp đó cô nên cố gắng không muộn giờ. Để món khoai tây nghiền không bị nguội lạnh. Nói đoạn bà viết vào danh sách của mình: “18 giờ. Ăn tối.” Cô gái gọi với theo sau lưng Britt-Marie nhưng bà đã bỏ đi, bởi vì bà không có thời gian để đứng bàn cãi chuyện đó cả ngày. Đ BA ã 16 giờ 55 phút. Britt-Marie đứng đợi một mình trên phố phía ngoài văn phòng giới thiệu việc làm, bởi vì nếu xuất hiện quá sớm so với giờ hẹn thì sẽ không được lịch sự. Cơn gió làm mái tóc bà bay nhè nhẹ. Bà nhớ cái ban công của mình ghê gớm, nội việc nghĩ đến nó thôi cũng làm bà đau đớn - bà phải nhắm mắt lại, chặt đến nỗi hai thái dương nhức nhối. Bà thường làm chuyện này chuyện kia trên ban công trong những đêm thức chờ Kent. Ông luôn bảo bà đừng chờ cửa. Nhưng bà luôn luôn làm điều đó. Bà thường nhận ra chiếc xe hơi của Kent từ trên ban công, và lúc ông bước vào nhà thì bữa ăn của ông đã nóng sốt sẵn sàng trên bàn. Sau khi ông ngủ thiếp đi trên chiếc giường của họ, bà nhặt cái áo sơ mi của ông vứt dưới sàn phòng ngủ và bỏ nó vào trong máy giặt. Nếu cổ áo bị bẩn, bà sẽ vò qua nó với giấm và natri bicarbonate. Sáng hôm sau, bà sẽ dậy sớm, chải đầu tóc và dọn dẹp nhà bếp, rắc natri bicarbonate vào các chậu hoa ngoài ban công và lau chùi tất cả các cửa sổ trong căn hộ với Faxin. Faxin là thương hiệu chất tẩy rửa kính cửa sổ ưa thích của bà Britt-Marie. Thậm chí nó còn tốt hơn cả natri bicarbonate. Bà cảm thấy mình chưa là một con người hoàn chỉnh khi chưa có một chai Faxin trong tay. Thiếu nó ư? Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong trường hợp đó. Thế nên bà đã thêm “Faxin” vào danh sách mua hàng chiều nay (bà đã nghĩ đến việc thêm một dấu chấm than vào phía sau để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, nhưng rồi kìm lại được). Sau đó bà đi đến siêu thị mà mình không thường đến, nơi chẳng có thứ gì được sắp xếp như bình thường cả. Bà hỏi một cậu trai làm việc ở đó xem Faxin được bày ở đâu. Cậu ta thậm chí không biết nó là cái gì. Khi Britt-Marie giải thích rằng đó là một thương hiệu chất làm sạch kính cửa sổ, cậu ta chỉ nhún vai và đề nghị một thương hiệu khác. Đến đây thì bà điên tiết đến nỗi rút ngay cái danh sách mua hàng ra và thêm vào đó một dấu chấm than. Đã vậy, cái xe đẩy mua hàng còn chọc tức Britt-Marie khi cán qua bàn chân bà. Britt-Marie nhắm mắt lại, hóp má và nhớ đến Kent. Bà tìm thấy một ít cá hồi giảm giá, mua vài thứ rau quả và khoai tây. Ở kệ “văn phòng phẩm”, bà lấy một cây bút chì, hai cái đồ chuốt và bỏ chúng vào xe đẩy. “Bà có thẻ thành viên không ạ?” Một cậu trai trẻ đã hỏi Britt-Marie khi bà tiến đến quầy tính tiền. “Để làm gì?” Bà hỏi lại với giọng nghi ngờ. “Cá hồi chỉ giảm giá cho người có thẻ thành viên thôi ạ.” Britt-Marie mỉm cười một cách kiên nhẫn. “Tôi không hay đi mua sắm ở siêu thị này, cậu thấy đấy. Ở siêu thị quen của tôi thì chồng tôi có làm thẻ thành viên.” Cậu thanh niên giơ ra một tờ bướm. “Bà có thể đăng ký làm thẻ, chỉ mất có vài giây thôi ạ. Bà chỉ cần điền tên và địa chỉ vào đây...” “Không đời nào,” Britt-Marie đáp luôn. Cái gì cũng phải có giới hạn chứ? Không lẽ người ta cứ phải khai tên tuổi và địa chỉ như một nghi phạm khủng bố chỉ để mua một chút cá hồi hay sao? “Dạ, nếu vậy thì bà phải mua chỗ cá hồi này nguyên giá.” “A.” Cậu thanh niên có vẻ hoang mang. “Bà ơi, nếu bà không đem theo đủ tiền thì cháu...” Britt-Marie trừng mắt nhìn cậu ta. Bà muốn cất cao giọng, nhưng mấy cái sợi dây thanh quản không chịu hợp tác. “Dạ thưa cậu, tôi có tiền. Rất nhiều tiền là đằng khác.” Britt-Marie muốn hét lên và dằn mạnh cái ví xuống bàn thu ngân, nhưng giọng nói của bà giống như một lời thì thầm, và cử chỉ của bà giống như một cái đập khẽ. Cậu thu ngân nhún vai và nhận tiền. Britt-Marie muốn nói cho cậu ta biết chồng bà là một doanh nhân, và bà hoàn toàn đủ khả năng để mua cá hồi nguyên giá. Nhưng cậu ta đã bắt đầu phục vụ người khách hàng kế tiếp. Như thể bà chẳng là cái đinh gì. Đúng 17 giờ, Britt-Marie gõ cửa văn phòng. Khi cô gái ra mở cửa, cô đã mặc áo khoác sẵn. - Cô định đi đâu thế? - Britt-Marie hỏi. Cô nhân viên hình như đã nhận thấy một chút đe dọa trọng giọng điệu của bà. - Cháu... dạ... đã đến giờ đóng cửa ạ... như cháu đã nói với bác, cháu không... - Thế cô sẽ quay lại chứ? Tôi phải đợi cô bao lâu đây? - Sao ạ? - Tôi muốn biết khi nào tôi nên nấu món khoai nghiền. Cô gái đưa tay giụi mắt. - À, vâng, đúng rồi. Cháu rất xin lỗi bác. Nhưng như cháu đã cố gắng nói với bác, cháu không có thời... - Mấy cái này tôi mua cho cô đây. - Bà Britt-Marie đưa cây bút chì cho cô gái. Khi cô gái nhận lấy nó với vẻ mặt khá hoang mang, bà đưa tiếp hai cái đồ chuốt viết chì, một màu xanh và một màu hồng. Bà hất hàm về phía chúng, rồi ngước nhìn kiểu đầu nam tính của cô. - Cô biết đấy, thời buổi này thật khó mà xác định được đâu là đâu, thế nên tôi mua cả hai màu cho chắc. Cô gái dường như không hiểu lắm. - C... cảm ơn bác. - Bây giờ thì tôi muốn được cô chỉ chỗ nhà bếp, nếu cô không phiền, vì nếu không thì tôi sẽ không có thời gian để kịp làm món khoai tây. Cô gái trông như sắp sửa thốt lên: “Bếp á?” nhưng kịp kìm lại ở giây cuối cùng và, giống như một đứa trẻ ở trong bồn tắm, có vẻ như cô ta đã hiểu rằng phản đối sẽ chỉ làm kéo dài tình cảnh hiện tại, khiến nó càng cực hình thêm. Cô đầu hàng, chỉ tay về phía góc bếp của nhân viên và cầm lấy túi thực phẩm từ tay bà Britt-Marie. Hai người nối gót nhau đi trên hành lang. Britt-Marie quyết định ghi nhận tính văn minh của cô gái bằng một lời khen tặng. - Cái áo khoác của cô đẹp đấy. - Bà nói sau khi ngẫm nghĩ một lúc. Bàn tay cô gái kinh ngạc lướt nhẹ trên lớp vải áo. - Cảm ơn bác! - Cô mỉm cười thành thật trong lúc mở cửa bếp. - Cô thật can đảm khi diện màu đỏ vào thời gian này trong năm. Dụng cụ nấu bếp để ở đâu nhỉ? Với sự kiên nhẫn đã tụt giảm mất một chút, cô gái mở một ngăn kéo. Một nửa ngăn là các dụng cụ làm bếp. Nửa kia có một cái khay nhựa cất dao nĩa ăn. Một khay duy nhất. Nĩa, dao, muỗng. Nằm lẫn lộn. Sự khó chịu của cô gái chuyển thành mối lo lắng chân thành. - Bác có... sao không? - Cô hỏi. Britt-Marie phải tiến đến chỗ một cái ghế để ngồi xuống. Nom bà như sắp ngất. - Mọi rợ. - Bà thì thào, răng cắn chặt mặt trong của má. Cô gái buông mình xuống chiếc ghế đối diện, bối rối ra mặt. Ánh mắt cô tập trung vào bàn tay trái của bà Britt-Marie. Mấy đầu ngón tay của bà đang căng thẳng chà xát lằn da màu trắng tựa hồ nó là một vết sẹo đoạn chi. Khi nhận ra cô gái đang quan sát, bà giấu bàn tay bên dưới cái túi xách, như thể vừa bắt gặp một người nhìn trộm mình trong lúc tắm. Thật rón rén, cô nhân viên nhướng mày. - Cháu xin phép hỏi bác câu này... xin lỗi bác... nhưng... thật ra bác đang làm gì ở đây vậy? - Tôi muốn có một công việc. - Britt-Marie đáp và lục lọi tìm cái khăn tay trong túi xách để có thể lau bàn. Cô gái ngọ nguậy người trong một nỗ lực lúng túng tìm một tư thế thoải mái. - Cháu nói thế này mong bác bỏ quá cho. Bác đã không làm việc trong bốn mươi năm qua. Tại sao bây giờ chuyện đó lại quan trọng đến thế? - Tôi có làm việc trong bốn mươi năm qua. Tôi quán xuyến nhà cửa. Chính vì thế nên bây giờ nó rất quan trọng. - Britt-Marie đáp, tay phủi vài mẩu bánh tưởng tượng khỏi mặt bàn. Thấy cô gái không đáp, bà nói thêm: - Cô biết đấy, tôi đã đọc trên báo về một phụ nữ nằm chết trong căn hộ của mình vài tuần lễ. Họ bảo bà ta chết do nguyên nhân tự nhiên. Bữa tối của bà ta vẫn còn nguyên trên bàn. Thật ra như thế không tự nhiên chút nào. Không ai biết bà ta qua đời cho đến khi hàng xóm ngửi thấy mùi thối. Cô gái bối rối nghịch tóc. - Vậy là... bác... muốn có một công việc, để... Britt-Marie thở hắt ra với một sự kiên nhẫn vô cùng lớn. - Bà ta thất nghiệp và không có chồng con. Không ai biết bà ta sống ở đó. Nếu bà ta có một công việc thì người khác đã để ý khi bà ta không đi làm. Cô gái, người vẫn đang phải làm việc sau khi ngày làm việc của mình đã kết thúc, ngồi đó hồi lâu, mắt nhìn người phụ nữ đang giữ mình ở lại. Britt-Marie ngồi thẳng lưng giống như những lần ngồi trên ban công đợi Kent. Bà không muốn lên giường khi ông vắng nhà, vì bà không muốn đi ngủ trừ phi có người biết bà ở đó. Bà hóp má, tay chà xát lằn da màu trắng. - À. Cô nghĩ chuyện này thật lố bịch, rõ ràng là thế. Tôi biết đối thoại không phải là thế mạnh của mình. Chồng tôi bảo tôi là người giao tiếp kém. Câu nói cuối cùng bật ra nhỏ hơn hẳn. Cô gái nuốt khan và hất hàm chỉ ngón tay không còn đeo nhẫn của bà Britt-Marie. - Chuyện gì đã xảy ra với chồng của bác ạ? - Ông ấy bị đau tim. - Cháu rất tiếc. Cháu không biết bác trai đã qua đời. - Ông ta không chết. - Ơ, cháu... Britt-Marie đứng dậy để chặn đứng câu nói của cô gái và bắt đầu sắp xếp lại ngăn kéo cất dao nĩa, như thể nó vừa gây ra một tội ác. - Tôi không dùng nước hoa, nên tôi luôn nhắc ông ta bỏ áo sơ mi vào máy giặt ngay khi về đến nhà. Ông ta không bao giờ làm theo. Lại còn ca cẩm là máy giặt quá ồn ào vào ban đêm. Bà đột ngột ngừng lời và liếc mắt quở trách nhanh cái bếp vì tội không xoay nút đúng chiều. Nó có vẻ xấu hổ. Britt-Marie gật đầu và nói tiếp: - Cô bồ của ông ta đã gọi cho tôi sau khi ông ta lên cơn đau tim. Cô nhân viên đứng lên định giúp một tay, nhưng lại rón rén ngồi xuống khi bà Britt-Marie lấy từ ngăn kéo ra một con dao lọc xương. - Hồi mấy đứa con của Kent còn nhỏ và mỗi hai tuần lại đến ở với chúng tôi, tôi đã đọc truyện cho chúng nghe như một thói quen. Câu chuyện ưa thích của tôi là “Người thợ may”. Đó là một câu chuyện cổ tích, như cô đã biết. Bọn trẻ muốn tôi tự bịa chuyện để kể, nhưng tôi thấy chẳng việc gì phải làm thế khi đã có những câu chuyện quá tuyệt vời được viết ra bởi những cây bút chuyên nghiệp. Kent bảo chẳng qua tôi không có óc tưởng tượng, nhưng thật ra óc tưởng tượng của tôi rất tốt. Cô gái không đáp. Britt-Marie cài đặt nhiệt độ lò nướng. Bà đặt cá hồi vào một cái đĩa nướng, rồi đứng yên tại chỗ. - Phải có óc tưởng tượng cực tốt thì người ta mới giả vờ không biết gì hết năm này sang năm nọ, mặc dù luôn giặt áo cho chồng và bản thân mình không hề sử dụng nước hoa. - Bà nói khẽ. Cô gái lại đứng dậy. Cô lúng túng đặt tay lên vai bà Britt-Marie. - Cháu... rất tiếc, cháu... Cô ngừng lời dù không bị cắt ngang. Bà Britt-Marie chắp tay lại trước bụng và nhìn vào trong lò nướng. - Tôi muốn có một công việc, vì tôi không nghĩ làm phiền hàng xóm bằng mùi hôi thối là một điều tích cực. Tôi muốn có người biết tôi sống ở đó. Cả hai người không nói gì thêm. Khi món cá hồi đã chín, họ ngồi vào bàn và dùng bữa mà không nhìn nhau. - Cô ta rất đẹp. Trẻ nữa. Tôi không trách ông ta, thật đấy. - Một lúc lâu sau bà nói. - Có thể đó chỉ là một con đào mỏ. - Cô gái phỏng đoán. - Chữ đó nghĩa là gì vậy? - Britt-Marie hỏi lại với vẻ mặt không mấy thoải mái. - Nó có nghĩa là... ý cháu là... nghĩa rất xấu. Britt-Marie lại nhìn xuống đĩa ăn của mình. - À. Cô thật tử tế. Bà cảm thấy mình nên nói gì đó đáp lại, nên theo một cách rất miễn cưỡng, bà nói: - Cô... tóc cô hôm nay đẹp lắm. Cô gái mỉm cười. - Cảm ơn bác! Britt-Marie gật đầu. - Hôm nay trán cô không bị lộ ra nhiều như hôm qua. Cô gái gãi trán, ngay dưới phần tóc mái. Britt-Marie nhìn xuống cái đĩa ăn và cố cưỡng lại bản năng thúc đẩy mình để dành một phần cho Kent. Cô gái nói gì đó. Bà ngẩng lên và nói khẽ: - Cháu nói gì? - Nó rất tuyệt, bữa ăn tối nay. - Cô đáp. Mặc dù Britt-Marie không hề hỏi chuyện đó. BỐN T hế là Britt-Marie có một công việc, ở một nơi có tên là Borg. Hai ngày sau khi đãi cô nhân viên văn phòng giới thiệu việc làm món cá hồi, đó là điểm đến của bà Britt-Marie cùng với chiếc xe hơi. Bây giờ chúng ta sẽ nói qua một chút về Borg. Borg là một cộng đồng dân cư nằm dọc theo một con đường cái. Đó quả thực là điều tốt đẹp nhất mà người ta có thể nói về nó. Không thể nói rằng nó là một nơi “có một không hai”, mà phải nói rằng nó “chỉ là một trong hàng triệu nơi chốn tầm thường”. Nó có một sân bóng đã bị đóng cửa, một trường học đã đóng cửa, một nhà thuốc đã đóng cửa, một tiệm rượu đã đóng cửa, một trung tâm y tế đã đóng cửa, một siêu thị đã đóng cửa, một trung tâm mua sắm đã đóng cửa, và một con đường cái chạy về hai hướng. Đúng là ở đó có một nhà văn hóa chưa bị đóng cửa, nhưng chỉ vì người ta chưa có thời gian để đóng cửa nó. Việc xóa sổ một cộng đồng dân cư tốn khá nhiều thời gian, rõ ràng là thế, và nhà văn hóa phải chờ đến lượt của nó. Ngoài chuyện đó ra thì hai thứ duy nhất đáng chú ý ở Borg là bóng đá và tiệm pizza, bởi vì có khả năng chúng là nhũng thứ cuối cùng rời bỏ nhân loại. Sự tiếp xúc đầu tiên của bà Britt-Marie với tiệm pizza và nhà văn hóa vào cái ngày tháng Giêng ấy diễn ra khi bà dừng chiếc xe hơi màu trắng của mình ở điểm nằm giữa chúng. Cú chạm bóng đầu tiên của bà là khi bị quả bóng đập rất, rất mạnh vào đầu. Nó diễn ra ngay sau khi chiếc xe của bà bị nổ. Có thể nói rằng ấn tượng đầu tiên về nhau của Borg và Britt Marie không được tích cực cho lắm. Nếu muốn nói theo cách mô phạm thì vụ nổ xảy ra trong lúc bà Britt-Marie đang rẽ vào bãi đậu xe. Phía bên ghế phụ lái. Bà rất chắc chắn về điều đó, và nếu phải mô tả âm thanh đó thì bà sẽ nói là nó hơi giống một tiếng “bùm”. Đương nhiên là bà rất hoảng hốt và bỏ cả chân côn lẫn chân phanh trong lúc chiếc xe kêu phành phạch một cách đáng sợ. Sau vài đường đánh võng cực kỳ ngoạn mục trên những vũng bùn đông cứng của tháng Giêng, chiếc xe dừng lại phía bên ngoài một tòa nhà có gắn tấm bảng hiệu đã hư hỏng một phần, những cái bóng đèn huỳnh quang trên đó ghép lại thành chữ “PIZZA”. Britt-Marie kinh hoàng nhảy ra khỏi xe, tưởng nó có thể bốc cháy bất kỳ lúc nào. Nhưng chuyện ấy không xảy ra. Bà đứng trơ trọi một mình giữa bãi đậu xe, vây quanh bởi một sự thinh lặng chỉ có thể tồn tại ở những nơi khỉ ho cò gáy. Một nét chấm phá khó chịu. Bà chỉnh lại chiếc váy và nắm cái túi xách chặt hơn. Một quả bóng đá hờ hững lăn trên lớp đá dăm, xa khỏi chiếc xe của Britt-Marie và hướng tới cái nơi mà bà đoán là nhà văn hóa. Một lúc sau, một tiếng thình vang lên. Quyết không để bị phân tán tư tưởng khỏi nhiệm vụ trong tay, bà lôi từ trong túi xách ra một danh sách. Dòng đầu tiên của nó là “Lái xe tới Borg”. Bà đánh dấu kiểm bên cạnh nó. Dòng thứ hai trong danh sách là “Đi lấy chìa khóa ở bưu điện”. Britt-Marie lấy ra chiếc điện thoại di động được ông Kent đưa cho hồi năm năm trước. Đây là lần đầu tiên bà sử dụng nó. - Alô. - Cô nhân viên ở văn phòng giới thiệu việc làm lên tiếng. - Bây giờ mọi người đều nói như thế khi trả lời điện thoại à? - Sao ạ? - Cô gái hỏi lại. Trong vài giây dễ chịu ngắn ngủi, cô gái không nhận ra việc bà Britt-Marie rời khỏi văn phòng giới thiệu việc làm không đồng nghĩa rằng bà cũng biến khỏi cuộc đời cô. - Tôi đang ở Borg đây rồi. Nhưng ai đó đang gây ồn ào kinh khủng, còn xe hơi của tôi thì bị nổ tung. Còn bao xa mới đến được bưu điện? - Britt-Marie, có phải bác đấy không? - Tôi gần như không nghe được cô nói gì. - Bác vừa nói là “nổ tung” á? Bác có việc gì không? - Tất nhiên là không! Nhưng còn cái xe thì sao? - Cháu không biết gì về xe cộ đâu ạ. - Cô gái nói. Bà Britt-Marie thở dài kiên nhẫn. - Cô đã nói là tôi nên gọi cho cô nếu có bất kỳ thắc mắc nào. - Bà nhắc cô gái. Britt-Marie cảm thấy thật phi lí khi đòi hỏi bà phải biết mọi thứ về xe cộ. Bà chỉ lái xe có vài lần kể từ sau khi lấy chồng - bà không bao giờ đi đâu bằng xe hơi trừ phi Kent đi cùng, và ông ta là một người lái xe rất cừ. - Ý cháu nói là những thắc mắc liên quan đến công việc. - À. Đó là thứ quan trọng duy nhất, dĩ nhiên rồi. Sự nghiệp. Nếu tôi mất mạng trong một vụ nổ thì cũng không quan trọng. - Britt- Marie nói. - Thậm chí như thế còn tốt hơn. Cô sẽ có một chỗ khuyết dành cho một ứng viên khác. - Bác ơi... - Tôi gần như không nghe được cô nói gì! - Britt-Marie nói và cúp máy. Đoạn bà đứng đó, một mình, hóp má lại. Có thứ gì đó đang đập thình thình ở phía bên kia nhà văn hóa. Tòa nhà vẫn còn tồn tại chỉ vì đã có quá nhiều thứ khác cần được lên lịch đóng cửa tại cuộc họp các ủy viên hội đồng vào tháng Mười hai vừa qua. Đại diện chính quyền địa phương lo rằng nó có thể cản trở buổi tiệc Giáng sinh hàng năm của họ. Do tầm quan trọng của buổi tiệc, việc đóng cửa được hoãn cho đến cuối tháng Một, sau kỳ nghỉ của các ủy viên hội đồng địa phương. Rõ ràng nhân viên truyền thông của chính quyền địa phương nên chịu trách nhiệm thông báo điều này với phòng nhân sự, nhưng đáng tiếc là anh ta đã đi nghỉ và quên mất việc đó. Kết quả là khi phòng nhân sự phát hiện ra chính quyền địa phương có một tòa nhà không người cai quản, một vị trí trông giữ nhà văn hóa đã được thông báo cho văn phòng giới thiệu việc làm vào đầu tháng Một. Đầu đuôi chuyện này là như thế. Dù sao thì công việc đó không chỉ được trả công cực kỳ tệ bạc, mà còn mang tính tạm thời và phụ thuộc vào quyết định đóng cửa nhà văn hóa, điều sẽ được đem ra bàn bạc tại cuộc họp của các ủy viên hội đồng sau ba tuần lễ nữa. Nhưng trên hết, nó nằm ở Borg, cái nhà văn hóa đó. Số lượng ứng viên cho vị trí trông giữ nó vì thế khá là ít ỏi. Tình cờ làm sao, cô nhân viên ở văn phòng giới thiệu việc làm, người rất miễn cưỡng dùng món cá hồi cùng với bà Britt-Marie mới ngày hôm kia, đã hứa với bà rằng mình sẽ tìm cho bà một công việc. Sáng hôm sau, khi Britt-Marie gõ cửa văn phòng của cô gái lúc 9 giờ 2 phút để nghe ngóng tình hình, cô gõ máy tính một hồi và nói: “Có một công việc đây ạ. Nhưng nó ở một nơi khỉ ho cò gáy và được trả lương bèo đến nỗi nếu bác đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bác sẽ lỗ đấy.” “Tôi chẳng dính dáng gì tới trợ cấp cả,” Britt-Marie đáp như thể trợ cấp là một căn bệnh. Cô gái thở dài lần nữa và cố nói về “những khóa đào tạo lại”, cũng như những “phương tiện” mà Britt-Marie có đủ điều kiện để được hưởng, nhưng bà cương quyết cho rằng mình không cần những thứ đó. “Bác ơi, công việc này chỉ kéo dài có ba tuần lễ, nó thực sự không phải là thứ mà bác muốn ứng tuyển ở tuổi... của bác... hơn nữa, bác phải đi cả một đoạn đường dài để tới đó...” Giờ thì Britt-Marie đã ở Borg và chiếc xe của bà vừa bị nổ. Thật khó mà nói rằng đây là ngày làm việc đầu tiên mỹ mãn. Bà gọi lại cho cô gái ba phút sau khi chiếc xe bị nổ. - Tôi có thể tìm thấy các dụng cụ quét dọn ở đâu? - Bà hỏi. - Sao ạ? - Cô đã nói là tôi nên gọi cho cô nếu có bất kỳ thắc mắc nào về công việc. Cô gái lẩm bẩm gì đó không rõ. Giọng nói của cô nghe giống như vọng ra từ trong một cái lon thiếc. - Bây giờ cô nghe tôi nói đây. Tôi đang dự định tìm đến cái bưu điện mà cô đã đề cập để lấy chìa khóa mở cửa nhà văn hóa, nhưng tôi sẽ không đặt chân vào trong đó cho đến khi cô cho tôi biết các dụng cụ quét dọn nằm ở đâu... Một lần nữa Britt-Marie lại bị cắt ngang bởi quả bóng lăn trên bãi đậu xe. Bà không thích chuyện này. Không phải vì bà ghét quả bóng, chỉ là bà ghét mọi quả bóng đá. Không có định kiến gì ở đây. Hai đứa bé đang đuổi theo quả bóng. Chúng bẩn thỉu khủng khiếp, cả ba đứa - tính luôn quả bóng. Quần jeans của bọn trẻ rách tưa ở đùi. Chúng bắt kịp quả bóng, đá nó về hướng ngược lại và một lần nữa biến ra phía sau nhà văn hóa. Một trong hai đứa mất thăng bằng và tì tay lên cửa sổ, để lại một dấu tay đen đúa trên đó. - Có chuyện gì vậy? - Cô gái hỏi. - Giờ này đáng lẽ bọn trẻ phải ở trường chứ nhỉ!- Britt-Marie thốt lên, và tự nhắc thầm mình thêm một dấu chấm than bên cạnh mục “Faxin” trong danh sách. Nếu như cái chốn này có một siêu thị. - Sao ạ? - Cô gái ơi, cô cần phải chấm dứt việc cứ mở miệng ra là “Sao ạ” suốt. Nó khiến cho cô có vẻ bất tài đấy. - Sao ạ? - Ở đây có BỌN TRẺ CON! - Vâng, nhưng bác Britt-Marie này, cháu hoàn toàn không biết gì về Borg. Cháu chưa bao giờ đến đó cả. Và cháu không nghe được bác nói gì... Cháu nghĩ là... Bác có chắc là đang cầm điện thoại đúng chiều không đấy? Bà Britt-Marie nhìn cái điện thoại một cách cẩn thận. Rồi bà xoay nó lại. - À. - Bà nói vào khe micro, như thể lỗi thuộc về người ở đầu dây bên kia. - Được rồi, cuối cùng cháu cũng nghe thấy. - Cô gái nói với giọng khích lệ. - Tôi chưa bao giờ dùng cái điện thoại này. Không phải ai cũng dành cả ngày ngồi nói chuyện với cái điện thoại của mình, cô hiểu cho. - Ô, bác đừng lo. Cháu cũng y như bác khi sử dụng một cái điện thoại mới thôi ạ. - Tôi có lo gì đâu! Với lại đây không phải là một cái điện thoại mới, nó đã được năm tuổi rồi. - Britt-Marie chỉnh lại. - Trước đây tôi chẳng bao giờ cần đến nó. Tôi có nhiều việc khác để lo, cô thấy đấy. Tôi không gọi cho bất kỳ ai ngoại trừ Kent, và những khi gọi cho Kent tôi chỉ dùng điện thoại bàn, như những người văn minh. - Thế nếu lúc đó bác không ở nhà thì sao ạ? - Cô gái hỏi lại, quả tình cô không hiểu được thế giới này sẽ như thế nào nếu như người ta không thể liên lạc với nhau vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. - Cô gái ơi. - Britt-Marie kiên nhẫn giải thích. - Nếu đi đâu đó thì tôi chỉ đi với Kent. Có lẽ bà định nói thêm gì đó, nhưng đúng lúc đó, bà trông thấy một con chuột cống to ngang ngửa một cái chậu hoa nhỡ lao vút qua những mảng băng của bãi đậu xe. Sau này ngẫm lại, Britt Marie dám chắc bà đã muốn hét lên thật to. Nhưng xui thay, bà không kịp làm điều đó vì mọi thứ đột ngột tối sầm lại và bà ngã lăn ra, bất tỉnh nhân sự. Cú chạm bóng đầu tiên của Britt-Marie tại Borg là lúc bà bị quả bóng đập rất mạnh vào đầu. NĂM B ritt-Marie tỉnh lại trên một mặt sàn. Người nào đó đang nghiêng người qua bà để nói chuyện, nhưng ý nghĩ đầu tiên của bà là về cái sàn. Bà sợ nó bị bẩn, và mọi người có thể nghĩ bà dã chết. Những chuyện như thế này vẫn xảy ra thường xuyên, chuyện ngã lăn ra chết ấy. Chắc là kinh khủng lắm, bà nghĩ bụng. Qua đời trên một mặt sàn bẩn thỉu. Người khác sẽ nghĩ thế nào? - Này, bà gì ơi... nói sao nhỉ? Bà... thăng rồi hả? - Người nào đó cất tiếng hỏi, nhưng Britt-Marie vẫn tập trung sự chú ý vào mặt sàn. - Bà ơi? Bà... chết chưa vậy? - Người nào đó lặp lại và huýt gió khe khẽ. Britt-Marie không thích tiếng huýt gió, bà đang bị đau đầu. Mặt sàn bốc mùi pizza. Thật khủng khiếp khi qua đời với một cơn đau đầu và bốc mùi pizza. Bà không thích pizza một chút nào, vì Kent nồng nặc thứ mùi đó mỗi khi về nhà muộn sau những cuộc họp với người Đức. Bà nhớ hết mọi mùi hương của ông. Nhớ nhất là mùi của căn phòng trong bệnh viện. Nó tràn ngập mùi hoa tươi (được nhận hoa khi bạn bị đau tim cũng là chuyện bình thường), nhưng bà vẫn ngửi ra mùi nước hoa và pizza từ cái áo sơ mi nằm bên cạnh giường bệnh. Lúc đó Kent đang ngủ, ngáy khe khẽ. Bà nắm tay Kent một lần cuối, nhưng không đánh thức ông ta. Rồi bà gấp chiếc áo và cất nó vào trong chiếc túi xách. Khi về đến nhà, bà làm sạch cổ áo với natri bicarbonate và giấm, rồi giặt hai lần trước khi phơi nó lên. Sau đó, bà lau chùi cửa sổ với Faxin, dọn giường, mang các chậu cây ngoài ban công vào nhà, đóng đồ, rồi lần đầu tiên trong đời bật điện thoại di động lên. Lần đầu tiên trong cuộc sống vợ chồng của họ. Bà đã nghĩ bọn trẻ sẽ gọi và hỏi thăm tình hình ông Kent. Nhưng không. Cả hai đứa chỉ gửi đúng một cái tin nhắn. Hồi vừa qua tuổi teen chúng vẫn còn hứa về thăm gia đình vào dịp Giáng sinh. Sau đó chúng bắt đầu viện cớ này nọ để không về. Một vài năm sau nữa, chúng không buồn đưa lí do nữa. Và cuối cùng, chúng thậm chí không buồn giả vờ thông báo rằng mình sẽ về. Cuộc sống tiếp diễn như vậy. Bà Britt-Marie luôn yêu thích sân khấu, vì bà thích cách các diễn viên được nhận tràng pháo tay cho sự giả vờ của họ. Cơn đau tim của Kent và giọng nói của cái thứ xinh xẻo trẻ trung kia có nghĩa sẽ không có tràng pháo tay nào dành cho bà. Bạn không thể tiếp tục giả vờ như ai đó không tồn tại khi cô ta gọi điện thoại cho bạn. Thế nên Britt-Marie đã rời khỏi phòng bệnh viện với một chiếc áo sơ mi nồng nặc mùi nước hoa và một trái tim tan vỡ. Bạn sẽ không được nhận hoa cho chuyện đó. - Nhưng mà... chết tiệt, bà có... chết chưa vậy? - Người nào đó hỏi với giọng thiếu kiên nhẫn. Britt-Marie thấy Người nào đó thật bất lịch sự khi xen ngang giữa lúc bà đang chết. Đặc biệt là với một thứ ngôn ngữ tệ hại như vậy. Chắc chắn có một số lượng không nhỏ những từ ngữ thay thế cho “chết tiệt”, nếu bạn rất cần bộc lộ cảm xúc đó. Bà ngước nhìn Người nào đó đang đứng ngó xuống mình. - Xin hỏi tôi đang ở đâu. - Bà nói. - Xin chào! Bà đang ở trung tâm y tế. - Người nào đó đáp với giọng hài hước. - Nó có mùi pizza. - Britt-Marie khó nhọc đáp. - Vâng, bà biết đấy, trung tâm y tế cũng là tiệm pizza. - Người nào đó gật đầu. - Tôi thấy như vậy không được vệ sinh cho lắm. - Britt-Marie khó nhọc thốt lên. Người nào đó nhún vai. - Trước hết là tiệm pizza. Bà biết đấy, họ đã đóng cửa trung tâm y tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế chết tiệt. Thế nên bây giờ chúng tôi làm những gì có thể. Nhưng đừng lo. Có túi cứu thương đây! Người nào đó, thật ra là một phụ nữ, đang vui vẻ chỉ tay về phía một cái hộp nhựa mở toang với một chữ thập màu đỏ trên nắp và dòng chữ “Cấp cứu” trên thân, sau đó vung vẩy một cái chai bốc mùi. - Còn cái này, bà biết đấy, là thuốc cứu đời! Bà muốn chứ? - Tôi xin lỗi? - Britt-Marie rít lên, tay sờ cục u đau đớn trên trán. Khi nhìn kỹ thì Britt-Marie nhận ra Người nào đó không phải đang đứng mà là đang ngồi nhìn xuống mình. Chị ta đưa cho bà một cái ly. - Họ đã đóng cửa tiệm bán rượu ở đây, nên chúng tôi làm những gì có thể. Mời bà! Vodka của Estonia hay thứ gì đó tương tự. Đầy những ký tự dị hợm, bà thấy đấy. Có thể không phải vodka, nhưng cũng vậy thôi. Uống hơi rát lưỡi nhưng rồi sẽ quen. Rất tốt khi bà bị, nói sao nhỉ? Nhiệt miệng? Britt-Marie khổ sở lắc đầu và trông thấy một vài vệt đỏ trên chiếc áo vest của mình. - Tôi bị chảy máu à? - Bà kêu lên và hốt hoảng ngồi dậy. Sẽ cực kỳ phiền phức nếu bà làm dây máu ra sàn nhà của Người nào đó, cho dù nó sạch bóng hay bẩn thỉu. - Không, không! Làm gì có chuyện đó! Có thể bà bị u đầu vì cú đá, nhưng đó là xốt cà chua, bà thấy đấy! Britt-Marie nhận ra Người nào đó ngồi xe lăn. Thật khó mà không nhận ra điều này. Hơn nữa, Người nào đó hình như không được tỉnh táo. Bà nhận xét như vậy dựa trên việc chị ta có mùi rượu và gần như không thể chấm miếng vải vào đúng chỗ. Nhưng bà không có thành kiến gì về chuyện rượu chè. - Tôi ngồi đợi cho đến khi bà không còn giống như xác chết nữa. Rồi tôi đói bụng, bà biết đấy, thế là tôi ăn uống một chút. - Người nào đó cười khẽ, tay chỉ vào cái bánh pizza đã bị ăn một nửa nằm chênh vênh trên một cái ghế đẩu. - Ăn trưa? Vào giờ này sao? - Britt-Marie lẩm bẩm, vì lúc này thậm chí còn chưa đến mười một giờ. - Đói bụng thì làm gì đây? Ăn pizza thôi! - Người nào đó giải thích. Chỉ đến lúc này Britt-Marie mới ghi nhận hết những gì chị ta vừa nói. - Ý cô là sao? Bị u đầu vì “cú đá”? Tôi bị đá sao? - Bà vừa thốt lên vừa đưa tay sờ lần trên da đầu như thể đang tìm một cái lỗ. - Phải, phải. Quả bóng đập trúng vào đầu bà sau cú đá, bà biết đấy. - Người nào đó gật đầu và làm đổ một chút vodka xuống miếng bánh pizza. Britt-Marie trông như thể thà ăn đạn còn hơn ăn pizza. Ít ra thì đạn cũng đỡ bẩn hơn. Người nào đó, một phụ nữ trạc tứ tuần, dìu bà đứng lên cùng với một con bé tuổi chưa đầy hai mươi vừa tiến đến chỗ họ. Người nào đó để một trong những kiểu tóc xấu xí nhất mà bà Britt-Marie từng trông thấy. Nom nó như thể chị ta chải đầu bằng chân của một con thú phát cuồng. Mái tóc của con bé nom tử tế hơn, nhưng chiếc quần jeans thì rách te tua ngang đùi. Chắc là để cho hiện đại. Người nào đó khẽ cười một cách vô tư. - Bọn nhóc con, bà biết đấy. Bóng với chẳng đá. Nhưng bà đừng giận, chúng nó không nhắm vào bà đâu! Britt-Marie sờ cục u trên trán. - Mặt tôi có bị bẩn không? - Bà hỏi với giọng vừa lo lắng vừa trách móc. Người nào đó lắc đầu và lăn xe về phía miếng bánh pizza. Ánh mắt của bà Britt-Marie ngượng ngùng hướng vào hai người đàn ông râu ria đội mũ đang ngồi ở cái bàn trong góc, cùng với tách cà phê và mấy tờ báo buổi sáng. Bà thấy thật kinh tởm khi nằm bất tỉnh nhân sự trước mặt những người uống cà phê. Mặc dù cả hai người đàn ông đó đều không buồn liếc nhìn bà. - Bà chỉ bị bất tỉnh một chút thôi. - Người nào đó nói với giọng hồ hởi trong lúc tọng pizza vào miệng. Britt-Marie lôi từ trong túi xách ra một cái gương con và bắt đầu vuốt trán. Bà thấy thật bực mình khi bị ngất đi, nhưng không bực mình bằng việc bị ngất đi với một khuôn mặt bẩn thỉu. - Làm sao cô biết chúng có nhắm vào tôi hay không? - Bà hỏi với một chút xíu chỉ trích. - Vì quả bóng trúng vào bà! - Người nào đó bật cười, dang tay ra. - Nếu bọn trẻ nhắm vào bà thì còn lâu mới sút trúng được. Mấy đứa đó chơi bóng dở lắm, bà hiểu không? - À. - Britt-Marie đáp. - Thật ra chúng cháu không chơi dở đến thế... - Con bé tuổi teen nói với vẻ mặt phụng phịu. Britt-Marie nhận ra con bé đang ôm một quả bóng đá trong tay. Theo cái cách của một người phải cố gắng tự kiềm chế để không đá nó. Người nào đó phác một cử chỉ động viên con bé. - Tên cháu là Vega. Cháu làm việc ở đây. - Con bé nói. - Cháu không phải đến trường à? - Britt-Marie hỏi, mắt không rời quả bóng. - Bà không phải đi làm ạ? - Vega đáp, tay ôm khư khư quả bóng như người ta giữ người yêu. Bà Britt-Marie bấu cái túi xách chặt hơn. - Để tôi giải thích. Tôi đang trên đường đi làm thì bị đập vào đầu. Tôi là người trông coi nhà văn hóa. Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của tôi. Vega há hốc mồm kinh ngạc, như thể chuyện này theo cách nào đó đã làm thay đổi tất cả. Nhưng con bé không nói gì. - Người trông coi? - Người nào đó hỏi lại. - Sao bà không nói sớm! Tôi có một cái... nói sao nhỉ? Thư bảo đảm. Cùng với chìa khóa! - Họ bảo tôi đến bưu điện để lấy chìa khóa. - Là đây chứ đâu nữa! Bưu điện bị đóng cửa rồi, bà thấy đấy! - Người nào đó nói to, rồi lăn xe ra phía sau quầy, tay vẫn cầm chai vodka. Một khoảng im lặng ngắn bao trùm. Sau đó, cánh cửa kêu leng keng, và một đôi giày bẩn thỉu băng qua mặt sàn chưa lau. Người nào đó la lên: - Karl! Tôi có một cái gói cho anh, chờ đó! Britt-Marie quay lại và suýt nữa đo ván vì bị ai đó đụng vào vai. Bà ngước lên và trông thấy một bộ râu dày bên dưới một cái mũ gớm ghiếc. Toàn bộ chỗ râu ria đang chĩa vào bà. Rồi từ đâu đó bên dưới hàm râu và cái mũ, một lời cằn nhằn cất lên: - Đi đứng không biết nhìn à! Britt-Marie, người thậm chí không hề di chuyển một bước nào, tỏ ra vô cùng hoang mang. Rồi bà bấu cái túi xách chặt hơn. - A. - Bà nói được có thế. - Chính chú lao vào bà ấy còn gì! - Vega rít lên từ phía sau lưng Britt-Marie. Britt-Marie không thích điều này. Bà trở nên lúng túng khi có ai đó bảo vệ mình - chuyện đó không xảy ra thường xuyên. Người nào đó đã quay lại cùng với “gói bưu phẩm” của Karl. Anh ta nhìn Vega với ánh mắt bực bội rồi hằn học ngó bà Britt-Marie. Sau đó, anh ta gật đầu cộc lốc với hai người đàn ông ngồi ở cái bàn trong góc. Họ gật đầu đáp lại càng cộc lốc hơn. Cánh cửa vui vẻ kêu leng keng sau lưng Karl khi anh ta đi khỏi. Người nào đó vỗ vai động viên bà Britt-Marie. - Đừng bận tâm đến anh ta. Karl có... nói sao nhỉ? Một quả chanh dưới mông, bà hiểu ý tôi chứ? Hằn học với cuộc đời và vũ trụ và mọi thứ. Những người ở quanh đây không thích người lạ từ thành phố đến. - Người nào đó nói và hất hàm về phía hai người đàn ông ngồi trong góc khi nói đến mấy chữ “những người ở quanh đây”. Bọn họ tiếp tục đọc báo và uống cà phê như thể hai người phụ nữ không hề tồn tại. - Làm sao anh ta biết tôi là người thành phố? Người nào đó đảo mắt. - Thôi nào! Tôi sẽ chỉ cho bà cái nhà văn hóa, thế nhé! - Chị ta nói trong lúc lăn xe ra cửa. Britt-Marie đưa mắt nhìn khu vực bán hàng nằm liền kề với tiệm pizza, trung tâm y tế, bưu điện, hay bất cứ cái tên gì. Trong đó có các kệ hàng tạp phẩm. Có vẻ nó là một siêu thị mini. - Cho tôi hỏi cái này, đây có phải là một cửa hàng tạp hóa không? - Họ đã đóng cửa siêu thị, nên bà thấy đấy, chúng tôi làm những gì có thể! Britt-Marie sực nhớ tới những ô cửa sổ đen đúa ở nhà văn hóa. - Không biết có Faxin ở đây không nhỉ? - Bà hỏi. Britt-Marie chưa bao giờ dùng thương hiệu nào ngoài Faxin. Hồi còn bé bà đã trông thấy quảng cáo của nó trên một tờ báo của bố. Một phụ nữ đứng nhìn ra ngoài qua một ô cửa sổ sạch bóng, và bên dưới là hàng chữ: “FAXIN CHO BẠN QUAN SÁT THẾ GIỚI”. Bà rất thích hình ảnh đó. Ngay khi đủ lớn để có những ô cửa sổ của riêng mình, bà lau chùi chúng bằng Faxin hàng ngày trong suốt phần đời còn lại, và không bao giờ gặp rắc rối trong việc nhìn ngắm thế giới. Chỉ có thế giới không trông thấy bà. - Tôi biết, nhưng bà thấy đấy, thời bây giờ làm gì còn Faxin... bà không biết à? - Cô nói vậy là sao, tôi không hiểu? - Britt-Marie hỏi lại với một chút xíu trách móc. - Faxin không còn nằm trong... nói sao nhỉ... danh mục sản phẩm của nhà sản xuất nữa! Không sinh lời, bà biết đấy! Đôi mắt Britt-Marie mở to, bà thốt lên một tiếng kêu nhỏ. - Nhưng... nhưng... chuyện đó là hợp pháp à? - Không sinh lời. - Người nào đó nhún vai đáp. Như thể đó là một câu trả lời. - Lẽ nào người ta có thể cư xử như vậy được? - Britt-Marie thốt lên. Người nào đó lại nhún vai. - Việc gì bà phải bận tâm? Tôi có hàng khác đây! Bà muốn hàng của Nga thì, ngay đằng kia... - Chị ta ra hiệu cho Vega chạy đi lấy sản phẩm. - Tuyệt đối không! - Britt-Marie cắt ngang và đi ra cửa, miệng rít lên. - Tôi sẽ dùng natri bicarbonate! Bởi vì người ta không thể thay đổi được cách mà bà nhìn thế giới. Bởi vì một khi Britt-Marie đã chiếm một vị trí trên thế giới thì không gì thay đổi bà được. SÁU B ritt-Marie loạng choạng bước qua ngưỡng cửa. Cứ như thể không chỉ cư dân của Borg đang cố đuổi cổ bà, mà nhà cửa cũng vậy. Bà đứng trên đoạn dốc dành cho xe lăn dẫn lên cửa tiệm pizza. Những ngón chân của bà co lại trong đôi giày để làm dịu cơn đau. Một chiếc máy kéo chạy ngang qua trên đường cái theo một hướng, một chiếc xe tải chạy về hướng ngược lại. Sau đó con đường lại vắng tanh. Britt-Marie chưa bao giờ đến một cộng đồng nhỏ bé đến vậy, bà chỉ đi ngang qua những nơi như thế này trên chiếc xe hơi do Kent cầm lái. Ông luôn chế nhạo chúng hết lời. Lấy lại tư thế và nắm chặt chiếc túi xách, Britt-Marie bước xuống khỏi đoạn dốc dành cho xe lăn và băng qua bãi đậu xe rộng lớn rải đá dăm. Bà đi nhanh như ma đuổi. Người nào đó lăn xe bám theo sau. Vega ôm quả bóng chạy về phía một nhóm những đứa trẻ khác, tất cả đều mặc quần jeans rách ngang đùi. Chạy được hai bước thì con bé dừng lại, liếc nhìn bà và nói lí nhí: - Xin lỗi vì quả bóng đập trúng đầu bà. Bọn cháu không định nhắm vào bà đâu! Vega quay người sút quả bóng qua đầu mấy đứa con trai, về phía một hàng rào gỗ nằm giữa nhà văn hóa và tiệm pizza. Một thằng con trai đón lấy quả bóng văng ra và lại sút vào hàng rào. Chỉ đến lúc này Britt-Marie mới nhận ra những tiếng động thình thình có nguồn gốc từ đâu. Một thằng bé khác nhắm vào hàng rào nhưng không hiểu sao lại làm quả bóng bay ngược trở lại chỗ bà Britt Marie, một cú sút mà nếu xét theo góc sút thì khá nguy hiểm bất chấp sự yếu kém của nó. Quả bóng lăn từ từ tới chỗ Britt-Marie. Bọn trẻ có vẻ như đang đợi bà đá nó trở lại chỗ chúng. Britt-Marie chỉ tránh sang một bên như thể nó đang cố khạc nhổ vào bà. Quả bóng lăn đi xa. Vega chạy tới. - Sao bà không đá nó? - Con bé ngạc nhiên hỏi. - Việc quái gì ta phải đá nó kia chứ? Hai người nhìn nhau trân trối, người này chắc mẩm rằng người kia bi hâm nặng. Vega đá quả bóng về phía bọn trẻ và chạy đi. Britt Marie phủi vài hạt bụi bám trên váy. Người nào đó uống một ngụm vodka. - Bọn dở hơi, bà thấy đấy. Đá bóng dở như hạch. Đứng trên thuyền mà còn không chạm được nước. Nhưng chúng nó có chỗ nào để chơi nữa đâu? Hội đồng đã đóng cửa sân bóng, bán đất cho người ta xây chung cư. Sau đó khủng hoảng kinh tế nổ ra, mọi chuyện hỏng bét, và thế là chung cư chẳng thấy đâu, sân bóng đá cũng không còn. - Kent bảo tôi là cuộc khủng hoảng đã trôi qua. - Britt-Marie nói với giọng thân thiện. Người nào đó hừ mũi. - Biết đâu cái thằng cha Kent ấy là thứ... nói sao nhỉ? Đầu đất? Britt-Marie không biết mình thấy bực bội vì không hiểu nghĩa của chữ đó, hay bởi vì bà đoán được nó mang nghĩa gì. - Có lẽ Kent biết rõ chuyện đó hơn là cô đấy. Ông ta là một doanh nhân, cô nên hiểu điểu đó. Cực kỳ thành công. Làm ăn với người Đức. - Britt-Marie chỉnh chị ta. Người nào đó tỏ ra không mấy ấn tượng, chị ta dùng chai vodka trỏ về phía bọn trẻ và nói: - Họ giải tán đội bóng khi đóng cửa sân bóng. Các cầu thủ giỏi chuyển tới những đội bóng như hạch trên thành phố. Người nào đó hất hàm xuôi theo con đường về phía mà Britt Marie đoán là “thành phố”, rồi lại quay về phía bọn trẻ. - Thành phố. Hai chục cây số theo hướng đó. Đây, bà thấy đấy, là những đứa trẻ bị bỏ lại. Giống như cái món gì của bà ấy nhỉ? Faxin. Sản phẩm ngừng sản xuất. Bà phải sinh lợi. Thế nên gã Kent này, chắc đầu gã toàn đất, đúng không? Có thể khủng hoảng kinh tế đã qua đi ở thành phố, nhưng nó thích Borg. Nó đang sống ở đây, cái đồ con hoang đó! Britt-Marie ghi nhận sự phân biệt rạch ròi giữa cách chị ta nói về “thành phố” cách đây hai mươi cây số và về cái thành phố từ đó bà ra đi. Hai mức độ khinh miệt khác nhau. Người nào đó nốc một ngụm rượu lớn đến nỗi mắt ngân ngấn nước, rồi nói tiếp: - Ở Borg, mọi người đều lái xe tải, bà biết đấy. Đã từng có một cái, nói sao nhỉ? Công ty vận tải! Thế rồi cuộc khủng hoảng kinh tế khốn nạn đó ập tới. Bây giờ ở đây nhiều người hơn xe, và nhiều xe hơn công việc. Britt-Marie giữ khư khư cái túi xách và cảm thấy cần phải tự bảo vệ, vì một lí do không hoàn toàn rõ ràng. - Ở đây có chuột cống. - Bà thông báo với Người nào đó với giọng điềm nhiên. - Chuột phải sống ở đâu đó chứ, đúng không? - Chuột bẩn lắm. Chúng sống trong đống phân của chính chúng. Người nào đó ngoáy tai, rồi quan sát ngón tay của mình. Chị ta uống thêm một chút vodka. Britt-Marie gật đầu và nói tiếp, với một giọng điệu cực kỳ nhã nhặn trên mọi phương diện: - Nếu các cô tham gia vào việc giữ gìn các thứ ở nơi này sạch sẽ hơn một chút, thì biết đâu đã không gặp khủng hoảng kinh tế nặng nề đến thế. Người nào đó không có vẻ như đang lắng nghe. - Đó là một trong những, nói sao nhỉ? Bí ẩn? Bọn chuột cống bẩn thỉu. Đó là một bí ẩn. Chúng nó, nói sao nhỉ? Sạch lắm! Liếm láp bản thân như lũ mèo. Chuột nhắt ị khắp nơi, nhưng chuột cống có chỗ đi vệ sinh của mình. Luôn ị ở cùng một chỗ. - Chị ta dùng cái chai trỏ vào chiếc xe hơi của bà Britt-Marie. - Bà nên dời nó đi. Bọn trẻ sẽ đá bóng vào nó. Britt-Marie kiên nhẫn lắc đầu. - Nó không thể di chuyển được, nó bị nổ lúc tôi dừng xe. Người nào đó bật cười, chị ta lăn xe đi vòng quanh chiếc xế hộp, rồi nhìn vào vết lõm hình quả bóng trên cánh cửa phía bên ghế phụ lái. - A. Tai bay vạ gió. - Chị ta chậc lưỡi. - Cái gì thế? - Britt-Marie hỏi sau khi miễn cưỡng đi theo chiếc xe lăn và nhìn trừng trừng vết lõm hình quả bóng đá. - Tai bay vạ gió. Khi tiệm sửa xe gọi cho công ty bảo hiểm. Tiệm sẽ báo: “tai bay vạ gió”. - Người nào đó chậc lưỡi. Britt-Marie lục tìm tờ danh sách trong túi xách. - À. Xin phép được hỏi, tôi có thể tìm thấy thợ sửa xe gần nhất ở đâu? - Ở đây. - Người nào đó đáp. Britt-Marie nghi hoặc đưa mắt nhìn. Nhìn Người nào đó, chứ không phải nhìn chiếc xe lăn. Bà không phải là loại người hay phán xét người khác. - Cô sửa được xe cơ à? Người nào đó nhún vai. - Họ đã đóng cửa tiệm sửa xe. Chúng tôi làm những gì có thể. Nhưng đừng bận tâm chuyện đó lúc này. Tôi đang dẫn bà tới nhà văn hóa mà, đúng không? Chị ta giơ cái phong bì có chìa khóa bên trong lên. Britt-Marie cầm lấy nó, nhìn vào chai vodka của Người nào đó, và siết chặt túi xách của mình. Rồi bà lắc đầu. - Cảm ơn cô. Tôi không muốn thêm phiền phức. - Tôi có phiền gì đâu! - Người nào đó đáp, uể oải lăn xe tới lui. Britt-Marie mỉm cười. - Tôi không ám chỉ sự phiền phức của cô. Đoạn bà quay gót và thoăn thoắt đi khỏi cái sân rải đá dăm, tránh trường hợp Người nào đó nảy ra ý định đi theo. Bà lấy hành lí và mấy chậu hoa từ trên xe xuống, rồi lôi chúng tới nhà văn hóa. Mở cửa ra và bước vào trong, bà khóa cửa lại sau lưng. Không phải bà không ưa cá nhân Người nào đó, không hề. Chỉ là mùi vodka làm bà nhớ tới Kent. Britt-Marie nhìn quanh. Bức tường kêu thình thình từ phía bên ngoài, trên sàn nhà chi chít dấu chân chuột chạy. Thế là Britt-Marie làm điều bà luôn làm khi đối diện với những hoàn cảnh khốn khó trong đời: dọn dẹp. Bà làm sạch cửa sổ bằng một miếng giẻ tẩm natri bicarbonate, rồi lau lại bằng giấy báo tẩm giấm. Cách thức này hiệu quả gần bằng Faxin, nhưng cho cảm giác không tốt bằng. Britt Marie đánh sạch bồn rửa chén với natri bicarbonate và nước, rồi lau nhà. Tiếp đó, bà trộn natri bicarbonate với nước chanh để cọ rửa gạch men và các vòi nước trong nhà vệ sinh, trước khi trộn natri bicarbonate với kem đánh răng để tẩy trắng bồn rửa mặt, bà cũng rắc natri bicarbonate vào mấy cái chậu hoa của mình để phòng ngừa ốc sên. Thoạt nhìn tưởng như mấy cái chậu cây của Britt-Marie chỉ chứa toàn đất, nhưng nằm bên dưới mặt đất là những củ hoa đang chờ đợi mùa xuân. Mùa đông đòi hỏi người tưới nước vững vàng một chút, để tin rằng thứ xem vẻ trống trải kia có rất nhiều tiềm năng. Bà không rõ mình có niềm tin hay chỉ có hi vọng. Chắc là cả hai đều không. Lớp giấy dán tường của nhà văn hóa nhìn bà một cách hờ hững. Treo đầy trên đó là hình ảnh của nhiều con người và các trận bóng. Bóng đá hiện diện khắp nơi. Mỗi khi Britt-Marie thoáng thấy một tấm ảnh khác về bóng đá, bà lại kỳ cọ mọi thứ mạnh bạo hơn. Bà cứ lau dọn cho đến khi tiếng thình thịch chấm dứt và bọn trẻ chơi bóng quay về nhà. Chỉ khi mặt trời đã lặn, bà mới nhận ra mỗi cái bóng đèn trong bếp là còn bật sáng được. Thế là bà ở trong đó, mắc kẹt trong một đảo ánh sáng huỳnh quang nhân tạo nhỏ nhoi, giữa một nhà văn hóa sắp sửa bị đóng cửa. Nhà bếp gần như bị choán đầy bởi một cái sàn nước, một tủ lạnh và hai cái ghế đẩu bằng gỗ. Britt-Marie mở tủ lạnh và chỉ thấy một gói cà phê trong đó. Bà thầm rủa bản thân vì đã không mang theo chút tinh dầu vani nào. Nếu trộn tinh dầu vani với natri bicarbonate, tủ lạnh sẽ có mùi tươi mới dễ chịu. Bà ngập ngừng đứng bên cạnh cái máy pha cà phê. Trông nó có vẻ hiện đại. Đã nhiều năm nay bà không pha cà phê, vì Kent pha rất ngon, và bà luôn thấy tốt nhất nên đợi ông ta làm chuyện đó. Nhưng chiếc máy pha cà phê này có một cái nút bật sáng, một trong những thứ hay ho nhất mà bà thấy trong mấy năm vừa qua, nên bà mở cái nắp đậy chỗ mà bà đoán là để cho người ta bỏ cà phê vào. Cái nắp bị kẹt. Cái nút bắt đầu chớp tắt một cách giận dữ. Chuyện này làm cho Britt-Marie cảm thấy nhục ghê gớm. Bà tức tối cạy cái nắp. Cái nút càng nhấp nháy dữ, bà càng mạnh tay hơn, cho đến khi cả chiếc máy pha cà phê đổ vật ra. Cái nắp bật tung, chỗ bột cà phê xay và nước bắn cả lên chiếc áo vest của Britt Marie. Con người thay đổi khi đi xa, người ta thường nói như vậy. Chính vì thế mà Britt-Marie không thích đi xa. Bà không muốn thay đổi. Sau này bà kết luận rằng chính vì chuyến đi nên bà mới đánh mất sự kiểm soát bản thân mà trước đây chưa từng đánh mất. Ngoại trừ cái lần Kent đi giày đánh golf qua mặt sàn lát gỗ, không lâu sau khi họ làm đám cưới. Britt-Marie cầm cây lau nhà lên và bắt đầu dùng hết sức bình sinh đập vào cái máy pha cà phê. Nó nhấp nháy đèn. Có gì đó vỡ ra. Cái máy thôi không nhấp nháy đèn nữa. Bà tiếp tục đập nó cho đến khi hai cánh tay run lẩy bẩy và đôi mắt không còn phân biệt được ranh giới của sàn nước. Cuối cùng, không còn hơi sức, Britt Marie rút một cái khăn từ trong túi xách ra. Bà tắt bóng đèn trần trong bếp, ngồi xuống một trong hai cái ghế đẩu bằng gỗ, giữa bóng tối mịt mùng, và khóc vào cái khăn mặt. Bà không muốn những giọt nước mắt của mình rơi xuống sàn. Chúng sẽ để lại dấu vết. BẢY B ritt-Marie thức trắng đêm. Bà đã quen với việc này, giống như những người phải sống cả đời vì một người khác. Bà ngồi trong bóng tối, dĩ nhiên rồi, nếu không thì người ngoài sẽ nghĩ gì nếu đi ngang qua và trông thấy ánh đèn như thể trong nhà đang diễn ra một hoạt động mờ ám? Nhưng Britt-Marie không ngủ, vì bà nhớ đến lớp bụi dày trên sàn của nhà văn hóa trước khi dọn dẹp, nếu chết trong khi ngủ bà chắc chắn không muốn đối diện nguy cơ nằm đây cho đến khi bốc mùi và bị bụi bao trùm. Ngủ trên một trong những cái sofa nằm trong góc thì không đáng để nghĩ tới, vì chúng bẩn đến nỗi bà phải đeo hai lớp găng tay cao su khi rắc natri bicarbonate lên đó. Hay là ngủ trong xe hơi? Có thể, nếu bà là một con thú. Cô gái ở văn phòng giới thiệu việc làm đã nhắc đi nhắc lại là có một cái khách sạn ở thành phố cách đó hai mươi cây số, nhưng Britt-Marie thậm chí không thể nghĩ đến việc ngủ thêm một đêm nữa trên một chiếc giường được người khác sửa soạn cho mình. Bà biết có một số người chỉ mơ đến chuyện đi đâu đó và trải nghiệm một thứ gì đó khác biệt, nhưng bà luôn ao ước được ở nhà, nơi mọi thứ luôn ổn định. Bà muốn tự sửa soạn giường ngủ cho mình. Bất cứ khi nào bà và Kent ngủ khách sạn, bà luôn gắn tấm bảng “Xin đừng làm phiền” trước cửa, rồi tự mình dọn phòng và chuẩn bị giường ngủ. Không phải vì bà hay phán xét người khác, không hề. Chỉ vì bà biết đám nhân viên dọn phòng rất có thể là loại người ưa phán xét người khác, mà bà thì chắc chắn không muốn bị họ bàn tán về tình trạng kinh tởm của căn phòng 423 trong cuộc họp buổi tối. Có lần, Kent đã đặt nhầm chuyến bay về nhà, và hai ông bà phải ra sân bay giữa đêm mà không kịp cả tắm rửa. Thế là ngay trước khi lao ra khỏi phòng, Britt-Marie đã chạy vào buồng tắm và mở vòi sen vài phút để trên sàn phòng có vệt nước. Như vậy khi nhân viên dọn phòng sẽ không nghĩ rằng hai người khách thuê phòng 423 đã lên đường mà không buồn tắm rửa. Kent đã hừ mũi chế giễu và bảo rằng bà luôn quan ngại quá mức trước những gì người khác nghĩ về mình. Britt-Marie đã gào thét trong lòng suốt chặng đường đi ra sân bay. Thật ra bà chỉ lo người ta sẽ nghĩ về ông như thế nào. Bà không biết từ khi nào Kent đã ngừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bà. Bà biết ông đã từng quan tâm. Đó là hồi ông còn nhìn vào bà với ánh mắt cho thấy bà đang hiện diện.Thật khó để biết lúc nào tình yêu nảy nở, đột nhiên một ngày nọ khi bạn thức giấc nó đã nở đầy hoa. Và khi nó úa tàn cũng vậy, một ngày kia mọi chuyện bỗng trở thành quá trễ. Tình yêu do vậy rất giống với những cái cây trồng trên ban công. Đôi khi ngay cả natri bicarbonate cũng không thay đổi được gì. Britt-Marie không biết từ khi nào cuộc hôn nhân của họ tuột khỏi tay bà. Từ khi nào nó trở nên cũ kỹ và trầy xước bất chấp việc bà đã dùng bao nhiêu là đĩa lót tách. Kent từng có lúc nắm tay bà khi hai người đi ngủ, và bà mơ những giấc mơ của ông. Không phải vì bà không có bất kỳ giấc mơ nào của riêng mình, chỉ là các giấc mơ của ông lớn lao hơn, và những người có ước mơ lớn nhất sẽ luôn thắng ở cái thế giới này. Bà đã học được điều đó. Thế nên bà ở nhà để chăm sóc hai đứa con của ông mà không màng đến việc sinh một mụn con cho mình. Bà ở nhà thêm vài năm nữa để chăm chút cho một tổ ấm tươm tất và hỗ trợ sự nghiệp của ông, mà không màng đến sự nghiệp riêng của mình. Bà phát hiện ra những người hàng xóm gọi mình là “con mụ già lắm chuyện” khi bà lo ngại đối tác Đức của Kent nghĩ rằng tòa căn hộ không được dọn rác sạch sẽ hoặc cầu thang bốc mùi pizza. Bà không có bạn riêng, chỉ có những người quen biết thường là vợ các đối tác làm ăn của ông Kent. Một người trong số họ từng đề nghị giúp Britt-Marie dọn dẹp sau một buổi tiệc tối, nhưng rồi cô ta nhét bừa dao nĩa vào ngăn kéo cất dụng cụ bàn ăn mà bà đã thu xếp theo thứ tự nĩa, dao muỗng, từ trái qua phải. Khi bà thất kinh hỏi cô ta đang làm gì, cô ta chỉ cười và nói: “Chuyện này quan trọng lắm à?” Sau đó họ không còn qua lại nữa. Kent bảo bà giao tiếp xã hội kém, thế là bà ở nhà thêm vài năm nữa để ông đi ra ngoài giao tiếp thay mặt cả hai. Vài năm trở thành nhiều năm, và nhiều năm trở thành rất nhiều năm. Năm tháng có thói quen hành xử như vậy. Không phải Britt-Marie quyết định không kỳ vọng gì, chỉ là một sáng nọ khi thức giấc, bà nhận ra đã quá trễ để làm điều đó. Hai đứa con của Kent thích bà, Britt-Marie cho là vậy, nhưng trẻ con rồi cũng thành người lớn, mà người lớn thì coi loại phụ nữ như bà là “những mụ già lắm chuyện”. Khi có bọn trẻ con nhà người khác xuất hiện trong khu phố, lâu lâu bà lại mời chúng ăn tối nếu chúng phải ở nhà một mình. Nhưng bọn trẻ con vẫn có mẹ hoặc bà của chúng ở nhà, và khi chúng lớn lên, Britt-Marie trở thành một mụ già lắm chuyện. Kent cứ nói mãi rằng bà là người giao tiếp kém, và bà chấp nhận là ông nói đúng. Rốt cuộc, tất cả những gì bà mơ đến là một cái ban công và một người chồng không đi giày đánh golf trên sàn gỗ, bỏ áo sơ mi vào giỏ đồ giặt mà không đợi bà nhắc, tuyên bố thích đồ ăn bà nấu mà không đợi hỏi. Một tổ ấm. Những đứa con dù không phải con đẻ của bà nhưng vẫn ghé thăm bà khi Giáng sinh về, bất chấp mọi thứ, hoặc ít ra cũng vờ như chúng có lí do chính đáng để không làm điều đó. Một ngăn kéo cất dao nĩa theo đúng thứ tự. Thi thoảng một buổi tối đi xem kịch. Những ô cửa sổ cho phép bà quan sát thế giới sáng trong bên ngoài. Một người nào đó nhận ra bà đã chăm chút đặc biệt cho mái tóc hoặc ít nhất cũng giả vờ nhận ra. Hoặc ít nhất cũng để cho bà tiếp tục giả vờ. Một người nào đó đến nhà chơi, thấy sàn nhà vừa lau, bữa tối nóng sốt trên bàn và nhận ra nỗ lực của bà. Có lẽ một quả tim rốt cuộc chỉ tan nát sau khi rời khỏi căn phòng bệnh viện có một cái áo sơ mi bốc mùi pizza và nước hoa, nhưng nó sẽ tan nát dễ dàng hơn nếu đã từng rạn vỡ vài lần trước đó. Britt-Marie bật đèn vào sáu giờ sáng hôm sau. Không phải vì bà cần ánh sáng, mà bởi vì có thể người khác đã trông thấy ánh đèn tối qua, và nếu họ nhận ra bà đã ngủ lại trong nhà văn hóa thì bà không muốn họ nghĩ rằng bà vẫn còn ngủ vào cái giờ này. Britt-Marie có thể bật cái tivi cũ nằm bên cạnh mấy chiếc ghế sofa để bớt cô quạnh, nhưng bà không muốn làm thế, vì nhiều khả năng trên truyền hình lại chiếu bóng đá. Thời buổi bây giờ truyền hình toàn chiếu bóng đá, với lựa chọn như thế thì thà chịu đựng sự cô quạnh còn hơn. Nhà văn hóa bao vây bà bằng một sự im lặng thận trọng. Chiếc máy pha cà phê nằm nghiêng không còn nhấp nháy đèn với bà nữa. Britt-Marie ngồi trên chiếc ghế đẩu đối diện với nó, nhớ lại cách mà hai đứa con của Kent bảo bà là “hung dữ thụ động”. Kent thì cười đúng kiểu vẫn thường làm sau khi uống vodka và nước cam trong lúc xem một trận bóng đá trên truyền hình, cái bụng dập dềnh lên xuống và cơn cười phọt ra ngoài qua lỗ mũi thành những tiếng khụt khịt, sau đó ông ta nói: “Dì của tụi con không phải là hung dữ thụ động, mà thụ động hung dữ!” Rồi ông ta cười cho đến khi phun cả rượu vodka xuống tấm thảm san hô. Đó là cái đêm Britt-Marie quyết định như thế là quá đủ và dời tấm thảm sang phòng dành cho khách mà không nói tiếng nào. Không phải vì bà là người hung dữ thụ động, dĩ nhiên rồi. Chỉ là cái gì cũng có giới hạn. Bà không buồn vì điều ông Kent đã nói, vì nhiều khả năng ông ta không hiểu mình đã nói gì. Nhưng mặt khác, bà thấy tổn thương vì ông ta thậm chí không buồn xem xem bà có đứng đủ gần để nghe thấy hay không. Britt-Marie nhìn cái máy pha cà phê. Trong một khoảnh khắc phù du và thảnh thơi, bà chợt nảy ra ý nghĩ mình có thể tìm cách sửa nó, nhưng rồi bà sực tỉnh và tránh xa nó. Kể từ lúc lập gia đình bà chưa từng tự mình sửa chữa bất cứ cái gì. Chờ Kent về nhà là tốt nhất, bà cảm thấy như thế. Ông luôn nói “Phụ nữ đến lắp ráp đồ IKEA cũng không làm được” khi hai người xem các bà các cô trong những chương trình truyền hình về xây dựng hoặc cải tạo nhà cửa. “Góp mặt cho đông đủ thôi”, ông ta thường nói như thế. Britt-Marie thích ngồi cạnh ông ta trên ghế sofa và giải ô chữ. Lúc nào bà cũng ngồi gần cái điều khiển tivi đến nỗi có thể cảm thấy cạnh của nó chạm vào đầu gối mình khi Kent vớ lấy nó để đổi sang kênh bóng đá. Nghĩ đến đây, Britt-Mare lấy thêm natri bicarbonate và lau chùi nhà văn hóa một lần nữa. Bà vừa mới rắc hết một gói natri bicarbonate trên mấy chiếc ghế sofa thì có tiếng gõ cửa. Britt-Marie phải mất một khoảng thời gian kha khá mới ra mở cửa được, bởi vì chạy vào nhà vệ sinh để chỉnh lại đầu tóc mà không có ánh đèn là một việc khá phức tạp. Người nào đó đang ngồi ngoài cửa với một hộp rượu trong tay. - A. - Bà Britt-Marie nói với cái hộp. - Rượu vang ngon, bà biết đấy. Rẻ nữa. Rơi ra từ thùng của một cái xe tải! - Người nào đó nói với giọng khá tự mãn. Britt-Marie không hiểu lắm. - Nhưng bà biết đấy, tôi phải rót nó vào trong một cái chai có dán nhãn và những thứ linh tinh khác, phòng trường hợp bị bên thuế hỏi đến. - Người nào đó nói. - Nó gọi là “nhà đỏ” ở tiệm pizza của tôi, nếu sở thuế hỏi, OK? Người nào đó nửa trao nửa ném cái hộp cho bà Britt-Marie trước khi điều khiển xe lăn tiến qua ngưỡng cửa để vào ngó nghiêng bên trong nhà văn hóa. Britt-Marie nhìn vệt nước lẫn đá dăm mà hai bánh xe để lại với một sự kinh hoàng chỉ kém hơn chút xíu so với trường hợp đó là những vệt chất thải. - Xin phép hỏi cô liệu việc sửa chữa cái xe của tôi có đang tiến triển hay không? - Bà thắc mắc. Người nào đó hớn hở gật đầu. - Tốt cực! Tốt cực ấy chứ! Nhưng mà này, bà cho tôi hỏi một cái: bà có bận tâm đến màu sắc không? - Xin lỗi cô, tôi chưa hiểu. - Bà biết đấy, cái cánh cửa tôi kiếm được ấy mà. Cửa xinh cực. Nhưng có vẻ không cùng màu với chiếc xe. Có lẽ... nó hơi vàng. - Cánh cửa xe của tôi bị làm sao? - Britt-Marie thất kinh hỏi lại. - Không sao! Không sao! Chỉ là câu hỏi thôi mà! Cửa vàng được không? Không được à? Nó... nói sao nhỉ? Bị oxy hóa rồi! Cửa cũ. Gần như không còn màu vàng nữa. Sắp thành màu trắng rồi. - Tôi tuyệt đối không chấp nhận một cánh cửa màu vàng trên cái xe màu trắng của tôi! Người nào đó khoát tay thành vòng tròn. - Được rồi, được rồi. Bình tĩnh nào. Sẽ lắp cánh cửa màu trắng. Không sao hết. Đừng có nổi cáu lên như thế. Nhưng cửa trắng sẽ cần... nói sao nhỉ? Một khoảng thời gian chờ đợi! Chị ta gật gù với cái chai. - Bà có thích rượu không, Britt? - Không. - Britt-Marie đáp, không phải vì bà không thích rượu, mà bởi vì nếu bạn nói mình thích, người khác sẽ kết luận rằng bạn là một bợm rượu. - Mọi người đều thích rượu mà, Britt. - Tên tôi là Britt-Marie. Chỉ có chị gái tôi mới gọi tôi là Britt. - Chị gái? Thế ra, nói sao nhỉ? Có một người nữa giống như bà á? Thật tốt cho thế giới này. Người nào đó nhăn nhở cười như thể đó là một câu đùa. Nhằm vào Britt-Marie, bà đoán vậy. - Chị tôi qua đời khi chúng tôi còn nhỏ. - Bà nói, mắt không rời hộp rượu. - Chết cha... Tôi... nói sao nhỉ? Xin chia buồn. - Người nào đó lắp bắp. Britt-Marie co ngón chân lại trong giày. - Vâng. Cô thật tử tế. - Bà nói khẽ. - Rượu thì ngon nhưng hơi, nói sao nhỉ? Đục. Bà phải lọc nó vài lần bằng giấy lọc cà phê, sau đó mọi thứ sẽ ổn! - Người nào đó giảng giải một cách rành rẽ, trước khi đưa mắt nhìn túi hành lí và mấy cái chậu hoa đang nằm dưới sàn của bà Britt-Marie. - Tôi muốn tặng nó cho bà, bà biết đấy, như một món quà mừng bà nhận công việc mới. Nhưng giờ thì tôi có thể thấy nó giống với một món quà mừng bà nhận... nơi ở mới thì đúng hơn! Chạm tự ái, Britt-Marie giữ hộp rượu trước mặt mình như thể nó đang phát ra tiếng tích tắc. - Tôi muốn nói rõ với cô là tôi không sống ở đây. - Thế đêm qua bà ngủ ở đâu? - Tôi không ngủ. Nom Britt-Marie giống như chỉ muốn ném hộp rượu ra khỏi cửa và bịt tai lại. - Có một cái khách sạn, bà biết đấy. - Người nào đó nói. - À, tôi đoán cô cũng kinh doanh cả khách sạn nữa. Tiệm pizza, tiệm sửa xe, bưu điện, tiệm tạp hóa, giờ thì khách sạn. Như thế cô chẳng phải mất công lựa chọn. Khuôn mặt của Người nào đó cúi xuống với một sự ngạc nhiên không che giấu. - Khách sạn á? Sao tôi lại phải có một khách sạn kia chứ? Không, không, không, Britt-Marie. Tôi tập trung vào, nói sao nhỉ? Những hoạt động cốt lõi! Britt-Marie dồn trọng lượng cơ thể từ chân trái sang chân phải, trước khi đi tới chỗ cái tủ lạnh và cất hộp rượu vào trong đó. - Tôi không thích khách sạn. - Bà vừa nói vừa đóng sập cửa tủ lạnh. - Chết tiệt! Không được bỏ rượu vào trong tủ lạnh, nó sẽ bị vón cục! - Người nào đó la lên. Britt-Marie quắc mắt nhìn chị ta. - Có cần thiết phải văng tục luôn mồm như thể chúng ta là một lũ mọi rợ hay không? Người nào đó di chuyển chiếc xe lăn tới trước và kéo các ngăn tủ bếp cho tới khi tìm thấy giấy lọc cà phê. - Chết tiệt, Britt-Marie! Để tôi chỉ bà. Bà phải lọc. Nó không sao cả. Hoặc bà có thể pha nó với Fanta. Tôi có Fanta loại rẻ tiền, nếu bà muốn. Của Trung Quốc! Chị ta khựng lại khi trông thấy cái máy pha cà phê. Hay đúng hơn là những gì còn lại của nó. Ngượng ngùng, Britt-Marie chắp hai tay lại trước bụng và tỏ vẻ như đang muốn phủi vài hạt bụi trên miệng một cái hố đen trước khi nhảy luôn vào trong đó. - Chuyện... gì đã xảy ra vậy? - Người nào đó hỏi, mắt nhìn cây lau nhà trước, rồi đến những dấu vết có kích cỡ khớp với cây lau nhà trên chiếc máy pha cà phê. Britt-Marie im lặng không nói gì, đôi má đỏ ửng. Có lẽ bà đang nghĩ tới ông Kent. Cuối cùng bà hắng giọng, đứng thẳng người lại và nhìn thẳng vào mắt Người nào đó, rồi đáp: - Tai bay vạ gió. Người nào đó nhìn bà, rồi nhìn chiếc máy pha cà phê. Và nhìn cây lau nhà. Chị ta bắt đầu cười lớn. Rồi ho rũ rượi. Và càng cười lớn hơn. Britt-Marie cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Chuyện này có gì đáng cười đâu. Ít nhất bà cũng nghĩ như thế. Đã nhiều năm nay bà không hề nói điều gì buồn cười cả, theo như bà nhớ được. Thế nên tràng cười của Người nào đó làm bà bực bội, vì bà nghĩ nó nhắm vào mình. Đó là điều bạn cảm thấy nếu như sống một khoảng thời gian đủ lâu bên cạnh một người chồng suốt ngày tìm cách tỏ ra hài hước. Trong mối quan hệ của họ chỉ có đủ chỗ cho sự hài hước của Kent mà thôi. Ông ta là người tỏ ra vui vẻ, còn Britt-Marie thì ở trong bếp loay hoay với những thứ cần cọ rửa. Họ phân chia nhiệm vụ như thế. Nhưng lúc này Người nào đó đang cười lớn đến nỗi chiếc xe lăn của chị ta có nguy cơ lật nhào. Chuyện đó làm bà Britt-Marie cảm thấy bất an, và phản ứng tự nhiên của bà trước sự bất an là bứt rứt. Bà cầm lấy chiếc máy hút bụi với một cung cách rất khoa trương để tấn công vào bộ ghế sofa, lúc này đang bị bao phủ bởi một lớp natri bicarbonate. Tràng cười của Người nào đó từ từ chuyển thành một tiếng cười khúc khích, rồi thành một tiếng lầm bầm gì đó về tai bay vạ gió. - Buồn cười chết lên được, bà thấy đấy. Mà này, bà biết trong xe của bà có một cái thùng to vật chứ hả? Như thể chuyện đó có thể làm bà Britt-Marie ngạc nhiên vậy. Bà vẫn có thể nghe thấy một chút khúc khích trong giọng nói của chị ta. - Tôi biết. - Britt-Marie đáp với giọng căng thẳng, tai nghe thấy tiếng chiếc xe lăn di chuyển về phía cửa ra vào. - Bà có cần giúp đỡ để mang nó vào bên trong không? Britt-Marie bật máy hút bụi lên thay cho câu trả lời. Người nào đó hét lên để át tiếng ồn: - Tôi không phiền gì đâu, Britt-Marie! Bà ấn phần đầu hút của chiếc máy mạnh hết cỡ vào đệm ghế sofa, tiếp tục hút cho đến khi Người nào đó bỏ cuộc và la lên: - Này, bà biết không, tôi có Fanta nếu bà muốn pha với rượu! Cả pizza nữa! Đến đây thì cửa ra vào đóng lại. Britt-Marie tắt máy hút bụi. Bà không muốn tỏ ra không thân thiện, nhưng rõ ràng bà không muốn được giúp đỡ với cái thùng đồ đó. Lúc này đối với bà không có gì quan trọng hơn việc từ chối nhận sự giúp đỡ với cái thùng đồ. Bởi vì bên trong thùng có một món đồ IKEA. Và Britt-Marie sẽ tự mình lắp ráp nó. TÁM T hỉnh thoảng một chiếc xe tải lại chạy ngang qua Borg, và cứ mỗi lần như thế nhà văn hóa lại rung lên bần bật. Như thể nó được xây trên đường đứt gãy giữa hai thềm lục địa. Thềm lục địa rất hay được đố trong các ô chữ, nên bà biết. Bà cũng biết Borg là cái nơi mà mẹ bà sẽ mô tả bằng cụm từ “khỉ ho cò gáy”, bởi vì mẹ thường dùng cụm từ đó để nói về miền thôn quê. Một chiếc xe tải khác chạy ngang qua. Một chiếc màu xanh lục. Các bức tường rung lên. Borg từng là nơi cộng đồng xe tải dừng chân, nhưng ngày nay chúng chỉ chạy ngang qua. Chiếc xe tải làm Britt-Marie nghĩ đến chị Ingrid. Bà nhớ mình đã kịp trông thấy nó qua kính hậu hồi còn nhỏ, vào cái ngày cuối cùng mà bà có thể nhớ mình còn nhìn nhận bản thân như một đứa trẻ. Nó cũng màu xanh. Suốt nhiều năm qua Britt-Marie đã vô số lần tự hỏi cùng một câu, rằng liệu bà có đủ thời gian để hét lên hay không. Và nếu hét lên thì có thay đổi được gì không. Mẹ đã nhắc Ingrid cài dây an toàn, vì chị chẳng bao giờ làm thế, và cũng chính bởi vì mẹ nhắc mà Ingrid không thèm cài dây. Hai mẹ con mải cãi nhau nên không trông thấy chiếc xe tải. Britt-Mariethì thấy, vì bà luôn cài dây an toàn, vì bà muốn mẹ chú ý đến mình. Nhưng dĩ nhiên mẹ của bà không bao giờ chú ý vì chẳng có lí do gì để làm vậy, khi Britt-Marie luôn làm mọi việc mà không đợi nhắc. Nó lao đến từ phía bên phải. Màu xanh. Đó là một trong những điều ít ỏi mà Britt-Marie nhớ được. Chiếc xe tải lao đến từ phía bên phải, rồi mảnh kính và máu văng đầy băng ghế sau của chiếc xe hơi. Điều cuối cùng Britt-Marie còn nhớ trước khi ngất đi là bà muốn lau chùi nó. Làm cho nó sạch đẹp. Và khi tỉnh lại ở bệnh viện đó chính là điều bà đã làm. Dọn dẹp. Làm sạch đẹp mọi thứ. Khi người ta chôn cất chị gái bà và có những người lạ mặc đồ đen ghé đến nhà dùng cà phê, Britt-Marie lót đĩa dưới tất cả những cái tách, rửa toàn bộ cốc chén rồi lau chùi mọi cửa sổ. Khi bố của bà bắt đầu nán lại nơi làm việc ngày một lâu hơn và mẹ bà chẳng buồn nói năng gì nữa, Britt-Marie dọn dẹp. Dọn dẹp, dọn dẹp và dọn dẹp. Bà đã hi vọng rằng sớm muộn rồi mẹ mình sẽ rời khỏi giường và nói: “Con làm mọi thứ đẹp hẳn lên”, nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra. Họ không bao giờ nói chuyện về vụ tai nạn, và bởi vì không làm thế, nên họ cũng không thể nói chuyện về bất cứ điều gì khác. Một số người đã kéo Britt-Marie ra khỏi chiếc xe hơi, bà không rõ là ai, nhưng bà biết mẹ mình ngấm ngầm tức giận và không bao giờ tha thứ cho họ vì đã cứu nhầm người. Có lẽ Britt Marie cũng không tha thứ cho họ. Bởi vì họ đã cứu mạng một người mà kể từ ngày hôm đó chỉ chú tâm vào việc loanh quanh với nỗi sợ bị chết và bị bỏ đó cho trương thối lên. Rồi một ngày nọ, bà đọc tờ báo sáng của bố và thấy một quảng cáo của thương hiệu chất làm sạch cửa sổ. Cuộc đời bà tiếp diễn như thế. Giờ thì Britt-Marie đã sáu mươi ba tuổi và đang đứng ở một nơi khỉ ho cò gáy, quan sát Borg qua cửa sổ bếp của nhà văn hóa, tiếc nhớ Faxin và tầm quan sát thế giới của mình. Dĩ nhiên, bà đứng đủ xa cửa sổ để không ai từ phía ngoài có thể trông thấy bà đang nhìn ra. Ấn tượng mà chuyện đó gây ra sẽ không hay ho gì! Cứ như thể bà suốt ngày chỉ đứng đó nhìn ra bên ngoài, tựa một tên tội phạm. Nhưng chiếc xe của bà vẫn đang đậu trên khoảng sân rải đá dăm. Bà đã bất cẩn để quên chìa khóa trong xe, và cái thùng đồ IKEA vẫn còn nằm trên băng ghế sau. Britt Marie không biết mình sẽ làm thế nào để mang nó vào trong nhà văn hóa, vì nó rất nặng. Bà không hiểu sao nó lại nặng như thế, cũng không biết chính xác bên trong nó là gì. Ý định của bà là mua một cái ghế đẩu, tương tự như hai cái ghế đẩu hiện có trong nhà văn hóa, nhưng sau khi đi đến cửa hàng của IKEA và tìm được khu vực bán ghế thì bà phát hiện ra tất cả các ghế đẩu đã bị bán hết. Britt-Marie đã mất cả buổi sáng để quyết định đi mua một cái ghế đẩu về tự lắp, nên cú hẫng này làm bà đứng như trời trồng trong một khoảng thời gian dài tới nỗi bà bắt đầu lo rằng ai đó ở cửa hàng sẽ cảm thấy bà có điều gì giấu diếm. Họ sẽ nghĩ gì? Nhiều khả năng họ sẽ nghi là bà định đánh cắp gì đó. Khi suy nghĩ này trở nên chắc chắn, Britt-Marie cuống lên, và với một sức mạnh siêu nhân bà đã lôi được cái thùng đồ gần nhất tới xe đẩy hàng, bằng một cung cách có thể tạo ra ấn tượng rằng đó chính là món đồ mà bà tìm kiếm. Bà gần như không nhớ nổi làm thế nào mình đưa được nó vào trong xe hơi. Có lẽ bà đã rơi vào trường hợp mà người ta thường nhắc đến trên tivi, khi một người mẹ nâng được vật khổng lồ đang đè lên con cái mình. Britt-Marie được truyền cho loại sức mạnh ấy khi bắt đầu cảm thấy sự nghi ngờ của những người xa lạ đang nhìn bà và nghi ngờ bà là tội phạm. Britt-Marie dịch ra xa cửa sổ hơn, để cho chắc ăn. Vào lúc mười hai giờ đúng, bà dọn cái bàn ở bên cạnh mấy chiếc ghế sofa để ăn trưa. Cũng chẳng thịnh soạn gì, chỉ có một lon đậu phộng và một ly nước, nhưng vấn đề là người văn minh luôn dùng bữa trưa lúc mười hai giờ, và nếu có điều gì Britt-Marie chắc chắn trên cõi đời này thì đó là bà sống văn minh. Bà trải một tấm khăn lên ghế sofa trước khi ngồi xuống, rồi trút lon đậu phộng ra một cái đĩa. Phải cố kiềm chế lắm bà mới không dùng dao nĩa để ăn đậu phộng. Sau đó bà dọn dẹp và làm sạch toàn bộ nhà văn hóa một lần nữa một cách cẩn thận, đến nỗi gần như dùng hết chỗ natri bicarbonate mà mình có. Tại nhà văn hóa có một phòng giặt nhỏ với một máy giặt và một máy sấy. Britt-Marie làm sạch các thiết bị với lượng natri bicarbonate còn lại, tựa như một người chết đói buộc miếng mồi cuối cùng của mình vào sợi dây câu. Không phải bà đang nghĩ đến việc giặt giũ. Chẳng qua bà không thể chịu đựng nổi việc thấy chúng dơ bẩn. Trong một góc tường phía sau máy sấy, bà tìm thấy nguyên một cái bị đựng những chiếc áo thun màu trắng có in số. Áo bóng đá. Khắp nhà văn hóa treo đầy ảnh của những cá nhân khác nhau mặc trang phục này. Nhiều khả năng chúng dính dầy bùn đất. Suốt cả đời mình Britt-Marie không tài nào hiểu nổi vì sao người ta có thể chơi một môn thể thao ngoài trời mà lại đi mặc đồ màu trắng. Kinh dị. Bà tự hỏi liệu người ta có bán natri bicarbonate tại cái tiệm pizza kiêm tạp hóa kiêm tiệm sửa xe kiêm bưu điện kia hay không. Britt-Marie đi lấy áo khoác. Ngay phía bên trong cửa ra vào, cạnh mấy tấm ảnh chụp các quả bóng đá và những con người không biết làm gì khác hơn là đá chúng, có một bộ chiếc áo thi đấu màu vàng in chữ “Bank” ngay phía trên con số 10. Bên dưới chiếc áo là tấm ảnh chụp một ông già mỉm cười tự hào, tay giơ cao đúng chiếc áo đó. Britt-Marie khoác áo vào. Phía bên ngoài cửa ra vào có một người đang sắp sửa gõ cửa. Người này có một khuôn mặt dính đầy bột thuốc lá hít. Đúng là một cách thức tệ hại để thiết lập sự tiếp xúc ngắn ngủi giữa Britt-Marie và khuôn mặt, bởi vì bà rất ghét thuốc lá hít. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra trong khoảng hai mươi giây, sau đó khuôn mặt dính thuốc lá dịch ra xa và lẩm bẩm gì đó nghe giống như “mụ già khó chịu”. Đến nước này thì Britt-Marie cầm điện thoại lên và gọi cho người duy nhất mà bà từng gọi điện. Cô gái ở văn phòng giới thiệu việc làm không nghe máy. Britt-Marie lại gọi cô ta một lần nữa, bởi vì điện thoại không phải là thứ mà bạn thích thì nghe không thích thì thôi. - Alô? - Một lúc lâu sau cô gái lên tiếng ở đầu dây bên kia, miệng lúng búng thức ăn. - Xin lỗi, cháu đang ăn trưa. - Bây giờ á? - Britt-Marie thốt lên, như thể cô gái chỉ nói đùa. - Cô à, chúng ta không phải đang trong thời chiến. Lẽ nào lại cần phải ăn trưa vào lúc một rưỡi chiều? Cô gái nhai mạnh bữa trưa của mình. Rồi cô dũng cảm thay đổi chủ đề đối thoại. - Anh chàng diệt chuột đến đó chưa ạ? Cháu đã mất hàng giờ gọi điện khắp nơi, cuối cùng mới tìm được một người đồng ý làm gấp, và... - Không phải là một anh chàng, mà là một con mụ. Và mụ ta xài thuốc hít. - Britt-Marie nói luôn, như thể chuyện đó giải thích cho tất cả. - Vâng. Thế chị ta xử lí lũ chuột cống chưa ạ? - Chưa, chắc chắn mụ ta chưa làm chuyện đó. - Britt-Marie khẳng định. - Mụ ta đi giày bẩn vào đây trong khi tôi vừa mới lau sàn. Lại còn hít thuốc lá nữa. Mụ ta bảo là vào đặt bả chuột, nhưng cô không thể làm thế. Cô có thực sự nghĩ là người ta có thể làm như thế không? Bày bả chuột ra như thế? - Ơ... không? - Không, cô không thể. Chết người như chơi ấy chứ! Và tôi đã nói như vậy với mụ ta. Thế rồi mụ ta đảo mắt đứng đó cùng với đôi giày bẩn thỉu và món thuốc lá hít, bảo tôi là thôi vậy để mụ ta đặt bẫy chuột, dùng Snickers làm mồi! Lấy sôcôla làm mồi! Trên cái sàn nhà mới lau của tôi! - Britt-Marie nói với giọng điệu của một người đang gào thét trong lòng. - OK. - Cô nhân viên đáp, và lập tức hối tiếc, vì cô nhận ra chuyện này không OK một chút nào. - Thế là tôi đành bảo mụ ta đặt bả, nhưng cô biết mụ ta nói thế nào không? Nghe đây này! Mụ ta nói nếu lũ chuột ăn phải bả thì người ta sẽ không thể biết chúng đi đâu để chết, chúng có thể nằm chết trong một cái hốc tường nào đó và trương thối lên! Cô có bao giờ nghe nói tới một chuyện như thế hay không? Cô có biết mình đã gọi đến đây một con mụ xài thuốc hít và cảm thấy hoàn toàn bình thường khi để cho những con vật nằm chết trong tường làm thối um cả chỗ này lên hay không? - Cháu chỉ đang cố giúp thôi mà. - À. Giúp đỡ. Chúng ta còn nhiều việc khác để làm hơn là mất cả ngày đối phó mấy con mụ diệt chuột. -Britt-Marie nói với ngụ ý rất rõ ràng trong giọng điệu. - Thật ạ? - Cô nói cái gì? - Britt-Marie hỏi lại. - Không, không có gì ạ. - Cô gái đáp. Britt-Marie im lặng hồi lâu trước khi lên tiếng: - Ừ. Có một dòng người đang xếp hàng trong tiệm tạp hóa. Hay đúng hơn là tiệm pizza, bưu điện, tiệm sửa xe hay gì gì đó. Dù sao thì cũng có một hàng người. Trong lúc đang là giữa buổi chiều. Cứ như thể mọi người không có gì hay ho hơn để làm vào cái giờ này vậy. Những người đàn ông râu ria đội mũ đang uống cà phê và đọc báo quanh một chiếc bàn. Karl đứng ở đầu hàng người. Trong tay anh ta là một cái gói. Anh ta thật sung sướng khi có thời giờ rảnh rỗi như thế này, Britt-Marie nghĩ thầm. Một phụ nữ ngoài hai mươi, người vuông chằn chặn, đang đứng trước bà. Cô ta đeo kính râm, dù đang ở trong nhà. Hiện đại ghê, Britt-Marie thầm nghĩ. Cô ta có một con chó màu trắng đi cùng. Britt-Marie nhận thấy nó không được sạch sẽ cho lắm. Người phụ nữ mua một cục bơ cùng với sáu lon bia ngoại mà Người nào đó lôi ra từ phía trong quầy. Cô ta cũng lấy thêm bốn gói thịt lợn muối xông khói và nhiều bánh cookie sôcôla hơn nhu cầu của bất kỳ người văn minh nào, theo đánh giá của bà. Người phụ nữ lầm lì gật gù rồi cho tất cả hàng hóa vào trong một cái túi. Britt-Marie không muốn xếp cô ta vào dạng “to béo”, bởi vì bà chắc chắn không phải là loại người đánh giá người khác như thế, nhưng bà nhận ra hẳn phải rất tuyệt vời đối với người phụ nữ này khi cô ta có thể sống cả đời mà không bị làm phiền bởi hàm lượng cholesterol trong máu. - Bà bị mù à? - Người phụ nữ quát to sau khi quay người lại và đâm sầm vào Britt-Marie. Britt-Marie há hốc mồm kinh ngạc. Bà chỉnh lại mái tóc. - Chắc chắn là không. Thị lực của tôi rất ổn. Tôi đã hỏi bác sĩ nhãn khoa của mình. Anh ta nói tôi có một thị lực hoàn hảo. - Thế thì bà làm ơn tránh đường được không? - Người phụ nữ cằn nhằn và quơ cây gậy chống. Britt-Marie nhìn vào cây gậy, con chó, và cặp kính đen. Bà lắp bắp “À... ừ...” và gật đầu xin lỗi trước khi nhận ra có gật đầu cũng không thay đổi được gì. Người phụ nữ mù và con chó đi thẳng qua chỗ Britt-Marie. Cánh cửa kêu leng keng sau lưng họ. Nó không thể làm khác được. Người nào đó lăn xe ngang qua chỗ bà Britt-Marie và phác một cử chỉ an ủi. - Đừng bận tâm về cô ta. Cô ta cũng giống như Karl. Một quả chanh dưới mông, bà biết đấy. Chị ta làm một cử chỉ cho thấy nó bị kẹt sâu như thế nào, rối xếp một chồng hộp đựng pizza trên mặt quầy. Britt-Marie chỉnh lại tóc và váy trước khi theo bản năng đưa tay chỉnh lại cái hộp nằm trên cùng hơi bị lệch. Sau đó bà cố nén lại lòng tự trọng của mình và nói với một giọng điệu hoàn toàn điềm tĩnh: - Tôi muốn biết việc sửa chiếc xe của tôi đã tiến triển tới đâu rồi? Người nào đó gãi đầu. - Vâng, vâng, cái xe đó. Bà biết đấy, tôi có một điều này cần phải hỏi bà. Một cái cánh cửa có quan trọng với bà hay không? - Cánh cửa á? Tại sao? Chị nói vậy là sao? - Bà biết đấy, tôi chỉ hỏi thôi. Màu sắc rất quan trọng đối với bà, tôi biết. Cửa màu vàng: không được. Thế nên tôi hỏi bà đấy, Britt Marie: một cái cánh cửa có quan trọng với bà hay không? Nếu là không thì chiếc xe của bà, nói sao nhỉ? Sửa xong rồi. Còn nếu có thì... bà biết đấy. Nói sao nhỉ? Phải chờ một thời gian. Trông chị ta có vẻ hài lòng. Bà Britt-Marie không hài lòng chút nào. - Lạy Chúa, xe tôi phải được gắn cửa chứ! - Bà cao giọng. Người nào đó xua tay. - Vâng, vâng, bà đừng cáu. Tôi chỉ hỏi thôi mà. Cánh cửa: chờ thêm ít lâu nữa! Chị ta giơ hai ngón tay ở khoảng cách chừng một xen-ti-mét để minh họa cho sự ngắn ngủi của cái “ít lâu nữa” ấy. Britt-Marie nhận ra chị ta là người chiếm ưu thế trong những cuộc thương lượng như thế này. Đáng lẽ Kent nên ở đây. Kent thích thương lượng. Ông ta luôn nói người ta phải tâng bốc người mà mình đang thương lượng. Britt-Marie bèn trấn tĩnh lại và nói: - Ở Borg này mọi người hình như rất là rảnh rỗi nên có thể đi mua sắm vào buổi chiều. Thích thật đấy. Người nào đó nhướng mày. - Thế còn bà? Bà bận bịu lắm à? Với một sự kiên nhẫn sâu sắc, Britt-Marie chắp hai tay vào nhau. - Tôi cực kỳ bận. Bận vô cùng. Nhưng tôi đang hết mất natri bicarbonate. Cô có bán món đó tại... cửa hàng này không? - Bà phát âm hai chữ “cửa hàng” với một sự độ lượng thần thánh. - Vega! - Người nào đó lập tức la lớn đến nỗi làm cho Britt-Marie nhảy dựng và suýt làm đổ chồng hộp bánh pizza. Con bé hôm qua xuất hiện phía sau quầy, tay vẫn ôm quả bóng đá. Bên cạnh con bé là một thằng bé gần như giống y đúc, nhưng có mái tóc dài hơn. - Thuốc muối cho quý bà đây! - Người nào đó nói cùng với một cái nghiêng người thi lễ cường điệu với bà Britt-Marie, người không tán thành chuyện đó một chút nào. - Bà ta đấy. - Vega thì thầm với thằng bé. Thằng bé lập tức trông như thể vừa được lên dây cót. Nó chạy biến vào trong kho trước khi quay trở ra cùng với hai cái lọ trong tay. Faxin. Britt-Marie bỗng thấy mình hụt hơi. Bà đoán mình đang gặp phải thứ mà thỉnh thoảng trong các gợi ý ô chữ vẫn nhắc đến như là một “trải nghiệm hồn lìa khỏi xác”. Trong một thoáng bà quên hẳn tiệm tạp hóa kiêm tiệm pizza với những gã đàn ông râu ria đọc báo uống cà phê. Tim bà đập như trống trận. Thằng bé đặt hai cái lọ lên quầy, tựa như một con mèo vừa bắt được một chú sóc. Những ngón tay của bà Britt-Marie lướt qua hai cái lọ trước khi lòng tự trọng ra lệnh cho chúng buông ra. Bà cảm thấy như được trở về nhà. - Tôi... tôi tưởng chúng đã bị ngưng sản xuất. - Bà thì thào. Thằng bé chỉ tay vào mình: - Muỗi! Omar xoay sở được hết! Nó hào hứng trỏ vào hai lọ Faxin. - Mọi xe tải nước ngoài đều dừng ở trạm xăng trong thành phố! Cháu quen tất! Cháu sẽ xoay sở được mọi thứ bà muốn! Người nào đó gật gù với vẻ hiểu biết. - Họ đã đóng cửa trạm xăng ở Borg. Không sinh lợi, bà biết rồi đấy. - Nhưng nếu bà muốn, cháu có thể xách can đi mua xăng. Giao tận nơi miễn phí! Và cháu cũng có thể lấy thêm Faxin cho bà! - Thằng bé reo lên. Vega đảo mắt. - Chị là người sẽ bảo em nếu bà ấy cần Faxin. - Con bé nói với thằng bé rồi đặt hũ thuốc muối lên quầy. - Em là người xoay sở! - Thằng bé khăng khăng, mắt không rời khỏi bà Britt-Marie. - Đây là Omar, em trai cháu. - Vega thở dài và nói với bà Britt Marie. - Chúng ta sinh cùng năm mà! - Omar phản đối. - Phải rồi, tháng Giêng và tháng Mười hai. - Vega hừ mũi. Nói thật lòng, Britt-Marie nhận thấy cậu em có phần hơi lớn hơn cô chị. Vẫn còn trẻ con, nhưng hai đứa đã bước vào cái tuổi ẩm ương. - Cháu là người xoay sở giỏi nhất ở Borg. Bà cần bất cứ thứ gì, cứ bảo cháu! - Omar nói với bà Britt-Marie và nháy mắt một cách tự tin, không thèm đếm xỉa tới cô chị đang đá vào cẳng chân mình. - Bớt xàm. - Vega nói, kèm theo một tiếng thở dài. - Óc chó! - Omar đốp chát. Britt-Marie không rõ mình nên lo lắng hay tự hào vì biết mấy chữ đó mang nghĩa xấu, nhưng bà chưa kịp suy nghĩ thì đã thấy Omar nằm dưới sàn, tay ấn vào môi. Vega bước ra khỏi cửa với quả bóng trong một tay, tay còn lại vẫn đang co thành nắm đấm. Người nào đó cười chế giễu Omar. - Này, đầu cháu, nói sao nhỉ? Đầu cháu để trồng cây à? Học mãi mà không hiểu à? Omar lau miệng. Trông nó giống như một đứa bé thôi khóc vì que kem bị rớt xuống đất ngay khi trông thấy một quả bóng tập cổ tay sáng loáng. - Nếu bà muốn một cái mâm bánh mới, cháu có thể xoay sở được. Hoặc bất cứ thứ gì. Dầu gội đầu, túi xách này nọ. Cháu xoay sở được hết! - Một ít băng cá nhân thì sao? - Người nào đó trêu và chỉ vào môi của thằng bé. Britt-Marie siết chặt cái túi xách và chỉnh lại mái tóc, như thể