🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Boomerang – Bong Bóng Kinh Tế Và Làn Sóng Vỡ Nợ Quốc Gia Ebooks Nhóm Zalo Table of Contents BOOMERANG Hành trình qua tàn tích của những nền kinh tế cũ Phi vụ ăn non lớn nhất 1. Phố Wall trên lãnh nguyên 2. Và thế là họ tạo ra môn toán học 3. Khi Ireland ăn “trái cấm” 4. Cuộc sống bí mật của người Đức 5. Quá nặng nề để cất cánh? Hành trình qua tàn tích của những nền kinh tế cũ Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Viện ngân hàng – tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hầu hết chúng ta đều biết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, một trong những thảm họa kinh tế tồi tệ nhất lịch sử, sánh ngang với Đại Khủng hoảng 1929 – 1933, bắt nguồn từ Mỹ. Cơn sóng thần tín dụng giá rẻ quét qua thế giới từ năm 2002 đến 2008 không phải là một hiện tượng tài chính đơn giản: đó là một sự cám dỗ, một cơ hội cho mọi xã hội phô bày những khía cạnh trong tính cách mà bình thường chúng không bao giờ để lộ ra. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu chi tiết, hãy tìm đọc cuốn The Big Short (Bán Khống) của Michael Lewis – sẽ được Alpha Books xuất bản vào tháng 3 năm 2014. Thật ra, nếu có thể, bạn hãy đọc cuốn đó trước, rồi đọc tới cuốn sách này vì cuốn sách bạn đang cầm trên tay nói về giai đoạn sau của cuộc khủng hoảng, khi nó đã bắt đầu từ Mỹ lan rộng đi toàn thế giới. Một giai đoạn đáng sợ hơn và nguy hiểm hơn. Sử dụng phép ẩn dụ từ tên gọi của nó, Boomerang kể về cuộc hành trình du lịch điều tra của Michael Lewis, xuất phát từ Mỹ, bay đến những điểm nóng trong cuộc khủng hoảng trên thế giới và cuối cùng quay trở lại Mỹ. Đầu tiên, tác giả sẽ đưa người đọc đến Iceland, nơi mà cả quốc gia hầu như không có chút kiến thức hay kinh nghiệm nào về tài chính cao cấp đã nhìn vào Phố Wall và nghĩ rằng có thể bắt chước nó, nơi mà những ngư dân có thể trở thành nhà ngân hàng đầu tư còn các triết gia, bác sỹ thú y hay nhà thơ thì gia nhập nhóm cố vấn kinh tế của chính phủ. Theo Lewis, vấn đề của Iceland nằm ở cá tính của quốc gia, không hề yên bình và ngọt ngào mà luôn chứa đựng sự hoang dã. Tiếp theo là Hy Lạp, với những vị cha xứ hiền lành quản lý các tu viện hàng nghìn năm tuổi đã bằng cách nào đó trở thành biểu tượng quốc gia về lòng tham và sự thối nát. Ở đây, độc giả sẽ học được rằng gian lận thuế là một đặc điểm văn hóa của Hy Lạp và làm giả dữ liệu kinh tế là cách để họ gia nhập Liên minh Châu Âu. Cuộc hành trình sẽ đưa ta tới cả Ireland, một đất nước nổi tiếng hiền lành và thân thiện, đến mức mà dù cho là quốc gia châu Âu đầu tiên chứng kiến sự lung lay của hệ thống ngân hàng, vẫn chẳng có mấy ai thể hiện sự phản đối. Lewis cho rằng nguyên nhân của điều này là do người dân Ireland đã quá quen với sự khốn khổ, nên dù bong bóng có khiến họ từ nghèo thành giàu, rồi sau đó từ giàu lại quay trở về với sự nghèo đói thì họ vẫn cảm thấy quen thuộc, dù có đau đớn. Cuối cùng, Lewis dẫn chúng ta đến Đức, quốc gia kỳ lạ nhất. Đất nước này vốn được ca ngợi vì sự kỷ luật đến mức cứng nhắc thì nay chính điều đó đã làm hại họ. Họ tuân theo quy luật rằng cứ trái phiếu xếp hạng AAA là phi rủi ro nên đã mua rất nhiều những thứ trái phiếu thế chấp dưới chuẩn rác rưởi do Phố Wall tạo ra và phải chịu hậu quả. Điểm thú vị ở đây, như tác giả đã chỉ ra, là Đức chỉ suýt bị khủng hoảng chứ không sa lầy vào nó, họ không chi tiêu quá khả năng hay bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Tất cả những điều trên và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa đều được kể chi tiết trong cuốn sách này. Với khả năng bậc thầy trong việc kể những câu chuyện phức tạp một cách cực kỳ đơn giản và chi tiết, văn phong lối cuốn, không khô khan như tính chất của một câu chuyện kinh tế, Michael Lewis đã tạo ra một Boomerangcó sức hấp dẫn khó cưỡng, với những nhân vật thú vị cùng những sự kiện kịch tính, sẽ khiến người đọc như bị cuốn mình vào trong tác phẩm, không thể dứt ra được. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google :http://bit.ly/downloadsach Phi vụ ăn non lớn nhất Ý tưởng viết cuốn sách này đến với tôi một cách tình cờ, khi tôi đang viết dở một cuốn sách khác về Phố Wall và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008. Lúc đó, tôi đang quan tâm tới một nhóm nhỏ các nhà đầu tư vừa kiếm được bạc tỉ từ sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Quay trở lại năm 2004, các ngân hàng đầu tư lớn Phố Wall đã tạo ra một thứ vũ khí tự sát: dịch vụ bảo hiểm nợ xấu đối với các trái phiếu thế chấp dưới chuẩn. Dịch vụ này cho phép nhà đầu tư đánh cược giá trị của bất kỳ loại trái phiếu nào – để “ăn non”. Đây thực ra là một hình thức bảo hiểm song có chút biến tướng: người mua không cần phải là chủ sở hữu của món tài sản được bảo hiểm. Xét về mặt pháp lý, các công ty bảo hiểm không được phép bán cho bạn bảo hiểm hỏa hoạn trên ngôi nhà của người khác, ấy thế mà các thị trường tài chính lại có thể làm được điều đó, và họ sẵn lòng bán cho bạn bảo hiểm vỡ nợ trên các khoản đầu tư của người khác. Hàng trăm nhà đầu tư đã lao vào thị trường bảo hiểm nợ xấu – nhiều người đã nghĩ, hoặc chí ít là chợt nghĩ, rằng bong bóng nhà đất vốn đang trương phồng bởi nợ của Mỹ sẽ không tồn tại được lâu – nhưng chỉ có khoảng 15 nhà đầu tư đặt hết niềm tin vào đó, và đặt những khoản cược khổng lồ rằng nền tài chính Mỹ sẽ ra tro. Phần lớn trong số họ đang điều hành các quỹ đầu cơ ở London hay New York; và thường thì họ đều muốn tránh né báo giới. Nhưng về chủ đề này, vào lúc này, họ lại cởi mở một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả đều từng trải qua cảm giác cô lập đến kỳ lạ của một con người tỉnh táo sống trong một thế giới điên rồ, và, khi kể về trải nghiệm đó, họ kể theo giọng kể của một người từng đơn độc ngồi lặng im trên một con thuyền nhỏ mà trông con tàu khổng lồ Titanic chìm dần dưới lớp băng. Một vài người trong số họ có bản tính không hề phù hợp với sự tách biệt và im lặng, trong đó có vị quản lý của một quỹ đầu cơ có tên Hayman Capital ở Dallas, Texas. Tên anh là Kyle Bass. Bass là người gốc Texas, khi đó đã gần 40 tuổi. Những năm đầu sự nghiệp – trong đó có 7 năm với Bear Stearns – Bass đi bán trái phiếu cho các công ty ở Phố Wall. Cuối 2006, anh dùng một nửa trong số 10 triệu đô-la tiết kiệm được trong thời gian làm việc tại Phố Wall cùng với 500 triệu đô-la quyên góp từ những người khác để lập ra một quỹ đầu cơ riêng, và đặt một canh bạc lớn cho sự sụp đổ của thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn. Sau đó, anh bay tới New York để cảnh báo cho những người bạn cũ biết rằng họ đang đứng ở sai phía trong rất nhiều vụ cá cược ngu ngốc. Những nhà buôn của Bear Stearns không mảy may ngó ngàng tới điều anh nói. Một người trong số họ bảo Bass:“Anh hãy cứ lo cho việc quản lý rủi ro của mình, còn tôi sẽ tự lo việc của chúng tôi”. Cuối năm 2008, khi tôi tới Dallas thăm Bass, thị trường thế chấp trái phiếu dưới chuẩn đã sụp đổ, kéo theo cả Bear Stearns. Lúc này, Bass đã giàu có và thậm chí còn có chút tiếng tăm trong giới đầu tư, nhưng anh không còn quan tâm tới đống trái phiếu thế chấp dưới chuẩn đổ nát nữa. Sau khi đã thu lợi nhuận về, giờ đây anh lại toàn tâm toàn ý với một sở thích mới: các chính phủ. Lúc này, chính phủ Mỹ còn đang tối mặt đón nhận những khoản cho vay dưới chuẩn của Bear Stearns và các ngân hàng khác ở Phố Wall. Cuối cùng thì Cục Dự Trữ Liên Bang, theo hình thức này hay hình thức khác, sẽ là nơi tiêu thụ đống rủi ro đó cùng với ngót 2 nghìn tỷ chứng khoán bấp bênh. Những hành động này của họ cũng tương tự hành động của các chính phủ thuộc các quốc gia giàu có, phát triển khác: các khoản nợ xấu do những nhà tài phiệt lương cao bổng hậu của khu vực tư nhân tạo ra sẽ gặm nhấm vào các ngân khố quốc gia và ngân hàng trung ương. Kyle Bass cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính chưa tới hồi kết, thực ra nó chỉ đơn giản là được che đậy bằng niềm tin tuyệt đối cũng như uy tín của các chính phủ phương Tây giàu có. Tôi đã dành nguyên một ngày ngồi lắng nghe anh và các đồng nghiệp bàn luận sôi nổi về hệ quả của nó. Họ không còn nói về sự sụp đổ của một vài loại trái phiếu đơn lẻ nữa. Họ nói về sự sụp đổ của các quốc gia. Và họ đưa ra một giả thiết mới xuất sắc về đầu tư, đại khái như sau. Từ năm 2002 đã xuất hiện một đợt bùng nổ giả mạo ở nhiều quốc gia giàu có và phát triển. Thứ có vẻ như là sự phát triển kinh tế kỳ thực lại là hành vi của những người đi vay mượn những khoản tiền mà cơ hồ họ không thể trả: theo ước tính sơ bộ của Bass và đồng nghiệp, tổng các khoản nợ của cả khối tư nhân và nhà nước trên thế giới đã tăng hơn hai lần kể từ 2002, từ 84 nghìn tỷ đô-la lên tới 195 nghìn tỷ đô-la. “Lịch sử thế giới chưa từng có mức tích tụ nợ nào như thế này”, Bass nói. Thực ra, các ngân hàng lớn vốn là nguồn cung cấp phần lớn chỗ tín dụng này đã không còn bị coi là thuộc khu vực tư nhân nữa, chúng đã trở thành cánh tay nối dài của các chính phủ sở tại, và chắc chắn chúng sẽ được giải cứu nếu có khủng hoảng. Khoản nợ công của các nước giàu lúc này đã đứng ở ngưỡng cao chí tử, và mỗi lúc một tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng. Thế nhưng chúng không còn là khoản nợ công chính thức nữa. Trên thực tế, nó bao gồm các khoản nợ trong nội bộ từng hệ thống ngân hàng của mỗi quốc gia, và các khoản nợ này, trong một cuộc khủng hoảng khác, sẽ được chuyển về cho chính phủ. “Điều đầu tiên mà chúng tôi muốn tìm hiểu”, Bass nói, “là các hệ thống ngân hàng này lớn tới mức nào, nhất là xét trong mối tương quan với thu nhập của các chính phủ. Chúng tôi đã mất khoảng 4 tháng để thu thập dữ liệu. Chẳng ai có con số đó cả”. Những con số này cộng lại thành một kết quả không khỏi khiến người ta kinh hoàng. Chẳng hạn, Ireland, với mức thâm hụt hàng năm lớn và ngày một gia tăng, đã tích lũy được một món nợ lớn gấp hơn 25 lần nguồn thu hàng năm từ thuế của nước này. Tây Ban Nha và Pháp có mức nợ lớn gấp 10 lần thu nhập hàng năm của họ. Trước đây, những mức nợ chính phủ cao như vậy đã khiến các chính phủ phá sản. “Tôi nghĩ đây là giải pháp duy nhất cho các quốc gia này”, Bass nói. “Trừ khi họ bắt đầu có những khoản dư ngân sách, mà điều đó hẳn là chuyện hoang đường.” Tuy vậy, anh vẫn băn khoăn không biết mình có bỏ sót điều gì không. “Thế là tôi đi tìm bất kỳ ai có chút hiểu biết về lịch sử vỡ nợ của các chính phủ”, anh nói. Và anh tìm được chuyên gia hàng đầu về vấn đề này, giáo sư Kenneth Rogoff của Harvard. Thật tình cờ, lúc đó vị giáo sư cũng đang cùng cộng sự Carmen Reinhart biên soạn một cuốn sách nói về lịch sử sụp đổ của nền tài chính quốc gia mang tên Lần này thì khác: 8 thế kỷ ngờ nghệch về tài chính.“Chúng tôi đưa cho Rogoff xem các con số”, Bass nói, “Ông ấy chỉ lặng im nhìn chúng, rồi ngả người ra sau ghế và nói: ‘Thật khó lòng mà tin được rằng sự việc lại tồi tệ đến thế này’. Tôi nói: ‘Ông là chuyên gia hàng đầu về việc nghiên cứu báo cáo tài chính của các chính phủ. Ông là điểm đến khi cần giải quyết những rắc rối của chính phủ. Ông từng dạy học ở Princeton cùng với Ben Bernanke. Ông cũng là người mai mối Larry Summers với bà vợ hai sau này của ông ta. Vậy nếu ông còn không biết điều này, thì ai biết?’ Nói rồi tôi nghĩ thầm trong bụng: Trời ạ, không ai thèm bận tâm tới chuyện này hay sao?” Và thế là giả thuyết mới về đầu tư của Bass ra đời: cơn khủng hoảng thị trường thế chấp dưới chuẩn là triệu chứng, không phải là nguyên nhân. Những vấn đề kinh tế, xã hội ở tầng sâu hơn và là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này vẫn còn đó. Khi các nhà đầu tư mở mắt trước thực tế này, họ sẽ ngừng cái ý nghĩ rằng các chính phủ phì nhiêu của phương Tây hoàn toàn miễn nhiễm trước mọi rủi ro, và họ sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn khi cho các chính phủ này vay mượn. Khi lãi suất cho vay tăng lên, các chính phủ này sẽ lún sâu hơn vào nợ nần, và tình cảnh này sẽ càng đẩy lãi suất vay dành cho họ tăng cao. Trong một số trường hợp đặc biệt đáng báo động – Hy Lạp, Ireland, Nhật Bản – chỉ cần tăng nhẹ lãi suất cũng đủ để các chính phủ này phải dành trọn ngân sách cho việc trả lãi vay. “Chẳng hạn,” Bass nói, “nếu Nhật phải vay với mức lãi suất của Pháp, thì chỉ riêng gánh nặng lãi suất cũng đủ để làm phá sản cả chính phủ Nhật”. Khi các thị trường tài chính nhận ra được điều này, tâm trạng của giới đầu tư sẽ thay đổi. Khi tâm trạng của giới đầu tư thay đổi, các chính phủ này sẽ vỡ nợ. (“Một khi đã để mất lòng tin, anh sẽ không thể lấy lại được nó nữa. Không thể nữa”). Và sau đó thì sao? Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 chấm dứt chỉ vì những nhà đầu tư tin rằng các chính phủ sẽ vay mượn bất kỳ thứ gì cần thiết để giải cứu các ngân hàng của mình. Điều gì xảy ra khi bản thân các chính phủ cũng không còn đáng tin nữa? Còn một cuộc khủng hoảng tài chính khác, lớn hơn đang chực chờ bùng nổ − câu hỏi duy nhất trong đầu Kyle Bass chỉ là khi nào mà thôi. Cuối 2008, anh cho rằng Hy Lạp có thể sẽ là quốc gia đầu tiên phá sản, đẩy đồng euro tới chỗ sụp đổ. Anh nghĩ quá trình này có thể diễn ra trong vòng 2 năm, song không thực sự tin tưởng vào con số này. “Giả sử nó kéo dài tận 5 năm”, anh nói. “Cứ cho là nó kéo dài 7 năm đi. Tôi có nên chờ cho tới khi có được chút cơ may ăn chắc nào rồi mới xác định lập trường, hay tôi nên làm điều đó ngay bây giờ? Câu trả lời là ngay bây giờ. Bởi tới khi người người đều tin rằng việc một quốc gia vỡ nợ là khả năng có thể xảy ra, thì cái giá phải trả đã rất đắt. Nếu ngồi chờ, anh sẽ phải trả giá cho sự rủi ro đó”. Khi chúng tôi gặp nhau, anh vừa mới thực hiện xong những hợp đồng bảo hiểm nợ xấu đầu tiên đối với những quốc gia mà anh cùng nhóm chuyên gia phân tích cho rằng có nguy cơ mất khả năng trả nợ nhất, bao gồm: Hy Lạp, Ireland, Ý, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Anh đánh cược trực tiếp với những đại gia Phố Wall, những công ty mà anh tin rằng chẳng đời nào người ta lại để cho họ sụp đổ – Goldman Sachs, J.P. Morgan, và Morgan Stanley. Tuy vậy, do nghi ngờ khả năng chống trả một đợt khủng hoảng nghiêm trọng hơn của các công ty này, anh đã yêu cầu họ hàng ngày phải công bố tài sản thế chấp của các giao dịch họ thực hiện. Nghĩ lại thì mức phí mà anh phải trả cho hợp đồng bảo hiểm nợ xấu lại rẻ tới mức ngớ ngẩn. Chẳng hạn, món bảo hiểm vỡ nợ của chính phủ Hy Lạp chỉ tiêu tốn của anh 11 điểm cơ bản. Tức là, để bảo hiểm vỡ nợ cho 1 triệu đô-la trái phiếu chính phủ Hy Lạp, Hayman Capital đã trả một khoản phí 1.100 đô-la/năm. Bass cho rằng khi Hy Lạp vỡ nợ − và đây là điều không thể tránh khỏi – quốc gia này sẽ bị buộc phải trả khoảng 70% khoản nợ của mình – tức là với mỗi 1.100 đô-la đặt cược, Bass sẽ thu về 700.000 đô-la. “Người ta không tin chuyện một quốc gia phát triển lại có ngày vỡ nợ, bởi trường hợp đó chưa từng xảy ra”, Bass nói. “Và nó chẳng đem lại lợi lộc gì cho ai nên cũng chẳng ai đoái hoài tới vấn đề này. Ngay cả bản thân giới đầu tư cũng vậy. Họ nhìn chúng tôi và nói: ‘Vâng, các anh đã đúng trong trường hợp thị trường cho vay dưới chuẩn. Nhưng lúc nào các anh cũng chỉ chăm chăm tìm kiếm những trường hợp cực kỳ hiếm hoi như thế, vậy nên các anh mới tưởng rằng chúng hay xảy ra lắm’. Nhưng tôi không có suy nghĩ như vậy. Tôi chỉ cố gắng tìm hiểu cách thức vận hành của thế giới, và ý nghĩ đó đã đến với tôi”. Anh nói tiếp, giờ đây, khi đã hiểu được cách thức vận hành của thế giới, thì anh khó mà tin nổi tại sao những người có đầu óc tỉnh táo lại chẳng động tay làm gì để chuẩn bị đối phó với một cơn thảm họa tài chính khác, lớn hơn. “Có thể đó không phải là ngày tận thế,” anh nói. “Nhưng rất nhiều người đang sắp sửa mất những khoản tiền rất lớn. Mục tiêu của chúng tôi là không trở thành một trong số họ”. Những lập luận của anh hoàn toàn thuyết phục. Nhưng đồng thời anh cũng là một người thật sự khó tin. Một gã ngồi trong một văn phòng ở Dallas, Texas, lại đi rêu rao những dự đoán càn rỡ về tương lai của những quốc gia mà chưa chắc gã đã có dịp đặt chân đến; vậy thì làm thế quái nào mà gã biết được những con người mà gã chưa từng gặp mặt sẽ hành xử ra sao? Khi nghe anh trình bày các suy nghĩ của mình, tôi gặp lại cái cảm giác vẫn thường xuất hiện mỗi khi tôi lắng nghe những người tỏ ra vô cùng chắc chắn về những điều bấp bênh. Một mặt, tôi bị cuốn vào những lập luận của anh và bắt đầu lo sợ về cái ngày thế giới sẽ sụp đổ; mặt khác, tôi lại ngờ rằng biết đâu anh ta mất trí. “Anh nói hay đấy”, tôi nói, nhưng tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một lối thoát. “Nhưng cho dù anh đúng, thì một người bình thường có thể làm gì trước điều đó?” Bass tròn mắt nhìn tôi như thể vừa bắt gặp một hình ảnh thú vị: kẻ ngu ngốc nhất trên thế giới. “Anh khuyên mẹ anh ra sao khi bà hỏi anh nên để tiền ở đâu?” tôi hỏi. “Súng và vàng”, anh trả lời hết sức đơn giản. “Súng và vàng”, tôi nhắc lại. Vậy thì anh ta đúng là mất trí thật rồi. “Nhưng không phải là những hợp đồng mua vàng giao sau”, anh nói, chẳng bận tâm tới những suy nghĩ của tôi. “Cái anh cần là những thỏi vàng anh được sờ tận tay”. Theo anh lý giải thì khi cuộc khủng hoảng tiếp theo diễn ra, thị trường vàng giao sau sẽ đóng băng do có nhiều hợp đồng mua bán giao sau hơn là lượng vàng thực tế. Những người vẫn đinh ninh mình có vàng sẽ ngẩn ngơ nhận ra rằng họ chỉ có trong tay mớ giấy lộn. Anh mở ngăn kéo bàn, lôi ra một thỏi vàng lớn đặt lên bàn. “Chúng tôi vừa mua rất nhiều thỏi vàng như thế này”. Tới lúc này, tôi bật cười gượng và liếc mắt về phía cửa. Tương lai quả thực không hề dễ dự đoán như những người ở Phố Wall vẫn rêu rao với chúng ta. Một người đã từng phỏng đoán chính xác về tương lai như Kyle Bass từng dự đoán trúng phóc về sự sụp đổ của thị trường trái phiếu thế chấp dưới chuẩn có thể dễ dàng tự lừa phỉnh mình rằng anh ta có khả năng đoán đúng về mọi điều phức tạp khác. Dù sao thì lúc đó, vì tôi đang bận tâm tới việc tìm hiểu xem chuyện gì vừa mới xảy ra ở Mỹ nên tôi không quá lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra ở phần còn lại của thế giới – mà điều này, khi ấy, dường như lại là một vấn đề nhỏ bé. Còn Bass thì ít nhiều đã giảm sự chú ý tới những gì vừa diễn ra ở Mỹ, bởi anh cho rằng điều sắp xảy ra trên quy mô toàn thế giới còn quan trọng hơn rất nhiều. Tôi cáo từ và rời Dallass, và phần nào quên khuấy Bass. Khi viết cuốn sách, tôi cũng gạt Kyle Bass ra một bên. Rồi thế giới tài chính lại bắt đầu thay đổi một lần nữa – theo cách gần như giống hệt hình dung của Kyle Bass. Các quốc gia bắt đầu rủ nhau vỡ nợ. Điều ban đầu tưởng như một câu chuyện chủ yếu xoay quanh Phố Wall bỗng chốc trở thành một câu chuyện liên quan tới mọi quốc gia có quan hệ mật thiết với Phố Wall. Tôi đã viết cuốn sách về cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ và những người đã kiếm bạc tỉ từ nó, nhưng tôi cũng bắt đầu đi tới những quốc gia khác, chỉ để xem điều gì đang diễn ra. Nhưng trong đầu tôi lúc nào cũng vang lên câu hỏi: Làm sao một vị quản lý một quỹ đầu cơ ở Dallas lại có thể hình dung ra được những sự kiện lạ lùng đến thế? Hai năm rưỡi sau, mùa hè năm 2011, tôi trở lại Dallas để hỏi Kyle Bass câu hỏi đó. Các hợp đồng bảo hiểm nợ xấu của Hy Lạp lúc này đã tăng từ 11 điểm cơ bản lên tới 2.300 điểm; và Hy Lạp đang ngấp nghé bờ vực vỡ nợ. Ireland và Bồ Đào Nha vừa lên tiếng xin những gói giải cứu khổng lồ; còn Tây Ban Nha và Ý từ chỗ được coi là những địa điểm an toàn trở thành các quốc gia đang mấp mé bên bờ vực sụp đổ về tài chính. Và sự kiện nổi bật nhất là Bộ Tài chính Nhật Bản sắp cử một phái đoàn tới Mỹ để làm một vòng quanh các quỹ đầu tư trái phiếu lớn như Pimco và BlackRock – họ hy vọng sẽ tìm được ai đó – bất kỳ ai – sẵn lòng bỏ ra nửa nghìn tỷ đô la để mua các trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Nhật Bản. “Đây là một kịch bản đầu tư vô tiền khoáng hậu”, Bass nói. “Các hợp đồng lớn nhất của chúng tôi bây giờ là Nhật Bản và Pháp. Nếu và khi các quân cờ domino đổ xuống, thì Pháp sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi chỉ mong rằng Mỹ không sụp đổ trước. Tôi đặt hết số tiền mình có vào ván cược rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không sụp đổ. Đó là nỗi lo sợ lớn nhất của tôi. Có thể tôi sai về trình tự mọi việc sẽ diễn ra, nhưng tôi tin chắc vào kết quả cuối cùng”. Anh vẫn sở hữu hàng đống thỏi vàng và bạch kim vốn đã gần như tăng gấp đôi giá trị, nhưng anh vẫn dè chừng và tiếp tục dự trữ nhiều kho của cải nữa để đề phòng cho điều mà anh dự đoán là sự suy thoái sắp tới của loại tiền định danh. Một ví dụ là những đồng 5 xu (nickel). “Lượng kim loại trong một đồng nickel trị giá 6,8 xen,” anh nói. “Anh có biết điều đó không?” Dĩ nhiên là tôi không biết. “Tôi vừa mới mua 1triệu đô-la đồng nickel”, anh nói, và rồi, chắc đoán được là tôi không biết tính toán, anh nói thêm:“20 triệu đồng nickel”. “Anh mua 20 triệu đồng nickel?” “Đúng vậy”. “Làm sao mà anh mua được 20 triệu đồng nickel vậy?” “Thực ra thì cũng khó khăn lắm.” Rồi anh kể rằng anh đã phải gọi tới ngân hàng và nài nỉ họ đặt cho anh 20 triệu đồng nickel. Ngân hàng xoay sở mãi cuối cùng cũng được, nhưng Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) cũng đặt ra những nghi vấn. “FED chắc đã gọi cho tay nhân viên thực hiện giao dịch cho tôi tại ngân hàng. Họ hỏi anh ta: ‘Tại sao anh lại muốn lấy đống nickel này?’ Thế là anh nhân viên gọi lại cho tôi rồi hỏi: ‘Tại sao anh lại muốn lấy đống nickel này?’ Tôi trả lời: ‘Thực ra chỉ là vì tôi thích những đồng nickel thôi’”. Anh lôi ra một bức ảnh chụp những đồng nickel của mình rồi đưa cho tôi. Chúng nằm đó, chất đống lên nhau trên những tấm nâng bằng gỗ khổng lồ trong một hầm bảo vệ của hãng Brink ở Dallas. “Trong 2 năm tới, họ sẽ thay đổi hàm lượng của đồng nickel”, anh nói. “Ngay bây giờ, anh cũng phải gọi tới nhà băng mà đặt mua một ít đồng nickel đi thôi”. Tôi không cho rằng Kyle Bass là tuýp người thích ngồi quanh quẩn trong văn phòng, mắt dán chặt vào màn hình máy tính. Anh thích cuộc sống đầy biến động. Chúng tôi nhảy vào trong chiếc Hummer của anh, được trang trí bằng những miếng đề can (Chúa Phù hộ Quân đội của chúng ta, nhất là những tay lính bắn tỉa) và thiết kế thì được tùy chỉnh để đem lại niềm vui thích tối đa cho chủ nhân của nó khi ngồi trong đó. Chẳng hạn, anh có thể ấn vào một chiếc nút và, giống hệt như trong bộ phim về James Bond, con đường phía sau lưng anh rải đầy những chiếc đinh đầu bẹt to tướng. Chúng tôi cho xe gầm lên, lao vào vùng nông thôn đồi núi gồ ghề của Texas, nơi mà Kyle Bass, với đống tài sản đồ sộ thu lượm được từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, đã tậu hẳn một pháo đài: đó là một trang trại rộng 3.716m2 nằm trên hàng nghìn mẫu đất đồng không mông quạnh. Trang trại có hệ thống cấp nước riêng, một kho gồm các loại vũ khí tự động, súng trường, và các quả lựu đạn nhỏ đủ để trang bị cho cả một tiểu đoàn. Tối đó, chúng tôi ngồi sau chiếc xe jeep kiểu Quân đội Mỹ của anh và sục sạo khắp nơi trên lãnh thổ đó, dùng súng trường được trang bị ống nhòm hồng ngoại mới xuất xưởng của Quân đội Mỹ để bắn những con hải ly vốn bị anh coi là mối đe dọa tới các tuyến đường thủy của mình. “Đây là những chất nổ anh có thể đặt mua trên Internet”, anh nói khi chiếc xe đang chồm lên chồm xuống trên các dãy đồi màu vàng. “Đó là một phản ứng phân tử. FedEx có thể chuyển phát nhanh hàng kg những thứ như thế này.” Một vài con hải ly may mắn sống sót sau cuộc thảm sát đêm đầu tiên bằng súng trường sẽ tỉnh dậy vào sáng hôm sau và nhận thấy những chiếc đập của chúng hầu như đã bốc hơi. Rõ ràng dù làm gì đi chăng nữa, thì anh cũng đang trong tâm trạng vui vẻ. Anh đã dành hai năm rưỡi để chứng kiến cảnh hệ thống tài chính thế giới, và những người vận hành nó, xác thực quan điểm u ám của anh về họ như thế nào. Điều đó không làm anh thất vọng. Anh cảm thấy hào hứng khi suy nghĩ về những sự kiện tưởng chừng như nằm ngoài trí hiểu biết của con người. “Tôi không phải là kẻ chỉ chăm chăm suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực,” anh nói. “Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta cần phải trải qua. Đó là một sự chuộc tội cho những tội lỗi trong quá khứ”. Một lần nữa, vị quản lý quỹ đầu cơ lại phần nào đúng, và thế giới đã phần nào sai. Đây là thời điểm tốt để nêu lên câu hỏi đã từng ám ảnh tôi suốt hơn hai năm trời. Tôi đã hỏi thẳng anh thế này: Anh là người quản lý một quỹ đầu cơ tỉnh lẻ ở Dallas, Texas; cả đời anh chỉ quanh quẩn sống trong bán kính vài dặm quanh đây. Anh không biết ngoại ngữ nào. Anh hiếm khi bước chân ra khỏi lãnh thổ nước nhà. Anh có lòng yêu nước sâu sắc: mục tiêu từ thiện lớn nhất của anh là những thương binh. Anh gần như không quen ai là người nước ngoài. Vậy thì làm thế nào mà anh lại nảy ra cái ý nghĩ đặt ra những giả thiết này nọ về tương lai tài chính của các quốc gia xa xôi đó? “Iceland đã khiến tôi nảy ra những ý nghĩ đó”, anh nói. “Tôi vẫn luôn tò mò, quan tâm về Iceland”. “Tại sao lại thế?” “Hồi bé anh đã từng chơi trò Bá chủ thế giới chưa?” anh hỏi. “Tôi rất thích trò này. Khi chơi, lúc nào tôi cũng đưa hết quân đội của mình vào Iceland, bởi từ đây anh có thể tấn công bất kỳ ai”. Chính niềm tin rằng mình có thể tấn công bất kỳ ai từ Iceland đã khiến Kyle Bass có động lực tìm hiểu mọi thứ liên quan tới Iceland, và dành sự chú ý đặc biệt khi có chuyện gì diễn ra ở đó. Chẳng hạn, anh nhận thấy Iceland được các nhà địa lý học coi là đất nước có khả năng đặc biệt để sinh tồn trước những thử thách lâu dài của môi trường. “Chúng ta không ngừng nói rằng, ‘Các ngân hàng này sắp phá sản đến nơi rồi’. Còn chính phủ thì không ngừng giải cứu các ngân hàng”, anh nói. “Và chính vì thế mà Iceland vỡ nợ. Do đó, tôi nghĩ: Chà, thật thú vị. Làm thế nào mà sau cả ngàn năm phát huy đường lối sinh tồn đúng đắn và vượt qua mọi trở ngại của tự nhiên, giờ đây họ lại phạm sai lầm đến thế nhỉ?” Tôi đã nhận được câu trả lời. Mối quan tâm của Bass bắt đầu từ một trò chơi trên bàn cờ, và nó sẽ kết thúc bằng một trò chơi bàn cờ khác. Và Iceland, một lần nữa, lại là một xuất phát điểm hợp lý. 1. Phố Wall trên lãnh nguyên Ngay sau ngày 6/10/2008, khi Iceland thực sự phá sản, tôi nói chuyện với một chuyên gia thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa bay tới Reykjavík để thẩm định xem có thể cho một quốc gia vừa mới phá sản một cách ngoạn mục đến thế không vay tiền. Ông này chưa từng đặt chân tới Iceland, hầu như không biết gì về nó, và ông cho biết ông đã phải nhờ đến bản đồ để tìm xem nó ở đâu. Trước giờ, ông chỉ làm việc với các quốc gia nổi tiếng vì nghèo, thường là ở châu Phi, vốn hết vướng phải rắc rối tài chính này lại mắc sang rắc rối tài chính khác. Iceland là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với ông: đây là một quốc gia của những con người giàu có (đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người năm 2008 của Liên Hợp Quốc), có nền học vấn cao, và sống có lý trí xưa nay. Vậy mà họ đã rủ nhau cùng thực hiện một trong những hành động điên rồ nhất trong lịch sử tài chính. “Anh phải hiểu rằng”, ông nói với tôi, “Iceland giờ đây không còn là một quốc gia nữa. Nó là một quỹ đầu cơ”. Cả một đất nước chưa từng có kinh nghiệm nhãn tiền hay thậm chí cũng không có lấy một mẩu ký ức xa xôi nào về các giao dịch tài chính quy mô lớn đã nhìn vào Phố Wall mà nói:“Chúng tôi cũng có thể làm được như các anh”. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thì có vẻ như họ có thể làm được điều đó. Năm 2003, ba ngân hàng lớn nhất của Iceland chỉ có số tài sản trị giá khoảng vài tỉ đô-la, tương đương khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong vòng ba năm rưỡi sau đó, giá trị các tài sản của họ đã tăng lên trên 140 tỉ đô-la, lớn vượt GDP của Iceland đến mức việc tính tỉ lệ số tài sản này trong GDP trở nên vô nghĩa. Theo lời một chuyên gia kinh tế học nói với tôi thì đây là “sự mở rộng hệ thống ngân hàng nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”. Cùng lúc đó, một phần do các ngân hàng này cũng đồng thời cho người dân Iceland vay tiền mua chứng khoán và bất động sản, nên giá trị các cổ phiếu và bất động sản ở Iceland cũng tăng vượt trần. Từ 2003 tới 2007, trong khi giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ tăng gấp đôi thì giá trị của thị trường chứng khoán Iceland tăng gấp chín lần. Giá bất động sản ở Reykjavík tăng gấp ba. Một gia đình bình thường ở Iceand năm 2006 giàu có gấp ba lần so với năm 2003, và gần như toàn bộ số tiền của mới có này đều liên quan chặt chẽ, ở hình thức này hay hình thức khác, tới lĩnh vực ngân hàng đầu tư mới xuất hiện. “Người người đua nhau học về Black Scholes(mô hình định giá)”, Ragnar Arnason, một giáo sư về kinh tế học ngư nghiệp tại Trường Đại học Iceland từng chứng kiến cảnh sinh viên bỏ học ngành kinh tế học ngư nghiệp để chuyển sang ngành kinh tế học tài chính, cho biết. “Các trường chuyên dạy kỹ thuật và toán cũng mở các khóa học về tài chính kỹ thuật. Có hàng trăm, hàng trăm người đua nhau học tài chính”. Đây là quốc gia có diện tích tương đương diện tích bang Kentucky, nhưng có dân số ít hơn thành phố Peoria, Illinois. Peoria không có các thể chế tài chính quy mô toàn cầu, các trường đại học chỉ chuyên đào tạo hàng trăm chuyên gia tài chính, hay có dòng tiền tệ riêng. Nhưng thế giới lại nhìn Iceland bằng con mắt hết sức nghiêm túc. (Hồi tháng 3/2006, hãng tin Bloomberg News giật dòng tít: ÔNG TRÙM TỈ PHÚ ICELAND “THOR” THÁCH THỨC NƯỚC MỸ BẰNG QUỸ ĐẦU CƠ). Nhưng hóa ra tham vọng tài chính toàn cầu cũng có mặt trái của nó. Khi ba ngân hàng quy mô toàn cầu mới toanh của quốc gia này sụp đổ, 300.000 người dân Iceland chợt nhận ra họ cũng chịu trách nhiệm gánh vác 100 tỉ đô-la trong các khoản thua lỗ của ngân hàng – tính sơ bộ, mỗi người dân Iceland, bao gồm cả nam giới, phụ nữ, và trẻ nhỏ phải chịu khoảng 330.000 đô-la. Không chỉ có thế, cá nhân họ còn thiệt hại hàng chục tỉ đô-la do hoạt động đầu cơ tích trữ ngoại tệ kỳ quặc của mình cũng như (và thậm chí là với phần lớn hơn) do sự sụp đổ của 85% thị trường chứng khoán Iceland. Không thể biết được con số chính xác về lỗ hổng tài chính của Iceland bởi điều này còn phụ thuộc vào giá trị của đồng krona vốn nhìn chung là ổn định, tuy nhiên, đồng tiền này cũng bị sụp đổ và bị chính phủ thu hồi khỏi thị trường. Dẫu vậy, chỉ biết rằng tổn thất là vô cùng lớn. Ngay lập tức, Iceland trở thành quốc gia duy nhất trên hành tinh này mà người Mỹ có thể dành cho câu nói:“Chí ít thì chúng tôi cũng không làm như thế”. Cuối cùng, tổng số nợ của người Iceland cộng lại bằng 850% GDP nước họ. (Nước Mỹ dù có đang ngập trong nợ nần cũng chỉ đạt mức 350%). Mặc dù vai trò của Phố Wall đã trở nên to lớn và quan trọng một cách phi lý trong nền kinh tế Mỹ, song nó chưa bao giờ phát triển mạnh tới nỗi phần dân số còn lại của nước Mỹ, trong trường hợp bắt buộc, không thể giải cứu nổi cho nó. Còn ở Iceland, mỗi trong số ba ngân hàng lớn của họ đều chịu những tổn thất lớn quá mức khả năng chống đỡ của quốc gia này; tính gộp lại, thì những con số này mất cân đối một cách lố bịch, tới mức vài tuần sau khi nền kinh tế Iceland sụp đổ, khi được hỏi, có tới 1/3 người dân nước này trả lời rằng họ đang tính đến chuyện di cư. Chỉ trong vòng 3 – 4 năm mà một loại gen kinh tế hoàn toàn mới đã được cấy ghép hoàn hảo vào xã hội vốn ổn định và có nếp sống hòa đồng tập thể này, và loại gen mới này đã chiếm lĩnh toàn bộ chủ thể. “Đó chỉ là một nhóm trẻ con”, vị chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói. “Trong xã hội công bằng này, đột nhiên chúng bước vào, vận trang phục đen, và bắt tay vào kinh doanh”. Chiếc máy bay của Iceland đỗ xuống một khu vực nằm cách phía tây bắc Scotland 500 dặm, sau đó hành khách được taxi chở đến một nhà ga đón khách vẫn còn sơn các logo của Landsbanki – Landsbanki là một trong ba ngân hàng của Iceland đã phá sản, hai ngân hàng còn lại là Kaupthing và Glitnir. Tôi đang cố vắt óc nghĩ cho ra một hình ảnh ẩn dụ cho những khoản tài trợ tài chính doanh nghiệp nay đã chết yểu – gọi nó là phần nước âm ỉ còn lại trong vòi nước sau khi bạn đã khóa van nước lại có được không nhỉ? – nhưng tôi chưa kịp nghĩ thông thì người đàn ông ngồi ở chiếc ghế phía sau tôi đã rướn người lên với tay lấy chiếc túi trong khoang chứa đồ phía trên, và thế là dòng suy nghĩ của tôi bị đứt đoạn. Rồi sau này, tôi sẽ được biết rằng những người đàn ông Iceland, cũng giống như loài nai sừng tấm, loài cừu đực, và các loài động vật có vú có sừng khác, cho rằng những sự sụp đổ này là cần thiết trong cuộc đấu tranh sinh tồn của họ. Tôi cũng sẽ được biết rằng người đàn ông Iceland ngồi phía sau tôi kia là một lãnh đạo cấp cao ở Sàn Giao dịch Chứng khoán Iceland. Nhưng ngay lúc này, tất cả những gì tôi biết là một người đàn ông trung tuổi mặc bộ đồ đắt tiền vừa đứng lên khỏi ghế và vung tay đánh người loạn xạ mà không có lời xin lỗi hay giải thích nào cả. Tôi phải chứng kiến cảnh tượng hiếu khách vô kỷ luật này suốt dọc quãng đường tới chỗ kiểm soát hộ chiếu. Bạn có thể biết nhiều điều về một dân tộc thông qua việc quan sát sự tử tế họ dành cho nhau lớn hơn so với người ngoại quốc ở nơi nhập cảnh. Nhưng người Iceland lại chẳng phân biệt gì cả. Ở phía trên quầy kiểm soát, người ta treo một tấm biển hấp dẫn với dòng chữ đơn giản: TẤT CẢ CÔNG DÂN. “Tất cả công dân” ở đây không phải là “Tất cả công dân Iceland” mà là “Tất cả công dân của mọi quốc gia”. Chúng tôi là người từ tứ xứ đổ về, nhưng rốt cục đều cùng xếp trong một hàng, chờ tới lượt gặp anh chàng ngồi đằng sau tấm kính. Trước khi bạn kịp thốt lên câu:“Quả là một đất nước lắm mâu thuẫn”, thì anh chàng đó đã qua quít giở tấm hộ chiếu của bạn rồi phẩy tay ra hiệu cho bạn bước qua. Tiếp theo, chúng tôi đi qua một vùng đá núi lửa đen lấp lánh ánh tuyết. Cảnh tượng có thể không hệt như trên mặt trăng, nhưng nó giống mặt trăng tới nỗi các nhà khoa học của NASA từng có lần dùng nơi đây để các phi hành gia làm quen trước khi bước vào hành trình lên mặt trăng lần đầu tiên. Một tiếng sau, chúng tôi tới Khách sạn 101, do bà vợ của một trong những ông chủ ngân hàng nổi tiếng nhất Iceland nay đã phá sản sở hữu. Khách sạn được đặt cho một cái tên tuy khó hiểu (101 là mã bưu chính của khu vực giàu nhất trong thành phố) nhưng lại có thể nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên là nó được thiết kế theo phong cách của các khách sạn thời thượng ở Manhattan. Nhân viên vận đồ màu đen, những tác phẩm nghệ thuật khó hiểu trên các bức tường, những cuốn sách thời trang chưa từng có bàn tay mở ra đặt trên những chiếc bàn uống cà phê không người ngồi – mọi thứ ở đây, ngoại trừ tờ tạp chí Người Quan Sát New York số mới nhất, đều nhằm tăng thêm căng thẳng cho những gã quê mùa kệch cỡm lỡ lạc bước vào đây. Đây là nơi mà các ông chủ nhà băng lưu lại bởi họ nghĩ đó là nơi sinh sống của các nghệ sĩ. Bear Stearns từng tổ chức một cuộc gặp gỡ với quản lý của các quỹ đầu cơ người Anh và Mỹ ở đây, vào tháng 1/2008, để bàn xem họ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nếu đặt cược vào sự sụp đổ của Iceland. (Con số này là rất lớn). Khách sạn từng một thời đông khách này giờ đây lại trở nên hoang vắng với vỏn vẹn 6 trong số 38 phòng có người thuê. Khu vực ăn uống cũng vắng hoe, cả những chiếc bàn nhỏ và những góc tường xinh xinh từng khiến những người không được vào đây phải tròn mắt ghen tị với những người có cơ hội đó, cũng trống trơn. Một khách sạn bình dân kiểu Holiday Inn phá sản chỉ là chuyện đáng buồn; còn một khách sạn hạng sang kiểu Ian Schrager thì quả thực là một sự đau đớn. Vì những nhà tài phiệt từng một thời vung tiền thuê phòng ở đây đã vĩnh viễn biến mất, nên tôi được xếp vào ở một căn phòng rộng thênh thang trên tầng thượng, có thể nhìn toàn cảnh thành phố cổ kính, với giá chỉ còn một nửa. Tôi cuộn tròn người trên tấm ga trải giường bằng lụa màu trắng muốt và với tay lấy cuốn sách viết về nền kinh tế của Iceland. Cuốn sách được viết năm 1995, trước lúc cơn điên loạn của ngành ngân hàng nổi lên, khi mà quốc gia này hầu như không biết bán cho thế giới bên ngoài thứ gì ngoại trừ cá tươi. Và trên cuốn sách đó, tôi đọc được câu đáng nhớ này:“Người dân Iceland nghi ngờ vai trò nền tảng của hệ thống thị trường trong tổ chức kinh tế, đặc biệt là những tác động về mặt phân phối của nó”. Tới đây thì những tiếng động lạ bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là tiếng va chạm mạnh của khung giường vào tường, theo sau là vô số tiếng kêu rên và tiếng la hét. Cặp vợ chồng ở phòng bên vừa về. Giọng họ mỗi lúc một to nhưng lạ một nỗi, dù tiếng họ có lớn cỡ nào, dù tôi có thể nghe họ rõ tới đâu, thì những từ ngữ đi kèm các âm thanh đó vẫn hoàn toàn không thể hiểu được. Vì khó lòng mà tập trung đọc quyển Ngành ngư nghiệp Iceland được nữa, nên tôi đành tìm cách bắt chước những âm thanh vọng đến phòng tôi. Nhưng khi tôi làm như vậy thì cái lưỡi trong miệng tôi lại có những động tác lạ lùng chưa từng có. Những âm thanh phát ra từ phía bên kia tường nghe có vẻ giống âm thanh của con gia tinh Stoor trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. Rồi tôi chợt nhận ra: đó là âm thanh của người Iceland. Rồi một tiếng rít chói tai phát ra từ phía bên kia phòng. Tôi ra khỏi giường để ngó nghiêng tình hình. Là do hơi nóng. Nghe như tiếng ấm đun trà bị để trên bếp quá lâu, đang gồng mình lên để khỏi vỡ tung. Cuối cùng là một tiếng nổ lớn. Bùm! Rồi một tiếng nữa. Bùm! Do lúc này đang là giữa tháng 12 nên mặt trời mọc vội lúc 10 giờ 50 phút sáng và rồi nhanh chóng lặn lúc 3 giờ 44 phút chiều. Việc mặt trời lặn sớm như vậy dễ khiến bạn tin rằng bạn không thể sống một cuộc sống bình thường. Và cho dù nơi này có là cái gì đi chăng nữa, thì nó cũng thật bất thường. Nhận xét này được củng cố bởi một chàng trai Iceland 26 tuổi – Magnus Olafsson. Mới chỉ cách đây vài tuần, anh ấy còn là người kiếm được gần một triệu đô-la mỗi năm nhờ buôn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Cao, tóc vàng bạch kim, và điển trai – Olafsson đúng là hình ảnh khi chúng ta mường tượng đến người Iceland, nhưng như thế cũng có nghĩa là anh trông chẳng giống chút nào so với đa phần người Iceland vốn có mái tóc màu lông chuột và thân hình mập mạp. “Lượng thức ăn mẹ tôi tích trữ đủ để mở một cửa hàng tạp hóa”, anh nói, rồi bổ sung rằng kể từ sau cuộc khủng hoảng, bầu không khí ở Reykjavík trở nên căng thẳng. Cách đây hai tháng, vào đầu tuần tháng 10, khi thị trường đồng krona dần chết gục, anh len lén rời bàn làm việc để tới chỗ người giao dịch viên và vét lấy tất cả những tờ tiền ngoại tệ mà họ có thể đưa cho anh rồi nhét vào một cái túi. “Ngày hôm đó, ngoài phố đâu đâu cũng thấy người khoác túi đi lại”, anh nói. “Mà từ lâu rồi, người ta không còn thói quen mang túi ra phố nữa”. Sau giờ làm việc, anh về nhà với chiếc túi đựng khoảng 30.000 tiền mặt đủ loại gồm đồng yên, đô-la, euro và bảng Anh, đem giấu trong một chiếc bàn cờ. Trước tháng 10, những ông chủ nhà băng tên tuổi là những vị anh hùng; giờ đây kẻ thì ở nước ngoài, người thì sống ẩn dật, khép mình. Trước tháng 10, Magnus còn đinh ninh rằng Iceland miễn nhiễm trước mọi nguy hiểm; giờ đây anh mường tượng ra hàng loạt những toán cướp từ nước ngoài đang hăm hở tới nhà anh để giật lấy chiếc “két” dưới bàn cờ − vì lý do đó mà anh không cho phép tôi dùng tên thật của anh ở đây. “Anh phải biết rằng New York rồi cũng sẽ biết về tình hình ở Iceland, và họ sẽ cử những chiếc máy bay chở đầy kẻ cướp tới đây”, anh nêu giả thiết. “Hầu như ai cũng cất tiền dự trữ trong nhà”. Vì anh vốn đã bị mất bình tĩnh nên tôi cũng kể cho anh nghe luôn về những tiếng nổ khiến tôi giật mình khi nghe thấy bên ngoài khách sạn. “Đúng rồi,” anh mỉm cười nói, “dạo này có rất nhiều xe Range Rover bị bắt cháy”. Rồi anh giải thích. Mấy năm trở lại đây, rất nhiều người dân Iceland cùng lao vào những toan tính đầu cơ mạo hiểm. Do tỉ lệ lãi suất trong nước là 15,5% và đồng krona không ngừng tăng giá trị, nên họ thấy rằng nếu họ muốn mua thứ nằm ngoài khả năng ngân sách của mình, thì cách khôn ngoan là đừng vay đồng krona mà hãy vay đồng Yên và Franc Thụy Sĩ. Với đồng Yên, họ chỉ chịu mức lãi suất 3%, ngoài ra, khi trao đổi ngoại tệ, họ còn kiếm được thêm khá nhiều tiền nữa vì đồng krona không ngừng tăng giá. “Những ngư dân là người phát hiện ra cách buôn bán này, và họ đã rất thành công,” Magnus nói. “Nhưng họ đã kiếm được nhiều tiền từ việc này đến nỗi cuối cùng chuyện tiền nong lại khiến họ bỏ bê cá mú”. Họ kiếm được nhiều tiền tới nỗi việc buôn bán ngoại tệ từ những người ngư dân lan sang cả bạn bè của họ. Chuyện nghe thật đơn giản: bạn được trả tiền để vay tiền rồi đi mua những ngôi nhà và xe có giá trị. Nhưng, vào tháng 10, sau khi đồng krona sụp đổ, những khoản tiền Yên và Franc Thụy Sĩ mà họ phải trả bỗng chốc trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều. Lúc này, có rất nhiều người Iceland – đặc biệt là những người trẻ − sở hữu những ngôi nhà trị giá 500.000 đô-la với số tài sản thế chấp lên tới 1,5 triệu đô-la, và có những chiếc xe Range Rover trị giá 35.000 đô-la và những món nợ lên tới 100.000 đô-la để mua chúng. Với vấn đề về những chiếc Range Rover, có hai giải pháp tức thời. Một là đưa chúng lên tàu chở tới châu Âu rồi xoay sở tìm cách bán chúng đi để lấy về những đồng tiền vẫn còn giá trị. Giải pháp thứ hai là châm lửa đốt chúng rồi đi thu tiền bảo hiểm: Bùm! Những phiến đá phía dưới Reykjavík có thể là đá núi lửa phun trào, song thành phố lại mang dáng vẻ trầm tích. Tuy nhiên, những tòa tháp ven biển bằng kính được xây dựng dở dang vốn định dành cho những nhà tài phiệt giàu có mới nổi ở đây, đồng thời chắn hết tầm nhìn ra những triền dốc trắng thoai thoải nằm dọc bến cảng thì lại không có được vẻ duyên dáng ấy. Cách tốt nhất để chiêm ngưỡng một thành phố là đi dạo trong thành phố ấy, nhưng ở đây, chỗ nào tôi đi qua cũng gặp những người đàn ông Iceland xô lấn tôi mà không một lời xin lỗi. Tôi đi tới đi lui ở khu phố mua sắm, cố tình không tránh đường để xem liệu có chàng Iceland nào nhường lối cho tôi thay vì chọn cách huých vào người nhau không. Chẳng có ai cả. Vào những đêm tiệc tùng – tức là các tối thứ Năm, thứ Sáu, và thứ Bảy – khi mà có tới nửa số dân nước này cùng tham gia thực hiện một nghĩa vụ (có vẻ họ cho là vậy), uống đến quên trời quên đất rồi đi dạo phố cho tới khi mặt trời lên, thì lúc này vấn đề trên càng tỏ ra đặc biệt nghiêm trọng. Các quán bar mở cửa tới 5 giờ sáng, và cường độ người ta va chạm vào nhau dường như càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong vòng mấy phút sau khi bước vào một câu lạc bộ đêm có tên Boston tôi đã bị va chạm mạnh, đầu tiên là với một gã hộ pháp râu ria xồm xoàm – người ta cho tôi biết đây từng là chủ một quỹ đầu cơ của Iceland. Khi vừa mới định thần lại, tôi đã bị đẩy ngã quay đơ bởi một chuyên viên cao cấp của Ngân hàng Trung ương lúc này đã say mềm. Có lẽ vì anh ta say, hoặc vì chúng tôi vừa mới gặp nhau cách đó vài giờ, nên anh chàng dừng lại bảo tôi:“Chúng tôi đã cố gắng nói với họ rằng vấn đề của chúng tôi không phải là mất khả năng thanh toán nợ mà là vấn đề về hoạt động, nhưng họ lại không đồng ý”, rồi lại lảo đảo bước đi. Đó cũng chính là điều mà Lehman Brothers và Citigroup đã nói: nếu các ông đưa tiền để hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi sẽ vượt qua được chút rắc rối nhỏ này. Iceland là một quốc gia nhỏ bé và đồng nhất tới nỗi mọi người điều biết rõ về nhau lại mâu thuẫn với cái mà người ta vẫn thường hình dung mỗi khi nghe đến từ “quốc gia” đến mức có lẽ phải dùng một từ phân loại khác cho đất nước này. Nó thực ra giống một đại gia đình hơn là một quốc gia. Chẳng hạn, phần lớn người dân Iceland đều mặc định là thành viên của Nhà thờ Lutheran. Nếu không muốn làm người của giáo hội này nữa, họ phải làm đơn lên chính phủ; mặt khác, nếu họ điền vào một tờ đơn, họ có thể chuyển sang giáo phái của riêng họ rồi nhận được một khoản trợ cấp. Một ví dụ khác: Cuốn danh bạ điện thoại ở Reykjavík chỉ ghi tên riêng, bởi chỉ có khoảng 9 dòng họ ở Iceland, và những cái tên này lại được hình thành từ việc thêm từ “son” hoặc “dóttir” vào sau tên người cha. Thực ra cũng khó mà biết được điều này giúp phân biệt họ ra sao, bởi hình như cũng chỉ có khoảng 9 cái tên riêng ở Iceland. Nhưng nếu muốn để lộ ra là bạn chẳng hiểu mấy về Iceland, thì bạn chỉ cần nhắc đến ai đó có họ tên là Siggor Sigfússon bằng cái tên “Ông Sigfússon”, hay gọi người có họ tên đầy đủ là Kristin Pétursdóttir là “Bà Pétursdóttir”. Trong mọi trường hợp, mọi người xung quanh đều biết bạn đang nhắc tới ai, vì thế bạn chẳng bao giờ phải nghe câu hỏi:“Siggor nào thế?” Một lợi ích của cuộc sống bên trong một đại gia đình ngụy trang một quốc gia là chẳng cần phải giải thích điều gì, bởi lẽ mọi người đều đã biết tất cả những gì cần phải giải thích, mọi người đều đã biết tất cả những gì cần phải biết. Tôi nhanh chóng nhận ra thậm chí cả việc hỏi đường cũng thường là một việc làm tốn thời gian. Cũng giống như việc bạn phải biết người ta, trong mọi trường hợp, đang nhắc đến Bjornjolfer nào, bạn phải biết mình đang đứng ở chỗ nào trên bản đồ. Tuy nhiên, một người là chủ một ngân hàng chỉ cách đó ba khu nhà – không thể trả lời tôi văn phòng của thủ tướng nằm ở đâu. Có những người sinh sống trong ba khu nhà thuộc Viện Triển lãm quốc gia Iceland – cũng không biết đường tới đó. Khi tôi kể với người phụ nữ trung tuổi đáng mến ngồi sau một chiếc quầy ở Viện Bảo tàng quốc gia rằng hình như không có người Iceland nào biết đường đi tới văn phòng thủ tướng, bà nói:“Chẳng có người nào thực sự biết điều gì về đất nước này cả. Tuần trước có một đoàn học sinh trung học người Iceland tới đây, và người giáo viên bảo chúng nó kể tên một họa sĩ người Iceland thế kỷ XIX. Không một đứa nào biết cả. Có đứa hỏi: ‘Hình như là Halldor Laxness?’” (Laxness giành giải thưởng Nobel Văn học năm 1955 – đây là vinh dự quốc tế lớn nhất mà người Iceland nhận được cho tới thập kỷ 1980, khi hai phụ nữ Iceland liên tiếp thay nhau đoạt danh hiệu Hoa hậu Thế giới). Trên thế giới hiện nay, nơi đâu cũng bắt gặp những thành phố mang lại cho bạn cảm giác rằng chúng đang bị đặt trên những quả bom. Những quả bom này chưa phát nổ, nhưng kíp nổ đã được tháo, và người ta chẳng thể làm gì để ngăn chặn chúng. Nếu đi dạo quanh Manhattan vào thời điểm trước khi Lehman Brothers sụp đổ, bạn sẽ thấy những cửa hàng vắng tanh, những con phố không bóng người, và thậm chí nếu trời đổ mưa, ngay cả những chiếc taxi cũng vắng khách. Mọi người đã bỏ chạy trước khi quả bom phát nổ. Reykjavík cũng mang bầu không khí của ngày tận thế sắp bắt đầu, nhưng kíp nổ ở đây lại cháy theo một cách rất lạ lùng. Chính phủ yêu cầu các công ty phải trả cho người thôi việc 3 tháng lương trợ cấp thất nghiệp, vì thế mà rất nhiều nhân viên ngân hàng bị nghỉ việc được trả lương cho tới đầu tháng 2, thời điểm chính phủ bị sụp đổ. Đối với hàng loạt các loại tiền tệ khác, đồng krona hiện không còn đáng giá 1/3 so với giá trị của nó thời hoàng kim nhất. Vì Iceland nhập khẩu mọi thứ trừ nhiệt độ và cá, nên giá cả của mọi thứ vào thời điểm giữa tháng 12 đang ngấp nghé tăng vọt. Một người bạn mới quen làm việc cho chính phủ kể với tôi rằng khi cô bước vào một cửa hàng để hỏi mua một chiếc đèn, người bán hàng nói anh ta đã bán đi những chiếc đèn cuối cùng, đồng thời ngỏ ý đặt hàng giúp cô, từ Thụy Sĩ, với giá gần gấp ba mức giá cũ. Tuy nhiên, một xã hội vừa mới bị phá hủy với tốc độ chớp nhoáng như vậy trông không có vẻ gì quá khác biệt so với trước đó, thời điểm mà xã hội đó vẫn còn tin rằng nó giàu có hơn bao giờ hết. Ngân hàng Trung ương Iceland là một ví dụ. Gần như chắc chắn, Iceland sẽ lấy euro làm loại tiền chính thức, và krona sẽ không còn tồn tại nữa. Nếu không có nó, một ngân hàng Trung ương đâu còn cần phải duy trì tính ổn định của loại tiền sở tại và kiểm soát lãi suất. Bên trong đất nước này, David Oddsson, kiến trúc sư của sự phát triển và sụp đổ của Iceland, đang lòng sôi như lửa đốt. Quay trở lại hồi những năm 1980, Oddsson như nằm dưới bàn tay bùa chú của Milton Friedman, nhà kinh tế học xuất sắc, người có khả năng thuyết phục ngay cả những người đã dành cả đời làm việc cho chính phủ tin rằng chính phủ là một sự lãng phí của cuộc đời. Vì thế Oddsson lên đường theo đuổi công cuộc trao cho người dân Iceland tự do – tự do ở đây theo ý của ông là thoát khỏi mọi sự kiểm soát của chính phủ. Trên cương vị thủ tướng, ông cho hạ thuế suất, tư nhân hóa các ngành công nghiệp, tự do hóa thương mại, và cuối cùng, vào năm 2002, tự do hóa ngân hàng. Rốt cuộc, mệt mỏi vì vai trò thủ tướng, ông tìm cách đưa mình vào vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương, dù rằng ông không hề có kinh nghiệm gì về ngân hàng, ông xuất thân là một nhà thơ. Sau sự sụp đổ của Iceland, vị học trò của Milton Friedman trốn trong văn phòng của mình tại ngân hàng, từ chối mọi yêu cầu phỏng vấn. Các vị quan chức cấp cao của chính phủ đã nói với tôi, một cách nghiêm túc, rằng họ đồ rằng trong suốt thời gian đó ông đã ngồi viết thơ. (Tới tháng 2/2009, ông ta sẽ bị chính phủ yêu cầu bãi nhiệm). Tuy thế, nhìn bề ngoài, Ngân hàng Trung ương Iceland vẫn là một thánh đường đen duyên dáng trên nền trắng của những bờ dốc đứng chạy ngang qua hải cảng. Những người đàn ông trông dáng vẻ tỉnh táo vẫn ra vào. Những cậu bé trên những chiếc xe trượt tuyết lao thẳng xuống bờ dốc bên cạnh đó, chẳng hề quan tâm rằng chúng đang chơi ở giữa điểm bùng nổ của thảm họa toàn cầu. Mọi thứ vẫn y nguyên như trước cuộc khủng hoảng, dù rằng chúng không thể khác hơn được nữa. Dây ngòi đang cháy tới gần phía quả bom. Khi Neil Armstrong đặt chân ra khỏi phi thuyền Apollo 11 và nhìn xung quanh, hẳn ông đã nghĩ: Chà, trông thật giống Iceland – mặc dù mặt trăng khác xa Iceland. Nhưng khi đó, ông là một du khách, mà một du khách thì không thể nào không có những quan niệm méo mó về nơi ông ta đến thăm: ông ta gặp những con người không tiêu biểu, có những trải nghiệm không tiêu biểu, và cố ép uổng vào nơi ấy những hình dung siêu tưởng ông ta có sẵn trong đầu khi tới đó. Khi Iceland trở thành một du khách trong thế giới tài chính nhộn nhịp toàn cầu, nó cũng gặp rắc rối tương tự như Neil Armstrong. Người Iceland là giống người có quan hệ cận huyết nhất trên trái đất – các nhà di truyền học thường sử dụng họ để nghiên cứu. Họ đã cư trú trên hòn đảo xa xôi của mình trong 1.100 năm mà không có những cuộc mua lại dựa trên vay nợ (LBO), những cuộc thôn tính thù địch, các giao dịch buôn bán chứng khoán phái sinh, hay thậm chí là những vụ lừa đảo tài chính quy mô nhỏ. Rồi, vào năm 2003, khi họ cùng ngồi bàn với Goldman Sachs và Morgan Stanley, họ chỉ có trong đầu những ý tưởng mơ hồ về công việc của một ngân hàng thương mại và cách cư xử của ngân hàng đó – phần lớn những ý tưởng đó được cóp nhặt lẻ tẻ từ những hiểu biết của các thanh niên Iceland tại nhiều trường dạy kinh doanh của Mỹ. Vì thế những gì mà họ làm với đồng tiền hé lộ nhiều điều về linh hồn Mỹ − khoảng năm 2003 – cũng như về người dân Iceland. Chẳng hạn, họ hiểu ngay rằng tài chính không mấy liên quan tới việc xây dựng những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả mà lại thiên về hoạt động buôn bán những mẩu giấy nhỏ giữa người trong giới với nhau. Và khi cho vay tiền, họ không chỉ góp sức cho doanh nghiệp mà còn chu cấp cho bạn bè và gia đình có thể mua và sở hữu những thứ giống hệt như những ông chủ ngân hàng đầu tư thực thụ: khu chung cư cao cấp Beverly Hills, các đội bóng đá nước Anh và các cửa hàng bách hóa, các hãng hàng không Đan Mạch và các công ty truyền thông, các ngân hàng Na-uy, các nhà máy điện Ấn Độ. Đó là bài học về tài chính lớn nhất của Mỹ mà người dân Iceland học nằm lòng: tầm quan trọng của việc mua càng nhiều tài sản càng tốt bằng những đồng tiền vay mượn, bởi lẽ giá tài sản chỉ có tăng mà thôi. Tới năm 2007, người dân Iceland sở hữu khối tài sản nước ngoài lớn gấp khoảng 50 lần so với năm 2002. Họ mua máy bay riêng và sắm những ngôi nhà thứ ba, ở London và Copenhagen. Họ móc túi trả những khoản tiền khổng lồ để mua những dịch vụ mà ở Iceland trước đó không ai hình dung nổi là có ngày họ lại cần những dịch vụ như thế. “Một anh chàng tổ chức tiệc sinh nhật đã mời Elton John bay tới hát 2 bài với giá 1 triệu đô-la”, người đứng đầu Phong trào Xanh-Cánh tả, Steingrimur Sigfusson, kể cho tôi nghe, khuôn mặt vẫn còn nguyên vẻ khó tin. “Và rõ ràng điều đó thật không hay chút nào”. Họ mua cổ phiếu của các công ty mà họ chẳng có lấy một chút thông tin gì về chúng, và họ chỉ tay sai việc những người điều hành các công ty đó, hệt như những ông chủ các ngân hàng đầu tư Mỹ thực thụ! Chẳng hạn, một công ty đầu tư có tên FL Group, một cổ đông lớn tại ngân hàng Glitnir, mua 8,25% cổ phần tại công ty mẹ của hãng hàng không Mỹ, American Airlines. Không một ai trong nội bộ FL Group có kinh nghiệm điều hành một hãng hàng không; hay chút ít kinh nghiệm từng làm việc cho một hãng hàng không. Nhưng thực tế đó không ngăn được FL Group tiếp tục dạy American Airlines cách điều hành một hãng hàng không. “Sau khi giám sát chặt chẽ công ty trong một thời gian,” CEO của FL Group, Hannes Smarason, từng tốt nghiệp trường Sloan School của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), nói trong một cuộc họp báo được tổ chức không lâu sau khi ông này mua cổ phần của American Airlines, “đề xuất của chúng tôi là tiền tệ hóa các loại tài sản… điều đó có thể làm giảm nợ nần hoặc mang lợi tức về cho các cổ đông”. Người Iceland cũng không đặc biệt kỹ tính khi chọn mua tài sản. Tôi đã có lần nói chuyện với chủ một hãng đầu cơ ở New York. Cuối năm 2006, hãng này phát hiện ra cái mà họ coi là một mục tiêu dễ ăn: một ngân hàng Scandinavi đang trên đà suy yếu. Họ chọn đoản vị, và rồi, Kaupthing bất ngờ xuất hiện, mua 10% cổ phần trong doanh nghiệp chỉ còn thoi thóp này, và đẩy giá cổ phiếu của họ lên tới những mốc cao một cách lố bịch. Tôi nói chuyện với chủ một quỹ đầu cơ khác ở London và được biết quỹ này, vì cảm thấy quá khó hiểu trước hàng loạt những vụ LBO tồi tệ mà các ngân hàng Iceland đang đứng sau hậu thuẫn đến nỗi họ đã phải thuê cả những nhà điều tra tư để tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra trong hệ thống tài chính của Iceland. Các nhà điều tra đã đưa ra một biểu đồ miêu tả chi tiết một mạng lưới phức tạp gồm các cá nhân có mối quan hệ đan xen nhau, nhưng đơn giản hóa lại sẽ là: một nhóm người Iceland không hề có kinh nghiệm gì về tài chính đã và đang rút ra hàng chục tỉ đô-la tiền vay ngắn hạn từ nước ngoài. Sau đó, họ dùng số tiền này cho bản thân và bạn bè vay để mua các loại tài sản – các ngân hàng, các đội bóng đá, v.v… Nhờ giá trị các loại tài sản trên toàn thế giới đều đang gia tăng – một phần nhờ vào những người như những gã khùng Iceland này chịu mua chúng với những mức giá điên rồ − nên có vẻ như họ đang kiếm bộn tiền. Tuy nhiên, một vị quản lý quỹ đầu cơ khác lại giải thích về hiện tượng các ngân hàng Iceland cho tôi như sau: anh có một con chó, còn tôi có một con mèo. Cả hai chúng ta cùng thống nhất rằng mỗi con đáng giá 1 triệu đô-la. Anh bán cho tôi con chó với giá 1 triệu đô, còn tôi thì bán cho anh con mèo với giá 1 triệu đô. Lúc này, chúng ta không còn là những người sở hữu thú cảnh nữa mà sẽ trở thành các ngân hàng Iceland với khối tài sản mới trị giá 1 tỉ đô-la. “Họ đã tạo ra lợi nhuận giả bằng cách trao qua đổi những tài sản với giá trị bị thổi phồng”, quản lý một quỹ đầu cơ ở London nói. “Đây chính là cách phát triển của các ngân hàng và các công ty đầu tư. Nhưng họ chỉ là những võ sĩ hạng nhẹ trên các thị trường quốc tế”. Ngày 3/2, Tony Shearer, cựu CEO của một ngân hàng bán buôn có tên Singer & Friedlander, đã cho chúng ta thấy được chút ít nội tình Iceland khi ông xuất hiện trước một ủy ban Hạ viện để trình bày về sự lạ lùng của ông khi bị một ngân hàng Iceland mua lại. Singer & Friedlander được thành lập từ năm 1907 và một trong những điều khiến họ nổi tiếng là mang lại cho George Soros điểm khởi đầu của một sự nghiệp lẫy lừng. Tháng 11/2003, Shearer biết được rằng Kaupthing – ông thậm chí còn không biết rằng cái tên này tồn tại – đã chiếm 9,5% cổ phần trong ngân hàng của mình. Thông thường, khi một ngân hàng muốn thâu tóm một ngân hàng khác, họ sẽ phải tìm cách thu thập chút ít thông tin về ngân hàng đó. Shearer đề nghị gặp chủ tịch của Kaupthing, Sigurdur Einarsson, song Einarsson không tỏ ra mặn mà trước lời đề nghị này. Khi Kaupthing nâng mức cổ phần lên 19,5%, Shearer buộc phải lên máy bay đi Reykjavík để xem những người Iceland quái quỷ này là ai. “Họ thật lạ lùng”, ông nói với ủy ban Hạ viện nọ. “Họ điều hành hoạt động kinh doanh của mình theo một cách rất kỳ quặc. Mọi người ở đó đều còn rất trẻ. Tất cả đều đến từ một cộng đồng ở Reykjavík. Và họ không mảy may biết mình đang làm gì”. Ông kiểm tra các báo cáo thường niên của Kaupthing và phát hiện ra những điều rất kỳ khôi; chẳng hạn, cái ngân hàng quốc tế khổng lồ này chỉ có một thành viên duy nhất trong ban lãnh đạo không phải là người Iceland. Tất cả các giám đốc ở đó đều có hợp đồng làm việc 4 năm, và ngân hàng đã cho họ vay 19 triệu bảng để mua cổ phiếu của Kaupthing cùng các quyền chọn bán lại các cổ phiếu này cho ngân hàng với một mức lợi nhuận được bảo đảm. Hầu như toàn bộ số lợi nhuận mà ngân hàng này công bố họ có đều do họ đẩy cao giá các tài sản trước đây họ đã mua với mức giá bị bơm phồng. “Số lợi nhuận thực sự đến từ cái mà tôi gọi là hoạt động ngân hàng chỉ chiếm chưa đầy 10%”, Shearer cho biết. Nếu đây là một thế giới có lý trí thì hẳn các nhà chức trách Anh đã ngăn không cho đám tài phiệt mới người Iceland ăn tươi nuốt sống ngân hàng bán buôn lâu đời của Anh quốc. Tuy nhiên, giới chức Anh lại phớt lờ lá thư Shearer gửi tới họ. Một năm sau đó, vào tháng 1/2005, ông nhận được một cuộc điện thoại từ hội đồng kiểm soát tiếp quản Anh. “Họ muốn biết”, Shearer kể lại, “tại sao giá cổ phiếu của chúng tôi lại tăng mạnh trong mấy ngày qua. Thế là tôi bật cười và trả lời: ‘Tôi nghĩ chính ông rồi cũng sẽ tìm ra nguyên nhân nằm ở chỗ ông Einarsson, chủ tịch Kaupthing, đã nói cách đây 2 ngày – như một tên đần – rằng ông ta chuẩn bị kế hoạch mua lại Singer & Friedlander’”. Tháng 8/2005, Singer & Friedlander trở thành Kaupthing Singer & Friedlander, còn Shearer từ chức vì, theo lời ông nói, ông lo sợ những gì có thể xảy đến với danh tiếng của mình nếu tiếp tục ở lại. Đúng như dự đoán, tháng 10/2008, Kaupthing Singer & Friedlander phá sản. Mặc dầu tất cả những biến cố đó, khi Tony Shearer bị Hạ viện ép phải miêu tả rằng những người Iceland đó chỉ là những kẻ tứ cố vô thân, ông đã từ chối. “Tất cả họ đều là những con người có học thức”, ông nói với giọng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Đây là một điểm lặp lại nữa của Iceland đối với mô hình Mỹ. Tất cả mọi người – không một ai trong số đó là người Iceland – đều ra sức nói với họ rằng họ đang gặp rắc rối. Đầu năm 2006, chẳng hạn, một nhà phân tích có tên Lars Christensen cùng ba đồng nghiệp tại Danske Bank, ngân hàng lớn nhất Đan Mạch, đã viết một bản báo cáo nói rằng hệ thống tài chính của Iceland đang tăng trưởng với tốc độ điên rồ và sẽ gặp thảm họa. “Thực sự đúng là chúng tôi đã viết bản báo cáo đó bởi chúng tôi lo sợ rằng các khách hàng của mình đang ngày càng trở nên quan tâm quá mức tới Iceland”, ông nói với tôi. “Iceland là điểm thái cực của mọi thứ”. Sau đó Christensen bay tới Iceland để diễn thuyết củng cố cho quan điểm của mình, tuy nhiên, sự có mặt của ông lại được chào đón bằng sự giận dữ. “Các ngân hàng Iceland cho đó là sự công kích cá nhân”, ông kể lại. “Người ta dọa kiện chúng tôi. Họ nói: ‘Các ông là người Đan Mạch, và đang ghen tức với Iceland bởi chúng tôi đang làm mọi việc một cách quá xuất sắc’. Về cơ bản, mọi việc đều liên quan tới những gì đã xảy ra năm 1944”, khi Iceland tuyên bố thoát khỏi ách cai trị của Đan Mạch. “Phản ứng của họ không phải là, “Những gã này biết đâu lại đúng”, mà là, “Không phải! Đó là một âm mưu. Chúng có những động cơ ám muội”. Lũ Đan Mạch đang ghen tị! Bản báo cáo của Danske Bank đánh thức các quỹ đầu cơ ở Anh trước một cơ hội: bán khống Iceland. Họ điều tra và phát hiện ra một mạng lưới sủng ái lẫn nhau một cách khó tin như sau: các ngân hàng mua bán trao đổi với nhau các loại tài sản với mức giá bơm phồng, vay mượn hàng chục tỉ đô-la rồi cho các thành viên trong cộng đồng Iceland bé nhỏ của họ vay lại, và những người này lại dùng số tiền đó để đi mua hàng đống tài sản nước ngoài. “Giống như bất kỳ một kẻ mới xuất hiện nào,” Theo Phanos, làm việc tại quỹ đầu cơ Trafalgar Asset Managers ở London, nói, “họ là đối tượng tấn công của rất nhiều người, người ta bán cho họ những tài sản có chất lượng tồi – những hãng hàng không hạng hai, những nhà bán lẻ quy mô nhỏ. Họ tham gia vào tất cả những thương vụ LBO tồi tệ nhất”. Nhưng các nhà lãnh đạo Iceland, từ vị thủ tướng trở xuống, đều tấn công viên sứ giả. “Những vụ tấn công ấy… sặc mùi của những tay lái buôn tàn nhẫn, và chúng đã quyết định đâm nhát dao chí tử làm sụp đổ hệ thống tài chính Iceland”, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Oddsson nói vào tháng 3/2009. Chủ tịch Kaupthing đã công khai chỉ tên điểm mặt 4 quỹ đầu cơ mà ông cho rằng có chủ ý phá hoại thành tựu tài chính kỳ diệu của Iceland. “Tôi không hiểu những người Iceland đó lấy ý tưởng này ở đâu ra”, Paul Ruddock thuộc Lansdowne Partners, một trong những cái tên trong danh sách kia, cho biết. “Chúng tôi chỉ giao dịch với 1 cổ phiếu của Iceland có một lần, mà đó lại là một vụ giao dịch rất ngắn hạn. Chúng tôi đã khởi kiện đối với chủ tịch Kaupthing sau khi ông ta có những lời cáo buộc thiếu cơ sở như vậy chống lại chúng tôi, và sau đó, ông ta cũng xin rút lại lời nói của mình”. Một trong những nguyên nhân chìm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là những người biết rằng nó sẽ đến lại có thể trục lợi qua những phi vụ bán non hơn là tìm cách công bố thực trạng vấn đề. Hơn nữa, phần lớn những ai có thể đủ tin cậy để cáo buộc Iceland về các tội danh tài chính – trong trường hợp này là Lehman Brothers – thì ý kiến của họ đều sẽ bị gạt đi và bị đánh giá là những kẻ moi tiền ngu ngốc. Tuy nhiên, quay trở lại hồi tháng 4/2006, Bob Aliber, một vị giáo sư danh dự khoa kinh tế học tại Trường Đại học Chicago đã lưu tâm đến Iceland. Aliber tới Trường Kinh doanh London để nghe một bài nói chuyện về Iceland, đất nước mà ông chưa hề hay biết. Ngay lập tức, ông đã nhận thấy những dấu hiệu. Khi đào sâu nghiên cứu các dữ liệu, ông nhận thấy ở Iceland những đường nét rõ ràng của một hành vi điên rồ về tài chính có một không hai trong lịch sử, tới nỗi cần phải đưa nó vào sách. “Bong bóng Hoàn hảo”, Aliber gọi sự phát triển tài chính của Iceland như vậy, rồi ông bắt tay vào triển khai cuốn sách của mình – đây là phiên bản cập nhật của cuốn sách kinh điển năm 1978 của Charles Kindleberger, Điên rồ, Hoảng loạn, và Sụp đổ. Aliber hiện đang biên tập phiên bản mới. Năm 2006, trong cuốn sách của mình, ông quyết định Iceland cũng sẽ được dành riêng một vị trí, cùng với Bong bóng biển Nam Ấn và Cơn sốt hoa tulip, mặc dầu lúc đó, Iceland chưa hề sụp đổ. Đối với ông, sự sụp đổ thực sự chỉ còn là sự công nhận chính thức mà thôi. Trong giới kinh tế Iceland lan truyền một tin đồn rằng vị giáo sư khả kính ở Chicago này đã có sự lưu tâm đặc biệt đến Iceland. Tháng 5/2008, Aliber được khoa kinh tế học Trường Đại học Iceland mời tới diễn thuyết. Trước các thính giả là các sinh viên, lãnh đạo ngân hàng, và các nhà báo, ông đã giảng giải rằng Iceland, mặc dầu không hề là một tài năng bẩm sinh đối với hoạt động tài chính quy mô lớn, đang có đầy đủ những dấu hiệu của một bong bóng khổng lồ; song ông lại trình bày bằng thứ ngôn ngữ chuyên ngành của các nhà kinh tế học hàn lâm. (“Sự xáo động về tiền tệ và Nền kinh tế Iceland” – đó là tên bài diễn thuyết của ông). Trong phần hỏi đáp sau đó, khi người ta nhờ ông dự đoán về tương lai, thì ông mới quay trở lại dùng những ngôn từ rõ ràng, dễ hiểu. Một khán giả nhớ lại lời nói của Aliber khi đó:“Tôi cho các vị 9 tháng. Các ngân hàng của các vị đã chết rồi. Các ông chủ ngân hàng của các vị hoặc là ngu ngốc hoặc là tham lam. Và tôi cược rằng ngay lúc này đây, họ đang ở trên máy bay, đang ra sức bán tài sản của mình”. Các lãnh đạo ngân hàng Iceland có mặt trong buổi diễn thuyết đó tìm cách ngăn không cho báo chí đăng tải bài diễn thuyết. Một số học giả gợi ý rằng Aliber nên trình những phân tích đáng báo động này tới Ngân hàng Trung ương Iceland. Nhưng vì một lý do nào đó, điều này đã không xảy ra. “Ngân hàng Trung ương nói họ quá bận, không thể tiếp ông ấy được”, một trong những giáo sư từng cố gắng thu xếp cuộc gặp trên nói, “bởi lúc đó họ còn đang bận chuẩn bị bản Báo cáo về sự ổn định tài chính”. Về phần mình, Aliber rời Iceland với ý nghĩ rằng vì ông đã gây ra một sự khuấy động như thế, nên có thể ông sẽ không được phép đặt chân vào đất nước này nữa. “Tôi có cảm giác”, ông nói với tôi, “lý do duy nhất khiến họ đưa tôi đến đó là họ cần có một người bên ngoài lên tiếng về những điều này – một người trong cuộc sẽ không hé răng nửa lời, bởi anh ta sợ sẽ chuốc lấy rắc rối”. Tuy vậy, ông vẫn hết lòng yêu thích những vị chủ nhà của mình. “Họ là những con người hiếu kỳ”, ông vừa cười vừa nói. “Tôi cho rằng đó mới là vấn đề, có phải vậy không?” Những người dân Iceland – hay nói đúng ra là những người đàn ông Iceland – có cách giải thích riêng về lý do tại sao khi nhảy vào thị trường tài chính toàn cầu, họ lại phá vỡ mọi kỷ lục thế giới: đó chính là sự ưu việt tự nhiên của người Iceland. Bởi họ là một quốc gia nhỏ bé và bị cô lập, nên họ − và cả thế giới nữa – đã phải mất tới 1.100 năm để tìm hiểu và khai thác những tài năng tự nhiên của họ, nhưng giờ đây thế giới đã phẳng, và dòng tiền đã được chảy tự do, nên những bất lợi không công bằng cũng biến mất. Tổng thống Iceland, Olafur Ragnar Grimsson, trong những bài diễn thuyết của mình tại nước ngoài đã lý giải tại sao người Iceland lại là những thiên tài ngân hàng. “Di sản cha ông để lại cộng với sự đào tạo, nền văn hóa và thị trường nội địa, tất cả đã đem lại cho chúng tôi một lợi thế giá trị”, rồi ông bắt đầu liệt kê ra 9 lợi thế đó, và kết thúc bài diễn thuyết bằng sự trấn an rằng đối với người ngoài, người Iceland hoàn toàn không đáng sợ. (“Có người thậm chí còn cho rằng chúng tôi là những gã kỳ quặc quyến rũ và vô hại”.) Có rất, rất nhiều lối diễn đạt tương tự, và phần lớn đều bằng tiếng Iceland. “Có nhiều dự án nghiên cứu ở trường đại học nhằm lý giải tại sao mô hình kinh doanh của Iceland lại mang tính ưu việt”, Gylfi Zoega, chủ tịch khoa kinh tế học, nói. “Tất cả lý do nằm ở chỗ các kênh truyền thông phi chính thức của chúng tôi và khả năng ra quyết định nhanh chóng của chúng tôi, v.v…” “Lúc nào người ta cũng nói với chúng tôi rằng các doanh nhân Iceland là những người nhạy bén”, giáo sư tài chính, giảng viên đại học kiêm cựu ông chủ nhà băng, Vilhjálmur Bjarnason, nói. “Họ rất nhanh nhẹn. Và khi mua cái gì, họ mua được rất nhanh. Lý do thường là vì người bán rất hài lòng với mức giá họ nhận được”. Bạn không cần phải là người Iceland mới có thể tham gia vào thánh giáo của các ông trùm nhà băng Iceland. Các ngân hàng Đức đặt 21 tỉ đô-la vào các ngân hàng Iceland. Người Hà Lan đưa họ 305 triệu đô-la, và người Thụy Điển rót 400 triệu đô-la. Các nhà đầu tư Anh quốc, bị chói mắt trước khoản lợi tức thường niên ấn tượng 14%, nộp 30 tỉ đô-la – trong đó, 28 tỉ đô-la là tiền đóng góp từ các công ty và cá nhân, phần còn lại lấy từ các quỹ lương hưu, bệnh viện, trường đại học, và các tổ chức công khác. Riêng trường Đại học Oxford mất 50 triệu đô-la. Có lẽ vì có quá ít người Iceland trên thế giới, nên chúng ta gần như không biết gì về họ. Chúng ta tưởng rằng họ ít nhiều giống những người Scandinavia – một dân tộc ôn hòa, chỉ muốn mọi người được bình đẳng. Nhưng họ lại không phải như vậy. Họ có một chút hoang dã trong con người mình, giống như một con ngựa chỉ đang giả vờ bị thương. Sau ba ngày ở Reykjavík, có lẽ do tình cờ, tôi nhận được hai cuộc điện thoại. Cuộc đầu tiên là của một nhà sản xuất chương trình truyền hình hàng đầu. Theo lời bà giới thiệu thì mọi người dân Iceland đều xem chương trình của bà, rồi bà hỏi ướm xem tôi có muốn đến và tham gia phỏng vấn không. “Phỏng vấn về cái gì?” tôi hỏi. “Chúng tôi muốn nghe ông lý giải về cuộc khủng hoảng tài chính của chúng tôi”, bà nói. “Tôi mới chỉ ở đây được 3 ngày!” tôi nói. Không vấn đề gì, bà nói, bởi chẳng ai ở Iceland hiểu chuyện gì vừa xảy ra cả. Họ thích nghe ai đó lên tiếng lý giải nó, dù rằng có khi bản thân người nói cũng chẳng biết mình đang nói cái gì. Và điều này, theo tôi giả thiết, cho thấy không phải cái gì ở Iceland cũng khác biệt so với những nơi khác. Khi tôi từ chối lời mời đó thì một cuộc gọi khác lại đến, từ văn phòng ngài thủ tướng. Thủ tướng Iceland khi đó, ông Geir Haarde, cũng là người đứng đầu Đảng Độc lập, đảng đã lãnh đạo đất nước này từ năm 1991 tới năm 2009. Đảng này lãnh đạo trong sự liên minh lỏng lẻo với Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Tiến bộ. (Đảng lớn thứ tư của Iceland là Phong trào Xanh Cánh tả). Việc một quốc gia vỏn vẹn 300.000 dân cùng chung huyết thống lại cần tới 4 đảng phái chính trị lớn cho thấy quốc gia này hoặc có khiếu tranh cãi hoặc không ai muốn lắng nghe ai. Dù vậy, trong số 4 đảng, Đảng Độc lập thể hiện niềm tin lớn nhất vào thị trường tự do. Đảng Độc lập là đảng của những ngư dân. Theo lời một người bạn học cũ của ngài thủ tướng nói với tôi, “Nó cũng đồng thời là toàn đàn ông, đàn ông và đàn ông. Chẳng có một bóng dáng phụ nữ nào trong đó”. Khi bước chân vào tổng hành dinh nhỏ xíu của ngài thủ tướng, tôi những tưởng rằng mình sẽ bị chặn lại và kiểm tra, hay chí ít cũng bị yêu cầu trình ảnh nhận dạng. Thế nhưng tôi lại thấy duy nhất một người cảnh sát ngồi sau bàn lễ tân, chân gác lên bàn đọc báo. Anh chàng liếc mắt trông lên, vẻ chán nản. “Tôi tới đây để gặp ngài thủ tướng”, đó là lần đầu tiên trong đời tôi nói câu đó. Anh cảnh sát không hề ngạc nhiên. Bất kỳ ai ở đây đều có thể gặp ngài thủ tướng. Nửa tá người sẵn sàng cho tôi biết rằng một trong những lý do khiến người Iceland nghĩ rằng họ sẽ được nghiêm túc nhìn nhận với tư cách những nhà tài phiệt toàn cầu là vì mọi người dân Iceland đều cảm thấy mình quan trọng. Và một lý do khiến tất cả họ đều cảm thấy mình quan trọng bởi ai cũng có thể tới gặp ngài thủ tướng vào bất kỳ thời điểm nào họ thích. Ngài thủ tướng có thể nói gì với người dân Iceland về sự sụp đổ của họ, đó là một câu hỏi bỏ ngỏ. Một sự thiếu kinh nghiệm tài chính thật đáng yêu ở những người hoạch định chính sách tài chính ở Iceland. Ngài bộ trưởng bộ kinh doanh là một nhà triết học. Ngài bộ trưởng Bộ Tài chính là một bác sĩ thú y. Vị thống đốc Ngân hàng Trung ương là một nhà thơ. Haarde, tuy vậy, lại là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản – tuy không quá xuất sắc. Khoa kinh tế học trường Đại học Iceland xếp loại ông là sinh viên hạng B trừ. Với tư cách là một nhóm, các lãnh đạo Đảng Độc lập nổi tiếng là những người không am hiểu về tài chính và cũng không chịu sử dụng những chuyên gia trong lĩnh vực này. Jon Danielsson, giáo sư người Iceland chuyên nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng tài chính dạy tại Trường Kinh tế London, đã có lần ngỏ ý muốn giúp đỡ, song lời đề nghị của ông lại bị từ chối với thái độ khinh khỉnh. Một số chuyên gia tài chính nổi tiếng tại Trường Đại học Iceland cũng gặp tình cảnh tương tự. Thậm chí lời khuyên của những lãnh đạo cực kỳ thông minh của những Ngân hàng Trung ương các quốc gia lớn cũng bị tảng lờ. Có thể dễ dàng hình dung rằng Đảng Độc lập và vị thủ tướng của nó không phải là tuýp người hấp dẫn phụ nữ Iceland: họ chính là gã lái xe đưa cả gia đình đi lòng vòng chỉ để tìm một địa điểm quen thuộc nhưng mặc kệ vợ cằn nhằn, gã không chịu dừng xe để hỏi đường. “Tại sao ông lại quan tâm tới Iceland?” ngài thủ tướng lên tiếng hỏi khi ông bước vào phòng với dáng vẻ mạnh mẽ và uy quyền của người đứng đầu một nước lớn. Và đó là một câu hỏi hay. Về sau tôi nhận ra rằng ông không hẳn là một gã ngu – mà những lãnh tụ chính trị nào có mấy ai khờ khạo đâu, dầu rằng nhân dân, những người đã tự tay đi bỏ phiếu cho họ, thường vẫn đinh ninh rằng sự thực là phải thế. Đúng là ông có nói những điều sai sự thật, song đó chỉ là những lời nói dối vô hại mà các vị thủ tướng vẫn thường được thuê để nói. Chẳng hạn, ông nói rằng đồng krona tiếp tục là một đồng tiền ổn định, trong khi thực tế, nó không trao đổi được trên thị trường quốc tế. Đồng krona đơn thuần chỉ được chính phủ ấn định cho một giá trị ngẫu nhiên vì những mục đích đặc biệt nào đó. Những người Iceland sống ở nước ngoài đã nhận thấy một điều là họ không nên sử dụng thẻ Visa, vì sợ bị tính toán theo tỉ giá ngoại hối thực, bất kể ngoại hối đó là gì. Vị thủ tướng muốn tôi tin rằng ông đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng đang hình thành ở Iceland nhưng ông lại không thể làm gì để ngăn nó lại. (“Chúng tôi không thể công khai lên tiếng về nỗi lo sợ của mình về các ngân hàng, bởi lẽ như thế sẽ tạo ra điều mà ai cũng muốn tránh: sự hoảng loạn”.) Ngầm hiểu ra thì người có lỗi không phải là những chính trị gia như ông mà là những nhà tài phiệt. Ở cấp độ nào đó, người dân đồng ý với quan điểm này: vị điều hành tập đoàn đầu tư Baugur từng bị ném tuyết vào người khi ông này vội vã lao từ Khách sạn 101 vào chiếc limo; vị điều hành Ngân hàng Kaupthing xuất hiện ở Nhà hát Quốc gia và khi ngồi xuống, ông bị la ó phản đối. Nhưng hầu hết những vị tai to mặt lớn đều đã chạy khỏi Iceland tới London, hoặc đóng cửa nằm nhà, để mặc cho vị thủ tướng tội nghiệp gánh vác hết trách nhiệm và đối mặt với cơn giận dữ của những người biểu tình, do nhà hoạt động kiêm ca sĩ hát dân ca Hordur Torfason dẫn đầu, thường tụ tập vào các cuối tuần phía bên ngoài Quốc hội. Haarde có câu chuyện riêng để kể, và ông kiên trì bám lấy nó: những người nước ngoài đã tin cẩn trao tiền cho Iceland, và Iceland đã sử dụng tiền rất khôn ngoan, nhưng rồi, vào ngày 15/09/2008, Lehman Brothers phá sản nên những người nước ngoài vì hoảng sợ mà đòi rút tiền về. Iceland sụp đổ không phải vì sự bất cẩn của họ mà vì một cơn sóng thần toàn cầu. Vấn đề của câu chuyện này nằm ở chỗ nó không giải thích được tại sao cơn sóng thần đó lại ập vào Iceland mà không phải là quốc gia khác, như Tonga chẳng hạn. Nhưng tôi không tới Iceland để tranh luận mà để tìm hiểu. “Tôi có một vài điều rất muốn hỏi ông”, tôi nói. “Vâng, tôi nghe đây?” “Có đúng là ông vừa nói với người dân rằng đã tới lúc ngưng các hoạt động ngân hàng và đi đánh cá?” Một cuộc đối thoại tuyệt vời, tôi nghĩ. Ngắn gọn, trung thực, và thẳng thắn. Nhưng thông tin đó tôi lại lấy từ nguồn khác, từ vị quản lý một quỹ đầu cơ ở New York. Vị thủ tướng nhìn tôi chằm chằm bằng ánh mắt nghiêm nghị pha chút khó chịu. “Đó hoàn toàn là một sự phóng đại”, ông nói. “Tôi nghĩ điều đó cũng hợp lý đấy chứ”, tôi nói với vẻ bồn chồn. “Tôi chưa bao giờ nói như thế!” Rõ ràng là tôi đã chạm vào dây thần kinh của ông, nhưng tôi không biết là dây thần kinh nào. Phải chăng ông sợ rằng câu nói đó sẽ khiến ông trông như một gã ngốc? Hay ông vẫn cho rằng nghề đánh bắt cá kém cao quý hơn so với nghề ngân hàng? Cuối cùng, tôi quay trở lại khách sạn, và nhận thấy – lần đầu tiên trong 4 đêm ở đấy – không còn vỏ chai sâm-panh rỗng nào bên ngoài cánh cửa phòng hàng xóm của mình. Cặp đôi người Iceland mà tôi tưởng tượng rằng họ đang có buổi tiệc cuối cùng đã thu xếp hành lý ra về. Suốt 4 đêm, tôi đã phải nghe những tiếng la thét inh tai của họ phát ra từ phía bên kia tường khách sạn; giờ đây, tất cả đều im ắng. Tôi đã có thể cuộn tròn mình trên giường với quyển sách “Lý thuyết kinh tế của nguồn tài sản chung: ngành ngư nghiệp”. Theo một cách nào đó, tài sản của người Iceland đến từ cá, và nếu bạn muốn tìm hiểu xem họ đã làm gì với số tiền mình kiếm được, trước tiên hãy tìm hiểu xem làm sao mà họ lại đặt chân vào đó đã. Công trình xuất sắc này được H. Scott Gordon, nhà kinh tế học thuộc trường Đại học Indiana, viết vào năm 1954. Nó mô tả về tình cảnh của các ngư dân, đồng thời tìm cách lý giải “tại sao ngư dân lại không giàu, mặc dù hải sản của biển cả là nguồn tài nguyên giàu có nhất, và khó bị phá hủy nhất mà con người có thể tiếp cận được.” Vấn đề là, do cá là tài sản chung của tất cả mọi người, nên chúng không phải thuộc sở hữu của bất kỳ ai cả. Mọi người có thể bắt bao nhiêu cá tùy thích, vì thế người ta đã đánh bắt cá tới mức độ mà nghề đánh cá trở nên không còn khả năng sinh lợi nhuận nữa – đối với mọi người. “Trong tinh thần mỗi ngư dân đều chứa một hy vọng về ‘mẻ lưới may mắn’, Gordon viết. “Như những người hiểu rõ về các ngư dân có thể làm chứng, họ là những tay bạc và họ lạc quan một cách bướng bỉnh”. Những ngư dân, nói cách khác, rất giống các ông trùm ngân hàng đầu tư người Mỹ. Sự tự tin thái quá dẫn họ tới chỗ làm khánh kiệt không chỉ bản thân họ mà cả ngư trường của họ. Hạn chế lượng cá được phép đánh bắt không thể giải quyết được vấn đề này; ngược lại, nó sẽ chỉ càng làm gia tăng mức độ cạnh tranh và làm giảm lợi nhuận. Vấn đề không phải là bắt các ngư dân phải chi tiêu quá tay để mua thêm lưới hay những chiếc thuyền lớn hơn. Mục tiêu ở đây là làm sao để bắt được lượng cá lớn nhất với nỗ lực ít nhất. Để đạt được điều đó, cần phải có sự can thiệp của chính phủ. Sự hiểu biết này đã đưa Iceland đi từ vị trí một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu năm 1900 lên vị trí một trong những quốc gia giàu nhất năm 2000. Thay đổi lớn của Iceland bắt đầu từ đầu thập niên 1970, sau một vài năm thất bát của ngành ngư nghiệp. Trong hai năm liên tiếp, những ngư dân giỏi nhất quay trở về mà không kéo theo những mẻ lưới đầy ắp cá tuyết và cá êfin như thường lệ, vì thế chính phủ Iceland đã có một hành động cấp tiến: tư nhân hóa ngành đánh bắt cá. Mỗi ngư dân được cấp một hạn mức đánh bắt dựa vào khối lượng cá anh ta thu được trước đó. Nếu bạn là một ngư dân Iceland cừ khôi, bạn sẽ nhận được tờ công văn cho phép bạn đánh bắt 1% − giả sử vậy − tổng lượng cá được phép đánh bắt tại các hải phận của Iceland trong mùa đánh bắt đó. Trước mỗi mùa cá, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học sẽ xác định tổng lượng cá tuyết hay cá êfin có thể được đánh bắt mà không gây tổn hại tới sức khỏe lâu dài của đàn cá; lượng cá bạn được phép đánh bắt thay đổi theo từng năm. Nhưng tỉ lệ sản lượng hàng năm là cố định, và tờ công văn này cho phép bạn đánh cá mãi mãi. Một tin còn tốt hơn nữa là, nếu không muốn đánh bắt cá, bạn có thể bán hạn mức của mình cho người khác. Lúc này, hạn mức đánh bắt sẽ được chuyển cho những người có thể khai thác giá trị tối đa của chúng – tức những ngư dân giỏi; họ có thể đánh bắt cá từ biển với hiệu suất tối đa. Bạn cũng có thể mang hạn mức của mình tới ngân hàng, lấy đó làm vật thế chấp để vay, và ngân hàng sẽ không ngần ngại tính toán giá trị bằng đô-la của phần bạn có được trong tổng lượng cá được phép đánh bắt – và bạn không phải chịu sự cạnh tranh nào – từ những ngư trường cá tuyết giàu có nhất trên trái đất. Những con cá không chỉ đã được tư nhân hóa, mà chúng đã được chứng khoán hóa. Điều này bất công một cách thậm tệ: một nguồn tài nguyên công cộng – những con cá trên biển Iceland – đã bị chuyển vào tay một nhóm người may mắn. Chẳng mấy chốc, ở Iceland đã xuất hiện những tỉ phú đầu tiên, và tất cả đều là ngư dân. Nhưng với vai trò một chính sách xã hội, đó lại là sáng kiến thiên tài: ngay lập tức, những con cá đã trở thành một nguồn tài sản có thực và bền vững, chúng không còn là phương tiện kiếm ăn nay được mai mất. Ít người hơn tiêu hao ít công sức hơn để bắt đủ lượng cá cho phép nhằm tối đa hóa giá trị lâu dài của các ngư trường Iceland. Nguồn tài sản mới đã làm thay đổi bộ mặt Iceland – và đưa đất nước này từ vị trí lạc hậu mà nó đã yên vị trong suốt 1.100 năm qua thành đất nước đã sinh ra nữ ca sĩ Björk. Sở dĩ Iceland trở nên nổi tiếng với các nhạc sĩ bởi người dân Iceland giờ đây đã có thời gian chơi nhạc, và làm những việc khác. Chẳng hạn, thanh niên Iceland được trả tiền khi đi du học, và được khuyến khích trau dồi bản thân theo những cách thú vị. Vì chính sách ngư nghiệp đã làm chuyển biến Iceland nên quốc gia này, trên thực tế, đã trở thành một cỗ máy biến những con cá tuyết thành các vị tiến sĩ. Nhưng điều này, dĩ nhiên, lại đem đến một rắc rối mới: những người có học vị tiến sĩ không muốn bắt cá kiếm sống. Họ cần làm điều gì đó khác. Mà điều gì đó khác ấy có lẽ sẽ không phát huy hiệu quả trong một nền công nghiệp khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên chính khác của Iceland: năng lượng. Những thác nước và những dòng dung nham nóng chảy sản sinh ra nguồn năng lượng rẻ tiền khổng lồ; nhưng, khác với dầu mỏ, người ta lại không thể xuất khẩu nguồn năng lượng này để kiếm lãi. Vậy là nguồn năng lượng của Iceland bị mắc kẹt tại Iceland, và nếu như có điều gì đó nên thơ về ý tưởng nguồn năng lượng bị mắc kẹt, thì cái cách mà người dân Iceland chấp nhận vấn đề đó cũng thật tẻ nhạt. Họ tự hỏi: Chúng ta có thể làm điều gì để đòi hỏi từ nguồn năng lượng khổng lồ, khiến người khác phải trả tiền cho chúng ta? Câu trả lời là: nhôm tan chảy. Hãy để ý rằng không ai hỏi: Người dân Iceland muốn làm gì? Hay thậm chí: Người dân Iceland đặc biệt phù hợp với công việc gì? Không ai nghĩ rằng người Iceland có thể có năng lực bẩm sinh ở ngành nung tan chảy nhôm, và thực ra, điều ngược lại được chứng minh là đúng. Alcoa, công ty nhôm lớn nhất đất nước, năm 2004 đã gặp phải hai vấn đề chỉ riêng Iceland mới có khi chuẩn bị xây dựng nhà máy nung nhôm tan chảy khổng lồ. Vấn đề thứ nhất là cái gọi là những người giấu mình – hay nói chính xác hơn là những chú lùn. Một bộ phận đông đảo người dân Iceland, do thấm nhuần nền văn hóa dân gian phong phú của dân tộc, thực tâm tin tưởng vào sự tồn tại của giống người này. Trước khi xây dựng nhà máy nung nhôm tan chảy, Alcoa phải đồng ý để một chuyên viên chính phủ tới rà soát địa điểm xây dựng nhà máy và xác nhận rằng không có người lùn nào ẩn nấp ở đó. Đó là một tình huống nhạy cảm trong kinh doanh, một phát ngôn viên của Alcoa nói với tôi như vậy, bởi họ đã phải trả tiền mặt để được tuyên bố rằng khu nhà xưởng đó không có người lùn ở; song, theo lời ông này nói thì, “với tư cách là một công ty, chúng tôi không thể thừa nhận sự tồn tại của giống người lùn”. Vấn đề thứ hai, nghiêm trọng hơn, liên quan tới những người đàn ông Iceland: họ gánh nhiều rủi ro lao động hơn công nhân ngành nhôm ở các quốc gia khác. “Trong sản xuất”, phát ngôn viên Alcoa nói, “anh muốn mọi người phải tuân thủ nguyên tắc. Anh không muốn họ trở thành những người hùng. Anh không muốn họ tìm cách sửa chữa thứ gì đó nằm ngoài phạm vi công việc của họ, bởi biết đâu họ lại phá hỏng cả nhà máy”. Những người đàn ông Iceland rất hay cố gắng tìm cách sửa chữa những thứ không phải việc của họ. Nếu đứng nhìn nền kinh tế Iceland từ xa, hẳn bạn sẽ không thể không nhận ra một điều hết sức lạ lùng: người dân ở đó đã dưỡng dục bản thân đến cái ngưỡng khiến họ không còn phù hợp với loại hình công việc xung quanh họ. Những con người tinh tế, có học thức hoàn hảo này – ai cũng cho rằng mình là người đặc biệt – chỉ có hai cách kiếm sống khủng khiếp: đánh bắt cá và làm tan chảy nhôm. Dĩ nhiên cũng có một vài công việc mà bất kỳ con người lịch lãm, có học thức cũng có thể thích làm. Chẳng hạn như công việc xác nhận rằng giống người lùn không tồn tại. (“Công việc này đòi hỏi ít nhất 6 tháng, vì đó là một việc làm rất khó khăn”). Tuy nhiên, những công việc như thế này không có nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu của Iceland, nếu xét đến tài năng biến cá tuyết thành các vị tiến sĩ của họ. Tới đầu thế kỷ XX, người dân Iceland vẫn ngồi đợi một công việc phù hợp với đầu óc tinh tế của họ. Và thế là ngành đầu tư ngân hàng xuất hiện. Lần thứ năm trong những ngày có mặt ở đây, tôi nhận thấy một sự căng thẳng nhẹ tại mỗi bàn ăn có sự hiện diện của cả những người đàn ông và phụ nữ Iceland. Người nam giới thể hiện xu hướng chung của cánh mày râu là không nói chuyện với phụ nữ − hay đúng hơn, không đưa họ vào trong các cuộc nói chuyện – ngoại trừ những động cơ tình dục rõ rệt. Nhưng đó không phải là vấn đề. Quan sát những người đàn ông và phụ nữ Iceland khi ở cạnh nhau cũng giống như quan sát lũ trẻ đang độ tuổi tập đi. Họ không chơi cùng mà chơi song song với nhau; họ ít có điểm chung gắn bó hơn so với nam và nữ giới ở các quốc gia phát triển khác, mà điểm này nói lên một điều rất quan trọng. Trên giấy tờ, đối chiếu theo các tiêu chuẩn toàn cầu trong lịch sử, phụ nữ Iceland cũng có nhiều quyền lợi như phụ nữ ở bất kỳ đâu: họ được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động, có những quyền bình đẳng. Cái mà phụ nữ Iceland có vẻ còn thiếu – ít ra là trong con mắt của một du khách từng quan sát họ suốt 10 ngày – là mối liên hệ thực thụ với những người đàn ông Iceland. Đảng Độc lập hầu như chỉ có nam giới tham gia; Đảng Dân chủ Xã hội lại chỉ thấy bóng dáng phái nữ. (Ngày 01/02/2009, khi vị thủ tướng bị nguyền rủa Geir Haarde bãi nhiệm, người thay thế ông là Johanna Sigurdardottir, một người thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, và như vậy, Iceland không chỉ có được vị nữ thủ tướng đầu tiên mà đó còn là vị nguyên thủ quốc gia đồng tính công khai đầu tiên của thế giới đương đại – bà lập gia đình với một phụ nữ khác). Mọi người ở đây đều biết nhau, nhưng khi tôi hỏi xin họ các đầu mối thông tin, thì những người đàn ông giới thiệu cho tôi những người đàn ông khác, còn những người phụ nữ thì chỉ tôi gặp những người phụ nữ khác. Trong trường hợp này chẳng hạn, tôi đã hỏi một người đàn ông, anh ta liền giới thiệu tôi gặp Stefan Alfsson. Với dáng vẻ rắn rỏi và cương nghị, bộ râu lởm chởm do lâu ngày chưa cạo, Alfsson trông vẫn giống một vị thuyền trưởng tàu đánh cá hơn là một nhà tài phiệt. Anh đi biển từ năm 16 tuổi, và khi không phải mùa cá, anh lại đến trường để học về cá. Anh được phong làm thuyền trưởng một tàu đánh cá Iceland ở độ tuổi trẻ đáng ngạc nhiên – 23 tuổi – và, theo lời những người đàn ông khác nói với tôi, anh được coi như một thiên tài đánh bắt cá, tức là anh có khả năng bắt đủ hạn mức cá tuyết và cá êfin trong khoảng thời gian ngắn nhất. Thế nhưng, vào tháng 1/2005, anh bỏ nghề đánh cá để gia nhập phòng trao đổi tiền tệ của Landsbanki. Anh đầu cơ vào các thị trường tài chính trong gần hai năm, cho tới khi cuộc thảm sát trong giới tài chính diễn ra vào tháng 1/2008; thời điểm đó, anh – cùng với tất cả những người Iceland tự gọi mình là “thương nhân” – bị sa thải. Theo lời anh, công việc của anh là bán cho người khác, trong đó chủ yếu là các ngư dân đồng nghiệp của anh, cái mà anh tưởng là một khoản đầu cơ bất bại: vay tiền yên với mức lãi suất 3% rồi dùng chúng để mua tiền kronur Iceland, sau đó đem số tiền kronur này đi đầu tư với mức lãi suất 16%. “Tôi nghĩ chọn lấy ai đó làm trong ngành đánh bắt cá rồi đào tạo anh ta về cách buôn bán tiền tệ sẽ dễ hơn là chọn người trong ngành ngân hàng rồi dạy anh ta học cách đánh bắt cá”, anh nói. Tiếp theo, anh giải thích việc đánh cá không đơn giản như tôi tưởng. Trước tiên, đó là một công việc đầy rủi ro, nhất là đối với những người đàn ông Iceland. “Anh không muốn có những tên ẻo lả trong đoàn”, anh nói, đặc biệt là khi các vị thuyền trưởng người Iceland vốn nổi tiếng về cách bắt cá điên rồ của họ. “Tôi từng có một đoàn thuyền viên gồm những gã người Nga”, anh nói, “vấn đề không phải họ lười biếng, nhưng người Nga lúc nào cũng duy trì một tốc độ không đổi”. Khi gặp bão, họ sẽ ngừng đánh bắt, bởi điều đó quá nguy hiểm. “Người Iceland lại có thể bắt cá trong mọi hoàn cảnh”, Stefan nói, “họ bắt cá cho tới khi không thể bắt được cá nữa mới thôi. Họ thích đón nhận những rủi ro. Nếu đi quá xa, xác suất may mắn sẽ không còn đứng về phía anh nữa. Tôi đã 33 tuổi, và đã có 2 người bạn của tôi bỏ mạng ngoài biển khơi”. Anh phải mất nhiều năm đào tạo để có thể trở thành một vị thuyền trưởng, và thậm chí điều đó cũng chỉ có thể xảy ra nhờ may mắn. Khi 23 tuổi và là một người chỉ huy trên tàu, vị thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá lại bỏ cuộc. Người chủ sở hữu chiếc tàu cá đi tìm người thay thế anh, và gặp một ngư dân lão làng, lúc đó đã nghỉ hưu, vốn là một huyền thoại trong giới ngư dân Iceland – một con người tuyệt vời có tên Snorri Snorasson. “Tôi đi hai chuyến với ông ấy”, Stefan nói. “Trong đời tôi chưa bao giờ ngủ ít đến thế, bởi quá háo hức muốn học hỏi ông. Tôi ngủ 2 – 3 tiếng mỗi đêm vì tôi ngồi tiếp chuyện ông. Tôi vô cùng tôn trọng ông – thật khó mà nói được hết những gì ông đã dạy tôi. Tầm vươn của con tàu. Góc lưới hiệu quả nhất. Phải hành động ra sao trên biển khơi. Nếu gặp phải một ngày tồi tệ, anh cần làm gì? Khi đánh cá ở độ sâu thế này, anh phải làm sao. Nếu cách làm đó không hiệu quả, anh sẽ mò xuống sâu hơn nữa hay mở rộng tầm giăng lưới? Có quá nhiều điều ấn tượng. Trong khoảng thời gian này, tôi đã học được nhiều điều hơn những gì đã được học ở trường. Bởi lẽ, làm sao anh có thể đến trường để học đánh cá?” Cuộc đào tạo tuyệt vời đó vẫn còn hiện rõ trong tâm trí, như thể anh vừa mới trải nghiệm nó ngày hôm qua, và ý nghĩ về nó giăng một màn sương trên đôi mắt anh. “Anh đã có 7 năm học đến từng chi tiết nhỏ nhất trong ngành đánh bắt cá trước khi có cơ hội học hỏi từ vị thuyền trưởng vĩ đại đó phải không?” Tôi hỏi. “Đúng vậy”. “Và thậm chí như vậy, anh vẫn phải ngồi dưới chân người thầy vĩ đại này trong nhiều tháng để rồi anh mới có được cái cảm giác rằng anh biết mình đang làm gì?” “Đúng”. “Vậy thì tại sao anh lại nghĩ mình có thể trở thành một nhân viên ngân hàng và tham gia đầu cơ vào các thị trường tài chính mà không hề có lấy một ngày đào tạo nào?” “Câu hỏi hay đấy”, anh nói. Anh suy nghĩ một chút. “Đây là lần đầu tiên trong buổi tối này tôi không tìm được lời nào để nói”. Vì tôi cũng thường cho rằng mình biết chính xác bản thân đang làm gì trong khi thực tế không phải như vậy, nên tôi thấy thông cảm với anh. “Công việc chính xác của anh là gì?” tôi lên tiếng hỏi để đưa anh ra khỏi tình huống khó xử đó. Bắt rồi thả hiện đang là chính sách nhân đạo ở Iceland. “Ban đầu, tôi là…” – lúc này anh bắt đầu bật cười – “một cố vấn cho các công ty chuyên đầu cơ tiền tệ. Nhưng vì bản tính háo thắng nên tôi ngày càng lún sâu vào hoạt động đầu cơ”. Nhiều khách hàng của anh là ngư dân, các công ty đánh bắt cá, và họ − cũng như anh – đều đã học được rằng nếu không liều lĩnh, anh sẽ chẳng bắt được con cá nào. “Những vị khách hàng này chỉ quan tâm đến ‘đầu cơ’ nếu điều đó có nghĩa là kiếm được tiền”, anh nói, và cười phá lên. “Anh có thích ngành ngân hàng không?” tôi hỏi. “Tôi chưa bao giờ tôn trọng những người làm trong ngành ngân hàng cả”, anh vừa nói vừa thở hổn hển sau trận cười. “Cho tới bây giờ, một trong những câu châm ngôn tôi ưa thích là: đừng bao giờ tin lời các tay làm ngân hàng”. Nếu nhìn lại, một người Iceland từng trải qua 5 năm vừa qua có lẽ sẽ không khỏi tự đặt cho mình một vài câu hỏi. Chẳng hạn: Tại sao Iceland lại đột nhiên trở nên quan trọng tới vậy trong nền tài chính toàn cầu? Hay: Tại sao các cường quốc từng là nơi phát minh ra hệ thống ngân hàng hiện đại lại đột nhiên cần tới các ngân hàng Iceland làm trung gian giữa những người gửi tiền và những người vay tiền của họ − để quyết định xem ai được vay tiền, ai không? Và: Nếu người dân Iceland có năng khiếu bẩm sinh khó tin này với các vấn đề tài chính, tại sao họ lại giấu nó kỹ đến thế trong suốt 1.100 năm? Chí ít, ở một nơi mà mọi người đều biết rõ nhau, bạn hẳn cũng sẽ tưởng rằng vào cái lúc mà Stefan Alfsson bước chân vào ngân hàng Landsbanki thì sẽ có tới cả chục người nói với anh:“Này Stefan, anh là một ngư dân cơ mà!” Nhưng họ lại không làm thế. Và thật ngạc nhiên là tới lúc này, họ cũng không làm thế. “Nếu quay trở lại ngành ngân hàng”, anh chàng đánh cá tuyết người Iceland nói, lúc này gương mặt hoàn toàn nghiêm túc, “tôi sẽ làm cho khối ngân hàng tư nhân”. Quay trở lại năm 2001, khi bong bóng Internet vỡ, tạp chí Quarterly Journal of Economics của MIT đăng tải một bài viết thú vị, “Con trai vẫn sẽ là con trai: Giới tính, Tự tin thái quá, và Đầu tư cổ phiếu phổ thông”. Các tác giả bài viết, Brad Barber và Terrance Odean, được tiếp cận với hoạt động giao dịch tại trên 35.000 hộ gia đình, và họ so sánh điều đó với thói quen của đàn ông và phụ nữ. Phát hiện của họ, nói một cách ngắn gọn, là đàn ông không chỉ buôn bán giao dịch nhiều hơn phụ nữ mà họ còn làm điều đó xuất phát từ một niềm tin phi thực tế vào năng lực phán xét tài chính của bản thân. Đàn ông độc thân giao dịch bất cẩn hơn đàn ông đã có gia đình, và đàn ông đã có gia đình giao dịch bất cẩn hơn phụ nữ độc thân: sự hiện diện của phụ nữ càng ít, thì cách thức giao dịch trên thị trường càng bất cẩn. Một trong những đặc điểm riêng biệt về cuộc khủng hoảng ở Iceland, và Phố Wall, là phụ nữ đóng rất ít vai trò trong đó. Phụ nữ cũng tham gia làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng không làm những công việc yêu cầu nhiều rủi ro. Theo tôi được biết, trong suốt cơn bùng phát của Iceland, chỉ có duy nhất một phụ nữ nắm giữ vị trí cao cấp trong một ngân hàng Iceland. Tên bà là Kristin Pétursdóttir, và tới năm 2005, bà được thăng chức làm phó CEO của Kaupthing tại London. “Thị trường tài chính có nền văn hóa nam trị”, bà nói. “Nền văn hóa này khá cực đoan. Đó là một hồ đầy những con cá mập. Phụ nữ ghê tởm nền văn hóa đó.” Pétursdóttir vẫn yêu thích ngành tài chính. Bà chỉ không thích cách những người đàn ông Iceland thực hiện với ngành này, vì thế, vào năm 2006, bà từ chức. “Mọi người nói tôi có vấn đề”, bà nói, nhưng bà muốn gây dựng một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tài chính được điều hành hoàn toàn bởi phụ nữ, để − theo lời bà nói – “mang lại nhiều giá trị nữ quyền hơn tới thế giới tài chính”. Hiện nay, doanh nghiệp của bà là một trong số ít ỏi các doanh nghiệp tài chính làm ăn có lãi còn lại ở Iceland. Sau khi sàn giao dịch chứng khoán sụp đổ, tiền chảy như lũ đến. Chẳng hạn, một vài ngày trước khi chúng tôi gặp nhau, một buổi sáng sớm, bà nghe tiếng gõ thình thình vào cửa trước. Bà mở cửa thì thấy một ông lão dáng nhỏ thó. “Tôi chán ngán với cả cái hệ thống này”, ông nói. “Tôi chỉ muốn có người phụ nữ nào quản lý tiền bạc giúp tôi”. Chính với câu chuyện đó trong đầu mà tôi bước vào Bảo tàng Saga trong buổi chiều cuối cùng tôi ở Iceland. Mục đích khi xây bảo tàng này là nhằm tôn vinh các Sagas – tức các thiên sử thi ra đời trong thế kỷ XII – XIII của người Iceland – nhưng hiệu ứng mà các mô hình có kích cỡ thật lại khiến bảo tàng này trông có vẻ như một chương trình truyền hình thực tế hiện tại. Không phải những bức tượng được chạm khắc từ silicone mà là những người Iceland cổ xưa thực sự − hay đúng ra là các diễn viên mang tạo hình người Iceland cổ − và những tiếng kêu thét rùng mình phát ra từ hệ thống loa: một giám mục đạo Thiên chúa có tên Jón Arason với chiếc đầu bị chặt; một kẻ dị giáo có tên Sister Katrin bị thiêu trên giàn; quang cảnh một trận đánh mà trong đó một tên cướp biển người đẫm máu hướng thanh gươm đâm vào tim một kẻ thù đang nằm rạp dưới đất. Mục đích ở đây là nhằm mô tả lại sống động quang cảnh xưa, và để làm được điều đó, người ta đã không tiếc chi cả núi tiền. Khi đi từ quang cảnh bạo lực này sang quang cảnh bạo lực khác, tôi bất chợt phải liếc mắt nhìn về phía sau để chắc không có tên cướp biển nào bám theo với chiếc rìu chiến trên tay. Hiệu ứng mà bảo tàng này mang lại dễ khiến con người ta sống trong ảo giác, tới nỗi khi đi hết bảo tàng và nhìn thấy một phụ nữ Nhật Bản đang ngồi đọc sách trên chiếc ghế băng, tôi đã phải vỗ lên vai cô để xem cô có phải là người thật hay không. Đây là quá khứ mà người Iceland yêu mến: một lịch sử của những xung đột và chủ nghĩa anh hùng. Một lịch sử chứng kiến ai là người sẵn sàng lao vào người khác với sức mạnh khủng khiếp nhất. Hẳn cũng có rất nhiều người phụ nữ trong lịch sử đó, nhưng đó chủ yếu vẫn là lịch sử của những người đàn ông. Khi bạn vay mượn rất nhiều tiền để tạo ra một sự phồn thịnh giả tạo, có nghĩa bạn đang đưa tương lai vào hiện tại. Tương lai thực sự không giống như phiên bản kỳ dị bằng silicon của nó. Đầu cơ vay nợ đã cho bạn được sống những khoảnh khắc của sự giàu sang mà bạn chưa thực sự kiếm được. Điều đáng nói về cái tương lai mà những người đàn ông Iceland nhập khẩu trong chốc lát ấy cũng tương tự như cái quá khứ mà họ tôn thờ. Tôi cược rằng giờ đây, sau khi đã thấy được tương lai giả mạo của mình, những người phụ nữ Iceland sẽ có vô vàn thứ để nói về tương lai thực sự. 2. Và thế là họ tạo ra môn toán học Sau một giờ ngồi trên máy bay, hai giờ trong một chiếc taxi, ba giờ trên một chiếc phà cũ nát, và cuối cùng là bốn giờ trên những chiếc xe buýt do các tài xế người Hy Lạp vừa buôn điện thoại vừa phóng trên các đỉnh dốc đứng, tôi đã tới trước cửa tu viện lớn nằm ở nơi hẻo lánh. Mũi đất chòi ra Biển Aegean tạo cho ta cảm giác như đây là nơi tận cùng của thế giới, và nó rất tĩnh lặng. Lúc này là cuối chiều, và các tu sĩ hoặc đang cầu nguyện, hoặc đang nghỉ trưa; tuy nhiên, vẫn còn một vị ngồi tại phòng canh gác để chào đón du khách. Ông hướng dẫn tôi và 7 người hành hương Hy Lạp tới một khu ký túc cổ, được phục hồi một cách khéo léo. Ở đây, hai vị tu sĩ chu đáo khác mang tới cho chúng tôi rượu ouzo, bánh ngọt, và chìa khóa cửa. Tôi cảm giác như vẫn còn thiếu cái gì đó, và rồi chợt nhận ra: chưa có ai hỏi thẻ tín dụng của tôi. Tu viện này không chỉ hoạt động hiệu quả mà nó còn miễn phí. Lúc đó, một vị tu sĩ nói cho tôi biết rằng sự kiện tiếp theo sẽ là một buổi lễ ở nhà thờ: buổi kinh chiều. Dĩ nhiên, sự kiện tiếp theo hầu như luôn là một buổi lễ tại nhà thờ. Có tới 37 nhà nguyện khác nhau trong tu viện này, nên việc tìm ra nơi tổ chức buổi lễ đó giống như tìm kim đáy bể vậy, tôi nghĩ. “Ở nhà thờ nào?” tôi hỏi vị tu sĩ. “Ngài cứ đi theo các tu sĩ khi họ đứng lên”, ông trả lời rồi nhìn tôi từ đầu tới chân. Ông có bộ râu dài, đen, mọc lộn xộn, chiếc áo choàng dài màu đen, chiếc mũ trùm đầu của tu sĩ, và chuỗi tràng hạt. Tôi đi đôi giày chạy bộ màu trắng, mặc quần kaki sáng màu, chiếc áo sơ mi màu hoa cà hiệu Brooks Brothers, và khoác chiếc túi nhựa vốn dùng để đựng đồ giặt với hàng chữ viết hoa bên cạnh túi EAGLES PALACE HOTEL. “Tại sao ngài lại tới đây?” ông hỏi. Quả là một câu hỏi hay. Tôi đến đó không phải vì nhà thờ, mà vì tiền. Cơn đại hồng thủy tín dụng rẻ quét ngang trên hành tinh này vào giai đoạn 2007 – 2009 giờ đây đã đem đến một cơ hội mới cho ngành du lịch: Du lịch thảm họa tài chính. Tín dụng không chỉ là tiền, mà nó còn là một sự cám dỗ. Nó mang lại cho mọi xã hội cơ hội được thể hiện những khía cạnh trong con người họ mà ở điều kiện bình thường họ không thể nuông chiều mình được. Các quốc gia được thông báo rằng:“Đèn đóm tắt hết rồi đấy, giờ các anh muốn làm gì thì cứ làm, không ai biết được đâu”. Điều họ muốn làm khi không có ai quan sát rất đa dạng. Người Mỹ muốn sở hữu những căn nhà vượt quá xa khả năng chi trả của mình, và họ muốn để mặc cho kẻ mạnh tha hồ bóc lột kẻ yếu. Người Iceland muốn thôi đánh bắt cá và trở thành những tay đầu tư ngân hàng, và cho phép những người đàn ông thuộc tầng lớp tinh túy của họ được tha hồ thể hiện chứng hoang tưởng tự đại bị kìm hãm bấy lâu. Người Đức muốn trở nên Đức hơn nữa; người Ireland không muốn là người Ireland nữa. Mọi xã hội khác biệt này đều cùng tiếp xúc với một sự kiện, nhưng mỗi xã hội lại phản ứng với nó theo cách riêng của họ. Tuy vậy, không có sự phản ứng nào lại độc đáo như sự phản ứng của người Hy Lạp: bất kỳ ai từng dành ra vài ngày nói chuyện với những vị lãnh đạo quốc gia này đều có thể nhận thấy điều đó. Nhưng để thấy được hết sự độc đáo đó, bạn phải tới tu viện này. Tôi có những lý do riêng khi tới đây. Nhưng tôi cam đoan rằng nếu tôi hé môi nói với vị tu sĩ kia về những lý do đó, hẳn ông ta sẽ tống cổ tôi đi. Vì thế mà tôi đành nói dối:“Người ta nói rằng đây là nơi linh thiêng nhất trên thế giới”, tôi trả lời. Tôi tới Athens trước đó mấy ngày, chính xác là một tuần trước khi nổ ra cuộc bạo động tiếp theo, và một vài ngày sau khi giới chính khách Hy Lạp khuyên chính phủ của họ rằng, để trả nợ, họ nên bán các hòn đảo đi, và thậm chí là bán thêm một số di tích cổ nữa. Thủ tướng mới theo tư tưởng xã hội, George Papandreou, cảm thấy ông bị buộc phải chối rằng thực ra bản thân ông cũng đang nghĩ tới việc bán đảo. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vừa hạ điểm tín dụng của Hy Lạp xuống tới mức biến tất cả các trái phiếu chính phủ của quốc gia này trở thành đống giấy lộn – tức là với những nhà đầu tư đang sở hữu chúng, chúng cũng không còn giá trị nữa. Kết quả là, việc bán tống bán tháo trái phiếu Hy Lạp ra thị trường, xét trong thời điểm trước mắt, không còn là chuyện lớn, bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thống nhất cho Hy Lạp – một quốc gia với khoảng 11 triệu dân – vay một khoản lên tới 145 triệu đô la. Trước mắt, Hy Lạp đã bị di dời khỏi các thị trường tài chính tự do và trở thành một quận của các bang khác. Đó là tin tốt. Bức tranh lâu dài còn ảm đạm hơn nhiều. Bên cạnh khoảng 400 tỷ (con số này còn tăng nữa) nợ chính phủ tồn đọng, các kế toán người Hy Lạp còn vừa mới tính toán rằng chính phủ của họ còn nợ một khoản 800 tỷ đô-la (hoặc hơn) tiền lương hưu. Tổng cộng tất cả các khoản đó là khoảng 1,2 nghìn tỉ đô-la, tức hơn 1/4 triệu đô-la cho mỗi người dân Hy Lạp trong độ tuổi lao động. Trước 1,2 nghìn tỉ nợ nần, một khoản giải cứu 145 tỉ đô-la rõ ràng chỉ như muối bỏ bể. Mà đó mới chỉ là các con số chính thức, thực tế chắc chắn còn tồi tệ hơn. “Người của chúng tôi tới đây, và không thể tin nổi những gì họ tìm thấy”, một quan chức cấp cao của IMF nói với tôi không lâu sau khi ông trở về từ chuyến làm việc đầu tiên của IMF tại Hy Lạp. “Cái cách họ theo dõi việc tài chính – họ biết họ đã thống nhất sẽ chi tiêu bao nhiêu, nhưng không ai theo dõi trên thực tế mình đã chi tiêu những gì. Đó thậm chí còn không được gọi là một nền kinh tế mới nổi. Đó là một quốc gia ở thế giới thứ ba”. Hóa ra, điều mà người Hy Lạp muốn làm – sau khi đèn đóm đã tắt hết và chỉ còn lại họ trong bóng tối với đống tiền đi vay trong tay – là biến chính phủ của họ thành một con thú giả, bên trong nhồi đầy những tiền, và cho càng nhiều công dân của họ cơ hội được đập con thú đó lấy hên càng tốt. Chỉ trong vòng 12 năm trở lại đây, số tiền lương trả cho những người làm việc trong khu vực công của Hy Lạp đã tăng gấp đôi (không tính lạm phát) – và còn chưa kể đến những khoản hối lộ mà các quan chức nhà nước nhận được. Một công việc hạng trung của chính phủ kiếm được mức lương lớn gần gấp ba một công việc ngang tâm của khu vực tư nhân. Hệ thống tàu lửa quốc gia có doanh thu hàng năm là 100 triệu euro, nhưng số tiền lương họ phải trả hàng năm đã lên tới 400 triệu euro cùng với 300 triệu euro các khoản chi phí khác. Trung bình, một nhân viên của hãng xe lửa nhà nước kiếm được 65.000 euro/năm. 12 năm trước đây, một doanh nhân thành đạt sau trở thành bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, ông Stefanos Manos, chỉ ra rằng sẽ rẻ hơn nếu đưa tất cả các hành khách đi xe lửa chuyển sang di chuyển bằng taxi. Nhận định đó bây giờ vẫn đúng. “Chúng tôi có một công ty tàu lửa bị phá sản một cách khó hiểu”, Manos nói với tôi. “Ấy vậy mà không có một công ty tư nhân nào ở Hy Lạp có được mức lương trung bình như vậy”. Hệ thống giáo dục công của Hy Lạp là ví dụ điển hình ấn tượng của sự thiếu hiệu quả: tuy là một trong những hệ thống bị đánh giá thấp nhất châu Âu, song nó lại có tỉ lệ giáo viên/học sinh nhiều gấp 4 lần so với hệ thống được đánh giá cao nhất là Phần Lan. Người dân Hy Lạp gửi con tới trường công mặc nhiên cho rằng họ sẽ cần phải thuê thêm gia sư cho con để yên tâm rằng chúng thực sự học được cái gì đó. Có ba công ty quốc phòng do chính phủ sở hữu: tổng nợ của cả ba lên tới hàng tỉ euro, và những con số thua lỗ này cứ ngày một lớn dần. Độ tuổi nghỉ hưu cho các công việc được xếp vào hạng nặng tại Hy Lạp là 55 đối với nam giới và 50 đối với nữ giới. Do đây cũng là thời điểm nhà nước phải chi ra những khoản lương hưu khổng lồ, nên không hiểu bằng cách nào mà có tới hơn 600 nghề nghiệp ở Hy Lạp được xếp vào hạng nặng: thợ cắt tóc, phát thanh viên, bồi bàn, nhạc sĩ, v.v… Hệ thống chăm sóc sức khỏe công Hy Lạp chi tiêu nhiều vào các khoản dự trữ hơn mức trung bình ở châu Âu – và theo lời một số người Hy Lạp nói với tôi, thì chẳng lạ gì khi thấy các y tá, bác sĩ bỏ việc với hai tay ôm đầy giấy vệ sinh, bỉm, và bất kỳ thứ gì họ có thể cướp được từ các tủ đựng đồ dự trữ. Đâu là sự lãng phí, đâu là cướp bóc – chuyện đó chẳng hề quan trọng; cái này che chắn, hỗ trợ cái kia. Chẳng hạn, người ta mặc nhiên cho rằng bất kỳ ai làm việc cho chính phủ đều nhận hối lộ. Người dân đi tới các cơ sở khám chữa bệnh công thì tâm tâm niệm rằng họ sẽ phải hối lộ bác sĩ để họ thực lòng quan tâm tới mình. Các vị bộ trưởng từng dành cả cuộc đời phục vụ nhân dân khi ra về còn có thể sắm cho mình những ngôi biệt thự hàng triệu đô-la cùng hai hay ba tư dinh ở miền quê. Có một điều lạ lùng là những nhà tài phiệt ở Hy Lạp vẫn ít nhiều là những người hoàn hảo. Họ luôn luôn là những trùm thương mại già nua, lờ đờ. Trong giới ngân hàng châu Âu, gần như chỉ có họ là không mua các trái phiếu vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ, hay tự trang bị tối đa mọi thứ cho bản thân, hoặc tự trả cho mình những khoản tiền khổng lồ. Vấn đề lớn nhất mà các ngân hàng ở đây gặp phải là họ đã bỏ ra gần 30 tỉ euro cho chính phủ Hy Lạp vay – và chính phủ đã hoặc cướp, hoặc phung phí hết số tiền đó. Ở Hy Lạp, các ngân hàng không kéo chìm đất nước. Chính đất nước đã nhấn chìm các ngân hàng. Buổi sáng sau hôm đáp xuống đây, tôi đi bộ tới gặp vị bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp, ông George Papaconstantinou, người được giao nhiệm vụ dọn dẹp đống hỗn độn khủng khiếp này. Nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà Athens vừa giữ được nét bừng sáng lại vừa nhếch nhác lôi thôi. Những ngôi nhà đẹp đẽ, mới sơn sửa theo trường phái tân cổ điển bị hủy hoại không thương tiếc bởi những bức vẽ graffiti mới tinh. Đâu đâu cũng gặp các di tích cổ, nhưng dường như chúng chẳng ăn nhập gì với mọi thứ xung quanh. Tại lối vào hẹp và tăm tối dẫn tới Bộ Tài chính, một toán nhân viên an ninh thực hiện nhiệm vụ khám xét – tuy nhiên, họ chẳng buồn kiểm tra tại sao máy phát hiện kim loại lại kêu lên khi bạn đi qua. Ở phía tiền sảnh, 6 phụ nữ đứng sắp xếp lịch cho ngài bộ trưởng. Họ có vẻ rất sốt sắng và vội vã, và hình như họ còn làm việc quá tải nữa… ấy vậy mà ngài bộ trưởng vẫn tới muộn. Xét một cách tổng thể, nơi này cho ta cảm giác rằng thời kỳ huy hoàng nhất của nó chắc cũng chỉ ở mức tầm thường. Đồ đạc đã sờn cũ, sàn nhà lộ ra lớp sơn lót. Cái đáng ngạc nhiên nhất ở đây là số lượng nhân viên. Ngài bộ trưởng Papaconstantinou theo học trường Đại học New York và trường Kinh tế học London hồi những năm 1980, sau đó ông làm việc 10 năm tại Paris cho OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Ông là người cởi mở, thân thiện, có khuôn mặt tươi tắn, bảnh bao, và giống như nhiều người ở vị trí lãnh đạo trong chính phủ Hy Lạp mới, ông trông giống người da trắng – thực ra giống dân Mỹ − hơn là người Hy Lạp. Khi Papaconstantinou tới đây vào tháng 10/2009, chính phủ Hy Lạp vừa dự tính chỉ số thâm hụt ngân sách năm 2009 của họ là 3,7%. Hai tuần sau đó, con số này được chỉnh lên tới 12,5%, và cuối cùng là gần 14%. Công việc của ông là tìm hiểu và đưa ra cho thế giới một lý do. “Ngày thứ hai tại nhiệm, tôi đã phải triệu tập một cuộc họp để cùng nghiên cứu ngân sách”, ông cho biết. “Tôi đã triệu tập mọi người từ tổng cục kế toán, và chúng tôi bắt đầu quá trình khám phá này”. Mỗi ngày trôi qua họ lại phát hiện ra những thiếu sót khó tin. Một khoản nợ lương hưu lên tới một tỷ đô-la mỗi năm, bằng cách nào đó, lại vắng mặt trong các sổ sách của chính phủ, nơi mọi người đều vờ rằng nó không hề tồn tại, mặc dù chính phủ chịu trách nhiệm chi trả khoản đó; lỗ hổng trong kế hoạch chi trả lương hưu cho những người tự kinh doanh trên thực tế không phải con số 300 triệu euro như ước tính, mà là 1,1 tỷ euro; và vô vàn chuyện khác. “Cuối mỗi ngày, tôi đều nói: ‘Thôi được rồi các anh, đó là tất cả những gì chúng ta tìm thấy phải không?’ Và họ nói: ‘Đúng vậy’. Và buổi sáng hôm sau, một cánh tay lại giơ lên từ phía cuối phòng: ‘Thực ra, thưa Bộ trưởng, vẫn còn lỗ hổng khác trị giá 100 hoặc 200 triệu euro’”. Mọi chuyện cứ thế kéo dài khoảng một tuần. Trong số những sự việc được phát giác, có một lượng lớn các chương trình tạo việc làm giả mạo ngoài sổ sách. “Bộ Nông nghiệp đã tạo ra một đơn vị ngoài sổ sách tuyển dụng 270 người để số hóa các bức ảnh chụp đất công của Hy Lạp”, ngài bộ trưởng Bộ Tài chính nói với tôi. “Vấn đề ở đây là không ai trong số 270 con người này có chút kinh nghiệm về ảnh kỹ thuật số. Nghề nghiệp thực sự của họ là những nghề dạng như cắt tóc”. Vào ngày cuối cùng của cuộc khám phá, sau khi cánh tay cuối cùng giơ lên trong phòng họp, khoản thâm hụt ngân sách ước tính gần 7 tỷ euro trên thực tế đã thành hơn 30 tỷ. Câu hỏi “Làm sao có thể như thế được?” được trả lời một cách dễ dàng: bởi cho tới tận lúc đó, không có ai nghĩ tới việc cộng tổng mọi thứ lại. “Chúng tôi không có Cục Ngân sách Quốc hội”, ngài bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích. “Không có bộ phận thống kê độc lập”. Đảng cầm quyền mặc sức vẽ ra bất kỳ con số nào họ thích, vì những mục đích riêng của họ. Sau khi có trong tay các số liệu, vị bộ trưởng tới tham dự các cuộc họp định kỳ hàng tháng với bộ trưởng Bộ Tài chính của các quốc gia châu Âu khác. Là một người mới, ông được mời phát biểu. “Khi tôi công bố các con số, có người đã há hốc mồm”, ông nói. “Làm sao điều này có thể xảy ra được? Lúc đó tôi có vẻ như muốn nói với họ: Chắc các ngài cho rằng con số đó là không đúng. Nhưng vấn đề ở đây là tôi ngồi đằng sau tấm biển ghi tên nước HY LẠP, chứ không phải tấm biển ghi CHÍNH PHỦ MỚI CỦA HY LẠP.” Sau cuộc họp, bộ trưởng Hà Lan tới chỗ ông hỏi: “George, chúng tôi hiểu đó không phải là lỗi của anh, nhưng chẳng phải cần cho ai đó ngồi tù hay sao?” Kết thúc câu chuyện của mình, vị bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đây không chỉ đơn thuần là vấn đề một chính phủ nói dối về các khoản chi tiêu của họ. “Lý do không hẳn vì báo cáo sai”, ông nói. “Năm 2009, bộ phận thu thuế đã không trung thực, bởi đó là năm bầu cử”. Ông mỉm cười. “Điều đầu tiên một chính phủ phải làm trong năm bầu cử là không để một nhân viên thu thuế nào bảng lảng trên đường phố”. “Hẳn là ông đang đùa rồi”. Lúc này, ông quay sang cười tôi. Tôi rõ ràng quá ngây thơ. Chi phí điều hành chính phủ Hy Lạp mới chỉ là một nửa trong phương trình thất bại: còn một vấn đề nữa là thu nhập của chính phủ. Trong lúc vừa đi vừa nói chuyện, một biên tập viên của một trong những tờ báo lớn ở Hy Lạp nói với tôi rằng các phóng viên của anh đã tạo dựng được một số nguồn tin trong bộ phận doanh thu quốc gia. Họ không làm đến mức để lộ ra những sai phạm về thuế − một điều vốn phổ biến ở Hy Lạp tới mức chẳng đáng viết về nó nữa – mà chỉ nhằm tìm ra những tay trùm buôn ma túy, những kẻ buôn lậu người, và các vụ việc ngầm đen tối hơn. Tuy vậy, một số nhân viên thu thuế lại tức giận trước hiện trạng tham nhũng có hệ thống trong ngành; sự tức giận này được thể hiện ở mức hai người trong số họ sẵn lòng gặp mặt trao đổi với tôi. Vấn đề ở đây là, vì những lý do mà không ai trong số hai người đó muốn đả động đến, họ không thể chạm trán nhau. Điều này, như tôi đã được những người bạn Hy Lạp nhắc tới nhiều lần, thực sự rất Hy Lạp. Buổi chiều sau cuộc gặp với vị bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi uống cà phê với một cán bộ thu thuế ở một khách sạn, sau đó đi dạo phố và uống bia với người cán bộ thu thuế thứ hai ở một khách sạn khác. Cả hai người đều bị giáng chức sau những nỗ lực tố cáo các đồng nghiệp đã nhận những khoản hối lộ lớn để ký nhận các khoản hoàn thuế sai phạm. Cả hai đều bị thuyên chuyển từ vị trí tiên phong cao cấp sang các vị trí thấp hơn trong văn phòng, nơi họ không còn cơ hội chứng kiến các sai phạm về thuế nữa. Mỗi người đều có chút không thoải mái; và cả hai đều không muốn để ai biết họ đã gặp tôi, bởi họ sợ sẽ bị mất việc tại sở thuế. Vì vậy, chúng ta hãy gọi họ là Nhân viên Thu thuế 1 và Nhân viên thu thuế 2. Nhân viên Thu thuế 1 – tầm ngoài 60 tuổi, ăn mặc chỉn chu, nét mặt căng thẳng nhưng không lộ vẻ lo lắng – đến với một cuốn sổ tay viết đầy các ý tưởng cải tổ ngành thuế Hy Lạp. Ông mặc nhiên cho rằng tôi phải biết chỉ những người dân Hy Lạp đang còng lưng trả tiền thuế mới là những người bắt buộc phải nộp thuế − đó là những nhân viên được trả lương trong các công ty, tiền thuế của họ bị trừ trực tiếp vào lương. Một lượng lớn người lao động tự làm việc – bao gồm tất cả, từ bác sĩ cho tới người bán báo ở sạp – đều gian dối (đây là một lý do quan trọng giải thích tại sao Hy Lạp lại có tỉ lệ lao động tự làm việc cao nhất ở châu Âu). “Điều này đã trở thành một nét văn hóa”, ông nói. “Người Hy Lạp không biết học cách trả tiền thuế. Và họ không chịu làm thế bởi chưa từng có ai bị phạt cả. Đó là một sự xúc phạm vào tinh thần cao thượng – giống như việc một quý ông lịch lãm lại không chịu mở cửa cho một phụ nữ vậy”. Mức độ gian lận thuế ở Hy Lạp cũng khó tin như quy mô của nó: ước tính 2/3 số bác sĩ ở Hy Lạp khai có thu nhập dưới 12.000 euro một năm, vì thu nhập dưới mức đó không phải chịu thuế, nên ngay cả những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ kiếm hàng triệu euro mỗi năm cũng không hề phải trả thuế. Vấn đề không nằm ở luật pháp – đã có luật quy định án phạt tù cho các tội danh lừa dối chính phủ hơn 150.000 euro trở lên – mà nằm ở việc thi hành luật pháp. “Nếu luật này được thực thi,” vị cán bộ thu thuế nói, “thì tất cả các bác sĩ ở Hy Lạp đều sẽ phải vào tù”. Tôi cười lớn, ông nhìn chằm chằm vào tôi. “Tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy”. Một lý do khiến không ai bị truy tố − ngoài thực tế việc khởi tố có vẻ như tùy ý − là các tòa án Hy Lạp mất tới 15 năm để giải quyết các vụ kiện liên quan tới thuế. “Những ai không muốn trả tiền, và bị bắt quả tang, chỉ việc tới tòa án,” ông nói. Khoảng 30% – 40% các hoạt động chịu thuế thu nhập trong nền kinh tế Hy Lạp không được ghi chép chính thức, ông nói; con số trung bình ở các quốc gia khác ở châu Âu là khoảng 18%. Cách dễ dàng nhất để gian lận thuế là yêu cầu nhận thanh toán bằng tiền mặt, và không cung cấp biên lai chứng từ. Cách dễ dàng nhất để rửa tiền mặt là mua bất động sản. Một điều thật thuận tiện cho thị trường chợ đen – và đây cũng là điều độc nhất trong số các quốc gia châu Âu – Hy Lạp không có bộ phận đăng ký đất đai quốc gia. “Anh phải biết người này mua đất từ ai – tức là địa chỉ của người đó – rồi mới truy ra tung tích anh ta”, vị cán bộ thu thuế nói. “Mà dù có thế thì mọi chứng từ mua bán cũng chỉ được thực hiện bằng giấy viết tay, rất khó luận ra chữ”. Nhưng, tôi nói, nếu có vị bác sĩ thẩm mỹ nào nhận 1 triệu euro tiền mặt, mua một khoảnh đất trên một hòn đảo ở Hy Lạp, và xây cất biệt thự, thì hẳn cũng phải có các loại giấy tờ khác chứ, giấy phép xây dựng chẳng hạn. “Những người ký giấy phép xây dựng không thông báo cho Bộ Ngân khố”, vị cán bộ thu thuế nói. Trong những trường hợp − hiển nhiên là không hề hiếm hoi − nếu vụ gian lận thuế bị phát giác, thì đối tượng chỉ việc hối lộ cho người thu thuế để dàn xếp ổn thỏa. Dĩ nhiên là có luật ngăn cấm cán bộ thu thuế nhận hối lộ, ông nói, “nhưng nếu anh bị bắt quả tang, thì có thể phải sau 7 hay 8 năm anh mới bị khởi tố. Nên trên thực tế, chẳng ai thèm quan tâm”. Việc nói dối có hệ thống về thu nhập đã khiến chính phủ Hy Lạp ngày càng dựa dẫm vào những nguồn thuế khó có khả năng trốn tránh hơn: thuế bất động sản và thuế doanh số bán hàng. Bất động sản được tính thuế theo công thức tạo ra một giá trị được gọi là khách quan cho mỗi ngôi nhà. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Hy Lạp trong thập kỷ vừa qua đã đẩy giá trị sang tay của bất động sản lên cao vượt mức đánh giá. Giá bán thực tế càng cao, thì công thức tính thuế càng bị đẩy lên. Một công dân Hy Lạp điển hình sẽ phản ứng lại với vấn đề này bằng cách không thông báo giá giao dịch thật mà thông báo một mức giá giả mạo – và thường thì đây là con số thấp được tính theo công thức cũ. Nếu ai đó đi vay nợ để mua nhà, anh ta sẽ lấy khoản nợ với giá trị khách quan và trả số tiền dôi bằng tiền mặt, hoặc vay ngoài chợ đen. Vì thế, “giá trị khách quan” đã thể hiện con số biến tướng khủng khiếp giá trị thực sự của bất động sản. Và ngạc nhiên thay, nhiều người tin rằng toàn bộ 300 thành viên quốc hội Hy Lạp đã tuyên bố giá trị thực ngôi nhà của họ là giá trị khách quan do máy tính đưa ra. Hay, như lời của cả viên cán bộ thu thuế và một người môi giới bất động sản sở tại nói với tôi, “mỗi một thành viên trong quốc hội Hy Lạp đều nói dối để trốn thuế”. Rồi ông miêu tả hệ thống này với sự hoàn hảo riêng của nó. Nó bắt chước các hệ thống thu thuế của một nền kinh tế tiên tiến – và tuyển dụng một lượng lớn nhân viên thuế vụ − trong khi trên thực tế nó lại bị điều khiển để cho phép cả xã hội cùng tham gia gian lận thuế. Khi ra về, ông còn chỉ ra rằng cô nữ nhân viên phục vụ tại khách sạn mà chúng tôi đang ngồi đã không thể cung cấp cho chúng tôi biên lai thu tiền cà phê. “Có nguyên do cả đấy”, ông nói. “Ngay cả cái khách sạn này cũng không đóng tiền thuế doanh thu”. Tôi bước xuống phố và nhận thấy trong quán bar của một khách sạn sang trọng khác, vị cán bộ thu thuế thứ hai đang ngồi đợi tôi. Nhân viên Thu thuế 2 – trông thoải mái từ tác phong tới cách ăn vận, đang ngồi uống bia, song lại tỏ ra lo sợ có người phát hiện ra việc anh gặp gỡ tôi – cũng đến với một cuốn sổ đầy giấy tờ, chỉ có điều giấy tờ của anh là những ví dụ thực tế về các công ty Hy Lạp từng gian lận thuế. Rồi anh bắt đầu nói như thuộc lòng về các chứng cứ đó (Tôi chỉ nhắc đến những vụ mà mình trực tiếp chứng kiến). Ví dụ đầu tiên là một công ty xây dựng Athens. Công ty này từng xây 7 tòa chung cư khổng lồ và bán gần 1.000 căn hộ ở tại trung tâm thành phố. Trung thực mà nói, hóa đơn thuế doanh nghiệp của họ đã lên tới 15 triệu euro, nhưng họ chưa từng trả một xu. Để trốn thuế, họ đã làm một số việc. Trước hết, họ chưa từng tuyên bố mình là một công ty; thứ hai, họ thuê một công ty chỉ chuyên tạo ra các biên lai giả mạo cho những khoản chi phí chưa bao giờ có, và sau đó, khi vị cán bộ thu thuế này phát giác vụ việc, họ đưa anh một khoản hối lộ. Anh lên tiếng tố giác và trình vụ việc lên cấp trên – khi đó anh phát hiện ra mình bị một thám tử tư theo dõi, còn điện thoại thì bị nghe lén. Cuối cùng, vụ việc cũng được giải quyết, công ty xây dựng nọ phải trả 2.000 euro. “Sau đó tôi bị loại tên khỏi mọi cuộc điều tra thuế”, vị cán bộ thu thuế nói, “bởi tôi đã làm điều đó rất tốt”. Anh quay trở lại với cuốn sổ chứa đầy các vụ việc sai phạm. Mỗi trang trong cuốn sổ này chứa đựng một câu chuyện tương tự như câu chuyện anh vừa kể, và anh có ý định kể cho tôi nghe hết về chúng. Tới lúc này, tôi ngưng anh lại, vì thấy nếu tiếp tục, hẳn chúng tôi sẽ phải ở lại đó cả đêm. Quy mô của hoạt động gian lận – nguồn năng lượng dồn vào đó – có thể khiến người ta choáng váng. Ở Athens, vài lần tôi gặp cái cảm giác mới lạ trong vai trò nhà báo: đó là sự dửng dưng với tư liệu gây sốc rõ mồn một. Tôi đã ngồi nói chuyện với những người hiểu rõ về cơ chế vận hành bên trong của chính phủ Hy Lạp: một ông chủ nhà băng tầm cỡ, một nhân viên thuế vụ, một thứ trưởng Bộ Tài chính, một cựu thủ tướng. Tôi đã lôi sổ tay ra để ghi chép các câu chuyện do họ kể. Hết vụ bê bối này tới vụ bê bối khác bị lôi ra. Sau 20 phút, tôi bắt đầu mất hứng thú. Chỉ đơn giản là chúng quá nhiều: chúng có thể chứa đầy trong một thư viện, nói gì tới một cuốn sách nhỏ nhoi. Nhà nước Hy Lạp không những tham nhũng, mà còn hư hỏng. Khi đã thấy cách vận hành của nó, bạn có thể hiểu một hiện tượng mà ở trường hợp khác bạn sẽ thấy vô nghĩa lý: đó là sự khó khăn khi người Hy Lạp lên tiếng nói tốt về nhau. Cá nhân mỗi người Hy Lạp đều dễ chịu: hài hước, ấm áp, nhanh nhẹn, và là người bạn đường tốt. Tôi đã trải qua hai tá cuộc phỏng vấn, và sau đó tự nhủ:“Thật là những con người tuyệt vời!” Họ không đưa ra những suy nghĩ về nhau: điều khó làm nhất ở Hy Lạp là khiến họ lên tiếng khen kẻ khác sau lưng. Dẫu bạn có làm được điều đó thì cũng không khỏi khiến người khác nghi ngờ. Mọi người đều đinh ninh ai cũng gian lận thuế, hối lộ chính khách, nhận hối lộ, hay nói dối về giá trị món bất động sản của mình. Và sự thiếu niềm tin vào nhau này là một chiếc vòng luẩn quẩn. Đại dịch gian lận, trộm cắp đã phá hủy đời sống dân sự, và sự sụp đổ của đời sống dân sự lại càng khuyến khích đại dịch đó. Thiếu niềm tin vào nhũng người khác, họ dựa vào bản thân và gia đình. Cấu trúc nền kinh tế Hy Lạp là sở hữu tập thể, nhưng từ góc độ tinh thần, đất nước này lại là sự đối lập với chủ nghĩa tập thể. Cấu trúc thực sự của nó là mỗi người tự lo nấy thân mình. Các nhà đầu tư đã đổ hàng trăm tỉ đô-la vào hệ thống này. Và bong bóng tín dụng đã đẩy quốc gia này tới bờ vực, tạo ra sự sụp đổ hoàn toàn về đạo đức. Trong một xã hội đã bị hủy hoại hoàn toàn, tu viện Vatopaidi đã bằng cách nào đó được đánh giá là linh hồn của sự phá hủy, tôi đi ngược lên phía bắc Hy Lạp để tìm những tu sĩ vừa tìm ra được những cách cải tiến mới để vận hành nền kinh tế Hy Lạp. Giai đoạn đầu khá dễ dàng: chuyến máy bay tới thành phố thứ hai ở Hy Lạp, Thessaloníki, chiếc xe lao qua những đoạn đường hẹp với tốc độ kinh người, và một đêm ở cùng vô số du khách người Bulgari trong một khách sạn dễ chịu có tên Eagles Palace ở giữa nơi hoang vu. Olga, nhân viên khách sạn hữu ích nhất mà tôi từng gặp, đưa cho tôi một chồng sách và tiếc rẻ nói tôi thật may mắn khi có thể đến thăm nơi đây. Tu viện Vatopaidi, cùng với 19 tu viện khác, được xây dựng vào thế kỷ X trên một bán đảo dài 37 dặm, rộng 6 dặm ở về hướng đông bắc Hy Lạp có tên Mount Athos. Mount Athos hiện được tách biệt khỏi đất liền bởi một hàng rào dài, do đó, cách duy nhất để tới đó là dùng thuyền. Không phụ nữ nào được phép lên đảo này – và thực tế, đảo này cũng không có cả động vật giống cái, ngoại trừ mèo. Chính sử thì nói rằng lệnh cấm này xuất phát từ mong muốn vinh danh Đức Mẹ Đồng Trinh của nhà thờ; còn theo lời đồn đại thì nguyên nhân là do các vị tu sĩ hay đánh đập các nữ du khách. Lệnh cấm này đã tồn tại được một nghìn năm. Điều này lý giải cho những tiếng la hét chói tai xuất hiện vào buổi sáng ngày hôm sau, khi chiếc phà cổ chở đầy các vị tu sĩ và người hành hương rời khỏi bến. Hàng chục phụ nữ tụ tập ở đó rồi cùng thi nhau hét váng lên, nhưng tâm trạng họ vui vẻ tới nỗi không rõ liệu họ đang ca thán hay đang vui mừng khi họ không thể đi theo những người đàn ông của mình. Olga đã nói thế nào tôi cũng phải đi nhờ một đoạn trên đường tới Vatopaidi, và rằng những người đi tới ngọn núi linh thiêng đó, như cô thấy, thì thường không mang theo người bất kỳ thứ gì gợi nhắc về thế giới vật chất hiện đại như chiếc balo có bánh kéo. Kết quả là, tất cả những gì tôi có là một chiếc túi giặt đựng đồ lót, kem đánh răng, và một chai Ambien. Chiếc phà chạy bình bịch trong suốt 3 tiếng đồng hồ dọc theo đường bờ biển đầy đá, cây cối cằn cỗi. Thi thoảng nó dừng lại dọc đường để thả các tu sĩ, người hành hương, và công nhân xuống các tu viện khác. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy quang cảnh tu viện đầu tiên. Đó không phải là một tòa nhà mà là một kỳ quan: dường như ai đó đã lấy Assisi hay Todi hoặc một trong những thị trấn bên đồi của miền trung nước Ý cổ kính đem về đặt trên bãi biển này. Nếu bạn chưa biết nên kỳ vọng điều gì ở Mount Athos – từ hơn một thiên niên kỷ nay nó đã được Nhà thờ Chính thống giáo Đông phương coi là địa điểm linh thiêng nhất trên trái đất, và trong phần lớn quãng thời gian đó, nó đã có một mối quan hệ cộng sinh gắn bó với các vị hoàng đế Byzantine – thì những địa điểm này chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Tất cả chúng đều to lớn, được xây dựng tinh vi, trang trí lộng lẫy, và hiển hiện một sự ganh đua ngầm với nhau. Có rất nhiều nơi trên thế giới chấp nhận việc bạn không biết nói tiếng Hy Lạp. Athens là một trong những nơi như vậy; còn chuyến phà tới Mount Athos thì không. Tôi được giải cứu bởi một người thanh niên nói tiếng Anh, mà theo con mắt kém cỏi của tôi thì trông anh cũng giống hệt các vị tu sĩ khác: chiếc áo choàng dài màu đen, bộ râu đen dài kém chăm chút, vẻ ngoài thiếu thân thiện nhưng khi đã phá vỡ được vỏ bọc đó thì thật dễ gần. Thấy tôi cầm chiếc bản đồ phác họa bằng tay các tu viện, chật vật dò tìm nơi xuống phà, anh lên tiếng tự giới thiệu bản thân. Tên anh là Cesar, người Romani, con trai của một viên cảnh sát là phản gián bí mật trong chế độ cai trị kinh hoàng của Nicolae Ceausescu. Không rõ bằng cách nào mà anh vẫn duy trì được tính cách khôi hài của mình – thứ có thể coi là điều kỳ diệu. Anh giải thích rằng nếu hiểu biết một chút tôi sẽ biết rằng anh không phải là tu sĩ, mà chỉ là một mục tu sĩ người Romani đang trong kỳ nghỉ. Anh khởi hành từ Bucharest với hai vali có bánh kéo và tới nghỉ hè ở một trong những tu viện tại đây. Kỳ nghỉ theo quan điểm của anh là ba tháng sống bằng bánh mỳ và nước lọc, không có phụ nữ. Cesar vẽ cho tôi một bản đồ nhỏ để dùng đi tới Vatopaidi, và phác thảo cho tôi biết cảnh bao quát khu vực đó. Anh cho biết, chỉ cần nhìn thấy tôi không để râu cũng đủ để tố cáo rằng tôi không phải là một người sùng đạo, nếu chiếc áo sơ mi màu hoa cà hiệu Brooks Brothers không tố cáo tôi trước. “Nhưng họ quen với việc có khách đến thăm rồi”, anh nói, “nên đây không phải là vấn đề”. Rồi anh ngừng lại hỏi:“Nhưng ông theo tôn giáo nào?” “Tôi không có tôn giáo nào cả”. “Nhưng ông tin vào Chúa trời đấy chứ?” “Không”. Anh ngẫm nghĩ. “Thế thì tôi cam đoan rằng họ sẽ không để ông bước vào đó đâu”. Anh suy nghĩ thêm chút nữa. “Mà với ông điều đó là tồi tệ nhất rồi nhỉ?”, anh vừa nói vừa cười khoái trá. Một giờ sau, tôi bước xuống phà, mang theo duy nhất chiếc túi giặt của khách sạn Eagles Palace và tấm bản đồ nhỏ của Cesar; còn anh ta thì vẫn không thôi nhắc lại câu nói khôi hài của mình – “Với ông đó là điều tồi tệ nhất rồi nhỉ?” – và cứ sau mỗi lần nói câu ấy, anh chàng lại phá lên cười to hơn. Vị tu sĩ gặp tôi ở cổng trước Vatopaidi liếc chiếc túi giặt của tôi rồi đưa tôi một tờ phiếu để điền. Một giờ sau, khi đã giả vờ yên vị trong căn phòng thoải mái một cách đáng ngạc nhiên của mình, tôi được một đoàn tu sĩ để râu quai nón đưa đi qua cánh cửa nhà thờ. Tôi đi theo các vị tu sĩ vào nhà thờ; đốt nến rồi nhét chúng vào một hố cát nhỏ xíu; liên tục đưa tay làm dấu; hôn gió các tượng thánh. Dường như không ai mảy may để ý tới cái gã thiếu chất Hy Lạp một cách lộ liễu trong chiếc áo sơ mi màu hoa cà hiệu Brooks Brothers. Đó là một trải nghiệm rất tuyệt, có thể giới thiệu với những người muốn tìm chút hương vị của đời sống thế kỷ X. Bên dưới những chùm đèn lớn mạ vàng sáng loáng, và trước sự chứng kiến của các tượng thánh mới được lau chùi, các vị tu sĩ hát; tụng kinh; biến mất đằng sau những tấm bình phong và cất lên những lời niệm chú kỳ lạ; các vị tu sĩ lắc lắc một thứ phát ra tiếng kêu nghe như tiếng chuông buộc cổ ngựa; họ nhẹ nhàng lướt đi, tay đung đưa các lư hương, để lại sau lưng họ khói và mùi hương trầm cổ kính. Những lời nói, lời hát, và lời tụng kinh đều là tiếng kinh Hy Lạp (có vẻ như nó có mối liên hệ với Chúa Jesus), nhưng tôi cứ vừa nghe vừa gật đầu bừa. Tôi đứng lên rồi lại ngồi xuống theo họ, cứ thế như nhảy cà kheo trong vài giờ đồng hồ. Phần lớn quãng thời gian của thập kỷ 1980 và 1990, các loại lãi suất ở Hy Lạp đều cao hơn tới 10% so với lãi suất ở Đức, bởi khả năng trả nợ của người Hy Lạp bị đánh giá rất thấp. Hy Lạp không có tín dụng tiêu dùng. Người Hy Lạp cũng thường không có những khoản vay thế chấp. Dĩ nhiên, Hy Lạp muốn được các thị trường tài chính đối xử như một quốc gia Bắc Âu đang hoạt động bình thường. Cuối thập kỷ 1990, họ nhìn thấy cơ hội đó: ngừng lưu hành đồng tiền riêng và sử dụng euro. Để làm được điều này, họ cần phải đạt được một số chỉ tiêu quốc gia nhất định, qua đó chứng minh mình có thể trở thành những công dân châu Âu kiểu mẫu, sẽ không làm tăng thêm những khoản nợ mà các quốc gia khác trong khu vực đồng euro buộc phải trả sau này. Cụ thể, họ phải chỉ ra được mức thâm hụt ngân sách dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội, và tỉ lệ lạm phát tương đương với Đức. Năm 2000, sau khi đảo tung các số liệu, Hy Lạp cũng đạt được các chỉ tiêu đó. Để hạ thấp mức thâm hụt ngân sách, chính phủ Hy Lạp loại bỏ mọi hạng mục chi phí (lương hưu, chi tiêu quốc phòng) khỏi sổ sách. Để hạ thấp mức lạm phát, chính phủ Hy Lạp đã như đóng băng giá điện, nước và các sản phẩm khác do chính phủ cung cấp, đồng thời cắt giảm thuế gas, rượu, và thuốc lá. Các chuyên gia thống kê của chính phủ Hy Lạp đã làm những việc như loại bỏ các loại cà chua vốn bị đánh giá cao khỏi chỉ số giá cả tiêu dùng vào ngày tính toán tỉ lệ lạm phát. “Chúng tôi đã tới gặp người từng tạo ra tất cả những con số này”, một cựu chuyên gia phân tích các nền kinh tế châu Âu ở Phố Wall nói với tôi. “Khi ấy chúng tôi đã cười như nắc nẻ. Anh ta giải thích cách anh ta đổi trắng thay đen như thế nào. Chỉ số đánh giá đã bị nhào nặn rất nhiều”. Ngay cả tại thời điểm đó, một số nhà quan sát cũng nhận thấy các con số của Hy Lạp đưa ra dường như rất phi lý. Miranda Xafa, một cựu quan chức IMF, sau trở thành cố vấn kinh tế cho cựu thủ tướng Hy Lạp Konstantinos Mitsotakis rồi trở thành chuyên gia tư vấn cho Salomon Brothers năm 1998 đã vạch ra rằng nếu cộng tổng mọi khoản ngân sách bị thâm hụt của Hy Lạp trong 15 năm trước đó, thì ta sẽ được con số tổng chỉ bằng một nửa khoản nợ của nước này. Nói cách khác, số tiền mà chính phủ Hy Lạp đi vay để hoạt động lớn gấp đôi số ngân sách thâm hụt mà họ đã công bố. “Ở Salomon chúng tôi vẫn hay gọi [người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Hy Lạp khi đó] là ‘Ảo thuật gia’,” Xafa cho biết, “bởi ông có biệt tài phù phép làm biến mất những con số lạm phát, thâm hụt, và nợ nần”. Năm 2011, Hy Lạp gia nhập Liên minh Tiền tệ châu Âu, đổi tiền drachma sang euro, và nhận được một sự bảo đảm ngầm của châu Âu (ở đây là Đức). Người dân Hy Lạp không thể thực hiện các khoản vay dài hạn với mức lãi suất tương tự như người dân Đức – không phải 18% mà là 5%. Để được sinh hoạt trong khu vực tiền euro, về lý thuyết, họ phải duy trì thâm hụt ngân sách ở mức dưới 3% GDP; còn trên thực tế, tất cả những gì họ cần làm là xào nấu sổ sách để chứng tỏ rằng họ đã và đang đạt được các chỉ tiêu đó. Ở đây, năm 2001, Goldman Sachs xuất hiện và tham gia vào một loạt các giao dịch tưởng chừng hợp pháp song thực chất lại khá “bẩn” nhằm che giấu con số nợ thực sự của chính phủ Hy Lạp. Với những giao dịch này – thực chất là trao cho Hy Lạp một khoản vay trị giá 1 tỷ đô-la – có lời đồn rằng Goldman Sachs đã bỏ túi 300 triệu đô-la tiền phí. Cỗ máy đã cho phép Hy Lạp vay mượn và tiêu xài thỏa thích cũng tương tự như cỗ máy được tạo ra để che giấu nguồn gốc các khoản vay của người vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ − và vai trò của ngân hàng đầu tư Mỹ trong cỗ máy này là tương đương nhau. Các ngân hàng đầu tư cũng hướng dẫn cho các quan chức chính phủ Hy Lạp cách chứng khoán hóa các biên lai tương lai từ những hoạt động sổ xố toàn quốc, thuế phí giao thông trên quốc lộ, phí hạ cánh máy bay, và thậm chí là các khoản hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Họ xác định tất cả các nguồn thu nhập tương lai rồi đem bán thẳng lấy tiền mặt để tiêu xài. Bất kỳ ai có suy nghĩ hẳn cũng đều đã biết rõ rằng, người Hy Lạp có thể che giấu tình trạng tài chính thực sự của mình khi (a) chủ nợ cho rằng cho Hy Lạp vay là an toàn theo như bảo đảm của Liên minh châu Âu (ở đây là Đức), và (b) người ngoài không mấy chú ý. Trên đất nước Hy Lạp, không có chỗ cho việc tố giác, bởi về cơ bản, tay ai cũng đều đã nhúng chàm. Nhưng tình thế đó đã thay đổi vào ngày 4/10/2009, thời điểm chính phủ Hy Lạp sụp đổ. Một vụ bê bối đã hạ bệ chính quyền của Thủ tướng Kostas Karamanlis, khiến ông này phải lên đường bỏ chạy – mà có lẽ điều này cũng không quá ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên ở đây là bản chất của vụ bê bối. Cuối năm 2008, một tin được tung ra là tu viện Vatopaidi không hiểu sao lại mua một cái hồ khá vô giá trị rồi đổi nó lấy một mảnh đất có giá hơn rất nhiều do nhà nước sở hữu. Không rõ các vị tu sĩ đã làm việc này như thế nào – người ta đồn rằng họ đã hối lộ các quan chức chính phủ một khoản lớn. Tuy vậy, không hề tìm thấy bằng chứng nào về vụ hối lộ. Nhưng điều đó không quan trọng: cơn cuồng nộ theo sau đó mới là lực tác động lớn tới chính trường Hy Lạp trong năm tiếp theo. Vụ bê bối Vatopaidi đã tạo ra một ấn tượng vô tiền khoáng hậu trong công luận Hy Lạp. “Chúng tôi chưa từng thấy một phong trào nào trong các cuộc bỏ phiếu như đã từng chứng kiến sau khi vụ bê bối nổ ra”, biên tập viên của một trong những tờ báo hàng đầu Hy Lạp kể với tôi. “Nếu không có Vatopaidi, thì Karamanlis vẫn sẽ là thủ tướng, và mọi thứ vẫn sẽ tiếp diễn như trước đây”. Dimitri Contominas, tỷ phú sáng lập nên một công ty bảo hiểm nhân thọ của Hy Lạp và tình cờ lại là chủ nhân của kênh truyền hình đã loan báo tin tức về vụ bê bối Vatopaidi, nói với tôi một cách thẳng thắn hơn:“Các tu sĩ Vatopaidi đã đưa George Papandreou lên nắm chính quyền”. Sau khi đảng mới (tức đảng được kỳ vọng theo lý tưởng xã hội, Đảng Phong trào Xã hội toàn Hy Lạp Pasok) thay thế đảng cũ (tức đảng được coi là bảo thủ, Đảng Dân chủ mới), họ thấy trong ngân khố của chính phủ một số tiền quá ít ỏi so với kỳ vọng, tới nỗi họ quyết định rằng chỉ còn cách bắt đầu lại từ con số không. Vị thủ tướng công bố rằng mức thâm hụt lạm phát của Hy Lạp đã bị khai khống – và rằng sẽ cần thời gian để có thể chốt lại con số chính xác. Các quỹ lương hưu, quỹ trái phiếu toàn cầu, cùng vô số các đối tượng khác đang mua trái phiếu Hy Lạp đã hoảng sợ sau khi chứng kiến cái chết phơi bụng của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Anh, đánh hơi thấy tình trạng mong manh của vô vàn các ngân hàng châu Âu. Các mức lãi suất mới cao hơn mà Hy Lạp buộc phải trả đã khiến quốc gia này – vốn đang cần vay mượn những khoản tiền khổng lồ để vận hành – gần như phá sản. Khi IFM bước vào để kiểm tra sổ sách của Hy Lạp, thì những mẩu uy tín nhỏ nhoi còn sót lại của Hy Lạp cũng lần lượt đội nón ra đi. “Sao lại có chuyện một thành viên của khu vực đồng euro lại có thể báo cáo khống mức thâm hụt ngân sách của họ chỉ bằng 3% GPD trong khi thực tế nó là 15%?” một lãnh đạo cấp cao của IMF đặt câu hỏi. “Sao họ có thể làm được chuyện tày đình đó?” Gần đây hệ thống tài chính toàn cầu đang dồn hết tâm trí vào câu hỏi liệu Hy Lạp có bị vỡ nợ hay không. Đôi khi dường như đây là câu hỏi duy nhất quan trọng, bởi nếu Hy Lạp có thể thoát khỏi món nợ 400 tỉ đô-la, thì các ngân hàng châu Âu chủ nợ của họ sẽ sụp đổ, và các quốc gia khác đang chấp chới bên bờ vực phá sản (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) có lẽ sẽ dễ dàng bắt chước họ. Nhưng câu hỏi liệu Hy Lạp có hoàn trả được các khoản nợ của họ, trên thực tế, lại là câu hỏi liệu Hy Lạp có thay đổi nền văn hóa của họ hay không, và điều đó chỉ xảy ra nếu người Hy Lạp thực lòng muốn thay đổi. Tôi đã được nghe cả chục lần rằng điều mà người dân Hy Lạp quan tâm là “lẽ công bằng”, và điều thực sự khiến dòng máu Hy Lạp sôi lên chính là cảm giác về sự bất công. Hiển nhiên, điều này không giúp phân biệt họ với các dân tộc khác trên thế giới, và nhận xét này còn tảng lờ một điều thú vị: cái mà người Hy Lạp cho rằng bất công là gì. Đó hẳn không phải là việc gian lận thuế hay hối lộ chính quyền. Không phải thế. Cái khiến họ bận tâm là khi có một đối tượng bên ngoài nào đó – một đối tượng khác hẳn họ, một đối tượng có những động cơ xa lạ với tính tư lợi hẹp hòi và dễ hiểu – xuất hiện và lợi dụng sự thối nát trong hệ thống của họ. Đó là khi các vị tu sĩ xuất hiện. Một trong những hành động đầu tiên của vị tân bộ trưởng Bộ Tài chính là khởi tố tu viện Vatopaidi, yêu cầu họ hoàn lại tài sản của chính quyền và bồi thường thiệt hại. Một trong những hành động đầu tiên của nghị viện mới là mở cuộc điều tra thứ hai về vụ việc Vatopaidi nhằm lý giải tại sao các vị tu sĩ lại có được một giao dịch hời đến thế. Vị cán bộ nhà nước vốn lâu nay đang phải sống trong tình trạng căng thẳng – ông bị tịch thu hộ chiếu và sẽ chỉ được tự do nếu nộp 400.000 euro bảo lãnh – là trợ lý cho vị thủ tướng cũ, Giannis Angelou, người bị buộc tội đã tiếp tay cho các vị tu sĩ. Trong một xã hội đã và đang trải qua một quá trình tương tự như sự sụp đổ hoàn toàn về đạo đức, thì các vị tu sĩ sẽ trở thành mục tiêu chung cho các cuộc nổi giận về đạo đức. Những công dân Hy Lạp có tư duy đúng đắn tới giờ vẫn còn giận dữ với họ và những kẻ đã tiếp tay cho họ, thế nhưng không ai biết đích xác các vị tu sĩ này đã làm gì, hay tại sao họ lại làm vậy. Cha Arsenios khoảng chừng gần 60 tuổi – nhưng ai mà biết được đích xác, bởi bộ râu của các vị tu sĩ đều khiến họ trông như già hơn tới 20 tuổi. Độ nổi tiếng của ông thì khó có vị tu sĩ nào có thể sánh kịp: mọi người ở Athens đều biết ông là ai: ngài Tổng quản nội vụ, nhân vật tối cao thứ hai, ngài tổng chưởng tài chính, bộ não thực sự của hệ thống. “Nếu họ giao cho Arsenios phụ trách cục bất động sản”, một nhân vật môi giới bất động sản có tiếng ở Hy Lạp nói với tôi, “thì đất nước này có lẽ đã trở thành Dubai, trước khi có cuộc khủng hoảng này rồi”. Nếu bạn biết đến các vị tu sĩ này, thì Cha Arsenios chính là viên phụ tá tin cẩn đã một tay gây dựng nên cơ ngai trưởng tu viện kỳ diệu cho Cha Epharaim. Nếu bạn còn xa lạ với họ, thì hãy cứ hình dung vai trò của ông như vai trò của Jeff Skilling đối với Kenneth Lay. Tôi cho nhà môi giới bất động sản này biết tôi là ai và tôi làm gì – tôi cũng nói thêm rằng mấy ngày trước tôi đã ở Athens phỏng vấn một số chính khách. Anh cười một cách thành thật: rõ ràng là anh mừng vì tôi đã tới đây! “Giới chính khách thường lui tới đây”, anh nói, “nhưng kể từ sau vụ bê bối của chúng tôi thì họ không còn lai vãng ở đây nữa. Họ sợ bị bắt gặp khi đang ở cạnh chúng tôi!” Anh đưa tôi vào phòng ăn và đặt tôi ngồi vào một chiếc bàn có vẻ như là bàn danh dự dành cho người hành hương, bởi ngay bên cạnh đó là chiếc bàn của các vị tu sĩ cao cấp. Cha Ephraim chủ trì chiếc bàn đó, kề bên cạnh là Cha Arsenios. Phần lớn đồ ăn của các vị tu sĩ đều do họ tự trồng trong một khu đất gần phòng ăn. Những chiếc bát thô ráp làm bằng bạc đựng các loại hành sống chưa cắt, đậu xanh, dưa chuột, cà chua, và củ cải đường. Một chiếc bát khác thì đựng bánh mỳ do các vị tu sĩ nướng từ nguồn lúa mỳ họ tự trồng. Có một bình nước, còn món tráng miệng là một chất sền sệt màu cam giống nước ga ngọt và một tảng mật ong sẫm màu mới được bẻ trộm từ một tổ ong nào đó. Tất cả chỉ có thế. Nếu đây là một nhà hàng ở Berkeley, hẳn các thực khách đã ồ lên tán thưởng vì được thưởng thức những món “cây nhà lá vườn” như vậy; còn ở đây, bữa ăn chỉ thuần túy toát lên vẻ đạm bạc. Các vị tu sĩ ăn như những cô người mẫu trước ngày chụp hình. Hai bữa một ngày, bốn ngày một tuần, và ba ngày còn lại mỗi ngày một bữa: tổng cộng là 11 bữa, tất cả đều hao hao như nhau. Điều này không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi: Tại sao vẫn có một vài vị tu sĩ có thân hình hộ pháp? Đa phần trong số họ − có lẽ là 100 trên 110 người hiện đang sống tại đây – đều có vẻ ngoài phản ánh đúng tình trạng dinh dưỡng của họ. Còn hơn cả gầy, thân hình họ mỏng tang. Nhưng một số ít người, trong đó có hai vị đứng đầu tu viện, lại có cơ thể phì nhiêu khó lý giải nổi bằng 11 bữa ăn chỉ gồm hành sống và dưa chuột, cho dù họ có ăn bao nhiêu tảng ong đi chăng nữa. Sau bữa ăn tối, các vị tu sĩ quay trở lại nhà thờ, tiếp tục cầu nguyện, hát thánh kinh, làm dấu, và đốt nhang cho tới một giờ sáng. Arsenios dẫn tôi đi dạo. Chúng tôi đi qua các nhà nguyện được xây theo kiểu kiến trúc Byzantine và leo lên các bậc thang kiểu Byzantine, rồi dừng chân trước một cánh cửa xuất hiện ở một sảnh dài cũng kiểu Byzantine mới được sơn lại, tuy mọi thứ khác trông vẫn cổ xưa: đó là văn phòng của ông. Trên bàn có hai chiếc máy tính; đằng sau là chiếc máy fax kiêm máy in mới cứng; bên trên là một chiếc điện thoại di động và một tuýp vitamin C. Ánh sáng hắt ra từ các bức tường và sàn nhà đem lại vẻ mới mẻ cho căn phòng. Những chiếc tủ bày hàng dãy sổ sách đóng gáy ba vòng. Dấu hiệu duy nhất cho thấy đây không phải là một văn phòng kinh doanh tiêu biểu năm 2010 là một bức tượng đặt trên bàn. Ngoại trừ bức tượng đó ra, nếu đem văn phòng này đặt cạnh văn phòng của ngài bộ trưởng tài chính Hy Lạp rồi hỏi phòng nào là của vị tu sĩ, thì hẳn người ta sẽ không chọn căn phòng này. “Ngày nay con người ta có khao khát mạnh mẽ hơn về vấn đề tâm linh”, ông nói khi tôi hỏi tại sao tu viện của ông lại thu hút nhiều nhân vật quan trọng trong thương trường và chính trường như vậy. “Cách đây 20 – 30 năm người ta dạy rằng khoa học sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề. Có quá nhiều vật chất nhưng chúng vẫn chưa khiến con người thỏa mãn. Người ta đã mệt mỏi với những hoan lạc phàm tục, với vật chất. Và họ nhận ra họ không thể tìm thấy thành công đích thực ở những chốn đó”. Dứt lời, ông nhấc điện thoại lên gọi đồ uống và đồ tráng miệng. Một lát sau, một chiếc khay bạc được đưa tới, trên đó là bánh ngọt và hai ly trông như ly rượu bạc hà. Và thế là cuộc hội thoại kéo dài 3 tiếng của chúng tôi bắt đầu. Tôi chỉ đặt những câu hỏi đơn giản – Tại sao người ta lại muốn trở thành tu sĩ? Các ngài sống ra sao khi thiếu bóng phụ nữ? Làm thế nào mà những con người dành tới cả chục tiếng mỗi ngày trong tu viện lại có thời gian gây dựng nên những đế chế bất động sản? Ngài lấy rượu bạc hà ở đâu? – còn ông thì trả lời bằng những trường thiên vô tận mà hẳn đâu đó trong những trường thiên ấy có chứa những câu trả lời đơn giản. (Chẳng hạn:“Tôi cho rằng có nhiều điều tốt đẹp hơn là dục tình.”) Trong khi trò chuyện, ông hết vẫy tay lại nhảy chồm chồm xung quanh, cười mỉm rồi lại phá lên cười. Nếu Cha Arsenios cảm thấy tội lỗi về điều gì đó, thì ông không phải là người có tài che giấu nó. Tôi đồ rằng cũng giống như rất người nhiều đã và đang lui tới Vatopaidi, tôi không hoàn toàn tin chắc mình đang muốn tìm kiếm điều gì. Tôi muốn tìm hiểu xem liệu nó có giống tiền đồn của một đế chế thương mại không (không) và liệu các vị tu sĩ ở đây có vẻ gì kém chân thật không (không). Nhưng tôi cũng băn khoăn không hiểu làm thế nào mà một nhóm dị nhân đã quay lưng lại với thế giới phàm tục lại có thể làm được những điều chọc trời khuấy nước ở thế giới đó như vậy: Tại sao các vị tu sĩ – chứ không phải những tầng lớp khác – lại trở thành lựa chọn tiềm năng nhất ở Hy Lạp cho một nghiên cứu trường hợp điển hình của Trường Kinh doanh Harvard? Sau khoảng hai giờ, tôi cũng lấy được can đảm lên tiếng hỏi ông. Thật ngạc nhiên là ông lại đánh giá câu hỏi của tôi một cách rất nghiêm túc. Ông chỉ tay vào tấm biển được treo trên một chiếc tủ trong phòng, rồi dịch chữ Hy Lạp viết trên đó cho tôi nghe: Người thông minh biết chấp nhận. Kẻ ngu ngốc chỉ khăng khăng giữ ý mình. Theo lời ông thì ông biết câu này trong một chuyến công tác tới Bộ Du lịch. “Đây là bí quyết thành công ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chứ không chỉ ở riêng tu viện”, ông nói, rồi quay sang miêu tả từ quy tắc đầu tiên của thể loại kịch ứng diễn, hay của bất kỳ doanh nghiệp thành công nào. Chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình rồi tận dụng chúng mà đi lên. “Vâng,… và” thay vì “Không,… nhưng”. “Kẻ ngu ngốc bị trói chặt vào lòng tự hào của họ”, ông nói. “Mọi việc lúc nào cũng phải theo ý họ. Điều này cũng đúng với kẻ lừa đảo hoặc kẻ làm điều sai trái: hắn bao giờ cũng tìm cách biện hộ cho mình. Người thông thái về đời sống tinh thần của bản thân là người khiêm nhường. Anh ta chấp nhận tất cả những gì mà người khác nói với mình – những lời phê bình, những ý tưởng – và rồi xử lý chúng”. Lúc này, tôi mới để ý cửa sổ phòng ông trổ ra một chiếc ban công trông ra Biển Aegean. Các tu sĩ không được phép ra đó bơi; tại sao thì tôi không hỏi. Tuy nhiên, xây nhà ven biển, cấm bơi có vẻ phù hợp với phong cách của họ. Tôi cũng nhận ra mình là người duy nhất đụng đến bánh ngọt và rượu bạc hà. Bất giác tôi cảm thấy như mình vừa trượt kỳ sát hạch khả năng kiềm chế cám dỗ. “Cả chính phủ đều nói họ tức giận với chúng tôi”, ông nói. “Nhưng chúng tôi có gì nào. Chúng tôi làm việc vì người khác. Giới báo chí Hy Lạp gọi chúng tôi là một tập đoàn. Nhưng tôi hỏi anh, có công ty nào tồn tại trong cả nghìn năm không?” Đúng lúc đó, Cha Ephraim thình lình bước vào. Khuôn người tròn trịa, đôi má hồng và bộ râu trắng, hao hao ông già Noel. Đôi mắt ông thậm chí còn sáng nhấp nháy. Vài tháng trước, ông bị đưa ra điều trần trước nghị viện Hy Lạp. Một trong những người thẩm vấn ông nói rằng chính phủ Hy Lạp đã hành động kém hiệu quả một cách bất thường khi đổi cái hồ của tu viện Vatopaidi lấy các tài sản thương mại của Bộ Nông nghiệp. Người này yêu cầu Ephraim tường trình cách ông làm điều đó. “Ngài không tin là điều kỳ diệu có thể xảy ra hay sao”, Ephraim hỏi. “Tôi bắt đầu tin rồi đấy”, ông nghị viện nói. Khi được giới thiệu với nhau, Ephraim nắm chặt tay tôi và giữ rất lâu. Một ý nghĩ thoảng qua trong đầu tôi về việc ông chuẩn bị hỏi xem tôi muốn quà gì cho dịp Giáng sinh sắp tới cũng nên. Tuy nhiên, ông lại nói:“Anh theo đạo nào?” “Tân giáo”, tôi đáp lời ngay tức khắc. Ông gật đầu, rồi kiểm tra: nó có thể còn tồi tệ hơn; có thể còn tồi tệ hơn. “Anh có gia đình chưa?” ông hỏi. “Vâng, tôi lập gia đình rồi”. “Anh có con chứ?” tôi gật đầu; ông lại kiểm tra: tôi có thể xử lý việc này. Rồi ông hỏi tên các con tôi… Cuộc điều tra thứ hai của nghị viện đối với vụ việc tu viện Vatopaidi vẫn đang được tiến hành, khó mà biết được nó sẽ còn phát giác ra những gì. Nhưng những tình tiết chính của vụ việc này đã rõ; câu hỏi lớn cần trả lời lúc này là động cơ của các vị tu sĩ cũng như của các công bộc đã trợ giúp họ là gì. Cuối thập niên 1980, Vatopaidi là một nơi hoang tàn đổ nát – một đống gạch đá nát vụn làm sân chơi cho bầy chuột. Những tấm bích họa đều một màu đen. Tượng thánh không người chăm sóc. Lúc đó cũng có khoảng hơn chục vị tu sĩ sinh sống quanh các tảng đá cổ xưa, nhưng họ không có người cai quản và không có tổ chức. Theo ngôn ngữ nhà thờ thì họ tu theo cách tự quản, thân ai người ấy lo. Không có ai đứng ra phụ trách; họ không có một mục tiêu chung. Nói cách khác, mối quan hệ giữa họ với tu viện rất giống mối quan hệ giữa công dân Hy Lạp với nhà nước của mình. Điều đó đã thay đổi vào đầu thập niên 1990, khi một nhóm các vị tu sĩ trẻ nhiệt huyết người Síp gốc Hy Lạp đến từ một vùng khác ở Athos, do Cha Ephraim dẫn đầu, nhận thấy một cơ hội tái xây dựng: một thứ tài sản tự nhiên tuyệt vời đang bị quản lý kém hiệu quả. Ephraim bắt tay vào quyên góp tiền để phục dựng Vatopaidi như thời huy hoàng trước kia của nó. Ông không ngừng yêu cầu Liên minh châu Âu gửi những khoản tài trợ văn hóa. Ông làm bạn với các doanh nhân Hy Lạp giàu có đang cần xá tội. Ông còn kết thân với các chính khách quan trọng của Hy Lạp. Qua tất cả những hành động này, ông thể hiện một sự trơ tráo khó tin. Chẳng hạn, sau khi một ca sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha tới thăm và có ý quan tâm tới Vatopaidi, ông đã lợi dụng sự quan tâm này để lôi kéo thêm một đoàn khách gồm các quan chức chính phủ Tây Ban Nha. Những người này được nghe kể rằng một vụ bất công lớn đã từng xảy ra ở đây: vào thế kỷ XIV, một toán lính đánh thuê Catalan, do bất mãn với hoàng đế xứ Byzantine, đã xông vào cướp bóc tu viện Vatopaidi và gây ra thiệt hại nặng nề. Sau câu chuyện đó, tu viện này được nhận 240.000 đô-la từ các vị quan chức chính phủ trên. Rõ ràng, một phần chiến lược của Ephraim là đưa Vatopaidi trở lại vị thế mà nó từng nắm giữ trong gần suốt chiều dài của Đế chế Byzantine trước kia: một tu viện có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đây cũng là điểm khác biệt giữa nó với quốc gia chứa đựng nó. Mặc dù đã gia nhập Liên minh châu Âu, song Hy Lạp vẫn duy trì một nền kinh tế khép kín; không thể định rõ nguồn gốc mọi rắc rối của quốc gia này, nhưng nếu động vào các rắc rối đó, thì ta sẽ bị cô lập. Những gì mà người khác có thể thực hiện hiệu quả hơn thì họ lại hì hục tự làm; những giao dịch với các quốc gia khác có thể mang lại lợi ích cho họ không xảy ra. Trên bình diện chung thì tu viện Vatopaidi là một biệt lệ kỳ diệu: nó xây dựng các mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Trường hợp nổi tiếng nhất, trước khi vụ bê bối bung ra, Thái tử Charles đã từng viếng thăm nơi này ba mùa hè liên tiếp, mỗi lần ông lưu lại một tuần. Các mối quan hệ với giới giàu có và tiếng tăm giữ vai trò thiết yếu trong công cuộc bám đuổi những khoản trợ cấp và bồi thường của chính phủ, nhưng đồng thời, nó cũng nhằm phục vụ cho mũi thứ ba trong chiến lược quản lý mới của tu viện: bất động sản. Cho tới lúc này, điều thông minh nhất mà Cha Ephraim từng làm là đi lùng sục quanh một tòa tháp cổ, nơi lưu trữ những bản thảo viết tay thời đế chế Byzantine mà hàng thập kỷ nay không ai động đến. Qua nhiều thế kỷ các hoàng đế Byzantine và các hoàng đế khác đã trao cho Vatopaidi nhiều mảnh đất khác nhau, chủ yếu tập trung ở lãnh thổ của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Những năm trước khi Ephraim xuất hiện, chính phủ Hy Lạp đã thu hồi phần lớn số bất động sản này, song Vatopaidi vẫn còn quyền sở hữu đối với một chiếc hồ nằm ở phía bắc Hy Lạp do Hoàng đế John V Palaiologos trao tặng. Khi Ephraim phát hiện ra tờ chứng thư chuyển nhượng chiếc hồ trong các căn hầm ở Vatopaidi, thì chiếc hồ này đã được chính phủ Hy Lạp trưng dụng làm khu bảo tồn thiên nhiên. Nhưng rồi, tới năm 1998 thì đột nhiên nó không còn chức phận đó nữa: ai đó đã cho phép nó chấm dứt nghĩa vụ của mình. Không lâu sau đó, các vị tu sĩ được trao toàn quyền sở hữu chiếc hồ. Quay trở lại Athens, tôi lần mò tìm Peter Doukas, vị quan chức trong Bộ Tài chính, người đầu tiên được các vị tu sĩ Vatopaidi tiếp cận. Giờ đây, Doukas đang là tâm điểm hai vụ thanh tra của quốc hội, nhưng kỳ quặc một nỗi là ông lại trở thành người duy nhất trong chính phủ sẵn lòng chia sẻ công khai về những gì đã diễn ra. Không giống phần lớn các quan chức khác trong chính phủ Hy Lạp, Doukas không phải là người ăn đời ở kiếp với nghề này; ông đã kiếm được bộn tiền trong khu vực tư nhân – cả trong và ngoài Hy Lạp – và rồi, vào năm 2004, do yêu cầu của thủ tướng, ông đã đảm nhiệm một vị trí trong Bộ Tài chính. Khi đó ông 52 tuổi, và gần như đã dành trọn sự nghiệp của mình trong vị trí quản lý ở ngân hàng Citigroup tại New York. Chính Doukas là người chịu trách nhiệm cho sự tồn tại khoản nợ dài hạn của chính phủ Hy Lạp. Vào thời điểm lãi suất còn thấp, và không ai thấy có rủi ro gì khi đưa tiền cho chính phủ Hy Lạp vay, ông đã thuyết phục lãnh đạo của mình để phát hành những trái phiếu kỳ hạn 40 – 50 năm. Sau đó, báo chí Hy Lạp chạy những hàng tít tấn công vào ông (DOUKAS THẾ CHẤP TƯƠNG LAI CON CHÁU CHÚNG TA), song đó lại là một hành động rất xuất sắc. Khối trái phiếu dài hạn trị giá 18 tỉ đô-la bây giờ đổi được 50 xu trên một đô-la – có nghĩa là chính phủ Hy Lạp có thể mua lại chúng trên thị trường tự do. “Tôi đã tạo ra được một khoản lợi nhuận giao dịch trị giá 9 tỉ đô-la cho họ,” Doukas vừa nói vừa phá lên cười. “Họ nên thưởng cho tôi mới phải!” Không lâu sau khi Doukas nhậm chức, hai tu sĩ đường đột xuất hiện tại văn phòng của ông ở Bộ Tài chính. Một người là Cha Ephraim mà Doukas đã biết tiếng; người thứ hai Doukas chưa biết nhưng rõ ràng đó là cánh tay đắc lực đảm nhiệm phần thừa hành, một vị tu sĩ có tên Cha Arsenios. Họ nói họ sở hữu chiếc hồ đó, và họ muốn Bộ Tài chính trả tiền cho họ. “Có người đã trao cho họ toàn quyền sở hữu chiếc hồ đó,” Doukas nói. “Điều họ muốn lúc này là chuyển cái quyền đó thành tiền mặt. Họ đến gặp tôi rồi hỏi, “Ngài có thể mua quyền sở hữu của chúng tôi được không?” Doukas cảm thấy rằng trước buổi gặp này, họ đã có những sự chuẩn bị hết sức chu toàn. “Trước khi họ đến gặp anh họ biết rất rõ về bản thân anh – vợ anh, cha mẹ anh, các tín ngưỡng của anh,” ông nói. “Điều đầu tiên họ hỏi tôi là tôi có muốn nhờ họ lắng nghe lời thú tội của tôi hay không”. Doukas cho rằng sẽ chẳng hay ho gì nếu kể cho các vị tu sĩ này biết về những bí mật của mình. Nên thay vào đó, ông bảo với họ rằng ông sẽ không đưa họ tiền để đổi lấy cái hồ − và lúc đó ông vẫn chưa hiểu làm thế nào mà họ lại sở hữu được nó. “Có vẻ như họ nghĩ là tôi có từng đó tiền để mà chi tiêu,” Doukas nói. “Tôi nói, ‘Các ngài nghe này, trái với phỏng đoán của mọi người, Bộ Tài chính không có tiền đâu.” Rồi họ bảo, ‘Được thôi, nếu ngài không mua được, thì tại sao ngài lại không đưa cho chúng tôi một ít đất của ngài?” Hóa ra đây lại là một chiến lược đắc thắng: đổi chiếc hồ − vốn không đem lại được chút tiền thuê nào – để lấy những bất động sản quốc hữu có khả năng làm việc đó. Bằng cách nào đó các vị tu sĩ này đã thuyết phục được các quan chức chính phủ tin rằng khu đất quanh hồ có giá trị lớn gấp nhiều lần so với con số 55 triệu euro mà một nhà định giá độc lập đưa ra sau này, và rồi họ sử dụng giá trị đó để đòi lấy khối tài sản bất động sản của chính phủ trị giá 1 tỉ euro. Doukas từ chối trao cho họ bất kỳ khoản tiền nào trong số khoảng 250 tỉ euro bất động sản do Bộ Tài chính kiểm soát. (“Quên chuyện tôi làm việc đó đi,” nguyên văn câu ông đã nói với họ như vậy.) Các vị tu sĩ lại tìm tới nguồn cung cấp đất đai có giá trị lớn thứ hai – các trang trại và rừng do Bộ Nông nghiệp kiểm soát. Doukas nhớ lại, “Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ ông bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông này nói rằng, “Chúng tôi sẽ đổi cho họ toàn bộ số đất đai này, nhưng vẫn chưa đủ. Sao ông không quẳng vào đó một ít đất của ông?” Sau khi Doukas từ chối, ông nhận được cuộc điện thoại thứ hai – lần này là từ văn phòng thủ tướng. Nhưng ông vẫn nói không. Tiếp theo, ông nhận được một công văn nói rằng ông sẽ phải trao đất chính phủ cho các vị tu sĩ đó, và tất cả những gì ông cần làm là ký vào tờ công văn đó. “Tôi nói, ‘Quỷ tha ma bắt các người đi, tôi không ký cọt gì hết’. ” Và ông đã không làm thế − ít nhất là không theo cung cách ban đầu. Nhưng văn phòng thủ tướng đã ép buộc ông; Doukas ngờ ngợ rằng các vị tu sĩ này có năng lực khống chế nào đó đối với vị chánh văn phòng thủ tướng. Người đó, Giannis Angelou, hóa ra đã quen biết các vị tu sĩ này từ vài năm trước, sau khi ông bị chẩn đoán mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Các tu sĩ đã cầu nguyện cho ông ta; ông này không chết mà lại hồi phục một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, ông ta đã thú tội trước những vị tu sĩ này. Giờ đây, Doukas không còn coi các vị tu sĩ này là những kẻ lừa gạt đơn giản mà là những doanh nhân sắc sảo mà ông chưa từng chạm trán. “Tôi nói rằng họ nên quản lý Bộ Tài chính,” ông nói. “Nhưng họ không đồng ý.” Cuối cùng, dưới sức ép của lãnh đạo, Doukas ký tên vào hai tờ công văn. Tờ công văn thứ nhất cam kết sẽ không chống đối quyền sở hữu chiếc hồ của các vị tu sĩ; tờ công văn thứ hai cho phép thực hiện hoạt động trao đổi đất đai. Tờ công văn này không trao cho các vị tu sĩ quyền sở hữu bất kỳ khoảnh đất nào của Bộ Tài chính, nhưng – bằng việc đồng ý tiếp nhận cái hồ của họ vào kho bất động sản thuộc Bộ Tài chính – Doukas đã cho phép họ thực hiện trao đổi với Bộ Nông nghiệp. Đổi lấy cái hồ của mình, các vị tu sĩ nhận về 73 mảnh đất khác nhau của chính phủ, trong đó có một khu đất từng là trung tâm thể dục dụng cụ phục vụ Olympics 2004; khu này, chung số phận với phần lớn các công trình mà chính phủ Hy Lạp xây dựng cho Thế vận hội Olympics, giờ đây chỉ còn là một mảnh đất bỏ hoang. Vậy đấy, Doukas nghĩ. “Anh cho rằng họ là những con người thoát tục,” ông nói. “Có thể là họ muốn dùng nó để xây dựng một nhà trẻ mồ côi.” Nhưng hóa ra, cái mà họ muốn xây dựng lại là một đế chế bất động sản thương mại. Khởi đầu, họ thuyết phục chính phủ Hy Lạp làm một việc hiếm hoi: tái định danh để chuyển giao rất nhiều khu đất phi thương mại sang phục vụ các mục đích thương mại. Không chỉ giới hạn ở những mảnh đất họ nhận được trong cuộc đổi chác đó – mà sau này quốc hội Hy Lạp ước tính trị giá 1 tỉ euro – các vị tu sĩ còn được tài trợ 100% vốn để mua các tòa nhà thương mại ở Athens và phát triển các khu đất mà họ mua được. Khu trung tâm thể dục dụng cụ Olympics sẽ trở thành một bệnh viện tư nhân hoành tráng – và rõ ràng ở đây, các vị tu sĩ đã nhận được sự hiệp lực nào đó. Sau đó, với sự giúp đỡ của một lãnh đạo ngân hàng Hy Lạp, các vị tu sĩ lại vạch kế hoạch thiết kế ra cái gọi là Quỹ Bất động sản Vatopaidi. Các nhà đầu tư vào quỹ này, về cơ bản, sẽ mua giúp các vị tu sĩ những mảnh đất họ được chính phủ giao. Các vị tu sĩ sẽ sử dụng số tiền đó để khôi phục tu viện trở về thời hoàng kim. Từ một văn bản cổ chuyển nhượng quyền sở hữu một cái hồ vô giá trị, hai vị tu sĩ đã tạo dựng được một gia tài mà theo đánh giá của báo giới Hy Lạp trị giá khoảng từ hàng chục triệu tới hàng tỉ đô-la. Nhưng sự thực thì không ai biết tổng cộng họ có trong tay bao nhiêu tài sản tài chính; thực ra, một trong những lời chỉ trích dành cho cuộc điều tra thứ nhất của quốc hội là nó đã không bao quát hết mọi thứ mà các vị tu sĩ này sở hữu. Dựa vào cái lý thuyết rằng nếu muốn biết người giàu giàu tới cỡ nào thì tốt hơn hết anh phải đi hỏi những người giàu có khác – chứ không phải hỏi những người như những tay nhà báo chẳng hạn – tôi tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên một số người Hy Lạp từng kiếm bạc tỉ từ bất động sản hay tài chính. Họ ước tính giá trị các bất động sản và tài sản tài chính của các vị tu sĩ này ở khoảng dưới 2 tỉ đô-la nhưng trên 1 tỉ đô-la – đây là khoản tăng từ con số 0 tròn trĩnh kể từ khi ban lãnh đạo mới của tu viện lên nắm quyền. Và hoạt động kinh doanh này vỏn vẹn chỉ bắt đầu từ lòng khoan dung. Tới 1 giờ sáng các vị tu sĩ mới xong những công việc ở nhà thờ. Theo Cha Arsenios giải thích, thông thường họ sẽ tỉnh dậy và tiếp tục công việc vào lúc 4 giờ sáng. Vào Chủ nhật, họ cho phép mình tỉnh dậy lúc 6 giờ. Kèm thêm 8 tiếng một ngày làm vườn, hoặc rửa bát, hoặc sản xuất rượu bạc hà – như vậy bạn có thể hình dung được tại sao ý tưởng của một người về thiên đường lại thành hình ảnh địa ngục trong mắt kẻ khác. Chủ nhân của hệ thống vận hành này, Cha Ephraim và Cha Arsenios, được thoát khỏi guồng máy kinh khủng này khoảng 5 ngày mỗi tháng; còn lại thì đây là cuộc sống của họ. “Phần lớn mọi người ở Hy Lạp đều hình dung cha trưởng tu viện là một kẻ lừa đảo,” một tu sĩ có tên Cha Matthew, đến từ Wisconsin, tâm sự với tôi trong một giây phút mà tôi cho rằng là chân thành. “Người nào ở Hy Lạp cũng đinh ninh rằng cha trưởng tu viện và Cha Arsenios có tài khoản ngân hàng bí mật. Thật là điên rồ hết mức. Họ sẽ làm gì với chúng nào? Họ không đi nghỉ cả tuần ở bãi biển Caribbean. Cha trưởng tu viện sống trong một căn phòng. Đó là một căn phòng đẹp. Nhưng ngài vẫn là một tu sĩ. Và ngài ghét phải rời bỏ tu viện.” Vì biết rằng mình sẽ phải quay trở lại nhà thờ vào 6 giờ sáng hôm sau nên tôi đâm khó ngủ hơn, và tôi ra khỏi giường lúc 5 giờ sáng. Một sự yên lặng hoàn hảo. Những mái vòm, những cột ống khói, những tòa tháp, và những cây thập tự Hy Lạp chấm phá vài điểm nhấn trên nền trời màu xám. Còn có cả một cặp cây cột khổng lồ lười biếng nữa: việc phong tỏa tài sản của các vị tu sĩ đã làm đình trệ công cuộc phục dựng tu viện. Lúc 5 giờ 15 phút, những tiếng rì rầm đầu tiên vọng ra từ phía bên trong nhà thờ, như thể có ai đó đang di chuyển quanh những tấm bình phong gắn ảnh tượng – công tác chuẩn bị hậu trường nhọc nhằn trước buổi lễ. 5 giờ 30 phút, một tu sĩ nắm lấy sợi dây thừng để đánh chuông. Sự im lặng lại bao trùm, và rồi, chỉ tích tắc sau, từ khu nhà ở dài hun hút của các vị tu sĩ, tiếng bíp bíp bíp phát ra từ những chiếc đồng hồ báo thức điện tử. 20 phút sau, các vị tu sĩ – một mình hoặc theo cặp – sấp ngửa chạy ra từ phòng ở của mình và đi xuống các bậc đá cẩm thạch để tới nhà thờ. Có cảm giác tựa như bạn đang chứng kiến cơn tỉnh giấc của nhà máy trong thành phố chỉ có một ngành nghề chỉ còn những hộp đựng cơm trưa là đủ. Ba tiếng sau, khi đang ngồi ô tô quay về Athens, điện thoại của tôi lại reo. Cha Matthew gọi. Ông muốn tôi giúp một việc. Ôi không, tôi nghĩ, chắc họ vừa phát hiện ra ý định của mình nên ông ấy gọi để đưa ra đủ thứ ngăn chặn cho những gì mình sẽ viết đây. Đúng là họ đã phát hiện ra – phần nào như thế − nhưng ông ấy thì không. Ngài bộ trưởng Bộ Tài chính khăng khăng đòi kiểm tra xem tôi trích dẫn lời ông nói như thế nào, nhưng các vị tu sĩ ở đây thì để tôi tùy ý – một điều khá thú vị, nếu xét đến mức độ của những vụ kiện tụng mà họ đang phải đối mặt. “Chúng tôi đọc những bài báo của người cố vấn này ở thị trường chứng khoán Mỹ,” vị tu sĩ nói. “Tên ông ta là Robert Chapman…” (Tôi chưa bao giờ nghe đến tên ông ta. Hóa ra đó là tác giả của một mục tin tức về tài chính toàn cầu.) Cha Matthew nói rằng các vị tu sĩ đồng môn đang băn khoăn không rõ tôi đánh giá ông Robert Chapman này ra sao. Liệu những lời ông ta nói có đáng nghe không… Hôm trước khi tôi rời Hy Lạp, quốc hội Hy Lạp đã thảo luận và biểu quyết thông qua một đạo luật nâng cao tuổi nghỉ hưu, giảm tiền lương nhà nước, và tinh giảm khu vực công. (“Tôi hoàn toàn tán đồng việc tinh giảm số lượng nhân viên khu vực công,” một thanh tra của IMF từng nói với tôi. “Nhưng anh sao làm được việc đó nếu anh không biết anh có bao nhiêu người?”) Thủ tướng Papandreou trình bày đạo luật này như cách ông vẫn tự mình trình bày mọi thứ kể từ sau khi phát hiện ra lỗ hổng trong những cuốn sổ sách – không phải với tư cách ý tưởng riêng của ông mà là một yêu cầu không nhân nhượng của IMF. Có vẻ như cái ý tưởng bao trùm ở đây là mặc dù người dân Hy Lạp sẽ không bao giờ chịu nghe theo bất kỳ lời kêu gọi hy sinh trong nước nào, nhưng biết đâu họ lại chịu nghe những lời kêu gọi từ bên ngoài. Tức là, họ thậm chí không còn muốn cai quản chính mình nữa. Hàng nghìn nhân viên chính phủ đổ ra đường phố phản đối đạo luật đó. Đây chính là Đảng Trà phiên bản Hy Lạp: các cán bộ thuế nhận hối lộ, các giáo viên trường công không thực sự dạy học, các nhân viên được trả lương hậu hĩnh của các tuyến xe lửa quốc doanh phá sản vốn chưa một lần cho tàu chạy đúng giờ, nhân viên của các bệnh viện công ăn hối lộ để mua vật tư thiết bị với giá cắt cổ. Đó là họ, và trước mắt chúng ta bây giờ là một dân tộc đang tìm kiếm bất kỳ ai khác ngoài họ để đổ lỗi. Các nhân viên khu vực công của Hy Lạp tập hợp nhau lại thành từng đơn vị như những trung đội trong quân đội. Ở giữa mỗi đơn vị có hai hoặc ba hàng thanh niên tay cầm dùi cui được ngụy trang thành cán cờ. Họ đeo lủng lẳng các loại mặt nạ vải, mặt nạ phòng độc ở thắt lưng để có thể tiếp tục chiến đấu sau màn xịt hơi cay. “Phó thủ tướng bảo với chúng tôi rằng họ muốn có ít nhất là một người chết,” một vị cựu bộ trưởng nổi tiếng Hy Lạp cho tôi hay. “Họ muốn có chút đổ máu.” Trước đó hai tháng, vào ngày 5/5, trong cuộc tuần hành phản kháng đầu tiên, đám đông này đã hé lộ cho thấy những gì họ có thể làm. Khi nhìn thấy có người đang làm việc trong một chi nhánh của ngân hàng Marfin, các toán trai trẻ ném những chai cháy vào bên trong và đổ dầu vào khi lửa bùng lên nhằm chặn lối thoát. Phần lớn các nhân viên của ngân hàng Marfin đều thoát được qua mái nhà, nhưng ngọn lửa đã làm chết 3 người, trong đó có một phụ nữ trẻ đang mang bầu 4 tháng. Người dân Hy Lạp trên các tuyến phố thi nhau hét vào thi thể của họ, nói rằng như thế là đáng đời họ, vì họ đã cả gan làm việc. Những sự kiện đó diễn ra ngay trước mắt cảnh sát Hy Lạp, song cảnh sát không tiến hành bắt giữ ai cả. Những ngày tiếp theo đó, những người biểu tình, về cơ bản, đã đóng cửa cả quốc gia Hy Lạp. Những kiểm soát viên không lưu cũng đình công và đóng cửa sân bay. Tại cảng Piraeus, đám đông ngăn chặn hành khách lên bờ mua sắm. Vào giữa lúc cao điểm của mùa du lịch, những đồng đô-la của các vị du khách, vốn là thứ mà nơi này hằng mong mỏi, lại bị chặn đường vào. Bất kỳ nhân viên nào thuộc khu vực tư nhân nếu không nghỉ việc để thể hiện sự đồng cảm với họ đều nằm trong diện chịu nguy hiểm. Cửa hàng cửa hiệu ở khắp Athens đều đóng cửa, và ở Acropolis tình hình cũng tương tự. Nhóm dẫn đầu tập hợp ở giữa một đại lộ rộng lớn, cách chi nhánh ngân hàng vừa bị đốt và cướp phá khoảng vài mét. Việc họ đốt ngân hàng, trong hoàn cảnh đó, thật khó mà tin nổi. Nếu thế giới này có chút công lý thì hẳn những người làm trong lĩnh vực ngân hàng ở Hy Lạp sẽ tuôn ra phố mà tuần hành phản đối cái đạo đức của những công dân Hy Lạp. Mái hiên vòm ở ngân hàng Marfin mới được chuyển thành một miếu thờ thê lương: một đống thú nhồi bông dành tặng sinh linh chưa chào đời, một vài bức hình chụp các vị tu sĩ, một tấm biển trích dẫn câu nói của nhà hùng biện cổ Isocrates:“Nền dân chủ tự phá hủy nó bởi nó lạm dụng quyền tự do và bình đẳng. Bởi nó dạy cho các công dân của mình coi sự trơ tráo là quyền lợi, sự vô luật pháp là tự do, những lời nói tàn độc vô tâm là bình đẳng, và sự vô chính phủ là tiến bộ.” Ở đầu bên kia của đại lộ, một toán cảnh sát chống bạo loạn đứng san sát, tay giơ tấm chắn, giống như những chiến binh Sparta. Sau lưng họ là tòa nhà của quốc hội; bên trong, đồn rằng người ta đang sốt sắng tranh luận với nhau, tuy không ai thực sự biết người ta đang nói hay làm những gì ở đó, vì các nhà báo Hy Lạp lúc này cũng không làm việc nữa. Đám đông bắt đầu hô vang khẩu hiệu và tiến về phía cảnh sát lúc này đang có lực lượng áp đảo: cảnh sát bất động. Chính những giây phút này khiến người ta có cảm giác rằng bất kỳ việc gì cũng có thể xảy ra. Thực ra, đó chỉ là vấn đề người ta sẽ nhảy theo cách nào mà thôi. Đó cũng là cái cảm giác ở các thị trường tài chính. Câu hỏi mà mọi người muốn có câu trả lời là: Liệu Hy Lạp có vỡ nợ hay không? Có luồng ý kiến cho rằng họ không có sự lựa chọn nào: những biện pháp mà chính phủ thực hiện để cắt giảm chi phí, gia tăng doanh thu sẽ khiến những gì còn lại của nền kinh tế hiệu quả rời khỏi đất nước. Các loại thuế ở Bulgari thấp hơn, công nhân ở Romania dễ thích nghi hơn. Nhưng còn có một câu hỏi thứ hai, thú vị hơn: Ngay cả trong trường hợp, người Hy Lạp có thể trả nợ, sinh hoạt trong phạm vi khả năng của họ, và trở lại vị thế tốt đẹp trước kia trong Liên minh châu Âu, thì liệu họ có đủ nguồn lực nội bộ để thực hiện điều đó? Hay vì đã để mất khả năng cảm nhận sự gắn kết với mọi thứ bên ngoài thế giới nhỏ bé của họ mà họ thà chọn cách rũ bỏ mọi trách nhiệm? Việc chấp nhận vỡ nợ rồi phủi tay quay đi có vẻ là một hành động điên rồ: tất cả các ngân hàng Hy Lạp sẽ lập tức phá sản, quốc gia này sẽ không còn khả năng chi trả để nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu, và chính phủ sẽ chịu một án phạt kéo dài nhiều năm dưới hình thức phải chịu lãi suất cao hơn, nếu và khi họ được phép vay mượn trở lại. Song quốc gia này lại hành xử như một tập hợp các nguyên tố riêng rẽ, mỗi nguyên tố đều đã quen với việc theo đuổi lợi ích riêng của bản thân, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích chung. Chắc chắn, chính phủ này chí ít cũng sẽ hạ quyết tâm tái tạo đời sống dân sự ở Hy Lạp. Câu hỏi duy nhất là: Liệu một thứ như thế, sau khi để mất, còn có thể tái tạo được nữa hay không. 3. Khi Ireland ăn “trái cấm” Khi tôi bay tới Dublin vào hồi đầu tháng 11/2010, chính phủ Ireland lúc này đang bận giúp người dân làm quen với những tổn thất của mình. Đã hai năm trôi qua kể từ khi một nhóm chính khách và chủ ngân hàng Ireland quyết định đứng ra bảo lãnh mọi khoản nợ của các ngân hàng lớn nhất nước này, song người dân giờ đây chỉ còn bận tâm với việc điều đó có ý nghĩa gì với họ. Những con số có thể khiến người ta kinh ngạc. Chỉ tính riêng ngân hàng Anglo Irish, hai năm trước còn được chính phủ thông báo là đang gặp “vấn đề về thanh khoản”, đã thừa nhận thua lỗ 34 tỉ euro. Để hiểu được âm thanh của cụm từ “34 tỉ euro” khi đến tai của những công dân Ireland nghe như thế nào, một người tư duy theo giá trị đô-la của Mỹ cần phải nhân con số đó lên gần 100 lần: 3.400 tỉ đô-la. Đó mới chỉ là con số của một ngân hàng. Vì tổng số các khoản cho vay của Anglo Irish – phần lớn trong đó là dành cho các nhà phát triển bất động sản Ireland – chỉ trị giá 72 tỉ euro, nên ngân hàng này đã để mất gần một nửa trên mỗi đơn vị đô-la mà họ đầu tư. Hai ngân hàng lớn khác, Ngân hàng Ireland và, đặc biệt là, Liên minh các Ngân hàng Ireland (AIB), vẫn là bí mật nhỏ đáng xấu hổ của Ireland. Cả hai đều có tuổi đời còn lớn hơn cả tuổi của chính đất nước Ireland (Ngân hàng Ireland thành lập năm 1783; AIB được hình thành trong một cuộc sáp nhập ba ngân hàng khai sinh từ những năm 1800), và tới lúc này, rõ ràng cả hai cũng đều đã phá sản. Chính phủ Ireland sở hữu phần lớn hai ngân hàng này, song lại tiết lộ ít thông tin về chúng hơn so với ngân hàng mới nổi Anglo Irish. Vì họ đã đưa cả đống tiền cho những giới phát triển bất động sản và người mua nhà vay, nên tổn thất của họ hẳn phải rất lớn – về tinh thần, chúng cũng na ná như những tổn thất của ngân hàng trẻ tuổi, Anglo Irish. Ngay cả trong thời đại mà các nhà tư bản cũng nhọc lòng tìm cách phá hủy chủ nghĩa tư bản, thì ông chủ các ngân hàng Ireland mới là những người tạo được kỷ lục về sự phá hủy này. Theo Phanos, chủ quỹ đầu cơ ở London có lợi ích ở Ireland, cho hay “Anglo Irish có lẽ là ngân hàng tệ nhất thế giới, thậm chí còn hơn cả các ngân hàng Iceland.” Thảm họa tài chính của Ireland cũng có chung một vài điểm với thảm họa của Iceland. Chẳng hạn, nó được tạo ra dưới bàn tay của những người đàn ông phớt lờ lời khuyên của các bà vợ rằng họ nên dừng lại hỏi đường. Nhưng trong khi những người đàn ông Iceland dùng tiền ngoại quốc để chinh phạt ngoại quốc – những công ty chiến lợi phẩm thu được ở Anh, những mảnh đất ở Scandinavia – thì những người đàn ông Ireland lại dùng tiền ngoại quốc để chinh phạt chính đất nước mình. Khi được ở một mình trong căn phòng tối với một đống tiền trong tay, người Ireland quyết định điều họ thực sự muốn làm với số tiền đó là đi mua Ireland. Mua lẫn nhau. Nhà kinh tế học người Ireland, Morgan Kelly – những dự đoán của ông về tổn thất của các ngân hàng Ireland cho tới nay là chính xác nhất – đã thực hiện một phép tính nhanh, theo đó những tổn thất liên quan tới bất động sản của mọi ngân hàng Ireland rơi vào khoảng 106 tỉ euro (tương đương 10.600 tỉ đô-la). Với tốc độ dòng tiền đổ vào ngân khố Ireland, thì chỉ riêng tổn thất của các ngân hàng Ireland cũng đã hút hết từng đồng thuế của người dân nước này trong 4 năm tới. Nhận ra được những tổn thất điếng người đó, toàn bộ nền kinh tế Ireland gần như đã sụp đổ. Người dân Ireland một lần nữa lại rời bỏ đất nước mình, cùng với hàng loạt dòng công nhân di cư. Cuối năm 2006, tỉ lệ thất nghiệp ở đây là hơn 4%; hiện giờ con số đó là 14%, và còn tiếp tục tăng với tốc độ chưa từng có kể từ sau giai đoạn giữa thập niên 1980. Mới vài năm trước đây, Ireland còn có khả năng vay tiền với mức lãi suất thấp hơn Đức; giờ đây, nếu còn có thể vay mượn được, họ sẽ phải chịu mức lãi suất cao gấp 6% so với Đức. Mức thâm hụt ngân sách của Ireland – năm 2007, quốc gia này thậm chí còn dư thừa ngân sách – hiện đang chiếm 32% GDP, mức cao nhất tính tới nay trong lịch sử khu vực tiền euro. Các hãng phân tích tín dụng chuyên nghiệp xếp Ireland là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới có nhiều khả năng vỡ nợ nhất. Không đến mức nguy hiểm cho nhà đầu tư toàn cầu như Venezuela – có lẽ vậy – nhưng rủi ro nhiều hơn Iraq. Rõ ràng đây là thế giới thứ ba, dù trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa. Thế nhưng khi tôi đến, tình hình chính trị ở Ireland lại mang một dáng vẻ tĩnh lặng trước những biến động. Ở Iceland, Đảng bảo thủ thân thiết với giới kinh doanh đã nhanh chóng bị hất khỏi chiếc ghế quyền lực; phụ nữ thì đã tống cổ những gã đàn ông dòng giống ưu việt ra khỏi ngân hàng và chính quyền. Ở Hy Lạp, Đảng bảo thủ thân thiết với giới kinh doanh và chỉ biết trục lợi cá nhân cũng đã bị giải tán, và chính quyền mới hiện đang nỗ lực tạo ra ý thức về một mục đích tập thể, hoặc thuyết phục người dân bằng mọi giá từ bỏ thói quen gian lận thuế. (Vị thủ tướng mới của Hy Lạp không chỉ trung thực mà còn ít có tố chất Hy Lạp). Ireland là quốc gia châu Âu đầu tiên chứng kiến toàn bộ hệ thống ngân hàng của mình sụp đổ mà Đảng bảo thủ thân doanh nhân, Fianna Fail, vẫn còn tại nhiệm cho tới tháng 2/2011. Không phong trào Đảng Trà, không Glenn Beck, không có cuộc biểu tình nghiêm trọng nào xảy ra. Sự thay đổi rõ ràng duy nhất trên chính trường nước này tính tới nay là vai trò của những người ngoại quốc. Người điều tiết ngân hàng mới là một người Anh, đến từ Bermuda. Chính quyền và các ngân hàng Ireland hiện đang nhan nhản các ông chủ ngân hàng đầu tư Mỹ, các cố vấn quản lý Úc, và các quan chức châu Âu giấu mặt, được giới thiệu bổ nhiệm vào Cục Tài chính với cái danh nghĩa đơn giản là “người Đức”. Khi đi dạo trên đường phố vào ban đêm, qua những ô cửa sổ các nhà hàng, ta sẽ thấy những người đàn ông dáng vẻ oai nghiêm mặc comple chỉnh tề, ngồi ăn một mình, và chăm chú nhìn vào những cuốn sổ sách trông cũng đường bệ không kém. Nhìn dưới một lăng kính mới và lạ lẫm nào đó, Dublin giờ này trông giống như một thành phố đang bị kiểm soát: Hà Nội những năm 1950. “Vấn đề với Ireland là bạn không được phép làm việc với người Ireland nữa,” một nhà phát triển bất động sản người Ireland nói với tôi. Ông này ngày càng nhận ra rằng mình khó có thể thoát ra khỏi món nợ hàng trăm triệu euro mà ông sẽ chẳng bao giờ trả nổi. Sự thụt lùi của Ireland càng trở nên đặc biệt đáng lo ngại bởi những câu hỏi mà nó đặt ra về sự tiến bộ trước kia của quốc gia này: thậm chí tới lúc này cũng không có ai thực sự hiểu rõ tại sao lúc đầu người Ireland lại làm tốt tới mức như vậy. Trong giai đoạn 1845 – 1852, quốc gia này đã hứng chịu tổn thất lớn nhất trong lịch sử thế giới về dân số: trong một quốc gia 8 triệu người, có 1,5 triệu người bỏ đi. Một triệu người khác bị chết đói, hoặc chết do các tác động của nạn đói. Chỉ trong vòng một thập kỷ, quốc gia này từ vị trí một trong những quốc gia có mật độ dân số dày đặc nhất châu Âu thành một trong những quốc gia có mật độ thưa nhất. Việc thành lập nhà nước Ireland năm 1922 có lẽ đã mang lại chút hy vọng nào đó về kinh tế − lúc này họ đã có ngân hàng trung ương riêng, và các chính sách kinh tế riêng – nhưng cho tới tận những năm cuối của thập niên 1980, người Ireland vẫn không làm được điều mà các nhà kinh tế học kỳ vọng ở họ: bắt kịp mức sống của các quốc gia láng giềng. Tới tận thập niên 1980 vẫn còn một triệu người Ireland, trong một quốc gia vẻn vẹn 3,2 triệu dân, sống dưới mức nghèo khổ. Những gì diễn ra ở Ireland kể từ giai đoạn đó là một điều vô tiền khoáng hậu trong lịch sử kinh tế. Trước thềm thiên niên kỷ mới, tỉ lệ nghèo đói của Ireland dưới 6%, và theo Ngân hàng Ireland, họ là quốc gia giàu có thứ hai trên thế giới. Chuyện đó diễn ra như thế nào? Một thanh niên trẻ sáng dạ người Ireland được hãng Bear Stearns tuyển dụng vào cuối thập niên 1990, anh ta chuyển tới sống ở New York hay London trong 5 năm rồi quay trở lại và chợt cảm thấy mình thật nghèo. Ở già nửa sau của thập kỷ vừa qua, kiếm tiền bằng bất động sản ở Ireland còn nhanh hơn kiếm tiền bằng hoạt động đầu tư ngân hàng ở Mỹ. Điều đó diễn ra như thế nào? Lần đầu tiên trong lịch sử, người và tiền bạc háo hức tìm đường vào Ireland thay vì tìm cách thoát ra khỏi đó. Ấn tượng nhất là trường hợp của những người dân Ba Lan. Chính phủ Ba Lan không có con số thống kê chính thức về dòng chảy của nguồn lực lao động, nhưng theo phỏng đoán của Bộ Ngoại giao nước này, kể từ khi họ được nhận vào Liên minh châu Âu, đã có một triệu người Ba Lan rời quê hương để đi làm việc nơi khác – và vào lúc cao điểm, năm 2006, 1/4 trong số một triệu đó đang làm việc tại Ireland. Để đạt được hiệu ứng nhân khẩu có tỉ lệ hài hòa, nước Mỹ cần phải cấp thẻ xanh cho 17,5 triệu người Mehico. Làm thế nào mà những chuyện này có thể xảy ra? Có rất nhiều giả thiết: việc gỡ bỏ những hàng rào thương mại, quyết định miễn phí bậc học cao ở các trường công, thuế suất doanh nghiệp thấp được quy định từ thập niên 1980 đã biến Ireland thành một thiên đường thuế cho các tập đoàn ngoại quốc. Nhưng có lẽ giả thiết thú vị nhất là của hai nhà nhân khẩu học trường Harvard, David E. Bloom và David Canning, được trình bày trong một bài báo đăng tải năm 2003 với tiêu đề “Phòng tránh thai và Con hổ vùng Celtic.” Bloom và Canning cho rằng một nguyên nhân chính cho sự bùng nổ của Ireland là sự gia tăng đáng kể giữa tỉ lệ người trong độ tuổi lao động và ngoài độ tuổi lao động, vốn là kết quả của sự giảm đột ngột tỉ lệ sinh ở quốc gia này. Sự giảm tỉ lệ sinh này chủ yếu xuất phát từ một quyết định của Ireland ra đời năm 1979, theo đó việc kế hoạch hóa sinh đẻ được đưa vào luật pháp. Tức là, có một mối tương quan nghịch đảo giữa lòng trung thành của một dân tộc đối với các luật lệ của Vatican và khả năng thoát khỏi nghèo đói của dân tộc đó: từ cái chết chậm của Nhà thờ Ireland vươn lên một kỳ công về kinh tế. Hai nhà nhân khẩu học trường Harvard thừa nhận rằng giả thiết của họ chỉ giải thích được một phần những gì đã diễn ra ở Ireland. Và đằng sau thành công của người Ireland vẫn còn những điều bí ẩn, thậm chí cho tới bây giờ. “Nó xuất hiện như con quái vật hiển hiện giữa một khoảng khu rừng trống vậy,” sử gia hàng đầu Ireland R. F. Foster viết, “và các nhà kinh tế học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ lý do.” Vì bản thân họ không biết tại sao mình lại đột nhiên thành công tới vậy, nên có lẽ người dân Ireland cũng có thể được lượng thứ vì không biết họ được phép thành công tới đâu. Họ đã đi từ ngưỡng nghèo dưới mức bình thường tới giàu có bất thường mà không có khoảng ngừng để trải nghiệm cảm giác. Đầu những năm 2000, khi các thị trường tài chính bắt đầu tháo khoán gần như vô hạn các khoản vay cho tất cả những ai tham gia – cũng chính là lúc các quốc gia được ở một mình trong căn phòng tối với cả đống tiền trong tay, và người ta hỏi họ muốn làm gì với số tiền đó – thì người Ireland đã sẵn ở vào trạng thái dễ bị kích động một cách kỳ lạ. Họ đã gần như bị bỏ bùa trong suốt hơn một nửa thập kỷ rồi. Một vài tháng sau khi lời nguyền được hóa giải, các nhân viên làm việc tại khu giữ xe tạm thời ở Sân bay Dublin để ý thấy lưu lượng xe tới đây đã giảm xuống. Khu giữ xe trông vẫn đông đúc – họ không hiểu nổi; rồi họ nhận thấy rằng những chiếc xe đó không hề thay đổi. Họ gọi điện báo cho cảnh sát Dublin, và cảnh sát đã truy nguyên những chiếc xe đó là của các công nhân xây dựng người Ba Lan – họ đã mua chúng bằng số tiền vay từ các ngân hàng lớn ở Ireland. Các công nhân nhập cư đã bỏ của chạy lấy người. Mấy tháng sau, Ngân hàng Ireland cử ba nhân viên thu hồi nợ tới Ba Lan với hy vọng sẽ lấy lại được chút gì đó, song không gặp may. Nếu không có những chiếc xe đó của họ nằm trong khu trông giữ xe tạm thời thì có lẽ họ chưa từng tồn tại. Morgan Kelly là giáo sư kinh tế học của Trường Cao đẳng Dublin, song trước nay ông vẫn không cho rằng mình có trách nhiệm phải tư duy về nền kinh tế diễn ra ngay trước mắt mình. Ông đã có một số công trình học thuật được đánh giá cao về những chủ đề được coi là khó hiểu đối với ngay cả các nhà kinh tế học hàn lâm (“Tác động Kinh tế của Kỷ Băng hà nhỏ”). “Tôi chỉ tình cờ động chạm tới thảm họa này,” ông nói. “Trước đây tôi chưa bao giờ để tâm tới nền kinh tế Ireland. Nó thật nhỏ bé và buồn chán.” Kelly nhận thấy giá nhà đất gia tăng điên cuồng, và ông nghe thấy những thanh niên làm việc trong ngành tài chính Ireland – những người mà mới gần đây còn theo học môn kinh tế học của ông – ra sức tìm cách giải thích tại sao bong bóng đó lại không ảnh hưởng đến họ. Việc nhìn thấy và nghe những lời họ nói, khiến ông lo lắng. “Khoảng giữa năm 2006, tất cả các cựu sinh viên của chúng tôi làm việc cho ngân hàng đều lần lượt xuất hiện trên TV!” ông nói. “Bấy giờ tất cả bọn họ đều trở thành các nhà kinh tế học ngân hàng. Tất cả đều đồng thanh: ‘Chúng ta sẽ có một cuộc hạ cánh êm ái.’” Lời khẳng định đó thoạt nghe ông cũng đã thấy ngớ ngẩn: bong bóng bất động sản không bao giờ có sự hạ cánh êm ái cả. Một bong bóng được bơm phồng bởi chính kỳ vọng của con người. Vào giây phút mà người ta ngừng tin giá nhà đất gia tăng mãi mãi, họ sẽ nhận ra là bất động sản đã trở thành một khoản đầu tư dài hạn khủng khiếp, và họ chạy khỏi thị trường đó, và thị trường sẽ sụp đổ. Bản chất của những bong bóng bất động sản là chúng sẽ kết thúc bằng cách nổ tung – cũng như trực giác đã mách bảo Morgan Kelly rằng nếu các cựu sinh viên của ông được quẳng lên truyền hình Ireland, khoác áo chuyên gia tài chính, thì hẳn đã có trục trặc đâu đó. “Tôi bắt đầu vào Google tìm hiểu sự việc,” ông cho biết. Khi Google thông tin, Kelly biết rằng có hơn 1/5 lực lượng lao động Ireland hiện giờ đang được tuyển dụng để xây nhà. Ngành xây dựng Ireland đã phình to và chiếm tới gần 1/4 GDP Ireland – so với con số dưới 10% ở một nền kinh tế bình thường – số lượng nhà mới xây ở Ireland bằng một nửa so với Anh, một quốc gia có dân số lớn gấp 15 lần Ireland. Ông biết được rằng kể từ năm 1994, giá nhà đất trung bình ở Dublin đã tăng hơn 500%. Ở một số khu vực tại Dublin, giá thuê nhà đã giảm xuống còn dưới 1% so với giá mua; tức là, bạn có thể thuê một ngôi nhà trị giá triệu đô với mức chưa đầy 833 đô-la một tháng. Lợi nhuận đầu tư bất động sản ở Ireland thấp một cách kỳ quặc, khiến cho việc dòng vốn đổ vào quốc gia này để phát triển bất động sản trở nên vô nghĩa. Giá nhà đất ở Ireland thể hiện một tốc độ phát triển kinh tế mà theo đó, trong 25 năm nữa, Ireland sẽ trở nên giàu có gấp ba lần nước Mỹ. (“Hệ số thị giá/thu nhập hơn cả hệ số của Google”, theo cách nói của Kelly.) Sự tăng trưởng này có thể đến từ đâu? Kể từ năm 2000, các hoạt động xuất khẩu của Ireland đã chững lại và nền kinh tế này mê mải với việc xây dựng nhà cửa, văn phòng, khách sạn. “Tính cạnh tranh không thành vấn đề ở đây,” Kelly nói. “Từ nay trở đi chúng ta sẽ trở nên giàu có bằng cách xây nhà cho nhau ở.” Dòng chảy tiền ngoại quốc rẻ vô tận đã mang lại một tính cách mới cho dân tộc. “Chúng tôi là một dân tộc có phần nghiêm khắc và bi quan,” Kelly nói. “Chúng tôi thường không nhìn nhận sự việc ở khía cạnh tích cực.” Thế nhưng kể từ năm 2000, rất nhiều người đã hành xử như thể mỗi ngày mới sẽ tươi đẹp hơn ngày cũ. Dân tộc Ireland đã tìm được sự lạc quan. Bong bóng bất động sản của họ mang hương vị một lời nói dối trong gia đình: nó còn bền vững chừng nào nó chưa bị hoài nghi, và nó sẽ không bị hoài nghi chừng nào nó còn tỏ ra bền vững. Suy cho cùng, một khi giá bất động sản của Ireland không bị hạn chế bởi giá thuê, thì không có giá trị nào của nó là không hợp lý cả. Con số 35 triệu euro mà doanh nhân người Ireland Denis O’Brien bỏ ra để mua căn biệt thự lộng lẫy trên đường Shrewsbury ở Dublin tưởng chừng đã là quá nhiều, cho tới khi vợ của nhà phát triển bất động sản Sean Dunne chi 58 triệu euro cho một ngôi nhà hơn 300m2 mới xây xong phần thô cũng trên tuyến phố đó. Nhưng khi so sánh mức tăng giá đó với các bong bóng bất động sản ở các thị trường khác, vào các thời điểm khác, ta sẽ bắt gặp một câu chuyện cũ. Những so sánh đầu tiên xuất hiện trong đầu Morgan Kelly là các bong bóng nhà đất tại Hà Lan thập kỷ 1970 (sau khi Hà Lan được phát hiện có khí gas tự nhiên) và Phần Lan thập kỷ 1980 (khi phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi vùng bờ biển nước này), nhưng việc ông lấy ra ví dụ nào không quan trọng: chỉ riêng cái ý nghĩ Ireland không phải là trường hợp cá biệt cũng đủ gây hoang mang rồi. “Có một quy luật thép về giá nhà đất,” ông viết. “Giá nhà đất càng tăng so với thu nhập và giá thuê, thì khả năng nó sẽ giảm càng lớn”. Sau khi có những ý tưởng này, vấn đề của Kelly là làm gì với chúng. “Đó không phải là công việc của tôi,” ông nói. “Khi đó, tôi đang nghiên cứu lý thuyết về dân số thời trung cổ.” Khi tôi tìm đến ông thì Kelly đã tạo ra bầu không khí giận dữ và thù địch trong cả giới kinh doanh và chính khách ở Ireland, nhưng bản thân ông lại không hề có chút giận dữ hay thái độ thù địch nào, thậm chí ông cũng không phải là người đặc biệt nổi tiếng. Ông không thuộc tuýp học giả. Ông làm việc trong một văn phòng được xây dựng từ thời các lớp dạy đại học của Ireland còn mang dáng vẻ của một xưởng sản xuất hơn là một trường dự bị đại học chuyên ngành bất động sản và tài chính – và ông thích điều đó. Ông là người tinh quái, bốc đồng, và rõ ràng rất tỉnh táo – tuy nhiên, ở Ireland bây giờ người ta cần thận trọng khi sử dụng từ này. Tuy không hẳn là người khép mình, song rõ ràng là ông thoải mái hơn khi nói chuyện và suy nghĩ về những chủ đề khác ngoài bản thân. Ông đã dành vài năm học trung học, rồi được nhận bằng tiến sĩ ở trường Đại học Yale, vậy mà không hiểu sao ông vẫn duy trì được cho mình một trí tò mò gần như nguyên vẹn của trẻ thơ. “Lúc đó tôi giống như hành khách trên một chiếc tàu”, ông nói, “Khi nhìn thấy một tảng băng lớn, tôi chạy đi hỏi vị thuyền trưởng: Đó có phải là một tảng băng không?” Lời cảnh báo của ông dành cho vị thuyền trưởng được gửi theo hình thức bài báo đầu tiên của ông Nội dung cơ bản của bài báo là:“Thật khó tin là giá cả [nhà đất tại Ireland] lại có thể giảm – tương ứng với thu nhập – tới 40 - 50%.” Theo ước tính của ông, từ mốc đỉnh điểm, giá cả có thể giảm tới 66%. Ông gửi bài viết đầu tiên của mình cho Thời báo Ireland, một tờ tạp chí có lượng phát hành thấp. “Đó là một hành động ngẫu hứng,” ông nói. “Bây giờ tôi thậm chí còn không dám chắc mình tin tưởng vào những gì tôi nói lúc đó. Quan điểm của tôi luôn là, ‘Ta không thể tiên đoán tương lai.’” Nhưng với một sự tình cờ thú vị, Kelly đã tiên đoán được tương lai với sự chính xác vượt ngoài sự mong đợi. Nhưng để tin được những gì ông nói, ta cần phải chấp nhận rằng Ireland không phải là một ngoại lệ trong lịch sử tài chính của nhân loại. “Bài báo không tạo được tác động nào,” Kelly nói. “Phản ứng dành cho nó là một sự thích thú khơi khơi, kiểu như lũ mọt sách điên rồ này còn nghĩ ra được ý tưởng gì tiếp theo đây?” Ý tưởng tiếp theo của ngài mọt sách này là mối liên hệ rành rành giữa giá bất động sản Ireland và các ngân hàng Ireland. Suy cho cùng, phần lớn những hoạt động xây dựng vừa qua có được là do sự hỗ trợ tài chính của các ngân hàng Ireland. Nếu thị trường bất động sản sụp đổ, thì những ngân hàng này sẽ không thoát khỏi thua lỗ. “Cuối cùng tôi cũng tìm hiểu được chuyện gì đang xảy ra,” Kelly nói. “Giá trị trung bình và số lượng các khoản vay thế chấp mới tăng kịch trần vào mùa hè năm 2006. Nhưng sau đó các tiêu chuẩn cho vay đã hạ thấp xuống.” Các ngân hàng tiếp tục thực hiện những khoản cho vay ngày càng tồi tệ, nhưng người đi vay mua nhà bắt đầu cảnh giác hơn. “Lúc đó,” Kelly nói, “rất nhiều người cảm thấy chùn chân.” Hậu quả cho các ngân hàng Ireland – và cho toàn bộ nền kinh tế − do sự chuyển biến không thể tránh khỏi trong tâm lý thị trường gây ra có thể sẽ rất khủng khiếp. Thiệt hại sẽ khiến các ngân hàng cắt giảm những khoản vay cho các hoạt động thực sự hữu ích. Các công dân Ireland đang vay ngân hàng sẽ thắt chặt chi tiêu. Và, có lẽ cũng là điều tồi tệ nhất, hoạt động xây dựng mới – chỗ dựa của toàn bộ nền kinh tế lúc này – sẽ ngừng lại. Kelly viết bài báo thứ hai, nội dung phần nào tiên đoán sự sụp đổ của các ngân hàng Ireland. Ông chỉ ra rằng trong thập kỷ vừa qua các ngân hàng và nền kinh tế Ireland đã thay đổi một cách sâu sắc. Năm 1997, các ngân hàng Ireland dựa hoàn toàn vào các khoản tiền gửi ở Ireland. Tới năm 2005, phần lớn số tiền của họ là từ nước ngoài đổ về. Những người gửi tiết kiệm nhỏ lẻ ở Đức – những người cung cấp tiền cho các ngân hàng Ireland để họ đem đi cho vay ở Ireland – có thể lấy lại tiền của mình bất kỳ lúc nào với một cú nhấp chuột. Kể từ năm 2000, cho vay xây dựng và mua bán bất động sản đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 8% hoạt động cho vay của ngân hàng (mức thông thường ở châu Âu) lên tới 28%. Một trăm tỉ euro – hay tổng số tiền gửi tại tất cả các ngân hàng Ireland – đã được chuyển vào tay các nhà phát triển bất động sản thương mại. Tới năm 2007, số tiền các ngân hàng Ireland cho riêng các nhà phát triển bất động sản vay đã nhiều hơn 40% so với số tiền mà họ cho toàn bộ dân số Ireland vay trong 7 năm trước đó. “Có lẽ anh sẽ nghĩ rằng việc các ngân hàng Ireland đưa cho giới đầu cơ 100 tỉ euro để họ đánh bạc – anh nghĩ điều này là an toàn vì người nộp thuế sẽ đền bù phần lớn những thiệt hại – là một nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương Ireland lo lắng,” Kelly viết, “nhưng anh nhầm rồi.” Lần này Kelly gửi bài viết cho một tờ báo có lượng phát hành lớn hơn nhiều, tờ Ireland Độc lập. Biên tập viên của tờ báo này viết thư phản hồi ông, nói rằng giọng điệu bài viết khá hung hăng và họ sẽ không đăng tải nó. Tiếp đó, Kelly liên hệ với tờ Bưu điện Kinh doanh Chủ nhật, nhưng biên tập viên ở đó cũng lần lữa không chịu đăng. Các phóng viên đã hùa theo các ngân hàng, gán ghép cái nhìn tích cực về giá bất động sản với tình yêu đất nước và sự tận tâm với Đội Ireland. (“Họ nói cùng một giọng, “Các anh hoặc ủng hộ chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi,” một nhà phân tích ngân hàng xuất sắc người Ireland tại Dublin nói.) Cuối cùng Kelly lại quay về với Thời báo Ireland, và tờ báo này đăng tải bài viết của ông vào tháng 9/2007. Sau đó, một đợt tranh cãi ngắn nổ ra và theo đánh giá của Kelly là nó vô dụng. Những người phụ trách quan hệ công chúng ở Trường Cao đẳng Dublin gọi cho trưởng khoa Kinh tế học, yêu cầu ông này tìm người viết bài phản pháo lại bài viết của Kelly. (Vị trưởng khoa này đã từ chối). Một lãnh đạo cấp cao tại Anglo Irish, Matt Moran, gọi điện mắng ông. “Ông ta nói một tràng về việc ‘các nhà phát triển bất động sản đang vay mượn hiện giàu có tới nỗi họ chỉ đi vay để làm ơn cho ngân hàng chúng tôi mà thôi.’ Ông ấy muốn tranh luận nhưng cuối cùng chúng tôi lại đi ăn trưa cùng nhau. Suy cho cùng thì đây là Ireland mà.” Kelly cũng nhận được một loạt những lá thư với giọng điệu lo lắng từ giới tài chính ở London, nhưng ông không quan tâm. “Tôi có cảm giác rằng có một nhóm những nhà phân tích trong các thị trường tài chính cả ngày chỉ biết gửi những email đáng sợ cho nhau.” Ông không hề biết rằng bài báo nhỏ của mình đã có tác động như thế nào đối với những người quan tâm. Phải tới gần một năm sau, vào ngày 29/9/2008, Morgan Kelly mới trở thành đối tượng được quần chúng quan tâm đặc biệt. Cổ phiếu của ba ngân hàng lớn ở Ireland, Anglo Irish, AIB, và Ngân hàng Ireland, đã giảm xuống từ 1/5 tới 1/2 chỉ trong một phiên giao dịch, và các khoản tiền gửi ở đây bắt đầu thi nhau đội nón ra đi. Chính phủ Ireland chuẩn bị phải lên tiếng bảo đảm trách nhiệm của 6 ngân hàng lớn nhất. Lời lý giải khả dĩ nhất cho tất cả những sự việc này chính là câu chuyện của Morgan Kelly: nền kinh tế Ireland đã trở thành một mô hình Ponzi khổng lồ, và trên thực tế, quốc gia này đã phá sản. Nhưng câu chuyện này mâu thuẫn với câu chuyện mà cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo các ngân hàng Ireland đang ra sức tuyên truyền – tức là các ngân hàng chỉ gặp rắc rối về “thanh khoản” và Anglo Irish “về cơ bản vẫn an toàn” – tới nỗi hai bên không thể hòa đồng. Chính phủ đưa ra một báo cáo mới được chắp vá vội vàng của Merrill Lynch, nói rằng “tất cả các ngân hàng Ireland đều đang sinh lợi và có nguồn vốn dồi dào.” Sự khác biệt giữa dòng tư duy chính thức và tư duy của Kelly đã trở nên quá lớn và không thể dung hòa. Anh hoặc là tin bên này, hoặc là tin bên kia, và cho tới tận tháng 9/2008, thì ai lại đi tin một gã chỉ ru rú góc nhà, giết thời gian bằng cách viết về tác động của Kỷ Băng hà nhỏ đối với dân số Anh quốc? “Tôi đã lên sóng truyền hình,” Kelly nói. “Tôi sẽ không bao giờ làm như thế nữa.” Các đồng nghiệp của Kelly ở khoa kinh tế học tò mò theo dõi sự lột xác của ông từ một học giả nghiêm túc thành một gã kỳ dị khôi hài rồi thành một bậc thầy có tầm nhìn đáng kinh ngạc. Một trong số đó là Colm McCarthy, người đóng vai trò nổi bật trong việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ trong đợt suy thoái kinh tế của Ireland cuối những năm 1980, và nhờ đó mà ông đã kinh qua cả những sự kiện tài chính và công luận. Theo quan điểm của McCarthy, câu chuyện choán lấy tâm trí của người dân Ireland – và cả thái độ tiếp nhận của ông này đối với câu chuyện mà Kelly đang kể − đã thay đổi vào khoảng 10 giờ tối ngày 2/10/2008. Tối đó, người điều hành ngân hàng Ireland, một quan chức lâu năm tại Ngân hàng Trung ương tuổi lục tuần tên là Patrick Neary, lên sóng truyền hình trực tiếp toàn quốc để trả lời phỏng vấn. Người phỏng vấn tỏ ra đã đọc hết các bài viết của Morgan Kelly. Về phần mình, vị điều hành ngân hàng Ireland lại trông như kẻ bất đắc dĩ bị lôi khỏi cái hang mà ông ta rất muốn chui trở vào. Ông lắp bắp đưa ra những câu trả lời sáo rỗng cho những câu mà người ta không hỏi, và lờ đi những câu hỏi thực sự. Một hệ thống ngân hàng chính là một hành động của niềm tin: nó sẽ chỉ tồn tại chừng nào người ta còn tin là nó sẽ tồn tại. Hai tuần trước đó, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã phủ bóng đen nghi hoặc lên các ngân hàng ở khắp nơi. Các ngân hàng Ireland đã không được quản lý để trụ vững trước sự ngờ vực, mà chỉ được quản lý để khai thác niềm tin mù quáng. Giờ đây, người dân Ireland cuối cùng cũng được nhìn thấy một chút hình ảnh của gã có nhiệm vụ bảo vệ họ: người chú điên rồ vừa chui ra từ két sắt của gia đình. Ông ta ngồi đây, trong TV của mỗi gia đình, một mực khăng khăng rằng những vấn đề của các ngân hàng Ireland không dính dáng gì đến những khoản cho vay của họ cả… trong khi bất cứ ai có mắt đều có thể nhận thấy rõ, trong những tòa nhà chọc trời trống trải và trong những ngôi nhà không bóng người quanh họ, bằng chứng về những khoản cho vay không chỉ tồi tệ mà còn điên rồ. “Trên thực tế, mọi người ở Ireland trước đó đều có ý nghĩ là ở đâu đó trên đất nước này có một ông già nhỏ bé thông thái chịu trách nhiệm trông giữ tiền của cho họ, và đó là lần đầu tiên họ được nhìn thấy ông già nhỏ bé này,” McCarthy nói. “Và rồi khi nhìn thấy ông ta, họ thốt lên, Gã quái quỉ nào thế kia??? Đó là cái gã chết dẫm đang cầm tiền của mình đấy sao??? Và đó là khi mọi người hoảng sợ.” Vào buổi sáng hôm chính phủ Ireland định công bố một ngân sách mới tàn bạo, tôi ngồi trong hành lang dành cho khách viếng thăm ở quốc hội Ireland. Cạnh tôi là một trợ lý của Joan Burton, phát ngôn viên các vấn đề tài chính của Đảng Lao Động và là người có khả năng trở thành bộ trưởng tài chính tiếp theo của Ireland – một người thừa kế phi tự nhiên một đống lộn xộn khủng khiếp. Các ghế trong phòng hầu như để trống, ngoại trừ một nhóm chính trị gia, trong đó có cả Burton, đang ngồi tranh luận về chủ đề mà họ vẫn tranh luận không ngớt trong hai năm qua: cuộc khủng hoảng tài chính của đất nước. Điều đầu tiên bạn chú ý khi quan sát cách làm việc của quốc hội Ireland là các chính khách nói gì cũng lặp lại hai lần, một lần bằng tiếng Anh và một lần bằng tiếng Gaelic. Vì mọi người ở Ireland đều nói tiếng Anh, và đại đa số dân chúng không biết tiếng Gaelic, nên thành ra đây lại là một hành động khiên cưỡng gây mất thời gian. Tôi hỏi một số chính khách Ireland là họ có biết nói tiếng Gaelic không, và thế là tất cả đều nhìn tôi với vẻ khó chịu rồi đưa ra một câu trả lời mang tính phòng vệ:“Vừa đủ để nghe hiểu thôi”. Các chính khách ở Ireland nói tiếng Gaelic giống cách mà Các bà nội trợ chân chính của Quận Cam nói tiếng Pháp. Dĩ nhiên, hỏi câu “Vậy thì tại sao phải phí sức nói thứ tiếng đó làm gì?” lại thành ra bạn chẳng hiểu gì. Nhìn đâu bạn cũng thấy một bên là sự bắt chước người Anh, còn một bên là khát vọng – đôi khi đến mức cực đoan – tạo dựng sự khác biệt. Việc người Ireland, từ trên xuống dưới, khăng khăng thể hiện tính dân tộc của mình – họ tự hào cho rằng mình tận tụy với tổ quốc hơn các dân tộc khác trên thế giới – có chút gì đó ồn ào mà sáo rỗng. Ở tầng lớp trên là rất nhiều những công dân Ireland giàu có thốt ra tiếng yêu nước nhưng lại thu xếp sinh sống ở nơi khác để không phải trả tiền thuế ở Ireland; tầng lớp dưới là những làn sóng di cư đã định hình nên lịch sử dân tộc này. Người dân Ireland và đất nước họ giống như những cặp nhân tình mà niềm đam mê của họ được bồi đắp bởi sự hoài nghi rằng cái kết cuối cùng sẽ là sự chia ly. Vào ngày hôm đó, ngoài việc đợi thông báo ngân sách, Dáil – từ mà người Ireland dùng để gọi Viện Dân biểu của họ − đang có một nhiệm vụ có thể gây tranh cãi: biểu quyết xem có nên kêu gọi bầu cử để lấp bốn vị trí đang trống hay không. Đảng cầm quyền, Fianna Fáil, chiếm đa số nhờ hai ghế ít ỏi, và, vì mọi người đều tin rằng họ là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, nên chỉ đạt 15% phiếu ủng hộ. Nếu tổ chức bầu cử ngay, có lẽ họ đã bị hạ bệ − bản thân ý kiến này đã là một ý tưởng tiến bộ, bởi đảng này hầu như đã lãnh đạo Ireland kể từ ngày nhà nước Ireland độc lập được thành lập năm 1922. Nhưng họ lại thành công trong việc phản đối lời kêu gọi bầu cử cho các ghế trống, cho tới tận khi họ bị tước quyền vào tháng 2/2011. Một tiếng chuông cất lên báo hiệu giờ bầu cử, và các chính trị gia Ireland lũ lượt kéo vào phòng. Vài phút trước khi cuộc bầu cử diễn ra, các cánh cửa dẫn vào phòng họp đều đóng và được canh phòng. Chính khách đến muộn sẽ không được bầu cử. Có một hàng rào bằng kính chắn khu hành lang dành cho khách tham quan với phòng họp. Tôi hỏi người hướng dẫn viên du lịch về hàng rào đó. “Nó không dùng để ngăn chặn người dân ném các thứ vào chính phủ,” cô này nói, rồi sau đó cô giải thích cho tôi hiểu. Cách đây vài năm, một chính khách Ireland tới muộn, sau khi người ta đã đóng cửa phòng họp. Ông này chạy lên khu dành cho khách tham quan rồi nhảy xuống khu dành cho nhà báo ở cách đó 3m, rồi từ đó lại men theo bờ tường tụt xuống phòng họp. Họ cho phép ông bầu cử, nhưng sau đó dựng lên hàng rào bằng kính này. Họ phản đối những kẽ hở, song lại tưởng thưởng cho người nào có đủ tinh ranh để tận dụng chúng. Theo lời người hướng dẫn viên du lịch thì đây là một đặc tính rất Ireland. Người đầu tiên ngồi xuống là Bertie Ahern, thủ tướng Ireland từ tháng 6/1997 tới tháng 5/2008. Ông này nổi tiếng vì cả sự sắc sảo bản địa và cả những câu nói đặc biệt ngu ngơ, có thể khiến người ta phì cười khi nghe trích dẫn. Tony Blair đã ca ngợi ông là thiên tài khi ông đứng ra làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Bắc Ireland; thế nhưng, khi tìm cách lý giải cho cuộc khủng hoảng tài chính, ông này lại nói, “Lehman là một ngân hàng đầu tư quốc tế. Họ có tinh hoàn ở khắp mọi nơi.” Những ngày cuối tại nhiệm, Ahern chối đây đẩy rằng ông đã nhận hối lộ của những nhà phát triển bất động sản − ít nhất là một phần nào đó, bởi phần lớn những gì ông thực hiện tại chiếc ghế thủ tướng dường như chỉ có thể được lý giải theo cách họ đã đút tiền để ông làm như vậy. Nhưng rõ ràng là chính bản thân Bertie Ahern cũng tin tưởng vào điều kỳ diệu của bất động sản Ireland. Chẳng hạn, sau khi Morgan Kelly đăng tải bài báo dự đoán sự sụp đổ của các ngân hàng Ireland, khi được hỏi về bài báo này, Ahern đã nổi tiếng với câu trả lời:“Ngồi ngoài mà than vãn là để tuột mất cơ hội. Tôi không hiểu tại sao những người đó không tự tử đi cho rồi.” Giờ đây, Ahern chỉ là một chính khách bình thường với dáng vẻ thiểu não ăn năn và khuôn mặt nổi đầy những mạch máu đứt gãy. Ông vừa mới nhận một công việc thứ hai là viết bài cho một mục thể thao cho Tin thế giới để giết thời gian, tờ báo lá cải phát hành vào các Chủ nhật của Rupert Murdoch – có lẽ đây là công việc kém được trọng vọng nhất trong giới báo chí toàn cầu. Khi bong bóng bất động sản Ireland chuyển từ điều kỳ diệu sang thảm họa, vị thế của rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn cũng thay đổi theo. Một nhà môi giới chứng khoán người Ireland từng cho tôi biết nhiều cựu lãnh đạo ngân hàng, trong đó có một số người là khách hàng của anh này, “đã có vẻ ngoài khác hẳn xưa.” Anh vừa nhìn thấy cựu CEO của Liên minh Các ngân hàng Ireland, Eugene Sheehy, trong một nhà hàng và đang bị các thực khách khác châm chọc. Sheehy từng là một người lịch lãm và đầy tự tin với quyền lực không ai có thể phủ nhận. “Nhưng nếu anh nhìn thấy anh ta lúc này,” người bạn môi giới chứng khoán của tôi nói, “anh sẽ chạnh lòng mà muốn mua cho anh ta một cốc trà.” Xét theo nhiều góc độ, bong bóng bất động sản ở Ireland khác với phiên bản tại Mỹ. Nó không được ngụy trang, không đòi hỏi vô số những thủ đoạn tài chính phức tạp, vượt quá sự hiểu biết của người thường. Nó cũng không mang tính tư lợi. Tại Mỹ, các ngân hàng sụp đổ nhưng những nhân vật tai to mặt lớn trong đó vẫn kiếm được bội tiền; ở Ireland, họ chìm cùng các ngân hàng. Sean Fitzpatrick, một người xuất thân từ tầng lớp lao động rồi trở thành lãnh đạo ngân hàng, người đã có công gây dựng Anglo Irish từ những viên gạch đầu tiên, bị mọi người coi là kiến trúc sư trưởng cho thảm họa của Ireland: giờ đây ông này không chỉ phá sản mà còn không dám lộ mặt ở nơi công cộng. Bạn cứ nói tên ông ta thì sẽ thấy ngay cả những người chẳng quan tâm gì tới ngân hàng cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe, với vẻ khinh bỉ, việc ông ta đã giấu nhẹm hàng triệu euro mà ngân hàng của chính ông ta cho ông ta vay như thế nào. Nhưng điều mà họ không nhắc tới ở đây là những gì ông đã làm với số tiền đó: đầu tư vào trái phiếu của Anglo Irish! Khi ngân hàng này phá sản, Fitzpatrick được liệt kê vào hàng ngũ chủ nợ vì đã mua (vào thời điểm tháng 4/2008!) 5 triệu euro tiền trái phiếu ưu tiên thấp, lãi suất thả nổi của Anglo Irish. Các lãnh đạo hàng đầu của cả ba ngân hàng lớn đều hành động theo tinh thần tương tự: họ tiếp tục mua cổ phiếu của chính ngân hàng của mình cho tới tận khi chúng phá sản, và tiếp tục trả cổ tức như thể họ có dư tiền để đốt. Gần như mọi nhà phát triển bất động sản lớn ở Ireland, những người đã hành xử bất cẩn, đều ký bảo đảm cá nhân cho những khoản tiền họ vay. Nhiều người cho rằng chắc hẳn họ phải giấu hàng đống tiền ở đâu đó, nhưng các bằng chứng có được tới bây giờ cho thấy sự thực không phải thế. Hội đồng Bất động sản Ireland đã thống kê được 29 vụ tự tử của những nhà phát triển bất động sản kể từ sau khi thị trường này sụp đổ − và đây là quốc gia mà số lượng các vụ tự tử thường không được công bố và báo cáo không đầy đủ. “Tôi đã nói với bọn họ rằng, ‘Lúc nào cũng phải giấu bớt tiền đi.’ Nhưng chẳng có mấy người giấu tiền đi cả,” Dermont Desmond, một tỉ phú Ireland giàu lên nhờ phần mềm từ đầu thập niên 1990 nói. Giới người giàu mới ở Ireland có thể đã tạo ra một mô hình Ponzi, nhưng đó lại là mô hình mà bản thân họ đặt niềm tin vào. Một bộ phận đông đảo người dân Ireland, những người đã bỏ ra hàng đống tiền để mua nhà cửa, cũng tin như vậy. 87% người sở hữu nhà ở Irealand là con số cao nhất trên thế giới. Ở Ireland không có cái gọi là thế chấp không truy hồi: người đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua nhà không được phép giao lại chìa khóa nhà cho ngân hàng rồi phủi tay. Về mặt cá nhân, người này chịu trách nhiệm cho bất cứ thứ gì anh ta vay mượn. Trên khắp Ireland, người ta không thể tách ra khỏi ngôi nhà hay các khoản vay của họ. Người dân Ireland sẽ kể cho bạn biết do lịch sử bị truất hữu đáng buồn của họ, việc sở hữu một ngôi nhà không chỉ là cách giúp họ tránh được tiền thuê nhà mà còn là dấu hiệu của tự do. Trong cơn khao khát vươn đến tự do, họ lại tự xây nên nhà tù cho mình. Và những người cho họ vay tiền đã giúp họ làm điều đó. Trước khi tiếng chuông kết thúc vang lên, hai người đàn ông đã thuyết phục được người dân Ireland tin rằng họ không chỉ là người chịu trách nhiệm cho những quyết định tài chính sai lầm của bản thân mà còn cho những quyết sách sai lầm của các ngân hàng xuất hiện trong phòng: đó là Thủ tướng Brian Cowen và Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan. Cùng với lãnh tụ đảng đối lập, và một nhân vật thứ ba nắm quyền trong đảng của họ, cả Cowen và Lenihan đều là con cái của những chính khách đã qua đời khi đang tại nhiệm: chính trường Ireland là một câu chuyện gia đình. Cowen cũng tình cờ là bộ trưởng tài chính từ năm 2004 cho tới giữa năm 2008 – giai đoạn xuất hiện hầu hết các sự kiện đáng buồn. Ông rõ ràng không phải là một lãnh tụ. Các cử động của ông chậm chạp và kỳ quặc, khuôn mặt cứng đờ do béo phì, khi ở trạng thái nghỉ ngơi tự nhiên, ông vẫn toát lên vẻ hoang mang bối rối. Một buổi sáng cách đó vài tuần, ông lên sóng phát thanh toàn quốc với một giọng nói của người say rượu, theo các đôi tai vốn đã được đào tạo kỹ càng của người Ireland. Đối với đôi tai kém được rèn luyện hơn như của tôi, giọng nói của ông chỉ đơn thuần có phần run run, nhưng công chúng không còn tâm trạng nào để tha thứ cho ông. (Đã có bốn người Ireland nói với tôi, một cách quả quyết, rằng Cowen từng gửi fax một khoản bảo lãnh ngân hàng trị giá 440 tỉ euro tới Ngân hàng Trung ương châu Âu từ một quán rượu.) Sự thực là, nếu bạn phải nhào nặn một người sao cho khi người khác nhìn vào sẽ biết đó là kẻ đã say quắc cần câu, thì có lẽ bạn cũng khó mà tạo ra được người nào khá hơn vị thủ tướng Ireland đó. Brian Lenihan, người đi theo vết xe chậm chạp của Cowen, thì trông như một vận động viên 10 môn phối hợp đang vận động hết công suất. Vào ngày hôm đó, thật khó tin nhưng lại dễ đoán, Quốc hội Ireland quyết định không tổ chức bầu cử ba trong số bốn ghế còn trống. Họ hoãn họp, sau đó tôi có một giờ tiếp xúc với Joan Burton. Trong số những đảng phái lớn ở Ireland, Đảng Lao động đưa ra những ý kiến gần nhất với cái gọi là sự bất đồng chính kiến và sự phê bình đối với chủ nghĩa tư bản Ireland. Là một trong số vẻn vẹn 18 thành viên của Hạ viện biểu quyết phản đối bảo lãnh các khoản nợ của các ngân hàng, Burton vẫn giữ được uy tín hiếm hoi. Và trong suốt một giờ bàn luận hết chuyện này đến chuyện kia, bà tạo cho tôi ấn tượng về một con người thẳng thắn, thông tuệ, và nhìn chung thì bà nói toàn những tin tốt. Nhưng vai trò của bà trong tấn bi kịch ở Ireland thì cũng rõ ràng chẳng kém gì vai trò của Morgan Kelly: bà giống như một người mẹ già sắc sảo mà không đứa con nào chịu nghe lời. Giọng điệu của bà cùng những câu cảm thán với âm vực cao làm sởn gai ốc của mọi đàn ông Ireland – tới nỗi mà người ta đem giọng bà ra nhại lại trên sóng phát thanh toàn quốc. Giờ đây, khi tôi hỏi bà có hành động nào khác biệt với những gì mà chính phủ Ireland đang làm, thì ngay cả bà cũng khựng lời. Giống như mọi chính khách khác của Ireland, bà hiện phụ thuộc vào những điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. Món nợ của các ngân hàng Ireland lúc này đã trở thành món nợ của chính phủ, và bất kỳ lời bóng gió nào về việc phá sản cũng sẽ chỉ càng làm gia tăng chi phí vay mượn ngoại tệ − thứ mà giờ đây nếu thiếu nó, họ sẽ không sống nổi. “Anh có biết không, người dân Ireland giờ đây đã là các chuyên gia về trái phiếu rồi đấy!” Burton nói. “Đúng vậy, giờ họ nói 100 điểm cơ bản thay vì 1%! Họ đã phát minh ra một kho từ vựng mới rồi đấy!” Khi mức độ tổn thất ở Ireland ngày càng rõ hơn, các nhà đầu tư riêng càng ngần ngại gửi dù chỉ những khoản tiền gửi chớp nhoáng vào các ngân hàng Ireland, và họ đã hoàn toàn không còn mặn mà với việc mua các trái phiếu ngân hàng dài hạn. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lặng lẽ lấp vào khoảng trống đó: một trong những số liệu được giám sát chặt chẽ nhất ở châu Âu chính là lượng tiền mà Ngân hàng Trung ương châu Âu cho các ngân hàng lớn ở Ireland vay. Cuối năm 2007, khi sự ngờ vực vẫn chưa phủ bóng xuống các thị trường, những ngân hàng này đã vay 6,5 tỉ euro. Tới tháng 12/2008 con số này nhảy vọt lên tới 45 tỉ. Vào thời điểm Burton nói chuyện với tôi, con số này vẫn tiếp tục tăng, từ khoảng 86 tỉ tới đỉnh cao mới là 97 tỉ. Tức là, từ tháng 11/2007 tới tháng 10/2010, các ngân hàng Ireland đã vay 97 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu để trả cho các chủ nợ riêng. Vào tháng 9/2010, món tiền lớn cuối cùng mà các ngân hàng Ireland vay từ những người mua trái phiếu – 26 tỉ euro – đáo hạn. Khi thanh toán đầy đủ cho những người mua trái phiếu này, thì cũng là lúc cánh cửa cơ hội cho chính phủ Ireland khép lại. Lúc này, sự vỡ nợ của các ngân hàng không nhằm vào các nhà đầu tư riêng lẻ nữa mà sẽ trở thành những hóa đơn gửi thẳng tới cho các chính phủ châu Âu. Nhân tiện, đây cũng là lý do có nhiều khách ngoại quốc dáng vẻ trịnh trọng tới Dublin ăn tối một mình như vậy. Họ tới đây để bảo đảm rằng sẽ có ai đó lấy lại tiền về cho họ. Một phép đo để biết xem người Ireland không dám hình dung tới việc chọc giận các lãnh đạo tài chính nước ngoài như thế nào là sự nhanh chóng từ chối bàn về vấn đề phá sản của Burton. Bà không phải chịu trách nhiệm nào cho các khoản nợ tư nhân của các ngân hàng, nhưng khi chúng tôi chỉ vừa mới chạm tới khả năng phủi trách nhiệm trước chúng, thì bà vội lảng sang chuyện khác. Thực ra thì bà đứng dậy và đi chỗ khác. “Ôi, tôi phải đi rồi,” bà nói. “Tôi phải tới gặp ông bộ trưởng tài chính để báo tin xấu đây.” Lenihan đã triệu tập một cuộc họp riêng với đảng đối lập, và họ sẽ là những người đầu tiên được biết về ngân sách “hút máu” mới của Ireland. Cuộc họp này không được tổ chức ở Quốc hội, nơi báo chí bị cách ly, mà ở một tòa nhà gần đó, nơi báo chí được phép tụ tập. “Chúng tôi đã tìm cách tổ chức họp ở đây, nhưng ông ta lại chuyển nó ra bên ngoài,” Burton nói. “Ông ta đã tìm cách đưa chúng tôi vào đó để thông báo tin xấu cho chúng tôi trước, rồi từ đó khi bước ra khỏi phòng họp chúng tôi sẽ là người thông báo tin đó cho báo giới.” Bà mỉm cười. “Ông ta quả thực quá ranh ma.” Brian Lenihan là chính khách cuối cùng còn sót lại ở Ireland không bị người dân trên đường phố Dublin miệt thị hay chê cười khi xuất hiện. Ông nhậm chức chỉ vài tuần trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, nhờ đó mà ông không bị chỉ trích là người đã tạo mầm mống cho nó. Ông là luật sư, không phải người của giới tài chính hay bất động sản, và ông đã chứng minh được năng lực kiếm tiền tốt mà không cần tới những khoản hối lộ của các nhà phát triển bất động sản. Ông xuất thân từ một gia đình dòng dõi chính khách, được đánh giá là đã phụng sự đất nước một cách đáng trân trọng, hoặc không dùng chính trị để mưu lợi cho bản thân. Vào tháng 12/2009, ông bị chẩn đoán mắc ung thư tụy. Bất kỳ ai ở gần một gia đình công giáo Ireland đều biết rằng thành viên công giáo mới gặp một loạt vận rủi gần đây nhất là người có được địa vị đáng tôn kính – ông ta có quyền được làm gần như bất cứ điều gì mình mong muốn trong khi những người khác chỉ biết bẽn lẽn trong im lặng. Kể từ khi tin tức về bệnh tình của Lenihan lan ra – chỉ vài ngày sau khi bản thân ông được biết về điều đó, và trước khi ông kịp thông báo với con cái – ông đã giảm thiểu được những gì mình phải chịu đựng. Việc lãnh đạo khi kết quả của các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Ireland có cảm tình với vị bộ trưởng tài chính nhiều hơn so với các chính khách khác trong đảng của ông là một sự ngầm hiểu của nhiều người về sự dũng cảm của ông. Brian Lenihan, theo như Joan Burton đã chỉ ra, cũng là người tinh ranh. Lúc đó đã là gần 8 giờ tối khi tôi gặp ông trong một phòng họp ở Vụ Tài chính. Ông đã dành hầu như cả ngày để biện luận trước các chính khách Ireland về những khoản cắt giảm chi tiêu và tăng thuế gắt gao nhất trong lịch sử quốc gia này, trong đó ông không hề nêu chi tiết về việc ai sẽ bù đắp cho những tổn thất của ngành ngân hàng. (Ông đợi cho tới sau khi tổ chức cuộc bầu cử phụ được Viện Dân biểu chấp thuận.) Ông mỉm cười. “Tại sao mọi người lại quan tâm quá tới Ireland như vậy?” ông hỏi với một vẻ khá ngây thơ. “Thực sự là đang có một sự quan tâm thái quá đối với chúng tôi.” “Phải chăng bởi các ông rất thú vị?” tôi nói. “Ồ không,” ông trả lời một cách nghiêm túc. “Chúng tôi nào thú vị gì, thật đấy.” Ông quay sang nói về sự sụp đổ của nền kinh tế Ireland, cố gắng khiến nó trở thành sự kiện buồn tẻ nhất có thể. Cái trách nhiệm xã hội kỳ cục này – bình thường hóa một sự kiện bất thường – hiện là một phần công việc có ý nghĩa của một bộ trưởng tài chính Ireland. Ông bác thần kinh nhảy từ dưới hầm lên, bà dì quá chén lảo đảo bước vào phòng khách – và rồi, trước mặt toàn thể gia đình cùng nhiều vị khách quý, cả hai cầm dao lao vào đâm chém nhau. Lúc này người bố lại phải lên tiếng trấn an những người đang tận mắt chứng kiến, rằng cái cảnh tượng ấy không giống như những gì họ nhìn thấy. Nhưng bằng chứng cho thấy một chuyện kỳ quặc tột cùng vừa mới diễn ra ở Ireland vẫn còn quá rõ ràng. Cách chiếc bàn nơi chúng tôi ngồi trong phòng họp khoảng 2km, ta vẫn còn có thể tìm thấy hai cái hố to đùng, xuất hiện từ hai năm về trước, nơi người ta định xây các công viên văn phòng. Những tòa nhà chọc trời được trang bị tiện nghi đầy đủ đứng đìu hiu, nước đọng thành vũng trên các hành lang. Có một khung tòa tháp, cần cẩu nằm hai bên sườn như những dấu ngoặc đơn. Đây là nơi dự định là văn phòng của Ngân hàng Anglo Irish. Một khu trung tâm báo chí mới vắng hoe trị giá 75 triệu euro, chưa từng được lắp đặt đường ống thoát nước. Một khu chứa rác mà vào năm 2006 từng có một nhà phát triển bất động sản trả tới 412 triệu euro – giờ đây, nếu cộng cả chi phí dọn dẹp, giá của nó sẽ vào khoảng âm 30 triệu euro. “Ireland rất bất thường,” William Newsom, người từng có 40 năm kinh nghiệm định giá bất động sản thương mại cho tập đoàn Savills ở London, cho hay. “Có vô vàn các vùng có giấy phép xây dựng nhưng chưa được phát triển hoặc các khu vực đang phát triển dở dang nhưng không hề có chút giá trị thực nào.” Đỉnh điểm cơn điên rồ của Ireland như chững lại trước dòng chảy thời gian để tất cả chúng ta cùng ngắm nghía. Thậm chí còn có cả một nhà hàng Starbucks vắng ngắt, tọa lạc ngay giữa một khu dự định trở thành trung tâm tài chính toàn cầu hòng cạnh tranh với London. Ngài bộ trưởng tài chính lẽ ra đã có thể đứng ngay trước thành phố Pompeii mà phán rằng cái núi lửa đó chẳng đáng nhắc đến làm gì. Chẳng qua chỉ có một nhúm dung nham mà thôi! “Đây không phải là Iceland,” đó là nguyên văn lời ông nói. “Chúng tôi không phải là một quỹ đầu cơ của 300.000 nông dân và ngư dân. Ireland sẽ không quay trở lại thời kỳ những năm 80 hay 90. Đây là một nhóm nhỏ hơn rất nhiều.” Và sau đó, ông tuôn ra một tràng độc thoại với nội dung chính là: các vấn đề của Ireland có thể hóa giải được, và tôi đang kiểm soát được tình hình. Tuy vậy, quay trở lại hồi tháng 9/2008, có bằng chứng đã phản bác lại lời nói của ông. Ngày 17/9, các thị trường tài chính bị xáo trộn. Lehman Brothers đã sụp đổ hai ngày trước đó, và cổ phiếu của các ngân hàng Ireland lúc này đang tụt dốc không phanh, trong khi các công ty lớn thi nhau rút tiền về. Tối muộn hôm đó, Lenihan gọi điện cho David McWilliams, một cựu chuyên gia phân tích nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư UBS tại Zurich và London khi đó đã quay về quê hương Dublin rồi chuyển sang nghề viết lách và trở thành một nhân vật có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông. McWilliams từng lên tiếng nghi ngờ quả bong bóng bất động sản Ireland. Hai tuần trước đó, ông xuất hiện cùng Lenihan trong một chương trình truyền hình, và ông cảm thấy Lenihan lúc ấy dường như không mảy may bận tâm tới những xáo trộn ở các thị trường tài chính. Giờ đây ông lại muốn đích thân ra khỏi nhà và xin McWilliams tư vấn việc nên làm gì với các ngân hàng Ireland. Tình huống kỳ cục này xuất hiện trong cuốn sách hớ hênh một cách dễ thương của McWilliams, Fllow the Money (tạm dịch: Theo dấu đồng tiền). Lenihan đến nhà McWilliams, cách Dublin 45 phút lái xe, tiến thẳng vào bếp rồi lôi khỏi túi áo một nắm tỏi sống to đùng. “Mở đầu câu chuyện, ông nói rằng nếu các quan chức dưới quyền biết ông tới nhà tôi như thế này, thì chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra,” McWilliams viết. Vị bộ trưởng tài chính ở lại tới 2 giờ sáng, vừa bóc tỏi sống ăn vừa bồn chồn hỏi thông tin từ McWilliams. McWilliams có cảm giác rằng ngài bộ trưởng không hoàn toàn tin tưởng vào những lời tư vấn mà ông nhận được từ những người xung quanh – và ông không chỉ lo lắng mà còn rối trí. McWilliams nói với tôi rằng ông cảm thấy trạng thái tinh thần của cả Bộ Tài chính lúc đó là “cực cùng lộn xộn”. Một tuần sau, Bộ Tài chính Ireland thuê các lãnh đạo ngân hàng đầu tư ở Merrill Lynch tới tư vấn. Có thể một vài người sẽ nói, nếu anh phải thuê Merrill Lynch tư vấn vào năm 2008 thì có nghĩa là rắc rối đã “sờ gáy” anh rồi đấy, nhưng nói thế thì chưa thực sự công bằng cho lắm. Chuyên gia phân tích ngân hàng có vị trí nổi bật nhất và rất quan tâm tới các ngân hàng Ireland làm việc cho Merrill Lynch. Tên anh là Philip Ingram. Ở độ tuổi gần 30, và tính khí có phần kỳ quặc – khi còn học tại Đại học Cambridge, anh đã chuẩn bị cho mình một sự nghiệp trong ngành động vật học – Ingram đã làm được một điều hữu ích có một không hai. Anh đã chiếu một ánh sáng mới vào cách các ngân hàng Ireland cho vay mua bất động sản thương mại. Thị trường cho vay mua bất động sản thương mại nhìn chung ít minh bạch hơn thị trường cho vay mua nhà. Các giao dịch giữa ngân hàng và nhà phát triển bất động sản chỉ mang tính tạm thời, dựa trên những điều khoản mà chỉ một số ít người trong cuộc biết. Khi vay mượn, cả bên cho vay lẫn bên đi vay bao giờ cũng tự nhận mình thận trọng, và chuyên gia phân tích ngân hàng chỉ còn cách họ nói sao thì tin vậy. Song Ingram lại nghi ngờ các ngân hàng Ireland. Anh đã đọc các bài báo của Morgan Kelly, thậm chí từng tới văn phòng Kelly ở Trường Đại học College thăm ông. Trong mắt của Ingram dường như có một sự khác biệt lớn giữa lời nói và hành động của các ngân hàng Ireland. Để có được phát hiện đó, anh đã bỏ ngoài tai những lời họ nói và đi tìm gặp những con người hiểu biết trong thị trường bất động sản thương mại. Anh đã phỏng vấn họ như một phóng viên thực thụ. Vào ngày 13/3/2008, 6 tháng trước khi mô hình Ponzi bất động sản của Ireland sụp đổ, Ingram cho xuất bản một báo cáo chỉ gồm những lời trích dẫn nguyên văn mà những người trong ngành chia sẻ với anh về hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với những nhà phát triển bất động sản thương mại. Các ngân hàng Ireland đang thực hiện những khoản cho vay có mức độ rủi ro cao gấp nhiều lần ở Ireland so với chính họ ở Anh, nhưng ngay cả tại Anh, báo cáo tiết lộ, họ cũng là những nhà cho vay điên rồ nhất: xét theo thứ tự thì đầu tiên là Anglo Irish, tới Ngân hàng Ireland, và AIB. Bản báo cáo trên của Merrill Lynch, trong một vài giờ ngắn ngủi, đã trở thành bài viết được quan tâm nhất trên các thị trường tài chính London, cho tới khi Merrill Lynch rút xuống. Merrill là nhà bảo hiểm chính cho các trái phiếu của Anglo Irish, và là nhà môi giới công ty cho AIB. Họ đã kiếm được bộn tiền nhờ vào sự đi lên của hệ thống ngân hàng Ireland. Không lâu sau khi Phil Ingram ấn nút “Gửi” bản báo cáo của mình, các ngân hàng tới tấp gọi điện cho các đại diện Merrill Lynch giao dịch với họ, dọa sẽ hợp tác với công ty khác. Lần này, cũng chính vị lãnh đạo ngân hàng Anglo Irish từng gọi điện mắng Morgan Kelly gọi cho một chuyên gia nghiên cứu phân tích của Merrill để lớn tiếng nạt nộ hơn nữa. (“Tôi nghĩ công trình của các anh là một đống bỏ đi!”). Cấp trên của Ingram tại Merrill Lynch đã lôi anh vào các cuộc họp với các luật sư nội bộ; những người này đã viết lại bản báo cáo của anh, loại nó khỏi thứ tiếng mà nó nhắm đến cùng lời trích dẫn của những người hoạt động trong ngành bất động sản, trong đó họ đề cập rất nhiều đến các ngân hàng Ireland. Cấp trên trực tiếp của Ingram trong ban nghiên cứu, Ed Allchin, buộc phải xin lỗi từng nhà đầu tư ngân hàng vì rắc rối mà anh đã gây ra cho họ. Và kể từ giây phút đó trở đi, tất cả những gì Ingram viết về các ngân hàng Ireland đều được các luật sư Merrill Lynch viết lại và kiểm duyệt. Cuối năm 2008, Merrill sa thải anh. Các nhà đầu tư ngân hàng của Merrill Lynch hẳn cũng không thể không biết, ở một mức nào đó, rằng, trong một thị trường liều lĩnh, các ngân hàng Ireland đã hành xử với mức độ liều lĩnh riêng của họ. Thế nhưng, trong biên bản ghi nhớ dài 6 trang gửi cho Brian Lenihan – những người nộp thuế Ireland đã trả 7 triệu euro cho Merrill Lynch để có bản ghi nhớ đó – họ đã giữ lại mọi mối nghi ngờ có thể xuất hiện trong đầu họ. “Tất cả các ngân hàng Ireland đều sinh lợi và có nguồn vốn dồi dào,” các nhà tư vấn Merrill Lynch viết, và chuyển sang nói rằng vấn đề của họ không hề nằm ở những khoản nợ xấu mà xuất phát từ nỗi sợ hãi trên thị trường. Bản ghi nhớ của Merrill Lynch còn liệt kê một số câu trả lời mà chính phủ Ireland có thể nhận được khi băn khoăn về xu hướng của các ngân hàng Ireland. Nó không thẳng thắn đưa ra khuyến nghị nên áp dụng đường hướng nào, nhưng những phân tích của họ ám chỉ rằng điều tỉnh táo nhất nên làm là hãy bảo lãnh cho các ngân hàng này. Suy cho cùng thì các ngân hàng đều “về cơ bản là an toàn.” Hãy cứ hứa là sẽ trang trải hết các tổn thất, rồi thị trường sẽ nhanh chóng ổn định – và các ngân hàng Ireland sẽ quay trở lại trạng thái hoàn hảo trước kia. Vì sẽ không có tổn thất nào cả, nên lời hứa đó sẽ được miễn trách nhiệm. Thú vị ở chỗ, người ta đã nói chính xác câu gì trong cuộc họp tối 29/09/2008 hiện vẫn là một bí mật. Chính phủ đã từ chối các yêu cầu trong Đạo luật Tự do Thông tin về việc ghi chép lại các phát biểu của những người tham gia. Ngoài vị thủ tướng và các nhà quản lý ngân hàng, những người duy nhất có mặt tại bàn họp trong Bộ Tài chính hôm đó là các lãnh đạo của hai ngân hàng Ireland khi đó vẫn chưa bị hạ bệ: AIB và Ngân hàng Ireland. Rõ ràng, họ hoặc là đã nói dối Brian Lenihan về mức độ tổn thất của mình, hoặc chính bản thân họ cũng không hề hay biết. Hoặc cả hai. “Lúc đó tất cả bọn họ đều nói cùng một giọng,” một nhà phân tích ngân hàng người Ireland kể với tôi. “Chúng ta không có khoản nợ dưới chuẩn nào cả.” Ý họ là họ đã tránh cho vay đối với những người vay nợ dưới chuẩn ở Mỹ; nhưng điều họ phớt lờ không nhắc đến là, trong cơn hỗn độn chung, tất cả đất nước Ireland đã trở thành một khối nợ dưới chuẩn. Những người dân Ireland đi vay vốn tỉnh táo bỗng đờ người trước món tiền mà họ đã vay để mua các bất động sản bị bơm giá. Hậu quả kỳ lạ nhất của bong bóng Ireland là ở chỗ: nó đưa một quốc gia đã ngoi lên khỏi tình trạng nô lệ kéo dài hàng thế kỷ trở về tình trạng lệ thuộc. Bản báo cáo của Merrill Lynch khẳng định rằng các ngân hàng “về cơ bản là an toàn” đã củng cố thêm cho những gì mà các ngân hàng kể cho vị bộ trưởng tài chính của họ nghe. Nhà quản lý ngân hàng của chính phủ Ireland, Patrick Neary, thuật lại nhận xét của Merrill. Morgan Kelly vẫn là một gã hề mọt sách; không có ai suy nghĩ nghiêm túc về ông mà có mặt trong căn phòng khi đó. Cổ phiếu của Anglo Irish đã giảm 46% trong ngày hôm đó; còn cổ phiếu của AIB giảm 15%; một khả năng rất có thể xảy ra là khi sàn giao dịch chứng khoán mở cửa, một hoặc cả hai ngân hàng này đều sẽ ngừng hoạt động. Trong cơn hoảng loạn chung, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, các ngân hàng khác có lẽ cũng đã sụp đổ theo Anglo Irish. Lenihan đứng trước một sự lựa chọn: Ông nên tin tưởng vào những người trực tiếp ở cạnh ông hay tin vào các thị trường tài chính? Ông nên tin gia đình hay các chuyên gia? Ông đã chọn gia đình. Ireland đưa ra lời hứa. Và lời hứa đó đã nhấn chìm Ireland. Ngay cả tại thời điểm đó, quyết định đó của ông dường như cũng khá kỳ quặc. Các ngân hàng Ireland, cũng như các ngân hàng lớn ở Mỹ, đã cố gắng thuyết phục rất nhiều người tin rằng các ngân hàng có mối gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế tới mức sự sụp đổ của họ sẽ kéo theo sự sụp đổ của rất nhiều thứ khác nữa. Nhưng thực tế không phải vậy, ít nhất là không phải tất cả các ngân hàng đều như thế. Ngân hàng Anglo Irish chỉ có 6 chi nhánh, không có cây ATM nào, và cũng không có mối quan hệ hữu cơ nào với hoạt động kinh doanh của người Ireland ngoại trừ các nhà phát triển bất động sản. Họ đưa tiền cho người ta vay để mua đất rồi xây dựng: đó là tất cả những gì họ làm. Họ cho vay bằng đồng tiền họ đi vay từ nước ngoài. Về bản chất, nó không ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Hệ thống chỉ bị ảnh hưởng khi các khoản thua lỗ của nó bị buộc trở thành các khoản thua lỗ của mọi người. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu người Ireland muốn cứu các ngân hàng của mình, thì tại sao họ lại không chỉ bảo lãnh các khoản tiền gửi mà thôi? Có một sự khác biệt lớn giữa người gửi tiền và người giữ trái phiếu: người gửi tiền có thể bỏ đi. Mối nguy hiểm trực tiếp đối với các ngân hàng là người gửi tiền có thể sẽ rút tiền, và ngân hàng sẽ không còn tiền nữa. Trái lại, các nhà đầu tư sở hữu khối trái phiếu trị giá tới gần 80 tỉ euro của các ngân hàng Ireland lại bị mắc kẹt lại. Họ không thể lấy tiền ra khỏi ngân hàng. Và số tiền 80 tỉ euro của họ, gần như có thể đủ để trang trải các khoản thua lỗ của các ngân hàng này. Những nhà đầu tư trái phiếu tư nhân không có quyền yêu cầu chính phủ Ireland phải hoàn tiền đầy đủ cho họ. Họ thậm chí cũng không trông chờ chính phủ Ireland hoàn tiền đầy đủ cho mình. Trước đó không lâu, tôi có nói chuyện với một cựu chuyên gia buôn trái phiếu cao cấp của Merrill Lynch; vào ngày 29/09/2008, anh này còn sở hữu một lượng trái phiếu lớn của một ngân hàng Ireland. Anh đã tìm cách bán chúng lại cho ngân hàng đó với giá 50 xen ăn 1 đô-la – tức là, anh chủ động chấp nhận một khoản lỗ lớn, chỉ mong được thoát khỏi đó. Buổi sáng ngày 30/09, anh tỉnh dậy và thấy đống trái phiếu của mình có giá tới 100 xen ăn 1 đô-la. Chính phủ Ireland đã bảo lãnh chúng! Anh không thể tin nổi vào vận may của mình. Câu chuyện này tái diễn nhiều lần trên khắp các thị trường tài chính. Những người từng đem tiền đi đầu tư vào chỗ sai lầm và không còn hy vọng được thấy lại đồng tiền của mình thì nay đã được nhận tiền về − từ những đồng tiền thuế của người dân Ireland. Giờ đây, khi đã biết tổn thất của các ngân hàng Ireland là một con số lớn kỷ lục trên thế giới, thì cái quyết định bảo lãnh nó không chỉ kỳ cục mà đó còn là một hành động tự sát. Một nhóm các lãnh đạo ngân hàng Ireland vướng vào những khoản nợ mà họ không bao giờ có thể trả nổi – với mức tổng gần 100 tỉ euro. Có thể họ không biết mình đang làm gì, nhưng họ vẫn cắm đầu làm. Các món nợ của họ chỉ mang tính chất cá nhân – đó là các món nợ của họ đối với các nhà đầu tư trên thế giới − nhưng người dân Ireland vẫn chấp nhận trả nợ như thể chúng là trách nhiệm của nhà nước vậy. Trong suốt 2 năm, họ đã còng lưng chống chịu cái gánh nặng bất khả thi đó mà không hề có một lời phản kháng nào. Không chỉ có thế, tất cả các quyết sách của chính phủ ra đời từ sau ngày 29/09/2008 đều càng làm cho cái lưỡi câu móc chặt hơn vào miệng người dân Ireland. Tháng 1/2009 chính phủ Ireland tiến hành quốc hữu hóa Anglo Irish cùng khoản thua lỗ 34 tỉ euro (và còn tiếp tục tăng) của nó. Cuối 2009, họ lập ra Ban Quản lý Tài sản Quốc gia – phiên bản Ireland của Chương trình Cứu trợ Tài sản gặp Rắc rối (TARRP) – nhưng, khác với chính phủ Mỹ, họ lại theo đuổi đến cùng và mua trọn đống tài sản bỏ đi trị giá 80 tỉ euro của các ngân hàng Ireland. Chỉ một quyết định đã nhấn chìm Ireland, nhưng khi tôi hỏi Lenihan về chuyện đó thì ông lại nổi cáu, như thể đấy không phải là chủ đề mẫu mực cho một cuộc nói chuyện vậy. Ông cho biết, đó không giống một quyết định, bởi ông không có sự lựa chọn nào cả. Các quy định trên thị trường tài chính của Ireland được xây dựng dựa theo luật pháp của nước Anh, mà theo luật pháp Anh thì người sở hữu trái phiếu cũng được hưởng chung điều kiện như người gửi tiền thông thường. Tức là, bảo vệ những người có những khoản tiền gửi nhỏ trong ngân hàng mà không bảo vệ những nhà đầu tư lớn sở hữu trái phiếu ngân hàng Ireland là trái luật. Điều này gợi cho chúng ta nhớ tới một chuyện khác. Khi Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, Hank Paulson, nhận ra nếu ông để cho Lehman Brothers sụp đổ thì hành động này sẽ không được đánh giá là dũng cảm hay có nguyên tắc mà là thảm họa, thì bản thân ông cũng lên tiếng rằng ông làm như thế do luật pháp không cho phép ông lựa chọn. Vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, Paulson đã quên không nhắc đến luật pháp, cũng như Lenihan mãi về sau mới nói rằng luật pháp yêu cầu ông phải bồi hoàn tiền cho những cá nhân đã cho các ngân hàng vay. Trong cả hai trường hợp, lời giải thích đó đều tuân thủ đúng pháp luật: đúng theo nghĩa hẹp, nhưng sai ở nghĩa rộng. Chính phủ Ireland, nếu muốn, lúc nào cũng có quyền bắt cả những bên nắm giữ trái phiếu lớn phải chịu tổn thất. “Những người ở bên trên đã quên mất rằng chính phủ cũng có quyền lực,” Morgan Kelly nói. “Anh có thể sai khiến người khác. Anh có thể bắt họ đi tới chỗ chết. Anh có thể thay đổi luật pháp.” Ngày 30/09/2008, khi mọi chuyện đang lên mức cao trào, Lenihan đã đưa ra lập luận tương tự như Merrill Lynch nhằm bảo lãnh cho các khoản nợ của các ngân hàng: để ngăn chặn “ảnh hưởng xấu.” Hãy đi nói với các thị trường tài chính rằng khoản nợ của ngân hàng Ireland chính là khoản nợ mà chính phủ Ireland sẽ gánh, và thế là các nhà đầu tư sẽ trấn tĩnh lại. Vì ai lại đi nghi ngờ uy tín của chính phủ Ireland cơ chứ? Sau đó vài tháng, khi bắt đầu rộ lên mối nghi ngờ rằng tổn thất của các ngân hàng lớn tới mức nó có thể làm phá sản cả chính phủ Ireland, thì Lenihan lại đưa ra một lý do mới biện hộ cho món quà của chính phủ dành tặng các nhà đầu tư riêng lẻ: các trái phiếu do các ngân hàng tiết kiệm Ireland sở hữu. Tính cho tới thời điểm đó thì đường lối của chính phủ vẫn là một mực khăng khăng họ không biết ai sở hữu những trái phiếu đó. Giờ đây họ lại nói rằng nếu chính phủ Ireland không gánh vác những tổn thất ấy, thì những người gửi tiền tiết kiệm ở Ireland sẽ phải trả giá. Nói cách khác, là người Ireland giải cứu người Ireland. Điều này là không đúng sự thật, và nó đã làm dấy lên những tiếng nói giận dữ từ phía các ngân hàng tiết kiệm Ireland. Họ nói rằng họ không sở hữu những trái phiếu đó, và họ phản đối việc chính phủ trao một món quà lớn như vậy cho những người sở hữu chúng. Một blog điều tra tài chính có tên Guido Fawkes, bằng cách nào đó, đã lấy được danh sách các bên sở hữu trái phiếu: đó là các ngân hàng Đức, các ngân hàng Pháp, các quỹ đầu tư Đức, Goldman Sachs. (Vâng, đúng vậy: người dân Ireland cũng đã phải làm tròn bổn phận của mình với cả Goldman.) Trên khắp châu Âu lúc này những người từng nghĩ rằng chức danh của họ là “bộ trưởng tài chính” đã tỉnh mộng và thấy rằng, công việc của họ, trên thực tế, là người buôn bán trái phiếu cho chính phủ. Tổn thất của các ngân hàng Ireland rõ ràng đã khiến đất nước Ireland phá sản, nhưng vị bộ trưởng tài chính Ireland lại không muốn nhắc tới chuyện đó. Thay vào đó, ông đã vài lần nói với tôi rằng Ireland “có nguồn vốn dồi dào” cho tới mùa hè sang năm. Tức là, chính phủ Ireland có đủ tiền mặt trong ngân hàng để thanh toán cho tới tháng 7 năm sau. Nhưng thực tế phũ phàng là kể từ tháng 9/2008 Ireland đã càng lúc càng phụ thuộc vào các chủ nợ. Để tồn tại, các ngân hàng Ireland – lúc này nằm dưới sự sở hữu của chính phủ Ireland – đã phải nhận những khoản cho vay ngắn hạn trị giá 85 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Chỉ trong vòng một tuần lễ nữa Lenihan sẽ, theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, buộc phải mời IMF tới, từ bỏ quyền kiểm soát các vấn đề tài chính của Ireland, và chấp nhận một gói giải cứu. Công chúng Ireland vẫn chưa biết điều này, nhưng, ngay cả khi ngài bộ trưởng tài chính và tôi ngồi nói chuyện trong phòng họp của ngài, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không còn hứng thú với việc cho các ngân hàng Ireland vay mượn nữa rồi. Và chút nữa thôi, Brian Lenihan sẽ đứng lên giữa quốc hội Ireland để đưa ra lời lý giải thứ tư cho việc tại sao lại không thể để các nhà đầu tư tư nhân của các ngân hàng Ireland chịu thua thiệt. “Không thể nào có chuyện đất nước này, trong đó có hệ thống ngân hàng rất phụ thuộc vào các nhà đầu tư quốc tế, lại có thể đi ngược lại với mong muốn của ECB để đơn phương không thực hiện đúng cam kết với những người sở hữu trái phiếu,” ông ta sẽ nói như vậy đấy. Nhưng cũng đã từng có thời các mong muốn của ECB không quá quan trọng đến vậy đối với Ireland. Đó là thời trước khi xảy ra chuyện chính phủ Ireland dùng tiền của ECB để hoàn trả cho những người sở hữu trái phiếu ngoại quốc tại các ngân hàng của Ireland. Cứ 10 năm một lần, tôi lại thử lái xe bên trái đường, và kết cục là tôi làm hỏng hàng tá chiếc gương mặt bên của các xe đỗ bên tay trái. Khi tìm kiếm một người Ireland để chở tôi đi đây đó, tôi gặp anh chàng Ian McRory. Đó là một người Ireland, một tài xế, nhưng rõ ràng là anh chàng còn biết nhiều thứ khác nữa. Chẳng hạn, anh có một thứ trông giống hệ thống định vị quân sự, và còn có một vốn hiểu biết đáng ngạc nhiên về những vấn đề sâu xa, bí mật. “Tôi cung cấp dịch vụ an ninh cá nhân, và những việc tương tự thế,” anh nói, khi tôi hỏi anh còn làm gì khác nữa ngoài việc lái xe chở du khách tới thăm thảm họa tài chính ngang dọc Ireland. Rồi anh im lặng. Lát sau, khi tôi nhắc đến tên của một nhà phát triển bất động sản người Ireland từng rất giàu có, anh nói hững hờ rằng anh từng “cho phép mình đi vào” căn nhà vắng người của người đó rồi chụp phần nội thất trong nhà “cho một người đang định mua nó.” Hóa ra Ian lại có một linh cảm rất tốt đối với những gì mà tôi – hay bất kỳ ai khác – có thể cho rằng chẳng mấy hấp dẫn ở miền nông thôn Ireland. Chẳng hạn, anh ấy nói, “Ở đằng kia, đó là một cái nhẫn thần kỳ khá là đặc trưng đấy,” rồi quay sang giải thích – một cách hết sức thú vị – rằng những vòng tròn bằng đá hay nấm đó dường như xuất hiện một cách tự nhiên trên các cánh đồng Ireland, và những người nông dân sở tại tin rằng chúng là nhà của các sinh vật thần bí. “Người Ireland tin là chuyện thần kỳ có thật à?” tôi hỏi, cố rướn người ra nhưng vẫn không thấy tăm hơi của cái vòng tròn thần kỳ đặc trưng mà Ian vừa mới chỉ đâu cả. “Ý tôi là nếu anh tiến thẳng tới mặt người ta mà hỏi, ‘Anh có tin chuyện thần kỳ không?’ thì đa phần đều sẽ lắc đầu,” anh trả lời. “Nhưng nếu anh bảo anh ta xúc bỏ đi cái vòng tròn thần kỳ đó ra khỏi mảnh đất của anh ta, thì anh ta sẽ không chịu. Theo tôi nghĩ thì như thế nghĩa là tin quá đi rồi.” Quả đúng vậy. Đó là một niềm tin khôn ngoan, một thứ niềm tin tồn tại bởi không tin cũng chả được lợi lộc gì, giống như niềm tin trước kia của người Ireland rằng giá bất động sản ở Ireland có thể tăng mãi mãi. Con đường cao tốc dẫn từ Dublin ra chạy qua những tòa nhà cao tầng bỏ hoang cùng khu xung quanh vắng bóng người. “Trên đường đi chúng ta có thể ghé vào thăm các căn nhà ma,” Ian lên tiếng khi chúng tôi đi qua khu ngoại ô của Dublin. “Nhưng nếu tới thăm từng căn nhà thì chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi được đây mất.” Chúng tôi đi qua những cánh đồng xanh, đầy nước, được các nông dân trồng khoai tây khoanh thành từng thửa nhỏ, và thi thoảng thấy một ngôi làng nhỏ, nhưng ngay cả những vùng có người ở cũng có cảm giác hoang tàn. Vùng nông thôn của Ireland vẫn là nơi khiến người ta tránh xa. Một trong những bất lợi của nó, theo con mắt của một người ngoài, là thời tiết. “Trời lúc nào cũng đang mưa, hoặc sắp mưa,” Ian nói. “Có lần tôi lái xe chở một anh chàng da đen từ châu Phi đi loanh quanh vùng nông thôn. Trời mưa suốt. Anh chàng bảo tôi, “Không hiểu tại sao người ta lại ở đây nhỉ. Cứ như là phải sống dưới một đài phun nước vậy.” HÌNH ẢNH NGÔI LÀNG TƯƠNG LAI, đó là những chữ viết trên một tấm bảng lớn đầy nước, trên đó có hình ảnh một ngôi làng chắc sẽ không bao giờ được xây lên. Ngẫu nhiên chọn một ngôi làng có vẻ ít nhiều đã hoàn thiện, chúng tôi rẽ vào. Đó là một khu ngoại ô không có vùng ven. Tấm bảng khoe khoang phía trước viết dòng chữ GLEANN RIADA. Đó là khoảng vài chục ngôi nhà nối tiếp nhau mọc lên giữa đồng và cuối cùng là những phiến xi măng trống chôn dưới đám cỏ dại. Ta có thể hình dung giây phút mà tiền ngừng chảy từ các ngân hàng Ireland, nhà phát triển bất động sản cuộn lều, còn những công nhân Ba Lan thì khăn gói về quê. “Những người đã xây nên nơi này thậm chí còn không tin rằng sẽ hoàn thiện được nó,” Ian nói. Phiến xi măng, giống như các căn nhà đã hoàn thiện, trưng đầy những vết nứt vỡ như sau một trận động đất lớn, nhưng trong trường hợp này thì đó lại là kết quả của sự thiếu chăm sóc. Bên trong, sàn nhà đầy rác và gạch vụn, đồ đạc đã bị gỡ bỏ khỏi bếp, và nấm mốc chăng như mạng nhện trên tường. Lần cuối cùng trông thấy nội thất một căn nhà như thế này là khi tôi ở New Orleans sau trận bão Katrina. Vụ Môi trường Ireland công bố kết quả kiểm tra đầu tiên của họ về kho nhà ở mới của Ireland năm 2009, sau khi đã thanh tra 2.846 khu phát triển nhà ở, và rất nhiều trong số đó là những căn nhà ma. Chính phủ đã trao giấy phép quy hoạch cho 180.000 đơn vị nhà, trong đó có tới hơn 100.000 khu là không có người ở. Một số khu đã có người đến ở thì vẫn còn chưa hoàn thiện. Gần như mọi hoạt động xây dựng lúc này đều tê liệt. Hiện Ireland không có đủ người để đến sống trong những căn nhà mới; trước kia cũng vậy. Nếu bạn hỏi những nhà phát triển bất động sản Ireland là họ nghĩ ai sẽ sinh sống ở vùng nông thôn Ireland, thì tất cả sẽ đều cười trừ và đưa ra những danh sách na ná như nhau về các đối tượng tiềm năng: người Ba Lan; những người nước ngoài tìm mua ngôi nhà thứ hai; toàn bộ công nhân viên các bộ ban ngành của chính phủ Ireland – họ sẽ bị đưa tới các vùng xa xôi hẻo lánh theo một kế hoạch tái định cư vĩ đại nhưng vì lý do nào đó mà kế hoạch này chưa thực hiện được; một bộ phận người Do Thái gồm khoảng 70 triệu dân có mối liên hệ xa xôi nào đó về mặt gen với đất nước Ireland. Cái vấn đề mà không ai ngó ngàng tới trong suốt thời kỳ bùng nổ bất động sản là những người bên ngoài Ireland, ngay cả những người có mối liên hệ về gen với vùng đất này, không quan tâm tới việc sở hữu nhà ở Ireland. “Đây không phải là một thị trường bất động sản thế giới,” một chuyên viên tên Ronan O’Driscoll làm việc tại chi nhánh Dublin của Savills nói. “Không có người mua ngoại quốc nào cả. Trước kia cũng không.” Dublin không phải là London. Vùng quê Ireland sẽ không bao giờ trở thành Cotswolds được. Rõ ràng, cách hành xử của các dân tộc khi tiền bạc rủng rỉnh quanh họ sẽ cho bạn biết rất nhiều về họ: những khao khát của họ, những hạn chế của họ, những suy nghĩ thầm kín của họ về bản thân. Cách họ phản ứng khi tiền chảy đi cũng tiết lộ thông tin tương tự. Ở Hy Lạp, tiền do nhà nước vay mượn: các khoản nợ là các khoản nợ của người dân Hy Lạp, nhưng họ không muốn nhận phần nào trong đó cả. Người dân Hy Lạp đã ra đường tiến hành bạo động, và đã nhanh chóng tìm ra người bên ngoài Hy Lạp để đổ lỗi cho những rắc rối họ gặp phải: đó là các vị tu sĩ, những người Thổ Nhĩ Kỳ, các ngân hàng nước ngoài. Những người vô chính phủ Hy Lạp giờ gửi bom thư tới cho các chính khách Đức và ném chai cháy vào cảnh sát của chính nước mình. Ở Ireland, tiền do một số ngân hàng vay mượn, vậy mà người dân ở đây dường như sẵn sàng trả nợ mà không một lời oán thán. Quay trở lại mùa thu năm 2008, sau khi chính phủ đe dọa thẩm tra khả năng tài chính của người dân để quyết định chính sách chăm sóc y tế cho họ, những người già cả đã diễu hành trên các đường phố Dublin. Một vài ngày sau khi tôi tới đây, các sinh viên cũng làm như vậy, nhưng sự phản kháng của họ không giống với một cơn giận dữ, mà chỉ như một màn kịch, và có lẽ đó là một lý do để họ không phải tới trường. (HÃY DỪNG VIỆC NÀY LẠI, là nội dung của một trong những biểu ngữ biểu tình.) Tôi vỗ vai hai sinh viên khi thấy họ loạng choạng rút lui khỏi đám đông, và hỏi tại sao họ lại sơn những vạch màu vàng lên mặt. Họ nhìn nhau một lúc. “Không biết nữa!” cuối cùng một người lên tiếng, rồi phá ra cười. Ngoài những chuyện đó ra… là im lặng. Đã hơn ba năm trôi qua kể từ khi chính phủ Ireland trao những tổn thất của các ngân hàng Ireland vào tay người dân, và trong suốt thời gian đó chỉ có hai sự kiện bất ổn xã hội đáng lưu ý. Đầu 2009, tại cuộc họp cổ đông đầu tiên của AIB sau cuộc sụp đổ, một công dân đáng kính đã ném trứng thối vào các lãnh đạo ngân hàng này. Và đêm một ngày tháng 9/2010, một nhà phát triển bất động sản người Galway tên là Joe McNamara đã sơn lên chiếc máy trộn xi măng của mình những khẩu hiệu đả phá ngân hàng, rồi lái xe đi các nơi, và, sau khi khóa bộ phận phanh xe và vô hiệu hóa chức năng thả phanh, đã cho xe dừng lại giữa hai cánh cổng của Quốc hội. Trước khi cho dừng chiếc máy trộn xi măng ở lối vào Quốc hội, McNamara từng là một nhà xây dựng cỡ nhỏ. Ông khởi nghiệp với công việc xây móng, và, giống như rất nhiều thương nhân đến từ những nơi xa xôi hẻo lánh khác, ông được nhận một khoản vay của Ngân hàng Anglo Irish. Thế là ông bắt đầu sự nghiệp phát triển bất động sản. Ông chuyển tới Galway sống ở một khu nhà hoành tráng mới mở bên cạnh một sân golf, nhưng nguồn gốc của cơn khủng hoảng tài chính của ông lại nằm cách đó khoảng một giờ, ở ngoại ô thành phố, tại một khách sạn nghỉ dưỡng mà ông đã định cố gắng xây trong ngôi làng nhỏ nơi ông lớn lên, tên là Keel, nằm trên một hòn đảo xa xôi gọi là Achill. “Achill,” Ian lên tiếng, sau khi tôi bảo anh lái xe đưa tôi đến đó, rồi anh im lặng ít phút, như thể để tôi có thời gian cân nhắc. “Thời điểm này, Achill sẽ khá lạnh.” Anh nghĩ thêm chút nữa. “và mùa hè nó cũng vậy.” Khi chúng tôi cho xe chạy qua cây cầu nhỏ tiến vào đảo, trời đã nhập nhoạng tối. Dọc theo hai bên con đường đơn ngoằn ngoèo, những đầm lầy than bùn trải dài hun hút. Dường như đây không phải là “điểm du lịch”, mà đúng hơn là “tận cùng thế giới.” Khách sạn Achill Head – phi vụ mạo hiểm đầu tiên của Joe, hiện vẫn do người vợ cũ của ông điều hành – đóng cửa, tối mù. Giữa ngôi làng quê nhỏ bé, chính là nguồn gốc mọi rắc rối tài chính của Joe McNamara: một hố đen khổng lồ, quây xung quanh là những chiếc máy ủi và nguyên vật liệu. Năm 2005, ông bắt đầu bằng việc xây dựng một khách sạn một tầng khiêm tốn với 12 phòng. Tháng 4/2006, cùng với sự bùng nổ của thị trường bất động sản Ireland, ông nâng cao tham vọng và xin giấy phép xây dựng một khách sạn xa hoa nhiều tầng. Chính vào lúc đó, thị trường đổi hướng. “Chúng tôi rời đi vào tháng 6/2006,” Ronan O’Driscoll, chuyên gia môi giới của Savills, nói với tôi. “Khi chúng tôi trở lại vào tháng 9 thì mọi thứ đã chững lại. Làm sao mà mọi người đều cùng một lúc quyết định rằng đã đến lúc phải dừng lại – rằng mọi chuyện đã trở nên điên rồ?” Khách sạn đó nằm dở dang trong ngôi làng trong suốt bốn năm. Nhưng phải tới tháng 5/2010, Ngân hàng Anglo Irish, đơn vị đã cho McNamara vay tiền xây nó, mới dọa thụ lý nó. Luật phá sản của Ireland không được xây dựng để giải quyết trường hợp thất bại lớn, có lẽ bởi những người viết ra nó đã không mường tượng được những thành công vĩ đại. Khi một ngân hàng tiến hành thụ lý tài sản của một công dân, họ sẽ thực hiện với một lá thư gửi tới người thân của người đó, thông báo cho họ biết về sự phá sản của anh ta – và nỗi hổ nhục của anh. Thông báo phá sản được đăng tải trên một tờ báo toàn quốc và một tờ báo địa phương. Trong 12 năm qua, người phá sản ở Ireland không được phép vay một khoản lớn hơn 650 euro, hoặc sở hữu những tài sản có giá trị lớn hơn 3.100 euro, hoặc xuất cảnh ra nước ngoài mà không có giấy phép của chính phủ. Trong 12 năm, một phần trong những tài sản mà ông kiếm được có thể được chuyển giao trực tiếp cho các chủ nợ của ông. “Không giống với Mỹ, nơi mà phá sản gần như là một huy hiệu danh dự,” Patrick White, thành viên Hội đồng Bất động sản Ireland, nói. “Ở đây anh gần như bị loại ra khỏi đời sống thương mại.” Có một luật lệ cổ xưa trong đời sống tài chính – nếu anh nợ ngân hàng 5 triệu đô-la, thì ngân hàng được quyền sở hữu anh; nhưng nếu anh nợ ngân hàng 5 tỉ đô-la, thì anh được sở hữu ngân hàng – mới được áp dụng tại Ireland. Món nợ của những nhà phát triển bất động sản lớn của Ireland – theo định nghĩa là những ai vay nợ ngân hàng trên 20 triệu euro – hiện đang được xử lý đằng sau những cánh cửa khép kín. Để giúp chính phủ quản lý hoặc thanh lý các tài sản bất động sản, những người “ngã ngựa” đau nhất được giải thoát khỏi tình trạng phá sản. Những nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn, như McNamara, bị lâm vào tình trạng nghiệt ngã hơn nhiều; và mặc dù có vẻ không ai biết có bao nhiêu người như vậy, nhưng rõ ràng đó là một con số rất lớn. Cục Quản lý Tài sản Quốc gia Ireland (NAMA) kiểm soát những khoản vay bất động sản thương mại trị giá gần 80 tỉ euro. Một chuyên gia bất động sản tên Peter Bacon, người từng làm cố vấn cho NAMA khi đơn vị này mới được thành lập, gần đây hé lộ rằng khi ông cộng các khoản vay mua bất động sản nhỏ hơn (giá trị dưới 20 triệu euro), thì con số tổng thu là một khoản 80 tỉ euro khác. Một số lớn các cựu thương gia Ireland khác cũng đang ở trong tình cảnh như McNamara. Một số lượng lớn những người sở hữu nhà riêng ở Ireland cũng cùng chung cảnh ngộ. Sự khác biệt giữa McNamara và những người khác là ở chỗ ông đã lên tiếng ca thán về điều đó, một cách công khai. Nhưng rồi, rõ ràng ông đã thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi dò tìm và gọi cho vợ cũ của ông, nhưng bà chỉ phá lên cười rồi bảo tôi biến đi. Cuối cùng, tôi cũng tiếp cận được với McNamara, bằng cách gọi tới di động của ông. Nhưng ông chỉ lúng búng nói gì đó về việc không muốn gây thêm sự chú ý, rồi cúp máy. Chỉ tới khi tôi gửi tin nhắn nói rằng tôi đang trên đường tới quê ông thì ông mới đủ tò mò để liên lạc với tôi. “Anh định làm gì ở Keel???” ông hét lên bằng tin nhắn, vài lần như thế. “Hãy cho tôi biết Tại sao anh lại tới Keel???” Rồi, một lần nữa, ông lại im lặng. “Vấn đề với người Ireland,” Ian nói khi chúng tôi lái xe ra khỏi cái hố đen đã làm Joe McNamara phá sản, “là anh có thể ép họ, ép họ, và ép họ. Nhưng khi không chịu được nữa thì họ nổi điên lên.” (Một tháng sau, McNamara lại xuất hiện, đứng la hét trên nóc một chiếc cần cẩu mà ông đã dùng để chạy khắp nơi trên đất nước Ireland rồi bỏ lại – một lần nữa − ở trước cổng Quốc hội.) Những người bạn Ireland kể với tôi rằng, bất kỳ người dân Ireland nào khi đặt chân tới nước Mỹ đều sẽ bị ấn tượng bởi hai điều: sự rộng lớn của quốc gia này, và khao khát gần như vô tận của người dân nơi đây về việc than thở những rắc rối cá nhân của họ. Còn khi một người Mỹ tới Ireland, anh ta sẽ ấn tượng bởi hai điều: sự nhỏ bé của nó, và sự kín tiếng của người dân. Một người Ireland khi gặp rắc rối sẽ giống như con sóc đem giấu hạt lạc trước khi mùa đông đến. Anh ta sẽ tự hành hạ mình, và đôi khi là cả những người thân yêu nữa. Điều anh ta không làm khi đang phải hứng chịu nghịch cảnh nào đó, là kể nó cho thế giới bên ngoài. Khả năng dễ bắt chuyện của người Ireland chỉ nhằm che đậy cho những gì mà họ không chia sẻ với bạn. Theo như tôi được biết, tính tới ngày 10/11/2010, số người dân Ireland sẵn sàng phản đối chuyện đã xảy ra với họ chỉ có một người: đó là người đã ném trứng thối. Ngày hôm sau, chúng tôi dừng xe trước cửa nhà ông, một căn nhà dãy cũ khiêm nhường nằm bên ngoại ô Dublin. Ông lịch thiệp, vui vẻ ra mở cửa. Ông quàng một chiếc khăn len gọn gàng màu đỏ sậm, mặc chiếc quần ở nhà được là phẳng phiu, và ông có lối cư xử hết mực tử tế. Dường như ông có khả năng hài lòng ngay cả khi những gã lạ mặt tới ấn chuông cửa nhà mình, và có thể chào đón họ nồng nhiệt. Trên chiếc bàn trong phòng ăn nhỏ nhắn, gọn gàng của Gary Keogh là một cuốn sách do các cháu của ông làm ra, có đề tháng 9/2009. Tên cuốn sách là Chuyến phiêu lưu tuyệt cú mèo bằng trứng của ông. Những tháng sau cuộc giải cứu ngân hàng của Brian Lenihan, Keogh, lần đầu tiên trong đời, bắt đầu chú ý tới cách hành xử của lãnh đạo các nhà băng. Cổ phần của ông ở AIB – từng được coi là an toàn như tiền mặt hay vàng – nhanh chóng trở thành đống giấy lộn, nhưng các lãnh đạo ngân hàng không mảy may tỏ ra hối hận hay hổ thẹn. Chủ tịch AIB, Dermot Gleeson, và CEO, Eugene Sheehy, khiến ông mất ăn mất ngủ hơn cả. “Hai gã đó đứng dậy, hết lần này tới lần khác, rồi khẳng định, ‘Ngân hàng chúng tôi tuyệt đối an toàn,’” Keogh giải thích. “Cứ như chẳng có gì là quan trọng vậy!” Ông bắt tay vào tìm hiểu họ, những con người mà ông luôn một lòng tin tưởng. Những gì ông phát hiện ra – những khoản lương khổng lồ, những hoạt động vô bổ của ngân hàng – càng khiến ông thêm tức giận. “Tên chủ tịch tự trả cho hắn những 475.000 đô la chỉ để chủ trì 12 cuộc họp!” tới bây giờ ông vẫn phải thốt lên như vậy. Những gì Keogh được biết hiện vẫn là một khía cạnh khiến người ta vừa sửng sốt lại vừa hết sức quen thuộc trong thảm họa Ireland: những thể chế tài chính lâu đời đã quá dễ dàng từ bỏ các truyền thống và nguyên tắc của mình. Một ngân hàng mới thành lập, Anglo Irish, bước chân vào thị trường, rồi rêu rao rằng họ vừa tìm ra được một cung cách mới, tốt hơn, để vận hành ngân hàng. Anglo đưa ra những quyết định nhanh chóng tới mức khó tin: một nhà phát triển bất động sản có thể đi vào văn phòng của Anglo vào buổi chiều muộn để trình bày một ý tưởng mới, và rồi bước ra với hàng trăm triệu euro cũng trong buổi tối hôm đó. Anglo có thể ném tiền qua cửa nhanh chóng như vậy bởi họ đã biến ngân hàng thành một hoạt động gia đình: nếu họ thích ai đó, họ thậm chí chẳng thiết đánh giá dự án của người này. Thay vì chỉ ra sự điên rồ trong cung cách làm việc đó, hai ngân hàng lâu đời của Ireland lại đồng tình với nó. Denis O’Brien, một thương gia Ireland, là thành viên của hội đồng quản trị Ngân hàng Ireland năm 2005, thời điểm ngân hàng này phải đối mặt với sự phát triển đáng kinh ngạc của Anglo Irish. (Anglo Irish lúc đó chuẩn bị tăng gấp đôi quy mô của mình chỉ trong vòng hai năm.) “Tôi nhớ khi ấy vị CEO bước vào và nói, ‘Chúng ta sẽ tăng trưởng ở mức 30% một năm,” O’Brien kể với tôi. “Tôi hỏi, làm thế quái nào chúng ta đạt được điều đó? Ngành ngân hàng chỉ có mức tăng trưởng 5 – 7% một năm là cùng.” Họ làm điều đó bằng cách đi theo Anglo Irish: ký séc để các nhà phát triển bất động sản Ireland có thể mua đất đai bằng mọi giá. AIB trả lương cho các nhân viên tín dụng dựa theo lượng tiền mà họ cho vay được. Ngân hàng này mở một phân ban có biệt hiệu ABA (bất kỳ ai trừ Anglo), chuyên đi thu hút về cho Anglo khách hàng là những nhà phát triển bất động sản cỡ bự − những người sau này sẽ trở thành những ca phá sản choáng ngợp nhất trong lịch sử Ireland. Vào tháng 10/2008, tờ Irish Times đăng tải một danh sách gồm 5 giao dịch bất động sản lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Liên minh các Ngân hàng Ireland cho vay 10 trong số 15 nhà phát triển bất động sản, Anglo Irish chỉ cho 1 người vay. Trên sóng đài phát thanh toàn quốc, nhà phát triển bất động sản vỡ nợ, Simon Kelly – cá nhân ông mắc khoản nợ 200 triệu euro tại nhiều ngân hàng khác nhau ở Ireland, và ông còn tham gia vào một liên doanh cũng đang mắc nợ khoảng 2 tỉ euro – thú nhận rằng lần đầu tiên trong sự nghiệp của ông, ông thấy một ngân hàng tỏ ra thất vọng khi ông hoàn trả một khoản vay nợ, cho Anglo Irish, bằng số tiền đi vay từ Liên minh các Ngân hàng Ireland. Các cựu lãnh đạo Anglo Irish mà tôi từng phỏng vấn (tôi không công bố nội dung phỏng vấn vì tất cả đều đang đi trốn) nói về những kẻ bắt chước lõi đời hơn, đáng kính trọng hơn mình với một vẻ ngạc nhiên. “Vâng, lúc đó chúng tôi đã mất thế kiểm soát,” họ nói, một cách thẳng thắn và rõ ràng. “Nhưng những người đó thực sự đã mất trí rồi.” Gary Keogh nghĩ về những thay đổi của Ireland từ thời ông còn trẻ, khi mà đất nước còn rất nghèo. “Lúc ấy tôi còn đi nhặt nắp chai,” ông nói. “Giờ thì bệnh viện còn không thèm đòi lại cái nạng chống chân nữa? Không! Chúng tôi đã giàu có quá mức rồi.” Khác với phần đông mọi người mà ông biết, Keogh không có khoản nợ nào cả. “Tôi chẳng có gì để mà mất cả,” ông nói. “Tôi không nợ tiền ai. Đó là lý do tôi có thể hành động như thế!” Ông cũng vừa hồi phục sau một cơn trọng bệnh, và ông cảm giác như mình đang lấy tiền để dành ra chơi vậy. “Tôi mới cấy một quả thận mới, và tôi rất hài lòng với nó,” ông nói. “Nhưng tôi cho rằng đó phải là quả thận của Che Guevera.” Ông kể lại kế hoạch tỉ mỉ của mình theo cách mà một tên ám sát có thể miêu tả về kế hoạch ám sát hoàn hảo. “Tôi chỉ có hai quả trứng thối thôi,” ông nói, “nhưng ơn Chúa, chúng là những quả trứng thối! Bởi tôi đã để chúng tới 6 tuần trong garage!” Cuộc họp cổ đông AIB tổ chức vào tháng 3/2009 là cuộc họp đầu tiên ông tham gia. Ông thú nhận mình có chút lo lắng sự việc sẽ không xảy ra như dự kiến. Sợ đỗ xe sẽ gây rắc rối, nên ông bắt xe buýt; sợ trứng bị vỡ, nên ông tự làm một chiếc hộp đựng chúng; sợ mình thậm chí còn không biết căn phòng họp đó trông ra sao, nên ông dành thời gian đi kiểm tra kỹ càng. “Tôi đi tới cửa trước từ sớm và điều tra một chút,” ông nói, “chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra mà thôi.” Hộp đựng trứng của ông quá to để mang trộm vào bên trong, nên ông bỏ nó lại. “Tôi cho mỗi quả trứng vào một bên túi áo khoác,” ông nói. Sợ rằng trứng có thể vì trơn mà khó cầm và ném, nên ông đã lấy giấy bóng kính bọc một lớp mỏng vào mỗi quả. “Tôi ngồi lùi lại bốn hàng ghế và cách cửa ra vào 4 ghế,” ông nói. “Không quá gần mà cũng không quá xa.” Rồi ông ngồi đợi thời cơ. Thời cơ đến ngay tức khắc. Ngay sau khi các vị lãnh đạo ngồi vào vị trí trên bục, một cổ đông đứng lên – khi chưa có ai mời – xin đặt một câu hỏi. Gleeson, chủ tịch AIB, hét lên, “Ngồi xuống!” “Ông ta cứ tưởng mình là tên độc tài không bằng!” Keogh nói – ông đã nghe quá đủ rồi. Ông đứng lên hét to:“Tôi đã chán nghe đống vớ vẩn của các người rồi! Các người là lũ đê tiện thối tha!” Và rồi ông bắt đầu phát hỏa. “Ông ta cứ tưởng mình bị bắn,” ông kể lại với một nụ cười mỉm, “vì quả trứng đầu tiên bay trúng vào cái micro và kêu một tiếng “Pow”! Quả trứng bắn tung tóe lên vai áo của Gleeson. Quả trứng thứ hai trượt mục tiêu là vị CEO nhưng đáp vào đúng tấm biển AIB phía sau ông ta. Rồi bảo vệ vây lấy ông. “Họ bảo rằng tôi sẽ bị bắt và bị xử phạt, nhưng tôi chẳng bị sao cả,” ông nói. Dĩ nhiên là ông không sao cả rồi: bởi lẽ, rốt cục, đây là một cuộc tranh cãi gia đình mà. Bảo vệ định đưa ông ra ngoài, nhưng tình thực ông lại tự đi và bắt xe buýt về nhà. “Vụ việc này xảy ra vào lúc 10 giờ kém 10 phút sáng,” ông nói. “Tôi về nhà lúc 11 giờ kém 10 phút. Lúc 11 giờ 10 phút chuông điện thoại reo. Và tôi lên sóng phát thanh trong một tiếng đồng hồ.” Rồi, hết sức nhanh chóng, tất cả nổi điên. “Cánh báo chí trèo vào nhà và không chịu ra,” ông nói. Điều đó đâu có quan trọng; ông cũng không lưu lại nhà quá lâu. Ông đã làm đúng cái việc mà ông dự định làm và ông không thấy cần thiết phải làm ầm thêm nữa. Ông bay khỏi sân bay Dublin vào lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau để chu du một chuyến tới Địa Trung Hải – chuyến đi mà ông đã ấp ủ từ lâu. 4. Cuộc sống bí mật của người Đức Mùa hè năm 2011, khi tôi đến Hamburg, số phận của nền tài chính toàn cầu dường như phụ thuộc vào bước đi của người Đức. Moody’s đã sẵn sàng hạ mức đánh giá tín nhiệm trái phiếu của chính phủ Bồ Đào Nha xuống mức “rác”, còn Standard & Poor’s thì đã bóng gió một cách rầu rĩ rằng Ý có thể là cái tên tiếp theo. Ireland cũng sắp bị hạ xuống mức rác, và tồn tại một khả năng rất thực tế là các chính phủ Tây Ban Nha mới được bầu sẽ nắm lấy thời cơ này mà tuyên bố rằng các chính phủ trước đó đã tính toán sai, và họ nợ ngoại quốc một số tiền nhiều hơn họ vẫn tưởng rất nhiều. Còn cả Hy Lạp nữa. Trong số 126 quốc gia được xếp hạng tín dụng thì Hy Lạp lúc này đứng thứ 126: Hy Lạp đã chính thức được công nhận là dân tộc ít có khả năng trả nợ nhất trên thế giới. Vì người Đức không chỉ là chủ nợ lớn nhất của rất nhiều quốc gia vỡ nợ mà còn là niềm hy vọng duy nhất của họ cho những khoản vay mượn trong tương lai, nên người Đức trở thành vị quan tòa đạo đức, tùy quyết xem hành vi tài chính nào sẽ được dung thứ, hành vi nào không. Theo lời một vị quan chức cấp cao tại Bundesbank nói với tôi, “Nếu chúng tôi nói không, tức là không. Không có Đức thì không làm được gì cả. Đây chính là điểm đến của những khoản thua lỗ.” Chỉ cách đây một năm, khi các nhân vật tên tuổi ở Đức gọi người Hy Lạp là những kẻ lừa đảo, hay khi các tạp chí Đức chạy những hàng tít như TẠI SAO CÒN CHƯA CẮT ĐẢO RA MÀ BÁN, HỠI NHỮNG KẺ HY LẠP VỠ NỢ?, thì những thường dân Hy Lạp còn coi đó là một sự nhục mạ cùng cực. Tháng 6/2011, chính phủ Hy Lạp bắt đầu bán đảo, hoặc bằng mọi giá lập ra một danh sách các tài sản bán tháo – các sân golf, các bãi biển, sân bay, đồng ruộng, đường đi – và họ hy vọng sẽ đem ra đấu giá để phần nào giúp họ trả nợ. Cũng không quá khi nói rằng ý tưởng này không xuất phát từ người Hy Lạp. Chỉ trong mắt người Đức, Hamburg mới là một địa điểm nghỉ dưỡng, nhưng vô tình đây lại là một kỳ nghỉ của người Đức, và thế là Hamburg đầy những du khách Đức. Khi tôi hỏi anh phục vụ tại khách sạn rằng ở thành phố này có gì đáng xem, thì anh phải mất vài giây suy nghĩ rồi mới trả lời, “Phần lớn mọi người đều tới Reeperbahn.” Reeperbahn là quận đèn đỏ của Hamburg – nó cũng là quận đèn đỏ lớn nhất thế giới, theo thông tin từ một cuốn cẩm nang du lịch, dù rằng bạn sẽ không khỏi băn khoăn tại sao người ta lại biết được điều đó. Và thật tình cờ, Reeperbahn cũng là lý do tôi tới đây. Có lẽ bởi họ có tài gây khó khăn cho những ai không phải người Đức, nên người Đức trước giờ vẫn luôn là đối tượng của các học giả khi họ tìm cách lý giải cho hành vi tập thể của họ. Trong doanh nghiệp lớn và ngày một phát triển này, một cuốn sách nhỏ với tựa đề hài hước nổi bật trước rất nhiều cuốn sách lớn và dày hơn. Được viết vào đầu những năm 1980 bởi một nhà nhân loại học xuất sắc người Mỹ, Alan Dundes, cuốn Life Is Like a Chicken Coop Ladder (tạm dịch: Cuộc sống là một chiếc thang đưa gà lên chuồng) ban đầu nhằm miêu tả tính cách của người Đức thông qua những câu chuyện mà những người Đức vẫn thường thích kể cho nhau nghe. Dundes chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian, và văn hóa dân gian Đức. Theo ông thì, “ta tìm thấy một lượng lớn từ vựng liên quan tới Scheisse (phân), Dreck (bẩn thỉu), Mist (phân súc vật)... Các bài hát dân gian, các câu truyện dân gian, các câu tục ngữ, câu đố, các bài diễn văn dân gian – tất cả đều chứng minh cho sự quan tâm đặc biệt, lâu đời của người Đức vào góc cạnh này của con người.” Rồi ông đưa ra một lượng lớn bằng chứng để bảo vệ cho quan điểm của mình. Có một nhân vật dân gian phổ biến của Đức tên là der Dukatenscheisser; nhân vật này thường được miêu tả là rặn ra tiền từ hậu môn. Bảo tàng đầu tiên trên thế giới dành riêng cho các nhà vệ sinh được đặt ở Munich. (Bảo tàng thứ hai mới vừa mở ở New Delhi.) Từ tiếng Đức để miêu tả “phân” đảm nhận rất nhiều chức năng ngôn ngữ kỳ cục – chẳng hạn, một cụm từ tiếng Đức phổ biến dùng để miêu tả sự âu yếm thân thương là “cái dạ dày nhỏ bé của tôi”. Ấn phẩm đầu tiên mà Gutenberg muốn xuất bản, sau Thánh kinh, là một bảng thời gian biểu rửa ruột mà ông gọi là “Lịch uống thuốc xổ.” Rồi còn một lượng đáng kinh ngạc các câu nói dân gian Đức liên quan tới hậu môn. “Cá sống ở dưới nước, nên phân cũng gắn vào hậu môn!” – đây là một ví dụ trong số vô vàn những ví dụ khác. Dundes đã gây khá nhiều xôn xao – dành cho một nhà nhân loại học – khi truy nguyên nguồn gốc của đặc tính dân tộc không mấy trọng vọng này là một trong những thời khắc trọng đại nhất trong lịch sử Đức. Vị mục sư hết sức tục tĩu Martin Luther (“Tôi giống như là một đống phân chín còn thế giới là một lỗ hậu môn khổng lồ,” Luther từng nói như vậy) đã nảy ra ý tưởng thực hiện cuộc Cải cách Tin lành khi ông đang ngồi trên bệ xí. Những bức thư của Mozart thể hiện một đầu óc – theo lời Dundes – “chìm đắm trong cảnh phân do ít ai bì kịp.” Từ ngữ ưa dùng của Hitler là Scheisskerl(đầu cứt): rõ ràng ông ta dùng nó không chỉ để miêu tả người khác mà còn nói về chính bản thân mình nữa. Sau chiến tranh, các bác sĩ của Hitler kể cho các sĩ quan tình báo Mỹ rằng người bệnh nhân của họ đã mất rất nhiều công sức để nghiên cứu đống phân của chính mình; và có rất nhiều bằng chứng cho thấy một trong những việc ông thích làm với phụ nữ là bảo họ đại tiện lên đầu mình. Có lẽ Hitler có sức ảnh hưởng tới như vậy với người Đức, Dundes nhận xét, bởi ông ta có cùng chung với họ một đặc tính tiêu biểu, một sự ghê tởm công khai đối với những gì dơ bẩn nhằm che đậy cho một nỗi ám ảnh riêng tư. “Sự kết hợp giữa sạch và bẩn: bên ngoài sạch sẽ − bên trong bẩn thỉu, hay hình thức sạch sẽ và nội dung bẩn thỉu – là một phần nét tính cách dân tộc Đức,” ông viết. Dundes chỉ nghiên cứu về văn hóa dân gian Đức. (Với những ai muốn tìm hiểu niềm yêu thích chất thải rắn con người trong nền văn hóa bác học Đức, ông đề xuất tìm đọc một cuốn sách khác của hai học giả người Đức có tên The Call of Human Nature: The Role of Scatology in Modern German Literature (tạm dịch: Tiếng gọi bản năng: Vai trò của sự tục tĩu trong nền văn học hiện đại Đức.) Tuy nhiên, khi đọc xong công trình khảo cứu của ông, ta khó mà thoát khỏi cái cảm giác mạnh mẽ rằng tất cả người dân Đức – dù là bình dân hay có học – đều có phần khác so với chúng ta; đây là điểm mà ông đã nêu trong phần giới thiệu viết cho phiên bản bằng giấy của cuốn sách đó. “Một phụ nữ Mỹ lấy một đồng nghiệp của tôi là người Đức đã có lần thú thật với tôi là chị hiểu chồng mình hơn nhiều sau khi đọc cuốn sách này,” ông viết. “Trước đó, chị đã phán đoán sai rằng chắc anh ấy mắc một chứng ám ảnh tâm lý kì quặc nào đó, tới nỗi anh cứ nhất định đòi thảo luận rất lâu với chị về tình trạng của đống phân mới của mình.” Quận đèn đỏ ở Hamburg thu hút sự chú ý của Dundes ở chỗ người dân sở tại có niềm đam mê sâu sắc với môn vật bùn. Những phụ nữ trần truồng đấu với nhau trong một vòng tròn đầy bùn, trong khi khán giả đứng xem đội mũ nhựa, loại giống như bao cao su đội trên đầu, để tránh bị bùn bắn vào. “Như vậy,” Dundes viết, “khán giả có thể vẫn giữ mình sạch sẽ trong khi vẫn thích thú tận hưởng bùn bẩn!” Người Đức thích ở gần phân, nhưng họ không muốn ở trong đống phân. Và điều này hóa ra lại là một cách miêu tả tuyệt vời cho vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại. Trước đó một tuần, tại Berlin, tôi đã tới gặp thứ trưởng tài chính Đức, một quan chức chính phủ lâu năm có tên Jörg Asmussen. Người dân Đức giờ đây đang có một Bộ Tài chính – trong một thế giới phát triển đỉnh cao – mà trong đó những người đứng đầu bộ này không cần phải lo lắng liệu nền kinh tế của họ có sụp đổ không khi các nhà đầu tư ngừng mua trái phiếu của họ. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp tăng đến mức kỷ lục (16,2% − con số mới nhất), thì tỉ lệ này ở Đức lại đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua (6,9%). Dường như Đức vừa trải qua một cơn khủng hoảng tài chính mà không có hậu quả nào về mặt kinh tế. Họ đã đeo bao cao su trùm đầu trước mặt các lãnh đạo ngân hàng của mình, và tránh bị vấy bùn lên mặt. Kết quả là, trong khoảng một năm qua, các thị trường tài chính đã cố gắng đọc vị người Đức để rồi thất bại: rõ ràng là họ có khả năng trả nợ cho các vị láng giềng châu Âu, nhưng liệu họ sẽ làm thế? Giờ đây họ là người dân châu Âu, hay họ vẫn là người Đức? Trong suốt 18 tháng qua, mỗi lời nói hay cử chỉ của bất kỳ quan chức nào của Đức có liên hệ xa xôi với quyết định này đều trở thành những tin tức gây biến động thị trường, và quả thực đã có rất nhiều lời nói, cử chỉ như vậy, đa phần đều là tiếng vọng lại của công luận Đức, đồng thời bày tỏ sự khó hiểu và tức giận rằng tại sao người ta lại có thể hành động một cách thiếu trách nhiệm như vậy. Asmussen là một trong những người Đức hiện đang được theo dõi sốt sắng. Cùng với cấp trên của mình, Wolfgang Schauble, ông là một trong hai quan chức Đức có mặt trong mọi cuộc hội đàm giữa chính phủ Đức và những kẻ vỡ nợ. Bộ Tài chính được xây dựng giữa thập kỷ 1930, là một tượng đài thể hiện cả tham vọng và thẩm mỹ của Đảng Quốc xã. Đó là một mô đất không mặt. Nó lớn tới độ nếu bạn đi vòng quanh nó sai hướng, bạn có thể mất tới 20 phút để tìm được cửa chính. Tôi đã đi vòng quanh nó sai hướng, để rồi phải hộc tốc tìm đường cho kịp thời gian, vừa chạy tôi vừa băn khoăn không hiểu các đảng viên Đảng Quốc xã khi xưa từ vùng sâu vùng xa về đây có cùng cảm giác như tôi bây giờ không, có đi lảng vảng bên ngoài những bức tường cấm bằng đá này, cố công tìm cách chui vào trong hay không. Mãi rồi tôi cũng tìm thấy một khoảnh sân trông có vẻ quen thuộc: sự khác biệt duy nhất giữa hình dung của nó bây giờ và hình dung của nó trong những bức ảnh cũ nổi tiếng là Hitler không còn đi đi lại lại ở lối vào nữa, và bức tượng con đại bàng đậu trên hình chữ thập ngoặc đã bị gỡ bỏ. “Nó được xây dựng cho Bộ Phòng không của Goring,” chuyên gia quan hệ công chúng của Bộ Tài chính đang đứng đợi ở đó bảo tôi. Thật thú vị, anh này là một người Pháp. “Anh có thể thấy điều đó từ kiến trúc vui vẻ này.” Anh chàng giảng giải rằng sở dĩ tòa nhà này lớn như vậy bởi Hermann Goring muốn đáp được máy bay trên mái. Tôi tới chậm khoảng 3 phút, nhưng vị thứ trưởng Bộ Tài chính tới sau tôi cả 5 phút – điều mà, về sau tôi được biết, bị người Đức gần như coi là một trọng tội. Ông xin lỗi tôi rối rít, nhiều hơn mức cần thiết, vì sự trễ hẹn của mình. Ông đeo cặp kính gọng mảnh như một đạo diễn phim người Đức, thân hình mạnh khỏe và trọc đầu – nhưng đó là do ông muốn thế chứ không phải vì hoàn cảnh. Theo kinh nghiệm của tôi, thì những người đàn ông da trắng khỏe mạnh và cạo trọc đầu muốn thể hiện một quan điểm. “Tôi không cần mỡ thừa trên cơ thể, và tôi không cần tóc,” dường như họ muốn nói như vậy, đồng thời họ cũng ám chỉ rằng những người có mỡ thừa và để tóc là những người ẻo lả. Vị thứ trưởng Bộ Tài chính thậm chí còn có điệu cười giống hệt những anh chàng khỏe khoắn trọc đầu nên cười, nếu họ muốn giữ đúng bản chất của mình. Thay vì mở miệng để luồng không khí thoát ra, ông bĩu môi lại và phát ra âm thanh khịt khịt qua mũi. Có thể là ông cũng cần cười nhiều như những người đàn ông khác, song ông cần ít không khí hơn họ khi cười. Bàn làm việc của ông là một mẫu mực của tính kỷ luật. Mặc dù tất cả đều sinh động vì những hoạt động mà chúng gợi ra – giấy viết, giấy nhắc việc, hộp lưu hồ sơ – song mỗi vật dụng trên bàn đều được xếp ngay ngắn với nhau và với các cạnh của chiếc bàn. Mỗi góc đều chính xác 90 độ. Nhưng vật trang trí ấn tượng nhất là một tấm bảng trắng treo trên tường bên cạnh chiếc bàn. Dòng chữ trên đó là tiếng Đức nhưng có thể dễ dàng dịch ngược sang nguyên bản tiếng Anh: BÍ MẬT CỦA THÀNH CÔNG LÀ THẤU HIỂU QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC. _ Henry Ford Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Đó không thể là câu nhật tụng của một người khỏe khoắn, đầu trọc được. Nó quá mềm. Vị thứ trưởng Bộ Tài chính Đức còn làm lung lay những giả định trên giời của tôi về ông khi nói rõ ràng, thậm chí một cách vô tư, về những chủ đề mà phần lớn các vị bộ trưởng tài chính khác đều cho rằng bổn phận của họ là phải tránh. Không cần gợi ý, ông cũng cho biết rằng ông vừa đọc xong bản báo cáo mới nhất chưa được công bố của các thanh tra IMF về tiến độ cải tổ của chính phủ Hy Lạp. “Họ chưa thực hiện các biện pháp như đã hứa,” ông nói. “Họ không thực hiện các bước cải tổ như đã thống nhất.” “Những người ở IFM đã nói rõ như thế sao?” tôi hỏi. Ông lật tới trang số 7 trong bản báo cáo của IMF, tại đó họ có khuyến nghị không nên đưa phần tiền tiếp theo cho chính phủ Hy Lạp để họ tránh vỡ nợ trái phiếu. “Họ vẫn có vấn đề lớn với chuyện thu tiền. Vấn đề không nằm ở luật thuế. Chính việc thu thuế mới là cái cần cải cách.” Nói cách khác, người Hy Lạp vẫn không chịu nộp thuế. Nhưng đó mới chỉ là một trong số rất nhiều điều sai trái của Hy Lạp. “Thị trường lao động của họ cũng không thay đổi như nó cần phải thế.” Tôi yêu cầu ông nêu ví dụ. “Họ có truyền thống trả tháng lương thứ 13 hay 14,” ông nói ngay. “Nhờ những sự phát triển trong 10 năm qua, một công việc tương tự (trong lĩnh vực phục vụ công) ở Đức có mức lương 55.000 euro. Còn ở Hy Lạp là 70.000.” Để tránh những giới hạn về việc trả lương trong năm công lịch, chính phủ Hy Lạp trả lương nhân viên cho những tháng không tồn tại trên lịch. “Họ cần phải thay đổi mối quan hệ giữa người dân với chính quyền,” ông nói tiếp. “Đây không phải là một nhiệm vụ có thể hoàn thành trong ba tháng.” Thay đổi mối quan hệ giữa bất kỳ người dân của dân tộc nào với chính quyền của họ, ông bổ sung, không phải là chuyện nhỏ. Người Hy Lạp còn cần phải thay đổi nền văn hóa của họ. Có lẽ ông không thể trình bày vấn đề này rõ ràng hơn được nữa: để người Hy Lạp và người Đức cùng tồn tại trong một liên minh tiền tệ, người Hy Lạp cần phải thay đổi bản thân họ. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã xảy ra ngay nên cũng chưa quá quan trọng. Người Hy Lạp bây giờ không chỉ gánh những khối nợ khổng lồ mà họ còn chịu mức thâm hụt lớn. Bị mắc kẹt trong một đồng tiền mạnh nhân tạo, họ không thể chuyển những khoản thâm hụt này sang thặng dư, dù rằng họ đã làm mọi việc mà người ngoại quốc muốn họ làm. Các mặt hàng xuất khẩu của họ, được định giá bằng euro, vẫn đắt đỏ. Chính phủ Đức muốn Hy Lạp giảm quy mô chính phủ của họ, nhưng điều đó cũng sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế và làm giảm doanh thu từ thuế. Và như vậy, một trong hai điều sau sẽ phải xảy ra. Hoặc người Đức phải đồng ý sáp nhập về mặt tài chính với châu Âu, từ đó Đức và Hy Lạp sẽ có mối quan hệ tương đồng với nhau, như Indiana với Mississippi, và những đồng tiền thuế của người dân Đức sẽ được đưa vào một ngân khố chung, và được dùng để chi trả cho lối sống của người dân Hy Lạp.