🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bông Hoa Đỏ - V. M. Garshin full prc pdf epub azw3 [Tập Truyện Ngắn] Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách Tên sách: Bông hoa đỏ Tác giả: V.M. Garshin Dịch giả: Trần Thị Phương Phương Công ty phát hành: Phương Nam Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn Trọng lượng vận chuyển: 200 grams Kích thước: 12x18.5x1.3cm Số trang: 213 Ngày xuất bản: 08/2011 Giá bìa: 55.000 ₫ Thể loại: Truyện ngắn Thông tin ebook Nguồn: http://tve-4u.org Type+Làm ebook: thanhbt Ngày hoàn thành: 17/06/2014 Dự án ebook #26 thuộc Tủ sách BOOKBT Ebook này được thực hiện nhằm chia sẻ cho những bạn không có điều kiện mua sách! Còn nếu bạn có khả năng hãy mua sách ủng hộ nha! Giới thiệu sách Vsevolod Mikhailovich Garshin (1855 - 1888) bước vào lịch sử văn học Nga với tư cách một bậc thầy truyện ngắn. Di sản văn học của Garshin không lớn, hoạt động sáng tác của ông kéo dài chỉ khoảng mười năm. Tuy nhiên, dấu ấn của con người tài năng độc đáo này để lại cho văn học Nga là rất quan trọng. Ông được xem là một trong những người đi tiên phong trong tiến trình phát triển truyện ngắn Nga, thậm chí trước cả A.P.Chekhov. Garshin đã dồn nhiều tâm huyết để viết truyện ngắn nổi tiếng nhất của mình, Bông hoa đỏ (1883). Đó là một tác phẩm đậm đặc cảm xúc, ý nghĩa triết lý và đầy kịch tính. Tri giác quả kịch liệt về cái ác của thế giới nơi nhân vật đã khiến cả những hiện tượng đời thường, như những bông hoa anh túc đỏ, cũng biến thành những hình ảnh biểu tượng. Mỗi truyện ngắn trong Bông hoa đỏ được tác giả Vsevolod Mikhailovich Garshin đầu tư như một “đề tài nghiên cứu” thực sự. Cách ông viết hệt như cách đặt lý thuyết phổ quát cho một hiện trạng, để rồi bắt mũi khoan tư tưởng đi sâu vào tận lõi sự việc. Đó là một thao tác văn chương rất chuyên nghiệp, rất hiện đại của một văn tài đáng ngưỡng mộ. Xuyên suốt cuốn sách, độc giả bắt gặp những trăn trở, những cuộc đối thoại, độc thoại của Vsevolod Mikhailovich Garshin về hàng loạt những mâu thuẫn cuộc sống chồng chéo: Giá trị nghệ thuật đích thực là gì nếu người nghệ sĩ chỉ biết đi tìm những cái đẹp trong cuộc sống mà không đoái hoài tới những hình ảnh xấu xí của mặt trái sự sống? Nghệ thuật là gì và người làm nghệ thuật phải làm gì? Thế nào là xấu và thế nào là tốt?... Mục lục V.M. GARSHIN - MỘT BẬC THẦY TRUYỆN NGẮN NGA Bốn ngày Sự cố I II III IV Một cuộc tình rất chóng vánh Một cuộc gặp gỡ Kẻ hèn nhát Những người hoạ sĩ I II III IV V VI VII VIII IX X XI Attalea Princeps Bông hoa đỏ I II III IV V VI Tín hiệu Con ếch du hành V.M. GARSHIN - MỘT BẬC THẦY TRUYỆN NGẮN NGA Vsevolod Mikhailovich Garshin (1855-1888) bước vào lịch sử văn học Nga với tư cách một bậc thầy truyện ngắn. Di sản văn học của Garshin không lớn, hoạt động sáng tác của ông kéo dài chỉ khoảng mười năm. Tuy nhiên, dấu ấn của con người tài năng độc đáo này để lại cho văn học Nga là rất quan trọng. Ông được xem là một trong những người đi tiên phong trong tiến trình phát triển truyện ngắn Nga, thậm chí trước cả A.P. Chekhov. Garshin sinh ngày 02 tháng 02 năm 1855 (tức 14 tháng 2 theo lịch hiện hành) tại điền trang Priatnaya Dolina thuộc huyện Bakhmutsky, tỉnh Ekaterinoslavnaya (nay thuộc Ukraina) trong một gia đình quý tộc lâu đời. Cha là một sĩ quan từng tham gia chiến tranh Krym 1853 - 1856, mẹ là một kiểu phụ nữ tiêu biểu của những năm 1860 rất quan tâm đến văn học và chính trị. Thuở ấu thơ, Garshin là đứa trẻ hết sức nhạy cảm, dễ bị kích động, có trí tuệ phát triển rất sớm. Người thầy đầu tiên của cậu bé Garshin, nhà cách mạng P.V.Zavadsky, đã dạy cậu học chữ qua những trang Người đương thời - mà vào đầu những năm 1860 đang là tờ tạp chí dân chủ cách mạng có tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất của Nga. Garshin đã đọc tiểu thuyết Làm gì? của nhà văn N.G. Chernyshevsky khi mới lên tám tuổi, tập viết văn theo hình mẫu của Iliad lúc đang ở trung học. Ở tuổi lên năm, một bi kịch gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của nhà văn tương lai: mẹ nhà văn đem lòng yêu người gia sư Zavadsky. Khi ông này bị bắt (do sự tố cáo của người cha) và bị đày đi Petrozavodsk với cáo buộc hoạt động chính trị, bà chuyển đến sống ở Petersburg để có thể thăm nuôi người tù. Garshin sống với cha cho tới năm 1864 tại điền trang gần thành phố Starobelska thuộc tỉnh Kharkov, sau đó về với mẹ ở Petersburg. Năm 1874, chàng trai trẻ vào học Đại học Mỏ Petersburg nhưng không tốt nghiệp. Năm 1876, Garshin bắt đầu xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm bút ký châm biếm Câu chuyện có thực về hội đồng tự quản huyện Ensk, trong đó ghi lại những hồi ức của nhà văn về cuộc sống tỉnh lẻ. Thời sinh viên, Garshin gần gũi với các peredvizhniki - những họa sĩ lưu động vẽ theo khuynh hướng hiện thực và chống lại hội họa hàn lâm của Nga những năm 1870. Nhà văn xuất hiện khá nhiều trên báo chí với những bài phê bình nghệ thuật. Tháng 4 năm 1877, cuộc chiến tranh Nga - Thổ bùng nổ. Garshin tình nguyện gia nhập quân đội, không phải vì lòng yêu nước, cũng không vì muốn phiêu lưu, mà đơn giản tin rằng nếu như nhân dân chịu đau khổ ngoài chiến trận, thì bản thân ông cũng phải có trách nhiệm cùng chịu đựng những đau khổ đó. Garshin đã chiến đấu dũng cảm, nhưng bốn tháng sau, ông bị thương trong một trận đánh ở một ngôi làng nhỏ Bulgaria mang lên Ayaslar. Những ấn tượng của lần bị thương này trở thành chất liệu cho truyện ngắn Bốn ngày đã khiến tên tuổi Garshin nổi tiếng khắp nước Nga. Garshin trở về Petersburg nghỉ phép dưỡng thương, rồi sau đó xuất ngũ với cấp bậc sĩ quan. Trong giới văn nghệ thủ đô, ông đặc biệt được nhóm các nhà văn mang tinh thần dân chủ của tờ tạp chí Bút ký tổ quốc như M.E. Saltykov-Shchedrin, G.I. Uspensky, v.v. nồng nhiệt đón chào. Chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống tâm lý cũng như trong sáng tác của Garshin. Những truyện ngắn với cốt truyện và cấu trúc giản dị đã hấp dẫn độc giả, bởi mở ra trước mắt họ là thế giới cảm xúc đầy phức tạp của các nhân vật. Garshin thường kể chuyện từ ngôi thứ nhất, sử dụng hình thức ghi chép cá nhân, nhật ký, quan tâm sâu sắc đến những trạng thái tinh thần đau đớn, đầy thương tật của các nhân vật. Điều này tạo ấn tượng về sự đồng nhất giữa tác giả và nhân vật. Các nhà phê bình đương thời thường dùng cụm từ: “Garshin đã viết bằng máu” để nói về truyện ngắn Garshin. Trong các tác phẩm của ông có thể thấy sự kết hợp những thái cực của cảm xúc con người: tinh thần quả cảm, anh hùng, sẵn sàng xả thân hy sinh đi cùng với thái độ ghê tởm chiến tranh (Bốn ngày, 1877), cảm nhận về trách nhiệm khi có chiến tranh đồng hành với mong muốn né tránh nó và sự bất lực không thể thoát khỏi nó (Kẻ hèn nhát, 1879). Sự hèn yếu của con người trước cái ác, những kết cục bi kịch của nó - đó không chỉ là đề tài trong các truyện ngắn viết về chiến tranh. Như truyện ngắn Sự cố (1878) - một cảnh đường phố, một câu chuyện về người phụ nữ sa ngã, nhưng đằng sau là bộ mặt đạo đức giả của xã hội và sự tàn bạo của đám đông. Trong truyện ngắn Một cuộc gặp gỡ (1879), những lý tưởng đẹp đẽ của một ông giáo trẻ đã vấp phải sự đê hèn, tầm thường, tội lỗi ngay trong ngày đầu nhận nhiệm sở. Thậm chí cả trong thế giới những nghệ sĩ, những người tạo ra cái đẹp, Garshin cũng không tìm thấy được câu trả lời cho những kiếm tìm tinh thần đầy trăn trở của mình. Trong Những người họa sĩ (1879), nhà văn đặt ra vấn đề về vai trò của nghệ thuật trong xã hội, vấn đề “nghệ thuật vị nhân sinh” trong sự đối lập với “nghệ thuật vị nghệ thuật”, suy tư về sự không cần thiết của nghệ thuật đương thời. Nhân vật trong truyện, họa sĩ trẻ tài năng Ryabinin, đã từ bỏ hội họa để về nông thôn dạy học. Biểu tượng là một cách thể hiện cảm quan thế giới của nhà văn. Attalea princeps (1880) là một ví dụ. Cây cọ yêu tự do khao khát thoát khỏi ngục tù đã vươn cao, phá vỡ mái nhà kính và chết. Tiếp cận cuộc sống một cách lãng mạn, Garshin cố gắng tháo gỡ những vấn đề cuộc sống, nhưng trạng thái tinh thần bệnh tật và tính cách phức tạp đã đưa nhà văn trở lại sự tuyệt vọng không lối thoát. Trạng thái đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện diễn ra đầu những năm 1880. Tháng hai năm 1880, nhà cách mạng theo xu hướng khủng bố là I.O. Mlodedsky đã mưu sát bá tước M.T. Loris-Melikov, người đứng đầu Hội đồng trật tự tối cao (một cơ quan đặc biệt của chính phủ Nga hoàng được thành lập sau vụ khủng bố Cung điện Mùa Đông do nhóm dân túy “Ý dân” tiến hành ngày 05 tháng 02 năm 1880). Garshin, với tư cách là nhà văn nổi tiếng, đã xin được gặp bá tước Loris, cầu xin vị đại thần này ân xá cho kẻ phạm tội. Nhà văn cố gắng thuyết phục ông ta, rằng tử hình kẻ khủng bố chỉ làm tăng thêm số người bị chết trong cuộc chiến giữa chính phủ với những người cách mạng. Tuy nhiên, án tử hình vẫn được thực thi. Sau sự cố đó, các dấu hiệu rối loạn tâm thần, vốn xuất hiện từ đầu những năm 1870, càng trở nên rõ rệt nơi Garshin. Các chuyến du lịch không làm bệnh thuyên giảm, nhà văn được đưa vào các cơ sở điều trị tâm thần ở Oriol, Kharkov và sau đó là Petersburg. Sau hai năm điều trị, mặc dù tạm thời khỏi bệnh, nhưng một thời gian khá lâu Garshin không trở lại sáng tác. Năm 1882, tập truyện của ông được xuất bản gây nên những tranh luận gay gắt trong giới phê bình. Người ta phê phán Garshin do giọng điệu u ám và bi quan trong truyện của ông. Các nhà dân túy đem truyện của ông làm ví dụ về sự đau khổ dằn vặt lương tri của giới trí thức đương thời. Mùa đông năm 1883, nhà văn kết hôn với một nữ bác sĩ và vào làm thư ký trong văn phòng Hội đồng đại diện ngành đường sắt. Thời gian này, Garshin đã dồn nhiều tâm huyết để viết truyện ngắn nổi tiếng nhất của mình, Bông hoa đỏ (1883). Đó là một tác phẩm đậm đặc cảm xúc, ý nghĩa triết lý và đầy kịch tính. Tri giác quá kịch liệt về cái ác của thế giới nơi nhân vật đã khiến cả những hiện tượng đời thường, như những bông hoa anh túc đỏ, cũng biến thành những hình ảnh biểu tượng. Dưới ảnh hưởng của L.N. Tolstoy, Garshin có xu hướng đơn giản hóa phong cách tự sự. Xuất hiện những truyện ngắn viết theo kiểu Tolstoy, mà Tín hiệu, hay truyện đồng thoại Con ếch du hành là những ví dụ tiêu biểu, cả hai đều được viết trong năm 1887, năm sáng tác cuối cùng của nhà văn. Những cơn trầm cảm trở lại, ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn. Garshin buộc phải rời bỏ công việc, cộng thêm vào đó là những xung đột trong gia đình giữa mẹ và vợ nhà văn. Tất cả những điều này đã dẫn đến kết cục bi thảm: ngày 19 tháng 3 năm 1888, sau một đêm mất ngủ vật vã, nhà văn đã nhảy từ tầng lầu phía dưới căn hộ của ông ở Petersburg, bị chấn thương nặng và qua đời năm ngày sau đó, khi mới ở tuổi 33. Cái chết của Garshin gây một tiếng vang lớn trong giới độc giả Nga thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Danh họa I.E. Repin trong niềm thương tiếc đã xúc động vẽ bức chân dung cuối cùng của nhà văn khi nằm giữa những bông hoa đỏ trước khi về với đất. Hai tập sách được ấn hành để tưởng niệm nhà văn, trong đó bên cạnh những hồi ức của bạn bè và người thân, còn có những truyện ngắn và những bức họa của các nhà văn và các họa sĩ nổi tiếng đương thời, được gợi cảm hứng từ con người và tác phẩm của Garshin. Trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của mình, Garshin hết sức tận tâm với thể loại truyện ngắn. “... Những truyện rất ngắn đôi khi chỉ có vài trang nhỏ của ông đã khai thác triệt để toàn bộ nội dung cuộc sống của chúng ta” - nhà văn G.I. Uspensky đã viết như thế. Ảnh hưởng của Garshin có thể tìm thấy trong truyện ngắn của các nhà văn cùng thời hay về sau, như A.P. Chekhov, V.G. Korolenko, Maxim Gorky. Người dịch Bốn ngày TÔI NHỚ CHÚNG TÔI ĐÃ chạy băng qua rừng, đạn rít bên tai, những cành cây gãy đổ, chúng tôi chui qua những bụi táo gai. Đạn bắn rát hơn. Ngoài bìa rừng thấp thoáng cái gì đó màu đỏ. Sidorov, cậu binh nhì trẻ măng (“không biết sao hắn lại rơi vào đội của bọn ta?” - tôi thoáng nghĩ), đột nhiên ngồi bệt xuống đất và lặng nhìn tôi với đôi mắt mở to kinh hãi. Một dòng máu chảy ra từ miệng cậu ta. Phải, tôi nhớ rất rõ cảnh đó. Tôi còn nhớ gần như ngay ở bìa rừng, trong những bụi cây rậm rạp, tôi trông thấy...hắn. Hắn là một tên Thổ to lớn, nhưng tôi lao thẳng vào hắn, mặc dù tôi ốm yếu và gầy nhom. Cái gì đó đổ phịch xuống, một cái gì đó, tôi cảm thấy thế, rất to lớn bay ngang qua, rít lên trong tai. “Đó là hắn vừa bắn mình” - tôi nghĩ. Còn hắn ta rú lên kinh hãi, tựa lưng vào bụi táo gai. Có thể đi vòng quanh bụi táo, nhưng vì sợ quá nên hắn chẳng nhớ gì cả, cứ lao thẳng vào những cành cây đầy gai. Chỉ một phát tôi tước được súng của hắn, phát tiếp theo lưỡi lê của tôi đâm thọc vào một cái gì đó. Một âm thanh không ra tiếng rống, cũng chẳng phải tiếng rên. Tôi bỏ chạy tiếp. Quân ta reo lên: “U ra!”, ngã xuống, nổ súng. Tôi nhớ mình cũng bắn vài phát, và đã ra tới khoảng trống ngoài bìa rừng. Bỗng nhiên tiếng “U ra” vang lên to hơn, và chúng tôi lập tức vượt lên phía trước. Nghĩa là không phải chúng tôi, mà là quân ta, bởi vì tôi thì ở lại. Tôi cảm thấy rất lạ. Lạ hơn nữa là bỗng nhiên mọi thứ biến mất hết; mọi tiếng la hét và tiếng súng nổ bỗng câm lặng. Tôi không nghe thấy gì hết, mà chỉ thấy một cái gì đó xanh xanh, có lẽ là bầu trời. Rổi sau đó cả nó cũng biến mất. Tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng kỳ lạ như vậy. Hình như tôi đang nằm sấp và chỉ nhìn thấy ở phía trước một mô đất bé tí. Một vài ngọn cỏ, một con kiến chúi đầu bò ra từ một ngọn cỏ, mấy mẩu rác từ đám cỏ năm ngoái - đó là toàn bộ thế giới của tôi. Và tôi nhìn thấy nó chỉ bằng một con mắt, bởi con kia bị cái gì đó cứng cứng, chắc là cành cây mà đầu tôi đang tựa vào, che bịt mất. Tư thế của tôi thật hết sức bất tiện, tôi rất muốn, nhưng hoàn toàn không hiểu tại sao mà mình không thể nhúc nhích được. Cứ thế thời gian trôi qua. Tôi nghe thấy tiếng dế gáy, tiếng ong bay rù rì. Ngoài ra chẳng có gì cả. Cuối cùng tôi gắng hết sức giải phóng tay phải bị đè dưới thân mình, rồi tì hai tay xuống đất định quỳ gối ngồi dậy. Một cái gì đó sắc và nhanh như tia chớp đâm xuyên vào toàn thân tôi từ đầu gối qua ngực đến đỉnh đầu, và tôi lại ngã xuống. Lại bóng đêm bao phủ, lại chẳng thấy gì hết. Tôi tỉnh dậy. Tại sao tôi lại nhìn thấy những vì sao chiếu rất sáng trên bầu trời Bulgaria đen thẫm? Chẳng lẽ tôi không nằm trong lán trại? Tại sao tôi lại ra khỏi đó? Tôi ngọ nguậy và thấy đau ghê gớm ở hai chân. Phải rồi, vậy là tôi đã bị thương trong trận đánh. Có nguy hiểm hay không nhỉ? Tôi nắm lấy chân mình, nơi mà tay tôi chạm tới được, thì thấy đau nhiều hơn. Cơn đau, giống như đau răng vậy, thường xuyên, buốt tận óc. Trong tai kêu ong ong, đầu trĩu nặng. Tôi mù mờ hiểu rằng mình bị thương cả hai chân. Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao người ta không nhấc tôi lên? Chẳng lẽ bọn Thổ đã đánh tan quân ta? Tôi bắt đầu nhớ lại chuyện xảy ra với mình, đầu tiên còn lờ mờ, nhưng sau đó rõ ràng hơn, và đi đến kết luận là chúng tôi hoàn toàn không bị đánh tan. Vì sao tôi ngã xuống (tuy nhiên điều này tôi không nhớ, nhưng tôi nhớ mọi người chạy lên phía trước như thế nào, còn tôi không chạy được, mà chỉ thấy cái gì đó xanh xanh ở trước mắt), và tôi ngã xuống ở khoảng trống ngoài bìa rừng phía trên ngọn đồi. Anh chỉ huy tiểu đoàn vóc người nhỏ bé đã chỉ cho chúng tôi khoảng trống đó. “Anh em ơi, chúng ta sẽ ra đó!” - anh ta hét lên lanh lảnh. Và chúng tôi đã ở đó, nghĩa là chúng tôi không bị đánh tan... Vậy thì tại sao mọi người không mang tôi đi? Ở đây thoáng rộng thế này, có thể thấy rõ mọi thứ. Có lẽ tôi không nằm đây một mình. Họ bắn đạn rát thế cơ mà. Cần phải quay đầu ngó xem mới được. Bây giờ làm việc đó dễ hơn, bởi lúc tôi tỉnh dậy nhìn thấy cọng cỏ và con kiến bò dưới đầu, tôi đã gượng nhỏm dậy rồi ngã xuống nhưng không theo tư thế cũ nữa, mà nằm ngửa ra. Bởi vậy nên tôi mới nhìn thấy những vì sao. Tôi nhỏm lên và ngồi dậy. Điều này rất khó khăn, khi cả hai chân đều bị gãy. Mấy lần tuyệt vọng, cuối cùng, trào nước mắt vì đau đớn, tôi cũng ngồi dậy được. Trên đầu tôi là một khoảnh trời xanh thẫm, trên đó cháy lên một ngôi sao lớn và vài ngôi sao nhỏ, xung quanh là cái gì đó tối đen và cao. Đó là những bụi cây. Vậy ra tôi ở giữa bụi cây, và mọi người không tìm thấy tôi! Tôi cảm thấy những chân tóc trên đầu cựa quậy. Tuy nhiên làm sao mà tôi lại ở trong bụi cây, trong khi chúng bắn tôi ở ngoài bãi trống? Chắc là lúc bị thương tôi đã bò tới đây, nhưng đau quá nên chẳng nhớ gì. Chỉ lạ rằng bây giờ tôi không thể cử động được, mà sao lúc đó lại có thể lê đến tận những bụi cây này. Có thể lúc đó tôi mới bị một vết thương, còn viên đạn thứ hai trúng tôi khi tôi đã ở đây. Những đám màu hồng nhợt nhạt vây xung quanh tôi. Ngôi sao lớn nhạt đi, một vài ngôi sao nhỏ biến mất. Đó là mặt trăng vừa lên. Nếu được ở nhà thì tuyệt biết bao!... Những âm thanh kỳ lạ nào đó vọng tới chỗ tôi... Dường như có ai đó đang rên. Phải, đó là tiếng rên. Có ai đó cũng bị bỏ quên với đôi chân gãy hay vết đạn trên bụng đang nằm gần chỗ tôi không nhỉ? Không, những tiếng rên rất gần, mà cạnh tôi hình như chẳng có ai... Ôi Chúa ơi, hóa ra đó chính là tôi! Những tiếng rên khe khẽ, ai oán; chẳng lẽ tôi thực sự đau đớn đến thế? Có lẽ là vậy. Chỉ có điều tôi không hiểu cái đau này, bởi trong đầu tôi là đám sương mù, là viên đạn chì. Tốt hơn là nằm xuống và thiếp đi, ngủ, ngủ... Chỉ không biết có lúc nào tỉnh lại được hay không? Thôi mặc kệ. Vào giây phút tôi chuẩn bị nằm xuống, thì một vầng ánh trăng lớn nhợt nhạt chiếu rõ chỗ tôi, và tôi nhìn thấy một cái gì đó tôi tối, to thù lù cách tôi chừng năm bước chân. Trên nó có những vệt sáng do ánh trăng chiếu vào. Đó là những chiếc khuy áo hay đồ quân nhu. Một cái xác, hoặc một người bị thương. Mặc kệ, tôi nằm xuống... Không, không thể thế được! Quân ta chưa đi khỏi. Họ vẫn còn ở đây, họ đánh tan bọn Thổ và đóng quân tại vị trí này. Thế tại sao lại không một tiếng người nói, không có tiếng củi lửa cháy? Chắc tại tôi yếu quá nên không nghe thấy gì. Chắc là họ đang ở đây. “Giúp tôi với!.. Giúp tôi với!” Những tiếng kêu khàn khàn hoang dại bật ra từ lồng ngực tôi, nhưng không tiếng đáp lại. Những tiếng kêu lan to trong không trung. Mọi thứ còn lại đều câm lặng. Chỉ những con dế vẫn rỉ rả không ngừng như trước. Mặt trăng tròn vạnh nhìn tôi u sầu. Nếu như hắn bị thương, chắc hẳn hắn sẽ tỉnh dậy vì tiếng kêu như thế. Đó là cái xác. Của ta hay của quân Thổ? Ôi Chúa ơi! Cũng như nhau mà thôi! Và cơn buồn ngủ kéo xuống đôi mắt sưng húp của tôi. Tôi nằm nhắm mắt, mặc dù đã thức giấc từ lâu. Tôi không muốn mở mắt vì cảm thấy tia nắng xuyên qua hàng mi khép kín: nếu như tôi mở mắt, nó sẽ xé mắt tôi. Tốt hơn là không nhúc nhích... Hôm qua (hình như đó là hôm qua) tôi bị thương; một ngày đêm đã trôi qua, những ngày khác cũng sẽ trôi qua, tôi sẽ chết. Mặc kệ. Tốt hơn là đừng nhúc nhích. Hãy để thân thể bất động. Giá mà dừng cả hoạt động của não lại được! Nhưng không gì ngăn nó lại được. Những ý nghĩ, những hồi tưởng đầy trong đầu. Tuy nhiên, chỉ không lâu nữa đâu, sắp kết thúc rồi. Trên các tờ báo sẽ chỉ đăng vài dòng, rằng con số thương vong của quân ta không đáng kể, bị thương chừng này người, và binh nhì Ivanov trong đội tình nguyện quân đã hy sinh. Không, họ sẽ không ghi họ tên, đơn giản chỉ nói: một người hy sinh. Một anh binh nhì, như con chó con kia... Một bức tranh hiện ra rõ rệt trong trí tưởng tượng của tôi. Chuyện xảy ra lâu lắm rồi, tuy nhiên, tất cả cuộc đời tôi, cuộc đời lúc tôi còn chưa nằm đây với đôi chân gãy, đều thành lâu lắm rồi... Tôi đang đi trên phố thì vấp phải một đám đông. Đám đông đó lặng lẽ ngắm nhìn một cái gì đó trăng trắng, đẫm máu, đang rít lên sầu não. Đó là một con chó con xinh xắn. Một cỗ xe ngựa chạy trên đường sắt đã nghiến qua nó. Nó đang hấp hối, giống như tôi bây giờ. Một người lao công nào đó rẽ đám đông, xách cổ nó và mang đi. Đám đông giải tán. Có ai đó sẽ mang tôi đi không? Không, cứ nằm mà chết đi. Mà cuộc đời thì đẹp làm sao!... Vào ngày hôm đó (cái hôm xảy ra chuyện bất hạnh với con chó), tôi đang rất hạnh phúc. Tôi bước đi trong tâm trạng đê mê, vì có lý do nào đó. Thôi, những kỷ niệm kia ơi đừng giày vò ta nữa, hãy để ta yên! Hạnh phúc ngày xưa, những đau đớn bây giờ... hãy để lại chỉ những đớn đau, đừng để ký ức giày vò, những ký ức vô tình khiến ta phải so sánh. Ôi chao, nỗi buồn, nỗi buồn. Mày còn tệ hơn những vết thương. Tuy nhiên trời trở nên nóng bức. Mặt trời thiêu đốt. Tôi mở mắt, vẫn thấy những bụi cây ấy, bầu trời ấy, chỉ khác là dưới ánh sáng mặt trời. Và kia là hàng xóm của tôi. Phải, đó là tên Thổ, một cái xác. Sao mà to lớn thế! Tôi nhận ra hắn, chính cái tên mà... Nằm phía trước tôi là con người mà tôi đã giết chết. Tại sao tôi lại giết hắn ta? Hắn nằm đây, chết cứng, đẫm máu. Tại sao số phận lại xua đuổi hắn tới đây? Hắn là ai? Có lẽ, hắn cũng như tôi, có một bà mẹ già. Bà cũng sẽ mỗi buổi chiều ngồi rất lâu bên cửa túp lều nghèo nàn và ngóng nhìn về phía bắc xa xôi: thằng con trai yêu dấu của bà, lao động chính và người phụng dưỡng bà không biết có trở về không?... Còn tôi thì sao? Cả tôi cũng thế... Thậm chí giá tôi đổi chỗ cho hắn được. Hắn sung sướng làm sao: hắn chẳng nghe thấy gì, chẳng đau đớn vì vết thương, chẳng cảm thấy nỗi buồn chết người, chẳng thấy cơn khát... Lưỡi lê đâm thẳng vào tim hắn... Trên áo hắn một lỗ thủng lớn đen ngòm thế kia, xung quanh đẫm máu. Đó là tôi đã làm ra thế. Tôi không muốn điều đó. Tôi chẳng muốn làm điều ác với ai khi ra trận. Ý tưởng rằng mình sẽ phải giết người dường như đã không có trong tôi. Tôi chỉ hình dung mình sẽ giơ ngực của mình dưới làn đạn như thế nào mà thôi. Và tôi đã ra trận và giơ ngực ra. Nhưng rồi sao nào? Đồ ngốc, đồ ngốc! Còn cái anh chàng bất hạnh này (trên mình hắn là chiếc áo của quân Ai Cập) hắn còn ít có lỗi hơn. Trước khi bị người ta nhét lên tàu, như nhét lũ cá trích vào thùng, và đưa đến Constantinople, hắn chưa từng nghe đến cả nước Nga lẫn Bulgaria. Người ta ra lệnh cho hắn đi thì hắn đi. Nếu như hắn không đi, người ta có lẽ sẽ đánh hắn bằng gậy, hoặc có thể một pasha[1] nào đó sẽ cho hắn một viên đạn súng lục. Hắn phải trải qua một cuộc hành quân dài, gian khổ từ Istambul đến Rushuk. Chúng ta tấn công, hắn tự vệ. Nhưng rõ ràng rằng chúng ta là những kẻ đáng sợ, những kẻ chẳng ngán gì khẩu súng trường Anh nhãn hiệu Peatbody & Martini Patent của hắn, cứ xông tới, xông tới phía trước. Hắn kinh hoảng. Khi hắn định bỏ chạy, thì một thằng người bé choắt nào đó, mà hắn chỉ cần nắm bàn tay đen thui của mình lại đấm một cú cũng đủ giết chết, bỗng nhiên nhảy ra và đâm lưỡi lê vào trúng tim hắn. [1] Pasha: một tước vị cao trong hệ thống chính trị của đế chế Ottoman, tương đương như tỉnh trưởng, tướng lãnh (ND). Và cả tôi cũng nào có lỗi gì, mặc dù tôi đã giết hắn? Tôi có lỗi gì? Vì sao mà tôi phải bị cơn khát giày vò? Khát! Ai biết được từ đó có nghĩa gì! Thậm chí khi chúng tôi đi qua Romania, hành quân năm mươi dặm trong cái nóng bốn mươi độ khủng khiếp, khi đó tôi cũng không cảm thấy điều tôi đang cảm nhận bây giờ. Ôi, giá có ai đó đến đây! Chúa ơi! Có lẽ trong cái bi đông to tướng kia của hắn có nước! Nhưng phải lết được tới chỗ hắn. Sẽ phải trả một giá đắt như thế nào! Nhưng kệ, tôi sẽ tới được. Tôi bò tới. Hai chân kéo lết, đôi tay yếu ớt khó nhọc đẩy tấm thân bất động. Đến chỗ cái xác chỉ khoảng hai xagien[2], nhưng với tôi còn xa hơn, không phải xa hơn mà là tồi tệ hơn mười dặm. Nhưng vẫn phải bò. Cuối cùng thì nó đây. Cái bi đông... bên trong có nước, rất nhiều nước! Có lẽ còn đến hơn nửa bình. Ôi! Tôi có đủ nước để dùng lâu... đến tận lúc chết! [2] Xagien: đơn vị đo chiều dài của Nga, bằng 2,134 mét (ND). Hắn có lỗi gì nào? Anh đã cứu tôi, nạn nhân của tôi ơi!... Tôi bắt đầu mở bi đông, tựa mình vào một khuỷu tay, và bỗng nhiên mất thăng bằng, ngã sấp mặt vào ngực vị cứu tinh của mình. Từ mình anh ta bốc mùi tử khí. Tôi uống no. Nước ấm nhưng chưa bị thối, hơn nữa lại còn rất nhiều. Tôi sẽ sống thêm được vài ngày. Chợt nhớ trong cuốn “Sinh lý học cuộc sống hàng ngày” có nói rằng con người có thể sống thiếu thức ăn hơn một tuần, miễn là có nước. Phải, ở đó còn kể câu chuyện của người tự tử bằng cách tuyệt thực. Ông ta sống rất lâu vì vẫn uống nước. Thì sao nào? Nếu như tôi sống thêm năm sáu ngày nữa, thì sẽ ra sao? Quân ta đã đi rồi, quân Bulgaria chạy tản mát cả. Không có con đường nào gần đây. Cuối cùng rồi cũng chết. Chỉ có thay vì ba ngày đau đớn, tôi sẽ chịu cả tuần. Kết thúc luôn chẳng tốt hơn sao? Cạnh người hàng xóm của tôi là khẩu súng của hắn, một tuyệt tác của người Anh. Chỉ cần với tay ra, sau đó - một giây, và kết thúc. Những băng đạn lăn lóc cả đống. Hắn chưa kịp bắn hết. Sẽ kết liễu mình như vậy hay là chịu đựng? Để làm gì? Đợi giải thoát ư? Cái chết ư? Hay đợi bọn Thổ tới và bắt đầu lóc da khỏi đôi chân bị thương của tôi? Tốt hơn là tự mình... Không, không được nhụt chí, tôi sẽ chiến đấu đến tận cùng, đến khi sức tàn lực kiệt. Nếu người ta tìm thấy tôi, tôi sẽ được cứu sống. Có khi xương chưa bị sao, người ta sẽ chữa khỏi cho tôi. Tôi sẽ thấy lại quê hương, gặp lại mẹ, gặp Masha... Trời ơi, đừng để họ biết toàn bộ sự thật! Cứ để họ nghĩ rằng tôi bị giết chết ngay tức thì. Họ sẽ ra sao nếu biết rằng tôi phải vật vã hai, ba, bốn ngày! Đầu tôi quay cuồng; hành trình lết đến anh bạn hàng xóm làm tôi hoàn toàn kiệt sức. Lại còn cái mùi khủng khiếp này nữa. Sao hắn ta thâm đen lại thế... rồi ngày mai hay ngày kia còn như thế nào? Và tôi bây giờ nằm đây chỉ bởi vì không còn sức để lết đi nữa. Tôi sẽ nghỉ một lúc và sẽ bò lại chỗ cũ; hơn nữa gió thổi hướng từ đây và đưa mùi thối xa khỏi tôi. Tôi nằm hoàn toàn bất động. Mặt trời thiêu đốt mặt và tay tôi. Không có gì để che cả. Chỉ mong đêm mau tới, có lẽ sẽ là đêm thứ hai. Ý nghĩ trở nên lộn xộn, và tôi mê đi. Tôi ngủ rất lâu, bởi vì khi thức dậy, đêm đã xuống. Mọi thứ vẫn như cũ: các vết thương đau nhức, anh hàng xóm vẫn nằm bên, vẫn to lớn và bất động như thế. Tôi không thể không nghĩ về hắn. Chẳng lẽ tôi vứt bỏ tất cả những gì yêu thương, quý giá nhất để hành quân hàng ngàn dặm đến đây, chịu đói, chịu lạnh, bị cái nóng hành hạ, chẳng lẽ cuối cùng tôi nằm đây với những dằn vặt đau khổ - tất cả chỉ để chấm dứt cuộc sống của con người bất hạnh kia? Lẽ nào tôi đã làm được cái gì đó có ích cho những mục đích quân sự ngoài việc giết người kia? Giết người, kẻ giết người... Đó là ai? Là tôi! Lúc tôi trù tính đi đánh nhau, mẹ và Masha can ngăn, khóc lóc cho tôi. Mù mắt vì lý tưởng, tôi không nhìn thấy những giọt nước mắt đó. Tôi không hiểu (nhưng bây giờ đã hiểu), rằng mình đã làm gì với những con người thân yêu của mình. Nhớ lại mà làm gì? Chẳng thể nào quay lại quá khứ được. Còn thái độ kỳ lạ nơi nhiều người quen đối với hành động của tôi nữa chứ! “Đồ mất trí! Đâm đầu vào mà chẳng biết gì cả!” Sao họ lại có thể nói như vậy? Những lời nói của họ có liên quan thế nào với quan niệm của họ về sự anh hùng, về tình yêu tổ quốc và những thứ khác kiểu như vậy? Bởi trong mắt của họ, tôi là đại diện của tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó. Nhưng đồng thời, tôi là “kẻ mất trí”. Thế là tôi đi Kishinev, người ta bắt tôi thồ chiếc ba lô cùng đủ mọi thứ quân trang. Và tôi đi cùng với hàng ngàn người, trong đó chỉ một số giống như tôi, tình nguyện ra đi. Những người khác sẽ ở nhà nếu người ta cho phép. Tuy nhiên, họ cũng đi như chúng tôi, “tự giác”, vượt qua hàng ngàn dặm và đánh nhau cũng giống chúng tôi, thậm chí còn giỏi hơn. Họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, dù cho có thể sẵn sàng vứt bỏ và trở về nhà - nếu như được phép. Ngọn gió lạnh sớm mai thổi tới. Bụi cây lao xao, con chim nhỏ ngái ngủ vụt bay lên. Những ngôi sao đã tắt. Bầu trời xanh thẫm xám lại, đùn lên những đám mây bông mềm, bóng tối nhá nhem cất lên khỏi mặt đất. Bắt đầu ngày thứ ba của... Gọi nó như thế nào nhỉ? Của sự sống? Hay của đớn đau? Ngày thứ ba... Sẽ còn bao nhiêu ngày nữa? Dù thế nào thì cũng không nhiều... Tôi rất yếu, có lẽ không thể nhích ra khỏi cái xác được nữa. Tôi sắp thành giống anh ta và chúng tôi không còn khó chịu với nhau nữa. Cần phải uống đủ nước. Tôi sẽ uống ba lần một ngày: sáng, trưa và tối. Mặt trời đã lên. Bóng to lớn của nó bị chia cắt bởi những cành cây, đỏ lừ như máu. Hôm nay chắc là sẽ nóng. Anh hàng xóm của tôi ơi, chuyện gì xảy ra với anh vậy? Trông anh bây giờ cũng rất đáng sợ. Phải, hắn ta trông rất đáng sợ. Tóc bắt đầu rụng. Da hắn vốn bản chất màu đen, giờ tái nhợt và chuyển thành màu vàng, khuôn mặt sưng phồng kéo căng lớp da đến độ nó bị rách ở phía sau tai. Chỗ đó lúc nhúc giòi. Đôi chân giấu trong giày cũng phồng lên và giữa các khóa giày lòi ra những mụn rộp lớn. Và toàn thân hắn ta trương lên như quả núi. Mặt trời hôm nay sẽ còn làm gì hắn nữa đây? Nằm gần sát hắn như vậy thật không thể chịu nổi. Tôi phải bò đi khỏi bằng mọi giá. Nhưng liệu tôi có bò đi được hay không? Tôi vẫn còn có thể nhấc tay lên, mở bi đông, uống nước. Nhưng làm sao xoay được cả tấm thân bất động nặng nề? Nhưng thế nào tôi cũng phải nhích ra, dẫu chỉ một chút, dẫu mất cả giờ để bò được nửa bước. Cả buổi sáng của tôi trôi qua với việc di chuyển đó. Cơn đau dữ dội, nhưng nó có là gì với tôi bây giờ? Tôi đã không còn nhớ, không thể hình dung cảm giác của một người khỏe mạnh nữa. Tôi thậm chí quen với cơn đau. Cả buổi sáng tôi đã bò được khoảng hai xagien và lại về chỗ cũ. Nhưng tôi không hưởng không khí trong lành được lâu, nếu như có không khí trong lành ở cách cái xác đang phân hủy có sáu bước. Gió lại đổi chiều và đưa cái mùi thối tới, kinh khủng đến nỗi tôi phát nôn. Dạ dày rỗng tuếch co rút lại đau đớn, mọi thứ trong bụng lộn nhào, còn cái không khí ô nhiễm bốc mùi hôi thối kia cứ bơi về phía tôi. Tôi tuyệt vọng và bật khóc... Hoàn toàn mệt lử, đờ đẫn, tôi gần như mê man. Bỗng nhiên... Không phải trí tưởng tượng hỗn loạn đánh lừa tôi chứ? Tôi thấy hình như,... không. Không, đó đúng là tiếng người. Tiếng vó ngựa, tiếng người nói. Tôi suýt kêu lên, nhưng kìm lại được. Lỡ đó là bọn Thổ thì sao? Nếu vậy thì sao? Sẽ thêm vào những đau đớn khổ sở bây giờ là những đau đớn khác nữa, còn kinh khủng hơn, chỉ nghe nói đến, dù trên báo thôi, cũng đủ dựng tóc gáy. Lóc da, nướng cháy đôi chân bị thương... Nếu chỉ có thế thôi đã tốt, nhưng bọn chúng là những kẻ rất sáng tạo. Chẳng lẽ kết liễu cuộc đời trong tay chúng lại tốt hơn chết ở đây? Nhưng nếu như đó là quân ta thì sao? Ôi cái bụi cây quái quỷ này! Tại sao chúng mày lại mọc thành hàng rào rậm rịt quanh tao như vậy? Chẳng thể nhìn thấy gì qua đám cây, chỉ có một khoảnh như ô cửa sổ nhỏ giữa các cành cây, có thể thấy chỗ trũng ở phía xa. Ở đó có lẽ có một con suối mà chúng tôi đã uống nước lúc trước trận đánh. Phải, có cả một phiến sa thạch lớn bắc ngang con suối như chiếc cầu con. Có lẽ họ đi qua cái cầu đó. Tiếng nói tắt lặng. Tôi không nghe được ngôn ngữ họ nói: cả thính giác của tôi cũng yếu rồi. Trời ơi! Nếu như đó là quân ta... Tôi sẽ hét gọi họ; họ sẽ nghe thấy tôi cả từ chỗ con suối. Thế còn hơn là mạo hiểm rơi vào tay của quân Thổ. Sao bọn họ mãi không đi thế nhỉ? Tôi khổ sở vì nôn nóng, thậm chí không còn ngửi thấy mùi xác chết, dù nó không hề giảm bớt đi tí nào. Rồi bỗng nhiên trên chỗ cầu bắc qua dòng suối xuất hiện những người Cô dắc! Những chiếc áo khoác màu xanh, những nẹp viền màu đỏ, những cây thương. Họ có đến cả đại đội. Phía trước là một sĩ quan râu đen ngồi trên con tuấn mã. Đại đội Cô dắc vừa qua con suối, viên sĩ quan quay cả người ra sau và hét lên: - Đi nước kiệu, bước! - Dừng lại, dừng lại, vì Chúa! Cứu tôi với, cứu tôi, anh em ơi! - tôi kêu lên, nhưng tiếng vó những con ngựa khỏe mạnh, tiếng giáo va nhau và tiếng nói chuyện ồn ào của đám Cô dắc át tiếng thều thào của tôi. Người ta không nghe thấy tôi! Ôi khốn nạn! Tôi kiệt lực ngã sấp mặt xuống đất và bắt đầu nức nở. Từ cái bi đông bị tôi làm đổ, dòng nước, sự sống của tôi, cứu tinh của tôi, sự trì hoãn cái chết của tôi, chảy ra. Nhưng tôi chỉ nhận ra điều đó khi nước trong bình chỉ còn không hơn nửa cốc, còn bao nhiêu đã chui xuống mặt đất khô cháy tham lam rồi. Liệu tôi còn nhớ được cái cảm giác chết lặng bao trùm lấy tôi sau sự cố kinh hoàng đó chăng? Tôi nằm bất động, mắt nhắm hờ. Gió đổi hướng liên tục, lúc thổi tới tôi không khí tươi mát trong lành, lúc lại phủ lên tôi mùi hôi thối nồng nặc. Anh hàng xóm hôm nay trở nên kinh khiếp không bút nào tả nổi. Một lần mở mắt ngó qua hắn, tôi thất kinh. Khuôn mặt hắn không còn nữa, trụt hết da thịt lòi cả xương. Một đám xương nhe ra nụ cười khủng khiếp, nụ cười vĩnh cửu trở nên kinh tởm, đáng sợ chưa từng thấy, mặc dù tôi không chỉ một lần từng cầm trong tay và mổ xẻ những cái đầu còn nguyên. Cái bộ xương mặc quân phục với những chiếc cúc lấp lánh khiến tôi bủn rủn. “Chiến tranh đấy, - tôi nghĩ, - hình ảnh của nó đấy.” Mà mặt trời thì vẫn thiêu đốt như trước. Hai tay và mặt tôi bị cháy nắng từ lâu. Tôi đã uống hết số nước còn lại. Cơn khát hành hạ ghê gớm, đến nỗi, chỉ định uống một ngụm nhỏ, tôi ực luôn hết tất cả. Trời ơi, sao tôi lại không hét gọi những người Cô dắc khi họ ở gần tôi đến thế! Nếu như đó là bọn Thổ thì cũng vẫn tốt hơn. Chúng hành hạ chỉ một hai tiếng thôi, còn như thế này thì tôi còn không biết mình phải vật vã chịu đựng bao nhiêu thời gian nữa. Mẹ yêu quí của con ơi! Mẹ sẽ bứt những mớ tóc bạc của mình, đập đầu vào tường, nguyền rủa cái ngày mẹ sinh ra con, nguyền rủa cả thế giới đã nghĩ ra chiến tranh để con người phải khổ sở! Nhưng mẹ và Masha chắc là sẽ không nghe về những đau đớn của con đâu. Vĩnh biệt mẹ, vĩnh biệt vợ chưa cưới của anh, tình yêu của anh! Chao ơi sao nặng nề, cay đắng quá! Cái gì đó dâng nghẹn dưới tim... Lại con chó trắng nhỏ đó! Gã lao công không thương xót gì nó, đập đầu nó vào tường rồi vứt nó xuống hố, nơi người ta vứt rác và nước thải. Nhưng nó vẫn còn sống. Nó còn vật vã suốt ngày. Nhưng tôi bất hạnh hơn nó, bởi phải vật vã những ba ngày. Ngày mai là ngày thứ tư, rồi đến ngày thứ năm, thứ sáu... Thần Chết ơi, ngươi ở đâu? Hãy đến đây, đến đây mang tôi đi! Nhưng cái chết không đến, không mang tôi đi. Tôi cứ nằm dưới mặt trời khủng khiếp đó, không còn lấy một ngụm nước để làm dịu cái cổ họng đã sưng phồng, và cái xác thì đầu độc tôi. Nó hoàn toàn thối rữa. Hằng hà sa số những con giòi rơi ra từ nó. Sao mà chúng đông nhung nhúc! Khi nào hắn bị ăn hết, chỉ còn xương, thì sẽ đến lượt tôi. Và tôi cũng sẽ như thế. Ngày trôi qua, đêm trôi qua. Vẫn y như thế. Rồi buổi sáng tới. Cũng vẫn như thế. Rồi thêm một ngày nữa... Bụi cây lay động và xào xạc, như đang trò chuyện khe khẽ. “Anh sẽ chết, sẽ chết, sẽ chết!” - chúng thì thào. “Anh sẽ không trông thấy, không trông thấy, không trông thấy!” đám cây phía khác đáp lại. - Ở đây anh không trông thấy đâu! - vang lên rất to ở gần tôi. Tôi rùng mình và lập tức bừng tỉnh. Từ trong đám cây, đôi mắt hiền từ xanh biếc của cậu binh nhất Yakolev ngó nhìn tôi. - Đưa xẻng ra đây! - cậu ta kêu lên - Đây có hai người, một của ta, một của bọn nó. “Không cần xẻng đâu, không cần chôn tôi, tôi còn sống!” - tôi muốn kêu lên, nhưng chỉ tiếng rên yếu ớt thoát ra từ đôi môi khô cong của tôi. - Chúa ơi! Anh ấy còn sống sao? Công tử[3] Ivanov! Anh em ơi! Lại đây, công tử của chúng ta còn sống! Gọi bác sĩ đi! [3] Nguyên văn: барин (dùng để gọi những người không thuộc tầng lớp bình dân) (ND). Nửa phút sau người ta đổ vào miệng tôi nước, rượu vốt ca hay cái gì đó nữa. Sau đó mọi thứ biến mất. Cáng thương chuyển động, đung đưa nhịp nhàng. Sự nhịp nhàng đều đều đó ru ngủ tôi. Lúc tôi tỉnh lại, lúc lại mê đi. Những vết thương được băng bó không còn đau đớn nữa, một cảm xúc sung sướng khôn tả tràn ngập thân thể... - D...ư...ừng lại! H...a...ạ xu...uống! Hộ lý đâu, đổi lần thứ tư, bước đều b...ư...ước! Cầm cáng thương, nh...â...ấc l...ê...ên! Đó là Piotr Ivanych, sĩ quan quân y của chúng tôi, một anh chàng cao khều, gầy nhom và rất tốt bụng, đang hô điều khiển. Anh ta cao quá đến nỗi liếc mắt về phía anh ta, tôi luôn trông thấy mái đầu anh ta, mặc dù chiếc cáng được khiêng trên vai bốn người lính cao lớn. - Piotr Ivanych - Tôi thì thào. - Sao cơ, anh bạn thân mến? - Piotr Ivanych cúi xuống bên tôi. - Piotr Ivanych, bác sĩ nói gì với anh vậy? Tôi sắp chết phải không? - Anh nói gì vậy, Ivanov! Anh không chết đâu. Xương cốt của anh còn nguyên mà. Anh chàng may mắn làm sao! Không bị vào xương, không trúng động mạch. Mà làm sao anh sống được bốn ngày rưỡi qua như vậy? Anh ăn cái gì? - Không ăn gì cả. - Còn uống? - Tôi lấy được bình nước của thằng Thổ. Piotr Ivanych, tôi không thể nói được bây giờ, để sau nhé. - Ồ vâng, Chúa phù hộ anh, bạn thân mến, anh ngủ đi. Lại thiếp đi, mê man... Tôi tỉnh dây trong lán quân y của tiểu đoàn. Các bác sĩ, y tá đứng quanh tôi, ngoài họ ra, tôi còn thấy khuôn mặt quen quen của một bác sĩ nổi tiếng ở Petersburg đang cúi xuống xem xét hai chân tôi. Tay ông ta đẫm máu. Ông ta loay hoay với chân tôi không lâu, rồi quay sang nói với tôi: - Cậu may mắn lắm đấy, chàng trai trẻ ạ! Cậu sẽ sống. Chúng tôi chỉ lấy đi một chân của cậu thôi, nhưng đó là chuyện nhỏ. Giờ cậu đã có thể nói chuyện được chưa? Tôi đã nói được, và tôi kể cho họ tất cả những gì được ghi lại ở đây. 1877 Sự cố I KHÔNG BIẾT TẠI SAO MÀ TÔI, một người gần hai năm qua không hề nghĩ ngợi gì, lại bắt đầu suy nghĩ - tôi không thể nào hiểu nổi. Lẽ nào quý ông đó quả thực đã đẩy tôi đến những suy tư này. Bởi vì những quý ông như vậy tôi vẫn gặp thường xuyên đến nỗi đã quen với những thuyết giáo của họ. Phải, trừ những người đã quá quen thuộc, hoặc những người rất thông minh, còn hầu như bất kỳ anh chàng nào cũng đều lập tức nói về những thứ chẳng cần cho anh ta, lẫn cho cả tôi. Đầu tiên là hỏi tên tôi là gì, tôi bao nhiêu tuổi, rồi sau đó đa số với vẻ mặt u sầu bắt đầu nói về việc “chẳng lẽ không cách nào thoát khỏi cuộc sống như thế này sao?”. Ban đầu tôi đau khổ vì những cật vấn đó, nhưng giờ quen rồi. Cần phải quen với nhiều thứ lắm. Nhưng đã hai tuần rồi, cứ mỗi khi tôi không vui, nghĩa là không say mèm (bởi vì lẽ nào tôi có thể vui khi không say hay sao?), và khi tôi còn lại một mình, thì tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi không muốn nghĩ, nhưng không thể không nghĩ được, không cách nào dứt khỏi những ý nghĩ nặng nề đó, chỉ có một cách quên duy nhất là đi đến đâu đó đông người, nơi ý nghĩ lẫn lộn chẳng nhớ được gì... Khi đó sẽ dễ chịu hơn. Tại sao trước kia không có chuyện này, kể từ ngày tôi đã phẩy tay với mọi sự? Dù đã hơn hai năm tôi sống ở đây, trong căn phòng kinh tởm này, thời gian trôi qua lúc nào cũng đơn điệu như nhau, cũng như tôi đã từng ở những El Dorado và Palais de Crystal[1] khác nhau. Lúc nào tôi cũng không vui, nếu không thì cũng đang nghĩ về cái gì đó không vui. Nhưng còn bây giờ thì hoàn toàn, hoàn toàn khác. [1] Tên các khách sạn ở Petersburg thế kỷ XIX (ND). Thật là chuyện tẻ nhạt và xuẩn ngốc làm sao! Đằng nào thì tôi cũng chẳng thoát đi đâu được, không thoát được đơn giản chỉ vì bản thân tôi không muốn thoát. Tôi đã bị kéo vào cuộc đời này, tôi biết con đường của mình. Đấy như trong tờ “Con ve” (mà một người quen của tôi rất thường xuyên và luôn nhất định phải mang tới cho tôi, khi trong đó xuất hiện cái gì đó “giật gân”), trong tờ “Con ve” đó tôi thấy một bức tranh: ở giữa là một cô bé con xinh xắn ôm con búp bê, còn bên cô bé là hai hàng người. Hàng phía trên có một nữ sinh trường trung học hoặc nội trú bé nhỏ, sau đó là một cô nương, rồi đến bà mẹ của gia đình, và cuối cùng là một bà cụ già đáng kính. Hàng còn lại, ở phía dưới, là cô bé với chiếc hộp đi ra từ một cửa hiệu, rồi đến tôi, và tôi, rồi lại tôi nữa. Tôi thứ nhất là như bây giờ, tôi thứ hai đang cầm chổi quét đường, còn tôi thứ ba - một mụ già hoàn toàn xấu xí, đê tiện. Chỉ có điều tôi không để mình rơi xuống độ đó. Tôi chỉ ở đây hai, ba năm nữa thôi, nếu còn chịu nổi cuộc sống này, rồi sau đó sẽ vào tu viện thánh Ekaterina. Với tôi thế là đủ, không có gì phải sợ. Tuy nhiên, cái người họa sĩ này thật kỳ lạ! Tại sao nhất định là như thế, nếu như cô học sinh nội trú hay trung học, thì lại thành một cô nương khiêm tốn, rồi một người mẹ và một người bà khả kính? Còn tôi thì sao? Ơn Chúa, tôi cũng có thể liến thoắng ở nơi nào đó trên đại lộ Nevsky bằng tiếng Pháp hay tiếng Đức! Còn việc vẽ mấy bông hoa, tôi nghĩ rằng mình chưa quên, và “Calipso ne pouvait se consoler du depart d’Ulysse” (Nàng Calipso không thể nguôi ngoai sau khi chàng Ulysse ra đi) tôi cũng vẫn còn nhớ. Tôi nhớ cả Pushkin lẫn Lermontov, và tất cả, tất cả: cả các kỳ thi, cả thời gian nghiệt ngã, kinh khủng khi tôi thành một con ngốc, một con ngốc bị thịt, một thân một mình giữa những người họ hàng tử tế, những kẻ cam đoan rằng họ đã “cưu mang đứa trẻ mồ côi”, và những lời lẽ bóng bẩy đê tiện của tay công tử bột đó, và tôi đã vui mừng một cách ngu xuẩn thế nào, rồi tất cả dối trá và nhơ bẩn ở đó, trong cái “xã hội thuần khiết” mà từ đó tôi đã sa xuống đây, và giờ đắm mình trong men rượu vốt ca... Phải, bây giờ tôi uống cả vốt ca. “Thật kinh khủng!” - bà chị họ Olga Nikolaevna chắc sẽ kêu lên như thế. Mà thực sự điều đó chẳng lẽ lại không kinh khủng? Nhưng liệu chính tôi có lỗi không trong chuyện này? Giá như xuất hiện trước mắt tôi, một cô bé mười bảy tuổi, với tám năm ngồi trong bốn bức tường chỉ trông thấy toàn những cô bé giống như tôi cùng các maman[2] khác nhau, không phải một người như anh chàng chải tóc kiểu Capoule, người bạn dễ mến của tôi, mà là một con người tử tế, thì khi đó đã chẳng có chuyện xảy ra... [2] Maman - giám thị trong các trường nữ trung học nội trú Nga trước 1917 (ND). Nghĩ ngợi ngu ngốc làm sao! Chẳng lẽ lại có những người như thế, những người tử tế ấy. Chẳng lẽ tôi đã được gặp họ trước và sau cuộc khủng hoảng của mình? Tôi có nên nghĩ rằng có những con người tốt bụng, trong khi trong số mười người tôi biết thì chẳng có một người nào mà tôi có thể không căm thù? Và liệu tôi có thể tin rằng họ tồn tại, nếu như ở đây chỉ toàn những gã chồng của những cô vợ trẻ, những đứa trẻ (hầu như là những đứa trẻ - mới mười bốn, mười lăm tuổi) con cái “những gia đình tử tế”, và những lão già đầu hói, bại liệt, thoi thóp. Và sau hết, chẳng lẽ tôi có thể không căm thù, không khinh bỉ, mặc dù tôi cũng là một sinh thể đáng khinh và bị coi rẻ, khi tôi sống giữa những con người, như một tay người Đức trẻ tuổi nào đó với một hình chữ kết xăm phía trên khuỷu tay? Chính hắn giải thích cho tôi rằng đó là tên người vị hôn thê của hắn. “Jetzt aber bist du, meine Hebe, allerliebstes Liebchen” (Nhưng giờ đây, em yêu quý, em là người đáng yêu nhất trong số những người anh yêu) - hắn vừa nói vừa nhìn tôi bằng đôi mắt dâm đãng, lại còn đọc thơ của Heine nữa chứ. Thậm chí hắn còn tự hào giải thích cho tôi, rằng Heine là một nhà thơ Đức, rằng người Đức họ còn có những nhà thơ lớn hơn nữa là Goethe và Schiller, và rằng chỉ nơi dân tộc Đức thiên tài và vĩ đại mới sinh ra những nhà thơ như thế. Tôi những muốn tát vào cái mặt bóng nhờn trắng nhợt kinh tớm đó! Nhưng thay vì thế, tôi uống ực hết cốc rượu Portwein mà hắn rót cho tôi, và quên đi tất cả. Tôi nghĩ ngợi về tương lai của mình để làm gì, khi tôi đã biết rất rõ về nó? Tôi nghĩ về quá khứ của để làm gì, khi chẳng có gì ở đó có thể thay thế cho cuộc sống bây giờ của tôi? Phải, sự thực là thế. Nếu như hôm nay người ta đề nghị tôi quay về nơi đó, quay về với cảnh sống phong nhã, với những con người với những áo quần, kiểu tóc và lối nói phong nhã, thì tôi cũng không quay về, thà ở lại mà chết với địa vị bây giờ còn hơn. Phải, cả tôi cũng có địa vị của mình! Và tôi cũng là người cần thiết. Cách đây không lâu có một cậu trai trẻ đến gặp tôi, một anh chàng rất lắm mồm, đọc thuộc lòng cho tôi cả một trang sách nào đó. “Đó là triết gia của chúng ta, triết gia Nga của chúng ta” - cậu ta nói. Triết gia nói điều gì đó rất mù mờ và nịnh hót tôi, kiểu như chúng tôi là “nắp van của những dục vọng xã hội...” Những lời nói thật đáng tởm, và cả ông triết gia đó hẳn cũng là kẻ đáng tởm, và tởm hơn cả là thằng bé đó, cứ lặp đi lặp lại cái từ “nắp van”. Tuy nhiên, gần đây cả tôi cũng có ý nghĩ đó trong đầu. Lúc tôi đến tòa án dân sự, nơi đã phạt tôi mười lăm rúp vì hành vi thiếu đứng đắn nơi công cộng. Vào lúc ông quan tòa đọc quyết định, trong khi tất cả mọi người đứng lên, tôi đã nghĩ, rằng “Vì cái gì mà cả đám người này nhìn tôi một cách khinh bỉ? Dẫu cho tôi có làm cái việc bẩn thỉu, ghê tớm, giữ một địa vị đáng khinh bỉ, nhưng đó cũng là một địa vị! Cái ông quan tòa này cũng giữ một địa vị. Và tôi nghĩ, rằng cả hai chúng tôi...” Thực ra tôi chẳng nghĩ gì. Tôi chỉ cảm giác rằng mình đang uống rượu, và chẳng nhớ được gì, lẫn lộn cả. Trong đầu tôi mọi thứ chao đảo: cả gian phòng ghê tởm này, nơi tối nay tôi sẽ nhảy múa một cách trơ trẽn, cả cái lâu đài Litovsky, cả căn buồng ghê tởm chỉ có thể ở trong đó khi say xỉn. Thái dương tôi giật giật, tai ong ong, mọi thứ trong đầu cứ nhảy nhót và trôi đi đâu đó, bản thân tôi cũng trôi đi đâu đó. Tôi những muốn dừng lại, bấu lấy cái gì đó dẫu chỉ là một cọng rơm, nhưng đến cọng rơm tôi cũng không có. Tôi nói dối, tôi có đấy! Thậm chí không chỉ là cọng rơm, mà có lẽ còn là cái gì đó đáng hi vọng hơn, nhưng bản thân tôi không muốn hạ mình xuống đó, không muốn chìa tay ra bám lấy một “trụ cột”. Hình như, chuyện này xảy ra vào cuối tháng tám. Tôi nhớ lúc đó gió thu rất dễ chịu. Tôi đi dạo trong Vườn Mùa Hạ và ở đó đã làm quen với một “trụ cột”. Con người này không có gì đặc biệt cả, ngoài việc nói nhiều một cách hồn hậu. Anh ta kể cho tôi nghe về hầu như tất cả các công việc và những người quen của mình. Anh ta khoảng hai lăm tuổi, tên là Ivan Ivanych. Trông không xấu, cũng không đẹp trai. Anh ta tán chuyện với tôi như với một người quen nào đó, thậm chí kể cả những chuyện tiếu lâm về ông sếp của mình và giải thích cho tôi ai trong sở của anh ta là quan trọng. Anh ta đi khỏi và tôi quên anh ta. Tuy nhiên, một tháng sau anh ta lại xuất hiện. Xuất hiện trong vẻ u ám, buồn bã, gầy rộc. Khi anh ta bước vào, tôi thậm chí còn kinh hoảng vì bộ mặt cau có không quen biết. - Cô nhớ tôi không? Ngay lúc đó tôi nhận ra anh ta và bảo tôi có nhớ. Anh đỏ mặt. - Thế mà tôi tưởng rằng cô không nhớ, bởi nhiều người thế... Câu chuyện đưa đẩy. Chúng tôi ngồi trên đi văng, tôi một góc, anh ta ở góc kia, như lần đầu tiên đến thăm, ngồi thẳng đứng, thậm chí còn cầm mũ trong tay. Chúng tôi ngồi khá lâu, cuối cùng anh ta đứng dậy nghiêng mình. - Thôi tạm biệt Nadezhda Nikolaevna, - anh ta nói và thở dài. - Làm sao anh biết tên tôi? - tôi kêu lên, đỏ bừng mặt. Tên đang dùng của tôi không phải là Nadezhda, mà là Evgenia. Tôi hét lên với Ivan Ivanych, tức giận đến nỗi anh ta thậm chí hoảng sợ. - Tôi không có ý xấu, Nadezhda Nikolaevna ạ... Tôi chưa làm ai... Tôi có quen với ông cảnh sát Piotr Vasilievich, ông ấy kể mọi chuyện về cô. Tôi định gọi cô là Evgenia, nhưng lưỡi tôi nó không nghe theo, và tôi gọi tên thật của cô. - Anh nói đi, tại sao anh lại tới chỗ tôi? Anh ta im lặng, rầu rĩ nhìn thẳng vào mắt tôi. - Để làm gì? - tôi tiếp tục, càng lúc càng nóng nảy - Có gì hay ho nơi tôi mà anh quan tâm? Không, tốt hơn là anh đừng đến chỗ tôi, tôi sẽ không làm quen với anh đâu, bởi tôi không có người quen. Tôi biết vì sao anh tới chỗ tôi! Anh quan tâm đến câu chuyện của tay cảnh sát kia. Anh nghĩ rằng: thật hiếm có - một cô gái có học bị rơi vào cảnh sống như thế... Anh nghĩ sẽ cứu được tôi ư? Hãy cút xa khỏi tôi đi, tôi chẳng cần gì sất! Tốt hơn hãy để cho tôi được trút hơi thở một mình, còn hơn là... Tôi quay nhìn mặt anh ta và dừng lại. Tôi trông thấy, rằng từng lời của tôi quất vào anh ta. Anh ta không nói gì, nhưng chỉ vẻ mặt anh ta đã buộc tôi phải im. - Tạm biệt, Nadezhda Nikolaevna - anh ta nói - Tôi rất tiếc vì đã làm cô phật ý. Cả tôi cũng buồn. Tạm biệt. Anh ta chìa tay cho tôi (tôi không thể không đưa tay tôi cho anh ta) và bước ra với những bước chân chậm chạp. Tôi nghe thấy tiếng anh ta xuống cầu thang, và nhìn qua cửa sổ, thấy anh ta cúi đầu đi qua sân với dáng đi chậm chạp lắc lư. Đến cổng, anh ta quay lại nhìn lên cửa sổ phòng tôi, rồi khuất dạng. Và con người ấy có thể là “trụ cột” của tôi đấy. Chỉ cần ừ một tiếng, là tôi sẽ thành một người vợ hợp pháp. Vợ hợp pháp của một con người nghèo khổ nhưng cao thượng. Thậm chí còn trở thành một bà mẹ nghèo nhưng cao thượng, nếu như Chúa trong cơn giận dữ của mình còn ban cho tôi một đứa trẻ. II HÔM NAY, EVSEI EVSEICH BẢO TÔI: - Cậu nghe tôi đi, Ivan Ivanych, hãy nghe một ông già nói. Cậu đã xử sự không khôn ngoan, xem kìa, thế nào rồi cũng đến tai sếp cho mà xem! Ông ta còn nói lâu nữa (cố gắng gần xa nói về bản chất sự việc) về trách nhiệm, về sự tuân phục cấp trên, về ông sếp của chúng tôi, về tôi và cuối cùng nói tới nỗi bất hạnh của tôi. Chúng tôi ngồi trong quán rượu, nơi Nadezhda Nikolaevna thường xuyên ghé cùng bạn bè nàng. Evsei Evseich từ lâu đã thấy hết và từ lâu đã biết được từ tôi nhiều chi tiết. Tôi không thể kìm được cái lưỡi ngu ngốc, đã phun ra tất cả, thậm chí còn suýt khóc rống lên. Evsei Evseich nổi cáu: - Ôi chao đồ đàn bà, cậu là đồ đàn bà ủy mị! Một người trẻ tuổi, một công chức đàng hoàng, lại sa vào chuyện như vậy với cái thứ đồ bỏ ấy! Cậu phải nhổ toẹt vào cô ta! Việc gì cậu phải dính đến cô ta? Nếu mà là con gái nhà lành thì tốt, đằng này lại là, xin lỗi... Evsei Evseich thậm chí còn nhổ nước bọt. Sau lần đó, ông ta thường quay lại đối tượng đau khổ của mình (Evsei Evseich thực lòng đau khổ vì tôi), nhưng không mắng mỏ nữa, bởi nhận thấy điều đó làm tôi dễ chịu. Tuy nhiên, ông kìm lòng không lâu được, và mặc dù ban đầu thường cố nói xa nói gần, nhưng cuối cùng vẫn luôn đi đến một kết luận, rằng cần phải vứt bỏ, phải “nhổ toẹt” - và những thứ tương tự thế. Thực lòng, bản thân tôi cũng đồng cảm với những điều ông khẳng định với tôi mỗi ngày. Bao lần chính tôi cũng đã nghĩ như thế, rằng phải vứt bỏ và nhổ toẹt! Phải, biết bao nhiêu lần rồi! Và bấy nhiêu lần sau những ý nghĩ đó lại ra khỏi nhà, đôi chân lại đưa tôi đến con phố đó... Rồi nàng đi tới, mặt đánh phấn hồng, đôi lông mày tô đậm, khoác áo nhung và đội chiếc mũ bằng lông sư tử biển sang trọng. Nàng thẳng tới chỗ tôi, còn tôi quay sang hướng khác để nàng không nhận ra tôi đang theo nàng. Nàng đi đến góc đường rồi quay trở lại, trâng tráo và kiêu hãnh nhìn những người qua đường và đôi khi trò chuyện với họ, còn tôi đi bên kia đường, theo sau nàng, cố không để mất dấu nàng, và ngắm theo bóng dáng bé nhỏ của nàng một cách vô vọng, cho đến khi... một thằng khốn nào đó đến bên nàng trò chuyện. Nàng đáp lời hắn, quay lại và đi cùng hắn... Tôi đi theo họ. Nếu như đường đi lát đầy đinh nhọn, có lẽ tôi cũng không cảm thấy đau hơn. Tôi đi mà không nghe, không nhìn thấy gì ngoài hai bóng người đó... Tôi không nhìn xuống dưới chân hay xung quanh, mắt giương lên, va vào những người đi đường, bị họ nhận xét, mắng mỏ và va lại. Có lần tôi xô ngã cả một đứa bé... Hai người rẽ phải rồi rẽ trái, đi qua cổng, đầu tiên là nàng, rồi đến hắn ta: hắn hầu như luôn nhường đường cho nàng với một vẻ lịch thiệp kỳ lạ. Sau đó đến tôi bước vào. Đối diện hai cái cửa sổ rất quen thuộc với tôi có một nhà kho chứa cỏ, một cái thang nhỏ bắc lên vựa cỏ, ở cuối là một cái bệ không có lan can. Tôi ngồi trên cái bệ đó và nhìn qua những tấm rèm cửa màu trắng buông xuống... Hôm nay tôi cũng đứng ở vị trí kỳ lạ đó, mặc dù băng giá đã phủ kín khoảnh sân. Tôi rét run, chân không còn cảm giác, nhưng vẫn đứng đó. Hơi nước bốc ra từ mặt tôi, râu ria đóng băng cả, hai chân bắt đầu tê cóng. Mọi người đi lại trong sân, nhưng không ai để ý đến tôi, họ đi ngang qua, trò chuyện oang oang. Từ ngoài phố vọng lại một bài ca say xỉn (con phố đó vui làm sao), tiếng một đám cãi lộn nào đó, tiếng những người lao công cào tuyết trên hè phố. Tất cả những âm thanh đó ồn ào bên tai tôi, nhưng tôi không quan tâm đến chúng, cũng như không quan tâm đến gió rét đang táp vào mặt và đến đôi chân buốt giá. Tất cả những thứ đó: tiếng ồn, đôi chân, gió rét - đều như ở rất xa tôi. Đôi chân đau đớn vô cùng, nhưng bên trong tôi có gì đó còn đau đớn hơn. Tôi không còn sức để đến chỗ nàng. Nàng có biết chăng, rằng có một người xem việc được ngồi chung với nàng trong một phòng, thậm chí không chạm vào tay nàng mà chỉ cần được nhìn vào mắt nàng, đã là một niềm hạnh phúc. Rằng có một người sẵn sàng nhảy vào lửa, nếu như điều đó có thể giúp nàng thoát khỏi địa ngục này, nếu như nàng muốn thoát ra? Nhưng nàng lại không muốn thoát ra... Cho đến nay tôi vẫn không biết tại sao nàng lại không muốn. Tôi không muốn tin rằng nàng đã hư hỏng đến tận não tận xương, tôi không muốn tin điều đó, bởi tôi biết là không phải như thế, bởi tôi hiểu nàng, bởi tôi yêu nàng... Người đầy tớ lại gần Ivan Ivanych, chạm vào vai anh lúc anh đang chống khuỷu tay lên bàn và úp mặt vào tay, thỉnh thoảng lại rùng mình: - Ngài Nikitin! Không được như vậy... Trước mặt mọi người... Ông chủ sẽ mắng. Ngài Nikitin! Ở đây không được làm như thế. Làm ơn đứng lên đi! Ivan Ivanych ngẩng đầu nhìn anh hầu. Anh hoàn toàn không say, và anh hầu hiểu ra ngay khi vừa trông thấy khuôn mặt u sầu của anh. - Không sao đâu Semion, cậu đưa cho tôi một bình nhỏ nào sạch sạch đi. - Với gì ạ? - Với gì ư? Với rượu rum. Và nhiều hơn, không phải một bình nhỏ mà lấy hẳn bình lớn. Đây cậu cầm đi, cầm thêm hai đồng nữa. Một tiếng nữa gọi xe đưa tôi về nhà. Cậu biết tôi sống ở đâu rồi chứ? - Biết ạ... Có điều, thưa ngài, ngài làm sao thế ạ?... Anh hầu rõ ràng đang băn khoăn: lần đầu tiên trong suốt thời gian nhiều năm làm việc anh mới thấy trường hợp thế này. - Không, khoan đã, tốt hơn để tự tôi. Ivan Ivanych bước ra sảnh, mặc áo khoác, ra phố, rẽ vào hiệu tạp hóa. Trong ô cửa sổ phía dưới, lấp lánh dưới ánh đènthắp bằng ga là nhãn những chai rượu nhiều màu sắc được sắp xếp cẩn thận một cách có thẩm mỹ lên tấm đệm bằng lông thú. Mộtphút sau anh bước ra, tay cầm hai chai, đi về căn hộ mà anh thuê trong số những căn trang bị sẵn đồ gỗ của nhà Zukerberg, rồi khóatrái cửa lại. III TÔI LẠI THIẾP ĐI RỒI LẠI THỨC DẬY. Ba tuần lễ ngày nào người cũng lắc lư! Sao mà tôi chịu nổi chuyện này cơchứ! Hôm nay tôi đau hết cả đầu, xương cốt, toàn thân. Buồn rầu, chán ngán, những suy tư vô vọng và khổ sở. Giá có một ai đó đến! Dường như đáp lại ý nghĩ của nàng, ngoài sảnh chuông vang lên. “Evgenia có nhà không?” - “Có nhà, mời vào” - giọng bàbếp đáp lại. Tiếng bước chân vội vã không đều gõ trên hành lang, cửa mở và Ivan Ivanych xuất hiện ở đó. Trông anh ta hoàn toàn không giống con người lúng túng rụt rè từng đến đây hai tháng trước. Mũ đội lệch, cà vạt màu mè, ánh nhìn tự tin, táo bạo. Lại còn dáng đi lảo đảo và mùi rượu nồng nặc. Nadezhda Nikolaevna nhỏm dậy. - Xin chào, - anh ta bắt đầu - Anh tới thăm em đây. Và anh ta ngồi xuống cái ghế bên cửa ra vào, không bỏ mũ và cởi áo khoác. Nàng im lặng, anh ta cũng im lặng. Giá như anh ta không say, thì nàng còn nói được điều gì đó, nhưng giờ thì nàng bối rối. Trong lúc nàng còn đang suy nghĩ xem nên làm gì, thì anh ta lại cất lời: - Ờ... phải! Anh đã đến đây... Anh có qu...quyền! - bỗng anh ta hét lên điên dại và vươn mình đứng thẳng dậy. Chiếc mũ rơi khỏi đầu anh ta, những sợi tóc đen lòa xòa xuống mặt, đôi mắt lóe sáng. Cả thân hình anh ta thể hiện một sự điên rồ, đến nỗi Nadezhda Nikolaevna kinh hoảng mất một phút. Nàng thử nói một cách dịu dàng với anh ta: - Nghe này, Ivan Ivanych, tôi rất mừng vì anh đã tới, có điều bây giờ anh đi về nhà đi. Anh uống hơi nhiều rồi. Làm ơn đi nào, bạn thân mến, về nhà đi. Hãy đến đây lúc nào anh khỏe mạnh nhé. - Em sợ rồi! - Ivan Ivanych lầu bầu như nói với chính mình, và lại ngồi xuống ghế. - Em chịu khuất phục rồi! Sao em lại đuổi tôi? - anh ta lại rít lên một cách tuyệt vọng - Vì sao? Tôi bắt đầu uống rượu là vì em, tôi vốn tỉnh táo mà! Sao em lại lôi kéo tôi, nói tôi nghe đi? Anh ta khóc. Những giọt nước mắt say rượu làm anh ta nghẹn ngào, chúng chảy trên mặt và chui vào cái miệng đang méo đi nức nở. Anh ta khó khăn lắm mới nói nổi. - Người khác thì đã hạnh phúc được thoát khỏi cái địa ngục này. Tôi sẽ làm việc như trâu ngựa. Em sẽ sống cuộc sống vô tư, yên bình, đứng đắn. Nói đi, vì sao mà tôi lại bị em căm thù? Nadezhda Nikolaevna im lặng. - Tại sao em im lặng? - anh ta hét lên - Nói đi! Nói đi, em muốn gì, chỉ cần nói gì đi. Tôi say - phải rồi... Nếu không say tôi đã không đến đây. Em có biết là tôi sợ em khi tôi tỉnh táo không? Em có thể trói tôi vào rọ. Nếu em bảo ăn cắp đi, tôi sẽ ăn cắp. Em bảo giết người - tôi sẽ giết. Em có biết điều đó không? Có lẽ em biết. Em thông minh, em biết hết. Nếu như em không biết... Nadia, em yêu quí của tôi, hãy thương tôi! Và anh ta quỳ xuống sàn lết đến trước nàng. Còn nàng đứng bất động, đầu tựa vào tường, tay để sau lưng. Ánh nhìn của nàng hướng tới một điểm nào đó trong không gian. Nàng có nhìn thấy gì không, có nghe thấy gì không? Nàng cảm thấy gì trước cảnh con người kia bò xuống dưới chân nàng cầu xin tình yêu? Thương hại, khinh bỉ chăng? Nàng muốn thương hại anh ta, nhưng cảm thấy không thể thương hại. Anh ta chỉ gợi lên nơi nàng sự ghê tởm. Liệu anh ta có thể gợi lên được cảm xúc nào khác khi ở trong bộ dạng như thế: say bét nhè, bẩn thỉu, hèn hạ cầu xin? Đã mấy ngày anh ta không đến sở làm. Ngày nào cũng uống. Tìm thấy sự an ủi trong rượu, anh ta ít nghĩ đến những khát vọng của mình, chỉ ngồi nhà và uống, thu gom sức lực để đến và thổ lộ với nàng tất cả. “Mình sẽ nói, sẽ mở lòng mình với nàng” - đó là điều thoáng qua trong cái đầu say sưa của anh. Cuối cùng, anh quyết định, đi đến và bắt đầu nói. Thậm chí qua màn sương hơi rượu anh vẫn ý thức được là mình đang nói và làm những điều hoàn toàn không gây được thiện cảm cho bản thân, nhưng vẫn cứ nói, cảm thấy rằng cứ mỗi từ nói ra anh lại rơi thấp hơn, thấp hơn xuống đâu đó, sợi thừng quanh cổ càng lúc càng siết chặt hơn. Anh ta còn nói rất lâu và lộn xộn. Lời nói của anh ta trở nên chậm dần, rồi cuối cùng đôi mí mắt kẻ say sưng húp khép lại, anh ta ngửa đầu ra lưng ghế thiếp đi. Nadezhda Nikolaevna vẫn đứng trong tư thế cũ, nhìn vô định đâu đó lên trần nhà và gõ ngón tay lên lớp giấy bồi dán tường. “Mình có thương hại anh ta không? Không, không thương hại. Mình có thể làm được gì cho anh ta? Lấy anh ta làm chồng ư? Chẳng lẽ mình dám thế? Và đó chẳng phải cũng là một sự mua bán hay sao? Trời ơi, không, còn tệ hơn ấy chứ!”. Nàng không biết tại sao lại tệ hơn, nhưng cảm thấy điều đó. “Bây giờ ít nhất mình còn được công khai. Ai cũng có thể đánh mình. Chẳng lẽ mình chịu sỉ nhục còn ít hay sao? Nhưng khi đó! Khi đó có gì hay ho hơn? Chẳng lẽ không phải vẫn sự phóng đãng đó sao, chỉ có điều không công khai thôi? Trông anh ta ngồi ngủ kìa, đầu ngoẻo ra đằng sau, mồm thì há ra, mặt nhợt nhạt như người chết. Áo thì nhàu nhĩ, chắc là đã lăn lộn đâu đó... Anh ta thở nặng nề làm sao... Thậm chí thỉnh thoảng còn ngáy nữa... Nhưng điều này sẽ qua, rồi anh ta sẽ lại tử tế, khiêm nhường. Không, không phải thế! Mình cảm giác rằng con người này, nếu như mình cho anh ta lên cao, anh ta sẽ giày vò mình chỉ vì những ký ức... Và mình sẽ không chịu nổi. Không, cứ để mình lại như bây giờ... Mà mình cũng sẽ chẳng thế này lâu nữa đâu”. Nàng khoác chiếc khăn len lên vai và bước ra khỏi phòng, đóng sập cửa lại. Ivan Ivanych tỉnh giấc vì tiếng động, nhìn xung quanh bằng đôi mắt vô hồn, và thấy rằng ngủ trên ghế không tiện, bèn khó nhọc lết tới giường, nằm lăn ra đó và ngủ say như chết. Anh ta thức giấc lúc chiều muộn, đầu đau như búa bổ, nhưng tỉnh táo, nhận ra mình đang ở đâu bèn tức khắc bỏ chạy. Tôi ra khỏi nhà, không biết đi đâu. Thời tiết thật kinh khủng, ngày u ám, tối tăm, tuyết ẩm rơi xuống mặt và tay. Ngồi nhà tốt hơn nhiều, nhưng chẳng lẽ bây giờ tôi có thể ngồi ở đó? Anh ta sa đọa hẳn rồi. Tôi phải làm gì để có thể đỡ anh ta dậy? Liệu tôi có thể thay đổi quan hệ của mình với anh ta được chăng? Chao, mọi thứ trong đầu tôi, cả người tôi cháy bỏng. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại không muốn lợi dụng tình huống này để vứt bỏ cuộc sống kinh khủng này, thoát khỏi cơn ác mộng này. Nếu như tôi lấy anh ta? Một cuộc đời mới, những hy vọng mới... Chẳng lẽ cảm giác thương hại mà đôi khi tôi vẫn có được với anh ta không thể chuyển sang thành tình yêu hay sao? Ôi không! Bây giờ anh ta sẵn sàng liếm tay tôi, nhưng tới lúc đó... lúc đó anh ta sẽ đá tôi và nói: “A, cô còn chống lại sao, đồ sâu bọ đáng khinh bỉ! Cô đã khinh thường tôi!” Anh ta sẽ nói như thế chăng? Tôi nghĩ là sẽ nói. Tôi đã có một phương tiện để tự giải thoát, một phương tiện tử tế mà từ lâu tôi đã quyết định và có lẽ cuối cùng sẽ tìm tới nó, nhưng tôi cảm thấy hình như bây giờ vẫn còn sớm. Tôi còn quá trẻ, còn quá nhiều ham muốn ở cuộc đời. Tôi muốn sống. Muốn được thở, được cảm xúc, được nghe, được thấy, muốn có thể, dẫu chỉ thi thoảng, được nhìn lên bầu trời, và ngắm dòng sông Neva. Đường bờ sông đây rồi. Những tòa nhà lớn ở một phía, còn phía kia là là dòng Neva thẫm đen. Băng sắp chuyển rồi, dòng sông sẽ trở lại màu lam. Công viên ở bờ bên kia sẽ xanh lên. Hòn đảo cũng sẽ được phủ màu của lá. Dù là xuân Petersburg, nhưng vẫn là mùa xuân. Bỗng nhiên tôi nhớ đến mùa xuân hạnh phúc cuối cùng. Lúc đó tôi mới là cô bé bảy tuổi, sống cùng cha mẹ ở quê, trong thảo nguyên. Mọi người ít quan tâm đến tôi, và tôi có thể chạy đến đâu mình muốn và chạy bao nhiêu cũng được. Tôi nhớ vào đầu tháng ba, những dòng nước băng tan chảy xào xạc qua những mương khe trong thảo nguyên, thảo nguyên thẫm lại, không khí trở nên kỳ diệu, ẩm ướt dễ chịu làm sao. Đầu tiên những mô đất lộ ra, cỏ xanh dần lên, rồi sau đó cả thảo nguyên chuyển màu xanh, dầu trong các khe vẫn còn ít tuyết đang thoi thóp. Nhanh chóng chỉ vài ngày sau, y như đã sẵn sàng từ ngay dưới mặt đất, những bụi mẫu đơn nhú ra, vươn lên, trên đó nở rộ những chùm hoa đỏ chói lộng lẫy. Bầy sơn ca bắt đầu hót... Chúa ơi, con đã làm gì mà bị Người ném vào địa ngục khi đang còn sống? Chẳng lẽ cái thứ mà tôi đang phải chịu đựng không tồi tệ hơn bất kỳ địa ngục nào hay sao? Bậc thang bằng đá dẫn thẳng tới lỗ hổng trên mặt băng. Có gì đó kéo tôi tới đó và nhìn xuống nước. Nhưng vẫn còn sớm cơ mà? Dĩ nhiên, còn sớm. Tôi đợi thêm chút nữa. Nhưng đứng bên bờ rìa trơn trượt ẩm ướt của lỗ băng đó vẫn hấp dẫn làm sao. Giá cứ thế tuột xuống. Chỉ mỗi tội rất lạnh... Một giây thôi, là mình sẽ trôi dưới lớp băng theo dòng sông, sẽ điên rồ dùng tay, chân, đầu, mặt cào cấu mặt băng. Không biết dưới đó có ánh sáng mặt trời không nhỉ? Tôi đứng bất động rất lâu bên lỗ băng, và đã đến được trạng thái khi con người không còn nghĩ gì nữa. Chân bị ướt từ lâu, nhưng tôi vẫn không rời khỏi chỗ. Gió không lạnh, nhưng đâm xuyên vào người khiến tôi rùng cả mình, nhưng vẫn đứng đó. Tôi không biết mình sẽ đứng chết trân thêm bao lâu, nếu như trên bờ không có ai đó kêu lên: - Này, cô ơi! Tôi không quay lại. - Cô ơi, làm ơn lên trên hè đi! Ai đó ở đằng sau tôi bắt đầu tụt xuống bậc thang. Ngoài tiếng bước chân lạo xạo trên các bậc thang rải cát, tôi còn nghe thấy tiếng gõ rời rạc. Tôi quay lại: một viên cảnh sát đang đi xuống, chiếc dùi cui gõ lốp cốp. Nhìn thấy mặt tôi, ông ta lập tức chuyển bộ điệu trịnh trọng sang thành thô lỗ, lại gần đập vào vai tôi: - Cút khỏi đây ngay, cái đồ rác rưởi này. Lang chạ khắp nơi. Định ngu ngốc nhảy xuống hố băng này, rồi ai chịu trách nhiệm cho bọn mày hả, cái lũ ô nhục này. Nhìn mặt, ông ta biết tôi là ai. IV MỌI THỨ CỨ NHƯ THẾ VÀ NHƯ THẾ... Không phút nào được ở một mình, để cái buồn không chiếm lĩnh tâm hồn. Phải làm gì đây để có thể quên lãng? Anushka mang cho tôi bức thư. Nó từ đâu tới? Đã lâu tôi không nhận thư từ của ai cả. “Thưa cô nương Nadezhda Nikolaevna quý mến! Mặc dù tôi rất hiểu rằng tôi chẳng là gì đối với cô, nhưng dù sao vẫn nghĩ rằng cô là một thiếu nữ tử tế và không muốn làm tôi đau lòng. Lần đầu tiên và lần cuối cùng trong đời tôi xin cô hãy đến chỗ tôi, bởi hôm nay là ngày lễ tên thánh của tôi. Tôi hứa sẽ không nói với cô điều gì xúc phạm hay khó chịu. Hãy thương xót người tận tụy với cô, Ivan Nikitin. Tái bút : Tôi không thể không hổ thẹn khi nhớ về hành vi gần đây của tôi trong căn hộ của cô. Hãy đến chỗ tôi hôm nay lúc sáu giờ”. Thế này nghĩa là sao? Anh ta dám viết thư cho tôi. Có chuyện gì đó không bình thường. Anh ta muốn làm gì với tôi đây? Có nên đi hay không đây? Việc gì mà phải nghĩ ngợi: đi hay không đi? Nếu như anh ta muốn lừa tôi vào bẫy, thì hoặc để giết tôi, hoặc là... nhưng nếu anh ta có giết đi chăng nữa, thì cũng là sự giải thoát. Tôi sẽ đi. Tôi mặc đồ giản dị, khiêm nhường hơn, rửa sạch son phấn trên mặt. Anh ta sẽ thấy thích hơn. Tôi chải kiểu tóc giản dị hơn. Tóc tôi còn ít lắm! Tôi chải tóc, mặc cái váy len màu đen, quàng khăn đen, cổ áo và găng tay trắng, rồi bước lại trước gương ngắm nghía bản thân. Tôi suýt bật khóc khi nhìn thấy trong gương một người phụ nữ hoàn toàn không giống cô Evgenia múa “rất giỏi” những điệu trơ trẽn trong các ổ điếm khác nhau. Tôi cũng không thấy một con điếm vô liêm sỉ đánh phấn hồng, mặt tươi cười, tóc búi vồng ngổ ngáo, hai hàng mi tô đậm. Người phụ nữ khiếp nhược và đau khổ này xanh xao, rầu rĩ đang nhìn bằng đôi mắt to đen kia trông như một con người mới lạ, không phải là tôi. Mà có khi đó chính là tôi chăng? Còn cái con Evgenia mà mọi người đều thấy và đều biết kia là một kẻ xa lạ nào đó đã nhập vào tôi, áp đảo tôi, giết chết tôi. Tôi thực sự đã bật khóc, khóc rất nhiều, rất lâu. Nước mắt làm nhẹ lòng hơn, người ta vẫn bảo tôi thế từ khi còn bé. Nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người. Tôi không cảm thấy dễ chịu hơn, mà còn tồi tệ hơn. Mỗi tiếng nấc là một nỗi đau, mỗi giọt nước mắt là một giọt đắng. Ai còn có chút hi vọng nào đó được chữa lành và được bình an thì có lẽ sẽ nhẹ lòng khi khóc. Còn với tôi, hi vọng đó ở đâu? Tôi lau nước mắt và ra đi. Tôi tìm được nhà của bà Zukerberg không mấy khó khăn. Cô hầu người Phần Lan chỉ cho tôi cánh cửa phòng của Ivan Ivanych. - Tôi vào được không? Trong phòng vang lên tiếng ngăn kéo được đẩy vội. - Cô vào đi! - Ivan Ivanych tức thì kêu lên. Tôi bước vào. Anh ta ngồi bên bàn viết và đang dán một phong thư nào đó. Thậm chí dường như anh ta không mừng vui vì tôi đến. - Xin chào Ivan Ivanych - tôi nói. - Xin chào Nadezhda Nikolaevna - anh ta đáp, đứng dậy chìa tay cho tôi. Một sự dịu dàng nào đó thoáng qua trên khuôn mặt anh ta khi tôi đưa tay ra, nhưng tức thì biến mất. Anh ta trông nghiêm nghị, thậm chí dữ dội. - Xin đa tạ cô đã tới. - Anh gọi tôi tới để làm gì? - tôi hỏi. - Chúa ơi, chẳng lẽ cô không biết, rằng được nhìn thấy cô có ý nghĩa như thế nào với tôi sao? Tuy nhiên, nói chuyện này cô không thích... Chúng tôi ngồi im lặng. Cô hầu người Phần Lan mang ấm xamôva tới. Ivan Ivanych rót trà và đường cho tôi. Sau đó anh ta đặt lên bàn mứt, bánh nướng, kẹo, nửa chai rượu vang ngọt. - Mong cô thứ lỗi vì những món này, thưa cô Nadezhda Nikolaevna. Có lẽ cô không thoải mái, nhưng xin đừng giận. Cô làm ơn pha trà và rót trà đi. Cô ăn đi: đây là kẹo, rượu. Tôi rót trà, còn anh ta ngồi đối diện tôi, mặt khuất trong bóng tối, và bắt đầu ngắm nhìn tôi. Tôi cảm thấy ánh mắt anh ta không ngừng chăm chú nhìn tôi, và cảm thấy tôi đỏ mặt. Tôi ngước mắt lên trong giây lát, nhưng lập tức cụp xuống ngay, bởi anh ta vẫn đang tiếp tục nhìn thẳng vào mặt tôi một cách nghiêm nghị. Thế có nghĩa là sao? Chẳng lẽ cái hoàn cảnh này, cái váy giản dị màu đen và sự vắng bóng những khuôn mặt đểu cáng, những lời lẽ tục tĩu đã tác động mạnh lên tôi đến nỗi biến tôi trở lại thành cô bé khiêm nhường bối rối của hai năm trước đây hay sao? Tôi đâm tức giận. - Làm ơn nói tôi biết đi, sao anh lại trố mắt nhìn tôi như thế?... - tôi nói khó nhọc, nhưng dạn dĩ. Ivan Ivanych chồm dậy và bắt đầu đi lại trong phòng. - Nadezhda Nikolaevna! Cô đừng nói năng thô lỗ thế. Hãy như lúc cô mới tới đây, dẫu chỉ một giờ đồng hồ thôi. - Nhưng tôi không hiểu anh gọi tôi tới để làm gì. Chẳng lẽ chỉ để im lặng và nhìn tôi hay sao? - Phải, Nadezhda Nikolaevna ạ, chỉ để như thế thôi. Điều này không làm cô đặc biệt đau khổ cơ mà, còn với tôi thì là sự an ủi - lần cuối cùng tôi được ngắm nhìn cô. Cô thật tử tế vì đã tới, và đã mặc chiếc váy này. Tôi không mong chờ điều đó và vì thế lại mang ơn cô nhiều hơn. - Nhưng tại sao lại là lần cuối cùng, Ivan Ivanych? - Tôi sắp đi rồi. - Đi đâu? - Đi xa, Nadezhda Nikolaevna ạ. Thực ra hôm nay không phải ngày lễ tên thánh của tôi. Không biết tại sao tôi lại viết như thế. Chỉ đơn giản là tôi mong được nhìn thấy cô một lần nữa. Đầu tiên tôi định đến chỗ cô và đợi khi nào cô bước ra, thế rồi bỗng quyết mời cô đến chỗ tôi. Và cô thật là tử tế vì đã tới. Cầu Chúa phù hộ cô vạn sự tốt đẹp vì điều này. - Có ít sự tốt đẹp ở phía trước lắm, Ivan Ivanych ạ. - Phải, đối với cô có rất ít điều tốt đẹp. Tuy nhiên, bản thân cô biết mình hơn tôi, hiểu rằng điều gì chờ cô ở phía trước... - Giọng Ivan Ivanych run run - bởi vậy mà tôi ra đi. Giọng anh ta càng run rẩy hơn. Tôi thấy thương anh ta khôn tả. Cảm giác ghê tởm chống lại anh ta nơi tôi liệu có là công bằng hay không? Vì sao mà tôi lại xua đuổi anh ta một cách gay gắt và thô bạo như thế? Nhưng bây giờ hối tiếc thì đã muộn rồi. Tôi đứng dậy và mặc áo. Ivan Ivanych chồm dậy như phải bỏng. - Cô đã đi hay sao? - anh ta hỏi, giọng bồn chồn. - Vâng, tôi phải đi... - Cô phải... Lại về nơi đó! Nadezhda Nikolaevna! Cô thử về xem sao, thà tôi giết cô ngay bây giờ còn hơn! Anh ta nói thì thào, túm lấy tay tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt mở to, thất thần. - Như thế tốt hơn phải không? Nói đi! - Nhưng Ivan Ivanych, anh sẽ bị đày đi Siberia. Tôi không muốn điều đó chút nào. - Đi Siberia ư!.. Chẳng lẽ vì thế mà tôi không thể giết cô hay sao, rằng tôi sợ bị đi Siberia sao? Chẳng phải vì vậy... Tôikhông thể giết cô bởi vì... làm sao tôi giết cô được? Làm sao tôi giết em được? - anh ta hổn hển nói - bởi tôi... Anh ta ôm chầm lấy tôi, bế bổng lên như bế đứa trẻ, phủ những cái hôn lên mặt, lên môi, lên mắt, lên tóc tôi. Rồi cũng bấtngờ như lúc ôm tôi, anh ta đặt tôi xuống và nói nhanh: - Cô đi đi, đi đi... Tha thứ cho tôi, nhưng đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng. Cô đừng giận tôi. Hãy đi đi, Nadezhda Nikolaevna. - Tôi không giận đâu, Ivan Ivanych ạ... - Đi đi, cô đi đi! Cảm ơn cô vì đã tới. Anh ta tiễn tôi ra khỏi phòng rồi tức thì khóa trái cửa. Tôi xuống cầu thang, lòng đau hơn cả trước đó. Cứ để anh ta ra đi và sẽ quên tôi. Tôi sẽ ở lại sống nốt cuộc đời mình. Ủy mị thế là đủ rồi. Tôi đi về nhà. Tôi rảo bước, đã nghĩ về việc sẽ mặc chiếc váy nào và sẽ đi đâu vào tối nay. Thiên tiểu thuyết của tôi kết thúc rồi, một chút trì hoãn trên con đường trơn trợt! Bây giờ tôi sẽ thoải mái trượt xuống, càng lúc càng thấp hơn, chẳng có gì cản trở nữa. “Nhưng lỡ bây giờ anh ta tự bắn mình!” - bỗng nhiên cái gì đó thét lên trong tôi. Tôi đứng sững lại, mắt tối sầm, sống lưng lạnh buốt, ngạt thở... Phải, bây giờ anh ta đang tự sát! Anh ta đóng sập hộc bàn - đó là vì anh ta xem khẩu súng. Lại còn viết thư... Lần cuối cùng... Phải chạy thôi! Có thể còn kịp. Chúa ơi, giữ anh ấy lại! Chúa ơi, để anh ấy lại cho con! Nỗi kinh hoàng chết chóc chưa từng thấy bao trùm lấy tôi. Tôi chạy ngược lại như một con điên, lướt qua những người đi đường. Không nhớ tôi đã chạy lên cầu thang như thế nào. Chỉ nhớ khuôn mặt ngu ngốc của con hầu Phần Lan ra mở cửa, nhớ cái hành lang dài tối tăm với nhiều khung cửa, nhớ tôi lao tới cửa phòng anh. Và khi tôi chộp lấy tay nắm, thì đằng sau cánh cửa vang lên tiếng súng. Mọi người từ mọi phía xô lại, quay cuồng điên dại xung quanh tôi cùng với dãy hành lang, các khung cửa, các bức tường. Tôi ngã xuống... và mọi thứ trong đầu cũng quay cuồng, rồi biến mất. 1878 Một cuộc tình rất chóng vánh BĂNG GIÁ, LẠNH LẼO... Tháng giêng đến sân nhà và báo cho biết về sự hiện diện của nó với mọi người nghèo, với những người quét sân, những anh cảnh sát - tất cả những ai không thể giấu mũi mình vào chỗ nào ấm áp. Dĩ nhiên nó báo cho cả tôi nữa. Không phải bởi tôi không tìm được cho mình góc ấm áp nào, mà do đầu óc mộng tưởng của chính tôi. Thực ra, tại sao tôi lại lang thang bên bờ sông trống trải? Những ngọn đèn đường bốn chân cháy sáng, mặc dù bị gió lùa vào trong, khiến những ngọn lửa ga nhảy múa. Do ánh sáng rực rỡ của chúng mà bóng dáng to lớn của lâu đài sang trọng, đặc biệt những ô cửa sổ của nó, dường như trở nên u ám hơn. Bão tuyết, bóng đêm phản chiếu vào những ô kính lớn. Gió gào thét, rên rỉ trên dòng Neva đóng băng hoang vắng. Những tiếng “đinh - đang! đinh - đang!” vang lên xuyên qua cơn tuyết cuốn. Đó là các quả chuông nhà thờ của pháo đài đang đánh, mỗi tiếng chuông rầu rĩ vang lên đồng nhịp với tiếng cái chân gỗ của tôi gõ xuống những phiến đá lát đường trắng nhợt, và đồng nhịp với tiếng trái tim bệnh hoạn của tôi đập vào lồng ngực chật chội đang chứa nó. Tôi phải giới thiệu về mình với độc giả. Tôi là một người trẻ tuổi đi chân gỗ. Có thể quý vị sẽ bảo là tôi bắt chước Dickens, nhớ rằng Silas Wegg là một người viết văn đi chân gỗ trong tiểu thuyết “Người bạn chung của chúng ta”. Không, tôi không bắt chước. Tôi thực sự là một anh chàng đi chân gỗ. Chỉ có điều tôi mới bị như thế gần đây... “Đinh - đang! Đinh - đang!” Những tháp chuông đầu tiên đánh những tiếng u sầu “Lạy Chúa, hãy ban ơn”, rồi sau đó điểm một giờ. Mới có một giờ! Còn bảy tiếng nữa mới đến sáng! Tới lúc đó đêm đen đầy tuyết ướt này mới ra đi để nhường chỗ cho một ngày xám xịt. Tôi có nên đi về nhà không nhỉ? Tôi chẳng biết nữa, tôi mặc kệ mọi thứ. Tôi chẳng cần giấc ngủ. Dạo mùa xuân tôi cũng thích lang thang thâu đêm trên bờ sông này. Chao ôi, những đêm đó mới tuyệt làm sao! Đó không phải là đêm oi nồng phương nam, với bầu trời thẫm đen kỳ lạ và những ngôi sao lớn dõi nhìn theo ta. Ở đây mọi thứ đều sáng tươi lộng lẫy. Bầu trời đa sắc lạnh lẽo và đẹp đẽ, mà theo lịch có “bình minh suốt đêm”, nhuộm vàng cả phương bắc và phương nam. Không khí thì trong lành, buốt giá. Dòng Neva cứ chảy, kiêu hãnh và tươi sáng, bình thản vỗ những con sóng nhỏ lên hai bờ kè đá. Và tôi đứng trên bờ sông đó. Một thiếu nữ tựa vào tay tôi. Người con gái đó... Ôi chao, thưa các quý bà quý ông nhân từ, sao tôi lại đi kể cho các vị về những vết thương của tôi cơ chứ? Nhưng trái tim con người ngu xuẩn tội nghiệp như thế đó. Khi nó bị thương, nó tìm đến mỗi người nó gặp để tìm sự giải tỏa. Và không tìm được. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi ai cần một cái tất thủng rách, không được vá lại? Người nào cũng cố vứt nó ra xa khỏi chân mình... Trái tim tôi chưa cần phải vá lại, khi mùa xuân năm đó tôi làm quen với Masha, có lẽ là một nàng tốt nhất trong số các nàng Masha trên thế gian này. Tôi làm quen với nàng trên chính bờ sông đó, lúc còn chưa hề lạnh như lúc này. Và tôi có cái chân thực sự thay cho chiếc chân gỗ khốn kiếp này, một cái chân cân đối thực sự, cũng như chân bên trái còn lại của tôi. Nói chung người tôi vốn khá cân đối, và dĩ nhiên không đi lại khập khiễng như bây giờ. Một từ thật tệ, nhưng chẳng phải lúc nói đến từ ngữ... Vậy là tôi làm quen với nàng. Chuyện xảy ra rất giản đơn. Tôi đang đi, và nàng cũng đang đi (tôi không phải là kẻ ve gái, nghĩa là hồi đó không phải là kẻ ve gái, bởi bây giờ thì tôi đã đi nạng rồi)... Không biết điều gì xô đẩy mà tôi mở lời. Đầu tiên nói rằng tôi không phải là một trong những kẻ càn rỡ và đại loại như thế, rồi tôi có những ý định trong sáng, vân vân và vân vân. Khuôn mặt hiền hậu của tôi (mà bây giờ đã có một nếp nhăn lớn phía trên sống mũi, một nếp nhăn rất ảm đạm) đã trấn an cô gái. Tôi đưa nàng đến phố Galernaya, tận ngôi nhà nơi nàng đang sống. Nàng vừa đi từ nhà bà ngoại già yếu của nàng ở cạnh Vườn Mùa Hè, chiều nào nàng cũng sang đó để đọc tiểu thuyết. Bà ngoại tội nghiệp bị mù! Bây giờ bà ngoại chết rồi. Năm đó có rất nhiều người không phải là bà ngoại già cũng chết. Cả tôi cũng có thể chết, thậm chí rất có thể, tin tôi đi. Nhưng tôi trụ lại được. Thưa các ngài, con người có thể chịu đựng được bao nhiêu khổ đau? Các ngài không biết ư? Cả tôi cũng chẳng biết. Tốt thôi. Masha ra lệnh cho tôi phải trở thành anh hùng, và vì thế tôi phải vào quân đội. Thời đại thập tự chinh đã qua rồi, những hiệp sĩ cũng đã biến mất. Nhưng nếu như người con gái ngài yêu bảo: “Chiếc nhẫn này là em!” rồi ném nó vào đám lửa, dẫu là một đám lửa to nhất như ở Cối xay Pheigin (chuyện xưa làm sao!)[1], thì chẳng lẽ ngài không nhảy vào để nhặt nó? - “Ối chao, anh ta kỳ quặc làm sao, dĩ nhiên là không rồi, - các ngài sẽ đáp vậy: - dĩ nhiên là không rồi! Tôi sẽ đến cửa hàng Buda