🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bitcoin - Bong bóng tài chính hay tương lai của tiền tệ Ebooks Nhóm Zalo Mục lục 1. Giới thiệu tác giả 2. Lời giới thiệu 3. Chương 1: Bitcoin là gì? 4. Chương 2: Tiền là gì? 5. Chương 3: Lịch sử hình thành Bitcoin 6. Chương 4: Cách thức hoạt động của Bitcoin 7. Chương 5: Lợi ích của Bitcoin 8. Chương 6: Rủi ro và bất lợi của Bitcoin 9. Chương 7: Các loại ví Bitcoin 10. Chương 8: Khám phá Blockchain Bitcoin 11. Chương 9: Khai thác trong Blockchain 12. Chương 10: Ethereum, Bitcoin Cash và các loại tiền mã hóa khác 13. Chương 11: Ảnh hưởng và tương lai của Bitcoin 14. Bảng thuật ngữ 15. Tài liệu tham khảo Thông tin trong cuốn sách này chỉ phục vụ cho mục đích tham khảo chung. Mọi nội dung trình bày trong sách không nên coi là tư vấn và khuyến nghị. Bạn nên cân nhắc các chỉ dẫn về luật pháp, tài chính và thuế vụ của mọi thông tin trong sách này dưới góc độ hoàn cảnh và tình huống riêng của bạn. Mặc dù cuốn sách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng, nhưng nhà xuất bản không chịu trách nhiệm với bất cứ lỗi sai, thiếu sót hoặc tổn thất phát sinh do áp dụng thông tin được cung cấp trong tài liệu này. Tác giả và đơn vị xuất bản không chịu trách nhiệm với bất cứ thiệt hại nào, vì lý do sơ suất hay không, phát sinh từ việc sử dụng hoặc lạm dụng, trực tiếp hay gián tiếp, các thông tin trong sách. Xin vui lòng liên hệ với tác giả nếu bạn phát hiện bất kỳ thiếu sót nào trong cuốn sách này Tác giả, các cộng sự và đơn vị xuất bản đã rất nỗ lực để đảm bảo chất lượng và tính chính xác cho các nội dung của cuốn sách, nhưng có thể không tránh được một vài thiếu sót không đáng có. Chúng tôi đánh giá rất cao việc bạn liên hệ và phản hồi khi phát hiện bất cứ thiếu sót nào trong nội dung sách trước khi thực hiện hành động nào khác. Vì thế, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau để chúng tôi có thể chỉnh sửa càng sớm càng tốt: [email protected] Ghi chú về các đường dẫn trang web Nhiều địa chỉ trang web được sử dụng trong cuốn sách này được rút gọn để giúp mọi người dễ dàng gõ trên máy tính và truy cập, đặc biệt khi cuốn sách được xuất bản dưới dạng bìa mềm. Một ví dụ về cách đường dẫn được rút gọn trong cuốn sách này như sau: Địa chỉ trang web gốc: https://blockzzchain.info/block/000000000000000000e589576a954ac374d0a98478007a82f2a 57f76e243ece3 Địa chỉ trang web rút gọn: www.bitly.com/bitBlock1 Một số đường dẫn trang website chúng tôi cung cấp có thể chứa các liên kết khác phù hợp, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến bất cứ nội dung nào được viết về các công ty này. Các đường dẫn này cung cấp các tài liệu tham khảo thêm để bạn sử dụng và giúp ích cho bạn khi tương tác với trang web hay dịch vụ nào được đề cập trong cuốn sách. Giới thiệu tác giả Mark Gates lớn lên ở California và đóng vai trò quan trọng trong bức tranh công nghệ suốt hơn một thập kỷ. Thời trung học, ông đã bắt đầu thiết kế web bằng cách sử dụng ngôn ngữ lập trình HTML và văn bản thuần túy trong Notepad trước khi xuất hiện các công cụ tiên tiến. Mark bắt đầu kinh doanh thiết kế web tại trường đại học vào thời gian bùng nổ Internet cách đây 15 năm. Mark đã mở rộng kinh doanh thiết kế web thành hoạt động tiếp thị số, SEO và các phương tiện truyền thông xã hội. Sau khi sang nhượng doanh nghiệp này, ông dành thời gian để đi khắp nơi trên thế giới và kiếm tiền chỉ từ máy tính xách tay. Mặc dù ban đầu rất hoài nghi về tiền mã hóa, nhưng Mark đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ các công nghệ dựa trên nền tảng Blockchain và tiền mã hóa. Mark tin rằng cách học tốt nhất là trải nghiệm thực tế. Ông thích khám phá mọi thứ liên quan đến công nghệ, thu nhận kiến thức thực tiễn và truyền đạt cho mọi người để họ có thể làm được như vậy, cho dù người đó đang điều hành trang web, tiếp thị doanh nghiệp, kinh doanh tiền mã hóa, học lập trình hay tìm kiếm các kỹ năng thực tế để có được công việc mơ ước. Mark luôn viết sách với bằng ngôn ngữ dễ hiểu kèm theo nhiều ví dụ hay hướng dẫn thực hành để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Ngay cả khi bạn hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, những nội dung Mark cung cấp và truyền đạt sẽ giúp bạn từ một người mới bắt đầu nhanh chóng trở thành chuyên gia công nghệ. Lời giới thiệu “Mỗi người hiểu biết cần nắm được thông tin về Bitcoin vì đồng tiền này có thể trở thành phát kiến quan trọng bậc nhất thế giới.” - Leon Luow, ứng cử viên giải Nobel Hòa bình Bitcoin được gọi là cuộc cách mạng về công nghệ, một cuộc cách mạng có khả năng thay thế ngân hàng, hệ thống thanh toán, chính phủ, vàng, cũng như nhiều loại tiền tệ khác. Nhiều người khác quy nó là lừa đảo, là loại tiền tệ dành cho tội phạm, trào lưu nhất thời hay vài con số không có giá trị nội tại trên máy tính. Ban đầu, tôi luôn cho rằng Bitcoin là một đồng tiền vô giá trị và cuối cùng sẽ trở nên vô dụng. Vào năm 2013, dường như quan điểm này của tôi về Bitcoin đã đúng, khi nhiều người cho rằng nó chỉ được sử dụng bởi bọn tội phạm buôn bán ma túy trên thị trường giao dịch trực tuyến có tên Silk Road. Cùng năm đó, Silk Road bị đóng cửa và sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất Mt. Gox sụp đổ. Khi sàn Mt. Gox đóng cửa, nhiều người liên đới đã bị mất tiền và giá Bitcoin đã giảm hơn 80%. Sự kiện này dường như đã đặt dấu chấm hết cho Bitcoin, tuy nhiên, từ năm 2013 cho đến thời điểm viết cuốn sách này, Bitcoin đã tăng giá gấp 10 lần, trở thành một hình thức thanh toán và loại tiền tệ được nhiều nơi công nhận là hợp pháp trên thế giới. Sau nhiều hiểu lầm, tôi đã nghiêm túc dành thời gian tìm hiểu về Bitcoin, tiền mã hóa và công nghệ Blockchain một cách chi tiết. Sau đó, khi thấu hiểu được cách thức hoạt động của Bitcoin và các công nghệ nền tảng đằng sau nó, thái độ của tôi đã thay đổi hẳn, từ việc cho rằng Bitcoin không có bất cứ một tiềm năng hay giá trị sử dụng nào cả, đến việc tin rằng nó có tiềm năng thay đổi cả thế giới. Lần đầu tiên tìm hiểu về Bitcoin, tôi nhận thấy có rất nhiều thông tin chuyên ngành (nặng tính kỹ thuật) về Bitcoin trên Internet được sắp xếp lộn xộn và khó hiểu. Tôi nhận ra rằng, chưa có một tài liệu hướng dẫn cụ thể nào giải thích về cách thức Bitcoin hoạt động, cũng như cách sử dụng Bitcoin cho những người chưa có kiến thức chuyên ngành. Vì vậy, tôi đã viết cuốn sách này vì đây chính là kiểu sách có nội dung, mà vào thời điểm lần đầu tiên tiếp cận và thử tìm hiểu về Bitcoin, tôi muốn đọc. Mặc dù cuốn sách này sẽ đề cập đến rất nhiều những lợi ích và cách sử dụng Bitcoin, nhưng mục đích chính của nó là cung cấp một cái nhìn toàn diện và những hiểu biết đầy đủ về Bitcoin – cách thức xử lý các rủi ro, những nguy cơ và đồn đại thổi phồng xung quanh Bitcoin. Nói chung, cuốn sách này được viết cho những người mới tiếp xúc với Bitcoin có nhu cầu tìm kiếm một tài liệu hướng dẫn không nặng tính kỹ thuật để hiểu về đồng tiền này và bắt đầu làm quen với nó. Có một số khía cạnh kỹ thuật được đề cập đến trong cuốn sách, tuy nhiên, chúng sẽ được giải thích dễ hiểu cho những người mới tiếp xúc với Bitcoin. Tôi hi vọng bạn thích cuốn sách này và thấy nó hữu ích, mang tính giáo dục và làm giàu thêm những kiến thức hiểu biết của bạn về Bitcoin. Lưu ý: Trong cuốn sách này, từ “Bitcoin” được sử dụng với chữ cái đầu viết hoa “B”, và từ “bitcoin” được sử dụng với chữ cái đầu viết thường “b”. “Bitcoin” với chữ “B” viết hoa được sử dụng để chỉ mạng lưới Bitcoin, các giao thức hoặc phần mềm, còn “bitcoin” với chữ “b” viết thường để chỉ đồng tiền, ví dụ: “Gửi 2 bitcoin”. Thuật ngữ “tiền pháp định” (Fiat currency) được sử dụng xuyên suốt cuốn sách này, các loại tiền pháp định là tiền truyền thống, được chính phủ phát hành như đồng đô la Mỹ hay đồng euro. Chương 1Bitcoin là gì? “Bitcoin là phát minh quan trọng nhất lịch sử thế giới kể từ khi Internet ra đời.” - Roger Ver, nhà đầu tư, triệu phú Bitcoin Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu Bitcoin là gì, đồng thời giải đáp một số thắc mắc phổ biến về Bitcoin. Lưu ý, chương này sẽ không đi sâu vào cách thức chính xác Bitcoin hoạt động như thế nào, nội dung này sẽ được đề cập đến trong chương 4 (Cách thức hoạt động của Bitcoin). Bitcoin là gì? Bitcoin là một mạng lưới tiền mã hóa; đồng tiền này có thể được dùng để thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ tương tự các loại tiền truyền thống khác như đồng đô la Mỹ hay đồng euro. Tuy nhiên, không giống như các loại tiền tệ khác, Bitcoin không được tạo ra hay được kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Bitcoin mang đặc tính phi tập trung, có nghĩa là nó không chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương, chính phủ, công ty hay tổ chức nào. Bitcoin được chuyển trực tiếp từ người này sang người khác mà không cần sự tham gia của các ngân hàng hay các trung gian tài chính. Những đồng bitcoin được tạo ra và được chuyển giao bởi một mạng lưới gồm hàng ngàn máy tính có kết nối với mạng Bitcoin trên khắp thế giới. Đặc biệt, bitcoin có thể được gửi qua Internet tới người khác giống như gửi email. Ngày nay, chúng ta không còn phải lo nghĩ việc gửi email quốc tế nữa vì chẳng khác gì so với hình thức gửi email cho ai đó cùng văn phòng. Giờ đây, khi Bitcoin dần trở nên phổ biến, việc chuyển tiền quốc tế chẳng khác nào một giao dịch chuyển tiền tại địa phương. Tiền mã hóa là gì? Một trong những công nghệ nền tảng của Bitcoin là mật mã học, bao gồm việc mã hóa các thông điệp hoặc thông tin bằng các đoạn mã, do đó những thông tin truyền tải sẽ được ẩn với tất cả mọi người, ngoại trừ những người có quyền truy cập. Bitcoin được biết đến như là đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) đầu tiên được chấp nhận trên toàn cầu, từ “cryptocurrency” là sự kết hợp của từ “cryptography” (mật mã) và “currency” (tiền tệ). Nhìn chung, tầm quan trọng của mật mã học trong cách thức Bitcoin hoạt động sẽ được giải thích ở phần sau trong cuốn sách. Ai tạo ra Bitcoin? Bitcoin được tạo ra bởi một lập trình viên hoặc một nhóm người ẩn danh, được biết đến với cái tên là Satoshi Nakamoto. Hiện nay, danh tính thực sự của Satoshi Nakamoto vẫn chưa được biết đến. Sự xuất hiện của Bitcoin dựa trên một công trình nghiên cứu trước đây về mật mã học và tiền điện tử. Cụ thể, vào năm 2009, Satoshi Nakamoto đã cho xuất bản một chuyên luận nhan đề Bicoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System (tạm dịch: Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang cấp). Bitcoin được tạo ra với vai trò một đồng tiền điện tử với đầy đủ chức năng và một hệ thống thanh toán dựa trên nền tảng về toán học và mật mã học. Bitcoin được thiết kế để không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan chính phủ, ngân hàng hay cơ quan trung ương nào cả. Ai kiểm soát Bitcoin? Trước hết, phải nói rằng, Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất cứ tổ chức nào. Các lập trình viên máy tính tới từ khắp nơi trên thế giới làm việc cùng nhau trong mạng lưới Bitcoin, tuy nhiên, các quyết định về việc thay đổi điều gì đó đều do toàn bộ mạng lưới quyết định. Bên cạnh đó, mọi người từ khắp nơi trên thế giới đóng góp công suất tính toán của họ vào quá trình xử lý giao dịch trên mạng lưới Bitcoin. Nhìn chung, các giao dịch được xử lý và được tạo thành bởi phần lớn các thành viên trong mạng lưới. Điều này gần như khiến cho không có bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào có thể thao túng các giao dịch, bởi vì các giao dịch phải được xác nhận bởi phần lớn các thành viên trong mạng lưới. Sự giám sát của nhóm này giữ cho mạng lưới luôn bảo mật và an toàn đồng thời kiểm soát các giao dịch diễn ra. Đặc biệt, để có thể xâm nhập trái phép và giành quyền kiểm soát mạng lưới Bitcoin, phải kiểm soát được đồng thời hơn 50% số máy tính. Điều này đòi hỏi lực lượng tội phạm phải tấn công hàng ngàn máy tính cùng một lúc, và việc này hầu như không thể thực hiện được với quy mô hiện tại của mạng lưới Bitcoin. Bên cạnh đó, mã Bitcoin là mã nguồn mở, vì vậy mọi người đều có thể quan sát và thực hiện những thay đổi mang tính chất cải tiến đối với Bitcoin. Khi một sự thay đổi được đề xuất, thì đề xuất này sẽ được gửi đến toàn mạng lưới Bitcoin. Tiếp theo, các máy tính có kết nối với mạng lưới Bitcoin sẽ thực hiện hoạt động bỏ phiếu chấp thuận hay từ chối sự thay đổi đó. Nếu đa số ủng hộ thì sự thay đổi sẽ được thực hiện bởi các lập trình viên. Một khi sự thay đổi được thực thi, một phiên bản mới của phần mềm Bitcoin được hình thành. Những người đã kết nối với mạng Bitcoin có thể quyết định nâng cấp phần mềm hoặc giữ lại phiên bản cũ. Nếu có một số lượng đủ lớn những người trên mạng lưới thực hiện nâng cấp phiên bản phần mềm Bitcoin, thì sự thay đổi đó sẽ được chấp nhận bởi phần lớn các thành viên trong mạng lưới. Lưu ý, có thể xảy ra hiện tượng mạng lưới bị chia tách do khác biệt quan điểm về sự thay đổi trên phần mềm, trong đó một phần mạng lưới đồng ý thay đổi và nâng cấp phần mềm nhưng một phần khác kiên trì giữ phiên bản cũ. Nếu có đủ số người tách ra từ mạng lưới chính, thì điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện đồng thời hai phiên bản khác nhau của Bitcoin cùng với hai loại tiền tệ riêng biệt. Đây được gọi là phân nhánh cứng, khái niệm này sẽ được trình bày cụ thể trong phần sau của cuốn sách. Phi tập trung là gì? Hiện nay, khi bạn thực hiện một giao dịch, bạn sẽ phải nhờ đến một ngân hàng hay một tổ chức trung gian tài chính. Tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn được ngân hàng giữ. Ngân hàng sẽ kiểm soát tiền của bạn, và tính phí đối với số tiền đó. Trong khi đó, Paypal không phải ngân hàng, nó vừa là một trung gian tài chính, vừa là một mạng lưới thanh toán. Paypal sẽ tính phí và giữ tiền hộ bạn, chức năng giống như một tài khoản ngân hàng. Chúng ta tin tưởng gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng và trung gian tài chính. Chúng ta tin tưởng rằng những tổ chức ấy an toàn, chịu sự kiểm soát của pháp luật và sẽ không xảy ra chuyện bị sụp đổ hay trộm mất tiền của chúng ta. Chúng ta cũng tin rằng danh tính của chúng ta là những thông tin cá nhân được bảo mật và luôn an toàn. Sự tin tưởng đó của chúng ta thường đi kèm với mức phí giao dịch cao tùy theo tình hình biến động của ngân hàng hay tổ chức tài chính. Cụ thể, ở những nước có hệ thống tài chính và pháp luật đã phát triển và ổn định, bạn có thể chỉ phải trả một khoản phí nhỏ để đổi lấy sự đảm bảo an toàn cho việc bạn tin tưởng vào một tổ chức tài chính lớn khi đặt tiền tại đó. Tuy nhiên, đối với hàng tỷ người trên thế giới, họ không thể tin tưởng vào ngân hàng, chính phủ hay hệ thống pháp luật sở tại. Họ không có niềm tin đối với các tổ chức theo mô hình tập trung hoặc các hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ họ. Hơn nữa, nguy cơ xảy ra những hành vi phạm pháp cũng có thể khiến cho hoạt động giao dịch trực tiếp giữa mọi người gặp rủi ro. Và tại những quốc gia xảy ra tình trạng này, Bitcoin cho phép mọi người giữ tiền của họ ở những nơi nằm ngoài sự kiểm soát của các hệ thống theo mô hình tập trung, và cho phép mọi người giao dịch trực tiếp với nhau, cộng thêm độ rủi ro thấp hơn so với giao dịch bằng vàng, đá quý hay tiền mặt. Mạng lưới Bitcoin không có trung gian tài chính. Những khoản tiền được chuyển trên mạng lưới trực tiếp từ người này sang người khác. Chúng được truyền gửi qua mạng lưới Bitcoin, nhưng mạng lưới Bitcoin không bị kiểm soát bởi bất cứ tổ chức nào. Mạng lưới Bitcoin bao gồm hàng ngàn máy tính trên thế giới làm việc cùng nhau để xử lý và lập hồ sơ giao dịch trên Blockchain của Bitcoin. Trong trường hợp của trung gian tài chính, ví dụ, nếu ai đó tấn công Paypal, kẻ đó có thể truy cập dữ liệu và tiền của tất cả các khách hàng của Paypal. Trong khi đó, tính chất phi tập trung của mạng lưới Bitcoin đồng nghĩa với việc không tồn tại máy chủ trung tâm hay cơ sở dữ liệu nào cả. Theo đó, để kiểm soát được toàn bộ mạng lưới, một kẻ tấn công sẽ phải kiểm soát đồng thời hơn 50% số máy tính trong mạng lưới Bitcoin cùng một lúc. Thêm vào đó, việc thao túng một giao dịch trên sổ cái Bitcoin phi tập trung là gần như không thể. Bởi vì, các giao dịch, liên tục được kiểm tra và đối chiếu với tất cả các giao dịch, được gửi đến hàng ngàn máy tính để xác nhận tính hợp lệ. Với những hệ thống theo mô hình tập trung, người ta sẽ phải dựa vào một tổ chức trung gian để thực hiện hoạt động kiểm nhận này. Trong khi đó, cấu trúc phi tập trung của Bitcoin đồng nghĩa với hàng ngàn chiếc máy tính sẽ thực thi hoạt động kiểm nhận này để xác thực tính hợp lệ của giao dịch giữa mọi người với nhau. Với những trung gian tài chính truyền thống, các tài khoản ngân hàng có thể bị đóng băng, tài sản có thể bị tịch thu và việc chuyển tiền có thể bị hạn chế. Trong khi đó, đặc điểm phi tập trung đồng nghĩa với việc chính phủ hay các tổ chức tài chính không thể kiểm soát hay nắm giữ các khoản tiền của bạn. Đặc biệt, trong trường hợp một máy tính trên mạng lưới Bitcoin ngừng hoạt động, thì vẫn còn hàng ngàn máy tính sở hữu một bản sao chuẩn xác của Blockchain Bitcoin tiếp tục hoạt động. Blockchain là gì? Blockchain là một sổ cái chung gồm toàn bộ các giao dịch tài chính diễn ra trong mạng lưới Bitcoin. Blockchain đầu tiên được tạo ra trong mã máy tính gốc cho Bitcoin. Khi một giao dịch diễn ra trên mạng lưới Bitcoin, nó được tập hợp cùng với các giao dịch khác vào một khối. Khối này được liên kết với các khối trước đó trên Blockchain Bitcoin thông qua quá trình được gọi là “khai thác”. Khi một khối các giao dịch được thêm vào, nó được liên kết với khối liền trước trên Blockchain, khối liền trước đó lại được liên kết với khối trước nó nữa. Các khối được liên kết với nhau, nhờ ứng dụng mật mã học, cho nên các giao dịch, dữ liệu, và thứ tự các khối không thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ. Các khối được liên kết với nhau thành một chuỗi các khối, từ đó hình thành tên gọi Blockchain. Bạn có thể để ý rằng khi bạn chuyển tiền giữa các ngân hàng, tiền sẽ được lấy ra khỏi tài khoản của bạn, nhưng không xuất hiện trong tài khoản ngân hàng khác cho đến vài ngày sau đó. Nguyên nhân là vì mỗi ngân hàng lưu giữ các sổ cái riêng rẽ, nên họ phải thực hiện hoạt động đối chiếu riêng cho từng tài khoản. Trong khi đó, Blockchain Bitcoin là sổ cái chung bao gồm toàn bộ các giao dịch. Khi bitcoin được gửi từ người này sang người khác, giao dịch này sẽ được đối chiếu trên cùng một cuốn sổ cái mà mọi người đều có quyền truy cập. Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch sẽ xảy ra gần như là ngay lập tức, bởi vì việc gửi và nhận bitcoin được xử lý đồng thời trên cùng một sổ cái. Khi một giao dịch được tạo ra, nó được gửi đến tất cả các máy tính có kết nối với mạng lưới Bitcoin, các máy tính sẽ xác nhận tính hợp lệ của các giao dịch này, đồng thời nhóm chúng lại thành các khối và thêm vào Blockchain của Bitcoin. Khi một khối các giao dịch được thêm vào, nó được cập nhật trên sổ cái công khai mà tất cả các máy tính trong mạng lưới đều có quyền truy cập và xác thực. Tất cả mọi người trên mạng lưới Bitcoin đều có thể quan sát các giao dịch từ mới nhất cho đến đầu tiên. Tính minh bạch rất cao của mạng lưới Bitcoin còn góp phần ngăn chặn hoạt động gian lận xảy ra. Bởi vì tất cả mọi người trong mạng lưới đều có thể quan sát tất cả các giao dịch và các số dư tài khoản, cho nên rất dễ dàng kiểm chứng xem các giao dịch có đảm bảo tính hợp lệ hay không. Hơn nữa, khi một giao dịch diễn ra trên mạng lưới Bitcoin, nó sẽ được ghi chép lại và không thể sửa đổi hay xóa bỏ. Điều này tạo nên một hồ sơ lưu trữ vĩnh viễn cho mọi giao dịch từng xảy ra, cùng với một lịch sử hoạt động truy dẫn tới nguồn gốc của các đồng bitcoin. Một khối các giao dịch mới được thêm vào Blockchain của Bitcoin cứ 10 phút một lần. Sự khác nhau giữa Blockchain và Bitcoin là gì? Thường xảy ra tình trạng nhầm lẫn về sự khác biệt giữa Blockchain và Bitcoin, đặc biệt khi mạng lưới Bitcoin tạo ra Blockchain đầu tiên. Trước hết, phải nói rằng, Bitcoin là một trường hợp điển hình đầu tiên về một Blockchain hiệu quả, vì vậy trong nhiều năm, cả hai không thể tách rời nhau vì bạn không thể đề cập đến Blockchain mà không nhắc tới Bitcoin. Hơn nữa, Blockchain được cho là công nghệ duy nhất làm nền tảng phía sau Bitcoin, tuy nhiên, trên thực tế, có một loạt các công nghệ đa dạng phối hợp với nhau có liên kết với mạng lưới Bitcoin và Blockchain của Bitcoin. Mạng lưới Bitcoin chủ yếu được sử dụng cho các giao dịch tài chính, và những giao dịch này được lưu trữ hồ sơ trên Blockchain Bitcoin. Nhưng Blockchain được sử dụng trong mạng lưới Bitcoin chỉ là một ví dụ về cách ứng dụng công nghệ Blockchain. Hơn nữa, với Bitcoin, mỗi khối được thêm vào Blockchain chứa một nhóm các giao dịch tài chính, tuy nhiên, Blockchain có thể lưu trữ hầu hết mọi loại giao dịch hoặc dữ liệu. Hiện nay, có hàng loạt phương án ứng dụng tiềm năng đang được khám phá cho các hệ thống dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain. Blockchain Bitcoin chỉ lưu trữ các giao dịch tài chính, và hiện vẫn chưa có kế hoạch sử dụng cho bất cứ thứ gì ngoài hoạt động thanh toán kỹ thuật số. Khai thác Bitcoin là gì? Khai thác là quá trình thêm các khối giao dịch vào Blockchain Bitcoin để đổi lấy một khoản thanh toán bằng bitcoin. Bitcoin được tạo ra như thế nào? Khi một khối mới được thêm vào Blockchain Bitcoin, bitcoin mới được tạo ra dưới hình thức phần thưởng được trả cho người khai thác. Những bitcoin mới chỉ được tạo ra thông qua quá trình khai thác. Quá trình tạo ra các đồng bitcoin được đề cập tới trong chương 4 và chương 10. Liệu bitcoin có thể bị nhân đôi hoặc sao chép như thư điện tử? Vì những đồng bitcoin chỉ tồn tại dưới dạng điện tử và có thể được truyền gửi như email, cho nên có thể xảy ra trường hợp gửi hai lần cùng một dữ liệu điện tử, giống như cách bạn có thể gửi nhiều email với cùng một nội dung trong nhiều lần. Đây được gọi là giao dịch lặp chi, một vấn đề mà những người nỗ lực tạo ra tiền mã hóa đã phải vật lộn để giải quyết cho đến khi mạng lưới Bitcoin hình thành. Dù bitcoin chỉ tồn tại dưới hình thức điện tử, và hoạt động truyền gửi bitcoin tương tự như hoạt động gửi thư điện tử, thì chúng cũng không thể bị nhân đôi hay sao chép. Trong các hệ thống thanh toán truyền thống, sẽ cần một tổ chức trung gian như ngân hàng hay Paypal đảm bảo rằng đồng tiền điện tử sẽ không bị sao chép hay lặp chi. Mạng lưới Bitcoin không có trung gian, và đa số các thành viên trong mạng lưới phải đồng thuận rằng các giao dịch là hợp lệ. Nếu bạn gửi bitcoin cho người khác, thì các máy tính trên mạng lưới sẽ kiểm tra xem bạn có quyền gửi số bitcoin đó hay không hoặc chúng đã bị chi tiêu chưa. Nếu chúng đã được chi tiêu, thì giao dịch sẽ bị từ chối. Bitcoin được lưu trữ ở đâu? Khi bạn sở hữu bitcoin, chúng được cất giữ trong ví điện tử của bạn. Chiếc ví này không thực sự chứa bitcoin nhưng lại chứa khóa công khai và khóa cá nhân được dùng để truy cập và chuyển giao bitcoin. Ví điện tử chứa những địa chỉ Bitcoin mà từ đó bạn có quyền nhận được bitcoin. Cách thức lập ví Bitcoin sẽ được đề cập chi tiết trong nội dung của cuốn sách. Bitcoin có ẩn danh không? Có, Bitcoin được thiết kế gần như là ẩn danh. Mọi giao dịch mà bạn thực hiện trên mạng lưới Bitcoin sẽ không hiển thị danh tính hay bất kỳ thông tin cá nhân nào của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn mua bitcoin bằng các loại tiền tệ như đồng đô la Mỹ, bạn sẽ phải thiết lập tài khoản với một công ty được kiểm soát bởi hệ thống pháp luật tương tự như với các tổ chức tài chính khác. Các quy định pháp luật này đòi hỏi bạn xác thực danh tính trong quá trình khởi tạo tài khoản và mua bitcoin bằng các phương thức thanh toán truyền thống. Trong trường hợp bạn mua bitcoin từ một công ty mà tại đó bạn đã xác minh danh tính, thì các giao dịch từ tài khoản này có thể bị công ty liên kết với danh tính của bạn. Các công ty như thế này được kiểm soát bằng các điều luật giống như các tổ chức tài chính, vì vậy nếu bạn mua bitcoin thông qua một công ty có trụ sở đặt tại Mỹ, sau đó gửi số bitcoin đó đến địa chỉ bitcoin ở Cuba, Iran hoặc các quốc gia khác nơi Mỹ có các định chế tài chính, thì các công ty này sẽ có thể truy nguyên và thậm chí hủy bỏ tài khoản của bạn. Ngay cả khi ví Bitcoin của bạn hoàn toàn ẩn danh, nếu bạn mua sắm trong một cửa hàng nào đó, chủ sở hữu cửa hàng sẽ có thể xem địa chỉ nguồn gốc mà nó từ đâu đến và liên kết với nhận dạng của bạn. Bên cạnh đó, có nhiều cách để đảm bảo giao dịch Bitcoin của bạn ẩn danh, chẳng hạn như việc sử dụng các địa chỉ khác nhau và ví khác nhau. Bạn hãy lưu ý rằng, việc này có thể không hoàn toàn ẩn danh, và thậm chí vẫn có thể có những quy định mà bạn phải tuân thủ. Bitcoin có giống Paypal không? Không, Paypal là một tổ chức trung gian cho phép bạn dễ dàng truyền gửi tiền tệ truyền thống sang cho người khác, và Paypal hoạt động tương tự như một tài khoản ngân hàng truyền thống với một tổ chức tài chính. Trong khi bạn có thể gửi tiền cho nhiều người qua Paypal nhờ sử dụng địa chỉ email của họ, thì hoạt động này không hề giống như hoạt động gửi tiền qua mạng lưới Bitcoin. Cụ thể, tiền được chuyển giao qua Paypal là bằng đô la Mỹ, euro và các loại tiền tệ pháp định khác. Ẩn sau đó, những giao dịch này được đối chiếu bằng những sổ cái cá nhân nội bộ, những hệ thống theo mô hình tập trung và các tài khoản ngân hàng truyền thống. Bitcoin rất khác, bởi vì nó vừa là loại tiền tệ vừa là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hoàn toàn riêng biệt. Nó hoạt động mà không cần sự kiểm soát của chính phủ hay bất kỳ tổ chức trung gian nào để xử lý giao dịch. Bên cạnh đó, các giao dịch được thực hiện bằng bitcoin, được xử lý bởi một mạng lưới phi tập trung gồm hàng ngàn máy tính kết nối với nhau. Tất cả các giao dịch được công bố trong cuốn sổ cái công khai mà mọi người hoàn toàn có thể xem. Ở đây, không có bất kỳ tài khoản ngân hàng truyền thống, kế toán viên hay các hệ thống theo mô hình tập trung nội bộ nào thực hiện hoạt động lưu giữ bitcoin hay đối chiếu các giao dịch. Lợi ích của việc sử dụng Bitcoin là gì? Có rất nhiều lợi ích của việc sử dụng Bitcoin. Rất nhiều trong số những lợi ích này sẽ được đề cập chi tiết trong chương “Lợi ích của Bitcoin”. Những nguy cơ và bất lợi khi sử dụng Bitcoin là gì? Những nguy cơ và bất lợi của việc sử dụng Bitcoin được đề cập cụ thể trong chương 6: “Rủi ro và bất lợi của Bitcoin”. Tổng kết chương 1 Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người không cần phụ thuộc vào đồng tiền và hệ thống tài chính sở tại. Thế giới xuất hiện một loại tiền tệ có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu, một loại tiền tệ cho phép bất cứ ai cũng có thể thiết lập tài khoản và giao dịch trên mạng lưới, bất kể họ là ai và đang sinh sống ở đâu. Hiện nay, trên thế giới, số người có điện thoại di động còn nhiều hơn số người có tài khoản ngân hàng. Nhiều người có thể truy cập Internet nhưng không thể mở một tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký vay vốn. Nếu không có tài khoản ngân hàng, sẽ có rất hàng ngàn người bị loại ra khỏi hệ thống tài chính mà nhiều người trong chúng ta vẫn coi là hiển nhiên. Bitcoin không có tỷ giá hối đoái hay phí giao dịch quốc tế đắt đỏ. Bitcoin là loại tiền tệ toàn cầu không bị hạn chế bởi những rào cản chính trị và kinh tế - xã hội. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá lịch sử của Bitcoin và chi tiết cách thức Bitcoin hoạt động. Chương 2Tiền là gì? “Tiền là một thỏa thuận chung. Nếu có đủ số người đi đến một thỏa thuận như vậy thì điều họ đồng thuận sẽ trở thành thứ yếu, cho dù đó là vật nuôi trong trang trại, vàng, kim cương, giấy, hoặc đơn giản chỉ là một đoạn mã. Lịch sử đã chứng minh rằng tất cả những trường hợp này đều đúng. Một khi chúng ta coi tiền kỹ thuật số là bình thường, ai biết được tương lai đồng tiền sẽ ra sao?” - S.E. Sever, nhà văn “Khởi tạo một loại tiền mới thật dễ dàng làm sao, bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó. Bí quyết ở đây là, hãy làm cho mọi người chấp nhận nó, bởi việc họ đồng ý sử dụng mới mang lại cho nó giá trị ‘đồng tiền’.“ – Adam B. Levine, giám đốc điều hành Tokenly Để hiểu tại sao các doanh nghiệp và mọi người chấp nhận Bitcoin với vai trò hình thức thanh toán giống như bất kỳ loại tiền tệ nào khác, trước tiên bạn cần hiểu thị trường tài chính hoạt động như thế nào, và có kiến thức về các hình thái tiền tệ trong lịch sử. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự phát triển của tiền tệ trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với một số nguyên tắc cơ bản về tiền tệ, về nền kinh tế và thị trường tài chính. Đây không phải là một bản mô tả lịch sử hoàn chỉnh, mà chỉ là một bức tranh tổng quan để hiểu cách thức Bitcoin hoạt động ra sao. Tiền tệ trong tiến trình lịch sử Khi mới hình thành, các xã hội chủ yếu là những nền kinh tế dựa trên việc trao đổi hàng hóa trực tiếp. Các bộ lạc sống gần biển có thể đổi cá lấy thịt với các bộ lạc sống sâu trong đất liền. Khi các cộng đồng trở nên lớn hơn, hàng loạt các sản phẩm cùng với các dịch vụ đều tăng lên. Càng nhiều sản phẩm xuất hiện trong nền kinh tế, càng khó thực hiện giao dịch, bởi vì sẽ xuất hiện hàng trăm hay hàng ngàn mức trao đổi sản phẩm. Khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, vào thời kỳ của nền văn minh Sumer cổ đại, một phương tiện trao đổi phổ biến đã được tạo ra. Các bình tiêu chuẩn được đưa ra để đo lường số lúa mạch, mỗi bình đều đựng một lượng lúa mạch bằng nhau khi cân lên, và theo đó tất cả hàng hóa và dịch vụ đều được định giá theo trọng lượng của lúa mạch. Công lao động được trả theo số thóc lúa tương ứng, và thóc lúa trở thành đơn vị trao đổi trong xã hội thời Sumer.1 Tiếp theo, trong nền văn minh Babylon cổ đại, một trong những bộ luật thành văn cổ xưa nhất là Bộ luật Hammurabi. Bộ luật này định rõ mức lương tối thiểu cho hoạt động thuê nhân công, và hoạt động vay mượn động vật hay dụng cụ cày ruộng. Bên cạnh đó, lương và giá cả chủ yếu được thiết lập dựa theo trọng lượng ngũ cốc.2 Các sản phẩm như lúa mì, lúa mạch, và ngô đều dễ bị hư hỏng, ôi thiu, và có thể dễ dàng bị chuột bọ phá hoại. Ngũ cốc còn cần có không gian để cất trữ, khó tích lũy hoặc vận chuyển với số lượng lớn. Hơn nữa, ngũ cốc còn không bảo quản được lâu dài, và chắc chắn không thể được cất trữ cho đến khi bạn nghỉ hưu. Trong khi đó, các kim loại như vàng và bạc, đều là những vật liệu thực hiện chức năng lưu giữ giá trị tốt hơn, chúng có thể dễ dàng tích trữ và cất giữ lâu dài, nên dần dần càng có nhiều người sử dụng chúng làm phương tiện trao đổi.3 Khi bạc và vàng bắt đầu được sử dụng như một phương tiện thanh toán, trọng lượng của các kim loại được tính toán dựa theo cân nặng của đá với trọng lượng tiêu chuẩn do nhà vua công bố. Tuy nhiên, hành vi gian lận và lừa đảo dần trở nên phổ biến, các thương nhân sử dụng những viên đá tuy trông giống nhau nhưng lại có mức cân nặng khác nhau, hay chỉnh sửa chiếc cân để thu được nhiều bạc và vàng hơn. Hành vi gian lận trở nên rất phổ biến đến mức mà Kinh Cựu Ước còn có một số câu thơ bàn về hành vi gian lận cân nặng và độ đo. Một vài ví dụ sau được lấy ra từ Kinh Thánh (bản của Vua James): “Các cân nặng khác nhau và độ đo khác nhau, cả hai đều là những điều đáng ghê tởm trước Chúa”4 và “Một bàn cân và cái cân tiểu ly đều là những thứ thuộc về Chúa; Toàn bộ trọng lượng của chiếc túi là mối quan tâm của Ngài”.5 Về sau, tiền xu được nhà vua và chính quyền cho đúc với trọng lượng cố định bằng bạc và vàng đặt trong đó. Đáng chú ý là, các kim loại quý trong tiền xu đều hiếm có, và không thể bị làm giả. Hơn nữa, trọng lượng của vàng hoặc bạc bên trong một đồng tiền xu là một con số xác định – và nó sẽ quyết định giá trị của đồng xu. Việc tạo ra những đồng xu giả bằng kim loại rẻ tiền hơn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Nhìn chung, những đồng tiền xu tiêu chuẩn đã giải quyết rất nhiều trở ngại của việc sử dụng ngũ cốc hoặc kim loại làm tiền. Một trong những loại tiền tệ đầu tiên là “Shekel”, bắt nguồn từ ngôn ngữ Akkadian của người Sumer cổ đại, trong đó “she” có nghĩa là lúa mạch và “kel” là “trọng lượng”. Một shekel đại diện cho một số lượng lúa mạch nhất định, với hình ảnh lúa mạch được in trên nhiều đồng xu cổ. Người Israel vẫn gọi đồng tiền của mình là Shekel và từ này cũng có nghĩa là “trọng lượng” hoặc “cân nặng” trong tiếng Do Thái.6 Trong khi đó, tiền giấy được sử dụng xuyên suốt nền văn minh cổ đại của Trung Quốc và châu Á. Hốt Tất Liệt đã phát hành một loại tiền giấy được chấp thuận lưu thông suốt thời đại Đế chế Mông Cổ. Nhà thám hiểm Marco Polo đã dành thời gian đến thăm Hốt Tất Liệt trong suốt thời kỳ ông trị vì, và trong cuốn The Travels of Marco Polo (tạm dịch: Những chuyến du hành của Marco Polo), ông viết: “Làm thế nào mà Đại Hãn có thể biến vỏ cây thành một thứ giống như giấy, từ đó lưu thông tiền ra khắp đất nước của ông? Tất cả những tờ giấy này được phát hành với sự trang trọng và uy quyền như thể được làm bằng vàng hoặc bạc tinh khiết. Tất cả mọi người đều có thể mang theo dễ dàng; bất cứ nơi đâu trên khắp lãnh thổ của Đại Hãn, họ đều thấy chúng, và có thể thuận lợi thực hiện tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa bằng công cụ này như thể chúng là những đồng xu bằng vàng nguyên chất vậy.”7 Vào khoảng thế kỷ 14, những tờ giấy có mệnh giá do các ngân hàng ở Ý phát hành có thể được sử dụng để đổi lấy vàng trong kho dự trữ của họ. Những tờ giấy có giá này còn được dùng để đổi lấy hàng hóa, người nhận có thể đổi nó lấy vàng được ngân hàng cất giữ. Chúng được gọi là “nota di Banco”, cụm từ “giấy bạc ngân hàng” bắt nguồn từ đó và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Những tờ giấy có mệnh giá không phải được sử dụng rộng rãi trên thế giới, và tiền xu chỉ là một hình thức của tiền được dùng để trao đổi. Vỏ sò, vỏ trai, và những tấm da hoẵng được sử dụng trên khắp Bắc Mỹ. Chúng đã được coi là phương tiện thanh toán giữa những người bản địa, và người khai hoang thuộc địa chấp nhận như hình thái tiền tệ sơ khai. Rất nhiều cụm từ chỉ tiền bạc ngày nay xuất phát từ việc sử dụng các vật dụng đóng vai trò như tiền thời đó. Trong số những vật dụng được sử dụng làm tiền, còn có wampum. Về hình thức, wampum là những hạt màu tím hoặc trắng được làm từ vỏ trai hoặc vỏ ốc xoắn. Những chiếc hạt này được đánh bóng và xâu chuỗi làm đồ trang sức hoặc dây đai. Chúng đã được chấp nhận như là một hình thức tiền tệ hợp pháp trên khắp Bắc Mỹ. Học phí một năm học tại Đại học Harvard khoảng 1.900 hạt wampum thời những năm 1700. Đặc biệt, vào thời kỳ đó, một vị chủ tịch của Đại học Harvard phàn nàn rằng kho bạc của trường đại học toàn hạt wampum giả.8 Nhìn chung, quãng thời gian từ lúc tiền giấy được tạo ra lần đầu tiên cho đến lúc những tờ giấy có giá được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới kéo dài hàng thế kỷ. Và giống như các ngân hàng Ý vào thế kỷ 14, các chính phủ đã phát hành các tờ giấy có giá đại diện cho giá trị của những kim loại mà họ có thể trao đổi. Khi ấy, tiền tệ ở Anh được gọi là bảng (pound), bởi vì ban đầu một tờ tiền có giá một bảng Anh có thể trao đổi tương ứng với một pound* kim loại bạc. Điều này cũng tương tự như từ “shekel” bắt nguồn từ những từ liên quan đến trọng lượng. * Đơn vị đo trọng lượng, 01 pound tương đương với khoảng 0,454kg. Năm 1945, hệ thống Bretton Woods đã được triển khai với hơn 40 quốc gia đồng ý tham gia, trong đó họ chấp thuận việc đồng tiền của họ sẽ được gắn với giá trị của vàng. Tất cả các loại tiền tệ chính của nhiều quốc gia trên thế giới có thể được trao đổi với vàng theo một tỷ giá cố định. Bên cạnh các nguyên do khác, thì việc các đồng tiền đều được đảm bảo bằng vàng, sẽ là một nguyên do khiến chúng trở nên có giá trị, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro và tạo sự ổn định cho tỷ giá trao đổi trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Hệ thống Bretton Woods tiếp tục duy trì cho đến năm 1971 khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và không còn đảm bảo đồng đô la Mỹ theo vàng nữa. Hiện nay, các loại tiền tệ không còn liên kết vàng, kim loại hay một loại hàng hóa khác với giá trị nội tại của chúng nữa. Tức là, mọi người không thể đổi một tờ giấy có giá một bảng Anh để lấy một pound kim loại bạc, và cũng không thể đổi đô la Mỹ để lấy vàng nữa. Về cơ bản, các tờ tiền trong ví của bạn chỉ là những tờ giấy với con số ghi trên đó, vậy tại sao chúng ta chấp nhận tiền như một hình thức có giá trị? Giá trị của tiền là gì? Nếu nghĩ về tiền ngày nay, chắc hẳn bạn sẽ nhớ tới những đồng tiền xu, những tờ giấy có mệnh giá và những con số điện tử trong tài khoản. Nếu bạn hỏi mọi người tờ giấy bạc ngân hàng 100 đô la đáng giá bao nhiêu, thì có lẽ họ sẽ cho rằng đó là một câu hỏi quái lạ, và đều cho ra một phản hồi giống nhau: “Tất nhiên là có giá 100 đô la rồi”. Tuy nhiên, nếu bạn viết “tờ giấy này có giá 100 đô la” lên trên một tờ giấy bình thường, và đưa nó cho một người rồi hỏi họ nó đáng giá bao nhiêu, họ chắc chắn sẽ trả lời bạn rằng nó vô giá trị. Tại sao lại như vậy? Cả hai đều chỉ là những tờ giấy với con số ghi trên đó, nhưng tại sao chúng ta lại nghiễm nhiên tin rằng chỉ một trong số chúng có giá trị và cái còn lại thì không. Nếu nhìn qua, cả tờ giấy bạc có giá 100 đô la và tờ giấy bình thường với dòng chữ viết tay “100 đô la” trên đó, đều gần như giống nhau, với cùng chất liệu và cùng con số. Chúng có cùng những ứng dụng thực tế, bạn có thể đốt để giữ ấm, bạn có thể viết lên chúng, cả hai đều có cùng độ bền, trọng lượng và kích cỡ. Nhìn chung, không có sự khác biệt mấy trong cấu trúc vật lý của một tờ giấy bạc ngân hàng và một tờ giấy bình thường với con số được viết lên đó. Sự khác biệt ở đây chính là nhận thức và lòng tin. Bạn tin rằng nếu bạn chấp nhận tờ giấy bạc ngân hàng do chính phủ cấp, bạn có thể vào cửa hàng và đổi nó để lấy các sản phẩm hoặc dịch vụ khác. Hơn nữa, nếu vào cửa hàng, bạn có niềm tin rằng chủ cửa hàng sẽ chấp nhận tờ giấy bạc đó, và cứ thế, giống như việc chủ cửa hàng tin rằng nếu họ chấp nhận tờ giấy bạc đó, họ có thể trao đổi tờ giấy đó một lần nữa để lấy các mặt hàng khác. Bạn của bạn có thể chấp nhận một tờ giấy cam kết với dòng chữ viết tay “Tôi nợ bạn 100 đô la” để đổi lấy việc bán cho bạn một món hàng, và tin tưởng rằng họ có thể mang mảnh giấy đó đến gặp bạn vào một ngày nào đó, và đổi lại với giá trị 100 đô la. Tuy nhiên, họ không thể cầm nó vào một cửa hàng để trao đổi lấy hàng hóa, và chủ cửa hàng ở đó sẽ không tin họ có thể thực hiện trao đổi tờ giấy đó một lần nữa để lấy giá trị 100 đô la. Tương tự, những tờ tiền chỉ là những tờ giấy với dòng cam kết “Tôi nợ bạn” của chính phủ, và nó cung cấp cho mọi người một niềm tin rằng nó có thể được trao đổi và sẽ được người khác chấp nhận. Mọi người cũng tin tưởng rằng tiền không dễ bị làm giả, và nếu những tờ tiền giả được tạo ra, những kẻ làm nên chúng sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Phần lớn nguồn cung tiền của thế giới không tồn tại dưới hình thức tiền xu hoặc tờ giấy bạc. Nếu ngày mai tất cả mọi người vào ngân hàng để rút tiền, thì ngân hàng sẽ không có đủ tiền cho tất cả mọi người. Kịch bản này đã xảy ra gần đây ở Hy Lạp khi chính phủ và ngân hàng đặt ra định mức số tiền mọi người có thể rút ra mỗi ngày. Chúng ta đều biết rằng số tiền này chỉ tồn tại dưới hình thức điện tử, và không có đồng tiền xu, tiền kim loại hay vàng nào bảo đảm, vậy tại sao chúng ta chấp nhận nó? Nếu tôi gửi một email với nội dung có dòng chữ đánh máy “1.000 đô la”, thì tại sao những chữ số điện tử này không có cùng giá trị với những chữ số điện tử xuất hiện trong tài khoản của bạn? Giống như tiền xu và tờ giấy bạc, chúng ta tin rằng chúng ta có thể chuyển những con số điện tử trong tài khoản ngân hàng cho các cá nhân và doanh nghiệp, để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, con số được viết trong nội dung email có thể bị sao chép dễ dàng, và bất cứ ai cũng có thể viết số vào email và gửi đi càng nhiều email càng tốt. Điều này khiến những chữ số điện tử trong email không có giá trị như một hình thức thanh toán, bởi vì mọi người sẽ không chấp nhận chúng. Còn đối với hình thức tiền điện tử trong tài khoản ngân hàng, chúng ta tin tưởng rằng các ngân hàng đang lưu giữ những hồ sơ chính xác tất cả những số dư tài khoản cũng như những khoản tiền được chuyển đi, và số liệu điện tử đó không thể bị sao chép như khi xuất hiện trong email. Mặc dù những con số điện tử đó đại diện cho rất nhiều tiền, nhưng cũng chỉ là con số điện tử được viết trên máy tính. Chúng có giá trị bởi vì chúng ta tin tưởng vào các ngân hàng, chính phủ và các tổ chức tài chính trong việc lưu giữ hồ sơ về số tiền của chúng ta, cũng như người khác chấp nhận chúng như một hình thức thanh toán. Ghi chú Những nội dung trên chính là điểm cốt lõi sẽ hỗ trợ để trả lời cho câu hỏi “Tại sao Bitcoin lại có giá trị như một loại tiền tệ?” Ban đầu, tôi đã nghĩ rằng tiền tệ kỹ thuật số không do chính phủ ban hành sẽ chẳng có giá trị nào hết. Vào thời điểm lạc quan nhất, tôi nghĩ rằng Bitcoin có cùng giá trị như loại tiền tệ được phát hành bởi một quốc gia như Zimbabwe. Cụ thể hơn, tại Zimbabwe, tiền tệ do chính phủ phát hành chỉ có thể được sử dụng trong phạm vi nội địa, và thậm chí nhiều cửa hàng còn từ chối coi nó như là một phương thức thanh toán. Ở đất nước này, bạn sẽ phải mang theo các xe cút kít chất đầy tiền giấy chỉ để mua những đồ tạp phẩm cơ bản, và những tờ giấy bạc có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đô la đã được phát hành do giá trị của đồng tiền sụt giảm vô cùng. Ngay khi hiểu được cách thức Bitcoin hoạt động để ngăn chặn tình trạng bitcoin bị sao chép, tôi đã thấy được giá trị và sự kỳ diệu trong Bitcoin. Chúng ta sẽ xem xét nội dung này cụ thể hơn trong chương bàn về cách thức hoạt động của Bitcoin. Tại sao Bitcoin có giá trị? “Các nhà kinh tế học và các nhà báo thường bị cuốn vào câu hỏi: Tại sao Bitcoin lại có giá trị? Đáp án rất đơn giản. Bởi vì nó hữu ích và có tính khan hiếm.” - Erik Voorhees, giám đốc điều hành ShapeShift Về cơ bản, nếu mọi người chấp nhận thứ gì đó như một hình thức thanh toán, nó sẽ có giá trị. Đồng tiền có giá trị trong hệ thống mà chúng được chấp nhận; nếu không được bất cứ ai thừa nhận sử dụng để trao đổi lấy hàng hóa hoặc dịch vụ, thì chúng bị coi là giá trị trong hệ thống đó. Ví dụ, đồng đô la Canada được chấp nhận thanh toán tại Starbucks ở Canada, nhưng bạn không thể mang đồng đô la Canada đến Mỹ và chi tiêu chúng ở quán Starbucks tại Mỹ được. Những tờ giấy bạc giống nhau sẽ được sử dụng trong cùng một cộng đồng, nên bạn phải đổi đồng đô la Canada thành đồng đô la Mỹ để mua hàng tại Mỹ trước đã. Hơn nữa, những thứ được coi là tiền cũng có thể thay đổi trong một hệ thống. Trước đây, Harvard chấp nhận hạt wampum như một hình thức thanh toán học phí, thì ngày nay, không có khả năng họ cho phép chi trả học phí bằng wampum. Vì vậy, Bitcoin có giá trị bởi mọi người chấp nhận nó như một hình thức thanh toán. Đôi lúc, bạn có thể muốn mua hàng hóa hay dịch vụ trực tuyến mà tại đó Bitcoin là phương thức thanh toán được chấp nhận, nhưng bạn lại chỉ có đồng đô la Mỹ trong tay. Để mua hàng thành công trong trường hợp này, bạn cần đổi đồng đô la Mỹ sang bitcoin, sau đó mua hàng bằng bitcoin. Khi trao đổi đô la Mỹ với bitcoin, bạn đang tạo ra nhu cầu cho bitcoin, đồng thời tham gia vào việc mua chúng từ nguồn cung bitcoin hiện thời. Một trong những bài học đầu tiên được giảng dạy trong lớp học kinh tế là lý thuyết cung-cầu. Đây là yếu tố chính sẽ quyết định giá trị của bitcoin. Cung và cầu • Kinh tế học dạy chúng ta rằng khi nhu cầu về một mặt hàng tăng lên, giá của mặt hàng đó sẽ tăng lên, nhưng nếu nhu cầu giảm xuống thì giá của nó sẽ giảm xuống. • Về phía cung, nếu nguồn cung một mặt hàng tăng lên, giá của mặt hàng đó sẽ giảm đi do nhiều hàng hóa sẵn có hơn. • Tuy nhiên, nếu nguồn cung của một mặt hàng giảm, giá của mặt hàng đó sẽ tăng do có hàng hóa sẵn có hơn. Chỉ có đúng 21 triệu bitcoin sẽ được tạo ra, điều này làm số lượng bitcoin trở nên hạn chế. Chính vì bị giới hạn, cho nên giá trị của bitcoin gia tăng khi có nhiều người mua chúng hơn, và giảm xuống nếu nhiều người bán chúng. Về lý thuyết, càng nhiều cửa hàng chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán, thì nhu cầu đối với bitcoin sẽ ngày càng cao, tức là giá của chúng sẽ trở nên cao hơn. Tương tự như vậy, nếu ngày càng ít cửa hàng chấp nhận chúng như một hình thức thanh toán, nhu cầu đối với bitcoin sẽ ngày càng thấp hơn, đồng nghĩa với giá của chúng sẽ giảm xuống. Chỉ có một số bitcoin hữu hạn là một yếu tố rất quan trọng. Về phía cung, chúng ta không thể tạo ra quá 21 triệu bitcoin. Nguồn cung bitcoin hạn chế đồng nghĩa với việc sẽ không xảy ra tình trạng dư thừa bitcoin – một điều có thể dẫn đến việc sụt giảm giá trị của chúng. Nếu xem xét trường hợp của đồng đô la Zimbabwe trong 20 năm qua, chúng ta sẽ thấy rằng: Chính phủ không có đủ tiền để trả nợ và thanh toán các khoản nợ và chi phí, vì vậy chính phủ quyết định in thêm tiền. Mỗi lần như thế, nguồn cung tiền lại tăng, từ đó làm giảm giá trị của đồng tiền. Và một khi giá trị của đồng tiền giảm xuống, chính phủ lại phải in thêm tiền. Điều này dẫn đến hiện tượng siêu lạm phát với chu kỳ in thêm tiền liên tục, hạ thấp hơn nữa giá trị của đồng tiền và khiến chính phủ phải in nhiều tiền hơn nữa. Vào năm 2015, đồng đô la Zimbabwe bị mất giá nhiều đến nỗi 200 nghìn tỷ đô la Zimbabwe có giá trị chưa tới 1 đô la Mỹ. Zimbabwe cuối cùng tuyên bố rằng đồng tiền của họ đã vô giá trị, và chấp nhận sử dụng 8 loại tiền tệ lớn làm phương tiện trao đổi hợp pháp trong nước bao gồm đồng đô la Mỹ, đồng rand Nam Phi, đồng pula của Botswanan, đồng bảng Anh, đồng đô la Úc, đồng Nhân dân tệ, đồng rupee Ấn Độ và đồng yên Nhật. Lòng tin Thậm chí trước khi đồng đô la Zimbabwe bị tuyên bố là vô giá trị, bị bãi bỏ và được thay bằng các loại tiền tệ quốc tế khác, thì đồng tiền này đã không được chấp nhận tại nhiều nơi ngay trong đất nước Zimbabwe. Các chủ cửa hàng không muốn coi nó là phương thức thanh toán, mọi người đều mất lòng tin về việc nó sẽ được đông đảo chấp nhận, kết quả là, người dân Zimbabwe bán bất cứ đồng đô la Zimbabwe nào mà họ có, để đổi lấy các loại tiền tệ khác hoặc kim loại quý. Việc chấp nhận một loại tiền tệ gắn bó mật thiết với sự tin tưởng vào loại tiền tệ đó. Nếu người ta có niềm tin rằng đồng tiền sẽ trở nên ổn định và giữ được giá trị của nó, họ sẽ chấp nhận nó để đổi lấy các mặt hàng khác. Ví dụ, niềm tin và sự ổn định của đồng bảng Anh đã được tạo ra khi mọi người biết rằng họ có thể đổi 1 pound kim loại bạc để lấy một tờ giấy bạc trị giá 1 bảng Anh. Tiêu chuẩn về vàng của hệ thống Bretton Woods cũng quy định tương tự đối với các loại tiền tệ quốc tế, khi mà mọi người đều biết rằng mỗi tờ tiền đều có thể dùng để đổi lấy một lượng kim loại vàng nhất định. Nhiều loại tiền tệ hiện đại không có kim loại quý đứng sau đảm bảo cho chúng. Và niềm tin rất khó giành được nhưng lại rất dễ mất đi, đặc biệt khi các quốc gia bắt đầu in nhiều tiền quá mức. Mỗi tờ giấy bạc chỉ có giá trị khi ở đó mọi người tin rằng nó có. Giá trị này dựa trên niềm tin rằng đồng tiền sẽ duy trì được giá trị của nó, và được chấp nhận như một phương tiện trao đổi. Zimbabwe chỉ là một trong nhiều quốc gia trên thế giới nơi người ta không tin tưởng vào đồng tiền của họ. Năm 2000, Ecuador đã bãi bỏ đồng tiền của mình và cho phép lưu thông đồng đô la Mỹ như một phương tiện trao đổi. Nhiều quốc gia khác từ châu Phi, Mỹ Latinh tới châu Á như Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Venezuela, Nicaragua, Cuba, Liberia đều chấp nhận đồng đô la Mỹ, nhưng vẫn ưu tiên đồng tiền địa phương trong các giao dịch trao đổi. Tại nhiều quốc gia sở hữu đồng tiền riêng, đồng nội tệ có thể không được chấp nhận hoặc được sử dụng rộng rãi, chẳng hạn như máy ATM ở Campuchia sẽ nhả đô la Mỹ chứ không phải nội tệ. Toàn bộ giá cả ở Campuchia đều được hiển thị bằng đô la Mỹ, và các giao dịch cũng được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ. Đồng tiền quốc nội riel của Campuchia được sử dụng chủ yếu như tiền lẻ để thay cho những mệnh giá nhỏ dưới 1 đô la Mỹ. Người Campuchia, giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, không tin rằng đồng tiền địa phương của họ là nơi cất trữ giá trị đáng tin cậy. Họ sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch nhỏ, nhưng đối với các giao dịch lớn, đồng đô la Mỹ được xem là nơi cất trữ giá trị ổn định và đáng tin cậy hơn. Cất trữ giá trị Được xem như nơi cất trữ giá trị đáng tin cậy là đặc điểm quan trọng khác của một đồng tiền ổn định. Chẳng hạn, nếu bạn bán hàng hóa và nhận về khoản tiền 100 đô la, thì tờ giấy bạc đó cất trữ giá trị cho đến khi nó được trao đổi với mức giá 100 đô la của những mặt hàng hoặc dịch vụ trong một giao dịch khác. Hầu như mọi thứ đều có thể trở thành một nơi cất trữ giá trị, tuy nhiên độ tin cậy của giá trị sẽ có sự khác nhau đáng kể. Như đã đề cập trước đó, lúa mạch, lúa mì, ngũ cốc và thịt đã từng được sử dụng để trao đổi giá trị. Tuy nhiên, chúng chưa bao giờ là một nơi cất trữ giá trị đáng tin cậy, bởi vì chúng dễ hư hỏng và tốn nhiều không gian bảo quản. Các mặt hàng như rượu Rum trở thành nơi cất trữ giá trị có mức độ đáng tin cậy cao hơn, vì có tuổi thọ lâu dài hơn rất nhiều so với ngũ cốc hay thịt. Rượu Rum có thể được cất trữ trong một khoảng thời gian dài những vẫn giữ được giá trị của nó. Trong suốt 25 năm đầu khai thác thuộc địa tại Úc, không một loại tiền tệ nào có thể được tạo ra dễ dàng, nên rượu Rum được sử dụng như một đồng tiền để trao đổi. Lương trả cho người lao động cũng được tính theo galông* rượu Rum, và tất cả các giao dịch đều được định giá theo lượng rượu Rum. Nhưng dù rượu Rum được xem là nơi cất trữ giá trị tốt hơn ngũ cốc hay thịt, nó vẫn có thể bị sao chép, giả mạo và rất khó khăn trong việc vận chuyển hoặc sử dụng cho các giao dịch lớn. * Galông là đơn vị đo lường chất lỏng, 01 galông tương ứng với 4,54 lít tại Anh và 3,78 lít tại Mỹ. Vàng, bạc và các kim loại quý cũng là nơi cất trữ giá trị suốt hàng nghìn năm qua. Giống như rượu Rum, chúng cũng phải đối mặt với đủ loại chi phí như chi phí vận chuyển và chi phí lưu trữ, và đó là lý do tại sao các ngân hàng và tổ chức chính phủ thường cất trữ vàng hay bạc trong kho, đồng thời phát hành những tờ giấy bạc với mệnh giá được đảm bảo bằng kim loại quý. Các kim loại quý có thể duy trì giá trị ổn định dù được cất giữ trong khoảng thời gian gần như là vô hạn. Và các tờ giấy bạc và đồng tiền xu được phát hành với sự đảm bảo đến từ các kim loại quý, sẽ trở nên dễ dàng vận chuyển và trao đổi hơn, so với vàng hay bạc. Vàng kӻ thuật số hay tiền kӻ thuật số Có hai quan điểm khác nhau về Bitcoin. Một số người tin rằng nó nên được xem như vàng kỹ thuật số, một nơi cất trữ giá trị, trong khi nhiều người khác cho rằng nó phải là một loại tiền tệ được sử dụng để trao đổi. Quan điểm đầu tiên là dựa trên một thực tế là chỉ có 21 triệu bitcoin được tạo ra. Bởi vì chúng hạn chế về số lượng, chúng nên được giao dịch như một mặt hàng giống như vàng, và chủ yếu là một nơi cất trữ giá trị. Đối với các quốc gia như Zimbabwe, nơi mà đồng nội tệ không được coi là nơi cất trữ giá trị, và việc tích trữ vàng, bạc, đá quý hoặc các loại tiền tệ khác trong nhà sẽ gặp rủi ro bị trộm cắp hoặc hỏa hoạn, nên Bitcoin cung cấp một giải pháp thay thế khả thi khi đóng vai trò như một nơi cất trữ giá trị. Bitcoin cho phép mọi người khởi tạo ví điện tử chỉ trong vài phút, và tích trữ tài sản của mình mà vẫn giữ được giá trị, vẫn được chấp nhận như một phương tiện trao đổi, có thể vận chuyển và được xem là giải pháp an toàn hơn so với các lựa chọn khác. Bitcoin tồn tại không chịu sự kiểm soát của chính phủ, ngân hàng, và các tổ chức tài chính. Vô số trường hợp trên khắp thế giới nơi mà chế độ độc tài chiếm quyền kiểm soát một quốc gia, thay đổi loại tiền tệ hiện hành, đồng thời tuyên bố tất cả các tờ giấy bạc được lưu thông trước đó là vô giá trị, tái sắp đặt của cải ở nước đó. Tuy nhiên, Bitcoin cho phép người dân ở các nước nơi chính quyền và ngân hàng bất ổn có thể lưu trữ của cải mà không phải chịu sự kiểm soát của chính phủ hay hệ thống tài chính mục nát. Một quan điểm khác về Bitcoin: Nó không phải nơi cất trữ giá trị mà là một loại tiền tệ để trao đổi. Quan điểm này không coi nó giống như vàng mà như đồng đô la Mỹ, nơi mà số lượng bitcoin không chỉ giới hạn trong con số 21 triệu. Chúng ta đã chứng kiến sự mất giá trị rất lớn của đồng đô la Zimbabwe, và điều này sẽ mở rộng khả năng cho Bitcoin, nếu bitcoin có số lượng vô hạn nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất giá. Mặc dù nó có thể được sử dụng như một phương thức trao đổi, nhưng lại không được coi là nơi cất trữ giá trị. Điều này có thể làm gia tăng số lượng giao dịch Bitcoin, nhưng lại càng dễ khiến nó trở nên giống như đồng riel Campuchia, một đồng tiền chỉ được sử dụng cho các giao dịch nhỏ, hoặc không được sử dụng để cất trữ giá trị. Tổng kết chương 2 Bây giờ, bạn chắc hẳn đã có sự hiểu biết nhất định về cách thức tiền và hệ thống tài chính hoạt động, cùng với lý do tại sao Bitcoin lại có ích như một nơi cất trữ giá trị và phương tiện trao đổi. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về lịch sử hình thành Bitcoin và chi tiết về cách thức hoạt động của Bitcoin. Chương 3Lịch sử hình thành Bitcoin “Tôi nghĩ Internet sẽ là một trong những lực lượng chính làm suy giảm vai trò của chính phủ. Điều duy nhất còn thiếu nhưng sẽ sớm phát triển là một đồng tiền điện tử đáng tin cậy.” - Milton Friedman, người đoạt giải Nobel Kinh tế Một trong những công nghệ nền tảng của Bitcoin là Blockchain. Blockchain đầu tiên được tạo ra trong mã máy tính gốc của Bitcoin, và lịch sử hình thành Bitcoin gắn bó chặt chẽ với lịch sử hình thành Blockchain. Cách thức hoạt động của Bitcoin và công nghệ đằng sau nó sẽ được đề cập cụ thể trong chương tiếp theo, vì vậy đừng lo lắng nếu bạn chưa hiểu tường tận về các công nghệ được đề cập ở chương này. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về lịch sử hình thành Bitcoin cùng với lịch sử của một số công trình và công nghệ nền tảng đã mở đường cho sự ra đời của Bitcoin. Các giao dịch và hoạt động lưu trữ hồ sơ Trong chương trước, chúng ta đã tìm hiểu về lịch sử của tiền tệ. Trong chương này, trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc lập hồ sơ giao dịch, một hoạt động được cho là xuất hiện trước khi chữ viết đầu tiên ra đời, bởi vì một số bản viết tay cổ xưa nhất được các nhà khảo cổ học khám phá ra có nội dung liên quan đến giao dịch giá trị. Một trong những công nghệ nền tảng của Bitcoin là Blockchain. Phần giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của Blockchain sẽ được trình bày trong các nội dung sau của cuốn sách, nhưng bây giờ chúng ta sẽ diễn giải thật đơn giản. Blockchain là một chuỗi các khối được liên kết với nhau bằng mật mã. Mỗi khối chứa một nhóm các giao dịch, và khi một khối xác định được thêm vào Blockchain, các giao dịch trong khối đó được lưu vào Blockchain và không thể bị thu hồi. Như đã nói, một số bản viết tay đầu tiên có nói về các giao dịch giá trị, được khắc vào đá hoặc các tấm đất sét, và được chính phủ cầm quyền lưu trữ. Hàng ngàn năm trước, người Sumer cổ đại đã ghi chép lại các giao dịch bất động sản, nông sản và những thương vụ trao đổi khác có giá trị trên các khối này. Các giao dịch này không thể bị thay đổi một khi được lưu lại và mỗi khối bao gồm các giao dịch mới sẽ được thêm vào sau nhóm các khối hiện có. Cứ như vậy, Blockchain đã có lịch sử hàng ngàn năm, với các nguyên tắc về cách thức hoạt động rất giống với những gì mà tài liệu cổ xưa ghi chép lại về các giao dịch. Mật mã học là một nền tảng khác của Bitcoin, và cũng có tuổi đời hàng ngàn năm. Thật vậy, mật mã cổ đại được sử dụng để bảo vệ các bí mật hoặc các thông điệp chiến lược đối với các chính quyền hoặc lực lượng quân đội. Một ví dụ nổi tiếng về mật mã cổ đại là Mật mã Caesar, được đặt theo tên Julius Caesar, người đã mã hóa các văn bản thông tin liên lạc theo phương pháp này. Các đoạn tin nhắn được mã hóa theo mật mã Caesar, trong đó mỗi ký tự được thay thế bằng một ký tự cách nó một số các ký tự cụ thể. Ví dụ, nếu tất cả các chữ cái đều được di chuyển về phía trước chúng sau 2 chữ cái, A sẽ trở thành C, B sẽ trở thành D và cứ như thế. Sử dụng phương pháp này trên bảng chữ cái tiếng Anh, từ “attack” sẽ trở thành “cvvcem”. Ở đây, chỉ có những người biết con số cụ thể mà những chữ cái được di chuyển mới có thể giải mã và đọc được đoạn tin nhắn. Ngày nay, loại mật mã này được giải mã dễ dàng, tuy nhiên vào thời đại đó, hầu hết mọi người đều không thể đọc hoặc viết, và bên cạnh đó cũng có rất nhiều những ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới có thể được sử dụng để mã hóa trong việc truyền tải thông tin, chứ không nhất thiết phải là ngôn ngữ bản địa. Theo đó, vào thời bấy giờ, phương pháp này vẫn đủ hiệu quả để các đoạn tin nhắn mã hóa không dễ bị kẻ thù giải mã hoặc nghĩ rằng nó đã được viết bằng ngôn ngữ nước ngoài. Trong khi việc lưu trữ hồ sơ cùng với ngành mật mã học đã được cải tiến rất nhiều kể từ thuở sơ khai, thì các nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho Bitcoin vẫn được giữ nguyên. Dữ liệu giao dịch được ghi lại trên các khối là không thể thay đổi được, và dữ liệu đó được mã hóa bằng cách ứng dụng mật mã học, vì vậy chỉ những người có quyền truy cập mới giải mã được. Phải nói rằng, từ xưa tới nay, có rất nhiều những sáng tạo và sự phát kiến quan trọng trong các lĩnh vực về lưu giữ hồ sơ và mật mã học, tuy nhiên, chúng ta sẽ tạm gác lại để tập trung vào lịch sử của Bitcoin. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về khoảng thời gian những năm 1980, công trình sáng tạo đầu tiên ra đời, mở đường cho sự hình thành Bitcoin. David Chaum là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, ông được công nhận là người đầu tiên sáng tạo ra tiền kỹ thuật số. Năm 1982, ông đã viết một nghiên cứu có tên là Blind Signatures for Untraceable Payments (tạm dịch: Chữ ký mù cho khoản thanh toán không thể truy nguyên) phác họa tổng quan cách thức các chữ ký mù có thể mã hóa nội dung tin nhắn, trong khi vẫn cho phép xác nhận chữ ký của tin nhắn. Đây là một trong số những công trình được ra đời sớm nhất về chữ ký mã hóa hiện được sử dụng trong Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác. Xử lý vấn đề giao dịch lặp chi là ngăn chặn tình trạng số tiền bị chi tiêu nhiều hơn một lần. Với những tờ đô la Mỹ, chúng chỉ là được làm bằng giấy, vì vậy về lý thuyết, bạn có thể quét và in ra bản sao của mỗi tờ giấy bạc để chi tiêu nhiều lần. Tuy nhiên, trên thực tế có các biện pháp an ninh như họa tiết chìm, chuỗi số duy nhất cho mỗi tờ tiền cùng với hình phạt đối với hoạt động làm giả. Các biện pháp an ninh và pháp lý này là cách chính phủ Mỹ ngăn chặn tái diễn giao dịch lặp chi đồng đô la Mỹ, khi mỗi tờ tiền đều không thể sao chép được. Việc ngăn ngừa tình trạng giao dịch lặp chi trong lĩnh vực tiền điện tử lại phức tạp hơn nhiều. Bạn có thể hình dung thế này, nếu những khoản thanh toán cho hàng hóa hay dịch vụ đều trong môi trường điện tử như dưới dạng email, vậy làm thế nào bạn có thể ngăn chặn việc một email có nội dung thanh toán tương tự được gửi đến nhiều người? Các chính phủ, ngân hàng và tổ chức tài chính có các lớp thủ tục xác minh để đảm bảo không có xuất hiện bản sao các giao dịch điện tử, ngay cả khi những hệ thống này có khả năng gặp trục trặc. Trong lĩnh vực tiền điện tử, với sự cộng tác của Amos Fiat và Moni Naor, David Chaum đã đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề giao dịch lặp chi. Những bản đề xuất của họ đưa ra một lý thuyết cho rằng: tiền điện tử có thể mang đặc tính không bị truy nguyên, nhưng vẫn có thể bị phát hiện nếu đã được chi tiêu từ trước đó. Năm 1990, David Chaum thành lập công ty DigiCash cùng với những người tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 1994, DigiCash đã gửi đi khoản thanh toán bằng tiền điện tử đầu tiên. Cũng năm 1994, một thông cáo báo chí được DigiCash phát hành, với nội dung mở đầu như sau: “Khoản thanh toán bằng tiền điện tử đầu tiên qua mạng máy tính trên thế giới. (Ngày phát hành: 27, tháng 5 năm 1994) Tiền điện tử có sự riêng tư của tiền giấy, trong khi nó vẫn đạt được yêu cầu về bảo mật cao đối với các môi trường mạng lưới điện tử thông qua những đổi mới trong mật mã khóa công khai.” Thông cáo báo chí này của DigiCash được phát hành vào thời điểm 14 năm trước khi Bitcoin ra đời. Và một thông cáo báo chí với nội dung tương tự có thể sử dụng cho Bitcoin khi nó được phát hành. DigiCash có lẽ đã phát triển quá sớm trong lĩnh vực thương mại điện tử so với thời đại, khi mà vào năm 1994, vẫn chưa có nhiều người dùng Internet. Hệ quả là, năm 1998, DigiCash tuyên bố phá sản, và tài sản còn lại bị bán cho eCash Technologies. Trong quá trình nghiên cứu, DigiCash đã sử dụng chữ ký cá nhân/công khai được mã hóa để ẩn giấu và xác minh nội dung tin nhắn, đồng thời là tiền điện tử đầu tiên có đặc tính không thể truy nguyên và tránh được tình trạng giao dịch lặp chi. Và tất cả những tính năng này đã đặt nền móng cho Bitcoin, cũng như các đồng tiền mã hóa xuất hiện sau Bitcoin. Khi Internet bắt đầu trở nên phổ biến, thư rác trở thành một vấn nạn. Adam Back đã đề xuất một phương pháp chống nạn gửi thư rác tràn lan và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Vào năm 1997, Adam Back đã tạo ra “hashcash” - một thuật toán đơn giản sử dụng Bằng chứng Xử lý để ngăn chặn thư rác. Thuật toán Bằng chứng Xử lý trong hashcash đòi hỏi hệ thống máy tính gửi thư điện tử phải giải đáp một mảnh ghép toán học và đưa ra câu trả lời trong tiêu đề thư. Một câu trả lời hợp lệ trong tiêu đề thư chính là bằng chứng cho thấy sự đóng góp nguồn lực và công suất tính toán đã được sử dụng để gửi thư điện tử đó. Trong trường hợp không có Bằng chứng Xử lý hợp lệ trong tiêu đề, thư điện tử đó có thể bị lọc ra là thư rác. Phương pháp này giúp cho việc gửi thư điện tử trở nên ít tốn kém hơn đối với hầu hết mọi người, nhưng lại tiêu tốn thời gian và tốn nguồn lực nhiều hơn nếu muốn gửi đi một lượng lớn thư rác. Khi Bitcoin được tạo ra, nó được tích hợp một thuật toán cao cấp hơn nhưng lại tương tự như thuật toán Bằng chứng Xử lý. Nick Szabo là người tiên phong khác trong thời kì đầu của tiền kỹ thuật số. Năm 1998, ông đưa ra đề xuất cho một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung có tên “bit gold”. Đồng tiền này tích hợp nhiều đặc điểm từ DigiCash cùng với thuật toán Bằng chứng Xử lý, mà tại đó các nguồn lực tính toán đều dành để giải đáp các mảnh ghép mật mã toán học. Giải các mảnh ghép toán học này sẽ giống như việc tìm kiếm sự kết hợp với khóa; không dễ để tìm ra, nhưng một khi thu được câu trả lời, thì việc kiểm nhận nó có chính xác hay không rất dễ dàng. Bất cứ ai trên mạng lưới đều có thể dễ dàng xác nhận câu trả lời là đúng, tuy nhiên, đa số những thành viên trong mạng lưới sẽ phải đồng ý rằng nó hợp lệ trước khi nó được chấp nhận. Một yếu tố bổ sung khác mà Nick Szabo thêm vào thuật toán Bằng chứng Xử lý là câu trả lời cho một mảnh ghép toán học sẽ trở thành một phần của mảnh ghép toán học tiếp theo. Điều này kết nối chúng lại với nhau như một chuỗi, từ đó tạo ra một trình tự các mảnh ghép, đáp án và giao dịch liên kết với chúng rõ ràng theo thời gian. Mặc dù đề xuất Bit Gold của Nick Szabo chỉ tồn tại trên lý thuyết, nhưng nó được xem như đang đặt những viên gạch nền tảng cho việc xây dựng Bitcoin sau này. Cũng năm 1998, một chuyên đề của Wei Dai đã được xuất bản với nhan đề b-money, an Anony- mous, Distributed Electronic Cash System (tạm dịch: b-money, một hệ thống tiền điện tử phân tán, ẩn danh). Bài viết này sau đó đã được nhắc đến trong chuyên đề giới thiệu Bitcoin. Trong bài báo của Wei Dai về b-money, ông đề xuất một hệ thống tiền điện tử có: • Bằng chứng Xử lý thông qua nguồn lực tính toán được đóng góp cho hệ thống • Những phần thưởng cho việc hoàn thành Bằng chứng Xử lý hợp lệ • Tất cả thành viên của hệ thống đều có thể xác minh và cập nhật sổ cái chung • Các giao dịch trên sổ cái của nhóm được xác minh qua mã băm • Chữ ký kỹ thuật số sử dụng mật mã học để ký và xác minh các giao dịch trên sổ cái chung Hệ thống tiền điện tử b-money được đề xuất bởi Wei Dai cũng chỉ tồn tại trên lý thuyết, tuy nhiên, Bitcoin sau đó đã tích hợp nhiều tính năng được đề xuất bởi b-money trong quá trình hình thành. Satoshi Nakamoto được coi là người sáng tạo ra Bitcoin. Và người ta thường chấp nhận một điều rằng, Satoshi Nakamoto là chỉ một bút danh, và người này chưa bao giờ tiết lộ công khai thân phận của mình. Mười năm sau thời điểm đề xuất về b-money của Wei Dai ra đời, Satoshi Nakamoto đã xuất bản một bài báo trên Internet vào năm 2008 có tiêu đề là Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System (tạm dịch: Bitcoin: Hệ thống tiền ảo ngang cấp). Bài báo này đã tích hợp nhiều yếu tố của các nghiên cứu trước đây về tiền kỹ thuật số, các loại tiền tệ theo mô hình phi tập trung, các khoản thanh toán không thể theo dõi, Bằng chứng Xử lý và mật mã, thành một giải pháp khả thi. Một năm sau đó, tức là vào năm 2009, Bitcoin được tạo ra và trở thành loại tiền kỹ thuật số phi tập trung đầu tiên thực tồn chứ không chỉ trên tài liệu khoa học. Blockchain đầu tiên cũng được tạo ra trong mã Bitcoin, được viết trong mã bằng hai từ riêng biệt chuỗi (chain) và khối (block). Satoshi Nakamoto khai thác khối đầu tiên trên mạng lưới Bitcoin, được biết đến với tên Khối Nguyên thủy. Khối Nguyên thủy do Satoshi Nakamoto khai thác có chứa thông điệp: “Tờ Times, ngày 03/01/2009, Đại Pháp Quan đứng bên bờ vực phải viện trợ ngân hàng lần thứ hai”. Thông điệp này được đưa vào khối đầu tiên như là một bằng chứng cho thấy khối đầu tiên này của Blockchain Bitcoin được khai thác vào ngày mùng ba tháng Một hoặc sau đó. Đây còn là tuyên bố về những thất bại của tiền tệ và thị trường tài chính hiện hành. Tiêu đề này được lấy từ một bài báo xuất bản ở Anh, và khiến người ta nghĩ rằng Satoshi Nakamoto sinh sống ở Vương quốc Anh tại thời điểm đó. Năm 2010, đã có nhiều vấn đề lớn được tìm thấy trong mạng lưới Bitcoin cho phép các giao dịch có thể bị thay đổi. Điều này đã dẫn đến một lượng lớn bitcoin bị tạo ra sai trái so với quy tắc của hệ thống. Lỗi này nhanh chóng được phát hiện, các giao dịch giả mạo Bitcoin đã bị xóa bỏ, và kể từ đó không xảy ra hiện tượng như thế nữa. Trong năm 2011, trang web Silk Road ra mắt, nó cho phép mọi người buôn bán ma túy trực tuyến trả bằng Bitcoin. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về Bitcoin, đồng thời Bitcoin cũng đã trở nên nổi tiếng bởi nó được sử dụng chủ yếu trong hoạt động buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm. Trong một vài năm sau đó, Bitcoin ngày càng phổ biến. Giá của Bitcoin đã tăng từ khoảng 1 đô la Mỹ năm 2011 lên khoảng 1.000 đô la vào năm 2013. Thêm vào đó, thị trường buôn bán ma túy trên Silk Road ngày càng trở nên nổi tiếng trong những năm đó, khi ngày càng có nhiều sự liên kết giữa Bitcoin với ma túy và tội phạm hơn. Vào năm 2013, mọi thứ trở nên tiêu cực đối với Bitcoin: FBI đóng cửa vĩnh viễn trang web Silk Road, đồng thời tịch thu tất cả tài sản trên đó, và người sáng lập Silk Road bị kết án tù chung thân. Đáng chú ý là, người sáng lập đã bị bắt khi ông ta cố gắng trả lương bằng bitcoin cho một cảnh sát nằm vùng giả làm một lính đánh thuê trên trang web Silk Road để nhận sát hại một ai đó. Đây là một tin tức gây chú ý lớn vào thời điểm đó, và nó không giúp cải thiện danh tiếng của Bitcoin trong tâm trí của công chúng. Thậm chí, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Bitcoin khi sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất Mt. Gox cho ngừng rút tiền bằng đô la Mỹ, và tuyên bố phá sản vào đầu năm 2014. Tại thời điểm đó, sàn Mt. Gox nắm giữ khoảng 70% tổng số các giao dịch liên quan tới Bitcoin, và khi sàn tuyên bố phá sản, nhiều người đã mất hết số bitcoin của mình. Những sự kiện này khiến Bitcoin giảm giá từ khoảng 1.000 đô la xuống còn khoảng 200 đô la trong năm kế tiếp. Sau đó, các đồng tiền mã hóa mới được tạo ra bằng mã nguồn Bitcoin, và nhiều người tuyên bố rằng Bitcoin đã chấm hết. Tuy nhiên, Bitcoin không sụp đổ, và nhờ việc trang Silk Road bị đóng cửa, Bitcoin dần bớt liên quan tới ma túy, sát nhân và tội phạm. Nhóm xây dựng Bitcoin cốt lõi tiếp tục thực hiện các cải tiến về mã nguồn Bitcoin. Và mọi người bắt đầu chú ý dẫn đến công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin và hiểu hơn về tiềm năng của nó. Những người nhìn vào công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin đã thấy được sự kỳ diệu về cách thức nó hoạt động ra sao, nhưng vẫn rất khó để kêu gọi nguồn tài trợ nghiêm túc cho các dự án liên quan đến Bitcoin. Nhiều công ty và chính phủ vẫn coi Bitcoin là tiền Internet giả mạo, cụ thể hơn, họ chỉ coi nó là một trào lưu nhất thời hay một vụ lừa đảo. Các công ty lớn và các tổ chức tài chính không muốn dính líu tới Bitcoin, bởi vì họ vẫn thấy nó có liên quan quá chặt chẽ tới sự phá sản của Mt. Gox và lực lượng tội phạm trên Silk Road. Blockchain, một trong những công nghệ chính của Bitcoin, lại được nhiều người tin là một công nghệ mang tính cách mạng như Internet. Khi công nghệ Blockchain và những nền tảng đằng sau Bitcoin trở nên ít liên quan đến chính Bitcoin, các công ty háo hức và sẵn sàng chi tiền đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ về Blockchain. Bắt đầu xuất hiện sự tách biệt rõ ràng giữa Bitcoin và các công nghệ bên trong mã nguồn Bitcoin. Mặc dù các công ty không dành sự quan tâm đặc biệt cho Bitcoin, nhưng họ lại rất chú ý tới tiềm năng áp dụng Blockchain và các công nghệ bên trong Bitcoin. Vào năm 2015, mạng lưới Ethereum đã ra đời, làm gia tăng sự chú ý tới Blockchain và tiền mã hóa. Ethereum đã tạo ra những triển vọng mới cho công nghệ Blockchain với các ứng dụng phi tập trung và các hợp đồng thông minh khả dụng trên Blockchain. Kể từ khi Ethereum ra mắt, đã có hàng ngàn công ty bắt tay vào việc ứng dụng công nghệ Blockchain cho một loạt các ngành công nghiệp khác nhau. Điều này đã dẫn đến sự phổ biến của Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác. Mặc dù Ethereum được xem là có nhiều ứng dụng tiềm năng hơn so với công nghệ Bitcoin hiện tại, nhưng Ethereum không được thiết kế để thay thế cho Bitcoin trong các hoạt động liên quan đến các giao dịch tài chính hoặc thanh toán. Sự gia tăng số lượng các đồng tiền mã hóa và mối quan tâm tới Blockchain đã nâng cao tiếng tăm của Bitcoin với vai trò một hình thức thanh toán đạt mức giá kỷ lục trên 3.000 đô la Mỹ vào năm 2017. Tổng kết chương 3 Dù hiện nay, Bitcoin ít liên quan đến các hoạt động tội phạm và ma túy, nhưng nó vẫn chưa được phần đông mọi người chấp nhận hoặc sử dụng chính thức. Mặc dù trên thực tế, Coinbase, Circle và các công ty tương tự cho phép thực hiện các hoạt động mua bán và giao dịch bitcoin dễ dàng như dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn không thấy việc này là cần thiết hoặc không hiểu cách sử dụng Bitcoin. Dường như, công nghệ mới cần nhiều thời gian hơn mới được chấp thuận và áp dụng rộng rãi, mà Bitcoin vẫn còn trong thời kì đầu của nó. Mặc dù không có gì chắc chắn về tương lai của Bitcoin, nhưng nó đã trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi phải đối mặt với trở ngại và ngay cả khi bị tuyên bố đã chấm hết. Xu hướng hiện tại có lẽ vẫn coi Bitcoin như một giải pháp thanh toán khả thi bên cạnh thẻ tín dụng, Paypal và các tùy chọn thanh toán hiện có khác. Đến lúc này, bạn đã có hiểu biết nhất định về khái niệm Bitcoin và lịch sử phát triển của nó. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Bitcoin và công nghệ nền tảng của nó hoạt động như thế nào. Chương 4Cách thức hoạt động của Bitcoin “Lần đầu tiên nghe nói về Bitcoin, tôi đã nghĩ nó thật bất khả thi. Làm sao bạn có thể sở hữu đồng tiền kỹ thuật số thuần túy này? Chẳng lẽ tôi không thể sao chép ổ cứng của bạn để chiếm lấy bitcoin của bạn ư? Tôi đã không hiểu bằng cách nào đồng tiền này vượt qua được điều đó, nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy nó thật tuyệt vời.” – Jeff Garzik, nhà phát triển nòng cốt của Bitcoin Lưu ý: Chương này là bản hướng dẫn tổng quan, không nặng tính kỹ thuật về cách thức hoạt động của Bitcoin. Chỉ dẫn căn bản về cách thức hoạt động của Bitcoin Như đã đề cập trong các nội dung trước, tiền hiện đại chỉ là những con số điện tử trên máy tính và các ngân hàng, chính phủ và tổ chức tài chính có chức năng cất trữ những hồ sơ chi tiết về nơi mà mỗi con số điện tử hoặc mỗi đơn vị tiền tệ được lưu giữ. Bitcoin không có chính quyền hay ngân hàng trung ương theo dõi hồ sơ giao dịch, và cũng không thể tự mình phát hành tiền mới. Bởi Bitcoin là một loại tiền mã hóa và không chịu kiểm soát của tổ chức nào trong việc quản lý hồ sơ, nên nhiều người cho rằng nguy cơ nó bị hacker tấn công để tạo bitcoin giả hoặc giao dịch giả cao hơn so với các loại tiền truyền thống. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, Bitcoin ít gặp rủi ro bị tấn công, giả mạo và sao chép giao dịch hơn hẳn so với đồng tiền hiện đại. Không tồn tại chính phủ hay ngân hàng trung ương nào là đơn vị phát hành bitcoin hoặc theo dõi hồ sơ giao dịch bitcoin. Cấu trúc phi tập trung của Bitcoin đồng nghĩa với tất cả mọi người trên mạng lưới đều tham gia xác nhận rằng những hồ sơ và giao dịch là hoàn toàn chính xác. Bất cứ khi nào một giao dịch diễn ra, tất cả mọi người trên mạng lưới đều có một bản hồ sơ về giao dịch đó, và đa số mọi người phải đồng thuận là nó hợp lệ. Trong ví dụ trước đây, một tờ giấy bạc với dòng chữ “Tôi nợ bạn 100 đô la” có thể được bạn của bạn chấp nhận – người này tin rằng họ có thể nhận lại giá trị đó từ bạn trong tương lai. Tuy nhiên, bạn của bạn không thể ra ngoài và trao nó cho một chủ cửa hàng hay bất kì ai khác, bởi vì họ không tin họ có thể sử dụng tờ giấy bạc đó ở nơi khác. Để hiểu về cách thức hoạt động của Bitcoin và tất cả các đồng tiền kỹ thuật số, hãy xem xét ví dụ sau đây. Tưởng tượng bạn và 10 người bạn khác thường xuyên mua bán các mặt hàng hoặc dịch vụ của nhau. Theo đó, thay vì liên tục đổi tiền qua lại cho nhau, bạn có một hệ thống mà trong đó mỗi người sở hữu 500 đô la và số tiền này có thể được chuyển giao thông qua email như một khoản thanh toán. Khi một người bạn nhận được email với số tiền đó, họ có thể gửi email đó cho một người bạn khác để thanh toán. Cụ thể hơn nữa, giả sử bạn của bạn là John, John bán cho bạn một chiếc tivi với giá 100 đô la, nhưng thay vì trả John 100 đô la tiền mặt hoặc tờ ghi nợ, bạn gửi cho John một email có dòng chữ là “Email này có giá 100 đô la”. Trong trường hợp này, với việc ban đầu cả hai bạn đều có 500 đô la, sau khi giao dịch diễn ra, bạn sẽ có số dư là 400 đô la còn của John là 600 đô la. John sau đó muốn mua một chiếc bàn từ Sally với giá 100 đô la, John gửi đi email mà anh ấy đã nhận từ bạn như một khoản thanh toán. Trong những trường hợp này, sẽ rất dễ dàng để viết một email với cùng nội dung và gửi cho bất cứ ai để thanh toán. Vì sẽ không có gì ngăn cản John gửi email thanh toán 100 đô đó cho cả 10 người bạn của anh ấy, để nhận về 1.000 đô giá trị hàng hóa trong khi những người kia, về bản chất, không thu được số tiền này. Đây được gọi là giao dịch lặp chi, một vấn nạn mà đồng tiền mã hóa đã phải vật lộn giải quyết. Tuy nhiên, Bitcoin đã giải quyết thành công vấn đề này. • Khi một email được gửi đến mạng lưới bạn bè này, tất cả mọi người đều nhận được bản sao email đó. • Khi bạn gửi 100 đô la cho John, tất cả những người còn lại trong mạng lưới đều sẽ biết về sự tồn tại của giao dịch này. • Khi John gửi số tiền này cho Sally, mọi người cũng nhận được bản sao email gửi đi, nên họ đều biết 100 đô la đã được gửi từ bạn tới John, sau đó lại tiếp tục được gửi từ John tới cho Sally. • Nếu bạn cố gắng gửi 100 đô la đến 10 người bạn cùng một lúc, họ đều sẽ nhận được bản sao những email này, đều biết rằng chúng không hợp lệ, và kết luận rằng bạn đang cố gắng chi tiêu khoản tiền mà bạn không hề sở hữu. • Đa số thành viên trong mạng lưới phải đồng ý rằng giao dịch đó là hợp lệ. Mỗi khi giao dịch diễn ra, nó sẽ được gửi đến mọi thành viên trong mạng lưới để quyết định xem giao dịch đó có hợp lệ hay không. • Một giao dịch hợp lệ sau đó sẽ được ghi chép lại trên mạng lưới, mỗi người sẽ nhận được bản sao cập nhật gồm các giao dịch hợp lệ đó, vì vậy họ đều biết thông tin về tất cả các giao dịch đã xảy ra. Cách thức bitcoin hoạt động như thế nào sẽ được đề cập chi tiết hơn trong phần sau cuốn sách này, tuy nhiên, ví dụ này đã cung cấp cho bạn một hình dung căn bản về cách mạng lưới Bitcoin ngăn chặn tình trạng giả mạo bitcoin và sao chép các giao dịch. Tất cả mọi người trên mạng lưới đều tham gia xác minh tính hợp lệ của các giao dịch, duy trì các hồ sơ lưu trữ, và luôn nhận thức được những gì đang xảy ra trên mạng lưới. Blockchain là gì? Có rất nhiều giao dịch xuất hiện trên mạng lưới cùng một lúc. Khi giao dịch Bitcoin được ghi chép, nó được tập hợp lại cùng với các giao dịch khác thành một khối các giao dịch. Các giao dịch được lưu trữ trên mạng lưới theo nhóm khi một khối mới được thêm vào mạng lưới. Một khối mới được thêm vào ngay trên khối gần nhất, khối gần nhất này lại liên kết với khối liền trước đó nữa, như thế tất cả các khối sẽ liên kết với nhau thành một chuỗi. Ví dụ: Khối 100 liên kết với khối 99 Khối 99 liên kết với khối 98 Khối 98 liên kết với khối 97 Điều này cứ thế tiếp tục cho đến khối đầu tiên của Blockchain, khối 0, hay còn gọi là Khối Nguyên thủy. Một khối mới các giao dịch sẽ được thêm vào Blockchain Bitcoin khoảng 10 phút một lần. Tất cả các giao dịch xuất hiện đều được lưu lại trong Blockchain và bất khả sửa đổi. Vì vậy, các giao dịch trên Blockchain Bitcoin đều có thể được truy dấu từ khối mới nhất cho tới khối đầu tiên trong Blockchain. Sửa đổi giao dịch và khối Một khi một khối các giao dịch được thêm vào Blockchain Bitcoin, nó không thể bị thay đổi hoặc thu hồi. Hơn nữa, các giao dịch trong mỗi khối được nhóm lại với nhau và được mã hóa, mỗi nhóm giao dịch có dữ liệu mã hóa độc nhất vô nhị. Khi một khối được liên kết với khối trước đó, nó được liên kết bằng cách sử dụng dữ liệu được mã hóa riêng biệt. Nếu một người cố gian lận bằng cách thay đổi thông tin của các giao dịch trong một khối, họ phải thay đổi dữ liệu đã được mã hóa riêng biệt. Hành động này sẽ phá vỡ chuỗi các khối vì chúng sẽ không còn cho thấy dữ liệu khối chính xác nữa. Nếu xem lại lịch sử của Bitcoin, chúng ta sẽ thấy phương pháp Bit Gold của Nick Szabo đã cho thấy đáp án cho một mảnh ghép toán học trở thành một phần trong mảnh ghép toán học tiếp theo. Nếu ai đó cố gắng thay đổi giao dịch trong một khối, họ sẽ làm thay đổi câu trả lời cho mảnh ghép toán học đó, và mảnh ghép này sẽ không còn phù hợp với câu hỏi của mảnh ghép tiếp theo nữa. Tình trạng này tiếp tục làm thay đổi câu trả lời cho mảnh ghép toán học sau đó nữa, và sự thay đổi cứ như thế sẽ tiếp diễn đến đầu chuỗi. Vì vậy, để thực hiện hành vi gian lận trên một khối giao dịch trước đó, mỗi khối tiếp sau khối bị chỉnh sửa cũng phải thay đổi theo, và điều này hoàn toàn bất khả thi về mặt tính toán sau 6 khối trên Blockchain Bitcoin. Hành vi cố gắng thay đổi các giao dịch trong khối 100 sẽ trở nên bất khả thi sau khi có khối 106. Một khối mới được thêm vào Blockchain Bitcoin cứ 10 phút một lần, do đó các giao dịch trong một khối có thể được thay đổi trong vòng một giờ nếu phần lớn các máy tính trên mạng lưới đều chấp thuận sự thay đổi này. Sau một giờ, việc thay đổi các giao dịch trên Blockchain Bitcoin trở nên bất khả thi về mặt tính toán. Các công ty có thể xem các khối như những xác nhận; nếu một giao dịch xảy ra trong khối 100, sau đó các công ty có thể yêu cầu 6 xác nhận trước khi chấp nhận giao dịch là hợp lệ. Một khi 6 khối mới được thêm vào sau khối 100, tương đương với việc có 6 xác nhận rằng giao dịch đó là hợp lệ, nó sẽ không thể bị thay đổi hoặc thu hồi. Đồng thuận phân tán Phần lớn các máy tính trên mạng lưới Bitcoin cần chấp nhận các giao dịch và các khối là hợp lệ, quá trình này được gọi là đồng thuận phân tán. Việc yêu cầu tất cả mọi người trên mạng lưới Bitcoin đồng thuận gần như là không thể, nhưng chỉ cần trên 50% số thành viên trong mạng lưới thì hoàn toàn khả thi. Trên 50% thành viên của mạng lưới đồng ý được coi như bằng chứng phù hợp để xác minh giao dịch hợp lệ. Đây là một sự khác biệt quan trọng giữa hệ thống tập trung và hệ thống phi tập trung. Với một hệ thống tập trung, quyền quyết định tính hợp lệ của giao dịch được thực hiện bởi một thực thể như ngân hàng hay một cá nhân trong một phòng ban. Lịch sử đã cho thấy vô số các ví dụ điển hình về việc hệ thống tập trung có xu hướng gian lận hoặc nhầm lẫn trong việc nhập thông tin giao dịch hay bị thao túng. Nhưng trong hệ thống phi tập trung, các quyết định này được thực hiện bởi phần lớn các thành viên của mạng lưới, thông tin trong mạng lưới minh bạch với tất cả mọi người và họ đều có thể quan sát tất cả các giao dịch xuất hiện trên mạng lưới Bitcoin. Chúng ta cũng biết đến nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công quá bán, khi một kẻ tấn công có thể kiểm soát trên 50% mạng lưới Bitcoin. Điều này sẽ cho phép kẻ đó quyết định giao dịch nào là hợp lệ và nắm quyền kiểm soát sự đồng thuận của toàn bộ mạng lưới. Tuy nhiên, nguy cơ này rất thấp, bởi cần tới chi phí khổng lồ và công suất tính toán khủng khiếp mới đạt được. Khai thác Bitcoin Khai thác là từ mà có lẽ bạn đã nghe nói nhiều trong các tài liệu tham khảo về Bitcoin. Khi các giao dịch được truyền gửi trên mạng lưới Bitcoin, chúng vẫn đang trong trạng thái chờ xử lý cho đến khi được thêm vào một khối trên Blockchain Bitcoin. Các máy tính trên mạng lưới Bitcoin lựa chọn các giao dịch đang chờ xử lý, và nhóm chúng lại thành một khối để thêm vào Blockchain Bitcoin. Khi một máy tính thêm được một khối hợp lệ vào Blockchain Bitcoin, họ nhận được một khoản thanh toán bitcoin như là phần thưởng cho việc thêm khối đó vào Blockchain. Đây được gọi là “phần thưởng khối” còn quá trình này được biết đến như quá trình “khai thác” vì nó tương tự như việc khai thác những phần thưởng nhỏ ra khỏi khối lớn. Các máy tính tham gia vào quá trình này được gọi là “thợ đào”. Để thêm được một khối các giao dịch hợp lệ vào Blockchain, các thợ đào trước tiên phải xử lý một mảnh ghép toán học, mà mảnh ghép này chỉ có thể được giải đáp thông qua đoán số ngẫu nhiên. Nếu thợ đào sở hữu công suất tính toán càng lớn, họ càng có khả năng đoán được con số ngẫu nhiên nhanh hơn, đồng thời thêm được một khối hợp lệ vào Blockchain để nhận về những phần thưởng. Bằng chứng Xử lý Phần thưởng được trả cho thợ đào đã thêm thành công một khối hợp lệ vào Blockchain là một khoản bù đắp vì những đóng góp về nguồn lực, điện năng và công suất tính toán vào mạng lưới. Công suất tính toán và các nguồn lực được đóng góp cho phép mạng lưới Bitcoin hoạt động hiệu quả và an toàn. Như đã đề cập trước đó, thợ đào phải giải đáp một mảnh ghép toán học để thêm được một khối hợp lệ vào Blockchain. Đây được gọi là “Bằng chứng Xử lý” bởi nó đòi hỏi một số lượng công việc nhất định dưới dạng công suất tính toán và các nguồn lực để giải quyết. Thợ đào tìm ra đáp án đầu tiên, chứng tỏ họ đã hoàn thành công việc để thêm được một khối vào Blockchain. Mảnh ghép toán học này tương tự như khóa mật mã, và cần rất nhiều thời gian mới đoán ra mật mã cho khóa; tuy nhiên, một khi tìm ra đáp án, việc xác định nó chính xác hay không rất dễ dàng. Các thợ đào làm việc để đoán ra con số cho khóa mật mã này, và người tìm thấy câu trả lời đầu tiên có thể công bố cho tất cả mọi người trên mạng lưới. Khi ấy, mọi thợ đào khác đều có thể xác nhận mật mã đó có hợp lệ không, và điều này đóng vai trò như bằng chứng xác minh rằng thợ đào kia đã giải quyết thành công mảnh ghép toán học này. Người thợ đào đó sẽ nhận được phần thưởng cho công việc đã hoàn thành, và tất cả các thợ đào tập trung công suất tính toán vào việc giải quyết mảnh ghép toán học tiếp theo để lại thêm được khối mới vào Blockchain Bitcoin. Quá trình đóng góp một lượng lớn công suất tính toán để tìm con số ngẫu nhiên có vẻ không cần thiết và phí phạm. Đây chính là khởi nguồn cho sự chỉ trích lớn về thuật toán Bằng chứng Xử lý trong Bitcoin. Bởi vì một lượng lớn điện năng và công suất tính toán được sử dụng cho quá trình rất lãng phí và không phải là yêu cầu bắt buộc để thêm được các giao dịch mới vào Blockchain Bitcoin. Bằng chứng Xử lý chủ yếu cố gắng xác minh một điều rằng: Các nguồn lực đã được đóng góp vào mạng lưới, cho thấy các thợ đào đang giúp mạng lưới Bitcoin hoạt động và bảo vệ an ninh cho nó. Bằng chứng Xử lý là thuật toán được sử dụng trong mạng lưới Bitcoin, còn nhiều thuật toán khác được ứng dụng trong các loại tiền mã hóa khác. Sự lãng phí của thuật toán Bằng chứng Xử lý cùng với các thuật toán thay thế mà nhiều đồng tiền mã hóa khác đang sử dụng sẽ được đề cập chi tiết hơn trong những nội dung sau của cuốn sách. Tổng kết chương 4 Bây giờ bạn chắc hẳn đã hiểu rõ hơn về những công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin cũng như các nguyên tắc cơ bản về cách thức hoạt động của nó. Trong các chương kế tiếp, chúng ta sẽ cùng xem xét những lợi ích và bất lợi trong việc sử dụng Bitcoin. Chương 5Lợi ích của Bitcoin “Về bản chất, bitcoin là một đồng tiền thông minh, được tạo ra bởi các kỹ sư có tư tưởng tiến bộ. Nó giúp loại bỏ sự cần thiết của các ngân hàng, những khoản phí tín dụng, phí quy đổi ngoại tệ, phí chuyển tiền và sự cần thiết của luật sư trong quá trình chuyển nhượng... tất cả đều là những điều tốt đẹp.” – Peter Diamandis Trong các chương đầu, chúng tôi đã đề cập đến các nguyên tắc cơ bản của Bitcoin, cách thức hoạt động của Bitcoin và các thị trường tài chính, cũng như lịch sử hình thành Bitcoin. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số lợi ích của Bitcoin so với các phương thức thanh toán hiện tại. Loại bỏ các tổ chức trung gian Hầu hết các giao dịch hiện đại đòi hỏi phải có một tổ chức trung gian cung cấp sự tin tưởng và đảm bảo. Trong khi đó, Bitcoin cho phép mọi người có khả năng giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần đến các tổ chức trung gian. Ở những nơi như Mỹ hoặc châu Âu, nơi có các quy định đối với tổ chức tài chính và hệ thống pháp luật ổn định, thì đặc tính này có vẻ không phải một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn dân cư trên thế giới sống ở các quốc gia, nơi các tổ chức trung gian không hề đáng tin. Hàng tỷ người trên thế giới đang sống ở những quốc gia, nơi chính phủ và ngân hàng mục nát, tỉ lệ tội phạm cao, các quy định đối với công ty không có hoặc rất ít, hoạt động lưu trữ hồ sơ thường được thực hiện thủ công và các danh mục pháp lý hạn chế. Bitcoin đặc biệt hữu ích ở những quốc gia mà ở đó người dân thiếu tin tưởng đối với chính phủ, ngân hàng và các tổ chức trung gian. Hoạt động giao dịch trực tiếp với người dân ở những quốc gia này cũng có thể gặp rủi ro, vì tỷ lệ tội phạm cao và không có danh mục pháp lý cụ thể. Nếu bạn giao dịch trực tiếp với ai đó bằng đồng nội tệ hoặc vàng, họ có thể trộm hoặc không tôn trọng thỏa thuận. Việc cất trữ và giao dịch bằng bitcoin có thể là một lựa chọn an toàn hơn so với việc giữ tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch bằng đồng nội tệ tại các quốc gia này. Bitcoin cung cấp sự tin tưởng và bảo mật đồng thời giảm được nhiều rủi ro liên quan đến các giao dịch không cần sự xuất hiện của tổ chức trung gian. Sự phi tập trung Như đã đề cập ở trên, hầu hết các giao dịch tài chính hiện nay đều yêu cầu một tổ chức trung gian tham gia giao dịch. Ngay cả một khoản thanh toán trên thẻ tín dụng trong cửa hàng cũng cần có sự xuất hiện của công ty thẻ tín dụng và ngân hàng, vì họ là những tổ chức trung gian đứng giữa người mua và người bán. Các tổ chức trung gian này sở hữu những hệ thống theo mô hình tập trung để ghi lại tất cả các giao dịch và xử lý chúng. Nếu bạn chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản thuộc ngân hàng khác, thì khi ấy, mỗi ngân hàng đều có các hệ thống kiểm soát theo mô hình tập trung, và các sổ cái tập trung để ghi chép lại giao dịch của bạn. Bạn có thể gặp phải tình trạng quen thuộc khi gửi giao dịch, tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng của bạn, nhưng vài ngày sau mới xuất hiện trong tài khoản ngân hàng kia. Sự chậm trễ này xảy ra do khi bạn thực hiện một giao dịch, mỗi ngân hàng cần một khoảng thời gian nhất định để đối chiếu với sổ cái trung tâm và hệ thống trung tâm của chính ngân hàng đó; chính vì thế, dù ngân hàng này đã ghi nhận rằng giao dịch của bạn đã được gửi đi, ngân hàng kia vẫn chưa xác nhận khoản giao dịch đó đã đến. Bitcoin sử dụng sổ cái chung, phi tập trung để lập hồ sơ giao dịch, từ đó giúp hoạt động lưu trữ trở nên minh bạch. Mọi người đều có quyền truy cập cùng một thông tin, sổ cái không chịu kiểm soát của bất kỳ một tổ chức riêng lẻ nào cả. Tất cả các giao dịch xảy ra trên cùng một sổ cái đều được chia sẻ với tất cả mọi người trong mạng lưới. Trong ví dụ chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau, giao dịch đó được ghi nhận trên nhiều sổ cái, với mỗi ngân hàng duy trì sổ cái và hệ thống riêng biệt của họ. Với Bitcoin, thay vì các ngân hàng ghi lại các giao dịch trên nhiều sổ cái tập trung, tất cả các giao dịch đều được ghi chép trên một sổ cái phi tập trung cho phép hoạt động tất toán giao dịch gần như tức thời. Các cơ sở dữ liệu tập trung đã phải hứng chịu rất nhiều vụ tấn công, thao túng, cùng với nguy cơ trộm cắp dữ liệu từ cả bên ngoài và bên trong. Trong lịch sử đã xảy ra trường hợp nhân viên tại các tổ chức tài chính gian lận, đánh cắp ngân quỹ của khách hàng và khiến tổ chức tài chính sụp đổ. Cơ sở dữ liệu phi tập trung không có hệ thống đơn lẻ nào dễ bị tấn công hoặc thao túng. Bởi vì để thao túng được mạng lưới Bitcoin, cần phải kiểm soát đồng thời hơn 50% máy tính trong mạng lưới, mà điều này gần như là không thể. Tất cả mọi người trên mạng lưới đều có một bản sao của sổ cái, nên dù một máy tính bị tấn công hoặc bị sập cũng không ảnh hưởng đến tất cả máy tính còn lại trong mạng lưới. Không chịu sự kiểm soát của chính phủ hay ngân hàng “Không ai quan tâm đến các tình huống quá quắt cho đến khi chúng trở thành một thứ đáng quan tâm”. - Marc Hochstein Đặc điểm phi tập trung cùng với việc loại bỏ các tổ chức trung gian sẽ dẫn tới việc không còn chịu sự kiểm soát của chính phủ hay ngân hàng. Điều này làm cho các khoản tiền, tài khoản và giao dịch tài chính thoát khỏi vòng kiểm soát của chính phủ và ngân hàng, và trao quyền cho các cá nhân. Như đã đề cập ở phần đầu cuốn sách, trong trường hợp của Zimbabwe, chính phủ đã in rất nhiều tiền, và sau đó đồng tiền Zimbabwe đã mất giá đến mức bị coi là vô giá trị. Tại những đất nước như Zimbabwe, việc chính phủ kiểm soát nguồn cung tiền cũng ảnh hưởng lớn đến người dân. Bởi vì chính phủ hoặc ngân hàng có thể đóng băng tài khoản, thu giữ vốn, hạn chế thanh toán và theo dõi các giao dịch của bạn. Dù bạn có thể không quan tâm đến việc chính phủ hay ngân hàng nắm quyền kiểm soát, bởi vì bạn không sống ở những quốc gia coi đây là một vấn nạn. Nhưng sự kiểm soát của chính phủ và ngân hàng không chỉ là mối quan tâm ở các nước như Zimbabwe. Wikileaks chính là ví dụ điển hình cho việc chính phủ và ngân hàng có thể đóng băng các tài khoản và hoạt động thanh toán của một tổ chức như thế nào. Họ đã có thể duy trì quá trình hoạt động nếu chấp nhận những khoản đóng góp bằng Bitcoin. Và cho dù bạn đồng tình với việc Wikileaks chia sẻ dữ liệu tuyệt mật của chính phủ hay không, thì đây cũng là một bằng chứng cho thấy dù ở Mỹ và châu Âu không có bất kỳ ai có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và ngân hàng. Bitcoin hoạt động nằm ngoài các hệ thống tài chính hiện hành, nó chỉ được kiểm soát bởi những người trong mạng lưới, chứ không phải bởi chính phủ hay các tổ chức tài chính. Ví Bitcoin không thể bị đóng băng và các khoản thanh toán bằng Bitcoin không thể bị hạn chế. Ví Bitcoin và các giao dịch còn ẩn danh, nên không thể bị theo dõi hoặc liên kết tới danh tính của bạn. Không có những khoản thanh toán quốc tế đắt đỏ Hãy quay trở lại ví dụ minh họa về việc những khoản thanh toán Bitcoin tương tự như gửi email. Nếu bạn giống hầu hết mọi người, bạn có thể gửi đi rất nhiều email mỗi ngày. Và gửi email cho một ai đó cùng quốc gia cũng không khác gì so với gửi email cho một người ở nước khác. Bất kể bạn gửi email đó đến nước nào, chúng đều giữ nội dung giống hệt nhau, vì vậy chúng ta phải lo lắng khi gửi email quốc tế nữa. Nhưng việc chuyển khoản quốc tế lại là một câu chuyện hoàn toàn khác nhau, vì khi đó, bạn sẽ phải chịu những khoản phí đắt đỏ, thủ tục chuyển khoản phức tạp và thời gian hoàn thành kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Mặc dù các công ty như PayPal đã làm cho hoạt động thanh toán quốc tế trở nên dễ dàng hơn, nhưng vẫn còn những khoản phí và những mức giá quy đổi bất lợi mỗi khi bạn thanh toán quốc tế. Trong khi đó, thanh toán bằng đồng Bitcoin không khác gì khi bạn gửi tiền cho ai đó cùng thành phố hoặc ở giữa châu Phi. Bạn hoàn toàn có thể thanh toán với cùng một mức phí, và sẽ tốn cũng khoảng thời gian đó để người kia nhận được. Mặc dù bạn có thể không mấy khi gửi khoản thanh toán đến khu vực ở giữa châu Phi, nhưng đối với hàng tỷ người trên thế giới, đây là bước đột phá trong cách thức họ gửi và nhận thanh toán. Nó cũng mở ra những tiềm năng và cơ hội tiếp xúc với nền kinh tế thế giới và các thị trường tài chính cho hàng tỷ người vốn bị đẩy ra ngoài lề. Bất cứ ai trên thế giới đều có thể bắt đầu kinh doanh, cung cấp dịch vụ nào đó, và giờ đây, toàn bộ thế giới trở thành khách hàng tiềm năng của họ. Internet cho phép họ truy cập thông tin từ khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, nhiều người vẫn bị ngăn cản tham gia nhận hoặc gửi những khoản thanh toán quốc tế. Vì vậy, với Bitcoin, những người nghèo nhất thế giới, vốn bị loại ra khỏi thị trường tài chính thế giới, có thể trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu với những cách thức tham gia hiệu quả và chi phí tham gia thấp. Chi phí thấp hơn Không chỉ cắt giảm những khoản phí thanh toán quốc tế đắt đỏ, tất cả các chi phí giao dịch đều có thể được giảm bớt. Với Bitcoin, không tồn tại phí duy trì tài khoản, không yêu cầu tỷ lệ quy đổi khi chuyển khoản giữa các quốc gia, và mức phí giao dịch rất thấp. Việc loại bỏ các tổ chức trung gian cùng với việc tất toán các giao dịch trên cùng một sổ cái chung thay vì trên nhiều sổ cái riêng còn làm giảm các chi phí xuống. Mỗi lớp loại bỏ trong giao dịch thông qua việc loại bỏ tổ chức trung gian hoặc sổ cái tư nhân còn giảm đi chi phí liên quan đến lớp đó. Tăng tốc độ giao dịch Không chỉ chi phí giảm xuống mà tốc độ giao dịch còn tăng lên đáng kể. Việc loại bỏ các tổ chức trung gian và sổ cái tư nhân cho phép các giao dịch được xử lý với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các phương pháp hiện hành. Như đã đề cập trước đó, với một giao dịch thông thường, khi chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, bạn sẽ thấy khoản tiền đó rời khỏi tài khoản bên này nhưng vài ngày sau vẫn chưa xuất hiện trong tài khoản bên kia. Đối với các chủ cửa hàng, nhận thanh toán qua thẻ tín dụng cũng tương tự như vậy. Bạn có thể trả qua thẻ tín dụng tại cửa hàng, và giao dịch đó sẽ hiển thị tài khoản của bạn đang trong quá trình chờ xử lý mà khoảng thời gian chờ kéo dài tới vài ngày. Như thế, cửa hàng nơi bạn mua hàng có thể không nhận tiền thanh toán cho đến vài ngày sau khi công ty thẻ tín dụng đối chiếu và sắp xếp các khoản tiền thanh toán. Trong khi đó, Bitcoin cho phép các giao dịch được xử lý gần như ngay lập tức trong đó bitcoin được gửi đi, nhận về và tất toán cùng một lúc. Tính minh bạch Bitcoin mang tới những cải thiện đáng kể về tính minh bạch đối với các giao dịch tài chính và sổ sách kế toán hiện tại. Trên thực tế có thể xuất hiện trường hợp nhân viên hay giám đốc điều hành của một công ty gian lận sổ sách bằng cách thao túng và che giấu giao dịch. Sau khi điều tra những trường hợp như vậy, các yếu tố mở đường cho hành vi gian lận dần hé lộ: Sự thiếu minh bạch, vì nhiều người không nhận thức được sự tồn tại của các giao dịch bất hợp pháp đó, hay họ không thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hoạt động kiểm tra giao dịch. Một trong những lợi ích nổi bật của Bitcoin là tính minh bạch. Vì các giao dịch Bitcoin được thực hiện trên một sổ cái chung, phi tập trung và công khai với tất cả mọi người trong mạng lưới. Các giao dịch đều được kiểm nhận bởi hơn 50% số máy tính trên mạng lưới. Hãy tưởng tượng những hành vi gian lận sẽ giảm thiểu như thế nào khi hơn 50% nhân viên trong một tổ chức đều thực hiện việc kiểm tra giao dịch đã diễn ra. Hãy tưởng tượng nếu hơn 50% khách hàng của một ngân hàng thực hiện hành động kiểm tra các giao dịch. Sẽ rất khó khăn để tồn tại hành vi gian lận với mức độ giám sát này. Một khi giao dịch được nhập vào Blockchain Bitcoin, nó sẽ không thể bị thay đổi hoặc xóa bỏ. Với những hệ thống hiện thời, kẻ gian sẽ cố gắng che đậy các dấu vết bằng cách thay đổi hoặc xóa sạch thông tin. Điều này là không thể xảy ra ở Bitcoin, bởi trình tự thời gian của các giao dịch Bitcoin có thể được truy nguyên tới tận khối đầu tiên trên Blockchain. Tất cả các giao dịch đều diễn ra tức thời và bất cứ tình trạng giao dịch nào cũng đều có thể quan sát thấy trên Blockchain Bitcoin. Khi thanh toán hoặc chuyển khoản ngân hàng bằng cách sử dụng các phương pháp hiện hành, bạn sẽ không biết số tiền đó đã được nhận hay chưa, và bạn sẽ phải theo dõi để chắc chắn khoản thanh toán đã được nhận. Với Bitcoin, khi bạn gửi đi một giao dịch, bạn sẽ nhận được một tham chiếu giao dịch, bạn có thể nhập tham chiếu giao dịch đó vào công cụ Blockchain Expolorer và quan sát trạng thái của giao dịch theo thời gian thực. Hơn nữa, bạn có thể xem và biết được khi nào khoản thanh toán được nhận hay gặp vấn đề. Trong phần sau của cuốn sách, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức khám phá Blockchain của Bitcoin. Lòng tin Hiện tại, khi thực hiện một giao dịch, mọi người đều đặt niềm tin vào tổ chức trung gian với kỳ vọng rằng tổ chức đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch xảy ra. Với Bitcoin, lòng tin này được đặt vào mạng lưới, chứ không phải tổ chức trung gian. Mạng lưới Bitcoin phi tập trung và tất cả mọi người trong mạng lưới đều có thể xem tất cả các giao dịch đã từng xảy ra. Các giao dịch không thể bị thay đổi hoặc xóa bỏ; do đó, nếu một giao dịch xảy ra, mọi người hoàn toàn có thể xem xét và tra cứu từng chi tiết chính xác của giao dịch đó, cũng như các địa chỉ Bitcoin có liên quan. Bitcoin cho phép loại bỏ các tổ chức trung gian trong khi vẫn duy trì được lòng tin và mức độ bảo mật trong quá trình giao dịch thông qua cơ chế phi tập trung và minh bạch. Bảo mật Bảo mật là một trong những yếu tố chính trong thiết kế của Bitcoin. Có rất nhiều tính năng của Bitcoin cung cấp sự bảo mật rất cao. Mật mã hóa được sử dụng để bảo vệ ví, địa chỉ, danh tính và các giao dịch. Vì thế, gần như bất khả thi trong việc chiếm lấy khóa cá nhân của ai đó để xâm nhập ví Bitcoin của họ thông qua các phương thức tấn công hiện thời như tấn công theo hình thức dò mật khẩu (Brute Force Attack). Lưu ý: Tấn công theo hình thức dò mật khẩu xảy ra khi có một máy tính tạo ra rất nhiều dự đoán mật khẩu trong một khoảng thời gian ngắn. Thông thường, việc này được thực hiện bằng cách sử dụng các từ, cụm từ và các con số phổ biến như tên1, tên2, tênđứacon1, tênđứacon2, tênthúcưng1, tênthúcưng2, v.v... Cấu trúc phi tập trung của mạng lưới Bitcoin đồng nghĩa với việc để điều khiển hoặc kiểm soát một hệ thống, kẻ tấn công sẽ phải kiểm soát đồng thời hơn 50% số máy tính trong mạng lưới, mà đây là việc bất khả thi về mặt tính toán. Trong khi đó, ở các hệ thống theo mô hình tập trung hiện thời, kẻ tấn công chỉ cần tấn công được một máy chủ tập trung là có thể kiểm soát được toàn bộ hệ thống. Mặc dù tính bảo mật của mạng lưới Bitcoin không hoàn hảo, nhưng nó mang tới nhiều cải tiến đáng kể với nhiều tính năng bảo mật chưa từng tồn tại hoặc bất khả thi trong các hệ thống theo mô hình tập trung hiện có. Tổng kết chương 5 Bitcoin mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng còn nhiều nhược điểm. Đối với nhiều người, những bất lợi và rủi ro trong việc sử dụng Bitcoin còn vượt xa lợi ích của nó. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số rủi ro và bất lợi của Bitcoin. Chương 6Rủi ro và bất lợi của Bitcoin “Hãy tránh xa nó. Về cơ bản, nó chỉ là ảo ảnh... Theo quan điểm của tôi, ý niệm cho rằng nó có giá trị nội tại to lớn chỉ là một trò đùa.” – Warren Buffett Trong chương trước, chúng ta đã đề cập đến rất nhiều lợi ích của Bitcoin. Với công nghệ mới, thật dễ bị cuốn vào những đồn đại thổi phồng mà chỉ tập trung vào các khía cạnh tích cực của nó. Mặc dù Bitcoin mang lại nhiều lợi ích hơn phương thức thanh toán hiện tại, nhưng đối với nhiều người, có những rủi ro và nhược điểm khiến nó trở nên bất lợi hơn so với cách thức hiện có. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét một số những rủi ro và bất lợi của Bitcoin. Phí giao dịch Khi Bitcoin được tạo ra, các giao dịch đều miễn phí. Đây là một trong những điều hấp dẫn lớn của Bitcoin, khi mà các giao dịch quốc tế có thể được thực hiện miễn phí. Ban đầu, các thợ đào thêm được khối mới vào Blockchain Bitcoin sẽ nhận được phần thưởng khối. Điều này ban đầu là đủ để giúp các thợ đào luôn giữ được nhiệt huyết đóng góp công suất tính toán và nguồn lực để vận hành mạng lưới. Khi Bitcoin đã dần trở nên nổi tiếng, số lượng thợ đào cạnh tranh giành phần thưởng khối tăng lên, trong khi đó phần thường khối lại giảm theo thời gian và độ khó của Bằng chứng Xử lý cũng tăng cao. Các thợ đào nhận được phí giao dịch của bất cứ giao dịch nào họ thêm vào khối trên Blockchain. Mặc dù bạn vẫn có thể truyền gửi giao dịch không bị tính phí trên mạng lưới Bitcoin, nhưng chúng sẽ không được ưu tiên hơn so với các giao dịch khác. Bởi vì giao dịch không có khoản phí đi kèm sẽ rơi vào cuối danh sách các giao dịch mà thợ đào lựa chọn, từ đó làm tăng thời gian hoàn thành giao dịch đó. Theo thời gian, đến cùng sẽ không còn phần thưởng khối để cung cấp cho các thợ đào, và họ chỉ nhận được khoản phí giao dịch. Điều này có khả năng dẫn đến việc các khoản phí giao dịch sẽ tăng cao để bù đắp cho việc phần thưởng khối giảm dần và cuối cùng là xóa bỏ hoàn toàn phần thưởng khối. Không thể đảo chiều giao dịch Cho đến nay, không hề xuất hiện giao dịch không chính xác trong Bitcoin. Khi bạn truyền gửi một giao dịch, nó không thể bị tranh chấp, thay đổi hay bị đảo chiều. Nếu ai đó giành được quyền truy cập vào tài khoản của bạn và gửi bitcoin đến một địa chỉ khác, thì không có ngân hàng hoặc tổ chức trung gian nào đưa ra yêu cầu tái kiểm duyệt giao dịch đó hoặc tố cáo nó là hành vi gian lận. Nếu bạn gửi bitcoin đến nhầm địa chỉ, sẽ không có cách nào để đảo chiều giao dịch và số bitcoin đó sẽ mất hẳn. Nếu bạn gửi tiền qua hình thức chuyển khoản ngân hàng đến nhầm địa chỉ, giao dịch đó hoàn toàn có thể được đảo chiều. Nếu ai đó giành được quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của bạn hoặc thực hiện hành vi lừa đảo đối với bạn, giao dịch có thể rơi vào tình trạng bị tranh chấp. Các giao dịch trái phép trên thẻ tín dụng cũng bị xử lý qua các biện pháp chống gian lận, ngay cả khi không thể đảo ngược được. Nhưng Bitcoin không có các biện pháp bảo mật tương tự như vậy nhằm chống lại hành vi gian lận hoặc sai sót. Trong các dự án ICO*, xảy ra rất nhiều những trường hợp lừa đảo, trong đó kẻ lừa đảo cung cấp địa chỉ Bitcoin để lừa bitcoin của những người đăng ký tham gia dự án ICO. Mọi người vội vã đăng ký vì sợ mất cơ hội, họ sao chép địa chỉ được cung cấp, nhanh chóng gửi bitcoin mà không kiểm tra xem địa chỉ đó có chính xác hay không. Sau khi gửi bitcoin đến địa chỉ giả đó, thì họ không có cách nào để hủy bỏ, đảo chiều hay tranh chấp vì giao dịch được xem là đã hoàn thành, và đương nhiên, cũng không có cách nào lấy lại số bitcoin đó nữa. * ICO (Initial Coin Offering) là một hình thức kêu gọi vốn đầu tư khá phổ biến trong các dự án tiền kỹ thuật số. (BTV) Chi phí vận hành mạng lưới Bitcoin Mạng lưới Bitcoin đòi hỏi nguồn lực tính toán và lượng điện khổng lồ để vận hành. Bitcoin sử dụng thuật toán Bằng chứng Xử lý đòi hỏi các máy tính phải giải đáp một mảnh ghép toán học để chứng minh rằng chúng đang đóng góp công suất tính toán cũng như các nguồn lực cho mạng lưới. Phần lớn lượng điện năng và công suất tính toán đóng góp vào mạng lưới Bitcoin đều dùng để tạo ra những con số ngẫu nhiên nhằm giải đáp mảnh ghép toán học và chứng minh rằng những nguồn lực đã được đóng góp. Trung bình, một hộ gia đình thông thường tại Mỹ sử dụng khoảng 10.000-12.000kWh điện mỗi năm. Lượng điện năng tiêu thụ này tương đương với lượng điện cần thiết để tạo ra 4 bitcoin với giá trị khoảng 1.000 đô la mỗi đồng. Giáo sư John Quiggin, thuộc Đại học Queensland ở Úc, đã tính toán rằng mỗi ngày, mạng lưới Bitcoin sử dụng lượng điện lớn tới mức đủ để cung cấp điện năng cả năm cho khoảng 50 hộ gia đình. Lượng điện năng này sẽ tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều người sử dụng Bitcoin. Điều này khiến việc vận hành mạng lưới Bitcoin trên quy mô lớn trở nên bất khả thi và rất tốn kém so với các lựa chọn thay thế khác. Thiếu khả năng mở rộng Điện năng và công suất tính toán chỉ là một số hạn chế trong khả năng mở rộng mà mạng lưới Bitcoin đang phải đối mặt. Số lượng các giao dịch mà mạng lưới Bitcoin có khả năng xử lý là rất nhỏ khi so với các công ty như Visa và MasterCard. Cứ 10 phút, mạng lưới Bitcoin thêm một khối giao dịch mới vào Blockchain. Và mỗi khối thường chứa ít hơn 2.000 giao dịch, tức là khoảng 3 giao dịch được xử lý mỗi giây. Với công suất hiện có, mạng lưới Bitcoin có khả năng tăng gấp đôi số giao dịch hiện được thêm vào mạng lưới Bitcoin, tuy nhiên cũng chỉ đạt khoảng 6 giao dịch được xử lý mỗi giây. Khi Visa tiến hành các cuộc thử nghiệm với IBM về số lượng giao dịch mà mạng lưới Visa có thể xử lý được, kết luận cuối cùng là, mạng lưới Visa có thể xử lý khoảng 20.000 giao dịch mỗi giây. Đây thực sự là một sự khác biệt rất lớn so với 6 giao dịch mỗi giây mà Bitcoin hiện đang xử lý. Bitcoin cũng không có phương pháp xác định xem một giao dịch có hợp lệ hay không trước khi giao dịch đó được đưa vào Blockchain. Cùng một số bitcoin có thể bị gửi nhiều lần, nhưng các giao dịch sẽ chỉ bị từ chối khi một trong số chúng được thêm vào khối. Bạn không thể giao dịch lặp chi bitcoin, nhưng nếu bạn có 10 đồng bitcoin, bạn có thể gửi nhiều giao dịch chứa 10 đồng bitcoin đó cho nhiều người khác nhau, và tất cả các giao dịch đều được hiển thị là đang chờ xử lý. Một khi thợ đào thêm thành công một trong các giao dịch đó vào Blockchain Bitcoin, các giao dịch khác sẽ bị từ chối. Nhiều công ty chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, nhưng họ sẽ phải đợi đủ 6 xác nhận cho đến khi chấp thuận một giao dịch là hợp lệ. Tại sao phải là 6 xác nhận? Bởi vì, một xác nhận tương ứng với một khối mới được thêm vào sau khối có chứa giao dịch đó. Cứ mỗi 10 phút lại có một khối mới được thêm Blockchain, tức là mất khoảng 60 phút để giao dịch đó được chấp nhận là hợp lệ. Nhưng với thẻ tín dụng, ngay khi bạn mua hàng, giao dịch của bạn sẽ được xác nhận hoặc bị từ chối chỉ trong vài giây. Thẻ tín dụng hiện nay hoàn toàn có thể được sử dụng mà không cần phải nạp vào máy, mã pin hoặc chữ ký. Mua sắm bằng thẻ tín dụng trở nên dễ dàng hơn chỉ bằng cách cà thẻ lên một thiết bị có chức năng xác nhận giao dịch gần như ngay lập tức. Nếu một cửa hàng phải đợi đủ 6 xác nhận hợp lệ trước khi chấp nhận một giao dịch Bitcoin, bạn sẽ phải đợi khoảng một tiếng tại cửa hàng đó trước khi giao dịch được chấp nhận. Mọi người phản đối lập luận này bằng cách đề cập đến sự tồn tại của các thẻ Bitcoin hiện thời có thể được sử dụng trong các cửa hàng để thanh toán như thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nhiều trong số này là thẻ ghi nợ Visa, và chúng không sử dụng bitcoin trong giao dịch mà lại bán bitcoin để đổi lấy đô la Mỹ, và sau đó số đô la này được nạp vào thẻ ghi nợ Visa để sử dụng cho giao dịch. Ở đây, giao dịch diễn ra bằng đồng đô la Mỹ có sử dụng mạng thanh toán của Visa, chứ không phải là bằng bitcoin qua mạng Bitcoin. Trên thực tế, các đồng tiền mã hóa như Litecoin có thời gian giao dịch nhanh hơn, cứ mỗi 2,5 phút lại có khối giao dịch mới được thêm vào mạng Litecoin. Bitcoin không có bất kỳ một kế hoạch nào để giảm bớt thời gian xác nhận khối, và vẫn chưa có sự đồng thuận về hướng đi tương lai và khả năng mở rộng mạng lưới. Nếu Bitcoin không thể giải quyết được các vấn đề về khả năng mở rộng, nhiều người dự đoán tương lai của Bitcoin sẽ giống như vàng với chức năng là một nơi cất trữ giá trị, chứ không phải là một phương án khả thi để thay thế thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán khác. Minh bạch hơn nhưng thiếu riêng tư hơn Ví Bitcoin và các giao dịch đều có tính minh bạch vì chúng cho phép mọi người trên mạng lưới Bitcoin đều có quyền xem xét. Tuy nhiên, tính minh bạch này lại đi kèm với việc thiếu tính riêng tư, từ đó khiến nhiều người không thoải mái khi sử dụng nó. Thông thường, mọi người đều cho rằng, tránh tham gia và bàn luận đến những chủ đề nhất định như tôn giáo, chính trị và tiền bạc là cách ứng xử tốt. Do đó, mọi người sẽ thấy không thoải mái khi người khác biết được họ kiếm được bao nhiêu, nợ bao nhiêu, và số dư tài khoản ngân hàng của họ là bao nhiêu. Tính minh bạch của Bitcoin đồng nghĩa với mọi người đều có thể xem xét các giao dịch cũng như số dư tài khoản của bất cứ địa chỉ nào trong mạng lưới Bitcoin. Ngay cả khi các địa chỉ đều ẩn danh, bạn vẫn có thể xác định ai là chủ sở hữu địa chỉ Bitcoin nếu nhận được khoản thanh toán từ họ. Trong các hệ thống ngân hàng hiện có, nếu bạn của bạn gửi tiền cho bạn, bạn sẽ không biết được số dư tài khoản ngân hàng của họ cũng như tất cả các giao dịch mà họ đã thực hiện. Nhưng với Bitcoin, nếu một người gửi tiền thanh toán cho bạn, bạn có thể xem nội dung tất cả các giao dịch đã diễn ra cùng với số dư hiện tại của địa chỉ Bitcoin đó. Những thông tin chi tiết về các số dư và các giao dịch được công khai với tất cả mọi người trong mạng lưới Bitcoin. Nếu bạn mua sắm tại cửa hàng, nhân viên ở đó có thể liên kết danh tính của bạn với địa chỉ ví Bitcoin, và xem tất cả các giao dịch bạn đã thực hiện. Nếu tài khoản của bạn nhận được các khoản thanh toán định kỳ, mọi người có thể xác định được số tiền mà bạn kiếm được. Điều này có thể không thoải mái chút nào nếu bạn đang quyên góp hoặc chi trả cho một nhóm cộng đồng hay nhà thờ địa phương. Họ có thể biết được bạn nạp bao nhiêu tiền vào tài khoản của bạn, số dư hiện tại của bạn và so sánh nó với số tiền bạn quyên góp. Họ có thể nghĩ không tốt về bạn nếu khoản đóng góp của bạn tương đối nhỏ so với lượng bitcoin mà bạn có. Họ cũng có thể xác định những nơi bạn chi tiêu, đánh giá bạn dựa trên các khoản thanh toán mà bạn thực hiện, và khiến các thành viên trong cộng đồng thất vọng khi nhìn thấy chúng. Ngoài ra, nhiều máy tính đóng góp vào mạng lưới Bitcoin nằm ở các quốc gia như Trung Quốc, một nơi mà chính phủ nắm giữ hồ sơ ghi Ở chép các hành vi vi phạm nhân quyền. Ở đó, các giao dịch giữa mọi người với các tổ chức mà chính phủ Trung Quốc không chấp thuận có thể bị sử dụng để chống lại những người đang định cư hoặc du lịch tại đó. Không chỉ chính phủ có thể sử dụng những thông tin này, mà lực lượng tội phạm máy tính cũng có thể tấn công hệ thống và đánh cắp chúng. Điển hình như ở Nga và Trung Quốc, nơi có một lượng lớn máy tính đóng góp vào mạng lưới Bitcoin, có tỉ lệ tội phạm máy tính luôn ở mức rất cao. Tại đó, các hacker có thể sử dụng thông tin giao dịch đã được thực hiện với một số công ty hoặc tổ chức để tống tiền hoặc lợi dụng nhiều người. Có những đồng tiền mã hóa khác có tính riêng tư cao hơn so với Bitcoin. Cũng có nhiều biện pháp tốt hơn để ẩn đi địa chỉ ví điện tử; tuy nhiên, đối với hầu hết những người mới bắt đầu tìm hiểu về tiền mã hóa, họ sẽ chủ yếu sử dụng Bitcoin và các phương thức giao dịch cơ bản. Bảo mật cao hơn có thể dẫn đến độ an toàn thấp hơn Bitcoin áp dụng mức độ an ninh và hệ thống mã hóa tiên tiến hơn so với các hệ thống hiện có. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những phương pháp này rất phức tạp và khó hiểu. Hậu quả là, những phương pháp này sẽ trở nên kém an toàn hơn so với các phương pháp truyền thống. Sử dụng một mật khẩu cơ bản cho hầu hết các trang web sẽ không an toàn bằng việc sử dụng khóa cá nhân của Bitcoin. Nếu bạn làm một phép so sánh nhỏ để kiểm tra xem phương pháp nào là an toàn hơn, thì khóa cá nhân của Bitcoin sẽ có mức độ bảo mật hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, khi thêm yếu tố con người vào quá trình bảo mật, mức độ an toàn của mỗi phương pháp sẽ thay đổi. Hãy hình dung thế này, bạn có thể nhớ được mã PIN gồm 4 chữ số của thẻ ngân hàng bạn sở hữu, nhớ mật khẩu đăng nhập hầu hết các trang web, tuy nhiên khóa cá nhân của Bitcoin có lẽ quá khó nhớ. Thắc mắc phổ biến trên các diễn đàn trực tuyến về Bitcoin hoặc tiền mã hóa là: Làm cách nào để cài đặt lại mật khẩu hoặc truy cập lại nếu tôi quên hay làm mất khóa cá nhân? Câu trả lời là, bạn không thể truy cập số bitcoin của mình nếu quên hay mất khóa cá nhân, vì vậy có một gợi ý nhỏ là bạn hãy ghi lại khóa cá nhân của mình lên một tờ giấy. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng luôn khuyên bạn không nên viết ra mã PIN của thẻ ngân hàng. Như thế, việc chép lại khóa cá nhân, để nhớ được nó, bạn đang vô tình khiến nó trở nên kém an toàn hơn rất nhiều so với mã PIN 4 chữ số của thẻ ngân hàng. Nếu bạn quên mã PIN của thẻ ngân hàng hay mật khẩu Internet Banking, bạn có thể dễ dàng cài đặt lại bằng cách gọi cho ngân hàng hoặc nhắn tin đến số điện thoại hỗ trợ. Trong khi đó, nếu bạn quên hoặc làm mất khóa cá nhân Bitcoin, sẽ không có cách nào tái thiết lập hoặc truy cập lại. Bạn sẽ không thể truy cập được số bitcoin và ví của mình nếu không có khóa cá nhân. Có vô số các trường hợp mất khóa cá nhân và không thể truy cập được ví Bitcoin của họ. Giá của Bitcoin đã tăng từ dưới 10 cent trong năm 2010 lên hơn 2.000 đô la trong năm 2017. Điều này tương đương với việc 10 đô la bitcoin năm 2010 sẽ có giá trị trên 200.000 đô la vào 7 năm sau. Với sự tăng trưởng đột biến này, thật dễ hiểu vì sao một số người mua vài bitcoin từ những năm trước, rồi bỏ quên và mất luôn khóa cá nhân của họ. Bởi vì, vào thời điểm họ mua bitcoin, nó không phải là một khoản tiền đáng kể đến mức khiến họ lo lắng chuyện mất còn; nhưng hiện nay, có thể họ đã mất trắng hàng trăm nghìn hay hàng triệu đô la tính theo giá bitcoin. Một trường hợp nổi tiếng là James Howells ở Anh sở hữu 7.500 bitcoin thu được từ những ngày đầu khai thác. Nhưng sau đó, James đã vô tình ném đi ổ cứng có chứa khóa cá nhân và 7.500 bitcoin trong đó, theo giá Bitcoin hiện tại thì khoản tiền ảo đó tương đương với lượng tài sản trị giá hơn 15 triệu đô la. Giả sử James Howells không thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình, anh có thể tới ngân hàng, chứng minh danh tính và lấy lại 15 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, với Bitcoin, sẽ không có ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc bên thứ ba nào để anh liên hệ nhằm khôi phục quyền truy cập. Một khi khóa cá nhân bị mất, tất cả bitcoin kết nối với ví điện tử đó cũng mất theo. Khi khóa cá nhân mất, bitcoin vẫn còn trong mạng lưới nhưng không ai có thể tiếp cập chúng. Điều này giống như việc James Howells đến ngân hàng, các nhân viên ngân hàng có thể cho anh thấy số dư 15 triệu đô trong tài khoản, nhưng anh không thể tiếp cận số tiền này. Đây là một ví dụ cho thấy tại sao cách thức bảo mật của mạng lưới Bitcoin lại có nguy cơ kém an toàn hơn, bởi vì bạn dễ gặp rủi ro mất toàn quyền truy cập ví điện tử cũng như số bitcoin của bạn trong đó. Chủ sở hữu của khóa cá nhân là chủ sở hữu số bitcoin trong ví mà khóa đó có thể truy cập. Nếu ai đó giành được khóa cá nhân của bạn, thì chính họ, chứ không phải bạn, mới là chủ sở hữu số bitcoin trong ví đó. Nếu có ai đó giành được quyền truy cập tài khoản ngân hàng của bạn, bạn có thể liên hệ với ngân hàng để đóng băng các hoạt động chi trả hay rút tiền từ tài khoản của bạn, tranh chấp khi có bất kỳ giao dịch trái phép nào, sửa đổi mật khẩu và giành lại quyền truy cập tài khoản. Tài khoản ngân hàng của bạn có thể được bảo vệ khỏi những hành vi gian lận, và ngân hàng có thể đảm bảo chống lại giao dịch gian lận nếu có, và thực hiện điều tra đối với các giao dịch trái phép. Với Bitcoin, chủ sở hữu của khóa cá nhân là chủ sở hữu bitcoin. Điều này giống như việc ai đó truy cập mã PIN dành riêng cho thẻ ngân hàng của bạn, và khi bạn đến ngân hàng để khiếu nại, họ trả lời rằng bất kỳ ai có mã PIN đều là chủ sở hữu số tiền trong tài khoản của bạn. Khóa cá nhân được sử dụng với vai trò chứng thực quyền sở hữu, chứ không phải danh tính của bạn, tương tự như việc ngân hàng trao quyền sở hữu tài khoản cho bất kỳ ai có mã PIN của bạn vậy. Tất cả các tính năng bảo mật và công nghệ mã hóa tiên tiến được tích hợp vào Bitcoin có xu hướng khiến người dùng phải chép lại mật khẩu, và nếu họ làm mất hoặc bị trộm tờ thông tin ghi mật khẩu, họ sẽ không thể cài đặt lại mật khẩu và mất trắng số bitcoin họ sở hữu. Như đã đề cập ở phần đầu nội dung thảo luận này, các lớp bảo mật bổ sung lại dễ dẫn đến tình trạng kém an toàn hơn cho hầu hết mọi người. Sau khi đọc phần này, bạn có thể lo lắng và sợ rằng bạn sẽ mất tất cả bitcoin. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều lựa chọn thay thế để tránh đa phần các vấn đề nêu trên, có nhiều lựa chọn ví với nhiều công ty vận hành tương tự các tổ chức tài chính hiện thời. Bạn yên tâm, họ hoạt động với vai trò là người giám hộ khóa cá nhân của bạn, bạn có thể cài đặt lại mật khẩu qua email hoặc điện thoại và liên hệ với dịch vụ khách hàng để nhờ giải đáp và xử lí khó khăn trong trường hợp phát sinh vấn đề nào đó; tuy nhiên, sử dụng dịch vụ của các công ty này sẽ loại bỏ một số lợi ích nhất định của Bitcoin. Sự khác biệt giữa các phương án lựa chọn ví sẽ được đề cập đến trong phần sau của cuốn sách. Kết quả của toàn bộ các đặc tính bảo mật, phi tập trung và loại bỏ các tổ chức trung gian là, hầu hết mọi người vẫn cảm thấy thoải mái hơn với các tổ chức trung gian, tập trung hiện thời, với các dạng mật khẩu tiêu chuẩn, so với các tính năng bảo mật và công nghệ mã hóa tiên tiến của Bitcoin. Mặc dù công nghệ nền tảng của Bitcoin rất tuyệt vời, nhiều người vẫn muốn hi sinh những lợi ích đó để ủng hộ và ưu tiên những gì họ thấy quen thuộc và thoải mái hơn. Không có hệ thống kiểm soát tập trung không phải lúc nào cũng tốt “Trong thị trường tài chính, luôn có cơ chế sửa chữa sau các cuộc tấn công. Nhưng trong Blockchain, không có cơ chế nào để sửa chữa việc đó - người ta phải chấp nhận nó.“ - Robert Sams, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành Clearmatics tại London. Thiết kế của mạng lưới Bitcoin không cho phép một thực thể nào có toàn quyền kiểm soát mạng lưới. Các thay đổi trong mạng lưới phải được chấp thuận bởi phần lớn các máy tính trong mạng lưới. Về lý thuyết, đặc điểm này thật tuyệt vời, nhưng trên thực tế, cần tới hàng trăm ngàn người sử dụng phải cùng đồng thuận trong các quyết định. Những quyết định này không chỉ dựa vào quá trình đề xuất vấn đề, tập hợp ý kiến đồng ý hay phản đối của tất cả những người sử dụng, sau đó đưa ra kết luận cuối cùng thuận theo số đông. Mà ở đây, bất kỳ ai cũng có thể đưa ra một đề xuất đòi hỏi toàn mạng lưới phải quyết định. Có thể, 40% mạng lưới đồng ý đề xuất đầu tiên, 40% khác đồng ý đề xuất thứ hai và 20% còn lại có thể đồng ý nhiều đề xuất khác nhau. Như thế, sẽ không có bất kỳ sự tiến triển nào cho đến khi đa số thành viên trên mạng lưới đồng thuận với một quyết định, điều này đồng nghĩa với sự phát triển và sự tiến bộ của cả quá trình có thể bị đình trệ suốt nhiều tháng hoặc hơn mà vẫn chưa đạt được sự chấp thuận của đa số. Đa số này có thể chiếm hơn 50% tùy theo các quyết định. Có một ví dụ tiêu biểu về hai luồng ý tưởng khác nhau cho hướng đi tương lai của mạng lưới Bitcoin. Một đề xuất là Nhân chứng Tách rời (Segregated Witness/SegWit) và còn lại là Bitcoin Unlimited. Không đề xuất nào trong hai đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số để thực thi những thay đổi mang tính phát triển. Sự bất đồng này diễn ra khiến thời gian giao dịch của Bitcoin chậm lại và tồn đọng nhiều giao dịch chưa được xử lý. Bitcoin đã bị bỏ lại phía sau các đồng tiền mã hóa khác như Litecoin, khi đồng tiền này có thể thực thi những cải tiến với tốc độ nhanh hơn. Cuối cùng, một phần trong mạng lưới Bitcoin tách ra và tự tạo đồng tiền mã hóa riêng lấy tên là Bitcoin Cash. Với phần mềm và mạng lưới thanh toán tập trung, các công ty toàn quyền thay đổi và quyết định hướng đi tương lai của phần mềm. Trong khi đó, Bitcoin đòi hỏi sự chấp thuận từ đa số người dùng trong mạng lưới mới có thể thực hiện những thay đổi lớn. Điều này giống như việc Visa hoặc MasterCard không thể thực hiện cải cách trừ khi đa số chủ thẻ tín dụng đồng ý với nó. Như thế, quá trình diễn ra rất chậm, tốn thời gian và khi không có sự chấp thuận của đa số, nó sẽ trì hoãn sự phát triển của toàn mạng lưới. Nguy cơ xảy ra tấn công mạng lưới Bitcoin Không có hệ thống kiểm soát tập trung đồng nghĩa với quyền kiểm soát nằm trong tay của bất cứ điều gì mà đa số các thành viên trong mạng lưới chấp thuận. Nếu ai đó có quyền kiểm soát hơn 50% công suất tính toán trên toàn mạng lưới, họ có thể điều khiển mạng lưới. Việc kiểm soát trên 50% công suất tính toán của mạng lưới được gọi là tấn công quá bán, mà trong đó người nắm quyền kiểm soát có thể quyết định giao dịch nào hợp lệ, họ cũng có thể đảo chiều giao dịch, từ chối giao dịch và giao dịch lặp chi bitcoin. Nguy cơ xuất hiện tấn công quá bán trên mạng lưới Bitcoin là thấp, vì chi phí và công suất tính toán cần thiết để thực hiện tấn công cực kỳ lớn. Một lượng lớn công suất tính toán trên mạng lưới Bitcoin được vận hành bởi các nhà kho lớn chứa đầy máy tính tại Nga, Trung Quốc và vài quốc gia khác. Nếu những tổ chức này hợp tác với nhau, họ có thể kiểm soát mạng lưới Bitcoin hoặc các mạng lưới tiền mã hóa có quy mô nhỏ hơn. Cơ hội để một thực thể kiểm soát 51% mạng lưới Bitcoin rất thấp. Tuy nhiên, các vùng khai thác Bitcoin ở quy mô lớn đủ để kiểm soát công suất tính toán để trì hoãn sự phát triển, ngăn chặn đạt được sự đồng thuận của đa số, và can thiệp để quyết định hướng đi tương lai của toàn bộ mạng lưới. Công nghệ mới chưa được kiểm nghiệm Bitcoin còn tương đối mới và vẫn chưa nhận được sự chấp thuận bởi phần đông mọi người. Có nhiều vấn đề về khả năng mở rộng và khả năng bảo mật sẽ được thảo luận trong những phần tiếp theo của cuốn sách. Bitcoin thực sự mang tính cách mạng và có tiềm năng trở thành một đồng tiền chung cho toàn cầu. Tuy nhiên, mẫu câu “X thực sự mang tính cách mạng và có tiềm năng trở thành Y toàn cầu/vĩ đại” được sử dụng rất thường xuyên cho vô số những ý tưởng mới đã thất bại. Bitcoin có thể được xem tiên tiến hơn so với phương pháp thanh toán hiện tại, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ sử dụng nó. Nhiều ưu điểm của Bitcoin chủ yếu có thể áp dụng ở các quốc gia theo chế độ độc tài, ở những nơi mà bộ máy chính phủ vận hành không hiệu quả, hay tại các quốc gia mà đồng tiền nội tệ bị coi là vô giá trị, hay tại những nơi mà hệ thống ngân hàng và hệ thống pháp luật không tồn tại hoặc bị tha hóa, xuống cấp. Đối với những người dân sống ở các nước có hệ thống tài chính và pháp lý ổn định, Bitcoin có vẻ kém thích hợp hơn so với các lựa chọn hiện có. Càng nhiều người sử dụng Bitcoin, nó ngày càng không có khả năng xử lý được sự gia tăng về lưu lượng sử dụng, dẫn đến tốc độ giao dịch chậm hơn và làm phát sinh nhiều vấn đề khác. Hiện vẫn chưa rõ liệu Bitcoin có thể vượt qua được những vấn đề này hay không, và có khả năng Bitcoin không bao giờ xử lý được các cấp độ giao dịch như của Visa hay MasterCard. Trong khi đó, có những đồng tiền mã hóa khác đang thực hiện những cải tiến nhanh hơn Bitcoin. Cụ thể, một đồng tiền mã hóa khác như Litecoin có thể thay thế Bitcoin để đóng vai trò là một đồng tiền mã hóa chính cho các giao dịch. Hiện Bitcoin vẫn còn là một công nghệ mới trong mắt mọi người, và có thể vẫn còn tồn tại vô số những vấn đề chưa biết mà nó phải đối mặt trong tương lai. Bitcoin có thể mở rộng và vượt qua được những vấn đề này, hay bị chúng ngăn chặn nên không thể trở thành một lựa chọn thay thế được thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán khác, vẫn còn chưa rõ ràng. Tình trạng thiếu niềm tin và tai tiếng của Bitcoin Mặc dù Bitcoin đã nỗ lực rất nhiều để thóat khỏi mối liên quan với ma túy và tội phạm, nhưng nó vẫn không thể xóa bỏ hình ảnh đó hoàn toàn. Một sự kiện gần đây là virus tấn công hệ thống máy tính của Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service/NHS) tại Anh. Loại virus này ngăn cản người dùng sử dụng máy tính, trừ khi trả cho những kẻ tạo ra virus một khoản tiền chuộc bằng bitcoin. Tình trạng này đồng nghĩa với việc bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện không thể truy cập hồ sơ bệnh án và những thông tin quan trọng khác. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho nhiều bệnh nhân cần được hỗ trợ khẩn cấp trong thời gian này. Sự kiện này đã được đưa vào mục tin tức nóng hổi trên trang nhất khắp các tờ báo, Internet và truyền hình ở Anh. Trước vụ tấn công này, công dân Anh có lẽ biết rất ít về Bitcoin, nhưng sau sự kiện này, một quan niệm đã bám rễ trong tâm trí mọi người, khi họ cho rằng Bitcoin được sử dụng bởi bọn tội phạm và khủng bố - những kẻ đòi tiền chuộc bằng bitcoin. Khi sự kiện như thế xảy ra, nó tạo nên ấn tượng mạnh mẽ lâu dài về Bitcoin trong tâm trí công chúng. Và nhìn chung, để mọi người chấp nhận Bitcoin sau những sự kiện như thế này rất khó, bởi vì họ tin rằng họ đang thực hiện những hành động phạm tội bằng cách sử dụng bitcoin, và có nguy cơ dính dáng hay tương tác với bọn tội phạm cùng trong mạng lưới. Niềm tin kết hợp với danh tiếng cần rất nhiều thời gian xây dựng. Mỗi sự cố về tội phạm liên quan đến Bitcoin đã phá vỡ lòng tin của mọi người và để lại cho họ một ấn tượng tiêu cực sâu đậm. Thất bại trong việc đạt được sự hiểu biết và công nhận từ công chúng Để có được sự chấp thuận và khiến cho công chúng chấp nhận sử dụng, mọi người cần phải có niềm tin vào mạng lưới Bitcoin. Bên cạnh đó, họ cũng cần có hiểu biết nhất định và nhận thức được nhu cầu sử dụng bitcoin. Đa số người dân ở Mỹ và châu Âu thường không có nhu cầu về Bitcoin khi so với các phương thức thanh toán hiện tại. Ngoài ra, những ưu thế của Bitcoin, chẳng hạn như hệ thống mã hóa và sự bảo mật tiên tiến, cũng như khả năng loại bỏ các trung gian giao dịch, không phải lợi ích đối với hầu hết mọi người. Khi lập ví Bitcoin, những thắc mắc đầu tiên mà mọi người thường đặt ra là: “Tôi phải làm gì nếu mất khóa cá nhân?” “Làm thế nào để tôi thiết lập lại mật khẩu nếu quên mất nó?” “Điều gì xảy ra nếu tôi gửi một giao dịch đến nhầm địa chỉ?” “Tôi có thể liên lạc với ai nếu phát hiện thấy trong tài khoản của mình xuất hiện giao dịch trái phép?” “Tôi có thể liên lạc với ai để thu hồi giao dịch? Đáp án cho những câu hỏi trên là: • Họ sẽ mất quyền truy cập bitcoin nếu mất hoặc quên khóa cá nhân. • Các giao dịch không thể bị đảo chiều. • Nếu họ gửi tiền nhầm địa chỉ, họ sẽ mất tiền. • Không có công ty nào để liên hệ, vì không có công ty nào chịu trách nhiệm với số bitcoin trong tài khoản của họ. Nhiều người coi những đáp án này là bất lợi, chứ không phải ích lợi, và làm họ không mấy hứng thú với việc sử dụng Bitcoin: Việc tìm hiểu về các khóa cá nhân và cách thức Bitcoin hoạt động bị nhiều người coi là chuyện quá phức tạp. Những lợi ích mà Bitcoin đem lại không phải lợi ích dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở các quốc gia ổn định, và được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống pháp luật. Ví dụ, nhiều người coi việc loại bỏ các tổ chức trung gian là một bất lợi vì họ muốn biết tiền của họ được các công ty lớn do pháp luật kiểm soát trông coi cẩn thận, mà họ có thể liên lạc tìm trợ giúp nếu cần. Hiện Bitcoin vẫn chưa được chấp nhận và sử dụng trên quy mô lớn. Mặc dù có nhiều cửa hàng và trang web chấp nhận Bitcoin, nhưng đó vẫn chỉ là một thị trường người tiêu dùng nhỏ có hiểu biết về công nghệ Bitcoin. Nhìn chung, các bậc cha mẹ sẽ lập ví Bitcoin và chi tiêu bitcoin tại Walmart hay không vẫn còn là một chuyện rất mơ hồ. Quy định cho Bitcoin và quá trình tích hợp Bitcoin vào hệ thống hiện hành “Các chuyên viên phân tích và tay chơi tài chính tài năng nhất thế giới đang bàn tán sôi nổi về một phát kiến đang phần nào nổi tiếng vì hứa hẹn sẽ đánh bại họ.” - Mike Gault Bitcoin đang phải đối mặt với rất nhiều các rào cản về mặt pháp lý trước khi nó được chấp nhận bởi các tổ chức tài chính và chính phủ trên toàn thế giới. Có rất nhiều hệ thống cạnh tranh với Bitcoin như Ripple đang hợp tác với các ngân hàng lớn, các tổ chức tài chính và các chính phủ trong việc ứng dụng tiền mã hóa và công nghệ Blockchain. Các ngân hàng, tổ chức tài chính và chính phủ có vẻ không đón nhận Bitcoin ngang tầm với những lựa chọn thay thế chú trọng vào các định chế và tích hợp với thị trường tài chính hiện tại. Nhiều công ty, chẳng hạn như Circle và Coinbase đã có thể tự kiến thiết như tổ chức tài chính theo luật định ở các quốc gia mà họ hoạt động. Tuy nhiên, điều này lại khiến Bitcoin trở nên tương tự như các phương thức thanh toán tài chính đang chịu kiểm soát của chính phủ và tổ chức tài chính, và tình trạng này đi ngược lại mục đích chính giải thích sự ra đời của Bitcoin. Hội đồng Giám sát Sự Ổn định Tài chính (Financial Stability Oversight Counsel/FSOC) tại Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, Bitcoin và các hệ thống tài chính tương tự dựa trên công nghệ Blockchain, mới chỉ được thử nghiệm ở mức độ quy mô nhỏ. FSOC tin rằng, các thử nghiệm trên quy mô nhỏ này không thể hé lộ những nguy cơ gian lận ẩn tàng, loại rủi ro chỉ có thể trở nên rõ ràng hơn khi Bitcoin và các hệ thống dựa trên công nghệ Blockchain được sử dụng trên quy mô lớn hơn. Biến động giá Khi Bitcoin được tạo ra lần đầu tiên, nó có giá dưới 1 cent, và bây giờ nó có giá trị hơn 2.000 đô la Mỹ. Giá cả của Bitcoin thực sự biến động rất mạnh; trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2013, mức giá đã giảm từ khoảng 1.000 đô la xuống còn 200 đô la. Trong khi đó, giá của các loại tiền tệ pháp định truyền thống hay các hàng hóa truyền thống như vàng không dao động liên tục, mà nhìn chung chỉ thay đổi nhỏ. Nhưng giá của Bitcoin đôi khi có thể dao động hơn 20% chỉ trong vòng một ngày. Nhiều người tuyên bố rằng mức giá của Bitcoin sẽ đạt 100.000 đô la Mỹ, trái với quan điểm rằng giá Bitcoin có thể sẽ quay trở lại mức 1 cent. Sự biến động giá cả của Bitcoin không thể dự đoán được, và mức giá tương lai của đồng tiền này vẫn còn là bí ẩn. Không có gì bảo đảm rằng giá của Bitcoin sẽ vẫn ở mức như hiện tại và không ai chắc chắn rằng nó sẽ được chấp nhận trong tương lai. Những đồn đại thổi phồng về Bitcoin Có rất nhiều tài liệu nói về việc Bitcoin sẽ thay đổi thế giới, cải cách chính phủ và xóa bỏ hệ thống ngân hàng hiện thời như thế nào. Mặc dù Bitcoin là một công nghệ mang tính cách mạng đối với nhiều người trên thế giới, tuy nhiên, nhiều tuyên bố về ảnh hưởng của Bitcoin với thế giới lại quá mức phóng đại. Khi Internet trong giai đoạn bắt đầu trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng, Alan Greenspan đã gọi sự hứng thú của mọi người về Internet là “sự hưng phấn phi lý”. Và nhiều người cũng đang nói những lời tương tự về Bitcoin và sự kích động xoay quanh nó. Mặc dù nó cung cấp một giải pháp thay thế các hệ thống tài chính và ngân hàng hiện thời đối với nhiều người trên thế giới, nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các hệ thống tài chính hiện tại. Hiện nay, đang có nhiều đồn đại thổi phồng về việc sử dụng và chấp nhận Bitcoin, tuy nhiên những người sử dụng Bitcoin chỉ giới hạn trong phạm vi những người tiêu dùng trẻ tuổi và am hiểu về công nghệ. Hiện vẫn chưa rõ liệu Bitcoin có nhận được sự chấp thuận của phần đa số mọi người hay không. Lợi ích của Bitcoin thường bị thổi phồng quá mức, và sự nổi tiếng của Coinbase, Circle cùng các loại ví giao dịch/ví hỗn hợp dựa trên nền tảng web cho thấy mọi người chấp nhận hy sinh nhiều lợi ích của Bitcoin để đổi lấy phương pháp bảo mật truyền thống của ngân hàng và trên Internet. Như đã đề cập, nhiều ưu thế của Bitcoin không được coi là lợi ích đối với hầu hết mọi người ở các nước có nền kinh tế ổn định với hệ thống tài chính và pháp luật được kiểm soát chặt chẽ. Tổng kết chương 6 Bất chấp nhiều lợi ích sẵn có, tương lai của Bitcoin vẫn rất mơ hồ. Trong phần cuối cuốn sách, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tác động và tương lai khả dĩ của Bitcoin. Lúc này, bạn có lẽ đã hiểu về những lợi ích cũng như bất lợi của Bitcoin. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét khía cạnh thực tế trong việc thiết lập ví Bitcoin. Chương 7Các loại ví Bitcoin “Bitcoin là thành tựu mật mã học đáng chú ý và khả năng tạo nên những thứ không thể sao chép trong thế giới kỹ thuật số mà nó sở hữu có giá trị vô cùng to lớn.” - Eric Schmidt, CEO Google Để truyền gửi hoặc thu nhận bitcoin, trước tiên bạn phải thiết lập ví Bitcoin. Có rất nhiều lựa chọn để thực hiện việc này, mỗi lựa chọn đều có ưu nhược điểm riêng. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá các lựa chọn khác nhau và cách thức sử dụng chúng. LƯU Ý QUAN TRỌNG: Hầu hết mật khẩu ví, khóa cá nhân và từ khóa khôi phục mật khẩu đều chỉ được phát hành một lần duy nhất. Nếu bạn không viết lại và sao lưu dự phòng, bạn có thể mất quyền truy cập ví cũng như bitcoin của bạn. Hãy luôn đảm bảo rằng, bạn đã sao lưu dự phòng mật khẩu, khóa cá nhân và từ khóa khôi phục của ví tại nhiều nơi khi bạn khởi tạo ví. Đối với hầu hết các ví, không có ngân hàng hay tổ chức tài chính nào mà bạn có thể liên hệ để cài đặt lại mật khẩu hay truy cập tài khoản của bạn. Mất khóa cá nhân, mật khẩu hay cụm từ khôi phục là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến mọi người đánh mất số bitcoin của họ. Bạn không nên lưu giữ chúng chỉ trên một máy tính, vì nếu bạn mất quyền truy cập máy tính đó, bạn cũng sẽ mất khóa cá nhân của mình. Có rất nhiều trường hợp trong đó người ta mua bitcoin từ những ngày đầu khi nó xuất hiện, sau đó bỏ quên, làm mất khóa cá nhân, vô tình bán hay ném máy tính chứa mật khẩu đi, để rồi phát hiện số bitcoin đó có giá trị hàng triệu đô la. Số bitcoin trị giá 10 đô la khi bạn mua chúng vào năm 2010 sẽ để lại cho bạn một khối tài sản có giá trị hơn 1 triệu đô la ở thời điểm hiện tại, vì vậy thật dễ để thấy rằng có bao nhiêu người sở hữu số bitcoin nhỏ trị giá dưới 50 đô la trong những ngày đầu, rồi bỏ quên nó, và bây giờ mất quyền sở hữu hàng triệu đô la trong tay. Bạn đã được cảnh báo, vì vậy hãy chú ý đến những điều này. Ví Bitcoin là gì? Một ví bitcoin được tạo nên từ ba phần chính: • Địa chỉ Bitcoin của bạn – Trông giống địa chỉ email, địa chỉ này mang tính công khai và bạn có thể cung cấp nó cho những người muốn có một địa chỉ email như bạn. Tuy nhiên, thay vì gửi email cho bạn, họ có thể gửi bitcoin đến địa chỉ này. Một ví Bitcoin có thể chứa nhiều địa chỉ. • Khóa cá nhân của bạn – Khóa cá nhân là mật khẩu truy nhập địa chỉ Bitcoin của bạn và số bitcoin được giữ tại địa chỉ đó. Khóa cá nhân chứng minh quyền sở hữu bitcoin của bạn, và cho phép bạn ủy quyền giao dịch và truyền gửi bitcoin từ địa chỉ đó. Bạn cần lưu giữ địa chỉ này an toàn và bí mật, kèm bản sao lưu dự phòng khóa cá nhân ở nhiều nơi khác nhau. • Tổ chức ủy thác/phần mềm Bitcoin để truy cập ví của bạn – Để giao dịch trên mạng lưới Bitcoin, bạn cần phải truy cập vào nó thông qua tổ chức ủy thác Bitcoin, đây có thể là trang web, phần mềm hoặc một phương thức ủy quyền và khởi tạo giao dịch khác. Nếu bạn vẫn nhầm địa chỉ Bitcoin với địa chỉ email, những nội dung sau đây sẽ giúp bạn thấy rõ sự khác biệt giữa chúng. Địa chỉ Bitcoin Địa chỉ Bitcoin giống địa chỉ email ở điểm: Bạn có thể cung cấp địa chỉ này cho bất kỳ ai muốn gửi email cho bạn. Nếu mọi người có địa chỉ email của bạn, họ có thể gửi email cho bạn nhưng không thể truy cập email của bạn hoặc mạo danh bạn. Điều này cũng tương tự với Bitcoin: Nếu mọi người có địa chỉ Bitcoin của bạn, họ có thể gửi bitcoin cho bạn nhưng không thể truy cập để trộm cắp hoặc mạo danh bạn trên mạng lưới Bitcoin. Khóa cá nhân Bitcoin Khóa cá nhân Bitcoin tương tự như mật khẩu được sử dụng để chứng minh bạn là chủ sở hữu địa chỉ email. Nếu bạn mất mật khẩu email, mọi người vẫn có thể gửi email cho bạn, và thư đến vẫn nằm trong hộp thư, nhưng bạn sẽ không thể truy cập chúng. Nếu ai đó có mật khẩu của bạn, họ có thể truy cập email của bạn và gửi thư mạo danh bạn. Khóa cá nhân của Bitcoin cũng tương tự như vậy. Nếu bạn mất khóa cá nhân, mọi người vẫn có thể gửi bitcoin cho bạn nhưng bạn sẽ không thể truy cập chúng. Nếu ai đó có được khóa cá nhân của bạn, họ có thể truy cập bitcoin của bạn, và gửi các giao dịch trên danh nghĩa của bạn. Tổ chức ủy thác/phần mềm Bitcoin Tổ chức ủy thác/phần mềm Bitcoin tương tự như việc truy cập hòm thư điện tử thông qua trang web của Gmail hoặc phần mềm Microsoft Outlook để truy cập và gửi thư. Ngay cả khi bạn có địa chỉ và mật khẩu email, bạn vẫn không thể gửi hoặc truy cập email mà không sử dụng trang web hay phần mềm có kết nối với mạng Internet hay mạng lưới email. Dù không có phần mềm email, địa chỉ email của bạn sẽ vẫn tồn tại, hộp thư đến của bạn vẫn nhận được thư gửi tới. Bạn cũng có thể xem các email đã nhận từ trước và soạn thảo thư nháp ngoại tuyến. Tuy nhiên, nếu không có phần mềm kết nối với mạng lưới email, bạn không thể gửi email hay đọc email mới. Điều này cũng tương tự với Bitcoin, địa chỉ bitcoin của bạn vẫn tồn tại và bạn vẫn nhận được bitcoin. Bạn có thể sử dụng địa chỉ và khóa cá nhân để tạo giao dịch ngoại tuyến thủ công. Tuy nhiên, nếu không có phần mềm/tổ chức ủy thác Bitcoin có kết nối với mạng lưới, bạn sẽ không thể gửi các giao dịch đã khởi tạo khi ở chế độ ngoại tuyến, quan sát số bitcoin mới nhận được và bitcoin của bạn. Các phương án ví Bitcoin Hiện có rất nhiều phương án khởi tạo ví Bitcoin, với số lựa chọn cứ đều đặn tăng lên mỗi tuần. Do vậy, bạn có thể bị choáng ngợp trước toàn bộ những lựa chọn và sự khác biệt giữa chúng. Tại một hội nghị về tiền mã hóa gần đây, tôi đã gặp những người mà họ đã tải xuống tất cả các loại ứng dụng và phần mềm ví khác nhau, nhưng vẫn chưa tham gia mua bất kỳ bitcoin nào, bởi họ không biết dùng ví nào là tốt nhất. Họ đã tìm hiểu tất cả các thông tin về ví và lo lắng về tình trạng an ninh hoặc nguy cơ mất trộm nếu chọn sai. Quá nhiều thông tin và phương án lựa chọn khiến họ không thể đưa ra được quyết định cuối cùng. Chương này sẽ bao gồm nhiều tùy chọn khác nhau hiện có. Tuy nhiên, để tránh làm bạn bị chóang ngợp trước các phương án và quyết định, chúng ta sẽ mở đầu bằng những lựa chọn tốt nhất cho người mới bắt đầu với mỗi tùy chọn tăng tiến theo mức độ kinh nghiệm bắt buộc. Sàn giao dịch/ví web hỗn hợp Sàn giao dịch/ví web hỗn hợp là một kết hợp giữa ví Bitcoin chạy trên nền tảng web với sàn giao dịch. Đây là một trong những cách dễ dàng nhất để bắt đầu với Bitcoin dành cho hầu hết mọi người.