🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Biển Cả Và Giá Trị Cuộc Sống - Richard Bode
Ebooks
Nhóm Zalo
LỜI GIỚI THIỆU
“Cuộc sống con người luôn chật chội, nhiều khó khăn thử thách và nhiều đổi thay. Biển cả rộng lớn và bí ẩn luôn cho ta những bài học vô giá và không bao giờ cũ.”
- Khuyết danh
H
ành trình của chúng ta trong cuộc sống có rất nhiều điểm giống như việc chèo lái, định hướng một con thuyền trên biển cả sóng gió. Trong cuộc hành trình đó,
mỗi người chúng ta đều được quyền phán đoán và có những lựa chọn khác nhau, hoặc an phận, đi theo con đường dễ dàng, hoặc dũng cảm, dấn thân đi qua vùng bão tố. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi người đều có thể lựa chọn cuộc sống cho chính mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai, vào bất cứ điều gì và hoàn cảnh nào. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần có là đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt để có thể thành công trên con đường của chính mình, hướng tới những ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống.
Richard Bode, tác giả cuốn sách Biển cả và những giá trị cuộc sống, đã gắn tình yêu của mình vào biển cả từ khi còn là một cậu bé. Ước mơ trở thành một thủy thủ đích thực đã không ngừng
thôi thúc ông học hỏi và khám phá những bí ẩn lớn lao từ người thầy bao dung nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt: Đại dương. Bằng trái tim rộng mở, sự quan sát tinh tế và nguồn cảm hứng vô tận từ đại dương bao la, với những trải nghiệm sâu sắc của một thời tuổi trẻ lênh đênh trên sóng nước cùng sự am hiểu, nhạy bén trong cảm nhận những quy luật của tự nhiên, tác giả Richard Bode đã chuyển tải đến độc giả khắp thế giới những khát khao về một thế giới tự do bất tận giữa thiên nhiên, những ước mơ, hy vọng, những đam mê, hoài bão và những bài học cuộc sống qua cuốn sách Biển cả và những giá trị cuộc sống.
Với cậu bé nhân vật chính trong tác phẩm này, biển cả chính là cuộc sống của cậu - một cuộc sống với sóng gió, thủy triều, những đàn chim hải âu, những đợt sóng không ngừng, và trên hết là những suy tư, khát khao được thử thách, khám phá... Ước mơ trở thành thủy thủ đã từng đặt cậu trước sự lựa chọn mang tính quyết định: sẽ đứng yên trên bờ biển, sống với những nỗi sợ hãi và tiếc nuối, hay là dám căng buồm đón gió, mạo hiểm ra khơi để thỏa mãn khát vọng và tiếp nhận những bài học vô giá từ trải nghiệm của chính mình? Cậu đã quyết định dấn thân để hiểu được rằng những cơn bão tố, những đợt sóng thần, những tảng băng trôi... đều vô cùng lớn lao so với sự nhỏ bé, yếu ớt của con người, nhưng con người đều có thể vượt qua tất cả những sức mạnh đó bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Giữa đại dương, con người gần như đặt số mệnh của mình vào biển cả. Họ có thể bị đói khát, bị mất phương hướng, tuyệt vọng hoặc bị dìm xuống đại dương... Nhưng qua sự tôi luyện đầy gian nan, thử thách đó, con người đã mạnh mẽ, trưởng thành và khám phá ra được nhiều điều vô giá cho cuộc sống của mình.
Qua từng trang sách Biển cả và những giá trị cuộc sống, chúng ta sẽ tìm thấy những bài học bổ ích về cuộc sống, về cách nuôi dưỡng ước mơ cũng như lựa chọn hướng đi trong cuộc đời. Mỗi chúng ta tuy có một mục tiêu sống khác nhau, dù nhỏ bé hay vĩ đại, dù bình thường hay cao cả, nhưng đều phải nỗ lực không ngừng vì nó. Và quan trọng hơn, chúng ta hiểu rằng cuộc sống
là một hành trình không có điểm dừng chân cuối cùng, làm cách nào để có thể hướng đến đích quan trọng hơn là khi nào về đích, cảm nhận và sống với những hạnh phúc trong đời quan trọng hơn là tham vọng chiếm hữu những tài sản to lớn.
Có những bài học thật bình dị nhưng sau này chúng ta mới thấy rằng nó thật có ích và ý nghĩa. Biển cả và những giá trị cuộc sống sẽ truyền cho chúng ta những bài học cuộc sống và hướng chúng ta tiếp cận với các quy luật tự nhiên cũng như của đời sống con người, giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống một cách tinh tế, sâu lắng. Cuốn sách này sẽ là nguồn cảm hứng tinh thần giúp chúng ta vượt qua thử thách để thực hiện được ước mơ của mình.
- First News
1
BÀI CA NGƯỜI THỦY THỦ
“Hãy nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng sống, như bình minh rực sáng trên biển rộng bao la.”
- Khuyết danh
K
hi còn trẻ, tôi đã từng lập một lời tuyên thệ, rằng sẽ dạy các con mình học cách đi biển. Nhưng lời hứa ấy mãi mãi đã không thể được thực hiện.
Những lo toan thường nhật của cuộc sống: công việc, địa vị, tiền bạc, sức khỏe... đã không cho phép tôi truyền lại những trải nghiệm cả đời mình cho các con. Tôi đã không chỉ dẫn cho chúng đầy đủ những điều hay lẽ phải. Cũng không truyền lại được những kinh nghiệm mà mình đã trải qua thời trai trẻ.
Tôi đã cố gắng để tha thứ cho mình, nhưng hình như điều đó là quá sức. Dù tôi có tự bào chữa thế nào đi nữa, thì vẫn phải đối mặt với một sự thật đầy xót xa: Tôi đã không dạy các con mình học cách đi biển.
Tận trong tâm khảm, từ những giấc mơ, tôi thấy mình đã thực hiện lời hứa với bản thân: đưa các con, từng đứa, từng đứa một ra khơi trên chiếc thuyền một buồm ọp ẹp mà tôi đã bán không lâu sau khi lũ trẻ ra đời. Tôi dạy chúng làm thế nào để giong thuyền qua lạch nước mặn và thẳng hướng theo ngọn hải đăng khi đi ngang qua vịnh. Tôi dạy chúng cách hướng mũi hay đuôi thuyền xuôi theo hướng gió. Tôi dạy chúng căng buồm, hạ buồm, cách ném mỏ neo qua khoang thuyền, cách dừng thuyền để bỏ neo khi biển động... Qua giấc mơ, tuy tôi biết mình không thực sự dạy các con đi biển, nhưng chí ít tôi cũng đã dạy chúng cách sống hoàn toàn không dựa vào những giáo điều. Tôi muốn chúng hiểu rằng: cách lèo lái đưa thuyền thoát khỏi những khu vực nguy hiểm cũng tương tự như cách ta đương đầu với những thử thách trong cuộc sống.
Lúc còn trẻ, tôi chỉ đơn thuần học cách để lái thuyền chứ chưa thực sự nhận ra những kinh nghiệm mà mình học được từ cuộc sống lênh đênh nơi biển cả lại quý giá và hữu ích về sau đến vậy.
Khi thấy gió đổi chiều, tôi chỉ việc điều khiển bánh lái chỉnh hướng thuyền, thả neo... - đơn giản là làm những việc phải làm - chứ không hề nghĩ sâu xa rằng: đó là một bài học khác của cuộc đời.
Tôi đã nhận thấy mối quan hệ giữa bản thân mình và các yếu tố tự nhiên là không kiểm soát được. Gió có thể thổi đến từ bốn phương. Gió có thể thét gào, lặng đi và cũng có thể ngừng thổi bất cứ lúc nào. Tôi không được chọn gió bởi nó thuộc về thế lực tự nhiên. Nhưng tôi buộc phải lái thuyền theo gió. Và có đôi khi gió bỗng ngừng thổi, tôi đành phải chờ đợi với sự kiên nhẫn của Job(*) nếu muốn di chuyển đến nơi mình cần.
(*)Trong Kinh thánh, Job là người phải kiên nhẫn chịu đựng trong mọi hoàn cảnh.
Tôi cho rằng loài người khá ngạo nghễ khi nghĩ rằng mình thống trị được cả thế giới. Họ tin rằng thế giới thuộc về loài người, rằng họ có thể kiểm soát được nó. Nhưng người thủy thủ lại khác, họ cho đó chẳng qua là một ảo tưởng. Người thủy thủ luôn ở bên cạnh bánh lái, quan sát và chờ đợi. Anh ta hiểu mình không phải là chúa tể của tất cả, thậm chí chẳng hơn được loài cá trong đại dương mênh mông hay loài chim trên bầu trời bao la. Nhưng anh ta biết cách ứng phó khi gió đổi chiều hoặc khi thủy triều rút... Anh ta có quyền thay đổi lịch trình, kéo buồm theo hướng gió, và dong buồm ra khơi.
Cuồng phong, bão tố, sóng thần, băng trôi... tất cả đều cho thấy sự nhỏ bé và yếu ớt của con người trước các thế lực tự nhiên. Giữa đại dương, con người không thể tự định đoạt số mệnh của mình. Họ có thể bị quật ngã, bị bỏ đói, bị cô lập và thậm chí đối diện với tử thần. Đôi khi họ được nâng bổng lên bởi một bàn tay vô hình nào đó nhưng rồi lại có thể bị nó nhấn chìm bất cứ lúc nào.
Tôi lần lượt mất cả cha lẫn mẹ khi còn là một cậu thiếu niên khờ khạo. Điều đó quả thực vượt quá sức tưởng tượng của một đứa trẻ, nhưng cũng chính cơn nguy biến định mệnh ấy đã hướng cuộc đời tôi rẽ sang bước ngoặt khác. Tuy tôi không thể làm chủ nó cũng như lấy lại những gì mà nó đã cướp đi, nhưng tôi sẽ cố lèo lái nó cho đến khi tìm được một nơi nào đó để dừng chân.
Tất cả những bất hạnh đó đã xảy ra với tôi nửa thế kỷ trước, và tôi vẫn đủ sức để tiếp tục tồn tại. Qua nhiều năm, tôi nhận ra rằng, mặc dù nỗi đau thương ấy dường như là quá sức chịu đựng với nhiều người, nhưng cuộc sống thường nhật không phải toàn khó khăn, trắc trở. Ngày nối tiếp ngày trôi qua, cuộc sống cũng giống như một cơn gió luôn biến đổi không ngừng. Gió không ngớt đổi chiều, theo hướng Bắc-Đông Bắc, rồi Đông Bắc, rồi lại Bắc. Cũng như tâm trạng chúng ta luôn thay đổi, buồn, vui, giận dữ thất thường. Như người thủy thủ điều khiển
thuyền theo hướng gió, chúng ta cũng vậy, phải luôn làm chủ cảm xúc của mình.
Trong những giấc mơ, tôi thấy mình cùng các con đi biển và chia sẻ với chúng những suy nghĩ này. Nhưng thật sự chẳng có chuyến đi biển nào cả. Và vì thế, chẳng có cơ hội nào để tôi truyền cho chúng những kiến thức về nghề đi biển. Ở cương vị một người cha, tôi đã nghiệm ra rằng thật khó để có thể truyền lại cho con những bài học kinh nghiệm của mình về cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng hiểu một cách muộn màng rằng, các con tôi sinh ra là để học những bài học kinh nghiệm từ chính bản thân chúng chứ không phải từ cha mẹ. Và dù tôi có nỗ lực đến đâu để hoàn thành ước muốn của mình thì cũng chẳng đem lại kết quả gì.
Sự thật là, dù nội tâm có day dứt hay nuối tiếc thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ không thể suốt đời cứ kết tội bản thân về những việc mình đã làm hoặc không làm. Vấn đề là ở chỗ: tuổi trẻ của tôi, tôi học đi biển, còn các con tôi thì không. Tôi không biết tại sao điều đó lại xảy ra và cũng chẳng thể hiểu tại sao có những sinh viên cắm cúi vào thư viện trường trong khi một số khác lại chọn phòng thể dục. Điều đó dấy lên trong tôi một suy nghĩ: Phải chăng có những đích đến vẫy gọi chúng ta từ một nơi bí ẩn nào đó trong chính mỗi người và bản năng chúng ta phải trực tiếp lắng nghe tiếng gọi ấy?
Những dòng chảy êm ả của cuộc sống đã đưa tôi ra biển trên một chiếc thuyền buồm khi tôi còn là một cậu bé. Đó là hành trình tôi chọn cho mình, và nó đã tạo nên những khác biệt trong cuộc sống của tôi.
Các con tôi giờ đã trưởng thành và bận rộn hơn với cuộc sống, với vinh quang và những nỗ lực có ý nghĩa đặc biệt với chúng. Còn tôi thì ôm mãi trong lòng câu chuyện chưa kể, mà cũng chẳng có ai để kể. Vì thế, những gì tôi viết ra đây như một cách để chuộc lỗi cho những việc mà tôi đã bỏ quên trong quá khứ.
Tôi giống như một người thủy thủ xa xưa, cố níu lấy những người xung quanh hay bất chợt đi ngang, chỉ để kể cho họ nghe bài ca của mình.
L
2
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
ần đầu tiên, niềm khao khát được lái một con thuyền nảy sinh trong suy nghĩ của tôi năm mười hai tuổi. Tôi đứng trên bờ và mải miết dán mắt vào những chiếc thuyền hết
tròng trành rồi lại đứng yên trong làn gió nhẹ. Tôi bắt đầu hình dung về việc lái thuyền, trông nó đơn giản hơn nhiều so với việc một cầu thủ bóng chày đánh quả home- run(*) hay đánh một quả bóng quá cỡ qua khung kim loại. Khi điều khiển thuyền, tôi chỉ việc giương buồm, làm cho buồm no gió, và thế là mặc sức vùng vẫy thỏa thích như chú chim non lần đầu tiên được bay nhảy trong bầu trời xanh bao la.
(*) Cú đánh cho phép người chơi chạy quanh ghi điểm mà không dừng lại.
Nhưng người đầu tiên dẫn dắt tôi hòa nhập vào thế giới đại dương lại không nghĩ vậy. Tên ông là Harrison Watts. Thoạt đầu, những hiểu biết của tôi về ông chỉ dừng lại ở cái tên của ông. Ông là một thuyền trưởng huyền thoại, người đã bứt lên, vượt xa những chiếc thuyền đua và thuyền chạy trên băng khi vịnh Đại Nam cùng toàn bộ vùng đất liền từ Trường Đảo đến
Hỏa Đảo bị đóng băng vào mỗi mùa đông. Nếu có dịp đến đây, bạn hãy dừng chân ở cuối đại lộ Đại Dương trong thị trấn cổ xưa của Vịnh Biển, bạn sẽ thấy ngay ngôi nhà khung gỗ của thuyền trưởng sừng sững ở đó - phía Bắc vịnh, xoay lưng lại với khúc sông nước mặn nhộn nhịp. Bạn có thể tìm thấy chiếc Nimrod, chiếc thuyền đã gắn bó với ông trong cả Thế chiến thứ hai và nhiều năm về sau, đang lắc lư trong gió. Ông nối gót những thế hệ đi trước đến vùng biển viễn đông này an cư lạc nghiệp và cũng tiếp bước theo họ mắc căn bệnh thấp khớp.
Tôi thường nhìn thuyền trưởng ở một khoảng cách khá xa, vì ông đậu neo chiếc Nimrod tại dải nước hẹp từ xưởng đóng tàu, nơi tôi hay đến chơi những khi rảnh rỗi. Ông chừng bảy mươi tuổi, có dáng dấp bệ vệ, gương mặt đôn hậu ẩn sau chiếc mũ lưỡi trai bằng vải dù trắng có vành dài. Mặc dù khá lớn tuổi nhưng ông vẫn giữ được sự linh hoạt, nhanh nhẹn, quyết đoán của một vị chỉ huy từng trải, gan dạ. Vào những chiều hè, ông hầu như luôn có mặt tại khoang lái của chiếc Nimrod, trở về từ vịnh với khoang thuyền ăm ắp cá, đi vào lạch và kéo theo một chiếc xuồng mũi cong ở phía sau. Tôi chắc rằng ông cũng nhìn thấy tôi, bởi tôi luôn ngồi bên bờ vịnh để có thể học được cách ông cho thuyền cập bến như thế nào.
Một cách tự nhiên, ông trở thành người thầy dạy tôi bài học vỡ lòng về tàu thuyền. Đó là vào một ngày cuối tháng sáu, khi kỳ nghỉ hè thú vị vừa chớm bắt đầu. Sáng hôm ấy, tôi đạp xe đi vòng quanh xưởng tàu và phát hiện ra chiếc Nimrod lừng lẫy một thời đang phơi mình trên cạn, còn thuyền trưởng thì đang hì hục dưới lòng thuyền, đập đập, gõ gõ vào bụng nó. Tôi mon men tiến lại gần nơi ông làm việc với bộ dạng rụt rè, phần vì đối với tôi, ông vẫn còn là một bí ẩn, phần vì sợ ông đột nhiên biến thành một thủy thần có thể cắt đầu tôi bất cứ lúc nào. Tôi yên lặng ngồi trên một khối gỗ lớn cạnh thuyền ông với đôi mắt không ngừng cảnh giác. Bỗng chốc nỗi sợ hãi trong tôi chợt tan biến khi ông quay sang trò chuyện với tôi. Tôi nhận ra nỗi sợ của mình thật vô lý. Thì ra, ông cũng là một người bình thường như
bao người khác và đứa trẻ con trong tôi bắt đầu cảm thấy thinh thích khi tiếp xúc với ông.
“Này, anh bạn nhỏ của ta”, ông nói cứ như thể chúng tôi đã là một đôi bạn tri kỷ,“sao cậu ra đây sớm thế?”.
“Con đang tìm một con thuyền”, tôi ngoan ngoãn trả lời. Tuy điều đó không được thành thật lắm, nhưng cũng không hẳn là một lời bịa đặt.
“Loại thuyền nào?”
“Thuyền buồm ạ.”
“Thế cậu có thể lái thuyền được không?”
Tôi cảm thấy sợ phải trả lời câu hỏi này, bởi vấn đề khó khăn nhất trong cuộc sống là phải thừa nhận sự ngu dốt của bản thân trước người khác trong khi đang cố gắng tìm mọi cách gây ấn tượng. Tôi có tài bốc phét với lũ bạn về việc mình có thể làm gì và sẽ đi những đâu nếu được sở hữu một chiếc thuyền của riêng mình. Và lũ bạn ngờ nghệch của tôi không mảy may nghi ngờ. Ở tuổi mười hai, thật khó có thể cưỡng lại được sự tán dương, khen ngợi từ bạn bè cùng trang lứa. Nhưng với thuyền trưởng thì lại là chuyện khác. Một chuyên gia lão luyện như ông sẽ không mấy khó khăn để phát hiện ra rằng tôi đang khoác lác. Thậm chí, ông còn có thể nhìn thấu được tâm can tôi khi tôi chưa mở miệng nữa là đằng khác.
“Dạ không, con không thể”, tôi đáp.
“Thế cậu đã bao giờ đi trên một chiếc thuyền buồm chưa?”
“Dạ... Không hẳn là thế ạ”. Tự dưng, tôi lại cảm thấy lúng túng trước câu trả lời không mấy tự tin của mình.
“Cậu chưa bao giờ đi thuyền, cũng như chưa từng đi trên một chiếc thuyền buồm nào cả. Vậy mà cậu lại muốn có một chiếc thuyền. Cậu có nghĩ rằng điều đó là quá xa vời?”
“Ồ, con nghĩ rằng mình có thể tự xoay xở được.”
Ông lăn ra ngoài từ phía dưới chiếc Nimrod và đứng thẳng dậy. Tôi hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc tuyệt vời sẽ xảy đến khi ông hô biến và lập tức chiếc thuyền một buồm sẽ hiện ra để cả hai có thể ra khơi. Nhưng thật thất vọng bởi chẳng có bài học nào về lái thuyền cả. Thay vào đó, ông chậm rãi bước về phía buồng lái lôi ra đôi mái chèo, sau đó đi thẳng đến chỗ chiếc xuồng mũi cong mà ông đã buộc vào bến tàu. Ông đưa mái chèo cho tôi. “Lên xuồng nào!”, ông nói gần như ra lệnh,“Bây giờ, việc đầu tiên cậu cần làm là học chèo thuyền nhỏ trước đã!”.
Tôi ném nhanh cái liếc mắt về phía chiếc xuồng bé tí với vẻ mặt không hài lòng chút nào. Thân hình ngắn ngủn của nó cứ dập dềnh trên sóng như một cái nút bần càng làm tôi thấy khó chịu. Một sự sỉ nhục quá thể đối với một đứa bé mười hai tuổi đầy tự trọng như tôi. Tôi khát khao được sở hữu chiếc thuyền một buồm, nếu không thì thuyền đáy bằng nhỏ, hay chí ít cũng là một chiếc thuyền thoi có bốn đến sáu mái chèo. Tôi muốn được giương buồm trên vịnh, xuyên qua đại dương, thám hiểm thế giới, oai phong như một thủy thủ thực thụ. Vậy mà...
Tuy nghĩ vậy nhưng rồi tôi cũng bước lên xuồng, bắt đầu điều khiển nó theo bản năng một cách khó nhọc. Quả thật không dễ để thuần hóa “con quái vật hai càng đáng ghét” này, nó cứ tròng trành liên tục như thể muốn ném tôi xuống biển vậy. Trong khi tôi đang khổ sở đánh vật với chiếc xuồng thì thuyền trưởng vẫn bình chân như vại. Tôi đoán rằng ông ta đang ngầm đánh giá xem khả năng giải quyết tình huống của tôi đến đâu.
Sau ba ngày liên tục luyện tập, cuối cùng thì tôi cũng đã có thể tự mình chèo xuồng, thậm chí còn khá thuần thục trong những
pha luồn lách khi gặp phải những chiếc thuyền lớn. Thuyền trưởng thỉnh thoảng mới xuất hiện ở cầu tàu, ông vẫy tôi lại và chỉ dẫn thêm một vài điều. Nhưng phần lớn thời gian, ông đứng trầm ngâm ở đó quan sát cách tôi khua mái chèo. Tôi không biết liệu ông có hài lòng với sự tiến bộ của tôi hay không. Hy vọng tôi sẽ không làm ông thất vọng. Về phần mình, tôi thực sự cảm thấy tự hào về bản thân, bởi tôi nhận thấy mình có khá nhiều kinh nghiệm và đủ nhanh nhạy để phán đoán tình huống cũng như có thể làm chủ được hoàn cảnh một cách tốt nhất.
Ngày qua ngày, dưới sự quan sát thầm lặng của thuyền trưởng, tôi đã rèn được một số kỹ năng như cách đoán biết vùng nước xoáy, tháo nước khi thuyền gặp sự cố hay cách đẩy mái chèo sao cho ít tốn sức nhất mà vẫn hiệu quả... Nói chung là những điều cơ bản mà một thủy thủ cần phải biết. Đầu tiên, tôi học cách khỏa hai mái chèo vào nhau, sau đó học cách cho thuyền tiến lên phía trước với những tốc độ khác nhau bằng cách thay đổi nhịp chèo. Quan trọng hơn là cách nhìn của tôi về đại dương, về nghề đi biển cũng từng bước thay đổi, thâm trầm hơn, sâu sắc hơn. Tôi nhận ra rằng một khi ta lênh đênh trên mặt biển, tứ bề chỉ có nước và nước, thì bản năng sống của ta sẽ được bộc lộ một cách mãnh liệt nhất.
Chúng ta là những sinh vật sống trên cạn, thế nên chúng ta dễ dàng thích ứng với các nguyên tắc trên mặt đất. Đầu tiên, chúng ta học lái xe ba bánh, rồi xe đạp hai bánh, và cuối cùng, khi đến tuổi, chúng ta có thể sở hữu một chiếc ô tô. Nhưng dù là phương tiện nào thì tất cả đều có chung một điểm: di chuyển bằng bánh trên bề mặt rắn chắc như bê tông hay mặt đường rải nhựa. Nếu xe muốn rẽ trái thì bánh sẽ quay sang trái và ngược lại. Ngay từ thuở nhỏ, quy luật sử dụng các phương tiện này đã ăn sâu vào ý thức mỗi chúng ta và cũng bắt đầu từ đó, chúng ta gần như luôn có xu hướng áp dụng quy luật này vào bất cứ việc gì.
Nhưng chiếc xuồng mà tôi chèo ngày ấy không có bánh và cũng chẳng thể di chuyển trên bề mặt cứng. Đáy nó khá bằng phẳng
để có thể lướt êm trên mặt biển mềm mại, và cách nó di chuyển cũng trái ngược hẳn với xe máy hay ô tô... Thật thú vị làm sao khi bạn khám phá ra rằng, nếu gạt mái chèo trái về sau thì xuồng sẽ rẽ sang phải, và ngược lại, gạt mái chèo phải về sau thì xuồng lại rẽ trái. Còn nếu gạt một mái chèo về sau và đẩy mái chèo còn lại về phía trước, lập tức xuồng sẽ quay vòng tròn. Tất cả những nguyên lý chuyển động ấy hoàn toàn tương phản với những gì tôi từng biết. Đôi khi cũng cần phải sử dụng cả trí tuệ lẫn sức lực mới có thể điều khiển được một chiếc xuồng.
Trong cuộc sống thường ngày, sẽ có những lúc chúng ta từ đất liền ra biển hay ngược lại, nhưng có lẽ chỉ dừng lại ở những chuyến nghỉ mát, du ngoạn, không như các thủy thủ ngày này qua ngày khác lênh đênh trên biển cả. Theo thời gian, cuộc sống của chúng ta sẽ có những biến chuyển tích cực hơn cả về điều kiện sống lẫn sự nghiệp. Khi đó, mỗi chúng ta sẽ phải tự thay đổi mình để có thể thích nghi với môi trường mới vì mỗi môi trường, mỗi hoàn cảnh đều có quy luật riêng và những đòi hỏi, yêu cầu riêng. Đôi khi, sự thay đổi ấy diễn ra quá nhanh khiến chúng ta mất phương hướng. Ở công sở, chúng ta áp đặt, chuyên quyền với đồng nghiệp của mình, về nhà lại trút hết những bực dọc lên đầu con cái. Bản thân chúng ta thay đổi nhanh đến nỗi chính chúng ta cũng không biết mình là ai... Chúng ta không thực sự cảm nhận được sự thay đổi trong mỗi hoàn cảnh vì chúng ta đã không dành thời gian để nhận ra vai trò của mình.
Chỉ một số ít người là có thể nhận ra được điều đó, họ học từ cách sống tự tin của loài vịt trời - một loài không bao giờ nhầm lẫn giữa hai môi trường sống: mặt nước và bầu trời. Khi đắm mình trong làn nước mát, nó tận hưởng cuộc sống bằng cách xếp gọn cánh và thu gọn cổ, thong thả dang đôi chân phủ màng và khỏa nước, vục mỏ xuống nước tìm thức ăn. Còn khi bay trên không, nó xếp chân lại, vươn dài cổ, dang rộng cánh, vỗ mạnh và nhẹ nhàng lướt đi.
Tôi ngồi giữa xuồng, dõi mắt tìm đích đến của mình. Nhưng đích đến của tôi là đâu, tôi chưa thể nhìn thấy. Tôi luôn tự hỏi, mình đã bắt đầu từ đâu, rằng sự am hiểu của tôi đã giúp được gì cho bản thân trong cuộc sống lẫn công việc. Mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy như những vầng sáng lóng lánh phản chiếu bởi ánh mặt trời có thể thấy ngay trên mặt biển trước mặt. Có những điều chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng và chỉ khi nhắm mắt lại, chúng ta mới có thể nhìn thấy. Khao khát được chạm đích, cậu nhóc ngồi trên thuyền làtôi bắt đầu tựđịnh hướng cuộc đời mình bằng những cảm nhận sâu xa từnội tâm. Tôi nghĩ về cuộc hành trình đi đến khát vọng của mình...
Và như thế, một lúc nào đó, tôi và chiếc xuồng sẽ không thể tách rời nhau, như cung thủ gắn bó với cây cung hay họa sĩ không thể rời giá vẽ. Những gì tôi rút ra được ở đây là chúng ta phải làm chủ chính mình, đồng thời phải luôn sẵn sàng trong tư thế chinh phục những thử thách. Lý do vì sao các bậc cha mẹ thường đưa con cái đến tham dự các giải đấu dành cho nhi đồng, là vì qua đó họ muốn con mình nhận thấy sức mạnh của tinh thần làm việc tập thể cũng như hiệu quả của sự canh tranh công bằng. Họ muốn đứa trẻ nhận thức được những ảnh hưởng từ đồng đội trong thể thao cũng như từ những người xung quanh trong cuộc sống. Thực tế, chúng ta đấu tranh không phải để chống lại người khác mà là chính bản thân mình. Và những thành tích mà bạn đạt được luôn là điểm ngắm để những người xung quanh học hỏi và phấn đấu vượt qua. Hãy dạy con bạn cách luôn đứng vững trước những khó khăn của cuộc sống. Hãy đưa chúng ra biển trên một con thuyền nhỏ để chúng thấy việc điều khiển thuyền là khó đến nhường nào.
3
GIÓ SẼ NÂNG ƯỚC MƠ TUỔI THƠ
T
ôi đã chú ý đến chiếc thuyền một buồm màu xanh đó trước khi có nó trong tay. Vì thời gian này đang còn trong giai đoạn nghỉ hè nên tôi thường ra bờ vịnh hóng gió.
Như thường lệ, một hôm, tôi rảo bước đến đây và phát hiện sự xuất hiện đột ngột của con thuyền. Chiếc thuyền với cánh trắng phập phồng, duyên dáng hệt một nàng thiên nga đang lướt theo làn gió trong lạch nước mặn. Trên boong, người lái tàu đang kéo bánh lái về phía ngược với cột buồm, trong tích tắc, nó đã giong thẳng ra vịnh rồi mất hút theo làn gió nhẹ. Con thuyền dần khuất xa tầm mắt, vừa đủ để gây ấn tượng trong tôi. “Nàng thiên nga duyên dáng” với toàn thân bằng gỗ, sàn lên nước bóng loáng lấp lánh trong ánh mặt trời sớm mai, càng khiến niềm khát khao trong tôi dâng lên cháy bỏng.
Tôi muốn có chiếc thuyền màu xanh này vô cùng, nhưng lại không biết làm cách nào để có nó. Sở hữu nó ư? Một ước mơ quá sức tưởng tượng, và tôi biết mình chỉ có thể sở hữu nó trong tâm tưởng mà thôi, như cái cách chàng trai yêu đơn phương một cô gái. Ngày ấy, tôi chưa đủ lớn để có thể hiểu rằng mọi ước mơ nếu được nuôi dưỡng sẽ lớn lên dần theo thời gian. Trong
cuộc sống, chúng ta vẫn thường đấu tranh để giành lấy cái gì đó về mình nhưng không phải đơn thuần chỉ là sự chiếm hữu mà còn do lòng đam mê, sức hút mạnh mẽ từ hai phía. Cũng như tôi và chiếc thuyền vậy, cả hai hấp dẫn lẫn nhau. Và một khi sự say mê ấy đủ mãnh liệt thì không gì có thể chia lìa được chúng tôi.
Những ngày tiếp sau đó, chiếc thuyền một buồm màu xanh ấy nghiễm nhiên trở thành một chuẩn mực tao nhã để tôi đem ra so sánh với những chiếc thuyền khác. Thật thất vọng bởi chẳng có chiếc nào giống nó cả. Tôi đi lang thang khắp xưởng tàu, hết nhìn ngắm những chiếc thuyền lại quay sang quan sát những chủ tàu, và lúc này trong đầu tôi bỗng nảy ra một trò chơi tưởng tượng, rằng một vị thần sẽ hiện ra và nói với tôi: “Hãy chọn lấy một chiếc thuyền vừa ý trong số tất cả những chiếc mà ngươi đã từng gặp, ta sẽ biến nó thành của ngươi”. Không một chút do dự, tôi sẽ chọn ngay chiếc thuyền buồm màu xanh ấy, chiếc thuyền đã phiêu bạt khắp nơi trong gió bể suốt bao năm qua như một chàng lãng tử kiên cường.
Tất nhiên, tôi cũng biết rằng, đó chẳng qua chỉ là sự mơ mộng hão huyền, cái mà trong xã hội thực tế, người ta hay cười nhạo: “Đừng có ngồi đó mà mơ mộng! Hãy tìm một cái gì đó thiết thực hơn để làm đi”. Tôi đã từng thấm thía nỗi buồn đó khi bị người lớn quở trách, cho rằng chiếc thuyền một buồm màu xanh của tôi chỉ là giấc mơ hoang đường. Tôi cũng đã nghe mỏi cả tai những khuyến cáo từ thầy cô, người thân trong gia đình và thậm chí là từ cha mẹ của chúng bạn. Tất cả họ dường như ai cũng muốn kiểm soát cái thế giới riêng tư của lũ con nít chúng tôi.
Ngay cả bây giờ cũng vậy, những lời khuyên như thế đối với các con của tôi cũng thật vô ích. Bởi mơ ước trẻ thơ bao giờ cũng là cội nguồn của những thành công trong tương lai. Longfellow đã đúng khi cho rằng: “Ước mơ của một cậu nhỏ chính là ước mơ của gió, chỉ có suy nghĩ của người trưởng thành mới là thực sự chín chắn”. Để dập tắt những ước mơ đang tràn ngập trong tâm
trí một đứa trẻ không phải là chuyện đơn giản. Tốt nhất nên nuôi dưỡng hơn là tìm mọi cách giết chết nó. Ở một chừng mực nào đó, ước mơ sẽ cho đứa trẻ biết mình là ai, cần có điều gì và thậm chí có thể soi đường cho đứa trẻ trên những bước chập chững đầu tiên.
Chúng ta thường không quan tâm đến những ảo vọng quá xa vời, vì cho rằng chúng hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng thực chất chúng lại là hệ quả của những mong ước rất nhỏ bé, gần gũi luôn hiện diện trong mỗi người. Chúng ta nên tận dụng để biến chúng thành sức mạnh tiềm ẩn, từ đó phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Vì lẽ đó, chiếc thuyền một buồm vẫn luôn là nàng thiên nga duyên dáng trong tôi và là động lực để tôi luôn cố gắng.
Bây giờ, tôi đã hiểu sự lựa chọn của mình là như thế nào. Tôi luôn cố gắng tự kiềm chế bản thân thôi không mơ mộng nữa, và thậm chí còn có thể tự tay giết chết ước vọng của mình. Hoặc nếu không, tôi sẽ chôn vùi hình ảnh của nó vĩnh viễn trong tâm khảm, và không chút mảy may xúc động những khi thoáng nghĩ về nó. Tôi đã rất quyết tâm khi nghĩ như thế, nhưng cuối cùng, chính tôi lại gián tiếp vực ước mơ của mình sống dậy mà không hề biết. Ngày ngày, tôi vẫn đều đặn đến xưởng tàu và tiếp tục làm bạn với thuyền trưởng, người đã mở ra cho tôi những kiến thức vỡ lòng về nghề đi biển. Và trong tôi giờ đây vẫn không nguôi chờ đợi, chờ đợi cái ngày được trải nghiệm những thử thách mới nơi vịnh Đại Nam - một thiên đường lý tưởng cho nghề đi biển.
Có bao giờ bạn được người khác nhìn với ánh mắt đầy ngưỡng mộ khi làm bạn với những người nổi tiếng chưa? Cảm giác đó hẳn sẽ rất thú vị. Tôi có một cậu bạn học sống gần biển, khi tôi bảo với nó rằng thuyền trưởng Harrison Watts là “người bạn đặc biệt của tớ” thì ngay lập tức, tôi trở nên nổi tiếng trong mắt nó. Và nó vô cùng hãnh diện khi được mời tôi ra khơi trên chiếc thuyền của anh trai nó. Nói là thuyền cho oai chứ thật ra đó chỉ
là một chiếc xuồng có buồm, nhỉnh hơn xuồng của thuyền trưởng một chút, có một cột buồm đơn, và lúc nào cũng lắc lư trên mặt nước, ngay cả những khi gió nhẹ. Nhưng tôi không lấy đó làm khó chịu.
Chúng tôi thay phiên nhau điều khiển thuyền. Và thỉnh thoảng thuyền lại đổi hướng, phần lớn đều do sơ suất. Một cách gián tiếp, càng ngày tôi càng tiến gần hơn đến giấc mơ của mình, nhưng tôi không nhận ra điều đó. Tôi chỉ biết một điều rằng, hiện tại tôi đã thực sự thoát ra khỏi không gian nhỏ bé của con lạch, mặc sức vẫy vùng nơi vịnh biển bao la, nhịp nhàng sóng vỗ. Tôi đã học được cách vận dụng sức gió vào việc căng buồm thay vì khỏa mái chèo như trước đây. Từ đó, tôi bắt đầu nghĩ đến việc mình nên có một chiếc thuyền và không nhất thiết phải là chiếc thuyền một buồm màu xanh ấy. Tôi quyết định thổ lộ ước mơ của mình cùng dì dượng (tôi đang sống cùng họ) chỉ với mong muốn có người chia sẻ, lắng nghe chứ tôi không hề nghĩ rằng họ sẽ cho mình một khoản tiền lớn như thế. Và thậm chí, dì dượng có thể gạt phăng ước mơ của tôi đi vì cho rằng đó chỉ là những ý thích nhất thời của trẻ con, rồi sẽ nhanh chóng lụi tàn theo thời gian.
Nhưng tôi đã sai, bởi người lớn luôn có những hành động hoàn toàn ngược lại với những suy nghĩ của con trẻ. Dì dượng không cho tôi tiền, nhưng bù lại, họ cho tôi cơ hội tiếp xúc với chú Ed Doubrava - người đã xây ngôi nhà mới cho họ và cũng là người sở hữu một chiếc thuyền có động cơ. Tôi không biết những người khác thì sao, chứ với tôi, tôi chẳng bao giờ thấy chán khi nhìn chú làm việc. Đáp lại sự lao động cần mẫn của chú, khung gỗ của ngôi nhà dần dần hiện lên, từng phòng từng phòng một, dường như đẹp hơn cả trong bản thiết kế. Trái ngược với những công trình mà chú tạo ra, vóc dáng chú gầy guộc với khuôn mặt rám nắng và mớ tóc mỏng màu xám nom đến tội nghiệp. Mặc dù bị một tật nhỏ ở chân, di chứng của một căn bệnh lúc chú còn nhỏ (điều này dượng cho tôi biết), nhưng chú vẫn giữ được sự linh hoạt trong việc di chuyển.
Lúc nhỏ, chú Ed Doubrava mắc phải chứng bại liệt nửa người, và cánh tay là phần bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng nhờ chăm chỉ lao động nên nó vẫn phát triển bình thường với những cơ bắp nở nang. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp chú chính là cánh tay, nó ngắn ngủn trông mới dị dạng làm sao! Nhưng qua một thời gian tiếp xúc với chú thì điều đó không còn là mối quan tâm của tôi nữa. Trong lúc làm việc, chú hay trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng lại nhờ tôi giúp việc này việc khác. Thoạt đầu, tôi chỉ giúp chú làm những việc lặt vặt, dần dà, chú dạy tôi những việc khó hơn như cách đóng ván gỗ ngoài giàn khung và lợp mái nhà. Vào những lúc có thể, tôi luôn tranh thủ cơ hội để kể cho chúnghe về ước mơ của mình. Chú lắng nghe một cách chăm chú, nhưng rồi chỉ gật gù ra vẻ hiểu ý, ngoài ra chẳng bình luận gì thêm. Nhưng tôi cũng không lấy thế làm buồn. Khi ngôi nhà đã hoàn tất, chú vẫn cho tôi theo chú như một cậu nhóc học việc trong mùa hè, sửa sang lại những ngôi nhà quay mặt ra biển bị gió làm tốc mái.
Như một thông lệ, cứ bảy giờ mỗi sáng, chúng tôi lại rời Vịnh Biển và thẳng hướng ra vịnh. Do phải di chuyển thường xuyên như vậy để sửa nhà nên chú Ed biết khá rõ các eo biển và nắm được lịch trình lên xuống của thủy triều, thậm chí chú còn thông thuộc cả những con đường tắt xuyên qua bãi cát ngầm và đầm lầy nước nông. Chú đã truyền lại cho tôi những kinh nghiệm quý báu đó. Ngoài ra, tôi còn học được ở chú cách xem màu sắc mặt nước, khi nào thì đủ an toàn để lướt chậm qua bãi cát cửa sông và khi nào thì cần phải đi đường vòng một cách khôn ngoan.
Tôi và chú Ed đã trải qua một tuần sống trên thuyền ở đảo Cây Sồi khi chúng tôi đến dựng lại ngôi nhà bên bờ biển bị gió lốc quật ngã. Một ngày nọ, sau khi làm việc xong, chú đến bên đám sậy cao cạnh nhà và lôi ra một con tàu nhỏ cũ kỹ. Con tàu này vốn loang lổ những mảng bong tróc và sét gỉ này đã được chủ nó - một người bạn của chú Ed - sửa chữa tạm thành chiếc thuyền buồm trước khi tặng nó cho chú. Khi tôi còn đang trố mắt lên
nhìn với một vẻ kinh ngạc thì chú vỗ vỗ vào mạn thuyền và cười nói với tôi rằng từ nay, nó thuộc về tôi.
Chiếc thuyền nhìn sơ qua trông có vẻ ổn với một cột buồm và sào căng buồm, duy chỉ có một thiếu sót, đó là không có vải buồm. Tôi nói điều đó với dì tôi - một thợ may giỏi, và dì đã nhiệt tình giúp tôi bằng cách dùng một cặp drap trải giường nối lại với nhau. Tuy nó không được bền chắc như vải bông Ai Cập, loại vải may buồm được ưa chuộng thời đó, nhưng trông nó cũng khá phù hợp với chiếc thuyền của tôi. Một cảm giác sung sướng bất chợt dâng lên trong lòng khi giờ đây, tôi đã phần nào chạm đến ước mơ - tôi đã có một chiếc thuyền buồm của riêng mình, và tôi gọi nó bằng một cái tên đầy ngẫu hứng: Chiến Hạm Đỏ.
Lần đầu tiên ra khơi trên chiếc thuyền mới, chú Ed và tôi căng buồm đi vòng quanh đảo Cây Sồi, một hải trình mà có lẽ suốt đời tôi không thể quên. Chúng tôi lướt qua mặt nước chỉ cao khoảng 1,5 mét so với đầm lầy phía dưới và có thể lắng nghe được cả cơn gió mặn đang rì rào trong đám sậy. Tại bờ Bắc của hòn đảo, chú Ed chỉ cho tôi thấy một đôi chim gầy guộc lưng đen, có đuôi trắng xòe ra đang lượn hình vòng cung. “Đó là loài chim có cái tên rất lạ: “Scissor-bills”, chú bảo. “Chú đã thấy nó ở đây từ khi còn nhỏ, và chú cho là nó đã ở đây cả triệu năm rồi không chừng.”
Sau ngày hôm đó, tôi đã có thể tự đi thuyền một mình. Khi mùa hè tới, chúng tôi đi từ cảng này sang cảng khác dọc theo Hỏa Đảo trên chiếc thuyền có gắn động cơ của chú Ed, tất nhiên kéo theo cả chiếc Chiến Hạm Đỏ phía sau. Tôi thường bước lên boong tàu, đi về phía đuôi tàu ngắm nhìn chiếc thuyền buồm của mình đang hăm hở rẽ sóng, nối đuôi theo chiếc thuyền gắn động cơ của chú Ed. Nhưng khi mùa hè trôi qua, tôi nhận thấy mình cần phải có một cái gì đó vĩ đại hơn chiếc Chiến Hạm Đỏ, và khi ấy, dượng đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng sẽ không có gì đáng ngại khi đổ vốn “đầu tư” cho tôi.
Mùa xuân năm sau, chú Ed tìm thấy một chiếc thuyền buồm tại xưởng đóng tàu ở vịnh Bellport, thuộc phía Đông bờ biển Trường Đảo. Nó dài gần 7 mét, với một tấm ván có thể bật lên bật xuống ngay trên sống thuyền và một bộ buồm tốt. Với cái giá tương đối hợp lý là 350 đô la, không chút do dự, dượng tôi ký ngay cho tôi một tấm séc, và ngay khi thời tiết trở nên ấm áp hơn, tôi lập tức dong buồm đưa thuyền về nhà.
Con thuyền bị rạn nứt, có đáy tròn nên đã làm hao phí một lượng nhiên liệu đáng kể. Vì thế, nó không thể lướt đi nhẹ nhàng như một chú hải cẩu mà đằm mình như một con hà mã. Nó không có mỏ neo đẹp, thậm chí không thể cho tôi những chuyến ra khơi suôn sẻ, nhưng dù gì nó cũng là của tôi, và tôi đã gắn bó với nó suốt hai năm liền nên chẳng có lý do gì để tôi ghét bỏ nó. Tôi đã quen với những “căn bệnh” của nó cũng như học cách sống chung với nó.
Trong suốt thời gian đó, tôi đã nhiều lần nhìn thấy chiếc thuyền một buồm màu xanh mờ mờ nơi đường chân trời ở Hỏa Đảo, lướt qua bờ biển phía Nam khi hoàng hôn dần buông xuống. Nó vẫn bí ẩn như ngày nào, như nỗi ám ảnh trong những giấc mơ của tôi. Và vào cuối mùa hè năm đó, tôi lại bất ngờ được sở hữu một chiếc thuyền buồm khác, khi đọc được mẩu quảng cáo trên tờ Lính Gác Vịnh Biển:
“Có bán chiếc thuyền một buồm Timber Point dài 8 mét với boong màu sáng và thân màu xanh, hai bộ buồm lớn. Giá 1.250 đô la. Không mặc cả”.
Tôi đưa cho dượng xem mẩu quảng cáo, (chỉ đơn giản là đưa cho dượng một thông tin, chứ chẳng dám nuôi hy vọng gì). Và tôi còn nhớ dượng đã ngồi đó, nhìn chằm chằm vào mẩu tin ngắn ngủn ấy lâu đến mức nào, cuối cùng, dượng quay sang hỏi tôi: “Thế con nghĩ chúng ta có thể bán được chiếc thuyền hiện tại với giá bao nhiêu?”.
“Có thể là 500 đô la”, tôi trả lời. “Và con có 150 đô la tiền tiết kiệm được khi làm với chú Ed”.
“Hay đấy”, dượng nói. “Sao chúng ta không đến xưởng tàu và xem chiếc Timber Point ấy trông như thế nào nhỉ?”
Chúng tôi đứng bên nhau hồi lâu, ngắm nghía thân tàu màu xanh đang phơi mình trên lối đi của xưởng. Mặc dù ở trên cạn nhưng trông nó vẫn oai phong như khi ở dưới nước. Đáy tàu màu đồng đỏ để lộ ra sống thuyền cứng cáp. Tuy chỉ mới thấy lần đầu nhưng trong tôi đã dậy lên một tình cảm thân thuộc; từ nay, nó sẽ là “Nữ hoàng” của tôi.
Ngẫm lại mọi việc, từ người bạn học và chiếc thuyền buồm của anh trai cậu ấy đến chú Ed và chiếc Chiến Hạm Đỏ của bạn chú ấy..., và cả việc nhờ dì tôi may giúp cái buồm hay đưa cho dượng đọc mẩu quảng cáo, tôi nhận thấy tất cả giống như có một sự sắp đặt khá là lô-gic. Nhưng điều tôi muốn đề cập đến ở đây là ý nghĩa của những việc này. Giờ thì tôi đã có thể hiểu rằng, nếu chúng ta có một ước mơ mãnh liệt, cố gắng theo đuổi và nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày thì nó sẽ không bao giờ lụi tắt. Theo thời gian, giấc mơ của chúng ta sẽ lớn dần lên, điều khiển những hành động tuổi trẻ của ta, làm thay đổi cuộc đời ta.
Tôi thận trọng neo chiếc “Nữ hoàng” trong một con kênh dài, hai bên bờ được bao bằng những kè đá lớn. Sẽ không thành thực chút nào nếu tôi nói rằng tôi không tự hào khi được sở hữu con thuyền ấy. Quả thực tôi vô cùng hãnh diện khi thấy những người đi xe máy ngang qua giảm tốc độ chỉ để ngắm nghía con thuyền của tôi, đặc biệt là những lúc tôi có mặt trên thuyền, căng buồm và chuẩn bị ra khơi. Nhưng sẽ không đáng cho một giấc mơ đầy khát vọng như thế nếu con thuyền chỉ đơn thuần được xem như một vật trang trí chỉ để ngắm nhìn cho vui mắt.
Chiếc thuyền này đáng giá hơn nhiều. Bởi bản thân nó là sự am tường về thế giới đại dương: gió, nước, thủy triều, những chú
nhạn biển hay những cơn sóng mặn mòi. Nó là sự hòa hợp, là hiện thân của sóng gió, bão bùng, của cả những gì êm dịu, hứng khởi giữa chốn trời nước đầy khám phá nhưng cũng lắm thử thách. Con thuyền không đơn giản chỉ là phương tiện, cũng không phải là một vật vô tri vô giác, càng không phải là vật thay thế, mà nó mang trong mình giá trị đích thực, là bản chất của cuộc sống - một cuộc sống tôi hằng khao khát. Cuộc sống ấy nảy nở trong tôi từng giờ, từng ngày, thậm chí cả từng phút, từng giây, và mỗi lúc một lớn dần lên. Nó không thể chết nếu như tôi vẫn đang tồn tại, đó là một sự thực hiển nhiên.
Tôi nhận thấy rằng khi chúng ta giết chết ước mơ của bản thân thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự hủy hoại mình, mặc dù máu vẫn lưu thông trong huyết quản. Thường ngày, chúng ta có thể chứng kiến những cái chết như thế ở khắp mọi nơi: trong trung tâm thương mại, các cửa hàng thời trang hạ giá, giữa những đám đông ồn ào trong ngày Giáng sinh. Chúng ta thấy rõ những con người đang nhốn nháo, mua mua bán bán kia, hối hả ném tiền vào việc mua sắm như thể chính điều đó rồi sẽ làm dịu đi những nỗi đau mà họ đang gánh chịu, thậm chí cả những nỗi đau mà chính họ cũng không nhận ra.
Tôi biết một cặp vợ chồng có thói quen đi mua sắm với mong muốn trút được những muộn phiền đang trĩu nặng trong lòng. Bất cứ khi nào gặp phải những áp lực vượt quá sức chịu đựng, họ liền đi mua sắm. Điều đó cũng có tác dụng, nhưng chỉ được trong chốc lát, rồi sau đó, mọi việc lại đâu vào đấy và họ chẳng thể hiểu lý do tại sao. Nhưng tôi thì biết. Đó là bởi họ xem việc mua sắm đồ đạc như một cách để trốn chạy thực tế trước mắt, chứ không hề nghĩ rằng chúng hoàn toàn không thể biến những gì họ đang thực sự khao khát thành hiện thực. Xét về một phương diện nào đó, nó cũng là cuộc sống, nhưng là một cuộc sống trống rỗng và vô vị.
Và những người hay khoe khoang - những người luôn tìm cách thao túng tiền bạc và thị trường để tích lũy thêm của cải, tiến
thêm một bậc trên nấc thang giàu có - họ được những gì? Chúng ta thường nhìn họ với vẻ ngưỡng mộ khi thấy họ kiên trì theo đuổi mục tiêu của bản thân. Cũng không ít lần chúng ta thầm khâm phục họ, có lúc lại ghen tỵ với họ, vì họ sở hữu sự nhạy bén, táo bạo - những điều mà chúng ta không có.
Nhưng thực tế lại chẳng có gì là hoàn hảo cả. Vì những thứ họ mải mê theo đuổi ấy chẳng bao giờ là đủ, và họ sẽ chẳng bao giờ ngừng việc tìm kiếm, cho đến lúc thảng thốt nhận ra: mọi thứ mà họ nghĩ là đã thuộc về mình trong phút chốc bỗng trôi tuột qua kẽ tay như những hạt cát. Nhưng với một cậu nhỏ - là tôi ngày ấy - chiếc thuyền một buồm màu xanh chính là vật sở hữu đáng giá nhất. Cuối cùng thì tôi cũng có được chiếc thuyền đó. Tôi thích thú khám phá nó và khi không còn cần đến nó nữa, tôi sẽ cho đi một cách rất vui vẻ và tự nguyện.
4
HÃY LẮNG NGHE, GIÓ SẼ CHỈ HƯỚNG CHO BẠN
V
ào cái ngày mà tôi chạy thử chiếc “Nữ hoàng” lần đầu tiên, gió nổi lên từ phía Tây Nam với vận tốc 10 hải lý và có lúc vượt trên 15 hải lý. Tôi đổi đường chạy ra khỏi con
kênh, cái vịnh mênh mang sủi bọt với những cơn sóng bạc đầu từ đất liền ngang qua bờ biển cách đó khoảng 13 km. Thông thường, một chiếc thuyền buồm không đi thẳng theo hướng gió mà chỉ tạo thành một góc nhọn so với hướng gió, tầm khoảng 45o. Nhưng tôi lại muốn cắt góc càng gần càng tốt, vì tôi muốn đi thẳng hướng Nam về phía bãi cá, nơi tôi biết mình có thể thấy chiếc Nimrod ở đó.
Xa xa phía chân trời, tầm mắt của tôi đã nhanh chóng phóng đến tháp nước ở Saltaire. Nó là cái đích mà tôi cần nhắm đến, là kim chỉ nam trong chuyến hải trình của tôi. Tôi phát hiện ra rằng nếu mình cứ thẳng hướng đến đó và vẫn giữ nguyên hướng đi mà không cần để ý đến tác động của sóng biển hay gió, thì tôi phải lái chiếc thuyền buồm chính xác theo một góc thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Điều này cũng giống như khi ta mất cân bằng trong cuộc sống. Thay vì quan tâm đến môi
trường trực tiếp tác động ở xung quanh, chúng ta lại cứ bám víu vào những điều không thực tế với hy vọng rằng nó sẽ là chiếc phao cứu hộ giúp mình khỏi chết chìm.
Tôi đứng sau bánh lái, ngược phía cánh buồm, đối trọng với sức gió. Mỗi lần con thuyền nghiêng về phía có hướng gió, thì cánh buồm như thể chạm hẳn vào mặt nước và tay lái thì tuột khỏi tầm tay tôi. Khi con thuyền tự định lại hướng, tôi mau mắn chụp lấy tay lái bằng tất cả sức mạnh của mình, và lại để mất lái khi chiếc thuyền nghiêng đi lần nữa. Tôi giong thuyền đi theo con đường ngang qua vịnh, chuệnh choạng hệt người say. Tôi thật sự lo âu mỗi khi di chuyển sang phía mạn khuất gió, e rằng sự mất cân đối về trọng lượng hai bên mạn thuyền sẽ khiến con thuyền bị lật úp.
Khi đã rời đất liền chừng 8km, tôi thấy chiếc Nimrod đậu neo ở dải nước nông với một boong tàu đầy ắp cá. Và thuyền trưởng đang vẫy vẫy tôi với vẻ mặt cáu kỉnh. Tôi đoán rằng thủy triều có thể sẽ dâng đủ cao để tôi vượt qua bãi cát cửa sông mà không bị mắc cạn. Tôi cho thuyền chạy sau đuôi chiếc Nimrod rồi thẳng hướng tiến theo chiều gió, giữ khoảng cách 3 mét giữa hai thân thuyền. Có vẻ đó là một khoảng cách vừa đủ an toàn, và có thể nói là quá thừa nếu như tôi đang điều khiển chiếc Chiến Hạm Đỏ hay chiếc thuyền có đáy tròn ngày trước. Nói tóm lại, những con thuyền mà tôi từng sở hữu trước đây chẳng khác gì chiếc nút bần dập dềnh trên nước so với “Nữ hoàng” hiện tại của tôi.
Chiếc “Nữ hoàng” có sống thuyền bằng chì, nặng khoảng 5 tạ, do đó, tạo cho thuyền một sức đẩy tốt, một nguyên lý khá cơ bản trong cuộc sống mà tôi cần phải học. Chiếc thuyền vẫn băng băng rẽ sóng và mạnh mẽ tiến về phía trước, dù cho tôi có cố gắng bẻ ngược bánh lái. Tôi tìm mọi cách xoay hướng thuyền, nhưng lóng ngóng thế nào tôi lại đẩy nhầm hướng tay lái. Mũi thuyền sắc nhọn của “Nữ hoàng” lập tức đâm sầm vào mép chiếc Nimrod, làm một khúc gỗ nặng chòi ra khỏi ván. Thuyền
trưởng hét to, nhưng tôi hiểu rằng ông bực mình vì những kỹ năng non nớt của tôi hơn là vì thân thuyền bị hư hỏng.
Không nói không rằng, ông chui vào trong khoang chiếc Nimrod, lôi ra một cái cưa cầm tay và bước lên sàn thuyền của tôi. Khi vào đến buồng lái, ngay lập tức ông cưa cái cần lái dài 2 mét của tôi ra làm đôi một cách dễ dàng, mà không cần hỏi ý kiến chủ nhân.
“Quá dài”, ông nói như giải thích, rồi ông nhúng tay vào làn nước đục, nói thêm: “Những khi gió nhẹ như thế này, cậu hãy ngồi vào mạn phía bên này của thuyền”.
Ông chỉ vào mạn khuất gió của buồng lái, cái chỗ mà tôi sợ chết khiếp, và bảo tôi thả neo. Ông ngồi trên sàn thuyền với cái cần lái cụt vác trên vai phải. Ông không ghì chặt cần lái như tôi, mà cầm nó một cách hờ hững bằng ngón cái và ngón trỏ, như thể ông đang lắng nghe âm thanh rì rào của sóng vang lên từ tay lái kẹp giữa các ngón tay ông. Lúc này, trông ông hệt như một nhạc sĩ đang chơi một nhạc cụ được hòa âm đúng điệu.
“Cậu cần phải cưỡi lên cơn gió”, ông nói với tôi. “Khi cậu lái thuyền, lúc nào cậu cũng phải làm chủ cơn gió.”
Ông bảo tôi rằng, bằng cách ngồi bên mạn khuất gió của con thuyền, ngay dưới buồm chính, thay vì trên sàn phía đối diện với nó, tôi có thể nhìn thấy cạnh phía đuôi của chiếc buồm hình tam giác, chiếc buồm nhỏ phía trước cột buồm.
“Lái thuyền theo cái buồm này”, ông nói, “xem khi nào cái buồm thẳng lên. Hãy để con thuyền cưỡi gió cho đến khi mép trước của cái buồm gần với đỉnh nhất, sau đó nới lỏng cho đến khi không còn rung nữa. Rồi khi con thuyền lấy được đà, để nó cưỡi gió thêm chút nữa”.
Nhiều năm về sau, tôi được tiếp xúc với nhiều thủy thủ am hiểu về nguyên tắc đi biển và họ đã không ngại ngần chỉ bảo thêm
cho tôi những kỹ thuật quan trọng khi lái thuyền. Về cơ bản thì họ không thể dong buồm như cái cách mà thuyền trưởng chiếc Nimrod đã dạy tôi, hoặc nếu có thì chỉ là do sự di chuyển của chiếc thuyền nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhưng từ cách truyền đạt sống động của thuyền trưởng - “cưỡi cơn gió” - tôi có thể nắm được sự cân bằng tinh tế giữa bản thân, con thuyền và biển cả.
Những cơn gió nhẹ mùa hè đang tung hoành ở vịnh Đại Nam đến từ phía Tây Nam có tính quy luật mỗi ngày. Gió nổi lên vào buổi sáng sớm, qua Đại Tây Dương, tăng tốc trong ngày khi mặt trời lên cao và dịu đi vào buổi tối khi mặt đất hạ nhiệt. Là một thủy thủ mới chập chững vào nghề, tôi tin chắc rằng những cơn gió mùa hè không đổi quy luật và tôi có thể yên tâm khi dong buồm theo nó. Nhưng không, khác với những gì tôi đinh ninh, đó là những cơn gió với hướng và vận tốc luôn luôn thay đổi. Nếu muốn đi biển và trở thành một thủy thủ thực thụ, tôi còn cần phải nghe theo những cảm nhận của các giác quan.
Khi gió thổi mạnh hơn một chút, nó có thể làm đầu kim la bàn dịch chuyển chút ít về phía Tây, hơi khó nhận thấy. Khi gió yếu đi, nó lại làm đầu kim la bàn dịch chuyển một ít về phía Nam. Có thể những thay đổi này qua mắt được tôi nhưng nó không thể qua mắt được con thuyền. Cứ mỗi lần gió đổi hướng, thuyền lại nhổm cao hơn về hướng gió đã đổi, tự nó hoàn toàn có thể tự điều khiển được, cứ như thể nó biết suy nghĩ vậy.
Ngồi trong khoang lái, tôi không cần phải chỉnh hướng cũng như chú ý đến việc xem con thuyền muốn làm gì. Tôi cầm cần lái hờ hững giữa ngón cái và ngón trỏ, theo cách mà thuyền trưởng đã chỉ. Tôi để con thuyền tự đi, để nó cưỡi lên ngọn gió cho đến khi đỉnh của mũi buồm rung lên nhè nhẹ. Tiếp theo, tôi chỉnh hướng cho nó chệch ra khỏi cơn gió một chút đến khi buồm no gió thêm lần nữa và không còn rung. Sau đó khi cơn gió mạnh hơn, tôi lại cưỡi nó và để sự hưng phấn của con thuyền lan tỏa khắp tâm hồn mình.
Người thủy thủ nào không lắng nghe theo cơn gió thì anh ta sẽ đi trên một hành trình dựa vào những tín hiệu từ đất liền: tháp nước, ngọn hải đăng hay gác chuông nhà thờ... Anh ta cố gắng bám chặt lấy điểm đến ấy như thể một ông vua không chịu rời ngai vàng, hay một kẻ cuồng tín cứ bấu víu vào đức tin, miễn sao có thể giúp họ thoát ra khỏi những dòng chảy hỗn độn đang quay cuồng trong đầu. Anh ta không lái thuyền theo cơn gió mà đi biển theo niềm tin của mình. Anh ta hoàn toàn không biết một điều rằng, chính niềm tin ấy sẽ làm thui chột dần các giác quan của anh ta, cũng như làm mất đi khả năng nhìn, suy nghĩ, cảm nhận, tiên đoán và cách đối phó trước những trở ngại - các kỹ năng mà một thủy thủ thực thụ cần phải có.
Và những thủy thủ như vậy thường không hiểu chút gì về nghề đi biển. Anh ta sử dụng nhiều gió hơn mức cần thiết để đến được nơi mà anh ta muốn, và như thế trên chặng đường đua theo chiều gió, anh ta chắc hẳn là người cuối cùng cán đích. Nhưng không chỉ vậy, với tất cả những người lái thuyền mà tôi biết, anh ta là người có ít niềm vui nhất, bởi anh ta đã đánh mất sự tinh anh của chính bản thân. Cuối cùng, những gì anh ta có thể thu được từ huyến đi chỉ là những quy tắc cứng nhắc mà thôi, và đó thực sự là một thảm kịch.
Sẽ thích hợp hơn, nếu anh ta là một quan tòa, người mà lúc nào cũng quan tâm đến những câu chữ khô khốc trong các điều luật hơn là quan tâm đến các nạn nhân. Hoặc anh ta là một ông chủ, lúc nào cũng tỏ ra ưu ái những mục tiêu lợi nhuận trước mắt hơn là những nỗ lực của công nhân. Những người này là đại diện của sự cứng nhắc tuyệt đối. Họ không chịu thích nghi mà quyết tâm giữ vững những quy luật của mình, những nguyên tắc, những lịch trình... như thể thế giới này là của riêng họ và không gì có thể làm họ thay đổi. Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao họ lại theo đuổi một kết cục không lối thoát một cách bền bỉ như thế, thì câu trả lời là, hay chí ít cũng một phần nào đó, họ thực sự giống như những thủy thủ chưa từng bao giờ học được cách cưỡi lên cơn gió.
Giờ đây, khi đã bước vào tuổi xế chiều, tôi đã nhận ra một điều: tôi không có đích đến, cũng không có một mục tiêu thực sự theo lẽ thường. Đích đến, điểm mà cả cuộc đời tôi hướng đến, tự nó là một hành trình, không phải là điểm dừng chân cuối cùng. Với tôi, làm thế nào để có thể đến đích quan trọng hơn là khi nào về đích. Mặc dù tôi sẽ cán đích, nhưng tất cả những gì tôi cần phải nhớ lúc này đây, quan trọng hơn bao giờ hết, là phải lắng nghe cơn gió, gió sẽ nói cho tôi biết mình nên làm gì.
5
KHOẢNG CÁCH GIỮA HAI ĐIỂM LÀ MỘT ĐƯỜNG ZÍC-ZẮC
T
ôi mời Martha Coogan, cô bé học chung lớp có mái tóc đen thật dễ thương đi thuyền cùng mình. So với tụi con trai trong lớp, tôi không có sức hấp dẫn gì cho lắm,
nhưng tôi lại có lợi thế khác. Đó là chiếc thuyền màu xanh thật đẹp, nó làm tôi trở nên nổi bật trong mắt cô nàng.
Đúng vào thời điểm ấy, tôi đang học môn hình học phẳng, và tôi đặc biệt lưu tâm đến tiên đề đầu tiên và quan trọng nhất của Euclid: khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng. Và ngay lập tức tôi áp dụng tiên đề đó vào việc chinh phục Martha. Với tôi đây là con đường trực tiếp và ngắn nhất để đi đến trái tim nàng.
Martha nhận lời không một chút do dự. Nhưng tôi đã ngây thơ không nhận ra rằng, cô nàng thích được ngắm biển trong khi thuyền chạy hơn là việc ở cạnh tôi. Martha điệu đàng trong bộ đồ tắm như bị dính cứng ở mũi thuyền, nhưng ngay khi sóng bắn qua khoang thuyền, cô nàng liền rút lui ngay vào trong khoang lái. Nàng chẳng muốn bị ướt chút nào.
Tôi quyết định thẳng hướng đến Saltaire, thả neo con thuyền và thả bộ dọc bờ biển nơi chúng tôi có thể bơi lội thỏa thích trong những đợt sóng dập dờn. Ngặt nỗi, đích đến của chúng tôi lại thẳng hướng với cơn gió, vì thế tôi phải chạy đường zíc- zắc để có thể đến được nơi đó. Nhưng điều này đã khiến Martha khó chịu, còn hơn cả khi bị những tia nước mặn làm rối mái tóc được nâng niu tỉ mẩn của cô nàng.
“Thuyền của anh không thể chạy nhanh hơn được à?”, cô nàng bực dọc hỏi, “Tại sao anh lại cho thuyền chạy lòng vòng mất thời gian như thế? Anh không thấy Saltaire ở đằng kia à?”.
Suýt chút nữa thì tôi đã phạm phải một sai lầm tai hại là cố giải thích cho cô nàng hiểu tại sao mình không thể cho thuyền chạy nhanh hơn và phải đổi đường chạy. Trong cuộc đời, cũng có những lúc ta sáng suốt nhận ra rằng, trong một số trường hợp, những lời giải thích sẽ là thừa thãi, chẳng giải quyết được gì. Và đây là một trường hợp như thế. Tôi bực tức ngắt lời cô nàng: “Tôi sẽ phải nói cho cậu cái gì đây hả Martha? Sao cậu không tự đi mà tìm lấy một anh chàng bảnh chọe nào đó có chiếc xuồng máy ấy. Khi ấy cậu tha hồ lượn vòng quanh vịnh theo cách nào tùy thích”. Lập tức, tôi quay thuyền trở lại bờ và thả cô nàng xuống đất.
Và bây giờ với tôi, tiên đề của Euclid đã không hoàn toàn đúng. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm không phải là một đường thẳng, ít nhất là không phải khi chúng ta đang lái thuyền hay đang tán tỉnh một cô nàng.
Một lần sau đó, tôi thấy Martha Coogan đang đi cùng với một cậu trai khác trên chiếc xuồng nhẹ có gắn một cặp động cơ mạnh phía ngoài lòng thuyền. Nó làm ầm ĩ cả vịnh, cứ như thể đang đi tuần tiễu vậy. Nó lượn quanh tôi vài vòng. Martha thậm chí còn vẫy vẫy tôi với vẻ dương dương tự đắc khi chiếc xuồng đi ngang qua, và sau đó thẳng hướng ra Hỏa Đảo, nơi mà tôi từng
nghĩ rằng chúng tôi sẽ cùng nhau bơi trong sóng vỗ. Dù vậy, trong tôi chẳng hề gợn lên chút xíu ghen tị nào.
Nhưng bọn họ lại chẳng để tôi yên! Khi đã đi được chừng nửa đoạn đường, chiếc xuồng máy quay đầu trở lại. Cả hai vượt qua tôi lần nữa, tạo ra lực đẩy ngược chiều gió, trong khi tôi vẫn đang ở hướng chạy cũ với tốc độ khá chậm. Nhưng chẳng mảy may để ý đến bọn họ, tôi biết mình đang đi đâu.
Đuôi của chiếc xuồng máy tạo ra một lằn nước lớn, làm chiếc xuồng nhồi trong sóng với một lực khá mạnh, đủ làm lung lay mấy cái răng trong miệng bọn họ. Nhưng có vẻ như thế cũng chẳng hề hấn gì, thậm chí càng làm cho hai người khoái chí. Họ ngoảnh lại và ném cho tôi một tràng cười đắc ý, như thể đó là khoảnh khắc thú vị nhất trong cuộc đời họ. Cũng có thể là như thế. Nhưng tôi biết chắc họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nghe thấy âm điệu của gió trong tiếng gào rú của động cơ xăng trên xuồng máy. Còn tôi thì luôn luôn có thể lắng nghe sự tuyệt diệu ấy những khi vi vu cùng chiếc thuyền buồm của mình.
Tất nhiên, trước sự bỡn cợt quá trớn của họ, tôi cũng cảm thấy bực mình. Nhưng với sự trầm tĩnh của một người lái thuyền buồm, trong cách tôi phản ứng thể hiện sự chịu đựng và hối tiếc nhiều hơn là sự giận dữ vì bị chọc tức. Tôi thật sự tiếc cho những người tự buộc mình vào những nguồn năng lượng nhân tạo và điều khiển chúng một cách không mục đích, rồi lại tự phỉnh phờ rằng mình đang tận hưởng cuộc sống. Và tôi càng tiếc hơn khi xã hội đã tạo điều kiện cho những suy nghĩ sai lầm đó phát triển. Tôi biết trong cuộc sống, có rất nhiều người nhầm lẫn một quá trình với sự hoàn thành một công việc, dường như họ luôn tự tin khi cho rằng mình có thể chiến thắng tất cả nếu như họ làm việc đó đủ nhanh.
“Đi vòng, Peer Gynt, đi đường vòng!”, Boyg - một thế lực siêu nhiên vô hình theo truyền thuyết Na Uy - nói, khi người hùng huyền thoại Peer Gynt trong vở kịch thơ của Henrik Ibsen(*)
đang cố gắng quật ngã con quái vật chặn đường anh giữa rừng sâu. Lần đầu tiên tôi nghe những lời nói đó là khi đi xem kịch, tôi cảm nhận chúng âm vang giữa tim mình. Tiếng nói kỳ bí ấy có thể chẳng xuất phát từ đâu cả, mà cũng có thể vang lên từ bất cứ nơi nào. Nhưng tôi hiểu nó muốn diễn đạt điều gì. “Đừng chống lại chúa tể của cơn gió, Peer Gynt, anh sẽ không thể khuất phục được nó đâu. Nhưng cũng đừng rời mắt khỏi đích đến, vì những chuyến du hành trong cuộc sống của anh chính là việc khám phá ra bản thân mình là ai.”
(*) Henrik Ibsen (1828 - 1906): nhà viết kịch nổi tiếng nhất của Na Uy thế kỷ 19.
Nhưng một người tự cao tự đại như Peer Gynt lại quá tự tin về bản thân mình, nên anh ta không hiểu điều này. Anh ta háo thắng tiến lên phía trước, đi lang thang vô định khắp nơi, không để ý gì đến lời khuyên của Boyg. Anh ta không nhận thấy rằng mình đã quá phí phạm cuộc sống cho những chuyến phiêu lưu vô ích, rằng mình đang chạy trốn số phận, lẩn tránh những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Để rồi chỉ khi trở về với gia đình trước lúc qua đời, anh ta mới có thể tìm thấy chính mình.
Đổi đường chạy của thuyền theo đường zic-zắc không có nghĩa là không đến được đích, mà chính là kết quả của việc nhận ra những chướng ngại vật trên đường đi của mình. Đó là khi chúng ta biết rõ nơi nào mình muốn đến và tìm cách di chuyển một cách thận trọng, dũng cảm, hoàn thành từng chặng đường trong cuộc hành trình cho tới khi cán đích.
Môn thể thao được yêu thích nhất trên thế giới là bóng đá có thể minh họa sống động nhất cho thực tế cuộc đời mà chúng ta đang trải nghiệm: Một cầu thủ rất hiếm khi có thể đưa quả bóng thẳng một đường từ chỗ mình có được bóng đến khung thành của đối phương, mặc dù đường ngắn nhất để tiếp cận cầu môn của đối thủ chính là con đường ấy. Người giữ bóng phải đi bằng
những đường zíc-zắc, để bảo vệ bóng và vượt qua những cầu thủ của đối phương, rồi cuối cùng mới có cơ hội ghi bàn thắng.
Hơn tất cả, bản chất cuộc sống yêu cầu chúng ta phải làm chủ được sự thật. Tôi không thể nhớ mình muốn trở thành người viết văn tự do từ lúc nào nữa. Nhưng, một cách bản năng, tôi hiểu rằng trở thành nhà văn cũng đồng nghĩa với việc tôi được là chính mình. Cha tôi cũng là một nghệ sĩ tự do, và cái cách ông sáng tạo miệt mài bên giá vẽ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi trước khi ông qua đời. Tận trong tiềm thức, tôi cũng muốn giống cha: lao động nghệ thuật và bán đi những sản phẩm trí tuệ của mình, vì tôi hiểu đó chính là thước đo những giá trị lao động chân chính của con người.
Nhưng tôi đã phải trải qua một con đường ngoằn ngoèo trước khi trở thành một nhà văn. Tôi lập gia đình và làm cha khi còn trẻ. Tôi đã thay thế gia đình cũ bằng gia đình mới của mình, trở thành một người cha thay cho người cha đã mất của tôi. Và khi đã có con, tôi phải có trách nhiệm nuôi nấng chúng và vì thế mà tôi tự buộc mình phải có đồng lương ổn định như một công chức. Vì nghề viết văn tự do, cho đến bây giờ vẫn vậy, vẫn là một nghề không ổn định.
Rồi tôi làm báo ở vị trí một biên tập viên tạp chí - một lần “đổi đường chạy” quan trọng bởi nó đã rèn cho tôi những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho công việc về sau. Sau đó, tôi làm giám đốc của một công ty quan hệ công chúng ở Manhattan, một dấu ấn khá quan trọng trong sự nghiệp, bởi công việc này giúp tôi xây dựng được nhiều mối quan hệ và giúp tôi hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của cái gọi là “thế giới đích thực” (như các đồng nghiệp của tôi thường gọi). Ở đây được một thời gian, tôi lại nghĩ đến việc nên kiếm một tấm bằng ở trường đại học. Lại một chặng đường trọng yếu khác mở ra - đến khi đó, tôi bắt đầu viết và bán được những tác phẩm của mình.
Những kỹ năng mà tôi thu được khi làm thủy thủ đã giúp tôi rất nhiều, vì chúng cho tôi những cảm nhận tinh tế về những chặng đường mình đã trải qua. Tôi thấy nhiều người quanh mình không có được cảm nhận đó nên có nhiều khả năng phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Người nóng nảy thì đổi hướng thuyền quá sớm - trong đầu luôn tồn tại tư tưởng nhảy việc, hấp tấp, hối hả trong việc kết bạn lẫn kết hôn - để rồi phải một mình gánh lấy hậu quả sau mỗi lần đổi hướng. Những người chậm chạp, kém thích nghi thì lại duy trì đường chạy quá lâu, đầu tư quá nhiều thời gian, tài năng và sức lực vào hành trình ngày càng đưa anh ta dạt xa mục tiêu đã định. Nhưng một thủy thủ dày dạn thì lại khác, anh vẫn sẽ trung thành với đường chạy, chừng nào nhận thấy nó vẫn còn thuận lợi, và sau đó, vào lúc thích hợp, anh ta chỉ việc kéo cần lái về phía cánh buồm và khéo léo đổi hướng.
Mỗi lần đổi đường chạy như vậy cần phải có một sự điều chỉnh lớn. Mũi thuyền có thể cắt ngang mặt cơn gió. Cánh buồm đu đưa từ mạn này sang mạn kia. Người lái thuyền và bạn thuyền phải thay phiên nhau cầm lái. Đất liền dần dần hiện ra từ nơi nào đó xa xôi. Và nếu bạn vẫn giữ được con thuyền trong tầm kiểm soát thì nó lại tiếp tục tiến về phía trước mà vẫn thong dong trong nhịp điệu ban đầu.
Rồi chúng ta sẽ đến đích, hay đúng hơn là kết thúc một chặng đường. Bởi thật ra, còn có những đích đến khác đằng sau đó nữa, và người thủy thủ chân chính là người lại tiếp tục rong ruổi trên biển, và biết đổi đường chạy khi cần.
6
THOÁT KHỎI XIỀNG XÍCH
“Tự do là gì? Hãy nói về con thuyền lướt đi nhẹ nhàng trên mặt nước. Chúng ta tự hỏi: Con thuyền dập dềnh trên biển tự do như thế nào? Khi hỏi như vậy, nghĩa là chúng ta muốn biết: Nó theo gió như thế nào? Nó tuân theo hơi thở vĩ đại của bầu trời đang căng đầy trong những cánh buồm ra sao? Ném mình vào đầu sóng ngọn gió, hãy xem con thuyền do dự và phân vân như thế nào, từng thớ gỗ lung lay và cả bộ khung rung lắc ra sao? Ngay cả khi nó đang tung hoành giữa vòng xiềng xích của biển cả? Con thuyền chỉ thực sự tự do khi bạn không điều khiển nó nữa và bạn sẽ nhận ra một lần nữa nó lại trở về vòng cương tỏa của những thế lực mà nó cần tuân theo và không thể khuất phục nổi.”
T
ôi đã hiểu được ý nghĩa thâm thúy trong từng câu chữ trên của Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ, trước cả khi tôi đọc được nó trên tờ lịch với những câu
danh ngôn đáng nhớ do một cửa hàng phần mềm gửi tặng. Tôi thực sự biết ơn người chủ cửa hàng ấy, vì món quà của ông đã giúp tôi hồi tưởng lại nỗi sợ hãi khủng khiếp mà mình đã trải qua khi lần đầu tiên bị ngọn gió “kìm kẹp”. Tôi đã bước xuống con thuyền, giương buồm lên và nhổ neo, hoàn toàn không nghĩ
đến những bất trắc có thể xảy ra. Một cách thật tự tin, tôi giong thuyền đi vào vùng nước rộng lớn, nơi những làn gió nhẹ mùa hè mơn man thổi.
Con kênh rộng không tới 45 mét, dài gần 1,6 km và có hình mũi tên thẳng tắp, thỉnh thoảng có những đập chắn nước nhỏ. Vì gió thổi thẳng hướng trên trục Bắc - Nam, nên tôi phải đổi đường chạy hơn một nửa chiều dài của con kênh để có thể giong ra vịnh. Tôi làm tất cả những việc ấy với một sự khéo léo đáng kể. Và sau mỗi lần đổi đường chạy nhằm tránh khỏi sự va chạm vào các đập hay những con tàu đang neo, hoặc một loạt cầu tàu đan xen dày đặt nhô ra ngoài thẳng góc với đất liền, thì khả năng lái thuyền của tôi lại tiến bộ rõ rệt.
Nhưng những cơn gió mạnh ngoài vịnh bỗng trở nên nguy hiểm một khi đã lọt vào bên trong kênh. Chúng ẩn náu sau những ngôi nhà rộng, mang kiến trúc thời Nữ hoàng Victoria (thếkỷ XIX) xếp hàng dài bên bờ biển, thỉnh thoảng quét qua những cổng vòm cửa trước theo những hướng không xác định, và lần khác lại thổi ở cửa sau, khiến người ta không bao giờ đoán trước được. Thế là con kênh trở thành cửa tử với những con sóng thất thường và những rào cản bất di bất dịch. Nó thực sự là một thách thức đối với một thủy thủ lão luyện và là một thảm họa chực chờ đổ ập xuống đầu một kẻ tay mơ trong nghề đi biển như tôi bất cứ lúc nào.
Tôi bắt đầu chạy dọc con kênh theo hình chữ chi và để ý thấy rằng hình như với những con đường ngoằn ngoèo thế này, tôi có thể tiến gần đến vịnh nhanh chóng hơn. Trong đầu tôi bây giờ chỉ tồn tại duy nhất một ý nghĩ rằng tôi cần phải tiến lên hết mức có thể trong mỗi lần đổi đường chạy. Tôi đã không nhận ra rằng trong suốt những ngày đầu, khi tôi và con thuyền bắt đầu hiểu tính nết của nhau, nếu tôi muốn giữ được quyền điều khiển, tôi cần phải để thuyền di chuyển, di chuyển bằng mọi giá, để hướng về phía cơn gió đang đổi chiều. Thực tế là, chạy
thuyền từ kênh ra vịnh còn dễ hơn nhiều so với việc đưa thuyền từ vịnh trở về kênh.
Trong cuộc sống, nghề đi biển cũng tương tự như những nghề khác, nếu bạn có được đà để tiến lên thì thật đáng quý. Bởi nó là nguồn lực thứ hai giữ cho chúng ta vững bước thêm một quãng đường nữa, sau khi nguồn lực thứ nhất - nguồn năng lượng của gió - mất đi. Trong thể thao cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà các vận động viên luôn ý thức được rằng: “quan trọng nhất là ở bước lấy đà”. Câu nói hàm ý rằng họ cần phải vượt qua khả năng vốn có của bản thân để có thể giành lấy chiến thắng bằng những nguồn lực được tích lũy từ trước. Và nếu xem xét vấn đề này theo chiều ngược lại thì nó cũng đúng. Theo cái đà vốn có, người thắng cuộc có xu hướng tiếp tục thắng, còn kẻ thua lại tiếp tục bại trận, bởi nguyên lý tự nhiên của quán tính cũng giống như con dao hai mặt. Nó được phát biểu rằng, một cơ thể đang vận động có xu hướng tiếp tục vận động, còn một cơ thể đang trong trạng thái tĩnh có xu hướng tiếp tục duy trì trạng thái cũ.
Để có thể lướt băng băng trên biển cả, thuyền phải phụ thuộc khá nhiều vào sức gió trong việc làm căng những cánh buồm. Khi chúng ta giong thuyền trên biển, nếu mũi thuyền đủ sức xé toạc cơn gió là nó đã vượt qua nguy hiểm. “Ném mình vào đầu sóng ngọn gió, hãy xem con thuyền do dự và phân vân như thế nào, từng thớ gỗ lung lay và cả bộ khung rung lắc ra sao?”. Gió thoát ra khỏi cánh buồm đang cuồn cuộn, làm nó xẹp lại và bay phần phật trên không. Nếu con thuyền có đủ lực, nó sẽ tiếp tục rẽ sóng cho đến khi gió thổi phồng cánh buồm một lần nữa ở mặt buồm bên kia.
Khi thực sự thoát ra khỏi vùng “xiềng xích”, hẳn cảm giác vui sướng, hân hoan sẽ ngập tràn trong tâm hồn người thủy thủ, cũng giống như cái cảm giác của người nô lệ khi được giải phóng khỏi những gông cùm. Con thuyền theo sát và cất cánh cùng cơn gió, và người lái thuyền, dường như rất muốn gào to
lên, rằng tâm hồn anh ta đang căng tràn niềm hạnh phúc, bởi anh ta biết rằng mình đã giành lại được quyền kiểm soát cuộc sống và số phận của mình. Nhưng nếu anh ta mất động lực, hoặc giả như chúng ta cố gắng xoay chuyển sự việc mà không có sự chuẩn bị từ trước, chúng ta sẽ mất đi những nhân tố cần thiết cho sự sống của mình, ví dụ sự tự do để có thể hành động theo ý muốn. Đó là điều đã xảy ra với tôi khi tôi cho thuyền đi theo hình zíc-zắc về phía vịnh.
Khi cho thuyền đi được nửa đoạn đường ra khỏi kênh, tôi đã mắc phải một sai lầm tai hại. Một cơn gió lách qua hai ngôi nhà và trong giây lát, nó đã đổi chiều 90o. Thay vì thích nghi với điều đó, tôi tiếp tục cắt ngang con nước vẫn một góc như cũ, và nỗ lực tiến lên phía trước càng nhanh càng tốt. Tôi không hề chú ý gì đến những cánh buồm xẹp lép không có gió, làm con thuyền của tôi loạng choạng, mất phương hướng mặc dù tôi đã cố hết sức lái theo chiều gió. Tôi đưa thuyền đến gần bờ vịnh hết mức có thể và sau đó, đẩy cần lái về phía cánh buồm chính, cố gắng để xoay chuyển tình thế và thẳng hướng sang bờ biển đối diện. Nhưng tôi lại thiếu đà để mũi thuyền có thể cắt mặt cơn gió, và lập tức, tôi đã ở “giữa vòng xiềng xích của biển cả”.
Gay go rồi! Trong phút chốc, tôi dường như không còn đủ sáng suốt để kiểm soát con thuyền của mình nữa. Tôi không biết nó đang tiến chậm chạp về phía trước, lệch sang bên phải khỏi đường chạy, hay trôi về sau. Tôi có cảm giác là nó đang làm cả ba việc ấy cùng lúc. Tôi kéo cần lái một cách liều lĩnh, nhưng con thuyền không tuân theo sự điều khiển của bánh lái, đúng theo nguyên tắc một con thuyền không có gió thì không thể kiểm soát được. Con thuyền chịu sự tác động rung lắc của cơn gió. Bị tù túng, nó tung mình vươn ra, đón lấy một chút “mảng” gió ở nơi này, một vài “mảng” gió ở nơi khác, cũng có thể nó đã bỏ lỡ những “mảng” gió nhỏ trong không khí trước khi cả cơn gió có thể cuồn cuộn làm căng buồm, và giúp cho người lái thuyền có thể tiếp tục điều khiển con thuyền.
Tôi hoàn toàn bất lực khi nhìn thấy thân con thuyền màu xanh lộng lẫy của mình đập mạnh vào một cái cọc buộc thuyền và cánh buồm bị mắc vào một nhánh gỗ nằm ngang, khiến cho nó bị đâm thủng một lỗ. Một đám đông những người hiếu kỳ - những người tỏ vẻ ta đây là những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm - xúm xít ở cuối đầu cầu gần đó chỉ trỏ và cho tôi mấy lời khuyên.
“Nhả gió ra khỏi cánh buồm hình tam giác!”, một người nói. “Đẩy cần lái theo cách khác đi!”, một người khác chỉ dẫn. “Hạ buồm xuống!”, một người nóng tính nào đó gào lên.
Nhưng mặc kệ, tôi trèo ra ngoài mui và dùng cái cột neo thuyền như điểm tựa, chầm chậm bơi thuyền vòng quanh, như thế cánh buồm có thể ăn gió, sau đó chống sào đẩy thuyền ra càng xa càng tốt. Đây thực sự không phải là một buổi diễn tập dễ chịu, nhưng dù gì nó cũng có hiệu quả. Trở lại khoang thuyền, tôi xoay buồm đúng hướng gió và trong khoảnh khắc, con thuyền đã “tuân theo hơi thở vĩ đại của bầu trời”, lại một lần nữa gió căng đầy trong cánh buồm. Tôi quay thuyền về phía trước ngang qua con kênh một cách cẩn thận để không bị mất phương hướng, và sau một vài phút, tôi đã có thể ung dung giong thuyền trong cơn gió mạnh đang tràn qua vịnh.
“Mỗi lần đổi đường chạy là một lần thay đổi”, thuyền trưởng cảnh báo tôi trong những bài học lái thuyền đầu tiên, như thể ông đoán biết trước rằng một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ bị rơi vào “vòng xiềng xích”. “Mỗi lần cậu đổi chiều”, ông nói thêm,“sẽ có những khoảnh khắc thật đáng sợ khi con thuyền đi xuyên qua tâm cơn gió”.
Nhưng tôi đã bỏ qua lời cảnh báo của ông, một phần do sự ngốc nghếch của mình, và giờ đây tôi đã thực sự thấm thía điều đó từ một người thầy vĩ đại nhất trong tất cả những người thầy: kinh nghiệm. Để đổi được hướng là một kỹ năng khó khăn nhất, và
g ệ ợ g ộ ỹ g
chúng ta thường thất bại. Nếu chúng ta cứ cố gắng thử làm theo cách không đúng, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành “tù nhân” của cơn gió.
Chỉ có một cách duy nhất để thay đổi, đó là tập hợp lại những động lực trong hành trình mà chúng ta có. Khi còn trẻ, tôi chỉ áp dụng bài học ấy trong việc điều khiển con thuyền, nhưng theo thời gian tôi nhận thấy đó là một chân lý. Bởi nó đúng cho cả cuộc sống thường ngày trên đất liền cũng như cuộc sống lênh đênh nơi biển cả. Thành thực mà nói, tôi chẳng thấy thích thú gì với những lần đổi hướng mà mình đã trải qua. Trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hai kỷ niệm đáng nhớ. Lúc còn nhỏ, tôi từng rất hối hận khi học ở một trường cao đẳng và sau đó, tôi đã không lấy gì làm thú vị với nghề mà mình đã chọn. Nhưng tôi buộc phải theo con đường ấy để thu lượm những gì cần thiết: nâng cao trình độ và kiếm sống nhờ vào cái nghề đã chọn. Tôi đã kiên trì đi trên con đường ấy cho đến khi có thể hoàn toàn thoát ra khỏi tâm của ngọn gió - khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong cuộc đời. Nếu tôi nóng lòng từ bỏ một trong hai con đường ấy, rất có thể tôi đã bị ngã quỵ và ngay lập tức, gió sẽ nổi lên nhấn chìm cuộc đời tôi, và tôi cũng không thể tưởng tượng ra việc nó sẽ cuốn mình đi đến đâu nữa.
Tôi có biết một chàng trai trẻ tài năng, học chuyên ngành âm nhạc ở trường đại học chỉ vì muốn có một tấm bằng về âm nhạc chứ không phải vì anh ta muốn theo đuổi nghề nghiệp ấy. Nhưng anh ta đã có một quyết định thật sáng suốt là không đổi hướng ngay lúc đó. Anh ta cố gắng làm trong hai năm, chơi saxo cho một ban nhạc trên tàu du lịch, tiết kiệm từng đồng trong khi suy xét xem mình thực sự cần gì. Sau đó, anh ta quyết định học luật, và đến khi ấy, anh ta đã kiếm được đủ tiền để theo hết khóa học cho đến khi tốt nghiệp. Mặc dù không phải là một thủy thủ, nhưng ở một khía cạnh nào đó, anh ta cũng đã hiểu rằng, bằng mọi giá, mình cần phải tránh được những cạm bẫy bằng cách cố gắng nương theo chiều gió.
Đối nghịch với chàng trai trẻ ở trên là một chàng trai khác, người luôn tìm cách xoay xở cho cuộc sống của mình. Với hy vọng tìm được một công việc tốt, anh ta đã không ngần ngại nhảy việc. Anh ta biện hộ cho hành động của mình rằng muốn thử xem mình phù hợp với nghề gì, muốn biết chắc về công việc mà mình sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. Tôi hoàn toàn thông cảm với suy nghĩ ấy của anh, nhưng cũng đã hơn một lần, tôi nhắc nhở anh ta rằng cần phải biết nắm chắc cơ hội, đừng vội vàng quyết định một cách chủ quan. Nếu như anh ta không muốn mãi mãi bị “kìm kẹp” bởi những nhu cầu vật chất hằng ngày, bởi thời hạn trả tiền thuê nhà hoặc chồng hóa đơn cần thanh toán mỗi tháng... thì anh ta cần phải bình tâm xem xét lại cách thức “đổi hướng” không mấy hiệu quả của mình trong suốt thời gian qua.
Trong cuộc sống không có gì hãnh diện hơn là được quyền tự quyết định tương lai của mình. Như thế, chúng ta có thể tự chọn cho mình một hành trình trong cuộc sống, chứ không phải chịu sự áp đặt của một ai. Bởi có thể những thứ người khác coi trọng lại hoàn toàn vô nghĩa với chúng ta. Chúng ta cần đưa ra những quyết định để có thể tự tin đi trên con đường của chính mình, một con đường đúng đắn!
7
BIẾT TÌM CHIỀU GIÓ
M
ột sớm mai, cùng những làn gió nhẹ, tôi giương buồm và lái thuyền về phía Hỏa Đảo. Mỗi thời khắc qua đi, gió Tây Nam mỗi lúc mỗi mạnh lên. Đến giữa buổi, tôi
nhận thấy gió bắt đầu đủ mạnh để có thể tạo nên những ngọn sóng bạc đầu trên vịnh. Với sự am hiểu về những cơn gió đầu tiên thổi vào đất liền từ phía Đại Tây Dương, tôi lướt đi như chú chim nhỏ trên biển trong cái nắng oi ả của ngày hè.
Khi đến bờ biển, tôi thả bộ dọc theo doi cát vươn ra biển. Tôi bơi lội thỏa thích ở đó, nằm phơi nắng và lim dim ngủ trên đỉnh những đụn cát mềm mại. Chiều xuống, hoàng hôn dần buông trên bầu trời phía Tây, tôi quay lại thuyền, kéo buồm lên và thẳng hướng về nhà trong làn gió ham vui đuổi theo sau.
Tôi ngồi vắt vẻo phía trên mạn thuyền có gió, ngắm từng lớp sóng khẽ xô nhau khi chúng cuộn tròn dưới thân thuyền, làm thuyền dập dờn, nhấp nhô như chiếc nôi đưa. Khi cùng con thuyền đạt vận tốc như của cơn gió, tôi như cảm nhận được những ngón tay vô hình của gió đang mơn man trên mặt mình. Phía sau lưng, mặt trời dịu dàng sưởi ấm. Không có gì tuyệt vời
hơn, tôi ngồi xuống sàn buồng lái và nhắm mắt lại, tự nhủ rằng đây là lúc để tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi đầy sảng khoái trong hành trình dài trở về nhà.
Nhưng cũng nhờ thế mà tôi may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chỉ trong tích tắc, một cơn gió bất ngờ nổi lên thổi vào phía sau cánh buồm chính mỏng manh, bốc luôn cái sào căng buồm bằng gỗ nặng lên và ném vật đó qua khoang thuyền với một sức mạnh khủng khiếp. Nó đâm sầm vào dây neo cột buồm bằng thép không gỉ, làm tung cái chốt ra ngoài khoang thuyền và đập vào cột buồm. Nếu khi ấy tôi đứng bên cạnh cái sào căng buồm thì chắc chắn đầu tôi đã nhanh chóng bị phạt lìa khỏi cổ!
Có thể cơn gió đã đổi chiều thật nhẹ, hoặc là cơn sóng đã đưa thuyền đi quá trớn về hướng Đông Bắc. Cũng có thể, vì đã không tập trung chú ý mà tôi đã lái con thuyền ra quá xa cơn gió. Nhưng có nói thế nào đi nữa thì tôi cũng đã phạm phải một sai lầm mà bất cứ thủy thủ nào cũng lo sợ, đó là đổi lái nhầm.
Khi người thủy thủ đổi đường chạy, mũi thuyền cắt ngang cơn gió, đó là khoảnh khắc thật nguy hiểm, dù chỉ trong chốc lát. Anh ta cần có đà để giữcho thân thuyền tiếp tục chuyển động trong khi buồm đói gió. Sau đó, khéo léo chuyển hướng, mũi thuyền lại cắt ngang cơn gió, nhưng không có tử điểm nào cả, cũng không có nguy hiểm gì. Tuy nhiên, chỉ cần sai một ly là đi một dặm, chỉ cần nhầm hướng một chút, và cơn gió tập trung lại trong cánh buồm, đập nó từ bên này sang bên kia khoang thuyền với một sức mạnh khủng khiếp là đủ đưa thuyền vào chỗ chết.
Khi nương theo cơn gió, một người thủy thủ tài năng phải biết chính xác mình nên rẽ thuyền vào lúc nào và làm như thế nào. Đầu tiên anh ta xoay buồm càng đúng hướng gió càng tốt, như thế nó sẽ không lượn vòng quá xa, và sau đó anh ta để dây kéo buồm chính trượt nhanh trên mặt bên kia khi sào căng buồm quét dọc khoang thuyền. Ngay cả như vậy mà vẫn có những khi
- nhất là trong gió mạnh - người thủy thủ giàu kinh nghiệm nhất cũng sẽ phải quyết định đi vòng, quay một góc 350o và làm cho mũi thuyền cắt ngang cơn gió hơn là quay 10o và đổi lái nhầm.
Nguy hiểm khi đổi lái nhầm cũng như trong phần lớn mọi việc khác, là kết quả của sự cẩu thả và vô ý. Tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm về điều đó khi khoang thuyền của tôi được sửa chữa, cái cột buồm được đóng lại và cái khóa được cài chốt trở lại đúng vị trí. Thuyền trưởng nhìn thấy con thuyền của tôi trong xưởng đóng tàu, ông gọi tôi từ trên mũi chiếc Nimrod vươn qua dải nước hẹp:
“Chuyện gì xảy ra thế?”
“Cháu nhầm lái, cháu không cố ý.”
“À”, ông bảo,“lái thuyền cùng với gió, nghe có vẻ dễ. Cơn gió căng tràn trong cánh buồm và thổi cậu đi thẳng về phía trước. Cậu ngoảnh mặt chỉ một lúc để ngắm lằn nước và thế là cái sào căng buồm bay vèo...”
“Cháu biết”, tôi khẽ đáp,“cháu biết vậy mà.”
Nhưng, sự thực là, tôi đã không biết điều ấy, và trong cuộc sống đã khá nhiều lần tôi nhận ra mình nhầm hướng trước khi tôi hiểu rằng cuốn theo chiều gió là một hành trình đầy nguy hiểm. Như bao người khác, tôi cứ ngỡ rằng thật dễ dàng để nghỉ ngơi, chìm vào sự yên tĩnh đang bao trùm quanh mình khi thuyền lắc lư trong gió nhẹ. Cho đến khi ngộ ra rằng trạng thái nửa tỉnh nửa mê ấy chính là điều nguy hiểm nhất, tôi đã thức tỉnh mình ra khỏi sự chủ quan và nắm chặt vận mệnh của mình trong tay.
Một trong những việc đầu tiên tôi cần làm là từ bỏ công việc mà mình không thích, mặc dầu tôi làm việc đó để kiếm tiền, và gia nhập hàng ngũ những người tự làm việc mà không có ông chủ nào cả. Tôi muốn được hoàn thành tâm nguyện, thực hiện
ợ g yệ ự ệ
những ước muốn bấy lâu luôn âm ỉ trong lòng, nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải tự lo các khoản tiền như bảo hiểm xã hội hay tự trả lương cho mình. Khi tôi gửi đơn xin thôi việc, ông chủ tịch công ty đã gọi tôi lên văn phòng và trách cứ vì tôi đã phạm phải một trọng tội: tự kiêu.
“Anh đang đẩy gia đình mình đến bờ vực đấy!”, ông ta nói. “Tôi thực sự không hiểu vì sao anh lại hành động như thế? Anh thật ích kỷ. Sao anh lại có thể làm như vậy với vợ con anh được nhỉ?”
Tôi muốn kể cho ông ta nghe câu chuyện về cái lần nhầm hướng đầy nguy hiểm ấy, nhưng tôi đã kìm lại được.
Nhiều năm sau, một số sự việc xảy ra làm tôi có cảm giác rằng dường như mình đã đi nhầm hướng. Tại một buổi tiệc, tôi gặp lại một người quen là giám đốc nhân sự của một tập đoàn lớn.
Ông ta hỏi tôi:
“Anh làm nghề viết tự do phải không?”
“Đúng vậy”, tôi đáp.
“Đó có phải là một nghề đúng nghĩa không nhỉ?”, ông ta lại hỏi.
Xét ở một khía cạnh nào đó thì ông ta đã hoàn toàn có lý khi đặt ra câu hỏi ấy. Bởi bản chất nghề nghiệp của tôi là sống bằng sự tự do sáng tạo và không được đảm bảo bằng một khoản lương thường xuyên.
“Tôi cho rằng không”, tôi đáp. “Sự thật là vào lúc này, tôi cũng không biết rằng trong tháng tới mình sẽ kiếm được bao nhiêu.”
“Tôi không nghĩ rằng mình có thể sống như vậy”, ông ta nhún vai. “Nó quá mạo hiểm đối với tôi!”
Trong lòng tôi thầm chúc mừng ông ta vì ít ra công việc ông ta đang làm khá ổn định, chứ không bấp bênh như tôi.
Vài tháng sau, khi có dịp gặp lại người đàn ông ấy, tôi được biết ông đã bị sa thải. Để có thể duy trì hoạt động trước sự cạnh tranh khắc nghiệt từ thị trường nước ngoài, công ty ông ta buộc phải cắt giảm nhân sự. Và hành động không mong đợi của sếp đã làm ông ta choáng váng. Tôi vẫn còn nhớ rõ từng lời của ông ta: “Tôi là một nhân viên tốt, là một người làm thuê trung thành. Vậy mà công ty lại nỡ đối xử với tôi như vậy. Tôi nghĩ rằng mình mới ngốc nghếch làm sao!”.
Ngốc nghếch ư? Có lẽ thế. Hoặc cũng có thể là như tôi trước đó, anh ta cần phải hiểu thế nào là tính tự mãn, và đặt niềm tin vào cơn gió đang tới bao nhiêu là đủ.
Trong tất cả những tai họa có thể ập xuống cuộc đời chúng ta, cái chết bất ngờ chính là điểm đến cuối cùng. Tôi biết một người phụ nữ đã tận hưởng hai mươi lăm năm hạnh phúc trong tình yêu của chồng. Anh đã làm tất cả cho chị, đáp ứng mọi nhu cầu xa xỉ nhất của vợ. Chị chẳng bao giờ phải bận tâm vì những công việc bình thường như viết séc hay sửa chữa ô-tô. Chị thong thả dong buồm trong sự ấm áp của ngọn gió vĩnh cửu nơi anh. Bước sang tuổi bốn mươi lăm, anh chồng đột nhiên bị một cơn nhồi máu cơ tim đánh quỵ. Chỗ nương tựa, nguồn sống của cuộc đời chị trong phút chốc đã bị cơn giông tố vô tình cuốn phăng đi mất. Chị cố vượt qua cú sốc tinh thần, nỗi sợ hãi và bắt đầu cuộc sống không có anh bên cạnh, nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian khá dài chị mới có thể hòa nhập lại cuộc sống một cách bình thường.
Những gì xảy đến với người phụ nữ ấy cũng có thể sẽ xảy ra với mỗi chúng ta bất kỳ lúc nào. Chúng ta rời cảng với cơn gió hiền hòa phía sau và chúng ta để gió đẩy mình đi tới mà không hề cảnh giác. Chúng ta yên lặng tận hưởng cảm giác thoải mái mà không nhận ra rằng đường bờ biển mỗi lúc một xa. Cứ thế, cơn
gió dần trở thành người điều khiển chúng ta, nó mặc nhiên hướng chúng ta đi theo hành trình của riêng nó.
Ngoài khơi xa luôn có những hiểm họa khôn lường chực chờ ập tới, và phải vất vả lắm chúng ta mới có thể giong được con thuyền tàn tạ trở về cảng với cột buồm bị lung lay hay cánh buồm rách tơi tả. Khi đó, cơn gió không còn ở sau lưng chúng ta nữa mà nó đang ở trước mặt. Chúng ta sẽ phải đối mặt với những gì do sự vô tâm của chính mình gây ra. Chúng ta phải đi ngược lại cơn gió để có thể trở về nơi đã bắt đầu.
Có vẻ như tôi đã học được bài học này khá dễ dàng nhưng thực sự rất khó để nhận biết, nhất là trong những ngày đầu tiên bắt đầu cuộc sống nổi trôi nơi biển cả. Nhưng sẽ không là muộn màng nếu chúng ta chọn dong buồm theo cơn gió khi rời cảng, và sau đó, cuối cuộc hành trình, lại trở về nhà cùng ngọn gió theo sau.
Không lâu sau cái lần vấp váp đầu tiên ấy, một lần nữa tôi lại nhầm hướng, rồi lại thêm lần nữa. Cứ như thể tôi là người có năng khiếu đi nhầm hướng bẩm sinh vậy. Tôi đem vấn đề này đến hỏi thuyền trưởng. Ông lát lại sàn thuyền cho tôi rồi cùng tôi ra khơi, mang theo một cái sào căng buồm dài và cứng cáp vẫn được xếp gọn bên dưới khoang thuyền của ông. Ông cũng dong buồm theo hướng gió, nhưng khéo léo bắt nó chịu sự kiểm soát của mình. Và giờ thì tôi đã phát hiện ra tại sao mình mất lái con thuyền và để cho gió tụ lại dưới cánh buồm. Phần lớn những con thuyền buồm đều có một khả năng tự nhiên, một xu hướng tự nhiên để xoay vào cơn gió. Mỗi lần con thuyền của tôi có ý định thẳng hướng ngược chiều gió, ngay lập tức tôi lại bắt nó xoay xuôi theo hướng gió. Mỗi một ngày trôi qua, tôi luôn nỗ lực để tự sửa chữa sai lầm của mình, những sai lầm có thể tạo ra sự nhầm hướng đầy nguy hiểm.
Cuối cùng thì tôi cũng đã làm chủ được nghệ thuật diệu kỳ của việc lái thuyền theo cơn gió, thuyền trưởng góp ý với tôi:
“Cậu cần có một chiếc sào căng buồm linh hoạt, có thể xoay vun vút.”
“Xoay vun vút?”. Tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì tương tự như thế cả. Nhưng ông đã chuẩn bị đâu vào đấy. Từ dưới khoang, ông lôi chiếc sào căng buồm và mang nó lên mũi thuyền, rồi ông gắn một đầu vào cột buồm và đầu còn lại vào cánh buồm. Ông vào buồng lái và bắt đầu lái thuyền, cánh buồm chính giờ đã được treo một cách khác thường trên một mặt của con thuyền và buồm tam giác được cái sào căng buồm treo ở phía bên kia làm điểm tựa.
Con thuyền đang “sải rộng đôi cánh”. Cả buồm chính lẫn buồm tam giác đang dần trải rộng ra, như đôi cánh của chú chim thong thả bay lượn trên bầu trời, để có thể đón bắt cơn gió một cách tốt nhất. Khi thuyền trưởng nhường lái cho tôi, tôi cảm nhận được sự phấn khởi, cứ như thể cánh buồm căng phồng kia có thể nâng bổng con thuyền ra khỏi mặt biển bất cứ lúc nào và hòa mình bay lượn trong không gian.
Trên bàn làm việc của tôi có một bản sao bức tranh của Georgia OKeeffe(*) với dòng chữ: “Buồm nâu sải rộng đôi cánh”. Tôi nghĩ rằng OKeeffe đã ngồi ở vị trí mà người lái tàu ngồi, cũng là nơi tôi thường ngồi, để có thể nhìn thấy lá buồm dễ nhất. Mặc dù con thuyền trong bức tranh ở tít Bahamas, nhưng cứ mỗi lần ngắm nó, tôi lại có cảm giác như mình đang cùng con thuyền màu xanh ung dung trên vịnh Đại Nam.
(*) Georgia OKeeffe (1887 - 1986): Nữ họa sĩ người Mỹ lừng danh với hội họa biểu hình huyền ảo; tranh của bà luôn gợi lên những cảm giác mãnh liệt và tạo ra một mối liên tưởng tuyệt vời giữa vẻ đẹp đầy quyến rũ mê hoặc của loài hoa và phụ nữ.
Nếu có đôi chút năng khiếu hội họa, có lẽ tôi cũng sẽ vẽ bức tranh con thuyền tương tự như OKeeffe: buồm chính nghiêng trên mạn phải và buồm nhỏ nghiêng trên mạn trái; phía trên
những cánh buồm, từng đám mây trôi bồng bềnh giữa nền trời mùa hạ; phía dưới là ngọn hải đăng nhập nhòa phía xa xa gần đất liền, đều đặn quét ánh sáng trên nền biển xanh sẫm. Mọi thứ trông thật yên ả, bình lặng, nhưng tôi biết đó chỉ là ảo giác. Còn có những mối nguy, mà người lái thuyền không nhìn thấy, cũng đang hiện diện trong sự tĩnh lặng hài hòa này. Nếu bạn bẻ lái quá xa sẽ làm cánh buồm nhỏ mất gió, lúc này tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra, bởi cơn gió có thể làm buồm chính đâm sầm qua khoang thuyền.
Nhưng cái mê hoặc tôi không phải là những đám mây bồng bềnh hay màu xanh ngút ngàn của biển trong tranh, mà đó là màu sắc của cánh buồm. Tôi đã từng nhìn thấy những cánh buồm màu trắng, màu đỏ, màu xanh dương..., nói chung là đủ màu sắc, trừ màu mà người họa sĩ đã chọn cho bức tranh này. Tôi phải công nhận rằng OKeeffe, với bản năng của một người nghệ sĩ, đã chộp được khoảnh khắc hiểm nguy trong hành trình xuôi chiều gió, và bà đã phủ cho cánh buồm đang sải rộng một màu nâu ảm đạm như dự báo điều không may nào đó sẽ xảy ra.
Bức tranh được treo phía trên bàn làm việc của tôi, như nhắc nhở tôi mỗi ngày, rằng mình đang sống trong một thế giới đầy hiểm nguy. Thậm chí cả trong những lúc an toàn nhất, khi nằm trên giường trong chăn êm nệm ấm, tôi vẫn có cảm giác bất ổn. Tôi đã cố thử thuyết phục bản thân rằng tôi đang an toàn hơn những bậc tổ tiên thời kỳ đồ đá, bởi thế giới của tôi là thế giới văn minh. Nhưng thật ra, dù có nằm trong tòa nhà bê tông kiên cố tôi cũng chẳng cảm nhận được sự an toàn là bao so với việc sống trong hang động.
Những lời cảnh báo của các bậc tiền nhân cứ văng vẳng trong tôi từng phút một. Rằng loài báo cougar vẫn đang ẩn nấp đâu đó trong đầu tôi, một bầy người nguyên thủy nào đó sẽ đe dọa thị trấn của tôi bất cứ khi nào. Tôi chới với đặt niềm tin vào những tiến bộ khoa học công nghệ thời đại mình, hy vọng rằng nó sẽ giúp tôi chống lại căn bệnh dịch hạch bùng phát không hẹn
trước và lan rộng như đàn châu chấu trên đất liền. Nhưng một lần nữa, tôi nhận ra mình đã tự lừa dối bản thân.
Giờ đây, tôi thực sự hiểu rằng sự an toàn duy nhất mà tôi có được nằm ở chính bản thân tôi. Và vì thế tôi ngồi vắt vẻo trên khoang thuyền phía mạn có gió, tự nhủ hãy quan sát cánh buồm kẻo lại nhầm hướng thêm lần nữa.
8
SAU BÃO TỐ BIỂN SẼ BÌNH YÊN
“Mỗi ngày qua đi
Chúng ta bị mắc kẹt, không thể nhúc nhích
Lười biếng như một con tàu đứng im
Trên đại dương phẳng lặng.”
- Samuel Taylor Coleridge,“Bài ca người thủy thủ cổ xưa” T
rong những ngày đầu, khi tôi và “Nữ hoàng” màu xanh của mình vừa mới quen nhau, tôi nhận thấy cơn gió là một người bạn thân luôn bên cạnh chúng tôi. Tôi ngày
càng phụ thuộc vào cơn gió. Tôi tuân theo sự điều khiển của gió một cách vô điều kiện, đi thuyền cùng nó hay dong buồm nghiêng nghiêng trong cơn gió, và tôi có một niềm tin sâu sắc rằng, gió sẽ chẳng bao giờ làm tôi thất vọng.
Có vẻ như tất cả mọi người đều cho rằng những cơn gió hiền hòa sẽ thổi triền miên, cơn gió sẽ không bao giờ chết, và tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng tôi đã tự dối mình, vì tôi luôn cho rằng
mình có những cơn gió, tôi không thể hình dung được mình sẽ ra sao nếu một ngày nào đó tôi không còn cơn gió nào bên cạnh. Tôi đã nghe loáng thoáng ở đâu đó rằng, sẽ có lúc gió ngừng thổi. Nếu thật vậy, quả là một điều bất hạnh của cuộc sống, như là bệnh tật hay cái chết, nó có thể xảy đến với một ai khác, chứ với tôi thì không.
Nhưng cuộc sống đã sớm giúp tôi nhận ra rằng mình đã quá ngây thơ khi tin vào những cơn gió vĩnh cửu. Một hôm, tôi giong thuyền ra khỏi con kênh dài trong làn gió Tây Nam vi vút, và trong suốt buổi chiều hôm ấy, tôi lái thuyền vượt qua những ngọn sóng bạc đầu. Mạn khuất gió của con thuyền nhanh chóng bị nước tràn vào. Tôi chỉnh lại dây lèo, con thuyền nghiêng đi, cánh buồm chính gần như chạm cả vào mặt nước, và trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác mình sắp bị lật úp đến nơi. Một cách thận trọng, tôi chỉnh hướng thuyền vào cơn gió. Mỗi lần rơi vào tình cảnh đó, tôi đều làm như thế, và đã bao nhiêu lần phải thực hành lại bài tập ấy, tôi cũng không nhớ chính xác. Tôi không nghĩ rằng mình đang cố thách thức số phận, nhưng sự mạo hiểm đã cho tôi cảm giác thực sự thú vị, và tôi không muốn dừng lại.
Mải mê đùa giỡn với những con sóng bạc đầu, chỉ khi hoàng hôn buông xuống, tôi mới chịu dong buồm về nhà. Xa xa phía cuối chân trời, mặt trời mùa thu đã lặn xuống quá nửa và mặt đất cũng bắt đầu dịu dần. Dường như mặt đất và bầu trời cùng rủ nhau đạt mức cân bằng về nhiệt độ thì phải, tôi nhận thấy như vậy khi còn ở cách bờ biển khoảng một cây số rưỡi. Từ lúc cầm lái đến giờ, tôi chưa từng hình dung một cơn gió tắt hoàn toàn là như thế nào. Thông thường luôn có gió làm động lực đẩy thuyền đi tới. Thế nhưng vào lúc đó, sự chênh lệch về nhiệt độ để có thể tạo ra gió đã không còn. Cánh buồm lập tức xìu xuống, mặt vịnh phẳng lặng như một chiếc gương soi khổng lồ.
Trước đó chỉ một lát thôi, con thuyền của tôi đang hăm hở ngụp lặn cùng cơn gió, nó lao vun vút trên sóng làm những tia nước
mặn bắn tung qua mũi thuyền, ướt cả tóc tôi. Lúc đó, tôi không nhắm đến hướng nào cụ thể cả, chỉ đơn giản là cho thuyền đi đi lại lại, giữa bờ biển và đất liền, để hít thở không khí trong lành ngoài khơi. Còn bây giờ, cơn gió lang thang đã biến mất không để lại chút tăm hơi, để tôi và con thuyền của mình “mắc kẹt” giữa biển cả.
Trước mắt, tôi chưa thực sự cảm nhận được mối nguy hiểm nào cả. Con thuyền vẫn bập bềnh trên mặt nước, tôi vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy xa xa từ phía đất liền và càng lúc càng rõ ràng trên nền trời đang dần tối. Tuy vậy, nỗi sợ vẫn trào dâng trong tôi. Chúng ta vẫn thường sợ hãi như một đứa trẻ mỗi khi mất động lực để tiến về phía trước. Tôi đã thực sự say mê việc được chèo thuyền trên biển, cứ như là việc chèo lái con thuyền ấy có ý nghĩa rất lớn lao đối với tôi. Nhưng giờ đây, tôi bị buộc phải một mình đối mặt với sự tĩnh lặng đáng sợ của biển cả.
“Mình cần phải làm gì đó! Phải làm một cái gì đó!”. Tôi liên tục nhắc nhở và tự trấn an mình.
Trong nỗi tuyệt vọng, tôi cầm lấy cần lái và cố gắng đẩy thuyền về phía trước bằng cách lắc lắc nó. Và con thuyền đã chịu sự tác động của tôi, nó nhích lên một chút. Tuy chỉ là chút ít thôi, nhưng như thế cũng thật đáng quý trong lúc này. Tôi đẩy cánh buồm hết sang mạn phải lại sang mạn trái, với hy vọng rằng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó xảy ra, làm cho nó căng phồng lên. Nhưng, chẳng có một chút gợn sóng trên mặt biển hay một chút lay động nào, dù nhỏ, trong không gian. Lúc này, nếu vị thần bão đi ngang qua, tôi rất sẵn lòng và vui vẻ đánh đổi sự tĩnh lặng đang bao quanh mình chỉ để lấy một cơn bão. “Thổi lên nào! Gió ơi, nổi lên đi!”, tôi van vỉ. Nhưng chẳng có cơn gió nào cả, tôi hoàn toàn bất lực trước tự nhiên.
Loay hoay một lúc mệt lả người, tôi ngả lưng lên khoang thuyền, hai tay đan dưới đầu, mắt nhìn chăm chăm vào cánh buồm, trên trục buồm, ra xa kia, và về cả phía bầu trời thăm
thẳm. Tôi trông thấy vành mặt đất đang dâng lên và nuốt lấy mặt trời, rồi mặt trăng lưỡi liềm treo lơ lửng bên những ngôi sao lấp lánh trong đêm. Tôi lại hướng về ánh sáng nơi ngọn hải đăng của Hỏa Đảo đang rọi qua mặt vịnh, có khi đến sáu lần mỗi phút. Và tôi nhìn lên bầu trời, chứng kiến nó đang chuyển từ màu tím hồng sang màu đen, và tôi giật mình khi bất ngờ nhìn thấy con diệc đêm, chẳng hiểu nó từ đâu đến, chễm chệ trên đỉnh cột buồm.
Nếu là chim diệc thì tôi đã nhìn thấy từ trước đó rồi. Nó thường đứng bất động ở vùng nước nông, chờ đợi con mồi. Tôi còn trông thấy cả cái cách nó tấn công con mồi hay đang ngủ gà gật trên rặng liễu dọc bờ biển nữa kìa. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một con diệc nào đậu trên cột buồm cả. Nhìn từ phía dưới khoang thuyền, tôi không thể thấy cái đỉnh đầu màu đen của nó, nhưng nhờ cái dáng cong cong mà tôi nhận ra. Tinh tường và trầm lặng, nó nhìn chằm chằm về phía biển. Thật ra, ẩn dưới cái vẻ ngoài bàng quan, nó đang âm thầm quan sát. Có vẻ như con diệc đang chờ đợi sự thay đổi của thủy triều, của cơn gió đổi chiều hay một tín hiệu đáng mừng nào đó.
Ngay lập tức, tôi bật dậy và chăm chú nhìn con chim có chút gì đó oai vệ nhưng cũng thật lạ lùng này. Ước gì tôi có thể hỏi được xem nó đang tìm kiếm thứ gì, vì sao nó đứng bất động và trầm tĩnh lâu đến thế. Nó có vẻ trầm lặng đến bí hiểm, một tính cách khá xa lạ đối với tôi. Và tôi nghĩ rằng hình như nó sinh ra đã là như vậy - ẩn chứa trong những sợi cơ của đôi chân mảnh khảnh hay bộ lông mượt mà của nó; hay cũng có thể là nó đã học được điều đó trong cái thế giới mà nó không thể kiểm soát được sự sống của bản thân, nó luôn cần phải nhanh nhạy để kịp thời ứng phó với các tình huống đầy hiểm nguy.
Liệu nó có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra dưới bề mặt yên ả của biển cả hay không? Tôi nghi ngờ điều đó. Tôi tin rằng, cũng giống như tôi, nó đang chờ đợi một điều gì đó xảy ra để có thể khám phá bản thân trong hiện tại, một thực tại phù du, và sau
đó bằng trí tuệ bẩm sinh, nó có thể bay đến bờ biển ở phía xa và bắt cá ở vùng nước nông.
Trong tôi bắt đầu nảy sinh sự khâm phục pha lẫn chút ghen tỵ đối với chú chim này, vì nó nhận thức được sức mạnh của sự im lặng, cũng như sự kiên nhẫn phi thường và khả năng chịu đựng sự cô độc của nó. Dường như nó biết rằng trước khi rời chỗ đậu, nó phải vượt qua được sự tĩnh lặng này. Khi tôi quan sát chú chim, nỗi sợ trong tôi cũng dần biến mất, thay vào đó là sự nhận thức rõ ràng về hoàn cảnh xung quanh, về chính bản thân, điều đó có ích hơn nhiều so với việc tôi dại dột tự nhấn chìm mình trong sóng biển mênh mang.
Tôi chợt nhận ra rằng, khi rơi vào những hoàn cảnh như thế này, tôi không cần phải làm gì cả, bởi tất cả đều do các thế lực tự nhiên chi phối và mọi nỗ lực của tôi trong lúc này là hoàn toàn vô ích. Tôi cần phải bình tĩnh như chú diệc kia và chờ đợi ngọn gió trở lại, vì tôi biết chắc là nó sẽ không bỏ rơi tôi, mặc dù tôi chẳng biết chừng nào nó quay lại và sẽ nổi lên từ hướng nào để xác định trên la bàn.
Tôi nhìn xuống mặt nước, tìm kiếm chút hy vọng mong manh nhưng vẫn chỉ thấy sự lặng yên. Mặc dù không thể đoán được hướng gió, nhưng tôi vẫn cố gắng nghiên cứu xem nó đã thay đổi như thế nào. Trước đây, tôi đã chứng kiến sự thay đổi của kim la bàn về hướng Tây Nam hay về hướng Tây khi cơn gió tăng tốc, hoặc nhích nhẹ về hướng Nam khi cơn gió tan đi. Nhưng cơn gió vừa rồi hình như là một ngoại lệ, nó đã biến mất như bị một lỗ hổng nào đó trên bầu trời hút vào.
Thế là tôi đã trải qua một đêm khá thú vị giữa biển cả bao la. Một thằng nhóc trên chiếc xuồng du lịch có gắn máy phóng qua. Nhìn thấy thuyền tôi đang đứng im trên mặt biển, nó tắt máy và hỏi: “Muốn kéo về không?”.
Thuyền của tôi chẳng có động cơ, hẳn nhiên thế, nhưng cái ý nghĩ rằng mình sẽ bị kéo theo đằng sau cái máy gây ô nhiễm môi trường ấy làm tôi cảm thấy bị xúc phạm. Tuy vậy, nếu như cậu ta đưa ra lời đề nghị sớm hơn nửa tiếng thôi, thì có lẽ tôi đã chấp thuận. Nhưng giờ tôi thấy không cần thiết. Tôi đã có thể tự dong buồm ra khỏi mũi đất vào sớm mai trong làn gió nhẹ, cơn gió đã cùng tôi rong ruổi trong suốt buổi chiều. Trên đường về nhà, cơn gió tự dưng biến mất, và giờ đây tôi đang chờ đợi sự trở về huyền thoại của nó, như thế tôi mới có thể hoàn thành hành trình tự nhiên trong suốt một ngày. Tôi đáp lời thằng nhóc không chút do dự: “Không cần đâu, cám ơn. Tôi sẽ chờ cơn gió trở về”.
Một giờ sau, tôi cảm nhận được một luồng không khí di chuyển đến từ hướng Bắc, cánh buồm khẽ rung nhẹ, theo chiều gió. Tôi nhanh chóng trở buồm theo đúng hướng gió và một cơn gió đã đẩy thuyền đi. Tôi nhìn lên đỉnh cột buồm, chú diệc đêm qua đã mất tăm.
Cơn gió đã đổi hướng hoàn toàn, quay đúng 180o. Tôi cảm thấy thật buồn cười vì đã không nhận ra điều đó sớm hơn, điều mà bây giờ đã thành một sự thật hiển nhiên. Cơn gió có thể làm cho chiếc kim la bàn di chuyển nhẹ, nhưng chẳng thể tạo nên một sự thay đổi lớn lao. Gió không thể đổi hướng ngay mà nó cần ngưng thổi một khoảng thời gian trước khi chuyển từ Tây Nam sang Đông Bắc.
Tôi nhằm hướng ánh sáng ở đầu mũi đất mà tiến, và nhanh chóng lướt vào con kênh đến chỗ neo thuyền. Khi tôi tới, dượng đã có mặt ở đó, bồn chồn lo lắng bên cạnh ô-tô. Đèn pha ô-tô rọi vào cột neo thuyền, cứ như là để chỉ đường cho tôi vậy.
Tôi hỏi ngay: “Dượng ra đây chờ con lâu chưa?”
“Cũng khá lâu rồi. Dượng rất lo cho con. Nhưng vừa nãy, dượng đã gặp thuyền trưởng, ông ấy bảo rằng có thể con đã gặp phải
gió lặng, và bảo dượng đừng lo lắng quá, vì không sớm thì muộn gió cũng sẽ nổi lên thôi”.
Tôi đã quên béng chú chim diệc đêm qua, chính xác hơn là những hình ảnh về nó đã ngủ im đâu đó trong ký ức của tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quên bất cứ hình ảnh đầy mạnh mẽ nào có thể làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú. Hãy để chúng nằm ngủ, nép mình vào bóng đêm, chờ đến lúc thức dậy, chứ không nên cất chúng quá sâu trong ngăn tủ trí nhớ, để rồi một ngày nào đó hình ảnh ấy chết đi.
Và hai mươi năm sau, chú chim bí ẩn ấy lại xuất đầu lộ diện một lần nữa khi tôi phải đối mặt với chính mình trong một cuộc đấu tranh tư tưởng. Tôi theo đuổi sự nghiệp của mình, say sưa với những thành công nhất thời trong kinh doanh. Tôi không còn biết mình muốn gì, mình đang đi đâu nữa. Tôi chết ngộp trong cái mớ hỗn độn mà đáng lẽ ra, tôi đã phải dừng lại và xem xét nó từ lâu rồi. Một ngày nọ, hoàn toàn bất ngờ, trên đường đi làm, trong khi đang len qua những dòng xe ken dày ở ngoại vi Manhattan, tôi đã gục ngã như một con thú bị thương với một cơn co thắt nơi bắp đùi.
Cơn đau dai dẳng, ngày càng thường xuyên hơn. Khi tôi không còn tự di chuyển được nữa và phải dùng nạng để đi, bác sĩ phẫu thuật đã quyết định rằng, không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải chịu bó bột phần hông của mình. Tôi đã bắt đôi chân của mình mang toàn bộ sức nặng của cơ thể, và di chuyển theo cái hướng mà nó không muốn đi. Và bây giờ, hậu quả là những khớp nối hông bên phải của tôi đổ sụm.
Tôi tỉnh dậy sau khi bị gây mê với bộ khung bằng thạch cao bao quanh mình từ ngực cho đến tận mắt cá chân. Về một khía cạnh nào đó thì tôi đã gặp may khi cô y tá người Thuỵ Sĩ, một cô gái rất cởi mở và thân thiện, sáng sáng lại thò đầu vào phòng bệnh của tôi: “Trong cái kén này, anh có vẻ an toàn và vững chãi nhỉ.
Tôi không thể tưởng tượng nổi lúc cái kén này nở ra trông anh sẽ thế nào nữa”.
Thoắt cái, tôi đã cuộn mình trong cái kén ấy được sáu tháng, thay da đổi thịt, chờ cho xương lành lại. Trong những tuần đầu tiên, tôi ước mình có thể tự đứng thẳng dậy, cảm nhận được không khí mơn man quanh mình. Nhưng sự thật là tôi đang bị giam lỏng trong cái kén mà nắng và gió không thể lọt tới. Những bác sĩ điều trị thường xuyên ra vào phòng tôi, đập đập vào khung bột, cứ như thể bằng cách gõ như vậy, họ có thể biết được chuyện gì đang xảy ra với hình nhân bất động bên trong.
Ban đêm là khoảng thời gian khủng khiếp nhất với tôi, vào những đêm mất ngủ - việc trở mình hay lật lưng đối với tôi là một thứ gì đó thật xa vời, và trong lúc tôi thấy mình gần như nhụt chí thì chú chim diệc đêm ấy đã quay về. Thực ra, đó chỉ là hình ảnh được tôi lưu giữ trong ký ức và giờ đây nó bất chợt thức dậy, sống động còn hơn cả sự thật. Tôi thực sự tin rằng những hình ảnh mà chúng ta khắc sâu trong tâm trí sẽ sống động hơn cả những gì chúng ta nhìn thấy tận mắt.
Không, chú chim ấy không đậu ở chân giường của tôi, mà nó đậu ở chính cái nơi lần đầu tiên tôi nhìn thấy, trên đỉnh cột buồm, im lìm bất động, quan sát mặt nước phẳng lặng và chờ đợi một cơn gió bất chợt nào đó sẽ nổi lên. Tôi vẫn nhớ mình và chú chim đã chờ đợi cơn gió như thế nào, và rồi cuối cùng cơn gió nhẹ cũng đến căng đầy cánh buồm của tôi, đã đưa tôi về nhà như một phần thưởng xứng đáng cho sự kiên nhẫn của tôi.
Ngày qua ngày, khi bị buộc phải nằm bất động, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc mình là ai, mình đến từ đâu và mình muốn trở thành người như thế nào. Những gì tôi đã mất đi khi không được tự do vận động, thì giờ tôi đã đạt được nó ở trong tư tưởng, một “dạng khác” của sự vận động. Tôi học được rằng, cuộc sống nội tâm là một tặng phẩm cho cuộc sống hướng ngoại, và
khoảnh khắc đáng giá nhất chính là lúc ta hoàn toàn đắm mình trong yên lặng.
Cuối cùng thì xương của tôi cũng đã liền lại. Gần đến ngày tháo bột, tôi biết rằng mình đã khỏi hẳn, và một quyết định gần như là rất chắc chắn đã bao trùm tâm trí tôi. Tôi đã theo đuổi những mục tiêu vật chất quá nhiều, vì lợi ích của chính mục tiêu ấy, hay vì tôi đã nhầm lẫn nghĩ rằng gia đình, bạn bè, các đồng nghiệp của tôi thực sự mong đợi ở tôi những điều đó. Đó cũng là trăn trở của nhiều người khác. Và tôi đã đánh mất cảm giác về bản thân, về việc tôi sinh ra trên trái đất này để làm gì.
Từ lúc biết đọc, hoặc cũng có thể là trước đó, tôi đã nghe thấy những âm điệu của ngôn ngữ vang vọng trong tâm trí mình. Thứ âm thanh đó đã hấp dẫn tôi, bằng nhịp điệu và những hình ảnh mà chúng mang lại trong từng cuốn sách tôi được đọc. Và cứ thế, nó dần dần trở nên quen thuộc để tôi có thể tự mình kết nối các câu chữ lại với nhau. Như vậy, tôi có thể diễn đạt cho mọi người hiểu mình đang nghĩ gì và truyền cho họ những cảm nhận của chính tôi.
Đó là một câu chuyện khá kỳ lạ về một con người bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình với ước muốn trở thành nhà thơ nhưng cuối cùng lại làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Hơn ai hết chính tôi mới là người phải thận trọng suy xét, chứ không nên đổ lỗi cho việc bẻ lái quá xa khỏi hành trình. Đó không phải là những gì người khác tác động lên tôi, mà là những cái tôi cần phải làm cho chính bản thân mình. Thay vì tiếp tục theo đuổi giấc mơ, tôi lại trở thành người viết báo thuê và viết hộ những bài phát biểu cho các thương nhân, những người không có đủ thời gian lẫn ý tưởng cho lời nói của chính mình.
Một ngày, tôi bỗng nhận ra rằng những thứ mình đang theo đuổi chỉ là phù phiếm trong vô vàn những điều phù phiếm khác của cuộc sống, và tôi đã phải trả một cái giá khá đắt. Mỗi sáng
tôi đều thức dậy với dáng vẻ mệt mỏi lẫn chán ngán khi nghĩ đến việc phải đi làm. Tôi luôn bắt mình phải đi theo con đường mà tôi không muốn, mặc bộ quần áo mà tôi không ưa, đáp chuyến tàu công cộng đến thành phố mà tôi không thích, nơi tôi phải hoàn thành nhiệm vụ của mình: đề cao tâng bốc người khác và tự hạ mình xuống. Tôi quay cuồng trong cơn gió và đánh vật với nó đến kiệt sức, rồi lại nơm nớp lo sợ nếu như cơn gió ấy bất chợt dừng lại.
Tôi vẫn không thể điều khiển được cơn gió và đành chấp nhạn để nó cuốn đi mải miết cho đến cái ngày hông tôi bị sụm xuống. Tôi thực sự ngã quỵ. Ngoan ngoãn tuân theo những nguyên tắc điều trị, tôi nằm đó, chìm trong nỗi tuyệt vọng mà không mảy may nhận ra rằng hậu quả là do chính mình gây ra. Bởi những gì tôi cần, hơn cả sự an toàn, hơn cả sự thành công, là một khoảng tĩnh lặng đem lại luồng gió mới cho tôi từ một bờ biển xa lạ. Khi tôi nằm hoàn toàn bất động, và phải vật lộn với những cơn ác mộng về cái chết, một cái chết còn khủng khiếp hơn cả tự thân cái chết, tôi chợt nhận ra tham vọng và ước muốn của mình: tôi muốn làm những việc tôi thích và trở thành con người mà tôi muốn.
Cuối cùng thì sức khỏe của tôi cũng đã hồi phục trở lại, bác sĩ đã giải phóng tôi ra khỏi cái kén kinh khủng ấy. Tôi muốn chào mừng sự trở lại này bằng một chuyến đi biển nhưng không thể, vì tôi đang ở sâu trong đất liền. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã làm được một việc cũng tuyệt không kém. Tôi đào một cái hố ở sân sau và trồng vào đó một cây sồi đỏ cứng cáp. Và cứ mỗi độ xuân về, tôi lại thích thú ngắm những bông hoa tuyệt đẹp của nó và lắng nghe âm thanh rì rào của gió đang len lỏi qua từng nhánh lá.
9
SÁNG SUỐT PHÁN ĐOÁN
T
ôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên tôi đương đầu với con tàu Miss Ocean Beach như thế nào, con tàu luôn “cày bừa” qua vịnh, và tạo ra những lằn nước cao hơn cả
những ngọn sóng khổng lồ trong ngày mưa bão. Tôi ngồi phía dưới chiếc sào căng buồm, cái cần lái vắt qua vai, chìm đắm trong suy nghĩ. Đột nhiên, có một con tàu bỗng đâu xuất hiện phía trước, lao đến như chực nuốt gọn con thuyền của tôi. Nó réo lên một hồi còi đáng sợ để lùa tôi ra khỏi đường chạy của nó. Lực đẩy của nó mạnh đến nỗi tưởng như muốn hất văng tôi ra khỏi thuyền.
Chân tôi run bần bật khi con tàu chạy với tốc độ chóng mặt và quét qua mạn phải con thuyền của tôi chỉ cách hơn ba mươi mét. Vóc dáng con tàu không được thanh tú mấy, mũi cao đuôi thấp, tạo ra những lằn nước lớn trên cuộc hành trình dọc con kênh chạy giữa Hỏa Đảo và vịnh Biển. Nó đã từng là tàu buôn rượu lậu trong thời kỳ có luật cấm bán rượu. Con tàu giờ đây vẫn băng băng qua con nước như thể nó chở đầy hàng lậu và đang bị một chiếc xuồng hải quan đuổi theo sau. Tuy nhiên lúc này, thay vì buôn rượu lậu thì con tàu lại chở hành khách, họ
đang đi vòng lan can tàu, ngó quanh, và có vẻ thích thú (là tôi đoán vậy ) khi trông thấy một vụ tai nạn sắp sửa xảy ra. Họ đang hồi hộp chờ xem tôi có cơ may sống sót không sau khi bị ngọn sóng khổng lồ chồm lên.
Rất có thể cơn sóng nhồi khổng lồ ấy sẽ đập vào tôi theo cái hướng khủng khiếp nhất: từ bên cạnh mạn thuyền. May thay, bằng sự bình tĩnh của một thủy thủ, tôi đã xoay mũi thuyền và điều chỉnh hướng đi của nó. Những cánh buồm bay phần phật trong gió, và những khớp nối phát ra tiếng kêu răng rắc khi con thuyền của tôi dần chìm xuống ngọn sóng đang cuồn cuộn. Con thuyền lao xuống khi ngọn sóng đầu tiên xô tới, bị chìm dưới ngọn sóng thứ hai và cưỡi lên ngọn sóng thứ ba. Con thuyền đã hoàn toàn thoát ra khỏi chuỗi cơn sóng hung hãn và bình yên vô sự. Nhưng tinh thần tôi thì bị chấn động dữ dội, trong suốt vài ngày sau đó, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng còi báo hiệu ma quái của chiếc tàu dội lại.
Tôi đã lập một lời trọng thệ: không bao giờ để bất cứ một con tàu nào tiến lại gần thuyền của mình. Tôi sẽ thận trọng quan sát và ngay khi phát hiện ra nguy cơ, tôi sẽ lập tức đổi đường chạy, quay mũi thuyền hay làm bất cứ việc gì có thể, để chắc rằng mình không bị va đập. Sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra nếu tôi đề cao cảnh giác ngay từ khi có một con thuyền nào đó xuất hiện xa xa từ phía chân trời. Nếu tôi không có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, thì rất có thể sẽ xảy ra một vụ va chạm tàu khủng khiếp.
Cho đến một ngày, nỗi lo sợ của tôi đã thành sự thật. Tôi có thể đã mắc một sai lầm nào đó, nhưng tuyệt nhiên không phải vì tầm nhìn của tôi bị nỗi khiếp sợ làm cho lu mờ. Khi chiếc thuyền đang đi ngược gió, tôi nhìn lướt xuống phía dưới sào căng buồm và thấy một con tàu đánh cá bằng lưới có cầu phao đang mở hết tốc độ, thẳng hướng về phía tôi. Mặc dầu con tàu vẫn còn cách nửa dặm, nhưng tôi đã quay hướng thuyền để chắc rằng mình vẫn an toàn khi vượt qua phía đuôi tàu của nó. Đúng vào lúc ấy,
con tàu lại đổi hướng, và tôi cũng lập tức kéo buồm lệch sang một bên để tránh. Nhưng chỉ trong chốc lát, một khúc gỗ lớn đã đâm sầm vào mũi thuyền tôi.
“Nữ hoàng” màu xanh của tôi rung mạnh sau cơn chấn động. Và qua tiếng kêu răng rắc của nó, tôi biết thân thuyền đã bị thủng. Tôi quỳ xuống sàn và săm soi phía dưới khoang. Mặc dù không nhìn thấy rõ, nhưng tôi có thể nghe được tiếng nước bì bõm tuồn qua cái khe bị nứt toác dưới đáy thuyền. Con thuyền tròng trành trong cơn gió, dần dần chìm xuống. Tôi nhanh chóng hạ thấp cánh buồm tam giác và đứng trên mạn thuyền trước, vẫy tay cầu cứu một cách điên cuồng. Và con thuyền đánh cá, con thuyền mà tôi đã cố tránh, giờ đây ở cách tôi vài trăm mét. Người chủ thuyền nhìn thấy tôi đang trong cơn nguy hiểm, liền tắt máy và hỏi to: “Chuyện gì đã xảy ra với cháu vậy?”.
“Cháu đang bị đắm!”
Không chút chần chừ, ông lái chiếc thuyền đánh cá đến gần thuyền tôi hết mức có thể, và ném cho tôi một sợi dây. Tôi nhanh chóng bắt lấy và buộc chặt nó xung quanh gốc cột buồm của mình. Một lúc sau, tôi đã bình yên đứng trên đuôi của chiếc thuyền đánh cá, hướng về phía đất liền với “Nữ hoàng” màu xanh được kéo theo sau. Con thuyền vẫn chưa hết tròng trành nhưng không hiểu tại sao nó vẫn nổi được. Khi chúng tôi đến xưởng đóng tàu, những người thợ nhanh chóng kéo nó lên, đục khúc gỗ ra khỏi cái lỗ dưới đáy và hong cho thuyền khô.
Đúng lúc đó, thuyền trưởng nhìn thấy chiếc thuyền màu xanh của tôi phơi mình trên cạn, ông liền chèo ghe qua con lạch hẹp nối nhà ông với xưởng đóng tàu. Ông đưa tay rờ rẫm dọc thân thuyền đã bị vỡ, rồi xoa xoa cái cằm lởm chởm râu, sau đó quay sang tôi hỏi:
“Có chuyện gì xảy ra vậy?”
Tôi thuật lại cho ông mọi chuyện, rằng tôi mải mê quan sát con tàu đánh cá ở phía xa nên đã không nhìn thấy khúc gỗ nổi ngay dưới mũi thuyền.
Tôi những tưởng ông sẽ dạy cho mình một bài học ngay tại chỗ về những thứ trôi dạt trên biển: hàng hóa bị vứt xuống biển cho tàu nhẹ bớt, những vỏ hộp hay xác những con chim biển, và cả những thứ nguy hại khác như những bãi nước nông hay vùng đất thấp đang ẩn nấp đâu đó thình lình xuất hiện và có nguy cơ làm đắm tàu. Thay vào đó, ông bảo: “Yên tâm đi, cậu không cần phải lo lắng gì nhiều. Ở đây Archie là một bậc “phù thủy” sửa chữa tàu thuyền đấy! Chúấy sẽ sửa lại tấm ván và đóng khít một lát cắt vào lỗ thủng. Sau đó, một, hai, ba, hô biến! Sẽ không ai có thể nhận ra con thuyền đã từng bị thủng đâu”.
Archie là một chú thợ mộc ở xưởng đóng tàu, thế nhưng thuyền trưởng cứ luôn miệng gọi chú là “phù thủy”. Và chú đã chứng minh rằng sự ngưỡng mộ của thuyền trưởng là hoàn toàn hợp lý. Một tuần sau đó, con thuyền của tôi đã có thể vẫy vùng thỏa thích trên mặt nước với một tấm ván mới ở mũi thuyền và màu sơn xanh mới. Tôi đã tự tay sơn màu xanh lên thân thuyền. Mặc dù con thuyền luôn trong tư thế sẵn sàng để ra khơi, nhưng người thủy thủ - là tôi - vẫn chưa có ý định đó.
Tôi đứng trên bờ biển, ngắm “Nữ hoàng” màu xanh và nhớ lại những chuyện khủng khiếp vừa xảy đến với mình. Trong thoáng chốc, tôi không biết mình có còn hứng thú với việc ra khơi không nữa. Vì thật ra để có thể giong thuyền ra khơi, cần phải xác định cho được đích đến một cách rõ ràng, nếu không thì ít nhất cũng là mục tiêu của chuyến đi. Nhưng đằng này, vào thời điểm đó, tôi mơ hồ nhận thấy có một hàng rào ngăn cách giữa bản thân tôi và đích đến của mình - một dải cát phía bên kia vịnh. Việc đầu tiên tôi cần phải làm bây giờ là đưa thuyền ra khỏi lòng trũng của xưởng đóng tàu mà không để đâm vào bờ vịnh, và sau đó tôi sẽ phải vượt qua hơn chục cây số trong sóng
nước mênh mông, chống chọi với những cơn gió giật hay sóng vỗ bì bõm.
Cuối cùng, tôi cũng có đủ can đảm để hạ thủy con thuyền. Tôi căng buồm lên, đón gió và bắt đầu một hành trình zíc-zắc dọc theo con lạch nước mặn, tận dụng cơn gió hay thay đổi một cách tốt nhất trong khả năng có thể. Khi ra đến cửa kênh, tôi xoay buồm cho đúng hướng gió, con thuyền chao đi và thoắt cái đã rời đất liền, theo cơn gió, thẳng hướng về phía tháp nước lớn lấp lánh trong ánh mặt trời trên mặt biển ở Saltaire.
Đi được hai phần ba chặng đường, tôi nhìn thấy một tàu lớn chở dầu đi dọc con kênh, thẳng tiến về phía trạm dầu ở Patchogue, cách đó khoảng 30 cây số. Con tàu khá đằm, lừng lững tiến về đích, tỏ vẻ kiên quyết không nhượng bộ trước bất kỳ con tàu nào dám cản trở. Sợ rằng sẽ đâm vào nó, tôi quyết định dừng lại hoàn toàn, chờ nó đi qua. Nhưng đến khi gần như đã nhả hết gió ra khỏi cánh buồm, tôi lại đổi ý. Hà cớ gì tôi phải làm như vậy trong khi con tàu kia vẫn còn đang ở rất xa?
Tôi tiếp tục dong buồm, và khi “Nữ hoàng” màu xanh đến gần con tàu chở dầu, chẳng có vụ va đụng nào xảy ra cả. Con tàu ấy đi ngang qua ngay trước mũi thuyền của tôi, vẫn còn cách tôi một khoảng khá xa. Tôi phải vật lộn với làn nước do nó tạo ra, nhưng nếu tôi vẫn giữ cho cánh buồm no gió trong lúc này thì lực đẩy của con thuyền sẽ giúp tôi an toàn hơn.
Mọi việc xảy ra chính xác như thế này: Con tàu và con thuyền của tôi cách nhau một khoảng rộng, khi con tàu ấy và thuyền tôi chia làm hai ngả, tôi nhận ra rằng sự lo lắng của mình quá thừa. Tất nhiên việc tôi cảnh giác và thận trọng, tập trung tinh thần vào con tàu, để nhận biết hướng đi của nó, xem nó có thể gây ra mối nguy hiểm nào không là rất cần thiết. Nhưng tôi nghĩ mình không nên hành động quá sớm như vậy, có lẽ do ký ức về lần tai nạn trước vẫn còn ám ảnh tâm trí tôi. Nhưng đó cũng có thể chỉ là thần hồn nát thần tính mà thôi.
Khi vượt qua được lằn nước của con tàu chở dầu, nỗi sợ hãi trong tôi cũng mất dần. Qua sự việc đó, tôi học được rằng trước khi nhường đường cho một vật thể nào đó có vẻ như là một mối nguy tiềm ẩn, thì tôi sẽ phải cho thuyền đi đủ gần để xác định xem vật thể đó là gì, hướng đi của nó như thế nào cũng như nó có thể gây ra mối nguy hại nào không. Lúc ấy, và cũng chỉ khi đó mà thôi, tôi mới phải quyết định xem mình nên bẻ lái, tiếp tục tiến lên hay dừng lại.
Càng trưởng thành, nỗi khát khao được khám phá thế giới trong tôi càng mãnh liệt. Tôi tò mò muốn biết tương lai của con người trong cái thế giới mà tôi đang sống sẽ như thế nào. Dì tôi thường bảo rằng: “Cái gì đến, sẽ phải đến”. Đó là một câu quán ngữ mà dì rất tâm đắc, vì dì luôn tin rằng có một bàn tay vô hình đưa đẩy số phận của con người. Nhưng tôi khám phá ra rằng, khi lênh đênh trên biển, con người dường như bị cô lập hoàn toàn với thế giới xung quanh. Tôi không thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra khi mình rời khỏi đất liền. Và tôi cũng không thể biết trước được khi nào một con tàu sẽ xuất hiện và thổi một hồi còi báo hiệu, cũng như việc con thuyền của tôi sẽ va phải một khúc gỗ nào đó trôi nổi trên biển. Ngay cả những nhân tố thuộc về tự nhiên - gió, sóng biển hay thủy triều - cũng rất thất thường, chẳng màng gì đến cái gọi là dự báo thời tiết của con người.
Đường bờ biển ở phía xa với những vịnh nhỏ và những mũi đất thoắt ẩn thoắt hiện, trông như thùy của những chiếc lá phong. Đâu đó, một vài con hải âu khẽ lượn trên bầu trời mùa hạ và chao xuống như những bông tuyết mùa đông rơi trên mặt biển. Những chú chim bơi ra khỏi mũi thuyền của tôi, uốn cong lưng lại và bất thình lình lặn xuống, rồi lại thình lình xuất hiện ở một chỗ khác trên mặt nước, và cứ thế, liên tục ngụp lặn. Nếu như có một quy luật cho những vận động na ná thế này, tôi nghĩ mình không thể tìm ra được, và tôi cũng phải thú nhận rằng mình chẳng thể đoán biết trước những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Đó không phải là một cái nhìn báng bổ thần thánh, trái với những gì tôi được dạy ở trường vào mỗi chiều thứ sáu. Thú thực, lúc đầu tôi cũng hơi mâu thuẫn về điều này. Cô giáo môn tín ngưỡng của tôi, một giáo viên tốt bụng đã để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt, nói rằng có một đấng tối cao đã kiến tạo ra vũ trụ, và có một vị thần thông thái cai quản cả bầu trời lẫn mặt đất. Thật dễ chịu khi tin rằng cô đúng, tôi muốn tin cô. Nhưng càng đi biển tôi lại càng nhận ra cô đã tự dối mình, vì cuộc sống thực tế hỗn độn và phức tạp hơn thế nhiều.
Trong giờ khoa học, tôi lại được dạy rằng thế giới vật chất luôn tuân theo những quy luật bất biến. Thầy giáo hóa học đã mô tả các electron quay quanh hạt nhân của một nguyên tử theo quỹ đạo giống như cách các hành tinh quay xung quanh mặt trời. Và với một người giáo điều cứng nhắc, suy nghĩ theo lối mòn thì thầy ấy tin một cách sâu sắc rằng, khoa học có thể giải thích được mọi câu hỏi hóc búa của con người về sự tồn tại. Nhưng sau một thời gian, tôi lại nhận thấy khoa học cũng có những thiếu sót. Nó có thể giải thích cho tôi hiểu chất lưu (hỗn hợp khí và chất lỏng) chịu ảnh hưởng của áp suất như thế nào hoặc không khí di chuyển dọc theo bề mặt cánh buồm hay mạn tàu ra sao. Nhưng khoa học không thể cho tôi biết mình nên đi đâu và nên làm gì trong những lúc cô độc và nguy cấp.
Và nếu như vũ trụ thuộc về một nơi không xác định, thì tôi cũng không phải lo sợ quá mức. Tôi không cần có một cái nhìn cơ học về hệ mặt trời để cảm thấy thoải mái trong một góc nhỏ bé của mình trên địa cầu. Tôi nhận thấy tâm hồn thật thoải mái khi bơi thuyền trong vịnh Đại Nam, lắng nghe những cơn gió đổi chiều hay ngắm nhìn mặt biển êm ả, tìm thấy niềm vui ở những thứ thuộc về thiên nhiên đang thay đổi, bởi tôi đã học được cách ứng phó với những tình huống đầy bất trắc. Dần dần, tôi hiểu ra rằng nếu như có một quy tắc nào đó cho cuộc sống của mình, thì đó chẳng qua chỉ là những cái mà tôi đã luyện tập, lĩnh hội được và áp dụng vào cuộc sống của mình.
Khi tôi trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm hơn, tôi nhận ra rằng khả năng để phân biệt giữa thực tế hoặc những mối nguy hiểm sắp xảy đến là điều cơ bản để có được những quyết định sáng suốt. Những người không hiểu điều này thường gặp bất lợi. Họ sống trong thế giới mà theo họ là đầy những tai ương tiềm ẩn. Họ dường như chỉ nghĩ về những cái không may và tìm cách né tránh trước khi điều đó xảy ra. Họ nghĩ rằng mình không thể kiểm soát được thực tế, mặc dầu họ có thể làm được. Họ chỉ kiểm soát được những điều không có thực. Bởi vì họ đã để nỗi sợ hãi, nỗi sợ trong tưởng tượng về những hình ảnh không đáng tin điều khiển cuộc sống của mình. Nỗi sợ ngày một lớn dần, ngăn cản không cho họ phá tan cái bức màn bí mật ngăn cách giữa sự nhút nhát và niềm tin.
Tôi biết có một luật sư tài năng luôn lên kế hoạch cho những chuyến du lịch của gia đình như thể ông ta chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra ở tòa án. Vợ và con ông thật sự cảm thấy bất an khi ông luôn yêu cầu họ phải chuẩn bị tâm lý trước bất cứ tình huống hoặc bất kỳ thảm họa nào đó có thể xảy đến trong mỗi chuyến đi. Cuộc sống đối với ông ta là một phiên tòa thực sự, và ông ta luôn trong trạng thái đối đầu với nó, cố gắng kiểm soát số phận như thể giành chiến thắng trong một trò chơi. Do luôn mang tâm trạng như vậy nên ông ta sống dường như để đối phó chứ không phải là để tận hưởng cuộc sống.
Tôi cũng biết một phụ nữ ở nhà làm nội trợ, và người phụ nữ này trước khi làm việc gì cũng lên một kế hoạch thật cụ thể. Đến nỗi chồng cô ta khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng anh ta có thể nói chính xác đến từng giây những việc cô đã làm tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Khi cô ném đồ vào máy giặt ư? Đó hẳn phải là 10 giờ sáng thứ ba. Cô đang đi siêu thị ư? 2 giờ chiều ngày thứ năm, không kém. Cô dọn bàn ăn mỗi tối vào lúc 6 giờ, chính xác đến từng khắc. Có như vậy cô mới có đủ thời gian dọn dẹp để kịp xem chương trình tivi lúc 7 giờ. Đều đặn vào mỗi tối, cô rời khỏi phòng khách để đi ngủ lúc 10 giờ.
Trên thực tế, những người như vậy không ít như chúng ta tưởng. Nhưng nếu cuộc sống của họ cứ luôn tiếp diễn như thế thì thật chẳng thú vị chút nào. Một cách vô tình, họ đã ru ngủ những tế bào mạo hiểm trong mao mạch của mình, làm những người thân của họ hoang mang rằng không biết khi nào mới có thể thức tỉnh được họ. Và một điều dễ thấy rằng những người này hiếm khi vượt ra khỏi những nguyên tắc, bởi một lý do đơn giản, họ sẽ không thể chịu được nếu để thế giới vuột khỏi tầm kiểm soát của mình. Nhưng thực nực cười khi con người cứ cho rằng mình có thể kiểm soát được thế giới, đó là điều không tưởng. Vì thế họ chọn cách thoái lui hơn là đối mặt với sự thật. Và điều đáng buồn là mỗi ngày qua đi, họ lại càng co cụm vào cái ốc đảo của riêng mình.
Nhiều năm về trước, khi tôi còn làm ở nhiệm sở như một người làm công ăn lương bình thường, tôi thường ăn trưa với một đồng nghiệp, người luôn luôn nghi ngờ rằng đằng sau mỗi vụ việc luôn chứa đựng một âm mưu nào đó. Mỗi một sự kiện xảy ra, anh ta đều khẳng định có người điều khiển sau đó. Từ việc Tổng thống Kennedy bị ám sát cho đến sự biến mất đầy bí hiểm của chiếc chìa khóa trong xe anh ta. Anh ta cho rằng Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA đứng đằng sau vụ ám sát, còn thủ phạm làm chiếc chìa khóa biến mất là những tên trộm. Anh ta không chấp nhận sự thật là có đôi lúc, mọi việc diễn ra theo một cách khác. Có thể một tên giết người vô danh tiểu tốt nào đó núp trong kho chứa sách với một khẩu súng trường là thủ phạm ám sát Kennedy cũng nên. Hay trong một phút xao nhãng nào đó, có thể chính anh ta đã đánh rơi chìa khóa trong lớp tuyết dày đặc. Anh ta cần lời giải thích cho cả những điều không thể lý giải, và tin tưởng rằng luôn có một cái đầu toan tính phía sau mỗi việc xảy ra. Và như vậy, anh ta thích áp đặt lên suy nghĩ của người khác rằng đó là một âm mưu hơn là một sự thật ngẫu nhiên. Dần dà, bệnh hoang tưởng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của anh ta. Đầu tiên, anh ta mất việc làm, và sau đó là gia đình tan vỡ. Và tất nhiên, những bất hạnh đó cũng
không tránh khỏi bị anh ta quy kết là do một bàn tay đen tối nào đó điều khiển.
Chúng ta sống trong một thế giới hỗn độn, đến mức chúng ta tin rằng những cái máy với các mạch điện có thể giúp chúng ta đương đầu với những thay đổi. Chúng ta xây dựng các thuật toán và nhồi nhét chúng vào những cỗ máy. Đôi khi chúng ta tin một cách ngớ ngẩn rằng máy móc có thể cho ta biết mình muốn gì. Chúng ta hỏi máy móc những câu đại loại như: “Điều gì sẽ xảy ra nếu giá vàng leo thang đến đỉnh điểm?”,“Điều gì sẽ xảy ra nếu mặt trời đột nhiên biến mất trong vũ trụ?”... mà không nhận thấy rằng mình đã lãng phí thời gian vô ích cho những việc chúng ta không chắc nó sẽ xảy đến trong tương lai. Cái quan trọng hơn cả mà chúng ta bỏ quên, đó chính là hiện tại - khoảnh khắc chúng ta đang sống.
Nhưng chiếc “Nữ hoàng” màu xanh đã giúp tôi thoát khỏi những lo lắng, bất ổn về tương lai, nó luôn nhắc tôi nhớ rằng mình đang sống trong hiện tại. Thành thật mà nói, tôi cũng chẳng hứng thú mấy khi hiểu biết quá nhiều về số phận của mình. Chẳng ai có thể tránh được quy luật của sinh - lão - bệnh - tử, và đến một lúc nào đó tôi cũng sẽ chết mà thôi. Vì vậy vấn đề duy nhất đó là tôi sẽ làm gì với quãng thời gian sống của mình. Tôi sẽ đứng trên bờ biển, thừ người ta với nỗi sợ hãi, hay là kéo buồm lên và ngụp lặn trong cơn gió?