🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Quyết Thay Đổi Cuộc Đời - Dick Lyles Ebooks Nhóm Zalo DICK LYLES Khánh Thủy dịch BÍ QUYẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI FIRST NEWS Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc – Tổng Biên tập ĐINH THỊ THANH THỦY Biên tập : Phạm Thị Hải Âu Sửa bản in : Hồng Hải Bìa: Nguyễn Hùng Trình bày: First News NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 62 Nguyễn Thị Minh Khai – Quận 1 ĐT: (028) 38 225340 – 38 296764 – 38 247225 – Fax: 84 28 38222726 Email: [email protected] Sách Online: www.nxbhcm.com.vn Ebook: www.sachweb.vn NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 1 62 Nguyễn Thị Minh Khai – Q. 1, TP. Hồ Chí Minh – ĐT: 028. 38 256 804 NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 2 86 – 88 Nguyễn Tất Thành – Q. 4, TP. Hồ Chí Minh – ĐT: 028.39 433 868 GIAN HÀNG MO1 - ĐƯỜNG SÁCH TP. HCM Đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh THỰC HIỆN LIÊN KẾT: CÔNG TY TNHH VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT (FIRST NEWS) Địa chỉ: 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP. HCM In 1.000 cuốn, khổ 13 x 20,5 cm tại Công ty TNHH SX-TM-DV Kim Bảo (5 Nguyễn Trung Trực, P. 5, Q. Bình Thạnh, TP. HCM ). XNĐKXB số 4700-2020/CXBIPH/02-319/THTPHCM ngày 10/11/2020 - QĐXB số 940/QĐ-THTPHCM-2020 cấp ngày 13/11/2020. In xong và nộp lưu chiểu quý IV/2020. ISBN: 978- 604-312-141-4. Bí quyết thay đổi cuộc đời đã chuyển đến cho chúng ta một thông điệp thật đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục: Những thói quen tốt sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và thanh thản trong cuộc sống. - Ken Blanchard, đồng tác giả với Spencer Johnson của The One Minute Manager. Dick Lyles đã đúc kết những kinh nghiệm làm việc hiệu quả và thực tế nhất của mình. Đây là một cuốn sách không phải đơn thuần để giải trí mà còn chứa đựng rất nhiều nguyên tắc thực tiễn và sâu sắc tiềm ẩn trong những thói quen thật đơn giản mà chúng ta ít khi nhận ra. - Stephen R. Covey, tác giả của Seven Habits of Highly Effective People. Ở bất kỳ đâu, chúng ta cũng đều cần đến những nguyên tắc đối nhân xử thế trong công việc nhưng chưa có ai chỉ cho chúng ta cách cụ thể phải làm như thế nào như trong Bí quyết thay đổi cuộc đời. Đây là cuốn sách mà bất cứ ai muốn vươn đến đỉnh cao nên đọc. - Paul Stauffer, CEO, Stauffer’s of Kissel Hill. Lời giới thiệu BÍ QUYẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI C ó một lúc nào đó trong đời, bạn cảm thấy không hài lòng với công việc và cuộc sống của mình? Bạn thấy mình đã cố gắng hết sức, nhưng mọi chuyện vẫn không theo ý bạn? Và dường như bạn đã mất phương hướng và sức mạnh của bản thân? Bạn không biết tại sao. Bạn đi tìm câu trả lời, để nhìn lại và điều chỉnh từ chính bản thân bạn. Câu chuyện kể về một người đang gặp bế tắc trong sự nghiệp và những nỗ lực của anh để tìm cách làm thay đổi cuộc đời mình. Trải qua những vất vả trong tinh thần và quá trình tìm kiếm, học hỏi, anh chợt nhận ra một bí quyết thật đơn giản: Để thay đổi được cuộc đời mình, chỉ cần thay đổi một số thói quen, và bắt đầu từ nhận thức, suy nghĩ của chính mình. Và mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng nếu không để ý, không đi tìm, có thể chúng ta sẽ không nhận ra. Càng sớm nhận ra, cuộc sống của chúng ta sẽ sớm thay đổi. KHỞI ĐẦU CÂU CHUYỆN S ự việc bắt đầu từ khi đôi vợ chồng trẻ Albert và Jennifer chuyển từ Chicago đến San Diego, California. Đó thực sự là một bước ngoặt trọng đại trong đời. Lý do hai vợ chồng chuyển đến đây là từ một sự việc bất ngờ. Ông chủ của họ ở Chicago mua được từ đối thủ cạnh tranh một công ty ở San Diego - Jennifer nhận nhiệm vụ sát nhập một dây chuyền sản xuất của công ty mới với công ty cũ của cô. Công việc này là một bước thăng tiến đáng kể của Jennifer. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hai vợ chồng, ban lãnh đạo công ty cũng đã tìm một công việc mới ở San Diego cho Albert. Mặc dù công việc mới chưa hẳn như những gì Albert mong muốn nhưng nó phù hợp với sở thích và năng lực của anh. Lúc đầu, chỉ cần nghĩ đến việc chuyển đến một nơi xa xôi, phải sống xa gia đình, bạn bè và nhất là sự khác biệt của nơi sắp chuyển đến đã khiến Albert và Jennifer lo lắng. Nhưng sau đó cả hai đều nhanh chóng thích nghi và cảm thấy thú vị khi được sống ở vùng đất nổi tiếng với biệt danh “Tiểu bang vàng” này. Khí hậu miền Nam California rất hợp với họ, khiến cả Albert lẫn Jennifer đều cảm thấy thật thoải mái. Trong suốt những tháng mùa đông ở đây, đôi vợ chồng vẫn tập thể dục mỗi ngày, không giống như lúc còn ở Chicago, phải vất vả lắm cả hai mới có thể chui ra khỏi giường vào buổi sáng. Albert và Jennifer đều cảm thấy hứng thú với sự thay đổi này. Một chương mới của cuộc đời dần mở ra trước mắt họ, tựa như một giấc mơ đang trở thành sự thật. Họ bắt đầu cuộc sống mới với tất cả sự hăng say, phấn khởi của mình cho đến một ngày, những cơn ác mộng của Albert bắt đầu. g ộ g Suốt đêm, Albert trở mình không biết bao nhiêu lần. Đôi mắt anh mệt mỏi cố đọc những con số màu đỏ đang nhấp nháy trên chiếc đồng hồ điện tử - đã 4 giờ 43 phút sáng thứ Bảy. Hơn hai tiếng đồng hồ trôi qua từ lúc Albert tỉnh giấc, chính xác hơn là từ lúc anh giật mình thoát khỏi cơn ác mộng khủng khiếp. Toàn thân anh nhễ nhại mồ hôi còn tim thì đập liên hồi. Anh ngồi bật dậy, kịp tỉnh giấc trước khi phát ra một tiếng kêu cứu kinh hoàng và gạt mạnh cái mền qua một bên, như thể chỉ cần tiếp tục đắp thêm một giây nữa thì nó sẽ làm anh chết ngạt. Anh ngồi bất động trên giường đến gần năm phút mới dần dần bình tĩnh trở lại. Mọi vật xung quanh anh vẫn yên ắng. Không gian tĩnh mịch bao trùm khắp mọi nơi. Bên cạnh anh, Jennifer vẫn đang say ngủ trong một tư thế thật thoải mái. Ngay cả Digger, con chó cưng của anh, cũng đang cuộn tròn nằm ngủ ngon lành trong góc nhà yêu thích của nó. Mọi thứ, ngoại trừ Albert, đều trong trạng thái yên bình, tĩnh tại. - Có lẽ mình phải đánh thức Jennifer dậy - Albert nghĩ - Giấc mơ này lại gần giống với giấc mơ ba đêm trước. Albert ngồi im trên giường để cố nhớ lại những hình ảnh trong giấc mơ, dù chuỗi sự kiện đó có lẽ cũng không có ý nghĩa gì cả. Mới đầu nó cũng giống như một giấc mơ bình thường. Anh thấy mình đang trên đường đi làm. Anh đi bộ từ chỗ đậu xe đến văn phòng. Những người anh gặp đều rất thân thiện và lịch sự, mặc dù trong đám đông ấy anh chẳng nhận ra một khuôn mặt thân quen. Tất cả đều là những người xa lạ. Sau đó anh bước vào phòng làm việc quen thuộc của mình và cảm thấy thoải mái như đang ở nhà. Anh bật máy vi tính lên, kiểm tra hộp thư riêng rồi với tay lấy chiếc phong bì đang nằm giữa bàn. Đó là tấm séc tiền lương của anh ở công ty Kỹ Thuật Ứng Dụng Toàn Cầu. Khi nhìn lướt qua, anh thấy tổng số tiền lương của mình là 1,98 đô la. Sau khi trừ thuế và các khoản khác thì số tiền còn lại là 1,17 đô la. Ngày tháng ghi trên ngân phiếu là vào một ngày của hai mươi năm tới. Khi anh định mang ngân phiếu tới phòng kế toán để nhận lương thì anh lại thấy mình đang bị nhốt trong một chiếc lồng lơ lửng đâu đó trong tầng hầm của công ty. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù cố hết sức, hai tay anh vẫn không thể nắm được chấn song của chiếc lồng. Anh không thể nhận ra được cái gì đang giữ anh lại. Ngoài kia, những đồng nghiệp của anh đang qua lại liên tục không ngớt. Họ đứng trong những chiếc thang cuốn khác nhau lượn lờ trong không trung như những đợt sóng vây xung quanh anh, gần giống như những tấm thảm bay thần kỳ trong câu chuyện cổ tích. Họ cười đùa vui vẻ như thể đang đi dự một bữa tiệc lớn trên trời. Mọi người dường như lãng quên Albert. Với họ, anh không còn hiện hữu. Anh cố bám lấy lồng giam, muốn tự giải thoát mình nhưng không thể. Anh liên tục kêu cứu nhưng miệng anh lại không thể phát ra được một âm thanh nào. Anh muốn được hòa nhập với mọi người nhưng toàn bộ cơ thể anh lại bị giữ chặt bởi một lực cản vô hình nào đó. Chính vào lúc anh đang dùng hết sức mình chuẩn bị thét lên một tiếng kêu cầu cứu thì anh giật mình tỉnh giấc trong sự sợ hãi tột độ, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Mặc dù đã thoát khỏi giấc mơ nhưng cái cảm giác lạc lõng, sợ hãi vẫn tiếp tục đeo bám anh khiến anh thấy đau nhói trong ngực. Albert nằm xuống và đắp chăn trở lại nhưng vẫn không thể nào ngủ tiếp được. Anh biết rõ nguyên nhân của những giấc mơ kinh khủng ấy, vì thế anh hết trở mình trằn trọc rồi lại tự chất vấn mình. Những câu hỏi đến dồn dập trong anh nhưng không có lời giải đáp. - Mình đã làm gì sai nào? - Anh tự hỏi mình câu hỏi này hàng trăm lần - Mình không bắt nhịp với thời cuộc ư? Hay mình không có năng lực thực sự? Sự nghiệp mình chỉ như vậy sao? - Anh tiếp tục suy nghĩ - Những người mình biết đều đang đi lên, ngoại trừ mình! Đầu tiên là chị Megan. Việc chị lên chức cách đây một năm làm Albert hơi hụt hẫng. Chị là người phụ trách đầu tiên của anh và anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm việc với một người khác ngoài chị. Nhưng sau khi nghĩ lại thì anh thấy điều đó cũng đúng thôi. Dẫu sao thì chị cũng là người có tài và đã từng ở vị trí quản lý. Tiếp đến là sự thăng tiến của vợ anh - nguyên nhân dẫn đến chuyến đi này. Albert cũng nhận được một công việc mới khi thuyên chuyển nhưng anh vẫn ở cấp bậc cũ với mức lương như trước. Vì quá hào hứng khi được chuyển đến một nơi ở mới nên anh không suy nghĩ gì nhiều. Rồi năm tuần trước đây, đến lượt Chip và Elizabeth nhận được công việc mới ở vị trí cao hơn. Cả ba là cộng sự khá thân và hợp ý, đã làm việc chung với nhau suốt một năm qua trong dự án phát triển một loại bể chứa nước đặc biệt . “Giờ thì họ đã ở nơi khác với những dự án thách thức hơn, còn mình thì vẫn giậm chân tại chỗ làm nốt phần đầu thừa đuôi thẻo cho cái dự án này”, Albert cay đắng nghĩ. Cách đây hai tuần, Whitney và Alison, đồng nghiệp làm chung phòng với Albert được chuyển sang làm một công việc mới với rất nhiều cơ hội thăng tiến. Đến lúc này thì cảm giác hoài nghi về bản thân bắt đầu lên đến đỉnh điểm nơi Albert. Anh thầm nghĩ: “Mình như đang ngày càng tụt lại phía sau, lùi đến cái góc tối cô độc nhất!”. - Có chuyện gì vậy anh? Ngủ đi anh! - Jennifer chợt tỉnh giấc và hỏi khi thấy Albert trở mình. Albert cố tình không để ý đến Jennifer. “Sao anh ấy lại không trả lời mình nhỉ?” - Jennifer tự hỏi khi nhắm mắt trở lại. Jennifer đã nhận thấy có điều gì đó bất ổn nơi Albert khi anh quên lễ kỷ niệm ngày cưới lần thứ năm của hai người vào tuần trước. Trước đây, Albert chưa từng như thế bao giờ. Albert nghĩ: “Mình muốn nói với Jennifer nhưng không phải lúc này. Jennifer vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn. Mình sẽ nói vào lúc dắt Digger đi dạo trong công viên? Không, ở đó đông người, rất dễ bị phân tâm. Có lẽ vào lúc ăn sáng. Lúc ấy, nếu muốn bàn chuyện này kỹ hơn thì hai đứa vẫn có thể nán lại được. Mình không muốn Jennifer nghĩ rằng vì cô ấy mà mình lại như thế này”. Albert nghĩ về sự thăng tiến của Jennifer. Rõ ràng nàng rất xứng đáng với vị trí mới và đó là một quyết định đúng đắn của công ty. Khi mới chuyển về đây, anh vẫn chưa nghĩ đến sự thăng tiến của bản thân vì anh thích công việc hiện tại, mối quan hệ giữa anh và đồng nghiệp cũng khá tốt. Nhưng khi cuộc sống mới của hai người đã ổn định thì những trăn trở đó lại dậy lên trong anh. Anh liên miên suy nghĩ về sự thăng tiến đến nỗi điều này đã trở thành một nỗi ám ảnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, bốn đồng nghiệp của anh đã lần lượt thăng cấp, còn anh vẫn chưa có một chuyển biến tốt đẹp nào. Anh cũng đã hai lần hỏi sếp về vấn đề này và câu trả lời cho cả hai lần là: “Chẳng có lý do nào cả. Anh hãy chờ đấy!”. Và thế là anh đang ở đây, với vị trí không quyền lực, với cảm giác lạc lõng và cô đơn. Mặt trời đã chiếu những tia nắng bình minh đón chào một buổi sáng tươi đẹp. Nhưng vẫn không thể làm dịu lòng Albert. Anh kéo chiếc gối lên che mặt, như muốn tách biệt mình khỏi mọi thứ xung quanh. Jennifer tỉnh giấc, cô nép sát vào chồng và cố suy đoán về những bất ổn của anh. Cô cảm thấy bất lực vì chẳng có câu trả lời nào rõ ràng cả. Jennifer rất muốn nói chuyện với anh về điều này, bởi cô thấy rõ nó đang ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của anh. Ngoài chuyện Albert quên bẵng lễ kỷ niệm ngày cưới của hai người, thỉnh thoảng anh lại quên những chuyện rất nhỏ. Ví dụ như anh để xe hết xăng trên đường đi làm. Tệ hơn là chuyện anh quên cài chốt cửa phòng vệ sinh trong chuyến bay đến Atlanta. Cô tự hỏi có ai lại đãng trí đến thế! Jennifer kéo gối ra khỏi mặt chồng, lên tiếng trước: - Anh lại ngủ không yên giấc phải không? Albert im lặng. Jennifer đề nghị: - Thế thì chúng mình thức dậy dẫn Digger đi dạo công viên nhé? - Ừm... - Albert lầm bầm và lại kéo cái gối che mặt. Mặc dù anh dự tính sẽ nói chuyện với Jennifer nhưng anh vẫn chưa muốn ra khỏi giường vào lúc này. - Anh xem ngày hôm nay tuyệt chưa kìa! - Jennifer giật mạnh cái gối ra. - Mười lăm phút nữa thôi! - Albert năn nỉ. - Chỉ mười lăm phút thôi đấy nhé! - Jennifer đáp lại rồi vào bếp pha cà phê và cho Digger ăn sáng. Mười lăm phút sau, Jennifer quay trở lại phòng ngủ. Cô bước lên nệm, kéo hết mền gối khỏi người Albert rồi nói: - Mười lăm phút của anh hết rồi. Dậy đi nào! Cô quỳ gối, nhún lên nhún xuống trên nệm như muốn truyền cho anh sự hăng hái của mình. - Thêm mười lăm phút nữa đi! - Albert nài nỉ. p - Không. Em đã cho anh thêm mười lăm phút rồi! - Cô tiếp tục nhún trên nệm. Chợt cô ngừng lại. - Hay là anh bị bệnh? Gần đây em hay thấy mấy con bọ lạ quanh nhà - Jennifer lo lắng hỏi. - Anh chỉ mệt chút thôi mà. Anh xin lỗi! Thêm mười lăm phút thôi em nhé? - Anh đã được thêm mười lăm phút rồi. Ta đi nào, Digger đang đợi mình đấy! - Jennifer vẫn nhún. - Đừng có nhún nữa. Anh muốn ngủ! - Albert cằn nhằn. - Thôi thì tùy anh. Em sẽ đi một mình. - Jennifer bước xuống giường. Thấy Jennifer giận, Albert liền bật người dậy và nói ngay: - Đợi anh nhé! Chúng mình sẽ ăn sáng ở quán ăn Pháp trước rồi hãy tính tới Digger. Gương mặt Jennifer tươi trở lại, cô thầm nghĩ: “Có thể tin vui của mình sẽ làm anh ấy phấn khởi lên, thoát khỏi tâm trạng khó chịu và bình thường trở lại” . Lúc đầu Jennifer định sẽ nói với chồng khi hai người đi dạo trong công viên nhưng sau đó cô lại quyết định sẽ tâm sự lúc cùng anh ăn sáng. Chỗ ngồi yêu thích của họ vẫn còn trống. Albert và Jennifer rất thích cùng nhau dùng bữa sáng ngoài trời vào mỗi sáng thứ Bảy tại quán ăn Pháp, điều họ không thể có được khi còn ở Chicago. Cô phục vụ nhanh chóng rót cà phê trong khi họ gọi món trứng Florentine và một cái bánh quế to để ăn chung. Như thường lệ, hai vợ chồng chia nhau tờ báo và bắt đầu lướt qua các tựa đề trong khi chờ đợi. Mặc dù Albert đang xem phần tin tức thể thao nhưng đầu óc của anh đang tập trung lấy can đảm và cố tìm những từ thích hợp để chia sẻ mối bận tâm của mình với Jennifer. Họ bỏ tờ báo xuống khi cô phục vụ mang thức ăn đến. “Bây giờ chính là lúc làm cho anh ấy vui đây” - Jennifer thầm nghĩ. - Anh Albert, anh đoán thử xem em có tin gì mới cho anh đây! - Gì vậy em? - Albert trả lời trước khi cho một thìa đầy trứng và rau vào miệng. - Anh biết không, trưa hôm qua, giám đốc phòng dịch vụ công nghiệp đã gọi em lên văn phòng và mời em hợp tác với nhóm ông ấy. Thật là một đề nghị bất ngờ anh ạ! Albert sững sờ. Thiếu chút nữa là anh ho lên và sặc sụa với mớ thức ăn trong miệng. Cổ họng anh bỗng trở nên khô khốc, không tài nào nuốt nổi. Anh ngồi yên lặng, gắng làm ra vẻ tự nhiên trong khi Jennifer vẫn say sưa nói: - Em biết chúng ta cần phải bàn bạc với nhau trước khi quyết định nhưng đây đúng là một cơ hội tuyệt vời, phải không anh? Ông ấy đã nói chuyện với sếp của em và việc thuyên chuyển có thể hoàn tất trong vòng một tháng nữa. Albert cố nhai và nuốt món trứng trong miệng đang sắp làm anh nghẹt thở. Tâm trí anh cũng dần bình tĩnh trở lại. - Em nghĩ thời điểm này thật thuận lợi cho em. Nhóm ông ấy đang thực hiện một số dự án hấp dẫn và đầy thách thức. Thật là một tin tuyệt vời phải không anh? - Jennifer hăng hái. - Ừ. - Anh trả lời cụt ngủn sau khi cố nuốt hết thức ăn trong miệng. Thìa thức ăn ngon lành lúc nãy giờ đây mất hẵn hương vị, trở nên khô khốc và khó nuốt vô cùng. Jennifer vẫn còn rất hưng phấn, cô say sưa nói và không nhận ra tâm trạng của anh. Bàn về chuyện của anh lúc này quả là không thích hợp chút nào. Anh không thể nói anh đang cảm thấy kém hơn cô vì anh chưa có cơ hội thăng tiến trong công việc. Điều này có thể làm cô cảm thấy có lỗi về chính thành công của mình. Albert nghĩ: “Mình không muốn sự thất bại của mình lại là áp lực cho cô ấy” . Anh hài lòng khi thấy Jennifer vui vẻ và anh không muốn làm cô mất đi niềm vui đó. Suốt đoạn đường về, Jennifer tiếp tục say mê nói về chuyện thăng tiến. Khi họ vừa về đến nhà, Jennifer vội vàng gọi điện thoại báo tin vui cho gia đình và vài người bạn thân, còn Albert thì bước ra vườn chơi ném đĩa với con Digger. Tuy nhiên, anh không còn lòng dạ nào để chơi đùa cả. Albert đi lững thững trong khu vườn trước nhà và thẫn thờ nhổ mấy cọng cỏ dại mọc trên luống hoa trong sân. Anh không để ý thấy bà O’Reilly, người hàng xóm sống cạnh nhà anh cũng đang chăm sóc khu vườn nhỏ của mình. Lúc anh đang lơ đãng nhìn cái xe đẩy và dụng cụ làm vườn của bà để ngay lối đi thì bà O’Reilly nhẹ nhàng bước tới, trên tay là một giỏ đầy hoa bươm bướm xinh xắn bà mới cắt ngoài vườn. - Chào Albert! - Bà lên tiếng trước - Hôm nay mà làm vườn thì tuyệt vời phải không cháu? - Chào bà! Vâng, cháu cũng thấy thế! - Albert trả lời yếu ớt. Albert đoán có lẽ bà khoảng bảy mươi. Nhưng có vẻ bà thuộc những người khi đã đến ngưỡng sáu mươi tuổi rồi thì không già đi nữa. Cũng có thể bà đã tám mươi. Nhưng có một điều Albert biết chắc là bà có tấm lòng nhân hậu, yêu cuộc sống và luôn quý mến tất cả mọi người xung quanh. Ai tiếp xúc với bà cũng thấy vui và dễ chịu. - Hôm nay đẹp trời nhưng sao cháu lại buồn bã thế, Albert? Nhận xét sắc sảo của bà O’Reilly luôn làm Albert phải ngạc nhiên. Và đó là một trong những tính cách anh rất thích ở bà. Bà thẳng thắn nhưng rất tinh tế, lại nhạy cảm tuyệt vời trong việc nhận ra suy nghĩ và tình cảm của người khác. Phong thái của bà luôn cho người đối diện có cảm giác cuộc nói chuyện sẽ thú vị và sâu sắc. Albert đáp lại lời bà: - Đúng là một ngày đẹp trời! - Một ngày rất tuyệt, chỉ có tâm trạng cháu là không ổn thôi! - Bà rời mắt khỏi giỏ hoa và ngước nhìn anh. Anh biết là bà đã đoán được tâm trạng của mình. Ngay lúc này, anh có thể viện một lý do nào đó để vào nhà hoặc cũng có thể ở lại nói chuyện với bà. Bà luôn có một cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu người khác. Anh đã không thể nói với Jennifer về những suy tư của mình nhưng với bà O’Reilly thì khác. - Cháu có thể hỏi bà vài chuyện không ạ? - Bất cứ lúc nào! - Bà mỉm cười nhìn Albert với đôi mắt ấm áp. - Chỉ giữa bà và cháu thôi nhé? Đây không phải là chuyện về Jennifer, nhưng cháu không muốn để cô ấy biết. - Được thôi! - Bà trả lời, ánh mắt hiền lành khiến Albert hoàn toàn tin cậy. Ngập ngừng, anh kể hết chuyện mình cho bà nghe. Bà chăm chú lắng nghe đến từng chi tiết. Kể xong, anh thấy lòng nhẹ nhõm dù chưa tìm được giải pháp nào. Nghe anh kể xong, bà nói: - Albert này, điều đầu tiên cháu cần hiểu là cháu không đơn độc. Ta biết ta nói điều này cũng chẳng giúp được gì cho cháu nhưng những người khác cũng đã từng vượt qua những hoàn cảnh tương tự như cháu, và ta tin cháu cũng có thể làm được như họ. - Cháu cũng không biết nữa! - Thật khó để nghĩ đến khó khăn của người khác khi mình đang phải vật lộn với những khó khăn riêng của mình, nhưng đó chính là sự thật đấy cháu. - Vậy bà có thể giúp cháu không? - Ta không thể, nhưng ta biết một người có thể giúp được cháu. Và bây giờ nếu cháu mang hộ ta cái bao phân bón ở đằng kia lại đây thì cháu sẽ không tốn một xu để biết được người đó là ai! Albert nhanh chóng kéo cái bao đến chỗ bà O’Reilly đang định trồng hoa. Chỉ cần biết rằng sắp được ai đó giúp đỡ cũng khiến anh bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Anh hỏi: - Đó là ai vậy bà? - Em rể của ta, Đô đốc John P.J. Farragut. - Đô đốc Farragut? Là Đô đốc Farragut tiếng tăm lừng lẫy đó sao? Ông ấy là em rể của bà? - Albert hỏi dồn dập, giọng đầy nghi hoặc. Albert ồ lên kinh ngạc và nhớ lại những điều anh biết về nhân vật nổi tiếng này. Đô đốc John P.J. Farragut là một anh hùng. Chữ viết tắt ‘P.J.’ có nghĩa là Paul Jones. Tên ông được đặt theo tên người sáng lập g J g ợ ặ g g ập Hải quân Hoa Kỳ - John Paul Jones. Chữ ‘Farragut’ hàm ý rằng ông là hậu duệ trực tiếp của Đô đốc David Glasgow Farragut, người anh hùng hải quân của nước Mỹ. John Paul Jones Farragut không chỉ thừa hưởng gen di truyền của Đô đốc David Glasgow Farragut mà còn được cha mẹ nuôi dạy trong một môi trường đầy kỳ vọng. Ông được bạn bè yêu mến và ngưỡng mộ từ khi còn học ở Học viện Hải quân. Ông là một sinh viên giỏi, bản lĩnh, và có một phong cách sống rất đặc biệt. Mọi người thích ở bên cạnh ông vì ông biết cách kết nối mọi người lại với nhau thành một khối thống nhất. Ông luôn làm cho người ta cảm thấy mạnh mẽ hơn. Khi có một vấn đề nào đó phát sinh khiến mọi người chia rẽ thì ông luôn là người hòa giải những mối bất hòa đó và hướng mọi người đến một mục tiêu chung. Điều cuối cùng khiến ông trở nên đặc biệt trong mắt mọi người là vì ông có khả năng giải quyết khó khăn bằng cách nhìn về phía trước. Trong khi mọi người có khuynh hướng sửa chữa những sai lầm thì ông luôn tập trung vào việc tạo ra những kết quả tốt hơn trong tương lai. Ông trở thành một trong hai người hiếm hoi trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ chỉ huy hạm đội Đại Tây Dương rồi đến hạm đội Thái Bình Dương. Sau đó ông trở thành tư lệnh lực lượng Hải quân và tiếp theo là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng. Khi về hưu, ông là thành viên hội đồng quản trị của một số tập đoàn tiếng tăm nhất thế giới. Và mọi người nhắc đến ông nhiều hơn nữa khi ông làm từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo đói trên thế giới. Ông đã trở thành một huyền thoại ngay lúc còn sống. Người ta đã lấy tên ông đặt cho tên đường, tên trường học, và ngay cả cho một sân vận động. Bà O’Reilly đề nghị: - Nếu cháu muốn, ta sẽ sắp xếp cho cháu gặp Đô đốc. Ngày Chủ nhật ông ấy thường nghỉ ngơi trong chiếc du thuyền của mình, vì vậy nếu cháu không ngại lái xe tới Coronado thì có thể ông ấy sẽ đồng ý tiếp cháu ngay ngày mai đấy. - Thật tuyệt bà ạ! Ngày mai Jennifer có hẹn gặp những bạn bè cũ trong thị trấn, như vậy cháu hoàn toàn có thể đi được. Chưa hết ngạc nhiên, Albert hỏi lại bà O’Reilly: - Ông ấy có thật là em rể của bà không? - Chắc chắn là như vậy! - Bà O’Reilly cười rạng rỡ. Sáng Chủ nhật đến thật nhanh. Đô đốc Farragut đã đồng ý tiếp anh trên chiếc du thuyền của ông tại Coronado. Albert có mặt ở bến cảng vào đúng giờ đã hẹn. Chiếc du thuyền của ngài Đô đốc rất dễ nhận ra. Nó được neo ở cuối cầu tàu dài nhất, lấp lánh trong ánh bình minh rạng rỡ, nổi bật hơn tất cả những chiếc thuyền lớn đang neo gần đó. Albert đứng lưỡng lự trên cầu tàu. Không rõ vì anh sợ làm hỏng vẻ đẹp tráng lệ của chiếc du thuyền nếu anh bước lên hay là vì anh e sợ trước viễn cảnh sắp được gặp một con người quá nổi tiếng. Trong khi Albert còn đang đứng tần ngần nhìn chiếc thuyền thì ngài Đô đốc từ trong cabin bất ngờ bước ra, vươn tay vịnh lấy lan can. Albert đứng nhìn ông chăm chú. Đô đốc có mái tóc dày dợn sóng màu xám bạc. Cặp chân mày của ông dày rậm và đầy vẻ kiêu hùng. Đôi mắt xanh nằm sâu dưới đôi mày bạc trông thật thu hút và ấm áp. Gương mặt sáng với chiếc hàm vuông đầy uy quyền. Cả người ông toát lên dáng vẻ của một người chỉ huy đầy bản lĩnh. - Cháu là Albert phải không? - Vâng, thưa Ngài! - Albert trả lời. Anh không nhớ là mình đã từng gọi ai là “Ngài” trong cuộc đời chưa nhưng trong tình huống này, có lẽ cách xưng hô “Ngài” là đúng nhất. - Lên thuyền đi. Bà O’Reilly đã nói với ta khá nhiều về cháu. - Cảm ơn Ngài! - Albert trả lời rồi bước lên chiếc du thuyền. - Và cả Jennifer vợ cháu nữa, bà O’Reilly rất quý mến hai vợ chồng cháu. Chắc các cháu rất hạnh phúc phải không? - Vâng. Tình cảm của chúng cháu rất tốt ạ! - Ta cũng đoán là như vậy - Đô đốc vừa nói vừa ra hiệu cho Albert ngồi xuống bên cạnh mình. - Bà O’Reilly là một người hàng xóm rất tốt của bọn cháu - Albert cố mở rộng đề tài câu chuyện. - Và cũng là một quý bà tuyệt vời nữa chứ - Đô đốc thêm vào - Hình như cháu đang cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp, phải không? Ta có nghe bà O’Reilly nói. - Đúng vậy, thưa Ngài! - Albert gật đầu khẳng định. Thế là Albert thuật lại quá trình làm việc của mình ở công ty Kỹ Thuật Ứng Dụng Toàn Cầu cùng những gì anh đã trải qua. Albert kể xong, Đô đốc ngồi yên lặng, trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc sau, ông nói: - Theo ta, cháu cần phải xem lại một số thói quen của mình, Albert ạ! - Thói quen của cháu ư? - Albert ngạc nhiên hỏi lại. Anh không hút thuốc, không chơi cờ bạc chỉ thỉnh thoảng uống một vài ly rượu, có gì để Đô đốc nhận xét như vậy nhỉ? - Đúng, những thói quen! - Đô đốc khẳng định lại. - Vâng ạ! - Albert ngập ngừng đáp, chẳng hiểu là cuộc nói chuyện này sẽ đi đến đâu. - Có phải cháu đang nghĩ đến những thói quen xấu, những thói quen mà người ta nên từ bỏ, phải không? - Đúng là cháu đã nghĩ như vậy, thưa Ngài! - Albert trả lời và thầm nghĩ: “Đô đốc có thể đọc được suy nghĩ của mình sao?”. - Thói quen cũng có thể là những điều tích cực. Hình như ngày nay, việc dạy cho một người hướng đến hay nên rèn luyện những thói quen tốt chưa được quan tâm đúng mức. Albert cố nghĩ về thời gian đã qua xem có ai đó, kể cả các thầy cô giáo của mình, có dạy cho anh một thói quen tốt nào hay không; nhưng thật tình là anh không thể nhớ ra nổi. - Những thói quen tích cực sẽ hữu ích vô cùng cho cuộc sống của chúng ta - Đô đốc nói - Chúng sẽ giúp ta vượt qua những thời điểm khó khăn và tạo những bước ngoặt thành công lớn trong cuộc đời. Những thói quen ấy sẽ giúp chúng ta trở thành người đứng đầu. - Người đứng đầu ư? - Albert hỏi. Anh thật sự cảm thấy thích thú trước những điều Đô đốc vừa nói. - Một người đứng đầu! Đô đốc lặp lại và nhìn sâu vào mắt Albert như muốn nhấn mạnh điều đó. Ông muốn chắc chắn là ông đã hiểu rõ được những suy nghĩ của anh trước khi ông nói tiếp. - Người ta nói nhiều về người lãnh đạo và khả năng lãnh đạo, và quả thật điều đó rất quan trọng. Học cách lãnh đạo và trở thành người lãnh đạo sẽ giúp ích cho ta rất nhiều, nhưng ta cho rằng học cách trở thành người đứng đầu còn quan trọng hơn nữa. Chính điều này sẽ quyết định chúng ta có thành công trong sự nghiệp hay không. Một lần nữa Đô đốc ngừng lại. Ông không hề chớp mắt hay nhìn đi chỗ khác, như thể muốn nhìn thấu tận tâm can Albert. - Có lúc chúng ta ở vị trí lãnh đạo và có lúc không, nhưng lúc nào chúng ta cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng để trở thành người đứng đầu. Đô đốc ngừng lại một lúc rồi nói tiếp: - Khi được trao quyền lãnh đạo, ai cũng hồ hởi muốn tiếp nhận nó ngay và cố gắng làm cho thật tốt. Nhưng cho dù cháu có được quyền lãnh đạo hay không, cháu cũng cần phải làm cho mọi điều chung quanh mình trở nên tốt đẹp. Cứ kiên trì như vậy thì một lúc nào đó, bất cứ vị trí nào cháu muốn cũng sẽ đến với cháu. Albert không nói lời nào vì anh không muốn cắt ngang ý kiến của Đô đốc. Anh suy nghĩ thật kỹ để hiểu rõ hơn những điều ông vừa nói. - Đừng cố tìm kiếm những cơ hội thăng tiến. Hãy tìm kiếm cơ hội thực hiện những điều tốt xảy ra quanh mình. Sự tưởng thưởng chắc chắn sẽ đến với cháu một cách xứng đáng. Đô đốc nhận xét thêm: - Ta thấy cháu là một người rất thông minh. - Nhưng tại sao cháu vẫn dậm chân tại chỗ? - Albert kêu lên - Cháu thiếu điều gì ư? Hay cháu không đủ năng lực? - Ta tin chắc là cháu có năng lực và rất thông minh. Nhưng cháu cần tạo ra nhiều việc tốt quanh mình - đó chính là điều cháu cần phải thực hiện ngay bây giờ. - Cháu vẫn chưa hiểu rõ, thưa Ngài! - Dĩ nhiên rồi. Nếu không thì cháu sẽ không ở trên chiếc du thuyền này để trò chuyện với ta. - Đô đốc cười vui vẻ - Ta muốn chia sẻ với cháu bốn bí quyết sẽ làm thay đổi cuộc đời cháu, trước tiên là thay đổi cách nhìn nhận của cháu về công việc để sự nghiệp của cháu có thể phát triển hơn. Nhưng bây giờ chúng ta hãy xuất phát nào! Albert vẫn còn chưa hết ngạc nhiên thì Đô đốc đã giương buồm ra khỏi bến, để lại phía sau chiếc cầu của vịnh Coronado đang lấp lánh trong ánh nắng ban mai rực rỡ. Đi được một lúc, ông quay sang hỏi Albert: - Cháu nói cháu luôn làm tốt công việc à? - Đó không phải là do cháu tự đánh giá mình. Cháu nhận được khá nhiều lời khen ngợi và sự công nhận của mọi người. - So với các đồng nghiệp khác của cháu ở công ty thì sao? Albert nghe xong liền giải thích: - Ở công ty cháu có rất nhiều người giỏi. Phần lớn họ đều làm tốt công việc và được mọi người công nhận khả năng của mình. Đô đốc bật cười lớn. Albert chờ ông nói tiếp nhưng ông chỉ đứng lặng im đằng sau bánh lái nhìn ra mặt nước với một nụ cười đầy ẩn ý trên môi. Cuối cùng ông quay sang nhìn thẳng vào mắt Albert: - Cháu chưa hiểu vấn đề phải không? - Vâng, cháu vẫn chưa nghĩ ra ạ! - Tất cả mọi người ở công ty của cháu đều làm tốt công việc của mình, do đó, cháu cần phải làm khác mọi người nhưng không được làm giảm đi thành tích của họ. Như vậy, cháu sẽ có cơ hội cống hiến cho công việc nhiều hơn nữa. - Nhưng bằng cách nào ạ? - Albert hỏi, lòng đầy hoài nghi. - Ta sắp chia sẻ với cháu bốn bí quyết. Bí quyết đầu tiên ta học được khi còn là một cầu thủ bóng chày ở trường trung học. Đội bóng của ta chơi khá hay và có nhiều cầu thủ giỏi. Huấn luyện viên luôn bắt cả đội phải tập luyện rất vất vả để có thể chơi thành công ở tất cả các giải thi đấu. Ông ấy muốn tất cả cầu thủ phải tập thói quen làm tốt hơn so với yêu cầu đã đề ra. Albert chau mày và nghiêng đầu sang một bên tỏ vẻ nghi ngờ . - Cháu nghi ngờ à? - Đô đốc hỏi. - Trước đây cháu cũng từng nghe những điều này rồi. Cháu xin lỗi, nhưng dường như đối với cháu những lời động viên đó mới nghe thì thật hay nhưng nó chẳng đem lại kết quả gì khi ta thật sự bắt tay vào thực hiện. - Ta hiểu ý cháu. Nhưng hãy nghe ta nói. Trước đây, huấn luyện viên luôn dạy toàn đội của ta là: “Đến sớm hơn mọi người, ra về sau cùng và cố gắng thêm một chút!”. - “Đi sớm, về muộn” ư? - Albert hỏi lại. - Nghĩa là cháu bỏ ra nhiều sức lực và làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai khác. Đó không phải chỉ là một công việc bận rộn mà là một sự đóng góp có ý nghĩa ở mức độ cao hơn. Hãy đến nơi làm việc thật sớm và không phải là người đầu tiên ra về. Những lần đi sớm về muộn như vậy thường là những lúc chúng ta có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn và hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Albert suy nghĩ về điều này. Anh ngạc nhiên khi thấy một số bài học quan trọng trong cuộc sống lại có thể được rút ra từ lĩnh vực thể thao. Đô đốc hỏi anh: - Cháu có thích thể thao không? - Cháu không chơi thể thao nhiều nhưng cháu thường đến sân vận động để xem ạ. - Vậy ai là cầu thủ bóng chày nổi tiếng nhất, thành công nhất ở San Diego từ trước tới giờ? - Đó là Tony Gwynn - Albert nhanh chóng trả lời. - Vậy cháu có biết điều gì khiến ông ấy trở nên vĩ đại không? - Tony Gwynn nổi tiếng với tám danh hiệu vô địch các giải đấu quốc gia và ông còn là cầu thủ cản bóng giỏi nhất. Ngoài ra, ông còn đoạt năm giải thưởng Đôi Găng Vàng cho cầu thủ chơi xuất sắc nhất. Đô đốc kêu lên: - Ồ, sai rồi! Albert đợi Đô đốc nói tiếp nhưng ông chỉ gật gù, mắt đăm đăm nhìn ra xa khi con thuyền đang lướt băng băng trên mặt nước. - Có lẽ cháu trả lời sai là vì cháu không hiểu câu hỏi của ta - Đô đốc nói. Albert suy nghĩ một lát rồi nói: - Cháu vẫn chưa hiểu. - Ta hỏi cháu là tại sao ông ấy vĩ đại còn cháu lại trả lời tại sao ông ấy nổi tiếng - Đô đốc giải thích - Ông ấy nổi tiếng vì ông là một cầu thủ chơi rất hay ở cả vị trí đánh bóng lẫn ở vị trí phòng thủ. Nhưng thật ra ông ấy vĩ đại là nhờ đã luôn áp dụng nguyên tắc “đi sớm về muộn”. - Hình như cháu đã từng đọc được điều này ở đâu đó. - Ngay cả sau hai mươi năm thi đấu và giành hầu hết các giải thưởng, Tony Gwynn vẫn đến sớm tập luyện và luôn ở lại sau khi trận đấu kết thúc. Ông nghiên cứu kỹ các cuộn băng ghi hình những cú đánh bóng của mình để tìm ra những điểm yếu nhằm chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Ông vĩ đại là vì trong bất cứ việc gì ông cũng có thái độ cố gắng “thêm một chút nữa” so với những yêu cầu đặt ra. Ông luôn ở tư thế đã chuẩn bị tốt nhất cho giờ phút chiến thắng. - Những gì ông ấy đạt được thật xứng đáng - Albert nhận xét. - Đúng vậy. Nguyên tắc sống ấy đã trở thành một phần trong con người Tony Gwynn. Cháu thấy đấy, thói quen không là một phương cách hay hành vi thỉnh thoảng ta mới sử dụng. Thói quen phải thật sự trở thành một yếu tố đặc thù trong tính cách của ta. Phải áp dụng thường xuyên vì nếu như chúng ta quên hay không thực hiện chúng thì sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng. Đô đốc ngưng một lát để Albert có thể hiểu hết được những gì ông vừa nói, rồi ông tiếp: - Sau khi Tony Gwynn giải nghệ, ông làm một bình luận viên bóng chày cho kênh truyền hình ESPN trước khi làm huấn luyện viên cho một số đội bóng ở San Diego. Sau lần thu hình đầu tiên, ông xem lại băng hình. Và giống như hầu hết những người xem lại chính mình trên băng, ông cảm thấy không hài lòng với bản thân. Mọi người đều bảo ông đừng nên làm như thế vì điều đó sẽ làm ông thất vọng và mất tự tin. Tuy nhiên ông giải thích rằng ngày xưa chính nhờ việc luôn nghiên cứu kỹ lại băng hình g y ệ g ỹ ạ g những cú đánh của mình đã giúp ông đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ trong một thời gian dài. Dù ở vị trí nào, công việc nào thì điều này đã trở thành một thói quen không thể thiếu của ông. Ông cảm thấy thật khó chịu nếu không thực hiện điều đó. - Cháu cũng từng nghe ông ấy bình luận trong một số giải đấu và đúng là càng ngày ông ấy càng bình luận hấp dẫn và sắc sảo hơn - Albert nói. Đô đốc tiếp tục: - Lúc ta còn ở Học viện Hải quân, đối thủ chính của ta là Học viện Quân sự ở West Point. Bọn ta cạnh tranh quyết liệt với họ trong bất cứ môn thể thao nào và mục tiêu quan trọng nhất lúc đó là đánh bại họ bằng mọi giá. Khi làm bất cứ việc gì, bọn ta cũng nghĩ đến mục tiêu ấy. Ví dụ như trong năm học gian khổ đầu tiên, cấp trên thường bắt sinh viên hít đất năm mươi cái. Bọn ta thường phải đếm khi hít đất và khi đến cái cuối cùng vừa thực hiện xong, bọn ta làm thêm một cái nữa. Vừa làm vừa la to: “Thêm một cái nữa để đánh bại West Point!”. “Để đánh bại West Point” là khẩu hiệu của toàn đội lúc ấy. - Nhưng cháu chưa hiểu việc đánh bại trường West Point thì có liên quan gì đến những việc khác trong cuộc sống? - Albert hỏi. - Cũng dễ hiểu thôi - Đô đốc mỉm cười trả lời - Sự tập trung cao độ ấy cuối cùng cũng giúp toàn đội đạt được mục tiêu của mình. Điều quan trọng hơn chính là mọi người đã có được thói quen suy nghĩ về việc cố gắng làm thêm một chút nữa. Sau này bất kỳ khi nào cháu được giao một nhiệm vụ hay đang cố gắng đạt mục tiêu nào đó thì sau khi đã thực hiện xong những bước cần thiết, cháu nên nhắc nhở mình làm thêm một chút nữa. Sự cố gắng thêm đó sẽ là sức mạnh đẩy cháu lên phía trước và bảo đảm rằng cháu sẽ đạt được mục tiêu. - Cháu cảm thấy mình tự tin hơn nhiều rồi. Cháu sẽ bắt đầu thực hiện bí quyết đầu tiên của ông ngay từ ngày mai - Albert đang hình dung khi về nhà sẽ trình bày những điều học được hôm nay trên máy vi tính của mình như sau: Bí quyết đầu tiên ĐẾN SỚM HƠN MỌI NGƯỜI, RA VỀ SAU CÙNG VÀ CỐ GẮNG THÊM MỘT CHÚT! “T hật thú vị”, Albert nghĩ. Anh đang cố nhớ lại thái độ của mình mỗi khi anh hoàn thành một dự án nào đó. Lúc nào cũng vậy, thường anh hay để người khác lo lắng về những điều còn sót lại phía sau công việc của anh. Đô đốc gợi ý: - Cháu đang suy nghĩ điều gì phải không? Albert trả lời: - Cháu đang nghĩ về những điều ông nói, chúng rất khác với cách thức làm việc của cháu trước đây. - Khác như thế nào? - Cháu luôn là người đầu tiên bỏ hết tâm trí của mình vào một dự án nào đó. Cháu dồn hết sức và lúc nào cũng chỉ nghĩ về nó mà thôi. Nhưng sau đó cháu dần dần mất hứng thú. Cháu nôn nao muốn được nhận những thách thức mới. Trước khi gặp Ngài, cháu chưa bao giờ thực sự nghĩ về điều này nhưng đúng là thái độ đó của cháu làm những người thực hiện chung dự án cũng nản chí theo. Jennifer rất bực mình vì điều này. - Cô ấy không giống như cháu phải không? - Đô đốc tiếp tục hỏi. - Hoàn toàn không. Cháu luôn nghĩ là vợ cháu quá cầu toàn. Lúc nào cô ấy cũng để tâm quá nhiều vào những chi tiết nhỏ nhặt. - Nhưng không chỉ đơn giản là để tâm vào những chi tiết phải không? - Cháu thấy cô ấy thường quan tâm đến những việc đã hoàn thành rất lâu sau khi cháu đã chuyển sang dự án khác. Càng nghĩ thì cháu càng thấy những cố gắng hơn mức cần thiết trong công việc của cô ấy thường mang lại những kết quả tốt hơn. - Như vậy mọi người đều có thể kết luận rằng cả hai cháu đều có những ý tưởng hay và đều làm tốt công việc nhưng Jennifer đạt hiệu quả cao hơn. Có vẻ như mọi nỗ lực hơn mức yêu cầu của Jennifer là có mục đích hẳn hoi, khác với những điều cháu thường nghĩ. Cô ấy muốn có kết quả cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết những chi tiết để vấn đề trở nên chi li hơn. - Ồ... Cháu chưa bao giờ nghĩ như vậy. Cháu chỉ luôn nghĩ rằng cả hai đều làm tốt công việc của mình nhưng mỗi người có một cách làm riêng. Nhưng về phương diện “đi sớm về muộn” thì quả thật cô ấy giỏi hơn cháu nhiều. - Cháu cho ta một vài ví dụ xem. - Cô ấy luôn là một trong những người đến sớm nhất và là người ra về cuối cùng. Thậm chí bọn cháu mỗi người phải lái xe riêng đi làm bởi vì cháu hay đi trễ và không thích nán lại thêm ở chỗ làm sau khi đã hết giờ. - Vậy ta có một câu hỏi cho cháu, nếu cháu là người quản lý trong công ty và phải lựa chọn xem ai sẽ được thăng cấp giữa cháu và Jennifer thì cháu sẽ chọn ai? - Nếu dựa vào kết quả công việc thì cháu sẽ chọn Jennifer. - Như vậy là thói quen của Jennifer đã giúp cô ấy giành được chiến thắng. Albert thầm nghĩ: “Điều này quả thật là có ý nghĩa, nhưng liệu nó có thể tạo ra nhiều sự khác biệt đến thế không?”. Ngay sau đó Đô đốc xoay bánh lái, con tàu quay mũi ngược lại và những cánh buồm vỗ phần phật trong gió. Đô đốc nhanh chóng ổn định được hướng đi cho con tàu thẳng tiến về bến. Sau một lúc, Đô đốc lên tiếng: - Những người thông minh như cháu thường phạm một sai lầm lớn, đó là cứ nghĩ rằng chỉ cần có trí tuệ thôi là đủ. Điều này có thể đúng khi còn đi học, nhưng trong cuộc sống thì trí tuệ không thôi vẫn chưa đủ. Albert yên lặng suy nghĩ. - Ngay cả Albert Einstein cũng sẽ đồng ý với ta điều này. - Einstein ư? Ông ấy là người có bộ óc vĩ đại nhất. - Đúng! - Đô đốc trả lời - Khi Einstein còn sống, mọi người luôn hỏi ông về trí thông minh của ông: sao ông có được nó, ông thừa hưởng nó từ ai... Đại loại là những câu hỏi như vậy. Và tất cả những suy đoán kiểu đó đều làm Einstein bực bội vì ông tin rằng trí thông minh của ông, hay nói cách khác là sức mạnh trí tuệ thuần túy của ông liên quan rất ít tới sự thành công của mình. - Thật vậy sao? - Đúng là như vậy. Ông đã nói điều này với nhiều người theo nhiều cách khác nhau, nhưng hùng hồn nhất là trong bức thư ông viết gửi một người bạn là bác sĩ Hans Musan. - Trong thư ông ấy viết gì, thưa Đô đốc? - Như những người khác, Musan đã viết thư hỏi Einstein về tổ tiên của ông, những người mà Musan cho rằng có thể Einstein đã thừa hưởng trí thông minh từ họ. Einstein đã viết thư trả lời rằng chẳng ai biết nhiều về tổ tiên của ông, và nếu như họ có tài năng hay đặc điểm gì đặc biệt thì những người biết họ cũng không biết rõ về những điều đó. Sau đó Einstein viết tiếp như thế này đây: “Tôi biết rất rõ rằng bản thân tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt cả. Những ý tưởng của tôi đều xuất phát từ sự ham hiểu biết, những lời hứa và khả năng chịu đựng bền bỉ cộng với sự tự phê bình”. - Sự ham hiểu biết, những lời hứa và khả năng chịu đựng bền bỉ cộng với sự tự phê bình? - Albert hỏi lại. - Bất cứ ai thành công trong một lĩnh vực nào đó đều có một sự ham hiểu biết vô bờ bến về những gì họ đang theo đuổi. Còn những lời hứa có nghĩa là phải luôn duy trì được lời cam kết sẽ thực hiện được một điều gì đó như mình đã hứa. Riêng khả năng chịu đựng bền bỉ là một yếu tố rất quan trọng giúp ta vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại không thể tránh khỏi trên con đường ta đi. Nhưng một yếu tố mà hầu hết mọi người đều bỏ qua, đó là tính tự phê bình. Và đây là yếu tố quan trọng nhất. - Thật không dễ để làm được điều đó - Albert đáp. - Ta đồng ý với cháu. Nhưng cháu đã có một sự khởi đầu tốt khi tự đánh giá bản thân mình với thói quen đầu tiên. Khi cháu biết nhìn vào những điểm mạnh của Jennifer, có nghĩa là cháu đã tự phê bình mình, điều này sẽ giúp ích cho bản thân cháu rất nhiều. Đa số mọi người đều làm ngược lại. Họ nhìn vào những điểm mạnh của mình và săm soi những điểm yếu của người khác, rồi sau đó họ đâm ra thất vọng, tự trách móc bản thân và khó chịu với người khác... - Đó chính là điều xảy ra với cháu gần đây - Albert thừa nhận. - Như vậy mọi sức lực của cháu lại chuyển sang hướng thất vọng, tự trách mình và trở nên buồn chán thay vì dành cho những sự thay đổi cần thiết. - Quả thật là như thế! - Albert kêu lên và bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Anh nghĩ: “Chắc chắn đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài bế tắc, mình cảm nhận được mình cần phải làm gì để tạo nên những thay đổi tích cực và có ý nghĩa”. - Ta hãy đi về phía cảng - Đô đốc nói. Ông xoay bánh lái thêm một lần nữa và con tàu băng băng về bến - Ta sẽ chia sẻ với cháu bí quyết thứ hai trên đường về và sau đó chúng ta sẽ cùng nhau sắp xếp cho lần gặp sau. Trong chốc lát họ đã đi về phía cổng bến. Đô đốc giải thích: - Bí quyết thứ hai cũng giống như bí quyết thứ nhất nhưng ở nhiều phương diện nó lại có vẻ khó thực hiện hơn, ít nhất là đối với ta. - Cháu đang lắng nghe đây ạ! - Albert nói và tự hỏi là với một người như Đô đốc, có điều gì lại khó làm chứ? - Bí quyết thứ hai là “Đừng bao giờ biện minh cho việc chưa làm được!”. - Tại sao nó lại khó thực hiện, thưa Đô đốc? - Albert hỏi. - Vì không phải ai cũng tập được thói quen ấy - thói quen không bao giờ chấp nhận bất cứ lý do nào lý giải cho việc ta chưa làm được. Cháu nên tập cho mình thói quen nói câu “Không có lý do biện minh nào cả!”. - “Không có lý do biện minh nào cả!” - Albert lặp lại - Nói câu này cũng dễ thôi nhưng cháu vẫn chưa hiểu lắm. - Không dễ như cháu nghĩ đâu, Albert. Đó là lý do tại sao cháu cần phải luyện tập và chắc chắn rằng nó sẽ trở thành một thói quen của cháu để khi những thời điểm khó khăn đến, cháu vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi nói lên câu đó. Mặc dù đôi khi nó thật ngớ ngẩn nhưng đây là một trong những bài học vô giá mà ta đã từng học được. Albert tiếp tục lắng nghe. - Hồi học ở Học viện Hải quân, cả nhóm của ta luôn phải làm một số điều mà cấp trên bảo phải làm. Vào các bữa ăn, mỗi người phải ngồi chung bàn với bốn sinh viên năm thứ nhất và tám người cấp trên. Cấp trên sẽ liên tục hỏi cả nhóm các câu hỏi khác nhau thật nhanh. Hầu hết các câu hỏi đều về những điều bọn ta không biết nhưng cần phải học. Bọn ta không được phép trả lời “Em không biết” và cũng không được phép đoán. Nếu không biết câu trả lời thì cách trả lời duy nhất được chấp nhận là “Em sẽ tìm ra, thưa sếp”. Sau đó bọn ta bắt buộc phải tìm ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi chưa có lời giải đáp vào bữa ăn tiếp theo, nếu không thì sẽ bị phạt rất nghiêm khắc. Những câu hỏi khó tìm ra lời giải đáp nhất là vào giữa bữa ăn sáng và ăn trưa hoặc giữa bữa trưa và bữa tối. Vì vào giờ đó bọn ta phải đi học hay đi tập thể thao và làm thêm hàng tá việc khác nữa. Do đó bọn ta thường quên bẵng hoặc có khi không kịp tìm ra câu trả lời. Nhưng cấp trên thì không bao giờ quên. Vào giờ ăn kế tiếp, cấp trên sẽ hỏi lại những câu hỏi đó, nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì bọn ta sẽ nói “Bọn em sẽ tìm ra, thưa sếp”. Họ liền nhắc lại rằng câu này chúng ta đã nói ở bữa ăn vừa rồi, sau đó họ sẽ hỏi: “Sao các anh không chịu tìm câu trả lời?”. Cho dù bọn ta có lý do hợp lý đến mấy đi nữa thì cũng không bao giờ được nêu ra để biện hộ cho mình. Câu trả lời duy nhất được chấp nhận lúc đó là: “Không có lý do biện minh nào cả, thưa sếp”. - Nghe thật vô lý! - Albert kêu lên. Đô đốc đồng ý: - Lúc đầu ai cũng cảm thấy như vậy. - Nhưng nếu chúng ta có lý do thật sự chính đáng thì sao? - Câu trả lời vẫn là: “Không có lý do biện minh nào cả”. - Nhưng không có trường hợp ngoại lệ nào sao? - Albert hỏi. - Albert ạ, một lời biện hộ chẳng khác gì ta tạo điều kiện cho sự thất bại của ta. Nếu cháu đã cam kết làm một việc gì thì cháu phải cố gắng thực hiện cho bằng được. Cháu phải tập cho mình khả năng vượt qua mọi trở ngại, không dựa vào bất kỳ lời lý giải hay biện minh nào cả. - Nhưng cuộc sống vẫn luôn xảy ra những điều mình không mong muốn. - Đúng vậy - Đô đốc đồng ý - Nhưng những ai để cho khó khăn cản lối đi của mình sẽ không bao giờ vươn đến đỉnh cao. Những người thành công luôn thực hiện được mục tiêu của họ, bất chấp mọi điều có thể xảy ra. - Nhưng cháu vẫn thấy có vẻ như không thực tế - Albert băn khoăn. - Lúc đầu ta cũng thấy như vậy. Nhưng khi ta tập được thói quen này thì khác. Nó đã giúp ta thay đổi cách suy nghĩ về việc bắt buộc phải thực hiện được một điều gì đó. - Bằng cách nào, thưa Đô đốc? - Thứ nhất, nó giúp mỗi người trong chúng ta suy ngẫm lại xem đã bao lần chúng ta không thực hiện được những điều ta nói chỉ bằng việc đưa ra những lý lẽ hời hợt. Thứ hai, nó giúp ta suy ngẫm về việc liệu ta có thật sự làm được những điều ta đã hứa hay không nếu ta cố gắng hơn và sắp xếp thời gian tốt hơn. - Nhưng chắc chắn sẽ có lúc chúng ta không thể làm được những điều đã hứa. - Ta đồng ý với cháu là có những lúc như thế. Nhưng điều này không can hệ. Nếu cháu không thể làm được một việc nào đó thì tất cả những lý do biện minh đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều đáng nói là cháu đã không thể làm được những điều đã dự định. Những lời biện minh không bao giờ thay thế được cho kết quả cần phải đạt được. Thế thôi. - Như vậy bí quyết lần này cũng lại tập trung vào kết quả - Albert hỏi. - Đúng vậy. Hành động không phải lúc nào cũng tương ứng với hiệu quả. Chúng ta nên quan tâm đến kết quả đạt được và không bao giờ nên chấp nhận những lời biện minh cho thất bại của mình. - Nhưng nghe nó vẫn có vẻ cứng nhắc làm sao ấy! - Albert nói. - Chỉ lúc đầu thôi - Đô đốc đồng ý với Albert - Nhưng một khi ta đã chấp nhận tiền đề này và làm cho nó trở thành một thói quen thì nó sẽ giúp ta làm việc dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ như đã bao nhiêu lần ta làm việc trễ thời hạn được giao hay không hoàn thành một dự án chỉ vì một lý do nào đó thoạt nghe có vẻ hợp lý. Nhưng sau này ta nhìn lại và hối tiếc khi chấp nhận lý lẽ biện hộ đó, bởi kết quả mà ta không đạt được lại có ý nghĩa và quan trọng vô cùng. Albert ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: - Những điều ông nói làm cháu chợt nhớ một trường hợp mới xảy ra với nhóm của cháu cách đây vài tháng. - Cháu kể ta nghe thử xem. - Đó là một dự án mà chúng cháu đưa ra cho một khách hàng mới. Chúng cháu biết rằng mình cần cung cấp cho họ một số giấy tờ liên quan đến công trình cũ nhưng do mạng Internet bị trục trặc nên không thể truy cập được. Chúng cháu đã ghi chú trong bản đề xuất là sẽ gởi những hàng mẫu cho họ nếu cần thiết, nhưng rồi chúng cháu cũng không làm được vì máy tính lại bị hỏng. Chúng cháu nghĩ đó là một lý do rất khách quan nhưng cuối cùng chúng cháu đã để mất hợp đồng ấy vào tay đối thủ cạnh tranh vì họ đã đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng. Nếu xét tổng thể thì dự án của họ đề ra không chi tiết và hiệu quả so với của chúng cháu. Tất cả mọi người trong nhóm cảm thấy thật sự rất tiếc vì nhận ra rằng chỉ cần mình cố gắng thêm một chút nữa thì đã thành công rồi. - Một ví dụ rất ý nghĩa - Đô đốc gật gù - Như vậy, cháu có thể thấy được rằng mọi việc đều có thể trở nên khác đi nếu cháu tập cho mình được thói quen nói câu “Không có lời biện minh nào cả!” và sau đó làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được những mục tiêu đã đề ra. - Cháu hoàn toàn đã có thể làm cho dự án ấy tốt hơn - Albert thú nhận - Nhưng thậm chí cháu còn biện minh cho cả việc mình hay lý giải. Cháu giải thích rằng do áp lực thời gian nên không thể khắc phục được sự cố máy tính, nhưng trên thực tế, lý do chính là vì chúng cháu không muốn phải chịu trách nhiệm về sự cố này! - Với những điều dễ dàng nhưng cháu vẫn làm sai sẽ tạo cho cháu áp lực nhiều hơn so với khi cháu cố gắng làm tốt những điều khó khăn. Hãy tập cho mình thói quen nói câu “Không có lý do biện minh nào cả!” vì trong tương lai nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy dễ dàng, thoải mái hơn và rồi những kết quả mà cháu đạt được sẽ có những tiến triển rõ ràng. “Ngạc nhiên thật,” - Albert nghĩ - “Nghe có vẻ thật đơn giản nhưng chắc chắn khác xa với những gì mình vẫn đang làm.” Và Albert lại miên man nghĩ về bí quyết Ngài Đô đốc vừa nói: Bí quyết thứ hai ĐỪNG BAO GIỜ BIỆN MINH CHO NHỮNG VIỆC CHƯA LÀM ĐƯỢC K hi anh sực nhớ ra mình đang ở đâu thì con tàu đã được neo vào bến an toàn. Albert và Đô đốc cùng bước lên cầu tàu. - Cháu đang nghĩ gì, Albert? - Cháu cần phải thay đổi bản thân mình. Nhưng Ngài nói là vẫn còn hai bí quyết cháu cần học nữa, phải không ạ? - Đúng vậy. Nhưng bây giờ hai bí quyết ta vừa nói cũng đủ cho cháu rồi. Cháu cần một khoảng thời gian tương đối để nhập tâm hai bí quyết này, biến chúng thành thói quen của mình. Sau đó chúng ta sẽ gặp nhau để xem cháu có tiến bộ không. Nếu lúc đó cháu sẵn sàng học thêm thì ta sẽ tiếp tục chỉ dẫn cho cháu. Cháu thấy đó Albert, học những điều này không thôi thì vẫn chưa đủ, mà điều quan trọng là cháu phải áp dụng chúng vào trong cuộc sống hàng ngày, nếu không chúng sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Đó là lý do tại sao những khổ luyện mà ta phải trải qua trong đời lại trở nên rất hữu ích. Chúng ta phải tập cho được những thói quen đó, nếu không, sẽ bị tụt lại phía sau. - Rất đúng với tình trạng của cháu hiện nay, thưa Ngài! - Trong cuộc sống, ai cũng có lúc phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn, vì vậy hãy tiến lên phía trước với lòng quyết tâm. Nhưng cháu đừng đốt giai đoạn nhé! Ta muốn cháu hãy ghi lại xem trong tháng tới có bao nhiêu lần cháu phải lựa chọn giữa thói quen cũ và mới trong hành động của mình. - Cháu có nên viết ra không ạ? - Hãy ghi nhật ký mỗi ngày - Đô đốc trả lời - Cuối mỗi ngày cháu hãy dành ra vài phút nhìn lại mình, xem lại các sự kiện trong ngày và ghi lại tất cả những lần cháu áp dụng hoặc không thể áp dụng những thói quen đó. Ghi chú luôn cả những điều mà ngày hôm sau cháu dự định hành động khác đi và ngày tiếp theo kiểm tra xem cháu có làm được điều cháu đã dự tính hay không. - Vâng ạ, điều này cũng khá dễ. - Albert trả lời. - Để xem - Đô đốc nói - Bốn tuần sau hãy đem nhật ký của cháu đến đây để ta xem cháu đã thực hiện những điều ta nói như thế nào. - Vâng, thưa Ngài. Cháu cảm ơn Ngài rất nhiều! - Có gì đâu. Và lần tới cả hai cháu cùng đến nhé. Ta nghe nói Jennifer là một phụ nữ trẻ và tài năng. - Vâng! - Albert tươi cười trả lời - Cô ấy sẽ rất vui khi nghe tin này. Tối hôm đó khi Jennifer về đến nhà thì Albert vừa trình bày xong hai điều đó trên máy tính để nó có thể giúp anh tập được hai thói quen này. Anh cài đặt để màn hình máy tính có thể hiện lên những dòng chữ chuyển động nếu anh không sử dụng trong năm phút: “Đến sớm hơn mọi người, ra về sau cùng và cố gắng thêm một chút!” Ngay sau đó sẽ là: “Đừng bao giờ biện minh cho những việc chưa làm được!” Quyển nhật ký mà anh tạo ra trên máy tính trông cũng thật đẹp. Anh thiết kế trang bìa với hình một bức tranh cổ điển thế kỷ 19: một chiến binh đang cố gắng đấu tranh để có thể sống sót qua một cơn bão lớn. Trên con tàu đang nghiêng ngả giữa biển cả mênh mông gầm thét giận dữ, những cánh buồm đã bị xé rách tả tơi khi những đợt sóng khổng lồ quét qua boong tàu. Sau đó anh thiết kế trên đầu mỗi trang nhật ký dòng chữ “Đến sớm hơn mọi người, ra về sau cùng và cố gắng thêm một chút!” và cuối mỗi trang là câu “Đừng bao giờ biện minh cho những việc chưa làm được!”. Anh chia trang giấy thành ba phần. Một phần ba đầu được chia ra làm hai cột thẳng đứng. Cột đầu anh ghi “Biển đẹp” biểu thị cho những lần anh đã áp dụng các thói quen đó. Cột thứ hai anh ghi “Biển động” là những khi anh đã không áp dụng chúng. Hai phần ba còn lại anh ghi “Hải trình ngày mai” thể hiện cho những điều mà ngày hôm sau anh sẽ hành động khác đi. Sau khi hoàn tất, mỗi trang sẽ trông như sau: Đến sớm hơn mọi người, ra về sau cùng và cố gắng thêm một chút! Đừng bao giờ biện minh cho những việc chưa làm được! Albert hào hứng kể cho Jennifer nghe cuộc gặp gỡ của mình với Đô đốc và những điều anh đã học được. Anh cũng giải thích cho cô nghe về trạng thái bất thường của mình trong hai tuần vừa qua và lý do thực sự khiến anh đi gặp Đô đốc. - Anh xin lỗi đã không cho em biết mọi chuyện sớm hơn nhưng lúc đó anh đã phải đấu tranh với bản thân để tìm xem anh đang có vấn đề gì. Khi anh định kể cho em nghe mọi chuyện thì em lại nhận được lời đề nghị thuyên chuyển mới, thế là lúc đó anh lại càng không thể nói ra được! - Em hiểu! - Jennifer xúc động trả lời rồi ôm chồng thật chặt - Dẫu sao thì anh đã trải qua một ngày thật tuyệt vời phải không? - Cô cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc thật sự. - Anh đã hiểu tại sao Đô đốc Farragut lại thành công đến thế - Albert nói - Ông ấy có cách trò chuyện vô cùng cuốn hút và hết sức cởi mở. Anh thật sự ngưỡng mộ ông ấy. Họ dẫn con Digger đi dạo một vòng thật lâu trong khi Albert tiếp tục thuật lại cho Jennifer cuộc gặp của mình với Đô đốc. Khi họ về đến nhà thì gặp bà O’Reilly đang đi đổ rác. Albert bước đến giúp bà và anh kể lại cho bà nghe về cuộc gặp của mình. Bà và Jennifer kín đáo trao nhau một cái nháy mắt đầy ẩn ý khi họ chào tạm biệt. Hôm ấy, cả Albert và Jennifer đều đi ngủ sớm. Đã lâu lắm rồi Albert mới cảm thấy thoải mái dễ chịu như vậy. Suy nghĩ cuối cùng trước khi anh chìm dần vào giấc ngủ là: “Ngày mai là một ngày hoàn toàn mới. Ta sẽ có cách sống tốt hơn”. Đêm đó anh ngủ thật ngon. Tuần đầu tiên, Albert như ngồi trên đống lửa. Anh và Jennifer bắt đầu đi làm chung với nhau và Albert luôn là người muốn ra khỏi nhà trước tiên mỗi buổi sáng. Lúc nào anh cũng có mặt sớm nhất trong các cuộc họp và là người cuối cùng ra về. Trong mọi việc, anh đều làm thêm một cái gì đó. Suốt ngày thứ Năm anh cật lực làm việc để có thể kết thúc vào hạn chót là thứ Sáu. Tuy nhiên buổi chiều hôm đó máy tính chủ lại bị hư khiến anh không thể truy cập được thông tin cần thiết để hoàn thành dự án. Nhưng ý nghĩ “Đừng bao giờ biện minh cho những việc chưa làm được!” đã xuất hiện trong đầu và anh tiếp tục làm việc đến tận một giờ sáng thứ Sáu để bằng mọi cách lấy được thông tin anh cần, nhằm hoàn tất dự án đúng thời hạn yêu cầu. Đêm thứ Sáu đó anh cảm thấy thật hài lòng và dễ chịu khi lên giường đi ngủ. Sáng thứ Bảy, sau khi cùng Jennifer dẫn Digger đi dạo ở công viên về, anh bật máy tính lên xem nhật ký. Phần “Biển đẹp” ở mỗi trang đều được điền đầy còn phần “Biển động” thì hầu như rất ít. Anh cảm thấy mình đã làm việc khá tốt và luôn đề ra kế hoạch mới mỗi ngày. Anh nghĩ: Có lẽ ở trang tiếp theo ta sẽ cho phần “Biển đẹp” rộng hơn và thu hẹp phần “Biển động” lại. Nhưng sau đó anh lại có cảm giác không thoải mái. Anh vẫn thấy không hài lòng lắm về bản thân mình. Anh tự hỏi: “Sao ta lại có cảm giác này nhỉ? Ta chưa làm tốt công việc của mình sao? Ta có thành thật với chính mình không?”. “Có,” anh tự trả lời. “Ta đã làm hết sức mình và mọi việc diễn ra khá trôi chảy.” “Thế thì chuyện gì đã xảy ra? ” Anh cố vật lộn với chính mình để tìm ra nguyên nhân tại sao đột nhiên anh lại có sự băn khoăn ray rứt này. Cuối cùng thì lý do của sự bất an ấy dần hiện rõ trong tâm trí anh: “Ta đã thực hiện tất cả sự thay đổi có thể, ta đã làm việc theo cách hoàn toàn khác trước đây nhưng không có ai để ý đến điều này. Không ai, đặc biệt là cấp trên của ta, nói điều gì cả và cũng chẳng ai cư xử với ta khác trước”. Sự vỡ mộng dần hình thành trong anh . “Ích lợi gì khi cố gắng thay đổi mình và đương đầu với mọi khó khăn để rồi chẳng ai thèm nhận ra?” Albert chán nản nghĩ. Chợt Jennifer bước vào: - Mình đến tiệm ăn Pháp uống cà phê và ăn chút gì anh nhé? - Thật chẳng ích gì cả! - Albert buột miệng. - Anh đang nói về điều gì thế? - Những thói quen ấy đấy. Jennifer thả mình xuống chiếc ghế bên cạnh: - Anh nói vậy nghĩa là sao? - Chúng chẳng có tác dụng gì cả! - Anh mệt mỏi nói. - Suốt tuần nay anh làm việc như điên và em thấy chúng có tác dụng đấy chứ. - Anh đang làm tất cả những gì cần phải làm nhưng nó chẳng tạo nên một sự khác biệt nào cả. - Khác biệt như thế nào? - Chẳng ai làm điều gì khác cả. Mọi người chẳng nói gì. Không có gì thay đổi quanh anh. - Em thấy có đấy chứ - Jennifer nói. - Em thì khác - Albert cãi. - Và cả anh cũng nhận thấy sự khác biệt đó mà - Jennifer mở to mắt nhìn chồng. - Vậy thì sao? Chỉ có em thấy điều đó thì ích gì? Tất cả những người khác đều nghĩ anh vẫn như cũ. Họ vẫn không chịu thay đổi cách nghĩ! - Thế anh muốn họ phải làm gì nào? - Anh không biết. Nhưng anh nghĩ ít ra anh cũng phải nhận được một lời nhận xét hay một dấu hiệu nào đó cho thấy họ đã nhận ra anh đang có sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vậy mà không có bất cứ sự phản hồi nào về công việc của anh. - Thật vậy sao? Ngừng một lúc, Jennifer nói tiếp: - Anh à, có những sự thay đổi mà người ta chỉ có thể nhận ra sau một khoảng thời gian dài. Anh đã quá nôn nóng. Chỉ mới một tuần thôi mà! Mọi người thật sự khó có thể chú ý đến điều này như anh mong muốn. Có thể họ cho rằng sự thay đổi đột ngột trong một tuần của anh chỉ là do sự chuyển đổi tâm trạng bất g ộ ự y ạ g chợt, sự dâng trào sinh lực nhất thời, giống như một ly cà phê sữa lỡ bị cho hơi nhiều cà phê thôi. - Nhưng không lẽ tất cả mọi người đều suy nghĩ thế sao? Không ai chịu bày tỏ một câu gì đó tích cực sao? - Thế có ai nói điều gì tiêu cực làm anh không thoải mái không? - Không. - Như vậy thái độ của mọi người đối với những thay đổi của anh là bình thường. Anh phải lựa chọn. Nếu anh suy nghĩ tích cực, anh sẽ cảm thấy dễ dàng để chấp nhận mọi chuyện. Nếu anh suy nghĩ tiêu cực, anh sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Hãy cho mọi người và cả bản thân anh thêm thời gian. Hơn nữa, mục tiêu của anh không phải là để cho mọi người nói về sự thay đổi của mình mà là làm cho mọi người tin tưởng rằng anh là một trong những người được Đô đốc nói đến, có đúng không? Thế Đô đốc gọi những người đó là gì? - Người đứng đầu. - Đúng rồi. Và theo em nghĩ, để trở thành người đứng đầu, chúng ta cần phải trải qua một đoạn đường dài đầy chông gai, thử thách chứ không phải là những điều mọi người nói trong một sớm một chiều. - Có lẽ là em nói đúng - Albert trầm ngâm. - Hãy suy nghĩ tích cực lên nào. Chúng mình đến tiệm ăn Pháp nhé. Em đói bụng quá rồi. Trong suốt tuần thứ hai, với sự giúp đỡ của Jennifer, Albert dần dần vượt qua được cảm giác thất vọng. Anh tiếp tục ghi nhật ký mỗi ngày. Dù anh không còn dùng hết sức lực và sự hăng say như tuần đầu tiên nhưng anh vẫn kiên trì làm tốt mọi việc như dự định. Sang tuần thứ ba, Albert đã trở nên dễ chịu hơn với những sự thay đổi này. Với sự ủng hộ của Jennifer, Albert tiếp tục áp dụng những thói quen mới đó trong công việc của mình. Tới tuần thứ tư thì Albert đã hoàn toàn thấy thoải mái với những thói quen mới. Chúng dần trở thành một phần quen thuộc trong con người anh. Vào chiều thứ Năm, nhóm dự án của Albert tổ chức một buổi họp mặt để chúc mừng những thành công ban đầu cũng như ôn lại quá trình làm việc của nhóm. Cuối buổi họp, Susan xin phép được phát biểu. Cô nói: - Mọi người đều đã làm rất tốt công việc của mình nhưng tôi muốn đặc biệt ghi nhận sự cố gắng hết mình của Albert trong suốt mấy tuần qua. - Đúng, đúng! - Whitney nói - Nếu không nhờ sự nỗ lực và tận tâm luôn tiến lên phía trước của Albert thì không bao giờ chúng ta đạt được mục tiêu của mình đúng hạn cả. - Hoan hô! - Carl chúc mừng. - Đúng đấy! - Ron, trưởng nhóm dự án nói -Nếu không có những nỗ lực vượt trội của Albert thì chúng ta chắc chắn sẽ phải vất vả lắm mới có thể theo kịp tiến độ dự án. - Tôi nghĩ rằng Ron vừa mới cho chúng ta ý tưởng về việc đặt một biệt hiệu thật hay cho Albert - Susan nói - Từ đây chúng ta sẽ gọi Albert là Albert “Giá - Trị - Gia - Tăng” nhé! Niềm vui của giây phút đó còn kéo dài đến những ngày hôm sau. Albert rất vui trước những lời tán dương của đồng nghiệp, anh cũng tự hào về biệt hiệu mới của mình. Nhưng càng suy nghĩ về những lời nhận xét của mọi người thì dường như anh càng thấy lòng mình lắng lại. Anh nhận ra niềm hạnh phúc thật sự của mình không phải ở thái độ tưởng thưởng này mà đơn giản là vì anh cảm thấy hài lòng hơn với chính mình, với những thói quen mới mà anh đã có được. Anh cảm thấy mình đang đóng góp nhiều hơn và hoàn thành công việc tốt hơn mà không cần dùng đến tất cả những nỗ lực vượt trội như trước. Anh làm việc khoa học hơn chứ không vất vả hơn. Về bản thân, anh có cảm giác mình xứng đáng nhận những lời khen ngợi và làm việc có hiệu quả hơn. Đó chính là điều làm anh thấy vui nhất. Anh đã làm cho bản thân có giá trị hơn, ít nhất là đối với anh. Albert nhận thấy mình đang trông đợi ngày được gặp lại Đô đốc như một đứa trẻ lên năm trông chờ sinh nhật sắp đến của mình. Jennifer cũng đang rất nôn nao chờ đến Chủ nhật để được gặp Đô đốc, một phần vì danh tiếng của ông, và cũng vì những thay đổi sâu sắc mà ông đã tạo ra nơi Albert. Cuối cùng rồi ngày Chủ nhật mong chờ cũng tới. Sau bữa ăn sáng, họ đến bến tàu sớm vài phút. Khi đang bước xuống cầu tàu đi về phía chiếc du thuyền, họ không nhận ra Đô đốc đang đi ngay sau lưng. Ông làm họ giật mình khi lên tiếng trước: - Chà! Ta thấy là cháu đã vận dụng được bí quyết thứ nhất rồi đấy! - Ồ, Ngài Đô đốc! - Albert quay lại chào ông. Hai người bắt tay nhau. Anh không biết nên trả lời câu nhận xét vừa rồi của Đô đốc như thế nào. - Cháu làm tốt lắm! - Đô đốc nói - Nói như cách các sĩ quan chúng ta thường nói khi còn ở hạm đội là: “Cháu cừ lắm!”. Albert cảm thấy hơi bối rối trước những lời khen tặng của Đô đốc. - Thói quen đầu tiên “Đi sớm về muộn”. Cháu đã đến đây sớm hơn ta một chút. Rất tốt. Albert hơi đỏ mặt. Anh không nhận ra rằng mình vừa mới thực hiện bí quyết thứ nhất. - Không việc gì cháu phải ngượng ngùng như thế. Cháu đáng được như vậy. Và đây chắc chắn là Jennifer mà ta đã được bà O’Reilly kể rất nhiều đây. Tới lượt Jennifer bối rối. Đây là lần đầu tiên cô được gặp một Đô đốc danh tiếng lừng lẫy. Cô đưa tay mình ra cho Đô đốc mà không nói được lời nào. Đô đốc bắt tay cô thật chặt rồi nói: - Chúng ta lên tàu rồi hãy nói chuyện nhé. - Vâng! - Jennifer cố lấy lại sự bình tĩnh vốn có của mình. Họ bước nhanh lên tàu. Jennifer nhìn quanh và cũng bị choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của con tàu như lần đầu tiên Albert đến đây. - Đó có phải là nhật ký của cháu không Albert? - Đô đốc liếc nhìn tập hồ sơ Albert đang cầm trên tay. - Vâng, đúng ạ! - Albert trả lời rồi đưa nó cho Đô đốc. Đô đốc nhìn lướt qua rồi nói: - Rất tốt. Ta đã đoán rằng hoặc là cháu phải làm rất tốt hoặc là cháu không thể nào học được những thói quen đó. Giờ thì hãy kể cho ta nghe xem mọi việc đã diễn ra như thế nào. Cùng với Jennifer, Albert thuật lại những nỗ lực của tháng đầu tiên, kể về việc anh đã bắt đầu nhiệt tình ra sao, sau đó đã trở nên thất vọng như thế nào, và cuối cùng với sự ủng hộ của Jennifer, anh đã vượt qua được và cho tới thời điểm này anh đã cảm thấy mình đang thay đổi theo một chiều hướng thật sự tích cực và lâu dài. - Ai cũng có những lúc thăng trầm như vậy. Những gì mà cháu trải qua cũng giống như mọi người. Albert nói: - Có những lúc sự quyết tâm của cháu đã bị thử thách cao độ. - Ta chắc là như vậy - Đô đốc trả lời - Nhưng bây giờ cháu cảm thấy như thế nào? - Thật tuyệt. Cháu rất mừng là mình đã kiên trì theo đuổi điều đó đến cùng. - Cháu cũng vậy - Jennifer xen vào - Cháu nghĩ là sau này Albert sẽ còn hạnh phúc hơn nhiều. Và bản thân cháu cũng tập được thói quen đó dù không được kiên trì cho lắm. Ban đầu, cháu chưa thực sự suy nghĩ nhiều về thói quen ấy và cũng chưa hiểu rõ tại sao mình phải hành động như vậy. Nhưng khi cùng nhau phân tích và thực hiện chung với Albert thì vấn đề đã trở nên rõ ràng hơn, vì thế nó cũng giúp cháu tiến bộ nhiều. - Tốt! - Đô đốc nói - Giờ thì hai cháu đã sẵn sàng học thêm hai bí quyết còn lại chưa? - Rồi ạ! - Cả hai đồng thanh trả lời. - Tại sao ta lại phải đứng nói chuyện ở đây khi ta có thể ra ngoài sông nước tận hưởng món quà tuyệt vời của thiên nhiên nhỉ? Chúng ta cùng đi và sau đó sẽ nói chuyện nhé. Họ nhanh chóng chuẩn bị cho tàu xuất phát và chẳng bao lâu con tàu đã ra khỏi bến, thẳng hướng cảng San Diego. Khi con thuyền đã lướt trên dòng nước, đón nhận những làn gió mát rượi thì Đô đốc bắt đầu nói: - Hai thói quen đầu mà ta dạy cháu là những thói quen giúp cho ta có thể làm tốt công việc, còn gọi là những thói quen định hình. Có nghĩa là chúng giúp ta những bước đầu tiên để có thể thực hiện được những việc khác nhằm đạt được những kết quả tốt hơn. Nói cách khác, khi cháu “đi sớm về muộn” tức là cháu có thêm nhiều thời gian để tạo ra thêm những kết quả khác. Cháu không chấp nhận những lý do biện minh cho việc chưa thực hiện được khiến cho cháu phải cố gắng trong mọi tình huống. Nhưng thói quen không phải là mục đích cuối cùng, chúng chỉ là phương tiện giúp ta đạt được những mục đích tốt hơn. Nếu chỉ có những thói quen không thôi thì sẽ chẳng tạo ra được kết quả nào cả. Jennifer và Albert cùng gật đầu tỏ vẻ đã hiểu rõ lời Đô đốc. - Bí quyết kế tiếp cũng nhằm vào kết quả cuối cùng, nhưng mà trước khi nói về nó, chúng ta cần hiểu một số điều trước đã, được chứ ? Đôi vợ chồng lại gật đầu. - Trước tiên chúng ta sẽ nói về các vấn đề khó khăn và các quyết định. Và điều đầu tiên ta muốn hai cháu hiểu là hầu hết các vấn đề rắc rối lại là hậu quả của các giải pháp. Đô đốc ngừng nói và chăm chú nhìn ra mặt nước, ông đứng đằng sau bánh lái, giữ cho chiếc du thuyền không tròng trành. Được một lúc, Albert hỏi: - Ý Ngài muốn nói là khi chúng ta giải quyết một vấn đề thì rất nhiều khả năng ta sẽ tạo ra những vấn đề khác? - Mỗi bước đi là một sự chuyển động, và mọi thứ ta làm đều tạo ra một sự khác biệt nào đó. Nhưng mà không phải sự khác biệt nào cũng là do ý muốn của ta. Thường thì khi người ta quyết định làm một điều gì đó, có thể là thực hiện một quyết định mới hay giải quyết một vấn đề, thì họ thường tạo ra những hậu quả không lường trước. Những hệ quả này chính là những vấn đề mới phát sinh. - Khi ta suy nghĩ về điều này thì ta sẽ thấy nó thực sự rất có ý nghĩa. - Albert nói. - Hãy nghĩ về một số vấn đề trong công ty các cháu gần đây. Ta đoán chắc là phần lớn chúng sẽ không trở nên rắc rối nếu ai đó không ra tay giải quyết một vấn đề khác trước đó. Jennifer chợt nhớ: - Chỉ mới tuần trước thôi, chúng cháu đã thay đổi một vài báo cáo vì những yêu cầu của bộ phận tài chính. Tuy nhiên, những thay đổi này lại làm hỏng phần dự báo tiếp thị và kinh doanh mà bên phòng kinh doanh đã đưa ra. Chúng cháu giải quyết được các báo cáo tài chính của mình nhưng lại tạo ra thêm vấn đề cho bộ phận kinh doanh. - Chuyện như vậy lúc nào cũng có thể xảy ra - Đô đốc nhận xét. - Làm thế nào chúng ta có thể tránh tình trạng như vậy? - Albert hỏi. - Bằng cách xem xét và đưa ra hướng giải quyết cho các vấn đề có thể phát sinh trong kế hoạch của mình trước khi bắt tay vào thực hiện. - Xem xét và giải quyết hết các vấn đề có thể phát sinh ư? - Jennifer hỏi. - Đúng vậy. Đó chính là bí quyết thứ ba mà ta muốn nói với các cháu: Tiên đoán và tìm giải pháp cho những vấn đề có khả năng xảy ra. Những lời Đô đốc vừa nói làm Albert thấy mọi việc sáng rõ hẳn lên, như thể anh vừa rút ra được một chân lý từ cuộc sống. Anh lấy bìa hồ sơ đựng nhật ký ra và viết ngay vào: Bí quyết thứ ba TIÊN ĐOÁN VÀ TÌM GIẢI PHÁP CHO NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ KHẢ NĂNG XẢY RA A nh quay lại hỏi Đô đốc sau khi đã viết xong: - Thế làm sao ta có thể biến nó trở thành một thói quen được, thưa Đô đốc? - Một câu hỏi khá hay! - Đô đốc cười khích lệ - Đây là thói quen khó thực hiện hơn hai thói quen đầu. Thói quen này không thể có được nếu trước tiên ta không học cách tiên đoán và tìm giải pháp cho các vấn đề có thể phát sinh trong các quyết định của mình. Nhưng việc cần nhất là có một phương pháp thích hợp cho việc giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định. - Thế Ngài có phương pháp nào không ạ? - Vừa hỏi xong Albert lại thấy mình thật ngớ ngẩn. Chắc Đô đốc còn có nhiều phương pháp chứ không chỉ có một mà thôi. - Có chứ, và đó là một phương pháp khá hiệu quả - Đô đốc trả lời. - Chắc chắn là chúng cháu sẽ có thể áp dụng phương pháp của Ngài - Jennifer nói - Nhiều lần khi cùng làm chung một dự án, chúng cháu đã rất bực bội vì mỗi người có cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Nhưng không chỉ với bọn cháu, những đồng nghiệp trong công ty cũng có những điều tương tự. - Phương pháp giải quyết vấn đề và ra quyết định mà ta sử dụng đã được các nhà quản lý trên khắp thế giới áp dụng và chứng minh. Ta thích phương pháp này vì nó có tính thực tiễn và thích hợp đối với những người làm trong các cơ quan, tổ chức. Cháu có thể sử dụng khi cần giải quyết vấn đề nào đó hoặc khi phải ra một quyết định. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các vấn đề mà cháu sẽ gặp trong công việc. Nó cũng không chứa đựng nhiều từ ngữ khó hiểu. Một số phương pháp sử dụng quá nhiều thuật ngữ khiến ta hầu như phải tra cứu từ điển và các sách chuyên ngành trước khi áp dụng! Có hai điều ta thích nhất ở phương pháp này, thứ nhất là tập trung vào kết quả cần đạt được và thứ hai là nó giúp ta dự đoán trước được, hay nói cách khác, nó nhấn mạnh vào việc nhận diện những vấn đề tiềm ẩn khi ta thực hiện giải pháp của mình. - Thú vị thật! - Jennifer nói. - Hãy đi một vòng rồi ta sẽ giải thích cho các cháu rõ hơn - Đô đốc nói rồi xoay bánh lái cho tàu chạy về phía cảng. - Coi chừng! - Đô đốc nhắc nhở khi chiếc du thuyền bắt đầu chuyển hướng. Nhưng chỉ trong chốc lát, chiếc thuyền đã chạy ổn định theo hướng mới. - Lại đây Albert, cháu cầm tay lái giữ cho thuyền theo hướng này còn ta sẽ trình bày chi tiết thói quen này vào mặt sau bìa hồ sơ của cháu. Albert nhanh chóng đứng sau bánh lái còn Đô đốc đến ngồi cạnh Jennifer. Ông rút cây bút ra khỏi áo khoác rồi nhanh chóng ghi vào mặt sau bìa giấy. - Để ý rằng khi giải quyết vấn đề, cháu phải theo tất cả bảy bước, còn khi đưa ra quyết định thì chỉ sử dụng sáu bước cuối cùng mà thôi. - Cháu hiểu rồi ạ! - Jennifer nói. - Nói một cách khác, khi đưa ra quyết định cháu chỉ áp dụng sáu bước. Sau đó khi một vấn đề phát sinh cháu sẽ xác định vấn đề đó là gì và sau đó sử dụng sáu bước này để quyết định xem phải làm gì với vấn đề mới phát sinh. - Thật súc tích và dễ hiểu! - Albert đứng sau tay lái nhận xét. - Ta sẽ trình bày chi tiết hơn - Đô đốc lật qua mặt sau bìa hồ sơ và phác thảo trên đó những bước khác nhau của phương pháp này. Ông vừa viết vừa giải thích: - Từ bước đầu tiên đến bước “Phát triển kế hoạch hành động” nhằm tìm được câu trả lời mong muốn. Ba bước sau cùng tập trung vào việc bảo đảm rằng kết quả mong muốn sẽ đạt được. Albert và Jennifer chăm chú lắng nghe. - Các cháu thấy đó. Câu trả lời và kết quả không phải lúc nào cũng như nhau và câu trả lời sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng không dẫn đến kết quả thỏa đáng. Nó trông như thế này đây. Đô đốc đưa tập giấy ra cho Albert và Jennifer xem: - Hãy bắt đầu với bước một “Xác định vấn đề”. Vấn đề có thể là những khó khăn trở ngại hay cũng có thể là sự xác định sai hướng. Những khó khăn cản trở kết quả ta mong muốn. Còn sự sai hướng tạo nên một kết quả khác với điều ta mong muốn. Bước đầu tiên trong quá trình là tìm hiểu và xác định vấn đề rõ ràng để người khác cũng có thể hiểu được. Một vấn đề có cả nguyên nhân lẫn hậu quả - Đô đốc vừa nói vừa viết vào mặt sau của tờ bìa - Một định nghĩa đơn giản về một vấn đề nào đó có thể theo công thức chung sau: Đô đốc chỉ vào A nói: - Nếu theo công thức này thì một vấn đề sẽ trở nên rõ ràng; ví dụ như: Việc Fred không nộp những thông tin cần thiết cho tôi đúng thời hạn... Chỉ vào B, ông tiếp tục:... gây ra... sự trễ nải trong việc hoàn thành các báo cáo - Ông kết thúc. - Chúng cháu hiểu ạ! - Albert và Jennifer gật đầu đáp. Đô đốc tiếp tục nói: - Để xác định một vấn đề cụ thể, tức bước một của quá trình giải quyết một vấn đề, phải nhớ là nó có cả nguyên nhân và hậu quả. Nhớ thêm rằng việc xác định vấn đề chỉ mô tả hậu quả không mong muốn và nguyên nhân của nó chứ không đề cập đến cách giải quyết. Jennifer nhanh chóng ghi lại những điểm quan trọng. - Chúng ta chuyển qua bước thứ hai. Bước thứ nhất của việc Ra quyết định và bước thứ hai của quá trình Giải quyết vấn đề là “Xác định mục tiêu”, tức là xác định kết quả ta muốn đạt được. Giai đoạn này chỉ rõ những kết quả mà ta mong có. “Phát triển kế hoạch hành động”, tức là bước thứ tư, sẽ đưa ra cách thức hành động mà qua đó ta hy vọng đạt được kết quả mong muốn. Một mục tiêu có thể đi theo công thức sau - Đô đốc lại tiếp tục ghi lên bìa hồ sơ và gạch dưới những chữ quan trọng: - Mục tiêu có thể là một hành động ta muốn thực hiện hay muốn người khác thực hiện. Ví dụ mục tiêu mà ta cần đạt được khi giải quyết vấn đề với Fred có thể được hiểu như thế này đây - Đô đốc đọc to và nhấn mạnh những từ mà ông đã gạch dưới: Để bảo đảm rằng Fred sẽ nộp những thông tin ta cần... ... vào ngày 10 của tháng ... ... bằng mọi cách. Để bảo đảm rằng tôi sẽ nộp báo cáo ... ... vào ngày 15 mỗi tháng ... ... bằng bất cứ giá nào. g g Dĩ nhiên đây chỉ là một ví dụ ta đưa ra, nhưng qua đó các cháu sẽ thấy được một công thức khởi đầu rất tốt. - Cháu cũng thấy thế - Jennifer nhận xét. - Bước tiếp theo là “Đưa ra những khả năng lựa chọn”. Ở bước này ta đưa ra càng nhiều cách giải quyết càng tốt, nhằm đạt được mục tiêu mà ta đã xác định ở bước trước đó. Ví dụ, để giải quyết vấn đề của Fred ta có thể đưa ra một danh sách các giải pháp sau: • Thảo luận vấn đề này với Fred. • Thảo luận vấn đề này với sếp của mình. • Thảo luận vấn đề này với sếp của Fred. • Viết thư cho Fred đề nghị Fred hợp tác. • Xin chuyển qua bộ phận khác. • Tổ chức lại công việc để không phải phụ thuộc vào Fred. • Yêu cầu thuyên chuyển Fred. • Đề nghị đuổi việc Fred. • Không làm gì cả. • Nộp những báo cáo thiếu thông tin mà Fred đã cung cấp, nói rõ rằng do anh ấy không chịu hợp tác. • Nộp một văn bản phàn nàn về Fred cho sếp của Fred. • Nộp một văn bản phàn nàn về Fred cho sếp của mình. • Đe dọa Fred. • Từ chức. - Có nhiều hướng giải quyết thật - Jennifer nhận xét sau khi Đô đốc nói xong. - Không phải giải pháp nào cũng mang tính tích cực, vì thế chúng ta nên đưa ra càng nhiều giải pháp càng tốt. Lưu ý rằng trong bước này ta chỉ đưa ra các giải pháp có thể được chứ không đánh giá hay lựa chọn chúng. - Tiếp theo sẽ là... - Albert hỏi. - “Phát triển kế hoạch hành động” - Đô đốc trả lời. - Bước này có hai giai đoạn. Thứ nhất chúng ta đánh giá những giải pháp đã đưa ra để chọn một hay nhiều giải pháp thích hợp. Thứ hai chúng ta phải thay đổi giải pháp được chọn một cách linh hoạt cho tới khi xây dựng được một kế hoạch hành động phù hợp nhất. Đô đốc phác thảo một kế hoạch hành động đơn giản có thể được sử dụng trong những giai đoạn đầu đối với vấn đề của Fred: 1. Nói chuyện với sếp của mình trước, giải thích rõ vấn đề khó khăn chúng ta đang gặp với Fred và những gì chúng ta dự định sẽ làm để giải quyết vấn đề này. 2. Nói chuyện thẳng thắn với Fred về những vấn đề sau: - Thái độ của Fred ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. - Thái độ của Fred ảnh hưởng đến công ty như thế nào. - Những gì mọi người mong muốn nơi Fred. - Nếu tiếp tục như hiện nay, tình trạng sẽ như thế nào. - Nếu Fred thay đổi, kết quả sẽ ra sao. 3. Báo cáo kết quả cuộc gặp với Fred cho sếp của mình. 4. Báo cho Fred những ý kiến phản hồi của mọi người về thái độ sau đó của Fred. - Như vậy ta không nhất thiết phải áp dụng chính xác những giải pháp như lúc ta đề ra ban đầu. - Jennifer nhận xét. - Đúng vậy. Chúng ta sử dụng những giải pháp này như một nền tảng cơ bản cho kế hoạch hành động mà ta thấy phù hợp nhất - dựa trên những mục tiêu mà ta đã đề ra. Thậm chí ta sẽ thường xuyên thêm vào những giải pháp khác trong suốt giai đoạn lên kế hoạch hành động. - Nó sẽ dẫn ta đến giai đoạn “Tiên đoán và tìm giải pháp cho những vấn đề phát sinh” - Albert tiếp lời Đô đốc. - Tốt! - Đô đốc nói - Hai cháu nắm vấn đề rất nhanh. Bây giờ chúng ta hãy nhớ lại những điều đã nói trước đó. Hầu hết các vấn đề đều là hệ quả của các giải pháp và quyết định. Cách tốt nhất để tránh những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn là tiên liệu và giải quyết sớm trong kế hoạch hành động của mình - trước khi ta thực hiện nó. Đối với một nhà quản lý thì đây là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Giải quyết vấn đề trước khi chúng xảy ra là cách giải quyết tốt nhất có thể có. - Xin Ngài chờ trong giây lát để cháu có thể ghi hết những điều Ngài vừa nói - Jennifer nói và hí hoáy viết vào nhật ký. - Đó chính là mấu chốt của bí quyết thứ ba. - Albert nói thêm vào - Phải luôn giải quyết trước những vấn đề có thể phát sinh, để sau này chúng ta không phải lo lắng về nó nữa. - Đúng vậy! - Đô đốc nói. - Ta phải luôn cân nhắc các giải pháp hoặc hành động dự tính của mình. Sau đó điều chỉnh và củng cố chúng để thấy được và giải quyết những rủi ro tiềm ẩn. Quay trở lại vấn đề với Fred thì ta có thể tiên liệu trước những vấn đề có khả năng xảy ra như sau: 1. Có thể Fred không có thái độ hợp tác trong buổi nói chuyện. 2. Fred có thể sẽ lên gặp trưởng phòng của anh ấy than phiền rằng ta đang quấy rầy anh. 3. Sếp của ta có thể yêu cầu hãy để Fred yên. Và các cháu có thể nghĩ ra những rủi ro tiềm ẩn khác nữa. Trong vị trí là một người giải quyết vấn đề, cháu phải quyết định xem những vấn đề nào là quan trọng để điều chỉnh kế hoạch hành động cho phù hợp. Đối với những vấn đề ít rủi ro hơn thì cháu chỉ cần tùy cơ ứng biến mà thôi. - Vậy thậm chí cháu có thể quay lại xem xét và sửa đổi những mục tiêu ban đầu của mình dựa trên những rủi ro tiềm ẩn mà đến bây giờ cháu mới phát hiện ra - Jennifer đưa ra một nhận xét nữa. - Đúng vậy! - Đô đốc trả lời - Và cháu càng áp dụng phương pháp này nhiều bao nhiêu thì cháu sẽ càng thành thạo nó bấy nhiêu. Chẳng bao lâu sau nó sẽ trở thành một tính cách trong con người của cháu. - Giờ cháu đang nghĩ tới việc sẽ giải quyết công việc theo cách hoàn toàn khác trước đây. - Albert nói to từ sau tay lái. - Tốt lắm! - Đô đốc nói - Giờ thì chúng ta sẽ nói về bước tiếp theo: “Liên hệ”. Ở bước này chúng ta phải xác định những cá nhân hay tập thể có khả năng ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch hành động của ta. Sau đó cần cung cấp thông tin cho họ một cách tốt nhất. Có nhiều cách cung cấp thông tin ví dụ như các cuộc thăm viếng nhà riêng, gọi điện thoại, gởi thư, tin nhắn, băng ghi âm, băng video hay thư điện tử v.v... Chọn lựa cách thức liên hệ sao cho phù hợp với từng đối tượng. Đối với vấn đề của Fred thì ta có thể ghi ra đây một bộ khung kế hoạch đơn giản như sau. Đô đốc lại viết lên bìa hồ sơ: - Mặc dù kế hoạch này chỉ tập trung vào cá nhân nhưng với những vấn đề khác, ta có thể tập trung vào tập thể, đúng không ạ? - Jennifer hỏi. - Đúng. Đó có thể là một thị trường, một công ty hay bất cứ một tổ chức nào mà cháu cần sự đồng lòng, nhất trí. Nhưng nếu cháu muốn các thành viên trong tập thể hành động khác nhau thì cháu nên chú ý liên hệ với từng người theo những cách phù hợp nhất. - Cháu hiểu rồi ạ! - Jennifer vẫn tiếp tục ghi chép. - Giờ chỉ còn lại bước cuối cùng: “Thực hiện”. Tuy nhiên, ta không nên nói là chỉ còn lại bước thực hiện bởi vì bước cuối cùng trong quá trình “Giải quyết vấn đề và ra quyết định” này liên quan đến nhiều thứ. Chỉ đến khi ta đạt được hết những mục tiêu đã đề ra từ trước thì mới có thể xem như là đã giải quyết xong một vấn đề hay đưa ra một quyết định thành công. Như vậy bước “Thực hiện” bao gồm những quá trình tiếp theo sau đó và cả việc giám sát sự hoàn thành của từng mục tiêu mà ta đã đề ra. Trong trường hợp của Fred, bắt đầu hành động thì đơn giản, nhưng những việc tiếp theo đó và quá trình theo dõi thái độ hành vi của Fred sẽ là một phần rất quan trọng. - Đây có vẻ là một “vũ khí” hữu hiệu đấy chứ. Cháu nghĩ rằng mình có thể áp dụng hiệu quả phương pháp này trong rất nhiều dự án của cháu. - Đúng. Đây là một trong những cách rất thực tiễn để tổ chức các dự án - Đô đốc đồng ý - Phương pháp này giúp chúng ta phác thảo những dự án và làm các báo cáo vô cùng hiệu quả. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây chính là phải luôn tiên liệu và giải quyết trước những vấn đề có thể phát sinh bất cứ khi nào có thể, có nghĩa là phải biến nó thành một thói quen của mình. - Cháu chắc là bí quyết thứ ba này sẽ giúp ích cho chúng cháu rất nhiều - Jennifer nói. - Hơn 50% những thất bại xảy ra là vì người thực hiện đã không thấy trước được các vấn đề. Còn nhớ là ta đã nói với các cháu rằng hầu hết các vấn đề là hệ quả của các giải pháp không? - Có ạ! Nhưng tại sao, thưa Ngài? - Đó là vì chúng ta đang sống trong một xã hội có khuynh hướng tiếp nhận những câu trả lời. Hầu hết mọi người đều cho rằng đối với một vấn đề nào đó, chỉ cần đưa ra một câu trả lời hợp lý là đủ. Nhưng nên nhớ rằng, ở vị trí quản lý hay trong bất cứ công việc nào ta đang làm tại các công ty, tổ chức thì việc có câu trả lời hợp lý là chưa đủ. Chỉ có việc tạo ra kết quả công việc mới có ý nghĩa mà thôi. - Cháu hiểu! - Jennifer nói. - Khi một câu trả lời thỏa đáng được đưa ra để giải thích cho một sự cố bất ngờ thì cũng không thay đổi được hậu quả mang tính tiêu cực của sự việc. Thường hậu quả đó chính là một vấn đề hay hàng loạt những vấn đề khiến cho mục tiêu của chúng ta không đạt được. - Vì vậy chúng ta cần phải tiên liệu và tìm giải pháp cho các vấn đề có thể phát sinh - Albert hăng hái - Chúng ta phải tập cho mình khả năng đoán trước tất cả những vấn đề và linh động thay đổi kế hoạch, nhằm tránh thêm nhiều vấn đề khác có thể xảy ra. - Đúng vậy! - Đô đốc nói - Trong một ngày phải đưa ra quá nhiều quyết định khiến ta lắm lúc không thể áp dụng bảy bước của phương pháp này theo đúng quy trình của nó. Nhưng khi cháu đã áp dụng được một vài lần thì nó sẽ trở thành một kim chỉ nam mà cháu có thể làm theo như một thói quen vô thức đối với mỗi vấn đề cần giải quyết hay một quyết định được đưa ra. - Một mô hình giải quyết vấn đề kiểu mẫu. - Jennifer nhận xét. - Đó là từ cháu dùng đấy nhé! - Đô đốc đáp - Nhưng ta nghĩ cũng chính xác đấy. Điều ta muốn nhấn mạnh ở đây là phần lớn mọi người hay giải quyết vấn đề theo cách: đánh giá nhanh chóng, quyết định và sau đó hành động! Thế là họ bỏ qua một số bước quan trọng giúp tạo nên sự khác biệt trong kết quả cuối cùng: Đầu tiên họ không nghĩ đến tất cả mục tiêu mà họ mong đợi. ọ g g ụ ọ g ợ Thứ hai họ ít khi xem xét đủ các giải pháp lựa chọn. Cháu luôn có thể có nhiều giải pháp lựa chọn tốt hơn hẳn cái đầu tiên mà cháu nghĩ đến. Và ta cho rằng, thiếu sót quan trọng nhất là họ không dự đoán được các vấn đề tiềm ẩn và giải quyết chúng, để rồi cuối cùng, những kết quả mà họ đạt được chỉ là những thảm họa mà thôi! - Để tránh thảm họa, hãy nghĩ đến việc giải quyết chúng trước - Jennifer nói. - Cũng không quá khó để tập thói quen luôn dừng lại một giây trước khi hành động để tự hỏi mình xem có rủi ro gì xảy ra hay không - Đô đốc nói - Phương pháp tưởng chừng rất phức tạp này hóa ra lại là lối đi tắt cho chúng ta về lâu dài. - Và cháu có thể thấy nó đã giúp Ngài luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn sàng một cách tốt nhất - Albert nói. - Không hẳn vậy. Khả năng tiên liệu và tìm giải pháp cho các vấn đề cũng không hoàn toàn giúp ta luôn có được tư thế chuẩn bị sẵn sàng. - Ý của Ngài là... - Albert chau mày. - Chúng liên quan với nhau nhưng ở một mức độ nào đó cũng có sự khác biệt. Chúng ta bàn về nó sau nhé. Bây giờ ta muốn chia sẻ với các cháu một ví dụ. - Chúng cháu vẫn đang lắng nghe Ngài đây ạ. - Jennifer nói. - Ta có một người anh rể là một luật sư rất thành công, rất nổi tiếng. Có thời gian ông ấy đã thắng bốn mươi bảy vụ kiện dân sự liên tiếp. Đây quả là một kỳ công. Vì đối với ngành tư pháp, một luật sư chỉ cần thắng khoảng năm mươi phần trăm trong những vụ kiện mình theo đã là một thành công vượt trội. - Cháu đoan chắc lý do ông ấy thành công đến thế là vì trong mỗi vụ kiện ông luôn ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng. - Cũng không hẳn là vì ông ấy đã chuẩn bị sẵn sàng - Đô đốc giải thích - Mỗi luật sư đều có sự chuẩn bị kỹ càng trước mỗi phiên tòa. Điều khác biệt ở đây chính là cách thức ông ấy chuẩn bị. - Ông ấy có bí quyết gì không ạ? - Albert hỏi. - Ta khám phá ra bí quyết đó vào ngày chúng ta cùng dự tiệc sinh nhật của bà O’Reilly. Lúc đó ông vừa thắng vụ kiện lớn nhất trong sự nghiệp của mình. Vụ việc đó nổi đình nổi đám đến nỗi báo chí đã đề cập đến trong nhiều tuần liền. Ông ấy đã giành được chiến thắng ở phút cuối cùng tại buổi xét xử bằng một bài bào chữa mang tính hiện tượng mà có lẽ sẽ được sử dụng như là một bài mẫu trong các trường đại học luật nhiều năm sau đó. Một phóng viên đã viết trên một tờ báo rằng ông ấy như một nhà ảo thuật tài ba biết “kéo con thỏ từ trong nón ra” đúng lúc để xoay chuyển tình thế một cách đột ngột vào thời điểm cao trào nhất của vụ án. - Giống như một phép màu vậy! - Jennifer nhận xét. - Mọi người đều có cảm giác như vậy, kể cả ta. Sau đó tại buổi tiệc sinh nhật bà O’Reilly, ta đã hỏi làm sao mà ông ấy lại luôn có những cách xử lý bất ngờ và hiệu quả vào đúng thời điểm cần thiết như vậy. Các cháu có biết ông ấy trả lời ta như thế nào không? - Như thế nào ạ? - Jennifer hỏi. - Ông nói rằng bí quyết để có thể “kéo con thỏ từ trong nón ra” đúng lúc là vì ông luôn có sẵn ít nhất là mười “con thỏ” trong “nón”. Đó chính là sự chuẩn bị công phu và cũng là bí quyết của ông. - Thế ông ấy làm gì với chín “con thỏ” còn lại? - Albert hỏi. - Chẳng làm gì cả, ngoại trừ việc ông học được rất nhiều điều từ chúng. Nó giúp ông cẩn trọng hơn ở những lần tiếp theo, đồng thời nó cũng giúp ông trở thành một người biết tiên liệu và tìm giải pháp cho các vấn đề một cách khéo léo và hiệu quả hơn. Nói tóm lại, nếu muốn làm được như vậy thì phải biết suy nghĩ trước. - Ồ! - Cả Albert lẫn Jennifer đều đồng thanh kêu lên ngạc nhiên. - Rất nhiều người nghĩ rằng ông anh rể ta quá may mắn. Cho dù ông ấy may mắn nhưng nếu thiếu sự chuẩn bị, ta nghĩ ông ấy sẽ không thành công. Ông đã lên kế hoạch về việc lấy “thỏ” ra khỏi “nón”. Và cách duy nhất giúp ông ấy chắc chắn rằng mình sẽ có được một giải pháp đúng đắn vào thời điểm thích hợp là ông đã dự đoán trước mọi vấn đề mà ông có thể sẽ phải đối mặt trong suốt quá trình diễn ra vụ án và giải quyết từng vấn đề một trước khi phiên tòa diễn ra. Những giải pháp đó trở thành những “con thỏ” mà ông đã giấu sẵn ở trong “nón”. - Thoạt nghe thật đơn giản nhưng hình như phương pháp này khá xa lạ với mọi người? Cháu chưa từng biết ai đã sử dụng chúng - Albert nói. - Có một vài người kinh doanh giỏi đã áp dụng phương pháp này. Nó giúp họ hình dung trước những trở ngại sẽ gặp phải trước khi đi gặp khách hàng. Nhưng đúng là chỉ có một số ít người thành công nhờ biết sử dụng khả năng này, cho dù cơ hội luôn công bằng với mọi người. Đó là một trong những nghịch lý của cuộc sống này, anh bạn trẻ ạ. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chẳng khác gì những thói quen khác phải không? Bí quyết chính là ở chỗ phải áp dụng chúng, sống với chúng, đưa chúng vào trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cũng đã từng nghe những bí quyết này trước đây, thậm chí họ còn có thể kể ra những ví dụ mà ở đó họ thấy những thói quen này được áp dụng rất thành công. Nhưng sau đó bản thân họ lại gạt bỏ chúng đi vì họ không muốn cuộc sống của mình phức tạp hơn. Tuy nhiên, hầu hết những bí quyết thành công của cuộc sống đều rất đơn giản. Vấn đề không phải ở chỗ nghĩ ra và nắm vững được những nguyên tắc đó mà là cách ta áp dụng những chân lý này vào cuộc sống của mình như thế nào. Một lần nữa ta sẽ lấy ông anh rể của ta làm ví dụ. Ông nói rằng ông đã chia sẻ bí quyết của mình với mọi người, ông chẳng hề giấu giếm gì cả. Rất nhiều người ngưỡng mộ thành tích của ông, vậy có bao nhiêu người đã làm theo lời ông ấy? - Bao nhiêu ạ? - Albert hỏi. - Không ai cả! - Thật thế ư ? - Jennifer ngạc nhiên thốt lên. - Đó là một trong những lý do vì sao mà ta muốn biết liệu Albert có thể áp dụng được hai bí quyết đầu tiên hay không trước khi ta chia sẻ những bí quyết còn lại với các cháu - Đô đốc giải thích - Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi lãng phí thời gian của mình cho người sẽ không áp dụng những điều mà ta đã chân thành chia sẻ. Và nó cũng sẽ lãng phí thời giờ của chính cháu đấy, Albert ạ! Bởi vì nếu cháu không sẵn lòng áp dụng hai bí quyết đầu tiên thì cháu sẽ không thể học được bí quyết thứ ba, đúng không? - Chắc chắn là thế ạ! - Albert trả lời. Đô đốc mỉm cười hài lòng. Albert nói: - Hình như chúng ta vẫn còn một bí quyết nữa phải không ạ? - Các cháu đã hiểu vấn đề rất tốt, và bất cứ khi nào các cháu sẵn sàng thì ta sẽ nói về bí quyết thứ tư và cũng là thói quen cuối cùng mà các cháu cần rèn luyện. Albert và Jennifer nhìn nhau rồi đồng thanh trả lời: - Chúng cháu đã sẵn sàng! - Bí quyết thứ tư tinh tế hơn ba bí quyết kia, bởi vì lúc đầu ta thường không nhìn ra được đó là một thói quen. Trước tiên ta muốn kể cho hai cháu nghe ta đã học được nó trong tình huống nào rồi ta sẽ nói nó là cái gì nhé. - Vâng ạ! - Albert đáp - Nhưng trước khi chúng ta bắt đầu thì ông có nghĩ rằng ta cần phải đổi hướng tàu không ạ. - Ta đã đi khá xa rồi nhỉ! - Đô đốc nói - Cứ thẳng tiến về hướng cảng. Ta sẽ thả lỏng dây ra còn cháu thì cho tàu quay lại nhé! Cái sào căng buồm lướt ngang qua khoang lái khi Albert đổi hướng tàu khiến mặt kia của cánh buồm căng đầy gió. Đô đốc cất tiếng: - Lúc ta còn đang ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình, ta có theo học tại một lớp cao học. Mỗi tháng nhà trường mời một nhân vật nổi tiếng đến nói chuyện. Buổi nói chuyện này được xem như là một nội dung trong chương trình giảng dạy. Tất cả học viên lắng nghe và sẽ đặt các câu hỏi sau khi bài nói chuyện kết thúc. Có một lần trường ta mời một nhân vật còn khá trẻ nhưng lúc đó đang rất nổi tiếng trong ngành truyền thông điện tử. Thời đó radio và tivi còn là những điều khá mới mẻ và thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Những công ty thuộc lĩnh vực này đang kinh doanh rất tốt, và họ đã tạo nhiều cơ hội cho những nhân tài thăng tiến trong sự nghiệp. - Cũng như mạng Internet ngày nay - Albert bổ sung. - Đúng vậy. Dù lúc đó ta mới chỉ là một đại úy hải quân thôi nhưng ta thấy rằng so với một vị trí đỉnh cao như thế trong ngành công nghiệp to lớn này thì ông ấy cũng còn quá trẻ. Vì vậy mọi người đã chăm chú nghe và cảm thấy bài nói chuyện rất thú vị, lôi cuốn. Nhưng điều thú vị nhất chính là phần đặt câu hỏi của sinh viên. Một trong những câu hỏi đầu tiên là làm sao mà ông có thể đạt đến vị trí đỉnh cao như vậy khi ông vẫn còn chưa qua tuổi bốn mươi. Bọn ta rất muốn biết là làm cách nào mà ông có thể vượt qua nhiều người để giành được vị trí đó. - Thế ông ấy trả lời như thế nào ạ? - Albert hỏi. - Ta rất ấn tượng với câu trả lời của ông ấy nhưng hình như với một số người, câu trả lời ấy vẫn khá mơ hồ, họ chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó. Ông ấy nói rằng ông thực sự không mất quá nhiều thời gian cho vấn đề này nhưng trong quá khứ ông cũng đã từng suy nghĩ về câu hỏi đó. Ông thành công và thăng tiến nhanh như vậy là nhờ ở ba điều. Điều đầu tiên là ông luôn làm bất cứ điều gì có thể trong mọi công việc ông đảm nhận để làm cho cấp trên của mình và những người ở vị trí cao hơn trong công ty có được một hình ảnh tốt đẹp. Không khó hiểu chứ? Nhưng chưa hết đâu. Thứ hai, ông nói ông có thể nhìn mình trong gương và nói thật lòng rằng ông luôn làm bất cứ điều gì có thể để cấp dưới của ông cũng có được một hình ảnh tốt đẹp. Cuối cùng, ông đối với những cộng sự cũng vậy. Ông làm điều đó vì cho rằng, khi tất cả mọi người xung quanh ông đi lên thì tự dưng ông cũng đi theo dòng chảy đó! - Thật ngạc nhiên! - Albert kêu lên thán phục. Đô đốc nói: - Một khi cháu thực sự hiểu được, cháu sẽ thấy cả một thế giới thông thái trong những lời nói đó. Đầu tiên ta sẽ giải thích việc làm cho người khác có được một hình ảnh tốt đẹp là như thế nào. Ông ta không hề làm điều đó một cách giả tạo, có nghĩa là làm cho mọi người có được tiếng tốt khi họ chẳng làm điều gì để có được nó. Thay vào đó, ông thử tìm hiểu những kết quả mà họ đang cố tạo ra để có thể hiểu được mục đích, mục tiêu họ đang phấn đấu và những thách thức mà họ phải đương đầu. Sau đó ông gắng sức giúp họ đạt được những mục đích đó theo cách tốt nhất có thể được mà không ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Nói cách khác, ông làm cho họ thật sự có được một hình ảnh tốt trong mắt mọi người. Tìm cách giúp đỡ và ủng hộ họ, rồi để cho họ nhận hết danh tiếng. Đó là những gì ông ấy làm. Jennifer nhận xét: - Ông ấy làm như vậy là để giúp nâng uy tín của những người quanh mình lên? - Đúng thế. Nhưng hãy cùng suy nghĩ ở một khía cạnh khác. Nhà quản trị trẻ của chúng ta không chỉ nương theo dòng chảy mà thực tế ông lại dẫn đầu dòng chảy đó. Ông thăng tiến nhanh hơn bất cứ người nào khác. Và quan trọng là ta phải hiểu được tại sao lại như vậy. - Cháu vẫn chưa rõ lắm - Albert bày tỏ. - Hãy nghĩ về tất cả những người mà cháu đang cùng làm việc chung ở một nhóm nào đó có một quy mô tương đối. Đó có thể là ở phòng ban nơi cháu đang làm, hay là một nhóm đồng nghiệp đang cùng thực hiện một loại công việc như cháu, hoặc cũng có thể là một nhóm dự án mà cháu đang là một thành viên trong đó. Điều quan trọng là cháu phải nghĩ đến một nhóm người nào đó mà cháu có quan hệ khá thường xuyên. - Đã nghĩ ra được chưa Jennifer? - Đô đốc hỏi. - Rồi ạ! - Tốt. Bây giờ cháu hãy nghĩ về tất cả những thành viên trong nhóm. Các cháu có biết ai là những người có nhiều đóng góp thường xuyên nhất không? Cháu có biết ai đáng tin cậy và ai ít đáng tin cậy hơn không? Cháu có biết ai vững vàng và ai dễ bị lay chuyển không? Cháu có biết sức mạnh cũng như điểm yếu của họ không? - Rất dễ nhận ra ạ! - Jennifer nói. - Cháu cũng thế - Albert trả lời. - Tốt lắm! - Đô đốc nói - Và những người khác cũng hiểu như vậy, đúng không? Cả Jennifer lẫn Albert đều muốn chia sẻ sự nhiệt tình của Đô đốc nhưng không thể, vì họ chưa hiểu điều ông vừa nói lắm. - Các cháu không thấy sao? Vấn đề là ở chỗ tất cả mọi người đều biết. Nếu thử tiến hành một cuộc khảo sát với từng người trong nhóm và yêu cầu mọi người xếp loại dựa theo mức độ nhiệt tình, năng nổ trong công việc thì danh sách của mọi người sẽ là như nhau. Mọi người đều biết ai là người nhiệt huyết nhất cũng như ai kém nhiệt tình hơn. Điều này không thể che giấu được, sự thật vẫn là sự thật. Jennifer và Albert vẫn còn một chút mơ hồ. - Các cháu không cần phải tìm kiếm sự công nhận của ai đó, đặc biệt là sự công nhận của mọi người bởi vì chính sự thật sẽ dẫn đến những quyết định chính xác. Điều này cũng là những gì đã diễn ra với nhà quản trị trẻ của chúng ta. Ông không hề lấy đi thành tích của sếp mình, mặc dù ông mới là người có những đóng góp quan trọng. Ông cũng không tranh giành sự công nhận của mọi người với cấp dưới hay cộng sự. Ông làm mọi thứ có thể để giúp họ thành công, giúp họ được tưởng thưởng. Nhưng sâu thẳm trong lòng mình, tất cả những người đó đều hiểu rõ là ông đã giúp họ tận tình như thế nào. Kết quả cuối cùng là ai cũng muốn được làm việc chung với ông ấy. Cấp dưới tranh nhau làm cho ông vì được ông ủng hộ hết mình, giúp họ đạt được những thành công xuất sắc. Họ tự hào nhìn thấy những nỗ lực của mình được công nhận. Những người cùng vai vế với ông muốn ông hợp tác với nhóm của mình cũng vì lý do đó. Và thật dễ hiểu tại sao những nhà lãnh đạo cũng muốn có ông bên cạnh. Với ông, họ không bao giờ cảm thấy bị đe dọa và họ đánh giá cao lòng trung thành của ông. Thái độ không ích kỷ và sự ủng hộ hoàn toàn của ông dành cho những người xung quanh làm cho ông có một vị trí vô cùng quan trọng và cần thiết với mọi người trong công ty. Chính điều đó cuối cùng đã đẩy ông lên tới đỉnh cao trong một khoảng thời gian ngắn. - Nhưng cháu nghĩ, chắc chắn sẽ có ai đó ghen tị và tìm mọi cách để dìm ông ấy xuống hoặc hủy hoại thanh danh của ông ấy - Albert nói. - Chắc chắn là có. Luôn có những người nghĩ rằng cách tốt nhất để tiến lên là dìm người khác xuống. Nhưng điều đó sẽ chẳng có tác dụng gì vì sớm muộn gì mọi người cũng biết. Khi cháu đã hiểu được điều đó thì cháu có thể áp dụng bí quyết thứ tư, đó là tập thói quen Làm cho những người xung quanh ta tốt hơn và có giá trị hơn. Albert nhanh chóng hình dung trong đầu mình anh sẽ thể hiện bí quyết thứ tư trên máy tính ở nhà như sau: Bí quyết thứ tư LÀM CHO NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH TA TỐT HƠN VÀ CÓ GIÁ TRỊ HƠN! L iền đó, một ý nghĩ chợt đến kéo anh trở về thực tại. - Khi cháu nghĩ đến tất cả những điều Ngài vừa nói thì cháu đã hiểu ra tại sao Jennifer được thăng tiến còn cháu thì không - Albert nói. Câu nói của Albert khiến Jennifer không được thoải mái lắm nhưng cô im lặng. Cô không thích bị đem ra so sánh với chồng mình hay là với nhà quản trị tài ba kia. Nhưng Đô đốc có vẻ thích thú khi thấy Albert đề cập đến vấn đề này. - Cháu hãy nói rõ xem. - Có thể nói, Jennifer luôn là người có nhiều đóng góp cho công việc nhiều hơn cháu - Albert khẳng định. - Thái độ điển hình của cháu là “làm cho xong việc” còn cô ấy thì luôn là “làm việc với khả năng cao nhất”. Lúc nào cô ấy cũng khuyến khích mọi người nỗ lực, cùng làm việc cho kế hoạch chung của nhóm. Còn cháu, mặc dù cháu cũng có mối quan hệ khá tốt với mọi người nhưng cháu chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về việc cố gắng làm cho họ có được một hình ảnh tốt đẹp. - Điều đó cho thấy ít nhất cháu cũng có khả năng để trở thành một nhà lãnh đạo đấy, Jennifer - Đô đốc nhận xét. - Có lẽ, nhưng cháu nghĩ rằng mình còn cả một chặng đường dài trước mắt mới có thể so sánh với nhà quản trị trẻ tuổi mà Ngài nói đến. Thậm chí trước đây cháu còn chưa bao giờ nghĩ nhiều về những điều đại loại như thế. - Chắc chắn cả hai cháu sẽ có được niềm vui khi tập thói quen này. Nhưng sẽ có lúc các cháu phải trải qua những lúc thất vọng và nản chí. Ví dụ khi cháu làm việc chung với những người ích kỷ và sẽ chẳng công bằng cho cháu khi cứ phải nhường mọi thành công cho người khác. Nhưng cuối cùng cháu sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân mình và cháu sẽ nhận ra đấy là một con đường mang lại cho mình nhiều điều tốt đẹp và xứng đáng để chúng ta đi theo. - Ông có thể kể cho chúng cháu nghe một trong những lúc thất vọng và chán nản mà ông đã trải qua, cũng như cách ông đã vượt qua tâm trạng đó không? - Albert đề nghị. - Được thôi! - Đô đốc trả lời - Nhưng ta hãy chuyển hướng tàu về nhà. Hãy cho tàu đi theo hướng kia. Sau khi đã ổn định xong hướng đi mới của tàu, Đô đốc đổi chỗ với Albert, đến cầm lại tay lái. - Thời kỳ thách thức nhất đối với ta là sau khi ta rời Bộ Hải quân. Ta được mời đảm nhận vị trí Phó Trưởng ban Hành chánh Quản trị của một tổ chức phi lợi nhuận khá quan trọng. Trước đó ta đã từng làm ở một số nơi khác nhau như ở các công ty đấu thầu cho Bộ Quốc phòng, các công ty quan hệ quốc tế, ngay cả ở một số công ty đầu tư ngân hàng. Nhưng lúc ấy, ta muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa rộng lớn hơn và ta đã tìm thấy cơ hội ở tổ chức này. Trong quá trình tuyển dụng, ta đã nói với ông Trưởng ban Hành chánh Quản trị về những ý tưởng của ta và ông ấy tỏ vẻ tán đồng. Ông ta nói nếu ta đến làm việc cho ông thì ta sẽ có cơ hội theo đuổi khát vọng của mình và tạo ra một sự đổi khác trong thế giới này. Ta thật sự muốn điều đó nên khi ông ấy nói sẽ ủng hộ ta thì ta tin lời ông. Ta tin rằng ông sẽ giúp ta biến giấc mơ thành hiện thực.