🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Quyết Đầu Tư & Kinh Doanh Chứng Khoán Của Tỷ Phú Warren Buffett & George Soros - Mark Tier full prc pdf epub azw3 [Tài Chính] Ebooks Nhóm Zalo MARK TIER BÍ QUYẾT ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH CHỨNG KHOÁN CỦA TỶ PHÚ WARREN BUFFETT và GEORGE SOROS Biên dịch: TRẦN THỊ BÍCH NGA NGUYỄN THỊ THU HÀ FIRST NEWS NHÀ XUẤT BẢN TRẺ OCR: Vinaguy Soát lỗi: Neptune99 Ebook: Vinaguy-Neptune99 Original title: The Winning Investment Habits of Warren Buffett & George Soros by Mark Tier Copyright © 2004 by Mark Tier Vietnamese Edition 2007 by First News – Tri Viet Published by arrangement with Writers House LLC. BÍ QUYẾT ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH CHỨNG KHOÁN CỦA TỶ PHÚ WARREN BUFFETT VÀ GEORGE SOROS Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới theo hợp đồng chuyển giao bản quyền với tác giả thông qua Writers House LLC, Hoa Kỳ. Bất cứ sự sao chép nào không được sự đồng ý của First News và tác giả đều là bất hợp pháp và vi phạm Luật Xuất bản Việt Nam, Luật bản quyền Quốc tế và Công ước Bảo hộ Quyền Sở hữu Trí tuệ Berne. CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh Tel: (84.8) 227979 – 8227980 – 8233859 – 8233860 Fax: (84.8) 224560; E-mail: [email protected] Website: www.firstnews.com.vn LỜI TÁC GIẢ M ột ngày nọ, khi tôi đang tập đánh quần vợt thì huấn luyện viên của tôi chỉ sang sân bóng kế bên và hỏi: “Anh nghĩ là họ đã chơi quần vợt được bao lâu rồi?” Trên sân bóng lúc đó là hai cặp ở vào độ tuổi trên dưới 60 đang đánh đôi. Tôi quan sát một lúc. Và rồi tôi nhận thấy rằng cả bốn người đều không làm theo những gì mà tôi đã được thầy hướng dẫn. Đúng hơn là họ đánh bóng y như kiểu đánh của tôi trước khi tôi được học một cách bài bản. Tôi trả lời: “Tôi nghĩ là chỉ một vài năm thôi”. Huấn luyện viên của tôi lắc đầu: “Hơn chứ, phải đến 15 hay 20 năm rồi. Có điều vì không được hướng dẫn cụ thể nên họ đánh lâu như thế rồi mà vẫn không lên tay, và sẽ không bao giờ họ có thể đạt thành tích cao được. Dù anh là người mới tập, nhưng nếu biết vận dụng lý thuyết đã học thì anh vẫn có khả năng thi đấu với những đối thủ như họ và thậm chí còn thắng họ”. Dù bạn biết sẽ không bao giờ đủ trình độ để thi đấu tại giải Wimbledon, hay không phải đối đầu với cây vợt số một thế giới Federer trong giải nhà nghề, nhưng bạn vẫn có thể nâng cao khả năng thi đấu của mình bằng cách học hỏi những kỹ thuật rèn luyện của các vận động viên chuyên nghiệp. Tương tự như vậy, dù bạn không hy vọng sẽ trở thành một Warren Buffett hay George Soros thứ hai, thì việc học thói quen của những nhà đầu tư xuất sắc nhất thế giới này chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện các kết quả đầu tư của mình. - MARK TIER LỜI GIỚI THIỆU W arren Buffett và George Soros đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, và họ cũng làm nên những gia tài trị giá hàng chục tỷ đô la chỉ bằng hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, sự nghiệp của hai người lại trái ngược và mâu thuẫn với nhau như mặt trăng mặt trời. Buffett dùng tiền mặt để mua những cổ phiếu và cả các doanh nghiệp được định giá thấp hơn đáng kể so với giá trị thực của chúng, rồi sở hữu chúng vĩnh viễn; còn Soros nổi tiếng nhờ những vụ mua bán khổng lồ và chớp nhoáng tại các thị trường tiền tệ. Vậy thì giữa hai người có thể tồn tại những điểm chung nào? Cả Warren Buffett và George Soros đều có những thói quen tinh thần và chiến lược đầu tư giống hệt nhau, và đó cũng là thái độ luôn đồng hành cùng Peter Lynch, Sir John Templeton, Bernard Baruch, Benjamin Graham cũng như tất cả những nhà đầu tư thành công khác. Ai cũng vậy, không hề có ngoại lệ. Những thói quen và chiến lược tinh thần mà cả Warren Buffett và George Soros thực hành dường như đang thách thức “những bộ óc thông minh” của Wall Street. • Cả Warren Buffett lẫn George Soros đều phản đối việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. • Cả hai đều sẽ nói với bạn rằng việc dự đoán động thái tiếp theo của thị trường hay của nền kinh tế không đem lại thành công cho các vụ đầu tư. • Cả hai cùng không tập trung vào lợi nhuận mà họ sẽ thu được từ các vụ đầu tư, mà trên thực tế, động lực cao nhất của họ hoàn toàn không phải là tiền bạc. • Họ không tin rằng để có lợi nhuận lớn thì nhất thiết phải chấp nhận rủi ro lớn. Vì thế, họ dành sự quan tâm lớn hơn cho việc bảo toàn vốn. • Và họ đều không đọc tất cả những bài nghiên cứu, báo cáo… mà Wall Street công bố! Thành công tiềm ẩn trong những thói quen và chiến lược tinh thần của bạn – tác giả Mark Tier đã khẳng định như vậy trong cuốn sách có tính chất mở đường này. Thông qua việc xác định những thói quen đưa Warren Buffett và George Soros đến với sự thành công phi thường, Mark Tier lần đầu tiên đã chứng minh rằng tất cả các nhà đầu tư thành công đều có những thói quen đó. Và bạn đều có thể học hỏi và tự rèn luyện những thói quen này. Dù bạn đang ở đâu trong thị trường đầu tư: tìm mua cổ phiếu giá rẻ – “những món hời” theo cách nói của Buffett – hay mua bán các hợp đồng tiền tệ giao sau như Soros, đầu tư vào bất động sản, đồ cổ hay các bộ sưu tập; bạn sử dụng những công cụ phân tích mang tính kỹ thuật, mua lúc giá hạ hay lúc thị trường tiền tệ chao đảo bất thường, sử dụng hệ thống mua bán được vi tính hóa hay chỉ đơn giản là muốn dành dụm tiền bạc phòng khi cơ nhỡ… thì những thói quen này cũng sẽ giúp bạn đặc biệt cải thiện hiệu quả đầu tư của mình. Chúc bạn thành công! Phần 1 NHỮNG THÓI QUEN ĐƯA WARREN BUFFETT & GEORGE SOROS ĐẾN THÀNH CÔNG TRONG ĐẦU TƯ Chương 1 SỨC MẠNH CỦA NHỮNG THÓI QUEN TINH THẦN W arren Buffett và George Soros được xem là hai nhà đầu tư thành công nhất thế giới. Nét đặc trưng trong hoạt động đầu tư của Buffett là mua lại các doanh nghiệp lớn với giá rẻ hơn đáng kể so với giá trị thực (theo cách đánh giá của ông) và sau đó sẽ không bao giờ bán ra mà sở hữu chúng mãi mãi. Còn Soros trở nên nổi tiếng nhờ vào việc thực hiện nhiều thương vụ khổng lồ trong các thị trường tiền tệ và thị trường hợp đồng giao sau với nguồn vốn lấy từ các khoản tiền vay. Giữa hai nhà đầu tư này có vô số điểm khác nhau. Các phương pháp đầu tư của họ cũng không hề có điểm tương đồng nào, thậm chí còn trái ngược và đối lập nhau hoàn toàn. Trong những trường hợp hiếm hoi khi họ cùng tham gia vào một vụ đầu tư, thì lý do đầu tư của mỗi người cũng khác xa nhau. Bốn nhà đầu tư giàu nhất thế giới (Xếp hạng của Forbes năm 2006) TT Tỷ phú Тỷ USD Nguồn gốc của cải Công ty\Quốc gia 2 Warren E.Buffett 42 Tự làm nên Berkshire Hathaway, Mỹ 8 Thái tử Alwaleed Bin Talal Alsaud 20 Được thừa kế Hoàng gia Ả Rập, Ả Rập Xê Út 28 Abigail Johnson 12,5 Được thừa kế Fidelity Investments, Mỹ 71 George Soros 7,2 Tự làm nên Quỹ Quantum, Mỹ Trong khi các nhà đầu tư tỷ phú khác thuộc danh sách này đều có bước khởi đầu thuận lợi thì cả Warren Buffett và George Soros đều bắt đầu với hai bàn tay trắng. Vậy chúng ta có thể tìm thấy những điểm chung gì ở hai nhà đầu tư thành công nhất thế giới này? Nếu chỉ xét về bên ngoài thì quả là giữa họ không có nhiều điểm giống nhau. Nhưng, nếu có bất cứ việc gì mà cả Buffett và Soros cùng tham gia một cách nghiêm túc thì mọi người có thể tin rằng việc ấy hẳn là phải có tầm quan trọng đặc biệt… Có lẽ đây chính là bí quyết thành công của họ. Tuy vậy, càng quan sát kỹ hai nhà đầu tư này, phân tích tư duy của họ, cách họ đi tới quyết định, và thậm chí là khi tìm hiểu về những điều mà họ tin tưởng, người ta càng phát hiện ra nhiều nét tương đồng đáng ngạc nhiên. Ví dụ: • Buffett và Soros có cùng niềm tin về bản chất của các thị trường. • Khi quyết định đầu tư, họ không chú trọng lắm vào khoản lợi nhuận sẽ thu về trong tương lai. Có thể nói, họ đầu tư không hoàn toàn vì tiền. • Cả hai đều đặt nguyên tắc “không để thất thoát vốn” lên trên đòi hỏi “gia tăng vốn”. • Họ không bao giờ đa dạng hóa danh mục đầu tư và họ luôn mua một lượng lớn cổ phiếu trong những vụ đầu tư mà họ có thể kiểm soát được. Họ thành công không phải vì họ có khả năng xuất sắc trong việc dự đoán xu hướng thị trường hay tình hình kinh tế. Khi phân tích niềm tin, phong cách cư xử, thái độ và các chiến lược ra quyết định của họ, tôi đã ghi nhận được 23 thói quen và chiến lược mà cả hai con người thành công này đều luôn tuân thủ một cách tuyệt đối. Và tôi cam đoan là bạn có thể học hỏi nhiều điều từ những thói quen ấy. Các thói quen đó đã được thử nghiệm trên cách tư duy và hành động của các nhà đầu tư thành công như Peter Lynch – người đạt được tỷ lệ sinh lời hàng năm là 29% suốt thời gian ông điều hành Quỹ Fidelity Magellan; những nhà đầu tư huyền thoại như Bernard Baruch, Sir John Templeton và Philip Fisher cùng rất nhiều nhà đầu tư khác. Tất cả đều tự rèn luyện để có những thói quen giống như Buffett và Soros, Không có ngoại lệ nào cả! Những nhà đầu tư bậc thầy Warren Buffett: “Nhà hiền triết của Omaha” George Soros: “Người phá sập Ngân hàng Anh” Sinh năm 1930 ở Omaha, Nebraska. Sinh năm 1930 ở Budapest, Hungary. Bắt đầu quản lý các quỹ tài chính vào năm 1956 với việc thành lập Công ty hợp danh Buffett Partnership (Công ty này giải thể năm 1969). Hiện là chủ tịch và người sở hữu chính của Berkshire Hathaway, Inc. Lập Quỹ Quantum năm 1969 (ban đầu quỹ này mang tên Quỹ Double Eagle và đổi thành Quỹ Quantum Endowment vào năm 2000). Năm 1956, Buffett đầu tư 1.000 đô-la và số cổ phiếu đó hiện nay trị giá 25.289.750 đô-la.* Năm 1969, Soros đầu tư 1.000 đô la và số tiền đó hiện nay trị giá 5.142.300 đô-la.* Tỷ lệ lãi suất hàng năm: 24,7%. Tỷ lệ lãi suất hàng năm: 28,6%. Năm 1956, Buffett đầu tư 1.000 đô-la vào chỉ số S&P và số cổ phiếu đó hiện nay trị giá 73.860 đô-la.* Năm 1969, Soros đầu tư 1.000 đô la vào chỉ số S&P và số cổ phiếu đó hiện nay trị giá 25.889 đô-la.* Số năm thua lỗ: 1 (2001) – so với Số năm thua lỗ: 4 (1981, 1996, 13 năm suy yếu của S&P 500 từ năm 1956. 2000, 2002) so với 9 năm suy yếu của S&P 500 từ năm 1969. * Tính đến ngày 31-12-2002. * Tính đến ngày 31-12-2002. Tôi nhận ra rằng nền tảng văn hóa không làm nên sự khác biệt giữa các nhà đầu tư khi phỏng vấn một nhà đầu tư người Nhật Sống tại Hồng Kông. Ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực buôn bán các hợp đồng giao sau ở Singapore, Tokyo và Chicago bằng cách dùng các biểu đồ “giá để nến” của người Nhật để đánh giá. Trong khi trò chuyện với ông, tôi đã lần lượt đánh dấu những thói quen theo bản danh sách 23 thói quen mà mình đã ghi nhận được trước đây và đã có được 22 dấu thập như thế. Kết thúc buổi nói chuyện, ông nói có lẽ tôi đang muốn biết ông có phải đóng thuế cho những khoản lợi nhuận mà ông thu được từ công việc buôn bán này không. Và câu trả lời của ông đã giúp tôi đánh dấu thập cuối cùng vào bản danh sách của mình. (Nhờ chính sách thuế tự do của Hồng Kông mà ông có thể tiến hành các hoạt động của mình một cách dễ dàng và hợp pháp, trong khi vẫn được miễn thuế thương mại.) Vấn đề đặt ra là: Liệu những thói quen này có thể thay đổi không? Chúng ta có thể rèn luyện để có được những thói quen ấy không? Và sau khi có được chúng thì hiệu quả đầu tư của chúng ta có được cải thiện hơn không? Để trả lời thắc mắc đó, tôi đã thử áp dụng 23 thói quen của những người thành công nhất. Tuy từng là nhà tư vấn trong lĩnh vực đầu tư tài chính và suốt nhiều năm liền làm công việc xuất bản tờ tin tức đầu tư có tên World Money Analyst (Phân tích tiền tệ thế giới), tôi vẫn cảm thấy bối rối khi nhìn lại những kết quả đầu tư của mình. Quả là kém cỏi khi tôi cứ để tiền nằm im lìm trong ngân hàng như thế. Kể từ khi quyết định thay đổi quan điểm và học hỏi những thói quen đầu tư thành công này, kết quả đầu tư của tôi đã được nâng lên đáng kể. Từ năm 1998, các khoản đầu tư của tôi vào thị trường chứng khoán tăng bình quân 24,4% mỗi năm so với mức tăng của chỉ số S&P là 2,3% mỗi năm (từ 1-1-1998 đến 31-12-2003). Tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn mức mà tôi từng nghĩ mình có thể kiếm được. Âu cũng là chuyện bình thường và dễ hiểu nếu bạn muốn tìm kiếm những khoản tiền lớn trên thị trường chứng khoán như Warren Buffett, có được các hợp đồng giao sau về giao dịch tiền tệ như George Soros, sử dụng các phân tích chuyên môn, tuân theo sơ đồ “giá để nến”, mua bất động sản, mua cổ phiếu khi giá xuống hay khi có sự đột biến về giá cả, sử dụng hệ thống mua bán được vi tính hóa, hoặc đơn giản chỉ là muốn dành dụm tiền để phòng khi khó khăn. Tất cả đều có thể được. Một khi biết học hỏi từ những thói quen này, thì lợi nhuận thu về từ số vốn đầu tư của bạn chắc chắn sẽ tăng vọt. Nếu có thể vận dụng một cách linh hoạt những thói quen phù hợp, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa thành công và thất bại trong bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, những chiến lược của các nhà đầu tư bậc thầy khá phức tạp, vì vậy trước hết chúng ta cùng nhau xem xét một ví dụ đơn giản hơn về các thói quen tinh thần này. “Tại sao có những người không thể viết đúng chính tả?” Chắc hẳn bạn đã từng gặp những người không viết nổi một câu mà không mắc lỗi chính tả nào. Điều đó khiến cho các thầy cô giáo phải phát cáu lên vì dù có cố gắng thế nào thì họ cũng không thể cải thiện khả năng viết chính tả của học trò. Chính vì vậy, đa số giáo viên thường nghĩ rằng những học sinh này không được sáng dạ, cho dù đôi khi họ vẫn đạt kết quả khá giỏi ở những bài tập khác. Vấn đề ở đây không phải là do khả năng trí tuệ của họ kém cỏi, mà là do các chiến lược tinh thần được “những người hay mắc lỗi chính tả” này sử dụng. Những người viết đúng chính tả thường “lấy ra” từ ký ức câu chữ mà họ cần, rồi sau đó hình dung lại cách viết, nghĩa là họ viết từ ấy bằng cách “sao chép” từ trí nhớ của mình. Quy trình này diễn ra nhanh đến mức những người viết chính tả đúng ít khi ý thức được điều mình đang làm. Tương tự như vậy, đối với hầu hết những người tinh thông một công việc nào đó, nói chung họ không thể giải thích được mình đã làm như thế nào để đạt được thành công. Ngược lại, những người viết chính tả kém lại viết các từ theo cách họ nghe được. Với một ngôn ngữ đa âm và nhiều ngoại lệ như tiếng Anh thì chiến lược ấy tỏ ra không hiệu quả lắm. Vậy thì giải pháp tốt nhất cho những người viết chính tả kém là dạy họ tiếp nhận những thói quen tinh thần của những người viết chính tả giỏi. Khi đã học được cách “tìm kiếm” từ mà họ muốn viết, thay vì “nghe” rồi họa lại theo kiểu áng chừng, thì những vướng mắc trong việc viết chính tả của họ sẽ tự nhiên biến mất. Lần đầu tiên hướng dẫn chiến lược này cho một người viết chính tả kém, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên. Dù viết văn rất khá, nhưng anh ta lại nhận được rất nhiều điểm B ở trường với lời nhận xét: “Chỉ khi nào học được cách viết đúng chính tả, em mới nhận được điểm A!”. Chưa đầy năm phút sau, anh ta đã viết được những từ khó như “antidisestablish – mentarianism”, “rhetoric” và “rhythm” mà không sai một lỗi, dù đây vốn là những từ đã khiến anh bực bội suốt bao năm nay. Trước đây anh ta đã biết những từ này trông như thế nào rồi, chỉ có điều anh vẫn chưa biết rằng phải nhìn vào đó thì sau này mới có thể viết đúng được!* Đó chính là nhờ sức mạnh của thói quen tinh thần. Các yếu tố duy trì một thói quen tinh thần Thói quen là một phản xạ có thể tập luyện và lặp đi lặp lại nhiều lần để trở nên thành thạo đến mức gần như là tự nhiên. Một khi hành động đã ăn sâu vào tâm trí thì thói quen sẽ là một phản xạ tiềm thức. Điều này được minh chứng bằng ví dụ về người viết đúng chính tả: anh ta hoàn toàn không ý thức được làm thế nào mình có thể viết đúng một từ. Anh ta chỉ biết rằng viết như thế là đúng. Vậy chẳng phải hầu hết những gì mà các nhà đầu tư thành công thực hiện đều xảy ra ở cấp độ ý thức sao? Chẳng phải việc đọc báo cáo hàng năm, phân tích bảng cân đối tài chính, hay việc tìm hiểu các mô hình trong sơ đồ cổ phiếu hoặc giá hàng… đều là những hoạt động có ý thức đó sao? Tất nhiên là như vậy, nhưng ý thức chỉ là “mặt nổi” của “tảng băng tinh thần”. Đằng sau mọi suy nghĩ, quyết định hay hành động luôn là những quá trình phức tạp thuộc về tiềm thức. Ngoài ra, niềm tin và xúc cảm ẩn giấu bên trong đôi khi cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ ngay cả với người cứng rắn và quyết đoán nhất. Ví dụ, nếu một người cứ liên tục bị người khác chế giễu rằng: “Anh không thể viết đúng chính tả” thì lời nói đó có thể âm thầm len lỏi vào tiềm thức và trở thành một phần trong suy nghĩ của anh ta. Anh ta vẫn hiểu được chiến lược của người viết chính tả giỏi, thậm chí cũng có thể viết chính xác như họ nếu được hướng dẫn cách làm. Nhưng, rồi anh ta sẽ nhanh chóng quay trở lại kiểu tư duy của mình nếu bạn để anh ấy một mình xoay xở với các con chữ. Chỉ khi nào bản thân người đó thay đổi ý nghĩ “mình sẽ chẳng bao giờ viết đúng chính tả” thì anh ta mới có khả năng tiếp nhận những thói quen tinh thần của người viết đúng chính tả. Ở đây lại xuất hiện một trở ngại khác, mặc dù rất nhỏ, đó là việc thiếu kỹ năng kết hợp. Nguyên nhân là do một số người không biết cách tạo ra hình ảnh tinh thần và họ phải học cách hình dung trước khi có thể trở thành những người viết đúng chính tả. Dưới đây là bốn yếu tố cần thiết để duy trì một thói quen tinh thần: 1. Niềm tin để định hướng cho hành vi của bạn. 2. Chiến lược tinh thần, nghĩa là một quá trình tác động để thay đổi nhận thức. 3. Cảm giác hỗ trợ. 4. Các kỹ năng kết hợp. Bạn hãy áp dụng cấu trúc này để phân tích một quá trình khác – quá trình đó tuy đơn giản hơn những thói quen của các nhà đầu tư thành công, nhưng lại phức tạp hơn rất nhiều so với “Chiến lược viết đúng chính tả”. Chiến lược của “người phá băng” Thử tưởng tượng bạn đang dự một bữa tiệc. Bạn nhìn thấy hai người đàn ông cùng ngắm nhìn một phụ nữ duyên dáng và quyến rũ. Người đàn ông thứ nhất bắt đầu tiến lại gần cô ta rồi đột nhiên dừng lại, đổi hướng tiến đến quầy rượu. Kể từ đó cho đến hết buổi tối, anh ta trở thành người ngoài cuộc và chỉ biết làm mỗi một việc là uống đến say khướt. Vài phút sau, người đàn ông thứ hai đi về phía người phụ nữ và hai người bắt đầu trò chuyện. Dần dần, bạn nhận ra rằng người đàn ông thứ hai dường như bắt chuyện với hầu hết tất cả mọi người có mặt trong bữa tiệc hôm đó, Anh ta cũng đến bắt chuyện với bạn. Bạn kết luận rằng anh ta đúng là một chàng trai lịch sự và đáng mến, nhưng khi nghĩ lại, bạn chợt nhận ra rằng anh ta chẳng phải là người nói nhiều, mà chỉ có những người khác nói thôi. Có lẽ bạn đã từng gặp nhiều người như thế. Họ đến làm quen với một người hoàn toàn xa lạ và chỉ sau vài phút là đã có thể trò chuyện như những người bạn lâu năm. Tôi gọi họ là “những người phá băng”, và đằng sau cách cư xử của họ chính là những thói quen mà họ luôn tuân thủ: 1. Niềm tin: Họ tin rằng tất cả mọi người đều có những điều thú vị. 2. Chiến lược tinh thần: Họ lắng nghe tiếng nói vang lên từ bên trong bản thân họ. Tiếng nói đó nhắc họ rằng: “Anh/chị ấy là một người thú vị đấy chứ!”. 3. Cảm xúc hỗ trợ: Họ cảm thấy tò mò, thậm chí háo hức khi nghĩ đến việc sẽ được tiếp xúc với những người bạn mới. Họ luôn cảm thấy hài lòng về bản thân mình và tập trung quan sát mọi sự việc đang diễn ra xung quanh. Lý do là nếu họ đang bận tâm về một vấn đề nào đó hay cảm thấy thất vọng về một điều gì khác – tức là hướng sự tập trung của mình vào bên trong – thì họ sẽ không có tâm trạng để trò chuyện với người khác. 4. Các kỹ năng liên quan: Họ thiết lập mối quan hệ bằng ánh mắt – luôn nhìn thẳng, và họ mang cả nụ cười ánh mắt thân thiện đó. Họ luôn gợi chuyện bằng những câu nhận xét chung chung, vô hại và duy trì cuộc nói chuyện bằng cách lắng nghe, trong khi mắt vẫn nhìn thẳng và tập trung chú ý vào người đang nói (làm cho người nói cảm thấy mình quan trọng). Bạn có thể kiểm nghiệm điều này bằng cách thử áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình. Hãy tưởng tượng (nếu bạn còn chưa tin) là bạn nhận thấy mọi người quanh bạn đều thú vị, và tự nói với chính mình: “Anh/chị ấy là một người thú vị đấy chứ!”. Sau đó, quan sát điểm thú vị của mọi người. Còn nếu bạn đang ngồi một mình, hãy tưởng tượng rằng mình đang ở giữa một đám đông náo nhiệt – khi đó bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt, dù đó chỉ là cảm nhận thoáng qua. Thế nhưng diễn biến tâm lý của người ngoài cuộc đứng cuối quầy rượu kia lại khác hẳn. Mặc dù có đôi chút hứng thú ban đầu, song anh ta vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh của những tổn thương trong các mối quan hệ cũ. Tâm trạng nặng nề khiến anh ta chán nản và thế là anh tìm đến quầy rượu để giải sầu. Sự nhạy cảm và dễ xúc động của anh ta phản ánh một niềm tin thuộc về tiềm thức rằng: “Mình chỉ là kẻ tầm thường và không đủ sức thu hút người khác” hay “Mình luôn thất bại trong các mối quan hệ”. Niềm tin đó đã trở thành rào cản ngăn trở anh ta làm quen với những người khác. Đây lại là một trường hợp điển hình khác. Khi tiếp xúc với một người mới gặp lần đầu, chúng ta thường tự hỏi: “Người này có thú vị (đối với mình) không?”. Phương pháp “lấy mình làm trung tâm” này là biểu hiện của niềm tin rằng trong cuộc sống, chỉ có một vài người là thực sự thú vị mà thôi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những cách cư xử khác nhau. Dưới đây là bảng phân tích ba loại thói quen tinh thần khác nhau. “Người ngoài cuộc” hay “người lấy mình làm trung tâm” đều có thể dễ dàng học được các kỹ năng của “người phá băng” như: cách tạo dựng mối quan hệ, cách “cười bằng mắt”, cách trở thành một người biết lắng nghe… Thậm chí anh ta có thể tự nói với mình: “Anh/chị ấy là một người thú vị đấy chứ!”. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu người ngoài cuộc thật sự cố gắng bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Lúc đó, những rào cản do anh ta tự dựng lên sẽ chế ngự nỗ lực có ý thức nhằm tạo ra một điều gì đó khác biệt, và thế là không có chuyện gì xảy ra cả. Cũng theo cách ấy, nếu ngay từ trong tiềm thức, nhà đầu tư tin tưởng rằng: “Tôi không xứng đáng làm ra tiền” hoặc “Tôi là kẻ thua cuộc” thì cho dù ông ta có học bao nhiêu kỹ năng hay cố gắng như thế nào đi nữa, ông ta cũng không thể thành công trên thương trường. Có những niềm tin gần giống như là nguyên nhân chính cho những thất bại của các nhà đầu tư. Tôi gọi những niềm tin đó là Bảy “sai lầm chết người” trong lĩnh vực đầu tư. Người phá băng Người ngoài cuộc* Người lấy mình làm trung tâm Niềm tin Mọi người đều thú vị. Tôi không có điểm gì thú vị cả. Tôi luôn cảm thấy thất bại trong các mối quan hệ. Chỉ có một vài người là thú vị thực sự mà thôi. Chiến lược Tiếng nói bên trong: “Anh/chị ấy là người thú vị đấy chứ!”. Luôn nhớ lại những mối quan hệ trước đây Tiếng nói bên trong: “Người này có thú vị (đối với mình) không?”. Hướng tập trung tinh thần Ra bên ngoài. Vào bên trong. Chủ yếu là vào bên trong. Cảm xúc Tò mò, háo hức. Bị tổn thương. Không chắc chắn. Các kỹ năng Tin tưởng, biết lắng nghe. Không xác định. Ngờ vực. *Lưu ý: đây chỉ là một trong nhiều biến thể của cái mà chúng ta gọi là “Chiến lược của người ngoài cuộc”. Chương 2 BẢY “SAI LẦM CHẾT NGƯỜI” TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ H ầu hết các nhà đầu tư đều phải nhận lãnh hậu quả do đặt niềm tin sai lầm vào con đường dẫn đến những thương vụ thành công. Có bảy sai lầm thường gặp nhất và chúng được gọi là Bảy “sai lầm chết người” trong lĩnh vực đầu tư. Trên con đường thành công của các nhà đầu tư bậc thầy như Warren Buffett và George Soros không bao giờ xuất hiện những sai lầm này. Nếu muốn loại bỏ những quan niệm sai lầm này, trước tiên chúng ta cần xét xem chúng sai ở điểm nào. SAI LẦM THỨ NHẤT. Tin rằng việc dự đoán động thái kế tiếp của thị trường chắc chắn sẽ mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ. THỰC TẾ: Các nhà đầu tư, kể cả những người thành công nhất, cũng không hề giỏi hơn bạn trong việc dự đoán thị trường. Chắc hẳn bạn còn nhớ thời điểm một tháng trước vụ sập đổ thị trường chứng khoán New York vào tháng 10 năm 1987, ảnh của George Soros đã xuất hiện trên bìa tạp chí Fortune với thông điệp sau: “Việc các loại cổ phiếu của Mỹ liên tục tăng giá và vượt xa khỏi những ước tính cơ bản về giá trị không có nghĩa là sau đó chúng phải tụt dốc nhanh chóng. ị trường được định giá quá cao không có nghĩa là không bền vững. Nếu muốn biết cổ phiếu của Mỹ có thể được định giá cao đến mức nào, bạn hãy nhìn vào nước Nhật”. Trong khi vẫn đang nói về tình hình tăng giá các loại chứng khoán của Mỹ, ông lại linh cảm về một sự sụp đổ sắp xảy ra… ở Nhật. Sau đó, vào ngày 14 tháng 10 năm 1987, ông còn nhắc lại quan điểm này trên tờ Financial Times. Chỉ một tuần sau thôi, Quỹ Quantum của Soros bị thiệt hại hơn 350 triệu đô-la khi thị trường chứng khoán của Mỹ (chứ không phải của Nhật!) sụp đổ. Lợi nhuận cả năm đã lặng lẽ ra đi chỉ trong vài ngày. Qua sự việc này, Soros đã thừa nhận: “Thành công về tài chính của tôi đối lập hoàn toàn với khả năng của tôi trong việc dự đoán tình hình”. Còn Buffett thì sao? Ông hoàn toàn không quan tâm đến việc thị trường sẽ đi về đâu và cũng chẳng có chút hứng thú nào với các dự báo. Đối với ông thì việc “dự báo trước có thể tiết lộ nhiều điều về người dự báo, chứ không cho biết gì về tương lai sắp tới”. Các nhà đầu tư thành công không bao giờ quyết định bỏ vốn nếu chỉ dựa vào những thông tin dự báo về các động thái kế tiếp của thị trường. Trên thực tế, Buffett và Soros là những người đầu tiên khẳng định rằng nếu họ phụ thuộc vào các dự báo về thị trường, thì chắc chắn là họ đã phá sản từ lâu rồi. Không ít người cho rằng việc dự báo chẳng qua chỉ là trò kiếm cơm của mấy tờ báo về đầu tư nhằm tiếp thị cho các quỹ tương hỗ, và chúng không thể mang đến thành công cho các vụ đầu tư. SAI LẦM THỨ HAI: Đặt trọn niềm tin vào các “chuyên gia tư vấn” do tuân theo suy nghĩ: “Nếu tôi không thể dự đoán được thị trường thì sẽ có người làm được điều đó, và tôi chỉ cần tìm cho ra người này”. THỰC TẾ: Nếu thật sự bạn có thể dự đoán tương lai, liệu bạn có leo lên nóc nhà và hét toáng lên cho mọi người biết về khả năng kỳ diệu đó không? Hay bạn sẽ giữ kín thông tin đó để rồi mở một dịch vụ môi giới nhằm kiếm được một số tiền kếch xù từ những gì mình biết được? Khi đưa ra dự đoán về “một vụ sụp đổ sắp xảy ra trên thị trường chứng khoán”, Elaine Garzarelli cũng chỉ là một trong số hàng ngàn chuyên gia xử lý số liệu ở New York. Điều đáng nói là dự báo này được đưa ra vào ngày 12 tháng 10 năm 1987, chỉ một tuần trước “Ngày thứ hai đen tối” – ngày mà chỉ số của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York giảm hơn 22%. Thế là chỉ trong phút chốc, Elaine Garzarelli trở thành một nhân vật nổi tiếng và được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chỉ trong vài năm, bà đã có được một gia tài lớn nhờ tiếng tăm của mình. Phải chăng Elaine Garzarelli đã làm giàu bằng cách thực hiện các thương vụ đầu tư theo đúng như những gì bà đã khuyên người khác? Không phải đâu. Sau sự kiện kể trên, bà trở thành một trong những chuyên gia tư vấn có mức lương cao nhất nước Mỹ ước đoán khoảng 1,5 đến 2 triệu đô-la/năm). Tiền cứ thế đổ về Quỹ tương hỗ mà bà là một trong những người tham gia đồng sáng lập và chưa đầy một năm, tổng số tiền đã lên đến con số 700 triệu đô-la. Mức quản lý phí 3%, tức 21 triệu đô-la/năm, sau khi chia lại cho anh em nhà Shearson Lehman – những người đồng sáng lập và các cộng sự, cũng giúp bà thu về một khoản tiền không nhỏ. Ngoài ra, năm 1996, bà còn phát hành một bản tin đầu tư và ngay lập tức có hơn 82.000 người đăng ký đặt mua dài hạn. Vậy là những lợi ích kinh doanh từ địa vị của một chuyên gia tư vấn đã giúp chính Elaine Garzarelli cũng như anh em nhà Shearson làm giàu, chứ không hề giúp gì nhiều cho những người làm theo lời khuyên của bà. Đến năm 1994, các cổ đông đã bỏ phiếu đồng ý giải thể Quỹ tương hỗ của bà với lý do hiệu quả hoạt động của quỹ thấp đến mức không thể chấp nhận được. Doanh thu trung bình trong suốt thời gian quỹ hoạt động chỉ đạt 4,7% mỗi năm, so với con số 5,8% của S&P 500. 18 năm sau khi lọt vào tâm điểm chú ý của giới đầu tư, Elaine Garzarelli vẫn duy trì được sự nổi tiếng của mình, thậm chí ngay cả khi Quỹ tương hỗ của bà đã ngừng hoạt động, bản tin của bà không còn ăn khách nữa và những dự đoán của bà đã không còn giá trị. Ví dụ vào ngày 21 tháng 7 năm 1996, khi chỉ số Dow Jones đang ở mức 5452, bà lại tiên đoán nó có thể nhanh chóng tăng lên đến 6400. Vậy mà chỉ hai ngày sau, bà lại tuyên bố những lời hoàn toàn trái ngược: “Thị trường chứng khoán có thể rớt giá xuống từ 15% đến 25%”. Đó chỉ là 2 trong số 14 lời dự đoán công khai của bà từ năm 1987 đến năm 1996 được các tờ Wall Street Journal, Business Week và The New York Times ghi chép lại. Trong số 14 dự đoán đó, chỉ có 5 dự đoán là chính xác mà thôi. 5/14 – tỷ lệ thành công của Elaine Garzarelli là 36%. Nếu thế thì bạn cũng có thể làm tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn chỉ bằng cách tung một đồng xu. Ít ra thì trong trường hợp đó, tỷ lệ thành công của bạn sẽ là 50%. Và Elaine Garzarelli chỉ là một trong số hàng loạt những chuyên gia phân tích thị trường tại Wall Street – đến rồi lại đi. Bạn còn nhớ Joe Granville không? Vào đầu thập niên 1980, ông từng là người rất được báo giới yêu mến. Chỉ sau khi chỉ số Dow Jones ở vào khoảng 800 điểm năm 1982, và ông khuyên mọi người nên bán bớt cổ phiếu đi, thiện cảm đó mới thay đổi. Năm 1982 là năm đánh dấu sự khởi sắc và tăng giá đều đặn của thị trường chứng khoán kéo dài suốt nhiều năm ở thập niên 1980. Tuy nhiên, Granville vẫn tiếp tục khuyến cáo mọi người hãy nhanh chóng bán bớt cổ phiếu. Đến khi chỉ số tăng lên đến 1200, Granville phải rút lui để nhường chỗ cho Robert Prechter – người đã tiên đoán chính xác đà đi lên của thị trường trong thời kỳ này. Thế nhưng sau vụ sụp đổ năm 1987, thị trường đã chững lại và các chuyên gia lại dự đoán rằng chỉ số Dow Jones sẽ ở vào khoảng 400 điểm vào đầu thập niên 1990. Sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử vào thập niên 1990 đã làm xuất hiện hàng loạt “nhà tiên tri” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đã không còn được nhắc đến sau khi NASDAQ – sàn giao dịch chứng khoán của các công ty thương mại điện tử – bắt đầu tụt dốc vào tháng 3 năm 2000. Nếu thật sự ai đó có thể dự đoán chính xác và nhất quán về thị trường, thì có lẽ anh ta (hoặc cô ta) đã thoát khỏi sự săn đuổi gắt gao của giới truyền thông trên thế giới. Một nhà hiền triết đã rất đúng khi nói: “Rất khó dự đoán, đặc biệt là khi điều dự đoán đó liên quan đến tương lai”. Những chuyên gia tư vấn trên các phương tiện truyền thông kiếm tiền thông qua các buổi nói chuyện về những vụ đầu tư, bán lời khuyên của họ, hay nhờ vào phí dịch vụ quản lý tiền bạc cho khách hàng. Nhưng, như John Train đã đặt vấn đề trong cuốn sách The Midas Touch (Cái chạm tay hóa vàng) thì “người khám phá ra cách biến chì thành vàng chưa chắc có thể nói cho bạn bí quyết để làm ra được 100 đô-la mỗi năm”. Đó chính là lý do tại sao Buffett, Soros và những nhà đầu tư bậc thầy khác biết biến các vụ đầu tư thành tiền bạc, nhưng hiếm khi họ nói về những việc mình đang làm hoặc về những điều họ đang suy nghĩ về thị trường. Thậm chí, họ còn rất hiếm khi nói cho các nhà đầu tư của mình biết về những dự định và hành động của họ đối với số tiền của các nhà đầu tư đó! SAI LẦM THỨ BA: Tin rằng “thông tin nội gián” sẽ đem lại nhiều cơ hội thành công nhất. THỰC TẾ: Warren Buffett được xem là nhà đầu tư giàu nhất thế giới. Các bí quyết đầu tư của ông thường được công bố trong các bản báo cáo hàng năm của công ty. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tiếp cận và tìm hiểu những bản báo cáo đó để tự giải đáp thắc mắc về thành công của ông. George Soros từng được mệnh danh là “Người phá sập ngân hàng Anh” khi ông giành được chiến thắng trong vụ đầu tư trị giá 10 tỷ đô la vào đồng bảng Anh. Thật ra không phải chỉ có mình ông biết điều đó, và ông cũng không phải là người duy nhất thu lãi lớn trong vụ đầu tư này. Bất cứ nhà đầu tư nào biết xem xét và phân tích vấn đề đều sẽ nhận ra những dấu hiệu chứng tỏ đồng bảng Anh sắp mất giá. Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn doanh nhân khác cũng có thể kiếm được món tiền lớn như thế khi đồng bảng Anh thật sự mất giá so với đồng đô-la. Thế nhưng chỉ có Soros biết nắm bắt cơ hội này và biến cơ hội đó thành 2 tỷ đô-la lợi nhuận. Dựa vào danh tiếng và uy tín sẵn có mà hiện nay cả Buffett và Soros đều dễ dàng tiếp cận với những người có địa vị cao trong giới tài chính, kinh doanh và cả các nhân vật quan trọng trong xã hội. Tuy vậy, khi mới bước chân vào lĩnh vực đầu tư, họ chỉ là những người bình thường và không nhận được bất kỳ sự đón tiếp đặc biệt nào. Mặt khác, tiền lãi đầu tư của cả Buffett và Soros vào thời điểm khi họ còn chưa được nhiều người biết đến lại cao hơn hiện nay. Vì thế, việc trông chờ vào nguồn thông tin nội gián dưới bất cứ hình thức nào đều không giúp ích gì nhiều cho các nhà đầu tư. Buffett cũng nói: “Với một triệu đô-la và đầy đủ những thông tin nội gián cần thiết, bạn có thể trở nên khánh kiệt chỉ trong vòng một năm”. SAI LẦM THỨ TƯ: Đa dạng hóa danh mục đầu tư. THỰC TẾ: Có thể nói rằng khối tài sản khổng lồ mà Warren Buffett đang sở hữu hiện nay bắt nguồn từ việc xác định một vài công ty có tiềm năng,rồi chỉ tập trung đầu tư vào những công ty ấy mà thôi. Theo George Soros, điều quan trọng không phải là việc bạn hiểu đúng hay sai về thị trường, mà chính là số tiền bạn có được khi thực hiện suôn sẻ một thương vụ, và số tiền bạn mất đi khi tính toán sai. Nguồn gốc thành công của Soros cũng giống như Buffett, nghĩa là lợi nhuận thu được từ những vụ đầu tư sinh lời sẽ bù đắp số tiền bị thất thoát trong các vụ đầu tư khác. Trong khi đó, sự đa dạng hóa lại là một hành động trái ngược hoàn toàn, bởi vì việc có nhiều cổ phần nhỏ, cho dù tỷ lệ lãi suất lớn, thì tổng số vốn của bạn cũng chỉ có thể thay đổi rất ít. Tất cả những nhà đầu tư thành công lớn đều sẽ bảo với bạn rằng đa dạng hóa danh mục đầu tư là trò chơi dành cho những kẻ tầm thường và nhút nhát. Nhưng, chắc chắn đây lại không phải là thông điệp mà bạn có thể nghe được từ các chuyên gia tư vấn tài chính của bạn. SAI LẦM THỨ NĂM: Tin rằng phải chấp nhận rủi ro lớn mới thu được nhiều lợi nhuận. THỰC TẾ: Giống như các doanh nhân vừa khởi nghiệp, những nhà đầu tư thành công thường có tâm lý e ngại rủi ro, vì thế họ luôn cố gắng làm đủ mọi cách để hạn chế rủiro và giảm thiểu thất thoát. Tại một hội thảo về vấn đề quản lý được tổ chức cách đây vài năm, các học giả luân phiên nhau lên trình bày công trình nghiên cứu của mình về “cá tính của những người đang khởi nghiệp”. Những bài phát biểu chứa đựng khá nhiều quan điểm bất đồng với nhau, chỉ ngoại trừ một điều: những người đang khởi nghiệp thường chấp nhận rủi ro, và trên thực tế, đa số họ đều ưa thích mạo hiểm. Cuối buổi hội thảo, một doanh nhân ở hàng ghế khán giả đứng dậy và nói rằng anh ta vô cùng ngạc nhiên trước những gì mình vừa nghe được. Anh nói, là một người mới khởi nghiệp, anh luôn tìm cách tránh xa mọi rủi ro. Anh cũng có quen biết nhiều doanh nhân thành công khác và bảo rằng thật là khó mà tìm được những người thận trọng hơn họ. Những doanh nhân khởi nghiệp thành công là những người chống lại các quyết định mang tính rủi ro, và các nhà đầu tư thành công cũng vậy. Biết phòng tránh rủi ro là điều kiện cần thiết để tích lũy và nhận thêm của cải. Lĩnh vực đầu tư không có chỗ cho ý tưởng hoang đường này của các học giả. Thực tế đã chứng minh rằng nếu bạn chấp nhận rủi ro lớn, thì nhiều khả năng bạn cũng đang tạo ra nguy cơ nhận lãnh những tổn thất khổng lồ! Cũng giống như các doanh nhân lúc khởi nghiệp, những nhà đầu tư thành công hiểu rất rõ rằng mất tiền bao giờ cũng dễ hơn kiếm được tiền. Đó là lý do tại sao họ lại chú trọng việc phòng tránh rủi ro hơn là săn đuổi lợi nhuận. SAI LẦM THỨ SÁU: Đặt trọn niềm tin vào “Hệ thống đánh giá”, nghĩa là cho rằng phải dựa vào một số phương pháp để phân tích chi tiết hay sơ bộ các dữ liệu để đảm bảo lợi nhuận đầu tư. THỰC TẾ: Đây là một hệ quả tất yếu của việc tin vào các chuyên gia tư vấn”. Nếu nhà đầu tư có thể thực hành theo hệ thống phân tích của chuyên gia tư vấn, thì chắc hẳn anh ta sẽ thu được nhiều tiền như chuyên gia này đã nói. Căn nguyên của việc đặt niềm tin vào “chuyên gia tư vấn” và “hệ thống phân tích” đều giống nhau ở chỗ nhà đầu tư luôn mong muốn có một điều gì đó chắc chắn. Warren Buffett từng trả lời câu hỏi liên quan đến một trong những cuốn sách viết về ông như sau: “Các nhà đầu tư luôn tin tưởng vào hệ thống phân tích bởi vì họ đang đi tìm một công thức để thành công”. Họ hy vọng khi tìm ra công thức đúng, khi đó tất cả những gì họ cần làm chỉ là cài đặt nó vào máy tính và theo dõi số tiền sinh sôi nảy nở từ các vụ đầu tư. SAI LẦM THỨ BẢY: Tin rằng bạn hoàn toàn biết rõ tương lai sẽ ra sao, và chắc chắn rằng thị trường sẽ phải tiến triển đúng như bạn dự đoán. THỰC TẾ: Đây là một đặc điểm thường gặp ở những người ham mê đầu tư. Năm 1929, hầu như mọi người đều đồng ý với tuyên bố của Irving Fisher rằng các cổ phiếu đã đạt đến trạng thái bình ổn cao một cách lâu dài”, vậy mà chỉ một vài tuần sau họ đã phải chứng kiến cảnh hỗn loạn khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Khi giá vàng tăng vọt vào thập niên 1970, người ta đã dễ dàng tin rằng tình trạng lạm phát phi mã là điều không thể tránh khỏi. Còn khi giá trị của Yahoo, Amazon.com, eBay, và hàng trăm website khác tăng lên gần như mỗi ngày, thì thật khó để tranh cãi với câu thần chú mà Wall Street đưa ra vào thập niên 1990: “Lợi nhuận trong việc đầu tư vào các công ty thương mại điện tử không còn là vấn đề chính yếu nữa”. Đây là một biến thể từ “sai lầm chết người” thứ nhất trong hoạt động đầu tư, vốn cho rằng bạn phải có khả năng dự đoán tương lai, song những ảnh hưởng của nó còn mạnh mẽ và đôi lúc bi thảm hơn nhiều. Một khi nhà đầu tư tin rằng muốn có lợi nhuận thì phải có khả năng dự đoán tương lai, anh ta sẽ cố tìm kiếm các phương pháp để có thể dự đoán “đúng”. Nhà đầu tư nào bị rơi vào “sai lầm chết người” thứ bảy trong đầu tư sẽ nghĩ rằng anh ta gần như nắm chắc được tương lai và đã biết trước tương lai sẽ mang lại cho anh ta những gì. Vì vậy, cuối cùng khi nỗi đam mê (hay niềm tin thiếu căn cứ?) không còn nữa, anh ta sẽ phải chứng kiến phần lớn vốn liếng của mình tan thành mây khói, và thậm chí anh ta còn có thể mất luôn cả nhà cửa lẫn tài sản của mình. Trong bảy “sai lầm chết người” này, thì việc thâm nhập thị trường với một niềm tin võ đoán là điều nguy hiểm nhất đối với số vốn của bạn. Chỉ niềm tin thôi thì chưa đủ… Trong khi chỉ một lập luận thiếu chính xác đã có thể khiến bạn thất bại, thì tất cả những lý lẽ đúng đắn, sáng suốt vẫn được xem là chưa đủ để thành công. Ví dụ, khi nghiên cứu chiến lược của “người phá băng”, tôi quan sát rất kỹ hành động của một người đàn ông Pháp quyến rũ. Anh có thể dễ dàng bắt chuyện với những người hoàn toàn xa lạ. Là “người phá băng”, anh tin rằng tất cả mọi người xung quanh anh đều thú vị. Tuy nhiên, anh vẫn phải đợi cho đến khi tìm được bối cảnh phù hợp, chẳng hạn tại một bữa tiệc hay khi vô tình ngồi cùng bàn trong quán cà phê, mới có thể lên tiếng làm quen và bắt đầu một cuộc trò chuyện. Sau khi tôi nói cho anh nghe về chiến lược tinh thần của “người phá băng”, và đặc biệt nhấn mạnh chi tiết về tiếng nói nội tâm của “người phá băng” rằng: “Anh/chị ấy là người thú vị đấy chứ!”, thì nhu cầu chờ đợi một bối cảnh thích hợp của anh dường như biến mất. Không cần phải chờ đợi một cơ hội nào nữa, anh bắt đầu nói chuyện với tất cả những người mà anh gặp gỡ. Vì vậy, các yếu tố bao gồm niềm tin, chiến lược, cảm xúc hỗ trợ và các kỹ năng liên quan phải phù hợp với các thói quen tinh thần đã có. Chỉ khi đó chúng mới trở thành thói quen của bạn. “Chén thánh” của hoạt động đầu tư Năm 1974, khi mới chập chững đặt chân vào lĩnh vực đầu tư, chưa biết gì về các chiến lược và thói quen tinh thần như vừa nói ở trên, tôi đã trải qua tất cả bảy “sai lầm chết người” kia với một niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng. Tôi phát hành một bản tin tên là World Money Analyst, và với tư cách là một nhà phân tích giá vàng khi chứng kiến tình trạng lạm phát trong những năm 1970, tôi đã tạo cho bản thân một uy tín nhất định trong địa vị của một “chuyên gia tư vấn”. Nhưng, rồi cuối cùng tôi phát hiện ra rằng: • Trong số các chuyên gia thị trường cùng thời mà tôi quen biết, không có ai dự đoán chính xác hơn tôi. • Không có nhà quản lý quỹ đầu tư nào mà tôi đã gặp được đánh giá là có tài dự đoán chính xác, và hầu như không ai trong số họ kiên trì trong việc kiếm tiền cho các nhà đầu tư của mình hoặc kiên trì đánh bại thị trường. Có một người đã hé lộ đôi chút thông tin khi tôi hỏi tại sao anh không tự mình kinh doanh mà lại đi quản lý tiền cho người khác, trong khi anh lại rất giỏi dự đoán thị trường (ít ra là anh ta đã tự quảng cáo như thế). Câu trả lời của anh ta hết sức đơn giản: “Bởi vì khi quản lý tiền cho người khác, tôi sẽ không phải mạo hiểm. Tôi sẽ được hưởng 200 từ khoản lợi nhuận mà người đó nhận được, thế nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì trước các khoản đầu tư thua lỗ”. Một người quản lý quỹ khác – được thuê với mức lương rất cao, cũng có nhận xét tương tự khi ông chủ mới của anh ta nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Gần đây, việc kém hiệu quả trong công tác quản lý quỹ đã không còn quan trọng bằng khả năng thu hút các khoản tiền đầu tư vào quỹ mà anh ta đang quản lý”. • Tôi đã gặp những người chỉ muốn kiếm tiền bằng cách bán các hệ thống phân tích và đầu tư, nhưng lại không muốn tự mình áp dụng những hệ thống đó. Cứ mỗi 18 tháng hay sau một khoảng thời gian nào đó, họ sẽ giới thiệu đến thị trường một hệ thống mới mà bản thân họ chưa từng sử dụng. • Tôi cũng đã xây dựng một hệ thống dự đoán của riêng mình (tất nhiên là tôi đã đề cập đến hệ thống này trong phần tiếp thị của mình). Thời gian đầu, hệ thống ấy đã chứng minh tính hiệu quả của nó, nhưng sau đó đã trở nên không mấy tác dụng khi thời kỳ thả nổi tiền tệ bắt đầu. Lúc đó, tôi bắt đầu nghĩ rằng việc tìm kiếm “chén thánh” trong hoạt động đầu tư chỉ là phù phiếm. Rồi tôi tìm được lời giải đáp cho mình một cách rất tình cờ, sau khi đã hoàn toàn từ bỏ công việc tìm kiếm ấy. Và tôi nhận ra một điều là từ trước đến nay mình đã đi tìm không đúng chỗ. Vấn đề không phải là sự thiếu kiến thức. Trong câu trả lời đó không hề tồn tại các kiến thức mới lạ hay những điều mà tôi chưa biết. Vấn đề nằm ở bản thân tôi, hay nói cách khác là ở những thói quen tinh thần tệ hại mà tôi đã áp dụng khi đưa ra quyết định đầu tư. Chỉ sau khi thay đổi những thói quen tinh thần của mình, tôi mới phát hiện ra rằng kiếm tiền trên thị trường tài chính là một công việc khá dễ dàng. Bạn cũng có thể làm được điều đó, nếu biết học tập từ những thói quen đầu tư thành công của Warren Buffett và George Soros. Lần đầu tiên khi tham gia lĩnh vực đầu tư, bạn rất háo hức bởi bạn nghĩ rằng mình có được chiến lược, niềm tin và thói quen – những điều mà bản thân bạn đã tích lũy được. Nếu những điều đó tỏ ra có tác dụng, nghĩa là chúng giúp bạn làm ra tiền và giữ được số tiền đó, thì có lẽ bạn là một trong số rất ít những nhà đầu tư may mắn. Còn với hầu hết chúng ta, những thói quen mà chúng ta tự rèn luyện một cách có ý thức, hay do chúng tự hình thành trong quá trình trưởng thành của mỗi người, chỉ khiến cho chúng ta phải tiêu tốn tiền bạc, chứ không mấy khi tạo thêm của cải. Và nếu vướng vào bất cứ sai lầm nào trong số bảy sai lầm đầu tư kể trên, thì chúng ta đã vô tình bổ sung thêm những thói quen xấu vào những thói quen mà chúng ta đã có. Thay đổi thói quen không phải là việc đơn giản và có thể thực hiện trong ngày một ngày hai (bạn hãy thử hỏi bất cứ người hút thuốc lá nào về điều đó). Nhưng, đây là việc có thể làm được. Và bước đầu tiên là khám phá những thói quen mà chúng ta nên học tập và làm theo. Chương 3 HÃY GÌN GIỮ NHỮNG GÌ BẠN ĐANG CÓ “Quy tắc đầu tư số 1: Không bao giờ được để số tiền của bạn bị hao hụt. Quy tắc đầu tư số 2: Đừng bao giờ quên quy tắc số 1.” - Warren Buffett “Trước hết phải sống sót đã,rồi sau đó mới tính đến chuyện kiếm tiền.” – George Soros “Nếu không dám cá cược, bạn sẽ không thể thắng. Nhưng, nếu đánh mất hết tiền, bạn sẽ không thể cá cược được nữa.” – Larry Hite THÓI QUEN THÀNH CÔNG THỨ NHẤT: Bảo toàn vốn luôn là ưu tiên hàng đầu NHÀ ĐẦU TƯ BẬC THẦY NHÀ ĐẦU TƯ THUA LỖ Tin rằng việc bảo toàn vốn – nền tảng của chiến lược đầu tư – luôn là ưu tiên hàng đầu. Mục đích đầu tư duy nhất là “kiếm thật nhiều tiền”. Và kết quả thường là làm cho số tiền đó bị hao hụt. G eorge Soros, tên thật là György Schwartz, sinh ra ở Budapest, Hungary vào năm 1930. 14 năm sau, Đức quốc xã xâm lược đất nước này. Goerge Soros Lạ thay, Soros mô tả 12 tháng chiếm đóng của Đức quốc xã là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời ông. Đối với ông, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới đầy thú vị, nhưng cũng lắm mạo hiểm. Đối với những người Do Thái sống ở Hungary trong thời kỳ này, chỉ có một hình phạt duy nhất khi bị phát hiện ra thân phận thật sự của mình, đó là cái chết. Soros chỉ có một mục đích là làm thế nào để sống sót. Mục đích ấy đã theo ông trong suốt quãng đời còn lại, và đó cũng là nền tảng trong phong cách đầu tư của ông. Nhờ bản năng sinh tồn mãnh liệt của người cha mà cả gia đình Soros không bị chết trong các trại tập trung. Nhiều năm sau, trong cuốn sách The Alchemy of Finance (Các thủ thuật tài chính), Soros đã viết: “Trong suốt thời niên thiếu, cuộc ế chiến thứ hai đã dạy cho tôi một bài học mà tôi không bao giờ quên. Tôi may mắn có một người cha dày dặn kinh nghiệm trong nghệ thuật sinh tồn. Là một tù binh vượt ngục, ông đã хоау xở mọi cách để sống sót qua thời nội chiến ở Nga.” Trong Thế chiến thứ nhất, Tivadar Soros – cha của George Soros – bị quân Nga bắt khi đang chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Áo – Hung, rồi bị đưa tới vùng Siberia xa xôi, khắc nghiệt. Ông đã đào một đường hầm bí mật để chờ cơ hội tẩu thoát, nhưng cuộc Cách mạng tháng Mười đã khiến nội chiến bùng nổ ngay sau đó. Hồng quân, Bạch vệ, các băng cướp và cả những đơn vị cơ động của quân đội nước ngoài đóng rải rác trên khắp nước Nga đã bắn giết lẫn nhau và sát hại cả những người vô tội. Phải mất ba năm gian khổ, Tivadar Soros mới về đến Budapest. Trong suốt những năm tháng đó, ông chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải sống. Và ông đã vượt qua tất cả mọi khổ ải để sống sót trở về. Những câu chuyện của cha về thời kỳ ấy đã làm cậu bé George say mê. Ông kể lại, khi còn nhỏ, “mỗi ngày khi tan học về, tôi thường tìm cha và chúng tôi đi bơi cùng nhau. Rồi cha kể tôi nghe một câu chuyện xảy đến trong cuộc đời gian truân của ông. Cứ thế, từng câu chuyện giống như một vở kịch, cứ in sâu trong ký ức tôi. Và từ lúc nào không hay, kinh nghiệm sống của cha đã trở thành một phần trong kinh nghiệm sống của chính tôi”. Như nhiều cộng đồng Do Thái khác, người Do Thái ở Hungary nghĩ rằng Đức quốc xã sẽ không bao giờ xâm lược quốc gia này, bởi Hungary là đồng minh của Đức từ đầu cuộc chiến. Nhưng, Tivadar Soros lại nghĩ khác. Rất khôn ngoan, ông đã thanh lý hầu hết tài sản của mình trước khi Đức quốc xã chính thức tấn công Hungary. Đó là một quyết định rất khôn khéo, vì Đức quốc xã đã lập tức ra lệnh tịch thu mọi tài sản do người Do Thái sở hữu. Sau đó, ông mua giấy tờ giả cho mọi thành viên trong gia đình: George Soros trở thành Sándor Kiss trong suốt thời kỳ chiến tranh, anh trai Paul bắt đầu cuộc sống mới dưới cái tên Jozsef Balázs, và người mẹ được cải danh thành Julia Bessensei. Tivadar còn sắp xếp cho George được làm con trai đỡ đầu của một gia đình người Hungary, trong lúc ông lo tìm nơi trú ẩn an toàn cho những người còn lại. Đó là những năm khó khăn của gia đình Soros, nhưng họ vẫn sống. Theo Soros thì đó là những thời khắc đẹp nhất của cha ông: “Cha tôi hiểu tình thế và nhận ra rằng ông không thể áp dụng những quy luật của cuộc sống đời thường. Lúc này, việc tuân thủ pháp luật trở thành một thói quen nguy hiểm… Những hành động đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Và đó cũng là cách mà tôi đã học được nghệ thuật sinh tồn.” Soros kết luận: “Điều đó hòa quyện một cách tự nhiên vào sự nghiệp đầu tư của tôi”. Thật là một câu nói khiêm tốn! Trên thương trường, người sống sót là người biết bảo toàn đồng vốn của mình. Nền tảng thành công đầu tư của Soros đã hình thành từ những năm Đức quốc xã chiếm đóng Hungary, khi Soros học được từ người cha cách tồn tại bằng việc đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đối với ông, khi đã “sống sót” được trên thị trường đầu tư tài chính, thì việc làm ra hàng tỷ đô-la không còn là vấn đề khó khăn nữa. Con trai ông, Robert, kể lại: “Cha tôi luôn nói về tầm quan trọng của việc sống sót và sinh tồn. Quả là điều này có đôi chút khó hiểu khi nhìn vào tài sản hiện tại của gia đình chúng tôi”. Soros thừa nhận rằng thời gian gia đình ông nghèo xơ xác năm ông 17 tuổi vẫn còn “ám ảnh ông đôi chút”. Ông hỏi: “Bạn có biết tại sao tôi lại cố kiếm thật nhiều tiền như thế không? Tuy giờ đây tôi không còn cảm thấy sợ hãi, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu lâm vào hoàn cảnh ấy (không một xu dính túi) một lần nữa, hay nếu ở vào địa vị của cha tôi năm 1944, thì thật sự tôi không thể sống sót được, bởi vì tôi không được rèn luyện như cha ngày trước. Bây giờ tôi đã trở nên yếu đuối rồi”. Đối với Soros, một vụ đầu tư thua lỗ, dù chỉ thiệt hại chút ít, cũng khiến cho ông có cảm giác như mình đã đặt một chân lên con đường trở về “dưới đáy” của cuộc sống khổ ải, và nó đe dọa đến sự tồn tại của ông. Và tôi có thể kết luận (dù không thể chứng minh) rằng George Soros còn sợ mạo hiểm hơn cả Warren Buffett. * * * Warren Buffett sinh cùng năm với George Soros tại thành phố Omaha lặng lẽ và yên bình thuộc bang Nebraska, Mỹ, cách Budapest nửa vòng trái đất. Warren Buffett Cha ông, Howard Buffett, là một người buôn bán chứng khoán ở Ngân hàng Union Street tại Omaha. Tháng 8 năm 1931 – chỉ hai tuần sau sinh nhật đầu tiên của Buffett – ngân hàng này tuyên bố phá sản. Cha ông bỗng chốc trở thành người thất nghiệp và cả gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Howard Buffett nhanh chóng mở một công ty chứng khoán và gây dựng lại từ đầu. Nhưng, thời điểm giữa cuộc Đại khủng hoảng kinh tế ở Mỹ kéo dài suốt thập niên 1930 không phải là dịp để hoạt động buôn bán cổ phiếu phát triển. Nếu như hình ảnh về việc quân Đức chiếm đóng Hungary không phai nhòa trong ký ức George Soros, thì sự vất vả, túng quẩn trong những năm tháng tuổi thơ khó nhọc cũng khắc sâu trong tâm trí Warren Buffett. Ông vẫn sống trong căn nhà trị giá 31.500 đô-la mà ông đã mua từ năm 1958, chỉ bổ sung thêm vào đó một vài căn phòng và một sân quần vợt. Mức lương 100.000 đô-la một năm ở công ty Berkshire Hathaway cho thấy ông là vị giám đốc điều hành có lương thấp nhất trong số 500 công ty được Fortune xếp hạng. Ông thà đến ăn tại cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, chứ không muốn đến những nơi sang trọng như Maxim’s de Paris; và ông luôn mua loại đồ uống yêu thích nước Coca anh đào – ở các đại lý, sau khi đã khảo giá khắp Omaha để tìm cửa hàng bán rẻ nhất. Ông chi li như những bà nội trợ quản lý ngân sách gia đình vậy. Buffett đã để dành tất cả những đồng tiền kiếm được từ khi lên sáu, lúc ông đến gõ cửa từng nhà để bán Coca. Vì thế, thật không thể tưởng tượng nổi nếu giờ đây ông quyết định bán đi dù chỉ là một cổ phiếu của mình trong Berkshire Hathaway. Đối với Buffett, một khi tiền đã được làm ra thì nó phải được cất giữ, không bao giờ được để thất thoát hay lấy ra tiêu xài. Bảo toàn vốn là nền tảng của cả tính cách lẫn phong cách đầu tư của ông. “Không bao giờ để tiền bị hao hụt!” Warren Buffett từng sống trong thời kỳ Đại khủng hoảng nên trong ông luôn nung nấu nỗi khát vọng cháy bỏng rằng mình sẽ trở nên giàu có. Ngay khi còn ở trường tiểu học, ông đã nói với các bạn cùng lớp rằng trước năm 35 tuổi ông sẽ là triệu phú. Khi bước qua tuổi 35, tổng tài sản của ông đã vượt mức sáu triệu đô-la. Có lần, khi được hỏi tại sao ông lại có động lực để kiếm được nhiều tiền như vậy, ông trả lời: “Không phải vì tôi muốn có tiền, mà chính là do thú vui của việc làm ra tiền và nhìn chúng sinh sôi nảy nở đã giúp tôi làm được điều đó”. Quan điểm của Buffett về việc đầu tư là định hướng đến tương lai. Mỗi khi thua lỗ, hay tiêu đi, dù chỉ một đô-la, ông thường không nghĩ về số tiền đã mất, mà nghĩ đến số tiền lẽ ra có thể thu về được. Susie, vợ Buffett, là một người rất thích mua sắm. Bà đã bỏ ra 15.000 đô-la để trang trí và mua sắm vật dụng trong nhà, và theo lời kể của Bob Billig, một người bạn chơi golf của Buffett, thì vụ đó “đã suýt giết chết Warren”, Buffett phàn nàn với Billig: “Ông có biết số tiền ấy lớn như thế nào, nếu tôi đem chúng đi đầu tư trong 20 năm không?”. Tính cách đó đã ăn sâu vào quan điểm đầu tư của ông. Ví dụ, trong cuộc họp thường niên của Berkshire vào năm 1992, Buffett đã nói: “Quyết định đầu tư tồi tệ nhất của tôi xảy ra. năm tôi 20 hay 21 tuổi gì đó, khi tôi đi bảo dưỡng xe. Lần ấy, tôi đã mất 20% tổng số tiền của mình. Đến giờ tôi đoán, trạm bảo dưỡng xe ấy đã lấy của tôi khoảng 800 triệu đô-la”! Làm việc theo nguyên tắc: Luôn kiểm tra số tiền thua lỗ Khi bạn hay tôi mất tiền, chúng ta thường tính số tiền mà chúng ta đã thật sự mất đi. Thế nhưng Buffett đã không làm như vậy. Đối với ông, thất thoát chính là những gì mà lẽ ra số tiền đó có thể mang lại. Việc thua lỗ đối với ông là sự vi phạm mục đích cơ bản mà ông tự đề ra là “Nhìn thấy tiền sinh sôi nảy nở”. Bảo toàn vốn là một quy tắc đầu tư được nhiều người để xuất, song lại được rất ít người thật sự làm theo. Tại sao vậy? Khi tôi hỏi các nhà đầu tư rằng họ cảm thấy như thế nào khi đặt yêu cầu bảo toàn vốn lên ưu tiên hàng đầu, thì đa số đều có chung cảm giác tốt hơn cả là tôi không nên làm bất cứ điều gì, vì (nếu làm) có thể tôi sẽ mất tất cả số tiền mà tôi có được”. Khi rủi ro tương đương với lợi nhuận Theo lẽ thường, khi nhắm đến việc kiếm thêm 1.000 đô-la, bạn cũng phải chịu rủiro là có thể mất đi 1.000 đô-la ấy. Tư tưởng này phản ánh rất rõ sai lầm thứ năm trong hoạt động đầu tư: cách duy nhất để thu được lợi nhuận lớn là chấp nhận mạo hiểm lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn bảo toàn vốn, thì cách duy nhất là không nên chấp nhận bất cứ rủi ro nào. Và nếu không bao giờ chấp nhận rủi ro thì chắc chắn không bao giờ bạn có thể kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đối với những người tán thành quan điểm này, thì lợi nhuận và thua lỗ là hai mặt của một vấn đề: để có cơ hội kiếm ra một đô-la, bạn phải chấp nhận rủi ro mất đi một đô-la ấy, và không chừng còn có thể mất nhiều hơn thế nữa. “Những vụ đầu tư có xác suất thành công cao” Theo quan điểm chung, mục đích của việc bảo toàn vốn là không để thất thoát hay hao hụt lượng tiền đang có. Có thể xem đây là một chiến lược khá hạn chế bởi nó hạn chế chính các phương án đầu tư của bạn. Một trường hợp đầu tư có xác suất thành công cao “Hệ thống” này được sử dụng để tìm kiếm và xác định các đầu tư. Đó là lý do tại sao họ BIẾT có thể thu được những khoản lợi nhuận rất lớn chỉ vớirất ít hoặc thậm chí không phải chịu mộtrủiro nào cả. Nhưng, một nhà đầu tư bậc thầy luôn biết tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Họ không xem mỗi vụ đầu tư là một sự kiện đơn lẻ, mà họ xem xét toàn bộ quá trình đầu tư, và bảo toàn vốn là nền tảng của quá trình ấy. Nền tảng đó gắn liền với phương pháp đầu tư và làm cơ sở cho mọi hành động của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bất cứ khi nào nhà đầu tư xem xét một thương vụ thì câu hỏi đầu tiên của họ đều là: “Mình sẽ bảo toàn nguồn vốn này như thế nào?”. Trên thực tế, ngay tại thời điểm ra quyết định nên đầu tư hay không, thì câu hỏi ấy có thể chưa nảy ra trong đầu họ. Khi lái xe, bạn thường chỉ quan tâm đến việc đi từ điểm A đến điểm B, chứ không hề chú ý đến việc mình phải còn sống để tới đích. Tuy nhiên, điểm đích ấy lại làm cơ sở cho sự cẩn thận của bạn. Ví dụ, để đảm bảo an toàn, tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định đối với chiếc xe phía trước, và khoảng cách ấy sẽ thay đổi tùy theo tốc độ. Vì vậy, tôi luôn có thể kịp hãm phanh khi cần, từ đó tránh được thương tật hay những rủi ro nguy hiểm đến tính mạng. Nếu làm theo những nguyên tắc đó, tôi sẽ an toàn về đến nơi. Thế nhưng trong lúc lái xe, tôi không hề nghĩ nhất định mình sẽ phải an toàn, tôi chỉ lo giữ khoảng cách an toàn với chiếc xe phía trước mà thôi. Tương tự như vậy, các nhà đầu tư bậc thầy không hề suy nghĩ về việc bảo toàn vốn. Họ chỉ chú tâm vào những quy tắc đầu tư của mình, khi đó tự khắc họ sẽ giữ được nguồn vốn của mình. Khi đã đặt ra những yêu cầu về việc bảo toàn vốn, bạn sẽ tìm thấy những dạng đầu tư phù hợp với bản thân, và bạn chỉ nên đầu tư theo danh mục đó. Đây chính là bí quyết của các nhà đầu tư lão luyện trên thương trường. Dám chịu trách nhiệm Các nhà đầu tư bậc thầy luôn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nếu thua lỗ, họ không bao giờ đổ lỗi hoặc kết tội ai đó theo kiểu: “Do thị trường đã chống lại tôi” hay “Tại vì người môi giới đã cho tôi một lời khuyên tồi tệ”. Họ chỉ tự nhủ: “Lần này mình đã sai”. Họ chấp nhận kết quả ấy mà không buộc tội ai cả. Sau đó, nhà đầu tư sẽ phân tích những gì nên làm hoặc không nên làm để tránh lặp lại sai lầm ấy một lần nữa, rồi tiếp tục làm việc. Việc dám chịu trách nhiệm cho cả lợi nhuận lẫn tổn thất giúp nhà đầu tư luôn điều khiển được mọi hành động của bản thân. Người lướt ván thường không dám tin rằng mình có thể kiểm soát được những con sóng, thế nhưng khi đã từng trải và có khả năng tiết chế hành động của mình, họ sẽ biết khi nào nên cưỡi lên con sóng và khi nào nên tránh đi… Nhờ vậy mà hiếm khi nào họ “ngã xuống”. Bạn có thể kiếm lại số tiền đã mất hay không? Tại nhiều hội nghị chuyên đề về đầu tư, tôi đã hỏi những người tham dự: “Ai đã từng thua lỗ trên thương trường?”. Một vài cánh tay giơ lên. Sau đó, tôi lại hỏi: “Vậy bao nhiêu người trong số các bạn kiếm lại được số tiền đã mất đó trên thương trường?” Hầu như không có cánh tay nào giơ lên cả. Đối với các nhà đầu tư nhỏ, công việc đầu tư chỉ là một trò tiêu khiển, là nghề phụ. Trong trường hợp có tổn thất, họ sẽ bù đắp bằng lương, quỹ hưu hay các tài sản khác. Hầu như họ không bao giờ kiếm lại được số tiền đã mất ấy trên thị trường chứng khoán. Còn đối với nhà đầu tư bậc thầy, đầu tư không phải là nghề tay trái, mà là cả cuộc sống của họ, và việc thua lỗ cũng gây cảm giác đau đớn như khi họ đánh mất một phần cuộc đời mình. Bạn có biết tại sao không? Đó là bởi vì nếu mất đi 50% số vốn đầu tư ban đầu của mình, bạn sẽ phải kiếm được số tiền nhiều gấp đôi thì mới trở về đến điểm xuất phát. Bởi vì nếu bạn có thể hoàn vốn với tỷ lệ trung bình 12%/năm, thì phải mất sáu năm bạn mới lấy lại được số vốn đó. Buffett đã phải mất khoảng 38 tháng khi tỷ lệ tăng trưởng của những cổ phiếu mà ông đầu tư đạt mức 24,7%/năm, trong khi với tỷ lệ tăng trưởng 28,6%/năm, Soros đã có thể lấy lại số vốn ban đầu chỉ trong 32 tháng. Và như thế thì thật là lãng phí thời gian! Nếu chúng ta tránh tổn thất ngay từ đầu thì mọi việc sẽ đơn giản hơn sao? Nền tảng của sự giàu có Warren Buffett và George Soros là những nhà đầu tư thành công nhất thế giới, bởi vì họ đều là những người cực đoan trong việc tránh tổn thất. Bảo toàn vốn không chỉ là thói quen thứ nhất trong lĩnh vực đầu tư, mà đó là nền tảng của tất cả các hoạt động khác mà một nhà đầu tư thành công cần áp dụng vào hoạt động đầu tư của mình. Nói cách khác, đó là nền tảng cho toàn bộ chiến lược đầu tư của họ. Như chúng ta sẽ thấy, mỗi thói quen đầu tư thành công đều bắt nguồn từ quy tắc đầu tư thứ nhất của Buffett: “Không bao giờ được để số tiền của bạn bị hao hụt”. Thanh toán hết nợ! Điều gì sẽ xảy ra với những nhà đầu tư không đạt yêu cầu bảo toàn vốn làm mục tiêu quan trọng nhất của mình? Các nhà đầu tư thường muốn thanh toán hết mọi khoản nợ. Đôi khi những nhà đầu tư nổi tiếng được ca tụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng không thoát khỏi tư tưởng ấy. Chúng ta cùng xem những ví dụ sau: Quỹ Quản lý Vốn Dài hạn Victor Niederhoffer Bắt đầu suy sụp Tháng 4/1998 Ngày 27/10/1997 Số tiền có trước khi phá sản 5 tỷ đô-la 130 triệu đô-la Thời gian gây dựng 4 năm 20 năm Sập đổ hoàn toàn Tháng 10/1998 Ngày 27/10/1997 Số tiền còn lại 400 triệu dola Không còn gì Số tiền thất thoát 4,6 tỷ đô-la 130 triệu đô-la Thời gian để mất Sáu tháng Một ngày Cả Quỹ Quản lý Vốn Dài hạn (Long-Term Capital Management LTCM) và Victor Niederhoffer đều hoạt động theo những hệ thống đầu tư về cơ bản đã chứa đựng nhiều bất hợp lý. Và chúng chưa hoàn thiện, như chúng ta sẽ thấy trong chương 18, bởi vì chúng được xây dựng xoay quanh việc kiếm tiền hơn là bảo toàn số tiền đang có. Chương 4 CÓ PHẢI GEORGE SOROS KHÔNG DÁM MẠO HIỂM? “Việc Sống sót và tồn tại trên thị trường tài chính đôi khi đồng nghĩa với việc không vội vàng bỏ cuộc.” – George Soros “Hoàn toàn không mạo hiểm chút nào khi mua chứng khoán với mức thấp hơn giá trị của chúng.” – Warren Buffett THÓI QUEN THÀNH CÔNG THỨ HAI: Tránh rủi ro đến mức tối đa NHÀ ĐẦU TƯ BẬC THẦY NHÀ ĐẦU TƯ THUA LỖ Tránh rủi ro là hệ quả của thói quen thành công thứ nhất. Nghĩ rằng chỉ có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn bằng cách chấp nhận rủi ro lớn D anh mục mà một nhà cố vấn đầu tư đề xuất sẽ thay đổi tùy theo “mức độ chấp nhận rủi ro” của khách hàng. Nếu muốn hạn chế rủi ro, khách hàng sẽ được cung cấp một danh mục đầu tư chứng khoán và trái phiếu “an toàn” để không bị thua lỗ (tất nhiên việc này chỉ có trên lý thuyết). Nếu khách hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có thể anh ta sẽ được khuyên đầu tư vào các cổ phiếu đang tăng trưởng với kết quả đầy hứa hẹn, nhưng lại không có gì đảm bảo cho điều đó. Lời khuyên này rất quan trọng đối với nhà tư vấn lẫn khách hàng, do cả hai đều cùng tin rằng họ không thể có được những khoản lợi nhuận cao nếu không chấp nhận rủi ro, thua lỗ. Đây cũng là sai lầm thứ năm trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, việc xem yêu cầu bảo toàn vốn là ưu tiên số một (thói quen thứ nhất) về bản chất là để tránh rủi ro. Nếu cũng giống như Buffett và Soros, bạn vừa có thể tránh được rủi ro, lại vừa thu được những khoản lợi nhuận lớn, thì ắt hẳn quan điểm xưa cũ kia đã sai trầm trọng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà đầu tư thành công có cái nhìn về rủi ro rất khác so với những nhà đầu tư thông thường. Ví dụ, Buffett “luôn xem tính chắc chắn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nếu bạn làm như thế, thì toàn bộ ý niệm về các yếu tố rủi ro sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả”. Đối với nhà đầu tư bậc thầy, rủi ro là một khái niệm có tính tương đối, bởi nó phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể, có thể tính toán được và có thể kiểm soát hay phòng tránh được. Rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh Có phải một người thợ đang chấp nhận mạo hiểm khi anh ta đi lên tầng thứ 60 của tòa nhà còn chưa xây dựng xong mà không có một dụng cụ bảo hộ an toàn lao động nào? Con người vận động viên trượt tuyết kia đang lao vun vút theo sườn núi thẳng đứng với tốc độ gần 100km/giờ thì sao? Hay một người leo núi chỉ dùng những ngón tay trần của mình để bám vào bề mặt vách đá cheo leo cao hơn 30m? Có lẽ bạn sẽ thốt lên rằng: “Họ đang rất mạo hiểm”, nhưng thật sự bạn lại nghĩ rằng: “Nếu người đó là tôi thì đúng là mạo hiểm thật đấy”. Một hành động được xem là rủi ro hay không phụ thuộc vào kiến thức, sự tinh thông, kinh nghiệm, năng lực, và bối cảnh đang xảy ra. Trong khi chúng ta cũng chưa chắc chắn rằng người thợ, vận động viên trượt tuyết hay nhà leo núi đó có gặp rủi ro hay không, thì chỉ bằng trực giác, chúng ta biết rất rõ mình đang ở trong tình trạng nguy hiểm nếu bản thân chúng ta là người thực hiện những hành động ấy. Sự khác biệt ở đây là năng lực vô thức. Năng lực vô thức Nếu bạn là một người lái xe từng trải, bạn có thể phản ứng rất nhanh – giảm tốc độ, tăng tốc, rẽ phải hay rẽ trái – để tránh những sự cố xảy ra trên đường. Những lúc phải hãm phanh đột ngột hoặc bẻ lái chuyển hướng để tránh gây tai nạn, bạn hoàn toàn không nghĩ đến – hay không ý thức – về tính chất của mối nguy hiểm đó. Phản ứng đó được đưa ra khi suy nghĩ của bạn đang ở trong trạng thái vô thức. Dạng phản ứng đó là kết quả tất yếu của những kinh nghiệm được tích lũy theo năm tháng. Ngay một việc đơn giản như chuyển làn xe trên đường cao tốc cũng được xem là một việc hết sức nghiêm túc. Để giải quyết một vấn đề, bạn phải giải quyết một loạt “vấn đề con” trong đó: bạn vừa kiểm soát tốc độ của bạn, tốc độ của xe cộ xung quanh, tốc độ của những chiếc xe phía trước và phía sau trên làn đường mà bạn muốn chuyển sang, trong khi vừa phải quan sát xe cộ đang lưu thông trên các làn đường khác. Và bạn cũng phải phán đoán xem những người lái xe làn đường bên kia có chịu nhường đường cho bạn không. Bạn phải làm tất cả những việc ấy cùng một lúc. Những vấn đề như thế thường gây bối rối cho các nhà chuyên môn, mặc dù họ có lợi thế nhiều hơn bạn – người lái xe – trong việc giải quyết bài toán đó, bởi vì những đối tượng mà họ nghiên cứu không hành xử một cách tùy tiện, không đột ngột rẽ trái hay rẽ phải, tăng tốc hay giảm tốc, và cũng không điều khiển xe trong trạng thái say xỉn. Bạn thường đưa ra quyết định trong tình trạng vô thức và khéo léo chuyển làn đường. Trong khi đó, bạn vẫn có thể thản nhiên nói chuyện, quan sát tín hiệu đèn giao thông hay nghe nhạc. Nhưng, đối với những người chưa bao giờ lái xe, không có kinh nghiệm hoặc không có khả năng điều khiển xe, thì việc ngồi sau tay lái quả là hành động khá nguy hiểm, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng. Bốn mức độ hiểu biết Nhìn bề ngoài, một nhà đầu tư lão luyện thường hành động một cách dễ dàng và nhanh chóng theo cách mà những người ngoài cuộc sẽ cho là rất liều lĩnh, nhất là khi nhà đầu tư ấy có vẻ như không cần dừng lại để suy nghĩ. Warren Buffett có thể quyết định mua một công ty trị giá hàng triệu đô-la và nhẩm tính mọi thứ trong đầu chỉ trong vòng mười phút. Song, hầu hết những quyết định tức thời như thế của ông đều tỏ ra là những quyết định đúng đắn. Điều đó chỉ có thể xảy ra ở những người đã trải qua bốn giai đoạn học hỏi sau đây: 1. Không có năng lực hành động trong tình trạng vô thức: không biết rằng anh ta không biết. 2. Không có năng lực hành động trong tình trạng nhận thức: biết rằng anh ta không biết. 3. Có năng lực hành động trong tình trạng nhận thức: biết những gì anh ta biết và biết những gì anh ta không biết. 4. Có năng lực hành động trong tình trạng vô thức: biết rằng anh ta biết. Chúng ta lần lượt cùng nhau xem xét từng mức độ này. Không có năng lực hành động trong tình trạng vô thức là tình trạng mà bạn không biết rằng mình không biết. Đa số mọi người đều ở trong trạng thái này khi mới bắt đầu học lái xe. Đó là lý do tại sao những người lái xe trẻ tuổi thường gây tai nạn nhiều hơn những người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn. Lý do là vì họ không thừa nhận rằng kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức của mình còn hạn chế. Những người ở trong tình trạng này sẽ chịu rủi ro cao do họ hoàn toàn không ý thức được những điều mình đang làm. Các nhà đầu tư mắc phải những sai lầm đầu tư đã đề cập trên cùng ở trong tình trạng tương tự. Họ nghĩ rằng họ biết rõ những việc mình đang làm, và họ không nhận ra một thực tế là mình hoàn toàn không biết gì cả. Không có năng lực hành động trong tình trạng vô thức cũng giải thích lý do tại sao điều tệ hại nhất đối với một người đầu tư mới vào nghề lại chính là khoản lợi nhuận kếch xù ngay trong vụ đầu tư đầu tiên của anh ta. Thành công ấy khiến anh ta tin rằng mình đã tìm ra bí quyết đầu tư, và nguy hiểm hơn là anh ta rất tự tin rằng mình thật sự biết mình đang làm gì. Vì thế, anh ta cứ lặp đi lặp lại những gì mình đã làm trong lần bỏ vốn đầu tiên, và tỏ ra ngạc nhiên khi nhận ra giờ đây cách làm đó lại khiến anh ta mất tiền nhanh hơn. Trong cuốn sách có tựa đề Market Wizards (Những người tài trên thị trường), tác giả Larry Hite – một người buôn bán các hợp đồng giao sau – đã giải thích với Jack Schwager như sau: Trước đây tôi từng làm việc cho một công ty có vị chủ tịch rất tốt bụng. Ông tuyển một người buôn bán các hợp đồng dựa vào giá cổ phiếu. Anh này làm việc rất tốt, nhưng không thích ngồi lâu ở một công ty nào. Một ngày nọ, anh ta bỏ việc, và điều đó đã khiến cho hoạt động của công ty bị cản trở. Vị chủ tịch lại không phải là một người thông thạo việc buôn bán chứng khoán, nên ông ta tìm tôi để hỏi ý kiến. “Larry, anh nghĩ tôi nên làm gì?” Tôi bảo ông: “Ông nên tạm thời ngưng mảng kinh doanh ấy lại cho đến khi tìm được một người thật giỏi”. ế nhưng thay vì làm theo lời khuyên của tôi, ông vẫn quyết định theo đuổi thương vụ đó và bị lỗ chút ít. Một thời gian sau, khi thị trường sôi động trở lại, ông đã lấy lại vốn và còn có một số tiền lãi nho nhỏ. Sau sự việc này, tôi đã nói với một người bạn làm cùng công ty: “Bob ạ, chúng ta sắp phải tìm một công việc khác rồi”. Anh ta hỏi: “Sao thế?”. Tôi trả lời: “Chúng ta hiện làm việc cho một người đang đứng giữa một bãi mìn, và những gì ông ta làm là nhắm mắt và dẫm bừa lên đó. Giờ thì ông ta nghĩ rằng cách thích hợp nhất mỗi khi ở giữa một bãi mìn là cứ nhắm mắt lại và tiến về trước”. Chỉ chưa đầy một năm sau, chính ông ta đã làm tiêu tan hết số vốn của công ty. Bạn thấy đấy, việc ở vào cảnh không có năng lực trong tình trạng vô thức có thể gây rủi ro lớn cho tài sản của bạn. Không có năng lực hành động trong tình trạng nhận thức là bước đầu tiên để hiểu rõ bất cứ lĩnh vực nào. Đó là lúc bạn ý thức được rằng mình thật sự không biết phải làm gì, đồng thời hoàn toàn thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình. Bốn mức độ hiểu biết Người biết và biết rằng mình biết là người khôn ngoan. Hãy làm theo anh ta. Người biết và không biết rằng mình biết là người đang mê ngủ. Hãy đánh thức anh ta. Người không biết và biết rằng mình không biết là người đang Điều này có thể dẫn đến cảm giác tuyệt vọng, chán nản hay bi quan. Đối với nhiều nhà đầu tư, cảm giác đó là lực cản ngăn trở họ tham gia vào thị trường chứng khoán. Nhưng, đây lại là cách duy nhất để nhận ra rằng mình cần phải học hỏi và bổ sung thêm kiến thức để trở nên tinh thông trong một lĩnh vực nào đó. học. Hãy dạy anh ta. Người không biết rằng mình không biết là kẻ ngốc. Hãy tránh xa anh ta. Có năng lực hành động trong tình trạng nhận thức chính là khi bạn bắt đầu có sự hiểu biết về một lĩnh vực nào đó, những hành động của bạn vẫn chưa trở thành phản xạ. Ở trạng thái này, bạn phải ý thức tất cả những hành động mà bạn đang thực hiện, ví dụ như khi học lái xe, bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hãm phanh, chuyển hướng, sang số… và khi làm những việc đó, bạn phải tỉnh táo nghĩ xem mình sẽ làm như thế nào. Dĩ nhiên, phản ứng của bạn có phần chậm chạp hơn so với phản ứng của những người nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thể làm được, mà ngược lại, bạn có thể đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt, có xác suất thành công cao, như Warren Buffett vẫn làm vậy. Nhưng, nếu Buffett mất chưa đến mười phút để quyết định, thì bạn có thể phải mất đến mười ngày, hay thậm chí là mười tháng, bởi vì bạn phải cân nhắc thấu đáo mọi khía cạnh của vụ đầu tư, áp dụng một cách có ý thức các công cụ phân tích (và nhờ đó thu được phần lớn kiến thức) mà Buffett đã tích lũy được. Đáng ngạc nhiên là nhiều nhà đầu tư tin rằng họ hoàn toàn có thể bỏ qua giai đoạn học hỏi này. Bằng chứng là họ tiếp nhận và xử lý thông tin của một người nào đó trong tình trạng vô thức, nghĩa là máy móc làm theo lời khuyên của chuyên gia, hay theo các quy trình được một nhà đầu tư thành công đề xuất. Khi đã mở rộng thêm kiến thức, các kỹ năng được nâng cao, và góp nhặt được khá nhiều kinh nghiệm thông qua hoạt động thực tế của chính mình, thì tất cả những điều đó sẽ hợp thành phản xạ và chuyển từ trạng thái có ý thức sang vô thức. Cuối cùng, bạn sẽ đạt đến giai đoạn của: Có năng lực hành động trong tình trạng vô thức. Đây là giai đoạn của một người tinh thông. Người này chỉ hành động và thậm chí không biết cụ thể mình đã hành động như thế nào. Khi hành động theo năng lực trong tình trạng vô thức, họ quyết định mọi việc rất dễ dàng và hành động theo những cách có thể khiến chúng ta hoảng sợ. Chúng ta cho rằng hành động của những người này là quá mạo hiểm và đầy rủi ro. Ví dụ, một người khách nhớ lại lần đến thăm văn phòng của Soros. Hôm đó, Soros đã đặt một đơn hàng trị giá hàng trăm triệu đô-la trong khi đang trò chuyện với ông. Người khách này đã nghĩ: “Nếu ở vào địa vị của ông ấy, chắc hẳn tôi sẽ lo đến mất ăn mất ngủ. Ông ấy đang mạo hiểm với số tiền quá lớn. Chỉ có những người có thần kinh thép mới dám làm như vậy”. Soros không cần phải có thần kinh thép, song nhà đầu tư bậc thầy này biết rõ mình đang làm gì. Tương tự như vậy, trong cuộc sống có những việc bạn làm mà người ngoài cuộc cho là mạo hiểm, trong khi bạn lại thấy chúng không hề mạo hiểm chút nào. Đó là vì qua thời gian, bạn đã tích lũy được kinh nghiệm và đạt đến năng lực vô thức trong hành động. Bạn biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Đối với những người chưa có kiến thức và kinh nghiệm như của bạn, thì họ cho rằng những gì bạn làm dường như là mạo hiểm. Hành động mạo hiểm đó có thể là chơi một môn thể thao – như trượt tuyết, leo núi, lặn hay đua xe… Đó cũng có thể là những phán đoán tức thời, dường như chỉ dựa trên trực giác, trong công việc hay nghề nghiệp của bạn. Khả năng bước đi và nói chuyện Hai ví dụ về năng lực vô thức mà hầu hết mọi người đều đã trải qua là việc bước đi và nói chuyện. Bạn có biết rằng thông qua mỗi bước đi, bạn sẽ làm chuyển động rất nhiều cơ bắp khác nhau trên bàn chân và bắp chân của mình không? Thậm chí, bạn cũng không biết là mình đang làm dịch chuyển những cơ nào. Nếu bạn vừa cố bước đi, đồng thời vừa cố điều khiển từng nhóm cơ một cách có ý thức, thì bạn sẽ mất thăng bằng và ngã ngay. Thế nên tất cả những gì mà bạn phải làm là chọn đích đến, tiềm thức của bạn sẽ làm mọi việc còn lại. Việc nói chuyện cũng giống như thế. Bạn nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ và có thể cả những thứ tiếng khác nữa. Tuy nhiên, bạn không thể giải thích chi tiết cách tích lũy vốn từ, cách lục tìm ra chúng mỗi khi cần sử dụng và cách sắp xếp chúng thành những câu đúng ngữ pháp (hay ít ra là những câu có thể hiểu được). Khi đang nói, bạn thường không nghĩ đến việc mình sẽ nói từ nào tiếp theo. Bạn chỉ có ý thức về nội dung và đề tài muốn trao đổi. Năng lực hành động một cách vô thức là cách xử lý những hạn chế về nhận thức của não bộ. Cùng lúc, não chỉ có thể lưu trữ bảy thông tin khác nhau (tùy theo khả năng của mỗi người mà con số này xê dịch ở mức cộng hay trừ hai), nhưng tiềm thức sẽ chỉ tập trung vào những việc thật sự quan trọng mà thôi. Quá trình thực hành sẽ đem lại kiến thức và kinh nghiệm, và đây là những công cụ mà chúng ta sử dụng để tác động lên tiềm thức của mình. Kinh nghiệm giúp hạn chế rủi ro: Có rất nhiều việc mà trong thời điểm hiện tại bạn nghĩ là không rủi ro, nhưng đã từng có một lúc nào đó, do chưa tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, bạn lại tin rằng đó là những hoạt động có tính rủi ro cao. Khi George Soros quyết định “tấn công” đồng bảng Anh bằng 10 tỷ đô-la vốn vay, như ông đã làm năm 1992, bạn nghĩ ông có liều lĩnh không? Đối với đa số chúng ta, đúng là ông liều lĩnh thật. Nhưng, chúng ta có xu hướng đánh giá mức độ mạo hiểm bằng thông số của riêng mình, hay nghĩ rằng chắc chắn việc đó mang tính rủi ro. Nhưng, Soros biết mình đang làm gì, và ông biết rằng mức độ rủi ro đó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Ông đã tính toán được mức thua lỗ nhiều nhất chỉ vào khoảng 4%. “Như vậy thì rủi ro thật sự rất nhỏ (so với khả năng sinh lợi)”. Như Warren Buffett nói: “Rủi ro chỉ đến khi bạn không biết mình đang làm gì”. Một nhà đầu tư thành công luôn tránh xa những vụ việc rủi ro đối với bản thân họ. Nhưng, vì rủi ro chỉ có tính tương đối và lại thay đổi tùy theo hoàn cảnh, nên vụ đầu tư mà Warren Buffett từ chối có thể lại được George Soros chấp nhận ngay. Và ngược lại. Rủi ro là điều có thể lường trước được Giới hạn các vụ đầu tư trong những lĩnh vực mà mình có năng lực hành động trong tình trạng vô thức là cách mà nhà đầu tư bậc thầy chống lại rủi ro, đồng thời cũng là cách giúp họ tìm được những khoản lợi nhuận cao. Nhưng, làm thế nào họ có thể tạo ra năng lực vô thức ấy trong vụ đầu tư đầu tiên? Câu trả lời là: bằng cách khám phá ra rằng rủi ro là điều có thể lường trước, và bằng cách tìm hiểu xem họ sẽ phải lường trước những gì. Nhà đầu tư sẽ cân nhắc giữa điều chắc chắn và điều không chắc chắn, và mục tiêu của họ là phải đạt được điều chắc chắn. Trên thực tế, họ không “lường trước rủi ro”, mà họ chỉ đang tính toán khả năng sinh lợi khi liên tục tìm kiếm điều mà Warren Buffett gọi là “những vụ đầu tư có xác suất thành công cao”. Và nhà đầu tư đã tìm ra chúng sau khi trả lời câu hỏi: Chúng ta nên lường trước những gì? Có lần, tôi hỏi một nhà đầu tư rằng mục tiêu của anh ta là gì. Anh ta trả lời: “Để kiếm được 10% lợi nhuận mỗi năm”. “Vậy anh dựa trên tiêu chí nào để đánh giá về việc có đạt được mức ấy hay không?” Anh ta trả lời: “Bằng việc tôi có kiếm được 10% hay không”. Theo tôi thì nhà đầu tư này hơi giống một kiến trúc sư. Anh ta đo chất lượng công trình bằng cách xem thử nó có bền vững không. Dù bạn có cố gắng đạt được kết quả nào chăng nữa, thì kết quả ấy cũng chỉ là thước đo xem bạn đã đạt được hay chưa, chứ không phải là thước đo xem bạn sẽ đạt được hay không. Một kiến trúc sư giỏi phải biết công trình của anh ta có bền vững hay không khi nó còn nằm trên bản vẽ. Anh ta biết được điều này thông qua việc tính toán sức bền vật liệu, tải trọng chịu lực, chất lượng thiết kế và xây dựng. Cũng theo cách đó, nhà đầu tư lão luyện biết mình có khả năng thu được lợi nhuận hay không từ trước khi bỏ vốn đầu tư. Lợi nhuận (hay thua lỗ) là số dư phản ánh sự chênh lệch giữa thu nhập và chi phí, nên chỉ có thể đánh giá được bằng sự nhận thức muộn màng như một “sự đã rồi”, nghĩa là khi mọi chuyện đã là hiển nhiên và bạn không thể thay đổi được nữa. Ví dụ, một doanh nghiệp sẽ không thể làm ra lợi nhuận bằng cách chỉ nhắm đến việc tìm kiếm lợi nhuận, mà họ phải tập trung vào những hoạt động có thể đánh giá được ngay trong hiện tại, từ đó mới dẫn đến lợi nhuận. Nói cách khác, doanh nghiệp cần tiến hành những hoạt động nhằm gia tăng doanh số hoặc cắt giảm chi phí. Chỉ bằng cách đó, nhà quản lý mới có thể đẩy mức thu nhập tăng cao và vượt mức chi phí. Các tiêu chuẩn đầu tư Những nhà đầu tư kinh nghiệm không mấy chú trọng đến lợi nhuận, mà chủ yếu là vào những biện pháp chắc chắn mang lại lợi nhuận, đó là các tiêu chuẩn đầu tư. Warren Buffett quyết định mua cổ phiếu không phải vì ông hy vọng rằng giá trị của chúng tôi sẽ cao hơn so với hiện tại. Ngược lại, ông là người đầu tiên nói với bạn rằng cổ phiếu đó có thể sụt giá nhanh chóng. Ông quyết định mua là vì thấy rằng chúng phù hợp với các tiêu chuẩn đầu tư của mình. Nhờ sự hiểu biết và kinh nghiệm có được mà ông biết rằng cuối cùng số vốn của mình cũng sẽ sinh lợi nhờ giá cổ phiếu tăng lên, hoặc do giá trị doanh nghiệp ngày càng cao (trong trường hợp ông mua cả công ty). Ví dụ, vào tháng 2 năm 1973, Buffett bắt đầu mua cổ phiếu của Washington Post Co. với giá 27 đô-la một cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu hạ thấp, Buffett lại mua thêm nhiều hơn nữa và tới tháng 10 ông đã trở thành cổ đông bên ngoài nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất. Theo đánh giá của Buffett, Washington Post là một doanh nghiệp trị giá 400 triệu đô la đang được rao bán chỉ với 80 triệu đô-la. Tuy nhiên, đó lại không phải là nhận định của các chuyên gia tại Wall Street, dù hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý với Buffett. Wall Street đã phải chứng kiến một thị trường đang tuột dốc. Chỉ số Dow Jones giảm 40%, và cổ phiếu của “50 công ty danh giá* như IBM, Polaroid và Xerox – mà chỉ vài năm trước Wall Street từng vui sướng mua với mức lãi gấp 80 lần – lại hạ đến hơn 80%. Nền kinh tế lúc này đang ở trong tình trạng suy thoái và nạn lạm phát tăng nhanh. Người ta đã hy vọng rằng tình trạng suy thoái có thể kìm hãm mức lạm phát, song điều đó đã không xảy ra. Đối với Wall Street, việc này cũng giống như “ngày tận thế” đang đến gần. Đây chắc chắn không phải là thời điểm để mua cổ phiếu, và khi lạm phát gia tăng thì bạn sẽ không thể nào tránh được rủi ro nếu mua trái phiếu. Quan sát tình hình hoạt động của công ty Washington Post, các chuyên gia đầu tư nhận định rằng khi một cổ phiếu sụt giá từ 38 đô-la xuống còn 20 đô-la thì cũng giống như thị trường chung lúc đó, giá này có thể còn tiếp tục giảm xuống nữa. “Rủi ro” của việc mua cổ phiếu lúc này là quá cao. Sự việc lại oái oăm ở chỗ Washington Post lẽ ra đã có thể bán các mảng báo chí và tạp chí của mình cho một nhà xuất bản khác với giá khoảng 400 triệu đô-la, trong khi Wall Street lại không chịu mua với giá chỉ có 80 triệu đô-la! Buffett cho rằng khi bạn có thể mua một doanh nghiệp vững mạnh, nhiều hứa hẹn với mức chiết khấu lên tới 80% giá trị thì không thể nói là bạn đang mạo hiểm. Buffett không nhìn vào thị trường, cũng không cố gắng phân tích xu hướng phát triển của nền kinh tế, mà ông vận dụng tiêu chuẩn đầu tư của riêng mình để đánh giá tiềm năng của Washington Post. Ông nhìn nhận doanh nghiệp này đang ở một vị thế kinh doanh thuận lợi nhờ sự độc quyền ở cả khu vực Washington. Vị thế ấy có tính bền vững cao (sự độc quyền có thể làm giá cả gia tăng song song với tỷ lệ lạm phát, do đó nó trở thành một “hàng rào” để ngăn chặn sự lạm phát), không cần đầu tư nhiều vốn, đang được quản lý tốt, và tất nhiên là có thể mua được với giá hấp dẫn. Trong khi Wall Street luôn sợ thua lỗ và gọi hành động đó là “mạo hiểm”, thì Buffett và những nhà đầu tư khác biết rằng họ sắp có được một món tiền lớn. Điều đáng ngạc nhiên là khi thị trường bắt đầu hạ giá, các chuyên gia đầu tư mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc bảo toàn vốn, và họ quyết định “kiên nhẫn chờ xem các động thái tiếp theo của thị trường”, trong khi những nhà đầu tư thành công làm theo quy tắc đầu tư thứ nhất – “không bao giờ để cho tiền bị hao hụt” – lại là ngược lại và lập tức nắm bắt vụ đầu tư ấy. Sau khi Buffett mua cổ phiếu, giá của Washington Post vẫn tiếp tục giảm nhanh. Trên thực tế, phải mất hơn hai năm giá cổ phiếu trung bình của công ty này trên thị trường chứng khoán mới phục hồi được như mức ban đầu là 22,75 đô-la. Nhưng, Buffett không quan tâm nhiều đến các con số trên bảng điện tử đó, mà ông chú tâm vào các tiêu chuẩn đầu tư của mình, cũng như vào việc đánh giá chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Rủi ro có thể quản lý được Còn Soros lại cân nhắc về sự chắc chắn trong các vụ đầu tư bằng một cách khác. Giống như Buffett, Soros cũng đánh giá các vụ đầu tư của mình – tất cả những nhà đầu tư thành công đều làm thế – nhưng Soros lại áp dụng những tiêu chuẩn đầu tư của riêng mình. Chìa khóa thành công của Soros là tích cực quản lý rủi ro, và đây là một trong bốn chiến lược tránh rủi ro mà các nhà đầu tư bậc thầy sử dụng là: 1. Không đầu tư nếu không phù hợp. 2. Giảm thiểu rủi ro (điểm then chốt trong phương pháp của Warren Buffett). 3. Tích cực quản lý rủi ro (chiến lược này được George Soros sử dụng một cách hiệu quả đến ngạc nhiên). 4. Quản lý rủi ro theo phương pháp thống kê bảo hiểm. Chiến lược phòng tránh rủi ro thứ năm được phần lớn các nhà cố vấn đầu tư khuyến khích là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhưng, theo các nhà đầu tư thành công thì việc này chỉ là trò “thả mồi bắt bóng” (xem chương 7). 1. Không đầu tư nếu không phù hợp Các nhà đầu tư thành công đều đã từng thực hiện điều này: khi không tìm thấy vụ đầu tư nào phù hợp với các tiêu chuẩn của mình, họ sẽ không đầu tư. Thế nhưng đã có rất nhiều nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp đã vi phạm quy tắc đơn giản này. Ví dụ, khi thị trường cổ phiếu mất giá trong một thời gian dài, họ sẽ chuyển danh mục đầu tư của mình sang các loại chứng khoán an toàn hơn, như đầu tư vào những ngành công ích, hay trái phiếu… Về lý thuyết thì giá trị của chúng ít biến động hơn cổ phiếu thông thường. Xét cho cùng, họ không thể xuất hiện trên tờ Wall Street Week và nói với những độc giả đang nóng lòng chờ đợi quyết định của họ rằng chính bản thân họ cũng không biết phải làm gì trong hoàn cảnh đó. 2. Giảm thiểu rủi ro Đây là điểm cốt lõi trong toàn bộ phương pháp đầu tư của Warren Buffett. Như tất cả các nhà đầu tư bậc thầy khác, Buffett chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà ông hiểu biết, những lĩnh vực thuộc về năng lực hành động trong trạng thái vô thức và cả nhận thức của ông. Thế nhưng, bởi vì phương pháp tránh rủi ro của ông được xây dựng gắn liền với tiêu chuẩn đầu tư, nên ông sẽ chỉ quyết định đầu tư khi có thể mua được với mức giá thấp hơn nhiều so với ước tính của ông về giá trị của doanh nghiệp. Buffett cho rằng: “Bạn phải chắc chắn rằng mình sẽ kiếm được lợi nhuận khi ra quyết định mua”. 3. Tích cực quản lý rủi ro Đây là phương pháp căn bản của một nhà giao dịch chứng khoán và cũng là bí quyết thành công của Soros. Quản lý rủi ro không phải chỉ đơn giản là giảm thiểu rủi ro. Nếu bạn đã giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất, bạn có thể về nhà đi ngủ, hoặc làm một chuyến nghỉ mát dài ngày. Trong khi đó, việc tích cực quản lý rủi ro đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối để liên tục theo dõi thị trường (đôi khi phải bám sát tình hình từng phút một), đồng thời có khả năng hành động tức khắc một cách bình tĩnh khi tới thời điểm phải chuyển hướng đầu tư (khi nhận ra sai sót, hay khi chiến lược hiện thời không còn phù hợp nữa). Khả năng xử lý rủi ro của Soros đã hình thành và trở thành tính cách của ông từ thời lính Đức chiếm đóng Budapest, khi rủi ro mà ông phải đối mặt hàng ngày chính là cái chết. Cha ông, một người rất tài tình trong cuộc đấu tranh sinh tồn, đã dạy ông ba quy tắc về rủi ro – những điều mà đến tận bây giờ ông vẫn xem là kim chỉ nam cho mình. Đó là: 1. Chấp nhận rủi ro. 2. Khi chấp nhận rủi ro, không bao giờ cho phép bản thân đánh cược tất cả. 3. Không vội vàng bỏ cuộc. Không vội vàng bỏ cuộc Năm 1987, từ giả thuyết thị trường chứng khoán ở Nhật sẽ sụt giá, Soros đã dùng nguồn vốn từ Quỹ Quantum với hy vọng có thể thu lợi nhuận nhờ việc bán non chứng khoán ở Tokyo và mua hợp đồng giao sau S&P ở New York. Nhưng, vào “ngày thứ Hai đen tối” 19 tháng 10 năm 1987, tất cả những suy tính của ông đã bị đổ vỡ. Trong một ngày, chỉ số Dow Jones tụt xuống mức kỷ lục 22,6% – mức hạ giá mạnh nhất trong lịch sử. Trong khi đó, ở Tokyo, chính phủ lại hỗ trợ cho thị trường. Soros đã điêu đứng khi chiến lược của ông thất bại ở cả hai nơi. Hai năm sau khi sự việc trên xảy ra, Stanley Druckenmiller – người đảm trách công việc quản lý Quỹ Quantum – đã nói: “Ông ta đã sử dụng vốn vay và điều đó đe dọa đến sự tồn tại của quỹ”. Thế nhưng Soros không hề nản chí. Nhờ dựa vào quy tắc quản lý rủi ro thứ ba mà ông đã nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Do lượng cổ phiếu mà ông sở hữu quả lớn, nên việc ông bán ra đã khiến giá cả sụt xuống. Ông chào bán tới 5.000 hợp đồng giao sau S&P với mức giá 230, nhưng không ai muốn mua. Rồi ông hạ xuống 220, 215, 205, rồi 200. Cuối cùng, ông thanh lý tất cả với mức từ 195 đến 210. Thật trớ trêu là đến khi sức ép của việc bán ra không còn nữa, thì giá thị trường lại bật lên tới mức 244,50 trước thời điểm kết thúc phiên giao dịch cuối ngày. Vậy là cả năm đó, Soros đã không thu được chút lợi nhuận nào, song điều đó không làm ông nao núng. Ông đã thừa nhận sai lầm của mình. Tuy nhiên, bất kể đó là một thiếu sót nhỏ, hay là sai lầm đe dọa cả sự sống còn của ông như trong trường hợp này, ông vẫn luôn chọn cách kiểm soát mạo hiểm. Sống sót là trên hết Không có gì quan trọng hơn việc sống còn. Ông không sợ hãi, ngờ vực, dừng lại để phân tích, suy đoán, hay cố tìm hiểu xem liệu mình có nên tiếp tục trong trường hợp các dự đoán bị đảo lộn. Đi tiếp con đường mà mình đã chọn là điều mà ông cảm thấy mình cần phải làm. Phương pháp đầu tư của Soros là đặt ra một giả thuyết về thị trường, rồi sau đó nghe ngóng thị trường để tìm hiểu xem giả thuyết ấy đúng hay sai. Tháng 10 năm 1987, thị trường cho ông biết rằng ông đã sai – một sai lầm chết người – và làm tiêu tan giả thuyết của ông. Lựa chọn duy nhất của ông lúc này là không được phép bỏ cuộc. Vụ sụp đổ năm 1987 đã giăng một đám mây u ám lên bầu trời Wall Street trong suốt nhiều tháng. “Hầu như những nhà quản lý quỹ mà tôi biết – những người đã bị cuốn vào vụ sụp đổ ấy – đều rơi vào tình thế khó khăn”- Druckenmiller nói. – “Họ không còn tiền để tiếp tục đầu tư.” Như nhà quản lý quỹ đầu tư xuất chúng Michael Steinhardt thẳng thắn thừa nhận: “Lần sụp đổ ấy làm tôi tuyệt vọng đến nỗi không muốn nhắc đến chuyện đầu tư nữa. Bản thân tôi cũng nhận lãnh khá nhiều thiệt hại lớn sau vụ ấy. Những khuyến cáo trước đó của tôi về việc cần phải thận trọng khi bỏ vốn đầu tư dường như càng khiến cho những tổn thất ấy càng trở nên nặng nề hơn. Sự tự tin trong tôi cũng bị lung lay”. Soros lại không cảm thấy như thế. Ông đã phải hứng chịu một đòn đau, nhưng ông không hề nao núng. Hai tuần sau, ông trở lại thị trường bán non đồng đô-la. Ngay lập tức, ông đã lật ngược tình thế bởi ông biết cách xử lý rủi ro, và bởi ông tuân thủ những quy tắc của mình. Sự kiện đó đã đi vào lịch sử đầu tư. Và Quỹ Quantum đã kết thúc năm đó với mức tăng trưởng 14,5%. Luôn tách rời cảm xúc ra khỏi thị trường Một nhà đầu tư bậc thầy hoàn toàn có thể tách rời cảm xúc ra khỏi thực trạng của thị trường. Bất kể thị trường chứng khoán có biến động thế nào thì họ cũng không hề bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc. Tất nhiên, họ vẫn có thể cảm thấy vui, buồn, giận dữ hay phấn khích, nhưng khi cần thiết, họ có khả năng tạm gác bỏ mọi cảm xúc để lấy lại sự vững vàng trong tâm trí. Khi để cho cảm xúc chi phối, bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro. Có thể nói rằng cảm xúc là một điểm yếu của bạn. Nhà đầu tư có thể bị cảm xúc đánh bại, ngay cả khi lý trí họ biết rõ mình sẽ phải làm gì khi thực tế diễn ra không như dự tính. Lúc đó, họ hoảng sợ, luôn tự dằn vặt vì những việc đã qua, và họ chấm dứt mua bán (thường là chịu thua lỗ) chỉ để giải tỏa mối lo âu. Buffett đã biết giữ cảm xúc ở một khoảng cách cần thiết thông qua các tiêu chuẩn đầu tư của mình. Trọng tâm hành động của ông là chất lượng của công việc kinh doanh. Mối quan tâm duy nhất của ông trên thị trường là liệu các vụ đầu tư có tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn của ông hay không. Nếu có, ông sẽ thành công, bất kể thị trường đánh giá chung thế nào. Nếu cổ phần mà ông đang nắm giữ không đáp ứng các tiêu chuẩn của ông nữa, ông sẽ bán chúng đi, bất kể thị trường định giá chung bao nhiêu. Dám thừa nhận rằng “Tôi cũng có thể mắc sai lầm” Giống như Buffett, các tiêu chuẩn đầu tư của Soros cũng giúp ông không để cho cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định của mình. Bên cạnh đó, tấm lá chắn bảo vệ hữu hiệu nhất mà ông vẫn hay dùng – ngoài sự tự tin mà cả ông và Buffett đều có – là ông dám thừa nhận rằng “Tôi cũng có thể mắc sai lầm”. Ông đặt cơ sở cho một vụ đầu tư dựa trên giả thuyết của riêng ông về xu hướng và nguyên nhân phát triển của một thị trường cụ thể nào đó. Tuy nhiên, lời dự đoán của ông trước công chúng – về việc “vụ sụp đổ năm 1987” sẽ phải bắt đầu ở Nhật chứ không phải ở Mỹ – đã xác nhận rằng có những thời điểm ông chắc chắn về những động thái tiếp theo của thị trường chứng khoán. Khi sự việc không diễn ra theo chiều hướng đó, ông hoàn toàn bị bất ngờ. Và ông chấp nhận rằng mình đã sai. Vì vậy, khi thị trường chứng minh là ông đã sai, thì ngay lập tức ông tìm cách nhanh chóng tháo bỏ sợi dây đang trói mình. Kết quả là ông Sớm có thể thoát ra khỏi tình trạng rắc rối, xuất hiện trước công chúng với vẻ bình tĩnh và chủ động của một người dám đương đầu với nghịch cảnh. 4. Quản lý rủi ro theo phương pháp thống kê bảo hiểm Cách thứ tư để quản lý rủi ro, có thể nói, là cách hành động tương tự như một công ty bảo hiểm. Một công ty bảo hiểm ký kết những điều khoản bảo hiểm nhân thọ trong khi họ không có chút khái niệm nào về thời điểm phải chi trả khoản phí bồi thường – có thể ngay ngày mai, nhưng cũng có thể là 100 năm sau. Đối với các công ty bảo hiểm, thật ra điều đó không quan trọng, bởi vì họ kiểm soát rủi ro bằng cách soạn ra nhiều điều khoản khác nhau, qua đó công ty có thể dự đoán – với mức độ chắc chắn cao nhất – số tiền trung bình mà họ phải thanh toán mỗi năm. Số tiền bồi thường được xác định dựa trên mức rủiro trung bình và được tính toán dựa trên tuổi thọ trung bình của một người cùng phái với bạn, với điều kiện chăm sóc y tế gần giống bạn và ở độ tuổi của bạn, ngay tại thời điểm bạn chấp nhận điều khoản bảo hiểm. Như thế, công ty bảo hiểm không phán đoán dựa trên tuổi thọ của một con người cụ thể nào, trong trường hợp này là bạn, để đưa ra các điều khoản. Tôi gọi phương pháp kiểm soát rủi ro này là “quản lý rủi ro theo phương pháp thống kê bảo hiểm” là vì nó được xây dựng dựa trên cách tính trung bình của những gì được gọi là “mức độ rủi ro”. Mặc dù nhà đầu tư vẫn chấp nhận mức độ rủi ro, nhưng điều mà họ đang thật sự tìm kiếm là mức lợi nhuận bình quân. Ví dụ, bạn đánh cược một đô-la rằng khi bạn tung đồng xu thì mặt có số sẻ ngửa lên. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội thắng thua ngang nhau là 50/50. Mức lợi nhuận bình quân của bạn là 0. Nếu bạn tung đồng xu một ngàn lần và lần nào cũng đánh cược một đô-la, thì có khả năng bạn vẫn sẽ kết thúc trò chơi với đúng số tiền ban đầu. Vì vậy, tỷ lệ 50/50 không phải là con số gây hứng thú, đặc biệt sau khi bạn đã trả phí giao dịch. Nhưng, nếu tỷ lệ cá cược là 55/45 với lợi thế nghiêng về phía bạn thì lại là chuyện khác. Tiền thắng cược sau một loạt vụ việc sẽ vượt mức tổn thất chung, vì mức lợi nhuận bình quân của bạn đã tăng lên 0,1. Nói cách khác, từ mỗi đô-la vốn đầu tư, bạn có thể thu lại được trung bình 1,1 đô-la. Đánh bạc, đầu tư, và rủi ro Giữa đầu tư và đánh bạc có những nét tương đồng, bởi nếu xét về bản chất, phương pháp quản lý rủi ro theo kiểu thống kê là một hình thức của “chơi trò cá cược”. Một nguyên nhân khác (nhưng lại là nguyên nhân nguy hiểm) là rất nhiều nhà đầu tư tiếp cận thị trường với một tâm lý liều lĩnh: “hy vọng thu được lãi lớn”. Đây cũng là tâm lý thường gặp ở những người mới chập chững bước chân vào thị trường chứng khoán. Để bạn dễ hình dung hơn, chúng ta hãy so sánh sự khác biệt giữa một con bạc “tay ngang” và kẻ cờ bạc chuyên nghiệp. Một con bạc “tay ngang” tham gia cuộc chơi với hy vọng sẽ thu được lãi lớn. Tuy nhiên, vì anh ta hiếm khi thắng cuộc nên phần thưởng chủ yếu của anh ta là sức hấp dẫn của bản thân trò chơi. Những con bạc như thế giúp các sòng bạc ở Las Vegas, Monte Carlo, Macau và các công ty xổ số trên khắp thế giới ăn nên làm ra. Con bạc loại này phó mặc số phận mình cho “thần tài” tha hồ định đoạt. Cho dù các vị thần có nhân từ như thế nào chăng nữa, thì sự hiện diện của họ trên trái đất này cũng luôn gắn liền với phương châm: “Không bao giờ ban cho những kẻ khờ dịp may nào cả”. Ngược lại, một tay cờ bạc chuyên nghiệp hiểu được lợi thế của trò chơi mà anh ta đang chơi, và anh ta chỉ tham gia cá cược khi thấy lợi thế nghiêng về phía mình. Không như những con bạc chỉ biết chơi cho vui, anh ta không để mình bị phụ thuộc vào viên xúc xắc kia. Dần dần, anh ta tính được tỷ lệ đặt cược sao cho số tiền thu về sẽ lớn hơn số tiền mất đi. Cách tính toán khi chơi bài của anh ta cũng giống như cách tính của công ty bảo hiểm khi soạn thảo hợp đồng. Trọng tâm của anh ta là đạt được mức lợi nhuận trung bình. Giống như một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, anh ta áp dụng hệ thống phân tích của riêng mình. Và một phần của hệ thống đó chính là việc chọn ván bài nào (theo thống kê) có khả năng mang lại chiến thắng cao. Bạn không thể loại bỏ khả năng thất bại trong một ván bài tây hay một lần quay rulet, nhưng bạn hoàn toàn có thể học được cách tính toán tỷ lệ cá cược, từ đó quyết định xem liệu có nên chơi ván bài ấy để có được mức lợi nhuận bình quân (tỷ lệ thắng cược) nghiêng về phía bạn hay không. Nếu không, không tham gia là quyết định sáng suốt nhất. Những tay cờ bạc chuyên nghiệp không bao giờ mua vé số. Những tay cờ bạc chuyên nghiệp không “mạo hiểm để thu lãi lớn”. Họ luôn đầu tư bằng số vốn rất nhỏ và tin chắc rằng mình sẽ thu được một khoản lợi nhuận khả quan trên số vốn đó. Dù có những điểm tương đồng như thế, nhưng đầu tư không hoàn toàn giống như đánh bạc. Chỉ có cách những tay cờ bạc chuyên nghiệp hành động ở sòng bài là giống với cách mà những nhà đầu tư bậc thầy thể hiện trên thị trường đầu tư: đó là hiểu những phép toán có liên quan đến rủi ro, và chỉ đặt tiền lên bàn khi nhận thấy lợi thế đang nghiêng về phía mình. Đầu tư theo phương pháp thống kê Khi Warren Buffett bắt đầu làm quen với lĩnh vực đầu tư, phương pháp của ông lúc đó khác xa so với phương pháp hiện tại mà ông đang áp dụng. Lúc đó, ông tiếp nhận phương pháp của người cố vấn dày dặn kinh nghiệm Benjamin Graham, vốn dựa theo phương pháp thống kê bảo hiểm. Mục đích của Graham là mua cổ phiếu thông thường của những công ty nhỏ, và do loại cổ phiếu này hay bị xem thường nên ông “có thể mua được với mức giá chỉ bằng 2/3 hay thấp hơn so với giá trị thực của nó”. Ông chỉ xác định giá trị của công ty bằng cách phân tích những thông tin được công bố trên báo chí, hay qua các bản báo cáo tài chính của công ty. Giá trị sổ sách của một công ty là thước đo cơ bản để ông ước lượng giá trị thực của công ty đó. Theo quan niệm của ông, một vụ đầu tư lý tưởng là mua được một công ty với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị tại thời điểm thanh lý, hay giá trị khi phá sản của công ty đó. Nhưng, thật ra cổ phiếu có thể rẻ đi vì một lý do chính đáng khác. Có thể đó là lúc mà ngành công nghiệp đang sa sút, doanh nghiệp rơi vào tình trạng quản lý kém, hay đối thủ cạnh tranh có thể tung ra một sản phẩm cao cấp hơn nên đã thu hút phần lớn khách hàng của công ty. Đây chỉ là một số khả năng có thể xảy ra, song bạn không thể tìm được loại thông tin này trong những bản báo cáo hàng năm của các công ty. Do chỉ phân tích dựa trên những con số, nền Graham đã không thể biết đích xác vì sao cổ phiếu lại được bán với giá rẻ. Vì vậy, sau khi ông mua cổ phiếu, một vài công ty đã bị phá sản, một số cổ phiếu khó tăng giá so với giá mua, và một số phục hồi được giá trị thực chất ban đầu và thậm chí còn cao hơn. Và Graham ít khi biết trước loại cổ phiếu nào sẽ mất giá. Vậy ông sẽ làm thế nào để có được lợi nhuận? Bởi vì ông biết chắc rằng khi mua gom hàng chục loại cổ phiếu như thế, thì lợi nhuận ở một số cổ phiếu sẽ bù đắp mức thua lỗ của những cổ phiếu khác. Đây là phương pháp quản lý rủi ro theo cách của chuyên viên thống kê bảo hiểm. Tương tự như khi công ty bảo hiểm sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm cho tất cả các khách hàng của một loại rủi ro cụ thể nào đó, Graham cũng sẵn sàng mua tất cả các công ty phát hành cùng loại cổ phiếu. Công ty bảo hiểm không biết ngôi nhà cụ thể nào sẽ cháy, nhưng họ có thể biết chắc chắn sau khoảng bao lâu thì họ sẽ phải bồi thường thiệt hại do hỏa hoạn. Cũng theo cách đó, Graham không biết cổ phiếu nào trong những cổ phiếu của ông sẽ tăng giá, nhưng ông biết rằng trong số cổ phiếu đã mua nhất định sẽ có một tỷ lệ phần trăm cổ phiếu nào đó tăng giá. Công ty bảo hiểm chỉ có thể thu lợi nhuận bằng cách bán hợp đồng bảo hiểm với mức giá phải chăng. Tương tự, Graham cũng phải mua với giá hợp lý, vì nếu chi phí quá nhiều, ông sẽ để mất tiền chứ không phải làm ra tiền. Phương pháp đầu tư dựa theo cách tính của nhân viên thống kê bảo hiểm tất nhiên đã làm mất đi chất lãng mạn của hoạt động đầu tư, bởi vì họ sẽ chỉ mua những cổ phiếu đang tăng giá, còn tăng vì lý do gì thì chưa biết. Tuy nhiên, phương pháp này có lẽ vẫn được các nhà đầu tư thành công sử dụng nhiều hơn những phương pháp khác. Thành công của cách làm này phụ thuộc vào việc xác định một vài loại trong khuôn khổ các vụ đầu tư, mà khi kết hợp cùng nhau, chúng sẽ mang lại mức lợi nhuận bình quân khả quan. Buffett đã tìm hiểu lĩnh vực đầu tư theo cách này, và ông vẫn dựa theo phương pháp đó khi tham gia vào các vụ giao dịch chứng khoán. Đây cũng là phương pháp góp phần không nhỏ trong thành công của Soros, đồng thời là nền tảng cho đa số hệ thống giao dịch các sản phẩm tài chính. Mức lợi nhuận bình quân của nhà đầu tư sẽ tương đương với các bảng thống kê của công ty bảo hiểm. Hàng trăm hệ thống giao dịch và đầu tư thành công đều được xây dựng dựa trên việc xác định một loại vụ việc, mà khi được mua tích lũy dần theo thời gian, sẽ mang về mức lợi nhuận bình quân khả quan. Chương 5 KHÔNG TIN VÀO THỊ TRƯỜNG “Thành công là kết quả năng lực tư duy của con người.” – Ayn Rand “Hầu hết mọi người thà chết chứ không chịu tư duy. Và nhiều người đã thật sự làm như thế.” – Bertrand Russell THÓI QUEN THÀNH CÔNG THỨ BA: Triết lý đầu tư của riêng bạn NHÀ ĐẦU TƯ BẬC THẦY NHÀ ĐẦU TƯ THUA LỖ Luôn phát triển triết lý đầu tư của riêng mình. Triết lý ấy phản ánh tính cách, năng lực, kiến thức, sở thích và mục tiêu của mỗi người. Do đó, không tồn tại hai nhà đầu tư thành công có chung một triết lý đầu tư. Không có triết lý đầu tư, hoặc chỉ biết vận dụng triết lý đầu tư của người khác một cách rập khuôn. T riết lý là sự giải thích về cách thức hoạt động của thế giới quanh ta và là cách để chúng ta hiểu được thế giới. Nhờ đó mà ta biết điều gì sai và điều gì đúng, điều gì có tác dụng và điều gì không có tác dụng. Sự hiểu biết là kim chỉ nam để chúng ta lựa chọn, quyết định và hành động. Mỗi người đều có triết lý sống của mình. Đa số mặc nhiên chấp nhận triết lý của người khác. Một số chọn lọc một cách có ý thức để tiếp nhận hay điều chỉnh triết lý của người khác. Có rất ít người đề ra một triết lý cho riêng mình. Trong lĩnh vực đầu tư cũng thế. Một triết lý đầu tư là tập hợp các niềm tin về: • Bản chất của thực tế đầu tư: thị trường hoạt động như thế nào, tại sao giá cả dao động, đâu là nguyên nhân của lợi nhuận và thua lỗ… • Lý thuyết về giá trị, bao gồm cả cách xác định giá trị. • Tính chất của một vụ đầu tư tốt. Nhà đầu tư nào cũng đều có một triết lý như thế. Mỗi quyết định mà họ đưa ra – mua, bán, giữ lại cổ phiếu, hay không làm gì cả – đều xuất phát từ triết lý đầu tư của riêng mỗi người. Như nhà tâm lý nổi tiếng chuyên về lĩnh vực đầu tư Van Tharp nói, bạn không kinh doanh thị trường, mà bạn kinh doanh niềm tin của bạn về thị trường. Đa số các nhà đầu tư đều trung thành với một tập hợp các niềm tin – thường là tự mâu thuẫn với nhau – mà họ đã tiếp thu từ môi trường xung quanh. Vì không có một niềm tin nhất quán nên họ có khuynh hướng thay đổi việc đầu tư của mình theo xu hướng đang chiếm ưu thế trên thị trường. Ví dụ vào thập niên 1990, ai nấy đều tin rằng cổ phiếu sẽ luôn tăng giá. Chỉ cần chờ cổ phiếu giảm giá để mua vào thật nhiều, và bạn sẽ trở nên giàu có. Trong thời kỳ bùng nổ các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, đa số những nhà đầu tư, nhà phân tích, cố vấn và nhà quản lý quỹ bắt đầu tin rằng luật trong lực kinh tế (“Giá trị tăng lên đến đỉnh điểm rồi sẽ phải hạ xuống”) đã bị bãi bỏ, rằng các giá trị và ngay cả lợi nhuận cũng không còn là có ý nghĩa quan trọng nữa. Warren Buffett và George Soros lại không nghĩ vậy. Cả hai đều dành thời gian và tư duy để phát triển cho riêng mình triết lý đầu tư rõ ràng và nhất quán, không để bị ảnh hưởng bởi những trào lưu đang thịnh hành. Triết lý của nhà đầu tư bậc thầy chính là tấm khiên tinh thần giúp họ chống lại sự chao đảo liên miên của thị trường. Yếu tố cần thiết để thành công “Yếu tố cần thiết để có được thành công một cách đều đặn trong các giao dịch chứng khoán là phải có một triết lý chủ đạo. Dù nhà đầu tư có cố tình sử dụng triết lý đầu tư của người khác, như ban đầu Buffett đã dùng triết lý của Graham, hay tự phát triển triết lý của riêng mình, như cả Buffett và Soros đều đang Nếu không, bạn sẽ không thể tồn tại trong những thời điểm khó khăn. Bạn phải hiểu rõ, có niềm tin mãnh liệt, và hoàn toàn tận tâm với triết lý kinh doanh của mình. Để đạt được trạng thái tinh thần ấy, bạn phải tự mình nghiên cứu và thậm chí cả trải nghiệm. Triết lý kinh doanh là một cái gì đó không thể chuyển dịch từ người này sang người khác, mà bạn phải tự tích lũy qua thời gian với sự nỗ lực hết mình” - Richard Driehaus lượng doanh nghiệp. làm, thì anh ta cũng đã suy nghĩ một cách có ý thức về niềm tin mà mình chọn lựa, cũng như ý thức về nguyên nhân đằng sau mối quyết định đầu tư. Năng lực, sở thích, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của Buffett và Soros rất khác nhau, vì thế, triết lý đầu tư của họ cũng không giống nhau. Ví dụ, Buffett bị đồng tiền, công việc kinh doanh và những con số mê hoặc từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy, trọng tâm triết lý đầu tư của ông là lý thuyết về giá trị, điều mà ông đã áp dụng để đánh giá chất Còn mối quan tâm chính của Soros đã và sẽ luôn là triết lý. Ông bắt đầu sự nghiệp đầu tư của mình ở Luân Đôn bằng cách buôn bán chứng khoán vàng trên nhiều thị trường quốc tế khác nhau. Sau đó, ông thành danh ở New York với vai trò một chuyên gia chứng khoán châu Âu (mà ông mô tả là “ở xứ mù thằng chột làm vua”). Triết lý đầu tư đặc biệt của ông phản ánh tất cả những điều này. Không tin vào thị trường Buffett và Soros thường có chung quan điểm về đầu tư, nhưng khi giải quyết vấn đề, hai người lại đưa ra những giải pháp hoàn toàn khác nhau (nếu không nói là trái ngược nhau). Sự khác biệt đó bắt nguồn từ những khác biệt trong triết lý, tính cách, mối quan tâm, động cơ, mục tiêu, tài năng và kỹ năng của mỗi người. Tuy nhiên, việc nhìn nhận thực tế đầu tư của hai ông gần như trùng khớp nhau. Buffett vẫn hay nói rằng “Ngài Thị trường” mắc chứng rối loạn thần kinh: hôm nay có thể sôi động đến điên cuồng, nhưng lại lặng lẽ đến khó hiểu vào ngày hôm sau. Còn giả thuyết ban đầu của Soros về bản chất của đầu tư là: “Thị trường luôn luôn sai”. Buffett không cố gắng đào sâu để tìm hiểu nguyên do tại sao thị trường lại sai, mà ông chỉ quan sát thị trường như bản chất vốn có, tận dụng các điểm yếu và biến nó thành lợi thế cho mình. Trong khi đó, Soros lại phát triển một lý thuyết chi tiết để giải thích tại sao thị trường luôn luôn sai. Đây cũng là tiêu điểm trong cách ông thu lợi nhuận từ thị trường. Cả hai đều phản đối kịch liệt các triết lý đầu tư khác như Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (lý thuyết này có thể diễn đạt lại bằng tên gọi “Thị trường luôn luôn đúng”) và Lý thuyết Hướng đi Ngẫu nhiên, bởi hai lý thuyết này cho rằng lợi nhuận trên mức trung bình hoặc là không thể có được, hoặc chỉ là kết quả của những bản thống kê không nhất quán. Khi kết hợp các triết lý đầu tư của Buffett và Soros lại với nhau, bạn sẽ có được lời giải thích gần như hoàn chỉnh về cách hoạt động của các thị trường đầu tư. Cuộc gặp gỡ định mệnh Điều gì đã giúp Buffett đưa ra triết lý đầu tư mà ông đang áp dụng: Đó chính là cuốn sách The Intelligent Investor (Nhà đầu tư thông minh) của Benjamin Graham. Buffett nhận xét: “Cuốn sách đã mở ra cho tôi một chân trời mới. Tôi đọc ấn bản đầu tiên của cuốn sách này vào đầu năm 1950, khi mới 19 tuổi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là quyển sách hay nhất mà tôi từng đọc được”. Có thể nói không quá lời rằng Benjamin Graham đã cách mạng hóa lĩnh vực đầu tư khi xuất bản cuốn Security Analysis (Phân tích sự an toàn) vào năm 1934. Ngày nay, được biết đến như “cha đẻ của đầu tư giá trị”, Graham đã đề xuất một phương pháp tìm kiếm sự chắc chắn dựa trên cơ sở những phân tích toán học trong một lĩnh vực mà sau này (cũng như lúc đó) bị chi phối bởi các phương pháp như đầu tư tăng tốc, đọc sơ đồ, tam giác Gann và Nguyên tắc sóng Elliott. Phương pháp của Graham đã trực tiếp khẳng định năng khiếu toán học của Buffett và thay đổi hành vi đầu tư của ông mãi mãi. Tìm hiểu về “Ngài Thị trường” Nền tảng triết lý đầu tư của cả Benjamin Graham và Warren Buffett là quan điểm về bản chất của các thị trường đầu tư, điều mà Graham đã nhân cách hóa thành “Ngài Thị trường”. Trong một bức thư gửi cho các cổ đông của Berkshire Hathaway, Warren Buffett đã mô tả “Ngài Thị trường” của Graham như sau: Cách đây lâu lắm rồi, Ben Graham – người bạn và cũng là người thầy của tôi – đã mô tả thái độ trước những biến động của thị trường, và tôi tin là thái độ đó sẽ giúp ích cho việc đầu tư được thành công. Ông nói: bạn có thể hình dung là các bản công bố giá của thị trường chứng khoán đang đến từ một người đồng hành đáng chú ý có tên là Ngài ị trường – người sẽ là đối tác của bạn trong công việc kinh doanh. Ngài ị trường nhất định sẽ xuất hiện hàng ngày và niêm yết giá ở mức ông ta có thể mua lãi suất của bạn, hoặc sẽ bán cho bạn lãi suất của mình. Dù doanh nghiệp mà hai người sở hữu có thể mang những đặc điểm kinh tế ổn định, nhưng bản niêm yết giá của Ngài ị trường mới là tất cả. Tiếc thay, con người đáng thương này lại gặp những vấn đề nan giải liên quan đến cảm xúc. Đôi khi, ông ta rất hưng phấn và chỉ nhìn thấy những yếu tố thuận lợi ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Lúc đó, ông ta sẽ niêm yết một mức giá mua-bán rất cao, có lẽ vì sợ rằng bạn sẽ vơ vét hết lợi nhuận và chiếm lấy những khoản thu tiếp theo của ông ta. Nhưng, cũng rất nhanh, ông ta lại bị rơi vào trạng thái trầm uất và chẳng muốn nhìn thấy gì khác ngoài những rắc rối của doanh nghiệp và của cả thế giới. Trong những lúc như thế, ông ta sẽ niêm yết một mức giá thấp đến khó tin như sợ rằng bạn sẽ không chuyển lợi tức của mình sang cho ông ta vậy. Tuy nhiên, Ngài ị trường lại có một đặc điểm đáng mến khác, đó là: ông không cảm thấy phiền khi bị bạn tỏ ra phớt lờ. Nếu hôm nay bản niêm yết giá của ông không hấp dẫn bạn, thì hôm sau ông sẽ trở lại với một bản niêm yết mới. Các vụ giao dịch hoàn toàn tùy thuộc ở bạn. Ông ta càng tức tối chừng nào, bạn sẽ càng có lợi chừng ấy. Nhưng, cũng như cô bé Lọ Lem tại buổi tiệc khiêu vũ, bạn phải lưu ý đến một cảnh báo, nếu không, cỗ xe tứ mã xinh đẹp kia sẽ biến thành quả bí ngô và mấy con chuột nhắt. Bạn đừng quên rằng Ngài ị trường chỉ phục vụ bạn, chứ không hướng dẫn bạn. Bạn sẽ thấy cuốn sổ tay bỏ túi của ông ta mới là thứ hữu ích, chứ còn sự thông thái của ông ta không hề giúp gì cho bạn. Nếu một ngày nào đó, khi ông ta xuất hiện trong một trạng thái đặc biệt ngớ ngẩn, thì bạn được toàn quyền quyết định hoặc là phớt lờ, hoặc lợi dụng sơ hở của ông ta. ế nhưng sẽ là tai họa, nếu bạn rơi vào tầm ảnh hưởng của ông ta. Trên thực tế, nếu bạn không chắc chắn rằng mình là người hiểu biết và có thể định giá vụ đầu tư của bạn tốt hơn Ngài ị trường, thì bạn không nên tham gia vào cuộc chơi này, Như người ta vẫn hay nói trong các ván bài: “Nếu đã ngồi chơi bài được 30 phút rồi mà bạn vẫn không biết kẻ khờ là ai, thì chính bạn là kẻ khờ đó”. Bên dưới quan điểm về thị trường của Graham-Buffett là một loạt niềm tin về bản chất của các thị trường đầu tư và thái độ đối với các thị trường đó, điều mà các nhà đầu tư nên lưu ý nếu muốn thành công trong lĩnh vực này. Trước hết là niềm tin rằng thị trường luôn luôn (hay thường) sai. Thứ hai, đằng sau quan điểm về thị trường là chiến lược về lợi nhuận đầu tư của Graham và Buffett. Nếu Ngài Thị trường đang lên cơn rối loạn tâm thần, thì sau đó chắc chắn sẽ có những thời điểm ông ta chào giá cổ phiếu rẻ một cách điên rồ và lại có những thời điểm ông ta sẵn sàng mua chính cổ phiếu ấy với mức giá cao một cách lạ kỳ. Nhưng, cái chính là bạn không thể đoán ra lúc nào Ngài Thị trường sẽ thay đổi tâm trạng, cũng như không biết trước lúc nào ông ta sẽ trầm uất hay hưng phấn. Nói cách khác, bạn không thể dự đoán xu hướng phát triển của giá cả trên thị trường chứng khoán. Vì lẽ đó, việc dự đoán không có vai trò gì trong chiến lược đầu tư mang phong cách Graham-Buffett. Thứ ba, như Buffett đã nói: “Ngài Thị trường phục vụ bạn, chứ không hướng dẫn bạn… sẽ là tai họa, nếu bạn rơi vào tầm ảnh hưởng của ông ta”. Vì thế, bạn không nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ Ngài Thị trường hay từ những người bị ông ta bỏ bùa mê, và nếu nhất thiết phải tránh để khỏi bị cuốn theo tâm trạng của ông ta, thì đâu là cơ sở để bạn đưa ra những quyết định đầu tư của mình? Câu trả lời của Graham và Buffett là sử dụng tiêu chuẩn giá trị riêng, độc lập để xác định xem khi nào một cổ phiếu được xem là đắt hay rẻ. Một khi đã xác định giá trị dựa trên cách đánh giá riêng của mình, thì thái độ của nhà đầu tư trước lối cư xử có vấn đề về thần kinh của Ngài Thị trường chỉ là một thái độ dửng dưng. Các nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ phớt lờ ông ta. Họ chỉ ghi chép giá mà Ngài Thị trường chào mời. Nếu giá ấy phù hợp với những đánh giá riêng biệt và độc lập của họ về giá trị, họ sẽ mua. Ngược lại, họ sẵn sàng chờ cho đến khi Ngài Thị trường đổi ý, và họ tự tin rằng tính khí thất thường khiến ông ta sớm hay muộn gì cũng sẽ làm như thế. Buffett và Graham chấp nhận những dao động của thị trường như một sự việc bình thường. Họ không có một lý thuyết chi tiết nào về nguyên do tại sao thị trường lại dao động, và phương pháp đầu tư của họ cũng không cần đến lý thuyết ấy. Trọng tâm trong triết lý đầu tư của họ là xác định giá trị và những đặc điểm của một vụ đầu tư hiệu quả. Khi Buffett thay đổi hướng đi Năm 1956, Buffett bắt đầu công việc quản lý tài chính cho khách hàng bằng cách thành lập một loạt công ty hợp doanh mà cuối cùng được hợp nhất thành một tổ chức chung: Buffett Partnership. Ông tiếp tục làm theo phương pháp thuần túy của Benjamin Graham như ông vẫn làm từ năm 1950. Nhưng, Buffett không phải là Graham. Mặc dù rất thành công trong vai trò là một nhà đầu tư, nhưng Graham là một học giả, còn Buffett, dù giảng dạy tại Đại học Omaha và luôn yêu thích công việc dạy học, nhưng về căn bản lại là một doanh nhân. Graham đã viết trong cuốn Security Analysis xuất bản năm 1934 như sau: Ở đây tồn tại một sự thật không thể tin nổi là Wall Street không bao giờ đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp ấy đang rao bán với giá bao nhiêu?”. ế nhưng đây lại là câu hỏi đầu tiên mà bất kỳ một nhà đầu tư nào cũng cần phải xem xét trước khi tiến hành mua cổ phiếu. Tuy nhiên, Graham lại chưa bao giờ quan tâm đến công tác quản lý hay sản phẩm của công ty mà ông sẽ đầu tư. Tất cả những việc mà ông làm chỉ là tập trung vào những con số. Nhưng, chính câu hỏi mà Graham đặt ra vào năm 1934. “Doanh nghiệp ấy đang rao bán với giá bao nhiêu?” – đã trở thành nền tảng cho phong cách đầu tư của Buffett. Lần đầu tiên khi ông làm theo chỉ dẫn của Graham là lúc ông đầu tư 1/5 số tài sản của công ty mình để mua quyền kiểm soát 70% ở Công ty Sản xuất Máy xay Dempster, doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị nông nghiệp và cối xay gió. Nhưng, công việc kinh doanh của công ty này cứ mãi giậm chân tại chỗ và việc xoay chuyển tình thế khó khăn lúc ấy không phải là mối quan tâm của Buffett. Chẳng bao lâu sau, ông quyết định bán công ty đó. Buffett không hề nghi ngờ rằng chính giả thuyết của Graham đã dẫn ông tới quyết định mua công ty ấy. Quả thật lúc đó, ảnh hưởng của Graham đã lan rộng khắp các công ty hợp doanh. Ngoài khoản đầu tư vào Dempster, tiền của Buffett nằm rải rác trong 40 loại cổ phiếu khác nhau, như những công ty giá rẻ, các vụ giao dịch chứng khoán, thỏa thuận giải quyết như các vụ thanh lý… Tất cả đều được thực hiện theo lời khuyên từ cuốn sách của Graham-Newman. Năm 1963, Buffett bắt đầu tích lũy loại cổ phiếu đầu tiên đã mua, mà nếu là Graham thì chắc chắn ông sẽ không làm như vậy, đó là cổ phiếu của American Express. Một lần nữa, Buffett lại đầu tư lớn, đặt cược cả 25% tài sản của công ty hợp doanh vào đó. Sau này và cho đến tận bây giờ, Buffett vẫn trung thành với nguyên tắc nền tảng của Graham rằng: bạn chỉ mua khi nhận thấy đó là mức giá sẽ đem lại cho bạn sự an toàn đáng kể. Với American Express, Buffett đã thấy được cả giá trị lần sự an toàn. Song những gì ông thấy đã làm thay đổi cách tính toán giá trị của ông. Một công ty con của American Express đã ký hợp đồng cho khách hàng thuê nhà kho để chứa dầu thực vật. Công ty này cấp biên nhận cho các khách hàng theo đúng thủ tục cần thiết. Không may là một trong số khách hàng đó – Công ty Tinh chế và Cung cấp Dầu Thực vật Thô Allied – lại được điều hành bởi một kẻ lừa đảo. Xếp hạng tín dụng của công ty này bằng 0, bởi vì Allied không có sự bảo lãnh nào, cũng không có tài sản thế chấp để vay tiền. Nhưng, họ dự tính trước rằng khi gửi mấy thùng dầu thực vật, họ sẽ có biên nhận của American Express, và quan trọng hơn là biên nhận đó có thể dùng để giao dịch tại ngân hàng. Khi Allied phá sản, các chủ nợ của họ đến gõ cửa American Express để đòi nợ, và người ta sẵn sàng nhận về dù là dầu hay tiền. Chỉ sau khi vụ lừa đảo này bị phanh phui, mọi người mới biết rằng, những “thùng dầu” mà Allied gửi tại kho của American Express chỉ chứa toàn nước biển được đổ thêm chút ít dầu thực vật trên mặt. Vụ đó khiến American Express phải chịu lỗ 60 triệu đô-la, “số tiền đó còn lớn hơn số tiền mà chúng tôi hiện có” – theo lời của Giám đốc điều hành Howard Clark. Từ mức 60 đô-la một cổ phiếu vào tháng 11 năm 1963 trước khi “vụ bê bối dầu ăn” nổ ra, cổ phiếu của American Express đã sụt xuống chỉ còn 35 đô-la vào đầu năm 1964. American Express có thể tiếp tục tồn tại được không? Trong khi Wall Street khuyên các nhà đầu tư nên bán ra số cổ phiếu mà họ đang giữ, thì trên thực tế, câu trả lời lại là “không nên”. Buffett cho rằng tai nạn hy hữu này sẽ không ảnh hưởng tới mảng kinh doanh chính của American Express là thẻ American Express và ngân phiếu du lịch. Nhưng, làm thế nào mà ông có thể định giá đúng thực trạng của công ty? Theo Graham, không nên đầu tư vào công ty này – thậm chí với giá 35 đô-la một cổ phiếu, Ông cho rằng công ty này vẫn còn được định giá lớn hơn giá trị của những tài sản hữu hình – chính là giá trị ghi trên sổ sách. Tuy nhiên, những gì American Express đang thực sự sở hữu đều là vô hình, bởi đó là cơ sở dữ liệu về khách hàng, uy tín của loại thẻ tín dụng hàng đầu thế giới (trước khi VISA và MasterCard xuất hiện), và hàng trăm triệu đô-la “tiền nổi” trong các ngân phiếu du lịch đã được phát hành nhưng chưa chi trả cho khách hàng. Buffett nhận thấy đây là một doanh nghiệp đang trên đà phát triển với đặc quyền kinh doanh tạo ra những khoản lãi đều đặn rất có giá trị, và những khoản lãi này có thể có được bằng một giá rất hời. Câu hỏi của Buffett lúc này đã trở thành: “Hiện giờ, đặc quyền kinh doanh của American Express có bị ảnh hưởng không?”. Và chắc chắn bạn không thể tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi này trong những bản báo cáo hàng năm của công ty. Ông liền đóng vai thám tử và bỏ cả buổi tối để quan sát chiếc máy tính tiền trong một tiệm ăn ưa thích của mình ở Omaha, và ông thú vị khi khám phá ra rằng mọi người vẫn thanh toán tiền bằng thẻ American Express. Điều đó nghĩa là công ty này vẫn hoạt động bình thường. Từ thống kê của các ngân hàng, đại lý du lịch, siêu thị và nhà thuốc, ông nhận thấy doanh số phát hành ngân phiếu du lịch American Express và thư chuyển tiền không hề giảm. Ông còn gọi điện cho các đối thủ cạnh tranh của công ty và họ cũng khẳng định rằng thẻ American Express vẫn mạnh như trước. Ông kết luận rằng American Express chắc chắn sẽ đứng vững sau cơn sóng gió. Và một khi đã đưa ra kết luận như vậy, ông đã có thể dang rộng cả hai tay mà đón lấy tất cả cổ phiếu của American Express. Trở thành nhà đầu tư “bốn chiều” Trong khi Benjamin Graham đang phát triển “sự đầu tư giá trị” ở New York, thì tại San Francisco, một nhà đầu tư khác đang được nhiều người biết đến, Philip Fisher, tác giả cuốn Common Stocks and Uncommon Profits (Cổ phiếu thường, Lợi nhuận phi thường), đang sáng tạo ra những gì mà sau này được gọi là “sự đầu tư tăng trưởng”. Chính ảnh hưởng của Fisher đã dẫn dắt Buffett đến quyết định mua cổ phiếu American Express. Trên thực tế, phương pháp đầu tư của Buffett ngày nay dường như có nhiều điểm chung so với phương pháp của Fisher hơn là của Graham. Trong khi phương pháp định giá của Graham là định lượng, thì phương pháp của Fisher lại là định tính. Graham chỉ dựa trên những thông số từ các báo cáo tài chính của công ty, còn Fisher thì làm ngược lại, cho rằng “việc đọc các hồ sơ tài chính về một công ty không bao giờ là đủ để thẩm định chính xác một vụ đầu tư”. Theo Fisher thì: Những gì thật sự đáng quan tâm trong việc xác định giá trị một cổ phiếu sẽ không phải là tỷ lệ của cổ phiếu so với tiền lãi của năm đó, mà là tỷ lệ của nó so với tiền lãi trong vài năm tới… Đây là chìa khóa để tránh thua lỗ và thu được những khoản lợi nhuận kếch xù. Cũng giống như Graham, Fisher luôn tìm kiếm các loại cổ phiếu giá rẻ. Ông cũng “rất ghét bị thua lỗ”. Nhưng, việc xác định lợi nhuận của một công ty trong vài năm tới” rõ ràng là một vấn đề khác hẳn so với việc tính toán giá trị trên sổ sách hay giá trị thanh lý từ một bản báo cáo hàng năm. Như vậy, tiêu chuẩn đầu tư của Fisher rất khác so với của Graham. Fisher có thể ước tính một cách tự tin lợi nhuận tương lai của một công ty chỉ bằng sự am hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty đó. Do đó, quy tắc đầu tiên của ông là lúc nào cũng hành động trong “phạm vi năng lực” của mình. Cũng như Buffett đang làm hiện nay, ông chỉ đầu tư vào những ngành công nghiệp mà ông thật sự am hiểu. Trong “phạm vi năng lực” đó, Fisher tìm kiếm các công ty có khả năng đáp ứng tất cả những tiêu chuẩn “bốn chiều” của ông: 1. Các công ty đó phải nắm giữ lợi thế cạnh tranh, nghĩa là sản xuất với chi phí thấp nhất trong ngành công nghiệp, hoặc trội hơn đối thủ về các kỹ năng sản xuất, tài chính, nghiên cứu và tiếp thị… 2. Các công ty đó phải có bộ máy quản lý biết làm việc hiệu quả, mà theo ông thì đây mới chính là nguyên nhân dẫn đến các kết quả kinh doanh ấn tượng. 3. Những đặc điểm kinh tế của doanh nghiệp gần như phải đảm bảo lợi nhuận trên mức trung bình hiện tại của ngành công nghiệp, tỷ lệ sinh lãi trên tài sản, lợi nhuận, và tốc độ tăng trưởng của công ty sẽ ổn định trong khoảng thời gian dài. 4. Giá cổ phiếu phải thật sự hấp dẫn. Fisher đã tìm kiếm các công ty đó như thế nào? Tất cả chỉ bằng cách nói chuyện với mọi người. Tất nhiên, nhà đầu tư có thể rút ra nhiều điều từ các báo cáo hàng năm và những thông tin được công khai trên các phương tiện truyền thông. Nhưng, bên cạnh đó, Fisher còn rất quan tâm đến các thông tin trực tiếp. Ông luôn tranh thủ mọi cơ hội để tiếp cận với công ty và làm quen với các nhân viên ở đó. Nhưng, cho dù nhân viên công ty có thật sự cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ ông, thì quan điểm của họ về tương lai của công ty cũng không thể được xem là hoàn chỉnh. Một trong những luồng thông tin mà ông ưa thích là thứ vẫn được ông gọi bằng cái tên “tin đồn”. Đó là tất cả những gì công chúng nói về công ty và sản phẩm của công ty. Ông gặp gỡ những người giao dịch với công ty như khách hàng, người tiêu dùng và nhà cung ứng, với nhân viên cũ, và đặc biệt là với đối thủ cạnh tranh. Một nhân viên có lẽ sẽ rất miễn cưỡng khi phải kể cho bạn nghe quá chi tiết về công ty của anh ta, nhưng anh ta sẽ rất vui lòng kể cho bạn nghe mọi thứ anh ta biết về đối thủ cạnh tranh của mình. Lần đầu tiên Fisher vận dụng cách phân tích này là khi ông đang làm việc tại phòng đầu tư của một ngân hàng ở San Francisco vào năm 1928. Tôi hỏi ý kiến của các khách hàng về ba đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành công nghiệp này và tôi đã nhận được những ý kiến giống nhau đến ngạc nhiên… eo quan điểm của tôi, công ty Philco không may mắn vì đây là một công ty tư nhân nên họ không có cơ hội niêm yết giá trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, công ty này vẫn phát triển các mô hình kinh doanh có sức thu hút đặc biệt đối với thị trường. Kết quả là họ đã chiếm được thị phần khá lớn. Trong khi đó, Tập đoàn bán dẫn Mỹ (RCA) chỉ biết khư khư giữ thị phần của riêng mình, còn một công ty khác với cổ phiếu rất được ưa chuộng trên thị trường chứng khoán vào thời điểm đó lại đang trượt dài và có những dấu hiệu cho thấy họ phải đối mặt với những khó khăn… Trong các tài liệu do Wall Street phát hành liên quan đến các công ty bán dẫn đang “có giả” này, tôi tuyệt nhiên không tìm thấy một thông tin nào đề cập đến những rắc rối rõ ràng là đang lớn lên từng ngày và có thể đe dọa những người tích trữ cổ phiếu của các công ty đó. Đó là bài học đầu tiên, và sau này đã trở thành một phần cơ bản trong triết lý đầu tư của tôi: Một trong những bước đi chính trước khi thực hiện một vụ đầu tư là phải tìm hiểu hoạt động của công ty từ những người có liên hệ trực tiếp với công ty đó. Sau khi đã tìm ra được một công ty đáp ứng tất cả mọi tiêu chuẩn đầu tư của mình, Fisher mới quyết định đầu tư. Phương châm của Fisher là chỉ tập trung vào một vài công ty lớn. Hiếm khi ông sở hữu trên mười loại cổ phiếu, thường là ba hay bốn công ty “chia nhau” khoảng 3/4 vốn của ông. Một khi đã mua công ty nào đó, ông sẽ duy trì nó trong nhiều năm liền, thậm chí đôi khi là vài chục năm. Ông mô tả thời gian trung bình để nắm giữ cổ phiếu của một công ty là “20 năm, và có lần tôi đã nắm giữ một loại cổ phiếu công ty suốt 53 năm”. Vậy theo Fisher thì thời điểm nào được xem là tốt nhất để bán cổ phiếu? “Nếu đã mua một cổ phiếu thông thường và thực tế diễn ra đúng như bạn dự đoán, thì thời điểm để bán cổ phiếu đó là hầu như không bao giờ.” Ông nói chỉ có ba thời điểm để bán cổ phiếu. Thứ nhất là khi bạn nhận ra mình đã mắc sai lầm và xét cho cùng thì công ty đã không đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư cần thiết. Thời điểm thứ hai là khi công ty ngừng đáp ứng các tiêu chuẩn, ví dụ khi công việc quản lý kém đi, hay công ty đã phát triển quá lớn, trở nên cồng kềnh, chậm chạp và không thể phát triển nhanh hơn đa số các công ty khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Và thời điểm thứ ba là khi bạn tình cờ bắt gặp một cơ hội hấp dẫn, mà cách duy nhất để có thể mua cổ phiếu đó là bạn phải bán một thứ gì đi trước đã. Ông tin (về mặt này thì có phần hơi giống George Soros) rằng giá cả thị trường được quyết định bằng nhận thức (và cả nhận thức sai lầm nữa), chứ không phải chỉ dựa trên các dữ kiện khách quan. Tóm lại, ông tin rằng Wall Street thường chỉ biết chú trọng đến chuyện trước mắt mà bỏ qua những lợi ích lâu dài. Và điều đó thường thể hiện rất rõ trong những vụ đầu tư lớn. Ví dụ, khi một công ty mắc sai lầm, Wall Street trừng phạt rất mạnh tay. Khi sai sót xảy ra và lợi nhuận trong năm đó giảm mạnh dưới mức ước tính trước đây cùng với những khoản thất thoát cộng thêm vào, thì lại một lần nữa, ý kiến chung của giới đầu tư lúc đó là “hạ bạc” chất lượng quản lý. Kết quả là, lợi nhuận thấp của năm đó tạo ra tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn mức giá cả trước đây – điều này sẽ làm trầm trọng thêm mức lợi nhuận đó. Các cổ phiếu thường giảm giá đến một mức có lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu đây là cách quản lý chung mà trong những năm trước đã từng rất thành công, thì có khả năng trong tương lai, việc tỷ lệ thành công trung bình ngang bằng với tỷ lệ thất bại trung bình vẫn sẽ tiếp diễn. Vì lý do này, cổ phiếu của các công ty có ban điều hành làm việc không hiệu quả và thiếu ổn định sẽ có thể là những món hời lớn vào thời điểm một sai sót tệ hại nào đó của công ty bị đưa ra ánh sáng. Chúng ta có thể dùng những lời lẽ này của Fisher để mô tả tình trạng của American Express vào thời điểm mà Buffett mua cổ phiếu của họ. Charlie Munger – người bạn tâm giao của Buffett Vừa đầu tư vào American Express, Buffett vừa tiếp tục mua những công ty có giá bán mà theo ông là quá rẻ. Ông thích gọi các công ty đó là “mẩu xì gà còn lại” và vì chúng như một “hơi thuốc ngắn”, nhưng được bán với giá cả hợp lý, như Berkshire Hathaway chẳng hạn. Mặc dù thành công trong vụ đầu tư vào American Express bằng phương pháp mà có lẽ Graham sẽ không bao giờ làm, song với hầu hết các vụ đầu tư khác, ông vẫn tiếp tục phát huy phong cách cổ điển của Graham. Điều đó chỉ bắt đầu thay đổi khi tình bạn giữa ông và người bạn ông đã gặp năm 1959, Charlie Munger, trở nên sâu sắc. Munger là một luật sư và ông quản lý một công ty hợp doanh đầu tư từ năm 1962 đến 1975. Công ty này đạt tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 19,8%, trong khi chỉ số Dow Jones trong cùng thời kỳ chỉ đạt 5%. Sau đó, ông và Buffett cùng nhập chung các khoản lợi tức của mình vào công ty Berkshire Hathaway và Munger trở thành phó chủ tịch. Chính Charlie Munger là người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc dẫn dắt Buffett đến với tư tưởng của Fisher, Charlie là hiện thân của những lý thuyết định tính của Fisher vì ông luôn ý thức một cách sâu sắc về giá trị của một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các công ty như See’s Candies Shops và Buffalo News đã chứng minh rất rõ việc có thể mua những doanh nghiệp đang làm ăn thịnh vượng với mức giá chấp nhận được và chính Charlie đã dạy Buffett sự sáng suốt trong việc đầu tư để mua một doanh nghiệp tốt. Năm 1971 See’s Candies được chào bán cho Blue Chip Stamps (một công ty do Buffett và Munger kiểm soát) với giá 30 triệu đô-la. Cảm thấy không ấn tượng lắm giá trị sổ sách của See’s, (dù họ có tới 10 triệu đô-la tiền mặt) nên bên mua chỉ chấp nhận với mức giá 25 triệu đô-la. Thật may là chỉ ngay hôm sau, See’s đã điện đến và chấp nhận mức giá ấy. Hiện tại, Berkshire đã nắm giữ 100% vốn và kể từ năm 1984, khoản lợi nhuận trước thuế mà See’s thu về là hơn 25 triệu đô-la mỗi năm. See’s là công ty đầu tiên trong số nhiều công ty không kinh doanh bảo hiểm mà Berkshire nắm quyền sở hữu toàn bộ cổ phần. Vụ mua bán này (cũng giống như đối với American Express) là một trong những trường hợp điển hình cho sự chuyển hướng đầy ấn tượng của Buffett trong việc tách rời khỏi phong cách đầu tư của Graham. Như See’s (và cả American Express), giá trị sổ sách của họ thường thấp hơn nhiều so với cái giá mà Buffett đã trả trên thực tế. Buffett đã nắm quyền quản lý thông qua việc mua 80-100% cổ phần công ty và tỷ lệ này tùy thuộc vào việc các chủ sở hữu có muốn giữ lại cổ phần của họ hay không. Phương pháp định giá mà Buffett áp dụng chủ yếu là dựa trên lý thuyết của Fisher, cộng thêm sự chi phối của Graham, nhưng phong cách thuần túy của Buffett chính là việc kiểm soát toàn bộ quá trình đầu tư. Buffett tự mô tả con người ông ngày nay có “85% Graham, 15% Fisher”. Dù tỷ lệ kết hợp thật sự là như thế nào (đôi lúc tôi nghi ngờ rằng ảnh hưởng của Fisher còn lớn hơn con số 15% kia rất nhiều) thì Buffett cũng đã kết hợp cả hai lại, rồi cùng với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc của bản thân để hình thành nên phong cách đầu tư của riêng mình với 100% Buffett. Đọc ý nghĩ của “Ngài Thị trường” Không giống như Buffett, George Soros chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà đầu tư hay một doanh nhân. Thật ra, khi còn trẻ, ông đã từng ước mơ sẽ là một nhà cải cách kinh tế như John Maynard Keynes, hay là một nhà khoa học như Einstein. Vì thế năm 1949, sau khi rời khỏi Hungary, ông lập tức ghi danh theo học khoa kinh tế và chính trị quốc tế của Trường Kinh tế Luân Đôn. Trường này cũng không khác mấy so với hầu hết các trường đại học khác cùng thời, ngoại trừ việc Harold Laski – một trong những nhà nghiên cứu học thuyết kinh tế của John Maynard Keynes – đang dạy ở đó và là nơi sản sinh ra hai nhà tư tưởng và kinh tế học về thị trường tự do là Friedrich von Hayek và triết gia Karl Popper, Tuy nhiên, về sau Popper là người có ảnh hưởng sâu sắc lên tư duy và nhận thức của Soros nhất. Chính cái “khung trí tuệ” của Popper đã giúp Soros phát triển triết lý đầu tư và phương pháp đầu tư của riêng mình. Nhưng, đó là những tháng ngày sau này. Khi còn là sinh viên, mục tiêu của ông vẫn là trở thành một triết gia hay một viện sĩ. Ông bắt đầu viết cuốn The Burden of Consciousness (Gánh nặng ý thức). Khi nhận ra rằng mình chỉ đang lặp lại triết lý của Popper, ông lập tức vứt bỏ bản thảo và chuyển sang lĩnh vực tài chính. Kể từ đó, ông xem thị trường này như một phòng thí nghiệm, nơi ông có thể kiểm chứng các ý tưởng triết học của mình. “Quan điểm của chúng ta về thế giới là chưa hoàn thiện, hoặc đã bị bóp méo” Trong khi vật lộn với các vấn đề triết học, Soros đã nhận ra một điều mà bản thân ông xem là một khám phá trí tuệ, đó là: “Tôi nhận ra rằng về căn bản: tất cả những quan điểm của chúng ta về thế giới vì một lý do nào đó chưa được hoàn thiện, hay đã bị bóp méo. Sau đó, tôi tập trung tìm hiểu độ méo mó này để định hình bản chất thật sự của vấn đề.” Khi áp dụng khám phá ấy cho chính mình, Soros đi đến kết luận: “Tôi cũng có thể sai lầm”. Đây không chỉ là một sự quan sát đơn thuần, mà đã trở thành nguyên tắc hành động và niềm tin quan trọng nhất đối với ông. Có rất ít người dám thừa nhận rằng trước đây, mình cũng đã có lần mắc phải sai lầm. Nhưng, có mấy ai đủ dũng khí để nói một cách thẳng thắn rằng lúc này – trong khi đang ra quyết định – họ cũng có thể mắc sai lầm? Quả thật có rất ít người như thế. Soros đã nhắc đến Jimmy Rogers, một cộng sự trước đây của ông, một nhà quản lý quỹ và là tác giả cuốn The Investment Biker (Người mới bước vào lĩnh vực đầu tư) như sau: “Khác biệt lớn giữa Jim Rogers và tôi là Jim nghĩ rằng quan điểm của công chúng bao giờ cũng sai, trong khi tôi lại nghĩ quan điểm của chúng ta cũng có thể sai.” Khi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, Soros vẫn luôn ý thức rằng mình có thể sai lầm, vì thế mà ông luôn khắt khe với quá trình tư duy của mình. Điều này đã mang đến cho ông sự nhanh nhẹn và linh hoạt về trí tuệ khó ai sánh kịp. Niềm tin và hệ quả của nó Nếu quan điểm của mọi người về thế giới “vì một lý do nào đó chưa hoàn thiện, hoặc đã bị bóp méo” như Soros nói, thì chắc chắn sự hiểu biết của chúng ta về thế giới cũng chưa được hoàn chỉnh và thường là sai. Thử lấy một ví dụ. Khi đoàn tàu của Christopher Columbus tuyên bố sẽ băng qua Đại Tây Dương để đến Ấn Độ, lúc đó tất cả mọi người đều “biết” rằng trái đất bằng phẳng và cho rằng Columbus sẽ rơi xuống mép vực của thế giới. Niềm tin này của họ đã khiến ông phải hết sức khó khăn để tìm người ủng hộ, và càng khó khăn hơn để tập hợp thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, các thủy thủ châu Âu không tin như vậy, và họ đã tiến sát quần đảo Polynesia, vượt qua Thái Bình Dương để đến các hòn đảo nhỏ xa xôi và tách biệt khỏi đất liền như Fiji và Hawaii. Họ đã lập một kỳ công mà có lẽ sẽ không bao giờ có ai vượt qua được trong việc chinh phục biển cả. Soros chuyển nhận thức của mình về sự hiểu biết thực tế chưa hoàn hảo của con người thành công cụ đầu tư hữu ích. Nhờ nhận ra những điều mà người khác không thấy, do họ bị những niềm tin của mình làm cho mù quáng, ông đã tìm ra nguyên lý cơ bản của mình. Khi thành lập Quỹ Quantum (ban đầu được đặt tên là Quỹ Double Eagle), ông thử nghiệm lý thuyết của mình thông qua việc đi tìm xu hướng phát triển của thị trường hay những thay đổi đột ngột sắp xảy ra – những điều mà không mấy ai chú ý đến. Và ông đã tìm thấy một xu hướng thay đổi như thế trong ngành ngân hàng. Được quản lý hết sức chặt chẽ từ những năm 1930, ngân hàng được xem như là lĩnh vực đầu tư không mang lại hiệu quả, hay nói đúng hơn đó là những vụ đầu tư tẻ nhạt, dè dặt và nhàm chán. Nói chung là không có chút tương lai nào cho một nhà phân tích hoạt động ngân hàng ở Wall Street. Soros cảm thấy việc này sắp phải thay đổi. Ông đã khám phá ra rằng những nhà quản lý theo phong cách cũ sắp về hưu, và chỗ của họ sẽ được thay thế bằng lớp người trẻ tuổi, năng nổ với tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông cảm thấy cách quản lý mới sẽ tập trung vào lợi nhuận và sắp xếp lại toàn bộ ngành công nghiệp. Năm 1972, Soros công bố một bản báo cáo tựa đề “Trường hợp của những ngân hàng tăng trưởng”, trong đó ông dự báo rằng cổ phiếu ngân hàng sắp tăng giá. Và ông đã đầu tư vào một số ngân hàng mà ông cho rằng được quản lý hiệu quả. Đúng lúc ấy, giá cổ phiếu ngân hàng bắt đầu tăng lên và Soros đã thu được 50% lợi nhuận. Trong khi Buffett tìm kiếm cơ hội để mua 1 đô-la chỉ với giá 40 hay 50 cent, thì Soros lại vui vẻ trả 1 đô-la cho 1 đô-la, hoặc thậm chí cao hơn nữa, khi ông nhận thấy một sự đổi thay đang đến, và sự đổi thay đó có thể sẽ khiến cho đồng 1 đô-la ấy tăng lên và biến thành 2 hoặc 3 đô-la. Niềm tin có thể thay đổi hiện thực Theo Soros, những nhận thức méo mó của chúng ta là một yếu tố quan trọng trong việc định hình các sự kiện. Ông cho rằng “điều mà niềm tin muốn làm chính là thay đổi hiện thực” trong một quá trình mà ông gọi là tính phản chiếu. Điều này cũng được ông nhấn mạnh trong cuốn The Alchemy of Finance của ông. Đối với một số người, ví dụ như nhà giao dịch chứng khoán nổi tiếng Paul Tudor Jones, cuốn sách quả là “có tính cách mạng” khi làm rõ những sự kiện “có vẻ quá phức tạp và mang tính áp đảo”, như ông đã viết trong phần lời nói đầu. Nhờ cuốn sách này mà Soros có dịp làm quen với Stanley Druckenmiller, người đã tìm đến ông ngay sau khi đọc cuốn sách và cuối cùng thay Soros đảm nhiệm chức vụ quản lý Quỹ Quantum. Tuy nhiên, đa số những người khác lại không thể lĩnh hội được nội dung cuốn sách, thậm chí họ cho rằng đây là cuốn sách không thể đọc nổi, và chỉ rất ít người nắm bắt được ý tưởng về tính phản chiếu mà Soros cố gắng chuyển tải. Quả thật, như Soros đã viết trong lời tựa của một lần tái bản: “Cứ suy theo phản ứng của công chúng thì đúng là tôi đã không thành công trong việc thể hiện tầm quan trọng của tính phản chiếu. Chỉ có phần đầu trong luận cứ của tôi rằng những xu hướng đang chiếm ưu thế sẽ ảnh hưởng đến giá cả thị trường – dường như được lưu tâm. Phần 2 – xu hướng phổ biến trong một số tình huống có thể tác động lên cái gọi là nguyên tắc cơ bản và những thay đổi về giá thị trường sẽ gây ra những thay đổi về giá thị trường – thì dường như không được ai chú ý đến.” Những thay đổi về giá thị trường sẽ gây ra những thay đổi về giá thị trường? Nghe thật nực cười! Nhưng, nó lại không hề buồn cười chút nào. Xin nêu một ví dụ, khi giá cổ phiếu tăng lên, các nhà đầu tư cảm thấy mình giàu có hơn và sẽ chi nhiều tiền hơn. Kết quả là lợi nhuận và doanh số công ty sẽ tăng lên. Các nhà phân tích của Wall Street chỉ vào những “nguyên tắc cơ bản đang gia tăng” này và thúc giục các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Điều này lại làm cho giá cổ phiếu tăng cao hơn nữa, khiến các nhà đầu tư trở nên giàu có hơn và họ lại chi nhiều tiền hơn nữa. Đây chính là những gì mà Soros gọi là “quy trình phản chiếu”: sự thay đổi giá cổ phiếu sẽ gây ra sự thay đổi trong nguyên tắc cơ bản của công ty. Sự thay đổi này, đến lượt nó, lại khẳng định một sự tăng giá cổ phiếu cao hơn nữa. Và sự việc cứ tiếp tục như thế. Sự phản chiếu là một vòng lặp có tính phản hồi nhận thức thay đổi hiện thực, và hiện thực lại thay đổi nhận thức. Chúng ta có thể lấy dẫn chứng minh họa từ sự kiện xảy ra năm 1997, khi đồng baht Thái Lan mất giá. Tháng 7 năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định thả nổi tiền tệ. Ngân hàng chờ đợi tỷ lệ trượt giá sẽ dừng lại ở mức khoảng 20%. Thế nhưng vào tháng 12, đồng baht đã mất giá đến không ngờ, từ 26 đến hơn 50 baht mới đổi được 1 đô-la Mỹ, tức là mất giá đến hơn 50%. Ngân hàng tính toán rằng “giá trị thật” của đồng baht so với đô-la Mỹ là khoảng 32, tức là khi bình ổn theo như những mô hình lý thuyết về định giá tiền tệ. Ngân hàng đã không lưu ý đến một vấn đề rằng việc thả nổi đồng baht sẽ gây ra sự biến động cho quá trình phản chiếu và khiến cho đồng tiền này rơi tự do. Thái Lan là một trong những “Con hổ châu Á”, một đất nước phát triển nhanh và được cho là sẽ tiếp bước Nhật Bản. Do được chính phủ quy định về tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng nội tệ nên baht Thái được xem như một loại tiền tệ ổn định. Các ngân hàng quốc tế rất sẵn lòng cho những công ty Thái Lan vay hàng tỷ đô-la. Và người Thái cũng rất thoải mái khi vay tiền của những ngân hàng quốc tế này, bởi vì lãi suất tính theo đô-la thấp hơn. Nhưng, khi đồng tiền xuống giá, giá trị của các khoản nợ tính bằng đô-la mà các công ty phải trả đột nhiên tăng lên do được tính bằng đồng baht. Các nguyên tắc cơ bản đã thay đổi. Trước tình trạng đó, các nhà đầu tư lập tức bán hạ giá cổ phiếu Thái, còn ngoại kiều thì đổi hết đồng baht sang đô-la Mỹ và mang về nước. Đồng baht càng mất giá hơn nữa. Ngày càng nhiều công ty Thái Lan bị đẩy đến gần bờ vực phá sản vì không bao giờ có thể trả nợ. Cả người Thái và ngoại kiều vẫn tiếp tục ồ ạt bán ra các cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Các công ty cắt giảm biên chế và sa thải công nhân. Thất nghiệp bùng phát. Người lao động không còn tiền tiêu, và những người còn tiền thì lại giữ chúng khư khư vì lo sợ tương lai không chắc chắn. Nền kinh tế Thái Lan lâm vào cảnh u ám, trì trệ, và viễn cảnh của nhiều công ty lớn, thậm chí đôi với những công ty không có các khoản nợ lớn được tính bằng đô-la Mỹ, thì tình hình cũng không lạc quan hơn. Vì đồng tiền mất giá nên nền kinh tế Thái Lan suy thoái trầm trọng, và điều đó càng làm cho đồng baht tiếp tục mất giá. Sự thay đổi giá thị trường lại là nguyên nhân gây ra sự thay đổi về giá thị trường. Khi tính phản chiếu được ứng dụng Theo Soros, phản chiếu là chiếc chìa khóa mở cánh cửa bí mật của chu kỳ tăng vọt giá cả theo sau sự vỡ nợ. Ông đã viết: “Quá trình tăng giá vỡ nợ chỉ xảy ra khi giá thị trường tác động đến cái được gọi là những nguyên tắc cơ bản, điều được cho là thể hiện qua giá cả thị trường”. Phương pháp của ông là tìm kiếm những tình huống mà đó nhận thức của “Ngài Thị trường” xa rời hiện thực. Vào những lúc đó, khi Soros nhận thấy một quá trình phản chiếu của thị trường, ông có thể yên tâm rằng xu hướng đó sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian nữa, đồng thời giá cả sẽ tăng cao hơn (hoặc thấp hơn) so với mức trông đợi của hầu hết những người sử dụng cơ cấu phân tích tiêu chuẩn.